"
Gia Tộc Morgan - Một Triều Đại Ngân Hàng Mỹ Và Sự Trỗi Dậy Của Nền Tài Chính Hiện Đại PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gia Tộc Morgan - Một Triều Đại Ngân Hàng Mỹ Và Sự Trỗi Dậy Của Nền Tài Chính Hiện Đại PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
GIA TỘC MORGAN
Một Triều Đại Ngân Hàng Mỹ Và Sự Trỗi Dậy Của Nền Tài Chính Hiện Đại
—★—
Tác giả: Ron Chernow
Người dịch: Ninh Phạm
Phát hành: Alpha Books
Nhà xuất bản Thế Giới 2020
ebook©vctvegroup
“Hiểu được hai từ ‘giá trị’ đồng nghĩa với việc hiểu được ý nghĩa của thị trường.”
— Charles Dow
“Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn.”
— Sir John Templeton
“Trong kinh doanh, đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền.” — George Soros
Đánh giá về tác phẩm “Gia tộc Morgan” của Ron Chernow
TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI NHẤT THỂ LOẠI PHI HƯ CẤU – GIẢI THƯỞNG SÁCH QUỐC GIA MỸ NĂM 1990
“Gia tộc Morgan hé lộ góc nhìn xuyên suốt về sự thành hình của bối cảnh tài chính lúc bấy giờ... Một góc nhìn toàn cảnh được nghiên cứu kỹ lưỡng về gia tộc quyền lực nhất trong giới ngân hàng Mỹ suốt thế kỷ qua... Phong cách của Chernow quả thực tinh tế và mềm mại”.
— Nhật báo Washington Post
“Chernow đã khắc họa bức chân dung mới mẻ về gia tộc Morgan và các cộng sự cấp cao tài giỏi, những người góp phần đưa ngân hàng trở thành tập đoàn quyền lực xuyên quốc gia... Những tai tiếng, bi kịch, âm mưu được hé lộ đủ chất liệu để làm nguyên một bộ phim truyền hình”.
— USA Today
“Lịch sử hào hùng, trải qua nhiều thế hệ của đế chế ngân hàng Morgan đã mở ra nhiều góc nhìn phong phú, đa dạng về xã hội, chính trị và kinh tế… Văn phong sống động, mạch lạc của Chernow đã thổi hồn cho cuốn sách thành kho tàng tài liệu đồ sộ, có thể là chuẩn mực tham khảo cho các chuyên gia trong ngành cũng như độc giả phổ thông”.
— Tạp chí Kirkus Reviews
“Một tác phẩm đặc sắc và được trau chuốt kỹ lưỡng... Cuốn sách đã vén tấm màn bí ẩn vây quanh một tổ chức quyền lực của nước Mỹ... một tổ
chức thậm chí còn nắm nhiều quyền hành hơn cả sự tưởng tượng hoang đường nhất của đa phần người dân Mỹ”.
— Tạp chí Dallas Times Herald
“Ẩn chứa nhiều bí mật được tiết lộ, tác phẩm của Chernow có hàm lượng kiến thức lịch sử cực kỳ sâu rộng, góp phần làm sáng tỏ bộ máy vận hành bên trong của đế chế ngân hàng Morgan”.
— Tạp chí Publisher Weekly
“Gia tộc Morgan là cuốn sách được nghiên cứu và ghi chép lại một cách xuất sắc. Với sự bền bỉ của một cây viết lão làng, Chernow đã mang phong cách sôi động vào một chủ đề khô khan, hàm chứa kiến thức chuyên ngành tương đối khó về tầm ảnh hưởng của nền tài chính cao cấp đến cuộc sống hiện đại”.
— Tạp chí Wall Street Journal
“Cuốn sách dài, chứa đựng nhiều tham vọng nhưng cũng rất thú vị... Chernow đã làm nổi bật cái cách mà ngân hàng Morgan trở thành biểu tượng cho kỷ nguyên lãnh đạo của người Mỹ và sự dịch chuyển quyền lực tài chính từ London sang New York... Cuốn sách dành sân khấu cho những cá tính của nhà Morgan không kém cho lịch sử của Gia tộc này.”.
— The Economist
“Chernow đã khắc họa một cách sống động tầm ảnh hưởng của các ngân hàng Morgan đối với lịch sử nền kinh tế phương Tây kể từ cuối thế kỷ XVIII... Một bộ sử thi... Một cuốn sách có giá trị lớn”. — Library Journal
“Gia tộc Morgan của Ron Chernow là cuốn sách vô cùng lôi cuốn. Nghiên cứu về J. P. Morgan & Co. không chỉ đơn thuần là sự ghi chép lại lịch sử của một tổ chức. Trên thực tế, đó chính là dữ liệu về xã hội và nền tài chính Mỹ. Chernow đã hoàn thành công việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và ghi chép lại đầy ấn tượng. Cuốn sách là sự đầu tư xứng đáng cho
những ai muốn hiểu rõ bối cảnh đầy đủ các nhân tố vận hành dẫn tới ngày hôm nay”.
— Michael M. Thomas
“Vượt xa cả lịch sử đơn thuần của ngành ngân hàng Mỹ, cuốn sách chính là câu chuyện về sự tiến hóa của nền tài chính hiện đại... Vấn đề được đề cập một cách khéo léo và hấp dẫn, thật khó để đặt cuốn sách xuống một khi bắt đầu đọc... Mỗi trang sách đều vô cùng thú vị”.
— Pittburgh Press
“Dàn nhân vật trứ danh, với những cá nhân, nếu không lừng danh bởi tên tuổi thì cũng vì cá tính, hoặc được giới hâm mộ đại gia tung hô… Cuốn sách lược sử tiến hóa của ngành ngân hàng và các công ty này, song hành cả vinh quang và cay đắng, là một câu chuyện vừa quyến rũ, vừa thấm thía”.
— Fort Worth Star-Telegram
“Vô giá và hoành tráng... Đầy lôi cuốn như một cuốn tiểu thuyết cổ điển”.
— Entertainment Weekly
“Một công trình thông tuệ về bước chuyển mình lột xác ngoạn mục kéo dài một thế kỷ rưỡi của gia tộc. Cuốn sách hé mở những phát hiện mới từ nguồn tài liệu lưu trữ mới công bố, đã khắc họa một cách tài tình những kịch tính nội tại, những ảnh hưởng bao quát lịch sử toàn cầu, những điểm nhấn chính trị, sự hào nhoáng thượng lưu, và, trên hết thảy, là những chuẩn mực đạo đức mơ hồ”.
— America
“Cuốn sách cung cấp lượng lớn thông tin thú vị về lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn 1880-1930. Không một tài liệu nào có thể mô tả hệ thống tài chính ọp ẹp của chúng ta vào thời điểm đó tốt như Chernow”. — Los Angeles Times Book Review
Cây đa cổ thụ của nền tài chính hiện đại – Gia tộc Morgan
Phạm Thanh Tùng
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quản lí tài sản Trí Việt
Nói đến ngành Tài chính - Ngân hàng thế giới, là phải nói đến Phố Wall, nói đến nước Mỹ. Và nói đến Ngân hàng nước Mỹ, nói đến Phố Wall, thì cái tên J.P. Morgan và Morgan Stanley đã trở thành kinh điển. Như một cây đa cổ thụ, gia tộc Morgan bản lĩnh trưởng thành và vươn mình qua mọi giông tố của khủng hoảng, chiến tranh, dư luận, che bóng mát và truyền nhựa sống để các ngành công nghiệp của nước Mỹ phát triển như vũ bão, vươn ra thế giới.
Tác giả Ron Chernow, ngay trong cuốn sách đầu tay (xuất bản và đoạt giải Sách Quốc gia - National Book Award của Mỹ năm 1990), đã khắc họa nên một bức tranh đồ sộ, trải dài hơn một thế kỷ (từ nửa đầu thế kỷ XIX ở London thời Victoria tới nửa cuối thế kỷ XX ở Phố Wall), với quá nhiều nhân vật, diễn biến, khoảnh khắc, trong đủ mọi thang bậc: rực rỡ, hào hùng, trầm lắng, lấp lánh, về sự hình thành và phát triển của đế chế ngân hàng vĩ đại: gia tộc Morgan. Với văn phong vừa giàu sức gợi về ý tưởng, vừa phong phú về thông tin, đôi lúc lãng mạn và hóm hỉnh một cách tinh tế, cuốn sách này có thể sánh với một bộ trường thiên tiểu thuyết về 3 kỷ nguyên thăng trầm của J.P. Morgan, cội rễ của ngành Ngân hàng Mỹ:
Kỷ nguyên Ông Trùm (Baronial Age: 1838-1913). Sau ngày Độc lập năm 1776, các bang của nước Mỹ vẫn là những con nợ nhỏ bé của Kinh đô tài chính London (thời Victoria). Đến năm 1838, một người yêu nước Mỹ là George Peabody, tới London lập ra tiền thân của JP Morgan là công ty ngân hàng “George Peabody and Company”. Tạo lập được một uy tín lừng lẫy cho “ngân hàng nhà buôn” này và lần đầu khẳng định vị thế đáng gờm
về tài chính cho nước Mỹ, Peabody truyền lại “giang sơn” cho người cộng sự góp vốn Junius Spencer Morgan.
Không được giữ tên Peabody, Junius Morgan đổi tên Ngân hàng thành J.S. Morgan & Company, và hình thành nên một Ngân hàng nhà buôn kinh điển, với nguyên tắc Quý ông: không quảng cáo, không treo biển ở cửa, khách hàng đến phải được giới thiệu, không cạnh tranh giá. Một ngân hàng đỉnh cao đẳng cấp, được “truyền ngôi” cho người con “khá lãng mạn, không mấy năng khiếu tài chính” là John Pierpont Morgan. Ngân hàng đổi tên chính thức thành J.P. Morgan.
Năm 1907, chính Pierpont là người tổ chức cuộc giải cứu ngành tài chính Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng nghiêm trọng, được gọi là “Ngày kinh hoàng 1907”. Pierpont và con trai “Jack” đã hình thành nên một hình ảnh (gần như giống hệt về ngoại hình và tính cách bộc lộ bên ngoài) của nhà tài phiệt nước Mỹ, của Ngân hàng nước Mỹ. Tất cả những nhân vật, diễn biến hào hùng này, sẽ được hé mở đầy thú vị dưới ngòi bút của Chernow, với đủ mọi sức nặng của thời cuộc, mà vẫn không thiếu những nét cá tính, những ấn tượng đậm đà về những con người bằng xương bằng thịt.
Kỷ nguyên Ngoại giao (Diplomatic Age: 1913-1948). Ươm mầm cho những ước mơ của ngành công nghiệp nước nhà (US Steal, GE…), và dẫn đầu nhiều mảng đầu tư, J.P. Morgan trở nên có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nước Mỹ tới mức, khi FED (Cục dữ trữ liên bang), “ngân hàng trung ương Mỹ” được hình thành năm 1913, thì nó có một cái tên “sau lưng” khác: Morgan Bank. Một cá nhân kiệt xuất không mang họ Morgan, nổi bật lên như đại diện toàn cầu không thể thay thế cho Ngân hàng thời kỳ này: Thomas Lamont.
Bên cạnh “Ngài đại sứ toàn cầu” hào hoa phong nhã Thomas Lamont, người khiến tầm ảnh hưởng của J.P. Morgan vươn tới mức “quân sư của các chính phủ”, thì thời kỳ này cũng được điểm xuyết bởi những diễn biến thăng trầm, mà quy mô và tính chất của nó, dưới văn phong thú vị của Chernow, sánh ngang với những tiểu thuyết hấp dẫn nhất:
• J.P. Morgan giúp nước Mỹ vươn lên làm bá chủ và chủ nợ châu Âu sau Thế chiến I.
• Vượt qua cuộc khủng hoảng 1929 và hậu quả sau nữa của nó, với điểm nhấn là Chủ tịch NYSE Richard Whitney (em trai George Whitney của J.P.
Morgan) đích thân mua vào một lượng lớn cổ phiếu U.S. Steel với giá cao hơn thị giá, để “đỡ giá thị trường”.
• Khả năng “ngoại giao quá đà” ở Thế chiến II, khiến J.P.
Morgan xuất hiện ở tất cả các phía của chiến tuyến, dù đạo đức kinh doanh của họ trong sáng.
• Những câu chuyện thú vị (và không hẳn đã thành công) trong những nỗ lực toàn cầu ở Mỹ La tinh, Nhật, Trung quốc, Ý…
• Tầm ảnh hưởng quá lớn, dẫn đến cảnh không “cơm lành canh ngọt” với Nhà Trắng, và đạo luật Glass–Steagall năm 1933 buộc phải chia tách Morgan Stanley (ngân hàng đầu tư) ra khỏi mạch chính J.P. Morgan (chọn làm ngân hàng thương mại), cũng như các phiên điều trần căng thẳng hướng về J.P. Morgan.
• Những câu chuyện bên kia bờ Đại tây dương, với Morgan Grenfell và nhánh Morgan ở Paris.
Chernow sẽ dẫn dắt độc giả qua Kỷ nguyên biến động và có những bước chuyển mình lớn lao nhất của cây cổ thụ J.P. Morgan, với những hơi thở của thời đại bấy giờ, vẫn còn nóng hổi và đầy xao xuyến.
Kỷ nguyên Canh bạc (Casino Age:1948-1989). Những cá nhân, những biến động chính trị lớn dần lùi xa, và thay vào đó là những chuyển biến về các công cụ tài chính, về sự vươn lên thống trị của “tự doanh” (trader) so với “giao dịch viên” (teller) của ngân hàng truyền thống.
Tốc độ và khối lượng giao dịch ngày càng nhanh chóng mặt, và xu thế LBO (dùng đòn bẩy tài chính với những phi vụ thôn tính, sáp nhập, mua lại cổ phiếu công ty) trở nên phổ biến và diễn ra với quy mô, cường độ và sự quyết liệt “vô tiền khoáng hậu”.
Ở Kỷ nguyên này, với văn phong của một tiểu thuyết hiện đại, Chernow tiếp tục đưa độc giả qua những vòng xoáy nghẹt thở của những đổi thay, cạnh tranh, những phi vụ thâu tóm và những cuộc giao dịch khổng lồ trên thị trường chứng khoán. Đỉnh điểm của diễn biến sẽ là Cuộc khủng hoảng năm 1987, và câu chuyện dừng lại trước cuộc sáp nhập hình thành nên JPMorgan Chase.
Có một câu nói đùa, rằng J.P. Morgan và Morgan Stanley luôn “sáng chế” ra loại vũ khí hủy diệt thị trường, ngay trước khi có Khủng hoảng tài chính thời hiện đại: công cụ quản trị rủi ro Value at Risk mà sự ứng dụng chủ quan của nó ở LTCM (Quỹ quản lý Vốn dài hạn) năm 1998-1999 gây
nên thiệt hại vài tỷ đô la cho quỹ này, hay sự “phát minh” ra công cụ tài chính Bistro, tiền thân của công cụ tài chính CDO (Nghĩa vụ nợ thế chấp), chất nổ chính của “The big-short” năm 2007-2008 gây náo loạn phố Wall. Tất nhiên, đây chỉ là những so sánh vui vui, nhưng cũng đủ thấy tầm ảnh hưởng của “Gia tộc Morgan” tới tài chính toàn cầu ra sao.
“Chúng ta sở dĩ có thể đoán định phần nào được Tương lai, chính là bởi những quy luật của Quá khứ, thường lặp lại”. Trông người lại ngẫm đến ta, những trải nghiệm, những diễn biến, những giải pháp của một ngân hàng thâm sâu và phát triển hàng đầu nước Mỹ, của một nền tài chính đã đi trước chúng ta cả thế kỷ, hẳn cũng đem lại những bài học bổ ích cho các chặng đường phía trước của nền tài chính nước ta.
Sách, có thể coi là cỗ máy thời gian thực tế nhất trong tầm tay của chúng ta. Hãy lên đường, học hỏi từ quá khứ, để hướng tới tương lai!
“Gia tộc Morgan” – Ấn bản kỷ niệm 20 năm phát hành
Giống như rất nhiều những cuốn sách đầu tay, Gia tộc Morgan được xem là một sự tình cờ thú vị trong cuộc đời sáng tác của tôi khi xuất bản cách đây 20 năm. Sau thời gian dài viết cho tạp chí với tư cách một cây bút tự do, tôi quyết định tạm xa rời xã hội bon chen vào giữa những năm 1980 và nhận làm việc trong một tổ chức về chính sách công với vai trò nghiên cứu các chính sách tài chính. Thời kỳ Tổng thống Ronald Reagan nắm quyền cũng là khi thị trường tăng trưởng mạnh, một lượng lớn người dân lần đầu tiên bị cuốn vào vòng xoáy của thế giới tài chính. Dù là những người làm việc lâu năm trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng hay những nhà đầu tư nhỏ, nghiệp dư trong thị trường cổ phiếu phổ thông, quan điểm lịch sử về thế giới tài chính của họ đều rất hạn chế.
Khi bắt đầu đi sâu nghiên cứu về lịch sử tài chính, tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng phố Wall cũ gồm những thành phần ưu tú bị chi phối bởi các mối quan hệ hợp tác nhỏ bé, bí ẩn có rất ít điểm tương đồng với hàng loạt tập đoàn không tên tuổi đang trỗi dậy trên toàn thế giới. Tôi lần đầu nhận ra rằng những kẻ nghiệp dư trong ngành tài chính có thể cần nghiên cứu cách thức chuyển mình của Phố Wall từ cũ cho đến mới. Tôi biết rằng, lịch sử đơn thuần sẽ là một câu chuyện tẻ nhạt đối với độc giả và không mấy ý nghĩa trong việc gìn giữ tính công bằng trong cuộc cạnh tranh hỗn loạn giữa người hùng và kẻ vô lại mà bản thân đang đào sâu tìm hiểu. Do đó, tôi đặt ra câu hỏi: Liệu có tồn tại một doanh nghiệp gia đình hoặc công ty mà câu chuyện của họ có thể đóng vai trò như một lăng kính soi chiếu toàn cảnh nền tài chính Anglo-Mỹ? Có khá ít dòng họ như vậy trong lịch sử tài chính, các ứng viên phù hợp do đó cũng không nhiều. Một vài cái tên như Rothschild đã qua thời kỳ hoàng kim khá lâu, trong khi những dòng họ khác ngày nay chỉ còn chút dư âm từ nền móng được thiết lập hời hợt
trong quá khứ. Chỉ có một doanh nghiệp, một dòng họ, một cái tên duy trì sự thịnh vượng trong suốt một thế kỷ rưỡi mà tôi muốn nêu ra ở đây: J. P. Morgan. Để tái hiện câu chuyện nhà Morgan, tôi thấy cần thuật lại câu chuyện của bốn doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau: J. P. Morgan và Morgan Stanley ở New York, Morgan Grenfell ở London và Morgan et Compagnie ở Paris.
Từng theo học chuyên ngành tiếng Anh và ước mơ trở thành nhà tiểu thuyết, tôi không được đào tạo bài bản về các phương pháp lịch sử. Không ai chỉ cho tôi hướng đi đúng đắn khi bắt đầu nghiên cứu của mình. Tôi đã nhận định một cách ngây thơ rằng J. P. Morgan & Co. sở hữu bộ tài liệu lịch sử đầy đủ thông tin và nhiệm vụ của tôi là tìm ra nó. Trong sáu tháng, tôi dùng bữa trưa cùng hai nhà đại diện ngân hàng thân thiện trong khi họ cùng đồng nghiệp xem xét về việc hợp tác cùng dự án của tôi. Và rồi một ngày, tôi có một khám phá đáng kinh ngạc: bộ tài liệu của Thomas W.Lamont, cộng sự cấp cao của ngân hàng Morgan thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, nằm trong thư viện của trường Kinh doanh Harvard. Trong ngày nghiên cứu đầu tiên, tôi đã xem xét kỹ lưỡng những lá thư hồi đáp giữa Lamont và Franklin Roosevelt, Benito Mussolini, Charles Lindbergh và Nancy Astor. Tập tài liệu này đem đến cái nhìn mới mẻ về thế giới vốn dĩ khép kín của các cộng sự nhà Morgan.
Bên cạnh sự nhã nhặn và rõ ràng, các chủ ngân hằng ngày trước có trình độ đọc viết đáng kinh ngạc qua những lá thư này. Họ diễn giải một cách chi tiết cùng khả năng thu hút người khác vượt xa tưởng tượng của tôi. Ví dụ như khi Lamont nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Herbert Hoover, một trợ lý ghi lại toàn bộ nội dung cuộc trao đổi. Trong chốc lát, thế giới vốn bị che khuất của gia tộc Morgan bỗng trở nên sáng tỏ. Không lâu sau đó, tôi khám phá ra tài liệu từ các cộng sự khác của Morgan ở Amherst, Yale, Columbia, trường Đại học Virginia và tất nhiên là thư viện Morgan ở New York. Đôi lúc, tôi có cảm giác như mình có thể tìm ra thông tin về các cộng sự nhà Morgan theo từng giờ. Điều gây ra sự hiếu kỳ chính là không một ai ở J. P. Morgan & Co. chú ý đến việc biến mất của hàng chục, có khi là hàng trăm trong số hàng nghìn tài liệu nội bộ. Một con số lớn tác động tới danh tiếng về mặt bảo mật thông tin của nhà Morgan.
Khi ký hợp đồng viết cuốn Gia tộc Morgan, tôi đã lo lắng về sự thiếu hụt các tài liệu gốc và bây giờ là cảm giác ngượng ngùng khi thành công. Bù lại những năm tháng nghiên cứu thong dong, tôi cố tìm mọi cách nhồi nhét lượng kiến thức khổng lồ vào một khoảng thời gian ngắn. Bằng cách nào đó, tôi đã nghiên cứu và viết cuốn sách dày 800 trang trong vòng hai năm rưỡi, điều mà giờ đây tôi không thể nào làm được. Tôi chìm trong cảm giác phấn khích đối với nghiên cứu của chính mình, với lượng kiến thức quan trọng mà bản thân may mắn được tiếp cận trong lịch sử ngành tài chính. Tôi cũng tiến xa hơn nhờ nguồn năng lượng tuyệt vời của một cây viết trẻ tuổi cuối cùng cũng sở hữu hợp đồng xuất bản cuốn sách đầu tiên sau nhiều nỗ lực thất bại. Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian dành cho cuốn sách, tôi nhớ đến nhịp độ gấp gáp, những đêm nghiên cứu với niềm say mê cùng nỗ lực đến kiệt sức để thu gọn bộ sử thi trong ngành tài chính thành một cuốn sách. Với một cảm giác may mắn kỳ diệu, giờ đây, khi mở tác phẩm của chính mình, tôi cảm thấy sự sáng rõ và mạch lạc trong từng câu văn, kết quả của những công sức mình đã bỏ ra trong quá trình viết nên tác phẩm này.
R.C
Brooklyn, New York
Tháng 9, 2009
Lời mở đầu
Cuốn sách thuật lại quá trình phát triển, sụp đổ và hồi sinh của một đế chế ngân hàng Mỹ – Gia tộc Morgan. Có lẽ không một tổ chức nào ẩn chứa nhiều giai thoại, bí mật hay chủ đề gây tranh cãi gay gắt như vậy. Cho đến năm 1989, J. P. Morgan & Co. vẫn nắm quyền điều khiển nền tài chính Mỹ từ trụ sở nằm trên “Góc phố” Broad và Wall. Nằm giữa Sở giao dịch chứng khoán New York và Hội trường Liên bang, tòa nhà số 23 Phố Wall với lối vào ở ngay góc cắt và không đề biển hiệu, tạo cảm giác xa cách của hàng ngũ quý tộc. Phần lớn câu chuyện của chúng ta xoay quanh tòa nhà được xây bằng đá cẩm thạch này cùng với các đời tổng thống và thủ tướng, ông trùm và nhà triệu phú từng đặt chân tới đó. Cùng với những ghi chép đã công khai, chúng ta có thể theo chân họ vào ngân hàng bí ẩn nhất thế giới này.
Gia tộc Morgan trước những năm 1935 được coi là sự kết hợp tài chính quyền lực nhất trong lịch sử. Được một chủ ngân hàng người Mỹ tên là George Peabody sáng lập tại London năm 1838, công ty được gia đình Morgan kế thừa và bắt nhánh sang New York. Hai nhà điều hành được biết đến nhiều nhất của Morgan là J. P. Morgan, Sr. (1837-1913) và J. P. Morgan, Jr. (1867-1943), đã kết hợp hoàn hảo thành “quái thú” J. P. Morgan tồn tại suốt hơn một thế kỷ. Vẻ bề ngoài của họ giống nhau một cách khác thường: từ cái đầu hói, chiếc mũi to đến thân hình quả lê đều khiến người khác nhầm lẫn. Đối với những người ủng hộ, hai thành viên nhà Morgan là khuôn mẫu của những ông chủ ngân hàng cổ điển luôn giữ chữ tín trong từng lời nói và chốt giao dịch chỉ bằng một cái bắt tay. Phe chỉ trích thì cho rằng họ là những tên bạo chúa đạo đức giả chuyên đàn áp các công ty, bày mưu tính kế cùng với quyền lực ngoại bang và khiến nước Mỹ rơi vào cuộc chiến dành lợi nhuận. Không một ai giữ được quan điểm trung lập khi nói về nhà Morgan.
Trước thời kỳ Suy thoái, tòa nhà số 23 phố Wall là trụ sở chính của cả đế chế cùng với một vài căn cứ ở nước ngoài. Ngồi sau những chiếc bàn gỗ phía phố Broad, cổ đông tại New York cũng đồng thời là cổ đông của ba công ty khác: Morgan Grenfell ở London, Morgan et Compagnie ở Paris và Drexel & Co., nơi được xem như là trụ sở tại Philadelphia của J. P. Morgan. Trong số đó, Morgan Grenfell là công ty có quyền lực nhất, đóng vai trò hình thành trục trung tâm London và New York của đế chế Morgan. Nơi đó được xem như bưu điện xuyên Đại Tây Dương cho những giao dịch bí mật giữa người Anh và người Mỹ. Trước khi Chính sách kinh tế mới được thiết lập, cụm từ “Gia tộc Morgan” ám chỉ J. P. Morgan & Co. ở New York hoặc theo nghĩa rộng hơn là toàn bộ mạng lưới cổ đông ít người biết đến này.
Gia tộc Morgan là nơi nảy sinh hàng nghìn thuyết âm mưu và thế hệ những kẻ tọc mạch. Với danh tiếng là ngân hàng cao cấp nhất, nó từng phục vụ cho nhiều gia tộc đình đám như nhà Astors, Guggenheims, du Ponts và Vanderbilts. Việc ngân hàng tránh làm ăn với những tầng lớp thấp hơn gây ra nhiều nghi vấn trong dư luận. Từng cung cấp tài chính cho nhiều gã khổng lồ trong ngành công nghiệp như U.S. Steel, General Electric, General Motors, Du Pont, Công ty Điện thoại và Điện báo Mỹ, họ tham gia vào hội đồng của những công ty này, làm dấy lên lo ngại về quyền lực gia tăng quá mức cần thiết của ngân hàng. Gia tộc Morgan thời gian đầu được xem như giao điểm giữa ngân hàng trung ương và ngân hàng tư nhân. Nó góp phần chặn đứng tình trạng hoảng loạn, lập lại bản vị vàng, giải cứu New York ba lần và giải quyết một loạt tranh chấp tài chính. Nếu ngân hàng có làm vì đam mê hơn là lợi nhuận khổng lồ, họ cũng có nghệ thuật rất cao tay trong việc được tưởng thưởng bởi những việc tốt từng làm.
Điều mang lại cho Gia tộc Morgan vẻ huyền bí trêu ngươi chính là mối liên kết với chính phủ. Cũng giống như Rothschilds và Barings lừng danh, Morgan dường như có lợi thế trong việc tham gia cơ cấu quyền lực của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và ở mức độ thấp hơn như Ý, Bỉ, Nhật Bản. Đóng vai trò như một công cụ thể hiện quyền lực của Mỹ đối với các nước khác, mỗi động thái của J. P. Morgan & Co. đều ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao. Vào thời điểm nước Mỹ ngoan đạo có cái nhìn hướng nội thì ngân hàng này mở rộng mối quan hệ ra thế giới, đặc
biệt là đối với những nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh quốc, điều khiến nó có vẻ nhập nhằng và làm dấy lên câu hỏi về sự trung thành với quốc gia. Đối tác lâu năm của Morgan thường là những đại sứ tài chính mà công việc hằng ngày có liên quan mật thiết đến quốc gia đại sự. Kể cả ngày nay, J. P. Morgan & Co cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng trung ương trên thế giới hơn bất cứ ngân hàng nào khác.
Đế chế này sụp đổ sau khi Luật ngân hàng Glass-Steagall được ban hành vào năm 1933, dựng lên rào cản giữa Ngân hàng thương mại (cho vay và nhận tiền gửi) với Ngân hàng đầu tư (phát hành chứng khoán và trái phiếu). Vào năm 1935, J. P. Morgan & Co quyết định giữ lại ngân hàng thương mại và tách ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ra. Do có mối liên hệ về tài chính cũng như nhân sự với J. P. Morgan, Morgan Stanley đã thể hiện rõ nguồn gốc Morgan trong nhiều thập kỷ. Họ chia sẻ khách hàng cũng như giữ lại cảm giác quyền lực cho dòng họ bất chấp sự không chính thống. Tuy nhiên, Luật Glass-Steagall không cấm J. P. Morgan nắm giữ một lượng nhỏ cổ phần trong công ty chứng khoán ở nước ngoài. Cho đến năm 1981, nó vẫn giữ 1/3 lợi nhuận của Morgan Grenfell. Chúng ta sẽ thấy ba công ty của Morgan vận hành trên thực tế như một Gia tộc Morgan sau khi Chính sách kinh tế mới kết thúc và thậm chí vào những năm đầu của thập niên 1970, họ còn xem xét phương án tái sáp nhập. Ngày nay, lần đầu tiên ba công ty không còn mối liên hệ chính thức với nhau và cùng tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Quy định được bãi bỏ ở London và New York đã triệt hạ những rào cản pháp lý xưa cũ, khiến ba công ty gia tăng xung đột khi phải cạnh tranh.
Mặc dù mọi người biết đến cái tên Gia tộc Morgan, nhưng công việc kinh doanh của công ty vẫn còn là điều bí ẩn. Họ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhưng không có mấy điểm chung với ngân hàng bán lẻ tiêu chuẩn. Họ không có quầy giao dịch, không cho vay tiêu dùng và thế chấp. Thay vào đó, họ đi theo con đường ngân hàng bán buôn như truyền thống xa xưa của châu Âu, phục vụ chính phủ, các tổ chức lớn và cá nhân giàu có. Do tập trung vào cơ sở tài chính cấp cao, phong cách của họ khá kín đáo và thận trọng. Họ không lập chi nhánh, hiếm khi đặt biển chỉ dẫn trên đường và không bao giờ quảng cáo (cho đến thời gian gần đây). Chiến lược của họ là khiến khách hàng có cảm giác được tham gia vào một câu lạc bộ
riêng tư và việc sở hữu tài khoản Morgan chính là tấm thẻ thành viên để đặt chân vào giới quý tộc.
Người thừa kế thật sự của Gia tộc Morgan chính là J. P. Morgan & Co, được biết đến dưới cái tên của chi nhánh Morgan Guaranty Trust. Tách biệt khỏi sự phô trương hào nhoáng của ngân hàng Chase Manhattan hay Citibank, nó thu hút các khách hàng giàu có bởi ghế da, đồng hồ quả lắc cổ và những cây đèn bằng đồng được đánh bóng. Nó có phòng ăn riêng là nơi tổ chức buổi tiệc kỷ niệm dành cho các chủ tài khoản và khách hàng với quà lưu niệm là những bảng thực đơn được chạm khắc. Ngân hàng cũng không tùy tiện nhận tiền từ bất cứ cá nhân nào, các khách hàng đến gửi tiền đều có ít nhiều mối liên hệ với doanh nghiệp. Mặc dù ngân hàng khá dè dặt khi tiết lộ chính xác con số, họ yêu cầu mỗi tài khoản cá nhân phải có ít nhất 5 triệu đô-la và ít khi giảm tiêu chí xuống 2 triệu đô-la. Ngân hàng Morgan được xem như bảo tàng hàng đầu cho các loại tiền cổ của nước Mỹ.
Trong khi các tài khoản cá nhân đem đến cho ngân hàng Morgan dấu ấn đầy quyến rũ, chúng lại chỉ tạo ra một phần nhỏ lợi nhuận. Ngân hàng tập trung vào những tập đoàn lớn và chính phủ, thu xếp một lượng lớn tín dụng cùng các vấn đề về chứng khoán, kinh doanh ngoại hối cùng các công cụ khác. Ngân hàng Morgan thường tự hào cho rằng 96 trong tổng số 100 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ là khách hàng của họ và ám chỉ hai trong số bốn trường hợp còn lại bị đánh trượt do không phù hợp tiêu chí đề ra. Đối với các tài khoản cá nhân, ngân hàng không tỏ ra quá vồ vập. Thay vì thành lập văn phòng đại diện ở nhiều địa điểm, họ để khách hàng tự tìm đến. Quy tắc này áp dụng cho cả chi nhánh ở nước ngoài: một thương gia từ Lyons phải đến Paris, một doanh nhân từ Midlands phải tới London để gặp nhân viên ngân hàng Morgan. Ngay cả trong thế giới đầy rẫy cạnh tranh như hiện nay, hiếm khi có nhiều hơn một chi nhánh của ngân hàng J. P. Morgan tồn tại trong một quốc gia.
Trong suốt hơn một thế kỷ, công thức truyền thống này luôn được thiết lập và mang lại kết quả tốt đẹp. Vào đêm trước khi xảy ra sự kiện ngày thứ Hai đen tối năm 1987, J.P. Morgan & Co. là ngân hàng đắt giá nhất nước Mỹ mặc dù chỉ xếp hạng thứ 4 trong số các ngân hàng lớn nhất. Dựa vào giá cổ phiếu, ngân hàng có giá trị vốn hóa 8,5 tỷ đô-la, nhiều hơn cả Citicorp. Cho dù phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì khoản nợ hơn 4 tỷ đô-la
của Mỹ Latinh, chi nhánh của J. P. Morgan có tên Morgan Guaranty vẫn là ngân hàng lớn duy nhất của Mỹ xếp hạng AAA. Trong hầu hết những năm 1980, ngân hàng này đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn bất kỳ ngân hàng nào và thường xuyên xếp thứ hai về lợi nhuận sau Citicorp với chỉ bằng một nửa tài sản. Với vai trò là ngân hàng ủy thác hàng đầu quốc gia, Morgan Guaranty đang quản lý 65 tỷ đô-la chứng khoán trong Ngày thứ Hai đen tối. Ngân hàng được ca ngợi là “đứng đầu về chất lượng bằng bất cứ phương pháp đo lường nào bạn có thể nghĩ đến” và “ngân hàng hoàn hảo cho mọi người”1. Mặc cho không ít sai lầm và bê bối xảy ra khiến cách nói cường điệu này trở nên kém thuyết phục, chúng ta không thể phủ nhận là đánh giá trên vẫn tương đối đúng.
Ít nhất cho đến khi bị cuốn vào các cuộc thôn tính đao búa vào cuối những năm 1980, Morgan Guaranty vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc giữ gìn văn hóa lâu đời của nhà Morgan, bao gồm quy tắc cư xử đúng đắn, lịch thiệp và cung cách làm việc cổ điển. Được xem như thân tín của Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác, Morgan Guaranty vẫn thể hiện vai trò chính khách như trước. Morgan Stanley, trái lại, càng lúc càng xa rời gốc rễ của mình. Từ năm 1935 đến hết thập kỷ 1970, Morgan Stanley dành vị trí thống trị mà không ngân hàng đầu tư nào có thể đạt được. Khách hàng của họ bao gồm 6/7 công ty dầu mỏ có tiếng (ngoại trừ Gulf Oil) và 7/10 công ty lớn nhất nước Mỹ. Thành công này dẫn đến sự kiêu ngạo được lan truyền khắp nơi và là chủ đề phê phán cho sự phù phiếm. Khi một cổ đông chuyển sang First Boston vào giữa những năm 1970, anh ta nhận được lời chúc mừng: “Thật thú vị. Bây giờ anh có thể làm việc với danh sách khách hàng hạng hai”2. Quả thực, danh sách công việc liên quan đến khách hàng của bất kể hai đối thủ cạnh tranh nào gộp vào cũng không thể so sánh được với Morgan Stanley. Khi ngân hàng đầu tư này bắt đầu quảng cáo vào những năm 1970, một đơn vị đã đưa ra bản phác thảo với hình ảnh tia sét xuyên qua đám mây cùng lời đề tựa: “NẾU CHÚA MUỐN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH, CHẮC CHẮN NGÀI SẼ GỌI TÊN MORGAN STANLEY”. Đối với các cổ đông của Morgan Stanley, điều này đã tóm gọn mô tả về địa vị của họ trên thế giới. Trong buổi họp thường niên vào năm 1988, khi được hỏi về chính sách phục vụ khách hàng vãng lai, Chủ tịch S. Parker Gilbert dừng lại với vẻ nghiêm túc và trả lời: “Chúng tôi không có khách hàng vãng lai”3.
Từng được đặt biệt danh là ngân hàng của Huyết thống, Trí tuệ và Tiền bạc, Morgan Stanley đòi hỏi mối quan hệ độc quyền với các công ty. Nếu khách hàng không đảm bảo điều này, họ sẽ nhận được lời khuyên đến một ngân hàng khác để giao dịch. Phố Wall cũng như Bộ Tư pháp từng ca thán về “những chiếc còng tay bằng vàng” này nhưng cũng không thể phá bỏ chúng. Không hề cảm thấy bị cầm tù, các công ty còn khao khát sở hữu mối dây liên hệ với sự bí ẩn của nhà Morgan và cảm thấy vinh dự khi nằm trong vòng kiềm tỏa đó. Đối với cổ phiếu và trái phiếu lưu động, Morgan Stanley luôn đưa ra yêu cầu được là nhà quản lý duy nhất. Tên của họ được trình bày riêng một cách lộng lẫy trên đầu trang quảng cáo về các ưu đãi. Sự khoa trương này chính là hình thức quảng cáo khôn ngoan, giúp Morgan Stanley trở thành “Rolls Royce trong các ngân hàng đầu tư”4.
Ngày nay, Morgan Stanley chiếm giữ 16 tầng của tòa nhà Exxon tại New York City. Cuốn sử thi của ngân hàng từ ngày còn là một doanh nghiệp thẩm định bảo hiểm nhỏ bé và khiêm tốn cho đến khi trở thành tập đoàn tài chính lớn ghi dấu sự trỗi dậy của phố Wall hiện đại. Được xem như một trường hợp thành công hiếm gặp nhưng cũng vô cùng bảo thủ, Morgan Stanley đã trải qua một cuộc chuyển mình đáng kinh ngạc trong những năm 1970 và trở nên hiếu thắng đến mức không thể nhận ra. Từng là một ngân hàng đầu tư thận trọng nhất Phố Wall, Morgan Stanley đã vi phạm những điều cấm kỵ mà trước đây họ tận tâm giữ gìn và chuyển sang phong cách tài chính thô nhám hơn trước quá nhiều. Năm 1974, ngân hàng nuốt chửng công ty đầu tiên của thời kỳ hiện đại, sau đó thống trị thế giới hỗn loạn (Đầu năm 1989, Morgan Stanley vẫn là nhà cố vấn sáp nhập hàng đầu của Mỹ, đạt 60 tỷ đô-la giao dịch trong nửa đầu năm). Vào những năm 1980, ngân hàng đẩy mạnh trái phiếu lợi tức cao và vơ vét một “quỹ chiến tranh” 2 tỷ đô-la dành sẵn cho việc thôn tính bằng siêu đòn bẩy tiền vay, phát kiến tài chính liều lĩnh nhất thập kỷ. Sau khi làm cả phố Wall sốc vì hỗ trợ những kẻ thôn tính doanh nghiệp, chính ngân hàng trở thành kẻ thôn tính khi mua lại cổ phần của 40 công ty. Trong suốt hơn một thập kỷ, một ấn phẩm kinh doanh đã phải thốt lên đầy hoài nghi: “Phải chăng đây chính là Morgan Stanley?” Trong khi đó, cùng với lợi nhuận 30% trên vốn chủ sở hữu, ngân hàng luôn được đánh giá là sinh lời nhiều nhất trong số các công ty chứng khoán đại chúng. Morgan Stanley đã có quyết định chiến lược vô cùng chính xác.
Để hoàn thiện cuốn album về gia tộc Morgan, chúng ta cần kể đến Morgan Grenfell, một trong những ngân hàng bán buôn uy tín nhất London. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, ngân hàng thể hiện phong thái đặc trưng của Eton, các ngôi nhà thôn dã, câu lạc bộ dành cho quý ông và những bộ cánh Savile Row. Nằm ở một góc khiêm tốn trên con phố hình chữ L có tên Great Winchester – nơi được coi như phố Wall của London – tòa nhà không có biển hiệu khuất sau cổng chính có trán tường tam giác. Ở bên trong là lối đi quanh co như của một khu nghỉ dưỡng riêng tư, dẫn tới những căn phòng hội nghị nhỏ được đặt theo tên các cổ đông đã qua đời.
Những năm đầu sau chiến tranh, Morgan Grenfell được điều hành bởi một nhóm cộng sự già nua, mệt mỏi và thờ ơ. Nhân viên của Morgan Guaranty còn chế nhạo nó bằng biệt danh Viện nguyên lão (Tước hiệu hiệp sĩ và quý tộc vẫn được gắn trên bảng huy chương danh dự trong tòa nhà). Trong suốt những năm 1950 và 1960, ngân hàng chủ yếu phát hành chứng khoán cho khách hàng công nghiệp quan trọng và chiến đấu chống lại sự trì trệ vốn được xem là hệ quả của thành công. Cũng giống như Morgan Stanley, nó dần rũ bỏ sự lười biếng và trở thành doanh nghiệp hiếu chiến nhất thành phố, đứng đầu trong những cuộc thâu tóm vô cùng quyết liệt. Ngân hàng lợi dụng uy tín của mình để đưa ra giới hạn về các hành vi chuẩn mực và trở thành tên cướp “quý tộc” của London. Trong bối cảnh các vụ sáp nhập tại London những năm 1980, Morgan Grenfell đóng vai trò như một “ngôi sao” trong việc phá tan thế giới tài chính êm đềm vốn là chuẩn mực của London trước đây. Xuyên suốt thập kỷ, Morgan Grenfell thường xuyên đứng đầu trong các vụ thâu tóm ở London và năm 1985, ngân hàng đã quản lý 4/6 thương vụ mua lại lớn nhất của thành phố. Những vụ thâu tóm được tô vẽ chau chuốt cùng với phong cách ngạo nghễ đã khiến Morgan Grenfell bị cuốn vào vòng xoáy của bê bối Guiness về thao túng giá cổ phiếu. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã đích thân yêu cầu hai giám đốc điều hành Morgan Grenfell giải trình về bê bối tồi tệ nhất thế kỷ xảy ra ở London.
Câu chuyện về ba ngân hàng Morgan cũng chính là lịch sử của nền tài chính Anglo-Mỹ. Trong 150 năm, chúng vẫn giữ vị trí trung tâm trong mỗi đợt hoảng loạn, bùng nổ và sụp đổ của phố Wall hay ở thành phố London. Chúng dự báo các cuộc chiến tranh và thời kỳ suy thoái, các vụ tai tiếng và
điều trần, những vụ đánh bom và nỗ lực ám sát. Không một đế chế tài chính nào trong thời hiện đại duy trì tính ưu việt ổn định như vậy. Biên niên sử nhà Morgan là tấm gương mà qua đó, chúng ta có thể nghiên cứu những thay đổi trong phong cách, đạo đức và nghi thức của nền tài chính cấp cao. Để có tầm nhìn toàn cảnh rộng lớn như vậy, chúng ta sẽ chia bộ sử thi này thành ba giai đoạn. Cấu trúc này áp dụng chủ yếu cho ngân hàng Morgan nhưng tôi cho rằng cũng có nhiều điểm tương đồng với những ngân hàng khác.
Trong những năm trước 1913, hay còn gọi là Thời kỳ Các ông trùm (Baronial Age) của Pierpont Morgan, các ông chủ ngân hàng thống trị nền kinh tế, hoặc “Đấng sáng tạo”, theo cách nói của tác giả Frederick Lewis Allen. Họ tài trợ cho việc xây dựng kênh đào và đường sắt, nhà máy thép và các hãng tàu, cung cấp vốn cho một đất nước công nghiệp non trẻ. Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt và khó kiểm soát này, ngân hàng giải quyết tranh chấp giữa các công ty và tổ chức các tờ-rớt để chế ngự cạnh tranh. Đóng vai trò trung gian giữa người cần vốn và nhà cung cấp vốn, họ giám sát sự phát triển của ngành công nghiệp. Chịu trách nhiệm phân phối nguồn vốn khan hiếm, họ thường mạnh hơn những công ty được tài trợ và dần nắm quyền kiểm soát. Điều này tạo ra một thế hệ chủ ngân hàng quyết đoán, những người đã làm nên khối tài sản lớn khó tin, gia tăng sự lo ngại trong công chúng và cuối cùng dẫn đến một chiến dịch chính trị nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của họ.
Trong Thời kỳ ngoại giao (Diplomatic Age) của J. P. Morgan, Jr., bị bao vây bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, các ngân hàng tư nhân trở thành “phụ tá” của chính phủ, được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ bí mật và vận hành ngang cấp với ngân hàng trung ương. Các ngân hàng Morgan lúc này đóng vai trò môi giới quyền lực và đại diện không chính thức của chính phủ tại các hội nghị toàn cầu. Là thân tín của vua, tổng thống và giáo hoàng, họ vận hành dưới sự giám sát chặt chẽ của Washington hay Nhà trắng trong các giao dịch ở nước ngoài. Đối với thế giới bên ngoài, họ được xem như bộ mặt hữu hình của các chính sách mà chính phủ Mỹ đưa ra. Ở quốc gia sở tại, họ tiếp tục giữ vai trò “ngân hàng truyền thống” đối với những công ty mà nhu cầu hỗ trợ tài chính ngày càng suy giảm. Bằng việc duy trì mối quan hệ độc quyền đối với khách hàng, các cổ đông của
Morgan tận hưởng sự xa hoa trong một thế giới tốt đẹp và không bị hối thúc bởi những tiêu chuẩn hiện đại.
Thời kỳ Canh bạc (Casino Age) diễn ra sau những năm chiến tranh, các ngân hàng bắt đầu mất quyền kiểm soát đối với khách hàng của mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường toàn cầu. Các tổ chức đa quốc gia đã phát triển mạnh hơn ngân hàng và đối đầu với họ về cả nguồn vốn lẫn chuyên gia tài chính. Các tổ chức đầu tư, ví dụ như công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí đưa ra những nguồn lực đối kháng mới. Cùng với việc các công ty và chính phủ có khả năng huy động vốn bằng nhiều loại tiền tệ và ở nhiều quốc gia, cán cân quyền lực đã thay đổi mạnh mẽ và không còn nghiêng về phía ngân hàng. Điều này có vẻ nghịch lý trong thời đại mà những tin tức mới ra hằng ngày đều nói về các vụ giao dịch lớn trị giá hàng tỷ đô-la. Tuy nhiên, như câu chuyện của Morgan cho thấy, phong cách mới của nền tài chính chấp nhận rủi ro cao quả thực là dấu hiệu cho sự suy yếu của ngân hàng. Khi những vị khách cũ không còn bị bó buộc trong mối quan hệ độc quyền, các ngân hàng quý tộc vội vàng tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thị trường mới. Họ đã tìm thấy miền đất này trong thế giới của những vụ thâu tóm khốc liệt, dù bản thân họ được giải cứu nhưng nền kinh tế lại bị đe dọa. Trong thời đại tài chính mới này, các ngân hàng quyết định rời bỏ những gì thuộc về truyền thống đã từng thống trị nền tài chính Anglo-Mỹ kể từ thời Victoria.
Luận điểm mà cuốn sách này đưa ra là sẽ không bao giờ có một ngân hàng quyền lực, bí ẩn hay giàu có như Gia tộc Morgan nữa. Sẽ không một doanh nghiệp nào có thể mô phỏng những gì mà Rothschilds thể hiện trong thế kỷ XIX hay Morgan trong thế kỷ XX trong vòng 100 năm tới. Ngân hàng đã không còn chiếm giữ vị trí độc tôn trong ngành tài chính. Khi nền tài chính thế giới chín muồi, quyền lực chia đều cho các tổ chức và trung tâm tài chính. Do đó, câu chuyện của chúng ta đưa ra cái nhìn về một thế giới ngân hàng tan biến nhanh chóng trong quá khứ, một thế giới với những bất động sản khổng lồ, bộ sưu tập nghệ thuật cùng du thuyền vượt biển của những ông chủ dành phần lớn thời gian với người đứng đầu nhà nước và tự huyễn hoặc bản thân thuộc tầng lớp hoàng gia cao quý. Trái với nguyên tắc chiếu phối cảnh thông thường, Gia tộc Morgan càng lùi xa về thời gian quá khứ càng được phóng to hơn.
BROOKLYN, NEW YORK
Tháng 7, 1989
PHẦN MỘT
THỜI KỲ CÁC ÔNG TRÙM 1838-1913
Chương 1
Lão hà tiện
Khi thương gia người Baltimore George Peabody đến London vào năm 1835, thế giới đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng nợ. Những chính thể vỡ nợ khi ấy không phải các quốc gia vùng Balkan ít tiếng tăm hay các nước cộng hòa ở Nam Mỹ, mà là các bang tại Mỹ. Mỹ đã không cưỡng lại được cơn sốt xây dựng đường sắt, kênh đào và đường bộ, tất cả đều dựa trên nguồn tiền vay nợ của từng bang. Với sự liều lĩnh trong hơi tàn lực kiệt, các nhà lập pháp bang Maryland đe dọa gia nhập nhóm những bang không trả các khoản lãi trái phiếu mà họ bán phần lớn ở London. Là một trong ba đại diện được chính quyền bang giao nhiệm vụ đàm phán lại các khoản nợ, Peabody cố thuyết phục những quan chức phía mình kiềm chế, đồng thời xoa dịu các chủ nhà băng Anh quốc. Tuy vậy, các nhà lập pháp Mỹ cảm thấy việc đối phó với sự căm phẫn của các ngân hàng nước ngoài vẫn dễ hơn là áp thêm thuế mới để lấy tiền trả nợ.
London là trung tâm trong hệ mặt trời tài chính toàn cầu khi đó. Trong một thế giới thiếu vốn, chỉ Vương quốc Anh là có thặng dư tiền mặt lớn và đồng bảng Anh được coi là đồng tiền của ngành thương mại; được chính thức sử dụng từ thời William – Nhà chinh phạt[1]. Trong ánh hào quang sau các cuộc chiến tranh của Napoleon, những chủ nhà băng tại khu tài chính London – tự xưng là kẻ thống trị, thường tiếp cận được nhiều nguồn tiền hơn so với các chính phủ và công ty mà họ cấp vốn. Các ngân hàng như Barings và Rothschilds duy trì sự hạn chế mang tính đế quốc, không ghi biển hiệu trên cửa ra vào và đầu đề thư, từ chối các mối làm ăn hay mở chi nhánh cũng như đòi hỏi những mối quan hệ khách hàng độc quyền. Các chính khách từ châu Âu và châu Mỹ Latinh khúm núm chờ trước bậc thềm của họ. Một nhà quan sát nhận xét: “Được mời ăn trưa cũng giống như được vào yết kiến nhà vua vậy”.1
Dù rất yêu nước Mỹ, thương gia 40 tuổi Peabody vẫn đồng cảm với các chủ nợ ở Anh. Khi các đại diện khác của Maryland thất vọng trở về quê nhà, Peabody đã tổ chức một bữa tối linh đình cùng với hơn 10 chủ nhà băng để thuyết phục họ rằng không phải tất cả người Mỹ đều là những kẻ lừa đảo quê mùa. Ông lập luận rằng chỉ có các khoản vay mới mới có thể đảm bảo trả những khoản nợ cũ – lời giải thích rất hợp lý được nhiều quốc gia vay nợ sau này lặp lại. Thay vì cắt tín dụng dành cho Maryland, các chủ nhà băng cho vay thêm 8 triệu đô-la. Bạn của Peabody, nhà lãnh đạo chính trị người Anh George Owen sau đó đã nói về việc này: “Anh ấy vay được tiền chỉ bằng uy tín của mình”.2 Để giảm định kiến của người Anh đối với những người Mỹ “quen ăn hối lộ”, ông dứt khoát khước từ khoản hoa hồng 60.000 đô-la của bang Maryland.
Peabody là người hoạt ngôn nhưng không dễ gây cảm tình. Cao 1m83 với đôi mắt xanh nhạt cùng mái tóc màu nâu sẫm, ông có khuôn mặt nhăn nheo, cằm nọng, mũi củ hành, râu quai nón và mí mắt nặng trĩu. Việc người đàn ông giản dị này sẽ sáng lập J. P. Morgan & Co. và sau này có quan hệ làm ăn với những đối tác thuộc giới thượng lưu ngoại hình đẹp đẽ cùng phục trang sang trọng quả là một sự mỉa mai. Ông mang trong mình những vết thương lòng của tuổi thơ đói nghèo và nhanh chóng nhận ra ai coi thường hoặc đối địch với mình. Giống hầu hết những người đã phải vật lộn trải qua năm tháng khó khăn, ông hãnh diện nhưng bất an, hằn học với thế giới xung quanh và nhớ từng mối hiềm khích của mình.
Peabody sinh ra ở Danvers, Massachusetts và chỉ được đến trường một vài năm. Cha mất sớm, ông phải làm việc trong cửa hàng của người chú để kiếm tiền nuôi mẹ và sáu anh chị em. Sau này, khi việc kinh doanh vải sợi ở Baltimore với Elisha Riggs, một đối tác lớn tuổi giàu có, trở nên phát đạt, ông vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ của mình. “Tôi chưa bao giờ quên và sẽ không bao giờ có thể quên sự thiếu thốn cùng cực trong những năm tháng đó”,3 ông nói. Peabody tích trữ tiền của, làm việc không ngừng nghỉ và sống cô đơn.
Năm 1837, Peabody chuyển đến London. Một năm sau, ông mở một ngân hàng bán buôn tại số nhà 31 phố Moorgate, bài trí nội thất với một quầy gỗ gụ, một két sắt và vài bàn làm việc. Ông gia nhập một nhóm chọn lọc các chủ ngân hàng kinh doanh hàng vải sợi và cấp vốn cho hoạt động kinh doanh này; do đó, các hãng của họ được gọi là ngân hàng bán buôn.
Họ phát triển một hình thức ngân hàng bán buôn khác xa với thế giới buồn tẻ của những sổ tiền gửi, các cửa sổ tò vò và tài khoản thanh toán séc. Chuyên ngành của họ là “tài chính cao cấp” – chỉ phục vụ các chính phủ, tập đoàn lớn và cá nhân giàu có. Họ tài trợ thương mại ở hải ngoại, phát hành cổ phiếu, trái phiếu và buôn bán thương phẩm. Những người bình thường không còn làm ăn được với George Peabody, cũng như ngày nay không thể đặt tiền gửi ở Morgan Guaranty, Morgan Grenfell hay Morgan Stanley vậy.
Bằng việc dựng lên một ngân hàng ở London, Peabody đã cắm cờ Mỹ lên lãnh thổ nước ngoài. Do phải dựa vào nguồn vốn phát triển đến từ Vương quốc Anh, nước Mỹ luôn bực dọc với việc số phận kinh tế của mình bị định đoạt bởi tay người khác. Như một hạ nghị sĩ phát biểu vào năm 1833, “phong vũ biểu của thị trường tiền tệ Mỹ được treo ở sàn giao dịch chứng khoán London”4. Xu thế thời đó là các ngân hàng London cử đại diện đến Mỹ, như ngân hàng House of Baring – cung cấp vốn cho vụ mua Vùng đất Louisiana và luôn có người Mỹ trong hội đồng quản trị – tuyển dụng Thomas Ward làm đại diện ở Mỹ, trong khi gia tộc Rothschilds, vẫn do dự về nước Mỹ, cử August Belmont, Sr. đến New York. Hy vọng khai thác dòng tiền xuyên Đại Tây Dương này, Peabody trở thành người dẫn đầu trong việc buôn bán trái phiếu các bang của Mỹ ở London, đảo ngược xu thế đó.
Thay vì hòa nhập vào môi trường Anh quốc, Peabody khôn khéo khoe phong cách Mỹ của mình, hết mực trung thành với tổ quốc và thúc đẩy vị thế sản phẩm của Mỹ. Ông tuyên bố George Peabody & Co. sẽ là “một ngôi nhà Mỹ” và muốn nó có “một bầu không khí Mỹ – bài trí bằng các nhật trình – để biến nó thành một trung tâm tin tức Mỹ và là nơi dễ chịu cho những người bạn Mỹ của tôi khi đến thăm London”.5 Tuy nhiên, trong niềm tự hào yêu nước này vẫn ẩn chứa một tâm thế thuộc địa, có lẽ là cảm giác tự ti của chính ông, một nhu cầu thường xuyên muốn gây ấn tượng với người Anh. Ông hy vọng bác bỏ điều đã “gần như trở thành một ngạn ngữ trong tiếng Anh rằng không ngân hàng Mỹ nào ở London có thể duy trì uy tín của họ dài lâu”.6
Đằng sau vẻ ngoài vui tính của Peabody là một gã hà tiện cô độc. Ông sống trong những căn phòng tiện nghi ở một khách sạn trên phố Regent và làm việc không ngừng nghỉ, ngoại trừ những lúc thỉnh thoảng đi câu cá.
Trong thời gian 12 năm, ông chưa bao giờ nghỉ làm hai ngày liên tiếp và dành trung bình 10 giờ mỗi ngày tại nơi làm việc. Mặc dù có những bài phát biểu gây xúc động về vận mệnh nước Mỹ, ông không trở về quê nhà trong 20 năm và trong thời gian đó, con người ông cũng “sạm màu” cùng với giao dịch ảm đạm của trái phiếu các bang nước Mỹ. Trong đợt khủng hoảng trầm trọng vào đầu những năm 1840 – thập kỷ được gán cho cái tên Những năm 40 thiếu đói – nợ các bang ngập sâu tới mức cứ một đồng đô la thì 50 xu phải dành để trả nợ. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi năm bang của Mỹ – Pennsylvania, Mississippi, Indiana, Arkansas và Michigan và lãnh thổ Florida không trả được nợ lãi suất trái phiếu của họ. Trong một liên minh con nợ sơ khai, một số thống đốc bang của Mỹ liên kết với nhau nhằm đánh quỵt. Cho đến nay, vụ Mississippi vô lại[2] vẫn là vụ vỡ nợ đáng hổ thẹn.
Các nhà đầu tư Anh quốc nguyền rủa nước Mỹ là vùng đất của những kẻ lừa lọc, bất lương và bội bạc. Những vụ vỡ nợ của các bang cũng để lại vết nhơ đối với tín dụng liên bang và năm 1842, khi Washington cử nhóm đại diện của Bộ Tài chính đến châu Âu, James de Rothschild lớn tiếng nạt nộ: “Hãy cho họ biết các anh đã gặp người đứng đầu về tài chính ở châu Âu và ông ta nói rằng họ sẽ không thể vay nổi một đồng nào nữa. Không một đồng nào”.7 Mục sư Sydney Smith cười nhạo “đám” người Mỹ này và nói rằng bất cứ khi nào gặp một người Pennsylvania tại một bữa ăn tối ở London, ông cảm thấy trong lòng “sự thôi thúc muốn tóm lấy và xé anh ta thành từng mảnh… Làm sao một người như vậy có thể ngồi xuống cùng ăn với những người Anh mà không thấy vướng bận về khoản nợ hai hoặc ba bảng đối với mỗi người cùng bàn, tôi thật không hiểu nổi; anh ta không có quyền cùng ăn với những người trung thực, thậm chí không bằng một người bị bệnh phong được ăn với những người sạch sẽ”.8 Ngay cả nhà văn Charles Dickens cũng không thể cưỡng lại cảm giác cay đắng, miêu tả cơn ác mộng trong đó các tài sản vững chắc ở Vương quốc Anh của lão hà tiện Scrooge bị biến thành “một mẩu chứng khoán Mỹ”.9
Khi bang Maryland mà ông hằng yêu quý vỡ nợ, cơn ác mộng của Peabody thêm tăm tối. Ông nói ông cảm thấy xấu hổ mỗi khi gặp một nhà đầu tư Anh quốc. Người Anh rất tức giận đối với Maryland và Pennsylvania vì các bang này được thanh toán bằng cổ phiếu Anh-Mỹ và do đó họ đáng lẽ phải biết rõ hơn. Do đã chào bán khoảng một nửa số
chứng khoán của Maryland tới các nhà đầu tư cá nhân ở châu Âu, Peabody trở thành nạn nhân từ sự thành công của chính mình. Sự rối ren đó gây ra những hậu quả trực tiếp, và ông bị coi là persona non grata (người không được chào đón) ở London. Tờ London Times lưu ý rằng trong khi Peabody là một “quý ông Mỹ thanh sạch nhất”, Reform Club đã từ chối không nhận ông là thành viên vì ông là công dân của một quốc gia không giữ lời hứa về các khoản nợ của mình10. Ông chán nản biên thư cho một người bạn: “Tôi tin rằng, anh và tôi sẽ thấy ngày hạnh phúc ấy, giống như trước đây, chúng ta có thể tự hào nhận mình là người Mỹ ở giữa lòng châu Âu thay vì xấu hổ vì cái tên đất nước”.11
Một dấu hiệu của các ngân hàng bán buôn là họ bảo đảm cho các chứng khoán mà họ bảo trợ. Ban đầu, Peabody chỉ gửi thư tới bạn bè ở Baltimore, gay gắt với họ về sự cần thiết của việc Maryland phải tiếp tục thanh toán lãi vay. Sau đó, ông mệt mỏi với việc thuyết phục và đành trả cho các phóng viên những khoản tiền nhỏ để họ viết các bài báo có lợi cho bang này. Cuối cùng, vào năm 1845, ông thông đồng với Ngân hàng Barings để thúc ép Maryland nối lại việc thanh toán. Họ thiết lập một quỹ đen chính trị để tuyên truyền cho việc tiếp tục trả nợ và bầu các nhà lập pháp có quan điểm ủng hộ; thậm chí còn thuê giáo sĩ để rao giảng về sự tối quan trọng, không thể vi phạm của hợp đồng. Thông qua một tài khoản bí mật, hai ngân hàng chuyển 1.000 bảng đến Baltimore, 90% từ Barings và 10% từ Peabody – một chiến lược được Barings áp dụng tương tự ở Pennsylvania. Gây sửng sốt nhất là việc Barings hối lộ Daniel Webster, nhà hùng biện kiêm chính khách, diễn thuyết về trả nợ. Các chủ nhà băng tiến hành chiến dịch tồi tệ này với cảm giác tội lỗi ngấm ngầm; đó không phải là phong cách ưa thích của họ. “Khoản tiền anh trả cho ông Webster nếu lộ ra sẽ không hay ho gì đâu”, Joshua Bates, đại cổ đông của Baring, cảnh báo Thomas Ward, người Mỹ làm trung gian ngầm cho hoạt động này12. Bates, một người Boston mẫn cán và đúng mực, cảm thấy xấu hổ với những gì họ đang làm. “Theo bản năng, tôi ghét cay ghét đắng việc tác động kiểu này, hay sử dụng bất kỳ thủ đoạn gian trá hoặc quỹ đen nào”, ông thú nhận với Ward13.
Bất kể sự đắn đo về tính đúng đắn của hành động như vậy, âm mưu vẫn tiến triển tốt: các đảng viên Đảng Whigs ủng hộ việc tiếp tục trả nợ được bầu lên ở cả hai bang Maryland và Pennsylvania, đồng thời, các chủ nhà
băng London bắt đầu nhận được thanh toán14. Chưa bao giờ quên một vết thương nào, Peabody loại bỏ các con nợ dai dẳng nhất, Florida và Mississippi, khỏi những hoạt động từ thiện sau này của ông. Ngay cả lòng vị tha cũng có giới hạn của nó.
Khi trái phiếu mất giá mà Peabody mua vào đầu những năm 1840 bắt đầu trả lãi lại, ông thu về những khoản tiền kếch xù. Năm 1848, khi cuộc cách mạng lan khắp Đại lục, chứng khoán Mỹ dường như là nơi trú ẩn an toàn so với châu Âu. Và cuối những năm 1840, khi cơn sốt vàng California cùng cuộc Chiến tranh Mexico xóa sạch những vết tích cuối cùng của khủng hoảng, Peabody giành được niềm tự hào mới từ gốc gác của mình. Ông tự cho mình là đại sứ văn hóa Mỹ ở London và phân phát các thùng đầy táo Mỹ, bánh quy Boston cùng bột kiều mạch cháo ngô.
Ngày 4 tháng 7 năm 1851, lần đầu tiên ông tổ chức bữa tối mừng Ngày Độc lập và khoản đãi vị công tước cao tuổi của Wellington như là khách mời danh dự. Bên dưới bức chân dung Nữ hoàng Victoria và một bức họa vẽ George Washington của họa sĩ Gilbert Stuart, bộ trưởng Vương quốc Anh ở Washington và bộ trưởng Mỹ ở London cùng uống cạn chén rượu bằng gỗ sồi và chúc mừng lễ khánh thành Đại Triển lãm Thế giới tại Cung điện Pha lê mới ở London. Do Quốc hội không tài trợ cho các nhà triển lãm Mỹ, Peabody đóng vai trò ông bầu, trả tiền để trưng bày máy gặt của Cyrus McCormick[3] và súng lục ổ quay của Samuel Colt[4]. Nhưng không phải tất cả những hoạt cảnh của Peabody về tình hữu nghị Anh-Mỹ trong dịp Ngày Độc lập đều theo kịch bản mong muốn. Năm 1854, khi Peabody nâng cốc chúc mừng Nữ hoàng Victoria trước Tổng thống Franklin Pierce – một hành động Washington coi là rất dị biệt – James Buchanan, Đại sứ Mỹ tại London và sau này là Tổng thống, phẫn nộ bước ra khỏi phòng.
Là chủ nhà băng và đại diện cho người Mỹ ở London – có lần, chỉ trong vòng một tuần, Peabody ăn tối với 85 người Mỹ và đưa 35 người đi nhà hát – ông liên tục chứng kiến sự hợm hĩnh hết sức khó chịu của các quý tộc Anh quốc dành cho tầng lớp buôn bán của Mỹ. Thái độ khinh thị này đặc biệt trắng trợn trong chuyến đi của Phó Đề đốc Vanderbilt[5] tới London vào năm 1853. Phó Đề đốc – một người thô tục, báng bổ và phóng đãng – muốn chứng tỏ cho xã hội London thấy sự hoành tráng của người đàn ông giàu nhất nước Mỹ. Cùng với vợ và 12 người con, ông đã giong buồm tới Vương quốc Anh trên chiếc tàu North Star (Sao Bắc Đẩu), nặng
2.000 tấn, trang hoàng lộng lẫy, có đầu bếp, bác sĩ và cha tuyên úy. Peabody hộ tống các thành viên gia đình Vanderbilt quanh Công viên Hyde và thu xếp cho họ lô của mình ở Nhà hát kịch Hoàng gia; trong khi đó, hoàng gia tẩy chay vị Phó Đề đốc phô trương này.
Peabody tích lũy được gia tài trị giá 20 triệu đô-la trong những năm 1850 khi tài trợ tất cả mọi thứ từ việc buôn bán lụa với Trung Quốc cho tới xuất khẩu đường ray bằng sắt đến Mỹ. Dù có xây một trường học và thư viện cho những người Danver đồng hương trong đầu những năm 1850, ông chủ yếu tích trữ tiền bạc để đề phòng một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra. Sự bất an càng tăng lên khi ông có thêm nhiều thứ để mất. Ông nói với một người bạn vào năm 1852: “Tiền bạc của tôi… dư dật (chắc chắn gần 400.000 bảng… nhưng tôi đã bình an vô sự vượt qua rất nhiều cơn khủng hoảng không phải để thấy các tài sản lớn bị cuốn phăng ra sao, và vì thế ngay cả với tiền bạc của mình, tôi cũng phải thận trọng”.15
Junius Morgan, người trở thành đối tác của Peabody vào năm 1854, sau này kể lại, một buổi sáng gặp ông ta ở phòng tài vụ, trông ốm yếu và chân thì đau vì thấp khớp. “Ngài Peabody, bị cảm lạnh như vậy ngài không nên ở đây”, Morgan nói. Lấy mũ và ô, Peabody đồng ý về nhà nghỉ. 20 phút sau, trên đường đến Sở giao dịch Hoàng gia, Morgan thấy Peabody vẫn đang đứng dưới cơn mưa. “Ngài Peabody, tôi tưởng ngài đang về nhà rồi chứ”, Morgan nói. “Đúng rồi Morgan, tôi đang về đây”, Peabody trả lời, “nhưng nãy giờ mới chỉ có một chiếc xe vé hai xu đi qua và tôi đang đợi chiếc xe có vé giá một xu tới”.16 Thời điểm đó, tài khoản ngân hàng của Peabody đã phình to tới hơn 1 triệu bảng nhưng vì hà tiện, ông không mua xe ngựa riêng mà đi làm bằng xe ngựa công cộng.
Thích thú vì được “trả thù”, Thomas Perman, trợ lý của Peabody, truyền lại một kho câu chuyện khó chịu làm lu mờ vầng hào quang mà Peabody có được từ những hành động bác ái của mình. Thomas kể chuyện ông chủ của mình, người ăn trưa trong một hộp cơm bằng da nhỏ tại bàn làm việc mỗi ngày, sai một cậu bé giúp việc ở văn phòng đi mua táo cho ông ra sao. Những quả táo có giá một xu rưỡi và Peabody thường đưa cho cậu bé hai xu, sau đó đòi lại nửa xu tiền thừa.
Đến đầu những năm 1850, Peabody gần 60 tuổi, bị bệnh gút và thấp khớp hành hạ. Tiết kiệm hằng năm của ông thật đáng kinh ngạc: ông chỉ tiêu khoảng 3.000 đô-la trong tổng thu nhập 300.000 đô-la hằng năm.17
Giàu có như vậy và hà tiện đến vậy, ông đã chín muồi cho việc chuyển biến về mặt tinh thần. Như sau này ông nói: “Khi những cơn nhức nhối và đau đớn ập đến, tôi nhận ra mình không thể sống mãi. . . Tôi nhận ra có những người trong đời chỉ lo lắng giúp đỡ người nghèo và người khốn khó cũng như tôi chỉ lo lắng kiếm tiền vậy”.18
Muốn dành thời gian cho việc từ thiện, Peabody chỉ gặp một vấn đề. Là một chủ nhà băng chuyên quyền, ông chưa bao giờ san sẻ thẩm quyền và chỉ miễn cưỡng chỉ định người quản lý văn phòng, Charles C. Gooch, một cổ đông cấp dưới vào năm 1851, để đại diện khi ông vắng mặt. Gooch là Bob Cratchit[6] với khuôn mặt u sầu, người chào Peabody như một viên thư ký run lẩy bẩy; trên thực tế, ông đã bắt đầu công việc như là thư ký trưởng. Trong một bức thư gửi ông chủ của mình, ông mở đầu bằng những lời sau: “Thưa Ngài, tôi không thường xuyên quấy rầy ngài bằng những bức thư, vì tôi biết ngài không thích sự phiền hà khi đọc chúng và các bức thư của tôi là về những chủ đề không mấy dễ chịu”.19 Gooch được chuẩn bị chu đáo cho một sự nghiệp lệ thuộc lâu dài và tôn trọng cấp trên kiểu nệ cổ.
Theo lẽ thường, đáng ra Peabody sẽ chọn một người con trai hay cháu trai để tiếp quản công việc kinh doanh. Hầu hết ngân hàng bán buôn là các công ty hợp danh gia đình với một vài người ngoài tài giỏi. Nhưng, là một người độc thân, Peabody đã ở vị thế bất thường khi phải tìm kiếm người thừa kế và truyền lại đế chế của mình cho một người xa lạ. Nói vậy không có nghĩa là Peabody không có bóng dáng phụ nữ trong đời. Trong khi không hút thuốc hay uống rượu, ông thường lai vãng đến thế giới bóng tối của những thú vui bất chính. Trợ lý Perman hay ngồi lê đôi mách khiến cha con Morgan thích thú với những mẩu chuyện về cô tình nhân của Peabody ở Brighton, người mà ông tùy hứng gửi cho từng khoản tiền 2.000 bảng. Ông loại khỏi di chúc người phụ nữ này và cô con gái ngoài giá thú với bà ta; cô con gái đó, tên là Thomas, đã gây phiền toái cho nhà Morgan để có tiền trong nhiều năm liền sau khi ông chết. Cuối những năm 1890, nhà Morgan nhận được đơn khiếu nại từ hai người con trai của bà này–một người học luật, người kia học ở Oxford hay Cambridge gì đó. Viên trợ lý Perman khi đó đã già được cử đi kiểm tra gen của Peabody ở hai người này. Khi trở về, ông thốt lên ngạc nhiên: “Cả hai đều giống ông lão tới từng centimet”.20
Không ai hiểu vì sao Peabody lại bỏ xó tình yêu trong các góc mờ của cuộc đời mình. Nói chung, ông nổi tiếng về điều mà Dickens gọi là “lòng bác ái viễn vọng”–dồi dào tình yêu và lòng nhân đạo trừu tượng kết hợp với tính keo kiệt cùng cực đối với những người mà bản thân ông biết. Ông nổi tiếng về sự hào phóng trong suốt thời kỳ Victoria ở khắp mọi nơi, ngoại trừ gia đình không được thừa nhận và các nhân viên của ông.
Peabody có các yêu cầu nhất định đối với người kế nhiệm: ông muốn một người Mỹ hòa đồng, có gia đình và kinh nghiệm về ngoại thương. James Beebe, cổ đông người Boston của ông, giới thiệu cổ đông cấp dưới của anh ta, Junius Spencer Morgan. Junius khi đó đã làm việc ở J. M. Beebe, Morgan được ba năm. Tháng 5 năm 1853, ông cùng gia đình tới London, mang theo người con trai vui vẻ hoạt bát nhưng ốm yếu John Pierpont, khi đó đang hồi phục từ sau đợt sốt thấp khớp. Chàng trai trẻ Pierpont vui sướng như trẻ con khi lần đầu tiếp xúc với văn hóa Anh quốc. Anh đi thăm Cung điện Buckingham và Tu viện Westminster, hào hứng khi chạm vào thỏi vàng trị giá 1 triệu bảng tại Ngân hàng Trung ương Anh, lắng nghe bài thuyết giáo ngày Chủ nhật tại Nhà thờ chính tòa Thánh Paul. Trong khi đó, cha của anh nói chuyện làm ăn với Peabody, người mà Pierpont thấy “dễ chịu nhưng ám khói”.21 Nói chung, Pierpont thấy Peabody là một ông già kỳ quặc đáng yêu.
Junius Spencer Morgan cao lớn với bờ vai xuôi và múi bụng dày của người tráng kiện nhưng ngồi nhiều. Ông có khuôn mặt rộng, đôi mắt màu xanh nhạt, mũi gồ lên và môi mím chặt. Dí dỏm và vui tính, nhưng Junius có sự dè dặt và thận trọng ẩn dưới vẻ quyến rũ đó. Ông luôn giữ vẻ bề ngoài chín chắn, trang nghiêm. Cặp mắt hoài nghi cho ông cái nhìn nặng trịch, đầy vẻ cảnh giác của một chủ nhà băng. To lớn và thâm trầm, ông là kiểu người già trước tuổi mà các nhà tư bản tài chính xế chiều cảm thấy được an ủi. Một nhà văn đương thời cho rằng ông luôn tỏ ra nghiêm trọng, đúng là khó mà hình dung ông non nớt hay bất cẩn. Ông nghiêm nghị, thực tế và luôn làm chủ cảm xúc của mình.
Peabody đề nghị Morgan làm cộng sự và tiếp quản đế chế của ông bằng một tờ giấy đặt trên chiếc đĩa bạc. Cháu nội của Junius, J. P. Morgan, Jr., sau này kể lại cuộc trao đổi giữa hai người:
“Anh biết đấy”, Peabody nói, “tôi không muốn nói dài dòng, nhưng nếu anh làm cộng sự với tôi trong 10 năm, khi nghỉ hưu, tôi sẽ để lại tên tôi và nếu anh chưa tích lũy được một số vốn hợp lý trong ngân hàng, tôi có thể để lại một số tiền của tôi nữa, và anh có thể tiếp tục làm người đứng đầu ngân hàng”.
“Vâng, Ngài Peabody”, Morgan trả lời, “lời đề nghị này thật hấp dẫn, nhưng có nhiều điều cần được cân nhắc, tôi không nghĩ mình có thể trả lời cho đến khi nhìn qua sổ sách của ngân hàng và hiểu được phần nào công việc kinh doanh”.22
Thật ngạc nhiên khi biết rằng Morgan đã không nhảy cẫng lên trước khối tài sản kếch xù đó mà đáp lại bằng sự tự kiềm chế điềm tĩnh. Hiển nhiên, ông hết sức hài lòng khi xem sổ sách – vốn tài sản trị giá 450.000 bảng, tầm cỡ chỉ xếp dưới các ngân hàng Baring và Rothschild một bậc. Vì vậy, tháng 10 năm 1854, ông chấp nhận lời mời trở thành đối tác và chuyển đến trụ sở mới được lát gỗ hồ đào tại số nhà 22 phố Old Broad. Tài liệu hợp danh quy định ngân hàng sẽ mua và bán cổ phiếu, kinh doanh ngoại tệ, mở rộng tín dụng ngân hàng và môi giới sắt cho ngành đường sắt cùng các thương phẩm khác. Peabody dành cho Morgan một tài khoản chi tiêu trị giá 2.500 bảng mỗi năm để tiếp khách từ Mỹ. Một gia tài đã được chuyển nhượng – hay có vẻ như vậy vào thời điểm đó. Một thập kỷ sau, khi Peabody được phong thánh cho các hoạt động từ thiện của mình, Junius Morgan cay đắng nhớ lại những lời hứa hẹn mà Peabody đã dành cho ông. Ông cũng gia nhập hàng ngũ những người bị bỏ rơi trong con đường đi lên tước vị cao quý đó của George Peabody.
Năm 1854, Morgan chuyển đến London, đó là khoảng thời gian tốt đẹp đối với một chủ nhà băng Mỹ so với lúc Peabody bán các trái phiếu Maryland bị căm ghét vào những năm 1830. Giá ngũ cốc Mỹ tăng mạnh trong Chiến tranh Crimea, các tuyến đường sắt phía Tây dùng để vận chuyển ngũ cốc cũng bùng nổ theo, tạo nên cơn sốt đối với cổ phiếu của họ. Đường sắt ngốn một lượng vốn khổng lồ và trong một thập kỷ trước cuộc Nội chiến, các nhà đầu tư đã đổ vào đó 1 tỷ đô-la, gấp ba lần so với bất kỳ cam kết nào trước đó. Là đại diện hàng đầu ở London cho các chứng khoán đường sắt của Mỹ, George Peabody & Co. ở vị thế thuận lợi để khai thác cơn sốt mới nhất này.
ẳ
Tuy nhiên, khi thập niên đó gần kết thúc, Junius Morgan hẳn phải hoài nghi về tính đúng đắn của quyết định chuyển gia đình đến Anh. Peabody là một cộng sự khó chịu và không hề có sự gắn bó thực sự nào tồn tại giữa hai người, thể hiện rõ trong các bức thư trao đổi giữa họ mỗi khi Morgan sang Mỹ hằng năm. Các bức thư của họ trang trọng, theo nghi thức và chính xác, nhưng rõ ràng thiếu sự thân mật. Morgan viết các câu hỏi theo nghĩa vụ về sức khỏe của Peabody – luôn có khuynh hướng để làm hài lòng đối tác bị ám ảnh bệnh tật của mình – nhưng ông đề thư là “Thưa Ngài” và ký dưới mỗi lá thư với sự kính trọng lãnh đạm – “J. S. Morgan”. Morgan thấy Peabody vừa nhỏ mọn vừa hay thù oán, thậm chí còn kể với ông việc mình từng dành cả nửa buổi chiều để kéo lê anh lái xe taxi nghèo tới tận đồn cảnh sát vì đã tính giá hơi cao ra sao.
Đến năm 1857, nhiều dấu hiệu cho thấy dường như Morgan sẽ bị từ chối món tài sản đã được Peabody hứa hẹn. Khi Chiến tranh Crimea kết thúc, giá lúa mì giảm gây khó khăn cho các ngân hàng và công ty đường sắt Mỹ. Tới tháng 10, các ngân hàng New York ngừng thanh toán bằng vàng, ngăn cản các đại diện ở Mỹ chuyển tiền về cho Peabody tại London. Bất thình lình, ông bị vượt quá chi tiêu tài chính ở Mỹ. Cùng lúc đó, các nhà đầu tư London bán chứng khoán Mỹ, hút thêm nhiều tiền hơn nữa từ Peabody và kích động một sự thắt chặt cho vay tiền nghiêm trọng. Tin đồn lan nhanh ở London rằng George Peabody & Co. sắp sửa phá sản, một triển vọng được các đối thủ không ưa ông già người Mỹ này, hết sức thích thú. Ngân hàng Barings cũng tỏ rõ sự bực tức với Morgan khi mạnh tay giảm giá các chứng khoán Mỹ và cố gắng giành khách hàng của họ.
Các ngân hàng chính ở London nói với Morgan họ sẽ giải cứu công ty, nhưng chỉ khi Peabody đóng cửa ngân hàng trong vòng một năm. Khi Morgan thuật lại cho Peabody sự tống tiền hiển nhiên này, ông ta phản ứng “như một con sư tử bị thương”23 và ngang ngạnh thách họ “giật sập” ngân hàng của ông. George Peabody & Co. cuối cùng cũng được cứu bởi dòng tín dụng khẩn cấp trị giá 800.000 bảng từ Ngân hàng Trung ương Anh, với Barings là người bảo đảm khoản vay. Peabody thù hận, cảm thấy Barings đã nhẫn tâm khi thúc ép ông trả các hóa đơn chưa thanh toán, yêu cầu tên của ngân hàng này phải được loại khỏi danh sách ngân hàng giải cứu công ty của ông. Đối với Peabody, người chỉ mới trở lại Mỹ một cách vinh quang sau 20 năm bôn ba, sự việc này khẳng định tính bi quan bẩm sinh của
ông. Ông viết thư cho cháu gái: “Chưa đến ba tháng kể từ khi bác chia tay cháu, rời đất nước thịnh vượng và những người hạnh phúc. Giờ đây, tất cả đều u ám và phiền muộn”.24
Cơn sóng gió năm 1857 đã gây ấn tượng sâu sắc với người con trai 20 tuổi của Morgan, Pierpont, người vừa mới bắt đầu sự nghiệp ở Phố Wall trong vai trò nhân viên tập sự không được trả lương tại Duncan, Sherman & Co., đại diện cho Peabody tại New York. Được cổ đông Charles Dabney – một kế toán xuất sắc – hướng dẫn, Pierpont học cách đánh giá sổ cái và tìm hiểu về những bí ẩn trong hệ thống ngân hàng hỗn loạn của Mỹ. Kể từ khi Andrew Jackson xóa sổ Ngân hàng thứ hai của Mỹ vào năm 1832, Mỹ vẫn thiếu một đồng tiền thống nhất. Mỗi bang có một hệ thống ngân hàng riêng và ở nhiều nơi, các khoản nợ có thể được trả bằng ngoại tệ. Mới chân ướt chân ráo tới Phố Wall, Pierpont đau buồn vì những tin đồn về nguy cơ phá sản của cha và được nghe kể về việc giải cứu của Ngân hàng Trung ương Anh khi đến thăm văn phòng của Cyrus Field. Sự khoan dung sau này của ông đối với Cục Dự trữ Liên bang thường được truy nguyên về việc Ngân hàng Trung ương Anh đã giải cứu ngân hàng của cha mình.
Đó là cuộc thử lửa đầu tiên đối với gia đình Morgan. Trải qua biến động, Junius Morgan trở thành một chủ nhà băng thận trọng và hoài nghi hơn. Ông yêu cầu được xem các báo cáo từ ngân hàng đại diện ở Mỹ, dù điều đó có xúc phạm họ đi chăng nữa. Ông cũng bắt đầu dạy con trai mình, thường bằng các bài lên lớp dài lê thê, về sự cần thiết tiến hành kinh doanh theo cách bảo thủ; thường xuyên nhắc đến cuộc hỗn loạn năm 1857 như một ví dụ điển hình. Ông viết: “Con đang bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào một thời kỳ sôi động. Hãy để những gì con chứng kiến hiện nay trở thành ấn tượng không thể xóa mờ... chậm và chắc nên là phương châm của bất kỳ thanh niên nào”.25
Junius Morgan hình thành thái độ khinh thị đầy kiêu ngạo đối với cạnh tranh về giá đồng thời áp dụng sự thụ động theo lối hoàng gia của Rothschilds và Barings, những ngân hàng khước từ cắt giảm lãi suất: “Nếu không thể giữ khách hàng trên cơ sở như vậy, chúng ta nên hài lòng để người khác trả giá cao hơn mình”.26
Không lâu sau đó, một thảm họa khác xảy ra. Giống như các ngân hàng bán buôn của Pháp hay ngân hàng đa năng của Đức, các ngân hàng bán buôn ở London góp phần vốn chủ sở hữu trong những thương vụ đầu tư
mạo hiểm. Ví dụ, George Peabody & Co. đã góp phần tài trợ cho cuộc thám hiểm của Sir John Franklin tìm kiếm Hành lang Tây Bắc[7]. Nhưng phi vụ đánh cược nhìn xa trông rộng nhất của ngân hàng là khoản đầu tư 100.000 bảng vào tuyến đường cáp xuyên Đại Tây Dương của Cyrus Field, nối liền Phố Wall với Thành phố London[8]. Dự án được truyền cảm hứng khi ngày 16 tháng 8 năm 1858, Nữ hoàng Victoria thực hiện cuộc gọi đầu tiên tới Tổng thống James Buchanan. Trong niềm tự hào với thể diện quốc gia, thành phố New York bùng nổ với hai tuần lễ hội và bắn pháo hoa sôi động. Vui sướng ngất ngây, Peabody viết cho Field: “Phản ứng của ngài hẳn giống như lúc Columbus phát hiện ra châu Mỹ”.27 Tuy nhiên, ông đã mừng quá sớm: trong tháng 9, tuyến cáp bị đứt, giá cổ phiếu của dự án lao dốc, Peabody và Junius Morgan bị lỗ nặng. Phải mất tám năm, tuyến cáp mới được khôi phục hoàn toàn.
Mặc dù Peabody là người đứng đầu trên danh nghĩa cho tới tận năm 1864, Junius Morgan đã nắm quyền kiểm soát George Peabody & Co. từ năm 1859. Do sức khỏe ngày càng kém, Peabody lần đầu tiên đi nghỉ dưỡng ở châu Âu sau 21 năm. Khi Nội chiến Mỹ bùng nổ, Morgan giao dịch trái phiếu của Liên bang miền Bắc, thứ có giá cả dao động lên xuống theo kết quả mỗi trận đánh. Khi quân đội Liên bang miền Bắc thảm bại tại Bull Run, giá trái phiếu lao dốc, sau đó tăng mạnh trở lại khi họ chặn đứng đà tiến quân của Liên minh miền Nam tại Lạch Antietam. Gửi một bức điện qua Nova Scotia, Pierpont báo cho cha mình về sự thất thủ của thành Vicksburg vào tháng 7 năm 1863 – vừa kịp lúc để Junius Morgan thu được lợi nhuận từ sự gia tăng đột ngột giá chứng khoán Mỹ. Trong các ngân hàng bán buôn, giao dịch tranh thủ “trục lợi” từ tai họa như vậy không bị coi là khát máu hay đáng trách, mà còn có vị trí danh dự trong huyền thoại của họ. Như một thành viên trong gia tộc Rothschild từng kiêu hãnh nói: “Khi đường phố Paris đầy máu, tôi mua vào”.28
Mặc dù có sự đồng cảm với quân Yankee, Morgan vẫn lúng túng trong việc cam kết cấp vốn cho Liên bang miền Bắc. Sau khi các ngân hàng miền Nam rút sạch tiền gửi của họ từ miền Bắc, Lincoln xoay xở tìm kiếm nguồn vốn mới. Với việc các nhà máy dệt ở hạt Lancashire liên kết chặt chẽ với các đồn điền bông ở miền Nam, Thành phố London thờ ơ với bất kỳ hoạt động quy mô lớn nào dành cho miền Bắc. Để tài trợ cho các khoản nợ chiến tranh, Tổng thống quay sang Jay Cooke – chủ nhà băng
Philadelphia, sau này được gọi là P. T. Barnum tài chính – mà các đại diện trải rộng trên khắp nước Mỹ để bán trái phiếu chiến tranh trong hoạt động chứng khoán thị trường đại chúng lần đầu tiên trong lịch sử đất nước. Trong số những người mua ở London có cả George Peabody và Junius Morgan. Tuy nhiên, cuộc Nội chiến là xung đột quân sự lớn mà các thành viên Morgan bị những hoàn cảnh chính trị trói tay: đó là mảnh đất màu mỡ cho các chủ nhà băng Đức-Do Thái ở Phố Wall, những người huy động vay vốn từ rất nhiều cảm tình viên Liên bang miền Bắc ở Đức. Trong tương lai, những thôi thúc chính trị của các thành viên Morgan sẽ khớp hoàn hảo với các cơ hội sinh lời.
Những năm Nội chiến đã chứng kiến sự chuyển biến của George Peabody từ lão hà tiện Scrooge thành ông già Noel tốt bụng. Ông từng là một chủ nhà băng nhẫn tâm điển hình, kẻ tích trữ một chiều. Như một người đương thời nói: “Bác George, như người Mỹ… gọi ông – là một trong những người nhàm chán nhất trên thế giới: ông không có lấy một năng khiếu nào, ngoại trừ việc kiếm tiền”.29 Tuy nhiên, người đàn ông khắc khổ này đột nhiên trở nên cực kỳ hào phóng; hoạt động từ thiện của ông cũng thái quá như sự tham lam của ông trước đó. Ông từng cảm thấy khó từ bỏ thói quen hà tiện và thú nhận: “Thật không dễ để chia tay với của cải mà chúng tôi đã tích lũy được sau nhiều năm làm việc siêng năng và gian khó”.30 Vậy mà phút chốc, cả một đời tích trữ của cải được xổ tuột ra trong một thời gian ngắn, thanh tẩy lương tâm Mỹ của ông. Có lẽ khi còn trẻ, Peabody đã làm quá nhiều cho người khác và khi trưởng thành, ông đã làm quá nhiều cho bản thân. Trong bất kỳ trường hợp nào, ông không thể làm gì đó nửa vời nên đều đi đến cực đoan.
Tới năm 1857, ông bắt đầu tặng tiền cho Viện Peabody ở Baltimore. (Không giống như các việc thiện sau này của Morgan, thường ẩn danh và kín đáo, Peabody muốn tên mình được gắn trên mỗi thư viện, quỹ hay bảo tàng mà ông quyên tặng.) Năm 1862, ông bắt đầu chuyển 150.000 bảng tới một quỹ ủy thác để xây dựng các dự án nhà ở cho người nghèo ở London. Những Khu nhà ở Peabody này có đèn gas và nước sinh hoạt, được coi là cải tiến lớn so với các nhà tế bần kiểu trung cổ ở London thời kỳ Victoria và hiện vẫn còn rải rác quanh thành phố. Ông chuyển nhượng một lô 5.000 cổ phần của công ty Hudson’s Bay để tài trợ cho hoạt động này. Vì hành động hào phóng mang tính cách mạng đó, ông trở thành người Mỹ đầu tiên
được London trao tặng giải thưởng Tự do. Tại bữa tối ở tòa nhà Mansion House, ông phát biểu: “Từ trái tim biết ơn chân thành, tôi xin nói rằng ngày hôm nay đã đền đáp cho tôi những lo lắng và suy tư của 50 năm cuộc đời hoạt động thương mại”.31 Chẳng bao lâu sau, ai cũng biết về sự hào phóng của Peabody tới mức ông nhận được tới 1.000 bức thư xin giúp đỡ mỗi tháng.
Trong những năm cuối đời, quy mô hoạt động từ thiện của Peabody trở nên rất ấn tượng. Ông quyên tặng một bảo tàng lịch sử tự nhiên tại Đại học Yale, một bảo tàng khảo cổ học và dân tộc học tại Harvard, và một quỹ giáo dục cho người da đen miền Nam vừa được giải phóng. Đối với quỹ này, ông giao lại lô trái phiếu chưa được thanh toán của Mississippi và Florida trị giá 1 triệu đô-la, hy vọng một ngày nào đó, các bang này sẽ lấy được các khoản thanh toán và làm giàu thêm quỹ. Ông cũng có các khoản hiến tặng dành thêm cho các dự án nhà ở, cuối cùng lên tới 500.000 bảng. Khi Peabody trở thành “quỹ phúc lợi”, những người ngưỡng mộ ông đã thấy các đức tính tuyệt vời ở con người từng rất hà tiện này. Victor Hugo nhận xét: “Trên thế gian này, có những người bị ghét bỏ và những người được yêu thương. Peabody thuộc nhóm thứ hai. Chúng ta thấy nụ cười của Chúa chính trên khuôn mặt những con người như vậy”.32 Gladstone nói rằng ông “đã dạy mọi người cách sử dụng và không trở thành nô lệ của đồng tiền”.33 Nữ hoàng Victoria cố gắng tôn vinh ông bằng tước hiệu nam tước hoặc tước vị hiệp sĩ, nhưng Peabody – như thể một người xa lạ với các ham muốn trần tục – từ chối vinh dự này. Thay vào đó, từ Lâu đài Windsor, nữ hoàng thảo vội một bức thư tay, ca ngợi “sự hào phóng cao thượng” của Peabody dành cho người nghèo ở London, kèm theo một bức chân dung thu nhỏ chụp bà đầu đội vương miện gắn viên kim cương Koh-i-noor[9] và đeo Huy hiệu cấp tước Garter.34
Trong suốt sự tôn sùng thần thánh hóa này, Peabody không bao giờ mở rộng tấm lòng từ thiện của mình với Junius Morgan. Năm 1864, giao kèo 10 năm giữa hai người hết hạn và Peabody nghỉ hưu. Theo lời hứa mà Peabody đã cam kết để lôi kéo Morgan đến London, Morgan phải được sử dụng tên của Peabody và có thể là cả vốn của ông ta. Tuy nhiên, Peabody quyết định rút cả tên và vốn của mình ra khỏi ngân hàng. Có lẽ trong vòng hào quang thần thánh mới, ông muốn xóa tên mình khỏi bản đồ tài chính và giữ cho nó vẻ thiêng liêng trong thế giới các công việc của lòng hào
hiệp. Nhưng đối với Morgan, như sau này được cháu nội ông ghi lại, “tại thời điểm đó, đấy là sự thất vọng cay đắng nhất của cuộc đời [ông] khi Peabody từ chối không để tên ngân hàng cũ được tiếp tục”.35 Junius miễn cưỡng đổi tên ngân hàng thành J. S. Morgan & Co. (cái tên được giữ cho đến khi Morgan Grenfell thành lập vào năm 1910). Peabody cũng buộc Morgan kí hợp đồng thuê văn phòng tại số nhà 22 phố Old Broad với các điều khoản rất nặng nề. J. P. Morgan, Jr. viết: “Ông nội của tôi thường nói rằng ngài Peabody đã rất rắn đối với ông về mức giá của hợp đồng thuê”.36
Tất nhiên, nỗi tức giận của Junius Morgan dành cho Peabody đã được giảm nhiệt bằng lợi nhuận phi thường mà họ chia nhau – hơn 444.000 bảng thu được trong khoảng thời gian 10 năm. Và ông đã là người thừa kế ngân hàng Mỹ quan trọng bậc nhất ở London.
Năm 1869, khi Peabody qua đời ở tuổi 74, chính quyền Anh cho đặt mộ ông ở Tu viện Westminster, nhưng những lời ông nói lúc lâm chung, “Danvers – Danvers, đừng quên nhé” đã tước của London quyền lưu giữ hài cốt ông. Hoàng tử xứ Wales, sau này là vua Edward VII, cho xây một bức tượng của Peabody đằng sau Sở giao dịch Hoàng gia. Đó được coi là một vinh dự hiếm có trong điều kiện không gian hạn hẹp ở Thành phố London.
Ngay cả khi đã mất, Peabody vẫn có thể thúc đẩy mối giao hảo giữa Anh và Mỹ. Thời điểm đó, người Anh mới đóng một chiến hạm đáng sợ, Monarch (Nữ hoàng), chỉ riêng kích cỡ đã khiến người Mỹ khiếp đảm. Những lời xì xào bàn tán đầy lo ngại nổi lên về việc con tàu sẽ được dùng để vơ vét các thành phố của Mỹ. Chàng trai trẻ Andrew Carnegie[10] gửi một bức điện ẩn danh tới nội các Vương quốc Anh: “Dịch vụ đầu tiên và tốt nhất có thể đối với Monarch là đưa thi hài của Peabody trở về quê nhà”.37 Không rõ bức điện có phải là nguồn gốc của ý tưởng này hay không, song Nữ hoàng Victoria đã cho vận chuyển thi hài của Peabody về Mỹ trên con tàu bọc thép này.
Một nhà nguyện tạm thời đã được dựng trên con tàu chiến, với những cây nến cao cháy sáng trên chiếc quan tài phủ tấm trướng màu đen. Đến Mỹ, Monarch được đội tàu của Đô đốc Farragut đón tiếp. Pierpont Morgan, phụ trách việc sắp xếp mọi thứ cho tang lễ, đã nghĩ ra hình thức tỏ lòng tôn
kính lộng lẫy đó, với binh sĩ Anh và Mỹ diễu hành đằng sau quan tài của nhà tư bản tài chính này.
Trước khi kết thúc câu chuyện về Peabody, chúng ta có thể lưu ý một cuộc trao đổi về ông ở J. P. Morgan & Co. vào năm 1946. Thomas W. Lamont, Chủ tịch của J. P. Morgan & Co., hỏi Lord Bicester, đại cổ đông của Morgan Grenfell, về bản sao bức thư cảm ơn của Nữ hoàng Victoria vê việc viện trợ của Peabody cho người nghèo ở London. Hai năm trước khi mất, Lamont sống trong tâm trạng hoài cổ, nhưng Lord Bicester đã gây sửng sốt bằng điều bất ngờ:
Tôi luôn hiểu rằng ngài Peabody, dù được biết đến như một nhà hảo tâm lớn, nhưng cũng là một trong những người keo kiệt nhất. Tôi không biết đã bao giờ anh thấy bức tượng ông ấy ngồi trên chiếc ghế đằng sau Sở giao dịch Hoàng gia chưa. Ông Burns già cả nói với tôi rằng khi Thành phố London kêu gọi quyên góp để dựng một bức tượng ở đó, hầu như chẳng ai hưởng ứng, đến mức tiền thu được không đủ trả cho chiếc ghế, và ngài Peabody của chúng ta phải tự lo cho nó. Khi tôi đến đây lần đầu tiên, người đứng đầu văn phòng của chúng ta là ông Perman, và tôi nhớ dịp kỷ niệm 60 năm ông ấy làm việc ở ngân hàng, Teddy [Grenfell] và tôi đã tổ chức một bữa tối cho tất cả nhân viên tại Nhà hàng Saucy, sau đó đưa họ đến nhà hát, vậy mà ông Perman già cả vẫn đến văn phòng lúc 9 giờ sáng hôm sau. Ông biết rõ cách cư xử của George Peabody và thường kể cho Jack [Morgan] nhiều mẩu chuyện... ngụ ý tính hà tiện của ông ta. Tôi luôn hiểu rằng khi về hưu, ông ta tuyên bố sẽ để lại tiền của mình ở ngân hàng, nhưng đã ngay lập tức rút nó ra. Tôi tin rằng một vài người con ngoài giá thú của ông ta hoàn toàn không được đồng thừa kế nào.38
Chương 2
Ông cố vấn[11]
Nếu Emerson đúng khi cho rằng “một tổ chức là cái bóng kéo dài của một cá nhân”, thì người phủ bóng lên J. P. Morgan & Co. chính là Junius Spencer Morgan. Những lời giáo huấn mà ông nhồi nhét vào đầu người con trai Pierpont đã hệ thống hóa triết lý của nhà Morgan trong một thế kỷ. Ông là một người cha khó tính, luôn lo lắng về con trai và ngân hàng, một nhân vật to lớn, ngang ngạnh đến mức chỉ duy nhất người con trai có thể kéo ông xuống gần vị trí “cha của J. Pierpont Morgan”. Như một nhà báo từng nói: “Nhà Morgan luôn tin tưởng vào chế độ quân chủ tuyệt đối. Khi Junius Morgan còn sống, ông cai trị gia đình và công việc kinh doanh – con trai và các cổ đông của mình”.1 Cho tới tận khi Junius mất vào năm 1890, cái bóng khổng lồ của ông mới thôi chi phối cuộc đời của các con.
Junius lãnh đạm, điềm tĩnh và hiếm khi để lộ cảm xúc. Ông có sự hài hước thâm sâu, phong thái ôn hòa và kỷ luật sắt. George Smalley, một người bạn ca ngợi “vẻ đẹp mạnh mẽ, nghiêm nghị” và “cặp mắt sáng ngời” của ông nhưng nhận ra khuôn mặt kết thúc “bằng chiếc hàm bất động, đầy ý chí”. Đôi khi vẻ mặt lạnh như băng đó bị phá vỡ, nhưng không dễ nhận thấy. “Một hoặc hai lần tôi thấy ông ấy tức giận và biểu lộ bằng cách đột ngột hạn chế lời lẽ và cử chỉ”.2 Nếu Junius có để lộ cảm xúc thì cũng chỉ vậy thôi.
Trong khi George Peabody mang những vết sẹo của tuổi thơ đói nghèo, Junius Morgan lại mang phong thái hòa nhã và tư thế đĩnh đạc nhờ thừa hưởng sự giàu có. Nằm trong nhóm người sở hữu khối lượng tài sản lớn ở Mỹ, nhà Morgan lấy làm kiêu hãnh về dòng dõi được nuông chiều có một không hai. Họ không phải bươn chải vươn lên từ cảnh bần hàn hoặc hợp pháp hóa những tài sản dính máu bằng sự tôn trọng sau này. Tới đầu thế kỷ
XIX, họ vẫn rất khá giả, hưởng thụ sự nhung lụa an nhàn trong nhiều thế hệ. Giàu có và được giáo dục tốt, họ không bị tầng lớp quý tộc châu Âu tẩy chay như đối với nhà Vanderbilt. Khó mà tìm được thành viên nhà Morgan nghèo túng, không được học hành và trải qua những gian nan vất vả đầu đời để làm nên sự giàu có huy hoàng về sau. Không phải ngẫu nhiên, dòng họ này sản sinh ra những người bảo vệ trật tự xã hội vốn lớn lên trong sung túc và ít khi tiếp xúc với cảnh khổ cực của dân thường.
Người nhà Morgan đến Mỹ đầu tiên là Miles, di cư từ xứ Wales đến Springfield, Massachusetts, 16 năm sau khi con tàu Mayflower cập bến ở Plymouth. Ông dần sở hữu nhiều đất đai nhờ canh tác và cả chiến đấu với thổ dân da đỏ, để lại tài sản lớn cho nhiều thế hệ nhà Morgan. Hậu duệ của ông – Joseph Morgan chiến đấu trong đội quân của Washington trong cuộc Cách mạng Mỹ. Năm 1817, Joseph bán trang trại của ông ở West Springfield, Massachusetts và chuyển đến Hartford, Connecticut, nơi sau này trở thành nhà tổ của dòng họ Morgan. Joseph có tướng mạo tao nhã, chiếc mũi thẳng thanh tú và cặp mắt sáng điềm tĩnh. Giống như các thành viên nhà Morgan sau này, ông hát thánh ca, tin hết mực vào Kinh Thánh và có thẻ hội viên ở Wadsworth Atheneum, bảo tàng nghệ thuật mới của thành phố. Là một doanh nhân, Joseph đặc biệt giống dòng dõi của mình: ông mua một tuyến xe ngựa bốn bánh và Exchange Coffee House, nơi ông góp phần thành lập Công ty Bảo hiểm Hỏa hoạn Aetna. Theo phong cách khá bốc đồng của nhà Morgan, ông mua thêm City Hotel, đầu tư vào các công ty kênh đào và tàu hơi nước, quản lý một ngân hàng và góp phần tài trợ cho Công ty Đường sắt Hartford & New Haven, nơi xảy ra những tai nạn tàu hỏa kinh khủng ám ảnh con cháu sau này. Tháng 12 năm 1835, Joseph kiếm được khoản lợi lớn bất ngờ khi một đám cháy ở khu vực Phố Wall phá hủy hơn 600 ngôi nhà. Là người sáng lập Aetna, ông nhất quyết rằng công ty nên kịp thời đền bù cho các khách hàng và thậm chí mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư còn lưỡng lự trong việc trả tiền. Hành động tức thời của Joseph Morgan giúp nâng cao danh tiếng của công ty ở Phố Wall và điều này sau đó cho phép công ty có thể tăng gấp ba lần phí bảo hiểm.
Các thành viên nhà Morgan thừa hưởng từ vợ của Joseph, Sarah, cặp mắt lạ thường – sợ hãi, cáu kỉnh và thiêu đốt – thứ thể hiện rõ trên khuôn mặt chàng trai trẻ Pierpont. Sarah có chiếc cằm ngấn và mũi củ hành, bổ sung sự phốp pháp quê mùa vào bề ngoài quý tộc của dòng họ Morgan.
Năm 1836, Joseph mua cho con trai của mình, Junius, một phần vốn góp trong Công ty Vải sợi Howe & Mather ở Hartford. Cùng năm đó, Junius kết hôn với Juliet Pierpont, con gái của Đức cha John Pierpont, mục sư Nhà thờ Old Hollis Street ở Boston. Sự kết hợp giữa hai nhà Morgan và Pierpont tạo thành một bộ gen rất kì dị trong con trai của họ, John Pierpont, đứa trẻ ra đời năm 1837. Là nhà thơ và nhà thuyết giáo, Đức cha John Pierpont là người nồng nhiệt theo chủ nghĩa bãi nô, làm bạn với William Lloyd Garrison và Henry Ward Beecher[12]. Xuất thân từ một gia đình thương gia thất bại ở New England, ông xem thường các giá trị thương nhân Mỹ của nhà Morgan. Với khuôn mặt góc cạnh và mái tóc bù xù, ông mang đầy khí chất lãng mạn và tinh thần thập tự chinh. Ông từng vướng vào một cuộc tranh cãi công khai đầy cay đắng với các giáo dân Boston và bị buộc tội “ô uế đạo đức” vì nói từ “con điếm”3. Dành tầng hầm nhà thờ cho một nhà buôn rượu rum địa phương thuê, giáo đoàn thấy quan điểm của ông về không uống rượu tự phủ định chính nó. Người ta nói rằng khi tranh cãi đến cao trào, chiếc mũi lồi lên của Đức cha Pierpont phừng phừng và các cháu của ông về sau cũng vậy. Có lẽ các thành viên nhà Morgan thừa hưởng từ Đức cha Pierpont nét chủ nghĩa lãng mạn và luân lí kìm nén; sau này, không phải ngẫu nhiên mà J. P. Morgan & Co. tự cho rằng họ là lương tâm của Phố Wall và thu hút nhiều người con của các nhà truyền giáo cũng như giáo viên.
Khi Joseph qua đời vào năm 1847, ông để lại di sản trị giá hơn 1 triệu đô-la. Bốn năm sau, Junius mua lại cổ phần của mình ở Công ty Howe & Mather với giá khoảng 600.000 đô-la và chuyển đến Boston để tìm kiếm cuộc chơi lớn hơn. Là cổ đông trong công ty mới cơ cấu lại J.M. Beebe, Morgan & Co. – công ty thương mại lớn nhất của thành phố – ông hoạt động trên quy mô toàn cầu, xuất khẩu và cấp vốn cho bông cùng các hàng hóa khác được chuyên chở bằng tàu thương mại tốc độ cao từ cảng Boston. Chính tại đây, ông đã được George Peabody chú ý đến.
Về điểm này, con trai của Junius – Pierpont đã có vẻ khá mâu thuẫn. Một mặt, anh là homo economicus (con người kinh tế) thuần túy. Khi còn nhỏ, cậu bé Pierpont chỉ được cha mẹ cho 25 xu mỗi tuần rồi tỉ mỉ ghi chép từng khoản mua kẹo và cam trong một cuốn sổ. Năm 12 tuổi, cậu thu phí những ai muốn xem bức tranh tầm sâu của mình về cuộc đổ bộ lên bờ của Columbus. Khi là một thiếu niên, cậu hăng hái, sôi nổi nhưng cũng nóng
nảy và dễ thay đổi tâm trạng đột ngột. Với chứng phát ban trên mặt, Pierpont trở nên tự ti, không những thế còn bị những cơn đau đầu liên miên, bệnh ban đỏ và các bệnh không rõ căn nguyên hành hạ suốt. Có lẽ sự tương phản giữa bản chất điềm tĩnh của chính mình và tính khí ngang bướng của Pierpont khiến Junius lo lắng quá mức về cậu con trai. Bằng ý chí sắt đá, ông bắt đầu nhào nặn Pierpont, khuyên cậu kết giao với các bạn cùng lớp ở trường trung học “vì họ là những người có ảnh hưởng tốt đến con”.4 Giọng nói như ông cố vấn này đều đặn rót vào tai Pierpont trong hàng thập kỷ.
Khi Junius chuyển cả gia đình đến Boston, Pierpont theo học tại trường trung học ở đó, nơi cậu tốt nghiệp vào năm 1854. Năm 1852, cậu bị một đợt viêm thấp khớp trầm trọng và phải mất nhiều tháng trời ở Azores để hồi phục, với di chứng là một bên chân ngắn hơn chân còn lại. Suốt phần đời sau đó, đủ thứ bệnh khác nhau khiến Pierpont phải nằm bẹp vài ngày mỗi tháng. Dù vậy, cậu là người say mê nghiên cứu, đôi khi ốm yếu nhưng nhiều lúc lại dồi dào năng lượng và sẵn sàng đốt cháy đến cạn kiệt để rồi phải nằm liệt giường trở lại.
Ban đầu, Pierpont tham gia vào các kế hoạch kinh doanh của cha mình. Junius biết rằng các ngân hàng Baring và Rothschild hoạt động chủ yếu như công ty gia đình, chuẩn bị cho các con trai kế thừa sản nghiệp. Trên thực tế, phù hiệu năm chiếc mũi tên của gia tộc Rothschild biểu trưng cho năm người con trai được cử đến năm thủ đô ở châu Âu. Theo ghi chép của nhà kinh tế học, nhà báo Anh quốc Walter Bagehot, “khuynh hướng kinh doanh nhà băng là do di truyền, danh tiếng của ngân hàng truyền từ cha sang con, kế thừa gia tài cũng đồng thời kế thừa sự sành sỏi”.5 Do các chủ nhà băng thương mại cấp vốn cho hoạt động ngoại thương, các hối phiếu của họ phải được coi trọng ngay từ cái nhìn đầu tiên ở những nơi xa xôi, vì vậy, cái tên đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến sự tin tưởng tức thì. Như một chủ tịch Ngân hàng Hambros ở thế kỷ XX nói: “Công việc của chúng tôi là duy trì nòi giống một cách khôn ngoan”.6 Cấu trúc gia đình cũng đảm bảo việc bảo tồn vốn của ngân hàng.
Ngoài ba em gái – Sarah, Mary và Juliet – Pierpont có một người em trai, Junius, Jr., được gọi bằng cái tên thân mật là “Bác sĩ”, qua đời vào năm 1858 khi mới 12 tuổi. Là người con trai thừa kế duy nhất, Pierpont được Junius Morgan gửi gắm những tham vọng đế quốc của mình, và để
chuẩn bị cho điều đó, ông cho cậu một nền giáo dục lịch lãm. Để cậu có thể học trôi chảy tiếng nước ngoài và quen với việc kinh doanh toàn cầu, năm 1854, Junius gửi Pierpont tới Institut Sillig, một trường nội trú bên Hồ Geneva. Tiếp sau đó, Pierpont vào trường đại học Đức ở Gottingen năm 1856, nơi cậu được tận hưởng tình bạn chân thành ở các câu lạc bộ sinh viên. Pierpont là người sôi nổi, thích chưng diện, mặc các bộ vest chấm bi, cà vạt sáng màu và quần kẻ ca-rô. Tự ý thức về bệnh phát ban dưới da, cậu né tránh các cuộc đánh nhau tay đôi phổ biến có thể làm biến dạng khuôn mặt của mình.
Trong suốt cuộc đời, Pierpont không mấy hứng thú hay có năng khiếu với lý thuyết, tại Gottingen, cậu xuất sắc nhất ở môn Toán. Bên dưới vẻ nghênh ngang nguyên bản của một đứa trẻ con, cậu là người nhạy cảm với nghệ thuật. Cậu cũng sưu tầm chữ ký của các tổng thống, nhân vật nổi tiếng và những mảnh vỡ của kính màu tìm thấy ở sân nhà thờ. Những năm về sau, các mảnh vỡ này được gắn vào cửa sổ phòng phía Tây trong thư viện nổi tiếng của cậu.
Junius Morgan lo lắng về tính khí nóng nảy của con trai mình và than vãn với bạn bè: “Tôi chẳng biết phải làm gì với Pierpont nữa”.7 Ông nói cậu cần được “kiềm chế” và cố gắng khắc sâu ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm.8 Khi Pierpont 21 tuổi, Junius nói: “Con là người duy nhất [gia đình] có thể tìm gặp để xin những lời khuyên và chỉ dẫn nếu cha không còn... Cha muốn con khắc sâu sự cần thiết phải chuẩn bị cho những trách nhiệm như vậy – luôn nhớ đến chúng, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành chúng bất kỳ khi nào con phải gánh vác”.9 Đó là những lời huấn thị nặng nề đối với một thanh niên trẻ tuổi.
Trong cơn hỗn loạn năm 1857, khi Pierpont bắt đầu làm việc tại Duncan, Sherman, anh thể hiện sự thành thục đáng kinh ngạc nhưng cũng đáng lo ngại. Năm 1859, khi đến thăm New Orleans, anh tham gia một vụ đầu cơ hấp tấp khi chưa được phép – mạo hiểm đổ vốn của ngân hàng vào một chiếc thuyền chở đầy cà phê Brazil chưa có người mua vừa cập cảng. Dù Pierpont thu được lợi nhuận nhanh chóng khi bán lại, song bằng chứng đầu tiên về sự tự tin tột bậc này của anh khiến những người do dự ở Duncan, Sherman sững sờ. Có lẽ vì sự việc đó mà ngân hàng này từ chối mời Pierpont làm cổ đông. Năm 1861, anh thành lập ngân hàng riêng, J. P. Morgan & Co. tại số 54 Exchange Place với người em họ James J. Ở
Goodwin. Ở tuổi 24, anh trở thành đại diện của George Peabody & Co. ở New York (Cái tên J. P. Morgan & Co. này không tồn tại lâu và được hồi sinh vào năm 1895). Một bức ảnh của Pierpont thời kỳ này cho thấy anh đã không còn vẻ ngoài phù phiếm của tuổi thiếu niên, mà trở thành một thanh niên đẹp trai, vạm vỡ, với bộ ria tay cầm, môi đầy đặn và ánh nhìn mãnh liệt. Khác với phong thái điềm tĩnh của cha, anh luôn có vẻ bồn chồn.
Một nhiệm vụ quan trọng của Pierpont ở New York là báo cho cha mình các tin tức chính trị và tài chính. Các ngân hàng bán buôn cần tin tức về những khoản tài trợ của chính phủ hoặc tín dụng của công ty khách hàng và tính phí bảo hiểm dựa trên thông tin đó. Tập đoàn Rothschilds có bầy chim bồ câu đưa thư và tàu thuyền chuyển phát nhanh nổi tiếng tại Folkestone. Trong một lời than vãn nổi tiếng, Talleyrand thở dài: “Bộ ngành ở Anh luôn được Tập đoàn Rothschilds thông báo về tất cả mọi thứ sớm hơn 10- 12 giờ đồng hồ trước khi công văn của Lord Stuart tới nơi”.10
Pierpont bắt đầu viết những bức thư dài cho cha mình, phác thảo các điều kiện chính trị và kinh tế ở Mỹ rồi đăng chúng ở phố Nassau. Anh dành các buổi tối ngày thứ Ba và thứ Sáu để viết những báo cáo này. Trong 33 năm, Junius không chỉ đọc kỹ mà còn gói ghém, coi chúng như những thánh tích thiêng liêng và đặt trên kệ của mình. Không rõ là do ít đa cảm hơn Junius, hay đã quá sợ những nội dung của chúng - Pierpont đốt cháy bộ sưu tập này vào năm 1911, 21 năm sau cái chết của cha mình.
Trong 33 năm này, bất chấp khoảng cách xa xôi cách trở, Junius và Pierpont có mối quan hệ mật thiết. Hai người cố gắng thu xếp dành nhiều thời gian ở bên nhau: vào mùa thu hằng năm, Junius có chuyến đi ba tháng tới Mỹ và vào mùa xuân, Pierpont tới London cho phải phép. Nhưng vào những thời điểm khác trong năm, khoảng cách xa xôi giữa họ chỉ càng khiến Junius thêm lo lắng không thể chế ngự bản tính ương ngạnh của con trai. Ông nhồi nhét vào đầu “cậu bé tội nghiệp” những lời khuyên và hàng loạt châm ngôn bất tận. Không một khía cạnh nào trong cuộc sống của Pierpont được bỏ qua. “Con đang ăn quá nhanh”, ông nói với anh, “cứ ăn như vậy, con sẽ không thể có sức khỏe đâu”.11
Trong cuộc Nội chiến, Pierpont khiến cha càng thêm lo ngại về sự hấp tấp của mình. Năm 1861, giữa cơn sốt tìm kiếm lợi nhuận điên cuồng ở Phố Wall, Pierpont tài trợ một giao dịch mà nếu không đến mức vô đạo đức thì cũng cho thấy sự thiếu suy xét rõ ràng. Một người tên là Arthur M.
Eastman mua 5.000 súng trường Hall cũ, sau đó cất giữ chúng tại một kho vũ khí của chính phủ ở New York, với giá 3,50 đô-la một khẩu. Pierpont cho một người tên là Simon Stevens vay 20.000 đô-la, mua lại chúng với giá 11,50 đô-la một khẩu. Bằng cách “xẻ rãnh xoắn” những khẩu súng nòng nhẵn này, Stevens làm tăng tầm bắn và độ chính xác. Ông bán lại chúng cho Thiếu Tướng John C. Frémont, khi đó là chỉ huy của lực lượng Liên bang miền Bắc ở Missouri, với giá 22 đô-la một khẩu. Chỉ trong ba tháng, chính phủ đã mua lại chính những khẩu súng trường của mình, được chỉnh sửa chút ít với giá gấp sáu lần giá ban đầu. Và tất cả vụ này là do Pierpont Morgan tài trợ.
Mức độ tội lỗi của Pierpont trong vụ súng trường Hall đã gây ra những tranh cãi dai dẳng. Điểm không thể phủ nhận là anh coi cuộc Nội chiến như một cơ hội thu lợi chứ không phải để phụng sự – dù ông ngoại anh, Đức cha Pierpont, từng làm cha tuyên úy cho quân đội Liên bang miền Bắc khi họ đóng quân bên dòng sông Potomac. Giống như những thanh niên trẻ trong gia đình có điều kiện khác, Pierpont trả 300 đô-la cho một người đóng thế khi anh bị gọi nhập ngũ sau trận Gettysburg – một thực tế phổ biến, không công bằng, góp phần dẫn đến những vụ bạo loạn quân dịch vào tháng 7 năm 1863. (Tổng thống tương lai Grover Cleveland cũng thuê một người đóng thế, tuy nhiên, lý do là ông phải chăm nom mẹ già vì cha đã mất.) Trong những năm về sau, Pierpont thường hài hước kể về người đóng thế của mình như một “Pierpont Morgan khác” và trợ cấp cho người này. Trong chiến tranh, anh cũng nhảy vào đầu cơ điên cuồng ở “căn phòng vàng” khét tiếng tại góc phố William và Exchange Place. Giá vàng xoay tròn với mỗi chiến thắng hay thất bại của quân đội Liên bang miền Bắc. Pierpont và một cổ đông cố gắng làm giá trên thị trường bằng cách chuyển ra ngoài lượng vàng lớn trên một chiếc tàu hơi nước và kiếm được 160.000 đô-la trong phi vụ này.
Nếu Pierpont dường như bị hủy hoại nhân cách bởi Phố Wall hỗn loạn thời chiến, anh cũng có trái tim mềm yếu đến bất ngờ. Năm 1861, năm của phi vụ súng trường Hall, Pierpont, khi đó 24 tuổi, có mối tình hào hiệp viển vông với Amelia Sturges (Mimi), một cô gái yếu đuối với khuôn mặt trái xoan và mái tóc rẽ ngôi giữa mà anh quen được hai năm. Cha cô là người bảo trợ nhóm nghệ sĩ ở sông Hudson, còn mẹ là một nghệ sĩ piano xuất sắc. Khi Pierpont cưới Mimi trong phòng khách ở căn nhà trên phố 14
Đông của gia đình cô, cô đã bị bệnh lao giai đoạn cuối. Pierpont phải bế Mimi xuống cầu thang và để cô đứng dựa vào mình trong suốt buổi lễ. Các vị khách đến dự nhìn cảnh này từ xa, qua cánh cửa mở. Sau buổi lễ, Pierpont bế cô dâu của mình tới chiếc xe ngựa đợi sẵn.
Hai người có tuần trăng mật cảm động và kì lạ, Pierpont đưa Mimi đi quanh các cảng Địa Trung Hải ấm áp và hy vọng cô sẽ hồi phục sức khỏe. Khi cô mất ở Nice bốn tháng sau đó, Pierpont không thể nguôi ngoai và mối tình thiết tha của anh dành cho vợ không bao giờ dứt. Kỷ niệm với Mimi có thể đã dạy Pierpont biết sợ những cơn bốc đồng mạnh nhất của mình, điều cần thiết để kiềm chế sự lãng mạn sâu thẳm trong anh. Dưới vẻ ngoài nghiêm cẩn, nhà Morgan luôn là một gia tộc tình cảm, sự lãnh đạm trước công chúng của họ thường mâu thuẫn với những cảm xúc riêng tư mạnh mẽ. Hơn 20 năm sau, trong di chúc của mình, Pierpont để lại 100.000 đô-la cho một viện điều dưỡng dành cho người bị bệnh lao tên là Amelia Sturges Morgan Memorial. Ngay cả con trai của ông, Jack, cũng coi kỷ niệm về Mimi là thiêng liêng và chỉ được nhắc đến trong thinh lặng.
Quan sát những giao dịch liều lĩnh và việc chọn vợ đáng ngạc nhiên của Pierpont, Junius quyết định kiểm soát cuộc đời của con trai. Ngoài sự trung thành tuyệt đối, giữa Pierpont và Junius Morgan cũng có cả một cuộc chiến ý chí khốc liệt. Năm 1864, Junius dàn xếp một liên kết giữa Pierpont, khi đó 27 tuổi, và Charles H. Dabney, lớn hơn anh 30 tuổi, để thành lập ngân hàng mới là Dabney, Morgan & Co. Được Junius cấp vốn, ngân hàng này hoạt động như đại diện của ông ở New York. Junius giữ quyền kiểm soát cuối cùng đối với các khoản tín dụng do ngân hàng phát hành và khách hàng do ngân hàng lựa chọn. Dabney được hy vọng sẽ có ảnh hưởng thường xuyên đối với Pierpont, và trong 26 năm tiếp theo, Junius giữ người cha có khả năng tiết chế đó bên cạnh con trai mình.
Trong đời sống cá nhân, Pierpont cũng tuân theo sự sắp đặt của cha. Tháng 5 năm 1865, anh kết hôn với Frances Louisa Tracy – thường được gọi là Fanny – con gái của Charles Tracy, một luật sư thành công, người sau này thực hiện các công việc pháp lý cho Pierpont. Cô dong dỏng cao và xinh đẹp, với đôi môi hồng chúm chím. Cô yêu thích những chiếc găng tay cùng hoa tai trang nhã, luôn kín đáo và đoan trang. Nếu Mimi là cơn mất trí nhất thời, Frances là sự bình tâm lại. Thế nhưng, chính ở Mimi, Pierpont mới có những ký ức khó quên, còn cuộc hôn nhân thực dụng với
Fanny chỉ là một thất bại, gây đau khổ ghê gớm cho cả hai người. Những khát khao lãng mạn không được đền đáp của Pierpont ngày càng tăng dần theo năm tháng cho đến khi chúng tìm thấy những lối thoát khác nhau.
Cha con Junius và Pierpont Morgan hiện diện trên thị trường ngân hàng thế giới tại thời điểm quyền lực của lĩnh vực này được mở rộng đáng kinh ngạc. Nó được gọi là Thời kỳ các Ông trùm. Thời kỳ này trùng hợp với sự trỗi dậy của ngành đường sắt và công nghiệp nặng, các doanh nghiệp mới đòi hỏi lượng vốn vượt xa nguồn lực của ngay cả những cá nhân hay gia đình giàu có nhất. Tuy nhiên, bất chấp những nhu cầu to lớn về vốn, các thị trường tài chính vẫn mang tính địa phương và hạn chế về phạm vi. Chủ nhà băng là những người phân bổ nguồn tín dụng khan hiếm của nền kinh tế. Sự chuẩn y của họ trấn an các nhà đầu tư rằng những công ty chưa có tên tuổi đang ở trong tình trạng tốt; và vì không có các cơ quan chính phủ để điều tiết sự phát hành chứng khoán hay bản cáo bạch, nhà băng trở thành một phần không thể thiếu đối với hoạt động của doanh nghiệp. Các công ty dần liên kết chặt chẽ với các chủ nhà băng, ví dụ, Công ty Đường sắt New York Central sau này sẽ được gọi là “đường Morgan”.
Trong giai đoạn này của cuộc Cách mạng Công nghiệp, các công ty năng động nhưng rất thiếu ổn định. Trong bối cảnh tăng trưởng sục sôi, nhiều doanh nghiệp rơi vào tay những người bảo trợ vô đạo đức, lũ bất tài lừa đảo và đám thao túng cổ phiếu. Ngay cả các doanh nhân có tầm nhìn xa thường thiếu kỹ năng quản lý cần thiết để biến khát vọng của họ thành ngành công nghiệp ở tầm quốc gia, và cũng chưa tồn tại một đội ngũ nhà quản lý chuyên nghiệp. Chủ nhà băng phải bảo đảm cho các chứng khoán và cuối cùng thường phải gánh việc điều hành các công ty nếu chúng vỡ nợ. Khi Thời kỳ các Ông trùm tiếp diễn, sự phân định giữa tài chính và thương mại bị lu mờ cho đến khi nhiều ngành công nghiệp nằm dưới sự kiểm soát của các chủ nhà băng.
Do có ảnh hưởng lớn như vậy đối với các công ty, các chủ nhà băng hàng đầu hình thành một phong cách đẳng cấp cao, hành xử như những nhà đại tư bản mà khách hàng phải tỏ lòng tôn kính. Họ hoạt động theo một bộ nghi lễ được gọi là Quy tắc các chủ ngân hàng quyền quý. J. P. Morgan & Co. không chỉ áp dụng quy tắc này từ London đến New York mà còn đề cao nó cho tới tận thế kỷ XX. Theo đó, các ngân hàng không cố tìm hiểu cơ hội kinh doanh hay tìm kiếm khách hàng mới mà chờ khách hàng tự tìm
đến với lời chào mời thích hợp. Họ không mở các văn phòng chi nhánh và từ chối nhận các công ty mới trừ khi bước đi này được làm rõ với chủ nhà băng trước đây của họ. Quan điểm chung là không cạnh tranh, ít nhất là không quá công khai. Điều này có nghĩa là không có quảng cáo, không cạnh tranh về giá và không giành khách hàng lẫn nhau. Sự sắp đặt này đem lại lợi thế cho các ngân hàng đã có vị thế vững chắc và giữ khách hàng ở tình trạng phụ thuộc khốn khổ. Tuy nhiên, đó là sự cạnh tranh được cách điệu hóa – thế giới của những thanh gươm trong vỏ – chứ chưa phải là một các-ten như vẻ bên ngoài. Sự trang nhã bề mặt thường khiến những người chỉ trích không thấy được mối quan hệ ngầm đầy nguy hiểm giữa các ngân hàng.
Tương tự, ở phạm vi rộng hơn, các chủ nhà băng ra điều kiện cho những nước có chủ quyền và quốc gia có “chủ nhà băng truyền thống” của họ giống như đối với các công ty. Benjamin Disraeli từng viết về “những lái buôn cho vay hùng mạnh mà mệnh lệnh của họ đôi khi quyết định số phận của đế quốc lẫn các vị vua”.12 Byron dí dỏm khẳng định “mỗi khoản vay là bệ đỡ một quốc gia hoặc lật đổ một ngai vàng”.13 Các chủ nhà băng có quyền lực như vậy vì trong thời kỳ chiến tranh, nhiều chính phủ không có cỗ máy thu thuế tinh vi để duy trì cuộc chiến. Các ngân hàng bán buôn hoạt động như kho bạc hoặc ngân hàng trung ương trước khi cơ quan quản lý kinh tế được thiết lập như một trách nhiệm của chính phủ. Các ngân hàng London không cho vay từ ngân sách riêng của họ mà tổ chức những đợt phát hành trái phiếu quy mô lớn. Thông qua việc hiệp lực chặt chẽ với chính phủ, họ có được vầng hào quang phi chính thức. Joseph Wechsberg đã nhắc đến các ngân hàng bán buôn hoạt động “trong vùng chạng vạng giữa chính trị và kinh tế”.14 Đây là lãnh địa mà sau này nhà Morgan coi là của riêng mình. Đây cũng là mảnh đất sinh lợi rất lớn, vì từ các chủ nhà băng tới những nước có chủ quyền cũng có thể xử lý giao dịch ngoại hối và chi trả cổ tức trái phiếu của họ.
Mỗi ngân hàng ở London gần như đều có một danh sách các khoản vay nợ chính phủ nổi tiếng. Từ dinh thự ở phố Saint Swithin’s Lane, gia tộc Rothschild tài trợ cho chiến dịch bán đảo (Peninsular campaign) của Quận công Wellington và Chiến tranh Crimea. Một câu ngạn ngữ quen thuộc cho rằng sự giàu có của gia tộc Rothschild bao gồm sự phá sản của nhiều quốc gia. Năm 1875, Lionel Rothschild thu xếp khoản tài trợ trị giá 4 triệu bảng
cho phép Vương quốc Anh giành quyền kiểm soát Kênh đào Suez từ Pháp. Disraeli[13] vui vẻ nói riêng với Nữ hoàng Victoria: “Thưa Nữ hoàng, thần cho rằng không bao giờ có thể có quá nhiều Rothschild”.15
Bên cạnh việc tài trợ cho Cấu địa Louisiana, Ngân hàng Barings còn tài trợ cho việc thanh toán bồi thường của Pháp sau trận Waterloo, khiến Hồng y Richelieu cũng ngỏ lời tôn kính: “Có sáu quyền lực lớn ở châu Âu: Anh, Pháp, Phổ, Áo, Nga và Baring Brothers”.16 Sau vụ mất mùa khoai tây ở Ireland năm 1845, chính phủ của Thủ tướng Peel thông qua Ngân hàng Barings để mua ngô từ Mỹ và ngũ cốc từ Ấn Độ nhằm giảm nạn đói – việc được gọi là địa ngục trần gian của Peel. Vào thời điểm Nội chiến, Barings là ngân hàng đại diện cho Nga, Na Uy, Áo, Chile, Argentina, Canada, Úc và Mỹ. Vì những nỗ lực của mình, các nhân vật quan trọng tại nhà số 8 phố Bishopsgate được trao bốn tước quý tộc vào cuối thế kỷ XIX – Ashburton, Northbrook, Revelstoke và Cromer.
Vì sao có sự ăn khớp hoàn hảo này giữa các ngân hàng bán buôn và nghệ thuật quản lý nhà nước? Là công ty hợp danh tư nhân, các ngân hàng nhỏ tránh được cặp mắt tò mò của những người gửi tiền hay các cổ đông và có thể tự cho phép bất kỳ sự thiên vị chính trị nào của họ. Họ không phải chịu sự giám sát từ bên ngoài và phong cách kín đáo tự nhiên khiến họ trở thành những kênh ngoại giao lí tưởng. Do tài trợ thương mại ở nước ngoài, họ có tầm nhìn quốc tế xa hơn so với các chủ nhà băng Phố High – những người cấp vốn cho ngành công nghiệp Vương quốc Anh và phần lớn giao dịch với các chủ cửa hàng.
Thế giới tinh Mỹ bí của gia tộc Rothschild và gia tộc Baring là thứ mà Junius Morgan ước vọng – một thế giới cho đến lúc này vẫn “cấm cửa” đối với người Mỹ. Sau cái chết của Peabody, ông cần một số hành động gây chú ý để có thể từ đó nhảy vào thứ hạng đầu của ngành tài chính thời kỳ Victoria. Những vinh quang như vậy chỉ có thể đạt được từ việc kinh doanh trà Trung Hoa hoặc phân chim từ các đảo bên bờ biển Peru, hay bán thanh ray sắt cho Phó Đề đốc Vanderbilt.
Vào những năm cuối của độ tuổi ngũ tuần, Junius đã trở nên đường bệ và giàu có. Ông cao 1m83, trán cao, lông mày nhướng lên trên cặp mắt đầy cảnh giác. Là khách hàng quen người Mỹ của các thợ may “thửa riêng” ở phố Savile Row, ông chỉ mặc những bộ com-lê của tiệm Poole. Khi Peabody không còn nữa, Junius rất cần bổ sung nguồn vốn vẫn còn ít ỏi so
với các ngân hàng Rothschilds và Barings. Tuy nhiên, ông cực kỳ kén chọn công việc kinh doanh và đã học được sự cần thiết phải thận trọng. Như ông thường lên lớp Pierpont, “trong bất kỳ trường hợp nào, không bao giờ được có hành động mà có thể bị đặt dấu hỏi khi lộ ra công chúng”.17
Cơ hội lớn của Junius để tài trợ cho một nước đến vào năm 1870, khi quân Phổ nghiền nát quân đội Pháp tại Sedan vào tháng Chín, bắt giữ hoàng đế Napoleon III và vây hãm Paris. Sau khi nền cộng hòa được tuyên bố, các quan chức Pháp rút về Tours và thành lập một chính phủ lâm thời. Otto von Bismarck, Thủ tướng Phổ, cố gắng cô lập nước Pháp về mặt ngoại giao. Khi họ đến London để xin tài trợ, ông tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, lớn tiếng dọa rằng một nước Đức thắng trận sẽ khiến nước Pháp thoái thác nợ nần.
Một cơ hội hiếm có mở ra đối với chủ nhà băng mạo hiểm. Đây là một trong số ít lần ở thế kỷ XIX mà nước Pháp vốn tự lực về tài chính cần phải huy động tiền ở nước ngoài. Ngân hàng Barings thả nổi các khoản vay của Phổ và không muốn phá vỡ những mối quan hệ tinh tế này bằng việc giao dịch với Pháp, còn Ngân hàng Rothschilds coi kế hoạch ở Pháp là vô vọng. Trước đó, Thành phố London đã bị các vụ vỡ nợ ở Mexico và Venezuela làm cho choáng váng, không ai còn tâm trạng nào để mạo hiểm các khoản vay nước ngoài. Đúng lúc này Junius lộ diện, quyết định kêu gọi cho Pháp vay khoản vay đồng tài trợ trị giá 10 triệu bảng, tương đương 50 triệu đô la. Người Pháp hy vọng bằng việc tiếp cận một chủ nhà băng Mỹ, họ cũng có thể ở vị thế tốt hơn để mua vũ khí của nước này.
Khoản vay của Pháp cho thấy đằng sau vẻ ngoài đanh thép, ở Junius ẩn giấu sự tinh tế rất cao của một tay bài liều lĩnh. Giao dịch sau đó được hoàn thành với chút dính líu từ nhà Rothschild – chim bồ câu đưa thư. Khi ủng hộ Pháp, ông phải đấu tranh với Bismarck, người biết bí mật các nước đi của ông. Sau này, sự việc thư ký riêng của Bộ trưởng Tài chính Pháp là một điệp viên Đức và báo cáo cho Bismarck về các giao dịch của họ hằng ngày bị vỡ lở. Do Junius không biết tiếng Pháp và không tin tưởng bất kỳ điều gì, ông mang theo Walter Hayes Burns, con rể và sau này cũng là cổ đông của ông, đến Pháp làm phiên dịch. Junius nhất quyết rằng mọi tài liệu tiếng Pháp phải đi kèm một bản dịch có công chứng.
Một phát kiến mới trong nền tảng tài chính của châu Âu, phóng đại quyền lực của ngân hàng – liên minh xanh-đi-ca (đồng tài trợ), một nhóm
tinh hoa những ngân hàng thực hành cái gọi làhaute banque (ngân hàng thượng lưu). Thay vì một mình phát hành trái phiếu trôi nổi, các ngân hàng chung vốn để chia sẻ rủi ro bảo lãnh phát hành. Phản ánh bản chất những rủi ro đặc biệt trong khoản vay của Pháp, xanh-đi-ca do Morgan đứng đầu chào các trái phiếu tại mức 85 điểm. Đây là mức 15 điểm dưới mệnh giá – giá trị mà tại đó các trái phiếu có thể được thanh toán sau này. Mức chiết khấu cao như vậy nhằm thuyết phục công chúng bất an mua trái phiếu. Người Pháp cảm thấy bị hăm dọa bởi những điều khoản “làm mất thanh danh” mà theo họ nghĩ chỉ xứng đáng với Peru hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Junius đã không phóng đại các rủi ro. Sau khi Paris thất thủ vào tháng 1 năm 1871, tiếp theo là Công xã Paris, các trái phiếu giảm từ mức 80 xuống 55 điểm, Junius tuyệt vọng mua lại chúng để đẩy giá lên, khiến ông gần như mất trắng. Tất cả điều này hoàn toàn khác thường đối với người đã luôn thúc giục Pierpont thận trọng: ông đã đánh cược tương lai của ngân hàng mình vào một canh bạc.
Bất kể rủi ro là gì, đây hẳn phải là một kinh nghiệm về sự hấp tấp cho một người Mỹ muốn được ngang tàng như Rothschild và đánh bạc với một khoản tiền khổng lồ. Khoản vay này còn mang đầy kịch tính như nghệ thuật sân khấu. Một đoạn sử ngắn của Morgan Guaranty vẫn chộn rộn với sự phấn khích của màn này: “Một vài liên lạc giữa Paris và London được thực hiện bằng việc sử dụng một đội chim bồ câu đưa thư. Chỉ một vài con mang theo các bao nhỏ chứa thư được viết trên giấy lụa hoàn thành được hành trình. Một kiện văn bản rất cồng kềnh được gửi từ Paris tới London bằng khinh khí cầu!”18 Một số chim bồ câu có vẻ bị những người dân Paris đói ngấu bắn rơi và ăn thịt. Điều này khiến các chính trị gia Pháp mù tịt trong những thời khắc thương lượng quan trọng.
Khi chiến tranh kết thúc, người Pháp thua cuộc đã không bội ước các khoản vay như Bismarck dự đoán. Thay vào đó, họ trả trước các trái phiếu vào năm 1873, nâng chúng lên bằng mệnh giá, hay mức 100 điểm. Tương tự như Peabody và các trái phiếu Maryland của ông ta, Junius bỏ túi gia tài bất ngờ từ trên trời rơi xuống này. Khoản vay mang về cho ông món lợi nhuận ròng khổng lồ 1,5 triệu bảng. Số tiền này làm tăng vốn của ngân hàng ở mức vô cùng lớn và đẩy Junius lên thứ hạng trên trong lĩnh vực tài trợ cho chính phủ. Cái tên J.S. Morgan & Co. thường xuyên xuất hiện trong mục “quảng cáo bia mộ” (cách gọi do khuôn hình chữ nhật và vị trí
của tin quảng cáo ở các trang cáo phó) công bố ngân hàng đứng đầu các xanh-đi-ca.
George Smalley cho rằng, với khoản vay của Pháp năm 1870, bạn ông, Junius, từ một doanh nhân thành công trở thành một người quyền lực ở thành phố London. Ấn tượng của ông về Junius tại thời điểm này nói lên điều đó. Một mặt, Junius khiêm tốn và tỏ ra lãnh đạm với thắng lợi của mình. Ông nói ông đã nghiên cứu lịch sử của 12 chính phủ Pháp kể từ năm 1789 đến thời điểm đó, và “không một chính phủ nào từng bác bỏ hay đặt nghi vấn về tính hợp lệ của bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào do các chính phủ tiền nhiệm kí kết. Tính thống nhất tài chính liên tục của Pháp không bị gián đoạn”. Nhưng Smalley không bị sự thờ ơ đó đánh lừa. Ông lưu ý: “Tia lửa trong mắt chứng tỏ ông ấy không hề vô cảm với thắng lợi mà mình giành được. Sao ông ấy phải thế? Từ đó đến nay, vụ việc này vẫn được coi là một sự kiện trong lịch sử tài chính nước Anh”.19
Khi dần trở thành chủ nhà băng Mỹ giàu có nhất ở London, Junius sa vào cái bẫy của sự xa hoa. Ông sống trong một căn biệt thự ở quận Knightsbridge, tại số nhà 13 phố Princes Gate, một tòa nhà năm tầng với thiết kế tân cổ điển ở phía Nam Công viên Hyde. Gia đình Morgan rất sang trọng. Được quản gia phục vụ, các thành viên gia đình mặc quần áo lịch lãm khi ăn tối, kết thúc bằng rượu vang đỏ và xì gà Havana. Đây cũng là một nơi mộ đạo, khi Junius yêu cầu người hầu đứng thành hàng cầu nguyện mỗi sáng. Theo truyền thống ngân hàng bán buôn, Junius theo đuổi đam mê sưu tầm nghệ thuật và thường xuyên ghé thăm các phòng trưng bày cùng Pierpont khi con trai ông đến London. Bạn bè Junius kể rằng nhà của ông như một bảo tàng, trên tường treo các bức tranh thêu Tây Ban Nha thế kỷ XVI, tầng hầm chứa đầy đồ bạc và một bộ sưu tập tuyệt vời các bức tranh của Reynolds, Romney và Gainsborough.
Cách đó 7 dặm, ở vùng ngoại ô Roehampton của London, Junius mua Dover House, một bất động sản rộng 92 mẫu với những bãi cỏ trải dài tới bờ sông Thames. Đó như một vương quốc thu nhỏ, nơi sữa và kem tươi ngập tràn, các ngôi nhà kính rợp cây xanh và hoa, người làm vườn chăm sóc các luống dâu tây còn trẻ nhỏ nô đùa trên xích đu. Dover House mộc mạc, chất phác theo cách truyền thống, với những hàng cây thưa và những bãi cỏ được xén tỉa gọn ghẽ. Trong một tấm ảnh chụp năm 1876, Junius đội mũ quả dưa, mặc bộ com-lê hoàn chỉnh, đang cầm vợt tennis như cầm cây
gậy; không mấy phù hợp với khung cảnh xung quanh. Thỉnh thoảng, ông đi bắn gà lôi ở đầm lầy để thể hiện sự quý phái.
Junius – cao, hòa đồng, tự tin – và vợ ông, Juliet Pierpont Morgan, là một cặp kỳ cục. Bà thấp và giản dị, luôn ốm yếu, suy nhược. Vì nhớ nhà, bà thường xuyên đi tàu về New York để sống cùng Pierpont. Trong khi Junius là một trong những người giàu có nhiều quyền lực ở London và may mắn có sức khỏe tốt, Juliet ngày càng trở nên ốm yếu và sống thu mình lại. Trong những năm về sau, bà trở nên đau ốm, thường giam mình trong một căn phòng trên lầu. Bà dường như bị chứng lão suy sớm nào đó. Khuôn mẫu người vợ ốm yếu và người chồng ương ngạnh, độc đoán sau này lặp lại trong cuộc đời con trai họ – Pierpont. Nó cũng thiết lập một khuôn mẫu của sự cô đơn và nỗi buồn đau riêng ám ảnh gia tộc Morgan vốn thành công ngoạn mục.
Chương 3
Chàng hoàng tử
Là đại diện ở Phố Wall của Junius Morgan trong 30 năm, Pierpont phát triển với nguồn sức mạnh lớn từ vốn hỗ trợ của Vương quốc Anh. Ở Phố Wall có một câu nói đùa rằng trên du thuyền Corsair của anh treo ba lá cờ: cờ Mỹ dưới cùng, bên trên là cờ đầu lâu xương chéo còn trên cùng là quốc kì Anh. (Trong suốt cuộc đời, Pierpont vẫn kín đáo khơi gợi dòng dõi xuất thân từ cướp biển Henry Morgan.) Anh chàng Morgan trẻ tuổi giống như một công nhân lực lưỡng khoác trên mình vẻ tinh tế của người Anh. Vai rộng và ngực vạm vỡ, anh có mái tóc đen và đôi bàn tay của một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp. Cao hơn 1m83, anh thích ăn diện bảnh bao, ở thời điểm đó là những bộ com-lê kẻ ca-rô. Trong khi Junius có cái nhìn xoáy sâu khó hiểu, cặp mắt màu hạt dẻ của Pierpont u buồn và ảm đạm. Trong khi cha của anh có sự điềm tĩnh chắc chắn, Pierpont lại hay thay đổi. Trong những bức ảnh hồi nhỏ, trông anh cáu kỉnh, như chỉ chực đánh nhau.
Có nhiều thứ để tranh cãi trong mớ lộn xộn của sự bùng nổ ngành đường sắt thời hậu chiến. Mọi người đều ý thức được cơ hội kinh doanh rộng lớn phía trước. “Một ngày nào đó, chúng ta sẽ chứng tỏ mình là nước giàu nhất thế giới về tài nguyên thiên nhiên”, Pierpont dự đoán trong cuộc Nội chiến. Các tuyến đường sắt giúp giải phóng những nguồn tài nguyên trong vùng hoang vu của Mỹ. Có lẽ không ngành kinh doanh nào từng nở rộ ngoạn mục đến như vậy: trong vòng tám năm sau khi chiến tranh kết thúc, hệ thống đường ray tăng gấp đôi lên 70.000 dặm, một sự bùng nổ bắt nguồn từ những mảnh đất do liên bang cấp với diện tích tổng cộng hàng chục triệu mẫu Anh. Không chỉ đơn thuần là công việc kinh doanh, đường sắt còn là giàn giáo mà từ đó các thế giới mới được xây nên. Như Anthony Trollope ghi chép trong chuyến đi tới Mỹ, đường sắt “trên thực tế là các công ty kết hợp với nhau để mua đất” mà họ hy vọng sẽ tăng giá khi mở
đường. Các thị trấn mọc lên dọc đường ray, trở thành nơi sinh sống và lập nghiệp của những người nhập cư từ châu Âu1.
Khi đầu cơ vào cổ phiếu đường sắt trở nên điên loạn, các nhà đầu tư châu Âu loạng choạng trong bóng tối. Giữa Kansas và Dãy núi Rocky, bản đồ học sinh chỉ thể hiện một khoảng trống gọi là sa mạc lớn nước Mỹ2. Nhà đầu tư châu Âu phải dựa vào các đại diện ở Mỹ để hướng dẫn họ qua vùng hoang dã tài chính này, và các chủ nhà băng Mỹ phải liên tục cung cấp thông tin đầy đủ về sự tiến triển. Tháng 5 năm 1869, không lâu sau khi tuyến đường sắt xuyên lục địa đầu tiên hoàn thành, Pierpont và Fanny Morgan thực hiện chuyến đi bằng đường sắt xuyên quốc gia, có dừng lại ở Utah để gặp gỡ Brigham Young, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cộng đồng người theo đạo Mormon. Trên Phố Wall, một cuộc cạnh tranh cũng đã diễn ra giữa những chủ nhà băng Do Thái như Joseph Seligman, người ra sức thuyết phục các nhà đầu tư Đức đầu tư vào cổ phiếu đường sắt, và các chủ nhà băng Mỹ, như Pierpont Morgan, người thu hút dòng tiền từ London.
Ngay từ đầu, hệ thống đường sắt đã ở trong tình trạng hỗn loạn khi chúng bao phủ khắp nước Mỹ bằng sự mở rộng chắp vá, các tuyến đường được xây dựng nhiều hơn lưu lượng giao thông. Với chi phí cố định cao ngất ngưởng, chúng đáng lẽ nên là tiện ích công cộng. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong thời kỳ chủ nghĩa cá nhân tự do cướp bóc. Kết quả là những kẻ hám lợi và bất hảo đủ loại vội vã xây dựng toàn bộ đường ray dài gấp hai lần mức thực sự cần thiết. Thứ có vẻ là món đầu tư đáng tin cậy ở một thời điểm cuối cùng đã lộ bản chất với cổ phiếu tăng ảo sau đó. Theo đánh giá của sử gia Henry Adams: “Thế hệ giữa năm 1865 và 1895 đã được thế chấp cho ngành đường sắt và không ai biết nó rõ hơn chính thế hệ này”.3
Tình trạng hỗn loạn này dễ dàng khích động một chủ nhà băng trẻ đầy đạo đức như Pierpont Morgan. Trong những năm đầu sự nghiệp, anh đã tiếp xúc với nhiều kẻ bất lương không thể cải tạo ở Phố Wall, bao gồm Daniel Drew, kẻ bịp bợm quê mùa đã bán khống cổ phiếu Erie khi có chân trong chính hội đồng quản trị của công ty đường sắt này (hắn được gọi là giám đốc đầu cơ); và Jay Gould, nhà tài phiệt nhỏ thó với bộ râu rậm cùng nước da ngăm đen, kẻ bị nghi đã hối lộ các nhà lập pháp khi giành quyền kiểm soát Erie cũng như các công ty đường sắt khác. Chính trong thời kỳ khét tiếng này của phe phái chính trị dưới quyền ông trùm Tweed, năm
1869, Jay Gould đã cố gắng lũng đoạn thị trường vàng và có các hành vi ăn cắp khác trên quy mô chưa từng có trước đây. Trong khi Junius sống ở thế giới xa hoa của Thành phố London, Pierpont phải đối phó với sự dơ dáy ở Phố Wall và thấy nó khi thì quyến rũ, khi thì đáng ghê tởm. Đối mặt với tham nhũng, anh coi mình như một người được ủy nhiệm của các nhà đầu tư danh giá ở châu Âu và Mỹ, một công cụ của mục tiêu siêu việt đại diện cho những người có tiếng tăm ở Phố Wall và Thành phố London. Nhưng những gì anh coi là một cuộc thập tự chinh đạo đức, với người khác có lẽ chỉ đơn thuần là cạnh tranh lợi ích. Ít nhất trong những năm đầu, không phải lúc nào anh cũng được phân biệt rõ ràng với các ông trùm cướp bóc mà anh được cho là đang trong cuộc chạy đua.
Năm 1869, khi 32 tuổi, Pierpont bị kéo vào cuộc tranh chấp về một đường sắt nhỏ vùng nông thôn phía bắc New York, vụ việc sau này khiến anh mang danh chủ nhà băng trẻ tuổi quyết đoán, không ngại nhúng chàm. Cuộc chiến đó đã kịch tính hóa quá trình biến đổi chủ nhà băng Mỹ này từ một người thụ động phát hành cổ phiếu cho các công ty thành một thế lực chủ động, mạnh mẽ trong điều hành công việc. Dài 143 dặm nối liền Albany và Susquehanna, tuyến đường sắt được nói đến ở đây là công trình nhỏ và không quan trọng. Nó chỉ có 17 đầu máy và 214 toa, chạy qua dãy núi Catskill dân cư thưa thớt giữa Albany và Binghamton, New York. Tuy nhiên, nó đã trở thành chiến trường tranh giành quyền lực khi Jay Gould tin chắc nó có thể thúc đẩy cơ đồ của Công ty Đường sắt Erie, công ty được gọi là “Nàng Scarlet của Phố Wall”. Thông qua con đường này, Gould hy vọng sẽ bán than của Pennsylvania đến New England, đồng thời cạnh tranh với Công ty Đường sắt New York Central cho việc vận chuyển hàng hóa từ Ngũ Đại Hồ4.
Nhằm mục đích này, Gould mua một lô cổ phiếu của A&S, liên minh với nhóm giám đốc vốn bất đồng chính kiến và yêu cầu thẩm phán yêu thích của mình, George C. Barnard, đình chỉ chức danh trong hội đồng quản trị của người sáng lập công ty, Joseph H. Ramsey. Ramsey đáp trả bằng cách khiến một số người theo phe Gould cũng bị đình chỉ chức danh. Trong buổi sơ khai này, chiến tranh nội bộ công ty không mang vẻ tế nhị như ngày nay, các lực lượng của Ramsey và Gould đôi khi trực tiếp chiến đấu cho đến khi ngã ngũ chứ không phải nộp đơn kiện và chờ phán quyết của tòa án. Trong Trận chiến Susquehanna, Jim Fisk, một cựu tạp vụ rạp
xiếc khi đó là cấp phó thường trực của Gould và hội Bowery của ông ta – nhóm côn đồ nện gót giày trên đường phố New York và hoạt động như những con rối của Gould – lên một chuyến tàu gần 800 người xuất phát từ Binghamton đi về hướng đông. Lực lượng của Ramsey gồm khoảng 450 kẻ đâm thuê chém mướn lên một chuyến khác xuất phát từ Albany đi về phía tây. Trong màn cuối hấp dẫn như trong phim, hai tàu hỏa đâm nhau trực diện tại Long Tunnel gần Binghamton. Các đèn pha bị vỡ vụn, một đầu máy bị trật đường ray và 8-10 người bị bắn trước khi nhóm của Gould bỏ chạy. Thống đốc Toots Hoffman đã phải triệu tập lực lượng dân quân bang để ngăn chặn cuộc chiến đẫm máu này.
Ngày 7 tháng 9 năm 1869, trong thời điểm tạm hạ vũ khí, các nhóm của Gould và Ramsey về tụ tập tại cuộc họp hội đồng quản trị hằng năm của A&S. Ramsey – “quý ông có khuôn mặt tái xám và tóc hơi ngả hoa râm, nặng khoảng 52 kg, với đôi mắt rất sáng” – đã có thêm trợ thủ là Pierpont lực lưỡng, người vừa trở về từ chuyến đi miền Tây. Pierpont mua 600 cổ phần của tuyến đường này cho Dabney, Morgan.5 Herbert L. Satterlee, con rể của Pierpont, sau này nói rằng tại cuộc họp đó, Pierpont đã quẳng Jim Fisk mập mạp xuống cầu thang. Câu chuyện này chưa chắc đã chính xác, nhưng cuộc họp thực sự căng thẳng đến mức Ramsey, người đã giấu các cuốn sổ cổ đông trong một nghĩa trang ở Albany, phải yêu cầu tuồn những cuốn sổ này vào trong phòng từ một cửa sổ phía sau để giữ cho chúng không rơi vào tay nhóm của Gould. Cuối cùng, cuộc họp trở nên bế tắc vì các lệnh của tòa mâu thuẫn nhau và mỗi bên tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát tuyến đường dựa trên kết quả của hai cuộc bỏ phiếu riêng biệt.
Dưới sự trợ giúp của Pierpont, nhóm của Ramsey tìm được một thẩm phán thân thiện ở thị trấn ngoại ô Delhi, New York, người sốt sắng giúp hất cẳng các ứng cử viên ở công ty Erie. Sau đó, Pierpont khuyên nhóm của Ramsey – đã nắm quyền kiểm soát trở lại – sáp nhập đường sắt của họ với tuyến Delaware-Hudson và họ hoàn thành công việc này vào tháng 2 năm 1870. Bằng việc giải quyết cuộc tranh chấp này, Pierpont thực hiện một động thái đánh dấu những thủ thuật tài chính tiếp theo của mình: anh nhận lương không chỉ đơn thuần bằng tiền bạc, mà cả quyền lực, trở thành một giám đốc của công ty đường sắt mới được sáp nhập. Chiếc ghế hội đồng quản trị đầu tiên này là dấu hiệu bắt đầu một kỷ nguyên mà ở đó, các chủ nhà băng có chân trong hội đồng quản trị của các tập đoàn và dần dần
trở thành người cai quản. Tư cách thành viên hội đồng quản trị cũng trở thành một lá cờ cảnh báo đối với các chủ nhà băng khác tránh xa khỏi một công ty đã bị kiểm soát.
Trong những năm 1870, Pierpont bắt đầu tạo lập phong cách riêng: không chỉ đơn giản là người cấp vốn cho các công ty, anh còn muốn trở thành luật sư, linh mục và bạn tâm giao của họ. Sự kết hợp chặt chẽ này giữa một số công ty và ngân hàng nhất định – “quản lý ngân hàng (được) cá biệt hóa” – sẽ trở thành một đặc điểm chủ yếu của ngân hàng tư nhân trong thế kỷ tiếp theo. Hình thức này xuất hiện không phải vì các chủ nhà băng đã mạnh, mà vì các công ty còn yếu.
Cuộc sống của Pierpont khi đó đã phát đạt và ổn định. Anh thu được mức lương khổng lồ 75.000 đô-la một năm. Hai vợ chồng sống trong một dinh thự bằng sa thạch đỏ tại số 6 phố 40 Đông, đối diện Hồ chứa Croton – hồ cung cấp nước sạch cho thành phố qua Đại lộ số 5. Dinh thự giống hệt ngôi mộ Ai Cập rộng lớn trên khoảnh đất là Thư viện công cộng New York ngày nay. Ngôi nhà Morgan thoải mái và bừa bộn, trang hoàng bằng các tấm thảm, đồ nội thất bằng gỗ gụ nặng nề cùng nhiều bức tranh lồng trong khung mạ vàng treo sát nhau. Năm 1872, Pierpont mua Cragston, một ngôi nhà miền quê bên bờ sông Hudson gần West Point. Ngôi nhà ba tầng màu trắng thiết kế kiểu thời kỳ Victoria với hành lang dài hun hút, đất đai vườn tược rộng hàng trăm mẫu và phong cảnh ngoạn mục giống như sự đối ứng của Pierpont với ngôi nhà Dover House của cha mình, Junius. Ở đó có các chuồng ngựa, một nông trại sữa, các sân tennis và chuồng nhân giống chó collie. (Khi những chú chó collie trở nên ầm ĩ, anh chuyển sang chăn nuôi gia súc thuần chủng.) Từ tháng 4 đến tháng 10, Pierpont thường xuyên đi về Phố Wall, vượt sông trên con tàu nhỏ chạy bằng hơi nước của mình, Louisa, chứa được khoảng tám người. Sau đó, anh đi xe lửa vào Manhattan. Thời điểm đó, hai vợ chồng có ba người con, Louisa, sinh năm 1866, John Pierpont, Jr., hay Jack, sinh năm 1867 và Juliet, sinh năm 1870. Sau này họ sinh thêm cô con gái thứ tư, Anne.
Đằng sau hào quang của sự sung túc và sớm phát đạt, Pierpont gặp khá nhiều phiền toái. Anh tiếp tục bị những cơn nhức đầu, ngất xỉu và nhiệt phát ban dưới da dày vò, làm cho khốn khổ. Năm 1871, cổ đông của anh, Charles Dabney, nghỉ việc và quan hệ đối tác của họ chấm dứt. Đây không
phải lần cuối cùng Pierpont dự tính nghỉ hưu. Song dường như thể không ngăn chặn nổi tham vọng của chính mình, anh nhận thêm những trách nhiệm lớn lao để rồi sau đó cảm thấy bị chúng đè nặng trên vai. Có lẽ anh chưa khi nào cảm thấy vui sướng đối với thành quả của mình và trong phần còn lại của cuộc đời, anh khao khát một sự bình an thư thái không sao đạt được.
Do Dabney nghỉ việc, Junius cần tìm một cổ đông mới cho Pierpont. Ông cũng muốn mở rộng J. P. Morgan & Co. vượt xa hơn trục New York London và tăng cường mảng kinh doanh chứng khoán quốc tế của nó. Mặc dù chúng ta vẫn nghĩ tài chính toàn cầu là một phát kiến hiện đại, các ngân hàng bán buôn thời kỳ Victoria đã có cơ cấu đa quốc gia và định hướng quốc tế từ thời đó. Thay vì lập văn phòng chi nhánh, họ thiết lập các công ty hợp danh phối hợp chặt chẽ với nhau ở thủ đô nước ngoài – chính xác là những gì Junius quyết định tiến hành. Tháng 1 năm 1871, Anthony J. Drexel tiếp cận Junius lúc ấy đang ở London để bàn việc liên kết giữa ngân hàng Philadelphia của ông ta với ngân hàng nhà Morgan. Trong số các ngân hàng ở Philadelphia, ngân hàng của Drexel chỉ đứng thứ hai sau ngân hàng của Jay Cooke về tài chính chính phủ. Junius cũng đã là đại diện ở London của Drexel. Tương tự như khi George Peabody tiếp cận ông, một gia tài đang được đặt trước mặt Junius. Ông không chỉ là chủ nhà băng Mỹ tài năng nhất, mà còn là người may mắn nhất ở thời đại đó.
Là con trai của Francis M. Drexel, một họa sĩ vẽ chân dung lưu động người Áo, ở tuổi 45, Tony Drexel có dáng người nhỏ nhắn và tao nhã với vầng trán nhẵn, đầu tròn, cặp mắt ôn hòa và bộ râu quai nón. Thời điểm đó, Phố Wall đang hình thành như một trung tâm cung cấp cũng như nhập khẩu vốn khi quyền lực tài chính chuyển từ Philadelphia và Boston về New York. Cảm nhận được sự dịch chuyển địa chấn này, Drexel mong muốn củng cố các hoạt động ở New York của ông. Tương tự như khi dùng Charles Dabney, Junius hy vọng bao bọc Pierpont trẻ tuổi bằng sự kèm cặp của một người lớn tuổi hơn. Lúc này, ông đề nghị Drexel nhận Pierpont là cổ đông chính của ông ta ở New York.
Dù tài năng của Pierpont phi thường ra sao, anh vẫn chỉ là cục đất sét được nhào nặn từ bàn tay của cha mình. Junius thúc giục anh đáp ứng bất kỳ lời mời nào từ Drexel. Do đó, vào tháng 5, anh ngoan ngoãn đi đến Philadelphia, ăn tối với Drexel và trò chuyện với ông ta sau bữa tối. Theo
một thỏa thuận hợp tác được viết vội trên một phong bì mà Pierpont cầm về New York, anh sẽ trở thành một đối tác của Drexel & Co. ở Philadelphia và Drexel, Harjes ở Paris. Anh cũng sẽ quản lý một ngân hàng ở New York tên là Drexel, Morgan & Co.. Thứ tự các tên phản ánh tầm quan trọng của các cổ đông. Tony Drexel và hai người em của mình, Francis và Joseph, nắm khoảng 7 triệu đô-la, trong khi Pierpont có giá trị nhỏ bé đáng thương là 350.000 đô-la. Để cân bằng, sau này Junius bơm thêm 5 triệu đô-la. Pierpont luôn ghi nhận công ơn của cha mình – anh không bao giờ tỏ vẻ tay trắng làm nên. Sau này anh từng nói với thống đốc Grover Cleveland của bang New York: “Nếu có thể thành công trên sân ga cuộc đời, tôi cho đó là do sự ủng hộ từ bạn bè của cha tôi hơn bất kỳ lý do nào khác”.6 Ngân hàng mới Drexel, Morgan là tiền thân của J. P. Morgan & Co..
Trước khi kí hợp đồng, Pierpont đặt ra một điều kiện kì lạ là lùi thời gian bắt đầu làm việc ở công ty mới. Không hề nóng vội, anh cảm thấy muốn hồi phục sau những mệt mỏi về thể chất và cảm xúc. Có vẻ như anh gần bị suy nhược thần kinh. Theo yêu cầu của bác sĩ, anh nghỉ ngơi 15 tháng, du lịch đến Vienna, Rome và du thuyền dọc sông Nile. Khi làm việc, Pierpont chưa bao giờ có thể thư giãn và hình thành thôi thúc mạnh mẽ muốn được giải thoát. Anh thường nghỉ ba tháng mỗi năm và nói đùa rằng mình có thể thực hiện công việc của 12 tháng chỉ trong chín tháng. Herbert Satterlee, con rể của Pierpont, sau này viết: “Cha vợ tôi dường như cảm thấy khỏe hơn khi thực sự đi du lịch hơn là chỉ dừng chân đâu đó”.7 Vào cuối những năm 1870, khi Pierpont cố gắng chạy trốn khỏi công việc bằng cách đi nghỉ ở Saratoga, New York, một trận bão thư và điện tín kinh doanh đuổi theo anh. “Chỉ có một cách để có thể được nghỉ ngơi thật sự”, anh nói với Junius, “đó là lên boong của một con tàu hơi nước”.8
Năm 1873, hai năm sau khi thành lập, Drexel, Morgan chuyển trụ sở đến góc ngã ba giao giữa Phố Wall và Broad, nơi sau này trở thành địa chỉ nổi tiếng nhất trong ngành ngân hàng – ngã ba tài chính của nước Mỹ. Tony Drexel mua một thửa đất ở bên đối diện từ Sở Giao dịch chứng khoán New York với giá 349 đô-la một foot vuông, mức giá kỷ lục trong 30 năm tiếp theo. Ông xây dựng một tòa nhà bằng đá cẩm thạch nặng nề với mái hông bốn mặt có các cửa sổ trên gác mái, mặt tiền trang trí công phu và nhiều nhân vật ngụ ngôn trên những ô cửa. Tòa nhà sáu tầng đó là một
trong những tòa đầu tiên có thang máy của thành phố. Mang tính biểu tượng tráng lệ, lối vào chéo khác thường của nó đối diện với tòa nhà Subtreasury – chi nhánh quan trọng nhất của hệ thống kho bạc Mỹ – trên phố Nassau và Sở Giao dịch Chứng khoán ở Phố Wall. Tương ứng, Drexel, Morgan chuyên biệt trong cả hai mảng: đường sắt và tài chính chính phủ, chiếm một vị trí then chốt giữa Phố Wall với Washington.
Xét trên góc độ cá nhân, sự kết hợp Drexel-Morgan không suôn sẻ. Pierpont vốn đã cục cằn và khó tính, nhất quyết theo cách riêng của mình. Joseph Seligman mô tả anh như “một đồng nghiệp thô lỗ, thường xuyên cãi vã với Drexel ở văn phòng”.9 Nhưng việc sáp nhập đạt được mục đích của Junius là không để Pierpont đi quá giới hạn. Báo cáo sơ bộ của Dun & Co. cho hay, “chàng thanh niên trẻ tuổi này thông minh và có lẽ là thành viên mạo hiểm nhất của ngân hàng, nhưng đã nằm trong tầm kiểm soát của anh em nhà Drexel”.10
Việc sáp nhập với nhà Drexel mang lại cho nhà Morgan con đường mới bước ra thế giới. Năm 1868, Drexel cử John J. Harjes, người Philadelphia, sang Paris lập một công ty hợp danh. Công ty này hoạt động sôi nổi trong thời kỳ Công xã Paris, chuyển các hoạt động sang Thụy Sĩ để phục vụ khách du lịch và doanh nhân Mỹ. (Vai trò thời chiến này về sau sẽ là vai trò tiêu biểu của Nhà Morgan.) Là thành viên của nhiều gia đình Philadelphia xuất chúng nhờ các cuộc hôn nhân, anh em nhà Drexel cũng bổ sung hình ảnh giới thượng lưu trong xã hội phù hoa cho ngân hàng Morgan, và nhân tố Philadelphia sẽ luôn là một góc quyến rũ của đế chế đang dần hình thành này. Thông qua các công ty hợp danh chặt chẽ, nhà Morgan đã có chỗ đứng vững chắc ở New York, Philadelphia, London và Paris. Đó là những ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Morgan suốt một thế kỷ sau.
Không lâu sau vụ sáp nhập Drexel-Morgan, một sự kiện xảy ra đã đưa Pierpont Morgan, ở tuổi 36, bước vào thế giới tài chính Mỹ. Năm 1873, Washington quyết định hoàn lại khoản nợ trái phiếu trị giá 300 triệu đô-la từ thời Nội chiến ở mức lãi suất thấp hơn. Cho đến lúc đó, Jay Cooke – đối thủ chính ở Philadelphia của Tony Drexel – vẫn trị vì như vị hoàng đế của nền tài chính liên bang. Cooke là một người tay trắng làm nên, bắt đầu sự nghiệp từ một nhân viên ngân hàng với khả năng phát hiện tiền giả rất
nhanh. Vào thời điểm trái phiếu chính phủ là địa hạt dành riêng cho những người giàu có và các ngân hàng châu Âu, ông tiếp thị chúng tới đông đảo người dân. Trong cuộc Nội chiến, ông đi tiên phong trong việc phân phối bán lẻ, cử 2.500 đại diện “dân quân” đi rao bán trái phiếu Liên bang miền Bắc trên khắp nước Mỹ và nhận được sự cảm kích từ Lincoln. Với sự giàu có của mình, Cooke cho xây một lâu đài 52 phòng ở ngoại ô Philadelphia. Đầu những năm 1870, cụm từ “giàu như Jay Cooke” có tiếng vang thần kỳ, giống với “giàu như Rockefeller” sau này.
Với các đối thủ cạnh tranh, Cooke dường như bất khả chiến bại, ít nhất là cho đến khi ông tài trợ cho Northern Pacific Railroad vào năm 1869. Vận động quảng cáo của ông về khoản trái phiếu trị giá 100 triệu đô-la của Northern Pacific bị “thêm mắm thêm muối” bừa bãi với những điều bịa đặt, gian lận và hối lộ chính trị. Để thu hút người định cư châu Âu đến các thị trấn mà đường sắt nối tới, ông tạo ra một chuỗi những lời dối trá trâng tráo. Các quảng cáo đầy màu sắc miêu tả những vườn trái cây nở rộ dọc các đường ray Great Plains – những tuyên bố ngoài sức tưởng tượng sau đó đem lại cho đường sắt này biệt danh “Cộng hòa Chuối của Jay Cooke”. Những thị trấn xa xôi, biệt lập được tô vẽ thành các thành phố rộng lớn và thành phố Duluth, Minnesota được giới thiệu với người nhập cư châu Âu là “Thành phố Zenith bên bờ Ngũ Đại hồ”.11 Khi giá ngũ cốc giảm sau cuộc chiến tranh Pháp- Phổ, tương lai của Northern Pacific và các đường sắt khác cũng trở nên mờ mịt. Sự suy vi của Jay Cooke bắt đầu từ thời điểm đó. Tính dễ bị tổn thương của ông liên quan tới Northern Pacific sau này mở ra cho Drexel, Morgan một cơ hội để chiếm vị trí của ông trong lĩnh vực tài chính chính phủ.
Năm 1873, Cooke hợp tác với hai ngân hàng Do Thái – ngân hàng của Seligman ở Phố Wall và ngân hàng của gia tộc Rothschild ở châu Âu – để giành được khoản phát hành tái cấp vốn trị giá 300 triệu đô-la, chống lại sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Drexel, Morgan; J. S. Morgan & Co.; Morton, Bliss và Baring Brothers. Tài chính quy mô lớn dần phát triển thành cuộc đua giữa các xanh-đi-ca hùng mạnh; các khoản tiền – và rủi ro – giờ đây quá lớn để một ngân hàng đơn lẻ có thể gánh chịu một mình. Nhóm của Drexel, Morgan tranh đấu với nhóm độc quyền của Cooke và cũng phát tán các tin đồn xảo quyệt rằng Cooke cần chiến thắng trong khoản phát hành tái cấp vốn này để bù đắp cho khoản thua lỗ từ Northern Pacific của ông ta. Tony
Drexel, bạn thân của Tổng thống Grant, truyền bá những tin đồn này thông qua sở hữu một phần của ông đối với tờ Public Ledger của Philadelphia. Chịu áp lực lớn từ nhóm của Drexel, Morgan, bộ trưởng tài chính giao một nửa khoản phát hành cho mỗi xanh-đi-ca, tuy nhiên Junius – người luôn ý thức về thân thế – cảm thấy phiền lòng vì tên của Cooke đứng trước tên của họ trong hợp đồng. Sự nổi trội của các ngân hàng Mỹ trong sự kiện tài chính liên bang này phản ánh quyền lực hậu chiến mới ở Phố Wall.
Năm 1873 là một trong những năm khủng hoảng thị trường cho phép nhà Morgan chấm dứt vị thế người ngoài cuộc và giành được vị trí chỉ huy trong nền tài chính liên bang. Các thị trường tài chính ban đầu bị rối loạn vì vụ bê bối Credit Mobilier, chủ thầu xây dựng của Union Pacific Railroad, cuối cùng lộ ra một hố tử thần gian lận và tham nhũng khổng lồ. Vụ bê bối đã làm mất thanh danh của nhiều nghị sĩ nắm giữ cổ phiếu của công ty phù du này. Tới tận tháng 8 năm 1873, các nhà đầu tư London vẫn không đụng tới trái phiếu Mỹ “ngay cả khi có chữ kí của thiên thần trên Thiên đường”.12 Sau đó, bị suy yếu vì Northern Pacific, ngân hàng hùng mạnh của Jay Cooke phá sản vào Ngày thứ Năm Đen tối, ngày 18 tháng 9 năm 1873.
Vụ phá sản làm bùng lên một cơn hoảng loạn toàn diện ở Phố Wall. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Sở Giao dịch Chứng khoán New York đóng cửa trong 10 ngày. Góc phố bên ngoài sàn giao dịch trở thành bức tường than khóc đối với những người mất trắng tài sản. George Templeton Strong, người viết nhật ký Mỹ ghi lại: “Trọng tâm của sự phấn khích, dĩ nhiên, nằm ở góc giao nhau giữa phố Broad và Phố Wall. Mọi người [đang] tập trung trên các bậc thềm Bộ Tài chính nhìn xuống đám đông sôi sục choán hết phố Broad”.13 Pierpont thu hồi các khoản cho vay của mình và đánh điện cho Junius: “Sự vụ tiếp tục xấu đi chưa từng có tiền lệ”.14 5.000 công ty thương mại và 57 công ty trên Sở Giao dịch Chứng khoán bị kéo xuống trong cơn lốc xoáy của Cooke, một biến cố lớn đối với cả một thế hệ người Mỹ. Nhà báo tài chính Alexander Dana Noyes sau này nhớ lại: “Đối với cha mẹ tôi và những người khác, sự đổ vỡ tài chính tháng 9 năm 1873 là một mốc đáng nhớ, tương tự như cơn biến loạn tháng 10 năm 1929 sau đó”.15
Theo các tiêu chuẩn ngày nay, Phố Wall hồi đó trông hao hao một bức họa miền quê: Nhà thờ Trinity là công trình cao nhất và những ngọn đèn
dọc theo các con đường lát sỏi cao hơn so với nhiều ngôi nhà. Tòa nhà Drexel sáu tầng vươn cao so với xung quanh. Tuy nhiên, sau sự phá sản của Jay Cooke, con phố này bị coi như trung tâm tội lỗi, nơi chịu trách nhiệm về sự tha hóa trong cách cư xử và đạo đức của một quốc gia đang thời đầu phát triển. Đây không phải lần cuối cùng nước Mỹ quay lưng lại với Phố Wall trong cơn phẫn nộ và thất vọng. Những bức tranh hoạt họa của Thomas Nast trong tờ Harper’s Weekly miêu tả hàng đống động vật bị giết mổ ngay trước Nhà thờ Trinity, chính nhà thờ quắc mắt cau có, với dòng chữ ĐẠO ĐỨC, TÔI ĐÃ BẢO RỒI MÀ trên tháp chuông. Phố Wall đã quen với việc bị chối bỏ một khi thời kỳ phấn khích qua đi.
Cũng tương tự cách ngân hàng Morgan sẽ tiến hành vào năm 1929, Pierpont khéo léo xoay xở được khoản lợi nhuận trong năm khủng hoảng 1873. Anh thu về hơn 1 triệu đô-la và khoe với Junius: “Con không tin có ngân hàng nào khác trên cả nước [mà] có thể cho kết quả như vậy”.16 Với việc Jay Cooke bị xóa sổ khỏi bản đồ, Drexel, Morgan bất ngờ ngự trên đỉnh của mảng tài chính chính phủ Mỹ. Pierpont Morgan không bao giờ còn là một người ngoài cuộc nữa, anh nắm lấy vai trò chủ chốt ở ngân hàng chỉ một thời gian sau. Tuy nhiên, Drexel, Morgan chưa thể ngay lập tức tận dụng danh tiếng của mình, do cơn khủng hoảng năm 1873 mở ra một giai đoạn giảm phát và đình trệ kéo dài, giai đoạn khó có thể nghe theo huấn thị của Junius rằng “luôn ghi nhớ một điều… hãy luôn đặt cược cho nước Mỹ”.17
Phương cách tiếp cận sau này đối với công việc kinh doanh của J. P. Morgan & Co. đã được định hình trong những ngày ảm đạm năm 1873. Cơn khủng hoảng là một thảm họa đối với các nhà đầu tư châu Âu, những người bị mất 600 triệu đô-la vào cổ phiếu đường sắt Mỹ. Chua chát vì tất cả các vụ phá sản đường sắt, Pierpont quyết định thu gọn những giao dịch tương lai của mình vào riêng nhóm công ty ưu tú. Anh trở thành một nhà tài phiệt ghét rủi ro và chỉ muốn những thứ chắc chắn. “Tôi đã đi đến kết luận rằng cả ngân hàng của tôi và bản thân tôi, từ nay về sau, sẽ không làm bất kỳ điều gì, trực tiếp hay gián tiếp, liên quan tới việc đàm phán các chứng khoán của bất kỳ công việc kinh doanh nào chưa hoàn thành trọn vẹn và theo kinh nghiệm, là những việc kinh doanh không chứng tỏ được sự xứng đáng với một niềm tin không thể bị bác bỏ”.18 Một lần khác, anh nói: “Những loại trái phiếu mà tôi muốn làm ăn là những loại mà có thể
được khuyến nghị với không chút nghi ngờ nào và sau đó không có chút lo lắng nào, đối với thanh toán lãi suất, cũng như đáo hạn”.19 Câu này gói gọn chiến lược của Morgan trong tương lai – chỉ giao dịch với những công ty mạnh nhất và tránh các công việc kinh doanh liều lĩnh, mang tính đầu cơ.
Theo Quy tắc các chủ ngân hàng quyền quý, các chủ ngân hàng tự chịu trách nhiệm đối với trái phiếu họ bán ra và cảm thấy bắt buộc phải can thiệp khi mọi thứ không như ý muốn. Các tuyến đường sắt chính là “thứ không như ý muốn” đó. Ngay cả trước cơn khủng hoảng năm 1873, một phương pháp mới để đối phó với hành động bất lương trong ngành đường sắt đã xuất hiện, có lẽ do Jay Gould[14] nghĩ ra. Khi các nhà đầu tư tẩy chay đợt phát hành trái phiếu của Công ty Erie vào năm 1871, Jay đề xuất đưa các nhóm tư bản than, đường sắt và ngân hàng bên ngoài vào điều hành đường sắt như là “người được ủy thác có quyền biểu quyết”, những người sẽ kiểm soát đa số các cổ phiếu Erie. Để xoa dịu những người thuộc phe bảo thủ của Phố Wall và thành phố London, ông ta đề nghị Junius Morgan là một trong những người được ủy thác. Kế hoạch này chết yểu nhưng sau đó được hồi sinh. Đến giữa thập kỷ, Junius cảnh báo chủ tịch của Công ty Baltimore & Ohio Railroad rằng cuộc chiến về giá giữa các công ty đường sắt đang phá hoại niềm tin của nhà đầu tư20. Năm sau đó, khi Công ty Erie phá sản, các trái chủ giận dữ ngăn chặn tuyến đường bằng một “ủy thác có quyền biểu quyết” sẽ điều hành hoạt động (tuyến đường này). Đó là khoảnh khắc then chốt - sự trả thù của các chủ nợ đối với các con nợ, của các chủ nhà băng đối với các chủ công ty đường sắt. Sau này, trong tay của Pierpont, công cụ “ủy thác có quyền biểu quyết” đơn giản đó sẽ biến Morgan thành người quyền lực nhất nước Mỹ, đặt nhiều hệ thống đường sắt của đất nước dưới sự kiểm soát cá nhân. Thông qua những ủy thác như vậy, Pierpont sẽ biến đổi các nhà tư bản tài chính từ bầy tôi trở thành ông chủ của khách hàng.
Câu chuyện của Pierpont Morgan là câu chuyện về một doanh nhân trẻ đầy đạo đức trở thành bạo chúa, người hoàn toàn tin tưởng vào sự đúng đắn của quan điểm cá nhân. Kiên quyết và khăng khăng giữ ý kiến của mình, ông có một đức tin không lay chuyển về những cơn bốc đồng của chính mình – một đức tính mà sau này khiến ông mang bóng dáng của một sức mạnh tự nhiên, đứa con của Zeitgeist (tinh thần thời đại), người đưa ra các quyết định đột xuất mà thường đúng đến lạ kỳ. Ông khác với hầu hết
ông trùm Thời đại Kim tiền[15] ở chỗ sự tham tàn của họ xuất phát từ lòng tham hay ham muốn quyền lực thuần túy, trong khi sự tham lam của ông có sự kết hợp kì lạ của chủ nghĩa lí tưởng. Khi đương đầu với một nền kinh tế xúc phạm đến ý thức của ông về phép tắc kinh doanh, nguyên tắc cực kỳ bảo thủ cho ông một lòng nhiệt thành cách mạng. Tuy hơi kiêu ngạo, nhưng ông tin mình biết cách sắp xếp nền kinh tế theo trật tự nào và khiến mọi người ứng xử ra sao. Không phải ngẫu nhiên, ông hoạt động tích cực trong Hội Thanh niên Kitô giáo, tổ chức phản đối việc đánh bạc trong tầng lớp lao động. Ông cũng tài trợ cho nhiều cuộc họp phục hồi đức tin tại Madison Square Garden và ủng hộ viên cảnh sát đạo đức Anthony Comstock, người ủng hộ việc phủ bạt lên các bức tượng khỏa thân.
Pierpont có tiếng xấu là hay cắn cảu và gắt gỏng với mọi người, một xu hướng phát triển song song với danh tiếng của ông. Ngay cả trong những lá thư gửi cho cha mình vào đầu những năm 1870, ông dường như thẳng thắn đưa ra ý kiến về cách tiến hành công việc như một đối tác kinh doanh tự tin hơn là một người con phục tùng. Năm 1881, một báo cáo của R. G. Dun & Co. đề cập tới “thái độ lỗ mãng kì lạ” của Pierpont và nói nó “khiến ông và ngân hàng của ông không được nhiều người ưa chuộng”.21 Ông ngồi phía sau một tấm vách ngăn bằng kính trong phòng cổ đông màu gỗ gụ tại số nhà 23 Phố Wall, nhai một điếu xì gà lớn và làu bàu “có” hoặc “không” khi đưa ra các đề nghị về ngoại hối. Ông không thương lượng, mặc cả và ra giá ngoại hối trên cơ sở “chịu thì lấy, không thì thôi”. Ông có cách khiến mọi người đứng chờ mỏi gối và biết tất cả các mánh lới không nói thành lời về thẩm quyền. Với ý thức đúng sai rõ ràng, ông nhanh chóng thành thục công việc lãnh đạo.
Không ngạc nhiên khi Pierpont gặp khó khăn trong vấn đề ủy quyền và đánh giá thấp trí tuệ của những người xung quanh. Ông khắc khoải tìm kiếm những cộng sự mới và mọi người không bao giờ đáp ứng được các tiêu chuẩn quá cao của ông. Năm 1875, để tìm các ứng viên phù hợp, ông nghiền ngẫm các danh bạ công ty từ New York, Philadelphia đến Boston nhưng vô vọng. Ông nói với Junius: “Càng sống lâu, con càng thấy thiếu rõ ràng các bộ óc, nhất là những bộ óc bình thường, ổn định”22. Một lần nữa, Pierpont lại đùa giỡn về việc từ bỏ ngành ngân hàng và vứt bỏ áp lực đè nặng của công việc kinh doanh. Năm 1876, khi Joseph Drexel rời khỏi công ty, Pierpont muốn làm theo ông ta, nhưng kìm lại chờ các kế hoạch cụ
thể của Junius. Ông bị trói buộc vào ngân hàng của mình bằng một ý thức trách nhiệm không bao giờ buông tha ông. Trong lịch sử ngành tài chính, có lẽ chưa bao giờ có ai khác tập trung nhiều quyền lực một cách miễn cưỡng như vậy. Thay vì vui vẻ, J. Pierpont Morgan mệt mỏi vì sự thành công. Ông không thích trách nhiệm và chưa bao giờ học cách đương đầu với nó.
Pierpont là một nhà lãnh đạo tự nhiên ở Phố Wall. Dù công chúng nghĩ về nhà Morgan như thế nào, các doanh nhân vẫn tôn trọng họ vì các giao dịch trung thực của họ. August Belmont, Sr. thấy Pierpont “lỗ mãng nhưng ngay thẳng”.23 Andrew Carnegie, người huy động tiền để xây dựng nhà máy cán thép đầu tiên của mình bằng cách chào bán trái phiếu tới Junius, kể câu chuyện trong cơn khủng hoảng năm 1873, nhà Morgan bán lợi tức của ông trong một tuyến đường sắt với giá 10.000 đô- la như thế nào. Ông đã nhận 50.000 đô-la tiền đặt cọc và khi đến lấy nốt 60.000 đô-la, Pierpont đã đưa ông 70.000 đô-la. Pierpont nói họ đã đánh giá thấp tài khoản của ông và nhất quyết yêu cầu ông nhận thêm 10.000 đô-la. Carnegie không muốn lấy số tiền đó. “Anh sẽ vui lòng nhận 10.000 đồng này với lời chúc tốt đẹp nhất từ tôi chứ?” Carnegie hỏi. “Không, cảm ơn”, Pierpont đáp, “Tôi không thể làm điều đó”.24 Carnegie quyết định từ đó về sau sẽ không bao giờ làm gì gây hại đến nhà Morgan. Điều thú vị là, Carnegie tôn kính Junius như hình mẫu của một chủ nhà băng truyền thống lành mạnh nhưng giữa ông và Pierpont luôn có xích mích. Năm 1876, sau một cuộc họp với Carnegie, Pierpont thẳng thừng phê phán: “Anh sử dụng những từ ngữ rất khó nghe” và tiếp tục bác bỏ những tuyên bố của Carnegie về vai trò của ngân hàng ông trong một vụ kiện.
Danh tiếng của Drexel, Morgan tăng đều trong những năm 1870. Năm 1877, một cuộc tranh cãi nổ ra trong Quốc hội về việc chưa trả các khoản thanh toán cho đội quân của Tướng Miles, khi đó đang chiến đấu với thổ dân da đỏ Nez Perce ở miền Tây. Trong một động thái khoa trương, Drexel, Morgan tình nguyện trả tiền mặt cho các giấy biên nhận của quân đội với 1% hoa hồng – động thái khiến Pierpont được các binh sĩ rất yêu mến. Năm 1879, nhà Morgan với uy thế đang lên tham gia với August Belmont và ngân hàng Rothschilds để chào bán khoản cho vay tái cấp vốn cuối cùng trong cuộc Nội chiến. Năm đó, Mỹ quay lại việc thanh toán bằng tiền đồng – nghĩa là, các giấy bạc của chính phủ được trả bằng bạc hoặc vàng – và khoản phát hành là một thành công lớn.
Không hề vui sướng về sự ngang hàng mới này với ngân hàng Rothschilds, Pierpont cảm thấy bị xúc phạm vì hành vi được cho là cao tay của các đối tác. Là người có tinh thần hòa giải hơn, Junius quả quyết rằng có phần đóng góp của ngân hàng Rothschilds trong bất kỳ xanh-đi-ca nào, nhưng cái tôi rất lớn của Pierpont không cho phép ông hạ mình. Như ông viết cho em rể Walter Burns, khi đó đã thành cổ đông của Junius ở London: “Chắc chắn là anh không cần phải nói cho em biết rằng phải cộng tác với Rothschilds và Belmont trong vấn đề này là điều cực kỳ khó chịu đối với chúng ta và anh sẵn sàng từ bỏ bất kỳ điều gì nếu có thể đuổi được họ đi. Toàn bộ cư xử của các thành viên Rothschild đối với tất cả các bên, từ Cha trở xuống, theo quan điểm của anh, là không ai có thể chịu đựng được”.25 Trên thực tế, ngân hàng Rothschilds đã tính toán hết sức sai lầm về tầm quan trọng của nước Mỹ đối với tương lai của nền tài chính thế giới, và nó sẽ chứng tỏ là một sai lầm không thể khắc phục. Đại diện của họ, August Belmont, bày tỏ sự thất vọng về “nhu cầu nhất thiết phải đánh giá cao tầm quan trọng của công việc kinh doanh ở Mỹ”.26 Morgan giống như một ngôi sao đang lên và trong vòng một thế hệ, sẽ tỏa sáng hơn cả hai ngân hàng Rothschilds và Barings.
Cây viết chuyên ngành tài chính John Moody nói rằng cho đến năm 1879, Pierpont Morgan vẫn “chỉ đơn thuần là con trai của một người cha khó tính”.27 Junius, người suốt ngày chỉ biết đến công việc chưa bao giờ dứt ra được khỏi nỗi ám ảnh đó. Năm 1873, ở tuổi 60, ông béo tốt đẫy đà như “một thương gia Đông Ấn giàu có trong một vở kịch cũ của nước Anh”, trông hơi còng lưng khi lên ảnh, ít vận động, trĩu nặng ưu tư, ánh mắt nhìn chăm chú bên dưới đôi lông mày rậm28. Sự tao nhã phóng khoáng của tuổi trẻ đã chuyển thành nét mặt hoài nghi dày dạn phong sương. Khi Pierpont thúc giục cha cắt giảm khối lượng công việc, ông viết: “Cha chợt nảy ra ý nghĩ là con cũng cần nghỉ ngơi như cha và cha hoàn toàn không hiểu lý do vì sao con cũng không thể rời khỏi văn phòng hai ngày mỗi tuần”.29 Junius không hề dính chặt với văn phòng một cách cứng nhắc như Peabody, nhưng ông độc đoán và đôi khi chỉ có một cổ đông.
Ở tuổi đó, Junius bắt đầu được hưởng danh dự của việc nghỉ hưu bán phần. Ngày 8 tháng 11 năm 1877, ông được nhận tràng hoan hô cuối cùng trên quê hương mình trong một bữa ăn tối nhằm tôn vinh ông do cộng đồng doanh nghiệp thành phố New York tài trợ tại Delmonico’s. Buổi gặp
mặt đầy xúc động này quy tụ hơn 100 người, phần lớn quyền cao chức trọng như John Jacob Astor và Theodore Roosevelt. Phá vỡ quy tắc tự áp đặt về việc không xuất hiện công khai trước công chúng, Samuel J. Tilden, cựu thống đốc New York và là ứng cử viên mới bị đánh bại trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống, chủ trì buổi tiệc. Tôn vinh Junius là chủ nhà băng xuất chúng của nước Mỹ ở London, Tilden ca ngợi Junius vì đã “giữ gìn danh tiếng của nước Mỹ để nó không bị ô danh trong thánh địa của Cựu Thế giới”.30
Cũng như trong thời kỳ của Peabody, các doanh nhân Mỹ tin rằng họ cần phải chứng tỏ được giá trị của mình ở London. Đáp lại, Junius nói cuộc viễn chinh của đời ông là để bảo vệ nước Mỹ khỏi những điều tiếng xấu. Trong những ngày đó, không một ai nói về những bổn phận của Vương quốc Anh hay về cường quốc Mỹ non trẻ, mà chỉ nói về việc người dân Mỹ nên làm hài lòng các chủ nợ Anh quốc như thế nào. Dưới thời Pierpont, vị thế tài chính của hai quốc gia này sẽ đảo ngược đầy ấn tượng.
Mối quan hệ của Pierpont với cha mình là điều quan trọng nhất trong cuộc đời ông. Junius thuộc tuýp người cha nghiêm khắc, định hình tính cách cho con bằng việc hạn chế lời khen và đặt ra các tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều cố gắng, duy trì áp lực tinh thần và luôn bắt Pierpont chứng tỏ bản thân. Cứng rắn và đòi hỏi khắt khe, ông tạo nên một con người ngày càng ham muốn lao vào công việc khổ nhọc chỉ mang lại ốm đau, mệt mỏi hay trầm cảm. Junius làm tăng thêm những thôi thúc vốn không ngừng nghỉ trong bản tính của Pierpont – nhu cầu thành công không sao cưỡng lại được, ý thức trách nhiệm quá mức, sự căm ghét đối với những thứ bừa bãi, lộn xộn. Tuy nhiên, gia tộc Morgan gia trưởng không cho phép sự nổi loạn, chỉ có sự tôn kính đối với cha. Bất kể nỗi sợ hãi và oán giận nào sau đó cũng được Pierpont chuyển hóa thành tình yêu cường điệu; sự tôn thờ hiếu thảo như vậy cũng sẽ được thể hiện rõ ràng tương tự ở các con và cháu của ông.
Dưới bề ngoài đôi khi nghiêm khắc, Junius rõ ràng yêu chiều Pierpont; sự chuẩn bị sẵn sàng (cho Pierpont) là sự thừa nhận ngấm ngầm về tài năng của con trai mình. Năm 1876, ông quyết định mua cho Pierpont một món quà tặng sang trọng – bức chân dung nữ công tước xứ Devonshire do họa sĩ Gainsborough vẽ, có lẽ là bức tranh được yêu thích nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Ngân hàng Rothschilds đã trả giá cho bức tranh này và Junius
sẵn sàng vượt trên họ bằng cách trả 50.000 đô-la cho đại diện mỹ nghệ Agnew’s ở phố Bond. Tuy nhiên, trước khi vụ mua bán được hoàn thành, bức tranh bị đánh cắp. Ngay cả phần thưởng trị giá 1.000 bảng cũng không thể đưa nó trở về. Điều thú vị là, khi bức tranh xuất hiện trở lại vào năm 1901, Pierpont vội vã mua nó với giá 30.000 bảng (150.000 đô-la). Về mức giá cao đáng kinh ngạc, ông thừa nhận: “Nếu sự thật lộ ra, tôi có lẽ bị coi là ứng viên rất xứng đáng để tống vào nhà thương điên”.31 Đó là việc làm thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc đối với cha ông. Tại nhà số 13 phố Princes Gate, căn nhà ở London mà ông thừa hưởng từ Junius, ông treo bức tranh ở vị trí được yêu thích trên bệ lò sưởi.
Năm 1879, Pierpont bắt đầu thoát ra khỏi chiếc bóng của cha mình và chịu trách nhiệm về những giao dịch lớn. Ông được chọn để chào bán lô cổ phiếu lớn nhất từng được chào bán công khai – 250.000 cổ phiếu của New York Central. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với nhà Vanderbilt, gia tộc sở hữu tuyến đường sắt này.
Hai năm trước đó, Phó Đề đốc Cornelius Vanderbilt qua đời ở tuổi 83, để lại một gia tài trị giá khoảng 100 triệu đô-la. Dù trong những ngày cuối đời, ông không uống rượu sâm banh vì chúng quá đắt, ông có lẽ được xếp hạng là người giàu nhất nước Mỹ. Lỗ mãng và luôn miệng nhai thuốc lá, Vanderbilt là một ông già bất hảo tóc bạc phơ, má hồng hào, tới tận những ngày cuối cùng vẫn rượt đuổi mấy cô hầu gái xinh đẹp. Lẩm cẩm vì tuổi già, ông chịu ảnh hưởng của những người theo thuyết duy linh và nói chuyện công việc với Jim Fisk, gã khó trị mà Pierpont đã đánh bại trong vụ Albany & Susquehanna, sau này bị kẻ theo đuổi người tình của gã bắn chết.
Cái chết của Phó Đề đốc Vanderbilt là một thời khắc then chốt trong việc chuyển đổi công ty từ sở hữu gia đình sang sở hữu công chúng – một quá trình chuyển đổi đầy cơ hội đối với Pierpont Morgan. Để giữ cho đế chế đường sắt nguyên vẹn, Phó Đề đốc để lại cho con trai cả của ông, William Henry, 87% cổ phiếu của New York Central. Khi đó, ở cuối độ tuổi ngũ tuần, William người chắc nịch, chất phác và uể oải, bị Phó Đề đốc đánh giá là một người tối dạ, luôn nhiếc móc và đưa đi sống ở một trang trại xa xôi trên đảo Staten. Rõ ràng, William đã không được chuẩn bị để quản lý New York Central.
Phó Đề đốc đã hợp nhất 11 tuyến đường sắt nhỏ để tạo thành tuyến đường New York Central dài 4.500 dặm. Tuyến đường chia nhánh lên phía
bắc từ thành phố New York tới Albany và sau đó lượn về phía tây tới Vùng Ngũ Đại Hồ, nối liền vùng nội địa tới các cảng miền đông. Việc quyền hạn lớn như vậy sẽ được chuyển giao cho William Vanderbilt khiến nhiều người kinh hãi. Như William Gladstone[16] viết cho luật sư của Vanderbilt, Chauncey M. Depew: “Tôi biết có một người đàn ông trị giá 100 triệu đô-la ở nước anh, và tất cả giá trị này nằm trong những tài sản mà ông ta có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt lúc nào tùy thích. Chính quyền cần phải tước khối tài sản này khỏi ông ta, vì một quyền lực như vậy quá nguy hiểm nếu chỉ nằm trong tay bất kỳ người nào”.32 Không hề góp phần trấn an công chúng, William thậm chí còn đi vào lịch sử với lời đáp: “Công chúng chết tiệt, tôi đang làm việc cho các cổ đông”.33 Quy mô sự giàu có của Vanderbilt khiến nỗi sợ hãi lây lan và dẫn đến những lời kêu gọi mới về trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Cuối cùng, điều khiến William Henry phải giảm cổ phần của mình ở New York Central là sự công khai từ các phiên điều trần của Hội đồng Dân biểu bang New York vào năm 1879, do A. Barton Hepburn làm chủ tọa. Ủy ban điều tra này vạch trần các thỏa thuận bí mật do New York Central thực hiện, trong đó có việc dành giá ưu đãi cho các nhà máy lọc dầu. Là giám đốc điều hành và nhân chứng chính của công ty đường sắt này, William Henry dường như không hề hay biết hoặc lảng tránh những mưu kế bí mật này. Để tránh mang tiếng xấu, ông tiếp cận Morgan, có lẽ do Chauncey Depew gợi ý. Bang New York bắt đầu tiến hành đánh thuế trừng phạt đối với New York Central và hy vọng bằng cách bắt buộc William Henry phải bán một lượng lớn cổ phiếu, từ đó biến ông ta thành một cổ đông thiểu số, cơ quan lập pháp bang mới có thể dịu đi.
Lý do Vanderbilt chọn Pierpont 42 tuổi để thi hành chiến dịch tinh vi này có lẽ xuất phát từ cấu trúc Anh-Mỹ của J. P. Morgan & Co.. Mối quan tâm chính là làm thế nào để thanh lý tới 250.000 cổ phiếu mà không làm sụt giá. Xanh-đi-ca do Morgan dẫn đầu yêu cầu nhà Vanderbilt cố gắng kiềm chế không bán thêm cổ phiếu trong một năm hoặc cho đến khi tất cả cổ phiếu của xanh-đi-ca được đặt mua. Một kỹ thuật khác để che giấu việc này là bán cổ phiếu ở nước ngoài, và J. S. Morgan & Co. giành một lô 50.000 cổ phiếu đầu tiên. Junius có thể hành động một cách thận trọng ở Phố Wall, nhưng việc bán cổ phiếu không dễ dàng: Các nhà đầu tư Anh quốc vẫn còn tơi tả vì đường sắt Mỹ và năm đó hàng chục công ty phá sản.
Nền kinh tế thế giới vẫn đang khủng hoảng, cho vay nước ngoài sụt giảm mạnh. Và trong Thời kỳ các Ông trùm hầu như không bị kiểm soát, các bản cáo bạch chứng khoán sơ sài đến mức khôi hài. Một ví dụ điển hình là các bản cáo bạch hoàn toàn lảng tránh của New York Central: “Tín nhiệm và tình trạng của công ty quá nổi tiếng, chắc chắn không cần thiết phải có bất kỳ báo cáo công khai nào”.34 Với rất ít thông tin về một công ty, uy tín của ngân hàng tài trợ là cực kỳ quan trọng.
Có một vấn đề không được nhắc đến trong Thỏa thuận New York Central. Xanh-đi-ca phân bổ 20.000 cổ phiếu cho Jay Gould, 15.000 cổ phiếu cho Russell Sage và 10.000 cổ phiếu cho Cyrus Field. Việc bao gồm cả Gould đáng ghét là một phần của thỏa thuận ngừng bắn giữa tuyến New York Central của Vanderbilt và tuyến Wabash của Gould, từ lâu vốn đã có mối cừu thù. Ban đầu, Vanderbilt không hào hứng với kế hoạch này, nhưng Gould thành công trong việc hăm dọa để vào được xanh-đi-ca bằng cách đe dọa tước một lượng giao thông của tuyến Wabash từ tuyến New York Central. Gould cũng cảm thấy mối liên kết này với nhà Morgan có thể mang tới cho ông ta một sự tôn trọng mới và có lẽ là sự tín nhiệm tốt hơn trong tương lai.
Khi Pierpont tuyên bố bán khối lượng lớn cổ phiếu của New York Central, phần lớn ở nước ngoài một cách đầy bí ẩn, thế giới tài chính há hốc miệng kinh ngạc. Khoản hoa hồng là một số tiền khổng lồ: 3 triệu đô la. Tương tự như trong vụ hiềm khích Albany & Susquehanna, Pierpont yêu cầu một ghế trong hội đồng quản trị của công ty đường sắt này. Như Junius nói với một cổ đông, Pierpont “đại diện cho nhóm tư bản London” – nghĩa là ông sẽ bỏ phiếu theo sự ủy nhiệm của họ35. Vốn bực mình với những “kẻ cướp” đường sắt Mỹ đã lâu – thậm chí còn thành lập một ủy ban luật sư trị giá 300.000 đô-la để bảo vệ cổ phần của họ trong “Ả đào lẳng” của Gould – các nhà đầu tư châu Âu giờ đây đã thỏa mãn trong sự trả thù. Họ mệt mỏi với những bịp bợm trong ngành đường sắt – phá sản, không được trả cổ tức, quản lý yếu kém. Vì vậy, Pierpont Morgan là công cụ rõ ràng của họ, buộc các công ty đường sắt Mỹ vào hành vi có trách nhiệm. Dòng dõi giao thiệp rộng của ông gây được niềm tin trong họ. Có lần ông vỗ mặt một chủ tịch công ty đường sắt khi hét lên: “Tuyến đường của anh hả! Tuyến đường của anh thuộc về khách hàng của tôi!”36 Do các công ty đường sắt cần vốn liên tục và làm cạn kiệt nguồn lực của những doanh
nghiệp đơn lẻ, đã đến lúc chín muồi cho sự thống trị của chủ nhà băng như vậy.
Đúng như dự định, việc bán cổ phiếu của William Vanderbilt làm phân tán quyền sở hữu và bang New York nới lỏng việc công kích chống lại tuyến đường này. Nhưng điều các nhà lập pháp không dự tính được là việc Pierpont mua lại những cổ phiếu rải rác này và trên thực tế tái tạo sức mạnh tổng hợp của chúng trong chính ông ta. Nói một cách hình tượng, Pierpont bắt đầu đặt xiềng xích bằng vàng của mình lên tuyến đường. Bên cạnh việc biểu quyết tất cả sự ủy nhiệm từ London, ông nhất quyết rằng New York Central phải duy trì cổ tức 8 đô-la trong năm năm, với J. P. Morgan & Co. làm đại diện tài chính để giải ngân những cổ tức này ở New York và London. Không lâu sau, New York Central trở thành tuyến đường của Morgan và là công ty mà cổ phiếu được gia đình Morgan giới thiệu thường xuyên nhất.
Trong việc kiên quyết bênh vực các chủ nợ Anh quốc, Pierpont có bước đi mạo hiểm khi định hình bản thân như một thế lực nước ngoài. Điều này gây nên sự nhầm lẫn trong tâm trí công chúng về lòng trung thành chính trị của ông. Kể từ thời điểm này, ông thường bị chỉ trích là một phần phụ đơn thuần của các chủ nhà băng London, “một kiểu toàn quyền thực dân, một đại diện ở Mỹ của sức mạnh tài chính của Vương quốc Anh”.37 Sự nhập nhằng liên quan đến đặc tính Anh-Mỹ của ngân hàng này không chỉ thúc đẩy sự hoang tưởng đáng kể ở ngay giữa trung tâm nước Mỹ mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng bản sắc trong chính đế chế Morgan.
Giữa lúc Phố Wall ồn ào về vụ New York Central, Pierpont dường như không có chút niềm vui nào. Không hề dương dương tự đắc, ông trái lại có vẻ rã rời và chán nản. Một lần nữa, ông suy tính ngừng công việc kinh doanh. Một bức thư vào năm 1880 gửi tới người em họ Jim Goodwin cho thấy ông bắt đầu coi mình như một công cụ cho mục đích lớn hơn – người đại diện của số đông các nhà đầu tư – rõ ràng như thế nào. Ông viết:
Anh bị nhiều áp lực tới mức không thể hình dung. Chưa bao giờ anh có một mùa đông như thế này – và mặc dù sức khỏe đã khá hơn so với nhiều mùa đông trước, song đến giờ phút này, anh vẫn chưa có phút nghỉ ngơi nào. Nếu đây chỉ đơn giản là những vấn đề của riêng mình, anh sẽ có câu trả lời
ngay lập tức và từ bỏ tất cả; nhưng với nhiều lợi ích của cả những người khác đặt trên vai, anh không thể làm thế – và anh không cho rằng có bất kỳ lý do gì để làm như vậy, ngoại trừ việc anh thường nghĩ rằng, thật đáng ao ước nếu anh có thể giành nhiều thời gian hơn cho những công việc khác.38
Một số nhà bình luận đã ghi nhận “nỗi ám ảnh kẻ cứu tinh” này của Pierpont khi chứng kiến đời sống cá nhân của ông, như việc kết hôn với Mimi bị mắc bệnh lao và trong công việc kinh doanh như những chiến dịch vì “nhóm tư bản London” của ông. Trong tâm trí, ông thường hành động vì lợi ích của người khác, chứ không chỉ đơn giản để tự đề cao. Ý thức “tử vì đạo” này khiến ông cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích và cũng ngăn ông khỏi sự tự nhận thức thực sự. Trong những thời khắc cực đoan hơn, nó có thể dẫn đến sự hoang tưởng tự đại. Thật quá dễ để ngụy trang những thôi thúc ích kỷ bằng cách ám chỉ một sự nghiệp cao quý hơn như là nguyên nhân chuẩn xác. Đồng thời, ông không bị thúc đẩy bởi những động cơ hoàn toàn ích kỷ và có những mối bận tâm lớn hơn so với hầu hết chủ nhà băng cùng thời đại. Trong những năm sau, người ủng hộ Morgan sẽ ca ngợi các tiêu chuẩn đạo đức cao quý và danh tiếng về sự công bằng của ngân hàng này, trong khi đám người chỉ trích sẽ thấy những lời lẽ tự đề cao là lừa dối và đạo đức giả. Và cả hai phe có lẽ đều đúng.
Chương 4
Du thuyền Corsair
Thời điểm năm 1882, Pierpont thu được nửa triệu đô-la mỗi năm và cán cân quyền lực trong đế chế Morgan bắt đầu nghiêng từ London sang New York. Để đánh dấu vị thế tài chính mới, Pierpont và Fanny bán căn nhà trên phố 40 Đông và mua một ngôi nhà bằng sa thạch đỏ, vốn thuộc về Isaac N. Phelps (của tập đoàn khai thác đồng danh tiếng Phelps, Dodge) tại số nhà 219 Đại lộ Madison ở góc đông bắc phố 36, vẫn nằm trong khu phố Murray Hill của Manhattan. Ở khu phố ít đông đúc này của New York, từ ngôi nhà vẫn có thể thấy sông Đông ở đằng xa. Vào thời kỳ đam mê hưởng lạc, khi các doanh nhân ngợp trong lối sống xa hoa và sự tham lam phô trương trở thành mốt thịnh hành, ngôi nhà của Morgan để tự nhiên, không trang trí nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh. Hai bên lối vào là các cột Ionic[17] và một cửa sổ bay trông ra Đại lộ Madison. Các phòng đầy đồ nội thất làm bằng gỗ chắc nịch và những vật trang trí nhỏ rải rác khắp nơi. Trong thư viện trần cao ốp gỗ gụ Santo Domingan của mình, Pierpont đặt chiếc bàn khổng lồ ở giữa phòng, như thể đây là phòng các cộng sự của một ngân hàng bán buôn. Thư viện này là nơi u ám đáng sợ đến mức đội ngũ 12 người hầu gọi nó là “thư viện đen tối”.1
Một đặc điểm mới của gia đình Morgan là điện: đây là nhà ở tư nhân đầu tiên được thắp sáng bằng điện tại New York. Mối quan tâm của Pierpont đối với nguồn năng lượng mới được khai thác này xuất phát từ một thỏa thuận kinh doanh: năm 1878, Thomas Alva Edison nhận được nguồn vốn từ các đối tác của Morgan và nhiều nhà tư bản tài chính khác để thành lập Công ty Điện chiếu sáng Edison. Thật không may, tiếng ồn khủng khiếp từ chiếc máy phát điện là nguyên nhân gây khó chịu cho hàng xóm của nhà Morgan. Phía nam của khu Manhattan, Drexel, Morgan tổ chức các cuộc họp đầu tiên của công ty Edison và năm 1882 trở thành văn
phòng đầu tiên ở Phố Wall kéo điện từ trạm phát của Edison tại phố Pearl. Bản thân Edison, khoác một chiếc áo choàng Hoàng tử Albert[18], có mặt trong buổi thuyết trình giới thiệu điện đầu tiên tại số nhà 23 Phố Wall, và ông có tài khoản cá nhân tại ngân hàng Morgan.
Quyết định chọn sống ở Murray Hill nói lên nhiều điều về nhà Morgan, vốn coi khinh những nouveaux riches – kẻ giàu xổi. Khi họ chọn khu phố đó, những hộ “chất lượng cao” đã chuyển lên sống ở khu phố trên. Dọc Đại lộ 5, những người giàu sụ thích phô trương xây dựng các cung điện lòe loẹt thiếu thẩm mỹ, phong cách chắp vá với một phần lấy cắp từ các lâu đài ở châu Âu. Từ phố 51 đến phố 52, nổi lên tòa biệt thự đồ sộ và tráng lệ của William Henry Vanderbilt. Giữa phố 57 và phố 58, Cornelius Vanderbilt II, con trai của William Henry, xây dựng một cung điện khác trên địa điểm ngày nay là tòa siêu thị bày bán hàng xa xỉ Bergdorf Goodman.
Nhà báo Matthew Josephson đã phác họa bức chân dung khó quên về sự thô tục của Thời kỳ Vàng son:
Tại Delmonico’s, các bữa tối Bạc, Vàng và Kim cương của những kẻ xuất chúng trong xã hội nối tiếp liên tục. Trong một bữa tối điển hình, mỗi phụ nữ có mặt mở khăn ăn của mình và thấy một chiếc vòng tay bằng vàng gắn chữ lồng tên của chủ nhà. Tại một bữa khác, thuốc lá quấn bằng những tờ 100 đô-la được chuyền tay nhau sau khi uống cà phê và thực khách say sưa hút… Một người đưa đĩa ăn cho chú chó đeo vòng cổ bằng kim cương trị giá 15.000 đô-la. Tại một bữa tối khác trị giá 20.000 đô-la, mỗi thực khách tìm thấy một viên ngọc trai đen tuyệt đẹp trong con hàu. Một người với đam mê tiêu khiển đã thuê chuyên gia khoan những lỗ nhỏ vào răng và chèn vào đó hai hàng kim cương; khi cười răng ông ta lóe sáng và lấp lánh trong ánh nắng mặt trời...2
Giữa những người Mỹ ở Connecticut và các nhà quý tộc London, nhà Morgan thu mình trước sự xa hoa phung phí và tránh không để cuộc sống của họ bị đưa lên mặt báo. Giống như các gia đình ngân hàng thượng lưu ở châu Âu, nhà Morgan rất riêng tư. Pierpont cuồng tín về sự riêng tư của mình và tạo nên hình ảnh nhất quán về một ông trùm đội mũ chóp cao, càu nhàu và khua gậy trước các tay săn ảnh. Ông tham gia 19 câu lạc bộ kín,
hầu hết dành cho những người đàn ông Anh-Mỹ theo Kitô giáo và thích giao thiệp với các gia đình giàu có nhiều đời. Không giống hầu hết thành viên, ông ưa thích việc lập ra các câu lạc bộ để sử dụng chúng. Khi một vài người bạn bị ngăn cản gia nhập Câu lạc bộ Union, ông yêu cầu Stanford White thiết kế Câu lạc bộ Metropolitan, hay còn gọi là Câu lạc bộ của những Nhà triệu phú. Morgan là vị chủ tịch đầu tiên. Ông chưa bao giờ là người đấu tranh cho công bằng xã hội hay bình đẳng. Khi Theodore Seligman, con trai của một trong những chủ nhà băng Do Thái xuất chúng nhất ở New York, bị ngăn cản gia nhập Câu lạc bộ Union League vào năm 1893, Pierpont không hề phản đối.
Đối với Pierpont, một quý ông không giàu có mà là thành viên của một giai cấp xã hội. Triết lý này được thể hiện qua hai câu nói về du thuyền của ông. Đầu tiên là “anh có thể kinh doanh với bất kỳ ai nhưng chỉ có thể đi du thuyền với một quý ông”3 và thứ hai (có lẽ không chính xác) là bất kỳ ai hỏi về chi phí duy trì một chiếc du thuyền thì đừng nên mua nữa. Ông không có thời gian dành cho những người bất lịch sự hay kẻ giàu xổi và coi khinh đám thanh niên giàu có ăn không ngồi rỗi trong thành phố, những kẻ theo đuổi phụ nữ trong các câu lạc bộ và quán cà phê. Nhà Morgan luôn là những người tin tưởng mạnh mẽ vào các giá trị đạo đức do lao động mà có và trách nhiệm của những người giàu có. Họ xa lánh những kẻ bề trên hợm mình của giới thượng lưu, do bà Astor và Ward McAllister thể hiện qua cụm từ “Bốn trăm” – được cho là tinh hoa của xã hội New York. Trong phong cách mạnh mẽ và đơn giản, Pierpont cho rằng các buổi khiêu vũ đều là trò làm bộ, tầm thường.
Là người bảo thủ, kiêu ngạo, Pierpont thích chơi cờ hay đánh bài uýt cùng những người có tuổi chín chắn, điềm tĩnh. Ông tin vào quy tắc và luôn mặc lễ phục phù hợp với sự kiện – ví dụ như đội mũ quả dưa vào mùa đông và mũ phớt vào mùa hè. Thậm chí khi đi du lịch Ai Cập vào năm 1877, ông mặc quần chẽn gối, đeo đồng hồ quả quýt và đội mũ bấc – trang phục được chấp thuận đối với khách du lịch ở một nước đế quốc. Nhà báo Alexander Dana Noyes, biên tập viên tài chính cho tờ New York Times nhận xét: “Về diện mạo và trí tuệ, Morgan mô phỏng chủ nhà băng London truyền thống thời xưa”4. Ngồi tại bàn làm việc ở văn phòng, ông đeo cổ cứng có cánh bẻ, cà-vạt to bản và những chiếc áo sơ mi hồ cứng nặng nề – đặc trưng riêng của các chủ nhà băng nghiêm nghị. Chỉ vào những ngày oi
"""