" Gai Hướng Dương - Nozomi Katsura PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gai Hướng Dương - Nozomi Katsura PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo GAI HƯỚNG DƯƠNG Tác giả: Nozomi Katsura Người dịch: Hoàng Ngọc Lam Hương Phát hành: Đinh Tị Nhà xuất bản Văn Học 04/2018 —★— ebook©vctvegroup 30/07/2019 Chương 1 Đây bị tổn thương đấy. Đàn ông ấy mà, là giống dễ bị tổn thương lắm. Nên phải đi đòi tiền đền bù cho đây. Ông già bảo là không cần cay cú nữa nhưng đây cứ thích làm cho ra lẽ. Mù mờ thế này khó chịu đúng không? Mấy việc xung quanh cứ nhập nhằng như vậy thì ai chịu được. Ừ, đúng vậy, chẳng hiểu lý do là gì cả. Cô là luật sư mà không nghe Nat-chan[*] nói gì à? Cô đúng là người thân của Nat-chan sao? Nhìn mặt chẳng có tí giống nhau nào cả. Họ hàng xa à? Chẳng hiểu ra làm sao. Thôi được rồi. Cái đó không giải thích cũng được. Nhưng mà này, đúng là cử luật sư hàng thật giá thật đến đấy nhỉ. Đây muốn nói chuyện trực tiếp (với cô ấy) cơ. Đây có gọi điện thoại thì (cô ấy) cũng không nghe máy. Mà (cô ấy) đang ở đâu đấy? Nơi nào đó là ở đâu? À, vậy là không nói cho đây biết hả? Chuyện đã thành ra thế này rồi, không gặp đây là không được đâu, có đúng không nào? Sao nào, xoắn hết cả não đây này. Cô có phải là luật sư không đấy? Ồ, lính mới à, cũng có vẻ thế thật. Cái gì? Con số? Con số ý là số tiền đền bù sao? Cái đó... một... một triệu. Đột nhiên hủy bỏ hôn ước làm đây bị tổn thương, phải đền bù cho trái tim của đây một triệu. Chẳng lẽ nhiều quá sao? Này, nghe cô thì có mà ăn cám, cô đứng về phía Nat-chan mà. Luật sư của đây ư? Đây không cần thuê cái loại ăn hại ấy. Đây chơi tới bến. Chuyện của đây và Nat-chan là nghiêm túc đấy. Bọn đây quen nhau một cách đàng hoàng, chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới rồi. Nat-chan đó, cô ấy háo hức bảo là cưới rồi thì phải thế này, phải thế kia. Không hề cãi nhau chút nào luôn. Đúng thế đấy. Không có bất cứ trở ngại nào. À, mà cũng có chút chuyện. Không, chả nghiêm trọng đâu. Thật mà. Bố mẹ đây nghĩ Nat-chan không thích hợp làm dâu nhà nông. Chỉ thế thôi. Đó hoàn toàn không phải là vấn đề. vì đây cũng chẳng có ý định để Nat-chan làm công việc nhà nông. Đây cũng nói vậy với Nat chan rồi. Cái căn hộ chung cư này, cũng là mua để sau này ở riêng, vì cô ấy bảo không muốn sống chung với bố mẹ chồng. Bài trí trong nhà như thế này, toàn bộ là do cô ấy làm đấy. Khó hiểu quá. Thật sự là như vậy. Đây cũng không biết tại sao lại thành thế này. Cô đấy, hỏi Nat-chan hộ đây đi. 1 Tôi rời khỏi căn hộ, đi xuống cầu thang. Vừa bước ra khỏi tòa nhà, ánh mặt trời gay gắt làm tôi phải đưa tay lên che mắt. Rồi tôi bất giác ngửa người ra sau nhìn lên căn hộ mà Nishioka Akio đã mua để chuẩn bị kết hôn với Kotani Natsuko. Tòa chung cư mới toanh này có bốn tầng, có thể thấy áo quần được phơi phóng trên một số ban công. Tôi cởi chiếc áo khoác đen ra vắt lên tay, nhằm hướng bến xe buýt mà Natsuko đã chỉ cho, bước trên con đường có hàng cây anh đào đã rụng hết hoa. Có thể do trận mưa đêm qua, xác hoa rải đầy trên mặt đất. Đi được hai, ba phút, tôi nhìn thấy bến xe buýt. Xem bảng giờ, thấy phải đến hai mươi phút nữa mới có chuyến tiếp theo lúc ba giờ hai mươi phút chiều. Tôi nhìn quanh tìm xe taxi nhưng trên con đường một làn xe này không thấy bóng dáng chiếc taxi nào cả. Thở dài, tôi mở tờ giấy ghi chú mà Natsuko đưa cho. “Taxi không mấy khi qua đó, kiên nhẫn chờ xe buýt.” Nói thật, chữ viết quá xấu. Tôi liếc xuống ghế chờ xe buýt, chỉ thấy đó là một chiếc ghế dài bằng gỗ thấm nước mưa nên đen sì, do bến xe buýt này không có mái che. Trên ghế lác đác mấy cánh hoa anh đào rơi rớt. Không cách gì ngồi được. Đành đứng vậy. Rút cuốn sổ tay Moleskine trong túi đeo vai ra, tôi kẹp tờ ghi chú của Natsuko vào đó rồi mở trang ghi chép ngày hôm nay. Trong cột ngày 27 tháng 4 năm Showa thứ 53[*], chỉ có dòng ghi chú: “Nói chuyện với các đối tượng liên quan đến Nishioka Akio”. Sau hai năm thực tập tại Viện Nghiên cứu Tư pháp, sổ tay của kẻ mới chân ướt chân ráo vào nghề như tôi hầu như chẳng có gì. Bốn năm đại học, tôi chưa một lần trượt các kỳ kiểm tra tư pháp, cũng ít tuổi nhất trong số các thực tập sinh cùng khóa, hơn nữa còn là người có thành tích tốt nhất trong kỳ thì sát hạch cuối cùng của giai đoạn thực tập. Nhưng tôi lại là phụ nữ. Trong thời gian đầu của giai đoạn thực tập, rất nhiều đồng nghiệp đã tìm được việc, còn tôi chật vật mãi vẫn không được văn phòng luật sư nào đón nhận. Các luật sư luôn giương cao khẩu hiệu “Trước pháp luật mọi thứ đều bình đẳng”, nhưng thật ra vẫn luôn mang nặng tư tưởng phân biệt giới tính. Nhờ sự giới thiệu của một giáo sư thời đại học, cuối cùng cũng có một luật sư chịu gặp để phỏng vấn tôi. Lúc đến văn phòng luật sư cách cửa Nam ga Shibuya năm phút đi bộ, câu đầu tiên Ogiwara Michiya nói với tôi là: “Tôi không hướng dẫn gì được đâu nhé.” Mở văn phòng luật sư này đã được năm năm, chỉ một mình Ogiwara phải lo liệu mọi thứ nên không có sức lực cũng như kinh nghiệm chỉ dạy cho đàn em. Đang mong có chỗ làm nên tôi thấy thế cũng được. Tôi làm việc với tư cách luật sư tập sự dưới quyền luật sư chuyên về dân sự Ogiwara đã được hai tuần. Như đã nói ban đầu, Ogiwara không hề chỉ dẫn tôi một chút gì. Khi có khách hàng đến văn phòng, thỉnh thoảng Ogiwara hỏi: “Nghe không?” Vậy là tôi được ngồi cùng. Hoặc khi anh ấy hỏi: “Đi không?” Tôi sẽ được đi cùng. Chỉ có thế thôi. Anh ấy không hề giải thích gi về vụ án, cũng chẳng nói là mình đang đi đâu. Tôi phải tự mình suy nghĩ để lý giải, có chỗ nào không hiểu thì hỏi, những lúc như thế Ogiwara sẽ trả lời. Khi di chuyển trong xe, tôi hỏi anh ấy để trở thành một luật sư giỏi cần nhất là điều gì. Anh ấy lập tức trả lời: “Phải hỏi chuyện tất cả các đối tượng liên quan.” Đúng như vậy, phần lớn thời gian của Ogiwara là nói chuyện với một ai đó, nguyên cáo, bị cáo hoặc đối tượng liên quan. Điều này có thật không nhỉ? Nếu công việc của luật sư chỉ là hỏi chuyện thì làm sao giải quyết được việc tranh tụng giữa nguyên cáo và bị cáo? Có tiếng xe ầm ầm chạy đến, tôi ngẩng mặt lên thấy xe buýt đang chầm chậm vào bến. Cất sổ tay vào túi, tôi cầm ví đựng tiền xu chuẩn bị sẵn. Lên xe, tôi ngồi xuống chiếc ghế đơn ở giữa xe. Nhìn lên bản đồ tuyến xe buýt được dán phía trên cửa sổ, tôi xác nhận điểm xuống cách đây mười hai bến. Tuần trước tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Natsuko. Cô ấy tự giới thiệu là cháu của em gái bà ngoại tôi, hầu như không có ấn tượng gì nên ngay cả khi nghe tên, tôi cũng chẳng biết là ai. Cô ấy bảo có việc muốn trao đổi với tôi, trên đường đến quán cà phê hẹn cùng cô ấy, ký ức một ngày hè đột nhiên hiện về. Kỳ nghỉ hè đầu tiên sau khi vào cấp một, mẹ dẫn tôi về chơi nhà bà ngoại ở Fukushima[*]. Chuyện cũng đã mười bảy năm rồi. Lúc đó, có mấy đứa trẻ con họ hàng gần đó cũng đến chơi. Trước khi chúng tôi đến ba ngày, cô bé Natsuko cùng tuổi với tôi cũng đến và đã trở thành nhân vật trung tâm. Món ăn Natsuko thích sẽ được bày lên bàn, Natsuko thích để đồ ở đâu thì để ở đấy, Natsuko muốn ở chỗ nào thì nơi đó sẽ được dọn cho Natsuko. Mọi người đều làm những việc khiến Natsuko vui. Với sự nhạy cảm của trẻ con, trong bầu không khí ấy, tôi luôn cố tránh Natsuko. Có một ngày, bà ngoại vẫn luôn yêu thích may vá gọi tôi và Natsuko lại. Trải lên tatami chiếc váy liền, bà ngoại bảo có miếng vải đẹp nên may cho hai đứa. Vải có nền là những bông hoa hướng dương to, hai đứa chúng tôi liền mặc thử. Ai cũng khen là dễ thương ghê, vừa người lắm. Ngày hôm đó, chúng tôi xúng xính diện luôn bộ váy. Ngày hôm sau thì có chuyện xảy ra, mẹ tôi tìm thấy chiếc váy của tôi trong máy giặt, ở tình trạng rách bươm. Thủ phạm là Natsuko. Người lớn bảo Natsuko đi xin lỗi tôi, nhưng con bé khóc lóc nói rằng: “Cái váy hợp với cháu hơn mà.” Chẳng mấy chốc, tôi cảm nhận sâu sắc được rằng, kẻ đang khóc lóc kia nhận được sự cảm thông hơn người vừa bị xé váy là tôi. Không biết Natsuko có còn nhớ đến chiếc váy ngày ấy. Tuần trước, đáng lẽ tôi nên hỏi cô ấy khi gặp lại sau mười bảy năm. Xuống xe buýt, tôi nhìn quanh thì chỉ thấy cánh đồng trải dài trước mắt. Cách đó ba mươi mét, có một người đội mũ rơm đang ngồi xổm. Nhìn xuống luống hoa màu gần ngay dưới chân, tôi cũng không nhận ra đây là cây gì. Tôi không biết là ở quận Edogawa còn có cánh đồng rộng lớn như thế này. Cho dù là cùng thành phố, nhưng phong cảnh ở đây hoàn toàn khác nơi mà tôi đang sinh sống. Nhìn chỉ dẫn trong tờ ghi chú Natsuko đưa, tôi nhằm về hướng nhà của Nishioka. Đi bộ khoảng năm phút, một ngôi nhà với cánh cổng lớn hiện ra trước mắt. Mặc áo khoác vào, xắn lại ống tay áo sơ mi, tôi nhấn chuông cửa. Chờ mãi không thấy ai trả lời nên tôi thử kéo cánh cửa, không có khóa, cửa mở ra dễ dàng. Tôi thử cao giọng gọi với vào. Đột nhiên cảm giác trống rỗng ập đến, thỉnh thoảng tôi vẫn bị như vậy. Tôi nhắm mắt lại, chờ đến khi sự trống rỗng trong tim biến mất. Từ cuốn sách đọc vào năm thứ nhất của trung học[*], tôi biết được tình trạng đôi khi xảy ra như thế này gọi là “trống rỗng”. Cảm giác này theo tôi lên cấp ba rồi đại học. Tôi từng ôm hy vọng mong manh rằng ra xã hội rồi sẽ hết thôi nhưng hình như là không thể. Chậm rãi mở mắt ra, đúng lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng phụ nữ gọi, nghiêng tai lắng nghe thì giọng nói ấy chỉ dẫn vòng sang bên trái. Đóng cửa lại, tôi vòng sang bên trái căn nhà, nhìn thấy một người phụ nữ mặc bộ quần áo làm nông đang ngồi trong căn phòng có cửa kính mở rộng. Có lẽ đây là bà Katsue, mẹ của Akio. Tôi cúi đầu chào: “Xin lỗi đã làm phiền bác trong lúc bận rộn ạ, cháu là Ishida Tetsuko, luật sư của cô Kotani Natsuko.” Người đàn bà lập tức nhướng mắt lên, thể hiện rõ địch ý. Tôi chuẩn bị tinh thần nhận lấy những lời khó nghe nhưng bà ấy không hề nói gì cả. Bà ấy ngồi dựa vào một chiếc ghế nhỏ, bốc mấy cái lá trong rổ ra đặt lên cân, thêm thắt đôi chút rồi lấy ra cho lên đầu gối cuộn lại trong gói giấy. Động tác rất nhịp nhàng trôi chảy. “Akio báo với tôi rồi, bảo là hôm nay luật sư của cô ta đến. Thật sự là có thuê luật sư đấy nhỉ?” Bà ấy đột nhiên lên tiếng. “Lần đầu thằng bé dẫn về đây tôi đã biết cô ta là loại người nào rồi. Cái gì thích thì nói lưu loát lắm, cái gì không thích thì toàn để Akio phát biểu. Ngước cặp mắt ươn ướt nhìn Akio, làm cái mặt “kìa, anh nói đi”. Cũng vì Akio yêu cô ta nên chiều theo ý cô ta tất. Dắt mũi đàn ông đối với loại con gái như cô ta thì dễ như trở bàn tay. Ban đầu chúng tôi cũng phản đối, nhưng mà cuối cùng Akio bảo là thời đại khác nhau, thế là xong. Natsuko chỉ hơi nhăn mặt một chút là đám đàn ông đã cuống lên rồi, làm này làm nọ lấy lòng nó. Cứ thế mọi việc đều sẽ theo ý nó. Cô ta là cái loại đó đó.” “Bác là bác Katsue, mẹ của anh Akio phải không ạ? Thật vậy sao? Như thế từ đầu bác đã phản đối đám cưới của anh Akio và cô Natsuko rồi có đúng không ạ?” “Đương nhiên rồi. Gia đình chúng tôi làm nông đấy. Cần là cần cô con dâu cần cù làm việc, chân chất, hiền lành, chứ cái loại chuyên than thở, làm mình làm mẩy ấy ai cần.” “Khi đám cưới bị hủy bỏ, bác nghĩ thế nào ạ?” Vừa hỏi tôi vừa lấy sổ tay ra ghi chép. “Thở phào nhẹ nhõm chứ sao.” Bà mẹ Akio nhíu nhíu khóe miệng, ghét bỏ nói. “Cuối cùng Akio cũng thoát khỏi cơn ác mộng đó. Tôi là mẹ nó còn muốn đốt pháo ăn mừng.” “Vậy bác nghĩ sao về việc anh Akio yêu cầu cô Natsuko trả tiền bồi thường?” Lần đầu tiên bà ấy ngừng tay, nhìn thẳng vào mắt tôi. “Cô muốn nói là đàn ông mà nhỏ mọn như đàn bà sao? Tôi không nghĩ vậy đâu. Akio ấy, đã tốn không biết bao nhiêu tiền cho cô ta rồi, nào là áo quần, nào là nhẫn vòng, đủ thứ khác nữa. Cũng kha khá đấy. Đòi trả lại cũng chẳng có gì quá đáng đúng không? Chịu khổ một lần cũng được, cho sáng mắt ra.” Tôi đề nghị bà ấy kể cụ thể các quà tặng và số tiền mà Akio đã đưa cho Natsuko nhưng bà ấy lắc đầu, bảo tôi cứ đi mà hỏi Akio. Sau khi cảm ơn vì buổi nói chuyện, tôi hỏi bà ấy về bố của Akio, ông Akimitsu. Bà Katsue chậm rãi dời ánh mắt từ mặt xuống chân tôi rồi mới chỉ cho tôi vị trí của đám ruộng nơi có thể tìm thấy ông Akimitsu. Có thể thấy bà Katsue rất ghét Natsuko, giữa hai người chắc là không hòa thuận. Nhưng nghe nói mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng không dễ dàng gì nên chuyện này có lẽ cũng không có gì lạ. Tôi ra khỏi nhà Nishioka, loanh quanh mấy căn nhà rồi xuống dốc một chút, cánh đồng trải dài trước mắt, nhưng không thấy bóng dáng một ai. Tôi xoay người, định quay lại nhà Nishioka để hỏi lại xem ông Akimitsu ở đâu. Vừa cất bước vừa ngoái lại nhìn cánh đồng thì tôi chợt chú ý đến một chấm đen đằng xa. Tôi dừng bước, quay người lại quan sát kĩ thì thấy chấm đen ấy chuyển động. Nhìn quanh tìm đường, tôi phát hiện ra một lối nhỏ phía bên trái xuyên đến tận giữa cánh đồng rộng lớn. Trong khoảnh khắc bước chân lên lối mòn đó, chân tôi dừng lại trong không trung. Một dấu giày lớn in trên nền đất mềm, có lẽ là do người trước đó để lại. Tôi nhẹ nhàng thu chân lại, đặt xuống con đường rải sỏi cứng. Cứ đi xuống con đường đất mềm thế này kiểu gì cũng hỏng đôi giày bệt của tôi. Để xác định xem chấm đen kia có phải là người hay không, tôi chăm chú nhìn về phía bên kia cánh đồng. Quả thật là bóng người. Hơi xoay người lại, tôi đang nghĩ xem có nên quay về nhà Nishioka. Nhưng nhớ lại ánh mắt của bà Katsue, tôi dừng lại. Quyết định xong, tôi bước về phía chấm đen kia. Bỏ qua cảm giác giày bị lún sâu vào mặt đất mềm, tôi một lòng tiến về phía trước. Đi được khoảng năm mươi mét, tôi càng khẳng định đó là bóng người. Tôi phải gọi mấy lần người đó mới quay lại nhìn nhưng không hề có ý định đi về phía này. Còn cách người đó khoảng một mét, tôi dừng lại tự giới thiệu tên mình. Người đàn ông chậm rãi đứng dậy, tôi hỏi xem ông ấy có phải là ông Akimitsu, bố của Akio không. Không hề lên tiếng, ông ấy chỉ hơi đẩy chiếc mũ rơm lên. Tôi nói lý do đến gặp rồi hỏi ông ấy nghĩ gì về quan hệ yêu đương của Akio và Natsuko. Nhưng người đàn ông vẫn im lặng. Tôi đợi một lúc cũng không thấy ông ấy có dấu hiệu gì mở miệng. Sốt ruột quá, tôi đành phải hỏi thêm: “Bác cũng phản đối đám cưới của anh Akio và cô Natsuko phải không ạ?” Ông Akimitsu phủi phủi hai tay vào quần, bước tới hai, ba bước rồi cúi người xuống chiếc giỏ dưới chân, lấy bình nước ra, rót nước vào nắp. Uống một hơi hết nắp nước, ông ấy lắc mạnh chiếc nắp rảy nước đi rồi hỏi: “Cô có uống không?” Tôi lập tức đáp lời: “Cháu không ạ, cảm ơn bác.” Ông Akimitsu dùng những ngón tay thô ráp vặn chiếc nắp bình nước lại. “Muốn biện hộ cho Nat-chan lắm phải không? Chuyện nam nữ không phải là ai đúng ai sai. Akio cứ lằng nhằng chuyện tiền bạc, khó nghĩ quá nhở.” “Như vậy là bác phản đối chuyện anh Akio yêu cầu tiền bồi thường từ cô Natsuko phải không ạ?” “Nó tự ý làm đó chớ. Hôm qua nó bảo ngày mai có luật sư đến, tôi mới nghe nó nói đến (chuyện tiền bạc) lần đầu.” “Vậy ạ?” Tôi rút sổ tay ra, hỏi tiếp: “Bác thấy mối quan hệ giữa anh Akio và cô Natsuko như thế nào ạ?” Hơi nhún vai, ông ấy đáp: “Có vẻ như Akio yêu say đắm. Thời gian yêu nhau càng dài, hình như Nat-chan thấy Akio không đủ độ tin cậy làm chồng. Con bé là người hiền lành, mệt mỏi quá mới nói ra thì phải.” Tôi viết vào sổ tay chữ “hiền lành” và thêm dấu hỏi chấm đằng sau. Ngẩng đầu lên tôi thấy ông Akimitsu đang chống tay lên hông. Vừa đấm hông, ông ấy vừa nói tiếp: “Nat-chan là người kiên định nên có khi không chịu nhường bước, vì thế bà nhà tôi không thích. Nghe nói cô là họ hàng nên cũng biết quá trình trưởng thành của con bé phải không? Chẳng nhớ là lúc nào nữa, con bé một mình đến gặp tôi, mang theo takuan[*] mà nó tự muối. Vừa nhắm rượu nó vừa tâm sự. Cũng vất vả đó, gian nan nên mới trở nên mạnh mẽ, không thì làm sao mà sống sót được.” Tôi viết vào sổ tay: “Akimitsu thông cảm với Natsuko.” “Quê cháu ấy, có lẽ cũng khó sống.” Ông Akimitsu lấy chiếc khăn quấn trên đầu xuống lau mặt. “Bây giờ thì khác, nhưng mà hai mươi năm trước, con lai ấy mà...” “Vâng?” Vẻ mặt của ông ấy trông còn ngạc nhiên hơn cả tôi. “Hai người không phải là họ hàng sao?” “Mặc dù là họ hàng, nhưng Natsuko là cháu của em gái bà ngoại cháu. Hồi bé chúng cháu cũng chỉ gặp nhau có mấy lần. Nhân việc này cũng là mười bảy năm mới gặp lại nhau. Xin lỗi, vừa rồi bác bảo con lai là sao ạ?” “À, là con lai giữa bố là lính Mỹ và mẹ là người Nhật đó mà.” Thấy tôi không nói gì, ông Akimitsu lẩm bẩm trong miệng: “Giữa họ hàng với nhau cũng có bí mật nhỉ.” Xong ông ấy quay lại công việc đang làm dở. Tôi tiếp tục hỏi người đàn ông đang khom lưng làm việc: “Bác có biết trước Natsuko, anh Akio có từng yêu ai không ạ?” “Có yêu nhau hay không thì tôi không biết, nhưng từ nhỏ Akio đã quen với Reiko-chan, con bé đã kết hôn rồi. Trước vẫn thỉnh thoáng thấy nó, gần đây chẳng mấy khi chạm mặt, không biết thế nào rồi.” Nói lời cảm ơn ông Akimitsu, tôi cho sổ tay vào lại túi xách. Định nhấc chân lên đi thì cảm thấy nặng trịch, tôi nhìn xuống thấy giày đã lún sâu vào nền đất. Tôi dùng sức kéo chân lên nhưng nó không nhúc nhích tí nào. Đeo chéo cái túi xách lên lưng, tôi cúi xuống dùng tay nắm lấy giày. “Đừng có kéo lên, kéo về phía sau ấy.” Nghe thấy tiếng của ông Akimitsu từ sau lưng, tôi theo đó mà làm thì dễ dàng kéo được giày ra. Khi tôi mở miệng cảm ơn đã chỉ bảo thì ông ấy nói thế này: “Nat-chan biết chuẩn bị ủng khi đến đây đấy.” Làm như không nghe thấy ý mỉa mai, tôi ra khỏi đám ruộng. Lên chuyến xe buýt khác với chuyển khi đến, tôi nhằm về hướng ga tàu điện. Khi xuống ở bến cuối trước cửa ga đã là năm giờ chiều. Còn ba mươi phút nữa mới đến giờ hẹn với cô bạn thân của Natsuko nên tôi ghé vào một tiệm đồ ăn nhanh. Kiểm tra lại đôi giày thì thấy chúng dính đầy bùn đất, chả ra cái hình thù gì cả, tôi chán nản thở dài ngồi hút roèn roẹt ly nước cam. Tiếng nói chuyện rôm rả của cô gái bàn bên cạnh truyền đến: “Đã nói cái đó đúng là thế mà.” Tôi khẽ liếc thấy có hai cô gái trạc tuổi tôi đang ghé đầu vào nhau tám chuyện. Quan sát một vòng quanh quán, chỉ có tôi là đi một mình, những người khác đi cùng bạn, người thân hoặc là người yêu, ngồi cùng bàn vui vẻ trò chuyện. Tôi nở nụ cười chua xót, tôi luôn là như vậy, lúc nào cũng cô đơn một mình. “Chắc là do bận đó.” Tiếng nói chuyện của cô gái lúc nãy kéo sự chú ý của tôi về bàn bên cạnh. Hình như là một cô cho rằng mình đã bị vứt bỏ khi chàng trai không liên lạc nữa, còn cô kia đang an ủi rằng có lẽ anh chàng đang bận mà thôi. Đáng lẽ nên nói rằng hắn ta không hứng thú gì với cậu nữa. Người bạn thật sự chính là người nói sự thật cho bạn biết, nhưng trên thế gian này, cái gọi là bạn bè chỉ là kẻ tỏ ra quan tâm đến bạn lúc đó thôi. Tôi vừa uống nước cam vừa nghe câu chuyện tình yêu kéo dài bất tận của bàn bên. Đến khi tôi uống hết cốc nước rồi mà một bên vẫn lo lắng, còn bên kia vẫn tiếp tục an ủi. Hồi đi học tôi cũng đã từng bị lôi kéo vào câu chuyện nhàm chán như thế này. Tôi cũng không biểu đạt suy nghĩ thật của mình vì e rằng nếu làm vậy, tôi sẽ bị xa lánh và cô lập mất. Không phải tôi sợ sự cô lập, mà sợ sự phiền hà nó sẽ mang lại. Gần đến giờ hẹn, tôi kéo lê đôi giày dính đầy bùn nhằm hướng cửa soát vé rồi đợi ở đó. Đến muộn năm phút, một cô gái có vẻ như là người cần gặp cất tiếng gọi tôi. Tóc uốn bồng bềnh, chân đi dép tông nhiều màu sắc, cô ấy nở nụ cười trên khuôn mặt đầy tàn nhang. Tuần trước khi gặp Natsuko, tôi đề nghị được gặp một người quen của cả cô ấy và Akio, chính là cô Nakagawa Eiko này. Tôi theo Eiko vào một quán giải khát. Phía bên phải của quán vang lên tiếng bíp bíp từ ba chiếc máy điện tử chơi trò “bắn ruồi[*]”. Eiko giơ tay chào một thanh niên đang đứng trong quầy rồi mời tôi đi tới một chiếc bàn trong góc. Cô ấy kể là đang làm thêm ở đây bắt đầu từ sáu giờ, còn ban ngày làm công việc văn phòng ở Kinshicho[*]. Cứ một tuần ba ngày, vào buổi tối, cô ấy làm việc tại quán giải khát này để kiếm thêm. Vừa kể cô ấy vừa nhún vai. Dù không gọi nhưng một ly cà phê đá và một phần bánh mì lát nướng được đặt xuống trước mặt Eiko, tôi cũng được một ly cà phê đá. Eiko khẽ cúi đầu cảm ơn người đàn ông đưa đồ ăn tới, rồi tự động bắt đầu câu chuyện. “Cứ hỏi đi, cô là họ hàng đấy nhỉ. Có họ hàng là luật sư cũng tiện phết nhỉ. Cô muốn hỏi chuyện anh Akio phải không? Ban đầu quen biết nhau là do người yêu cũ của Nat-chan là bạn của người yêu tôi. Bốn người chúng tôi cùng đi chơi chung với nhau mấy lần. Rồi có những hôm đang đi ăn, Nat-chan bỗng nhiên bảo là chán quá, đùng đùng bỏ về. Tùy tiện, ương bướng đúng không? Cho nên chúng tôi cũng không thân thiết mấy đâu. Khi cô ấy chia tay bạn trai thì mối quan hệ của tôi cũng tan vỡ, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Rồi tôi giới thiệu cô ấy với anh Akio, là một khách quen của quán, cũng là bạn học thời cấp hai của anh chủ quán.” Cô ấy chỉ ngón trỏ về phía sau quầy nơi có một người đàn ông đang có vẻ bận rộn làm việc. Chính anh ta là người đã đưa cà phê và bánh mì nướng tới. Nhón tay ăn một lát bánh mì nướng đã được cắt thành hình tam giác xong, Eiko liếm hai đầu ngón tay sạch sẽ, rồi lại dùng hai ngón tay ấy cầm chiếc ống hút, tỉnh bơ hút cà phê. Cô ấy tiếp tục: “Ngay lần gặp đầu tiên, hai người đó đã nói chuyện vô cùng vui vẻ. Tôi thấy kiểu gì cũng yêu nhau thôi, nhưng đúng là không nghĩ đến việc họ tính chuyện kết hôn.” “Tại sao cô lại nghĩ vậy?” “Hả? Tại sao tôi không nghĩ họ sẽ kết hôn ấy hả? Ừm, Nat chan ấy, rất có duyên đấy chứ. Thì đấy, xinh đẹp này, rồi cởi mở nữa, nói chuyện rất chủ động. Đàn ông thích kiểu đấy mà. Nat chan cũng thích đàn ông, cô ấy có nhiều bạn trai lắm. Cho nên tôi nghĩ cô ấy thỏa mãn với việc được yêu thương, chiều chuộng. Thế mà cô ấy lại quyết tâm kết hôn với anh Akio. Kết hôn là lời tuyên bố từ nay chỉ có một người đàn ông này mà thôi đúng không? Tôi thật không tưởng tượng nổi Nat-chan lại chịu được việc đó. Khi nghe tin Nat-chan đính hôn với anh Akio, tôi nghĩ rằng Akio thật sự tốt thế sao. Vì nếu để mà cưới thì cô ấy có cả tá anh chàng đủ điều kiện hơn anh Akio.” Tôi chỉ ghi một từ “đàn ông” vào sổ tay, rồi hỏi chuyện tiếp: “Cô có nghe cô Natsuko nói gì về anh Akio không?” Cô ấy nghiêng đầu “ưm” một tiếng, rồi cúi xuống gặm mấy lát bánh mì còn lại, ăn hết rồi mới tiếp tục: “Cô ấy nói anh ta hiền lành.” Rồi cô ấy cười phá lên. “Người hiền lành mà khi bị đá lại đòi tiền bồi thường, Nat-chan cũng không có mắt nhìn người nhỉ. Thật là buồn cười. Loại con gái dắt mũi đàn ông mà sống như Nat-chan cũng có lúc thế này. À mà cô hỏi gì nhỉ? Tôi có nghe Nat-chan nói gì về Akio không, đúng không? Cô ấy bảo ưu điểm là hiền lành mà nhược điểm cũng là hiền lành. Tôi đã kể với cô nhà anh Akio làm nông chưa nhỉ? Tôi bảo với cô ấy, cậu thật lòng với anh Akio nên mới quyết tâm làm dâu nhà nông đấy à? Nghe thế cô ấy cười ngặt nghẽo, đúng thế ở chỗ này này, đúng cái chỗ luật sư đang ngồi ấy, cười ha hả, cười chảy cả nước mắt. Cô ấy bảo là tuyệt đối không làm nông, thì đúng là cô ấy ghét công việc đồng áng nên mới lên Tokyo đấy chứ. Hình như điều kiện để kết hôn là cô ấy sẽ không tham gia việc nông trong nhà.” “Anh Akio đồng ý với điều kiện ấy hay sao?” “Đồng ý chứ, cái gì cũng gật. Vì để cưới được Nat-chan mà.” Eiko gật đầu đáp. “Quan hệ giữa cô Natsuko và bố mẹ anh Akio tốt đẹp chứ? Cô ấy có bao giờ tâm sự, hỏi ý kiến của cô không?” “Cô ấy chẳng nói gì. À... nhưng có vẻ như anh Akio có chút chuyện. Lát nữa cô hỏi anh chủ xem sao. Mỗi lần đến đây, anh Akio đều tìm anh chủ nói chuyện rầm rì. Có thể anh ấy biết được gì đó.” Tôi cúi xuống sổ ghi chép, nhìn vào chữ “đàn ông” mình vừa viết. Natsuko được vây quanh, yêu chiều bởi đàn ông lại quyết định kết hôn. Đối tượng là Akio. Có lẽ cô ấy tin rằng hai người có thể sống hạnh phúc bên nhau, nhưng mọi sự lại tan vỡ. Cũng là chuyện thường gặp. Nhiệt độ của tình yêu thay đổi hằng ngày, một khi tình cảm đã nguội lạnh thì không thể hâm nóng lại. Nhưng có nhiều người vẫn muốn thử, và những người đó mới có thể đến tiệm ăn nhanh lặp đi lặp lại câu chuyện không có hồi kết. Eiko tiếp tục câu chuyện: “Có lẽ là lịch sử lặp lại, mẹ của Nat-chan cũng từng chịu khổ vì đàn ông.” Vừa nói cô ấy vừa châm thuốc hút. “Chịu khổ...?” “Cô là họ hàng mà không biết sao? Cái này nói ra đúng là không hay, nhưng mà Nat-chan vẫn kể với mọi người nên cũng không tính là bí mật gì to lớn. Chuyện tình yêu của mẹ cô ấy đó. Nghe kể bác ấy cưới chồng năm năm rồi mà vẫn không có con, rồi một ngày, có người họ hàng xa bị bệnh, thế là bác ấy đi thăm, chuyện năm thứ sáu sau khi cưới đó. Ở bệnh viện thuộc Yokosuka[*] đó, bác ấy gặp và yêu một người lính Mỹ. Hai người đều đã có gia đình, biết là không thể đến với nhau nhưng họ vẫn bất chấp tất cả điên cuồng yêu nhau trong một tuần. Rồi sau đó, bác ấy trở lại Nigata[*], còn người lính kia cũng về nước. Một thời gian sau, bác ấy biết là mình đã mang thai và cái thai kia là của người lính Mỹ, dù vậy bác ấy vẫn muốn sinh đứa bé. Đó chính là Nat-chan. Lúc mới sinh trông cũng không có gì khác biệt nhưng càng lớn thì khuôn mặt cô ấy càng không giống người Nhật. Cô ấy bảo vẫn còn nhớ nét mặt của bố khi chăm chú tìm cái gì đó của mình trên khuôn mặt cô ấy. Lúc Nat chan được tám tuổi, bố cô ấy nói lên Tokyo, sau đó đi luôn không trở lại.” Tôi chưa nghe nói về chuyện đó bao giờ, có lẽ đây cũng là câu chuyện mà ông Akimitsu kể. Không lẽ vì có dòng máu lai Mỹ nên khuôn mặt cô ấy có nét Tây? “Cô có muốn hỏi gì nữa không?” Tôi gật đầu với câu hỏi của Eiko. “Cô có bao giờ nghe nói anh Akio có người đàn bà khác hay gặp rắc rối nào không?” “Anh Akio à? Tôi chẳng nghe nói gì cả.” Eiko nhìn đồng hồ đeo tay, bảo: “Đến giờ rồi. Giờ anh chủ sẽ ăn tối, trong lúc đó cô hỏi anh ấy xem sao. Chờ chút nhé!” Cô ấy cho cốc chén lên đĩa, dọn bàn rồi đứng dậy. Tôi lật sổ tay ghi chép, dừng lại ở ghi chú của tuần trước. Natsuko kể với tôi là cô ấy không còn tình cảm với Akio nữa nên thôi. Cô ấy nói lời chia tay với Akio nhưng anh ta không chịu, bám theo kể cả khi cô ấy rời khỏi căn hộ mà hai người sống chung để chuyển đến một khu nhà khác. Nghe loáng thoáng đâu đó là anh ta lại đòi kiện chuyện không chấp hành hôn ước, rồi bắt trả lại quà và tiền đã cho. Tiền thì cô ấy đã tiêu vào việc mua sắm đồ dùng trong căn hộ hai người định sống chung, quà thì khi quyết định chia tay, cô ấy đã ném hết đi. Nếu có yêu cầu bồi thường thì cô ấy cũng không trả nổi, cho nên cô ấy nhờ tôi làm trung gian giải quyết việc này giúp. Về việc tiền bồi thường thì bà Katsue ủng hộ nhưng ông Akimitsu lại phản đối. Khả năng chỉ có Akimitsu thuyết phục Akio thôi, ông ấy còn gọi cô ấy bằng tên thân mật là Nat-chan mà. Anh chủ quán cầm cốc và đĩa đồ ăn đến chỗ tôi. “Nghe nói cô có việc muốn hỏi.” Tôi đứng dậy cúi đầu cảm ơn, anh ta mời tôi ngồi rồi cũng ngồi xuống đối diện. Thấy cốc của tôi đã uống hết, anh ta quay đầu báo với Eiko ở sau quầy: “Thêm cốc nữa đi!” Lập tức Eiko mang một cốc cà phê đá đến rồi rời đi. “Xin lỗi vì nói chuyện trong lúc ăn, cô muốn hỏi gì vậy?” Anh ta cắn một miếng bánh mì phủ phô mai kiểu pizza, mở đầu câu chuyện. “Tôi nghe kể là anh và anh Akio là bạn cấp hai, anh ấy là người thế nào ạ?” “Akio ấy hả? Thế nào nhỉ, cậu ấy là người tốt, ngay thẳng, có thể tin cậy. Tuy vậy cũng có lúc hơi ngây ngô.” “Nghe nói anh Akio quen biết cô Natsuko cũng ở quán này. Anh có biết gì về cô Natsuko không?” “Chẳng biết gì mấy, chỉ chạm mặt mấy lần khi cô ấy đến đây chơi với Eiko-chan. Có vẻ thích được quan tâm nhưng cũng hấp dẫn.” Thấy tôi không nói gì, anh ta giải thích thêm: “Thì đó, không được quan tâm săn sóc là cô ta giận dỗi ngay, tự động bỏ đi đâu không biết. Akio có lẽ cũng bị quay mòng mòng, nhưng nếu thích thì cũng không sao, đó là khi êm đẹp nhé.” Tôi hỏi tiếp: “Thế anh Akio có bao giờ tâm sự với anh về chuyện với cô Natsuko không?” “Cũng có mấy lần cậu ấy kể chuyện yêu đương nhưng tâm sự chuyện buồn thì không. Toàn là “tớ sắp cưới rồi đấy”, kiểu thế. Gần đây, nghe Eiko-chan nói hai người chia tay rồi lằng nhằng, tôi cũng bất ngờ.” “Anh có bao giờ nghe thấy anh Akio mắc nợ nần hay gì không?” Nghe thế, bàn tay đang đưa bánh mì vào miệng của anh chủ quán ngừng lại. “Akio không giàu có gì nhưng sống cũng dư đã vì nhà đó ruộng đồng bao la mà.” Thấy phô mai trên bánh mì sắp chảy tong tỏng xuống, anh ta cầm lấy cái nĩa hớt nó lên rồi ăn tiếp. Cảm nhận được cơn đói một cách mãnh liệt, tôi vội hút mạnh một ngụm cà phê. Anh ta nói tiếp: “Nếu nói khó khăn thì phải là Nat-chan chứ, vì chia tay với Akio rồi mà. Chi phí sinh hoạt vẫn do cậu ấy chu cấp. Hay là cô ta có người mới rồi?” “Cô ấy có người mới sao?” Anh ta cười nhăn cả mặt. “Không, không, tôi mới là người hỏi mà. Có khi Akio nghi ngờ điều này cũng nên.” “Anh Akio có bao giờ nói gì về việc nghi ngờ các mối quan hệ của cô Natsuko không?” “Thế nào nhỉ. A, nếu thế thì cũng có lần cậu ấy kể là ban đầu rất muốn khoe bạn gái nên đem đi khắp nơi. Nhưng đến đâu cũng có đàn ông muốn tiếp cận Nat-chan nên cậu ấy không muốn dẫn theo nữa.” Anh chủ quán ăn xong cũng mất thêm mười phút nữa, tôi cố hỏi thêm nhưng anh ta chỉ biết mấy chuyện đại loại như Akio trân trọng, yêu thương Natsuko lắm. Cái tôi muốn là những thông tin tiêu cực để thuyết phục người khác rằng Akio bị đá cũng đáng đời. Những thông tin kiểu đó mới có lợi cho đàm phán. Chứ như Natsuko nói, bỗng một ngày nhìn khuôn mặt khi ngủ của anh ta, thấy tình cảm nguội lạnh, thì chẳng thuyết phục được ai. Ví dụ như Akio ham mê cờ bạc, rượu chè, hay anh ta có bồ thì hay biết mấy. Trong câu chuyện của anh chủ quán cũng không hề thấy bóng dáng người phụ nữ nào quanh Akio, trừ Reiko, người bạn từ thuở bé. Nhưng theo anh ta thì Akio cũng chỉ xem cô ấy như em gái. “Nếu cậu ấy là người đàn ông hiểu được chỗ tốt của Reiko-chan thì mọi sự đã khác rồi.” Mắt anh ta nhấp nháy sau làn khói thuốc, thì thầm nói. Tôi trả tiền hai cốc cà phê đá rồi ra khỏi quán. Bên ngoài màn đêm đã buông xuống. Thở hắt ra, tôi bắt đầu bước về phía nhà ga. So với lúc tôi đến, giờ khu phố đã trở nên yên tĩnh hơn, có lẽ là do một nửa số cửa hàng đã đóng cửa. Việc đi lòng vòng hỏi các đối tượng liên quan thật mất thời gian. Người được hỏi cũng không kể lại một cách hệ thống, chuyện muốn biết thì không nói, chuyện chẳng liên quan gì thì nói rất nhiều. Có lẽ công việc này thích hợp cho việc giết thời gian. Thật ra tôi lúc nào cũng dư dả thời gian. Hồi còn đi học, tôi chú tâm vào việc học để giết thời gian, nên dĩ nhiên là đạt thành tích tốt. Từ khi còn nhỏ, tôi đã cảm thấy cô độc, cho dù được vây quanh bởi mọi người hay đi chơi với bạn, nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy cô đơn trống vắng, dù tôi chưa từng bị xa lánh hay bắt nạt. Và rồi tôi biết được rằng không ai có thể hiểu được cảm giác cô độc của bản thân mình. Cho nên tôi cũng không nói ra, mà cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các bạn đống lứa và duy trì nó. Tôi muốn tìm kiếm niềm đam mê của chính mình vì cho rằng nó có thể giúp tôi thoát khỏi cảm giác đó, nhưng không dễ dàng tìm được. Tôi xem xét các lựa chọn cho tương lai để học cách xua đuổi sự cô độc trong lòng và không để cho cảm giác trống vắng chế ngự. Tôi cảm thấy nếu theo đuổi ngành y hay luật thì sẽ có nhiều điều đáng làm và đáng sống, nhưng tôi sợ máu nên cuối cùng đã chọn ngành luật. Trở thành luật sư đã hai tuần nay, nhưng đáng tiếc cái tôi muốn xóa bỏ thì vẫn còn ở đó, còn cái muốn đạt được thì vẫn chưa tới tay. Lúc tới ga, tôi gọi về công ty bằng điện thoại công cộng, có lẽ chị văn thư Fujita Miyuki đã về nên Ogiwara bắt máy. Tôi thông báo rằng mình đã xong việc và về thẳng nhà luôn. Leo lên tàu điện, lúc tôi xuống ở ga Nezu đã là sáu giờ bốn mươi lăm phút chiều. Ra khỏi cửa soát vé, tôi nhìn thấy tấm biển cửa hàng tiện lợi. Năm ngoái, sau khi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ này xuất hiện, cuộc sống của tôi đã thay đổi đáng kể. Thật quá tốt khi không cần phải để ý trong tủ lạnh còn cái gì hay mấy giờ cửa hàng đóng cửa. Điều tuyệt vời là lúc nào cũng có thể mua đồ tuy cửa hàng chỉ có ít chủng loại hàng hóa, giá cả lại cao hơn bên ngoài. Bước chân vào cửa hàng, đầu tiên tôi chọn bánh mì kẹp, sau đó tiến sâu vào trong lấy thêm đồ uống rồi ra chỗ thanh toán. Trong quầy không có ai, tôi nghĩ có lẽ nhân viên ở đâu đây nên gọi với vào trong. Nhưng không thấy ai xuất hiện. Tôi quay đầu lại chỉ thấy một mình mình trong cửa hàng sáng choang. Tôi hoảng hốt thấy lòng mình tràn ngập lo âu, sợ hãi như bị bỏ rơi. Chỉ là ngẫu nhiên thôi, tôi hiểu chứ. Nhưng mặc dù hiểu, sao trái tim vẫn run rẩy như vậy? Cho dù tôi ghét bị bao quanh bởi đám đông, cảm thấy thoải mái khi ở một mình, nhưng những lúc cảm thấy cô độc, tôi lại trở nên buồn bã. Ngay cả bản thân tôi cũng không biết như thế nào mới có thể sống một cách yên bình được. Cuối cùng nhân viên cửa hàng cũng từ bên trong đi ra, tôi trả tiền rồi rời khỏi đó, trở về căn hộ độc thân của mình. Bật đèn lên, sờ vào áo quần đang phơi trong phòng thấy vẫn còn âm ẩm, tôi để đấy và đi đun ấm nước sôi. Tôi sống một mình cũng được bảy năm rồi. Bắt đầu từ khi vào đại học, vì trường cách nhà hơn hai tiếng đi tàu điện nên tôi thuê phòng ở khu phố gần trường. Khi đi làm, tôi muốn chuyển sang căn hộ rộng hơn một chút và cũng ở khu này. Thật ra chẳng phải có kỷ niệm gì đặc biệt, chỉ là không có nơi nào muốn chuyển nên vẫn ở đây. Tôi ngồi ở bàn ăn, vừa uống trà vừa ăn bánh mì kẹp mới mua. Nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi với tay nhặc ống nghe trên chiếc kệ cạnh tủ lạnh. Vừa áp vào tai đã nghe tiếng của mẹ vọng lại. Tôi chống cùi chỏ lên bàn, để ống nghe ra xa một chút rồi tiếp tục ăn. Mỗi tuần mẹ tôi đều gọi điện đến một lần, luôn một mình thao thao bất tuyệt nên ở bên này tôi có làm gì thì cũng không bị cản trở. Tôi nhẹ nhàng để ống nghe xuống bàn, mở tủ lạnh lấy hũ sữa chua, mở nắp, xúc một miếng cho vào miệng rồi mới lại cầm ống nghe lên. Mẹ tôi chẳng để ý gì chuyện xảy ra bên này, vẫn nói không ngừng. Câu chuyện của mẹ tôi chỉ xoay quanh bố và anh chị tôi. Mỗi ngày bà xem ti vi nhiều như thế, báo cũng đọc không ít, nhưng chưa bao giờ bà nói gì về các vấn đề chính trị, xã hội. Nhờ hai mươi bốn năm làm con của mẹ mà bên tai tôi tự động lắp thêm bộ lọc, nghe chỉ như tiếng chó sủa chim kêu. Không nghe cũng chẳng có vấn đề gì, câu chuyện so với tuần trước, tháng trước, hay năm trước chả có gì thay đổi. Lúc nào cũng than vãn rằng “bố mày bận việc không quan tâm đến gia đình”, “chị mày thì không có ai hỏi cưới vì bộ dạng lòe loẹt”, “anh mày lại chuyển việc”. Tôi không thích thú gì với xã hội nhưng lại mẫn cảm với những bình phẩm của người xung quanh. Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã bảo rằng con phải học hành cho giỏi giang, chỉ có tôi được bà giải thích cho hiểu tầm quan trọng của sự học, chứ không phải anh hay chị tôi. Chợt nhớ ra, tôi liền đặt ống nghe lên tai. Chờ lúc mẹ tôi lấy hơi nói tiếp, tôi lên tiếng hỏi: “Kotani Natsuko là con lai hả mẹ?” Vài giây sau, vọng lại là giọng nói tức giận của mẹ: “Cái gì? Đến mày cũng nói thế à? Nat-chan đích thực là con của chú Shoichi và dì Mariko. Người Nhật một trăm phần trăm. Mày xem ảnh chú Shoichi là biết, Nat-chan giống chú ấy y đúc luôn.” “Tại con nghe người ta kể chính nó nói nó là con lai mà.” “Từ xưa Nat-chan đã thích câu chuyện bịa đặt này rồi. Sao? Mày gặp con bé à?” Lần trước mẹ gọi điện đến, tôi có kể là đột nhiên nhận được tin từ Natsuko, sẽ đi gặp, nhưng hình như bà không nhớ gì. Mẹ chẳng để đầu óc vào chuyện của tôi gì cả. Mà, cả hai cùng thế... Trong phạm vi có thể, tôi thuật lại câu chuyện cho bà nghe. “Nat-chan thế nào rồi?” Mẹ tôi hỏi. “Thế nào ạ? Nhìn bên ngoài sao? Bình thường.” “Bình thường là như thế nào?” “Bình thường là bình thường.” “Nó lớn lên có đẹp hơn chị mày không?” Thước đo sắc đẹp của mẹ tôi là hơn hoặc kém chị tôi. “Nói sao nhỉ?” Tôi nhớ lại khuôn mặt của Natsuko. Nếu nói về đẹp thì chị tôi hơn mấy phần, nhưng Natsuko lại có sức hấp dẫn. Người khác bị thu hút bởi biểu cảm thay đổi liên tục của cô ấy lúc nào không hay. Khuôn mặt lo âu khi tâm sự việc chia tay không được suôn sẻ thật khiến người khác muốn làm gì đó cho cô ấy. Tuy vậy, ngay khi tôi giải thích các việc liên quan đến pháp luật hay phương hướng tiến triển của sự việc thì cô ấy ngáp dài làm chút đồng cảm trước đó của tôi mất sạch. Không chờ tôi trả lời, mẹ tôi đã nói tiếp: “Chẳng biết dì Mariko nghĩ gì mà để con gái đi khắp nơi bịa chuyện về mình như vậy. Đúng là từ khi Nat-chan còn nhỏ, chú Shoichi đã bỏ đi rồi, nhưng chuyện tình giữa dì Mariko và người nước ngoài là do Nat-chan bịa ra. Cả nhà dì Mariko làm nông nhưng mất mùa liên tục nên cuộc sống khó khăn, vì thế chú Shoichi mới lên Tokyo kiếm sống. Ban đầu nghe nói chú ấy cũng Viết thư gửi tiền về nhà đàng hoàng, sau ít dần đi rồi biệt tăm luôn. Hồi đó người như vậy nhiều lắm. Dì Mariko cũng vất vả từ đó, không tái hôn mà ở vậy nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng. Thật đáng quý!” Trong giọng nói của mẹ tôi không giấu nối niềm tự hào. Thế tại sao Natsuko lại đi nói lung tung khắp nơi như vậy? Tôi có thể hiểu được việc nói dối để che giấu quá khứ khổ cực, nhưng với trường hợp của Natsuko, tôi nghĩ không cần phải nói dối. Đầu óc tôi xoắn lại, chẳng hiểu cái cô Natsuko tự tạo bi kịch cho thân phận của mình là người như thế nào. 2 Sáng hôm sau, tôi đến văn phòng, lên tiếng chào chị Miyuki đang dọn dẹp. Ống tay áo len xắn cao, tay đeo găng cao su màu hồng, chị ấy vui vẻ chào lại tôi. Tôi tiến tới bàn của mình, lấy cuốn vở hiệu Kokuyo từ ngăn kéo ra, đồng thời rút chiếc bút bi nhiều màu hiệu Bic từ ống đựng bút. Tôi không có sở thích gì nhưng lại mê đồ văn phòng phẩm. Nhìn thấy cái gì mới thì không mua là không chịu được. Tôi rất trân trọng sự tỉ mỉ và trí tuệ trong từng sản phẩm, nên chỉ nhìn thôi đã thấy vui rồi, lúc sử dụng lại càng thích thú. Cảm giác vui vẻ khi dùng thứ đồ văn phòng phẩm mua về có khi kéo dài cả ngày. Có lúc tôi chọn sản phẩm mới nhất, có lúc lại dùng sản phẩm bán chạy thông dụng. Tôi bắt đầu công việc với hồ sơ mà Ogiwara đưa cho. Liếc nhìn về phía tấm bảng đen bên cửa sổ, ở cột ngày hôm nay không thấy ghi gì cả, nhưng cũng không có nghĩa là không có kế hoạch hay cuộc hẹn nào. Với người chưa có thói quen thông báo kế hoạch của mình cho người khác như Ogiwara, khả năng quên ghi lại là khá cao. Trước cửa sổ là chiếc bàn thiếc to oành của Ogiwara, trên đó chất đầy hồ sơ. Lúc tôi đứng dậy định đi ra giá sách thì một tiếng “ầm” vang lên làm tôi rụt cổ lại. Lại nữa rồi. Đó là âm thanh của chiếc ghế xoay đâm phải tường ở phía sau. Cũng có lúc tôi chú ý sao cho nó không đập mạnh vào tường, nhưng khi vội hoặc tập trung vào cái gì đó là tôi lại quên. Văn phòng cũng nhỏ quá mà. Lúc tôi được nhận vào văn phòng thì phải thêm một chiếc bàn làm việc cho tôi, mà phòng tiếp khách lại quá nhỏ, không chứa thêm được gì, giá sách cũng chẳng thu nhỏ được, kết cục, mấy cái bàn phải xê xích đi một chút để nhét cái bàn của tôi vào. Lấy cuốn sách từ giá xuống, tôi quay lại chỗ ngồi. Lần này để ghế không va vào tường, tôi cẩn thận kẻo ghế ra đủ rộng rồi mới đặt mông ngồi xuống. Miyuki đến đặt trên bàn tôi một cốc trà. “Trà đây nhé. Xin mời.” “Em cảm ơn. Chị có biết hôm nay luật sư Ogiwara sẽ đến lúc mấy giờ không?” Kẹp chiếc khay trước ngực, quay đầu nhìn đồng hồ trên tường rồi quay lại, chị ấy đáp: “Hôm nay có lịch hẹn khách hàng lúc mười giờ nên đến lúc ấy luật sư chắc chắn sẽ đến thôi. Tôi đoán là giờ anh ấy đang ăn suất cơm sáng ở quán cà phê dưới lầu.” Nhìn khuôn mặt ngạc nhiên của tôi, chị ấy giải thích: “Dưới đó có suất ăn gồm cà phê, bánh mì nướng, sa lát và trứng luộc, chỉ phục vụ vào buổi sáng sớm thôi.” Tôi mở miệng nói: “Không phải em không hiểu suất cơm sáng là gì, mà em đang suy nghĩ không hiểu tại sao luật sư Ogiwara không ăn sáng ở nhà mà lại đến quán cà phê.” “A... à, hình như là ly thân rồi.” Chị ấy đặt ngón tay lên môi. “Chưa chắc chắn đâu nên phải giữ bí mật đấy. Với lại mới là dự đoán của tôi thôi.” “Chị đoán... sao?” “Ừ, thì thấy anh ấy đem sơ mi đi giặt ở tiệm giặt là gần đây mà. Tuần trước lúc tôi dọn dẹp thì thấy có một túi giấy to để dưới bàn, tôi nhìn thử thì thấy mấy cái áo sơ mi đã giặt rồi, thấy ghi tên tiệm giặt là ngay dưới kia. Trời, tôi cứ thắc mắc sao chị nhà không giặt giúp anh ấy nhỉ. Thời này đem quần áo ra tiệm giặt là cũng không có gì to tát nhưng thông thường người ta đưa ra tiệm gần nhà chứ. Với lại cách gấp khăn tay cũng khác nữa.” “Cách gấp khăn tay ư?” Kẹp cái khay vào nách, chị ấy xòe hai bàn tay ra rồi áp vào nhau. “Dùng bàn là để gấp khăn cho đẹp ấy, có nhiều cách lắm. Nó cũng giống như thói quen, ít khi thay đổi đúng không nào. Khăn tay của luật sư Ogiwara trước đây được gấp sao cho góc dưới bên phải đưa lên mặt trên. Ở góc đó thường có hình thêu nhỏ hoặc mác thương hiệu, cũng chính là mặt phải của chiếc khăn, mẹ tôi dạy vậy. Cho nên đến giờ khi gấp khăn tôi vẫn gấp sao cho góc dưới bên phải lên trên. Để tôi cho cô xem, trong túi tôi có đây này. Thấy chưa? Tôi thấy khăn tay của luật sư Ogiwara mấy lần rồi, thời điểm trước tuần trước, lúc nào cũng gấp như thế này. Nhưng gần đây thì gấp theo nhiều kiểu khác nhau. Tôi nghĩ không phải là chị nhà gấp đâu, mà ngài luật sư cũng không thể tự mình làm được. Bằng chứng tình huống đấy, theo đó mà suy thì đáp án là ly thân.” Tôi thử phản bác lại: “Có thể chị nhà đi du lịch đâu đó một tuần hoặc về nhà ngoại chẳng hạn. Việc đó cũng có khả năng mà.” “Ôi chao, đúng là luật sư, đầu óc nhanh nhạy thật đấy. Đúng là như vậy.” Chị ấy nghiêm túc gật đầu. “Phải theo dõi thêm mới có kết luận được nhỉ. Giữ bí mật chuyện này nha!” “Vâng ạ.” Chị Miyuki lách mình qua mấy cái bàn và tủ đựng hồ sơ mà không hề va chạm vào đâu cả, về lại chỗ của mình. Lớn hơn tôi tám tuổi, chị Miyuki cũng giống như mẹ tôi và các bà hàng xóm, rất để ý đến các thay đổi nhỏ xíu, rồi tưởng tượng ra đủ thứ chuyện, bảo là bí mật nhưng lại đi kể khắp nơi. Tôi không thích phụ nữ kiểu như chị Miyuki, nhưng ở phương diện nào đó lại có chút khâm phục. Khả năng vui buồn theo những chi tiết nhỏ nhất như thế tôi không có. Nếu có, tôi nghĩ có lẽ mỗi ngày của mình đều sẽ trở nên sinh động. Tôi quay lại với việc xử lý hồ sơ. Đến mười giờ kém mười phút, Ogiwara xuất hiện ở cửa, cất tiếng chào mọi người: “Chào buổi sáng!” Trong lúc vô ý, ánh mắt tôi rơi trên áo sơ mi của anh ấy. Cảm thấy lúng túng, tôi vội dời mắt xuống xấp hồ sơ. Ogiwara vừa tiến về phía chỗ ngồi của mình vừa hỏi: “Hôm qua thế nào rồi?” Tôi đứng dậy trả lời, nhưng thấy anh ấy giơ tay ngăn nên lại ngồi xuống. Ogiwara xoay ghế nhìn ra cảnh sắc ngoài cửa sổ, tôi tóm tắt lại sự việc: “Tôi không thu thập được thông tin có lợi cho cô Natsuko nhưng ông Akimitsu, bố anh Akio lại có cảm tình với cô ấy nên tôi định nhờ ông ấy thuyết phục anh ta.” “Xin lỗi phải nói thế này, nhưng mà vụ kiện này của cô Natsuko có lẽ là kinh nghiệm tốt cho luật sư Tetsuko đấy.” “... Thật vậy ạ?” “Con người phức tạp lắm, mang nhiều vẻ mặt. Cho nên nhiều khi không nói thật, rồi lại quanh co thay đổi điều mình đã nói.” Mang nét cười như nhớ lại điều gì, Ogiwara lại bảo: “Còn phải đi mấy lần nữa đó.” “Tới chỗ anh Akio ấy ạ?” “Tất cả đối tượng liên quan.” Thấy tôi im lặng, Ogiwara trợn mắt lên ngạc nhiên. “Không lẽ cô nghĩ đã hỏi hết chuyện rồi à?” Suy nghĩ một chút, tôi mở miệng trả lời: “Có hỏi bao nhiêu lần cũng vậy thôi ạ. Anh Akio thì cứ bảo là đau khổ vì không biết lý do tại sao, còn cô Natsuko cứ lặp đi lặp lại là cô ấy hết tình cảm rồi.” Với tay lấy cốc trà chị Miyuki vừa đặt trên bàn, Ogiwara giải thích: “Lúc đầu gặp gỡ, đối tượng thường mang tâm lý đề phòng với luật sư, nhưng trò chuyện nhiều lần sẽ làm cho họ mở lòng hơn. Ừm, cái này cũng chỉ là cách làm việc của tôi mà thôi.” Ogiwara vừa nhìn ra ngoài cửa sổ vừa uống trà. Lúc này có tiếng gõ cửa, chị Miyuki đứng dậy đi ra. “Hiện tại cô Natsuko sống bằng nguồn thu nhập nào?” Ogiwara cất tiếng hỏi bằng giọng nghi hoặc. Tôi lắc đầu đáp: “Tôi không biết ạ.” “Cô ta không có việc làm à?” “Xin lỗi, tôi không hỏi chuyện đó.” “Đây không phải là chuyện để xin lỗi.” Chị Miyuki cất tiếng gọi: “Luật sư!” Ogiwara chậm rãi đứng dậy. “Khi không biết phải làm thế nào, tôi thường đưa ra hai câu hỏi. Câu thứ nhất là: nguyên cáo đối với bị cáo, hoặc bị cáo đối với nguyên cáo, có khúc mắc gì không ngoài vụ việc đang tranh tụng. Câu thứ hai là: cũng là nguyên cáo đối với bị cáo, hoặc bị cáo đối với nguyên cáo, nếu không kể đến vụ việc đang tranh tụng, có điểm gì vừa lòng với đối phương không. Nhân hai câu hỏi này mà có thể nghe được những thứ mà mình không nghĩ tới, từ đó tìm được phương hướng cho việc đàm phán.” Lúc đi ngang qua bản của tôi, Ogiwaga chỉ vào phòng tiếp khách, hỏi: “Cùng đi không?” Nghe thế, tôi vội vàng đứng dậy thì “bang” một tiếng, cái ghế xoay lại đập mạnh vào tường. Tôi nhăn mặt, cầm bút và sổ đi theo Ogiwara. Cùng ngồi tiếp khách hàng xong thì đã mười một giờ rưỡi, hai người chúng tôi đi ăn trưa ở một tiệm gần đấy, nhưng cũng không nói gì đến vụ của Natsuko. Buổi chiều lại có hai lượt khách nữa, tôi cũng ngồi cùng khi tiếp khách, xen kẽ với việc đó, tôi tiếp tục xử lý hồ sơ. Đến sáu giờ, tôi xin phép Ogiwara đi có việc rồi nhằm hướng cửa Tây ga Shibuya. Đi bộ khoảng mười phút, tôi tới hội trường của buổi học nhóm, leo lên tầng ba mà không dùng thang máy. Thuê một căn phòng thuộc quyền quản lý của quận, buổi học nhóm về đề tài pháp lý doanh nghiệp này được bắt đầu từ sáu giờ rưỡi. Trong cuốn hướng dẫn mà hội luật sư gửi cho tôi có rất nhiều thông tin về việc mở các buổi học nhóm. Tôi có hỏi Ogiwara nên đi buổi nào thì anh ấy lắc đầu, báo là không nhớ mình đã từng đi học kiểu lớp này lúc nào nên không giúp được gì. Khi tôi mở cánh cửa màu trắng ra, năm anh chàng đang mặc vest đồng loạt nhìn về phía này. Nghe tôi báo danh, anh chàng dáng người thấp đang đứng ở bên phải lên tiếng chào hỏi: “Tôi là Furuta, lúc trước có nhận được điện thoại của cô.” Rồi anh ta lần lượt giới thiệu các thành viên còn lại, xong bảo tôi: “Chút nữa mới bắt đầu, mời cô dùng ít bánh mì kẹp và cà phê.” Như được hướng dẫn, tôi tiến tới chiếc bàn ở góc phòng, đặt một nghìn yên phí tham dự lên đó, rồi lấy bánh mì kẹp và một lon cà phê. Ngồi xuống chiếc ghế còn trống, tôi mở lon cà phê ra, bóc giấy bọc bánh mì rồi bắt đầu ăn. Trong lúc đó, mọi người lần lượt đến. Bên cạnh vang lên tiếng động, có người ngồi xuống. Quay mặt lại, tôi thấy một anh chàng dáng người vạm vỡ đang cười với mình. “Xin chào, tôi là Sakaguchi Hiroyuki.” Tôi cũng giới thiệu tên mình. Sakaguchi vừa nhìn xuống đồng hồ đeo tay vừa mở lon cà phê. “Lần đầu tôi thấy có luật sư nữ tham gia buổi học nhóm này đấy. Luật sư Furuta có nói thế với cô không?” “Anh ấy có nói.” “Cô quan tâm đề vấn đề pháp lý doanh nghiệp sao?” “Tháng này, tôi vừa trở thành luật sư tập sự nên chỉ đang ở giai đoạn tham gia các buổi học nhóm khác nhau xem thế nào thôi.” “Thì ra là vậy. Văn phòng luật sư cô đang làm việc có nhiều vụ kiện về pháp lý doanh nghiệp không?” “Tôi cũng không rõ làm nhưng có vẻ là không nhiều. Như vậy tôi có thể học thêm được nhiều kiến thức ở những buổi học nhóm như thế này.” Sakaguchi cắn một miếng lớn bánh mì kẹp. “Xin lỗi nếu thất lễ, nhưng cho dù luật sư Ishida có tinh thông về pháp lý doanh nghiệp thì thực tế cũng không có đất dụng võ đúng không?” Thấy vẻ mặt nghi hoặc của tôi, anh ta giải thích thêm: “Đáng tiếc thực tế là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn chưa tiến bộ đến mức thuê phụ nữ làm cố vấn pháp lý. Mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lại càng bảo thủ hơn. Cho nên năng lực hay kinh nghiệm không có chỗ ở đây.” Đúng thế, tôi quan sát anh ta, hoàn toàn đồng ý với luận điểm đó. Các giáo sư ở trường Luật, rồi giáo viên hướng dẫn thực tập toàn nói đến những lý tưởng, không ai dạy tôi thực tế nghiệt ngã như anh chàng Sakaguchi này. “Có lẽ đúng là thế thật.” Tôi lẳng lặng trả lời. Anh ta tròn mắt nhìn tôi rồi khôi phục lại bộ dạng nghiêm túc, nói tiếp: “Tôi cứ tưởng cô sẽ phản ứng chứ. Thật không ngờ cô lại thẳng thắn chấp nhận ý kiến của tôi.” “Vì tôi đoán đó không phải là suy nghĩ của luật sư Sakaguchi về phụ nữ, anh chỉ đang nói cho tôi biết tình hình thực tế thôi.” Trong mắt anh ta ánh lên một tia ôn hòa. “Thế tôi cũng phải nói cho cô biết là có rất nhiều lĩnh vực cần đến các luật sư nữ. Không những cần phải tăng số luật sư nữ thụ lý các vấn đề liên quan đến nhân quyền hay phân biệt giới tính mà còn rất nhiều người mong muốn điều đó xảy ra. Hơn nữa, trong các vụ ly hôn, cho dù là nguyên cáo hay bị cáo thì một bên chắc chắn là phụ nữ, cho nên không còn nghi ngờ gì nữa, các luật sư nữ sẽ có đất tung hoành trong lĩnh vực này.” Tôi chỉ mong mình có thể gặp được những vụ kiện khiến mình say mê. Đúng lúc đó tiếng của Furuta vang lên: “Bắt đầu thôi nhỉ.” Tôi gần như tự động cầm bút lên, mở sổ ra chuẩn bị. 3 Tôi khoanh tay nhìn chằm chằm vào cánh cửa. Ogiwara bảo rằng từ lần thứ hai trở đi không cần phải hẹn, xuất hiện một cách bất ngờ cũng là một cách. Ba ngày sau, tôi lại đến căn hộ của Akio, nhưng anh ta không có nhà. Đến không báo trước thì chuyện này cũng hay xảy ra. Tôi viết lên mặt sau tấm danh thiếp rằng sẽ đến gặp anh ta trong thời gian tới để hỏi chuyện, rồi bỏ nó vào hộp thư. Ogiwara dặn nếu đối tượng không có ở nhà thì nên viết lời nhắn lên danh thiếp rồi để lại. Tôi cũng thử làm thế nhưng không biết có hiệu quả hay không. Ra khỏi khu nhà, tôi suy nghĩ nên làm gì bây giờ. Hay là đến nhà bố mẹ anh ta nhỉ, tôi có đem theo đôi ủng trong túi đây. Ngẩng mặt lên nhìn trời, có vẻ sắp mưa, mới mười giờ sáng mà trời đã tối nhập nhoạng. Bất chợt tôi chú ý đến tấm biển gắn nơi bồn hoa trước khu nhà. Trên đó viết “Có phòng cho thuê”, phía dưới là tên và số điện thoại của văn phòng môi giới nhà đất. Tôi gọi đến số đó bằng điện thoại công cộng để hỏi địa chỉ, rồi đi thẳng đến. Đang đi trên đường thì trời bắt đầu mưa, tôi lấy chiếc ô gấp ra dùng. Dọc theo đường quốc lộ đến một góc có năm, sáu cửa hàng, tôi tìm tên trên biển rồi bước vào văn phòng môi giới nhà đất. Ở đây nhỏ bằng một nửa văn phòng luật của tôi, trong này chỉ có một người đàn ông đang đeo ống lót tay áo màu đen. Tôi lấy danh thiếp ra giới thiệu tên mình, người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi cũng giới thiệu mình tên là Yokoo[*]. Đây cũng là cái tên ghi ngoài biển nên tôi đoán ông ta là chủ ở đây. Ngồi xuống chiếc ghế ở góc phòng, tôi cảm ơn cốc trà ông ta đưa rồi hỏi ông ta có biết ai tên là Akio không. Ông Yokoo ngồi đối diện phía bên kia, tay phải chống cằm, tay trái cầm danh thiếp của tôi. Ông ta đáp “Vâng, tôi có biết” như thể sắp sửa quyết tâm làm việc gì trọng đại lắm. Trả lời câu hỏi “Cô muốn tìm hiểu về việc gì?” của ông ta, tôi hỏi rằng có phải Akio đã mua căn hộ ở đây không. “Vâng, tôi có dẫn anh ta và cô vợ chưa cưới, tên là Natsuko thì phải, đi xem nhà. Bán đất cũng là bên tôi làm.” “Bán ư?” “Vâng. Nhưng nếu cho phép tôi nói thì tôi cũng hoàn toàn bị lừa đấy. Cái đó ấy mà, tôi nghe báo là hai cụ thân sinh không có ý định tranh chấp nữa. Tôi nghĩ đã giải quyết xong rồi, tại sao còn thuê luật sư đến đây nữa nhỉ?” Có vẻ như Yokoo đang hiểu lầm sang chuyện gì đó. Tôi giải thích sự việc rồi đề nghị ông ta nói lại những việc mà mình biết. Với ánh mắt xa xăm, ông ta kể lại: “Đúng vậy, đầu tiên là cô ấy đến một mình hồi năm ngoái. Cũng hiếm gặp nên tôi nhớ kĩ lắm. Tôi giới thiệu căn hộ xong, cô ấy rất thích, bảo là lần tới sẽ dẫn chồng sắp cưới đến xem. Sang đến năm nay, cô ấy và anh Akio cùng đến, quyết định mua luôn. Tôi biết mà, phụ nữ mà muốn thì đàn ông dù có khó khăn cũng cố gắng thỏa mãn. Đó là khi còn yêu nhau ấy. Nhưng cái này khác với áo quần hay túi xách, khó khăn không chỉ một chút thôi đâu. Sau khi xem nhà xong, tôi dẫn hai người về văn phòng này để thảo luận việc thanh toán. Anh Akio bảo mình là nhà nông, không có nhiều tiền mặt trong tay. Thế là cô gái kia bảo nhiều đất như thế, anh nhờ bố mẹ bán đi một góc là có tiền thôi. Lúc đó vẻ mặt anh Akio rất khó xử. Tôi mới đề nghị là anh chị về bàn kĩ với gia đình đã, rồi họ ra về.” Ghé sát mặt vào cuốn lịch để bàn, ông ta dò ngón tay trên đó, kể tiếp: “Sau đó khoảng hai tuần, vào ngày Hai mươi tư tháng Một. Tôi hay chú ý đến ngày tháng lắm, làm cái nghề này rất nhạy cảm với ngày tháng. Rồi, ngày Hai mươi tư, anh Akio và cô gái kia cùng đến. Anh Akio có đất do bố mẹ để lại, cho nên muốn bán số đất ấy đi lấy tiền mua căn hộ. Tôi đã xem giấy chứng nhận quyền sở hữu, tất nhiên là đồ thật. Thế là tôi bắt đầu rao bán, tìm được người muốn mua miếng đất đó. Sau đó, tôi làm các thủ tục cần thiết, mọi việc kết thúc êm đẹp. Đất thì về với người mua, còn anh chị Akio thì chuyển vào căn hộ mới.” Một lần nữa ông ta đưa mặt vào gần cuốn lịch, nói tiếp: “Vào ngày Hai mươi bảy tháng Hai, người mua đất dẫn theo nhân viên trắc địa đi xem miếng đất. Thế rồi có người đàn ông tới hỏi các anh đang làm gì trên đất của tôi. Người đã mua đất rút giấy tờ từ trong ngực ra, nói đi nói lại thì mới vỡ lẽ người đó là bố của anh Akio. Sau này mọi việc mới sáng tỏ, thì ra anh Akio giấu bố mẹ tự mình thay tên người đăng ký quyền sở hữu một phần đất của gia đình. Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và con dấu tuy là vật quan trọng nhưng cũng chỉ ở trong nhà, làm con thì tất nhiên là biết nên anh Akio cũng dễ dàng lấy được. Tiếp đó anh ta giả chữ ký của bố mình để đi đổi tên người đăng ký, rồi đem đến chỗ tôi. Cái này mới là điểm chính, có nghĩa là giấy tờ mà tôi nhận là đúng quy cách, cho nên không có sai lầm gì ở phía tôi mà tôi chính là người bị hại đấy.” “Thế miếng đất đó sao rồi ạ?” “Bố con nói chuyện với nhau rồi quyết định từ bỏ miếng đất đó. Thì đó, nếu mà thật sự muốn lấy lại miếng đất thì kẻ làm giả mạo giấy tờ là anh Akio làm sao tránh được liên quan. Sau khi tính toán thiệt hơn thì cũng chỉ có thể từ bỏ miếng đất thôi.” “Thế là miếng đất vẫn thuộc sở hữu của người đã mua đất còn căn hộ thì đứng tên của anh Akio phải không ạ?” “Tôi đoán là vậy, nếu như căn hộ chưa sang tên cho cô gái kia.” “Họ có dự định như vậy thật sao?” “Tôi cũng chỉ nghe được một chút thôi.” Yokoo nhún vai. “Hai người đó đã kết hôn rồi phải không? Chưa sao? Ngày Hai mươi tư tháng Hai, tôi có dẫn khách đi xem nhà ở chung cư đó thì tình cờ gặp cô gái kia ở trước cửa. Cô ấy hỏi nếu được nhượng quyền sở hữu căn hộ từ người mà mình chưa kết hôn thì thủ tục cứ tiến hành bình thường có được không.” “Đó là ngày Hai mươi tư tháng Hai phải không ạ?” “Vâng?” Ông ta dời mắt xuống cuốn lịch, lấy tay dò trên đó rồi ngẩng đầu lên: “Đúng thế, là ngày Hai mươi tư tháng Hai, không sai được.” “Nếu thế trước khi hai cụ thân sinh biết việc bán đất thì có khả năng căn hộ đã sang tên cho cô Natsuko rồi nhỉ.” Nghỉ ngơi một lúc rồi ông ta phá lên cười. “Đúng thế nhỉ, cũng tiếc thật đấy, cô gái ấy. Nếu mà sự việc vỡ lở trễ hơn một chút thì đã có thể lấy căn hộ làm của riêng rồi.” “Việc tự ý đổi tên người đăng ký sở hữu mà không có sự đồng ý của người đứng tên có liên quan đến cô Natsuko phải không nhỉ?” “Ừm...” Yokoo lắc đầu. “Cái này nói sao nhỉ, tôi cũng không biết.” Tôi sắp xếp lại trong đầu chuyện mà Yokoo kể. Có phải Natsuko đã lên kế hoạch không nhỉ? Akio nói rằng vì Natsuko muốn ra ở riêng nên mới mua căn hộ này. Có khả năng là Natsuko đã... gợi ý. Nếu Natsuko không bảo là muốn có căn hộ thì Akio đã không mua. Nhưng mà việc tự ý bán đất kiểu gì cũng sẽ bị lộ. Người mua đất không lý gì mua rồi chỉ để đó. Có bị lộ cũng không sao cả nhỉ? Vì lúc đó đã mua căn hộ rồi, xem xét tình hình thì bố mẹ của Akio cũng chỉ còn cách từ bỏ miếng đất thôi. Có lẽ cô ấy đã đoán trước được sự việc. Nếu vậy tại sao khi tôi tìm tới hỏi chuyện thì cả bà Katsue và ông Akimitsu đều không đề cập gì đến chuyện này? Chú ý tới ánh mắt lén quan sát sắc mặt tôi của Yokoo, tôi tiếp tục hỏi thêm một vài câu nhưng ông ta không có quan hệ cá nhân gì với Akio và Natsuko ngoài việc môi giới đất đai nên tôi cũng không thu được thêm mấy thông tin. Tôi nói lời cảm ơn rồi rời khỏi văn phòng môi giới nhà đất sau ba mươi phút trò chuyện. Đi dọc theo đường quốc lộ, tôi dừng chân ở vạch sang đường. Ồ, mưa tạnh rồi. Nhìn về bên trái, tôi thấy cánh đồng trải dài tít tấp, các ngôi nhà chỉ nhỏ như con kiến. Chuyển mắt sang bên phải, tôi lại thấy các tòa nhà cao nối liền nhau. Đây là điểm giao thoa giữa hai cảnh tượng hoàn toàn khác nhau. Theo như lời của Yokoo thì các gia đình xung quanh đây bán đất mà trở nên giàu có. Ông ta đảm bảo rằng chỉ cần lấy tiền đó làm vốn để kinh doanh thì có thể ăn sung mặc sướng ba đời cũng không hết. Tôi nhớ lại câu hỏi của Ogiwara rằng Natsuko làm gì để sống. Hay là mình bất ngờ tới thăm Natsuko nhỉ? Tôi không đi về hướng nhà Nishioka nữa mà xoay người đi về phía ga tàu, đúng lúc tấm biến văn phòng môi giới nhà đất của Yokoo đập vào mắt, tôi nhớ lại lời khuyên của Ogiwara. Bước nhanh trở lại, tôi đẩy cửa vào, Yokoo rất ngạc nhiên khi lại thấy tôi. “Xin lỗi,” tôi cúi đầu chào, “có hai câu tôi quên hỏi ạ. Chú có điều gì không vừa lòng với anh Akio hay cô Natsuko không?” Đang ngồi trước quầy, Yokoo hếch cằm lên như không nghe rõ, tôi liền lặp lại câu hỏi. Suy nghĩ một chút, ông ta trả lời: “Họ đều là những khách hàng đáng mến. Có lúc tôi cũng hoảng loạn nghĩ mình bị kéo vào vụ lừa đảo, nhưng rồi kết cục tôi để mọi việc thuận theo tự nhiên. Tôi cũng chẳng có gì không vừa lòng cả.” “Thế ạ? Chú cho tôi hỏi thêm một câu nữa, vậy có lúc nào chú thấy có cảm tình với họ không?” Mím môi nghĩ lại một lúc, ông ta mới nói: “Chỉ có chút chuyện nhỏ không đáng nói thôi, có được không? Vậy à, thì đó, tôi nghĩ là cô gái kia lấn át hết phần bạn trai, nhưng mà này, tôi đã từng thấy cô ấy nhường nhịn, chăm sóc anh ta đấy. Vào cái ngày hai người đó đến chỗ này, vợ tôi có mua bánh daifuku[*] đến nên mời họ cùng ăn. Thế là cô gái kia mới xắn nửa cái bánh của mình cho vào đĩa của anh bạn trai. Anh kia thì bộ dạng cứ như quen với điều đó rồi, chẳng nói cảm ơn gì cả, điềm nhiên ăn luôn, thêm cả phần của mình nữa là một cái rưỡi. Ăn xong thì bên mép của anh ta dính chút bột trắng, vậy là cô gái ấy vừa cười vừa lấy khăn tay của mình ra lau giúp. Lúc nhìn thấy thế, tôi rất có cảm tình. Cũng chẳng phải chuyện gì to tát.” Cặp đôi sắp cưới sống trong hạnh phúc... Khi đó có lẽ họ không nghĩ rằng sau này chia tay lại gặp rắc rối đẽn mức phải nhờ luật sư can thiệp. Có quá nhiều người khi yêu đều quên mất điều cơ bản rằng cảm xúc con người rồi sẽ thay đổi. Thời cấp ba và đại học, tôi cũng có người có thể gọi là bạn trai, nhưng tôi chưa bao giờ quên điều cơ bản này. Vượt qua những bỡ ngỡ khi mới yêu nhau, sau đó tôi phó thác tất cả cho vận mệnh. Nếu là duyên thì chẳng cần cố gắng cũng có thể tiếp tục, nếu đã định phải kết thúc thì có vùng vẫy thế nào cũng chia tay thôi. Thực tế tôi chia tay với bạn trai rất bình lặng, kết thúc êm đẹp. Tôi nói lời cảm ơn Yokoo rồi đi về phía nhà ga, lên tàu điện và xuống ở ga Kasai, nhằm hướng khu nhà trọ mà Natsuko đang sống. Xuyên qua con phố buôn bán dài, tôi tiến vào khu dân cư, phía trước hiện lên tòa nhà trọ hai tầng. Tôi ấn chuông cửa căn phòng số 201 nhưng Natsuko không có ở nhà. Cho danh thiếp vào hộp thư, tôi dùng điện thoại công cộng trước cửa hàng bán gạo bên kia đường gọi vào điện thoại cố định trong phòng Natsuko nhưng không có ai nghe máy. Không còn cách nào khác, tôi vào cửa hàng gạo hỏi thăm thử về Natsuko. Cô gái bán hàng tỏ vẻ rất khó chịu nhưng cũng chỉ cho tôi quán rượu nơi đã bắt gặp Natsuko mấy lần. Dọc theo con đường quay lại khu phố buôn bán, tôi thử tưởng tượng ra dáng vẻ Akio và Natsuko như trong câu chuyện lúc cuối ông Yokoo đã kể. Lúc vẽ lên trong đầu dáng vẻ Natsuko ân cần chăm sóc Akio, tôi giật mình đứng lại. Một chiếc xe đạp đi với tốc độ cao sượt qua người, tôi đặt tay lên ngực, thở phào một hơi, suýt nữa bị tông rồi. Trong lúc suy nghĩ, tôi đã tới lối vào khu phố buôn bán lúc nào không hay. Đeo lại túi xách, lúc định cất bước tiếp, chân tôi như đóng đinh trước một tủ kính trưng bày vì thấy ảnh của Natsuko. Trong tủ kính có năm tấm ảnh, trong đó có một tấm chụp Natsuko đang ngồi, khuôn mặt tao nhã, đứng phía sau là Akio[*]. Tôi lập tức xoay người nhìn lên tấm biển để tên cửa hàng, rồi đẩy cửa bước vào studio ảnh Ozawa. Tiếng chuông báo hiệu vang lên, cánh cửa trắng phía cuối cửa hàng mở ra, một người đàn ông mặc áo vest xanh đen, quần trắng, xuất hiện. Tôi tự giới thiệu rồi nói mình muốn hỏi thăm về tấm ảnh trưng bày trong tủ kính thì được mời ngồi. Ông chủ bảo là mình nhớ rất rõ Akio và Natsuko. Nheo mắt lại, ông ta kể: “Cô gái có thái độ tích cực hơn, thường là như vậy, phần lớn các cô gái, để chuẩn bị cho buổi chụp hình thì nào là mua quần áo, đi làm tóc, trang điểm, còn các anh chỉ chọn bộ được nhất trong tủ mà mặc thôi. Đúng rồi, họ cãi nhau vì mái tóc của chàng trai, cái này cũng là việc thường xảy ra. Cô gái tức giận bảo là tóc anh dài như vậy sao ngày hôm qua không tranh thủ đi cắt đi, có vẻ như chàng trai không thích đi làm tóc lắm. Cũng là việc hay gặp thôi nhưng mà chắc cô đang thắc mắc tại sao tôi lại nhớ kĩ đúng không. Là vì cô gái đã bật khóc, điều đó gây ấn tượng với tôi. Việc chụp ảnh đối với con trai và con gái mang ý nghĩa khác nhau, cho nên tôi cũng quen nhìn các cặp đôi cãi nhau trước khi chụp, nhưng mà đây là lần đầu tiên có cô gái bật khóc đấy. Cô gái kia nói rằng chàng trai không coi trọng mình nên mới tùy tiện như vậy đến chụp hình, thế là anh chàng kia xin lỗi rồi dỗ dành mãi mới thôi, cũng vất vả phết. Lúc đó tôi cũng không có lịch hẹn chụp hình tiếp theo nên không vấn đề gì, chờ họ giải quyết xong.” Lúc nghe tôi nhận xét rằng anh chàng kia cũng mệt mỏi quá nhỉ, ông chủ hiệu phá lên cười không dứt. “Ương bướng như vậy không phải là rất dễ thương sao, đó cũng là một kiểu cãi yêu mà. Cô gái khóc cũng chỉ vì cho rằng mình không được xem trọng, chứ chẳng phải có ý xấu gì phải không nào? Chụp hình xong, hai người lại vui vẻ dắt tay nhau ra về. Mỗi lần nghe kể về tình cảm hài hòa giữa Natsuko và Akio, tôi lại cảm thán cho sự thất thường trong quan hệ giữa người và người. Tôi đặt câu hỏi: “Chú có điều gì không vừa lòng với một trong hai người đó không?” “Có chứ.” Ông ta trả lời ngay lập tức. “Tháng trước cô gái đến đây một mình, bảo muốn lấy ảnh của một mình mình thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được yêu cầu kiểu như Vậy, ví dụ để làm di ảnh nên trong bức ảnh gia đình, chỉ cắt mỗi người nào đó ra thôi. Nhưng nếu thế thì chỉ cần phần đầu thôi.” Ông ta đặt tay ước lượng từ xương đòn gánh trở lên mặt. “Nhưng mà cô gái kia lại muốn ảnh toàn thân của một mình mình. Tôi có hỏi là dùng để làm gì nhưng cô ta cứ khăng khăng bảo là muốn như vậy. Trong tấm ảnh này, phần hình của cô gái và chàng trai trùng khớp nhau nhiều nên tiền phí chỉnh sửa khá cao. Tôi giải thích cho cô ta, bảo là nếu mà cắt ra thì thế nào trông cũng không tự nhiên, thà rằng cô ấy chụp riêng một tấm khác thì hơn. Thế là cô ta phừng phừng giận dữ.” “Nổi giận thật sao ạ?” “Vâng, cô ấy rất kích động. Thật khủng khiếp mà.” “Rồi sao nữa ạ?” “Tôi cứ để cô ấy một mình rồi cô ấy cũng bình tĩnh lại, cũng mất khoảng hai mươi phút đấy. Cô ấy bảo là mình rất thích bộ váy áo mặc khi chụp, mà giờ nó bị dính vết nước tương nên không mặc được nữa. Vì thế nên muốn lấy tấm ảnh của một mình mình thôi. Tôi mới nói rằng nếu cô ta muốn cắt hình của mình ra thì tốn năm mươi nghìn yên, trả trước toàn bộ. Ngay lập tức cô ta im lặng.” “Cái gì?” Tôi ngạc nhiên thốt lên. “Cô ta cắn chặt môi, vẻ mặt đầy bất mãn, tôi nghĩ thế, rồi hét lên là quá đắt. Sau đó cô ta bắt đầu mặc cả.” Ông ta gật đầu trước vẻ mặt muốn hỏi lại của tôi. “Thật hiếm thấy.” Tôi hỏi xem hai bên có thỏa thuận được giá cả không thì ông ta đưa tay lên trước mặt lắc lắc. “Tôi nói rằng phương châm của cửa hiệu chúng tôi là không giảm giả nên không được, có nói gì cũng vô ích. Cô ta cũng khá là kiên trì nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc ra về. Nói thật là tôi thở phào nhẹ nhõm.” Tiếp theo tôi hỏi rằng ông ta có cảm tình với điều gì hay không. Lần này ông ta cũng lập tức gật đầu: “Tôi tức quá nên bảo với cô ta rằng sẽ bỏ tấm ảnh trưng bày trong tủ kính đi. Nghe thế, cô ta lập tức ra phía ngoài, ngắm nghía chán chê bức ảnh trong tủ. Sau đó cô ta quay trở lại nói là bức ảnh chụp đẹp lắm, mong tôi vẫn trưng bày nó như thế. Điều này làm tôi thấy thú vị. Kỳ lạ đúng không? Khách hàng tức giận rồi mặc cả này nọ cũng được xem là lạ rồi. Nhưng cô ta không chỉ như vậy, tôi nghĩ chắc là cô ta bị đá rồi nên mới thế, thường thì nếu gặp trường hợp đó, người ta sẽ bảo là bỏ tấm ảnh đi. Thì bức ảnh lưu giữ kỷ niệm lúc hạnh phúc bên nhau, giờ nhìn lại sẽ đau lòng đúng không? Nhưng mà cô gái ấy lại chống tay lên hông đứng trước cửa hiệu, bình phẩm rằng trong ảnh trông chân hơi to. Có vẻ như cô ta rất tự tin với phần chân từ đầu gối trở xuống của mình. Cô ta kể là khi ngồi trên tàu điện, hầu hết đàn ông đều bị thu hút bởi chân của mình. Thế là tôi thấy buồn cười quá, cười ra tiếng đó. Cô gái kia chắc chắn là khách hàng khó ưa, nhưng mà không hiểu sao lại thấy đáng yêu.” Tôi ra khỏi cửa hiệu chụp ảnh, một lần nữa ngắm nhìn Natsuko trong bức ảnh. Cô ấy mặc váy ngắn, hai chân nghiêng về một bên. Thật không hiểu tại sao cặp chân này lại thu hút đàn ông, tuy không phải là thô nhưng cũng có nhiều cặp chân trông thon thả hơn thế. Natsuko rốt cuộc là loại phụ nữ nào đây, càng đi hỏi chuyện các nơi tôi càng bối rối. Cô ấy bảo là muốn cắt hình của mình trong bức ảnh chụp chung với người yêu cũ ra, rồi vì chi phí cao mà mặc cả, sau đó còn khoe rằng mình tự hào về đôi chân với ông chủ cửa hiệu chụp ảnh vừa mới cãi nhau xong. Thật sự tôi ngày càng không hiểu Natsuko. Tôi tiến vào khu phố buôn bán, theo như chỉ dẫn rẽ phải ở góc đường có tiệm gà nướng. Lối đi nhỏ đến mức chỉ có một người đi được, hai bên nối dài các bảng hiệu ghi tên quán rượu. Cửa tiệm mà tôi tìm là cái thứ tư kể từ ngoài vào. Quán đang đóng cửa, phía trong cửa sổ kính tối om. Tôi thử gọi với vào nhưng không ai trả lời. Tôi nhìn đồng hồ, nghĩ rằng giờ trưa này đến quán rượu thật không phải lúc, bỗng nghe tiếng động phía sau lưng. Cửa quán đối diện mở ra, một người phụ nữ đứng dựa vào đó, sắc mặt không tốt lắm. Trước khi tôi cất tiếng, người đó đã nói: “Nếu tìm Kyoko-chan thì thử đi theo lối đó vào trong xem, có lẽ cô ấy đang hút thuốc bên miệng giếng đó.” Theo như hướng dẫn, tôi đi sâu vào trong, đến chỗ đường giao nhau thì quan sát hai bên. Ở phía trước của đường bên phải có một miệng giếng đào trên nắp có bơm. Bên cạnh cái giếng đó có một miếng đất trống nhỏ được lát xi măng. Ở đấy tôi thấy một người phụ nữ đang ngồi trên một cái bệ bên rãnh nước. Tới gần, tôi cất tiếng gọi hỏi xem cô ta có phải là Kyoko không. Cô ta vẫn ngậm thuốc lá trong miệng, ngẩng lên nhìn tôi và gật đầu. Tôi tự giới thiệu, ngay khi nói ra tên Natsuko, cô ta có vẻ quan tâm và cất tiếng hỏi: “Nat-chan bị bắt rồi sao?” Giọng nói trầm khàn như của đàn ông. “Tại sao cô lại nghĩ như vậy?” Tôi hỏi lại. “Luật sư xuất hiện không phải là chuyện thường đúng không. Dù lừa đảo kết hôn cũng hiếm khi bị bắt nhưng lúc đó tôi nghĩ lẽ nào cô ta thất bại rồi cũng nên.” Cô ta cất tiếng cười khô khốc, chỉ vào cái bệ bên cạnh. “Thôi, ngồi đi.” Tôi trải khăn tay lên chiếc bệ bên trái Kyoko rồi ngồi xuống. Nước chảy tong tỏng từ chiếc bơm trên nắp miệng giếng. Tôi thắc mắc lời Kyoko vừa nói nên lập tức lên tiếng: “Cô Natsuko đang thực hiện hành vi lừa đảo thông qua kết hôn sao?” Kyoko quan sát tôi với vẻ dò xét rồi đáp: “Làm gì có chuyện đó.” Nụ cười nhếch mép hiện trên mặt. Natsuko là kẻ lừa đảo thông qua kết hôn? Người bị hại là Akio? Thật vậy không nhỉ? Mà điều này cũng không thể phủ định được. Có người kể rằng cô ấy có rất nhiều bạn trai, rồi vụ tự ý bán đất, thay đổi tên chủ sở hữu căn hộ nữa chứ. Có lẽ đây không chỉ đơn giản là giải quyết việc chia tay nữa rồi. Bất chợt, chiếc váy hoa hướng dương hiện lên trong đầu tôi. Một Natsuko không thích tôi cũng mặc một cái váy giống mình nên xé nát cái váy của tôi. Tôi có biết gì về Natsuko của hiện tại không? Không gì hết. Ương bướng, dễ nổi nóng, thích nói dối về nguồn gốc của mình, tất cả những điều đó đều là do người khác kể cho tôi. Nhưng đó có lẽ chưa phải là toàn bộ con người Natsuko. Tôi có nên tìm hiểu toàn bộ về Natsuko không? Với tư cách là luật sư, e rằng tôi nên biết nhỉ. Tôi đang suy nghĩ nên hỏi thế nào thì có một đứa trẻ tiến đến gần miệng giếng. Đó là một cô bé gái khoảng năm, sáu tuổi, mặc áo thun màu hồng, tay cầm que kem. Kyoko lên tiếng nói chuyện với cô bé: “Hana-chan, đang ăn cái gì ngon thế nhỉ! Được bạn của mẹ con cho phải không? Chú ấy tốt nhỉ, nếu trở thành bố của con thì hay biết mấy, nhưng mà khó đấy, chú ấy có vợ rồi mà.” Cô bé không có biểu cảm gì, chăm chú nhìn Kyoko, rồi quay lưng bước về phía lối đi bên phải. Kyoko đưa mắt nhìn theo bóng lưng cô bé, mở miệng nói: “Câu cửa miệng của Nat chan là “Tôi không phải loại đàn bà kết thúc cuộc đời ở đây”. Cứ lúc nào uống say là tuôn ra, đây cũng chỉ nghe cho có vậy thôi. Nhưng mà hết lần này đến lần khác đều mở miệng ra nói, chẳng phải là muốn tự cảnh cáo bản thân sao.” “Cô có biết anh Akio không?” “Chưa thấy dẫn đến quán, nhưng mà cũng có nghe Nat chan kể. Tôi trêu cô ta là chẳng phải cô bảo cô không phải loại đàn bà kết thúc cuộc đời ở đây, sao giờ lại thu xếp muốn làm dâu nhà nông vậy. Thế là cô ta cáu đến sưng sỉa mặt mày lên, tuyên bố mình chả kết hôn đâu, không những thế còn có cách lấy được căn hộ nữa.” “Thế cô ấy có nói làm cách nào mà lấy được căn hộ cho dù không kết hôn không?” “Chẳng thấy nói gì cả.” “... Vậy à?” “Gần đây không thấy Nat-chan đến quán nữa, cô ta sao rồi? Cô có biết không? Căn hộ đó về tay cô ta rồi à?” Tôi không nói gì, chỉ lắng lặng nhìn ngón chân sơn đỏ lộ ra ngoài dép sandal của Kyoko. Lắng nghe âm thanh nước rỉ ra từ cái bơm trên nắp miệng giếng, một lúc sau tôi mới cất tiếng hỏi: “Có phải từ đầu cô ấy đã không có ý định kết hôn với anh Akio không?” “Nat-chan có nói thế. Vì cũng không thiếu các anh chàng giàu có hơn gã Nishioka kia mà.” “Có phải cô ấy qua lại với người đàn ông khác trong khi hẹn hò với anh Akio?” Điếu thuốc đang đưa lên môi chợt dừng lại, Kyoko nhìn tôi chằm chằm rồi phá lên cười, đến nỗi lưng cong lại, rung lên từng hồi. Tôi mang tâm trạng buồn chán, ngồi chờ Kyoko ngừng cười, nhưng thấy cô ta mãi không thôi cười, nên để không lãng phí thời gian tôi liền lấy sổ tay và bút từ trong túi ra. Lật giở sổ tay, tôi xem lại các ghi chép trước đây của mình. Cuối cùng tiếng cười cũng bắt đầu nhỏ dần, Kyoko hít một hơi thật sâu, bảo “Chán nhỉ, lại thêm nếp nhăn rồi đây này,” và đưa ngón tay lên chỉ vào nơi đuôi mắt. Ho khan hai tiếng rồi Kyoko mới nói tiếp: “Nat-chan ấy mà, có tài năng thiên bẩm đấy, là loại tài năng có thể khiến đàn ông nhìn thấy ước mơ của mình. Cái này cô có ghi lại không đó? Quan trọng lắm. Cho nên cô ta không cần phải đẹp rực rỡ, thậm chí không cần làm việc cũng có thể ung dung hưởng thụ, tất cả đều nhờ vào cái tài năng đó. Cô bày ra vẻ mặt này là sao? Đang khó chịu hay đang mông lung không hiểu? Là mông lung không hiểu à? Được rồi, nghe cho kĩ đây này! Trên đời này có một loại người bẩm sinh đã là kẻ lừa đảo. Nat-chan cũng là loại đó. Chắc cô nghĩ kẻ lừa đảo sẽ bị ghét bỏ đúng không? Sai rồi, là được yêu thương đó. Nếu không có khả năng đặc biệt khiến người người yêu mến thì làm sao lừa được họ. Để tôi kể cho mà nghe, cô ta đến ngồi cạnh một người đàn ông bên quầy bar, tôi đang nghĩ không biết cô ta sẽ nói chuyện gì thì nghe cô ta hỏi anh ta nếu trúng số một triệu yên thì sẽ làm gì. Anh chàng kia liền bảo sẽ đi du lịch nước ngoài, thế là câu chuyện tiếp tục theo kiểu đi đâu rồi lúc nào, vân vân. .. dần dần vẽ ra viễn cảnh trong mơ. Cũng vui đó chứ. Thực tế là anh ta chẳng trúng số, thậm chí chắc chả bao giờ mua xổ số, thế mà lại trái qua hai tiếng đồng hồ vui vẻ bên nhau. Khi ra về, cứ thử bảo là tháng sau mình không có tiền để trả tiền nhà xem, thế nào anh chàng chẳng lẳng lặng đem hết tiền trong túi ra đưa cho. Ngày hôm sau, cô ta lại ngồi cạnh một anh chàng khác bên quầy bar, rồi cũng chuyện trò rằng nếu trúng số một triệu yên, anh sẽ làm gì.” Tôi ngẩng mặt lên quan sát Kyoko, cô ta vứt điếu thuốc đang hút dở xuống cái rãnh bên cạnh, sau đó lập tức rút một điếu khác ra rồi mới tiếp tục: “Cái hay của Nat-chan là sau khi khiến đàn ông kể về giấc mơ của mình, cô ta cũng tâm sự về ước mơ của bản thân. Cũng đa dạng phong phú lắm, tùy theo gã kia như thế nào mà thay đổi. Ví dụ á? Ừm, đúng rồi, có lần cô ta bảo là muốn học trung cấp kế toán. Thế là xin phép anh kia trích năm mươi nghìn trong số tiền trúng số một triệu đó làm học phí. Khéo quá còn gì! Bởi vì chẳng biết từ lúc nào câu chuyện đã lái theo hướng tương lai của hai người.” Sau đó Kyoko kể thêm mấy ví dụ nữa để chứng minh cho khả năng lừa đảo của Natsuko. Còn tôi thì nhờ cô ta cố nhớ lại tên những người đàn ông đã từng qua lại với Natsuko và ghi lại trong sổ tay, tất cả có mười cái tên bao gồm cả biệt danh. Gấp sổ tay lại, tôi đặt câu hỏi: “Cô ghét Natsuko ở điểm nào?” Cô ta dùng bàn tay phải đang kẹp điếu thuốc gãi bắp chân. “Là không chịu trả tiền. Những hôm ngồi cùng anh này anh kia thì tất nhiên anh ta trả tiền cho, còn những hôm cô ta đến một mình, ăn uống xong chỉ bảo chị cứ ghi sổ cho em. Đến hết tháng, tôi đòi tiền thì cô ta toàn lấy cớ kiểu như hôm nay em quên đem ví, mấy tháng sau cũng không trả, thế mà lại khoe khoang là mua áo quần ở Ginza này nọ.” Đột nhiên Kyoko ngồi thẳng lưng lên, bức xúc kể: “Thế vẫn còn tử tế chán. Tôi nhớ ra rồi. Năm ngoái, nhân giải đấu bóng chày, cô ta rủ rê cá độ, tập hợp tiền của khách hàng quán tôi, cá xem Giants hay Hankyu[*] thắng. Đáng lẽ ra tôi nên ngăn chuyện này lại. Lúc đó tôi cứ nghĩ chỉ là thu tiền rồi phân phát lại mà thôi nên để Nat-chan, kẻ hám tiền đó, làm cũng không sao. Tôi sao? Tôi không tham gia cá độ. Thế rồi Hankyu thắng. Mấy vị khách báo lại với tôi rằng không liên lạc được với Nat-chan. Chuyện này mà trở nên rắc rối thì khách không đến quán nữa mất. Cô ta ôm tiền trốn rồi cũng nên. Tôi đành phải thông báo cho các cửa hiệu trong khu phố rằng nếu thấy bóng dáng cô ta đâu thì báo cho tôi một tiếng. Là giăng sẵn lưới ấy mà. Rồi một ngày tôi nhận được điện thoại của cửa hiệu hóa mỹ phẩm bảo là cô ta đang ở đó, tôi liền nhờ người ta làm sao đó giữ chân cô ta lại, còn mình thì vội vàng liên lạc với mấy người khách đã tham gia cá cược. Cũng quá đột ngột nên chỉ gọi được có hai người, cùng nhau đến tiệm hóa mỹ phẩm chờ cô ta bước ra. Khi cô ta xuất hiện, tôi gọi thì cô ta nói sao biết không? “Ôi chao, lâu ngày quá!” Đúng là đồ mặt dày! Mọi người vây lại đòi cô ta phải trả tiền ngay cho những người thắng cược. Cô ta bảo là giờ không mang tiền theo, tôi liền bảo ra ngân hàng ngay góc phố rút tiền. Lúc này cô ta mới rơm rớm nước mắt kể lễ trong ngân hàng cũng không còn tiền, tiền của mọi người, cô ta đã tiêu hết rồi. Khóc lóc với tôi cũng vô dụng, lừa tiền của khách thì tôi không thể bỏ qua. Thế nào cũng phải nôn tiền ra, tôi bảo thế, còn nghĩ cách hộ nữa chứ, không phải mấy gã đàn ông đều sẵn sàng bỏ tiền cho cô ta sao. Lúc đó Nat-chan có vẻ chấp nhận nên tôi mới bảo vào quán cà phê ngồi một chút, cô ta cũng im lặng vào theo. Tôi bắt cô ta gọi từ điện thoại công cộng trong quán cho gã người tình, dĩ nhiên, chờ khoảng một tiếng thì gã kia đem tiền chạy đến. Hả? Không, không, không phải là gã Nishioka đâu, gã khác. Ừm, tên là... Kumada... Yoshiaki. Tôi nhận toàn bộ số tiền gã đó mang tới, rồi trả hết cho các vị khách trong quán.” Kyoko khẽ cười rồi tiếp: “Chuyện như vậy xảy ra, thường người ta không dám vác mặt đến nữa đúng không?” “Vâng, đúng vậy. Chẳng lẽ cô ấy lại khác sao?” “Chứ sao nữa, một tuần sau cô ta tới quán chào hỏi như thường: “Má, khỏe không má?” Cô ta đúng là ghê thật đấy.” Đúng vậy, rất ghê gớm. Cô ấy ôm tiền cá độ bóng chày chạy mất, thất bại thì có đàn ông thu dọn cho, thế cũng đủ ngạc nhiên rồi. Nhưng mà mặt dày đến nỗi lại mò đến quán của Kyoko lần nữa thì khiển ai cũng phải chẹp lưỡi. Chắc là không có đâu nhưng tôi vẫn hỏi thử: “Có lúc nào Nat-chan làm cô cảm động không?” Kyoko xoay đầu, vứt đầu mẩu thuốc lá xuống rãnh nước bên cạnh. Chờ mãi không thấy cô ta có dấu hiệu gì đáp lời nên tôi cho sổ và bút vào túi xách. “Có lần cô ta tặng quà cho tôi.” Lời của Kyoko làm tôi ngẩng đầu lên. Cô ta nhìn xa xăm, kể lại: “Có một nghệ sĩ mà tôi rất thích, cũng khá nổi tiếng. Có lần tôi bảo với Nat-chan là lấy được tấm vé đi xem vở kịch của nghệ sĩ đó rất khó khăn, thế mà cô ấy đã nhớ. Hôm đó, tôi đang chuẩn bị đồ trong quán thì Nat-chan chạy ào vào, kêu to lên rằng: “Má, nhìn này”, trên tay là tấm vé.” Vẻ mặt của Kyoko dịu dàng hẳn đi. “Cô ta bảo đã xếp hàng mua vé từ tối hôm trước, rằng xem phim thì ngồi hàng ghế giữa trở về sau, chứ xem kịch mà không ngồi hàng đầu thì chả xem được gì, cho nên đã cố gắng xếp hàng đó. Cũng phải cả tháng nữa mới đến ngày công diễn nhưng mà thời gian đó vui lắm, hai chúng tôi cứ rộn ràng bàn nhau xem hôm đó mặc cái gì, buổi trưa nên ăn ở đâu. Nat-chan toàn tâm toàn ý, sôi nổi chuẩn bị nên tôi cũng hồ hởi lây. Tôi cứ nghĩ chỉ khi nào lấy lòng đàn ông để moi tiền thì cô ta mới nhiệt tình, không ngờ cả tôi cũng được cô ta đối xử như vậy nên rất cảm động. Mà thôi, ngay sau đó là đến vụ lừa tiền cá độ bóng chày, tôi cũng rõ hơn bản chất của cô ta.” Cái gì nữa đây? Càng nghe Kyoko kể tôi càng không hiểu gì về con người của Natsuko. Nói lời cảm ơn Kyoko xong, tôi đứng dậy ra về. 4 Miyuki ngồi trên ghế, buồn bã nói: “Bố mẹ nào bị con cái từ bỏ quyền nhân thân cũng tủi thân quá nhỉ.” Ogiwara không bình luận gì về nhận xét của Miyuki, đứng phía sau ghế của mình, hai tay chống lên hông, vừa nhìn ra ngoài cửa sổ vừa bắt đầu bài tập thả lỏng cơ cổ, vai quen thuộc, đầu nhẹ nhàng nghiêng sang trái rồi lại sang phải. “Luật sư Tetsuko thấy sao?” Lần này Miyuki quay sang hỏi tôi. “Ừm, đúng thế ạ.” Tôi vừa dọn dẹp hồ sơ vừa đáp. Vì văn phòng nhỏ nên tất cả nội dung nói chuyện trong gian tiếp khách đều bị Miyuki nghe hết, cho nên chị ấy thường phát biểu một chút cảm tưởng. “Cô gặp được cô Natsuko chưa?” Ogiwara hỏi tôi. “Vâng, cuối cùng hôm qua cũng gặp được rồi ạ.” “Bản thân cô ta có thừa nhận mình lừa đảo không?” Vì đang xoay đầu giãn cơ nên giọng Ogiwaga nghe có vẻ nghèn nghẹn. Ngày hôm qua, tôi đem các thông tin mình thu thập được đến hỏi Natsuko xem mức độ thật giả thế nào, nhưng cô ấy không thừa nhận bất cứ điều gì. “Cô ấy không thừa nhận ạ, chỉ nói là bản thân mình có nhiều bạn thôi. Khi tôi hỏi cô ấy là có phải tính lấy căn hộ về tay mà không có ý định kết hôn không thì cô ấy phủ nhận.” “Cô Miyuki thấy thế nào?” Miyuki xoay ghế về phía tôi, đáp: “Tôi không muốn nói họ hàng của luật sư Tetsuko không tốt đâu, nhưng theo như những gì tôi nghe được thì có cảm giác nghề nghiệp của cô ta là lừa tình thì phải. Và chuyện của anh Akio có vẻ như là vụ làm ăn thất bại của cô ta.” Tôi không có ý kiến gì về lời bình luận của Miyuki mà quay mặt về phía Ogiwara đang chầm chậm xoay vai trái chờ đợi. Ogiwara có vẻ như rất tin tưởng mắt nhìn người của Miyuki nên nhiều lần hỏi xem chị ấy nghĩ thế nào. Những lúc ấy Miyuki liền phát biểu ý kiến giống như đang đợi được hỏi. Nếu đoán đúng, chị ấy sẽ rất sung sướng, nếu sai thì lại tỏ vẻ buồn bã, có vẻ như chị ấy thích thú với công việc ở đây. Xoay xong vai trái, Ogiwara chuyển sang xoay vai bên phải. “Khách hàng chẳng phải đều nói sự thật cho luật sự biết đâu, nói dối cũng nhiều lắm. Chúng ta thường khuyên họ rằng hãy nói hết cho chúng tôi biết vì chúng tôi có trách nhiệm phải bảo mật thông tin, hơn nữa còn giúp ích cho quá trình kiện tụng, đa phần họ đều hợp tác. Khách hàng tìm đến luật sư khi bản thân bị cuốn vào vụ việc rắc rối nào đó, nhưng họ lại chỉ kể lại sự việc theo hướng mà họ mong muốn.” “Vậy phải làm sao bây giờ ạ?” Tôi thật tâm muốn được chỉ dẫn. “Như trước tôi đã nói đó, phải thu thập nhiều thông tin nhất có thể từ các đối tượng liên quan. Với vụ này, nếu chỉ hỏi nguyên cáo và bị cáo thì chẳng biết được gì phải không? Trong quá trình đi điều tra sẽ hé lộ manh mối, đến gần với sự thật hơn. Nói là hé lộ, chính là điểm quan trọng đó. Lúc tìm được manh mối cũng là lúc bắt đầu công việc của luật sư. Nhiều khi chỉ cần có manh mối đã giải quyết được vấn đề rồi.” Tôi mở sổ tay ra, vừa nghe Ogiwara nói vừa xem các ghi chú thu được từ các đối tượng liên quan. Ban đầu tôi chỉ cho rằng đó là những vướng mắc khi nam nữ chia tay nhau, nhưng những manh mối thu được lại lái câu chuyện về hướng hoàn toàn khác, rằng nữ bậc thầy lừa đảo thất bại, không lấy được bất động sản vào tay. Giống như chị Miyuki đã nói, có thể là Natsuko sắp chuyển được tên chủ sở hữu căn hộ thành tên mình thì bị bố mẹ anh Akio phát hiện ra, nên muốn chia tay với Akio, kẻ đã không còn gì để lợi dụng. Chắc vì bị đòi tiền bồi thường nên cô ấy mới liên lạc với một luật sư họ hàng xa như tôi. Lý giải như thế có được không nhỉ? Lúc tôi ngẩng đầu lên thì Ogiwara đang chậm rãi xoay hông. Phải một lúc sau mới xong động tác, anh ấy vươn mình một cái rồi ngồi xuống ghế, chống tay lên bàn rồi bắt đầu xoay cổ tay. “Cái chính là Akio biết sự thật đến đâu. Nếu biết được tâm ý của anh ta thì có thể tìm cách để anh ta rút lại yêu cầu bồi thường.” “Rút lại yêu cầu ư, có thể sao?” Tôi thắc mắc. “Dù anh ta không biết cô ấy đã từng qua lại với nhiều người đàn ông, nhưng anh ta đã thật tâm chuẩn bị nhiều thứ cho cuộc sống vợ chồng sau này của hai người, kể cả việc mua nhà, nên chuyện đòi lại một phần tiền bỏ ra tôi nghĩ cũng là hợp lý. Nhưng con số một triệu yên thì không có căn cứ lắm, nên tôi tính tìm cách giảm số tiền ấy đi. Vấn đề thực tế là Natsuko không đủ khả năng chi trả vì cô ấy không có nghề nghiệp ổn định, chỉ có thủ đoạn lừa tiền đàn ông thôi.” “Cô thử hỏi Akio những kỷ niệm vui vẻ giữa hai người xem sao!” “Gợi lại... kỷ niệm ư?” “Đúng thế. Thường những câu chuyện người ta mang đến văn phòng luật sư là bế tắc, là tan vỡ, cho nên nhiều khi người ta quên mất rằng ngày xưa đã từng hạnh phúc. Những cặp đôi cãi vã đòi ly hôn cũng thế, cũng có thời họ cho rằng người kia là bạn đời, khi mà họ tin rằng hạnh phúc đôi lứa sẽ kéo dài mãi mãi.” Tôi chợt nhớ lại phán đoán của chị Miyuki về cuộc hôn nhân tan vỡ của Ogiwara nên liếc về phía chị ấy, cảm thấy hình như chị ấy đang rụt cổ lại. Tôi hỏi Ogiwara: “Vậy tại sao bố mẹ anh Akio lại không nói với tôi về chuyện đất đai? Tôi nghĩ với cách nhìn của họ thì sẽ cho rằng cô Natsuko chính là nguyên nhân khiến con họ bán đi một phần đất đai của gia đình. Nếu thế khi tôi tự giới thiệu là luật sư của cô Natsuko thì bị đuổi thẳng cổ cũng có khả năng lắm.” “Cô Miyuki thấy sao?” Ogiwara hơi cao giọng hỏi. Miyuki xoay ghế lại, đáp với vẻ đắc ý: “Luật sư Tetsuko, đó chẳng phải là do sĩ diện sao. Đất đai là thứ chúng ta được thừa hưởng từ ông bà, rất là quý giá phải không nào? Tuy hiện giờ cũng có người thích ở chung cư, nhưng người xưa thì coi trọng đất đai hơn cả mạng của mình. Nhà đấy làm nông, hơn nữa diện tích của cánh đồng liên quan đến năng suất thu hoạch nên thực sự là vấn đề sống còn khi ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập. Đối với nhà nông thì đất đai không chỉ là tài sản mà còn là danh dự, là thứ căn bản nhất. Thế mà lại bị con cắt xén lén bán đi một phần thì khác nào bị dao đâm vào mặt, tổn thương trong lòng. Vết thương, nếu nông, người ta sẽ tung hê nói hết, nhưng nếu vết thương sâu quá thì chẳng ai muốn dụng đến, cho nên người ta mới không nói ra đấy. Câu chuyện theo hướng khách hàng mong muốn như luật sư Ogiwara nói lúc nãy có lẽ cũng không bao gồm phần tổn thương sĩ diện, đúng không nào?” Tiếng chuông điện thoại vang lên, Miyuki xoay người cầm ống nghe. Tôi nhìn về phía Ogiwara thì thấy anh ấy đang nhấc chồng hồ sơ lên vẻ như đang tìm gì đấy. Tôi liếc đồng hồ treo tường thì chỉ còn năm phút nữa là đến giờ hẹn ăn trưa với Sakaguchi nên xách túi lên chào tạm biệt Ogiwara và Miyuki. Bước nhanh về phía nhà hàng đã hẹn trước, tôi nhớ lại tối hôm qua, Sakaguchi có gọi điện nói rằng có việc tới Shibuya nên nhân tiện mời tôi ăn trưa. Đi thang máy lên tầng sáu thì đã thấy một hàng dài người đang xếp trước nhà hàng kia. Tôi tiến vào nói tên Sakaguchi ra và được nhân viên dẫn tới bàn. Anh ta có vẻ chật vật trong chiếc ghế ở bàn dành cho hai người. Nói lời xin lỗi vì đến muộn, tôi ngồi xuống chiếc ghế đối điện. Khi tôi đang chọn món ăn trong thực đơn, Sakaguchi bỗng cất lời: “Hôm nay tôi mời nhé, chúc mừng sinh nhật cô!” “A. Sao anh biết hôm nay là sinh nhật tôi?” “Hôm trước ở buổi học nhóm, người ta bảo cô cho thông tin cá nhân để đưa lên mục giới thiệu người mới đúng không. Khi luật sư Ishida điền vào giấy, tôi có liếc thấy nên biết đó.” Anh ta cười to. “Vậy à.” “Tôi không giỏi việc chọn quà nên không chuẩn bị được gì, xin lỗi nhé. Nói là thay thế cũng hơi dở, nhưng mà quán này có mì Ý ngon lắm nên tôi muốn mời cô một bữa. Công việc dạo này có bận không?” “Không đâu, tôi ổn mà.” Gọi món xong, chúng tôi nói mấy chuyện linh tinh như là quê ở đâu, học trường đại học nào, mất mấy tiếng đi từ nhà đến chỗ làm, vân vân. Mì và sa lát được đem đến, vừa bắt đầu ăn tôi vừa hỏi Sakaguchi về công việc của anh ta. Anh ta kể cho tôi nghe về vụ tranh chấp giữa hai anh em ruột, vì nghĩa vụ bảo mật nên anh ta xin lỗi không nói rõ tên được. Bố chết, ông anh tiếp nhận vị trí giám đốc, ông em làm quản lý nhưng về đường hướng kinh doanh, hai người không hợp nhau nên ông em ra ngoài lập công ty khác. Tuy nhiên, tên công ty mà ông em thành lập và tên sản phẩm lại gần giống với cái của công ty cũ. Phía đối tác là như nhau, mà sản phẩm lại gần giống nhau, nên ông anh sợ là người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn, vậy mới đến nhờ văn phòng luật nơi Sakaguchi đang làm việc nhờ tư vấn giúp. Tôi hỏi: “Luật sư Sakaguchi có say mê với vụ án này không?” Anh ta tròn mắt lẩm bẩm hai chữ “say mê”, rồi nhanh chóng làm mặt nghiêm túc đáp: “Không đến mức quên ăn quên ngủ, nhưng mà tôi cố hết sức mình giải quyết vụ việc. Sao? Không được à?” Tôi lắc đầu, cho mì vào miệng. “Làm luật sư ấy mà, nói thật là toàn tốn sức vào mấy vụ tranh chấp vô nghĩa. Tôi cứ nhủ là đừng có kéo luật pháp vào tranh cãi cá nhân, nhưng mà sự thật là nếu không có mấy vụ ấy, luật sư chúng ta đói nhăn răng. Gặp rắc rối à? Trong lòng ta thầm biết ơn nha.” Sakaguchi cầm nĩa cuốn mì rồi mở to miệng cho mì vào, còn tôi thì ngồi ngắm một Sakaguchi đang ăn ngon miệng. 5 Tôi hướng theo bóng dáng to cao của Akio mà bước. Đôi ủng không quen đi cọ vào ngón chân tôi đau buốt. Lúc tôi ra đến cánh đồng thì Akio đã đi được năm phút rồi, ông Akimitsu chỉ cho tôi chỗ bán hàng không người bán nơi Akio đang ở. Lúc tôi đang nghi ngờ không biết mình có bị lạc đường không thì nhìn thấy bóng dáng từ đằng sau của Akio. Anh ta đứng trước một cửa tiệm nhỏ chỉ có giá hàng bằng gỗ và mái che ở trên. Khi nghe tiếng tôi gọi, anh ta quay phắt người lại, mắt tròn xoe, lập tức hỏi: “Một mình thôi à?” Trên khuôn mặt của anh ta không giấu nổi vẻ thất vọng. Lấy rau củ từ cái xe kéo gắn sau xe đạp ra đặt lên giá gỗ, anh ta hỏi thăm: “Nat-chan có khỏe không? Hình như cô ấy bị cảm, sổ mũi nếu kéo dài thì khó chịu lắm.” “Cô ấy khỏi rồi thì phải.” “Không muốn gặp tôi sao?” Tôi lựa lời đáp: “Chắc là cô ấy thấy không gặp thì hay hơn.” Akio chầm chậm lắc đầu, lấy bắp cải ra khỏi xe kéo để lên ngăn thứ hai của giá hàng. Xoay bắp cái một vòng rồi khẽ chỉnh lại, anh ta bỏ tay ra. Tôi lên tiếng: “Cảm xúc có gì thay đổi không ạ?” Cái tay đang duỗi về phía xe kéo dừng lại. “Ý cô là cảm xúc của tôi ấy hả?” Để hai tay lên thành xe kéo, anh ta lẳng lặng nhìn đống rau củ bên trong, không lên tiếng. Mười một ngày trước, khi tôi nói chuyện với Akio, anh ta bừng bừng tức giận, nhưng hôm nay trông anh ta có vẻ đã bình tĩnh lại. Ogiwara đã từng nói rằng thời gian có khi cũng là đồng minh tốt, chắc là chỉ việc này đây. Nhưng anh ấy cũng nhắc nhở rằng thời gian cũng có thể trở thành kẻ địch. Nếu vậy, tôi nhớ lại lời khuyên của anh ấy, rồi cất tiếng hỏi: “Anh có thể kể cho tôi nghe về kỷ niệm đẹp của hai người được không?” Akio nhìn tôi với vẻ bất ngờ. Đang lúc tôi tự hỏi phải chăng đường đột quá thì Akio chậm rãi kể lại: “Tôi được Nat-chan dẫn đi chơi cùng, vui lắm. Cô ấy hỏi nếu tôi trúng số một triệu yên thì sẽ làm gì. Tôi bảo mình ước được lái mô tô đi một vòng Hokaido. Nếu đêm ngủ trong túi ngủ thì cũng không tốn lắm đâu, ước mơ này chẳng phải có thể thực hiện được ngay sao, cô ấy bảo vậy. Thế là tôi mới nhận ra rằng Hokaido hay lái mô tô chỉ là cái cớ, thật ra tôi muốn trốn đi. Tôi không có lựa chọn nào khác. Gia đình tôi làm nông, tôi lại là con trai một. Nhưng mà những gia đình làm nông xung quanh đều dần bỏ nghề, nào là kinh doanh nhà trọ, nào là đi làm công ăn lương. Tôi luôn có suy nghĩ rằng mình cứ như thế này thì có ổn không? Càng nghĩ tôi càng không biết phải làm sao, cũng không biết mình muốn gì. Cho nên tôi muốn thoát đi, thoát khỏi nơi đây, thoát khỏi trách nhiệm là con trai trưởng. Nhưng tôi biết tôi không thể làm như vậy.” Anh ta cầm cải bắp cải lên, sờ nắn như muốn phủi cái gì đi. “Nat-chan bảo giờ cùng đi đi, rồi kéo tay tôi về hướng ga tàu. Cô ấy hỏi ra Bắc hay vào Nam, tôi bảo vào Nam. Lên chuyến tàu vừa đến ga, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình ngẫu hứng. Cái trò đọc tên biển hiệu nhìn thấy qua cửa sổ tàu điện nhàm chán cũng làm chúng tôi vui vẻ, cười đùa suốt cả quãng đường. Xuống ga Atami[*], vừa dạo bộ chúng tôi vừa tìm nhà nghỉ, bị mấy nơi từ chối nhưng chúng tôi vẫn thấy vui thích, thật là kỳ lạ. Cuối cùng cũng tìm được chỗ nghỉ, lúc tắm suối nước nóng, thành phố hiện ra lung linh trong làn hơi nước. Chúng tôi còn mua dây đeo chìa khóa đôi, cả konpeito[*] nữa. Cô có biết konpeito là gì không? Đó là những viên kẹo đường nho nhỏ có nhiều góc cạnh như gai, ngọt lắm. Nat-chan cười, bảo cô ấy như viên kẹo konpeito, lăn lộn trong nồi đun to, va chạm khắp nơi mà thành, trong quá trình đó sinh ra gai nhọn để bảo vệ bản thân. Vừa ăn konpeito, cô ấy vừa tâm sự với tôi, bảo rằng cứ cái đà này thì bao giờ tôi mới đi được đến nơi muốn đi. Rằng cuộc đời mình phải do mình quyết định. Rằng cô ấy thấy tôi quá hiền lành, chỉ để ý bố mẹ có gặp khó khăn không, có mệt mỏi, buồn khổ không, chỉ nghĩ cho bố mẹ mà từ bỏ những thứ mình muốn làm. Thế đấy, tôi bị nói như thế đấy.” Có phải chỉ cần nói khích như thế là cô ấy đã thành công trong việc khiến anh ta giấu bố mẹ, tự ý bán đi một phần đất của gia đình không nhỉ? Nếu đúng là như vậy thì tôi thật ngả mũ trước khả năng của Natsuko. Lần lượt sắp rau củ lên giá để hàng xong, Akio lấy bút ra ghi giá tiền từng loại lên tấm giấy dày hình chữ nhật. Còn tôi chỉ đứng nhìn động tác của anh ta, nghĩ thầm làm sao để anh ta rút lại yêu cầu đòi bồi thường một triệu yên đây. Đau đầu nhất là cái gọi là tiền bồi thường ấy là thứ không rõ ràng. Làm thế nào đo lường được sự tổn thương về tinh thần? Akio đòi một triệu yên, và Natsuko trả một triệu yên thì tổn thương đó được xoa dịu hay sao? Nếu thỏa thuận được thành năm trăm nghìn yên thì tổn thương đó giảm nhẹ một nửa sao? Ai cũng biết là không phải như thế. “Có ai khác à?” Nghe Akio hỏi, tôi ngẩng mặt lên. “Xin lỗi, anh có thể nhắc lại câu hỏi không?” “Thì đó.” Anh ta chu môi hỏi một cách cộc lốc: “Nat-chan có người khác rồi à?” Tôi thận trọng đáp: “Không có.” “Tôi sẽ sửa những điểm chưa tốt của mình, cô nói lại với cô ấy như thế được không?” Tôi quá bất ngờ. Chẳng lẽ... Akio không muốn tiền bồi thường mà muốn làm lành? Nếu đúng thế thì đối với tôi khác gì trò hề. Nếu là Miyuki, có lẽ chị ấy đã nhận ra sớm hơn. Ogiwara đã đoán được hay sao? Cho nên mới nhắc nhở tôi phải tìm hiểu tâm ý của Akio. Lẽ nào anh ấy biết Akio vẫn chưa nói thật lòng với tôi? Tại sao anh ta không thể từ bỏ được Natsuko, có phải vì đã có nhiều hồi ức vui vẻ? Chỉ là việc có tiếp nhận hay không thôi, nhưng nếu có thể tiếp nhận một cách dễ dàng thì cuộc sống đã đơn giản trôi qua. Tôi cũng là người giỏi tiếp nhận và luôn cố gắng để được như vậy. Nhưng tôi vẫn chưa quen với tác dụng phụ của việc đó. Trong lúc tiếp nhận nhiều thứ sẽ đặt ra câu hỏi tại sao mình tồn tại. Cái đó chính là tác dụng phụ. Những lúc như vậy, thân thể và tâm trí tôi như bị đóng băng, không thể cử động được. Một chiếc xe buýt chầm chậm lướt qua tôi. Akio dõi mắt theo chiếc xe đó. Một lúc sau, anh ta quay lại. “Nat-chan rất ghét xe buýt,” anh ta kể với giọng dịu dàng. “Cô ấy bảo là ghét bị trộn chung lại. Rằng giống người khác thật là nhàm chán, rằng muốn được đối xử đặc biệt. Muốn cô ấy ở lại làm vợ tôi có lẽ là yêu cầu quá đáng đúng không?” Tôi không có câu trả lời nên chỉ xóc xóc lại chiếc túi đeo vai. Akio vươn tay lấy một mớ cải bó xôi ở ngăn trên cùng của giá hàng, nhìn chăm chú vào nó rồi nói: “Bố tôi bảo đừng có lúc nào cũng làm ra vẻ tiếc nuối nữa, bỏ đi thôi. Nhưng mà chẳng phải dễ dàng gì.” Tôi chắc rằng Akio sẽ mãi sống như vậy, không thể rũ bỏ nhẹ nhàng như Natsuko được. Mà cũng chẳng ai làm được. Chương 2 Không có giấy vay tiền đâu. Bằng chứng? Nhưng mà trước đây đâu ai ngờ sẽ như thế này. Tôi xấu xa à? Sai rồi! Vay tiền không trả, Nat-chan mới xấu ấy. Nè, sao lại không trả lời? Chẳng lẽ cô luật sư cho rằng nó không đáng kể? Vậy sao? Không thể tưởng tượng được! Cô nghĩ là bao nhiêu? Tôi nói rồi, không có bằng chứng. A! Nếu thế thì đây có, là sổ ghi nợ. Hóa đơn chắc chắn là có lưu. Bản sao à? Chờ chút! Chie-chan, qua cửa hàng tiện lợi đối diện photo hộ cái này. Chịu khó tí! Phần ghi sổ nợ nghĩa là sẽ trả? Bàn thêm? Cái gì vậy?! Biết nhau bao lâu rồi hả?... Khoảng một năm ấy nhỉ. Lúc đó là khách mới, cô ta vào tiệm bảo gội đầu cho tôi với. Rồi sau đó một tháng cô ta đến khoảng một lần. Thì đấy. Ban đầu cô ta trả tiền đàng hoàng lắm. Tiệm tôi về cơ bản là không cho nợ, với lại khách có thể trả bằng thẻ mà. Ừ, có lẽ vậy. Chuyện đó bắt đầu cách đây khoảng nửa năm, hôm đó cô ta bảo là quên ví ở nhà. Hả? Vậy à. Lần nào cũng quên ví. Thường trong trường hợp đó rất xấu hổ đúng không? Nhưng đây lại là Nat-chan. Lần nào cũng điềm nhiên bảo: “Ôi chao, quên ví mất rồi, làm sao đây?” Lý do vay nợ? Tôi làm sao biết được. Thì cô ta có nói đâu mà biết. Tôi nhớ hình như là không muốn nói hay sao ấy. Thì tôi là người tế nhị mà. Lẽ thường thì vợ một học giả như cô ta chẳng có lý do gì mà vay tiền của tôi cả. Thế tôi mới cho rằng cô ta có lý do gì khó nói lắm, nên cũng không tiện hỏi. Có nói chứ, bảo là tháng sau trả nhé. Cái này... khoảng ba tháng trước thì phải. Giờ nghĩ lại đúng là thế thật. Không ngờ cô ta tiền vay cũng chạy làng, mà tiền làm tóc ghi sổ cũng quỵt luôn. Có đi rồi. Cái gì? Không được đến nhà đòi nợ sao? Tôi gọi điện, cô ta có nhấc máy đâu. Tôi cũng là hết cách. Bạo lực? Không thể nào. Cửa bị vẹo à? Làm sao tôi biết được. Cái gì mà bồi thường? Tôi có nói vậy à? Ai làm chứng? Làm ơn tha cho tôi đi! 1 Rời khỏi salon tóc của Iwai Suguru, bắt đầu từ nhà thờ đối điện, tôi đi hỏi thăm lần lượt các nơi. Tuần trước, cũng năm năm rồi tôi mới lại nhận được điện thoại của Nat-chan bảo rằng cô ta lại gặp rắc rối, muốn tôi giúp đỡ. Năm năm trước, Natsuko bị người ta kiện đòi tiền bồi thường nên tìm đến tôi. Vụ đó, cuối cùng nguyên cáo rút lại đơn yêu cầu bồi thường, một phần cũng là vì nguyên cáo muốn cắt đứt hẳn ý niệm với Natsuko. Với vai trò là luật sư, tôi có yêu cầu được thanh toán tiền công nhưng suốt năm năm chẳng thấy cô ta trả đồng nào. Chẳng phải chỉ một mình Nat-chan, tôi hoàn toàn không ngờ rằng luật sư là cái nghề bị người ta quỵt tiền nhiều như vậy, nhưng đó là sự thật. Lúc họ đến nhờ cậy tư vấn thì rất tích cực ứng tiền để công việc tiến triển, nhưng một khi phán quyết được đưa ra, hoặc đạt được thỏa thuận thì nhiệt tình thanh toán tiền thù lao cho luật sư mất đâu không biết. Gửi giấy thanh toán đến lần thứ ba, thứ tư vẫn mất tăm mất tích như thường. Trường hợp thay đổi địa chỉ như Natsuko, giấy thanh toán bị gửi trả lại cũng không phải là hiếm. Natsuko kể là cô ta đã kết hôn, đang sống cùng chồng con ở Nagoya[*]. Tôi bảo rằng nếu chưa nhận được tiền nợ từ năm năm trước và tiền công tư vấn lần này qua chuyển khoản ngân hàng thì không cần nói chuyện nữa. Thế là ngày hôm sau tiền được chuyển vào tài khoản, làm chị Miyuki rất thích chí. Khi tôi báo cáo cho Ogiwara thì anh ấy làm vẻ mặt thích thú, hỏi: “Lần này là việc gì đây?” Bốn tiếng rưỡi trước, tôi xuống ga Nagoya, đi thẳng đến nhà riêng của Natsuko. Khi nhìn tấm biển ghi ba cái tên ngoài cổng[*], tôi biết Natsuko đã kết hôn với anh chàng trước đây giúp cô ta trả tiền bịp bợm cá độ bóng chày, Kumada Yoshiaki. Sau đó suốt một tiếng đồng hồ, Natsuko vừa bồng con, đứa bé mà cô ta đặt cho cái tên Koichi[*] với mong muốn nó trở thành đứa bé hạnh phúc nhất thế giới, vừa kể câu chuyện mà chỉ cô ta mới biết thật giả thế nào. Theo đó, cô ta đang gặp phiền phức khi bị chủ một salon tóc nơi cô ta hay đến làm tóc đòi nợ, trong khi cô ta không hề vay. Chồng cô ta, hiện đang là một nhà sinh vật học, thì đang đi kiểm tra tình hình ruộng lúa nước khắp nước Nhật nên không có ở nhà, cô ta lo lắng vì không có ai bảo vệ mình. Tôi đề nghị hay là báo cảnh sát, nhưng cô ta lập tức từ chối. Cô ta là Natsuko nên tôi nghĩ chắc phải có lý do gì đó không muốn dính líu đến cảnh sát. Thế là tôi thử hỏi thêm để tìm hiểu nhưng từ đầu đến cuối cô ta đều nhất quán rằng mình không hề vay tiền, cũng chẳng biết tại sao lại gặp phải chuyện rắc rối này. Tay cầm tờ giấy ghi chú Natsuko đưa, tôi đến salon tóc của Iwai. Không nằm ngoài dự đoán, ở đây tôi nghe được một câu chuyện hoàn toàn khác. Dù sao thì tôi cũng không cần thiết phải điều tra sự thật làm gì, chỉ cần thu thập thông tin hữu ích cho khách hàng để có lợi cho quá trình đàm phán là được. Tôi thành luật sư chính thức cũng được năm năm rồi, đủ kinh nghiệm để hiểu rõ trong công việc này sự thật không phải là thứ quan trọng nhất. Tôi vén mành bước vào cửa hiệu bán bánh senbei[*] Nhìn vào tủ trưng bày, nhất thời tôi cứ tưởng mình đọc nhầm tên biển hiệu. Trong tủ bày đủ các loại bánh ngọt phương Tây, như bánh con sò (madeleine) đã được đóng hộp. Tôi tìm bánh senbei thì chỉ thấy duy nhất một hộp đang được bày cùng. Một người đàn ông bước từ trong cửa hiệu ra, nhìn ông ta giống như người nghiện rượu lâu năm vì thấy rõ các mao mạch trên cánh mũi. Tôi tự giới thiệu rồi hỏi ông ta có biết salon tóc Always không. Người đàn ông có vẻ rất vui vẻ, đôi mắt đã nhỏ trông lại càng ti hí hơn, đáp: “Anh Iwai hả? Anh ta làm gì ấy hả?” Tôi cũng không nói chi tiết, chỉ bảo là mình muốn biết một số thông tin về salon tóc cũng như về Iwai. Ông ta đưa ngón tay lên sờ cằm, đáp: “Salon tóc này được mở cách đây khoảng ba năm rồi, nhưng anh ta chẳng bao giờ xuất hiện ở các buổi họp của khu phố cả. Mặc dù anh ta có đóng hội phí nhưng chẳng thấy tích cực gì hết, mà cũng có bận mấy đâu. Nên tôi cũng không biết nhiều về chuyện cá nhân của anh ta.” “Salon có đông khách không ạ?” “Có vẻ cũng khó khăn. Lúc mới mở thấy khách cũng đông lắm, nhưng gần đây nghe nói là giảm nhiều. Từ cửa hiệu nhà tôi nhìn sang cũng cách một đoạn nên không thấy rõ, nhưng tôi nghe người ta đồn vậy. Nhưng mà này, anh ta cũng có tí tài đấy nhỉ? Thì đó, có người nói anh ta kinh doanh cái khác có vẻ tốt.” “Kinh doanh cái khác là sao ạ?” “Ừm, nói cho luật sư biết thì có sao không nhỉ?” Ông ta cao giọng, cố tình làm ra vẻ đang lưỡng lự. Tôi im lặng chờ đợi. Ông ta đang muốn nói, chỉ cần đợi một chút, ông ta sẽ tự mình kể thôi. Một lúc sau, ông ta bắt đầu lên tiếng: “Đừng có nói cho ai biết là tôi kể có được không? Sao, tùy thuộc vào nội dung á? Nội dung à... Làm sao bây giờ nhỉ? Cô luật sư đi hỏi lòng vòng quanh đây đúng không? Thế cô cứ cho là nghe được ở đâu đó đi. Cái gì? Thì cứ xem đấy, kinh doanh chẳng tốt mấy mà có đến hai, ba cái xe nhập khẩu, kỳ quái đúng không? Cho nên mới có tin đồn là anh ta kinh doanh nghề phụ đó. Không hiểu à? Trời đất, hiểu chưa?” Ông ta đưa ngón tay lên khóe miệng làm duyên, ý nói phụ nữ. Iwai có người bao nuôi sao? Là Natsuko sao? Nhưng tài năng đặc biệt của Natsuko là lấy tiền của đàn ông mà. Đúng là trong khoảng một tiếng đồng hồ tôi hỏi chuyện trong salon tóc Always, chẳng thấy khách nào vào cả. Nhân viên cũng chỉ có một cô gái trẻ, dáng vẻ rảnh rang ngồi trên ghế xô pha xem tạp chí. Có lẽ đúng như ông chủ cửa hiệu bánh senbei nói, salon tóc này không có vẻ gì là kinh doanh phát đạt. Dù sao thì Iwai cũng bảo là mình không có chứng cứ, không giấy vay tiền, giấy sao kê ngân hàng cũng chẳng có. Không bằng chứng nghĩa là không vay tiền? Nhưng vấn đề là sổ ghi nợ vẫn có, cái này phải hỏi lại Natsuko. Điều làm tôi băn khoăn là tính hung hãng của Iwai. Anh ta theo đến tận nhà riêng của Natsuko, ấn chuông cửa inh ỏi, không thấy Natsuko ra thì anh ta tức giận đến nỗi đá lên cửa ra vào khiến nó vẹo hẳn đi. Đàn ông không thiếu những kẻ ngớ ngẩn muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực khi không vừa ý. Điều cần thiết là phải làm những gã đó hiểu rằng bạo lực không giải quyết được vấn để mà thậm chí còn làm sự việc tồi tệ hơn. Đa số những vụ mà tôi thụ lý đều có phụ nữ là người bị hại. Có lẽ do bản thân tôi cũng là phụ nữ nên khiến người bị hại yên tâm hơn, nhưng ngược lại vì thế bị đối phương xem nhẹ. Rời khỏi tiệm bánh senbei, tôi hỏi thăm thêm tin tức trên đường ra ga Nagoya. Dừng chân trước một cửa hiệu, tôi nhìn vào trong qua cửa sổ kính. Diện tích cửa hiệu khoảng gấp đôi Always, có bốn người khách đang ngồi trên ghế làm tóc. Tôi đẩy cửa bước vào, nói là mình muốn gội đầu và cắt tóc, rồi ngồi xuống chiếc xô pha trong góc, chờ đến lượt mình. Mười phút sau, tôi được mời lên ghế gội đầu, sau đó di chuyển đến ghế làm tóc đặt trước tấm gương to. Một cô gái tiến tới sau lưng tôi, cất tiếng hỏi: “Chị muốn cắt như thế nào ạ?” Tôi bảo mình muốn cắt ngắn lên hai phân. Lúc sau, tôi hỏi cô ta có biết anh Iwai ở Always không, nghe thế, cô ta dừng động tác chải tóc, ngước lên nhìn tôi qua tấm gương, ánh mắt sắc bén. Tôi liền tự giới thiệu và kể là mình đang hỏi thăm tin tức về Iwai. Cô ta chỉnh lại nét mặt thờ ơ, tiếp tục chải tóc, nói: “Có vụ gì à?” Tôi hỏi tại sao cô ta lại nghĩ là có vụ gì xảy ra thì cô ta nghiêng đầu quan sát tôi qua tấm gương. Đúng lúc đó có tiếng mở cửa, cô gái lập tức quay mặt ra vui vẻ chào hỏi: “Mời chị vào ạ!” Rồi cô ta rời đi, lúc quay lại không lâu sau đó, trên tay cô ta cầm chiếc ghế nhỏ, đặt xuống ngồi phía sau tôi. “Vì các vị luật sư không phải tự nhiên mà đi hỏi thăm,” cô ta đáp. Tôi mỉm cười nhìn cô ta qua tấm gương. Tuy không tin nhưng với biểu hiện không rõ ràng như vậy, đối phương sẽ tự lý giải theo cách của mình. Không phủ định cũng chẳng khẳng định, mỉm cười nhẹ nhàng có nghĩa là “cô đoán thử xem”. Năm năm làm luật sư khiến tôi có thể chẳng tốn chút công sức nào cũng nặn ra được nụ cười tiện mọi bề này. Cô gái vừa đưa kéo vừa trò chuyện: “Nói về đồng nghiệp cũ thế nào ấy. Nếu khen thì bảo là giả dối, chê thì bảo là quá đáng. Nhưng mà chị vất vả từ Tokyo xuống đây, lại còn làm tóc ở tiệm chúng tôi nữa, tôi cũng nên kể chút gì đó. Chị muốn hỏi gì nhỉ?” “Chuyện gì cũng được, cô biết thì cứ kể giúp tôi.” “Chuyện gì cũng được ư...” Mặt cô ta trông có vẻ khó xử. “Ồ, tiệm đó mở được ba năm rồi, tiệm chúng tôi thì năm nay là năm thứ mười. Thỉnh thoảng đi ngang qua, tôi có liếc vào thì thấy máy hấp tóc có vẻ xịn lắm, cũng không chắc lắm, nhưng đại khái tôi cũng biết giá tiền của thiết bị nên tôi nghĩ bên ấy bỏ ra cũng kha khá đó. Mà giá dịch vụ của tiệm bên đó cũng cao hơn giá trung bình quanh đây. Nhưng mà nhé, ơn trời khách của tiệm tôi không hề giảm tí nào. Chị có biết con phố trước cửa ga không? Ở khu đó chung cư dần dần mọc lên, dân cư cũng đông đúc, nên có mở cửa hiệu cũng buôn bán được. Có điều ở phố Sakura này không đơn giản vậy đâu.” “Tôi có nghe nói là salon tóc của anh ta làm ăn không phát đạt lắm nhưng anh ta lại có đến mấy cái xe ô tô nhập khẩu.” “Ôi trời, đến cả chuyện này mà chị cũng biết nữa à? Đúng thế đấy. Kỳ lạ đúng không? Chắc anh ta có người bảo trợ rất giàu đó, hay đóng cửa nghỉ tạm thời lắm.” “Đóng cửa ư?” Cô ta gật đầu. “Ban đầu tiệm đó cũng giống tiệm chúng tôi, nghỉ vào ngày thứ Ba. Nhưng gần đây hay thấy bên ngoài tiệm dán giấy thông báo nghỉ hôm nay.” “Cô có nghe ai đồn anh ta cho người khác vay tiền không?” Cô gái ngừng tay, hỏi: “Anh ta cho người ta vay tiền sao?” Mím miệng nhịn cười, cô ta nói tiếp: “Chưa nghe thấy bao giờ.” Cô gái đứng dậy, chuyển sang phía trước mặt tôi. Kéo đưa vào cắt phần tóc mái nên tôi nhắm mắt lại. Cắt xong, tôi được mời gội lại đầu, sau đó trở về ghế làm tóc để sấy tóc. Trong tiếng ù ù của gió nóng từ máy sấy, tôi cao giọng hỏi: “Cô có lúc nào tức giận với anh ta không?” “Hả? Tức giận à?” Cô ta lắc đầu. “Bức xúc với đối thủ trong nghề thì vô bổ quá. Nhưng chồng tôi thì có đấy. Không, ông xã tôi làm ở trạm xăng ven phố trước ga đó. Anh Iwai thường hay đem xe đến đó rửa, lúc nào cũng chọn gói đắt tiền nhất. Cái đó đúng là phải cảm ơn nhưng anh ta toàn phàn nàn kiểu như chỗ này chỗ kia vẫn còn bẩn. Xe anh ta trông đắt tiền thật nên đương nhiên phải cẩn thận rồi, nhưng cũng quá đáng quá đi. Có một hôm, anh ta bảo là trên vỏ xe có vết xước, trước đó không hề có nên chỉ bị khi rửa xe thôi. Cũng ồn ào náo loạn một trận. Tôi thì chẳng có gì bức xúc cả nhưng ông xã tôi thì ghét lắm. Kết cục? À, ông chủ tiệm chạy ra bảo “Mày đừng mang xe đến tiệm tao rửa nữa” là xong thì phải... Không phải đâu, anh ta buộc phải chấp nhận. Ông chủ ấy, tóc thì uốn xoăn tít như tóc người da đen, lông mày thì không có, trông hệt đại ca giang hồ. Nhưng thật ra ông ấy tốt lắm luôn í, thì đó, có chút chuyện rắc rối cái là ông ấy ra mặt ngay. Đa số mọi người nhìn thấy ông ấy đã sợ rồi nên mọi việc cũng được giải quyết êm đẹp.” Cô gái vừa cười vừa đưa chiếc lược tròn vào tóc tôi để sấy tạo kiểu. Tôi phải cố giữ đầu để không bị kéo theo lực tay của cô ta. Gió từ máy sấy nóng ran nhưng tôi im lặng chịu đựng. Cô ta uốn đuôi tóc cụp vào trong rồi dùng máy sấy cố định lại. Lúc này tôi lại hỏi: “Thế có lúc nào cô thấy có cảm tình với anh ta không?” Cô ta tròn mắt nhìn, để đầu máy sấy chúc xuống thổi gió lên bàn chân mình, một lúc sau mới đáp: “Là chuyện cách đây khoảng nửa năm rồi. Bé nhà tôi tham gia giải bóng chày dành cho trẻ em, năm nay thành tích thi đấu của đội rất tốt, nhờ vào tài ném bóng của bé Goto, cho nên tôi thường xuyên được đi cổ vũ cho con mình. Hôm tôi đi cổ vũ cho thằng bé ở sân Josai, cách đây khoảng mười phút đi ô tô, thì tình cờ gặp anh Iwai. Lúc đó tôi thấy anh ta lái một chiếc xe nội địa, cửa bên phía lái phụ bị cong vênh, trông nhếch nhác lắm. Tôi cứ nhớ mãi vì chẳng hiểu anh ta bị làm sao nữa.” Tôi rời khỏi salon tóc, ăn bữa trưa muộn tại nhà hàng ở tầng hai của một quán Pachinko[*]. Ra khỏi nhà hàng, tôi đi bộ về hướng ga, hỏi thăm thêm thông tin về bản thân Iwai và salon tóc nhưng không thu thập được gì. Tôi quay người về hướng ngược với ga, đi lên phía bắc dọc theo con phố trước ga nhằm hướng nhà riêng của Natsuko. Dừng chân trước chỗ đèn đỏ, tôi ngắm mình qua cửa sổ kính một cửa hàng. Lúc nãy sấy tạo kiểu uốn lọn vào trong nên trông tôi trẻ hơn khoảng năm tuổi so với tuổi thật hai mươi chín của mình. Tôi đưa tay lên rẽ tóc trước ra hai bên, vuốt ép vào trán sao cho thấy được đường rẽ ngôi giữa. Để trông già dặn hơn, dù chỉ một chút thôi, tôi luôn cắt kiểu tóc lộ trán. Trong lúc đèn tín hiệu chuyển xanh, tôi cảm thấy nghi hoặc trong lòng. Tại sao Natsuko lại đến Always nhỉ? Từ nhà cô ta đến Always có đến mấy salon tóc. Iwai kể là cô ta tình cờ ghé vào. Nếu là salon tóc gần nhà thì có thể là tạt vào, nhưng đi bộ cả một đoạn đường thế này cũng mệt đấy. Con cô ta còn nhỏ thì theo lý, phải chọn chỗ nào đó gần nhà, làm nhanh gọn cho xong chứ nhỉ? Bỏ qua bao nhiêu salon tóc, hay có thứ gì đó khiến cô ta muốn đến Always? Cô ta thích Iwai ư? Anh ta đúng là trông cũng được. Hay là thứ cô ta thích không phải là Iwai mà là tiền của Iwai? Anh ta cũng có tiền đấy nhỉ, làm ăn không phát đạt mấy mà lại sở hữu tận mấy chiếc xe nhập ngoại. Mà không đúng! Năm năm trước tôi sẽ chẳng bất ngờ nếu Natsuko tiếp cận Iwai để moi tiền, nhưng giờ cô ta đã là vợ người ta rồi mà. Thu nhập của nhà sinh vật học có lẽ không cao lắm, nhưng cũng chẳng ít đâu. Chẳng nói chắc được cô ta vì thiếu tiền mà làm thế. Làm sao mà nói với chồng là mình có khoản nợ bí mật được. Chắc là giữa hai người có mối quan hệ không muốn cho người chồng biết. Cô ta là Natsuko mà, là người có thể làm bất cứ chuyện gì. 2 Tôi băng qua đường, đi bộ thêm khoảng năm phút thì đến công viên, trên mặt đất rải đấy là icho[*]. Dừng chân lại, tôi ngắm nhìn thảm lá vàng, thu đã qua rồi sao? Chẳng mấy chốc là đến mùa đông, cũng Sắp hết năm rồi. Chớp mắt đã qua một năm. Năm nay không khác gì năm ngoái, năm trước nữa cũng vậy. Năm sau cũng vậy sao? Một cơn gió lạnh quét qua chân, đúng lúc đó, người tôi trở nên không cử động được. Trước công viên rộng lớn, mình tôi đứng chôn chân. Chẳng có gì, chẳng làm gì, chẳng chút gì đổi thay, cứ thế mà hết một năm. Điều này thật đáng sợ, và... cô đơn. Trước mặt tôi là thế giới rộng lớn như cái công viên này đang thay đổi từng ngày, vậy mà tôi chỉ đứng bên lề quan sát. Tách! Tiếng giọt nước rơi như vọng vào tim tôi. Cứ như vậy, tôi đợi đến khi cơ thể lại có thể cử động được. Một lúc sau, cảm nhận được hơi ấm từ đầu ngón tay, tôi thử chầm chậm co duỗi ngón tay, xác định được rằng cơ thể đã hoạt động trở lại. Hít một hơi thật sâu, thở phào trong lòng, thong thả bước lên một bước, tôi nghe thấy tiếng xương kêu rin rít đâu đó trong cơ thể. Tôi quan sát công viên một lần nữa, thấy gần chỗ trò chơi vận động có mấy đứa trẻ mặc đồng phục giống như học sinh cấp hai, trong hố cát có một đứa bé đang chơi và một người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế dài cạnh đó. Tôi thở ra một hơi, bước về phía trước. Các bà mẹ có con cùng độ tuổi thường gặp gỡ nhau nơi sân chơi của trẻ, ví dụ như công viên, nên tôi định tiếp xúc với người phụ nữ kia. Lá thu vỡ xào xạc theo bước chân tôi. Tôi tự giới thiệu rồi ngồi xuống bên cạnh, hỏi cô ấy có biết Natsuko không. Cô ấy cười đáp: “Mẹ của bé Koichi phải không? Là con lai đấy nhỉ.” Có vẻ như Natsuko vẫn kể câu chuyện ưa thích của mình. Người phụ nữ cười hiền hòa nhìn đứa bé đang chơi trong hố cát, nói: “Bé Koichi nhỏ hơn bé nhà tôi một tuổi.” Lúc đó tôi chợt nhận ra không phải cô ấy cười với tôi mà vẻ mặt cô ấy luôn mang nét cười như vậy. Người mẹ lấy tay nhón cái gì đó đang dính trên quần vứt sang một bên. “Tôi hay trông hộ bé Koichi lắm, thỉnh thoảng tôi cũng nhờ cô ấy trông giúp cháu nhà tôi.” “Chị sống gần đây ạ?” “Vâng, ngay chỗ đó.” Cô ấy chỉ tay ra phía sau. “Hỏi thế này hơi đường đột, nhưng chị hay đến salon nào ạ?” “Salon ư?” Cô ấy đưa tay chỉ lên tóc, hỏi lại: “Salon tóc?” “Vâng, từ đây tới ga có mấy salon tóc, không biết chị hay đến salon nào?” “Aaa. . .” Cô ấy cười nhẹ. “Đúng là có vài tiệm thật, tôi hay đến chỗ bên cạnh quán cà phê đó, salon tóc Seta. Nhưng gần đây tôi chưa đi, cũng phải ba tháng, bốn tháng rồi cũng nên.” Tôi đã giới thiệu mình là luật sư, lại còn hỏi đông hỏi tây, nhưng cô ấy dường như không có chút nghi hoặc nào về tình huống này. Đa phần người ta sẽ để ý đến việc tại sao lại điều tra, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người không có tính tò mò. Những người này thường sẽ trả lời khách quan, không định kiến nên có khả năng rất cao sẽ đến gần với sự thật hơn. Cô ấy cũng nói cho tôi biết là mình không biết salon Always ln Iwai. Tôi hỏi tiếp: “Chị có biết chồng của cô Natsuko không?” “Vâng, tôi có gặp lúc đi ngắm hoa ở đền với cả nhà anh Kumada.” “Anh ta là người như thế nào ạ?” “Là người rất ít nói, nhà khoa học mà, còn đi nghiên cứu khắp nước Nhật nữa chứ. Nói mới nhớ, hôm đi ngắm hoa ấy, nhóm bên cạnh có vụ ồn ào. Hai ông say rượu to tiếng cãi nhau, mấy người đi cùng cũng vào khuyên giải, nhưng không được. Rồi một ông túm áo ông kia, có vẻ sắp đánh nhau đến nơi thì chị Natsuko cầm ly rượu đứng lên chuyển sang ngồi vào giữa hai ông kia, lần lượt nghe các ông ấy tố nhau. Chẳng mấy chốc mà chị ấy đã giảng hòa được cho hai người đó, chỉ mất mấy phút thôi chị ấy đã ôm vai hai ông ấy, thân thiết hát hò. Lúc đó, chồng của chị Natsuko cũng không nói gì, kiểu như “thôi ngừng đi” chẳng hạn, nhưng anh ấy vẫn trông chừng chị ấy. Chuyện này, với Natsuko, người luôn biết cách giao tiếp với đàn ông thì cũng có thể lắm chứ. Dù đã qua năm năm, dù đã thành vợ người ta, dù đã làm mẹ, nhưng có lẽ bản chất cô ta vẫn không thay đổi. Người mẹ kia tiếp tục kể: “Hai vợ chồng nhà đó trông đẹp đôi lắm. Natsuko thì trông lúc nào cũng vội vàng còn ông chồng thì ngược lại, lúc nào trông cũng thong dong, cho nên vừa khéo bù trừ cho nhau. Cái hôm đi ngắm hoa ấy, chồng tôi cũng có đến bắt chuyện với anh Kumada, anh ấy cứ phải nghĩ kỹ rồi mới nói ra. Còn chị Natsuko thì có vẻ như không đủ kiên nhẫn chờ chồng mở miệng.” Cô ấy nhún vai rồi nói tiếp: “Toàn trả lời thay chồng hết.” “Chồng cô ấy có giàu không ạ?” “Giàu hay không thì tôi không biết, nhưng chắc là không thiếu tiền đâu. Hai vợ chồng còn trẻ mà đã xây được nhà riêng rồi, chị Natsuko thì thường dùng quần áo và túi xách hiệu Bigi hay Nicole. Bảo là hay nhờ giúp đỡ nên chị ấy còn hay tặng quà khá xịn cho tôi và cháu nhà tôi nữa chứ.” Tôi thử nhớ lại căn nhà của Natsuko, trong phòng bày đầy đồ đạc trông rối cả mắt, mà tôi cũng không biết giá trị của chúng thế nào. Có một chiếc xích đu trong mảnh vườn nhỏ chưa đầy ba mét vuông phía sau nhà. Ngồi trên ghế xô pha trong phòng khách nhìn ra chiếc xích đu trong vườn, tôi đắm mình trong sự cảm khái rằng đây là bến đỗ của Natsuko rồi ư? Sự lựa chọn của người phụ nữ đã từng tuyên bố cuộc đời của mình không kết thúc như thế không ngờ lại là một hạnh phúc rất bình dị. Đứa bé đột nhiên reo to lên cái gì đó. Người mẹ khen con: “Làm được rồi hả con, giỏi quá!”, khiến đứa trẻ cười to mãn nguyện. Tôi vừa ngắm nhìn đứa bé xúc cát vào xô vừa hỏi: “Gần đây chị có thấy cô Natsuko có điều gì khác lạ không?” “Điều gì khác...” Nụ cười của cô ấy đông cứng lại, đầu nghiêng nghiêng. “Nếu thế thì chị ấy có kể là chồng đã bán xe ô tô rồi, kêu là đi hơi xa một chút thì bất tiện lắm. Cũng chịu thôi chứ sao. Chị Natsuko lái xe không được giỏi lắm, gây tai nan những ba lần rồi, nên nghe nói là chồng chị ấy không cho lái xe, còn bán xe đi nữa. Chị Natsuko than là con còn bé thế này, không có xe thì bất tiện lắm, nên mới hỏi mượn ô tô vì chị ấy muốn đi bệnh viện đại học Y mà đi bằng tàu thì phiền phức quá. Tôi về hỏi chồng thì anh ấy không đồng ý, tôi cũng đành phải xin lỗi chị ấy. Thế là chị ấy có vẻ khó chịu, tôi mới bảo là ngay gần đây có chuyến xe buýt tới bệnh viện đại học Y Lập tức Chị ấy hét lên là chị ấy ghét xe buýt lắm, chả cần nhờ vả gì nữa. Tôi cũng thấy hơi Sợ.” “Gây tai nạn đến ba lần. Có bị thương gì không ạ?” “Chị Natsuko có vẻ hoàn toàn ổn. Đối phương có sao không à? Bị thương ở cổ, không xoay được đó. Khi chị ấy kể như vậy, tôi mới bảo là khổ thân quá nhỉ, thế là chị ấy bảo không sao, có bảo hiểm lo mà.” “Ba lần tai nạn đó là lúc nào, chị có biết không ạ?” Thấy cô ấy nhăn mày như cố gắng nhớ lại, tôi cho tay vào túi định lấy bút thì mới nhớ là không có. Lúc ở nhà Natsuko, tôi cũng tính ghi chú lại thì không thấy cây bút đáng lẽ đã kẹp trong sổ tay đâu, có lẽ là rơi trên tàu shinkansen rồi. Không còn cách nào khác, biết là không hợp với công việc nhưng tôi đành dùng bút có trang trí hình đồ chơi chạy trôi bên trong[*]. Tôi là kẻ nghiện sưu tầm, có một bộ sưu tập đến hai trăm chiếc bút mà chỉ cần dốc ngược lại thì tấm phim bên trong sẽ di chuyển, khiến bức tranh thay đổi. Chiếc bút mà tôi dùng lúc đó có chiếc ô tô chậm rãi chạy từ bên trái sang bên phải. Khi thấy vật này, Koichi thích lắm, giơ tay lên xin mấy lần nên khi tạm biệt, tôi tặng luôn cho cậu bé. Cũng chẳng phải là vật đặc biệt yêu thích gì, nhưng khi cho rồi, tôi lại thấy nó tuyệt vời làm sao. Dù là người tính tình lạnh lùng, ít để ý, nhưng tôi lại tiếc cây bút đã tặng cho một đứa trẻ con, không biết tôi là loại người lớn gì nữa. Là một kẻ ích kỷ. Tôi cảm thấy ghét bản thân mình sâu sắc. Một cơn gió đột nhiên nổi lên thổi thẳng vào mặt, tôi lập tức thấy mắt hơi xót, hình như bụi bay vào rồi thì phải, đau không mở nổi mắt. Tiếng lá thu xào xạc cuốn lên, ào ào vây lấy, khiến tôi sợ hãi. Tôi đến hội trường lúc mười một giờ sáng. Trong lúc tìm chỗ ngồi, đây đó vang lên tiếng hét khi ra đòn như kiểu Lý Tiểu Long. Mỗi lần đến đại hội kiếm đạo đầu như thế, lọt vào tai toàn là tiếng hét của đàn ông. Có lẽ chỉ có kẻ ngoại đạo như tôi mới cho rằng nhỏ tiếng thì dễ phát lực hơn. Hôm nay có trận đấu của Sakaguchi nên tôi tự làm bánh mì kẹp, đem đến cổ vũ. Ngồi xuống hàng ghế đầu tiên trên tầng hai, tôi quan sát bên dưới. Sàn nhà thi đấu được chia thành mười hai ô, ở mỗi khu vực, các trận đầu đồng thời diễn ra. Tôi thấy bóng dáng các tuyển thủ mang đồ bảo hộ và các trọng tài trong bộ vest đang cầm cờ. Trên bụng các tuyển thủ có dán bảng tên, họ đang chuẩn bị tiến vào trận đấu, nhưng từ tầng hai thì chẳng cách gì đọc được tên họ. Cứ như vậy, tôi không biết đâu là Sakaguchi mà vẫn ngồi ở đấy đến mấy tiếng đồng hồ. Nếu có hứng thú với các trận thi đấu thì cũng được, nhưng tôi chỉ biết bên nào thắng khi trọng tài phất cờ mà thôi. Chẳng còn cách nào khác. “Hì!” Tôi ngẩng đầu lên thì thấy Sakaguchi đang đứng đó, mặc một chiếc áo len và quần jean. Gãi gãi đầu, anh xấu hổ bảo: “Thua mất trận đầu rồi.” Chúng tôi lên ô tô, đến một trung tâm thương mại gần đó, ngồi trên băng ghế tầng thượng ăn bánh mì kẹp. Sau khi ăn hết một cái bánh mì trong chớp mắt, Sakaguchi lên tiếng: “Em đến cổ vũ mà tiếc là anh không khoe được gì hết.” Cắn cái bánh thứ hai, anh nói tiếp: “Không ngờ thua ngay trận đầu. Chắc là già rồi.” Sakaguchi lớn hơn tôi năm tuổi, năm nay ba mươi tư. Tôi không nghĩ kiếm đạo là môn thể thao khắc nghiệt, nhưng sau khi kết thúc trận đấu, kiếm sĩ nào cũng mồ hôi nhễ nhại nên có lẽ là tiêu hao thể lực rất lớn. Dụng cụ bảo hộ nhẹ hơn một chút, thoáng khí hơn thì chắc là dễ đánh hơn nhỉ. Chợt tôi nghe thấy Sakaguchi cười nói: “Chẳng dễ dàng nói lời an ủi người khác mới đúng là em nhỉ!” “Hả? Vừa rồi anh nói với em à?” Anh lắc lắc đầu: “Không, là tự nói thôi, nhưng mà một phần nào đó mong được đáp lại. Em không hiểu sao? Có kiểu nói chuyện tự hiểu đó. Khi mà đàn ông có vẻ chán nản bảo chắc là già rồi thì phụ nữ phải hiểu ý mà an ủi rằng không, vẫn chưa đâu này nọ. Mà cũng chẳng sao cả. Em không hiểu đúng không? Không sao cả, em là vậy mà.” Tôi chẳng tỏ vẻ gì, vẫn tiếp tục ăn bánh mì kẹp, uống hớp trà đá. Môi lần Sakaguchi nói rằng tôi cứ là tôi là được rồi, tôi đều cảm thấy không thoải mái, như thể tôi khác người bình thường ấy. Nếu thế sao lại hẹn hò nhau những năm năm? Tôi chẳng biết nữa. Chuyện của bản thân mình nhưng có quá nhiều thứ tôi không hiểu được. “Vậy Nagoya sao rồi? Hồi đầu tuần em đi rồi đúng không?” Tôi thở dài làm Sakaguchi hỏi thăm: “Sao? Vụ này khó hả?” “Khó hay không em cũng không biết, nhưng mà cũng nhiều thứ linh tinh.” “Vậy à... Em có nói là do họ hàng nhờ cậy nhỉ.” “Họ hàng xa.” Anh cười: “Đúng, đúng. Là cô Natsuko nhỉ? Em có nhận xét rằng cô ta hay nói dối viển vông, là tay lừa đảo mê tiền có hạng nhỉ? Cũng lâu lâu rồi. Thế nào? Cô ta vẫn chứng nào tật nấy sao?” “Cô ta kết hôn, có con rồi, sống trong một căn nhà có mảnh vườn nho nhỏ. Thế nhưng...” Tôi ngập ngừng. “Khuôn mặt ấy kiểu gì cũng gây ra chuyện nhỉ.” Sakaguchi tròn mắt lên. “Thôi, không sao đâu, cũng có những chuyện em không nói được với anh mà. Lúc nào nói được thì kể cho anh nghe với nhé, anh có hứng thú với cô Natsuko này đấy.” Cánh tay đang đưa bánh mì kẹp lên miệng của tôi khựng lại. Tại sao anh lại có hứng thú với Natsuko chứ? Gã đàn ông nào cũng thích kiểu phụ nữ như Natsuko chăng? Cắn một miếng bánh mì kẹp trứng, vị mặn chát làm lưỡi tôi tê dại. Vì cuộc đấu kiếm đạo kết thúc sớm nên buổi chiều rảnh rang, chúng tôi đi xem phim cùng nhau. Sakaguchi lái xe tiễn tôi về tận nhà, lúc chia tay cũng đã hơn bảy giờ tối. Hôm nay anh trai tôi hẹn sáu giờ tối sẽ đến nhà nhưng anh ấy toàn sai hẹn nên tôi cũng chẳng cần để ý nhiều đến giờ giấc. Đến bảy rưỡi thì chuông cửa reo báo hiệu anh ấy đã đến. Tôi mời vào nhà, anh ấy cũng chẳng tỏ chút khách sáo, đi thẳng vào ngồi trên ghế xô pha trong phòng khách. Như mọi lần, anh ấy đặt túi gà rán lên bàn, bảo: “Cùng ăn nào!” Quà anh ấy mang đến lúc nào cũng là gà rán. Chị tôi thường đùa là anh ấy hãy để râu trắng, đeo kính, thắt nơ vào cổ nữa đi[*]. Nhưng anh tôi chẳng thèm để ý, vẫn luôn đem gà rán đến. Tôi lấy bia lon trong tủ lạnh ra đặt lên bàn. Vừa mới bắt đầu ăn, anh ấy đã rút túi hồ sơ trong cặp ra, nói: “Cái này nhờ em!” Tôi lấy hồ sơ trong phong bì ra xem. Sở thích của anh tôi là chuyển nhà, để thay đổi không khí khi công việc không trôi chảy hay khi chia tay người yêu. Lúc nào cũng thấy anh ấy muốn thay đổi không khí, chẳng bao giờ ở chỗ nào được nửa năm. Hôm nay anh ấy cũng là muốn nhờ tôi ký tên vào chỗ người bảo lãnh trong hợp đồng thuê nhà mà mang gà rán đến. Tôi hỏi: “Higashi-Oizumi[*] là ở đâu?” “Gần ga Oizumi-gakuen[*] trên tuyến Seibu-Ikebukuro[*] Đến công ty thì hơi xa một chút nhưng được cái yên tĩnh, mà có khi tao nghỉ việc cũng nên.” Cùng với việc thoải mái đổi chỗ ở, anh tôi cũng đổi chỗ làm luôn. Tôi cũng không nhớ hiện giờ anh ấy đang làm việc cho công ty, ngành nghề nào nữa. Bảo là phiền phức nên hồi học cấp ba, anh ấy đến trường chưa được ba ngày một tuần. Cũng chẳng phải vì đã trưởng thành mà anh ấy chịu đến công ty đều đặn hằng ngày. “Không thấy Tetsuko-chan chuyển nhà nhỉ!” Anh tôi vừa ăn gà rán vừa bảo. “Người khác cũng chẳng mấy khi mà!” “Ừ, chuyện đó đó, hai đứa sắp sống chung à? Thằng đó tên là gì nhỉ, Sakaguchi phải không?” Tôi không trả lời anh trai, chỉ cầm lon bia lên uống. Dù tôi bảo là mình muốn sống độc thân nhưng anh tôi giống y như mẹ tôi, hễ mở miệng là giục tôi kết hôn. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc kết hôn nhưng cũng không đủ dũng khi nói thẳng ra. Khi nói chuyện với đám con gái, với chủ để mặc áo cưới thế nào, xây dựng gia đình ra làm sao, tôi đều chuẩn bị câu trả lời an toàn. Đến tuổi hai mươi chín, tôi trở nên sợ hãi những sợi dây vô hình cứ trói lấy bản thân. Mẹ tôi rất hay nói là xã hội dồn đuổi con người. Ngay cả Natsuko cũng kết hôn rồi. Tôi cứ nghĩ người như Natsuko phải lấy chồng giàu, nhưng không ngờ cô ta lại chọn cuộc sống bình thường. Anh tôi đang vặn mình, tôi liền hỏi: “Anh có nhớ Kotani Natsuko không?” Và giải thích thêm: “Là cháu của em gái bà ngoại. Vào kỳ nghỉ hè mình cùng về nhà bà ngoại chơi có gặp đó anh, bằng tuổi em.” Cứ ngỡ anh ấy bận giãn cơ lưng, bỗng nghe anh ấy hét toáng lên: “Nat-chan á? Tao chẳng nhớ chuyện gì về kỳ nghỉ hè năm ấy. Nhưng mà lúc nào nhỉ, khi tao tham dự lễ cầu siêu, vì là con trai trưởng đó, thì nó cũng đến. Hồi tao học đại học thì phải. Xinh lắm ấy!” Nói rồi, ánh mắt anh ấy nhìn xa xăm. “Anh có nhớ rõ không đấy? Nếu nói về khuôn mặt thì cũng thường thôi.” “Chẳng thay đổi gì cả, sự đánh giá về người khác của Tetsuko thật khắt khe. Không phải loại thường đâu. Hơn trung bình một chút nhé. Nói theo kiểu tùng trúc cúc thì là loại trúc gần với tùng ấy. Nói cho mà biết nhé, cái khoảng đó là có sức hấp dẫn với đàn ông lắm đó. Tùng thì cao xa quá, không với tới được, cho nên ban đầu nhiều người tự lượng sức mà bỏ cuộc. Nhưng với trúc thì khác, người ta thấy rằng có lẽ cũng không quá sức đâu. Vì vậy ở hạng trúc mà gần với hạng tùng thì chính là lý tưởng nhất đó.” Tôi ngạc nhiên nhưng cũng bắt đầu thừa nhận rằng đó có thể là lý do tại sao có nhiều đàn ông quỳ gối trước Natsuko như vậy. Là loại trúc gần với tùng sao? Trả lời câu hỏi thăm: “Thế Nat-chan sao rồi?” của anh tôi, tôi đáp: “Thì kết hôn rồi, đang sống ở Nagoya, có một đứa con.” Ánh mắt anh tôi càng xa xăm hơn. “Vậy à. Lấy chồng rồi à, con cũng có rồi. Đến tuổi này rồi mà.” Thấy ánh mắt anh ấy chuyển sang mình, tôi bèn bày bộ mặt không muốn nghe, nuốt một ngụm bia. 3 Ogata Naoko đang nức nở khóc. Chị cô ấy, Ritsuko, ngồi bên cạnh vỗ lưng giúp. Ritsuko cứ liếc nhìn tôi, chắc là muốn bảo tôi nói gì đó đi nhưng tiếc là tôi không có gì để nói. Hôm nay, ngày đầu tuần, Ogiwara chỉ thị cho tôi đến hẹn gặp trước tòa nhà chung cư mà Ritsuko đang sinh sống. Tôi nhìn sang anh ấy thì thấy anh ấy đang nhìn hai chị em kia với ánh mắt hiền hòa. Naoko chỉ biết khóc, không hề mở miệng nói muốn thế nào. Chẳng nói chẳng rằng, khóc lóc trước mặt người khác như bảo rằng các người lo mà đoán tâm tình của tôi đi. Tôi ghét nhất loại đàn bà này. Nếu không bày tỏ được tâm trạng của mình thì cứ nói trắng ra là được. Cứ khóc lóc chỉ khiến tôi cho rằng họ đang diễn trò đáng thương mà thôi. Tôi thật không muốn dây vào trò này. Những lúc như thế này, tôi mới thấy ghen ty với Sakaguchi. Khách hàng của anh hầu hết là các doanh nghiệp nên chẳng bao giờ phải dính đến mấy màn kịch cảm động cả. Ogiwara ôn tồn nói chuyện với hai người kia: “Tôi tôn trọng cảm xúc của cô Naoko, hạnh phúc của cô là ưu tiên số một của chúng tôi. Và chúng tôi cũng rất hiểu tâm trạng lo lắng cho em gái của cô Ritsuko. Qua buổi nói chuyện thì hình như cô Naoko vẫn chưa làm rõ được tâm tình của bản thân nên tuần sau chúng tôi lại đến nhé. Cho đến lúc đó, mong cô hãy điều chỉnh cảm xúc, sắp xếp lại suy nghĩ, thế có được không ạ? Vì cũng không có gì phải vội cả.” Ritsuko tỏ vẻ biết ơn, cúi đầu với Ogiwara. Tôi và Ogiwara rời khỏi căn hộ của Ritsuko, nhằm hướng nhà ga. Tôi hỏi anh ấy: “Tuần sau lại đến hỏi chuyện ạ?” “Ừ.” “Thế vụ này thành ra có hai luật sư nhỉ?” “Đúng thế thật. Vậy không tốt sao?” “Là vấn đề hiệu suất thôi ạ. Luận điểm chỉ có một, và chỉ cần thu thập chứng cứ và nhân chứng phục vụ cho việc đàm phán. Nếu thế thì một luật sư cũng đủ rồi đúng không ạ?” “Sao nhỉ? Với vụ này, tôi vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Thế nên cần có hai người là tôi và luật sư Tetsuko. Cô có vẻ bất mãn nhỉ? Thế nói về chuyện hậu trường đi. Có nhiều người ca thán về cô lắm đấy, luật sư Tetsuko.” “Hả?” Tôi không tự chủ được buột miệng hỏi lại. “Có một số khách hàng liên lạc tới, ý kiến thì cũng thế này thế khác, nhưng có một điểm chung, đó là cô không thân thiện với họ. Họ khiếu nại nên rơi vào tai tôi đấy. Cô có nghĩ tới vụ nào không?” “Vụ anh Matsuzaka rồi. Anh ta quá kích động nên tôi mới bảo anh ta nên bình tĩnh suy nghĩ. Tôi không thể dễ chịu với những trường hợp mượn tiền rồi không trả được.” “Đây là lần đầu tiên tôi nghe về vụ Matsuzaka đấy.” Tôi khựng lại. Nhưng Ogiwara vẫn đều đều bước tiếp, tôi liền rảo bước đuổi theo. Khi rẽ phải thì đường đi rộng hơn một chút. Bên phải là tường bê tông kéo đài, phía trong có thể thấy nhiều nấm mộ trải dài. Bên trái là dãy nhà dân cũ kĩ. Tôi đuổi theo và bước ngang hàng với Ogiwara, đầu cứ nghĩ xem ai đã khiếu nại. Không phải Matsuzaka thì ai chứ, tôi chịu không nghĩ ra. “Tự kiểm điểm rồi chứ?” Ogiwara mở miệng nói. “Lúc đó tôi bỏ bê không hướng dẫn gì cho luật sư Tetsuko khiến cô đã vô cùng lo lắng đúng không? Giờ cũng đã muộn rồi nhưng tôi nghĩ vậy đấy.” “Tôi bị sa thải phải không ạ?” “Trời đất. Hoàn toàn không phải thế.” Đột nhiên Ogiwara dừng bước. Trước mặt là cửa hàng hoa. “Phụ nữ được tặng hoa thì vui lắm phải không nhỉ?” “Sao ạ? À... vâng.” “Tôi muốn nhờ luật sư Tetsuko một việc.” Anh ấy rút ví từ trong cặp xách ra. “Cô mua hộ tôi một bó hoa được không? Vì tôi chả biết bó nào là đẹp cả.” Tôi đang ngẩn ngơ suy nghĩ, nhưng khi chú ý đến ánh mắt của Ogiwara thì bừng tỉnh. “Hoa ư? Anh vừa nói đến hoa à? Tại sao thế ạ?” “Tối nay tôi có hẹn với con gái. Cho nên mới nghĩ là nếu tặng hoa cho nó thì chắc nó vui lắm. Con bé nhà tôi như bà cụ non, bé tí nhưng nếu không được đối xử như một người phụ nữ chân chính là giận dỗi ngay. Tháng trước, tôi đem gấu bông đến tặng, thế là suốt buổi con bé không hé răng tiếng nào, thật phiền mà.” Ogiwara có một cô con gái đang sống với mẹ, hai vợ chồng đã ly hôn. Thỉnh thoảng tôi dọn bàn làm việc cho Ogiwara, có thấy tấm ảnh của cô bé mặc một chiếc váy liền màu xanh da trời, được chụp trong buổi biểu diễn piano. Tôi nhận tiền từ Ogiwara, rồi bước vào cửa hàng bán hoa. Lúc chọn hoa xong đi ra thì thấy anh ấy đang ngồi dựa trên thanh chắn đường, tôi giải thích: “Giờ người ta đang bó hoa ạ.” Anh ấy giơ tay lên tỏ ý cảm ơn: “Cảm ơn cô nhé.” Để khỏi chắn đường người đi bộ, tôi di chuyển đến đứng cạnh Ogiwara. Năm năm làm luật sư, giờ bị người ta chê trách, nhưng tôi chẳng thấy buồn bã hay tức giận. Người ta nhìn thấu rồi sao, rằng tôi chẳng nhiệt tâm, rằng tôi làm việc chỉ để giết thời gian, nhìn khách hàng với ánh mắt lạnh lùng. Tôi hoàn toàn tiếp nhận ý kiến phản ánh về mình và đồng thời có chút thất vọng với bản thân. Tại sao lại thất vọng, tôi cũng không biết nữa. Ánh mắt Ogiwara dõi theo chiếc xe nôi đi qua trước mặt mình, sau đó anh ấy mở miệng trò chuyện: “Từ góc độ của chúng ta thì đó cùng lắm chỉ là một vụ án trong rất nhiều vụ mà chúng ta thụ lý, nhưng đối với đương sự mà nói, đó là vụ rắc rối lớn có thể làm thay đổi cả cuộc đời của họ. Đã vô cùng bất an thì chớ, thuật ngữ pháp lý lại quá xa lạ với họ. Hầu hết họ đều cho rằng thật vô lý khi bản thân bị cuốn vào các vụ rắc rối. Họ chỉ tin cậy vào luật sư, xem đó là chỗ dựa về mặt tinh thần. Cho nên không những họ kỳ vọng vào chúng ta trên mức cần thiết, mà còn nảy sinh tâm lý dựa dẫm nữa. Theo tôi thì làm luật sư phải đáp ứng được những điều đó.” Tôi cụp mắt xuống. Một bông hoa màu hồng phấn nở nơi khe hẹp giữa trụ của thanh chắn và mặt đường nhựa. Ogiwara tiếp tục: “Phản hồi của khách hàng về cô Miyuki tốt lắm, còn hơn cả tôi, cô có biết tại sao không?” Tôi ngẩng mặt lên, thấy chút vẻ tự giễu trên mặt Ogiwara. Anh ấy nói tiếp: “Cô có nghe cô ấy nói “vất vả quá rồi nhỉ” lúc nào chưa? Đấy cũng là phong cách của Miyuki, lúc nào cũng như nói với người thân, bao hàm nhiều tình cảm. Chỉ với một câu như vậy đã thay đổi tâm trạng của khách hàng. Họ sẽ cho rằng người này thật lòng lo lắng cho họ, hiểu được khó khăn của họ. Cái đó mới là quan trọng. Thắng kiện đã không còn là mục đích chính, vì sự hài lòng của khách hàng không tỷ lệ với khả năng thắng kiện.” Tôi hiểu được điều Ogiwara muốn nói. Tôi cũng ước mình có thể trở thành một luật sư như thế. Nhưng tôi đã không thể. Cho dù tôi có thông cảm với tình cảnh của khách hàng đi nữa, tôi vẫn chẳng thể nào bức xúc như họ được. Hơn nữa, đã bao nhiêu lần tôi muốn nói “hay là bỏ đi” với họ. Nhưng có thể là do cảm thấy không nên nói, bị lí trí ghim lại, nên chưa lần nào tôi nói ra câu đó. Ogiwara lại tiếp: “Tôi phải tự kiểm điểm vì muộn thế này mới nói với luật sư Tetsuko những thứ này. Cho nên trong thời gian tới, tôi tính tùy theo vụ kiện mà hai chúng ta sẽ đồng hành làm chung nhé.” Nhân viên cửa hàng mang ra bó hoa với sắc xanh tím chủ đạo như tôi đã yêu cầu. Sắc xanh thẫm của hoa phi yến phối cùng sắc tím nhạt của hoa cát tường tạo cảm giác êm dịu. Tôi cho bó hoa vào túi, đưa cho Ogiwara. Trên tàu về văn phòng, Ogiwara không nói gì, chỉ nhìn mấy tờ quảng cáo dân trên chỗ vịn. Tôi cũng chẳng mở miệng, để thân mình lắc lư theo nhịp của tàu. Vừa mở cửa văn phòng đã nghe tiếng Miyuki chào rộn rã: “Hai vị luật sư của chúng ta về rồi đấy ạ.” Ngay lập tức chị ấy pha trà đưa đến cho Ogiwara và tôi. Ogiwara xoay người về phía cửa sổ, bắt đầu tập thể dục. “Mọi chuyện diễn ra giống như cô Miyuki đã dự đoán đấy.” Miyuki đáp lại từ chỗ của mình: “Chuyện của cô Ogata sao ạ? Thật như vậy ạ?” “Thành ra tuần sau lại đi hỏi chuyện lần nữa. Cô thấy sao?” “Tôi cá bằng hộp bánh imo-yokan của tiệm Funawa[*] là cô ấy không chia tay.” “Cá một hộp imo-yokan cơ à.” Ogiwara vừa xoay vai phải vừa hỏi: “Luật sư Tetsuko thấy sao? Cô có cá cô Ogata sẽ chia tay không?” “Xin lỗi, cô Ogata có phải là cô Ogata Naoko chúng ta mới đi gặp hôm nay không ạ? Có phải là vụ cô ấy muốn ly hôn vì bị chồng bạo hành không? Chị Miyuki nghĩ là sẽ không chia tay đúng không?” Miyuki xoay ghế về phía tôi. “Đúng thế. Cô chị và mọi người xung quanh khuyên là ly hôn đi, nhưng tôi nghĩ bản thân cô Naoko không có ý định chia tay. Cô ấy yêu chồng mình mà.” Nếu Miyuki đã nói vậy thì có thể như thế thật. Dự đoán của Miyuki về mấy chuyện này thường rất chính xác. Tôi hỏi chị ấy: “Xương mũi bị gãy, xương sườn bị rạn cũng được xem là yêu sao?” Chị ấy gật mạnh đầu: “Có lẽ khó mà lý giải từ “yêu”. Nếu đổi thành từ “chấp niệm” thì cô có hiểu không? Cố chấp với việc “mình yêu người đó”, không muốn thay đổi tình cảm của bản thân, cho rằng đối với người đó mình là người quan trọng. Dù xung quanh chê bai hay khuyên bảo cũng không có tác dụng gì, phải là tự bản thân người đó giác ngộ mới được.” Tôi nhớ lại dáng người gầy guộc đang nức nở của Naoko. Chấp niệm sao? Nỗi sợ hãi và đau đớn khi bị đánh cũng không áp chế được chữ “niệm” trong lòng sao? Có thể hiểu như tự bản thân mình bước vào vòng xoáy của bất hạnh. Naoko rồi sẽ đi về đâu? Tôi muốn thử hỏi xem lúc nào thì cô ấy cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ phải cố gắng để nói câu “Khổ thân (tội nghiệp) chị quá!” với một Naoko mà tôi không hề hiểu nổi hành động hay lời nói hay sao? Chỉ cần nói thế thì được công nhận là luật sư thật sao? Cái đó thật sự quan trọng như thế sao? Nếu vậy có khi phải vào đoàn kịch mà học thêm khóa diễn xuất mất. Tiếng điện thoại reo khiến Miyuki quay ngoắt lại cầm ống nghe. Ogiwara hỏi tôi: “Cô gọi được cho cô Natsuko chưa?” Sau khi tôi trở về từ Nagoya tuần trước thì không liên lạc được với Natsuko nữa. Tôi cảm thấy lo lắng, vì đã có những thông tin về tính hung hãng của Iwai cũng như về việc luôn vắng nhà của Yoshiaki. Hướng về phía Ogiwara đang làm động tác xoay vai, tôi báo cáo rằng hôm qua cuối cùng cũng đã liên lạc được. Nhân đây, tôi lấy sổ tay ra giải thích thêm về vụ này. Ogiwara nhận xét: “Như vậy, có vẻ như không có chứng cứ hay giấy tờ gì về việc cô Natsuko vay tiền. Vấn đề về việc vay hay cho vay có lẽ nằm ở mối quan hệ giữa hai người này. Có thể là quan hệ nam nữ, cũng có thể là một rắc rối tiềm ẩn nào đó hoàn toàn khác.” Vậy là Ogiwara cũng nghĩ như thế sao? Tôi chăm chú nhìn vào những con chữ mà mình đã ghi, tuy không chắc lắm nhưng trong đây ghi lại một việc mà tôi chưa báo cáo với Ogiwara. “Có chút manh mối nào không?” Câu hỏi của Ogiwara làm tôi giật mình ngẩng đầu lên. “Có lẽ không liên quan lắm nhưng có người kể là cô Natsuko đã ba lần gây tai nạn. Theo người đó thì đối phương là một chuyên gia làm đẹp. Và tôi đã hỏi lại cô Natsuko thì tiền đền bù tai nạn do công ty bảo hiểm chỉ trả nên cô ta cũng không biết đó là ai.” “Có mùi lạ đó.” Câu này là do Miyuki phát biểu. Không biết chị ấy nghe điện thoại xong từ bao giờ, và đang đứng ngay đó. Ánh mắt chị ấy hăm hở. “Làm gì có chuyện tình cờ thế được.” Khuôn mặt sáng bừng vì tò mò của Miyuki trông chói mắt thế không biết. 4 Tôi xuống taxi, tiến tới bàn tiếp đón của Trung tâm nghiên cứu, thông báo rằng mình có hẹn với giáo sư Kumada Yoshiaki thì được chỉ đến nhà kính có dán số 4 bên ngoài. Trung tâm nghiên cứu mà Yoshiaki đang làm việc này cách trường đại học khoảng năm phút đi ô tô. Mở cánh cửa kính bên ngoài ra thì bên trong có thêm một cánh cửa kính nữa. Ngay khi cửa vừa mở thì gió nóng từ trên đầu thổi đến, tôi lập tức đóng cửa lại. Tôi nhìn bao quát qua không gian rộng lớn như nhà thi đấu, tìm bóng dáng Yoshiaki. Có phải là người đang ở góc kia không nhỉ? Tôi tiến về phía đó. Một dãy bàn cao khoảng ngang hông đang xếp dài, trên đó có đặt những cái hộp được đánh số, trong hộp là các mầm cây cao khoảng mười centimet. Lúc bước đi giữa hai dãy bàn, tôi nhớ lại bóng lưng rộng lớn của Akio. Người con trai đã đính hôn với Natsuko năm năm trước giờ ra sao nhỉ? Anh ta vẫn ở lại cánh đồng ấy trồng rau chứ? Hay cũng giống như Natsuko, đã kết hôn, có con? Tôi cất tiếng hỏi người đàn ông có vóc dáng cao cao: “Xin lỗi, anh có phải là Kumada Yoshiaki không ạ?” Anh ta ngẩng đầu lên khỏi tấm bảng kẹp, trên mắt đeo một cái kính mắt tròn. Khi tôi tự giới thiệu xong, anh ta cúi đầu đáp: “Cảm ơn sự quan tâm của cô tới Natsuko.” Yoshiaki kéo hai cái ghế tròn dưới bàn ra, đưa cho tôi một cái. Tôi ngồi xuống, bắt đầu hỏi luôn: “Anh có nghe cô Natsuko nhắc tới anh Iwai bao giờ chưa?” Anh ta gật nhẹ đầu. Chờ mãi không thấy anh ta có dấu hiệu gì nói tiếp nên tôi lại hỏi: “Nhắc như thế nào ạ?” Tôi quan sát dáng ngồi nhìn xuống đầu gối như đang suy nghĩ của Yoshiaki. Phong thái khá là khác với Akio. Akio như mang lửa trong mình, nhiệt lượng tỏa ra như muốn xô ngã người khác. Nhưng tôi không cảm nhận được nhiệt độ nơi Yoshiaki, yên tĩnh, có thể nói là lạnh lẽo. Đó là người đàn ông mà Natsuko tự hào là trí thức. Thực hư thế nào không rõ, nhưng cô ta từng khoe anh ta rất chuyên tâm nghiên cứu nên được người ta đồn rằng có khả năng đạt giải Nobel. Cuối cùng Yoshiaki cũng bắt đầu câu chuyện: “Tôi nghe kể rằng anh ta là chủ salon nơi cô ấy hay tới làm tóc. Tay nghề rất khá nên cô ấy đã từng giới thiệu cho mấy bà bạn hàng xóm nữa. Kể cả khi cô ấy quên đem theo ví, anh ta cũng mấy lần cho cô ấy nợ tiền. Khi cô ấy hỏi số tiền thì mỗi lần mỗi khác. Cô ấy nghĩ là số tiền phải lớn lắm, ai ngờ anh ta chỉ lấy rất ít, có lẽ là không tính theo giá chung, vì cô ấy đã giới thiệu mấy người quen đến tiệm, nên anh ta chỉ lấy giá hữu nghị. Thế rồi tự nhiên anh ta chạy đến tận nhà, nhấn chuông cửa inh ỏi, cô ấy sợ quá không dám ra mở cửa. Sau đó anh ta gào thét ầm ĩ, đá thình thịch vào cửa. Tôi chẳng mấy khi ở nhà, cô ấy lo sợ nên mới liên lạc với cô Tetsuko, vốn là họ hàng.” Anh ta rút một chiếc phong bì từ trong túi áo ra đưa cho tôi. “Đây là số tiền làm tóc mà Natsuko còn nợ, theo như anh ta nói. Nhờ cô đưa giúp cho anh Iwai được không?” Tôi nhận lấy rồi hỏi anh ta: “Anh nghĩ sao về chuyện mà cô Natsuko kể?” Trong chớp mát, Yoshiaki lộ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó lại quay lại động tác cúi nhìn đầu gối mình. Tôi tính cũng phải một lúc mới nhận được câu trả lời của anh ta nên mở phong bì ra xem số tiền rồi viết giấy biên nhận. Viết xong ngẩng đầu lên, tôi vẫn thấy anh ta đang nhìn đầu gối. Tôi đưa anh ta tờ giấy biên nhận và cây bút, đề nghị anh ta ký xác nhận thì anh ta cứ thế nhìn chăm chăm vào đó. “Ý cô muốn hỏi tôi có tin những gì Natsuko kể không, đúng không?” Tôi chỉ gật gật một cách mập mờ, không tỏ rõ là đúng hay không. Ngập ngừng một chút, Yoshiaki nói: “Tôi nghĩ cũng có nhiều điểm vô lý, nhưng tôi là chồng, không tin cô ấy không được.” Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi và lặp lại như đang tự thuyết phục bản thân: “Tôi phải tin cô ấy.” Anh ta ký vào giấy biên nhận và đưa lại cho tôi. “Về vụ tai nạn giao thông thì sao ạ?” Tôi hỏi. Vẻ mặt nhất quyết không mở miệng của anh ta đã nói lên tất cả. Chuyện là trước lúc gặp Yoshiaki hôm nay, tôi có liên lạc với anh ta bằng điện thoại và nhờ anh ta liên hệ với ba công ty bảo hiểm để hỏi tên đối tượng trong các vụ tai nạn Natsuko gây ra. Tôi cũng giải thích là do tôi nghi ngờ có tên của Iwai trong đó. Tôi nghi ngờ Natsuko và Iwai đồng lõa với nhau ngụy tạo vụ tai nạn. Việc công ty bảo hiểm mỗi lần lại khác nhau càng củng cổ hơn cho suy đoán của tôi. Tiền bảo hiểm nhận được, hai người chia nhau, nhưng chắc là có mâu thuẫn gì đó nên sứt mẻ mối quan hệ. Không thể nào có chuyện tự nhiên chủ salon tóc lại đến tận nhà của khách hàng để đá cong cả cửa, nhưng nếu giữa hai người là mối quan hệ đồng lõa thì các sự việc sẽ trở nên ăn khớp. Chuyện chưa trả tiền làm tóc chỉ là cái cớ Iwai luống cuống lấy ra vì bất ngờ với sự xuất hiện của một luật sư như tôi. Thấy Yoshiaki có lẽ khó mà mở miệng nên tôi chuyển chủ đề khác: “Anh quen biết cô Natsuko ở đâu ạ?” Anh ta chỉ để lộ chút biểu cảm trên mặt. “Lúc tôi còn làm việc ở một trường đại học trên Tokyo, có hay đến một quán mì ramen, Natsuko cũng hay đến đây.” Khi tôi đang nghĩ nên hỏi tiếp thế nào thì Yoshiaki kể thêm: “Hôm đó, quán rất đông nên tôi mới ngồi cùng bàn với Natsuko. Tôi đang ăn gyoza[*] thì Natsuko lấy bia của mình rót vào cốc, mời tôi uống. Tôi không uống được bia nên mới bảo rằng: “Làm khó cô rồi, nhưng tôi không uống được.” Thế là Natsuko bật cười, bảo câu “làm khó cô rồi” nghe hay đấy chứ. Mấy câu như “làm khó cô rồi”, hay “cảm ơn cô nhưng gì đấy” là thứ tôi được học từ hồi nhỏ, chỉ quen miệng mà nói. Bị cô ấy cười như vậy, lúc ấy tôi không có cảm giác bị chế giễu mà lại thấy rất tự hào. Thế rồi Natsuko bảo chúng ta cùng đưa ra ba điểm mà mình ghét nhất. Tôi đang không biết làm sao thì cô ấy đã tự đưa ngón tay lên lần lượt gập lại, kể ra: hói đầu này, dọn dẹp này, xe buýt này. Rồi vui vẻ nói ghét từng thứ đến mức độ nào. Cái quán ramen lúc nào cũng bẩn thỉu ấy bỗng trở nên sáng rỡ nhờ Natsuko.” Anh ta nheo mắt lại, kể tiếp: “Tôi cũng kể ra ba thứ mà mình ghét, là bia, bị chụp ảnh và oẳn tù tì. Cô ấy hỏi “Tại sao, tại sao?”, thế là tôi cũng nói lý do. Chưa từng nói với bất kỳ người nào khác nhưng tôi lại kể cho Natsuko nghe. Khi ăn ramen xong, tôi cảm thấy như Natsuko rất thân thiết với mình.” Không biết Natsuko cảm thấy thế nào nhỉ? Chắc là không còn nhớ nữa cũng nên. Cho dù có nhớ, cũng có thể cô ta sẽ kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi hỏi.: “Anh có từng tức giận với cô Natsuko không?” “Chuyện lần này ư?” “Không hẳn ạ, kể từ lúc quen biết nhau đến nay ấy. Tôi xé phần giấy than của giấy biên nhận đưa cho Yoshiaki, anh ta gấp nó lại, đút vào túi áo. Tôi kiên nhẫn chờ đợi. Một lúc sau, Yoshiaki mới trả lời: “Nói thế nào nhỉ, Natsuko là người rất khó có thể hiểu được hoàn toàn. Các đồng nghiệp ở viện nghiên cứu cũng nói như thế về vợ của mình nên có lẽ phụ nữ đều khó hiểu như nhau, nhưng tôi muốn biết lý do. Thường khi đến kết quả thì chúng ta phải trải qua một quá trình nào đó đúng không? Kiểu như vì nghĩ như thế nên tôi mới làm như vậy chẳng hạn. Nhưng cho dù tôi có hỏi thì cô ấy cũng chỉ ậm ừ thôi.” Anh ta cười khổ. “Cô ấy làm việc theo cảm tính. Sau đó tôi hỏi tại sao lại làm thế thì đa phần bản thân cô ấy cũng không biết. Ngày trước tôi rất hay tức giận vì không hiểu được, nhưng giờ tôi cũng quen rồi.” “Có việc gì làm anh cảm động không?” Ánh mắt anh ta nhìn thẳng vào tôi, rồi dần dần lộ vẻ cô đơn. Anh ta chậm rãi nói: “Là việc cô ấy chịu kết hôn với tôi.” Tôi chăm chú nhìn vào mắt anh ta. Yoshiaki biết rất nhiều chuyện nhưng vẫn sống chung với Natsuko, tại sao vậy? Natsuko có sức hấp dẫn đến mức ấy sao? Anh trai tôi cũng có đưa ra lý do nhưng tôi hoàn toàn không lý giải được. Cho dù có thiên vị đến mức nào thì cũng phải công nhận vẻ ngoài của cô ta không nổi bật, cũng chả thông minh gì. Chỉ là tùy theo tình huống mà cô ta khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, khiến đối phương vui vẻ mà thôi. Chỉ cần thế thôi là đủ để đàn ông vây quanh mình. Tôi chợt cười khổ, kẻ bàng quan như tôi mà trong đầu lại toàn nghi vấn về Natsuko, thế khác nào là quan tâm đến cô ta rồi. Tại sao tôi lại luôn muốn biết nhiều hơn nữa về Natsuko, có phải tại tôi không hiểu nổi cô ta? Là vì cô ta còn vượt qua cả sự hiểu biết của tôi. Có lẽ là thế. Trông cô ta như một người đàn bà chẳng ra gì, vậy mà lại sống có vẻ rất thoải mái, sung sướng hơn tôi nhiều, thật không thể hiểu được. Nếu tôi có thể tìm được lý do thì có khi tôi cũng có thể sống một cuộc sống biết được cảm giác hạnh phúc. Chú ý đến vẻ mặt kỳ quái của Yoshiaki, tôi mới định thần lại. Không hiểu sao tôi thấy lúng túng nên cố tránh ánh mắt của anh ta. Bỏ giấy biên nhận vào túi xách, ngẩng mặt lên vẫn thấy Yoshiaki đang nhìn tôi. Một người đàn ông với vẻ ngoài điềm tĩnh, trông hết sức bình thường, suy nghĩ lý trí, vậy mà lại chấp nhận tất cả những sự dối trả của Natsuko. Lẽ nào anh ta lại là loại người giống tôi, thay vì nghi ngờ, ghen tuông, giận hờn thì vẫn dễ dàng chấp nhận hơn? Có phải anh ta cũng chịu tác dụng phụ là đôi khi bị cảm giác trống rỗng chế ngự như tôi? Tôi không kìm được muốn hỏi “Có khi nào anh cảm thấy thân thể như đông cứng, không thể cử động được không?” Nhưng dĩ nhiên là tôi không làm thế rồi. Nếu Yoshiaki không phải loại người giống tôi thì anh ta thuộc loại nào? Có phải anh ta mang trong mình chữ “chấp niệm” như Miyuki đã chỉ cho tôi trước đây? Dù sao đi nữa thì giữa họ chắc chắn đã hình thành một mối quan hệ đặc biệt mà chỉ họ mới hiểu. 5 Tôi bước vào ngồi xuống chiếc ghế xô pha trong phòng VIP, thở phào vì thoát khỏi sự ồn ào náo nhiệt của đám đông. Căn phòng này được bao quanh bằng kính nên có thể nhìn xuống sàn nhảy phía dưới. Tôi hơi duỗi cổ quan sát bên dưới. Sàn nhảy này là nơi Takagi Miki hay đến thời còn học đại học. Lúc gọi điện thoại cho tôi, cô ấy bảo đã bao trọn gói vì rất muốn tổ chức buổi tiệc sau đám cưới tại đây. Nhà Miki ở gần nhà tôi, cô ấy học chung với tôi một năm thời cấp một, sau đó lặp đi lặp lại mấy lần khác lớp rồi cùng lớp mà kéo dài tình bạn. Lên cấp hai, chúng tôi học khác trường nhưng thỉnh thoảng cô ấy vẫn liên lạc rủ tôi đi chơi. Nhìn quanh phòng VIP, thấy có bốn người đàn ông và một người phụ nữ đang nói chuyện với nhau, tôi tiến tới chiếc bàn ở góc phòng lấy đồ ăn. Bánh mì kẹp được cắt nhỏ ra từng miếng vừa miệng ăn nhưng đã bị khô, quăn cả góc lên, trông chả muốn ăn nên tôi lấy một đĩa các loại trái cây đem về chỗ ngồi. Lần thứ hai kết hôn, đối tượng của Miki là bạn cùng học tiểu học. Khi nghe tên người đó, tôi không nhớ ra là ai, tuy hai tháng trước đã có dịp gặp nhưng tôi vẫn không nhớ ra được. Thấy vẻ mặt đáng tiếc của hai người, tôi cảm thấy rất có lỗi. Đang ăn miếng dưa lưới vô cùng ngon miệng thì “bang” một tiếng làm tôi giật mình xoay người lại. Miki đang đứng ở cửa dáo dác nhìn quanh, thấy tôi, cô ấy vui vẻ chạy lại. “Tớ nghĩ chắc là cậu ở đây, vì cậu bảo không thích nhảy mà. Sau còn có tăng ba nữa, đừng có mà về đấy.” Bị đoán trước ý đồ, tôi đành cười khổ trong lòng. Miki rút một gói nhỏ trong chiếc túi giấy để dưới chân ra. “Tetsuko không nhớ gì chuyện ngày xưa nhỉ. Trước ngày tốt nghiệp tiểu học, bảy người chúng ta chơi thân với nhau đã chôn hộp ký ức trong vườn nhà tớ đấy. Vẻ mặt cậu bây giờ là vẻ mặt chẳng nhớ gì đúng không? Chuyện là lớp tớ nảy ra ý tưởng chôn hộp ký ức trong vườn trường, nhưng mà giáo viên chủ nhiệm bảo là không được nên đành từ bỏ. Cậu cũng chẳng nhớ gì ư? Tớ thì thấy ý tưởng này rất hay, vậy mà bị từ chối nên buồn quá kể với bố mẹ, bố tớ mới bảo chôn trong vườn nhà mình cũng được. Thế là tớ mới gọi cho mấy đứa bạn thân, chôn ký ức của bảy đứa trong vườn nhà tớ. Mọi người ước hẹn với nhau, mười năm sau vào ngày này sẽ cùng trở lại nơi đây đào hộp ký ức lên, nhưng rồi cuối cùng lại quên mất. Khi tình cờ gặp lại Yasushi, sau khi chúng tớ hẹn hò với nhau thì mới cùng nhớ ra việc này, tự hỏi hộp ký ức sao rồi nhỉ. Tớ dựa theo trí nhớ mà ra vườn đào thử thì tìm được đấy, cái hộp đựng bánh senbei mà chúng ta đã cùng chôn. Đây là cái mà Tetsuko đã để vào hộp ngày ấy, tất nhiên tớ chưa mở ra xem đâu, cậu cũng dán kín rồi mà. Bảy người ngày ấy, trừ tớ và Yasushi thì còn năm, hôm nay tớ đem đến giao lại cho cả năm người. Nếu được thì nhớ kể cho tớ biết cậu đã chôn cái gì nhé!” Chẳng đợi tôi trả lời, Miki đã ra khỏi phòng VIP. Vật đó được bọc bằng giấy đỏ, cột sợi ruy băng màu vàng. Tôi đặt nó lên đùi, mở lớp giấy đầu bên ngoài ra. Khi bóc lớp giấy ni lông bên trong, tôi vẫn chẳng nhớ gì cả. Đây thực sự là vật mình đã chôn sao? Cuối cùng, một chiếc phong bì màu hồng nhạt hiện ra, chữ ghi phía dưới dấu niêm phong hình chú nai Bambi thì tôi nhớ, là chữ viết hồi còn bé của tôi. Ngay lập tức, tôi thấy bản thân bình tĩnh trở lại, chống tay lên xô pha. Ký ức dần dần quay về. Đó là một ngày đông lạnh lẽo. Tôi rét run người, bảo cậu con trai đang lấp đất lên chiếc hộp ký ức rằng, cậu có thể nhanh hơn một chút được không. Lật chiếc phong bì lại, tôi lấy tay sờ lên miếng dán hình ngôi sao, ngày đó tôi rất thích miếng dán nổi 3D kiểu này. Tôi mở phong bì, lấy ra vật bên trong. Là một chiếc chìa khóa. Vì nó có màu đồng nên không bị gỉ. Đây là chìa khóa nhà cô tôi. Đặt nó lên tay nhìn chăm chú, ký ức về thời điểm nhận nó ùa về tức cả ngực. Lúc tôi học năm lớp sáu tiểu học, công ty của bố làm ăn thua lỗ nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Là trẻ con nhưng tôi hiểu sự bức bách về tiền bạc trong nhà. Một ngày vào kỳ nghỉ hè năm đó, bố mẹ bảo rằng tôi phải một mình đến ở nhà cô một tuần. Một mệnh lệnh quá đường đột. Trước ngày tôi đến nhà cô ở, một người bác trong họ nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Lời bác nói với tôi khi đó đã làm tôi nhận ra một sự thật khác đằng sau câu chuyện đến nhà cô ở một tuần. Thì ra vợ chồng cô không có con, tôi đến đó một tuần để cô xem có nên nhận tôi làm con nuôi không. Thời điểm đó, tôi có buồn không nhỉ? Tôi cũng không nhớ nữa. Ở nhà cô, tôi cẩn thận từng tí một. Và tôi cũng vô cùng thất vọng về hành động cẩn thận để khỏi bị vợ chồng cô chú ghét của bản thân mình. Tôi của năm mười hai tuổi, bị bố mẹ quyết định bỏ rơi, đã chấp nhận sự thật đó như vận mệnh của chính mình. Sau một tuần, khi tôi chuẩn bị ra về, cô đã đem chiếc chìa khóa này đặt vào tay tôi, bảo rằng: “Đây là nhà của con, cô đưa con chìa khóa để con có thể về đây bất cứ lúc nào.” Sau đó đã có cuộc họp bàn trong họ, nội dung thế nào tôi không được rõ. Hoặc do công ty của bố tôi làm ăn khá hơn mà bố mẹ tôi không bao giờ nhắc đến chuyện cô tôi nữa. Tôi đã nghĩ gì mà đem chiếc chìa khóa đi chôn? Ký ức về điểm mấu chốt không trở lại, nhưng có một điều chắc chắn rằng đấy là lần đầu tiên tôi cho rằng chấp nhận thực tế sẽ đơn giản hơn. Không kháng cự thì vết thương sẽ được giảm thiểu nhất. Bên cạnh có tiếng người ngồi xuống, anh ta chỉ vào vật trong tay tôi, hỏi: “Cái này là gì vậy?” Tôi mặc kệ, cho chìa khóa vào phong bì rồi đút vào túi xách, sau đó tìm sọt rác để vứt đống giấy bọc. Sọt rác ở dưới cái bàn trong góc, nhân tiện đó tôi pha cho mình một ly Whisky. Đang loay hoay thì một giọng nói vang lên phía sau: “Cậu cho cái gì vào hộp ký ức thế?” Quay lại nhìn thì ra là Murakami Saburo, bạn học cùng hồi tiểu học, đang lắc lắc một cuốn vở trên tay. “Murakami-kun thì sao? Là cái gì vậy?” “Là cuốn vở dán ảnh sex sưu tầm được trên báo.” Tôi không kìm được bật cười. Murakami chu môi nói: “Giờ nhìn chẳng thấy sex chút nào, chỉ là mấy cái ảnh mặc bikini thôi. Thế mà ngày xưa lại thích chí sưu tầm, thật là xấu hổ.” Tôi hỏi cậu ấy có uống Whisky không, rồi pha thêm cho cậu ấy một ly. Chúng tôi ngồi xuống xô pha trò chuyện. Murakami vừa nhìn xuống sàn nhảy bên dưới vừa tâm sự: “Ở một góc độ nào đó mà nói thì bản chất con người chẳng thay đổi gì. Chả có cái gì gọi là trưởng thành. Kẻ tệ hai vẫn tệ hại, kẻ trong đầu chỉ toàn là sex vẫn sẽ nghĩ về sex thôi. Trưởng thành chỉ là thân thể mà thôi, còn đầu óc, tâm hồn vẫn vậy. À không, nói dối, ngụy trang giỏi hơn chứ nhỉ. Cái đó không thể gọi là trưởng thành. Tetsuko thì là cái gì? Không phải là cho Lục pháp toàn văn[*] vào đấy chứ?” Tôi lặng lẽ lắc đầu. 6 Tôi ngồi bên cửa sổ tàu shinkansen, ngắm quang cảnh lướt qua bên ngoài. Tàu chạy một tiếng rưỡi rồi, cứ ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh thế này càng làm cảm giác cô độc xâm chiếm hơn. Quay sang bên cạnh thì thấy Ogiwara đang xem sách hướng dẫn du lịch Nagoya. Chú ý đến ánh mắt của tôi, anh ấy bảo: “Quà cho cô Miyuki chắc phải là uiro[*] thôi nhỉ?” Không biết có phải do tưởng tượng không mà tôi thấy giọng của Ogiwara du dương hơn. Buổi trưa, anh ấy bảo phải ăn món miso-katsu[*] mới được, tôi mơ hồ gật đầu. Có vẻ như Ogiwara thích đi xa. Sakaguchi cũng thích đi chơi xa, anh dẫn tôi đến Okinawa, nơi mà anh đặc biệt yêu thích, hai lần rồi. Anh ấy bảo tôi cứ thư thái mà nghỉ ngơi, nhưng tôi là kẻ không biết làm thế nào để có thể nhàn nhã được. Lúc thừa thời gian, tôi lại hay nghĩ đến những thứ tiêu cực làm bản thân không thoải mái. Ogiwara hỏi: “Cô có gương cầm tay không nhỉ?” Tôi đưa gương của mình cho anh ấy. Anh ấy vừa xắn tay áo vừa hỏi ý kiến tôi: “Có lòe loẹt quá không nhỉ?” Anh ấy đang thắt một chiếc cà vạt màu hồng bên ngoài áo sơ mi màu xám nhạt. Đây là chiếc cà vạt anh ấy hay thắt khi đi gặp khách hàng lần đầu tiên. Tùy theo đối tượng mà Ogiwara chọn cà vạt, thường anh ấy mang theo mấy cái để thay trong nhà vệ sinh của tòa án hay trước cửa nhà khách hàng. Tôi chỉ mới biết việc này gần đây vì thời gian cùng đồng hành với Ogiwara đã tăng không ít. Anh ấy đóng vai trò giám sát cho “kẻ bị đánh trượt” do không thân thiện là tôi đây. Tôi đáp: “Đầu tiên chúng ta sẽ gặp cô Natsuko nên cái màu hồng này là được đúng không ạ?” Anh ấy lôi một chiếc cà vạt màu xanh da trời từ trong chiếc cặp đang để dưới chân ra. “Tôi đang rất phân vân giữa cái này và cái này, cô thấy sao?” Anh ấy cầm chiếc màu xanh để bên cạnh chiếc màu hồng đang đeo để so sánh. Tôi mới hỏi: “Chiếc màu xanh này là lần đầu tiên tôi được thấy. Anh muốn tạo cảm giác gì cho đối phương ạ?” Ogiwara chẳng nói năng gì cứ nhìn tôi chằm chằm khiến tôi mất tự nhiên. “Sao vậy ạ?” """