"Frankenstein ở Baghdad - Ahmed Saadawi & Tất An (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Hài Hước Đen] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Frankenstein ở Baghdad - Ahmed Saadawi & Tất An (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Hài Hước Đen] Ebooks Nhóm Zalo AHMED SAADAWI Tất An dịch —★— FRANKENSTEIN Ở BAGHDAD • FRANKENSTEIN IN BAGHDAD • NHÃ NAM & NXB HỘI NHÀ VĂN ebook©vctvegroup | 13-10-2021 Tác giả AHMED SAADAWI (sinh 1973) là nhà văn, tác giả kịch bản và nhà làm phim tài liệu người Iraq. Ông đoạt Giải thưởng quốc tế Văn chương Ả Rập năm 2014 cho tiểu thuyết Frankenstein in Baghdad. Ông hiện sinh sống và làm việc ở Baghdad. “Cuốn sách tôi không thể nào quên? Là cuốn đầy ám ảnh, tàn bạo và cười nôn ruột có tên Frankenstein ở Baghdad.” - JOHN SCHWARTZ, The New York Times Book Review BÁO CÁO CUỐI CÙNG I. Liên quan đến các hoạt động của Cục Theo dấu và Truy nã, cơ quan trực thuộc một phần chính quyền dân sự của các lực lượng liên minh quốc tế ở Iraq, ủy ban điều tra đặc biệt được thành lập dưới sự chủ trì của tôi, với đại diện của các cơ quan an ninh và tình báo Iraq cùng các quan sát viên từ tình báo quân sự Mỹ, đã đưa ra kết luận sau: a. Vào ngày 25/9/2005, dưới áp lực chính trị trực tiếp từ phía Iraq, các hoạt động của Cục Theo dấu và Truy nã đã bị đình chỉ một phần vì mục đích điều tra, và ủy ban đã triệu tập cục trưởng, chuẩn tướng Sorour Mohamed Majid, cùng các trợ lý của ông để làm chứng. Họ tóm lược cho ủy ban về bản chất công việc mà họ đã tham gia kể từ khi thành lập Chính quyền Lâm thời Liên minh vào tháng 4/2003 cho đến thời điểm điều tra. Rõ ràng là cục đã hoạt động ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, lẽ ra phải giới hạn ở những vấn đề hành chính như lưu trữ thông tin và bảo quản hồ sơ, tài liệu. Dưới sự quản lý trực tiếp của chuẩn tướng Majid, nó đã tuyển dụng một số nhà chiêm tinh và thầy bói, với múc lương cao được tài trợ bởi kho bạc Iraq chứ không phải chính quyền Mỹ. Theo lời khai của chuẩn tướng Majid, mục đích duy nhất của họ là đưa ra dự đoán về các sự cố an ninh nghiêm trọng có thể xảy ra ở Baghdad và các khu vực lân cận. ủy ban không rõ những dự đoán này giúp ngăn chặn các sự cố an ninh tới mức độ nào hoặc liệu chúng có mang lại lợi ích thiết thực nào không. b. Ủy ban xác định rằng một số hồ sơ được bảo quản trong cục đã bị rò rỉ từ bên trong. Tất cả những người làm việc trong cục sau đó đã bị giam giữ để thẩm vấn. c. Qua kiểm tra các máy tính được sử dụng trong cục, người ta phát hiện ra rằng các tài liệu đã được gửi qua e-mail cho một người được gọi là “tác giả”. Sau khi điều tra thêm, người này đã được xác định và bị bắt tại nơi cư trú ở khách sạn Fanar trên phố Abu Nuwas. Không tìm thấy tài liệu nào liên quan đến Cục Theo dấu và Truy nã trong số tài sản của anh ta. Phát hiện được rằng “tác giả” sở hữu văn bản của một câu chuyện mà anh ta đã viết dựa trên tư liệu có trong các tài liệu của Cục Theo dấu và Truy nã. d. Truyện dài khoảng 250 trang, chia thành 17 chương. Các chuyên gia từ ủy ban đã kiểm tra văn bản và kết luận rằng nó không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật, nhưng vì lý do phòng ngừa, họ khuyến cáo rằng thông tin trong đó không nên được công bố trong bất kỳ trường hợp nào và không nên viết lại câu chuyện. II. KHUYỂN NGHỊ a. Ủy ban khuyến nghị rằng chuẩn tướng Sorour Mohamed Majid cùng các trợ lý nên được điều chuyển khỏi Cục Theo dấu và Truy nã và nên hoàn nguyên cục này về công việc lưu trữ và cung cấp tài liệu như ban đầu. Những người được tuyển dụng làm nhà chiêm tinh và thầy bói nên bị sa thải. Câu hỏi về những sai lầm mà cục đã phạm trong vài năm qua phải được xem xét lại, và các tài liệu liên quan đến hoạt động của cục phải được lưu giữ. b. Ủy ban phát hiện ra rằng thông tin cá nhân trong giấy tờ tùy thân của “tác giả” là không chính xác. Do đó, ủy ban đề xuất bắt giữ lại “tác giả” và thẩm vấn để tìm hiểu danh tính thực của anh ta cùng bất kỳ thông tin nào khác liên quan đến công việc của Cục Theo dấu và Truy nã, và cũng để xác định những đối tượng trong cục hợp tác với anh ta, nhằm đánh giá vấn đề này gây nguy hại đến mức độ nào đối với an ninh quốc gia. Ký tên: Chủ tịch ủy ban Chương một BÀ ĐIÊN 1 Vụ nổ xảy ra sau khi Elishva, bà lão mà mọi người thường gọi là Umm Daniel, hay mẹ của Daniel, lên xe buýt được hai phút. Ai nấy trên xe đều quay lại xem chuyện gì xảy ra. Họ sững sờ chứng kiến cuộn khói bốc lên bên trên đám đông, sừng sững đen đặc, từ bãi đỗ xe gần quảng trường Tayaran ở trung tâm Baghdad. Đám thanh niên đổ xô tới hiện trường vụ nổ, xe cộ lao vào nhau hay vào dải phân cách. Cánh tài xế sợ hãi và rối loạn: còi xe inh ỏi và tiếng người la hét nã vào đầu họ. Hàng xóm của Elishva ở đường 7 sau đó kể lại rằng bà đã rời khỏi quận Bataween để cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Odisho, gần trường Đại học Công nghệ, Chủ nhật nào bà cũng đi như vậy, thế nên vụ nổ mới xảy ra - nhiều người dân địa phương tin rằng, với năng lực tâm linh của mình, Elishva có thể ngăn chặn chuyện xấu xảy ra khi bà ở cùng họ. Ngồi trên xe buýt, không màng mọi sự trên đời, tuồng như kẻ điếc hay thậm chí không có mặt ở đó, Elishva không nghe thấy vụ nổ lớn đằng sau bà khoảng hai trăm mét. Cơ thể gầy guộc của bà co quắp bên cửa sổ, và bà nhìn vô định ra ngoài, nghĩ về vị đắng trong miệng và cảm giác u ám mà bà không thể rũ bỏ suốt mấy ngày nay. Vị đắng có lẽ sẽ biến mất sau khi bà dự Thánh lễ. Nghe thấy giọng con cháu trên điện thoại, nỗi sầu muộn của bà sẽ nguôi ngoai được phần nào, và ánh sáng sẽ trở lại trong đôi mắt mờ đục của bà. Cha Josiah vẫn thường đợi điện thoại di động reo rồi bảo Elishva rằng Matilda gọi đấy, hoặc nếu Matilda không gọi đúng giờ, Elishva vẫn đợi thêm một tiếng nữa rồi nhờ vị linh mục gọi cho Matilda. Việc này lặp đi lặp lại mỗi Chủ nhật ít nhất đã hai năm nay. Trước đó, các con gái của Elishva có gọi lúc này lúc kia đến điện thoại bàn của nhà thờ. Nhưng từ khi người Mỹ xâm lược Baghdad, tên lửa đã phá hủy đường liên lạc qua điện thoại, và điện thoại bị cắt hàng tháng trời. Thần chết lởn vởn quanh thành phố như dịch hạch, và các con gái của Elishva cảm thấy tuần nào cũng cần phải kiểm tra xem bà mẹ già có ổn không. Ban đầu, sau vài tháng khó khăn, họ nói chuyện qua điện thoại vệ tinh Thuraya mà một quỹ từ thiện của Nhật Bản trao cho vị linh mục trẻ người Assyria* ở nhà thờ. Khi mạng không dây được đưa vào sử dụng, cha Josiah mua điện thoại di động, từ đấy Elishva nói chuyện với các con qua đó. Các thành viên của giáo đoàn sẽ đứng xếp hàng sau Thánh lễ để nghe giọng con trai con gái mình đang tản mát tứ phương. Thường thì những người từ vùng phụ cận Karaj al-Amana - giáo dân Công giáo các dòng khác và cả người Hồi giáo nữa - đều đến nhà thờ để gọi điện thoại miễn phí cho người thân ở nước ngoài. Khi điện thoại di động trở nên phổ biến, họ dần dần bớt phải dùng nhờ điện thoại của cha Josiah, nhưng Elishva vẫn bằng lòng duy trì nghi thức gọi điện ngày Chủ nhật từ nhà thờ. Với bàn tay nhăn nheo nổi đầy gân, Elishva sẽ áp chiếc điện thoại Nokia lên tai. Ngay khi nghe thấy giọng con, tâm trạng nặng nề tan biến và bà liền cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu có quay thẳng trở lại quảng trường Tayaran, bà cũng sẽ thấy mọi thứ vẫn yên bình, như khi bà đi hồi sáng. Vỉa hè sạch sẽ, đám xe cộ bốc cháy đã được kéo đi. Người chết được đưa đi giám định pháp y còn người bị thương thì được đưa tới bệnh viện Kindi. Rải rác kính vỡ, một cây cột đen sì vì ám khói, một cái hố trên mặt đường nhựa, dù bà chẳng thể hình dung nó to chừng nào vì đôi mắt nhòa mờ. Khi Thánh lễ kết thúc, bà nán lại thêm một tiếng nữa. Bà ngồi trong hội trường kế bên nhà thờ, và sau khi cánh phụ nữ bày biện xong chỗ đồ ăn mang theo, bà tới ăn cùng mọi người, chỉ để có việc mà làm. Cha Josiah cố gọi cho Matilda thêm lần nữa, nhưng không liên lạc được. Có lẽ Matilda đã làm mất điện thoại, hoặc giả điện thoại của con bé bị móc trên phố hay trong một khu chợ ở Melbourne, nơi nó đang sống. Có lẽ nó quên ghi lại số của cha Josiah hoặc vì cái cớ nào đó khác. Vị linh mục không rõ, nhưng vẫn cố an ủi Elishva, và khi mọi người rục rịch ra về, Nader Shamouni, người trợ tế, đề nghị đưa Elishva về nhà trên chiếc Volga cũ. Đây đã là tuần thứ hai không có ai gọi điện. Thực ra Elishva không cần nghe giọng con đến thế. Đó phần nào chỉ là thói quen mà thôi, nhưng có lẽ có điều quan trọng hơn: rằng khi trò chuyện với các cô con gái, bà có thể nói về Daniel. Không ai thực sự lắng nghe bà khi bà nói về cậu con trai mất tích hai mươi năm trước, ngoài các con gái và Thánh George Tử đạo, vị thánh mà bà thường cầu nguyện cho linh hồn ngài và bà xem như thần hộ mệnh của mình. Có thể kể đến con mèo già của bà nữa, Nabu, con mèo cứ rụng lông dần và ngủ hầu như cả ngày. Ngay cả các bà các cô ở nhà thờ cũng dần lảng đi khi bà mở miệng nói về thằng con trai - vì bà cứ nói đi nói lại mỗi chuyện ấy. Mấy bà già hàng xóm cũng vậy. Có những người còn chẳng nhớ Daniel nom ra sao. Hon nữa, nó chỉ là một trong số quá nhiều người chết những năm qua. Elishva đang dần mất đi những người từng ủng hộ niềm tin kỳ lạ của bà, rằng con bà vẫn còn sống, cho dẫu nó đã có một ngôi mộ với một chiếc quan tài rỗng không ở nghĩa trang Giáo hội phương Đông Assyria. Elishva không còn tâm sự với ai rằng bà tin Daniel vẫn còn sống nữa. Bà chỉ chờ nghe giọng Matilda hoặc Hilda vì chúng nó sẽ chịu đựng bà, cho dẫu suy nghĩ của bà có kỳ lạ thế nào chăng nữa. Các cô con gái biết mẹ mình bấu víu lấy ký ức về cậu con trai quá cố là để có thể tiếp tục sống. Chiều lòng bà một chút cũng đâu hại gì. Nader Shamouni, người trợ tế, thả Elishva xuống đường 7 ở Bataween, chỉ cách nhà bà vài bước chân. Con phố tĩnh lặng. Cuộc tàn sát đã kết thúc vài giờ trước, nhưng một số dấu vết hủy hoại vẫn còn thấy rõ. Có lẽ đây là vụ nổ lớn nhất trong khu dân cư này. Người trợ tế già ủ dột; ông không nói lấy một lời với Elishva khi đỗ xe cạnh một cột điện. Trên cột dính máu và tóc, chỉ cách mũi và mớ ria dày bạc trắng của ông có vài phân. Ông rùng mình sợ hãi. Elishva ra khỏi xe của người trợ tế và vẫy tay tạm biệt. Men theo con phố, bà có thể nghe tiếng bước chân thong thả của mình trên đường rải sỏi. Bà đang tính xem sẽ đáp gì khi mở cửa ra và Nabu ngước lên như hỏi, “Thế nào? Đã có chuyện gì?” Quan trọng hơn, bà đang tính sẽ trách Thánh George. Đêm hôm trước Người đã hứa bà sẽ nhận được tin tốt lành hoặc không thì tâm trạng bà sẽ an yên và thử thách dành cho bà sẽ kết thúc. 2 Mẹ Salim là hàng xóm của Elishva, cái người tin rằng Elishva có sức mạnh đặc biệt và bàn tay của Chúa luôn đặt trên vai bà cho dẫu bà ở đâu. Mụ có thể kể ra hàng đống sự vụ làm bằng chứng. Dù đôi khi mụ cũng có chỉ trích hay nghĩ xấu về bà lão, nhưng sau đó mụ lại nhanh chóng dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ cho bà. Khi Elishva sang chơi và ngồi cùng mấy người hàng xóm trong bóng râm của khoảnh sân cũ nhà Mẹ Salim, Mẹ Salim lại trải chiếu cho bà, đặt gối tựa bên tay phải và tay trái bà, rồi rót trà cho bà dùng. Có những lúc mụ cũng cường điệu và nói tồng tộc trước mặt Elishva rằng nếu không nhờ có những người dân ấy, những người có baraka - sức mạnh tâm linh - thì khu dân cư này sẽ bị nguyền rủa và bị trái đất nuốt chửng theo mệnh lệnh của Chúa. Nhưng niềm tin ấy của Mẹ Salim thực giống như làn khói phả ra từ ống shisha trong những cuộc chuyện phiếm buổi chiều: nó bốc lên từng làn, cuộn lại thành những đám mây trắng uốn lượn rồi tan biến vào không khí, chưa bao giờ vượt quá khoảnh sân nhà. Nhiều người cho rằng Elishva chỉ là một bà già điên khùng lú lẫn, bằng chứng là bà không nhớ nổi tên mọi người - kể cả những người bà đã biết cả nửa thế kỷ. Đôi khi bà đờ đẫn nhìn họ, như thể họ thình lình hiện ra từ chốn khỉ ho cò gáy nào đó. Mẹ Salim và mấy người hàng xóm tốt bụng khác xót xa khi Elishva bắt đầu kể những câu chuyện kỳ lạ từng xảy đến với bà - những câu chuyện mà không người có lý trí nào lại tin. Người khác thì giễu cợt, nói rằng Mẹ Salim và mấy bà kia chỉ buồn vì một người trong số họ đã đi về phía bờ biển tăm tối hoang vu, tức là cả nhóm bọn họ cũng hướng về cùng một phương. 3 Có hai người tin chắc rằng Elishva không có năng lực đặc biệt gì hết mà chỉ là một bà lão dở điên dở khùng mà thôi. Người đầu tiên là tay Faraj môi giới nhà đất, chủ đại lý bất động sản Rasoul trên con phố buôn bán chính ở Bataween. Người thứ hai là Hadi gã buôn đồ cũ, sống trong căn nhà tạm sát vách nhà Elishva. Suốt mấy năm qua Faraj hết lần này đến lần khác tìm cách thuyết phục Elishva bán ngôi nhà cũ, nhưng Elishva đều thẳng thừng từ chối, không một lời giải thích. Faraj thật không hiểu tại sao một bà già như thế lại muốn sống một thân một mình trong ngôi nhà bảy phòng chỉ với một con mèo. Y tự hỏi, tại sao bà ta lại không bán nhà và chuyển đến sống ở một ngôi nhà nhỏ hơn, thoáng đãng sáng sủa hơn, và dùng số tiền dư để sống thoải mái cho đến hết đời? Faraj chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng. Còn Hadi, tay hàng xóm, là một gã độ ngũ tuần nhếch nhác, chẳng mấy thân thiện, lúc nào cũng bốc mùi rượu. Có lần gã từng ngỏ lời đề nghị Elishva bán cho mình những món đồ cổ đầy khắp nhà bà: hai cái đồng hồ treo tường lớn, những chiếc bàn gỗ tếch đủ kích cỡ, thảm và đồ đạc, tượng Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng bằng ngà và thạch cao. Có hơn hai mươi bức tượng như vậy, bày khắp nhà, cùng nhiều món đồ khác mà Hadi chưa có thời gian thăm dò. Trong mớ đồ cổ đó, có những món có niên đại từ những năm 1940, Hadi từng hỏi Elishva, “Sao bà không bán đi, đỡ phải phủi bụi cho cực thân?”, mắt như muốn lòi ra khỏi tròng khi nhìn thấy cả đống đồ đó. Nhưng bà già chỉ tiễn gã ra cửa và đẩy gã ra đường, đóng cửa lại sau lưng gã. Đó là lần duy nhất Hadi nhìn thấy bên trong nhà bà, và ấn tượng để lại trong gã là ấn tượng về một bảo tàng kỳ lạ. Hai gã đàn ông quyết không bỏ cuộc, nhưng vì tay buôn đồ cũ không phải lúc nào cũng tề chỉnh, nên hàng xóm của Elishva không cảm thông cho được. Faraj tay cò nhà đất thì đã mấy lần tìm cách đi cửa sau với hàng xóm của Elishva để có được cái gật đầu của bà; có người còn buộc tội Veronica Munib, người hàng xóm Armenia, là đã nhận tiền của Faraj để thuyết phục Elishva chuyển đến sống cùng Mẹ Salim và chồng mụ. Faraj chưa từng mất hy vọng. Hadi, ngược lại, bám Elishva như đỉa để xin xỏ cho đến khi cuối cùng gã cũng mất hứng và chỉ ném những cái nhìn hằn học về phía bà hễ khi nào bà đi qua gã trên đường. Elishva không chỉ từ chối lời đề nghị của hai gã đàn ông này, bà còn đặc biệt căm ghét họ, chỉ muốn tống khứ cả hai xuống địa ngục vĩnh viễn. Trên khuôn mặt họ, bà thấy hai kẻ tham lam với tâm hồn vấy bẩn, như những tấm thảm rẻ tiền bị dây mực không thể nào giặt sạch vậy. Bố Zaidoun cắt tóc cũng được cho vào danh sách những kẻ Elishva căm ghét và nguyền rủa. Elishva đã mất Daniel vì lão: lão là thành viên đảng Ba’ath, kẻ đã túm cổ áo con trai bà và lôi nó vào cõi vô định. Nhưng nhiều năm rồi người ta không còn trông thấy Bố Zaidoun. Elishva không còn chạm mặt lão, và không ai nhắc đến lão trước mặt bà nữa. Từ khi rời khỏi đảng Ba’ath, lão phải chịu sự giày vò của đủ loại bệnh tật và không có thời gian đâu để tâm đến bất cứ việc gì xảy ra trong khu dân cư. 4 Faraj đang ở nhà khi vụ nổ kinh thiên động địa xảy ra ở quảng trường Tayaran. Ba tiếng sau, khoảng mười giờ sáng, y mở cửa văn phòng thì phát hiện thấy những vết nứt trên tấm kính cửa sổ trước cỡ lớn. Y nguyền rủa vận đen của mình, dù đã thấy những cửa sổ kính vỡ vụn của nhiều cửa hàng khác cùng khu. Nói đâu xa, y thấy Bố Anmar, chủ khách sạn Orouba bên kia đường, đứng bối rối trên vỉa hè, trong chiếc áo chùng dài, những mảnh kính từ khung cửa sổ cao vương vãi quanh chân. Faraj thấy rõ Bố Anmar đang bàng hoàng, nhưng y chẳng quan tâm: y không có thiện cảm với ông ta. Họ là hai cực đối lập, thậm chí là những đối thủ ngấm ngầm. Bố Anmar, như nhiều chủ khách sạn khác ở Bataween, kiếm sống nhờ vào dân lao động, sinh viên và những người dân tỉnh lên Baghdad khám bệnh hoặc mua sắm. Trong suốt thập kỷ qua, do nhiều lao động nhập cư người Ai Cập và Sudan ra đi, các khách sạn đâm ra phụ thuộc vào số khách hàng ít ỏi trú tại đây gần như thường xuyên - cánh lái xe buýt đường dài, sinh viên không thích ký túc xá, những người làm việc trong các nhà hàng ở Bab-al Sharqi và phố Saadoun, trong các nhà máy sản xuất giày và những thứ khác, và ở chợ trời Harj. Tuy nhiên, phần lớn những người này đều biến mất sau tháng Tư năm 2003, và nhiều khách sạn giờ gần như trống không. Đã thế Faraj còn xuất hiện tại đây, tìm cách giành giật khách, những vị khách mà lẽ ra đã tới khách sạn của Bố Anmar hay một khách sạn khác nào đó trong khu. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn và vô pháp của thành phố, Faraj đã thâu tóm được một số nhà vô chủ. Y biến chúng thành nhà trọ, cho thuê phòng với đối tượng là dân lao động tỉnh lẻ hay những gia đình mất nhà cửa ở khu vực lân cận vì lý do xung đột hoặc bởi những mối thù cũ bùng lên trở lại với sự sụp đổ của chế độ. Bố Anmar chỉ biết cằn nhằn và than trời. Ông ta từ miền Nam chuyển đến Baghdad hồi những năm 70 và không có họ hàng hay bạn bè ở thủ đô giúp đỡ. Trước kia ông ta dựa dẫm vào quyền lực của chế độ. Faraj, ngược lại, có nhiều họ hàng và người quen, và khi chế độ sụp đổ, họ trở thành phương tiện giúp y áp đặt quyền lực, giành lấy sự kính nể của mọi người và hợp pháp hóa việc chiếm đoạt những ngôi nhà hoang, dù cho ai cũng biết y không có giấy tờ chứng minh mình sở hữu chúng hoặc đã từng thuê lại từ chính phủ. Faraj có thể sử dụng quyền lực đang lên của mình để đấu lại Elishva. Y mới ngắm nhà bà từ bên trong hai lần nhưng đã mê nó ngay lập tức. Có lẽ nó do người Do Thái ở Iraq xây nên, vì mang đúng phong cách họ ưa thích: sân trong được bao quanh bởi mấy căn phòng trên hai tầng lầu, tầng hầm bên dưới một trong các phòng đó thông ra đường. Có những cây cột gỗ được tạo hình rãnh khía chống đỡ ban công tầng trên, và với lan can bằng kim loại, dát gỗ, nó tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt. Ngôi nhà còn có cửa gỗ đôi với chốt và khóa kim loại, cửa sổ gỗ được gia cố bằng những thanh kim loại và lắp kính màu. Sân được lát gạch phẳng phiu còn phòng lát đá đen trắng như bàn cờ. Khoảnh sân hứng trọn nắng trời và từng được phủ bạt trắng, được dỡ ra trong suốt mùa hè nhưng giờ tấm bạt không còn ở đó nữa. Ngôi nhà không còn được như cũ, nhưng vẫn vững chãi và chỉ bị ngấm nước chút ít, không như những ngôi nhà tương tự trên phố. Tầng hầm đã từng được trát lại, nhưng cũng không phải vấn đề gì to tát lắm. Điểm trừ chủ yếu với Faraj là một trong các phòng ở tầng trên đã sập hoàn toàn, và nhiều viên gạch đã long ra bên phía tường giáp với nhà kế bên, đống đổ nát hoang tàn nơi gã buôn đồ cũ Hadi cư trú. Buồng tắm ở tầng trên cũng bị hư hại. Faraj sẽ cần rót ít tiền để sửa sang và khôi phục lại, nhưng cũng đáng làm. Faraj nghĩ sẽ chỉ mất nửa tiếng đồng hồ để tống cổ một bà già Công giáo vô phương tự vệ, nhưng một giọng nói trong đầu cảnh báo y rằng y đang liều lĩnh phá luật và xúc phạm mọi người, vì thế có lẽ tốt hơn là thăm dò tình cảm của người ta dành cho bà già trước đã. Tốt nhất là đợi đến khi bà ta chết, rồi thì sẽ không có ai ngoại trừ y dám chiếm lấy ngôi nhà, vì ai cũng biết y mê nó ra sao và thừa nhận y là chủ nhân tương lai của nó, cho dù Elishva sống đến bao lâu chăng nữa. “Lạc quan lên,” Faraj hét với sang chỗ Bố Anmar lúc này đang xoắn vặn tay vẻ suy sụp trước đống tài sản bị hư hại. Bố Anmar giơ tay lên trời đồng tình với sự lạc quan của Faraj, hoặc có lẽ ông ta đang nói “Cầu Chúa mang anh đi” với tay cò nhà đất tham lam, kẻ mà số phận đã đem ra để trêu ngươi ông ta ngày này qua ngày khác. 5 Elishva đẩy con mèo khỏi xô pha và phủi những sợi lông mèo rụng đi. Thực ra bà chẳng nhìn thấy sợi lông nào, nhưng vuốt ve con mèo là bà biết lông nó rụng khắp nơi. Đáng lẽ bà đã không nhìn ra sợi lông nếu nó không ngự ngay chỗ đặc biệt trên xô pha đối diện với bức tranh Thánh George Tử đạo khổ lớn treo giữa những bức ảnh màu xám nhỏ hơn chụp con trai và chồng bà, lồng trong khung gỗ khắc. Có hai bức tranh cùng cỡ khác, một là Bữa tối cuối cùng, bức còn lại là cảnh Chúa Jesus được hạ xuống khỏi thập giá, cùng ba bức tiểu họa sao lại từ những tượng thánh thời trung cổ, vẽ bằng mực đậm song đã bệch đi, mô tả những vị thánh khác nhau, có những vị mà bà còn chẳng biết tên vì chồng bà vốn là người treo tranh lên nhiều năm trước. Chúng vẫn ở đó như thuở ban đầu, bức trong phòng khách, bức trong phòng ngủ của bà, bức trong phòng Daniel giờ đóng kín, và một số bức trong những căn phòng bỏ không khác. Hầu như tối nào bà cũng ngồi đó, lại tiếp tục cuộc đàm thoại vô vị với vị thánh có khuôn mặt thiên thần. Vị thánh không ăn vận theo kiểu giáo hội: ngài mặc một tấm giáp dày sáng loáng bao bọc toàn thân và đội mũ trụ bằng lông vũ, thòi ra mái tóc vàng lượn sóng bồng bềnh. Ngài cầm cây giáo dài nhọn và cưỡi trên con ngựa trắng vạm vỡ đang chồm lên để tránh hàm răng của một con rồng kinh khiếp đang từ góc bức tranh tiến đến gần, định nuốt gọn con ngựa, vị thánh và tất cả quân trang của ngài. Elishva bỏ qua những chi tiết cường điệu đó. Bà đeo cặp kính dày cộp lủng lẳng trên sợi dây quanh cổ lên và ngắm nhìn khuôn mặt thiên thần bình thản không để lộ chút cảm xúc ấy. Ngài không giận dữ, tuyệt vọng, mơ màng, hay hạnh phúc. Ngài chỉ đang làm việc phụng sự Chúa. Elishva không tìm thấy sự ủi an nào trong suy đoán trừu tượng. Bà xem vị thánh bảo hộ như người thân của mình, một thành viên của một gia đình bị chia cắt và ly tán. Ngài là người duy nhất bà còn lại, ngoài chú mèo Nabu và bóng ma của đứa con trai, Daniel, mà một ngày nào đó nhất định sẽ trở về. Người khác nhìn vào nghĩ bà sống một mình, nhưng bà tin rằng mình sống chung với ba thực thể, hoặc ba bóng ma, với rất nhiều sức mạnh và sự hiện hữu khiến bà không cảm thấy cô đơn. Bà cảm thấy giận dữ vì vị thánh bảo hộ không đáp ứng một điều ước nào trong ba điều ước mà bà đã xin từ ngài sau biết bao đêm khẩn cầu, nài nỉ, khóc than. Bà không còn nhiều thời gian trên cõi đời này, và bà muốn một dấu hiệu của Daniel từ Chúa - liệu thằng bé có còn sống và quay về không, hay nấm mồ thật hoặc phần còn lại của nó ở đâu. Bà muốn đời ba điều ước mà vị thánh bảo hộ đã cho bà, nhưng bà đợi màn đêm buông xuống vì lúc ban ngày bức tranh chỉ là bức tranh, vô tri vô giác, hoàn toàn tĩnh lặng, nhưng đến đêm một cánh cổng sẽ mở ra giữa thế giới của bà và một thế giới khác, và Chúa sẽ giáng thế, hiện thân trong hình ảnh vị thánh, thông qua vị này nói với Elishva, con chiên tội nghiệp bị đàn bỏ rơi và suýt nữa rơi xuống vực sâu của kiếp trầm luân vô đạo. Đêm đó, bên ánh đèn dầu, Elishva có thể thấy những gọn lăn tăn trên bức tranh cũ sau lớp kính mờ, nhưng bà cũng thấy cả đôi mắt vị thánh và khuôn mặt mềm mại, tuấn tú của ngài. Nabu kêu meo meo cáu kỉnh khi rời khỏi phòng. Cánh tay dài của vị thánh vẫn cầm cây giáo, nhưng giờ mắt ngài nhìn Elishva. “Ngươi quá nóng vội, Elishva,” ngài nói. “Ta đã nói với ngươi là Chúa sẽ chấm dứt nỗi khổ hạnh của ngươi và mang đến cho ngươi sự bình yên, hoặc ngươi sẽ nhận được tin vui. Nhưng không ai có thể bắt Chúa hành động vào một lúc nhất định nào cả.” Elishva tranh cãi với vị thánh suốt nửa giờ, đến khi khuôn mặt đẹp đẽ của ngài trở lại trạng thái vốn có, ánh nhìn mơ màng kiên định và bất động, dấu hiệu cho thấy ngài đã mệt mỏi với cuộc nói chuyện vô ích. Trước khi lên giường, bà nói lời cầu nguyện quen thuộc trước cây thánh giá gỗ lớn trong phòng ngủ và kiểm tra xem Nabu đã ngủ nơi góc tấm thảm nhỏ bằng da hổ hay chưa. Ngày hôm sau, sau khi ăn sáng và rửa bát đĩa xong, bà ngạc nhiên nghe thấy tiếng ầm ầm khó chịu của những chiếc trực thăng Apache của Mỹ bay trên đầu. Bà ngước lên thấy con trai, Daniel, hoặc tưởng tượng là nhìn thấy. Đó là Danny, như bà vẫn gọi nó hồi bé - cuối cùng lời tiên tri của vị thánh bảo hộ đã trở thành sự thật. Bà gọi nó, và nó liền đến chỗ bà. “Lại đây nào, con trai. Lại đây nào, Danny.” Chương hai THẰNG BA XẠO 1 Để những câu chuyện mình kể thêm phần thú vị, Hadi cẩn thận thêm vào những chi tiết thực tế. Gã nhớ hết chân tơ kẽ tóc những chuyện từng xảy đến với mình và đưa chứng vào mỗi lần kể lại những trải nghiệm của mình. Một hôm gã ở quán cà phê của tay người Ai Cập, Aziz, ngồi trên băng ghế trong góc bên cửa sổ trước, gãi gãi hàm ria và bộ râu chẻ. Gã bồn chồn di chiếc thìa nhỏ quanh đáy cốc trà rồi nhấp hai ngụm trước khi bắt đầu kể chuyện, lần này là để phục vụ những khách quen mà Aziz khuyến khích nghe chuyện của Hadi. Họ bao gồm một nhà báo Đức tóc vàng mảnh mai với đôi môi mỏng và cặp kính dày cộp vắt vẻo trên cái mũi nhỏ, thông dịch viên trẻ tuổi người Iraq của bà, một nhiếp ảnh gia người Palestine, và một nhà báo trẻ da ngăm đen tên là Mahmoud al-Sawadi đến từ thị trấn Amara ở miền Nam Iraq và đang trú tại khách sạn Orouba của Bố Anmar. Nhà báo Đức đang làm một bộ phim tài liệu về những đồng nghiệp Baghdad, đi cùng Mahmoud al-Sawadi trong một ngày làm việc bình thường. Bà không định nghe một câu chuyện dài phức tạp được kể bởi một tay buôn đồ cũ mắt lồi, người nồng nặc mùi rượu còn quần áo tả tơi lỗ chỗ vết thuốc lá cháy. Bà đang liều mình ra đường phố Baghdad một cách lộ liễu, thế nên bà không bật máy quay lên mà chỉ vừa uống trà vừa nghe chuyện. Thi thoảng bà lại quay sang người thông dịch Iraq, nghe một tràng giải thích về những gì Hadi đang nói. Hadi thì lan man đủ thứ. Đó là một ngày xuân ấm áp, nên nhà báo Đức muốn dành thời gian còn lại ở bên ngoài hơn. Đến một lúc, bà phải quay về trung tâm báo chí ở khách sạn Sheraton để chép lại nội dung cuốn băng bà đã ghi lại cùng Mahmoud al-Sawadi. “Tay này đang kể lại nội dung một bộ phim,” bà nói với Mahmoud khi anh đưa bà ra khỏi quán cà phê. “Gã ăn cắp câu chuyện từ một bộ phim của Rober De Niro.” “Phải, gã có vẻ xem nhiều phim. Gã nổi tiếng ở vùng này lắm đấy.” “Thế thì gã nên đến Hollywood mới phải chứ,” bà cười nói khi lên xe của người thông dịch. 2 Hadi chả buồn để tâm. Một số người bỏ đi lúc giữa phim. Âu cũng là chuyện bình thường. “Chúng ta dừng ở đâu nhỉ?” Hadi hỏi khi Mahmoud quay trở lại ngồi trên ghế băng đối diện gã. Aziz đứng đó, tay cầm những cốc trà cạn và cười ngoác miệng, đợi Hadi kể tiếp. “Đến chỗ vụ nổ rồi,” Aziz nói. “Vụ thứ nhất hay thứ hai?” Hadi hỏi lại. “Vụ thứ nhất… ở quảng trường Tayaran ấy,” Mahmoud nói, đợi Hadi câu sau phang câu trước bằng cách thay đổi một vài chi tiết. Đó là lý do duy nhất Mahmoud muốn nghe câu chuyện này lần thứ hai hoặc ba - để xem Hadi có câu sau phang câu trước hay không. Vụ nổ thật kinh khủng - đến đây Hadi ngước lên nhìn Aziz để chờ xác nhận. Khi đó Hadi đã chạy ra khỏi quán cà phê. Gã đã ăn một ít đậu mà Ali al-Sayed nấu ở cửa hàng bên cạnh, sáng nào Hadi cũng ăn món đó. Trên đường ra khỏi cửa hàng, gã va phải những người chạy khỏi vụ nổ. Thứ mùi đó bỗng xộc vào lỗ mũi gã - khói, nhựa và đệm ngồi cháy, da thịt người bị nướng cháy. Đó là thứ mùi không giống bất cứ mùi nào ta từng ngửi thấy trong đời và sẽ không bao giờ quên được. Bầu trời trĩu mây dọa dẫm một cơn mưa lớn. Dân lao động xếp hàng đông nghịt đối diện nhà thờ Armenia lớn màu trắng với những ngọn tháp dạng kim tự tháp bát giác, đỉnh cắm cây thập giá. Hút thuốc, trò chuyện, uống trà, ăn bánh của những người bán hàng rong trên vỉa hè rộng rãi hoặc ăn củ cải muối và đậu từ những xe đẩy gần đó, họ đợi xem trong dòng xe kia có ai sẽ dừng lại thuê họ để xây, sửa hoặc tháo dỡ gì đó theo dạng trả lương công nhật hay không. Dọc theo cùng một bên lề đường là những xe buýt gọi khách đi Karrada hay tới Đại học Công nghệ, còn bên lề đường đối diện cảnh tượng cũng y chang: ô tô xen giữa những quầy bán thuốc lá, bánh kẹo, đồ lót và ti tỉ thứ khác. Một chiếc xe hai cầu màu xám dừng lại, và phần lớn cánh thợ thuyền đang ngồi trên lề đường bèn đứng dậy. Khi mấy người trong số họ tiến lại, chiếc xe liền phát nổ thành một quả cầu lửa. Không ai kịp thấy chuyện xảy đến như thế nào; tất cả diễn ra chỉ trong tích tắc. Những người không bị thương - vì họ ở quá xa, hoặc được che chắn bởi các xác chết hoặc đám ô tô dừng đỗ, hoặc bởi họ đi theo những làn đường phụ và chưa đến được đường chính nơi vụ nổ xảy ra - tất cả bọn họ và những người khác - như người ở trong các văn phòng kế bên nhà thờ Armenia và một vài tài xế taxi đường dài - đã chứng kiến vụ nổ khi nó nuốt chửng đám xe cộ và xác người xung quanh. Làm đứt đường dây điện và giết chết lũ chim. Cửa sổ vỡ vụn còn cửa ra vào bị cuốn phăng. Những vết nứt xuất hiện trên tường các nhà gần đó, một số trần nhà cũ kỹ đổ sập. Có cả những thiệt hại không nhìn thấy nữa, tất cả đều bị hứng chịu trong đúng một khoảnh khắc. Hadi nhìn cảnh tượng đó sau khi chấn động đã dứt và đám khói khổng lồ tan đi. Những vệt khói đen vẫn bốc lên từ đám ô tô, và lửa liếm gọn những vật nhỏ bị cháy nằm rải rác trên vỉa hè. Cảnh sát nhanh chóng đến hiện trường và lập hàng rào. Những người bị thương rên rỉ còn xác người chất đống trên lớp nhựa đường, phủ đầy máu me và bị cháy sém vì sức nóng của vụ nổ. Hadi kể rằng khi đến nơi, gã đứng trong góc bên cửa hàng ngũ kim, điềm tĩnh theo dõi hiện trường. Trong dòng hồi tưởng câu chuyện, gã châm một điếu thuốc và bắt đầu hút, như thể cố xua đi mùi của vụ nổ. Gã thích cái ý tưởng xuất hiện tại hiện trường như một nhân vật phản diện khách quan, và gã đợi nhìn nét mặt những người đang lắng nghe xem họ có bị ấn tượng tương tự như vậy hay không. Xe cứu thương đến đưa người chết và người bị thương đi, xe cứu hỏa dập lửa cho đám ô tô còn xe kéo lôi chúng đi đến nơi nào chưa rõ. Vòi phun nước rửa trôi máu và tro bụi. Hadi nhìn cảnh tượng ấy với cặp mắt đại bàng, tìm kiếm thứ gì đó cụ thể giữa ngổn ngang xác chết và đổ nát. Khi chắc chắn đã nhìn thấy rồi, gã vứt điếu thuốc xuống đất rồi vội vàng chộp lấy thứ đó trước khi một luồng nước mạnh cuốn phăng nó xuống cống. Gã gói nó trong bao bố, gập lại dưới nách, đoạn rời khỏi hiện trường. 3 Hadi về nhà trước khi cơn mưa trút xuống. Gã băng qua những viên đá lát sân lỏng lẻo, đi về phòng, đặt cái bao bố gấp gọn lên giường. Gã thở mạnh đến nỗi nghe thấy cả tiếng phì phò trong mũi và khò khè trong lồng ngực. Gã với lấy cái bao bố gấp gọn, rồi đổi ý và quyết định đợi. Gã thích nghe tiếng mưa rơi hơn, ban đầu còn đứt quãng, sau lộp độp đều đặn hơn. Trong chốc lát, mưa đã ào ào trút xuống, gột rửa khoảnh sân, đường phố, quảng trường Tayaran, và những gì còn lại của tất thảy nỗi kinh hoàng trong ngày. Cái ổ của Hadi mà gọi là nhà thì thật hơi quá. Nhiều người chẳng lạ gì chốn này, nhất là tay người Ai Cập Aziz trước khi anh ta lấy vợ và từ bỏ lối sống phóng đãng. Anh ta và Hadi từng ngồi quanh chiếc bàn trong nhà Hadi mà uống tới khuya, hoặc có khi Aziz thấy Hadi với một hai cô gái bán hoa từ đường 5. Chơi với Hadi lúc nào cũng vui vì gã không bao giờ kiềm chế bản thân trong trò khoái lạc. Nhà của Hadi không hẳn là của gã và cũng không hẳn là một ngôi nhà. Phần lớn những gì bên trong đều đổ nát. Chỉ có một phòng duy nhất, ngay cuối; có mấy cái lỗ trên mái, ba năm trước Hadi và một tay cùng phường buôn bán tên là Nahem Abdaki đã biến nơi này thành căn cứ. Người khu này đã biết đến Hadi và Nahem nhiều năm rồi. Họ đánh chiếc xe ngựa kéo đi đây đó, mua những món đồ gia dụng bỏ đi - nồi niêu xoong chảo và những món không xài được nữa. Sáng sáng họ ghé qua quán cà phê của Aziz ăn sáng uống trà trước khi làm một chuyến đi dài khắp Bataween và khu Abu Nuwas ở bên kia đường Saadoun. Họ rời đi trên chiếc xe kéo của Nahem, tới những khu khác của thành phố, xa về phía Nam như Karrada, nơi họ lẩn vào những ngõ hẻm. Sau cuộc xâm lược của người Mỹ, ai cũng nhận thấy giữa cảnh hỗn loạn rằng Hadi và Nahem đang dựng lại những gì họ gọi là “đống đổ nát Do Thái”, dù rằng chẳng có gì Do Thái từng tồn tại ở đó - không chúc đài, không ngôi sao David* hay những câu khắc bằng tiếng Do Thái cổ. Hadi xây lại bức tường bao ngoài của đống đổ nát bằng bất cứ thứ gì rơi vãi xung quanh và lắp vào đó một cánh cửa gỗ lớn từng bị vùi dưới đất cát và hàng chồng gạch. Gã và Nahem dọn dẹp chỗ gạch vỡ trong sân, sửa lại căn phòng còn tốt duy nhất của đống đổ nát, và để những bức tường đổ cùng trần nhà sập nguyên như cũ. Căn phòng phía trên phòng của Hadi chỉ còn lại một bức tường, với một cửa sổ. Bức tường có nguy cơ đổ sập và chôn sống bất kỳ ai tình cờ ở dưới sân, nhưng mãi nó chưa đổ. Người dân địa phương cuối cùng cũng nhận ra Hadi và bạn gã đã trở thành một phần của khu dân cư. Ngay cả Faraj, cái tay có tiếng xấu là chiếm đoạt nhà vô chủ, cũng chẳng tỏ vẻ quan tâm với những gì gã buôn đồ cũ nhận là của mình. Với Faraj chỗ này vẫn là đống đổ nát Do Thái, như vốn thế. Hai gã đàn ông này rốt cuộc từ đâu đến? Không ai quan tâm lắm đến câu hỏi này vì suốt hàng thập kỷ qua, khu này có cả đống người ngoài kéo đến sống trên đầu nhau; không ai dám nhận là người cư trú đầu tiên. Một hai năm sau đó Nahem lấy vợ, thuê nhà ở Bataween, và chuyển khỏi chỗ của Hadi, dù cậu ta và Hadi vẫn rong ruổi cùng nhau trên chiếc xe ngựa kéo. Nahem trẻ hơn Hadi - khoảng ba lăm đến ngót bốn mươi tuổi - nom bọn họ như hai cha con, dù chẳng có nét gì giống nhau. Nahem có đôi tai to ngự trên cái đầu nhỏ, tóc dày dặn, thẳng dài nhưng giống như mớ dây nhợ xù xì, cùng hàng mày rậm gần như giao nhau. Hadi từng đùa rằng kể cả Nahem có sống đến một trăm hai mươi tuổi thì cậu ta cũng chẳng bao giờ rụng tóc. Hadi thì đã ngoài năm mươi, dù thật khó đoán tuổi gã. Gã lúc nào cũng bù xù nhếch nhác, với hàm râu chẻ chả buồn cắt tỉa, thân hình nhỏ con nhưng săn chắc và năng động, cùng khuôn mặt xương xẩu với gò má hõm sâu. Hadi gọi tay bạn cùng phường buôn là Ông già Đau khổ. Khác với Hadi, Nahem không hút thuốc uống rượu, rất tỉ mỉ về các vấn đề tôn giáo, và không chạm vào một phụ nữ nào cho đến ngày cưới. Vì cái tính thận trọng trong tôn giáo ấy cậu ta chính là người “rửa tội” cho ngôi nhà khi họ chuyển đến, gắn lên bức tường trong phòng chính một bản được lồng khung câu thơ thứ 255 chương 2 kinh Qur’an. Cậu ta dán nó lên tường để đảm bảo nó không dịch chuyển, ít nhất là cho đến khi nó long ra. Hadi chả quan tâm gì đến tôn giáo, nhưng gã không muốn ra vẻ đối địch, thế nên gã đành chấp nhận việc câu thơ đó là thứ đầu tiên mình nhìn thấy mỗi ngày. Nahem không sống đủ lâu để xem liệu đầu mình có còn đầy tóc như Hadi vẫn đoán hay không. Lúc Hadi ngồi trong quán cà phê của Aziz với Mahmoud al-Sawadi và mấy người đàn ông khác, kể thêm về câu chuyện của mình, thì Nahem đã chết được vài tháng - trong một vụ bom xe xảy ra trước văn phòng một tổ chức tôn giáo ở Karrada, trúng cả một người đi đường khác và con ngựa của Nahem. Khó mà tách thịt của Nahem khỏi thịt con ngựa. Cú sốc trước cái chết của Nahem đã làm Hadi thay đổi. Gã trở nên hung hãn. Gã chửi thề, nguyền rủa và ném đá sau khi những chiếc Hummer của Mỹ hay xe của cảnh sát và Vệ binh Quốc gia đi qua. Gã lao vào cãi nhau với bất kỳ ai nhắc đến Nahem và chuyện xảy đến với cậu ta. Gã thu mình lại một thời gian, rồi sau đó trở lại con người cũ, cười nói và kể những câu chuyện cường điệu, nhưng giờ dường như gã có hai mặt, hoặc hai chiếc mặt nạ - ngay khi chỉ có một mình, gã trở nên ủ dột và suy sụp theo cách chưa từng thấy trước đây. Gã cũng bắt đầu uống rượu lúc ban ngày và luôn thủ hàng chai rượu arak hoặc whisky trong túi, hơi thở thì nồng nặc mùi cồn. Gã trở nên nhếch nhác, để râu mọc dài thượt, và hiếm khi giặt quần áo. Không ai còn nhắc về Nahem Abdaki nữa, kẻo rồi Hadi lại nổi điên và hét những lời tục tĩu. Vì thế mãi sau này Mahmoud al-Sawadi mới được nghe kể về Nahem, trong phiên bản câu chuyện được kể bởi tay người Ai Cập, Aziz. 4 “Chúng ta dừng ở đâu nhỉ?” Hadi hỏi sau khi trở ra từ toilet kế bên quán cà phê. “Ở đoạn cái mũi to trong chiếc bao bố,” Mahmoud al-Sawadi uể oải đáp. “Ồ đúng rồi, cái mũi.” Hadi vừa kéo khóa quần vừa bước đến chỗ ghế băng bên cửa sổ phía trước quán cà phê. Gã ngồi xuống tiếp tục câu chuyện, còn Mahmoud, kẻ đang hy vọng lật tẩy gã, thì thất vọng vì gã chẳng thay đổi bất cứ chi tiết nào. Trước khi đi toilet, gã dừng câu chuyện ở đoạn mưa tạnh và gã bèn mang cái bao bố ra ngoài sân. Ngước lên nhìn trời, gã thấy những đám mây tản ra tựa những sợi len bông, như thể chúng đã bất chợt trút hết nước và giờ thì tản đi. Mấy món đồ gỗ cũ bị ngấm nước mưa rồi sẽ hỏng mất thôi, nhưng Hadi chẳng buồn quan tâm. Gã đi tới căn nhà kho vốn được gã lắp ghép từ những mảnh đồ gỗ đầu thừa đuôi thẹo, những thanh sắt và những phần của khu bếp mà gã cho dựa vào một đoạn tường còn trụ lại, đoạn gã ngồi xổm xuống ở một đầu. Phần còn lại của nhà kho bị một cái xác khổng lồ chiếm mất - cơ thể của một người đàn ông trần truồng, với thứ chất lỏng nhơn nhớt, sáng màu túa ra từ các bộ phận. Chỉ còn lại duy nhất chút máu - mấy vết nho nhỏ đã khô trên chân tay, mấy vết trầy xước và tím bầm quanh vai và cổ. Thật khó nói về lớp da - nó không có màu đồng nhất. Hadi tiến thêm vài bước quanh cái xác trong khoảng không gian hẹp rồi ngồi xuống gần cái đầu. Chỗ đã từng là mũi bị biến dạng kinh khủng, như thể thú hoang đã ngoạm mất một mảng. Hadi mở bao bố, lấy thứ đó ra. Dạo gần đây gã mất hàng giờ đồng hồ tìm kiếm thứ giống như thế này, thế nhưng gã vẫn xử lý lóng ngóng. Chiếc mũi còn tươi, vẫn bọc trong lớp máu đỏ thẫm đã đông lại. Tay run rẩy, gã đặt nó vào cái hố đen trên mặt cái xác. Nó vừa khít, như thể cái xác đã lấy lại mũi của chính mình vậy. Hadi rụt tay lại, chùi đầu ngón tay vào quần áo, đoạn ngước lên nhìn khuôn mặt kia với vẻ hơi thiếu hài lòng, nhưng nhiệm vụ của gã giờ đã xong. Thực ra, cũng chưa hẳn là xong: gã phải khâu cái mũi lại đã. Cái xác chỉ cần có mỗi chiếc mũi để trở nên hoàn thiện, vậy nên Hadi làm nốt công việc. Đó là một việc kinh khủng, gã phải làm mà không có sự giúp đỡ của bất kỳ ai, và có vẻ như chẳng có chút ý nghĩa nào bất chấp những lý lẽ gã dùng khi cố gắng giải thích cho người nghe. “Tôi muốn giao anh ta cho bên pháp y, vì đó là một thi thể trọn vẹn bị bỏ lại trên đường như rác rưởi vậy. Đó là một con người mà, các anh, một con người,” gã nói với họ. “Nhưng đó không phải một thi thể trọn vẹn. Anh đã làm nó trở nên trọn vẹn mà,” ai đó phản đối. “Tôi làm nó trở nên trọn vẹn để nó không bị đối xử như rác rưởi, để nó được tôn trọng như những người đã chết khác và được chôn cất tử tế,” Hadi giải thích. “Thế sau đó thì sao?” “Với tôi, hay với Vô Danh?” “Với cả hai.” Người nghe của Hadi hoàn toàn chú tâm vào câu chuyện. Những người nghe mới có thể không may để lỡ mất sự thú vị của câu chuyện nếu như họ cứ khăng khăng cật vấn nó ngay từ đầu. Thường người ta đợi đến cuối mới nêu ra những phản đối về tính hợp lý của câu chuyện, và không ai xen vào cách Hadi kể hay những tuyến chuyện phụ mà Hadi rẽ vào. Hadi có hẹn với một người đàn ông ở Karrada. Đã mấy ngày liền gã không mua bán gì cả, và tiền bắt đầu cạn dần. Gã đã bám lấy người đàn ông này một thời gian vì có thể đào được chút tiền từ người đó. Đó cũng là một người già cả sống một mình trong căn nhà riêng, rất giống Elishva, nhưng ông già này có một bà bạn gái ở Nga, vẫn cố thuyết phục ông bán nhà cửa đồ đạc rồi di cư để họ có thể sống quãng thời gian nghỉ hưu bên nhau. Chuyện đó thì chẳng có vấn đề gì; chúc cho họ sống hạnh phúc mãi về sau. Chỉ có điều bất cứ khi nào Hadi nghĩ mình và ông già có thể đạt được thỏa thuận, thì ông ta lại hoắng cả lên về chuyện mất đồ mất đạc, nhất là mớ đèn chùm, đèn đọc sách, và cái đài dùng đèn chân không. Ông ta bám lấy chúng như thể sẽ chết chìm nếu không có chúng vậy. Hadi không muốn ép hay làm ông ta sợ mà thôi không bán nữa, thế nên gã bỏ đi, định bụng quay lại sau đó thì thấy ông ta tươi cười và hào hứng với việc ký giao kèo. Hadi rửa tay sau khi xử lý cái xác. Gã thay quần áo sạch rồi đến gặp ông già miễn cưỡng kia, lo rằng ai đó có thể thuyết phục ông ta bán đống đồ giá trị của mình hoặc thuê lại căn nhà với đầy đủ đồ đạc, cho phép ông già vừa giữ lại quyền sở hữu vừa có tiền thuê nhà trong khi kẻ thuê nhà nuôi hy vọng chiếm hữu nó khi ông ta chết. Nhà ông già không xa lắm - Hadi có thể nhảy lên xe buýt năm phút là đến. Khi đường đông, gã sẽ đi bộ, dọc đường đi nhặt những lon bia và chai nước ngọt rỗng bỏ vào bao bố. Sau đó gã có thể bán cho những người bán hàng rong chuyên mua mấy thứ đó hoặc giữ lại trong hàng đống bao bố ở nhà rồi thuê xe bán tải chở đến nhà máy tái chế nhôm ở Hafez al-Qadi gần phố Rashid. “Còn cái xác, vì Chúa, chuyện gì xảy ra với nó?” “Gượm đã nào.” Hadi đến nhà ông già và gõ cửa, nhưng không ai ra mở. Có lẽ ông ta đang ngủ hoặc đã ra ngoài. Hoặc có lẽ ông ta đã chết thật: thời khắc của ông ta đã đến trước khi ông ta kịp gặp lại bà bạn gái người Nga và chạm vào đôi bàn tay gầy guộc nhăn nheo của bà. Hadi gõ cửa liên hồi đến khi hàng xóm phải chú ý, rồi gã quay trở lại phố Saadoun và vào một quán ăn gần bệnh viện Rahma. Gã ăn bánh kẹp kebab rồi gọi thêm hai xiên kebab mang về. Mây đã tản hết, nhưng gió vẫn thổi những luồng khó đoán định từ nhiều hướng khác nhau. Chiếc ô của người bán thuốc lá dạo bị lật chổng ngược, cục xi măng trong cái lon thiếc lớn cắm cán ô chặn nó khỏi bay đi mất. Bị gió tạt, người đi đường phải khó khăn lắm mới đi nổi. Có người trông như thể bị một bàn tay ẩn giấu phát mạnh hoặc lôi xềnh xệch từ phía sau. Người ngồi ngoài quán cà phê nhanh chóng di chuyển vào trong, cánh tài xế đang để hé cửa sổ liền đóng kín lại. Những người bán báo và tạp chí giải tán, kẻ bán thuốc lá bánh kẹo ở cột đèn giao thông nhét hàng vào túi đeo vai để khỏi bị thổi bay đi mất. Người đội mũ thì ấn chặt mũ xuống kẻo bị gió cuốn. Ở khách sạn Sadeer Novotel, nhìn xuống quảng trường Andalus, những cây cọ đang nghiêng ngả, còn người bảo vệ nơi sân trước cài chặt cúc chiếc áo khoác quân đội. Anh ta không phải đứng ngoài trời, nhưng bốt canh gác bằng gỗ không thể bảo vệ anh ta trước cái nóng hay lạnh. Nếu anh ta là một người lính hay cảnh sát ở một trong các đơn vị được bố trí khắp đường phố Baghdad, thì hẳn anh ta đã đốt lửa trong một thùng dầu mở nắp để giữ ấm, khiến quần áo bám đầy bồ hóng, nhưng ban quản lý khách sạn cấm những việc như vậy. “Giờ thì anh lại thao thao về tay bảo vệ khách sạn!” “Kiên nhẫn nào, anh bạn. Anh ta sẽ có mặt trong phần câu chuyện anh đang nghe này.” Hadi ăn xong chiếc kebab, uống cạn lon Pepsi rồi bóp nát cái lon bằng tay và quẳng vào bao bố bên cạnh. Gã không muốn ra ngoài lúc gió to thế này, thế nên gã giết thời gian bằng cách lục xới chỗ rác trong quán ăn và dọn sạch tất cả các lon nước ngọt. Khi bão tan, gã ra ngoài thì thấy mặt trời đã mất dạng còn bầu trời thì chuyển sang xám xịt và tối dần từng phút một. Gã không thể nghĩ ngay ra điều gì. Thế rồi gã nhớ đến cái xác bị bỏ ở nhà, liền cảm thấy choáng váng. Không nghĩ ngợi gì, gã bước về phía giao lộ quảng trường Andalus. Đó là một ngày lạ kỳ. Gã nghe thấy ti vi trong nhà hàng đưa tin về những vụ nổ xảy ra trong ngày ở Kadhimiya, Sadr City, quận Mansour và Bab al Sharqi. Có cảnh người bị thương ở bệnh viện Kindi và hình ảnh quảng trường Tayaran khi lính cứu hỏa dùng vòi phun dập lửa. Hadi đã nghĩ sẽ bắt gặp chính mình trên ti vi, trong cái xó bên cửa hàng ngũ kim, thản nhiên hút thuốc như một tên tội phạm quan sát hiện trường vụ án. Phát ngôn viên của chính phủ xuất hiện, mỉm cười trả lời các câu hỏi của cánh phóng viên. Ông ta trấn an rằng chính phủ đã phá kế hoạch của bọn khủng bố vì, theo tình báo, al-Qaeda và tàn dư của chế độ cũ đã lên kế hoạch tiến hành một trăm vụ đánh bom xe, nhưng lực lượng liên minh và an ninh Iraq đã triệt phá tất cả chỉ còn lại mười lăm vụ. Ông chủ quán ăn béo ị bĩu môi dài thượt vẻ bất mãn khi nghe những lời phát ngôn viên nói. Thực ra là có mười sáu vụ nổ, nhưng vụ cuối cùng không được nhắc đến vì lúc đó phát ngôn viên đã về nhà mất rồi. Hadi đi men theo đường với chiếc bao đựng lon rỗng vắt vẻo trên vai. Khi tới khách sạn Sadeer Novotel, thường thì gã đi sang phía bên kia đường để tránh bị bảo vệ quát, nhưng lần này, gã quên béng, tâm trí còn mải nghĩ về cái xác trong kho ở nhà. Gã định làm gì chứ? Gã đã hoàn thành nhiệm vụ gã đặt ra cho mình rồi. Gã có nên thuê xe chở cái xác đến chỗ pháp y? Hay gã nên mang nó ra đường một đêm nào đó và bỏ nó lại nơi quảng trường hoặc trên phố để cảnh sát đến hoàn thành công việc của mình? Khi đi qua trước cánh cổng kim loại lớn của gara khách sạn, gã nhận ra mình đã rơi vào thế khó xử. Cách dễ giải quyết duy nhất là về nhà, dỡ cái xác ra, trả nó về hiện trạng ban đầu - chỉ là dỡ các bộ phận ra thôi. Rồi đem mấy bộ phận đó vứt rải rác khắp đường phố, nơi gã đã tìm thấy chúng. Trong khi đó, run rẩy vì cái lạnh, tay bảo vệ nghĩ xem có nên duỗi chân duỗi cẳng ra không. Anh ta bước ra ngoài bốt canh gác, về phía cổng, rồi bám lấy những thanh chắn giá lạnh của cánh cổng mà nhìn sinh vật với chiếc bao khả nghi đi qua. Anh ta nghĩ không cần phải xua gã đi làm gì. “Chính mắt anh đã thấy tất cả phải không?” Hadi quay sang hỏi Mahmoud. “Phải, khi ấy tôi đang đứng cùng mấy người bạn bên kia đường thì thấy cái xe rác đi về phía cổng khách sạn.” “Anh nhìn thấy? Đấy, chứng tỏ tôi đâu có bịa ra. Anh chàng này chính là nhân chứng.” Khi đi qua cánh cổng được khoảng hai mươi thước, Hadi thấy chiếc xe rác lao qua gã về phía cổng, suýt nữa húc gã xuống đường. Giây lát sau nó phát nổ. Hadi, cùng chiếc bao bố và bữa tối, bị hất tung lên khỏi mặt đất. Với bụi đất và sức công phá của vụ nổ, gã chơi vơi trong không trung, lộn nhào rồi đập mạnh xuống lớp nhựa đường. Có lẽ phải mất cả phút gã mới nhận thức được chuyện gì vừa xảy ra. Gã thấy mấy người trẻ tuổi chạy về phía mình. Phóng viên Mahmoud al-Sawadi là một trong số họ và đã đỡ Hadi dậy. Khói bụi bao trùm khắp nơi. Sợ thất đảm, Hadi dợm bước đi. Những người đỡ gã trước đó hét với theo, cho rằng có lẽ gã đã bị thương mà vẫn chưa cảm thấy, nhưng gã bắt đầu chạy. Rõ ràng gã đang bị choáng. Bóng tối buông xuống. Xa xa Hadi nghe thấy tiếng xe cảnh sát, cứu thương và cứu hỏa. Đám khói bụi tản ra thành làn sương mỏng sáng lên dưới ánh đèn pha xe cộ. Mahmoud và những nhân chứng khác, choáng váng và hoảng loạn, đi men theo đường, nghiền nát dưới chân những mảnh kính vỡ không nhìn thấy, những mẩu kim loại nhỏ và những vụn vỡ khác mà vụ nổ gây ra. 5 Hadi gồng mình nhấc bước. Hai cánh tay và xương chậu gã đau dữ dội, trán và gò má bị rách do ngã xuống lớp nhựa đường. Gã tập tễnh đi, lê bước khó nhọc. Nếu suy nghĩ sáng suốt, gã đã bắt taxi về Bab al-Sharqi. Nhưng thực ra, gã chẳng nghĩ gì sất. Như thể ai đó đã ấn một cái nút và thế là gã bắt đầu bước đi, không hơn, và có lẽ khi hết năng lượng gã sẽ đổ sụm xuống. Hadi liên tục nói mình sẽ không chết - gã đã sống sót qua vài vụ nổ rồi. Điều quan trọng nhất với gã là cơ thể gã chưa bị trúng đạn pháo. Tất cả vết thương đều do va đập xuống đất, và không nghiêm trọng. Về đến nhà - không có cái bao bố hoặc bữa tối mua trong quán; gã đã bỏ lại ở hiện trường vụ nổ - gã đẩy cánh cửa gỗ nặng nề ra nhưng quên không đóng lại sau lưng. Khi nhìn ra xa về phía cánh cửa dẫn vào phòng mình, gã cảm thấy nó còn xa hơn bình thường. Gã bước qua những viên đá lát mít vỡ trên khoảnh sân, sợ rằng mình sẽ ngã xuống chết hoặc ngất đi. Gã muốn đến bên chiếc giường của mình. Khi vào phòng, gã quăng mình xuống lớp nệm và nhanh chóng thiếp vào giấc ngủ sâu, hoặc có lẽ là một cơn hôn mê mà gã đã cố trì hoãn. Hôm sau tiếng tin tức trên đài đánh thức Hadi dậy. Có lẽ là từ nhà hàng xóm vọng sang, hoặc Mẹ Salim đang ngồi trên hiên đối diện cửa trước nhà gã, ôm chiếc đài nhìn người ta đi qua đi lại, như mụ ta thi thoảng vẫn làm. Khi Hadi nhấc đầu dậy, gã thấy chiếc gối bị dây đầy nước bọt và những vết máu khô. Ban đầu gã nghĩ chắc mình say quá, nhưng rồi gã nhớ ra vụ nổ. Và cái xác trong kho. Hôm nay chắc là nó thối rữa hơn rồi. Có lẽ người đi qua nhà sẽ ngửi thấy mùi đó. Hadi ngồi dậy, nhìn ánh sáng thì gã đoán đã gần trưa. Gã rửa mặt; cơn đau dữ dội hơn khi gã cử động tứ chi. Quay một vòng, gã thấy hậu quả mà cơn bão đã gây ra với khoảnh sân lúc gã đi vắng. Mấy miếng lắp ghép bếp và phòng làm việc bị lật úp. Những mảnh gỗ lợp mái bị thổi bay. Trần nhà không còn. Nhìn gần hơn, gã phát hiện nhiều thứ khác cũng đã biến mất. Cái xác, cũng biến mất. Gã lục tung mọi thứ lên, rồi quay về phòng tìm trong đó xem sao. Tim gã đập càng lúc càng nhanh, và gã quên mất cả cơn đau đang gặm nhấm xương tủy gã. Cái xác có thể đi chỗ quái nào được nhỉ? Gã dừng lại giữa sân, hoang mang sợ hãi. Gã ngước lên bầu trời xanh trong, nhìn những bức tường cao của mấy nhà hàng xóm, rồi nhìn cái mái thấp tè còn lại của căn phòng đã đổ sụp trong nhà Elishva. Một con mèo già xơ xác chằm chằm nhìn gã. Nó meo một tiếng trầm sâu. Rồi nó chầm chậm quay đi và biến mất sau bức tường đổ. “Rồi sao nữa?” “Thế thôi. Hết chuyện rồi.” “Ý anh là thế thôi? Thế cái xác đi đâu hả Hadi?” “Tôi không biết.” “Chuyện chẳng hay gì cả, Hadi. Kể cho chúng tôi nghe chuyện khác đi.” “Nếu anh không tin thì tùy anh. Thôi, tôi xong rồi. Các anh dùng trà đi.” Chương ba LINH HỒN LẠC LỐI 1 Hasib Mohamed Jaafar hai mốt tuổi, da ngăm đen, mảnh khảnh, và đã kết hôn với Dua Jabbar. Anh sống cùng Dua và đứa con gái nhỏ, Zahraa, tại khu 44 ở thành phố Sadr, trong căn phòng của một ngôi nhà mà cả đại gia đình anh cùng cư trú. Hasib, làm bảo vệ cho khách sạn Sadeer Novotel được bảy tháng, đã chết trong một vụ nổ gây ra bởi một kẻ đánh bom tự sát người Sudan lái chiếc xe rác chất đầy thuốc nổ ăn cắp từ một khu tự quản ở Baghdad. Kẻ đánh bom định lao qua cổng ngoài của khách sạn, lái xe vào sảnh, rồi kích hoạt chất nổ, đánh sập toàn bộ tòa nhà. Hắn thất bại vì người bảo vệ đã dũng cảm xả hàng loạt đạn vào kẻ lái xe, khiến vụ nổ diễn ra sớm hơn dự tính. Đồ đạc của người bảo vệ được gửi lại cho gia đình: thường phục, một đôi tất mới, một chai nước hoa, và tập đầu tiên của tuyển thơ al Sayyab. Người ta đặt đôi giày cháy đen của anh vào quan tài; cùng bộ quần áo vấy máu tả tơi và những mảnh cơ thể bị cháy thành than. Thi thể của Hasib Mohamed Jaafar chỉ còn lại một nhúm; cỗ quan tài đưa tới nghĩa trang ở Najaf trông giống một vật tượng trưng hơn. Người vợ trẻ của Hasib ôm lấy quan tài mà nức nở, than vãn hồi lâu. Mẹ, các anh chị em và hàng xóm của Hasib cũng vậy, còn cô con gái nhỏ ngơ ngác, được chuyền từ tay người nọ sang tay người kia bất cứ khi nào người đang bế nó bị nỗi đau xâm chiếm. Kiệt sức, mỗi thành viên trong gia đình đều đi ngủ mà mơ thấy Hasib về nhà với chiếc túi vải vắt vẻo trên vai. Tất cả đều mơ thấy gì đó về Hasib. Những phần của giấc mơ này bù đắp cho phần bị thiếu ở giấc mơ khác. Một giấc mơ nhỏ lấp đầy khoảng trống trong một giấc mơ lớn, và những sợi chỉ cứ khâu vào nhau tái tạo nên cơ thể trong mơ cho Hasib, để đi cùng với linh hồn anh vẫn đang lơ lửng trên đầu họ, kiếm tìm phần còn lại mà nó không thể thấy. Chốn nào có cái cơ thể mà nó nên quay lại để chiếm chỗ của mình giữa những người đang sống trong cõi lâm bô? 2 Khi Hasib nhìn thấy chiếc xe rác, đủ cách lý giải hiện ra trong đầu anh. Rằng đó chỉ là một chiếc xe rác thôi. Người lái xe đã phạm sai lầm - anh ta mất kiểm soát và bẻ lái về phía cổng khách sạn. Đó là một vụ tai nạn giao thông, lái xe tăng tốc và vô tình lao vào cổng. Không, đó là một vụ đánh bom tự sát. Dừng lại? Dừng lại! Một phát, rồi thêm phát nữa. Anh không có ý định giết lái xe. Anh không dám giết bất kỳ ai, nhưng đó là nghĩa vụ của anh. Anh nhận thức rõ những quy định nghiêm ngặt về việc bảo vệ khách sạn. Có những công ty an ninh, những người quan trọng, và có thể người Mỹ ở trong đó nữa. Anh được phép giết người, như họ nói. Những suy nghĩ đó lướt nhanh qua đầu anh trong giây khắc ngắn ngủi trước khi anh bóp cò súng, có lẽ thậm chí trước cả khi anh quyết định cách giải quyết tốt nhất là gì. Chiếc xe nổ tung, và Hasib thấy chính mình đang quan sát vụ nổ, nhưng không phải từ vị trí giữa bốt canh gác bằng gỗ và cổng ngoài của đại khách sạn. Anh đang nhìn ngọn lửa, làn khói và những mảnh kim loại bay tan tác từ tít trên không trung. Anh cảm thấy bình thản lạ kỳ. Anh thấy một người đàn ông vác chiếc bao bố trắng bị hất lên cao rồi rơi xuống cách khá xa vụ nổ. Anh thấy những mảnh kính từ cửa sổ khách sạn và tiền sảnh bay tung tóe ra sân trước. Vài khắc sau đám khói dịu dần, nửa tiếng sau thì tan đi trước khi xe cứu thương và cứu hỏa đến. Anh nhìn bóng tối nuốt chửng thành phố. Anh thấy ánh đèn xa xa của các tòa cao ốc, nhà dân, xe cộ. Anh thấy mấy chiếc cầu vượt gần đó. Anh thấy những ngọn đèn chiếu sáng sân vận động và mấy tòa tháp giáo đường phía xa ngập tràn trong ánh sáng rực rỡ. Anh có thể thấy cả dòng sông nữa, sâu, đen thẫm trong bóng tối. Anh muốn chạm vào nó. Anh chưa bao giờ chạm vào dòng sông. Anh đã sống cả cuộc đời cách xa nó. Anh đã lái xe qua, nhìn nó từ xa, và thấy ảnh trên ti vi. Nhưng anh chưa bao giờ cảm nhận cái lạnh của dòng nước hay nếm thử nó. Anh thấy một người đàn ông mặc gi lê trắng và quần soóc đồng màu nằm ngửa trên mặt nước. Hạnh phúc làm sao! Ông chắc hẳn đang ngắm nhìn những vì sao sáng rõ trên bầu trời đêm. Ông đang trôi chầm chậm cùng dòng nước. Hasib tiến về phía ông và nhìn thẳng vào mặt ông. “Sao cậu lại nhìn tôi, con trai?” người đàn ông nói. “Đi tìm hiểu xem chuyện gì xảy đến với cơ thể cậu đi. Đừng ở lại đây.” Anh thấy một xác chết khác, nằm úp mặt xuống nước. Nó không nói gì cả. Nó chỉ trôi chầm chậm, trong câm lặng. 3 Hasib quay trở lại chỗ cổng khách sạn và nhìn cái hố to mà kẻ đánh bom tự sát đã gây ra bằng quả bom xe của hắn. Anh nhận ra đôi ủng cháy đen của mình nhưng không thấy cơ thể mình đâu cả. Anh tìm khắp các con phố ở quảng trường Firdaus, rồi đến quảng trường Tahrir và thấy lũ chim vắt vẻo trên những hình hài bằng đồng tạo nên Tượng đài Tự do. Rồi anh tình cờ đến nghĩa địa. Ở đó, trong Thung lũng Bình yên ở Najaf, anh xem xét mọi nấm mồ. Anh chẳng tìm thấy gì mang lại cho anh chút chắc chắn nào, nhưng cuối cùng anh thấy một thằng nhóc độ thiếu niên mặc áo phông đỏ, đeo vòng bạc ở cổ tay và dây đeo cổ bằng vải đen. Nó đang ngồi khoanh chân trên một ngôi mộ được đắp cao. “Sao anh lại ở đây?” thằng nhóc hỏi. “Anh nên ở gần với cơ thể của mình chứ?” “Nó biến mất rồi.” “Sao lại biến mất được? Anh phải tìm ra nó đi, hoặc một cơ thể khác, nếu không kết cục của anh sẽ rất tệ đấy.” “Ý em là gì?” “Em không biết, nhưng kết cục luôn tệ như thế.” “Sao em lại ở đây?” “Đây là mộ của em. Cơ thể em nằm bên dưới. Vài ngày nữa em sẽ không thể ra ngoài như thế này. Cơ thể em thối rữa và em sẽ bị cầm tù trong mộ cho đến tận cùng thời gian.” Hasib ngồi xuống cạnh nó, bối rối. Anh nên làm gì đây. Chưa ai nói với anh những điều này. Tai họa nào có thể giáng xuống đầu anh đây? “Có lẽ anh chưa chết hẳn và chỉ đang mơ thôi. Hoặc linh hồn anh đã rời bỏ cơ thể mà đi lang thang rồi sau này sẽ trở về,” thằng nhóc nói. “Cầu Chúa là em đúng. Anh không quen với việc này. Anh vẫn còn trẻ, anh có một đứa con gái, và…” “Trẻ! Anh đâu có trẻ bằng em!” Hasib tiếp tục nói chuyện với thằng nhóc đeo vòng bạc. Thỉnh thoảng thằng nhóc lại nhắc anh phải quay lại với cơ thể mình, vì có lẽ Chúa có ý định cho anh một cuộc sống mới. “Đôi khi linh hồn rời khỏi thể xác và anh chết đi, nhưng rồi Tử thần đổi ý hoặc sửa chữa sai lầm mình đã mắc phải, và linh hồn quay trở về thân xác của nó. Rồi Chúa ra lệnh cho cơ thể hồi sinh từ cái chết. Nói cách khác, linh hồn giống như nhiên liệu trong ô tô vậy. Cần có một tia lửa để khởi động nó.” Họ im lặng một lúc, rồi Hasib nghe tiếng nức nở văng vẳng đâu đây và thấy mấy con chó đen như mực ẩu đả với một con khác. Thằng nhóc đeo vòng bạc nhìn anh lo lắng. “Tốt hơn là anh nên tìm hiểu cơ thể của mình đã biến đằng nào đi,” nó nói, “nếu không kết cục sẽ rất tệ hại đấy.” 4 Hasib trở lại khách sạn và tìm kiếm khắp các con phố xung quanh. Sau nhiều giờ ở đó, anh về nhà thì thấy mọi người đều đã ngủ: vợ anh, con gái nhỏ của anh và những người còn lại trong gia đình. Rồi ngay trước bình minh, anh quay lại nơi mình đã chết. Anh cảm thấy mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn. Anh thấy một người đàn ông trần truồng đang ngủ trong một ngôi nhà ở Bataween. Anh lại gần xem anh ta có chết hay không. Đó không phải là một người cụ thể nào cả; người đàn ông nom kỳ dị và đáng sợ. Thấy bầu trời đổi sắc, Hasib cảm thấy chắc chắn rằng mặt trời ló dạng cũng là lúc tai họa giáng xuống đầu mình. Anh sẽ không còn sức để lang thang khắp các con phố hay quay lại hiện trường vụ nổ. Với bàn tay của mình, được tạo nên từ chất liệu nguyên sơ, anh chạm vào cái xác trần truồng, nhợt nhạt và thấy linh hồn mình hòa vào đó. Cả cánh tay của anh nhập vào, rồi đến đầu và phần còn lại của cơ thể. Bị sức nặng và con uể oải xâm chiếm, anh nằm yên bên trong cái xác, lấp đầy nó từ đầu đến ngón chân, bởi vì, như sau đó anh nhận ra, có thể nó không có linh hồn, còn anh thì có linh hồn nhưng không có thể xác. 5 Chẳng có gì xảy ra vô cớ phải không? Hai người bọn họ là dành cho nhau. Giờ anh chỉ phải đợi gia đình người đàn ông trần truồng này đến đưa cái xác ra nghĩa địa, chôn nó dưới một nấm mồ, và phủ đất lên. Anh chẳng quan tâm cái tên nào được khắc trên tấm bia. Chương bốn PHÓNG VIÊN 1 Mahmoud al-Sawadi bị vụ nổ ở quảng trường Tayaran đánh thức vào 7h10’ sáng, nhưng anh chưa ra khỏi giường ngay. Anh bị đau đầu dữ dội và vẫn còn ngái ngủ. Mãi đến 10h anh mới dậy lần nữa, khi điện thoại di động reo. Đó là tổng biên tập của al-Haqiqa, tờ tạp chí nơi anh làm việc. “Sao giờ này mà vẫn còn ngủ?” “Tôi… tôi…” Mahmoud lắp bắp. “Mahmoud, dậy ngay mà tới bệnh viện Kindi chụp ảnh những người bị thương và nói chuyện với bác sĩ, cảnh sát, vân vân. Hiểu chưa?” “Vâng, tôi tới đó ngay đây.” “Ngay, ngay, không phải mai, như Fairuz hát ấy. Được chứ, Mahmoud?” Rời khỏi căn phòng ở khách sạn Orouba, Mahmoud thấy Bố Anmar, chủ khách sạn, đang đứng xoắn vặn tay trên phố, xung quanh là những mảnh kính vỡ. Ở trung tâm Bataween, anh băng qua đường chính và ghé qua quán cà phê của Aziz làm một cốc trà nhưng không muốn ở lại quá lâu. Anh đã có đủ mọi trang thiết bị bên mình - máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số, sổ tay, bút - trong cái túi da màu đen lủng lẳng trên vai và khẽ chạm vào mông khi anh bước đi. Tới quảng trường Tayaran, Mahmoud thấy những quầy sạp và xe đẩy hàng cháy đen cùng một hố nông có đường kính khoảng hai mét. Quảng trường vắng tanh, và anh mường tượng vụ nổ lớn đến thế nào, khiến bao nhiêu người chết và sức hủy hoại mà nó gây ra kinh khủng ra sao. Mahmoud dừng lại ở dải phân cách giữa đường, hít một hơi thật sâu, rồi lấy máy quay kỹ thuật số giơ lên ngang miệng, và như anh thường thấy trong những bộ phim Mỹ, anh nhấn nút Record. “Khỉ gió nhà cậu, Hazem Abboud,” anh nói. “Khỉ gió nhà cậu ngay lúc này và mãi mãi.” Hazem là một nhiếp ảnh gia tự do được xem là dùng chung căn phòng ở tầng hai khách sạn Orouba với Mahmoud, nhưng anh ta hiếm khi ở đó - anh ta thường sử dụng nó như một trạm nghỉ chân hay chốn nương náu khi cần kíp. Bố Anmar, ông chủ bụng phệ của khách sạn, là bạn cũ của Hazem và không xem anh ta là khách hàng. Có lẽ ông biết ơn Hazem vì đã mang Mahmoud tới sống ở cái khách sạn tồi tàn này, khiến anh trở thành vị khách thứ ba hoặc thứ tư gì đó ở cái chốn mà vào thời hoàng kim từng đón hơn bảy mươi khách một lúc. Buổi chiều hôm trước, Hazem Abboud cứ khăng khăng đòi ăn mừng, dù chẳng có lý do gì làm vậy, và anh ta tóm cổ áo người bạn tội nghiệp lôi xềnh xệch đến ngôi nhà ở đường 5 tại Bataween. Mahmoud mệt rũ người nhưng vẫn đi cùng. Họ nốc bia suốt hai tiếng đồng hồ, và dù bên ngoài trời rét, hai cô gái tóc vàng ngồi kế bên họ vẫn mặc đồ mùa hè thiếu vải. Tim Mahmoud lỡ một nhịp bất cứ khi nào một trong hai cô khẽ chạm vào anh, khi cầm cốc bia lên hay lấy hạt từ cái bát. Mahmoud chưa bao giờ dự tiệc tùng kiểu này và cũng chưa bao giờ gần gũi với phụ nữ đến thế. Hazem thì cứ thúc anh uống thêm đi. “Nếu ở đây cậu thấy không thoải mái, thì đi,” thỉnh thoảng Hazem lại nói. Nhưng Mahmoud không muốn đi. Cuối cùng, các cô đứng lên và kéo tay Mahmoud, đưa anh vào phòng ngủ trên tầng hai. Một trong hai cô lăn ra cười rũ rượi nửa tiếng sau đó rồi ngồi xuống nốc hết bia. Cô kia ở lại thêm một tiếng nữa. “Sao cậu không đi cùng bọn họ?” Mahmoud hỏi Hazem khi bọn họ ra ngoài trời lạnh. “Tôi á? Lần khác tôi sẽ quay lại gặp họ. Quan trọng là cậu được thư giãn.” “Phải rồi, cậu đúng là bạn tốt,” Mahmoud nói với nụ cười bất an. Đầu anh hơi quay cuồng vì uống quá nhiều còn toàn thân tê dại. Đó là một sự kết hợp cảm xúc lạ kỳ. Về tới khách sạn Orouba, Hazem dừng lại châm một điếu thuốc. Anh ta phả khói qua lỗ mũi; rồi quay sang gã bạn trẻ, chĩa ngón tay đang kẹp điếu thuốc vào anh. “Dù sao thì,” anh ta nói, “đừng có bao giờ nhắc đến cái cô Nawal al Wazir đấy trước mặt tôi nữa, nghe chưa? Khỉ gió cái nhà cô Nawal al Wazir.” “Được rồi, tôi hứa. Khỉ gió cái nhà cô Nawal al-Wazir,” Mahmoud đồng ý. 2 Nawal al-Wazir là đạo diễn phim, hoặc đấy là cô tự nhận như vậy. Cô khoảng bốn mươi tuổi, da sáng, tóc đen tuyền, đẫy đà, chiếc cằm hai ngấn mang lại cho cô vẻ đẹp đậm chất phương Đông, vốn luôn được phủ lên một lớp trang điểm có phần lòe loẹt. Cô thích son đỏ thẫm, một đường chì kẻ mắt dày, và một lớp chì kẻ mày màu đen làm nổi bật hình vòng cung, quàng hờ chiếc khăn trên đầu, hợp với áo váy, cùng đám phụ kiện nhựa màu mè lúc lắc. Nếu có ai đó hỏi Mahmoud al-Sawadi về cô, anh có thể tuôn ra một tràng dài những chi tiết được xem là thú vị chỉ với những ai cùng chung nỗi ám ảnh với cô như anh. Có cả một chi tiết khó chịu mà Mahmoud cố lờ đi: cái thực tế rằng cô là bạn thân của tổng biên tập của Mahmoud, Ali Baher al-Saidi, một cây viết nổi tiếng, kẻ chống đối chế độ cũ, và là cộng sự của nhiều chính trị gia thường hay xuất hiện trên truyền hình. Có những chiều Nawal al-Wazir tới tòa soạn ở Karrada, ở lại nửa tiếng hoặc hơn rồi rời khỏi đó, đi chung xe với tổng biên tập. Trong suốt nửa tiếng đồng hồ đó, Mahmoud không thể không nhìn cô mỗi lần anh vào phòng tổng biên tập. Khi cô ở đó, tổng biên tập sẽ mời anh ngồi xuống, nói chuyện nọ chuyện kia, và Mahmoud luôn đồng tình với ý kiến và yêu cầu của ông ta mà không thảo luận gì thêm vì anh thấy không thoải mái và bối rối trước sự có mặt của Nawal. “Cô ta là bạn tình của sếp đấy,” Farid Shawwaf, đồng nghiệp của anh ở tòa soạn, có lần nói vậy. Mahmoud cãi nhau với cậu ta vì cậu ta nói mà chẳng có căn cứ. Rồi sau lại phải chấp nhận đánh giá đó của Farid, vì còn gì có thể mang người phụ nữ này với Ali Baher al-Saidi lại với nhau ngoài tình dục? Thi thoảng, khi Saidi đi vắng hoặc chưa đến tòa soạn, Mahmoud lại có cơ hội ở một mình với Nawal trong phòng của tổng biên tập. Qua những cuộc nói chuyện, Mahmoud biết được rằng cô đang làm một bộ phim chuyên về những tội ác của chế độ Saddam Hussein. Cô mô tả nó là một trong những bộ phim về Iraq quan trọng nhất đang được tiến hành và nói rằng Saidi đang giúp cô lo một số thủ tục, kiểu như xin giấy phép, nhờ quan hệ của ông ta với giới chính trị, các bộ ngành và cơ quan khác. Điều này cho anh lý do để cảm thấy thoải mái hơn và xóa bỏ cái giả thuyết kinh khủng mà tay Farid Shawwaf xấu xa đã cấy vào đầu anh. Đã nhẹ trí rồi, anh tiếp tục lén nhìn Nawal, ngắm cô thật kỹ và chú ý tới những thay đổi hằng ngày nơi vẻ ngoài của cô. Anh cũng tiếp tục nói về cô trước mặt gã bạn thân Hazem Abboud. Thế còn chưa đủ, Mahmoud còn trở thành phóng viên được tổng biên tập thích nhất. Khi Saidi nói, “Đến đó đi,” “Làm cuộc phỏng vấn này đi,” “Tham dự hội nghị này” hoặc “Tìm hiểu cái này cho tôi,” Mahmoud thường trong tư thế bắt buộc phải làm. Rốt cuộc Mahmoud đâm ra phải một thân một mình gánh lượng công việc bằng tất cả các phóng viên khác cộng lại. 3 Mahmoud bắt đầu đời phóng viên hồi tháng Tư năm 2003 tại tuần san Sada al-Ahwar ở thành phố Amara, nơi anh sống. Vì một số lý do mà tới giờ anh vẫn giữ bí mật, anh đột ngột chuyển tới Baghdad. Anh đến thủ đô vào thời điểm những người khác đang ra đi. “Cứ ở nguyên chỗ cậu cho đến khi mọi chuyện ở thủ đô dịu dịu lại đã, rồi hẵng đến,” Hazem Abboud đã nói thế với anh. Nhưng mọi chuyện không dịu đi. Nó trở nên tệ hơn nhiều. Còn Mahmoud không nghe theo lời khuyên của gã bạn. Anh cần chuyển tới Baghdad gấp, hay, nói đúng hơn, cần thoát khỏi Amara. Gã bạn Hazem mãi sau này mới biết lý do. Mahmoud làm việc ở một tờ báo nhỏ tại Baghdad tên là al-Hadaf được vài tháng thì Ali Baher al-Saidi bảo anh về tòa soạn của ông ta làm. Ông ta liên lạc với Mahmoud qua gã bạn anh, Farid Shawwaf, khi đó đang làm trong tòa soạn rồi. Từ lần đầu tiên gặp Saidi, Mahmoud đã bị cuốn hút bởi người đàn ông này, cái người hơn anh ít nhất hai mươi tuổi, dù thật khó đoán tuổi ông ta. Saidi cực kỳ phong cách, một hiện thân của sự thanh lịch. Sau nhiều tháng quan sát, chưa một lần Mahmoud phát hiện thấy sơ suất ở vẻ ngoài của ông. Ông ta cũng rất năng động và nhiệt huyết, cứ đi suốt, với nụ cười thường trực và cái tài dàn xếp ổn thỏa mọi khủng hoảng, dù nghiêm trọng đến mức nào, và xử lý chúng như những vật cản nho nhỏ mà ông ta có thể vượt qua với một cú nhảy lẹ làng. Trên hết, ông ta tạo cảm hứng cho những người xung quanh, khiến họ cũng trở nên năng động và nhiệt huyết như vậy. Có lẽ đó là lý do tại sao Mahmoud hầu như không kháng lệnh Saidi. Chưa từng có công việc nào Mahmoud làm trong hai năm qua mà khiến anh phải căng sức như công việc này. Anh luôn rơi vào tình trạng kiệt sức, nhưng anh tin tưởng Saidi và từ tận đáy lòng anh biết ông ta đang đẩy mình đi đúng hướng. 4 “Khỉ gió nhà cậu, Hazem Abboud, ngay lúc này và mãi mãi.” Mahmoud nhắc lại những lời đó vào máy ghi âm kỹ thuật số, lần này với tông giọng của kẻ thuật lại những câu chuyện bi thảm về cái chết của Hussein trong hội trường của người Shiite. Con đau đầu vẫn váng vất khi anh tới cổng bệnh viện Kindi, có lẽ vì anh chưa ăn gì, hoặc có lẽ bởi tất cả chỗ rượu mà anh đã nốc đêm qua để xoa dịu nỗi căng thẳng sau những gì anh đã trải qua ở nhà thổ. Giờ anh đã ở bàn tiếp tân của bệnh viện, mà vẫn thấy kích thích. Anh nhìn mông của tất cả những nhân viên nữ và các chị quét dọn; anh muốn cùng một lúc tất cả phụ nữ trên thế giới này. Anh hình dung ra từng cô ở tư thế dâm đãng, còn anh ở trên. Mệt mỏi, anh xoa mặt rồi vân vê lớp râu mềm. Saidi sẽ rất nghiêm khắc nếu nhìn thấy anh trong bộ dạng này. Ông ta sẽ nói, “Cậu không được phép làm những người nhìn cậu thấy tuyệt vọng. Lúc nào cũng phải lạc quan. Hãy lạc quan đi rồi cậu sẽ sống sót. Cạo râu đi, thay áo, chải tóc. Tận dụng mọi cơ hội ngắm mình trong gương, bất kỳ cái gương nào, kể cả cửa kính của mấy cái ô tô đang đỗ. Cạnh tranh với phụ nữ trong khoản này, và đừng Đông phương quá.” “Ý ông nói ‘Đông phương’ quá là như thế nào?” “Đông phương có thể tóm tắt trong một câu thơ của Antara ibn Shaddad: ‘Có ngạc nhiên không, Abla, rằng tôi không tắm rửa hay xức mình bằng dầu suốt hai năm rồi?’” Mahmoud chưa từng nghe câu thơ này bao giờ. Nhưng nó có tác động lớn tới anh. Anh ghi nhớ nó và thường nhắc lại với chính mình. Và anh đã nhận ra vào ngày hôm đó, buổi sáng hôm đó, rằng anh chính là môn đồ đích thực của nhà thơ Antara. Mahmoud gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nạn nhân của vụ nổ xảy ra ở quảng trường Tayaran sáng hôm đó. Anh thấy các phóng viên khác cùng cánh quay phim và phóng viên thường trú của các kênh vệ tinh. Anh cứ đi theo họ và vào các căn phòng họ bước vào. Họ đang cố tóm tắt những câu chuyện ngay tại chỗ, trong khi anh cần phỏng vấn chi tiết hơn và chụp ảnh độc quyền cho tạp chí. Anh hoàn thành công việc mà không thực sự thỏa mãn, rồi rời đi. Anh cảm thấy càng kiệt sức hơn. Sau khi mua một cái dao cạo râu dùng một lần, anh tới một nhà hàng ở phố Saadoun, ăn trưa, rửa tay súc miệng bên bồn, rồi lấy dao ra cạo râu nhanh giữa cái nhìn tọc mạch của đám nhân viên nhà hàng và thực khách. Anh chải mái tóc xù xì ra sau bằng những ngón tay ướt sũng, rồi ra ngoài phố, ở đấy anh lấy máy ghi âm kỹ thuật số ra và nói vào đó: “Ừm, Riyadh al-Sawadi, bố, mong bố yên nghỉ. Vì bố mà con ở đây. Vì bố mà con tới chốn này. Nhưng con mệt quá. Xương khớp cơn đau nhừ, và con thiếu ngủ. Tất cả những chuyện này phải kết thúc trước khi con bước sang tuổi hai ba.” Thực tế thì cái kết đã đến rất gần, hay ít nhất là một khoảnh khắc then chốt. Khi Mahmoud về đến tòa soạn, anh định gõ vào máy các ghi chú và bản thu âm của mình, và tải đống ảnh đã chụp vào máy tính. Anh đang tán gẫu với Farid Shawwaf và mấy đồng nghiệp khác thì một người đưa tin già đến báo là tổng biên tập muốn gặp anh. Mahmoud vào phòng tổng biên tập thì thấy Saidi ở một mình, đang cầm điều khiển từ xa lướt qua các kênh trên màn hình ti vi cỡ lớn đối diện với bàn làm việc khổng lồ của ông ta, trong khi tay kia kẹp điếu xì gà nom như cây bút dày cui. Saidi hỏi thăm Mahmoud về tình hình ngày hôm nay của anh và anh đã làm được những gì, rồi hỏi anh các phóng sự đã được duyệt viết trong vài ngày tới hiện đến đâu rồi. Có một tập hồ sơ lớn trên bàn. Saidi vươn tay lấy, lật lên, xem xét rồi bảo, “Đây là các phóng sự đồng nghiệp của cậu viết tháng trước. Không một cái nào phù hợp để xuất bản cả.” Saidi châm xì gà rồi rít thật sâu, phả ra làn khói dày. Ông ta lơ đãng nhả khói vào không khí, rồi quay lại nói chuyện với Mahmoud nom có vẻ bất an. “Tôi định sa thải Zaid Murshid, Adnan al-Anwar, và cái cô gầy nhom đó, Maysa, còn cậu thì đi nói với cái gã Farid Shawwaf bạn cậu là đừng có lười nữa. Cậu ta là một tay viết cừ, nhưng lại không tin tưởng vào công việc ở đây,” Saidi nói. “Tôi biết làm thế nào với cậu ấy? Tôi tưởng quan hệ giữa ông với cậu ấy tốt mà,” Mahmoud đáp. “Tôi không muốn cãi nhau với cậu ta. Cậu ta cãi nhau thì giỏi rồi. Giá mà cái sức đó dồn vào việc viết có phải tốt không, rồi cậu ta sẽ có vị trí tốt hơn. Gọi ý cho cậu ta xem. Cậu là bạn kia mà. Nói sao cho khéo khéo vào.” Mahmoud cố nghĩ xem có cách nào khéo khéo để gửi thông điệp đi không nhưng không nghĩ ra được gì. Anh không nói gì mà nhìn Saidi một lúc, rồi hướng về phía ti vi. “Còn nữa, anh bạn,” Saidi nói. “Cậu làm việc rất chăm chỉ.” Mahmoud quá đỗi ngạc nhiên. Lời nhận xét làm anh thật sự nhẹ nhõm. Điếu xì gà đã cháy hết, Saidi bèn đặt nó lên mép chiếc gạt tàn lớn bằng gốm. Ông ta tiếp tục nhìn đồng hồ đeo tay: sắp đến giờ Nawal al-Wazir đến rồi, Mahmoud đoán vậy. Anh không để ý rằng Saidi chưa nói hết câu - người đàn ông này thích ngắt những câu vốn được cấu thành tỉ mỉ của mình để tạo kịch tính. Saidi nhìn Mahmoud một thoáng rồi nói tiếp: “Cậu là kẻ có quyết tâm. Thế nên, từ mai, cậu là trưởng ban biên tập của al Haqiqa.” 5 Ba đồng nghiệp ngồi trước mặt Mahmoud bên chiếc bàn gỗ trải vải đỏ phủ tấm nhựa dày. Mỗi người có một lon Heineken, một cốc thủy tinh và một bát đậu luộc. Mahmoud gọi một chai soda, những người khác không thể dụ anh uống dù chỉ một lon bia. Bụng anh vẫn nhộn nhạo sau cuộc phiêu lưu hôm qua. Mahmoud nhìn khuôn mặt họ đang cười: Zaid Murshid, Adnan al-Anwar, Farid Shawwaf. Saidi đã quyết định hai người đầu tiên nên bị sa thải còn người thứ ba có nguy cơ mất việc, trong khi Mahmoud được thăng cấp lên vị trí quan trọng thứ hai ở tòa soạn. Làm thế nào anh có thể tiết lộ tin này mà không khiến họ lật bàn vào anh? Anh nên nói ngay bây giờ, trước khi họ say? Hay nên đợi đến khi phản xạ của họ bớt nhạy và có thể tiếp nhận cú sốc dễ dàng hơn? Có thể nếu anh cũng uống thì sẽ đỡ hơn? Cảm giác như một thử thách lớn vậy, và anh quyết định sẽ hoãn lại đến ngày mai. Họ phá lên cười. Farid Shawwaf đang hào hứng nói về một thứ cậu ta đang làm - hợp tuyển một trăm câu chuyện kỳ lạ nhất về Iraq. Sao trước tiên cậu không cố gắng làm những gì cậu được trả lương để làm, Mahmoud nghĩ khi nghe gã bạn giải thích tại sao những câu chuyện kỳ lạ nhưng chân thực đó nên được lưu giữ để không bị lãng quên. “Sao cậu không viết thành bài chuyên đề cho tạp chí ấy? Chúng ta cần những câu chuyện như thế,” Mahmoud nói. “Cho tạp chí á?” Farid mỉa mai đáp. “Nhưng nó có phải báo chí gì đâu. Hôm nay nó được xuất bản nhưng hôm sau nó có thể biến mất. Đó chỉ là cách kiếm sống thôi. Tôi đang nói về một cuốn sách kìa.” “Được rồi. Thế thì cho tạp chí xuất bản trước đi, rồi in thành sách sau,” Mahmoud nói. “Không. Cậu phải nghĩ đến việc viết thành sách ngay từ đầu ấy.” “Viết thành sách ngay từ đầu, rồi viết dài kỳ cho tạp chí vậy.” Zaid Murshid và Adnan al-Anwar lăn ra cười. Farid Shawwaf nhìn bọn họ rồi hét tướng lên, “Thằng cha này đang hiến dâng cả thân mình cho tạp chí. Khỉ gió cái tạp chí ấy.” Mahmoud không còn hứng thú tranh cãi nữa. Nơi này tối om và mờ mịt khói, đầy những gã thanh niên và đàn ông trung tuổi bụng phệ, ria mép xồm xoàm và những mảng hói nhẵn bóng. Vài người trong số họ không phải người Baghdad, có lẽ là dân từ các thị trấn và tỉnh xa nào đó, sau này Mahmoud mới biết. Cách không xa quảng trường Andalus, nơi này mang lại cảm giác như một quán rượu bí mật, không có giấy phép; chỉ có thể tới đây qua một nhà hàng nhỏ. Dù tồi tàn là thế, đây vẫn là chốn ưa thích của Farid Shawwaf và đám bạn của cậu ta. Bốn người bọn họ rời quán mà không say hẳn. Họ ghét cái việc Mahmoud chỉ uống mỗi soda. Họ uể oải đi về phía quảng trường vì từ đó Farid Shawwaf có thể bắt xe buýt về căn hộ ở Karrada, còn Zaid Murshid và Adnan al-Anwar có thể bắt xe về Bab al-Sharqi. Bầu trời màu xám nhanh chóng chuyển tối. Họ đứng ở quảng trường Andalus, đối diện với khách sạn Sadeer Novotel. Farid Shawwaf vẫn tán chuyện về cuốn sách giả tưởng của mình. Nếu cậu ta mà sang bên kia đường vào đúng khoảnh khắc đó, cậu ta ắt sẽ thấy một cái chết rõ rành: một chiếc xe rác màu cam chất hàng chục cân thuốc nổ đã bẻ lái khỏi đường chính và đâm sầm vào cánh cổng kim loại của khách sạn, làm bùng lên một vụ nổ mà không một ai trong bốn phóng viên từng chứng kiến trong đời. Tiếng nổ lớn làm ai nấy ngã ngửa. Họ bị cơn mưa bụi và sỏi vùi dập tả tơi. Mất một phút họ mới nhận ra mình không bị thương. Không nghĩ ngại gì, họ chạy sang bên kia đường. Trên lớp nhựa đường sau dải phân cách họ thấy một cái xác. Họ tới bên, và Mahmoud chạm tay vào nó. Cái xác đột ngột cử động. Họ đỡ người đàn ông đứng lên, và Mahmoud nhận ra gã ngay lập tức. Đó là tay buôn đồ cũ Hadi, hay Hadi ba xạo, như những khách hàng ở quán cà phê của Aziz vẫn gọi. Hadi thất thần nhìn vào mặt họ, gạt tay họ khỏi người mình, rồi lao đi, tảng lờ tiếng kêu bảo gã dừng lại vì có thể gã đã bị thương nặng. Họ không nhìn thấy gì khác. Có vẻ không có bất kỳ nạn nhân nào của vụ nổ. Kẻ đánh bom lái chiếc xe rác chắc đã bốc hơi rồi. Đó là những gì họ tự nhủ khi nhìn thấy nhân viên khách sạn đổ ra sân trước và nghe tiếng còi xe cảnh sát. Họ muốn đi khỏi đây về Bab al-Sharqi hơn. Khi họ tới quảng trường Nasr, Zaid Murshid và Adnan al-Anwar bắt xe buýt về Bab al-Sharqi. Farid nói cậu ta muốn đi taxi hơn. Cậu ta trông bối rối và hoang mang lo lắng, cái vẻ liêng biêng khi rời quán bar bí mật đã hoàn toàn biến mất. “Lẽ ra giờ cậu đã chết rồi. Cậu cứ nói thao thao bất tuyệt. Những câu chuyện tuyệt vời của cậu đã cứu cậu đấy, anh bạn,” Mahmoud nói, lắp bắp và có chút ngập ngừng giữa các câu cho thêm phần kịch tính, có phần giống cách nói của Saidi. Farid mở to mắt sững sờ, có lẽ bởi những gì Mahmoud nói là sự thật. Farid đi khỏi đó, còn Mahmoud cảm thấy mình vẫn còn đủ sức để đi bộ cả quãng đường về khách sạn Orouba. Anh lấy điếu thuốc ra, đặt lên môi nhưng không châm lửa. Anh cảm thấy thư thái kỳ lạ dù thảm họa vừa xảy ra trước mắt mình, nhưng cũng chẳng buồn để tâm đến sự thể có vẻ như mâu thuẫn này. Anh nhớ đến một câu duy nhất và nhắc lại với chính mình. Câu đó thu hút trí tưởng tượng của anh. Anh lấy máy ghi âm kỹ thuật số ra. “Hãy lạc quan. Hãy lạc quan đi rồi cậu sẽ sống sót. Hãy lạc quan. Hãy lạc quan đi rồi cậu sẽ sống sót.” Anh lặp những lời đó vài lần như một kẻ bị ám ảnh, cho đến khi nhận ra pin trong máy ghi âm đã chết. Chương năm CÁI XÁC 1 “Dậy đi Daniel,” Elishva gọi to. “Dậy đi Daniel. Lại đây nào, con trai.” Hắn đứng thẳng lên ngay lập tức. Vì đây là mệnh lệnh mà thằng nhóc đeo vòng bạc đã chết ở nghĩa địa Najaf từng nói đêm hôm trước. Bằng lời lẽ của mình, bà già đã thổi hồn vào đống hổ lốn khác thường này - tạo nên từ những bộ phận cơ thể tạp nham và linh hồn của người bảo vệ khách sạn đã chết. Bà già đã đưa hắn thoát khỏi tình trạng vô danh bằng cái tên mà bà đặt: Daniel. Daniel nhìn bà già đứng trong căn phòng trên gác đã đổ sụp. Những lọn tóc muối tiêu xổ ra khỏi chiếc khăn buộc đầu màu đen bà thắt hờ quanh cái đầu nhỏ. Thân bà bọc kín trong cái áo khoác len sẫm màu sờn rách ở cổ tay, dưới chân là một con mèo xám rụng lông nhìn Daniel bằng đôi mắt mở to sợ hãi, khẽ kêu meo meo như tự nói với chính mình. Lúc này là gần sáu giờ sáng, không khí rất lạnh. Những âm thanh vọng từ bên ngoài nghe văng vẳng; sự nhộn nhịp ban ngày vẫn chưa bắt đầu. Tay buôn đồ cũ Hadi, ngủ trong phòng gã trong cơn đau đớn, phải đến trưa mới thức dậy. Daniel trèo qua những chồng gạch của thứ từng là sàn nhà của căn phòng trước khi bị sập. Hắn đi theo bà già và con mèo xuống nhà. Elishva đặt cái máy sưởi gần Daniel trong phòng khách, rồi đi đâu đó vài phút và quay trở lại với chiếc sơ mi trắng nhàu nhĩ, áo len xanh lục cũ kỹ và quần bò, tất cả đều nồng mùi băng phiến. Bà đã lấy quần áo từ ngăn kéo của Daniel, nơi chúng được cất suốt bao năm qua. Bà ném quần áo về phía hắn, đoạn bảo hắn mặc vào. Trước khi để lại hắn một mình, bà liếc hắn một cái cuối cùng. Bà không hỏi gì hắn - bà đã hứa với vị thánh bảo hộ là sẽ không hỏi quá nhiều. Suốt lúc đó bà để cặp kính dày cộp lủng lẳng trên cổ, nhưng vẫn biết người đàn ông này chẳng giống Daniel lắm. Chẳng sao cả. Không phải ai trở về cũng giống hệt như khi họ ra đi. Những câu chuyện nhằm giải thích cho những khác biệt những đổi thay, bà nghe đủ lắm rồi - những câu chuyện được kể bởi biết bao phụ nữ bị thời gian tàn phá, bằng cách nhận ra rằng họ sẽ không bao giờ gặp lại những khuôn mặt mất tích mà họ nhớ rất rõ nữa. Điều xảy ra là một phép mầu, bà tin như vậy, và thật khó đoán chuyện này sẽ dẫn tới đâu. Bà đã tính gỡ bức tranh lớn vẽ vị thánh trên tường xuống đem giấu kỹ vào góc nào đó trong nhà. Có lẽ bà sẽ cất nó ở một trong những căn phòng bụi bặm trên gác. Với cặp mắt đẹp và con ngựa trắng, Thánh George có thể ngắm nhìn những hạt bụi lọt vào qua vết mít của ô cửa sổ nhìn xuống đường. Ngài sẽ hối tiếc vì đã tảng lờ bà suốt bao năm qua và không thể nhận ra rằng, với chiều sâu nỗi thất vọng của bà, đã đến lúc Chúa và những hình ảnh thần thánh của Người phải lắng nghe tiếng be be của con cừu đi lạc. Elishva để lại người đàn ông trần truồng kỳ dị đang nhìn chằm chằm vào những bức tường và đồ đạc trong nhà. Daniel đứng lên nhìn những bức ảnh - một trong số đó chụp một người đàn ông ngũ tuần có hàng ria đen mỏng vận bộ com lê kiểu Tây, bức khác chụp một thanh niên mày râu nhẵn nhụi với mái tóc dày và mảng tóc mai lớn. Cặp mắt u hoài ngái ngủ nhìn xa khỏi ống kính. Daniel lại gần bức ảnh hơn. Ắt hẳn nó phải được chụp từ hai mươi năm trước. Hắn chú ý đến hình phản chiếu của khuôn mặt chính mình qua lớp kính. Nó có phần làm hắn ngạc nhiên - đây là lần đầu tiên hắn nhìn thấy chính mình. Hắn lướt ngón tay qua những vết khâu trên mặt và cổ. Nom hắn xấu tệ. Làm thế nào mà bà già lại không có vẻ gì là giật mình trước vẻ ngoài đáng sọ của hắn nhỉ? Hắn chuyển sang xem một bức khác. Đó là một vị thánh chiến binh cưỡi ngựa trắng, đâm cây giáo vào cổ họng một con rồng thần thoại. Hắn xem kỹ nó. Khuôn mặt của vị thánh mềm mại nhẹ nhàng và điển trai, như các vị thánh trong mọi bức tượng thánh. Bà già đang ở phía trong nấu bữa sáng. Hắn có thể nghe thấy tiếng xoong nồi loảng xoảng khi bà làm công việc của mình. Chậm rãi, hắn mặc ba món đồ vào. Chúng vừa người hắn như in. Hắn quay lại nhìn phản chiếu của mình trong bức ảnh Daniel Tadros Moshe và để ý thấy, dù đó chỉ là một bức ảnh đen trắng, rằng Daniel mặc đúng bộ quần áo này: sơ mi trắng với cổ áo rộng hơi dựng bên dưới áo len cổ chữ V. Ngoại trừ những vết khâu thô kệch trên mặt và cổ, thì trông hắn cũng gần giống cậu ta. Bà già đã nghĩ như thế. Với đôi mắt chắc chắn đã mờ, khi trở lại phòng khách, bà sẽ chỉ thấy những gì mình muốn thấy. Daniel chuyển sự chú ý sang bức tranh vị thánh tử đạo, nhìn kỹ nó dưới ánh ngày tràn vào qua cửa sổ. Hắn chú ý kỹ năng người nghệ sĩ đã dùng để thể hiện những nếp gấp trên cái áo choàng đỏ rực phấp phới sau vị thánh chiến binh vạm vỡ. Đó là một bức tranh kỳ diệu về một vị thánh điển trai với đôi môi mỏng, và giờ đôi môi đó đang mấp máy. “Ngươi phải cẩn thận,” tiếng nói cất lên. Đôi môi của vị thánh thực sự đang mấp máy. “Đó là một bà già không may. Nếu ngươi làm hại bà ấy hay làm bà ấy buồn, ta thề là sẽ đâm xuyên cây giáo này vào cổ họng ngươi.” 2 Phiên bản mới của Daniel ngủ trên xô pha trong phòng khách. Elishva đắp cho hắn tấm chăn dày rồi để hắn nằm đấy để tiếp tục công việc hằng ngày, thường có nghĩa là dọn dẹp những thứ bà đã dọn dẹp, phủi bụi đồ đạc, những bức tượng thánh, tranh ảnh, và quét sân - những việc ngốn của bà nửa ngày. Có lần con mèo trốn lên mái nhà nhìn quanh, dòm xuống khoảnh sân ngôi nhà ọp ẹp của Hadi. Hadi vò đầu bứt tai không hiểu và tìm khắp chốn xem cái xác gã tạo ra ở đâu. Gã tưởng tượng sẽ tìm thấy nó treo trên tường hoặc lơ lửng trên bầu trời trong xanh buổi sáng hôm ấy. Dù khớp xương và đầu đau nhức, Hadi vẫn ra ngoài nhìn ngược xuôi con đường kiếm tìm dấu hiệu về một chuyện kỳ lạ đã xảy ra, nhưng gã không sẵn lòng chặn bất kỳ người hàng xóm nào để hỏi, “Xin hỏi, có ai thấy một cái xác trần truồng xuống phố không ạ?” Hadi là kẻ ba xạo, ai cũng biết điều đó. Gã sẽ cần đến nhân chứng để chứng thực cho lời tuyên bố rằng gã đã rán trứng cho bữa sáng, nói gì đến câu chuyện về một cái xác trần truồng được tạo nên từ bộ phận cơ thể của những người đã chết trong các vụ nổ. Hadi ngước lên mái nhà của Elishva và các nhà hàng xóm xung quanh, nghĩ rằng có lẽ ai đó đã lôi cái xác lên đó, nhưng gã chẳng nhìn thấy gì. Gã mở tất cả tủ quần áo và chạn bếp trong sân nhà. Rồi gã đi ngược đi xuôi những con đường lân cận. Gã dừng lại khi đến chỗ Bố Zaidoun, lão thợ cắt tóc, đang ngồi thõng thượt trên cái ghế vườn trắng bên ngoài cửa tiệm, nhưng Hadi không chắc lão nhìn thấy bất cứ thứ gì cho dù cái xác có đi thẳng tới trước mặt. Chủ tiệm giặt là Akhawain kể với gã là cảnh sát đã lục soát các ngôi nhà suốt buổi sáng để tìm kiếm các băng đảng có vũ trang buôn bán phụ nữ ra khỏi Iraq. Một nhân viên làm ở hiệu bánh nói có những “kẻ khủng bố” từ tỉnh lên trú trong một khách sạn địa phương và rằng cảnh sát và người Mỹ đang lục soát các khách sạn từng cái một. Hadi còn nghe được rằng hai gái mại dâm trẻ mà gã từng vui vẻ đã chuyển đến Syria ngày hôm đó để hành nghề trong các câu lạc bộ đêm - có vẻ như Baghdad không còn sinh lời nữa. Gã nghe được cả đống tin tức khác. Thực tế thì gã đã dành nửa ngày để nghe, nhưng gã không nghe được tin gì về cái xác đã biến mất bí ẩn. 3 Mẹ Salim xem đó là điềm lành khi gặp Elishva ở hàng thịt. Elishva mua khoảng hai lạng thịt bò và nửa cân lòng cừu đã làm sạch, rồi sang hàng rau bên cạnh. Bỏ chiếc khăn buộc đầu để tang của góa phụ ra, bà chít cái khăn choàng đầu màu đỏ điểm những bông hoa trắng, nom như thiếu nữ vậy. Mẹ Salim tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với bà. Hai người phụ nữ đi chợ cùng nhau rồi chậm rãi đi ngược trở lại con đường. Mẹ Salim nói về chuyện xảy ra sáng hôm qua, kể rằng vụ nổ kinh khiếp đã khiến tường mấy nhà bị mít ra sao. Mụ biết được lúc ấy Elishva đang ở nhà thờ. Elishva nói bà có nghe thấy tiếng nổ nhưng lúc về thì không nhìn thấy gì hết. Lại có thêm bằng chứng cho Mẹ Salim rằng Elishva có sức mạnh đặc biệt. Khi Mẹ Salim hỏi về tấm khăn choàng đầu màu đỏ nổi bật của bà, Elishva nhìn xuống đường khẽ nói, “Thời gian đau buồn đã qua rồi. Cuối cùng Chúa đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi.” “Nghe vậy tôi vui lắm. Quả là tin tốt lành.” Elishva không thể kìm được việc tiết lộ bí mật động trời, bà nói toẹt ra với Mẹ Salim rằng con trai bà đã về nhà. Mẹ Salim chỉ bước đi trong im lặng thẫn thờ. Bà già này đang nói gì vậy, mụ tự hỏi. Khi Elishva tới trước cửa nhà mình, Mẹ Salim, mà nhà chỉ cách vài mét phía kia đường, dừng lại. “Giờ cậu ta có nhà không?” mụ hỏi. “Có, nó đang ngủ. Nó mệt lắm.” Mẹ Salim cong môi lại như đang suy nghĩ lung lắm, nhưng mụ không đi thẳng vào nhà kiểm tra, một sai lầm lớn mà sau này mụ đâm hối hận. Mụ còn mải nghĩ về bữa trưa phải chuẩn bị cho chồng, cái kẻ ngồi trên ban công cả ngày liền trong im lặng, đọc những tờ báo cũ. Mụ không coi những gì Elishva nói là nghiêm túc - cái tin quá choáng khó mà chấp nhận nổi sau một lời thông báo qua loa đến vậy. Mẹ Salim tự nhủ sẽ ghé nhà Elishva sau, có lẽ buổi chiều, để tìm hiểu thêm. Nhưng hóa ra mụ không tìm hiểu thêm được gì. Buổi chiều mụ cũng bận sau khi thằng con giữa đột ngột thông báo tên của cô gái nó sắp cưới, khiến mụ không còn thời gian đâu mà gặp con trai của bà già, kẻ trở về từ cuộc chiến đã kết thúc hai mươi năm trước hoặc hơn. Dần dà, Mẹ Salim bỏ hàng ngũ mà nhập vào cái nhóm vẫn cho rằng bà già đã lẩm cẩm, và Elishva sẽ mất đi những đồng minh trung thành cuối cùng. 4 Hadi trở về nhà. Gã mò mẫm trên mặt sân xem có máu hay những mẩu bộ phận cơ thể mà gã biết mình đã cầm trong tay khi cắt chúng ra hay khâu lại với nhau để cái xác có một tình trạng tương đối hoàn thiện hay không. Gã chẳng tìm thấy gì: trận mưa lớn hôm qua đã quét sạch mọi thứ. Gã dành buổi sáng muộn nằm dài trên giường, ngước lên trần nhà ngấm nước. Rồi gã nhìn bức tường phía xa nơi người bạn quá cố Nahem Abdaki treo câu thơ thứ 255 của chương thứ 2 trong kinh Qur’an. Một mép bìa đã bong ra và cuộn xuống vì ẩm. Nếu ai đó kéo ra, họ có thể bóc cả câu thơ khỏi bức tường. Xét cho cùng, gã nghĩ chuyện xảy ra biết đâu lại hay: gã chả muốn thoát khỏi cái xác còn gì, và nó biến mất thật, giải thoát gã khỏi một nhiệm vụ hạ cấp khác - cắt nó ra và tháo chỉ, rồi vứt các bộ phận vào các thùng rác khác nhau trong khu dân cư. Buổi chiều, Hadi tới quán cà phê của Aziz, nhưng quán quá đông và tay bạn Ai Cập không có thời gian tán gẫu với gã, thế nên gã đến nhà lão già quê Amirli, cố thuyết phục lão bán đống đồ cũ thêm lần nữa. Như thường lệ, gã lại quay về điểm xuất phát trong cuộc thương lượng. Lần thứ mười gã nghe lịch sử chiếc máy hát cũ được chế tác ra sao, lão mua nó ở đâu và những câu chuyện về bất kỳ món đồ hoặc vật dụng nào đứng trước mặt họ. Nếu như lão già ăn vận chỉn chu, mày râu nhẵn nhụi này biết mình đang đứng cạnh một tên tội phạm mó máy vào những bộ phận cơ thể người thì sao nhỉ? Có lẽ lão sẽ đá gã văng qua lối đi lát xi măng ra tận ngoài cổng, nói lời tạm biệt gã ngay lập tức, rồi cấm cửa gã vĩnh viễn. Sau này Hadi sẽ dẫn lại những chi tiết đó vài lần, vì gã yêu thích những chi tiết mang lại cho câu chuyện của gã tính chân thực và khiến nó sinh động hơn. Gã sẽ kể mọi người nghe rằng gã đã phải làm việc vất vả ra sao, nhưng họ sẽ lắng nghe như thể đó là câu chuyện ngụ ngôn hay nhất mà Hadi ba xạo từng kể. Ngồi trong quán cà phê, gã sẽ kể câu chuyện từ đầu, không bao giờ mệt mỏi với việc kể đi kể lại. Gã đắm mình trong câu chuyện và cuốn theo nó, có lẽ để mang lại niềm vui thú cho người nghe hoặc để thuyết phục chính mình rằng đó chỉ là câu chuyện sinh ra từ trí tưởng tượng phong phú của gã và chưa bao giờ thực sự xảy ra. 5 Elishva đang bận nấu cháo kiều mạch kashka. Bà luộc tấm lúa mì và cho thêm đậu gà, gia vị, thịt thái miếng vuông vào. Bà rất giỏi nấu món truyền thống nhưng lại hiếm khi có dịp nấu - bà nấu làm gì nếu chỉ cho con mèo không thôi. Nhưng ngày hôm đó thì khác. Bà trân trọng vị khách đặc biệt này và đang hoàn thành lời thề cũ của mình. Bà già vừa quấy món kashka vừa tự lặp lại với chính mình, “Cầu xin phúc lành và bình an từ Đức Chúa trời - Cha của chúng con và Chúa Jesus Christ, người yêu thương chúng con trước cả yêu chính Người.” Đã học nhiều tập tục của người dân trong khu, Elishva xem đó là lời thề mà giờ mình đang hoàn thành, dù cha Josiah luôn sửa cho bà. “Chúng ta không ra điều kiện cho Chúa như người Hồi giáo,” ông nói. “Chúng ta không nói, ‘Nếu Người làm việc này thì con sẽ làm việc kia.’ “ Elishva hiểu ý ông, tất nhiên, nhưng bà thấy việc ra điều kiện cho Chúa cũng chẳng hại gì, như Mẹ Salim và những hàng xóm Hồi giáo khác của bà vẫn làm. Bà không nhìn Chúa như cách của cha Josiah. Chúa không phải “ở vị trí tối thượng”, bà không xem Người như một thế lực áp chế hay độc tài. Người chỉ là một người bạn cũ, và thật khó lòng bỏ rơi tình bạn đó. Vị khách đặc biệt của Elishva không ăn bất cứ món nào bà đặt trước mặt hắn. Bà ăn một ít, còn Nabu thì chén hết sạch những mẩu thịt thừa và liếm láp cái bát. Bà chẳng bận lòng đến việc con trai bà, hay bóng ma của nó, chẳng cắn lấy một miếng. Có lẽ hắn giống những vị khách của Abraham trong phiên bản kinh Qur’an, hoặc giả hắn không muốn ăn. Bà không hỏi dồn hắn, sợ hắn bỏ đi mất. Từ đó cho tới tối muộn Elishva lầm bầm từng hồi với vị khách lầm lì của mình. Không có gì đáng chú ý xảy ra trong khoảng thời gian đó. Người bán bình ga đến, và Elishva đổi cái bình rỗng lấy bình mới; anh ta bê bình đến cuối hành lang giúp bà già. Mấy chiếc trực thăng Mỹ bay ầm ĩ trên mái nhà khiến nó rung lên và làm bầy chim của Abdel Razzaq, thằng bé ở ngôi nhà đằng sau, hoảng loạn đập cánh, làm rụng mấy sợi lông vũ phất phơ giữa không trung. Mẹ Salim không ghé qua, cũng chẳng có hàng xóm nào khác - cả Diana cũng không, cái cô bé xinh xắn người Armenia ở con đường kế bên, mẹ của cô là Veronica Munib thi thoảng lại khuyến khích con qua thăm Elishva để xem bà có thiếu thứ gì hay cần làm cho xong việc gì không. Trong khi nói chuyện với vị khách, Elishva để trên lòng mình những chiếc hộp đóng kín bấy lâu, mở hộp và dốc sạch mọi thứ trong đó ra. Bà gà gật trên xô pha đối diện chỗ người đàn ông kỳ lạ, lặng lẽ đang ngồi. Khi tỉnh dậy, bà thấy hắn đang nhìn chăm chăm vào ánh sáng yếu ớt lọt qua cửa sổ trông xuống con đường. Elishva dốc bầu tâm sự với Daniel về chuyện cãi nhau với chồng bà, Tadros, người đã chôn chiếc quan tài rỗng cho Danny dù bà không muốn. Tadros, một tùy phái văn phòng ở bộ giao thông công chính, đã đi cùng mấy người họ hàng, bạn bè và người quen đến nghĩa trang Giáo hội phương Đông Assyria ở Đông Baghdad để chôn một chiếc quan tài có độc vài bộ quần áo của Daniel và những mảnh đàn guitar gãy của nó. Họ cầu nguyện cho nó, rồi đặt tấm bia mộ có dòng chữ bằng tiếng Syria và Ả Rập, “Nơi yên nghỉ của Daniel.” Elishva không đồng ý đi cùng họ vì trái tim mách bảo bà rằng con trai bà chưa chết. Bà không ngó ngàng tới ngôi mộ cho tới khi Tadros qua đời và được chôn kế bên mộ con trai bà. Trái tim bà tan nát khi bà đọc thấy tên con trai mình trên tấm bia đá vôi, nhưng kể cả khi ấy bà cũng không chấp nhận việc nó đã chết, dẫu cho bao nhiêu năm trôi qua. Trong thời gian đó, gia đình Ninous Malko chuyển tới một trong những căn phòng ở tầng trên của nhà bà lão. Họ đã bỏ lại ngôi nhà cho thuê ở Bataween. Cuối cùng, Matilda, con gái thứ hai của Elishva, lấy con trai thứ nhà Ninous, và một mối bằng hữu bền chặt đã phát triển giữa Elishva và vợ chồng Ninous Malko. Họ gần như đã bù đắp cho chuỗi mất mát mà Elishva phải chịu đựng, bởi vì ngoài chuyện Elishva đã mất Daniel và cha thằng bé, hai con gái của bà cũng có ý định ra đi. Không khó để những người họ hàng mới tin rằng một ngày nào đó Daniel sẽ trở về. Có nhiều người mất tích, và một trong số họ biết đâu sẽ trở về. Chuyện đó vẫn cứ xảy ra đấy thôi. Một người anh em của Ninous đã trở về sau nhiều năm bị cầm tù ở Iran, và vào thời điểm đó nhiều người đã kháo nhau về cú sốc khi biết được rằng ông ta đã từ bỏ tôn giáo gốc của mình và trở thành một người Hồi giáo dòng Shiite nhánh Mười hai Imam. Ông vẫn theo Shiite vài năm rồi dần dần cải đạo về Thiên Chúa giáo, hay ít nhất ông làm cho gia đình mình tin như vậy nhằm chấm dứt mối bất hòa gây ra từ việc ông cải đạo. Nhiều tù nhân trở về nhà sau chiến tranh với Kuwait vào giữa những năm 90. Vì sự khắc nghiệt của lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Iraq, chồng của Hilda và Matilda quyết định di cư. Hai cô con gái sẽ không đi nếu không có mẹ đi cùng. Nhưng như một con dê núi cứng đầu, Elishva từ chối. Mối bất đồng kéo dài suốt cả năm, nhưng bà lão không lùi bước. Cuối cùng bà thuyết phục các con rằng bà sẽ đến ở cùng khi họ ổn định cuộc sống và bà hoàn toàn từ bỏ hy vọng rằng Daniel sẽ trở về. Nhưng bà không bao giờ từ bỏ hy vọng, và sự hiện diện của gia đình Ninous Malko là niềm an ủi cho việc xa các cô con gái. Nhưng vào đêm người ta tuyên bố cuộc chiến cuối cùng, vợ của Ninous buộc tội Elishva dùng ma thuật đen với hai đứa con trai nhỏ nhà họ làm cho một trong hai đứa không nói được dù đã sáu tuổi. Bà ta sợ bà lão, nhất là sau khi phát hiện ra bà lão nói chuyện với mấy bức tranh hay với cả đống mèo lang thang quanh nhà. Có lần bà ta nói với chồng rằng một con mèo đã đáp lại lời bà lão và nói chuyện cùng bà. Bà ta thậm chí còn nghi ngờ lũ mèo đó thực ra là người đã bị Elishva dùng thứ ma thuật độc địa biến thành mèo. Ninous chẳng tin vào mấy thứ mê tín dị đoan, nhưng ông không thể chịu được những lời phàn nàn của bà vợ về ngôi nhà, thế nên sau khi Mỹ xâm lược Baghdad, ông đưa gia đình nhỏ của mình tới Ankawa ở Erbill. Ông không nói với Hilda hay Matilda, mà Elishva cũng chẳng phản đối - bà có vẻ ủng hộ, hoặc là thờ ơ. Các con gái của bà rất sốc khi phát hiện ra mẹ sống một mình trong căn nhà lớn giữa một thành phố loạn lạc nơi lũ ma quỷ ào ra khỏi ngục và cùng lúc trồi lên mặt đất - ít nhất đó là những gì họ tưởng tượng ra. Thời gian đó, họ gọi cho Elishva vào mỗi Chủ nhật qua điện thoại vệ tinh ở nhà thờ Thánh Odisho, và nếu Elishva không đến vì lý do nào đó, đích thân cha Josiah sẽ gọi để trấn an họ. Cuộc điện thoại kéo dài không quá một phút - cha xứ muốn công bằng với tất cả những người có nhu cầu sử dụng điện thoại, mà số đó nhiều lắm. Đôi khi Elishva và một trong hai cô con gái nói được nửa chừng thì bắt đầu cãi nhau, và một phút đã hết ngay khi cuộc tranh cãi nóng lên, buộc cha Josiah phải giằng điện thoại khỏi tay Elishva. Các cô con gái nói muốn quay trở lại Baghdad và đưa mẹ đi bằng được, nhưng họ chỉ nói cứng vậy thôi. Nếu cuộc tranh cãi bị gián đoạn, Elishva sẽ tự đấu tranh với chính mình thay vì túm lấy một phụ nữ nào đó ở nhà thờ để thuyết một bài hùng hồn về việc bà không chịu bỏ nhà để chuyển đến một nơi bà chẳng biết gì. Cha Josiah khuyến khích bà ở lại, vì ông xem đó là bổn phận tôn giáo. Ai cũng bỏ nước ra đi thì thật không hay. Người Assyria cũng đã gặp những chuyện tồi tệ tương tự trong những thế kỷ trước, nhưng họ đã ở lại Iraq và sống sót. Cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình thì thật không nên. Đó là những điều thi thoảng ông vẫn nói trong bài giảng đạo. Đầu năm đó, cha Josiah hỏi Elishva xem có cho nhà Sankhiro ở nhờ được không, nhà ấy trốn chạy khỏi một cuộc phân biệt giáo phái ở Dora, quận phía Nam Baghdad. Họ ở căn phòng nhà Malko từng sống, nhưng chỉ vài tuần sau họ rời đến Syria, dự định di cư đến châu Âu. Chẳng bao lâu sau, ba con mèo của Elishva biến mất, và rồi Elishva tìm thấy con thứ tư chết trên mái nhà, cơ thể trương phềnh. Bà đinh ninh rằng một mảnh đạn pháo đã văng trúng nó hoặc nó ăn phải thịt bị đánh bả. Elishva huyên thuyên nửa tiếng đồng hồ về lũ mèo, rằng Nabu là con duy nhất còn lại. Rồi bà chợt nhớ đến Bố Zaidoun, tay thành viên đảng Ba’ath chịu trách nhiệm về việc đưa con trai bà ra trận. Bố Zaidoun từng săn lùng những kẻ trốn nghĩa vụ quân sự, còn Daniel thì sau khi nhận giấy gọi lại mãi không ra trình diện. Nó không muốn ghi danh nhập ngũ và tới trại huấn luyện, thay vào đó muốn học nhạc cho xong. Nó thích chơi guitar và giữ một chiếc trong tủ quần áo, dù chơi chẳng hay lắm. Bố Zaidoun đã lôi cổ Danny đi. Từ trại huấn luyện, Daniel ra thẳng mặt trận và không bao giờ quay về nữa. Kể từ đó, Bố Zaidoun là kẻ thù không đội trời chung của Elishva. Khi đám người Ba’ath mang đến một chiếc quan tài rỗng cho Daniel, cùng vài bộ quần áo và đồ cá nhân của nó, lão Tadros đã đau đớn đập nát chiếc guitar của thằng con trai. Mấy mảnh đàn vỡ được cho vào chiếc quan tài lớn bằng gỗ tếch đỏ mà Tadros đã mang đến và hạ xuống mồ. Vậy là có một cây guitar vỡ trong một cỗ quan tài rỗng, một ngôi nhà đã mất bóng ma đứa con trai duy nhất của bà, và một kẻ thù say sưa chè chén trong khu dân cư, áp đặt quyền lực của mình lên mọi người mà chỉ vài kẻ dám đứng lên chống lại. Nhưng Elishva đã đứng lên chống lại lão. Bà nguyền rủa lão trong những lời cầu nguyện và bất cứ khi nào chạm mặt lão trên đường. Bố Zaidoun không còn bén mảng đến đường 7 nữa phòng khi Elishva có thình lình xông ra khỏi nhà để nguyền rủa lão. Mấy người phụ nữ còn thề rằng nếu lão già quỷ quyệt đó mà chết, họ sẽ giết một con cừu để tế Thượng đế. Elishva cũng lập lời thề, nhưng bà không bao giờ nói với cha Josiah về điều đó. Giờ thì bà đang tiết lộ nó, với vị khách im lặng của mình, lần đầu tiên trong đời. Khi đêm buông xuống, Elishva mới xong phần đầu tiên của màn độc thoại dông dài. Bà nhắc đi nhắc lại với hắn rằng bà biết hắn sẽ trở về. Antoinette, một người họ hàng của bà đã không tin bà, hay Martha, hay vợ của Youresh anh trai bà, cũng vậy. Giờ thì họ đều đã chết hoặc di cư hết cả rồi. Bà lấy một cuốn album cũ ra chỉ cho hắn. Dưới ánh đèn bà cho hắn xem những bức ảnh hắn hồi nhỏ, đứng cùng dàn hợp xướng nhà thờ trong y phục lễ sinh. Rồi những bức ảnh hắn chụp cùng bạn ở trường. Ở quán bar hay nhà hàng. Mặc đồng phục bóng đá, chân để trên quả bóng giống cầu thủ nổi tiếng Ali Kadhim. Bọn con trai đứa nào muốn chụp kiểu ảnh như vậy đều sẽ đặt chân phải lên quả bóng, chống tay phải lên hông, và mỉm cười. Bức ảnh sẽ không hoàn hảo nếu chúng không tạo dáng y như vậy. Có một bức khác thằng bé chụp cùng đội bóng, bá cổ chúng khoác vai nhau. Ảnh đã mờ và ố. Khi Daniel lật xem hết chỗ ảnh, hắn đứng phắt lên, bỗng dưng hiếu kỳ, bèn đi lục lợi những phòng khác. Elishva vẫn ngồi tại chỗ, nhìn bức tranh vị thánh bảo hộ bên ánh đèn. Có vẻ như đêm ấy bức tranh sẽ không di chuyển hay lên tiếng. Từ bếp vọng ra tiếng xoong nồi rơi xủng xoảng. Chắc hắn vấp phải thứ gì đó trong bóng tối. Elishva nghe tiếng hắn đi lên mái nhà. Hắn đi được vài phút thì quay lại, tay cầm theo gì đó. Hắn giấu nhanh vào túi quần. Rồi hắn mở mồm nói lần đầu tiên. Cuối cùng Elishva cũng nghe thấy giọng hắn. Nó khàn khàn, như thế hắn chưa nói lời nào từ khi được sinh ra. Phát âm đầy khó khăn, hắn bảo bà rằng hắn phải ra ngoài. Bà muốn nói, “Con định đi đâu? Con mới quay về mà. Sao lại bỏ mẹ? Hễ khi nào có ai đi ra khỏi cánh cửa đó là không bao giờ quay về nữa. Nó giống như cánh cửa dẫn đến một cái hố ấy.” Cảm giác như thể hét lên, bà khẽ níu lấy tay áo len màu xanh lục của hắn. Bà có thể cảm thấy cánh tay hắn rắn chắc thế nào, tựa một cành cây. Bà ngước lên nhìn khuôn mặt hắn, nhưng quá tối nên chẳng thấy gì. Hắn quay đi. Con mèo quanh quẩn đi lại giữa bọn họ, cọ mình vào ống quần hắn và khẽ kêu rừ rừ. “Con sẽ quay lại. Đừng lo,” hắn cất giọng khàn khàn. Hắn dứt khỏi tay bà và đi thẳng ra cửa. Bà nghe tiếng bước chân hắn đi qua khoảnh sân rồi dọc đường dẫn ra cửa. Bà nghe thấy hắn mở cửa rồi nhẹ nhàng đóng lại. Bầu im lặng lại trùm xuống căn nhà thênh thang đơn chiếc. Bà cảm thấy khát khô cổ họng và mệt mỏi hơn bao giờ hết. Ngồi rũ rượi trên xô pha trước bức tranh Thánh George Tử đạo, bà những muốn hỏi vị thánh bảo hộ vài câu hoặc nói chuyện với Ngài nhưng không lấy đâu ra sức. Bà để ý thấy tấm khiên kim loại của vị thánh ánh lên vẻ bóng láng mới, như thể ai đó trong bức tranh đã sơn lên nó vậy. Rồi ánh sáng mờ đi, và bà chẳng có gì để nói. Bà đã nói mọi điều muốn nói rồi. Bà sẽ không nhắc lại trong vài ngày tới. Chớp chớp mắt, bà nhìn những mảng đèn vàng trên bề mặt gọn lăn tăn của bức tranh cũ, trong khi con mèo già cuộn tròn giữa hai chán bà tìm hơi ấm. Chương sáu NHỮNG SỰ KIỆN KỲ LẠ 1 Hai xe thùng cảnh sát đến, chặn lối vào đường 1. Năm cảnh sát Iraq có vũ trang và một quân cảnh Mỹ bước ra. Họ dồn người đứng xem ra sau hai xe thùng. Con đường đã trống trải từ sáng, và nhiều người dân ghé cặp mắt mệt mỏi, câm lặng nhòm qua những cửa sổ mắt cáo bằng gỗ của lối kiến trúc mashrabiya* cũ kỹ ọp ẹp nhìn xuống đường. Tất thảy tĩnh lặng khi một cảnh sát chụp ảnh. Vài phút sau tay cò nhà đất Faraj hổn hển đến nơi, hàm râu dày đung đưa theo từng bước đi. Dưới tay y là một chiếc cặp táp nhỏ bên trong cất mớ tài liệu và giấy tờ hành chính cho những chuyến thăm tới các văn phòng chính phủ. Tay người Mỹ lập tức xáp đến Faraj và hỏi y về một trong những căn nhà - ai sống ở đó và liệu y có biết gì về một vụ việc xảy ra bên ngoài hay không. Một người Iraq mặc đồng phục cảnh sát phiên dịch những câu hỏi của tay người Mỹ sang tiếng Ả Rập và nhìn Faraj lúc này trông khá đờ đẫn với ánh mắt buộc tội. Dù cũng thuộc dạng có máu mặt trong khu, y vẫn khiếp vía trước người Mỹ. Y biết họ hoạt động với tính độc lập đáng kể và không ai có thể bắt họ chịu trách nhiệm về những gì đã làm. Đột ngột như gió đổi chiều, họ có thể ném anh xuống hố đen. Faraj mấp máy đôi môi khô giải thích rằng y sở hữu căn nhà đó, hay nói đúng hơn là y thuê từ chính phủ trong vòng mười lăm năm, và y trả tiền thuê đều đặn cho luật sư ở Cục Tài sản Đóng băng. Vừa nói y vừa lấy vài văn bản ra khỏi cặp và, với bàn tay run rẩy, đưa cho cảnh sát. Tay người Mỹ để mặc y nói. Gần đó là thi thể của bốn người ăn xin được phát hiện trong tư thế ngồi thẳng đơ trên đường. Gã này quay lại Faraj hỏi y có biết họ không. Faraj gật đầu. Y cảm thấy máu trong huyết quản chảy lạnh toát. Thật là một khỏi đầu ngày mới tồi tệ. Ai đã giết những người ăn xin tội nghiệp này? Có phải tai ương từ trên trời giáng xuống đã khiến họ chết ngay tức khắc trong khi đang ngồi trong tư thế này hay không? Mỗi người ăn xin đều túm cổ người đối diện. Nom như một cảnh tượng hay hoạt cảnh sân khấu kỳ dị nào đó. Quần áo của họ nhếch nhác tả tơi, đầu chúi về phía trước. Nếu Hazem Abboud nhìn thấy cảnh này và chụp ảnh, anh ta nhất định sẽ giành giải thưởng quốc tế. Càng lúc càng nhiều người xem tụ tập hai đầu đường, và những cái đầu e dè bắt đầu thận trọng ngó ra từ sau những bức mành mashrabiya. Tay người Mỹ không thích có quá nhiều người xem. Gã vẫy tay thúc giục đám cảnh sát Iraq khẩn trương lên. Họ lấy số điện thoại của Faraj và bảo y ghé qua sở cảnh sát Saadoun nếu có thông tin về vụ án hay tìm ra nhân chứng nào. Faraj thở phào nhẹ nhõm, đoạn gãi mớ râu dày. Y lấy chuỗi tràng hạt ra, thu hết can đảm tiến gần hơn đến chỗ thi thể mấy người ăn xin, nhìn họ vẻ khinh miệt. Mấy người cảnh sát đeo găng tay cao su trắng vào và bắt đầu gỡ những bàn tay đang túm cổ nhau ra. Họ nhanh chóng mang các thi thể tới xe, và tất cả rời đi. Mọi người bỗng ào ra đường vây quanh Faraj hỏi về vụ việc. Y vẫy tay xua họ đi, quất chuỗi tràng hạt dài màu đen vào mấy thằng bé, rồi đi thẳng. Phía trên, từ cửa sổ gỗ của một căn nhà cũ bỏ hoang đối diện với nơi những người ăn xin ngồi xổm, có một kẻ ăn xin khác lén lút theo dõi chuyện đang diễn ra. Gã cũng ở chính nơi này vào đêm hôm trước khi tội ác xảy ra, uống một mình, đã nốc nửa chai arak Asriya thì nghe thấy tiếng cãi nhau nơi con đường tối. Ban đầu gã lờ đi bởi chắc đây chỉ là một cuộc cãi vã quen thuộc trong cơn say khướt của đám ăn xin quay về những căn phòng tồi tàn vào cuối đêm mà thôi. Họ đã thóa mạ lẫn nhau và chợt nhớ ra tình cảnh tồi tệ mình đang lâm vào, và họ hiểu ra rằng vấn đề nằm ở sinh vật tình cờ xuất hiện trước mặt họ, kẻ vẫn thường cùng hội ăn xin với mình. Cuộc cãi vã tiếp tục và tiếng chửi rủa càng lúc càng to, hòa lẫn cùng tiếng thở hổn hển, rên rỉ và la hét vì đau. Gã ăn xin say xỉn thò đầu ra ngoài cửa sổ, nhưng chẳng trông thấy gì. Rồi, trong ánh đèn pha của một chiếc ô tô rẽ tít đầu đường, gã thấy năm dáng hình nắm tay nhau di chuyển theo vòng tròn. Vào buổi tối cùng cái hôm xác mấy người ăn xin được phát hiện, kẻ ăn xin say khướt được đưa tới văn phòng của Faraj. Gã bắt đầu bép xép, và lời đã nhanh chóng đến tai Faraj, kẻ coi gã là cơ hội tiềm năng để tăng thêm quyền thế của y. Gã đàn ông vẫn chưa hoàn toàn dứt khỏi cơn say. Thực ra, lúc nào gã cũng say và chẳng có lẽ nào lại tin những gì gã nói, nhưng tận dụng một chút cũng chẳng hại gì. Y tuôn một tràng chửi rủa vào mặt gã ăn xin, mạt sát gã và tất thảy đám đệ tử lưu linh trên đời. Y cầu Chúa quét sạch chúng cùng hành vi ghê tởm của chúng khỏi đất nước này. Y chỉ trích chính phủ, nói rằng chính phủ sợ người Mỹ và đã không áp dụng luật sharia* để cứu người dân khỏi tai ương này. Khi Faraj tuôn ra tràng chửi rủa khủng khiếp ấy, gã ăn xin say khướt nom như một con chuột bơ vơ, sợ hãi. Faraj hỏi gã ăn xin đã nhìn thấy gì, và gã nhắc lại rằng, một tiếng sau khi cảnh sát kéo đi, gã đã loan tin với người dân trong khu: rằng một trong năm người đàn ông là một gã đáng sợ với cái miệng rộng. “Nhưng chỉ có bốn người thôi mà!” “Không, năm. Cả bốn người đều muốn túm cổ người thứ năm, nhưng cuối cùng lại thành ra túm cổ lẫn nhau.” “Cái quái gì mà vô lý thế?” Faraj chậm rãi nhấp một ngụm trà và nhìn gã ăn xin vẻ miệt thị. Cùng lúc đó một người khác cũng đang uống trà - chuẩn tướng Sorour Mohamed Majid, Trưởng Cục Theo dấu và Truy nã. Một trợ lý của chuẩn tướng bước vào phòng ông và đặt hồ sơ “bốn người ăn xin” lên bàn. Chuẩn tướng đặt cốc trà đen xuống đĩa lót, cầm hồ sơ lên, lật ra kiểm tra xem vụ này có thuộc trách nhiệm của cơ quan ông hay không. Đó là bản tóm tắt một báo cáo của cảnh sát trình bày rằng bốn người ăn xin chết vì siết cổ lẫn nhau. 2 Mahmoud và Ali Baher al-Saidi rời khỏi tòa soạn trên chiếc Mercedes đen của Saidi. Thi thoảng Saidi rủ Mahmoud ra ngoài, và Mahmoud thì chẳng có nhiều lựa chọn về chuyện đi hay không. Saidi sẽ gọi Mahmoud, vừa nghe tiếng đã thấy ông đứng ngay ngoài cửa, cầm chiếc cặp da đen chuẩn bị lên đường. “Chúng ta phải đi làm mấy việc vặt, và tôi muốn cậu đi cùng tôi,” Saidi thường nói vậy, và Mahmoud sẽ tò mò muốn tìm hiểu xem ý ông là gì qua cách diễn đạt bí ẩn ấy. Saidi nghiện lối diễn đạt như vậy, những câu nói với cái lưỡi câu lôi kéo những kẻ khác đi theo mình. Ông không bao giờ cho ta biết toàn bộ câu chuyện chỉ trong một câu: ông sẽ hé lộ từng chút từng chút một. Khi đi cùng Saidi, Mahmoud có thể sẽ đi vào Vùng Xanh và bị lục soát kỹ lưỡng. Hoặc họ sẽ đi thang máy với những quan chức cấp cao quen mặt. Có lần anh gặp bộ trưởng Bộ Kế hoạch trong thang máy và thấy ngài bộ trưởng cùng cười với Saidi ra sao. Ồ, họ là bạn! Nhiều phụ nữ bắt tay Saidi - phiên dịch viên, công chức, nhà báo, người làm việc trong quốc hội. Mahmoud nhìn mình trong những tấm gương ở khắp mọi nơi, nhưng cái anh thấy chẳng có nghĩa lý gì. Tất cả những gì anh thấy là Saidi và mạng lưới quan hệ của ông. “Chúng ta đi đâu đây ạ?” Mahmoud hỏi khi họ lên xe của Saidi. Ánh ngày đang nhạt dần, bầu trời dần chuyển sắc đen. Mahmoud đã phải hủy cuộc hẹn với gã bạn Hazem Abboud. Hồi sáng Hazem có mời anh tới một buổi triển lãm ảnh của mấy người bạn làm trong các hãng thông tấn. Có lẽ hôm sau cậu ta sẽ đi, anh tự nhủ. “Chúng ta sẽ tới gặp một người bạn cũ. Cậu có thể lấy được chút thông tin hữu ích từ ông ấy đấy.” “Thông tin về cái gì ạ?” “Tôi đã thuyết phục ông ấy một thời gian. Có những thứ xảy ra lù lù mà chúng ta chẳng biết gì cả. Cái gì đứng sau tất cả sự bất ổn này? Chúng ta cần khai thác bất kỳ mẩu thông tin nào để làm bẽ mặt người Mỹ và chính phủ,” Saidi nói. Mahmoud rõ ràng chẳng hiểu gì. Anh vẫn hình dung Saidi là bạn với người Mỹ và chính phủ; vậy tại sao ông lại muốn làm bẽ mặt họ? Anh không dám hỏi. Anh sẽ tìm hiểu khi họ gặp người bạn cũ này, như Saidi miêu tả ông ta. Họ đi vào Karrada và gặp phải cảnh tắc đường gây ra bởi một đoàn xe Hummer của Mỹ. Đám binh lính đứng trên thùng xe chĩa vũ khí vào các xe đằng sau, vốn giữ khoảng cách ít nhất hai mươi mét. Saidi bật đài, và ca khúc của Whitney Houston cất lên. Saidi có vẻ không khó chịu lắm với cảnh tượng trước mắt. Thực ra, ông hiếm khi tỏ vẻ khó chịu với bất cứ thứ gì. Ông tin vào tương lai, như Farid Shawwaf nói. Nhưng giọng Farid nhuốm vẻ mỉa mai, ý là Saidi biết bản thân ông sẽ ở vị trí tốt hơn trong tương lai. Chẳng liên quan đến đất nước hay những gì xảy ra bên trong nó. Mahmoud hoang mang về những điều Farid nói. Anh không muốn nghĩ quá nhiều về quan điểm riêng của cậu ta đối với Saidi hay quan điểm của Saidi về tình hình nói chung. Những việc đó đòi hỏi một mức độ nỗ lực, tập trung và khoảng cách tâm lý mà ngay lúc này Mahmoud không có, hoặc giả anh chỉ đang cố lừa bản thân nghĩ rằng mình không có. Anh biết Farid Shawwaf là kẻ hằn học, khó bằng lòng và luôn tìm cách gieo điều tiếng cho người khác. Cậu ta thậm chí còn không biết ơn đống rắc rối mà Mahmoud phải hứng lấy để cậu ta được tiếp tục ở lại tòa soạn và tránh khỏi việc bị sa thải cùng với Zaid Murshid, Adnan al-Anwar và Maysa, cô gái gầy gò, kẻ đã khóc như mưa khi bị thông báo cho nghỉ việc. Xe của Saidi tiến vào một cánh cổng đồ sộ hai bên là những bức tường xi măng khổng lồ theo kiểu Mahmoud chưa từng thấy trên đường phố Baghdad. Đêm đã buông, Saidi đã làm một loạt cú rẽ ở Jadriya để tránh tắc đường, vì thế Mahmoud không còn biết họ đang ở đâu nữa. Cổng mở, và họ lái xe dọc theo một con đường dài heo hút với hàng cây bạch đàn hai bên. Họ càng đi xa, không gian càng trở nên tĩnh lặng. Tiếng xe cộ đi lại và còi cảnh sát cứ bặt dần. Đến cuối đường họ rẽ vào một đường nhánh, Mahmoud thấy xe cảnh sát đỗ cạnh một chiếc Hummer của Mỹ và mấy xe dân sự. Một người mặc đồng phục vẫy họ vào chỗ đỗ. Mahmoud và Saidi ra khỏi xe và được một người mặc trang phục dân sự hộ tống vào một tòa nhà hai tầng. Saidi quay sang Mahmoud. “Ừm, cậu không có cuộc hẹn nào hay gì phải không?” ông nói với nụ cười quen thuộc. “Hôm nay chúng ta sẽ ăn trưa cùng nhau.” Họ đi vào một văn phòng lớn, và ngay khi bước vào, Mahmoud đã ngửi thấy mùi xịt phòng hương táo. Một người đàn ông da sáng thấp lùn với một mảng hói nhẵn bóng, vận đồ dân sự và nhai gì đó, đứng lên sau bàn làm việc. Ông và Saidi cười thành tiếng và ôm nhau; rồi ông bắt tay Mahmoud, sau đó tất cả cùng ngồi xuống chiếc xô pha bằng vải lông ở trước bàn làm việc của người đàn ông. Mahmoud biết được rằng ông này là chuẩn tướng Sorour Mohamed Majid, Trưởng Cục Theo dấu và Truy nã. Nhưng truy nã cái gì, Mahmoud tự hỏi. Anh nghĩ có lẽ mình sẽ tìm ra trong cuộc gặp gỡ này. Saidi đã nói cuộc gặp sẽ ngắn thôi, nhưng cuối cùng lại kéo dài tới hơn hai tiếng đồng hồ. Chủ đề nói chuyện rất rộng, và thỉnh thoảng họ lại cười đến chảy cả nước mắt. Mahmoud cũng cười theo; anh không hề lấy đó làm phiền. Anh chẳng có kế hoạch gì khác; anh tự quyết được việc của mình. Tất cả những gì anh phải làm sau đó chỉ là trở về căn phòng khách sạn thảm hại ở Bataween. Nhưng anh thèm một điếu thuốc ghê gớm, mà người đàn ông chỉn chu với căn phòng thơm mùi táo này không có vẻ gì là hoan nghênh người hút thuốc cả. Bản thân Saidi cũng không châm lấy một điếu. Mahmoud biết được từ cuộc gặp rằng chuẩn tướng Majid là bạn cũ của Saidi. Họ học trung học cùng nhau, nhưng năm tháng đã chia tách họ. Giờ họ gặp lại, có lẽ là một phần của nhiệm vụ chung: phục vụ một Iraq mới. Chuẩn tướng Majid từng là thượng tá trong cơ quan tình báo của quân đội Iraq cũ, và vì vai trò mới này, ông được miễn khỏi luật loại trừ người đảng Ba’ath cũng như được thăng cấp tới một vị trí nhạy cảm hiếm khi được nhắc đến công khai. Ông chịu trách nhiệm về một đơn vị thông tin đặc biệt do người Mỹ thành lập và đến giờ vẫn nằm chủ yếu dưới sự giám sát của họ. Nhiệm vụ của đơn vị này là theo dõi những hành vi phạm tội khác thường, các truyền thuyết đô thị và lời đồn mê tín dị đoan nảy sinh quanh những vụ việc nhất định, rồi tìm xem chuyện gì thực sự xảy ra, và quan trọng hơn, là dự đoán những tội ác trong tương lai: đánh bom xe, hay ám sát các quan chức và các yếu nhân. Cơ quan này đã phụng sự tốt trong lĩnh vực này hơn hai năm qua. Họ hoạt động bí mật, và thông tin họ có được trong tay được sử dụng một cách gián tiếp. Cục Theo dấu và Truy nã chưa bao giờ được nhắc đến công khai, để giữ vai trò bí mật của nó và bảo vệ những người làm việc bên trong tổ chức. Mahmoud không hiểu tại sao Saidi lại sắp xếp cho anh thu thập tất cả những thông tin này. Tại sao Saidi lại tin tưởng anh đến mức đưa anh đi cùng trong những nhiệm vụ bí ẩn này? Đây không phải lần đầu tiên, và cũng chẳng có vẻ là lần cuối cùng. Anh đã dành hai tháng qua rong ruổi cùng Saidi trên chiếc Mercedes đen của ông, đi từ nơi này đến nơi khác. Anh biết, và anh nghĩ Saidi cũng biết, rằng những vụ ám sát gần đây nhắm đến không chỉ những nhân vật quan trọng mà là bất kỳ ai như Saidi, những người ăn vận bảnh bao và lái một chiếc xe bóng bẩy. Có kẻ sẽ ám sát ông một ngày nào đó. Bất cứ ai ở cùng ông vào thời điểm ấy có thể sẽ chết cùng. Câu chuyện về Mahmoud al-Sawadi và những giấc mơ thăng tiến trong sự nghiệp sẽ đột ngột chấm hết. Saidi có thể là kẻ ngốc hoặc người hùng, kẻ mù mờ với những gì xảy ra quanh mình hoặc một người phiêu lưu gan dạ. Mahmoud thì thích nhìn nhận mình như một kẻ ngốc hơn, ít nhất là trong mối quan hệ với bản thân nếu không phải với những người khác, bởi những bước ngoặt trong đời anh đến vì những thứ ngớ ngẩn, chứ không phải nhờ lên kế hoạch hay sự thông minh sáng suốt. Việc anh đến Baghdad, chẳng hạn thế, là do một sai lầm lớn mà anh đã gây nên hồi còn ở Amara. Một thanh niên lực lưỡng đặt một cái khay cùng mấy cốc trà bầu bầu lên chiếc bàn kế bên họ. Mahmoud thoát khỏi cơn mơ màng. Chuẩn tướng Majid vẫn tiếp tục từ chối hé lộ cho Saidi bất cứ thông tin nào có thể công bố. “Chúng tôi có các nhà phân tích trong lĩnh vực cận tâm lý, chiêm tinh học, những người chuyên giao tiếp với linh hồn và djinn*, cùng các nhà tiên tri,” chuẩn tướng nói. “Anh có thực sự tin vào mấy thứ đó không?” “Có ích đấy. Anh không biết là chúng tôi phải giải quyết bao nhiêu chuyện kỳ bí đâu. Mục đích là để có thêm sự kiểm soát, cung cấp thông tin về những nguồn bạo lực và kích động thù hận, và để ngăn chặn một cuộc nội chiến.” “Nội chiến?” “Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến thông tin. Một cuộc nội chiến thông tin. Và một số nhà tiên tri của tôi đang nói rằng trong vòng năm hoặc sáu tháng tới sẽ có một cuộc chiến thực sự.” Tim Mahmoud đập loạn khi nghe những gì Majid nói. Đầu anh quay cuồng như động cơ phản lực. Anh cố tiêu hóa cơn lũ khái niệm kỳ lạ này nhưng không thể. Anh lặng ngắt, nắm chặt quai cốc trà nhưng không uống. Anh cảm giác như thể mình chỉ là một đôi tai không hơn. “Tôi có nên mua cái máy in ép mà tôi đã nói với anh không? Liệu tôi nên hay không nên mở rộng hoạt động của mình?” Saidi hỏi. Chuẩn tướng Majid đứng lên tắt hết điện thoại di động vừa mới bắt đầu đổ chuông cả loạt. Ông nhìn Saidi ở đằng xa qua mép cặp kính. “Tôi nghĩ là không nên,” ông đáp. “Hiện giờ tôi sẽ gạt việc đó qua một bên.” Saidi không gặng hỏi thêm. Ông quay lại việc cố thu thập thông tin để đưa lên báo. Chuẩn tướng Majid cầm một tập hồ sơ trên bàn lên ve vẩy. “Đây là hồ sơ về bốn người ăn xin bị bóp cổ chết mấy ngày trước ở Bataween. Họ bóp cổ lẫn nhau. Hành động này gửi đến một thông điệp. Có những người đang cố truyền tải gì đó. Chúng tôi chưa có nhiều thông tin, nhưng anh có thể theo vụ này bằng cách giữ liên lạc với đồn cảnh sát Saadoun.” Saidi nhìn Mahmoud như thể muốn nói anh hãy nhận nhiệm vụ này đi. Rồi ông quay lại nhìn chuẩn tướng vẫn đang đứng bên bàn. Từ chỗ xô pha, Saidi hỏi ông về những câu chuyện tương tự, nhưng chuẩn tướng nói ông không thể tiết lộ thêm gì. Ngừng một lúc, chuẩn tướng lại quay trở về đứng giữa phòng. “Có những báo cáo về những tên tội phạm bị bắn nhưng không chết,” ông lên tiếng. “Một số báo cáo từ nhiều nơi khác nhau ở Baghdad. Đạn xuyên vào đầu hay người của tội phạm, nhưng hắn vẫn cứ bước đi mà không hề chảy máu. Chúng tôi đang cố đối chiếu những báo cáo này vì tôi không nghĩ đó chỉ là lời phóng đại hay thêu dệt.” Ông tới bên mép bàn nhấn chuông. Trước khi tay thanh niên lực lưỡng có thời gian phản ứng, chuẩn tướng Majid nhìn người bạn cũ và mỉm cười. “Anh đến vì cái máy in, không phải sao?” ông nói. Và rồi, như thể nhận ra những thông tin mật của mình có thể dẫn tới rắc rối, ông nói thêm: “Nếu anh định viết bài cho tạp chí, ai mà tin anh chứ?” Hai ông già phá lên cười, và Mahmoud nhận thấy mình cũng cười cùng họ. 3 Buổi tối, nằm trên giường trong căn phòng ở khách sạn Orouba, Mahmoud bật máy ghi âm lên và nói vào đó: “Lạ thật… Saidi giễu cợt những trách nhiệm kỳ quái của bạn ông ấy. Ông giễu cợt djinn và trò bói toán, nhưng rồi lại xin lời khuyên về việc mua một cái máy in. Ông ấy chắc hẳn đã có được chút thông tin dựa trên các phỏng đoán. Ông ấy không tranh luận. Mà chỉ mặc nhiên thừa nhận những gì người kia nói. Chắc hẳn ông ấy thường nhận được thông tin tương tự, vì thế ông ấy cảm thấy an toàn khi di chuyển quanh Baghdad. Ông ấy không sợ đi ra ngoài công khai, chẳng phải vì dũng cảm mà bởi ông ấy biết mình sẽ không chết. “Ông ấy nói về nội chiến như thể đó là một bộ phim người ta chờ đợi xem ở rạp. Họ phá lên cười. Vì thế chắc hẳn mọi chuyện sẽ không quá tồi tệ. Nếu ở gần Saidi, mình có thể chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ không tệ đi, ít nhất là với mình. “Saidi là người Hồi giáo, còn bạn ông ấy là người đảng Ba’ath. Nhưng Saidi là một người Hồi giáo ly khai. Quan điểm của ông ấy đã thay đổi trong thời gian ra nước ngoài sinh sống. Còn người bạn chuẩn tướng của ông ấy là một người đảng Ba’ath ly khai. Ông có mối thâm tình với Saidi và là bạn cũ, nom bọn họ có vẻ thân nhau. Nhưng tại sao Saidi lại giễu cợt Majid? Ông ấy giễu cợt mùi táo mà chiếc máy khử mùi trên tường cứ khoảng mỗi phút lại phun ra chút xíu, nói rằng người đảng Ba’ath ưa mùi táo. ‘Vũ khí hóa học mà họ thả xuống Halabịa có mùi táo,’ ông vừa cười vừa nói. “Nghe mà phát buồn nôn. Chúa ơi. Nhưng tại sao ông ấy lại để mình chứng kiến tất cả? Mình đã hỏi Bố Anmar về bốn người ăn xin, và ông ta đã xác nhận chuyện đó. Ai nấy trong vùng đều đã nghe chuyện, người dân địa phương sợ hãi và cảnh giác, vì kẻ sát nhân đã giết mấy người ăn xin, những kẻ khi sống thì vô danh song chết rồi thì trở nên nổi tiếng. Hắn đã bóp cổ họ, và rồi, bằng một thao tác kỳ dị và phức tạp nào đó, hắn đặt tay họ vòng quanh cổ nhau.” Mahmoud tắt máy ghi âm đi. Anh nhớ lại lời giải thích của Saidi: “Có một số điểm nhất định trên vai, lưng và cột sống, mà nếu ta châm cứu vào, tất cả cơ bắp trong cơ thể sẽ căng lên và cứng dơ lại. Có lẽ đó là những gì đã xảy ra với bốn gã điên đó.” “… bốn người ăn xin,” Mahmoud sửa lại. Sau đó anh hỏi Saidi liệu có nên theo đuổi vụ này hay không. “Còn những vụ khác đáng giá hơn nhiều. Thôi bỏ đi,” ông đáp. Mahmoud cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi những cuộc trò chuyện thú vị anh đã nghe, nhất là trong bữa trưa. Đó là một bữa trưa cao cấp mà chuẩn tướng Majid chuẩn bị để chào đón những nhà báo ghé thăm. Bàn ngồn ngộn đồ ăn thức uống, thứ gì cũng có trừ rượu. Mahmoud biết được rằng chuẩn tướng muốn giữ hình ảnh vẹn nguyên trong mắt các đảng phái của liên minh cầm quyền. Ông ở một vị trí nhạy cảm. Ngay lúc ông giám sát những người bình thường, thì cũng có những kẻ khác giám sát và báo cáo về ông với các đảng phái trong chính phủ, vốn không có cái nhìn thiện cảm với ông vì quá khứ của ông cũng như vì ông từng phục vụ chế độ cũ. Nhưng họ phải chấp nhận ông vì năng lực của ông được thừa nhận và bởi người Mỹ ủng hộ và bảo vệ ông trước những hành vi bạo lực bốc đồng liều lĩnh từ các đối tác Iraq của họ. Saidi và chuẩn tướng đã nói qua tất cả những vấn đề của đất nước, và không như những người có quyền lực, họ có vẻ biết giải pháp là gì. Có sự ngu dốt và tầm nhìn thiển cận trong số những kẻ cầm quyền mới. Giải pháp luôn sẵn đó. Mọi vấn đề đều có thể giải quyết trong nửa giờ đồng hồ, ít nhất là trên lý thuyết, nếu người ta thực sự quyết tâm giải quyết chúng. Nhưng giờ có hai thế lực đối đầu, Mahmoud ngẫm nghĩ - một bên là người Mỹ và chính phủ, bên kia là những kẻ khủng bố và dân quân chống chính phủ đủ loại. Thực tế thì “khủng bố” là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả những ai chống chính phủ và người Mỹ. Mahmoud bật lại máy ghi âm và đua sát lên môi. “Chẳng phải cả hai người đó, theo cách này theo cách khác, đều làm việc với người Mỹ sao?” anh nói. “Tại sao họ lại muốn gây ấn tượng với mình rằng họ là những người yêu nước đến vậy? Cái mớ bòng bong này là gì? Ôi! Lần sau Saidi rủ mình đi cùng thì mình phải từ chối mới được, lần nào chuyện đó cũng làm mình quay cuồng. Công việc của mình ở tòa soạn kết thúc lúc ba hoặc bốn giờ chiều. Đó cũng là lúc mối quan hệ của mình với Saidi kết thúc. Mình có công việc ở tạp chí của ông ấy, chứ không phải trong đời ông ấy.” Buổi sáng, Mahmoud khoác lên mình hai món quần áo sạch cuối cùng và nhét quần áo bẩn vào một cái túi to để mang tới tiệm giặt là Akhawain kế bên khách sạn khi anh ra ngoài. Anh xuống sảnh và ngạc nhiên thấy Hazem Abboud ngồi cùng Bố Anmar và Luqman, người Algeria duy nhất giữa cả đống người Iraq và là người trọ lâu năm trong khách sạn Orouba. Rất khó phát hiện Luqman là người Algeria vì ông ta nói giọng Iraq quá chuẩn. Tất cả quây quần quanh bàn, tán gẫu bên món kem đặc, bánh ngọt và trà đặc. Veronica, người phục vụ phòng đẫy đà, cùng cậu con trai tuổi thiếu niên đang thoăn thoắt đi từ phòng này sang phòng khác với cây chổi lau sàn và cái xô, làm công việc dọn dẹp hằng tuần. Có phải Hazem đã qua đêm ở khách sạn này không? Mahmoud chào anh ta, Luqman và Bố Anmar, và họ mời anh cùng ăn sáng với họ. Anh ngồi xuống với một cốc trà nóng, nhớ lại vài trao đổi bí ẩn tối hôm trước. Anh uống một ngụm trà lớn, như thể muốn xóa đi những ký ức khó chịu đó. Mahmoud quay sang Hazem hỏi anh ta qua đêm ở đâu, anh ta đến khách sạn khi nào, và cuộc triển lãm ảnh ra sao. Nhưng Bố Anmar đã ngắt lời anh. “Thưa ông Sawadi,” anh ta nói, “tôi sẽ cẩn thận khi ra ngoài - cảnh sát ở khắp nơi đấy. Một người đàn ông mới bị giết sáng nay.” 4 Người đàn ông ấy không ai khác mà chính Bố Zaidoun, lão thợ cắt tóc già chỉ toàn da bọc xương. Họ tìm thấy lão gục xuống trên chiếc ghế nhựa trắng trước tiệm cắt tóc từng thuộc về lão - lão đã giao lại cho thằng con trai út nhiều năm trước khi lão không còn tự đứng vững được nữa. Trông lão có vẻ như đang ngủ, ít nhất là với những ai nhìn thấy lão từ xa, nhưng chuôi chiếc kéo bằng thép không gỉ lòi ra từ đầu xương ngực lão, nơi hõm cổ. Kẻ nào đó đã lẻn vào tiệm khi thằng con trai ra ngoài uống trà chỗ chiếc xe đẩy góc phố, nơi đường nhỏ giao với đường chính, và cầm kéo đâm lão già bấy giờ đã chìm đắm vào thế giới tưởng tượng do bệnh mất trí giai đoạn cuối. Có những người từ lâu đã mong đợi lão gặp kết cục như vậy. Bố Zaidoun sẽ không chết yên ổn trên giường: công lý thiêng liêng không cho phép điều đó. Báo cáo pháp y cho biết lão chết vì đau tim. Có lẽ kẻ thủ ác đã giết một người đã chết. Lũ con trai của lão già chấp nhận lời giải thích đó, không còn hơi sức đâu mà theo đuổi mối thù. Khi tay cò nhà đất Faraj nghe tin Bố Zaidoun bị giết, y thốt lên, “Tội nghiệp! Xém chút nữa đã được gặp Đồng chí Tối cao rồi.” Y nói với vẻ mỉa mai, kéo dài từ “đồng chí” với nụ cười nhăn nhó. Những người khác nhớ lại sự nghiệp dài hơi của lão già, nhớ lại rằng lão phải chịu trách nhiệm cho việc đưa quá nhiều thanh niên ra trận. Lão đã hoạt động trong các tổ chức của đảng Ba’ath, kiên trì bám theo tất cả những kẻ đào ngũ hoặc tìm cách trốn tránh huấn luyện quân sự. Lão hẳn đã tham gia bố ráp vài ngôi nhà, và lão chẳng thiếu kẻ thù, nhưng không ai biết kẻ nào đã giết lão. Rõ ràng đó không phải ngẫu nhiên. Tại lễ truy điệu, mọi người cố hết sức tôn vinh những phẩm chất của Bố Zaidoun - rằng lão đã giúp đỡ người khác và dang tay hỗ trợ những người đang gặp khó khăn và rồi, xét cho cùng, cái tiếng đảng viên nhiệt huyết, tàn nhẫn chỉ được áp dụng trong những năm đầu Chiến tranh Iran-Iraq mà thôi. Đó là cách mọi người muốn nhớ về lão; cái chết mang lại phẩm giá cho người chết, có lẽ vậy, và để khiến người sống cảm thấy day dứt đến độ buộc phải tha thứ cho người đã khuất. Có ít nhất một người không có ý định lượng thứ cho Bố Zaidoun. Công lý đến muộn không có ích gì. Nó phải xảy ra ngay bây giờ. Sau này là thời khắc cho sự trả thù, cho nỗi thống khổ triền miên giáng xuống bởi một vị thần công bằng, thống khổ bất tận, bởi trả thù là phải như thế. Nhưng công lý phải thực hiện tại đây trên trái đất này, với sự có mặt của các nhân chứng. Elishva đã có cảm giác mơ hồ về điều này khi Mẹ Salim bạn của bà bàng hoàng kể bà nghe chuyện lão già độc ác đó bị ngã như thế nào. Bản thân Mẹ Salim cũng từng thề sẽ ngã một con cừu ở trước cửa nhà nếu Chúa giáng sự trả thù xuống Bố Zaidoun, nhưng giờ mụ đã quên tiệt. Đã hơn hai mươi năm kể từ khi Salim, con trai cả của mụ, tử trận nơi sa trường. Nhưng Elishva thì không quên. Mẹ Salim còn có ba đứa con khác và một ngôi nhà rộn ràng sự sống, trong khi Elishva già nua chỉ có một con mèo xơ xác, vài bức ảnh và đống đồ đạc cũ. Khi nghe chuyện Bố Zaidoun bị giết, bà đã tạ ơn Chúa và nhớ lại một trong những lời thề trang nghiêm của mình - rằng bà sẽ thắp hai mươi cây nến hồng trên bàn thờ Đức Mẹ Đồng trinh ở nhà thờ Armenia, và bà sẽ chỉ rời khỏi bàn thờ khi nến đã cháy hết và hai muôi sợi bấc chìm xuống lớp sáp nóng chảy. Thế rồi nỗi đau lòng vì mất con sẽ chấm dứt: bà sẽ thấy sự công bằng của Chúa, và Người sẽ xứng đáng với những lời tạ ơn của bà. Nếu bà hỏi cha Josiah, cha sẽ bảo bà cầu xin sự tha thứ cho Bố Zaidoun - điều bà sẽ không bao giờ làm. Nếu bà hỏi Chúa hay Thánh George Tử đạo hoặc bóng ma con trai bà, họ sẽ bảo bà không cần phải cầu xin sự tha thứ cho Bố Zaidoun. Bà được toàn quyền tìm kiếm sự trả thù bởi nó sẽ làm """