"
Ellie Yêu Dấu - Lisa Jewell PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ellie Yêu Dấu - Lisa Jewell PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Ellie Yêu Dấu
—★—
Tác giả: Lisa Jewell
Người dịch: Thanh Yên Phát hành: I love Books Nhà xuất bản Thế Giới 2020
ebook♥vctvegroup
Lời giới thiệu
Ghi chú về tên nhân vật “Sara-Jade Virtue”:
Tên gọi “Sara-Jade Virtue” được tôi lấy cảm hứng từ một người có thật. Đó là cô Sarajade Virtue, người thắng cuộc trong buổi đấu giá Get In Character hồi năm 2016 để quyên tiền cho quỹ từ thiện CLIC Sargent của Anh. Một điều tình cờ, Sara-Jade là một trong những nhân vật giỏi giang, nhiệt tình, có ảnh hưởng bậc nhất ngành xuất bản Anh và tôi cực kỳ lấy làm vinh hạnh được mượn tên của cô ấy.
Sứ mệnh của CLIC Sargent là hỗ trợ trẻ em và người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh ung thư. Họ tin rằng những người này có quyền được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ - không chỉ xuyên suốt hành trình chiến đấu với ung thư mà còn tương lai sau đó. Và họ xứng đáng có cơ hội tốt nhất để tiếp tục cuộc sống sau khi việc điều trị ung thư kết thúc. http://www.clicsargent.org.uk/
Mở đầu
Những tháng ngày trước khi cô bé mất tích là quãng thời gian đẹp đẽ nhất. Thật sự là đẹp nhất! Mỗi khoảnh khắc cô bé trải qua là một món quà tặng khác biệt. Nó đến và nói: Tôi đây, một khoảnh khắc hoàn hảo nữa đây này. Nhìn tôi xem, cậu có thể tin được là tôi đẹp tới vậy không? Buổi sáng nào cũng là bản hòa ca rộn ràng của mascara, tâm trạng hồi hộp và mạch đập liên hồi khi cô bé đến gần cổng trường. Niềm vui vỡ òa khi cô nhìn thấy chàng trai ấy. Từ lúc nào trường học không còn là cái lồng bó buộc mà trở thành phim trường đầy sống động và cuốn hút cho câu chuyện tình ái của cô.
Ellie Mack không thể tin được là Theo Goodman muốn đi chơi với mình. Đó là anh chàng đẹp trai nhất khối mười một. Không có gì phải bàn cãi! Hồi lớp mười, cậu ta đã đẹp trai nhất rồi, lớp chín và tám cũng vậy. Lớp bảy thì không cần nhắc đến bởi chẳng có cậu trai lớp bảy nào nhìn được mắt cả. Bọn con trai lớp bảy chỉ là một lũ bé tí, mắt thô lố chuyên xỏ những đôi giày to sụ và lọt thỏm trong chiếc áo khoác quá khổ.
Theo Goodman chưa từng có bạn gái nên ai cũng nghĩ cậu ta đồng tính. Theo chuẩn dành cho bọn con trai thì Theo xinh trai, rất gầy và cực kỳ, cực kỳ dễ thương. Bất kể Theo có đồng tính hay không thì Ellie đã mơ mộng về cậu ta nhiều năm liền. Chỉ cần được làm bạn với Theo là Ellie vui rồi. Ngày nào Theo cũng đi bộ tới trường cùng người mẹ trẻ trung, xinh đẹp của mình. Mẹ Theo mặc đồ thể thao, buộc tóc đuôi ngựa và thường dẫn theo một con chó bé xíu. Trước khi thong thả bước qua cổng trường, Theo bế chú chó lên, hôn má nó rồi nhẹ nhàng thả xuống vỉa hè; tiếp đó cậu hôn mẹ. Theo chẳng thèm để tâm đến cái nhìn của những người xung quanh. Cậu vốn _tự tin_ mà.
ồ ắ
Rồi vào một ngày năm ngoái, ngay sau kỳ nghỉ hè, Theo bắt chuyện với Ellie. Chỉ có thế. Trong giờ ăn trưa, họ nói chuyện với nhau về mấy chủ đề tương tự như bài tập về nhà. Và Ellie, dù lơ ngơ hết cỡ về mọi thứ nhưng lập tức nhận ra Theo là trai “thẳng”. Chưa hết, lý do cậu chàng bắt chuyện là vì thích cô bé. Rõ như ban ngày! Thế là hai người trở thành một cặp. Vậy mà cô bé từng nghĩ mọi chuyện phải phức tạp hơn nhiều chứ.
Nhưng chỉ cần một bước đi sai lầm, một nút thắt nhỏ xíu trong cuộc đời cũng đủ đặt dấu chấm hết cho mọi chuyện - không chỉ chuyện tình của hai người, mà là tất cả. Thanh xuân. Cuộc sống. Ellie Mack. Tất cả đều mất đi, mãi mãi. Phải chi Ellie có thể quay ngược thời gian, tháo gỡ nút thắt ấy và đẩy mọi chuyện theo chiều hướng ngược lại, cô bé sẽ nhìn ra các đầu mối, nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo. Nhìn lại quá khứ thì bao giờ cũng dễ dàng hơn. Nhưng lúc đó, làm sao cô bé biết được chuyện gì sắp xảy ra. Cô bé ngây thơ cứ mở to mắt mà bước thẳng về phía bi kịch.
Phần một
1
Bà Laurel bước vào căn hộ của con gái. Dù hôm đó trời khá sáng sủa song căn hộ vẫn u tối và ảm đạm. Cửa sổ phía trước bị che kín bởi một nùi dây đậu tía trong khi phía còn lại của căn hộ bị phủ bóng bởi khu rừng nhỏ.
Căn hộ là kết quả của một vụ mua sắm bốc đồng. Khi ấy, Hanna nhận được khoản tiền thưởng đầu tiên và cô muốn trút vào đâu đó có giá trị trước khi nó bốc hơi. Những người chủ cũ trang hoàng căn hộ rất đẹp nhưng Hanna thậm chí còn không dành thời gian sắm sửa nội thất, khiến căn hộ giờ trông giống như một kẻ cô quạnh sau ly hôn. Việc Hanna không bận tâm chuyện mẹ mình tới dọn dẹp khi cô vắng nhà chính là bằng chứng cho thấy với cô, căn hộ chẳng khác nào một phòng khách sạn khá khẩm.
Theo thói quen, bà Laurel bước nhanh qua lối đi lộn xộn để vào thẳng nhà bếp, lấy ra bộ đồ nghề lau dọn bên dưới bồn rửa. Có vẻ Hanna không về nhà vào đêm hôm trước. Trong bồn rửa không có chén ăn ngũ cốc, trên mặt bàn làm việc không có vết sữa bắn và bên cạnh gương trang điểm để trên bệ cửa sổ không có tuýp mascara nào quên đóng. Sống lưng bà Laurel đột nhiên lạnh toát. Hanna lúc nào cũng về nhà, con bé đâu còn nơi nào khác để đi. Bà lấy điện thoại trong giỏ xách, run rẩy bấm số Hanna và lóng ngóng khi thấy cuộc gọi được chuyển thẳng vào hộp thư thoại - luôn là như thế mỗi khi Hanna đang ở chỗ làm. Chiếc điện thoại tuột khỏi tay bà Laurel, rơi trúng một bên giày nên không bị vỡ.
“Chết tiệt,” bà rít lên, nhặt điện thoại và nhìn chằm chằm vào nó một cách vô hồn. Bà lại lẩm bẩm: “Chết tiệt!”
Bà không biết phải gọi ai để hỏi: “Có gặp Hanna không? Có biết Hanna ở đâu không?” Cuộc đời con gái bà đơn giản là chẳng kết nối với nơi nào. Tất cả chỉ là những đốm sinh tồn ẩn hiện đây đó. Bà
nghĩ tới khả năng Hanna qua lại với đàn ông nhưng Hanna chưa từng có bạn trai. Từng có người nghi rằng Hanna không có bạn trai bởi cô thấy làm vậy là quá có lỗi với em gái mình - người sẽ vĩnh viễn không có bạn trai. Nghi vấn đó càng có sức nặng khi nhìn vào căn hộ thảm hại và cuộc sống thu mình của Hanna.
Bà Laurel biết rõ bản thân mình vừa lo lắng quá mức lại vừa rất điềm tĩnh. Nếu con của bạn ra khỏi nhà vào một buổi sáng, đeo một ba lô đầy sách để đến học tại thư viện cách đó mười lăm phút đi bộ và rồi không bao giờ quay về nữa, bạn sẽ biết trên đời này chẳng có thứ gì là thái quá cả. Với một người đã trải qua biến cố như vậy thì chuyện đứng trong bếp của con gái lớn, tưởng tượng ra cảnh con bé chết gục ở xó xỉnh nào đó chỉ vì không nhìn thấy cái bát ăn ngũ cốc trong bồn rửa là hết sức hợp lý.
Bà gõ tên công ty của Hanna vào công cụ tìm kiếm, nhấn vào đường link có số điện thoại. Tổng đài nối máy tới số nhánh của Hanna trong khi bà Laurel nín thở chờ đợi. “Hanna Mack đây ạ.” Đây rồi, đúng giọng con gái bà, cụt lủn và lãnh đạm.
Bà Laurel không nói một lời, lặng lẽ nhấn nút kết thúc cuộc gọi rồi cất điện thoại vào túi xách. Bà mở máy rửa bát của Hanna và bắt đầu lấy bát đĩa ra.
2
Cuộc sống của bà Laurel mười năm trước như thế nào nhỉ, khi bà hãy còn ba đứa con chứ không phải hai như bây giờ? Có phải là sáng nào bà cũng tỉnh dậy tràn trề sinh khí? Câu trả lời là không. Laurel thuộc típ người bi quan. Ngay trong những lúc dễ chịu nhất, bà cũng có cả đống thứ để than phiền. Tin vui với bà chỉ tồn tại ngắn ngủi và nhanh chóng bị xóa tan bởi những mối bận tâm mới. Vậy đấy, bà thức dậy mỗi sáng với niềm tin sắt đá rằng mình ngủ chẳng ngon lành gì (dù thực tế ngược lại đi nữa), rồi bà lo tới những chuyện như mập bụng, tóc dài quá (hoặc ngắn quá), nhà to quá (hoặc nhỏ quá), tài khoản ngân hàng rỗng tuếch, người chồng quá lười biếng, con cái quá ồn ào (hoặc không thèm hé răng). Chuyện con cái sẽ rời nhà, hoặc ở lì không thèm đi, dĩ nhiên cũng làm bà băn khoăn.
Cứ mở mắt ra là bà phát hiện cả đống thứ, từ chuyện con mèo tái nhợt rải lông đầy chiếc váy đen mà bà vắt trên lưng ghế trong phòng ngủ, chiếc dép đi trong nhà bị mất tới quầng thâm dưới mắt Hanna. Đập vào mắt bà còn có mớ quần áo giặt khô mà bà định xử lý gần tháng qua, vết rách trên giấy dán tường ở tiền sảnh, nốt mụn phát khiếp trên cái cằm dậy thì của Jake… Góp thêm vào bức tranh ấy là mùi thức ăn mèo rơi vãi, cái thùng rác mà cả nhà ai cũng làm lơ không chịu đổ (thay vào đó những bàn tay lười biếng cố ấn thêm rác vào). Đó chính là cuộc sống hoàn hảo một thời của bà Laurel: Xen lẫn giữa mớ mùi mẽ khó chịu và núi công việc làm mãi không xong là những mối lo lắng tủn mủn cùng xấp hóa đơn trễ hẹn.
Cho tới một buổi sáng, cô con gái vàng ngọc, con bé út cục cưng, người bạn tâm giao, niềm tự hào và niềm vui lớn lao của bà rời khỏi nhà mà không bao giờ quay về nữa.
Bà cảm thấy thế nào trong mấy giờ đầu khi sự việc mới được phát giác? Trong đầu bà, tim bà, cảm xúc gì đã xóa tan tất cả nỗi
ề ồ ổ
muộn phiền vặt vãnh kia? Sự kinh hoàng. Tuyệt vọng. Buồn khổ. Khiếp hãi. Đau đớn tột cùng. Hoảng loạn. Tan nát cõi lòng. Lo sợ. Những từ ngữ thống thiết đó thậm chí chưa đủ để lột tả tâm trạng của bà Laurel.
“Chắc con bé ở nhà Theo. Sao em không gọi cho mẹ thằng bé?” Ông Paul nói. Nhưng bà Laurel biết chắc chắn con gái mình không có ở đó. Trước khi đi, con bé nói với bà: “Con sẽ về đúng giờ ăn trưa. Còn mì nướng lasagne không hả mẹ?”
“Còn đủ cho một người thôi.”
“Đừng để chị Hanna ăn đấy! Jake cũng không được luôn! Mẹ hứa đi mẹ!”
“Được rồi, mẹ hứa.”
Sau đó là tiếng cửa trước lách cách, âm thanh trong nhà nhỏ bớt lại do có một người ra ngoài. Bà Laurel còn phải lấy bát đĩa ra khỏi máy rửa bát, gọi một cú điện thoại, mang Lemsip[1] lên tầng trên cho ông Paul. Chồng bà đang bị cảm và chuyện này gây khó chịu cho bà Laurel nhiều nhất.
“Paul đang bị cảm.”
Bà đã than vãn chuyện này với bao nhiêu người mấy ngày nay rồi nhỉ, kiểu vừa nói vừa đảo mắt vừa thở dài mệt mỏi ấy? “Paul đang bị cảm.” (Đúng là rách việc. Còn gì là đời tôi. Thật đáng thương cho tôi).
Dù vậy, bà Laurel vẫn gọi điện cho mẹ của Theo.
Bà Becky Goodman trả lời: “Tôi thực sự lấy làm tiếc nhưng con bé không ở đây. Theo ở nhà cả ngày và chúng tôi không nghe tin gì về Ellie hết. Nếu tôi có thể giúp được gì thì hãy nói cho tôi biết nhé…”
Khi trời về chiều, bà Laurel đã gọi điện hết cho bạn bè Ellie. Bà cũng tới thư viện và được cho xem máy quay an ninh. Ellie không hề đặt chân đến thư viện hôm đó. Mặt trời lặn dần và ngôi nhà chìm vào bóng tối lạnh lẽo, chỉ có ánh chớp trắng lóe lên đều đặn báo hiệu một cơn bão đang lặng lẽ hình thành trên cao. Chỉ đến lúc đó, bà Laurel mới chịu thừa nhận nỗi sợ hãi đeo bám bà cả ngày nay. Bà gọi điện cho cảnh sát.
ầ ầ ấ ổ ố
Và lần đầu tiên bà thấy ghét ông Paul. Trong buổi tối định mệnh đó, ông Paul lùm xùm áo choàng, đi chân không, trên người toàn mùi giường chiếu, nước mũi. Ông cứ sụt sịt, sụt sịt suốt rồi lại hỉ mũi, tạo ra thứ âm thanh kinh khủng. Tiếng thở miệng nặng nề của ông qua đôi tai cực kỳ nhạy cảm của Laurel không khác gì tiếng khò khè giãy chết của quái vật.
“Mặc đồ đàng hoàng vào đi,” bà Laurel cáu kỉnh. “Làm ơn.” Ông Paul nghe lời như một đứa trẻ bị mắng mỏ. Vài phút sau, ông xuống gác, mặc nguyên một bộ quần áo đi chơi mùa Hè, với quần soóc kiểu lính và áo thun sáng màu. Nhìn ông hết sức ngứa mắt, không thể chịu đựng được!
“Hỉ mũi đi,” bà ra lệnh tiếp. “Hỉ cho sạch ấy. Đừng có để sót lại.” Một lần nữa, ông líu ríu làm theo. Một cách chán chường, bà nhìn theo khi ông vo tròn nhúm khăn giấy rồi ủ dột bước qua nhà bếp để vứt vào thùng rác.
Sau đó, cảnh sát tới.
Sau đó nữa, sự đày đọa bắt đầu.
Sự đày đọa chưa bao giờ chấm dứt.
Thỉnh thoảng, bà Laurel tự hỏi nếu hôm đó ông Paul không bị cảm - thay vào đó, ông phóng về nhà ngay sau cú điện thoại đầu tiên của vợ, trên người là bộ trang phục công sở chỉn chu, toàn thân toát lên vẻ vững chãi và nhanh nhẹn, rồi ông ngồi xuống ngay cạnh bà, vòng tay ôm chặt vợ - thì mọi chuyện có khác đi hay không? Nếu ông không khò khè thở qua đường miệng, không khụt khịt liên hồi và không lấm la lấm lét, liệu họ có vượt qua được chuyện này? Hay là có lý do gì nữa khiến bà trở nên ghét ông?
Cảnh sát ra về vào tầm tám giờ rưỡi tối. Không lâu sau đó, Hanna xuất hiện ở cửa bếp, giọng rụt rè, “Mẹ ơi, con đói.”
Bà Laurel liếc đồng hồ, “Ôi Chúa ơi, mẹ xin lỗi. Chắc là con đói lắm rồi.” Bà nặng nề nhấc mình dậy, thẫn thờ xem qua tủ lạnh cùng con gái.
“Món này được không mẹ?” Hanna nhấc ra chiếc hộp Tupperware đựng phần mì lasagne cuối cùng.
ắ ế ấ
“Không,” bà Laurel giật phắt chiếc hộp lại, rất mạnh tay. Hanna chớp mắt nhìn mẹ.
“Sao lại không?”
“Chỉ là không được thôi,” bà Laurel đáp với giọng dịu lại. Bà làm cho Hanna món bánh mì nướng đậu rồi ngồi nhìn cô bé ăn. Hanna, đứa con giữa của bà, một đứa bé khó bảo, chuyên làm bà mệt mỏi. Nếu lỡ may bị lạc trên hoang đảo, bà chẳng bao giờ muốn ở cùng Hanna. Trong đầu bà bỗng lóe lên một suy nghĩ kinh khủng, nhanh tới mức bà không kịp nhận thức: “Phải chi đứa mất tích là con và Ellie đang ngồi đấy ăn bánh mì nướng đậu.” Bà nhẹ nhàng vuốt má Hanna rồi rời khỏi phòng.
3
Khi đó
Chuyện không nên phạm phải đầu tiên của Ellie là bị điểm thấp môn toán. Giá như cô bé chăm chỉ hơn, thông minh hơn; giá như hôm làm kiểm tra cô bé đừng quá mệt, quá mất tập trung; nếu Ellie lo làm bài thay vì ngồi ngáp vặt và nếu cô bé được điểm A chứ không phải B+ thì đã chẳng có gì xảy ra. Nhưng mà nghĩ lại, giá như Ellie yêu một anh chàng dốt toán nào đó chứ không phải Theo, cô bé sẽ chẳng bị trói buộc bởi suy nghĩ phải giỏi bằng hoặc hơn bạn trai mình. Nếu anh chàng Ellie yêu phớt lờ cả môn toán lẫn điểm thi và không có tham vọng gì - mà tốt nhất là khỏi bạn trai gì hết, thì với cô, B+ là đủ rồi và cô không cần phải nài nỉ mẹ tìm một gia sư dạy toán.
Vậy đó, nút thắt đầu tiên đã xoắn lại - ngay vào khoảng bốn giờ rưỡi một chiều thứ Tư của tháng Một. Ellie về nhà với vẻ cáu kỉnh. Cứ nhìn thấy mẹ hoặc nghe giọng bà là Ellie trào dâng cảm giác bực bội vô lối - dù cô không bao giờ có chủ đích như vậy - và mọi chuyện tức tối mà cô dồn nén cả ngày ở trường liền bộc phát không kiềm chế. Sở dĩ Ellie phải nhịn ở trường là vì lỡ mang tiếng lịch thiệp, không thể cư xử tùy tiện được.
“Thầy dạy toán của con thật phiền toái. Chết tiệt, con ghét ông ta!” Ellie nói trong lúc thả túi sách xuống cái tủ ở tiền sảnh. Thật ra, cô bé không ghét thầy mà là chán ghét bản thân vì thi kém, nhưng đời nào Ellie chịu thừa nhận.
Bà Laurel hỏi vọng ra từ bồn rửa bát. “Gì đấy con yêu?” “Con nói mẹ rồi mà.” Ellie chưa nói nhưng nói hay không cũng đâu có sao. “Thầy dạy toán của con tệ lắm. Chắc con trượt GCSE[2] rồi. Con cần gia sư mẹ ơi, rất, rất cần ấy.”
Ellie hối hả đi vào nhà bếp, ngồi phịch xuống ghế. Bà mẹ nói, “Chúng ta không đủ tiền thuê gia sư đâu con. Hay con thử tham gia
câu lạc bộ toán học ở trường xem sao.”
Nút thắt tiếp theo xoắn lại. Cuộc nói chuyện có thể đã kết thúc ngay tại đó nếu Ellie không phải là một đứa trẻ được chiều chuộng hay luôn trông chờ mẹ vung cây đũa thần hóa giải mọi khúc mắc của mình. Hoặc giả Ellie biết dù chỉ vô cùng mù mờ về tình hình tài chính của bố mẹ và chịu để tâm đến những điều khác thay vì chỉ lo cho bản thân, cô bé sẽ chốt lại “Con hiểu rồi, con sẽ làm như mẹ nói”.
Nhưng Ellie không dừng lại. Cô bé cứ thế dấn tới, thậm chí nói sẽ tự trả học phí bằng tiền của mình. Ellie còn kể về mấy đứa bạn trong lớp nghèo hơn nhà mình nhưng vẫn có gia sư riêng.
Mẹ Ellie tiếp tục gợi ý: “Hay con nhờ ai ở trường dạy kèm? Anh chị nào học lớp trên chỉ cần trả công chút ít kèm theo miếng bánh thôi ấy?”
“Gì cơ? Làm gì có chuyện đó! Chúa ơi, làm thế thì xấu hổ chết mất.”
Vậy là thêm một lần nữa, Ellie lại để vuột cơ hội tự cứu mình. Biến mất dạng mà cô bé chẳng hề hay biết.
4
Từ cái ngày định mệnh vào tháng Năm năm 2005 đến chính xác hai phút trước, hoàn toàn không có manh mối đáng kể nào về chuyện Ellie bỗng nhiên biến mất.
Hình ảnh cuối cùng của Ellie được một camera giám sát trên đường Stroud Green ghi lại vào lúc mười giờ bốn mươi ba phút sáng. Cô bé dừng lại chốc lát để soi mình vào một chiếc kính xe hơi. Thoạt nhiên, người ta dễ tưởng Ellie nhìn ai đó trong xe hoặc nói gì đó với tài xế. Tuy nhiên, cảnh sát đã tìm được chủ xe và chứng thực người này đi nghỉ mát vào thời điểm Ellie biến mất. Chiếc xe đậu ở đó suốt khoảng thời gian trên. Sau hình ảnh ấy không hề có chút tăm tích nào của Ellie.
Cảnh sát đã lục soát từng căn nhà trong khu vực lân cận, thẩm vấn những kẻ ấu dâm bị phát giác, truy xuất tất cả camera giám sát của các cửa hàng trên đường Stroud Green, đưa bà Laurel và ông Paul lên truyền hình tìm người trong một chương trình có xấp xỉ tám triệu người xem. Nhưng họ chẳng thêm được bước nào trong tiến trình điều tra, vẫn chỉ dừng lại ở đoạn camera giám sát ghi lại cảnh Ellie soi kính xe hơi vào lúc mười giờ bốn mươi ba phút.
Việc Ellie mặc áo thun đen và quần jean khiến cảnh sát gặp khó khăn. Cả việc cô bé buộc mái tóc vàng mượt mà của mình theo kiểu đuôi ngựa, đeo ba lô màu xanh biển, đi giày thể thao màu trắng cũng thế. Tất cả cứ như thể Ellie cố tình làm mình trở nên vô hình vậy.
Phòng ngủ của Ellie được kiểm tra bốn giờ liền. Hai cảnh sát xắn tay áo lên và làm việc rất chuyên nghiệp. Dường như không có gì bất thường. Có thể Ellie đem theo đồ lót song bà Laurel chẳng tài nào biết được trong các ngăn tủ của con gái mình có thiếu thứ gì hay không. Cũng có thể, Ellie mang theo vài bộ quần áo nhưng bà Laurel sẽ không nhớ nổi bởi giống như các cô bé mười lăm tuổi khác, Ellie
ề ầ ế
có quá nhiều quần áo. Lợn tiết kiệm của Ellie còn vài tờ mười bảng Anh gấp chặt mà cô bé cố nhét vào sau mỗi kỳ sinh nhật. Bàn chải đánh răng và chai khử mùi vẫn trong nhà tắm. Ellie chưa bao giờ ngủ qua đêm ở nơi khác mà không mang theo hai món này.
Hai năm sau ngày Ellie mất tích, cảnh sát thu hẹp quy mô tìm kiếm. Bà Laurel hiểu họ nghĩ gì; họ nghĩ rằng Ellie bỏ nhà đi. Nhưng làm sao họ có thể nghĩ thế khi không có đoạn camera giám sát nào ghi lại cảnh cô bé ở bất kỳ nhà ga hay trạm xe buýt nào? Cũng chẳng hề có hình ảnh Ellie đi trên đường phố nào khác ngoài cái cảnh cô bé biến mất!
Quyết định của cảnh sát khiến bà tan nát nhưng chưa bằng phản ứng của ông Paul trước thông báo trên.
“Chắc là họ khép lại vụ việc rồi, anh đoán thế.”
Đó, đó chính là nhát đinh cuối cùng đóng vào quan tài hôn nhân của họ.
Trong khi đó, bọn trẻ tiếp tục lớn lên, như tàu hỏa phải giữ lộ trình trên đường ray. Hanna thi đậu chương trình A-Level[3]. Jake tốt nghiệp đại học ở West Country[4] ngành giám định tài sản. Còn ông Paul lo thăng tiến trong công việc, mua thêm quần áo, bàn về chuyện sửa xe và cho vợ xem những khuyến mãi đặc biệt về khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên internet trong mùa Hè năm ấy. Paul không phải người xấu. Ông ấy là người tốt. Bà đã cưới được người tốt, đúng như kế hoạch cuộc đời. Nhưng cách ông đối mặt hố sâu nghiệt ngã xé toạc đời họ - chính là sự mất tích của Ellie - khiến bà nhận ra ông chưa đủ vững chãi, chưa đủ mạnh mẽ. Hay nói cách khác là ông còn quá “tỉnh”, chưa đủ điên cuồng.
Nỗi thất vọng ông gây ra cho bà nói cho cùng chỉ là một mẩu rất nhỏ của tất cả xáo trộn cảm xúc ngày ấy. Khi ông dọn đi một năm sau đó, nó chẳng còn là gì ngoài một đốm li ti trong cuộc đời bà. Bây giờ nhìn lại, bà không nhớ gì mấy về nó nữa. Toàn bộ những gì bà nhớ về quãng thời gian đó là phải tiếp tục tìm kiếm cho bằng được.
Bà nài nỉ cảnh sát: “Làm ơn lục soát mọi căn nhà một lần nữa. Đã một năm trôi qua rồi, như thế là đủ lâu để phát hiện những thứ mà chúng ta từng bỏ lỡ đúng không?”
ấ ồ ấ
Viên thanh tra chỉ mỉm cười. “Chúng tôi bàn chuyện ấy rồi,” cô ấy đáp. “Làm thế lúc này không hiệu quả. Có thể một năm nữa. Có thể!” Đột nhiên tới tháng Một vừa qua, cảnh sát gọi đến nói rằng chương trình truyền hình Crimewatch muốn thực hiện số đánh dấu mười năm vụ mất tích Ellie. Chương trình phát sóng hôm 26 tháng Năm nhưng không đem lại chứng cứ hay phát hiện nào mới. Chẳng có gì thay đổi cho tới khi giọng nữ thanh tra năm xưa vang lên đầy thận trọng trong điện thoại: “Chưa có gì chắc chắn nhưng chúng tôi mong bà tới ngay.”
“Các vị tìm thấy gì à? Có phải xác con bé không? Là cái gì thế?” Bà Laurel hỏi lại.
“Bà cứ đến đi đã, bà Mack à.”
Đã mười năm trôi qua mà không gợn chút tin tức. Nay đã có “một cái gì đó”.
Bà Laurel chộp lấy túi xách và ra khỏi nhà.
5
Khi đó
Có ai đó đã giới thiệu cô Noelle Donnelly cho bà Laurel. Ellie đứng dậy khi nghe tiếng chuông cửa và ló mặt ra tiền sảnh trong lúc mẹ cô mở cửa. Người bấm chuông trông khá già, chừng bốn mươi tuổi, nói giọng Ireland hoặc Scotland.
Bà Laurel gọi: “Ellie, con ra gặp cô Noelle này.” Cô Noelle có mái tóc đỏ nhạt, bện lại sau lưng. Cô cúi nhìn Ellie, mỉm cười. “Chào buổi trưa Ellie, em đã khởi động não chưa nào?”
Ellie không biết liệu cô ấy có đang đùa hay không nên quyết định không cười đáp lại mà chỉ gật đầu.
“Tốt,” cô Noelle nói tiếp.
Buổi học đầu tiên của Ellie diễn ra ở một góc phòng ăn. Họ dọn cho gọn gàng, lấy thêm một cây đèn trên phòng Ellie xuống, bày ra hai cái ly và một bình nước. Ellie cầm theo hộp bút chì màu đen chấm bi đỏ.
Bà Laurel vào bếp pha trà cho cô Noelle, còn cô gia sư dừng mắt nhìn con mèo nhà Ellie đang ngồi trên chiếc ghế của đàn piano. “Ái chà, gã mèo to đấy. Tên nó là gì thế?”
“Teddy,” cô bé đáp, “đầy đủ là Teddy Bear nhưng gọi là Teddy cho gọn.” Đó là những lời đầu tiên mà Ellie nói với cô Noelle. Cô bé sẽ không bao giờ quên.
“À, cô biết vì sao em gọi gã ta như thế rồi. Đúng là trông y như con gấu xù xì.”
Lúc ấy Ellie có thích cô Noelle không? Cô bé chẳng tài nào nhớ được. Cô bé chỉ mỉm cười với cô giáo mới, bàn tay đặt lên Teddy rồi túm chặt mớ lông của nó. Ellie yêu chú mèo của mình và cảm thấy
mừng vì nó có mặt ở đó, tạo thành vùng đệm giữa cô bé và người lạ mới xuất hiện này.
Từ người cô Noelle Donnelly bốc ra mùi dầu ăn và mùi hôi của mái tóc không gội. Cô mặc quần jean phối với áo len màu lông lạc đà. Trên cổ tay lốm đốm tàn nhang của cô là chiếc đồng hồ hiệu Timex, dưới chân là đôi bốt buộc dây màu nâu và cặp kính đọc sách được đeo ở cổ bằng dải dây màu xanh lá. Vai cô Noelle đặc biệt rộng, cổ hơi gập về phía trước khiến cô như có cái bướu trên lưng, còn đôi chân cô lại quá dài và khẳng khiu. Nói chung, đó là một ngoại hình khiến người ta nghĩ rằng cô phải sống cả đời trong căn phòng có cái trần quá thấp.
“Bắt đầu nào,” cô vừa nói vừa đeo kính lên và cho tay vào chiếc cặp tài liệu bằng da màu nâu. “Cô mang theo vài đề kiểm tra GCSE cũ, lát nữa chúng ta sẽ thử làm xem điểm mạnh và yếu của em ở đâu. Nhưng trước hết, cô muốn nghe em nói về những khó khăn của mình, thật cụ thể nhé.”
Vừa lúc đó, bà Laurel bước vào với một tách trà và đĩa bánh chocolate. Bà đặt mọi thứ xuống bàn hết sức nhẹ nhàng và nhanh chóng, như thể Ellie và cô Noelle đang hẹn hò hay họp hành cực kỳ bí mật. Ellie chỉ muốn thốt lên: “Mẹ ở lại đi mẹ, ở lại với con. Con chưa sẵn sàng ở một mình với người lạ.”
Ánh mắt Ellie ghim vào lưng mẹ khi bà Laurel lẹ làng rời khỏi phòng và khẽ khàng khép cửa. Tiếng lách cách vừa vang lên là cô Noelle quay sang Ellie và nở nụ cười, để lộ ra những cái răng nhỏ xíu. Cô đẩy kính lên sống mũi hẹp, nhắc lại, “Nào, chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ?”
6
Cả thế giới như dồn nén với đủ thứ điềm gở khi bà Laurel phóng hết tốc lực cho phép đến đồn cảnh sát ở Finsbury Park. Bà thấy người nào trên đường cũng có vẻ nham hiểm và xấu xa như thể sắp gây ra tội ác mờ ám. Ngay cả những tấm bạt bay phần phật trong cơn gió lộng cũng từa tựa đôi cánh của chim săn mồi sắp sà xuống đường và tiêu diệt bà. Adrenaline trong cơ thể bà dâng cao, xuyên thủng sự mệt mỏi bao phủ bà. Từ năm 2005 tới giờ, bà chưa bao giờ ngon giấc. Bà sống một mình bảy năm nay, ban đầu là tại ngôi nhà cũ. Ba năm trước, bà chuyển tới căn hộ đang sống, sau khi ông Paul đặt dấu chấm hết cho bất cứ cơ hội hàn gắn nào bằng cách hẹn hò với một phụ nữ.
Người phụ nữ đó rủ ông tới sống chung và ông đồng ý. Bà không bao giờ hiểu nổi sao ông ấy làm được như vậy, làm sao vẫn tìm được cách sống tốt giữa một mớ bòng bong đổ vỡ. Nhưng bà không đổ lỗi cho ông, không mảy may. Bà ước gì cũng làm được như ông. Phải chi bà có thể thu xếp đồ đạc vào vài ba cái vali lớn, nói lời tạm biệt với bản thân, chúc bản thân sống tốt, cảm ơn bản thân vì tất cả hồi ức. Phải chi bà có thể tự nhìn mình một cái trìu mến, dù chỉ trong khoảnh khắc, rồi lặng lẽ đóng cửa, ngẩng mặt lên đón ánh nắng sớm mai đang đùa nghịch hân hoan và chờ đón một tương lai mới mẻ, tươi sáng. Giá mà làm được, bà sẽ làm tức khắc. Bà thực sự mong muốn điều đó.
Jake và Hanna cũng dọn đi, nhanh hơn bà nghĩ. Nếu cuộc sống gia đình không có cú bẻ lái đột ngột từ mười năm trước, có lẽ hai đứa không rời nhà sớm như thế. Nhiều bạn bè của bà có con cái cỡ tuổi Jake, Hanna và chúng vẫn ở cùng bố mẹ. Họ than thở suốt, từ mấy cái hộp nước cam rỗng không nằm chỏng chơ trong tủ lạnh, tiếng “hú hí” phát khiếp tới cái cảnh say khướt, chân nam đá chân chiêu từ hộp đêm về nhà lúc bốn giờ sáng. Cái trò ồn ào đó khiến chó ầ
sủa ầm ĩ, báo hại họ đang ngủ phải bật dậy. Bà Laurel thì khác. Bà ước ao được nghe tiếng đứa con nào đó của mình lảo đảo về nhà lúc rạng sáng. Bà muốn thấy đống bát đĩa chưa rửa và quần áo nhàu nhĩ (lẫn cả đồ lót) bỏ bừa bãi trên sàn nhà biết mấy. Thế nhưng, hai đứa con của bà không hề ngoảnh lại một khi chúng nhìn thấy lối thoát. Jake sống ở Devon với cô bạn gái tên Blue. Cô nàng giữ rịt lấy thằng bé và chưa gì đã nói đến chuyện con cái dù mới yêu đương được một năm. Hanna sống trong căn hộ bé tí, u ám cách nhà mẹ khoảng một dặm. Con bé làm lụng tới mười bốn tiếng một ngày, kể cả cuối tuần, mục đích không gì khác ngoài tiền thưởng. Dù không đứa nào làm thế giới này sáng sủa hơn, nhưng mà người trẻ nào chẳng thế. Những đứa trẻ từng ấp ủ nhiều giấc mơ, hoài bão, thao thao nói về các vũ công ba lê, ngôi sao nhạc pop, nghệ sĩ piano và các nhà khoa học đột phá cuối cùng cũng rúc đầu vào một văn phòng nào đó. Tất cả, không trừ đứa nào.
Căn hộ của bà Laurel nằm ở Barnet, mới xây, có một phòng ngủ cho bà, một phòng ngủ cho khách và một ban công đủ rộng để trồng vài cái cây, kê thêm bộ bàn ghế. Ngoài ra còn có căn bếp với các đồ dùng màu đỏ sáng chói và một chỗ đậu xe có sẵn. Bà chưa bao giờ nghĩ sẽ ở trong một căn hộ như thế nhưng sống ở đây dễ chịu và an toàn.
Giờ thì chồng con bà đều đã rời đi, cả con mèo cũng không còn. Nó đã cố gắng hết sức để sống vì bà cho tới khi nó gần hai mươi mốt tuổi. Bà làm gì cho hết ngày bây giờ? Ba ngày một tuần bà làm việc tại phòng marketing của một trung tâm mua sắm ở High Barnet. Mỗi tuần một lần, bà đi thăm người mẹ đang ở viện dưỡng lão tại hạt Enfield. Cũng một tuần một lần, bà đến lau dọn căn hộ của Hanna.
Thời gian còn lại, bà dành cho những việc mà tự bà biết là chẳng quan trọng gì, như tới các nhà vườn mua cây cảnh trang trí ban công hay đến thăm những người bạn mà từ lâu bà không hề đoái hoài. Bà cùng họ uống cà phê (bà rất hờ hững) và nói những câu chuyện dù bà chẳng hứng thú gì. Bà đi bơi một tuần một lần, không phải để giữ sức khỏe mà chẳng qua đó là thói quen quen thuộc tới nỗi bà không nghĩ ra lý do nào đủ thuyết phục để dừng lại.
ể ể ể ể ằ ấ ẫ ế
Kể lể như vậy để hiểu rằng, bà cảm thấy lạ lẫm thế nào khi mà sau ngần ấy năm trời mới rời khỏi nhà một cách vội vã để làm một việc thực sự quan trọng. Người ta sắp cho bà xem một điều gì đó. Có thể là một mẩu xương, một mảnh vải thấm máu hay một tấm ảnh chụp thi thể trương phình trôi nổi ở một vùng nước hẻo lánh nào đó? Rốt cuộc thì sau mười năm hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra, bà sắp được biết một điều gì đó. Biết đâu, người ta cho bà xem chứng cứ rằng con bà vẫn còn sống hoặc ngược lại. Tâm hồn trĩu nặng của bà vẫn đặt cược vào vế đầu của ý nghĩ. Tim bà như loạn nhịp khi lái xe về hướng Finsbury Park.
7
Khi đó
Cô Noelle Donnelly gần gũi Ellie hơn một chút thông qua các buổi học hằng tuần vào mùa Đông năm ấy. Không nhiều lắm nhưng có tiến triển, chủ yếu vì cô ấy là giáo viên giỏi thực sự, giúp Ellie đứng đầu tốp giỏi nhất lớp với điểm kiểm tra được dự đoán là A/A*. Cô cũng có nhiều cách khác để lấy lòng Ellie, như thường cho cô bé mấy món quà nho nhỏ kiểu đôi bông tai của Claires Accessories, son dưỡng môi vị trái cây hay một cây bút xinh xắn. “Dành cho học sinh giỏi nhất của cô,” cô hay nói thế. Nếu Ellie từ chối, cô sẽ gạt phăng bằng câu “Nào nào, em biết nhà cô ở Brent Cross[5] mà. Mấy thứ này không tốn kém gì đâu, thật đấy.”
Cô cũng luôn hỏi thăm về Theo sau khi gặp cậu bé chớp nhoáng tại nhà Ellie, khoảng buổi dạy thứ hai hoặc ba.
“Anh chàng đẹp trai của em sao rồi?” Cách cô hỏi dễ bị xem là giễu cợt nhưng chất giọng Ireland dễ thương lại khiến hầu hết những điều cô nói ra nghe vui tai và thú vị hơn.
“Cậu ấy ổn,” Ellie trả lời và cô Noelle đáp lại bằng nụ cười có chút lạnh nhạt, “Em gặp đúng người rồi đấy.”
Các kỳ thi GCSE đang đến gần. Lúc đó là tháng Ba và Ellie sẽ bắt đầu thi cử trong vài tuần nữa. Ellie đã quen căng não trong các buổi học chiều thứ Ba, giúp cô bé tiếp thu bài vở dễ dàng hơn. Hai cô trò học với nhịp độ rất nhanh nên Ellie ngay lập tức nhận ra tâm trạng cô Noelle có biến chuyển vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Ba ấy.
“Buổi chiều tốt lành, cô gái trẻ,” cô nói rồi đặt chiếc túi xách lên bàn và mở ra. “Em khỏe không?”
“Em khỏe.”
“Tốt đấy, cô mừng khi nghe vậy. Em làm bài tập đến đâu rồi?” ẩ ề
Ellie đẩy vở bài tập đã làm xong về phía cô Noelle. Thông thường, cô Noelle sẽ đeo kính lên và chấm điểm tức thì. Nhưng hôm đó, cô chỉ nhịp nhịp ngón tay lên quyển vở một cách lơ đãng. “Giỏi lắm, cô bé,” cô nói.
Ellie liếc nhìn cô Noelle đầy thắc mắc, trong lòng chờ đợi giờ học bắt đầu. Nhưng không, cô Noelle tiếp tục nhìn quyển vở bài tập một cách vô hồn.
“Ellie này, chuyện tệ nhất từng xảy ra với em là gì?” Cuối cùng, cô Noelle lên tiếng, hướng ánh nhìn không cảm xúc về phía Ellie. Ellie nhún vai.
“Không gì ư?” Cô Noelle hỏi thêm, “một việc gì đó giống như chú chuột hamster bị chết thì sao?”
“Em chưa từng nuôi hamster.”
“À, vậy thì việc không có hamster có thể là điều tệ nhất từng xảy đến với em?”
Ellie lại nhún vai, “Em chưa bao giờ muốn có nó cả.”
“Thế em muốn gì? Thứ mà em thực sự muốn có nhưng lại không được phép ấy?”
Ellie nghe thấy tiếng tivi trong bếp, tiếng mẹ hút bụi trên lầu, cả tiếng chị gái nói chuyện điện thoại nữa. Cả nhà cô bé đang sinh hoạt bình thường và chẳng ai phải chịu đựng cuộc nói chuyện kỳ cục về hamster với gia sư dạy toán cả.
“Không, chẳng có gì cả ạ. Em chỉ thích mấy thứ bình thường thôi, tiền bạc, quần áo này.”
“Em không thích nuôi chó à?”
“Cũng không thích lắm ạ.”
Cô Noelle thở dài và kéo vở bài tập của Ellie về phía mình. “Em là cô bé rất may mắn, thật sự đấy. Cô hy vọng em hiểu được mình may mắn cỡ nào.”
Ellie gật đầu.
“Tốt. Bởi vì khi tới tuổi cô bây giờ, em sẽ thấy bản thân mình muốn rất nhiều thứ. Em thấy mọi người xung quanh đều có được và em nghĩ chắc chắn sẽ tới lượt mình. Chắc chắn. Nhưng sau đó thì
ấ ề ế ẳ
sao? Em thấy điều đó tan biến vào ánh hoàng hôn mà chẳng làm gì được. Hoàn toàn không làm được gì.”
Một khoảnh khắc im lặng nặng nề chậm chạp trôi qua rồi cô Noelle đẩy kính lên sống mũi, mở trang đầu tiên của vở bài tập Ellie và cất giọng: “Được rồi, xem học trò giỏi nhất của cô làm được gì trong tuần này nào.”
“Nói cô nghe nào Ellie, ước mơ của em là gì?”
Ellie rên rỉ thầm trong bụng. Hẳn là cô Noelle Donnelly đang có tâm trạng gì đây.
“Chỉ là thi GCSE thật tốt, rồi đậu chương trình A Level, sau đó đi học một trường đại học xịn.”
Cô Noelle tặc lưỡi và đảo mắt: “Cô gái trẻ này, em bị sao vậy? Lại còn bị trường đại học ám ảnh nữa chứ. Ôi, cái hồi cô thi đậu trường Trinity mới thật là ầm ĩ chứ! Cứ như là chuyện lớn lắm. Mẹ cô cứ oang oang kể với cả thế giới. Cô con gái duy nhất của bà đậu Trinity. Giờ nhìn cô xem, một trong số những người nghèo nhất mà cô biết cơ đấy.”
Ellie chỉ cười mà không biết nói gì.
“Không đâu, trên đời này còn nhiều thứ hơn là trường đại học, quý cô biết tuốt à. Không phải chỉ có bằng cấp, chứng chỉ đâu. Cô đã bỏ ngoài tai những lời khuyên đó. Và nhìn cô bây giờ đi, ngồi đây với em trong ngôi nhà ấm cúng của em, uống trà Earl Grey mẹ em pha, nhận khoản thù lao còm cõi để khai sáng cho em bằng kiến thức của cô. Sau đó, về nhà mà không có thứ gì.” Cô đột ngột quay ngoắt lại, nhìn xoáy vào Ellie. “Không có gì cả. Cô thề đấy.” Nói xong, cô thở dài, mỉm cười rồi lại đẩy kính mắt lên. Cô thôi nhìn Ellie và bài giảng bắt đầu.
Sau buổi học, Ellie xuống bếp tìm mẹ. “Mẹ ơi, con muốn nghỉ học thêm.”
Bà Laurel quay lại, nhìn cô bé đầy thắc mắc: “Ồ, sao thế con?” Ellie nghĩ tới chuyện nói sự thật, rằng cô ấy làm con phát sợ, nói toàn mấy chuyện kỳ quái. Con không muốn ở một mình với cô ấy một tiếng mỗi tuần nữa. Giá mà Ellie nói hết ra được, biết đâu mẹ cô bé sẽ làm được điều gì đó và mọi chuyện đã khác đi. Nhưng Ellie không
ể ồ
nói ra, có thể cô bé nghĩ mẹ sẽ nói thi cử tới nơi rồi mà nghỉ học thêm vì lý do đó thì thật ngớ ngẩn. Hoặc có thể, Ellie không muốn đẩy cô Noelle vào rắc rối, không muốn sự việc đi quá xa. Dù là với lý do gì đi nữa, cuối cùng Ellie nói: “Thật ra, con thấy học với cô Noelle thế là đủ. Cô ấy đưa con đủ đề luyện tập rồi, con cứ luyện tiếp thôi. Nghỉ học sẽ giúp mẹ tiết kiệm tiền.” Nói xong, Ellie mỉm cười với vẻ đắc thắng, đợi mẹ mình trả lời.
“Chà, chuyện này nghe hơi lạ một chút. Kỳ thi của con sắp đến rồi mà.”
“Đúng rồi mẹ, con nghĩ đã đến lúc con học các môn khác, như địa lý này. Con có thể học địa lý nhiều hơn.”
Dĩ nhiên là Ellie nói dối hoàn toàn, bởi cô bé đã dẫn đầu lớp trong toàn bộ môn học, có học thêm một giờ mỗi tuần cũng chẳng khác biệt gì. Dù vậy, Ellie vẫn nở nụ cười cầu tài chờ nghe quyết định của mẹ.
“Ừ thì tùy con, con tính sao cũng được.”
Ellie gật đầu một cách hồ hởi khi nghĩ đến chuyện sắp rũ bỏ được mớ từ ngữ nặng nề của cô Noelle, cả những mùi mẽ khó chịu toát ra từ mái tóc không gội và kiểu tâm trạng thất thường cùng mấy câu hỏi lạc đề cứ thử thách đầu óc cô bé.
“Con đã chắc chưa? Không phải tốn thêm tiền kể ra cũng tốt,” bà Laurel nói.
“Chính xác đó mẹ. Chắc chắn ạ.” Cảm giác giải thoát ngập tràn tâm trí Ellie.
Bà Laurel mở tủ lạnh, lấy ra một bình nước sốt thịt xay cà chua và nói, “Được rồi, mẹ sẽ gọi điện báo cô ấy vào ngày mai.” “Tuyệt vời,” Ellie reo lên, cảm thấy một gánh nặng kỳ lạ, đáng ghét được nhấc đi. “Cảm ơn mẹ!”
8
Viên cảnh sát đón bà Laurel hãy còn trẻ, trông có vẻ phờ phạc, hơi căng thẳng với bàn tay ướt mồ hôi. Anh ta dẫn bà vào một phòng thẩm vấn và nói: “Cảm ơn bà đã tới.” Làm như bà có thể không tới vậy, chẳng lẽ bà lại nói: “Xin lỗi, hôm nay tôi bận quá, tuần sau tôi đến được không?”
Ai đó đặt ly nước xuống trước mặt bà. Vài giây sau, cửa lại mở và ông Paul bước vào.
Chúa ơi, đó là Paul. Bà thậm chí quên bẵng ông ấy, cứ xử sự như thể toàn bộ chuyện này do mình gánh vác. Nhưng rõ ràng cảnh sát vẫn nhớ tới ông ấy và ông vừa vội vã xộc vào phòng, với mái đầu bạc rối bù, bộ quần áo công sở nhăn nhúm cùng thứ mùi đường phố khô khốc ở khu trung tâm bết chặt vào da. Khi đi ngang qua vợ cũ, ông đưa tay chạm vào vai bà nhưng bà thậm chí không thể quay sang nhìn ông, chỉ nặn ra nụ cười gượng gạo chủ yếu cho những người có mặt nhìn thấy.
Ông ngồi xuống chiếc ghế cạnh bà, đưa tay nới cà vạt. Một tách trà được đặt xuống trước mặt ông. Bỗng dưng, bà Laurel cáu với cả tách trà lẫn ông chồng cũ.
Viên thanh tra tên là Dane mở lời, “Chúng tôi đang điều tra một địa điểm gần Dover. Chó nghiệp vụ đào được một cái túi.” Bà Laurel gật đầu đầy căng thẳng. Một cái túi. Một cái túi chứ không phải một thi thể.
Thanh tra Dane rút ra vài tấm hình cỡ 20x25cm từ một phong bì, đẩy qua bàn về phía bà Laurel và ông Paul. “Ông bà có nhận ra đồ vật nào không?”
Bà Laurel kéo mấy tấm hình về phía mình.
Đó là ba lô của Ellie, chiếc ba lô con bé đeo trên vai khi rời khỏi nhà đi thư viện hôm ấy. Trên ba lô có một logo nhỏ màu đỏ và nó trở ể ấ ố
thành điểm nhấn trong thông báo tìm người của cảnh sát. Đốm đỏ đó gần như là đặc điểm nhận dạng duy nhất của Ellie trong ngày cô bé mất tích.
Tấm hình thứ hai chụp một chiếc áo thun đen, kiểu rộng thùng thình với đường xẻ ở cổ và tay áo loe. Bên trong cổ áo có nhãn “New Look”. Ellie hay sơ vin vạt trước với quần jean khi mặc chiếc áo này.
Trong tấm hình thứ ba là chiếc áo ngực len màu xám chấm bi đen hiệu Atmosphere. Hình thứ tư chụp một chiếc quần jean nhạt màu có hiệu Top Shop.
Tấm thứ năm là hình một đôi giày thể thao màu trắng bẩn thỉu. Hình thứ sáu chụp một chiếc áo hoodie hiệu Next, có màu đen trơn với dây rút màu trắng. Trong tấm thứ bảy là một chùm chìa khóa nhà. Móc khóa là một con cú nhựa nhỏ, mắt sáng lên mỗi khi nhấn vào chiếc nút trên bụng nó.
Tấm thứ tám là một chồng vở bài tập và sách giáo khoa đã mục vì ẩm thấp. Tấm thứ chín chụp một hộp bút màu đen và chấm bi đỏ, bên trong chứa đầy bút mực và bút chì. Trong tấm thứ mười là một miếng băng vệ sinh đã phình lên, nhìn rất kinh.
Tấm thứ mười một là một chiếc ví da nhỏ, gồm nhiều mảnh tím và đỏ chắp lại, có dây kéo chạy ba mặt và một búi len đỏ trang trí trên khóa kéo. Tấm thứ mười hai chụp một laptop nhỏ, lỗi thời và có vẻ móp méo một chút.
Tấm cuối cùng chụp một cuốn hộ chiếu.
Bà Laurel kéo tấm cuối lại gần hơn. Ông Paul chồm sang nên bà đẩy tấm hình ra giữa họ.
Một cuốn hộ chiếu.
Ellie không mang theo hộ chiếu. Bà Laurel vẫn giữ hộ chiếu của con gái.
Hết lần này tới lần khác, bà lấy nó ra khỏi hộp chứa đồ dùng của Ellie, nhìn như ngây dại khuôn mặt ma mị của con gái và nghĩ về những hành trình mà cô bé không bao giờ bắt đầu.
Còn cuốn hộ chiếu trong hình, sau khi nhìn thật kỹ, bà nhận ra đó không phải là hộ chiếu của Ellie.
Nó là của Hanna.
ể ế
“Tôi không hiểu chuyện này. Đây là hộ chiếu của đứa con gái lớn. Chúng tôi tưởng con bé làm mất nó rồi. Nhưng mà….” Bà Laurel nhìn chằm chằm tấm hình lần nữa, các ngón tay chạm vào mép hình, “… sao nó lại ở đây? Trong túi của Ellie? Các vị tìm thấy nó ở đâu?”
Thanh tra Dane trả lời, “Trong rừng sâu, cách bến phà không xa cho lắm. Với tấm hộ chiếu này, chúng tôi đang xem xét giả định Ellie có thể đã lên đường đi châu Âu.”
Một cơn giận bùng lên trong đầu bà Laurel. Sai bét rồi! Họ vẫn tìm kiếm chứng cứ cho cái giả định mà họ theo đuổi lâu nay, rằng con bé bỏ nhà đi. Bà vặn lại: “Nhìn cái túi đi. Vỏn vẹn chừng này thứ khi con bé ra khỏi nhà, khi mới mười lăm tuổi? Mấy người nói con bé mang những thứ này theo người để rời đất nước sao? Sau ngần ấy năm các người vẫn nói thế? Thật chẳng có chút đầu óc gì cả!”
Thanh tra Dane nhìn bà nhẹ nhàng nói, “Chúng tôi đã phân tích số quần áo. Có chứng cứ là cô bé đã mặc đi mặc lại chúng nhiều lần.” Bà Laurel ôm chặt ngực, nghĩ đến cảnh đứa con gái hoàn hảo vốn luôn sạch sẽ, thơm tho không chê vào đâu được lại lang bạt ngần ấy năm trời với mấy bộ đồ như vậy.
“Thế… con bé đâu? Ellie đâu?”
“Chúng tôi đang tìm.”
Bà Laurel có thể nhận thấy Paul đang nhìn mình, hầu mong bà giúp ông sắp xếp lại mớ hổ lốn thông tin. Nhưng bà không thể quay lại nhìn ông, không muốn có chút giao tiếp nào với ông. “Các vị biết không,” bà nói, “vài năm sau khi Ellie mất tích, nhà chúng tôi bị trộm. Lúc đó, tôi nói với cảnh sát rằng tôi nghi ngờ thủ phạm là Ellie, căn cứ vào những thứ bị mất, cửa vào không bị phá khóa và linh cảm…” Bà Laurel kìm lại, ngăn mình nói thêm về những cảm nhận cá nhân thiếu chứng cứ. Giọng bà nhỏ dần, “Có thể con bé quay về để lấy hộ chiếu của Hanna. Chắc là vậy…”
Liệu có phải cảnh sát đã đúng? Ellie bỏ đi? Con bé lên kế hoạch bỏ trốn? Nhưng đi từ đâu, tới đâu? Và tại sao?
Đúng lúc đó, cửa phòng mở ra và một cảnh sát khác bước vào. Anh ta lại gần Dane, thì thầm gì đó vào tai viên thanh tra rồi cả hai
ế ồ ẳ
nhìn bà Laurel và ông Paul. Tiếp đó, thanh tra Dane ngồi thẳng người lên, chỉnh cà vạt và nói, “Họ đã tìm thấy thi thể người.” Tay của bà Laurel theo bản năng nắm lấy tay chồng cũ và siết chặt tới nổi bà cảm thấy xương của ông bị bẻ cong.
9
Khi đó
“Mùa Hè này chúng ta làm gì nhỉ?”
Gối đầu trong lòng Ellie, Theo quay mặt nhìn bạn gái, mỉm cười nói, “Không gì cả, hãy không làm gì cả nhé!”
Ellie đặt sách xuống, đưa tay nghịch gò má của Theo. “Làm gì có chuyện đó. Tớ muốn làm mọi thứ, tất cả những gì không phải là ôn thi và học hành ấy. Tớ muốn chơi dù lượn. Tụi mình chơi trò đó nhé.”
Theo cười lớn, “Kế hoạch mùa Hè của cậu là đi chết à? Cậu kì cục thật đấy.”
Ellie đấm yêu vào má bạn trai. “Tớ không kì cục. Chỉ là tớ đã sẵn sàng để bay thôi.”
“Thật sự à?”
“Thật đấy. À, còn nữa, mẹ tớ bảo bọn mình có thể ở lại căn nhà ở Grammy vài ngày nếu muốn.”
Theo cười toét miệng. “Thật luôn hả? Chỉ hai đứa mình ấy à?” “Thêm vài người bạn nữa cũng được.”
“Hoặc chỉ tụi mình thôi.” Theo gật gù nói với vẻ háo hức, tinh nghịch. Ellie cười lớn, “Ừ, cũng được.”
Cuộc nói chuyện diễn ra vào trưa thứ Bảy của tháng Năm, một tuần trước kỳ thi GCSE. Cả hai ở trong phòng ngủ của Ellie, nghỉ xả hơi giữa lúc ôn bài. Bên ngoài, mặt trời tỏa nắng. Mèo Teddy Bear nằm ườn bên cạnh bọn trẻ và bầu không khí ngập tràn phấn hoa lẫn niềm lạc quan. Mẹ Ellie lúc nào cũng so sánh tháng Năm với đêm thứ Sáu của mùa Hè, tức mọi thứ tốt lành đợi phía trước và những khoảng thời gian tươi sáng, rực rỡ đang mời gọi. Ellie có thể cảm nhận được tất cả đang chờ mình ở phía bên kia của đoạn đường hầm thi cử tối tăm. Cô bé mường tượng ra những đêm ấm áp và
ỗ ẩ ấ ầ
chuỗi ngày dài rong chơi, thẩm thấu phần nào sự nhẹ nhõm của việc không phải làm gì và không phải đến trường. Cô bé nghĩ về những chuyện mình có thể làm một khi thi xong, như đọc các quyển sách yêu thích, ăn uống dã ngoại, mua sắm hội chợ, du lịch, tiệc tùng… Những kế hoạch trong đầu làm Ellie choáng ngợp tới mức hụt hơi, bao tử sôi lên, còn trái tim nhảy múa.
“Tớ không đợi được,” cô bé nói như reo, “chỉ mong mấy chuyện thi cử này qua mau.”
10
Cảnh sát không phát hiện được gì sau vụ trộm ở nhà bà Laurel từ nhiều năm trước. Họ không tìm thấy dấu vân tay hay thay đổi gì ở bất cứ nơi nào trong nhà. Máy quay an ninh cũng được kiểm tra nhưng suốt hai giờ bà Laurel vắng nhà, không hề có ai giống Ellie (hay bất cứ cô bé nào) bị ghi hình lại. “Tên trộm” lấy đi một laptop cũ, một điện thoại cũ của ông Paul, ít tiền mặt nhét trong ngăn đồ lót của bà Laurel và một cặp giá nến bằng bạc theo phong cách Art Deco, món đồ vốn là quà cưới của vài người bạn cũ rất giàu. Món cuối cùng bị cuỗm đi là chiếc bánh mà Hanna đã nướng ngày hôm trước và đang để trên mặt bếp chờ đóng đá.
Kẻ trộm không hề đụng đến bất cứ món trang sức nào của bà Laurel, bao gồm nhẫn cưới và nhẫn đính hôn mà bà tháo ra từ ba tháng trước khi vụ trộm diễn ra và để hững hờ ngay trên một cái tủ trong phòng ngủ của bà. Chiếc máy tính Mac mới và có giá trị hơn hẳn chiếc laptop bị lấy đi cũng còn nguyên, tương tự là các thẻ tín dụng mà bà Laurel để sẵn trong ngăn kéo nhà bếp để tiện mang theo khi ra ngoài.
“Có thể chúng không đủ thời gian,” một cảnh sát lên tiếng, đó là người đến hiện trường sau mười phút tính từ lúc bà Laurel gọi điện báo. “Hoặc chúng trộm theo đặt hàng và biết sẽ bán được hàng cho ai.”
“Tôi thấy rất lạ,” Bà Laurel vòng tay ôm lấy thân mình, đáp lại. “Tôi cũng không biết nói sao nữa. Con gái tôi mất tích bốn năm về trước…” Bà vừa nói vừa ngước nhìn họ, ánh mắt vừa trực diện vừa kiên quyết. “Con bé là Ellie Mack. Các anh nhớ không?” Các viên cảnh sát nhìn nhau rồi quay lại bà Laurel.
“Tôi cảm thấy đó là con bé. Ngay khi vừa bước vào nhà, tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của con gái tôi,” bà nói với vẻ không
ấ ầ
tỉnh táo và bất cần.
Các cảnh sát lại nhìn nhau trước khi đặt câu hỏi, “Có món đồ nào của cô bé bị mất hay không?”
Bà Laurel lắc đầu rồi nhún vai. “Chắc là không. Tôi đã vào phòng con bé, mọi thứ vẫn y nguyên.”
Tiếp đó là sự im lặng xen với tiếng bước chân đi qua đi lại của cảnh sát.
“Chúng tôi không thấy bất cứ ổ khóa hay cửa sổ nào bị vỡ. Làm sao trộm vào được nhà nhỉ?”
Bà Laurel chớp mắt chậm chạp. “Tôi không biết.”
“Có cửa sổ nào để mở không?”
“Không, à, tôi cũng không rõ.” Bà Laurel chưa hề nghĩ tới khả năng này.
“Bà còn chìa khóa dư nào không?”
“Không, không hề.”
“Chìa gửi bên nhà hàng xóm hay một người bạn chẳng hạn?” “Không mà. Chỉ chúng tôi có chìa khóa thôi. Tôi, chồng tôi, các con tôi.”
Lời nói vừa tuột khỏi miệng là tim bà Laurel đập thình thịch, tay bà đẫm mồ hôi. “Ellie,” Bà thốt lên, “Ellie cũng có. Khi con bé mất tích, chìa khóa nằm trong ba lô của nó. Có lẽ nào…”
Cảnh sát nhìn chằm chằm vào bà chờ đợi.
“Có lẽ nào con bé quay lại? Biết đâu nó tuyệt vọng? Chỉ có vậy mới giải thích được vì sao những thứ mà chúng tôi không quan tâm lại bị trộm. Con bé biết tôi không ưa cặp giá nến đó. Hồi đó, tôi nói suốt ngày rằng sẽ mang chúng đến chương trình Antiques Roadshow[6] vì chúng có thể đáng giá cả một gia tài. Còn cái bánh nữa chứ!”
“Cái bánh nào?”
“Cái bánh chocolate trên bếp ấy. Con gái tôi làm nó. À, là đứa con gái khác. Trộm nào sẽ lấy một cái bánh kem chứ?”
“Trộm đói bụng chăng?”
ố ố
“Không,” bà Laurel phản đối, càng củng cố nhanh chóng giả thuyết của mình. “Không. Chỉ có Ellie mới lấy, vì con bé mê bánh kem mà Hanna làm. Nó thích món đó…” Bà Laurel im bặt. Bà đã để suy đoán của mình tiến quá nhanh, làm cho những người tới giúp bà e ngại.
Rút cuộc, không người hàng xóm nào nhìn thấy điều gì bất thường, hầu hết họ không ở nhà khi vụ trộm xảy ra. Những thứ bị trộm biệt tăm. Thêm một ngõ cụt và thêm một hố sâu toác miệng trong cuộc đời bà Laurel.
Biết bao năm qua, bà luôn ở gần nhà để phòng khi Ellie quay về lần nữa. Cũng từng ấy năm bà hít thật sâu mỗi khi trở về nhà sau những chuyến ra ngoài ngắn ngủi hầu tìm kiếm mùi của con gái còn lưu lại. Chính trong những năm tháng ấy, dần dà bà mất hẳn mối liên kết với hai đứa con còn lại. Bà chẳng còn gì để cho chúng và chúng thì quá mệt mỏi với chuyện đợi chờ.
Cách đây ba năm, cuối cùng bà Laurel cũng từ bỏ niềm hy vọng Ellie sẽ quay về. Bà chấp nhận vụ trộm năm xưa không có gì đặc biệt và quyết định bắt đầu lại cuộc sống ở một nơi ở mới.
Ba năm trước, bà đã bước ra khỏi phòng ngủ của đứa con gái mất tích lần cuối. Tiếng khép cửa quá đỗi nhẹ nhàng nhưng cũng gần như giết chết bà.
Trong ba năm, bà cố gạt Ellie ra khỏi tâm trí. Bà trói mình vào thời gian biểu mới, bó buộc thật chặt. Bà nén sự điên cuồng vào trong, không chia sẻ với một ai.
Nhưng giờ đây, cơn điên cuồng đó quay lại.
Bà lên xe gần đồn cảnh sát, khi chuẩn bị quay đầu, bà dừng lại trong phút chốc, cố dằn cảm xúc điên loạn ấy vào lòng càng sâu càng tốt.
Nhưng bà chợt nghĩ đến cảnh xương cốt con gái đang được những người xa lạ đeo bao tay cao su thu nhặt vào túi đựng xác. Thế là cơn điên cuồng bộc phát, tích tụ trong tiếng động cơ xe gầm rú đáng sợ. Hai tay bà đấm liên hồi vào vô-lăng, hết lần này tới lần khác.
Đúng lúc đó, bà nhìn thấy ông Paul băng qua đường về phía xe của ông ấy. Nỗi u uất phủ kín khuôn mặt, còn bờ vai trĩu nặng. Bà
ấ ấ ấ ấ ố ế
thấy ông ấy nhìn bà, thấy được ông ấy sốc thế nào khi nhận ra cơn cuồng nộ nơi bà. Ngay khi ông đổi hướng bước về phía bà, bà sang số và phóng vút đi.
11
Khi đó
Ellie chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về cô Noelle Donnelly sau khi hai người học xong buổi cuối.
Bà Laurel kể là cô Noelle “hơi khó chịu” khi hay tin và phàn nàn nếu biết trước chỉ dạy ngắn hạn như vậy thì cô đã không nhận lời, rằng giờ đây cô có khoảng thời gian trống không biết làm gì và việc dạy Ellie học chưa hoàn tất… Nghe vậy, Ellie nói mình cảm thấy không vui nhưng mẹ cô bé gạt phắt. “Không sao đâu con. Mẹ nghĩ cô ấy thuộc típ người dễ bị phật lòng. Cô ấy sẽ ổn thôi. Vả lại sắp thi đến nơi rồi, cô ấy sẽ tìm được học sinh lấp vào khung giờ đó. Sẽ có vài phụ huynh lo lắng chộp lấy cô ấy vào phút chót.”
Ellie tin lời mẹ và cuối cùng đã xóa cô Noelle ra khỏi đầu hoàn toàn, nhất là khi cô bé còn nhiều việc để lo lắng.
Những việc làm Ellie bận tâm ngày càng nhiều, đến mức chúng khiến cô bé phải mất một lúc mới nhận ra cô Noelle Donnelly khi tình cờ thấy gia sư cũ trên đường vào sáng thứ Năm ấy, vào khoảng nửa đầu tháng Năm. Lúc đó, Ellie đang trên đường đến thư viện. Chị gái cô bé có bạn đến chơi, mà người bạn này có kiểu cười cực kỳ ồn ào, hết sức phiền phức. Ellie cần một không gian yên tĩnh và cũng cần một quyển sách về trại tế bần thế kỷ mười chín nữa.
Cô bé có thể phàn nàn chuyện người bạn cười đùa to tiếng của chị mình vì đã có mặt không đúng lúc. Tuy nhiên, Ellie không thực sự muốn làm thế bởi đổ lỗi qua lại nhiều lúc ngốn rất nhiều sức lực. Cái trò hại não đó còn sản sinh ra vô số hậu quả lặt vặt, mỗi hậu quả lại nảy ra cả triệu cửa ngõ. Chỉ cần vô ý chọn nhầm một cửa ngõ nào đó, bạn sẽ bị cuốn vào một hành trình không có đường quay lại.
Khuôn mặt cô Noelle tạo thành một nụ cười phức tạp khi cô nhìn thấy Ellie. Trong khi đó, Ellie lục tung não bộ trong một phần tỉ của
ố ể
giây và nhớ ra người đối diện để kịp cười đáp lại.
“Chà, học sinh giỏi nhất của tôi!” Cô Noelle mở lời.
“Chào cô!”
“Em sao rồi?”
“Dạ, tốt lắm. Môn toán thực sự rất ổn.”
“À, chuyện đó quan trọng đấy.” Cô Noelle mặc một chiếc áo khoác kaki chống thấm màu xanh dù dự báo thời tiết nói hôm đó trời ấm và khô. Mái tóc đỏ của cô được buộc ngược ra sau bằng mấy chiếc kẹp đồi mồi. Chân cô đi đôi giày thể thao màu đen rẻ tiền, trên vai là chiếc túi canvas màu kem. Cô hỏi tiếp, “Em đã sẵn sàng cho ngày trọng đại chưa?”
Ellie nói chắc như đinh đóng cột, “Hoàn toàn sẵn sàng ạ.” Cô bé không muốn tạo cơ hội cho cô Noelle mỉa mai mình vì đã ngừng học thêm.
“Thứ Ba này thi phải không?”
“Đúng ạ, lúc mười giờ sáng. Môn thứ hai là vào tuần sau.” Cô Noelle gật đầu, mắt không hề rời mắt Ellie. Cô nói, “Em biết không, cô đang sử dụng một tài liệu ôn tập mà các học sinh khác đều khen là cực kỳ có ích. Cô nghe tin hành lang là kỳ thi năm nay có nhiều điểm lắt léo lắm đó. Em có muốn lấy một bản photo tài liệu đó không?”
“KHÔNG. KHÔNG. EM KHÔNG CẦN TÀI LIỆU CỦA CÔ,” Ellie gào thét trong đầu nhưng Ellie-phiên-bản-lo-lắng-đủ-thứ lại nói ngược lại. Cô nàng Ellie thứ hai đang tha thiết muốn chơi dù lượn và làm chuyện người lớn vào mùa Hè này. Tối nay, cô nàng này còn muốn ăn pizza và sáng mai đi gặp bạn trai. Thế nên, cô ta thẽ thọt, “Dạ, có chứ. Tài liệu đó chắc sẽ có ích.”
“Vậy để cô xem nào,” cô Noelle vừa nói vừa chạm đầu ngón trỏ vào môi mình. “Chiều nay, cô có việc gần nhà em nên có thể ghé qua.”
“Như thế thì hay quá ạ,” Ellie nói.
“Hoặc là có cách này tốt hơn,” cô Noelle nhìn đồng hồ rồi ngoái lại đằng sau trong chốc lát. “Cô ở ngay đây, chính xác là cách đây bốn
ố
căn nhà thôi. Em ghé qua bây giờ luôn nhé, chỉ tốn khoảng mười giây thôi,” cô chỉ tay vào con đường rẽ.
Sáng thứ Năm đó khá là đông đúc. Người ta đi lướt qua hai bên họ. Sau này, Ellie nghĩ lại những người đó liệu có ai để ý chút nào tới một cô bé đeo ba lô, mặc áo thun đen và quần jean đứng nói chuyện với một phụ nữ mặc áo khoác chống thấm bằng kaki, vai đeo túi xách màu kem? Ellie hình dung chương trình Crimewatch sẽ tái hiện cảnh này như thế nào, ai sẽ vào vai cô bé? Chắc là Hanna. Hồi đó, hai chị em cao xấp xỉ nhau. Đóng vai cô Noelle có thể là một nữ cảnh sát khoác lên người chiếc áo màu xanh lá xấu xí.
Người dẫn chương trình Nick Robinson của Crimewatch sẽ nheo mắt nhìn máy quay, đặt câu hỏi cho khán giả, “Quí vị có ở đó vào sáng thứ Năm ngày 26 tháng Năm hay không? Có ai thấy một phụ nữ trung niên tóc đỏ nói chuyện với Ellie Mack không? Họ đứng bên ngoài cửa hàng từ thiện của Hội Chữ thập đỏ trên đường Stroud Green. Lúc đó tầm mười giờ bốn mươi lăm phút sáng. Có thể các bạn còn nhớ về thời tiết, London hôm ấy có một cơn bão điện. Có ai nhìn thấy người phụ nữ mặc áo khoác xanh lá đi cùng Ellie Mack về phía đường Harlow?” Màn hình tiếp đó chuyển sang cảnh quay từ camera an ninh cho thấy Ellie và cô Noelle cùng nhau đi lên đường Stroud Green. Với góc quay đó, trông Ellie bé tí hon và yếu ớt, rẽ ở góc đường và bước về phía số phận của mình như một đứa cực kỳ ngốc nghếch. Nick lại lên tiếng, “Làm ơn báo cho chúng tôi nếu bạn sực nhớ điều gì về buổi sáng hôm ấy hoặc bạn từng nhìn thấy Ellie Mack trên đường Harlow. Chúng tôi mong chờ cuộc gọi của các bạn.”
Nhưng chẳng ai thấy Ellie sáng ấy. Không ai lưu giữ chút ký ức nào về cô bé nói chuyện với người phụ nữ tóc đỏ. Cũng không ai nhìn thấy hai người đi về hướng đường Harlow. Không ai nhìn thấy Noelle Donnelly mở khóa một căn nhà nhỏ nhếch nhác có cây anh đào đang nở hoa bên ngoài rồi quay lại bảo Ellie: “Nào, tới đây, vào đi em.” Không ai nhìn thấy Ellie bước qua cửa. Lại càng không ai nghe thấy tiếng cửa đóng sau lưng cô bé.
12
Ông Paul và bà Laurel chôn cất những gì còn lại của con gái vào buổi chiều nắng cuối một “mùa Hè Ấn Độ[7]” lười nhác. Ellie của họ chỉ còn lại các mẩu xương đùi, xương ống chân và hầu hết phần sọ.
Báo cáo pháp y cho biết con gái họ bị xe cán qua người. Thi thể vụn vỡ của cô bé bị kéo vào sâu trong rừng, chôn sơ sài bên dưới một ngôi mộ nông. Sau đó, thú hoang tha các mảnh xương đi khắp nơi trong rừng. Cảnh sát đã thả chó lùng sục quanh đó nhiều ngày liền nhưng họ không tìm thấy gì thêm.
Cảnh sát cũng rà soát sổ ghi ghép của garage địa phương để tìm những chiếc xe đem sửa có hư hại tương ứng với việc tông trúng người.
Họ phát tờ rơi tới các khu vực xung quanh, hỏi han xem có ai nhớ ra một cô bé xin đi nhờ xe, một hành khách trên xe buýt, một cô gái trẻ đeo ba lô màu xanh nước biển nào hay không. Họ cũng tìm hiểu liệu có chủ nhà nghỉ hay chủ nhà nào cho cô bé ở trọ không, liệu có ai tình cờ bắt gặp cô bé ngủ bờ ngủ bụi hay không? Họ chìa ra tấm hình cô bé mười lăm tuổi và hình ảnh người phụ nữ hai mươi lăm tuổi do máy tính tạo nên, hỏi xem có ai nhận ra khuôn mặt này không. Ảnh chụp cặp giá nến của bà Laurel cũng được lan truyền kèm theo các câu hỏi: có ai rao bán chúng không, có ai thấy chúng hoặc mua chúng hay không. Nhưng chẳng có chút manh mối nào. Không ai từng nhìn thấy thứ gì, không ai biết chút gì. Sau mười hai tuần mò mẫm tích cực, vụ việc lại bế tắc.
Giờ thì Ellie Mack đã chết. Niềm hy vọng cô bé còn sống đã tắt. Bà Laurel cô quạnh. Gia đình bà tan vỡ. Chẳng còn gì, thật sự chẳng còn gì.
Cho tới cái ngày bà Laurel gặp ông Floyd - một tháng sau đám tang của Ellie.
Phần hai
13
Bà Laurel đưa cho cô bé gội đầu một đồng hai bảng. Bà cười dịu dàng, “Cảm ơn Dora.”
Bà đưa tiếp cho người thợ làm tóc tờ năm bảng, khen ngợi, “Cảm ơn Tania nhé. Tóc đẹp lắm. Cảm ơn nhiều.”
Bà nhìn vào tấm gương dài treo trên tường một lần nữa trước khi rời tiệm. Tóc bà dài chấm vai, màu vàng sáng và hợp mốt. Thế nhưng mái tóc ấy trái ngược hoàn toàn với cõi lòng của bà. Bà sẵn sàng trả tám mươi bảng cho bất kỳ ai trên đường Stroud Green có thể đem đến cho bà một tinh thần sáng láng, đâu ra đó như một mái tóc sấy khô sành điệu. Dĩ nhiên tiền boa nhiều hơn năm bảng.
Ngoài trời đang là một buổi chiều mùa lộng gió. Tóc bà nhẹ như tơ, vấn vít quanh đầu. Lúc đó đã trễ và bà đói bụng nên quyết định ăn trước khi về nhà. Bà đẩy cửa bước vào quán cà phê cách tiệm làm tóc ba căn, gọi cho mình món bánh mì sandwich bơ nướng và một ly cappuccino đã lọc hết caffeine. Bà ăn nhanh nên phô-mai tràn ra khỏi bánh mì và bám quanh cằm bà. Bà đang dùng khăn ăn lau cằm thì một người đàn ông bước vào.
Người này có chiều cao vừa phải, khổ người vừa phải và khoảng năm mươi tuổi. Tóc ông ta cắt ngắn, hai bên thái dương màu xám trong khi đỉnh đầu sậm màu hơn. Ông ta mặc chiếc quần jean vừa vặn, áo sơ mi đẹp mắt, xỏ đôi giày ống buộc dây và đeo kính đồi môi - tương tự kiểu ăn mặc của Paul. Dù những suy nghĩ của bà về chồng cũ hết sức mâu thuẫn và rắc rối kinh khủng song bà phải thừa phận ông luôn ăn mặc có gu.
Bà Laurel rất ngạc nhiên khi nhận ra mình gần như ngưỡng mộ người đàn ông đứng ở cửa ra vào. Ở ông ta toát lên vẻ đường hoàng nhưng điềm tĩnh, còn đôi mắt ánh lên lấp lánh - chỉ là bà Laurel chưa chắc dám nói ra như vậy. Bà chăm chú quan sát khi
ế ề ế ầ
người đàn ông xếp hàng, soi ra thêm nhiều chi tiết, như phần bụng phẳng nhưng mềm, đôi bàn tay vững chãi, một tai hơi nhô ra hơn bên còn lại. Tính ra, ông ta không đẹp trai theo chuẩn truyền thống nhưng lại có khí chất của người từ lâu đã chấp nhận giới hạn ngoại hình của mình và khéo léo chuyển sự chú ý sang cá tính bản thân.
Vị khách mới gọi một lát bánh cà rốt và cà phê đen. Khó đoán định ông ta là người ở đâu thông qua giọng nói, có thể là người Mỹ hoặc là một người nước ngoài học tiếng Anh từ người Mỹ. Bà Laurel nín thở khi ông ta chọn bàn ngay cạnh bà. Ông ta không tỏ vẻ để tâm đến cái nhìn chằm chằm của bà dù đã chọn cái bàn gần bà nhất giữa mênh mông bàn trống trong quán. Bà bỗng bấn loạn, cảm thấy như thể chính bà đã mời gọi sự chú ý của ông ta một cách vô thức, không chủ ý. Bà đâu có muốn ông ta để ý tới mình. Bà chẳng cần ai chú ý cả.
Trong một lúc, họ ngồi sát bên nhau như thế. Người khách không nhìn bà dẫu chỉ một lần nhưng bà cảm nhận được dụng ý gì đó từ phía ông ta. Trong lúc “hàng xóm” nghịch điện thoại, bà Laurel giải quyết nốt phần bánh sandwich phô-mai nhưng ăn miếng nhỏ và từ tốn hơn. Được một lúc nữa, bà bắt đầu nghi có lẽ là mình tưởng tượng ra mọi chuyện. Bà uống cà phê và chuẩn bị ra về.
Đúng lúc đó, ông ta cất lời, “Tóc bà đẹp lắm.”
Bà Laurel quay người sang, tỏ ra sốc với lời khen và chỉ kịp thốt lên: “Ồ.”
“Đẹp thật đấy.”
“Cảm ơn ông.” Bà bất giác vuốt tóc. “Tôi mới làm xong chứ bình thường không được như thế này.”
Ông ta mỉm cười. “Bà ăn bánh cà rốt bao giờ chưa?” Bà Laurel lắc đầu.
“Ngon tuyệt đấy. Bà muốn nếm một chút chứ?”
“Ồ không, cảm ơn, tôi…” bà Laurel cười rụt rè.
“Xem nào, tôi có muỗng sạch ngay đây này. Bà nếm thử đi. Tôi không định ăn hết miếng bánh đâu,” ông ta vừa nói vừa đẩy chiếc muỗng về phía bà Laurel.
ồ
Một luồng sáng lóe lên dọc quán cà phê lúc đó, sáng như ánh đèn pin. Luồng sáng chạm vào chiếc muỗng, khiến nó trở nên óng ánh. Trên miếng bánh vẫn còn vết lõm do nĩa của ông khách lưu lại. Khoảnh khắc ấy thân mật lạ kỳ, theo phản xạ lẽ ra bà Laurel phải lùi lại và bước đi. Nhưng khi nhìn thấy những đốm lấp lánh trên chiếc muỗng bạc, lòng bà như bắt đầu mở ra. Có điều gì đó như là hy vọng.
Bà cầm muỗng lên, xắn lấy một miếng nhỏ ở góc bánh ông ta chưa đụng đến.
Tên ông ta là Floyd. Đầy đủ là Floyd Dunn. Ông ta chìa tay về phía bà, nhã nhặn nói: “Rất vui được gặp bà, bà Laurel Mack.” Cái bắt tay của ông ta vừa chặt vừa ấm.
“Giọng ông là ở vùng nào vậy?” Bà hỏi trong lúc kéo ghế của mình lại gần bàn ông ta hơn. Bà cảm thấy một vạt nắng đang sưởi ấm sau đầu mình.
“À,” Người đàn ông chấm chấm miệng bằng khăn ăn, giải thích: “Lẽ ra bà nên hỏi trong giọng của tôi còn thiếu vùng miền nào hay không. Bố mẹ tôi là người Mỹ, họ tham vọng tới nổi đuổi theo công việc và tiền bạc vòng quanh thế giới. Bốn năm ở Mỹ. Hai năm ở Canada. Thêm bốn năm nữa ở Mỹ. Tiếp đó là bốn năm ở Đức, rồi một năm ở Singapore trước khi trụ lại Anh ba năm. Giờ bố mẹ tôi về Mỹ rồi, còn tôi ở lại đây.”
“Vậy là ông sống ở đây cũng lâu rồi?”
“Tôi sống ở đây…” ông ta nheo mắt tính nhẩm, “… ba mươi bảy năm rồi. Tôi có hộ chiếu Anh. Con cái và vợ cũ của tôi là người Anh. Tôi nghe The Archers[8]. Tôi là người Anh hoàn toàn rồi.”
Nói xong, ông khách mỉm cười còn bà Laurel cười phá lên. Bỗng bà khựng lại. Sao chuyện này có thể xảy ra, vào ngày hôm nay? Bà ngồi trong quán cà phê vào giữa buổi chiều, nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt, thậm chí bật cười vì câu đùa của ông ta. Chuyện này xảy ra sau ngần ấy tháng ngày, sau hàng trăm ngày tối tăm kể từ khi Ellie ra đi? Đây có phải là dấu chấm hết cho sự đày ải, sau khi bạn chôn cất đứa con yêu quý?
“Bà sống gần đây à?” Ông ta hỏi.
“Không.” Bà Laurel trả lời. “Không, tôi ở Barnet. Nhưng trước kia tôi sống gần đây. Tôi mới dọn đi cách nay mấy năm thôi nên vẫn về đây làm tóc.” Bà ra dấu về phía tiệm làm tóc cách đó vài căn. “Tôi hoàn toàn không dám để cho ai khác chạm vào tóc của mình nên chịu khó quay lại đây mỗi tháng.”
Ông khách đưa mắt nhìn mái tóc người phụ nữ mới quen. “À, theo tôi thấy thì điều đó xứng đáng đấy.”
Giọng nói nghe lả lơi tới nỗi bà Laurel phải tự hỏi liệu ông ta có kì quặc hay không. Có không nhỉ? Ông ta có gì đó lạ lùng hay bất thường không? Bà có bỏ qua dấu hiệu cảnh báo nào không? Ông ta sắp lừa bà à, hay định cưỡng hiếp, bắt cóc? Ông ta có ý đồ đen tối? Hay bị điên? Hay là người xấu?
Cứ mỗi khi gặp ai đó, bà lại lặng lẽ tự hỏi mình những câu tương tự. Bà thuộc típ người hoài nghi, ngay cả trước khi con gái mất tích và bị xác nhận đã qua đời mười năm sau đó, bà đã chẳng tin tưởng ai. Ông Paul lúc nào cũng nói ông phải trường kỳ mới chinh phục được bà. Bà Laurel không chịu cưới ông mãi tới khi Jake đã lẫm chẫm biết đi, tất cả chỉ vì bà sợ ông xem mình là người qua đường và sẽ bị bỏ rơi ngay tại phòng đăng ký kết hôn. Đó là hồi xưa, bây giờ bà hỏi những câu hỏi ấy thường xuyên hơn nhiều. Bởi bà biết hậu quả tồi tệ nhất không chỉ là một điều tệ hại nào đó mà bà tưởng tượng ra.
Nhưng người đàn ông trước mặt - với mái tóc muối tiêu, đôi mắt xám, làn da mềm và đi giày đẹp, dù bà đã soi rất kỹ vẫn không nhận ra điểm gì bất thường ngoài chuyện ông ta đang nói chuyện với bà. Bà đáp lại lời khen, “Cảm ơn,” sau đó lùi ghế lại về bàn mình. Bà lưỡng lự, nửa muốn ra về nửa nấn ná chờ ông ta gọi ở lại.
“Bà phải đi à?” Ông ta cất tiếng.
“À phải,” bà ậm ừ, trong đầu cố nghĩ ra việc gì đó cần phải làm. “Tôi đi thăm con gái.”
Sự thật là bà đâu có tính đi gặp con gái lúc này. Bà còn chẳng bao giờ gặp nó nữa là.
“Bà có con gái à?”
“Đúng vậy. Thêm một đứa con trai nữa.”
“Một trai và một gái.”
“Đúng vậy,” bà đáp lại mà nghe tim đau nhói, bởi đã bỏ qua đứa con gái xấu số.
“Tôi có hai con gái.”
Bà gật đầu và đeo túi lên vai.
“Chúng bao nhiêu tuổi rồi?”
“Một đứa hai mươi mốt, đứa còn lại chín tuổi.”
“Hai đứa có ở cùng ông không?”
“Tôi sống cùng con gái út, đứa lớn ở với mẹ.”
“Vậy à?”
Ông khách mỉm cười. “Phức tạp lắm.”
“Chẳng phải thế sao?” Bà cười đáp lại.
Người đàn ông xé một góc của tờ báo để trên bàn bên cạnh, tìm cây bút chì trong túi áo khoác rồi đề nghị: “Tôi thực sự thích nói chuyện với bà lắm. Nãy giờ vẫn chưa đủ nên tôi tha thiết mời bà đi ăn tối.” Ông viết vội một con số trên mảnh giấy, đưa cho bà kèm câu nói, “Gọi cho tôi nhé.”
_Gọi cho tôi nhé._
Đơn giản mà sao đầy vẻ tự tin, chắc nịch và thẳng thắn đến thế? Bà chưa từng nghĩ rằng lại có một người như thế.
Bà nhận mảnh giấy, xoa miết nó bằng các đầu ngón tay. “Được,” bà nói rồi sửa lại, “À, có thể.”
Ông ta cười lớn, tỏ vẻ rất hài lòng. “Với tôi, có thể là tốt rồi.” Bà Laurel đi vội ra khỏi quán và không quay đầu lại.
Chiều hôm ấy, bà Laurel làm điều mà bà chưa từng làm. Bà ghé qua nhà Hanna mà không báo trước. Thấy mẹ đứng trước cửa nhà, vẻ mặt của Hanna tới chín mươi phần trăm hoang mang, còn lại mười phần trăm là e ngại.
“Mẹ à?”
“Ừ, chào con yêu.”
Hanna liếc sau lưng mẹ, cứ như thể sẽ tìm thấy một lý do hiển hiện cho việc mẹ mình đột ngột xuất hiện ngay trước mắt.
ổ
“Mẹ ổn chứ?”
“Ừ, mẹ ổn. Mẹ chỉ ghé qua xem sao thôi. Mẹ cảm thấy lâu rồi không gặp con.”
“Con mới gặp mẹ hôm Chủ nhật mà.”
Hôm ấy, Hanna tạt qua để đưa mẹ chiếc laptop cũ nhưng không vào nhà.
“Mẹ nhớ mà. Nhưng chưa phải là gặp đúng nghĩa.”
Hanna vừa đổi chân vừa hỏi mẹ. “Mẹ vào nhà chứ?”
“Có chứ con yêu. Cảm ơn con.”
Hanna đang mặc quần thể dục, áo thun bó màu trắng có từ “Cheri” trước ngực. Vốn dĩ Hanna ăn mặc không quá sành điệu. Khi đi làm, cô thích mặc bộ suit màu đen hiệu Banana Republic, còn ở nhà xỏ quần áo thoải mái. Bà Laurel không rõ con gái mặc gì vào buổi tối bởi họ chưa bao giờ đi chơi tối với nhau.
“Mẹ uống trà không?”
“Giờ mà uống trà thì hơi trễ rồi.”
Hanna đảo mắt. Cô không mấy để ý đến cách mẹ mình uống các thức uống có caffeine, điều đó khiến cô bực mình.
“Con định uống cà phê. Con lấy cho mẹ một tách luôn nhé?” “Không cần đâu con, thật đấy.”
Bà Laurel nhìn con gái đi lại trong căn bếp nhỏ, mở rồi đóng tủ đựng bát đĩa. Hanna không để lộ điều gì thông qua ngôn ngữ cơ thể khép kín của mình, đến nỗi bà Laurel tự hỏi không biết bà và con gái có từng gần gũi bao giờ hay chưa.
“Mẹ đã ở đâu vậy?” Hanna hỏi.
“Con hỏi gì cơ?”
“Mẹ nói mẹ từ đâu đó ghé qua nhà con mà.”
“À ừ, phải rồi. Mẹ đi làm tóc.” Bà Laurel lại chạm tóc, nhận thấy lời nói dối vô hại khiến bà áy náy.
“Trông đẹp đấy mẹ ạ!”
“Cảm ơn con yêu!”
ấ ố
Trong túi áo bà, mảnh giấy báo có số điện thoại và cái tên “Floyd” viết quấy quá ngọ nguậy khi bà mở lời. “Có chuyện buồn cười lắm.” Hanna nhìn mẹ dè chừng. Hanna luôn có ánh nhìn như vậy mỗi khi mẹ cô bắt đầu nói chuyện - về bất cứ điều gì - như thể cô sợ bị kéo vào một mớ bòng bong nào đó mà mình không đủ sức chịu đựng.
“Có người cho mẹ số điện thoại và mời đi ăn tối.”
Ánh mắt e dè chuyển thành hoảng hốt. Bà Laurel sẵn sàng làm bất cứ điều gì, trả bất cứ giá nào hoặc cho hết mọi thứ để đổi lấy đứa con nói chuyện với mình là Ellie chứ không phải Hanna. Ellie sẽ hò reo, cười tươi rói rồi lao tới ôm chặt lấy mẹ. Sau đó, con bé sẽ nói với bà rằng chuyện đó thật đáng kinh ngạc, cực kỳ hay ho và tuyệt vời.
“Dĩ nhiên là mẹ không gọi cho ông ta đâu. Không đời nào. Nhưng chuyện này làm mẹ nghĩ về chúng ta. Tại sao tất cả chúng ta lại xa rời nhau như những hòn đảo riêng biệt?”
Hanna không giấu được giọng điệu buộc tội trong lời nói của mình. “À, phải.”
“Rất lâu rồi mà chúng ta vẫn chưa tìm ra cách đoàn tụ lại thành gia đình như xưa. Tất cả chúng ta cứ như đã mắc kẹt bên trong chính mình, vào ngày hôm đó. Ý mẹ là, nhìn con xem.” Ngay khoảnh khắc thốt ra lời, bà Laurel biết chắc những gì bà nói mang sắc thái ý nghĩa hoàn toàn khác.
“Gì cơ?” Hanna ngồi thẳng lưng lên, các ngón tay thôi đan vào nhau. “Con làm sao hả mẹ?”
“À, con rất tuyệt, chắc chắn là như thế. Mẹ rất tự hào về con. Con làm việc chăm chỉ và đạt được nhiều thành tựu. Nhưng có bao giờ con nghĩ rằng cuộc sống của con quá đơn điệu không? Ý mẹ là, ngay cả một con mèo con cũng không có.”
“Sao hả mẹ? Mèo ấy hả? Mẹ không đùa đấy chứ? Làm sao con nuôi mèo được hả mẹ? Con ở ngoài cả ngày cả đêm. Con mà nuôi mèo thì chả bao giờ giáp mặt nó…”
Bà Laurel chìa tay về phía con gái. “Quên chuyện con mèo đi. Mẹ chỉ ví dụ thôi. Ý mẹ là sau thời gian làm việc, con còn gì khác không? Còn gì để quan tâm nữa không? Bạn bè hay bồ bịch gì đó?”
ắ ề
Cô con gái từ từ chớp mắt nhìn mẹ. “Sao mẹ lại hỏi con về đàn ông? Mẹ thừa biết là con không có thời gian dành cho họ mà. Con chẳng có thời gian cho thứ gì hết, kể cả cuộc nói chuyện này.”
Bà Laurel thở dài, đưa tay xoa sau gáy. “Mấy lần gần đây khi đến dọn dẹp, mẹ để ý thấy con không về nhà đêm trước đó.” Mặt Hanna đỏ lên rồi nhăn nhó. “Vì vậy mà mẹ nghĩ con có bạn trai à?”
“Ừ, mẹ nghĩ thế.”
“Không, mẹ ơi,” Hanna mỉm cười vẻ kẻ cả, “tiếc là không phải. Không có gã bạn trai nào cả, chỉ là tiệc tùng, ăn uống thôi. Con ở lại chỗ bạn bè.” Cô nhún vai rồi lại bóc chỗ da khô quanh ngón tay.
Bà Laurel nheo mắt. Hanna mà tiệc tùng sao? Cử chỉ của Hanna tiết lộ điều ngược lại và bà Laurel chẳng hề tin lời con gái nói. Nhưng bà không làm tới, thay vào đó nở nụ cười gượng ép và nói, “Mẹ hiểu rồi.”
Hanna dịu giọng, rướn người về phía mẹ. “Con còn trẻ mà mẹ. Sau này sẽ có thời gian cho đàn ông, cả mèo nữa. Chỉ là không phải bây giờ thôi.”
Nhưng còn chúng ta thì sao, khi nào cuộc sống kiểu này mới kết thúc? Khi nào chúng ta mới trở lại là một gia đình? Khi nào chúng ta mới thật sự cười nói mà không mang trong mình cảm giác tội lỗi?
Đó là những điều bà Laurel muốn hỏi nhưng lại không nói thành lời. Thay vào đó, bà vươn tay qua bàn nắm lấy tay cô con gái ngồi đối diện. “Mẹ biết mà con yêu. Mẹ biết hết. Mẹ chỉ mong con hạnh phúc, mẹ mong tất cả chúng ta hạnh phúc. Mẹ mong…”
“Mẹ mong Ellie trở lại.”
Bà Laurel ngạc nhiên ngước nhìn Hanna. “Đúng rồi, mẹ mong Ellie trở lại.”
“Con cũng vậy. Nhưng chúng ta đều biết Ellie sẽ không về nữa và chúng ta phải chấp nhận điều này.”
“Con nói hoàn toàn đúng,” bà Laurel đáp lời trong lúc tay bà lại vần vò mảnh giấy trong túi áo. Đột nhiên, sống lưng bà lạnh toát.
14
“Chào ông Floyd. Tôi là Laurel. Laurel Mack.”
“Chào bà Mack.”
Giọng nói xuyên Đại Tây Dương mềm mại kia cất lên uể oải đầy vẻ biếng nhác và không màu mè.
“À, hay là cô nhỉ?”
“Tôi hiện không có chồng,” bà Laurel đáp lời.
“Chào cô Mack. Thật tốt khi cô đã gọi, tôi rất vui.”
Bà Laurel mỉm cười. “Vậy thì tốt.”
“Chúng ta lên kế hoạch ăn tối chứ nhỉ?”
“Tôi nghĩ là được, trừ khi…”
“Không có trừ khi gì cả. Trừ khi cô có sẵn lý do đặc biệt nào đó trong đầu.”
Bà bật cười. “Làm gì có chuyện đó.”
“Tốt quá,” ông ta nói. “Cô thấy tối thứ Sáu này được không?” “Được đấy. Tôi thích thế,” bà nói mà thậm chí không kiểm tra xem hôm đó mình có rảnh hay không.
“Cô có muốn vào khu trung tâm không? Ngắm đường phố lung linh một chút? Hay chúng ta đi đâu đó gần chỗ tôi, hoặc chỗ cô cũng được.”
“Ngắm đèn đuốc phố xá cũng hay đấy,” giọng bà Laurel bắt đầu hồi hộp như thể một thiếu nữ.
“Tôi đã hy vọng cô nói thế đấy. Cô thích món Thái không?” “Có chứ.”
“Được rồi, phần còn lại để tôi lo. Tôi sẽ đặt chỗ và báo cô chi tiết sau,” ông ta nói.
“Ồ tuyệt. Ông thật là…”
ế
“Giải quyết hiệu quả?”
“Hiệu quả. Đúng vậy và còn…”
“Kích động?”
Bà Laurel lại bật cười. “Tôi đâu có định nói thế.”
“Nhưng đó là sự thực. Tôi là một gã mê cảm giác mạnh, lúc nào cũng thích phiêu lưu vui vẻ. Tôi sống như thế đấy.”
“Ông thật vui tính.”
“Cảm ơn cô.”
“Gặp lại ông vào thứ Sáu nhé.”
“Chắc chắn rồi, trừ khi…” ông ta lấp lửng.
Bà Laurel luôn chăm chút vẻ bề ngoài. Ngay cả những ngày tăm tối khi Ellie mới mất tích, bà vẫn tắm rửa, chọn lựa quần áo cẩn thận. Bà cũng không quên dùng kem che khuyết điểm đắt tiền phủ lên quầng thâm mắt và chải cho đến khi tóc sáng bóng lên. Bà chưa bao giờ buông bỏ bản thân. Bản thân là tất cả những gì bà còn lại trong chuỗi ngày tháng đó.
Bà luôn chăm chút vẻ ngoài tươm tất nhưng thực ra bà đã không còn lăn tăn chuyện xấu đẹp từ lâu rồi, có thể là từ năm 1985 khi bà và ông Paul chung sống với nhau. Hậu quả là giờ đây, bà dối diện khuôn mặt ngờ nghệch trong gương với túi mỹ phẩm để mở. Cảm giác căng thẳng xâm chiếm khiến bà chải mascara lên mí mắt thay vì dùng bút kẻ. Chưa hết, bà còn tự trách móc và cáu kỉnh vì đã để khuôn mặt mình trở nên già nua, vì không được xinh đẹp và không sinh ra với gene của Christy Turlington[9]. Tất cả những dằn vặt này đều là cảm giác mới lạ.
Bà nhăn mặt lấy bông tẩy trang lau vết mascara đi, không quên lẩm bẩm chửi thề, “Chết tiệt.”
Trên chiếc giường sau lưng bà là cả một tủ quần áo. Thời tiết tối nay lạ thật. Giờ này trong năm mà oi bức nhưng dự báo lại có mưa rào và gió mạnh. Mặc dù thân hình bà khá chuẩn - mặc cỡ mười tiêu chuẩn - nhưng toàn bộ quần áo mặc đi chơi lại được sắm sửa từ hồi bà ngoài bốn mươi tuổi. Cái thì quá ngắn, cái thì hoa hòe lòe loẹt, cái lộ tay quá nhiều, cái lại lộ ngực quá đáng. Chẳng cái nào hợp cả!
ố ế ố
Cuối cùng, bà đành xỏ vào người chiếc áo tay dài màu xám, phối với quần dài ống loe màu đen. Nhìn chán òm nhưng khổ nỗi lại cực kỳ phù hợp.
Đã bảy giờ năm phút rồi, bà cần ra khỏi nhà trong vòng mười phút nữa mới kịp giờ hẹn với ông Floyd. Bà nhanh tay trang điểm cho xong, chẳng còn thời gian để xem thử mình đẹp hơn hay xấu đi.
Bà dừng lại một chút ở cửa trước căn hộ, nơi bà để hình ảnh của ba đứa con trên một chiếc tủ nhỏ. Bà thích cảm giác các con chờ đón mình trở về cũng như được chúng chào tạm biệt. Bà cầm tấm hình chụp Ellie lên; lúc đó con bé mười lăm tuổi, hình chụp hồi cuối tháng Mười trước khi nó mất tích. Khi ấy, họ đang ở Wales; mặt Ellie đỏ ửng vì gió biển và trò ném bóng trên bãi biển chơi cùng anh trai và chị gái. Cô bé cười hết cỡ, tới mức thấy cả thanh quản. Con gái út của bà Laurel đội chiếc nón len màu nâu có đính chùm len nhỏ trên chóp. Đôi bàn tay cô bé ẩn trong chiếc áo hoodie ngoại cỡ.
“Mẹ đi hẹn hò đây Ellie,” bà thì thầm với con gái. “Ông ta là người tinh tế. Ông ta tên Floyd, mẹ nghĩ ông ta sẽ thích con.” Ngón tay cái của bà mân mê nụ cười của con gái trong ảnh rồi xoa xoa lên nhúm len trên chiếc mũ.
Tuyệt quá mẹ ơi. Con mừng cho mẹ lắm. Vui nha mẹ! Bà như nghe con gái khích lệ.
“Mẹ sẽ cố, mẹ sẽ cố,” bà trả lời vào thinh không.
•••
Ánh đèn chiếu nhẹ nhàng bên trong nhà hàng mà ông Floyd chọn. Tường sơn hai màu đen và vàng, còn nội thất theo tông màu trầm. Chụp đèn làm bằng thạch anh tím xâu thành chuỗi che bên trên những bóng đèn halogen. Bà Laurel tới trễ hai phút và ông ta đã chờ sẵn ở đó.
Bà thầm nghĩ: “Ông ta trông trẻ hơn dưới ánh đèn này, do đó mình cũng phải trông trẻ hơn.” Ý nghĩ này làm dáng người bà uyển chuyển khi lại gần ông ta và để người đàn ông mới quen biết đứng lên hôn vào hai bên má.
“Trông cô thật duyên dáng,” ông ta khen.
Bà đáp lại: “Cảm ơn, ông cũng vậy.”
Floyd mặc chiếc áo sơ mi ca rô đen - xám, khoác ngoài là áo jacket nhung đen. Có vẻ ông ta đã cắt tóc sau lần đầu họ gặp nhau và từ người ông ta thoang thoảng mùi hương tuyết tùng kèm chanh.
“Cô thích nhà hàng này không?” Ông ta giả vờ hỏi một cách thắc thỏm (nhưng rõ ràng không lừa ai được).
“Tôi thích chứ. Nó tuyệt lắm,” bà Laurel trả lời.
Ông Floyd làm ra vẻ thở phào, khiến bà Laurel cười đáp lại. Bà hỏi, “Ông tới đây bao giờ chưa?”
“Có rồi, nhưng mới vào buổi trưa thôi. Tôi luôn muốn tới vào buổi tối để thử bầu không khí tối tăm, u ám cùng số người mập mờ chật kín ở đây.”
Bà Laurel đảo mắt qua những thực khách xung quanh mình. Hầu hết có vẻ đến thẳng nhà hàng từ văn phòng làm việc hoặc có hẹn sẵn. “Cũng đâu mờ ám gì,” bà nhận xét.
“À, tôi thấy rồi. Tôi rất là thất vọng luôn đấy.”
Bà mỉm cười trong khi ông ta đẩy thực đơn tới.
“Cô đói chưa?”
“Tôi đói rã ruột rồi đây,” bà nói. Thật sự là vậy, cả ngày nay bà hồi hộp tới nỗi không ăn được gì. Giờ đây, khi ngồi đối diện với ông Floyd và nhớ lại vì sao mình chịu ăn chung miếng bánh với ông ta, sau đó gọi điện thoại để sắp xếp cuộc hẹn này, vị giác mới trở về với bà.
“Cô thích món cay không?”
“Tôi thích lắm.”
Ông ta nhìn bà nói: “Cảm ơn Chúa, tôi chỉ thích người mê món cay thôi. Khởi đầu không tệ chút nào.”
Họ mất thêm một lúc nữa để xem thực đơn.
Ông Floyd hỏi han rất nhiều: Cô có đi làm không? Có anh chị em gì không? Cô sống trong căn hộ như thế nào? Có sở thích gì? Có nuôi thú cưng gì không? Đến khi nước uống của họ sắp được phục vụ, ông ta hỏi, “Con cô bao nhiêu tuổi rồi?”
ế
Bà vo chiếc khăn ăn trong lòng, trả lời, “Một đứa hai bảy và một đứa hai chín.”
“Ồ,” ông ta nhìn bà đầy ngờ vực. “Trông cô không lớn tuổi đến mức có con ở độ tuổi ấy. Tôi cứ nghĩ, những đứa trẻ cùng lắm là tuổi dậy thì thôi.”
Bà biết điều đó hết sức vô nghĩa. Mất đi một đứa con khiến bạn già sọm đi còn nhanh hơn ngồi đốt thuốc lá liên tục trên bãi biển. “Tôi sắp năm mươi lăm tuổi rồi. Bề ngoài của tôi đúng với tuổi.”
Ông Floyd phản bác, “Không đâu, nhìn cô rất tuyệt, chỉ khoảng bốn mươi mấy.”
Bà nhún vai bỏ qua lời khen, nó quá vớ vẩn.
Người đối diện mỉm cười, rút kính đọc sách từ túi trong áo khoác ra. Ông ta vừa đeo kính vừa nói, “Chúng ta gọi món nhé?” Họ gọi quá nhiều, các món ăn thi nhau được đưa lên, khẩu phần lại lớn hơn những gì họ mường tượng. Thế là phần lớn bữa tối được dùng để xếp lại ly, chai nước và điện thoại để có chỗ đặt món ăn. “Phải món này không? Làm ơn nói đúng là nó đi,” họ đùa nhau như vậy mỗi lần có món mới lên. Ban đầu họ uống bia, sau đó chuyển sang vang trắng.
Ông Floyd kể cho bà Laurel nghe chuyện ông ly dị vợ, người đã sinh ra đứa con gái lớn của ông. Tên cô bé là Sara-Jade. “Tôi muốn đặt tên nó là Sara-Jane, vợ cũ lại thích gọi là Jade. Điều đó dẫn đến một thỏa hiệp: Tôi vẫn gọi là Sara, vợ cũ tôi gọi là Jade, còn con bé tự gọi mình là SJ,” ông ta nhún vai. “Cô đặt tên con thế nào cũng được và chúng toàn quyền biến tấu cái tên ấy.”
“Cô bé trông thế nào?”
“Sara ấy à? Con bé…” Lần đầu tiên bà Laurel thấy sự sôi nổi bẩm sinh của ông Floyd dịu đi một chút. “Con bé không được bình thường. Nó, ừ thì…” Dường như không biết phải nói thế nào, cuối cùng ông ta nói: “Chắc cô phải gặp con bé mới biết được.”
“Ông hay gặp nó không?”
“Có chứ, nhiều lắm. Nó vẫn sống với vợ cũ của tôi nhưng hai mẹ con không hòa hợp lắm nên cô ta xem tôi như cửa thoát hiểm. Hầu
ố ầ
như cuối tuần nào con bé cũng ở với tôi. Thật lòng mà nói là vừa vui vừa không thoải mái lắm,” ông ta cười gượng gạo.
“Cô con gái còn lại của anh tên gì?”
“Poppy.” Khuôn mặt Floyd sáng lên khi ông ta nhắc đến cô bé. “Cô bé thế nào? Có phải là rất khác so với Sara-Jade không?” “Chúa ơi, khác chứ.” Ông ta chậm rãi gật đầu, đầy vẻ cường điệu.
“Thật đấy, Poppy rất tuyệt. Con bé cực kỳ giỏi toán, có khiếu hài hước tỉnh rụi dễ nể và không để ai ảnh hưởng đến mình. Con bé luôn lôi tôi về thực tế, nhắc cho tôi nhớ tôi không phải là kẻ quan trọng nhất. Con bé đè bẹp tôi dễ dàng trên mọi phương diện.”
“Wow, cô bé tuyệt đấy!” Bà Laurel nói mà trong lòng thầm nghĩ cứ như ông ta đang tả cô con gái xấu số của bà.
“Rất tuyệt. Tôi thấy mình có phúc lắm.”
“Thế làm sao cô bé lại sống với ông?”
“À, đây là chỗ phức tạp nhất đấy. Poppy và Sara-Jade không phải là con cùng một mẹ. Mẹ của Poppy là… Tôi không biết nói sao nữa, đại khái là một mối quan hệ qua đường vượt quá giới hạn. Cô hiểu ý tôi chứ? Poppy sinh ra ngoài kế hoạch. Chúng tôi cũng cố gắng sống như một cặp đôi bình thường một thời gian nhưng rốt cuộc lại công cốc. Và rồi khi Poppy được bốn tuổi, cô ta biến mắt.”
“Biến mất?” Tim bà Laurel đập nhanh hơn vì cái từ quá sức ám ảnh đối với bà.
“Đúng thế. Bỏ Poppy trước cửa nhà tôi, rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng của cô ta, bỏ luôn nhà cửa, công việc và mất hút từ đó tới nay.”
Ông Floyd cầm lấy ly rượu, nhấp một ngụm chừng mực như thể chờ phản hồi của bà Laurel.
Bà Laurel ôm lấy cổ mình. Đột nhiên bà cảm thấy có bàn tay số phận, rằng cuộc gặp gỡ giữa bà với người đàn ông hấp dẫn lạ lùng này không phải chuyện ngẫu nhiên như bà tưởng. Dường như họ nhận ra ở nhau những hố sâu bí ẩn, nơi dành cho những kẻ đặc biệt chẳng may bị lôi ra khỏi đời sống bình thường một cách kịch tính và khó hiểu.
ố
“Tội nghiệp Poppy,” bà Laurel thốt lên.
Ông Floyd nhìn xuống khăn trải bàn, lăn lăn một hạt gạo dưới ngón tay. “Quả là như vậy,” ông ta nhìn nhận.
“Ông nghĩ bà ấy đã gặp chuyện gì?”
“Mẹ Poppy ấy à?” ông ta hỏi lại. “Chúa ơi, làm sao tôi biết được. Cô ta là một phụ nữ lạ lùng. Cô ta có thể trôi nổi tới bất cứ chỗ nào. Bất cứ chỗ nào theo đúng nghĩa đen đấy.”
Bà Laurel nhìn người đối diện, cân nhắc xem có nên hỏi câu tiếp theo hay không. “Có bao giờ ông nghĩ rằng bà ấy đã chết không?” Trước cái nhìn tối tăm của ông Floyd, bà Laurel biết mình đã đi quá xa. “Ai mà biết chứ? Ai biết được?” ông ta lặp lại. Tiếp đó, nụ cười quay trở lại. Họ tiếp tục trò chuyện, gọi thêm rượu vang. Niềm vui khởi sắc và cuộc hẹn tiếp tục suôn sẻ.
15
Ngay khi về tới nhà, bà Laurel mở laptop lên, đeo kính và tìm hiểu cái tên Floyd Dunn trên Google. Họ hàn huyên suốt cả buổi tối, cho tới khi nhà hàng đề nghị hết sức nhã nhặn mới chịu ra về. Ông Floyd nhẹ nhàng gợi ý đi chơi tiếp. Ông ta là thành viên một câu lạc bộ nào đó (“Không phải kiểu câu lạc bộ hào nhoáng ăn chơi đâu, chỉ là quán bar có vài cái ghế bành và mấy loại rượu, đồ ăn kiểu xưa xưa thôi,” ông ta rủ rê). Tuy nhiên, bà Laurel muốn về High Barnet trước khi tàu điện ngầm ngừng chạy, thế nên họ chia tay ở giao lộ Piccadilly Circus. Ngồi trên tàu điện, bà Laurel nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trên cửa sổ, cười với vẻ say xỉn, ngớ ngẩn. Giờ đây, bà đang mặc pyjama và ngậm bàn chải đánh răng trong miệng.
Chỗ quần áo bà bỏ lại trên giường trước khi đi giờ đây chất đống trên ghế bành, còn đồ trang điểm vẫn nằm vương vãi trên bàn. Bà chẳng còn hơi sức đâu thu dọn. Những gì bà muốn lúc này là thu mình lọt thỏm trong chiếc bong bóng mà bà và ông Floyd tạo ra tối nay, không để gai góc cuộc đời len lỏi vào.
Chỉ sau vài giây google, bà Laurel phát hiện ông Floyd không chỉ là nhà toán học - như ông ta tiết lộ với bà trong bữa tối - mà còn là tác giả của nhiều cuốn sách được đánh giá cao về lý thuyết số và vật lý toán học.
Bà nhấp vào Google hình ảnh và chăm chú nhìn khuôn mặt ông Floyd qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời cũng như những tạo hình khác nhau. Trong vài hình ảnh, rõ ràng ông ta trẻ hơn: khoảng gần bốn mươi tuổi, tóc dài, mặc áo sơ-mi hở nút. Tấm hình đó được dùng ở ô tác giả trong một số cuốn sách đầu tay của ông ta, thể hiện chút gì đó lông bông. Bà nhất định sẽ không ăn chung miếng bánh với gã đàn ông mang hơi hướm một giảng viên cô đơn của Đại học Mở vào đầu thập niên 1980 như vậy đâu. Mấy tấm ảnh về sau trong
ồ ề
chừng mực nào đó đúng là ông Floyd hiện nay. Dù tóc có bồng bềnh và sẫm màu hơn, quần áo không chỉn chu bằng nhưng về cơ bản đúng là người đàn ông mà bà vừa ăn tối cùng.
Bà muốn biết nhiều hơn về Floyd. Bà muốn gắn kết với ông ta và chìm đắm trong thế giới thú vị của người đàn ông ấy. Bà muốn gặp lại ông ta, không chỉ một lần. Rồi bà nghĩ tới Paul, tới Bonny của ông ấy. Bà từng không thể tin được khi chồng cũ tới nói với bà rằng ông đã gặp gỡ một phụ nữ khác và sẽ dọn về ở với người đó.
Bà không tài nào hiểu được làm sao Paul tìm được một nơi chốn êm ái đến thế. Nơi đó có người xoa dịu cơn đói trong bao tử, bàn tính những kế hoạch tương lai và ôm lấy nhau thân ái. Giờ đây, điều tương tự xảy ra với bà và đột nhiên, bà khao khát gọi điện cho ông Paul.
Bà tưởng tượng mình sẽ nói: Này Paul, em vừa gặp một gã rất được. Anh ta vừa thông minh, vui tính lại vừa hấp dẫn, tử tế. Bà nhận ra đây là lần đầu tiên trong nhiều năm bà muốn nói chuyện với Paul hơn là Ellie.
Ngày hôm sau lại bị bao trùm bởi sự im lặng nhức nhối. Thông thường vào thứ Bảy, bà Laurel tới chơi với hai người bạn Jackie và Bel. Ba người họ dính như sam khi học chung trường ở Portsmouth. Khoảng ba mươi năm trước, khi mới ngoài hai mươi và đều sống ở London, trong một lần đi chơi ở quán bar tại Soho hai người kia nói với bà Laurel rằng họ đang hẹn hò với nhau. Mười một năm trước, bà Bel cho ra đời một cặp song sinh nam khi đã ngoài bốn mươi. Cũng như bà Laurel, họ tận hưởng niềm hạnh phúc được làm cha mẹ. Năm đầu tiên sau khi Ellie biến mất, bà Laurel xem ngôi nhà chìm trong tã lót, đồ nhựa, những tuýp yogurt hồng ở Edmonton là nơi tị nạn cho mình.
Nhưng cuối tuần này họ vắng nhà vì bận đưa hai cậu nhóc đi thi đấu giải bóng bầu dục ở Shropshire. Thế là từng phút một trôi qua một cách nặng nề, làm bầu không khí trong nhà bà Laurel trở nên khó chịu.
Bà nghe rõ mồn một tiếng hàng xóm đóng cửa, gọi con cái, khởi động xe hơi, dẫn chó đi dạo…, những âm thanh đó càng khiến tâm
ế ẳ
trạng đơn độc nghiến vào lòng bà. Chẳng có cuộc gọi nào của Floyd, tin nhắn cũng không. Bà đã già rồi, quá già để chờ đợi kiểu này. Tới đêm thứ Bảy, bà quyết định ngừng hết mấy chuyện tơ tưởng. Thật là dở hơi, lố bịch. Bà là người phụ nữ đã bị tàn phá bởi hàng tấn chuyện phiền não trong khi Floyd dễ dàng kiếm được cuộc hẹn với phụ nữ nhờ vẻ quyến rũ bẩm sinh. Nếu muốn, ông ta thừa sức làm vậy mỗi đêm. Biết đâu giờ này ông ta đang ngồi trong quán cà phê nào đó, nhấm nháp lát bánh cà rốt với ai đó khác.
Sang Chủ nhật, bà Laurel quyết định đi thăm mẹ. Bà thường thăm mẹ vào thứ Năm nên nhất thiết không phải đi hôm nay. Nhưng bà không thể ở nhà một mình thêm một ngày nữa. Đơn giản là không thể.
Mẹ bà Laurel đang ở một viện dưỡng lão tại khu Enfield, cách nơi bà sống khoảng hai mươi phút lái xe. Tòa nhà đó mới xây, với gạch đỏ và cửa sổ bằng kính màu khói. Lớp kính đó sẽ ngăn người ta tự săm soi và khỏi phải nhìn thấy tương lai buồn thảm của chính mình. Bà Ruby, mẹ của bà Laurel, sau ba lần đột quỵ thì không còn nói được gì nhiều, trí nhớ rất kém và thị lực gần như mất hẳn. Bà rất buồn bã và thường tìm cách bày tỏ mong muốn được chết.
Bà Laurel đến nơi lúc mười một giờ rưỡi. Mẹ bà đang ngồi ghế, bên cạnh là một đĩa bánh quy có vẻ làm bằng yến mạch và một ly sữa - như thể bà là đứa trẻ lên bốn. Bà Laurel nắm lấy tay mẹ, vuốt ve làn da khô ráp. Bà nhìn vào đôi mắt mờ mịt của đấng sinh thành - như bà vẫn luôn làm - để tìm kiếm trong đó một bóng hình khác, bóng hình của người từng tóm lấy một chân, một tay của bà để lẳng xuống hồ bơi khi bà còn nhỏ. Người đó đuổi bắt bà dọc các bãi biển, tết tóc cho bà và làm cho bà món trứng ốp la giống y trong một chương trình truyền hình của Mỹ mà hai mẹ con cùng xem. Đã có lúc năng lượng của mẹ bà là vô hạn. Mái tóc xoăn đen của người phụ nữ ấy luôn tuột khỏi kẹp hoặc dây buộc. Bà luôn đi giày thấp để thoải mái chạy theo xe buýt và nhảy qua tường đuổi bắt bọn trấn lột.
Bà Ruby bị đột quỵ lần đầu sau khi Ellie mất tích bốn tháng và không bao giờ hồi phục được như cũ.
“Con đã đi hẹn hò vào tuần trước đấy mẹ ạ,” bà Laurel kể. ầ ố
Người mẹ gật đầu và cố nặn khoé miệng thành một nụ cười chật vật. Bà muốn nói gì đó nhưng lại không biết dùng từ nào. “T-t-t-t… t-t-t…”
“Được rồi mẹ à, con biết là mẹ hài lòng.”
“Tuyệt vời,” bà Ruby đột nhiên nói được trọn từ.
“Vâng,” nở nụ cười tươi rói, bà Laurel trả lời, “đúng vậy đó mẹ, trừ chuyện bây giờ con quá là căng thẳng thôi. Con thấy mình như trẻ mới lớn ấy, cứ nhìn chằm chằm vào điện thoại, cầu cho anh ta gọi đến. Thật là chẳng ra sao cả…”
Mẹ bà lại mỉm cười - hoặc là một mô phỏng của nụ cười mà bộ não hư tổn của bà tạo ra được. “T… tên gì?”
“Floyd mẹ ạ. Floyd Dunn. Anh ta là người Mỹ, cùng tuổi với con, hết sức thông minh, đẹp trai, hài hước. Anh ta có hai đứa con gái, một đứa sống cùng anh ta, đứa kia thì lớn rồi.”
Bà Ruby gật đầu, nụ cười vẫn trên môi. “Con… con… con… con… con…”
Bà Laurel di ngón cái trên mu bàn tay mẹ mình, mỉm cười khích lệ.
“Con… con… con gọi anh ta đi!”
“Con không gọi được đâu,” bà Laurel bật cười.
Người mẹ lắc đầu và tặc lưỡi không tán thành.
“Thật đấy, con không gọi nữa đâu. Con gọi anh ta lần đầu rồi. Con bật đèn xanh rồi, giờ tới lượt anh ta.”
Mẹ bà lại tặc lưỡi.
Bà Laurel trầm tư: “Hay là con gửi tin nhắn nói cảm ơn anh ta thôi nhỉ? Kiểu chuyền bóng lại cho anh ta ấy?”
Người mẹ gật đầu và nắm tay con gái, siết lấy một cách dịu dàng. Mẹ bà Laurel quý Paul. Ngay từ đầu bà đã khuyên, “Tốt lắm con yêu, con tìm được một chàng trai tốt rồi đấy. Nhớ đối xử đàng hoàng với nó, đừng để tuột mất nó.” Bà Laurel đáp lại bằng nụ cười vẻ chế giễu, “Mẹ con mình cứ chờ xem,” bởi bà chưa bao giờ tin vào hạnh phúc cổ tích. Khi Paul và Laurel chia tay, bà Ruby vẫn giữ cái nhìn
ấ ể ế
lạc quan. Bà thấu hiểu bởi ở bà có sự kết hợp hoàn hảo của cả hai cá tính lãng mạn và thực tế.
Bà Ruby dùng một tay sờ nắn túi xách của bà Laurel, rồi rút chiếc điện thoại ra đưa cho con gái.
“Gì cơ? Bây giờ luôn hả mẹ?” bà Laurel hỏi.
Mẹ bà gật đầu.
Bà Laurel thở dài, xong gõ tin nhắn. “Chuyện này mà be bét ra là mẹ chịu trách nhiệm hết đấy nhé,” bà vờ nghiêm mặt nói. Gõ xong, bà nhấn phím gửi và nhanh chóng khóa điện thoại, nhét lại vào túi. Hoảng vía vì điều mình vừa làm, bà đưa tay vuốt mặt, thốt lên: “Điên thật. Không tin được là mẹ lại ép con làm vậy.”
Đáp lại, bà Ruby bật cười. Một thứ âm thanh móp méo, lạ lùng thoát ra từ cổ họng bà. Dẫu vậy, đó vẫn là một tràng cười. Và Laurel nhận ra đã lâu lắm rồi, bà mới nghe mẹ mình cười như vậy. Vài giây sau, điện thoại của bà Laurel đổ chuông. Ông ta gọi.
16
Bà Laurel và ông Floyd có cuộc hẹn thứ hai vào ngay thứ Ba tuần sau đó. Lần này họ ghé một nhà hàng Eritrea gần nhà ông Floyd. Bà Laurel rất muốn ăn thử ở đây nhưng hồi đó ông Paul không khi nào đồng ý, bởi nhà hàng này chỉ được đánh giá ba sao về mặt vệ sinh.
Ông Floyd ăn mặc đời thường hơn, với áo thun polo màu lục sẫm đi cùng quần jean, bên ngoài là một áo khoác màu đen. Bà Laurel mặc một chiếc áo khoác linen không tay bên ngoài áo kiểu màu trắng, quần ống nhỏ màu đen đi kèm bốt đen. Tóc bà buộc lên. Trông bà giống như một ma sơ hợp mốt. Mãi cho tới khi gặp ông Floyd, bà mới nhận ra tất cả quần áo của mình sao mà khô cứng, giống quần áo tu hành đến thế.
“Trông cô tuyệt quá đi,” ông ta khen ngợi, rõ ràng không hề nhận ra những dấu hiệu không hài lòng về chính mình của bà. “Cô sành điệu thật đấy, còn tôi cảm thấy mình cứ như kẻ vô công rồi nghề ấy.’’
“Trông anh cuốn hút đấy chứ. Lúc nào anh cũng cuốn hút cả,” bà vừa nói vừa ngồi xuống ghế, không khỏi ngạc nhiên về cảm giác thoải mái của bản thân. Không còn chút vết tích nào của những hồi hộp đã giăng mắc cuộc hẹn hò đầu tiên của họ hồi tuần trước. Nhà hàng xoàng xĩnh và đèn sáng quá song bà Laurel chẳng còn e ngại về ngoại hình lẫn nỗi lo lắng trông bà có già hay không.
Bà chăm chú nhìn đôi bàn tay của ông Floyd khi chúng chuyển động. Bà muốn tóm lấy chúng giữa không trung, nắm chặt rồi giữ chúng trên mặt mình. Bà bị cuốn theo những cử động đầu của ông ta, ngắm kỹ càng chùm nếp nhăn quanh mắt ông ta, thỉnh thoảng lại liếc nhìn túm lông ngực lấp ló bên trong chiếc áo thun không cài nút trên cùng. Bà thèm khát làm tình với ông ta và ý nghĩ này làm bà hoảng hốt trong câm lặng mất một lúc.
“Laurel, cô ổn chứ?” Ông ta nhận ra vẻ ngượng nghịu của bà. ẫ ổ
“Chúa ơi, tôi vẫn ổn mà,” bà cười trả lời. Có vẻ ông ta tin lời bà và cuộc trò chuyện tiếp tục.
Ông Floyd nói chuyện thân mật với người phục vụ bàn. Người này tỏ ra biết rõ về ông ta và đem ra nhiều món ăn tặng thêm hoặc món mới để nếm thử.
“Anh biết không,” bà nói trong lúc bẻ một mẩu bánh mì thả vào món thịt cừu hầm, “chồng cũ của tôi không chịu đưa tôi đến nhà hàng này vì nó bị đánh giá thấp về mặt vệ sinh.” Trong một thoáng bà bỗng thấy tệ khi hạ thấp Paul, vẽ ra trước mặt một người lạ bức chân dung hạn hẹp về chồng cũ trong khi ông còn nhiều điều hay ho khác.
“À, chuyện vệ sinh… Tôi chưa bao giờ bị đau bụng sau khi ăn ở đây về, mà tôi ăn ở đây nhiều năm rồi. Mấy người trong nhà hàng này biết họ phải làm gì.”
“Anh sống gần đây bao lâu rồi?”
“Ái chà, cả đời ấy chứ. Hồi cha mẹ tôi quay về Mỹ, họ cho tôi chút tiền, bảo tôi tìm nơi nào nhếch nhác cũng được nhưng phải ở trung tâm. Tôi tìm được căn nhà đang ở, toàn kiểu nhà không chia phòng rõ rệt, kinh tởm lắm. Cách người ta sống mới ghê chứ, nào là chuột chết, nhà vệ sinh nghẹt, phân dính trên tường,” ông ta rùng mình. “Nhưng đó là quyết định sáng suốt nhất của tôi. Cô không biết được bây giờ chỗ đó đáng giá thế nào đâu.”
Chuyện này thì bà Laurel biết, bởi bà mới bán căn nhà của mình trên phố Stroud Green vài năm trước. “Anh có bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại Mỹ không?” bà hỏi tiếp.
Ông Floyd đáp lại bằng cái lắc đầu. “Không bao giờ. Nơi đó với tôi chưa bao giờ là nhà. Chỉ khi tới đây tôi mới hiểu thế nào là nhà.” “Cha mẹ anh thì sao? Họ còn sống chứ?”
“Còn, sống khỏe là đằng khác. Họ lên chức cha mẹ khi còn trẻ nên giờ vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn lắm. Cô thì sao? Cha mẹ cô còn sống với cô không?” ông ta hỏi lại.
Bà Laurel lắc đầu: “Cha tôi qua đời khi tôi hai mươi sáu tuổi. Mẹ tôi đang sống trong viện dưỡng lão. Bà yếu lắm rồi, tôi sợ là bà không trụ nổi tới năm sau.”
ể ế ồ ấ
Bà mỉm cười kể tiếp, “Thật ra hôm Chủ nhật vừa rồi, chính bà ấy bảo tôi gọi cho anh đấy. Bà ấy hầu như không nói được nữa, mỗi lần nói một câu mất rất nhiều thời gian. Thường thì bà ấy chỉ muốn nói về chuyện được chết. Nhưng chính bà ấy bảo tôi gọi cho anh. Bà bảo thật tuyệt vời khi tôi gặp được anh. Bà ấy đặt điện thoại vào tay tôi, đúng nghĩa đen luôn đấy. Đó là việc…” bà Laurel nhìn xuống đùi, “… mang tình mẫu tử nhiều nhất mà bà ấy làm cho tôi trong cả mười năm qua, cũng là việc giống người thường nhất mà bà làm trong nhiều tháng qua. Tôi thật sự cảm động.”
Ông Floyd đưa tay qua bàn, đặt tay mình lên tay bà, đôi mắt đẹp màu xám nhìn sâu vào mắt người đối diện. Ông nói, “Cầu Chúa phù hộ cho người mẹ tuyệt vời của cô.”
Bà Laurel đan các ngón tay của mình vào tay ông ta rồi nhẹ nhàng siết lại. Cách chạm tay của ông ta vừa dịu dàng vừa vững chãi, vừa gợi tình vừa tử tế, làm sống lại trong bà tất cả cảm xúc tưởng đâu không bao giờ trở lại nữa - những cảm xúc mà bà từng xem là quan trọng nhất. Ông Floyd di chuyển hai ngón tay cái lên cổ tay bà Laurel, nhích dần qua mạch cổ tay rồi di lên xuống phần má trong của cánh tay. Về phần mình, bà nhổ nhổ túm lông mềm ở cổ tay ông ta và dúi luôn hai bàn tay vào sâu trong phần tay áo bằng len mềm. Hai người ôm lấy khuỷu tay của nhau một lúc lâu với cảm xúc dâng trào trước khi từ từ buông nhau ra và gọi tính tiền.
Nhà của ông Floyd giống hệt kiểu nhà cũ của bà và chỉ cách nơi bà từng sống ba con đường.
Nhà ông ta theo kiểu nhà song lập thời Victoria với phần đầu hồi kiểu Hà Lan và một ban công nhỏ ở phía trước. Đường dẫn vào cửa trước được lát đá với bộ cửa kính hai bên và cửa sổ hình bán nguyệt lắp kính phía trên. Có một khoảnh đất vuông nhỏ ở mảnh vườn phía trước, được dọn tỉa gọn gàng và hai thùng rác di động cạnh lối đi. Ngay cả trước khi ông Floyd tra chìa khóa vào cửa trước, bà Laurel đã đoán được bên trong ngôi nhà trông thế nào bởi nó được bài trí giống hệt nhà cũ của bà.
Quả như bà đoán, phần tiền sảnh lát đá dẫn thẳng vào một bậc thang, với phần lan can được chốt bằng vòng xoáy ốc lớn. Tiếp đó là một bậc gỗ dẫn xuống căn bếp lớn thông thoáng. Bên trái lối vào là ầ ế
một căn phòng đầy sách, trong phòng có một chiếc tivi đang mở và một đôi chân trần bắt chéo. Nghe tiếng động, đôi chân ấy thả xuống ván sàn nhẵn nhụi, rồi một khuôn mặt nhỏ nhắn, cảnh giác hiện ra, kèm theo đó là mái tóc bù xù màu bạc, vành tai đeo nhiều khuyên và đôi mắt kẻ một lớp dày màu xanh biển. “Bố à?”
Nhìn thấy bà Laurel ở tiền sảnh, cô gái nhanh chóng rụt đầu lại. “Chào con yêu,” ông Floyd quay sang nhìn con gái, ngăn cô hỏi về bà Laurel. Tiếp đó, ông ló đầu vào phòng và hỏi, “Buổi chiều của con thế nào?”
“Cũng được.” Giọng Sara-Jade nhỏ nhẹ và trầm.
“Còn Poppy?”
“Em ổn.”
“Em đi ngủ lúc nào?”
“À, khoảng nửa giờ trước. Bố về sớm.”
Bà Laurel nhìn thấy khuôn mặt thanh tú hơi nghiêng ra rồi lại rụt vào. “Sara này,” ông Floyd quay sang bà Laurel và ra dấu để bà chìa tay ra, “Bố muốn giới thiệu với con một người.” Ông ta kéo bà Laurel về phía cửa rồi đẩy bà lên phía trước mình. “Đây là cô Laurel. Laurel này, đấy là con gái lớn của tôi, Sara-Jade.”
“SJ,” cô gái bé nhỏ ngồi trên ghế bành chỉnh lại và từ từ đứng lên. Cô bé chìa bàn tay nhỏ nhắn ra bắt tay bà Laurel rồi nói, “Rất vui được gặp cô.” Dứt lời, cô bé thả mình xuống ghế và thu đôi chân bé tí ẩn hiện những mạch máu xanh li ti.
Sara-Jade mặc chiếc áo thun đen rộng thùng thình phủ bên ngoài quần legging bằng nhung đen. Bà Laurel cảm thấy cô bé quá gầy, không rõ là do chứng rối loạn ăn uống hay do vóc người như vậy.
Trên tivi đang chiếu một chương trình thực tế về các cuộc hẹn hò giữa những người không quen biết nhau trong một nhà hàng đèn đuốc sáng choang. Ở dưới sàn gần chân SJ có một cái đĩa trống không lốm đốm vết sốt cà chua và một lon Diet Coke đã uống cạn. Trên thành ghế có vỏ bọc nhàu nhĩ của một thanh kẹo chocolate Galaxy. Bà Laurel nhận ra vẻ ngoài ốm o của Sara-Jade hoàn toàn tự nhiên và ngay lập tức mường tượng đến mẹ cô bé - một phụ nữ
ể ắ ầ ỗ
mảnh mai, yểu điệu với đôi mắt to và mặc quần jean size sáu. Bỗng dưng trong lòng bà dậy lên cảm giác ganh tị dữ dội.
Ông Floyd lên tiếng: “Bố và cô Laurel ở trong bếp nhé. Con muốn uống trà không?”
Sara-Jade lắc đầu, không nói tiếng nào. Bà Laurel theo chân ông Floyd vào bếp. Như bà hình dung từ trước, trong bếp là những kệ tủ bằng gỗ sáng màu trông sang trọng, với các tay nắm tủ to sụ bằng gỗ. Mặt bếp màu xanh lá đậm, xung quanh đảo bếp là các ghế cao. Điểm khác biệt so với bếp cũ của bà là bếp nhà ông Floyd không trải dài đến cuối tường mà chỉ đến hậu sảnh, nơi đặt một bộ bàn ghế bằng gỗ thông. Trên chiếc bàn này có một chồng báo và tạp chí, hai cái laptop. Vắt qua ghế là chiếc áo choàng bằng lông màu hồng, đè bên trên là một chiếc áo vest.
Bà ngồi trên chiếc ghế đẩu cao, nhìn ông Floyd pha cho mình một ly trà hoa cúc và bật máy pha cà phê cho bản thân ông ta. “Nhà anh ấm cúng thật đấy,” bà lên tiếng.
“Cảm ơn,” ông ta trả lời. “Dù vậy, tôi vẫn muốn cho cô biết rằng chỗ cô ngồi chính là chỗ mà anh chàng từng sống ở phòng phía sau đặt bô tiểu tiện. Sở dĩ tôi biết điều này là vì anh ta dọn đi mà không đem theo nó. Cái bô chưa chịu dọn đấy nhé.”
Bà Laurel bật cười, “Chúa ơi, kinh quá!”
“Nói tôi nghe cảm giác của cô về nhà tôi đi nào.”
“À, nhà anh giống y nhà cũ của tôi. Dĩ nhiên không phải giống từng ly từng tí nhưng y hệt nhau ở khoản bài trí, thiết kế.” “Cả mấy con đường quanh đây đều thế. Tất cả nhà cửa khu này được xây cùng lúc để làm nhà ở cho người làm việc trong khu trung tâm của London. Đã có thời chúng là kiểu nhà ở hiện đại đấy,” ông Floyd nói trong lúc đẩy ly trà cho bà. Ông ta nói tiếp: “Thật ngộ nghĩnh khi nghĩ rằng biết đâu một ngày nào đó, ông bà chúng ta từng mê mẩn kiểu nhà của công ty Barratt[10] tới cố sống cố chết bảo vệ mấy cái chi tiết vớ vẩn. Ví dụ như, đừng có đụng vào cái vòm nhựa nhé, vô giá đấy.”
Bà Laurel mỉm cười, “Anh tin được không, những người sống ở đây trước kia còn đem bỏ mấy cái tủ quần áo có cửa trượt lắp kính ấ
đấy!”
Ông Floyd cười lớn trong khi ánh mắt nhìn bà trìu mến, rồi ông ta ngưng cười và nhìn bà chăm chú. “Cô biết không, tôi đã tìm hiểu về cô trên mạng đấy, ngay sau cuộc hẹn đầu tiên của chúng ta.” Nụ cười đông cứng lại trên khuôn mặt bà Laurel.
“Tôi biết chuyện Ellie.”
Hai tay bà Laurel siết chặt ly trà. Bà nuốt nước miếng, thốt lên: “Ồ.”
“Cô biết tôi sẽ làm vậy đúng không?”
Bà Laurel cười buồn. “Tôi không biết nữa. Tôi nghĩ rằng mình sẽ sớm nói ra. Tôi cũng định nói rồi ấy chứ nhưng có vẻ đó không phải là chuyện nên nói trong lần hẹn đầu tiên.”
“Tôi hiểu mà,” ông Floyd nhẹ nhàng.
Bà Laurel xoay cái ly, chưa biết phải tiếp tục câu chuyện thế nào. “Tôi thật lòng xin lỗi. Chỉ là tôi…” ông Floyd thở dài. “Tôi không thể… tưởng tượng nổi. Không, thật ra là tôi có thể. Tôi có thể hiểu là chuyện ấy quá sức chịu đựng như thế nào. Tôi không phải là người gánh chịu nên không thể so sánh chuyện này với bất cứ thứ gì. Nhưng chỉ cần nghĩ rằng cô… và con gái cô… Chúa ơi.” Ông ta lại thở dài. “Suốt tối nay tôi đã muốn nói gì đó về chuyện này. Tôi thấy thật bứt rứt khi cứ nói mấy chuyện lặt vặt với cô trong khi tôi đã biết chuyện đau lòng ấy. Tôi thấy mình thiếu trung thực khi nghĩ cô không hay rằng tôi đã biết chuyện…”
“Tôi thật ngu ngốc. Lẽ ra tôi phải đoán được chứ,” bà Laurel nói. Ông Floyd phản đối: “Không, tôi mới ngu ngốc. Lẽ ra tôi nên đợi chính cô kể cho tôi, khi cô đã sẵn sàng làm điều đó.”
Bà Laurel mỉm cười ngước nhìn ông Floyd, nhìn vào đôi mắt ươn ướt của ông ta rồi nhìn xuống đôi bàn tay ban nãy vừa mơn trớn bà đầy đắm say trong nhà hàng. Bà tiếp tục nhìn quanh ngôi nhà ấm cúng, dễ chịu của người đàn ông rồi nói, “Tôi sẵn sàng rồi. Tôi sẽ kể chuyện ấy ngay bây giờ.”
Ông Floyd rướn người qua bàn, đặt tay lên vai bà Laurel. Theo bản năng, bà cọ má mình lên tay ông ta. “Cô chắc chứ?”
ắ
“Tôi chắc mà,” bà trả lời.
Khi ông Floyd dẫn bà Laurel lên cầu thang tới phòng ngủ của ông ta thì đã gần một giờ sáng. Sara-Jade đã bắt taxi về nhà lúc nửa đêm sau khi chào tạm biệt cha bằng giọng thì thầm và phớt lờ bà Laurel.
Phòng ông Floyd sơn màu đỏ sẫm và treo nhiều bức tranh sơn dầu theo trường phái trừu tượng. Ông ta nói tìm thấy số tranh này dưới tầng hầm trong lúc tân trang nhà cửa.
“Chúng có vẻ xấu xí nhưng tôi lại thích. Tôi thích cảm giác chính tôi đã giải phóng chúng khỏi tăm tối mờ mịt và cho chúng cơ hội tiếp tục sống, hít thở.”
“Phòng Poppy ở đâu?” Bà Laurel thì thào hỏi.
Ông Floyd chỉ tay lên trên và đằng sau. “Con bé ngủ say như chết, không nghe thấy gì đâu.”
Nói xong, Floyd kéo khóa chiếc váy của bà Laurel trong khi bà kéo mạnh áo khoác ông ta. Họ cuốn lấy nhau trong mớ lộn xộn áo váy. Từ lâu, bà Laurel đã xếp nhu cầu tình dục vào quá khứ nhưng chỉ sau năm phút, bà nhận ra mình đang làm tình - mà còn là lần lên đỉnh khoái cảm nhất trong đời, đến mức bà cứ muốn làm lại một lần nữa.
Đến khi bình minh màu nâu mờ len lỏi qua các kẽ hở của rèm cửa, cả hai mới chìm vào giấc ngủ trong khi vẫn choàng tay ôm lấy nhau.
17
“Chào buổi sáng! Cô Laurel phải không ạ?”
Bà Laurel hơi giật mình. Đã mười giờ sáng, bà tưởng con gái của ông Floyd đang ở trường. “Đúng rồi, cô là Laurel. Cháu là Poppy đúng không?” Bà Laurel đáp lại với nụ cười ấm áp.
“Dạ đúng, cháu là Poppy.” Cô bé tươi cười nhìn bà Laurel, để lộ ra hàm răng khấp khểnh và lúm đồng tiền nhỏ bên má trái. Đột nhiên, bà Laurel phải níu lấy thứ gì đó ở gần mình nhất - khung cửa ra vào. Bà nắm thật chặt và trong khoảnh khắc, bà hoàn toàn câm lặng. Cuối cùng bà thốt lên, “Ôi, xin lỗi. Cháu trông…” Bà dừng lại, không nói tiếp nữa. Cháu trông giống hệt con gái đã mất của cô… lúm đồng tiền này, vầng trán rộng này, thêm đôi mắt mí dày nữa, cả cái cách cháu nghiêng đầu sang một bên khi tìm hiểu xem người khác đang nghĩ gì. Thay vì nói ra điều mình nghĩ, bà bảo, “Cháu làm cô nhớ tới một người. Xin lỗi cháu nhé!” rồi bà bật cười, quá lớn so với bình thường.
Thời gian đầu sau khi con gái mất tích, lúc nào bà Laurel cũng nhìn thấy những cô bé giống Ellie. Bà chưa tới mức vừa chạy đuổi theo ai đó trên phố vừa gọi tên con gái mình rồi túm lấy vai họ như trong phim ảnh. Nhưng những lúc đó, ruột gan bà cồn cào, hơi thở bà gấp gáp như thể thế giới của bà sắp nổ tung ra vì vui sướng và hạnh phúc. Những khoảnh khắc ấy luôn ngắn ngủi và đã nhiều năm rồi chúng không xảy ra nữa.
Poppy cười hỏi, “Cháu lấy cho cô món gì uống nhé? Cô thích trà hay cà phê?”
“À,” bà Laurel không ngờ cô bé chín tuổi lại là chủ nhà tận tình đến thế. “Nếu được thì cho cô cà phê nhé.” Bà nhìn ra đằng sau Poppy để xem ông Floyd đã quay lại hay chưa. Ông ta chỉ nói là xuống nhà trong hai phút chứ không nói con gái ông ta sẽ lên đây.
ố ắ ề
“Bố nói cô đẹp lắm,” Poppy nói khi đã quay lưng về phía bà Laurel để rót cà phê từ máy pha. “Và đúng là như vậy.”
“Chúa ơi, cảm ơn cháu. Nhưng mà chắc là nhìn cô đang tệ lắm,” bà vừa nói vừa đưa tay vuốt tóc, gỡ những đoạn rối mà cha con bé vần vò đêm qua.
Bà đang mặc áo thun của ông Floyd và… bốc mùi vì sex (bà biết thế).
“Tối qua cô thấy vui chứ?” Poppy hỏi trong lúc múc cà phê xay cho vào máy.
“Cảm ơn cháu, cô và bố cháu rất vui.”
“Cô có tới nhà hàng Eritrea không?”
“Có.”
“Cháu thích nhà hàng đó lắm. Bố đưa cháu đến đó từ hồi bé xíu,” Poppy nói.
“Chà, khẩu vị của cháu đặc biệt đấy.”
Cô bé trả lời, “Chẳng có gì mà cháu không ăn cả, trừ mận khô. Đó là món ăn của quỷ.”
Poppy mặc chiếc váy rộng thùng thình bằng cotton sọc xanh - trắng, thêm quần bó màu xanh biển bằng len. Cô bé đi đôi giày mềm bằng da cùng màu xanh biển. Mái tóc nâu buộc ra phía sau, bên trên đính hai cây kẹp nhỏ màu đỏ. Trong mắt bà Laurel, đó là kiểu ăn mặc quá nghiêm chỉnh với một cô bé. Hồi hai cô con gái của bà còn nhỏ, mỗi khi muốn chúng ăn mặc như thế, bà phải tìm mọi cách dỗ dành, năn nỉ mới được.
Bà hỏi, “Hôm nay cháu không đi học à?”
“Cháu không đi học ngày nào hết. Cháu không đến trường.” “Ồ, thế là sao…?” Bà Laurel hỏi tiếp.
“Bố dạy cháu.”
“Lúc nào cũng thế à?”
“Đúng rồi ạ. Cháu đọc truyện dài từ năm ba tuổi, tới bốn tuổi biết làm phép toán đơn giản. Không có trường bình thường nào phù hợp với cháu cả, thật đấy.”
ấ ầ ế ấ
Cô bé cười, chất giọng ngân lên đầy nữ tính. Tiếp đó, Poppy ấn nhẹ công tắc trên máy pha cà phê. “Cô muốn dùng chung với bánh granola[11] hay yogurt không? Hay là một lát bánh mì nướng?”
Bà Laurel xoay người nhìn ra sau lưng cô bé lần nữa. Vẫn chẳng thấy bóng dáng ông Floyd đâu. Bà nói với Poppy, “Chắc cô đi tắm một chút trước khi ăn gì đó. Cô thấy hơi…” Bà nhăn mặt rồi tiếp, “Cô sẽ không đi lâu đâu.”
“Được ạ. Cô tắm đi, cháu pha cà phê đợi cô,” Poppy đáp. Bà Laurel gật đầu cười và bắt đầu rời khỏi bếp. Bà lướt qua ông Floyd ở cầu thang. Ông ta đã tắm rửa sạch sẽ, mái tóc ẩm chải ngược ra sau, làn da nhẵn nhụi bởi mớ râu ria lởm chởm của hôm qua đã được cạo sạch. Ông ta vòng tay ôm eo bà rồi vùi mặt vào vai bà.
“Em gặp Poppy rồi đấy,” bà thì thầm. “Anh không nói với em là anh dạy con bé ở nhà.”
“Anh không nói à?”
“Không.” Bà co người thoát khỏi người đàn ông đang cố quyến rũ bà lần nữa. “Em đi tắm đây. Em không thể ngồi nói chuyện với con bé mà bốc mùi như một mụ già lẳng lơ hú hí với cha nó cả đêm được.”
Ông Floyd cười lớn. “Em thơm mà,” ông ta vừa nói vừa lùa tay vào giữa hai chân bà. Bà như bị giằng xé giữa một bên là kháng cự lại và một bên là để mình cuốn theo. Cuối cùng, bà mắng yêu, “Dừng lại đi.” Ông Floyd cười theo.
“Em thấy Poppy của anh thế nào?”
“Cô bé duyên dáng lắm. Làm người ta yêu thích hết sức.” Lời khen làm ông ta vui ra mặt. “Con bé quá tuyệt diệu đúng không?” Ông Floyd cúi người xuống, hôn nhẹ lên môi bà rồi tiếp tục xuống cầu thang và vào nhà bếp. Bà nghe ông ta chào con gái thế này, “Chào buổi sáng cô bé xuất sắc của bố. Hôm nay con thế nào?” Bà tiếp tục lên cầu thang và chậm rãi tận hưởng làn nước trong phòng tắm sang trọng của người tình. Trong bà dậy lên cảm giác kỳ lạ và cảm thấy có gì đó không đúng, nhưng bà mơ hồ không rõ nguyên nhân ở đâu.
ế
Sau đó trong ngày, bà Laurel đến dọn dẹp căn hộ của Hanna. Người khác có thể thấy chuyện ba mươi bảng nhét bên dưới bình hoa đặt trên bàn hơi lập dị. Bà Laurel biết rằng được trả tiền mặt để dọn nhà con gái không hoàn toàn bình thường, nhưng gia đình nào cũng có điều đặc biệt riêng và đây chính là một trong số đó. Cứ thế, mỗi tuần bà gửi ba mươi bảng vào một tài khoản ngân hàng đặc biệt để một ngày nào đó sẽ rút ra chiều chuộng những đứa cháu (hiện chưa chào đời) bằng bánh kẹo và đi chơi lòng vòng.
Bà gấp mấy tờ tiền lại, nhét vào ví. Xong xuôi, bà thám thính dọc ngang căn hộ của Hanna. Bà bắt đầu làm thế kể từ khi Hanna không còn ngủ ở nhà mỗi đêm. Bà vẫn chưa tin lời Hanna giải thích, rằng con bé chơi đêm và ngủ lại nhà bạn bè. Sao bỗng dưng Hanna lại lắm tiệc tùng và vui chơi như thế? Con gái bà không phải người như thế. Hanna chưa bao giờ thích những cuộc vui.
Hoa cắm trong bình cũng rất đáng lưu ý: không phải một bó tulip hay lily Stargazer gói sơ sài mua trong Sainsbury[12] mà là một bó hoa được gói đẹp đẽ. Giữa bó hoa là hồng sẫm màu, baby trắng, tử đinh hương màu tím và bạch đàn, tất cả được buộc lại với nhau.
Vào tới nhà bếp, bà lôi mọi vật dụng làm sạch ra và soi kỹ các bề mặt để tìm manh mối. Hanna không ở nhà vào đêm hôm trước và bằng chứng vẫn là không có chén ăn ngũ cốc trong bồn rửa và mảnh vụn đồ trang điểm vương vãi. Vấn đề ở đây, theo bà Laurel, là nếu Hanna đang dành hết thời gian để ở nhà một người đàn ông nào đó thì sẽ chẳng có chứng cứ nào rơi rớt ở căn hộ của cô. Bà thở dài rồi cúi xuống lôi túi rác đầy một nửa trong thùng rác ra. Như mọi khi, túi rác nhẹ bẫng như thể Hanna sống mà như không sống. Bà dồn rác xuống để thắt nút miệng túi thì nghe thấy tiếng giấy bóng kính kêu lách tách. Bà vội vàng cho tay vào túi tìm rồi lấy ra tờ giấy gói hoa. Bà trải nó ra và thấy một miếng card nhỏ xíu gắn trên đó, với dòng chữ viết dối của người gói:
Rất mong được gặp em tối nay. Đừng tới trễ nhé!
Anh yêu em rất nhiều,
T <3
ầ ấ ồ ồ
Bà Laurel cầm tấm card trong tay, nhìn nó hồi lâu rồi nhét lại vào túi rác, buộc miệng túi lại. Bà nghĩ đây chính là bằng chứng cho thấy Hanna có bạn trai. Nhưng tại sao con bé lại không nói cho bà biết?
18
Bà Laurel không gặp lại ông Paul kể từ sau đám tang của Ellie. Họ đứng bên nhau trong lễ tang. Ông Paul không dẫn theo Bonny, thậm chí không hỏi rằng ông làm thế có được hay không. Ông Paul là người tốt. Tốt trên mọi phương diện.
Hôm đó, ông đỡ lấy bà khi chân bà muốn sụm xuống trước cảnh quan tài được chuyển xuyên qua các tấm rèm trên nền bài hát “Somewhere Only We Know” của ban nhạc Keane. Ông đưa cho bà tách trà khi cả hai đến nhà mẹ ông sau đó. Rồi ông tìm thấy bà ru rú ở một góc vườn và đẩy bà trở vào nhà với lời hứa làm cho bà món đồ uống ưa thích - một ly Baileys[13] đá lớn. Họ vẫn ngồi bên nhau sau khi những người khác đã rời đi. Họ lắc đá trong ly và trêu đùa với nhau.
Tâm trạng bà Laurel trở nên méo mó, cứ lên lên xuống xuống, hết vui vẻ lại trầm mặc, hết dễ chịu lại xám xịt. Ông Paul không một lần xem điện thoại hay tỏ ra lo ngại sẽ về nhà trễ với Bonny. Sau cùng, họ rời nhà mẹ ông Paul lúc mười giờ tối, loạng choạng bắt xe ra về. Bà để ông ôm chặt lấy mình, mặt bà vùi sâu vào ngực ông, hít lấy cái mùi sạch sẽ, quen thuộc của ông. Vẫn là chiếc áo cũ hiệu Jermyn Street mềm mại. Suýt chút nữa bà đã ngẩng mặt lên và hôn ông.
Sáng hôm sau, bà tỉnh dậy, cảm thấy cuộc sống của mình rối tung lên và bị co kéo đủ hướng. Thế là bà không nói chuyện với ông Paul nữa. Nhưng giờ đây, cảm giác nhập nhằng ấy đã tan biến. Bà thấy mình hoàn toàn thoải mái đối mặt với chồng cũ nên đã gọi cho ông sau khi trở về từ căn hộ của Hanna.
Giọng ông trả lời ấm áp, “Chào em, Laurel.” À, vốn ông ấy luôn nói chuyện một cách nồng nhiệt. Đây là một trong nhiều điều khiến bà ghét ông suốt những năm tháng Ellie mất tích. Bà không chịu nổi cách ông mỉm cười thuần phác với cảnh sát, cánh báo chí và đám
ồ ấ
hàng xóm ồn ào. Bà không thích cách ông dùng cả hai bàn tay ấm áp cầm lấy tay họ, hỏi thăm sức khỏe của họ trong khi giảm nhẹ cơn ác mộng của gia đình. Lúc nào ông cũng cố làm mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Chứng kiến điều đó, trong đầu bà hiện ra cảnh đặt cả hai tay lên cổ chồng, siết chặt cho tới khi ông lăn ra chết.
Bây giờ khác rồi, chất giọng của ông đã hòa hợp với tâm trạng của bà. Bà có thể lại khen ngợi ông rồi. Thật đáng yêu, Paul Mack ạ, một người đàn ông rất tốt.
“Em sao rồi?” Ông hỏi.
“Em khỏe, cảm ơn. Anh thế nào?”
“Ồ, em cũng biết mà.”
Đúng là bà biết ông ổn. Bà bắt đầu câu chuyện, “Tuần sau là sinh nhật của em và Hanna. Em chợt nghĩ chúng ta có thể làm gì đó cùng nhau được không?”
Hanna chào đời chỉ sau thời khắc nửa đêm hai phút, đúng vào sinh nhật thứ hai mươi bảy của bà Laurel. Theo niềm tin của gia đình, Hanna ra đời để chiếm lấy sự chú ý của mọi người. “Ý em là tất cả chúng ta? Em, anh và bọn trẻ?”
“Đúng rồi, bọn trẻ. Cả Bonny nữa, nếu anh muốn.”
“Tuyệt vời, anh thích chứ.” Giọng ông Paul hệt như một cậu bé được tặng chiếc xe đạp miễn phí. “Ý tưởng đó tuyệt đấy em ạ. Vào thứ Tư phải không?”
“Đúng vậy. Em chưa hỏi con bé. Biết đâu con bé bận gì đó. Nhưng em nghĩ sau cái năm chúng ta tìm thấy Ellie rồi chia xa nhau, chúng ta đã rạn nứt quá nhiều, quá lâu. Có lẽ bây giờ là lúc…”
“Trở về với nhau,” ông Paul cắt ngang. “Ý tưởng rất hay, Laurel ạ. Anh thích lắm. Anh sẽ nói với Bonny.”
“À, đợi em nói với bọn trẻ xong đã. Anh cũng biết là không dễ gì mà, tụi nó rất bận. Nhưng mà chúng ta cứ ngoéo tay nhé…” bà nói. “Chắc chắn. Cảm ơn em, Laurel.”
“Không có gì mà anh.”
“Quả là một chặng đường dài phải không?”
“Và rất gian nan.”
ấ ề
“Anh nhớ em rất nhiều.”
“Em cũng vậy. Paul này…”
“Sao em?” Ông hỏi.
Bà dừng lại thoáng chốc, nuốt khan đầy khó nhọc và thốt lên từ sâu thẳm trong lòng những lời mà bà chưa từng nghĩ sẽ nói với chồng cũ: “Em xin lỗi.”
“Vì cái gì chứ?”
“Anh biết mà Paul. Anh không cần giả vờ đâu. Em đã cư xử với anh như một con khốn.”
Ông Paul thở dài, “Laurel à, em chưa bao giờ là con khốn cả.” “Không đâu, em còn tệ hơn thế.”
“Em chỉ phản ứng như một người mẹ thôi Laurel. Tất cả chị có thế.”
“Những người mẹ khác mất con chứ đâu để mất luôn chồng.” “Laurel à, em không mất anh. Chúng ta vẫn là của nhau. Anh vẫn luôn thuộc về em.”
“À, điều này không đúng hoàn toàn, phải không?”
Ông Paul lại thở dài, “Theo nghĩa tốt nhất, với tư cách là cha của các con em, là một người bạn, là người đã cùng em chia sẻ một đoạn hành trình cũng như là người yêu và chăm sóc em. Không cần phải cưới em thì anh mới có được những tư cách trên, bởi chúng còn sâu sắc hơn hôn nhân và tồn tại mãi mãi.”
Đến lượt bà Laurel thở dài. Một nụ cười lúng túng hiện ra nơi khóe miệng bà. “Cảm ơn anh, Paul à,” bà nói rồi cúp máy nhưng vẫn giữ điện thoại trong lòng. Bà nhìn thẳng phía trước, ngấm ngầm cảm nhận sự bình yên mà bà tưởng không bao giờ gặp lại nữa.
Mới nghe nói đến cuộc gặp, giọng Hanna đã tỏ vẻ khó chịu. “Mẹ nói sao, tất cả chúng ta ư?” cô hỏi lại.
“Là mẹ, con, bố, Jake, cô Bonny và Blue.”
“Chúa ơi,” Hanna rên rỉ.
Bà Laurel không nhượng bộ. Bà biết trước Hanna sẽ chẳng tán đồng ý tưởng này. “Con cũng đã nói mà, đã đến lúc chúng ta sống
ế ề ế ồ
tiếp. Chúng ta đều đã chữa lành vết thương rồi, cuộc gặp này là một phần của quá trình điều trị,” bà giải thích.
“Có thể với mẹ là thế. Nhưng mẹ chưa từng gặp cô Bonny, chuyện này sẽ bất tiện cỡ nào?”
“Sẽ không sao cả vì mẹ và bố con biết phải làm thế nào.” Đã bao lâu rồi bà mới dùng lại những từ ngữ này? Mẹ và bố con. “Chúng ta trưởng thành cả rồi, Hanna à. Không lý do lý trấu gì nữa. Con sắp hai mươi tám, còn mẹ đã ở tuổi về hưu. Chúng ta đã cùng nhau chôn cất Ellie. Cha con đang sống cùng người khác và ông ấy yêu người đó. Mẹ phải chấp nhận điều này và xem cô ấy là người trong gia đình. Với Jake và Blue cũng vậy. Dĩ nhiên là với con nữa…”
“Với con?”
“Ừ, con đấy. Và anh chàng nào đó đã tặng con bó hoa xinh đẹp.” Im lặng lạnh lẽo trong một khoảnh khắc. Tiếp đó, Hanna hỏi, “Hoa nào?”
“Bó hoa trên bàn nhà bếp của con.”
“Không có bó hoa nào hết!”
“À, vậy thì là bó hoa tưởng tượng với những bông hồng tưởng tượng. Bó hoa đó đó.”
Hanna tặc lưỡi, “Đó không phải là bó hoa, chỉ là một chùm hoa thôi. Con tự mua mà.”
Bà Laurel thở dài rồi đáp lại, “Vậy là mẹ nhầm. Xin lỗi con.” “Mẹ làm ơn thôi chế ra một anh bạn trai cho con được không? Không có bạn trai nào hết, ok?”
“Được rồi, xin lỗi con.”
“Con cũng không mê nổi cái ý tưởng đại gia đình ăn tối. Nghe kì cục quá!”
“Con rảnh không?”
Hanna dừng lại một chút rồi trả lời, “Không.”
“Không?”
“Con không rảnh vào sinh nhật mình, đúng ra là sinh nhật của mẹ con mình. Nhưng con có thể xoay xở vào ngày khác trong tuần sau.” “Con định làm gì vào sinh nhật con?”
Ă ố
“Ăn uống sau giờ làm thôi mẹ, không có gì đặc biệt đâu.” Bà Laurel chậm rãi chớp mắt. Bà biết con gái mình đang nói dối. Cái gã tên “T” kia sẽ đưa con bé đến nơi nào đó đặc biệt. Nhưng bà không nói ra. Thay vào đó, bà cân nhắc, “Thứ Sáu con thấy sao?” “Được,” Hanna trả lời. “Được. Nhưng nếu bữa ăn biến thành một thảm họa đáng ghét thì từ nay đến hết đời, con sẽ đổ lỗi cho mẹ.” Bà Laurel mỉm cười.
Bà hẹn gặp ông Floyd vào tối thứ Năm. Không cần chờ đợi mỏi mòn hay kiềm chế gì nữa, bởi ông ta đã nhắn tin cho bà chỉ trong vòng ba mươi phút sau khi bà rời nhà ông ta vào sáng thứ Tư. Đó là cuộc hẹn tuyệt nhất với anh. Poppy thích em. Anh gặp lại em lần nữa nhé? Làm ơn đi, vào ngày mai nhé?
Tin nhắn đến điện thoại của bà ngay khi xe điện ra khỏi đường hầm ở East Finchley. Bà cười thầm và nhắn lại: Có thể. Trừ khi… :) Bà mời ông ta tới nhà ăn tối. Ông Floyd nói rất thích và bảo sẽ nhắn SJ tới nhà ông ta ngủ.
Giờ thì bà đi mua đồ nấu bữa tối, vừa vui vẻ vừa căng thẳng lựa chọn thực phẩm. Từ lâu lắm rồi, bà làm mọi thứ theo thói quen chứ không phải vì nhu cầu. Bữa ăn nào cũng như bữa ăn nào, đều được nấu bằng những nguyên liệu quen thuộc mà bà chọn từ những kệ hàng giống nhau. Mọi bữa ăn của bà đều tuân thủ theo tiêu chuẩn calorie: ba trăm cho bữa sáng, bốn trăm cho bữa trưa và ba trăm cho bữa tối. Lượng calorie còn lại vừa đủ cho một thanh chocolate và vài chiếc bánh quy ở nơi làm việc, thêm hai ly rượu vang lúc cuối ngày. Bà vẫn luôn quy thực phẩm thành lượng calorie như thế.
Ngày Ellie biến mất cũng là ngày bà ngừng nấu ăn cho ông Paul và các con. Họ dọn dần dần từ đồ ăn trong tủ lạnh đến trong tủ đông. Nhiều lúc, ông Paul và Hanna cùng nhau đến Asda[14], trút đầy ắp chiếc xe đẩy khổng lồ với những “món chủ lực” như mỳ Ý, cá đóng hộp, xúc xích, thịt đông lạnh. Chẳng hề có cuộc chuyển giao chính thức hay thỏa thuận nào, ông Paul tiếp quản nhà bếp. Ông là một đầu bếp tệ hại, không biết cả nêm nếm chứ đừng nói tới cân đối bữa ăn. Dù vậy, những món ăn đầy thiện ý và nhạt nhẽo vẫn ra lò, cả nhà
ẳ ế ấ ề
cứ ăn mà chẳng ai bị còi cọc hay chết vì suy dinh dưỡng. Có vấn đề gì đâu, bà từng nghĩ thế.
Nhưng giờ đây bà phải nấu ăn cho một người đàn ông, lại là người mà bà vừa qua đêm cùng và sẽ còn ân ái nữa. Người đàn ông đó dẫn con gái đến một nhà hàng Eritrea khi cô bé mới lẫm chẫm. Quả là nhiệm vụ quá sức khó khăn đối với bà.
Bà cầm tờ giấy in công thức món cơm jambalaya[15] của Jamie Oliver[16].
Cơm à? Có khó lắm không nhỉ?
Bà mua tiêu, hành tây, gà, xúc xích cay. Nhưng các món khác mới hạ bà đo ván: Món khai vị, rượu khai vị, tráng miệng, rượu, bà chẳng biết làm thế nào cả. Bà chất đống xe đẩy với các món khoai tây chiên nghe lạ tai - làm bằng bánh mì pitta và hạt đậu lăng, rồi quẳng thêm vài gói khoai tây chiên sẵn vị mặn của Walkers cho chắc ăn. Tiếp đó là mấy tuýp taramasalata[17], sốt hummus[18], sốt tzatziki[19] (nhưng bà bỏ lại tất cả sau khi nhận ra chúng không dùng chung với món ăn Mỹ). Nhưng, nguyên liệu nào đi kèm với món ăn Mỹ được đây? Ở New Orleans, họ nhấm nháp những gì trước khi ăn tối nhỉ? Bà bó tay và đành chọn một gói khai vị hiệu Tex-Mex, giống như loại sinh viên mua để tiệc tùng tại gia.
Bà dồn toàn lực vào món tráng miệng. Ông Floyd là người Mỹ nên bà chọn món bánh kem kiểu New York, nhưng ông ta lại rất yêu mến nước Anh nên bà chọn thêm kẹo bơ cứng. Lỡ ông ta no quá không ăn nổi tráng miệng? Biết đâu ông ta không ưa bánh tráng miệng? Thế là bà mua thêm một hộp chocolate bạc hà After Eight, trong đầu tưởng tượng ra đoạn đối thoại đại loại “chà, anh phải ăn một miếng chocolate bạc hà After Eight thì mới là người Anh đích thực nhé.” Cuối cùng, bà trả tiền, tống hết hàng hóa vào cốp xe hơi rồi thở phào.
Căn hộ của bà là một rào cản khác. Về cơ bản nó ổn. Bà không bày bừa nhưng cũng chẳng gọn gàng.
Chỉ cần mười phút dọn dẹp với máy hút bụi và túi rác là căn hộ đã đâu ra đấy rồi. Điều làm bà bận tâm là nhà bà thiếu dấu ấn cá nhân, nó thừa chỉn chu nhưng lại vô hồn. Sáng bóng, mới toanh, trần thấp,
ổ ẳ ể ấ ầ
cửa sổ nhỏ nhưng chẳng có gì đặc biệt. Bà đã để bọn trẻ lấy đi hầu hết đồ đạc trong nhà cũ, nhiều món khác được bà đem làm từ thiện. Những thứ bà đem theo cực kỳ ít ỏi và điều này giờ đây khiến bà thấy tiếc. Hồi đó, bà cứ nghĩ mình sẽ chỉ ở trong căn hộ này một thời gian ngắn hoặc đây chỉ là nơi để bà sống nhợt nhạt cho đến khi chẳng còn gì níu kéo.
Bà tắm gội, cạo rửa, chăm sóc cơ thể đến từng chi tiết. Bà mặc pyjama nấu ăn để quần áo không bị ám mùi. Bà nhận ra các công đoạn băm chặt, cân đong đo đếm, nêm nếm, khuấy trộn vẫn thú vị như ngày xưa. Bà từng làm những việc này mỗi ngày trước đây - nấu những bữa ăn độc đáo, ngon lành và dinh dưỡng. Thỉnh thoảng, bà nấu hai lần trong một ngày. Ngày xưa, bà nấu ăn cho gia đình, để chứng tỏ tình yêu mình dành cho cả nhà, để cả nhà được khỏe mạnh, an toàn. Thế rồi con gái bà mất tích và sau đó được tìm thấy chỉ còn vài nhúm xương tàn. Cái cơ thể mà bà Laurel nuôi nấng gần mười sáu năm trời bị thú hoang xé xác và nằm vương vãi trên một nền đất rừng ẩm thấp. Bi kịch xảy ra bất chấp bà Laurel đã nấu cho cô bé biết bao món ăn thấm đẫm yêu thương.
Vậy thì, bà làm thế để làm gì?
Nhưng bây giờ bà đã nhớ ra. Nấu ăn không chỉ nuôi dưỡng thực khách, nấu ăn chính là nuôi dưỡng người đứng bếp. Tới bảy giờ, bà đã ăn mặc xong xuôi: áo đen không tay phối với váy đỏ trơn. Lần hẹn này không ra khỏi nhà và cũng không phải đi bộ nên bà mang đôi giày cao gót cùng màu đỏ. Đúng bảy giờ mười lăm, điện thoại bà báo tin nhắn.
Thảm họa. Bị SJ phá. Anh đến cùng Poppy được không, nếu không phải đổi lịch hẹn. Chờ điện thoại của em.
Bà hít thở thật sâu. Phản ứng ban đầu của bà là bực bội. Vô cùng bực bội. Bà đã dốc bao nhiêu là tâm sức. Tẩy lông cả người này, dó là chưa nói tới việc thay tấm trải giường.
Nhưng khi bực bội qua đi, bà lại nghĩ tại sao lại không nhỉ? Tại sao không dành buổi tối cho Floyd và con gái ông ấy? Sao không tận dụng cơ hội để hiểu cô bé thêm một chút. Dù gì thì cũng đã đến lúc phải thay ga trải giường.
ế ồ ắ ế
"""