" Đường Về Nhà - Đinh Phương Linh full mobi pdf epub azw3 [Du Ký] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đường Về Nhà - Đinh Phương Linh full mobi pdf epub azw3 [Du Ký] Ebooks Nhóm Zalo ĐINH PHƯƠNG LINH ĐƯỜNG VỀ NHÀ dựa theo bản in của Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn 06-2015 Tin ở người dưng Có một trang Facebook rất nổi tiếng tên là Humans of New York. Có tới hơn 13 triệu người đăng ký theo dõi thường xuyên trang này, và mỗi bức ảnh mà trang đưa lên thường có vài trăm nghìn lượt like. Trang này có nội dung gì? Thật ngạc nhiên, nó đơn giản là đi chụp những bức ảnh mà thường là, chân dung của mọi người. Bất kỳ ai. Kèm với câu chuyện về họ, của họ. Hóa ra, không mảy may diêm dúa, chúng ta rất quan tâm tới những câu chuyện của con người. Tôi có một niềm hứng khởi bất tận ở việc trò chuyện với con người. Trong mỗi vùng đất tôi qua, mỗi chuyến xe ôm tôi vẫy, mỗi quán bún tôi ăn, mỗi hàng trà đá tôi ngồi, tôi đều cố gắng bắt chuyện. Khi đó, tôi luôn nghĩ, đây là lần đầu tiên nhưng cũng chắc là lần cuối cùng tôi có dịp trò chuyện với con người này. Và họ sẽ làm đầy thêm cái lọ vốn sống nhỏ bé của tôi, với câu chuyện của họ. Thường thì những cuộc trò chuyện ấy rất cởi mở và thú vị. Con người không khép kín như ta vẫn tưởng. Nhu cầu giao tiếp, chia sẻ của mọi người là rất lớn. Thậm chí tôi nghĩ, có thể đó là sự khát thèm. Trên thế giới phổ biến từ lâu một tổ chức có tên là Couchsurfing. Họ kết nối với nhau qua Internet, và trao đổi với nhau qua website thông tin về các vùng đất, về kinh nghiệm đi phượt, về thời tiết ở khắp nơi và những khuyến cáo cho những khách du lịch thiếu thông tin. Nhưng trên hết, họ thành lập một cộng đồng những người sẵn sàng cho người khác ở nhờ nhà miễn phí. Theo cách đó, có những người đi qua nhiều quốc gia một cách rất tiết kiệm. Không phải ai cũng cho ở nhờ được. Mỗi thông tin về người cho ở nhờ đều được kiểm chứng kỹ càng. Các chủ nhà được chính những du khách ở nhờ bình chọn, đánh giá, xếp hạng. Những chủ nhà hiếu khách và cư xử tốt sẽ được đối xử tương tự nếu một lúc nào đó đi du lịch và ở nhờ thành viên khác của Couchsurfing. Tất nhiên, dù thế nào, chốt lại vẫn là vấn đề lòng tin. Ở con người. Tôi mới đọc xong một cuốn sách, đúng hơn là một bản thảo, về hành trình của một cô sinh viên Việt Nam, hành trình bằng xe đạp, theo kiểu mà người Trung Quốc gọi là “thiên lý độc hành”. Cô gái nhỏ bé trong cuốn sách này làm giàu vốn sống của mình theo cách rộng và dài hơn tôi rất nhiều. Cô ấy đạp xe vượt qua hơn 3.000 km, từ Bắc Kinh về Hà Nội. Đấy, để kể lại cả hành trình ấy, có thể vắn tắt vậy thôi: “đạp xe từ Bắc Kinh về Hà Nội”. Nhưng đó thực sự là một hành trình mà người ta có thể gọi là “chuyến đi của cuộc đời”. Tôi không đếm cuốn sách có bao nhiêu chương. Tôi không tính bao nhiêu địa danh cô gái đã đi qua. Tôi không tính bao nhiêu người cô ấy đã gặp, bao nhiêu ngôi nhà cô ấy đã ngủ nhờ. Ngay từ chương đầu tiên, khi biết cuốn sách viết về cái gì, tôi chỉ phập phồng một mối lo âu: Sẽ có một điều xấu xảy ra với cô ấy dọc đường. Bởi vì cô gái này chọn cách di chuyển bằng xe đạp. Bởi vì cô gái này chọn cách ngủ nhờ nhà rất nhiều người, ngay cả ở những nơi hẻo lánh rừng xanh núi đỏ. Bởi vì cô gái này thực hiện chuyến đi một mình, với tất cả những bất trắc mà chính cô ấy cũng không hề có kinh nghiệm đối phó. Sự phập phồng lo lắng ấy hành hạ tôi đến tận những trang cuối cùng. Để rồi... Để rồi tôi phải đọc lại cuốn sách một lần nữa, với một tâm thế khác. Khi tôi đã hiểu thực sự cuốn sách này viết về cái gì, và nó chuyển tải thông điệp gì. Tôi cần phải gác lại nỗi lo sợ, sự bất tín vào lòng tốt, vào sự tử tế của con người. Chỉ khi đó, tôi mới có thể thích thú thực sự với từng bữa sáng có món bánh bao nước, có quẩy và sữa đậu nành, với từng con dốc đầy đá dăm có thể chọc thủng cả lốp xe đạp địa hình, với từng ngôi nhà mở rộng cửa đón tiếp một người xa lạ, ngay cả khi chủ nhà cũng đang chật vật với cuộc mưu sinh. Che Guevara từng nói: “Hạnh phúc không nằm ở đích đến, nó nằm trên từng chặng đường đi”. Điều đó tuyệt đối đúng. Còn có gái nhỏ trong cuốn sách này thì nói: “Tôi biết, góp một phần lớn vào việc hoàn thành hành trình này của tôi là những cuộc gặp gỡ, những lời động viên giúp tôi tăng thêm tinh thần. Những người tôi gặp trên đường nói rất nhiều với tôi, ví dụ họ muốn được như tôi, họ muốn có thời gian, họ muốn được điên một lần trong đời... Tôi có cảm giác sự giúp đỡ chân thành mà tôi nhận được giống như một lời gửi gắm những mong muốn của mọi người vào tôi. ” Lời ấy cũng đúng. Những khát vọng tuổi trẻ nhiều khi chỉ đơn giản dồn trong một cuộc bốc đồng. Một cái mím môi quyết định, và thế là ta thấy mình lăn trên đường. Lăn như một hòn đá, để thấy mình đang sống, đang còn mạnh mẽ trong từng cú va tóe lửa. Đang không bị phủ rêu như cối đá an toàn nơi góc sân. Và để có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, rồi lại tin ở con người. Nhà báo Phạm Gia Hiên CHƯƠNG 1 Chuyện linh tinh ở Bắc Kinh Tôi bắt đầu thực hiện cuốn sách này khi về tới Việt Nam. Trong đầu tôi chỉ toàn những dự định lên đường. Tôi về Việt Nam để hoàn thành nốt những việc còn dang dở, như kể lại hành trình 30 ngày vừa qua của mình. Có thể tôi sẽ tiếp tục đi làm, nhưng là để kiếm tiền đi tiếp. Tôi có thể vừa đi làm, vừa đi chơi, vừa xoay xở đủ mọi cách để sống được. Tôi sẵn sàng bỏ sức lao động chỉ để kiếm một chỗ ngủ. Luôn luôn là một cuộc sống bấp bênh chờ đợi những người thích đi du lịch bụi như tôi, nhưng đổi lại, tôi sẽ có nhiều trải nghiệm. Dù sao, tôi nghĩ: chỉ cần vượt qua được một số khó khăn nhất định, những biến cố tiếp theo xảy tới với mình cũng sẽ giảm đi độ khó. Vì dù sao, chuyến đạp xe từ Bắc Kinh về Hà Nội vừa rồi của tôi cũng không phải thử thách lớn nhất tôi từng vượt qua. Trong hai năm du học ở Trung Quốc, tôi mang một số nợ khá lớn. Thời học đại học, tôi hay nghỉ học đi làm thêm nên không có điểm chuyên cần, điểm các môn ở lớp cũng không đều, tôi không tự tin để xin học bổng. Tôi không có tiền để đi du học, bố mẹ tôi thì càng không có. Tôi nghĩ tới phương án đi vay và sẽ trả dần. Tôi giấu bố mẹ làm thủ tục đi học thông qua một công ty môi giới. Tôi phải trả cho họ 6.000 USD - số tiền này tôi vay của sếp cũ người Trung Quốc. Tôi từng giúp ông các bước ban đầu để khảo sát thị trường và thuê mặt bằng kinh doanh ở Việt Nam. Tôi cũng không hiểu vì sao ông lại đồng ý cho tôi vay tiền, ông chỉ bảo ông có con mắt của người kinh doanh. Tôi hứa với ông mỗi tháng sẽ trả 5 triệu tiền Việt. Trong hai năm tôi sẽ trả hết nợ. Khi sang Trung Quốc, trong túi tôi có 800 tệ*. Tôi không quen ai ở Bắc Kinh. Du học sinh Trung Quốc không được phép đi làm thêm. Tôi đi loanh quanh khắp các quán ăn gần trường để tìm việc làm nhưng đều bị từ chối - họ không muốn nhận du học sinh, thời gian của tôi cũng không phù hợp. Sau một thời gian tìm kiếm mà không có kết quả, lại phải đối mặt với khoản nợ, tôi rất căng thẳng nhưng không dám nói với ai. Tôi không thể chia sẻ với ai những khó khăn của mình. Tôi không dám nói với bố mẹ. Ý định của tôi khi đi du học là để cứu vãn niềm tự hào của bố mẹ về tôi. Tôi không dám kể với bạn bè. Tất cả bạn tôi đều vừa mới ra trường, đều vừa đi làm và tất cả đều nghèo. Chẳng ai có tiền cho tôi vay. Và dù sao, vay tiền ai thì tôi vẫn phải trả, chỉ là chuyển từ chỗ nợ này sang chỗ nợ khác, hoặc tăng thêm các chủ nợ, tôi chẳng giải quyết được vấn đề gì. Những lần căng thẳng, tôi thường đi bộ, cứ đi mà chẳng suy nghĩ gì. Có lần tôi đi bộ từ trường học đến Thiên An Môn, khoảng cách giữa hai nơi là 15 km. Hôm đó là Quốc khánh Trung Quốc, tôi đi từ mười rưỡi tối tới hai, ba giờ sáng. Có lần tôi đi bộ từ trường tới Vĩnh Hòa Cung và bị lạc đường. Tôi nhìn thấy những người vô gia cư nằm lăn lóc dọc đường. Họ ngủ trong công viên, trong nhà vệ sinh công cộng, ngồi co ro trên ghế đá hoặc dựa người vào bờ tường. Họ gối đầu lên các bao hành lý, dưới chân cũng đặt những bao tải. Tôi nghĩ tôi sẽ sớm giống như họ. Tôi vào một quán KFC vẫn còn mở cửa, gọi một cốc trà sữa, ngồi đọc truyện rồi ngủ chừng hai, ba tiếng. Trong đêm ấy, tôi đã thử trải nghiệm cuộc sống của một người vô gia cư. Nhà vệ sinh công cộng là chỗ sạc pin, tắm rửa. Đến năm rưỡi sáng, tàu điện ngầm bắt đầu hoạt động, tôi đi tàu về trường. Có lần tôi đi lang thang trong công viên và nhìn thấy những người lao công. Tôi nói chuyện với họ, hy vọng tìm được một việc gì đó. Tất cả những người lao công ở Trung Quốc mà tôi từng nhìn thấy đều khoảng 60,70 tuổi, hầu hết là những ông già gầy gò, nhăn nheo, mặt đen sạm, mặc quần áo màu cam. Giờ nghỉ trưa, họ ngồi cùng nhau dưới một gốc cây và gặm màn thầu - một loại bánh bao không nhân, rất khô, giá hơn 1.000 đồng tiền Việt. Tôi ăn một cái là thấy no. Tôi bắt chuyện với một bà lao công và bày tỏ ý định của mình, nhưng bà trả lời tôi rằng tôi sẽ không thể làm được công việc này, phần lớn họ chỉ tuyển người già, hơn nữa thời gian của tôi cũng không phù hợp. Bà không hề biết tôi không phải là người Trung Quốc. Trong lúc chưa tìm được việc làm, tôi vẫn đi học bình thường. Tôi vẫn còn 800 tệ. Tôi chờ đến khi có tiền học bổng và tiền hỗ trợ ổn định cuộc sống từ nhà trường. Tôi chờ và không biết phải chờ trong bao lâu. Tôi được trường miễn học phí, miễn phí chỗ ở, mỗi tháng họ còn cho tôi 1.700 tệ tiền sinh hoạt. Người ta nói đầu tháng sẽ có tiền. Mấy ngày tôi lại lên văn phóng nhà trường hỏi một lần. Tôi đã chờ 12 ngày, tới ngày 10/9/2012 thì có tiền. Trong thời gian ấy, tôi không bắt chuyện với ai trong lớp. Cảm giác tự ti quá lớn. Lớp tôi có ba người Việt Nam, kể cả tôi, nhưng những người quen đầu tiên của tôi lại là hai chị người Thái Lan và một anh người Đức. Hai chị người Thái nói chuyện với tôi trước vì họ nghĩ tôi cũng là người Thái, da tôi rất đen. Hai chị bị “lừa” sang đây học, họ đóng cho người môi giới hai năm học phí nhưng người này chỉ nộp cho trường học phí một năm rồi bỏ trốn. Nếu muốn học tiếp, hai chị phải kiếm tiền thêm để trả. Khi ngồi với nhau, vấn đề được đề cập nhiều nhất giữa chúng tôi là chuyện tiền nong của hai chị. Tôi chỉ ngồi nghe, không nói gì tới chuyện của mình. Loay hoay chừng nửa tháng thì tôi tìm được việc ở một quán ăn sáng. Họ cần tìm một người làm bánh bao và làm quẩy, mức lương là 20 tệ/giờ. Tôi đến xin việc và làm thử một buổi. Các cô nhân công ở quán dạy tôi gói bánh bao nhưng tôi làm mãi vẫn không thành công. Gói bánh bao không được, tôi chuyển sang thái đồ và bị đứt tay. Các cô nhìn tôi thương cảm: “Chắc ở nhà mày không phải làm gì đúng không?” Công việc ở đây bắt đầu từ một giờ sáng, gói bánh tới bốn giờ sáng, bán bánh đến sáu giờ sáng thì tôi về nhà chuẩn bị đi học. Lớp học của tôi thường bắt đầu lúc chín giờ. Tôi nghĩ rất đơn giản rằng cứ việc gì có tiền thì tôi sẽ làm, nhưng tôi không chịu nổi và phải xin nghỉ. Một lần lên mạng, tôi tình cờ tìm được một quán BBQ ở gần trường đang tuyển nhân viên bán thời gian. Sáng tìm ra địa chỉ, chiều tôi tới xin việc luôn. Tôi nói chuyện với ông chủ suốt hai tiếng nhưng không hề biết tiền lương của mình sẽ được bao nhiêu vì người quản lý không có mặt ở quán. Câu chuyện giữa tôi và ông chủ chỉ xoay quanh chuyện Việt Nam như thế nào? Ở đất nước tôi thì có thể làm ăn gì được? Khoảng 2, 3 ngày sau, khi đã từ bỏ hy vọng, tôi nhận được điện thoại của anh quản lý quán. Anh nói tôi có thể làm hai việc: bưng bê hoặc nhận gọi món. Tôi nghĩ nếu nhận gọi món, tôi sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với người Trung Quốc, qua giọng nói người ta sẽ phát hiện ra tôi không phải là người bản địa. Tôi liền chọn việc bưng bê. Thời gian làm phục vụ ở đây, một ngày của tôi chỉ xoay quanh ba việc: đi học, về ký túc xá thay quần áo và đi làm. Tôi chạy đi chạy lại ở quán BBQ khoảng bốn tiếng rồi đi về. Chỗ làm của tôi chỉnh đồng hồ nhanh 10 phút, chúng tôi sẽ đến làm theo đồng hồ của mình, về theo giờ đồng hồ của họ. Khi ra về, người tôi nồng nặc mùi thịt nướng. Mặc dù vậy, công việc ở đây khá vui. Mọi người biết tôi là người nước ngoài nên cũng không làm khó gì tôi cả. Mỗi khi có bạn bè tới, ông chủ quán thường gọi tôi ra và khoe với khách rằng ở quán có một con bé nước ngoài làm việc. Tôi chỉ có cảm giác cô đơn khi đi làm về một mình, nhất là những hôm tuyết rơi. Về nhà tắm rửa, học bài, tới mười hai giờ đêm thì đi ngủ. Tôi không bị thiếu ngủ, không đến lớp muộn và cũng không bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi vẫn còn cuối tuần được nghỉ để học và đi chơi. Người quản lý quán BBQ không hề hỏi giấy tờ của tôi. Nếu làm việc chăm chỉ, tôi sẽ kiếm được khoảng 1.000 tệ/tháng. Cộng thêm 1.700 tệ tiền sinh hoạt phí hằng tháng do nhà trường cấp, trừ tiền trả nợ, mỗi tháng tôi còn 1.200 tệ để chi tiêu. Tôi được tiêu chuẩn ở phòng 1.500 tệ/tháng miễn phí trong ký túc xá. Tôi ở đây một kỳ, sau đó chuyển sang phòng ở ba người để được hỗ trợ 300 tệ/tháng. Học kỳ tiếp theo, thấy những người khác thuê nhà bên ngoài rẻ hơn, tôi chuyển về phòng ký túc 1.500 tệ và cho người khác thuê lại phòng mình, còn tôi chuyển ra ngoài ở với giá thuê chỉ còn một nửa. Phòng tôi thuê ở ngoài có giá 700 tệ/tháng, ngoài ra tôi còn mất 600 tệ cho “cò” và phải trả tiền đặt cọc. Sau khi ký hợp đồng trực tiếp với “chủ nhà”, tôi phát hiện ra cô chủ cũng thuê nhà của người khác rồi chia phòng và cho thuê lại. Cô ở ngay sát phòng tôi, hằng ngày chẳng làm gì trừ việc đi thu tiền nhà. Cô thuê chừng ba, bốn cái nhà như thế này và cho thuê lại. Phòng tôi ở là một phòng nhỏ trong căn hộ chung cư khoảng 70 m2, ngăn thành tám phòng bằng vách gỗ dán. Ở đây chỉ có hai nhà vệ sinh, một cái nằm trong phòng lớn nhất có giá thuê 2.000 tệ/tháng, cái thứ hai nằm ở ngoài và bảy phòng còn lại dùng chung. Ở cùng nhà với tôi còn có một chú bán đồ nướng vỉa hè vào buổi tối, một chú môi giới nhà đất, một cô thu ngân siêu thị, một bạn nữ mới ra trường... Dù nhà có bảy, tám phòng nhưng chúng tôi chẳng mấy khi gặp nhau. Phòng tôi vẫn chưa phải loại rẻ nhất ở đây. Phòng tối, loại 500 tệ/tháng thì không hề có cửa sổ, chỉ rộng 6 m2. Phòng của tôi vẫn có cửa sổ, rộng 8 m2, để vừa một cái giường cá nhân, một tủ quần áo và xe đạp. Bình thường tôi chỉ ở đây buổi tối, còn ban ngày tôi đi học, lên thư viện hoặc đi làm. Ngay cạnh phòng tôi là một phòng tối. Tôi ở đây ba kỳ học nhưng chưa từng nhìn thấy mặt hàng xóm. Có vẻ bạn ấy là một sinh viên mới ra trường. Phần lớn sinh viên mới ra trường ở Bắc Kinh sống trong những phòng tối như thế này, hoặc sống trong tầng hầm. Những tầng hầm này cũng nằm trong các chung cư ở Bắc Kinh, được ngăn thành các phòng có rất nhiều giường tầng và cho thuê theo giường. Tôi có quen một người ở giường tầng như thế, mỗi tháng bạn phải trả 270 tệ, toàn bộ diện tích sinh hoạt chỉ là một cái giường cá nhân, còn các sinh hoạt khác như tắm rửa... thì ra nhà tắm công cộng*. Ở Trung Quốc cũng có những chung cư cho người mới đi làm, cũng có giường tầng, từ sáu đến tám người một phòng và đóng tiền theo tháng với giá chỉ 500 tệ. Cũng giống như phòng tối, nơi đây thường dành cho những người mới lên Bắc Kinh tìm việc, hoặc sinh viên mới ra trường chưa có nhiều tiền. Họ có thể ở tạm chỗ này một vài tháng, sau đó sẽ đi tìm chỗ ổn định hơn*. Mặc dù vậy, tài khoản ngân hàng của những người sống ở nhà tạm, hay ở dưới tầng hầm, trong phòng tối... có bao nhiêu tiền thì không ai biết được. Cuối tuần, tôi thường ra ngoại thành chơi với một người bạn làm công nhân tên là Lượng Lượng. Lượng Lượng có một anh bạn người Hà Bắc. Dù chỉ kiếm được 2.000 tệ/tháng nhưng sau năm, sáu năm đi làm, ăn tiêu tiết kiệm và dành dụm, anh bạn này sắp mua ô tô. Mua xe là bước đầu tiên, sau đó anh sẽ mua nhà, và cuối cùng là lấy vợ. Ở Bắc Kinh, thuê một căn hộ 15 m2 mất ít nhất 1.500 tệ/tháng, ngoài ra phải trả thêm tiền môi giới, tiền đặt cọc, và thường phải ký hợp đồng sáu tháng đến một năm, nên tổng số tiền bạn phải trả có khi lên tới 7.000 tệ. Hết một năm, hết hợp đồng, bạn lại phải đặt cọc tiếp, nếu không ở hết số thời gian đó thì sẽ mất tiền cọc. Ra ngoại thành, ở những vùng cách Bắc Kinh khoảng 60 km, một cái nhà như thế giá thuê chỉ tầm 300-400 tệ. Có nhiều người chọn thuê nhà ở xa, hằng ngày ngồi xe buýt chạy đường cao tốc mất khoảng một, hai tiếng để tới chỗ làm. Tôi còn biết có những người làm ở Bắc Kinh nhưng thuê nhà ở Thiên Tân, cách nơi làm việc 150 km. Có một lần tôi tới nhà Lượng Lượng chơi đến tối muộn, phải chờ sáng hôm sau mới về được Bắc Kinh. Hôm đó, tôi dậy từ năm giờ sáng, ngồi hai chuyến xe buýt và đi tàu điện ngầm mất ba tiếng rưỡi để đến công ty. Trên xe buýt có rất nhiều người giống tôi, họ mất ba, bốn tiếng đi làm, ba, bốn tiếng về nhà. Tôi đi xe buýt từ nhà bạn đến bến trung tâm, đổi hai lần tàu điện ngầm mới đến được công ty. Nhưng đổi hai lần tàu như tôi vẫn còn ít, vì không phải ai cũng làm ở trung tâm Bắc Kinh. Bến tàu điện ngầm là một nơi rất đông đúc, người người hối hả bước như đang hành quân. Sáng sớm, tôi gặp những người vừa hướng về phía tàu điện ngầm vừa cầm đồ ăn sáng ăn vội vã. Ban đầu, khi mới tới Bắc Kinh, tôi rất háo hức mong được đi tàu điện ngầm, nhưng về sau, tôi giảm thiểu việc phải tới đây. Chưa bao giờ tôi có một chỗ ngồi. Thêm nữa, càng ở nơi đông đúc, cảm giác lạc lõng của tôi càng tăng lên. Bớt tiền ở, đi làm thêm, ngoài ra tôi còn cố gắng tham gia các đợt phiên dịch ở hội chợ. Gần như tháng nào cũng có những phiên hội chợ của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc triển lãm, nhưng thỉnh thoảng tôi mới thu xếp được lịch học để đi dịch. Mỗi ngày tôi được trả 300 tệ, mỗi lần hội chợ như thế thường kéo dài 4 ngày. Trong một thời gian dài, ngày nào tôi cũng lên mạng tìm thông tin việc làm, đều đặn như một cái máy. Trong hai năm ở Bắc Kinh, tôi làm khá nhiều việc: bồi bàn, dịch thuật online, dùng thử phần mềm trên di động (các công ty phần mềm cho điện thoại di động ở Trung Quốc sẽ tìm những người sử dụng phần mềm của họ để kiểm tra xem ngôn ngữ có phù hợp với văn phong, chính tả, phong cách của người Việt Nam không)... Tính đến nay, có lẽ tất cả các trang tìm việc ở Trung Quốc đều có hồ sơ của tôi. Bằng đủ các con đường kiếm tiền, đến học kỳ thứ ba thì tôi trả hết nợ. Đến bây giờ, tôi thấy chuyến đạp xe từ Bắc Kinh về Hà Nội của tôi cũng không phải chuyện gì ghê gớm. Chỉ là vấn đề của sự kiên trì - thứ tôi rất thiếu từ trước đến nay. Tôi luôn hứng lên và làm một việc gì đó, nhưng không bao giờ làm đến tận cùng. Trước khi lên đường về nhà, tôi có 4.900 tệ. Tôi chỉ mang theo 1.500 tệ, gửi số còn lại cho bạn tôi cầm về Hà Nội giúp. Kỳ học đó tôi được nghỉ Tết hai tháng, tôi về trước, bạn tôi vẫn ở Bắc Kinh, nếu có vấn đề gì tôi có thể gọi cho bạn. Mặc dù vậy, tôi luôn nghĩ tất cả những khó khăn trên đường sẽ không đủ lớn để tôi từ bỏ. Sau một thời gian luyện tập và thích nghi, với tôi, việc đạp xe mỗi ngày là chuyện đương nhiên. Trước đó, tôi từng đi xe máy lên Tây Bắc và đi vào miền Trung, nhưng tôi thường đi cùng bạn. Lần này ở Trung Quốc, tôi chỉ đi một mình. Với tôi, việc đi một mình rất thú vị. Khi đi với bạn bè, tâm trí của tôi sẽ đặt vào họ, tôi sẽ quan tâm xem họ cảm nhận thế nào, họ nghĩ gì, sau đó mới là những cảnh vật và những người lạ. Khi đi một mình, vì chỉ có bản thân, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn tới những thứ bên ngoài, hoặc tôi sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ. Trên hành trình của mình, tôi biết tôi sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều con người, lắng nghe nhiều câu chuyện. Những điều ấy sẽ truyền cho tôi khao khát được tự do tự tại, hứng lên là xách ba lô lên đường, không cần bận tâm gì cả. Tôi nghĩ có hai loại du lịch: nghỉ dưỡng và khám phá - khám phá thiên nhiên và khám phá bản thân. Tôi chọn đi du lịch để khám phá bản thân. Vì thế, tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn, khổ sở để thử xem phản xạ và khả năng xoay xở của mình ra sao. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu mình tự đặt áp lực cho bản thân hay là áp lực đó vốn đã có. Nhà tôi có ba chị em gái, một mình mẹ tôi nuôi ba con học đại học. Mẹ tôi chỉ đợi em gái tôi học xong để nghỉ chợ. Cho tới lúc tôi lên đường, nhà tôi vẫn còn nợ 60 triệu. Cho tới lúc đó, mẹ tôi vẫn nói rằng khoản nợ này mẹ và tôi cùng trả. Bố tôi sức khỏe kém. Tôi luôn nghĩ: chừng nào trả hết số nợ này, tôi có thể làm gì tôi thích, đi bất cứ đâu tôi muốn. Rất nhiều khi tôi cảm thấy bất lực, giống như cuộc sống của mình chỉ xoay quanh việc trả nợ. Trong thời gian đi làm để trả số nợ riêng, thỉnh thoảng tôi vẫn phải gửi tiền về nhà, vì mẹ không hề biết tôi vay tiền để đi du học. Mọi người ở nhà luôn nghĩ cuộc sống ở Bắc Kinh của tôi rất tốt. Vì tôi được bao ăn ở, lại được hỗ trợ cả tiền sinh hoạt, nên giúp mẹ trả nợ là đương nhiên. Lúc bắt đầu viết cuốn sách này, tôi mới đưa được cho mẹ 20 triệu. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Nếu trả nợ xong, mẹ tôi sẽ muốn sửa nhà, sửa nhà xong thì mẹ tôi sẽ muốn làm việc gì đó khác. Nếu bị cuốn vào vòng xoáy ấy, cuộc đời với tôi có lẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Dù chỉ đi làm toàn thời gian ở Trung Quốc hai tháng sau khi tốt nghiệp, thực tình tôi vẫn bị cuốn đi - có nhà, có xe là thành tựu lớn nhất đời. Tôi không biết người Trung Quốc làm thế nào để vừa mua nhà, mua xe, vừa nuôi vợ con và phụng dưỡng bố mẹ già khi lương tháng chỉ có 5.000-6.000 tệ, còn cái nhà tính ra tiền Việt tới mười mấy tỉ đồng mà chỉ được dùng trong 70 năm. Tôi cũng đã hiểu vì sao có những bộ phim ăn khách kể chuyện những cô gái nghèo lấy các anh trai nhà giàu. Nếu không bị hết hạn visa, tôi e rằng mình sẽ quay trong vòng xoáy đó mãi mãi. Hoặc nếu không đi du học, có lẽ tôi sẽ làm hướng dẫn viên du lịch, hoặc đi làm ở các khu công nghiệp, lương tháng năm bảy triệu. CHƯƠNG 2 Bắc Kinh - Bảo Định: 154 km “Không điên bây giờ thì sau này sẽ già mất..." Ngày thứ nhất: 26/12/2013 Tôi tỉnh dậy lúc sáu giờ sáng. Đêm hôm trước, vì quá hồi hộp, tôi chỉ ngủ được ba tiếng. Tôi đã dành cả buổi chiều hôm ấy để xem các clip trên mạng, các clip nói về những người đạp xe đi Tây Tạng. Clip dài nhất kể về một nhóm mười người Đài Loan bay từ Đài Loan đến Thành Đô rồi đạp xe từ Thành Đô đến Lhasa. Thành viên trong đoàn có cả CEO của một công ty truyền thông. Nhìn chung, họ đều đi làm và đều thành đạt. Cô gái duy nhất là một chị có người yêu đã chết trên con đường này. Những người khác thì coi đây là con đường thần thánh để thử thách bản thân. Có những người coi đây là hành trình tuổi trẻ. Hoặc đại loại như vậy. Trong mắt người khác, có thể những chuyện này thật điên rồ. Tôi không biết. Có thể người ta cần làm gì đó điên rồ thời tuổi trẻ để sau này có gì mà kể lại. Tôi nhớ có một bài của Lý Vũ Xuân hát rằng: “Không điên bây giờ thì sau này sẽ già mất...”* Trước khi đến Trung Quốc du học, tôi biết đến Tây Tạng qua một bộ phim. Phim nói về hành trình của một người có anh trai vừa qua đời. Nguyện vọng của người anh đã mất là đạp xe từ Lệ Giang tới Tây Tạng nhưng chưa kịp thực hiện thì không còn cơ hội. Người em thực hiện thay mong ước này của anh mình. Anh ta đã đạp xe tới Lhasa trong 12 ngày. Kể từ đó, tôi bắt đầu mơ về Tây Tạng. Khi ấy, tôi học năm thứ nhất đại học. Hình ảnh Tây Tạng trong tôi lúc đó hoàn toàn khác so với những gì tôi từng được trải nghiệm: Tây Tạng có núi tuyết giữa mùa hè, có những con người sống trên cao nguyên má lúc nào cũng ửng đỏ, có những người sùng đạo Phật hành hương nhất bộ nhất bái... Clip tôi xem buổi chiều hôm ấy dài hơn một tiếng. Khó khăn lớn nhất mà những người trong clip phải trải qua, theo như tôi thấy, là ảnh hưởng của nhiệt độ tới sức khỏe. Ban ngày nhiệt độ trên đường rất cao, ban đêm lại xuống rất thấp. Ngoài ra, địa hình đường núi khá dốc. Có nhiều đoạn những người Đài Loan trong clip phải xuống xe dắt bộ, có đoạn họ gần như bò ra trên đường, có đoạn chỉ đạp được 5-6 km/giờ. Trên đường đi, đoàn người gặp một đoạn bị sạt lở và không thể đi tiếp. Đến đây có hai lựa chọn: hoặc đi nhờ xe tải, hoặc phải vòng qua một con đường khác dài hơn 600 km. Trước đó, cả đoàn đã thỏa thuận rằng bằng mọi giá họ phải đi trên đôi chân của mình, không được hoàn thành chặng đường bằng các cách thức khác. Tuy nhiên, với tình hình sức khỏe của các thành viên trong đoàn, họ không thể đi thêm 600 km nữa. Dù vậy, có hai thành viên trong đoàn đã tách ra và chọn đi con đường xa. Buổi sáng tiếp theo, người trưởng đoàn quyết định đuổi theo hai người này và họ cùng nói chuyện, rồi cả đoàn quyết định sẽ cùng đi con đường xa. Clip tôi xem không phải một bộ phim. Đây chỉ là một đoạn video quay tự phát. Sau khoảng 26 ngày thì cả đoàn đến được Lhasa. Sau khi xem xong clip, tôi có một chút chuếnh choáng. Tôi so sánh trong đầu: thời gian đoàn người này bỏ ra tương đương với thời gian trên chặng đường từ Bắc Kinh về Hà Nội của tôi. Nhưng quãng đường mà họ chọn lựa khó khăn hơn rất nhiều lần. Nhìn những trải nghiệm của họ trên đường, sự hân hoan của họ khi hoàn thành xong chặng đường đó, tôi cũng muốn được như vậy. Nỗi lo lắng của tôi tan đi rất nhiều. Chuyện phải đi một mình trên đường không làm tôi băn khoăn. Trước đây, có một anh chàng người Hồ Bắc muốn đi chặng đường này cùng tôi. Anh ta lên kế hoạch mỗi ngày đi 200 km, đi khoảng 15 ngày là hết quãng đường hơn 3.000 km, đi tới đâu thì ngủ nhà nghỉ ở đó. Nickname trên mạng của anh ta có nghĩa là: Đi Đâu Về Đâu. Tôi cũng chẳng hỏi tên thật. Tôi không thực sự rõ kế hoạch của anh ta là gì, có lẽ anh ta nghe nói về chuyến đi của tôi và cũng muốn đến Việt Nam chơi. Trong thời gian tôi trên đường từ Bắc Kinh về Hà Nội, anh ta đi máy bay tới Việt Nam và đi xe ô tô tới một số tỉnh. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi này từ nhiều tháng trước đó. Ngày 26/12/2013 lên đường, ngày 24 tôi vừa thi xong môn cuối cùng. Trong thời gian ôn thi, ngoài việc học bài, tôi chỉ lên mạng tìm thông tin ở nhờ và mua những trang thiết bị cần thiết. Vì tôi sẽ xuất phát vào mùa đông nên đồ cần chuẩn bị rất phức tạp, nhất là những dụng cụ giữ ấm. Mùa đông ở miền Bắc và mùa đông ở miền Nam Trung Quốc rất khác nhau. Miền Bắc hanh khô, nhiệt độ thấp, luôn dưới 0 độ. Miền Nam ấm và thường hay mưa. Ngoài những thứ như quần áo giữ ấm nhiều lớp, trên con đường đi qua mùa đông miền Bắc đến mùa đông miền Nam, tôi phải chuẩn bị cả áo mưa, đồ nghề sửa xe, chủ yếu là đồ vá xe và các loại ốc vít. Tôi cũng chuẩn bị sẵn rất nhiều thuốc phòng khi cảm cúm hoặc ngã xe. Đồ đạc của tôi tính ra khoảng 25 đến 30 kg. Tôi thi chín môn trong hai tuần, sau đó tôi tìm gặp một anh bạn để học các kỹ năng cơ bản về sửa chữa xe đạp. Có thời gian rảnh, tôi lại lên mạng tìm hiểu cung đường. Việc này tốn khá nhiều thời gian. Tôi phải tính toán để giữa thành phố này và thành phố kia, giữa hai người chủ nhà là một khoảng cách tôi có thể vượt qua được trong một ngày đạp xe. Tôi muốn ở nhờ nhà trên tất cả những nơi mình đi qua. Vì thời gian gấp gáp quá nên trước khi đi, tôi chỉ liên hệ xin ở nhờ được với năm người. Tôi định sẽ vừa đi vừa liên hệ tiếp. Vẫn còn phương án ngủ ở nhà nghỉ. Tôi có 1.500 tệ, nếu chia cho 30 ngày, mỗi ngày tôi có 50 tệ. Có những nhà nghỉ giá chỉ khoảng 20 tệ. Có những nơi họ cho ở ghép mấy người trong một phòng và tính tiền theo người, giá cũng chỉ khoảng 20 đến 30 tệ. Chỉ có một người bạn thân ở Việt Nam và em gái được tôi chia sẻ về hành trình này. Hai người chỉ cười và không ngăn cản. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy không có ai tin tưởng tôi. Đặt mình vào vị trí của họ, tôi có thể hiểu lý do. Khi chưa làm được gì, tôi không nghĩ mình có quyền khiến họ phải tin tưởng. Chuyến đi này của tôi nhằm mục đích trải nghiệm. Tất cả chỉ là để trải nghiệm. Một lý do ích kỷ. Ngoài ra, một phần nguyên nhân tôi không muốn nói với ai về kế hoạch này là vì tôi sợ nói trước bước không qua, ban đầu rùm beng, sau kết quả lại tệ hại. Em gái tôi bảo: “Chị nói thế thì em biết thế thôi. Có khi được nửa đường chị lại bắt tàu đi về. Nhưng cứ làm đi, được bao nhiêu thì được.” Động lực chính khiến tôi bắt đầu và tiếp tục hành trình này là tôi muốn thử xem mình chịu được bao lâu. Về sau, tôi nhận ra khoảng cách giữa thực tế và trí tưởng tượng của mình thật sự rất xa nhau. Để tránh đóng tiền nhà một tháng trước Tết và hai tháng nghỉ Tết, tôi trả phòng và ở nhờ ký túc xá của bạn. Tôi đang ở ký túc trường Y dành cho lưu học sinh, xây theo kiểu chung cư, mỗi tòa nhà có mười sáu tầng. Tôi ở tầng mười hai. Phòng nơi đây khá giống khách sạn mini, dưới sảnh có lễ tân, ra vào phải có thẻ. Phòng tôi ở quay mặt về phía Nam. Bình thường, khi ngủ dậy, mở cửa ra tôi có thể nhìn thấy mặt trời. Hôm nay, lúc tôi tỉnh dậy, trời vẫn còn đen kịt. Tôi đã mặc ba cái quần, ba cái áo, trong đó có một áo lông vũ. Tôi khoác thêm áo gió bên ngoài. Trời rất lạnh. Khi tôi xuống dưới sảnh, anh bảo vệ vẫn đang ngủ gục trên bàn. Tôi nhờ mở cửa, anh ngái ngủ mắt nhắm mắt mở nhìn tôi. Anh cũng chẳng hỏi gì. Tôi cảm thấy hơi buồn cười, vì đây là người cuối cùng tiễn tôi lên đường. Anh bảo vệ khá trẻ, chắc chỉ khoảng ngoài 20 tuổi. Anh mặc đồng phục, nói giọng địa phương và chẳng bao giờ cười. Lần nào tôi cũng nhìn thấy anh ta cúi mặt xuống, hoặc nghịch điện thoại, hoặc ngủ gục - vì tôi luôn về muộn và anh ta trực ca đêm một mình. Anh ta không bắt bẻ chuyện lần nào tôi cũng về muộn, và lần nào tôi cũng không có thẻ ra vào. Tôi đeo ba lô và xách túi ra nhà xe. Tôi đã xem dự báo thời tiết, tôi biết sẽ có gió cấp ba, cấp bốn. Gió đang rít bên tai tôi. Toàn thân tôi, phần da thịt nào tiếp xúc với gió sẽ bị thổi cho đỏ ửng lên. Dưới lán, xe đạp đổ rạp vì gió to. Những chiếc xe dựng lộn xộn không theo trật tự nào, nhìn như đang ngủ vạ vật. Mái che không đủ nên nhiều xe phải để bên ngoài. Khung cảnh trước mắt tôi như một bức ảnh ngược sáng. Tôi chỉ nhìn thấy hình dáng chứ không rõ màu sắc của mọi vật. Việc chằng đồ đạc sau xe cũng không dễ. Nếu đeo găng tay, tôi không làm gì được. Nếu bỏ găng ra, tay tôi sẽ bị cóng, cũng không làm được gì. Tôi loay hoay tới tận hơn bảy giờ mới xong xuôi và chính thức bước ra khỏi cổng. Đường phố lúc đó chỉ có mấy cô lao công và xe chở rác. Không khí sáng sớm khiến tôi thấy phấn chấn hơn. Mùa đông nên cây cối trơ cành. Gió thổi rít qua những cây thông cây tùng - hai loại cây sống sót mạnh khỏe hiếm hoi trong mùa đông. Ngọn cây bị thổi rạp về một hướng. Tôi bắt đầu lo lắng về chuyện đạp xe trong gió ngược. Khoảng bảy rưỡi, đường bắt đầu đông dần. Giờ làm việc chính thức ở đây là chín giờ sáng nhưng phố xá lúc này đã khá tấp nập. Hình ảnh và cảm giác của buổi sớm mai chỉ còn rất mờ nhạt. Tôi vô thức nhìn ngắm con đường và những người mình lướt qua. Đang đạp xe trên đường, tôi phát hiện ra bình nước đã bị kết thành những lớp băng mỏng. Khẩu trang của tôi cũng có một lớp băng mỏng bên ngoài. Tôi cảm giác hơi thở của mình đang đóng băng. Chỉ cần chớp mi, tôi đã thấy cái lạnh khi băng tan. Một lúc sau, người tôi nóng dần lên. Tôi thấy khát. Tôi có cảm giác mình đã ngủ đông lâu quá. Bình minh của tôi thường bắt đầu lúc chín, mười giờ sáng. Tôi chợt nghĩ: trong lúc mình ngủ, người ta đã làm được rất nhiều việc. Có lẽ tôi đã ngủ đông nhiều tháng, nhiều năm. Mọi người hối hả trên đường. Những người đứng chờ xe buýt xếp hàng rất ngăn nắp. Mỗi khi xe buýt dừng, một phụ nữ sẽ cầm chiếc loa to, ngồi trong xe buýt nói vọng ra để dọn đường. Xe buýt chật cứng người, nhưng giống như trong một vở kịch câm, họ mặc áo dày sụ, đội mũ kín mít, hoàn toàn im lặng. Ở Bắc Kinh, xe buýt phần lớn dành cho sinh viên, người đi làm và cả những người đã nghỉ hưu. Sáng sớm, các ông bà bắt xe buýt ra công viên tập thể dục hoặc đi chợ sáng. Những quán ăn sáng bên đường bán đậu nành, quẩy, bánh bao... bốc khói nghi ngút. Tôi tranh thủ dừng lại để xem bản đồ trên điện thoại. Tay tôi cóng đến mức điện thoại không cảm ứng nữa. Khi thời tiết quá lạnh, pin điện thoại của tôi bị yếu, phải ủ trong người một lúc mới có thể dùng tiếp. Nhiều khi tôi hoàn toàn dựa vào cảm nhận và suy luận của mình để tìm phương hướng. Bắc Kinh lấy khu Cố Cung làm trung tâm, tỏa ra sáu hình vuông đồng tâm, mỗi hình vuông là một vòng. Vòng hai là khu phố cổ, có Thiên An Môn. Tôi đang ở vòng số ba phía Tây Bắc, phải đi ra khỏi vòng số năm phía Tây Nam thì mới ra đến quốc lộ để đi tỉnh khác. Từ vòng số năm là ngoại thành. Tôi cứ loay hoay mãi trong vòng ba, vòng bốn, mãi tận mười một giờ trưa mới đến được cuối vòng năm và ra đầu đường quốc lộ. Cả buổi sáng, tôi chỉ đi được có 20 km. Tôi men theo đường cao tốc để đi. Hai bên đường là các chung cư hoang vắng. Những cây số đầu tiên của tôi khá vất vả vì trên bản đồ điện thoại chỉ có phần đường dành cho ô tô, mà tôi lại không chọn đi trên cao tốc. Mỗi lần gặp cầu vượt, tôi đều đi lạc. Tôi không biết mức giá chính xác nhưng đường cao tốc ở Trung Quốc thu phí khá cao. Đi trên đường này sẽ tránh được tắc, tránh tai nạn, trừ những dịp nghỉ lễ miễn phí cho xe cộ qua lại. Bình thường, xe buýt đường dài và xe ô tô cá nhân sẽ chọn đi đường này. Với khoảng cách 70 km, người ta đi ô tô trên quốc lộ mất hơn hai giờ, đi trên cao tốc chỉ mất một nửa thời gian. Phần mềm tôi dùng để tìm đường là Baidu, một ứng dụng mô phỏng Google. Ở Trung Quốc, dùng Baidu tìm đường chính xác hơn. Mặc dù vậy, ứng dụng này chỉ có ba lựa chọn: chỉ đường cho xe buýt, cho ô tô và cho người đi bộ. Không có hướng dẫn cho xe đạp dù người đi xe đạp ở Trung Quốc rất nhiều. Ở Bắc Kinh, đi xe đạp là một lựa chọn rất ổn. Tôi thấy trên phố có rất nhiều xe đạp cổ. Dịch vụ cho thuê xe đạp ở đây cũng khá phát triển. Xe đạp dựng hàng dài bên đường qua đêm mà không bị mất. Người ta thường đi xe đạp đến tàu điện ngầm hoặc bến xe buýt rồi dựng xe đạp ở đó và bắt tàu, xe đi tiếp. Dần về phía ngoại thành, những ngọn núi hiện ra trước mắt. Bên phải đường quốc lộ có một cây cầu chuyên để ngắm trăng tên là cầu Lô Câu. Nếu không nhìn trên bản đồ, tôi không biết đây là một thắng cảnh. Nước dưới cầu nhìn xa như một thảm băng, cỏ hai bên chuyển hết sang màu nâu khô úa, chỉ có bầu trời còn xanh và nắng thì vẫn gay gắt. Nắng không làm tan băng, cũng không làm bầu trời ấm lên. Tôi đứng trên cầu nghỉ một lúc, đặt máy ảnh hẹn giờ và chụp chính mình. Khi ở một mình thì có làm việc gì điên rồ cũng chẳng ngại với ai. Ở trạm thu phí gần cầu, tôi nhìn thấy một bạn nam, có lẽ là Tây ba lô, đang cầm biển xin đi nhờ ngồi đợi xe. Bạn này khá gầy, dong dỏng cao, tóc vàng, đeo một cái ba lô to loại 60 lít. Tấm biển viết chữ “Xin đi nhờ xe” bằng tiếng Trung. Vào kỳ nghỉ đông, một người bạn của tôi đã đi nhờ xe thành công từ Bắc Kinh về quê nhà Tân Cương ăn Tết. Hình thức này phổ biến từ khoảng năm 2010, đặc biệt ở phía Tây, những nơi như Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên... vì người dân ở đây rất nhiệt tình. Cung đường từ Vân Nam và Tứ Xuyên đi Tây Tạng cũng rất phổ biến chuyện đi nhờ xe. Ở vùng này, cứ thành lệ, chỉ cần giơ tay vẫy là người lái xe sẽ cho bạn lên, vì lái xe đường dài là một công việc nhàm chán, chính người lái cũng rất cần có người đi cùng nói chuyện cho khỏi ngủ gật. Cánh lái xe có vô vàn chuyện để kể, nhưng họ thiếu người nghe. Khi đi du lịch, ngoài đạp xe, tôi cũng hay đi nhờ để rèn luyện tính kiên nhẫn. Không bao giờ có chuyện chỉ cần ló mặt ra đường là sẽ có người cho đi nhờ, nếu có đi nữa thì cũng không bao giờ họ đưa tôi tới ngay điểm tôi mong muốn. Để đến đích, tôi phải đi nhờ rất nhiều lần. Thông thường, những điểm bắt xe lý tưởng là trạm thu phí, trạm xăng, các nơi bơm nước mui... Nhiều người thích bắt xe con vì đi nhanh hơn, nhưng tôi thấy đi xe tải cũng thú vị. Những bác tài xế xe tải thường rất bình dân, hóm hỉnh và nhiều chuyện. Nhìn bạn Tây ba lô, tôi nhớ lại mùa hè vừa qua của mình. Tôi cũng từng đi như thế, nhưng vì tôi không đặt vị trí mình là người nước ngoài nên có lẽ cảm nhận sẽ khác nhau. Những người cho tôi đi nhờ cũng không nhận ra tôi không phải là người Trung Quốc. Lúc tôi đi ngang qua, bạn Tây ba lô vẫn ngồi bên lề đường, mắt mơ màng nhìn xe qua lại. Khoảng mười một rưỡi, trục đường quốc lệ 107 đi về phía các tỉnh phía Nam nườm nượp xe qua lại. Người bạn này sẽ có rất nhiều thời gian để vẫy xe đi nhờ. Bình thường, tôi đạp xe chỉ đạt tốc độ khoảng 15-20 km/giờ. Hôm nay nhìn đồng hồ xe đạp, tôi thấy vận tốc chỉ 25 km/giờ. Điều này làm tôi khá phấn chấn. Buổi trưa, qua điểm thu phí, dù không đói nhưng để ăn cho đúng giờ, tôi dừng lại mua đồ ăn nhanh. Tôi trả lời bâng quơ những câu hỏi tò mò của chị bán hàng để khỏi phải nói chuyện nhiều. Nếu nói thật về nơi tôi muốn đến và cách thức để về nhà của tôi, chắc chắn câu chuyện sẽ rất dài. Mùa đông, bốn rưỡi chiều trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Tới năm giờ, tôi phải bật đèn pin và đèn ở đuôi xe. Đến lúc này tôi mới biết ở quốc lộ liên tỉnh sẽ không có đèn đường. Con đường tôi đang đi khá vắng. Để có chỗ ngủ mỗi ngày, tôi tìm người cho ở nhờ trên trang Douban và CNSFK*- một dạng Couchsurfing của Trung Quốc. Theo những gì tôi biết, một anh người Trung Quốc đã sáng lập ra trang này một cách khá tình cờ. Một lần, khi đang ngồi trên tàu đi du lịch, anh chợt nghĩ: tại sao thế giới có Couchsurfing mà Trung Quốc không có trang riêng của mình?* Trên Douban có tổng hợp nhiều nhóm khác nhau, cho ở nhờ như Couchsurfing chỉ là một nhóm nhỏ, còn đủ các nhóm đồng hương, đồng sở thích - nhóm chạy bộ buổi sáng, nhóm học tiếng Anh... Nhóm cho ở nhờ phân thành các thành phố, mỗi thành phố sẽ chia thành nhiều điểm nhỏ có khu du lịch, mỗi điểm nhỏ chỉ có khoảng một, hai người cho ở nhờ. Nơi nhiều nhất là mười người một điểm. Tuy vậy, Bảo Định không phải là một điểm du lịch quá nổi tiếng, ở cả CNSFK và Douban tôi đều không tìm được người cho ở nhờ. Tôi lên Baidu, nhập từ khóa và tìm ra Tiểu Vương. Ngoài chức năng tìm kiếm hình ảnh và trang web, ở Baidu còn có phần diễn đàn. Tiểu Vương từng đăng một bài viết trên đó cách đây một tháng, trong đó viết rằng em là sinh viên và có thể cung cấp chỗ ở miễn phí cho mọi người đến Bảo Định, trừ ngày nghỉ lễ. Tôi đọc bình luận bên dưới thì thấy cô gái này rất nhiệt tình nhưng vẫn chưa có ai đến ở cả. Tiểu Vương để lại tất cả các hình thức liên lạc của mình ở ngay bài viết. Tôi là người khách đầu tiên sẽ tới ở chỗ Tiểu Vương nên em có vẻ háo hức. Thỉnh thoảng Tiểu Vương lại gọi điện hỏi bao giờ tôi đến. Tiểu Vương và nhóm bạn của em từng đi Thanh Đảo chơi và được cho ở nhờ nên em muốn đáp đền tiếp nối. Vào ngày 14/1/2014, Tiểu Vương sẽ đến Việt Nam và từ đây, em sẽ đi du lịch khắp Đông Nam Á. Khoảng gần sáu giờ tối, Tiểu Vương gọi điện cho tôi. Lúc đó, tôi còn cách Bảo Định 20 km, có lẽ tôi phải đạp xe hơn một giờ nữa mới tới nơi. Tôi dặn Tiểu Vương ăn cơm trước nhưng em muốn đợi tôi ăn cùng. Không muốn để Tiểu Vương chờ lâu, tôi phóng rất nhanh. Đường không có đèn. Tôi vừa đói vừa lạnh. Chiếc xe tải đi phía sau hắt bóng tôi vào một thân cây thông. Nhìn bóng mình trên cây, tôi cứ ngỡ là người đi ngược chiều nên phanh gấp. Vì dừng lại quá đột ngột, xe tôi bị tuột xích. Đoạn đường vào Học viện Công thương của Đại học Hà Bắc - trường của Tiểu Vương - rất vắng và bụi. Đây là khu đô thị mới, cả con đường không có ai đi lại. Từ xa xa, nhìn biển đèn nhấp nháy tên trường, tôi mừng rơn. Tiểu Vương và bạn trai đã đợi tôi ở cổng. Em vẫy tay rối rít. Tiểu Vương sinh năm 1993, khá nhỏ người, cắt tóc mái hỉ nhi, hai răng thỏ to nhìn rất dễ thương. Tôi vừa dừng xe, Tiểu Vương đã hét bạn trai dắt xe để tôi và Tiểu Vương đi sau nói chuyện. Tay Tiểu Vương cấm một cái túi đựng đầy đồ ăn em mua sẵn ở siêu thị để ngày mai cho tôi lên đường. Tiểu Vương dẫn tôi băng qua trường tới ký túc xá. Trường em khá rộng, nhìn có vẻ như mới xây. Ở một khoảng sân nhỏ, có mấy bạn sinh viên đang trượt ván và nhảy hip hop. Từ xa, Tiểu Vương chỉ cho tôi ký túc xá của em: một tòa nhà sáu tầng, mới hoàn thiện chưa đầy hai tháng. Tiểu Vương kể rằng khi ở đó, cảm giác của em rất bất an, không biết tòa nhà sẽ sập lúc nào vì ký túc trước của em đã bị cháy. Lối vào ký túc xá là cổng Nam, đi xuyên qua cổng Đông là một khu phố ẩm thực sau trường. “Phố ẩm thực” là một dãy dài các hàng quán hai bên, phần lớn do sinh viên tự kinh doanh, có đầy đủ các mặt hàng quần áo, đồ dùng nhưng nhiều nhất vẫn là các hàng ăn. Ở Trung Quốc, người ta khuyến khích sinh viên kinh doanh nhưng lại cấm lưu học sinh đi làm thêm. Ba chúng tôi bước vào một quán sủi cảo. Dù mới gần tám giờ tối nhưng chỉ còn hàng này mở cửa. Quán ăn khá đơn giản và giá rất rẻ. Cả quán kê được hai hàng bàn ghế. Mặt bàn ốp nhựa màu cam, ghế là những chiếc đôn sắt, hai bên tường dán menu. Chỉ có ba người chúng tôi ngồi ăn. Phục vụ quán là một bạn nam học năm thứ hai, có vẻ quen biết với Tiểu Vương và bạn trai em. Đầu bếp cũng là một bạn nam. Vừa ngồi xuống, Tiểu Vương đã phải không ngừng đưa khăn giấy cho tôi. Lạnh quá, nước mũi tôi chảy liên tục. Trước đây, một người bạn của em là người Quảng Đông, thuộc miền Nam Trung Quốc, khi đến Bắc Kinh cũng sổ mũi không ngừng vì không thích nghi được với cái lạnh. Trong túi đồ Tiểu Vương mua ở siêu thị có một bịch khăn giấy, hẳn em đã đoán trước được cơ sự này. Ăn xong, Tiểu Vương đưa tôi đi tham quan khu chợ sinh viên. Đang đi, em chợt nhớ ra chín giờ tối nhà tắm sẽ hết nước nóng. Chúng tôi vội vội vàng vàng chạy về ký túc xá. Phòng của Tiểu Vương ở tầng năm. Ở dưới sân không có lán để xe mà chỉ có một dãy xe xếp thành hàng dài, men theo tường ký túc xá. Tôi tìm một góc khuất có cột đèn, khóa xe vào cột đèn rồi lên phòng. Đây là khu ký túc xá nữ, sinh viên nữ ra vào nườm nượp. Quản lý ký túc ở ngay sảnh nhưng họ không hỏi tôi giấy tờ, cũng không quan tâm ai ra vào. Phòng của Tiểu Vương có sáu người, mỗi người có một chiếc giường tầng, tầng dưới là bàn học, giường ngủ ở bên trên. Mọi người trong phòng có vẻ khá háo hức khi tôi đến, có lẽ đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với hình thức cho ở nhờ, và cũng vì quốc tịch của tôi. Nếu một bạn cùng phòng của Tiểu Vương không về quê, em sẽ ngủ dưới đất và nhường giường cho tôi. Tôi mang quần áo đi tắm nhưng đã hết nước nóng. Ký túc xá lắp bồn rửa mặt ngoài ban công, bên trên là chỗ phơi quần áo. Tôi cảm thấy khá kỳ lạ, họ đã mất công thiết kế hệ thống đường ống mà không làm luôn nhà vệ sinh, ở đây, mỗi tầng chung một nhà vệ sinh chia thành bốn ngăn nhỏ. Nhà tắm là một phòng nhỏ khác cũng chia thành từng vách ngăn, ba mặt lắp ván nhưng không có rèm. Để sử dụng nước, sinh viên phải có thẻ từ nạp tiền. Khi bắt đầu tắm, bạn cầm thẻ quẹt vào công tắc để bấm giờ. Khi tắm xong, bạn quẹt thẻ lần nữa để tắt nước và tính tiền. Mỗi lần tắm trung bình mất khoảng 1 tệ, nếu cả gội đầu thì khoảng 2 tệ. Khi còn ở ký túc xá ba người một phòng tại Bắc Kinh, tôi cảm thấy khá ức chế mỗi khi đi tắm. Đồng hồ lắp ngay trước mặt tôi. Khi tôi quẹt thẻ, chiếc đồng hồ sẽ bắt đầu đếm. Có hai dãy số, một dãy đếm giờ (số tăng), một dãy đếm số tiền trong thẻ (chạy lùi), dùng cả nước nóng và nước lạnh đều bị tính tiền. Ở trường tôi, phòng giá 1.500 tệ/tháng cho sinh viên quốc tế thì có khu vệ sinh khép kín, phải đóng tiền nước nóng riêng, tiền nước lạnh riêng; phòng giá 900 tệ/năm cho sinh viên Trung Quốc thì nhà vệ sinh chung, nhà tắm chung, sáu người một phòng, thông thường chỉ có nước từ ba giờ chiều đến mười giờ tối và chỉ được tắm một lần trong ngày. Tiểu Vương huy động toàn bộ phích nước nóng trong phòng để mang ra ban công cho tôi tắm. Ban công lắp kính và khá kín nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng gió rít. Ngoài ban công dựng một chiếc xe đạp của Tiểu Vương, xe của hãng Momentum màu cà phê, giả cổ. Mỗi lần đi đâu, em phải vác xe từ tầng năm xuống dưới đất rồi đi về lại vác lên. Chiếc xe này Tiểu Vương mới mua nên rất sợ mất. Lúc vừa mua được xe, em đạp một mạch 200 km từ trường về nhà, ở nhà chơi vài ngày rồi lại đạp xe lên trường. Tắm xong, tôi cảm thấy mệt rã rời. Tôi ngồi nói chuyện với Tiểu Vương và lên cung đường cho em khi em tới Việt Nam. Tiểu Vương dự tính sẽ đi cùng một bạn nữ, hai người có 12 triệu tiền Việt để dành cho chuyến du lịch đi bốn nước Đông Nam Á trong một tháng. Tiểu Vương dự tính tại mỗi nước em sẽ tiêu khoảng 1.000 tệ trong một tuần. Số tiền này Tiểu Vương tiết kiệm được từ việc làm thêm. Tiếng Anh của Tiểu Vương không hề giỏi. Tôi chỉ cho em một vài điểm du lịch thú vị ở Việt Nam, Tiểu Vương định đi từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì điện phụt tắt. Theo quy định, mười một giờ đêm toàn khu ký túc xá sẽ tắt điện. Mặc dù vậy, mỗi người trong phòng đều trang bị cho mình một cái đèn sạc pin, họ ngồi bật đèn để học tiếp. Tôi leo lên giường đi ngủ, cả người đau ê ẩm, nằm tư thế nào cũng đau. Tôi nằm tổng kết lại một ngày dài của mình, có vẻ mọi chuyện đều thuận lợi, không quá khó khăn như tôi nghĩ trước đó. Từ thời điểm tôi gặp Tiểu Vương tới lúc đi ngủ, em líu lo không ngừng. Dù chưa biết gì về những điểm sẽ đến ở Đông Nam Á, Tiểu Vương vẫn rất háo hức*. Còn với tôi, đạp xe đã trở thành một phản xạ. Chân tôi như ở dưới địa ngục nhưng đôi mắt thì ở trên thiên đường. Trên con đường tôi đi, cây cối trơ trụi, cỏ ngả màu nâu khô khốc, giống như chỉ cần một mồi lửa là cả con đường sẽ cháy rực. Người qua đường bịt kín từ đầu tới chân, chỉ hở đôi mắt, hối hả vội vã làm sao để nhanh về nhà và ngồi bên lò sưởi. Chẳng ai quan tâm tới ai. CHƯƠNG 3 Bảo Định - Thạch Gia Trang: 156 km Ngày thứ hai: 27/12/2013 Câu chuyện của Tiểu Vương làm tôi củng cố thêm niềm tin: cứ đi là đến. Tôi tin rằng chỉ cần can đảm bước chân đi thì đã thành công tới 50%, còn nếu cứ lần khân, tìm kiếm lý do thì chẳng bao giờ đi được. Tôi nghĩ có lẽ vì người ta nhìn thế giới bằng con mắt “nguy hiểm” nên thế giới thực sự nguy hiểm. Nếu tôi chỉ ngồi nhà và nói rằng chuyện đi lại rất đáng sợ, mọi người không đáng tin cậy... chắc chắn tôi đã không thể mắt thấy tai nghe nhiều chuyện và càng không thể kết luận được điều gì. Cho tới giờ, tôi chưa gặp chuyện “nguy hiểm” nào. Tôi vẫn chưa dám kết luận, nhưng có thể cũng giống Tiểu Vương, tôi ngây thơ và thành thật với tất cả mọi người nên những người xấu không nỡ làm hại tôi, hoặc họ đối xử với tôi theo cách không quá phức tạp. Sáu giờ rưỡi, tôi tỉnh giấc. Mọi người trong phòng vẫn đang ngủ. Toàn thân tôi ê ẩm, nhấc chân lên cũng khó. Phải mất một tiếng sau tôi mới trèo xuống được khỏi giường tầng để vệ sinh cá nhân và dọn đồ. Tôi không muốn gây ra bất cứ tiếng động nào cho mọi người. Bảy giờ rưỡi. Tôi thu xếp đồ đạc, nhìn lại cả căn phòng. Tiểu Vương đã ngóc đầu dậy và trách tôi không gọi. Thật ra, báo thức của Tiểu Vương đã kêu hai lần nhưng cô bé vẫn không thể nào dậy nổi. Mặt Tiểu Vương nhìn rất buồn cười. Trước khi đi ngủ, em đắp mặt nạ và chưa kịp rửa, tóc em dựng đứng lên. Tiểu Vương vội vàng mặc quần áo, không kịp đánh răng rửa mặt mà tiễn tôi xuống đường. Tiểu Vương nằng nặc đòi dẫn tôi đi ăn sáng rồi mới về. Cô bé đưa tôi tới con phố hôm qua. Lúc đó còn sớm, nhưng mọi người đã lục tục lên phòng học. Tiểu Vương mua ba cái bánh kẹp thịt, em ăn một cái rồi đưa cho tôi hai cái. Hai đứa ngồi bên vệ đường vừa ăn bánh vừa uống sữa đậu nành. Tiểu Vương hớn hở khoe với anh chủ cửa hàng rằng tôi là người Việt Nam, rằng tôi chuẩn bị đạp xe về Hà Nội. Anh chủ nhìn tôi không chớp mắt, liên tục hỏi: “Thật á? Em có bị làm sao không? Hai cái bánh có đủ không?” Ăn xong, Tiểu Vương lại tranh trả tiền cho tôi. Em hỏi đi hỏi lại tôi có cần ăn gì nữa không. Tôi đuổi Tiểu Vương về ngủ tiếp. Cô bé sợ tôi không biết đường nên chỉ cho tôi tới đâu thì rẽ trái, tới đâu thì rẽ phải... phức tạp gấp vài lần so với việc tôi nhìn bản đồ. Chia tay Tiểu Vương, tôi ra cổng trường tìm đường ra quốc lộ. Buổi sáng trời khá lạnh. Hơi thở từ mũi tôi phả ra trông như khói thuốc lào. Đoạn đường tôi đi là vành đai ba phía Đông ngoại thành, đường đang làm, bụi mù mịt. Guồng chân theo chỉ dẫn trên bản đồ, ban đầu tôi đi được 26 km/giờ, rồi giảm dần xuống 18, 19, rồi tôi nhìn đồng hồ và lại cố để kéo tốc độ lên 20 km. Khi đi trên đường, tôi chỉ có hai thứ để nhìn ngắm: một là cảnh trước mặt, hai là đồng hồ tốc độ. Đang đi, tôi nhìn thấy một bạn đang dừng lại trên đường xem điện thoại, hành lý lỉnh kỉnh, lại chằng cả một cây đàn guitar phía sau. Nom bạn nam này có vẻ khá dị nên tôi không dừng lại bắt chuyện. Một lúc sau, tôi dừng lại nghỉ, tranh thủ chỉnh lại đồng hồ, người bạn này đuổi theo và hỏi: “Đi đâu đấy?” Hóa ra tôi và cậu ta sẽ đi cùng một đoạn đường. Cậu bạn tên Lôi Huy, đang trên hành trình đạp xe 1.000 km từ Thiên Tân về Hà Nam. Chúng tôi đi song song với nhau và chuyện gẫu. Được một lúc, Lôi Huy bắt đầu nghi ngờ về giọng tiếng Trung của tôi. Theo tôi quan sát, tiếng Trung của người Việt Nam dù có chuẩn đến mức nào cũng chỉ dừng ở mức giống người phương Nam của Trung Quốc. Tiếng phổ thông lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn, giọng của người phương Bắc phát âm từ trong họng và khá nặng. Giọng miền Nam hoặc giọng Đài Loan thì nhẹ và ít cần hơi. Bình thường, người khác nghe tôi nói sẽ nghĩ tôi là người Quảng Tây hoặc Quảng Đông. Thỉnh thoảng tôi bị “lộ” vì bị lẫn giữa thanh một và thanh bốn. Cách phát âm của tôi không chính xác lắm, gần như thanh huyền và thanh ngang không rõ ràng, tôi biết nhưng không sửa được. Mỗi từ sẽ có một phiên âm khác nhau, một vài từ hay dùng tôi sẽ nhớ và sửa nhưng khi nói nhanh hơn thì tôi lại quên. Lôi Huy đeo kính cận dày cộp, tóc chôm chôm dựng đứng. Mặt và giọng nói của cậu khá đặc biệt, rất giống Đồng Đại Vĩ trong phim Những giấc mơ Mỹ ở Trung Hoa *. Lôi Huy sinh năm 1993, đang học năm cuối ngành Thương mại quốc tế tại một trường đại học ở Thiên Tân. Quê Lôi Huy ở Hà Nam nhưng bố mẹ cậu làm việc ở khu cảng Thiên Tân, chuyên về xuất nhập khẩu, vận tải đường biển. Lôi Huy từng tới Hải Phòng và làm thủ tục xuất cảng ở đó. Cậu cũng từng đưa hối lộ cho hải quan Việt Nam. Lôi Huy hỏi quê quán của tôi, cứ hỏi đi hỏi lại như không tin rằng tại sao một đứa Việt Nam lại lang thang trên đường như thế này. Mặt Lôi Huy bỗng nghệt ra như chợt nghĩ tới điều gì. Cậu ta bảo tôi: “Đừng nói với em rằng chị đạp xe về Việt Nam đấy nhé!” Tôi chẳng biết nói gì. Tôi bảo: “Chị cũng như mày, cũng đạp xe về quê thôi.” Chuyến đi của Lôi Huy cả gia đình đều biết. Bố mẹ cậu ban đầu phản đối nhưng Lôi Huy vẫn quyết tâm lên đường. Ngày nào bố mẹ cậu cũng gọi điện hỏi thăm. Đi với Lôi Huy, tôi vẫn giữ tốc độ bình thường, nhưng cậu ta thì cứ dần tụt lại phía sau, rồi lại gắng sức đạp đuổi theo. Tôi không thể đi cùng tốc độ với Lôi Huy, vì đoạn đường trước mặt của tôi dài 156 km, nếu đạp chậm hơn, tôi sẽ không tới kịp Thạch Gia Trang. Hơn nữa, tôi đã hẹn sẵn với chủ nhà thời gian đến, còn Lôi Huy mệt lúc nào nghỉ lúc ấy, ngủ dậy lúc nào đi cũng được. Một ngày Lôi Huy chỉ đi được 120 km. Lôi Huy biết điều này, nhưng cậu vẫn cố đi cùng tôi, vì như thế cậu ta sẽ đi được nhanh hơn. Mải miết đuổi theo tôi khiến Lôi Huy khá mệt và bỏ lỡ nhiều thứ trên đường. Tôi đoán có lẽ do tôi luyện tập từ trước nên quen. Khi luyện tập, tôi nâng dần tốc độ của mình, đầu tiên chỉ 15 km/giờ, về sau tôi đạp được 18-19 km/giờ, sau đó là 20 km, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe. Khi vừa ăn xong tôi đạp nhanh hơn, còn lúc đói và mệt thì tôi chẳng thiết nhìn đồng hồ. Khoảng hơn mười hai giờ, tôi vẫn đi trước và Lôi Huy vẫn đi sau, rồi cậu lại vọt lên và hỏi về bữa trưa. Chúng tôi tìm mãi mới được một quán cơm bình dân. Hai đứa tấp vào quán. Đây là một quán ăn sơ sài, chỉ có hai bàn tròn rất to, ngồi được khoảng mười người một bàn. Lúc tôi vào, quán không có khách, chỉ có hai ông bà chủ ngồi xem ti vi. Bà chủ quán có vẻ ngoài phốp pháp và giọng nói to đặc trưng của người phương Bắc. Ông chủ quán gầy, nhỏ, khoảng hơn 40 tuổi. Vừa ngồi xuống, ông chủ đã ra hỏi thăm chúng tôi đạp xe đi đâu. Tôi không nói gì về mình, chỉ có Lôi Huy kể lể. Ông chủ nói thêm rằng vào mùa hè, trên tuyến đường này hầu như ngày nào cũng có những đoàn đạp xe từ Bắc vào Nam, nhưng mùa đông thì ông chưa gặp bao giờ. Lôi Huy ngồi xuống rút bao thuốc ra mời ông chủ và mời cả tôi, rồi tỏ ra ngạc nhiên khi tôi không hút thuốc. Lôi Huy nhận xét rằng con gái đi phượt thường hút thuốc. Tôi biết một chị gái rất hiền, chị bảo tôi rằng hút thuốc là một cách để ngụy trang. Khi chị ra ngoài một mình và hút thuốc, người ta sẽ có cảm giác chị không dễ đụng vào. Tôi có hút thuốc một vài lần, khi tâm trạng cực kỳ tệ. Tôi hút điếu thuốc đầu tiên khi đắn đo xem có nên đi du học hay không. Lúc đó tôi trọ ở một phòng tầng năm. Tôi ngồi trong phòng suy nghĩ, vừa mông lung vừa bế tắc, rồi tôi xuống tầng một và mua một bao thuốc Hàn Quốc mùi bạc hà dành cho nữ. Tôi hút liền một lúc ba điếu và quyết định sẽ lên đường. Tôi không có phản ứng nào với điếu thuốc. Có lẽ tôi cần một cái gì đó giúp tôi suy nghĩ kỹ hơn. Chuyện hút thuốc với tôi lúc đó là một việc điên rồ bất kỳ mà tôi muốn làm để thoát khỏi mâu thuẫn bên trong. Chẳng có gì liên quan tới việc hút thuốc, nhưng hút xong ba điếu, tôi cảm thấy ổn hơn rất nhiều, tôi cảm thấy được giải thoát. Lúc đó tôi muốn chạy trốn, chạy trốn lề thói thông thường, con đường thông thường. Trước khi đi du học, tôi làm trợ lý giám đốc ở bộ phận kho cho một công ty Trung Quốc. Hôm ấy là buổi sáng thứ Sáu, tôi tỉnh dậy và thấy trời mưa. Tôi gọi điện cho sếp xin nghỉ. Ông sếp nghĩ tôi mệt nên muốn nghỉ vài ngày. Tôi nói rằng tôi nghỉ hẳn. Dù mới làm việc được 5 ngày nhưng sếp rất quý tôi. Ông dạy tôi nhiều điều, tỉ mỉ, chu đáo như dạy con cái trong nhà. Tôi chỉ phải tăng ca rất nhiều, sếp ở lại làm việc thì tôi cũng phải ở lại theo, ngày nào cũng chín, mười giờ tối tôi mới về nhà. Công ty tôi làm nằm ở khu công nghiệp Thường Tín, Hà Nội. Sáu giờ sáng tôi phải ra khỏi nhà để đi ô tô đến chỗ làm, từ thứ Hai tới thứ Bảy. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy tất cả những mệt mỏi, buồn chán đều là một món quà. Nhờ chúng mà con người tôi thay đổi, và đời sống của tôi cũng thay đổi. Ông sếp nói với tôi: “Cứ nghỉ ngơi một thời gian, khi nào nghỉ xong thì bảo chú.” Nhưng tôi không nghỉ ngơi mà đi du học. Ở quán ăn, tôi và Lôi Huy chỉ gọi ba món - một canh, một rau, một món mặn. Không hiểu do hai đứa ăn ít hay ông bà chủ thương tình mà đồ ăn còn thừa rất nhiều. Ông chủ quay sang nói với tôi: “Mày không phải là bạn gái của nó đúng không? Nhìn hai đứa không giống.” Lôi Huy nói: “Chị này là người Việt Nam đấy, và chú không đoán được chị ấy đang làm gì đâu. Chị ấy đang đi từ Bắc Kinh về Việt Nam đấy.” Nghe xong, có vẻ ông chủ chỉ kịp “tiêu hóa” vế đầu tiên: tôi là người Việt Nam. Ông hỏi tôi: “Việt Nam à? Có phải người Việt Nam hay vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng phải không?” Tôi bị người Trung Quốc hỏi rất nhiều về chuyện phụ nữ Việt sang đây lấy chồng. Một số câu hỏi thường gặp là: “Lấy một cô vợ Việt Nam rất rẻ phải không? Khoảng bao nhiêu? Mày có thể giới thiệu cho tao một cô không?” Lúc ấy, tôi chỉ trả lời rằng vấn đề này tôi không quan tâm lắm, và họ dùng từ không đúng rồi, “sao lại là mua?” Nhưng trong đầu, tôi biết chỉ mất khoảng trăm triệu là có một cô vợ Việt Nam. Thông thường tôi sẽ hỏi lại: “Mày nghe ở đâu mà nghĩ thế?” Họ sẽ trả lời: “Ở mấy trang quảng cáo môi giới ở Trung Quốc.” Những trang quảng cáo này được thiết kế rất giống các trang mua hàng online. Trên website, người ta đăng ảnh của từng cô gái, thông thường các cô sẽ mặc áo dài. Nhìn thoáng qua cũng có thể thấy tất cả ảnh chụp ở cùng một nơi, có lẽ là ở công ty môi giới hôn nhân. Khi click vào tấm ảnh, các thông tin cá nhân của cô gái trong ảnh như số đo, chiều cao... sẽ hiện ra. Ảnh là thật, không phải của các hotgirl Việt Nam. Nhìn ảnh, tôi đoán các cô gái đến từ nông thôn, phần nhiều là các nhân viên gội đầu - họ ăn mặc hở hang, trang điểm đậm, tóc nhuộm màu, uốn xoăn, mặc áo cúp ngực hoặc hai dây. Thông thường họ sẽ giới thiệu tên, tuổi, quê quán, tự đánh giá tính cách bản thân, và họ hy vọng tìm được người như thế nào. Có lẽ những điều sau là do người môi giới tự viết hoặc tự biên tập. Thông thường các cô gái sẽ viết về mình: chăm chỉ, có thể làm việc nhà... Các cô nhấn mạnh vào những đặc điểm nổi bật của người phụ nữ Việt Nam: cần cù, chăm chỉ, chịu khó, yêu thương chồng con... Tôi cũng nhìn thấy ảnh của cả những người đã đi học đại học hoặc đi làm công sở, vì nhìn khí chất của họ khác hẳn những người còn lại. Tôi không hiểu thông tin họ tiết lộ có phải là thật không, tại sao họ lại đăng ảnh ở đây. Tôi từng xem một vài trang, trên đó những người môi giới cam kết đủ kiểu, ví dụ khách hàng có thể chọn các cô gái cho đến khi ưng ý thì thôi, không mất tiền đặt cọc. Trên những trang web đó cũng đăng một vài trường hợp môi giới hôn nhân thành công và những cặp đôi đang sống hạnh phúc. Khi bị hỏi quá nhiều về vấn đề này, tôi cảm thấy bực mình, rồi sau đó là tức giận. Vì tôi cũng là con gái Việt Nam. Tôi bức xúc với thái độ của đàn ông Trung Quốc dành cho phụ nữ Việt. Tôi cũng thấy tức giận khi đọc về những giấc mộng lấy chồng nước ngoài để đổi lại một khoản tiền nào đó. Tôi không thật sự biết rõ, nhưng tôi từng đọc thấy rằng đàn ông Trung Quốc khi lấy vợ Việt Nam sẽ đưa cho bố mẹ vợ một khoản tiền khoảng ba chục triệu*. Khi người đàn ông Trung Quốc chọn một cô gái và xác định sẽ lấy cô ta, cô gái người Việt sẽ được học ba tháng tiếng Trung để biết giao tiếp cơ bản, sau đó sẽ được làm các thủ tục kết hôn. Đôi khi quá trình này bị cắt ngắn đi. Tôi không biết họ sẽ giao tiếp với nhau trong cuộc sống bình thường như thế nào. Trong môi trường xa lạ, hoàn toàn không biết tiếng Trung, tôi không biết người phụ nữ sẽ làm thế nào để vun vén gia đình. Với một cô vợ “mua được”, tôi cũng không chắc người chồng có trân trọng hay không*. Cô hàng xóm nhà tôi ở quê từng bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi 20 tuổi. Bây giờ cô đã ngoài 50. Cô bị lừa bán sang khu miền núi Quảng Tây. Mãi mười năm sau cô mới liên lạc được về nhà. Cô lấy chồng, sau đó chồng qua đời, cô lấy anh trai của chồng - một người hơn cô rất nhiều tuổi. Cô sinh được ba người con gái, gửi bé út về nhà cho ông bà nuôi, cô nuôi hai đứa còn lại. Cuộc sống của cô rất khó khăn, nhưng cô không về quê, có thể vì hai con không nói được tiếng Việt, hoặc có thể do về quê cô sẽ cảm thấy xấu hổ... Tôi vẫn nhớ, hồi tôi còn nhỏ, cô có về thăm quê một lần. Theo như lời kể của cô, số phận cô vẫn may mắn và hạnh phúc. Ở Quảng Tây, cô có quen một vài người, trong đó có một cô lấy một trong ba anh em trai nhưng cuối cùng trở thành vợ của cả ba người, vì hai người còn lại không đủ điều kiện để lấy vợ. Từ đó đến nay, tôi chưa gặp lại cô hàng xóm nhưng cô vẫn gọi điện về nhà. Bé út của cô giờ đã học lớp chín. Em bé mặc cảm về việc có bố là người Trung Quốc. Các trường hợp vợ Việt lấy chồng Trung Quốc hạnh phúc cũng được đăng trên các trang báo mạng. Tôi đoán được một phần lý do họ hạnh phúc. Đàn ông Trung Quốc rất biết cách chăm sóc phụ nữ. Họ làm việc nhà, họ biết nấu ăn. Khi đi ngoài đường, tôi nhìn thấy rất nhiều bạn trai Trung Quốc xách túi cho bạn gái, hoặc làm tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn mà họ nghĩ là “thiên chức của đàn ông”. Họ rất chiều vợ. Nhiều người Trung Quốc hỏi tôi: Có phải đàn ông Việt Nam chỉ việc đi làm về, rồi vào các quán uống bia, sau đó về nhà ăn, trong khi vợ họ sẽ tan sở, đi đón con, đi chợ trên đường về, nấu cơm và đợi chồng về ăn? Họ nhận xét với tôi rằng nếu thế thật thì vợ Việt quả là lý tưởng, họ muốn đến Việt Nam để cảm nhận. Một số người Trung Quốc tôi gặp cảm thấy bất bình thay cho phụ nữ Việt Nam. Có rất nhiều người nói đùa rằng “tao phải đến Việt Nam và kiếm một cô vợ mới được”. Thông thường, tôi trả lời rằng quan điểm mới ở Việt Nam bây giờ tiến bộ hơn rất nhiều, việc trong gia đình đôi khi vẫn được san sẻ giữa hai người với nhau, không phải phụ nữ gánh vác tất cả. Tuy vậy, tôi không phủ nhận sức chịu đựng cũng như rất nhiều đặc điểm khác của phụ nữ Việt Nam. Báo chí Trung Quốc nói nhiều về chuyện môi giới hôn nhân giữa đàn ông Trung Quốc với phụ nữ Việt. Họ chỉ ra một sự thật rằng những người đi qua các công ty môi giới thường có thu nhập thấp, trình độ văn hóa không cao, không có khả năng kinh tế cũng như không đủ tự tin để lấy vợ người Trung Quốc, nên họ tìm đến phụ nữ Việt Nam, Myanmar... để không phải chi trả nhiều. Báo chí cũng chỉ ra rằng hôn nhân mà không qua tìm hiểu cụ thể, chỉ thông qua tiền, qua người môi giới... là chưa đầy đủ thông tin về đối tượng, cũng như về sự phù hợp trong cuộc sống sau này. Báo chí Trung Quốc cũng lên án cách quảng cáo của các trang mạng. Ở Trung Quốc có ngày lễ Độc thân là ngày 11/11. Đây là ngày kích cầu hằng năm của người Trung Quốc. Tất cả các trang thương mại điện tử đều giảm giá. Các trang mạng quảng cáo rất rầm rộ, rằng nếu bạn còn độc thân thì hãy thế này thế kia, thậm chí họ tổ chức giảm giá dịch vụ môi giới hôn nhân với phụ nữ Việt. Hỏi chuyện tôi một lúc, ông chủ quán mới kịp hiểu đến vế tiếp theo trong câu nói của Lôi Huy: Tôi đạp xe từ Bắc Kinh về Hà Nội. Ông bảo tôi: “Chuyến đi này không lên ti vi hơi phí. Khi nào lên ti vi nhớ nhắc đến quán này.” Nghe ông nói, tôi chỉ cười: “Cháu mới đi được đến hôm nay là ngày thứ hai mà.” Sau khi ăn xong, Lôi Huy tranh trả tiền cho tôi. Hôm trước tôi tiêu hết 15 tệ, còn hôm nay tôi chưa tiêu đồng nào. Tôi định chia nửa số tiền nhưng Lôi Huy khăng khăng đòi trả. Chú chủ quán cũng cho rằng con trai thì phải trả tiền. Ăn xong, chúng tôi trao đổi số điện thoại và tôi lên xe đi tiếp. Buổi trưa, đường quốc lộ rất đông xe tải, mỗi lần xe chạy qua tôi đều cuốn lên một cơn lốc bụi nho nhỏ. Cảnh vật bên đường như một bức vẽ sơ sài, chỉ toàn những quán ăn hoặc các ga ra ô tô nối tiếp nhau. Tôi vừa đi vừa nghĩ về chị chủ nhà sẽ cho tôi ngủ nhờ hôm nay. Chị Nguyệt là luật sư, sinh năm 1985. Tôi mới nói chuyện trên mạng với chị hai lần. Tôi đoán chị khá khó tính, vì ngay lần đầu tiên nói chuyện tôi đã bị chị vặn vẹo về cách chào hỏi và cách đặt vấn đề. Chị bảo tôi chưa đủ tư cách nói chuyện với chị do không có giấy tờ chứng minh. Tôi gửi ảnh chụp hộ chiếu cho chị, chị bảo: “Không có tiếng Trung thì làm sao chị đọc được?” Những nội dung trao đổi giữa tôi và chị Nguyệt ngắn gọn, hỏi gì đáp nấy, rất tập trung. Tôi khá lo lắng, không biết khi gặp chị không khí sẽ căng thẳng, nặng nề đến mức nào. Hôm nay là thứ Sáu. Sáng thứ Bảy chị Nguyệt phải về quê thăm con nên sáu giờ sáng chị đã ra khỏi nhà, tức là lúc đó tôi cũng phải ra khỏi nhà theo chị. Chị bảo tôi: “Nếu cảm thấy ổn thì đến, còn không thì liên hệ người khác.” Theo tính toán của tôi, khoảng cách từ Thạch Gia Trang đến Hàm Đan là 172 km, nếu tôi xuất phát từ sáu giờ sáng thì vừa kịp. Tôi không định tìm ai khác xin ở nhờ vì chị Nguyệt đã nhận lời giúp tôi. Cả ngày hôm nay tôi nhắn tin nhưng chị Nguyệt không trả lời. Cảm thấy khá bất ổn, tôi đã nghĩ đến phương án tìm nhà nghỉ. Con đường vẫn bụi mù mịt, không chỉ vì đây là đường quốc lộ, mà còn vì bây giờ là mùa đông. Ở Trung Quốc, nhất là những vùng gần Bắc Kinh, tình trạng ô nhiễm rất nặng nề. Vào mùa đông, trời mù mịt, gần như không nhìn thấy mặt trời. Chỉ khi có gió, trời sẽ trong hơn, nhưng sẽ có hiện tượng bụi mờ như sương*. Khi ở Bắc Kinh, tôi thấy người ta bán nhiều các lon đựng không khí sạch. Bản tin dự báo thời tiết mỗi ngày đều có thông báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở ba mức nhẹ, trung bình và nặng. Nếu tình trạng ô nhiễm nặng thì người già và trẻ em không nên ra ngoài, đặc biệt là lúc sáng sớm và chiều tối. Khi ấy, khẩu trang lọc khí đang gây sốt, khi đeo vào nhìn mọi người như đang đeo mặt nạ phòng độc. Mặc dù vậy, tôi vẫn chỉ đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài. Có những ngày ô nhiễm nặng, ở những nơi đông đúc như bến xe buýt, tàu điện ngầm, tôi nhìn thấy hàng loạt người đeo khẩu trang như đang có bệnh dịch. Phần lớn tình trạng này xảy ra ở miền Bắc, đặc biệt là vào mùa đông và đầu xuân. Người Trung Quốc thường nói đùa rằng tuổi thọ trung bình ở Bắc Kinh sẽ không quá 40. Tôi không biết, nhưng ở Bắc Kinh vẫn rất đông dân, tiền thuê nhà vẫn rất cao*. Khi tôi đến Thạch Gia Trang - nơi này cách Bắc Kinh 300 km - vẫn có hiện tượng này. Không khí nhiều bụi bẩn tới mức áo gió của tôi ban đầu màu xanh, đến ngày thứ hai đã ngả thành màu cháo lòng. Ban đầu tôi còn lấy giấy ướt để lau áo, nhưng sau đó tôi mặc kệ. Suốt cả buổi chiều, tôi đạp xe theo quán tính. Từ lúc lên đường, ngày nào của tôi cũng giống nhau: sáng dậy đón bình minh, đạp xe cùng mặt trời, buổi chiều hoàng hôn, tôi đạp xe tiễn mặt trời, chỉ như thế là hết một ngày. Lần này, có lẽ do tôi mệt và do quốc lộ không có đèn đường nên tôi đạp xe khá chậm. Tôi vào thành phố lúc bảy giờ tối, bản đồ trên điện thoại báo rằng tôi còn cách nhà chị Nguyệt 8 km. Đúng lúc ấy thì chị Nguyệt nhắn tin hỏi tôi đang ở đâu. Nhận được tin nhắn, tôi bắt đầu cuống. Tôi hẹn chị sáu, bảy giờ tối sẽ có mặt, mà tôi phải đi 8 km nữa mới tới nhà chị. Mặc dù vậy, những tin nhắn chị Nguyệt gửi cho tôi nghe rất dịu dàng. Chị dặn tôi đi cẩn thận, đi chậm, chú ý an toàn. Trời tối, tôi bị lạc, đi lòng vòng, quãng đường chỉ 8 km nhưng tận tám giờ tối tôi mới tới nơi. Chị Nguyệt đã đợi sẵn tôi ở tầng một. Nhìn chị khá trẻ so với tuổi. Chị chỉ mặc bộ quần áo hoa ở nhà, khoác bên ngoài một chiếc áo măng tô, đi bốt. Vừa nhìn thấy tôi, chị nói liên tục. Chị hỏi thăm tôi đi có mệt không, làm thế nào tôi tìm được đường tới đây... Mọi lo lắng của tôi tan biến hết. Chồng chị Nguyệt cũng đợi ở nhà. Anh rót nước và kéo ghế mời tôi ngồi trong lúc chị Nguyệt vào bếp hâm nóng lại đồ ăn. Chị Nguyệt rất áy náy vì chị quá bận nên không nhớ đã hẹn tôi. Lúc tôi nhắn tin thì chị đang họp. Nhưng với tôi lúc này, các chuyện ấy có quan trọng gì. Chị Nguyệt bưng ra rất nhiều đồ ăn, có cơm rang, cháo, các món xào... Hai anh chị đã ăn cơm trước, tất cả những món này là làm riêng cho tôi. Cứ một lát, chị Nguyệt lại vào tủ lạnh lấy thêm cam, táo, hồng để tôi ăn. Có lẽ chị nghĩ tôi đạp xe cả ngày thì tốn rất nhiều sức, bây giờ là lúc để bù lại. Chị hỏi tôi rất nhiều, về chuyện tôi đã đi đâu, ở đâu ở Trung Quốc, chị hỏi tôi cả về Việt Nam... Thực ra tôi rất mệt. Trước khi tới nơi, tôi vừa đói, vừa khát, tôi phải cố gắng đến từng giọt sức lực cuối cùng, nhưng vừa bước vào nhà, tôi như được hồi sức. Trong nhà quá ấm vì lò sưởi trục trặc, tôi vừa ngồi xuống đã toát mồ hôi. Nhà của vợ chồng chị Nguyệt khá đơn giản. Phòng khách có một bộ bàn ghế salon, một bàn ăn, không có ti vi. Có lẽ hai anh chị mới mua được căn nhà này, đồ đạc chưa kịp sắm hết. Căn hộ có hai phòng ngủ và một phòng đọc sách. Phòng đọc sách có kê thêm một giường cá nhân, thông thường sẽ cho người ở nhờ ngủ ở đó. Thời gian trò chuyện khá ngắn, chỉ khoảng hơn ba giờ đồng hồ, nên tôi không biết được nhiều về anh chị. Cả hai đều không phải là người ở Thạch Gia Trang. Vợ chồng chị Nguyệt cho ở nhờ từ năm 2009, không chỉ qua các trang web của Trung Quốc mà qua cả Couchsurfing. Qua từng ấy thời gian cho ở nhờ, anh chị đã gặp đủ các loại người, có tốt, có xấu, có nhiều người vô ý thức, nhưng anh chị vẫn sẽ tiếp tục, vì họ được nghe nhiều câu chuyện, gặp được nhiều người khác nhau. Khi đi chơi, những người bạn này đều đón tiếp anh chị nhiệt tình, và điều quý giá nhất với anh chị là những mối duyên gặp gỡ sau này để cùng nhau ôn lại kỷ niệm và chứng kiến những thay đổi của nhau... Chồng chị Nguyệt có lẽ là một người khuyết tật. Anh chỉ cao khoảng một mét sáu, tay ngắn hơn bình thường, nhưng trán rất cao. Anh chị là bạn học cùng đại học, họ yêu nhau khi còn học trong trường. Hai anh chị có một bé gái, nhưng em bé được gửi về quê sống với ông bà, chỉ cuối tuần anh chị mới sắp xếp về thăm con. Chuyện gửi con về quê để ông bà nuôi khá phổ biến ở Trung Quốc. Các cặp vợ chồng sẽ gửi con về quê đến một độ tuổi nào đó, trong lúc ấy, bố mẹ sẽ chăm chỉ làm lụng để tích lũy tiền. Chị Nguyệt vừa đi làm vừa học Thạc sĩ Luật, anh chị cũng mới mua nhà mất một khoản tiền không nhỏ. Họ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Đây là giai đoạn chuẩn bị. Em bé chưa đến tuổi đi học nên họ gửi tạm về cho ông bà nuôi, sau một thời gian, hai người sẽ phấn đấu để mang em bé về thành phố. Một gia đình trí thức như vợ chồng chị Nguyệt còn phải làm thế, tôi không biết những người nghèo hơn thì thu xếp thế nào. Tôi từng xem một chương trình trên truyền hình có tên là Biến hình kê*. Một đứa bé ngoan ngoãn ở nông thôn nhưng có gia cảnh éo le và một đứa bé khá nghịch ngợm, khó dạy ở thành phố sẽ đổi chỗ cho nhau. Tùy độ cứng đầu của đứa bé thành phố, thời gian trải nghiệm có thể là một tháng hoặc 40 ngày. Trong một tập tôi xem, có một cô bé ở trong một gia đình có bốn người: em, bố mẹ và chị gái. Bố mẹ em đi làm quanh năm, chỉ về nhà một, hai lần vào dịp Tết hoặc khi thu hoạch mùa màng. Chị gái của em học ở trường nội trú cách xa nhà. Em ở nhà một mình với một con lợn. Hằng ngày em phải gánh nước từ rất xa về sinh hoạt. Mười bốn tuổi nhưng em bị suy dinh dưỡng, nhìn em rất nhỏ. Nếu người ta không giới thiệu em là con gái, tôi cũng không nghĩ thế, vì tóc em cắt rất sơ sài. Em ăn cơm trắng với ớt ngâm dầu. Đây là một món ăn ở Trung Quốc, người ta phơi khô ớt, tán thành bột rồi ngâm dầu, có thể để ăn dần trong nhiều tháng. Một ngày của cô bé này chỉ quanh quẩn với con lợn con. Cả ngày, chẳng có ai để nói chuyện, em ra chuồng lợn để tâm sự. Em sống một mình như thế từ khi lên 8. Em bé khá ngây thơ. Bố mẹ em bảo: “Cứ ở nhà chăm lợn, khi con lợn đủ lớn thì bố mẹ sẽ về.” Người ta hỏi em ở một mình có sợ không, em nói hồi năm 8 tuổi, khi bố mẹ đi, em không ngủ được cả đêm, chỉ biết trùm chăn khóc, nhưng em chẳng biết làm thế nào vì bố mẹ còn phải kiếm sống. Rất lâu sau tôi vẫn nhớ cảnh giữa trời tuyết trắng, em bé vác một can nước khoảng 10 lít trên vai. Người em cực kỳ nhỏ, lọt thỏm giữa màu trắng của tuyết, hai má em đỏ rực lên vì quá lạnh. Trước khi lên máy bay để đến thành phố, em có yêu cầu người làm chương trình ghé qua thị trấn, tìm đến trường của chị gái để đưa tiền cho chị. Số tiền là 12 tệ, toàn là đồng 1 tệ. Số tiền ấy em đã dành dụm từ rất lâu, là tiền bố mẹ để lại để chi tiêu. Đó là tất cả vốn liếng của em. Tôi nghĩ em bé tưởng rằng em sắp đi đến một nơi có cuộc sống sung túc hơn, nên em nghĩ đến chị gái, và đưa cả tài sản của em cho chị. Hai đứa trẻ giằng co số tiền lẻ. Người chị một mực không lấy, đứa em thì nhất quyết đưa tiền cho chị, rồi cả hai ôm nhau khóc. Đối tượng tham gia chương trình không hẳn là trẻ con, mà có cả vị thành niên. Đứa trẻ thành phố đổi chỗ cho em bé chăm lợn của tôi khoảng 16 tuổi. Dù là con trai nhưng em có thói quen đi bar, bỏ học, hút thuốc. Trước khi ra ngoài, em bắt buộc phải gội đầu, soi gương, xịt keo. Em luôn tự cho rằng mình đẹp trai như người mẫu. Trước khi đứa bé thành phố này tới, em bé chăm lợn của tôi đã làm sẵn cơm và viết lại một mẩu giấy nhắn. Trong khi đó, đứa trẻ thành phố tự tin nói với người quay phim rằng chắc hẳn dân làng đã xếp thành hai hàng đón tiếp, trưởng thôn sẽ ra bắt tay em. Cậu công tử đến làng vào một ngày mưa, đường lầy lội, chẳng có ai đón, may mà có bát cơm để sẵn. Tôi nhớ có một lần đỉnh điểm, cậu trai điệu đà đến từ thành phố òa khóc vì không hiểu tại sao em phải đến đây và tham gia chương trình này. Em cảm thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ, em không hiểu tại sao cô bé kia có thể sống một cuộc sống như vậy: tự nhóm lò, tự nấu cơm, tất cả đều làm một mình. Những ngày tiếp theo, cậu công tử không nấu được cơm vì không nhóm được lò, cũng không cho lợn ăn. Em quyết định đình công, chỉ nằm trên giường và trùm chăn ngủ. Thực ra đó cũng không phải giường mà là gạch trát xi măng, giống như một cái lò hình chữ nhật, cuối giường có một cái lỗ lò để cho than củi vào làm nóng giường khi mùa đông đến. Hệ thống lò sưởi chỉ có ở thành phố và phải trả phí. Về sau, nhờ sự giúp đỡ của bà hàng xóm, dần dần em biết nấu cơm, nhóm lò, gánh nước... Tôi xem rất nhiều tập của chương trình này. Sau mỗi lần đổi chỗ, những đứa trẻ ở thành phố trở nên hiểu chuyện hơn. Ban đầu, chúng gây hấn và tức giận với những người làm chương trình, vì chúng bị tịch thu tất cả đồ đạc tiện lợi, thậm chí đến dầu gội đầu. Trong môi trường mới, chúng cảm nhận được sự khó khăn và hiểu ra sự chăm sóc quý giá của bố mẹ trước đây. Tôi đoán chương trình này hấp dẫn vì kể được sự khổ sở, vất vả của các em bé nông thôn; cuộc sống ấy cũng làm biến đổi những đứa bé thành phố, khiến chúng chín chắn hơn. Những đứa trẻ nông thôn khi mới lên thành phố sẽ được bố mẹ nuôi dẫn đi mua đồ ở trung tâm thương mại và “tân trang” cho chúng từ đầu. Đám trẻ con nông thôn sẽ nhìn giá món hàng và nằng nặc không mua. Có đứa còn khóc. Những món đồ đó thường có giá hơn 100 tệ. Chúng khóc và không chịu mua, cho đến khi bố mẹ nuôi dỗ dành rằng đây là đồ do cô bán hàng tặng, không lấy tiền, cứ yên tâm mà mặc. Sau khi được “tân trang”, các em khác đi rất nhiều. Tôi thấy cuộc chơi trong chương trình này không công bằng. Người ta có vẻ chú trọng hơn đến trẻ con thành phố. Họ có nhiều cảnh quay và biên tập sâu hơn hình ảnh của đám trẻ thành phố và sự thay đổi của chúng. Với trẻ con nông thôn, trải nghiệm này giống như một sự bù đắp ngắn ngủi, một chuyến du lịch để mở mang tầm mắt... Đôi lúc tôi cũng thấy hơi lo lắng khi xem chương trình. Trong một thời gian quá ngắn, một thay đổi quá lớn diễn ra, một cảm giác choáng ngợp tới mức choáng váng trước vẻ giàu có của thành phố, sự chiều chuộng của bố mẹ nuôi... tôi không biết liệu những đứa trẻ nông thôn có hờn giận bố mẹ mình và oán trách hoàn cảnh hay không? Chương trình sẽ kết thúc khi đứa trẻ thành phố đã có chút thay đổi, khoảng một tháng, hoặc có trường hợp nhanh hơn. Hoặc nếu có đứa trẻ thành phố nào cứng đầu quá, sau khi chương trình kết thúc, người ta sẽ giám sát nó sau khi quay về. Nếu xảy ra trường hợp xấu, đứa bé sẽ lại tham gia chương trình tiếp. Trên thực tế, chưa bao giờ có chuyện này xảy ra, vì người đăng ký tham gia quá nhiều. Tối hôm nay, vợ chồng chị Nguyệt chuẩn bị phòng của em bé để tôi ngủ vì phòng đọc sách hơi lộn xộn, giường trong đó là giường cá nhân. Phòng của con gái chị Nguyệt thì có giường đôi và máy tính. Làm mọi việc xong xuôi cũng đã hơn mười hai giờ, dù mắt tôi đã rất mệt nhưng tôi vẫn phải mở máy tính để tìm đường cho ngày mai. Cả ngày lầm lũi trên đường, tối đến được đón nhận sự nhiệt tình của anh chị, tôi thấy ấm áp hơn rất nhiều. Khi chuẩn bị đi ngủ, tôi mới sực nhớ ra mình có mang quyển Nghìn lẻ một đêm để gửi tặng con chị Nguyệt. CHƯƠNG 4 Thạch Gia Trang - Hàm Đan: 172 km Ngày thứ ba: 28/12/2013 Tôi hẹn báo thức bảy giờ dậy nhưng vẫn cố ngủ thêm một lúc. Tối qua chị Nguyệt đã dặn tôi cứ nghỉ ngơi thoải mái, không cần dậy sớm đi cùng chị. Cả đêm qua tôi không đắp chăn mà không phát hiện ra, có lẽ do hệ thống sưởi của nhà chị Nguyệt đang trục trặc nên quá nóng. Lúc đứng dậy để dọn dẹp giường chiếu, tôi không nhấc nổi chân vì đau. Tay tôi mỏi nhừ. Tôi tự an ủi mình rồi dần dần sẽ quen. Chị Nguyệt đã về quê từ sáu giờ sáng. Anh chồng chị ở nhà vì chiều đi trực. Tôi rón rén vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt. Lúc bước ra, tôi thấy chồng chị Nguyệt mang đồ ăn sáng ra bàn. Anh chuẩn bị bánh nếp, trứng và hoa quả cho tôi. Nhìn thấy tôi, anh gãi đầu gãi tai: “Xin lỗi em, anh ngủ quên mất.” Chỗ đồ ăn sáng này anh chuẩn bị từ lúc chị Nguyệt đi, rồi anh lại vào ngủ tiếp, đợi tôi dậy. Hai anh em ăn sáng và nói chuyện linh tinh. Tôi được nghe kể cả chuyện tình yêu của hai người. Chồng chị Nguyệt và tôi nói chuyện lan man tới tám giờ sáng vẫn chưa dứt. Tôi hơi nhấp nhổm, lo lắng vì lịch trình hôm nay dài 172 km, tới giờ này tôi chưa xuất phát, không biết bao giờ mới tới nơi. Tuy vậy, chị Yến Tử, người hẹn tôi ở Hàm Đan, tới mười giờ tối mới hết ca làm, nếu tôi đến trước năm giờ chiều thì chị sẽ đưa tôi về nhà nghỉ ngơi, còn chị vẫn phải đi làm tiếp. Chắc chắn tôi không tới được Hàm Đan lúc năm giờ chiều, nên tôi cứ thong thả đi, chỉ cần trước mười giờ tối tới nơi là được. Ăn xong, tôi đứng dậy định rửa bát thì anh chồng chị Nguyệt ngăn lại. Anh là nội trợ chính trong nhà, nấu cơm, rửa bát đều một tay anh lo. Anh, có lẽ cũng giống khá nhiều người đàn ông Trung Quốc tôi gặp, biết nấu ăn và không nề hà làm việc nhà. Khi làm hướng dẫn viên du lịch ở Hạ Long, những vị khách Trung Quốc thường bảo tôi: “Mày học tiếng Trung rồi sau này kiếm chồng Trung Quốc mà lấy. Nó sẽ nấu ăn, lau nhà, quét nhà cho mày, một năm mày còn được đi du lịch một, hai lần. Đi chợ xách túi nặng nó cũng xách cho mày.” Thực ra, những lần đi chơi ở vùng nông thôn Trung Quốc, tôi thấy trong gia đình nông dân, người phụ nữ vẫn làm nội trợ chính. Vợ chồng chị Nguyệt là trường hợp khác. Chị Nguyệt rất bận. Chị vừa đi học, vừa làm công việc ở tòa án. Anh chồng chị cũng làm ở tòa án nhưng chỉ làm bàn giấy, công việc đỡ bận hơn. Hai người thỏa thuận với nhau ai rảnh thì lo việc nhà. Thỏa thuận này đến từ sự đồng cảm, chia sẻ từ người chồng. Theo quan sát của tôi, đàn ông Trung Quốc khá ga lăng. Tôi đoán có lẽ do mất cân bằng giới tính, người ta phải hoàn thiện bản thân để có được người phụ nữ của mình. Nhưng tôi cũng cảm thấy mình được coi trọng hơn ở đất nước này. Tôi cảm thấy ở những người đàn ông mong muốn tự thân có thể bảo vệ, chăm lo cho người khác. Những người bạn nam của tôi ở đại học rất chủ động giúp đỡ. Một cái ba lô rất nhẹ họ cũng muốn xách giúp tôi. Khi tôi đến nhà họ ăn cơm, họ làm tất cả mọi việc cho tôi, từ nấu nướng, rửa bát đến thu dọn. Chồng chị Nguyệt tranh luôn cả việc rửa bát, bưng đồ ăn cất vào bếp. Tôi chẳng làm gì. Tôi nghe loáng thoáng thấy chị Nguyệt gọi điện cho anh hỏi tôi đã ngủ dậy chưa, đã ăn sáng chưa... Chị đã về quê mà vẫn nhớ gọi điện và quan tâm tới tôi. Nhà chị Nguyệt ở tầng hai lăm trong một tòa chung cư. Tối qua, chồng chị đưa hẳn xe đạp của tôi vào nhà. Sáng nay, anh buộc giúp tôi đồ đạc vào xe, vừa làm vừa kêu tôi mang theo nhiều đồ, vậy mà anh còn lúi húi gói thêm hoa quả cho tôi. Hành lý của tôi bây giờ có một ba lô, một túi to nặng, một túi đeo chéo, lại thêm hai túi buộc hai bên, nhìn giống như tôi đang đi buôn. Anh tiễn tôi ra tận thang máy. Sau một chuỗi các sự việc vừa rồi, tôi nghẹn ngào, không nói được một lời tử tế. Anh dặn tôi nhớ giữ liên lạc thường xuyên. Khi thang máy gần khép lại, tôi mới định thần, rối rít nói lời cảm ơn. Chị Nguyệt cũng nhắn tin tạm biệt, cảm ơn về cuốn sách tôi tặng chị tối qua. Phong độ của tôi hôm nay không tốt. Người tôi đau quá. Mỗi bước đạp xe đều khiến tôi rất đau. Tôi đi chậm, tay cong cong, không duỗi thẳng được. Hai đầu gối cứng đơ, nhức nhối. Tháng trước, khi tập đạp xe đường dài từ Bắc Kinh đến Thiên Tân, một chị đi cùng tôi phải nằm úp cả đêm, chân chị đi khập khiễng. Từ Thiên Tân về Bắc Kinh, chị phải đi tàu, còn tôi vẫn quyết tâm đạp tiếp. Lúc đó, tôi không có cảm giác đau. Trên đường đi có rất nhiều biển hiệu vá săm thay lốp. Tôi có mang theo dụng cụ sửa xe nhưng chưa thực hành bao giờ. Nghe xích xe có vẻ khô, tôi dừng lại trước một ga ra ô tô hỏi xin luyn xe. Một em trai trong ga ra mang cả một lọ 500 ml tra cho tôi mà không lấy tiền. Lúc đó, tôi không hề biết xe đạp của mình dùng một loại chất bôi trơn riêng, tốt nhất là luyn chuyên dụng màu vàng để không bị bám bụi. Người ta còn phải làm sạch xích xe bằng một loại chất khác trước khi tra dầu. Xích xe của tôi vì thế đen kịt và đầy bụi. Cứ hai tiếng đạp xe tôi sẽ nghỉ một lần. Hôm nay, lúc tôi đang dừng uống nước, có một anh đi xe đạp dừng lại hỏi han và cổ vũ tinh thần cho tôi. Anh là người thích đạp xe. Tuần trước anh vừa đạp từ đây tới Bắc Kinh. Thấy anh kêu tôi mang quá nhiều đồ, buổi trưa, tôi quyết định lôi túi đồ ăn Tiểu Vương mua cho ra giải quyết. Trong túi có đầy đủ chocolate, lương khô, bánh gạo, xúc xích, táo, lê, bánh mì và nước hoa quả. Tiểu Vương còn mua cả giấy vệ sinh và khăn ướt. Tôi biết dụng ý của túi khăn, vì Tiểu Vương bảo người miền Nam khi lên miền Bắc thường không thích nghi được thời tiết và thường bị sổ mũi. Đang ăn, tôi nhận được tin nhắn của Lôi Huy: “Thật may mắn vì gặp được chị. Hôm nay em đi sau thôi, em không đuổi được chị nữa. Hẹn gặp lại chị...” Tuy không cùng điểm xuất phát, không cùng đích đến, nhưng cả tôi và Lôi Huy đều đang mòn mỏi trên một đoạn đường. Ý nghĩ rằng Lôi Huy có thể đang đi trước hoặc đi sau làm tôi thấy vui. Hôm nay là ngày đáng sợ nhất của tôi từ khi xuất phát. Tôi thấy rất mệt. Khoảng bốn rưỡi chiều, tôi vẫn còn cách Hàm Đan 70 km. Tôi đã nghĩ tới chuyện nhắn tin xin lỗi chị Yến Tử, kiếm một nhà nghỉ ngủ tạm rồi ngày mai lên đường, nhưng suy đi tính lại, tôi đã hẹn với chị, giờ lại thay đổi thì không hay. Tôi cắn răng đạp tiếp. Mùa đông, trời tối rất nhanh. Quốc lộ không đèn, chỉ có xe tải đi trên đường. Tôi đeo hai găng tay nhưng vẫn thấy cóng. Đèn pin xe đạp của tôi là loại sạc điện, vì quá lạnh nên pin hết rất nhanh. Tôi tận dụng ánh sáng mờ mờ yếu ớt của đèn pin hoặc đèn xe ô tô từ sau vượt lên để đi. Đầu óc tôi tê đi vì lạnh. Tôi đi vào một tỉnh lộ vừa không có đèn, vừa không có xe. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn pin xe đạp, những hàng cây hai bên đường trơ cành, khẳng khiu trụi lá như trong một khu rừng ma. Từ lúc tôi đi vào đây, chỉ có một chiếc xe đạp điện đi qua. Hai bên đường không một bóng nhà. Thấy nghi ngờ, tôi lấy điện thoại ra xem, hóa ra tôi đã đi lạc mất 3 km. Tôi lần đường quay lại. Tôi không mang theo bản đồ giấy, mọi lộ trình đều dựa vào điện thoại. Để tiết kiệm pin, thỉnh thoảng tôi mới lôi điện thoại ra xem bản đồ. Suốt gần hai tiếng sau, vừa hỏi chị Yến Tử, vừa hỏi người đi đường, vừa đi theo chỉ dẫn của điện thoại, tôi mới thấy bóng xe đạp điện của chị Yến Tử đi ngang qua. Chị Yến Tử khá mập mạp, có lẽ chị nặng khoảng chừng 80-90 kg. Từ dáng vóc đến tính cách và giọng nói của chị đều đậm chất phương Bắc. Vừa gặp tôi, chị hét lên: “Sao mày mặc ít thế? Sao mày gầy thế?” Tôi bật cười. Đây là lần đầu tiên có người nói tôi gầy. Tôi cảm thấy rất thoải mái với chị Yến Tử, có lẽ do tôi và chị đã nói chuyện trên mạng khá nhiều. Tôi cũng có duyên với chị: hai chị em cùng đi Đại Lý ở một thời điểm, ở cùng một nhà nghỉ, chỉ không gặp nhau. Chị Yến Tử là quản trị viên của group chat ở nhà nghỉ, còn tôi là con nuôi thứ 1012 của ông chủ nhà nghỉ đó. Nhà nghỉ mà tôi và chị Yến Tử ở tên là Bệnh Viện Tâm Thần. Đây là nhà nghỉ của một ông chủ U70. Tôi không biết tên ông, có lẽ không ai biết cả, nhưng mọi người gọi ông là Ông Già. Ông Già thích ăn mặc theo kiểu cao bồi, đội mũ chóp cao, mặc áo da, cổ quàng một cái khăn hình tam giác. Ông là người Bắc Kinh. Hồi trẻ, ông làm ăn kinh doanh ở Bắc Kinh. Khi về già, ông để lại cơ ngơi cho vợ con rồi một mình đến Lệ Giang mở nhà nghỉ. Về sau, ông phát triển việc kinh doanh và có hai cơ sở, một ở Đại Lý, một ở Lệ Giang. Nhà nghỉ ở Đại Lý lúc tôi đến đã mở được một năm. Cách thức kinh doanh của Ông Già khá đặc biệt. Nhìn chung, giá phòng của ông rất rẻ, chỉ có 20 tệ/người/giường/ đêm, trong khi giá chung ở Đại Lý là 30-40 tệ. Ngoài ra, Ông Già còn có dịch vụ chụp ảnh theo phong cách quái dị, ma mị và đậm chất nhà thương điên. Ở nhà nghỉ của ông có một phòng hóa trang, ai thích thì vào đó hóa trang và chụp ảnh theo phong cách ở đây. Ông Già lập một câu lạc bộ chuyên đưa những người trẻ mê du lịch đi khám phá Đại Lý - Lệ Giang - Shangri-La. Ông có ô tô riêng, ông thường chở các bạn đi chừng 4,5 ngày. Theo tính toán của tôi, mức phí ông thu chỉ đủ để đổ xăng. Khi tôi hỏi, ông bảo ở tuổi ông chỉ cần vui là chính, chơi với bọn trẻ ông cảm thấy vớt vát được chút tuổi xuân. Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, Ông Già còn mở dịch vụ dẫn người đi tham quan trốn vé. Theo lý luận của ông, không trốn vé là có lỗi với quốc gia. Thông thường, ở Đại Lý, vé vào phim trường Thiên Long Bát Bộ là 80 tệ, vào chùa mất 120 tệ. Ở Đại Lý, nếu đi du lịch kiểu đi nhờ xe và sống tằn tiện thì 80 tệ có thể sinh hoạt đủ cho 3,4 ngày. Ông Già cho rằng giá vé như thế là quá đắt. Tôi đoán có lẽ lý do giá vé đắt là chính quyền muốn hạn chế khách du lịch để bảo tồn di tích. Dân Trung Quốc rất đông, nếu giá vé rẻ quá, ai cũng mua được thì địa điểm kia không thể chịu được số lượng người quá lớn như vậy. Tuy thế, quy định này cũng không công bằng với những người thu nhập thấp mà vẫn muốn tìm hiểu về các di tích quốc gia hoặc các địa điểm văn hóa. Dịch vụ trốn vé của Ông Già rất đắt hàng. Ông thông thạo mọi ngõ ngách ở Đại Lý. Nếu trốn vé mà bị bắt thì có thể bị quy vào tội Đột nhập trái phép, liên quan tới Tội phạm về văn hóa hoặc di sản. Trước khi trốn vé, Ông Già sẽ huấn luyện cho khách hàng, ví dụ nếu bị bắt thì không được đưa giấy tờ, phải kêu khóc, giả nghèo giả khổ... người ta sẽ thấy chán, nếu thấy phiền quá họ sẽ tha. Chị Yến Tử không phải con nuôi của Ông Già. Chị bảo tôi: “Ông Già kén lắm, phải là ‘mỹ nữ’ ông mới nhận làm con nuôi.” Tôi nghe vậy thấy rất buồn cười. Tôi đoán Ông Già nhận tôi làm con nuôi do quốc tịch. Ông từng khoe ông có ba người con nuôi nước ngoài, một người Malaysia, một người Nga và tôi. Khi tôi ở Đại Lý, buổi tối Ông Già thường dẫn tôi đi dạo thành cổ, đi đến đâu cũng gặp người quen của ông. Gặp ai ông cũng giới thiệu tôi là con gái nuôi thứ 1012. Phần lớn những người ông quen là dân du lịch bụi. Họ đã đi rất nhiều nơi ở Trung Quốc rồi quyết định ở lại Đại Lý thuê nhà và bày bán đồ ở dãy phố Nhân Dân - phố chuyên dành cho dân du lịch bụi bán hàng, hát hò hoặc biểu diễn để kiếm tiền. Phòng của chị Yến Tử nằm trên tầng bảy - tầng trên cùng của một tòa nhà không thang máy. Tòa nhà này xây đã khá lâu, nhìn khá giống chung cư mini ở Việt Nam, mỗi căn hộ có một phòng riêng dưới tầng hầm để chứa đồ. Tôi để đồ và xe ở phòng tầng hầm riêng của nhà chị, chỉ mang vài thứ cơ bản lên tầng. Cứ leo được một tầng, chị Yến Tử lại dừng, thở hắt ra không nói được câu nào, còn tôi thì chỉ cần đặt chân lên một bậc thang cũng thấy đau nhói. Chị Yến Tử chọn ở tầng bảy để giảm béo, giống lý thuyết của tôi hồi còn ở nhà trọ cũ tại Hà Nội, nhưng có lẽ cũng giống như tôi, cuối cùng thì mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Sau rất nhiều lần nghỉ, cuối cùng tôi cũng lên được đến nơi. Nhà chị Yến Tử rất rộng, dạng nhà áp mái, có một phòng khách, hai phòng ngủ, có mái vòm nhìn rất giống trong phim, có cả một ban công rộng. Nhà chị không có lò sưởi, nhưng tôi không phiền, chỉ cần không phải ngủ ngoài đường là quá tốt rồi. Đồ đạc của chị Yến Tử không nhiều, có lẽ do chị ở một mình, ở phòng khách chỉ có một tủ quần áo và một bộ bàn ghế tiếp khách, một bàn để kê ti vi. Góc nhà liểng xiểng quần áo và ba lô của chị. Ngoài tôi và chị Yến Tử, trong nhà còn có hai người khác - một bạn cùng chỗ làm của chị và bạn trai của bạn ấy. Anh này mới lên thăm bạn và không có chỗ ở. Vì có hai bạn này nên tôi sẽ ngủ cùng phòng với chị Yến Tử tối nay. Tắm xong, tôi thấy chị Yến Tử đã dọn ra một bàn đầy đồ ăn, có cháo, khoai tây xào, bánh chiên. Chị liên tục hỏi tôi ăn như thế có đủ không. Cả ngày hôm nay, ngoài ăn sáng và ăn trưa bằng một ít bánh kẹo lặt vặt, tôi vẫn chưa ăn tối. Chị Yên Tử ngồi nhìn tôi ăn và tíu tít kể chuyện của chị. Tôi há hốc mồm nghe chuyện, nhiều khi quên cả nhai. Mùa hè vừa rồi, chị Yến Tử đi du lịch hơn ba tháng, chỉ ở nhờ và đi nhờ xe. Đi đến đâu chị cũng được tiếp đón, vì chị là thành viên lâu năm của một diễn đàn chuyên cho ở nhờ. Ngay cả vùng phía Đông Trung Quốc, vùng duyên hải giáp biển vốn nổi tiếng khó đi nhờ xe, chị Yến Tử vẫn đi nhờ ngon lành. Chị Yến Tử mở bản đồ Baidu ra và chỉ cho tôi từng điểm chị đã đi qua. Trừ cực Bắc Trung Quốc, chị Yến Tử đã đi gần hết đất nước này. Trong ba tháng vừa qua, chị đi khoảng 10.000 km, hoàn toàn đi nhờ xe. Mùa hè năm 2013, tôi từng ngồi tàu ghế cứng 38 tiếng từ Bắc Kinh đến Vân Nam. Đến Vân Nam, tôi quen một vài người bạn và được dạy cách đi nhờ xe. Các điểm đến tiếp theo, chúng tôi phân tán mỗi người mỗi nơi, nhưng từ đó, cứ mỗi điểm tôi lại gặp một vài người bạn mới và lại đi nhờ xe cùng họ. Tôi không bao giờ đi một mình, mà thường đi cùng một bạn nam. Đi như thế an toàn hơn nhiều. Con trai đi nhờ xe một mình thường khó, vì lái xe sợ bị lừa đảo hoặc cướp đường. Mùa hè năm ấy, tôi gặp một chị tên Hạnh, sinh năm 1986, là người Quảng Đông. Sau khi học xong trường Luật ở Tây An, chị Hạnh đến Bắc Kinh tìm việc nhưng phỏng vấn không thành công. Chị dùng toàn bộ số tiền mang theo để đi du lịch. Trên đường đi nhờ xe từ Bắc Kinh đến Ngân Xuyên, chú lái xe nói về những vấn đề nhạy cảm và động chạm vào người chị. Trong lúc bối rối, chị Hạnh chỉ kịp lấy ba lô nhỏ mang theo người và nhảy xuống đường, để lại ba lô to trên xe. Chị Hạnh vừa khóc vừa chạy đến chiếc xe tải đằng sau nhờ chú lái xe lấy giúp chị chiếc ba lô còn lại. Chú lái xe này đã cho chị đi nhờ đến trạm tiếp theo và giúp chị báo công an. Khi ngồi kể lại chuyện này cho tôi nghe, chị Hạnh vừa khóc vừa nói. Có thể chị đã quá hoảng sợ. Tuy vậy, chị Hạnh không lung lay. Chị bảo: “Đã xác định là đi thì cứ đi thôi.” Tôi không biết chuyện gì xảy ra với chú lái xe đã sàm sỡ chị. Báo công an xong, chị Hạnh lại đi nhờ xe đến chặng tiếp theo. Chờ tôi ăn xong, chị Yến Tử lôi tôi vào phòng quấn chăn để nói chuyện. Buổi tối, nhiệt độ trong phòng có lẽ xuống dưới 0 độ vì nhà chị không có lò sưởi. Phòng của chị khá đơn giản, không có giường gỗ mà chỉ có phản xây bằng gạch và bê tông rồi phủ chăn lên. Đây là kiểu giường phổ biến ở vùng quê phương Bắc, người ta sẽ đốt củi và than ở dưới để sưởi cả giường. Trên giường có một đống chăn màn. Chị Yến Tử treo rất nhiều postcard hoặc giấy nhắn của những người đã ở đây để lại. Tôi đọc sơ qua, chủ yếu là những lời cảm ơn. Chị Yến Tử hỏi tôi tình hình tìm chỗ ở, tôi thật thà nói tôi chỉ liên hệ được năm người. Chị Yến Tử bảo tôi ở lại một ngày để chị liên hệ thêm. Chị Yến Tử là một người lao động phổ thông. Chị làm ở một quán ăn, công việc là quán xuyến những người phục vụ, đôi khi phải trực tiếp bưng bê. Gần đây, ông chủ quán thuê một người mới để làm công việc giống như của chị. Giữa chị Yến Tử và nhân viên mới có mâu thuẫn. Chị lời qua tiếng lại với ông chủ và quyết định bỏ việc. Hóa ra chị Yến Tử đã “đuổi việc” ông chủ từ hôm kia, hôm nay chị không đi làm mà ở nhà đợi tôi cả ngày. Để đi chơi chuyến mùa hè vừa qua, chị Yến Tử cũng bỏ việc. Trước khi bắt đầu cho ở nhờ, chị Yến Tử yêu một người con trai sáu năm nhưng bị gia đình anh người yêu phản đối. Họ không chấp nhận ngoại hình của chị. Trước khi kết hôn, anh người yêu cũ sợ chị Yến Tử sẽ đến phá hỏng hôn lễ. Anh ta hẹn gặp chị để nói chuyện. Chị Yến Tử rất thất vọng vì đó là tất cả những gì anh ta có thể nghĩ được sau sáu năm yêu nhau. Chị vừa kể chuyện vừa hút thuốc rất nhiều. Tôi nghĩ có lẽ sau mỗi điếu thuốc của người phụ nữ là một câu chuyện. Tôi nói chuyện với chị tới ba giờ sáng. Sau khi anh người yêu cũ kết hôn, chị Yến Tử lên mạng nhiều hơn để trò chuyện với mọi người. Nhà rộng, chị bắt đầu cho ở nhờ và được truyền cảm hứng. Những chuyến du lịch của chị không bắt đầu từ ý muốn đi thăm thú cảnh vật, mà là đi thăm bạn bè - những người từng ở nhờ nhà chị và những người quen trên mạng. Nhà chị Yến Tử ở là nhà thuê. Giá thuê nhà rất rẻ, chỉ khoảng 200-400 tệ, có lẽ vì căn hộ này ở trên tầng bảy mà lại không có thang máy. Nhà bố mẹ chị Yến Tử cũng ở gần đây. Bố mẹ chị sẽ mua một cái nhà cho chị. Trong lúc chưa mua được nhà, chị thuê nhà này ở cho tiện làm việc. Bố mẹ và họ hàng chị Yến Tử liên tục giục chị kết hôn. Họ sắp xếp rất nhiều các cuộc hẹn xem mặt cho chị. Những lần đầu đi xem mặt, chị còn chịu khó trang điểm. Về sau, chị nghĩ: mất lòng trước được lòng sau, đằng nào người ta cũng biết, nên chị thể hiện bản thân một cách chân thực ngay từ lần gặp đầu tiên. Sau những cuộc xem mặt, có người trở thành bạn, có người không liên lạc nữa, nhưng chẳng ai trở thành đối tượng kết hôn của chị. Dù vậy, bố mẹ, họ hàng, tất cả các mối quen biết đều bỏ công “giúp” chị Yên Tử nên chị vẫn tiếp tục đi xem mặt. Ở Trung Quốc, các cuộc gặp gỡ để xem mặt hay để mối lái khá phổ biến. Thậm chí mỗi đài truyền hình của mỗi tỉnh đều có một chương trình mai mối*. Các chương trình có sự khác nhau về số lượng người tham dự, format chương trình là nam chọn nữ hoặc nữ chọn nam. Những chương trình mai mối rất được khán giả yêu thích, đặc biệt là các “bà mẹ vợ”. Ngoài hai đối tượng xem mặt là các cô gái và các chàng trai, có chương trình còn có sự xuất hiện của nhóm các bà mẹ này. Sau chương trình, các cặp đôi thành công sẽ được thưởng một chuyến du lịch. Những người tham gia các chương trình mai mối có thể chọn nhau qua ấn tượng ngoại hình, nhưng họ cũng khá chú ý về tính cách. Ở một chương trình mai mối rất ăn khách tên là Phi Thành Vật Nhiễu, sau khi phát ba đoạn clip về nhân vật nam chính, 24 cô gái và người dẫn chương trình sẽ hỏi thông tin liên quan để biết thêm về tính cách và cuộc sống của anh. Chủ đề của các câu hỏi thường là: cảm giác an toàn trong các mối quan hệ, tình cảm với người cũ, có vấn đề gì với yêu xa không, có bằng lòng chuyển công tác đến sống ở nơi xa không... Những người tham dự có lẽ đều đặt vấn đề hôn nhân lên hàng đầu. Họ suy nghĩ nghiêm túc về chuyện phát triển mối quan hệ theo hướng hôn nhân. Ngoài ra, có những ứng viên xem các chương trình mai mối là nơi để thể hiện bản thân và là một cầu nối để kết bạn, vì người ta sẽ công bố địa chỉ email, điện thoại hoặc tài khoản Weibo, khán giả truyền hình có thể kết nối với họ. Tức là, ngoài cơ hội trực tiếp, các ứng viên có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội khác trên khắp Trung Quốc. Rất nhiều người nước ngoài biết tiếng Trung và sống ở Trung Quốc tham gia những chương trình kiểu này. Tôi từng thấy có các anh chàng đến từ Hàn Quốc, những người châu Âu, thậm chí có cả các cô gái Việt Nam, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan... trên ti vi. Tôi nhớ có một cô gái châu Phi tham gia Phi Thành Vật Nhiễu và rất được yêu quý. Có một cô bé 9x tham gia Phi Thành Vật Nhiễu đã nói một câu: “Thà khóc trong xe BMW còn hơn cười trên xe đạp*.” Mọi người tranh luận về câu nói này trên các trang mạng một thời gian dài. Có ý kiến cho rằng cô gái này quá thực dụng, những người khác lại thấy câu nói này phản ánh một suy nghĩ đang tồn tại trong xã hội. Dù vậy, cô gái này bị ném đá rất nhiều trên trang cá nhân. Tôi không nhớ sau tập ấy cô còn xuất hiện nữa hay không. Tôi nghĩ cô đã nói ra một sự thật mà không ai muốn thừa nhận. CHƯƠNG 5 Ở lại Hàm Đan Ngày thứ tư: 29/12/2013 Trước sự lôi kéo nhiệt tình của chị Yến Tử, cộng thêm yếu tố sức khỏe, tôi quyết định ăn nhờ ở đậu tại Hàm Đan thêm một ngày nữa. Lịch trình ban đầu của tôi là đạp xe từ Hàm Đan đến Tân Hương, đi 178 km, sau đó từ Tân Hương đi thẳng đến Hứa Xương, tiếp tục đạp 156 km. Tôi định sẽ ở lại Hứa Xương nghỉ Tết Dương lịch. Cứ đi 5 ngày tôi sẽ nghỉ 1 ngày. Tân Hương và Hứa Xương là hai nơi tôi đã liên hệ được chỗ ở. Tôi không dừng lại ở Trịnh Châu, dù đây là một thành phố lớn, là thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Tôi đoán Trịnh Châu có nhiều điều hay ho. Sau cả ngày đạp xe hôm qua, tôi biết chắc chắn mình không thể đi tiếp 178 km trong một ngày. Nhìn lại, tôi thấy lịch trình đạp xe của tôi quá dày đặc. Ngày nào tôi cũng phải đi hơn 150 km. Thực ra, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Không phải tôi muốn dừng lại ở đâu thì có người cho ở nhờ chỗ đó. Nếu không ở nhờ mà ngủ tại nhà nghỉ, với số tiền 1.500 tệ mang theo, tôi vẫn có thể chi tiêu tằn tiện cho tới ngày về Hà Nội. Tuy vậy, cả ngày lủi thủi một mình trên đường, tối về lại ngủ một mình ở nhà nghỉ, không có ai chia sẻ, sớm muộn tôi sẽ bị điên. Thêm nữa, không có người nói chuyện và tiếp thêm động lực, chắc chắn tôi sẽ nản chí, trong khi con đường mà tôi lựa chọn khá dài. Sáng nay, tôi ngủ tới tận mười một giờ trưa. Chưa bao giờ tôi ngủ ngon đến thế. Chị Yến Tử nằm cạnh ngáy suốt đêm. Cô bạn gái kia đã đi làm. Tôi chẳng biết làm gì, đành lôi quần áo mấy ngày ra giặt, tiện thể dọn nhà vệ sinh giúp chị Yến Tử. Tôi chẳng biết nhiệt độ bao nhiêu, tay tôi đụng vào nước lạnh đỏ như quả cà chua. Khi còn ở ký túc xá, tôi quen giặt quần áo bằng tay vì đồ cũng không nhiều. Vì giặt tay nên tôi không vắt được hết nước, quần áo phơi ngoài ban công một đêm, sáng hôm sau đã thấy cứng đơ, đóng thành băng. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm chỉ phơi quần áo mùa đông trên lò sưởi trong nhà. Một lúc sau, chị Yến Tử tỉnh dậy và kéo tôi đi chợ mua đồ ăn. Tuy chị Yến Tử không để ý đến vẻ bề ngoài, nhưng chị khá kén chọn khi mua đồ. Chị nhấc lên, đặt xuống, đi hết hàng này đến hàng khác. Chị dạy tôi phải mua rau cải thế này mới tươi, ngó sen, khoai tây phải mua kiểu khác... Sợ tôi đói, chị Yến Tử mua thêm hai cây xúc xích, hai chị em vừa đi vừa ăn. Buổi trưa hôm ấy, chị Yến Tử là đầu bếp chính, tôi và bạn nam kia là chân sai vặt. Đến hai giờ thì có thêm hai người đến ăn, đều là đồng nghiệp cũ ở chỗ làm của chị. Mọi người trò chuyện với nhau, tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe. Sau khi nghỉ việc, chị Yến Tử vẫn chưa nhận được lương. Ăn xong, chị Yến Tử bắt hai bạn kia rửa bát, không cho tôi động vào. Sau khi gọi vài cuộc điện thoại, chị đã giải quyết xong vấn đề chỗ ở cho tôi ở bốn nơi: Trịnh Châu, Trụ Mã Điện, Trường Sa và Hoằng Dương. Riêng về Hạc Bích - nơi ngày mai tôi sẽ đến, chị Yến Tử vào phòng chat của chị ấy và hô hào giúp đỡ. Chị Yến Tử tự tạo một phòng chat có khoảng mấy trăm người, là những người chị đã từng gặp và quen trên mạng, những người ở khắp mọi nơi trên toàn đất nước. Sau một hồi, cuối cùng chị cũng tìm được một người, dù Hạc Bích là một huyện rất bé, không phải là điểm tham quan hay du lịch gì hết, chẳng ai nghĩ có du khách đến đây chứ đừng nói là cho ở nhờ. Sau khi liên hệ ổn thỏa, cả buổi chiều ba chị em nằm xem phim Hồng Kông. Chị Yến Tử xem được chừng 15 phút là nằm ngáy khò khò. Bộ phim này chị Yến Tử xem đến lần thứ ba, nhưng chưa lần nào xem trọn vẹn, cứ giữa chừng chị lại lăn ra ngủ. Tôi chẳng biết làm gì, đành ra bếp xem có đạo diễn được gì cho bữa tối không. Tôi thấy còn ít thịt, cà tím, đậu, súp lơ. Tôi làm món cà tím xào đậu và thịt, súp lơ xào thịt theo cách của tôi nhưng với gia vị Trung Quốc. Bạn nam kia hỏi đi hỏi lại tôi: “Mày có biết nấu ăn thật không đấy?” Tôi nấu ăn từ hồi 5 tuổi, ở quê, cứ khoảng 5, 6 tuổi là phải biết nấu cơm. Bố mẹ đi vắng, chị tôi đi học. Hồi đó tôi nấu cơm bằng bếp rạ. Tôi được huấn luyện rằng 5 tuổi trở lên là phải biết làm tất cả. Tôi cứ nghĩ lửa càng to thì càng nhanh sôi, có lần tôi làm lửa to tới mức cháy cả lông mày. Không hiểu lúc ăn cơm chị Yến Tử khen thật hay khen cho có, nhưng tôi thấy tôi nấu cũng được. Trước đó, tôi có tặng chị Yến Tử một quyển sách về du lịch. Chị lôi quyển sách tôi tặng ra đọc, có vẻ chị khá thích. Đây là lần đầu tiên chị được tặng sách. Ngoài chuyện kỹ tính khi mua đồ, chị Yến Tử rất hào sảng, không câu nệ tiểu tiết, nhưng thỉnh thoảng chị ngồi bần thần một mình. Nhìn chị khá trẻ so với tuổi. Da chị căng, ngăm ngăm, sau khi đi Tây Tạng về càng đen hơn. Tóc chị mỏng, chỉ còn lơ thơ. Chị nhuộm tóc, giờ màu nhuộm đã phai nên để lộ tóc bạc. Chị luôn mặc cảm về bản thân, về cân nặng, về ngoại hình... Dù vậy, chị Yến Tử rất hay nói cười. Chị bảo khi đi du lịch, mặc quần áo thể thao, chị nói mình là sinh viên mà chẳng ai nghi ngờ. Buổi tối, tôi và chị Yến Tử lại xem phim. Vẫn bộ phim về cảnh sát hình sự Hồng Kông lúc chiều. CHƯƠNG 6 Hàm Đan - Hạc Bích: 110 km. Ngày thứ năm: 30/12/1013 Tôi tỉnh dậy lúc tám giờ sáng. Chị Yến Tử vẫn đang ngáy. Tôi chỉ đánh răng mà không rửa mặt vì nước quá lạnh. Tôi không biết có phải vì bây giờ nhiều quần áo không, nhưng mùa đông thuở nhỏ trong ký ức của tôi còn lạnh hơn nữa. Khi còn nhỏ, tôi dậy sớm đi học, mẹ tôi thường nấu nước rửa mặt sẵn. Tôi nhúng khăn mặt vào, nước nóng tới mức mặt tôi nẻ toác. Tôi mặc mấy lớp áo, mấy cái quần. Tới trường, cả lớp tôi lôi nhau ra đếm xem mỗi đứa mặc bao nhiêu quần, bao nhiêu áo. Mặt đứa nào cũng hồng hào, khô nứt. Tôi thường đi tất, xỏ dép tổ ong. Quần hoa lồng hai cái vào nhau. Áo len cái nào cũng tuột sợi. Sợ chị Yến Tử thức giấc, tôi đi rón rén như kẻ trộm. Đêm qua, chị Yến Tử xem phim rồi ngủ quên lúc nào không biết. Ba giờ sáng, tôi tỉnh dậy tắt máy tính. Tôi nhìn lại căn phòng một lượt. Tôi biết là chỉ một thời gian nữa thôi, chị Yến Tử sẽ không còn sống ở đây. Bố mẹ chị sẽ mua nhà mới và sẽ ở cùng chị. Tối hôm trước, tôi đã nói với chị không cần tiễn, tôi sẽ tự đi. Một mình tôi xuống tầng một chằng đồ đạc. Ra khỏi cổng, tôi cố tình đạp nổ mấy quả bóng bay cho tỉnh ngủ. Ở đây hôm qua có đám cưới. Từ đầu ngõ đến nhà chị Yến Tử có tận hai đám cưới. Chị Yến Tử bảo tôi tốt vía, vì tôi vừa đến thì người ta có hỉ sự. Ra tới đường, tôi dừng lại mua đồ ăn sáng. Tôi uống sữa đậu nành và ăn quẩy, hai món ăn sáng truyền thống ở đây, hết 5 tệ. Chú bán hàng nói tiếng địa phương làm tôi vừa nghe vừa đoán vừa trả lời bừa. Chú hỏi tôi mua xe đạp bao nhiêu tiền, tôi tưởng chú hỏi tôi mua bao nhiêu quẩy, tôi bảo: “Ba tệ thôi ạ.” Buổi sáng ấm áp, chú bán hàng thân thiện, tôi nhìn thấy khởi đầu tốt lành của một ngày. So với 3 ngày trước, hôm nay chặng đường tôi đi rất nhẹ nhàng. Hôm nay cũng đánh dấu mốc tôi ra khỏi tỉnh Hà Bắc và bắt đầu tiến vào địa phận tỉnh Hà Nam. Hôm qua, chị gái tôi gọi điện dặn đi dặn lại rằng tôi phải mua đồ phòng thân như dùi cui điện, xịt hơi cay. Em gái tôi cũng gọi điện hỏi: “Vẫn còn sống chứ?” Nghe hai cuộc điện thoại, tôi kiểm tra tài khoản thấy mất hơn 100 ngàn đồng. Ở Trung Quốc, chỉ nghe điện thoại cũng bị trừ tiền. Sim tôi mua ở Bắc Kinh, đăng ký ở Bắc Kinh, khi di chuyển sang tỉnh khác bị tính cước theo gói khác - nghe điện thoại, nhắn tin, gọi điện sẽ đắt hơn. Ở đất nước rộng lớn này, chỉ có ba nhà mạng: Di Động, Liên Thông và Điện Tín. Cước điện thoại tính theo từng vùng. Ngoài ra, muốn gọi đi quốc tế thì phải khai thông dịch vụ gọi quốc tế hoặc phải mua một thẻ IP riêng giá 45 tệ, gọi được 27 phút. Tôi cứ đi chậm trên đường, vừa đi vừa nhìn mông lung, không nghĩ gì, không nghe nhạc. Trước khi tôi lên đường, một người bạn học cùng đại học ở Việt Nam và ở Bắc Kinh đưa cho tôi một chiếc máy nghe nhạc MP3. Chiếc máy toàn nhạc theo gu của nó, tôi không nghe được và cũng không dám nghe trên đường vì sợ nguy hiểm. Đi được một đoạn, tôi thấy bóng người quen, vẫn cây guitar chằng phía sau xe. Tôi đạp vọt lên và cười. Có lẽ tôi có duyên với Lôi Huy thật. Vừa gặp tôi, Lôi Huy kể đi kể lại chuyện hai ngày vừa rồi bị nổ lốp bốn lần, bánh trước và bánh sau mỗi bánh hai lần. Ngược gió, Lôi Huy và tôi hổn hển đạp xe trên đường. Buổi trưa, hai đứa tìm được một quán xập xệ bên đường. Tôi vốn chẳng kén chọn. Quán là một căn nhà tạm lợp mái lá, vách bên ngoài là các tấm tre đan. Quán không có thực đơn, người ta bày hết nguyên liệu chế biến ra một cái bàn giữa nhà, khách thích ăn gì, nấu kiểu nào thì nói với chủ quán. Lôi Huy giao cho tôi gọi món. Tôi vốn không nghe được tiếng địa phương nên cô chủ nói một danh sách dài, tôi chọn theo kiểu ngẫu nhiên: món xào là món thứ hai cô vừa nói, món canh là món thứ ba... Ăn xong, Lôi Huy ra xe và lấy một cái hộp nhỏ tặng tôi. Bên trong hộp có một chiếc kèn harmonica. Tôi và Lôi Huy chia tay lần hai, chẳng biết bao giờ mới gặp lại. Tôi sẽ đạp đến Hạc Bích, từ Hạc Bích đến thẳng Trịnh Châu, còn Lôi Huy đến An Dương, nghỉ ở đó vài ngày, rồi từ An Dương đến Tân Hương đợi một người anh họ. Hai anh em Lôi Huy sẽ cùng đạp xe về nhà. Tôi chỉ đạp xe qua An Dương. Từ Hàm Đan đến An Dương khá gần, khoảng 70 km. Dù là thành phố nhưng An Dương chỉ tấp nập hơn ngoại thành một chút. Thành phố khá nhỏ, có rất nhiều xe đạp điện. Tôi đến được Hạc Bích lúc năm giờ chiều, tìm đường đến chung cư mà chị chủ nhà đã hẹn. Trong lúc chờ chị xuống đón, tôi chỉnh lại quần áo, sửa tóc tai cho ra dáng con người, lấy khăn ướt ra lau mặt. Nhìn tàn tích của chiếc khăn ướt, tôi thực sự choáng. Chị chủ nhà của tôi hôm nay tên là Vi Vi. Cho đến lúc đứng chờ, tôi vẫn chưa biết nhiều thông tin về chị. Chị Yến Tử lên group chat kêu gọi sự giúp đỡ ở Hạc Bích, tới lúc đó chị Vi Vi mới chủ động tiếp chuyện. Đến tận trưa nay, tôi mới gọi điện hỏi địa chỉ nhà chị Vi Vi. Chị đang ngủ, có lẽ do mơ màng nên chị tưởng tôi là người tiếp thị ghế sofa (trong tiếng Trung, Couchsurfing đọc là sa-pha-ke). Tôi cố vớt vát nói tên chị Yến Tử, lúc đó chị Vi Vi mới tỉnh ngủ. Nhà chị Vi Vi ở trên tầng ba của một khu chung cư cũ. Căn nhà tuy cũ nhưng đã được sửa sang lại hoàn toàn, có hai phòng ngủ, một phòng khách. Những chữ song hỉ dán trên tường, có cả pháo hoa giấy bay bay. Căn nhà này mua từ lúc chị Vi Vi kết hôn, hai vợ chồng chị mới ngủ ở đây đúng một đêm. Chị Vi Vi có bầu nên cả hai anh chị dọn về nhà bố mẹ chồng để tiện chăm sóc. Chị Vi Vi mang bầu ba tháng nhưng nhìn rất gọn gàng. Chị sinh năm 1989, tóc dài ngang vai, buộc lại sơ sài, miễn sao có thể hất gọn ra sau. Dù mang bầu, chị di chuyển khá nhanh nhẹn. Chị đưa tôi đi giới thiệu một loạt các đồ dùng và chỗ ở trong nhà. Bếp nhà chị thậm chí còn chưa bóc giấy bóng. Căn phòng tối nay tôi sẽ ngủ có một cái giường to, hai chăn, hai gối, nhìn rất ấm áp. Tôi chỉ muốn ngủ ngay lúc ấy. Hạc Bích là một thành phố nhỏ. Theo lời anh chồng chị Vi Vi, chỉ lái xe 30 phút là đi hết thành phố. Hai anh chị lái xe đưa tôi đi dạo, chị Vi Vi và chồng ngồi phía trước, tôi ngồi sau, đi tới đâu chị Vi Vi cũng giới thiệu với tôi những điểm nổi bật như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Hai anh chị đưa tôi qua nhà bố mẹ chồng để lấy chìa khóa. Nhà chồng chị Vi Vi cũng là một căn chung cư, chỉ có bác trai đi làm, bác gái ở nhà nội trợ. Tôi đã từng gặp nhiều gia đình Trung Quốc sòng giản dị, tôi không biết làm thế nào nhưng tới lúc con cái kết hôn, họ vẫn có thể bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nhà cho con hoặc làm của hồi môn. Hạc Bích đúng là rất nhỏ. Qua một con phố, đến siêu thị trung tâm, hai anh chị đưa tôi lên khu đồ ăn tự chọn. Tôi ngồi ăn, nghe hai anh chị tranh nhau kể về chuyến đi Tây Tạng của hai người. Mùa hè năm nay, khi chưa kết hôn, hai anh chị đi du lịch một vòng từ Hạc Bích đến Tây Tạng cùng một người bạn, chủ yếu là đi nhờ xe và ở nhờ. Anh chị đi suốt hai tháng, đúng đợt cao điểm mùa hè, khách du lịch đổ về Tây Tạng rất đông. Trên đường đi, họ gặp nhiều vụ sạt lở, có một đoàn đạp xe qua và gặp nạn, có xác hai chiếc xe đạp bị đá đè méo vành, gãy cả khung. Sau khi trở về, chị Vi Vi quyết định cho ở nhờ. Tôi là người khách đầu tiên. Chị Vi Vi và chồng bằng tuổi nhau. Hai anh chị lớn lên cùng một khu, biết nhau từ thời đi học. Chị Vi Vi trước đây làm công nhân, còn anh chồng làm thợ sửa máy tính ở một cửa hàng. Chuyện tình cảm của hai anh chị đến khá tự nhiên và suôn sẻ: nhà gần, hợp tính nhau, cùng chí hướng. Hình như họ cùng là mối tình đầu của nhau. Tất cả mọi chuyện đều xảy ra giống như một quỹ đạo đương nhiên: quen nhau, yêu nhau, kết hôn, sống đời sống nhỏ bé, lặng lẽ, yên vui. Chị Vi Vi và chồng dự định sẽ sống ổn định ở nơi hai người đã sinh ra. Tôi không hiểu vì sao chị Vi Vi và chồng lại có ý định đi du lịch một vòng Tây Tạng, lại chọn cách đi nhờ xe và ở nhờ. Chị Vi Vi tiếc nuối vì chị mang bầu quá sớm, hai vợ chồng không có thời gian để đi chơi tiếp. Mặc dù vậy, hai anh chị vẫn muốn được đồng hành cùng nhau và vẫn muốn khám phá thế giới. Chị Vi Vi và chồng muốn kinh doanh một thứ gì nho nhỏ. Họ hỏi tôi nên kinh doanh gì. Tôi chẳng biết nói gì. Có lẽ anh chị nghĩ tôi học Thạc sĩ, lại học ngành Thương mại quốc tế nên chắc biết nhiều. Thực ra, tôi chỉ giỏi lý thuyết, chứ những câu hỏi thực tế thế này, nếu không tìm trên Google tôi chịu không trả lời được. Tôi nói một vài câu chung chung, rằng khu nhà anh chị rất thuận lợi, gần ngã tư, đối diện trường học, cứ kinh doanh thứ gì nhắm vào đối tượng khách hàng là phụ huynh và học sinh. Về đến nhà, tắm rửa xong, tôi ngồi xem album ảnh cưới của anh chị. Tổng cộng có ba cuốn album. Hai anh chị quen nhau ba năm, mỗi năm họ chụp kỷ niệm một cuốn album ảnh theo phong cách khác nhau. Một cuốn theo kiểu “dân quốc”, con trai mặc đồ lính, con gái mặc váy đen dài đến chân, áo có nút, tóc thắt bím hai bên. Một cuốn theo kiểu học đường, hai người mặc đồng phục học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Cuốn thứ ba là ảnh cưới chụp trong studio*. Tôi rất ngưỡng mộ tình yêu của hai anh chị. Họ dễ dàng tìm được nhau và đến với nhau. Ở Trung Quốc, những chuyện xem mặt nhiều lần rất phổ biến, tôi đoán có lẽ vì giới trẻ quá bận rộn để tìm hiểu nhau. Những trường hợp như chị Yến Tử được gọi là “thặng nữ” - các cô gái trên 25 tuổi vẫn chưa có đối tượng yêu đương. Ở Việt Nam thì họ được gọi là “gái ế” - những cô gái chưa kết hôn hoặc chưa muốn kết hôn. Dù ở đâu, theo quan sát của tôi, những người này thường phải đối mặt với áp lực từ gia đình và xã hội. Nhiều người quen của tôi thường tìm đến công việc để giải tỏa. Càng dấn sâu vào công việc, họ càng không có thời gian để tìm đối tượng, một cái vòng luẩn quẩn. Chủ đề “thặng nữ” được khai thác rất nhiều trong phim và trong truyện ngôn tình Trung Quốc, có lẽ vì nó đã trở thành một hiện tượng xã hội. Trong các tác phẩm về đề tài này, những “thặng nữ” thường tìm được một phi công trẻ hoặc một doanh nhân thành đạt và hơn tuổi, hai người sẽ sống bên nhau hạnh phúc. Các bộ phim, các cuốn truyện kiểu này thường cổ vũ tinh thần lạc quan, rằng không bao giờ là quá muộn, chỉ cần hy vọng thì sẽ có kết quả. Tôi có một chị đồng nghiệp cũ sinh năm 1984. Mỗi khi sắp đến ngày nghỉ, mẹ chị đều gọi điện hỏi chị có về nhà không. Dù nhà chị không xa Bắc Kinh nhưng chị đều trả lời rằng sẽ không về. Mỗi lần nhìn thấy cuộc gọi của mẹ, giống như chị sắp chuẩn bị bước vào một cuộc cãi vã. Chị tâm sự với tôi rằng chị có đối tượng để kết hôn nhưng chị không hề muốn. Chị sợ hôn nhân, chị thích có không gian riêng và có nhiều thời gian cho mình hơn. Tôi đoán chị đã có một trắc trở nào đó trong quá khứ. Dù bố mẹ chị lo lắng, nhưng những người đồng nghiệp đã có gia đình của tôi rất hâm mộ cuộc sống của chị, vì chị không bị vướng víu con cái và các chuyện bận bịu khác của hôn nhân. Tới mười giờ tối, tôi bị giục đi ngủ. Chồng chị Vi Vi dặn tôi sáng mai anh sẽ dậy sớm để tiễn tôi lên đường, còn chị Vi Vi bị nghén ngủ nên không dậy được giờ ấy. Trước khi lên giường, tôi gửi tặng chị Vi Vi một cái postcard có viết vài lời tâm huyết tình cảm. Khi chui vào chăn, tôi nhận được tin nhắn của Lôi Huy. Cậu bảo hôm nay tôi biến đi lúc nào mà cậu không nhìn thấy tăm hơi. Và tôi còn nợ cậu một cái ôm. CHƯƠNG 7 Hạc Bích – Trịnh Châu: 130 km Ngày thứ sáu: 31/12/2013 Tôi hẹn bảy giờ dậy nhưng cứ nấn ná mãi mới chui được ra khỏi chăn. Nhà chị Vi Vi có hệ thống sưởi nhưng lâu không ở nên không dùng. Đêm qua, tôi bị hai cái chăn đè lên, tuy hơi khó thở nhưng rất ấm. Tôi chuẩn bị xong mọi thứ mà hai anh chị vẫn ngủ say. Vẫn còn sớm quá, chẳng biết ăn gì, tôi lôi lương khô của Tiểu Vương ra ăn rồi uống nước cho nở ra. Một mình tôi chằng đồ lên xe, rồi tôi ôm cả xe đạp và đồ từ tầng ba xuống tầng một. Đây là chung cư cũ nên chỉ có cầu thang bộ. Trước khi đi, tôi để lại một mẩu giấy nhắn cho anh chị. Thông thường, sau khi xuất phát khoảng một tiếng tôi sẽ dừng lại thay áo. Lúc mới ra khỏi nhà, tôi mặc áo phao dày sụ, một lúc sau, tôi thay bằng áo gió mỏng tang. Khi mặc áo gió, tôi ra nhiều mồ hôi hơn nhưng tôi không dám thay nữa. Hôm nay ngược gió. Tôi đi như bò ra trên đường. Tôi không vội vì hôm nay chỉ cần đi 130 km. Sau ngày đạp 172 km, tôi ý thức được sức chịu đựng của bản thân nên giảm bớt mục tiêu. Cho tới hôm nay, khu vực tôi đi qua vẫn là đồng bằng, hai bên đường có những cồn đất nhưng đường đi vẫn bằng phẳng và thẳng tắp. Đạp được một đoạn, tôi thấy mệt lử. Chị gái tôi lại gọi điện hỏi tôi đã mua mấy thứ xịt hơi cay bảo vệ chưa. Tôi dặn chị không được nói về chuyến đi của tôi cho bố mẹ biết. Tôi làm việc gì bố mẹ cũng là người biết sau cùng, nên lúc nào chị và em gái tôi cũng bị khép vào tội bao che và đồng lõa. Mười một giờ. Chưa đến giờ ăn nhưng tôi vào một quán ăn sáng để nghỉ. Bác bán hàng nói gì tôi cũng không hiểu. Trung Quốc có rất nhiều tiếng địa phương, thậm chí hai huyện ở cạnh nhau cũng nói hai thứ tiếng khác nhau. Những người dân địa phương có thể nghe hiểu tiếng phổ thông nhưng họ không nói được. Bác bán hàng bưng cho tôi một bát canh, ở vùng này chỉ có canh và bánh hành để ăn sáng. Bát canh có màu nâu, mùi vị rất lạ, hỗn độn rất nhiều thứ gồm các loại nấm, cải chíp, hồ tiêu, bột mì, bột ngô. Ăn được vài thìa, tôi thấy tỉnh cả người. Bánh hành là một lớp bột mì tráng bằng lò nướng, người ta quẹt một lớp mỡ vào chảo, cho bột, trứng và thêm hành. Trước đây, tôi không hề thích ăn những thứ làm từ bột mì, nhưng ở miền Bắc tìm cơm và bún rất khó. Tôi ăn dần cũng quen. Lúc thanh toán tiền, tôi không tin nổi vào tai mình, bác bán hàng nói giá là 2,5 tệ. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại đến mức bác phải giơ ngón tay ra hiệu. Bình thường, sau hai giờ đạp xe tôi sẽ nghỉ một lần. Hôm nay, cứ gặp bóng râm là tôi dừng lại. Ngược chiều gió, có lúc tôi chỉ đi được 10 km/giờ. Mùa đông nhưng trời không u ám. Tôi đi từ Bắc về Nam, sáng nào cũng bị nắng chiếu chói mắt. Tới chiều, tôi vẫn còn 48 km mới đến chỗ ngủ. Đoạn đường hôm nay của tôi sẽ đi qua sông Hoàng Hà. Tôi đang cố gắng tới đó trước hoàng hôn để ngắm mặt trời lặn trên sông. Cây cầu bắc qua sông Hoàng Hà đang xây dở và cắm biển cấm xe đạp. Trên cầu, xe máy vẫn qua lại nhộn nhịp. Tôi khá tức giận. Một anh cảnh sát giao thông bảo tôi cứ đi thoải mái, đến lúc chính thức khánh thành thì người ta mới cấm xe đạp lên cầu. Tôi đứng trên cầu ngắm hoàng hôn. Tôi cũng không biết hoàng hôn trên biển, bình minh trên sông hay đại loại thế... có gì khác nhau. Dù vậy, khi tới biển, tới núi, tôi vẫn cố gắng dậy sớm để ngắm bình minh. Hoặc tôi di chuyển từ bên này tới bên kia cho tới khi chỉ còn sót lại một vệt nắng cuối cùng. Tôi muốn nhìn cảnh mặt trời để lại một tia sáng vàng trên sông, rồi ánh sáng lan tỏa một góc. Dù sao đây cũng là một cảnh đẹp trong ngày. Sông ở Trung Quốc tập trung chủ yếu ở miền Nam. Hoàng Hà là một con sông khá nổi tiếng. Người ta gọi tên sông như thế có lẽ để miêu tả màu vàng của nước sông, nhưng con sông trước mặt tôi đục ngầu màu đất. Mùa đông, nước sông không nhiều và con sông có lẽ không sâu như tôi tưởng tượng. Hai bên sông, người dân sinh hoạt rất thư thái, người ngồi câu cá, người đi bộ tập thể dục buổi chiều... Chủ nhà hôm nay của tôi là một bạn nam tên Thiết Thụ. Đây là bạn của chị Yến Tử. Hai người quen nhau khá lâu vì cùng là thành viên của Couchsurfing nhưng họ chưa gặp nhau bao giờ. Thiết Thụ tầm tuổi tôi. Khi nói chuyện trên mạng, tôi có cảm giác cậu ta khá hiền, nói gì cũng chèn thêm một hình mặt cười. Thiết Thụ nhắc đi """