" Dưới Một Mái Nhà Ở Paris - Guillaume Musso & Phúc Chi Nhi (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dưới Một Mái Nhà Ở Paris - Guillaume Musso & Phúc Chi Nhi (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo Dưới một mái nhà ở Paris —★— Tác giả: Guillaume Musso Dịch giả: Phúc Chi Nhi Nguyên tác: Un appartement à Paris (2017) Nhà xuất bản Hội nhà văn & Nhã Nam – 2018 Text: Caruri ebook©vctvegroup Tặng Ingrid, tặng Nathan. Giữa mùa đông, rốt cuộc tôi nhận ra trong mình một mùa hè bất khả chiến bại. Albert CAMUS Cậu nhóc London, cuối giờ sáng một ngày thứ Bảy. Bạn còn chưa biết điều này đâu, nhưng trong chưa đầy ba phút nữa bạn sẽ đương đầu với một trong những thử thách gian lao nhất đời mình. Một thử thách tới lúc nào bạn không hay biết, nhưng sẽ in dấu trong bạn, gây đau đớn ngang với vết bỏng do sắt nung để lại trên làn da mềm mại. Ngay lúc này bạn đang thong dong dạo bước giữa sảnh trung tâm thương mại mang dáng dấp một sân trong kiểu cổ. Sau mười ngày mưa dầm mưa dề, bầu trời đã tìm lại được sắc lam thẫm đẹp đẽ. Những tia nắng đang làm vách kính cửa hàng sáng lung linh khiến tâm trạng bạn tươi vui. Để kỷ niệm thời khắc mùa xuân đến, thậm chí bạn đã tự tặng cho mình chiếc đầm ngắn màu đỏ chấm bi trắng này, nó đã cố quyến rũ bạn từ hai tuần nay. Bạn cảm thấy nhẹ nhõm, gần như phơi phới. Ngày hôm nay của bạn báo trước là sẽ thú vị: trước tiên là bữa trưa với Jul’, cô bạn thân nhất, một buổi làm móng giữa con gái với nhau, sau đó chắc sẽ đi xem triển lãm ở Chelsea, rồi tối nay là buổi hòa nhạc của PJ Harvey tại Brixton. Một hành trình yên ả trong những khúc quanh uốn lượn êm đềm của đời bạn. Chỉ trừ có điều bạn bỗng nhìn thấy nó. ★ Đó là một cậu nhóc tóc vàng rơm mặc quần yếm bò và áo khoác dạ màu xanh nước biển. Chắc tầm hai tuổi, hoặc hơn một chút. Đôi mắt to sáng màu và tươi cười lấp lánh đằng sau cặp kính sặc sỡ. Những đường nét thanh tú trên gương mặt trẻ thơ tròn trịa viền quanh bằng những lọn tóc ngắn sáng màu giống như một cuộn rơm dưới nắng hè. Bạn ngắm cậu nhóc đã được một lúc, từ xa, nhưng càng lại gần, bạn càng bị khuôn mặt cậu nhóc mê hoặc. Một vùng đất nguyên sơ, hớn hở, mà cả đau khổ lẫn sợ hãi đều chưa kịp đầu độc. Trên gương mặt non tơ này, bạn chỉ nhìn thấy một loạt những khả năng. Niềm vui sống, niềm hạnh phúc ở trạng thái thô mộc. Lúc này, cậu nhóc cũng đang nhìn bạn. Một nụ cười đồng lõa và thuần phác thắp sáng gương mặt cậu. Cậu hãnh diện khoe với bạn chiếc máy bay nhỏ bằng kim loại đang được những ngón tay mũm mĩm cho bay lượn phía trên đầu mình. – Vuuuuuuuuù… Trong khi bạn mỉm cười đáp lại nụ cười của cậu nhóc, một cảm giác lạ lùng bắt đầu bóp nghẹt bạn. Nọc độc chậm rãi của một xúc cảm khó hiểu làm loang khắp cơ thể bạn một nỗi buồn lạ lẫm. Cậu nhóc dang tay và bắt đầu chạy nhảy lon ton quanh đài phun nước bằng đá đang phun ra những cuộn nước bên dưới mái vòm của khu mua sắm. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bạn ngỡ cậu nhóc đang chạy tới sà vào lòng mình, thế nhưng… – Bố, bố ơi! Bố thấy không, con làm máy bay này! Bạn ngước mắt nhìn lên và ánh mắt bạn gặp ánh mắt người đàn ông vừa bế bổng cậu nhóc. Một lưỡi dao buốt lạnh xuyên thấu bạn và trái tim bạn đông cứng lại. Bạn biết người đàn ông này. Cách đây năm năm, giữa hai người nảy sinh một chuyện tình kéo dài hơn một năm. Vì anh ta, bạn đã rời Paris tới Manhattan và thay đổi công việc. Suốt nửa năm, hai người thậm chí đã cố gắng sinh một đứa con mà không được. Rồi người đàn ông này quay lại sống cùng vợ cũ, trước đó họ đã có một đứa con chung. Bạn đã làm tất cả những gì có thể để níu kéo anh ta, nhưng như vậy là chưa đủ. Quãng thời gian ấy bạn đau khổ tột cùng, và đúng lúc bạn nghĩ đời mình đã lật sang trang mới, thì hôm nay bạn lại gặp anh ta, và chuyện này khiến bạn tan nát cõi lòng. Lúc này, bạn đã hiểu rõ hơn cảm giác xáo trộn của bản thân. Bạn tự nhủ đứa trẻ này đã có thể là con mình. Rằng đứa trẻ này hẳn đã có thể là con của bạn và anh ta. Người đàn ông lập tức nhận ra bạn và không hề tránh né ánh mắt bạn. Trước nét mặt sầu não của anh ta, bạn đoán anh ta cũng đang sửng sốt hệt như bạn, lúng túng, có phần sượng sùng. Bạn nghĩ anh ta sắp bước tới nói chuyện với mình, thế nhưng, giống như một con hươu đang cùng đường, anh ta phác một cử chỉ chở che con mình rồi vội vàng quay gót. – Đi nào, Joseph, bố con mình về thôi. Trong khi ông bố và đứa con trai đi xa dần, bạn không dám tin vào tai mình. “Joseph” là một trong những cái tên hồi ấy hai người cùng nhau dự định đặt cho đứa con của họ ở thì tương lai. Mắt bạn nhòe đi. Bạn cảm thấy mình bị tước đoạt. Một cơn mệt mỏi nặng nề ập xuống khiến bạn đứng hình suốt nhiều phút liền, làm bạn thẫn thờ, hóa đá, cổ họng nghẹn thắt. ★ Bạn phải nỗ lực lắm mới tới được lối ra cửa hàng. Tai bạn ong ong, cử chỉ trở nên máy móc, tứ chi như nặng đến hàng tấn. Ra đến công viên Saint James, bạn đã nhấc được cánh tay lên để vẫy một chiếc taxi, nhưng bạn run rẩy suốt cả quãng đường, đấu tranh chống những ý nghĩ đang quấy nhiễu mình, cùng lúc tự hỏi mình đang gặp phải chuyện gì thế này. Cánh cửa căn hộ riêng khép lại, bạn đi thẳng vào phòng tắm vặn cho nước chảy đầy bồn. Vào tới phòng ngủ, bạn không bật đèn. Vẫn mặc nguyên quần áo, bạn đổ vật xuống giường. Bất động. Hình ảnh đứa trẻ chơi máy bay diễu qua tâm trí bạn và, chẳng bao lâu sau, toàn bộ nỗi thất vọng mà bạn cảm thấy khi đứng trước người tình cũ biến thành cảm giác trống rỗng tàn bạo. Cảm giác nhung nhớ bóp nghẹt lồng ngực bạn. Bạn khóc, dĩ nhiên, nhưng bạn tự nhủ những giọt nước mắt có tác dụng gột rửa và cơn khủng hoảng này sẽ tự biến mất. Chỉ trừ có điều nỗi đau đang đào sâu, phình ra và dồn dập chồm lên bạn như một cơn sóng ngầm cuốn phăng bạn đi, khiến tất cả những con đê trong bạn vỡ toang, phóng thích những năm tháng bất mãn, oán hận, hy vọng rồi thất vọng. Cày xới lại những vết thương mà bạn ngỡ đã được chữa lành. Chẳng mấy chốc, con rắn bảy đầu lạnh lẽo của nỗi kinh hoàng uốn lượn giữa tứ chi bạn. Bạn nhảy dựng lên. Tim bạn đập lồng lên. Cách đây vài năm bạn từng trải qua một giai đoạn giống hệt, và mọi chuyện đã kết thúc chẳng mấy tốt đẹp. Nhưng ý nghĩ ấy lướt qua tâm trí bạn cũng vô ích, bạn không thể ngăn chặn được guồng quay của sự thể khó lòng lay chuyển. Toàn thân run rẩy không thể kiểm soát, bạn lảo đảo bước tới tận phòng tắm. Hộp thuốc cá nhân. Những ống thuốc. Bạn ngâm mình trong bồn tắm – đang đầy tràn – trong khi còn chưa cởi hết quần áo. Nước quá nóng hay quá lạnh, bạn thậm chí chẳng biết nữa và cũng mặc kệ. Trên ngực bạn là một cái đe. Trong bụng bạn là một vực xoáy. Trước mắt bạn là một chân trời đen kịt, mãi mãi bị nỗi sầu muộn chắn ngang. Bản thân bạn không ý thức được là mình đã ra nông nỗi đó. Những năm gần đây, bạn đã hơi lạc lối đôi chút, đúng thế, và bấy lâu nay bạn biết rằng cuộc đời vốn mong manh. Nhưng hôm nay bạn không ngờ mình bước hụt và mất thăng bằng nhanh đến thế. Nhất là, bạn không biết rằng dòng thác bùn lầy này lại chảy trong bạn. Bóng tối này, nọc độc này, sự khốn khổ này. Cảm giác cô đơn thường trực đột nhiên bị đánh thức và đang khủng bố tinh thần bạn. ★ Những ống thuốc bồng bềnh trên mặt nước như những con tàu dừng lại vì trời lặng gió. Bạn mở chúng ra rồi nuốt từng vốc những viên con nhộng. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Việc gì cũng phải làm đến cùng. Vậy nên bạn gỡ lưỡi dao lam từ bàn cạo đặt trên gờ bồn tắm rồi cho nó lướt qua hõm cẳng tay. Bạn vẫn luôn hăng hái chiến đấu, nhưng hôm nay bạn cảm thấy mình không còn khả năng làm vậy nữa, bởi kẻ thù không buông tha bạn và biết rõ về bạn hơn chính bản thân bạn. Trong lúc đưa lưỡi dao lại gần mạch máu, bạn chua xót nhớ lại cái niềm vui đắt đỏ mà bạn đã cảm thấy sáng nay khi thấy mặt trời qua ô cửa sổ. Rồi đến khoảnh khắc lạ lùng và an lòng này khi bạn biết rằng số mệnh đã an bài và chuyến đi không ngày về của mình đã bắt đầu. Như bị thôi miên, bạn lặng ngắm máu mình đang tan loãng và vẽ trong làn nước những đường lượn trang trí với vẻ đẹp không thể gọi tên. Trong lúc cảm thấy mình đang ra đi, bạn tự nhủ rằng ít nhất thì cảm giác đau đớn cũng sẽ dừng lại, và đúng vào thời khắc này, điều đó thật vô giá. Trong lúc quỷ dữ mang bạn đi theo làn hơi nước nóng bỏng, hình ảnh cậu nhóc lại lướt qua tâm trí bạn lần nữa. Bạn trông thấy cậu nhóc trên một bãi biển, phía trước là biển. Một nơi có thể là Hy Lạp hoặc miền Nam nước Ý. Bạn đang ở rất gần cậu nhóc. Gần đến nỗi bạn thậm chí có thể ngửi thấy mùi cát, mùi lúa mì tỏa ra từ cậu, yên ả như cơn gió nhẹ đêm hè. Khi cậu nhóc ngẩng mặt lên nhìn bạn, bạn cảm động vì gặp lại gương mặt xinh xẻo của cậu, cái mũi hếch và hàm răng thưa khiến nụ cười cậu đáng yêu khôn cưỡng. Cậu nhóc đó đang dang rộng hai cánh tay và bắt đầu chạy quanh bạn. – Mẹ ơi, nhìn này, con đang làm máy bay! GIỮA MÙA ĐÔNG Thứ Ba ngày 20 tháng Mười hai 1 Hội chứng Paris Paris luôn là một ý hay. Audrey HEPBURN 1. Sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle, sảnh đến. Một định nghĩa nhất định về địa ngục nơi trần thế. Trong phòng kiểm tra hộ chiếu, hàng trăm du khách đang bị dồn lại thành một hàng người đứng đợi trong tình trạng tắc nghẽn, thuôn dài và uốn khúc như một con trăn béo phì. Gaspard Coutances nghển cổ nhìn về dãy ca bin kính đằng trước anh, cách chừng hai chục mét. Đằng sau dãy quầy đó chỉ có nhõn hai cảnh sát khốn khổ kiểm soát dòng hành khách đông đúc này. Gaspard thở dài bực bội. Mỗi lần đặt chân tới sân bay này anh lại tự hỏi làm thế nào nhà chức trách có thể lờ đi những hậu quả tàn khốc của hình ảnh một tủ kính trưng bày đáng ghét đến nhường này về nước Pháp. Anh nuốt nước bọt. Tình hình càng thêm tồi tệ vì trời đang nóng chảy mỡ. Không khí ẩm ướt, nặng nề, nồng nặc mùi mồ hôi kinh khủng. Gaspard đang đứng giữa một thiếu niên có vẻ ngoài của dân chơi mô tô phân khối lớn và một nhóm người Á. Sự căng thẳng hiển hiện như có thể sờ thấy: đang bị lệch múi giờ sau chuyến bay kéo dài mươi mười lăm tiếng, những hành khách với khuôn mặt xác sống đang bực bội vì nhận ra mình vẫn chưa đi đến cuối con đường thập giá. Chỉ sau khi máy bay hạ cánh, khổ hình mới bắt đầu. Tuy chuyến bay khởi hành từ Seattle của anh đến đúng giờ – máy bay đã hạ cánh trước 9 giờ sáng một chút –, nhưng anh đã phải chờ hơn hai mươi phút để người ta mở cầu nối rồi mới có thể rời khỏi máy bay. Tiếp đến là màn cuốc bộ không hồi kết trong các hành lang cũ kỹ. Một trò tìm đường gây phẫn nộ khi phải giải mã những tấm biển tín hiệu phức tạp, khi chân muốn gãy rời trên các cầu thang máy hỏng, khi phải chiến đấu để xương khỏi nát vụn trên một chuyến tàu chật ních, để rốt cuộc bị nhồi vào căn phòng thảm thê này chẳng khác nào lũ súc vật. Chào mừng tới nước Pháp! Túi du lịch khoác trên vai, Gaspard đang vã mồ hôi hột. Anh có cảm giác đã đi qua ba cây số kể từ khi rời máy bay. Kiệt sức, anh tự hỏi mình đang làm cái quái gì ở đây. Tại sao năm nào anh cũng bắt bản thân phải chịu đựng một tháng giam mình tại Paris để viết một vở kịch mới nhỉ? Anh bật cười vẻ bồn chồn. Câu trả lời thật đơn giản và nghe kêu như một khẩu hiệu: kỹ năng viết giữa môi trường thù nghịch. Năm nào cũng vậy, vào đúng ngày này, Karen, người đại diện của anh, lại thuê cho anh một ngôi nhà hoặc một căn hộ nơi anh có thể yên tĩnh làm việc. Gaspard thậm ghét Paris – đặc biệt là Paris vào dịp Giáng sinh – nên anh không thấy khó chịu chút nào với việc nhốt mình giữa bốn bức tường hai tư trên hai tư giờ. Kết quả: vở kịch được tự viết nên, hoặc gần như thế. Dẫu sao chăng nữa, vở kịch của anh luôn được hoàn thành vào cuối tháng Một. Dòng người đang thưa dần với một tốc độ chậm rãi đến tuyệt vọng. Chờ đợi trở thành thử thách. Những đứa nhóc quá đỗi phấn khích đang vừa chạy thi giữa những thanh chắn vừa hò hét, một cặp vợ chồng già đang tựa vào nhau để khỏi ngã quỵ, một em bé đang trớ hết ra cổ mẹ chỗ sữa vừa tu trong bình. Kỳ nghỉ Giáng sinh chết tiệt…, Gaspard than vãn trong lúc hớp lấy một ngụm không khí ô nhiễm. Khi thấy vẻ bất mãn trên gương mặt những bạn đồng hành bất hạnh, anh nhớ lại một bài viết về “hội chứng Paris” đọc được trong một tạp chí. Mỗi năm, có hàng chục du khách Nhật Bản và Trung Quốc đã nhập viện và thường phải hồi hương vì mắc những hội chứng rối loạn tâm lý nặng nề trong chuyến thăm đầu tiên tới thủ đô nước Pháp. Vừa hạ cánh xuống đất Pháp, những du khách này bắt đầu có những triệu chứng kỳ lạ – mê sảng, trầm uất, ảo giác, hoang tưởng. Theo thời gian, rốt cuộc các chuyên gia tâm lý đã tìm ra một cách lý giải: cảm giác khó ở của các du khách xuất phát từ sự chênh lệch giữa hình dung của họ về vẻ tao nhã của Kinh đô Ánh sáng với thực tế. Họ ngỡ được khám phá thế giới huyền diệu của Amélie Poulain, thế giới được ngợi ca trong những thước phim và những đoạn quảng cáo, đến nơi rồi họ mới phát hiện ra một thành phố khắc nghiệt và thù nghịch. Paris trong mộng tưởng của họ – Paris của những quán cà phê lãng mạn, của những người bán sách cũ ven sông Seine, của đồi Montmartre và của Saint-Germain-des-Prés – đã vấp phải thực tại: vẻ lem luốc, nạn móc túi, thiếu an toàn, ô nhiễm khắp nơi, những quần thể đô thị lớn xấu xí, hệ thống vận tải công cộng xuống cấp. Để nghĩ sang chuyện khác, Gaspard lấy từ trong túi áo ra nhiều tờ giấy được gập làm tư. Mô tả và ảnh chụp nhà tù mạ vàng mà người đại diện đã thuê cho anh tại quận 6. Trước kia nơi đó là xưởng vẽ của họa sĩ Sean Lorenz. Những bức ảnh quyến rũ và gieo hy vọng về một không gian mở, sáng sủa, thư thái, hoàn hảo cho cuộc marathon viết lách đang chờ đợi anh. Thường thì anh không mấy tin những bức ảnh, nhưng Karen đã thị sát nơi này và chính cô đảm bảo với anh là nó sẽ khiến anh hài lòng. Và thậm chí còn hơn thế ấy chứ, cô còn nói thêm, vẻ bí hiểm. Dẫu sao anh cũng phải tới đó thật nhanh. Anh kiên nhẫn chờ thêm hơn mười lăm phút nữa mới được một nhân viên hải quan thuận tình ngó đến hộ chiếu của anh. Mặt mũi khó đăm đăm, gã này không xin chào chẳng cảm ơn cũng không đáp lại câu chúc ngày mới tốt lành của anh khi trả lại anh giấy tờ tùy thân. Lại lúng ta lúng túng như gà mắc tóc trước những tấm biển chỉ dẫn. Gaspard đi nhầm hướng nên phải quay trở lại. Dòng thác lũ những cầu thang máy. Cả loạt cửa tự động luôn mở ra chậm trễ. Anh vội vã vượt qua thảm băng chuyền trả hành lý. Tạ ơn Chúa, anh chưa mất nhận thức đến mức ký gửi hành lý. Lúc này, anh không còn cách lối ra của địa ngục bao xa. Anh cố sức tách khỏi đám huyên náo hiếm thấy đang làm tắc nghẽn sảnh đến, rẽ đám đông, xô nhào một cặp đôi đang ôm hôn nhau, bước qua những hành khách đang nằm ngủ vạ vật dưới sàn. Nằm gọn trong tầm ngắm của anh, cánh cửa quay bên trên gắn tấm biển “Lối ra – Taxi” đang cụ thể hóa màn kết khổ hình của anh. Thế đấy, chỉ thêm vài mét nữa là anh được giải thoát khỏi cơn ác mộng này. Anh sẽ lên một chiếc taxi, đeo tai nghe rồi để trí óc được đào thoát bằng cách lắng nghe tiếng dương cầm của Brad Mehldau và tiếng contrebasse của Larry Grenadier. Rồi, ngay chiều nay, anh sẽ bắt tay vào viết và anh… Cơn mưa như tạt gáo nước lạnh vào niềm hào hứng trong anh. Những luồng nước như máng xối giội ào ào xuống mặt đường rải nhựa. Một bầu trời xám xịt. Một vẻ âm u ảm đạm và bầu không khí thì như nhiễm điện. Phía chân trời chẳng thấy bóng dáng chiếc taxi nào. Thay vào đó là những chiếc xe của cảnh sát trật tự và các hành khách đang ngơ ngác. – Xảy ra chuyện gì vậy? anh hỏi một nhân viên phụ trách hành lý đang điềm nhiên hút thuốc gần một cây gạt tàn. – Anh không biết gì sao? Đang có đình công đó, thưa anh. 2. Cùng thời điểm đó, tại ga Bắc, Madeline Greene đang xuống khỏi tàu Eurostar chuyến 9 giờ 47 khởi hành từ London. Những bước chân đầu tiên của cô trên đất Pháp khá ngập ngừng, cô gái thấy khó lòng thích nghi được với hoàn cảnh. Đôi chân cô nặng trĩu, run run. Thêm vào cơn mệt mỏi là cảm giác chóng mặt, nôn nao đến ám ảnh và những cơn trào ngược dịch vị đang nung đốt thực quản cô. Bác sĩ đã cảnh báo cô những tác dụng phụ của quá trình điều trị này mà vô ích, cô vẫn không hình dung mình sẽ trải qua dịp Giáng sinh trong tình trạng sức khỏe èo uột như vậy. Chiếc va li cô đang kéo lê đằng sau như nặng cả tấn. Biến dạng, bị khuếch đại, âm thanh những bánh xe lăn trên mặt đường bê tông đang vang vọng trong đầu và cào nát sọ cô, gia tăng cơn đau nửa đầu tra tấn cô kể từ khi thức giấc. Madeline dừng phắt lại để kéo kín khóa chiếc áo khoác dáng ngắn chất liệu da lót lông cừu. Tuy đang vã mồ hôi như tắm, nhưng cô thốt rùng mình. Cô thở dốc, và có lúc ngỡ mình sắp xỉu đến nơi, nhưng cô đã tìm lại được chút sức lực để tới cuối sân ga, như thể không khí náo nhiệt bao trùm nơi này kích thích cô và kết nối cô hầu như tức khắc với cuộc sống. Bất chấp tiếng tăm không lấy gì làm tốt đẹp của ga Bắc, Madeline vẫn bị nơi này quyến rũ. Ở nơi những người khác nhìn thấy cảnh hỗn loạn và nỗi sợ hãi thì cô lại nhận ra sự tập trung năng lượng thô mộc và dễ lây lan. Một tổ ong thường xuyên biến động thì đúng hơn là chốn tụ tập đám người tật nguyền ăn xin thoắt ẩn thoắt hiện. Hàng nghìn sinh mệnh, số phận đang giao thoa, dệt nên tấm mạng nhện khổng lồ. Một dòng chảy xiết khiến người ta ngất ngư, một dòng chảy ồ ạt cần phải biết cách chế ngự để khỏi chết đuối. Nhất là đối với cô, nhà ga này có vẻ như một sân khấu kịch có sự tham gia của hàng nghìn diễn viên: du khách, dân ngoại ô, doanh nhân, lũ vô lại, cảnh sát tuần tra, người bán hàng rong, bọn bán lẻ ma túy, nhân viên quán cà phê và các hàng quán xung quanh… Khi quan sát thế giới thu nhỏ bên dưới mái vòm kính lớn, Madeline nghĩ tới một trong những quả cầu tuyết mà mỗi lần đi du lịch về bà cô thường tặng cho cháu gái. Một quả cầu vĩ đại, ồn ã, không có những vảy trang kim bằng nhựa và nứt rạn dưới sức nặng của số đông. Cô cuốc bộ ra sân trước nhà ga để rồi được đón tiếp bởi một trận cuồng phong, về mặt thời tiết, còn tệ hại hơn cả London: trận mưa nặng hạt, bầu trời nhớp nhúa, bầu không khí nóng ẩm đến khó chịu. Đúng như Takumi đã thông báo với cô, vài chục chiếc taxi đang tắc nghẽn ở lối vào ga. Chẳng xe buýt hay ô tô nào có thể nhận hành khách lên xe nên đành trả đám khách bộ hành về với cảnh khổ cực của họ. Trước máy quay truyền hình, những bộ não đang bừng bừng giận dữ: những người bãi công và người sử dụng dịch vụ diễn lại cái màn muôn thuở được báo chí và các kênh thông tin yêu thích. Madeline vội đi vòng qua nhóm người này. Tại sao mình lại không nghĩ đến việc mang theo một cái ô nhỉ? cô nguyền rủa bản thân trong lúc sang đường đi về hướng đại lộ Magenta. Vì đi bộ quá sát lề đường, cô đã bị bùn bắn lên người khi một chiếc ô tô chạy ngang qua vũng nước. Ướt sũng và tức điên, cô xuôi xuống phố Saint-Vincent-de-Paul tới tận lối vào giáo xứ. Ở đó, Takumi đã có mặt đúng hẹn, ngồi sau tay lái một chiếc xe van nhỏ đang đỗ hàng đôi. Chiếc Estafette sặc sỡ của cậu ta được trang trí bằng một dòng chữ vui mắt đối lập với vẻ âm u của khung cảnh xung quanh: “Khu vườn Kỳ diệu – Cửa hàng hoa – số 3 bis, phố Delambre – 75014 Paris”. Thoạt trông thấy cậu ta, Madeline ra sức vẫy tay rồi nhao vào bên trong khoang lái. – Hello, Madeline, chào mừng tới Paris! anh chàng chủ tiệm hoa chào đón cô, đoạn chìa cho cô một chiếc khăn mặt. – Xin chào, anh bạn, gặp cậu tôi vui quá! Cô vừa lau khô tóc vừa chăm chú quan sát chàng trai trẻ người Á. Takumi có mái tóc cắt ngắn, mặc chiếc vest nhung tăm và quàng khăn lụa. Đỉnh đầu tròn vo của cậu ta đội chiếc mũ lưỡi trai ca rô chất flannel, để lộ hai vành tai nhỏ vểnh lên khiến cậu ta trông giống một chú chuột nhắt. Khuôn mặt cậu ta bị vạch ngang bởi hàng ria mép lún phún gần giống ria mép của một cậu thiếu niên vừa dậy thì hơn là của Thomas Magnum. Takumi chẳng già đi chút nào kể từ khi cô rời Paris, nhượng lại cho cậu ta cửa hàng hoa xinh xắn nơi chính cô đã tuyển cậu ta vào làm vài năm về trước. Nhân vật thám tử tư của xê ri phim truyền hình Mỹ Magnum, P.I. nổi tiếng vào những năm 1980. (Mọi chú thích không có lưu ý gì thêm là của người dịch.) – Cậu thật tử tế khi tới đón tôi, cảm ơn nhé, Madeline nói trong lúc cài dây an toàn. – Có gì đâu, hẳn là hôm nay chị đã phải vất vả một phen với chuyện tàu xe rồi. Anh chàng chủ tiệm hoa vào số rồi tiến vào phố Abbeville. – Như chị thấy đó, kể từ khi chị đi đất nước này chẳng có gì thay đổi, cậu ta khẳng định trong lúc chỉ vào nhóm người biểu tình. Thậm chí càng ngày mọi chuyện lại càng thê thảm hơn… Hai thanh gạt nước của chiếc Renault cũ kỹ khó khăn lắm mới dẹp được những dòng nước mưa đang chảy tràn trên kính chắn gió. Bất chấp cơn buồn nôn đang tấn công lần nữa, Madeline cố gắng gợi chuyện: – Vậy cuộc sống cậu thế nào? Cậu không đi nghỉ Giáng sinh hả? – Phải đến cuối tuần sau cơ. Bọn em sẽ lên đường đi đón năm mới cùng gia đình Marjolaine. Bố mẹ cô ấy có một nhà máy rượu ở Calvados. – Nếu cậu vẫn uống kém như trước thì chuyện này nghe có vẻ hứa hẹn đấy! Gương mặt anh chàng chủ tiệm hoa chuyển sang đỏ tía. Cái cậu Takumi này vẫn nhạy cảm như thế đấy, Madeline thích thú ngắm nhìn cảnh vật như đang hóa lỏng qua cửa kính xe. Chiếc xe van nhỏ đã tới đại lộ Haussmann và đi tiếp năm trăm mét nữa trước khi rẽ sang phố Tronchet. Bất chấp cơn mưa như trút, bất chấp tác động từ bầu không khí xã hội tệ hại, Madeline hài lòng khi có mặt ở đây. Cô vẫn thích sống tại Manhattan, nhưng ở đó cô không thể thu nhận được thứ năng lượng mạo xưng mà một vài cô bạn hết lời ca ngợi. Thực ra, New York khiến cô kiệt sức. Thành phố cô tôn sùng vẫn luôn là Paris, bởi đó chính là nơi cô đã quay trở lại để băng bó những vết thương của mình. Cô đã sống tại đây suốt bốn năm trời. Không nhất thiết là những năm tháng tươi đẹp nhất, nhưng dẫu sao cũng là những năm tháng quan trọng nhất: những năm tháng phục hồi, tái thiết, tái sinh. Cho đến năm 2009, cô làm việc ở Anh, trong đội cảnh sát hình sự Manchester. Tại đó, một cuộc điều tra kinh khủng do cô phụ trách – vụ Alice Dixon – khiến cô mệt nhoài và buộc phải ra khỏi ngành. Thất bại này khiến cô mất đi mọi thứ: nghề nghiệp, sự tôn trọng của các đồng nghiệp, lòng tự tin. Đến Paris, cô mua lại một tiệm hoa nhỏ rồi làm lại cuộc đời trong khu phố Montparnasse, xa khỏi những cuộc điều tra án mạng hay trẻ em mất tích. Cuộc sống yên ổn hơn ấy thêm lần nữa có bước ngoặt căn bản khi một cuộc gặp gỡ đã hướng cô vào một hướng điều tra bất ngờ và cho phép Madeline tiếp tục cuộc điều tra từng phá nát cuộc đời mình. Cuối cùng, vụ Alice Dixon đã có được kết cuộc mỹ mãn tại New York. Hoàn cảnh dẫn tới thành công này đã cho cô cơ hội bước vào cơ quan hành chính của WITSEC, chương trình bảo vệ nhân chứng liên bang. Cô đã nhượng lại cửa hàng hoa của mình cho Takumi rồi bay tới New York. Một năm sau, NYPD – Sở Cảnh sát New York – đề xuất với cô vị trí làm cố vấn trong cơ quan chuyên trách xử lý những vụ án đã bị xếp lại. Nhiệm vụ của Madeline là mang đến cái nhìn mới mẻ cho một số vụ điều tra cũ chưa có kết quả. Dạng công việc có lẽ sẽ khiến người ta hưng phấn trong bộ phim truyền hình dài tập hoặc trong một tiểu thuyết trinh thám của Harlan Coben, nhưng trên thực tế hóa ra chỉ là một công việc bàn giấy hết sức nhàm chán. Suốt bốn năm, Madeline không đi thực địa một lần nào. Cô cũng không cho mở lại được bất kỳ cuộc điều tra nào. Cơ quan mà cô trực thuộc không đủ khả năng tài chính và luôn vấp phải thói quan liêu hẳn sẽ khiến chính quyền Pháp phải đỏ mặt vì còn thua xa. Toàn bộ các phân tích ADN nếu muốn đề xuất đều cần phải điền đầy đủ hàng tập mẫu khai in sẵn, hay muốn xin bất cứ giấy phép gì để thẩm vấn một nhân chứng cũ hoặc tiếp cận một vài tài liệu trong trình tự tố tụng cũng đòi hỏi cả đống thủ tục giấy tờ khiến người ta phát điên rồi đa phần đều vấp phải một lời từ chối dứt khoát từ phía FBI vốn đang ngồi chiếu trên trong những cuộc điều tra hình sự thú vị nhất. Xem tiểu thuyết Cuộc gọi từ thiên thần của cùng tác giả. Rốt cuộc, cô đã rời bỏ công việc này không chút tiếc nuối để quay về Anh sinh sống. Thậm chí cô còn trách cứ bản thân vì đã chơi trò gia hạn lâu la đến thế. Bởi lẽ kể từ khi Jonathan Lempereur – người đàn ông mà cô từng yêu và theo đuổi ở Manhattan – quay về bên vợ, chẳng còn điều gì thực sự níu giữ cô ở lại Mỹ nữa. – Marjolaine và em đang chờ đón em bé vào mùa xuân tới, anh chàng chủ tiệm hoa bỗng tâm sự. Tiết lộ này kéo Madeline ra khỏi dòng suy tư. – Tôi… tôi rất mừng cho cậu, cô ấp úng trong lúc cố gắng thể hiện niềm vui qua giọng nói. Nhưng phản ứng của cô vẫn có vẻ giả dối. Đến nỗi Takumi nói lảng luôn sang chuyện khác: – Chị vẫn chưa nói em biết cơn gió nào đưa chị tới Paris, Madeline? – Đủ thứ chuyện ấy mà, cô đáp giọng thoái thác. – Nếu chị muốn đến nhà dự bữa tối Giáng sinh cùng bọn em thì chị luôn được hoan nghênh nhé. – Cậu tử tế quá, nhưng tôi không muốn làm vậy. Đừng giận tôi nhé, tôi thực sự cần được ở một mình. – Chị muốn sao cũng được mà. Im lặng lại bao trùm. Nặng nề. Madeline không gợi chuyện nữa. Dán mũi vào cửa kính xe, cô đang cố gắng tái thích nghi, nỗ lực gắn mỗi địa điểm với một ký ức về cuộc sống của mình tại Paris. Quảng trường Madeleine khiến cô nhớ tới một cuộc triển lãm tác phẩm của danh họa Dufy tại bảo tàng tranh; con phố Royale nhắc cô nhớ tới một quán rượu có món ragu thịt bê ngon bá cháy; cây cầu Alexandre-III gắn liền với vụ tai nạn cô đã gặp phải vào một ngày mưa khi đang lái mô tô… – Chị đi công chuyện à? Takumi gặng hỏi. – Dĩ nhiên rồi, cô nói dối. – Mà dạo gần đây chị có gặp lại Jonathan không? Đừng có xía mũi vào chuyện của người khác như thế chứ! – Được rồi, màn tra hỏi của cậu kết thúc chưa nhỉ? Báo để cậu biết, tôi mới là cảnh sát đấy nhé. – Nói cho đúng ra thì chị đâu còn là cảnh sát nữa, theo như em được biết… Cô thở dài. Anh chàng vụng về này thực sự bắt đầu khiến cô bực mình. – OK, tôi sẽ thẳng thắn nhé, cô nói; tôi muốn cậu dừng ngay những câu hỏi của cậu lại. Cậu là nhân viên học việc của tôi và tôi đã nhượng lại cửa hàng cho cậu, chuyện đó không cho cậu cái quyền được tra hỏi tôi về cuộc sống riêng đâu! Trong khi chiếc xe van nhỏ của Takumi băng qua quảng trường phía trước điện Invalides, anh chàng liếc sang Madeline. Cô vẫn giống như cậu từng biết với tính cách bộc trực, chiếc áo khoác da rộng dáng ngắn, những lọn tóc vàng và kiểu đầu vuông hơi old school. Vẫn đang giận dữ, Madeline hạ cửa kính xe rồi châm một điếu thuốc. – Chị vẫn hút thuốc sao, không đùa đấy chứ? anh chàng chủ tiệm hoa quở trách. Chị chẳng biết điều chút nào. – Cẩn thận cái miệng cậu, cô đáp đoạn nhả một cuộn khói về phía Takumi để khiêu khích cậu. – Không! Không phải trong xe em! Em không muốn xe mình sặc mùi thuốc lá đâu! Madeline tranh thủ lúc chiếc Estafette vừa dừng chờ đèn đỏ để vơ lấy va li rồi mở cửa xe. – Nhưng… Madeline, chị đang làm gì vậy? – Tôi đã qua cái tuổi phải nhận những bài học đạo đức ba xu rồi. Tôi đi bộ tiếp đây. – Không, chờ đã, chị… Cô đóng sập cửa xe rồi sải từng bước dài, một mình, trên vỉa hè phố Grenelle. Trời vẫn đang mưa như trút nước. 3. – Đình công ư? Gaspard lầm bầm. Đình công gì thế? Vẻ cam chịu số mệnh an bài, nhân viên phụ trách hành lý nhún vai rồi phác một cử chỉ mơ hồ. – Dào ôi, như mọi khi ấy mà, anh thừa biết rồi đấy… Để tự bảo vệ mình trước trận mưa xối xả, Gaspard khum bàn tay thành vành chắn che mặt. Dĩ nhiên, anh đã không nghĩ đến chuyện mang theo một chiếc ô. – Vậy là không có taxi sao? – Lấy đâu ra. Anh có thể thử đi tàu RER tuyến B, nhưng chỉ có một phần ba số tàu hoạt động thôi. Thế đấy, thà chết còn hơn. – Còn xe buýt thì sao? – Tôi chẳng rõ đâu, người nhân viên nhăn mặt, đoạn rít nốt hơi thuốc cuối cùng. Gaspard bực bội quay vào bên trong sảnh sân bay. Anh lật trang tờ Người Paris số ra cùng ngày trong một quầy Relay. Nhan đề thật hùng hồn: “Tắc nghẽn quy mô lớn”. Tài xế taxi, công nhân đường sắt, nhân viên Công ty quản lý giao thông công cộng Paris, kiểm soát viên không lưu, tiếp viên hàng không, tài xế xe tải, công nhân bốc vác, nhân viên bưu điện, lao công: tất cả đã đồng tâm hiệp lực cam đoan sẽ khiến đất nước tê liệt nếu chính phủ không rút lại một văn bản luật gây nhiều tranh cãi. Bài báo nói rõ có thể sắp diễn ra những cuộc đình công khác và do việc phong tỏa những nhà máy lọc dầu thì từ giờ đến một vài ngày nữa nước Pháp có khả năng thiếu xăng dầu. Họa vô đơn chí, sau khi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài không dứt lên mức đỉnh điểm hồi đầu tháng, giờ đến lượt sông Seine phải hứng chịu trận lũ lịch sử. Lụt lội lan khắp Paris, càng khiến cho tình hình giao thông trở nên phức tạp. Gaspard dụi mắt. Vẫn cái điệp khúc nhàm tai mỗi lần mình đặt chân tới đất nước này… Cơn ác mộng tiếp diễn, nhưng dần dà cảm giác chán nản lấn át cơn giận dữ. Biết làm gì đây? Nếu có trong tay một chiếc điện thoại di động, anh đã có thể gọi cho Karen để cô tìm ra một giải pháp. Có điều Gaspard chưa bao giờ muốn dùng điện thoại di động. Cũng giống như việc anh không có máy tính, máy tính bảng hay địa chỉ thư điện tử và cũng chẳng bao giờ truy cập Internet. Có phần ngô nghê, anh bắt đầu tìm kiếm một ca bin điện thoại trong đại sảnh cảng hàng không, nhưng dường như chúng cũng đã tuyệt chủng cả rồi. Những chiếc xe buýt là tia hy vọng cuối cùng của anh. Anh ra ngoài và tìm một nhân viên để hỏi thăm thông tin nhưng vô ích, anh mất đến mười lăm phút mới hiểu ra hoạt động tinh vi của những tuyến xe khách Air France khác nhau, rồi phát bực vì tận mắt chứng kiến hai chiếc xe buýt rời bến, chiếc nào chiếc nấy đông nghẹt không thể nhận thêm hành khách nào nữa. Sau nửa giờ đồng hồ tiếp tục chờ đợi, và trong khi cơn mưa rào càng nặng hạt hơn, rốt cuộc anh đã có thể leo lên một chiếc xe buýt. Chẳng còn chỗ ngồi, không – đừng nên mơ mộng thế chứ – nhưng ít nhất anh cũng đi đúng tuyến: tới ga Montparnasse. Bị nhồi nhét như cá đóng hộp, nước mưa rỏ giọt tong tỏng, đám hành khách nhẫn nhịn chịu đựng. Siết chặt túi xách vào người, Gaspard nghĩ tới định nghĩa của Dostoyevsky về con người: “một sinh vật quen với mọi thứ”. Với việc bị giẫm nghiến chân, bị xô đẩy, bị người ta hắt hơi vào tận mặt, mướt mồ hôi cùng những người xa lạ trong một nơi ngột ngạt, cùng bám vào một thanh kim loại đầy vi khuẩn vi trùng… Lại một lần nữa anh toan bỏ cuộc và rời khỏi Pháp, nhưng rồi lại an ủi bản thân bằng cách tự nhủ khổ hình của mình sẽ không kéo dài quá một tháng. Nếu có thể viết xong vở kịch đúng hạn định, thì chưa đầy năm tuần lễ nữa anh sẽ lại lên đường tới Hy Lạp nghỉ ngơi dịp cuối đông và đầu xuân, ở đó anh có một chiếc thuyền buồm đang neo trên đảo Sifnos. Tiếp theo là sáu tháng lênh đênh giữa quần đảo Cyclades, sống ở chế độ ảnh hưởng qua lại với các yếu tố môi trường trong sự bùng nổ về cảm giác và màu sắc: màu trắng chói lóa của mặt trời trên lớp vôi tường, màu xanh cô ban của bầu trời, chiều sâu lam ngọc của biển Aegean. Ở Hy Lạp, Gaspard hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên, cây cỏ và những mùi hương trong một dạng hợp nhất theo thuyết phiếm thần. Sau khi đã say sưa với không khí biển, anh tan chảy vào truông, men theo những bức tường đá khô, thích thú với mùi húng tây, hoa xôn xanh, mùi dầu ô liu và mực nướng. Một niềm hạnh phúc kéo dài cho tới giữa tháng Sáu. Khi đám du khách bắt đầu gây hoại thư những hòn đảo, anh chạy trốn về đất Mỹ, trong căn nhà gỗ của mình tại Montana. Ở đó là một lối sống khác: một cuộc trở về với thiên nhiên hoang dã nhất và khắc nghiệt nhất. Ngày tháng điểm nhịp bằng những chuyến câu cá hồi sông, những chuyến lang thang triền miên trong rừng bạch dương, quanh những ao hồ, dọc theo triền sông triền suối. Một cuộc sống đơn độc nhưng có chiều sâu, xa khỏi chứng ung thư của các thành phố và đám thị dân bạc nhược. Chiếc xe buýt nhích từng mét một trên quốc lộ A3. Thi thoảng Gaspard lại nhìn thấy qua ô cửa kính xe nhòe nhoẹt những mảng biển báo lần lượt điểm danh các thị trấn vùng ngoại ô phía Đông Bắc: Aulnay-sous-Bois, Drancy, Livry-Gargan, Bobigny, Bondy… Anh cần những chuyến lặn dài lâu ấy, một mình trong thiên nhiên, để tự gột rửa, để rửa sạch vết lở loét của văn minh. Bởi lẽ bấy lâu nay, Gaspard Coutances đang chiến đấu chống lại sự biến động và hỗn loạn của một thế giới đang tiến dần đến sự diệt vong. Một thế giới tứ bề rạn nứt mà anh không còn hiểu được nữa. Vốn thuộc típ ghét người chân chính, anh cảm thấy gần gũi với lũ gấu, chim săn mồi và rắn hơn là với những kẻ tự nhận là anh em đồng loại của mình. Và anh hãnh diện vì đã ly khai với cái thế giới anh căm ghét. Hãnh diện vì có thể sống phần lớn thời gian bên ngoài xã hội cùng những quy tắc của nó. Tương tự, anh không còn bật ti vi kể từ hai mươi lăm năm nay, hầu như tảng lờ hết thảy mọi thứ trên Internet và chạy một chiếc Dodge xuất xưởng cuối thập niên 1970. Cuộc sống ẩn dật của anh bắt nguồn từ một kiểu chủ nghĩa khổ hạnh kiên quyết, nhưng không triệt để. Thi thoảng khi thời cơ xuất hiện, anh tự cho phép mình làm một chuyện điên rồ. Có khi anh rời bỏ những ngọn núi hay hang ổ của mình ở Hy Lạp rồi đáp máy bay đi nghe hòa nhạc của Keith Jarrett tại Juan-les-Pins, dự triển lãm tranh của Bruegel tại Rotterdam hoặc một buổi trình diễn Tosca trong đấu trường Verona. Thế rồi một tháng viết lách tại Paris này như đã nói ở trên. Sau một năm âm thầm nung nấu đến độ chín muồi vở kịch của mình, anh ngồi vào bàn làm việc mười sáu tiếng mỗi ngày. Mỗi lần như thế anh lại nghĩ mình đang bí ý tưởng, bí cảm hứng, bí khao khát, nhưng lần nào cũng vậy, một quy trình bí ẩn lại diễn ra. Những từ ngữ, những tình tiết, những lời thoại, những câu ứng đối tuôn ra dưới ngòi bút của anh rồi khớp lại thành một tổng thể chặt chẽ, theo một lối viết đanh gọn chứ không thống thiết giả tạo. Vở nhạc kịch ba hồi của soạn giả nổi tiếng Giacomo Puccini được Luigi Illica và Giuseppe Giacosa viết lời. Tác phẩm là sự kết hợp giữa âm nhạc làm mê đắm cả thế giới của Puccini và những thuật họa sống động về đòn tra tấn, ám sát và tự tử, tác phẩm này còn khơi nguồn cho biết bao màn trình diễn khó phai của những ca sĩ opera hàng đầu. Đến nay, những vở kịch của anh đã được dịch ra gần hai mươi thứ tiếng và được trình diễn trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng năm ngoái, gần mười lăm sáng tác đã được dàn dựng ở châu Âu và Mỹ. Một trong những vở kịch mới nhất của anh, Ghost Town, đã được công diễn tại Schaubühne, nhà hát huyền thoại của Berlin, và được đề cử giải Tony Awards. Những câu chuyện anh viết đặc biệt làm hài lòng giới báo chí thông thái chuyên luận giải quá đà và đánh giá hơi quá cao tác phẩm của anh. Gaspard không bao giờ xem trình diễn những vở kịch của mình, cũng không bao giờ trả lời phỏng vấn. Ban đầu, Karen hơi lo ngại về lựa chọn không xuất hiện trước các phương tiện thông tin đại chúng này, nhưng cô đã biết lợi dụng sự giữ kẽ này để tạo nên một “Gaspard Coutances bí ẩn”. Rốt cuộc, anh càng ít nỗ lực thì báo chí lại càng ra sức tán tụng anh. Họ so sánh anh với Kundera, với Pinter, với Schopenhauer, với Kierkegaard. Gaspard không ham thích gì những lời khen ngợi ấy bởi anh luôn nghĩ rằng thành công này bắt nguồn từ một sự hiểu lầm. Sau trạm dừng Bagnolet, xe buýt chôn chân trên đường vành đai trước khi tiến vào kè Bercy rồi tới tận ga Lyon. Đến đây, chiếc xe lại dừng một lúc lâu, đủ thời gian để phân nửa số hành khách xuống xe rồi lại nhằm thẳng hướng Tây. Mọi vở kịch của Gaspard đều được tưới tắm trong cùng một thứ đất mùn: đất mùn của tính phi lý và bi kịch cuộc đời, đất mùn của nỗi cô đơn gắn liền với thân phận con người. Chúng chưng cất sự kinh tởm của Gaspard đối với cơn điên loạn của thời đại anh sống và không hề biết đến những ảo tưởng, chủ nghĩa lạc quan, những cảm xúc tích cực và các kiểu happy end. Ấy vậy mà, mặc dù đều bất đắc chí và tàn khốc nhưng vở kịch nào của anh cũng khôi hài. Dĩ nhiên không phải kiểu Pouic-Pouic, Chuồng nhốt bọn điên hay Ở nhà hát tối nay, mà đó là những vở kịch sắc sảo và sôi nổi. Như Karen thường nói, chúng khiến khán giả có cảm tưởng mình có thể được tự do, còn giới phê bình thì tưởng như mình thông thái. Có lẽ điều đó giải thích vì sao công chúng hâm mộ tác phẩm của anh còn những diễn viên ngôi sao thì tranh giành nhau để được trình diễn những kịch bản gay gắt của anh. Xe buýt vừa đi qua sông Seine. Đại lộ Arago, những màn trang trí mùa Giáng sinh buồn tẻ và trơ trụi khiến Gaspard nhớ ra anh căm ghét quãng thời gian này xiết bao cùng thứ mà dịp lễ này đã biến tướng thành: thuần túy là một bãi nôn tầm thường mang tính thương mại. Rồi chiếc xe dừng khựng lại ở quảng trường Denfert-Rochereau ngay trước lối vào khu hầm mộ. Xung quanh tượng đồng Sư tử Belfort, một nhóm nhỏ người biểu tình đang vẫy những lá cờ mang màu của Tổng Liên đoàn Lao động CGT, của Sức mạnh Công nhân FO và của Liên minh Công đoàn Hợp nhất FSU. Tài xế hạ cửa kính xe nói chuyện với một cảnh sát đang điều tiết giao thông. Căng tai nghe ngóng, Gaspard hiểu rằng đại lộ Maine cũng như toàn bộ các lối vào tháp Montparnasse đã tắc nghẽn. Những cánh cửa lên xuống xe mở ra như tiếng giác mút. – Bến cuối rồi, mọi người xuống hết đi nhé! tài xế thông báo bằng giọng thích thú khi bỏ mặc hành khách của mình trong thảm cảnh. Bên ngoài, cơn dông càng dữ dội hơn. 4. Do đình công và những địa điểm xử lý rác thải bị phong tỏa, Paris oằn mình dưới rác rưởi. Hàng núi rác chất đống trước các nhà hàng, lối vào các tòa nhà và mặt tiền các cửa hàng. Thậm chí một vài du khách, vừa bực bội, ghê tởm vừa giận dữ, đã chụp vài bức ảnh selfie đầy mỉa mai trước những công ten nơ ngập tràn rác. Dưới màn mưa quất xuống đường, Madeline ngược lên đầu phố Grenelle, kéo theo chiếc va li gắn bánh xe và thấy dường như cứ đi được một trăm mét nó lại nặng thêm một kí lô. Vốn kiên cường gan dạ, cô đã quyết không để mình bị hạ gục. Hòng tiếp thêm can đảm cho bản thân, cô thầm lập ra trong đầu kế hoạch cho những ngày tiếp theo. Những chuyến đi dạo trên đảo Saint-Louis, một vở nhạc kịch tại Châtelet, một vở kịch ở Édouard-VII, triển lãm Hergé tại Grand Palais, xem phim Manchester by the Sea ở rạp và dăm ba nhà hàng nhỏ, một thân một mình… Cô cần kỳ nghỉ này diễn ra thật suôn sẻ. Cô đã tới đây với hy vọng được nghỉ ngơi và tìm lại chính mình. Cô gán cho thành phố này kiểu tính năng thần diệu ấy. Cô tiếp tục bước đi, cố gắng không nghĩ đến thủ thuật mà bản thân sẽ phải trải qua trong những ngày tiếp theo. Cô vừa đi hết phố Bourgogne thì cơn mưa bỗng tạnh. Khi tới phố Cherche-Midi, thậm chí một tia nắng yếu ớt còn le lói xuất hiện, trả lại cho cô nụ cười. Cô lục tìm trong chiếc điện thoại thông minh của mình để mở thư của sàn bất động sản nơi cô đã chọn thuê nhà. “Một căn hộ tại Paris”: đó là dòng chữ cách đây một tháng cô đã nhập vào thanh công cụ tìm kiếm khi bắt tay đi tìm chỗ ở. Sau vài chục cú nhấp chuột và nửa giờ lướt mạng, cô đã hạ cánh xuống trang web của một hãng bất động sản chuyên cho thuê những “mặt hàng” đặc biệt. Căn nhà vượt quá xa ngân sách của cô, nhưng nó đã khiến Madeline thích tới mức cô không nghĩ đến chuyện sống ở đâu khác. Vì sợ để vuột mất nó, Madeline đã rút ngay thẻ tín dụng ra thanh toán tiền đặt chỗ. Trong thư xác nhận cùng lúc xuất hiện địa chỉ cụ thể và mật mã mở khóa vào nhà. Theo chỉ dẫn, ngôi nhà nằm trong ngõ Jeanne-Hébuterne, một ngõ cụt bị chặn ngang bởi cánh cổng sắt nằm ngay đối diện nhà hàng Chez Dumonet. Madeline đã nhận ra cánh cổng tróc sơn, rồi mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại, cô bấm bốn con số cho phép mở khóa cổng. Đóng cánh cổng lại sau lưng, Madeline lọt ngay vào một ngôi đền cũ kỹ. Thoạt tiên cô cảm nhận được màu xanh – kim ngân, tre trúc, những khóm nhài, mộc lan – và những cây nhỡ – cam Mexico, tiên nữ Nhật, hoa bướm – đã biến nơi này thành một hộp nữ trang thôn dã và điền viên cách xa sự thô nhám của thành phố cả nghìn dặm. Thế rồi, khi tiến bước trên những phiến gạch lát, cô phát hiện ra một cụm bốn ngôi nhà nhỏ. Những căn nhà một tầng có vườn rau bao quanh, các mặt tiền khuất sau giàn thường xuân và lạc tiên. Ngôi nhà cô thuê nằm ở cuối ngõ. Nó chẳng có gì liên quan với những ngôi nhà khác. Nhìn từ bên ngoài, đó là một khối bê tông cốt thép hình lập phương được nhấn nhá bằng một mảng tường gạch xen kẽ hai màu đỏ và đen. Madeline bấm một mật mã nữa để mở cánh cửa thép dày bên trên có gắn một dòng chữ mảnh bằng sắt rèn: “Cursum Perficio”. Ngay khi cô lọt vào tiền phòng, điều gì đó đã xảy ra: một cảm giác kinh ngạc đến thán phục không khác mối tình sét đánh là bao. Một sự choáng ngợp chạm đến tim cô. Ở đâu ra cái cảm giác thoải mái như đang ở nhà mình này nhỉ? Cái ấn tượng hòa hợp không thể định nghĩa này? Từ sự xếp đặt những cuốn sách này chăng? Từ những ánh phản chiếu màu nâu đỏ của ánh sáng tự nhiên chăng? Từ sự đối lập với không khí hỗn loạn đang bao trùm bên ngoài kia ư? Madeline vẫn luôn mẫn cảm với những món đồ nội thất. Suốt một thời gian dài, thậm chí đó còn là một yếu tố cấu thành nghề nghiệp của cô: khiến những nơi chốn phải lên tiếng. Nhưng lúc bấy giờ những nơi chốn cô thường gặp lại có nét đặc thù là các hiện trường tội ác… Cô đặt va li của mình vào một góc sảnh rồi thong thả dạo một lượt khắp các phòng. Cursum Perficio là một ngôi nhà kiêm xưởng vẽ của thập niên 1920, được trùng tu một cách hoàn hảo, dàn trải trên ba tầng nhà xung quanh một khoảng sân trong xanh mơn mởn. Ở tầng trệt là một căn bếp trông ra phòng ăn và một phòng khách rộng rãi trống trơn. Men xuống cầu thang gỗ mộc, người ta sẽ đến với một mặt sàn dạng vườn-trệt, được chia thành hai phòng ngủ trông ra đài phun nước có các cây dây leo bao phủ. Còn toàn bộ diện tích tầng hai dành cho một xưởng vẽ rộng thênh thang, một phòng ngủ với khu vệ sinh khép kín. Vẫn bị hớp hồn, Madeline cứ đứng ngây ra như thế trong xưởng vẽ suốt nhiều phút liền, ấn tượng mạnh với những khung cửa gỗ cao hơn bốn mét trông ra bầu trời và những ngọn cây. Trong phần mô tả do sàn bất động sản cung cấp, cô đã đọc thấy rằng ngôi nhà này từng thuộc về họa sĩ Sean Lorenz. Quả nhiên, xưởng vẽ trông như nguyên trạng mà họa sĩ để lại với nền nhà phủ chi chít những vệt màu, các giá vẽ và khung tranh đủ kích cỡ, những tấm toan trắng tinh được cất trong các ngăn tủ. Và khắp nơi là những lọ màu, bàn chải, cọ vẽ, bình xịt sơn. Khó khăn lắm cô mới rời được xưởng vẽ. Thật ngây ngất và bối rối khi vận động trong không gian riêng tư của người họa sĩ. Quay về phòng khách, cô mở cánh cửa kính dẫn ra sân hiên. Ở đó, cô được đắm chìm trong hương thơm ngất ngây của các loài hoa mọc trên sân và môi cô hé nở nụ cười khi lặng ngắm hai chú oanh cổ đỏ đang bay lượn gần một máng ăn gắn trên tường. Ta đang ở nông thôn thì đúng hơn là ở Paris! Đây là điều cô sẽ làm: tắm bồn rồi ra ngồi trên sân hiên cùng một tách trà và một cuốn sách hay! Ngôi nhà này đã giúp cô tìm lại được nụ cười. Cô đã đúng khi làm theo bản năng mà tới đây. Paris đúng là thành phố nơi mọi chuyện đều có thể xảy ra. 5. Vừa nguyền rủa cơn mưa rào, Gaspard vừa nhảy từ vỉa hè này sang vỉa hè kia, áo vest giăng bên trên đầu, túi xách cứa vào vai. Rời khỏi Denfert, anh chạy một mạch không dừng tới tận bến tàu điện ngầm Edgar-Quinet. Tiến vào phố Delambre thì anh bỗng nhận ra mình đang ở một chỗ quen. Hai năm trước, Karen đã thuê cho anh một căn hộ rộng rãi nằm ở góc đường Square Delambre. Anh còn nhớ rất rõ con phố này: ngôi trường nhỏ, khách sạn Lenox, Khu vườn kỳ diệu với mặt tiền trang trí đầy hoa cũng như những nhà hàng nơi anh đã có lần tới dùng bữa: Sushi Gozen và Bistrot du Dôme. Cuối cùng trời cũng tạnh mưa khi anh tới đại lộ Montparnasse. Gaspard tranh thủ mặc lại áo vest và lau kính. Có tiếng la ó ồm ồm không rõ cất lên từ con phố. Những tiếng pháo, tù và, còi, còi hiệu, những khẩu hiệu chống đối chính phủ. Tuyến phố chính đông nghịt người biểu tình. Một đoàn diễu hành dài đang chờ để ùa vào phố Rennes. Gaspard nhận ra những chiếc áo gi lê màu vàng phản quang và những chiếc áo choàng màu đỏ của Tổng Liên đoàn Lao động tụ lại quanh một khinh khí cầu căng tròn và một âm thanh đốc thúc một đám đông vội vã đi tới đi lui không mục đích cụ thể. Nhà soạn kịch dấn bước vào giữa làn sóng những cờ quạt và băng rôn để nín thở tiến sang đại lộ Raspail. Nhẹ nhõm vì đã tìm lại được chút yên bình, anh tựa vào một cột đèn đường thở lấy hơi. Đứng đó, toát mồ hôi hột, anh lôi từ trong túi áo ra tờ giấy Karen gửi cho rồi đọc lại địa chỉ ngôi nhà và những chỉ dẫn để vào bên trong. Anh lại lên đường trong khi những tia nắng lấp ló đang khiến vỉa hè sáng loáng như mặt gương. Ở góc phố Cherche-Midi, mặt tiền một cửa hàng rượu vang khiến tâm trạng anh phấn chấn. Đỏ và Đen. Anh kiểm tra để biết chắc cửa hàng đang vắng khách rồi mới bước vào. Biết chính xác thứ mình muốn, anh trao đổi ngắn gọn với chủ cửa hàng rồi mười phút sau trở ra, mang theo một thùng những loại vang hảo hạng: Gevrey-Chambertin, Chambolle-Musigny, Saint Estèphe, Margaux, Saint-Julien… Rượu… Khi bắt gặp hình ảnh phản chiếu của mình trên các tủ kính bày rượu, anh thoáng nghĩ đến cảnh tượng kinh hoàng mở đầu bộ phim Leaving Las Vegas, khi nhân vật do Nicolas Cage thủ vai dừng chân trong một liquor store để chất đầy xe đẩy hàng bằng hàng chục chai rượu. Một trạm dừng chân, khúc dạo đầu cho chuyến đi xuống địa ngục tự sát. Dĩ nhiên, Gaspard còn chưa đến mức ấy, nhưng rượu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đời thường của anh. Phần lớn thời gian anh uống một mình, nhưng cũng có lúc anh say những trận nhớ đời trong những quán rượu tồi tàn ở Columbia Falls, Whitefish hay Sifnos. Những cơn say bí tỉ cùng những gã trai thô lậu cóc cần quan tâm đến Brueghel, Schopenhauer, Milan Kundera hay Harold Pinter. Đây là thứ thuốc bổ giản tiện nhất để bít lấp những vết rạn nứt và giúp cho cuộc sống của anh đỡ phần bi thảm. Sự đồng lõa giúp anh đánh cắp từ cuộc sống dăm ba mảnh vô tư lự. Đôi khi là bạn hữu, đôi lúc là kẻ thù, rượu là lá chắn giúp anh tránh xa cảm xúc, là bộ đồ bảo hộ che chắn anh trước những phiền lo, là thứ thuốc ngủ công hiệu nhất. Anh còn nhớ câu nói của Hemingway: “Một người đàn ông thông minh đôi khi buộc phải uống để có thể sống giữa những kẻ ngu độn.” Là vậy đó. Rượu không giải quyết được triệt để vấn đề nào cả, nhưng nó ban tặng một phương cách nhất thời để chống đỡ liên minh vĩ đại của tính tầm thường, mà theo anh, đã lây nhiễm khắp nhân loại. Gaspard tỉnh táo, anh biết không thể không có chuyện kết cuộc rượu giành phần thắng. Thậm chí anh còn hình dung khá cụ thể về cách chuyện này có thể xảy ra: sẽ đến một ngày khi anh thấy cuộc đời dường như không thể chịu đựng nổi, tới mức anh không còn có thể đương đầu với nó nếu không uống rượu. Hình ảnh cái xác của chính mình đang chìm xuống những vực sâu rượu chè thoáng lướt qua tâm trí Gaspard. Anh vội xua cơn ác mộng này đi và nhận ra mình đã tới trước một cánh cổng được phủ một lớp sơn sắc xanh Phổ. Kẹp chặt thùng rượu dưới cánh tay, Gaspard bấm bốn chữ số của mã bảo vệ lối vào ngõ Jeanne-Hébuterne. Vừa tiến vào ngõ cụt nhỏ này, điều gì đó trong anh bỗng chùng lại. Anh dừng bước, hồ nghi hồi lâu khi nhìn thấy đám cây cối và dáng dấp tỉnh lẻ, gần như lỗi thời, của con ngõ nhỏ um tùm cây cối. Ở đây, thời gian dường như trôi chậm hơn nơi khác, như thể nơi này bị một múi giờ song song đi qua. Hai chú mèo ươn lười đang phơi nắng. Lũ chim kêu ríu rít trong mấy tán anh đào. Sự hỗn loạn bên ngoài bỗng chốc dường như đã lùi rất xa và người ta khó lòng tin rằng mình đang chỉ cách tháp Montparnasse khủng khiếp kia có vài trăm mét. Gaspard tiến vài bước trên những viên đá lát khấp kha khấp khểnh. Hơi lùi về sau một chút, gần như bị che khuất sau rặng cây thân gỗ, người ta thoáng thấy những ngôi nhà nhỏ bằng đá cối với mặt tường trát vữa nhám. Đằng sau những cánh cổng hoen gỉ, mặt tiền màu đất son của chúng khuất lấp sau đám dây leo thường xuân và dây leo lông chim. Sau cùng, cuối lối đi nhô lên một công trình lớn có dạng khối hình học. Một hình hộp bằng bê tông cốt thép được bao quanh bởi một dải rộng ốp kính trắng đục chạy dọc mặt tiền bằng gạch đen và đỏ phân bố dạng bàn cờ. Bên trên cánh cửa gắn một dòng chữ bằng sắt rèn: “Cursum Perficio”, tên ngôi nhà cuối cùng của Marilyn Monroe. Một bộ khóa được mã hóa chờ nhập những chữ số mới. Gaspard làm theo chỉ dẫn của Karen và từ cánh cửa bằng thép khẽ vang lên một tiếng cạch nhẹ báo hiệu đã mở chốt. Tò mò muốn khám phá bên trong, Gaspard đi qua tiền sảnh vào thẳng phòng khách. Không đẹp như trên ảnh chụp. Mà còn đẹp hơn thế. Ngôi nhà được bố trí một cách khéo léo quanh một mảnh sân trong hình chữ nhật, thêm vào đó là một khoảnh sân hiên dạng chữ L. Khỉ thật…, anh khẽ thốt lên, ngẩn người trước vẻ thanh lịch của nơi này. Toàn bộ cảm giác căng thẳng tích tụ trong anh những giờ vừa qua bỗng chốc tiêu tan. Ta đang ở đây, trong một chiều không gian khác, một không gian cùng lúc vừa thân thuộc vừa vỗ về an ủi. Thiết dụng, mời chào và thuần khiết. Anh cố gắng dành chút thời gian phân tích căn nguyên của cảm giác này, nhưng cả kiến trúc lẫn sự hài hòa về tỷ lệ đều không phải lĩnh vực mà anh thông thuộc các quy tắc. Thông thường thì anh không nhạy cảm với đồ nội thất. Mà anh nhạy cảm với phong cảnh: với hình ảnh phản chiếu của dãy núi tuyết phủ trên mặt hồ, với sắc trắng phơn phớt xanh của sông băng, với sự bao la đến ngất ngây của rừng thông. Anh không tin vào lời phỉnh phờ về phong thủy và ảnh hưởng của cách bày biện đồ đạc lên sự lưu thông năng lượng trong một căn phòng. Nhưng Gaspard buộc phải ghi nhận điều anh cảm nhận được ở nơi đây nếu không phải những “sóng tích cực”, thì ít nhất cũng là niềm tin chắc rằng anh sẽ cảm thấy dễ chịu và vui vẻ khi làm việc tại đây. Anh mở cửa kính, bước ra sân hiên rồi dựa vào lan can, tận hưởng trọn vẹn tiếng chim líu lo và bầu không khí đồng quê đang khiến anh hân hoan vui sướng. Gió đã nổi lên, nhưng trời vẫn đẹp và ánh nắng chan hòa trên gương mặt anh. Lần đầu tiên kể từ rất lâu rồi, Gaspard mỉm cười. Để chào mừng bản thân đã tới nơi, anh sẽ mở một chai Gevrey-Chambertin rồi tự rót cho mình một ly và vừa ung dung thưởng thức vừa… Một tiếng động kéo anh ra khỏi trạng thái hạnh phúc tột đỉnh. Có ai đó trong ngôi nhà này. Có lẽ là người giúp việc hoặc một nhân viên phụ trách duy tu bảo dưỡng. Anh quay vào bên trong để kiểm tra xem sao. Đúng lúc ấy anh trông thấy một phụ nữ đang đứng đối diện mình. Trên người cô không mặc gì ngoại trừ chiếc khăn tắm đang quấn quanh ngực và buông xuống ngang đùi. – Cô là ai? Và cô đang làm gì trong nhà tôi vậy? anh hỏi. Cô giận dữ nhìn anh. – Đó chính xác là câu tôi định hỏi anh đây, cô đáp. 2 Lý uyết 21 gram Chúng ta thấy các nghệ sĩ lôi cuốn một phần chính là nhờ sự khác biệt của họ, sự chối từ chủ nghĩa xu thời, ngón giữa của họ giơ vào mặt xã hội. Jesse KELLERMAN 1. – Thật lòng mà nói, tôi không chắc mình hiểu rõ điều cô đang trách cứ tôi, cô Green ạ. Mái tóc nhuốm bạc và lưng hơi gù, Bernard Benedick tạo cảm giác đang đứng gác trước một bức tranh đơn sắc khổ lớn được trưng bày ở cuối phòng tranh của mình trên phố Faubourg-Saint-Honoré. Như thể vừa giảm cân, ông bơi trong chiếc áo cổ Tàu và chiếc vest đi rừng màu xanh ngải cứu. Cặp kính Le Corbusier to cộ che mất nửa mặt nhưng lại làm nổi bật đôi mắt tròn cùng ánh nhìn sắc sảo và linh hoạt của ông. – Sàn bất động sản quảng cáo rõ điêu, Madeline cao giọng lặp lại. Trong đó chưa bao giờ đề cập đến chuyện đây là căn hộ thuê chung cả. Ông chủ phòng tranh lắc đầu. – Nhà của Sean Lorenz đâu có được đem cho thuê chung, ông cam đoan. – Ông tự xem lại đi, Madeline tức tối chìa ra hai tờ giấy in: hợp đồng thuê của cô và hợp đồng thuê của gã Gaspard Coutances kia, giống nhau y đúc, gã đã cho cô xem, cái gã cô vừa mặt đối mặt cách đây một giờ khi vừa ở bồn tắm bước ra. Ông chủ phòng tranh cầm giấy tờ rồi đọc lướt qua với vẻ chẳng hiểu mô tê gì sất. – Quả thật, có vẻ như đã có nhầm lẫn, rốt cuộc ông đành phải thừa nhận trong lúc vặn vẹo cặp kính. Chắc chắn đây là một sai sót liên quan đến tin học, nhưng, thẳng thắn mà nói, tôi không biết gì nhiều về mấy thứ đó đâu. Việc đăng quảng cáo trên trang điện tử là do Nadia, một nữ thực tập sinh ở chỗ chúng tôi, phụ trách. Tôi sẽ thử liên lạc với cô ấy, nhưng đúng sáng nay cô ấy đã lên đường tới Chicago nghỉ lễ, thế nên… – Tôi đã gửi phản hồi lên giao diện website và việc đó sẽ không giải quyết được vấn đề của tôi chứ gì, Madeline ngắt lời ông. Người đàn ông hiện đang ở trong ngôi nhà này đến từ Mỹ và anh ta không có ý định rời đi. Gương mặt ông chủ phòng tranh thoắt trở nên u ám. – Đáng lẽ mình không bao giờ nên cho thuê căn nhà này mới phải! Ngay cả khi đã nằm sâu dưới mộ thì Lorenz vẫn cứ tiếp tục khiến cuộc đời mình trở nên tệ hại! ông ca cẩm, trách giận bản thân. Ông thở dài, vẻ bực bội. – Cô biết sao không? ông nói giọng dứt khoát. Tôi sẽ hoàn tiền cho cô. – Tôi không cần tiền. Tôi muốn làm theo đúng thỏa thuận: sống trong ngôi nhà này, một mình. Madeline nhấn mạnh những lời này cùng lúc cảm thấy trong mình rung lên niềm tin phi lý rằng cô phải ở nơi đó. – Trong trường hợp này, tôi sẽ hoàn tiền cho cái cậu Coutances kia. Cô có muốn tôi gọi cho cậu ta không? – Ông sẽ không tin tôi đâu, nhưng anh ta không có điện thoại. – Vậy thì cô chuyển lời đề nghị của tôi đến cậu ta nhé. – Tôi mới chỉ gặp anh ta có năm phút thôi. Anh ta có vẻ không đơn giản đâu. – Cô cũng vậy, cô cũng có vẻ chẳng đơn giản đâu, Benedick vặn lại rồi chìa cho cô một tấm danh thiếp. Lúc nào cô nói chuyện được với cậu ta thì hãy gọi cho tôi nhé. Và nếu cô muốn dạo một vòng quanh phòng tranh, việc này sẽ cho tôi chút thời gian viết cho cậu ta mấy dòng để xin lỗi và đề nghị bồi thường. Madeline nhét mảnh giấy hình chữ nhật vào túi quần jean rồi quay gót mà không cảm ơn người tiếp chuyện mình, hồ nghi về hiệu quả lời nhắn ông chủ phòng tranh gửi cho gã Coutances kia, kẻ rõ ràng là một con gấu hung hăng và ngoan cố. Lúc này là giờ ăn trưa. Vì không đông người nên Madeline tranh thủ ngó qua các bức tranh. Phòng tranh chuyên về nghệ thuật đô thị và đương đại. Trong căn phòng đầu tiên chỉ trưng bày những bức tranh khổ siêu lớn, tất cả đều mang tên Vô đề. Những bề mặt đơn sắc, những mặt phẳng với các gam màu u tối, bị đâm rạch nhiều nhát và đục lỗ bằng những cây đinh hoen gỉ. Trái lại, căn phòng thứ hai ngập tràn năng lượng và những màu sắc rực rỡ. Những tác phẩm được trưng bày đều nằm ở ranh giới giữa tranh phun sơn graffiti và thư pháp châu Á. Madeline quan sát chúng với vẻ hứng thú, nhưng không mảy may xúc động. Dạng tranh này thường khiến cô tránh xa. Nói đúng ra, cô chưa từng cảm nhận được nghệ thuật đương đại. Giống như tất cả mọi người, cô đã đọc những bài báo và xem các phóng sự về thành công của nhiều nghệ sĩ hàng sao – chiếc đầu lâu nạm kim cương và những con vật được đông đặc trong phoóc môn của Damien Hirst, những con tôm hùm của Jeff Koons từng gây tranh cãi tại lâu đài Versailles, những tác phẩm kích động của Bansky, cây thông hình đồ chơi tình dục của Paul McCarthy bị phá hoại ở quảng trường Vendôme –, nhưng cô vẫn chưa tìm ra chiếc chìa khóa cho phép mình bước vào thế giới này. Tuy tâm trạng đầy hồ nghi nhưng cô vẫn bước vào căn phòng cuối cùng nơi giới thiệu các tác phẩm đủ thể loại. Đây chính là sự xằng xiên vĩ đại, cô nhận định đoạn nán lại, có phần miễn cưỡng, trước loạt tác phẩm điêu khắc trương phồng mang hình dáng dương vật với những màu sắc cường toan, rồi trước những nhân vật manga phiên bản khiêu dâm được đúc khuôn bằng chất liệu nhựa màu hồng. Cuộc triển lãm tiếp tục với hai bộ xương lớn bất động trong một tư thế Kamasutra quá khích, những tác phẩm điêu khắc hoành tráng bằng các miếng xếp hình Lego và một bức tượng người lai thú bằng đá cẩm thạch trắng với khuôn mặt và nửa thân trên của Kate Moss gắn với phần thân sau của sư tử. Xa hơn, phía cuối phòng, người ta trưng bày một bộ sưu tập vũ khí – súng trường, súng nòng loe, súng hỏa mai – được tạo nên bằng những vật liệu tái sinh: hộp cá mòi, bóng đèn đã qua sử dụng, dụng cụ nhà bếp bằng sắt hoặc gỗ được gắn với nhau bằng dây thép, băng dính cách điện và những mẩu dây mảnh. – Cô thích chứ? Madeline giật mình quay lại. Mải ngắm các tác phẩm, cô không nghe thấy tiếng chân của Bernard Benedick lại gần. – Tôi không hiểu gì hết, nhưng trước tiên đây không phải thứ tôi khoái lắm. – Vậy thứ cô “khoái” đúng ra là gì nhỉ? ông chủ phòng tranh hỏi vẻ thích thú, đoạn chìa cho cô một chiếc phong bì, cô nhét luôn nó vào túi quần jean. – Matisse, Brancusi, Nicolas de Staël, Giacometti… – Tôi sẵn lòng nhất trí với cô rằng ở đây chúng tôi không cùng trình độ thiên tài ấy, ông mỉm cười chỉ thẳng vào khu rừng sặc sỡ những dương vật đang cương cứng. Cô sẽ bật cười cho mà xem, nhưng đó chính là thứ tôi bán chạy nhất vào thời điểm này. Madeline bĩu môi hoài nghi. – Ở đây ông có tác phẩm của Sean Lorenz không? Gương mặt Benedick cho tới lúc bấy giờ vẫn đang hơn hớn bỗng sắt lại. – Không, khốn nỗi. Lorenz là nghệ sĩ sáng tác không nhiều. Đến giờ, hầu như không thể tìm ra tác phẩm của anh ấy và mỗi tác phẩm đều trị giá cả gia tài. – Ông ấy qua đời chính xác khi nào? – Cách đây một năm. Hưởng dương bốn mươi chín tuổi. – Hơi yểu mệnh nhỉ. Benedick đồng ý: – Sức khỏe của Sean trước giờ vốn không được tốt. Suốt một thời gian dài, anh ấy gặp vấn đề về tim mạch và đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. – Ông là chủ phòng tranh độc quyền của ông ấy ư? Người đàn ông nhăn mặt vẻ rầu rĩ: – Tôi từng là chủ phòng tranh đầu tiên của anh ấy, nhưng trước nhất tôi là bạn anh ấy, ngay cả khi chúng tôi thường xuyên dằn dỗi nhau. – Tranh của Lorenz trông giống kiểu gì? – Chính xác thì không giống với kiểu gì đã từng được biết đến! ông thốt lên. Lorenz là Lorenz thôi! – Nhưng phải có gì khác chứ? Madeline gặng hỏi. Benedick bỗng trở nên sôi nổi: – Sean là một họa sĩ không thể xếp hạng. Anh ấy không thuộc về trường phái nào và cũng không phải tù nhân của bất cứ đền thờ nào. Nếu cô đang tìm kiếm một sự tương tự trong điện ảnh, cứ cho là chúng ta có thể so sánh anh ấy với Stanley Kubrick: một nghệ sĩ có khả năng tạo ra những kiệt tác trong các thể loại hết sức khác biệt. Madeline gật đầu. Cô phải đi rồi, đi giải quyết chuyện này với kẻ thuê nhà chung chẳng ai ưa nổi kia. Nhưng điều gì đó đã níu chân cô lại đây; quá trình khám phá căn nhà của người họa sĩ này giống như một cuộc gặp gỡ khiến cô muốn tìm hiểu thêm về nó. – Hiện tại xưởng vẽ của Lorenz thuộc quyền sở hữu của ông hả? – Cứ cho là tôi đang cố gắng giữ gìn để nó không lọt vào tay các chủ nợ của Sean. Tôi là người thừa kế kiêm người thực hiện di chúc của anh ấy. – Các chủ nợ của ông ấy ư? Ban nãy ông vừa nói các tác phẩm của Lorenz có giá rất cao kia mà. – Đúng thế, nhưng anh ấy đã phải tốn rất nhiều tiền cho vụ ly hôn. Và nhiều năm gần đây anh ấy không còn vẽ nữa. – Tại sao vậy? – Vì mang bệnh và vì những vấn đề cá nhân. – Những vấn đề gì thế? Benedick phát bực: – Cô là cảnh sát hay sao? – Vâng, chính xác, Madeline mỉm cười. – Nghĩa là sao? ông kinh ngạc. – Tôi từng là cảnh sát nhiều năm, cô gái giải thích. Ở đội cảnh sát hình sự Manchester, rồi ở cả New York nữa. – Cô thường điều tra về lĩnh vực nào vậy? Cô nhún vai. – Những vụ giết người, bắt cóc… Benedick nheo mắt, như thể trong đầu ông vừa nảy ra một ý tưởng. Ông nhìn đồng hồ đeo tay rồi chỉ, qua cửa kính, nhà hàng Ý phía bên kia đường với mặt tiền màu đen và những đường diềm mái vàng ruộm gợi nhắc những cánh buồm của một con tàu cướp biển. – Cô thích món saltimbocca không? ông hỏi. Một giờ nữa tôi có cuộc hẹn, nhưng nếu cô muốn biết thêm về Sean thì tôi mời cô ăn trưa. 2. Một làn gió ấm thổi qua, làm rung rinh uốn lượn cành lá của một cây đoạn cổ thụ mọc giữa khoảng sân trong. Ngồi trên chiếc bàn kê ngoài hiên, Gaspard Coutances đang nhấm nháp một ngụm rượu vang. Rượu Gevrey- Chambertin ngon thật: cân bằng, đậm đà, tròn vị và êm ái trong miệng với hương thơm của anh đào đen cùng lý đen. Tuy nhiên, thú vui thưởng rượu bị phá hỏng bởi cảm giác chưa chắc chắn có thuê được căn nhà này hay không. Khỉ thật, anh cáu tiết, không thể có chuyện mình bị cô ả kia đánh bật đi được! Anh muốn viết vở kịch của mình tại đây. Thậm chí đây không còn là vấn đề nguyên tắc nữa, mà là sự cần thiết. Đây là lần duy nhất anh có cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên, nên anh sẽ không chịu buông xuôi, mà đây còn là quyền lợi hợp pháp của anh nữa chứ. Nhưng cô nàng Madeline Green kia có vẻ bướng bỉnh. Cô ta đã khăng khăng chìa điện thoại ra để anh có thể gọi điện cho người đại diện của anh. Mặc dù không trực tiếp chịu trách nhiệm trong tình huống này, Karen vẫn rối rít xin lỗi và mười phút sau gọi lại cho Gaspard, thông báo với anh rằng cô đã đặt cho anh một phòng suite tại Bristol trong lúc chờ đợi mọi việc được giải quyết. Nhưng Gaspard đã dứt khoát từ chối và đưa ra một quyết định tối hậu: căn nhà này hoặc không gì hết. Hoặc Karen tìm ra giải pháp, hoặc cô có thể vĩnh biệt sự cộng tác giữa họ. Thường thì kiểu đe dọa này có khả năng biến Karen thành nữ chiến binh. Nhưng lần này, anh e như vậy là chưa đủ. Một ngụm rượu nữa. Tiếng chim líu lo. Không khí êm dịu. Vầng mặt trời mùa đông sưởi ấm trái tim. Gaspard không thể ngăn mình mỉm cười vì trong tình huống này có điều gì đó thật khôi hài. Một người đàn ông và một người phụ nữ, do một nhầm lẫn về tin học, rơi vào tình cảnh thuê chung một căn nhà đúng dịp Giáng sinh. Chuyện này giống như phần mở đầu một vở kịch vậy. Không giống mấy vở kịch trí tuệ và hồ nghi bản thân anh thường viết, mà giống với thứ gì đó tươi vui hơn. Một trong những vở kịch thập niên 1960, 1970 do Barillet và Gredy sáng tác mà bố anh hằng yêu thích và đã làm nên những suất diễn vàng của Nhà hát kịch Antoine hay Nhà hát Bouffes-Parisiens. Bố anh… Không bao giờ thiếu chuyện này. Mỗi lần Gaspard đến Paris, những ký ức tuổi thơ của anh, những viên than mà anh ngỡ đã lụi tắt, lại bùng lên. Để khỏi bị bỏng, Gaspard gạt hình ảnh này khỏi tâm trí trước khi nó trở nên quá nhức nhối. Theo thời gian, anh đã học được rằng tốt hơn hết là giữ mình tránh xa những kỷ niệm kiểu này. Vấn đề sống còn. Anh lại tự rót rượu cho mình rồi, tay cầm cốc rượu, rời khỏi sân hiên để thơ thẩn dạo trong phòng khách. Thoạt tiên anh bị thu hút bởi bộ sưu tập đĩa than 33 vòng: hàng trăm đĩa nhạc jazz, được sắp xếp và phân loại cẩn thận trên những tầng giá bằng gỗ sồi tự nhiên. Anh đặt trên mâm máy hát một đĩa Paul Bley mà anh chưa từng nghe nhắc đến rồi, suốt hồi lâu, để mặc mình bị cuốn theo tiếng dương cầm trong vắt tựa pha lê trong lúc chăm chú quan sát những chiếc khung treo trên tường. Không có hình vẽ cũng chẳng có tranh, chỉ có những bức ảnh gia đình đen trắng. Một người đàn ông, một người phụ nữ, một cậu con trai nhỏ. Người đàn ông là Sean Lorenz. Gaspard nhận ra ông bởi anh nhớ mình từng trông thấy bức ảnh chân dung của ông – chụp bởi nữ nghệ sĩ người Anh Jane Bown – trong đoạn cáo phó xuất hiện trên tờ Le Monde hồi tháng Mười hai năm ngoái. Bức ảnh gốc khổ lớn đang ở ngay trước mắt anh: vóc dáng cao lớn, khổ người oai vệ, khuôn mặt xương xương hốc hác, ánh mắt bí ẩn dường như đan xen giữa vẻ lo âu và kiên định. Vợ của Lorenz chỉ xuất hiện trên hai bức ảnh. Kiểu tạo dáng của bà giống kiểu tạo dáng của Stephanie Seymour hay Christy Turlington trên bìa các tạp chí thời trang cách đây hai mươi lăm năm. Một vẻ đẹp điển hình cho thập niên 1990: mảnh dẻ, gợi cảm, rạng rỡ. Mảnh mai mà không hề còm cõi. Rạng rỡ mà không có vẻ khó gần. Nhưng chiếm đa số là những bức ảnh chụp Lorenz cùng con trai. Có lẽ họa sĩ này là người đàn ông khô khan, nhưng khi ở bên con trai – một đứa trẻ tóc hoe vàng với gương mặt lanh lợi và ánh mắt long lanh –, gương mặt ông liền biến đổi, như thể niềm vui sống của cậu nhóc lây sang ông bố. Những bức ảnh cuối cùng của triển lãm gia đình này, hai tấm ảnh phải nói là tươi vui cho thấy Lorenz đang vẽ cùng mấy đứa trẻ tầm năm, sáu tuổi trong đó có thể nhận ra cả con trai ông, tại một nơi chắc hẳn là một ngôi trường hoặc một lớp học vẽ dành cho thiếu nhi. Trên giá sách, giữa những tuyển tập Tao Đàn và những bản in số lượng có hạn được xuất bản tại nhà Taschen hoặc Assouline, Gaspard tìm thấy một bản chuyên khảo về tác phẩm của Lorenz. Một cuốn sách tóm tắt dày gần năm trăm trang, được đóng hết sức trang trọng và có trọng lượng chắc chắn vượt quá ba kí lô. Gaspard đặt cốc rượu xuống mặt bàn thấp rồi ngồi xuống trường kỷ đọc lướt qua cuốn sách. Bản tính thành thực buộc anh phải thừa nhận rằng anh mù tịt về các tác phẩm của Lorenz. Trong lĩnh vực hội họa, sở thích của anh nghiêng về trường phái Flamand và thế hệ vàng người Hà Lan: van Eyck, Bosch, Rubens, Vermeer, Rembrandt… Anh liếc qua phần lời tựa, kèm chữ ký của một tay Bernard Benedick nào đó, hứa hẹn là một phân tích chuyên sâu về tác phẩm của Lorenz và cho phép tiếp cận những tài liệu lưu trữ chưa từng được xuất bản. Ngay ở những từ đầu tiên, Gaspard đã đánh giá cao giọng điệu thảnh thơi và thẳng thắn mà Benedick dùng để phác nên những nét chính trong tiểu sử của người họa sĩ. Sean Lorenz chào đời tại New York giữa thập niên 1960. Ông là con trai của một nữ quản gia, bà Elena Lorenz, và một bác sĩ ở khu phía Tây Thượng Manhattan, người chưa bao giờ thừa nhận ông. Là con trai duy nhất, người họa sĩ tương lai này trải qua thời thơ ấu và niên thiếu cùng mẹ trong khu Polo Grounds Towers, một cư xá dành cho người có thu nhập thấp tại phía Bắc Harlem. Mặc dù cuộc sống túng thiếu giật gấu vá vai nhưng mẹ ông vẫn làm lụng cật lực để gửi con trai vào một trường tư thục đạo Tin Lành. Nhưng cậu bé Sean chẳng tỏ ra xứng đáng với sự hy sinh này: sau nhiều lần bị trường đuổi học, cậu trượt dần vào những vụ phạm pháp vặt. Chính là khi sắp hết tuổi thiếu niên, giữa hai vụ ăn cắp vặt, cậu bắt đầu vẽ hay nói đúng hơn là vẽ graffiti lên các mặt tường và các tàu điện ngầm khu Manhattan giữa một nhóm các tay vẽ graffiti tự phong là “Thợ pháo hoa”. Gaspard quan sát các bức ảnh thời đó được in trong sách. Người ta nhìn thấy Sean ở tuổi hai mươi, hai mươi lăm – dáng dấp thanh niên, nhưng gương mặt đã nhuốm nét ưu tư – mặc một chiếc măng tô đen to quá khổ, chiếc áo phông lem luốc vệt sơn, đội mũ lưỡi trai kiểu rapper và đi đôi Converse cũ mòn. Trên phần lớn những bức ảnh, ông đều mang theo bên mình những bình phun sơn và đi cùng hai “đồng đảng”: một gã người Tây Ban Nha mảnh khảnh với nét mặt thanh thoát và một cô gái trông rất khỏe mạnh và hơi nam tính luôn đeo một dải băng đô kiểu thổ dân da đỏ. Cả nhóm “Thợ pháo hoa” trứ danh kia đã phủ lên những toa xe, những hàng rào và những bức tường bị phá tan hoang toàn các bức vẽ nổi loạn. Các bức ảnh hơi mờ, gọn bẩn, được chụp trong các nhà kho, bãi đất hoang và đường hầm tàu điện ngầm. Các bức ảnh làm sống lại New York hoang dã, nhơ bẩn, bạo lực và kích động mà Gaspard từng biết khi còn là sinh viên. 3. – Thập niên 1980 là thời kỳ graffiti đạt cực thịnh tại New York, Bernard Benedick vừa giải thích vừa xoắn mì spaghetti quanh dĩa. Để chiếm lại thành phố, những cậu nhóc như Sean đã dùng sơn vẽ nguệch ngoạc lên tất cả những gì tìm được: cửa nhôm cuốn của các cửa hàng cửa hiệu, hòm thư, xe ben chở rác, và dĩ nhiên rồi, cả những toa tàu điện ngầm. Ngồi đối diện với ông chủ phòng tranh, Madeline chăm chú lắng nghe ông trong lúc nhấm nháp món xa lát bạch tuộc của cô. Sau khi đặt dao dĩa xuống bàn, Benedick lôi từ trong túi ra một chiếc điện thoại màn hình cỡ lớn rồi lục tìm trong ứng dụng Ảnh để chọn một thư mục hình ảnh dành riêng cho Sean Lorenz. – Cô xem đi, ông nói đoạn chìa điện thoại cho Madeline. Cô gái miết nhẹ màn hình chiếc iPhone để xem lướt qua những bức ảnh kỹ thuật số được chụp từ thời đó. – Lorz74 nghĩa là gì vậy? cô hỏi rồi chỉ vào ký hiệu với chữ cái đầu khum lên lặp lại trên nhiều tác phẩm. – Đó là nghệ danh của Sean. Các tay chơi graffiti thường ghép họ của mình với số khu phố nơi họ sống để làm nghệ danh. – Hai người đứng cạnh Lorenz là ai vậy? – Những thanh niên sống chung khu phố thường la cà cùng anh ấy. Nhóm của họ lấy tên là Thợ pháo hoa. Anh chàng người Mỹ Latinh nhỏ nhắn thanh lịch đó thường ký dưới những bức graffiti của mình bằng nghệ danh NightShift, nhưng anh ta đã nhanh chóng biệt tăm. Cô gái thì trông giống một chiếc xe ủi đất, nhưng không phải vậy đâu: một nữ nghệ sĩ vô cùng tài năng được biết đến với nghệ danh LadyBird. Bóng hồng hiếm hoi của giới graffiti. Madeline tiếp tục xem xét hàng chục bức ảnh được Benedick lưu giữ. New York của thập niên 1980 và 1990 không giống lắm so với thành phố mà cô từng biết. Ta cảm nhận thấy qua ảnh một thành phố-rừng rậm xù xì thô nhám, những khu phố bị các băng nhóm khống chế và thao túng, những cuộc đời bị tàn phá bởi ma túy. Đối nghịch với cảnh khốn cùng này, những sắc màu rực rỡ của mỗi tác phẩm graffiti bừng sáng tựa những chùm pháo hoa. Phần lớn tranh của Lorenz là những chữ cái khổng lồ nhiều màu sắc, tròn trịa như những quả bóng được bơm căng bằng khí heli, đè lấp nhau và bện xoắn vào nhau theo phong cách wildstyle thuần túy truyền thống. Madeline chợt nghĩ tới những bức tường ở Manchester nơi cô đã trải qua thời niên thiếu. Bảng chữ cái nhằng nhịt này, sự loằng ngoằng hỗn độn của những mũi tên và dấu chấm than, gây cho cô những cảm xúc trái ngược. Tuy ghét phương diện hỗn loạn bừa bãi và thiếu tuân thủ, cô lại buộc phải thừa nhận rằng những bức tranh tường được bổ sung vitamin này ít ra cũng có công đập tan vẻ ảm đạm và vô vị của bê tông. – Nói một cách vắn tắt, ông chủ phòng tranh kể tiếp, đầu thập niên 1990, Sean Lorenz là một tội phạm vặt thường la cà cùng băng nhóm, đốt cháy não mình bằng heroin. Đó là một tay vẽ graffiti đúng ra là có tài, kỹ thuật khá, và có khả năng làm nên những điều thú vị… – … nhưng chẳng có gì siêu việt, Madeline phỏng đoán. – Chỉ trừ có điều, mọi chuyện sẽ thay đổi kể từ mùa hè năm 1992. – Đã xảy ra chuyện gì vậy? – Mùa hè năm đó, Sean Lorenz gặp và yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên một thiếu nữ mười tám tuổi người Pháp tại Grand Central. Cô gái ấy tên là Pénélope Kurkowski. Mẹ người đảo Corse, bố người Ba Lan. Pénélope làm công việc trông trẻ tại New York nhưng song song với đó, cô ấy cũng tham gia những buổi casting với mong muốn trở thành người mẫu. Ông chủ phòng tranh ngừng lại giây lát để tự rót cho mình một ly nước có ga. – Để thu hút sự chú ý của Pénélope, Sean bắt đầu vẽ cô trên khắp các toa tàu điện ngầm ở New York. Trong vòng hai tháng, anh ấy đã thực hiện một lượng tranh tường khổng lồ miêu tả người trong mộng của mình. Ông lấy lại điện thoại để tìm trong đó những bức ảnh khác rồi giải thích: – Lorenz không phải tay vẽ graffiti đầu tiên tỏ tình với một phụ nữ thông qua tác phẩm cá nhân – trước anh ấy đã có Cornbread và Jonone từng làm vậy –, nhưng anh ấy là người duy nhất đã phải diễn giải tình yêu của mình bằng cách này. Đã tìm thấy thứ cần tìm, ông đặt chiếc iPhone lên mặt bàn rồi đẩy nó về phía Madeline. Cô gái ghé sát mặt vào màn hình. Thứ mà cô nhìn thấy trong đó khiến cô há hốc miệng kinh ngạc. Mỗi bức tranh đều như một áng thơ ca ngợi vẻ đẹp nữ giới, ca ngợi khoái lạc và nhục dục. Nếu những bức đầu tiên rất đúng mực, gần như lãng mạn, thì những bức tiếp theo lại trở nên khêu gợi hơn nhiều. Pénélope xuất hiện trên đó như một người đàn bà-dây leo, phức hợp, cùng lúc như loài thủy sinh và khí sinh, lan từ toa tàu này đến toa tàu khác. Khuôn mặt cô được tô điểm bằng lá, hoa hồng và hoa ly, viền quanh bằng mái tóc rối bồng bềnh, uốn lượn, bện xoắn vào nhau để tạo thành những đường lượn trang trí vừa duyên dáng vừa như hăm dọa. 4. Cuốn sách mở đặt trên hai đầu gối, Gaspard Coutances không thể rời mắt khỏi những bức ảnh chụp các toa tàu điện ngầm được Sean Lorenz vẽ lên vào tháng Bảy và tháng Tám năm 1992. Những bức tranh này thật lạ lùng. Anh chưa từng nhìn thấy cái gì giống như thế. Hay đúng ra là có: chúng nhắc anh nhớ tới bức Đàn bà-hoa của Picasso cũng như một vài bức áp phích quảng cáo của Alfons Mucha, nhưng là phiên bản underground và được xếp loại X. Thiếu nữ với thân hình sáng rực như thể đang được những phiến lá vàng bao phủ này là ai vậy nhỉ? Vợ của Lorenz, dĩ nhiên rồi, lời chú giải đã chỉ ra cho anh. Nàng Pénélope mà anh trông thấy trên những bức ảnh chân dung gia đình đen trắng. Một phụ nữ hai mặt, khi thì niềm nở, lúc lại ác man. Một sinh vật có đôi chân dài miên man, làn da trắng sứ và mái tóc màu gỉ sắt. Như bị thôi miên, Gaspard lật nhanh các trang của cuốn chuyên khảo để khám phá những bức tranh khác, tất thảy đều mang tính khêu gợi đến mức khiến người ta bối rối. Trên một vài bức, mái tóc của Pénélope giống như hàng chục con rắn đang uốn lượn dọc theo vai cô, quấn quanh hai bầu vú cô, liếm hai mạng sườn cô, mơn trớn vùng kín của cô. Khuôn mặt cô, được bao trùm bởi một quầng sáng ảo giác hoặc bị nhấn chìm trong một cơn mưa vàng, đã bị lạc thú làm cho biến dạng. Thân hình cô được nhân đôi, uốn éo, xoay tròn, bốc cháy… 5. – Với sự bùng nổ này, Lorenz đã đập tan các quy tắc, Benedick giải thích. Anh ấy đã tự giải phóng mình khỏi những quy tắc cứng nhắc của graffiti để chuyển sang một chiều không gian khác và biến tác phẩm của mình thành sự tiếp nối những họa sĩ như Klimt hay Modigliani. Như bị quyến rũ đến hồn xiêu phách lạc, Madeline cho diễu qua một lần nữa những toa tàu rực rỡ sắc màu. – Bây giờ tất cả những tác phẩm này đều đã biến mất rồi sao? Ông chủ phòng tranh nở một nụ cười nửa thích thú, nửa cam chịu với số phận an bài. – Đúng vậy, chúng chỉ tồn tại qua một mùa hè thôi. Sự phù du, đó chính là bản chất cốt lõi của nghệ thuật đô thị. Đó cũng là thứ làm nên vẻ đẹp của nó. – Ai đã chụp tất cả những bức ảnh này vậy? – LadyBird trứ danh. Chính cô ta phụ trách kho tài liệu lưu trữ của nhóm Thợ pháo hoa. – Đối với Lorenz, dấn thân vào một công việc như vậy cũng khá nguy hiểm đấy chứ, phải không? Benedick tán thành: – Hồi đầu thập niên 1990, ở New York, người ta đang bước vào kỷ nguyên của chính sách không khoan nhượng. Các lực lượng công quyền đã ban hành vô số những điều cấm và sở quản lý phương tiện vận tải công cộng thành phố đã tiến hành một cuộc săn người đúng nghĩa nhằm vào các tay vẽ graffiti. Tòa án tuyên những án phạt cực nặng. Nhưng hiểm nguy tự chuốc lấy này cũng chứng minh tình yêu Sean dành cho Pénélope. – Cụ thể là ông ấy đã tiến hành như thế nào? – Sean tinh quái lắm. Tôi được nghe kể rằng anh ấy có cả đồng phục để trà trộn vào các đội giám sát tàu điện ngầm và có thể ra vào các nhà kho là điểm dừng tàu. Madeline vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại. Cô nghĩ tới người phụ nữ này, Pénélope. Bà cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy hình ảnh rực rỡ và khêu gợi của mình tràn ngập Manhattan như vậy? Bà đã vui thích hay nhục nhã, hổ thẹn? – Lorenz đạt được mục đích của mình chứ? cô hỏi. – Cô muốn biết liệu Pénélope có chịu lên giường với anh ấy không chứ gì? – Có lẽ tôi sẽ không hỏi nguyên văn như vậy, nhưng… đúng thế đấy. Benedick giơ tay ra hiệu gọi hai tách cà phê trước khi giải thích: – Ban đầu, Pénélope không màng đến Sean, nhưng thật khó để làm ngơ được lâu một gã tôn sùng mình theo cách đó. Sau vài ngày, rốt cuộc cô ấy cũng bị tán đổ. Mùa hè năm đó họ yêu nhau cuồng si. Rồi đến tháng Mười thì Pénélope quay về Pháp. – Vậy là một mối tình thoáng qua trong dịp hè thôi sao? Ông chủ phòng tranh lắc đầu. – Cô thức tỉnh đi. Sean đã yêu cô gái này mất rồi. Đến mức tháng Mười hai năm đó anh ấy đã tới Pháp gặp Pénélope rồi họ chung sống cùng nhau tại Paris trong một căn hộ nhỏ hai phòng trên phố Martyrs. Ở đó, Sean tiếp tục vẽ. Không phải trên những toa tàu điện ngầm nữa, mà trên những mặt tường và hàng rào của các khu đất bỏ hoang ở Stalingrad và Seine-Saint Denis. Madeline lại liếc nhìn những tấm ảnh chụp các bức tranh tường thời kỳ này. Chúng vẫn mang cùng những màu sắc chói lọi và bùng nổ như thế. Một sức sống nhắc nhớ những bức tranh tường ở Nam Mỹ. – Tôi gặp Sean lần đầu tiên chính vào giai đoạn đó, năm 1993, Benedick tâm sự, mắt nhìn xa xăm. Bấy giờ anh ấy đang vẽ trong một xưởng nhỏ của Bệnh viện dã chiến. – Bệnh viện dã chiến ư? – Một khu đất chiếm dụng bất hợp pháp thuộc quận 18, trên địa điểm cũ của bệnh viện Bretonneau. Hồi đầu thập niên 1990, nhiều nghệ sĩ có thể sáng tác tại đó. Dĩ nhiên là giới họa sĩ và điêu khắc gia, nhưng cũng có các nhóm nhạc rock và nhạc sĩ nữa. Gương mặt ông chủ phòng tranh bỗng sôi nổi hẳn lên khi nhắc tới ký ức này. – Tôi không phải nghệ sĩ và cũng chẳng có tài cán gì đặc biệt, nhưng tôi có tài đánh hơi. Tôi đánh hơi được con người. Và khi gặp Sean, ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã thấy anh ấy đáng giá hơn những tay vẽ graffiti khác cả trăm lần. Tôi đã đề nghị anh ấy trưng bày tác phẩm trong phòng tranh của tôi. Và tôi nói với Sean những lời anh ấy cần được nghe vào thời kỳ đó. – Nghĩa là? – Tôi đã khuyên anh ấy bỏ qua graffiti và những bình sơn xịt để vẽ trực tiếp bằng màu dầu lên vải toan. Tôi đã nói với Sean rằng anh ấy có tài năng thiên bẩm về hình khối, màu sắc, bố cục và chuyển động. Rằng trong anh ấy có những tiềm năng để ghi danh tác phẩm của mình vào hàng Pollock hay de Kooning. Khi nhắc đến người họa sĩ từng được mình bảo trợ lúc sinh thời, Benedick có giọng nói gần như run run và đôi mắt rớm lệ. Madeline nghĩ tới một cô bạn cũ của mình, hàng năm trời sau một cuộc chia tay, vẫn luôn nhắc đến người tình từng đột ngột bỏ rơi mình bằng giọng thổn thức. Cô uống một hơi cạn cốc cà phê ristretto của mình rồi hỏi: – Lorenz lập tức thấy thoải mái ở Pháp sao? – Sean là một người đặc biệt. Đó là một kẻ cô độc, rất khác so với các tay vẽ graffiti khác. Anh ấy ghét văn hóa hip-hop, đọc nhiều sách, chỉ nghe jazz và nhạc đương đại, lại còn nghe đi nghe lại. Dĩ nhiên là Sean nhớ New York, nhưng anh ấy cũng yêu Pénélope hết lòng. Ngay cả khi mối quan hệ của họ luôn đầy dông tố thì cô ấy vẫn không ngừng khơi nguồn cảm hứng cho Sean. Từ 1993 đến 2010, Sean đã vẽ tổng cộng hai mươi mốt bức chân dung vợ mình. Xê ri này chính là tuyệt tác của Sean Lorenz. Loạt tranh “21 Pénélope” sẽ lưu lại trong lịch sử nghệ thuật như một trong những lời tỏ tình vĩ đại nhất được gửi tới một người đàn bà. – Tại sao lại là 21? Madeline thắc mắc. – Tại lý thuyết 21 gram, cô biết đấy: trọng lượng giả định của tâm hồn… – Lorenz đã lập tức thành công ư? – Không hề! Suốt mười năm ròng rã, anh ấy hầu như không bán được bức tranh nào! Tuy nhiên anh ấy vẫn miệt mài sáng tác từ sáng tới tối và thường xuyên quẳng toàn bộ công trình của mình đi chỉ vì không cảm thấy hài lòng. Công việc của tôi là giới thiệu và giải thích nghệ thuật hội họa của Sean tới các nhà sưu tầm. Ban đầu, chuyện này khá phức tạp bởi tác phẩm của anh ấy không giống với bất cứ thứ gì từng được biết đến. Tôi phải mất cả chục năm trời mới làm nên cơm cháo, nhưng sự ngoan cố của tôi rốt cuộc cũng được đền bù. Đầu những năm 2000, ở triển lãm nào của Sean cũng vậy, toàn bộ tranh đều được bán hết veo ngay từ buổi tối khai mạc. Và đến năm 2007… 6. Năm 2007, Alphabet City, một bức tranh của Sean Lorenz được vẽ từ năm 1998, đã đạt mức giá 25.000 euro trong một phiên đấu giá do Artcurial tổ chức, ở Pháp, đây là thương vụ thực sự đánh dấu sự bùng nổ của nghệ thuật đường phố và bước đầu được thừa nhận về mặt thể chế của nó. Chỉ sau một đêm, Sean Lorenz đã vụt trở thành ngôi sao của các sàn đấu giá. Những bức tranh rực rỡ của ông, điển hình cho thập niên 1990, bứt lên và phá vỡ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Nhưng xét trên quan điểm nghệ thuật, người họa sĩ đã chuyển sang thứ gì đó khác. Adrenalin và tính cấp thiết của graffiti đã nhường chỗ cho những tấm toan được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, được sáng tác trường kỳ trong nhiều tháng trời, thậm chí nhiều năm trời với một sự đòi hỏi càng lúc càng khắt khe đối với bản thân. Mỗi khi không hài lòng với một bức tranh nào đó, Lorenz lại lập tức đốt nó đi. Vậy nên từ năm 1999 đến 2013, ông đã vẽ hơn hai nghìn bức tranh rồi đốt đi gần hết. Chỉ khoảng bốn mươi bức thoát khỏi bản án cuồng bạo của ông. Trong số đó, Sep1em1er, một bức đồ sộ gợi nhớ thảm kịch Trung tâm Thương mại Thế giới, được một nhà sưu tầm mua với giá hơn 7 triệu đô rồi tặng lại cho bảo tàng 11 tháng Chín ở New York. Gaspard rời mắt khỏi văn bản rồi lật trang để xem ảnh chụp những bức tranh thời kỳ này. Lorenz đã biết cách tự làm mới mình. Nghệ thuật phun sơn và sắp chữ đã biến mất khỏi các tác phẩm hội họa của ông, lúc này chúng được bố cục xung quanh những khối màu, những vùng đơn sắc với phù điêu nổi, được thực hiện bằng dao hoặc bay, không ngừng dao động giữa phong cách trừu tượng và tượng trưng. Có lẽ bảng màu của ông đã kém rực rỡ hơn – thiên về màu phấn hoặc sắc thu: màu cát, thổ hoàng, hạt dẻ, hồng phấn –, nhưng nó cũng tinh tế hơn. Gaspard bị những bức tranh thời kỳ này chinh phục. Màu khoáng, ánh xà cừ, chúng nhắc anh lần lượt nhớ tới những nham thạch, đất, cát, thủy tinh, những vệt máu nâu vương trên tấm vải liệm. Những bức tranh của Lorenz dường như sống động. Chúng như những cơ thể sống, níu tâm can bạn, níu lòng dạ bạn, khiến bạn hẫng chân, thôi miên bạn rồi trả lại cho bạn những cảm xúc trái ngược: hoài nhớ, vui sướng, nguôi ngoai, giận dữ. Những tác phẩm cuối cùng được chụp lại trong cuốn sách là những bức tranh đơn sắc được sáng tác năm 2010. Từ đó trở đi, chất liệu mới chính là thứ vượt trội nhất. Những lớp dày, mảng đắp nổi để tạo hiệu ứng ánh sáng. Nhưng vẫn là những tác phẩm đẹp lộng lẫy. Khép cuốn sách lại, Gaspard tự hỏi làm sao anh có thể bỏ lỡ một nghệ sĩ như thế, lâu đến thế. 7. – Mối quan hệ giữa Lorenz với tiền bạc thì thế nào? Madeline hỏi. Benedick thả một viên đường vuông vắn vào tách cà phê của ông như thể đó là một thứ rượu mạnh. – Sean coi tiền như một chiếc nhiệt kế của tự do, ông vừa khẳng định vừa nhấn chìm viên đường của mình. Pénélope thì lại khác: cô ta không bao giờ biết thế nào là đủ. Cuối những năm 2000, khi giá trị thị trường của Sean đạt mức cao nhất, cô ta không ngừng bày mưu kế để thuyết phục chồng giao vài bức tranh cho Fabian Zakarian, một chủ phòng tranh tại New York. Rồi cô ta khuyên anh ấy bán trực tiếp khoảng hai chục bức tranh mới vẽ tại các buổi đấu giá mà không thông qua phòng tranh của tôi. Vụ đó đã mang lại cho Sean hàng triệu đô la, nhưng nó cũng đã hủy hoại mối quan hệ giữa chúng tôi. – Làm thế nào mà một buổi sáng đẹp trời một bức tranh lại có giá đến hàng triệu đô được nhỉ? Madeline hỏi. Benedick thở dài. – Cô đặt ra câu hỏi hay mà cũng rất khó để trả lời, bởi lẽ thị trường nghệ thuật không tuân theo tính hợp lý. Giá của một tác phẩm là kết quả của chiến lược phức tạp với nhiều thành phần can dự khác nhau: dĩ nhiên là các nghệ sĩ và các chủ phòng tranh, nhưng cũng có cả những nhà sưu tầm, những nhà phê bình, những nhà lưu trữ ở bảo tàng… – Tôi hình dung là sự phản bội của Sean hẳn đã khiến ông buồn. Ông chủ phòng tranh nhăn mặt, nhưng muốn tỏ ra chấp nhận số phận an bài: – Đời là thế đấy. Các nghệ sĩ cũng giống như con cái chúng ta thôi: thường xuyên vong ân bội nghĩa. Ông im lặng vài giây trước khi nói rõ hơn: – Thế giới các phòng tranh nghệ thuật là một thế giới cá mập, cô biết đấy. Nhất là khi cô cũng giống như tôi, không phải con nhà nòi. – Dẫu sao hai người vẫn giữ liên lạc với nhau chứ? – Dĩ nhiên. Sean và tôi, là chuyện quen rồi. Trong suốt hai mươi năm chúng tôi cứ giận dỗi rồi lại giảng hòa. Chúng tôi chưa bao giờ ngừng nói chuyện với nhau, kể cả sau thời kỳ Zakarian hay sau khi anh ấy gặp phải thảm kịch. – Thảm kịch nào kia? Benedick thở dài thườn thượt. – Sean và Pénélope hằng mong có một mụn con, nhưng họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Suốt mười năm trời, Pénélope liên tiếp sẩy thai hết lần này đến lần khác. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng họ đã bỏ cuộc thì bỗng nhiên phép mầu xảy ra: tháng Mười năm 2011, Pénélope đã sinh được một đứa con trai, thằng nhóc Julian. Và chính từ thời điểm đó những phiền muộn bắt đầu. – Những phiền muộn ư? – Khi con trai anh ấy chào đời, Sean đã trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới. Anh ấy không ngừng lặp đi lặp lại rằng nhờ tiếp xúc với con trai mình mà tinh thần anh ấy phong phú thêm. Rằng, nhờ có Julian, anh ấy nhìn đời bằng một cái nhìn mới mẻ. Rằng anh ấy đã lại khám phá ra một vài giá trị và kết nối trở lại với những điều giản đơn. Rốt cuộc, cô cũng biết tỏng rồi còn gì: bài diễn văn có phần ngờ nghệch của một vài anh đàn ông luống tuổi rồi mới được làm cha. Madeline không đáp lời. Benedick tiếp tục: – Vấn đề, đó là xét về khía cạnh nghệ thuật, anh ấy đang trải qua một thời kỳ suy giảm sức sáng tạo đúng nghĩa. Anh ấy viện cớ không còn cảm hứng sáng tạo và mệt mỏi với thói đạo đức giả của giới nghệ thuật. Trong suốt ba năm liền, anh ấy không làm gì khác ngoài chăm sóc con trai. Cô hình dung nổi không! Sean Lorenz cho con bú bình, đẩy xe nôi đi dạo hoặc làm hoạt náo viên trong các trường mẫu giáo. Công việc anh ấy làm liên quan đến nghệ thuật gói gọn lại chỉ còn thế này: rảo bước khắp Paris cùng cậu nhóc Julian để vẽ những bức tranh ghép mảnh thô mộc vì chuyện đó khiến cậu nhóc thích thú! Toàn bộ chuyện này chẳng có ý nghĩa gì cả! – Nếu ông ấy không còn nguồn cảm hứng nữa thì…, Madeline phản đối. – Nguồn cảm hứng, toàn những điều nhảm nhí! Benedick nổi cáu. Mẹ kiếp, cô đã nhìn thấy những bức ảnh chụp tác phẩm của anh ấy rồi mà. Sean là một thiên tài. Mà thiên tài thì không cần đến cảm hứng để làm việc. Một khi đã là Sean Lorenz thì người ta đâu có ngừng vẽ. Hết sức đơn giản bởi lẽ người ta đâu có quyền làm vậy! – Cần phải tin là có đấy, Madeline bình phẩm. Benedick liếc xéo cô vẻ hằn học, nhưng cô nói luôn: – Vậy là cho đến lúc qua đời, Lorenz không cầm đến cọ vẽ nữa sao? Bernard Benedick lắc đầu rồi gỡ cặp kính to đang đeo ra để dụi mắt. Hơi thở ông gấp gáp như thể ông vừa phải leo bộ bốn tầng gác. – Cách đây hai năm, vào tháng Mười hai năm 2014, Julian đã thiệt mạng trong hoàn cảnh bi thảm. Kể từ đó, Sean không chỉ không làm việc nữa, mà anh ấy chìm nghỉm theo đúng nghĩa đen luôn. – Hoàn cảnh bi thảm nào kia? Ánh mắt ông chủ phòng tranh ngoảnh nhìn chỗ khác, tìm kiếm ánh sáng bên ngoài trước khi mải miết nhìn vào khoảng không vô định. – Sean đã luôn là một khối cô đặc của sức mạnh và rạn nứt, ông phân tích thêm chứ không trả lời thẳng vào câu hỏi. Sau khi Julian qua đời, anh ấy lại ngựa quen đường cũ: ma túy, rượu mạnh, thuốc. Tuy đã hết lòng giúp đỡ anh ấy, nhưng tôi nghĩ anh ấy không hề mong muốn được cứu. – Còn Pénélope? – Vợ chồng họ đã trục trặc từ lâu rồi. Cô ta tranh thủ thảm kịch này để đệ đơn ly hôn và không mất nhiều thời gian để làm lại cuộc đời. Và những gì Sean làm sau đó không hề giúp cải thiện mối quan hệ giữa họ. Ông chủ phòng tranh ngừng một lát như để sắp đặt một phút chờ đợi hồi hộp có phần khiên cưỡng. Madeline bỗng có cảm giác khó chịu vì bị thao túng, nhưng nỗi tò mò trong cô vẫn mạnh hơn. – Lorenz đã làm gì vậy? – Tháng Hai năm 2015, rốt cuộc tôi cũng triển khai được một dự án mà bản thân tôi đã nghiên cứu bấy lâu: một cuộc triển lãm hoành tráng các tác phẩm của Sean lấy trung tâm là loạt tranh “21 Pénélope”. Lần đầu tiên trên thế giới, hai mươi mốt bức chân dung sẽ xuất hiện tại cùng một địa điểm. Những nhà sưu tầm nổi tiếng đã đồng ý cho chúng tôi mượn tranh của họ. Đó quả thật là một sự kiện vô tiền khoáng hậu. Nhưng, ngay đêm trước hôm khai mạc triển lãm, Sean đã bẻ khóa đột nhập vào phòng tranh và cố tình phá hủy từng bức một bằng mỏ hàn. Gương mặt Benedick ỉu xìu như thể ông đang hình dung lại cảnh tượng. – Tại sao ông ấy lại làm vậy? – Một dạng thanh tẩy, tôi nghĩ thế. Ý muốn giết chết Pénélope một cách tượng trưng bởi lẽ anh ấy vẫn đổ lỗi cho cô ta về cái chết của Julian. Nhưng dù lý do anh ấy đưa ra có là thế nào, thì tôi cũng sẽ không đời nào tha thứ cho hành động này. Sean không có quyền hủy hoại những bức tranh đó. Trước tiên bởi chúng là một phần di sản của hội họa. Sau nữa là bởi, bằng hành động đó, anh ấy đã khiến tôi sạt nghiệp và đẩy phòng tranh của tôi đến bờ vực thẳm. Hai năm nay, tôi bị nhiều công ty bảo hiểm thúc ép. Một cuộc điều tra hình sự được mở ra. Tôi đã cố gắng bảo vệ thanh danh của mình, nhưng trong giới nghệ thuật, chẳng ai dễ bị lòe bịp cả và uy tín của tôi đã bị… – Tôi không hiểu cho lắm, Madeline ngắt lời ông. Ai là chủ nhân của loạt tranh “21 Pénélope” này? – Phần lớn nhất thuộc về Sean, Pénélope và tôi. Nhưng có ba bức thuộc sở hữu của những nhà sưu tầm lớn, một người Nga, một người Trung Quốc và một người Mỹ. Để thuyết phục họ đừng khởi kiện, Sean đã hứa sẽ đền cho họ những bức tranh mới: những bức tranh đặc biệt, anh ấy khẳng định thế. Chỉ trừ có điều, chúng còn lâu mới có, dĩ nhiên rồi. – Dĩ nhiên rồi, nếu ông ấy không vẽ nữa. – Đúng thế, tôi cũng đã chẳng hy vọng gì có được những bức tranh ấy, cũng vì những tháng cuối đời Sean, tôi nghĩ anh ấy thậm chí không còn đủ thể lực để vẽ nữa kia. Mắt ông mờ đi trong giây lát. – Năm cuối đời là một khổ hình đúng nghĩa đối với Sean. Anh ấy phải trải qua hai cuộc phẫu thuật mở tim, và mỗi lần như thế anh ấy lại suýt mất mạng. Nhưng ngay trước hôm Sean qua đời tôi đã nói chuyện với anh ấy qua điện thoại. Anh ấy đã tới New York cách đó vài ngày để đến khám tại chỗ một bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Chính lúc đó anh ấy tuyên bố với tôi là đã lại bắt đầu vẽ tranh và đã hoàn thành được ba bức tranh. Rằng chúng hiện đang ở Paris, và tôi sẽ sớm được nhìn thấy chúng. – Biết đâu ông ấy không nói sự thật. – Sean Lorenz có thể hội tụ đủ thói hư tật xấu trên đời, nhưng anh ấy không phải kẻ dối trá. Lúc anh ấy qua đời, tôi đã tìm kiếm những bức tranh đó khắp nơi. Trong từng ngóc ngách của ngôi nhà, trên tầng áp mái, dưới hầm. Nhưng không thấy bất cứ dấu vết nào. – Ông đã nói mình là người thực hiện di chúc kiêm người thừa kế của ông ấy mà. – Chính xác, nhưng di sản của Sean vốn còm cõi, vì Pénélope đã vắt kiệt nó rồi. Ngoại trừ ngôi nhà trên phố Cherche-Midi mà cô biết và đang bị cầm cố, thì anh ấy hầu như chẳng còn lại gì. – Ông ấy đã di tặng lại cho ông thứ gì chăng? Benedick cười phá lên. – Nếu cô muốn, ông buột miệng đoạn rút từ túi áo ra một vật nhỏ. Ông chìa cho Madeline một hộp diêm quảng cáo. – Grand Café, là cái gì vậy? – Một quán rượu ở khu Montparnasse nơi Sean thường ngồi trước đây. Madeline lật hộp diêm lại và thấy một dòng chữ viết bằng bút bi. Một câu trích dẫn nổi tiếng của Apollinaire: “Đã tới lúc thắp lại những vì sao.” – Chắc chắn đây là nét chữ của Sean, ông chủ phòng tranh cam đoan. – Và ông không biết ông ấy ám chỉ điều gì ư? – Không hề. Tôi đã nghĩ chắc đây có thể là một thông điệp, nhưng tôi nghĩ mãi mà chưa thông, tôi tuyệt nhiên chẳng hiểu gì hết. – Và hộp diêm này thực sự dành cho ông sao? – Dẫu sao chăng nữa, đây cũng là thứ duy nhất anh ấy để lại trong két sắt của ngôi nhà. Sau khi để lại hai tờ tiền để thanh toán hóa đơn, Bernard Benedick đứng dậy, mặc áo vest rồi quàng khăn. Madeline còn ngồi lại. Cô vẫn lặng lẽ quan sát hộp diêm, khiến người ta có cảm giác cô đang nghiền ngẫm câu chuyện mà ông chủ phòng tranh vừa kể. Sau giây lát ngẫm nghĩ, đến lượt cô đứng dậy rồi hỏi: – Chính xác thì tại sao ông lại kể cho tôi nghe toàn bộ chuyện này? Benedick cài cúc áo vest rồi trả lời như một lẽ hiển nhiên: – Dĩ nhiên là để cô giúp tôi tìm lại những bức tranh đã biến mất rồi. – Nhưng tại sao lại là tôi? – Cô là cảnh sát, không phải sao? Vả lại, tôi đã nói với cô rồi đấy: tôi luôn tin vào bản năng của mình. Và điều gì đó đang mách bảo tôi rằng nếu những bức tranh này tồn tại – và tôi dám chắc là chúng có tồn tại –, cô là người có khả năng tìm ra chúng nhất. 3 Vẻ đẹp của những sợi dây Nếu bạn có thể nói điều gì đó bằng lời thì có lẽ chẳng còn bất cứ lý do nào để vẽ nó ra nữa. Edward HOPPER (1882-1967): họa sĩ nổi tiếng người Mỹ, tên tuổi của ông gắn liền với phong trào hiện thực giữa thế kỷ 20. Hầu hết các tác phẩm của ông đều khắc họa thành công tâm trạng cô đơn, lẻ loi của con người và cảnh vật trong thời đại công nghiệp hóa, chính điều này đã tạo nên một diện mạo mới cho ngành mỹ thuật của Mỹ. 1. Qua khỏi bùng binh, Madeline tăng tốc và thiếu chút nữa thì vượt đèn đỏ ở nút giao với đường Longchamp. Sau khi dùng bữa trưa cùng ông chủ phòng tranh, cô đã thuê một chiếc xe ga tại một đại lý nằm trên đại lộ Franklin-Roosevelt. Không có chuyện cô lãng phí cả buổi chiều để tranh giành xưởng vẽ của Lorenz với một tay người Mỹ cục cằn. Vậy nên cô đỗ xe gần đại lộ Champs-Élysées, rồi dạo qua các quầy hàng ở khu chợ Giáng sinh. Cuộc dạo chơi của cô kéo dài không quá mười lăm phút vì những căn nhà gỗ xếp thẳng hàng ở hai bên nơi được mệnh danh là “đại lộ đẹp nhất thế giới” khiến cô thấy chán ngán. Các lán gỗ bán khoai tây chiên, quầy bán lẻ đồ tiện ích made in China, mùi lộn mửa của xúc xích và churros, không khí nơi đây giống một hội chợ hơn là lễ Giáng sinh trắng trong những câu chuyện cổ tích gắn liền với thời thơ ấu của cô. Thất vọng, cô rút lui, thoạt đầu nhằm hướng những cửa kính trưng bày của trung tâm thương mại BHV, rồi qua những cổng vòm và tới khu vườn của quảng trường Vosges. Nhưng cô không thấy những gì mình hằng tìm kiếm, chẳng hơn gì trên đại lộ Champs-Élysées: một chút phép thuật, một chút cảnh tiên, chút ít tinh thần Giáng sinh của Christmas Carols cũ kỹ. Lần đầu tiên, cô không cảm thấy thoải mái ở Paris. Không cảm thấy thoải mái ở chỗ của mình. Cô lại ngồi lên chiếc Vespa, bỏ lại những nhóm du khách, những tràng liến thoắng phát mệt của họ và những cây gậy selfie chỉ chực chọc vào mắt bạn bất cứ lúc nào, để chạy xe lang thang không đích đến. Trong đầu cô, những màu sắc và những đường lượn trang trí của Lorenz tiếp tục nhảy múa và lan tỏa. Bấy giờ cô ý thức được rằng mong muốn thực sự duy nhất của cô là tiếp tục hành trình cùng người họa sĩ. Để thả hồn theo những đợt sóng ánh sáng của ông, để đắm chìm trong những sắc độ bảng màu của ông, được lóa mắt trước những ánh chói lọi rực rỡ của ông. Nhưng Bernard Benedick đã cảnh báo cô: “Tại Paris, cô chỉ có thể hy vọng nhìn thấy tranh của Sean Lorenz ở một nơi duy nhất.” Nhất quyết thử vận may của bản thân, Madeline bèn thẳng tiến tới rừng Boulogne. Vì không thông thuộc nơi này, cô đỗ chiếc xe hai bánh của mình lại ngay khi có thể, gần hàng rào Vườn điều hòa, rồi tiếp tục cuốc bộ dọc đại lộ Mahatma-Gandhi. Lúc này vầng mặt trời đang khẳng định chiến thắng toàn phần, xóa tan cảnh sắc u ám. Thời tiết đẹp. Những vảy bụi vàng lắc rắc đây đó trong không khí ẩm ướt. Xung quanh công viên không một bóng thành viên nghiệp đoàn hay người biểu tình giận dữ nào. Những chiếc xe nôi, những cô trông trẻ, tiếng reo hò của lũ nhóc và những người bán hạt dẻ nóng khiến không gian được bao trùm trong bầu không khí trẻ thơ hồn nhiên. Bỗng nhiên, một con tàu lớn bằng thủy tinh xuất hiện giữa những cành nhánh của đám cây cối trơ trụi. Khoác lên mình những cánh buồm pha lê, Fondation Vuitton nổi bật trên nền trời lam nhạt. Tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người, tòa nhà gợi cho ta liên tưởng đến một vỏ sò pha lê khổng lồ, một tảng băng trôi dạt hoặc một chiếc thuyền buồm high-tech với lá cờ ánh xà cừ phần phật tung bay. Madeline mua vé rồi bước vào bên trong tòa nhà. Đại sảnh rộng rãi, sáng sủa và thoáng đãng, với một khoảng mở ra không gian cây xanh. Cô lập tức cảm thấy thoải mái trong tổ kén thủy tinh khổng lồ này và dạo vài phút qua khoảng sân trong, thả mình vào sự hài hòa của các đường cong, vẻ duyên dáng đậm chất khí sinh của công trình. Những cái bóng di động loang loáng nước kỳ quặc mà những vách kính vẽ nên do bị phản chiếu dưới sàn tái sinh cô như một shoot dịu dàng và ấm áp. Cô gái lần theo cầu thang bộ và đi khắp một mê cung trắng sữa được điểm thêm các khoảng giếng trời dẫn lối tới khoảng một chục phòng trưng bày. Những bức tranh được trưng bày là sự kết hợp giữa một triển lãm tạm thời với những tác phẩm nằm trong bộ sưu tập thường trực. Ở hai tầng gác đầu tiên, người ta có thể chiêm ngưỡng những tuyệt tác trong bộ sưu tập của Shchukin: những bức họa danh bất hư truyền của Cézanne, Matisse, Gauguin… mà nhà sưu tầm người Nga, vốn xem thường những đả kích thời đó, đã dũng cảm thu thập trong suốt gần hai chục năm. Với những thanh xà thép và những phiến gỗ thông rụng lá xuyên qua, tầng trên cùng được cơi nới thêm hai khoảnh sân hiên mở ra những quang cảnh bất ngờ về khu La Défense, rừng Boulogne và tháp Eiffel. Hai bức tranh của Lorenz được trưng bày chính tại đó, trong một gian phòng nơi người ta cũng tìm thấy một bức tượng đồng của Giacometti, ba bức tranh trừu tượng của Gerhard Richter cùng hai bức tranh đơn sắc của Ellsworth Kelly. 2. Nằm dài trên chiếc ghế thư giãn bọc da rạn, hai chân gác lên trường kỷ, mắt nhắm nghiền, Gaspard lắng nghe một bài nói chuyện của Sean Lorenz được thâu vào một cuốn băng cát xét cũ kỹ anh tìm thấy giữa những chồng đĩa than trong tủ sách. Được dẫn dắt bởi Jacques Chancel, cuộc phỏng vấn dài này được thực hiện từ bảy năm trước trong một cuộc triển lãm tác phẩm của Lorenz tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Maeght ở Saint-Paul-de-Vence. Cuộc phỏng vấn hết sức thú vị và mới lạ vì rất hiếm khi Lorenz, người họa sĩ kín đáo và kiệm lời, nhận lời bình luận về tác phẩm của mình. Sau khi đã chối bỏ hầu như tất cả những kiến giải về sự vận động trong tác phẩm của mình, Lorenz đã cảnh báo: “Hội họa của tôi là tức thời, nó không chứa đựng bất kỳ thông điệp nào hết. Nó chỉ nắm bắt điều gì đó cùng lúc là phù vân và vĩnh cửu.” Thông qua một vài câu trả lời của ông, người ta cũng nhận ra nỗi mỏi mệt, những nghi ngại của họa sĩ, cái cảm giác mà ông thú nhận chứ không hề che giấu rằng “có lẽ đã tới đoạn cuối trong một chu trình sáng tạo”. (1928-2014): nhà văn, nhà báo kiêm người dẫn chương trình kỳ cựu của các chương trình phát sóng thường nhật trên đài France Inter và Antenne 2. Gaspard nghe như nuốt lấy từng lời. Ngay cả khi ông từ chối không chịu thổ lộ điều mấu chốt trong hội họa của bản thân thì ít ra Lorenz vẫn vô cùng thẳng thắn. Giọng ông, khi thì quyến rũ mê hoặc, lúc lại khiến người nghe e ngại, đang lặp lại tính chất nước đôi và mơ hồ của nghệ thuật nơi ông. Đột nhiên, một âm thanh nặng nề và khiêu khích xé toạc bầu không khí tĩnh mịch cuối chiều. Gaspard giật thót mình rồi nhảy bật dậy trước khi nhào ra sân hiên. Thứ “âm nhạc” kia, có vẻ như vọng tới từ một trong những ngôi nhà kế bên, đang xâm chiếm ngõ hẻm. Thứ âm thanh thô lậu, rếch rác, chán chê, tràn ngập những tiếng gào thét dữ dội thay cho giọng hát. Sao người ta có thể cảm thấy thích thú khi nghe một thứ chất nổ như vậy nhỉ? anh càu nhàu trong lúc cảm thấy nỗi chán nản chụp xuống mình. Không thể có nổi một khoảnh khắc yên tĩnh. Đó là một trận đấu thua từ trước. Thế giới đầy rẫy những kẻ khó ưa, những kẻ rầy rà đủ loại, những kẻ phá bĩnh đủ kiểu. Những kẻ quấy rầy, những kẻ nhiều chuyện, những kẻ phiền phức chuyên áp đặt người khác. Chúng quá đông đảo, sinh sôi quá nhanh. Chiến thắng của chúng là toàn diện và dứt khoát. Bị cuốn theo cơn giận dữ, Gaspard lao ra khỏi nhà, và ngay khi ra tới ngõ cụt lát đá, anh lập tức lần theo dấu vết của kẻ quấy rầy. Tiếng om sòm xuất phát từ ngôi nhà gần nhất: một ngôi nhà nhỏ điền viên khuất dưới giàn dây lông chim. Để báo hiệu sự hiện diện của mình, Gaspard kéo chiếc chuông hoen gỉ gắn trên một trụ đá lớn. Vì không thấy ai xuất hiện, anh leo qua cổng, băng qua mảnh vườn nhỏ rồi bước nhanh qua mấy bậc tam cấp dẫn tới ngôi nhà nhỏ trước khi gõ cửa. Khi cánh cửa bật mở, Gaspard lấy làm kinh ngạc. Anh đang nghĩ sẽ trông thấy một thiếu niên mặt mụn, miệng phì phèo điếu cần sa và mặc áo phông in hình Iron Maiden. Thay vào đó, anh trông thấy một cô gái với những đường nét thanh tú, mặc sơ mi sẫm màu cổ sen, quần soóc vải tweed và đi giày da đế thấp màu đỏ tía. Ban nhạc rock nổi tiếng của Anh, chuyên chơi thể loại heavy metal, thành lập năm 1975. – Nghe chẳng lọt tai chút nào! anh gào toáng lên rồi gõ gõ ngón trỏ vào đầu. Cô kinh ngạc lùi lại một bước nhìn anh vẻ bối rối. – Âm nhạc của cô đó! anh gào lên. Cô nghĩ trên đời này chỉ có một mình cô chắc? – Vâng, không phải vậy sao? Đúng lúc Gaspard hiểu ra rằng cô gái cóc cần quan tâm đến anh, cô ta liền bấm vào một cái nút trên chiếc điều khiển từ xa nho nhỏ đang cầm trên tay. Cuối cùng không gian cũng yên ắng trở lại. – Tôi đang tự thưởng cho mình một quãng nghỉ trong lúc sửa luận án. Vì nghĩ mọi người đều đã đi nghỉ cả nên tôi để âm lượng ở mức hơi to, cô thừa nhận thay lời xin lỗi. – Nghỉ ngơi bằng cách nghe hard-rock ư? – Xét về kỹ thuật, đó không phải hard-rock, cô ta bắt bẻ, mà là black metal. – Có gì khác? – Ơ thì, hết sức đơn giản thôi, nhạc… – Cô biết sao không? Tôi cóc cần biết, Gaspard ngắt lời cô ta rồi đi ra xa. Nếu muốn thì cứ tiếp tục khoan thủng màng nhĩ của cô, nhưng hãy tậu lấy một cặp tai nghe để khỏi tra tấn những người khác. Cô gái bật cười như nắc nẻ. – Anh bất lịch sự đến nỗi chuyện này thậm chí lại thành ra tức cười đấy! Gaspard ngoái lại. Trong giây lát, anh cảm thấy sửng sốt vì lời nhận xét này. Anh nhìn cô gái từ đầu đến chân: một búi tóc ngoan hiền, một bộ quần áo nữ sinh thanh lịch, nhưng cũng có cả một chiếc khuyên mũi và một hình xăm tuyệt đẹp bắt đầu đằng sau tai để rồi biến mất bên dưới áo sơ mi. Cô ta không nhầm đâu… – Nhất trí, anh thừa nhận, tôi có lẽ đã hơi quá đà, nhưng thẳng thắn mà nói, thứ âm nhạc này… Cô lại nở nụ cười rồi chìa tay cho anh. – Pauline Delatour, cô tự giới thiệu. – Gaspard Coutances. – Anh đang sống trong ngôi nhà cũ của Sean Lorenz hả? – Tôi đã thuê nhà đó trong một tháng tới. Một cơn gió lốc khiến cánh cửa chớp đóng sập lại. Đang để chân trần, Pauline rùng mình đứng bắt tréo chân. – Hàng xóm thân mến, tôi bắt đầu thấy lạnh rồi, nhưng tôi sẽ rất vui nếu được mời anh một tách cà phê, cô đề nghị trong lúc xoa xoa hai cẳng tay. Gaspard gật đầu nhận lời rồi theo cô gái vào bên trong ngôi nhà. 3. Madeline sững sờ ngắm hai bức tranh, như bị phép thuật mê hoặc. Được vẽ từ năm 1997 và đặt nhan đề CityOnFire, bức đầu tiên là một tranh tường khổ lớn điển hình cho thời kỳ street art của Lorenz: một viên than cháy rực, một thứ hội họa ngốn ngấu tấm toan, một sự bùng nổ về màu sắc đi từ vàng đến đỏ son. Motherhood, bức tranh thứ hai, được sáng tác gần đây hơn nhiều, u uẩn, xơ xác, nó thể hiện một bề mặt màu xanh dương lợt, gần như trắng, xuyên qua bởi một đường cong tượng trưng cho cái bụng tròn vo của một phụ nữ đang mang thai. Sự gợi nhắc thuần khiết nhất của tình mẫu tử. Nhãn dán trên tường nói rõ đây là bức tranh cuối cùng được biết đến của Lorenz, được thực hiện ít lâu trước khi con trai ông chào đời. Trái ngược với bức tranh trước, ở đây thứ khiến cảm xúc tuôn trào không phải màu sắc, mà chính là ánh sáng. Đáp lại một giọng nói mà chỉ riêng mình cô nghe thấy, Madeline tiến lại gần. Ánh sáng đang gọi cô. Chất liệu, cấu trúc, mật độ, hàng nghìn sắc thái của bức tranh đang thôi miên cô. Bức tranh như sống động. Trong vài giây, vẫn một bề mặt đó chuyển từ sắc trắng sang xanh lơ rồi sang hồng. Cảm xúc ở đó, nhưng không thể nắm bắt được. Bức tranh của Lorenz khi làm bạn nguôi khuây, lúc lại khiến bạn âu lo. Sự ngập ngừng lưỡng lự này mê hoặc Madeline. Làm cách nào một bức tranh có thể tạo ra hiệu ứng này cơ chứ? Cô cố gắng bước lùi về sau, nhưng đôi chân không nghe theo trí óc. Tình nguyện trở thành tù nhân, cô không muốn thoát khỏi thứ ánh sáng đang soi chiếu mình. Cô vẫn muốn rung động vì sự cám dỗ êm dịu này. Ở yên trong không gian nước ối và thoái triển này, thứ đang thấm qua bạn và tiết lộ những điều mà chính bạn cũng không thể nào ngờ về bản thân mình. Một vài điều tốt đẹp. Những thứ khác thì rõ ràng là không tốt đẹp bằng. 4. Tiền phòng trong nhà Pauline Delatour chính là phòng bếp. Thoạt tiên, nội thất bên trong rất ấm cúng, được bài trí theo phong cách “nhà thôn dã”: một bàn bếp bằng gỗ nguyên khối, gạch sành vuông vắn lát sàn, rèm vải vichy. Trên các giá kệ là đĩa tráng men, một cối xay cà phê hỏng đã tháo rời, những chiếc bát to bằng gốm và những xoong chảo cũ bằng đồng. – Nhà cô đẹp đấy, nhưng lại đánh lạc hướng người ta. Về mặt tinh thần, ta đang ở gần với Jean Ferrat hơn là nhạc black metal của cô, anh trêu. (1930-2010): nhạc sĩ người Pháp nổi tiếng với những bản tình ca lãng mạn. Pauline tươi cười lấy chiếc máy pha cà phê kiểu Ý đang để trên bếp rồi rót ra hai tách. – Thực ra căn nhà này không phải của tôi. Nó thuộc về một doanh nhân người Ý, một nhà sưu tầm nghệ thuật, người thừa hưởng căn nhà từ gia đình ông ta và Sean Lorenz đã giới thiệu ông ta với tôi. Ông ta không bao giờ đặt chân tới đây. Vì ông ta không muốn bán căn nhà đi nên cần ai đó để trông coi và bảo dưỡng. Chuyện này sẽ chẳng kéo dài mãi, nhưng trong lúc chờ đợi, sẽ thật ngốc nếu không tận dụng cơ hội. Gaspard nhận lấy tách cà phê cô đưa cho anh. – Nếu tôi hiểu đúng thì cô đang sống ở đây là nhờ có Lorenz. Đứng dựa lưng vào tường, cô gái khẽ thổi nguội món đồ uống. – Đúng thế, chính ông ấy đã thuyết phục người đàn ông Ý kia tin tưởng tôi. – Cô đã gặp ông ấy như thế nào? – Sean ấy hả? Ba hay bốn năm gì đó trước khi ông ấy mất. Trong suốt những năm đầu học đại học, để kiếm thêm thu nhập, tôi thường làm mẫu vẽ cho các sinh viên trường Mỹ thuật. Một hôm, Sean tới đó giảng một buổi master class. Tôi đã gặp ông ấy chính vào dịp đó và chúng tôi trở thành bạn bè. Khóa học bao gồm các hoạt động thảo luận, tương tác, huấn luyện trực tiếp 1:1 với các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Gaspard tò mò xem xét những chai rượu vang xếp trong một cái tủ nhiều ngăn bằng sắt rèn. – Không nên uống loại vang dở tệ này đâu! anh cảnh báo đoạn bĩu môi vẻ ghê tởm. Lần sau tôi sẽ mang cho cô một chai vang thứ thiệt. – Rất vui lòng. Tôi cần nhiên liệu để làm cho xong luận án ấy mà, cô mỉm cười chỉ chiếc máy tính xách tay màu bạc để trên bàn bếp, xung quanh là hàng chồng sách. – Cô làm luận án về đề tài gì vậy? – Ứng dụng nghệ thuật Kinbaku ở Nhật Bản thời Edo: việc sử dụng trong quân đội và thực hành khiêu dâm, cô đọc vanh vách. – Kinbaku hả? Đó là cái gì vậy? Pauline đặt tách cà phê vào bồn rửa rồi nhìn anh chàng hàng xóm mới với vẻ bí hiểm. – Đi theo tôi nào, tôi sẽ chỉ cho anh thấy. 5. Qua vách kính, những cây sồi đỏ đang rực lửa; những cây thích đang sáng lên; những cây thông đang nhuộm đen bóng dáng chúng để biến thành rối bóng. Mắt nhìn xa xăm vô định, Madeline nhìn mà như không thấy vầng mặt trời đang khuất sau vọng lâu âm nhạc được dựng trên bãi cỏ của Vườn điều hòa. Đã gần 5 giờ chiều. Sau chuyến tham quan, cô đang ngồi bên một bàn của quán Franck, nhà hàng của Bảo tàng nằm sau một vách ngăn trổ ô ở sân trong. Cô nhấm nháp từng ngụm nhỏ món trà đen đã gọi. Suốt mấy phút rồi, trong tâm trí Madeline chỉ có một ý nghĩ duy nhất. Một câu hỏi duy nhất: nếu chuyện Bernard Benedick vừa kể với cô là thật thì sao? Nếu ba bức tranh cuối cùng Sean Lorenz sáng tác đã thực sự biến mất thì sao? Những bức tranh mới chưa ai từng được xem. Một cơn rùng mình lan khắp người. Cô không định để mình bị ông chủ phòng tranh thao túng, nhưng nếu những bức tranh ấy tồn tại thật, cô rất muốn mình là người tìm ra chúng. Cô cảm thấy adrenalin đang rần rật trong huyết quản. Dấu hiệu khởi đầu cuộc săn lùng. Một cảm giác thân quen trước kia mà cô rất vui khi tìm lại được. Một cảm giác dĩ nhiên không quá khác biệt với sự khẩn cấp hẳn phải bám riết lấy Sean Lorenz khi ông vẽ những bức graffiti trong tàu điện ngầm hồi đầu thập niên 1990. Niềm ham thích hiểm nguy, cơn cuồng dại trước nỗi sợ hãi, mong muốn được trở lại bằng mọi giá. Cô mở trình duyệt Internet trong điện thoại. Bản giới thiệu của Wikipedia về Lorenz bắt đầu theo cách kinh điển: Sean Paul Lorenz, cũng được biết đến với cái tên Lorz74 ở thời điểm khởi nghiệp, là một nghệ sĩ tranh tường kiêm họa sĩ, sinh ra tại New York vào ngày 8 tháng Mười một năm 1966, qua đời tại cùng thành phố vào ngày 23 tháng Mười hai năm 2015. ông đã sống và làm việc tại Paris suốt hai chục năm cuối đời […] Cô đọc tiếp vài chục dòng nữa. Một bản tóm tắt tổng hợp thú vị, nhưng nó không cho cô biết gì thêm ngoài những điều Benedick đã kể cho cô nghe. Chỉ đến những dòng cuối cùng Madeline mới thấy thông tin cô đang tìm kiếm: Vụ JULIAN LORENZ Tội ác Ngày 12 tháng Mười hai năm 2014, khi Sean Lorenz đang có mặt tại New York để tham dự một buổi triển lãm tác phẩm của ông ở MoMA, vợ ông là Pénélope cùng con trai Julian đã bị bắt cóc trong một con phố thuộc khu phía Tây Thượng Manhattan. Vài giờ sau, họa sĩ nhận được yêu cầu trả một món tiền chuộc trị giá nhiều triệu đô, kèm theo đó là một ngón tay của đứa trẻ bị chặt đứt. Bất chấp khoản tiền đã được nộp đủ, chỉ một mình Pénélope được trả tự do, còn cậu bé đã bị sát hại ngay trước mắt mẹ cậu. Tội phạm Cuộc điều tra chẳng mấy chốc đã dựng được danh tính của kẻ bắt cóc bởi lẽ […] 6. Với một thanh xà bằng gỗ ô liu xuyên suốt chiều dài, phòng khách của Pauline Delatour chẳng còn gì thuộc về một ngôi nhà, mà đúng ra là gợi nhắc một căn gác xép hiện đại với lối bài trí tối giản. Một căn phòng rộng rãi với các mặt tường giăng đầy những bức ảnh chụp phụ nữ khỏa thân bị trói lại trong các tư thế quá khích. Những cơ thể bị xích chân, bị thắng yên cương, bị treo lủng lẳng trên không trung. Những da thịt bị buộc ngang bằng thắt lưng, bị quấn chặt, bị cầm tù bởi vô số nút thắt tinh vi. Những gương mặt run rẩy mà người ta không rõ chúng biểu hiện sự thích thú hay đau đớn. – Về cơ bản, kinbaku là một binh pháp của người Nhật cổ, Pauline giải thích vẻ uyên bác. Một kỹ thuật được tạo ra để trói gô các tù binh chiến tranh cấp cao. Qua nhiều thế kỷ, nó đã trở thành một lối thực hành khiêu dâm tinh tế. Gaspard nhìn những bức ảnh, thoạt tiên với vẻ miễn cưỡng. Những mối quan hệ phục tùng và thống trị luôn khiến anh thấy không được thoải mái. – Anh biết nhiếp ảnh gia vĩ đại Araki đã nói gì không? cô gái hỏi. “Những sợi dây thừng phải giống như những mơn trớn vuốt ve trên cơ thể đàn bà.” Thật ra, nỗi e sợ của Gaspard dần dần tan biến. Thậm chí anh còn thấy những bức ảnh này mang một vẻ đẹp đáng kinh ngạc, dù miễn cưỡng. Thật khó lòng giải thích, nhưng những hình ảnh không có vẻ gì là dung tục hay bạo lực. – Kinbaku là một nghệ thuật đòi hỏi rất cao, Pauline bổ sung. Một màn trình diễn không liên quan gì đến bạo dâm hay khổ dâm cả. Tôi đang có giờ giảng ở một lớp tại quận 20. Hôm nào đó anh nên tới. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy. Nếu muốn biết được nhiều điều về bản thân, chuyện đó thậm chí còn hiệu quả hơn một buổi phân tích tâm lý đấy. – Sean Lorenz có liên quan đến những trò này hả? Pauline bật cười rầu rĩ. – Sean từng sống trong khu rừng rậm vốn là New York trong thập niên 1980 và 1990, vậy nên những trò nho nhỏ này không phải thứ khiến ông ấy khiếp sợ. """