" Đứa Con Muộn - Anatoly Alexin full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đứa Con Muộn - Anatoly Alexin full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển] Ebooks Nhóm Zalo Đứa Con Muộn Anatoly Alexin Văn Học (2018) “ĐỨA CON MUỘN” Bản tiếng Việt © 2017 Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam & Trần Thị Phương Phương Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Алексин А. Г., Поздний ребенок. Повести и рассказы, Издательство: Детская литература, Москва, 1976 (A.G. Alexin, Đứa con muộn. Các truyện vừa và truyện ngắn, NXB Văn học thiếu nhi, Moskva, 1976). Mọi sao chép, trích dẫn phải có sự đồng ý của Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam và dịch giả. Lời nói đầu Anatoly Georgyevich Alexin (tên thật là Goberman) sinh năm 1924 tại Moskva. Ông làm thơ đăng báo từ thuở bé, trải qua những năm Chiến tranh Vệ quốc chống phát xít trên công trường xây dựng ở ngoại ô thành phố Moskva và làm biên tập báo địa phương ở Ural, tốt nghiệp ngành Ấn Độ học tại Viện Đông phương học Moskva vào năm 1950. Năm 1950 cũng là năm Alexin cho ra mắt tập truyện đầu tay Ba mươi mốt ngày. Tập truyện được đón nhận tích cực và những tác phẩm tiếp sau đó, như Sasha và Shura (1956), Những cuộc phiêu lưu lạ thường của Seva Kotlov (1958), Tầng bảy đang phát thanh (1959), Kolia viết cho Olia, Olia viết cho Kolia (1965), Anh trai tôi chơi kèn clarinet (1968), Đứa con muộn (1976), Người thứ ba ở hàng thứ năm (1977), Evdokina dở hơi (1978), Những người phát tín hiệu và thổi kèn hiệu (1985)… đã đem lại cho ông danh hiệu “nhà văn của tuổi trẻ”. Alexin chủ yếu viết về lứa tuổi thiếu niên, về những cuộc đụng độ của họ với thế giới người lớn. Đó là những bức tranh cuộc sống thường nhật trong gia đình, trường học – những chốn thân quen gần gũi nơi các cô bé, cậu bé trải qua những thử thách đầu tiên của cuộc đời để lớn lên thành người. Đó cũng là những bức chân dung của thế hệ trẻ, cũng như của người Xô Viết nói chung các thập niên 1950 – 1980. Không ít sắc thái tươi sáng lãng mạn, lý tưởng, đồng thời có cả những gam màu tối dự báo về sự tha hóa đạo đức. Những câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng, hài hước nhưng cũng đầy kịch tính, những miêu tả tinh tế về đời sống sinh hoạt cũng như tâm lý con người thời đại đã khiến tác phẩm của Alexin trở thành các bài học đạo lý sâu sắc không chỉ dành riêng cho trẻ em, mà cả cho người lớn. Alexin còn viết tiểu thuyết và kịch. Nhiều kịch bản phim được chính ông chuyển thể từ các truyện vừa và truyện ngắn của mình. Alexin nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có bốn lần được trao Giải thưởng Nhà nước của Liên Xô và của Liên bang Nga. Ông được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô năm 1982. Năm 1993, ông rời Nga đến Israel định cư vì lý do sức khỏe, và từ năm 2011 sống ở Luxembourg cùng gia đình con gái. Tuy nhiên, nhà văn từng nói với báo chí: “Trái tim tôi nằm ở Moskva, tôi là nhà văn Nga…” Ngày 1 tháng 5 năm 2017, Alexin ra đi ở tuổi 93 và được đưa về quê hương chôn cất. Trái tim nhà văn Nga sẽ mãi mãi nằm lại ở Moskva đúng như di nguyện của ông. Người dịch Anh trai tôi chơi kèn Clarinet Ngày 21 tháng Mười Hai Hầu như tất cả bọn con gái trong lớp tôi đều viết nhật ký. Bọn nó viết trong đó đủ thứ vớ vẩn. Chẳng hạn: “Vasia hôm nay hỏi mượn mình quyển vở Hình học. Hỏi một cách kín đáo và rất khẽ, để không ai nghe thấy. Để làm gì? Tại sao cậu ấy lại bí mật và hồi hộp như thế? Đã nửa đêm rồi, nhưng mình cứ nghĩ mãi về chuyện này và đến tận sáng vẫn không ngủ được”. Vasia chỉ đơn giản muốn chép bài tập về nhà môn Hình học mà thôi. Đúng là như thế, bởi cậu ta cũng đã chép của tôi. “Khẽ khàng, kín đáo!...” – Thử hỏi ai lại làm chuyện đó một cách ồn ào? “Hồi hộp!” – Làm sao mà thằng Vasia không hồi hộp được! Bọn con gái luôn thích gán cho những hành vi bình thường nhất của bọn con trai ý nghĩa đặc biệt nào đó. Tôi cũng là một cô bé, nhưng tôi hiểu là nhật ký phải được viết bởi những người xuất chúng. Không, tôi không nghĩ đó là tôi. Nhưng tôi có một người anh, anh ấy đang học năm thứ hai ở nhạc viện. Anh ấy sẽ trở thành một nhạc sĩ vĩ đại. Điều này là chắc chắn. Tôi không hoài nghi về việc đó! Và qua nhật ký của tôi, người ta sẽ biết anh ấy hồi thơ ấu như thế nào. Anh trai tôi chơi kèn clarinet. Tại sao lại không chơi vĩ cầm, hay dương cầm, như ông nội mong muốn. Ông nội mất khi tôi mới hai tuổi. Còn anh Leva lớn hơn tôi những năm tuổi, và ông nội đã bắt đầu dạy nhạc cho anh ấy. Từ nhiều năm tôi đã nghe nói, rằng ông nội tôi “chơi nhạc ở phoi-ơ[1]”. Tôi không biết “phoi-ơ” là gì, nhưng tôi thấy từ đó rất đẹp. “Phoi-ơ” – tôi phát âm rất rõ ràng. Nhưng khi lần đầu tiên vào rạp chiếu phim và nhìn thấy các nhạc công chơi đàn trong phoi-ơ, tôi thấy thương ông nội tội nghiệp của tôi lắm: Khán giả thì nói chuyện với nhau, nhai bánh kẹp, sột soạt giở báo, còn những nhạc công già trên sân khấu chơi một bản valse. Họ áp cằm vào đàn và nhắm mắt: Có thể là vì say mê, nhưng cũng có thể để không nhìn thấy các khán giả nhai bánh kẹp. Anh trai tôi sẽ không chơi nhạc ở phoi-ơ! Anh ấy sẽ biểu diễn trong những hội trường nhạc thính phòng sang trọng. Bây giờ anh ấy đang chuẩn bị cho cuộc thi của các nhạc công trình diễn kèn hơi. Tôi thấy tiếc là clarinet lại bị gọi là kèn hơi. Khi tôi nghĩ đến kèn hơi, không biết sao lại lập tức nhớ đến các đám tang và đội kèn đồng đi theo sau quan tài. Lẽ ra kèn clarinet phải được gọi bằng một cái tên khác... Nhưng biết làm sao được! Tôi học trung bình, nhưng điều này không có ý nghĩa gì cả. Tôi quyết định hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình không phải cho bản thân, mà là cho anh trai. Các em gái của vĩ nhân đều như thế. Họ thậm chí còn không lấy chồng. Và tôi cũng không lấy chồng. Không đời nào! Không bao giờ!... Đúng thế đấy. Leva cũng biết về điều này. Ban đầu anh ấy phản đối, nhưng sau đó đã đồng tình. Chúng tôi đã thỏa thuận, rằng khác với tôi, bản thân Leva thì phải có quyền cho cuộc sống riêng của mình, nhưng chỉ khi đã đạt được những thành tựu âm nhạc lớn. Bởi Leva sẽ phải thuộc về nghệ thuật một cách trọn vẹn. Anh ấy sẽ không có thời gian cho những công việc và mối quan tâm bình thường của con người. Mọi thứ đó sẽ do tôi đảm nhiệm. Thực ra tôi từ chối cuộc sống riêng của mình là vì anh trai! Và vì thế những điểm Ba[2] của tôi chẳng có nghĩa lý gì cả. Tiếc là bố và mẹ lại chẳng hiểu điều đó. – Con sắp đặt cũng không tồi. – Mẹ nói – Nghĩa là, Leva sẽ học, từ sáng đến tối chơi clarinet, tu dưỡng, chuẩn bị cho các kỳ thi, còn con sẽ dâng hiến cả cuộc đời mình cho anh con. Con thật toàn có ý nghĩ điên rồ! – Thế có nghĩa em gái của Chekhov cũng là điên rồ sao? – Tôi vặc lại. – Thôi… đủ rồi đấy! Mẹ ngán ngẩm khoát tay. Khi không nói gì được nữa, thì dễ hơn cả là khoát tay. Nói chung, bản thân tôi cũng có lỗi: Không nên quá cởi mở với cha mẹ mình – họ nhất định sẽ lợi dụng sự cởi mở đó để chống lại mình. Nhưng rồi khi nào người ta viết sách về Leva, những đoạn nhật ký của tôi sẽ được đưa vào trong đó. Cách đây không lâu tôi có đọc một cuốn sách viết về một nhà thơ vĩ đại. “Em gái nhà thơ” – dưới một bức ảnh có ghi như thế. Còn dưới ảnh của tôi người ta sẽ viết: “Em gái của nghệ sĩ kèn clarinet”. Hay thế này thì hơn: “Em gái của nhạc sĩ”. Đó sẽ là phần thưởng khiêm tốn dành cho tôi. Đấy, vì sao mà tôi viết nhật ký. – Bố chưa bao giờ nghe nói đến cái nghề như vậy: Nghề em gái của nghệ sĩ clarinet! – Có lần bố tôi nói với tôi. Chao, cả ông cũng không phải lúc nào cũng hiểu tôi. Thật không may là chẳng phải ai cũng biết clarinet là nhạc cụ quan trọng như thế nào. Chính nó khởi đầu cho bản giao hưởng số năm của Tchaikovsky. Chẳng lẽ nhiều người biết chuyện đó sao? “Nhân vật không nổi bật của dàn nhạc” – Leva nói như thế về clarinet. Anh ấy thậm chí còn mừng vui vì clarinet là nhạc cụ “không nổi bật”. Cả anh ấy nữa, có lẽ cũng muốn không nổi bật. Tính anh ấy thế. Nhưng tôi không để chuyện đó xảy ra! Mùa hè, cả nhà tôi vang lừng tiếng kèn clarinet. Nhưng nhiều người không biết những âm thanh đó phát ra từ cửa sổ nhà ai. Tôi giải thích rằng đó là anh trai tôi chơi kèn. Thậm chí khi trời lạnh tôi cũng mở toang cửa sổ để mọi người không quên tiếng kèn clarinet của anh Leva. Tôi kể cho tất cả hàng xóm rằng Leva đang chuẩn bị cho cuộc thi âm nhạc. Cứ mặc mọi người bảo tôi không khiêm tốn: Tôi sẵn sàng chịu mọi đau khổ vì anh trai mình! Nói chung, từ lâu tôi đã quyết định viết nhật ký. Nhưng tôi không muốn bắt đầu nó một cách đơn giản, mà phải bắt đầu từ một ngày trọng đại nào đó. Và ngày hôm đó đã đến! Hôm nay, trước khi hồi chuông đầu tiên đổ, anh học sinh lớp Mười Robert, có biệt danh là “Robert – nhà tổ chức” túm lấy tôi ở chỗ gửi áo khoác. Tác phong của anh ấy là thế, không chặn lại, không nắm lấy tay ai anh ấy đang cần gặp, mà là túm lấy. Túm lấy bất cứ chỗ nào lọt vào tay anh ấy: tay, vai, thậm chí là cổ. Bạn tưởng tượng được không? Anh ấy túm lấy tay áo tôi. – Em thu xếp mời anh em nhé? Cho buổi dạ hội của học sinh năm cuối! Robert chỉ nói được câu đầu là bình thường, theo cách của con người, còn sau đó anh ta chẳng còn thời gian để giãi bày. Anh bắt đầu nói liến thoắng, bỏ qua cả các động từ, cứ như đang đọc điện tín vậy. – Dạ hội mừng năm mới! Phần một – thơ và nhạc cổ điển. Phần hai – Jazz và khiêu vũ. Ta không có nhạc cổ điển. Mọi hy vọng trông vào anh trai của em. Tôi lập tức hình dung, rằng trong đời sẽ không có thêm một cơ hội tuyệt vời như thế để có thể vinh danh khắp trường. Tôi không thể đi báo cho mọi người rằng anh trai tôi học ở nhạc viện, nhưng bây giờ thì mọi người đều lập tức biết ngay! Tuy nhiên, tôi quyết định làm khó Robert một tí, để anh ta không nghĩ rằng có thể có được anh tôi một cách dễ dàng như thế. – Anh biết không? – Tôi bắt đầu – Anh em đang chuẩn bị cho cuộc thi dành cho các nhạc sĩ trình diễn… Tôi bỏ qua các từ “nhạc cụ bộ hơi”. – Dạ hội dành cho học sinh lớp cuối, chỉ cho lớp Mười thôi! – Robert nói – Em mới học lớp Bảy. Nhưng có hai vé cho em đây! Cho em và cho anh trai em. Em thu xếp được không? Bọn bạn gái của tôi sẽ thế nào khi chúng nó biết tôi được mời đến dự dạ hội của học sinh lớp cuối? Điều mà chúng nó chỉ có nằm mơ! Một giấc mơ hạnh phúc nhất!... Nhưng tôi vẫn cứ nói: – Anh trai em cả đêm giao thừa cũng bận rồi. Hình như anh ấy được mời đến một buổi hòa nhạc nào đó, rồi sau đó đến vũ hội của các nhạc sĩ trình diễn… – Dạ hội của bọn anh là ngày 26. – Robert nói – Em thu xếp được không? Dạ hội mừng năm mới trước năm mới những năm ngày! Mặc dù điều đó có gì mà đáng ngạc nhiên, nếu như Robert mới đây đã tổ chức lễ Phục sinh (vốn diễn ra vào Chủ nhật) vào ngày thứ năm? – Thôi được, không dễ đâu nhưng em sẽ cố gắng. – Tôi nói, và cầm hai chiếc vé. Ngày 22 tháng Mười Hai Tôi muốn viết thêm chút ít về ngày hôm qua. Khi tôi về nhà, Leva đang chơi clarinet. Anh ấy luôn chơi nhạc: cả buổi sáng lẫn buổi tối. Bạn tưởng tượng được không? Làm sao mà anh ấy có đủ kiên nhẫn như thế! Thật tôi không thể hiểu được. Mặc dù phần nào đó vẫn có thể… Leva làm việc anh ấy yêu thích, mà khi làm việc đó, lập tức sự kiên nhẫn và ý chí từ đâu đó sẽ xuất hiện. Chẳng hạn nếu như tôi chỉ phải chuẩn bị bài cho mỗi môn văn thôi, thì tôi có thể làm bài cả ngày và luôn được điểm Năm. Bởi đó là tôi làm công việc mình yêu thích! Nhưng còn hình học, vật lý, hóa học… Làm sao mà có đủ chừng đó kiên nhẫn? Và buộc người ta phải học những thứ họ chẳng bao giờ cần trong đời, chẳng bao giờ ưa thích, thậm chí còn rất ghét nữa, để làm gì cơ chứ?! Tôi không thể nào hiểu nổi. Khi có ai đó bước vào phòng, Leva cũng không dừng chơi nhạc: Anh ấy không nhận ra gì cả. Còn chúng tôi thì lại đi nhón chân. Nhưng hôm qua thì tôi không kiềm chế nổi và bảo: – Em xin lỗi anh, Leva… Em có việc quan trọng. Mọi người mời anh biểu diễn ở buổi dạ hội mừng năm mới ở trường em. Leva im lặng vài giây. Khi anh ấy bị bứt khỏi âm nhạc, anh ấy như chợt tỉnh dậy, hay nói chính xác hơn, như trở về với chúng tôi từ một thế giới khác nào đó. Là tôi cảm thấy như thế… – Mọi người mời anh biểu diễn ở buổi dạ hội mừng năm mới ở trường em. – Tôi nhắc lại bởi câu đầu của tôi anh Leva có thể không nghe thấy, lúc đó anh ấy đang ở thế giới khác. – Anh sẵn sàng thôi! – Leva nói – Về nguyên tắc thì anh sẵn sàng… Nhưng nghe một màn trình diễn buồn ngủ ở dạ hội mừng năm mới ư?... Kèn clarinet nghe hay hơn trong dàn nhạc. Hay là mời luôn cả dàn nhạc sinh viên của bọn anh, như thế hiệu quả hơn chăng? Lại còn thế nữa chứ! Để cho lũ violin leo lên ngồi hàng đầu, còn anh trai tôi thì ngồi trong góc ư? Và để cho nhạc trưởng đứng ra cúi đầu chào, còn anh trai tôi thì biến thành “nhân vật vô danh của dàn nhạc” ư? Không, tôi muốn anh phải nổi bật cơ! – Dàn nhạc của anh không vừa với sân khấu của bọn em. – Tôi nói – Với lại không ai mời dàn nhạc, họ chỉ mời anh thôi. Cá nhân anh ấy! Ở trường em mọi người mê clarinet lắm. Đây, hai vé đây này! – Tôi đặt hai tấm vé lên bàn và nói thêm – Nghĩa là ta đi nhé! Bố tôi có lần từng bảo: “Đã bao năm con cố tặng cho anh tính cách của con, mà anh con không nhận món quà ấy. Thôi con phải chấp nhận thôi, con gái của bố ạ!” Nhưng Leva đôi khi cũng vẫn phục tùng tôi, dù lớn hơn tôi đến năm tuổi. Anh ấy bảo rằng tôi có “trí tuệ thực dụng sắc bén”. Leva không giải thích thế là tốt hay xấu. Anh ấy nói chung không thích nói nhiều hay giải thích. Anh tư duy bằng những hình tượng âm nhạc. Tất cả những nhạc sĩ thực thụ đều tư duy như thế. – Anh sẵn sàng thôi… – Leva nói – Về nguyên tắc thì anh sẵn sàng thôi. Nhưng người đệm đàn cho anh thì sao? “Người đệm đàn cho anh” là cách Leva gọi chị Lilya sinh viên nhạc viện, người luôn phụ trợ cho những màn trình diễn buồn tẻ của anh. Lilya không chỉ đệm đàn cho Leva, chị ấy còn phải lòng anh ấy. Ai cũng thấy rõ điều này. Và vì thế chị ấy sẽ không từ chối biểu diễn ở dạ hội của chúng tôi. Tôi cũng không ngăn cản Lilya nhìn anh Leva với ánh mắt phục tùng như thế, và thậm chí đôi khi còn để họ một mình với nhau: Bởi vì Lilya to béo, đeo kính và đầy tàn nhang trên mũi, trên tay, thậm chí cả trên cổ. Tôi luôn tin tưởng những người phụ nữ không đẹp: Họ không thể làm anh tôi sao nhãng âm nhạc, và điều này là lợi thế của họ! Và cả mẹ tôi, như tôi nhận thấy, cũng thích những bạn gái không xinh đẹp. Ít nhất là khi mẹ cảnh cáo bố: “Tối nay có một phụ nữ hấp dẫn đến thăm em đấy”, bố gần như cười khẩy và buổi tối lặng lẽ sang hàng xóm đánh cờ. Bố không tin rằng mẹ sẽ dẫn về nhà một phụ nữ hấp dẫn. Tôi chuẩn bị cho buổi dạ hội mừng năm mới. Và hình dung mọi chuyện sẽ như thế nào. Anh trai tôi sẽ chỉ chơi một bài, chỉ một bài thôi! – Anh sẽ chơi bài gì hả Leva? – Chơi gì đó nhẹ nhàng thôi… Bài Con ong nghệ bay[3] chẳng hạn. – Không, đừng chơi bài ai cũng biết. Bài Con ong nghệ anh không phiêu được. Phải làm cho bọn họ ngạc nhiên! Những từ cuối tôi nói rất nhỏ, như thì thầm cho riêng mình. Leva không thích nghe những câu như thế. – Hay là chơi bản Francesca da Rimini? – Bản đó được đấy! Sau bản Francesca, anh trai tôi sẽ khuất sau cánh gà. Mọi người sẽ vỗ tay như điên. Anh ấy sẽ lại bước ra, dường như chỉ để cúi chào. Nhưng lúc đó tôi sẽ đứng dậy và nói: “Chơi nữa đi, anh Leva. Em xin anh đấy”. Và sẽ gọi tên một tác phẩm mà không ai trong các học sinh lớp cuối từng được nghe trong đời. Leva nghe lời tôi và sẽ chơi. Rồi sau đó anh xuống khán phòng ngồi xuống cạnh tôi. Rồi sau đó sẽ là vũ hội… – Anh sẽ chỉ nhảy với em thôi đấy! – Tôi bảo anh trai. – Về nguyên tắc thì anh sẵn lòng thôi… Nhưng em biết đấy, anh nhảy kém lắm. Lại theo kiểu cũ nữa… – Thế thì lại càng cần phải như thế. Để khỏi bị xấu hổ thì anh chỉ nhảy với em thôi. Anh thề đi! – Thôi được rồi, anh thề. Dĩ nhiên tôi sẽ vất vả hơn nàng Natasha Rostova[4]trong buổi vũ hội đầu tiên. Nàng ấy ở giữa những người lớn, họ là những người bình thường và xử sự nhân văn. Lẽ nào có thể so sánh họ với bọn học sinh lớp Mười của chúng tôi? Bọn này chỉ suốt ngày xỏ xiên, cười nhạo. Và tự tin rằng họ còn người lớn hơn cả những người lớn. Như mẹ tôi bảo, chính điều đó càng cho thấy họ hoàn toàn còn là trẻ con, bởi vì, như mẹ khẳng định, chẳng người lớn nào lại muốn tỏ ra già hơn tuổi của mình cả. Nhưng chính bọn học sinh lớp Mười ấy lại chẳng nghĩ ra rằng họ hoàn toàn là trẻ con. Không ai bảo cho họ cả: chẳng qua là không ai nỡ làm thế. Vì vậy họ lại càng tỏ ra mình là những “người hùng của thời đại” mỏi mệt, không còn gì trên đời này làm họ ngạc nhiên. Chính thế đấy. Còn tôi, có lẽ, tôi sẽ làm họ ngạc nhiên. Ít nhất là họ sẽ phải ghen tị với tôi! Ngày 27 tháng Mười Hai Vâng, vũ hội đầu tiên của Natasha Rostova hạnh phúc hơn của tôi rất nhiều! Hạnh phúc hơn rất nhiều!... Tôi không biết các vị chỉ huy lên kế hoạch các chiến dịch quân sự của họ như thế nào. Họ có cố hình dung trước hành động của đối phương hay không? Có thể là có… Nhưng tất nhiên vì thế họ sẽ thấy xuất hiện nhiều khó khăn khác nhau và những hoài nghi. Khi mà “trí tuệ thực dụng sắc bén” của tôi lên kế hoạch nào đó, thì trước hết tôi sẽ thấy mọi việc diễn ra rất dễ dàng và đơn giản, bởi mọi người tham gia vào các sự kiện tương lai đó sẽ hành động như tôi mong muốn. Tôi nghĩ đó chính là những thiếu sót lớn trong các kế hoạch của tôi. Bởi vì sau đó, trong cuộc sống, những người tham gia sự kiện sẽ bắt đầu hành động theo cách họ muốn. Và khi đó mọi thứ sẽ đảo lộn cả. Hôm qua mọi chuyện đã diễn ra như thế. Thật xấu hổ khi viết về chuyện này. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ viết, một khi đã bắt tay vào viết nhật ký. Chứ không những nhà nghiên cứu tiểu sử anh trai tôi trong tương lai sẽ gặp những điều thiếu rõ ràng. Họ sẽ đi tìm các nhân chứng và hỏi han họ. Mà những nhân chứng đó thì… Không, tốt hơn hết là để họ biết mọi chuyện qua tôi. Thế sẽ yên tâm và chính xác hơn! Sự khó chịu bắt đầu ngay từ lúc đầu. Tôi tin tưởng rằng sẽ nhìn thấy ngoài trường một đám đông các bạn gái lớp Sáu và lớp Bảy của tôi, chúng nó sẽ lao tới buổi dạ hội. Khi đó Leva phải nắm lấy tay tôi, đám đông tách ra, và chúng tôi tự hào đi qua họ tiến về cánh cửa của trường. Ở đó phải có hai học sinh lớp cuối đứng, tay đeo băng đỏ. Họ phải đồng thanh kêu lên: – Anh từ nhạc viện đến phải không ạ? Đến dạ hội của chúng em phải không ạ? Chúng em đang đợi anh. Xin anh cởi áo khoác và đi ra sau cánh gà ạ! Để họ có thể kêu lên như thế, tôi dẫn anh Leva tới vào phút cuối ngay trước khi dạ hội bắt đầu. Nhưng chẳng có đám đông nào đứng ngoài trường cả. Lũ bạn gái của tôi luôn mơ ước được đứng cùng với các anh chị lớp cuối dù chỉ một chút. Thế mà hôm qua chúng nó lại chẳng đến. Chuyện như thế vẫn luôn xảy ra, mà luôn là như thế… Chẳng hạn như trước kia, khi tôi còn chưa dứt khoát quyết định không lấy chồng ấy, đôi khi tôi cũng muốn một cậu trai nào đó trong sân nhìn thấy tôi mặc bộ váy mới. Tôi ủi cái váy, nói dối mẹ là đi dự sinh nhật bạn gái. Nhưng cậu trai lại không xuống sân! Hoặc là cậu ấy bị ốm, hoặc bị bố mẹ phạt vì chuyện gì đó, hoặc là nhà có bà dì từ thành phố khác đến làm khách, và cậu ta, người hôm nào cũng loanh quanh cả tối trong sân, tự dưng tối đó lại ngồi nhà. Thế là tôi phải lang thang đâu đó hai hay ba tiếng đồng hồ: bởi không thể đi dự sinh nhật mà chỉ mười phút sau đã về. Đấy, đáng tiếc là luôn như vậy… Và hôm qua cũng hệt như vậy. Nhưng điều khủng khiếp nhất diễn ra sau đó cơ, ngay trong buổi dạ hội. Mặc dù tốt hơn là tôi kể lần lượt, để không gây rối trí. Anh học sinh lớp Mười đeo băng đỏ chạy bổ tới chỗ chúng tôi. – Anh từ nhà hàng “Bầu trời đầy sao” đến phải không ạ? – Anh ta hỏi Leva. – Anh ấy từ Nhạc viện Moskva. – Tôi đáp – Đây là anh trai em. Anh ấy sẽ biểu diễn ở dạ hội của các anh chị. Tôi chỉ cái hộp màu đen cũ kỹ mà Leva thừa kế từ ông nội. Cái hộp đựng kèn clarinet được Leva ôm chặt bằng cả hai tay. Anh học sinh lớp Mười chăm chú, đầy hồ nghi nhìn anh trai tôi. Tôi cảm giác là anh ta sẽ bảo: “Hãy mở cái hộp ra cho chúng tôi xem có gì trong đó!”. Nhưng anh chỉ khoát tay: – Mọi người vào đi. Chúng tôi bước vào sảnh. Chẳng ai đề nghị chúng tôi cởi áo khoác ở sau cánh gà, và chúng tôi phải đứng xếp hàng rất lâu ở quầy gửi áo. Các nữ sinh lớp Mười trông lớn hẳn lên nhờ diện váy áo đẹp và đi giày cao gót, họ nói rằng phần khiêu vũ sẽ kéo dài đến 12 giờ đêm, và đội văn nghệ của trường đã chuẩn bị một chương trình mới nào đó, và thậm chí có thể có cả một nghệ sĩ của nhà hàng “Bầu trời đầy sao” sẽ đến biểu diễn. Tôi khinh thị những cô gái đánh phấn son và xức nước hoa đó, những kẻ chẳng chú ý tẹo nào đến tôi và Leva, dù chỉ là chút quan tâm đến cái hộp cũ kỹ của ông nội! Cuối cùng thì cũng có một chị quay sang tôi. Tôi đầy biết ơn mỉm cười chào chị ấy. – Làm sao em lại vào đây được? – Chị ấy hỏi. Tôi khinh các cô gái đó, nhưng lại rụt rè khi đứng trước họ. Vì sự rụt rè đó của bản thân mà tôi lại càng khinh họ nhiều hơn. – Em đi cùng anh của em. – Tôi khẽ nói. Về cây clarinet và nhạc viện chẳng hiểu sao tôi không dám nhắc tới. Cô nữ sinh lớp Mười nheo mắt và nhìn Leva với ánh nhìn dường như đang suy tính: Có đáng lấy anh ta làm chồng không nhỉ? Những cô nữ sinh lớp Mười thường nhìn những người đàn ông không quen biết như vậy. Còn Leva thì ghì cái hộp cũ kỹ vào ngực chặt hơn, cứ như cô nữ sinh kia định cướp mất nó của anh. Anh trai tôi không gây ấn tượng nào cho cô nữ sinh cả, điều này lập tức thấy rõ ngay. Và cô ta quay ngoắt đi. Lại còn thế nữa! Bởi anh ấy không hát ở nhà hàng “Bầu trời đầy sao” mà. – Em đã bảo anh rồi mà. – Tôi thì thầm giải thích cho Leva – Đơn giản là họ không biết anh sẽ biểu diễn… Hơn nữa, anh Robert người tổ chức dạ hội có lẽ muốn anh trở thành món quà bất ngờ đối với họ. Leva cười khẩy: Hình như anh ấy không tin rằng mình có thể thành món quà bất ngờ cho các nữ sinh lớp Mười của chúng tôi. – Về nguyên tắc thì họ hoàn toàn có lý. – Leva nói – Đến dạ hội là phải có khiêu vũ… Điều này hoàn toàn tự nhiên thôi. Tôi không thèm để ý đến lời của Leva, bởi vì anh ấy thường nói đơn giản như vậy, để không làm người khác phật ý vì sự im lặng của mình, còn bản thân thì nghĩ về chuyện gì đó hoàn toàn khác, chuyện của riêng mình… “Hoàn toàn tập trung!” – Mẹ nói về anh như thế. Chắc những lúc đó anh đang suy tư về các hình tượng âm nhạc. Có lẽ lần này cũng đang như thế. Tại sao bỗng dưng anh ấy lại bênh vực chuyện khiêu vũ? Nhưng điều khủng khiếp nhất vẫn đang ở phía trước. Hội trường của chúng tôi trong trường ở trên tầng năm. Tôi và Leva chậm chạp lên cầu thang. Các nữ sinh lớp Mười đi giày cao gót từ phía trên chạy ngược chiều chúng tôi, ào ào như họ vẫn chạy như thế trên cầu thang. Các buổi dạ hội ở trường luôn bắt đầu bằng cuộc chạy lên xuống của bọn con gái: đợi ai đó, xem ai đó… Các nữ sinh lớp Mười suýt giẫm cả vào chân chúng tôi. Leva trầm tư. “Đang chìm đắm trong các hình tượng âm nhạc đấy!” – Tôi quyết định. Và rất là mừng vui: Tôi những muốn rằng trong buổi dạ hội anh sẽ chơi tuyệt vời như chưa từng bao giờ thế. – Đừng để ý đến họ, anh đừng để ý đến họ! – Tôi bảo. Bỗng nhiên anh ấy hỏi: – Thường thì các thầy cô già nhất thì dạy ở các lớp cuối hả? Thỉnh thoảng Leva lại có những ý nghĩ hết sức bất ngờ như thế. – Vâng. – Tôi đáp – Thế thì sao? – Học sinh lớp cuối thì thường học ở tầng cao nhất hả? – Ở trường em thì học ở tầng năm. Thì sao? – Lạ thật… Thật bất hợp lý: Những người già phải mười lần một ngày leo lên cao mà không có thang máy. Anh ấy nghĩ chuyện gì trước buổi biểu diễn quan trọng như thế đấy. Bạn có tưởng tượng được không? Vâng, đôi khi anh Leva của tôi có những ý nghĩ hết sức bất ngờ. Như tôi nhớ có lần tôi đi cùng anh trên xe buýt. Xe buýt chật cứng. Xe dừng lại cạnh trường đại học, các sinh viên lao ra cửa, họ thường bị muộn giờ. Một thanh niên đeo kính hỏi Leva: – Anh có xuống hay không? Còn anh ấy thì xoay người, mỉm cười và nói: – Anh học ở đây hả? Ở khoa nào vậy? Tài xế đã mở cửa xe, mọi người chen nhau xuống xe, còn anh ấy thì: “Ở khoa nào vậy?” Có tưởng tượng được không? Leva tất nhiên là có nhiều điều kỳ quặc rồi. Nhưng có lẽ cần phải như thế chăng? Tất cả các vĩ nhân đều hơi đãng trí. Trên tầng năm, Robert đón chúng tôi. Dĩ nhiên anh ta không thể xuống dưới đón. Đối với anh ta thế là hạ mình. Robert thậm chí còn không chào hỏi, không làm quen với Leva: Anh ta không muốn mất thời gian vì những thứ vụn vặt. Và lập tức nói với phong cách thường nhật của mình, bỏ qua các động từ: – Nhạc cụ có chứ hả? Người đệm đàn ở kia, lâu rồi… – Đang chỉnh dương cầm, – một học sinh lớp lớn xen ngang – ba phím bị rớt. Mất có ba phím thôi, còn lại bao nhiêu phím khác, thế mà cô ấy thở dài như chẳng còn phím nào. Đây là đàn của trường học, tất cả các lớp từ lớp Một đến lớp Mười đều đánh nó. Phải thông cảm chứ, điều kiện trường chỉ có thế… – Bây giờ mọi chuyện xong rồi, – Robert nói – phần thứ nhất đã ổn. Anh ra sau cánh gà! Leva bước ra sau cánh gà. – Em thì xuống hội trường! – Robert ra lệnh. Tôi xuống hội trường. Hầu như không còn chỗ trống. Chỉ còn hàng áp chót. Tôi ngồi xuống, còn cái ghế bên trái tôi phải để dành cho Leva ngồi sau chiến thắng trên sân khấu. Tôi đặt lên chỗ đó một cái khăn tay. – Xin phép được hỉ mũi! Phía sau cười rộ lên. Tôi quay lại và trông thấy anh chàng lớp Mười Rudik, ngu xuẩn nổi tiếng khắp trường, thậm chí đùa cợt cả ở đám tang. Trường nào cũng có những kẻ như thế. Họ luôn ngồi ở hàng ghế cuối. Rudik ngồi chàng hảng, chống hai chân lên lưng ghế của tôi. Giờ tôi bỗng hiểu tại sao chỗ của tôi lại trống: không ai muốn ngồi đằng trước Rudik. Tối đó tôi may mắn kinh khủng như thế đó! Nhưng điều khủng khiếp nhất vẫn đang ở phía trước. Robert trên sân khấu tuyên bố rằng phần đầu của chương trình sẽ rất nghiêm túc. – Tốt lắm, chúng ta sẽ cười! – Rudik thốt lên. Đầu tiên, một thành viên của nhóm kịch đọc thơ Lermontov: Tôi một mình bước lên đường… – Một cuộc đời độc lập! – Rudik hét lên. Lũ bạn của hắn cười hô hố. Sau đó một thành viên nữ của nhóm múa trình diễn Vũ điệu Ấn Độ. – Đừng đếm kim cương trong hang đá…[5] Vở nhạc kịch Sadko, khúc ca của vị khách Ấn Độ! – Rudik hét. Mọi người quay lại suỵt bảo Rudik im lặng. Điều này làm hắn phấn khích gấp ba: Hắn trở thành trung tâm chú ý. “Trí tuệ thực dụng sắc bén” của tôi lập tức hình dung, rằng nếu như lúc Leva biểu diễn mà Rudik im lặng, thì sẽ gây ấn tượng lớn đối với mọi người. Mọi người sẽ hiểu rằng đến cả Rudik cũng bị tiếng kèn của Leva thu phục. Nhưng phải làm thế nào đây? Tôi lập tức đổi kế hoạch hành động. Giờ tôi không cần tỏ ra Leva là anh trai mình. Tôi cần phải giấu điều đó! Dẫu chỉ tạm thời thôi… Tôi biết được là phần đầu chương trình có ba tiết mục. Khi vũ điệu gần xong, tôi quay sang Rudik nói: – Bây giờ sẽ đến một nhạc sĩ tài năng biểu diễn. Là người sẽ đoạt giải thưởng trong tương lai! Từ Nhạc viện Moskva đấy… – Ta hắt hơi vào họ! – Rudik đáp. – Hắt hơi nguy hiểm lắm! Nhạc sĩ ấy nóng tính khủng khiếp lắm. Trong một buổi biểu diễn gần đây, ai đó trong khán phòng hắt hơi, thế là anh ấy ngừng chơi… Và yêu cầu người hắt hơi phải ra khỏi khán phòng. – Tốt quá, tớ lại đang cần đi ra… Tớ đang phải cố khổ sở ngồi đây! – Anh ấy không chỉ yêu cầu rời phòng đâu. Anh ấy còn làm anh xấu hổ trước cả khán phòng! Anh ấy nóng tính lắm. Bởi vì rất tài năng mà. Em khuyên anh đừng có dây vào. – Thế anh ta sẽ kéo nhạc cổ điển à? – Rudik hỏi. – Dĩ nhiên rồi! – Hãy ngủ đi, niềm vui của ta, ngủ đi con… – Rudik tự chúc mình. Và nằm dài ra, hai chân chống vào lưng ghế của tôi như trước. Tôi trượt cùng cái ghế ra phía trước… Nhưng tôi im lặng: Cứ để hắn làm ra vẻ thiếp ngủ. Tìm ra lối thoát khỏi tình huống hay gớm! Còn Leva thì bước ra sân khấu… Mọi người chờ đợi tiếng hú hét của Rudik và những tiếng cười từ hàng ghế cuối, nhưng ở đó lại im lặng. Dường như rất trang trọng. Lần đầu tiên tôi nhìn anh trai từ dưới khán phòng. Trông anh ấy chẳng có vẻ nghệ sĩ gì cả. Không, thực ra chỉ có khuôn mặt là trông nghệ sĩ: Hoàn toàn trống vắng. “Hoàn toàn tập trung” như mẹ vẫn nói. Anh ấy chưa bắt đầu chơi, nhưng đã suy tư bằng các hình tượng âm nhạc. Còn mọi thứ khác thì hoàn toàn không dành cho sân khấu. Thân hình thì gù xuống như đang do dự điều gì. Bộ phục trang dù đã được là ủi (chính tay tôi ủi cho anh), mà trông nhàu nhĩ và giống như không phải đồ của anh, mà mượn của ai khác. “Đích thân mình sẽ đi cùng anh ấy đến thợ may!” – Tôi quyết định dứt khoát – “Và sẽ đặt may cho anh ấy những bộ đồ mốt nhất! Anh ấy sẽ chửi rủa mình, sẽ gạt phắt đi, sẽ cho rằng mình làm anh sao nhãng nghệ thuật. Nhưng mình sẽ chịu hy sinh: Cứ để anh nghĩ xấu về mình, cứ để anh nghĩ mình là đồ tầm thường! Rồi đến lúc nào đó anh sẽ hiểu… Phải, anh sẽ hiểu rằng mình nhận về mình cái tầm thường nhất, cái bạc bẽo nhất, như những em gái của các vĩ nhân luôn làm”. Nhưng tạm thời mẹ vẫn đi cùng với Leva đến thợ may, mà thị hiếu của mẹ thì lỗi thời rồi. Và bọn công tử trường tôi ngồi ở hàng ghế đầu chắc đang nhìn Leva với nụ cười chế nhạo. Sau đó đến Lilya bước ra cùng với bản nhạc. Tôi để ý những người đệm đàn thường đứng tuổi và không đẹp. Trên nền của họ, các ca sĩ, nhạc sĩ trông đặc biệt hấp dẫn. Nhưng chính lúc này Lilya lại cứu vãn tình hình. Tác phong của chị như đang ở một buổi hòa nhạc đích thực: bước ra một cách tự tin, với mái đầu ngẩng cao, nghiêm chỉnh cúi chào. Và lũ công tử của chúng tôi vỗ tay. Sau đó chị ngồi lên ghế chắc chắn hơn, mở bản nhạc. Chị quay sang Leva và mắt thực sự đắm nhìn anh, như mọi người đệm đàn khác đều làm, chờ đợi tín hiệu… Hệt như trong các buổi biểu diễn đích thực. Và rất tác động đối với các học sinh năm cuối. Lilya đánh các phím đàn, và Leva bắt đầu chơi Francesca. Tôi không nghe anh ấy chơi như thế nào vì tôi quá hồi hộp. Và nhìn sang những người ngồi cạnh: một số nhắm mắt, như khi nghe bản nhạc hay, sau đó thì vỗ tay… Mọi người đều vỗ tay, nhưng không lâu lắm. Có thể, giá Leva đi ngay vào sau cánh gà: Khi đó người ta sẽ phải gọi anh quay lại sân khấu và sẽ vỗ tay to hơn. Còn đây thì mọi người lập tức hiểu ngay là anh sẽ tiếp tục chơi, nên không cố gắng vỗ. Tôi nghĩ rằng nhạc sĩ trên sân khấu cần phải tỏ ra bí ẩn và cao sang. Như thế với khán giả sẽ thú vị hơn. Lẽ nào lại thấy thú vị khi hình dung anh ta là con người cũng hệt như mình? Rằng có thể đơn giản đến gần và vỗ vai anh ta… Nhưng Leva lại bỗng dưng mỉm cười như đang ở nhà mình, khoát tay và chơi bản Con ong nghệ bay yêu thích của mình. Mọi người lại vỗ tay, nhưng đã yếu hơn so với lần đầu. Đột nhiên Robert chạy ra sân khấu, vẻ lo lắng nhìn đồng hồ. Anh ta thì thầm gì đó vào tai anh trai tôi. Leva lại mỉm cười thân thiện và giới thiệu tiết mục tiếp theo… Anh chưa kịp giới thiệu xong thì Robert lại xuất hiện từ sau cánh gà. Anh ta lại bận rộn nhìn đồng hồ đồng thời nhún vai. Lại tiến đến gần Leva thì thầm gì đó. Còn anh trai tôi thì lại hiền lành nhu nhược gật đầu: được rồi, đồng ý... Có tưởng tượng được không? Tôi cảm thấy sợ hãi: Chẳng lẽ anh ấy lại chơi nữa? Theo kế hoạch mà tôi lập ở nhà, tôi sẽ phải đứng lên yêu cầu: “Chơi nữa đi, Leva, thêm một bài nữa… Em xin anh đấy”. Nhưng bây giờ tôi lại muốn nhảy lên hét: “Em xin anh đừng chơi nữa!” Trong tương lai, dĩ nhiên tôi sẽ đi cùng anh trai đến tất cả các buổi diễn của anh. Tôi sẽ dạy cho anh biết cách kiêu hãnh. Cứ để cho khán giả trước tiên phải van xin, quỳ dưới chân anh… Rồi sau đó anh mới chơi cái gì đó lần thứ hai. Lẽ nào nghệ sĩ lại có thể dễ dãi như thế? Anh ấy phải bí ẩn và cao sang! Cuối cùng thì Leva cũng kết thúc. – Chào buổi sáng! – Rudik kêu lên ở phía sau. Và làm ra vẻ như vừa tỉnh giấc. Tôi không còn chú ý đến hắn nữa. – Chào mừng các vị khách của chúng ta! – Robert kêu to – Chúng ta hãy chúc mừng năm mới họ! Còn những năm ngày nữa mới đến năm mới, nhưng mọi người đều hét lên: “Chúc mừng năm mới!” Lilya lúc đó cũng đứng lên. Chị từ tốn thu dọn bản nhạc, điềm đạm cúi chào và giơ tay chỉ về Leva: Nghĩa là, công lao chính là của anh ấy. Chị ấy hành xử y như ở buổi hòa nhạc đích thực. Còn Leva lại mỉm cười thân thiện, y như trong khán phòng toàn là người thân của anh. Có tưởng tượng được không? Thật là kinh khủng! Nhưng điều kinh khủng nhất vẫn đang ở phía trước. Gần tới rồi, một tí nữa thôi… Nhưng về điều này để mai tôi sẽ viết. Bởi vì mẹ đã hai lần nhắc tôi đến giờ đi ngủ. Mẹ không thể hiểu được tôi đang viết cái gì. Mẹ không tiện ngó vào. Những bố mẹ khác không ngại ngó vào vở của con cái, thậm chí còn giật khỏi tay chúng. Nhưng mẹ tôi thì không cho phép mình làm như thế: Mẹ rất lịch thiệp, có văn hóa. Leva cũng giống mẹ. Ban đầu mẹ tưởng tôi làm bài tập về nhà. Thậm chí còn mừng vui. Tôi bảo mẹ đó không phải là bài tập về nhà, nhưng không nói rõ nó là cái gì. – Giá mà con cũng làm bài tập say sưa được như thế! – Mẹ thốt lên – Con chẳng biết lo cho tương lai của mình gì cả. Nhưng mà chính tôi đang lo cho tương lai mà! Thế nên tôi mới viết nhật ký. Ngày 28 tháng Mười Hai Trước phần thứ hai của chương trình, người ta kéo hết tất cả ghế ra khỏi hội trường, nhét chúng vào hành lang. Lập tức dãy hành lang trở nên chật hẹp, còn hội trường thì rộng gấp đôi bình thường. Trên sân khấu đặt những cây thông nhân tạo treo đồ chơi. – Ôi tuyệt vời làm sao! – Bọn con gái kêu rít lên – Thật là phi thường! Thật là độc đáo! Nhựa tổng hợp đấy! Không biết sao các nữ sinh lớp Mười lại thích cái thứ “nhựa tổng hợp” ấy. Tôi không tin rằng họ thích cây thông nhựa hơn những cây thông thật còn tỏa hương của rừng và của tuyết. Đơn giản chỉ là họ muốn kêu rít lên để thể hiện sự phấn khích mà thôi. Họ đang ở trong tâm trạng hào hứng mà. Nói chung bọn con gái làm tôi khó chịu. Tất cả bọn họ đều trông lộng lẫy. Trong phòng giữ áo khoác còn chưa thấy rõ điều này, bởi họ chưa hoàn toàn khoe những váy dạ hội, một số còn đang mặc áo khoác. Mà có được áo khoác theo mốt thì khó hơn nhiều so với váy theo mốt, bởi vậy phụ nữ vào mùa đông trông không đỏm dáng như mùa hè. Từ lâu tôi đã để ý đến điều này. Khi các cô gái ngồi trong hội trường lúc biểu diễn nhạc ở phần đầu chương trình, chưa thấy rõ váy áo của họ. Còn bây giờ thì tất cả đã tỏa sáng với những chỗ xẻ rất sâu. Tôi hết sức khác biệt với mọi người. Trên người tôi là cái váy tầm thường của bé gái. Cổ kín lên đến tận cằm. Tôi cũng từng có lần muốn may cho mình cái váy xẻ cổ, nhưng cô thợ may bảo rằng thế không tiện cho tôi, bởi tôi chưa có cái gì để khoe ra cả. Nói thẳng như thế đấy: “Cháu chưa có gì để khoe cả. Xương đòn của cháu nhô ra trông như cái khung sắt ấy…” Từ lâu tôi đã để ý là những cô thợ may tư nhân thường rất suồng sã. Bởi vì mọi người khi đứng trước họ đều ấp úng và nhìn vào miệng họ như nhìn những nhà thông thái nào đó. Nói chung là các cô gái trông rất lộng lẫy. Tôi thực sự thua to trên cái nền đó của họ. Điều đó thì rõ rồi. Nhưng bên cạnh tôi có anh Leva, nghệ sĩ kèn clarinet vĩ đại trong tương lai. Tôi nắm lấy tay anh. Các cô gái nhìn tôi ghen tị. Không nhiều người trong số họ được nắm tay đi cùng với sinh viên nhạc viện. – Hồi nãy Robert nói thầm gì với anh thế? – Tôi hỏi Leva. – Có ca sĩ nào đó lẽ ra phải tới… – Từ nhà hàng phải không? – Hình như thế. Cậu ấy nhờ anh chơi thêm… – Anh ta nên mời một nghệ sĩ nhân dân nào đó làm chuyện ấy… Câu giờ để chờ ca sĩ ở nhà hàng “Bầu trời đầy sao”. – Với anh, về nguyên tắc thì giúp họ có khó gì đâu. Đó là công việc ưa thích của Leva – giúp đỡ ai đó. Một số bạn bè của anh đã kịp lấy vợ. Hình dung ra không? Vội vã thế đấy. Thế là chạy tới Leva trước kỳ kiểm tra, hay khi cãi nhau với vợ. Anh giúp đỡ tất cả họ. Tôi lo sợ rằng điều đó sẽ tiêu tốn hết công sức của anh. Còn cái ông ca sĩ ở nhà hàng ấy cuối cùng cũng không tới. Robert trên sân khấu thông báo, vẫn không thèm dùng động từ: – Một chút thay đổi: Ca sĩ của nhà hàng “Bầu trời đầy sao” – thật đáng tiếc! Nhưng ngôi sao đây, của chúng ta! Cô bạn Alina yêu quý cùng dàn nhạc Jazz của trường! Những ca khúc hiện đại! Bọn con trai hét lên: “Hoan hô!”. Các nữ sinh năm cuối vỗ tay chút chút. Chỉ chút chút thôi, vì họ không ưa Alina, họ ghen tị với chị ấy. Tôi không ghen tị với Alina: Trong trường tôi, chị ấy nằm ngoài các cuộc đua tranh. Và thật ngu ngốc khi ghen tị với những người nằm ngoài cuộc đua ấy. Ngoài ra, tôi thích thú khi thấy các cô gái mặc váy xẻ cổ sâu ấy lập tức lặng yên, buồn hẳn. Họ biết rằng lũ con trai sẽ ngưỡng mộ Alina, mà cạnh tranh với chị ấy thì chỉ vô ích. Phụ nữ đôi khi cũng có vẻ buồn rầu như thế lúc ra khỏi rạp sau khi xem bộ phim mà đóng vai chính là một người đẹp. Tôi để ý thấy thỉnh thoảng họ thậm chí còn không dám nhìn người bạn đồng hành. Có lẽ họ sợ rằng người kia sẽ so sánh. Không, tôi sẽ không bao giờ lấy chồng. Điều này là chắc chắn. Alina luôn hát những ca khúc nhạc Jazz bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trong các buổi dạ hội của chúng tôi. Khi chị ấy bước ra sân khấu, tôi vỗ tay cật lực bởi vì chị đã khiến tất cả bọn con gái phải về vị trí của họ. Bọn con gái rõ ràng buồn hẳn và nhìn Alina đầy giận dữ. Một số lấy được can đảm và vỗ tay một cách không tự nhiên. Tôi để ý thấy phụ nữ thường cười khi họ muốn khóc. Nói chung tôi cũng không thích các cô gái đẹp. Họ luôn nhắc nhở ta rằng họ đẹp, và vì thế khó có thể giao tiếp với họ. Nhưng hôm qua tôi rất cảm ơn Alina còn bởi vì ca sĩ của nhà hàng “Bầu trời đầy sao”, người được chờ đợi hơn Leva, đã không tới. Mặc dù Alina không có quan hệ gì với việc này cả. Nhưng chị ấy hát thay cho anh ca sĩ, nên tôi vỗ tay là vì thế. Tôi cũng muốn Leva thích buổi dạ hội mà tôi đã kéo anh tới dự. Vì vậy tôi ghé tai anh nói nhỏ: – Alina biết… nhiều thứ tiếng lắm! Alina là cô gái tóc vàng rực rỡ, mái tóc suôn dài buông xuống mặt che khuất một bên mắt. – Tóc chị ấy là tự nhiên đấy! – Tôi thì thào với Leva. – Nghĩa là sao? Leva không hiểu những thứ cơ bản, bởi anh “không ở thế giới này” như mẹ vẫn nói. – Nghĩa là chị ấy không nhuộm tóc. – Tôi giải thích – Đó là màu tóc tự nhiên… Alina hát không to lắm, và mọi người trong khán phòng, đặc biệt là bọn con trai thực sự nín thở. Còn Alina thì thở thay cho tất cả. Ít nhất là có cảm giác như thế, vì chị ấy thở vào micro. Tôi hơi bị nói đớt, và từ bé đã ghét các chữ cái ghi phụ âm xuýt. Tôi tin rằng đó là các chữ cái phát âm tệ nhất trong bảng chữ cái. Không phải vô cớ mà trong các tác phẩm văn học, các nhân vật chính diện không bao giờ nói xuỵt soạt, chỉ có các nhân vật phản diện mới xuỵt soạt mà thôi. Nhưng khi Alina ẻo lả hát những bài ca của mình, tôi bắt đầu cảm thấy các âm xuýt không tệ đến thế. Những từ ngữ mà chị ấy thì thào vào micro hình như từ đầu đến cuối toàn âm xuýt, thế mà hóa ra lại khá hay và xúc động. Bọn con trai vỗ tay như điên, thậm chí còn huýt sáo, thể hiện sự phấn khích cao độ của họ. Chẳng ai huýt sáo cho Leva sau bản Francesca cả. Điều này thật buồn. Nhưng tôi để ý nhiều người khi vỗ tay cho Alina kín đáo liếc nhìn sang Leva. Chứ còn gì nữa! Mọi người hẳn quan tâm xem sinh viên nhạc viện đánh giá thế nào về bài hát của chị ấy. Dân chuyên nghiệp mà! Đó cũng là kiểu của học sinh lớp cuối: Họ không công khai thừa nhận rằng sinh viên nhạc viện có uy tín đối với họ. Với họ nói chung không có khái niệm uy tín. Nhưng vẫn lén liếc nhìn xem anh ấy phản ứng ra sao. Đấy, kiểu như thế đấy! Leva nhận ra điều đó, anh kẹp cái hộp đen dưới nách và vỗ tay như đang ở buổi biểu diễn của Obukhova[6]. Tôi cho rằng anh muốn làm tôi hài lòng: Tôi khen ngợi Alina thế cơ mà! Khi Alina hát xong, chị ấy quyết định nhảy từ sân khấu xuống khán phòng. Điều này dĩ nhiên rất có hiệu quả. Các chàng trai quên phắt bạn gái của mình, bổ tới giúp đỡ. Lúc đó bỗng xảy ra một điều hoàn toàn bất ngờ: Leva của tôi, vốn luôn chậm chạp và vụng về, cũng nhảy xổ đến sân khấu và chìa tay trái ra cho Alina. Tay phải của anh đang bận giữ cái hộp cũ của ông nội. Tôi cảm thấy bực bội khi thấy cánh tay của Leva dường như lọt thỏm trong đám những cánh tay khác và không khác gì chúng. Mà bản thân Leva cũng biến mất trong đám con trai lớp Mười. Nhưng Alina từ sân khấu đã trông thấy cánh tay của Leva, và có tưởng tượng được không, chị ấy nắm cánh tay đó. Chính cánh tay đó! Leva của tôi đỏ bừng như bị ai đánh vào mặt. Nói chung anh cũng hay đỏ mặt. Nhưng thường thì luôn có lý do nào đấy. Còn đây anh đỏ mặt chẳng vì lý do gì cả. Khi Alina nhảy xuống khán phòng rồi, Leva cảm ơn chị. Vì sao cơ chứ? Vì sao? Là chị ấy phải nói “cảm ơn” chứ: Anh ấy chìa tay đỡ chị cơ mà, chứ không phải ngược lại. Có chuyện gì đó kỳ lạ đây. Dàn nhạc của trường chơi bản tango. “Trong lúc nhảy tango, mình sẽ bảo với Leva là nói chung không xem Alina là bạn, và không yêu cầu anh phải vì mình mà xun xoe với chị ấy.” – Tôi quyết định thế. Đúng lúc đó anh trai tôi nghiêng người trước tôi. “À, anh ấy không quên lời hứa!” – Tôi nghĩ. Và chùi tay vào bức tường lạnh ngắt sơn màu đỏ: tay tôi hơi bị đổ mồ hôi. “Giờ là lần đầu tiên mình được khiêu vũ ở dạ hội học sinh cuối cấp!...” – Giữ hộ anh nhé! – Leva vội vàng nói với tôi. Và cái hộp của ông nội nằm dưới nách tôi. Còn Leva đã lại ở bên cạnh sân khấu và chìa tay ra cho Alina: Anh ấy mời Alina nhảy. Tôi lại chùi tay vào bức tường lạnh ngắt. Ôi, sao tôi căm thù Alina vào giây phút đó như thế! Tôi căm thù cả cái tên của chị ấy, vừa hiếm vừa lạ. Mọi người đều gọi tôi đơn giản là Zhenka. “Cái tên rất là trung tính!” – Bố hay đùa – “Không biết đấy là con trai hay con gái”[7]. Không thể hiểu nổi: Bố đặt cho tôi tên đó để tưởng nhớ một bà cô yêu quý nào đó của bố, rồi lại tự chế giễu thế! Tôi chưa từng gặp bà cô đó lần nào trong đời: Bà chết mười năm trước khi tôi được sinh ra. Và thật không hiểu tại sao bố mẹ lại quyết định lấy tôi ra làm quà tặng cho bà ấy? Tất cả các cô gái mặc váy xẻ sâu với tôi lập tức đều trở nên đáng yêu so với Alina. Chị ta đã buộc Leva bỏ rơi em gái, người đã quyết định hiến dâng cả cuộc đời mình cho anh! Nhưng thậm chí không phải vì chuyện đó. Chị ấy đã buộc anh trai tôi xử sự không khác gì những cậu trai lớp Mười đang phải lòng chị ấy. Vì thế mà tôi căm ghét chị ấy. Alina suốt thời gian đó không rời Leva, chăm chăm nhìn anh bằng cái nhìn nhiều ý nghĩa. Thật là giả dối! Hoàn toàn giả dối! Chị ấy không thể nào thích Leva được, cũng như anh ấy không thể nào thích các bài hát hiện đại. Dáng người gù gù, vụng về trong bộ áo quần luôn nhàu nhĩ như mượn của người khác, Leva hoàn toàn không hợp gu của chị ấy. Chẳng qua anh là sinh viên nhạc viện, rằng anh có một tương lai tươi sáng! Chị ấy nhìn anh chăm chú, như đang cố gắng bỏ bùa anh. May mà Leva không nhận ra ánh nhìn đó: Anh cúi đầu nghiên cứu bước chân mình. Anh luôn nhìn xuống chân khi nhảy. Không ai để ý đến tôi cả. Tôi đứng một mình và áp lưng vào bức tường lạnh, để không làm phiền những cặp khiêu vũ. Mọi người xô đẩy tôi mà thậm chí còn không thèm xin lỗi. Còn một số người thì hỏi, giống như chị lớp Mười lúc ngoài phòng gửi áo: “Zhenka, sao em lại vào đây được?”, “Sao em lại ở đây Zhenka?”. Không ai có thể bênh vực tôi được: Anh trai tôi đang nhảy với Alina! Tôi bỗng nhớ tới Lilya. Leva thậm chí chẳng quan tâm xem “người đệm đàn” của anh đang ở đâu. Chẳng tỏ ra hào hiệp gì cả! Tôi nhớ rằng Lilya có lần nói: “Nhạc sĩ chuyên nghiệp không nên xuất hiện giữa khán giả vào ngày biểu diễn”. “Chị ấy thật thông minh! Tất nhiên là không nên rồi!” – Tôi nghĩ – “Anh ấy cần phải tỏ ra bí ẩn và cao sang. Nếu không anh chỉ là người bình thường trong mắt mọi người, hoàn toàn giống như mọi người khác và nhạt nhẽo. Như anh trai tôi, người mà bọn học sinh lớp Mười thản nhiên giẫm lên chân. Như anh thực sự chẳng khác gì họ, như anh không phải là người sẽ tham gia cuộc thi biểu diễn âm nhạc vậy!” Sau điệu tango, Leva đến gần tôi, mặt đỏ bừng như lại bị người ta tát. Anh hết sức phấn khích. Tôi chưa từng trông thấy anh như thế bao giờ. Và cũng không bao giờ muốn trông thấy thế! – Anh đã thề sẽ chỉ nhảy với em thôi cơ mà! – Tôi nói. – Về nguyên tắc thì em đúng, – anh vừa thở hổn hển vừa đáp – nhưng anh chỉ biết nhảy mỗi điệu tango… Em biết thế mà. Những điệu nhảy khác trông anh kỳ quặc lắm… – Nhưng chẳng lẽ anh không thể không nhảy với chị ấy sao? Anh không nghĩ như thế à? Khi những người “không phải ở thế giới này” phạm sai lầm, thì phải nói thẳng thắn và gay gắt với họ. Để cứu vớt họ! Nhưng tôi không kịp cứu vớt người anh trai đáng thương của mình. Dàn nhạc nổi lên điệu tuýt. Và Alina bứt khỏi đám con trai đang mời chị nhảy, đích thân chạy tới chỗ Leva. Có hình dung được không? Tự chạy tới! Một người đẹp như thế! Kiêu hãnh như thế! Hoàn toàn mất trí rồi. Và Leva bắt đầu điệu tuýt, một điệu mà anh không biết nhảy. Alina dạy cho anh. Bây giờ thì cả hai đều cùng nhìn xuống chân. Chị ấy chỉ dạy Leva nhảy thôi, mà bộ điệu thì đầy vẻ kể cả ban ơn, cứ như đang giải thích cho anh phải sống ra sao trên đời này. Tôi lại nép sát vào bức tường lạnh. Người ta lại xô đẩy tôi và hỏi tôi tại sao tới được dạ hội này. Người bình thường luôn phô ra cái có lợi cho họ, còn cái không có lợi thì giấu kỹ. Anh trai tôi nhảy kém, còn Alina buộc anh phải đi những bước nhảy khó nhất. Để làm gì? Có lẽ chị ấy muốn phô ra sự tức cười của anh trước đám bạn bè của mình? Họ vốn không coi những người nhảy kém là con người. Ít nhất là bọn học sinh lớp Mười đã nhìn anh trai tôi một cách khinh thường, thậm chí chế giễu: Họ nhảy giỏi hơn anh. Alina đã cho họ cơ hội để cảm thấy ưu thế của mình trước anh trai tôi, và vì thế tôi cũng căm thù chị ấy. Tôi ao ước dàn nhạc, mà tôi luôn thích nghe, hãy nhanh chóng im lặng. Nhưng nó không im cho đến khi bà giữ áo khoác từ tầng dưới đi lên và nói với Robert – nhà tổ chức: – Tôi không định ngồi canh cho các cô cậu đến sáng đâu đấy… Khi đó dạ hội mới kết thúc. Leva đến bên tôi và chìa tay lấy lại hộp đàn của ông nội. Tôi giấu cái hộp ra sau lưng và nói: – Em nghĩ anh không cần đến nó nữa. – Nghĩa là sao? – Nghĩa là hình như anh đang định thi vào trường múa thì phải? Hay tốt hơn là vào trường xiếc: Ở đó người ta dạy làm hề. Hôm nay anh diễn vai đó không tồi tí nào. Có lẽ tôi đã nói với Leva quá thẳng thắn và gay gắt. Nhưng tôi có quyền được như thế. Tôi đã quyết định hy sinh cuộc đời tôi cho anh cơ mà! Tôi phải cứu anh tôi khỏi tay Alina! Chị ấy có thể dạy anh ấy điều gì cơ chứ? Hát những bài hát hiện đại ư? Giữa họ có cái gì chung? Và nói chung Leva bây giờ chưa có quyền được yêu! Anh cần phải chuẩn bị cho cuộc thi âm nhạc. Phải tập luyện từ sáng đến tối. Chứ không phải là yêu đương! Tôi phải cứu anh ấy, phải bảo vệ anh. Và tôi sẽ làm thế! Nhưng cứu Leva không dễ. Anh ấy là người “hoàn toàn tập trung”. Mà khi người “hoàn toàn tập trung” đã găm vào đầu mình điều gì đó, thì không thể giải thích gì cho họ cả. – Alina đi một mình. Mà bây giờ muộn rồi, – Leva nói – chúng ta tiễn cô ấy về nhà nhé. – Điều duy nhất chị ấy không phải sợ là đi một mình! – Tôi kêu lên – Anh sẽ thấy: Tất cả các chàng hiệp sĩ của chúng em sẽ bám theo chị ấy… Sao tôi lại nói cái câu ngu ngốc đó cơ chứ? Tôi đã để ý là không có gì tác động mạnh đến đàn ông bằng thành công của phụ nữ với nhiều người đàn ông khác. Điều này cũng phổ biến cả ở bọn thiếu niên. Bởi vậy tôi nhận thấy gần như ở lớp nào cũng có một người đẹp mà ai cũng thừa nhận. Và thường thì cô ta không hơn những người khác tẹo nào, chẳng qua là vì tình cờ cùng lúc có hai cậu bé phải lòng. Thế là những người khác nghĩ: Một khi những hai đứa chạy theo, tức là cô ấy xứng đáng! Thế là phản ứng dây chuyền! Khi tôi nói những lời định mệnh rằng Alina không bị sự đơn độc đe dọa, thì Leva đau đớn mỉm cười, bất lực khoát tay (kiểu như biết làm sao đây!) và nói: – Anh hiểu… Cô ấy được ái mộ. – Một sự ái mộ rẻ tiền! – Tôi kêu lên. Nhưng không thể sửa chữa sai lầm được nữa. Chúng tôi tiễn Alina. Mà nhà chị ấy lại hoàn toàn ngược hướng với nhà tôi. Suốt dọc đường tôi hầu như im lặng. Thực ra mà nói sự có mặt của Alina làm tôi rụt rè. Thậm chí đôi lúc tôi còn vô tình phụ họa cho chị ấy. Còn Leva thì phụ họa mọi chuyện vớ vẩn của chị. Tôi liếc nhìn anh ấy đầy ngạc nhiên, và hoảng sợ: Tôi cảm giác anh trở nên ngu ngốc hơn và nói chung thành một người hoàn toàn khác. Nhưng tôi chợt nhớ rằng nhiều vĩ nhân yêu những kẻ tầm thường và trở nên ngu ngốc khi có mặt họ. Chẳng lẽ số phận của anh trai tôi sẽ như vậy sao? Alina thì nói không ngừng. Nhưng chị ấy nói qua cổ áo bằng lông. – Em phải giữ họng. – Chị giải thích. Bạn nghe thấy không? Nghĩa là chị ấy hình dung mình là ca sĩ cơ đấy! Họng của chị ấy có một giá trị lớn nên phải giữ gìn! Nói chung tôi còn chưa có dịp nghe giọng thực của chị ấy: Hát thì qua micro, còn nói thì qua cổ áo lông. – Về nguyên tắc thì cô nên giữ cổ họng được ấm áp. – Leva của tôi nói. Câu đó làm Alina rất thích. Và chị ấy đầy hàm ơn thừa nhận với Leva rằng kèn clarinet là nhạc cụ ưa thích nhất của chị. Tưởng tượng được không? Chị ấy hóa ra có thể nghe clarinet từ sáng đến tối. Lại còn có thể hàng ngày nghe kèn saxophone nữa chứ. Cũng còn may là chị ấy không so sánh clarinet với trống. Hay với một nhạc cụ bộ gõ nào khác. Tôi tưởng rằng Leva sẽ giật mình vì chiếc kèn clarinet yêu quý của anh bị đặt cùng hàng với saxophone. Nhưng Leva không giật mình, mà ngược lại, còn đồng tình với Alina: – Đúng đấy, saxophone có những cách thức thể hiện âm nhạc rất độc đáo… Nhưng khó hiểu nhất là không biết tại sao tôi lại nói rằng mình cũng thích saxophone. Những cô gái đẹp có quyền lực đáng kinh ngạc đối với mọi người như vậy đấy! – Ngay sau ngày đầu năm mới, bên trường tôi có buổi biểu diễn của sinh viên năm thứ hai. Ở hội trường nhỏ của nhạc viện… – Leva nói. Tôi bực mình vì cách nói luôn quá chính xác của Leva. Hội trường nhỏ hay hội trường lớn thì có khác gì nhau. Sao không nói đơn giản là “trong hội trường của nhạc viện”. Rồi cứ phải nói chính xác rằng anh học năm thứ hai, mà không để cho họ tưởng là học năm thứ năm! Còn cuộc thi sắp tới thì anh luôn phải nói đầy đủ là “Cuộc thi biểu diễn các nhạc cụ bộ hơi của các nhạc công toàn Nga”. Trong khi có thể nói đơn giản và ngắn gọn hơn nhiều là cuộc thi biểu diễn của các nhạc sĩ thôi. Cứ để người ta nghĩ rằng cuộc thi là dành cho tất cả nhạc sĩ, hoặc của toàn liên bang, hay thậm chí là quốc tế, chứ không chỉ của mỗi Nga! Không, Leva luôn phải nói chính xác. Tính cách kỳ quặc vậy đó! – Nếu cô có thể đến dự buổi biểu diễn đó thì sẽ là một món quà to lớn đối với tôi. – Leva nói. Cứ như là anh ấy mời nghệ sĩ Antonina Vasilievna Nezhdanova[8] không bằng ấy: “Một món quà to lớn!”. – Cho em số điện thoại đi: Em sẽ gọi cho anh trước hôm đó – Alina nói. Như mọi người đẹp, chị ấy dĩ nhiên luôn bận rộn! – Không, cô không thể gọi tới được đâu. Tốt hơn là ta thỏa thuận luôn bây giờ đi! – Leva kiên trì nài ép – Phải không Zhenka, thế tốt hơn nhỉ? – Tất nhiên rồi! – Tôi đáp. Tôi những muốn mắng anh trai vì lời mời đó, thế mà lại nói: “Tất nhiên rồi”. Lưỡi của tôi phát điên rồi! Tôi đang bị thôi miên. Cuối cùng thì Alina đồng ý đi dự. Chứ còn gì nữa: chị ấy thích kèn clarinet mà! – Bọn tôi sẽ đợi cô ở cửa nhé! – Leva nói – Không còn nghi ngờ gì nữa: Anh ấy yêu rồi! – Nhưng anh phải có quà đáp lại đấy nhé! – Lúc chia tay, Alina đỏng đảnh nói. Khuôn mặt Leva tỏ rõ rằng anh sẵn sàng trao cho Alina mọi thứ mà chị ấy mong muốn. – Hãy đồng ý độc tấu trong dàn nhạc của chúng em nhé! Thế sẽ rất độc đáo: Một nhạc sĩ chuyên nghiệp biểu diễn cùng ban nhạc Jazz của học sinh phổ thông!... Tôi phát sặc vì khí lạnh. Nhưng Leva thì hoàn toàn bình tĩnh đáp lại: – Về nguyên tắc thì có thể được… – Tuyệt quá! – Alina nói và khuất vào sau cánh cửa. Tôi lập tức thoát khỏi sự thôi miên của chị ấy. – Rồi anh sẽ lại chơi ở trong phoi-ơ như ông nội đáng thương của chúng ta cho mà xem. – Tôi kêu lên với Leva – Hãy nhớ lời em đấy: Mọi chuyện sẽ kết thúc như thế cho mà xem!... Ngày 29 tháng Mười Hai Cả cuộc đời tôi đang lâm nguy. Cả cuộc đời tôi! Nếu như Leva sẽ chơi trong dàn nhạc Jazz của trường tôi, anh ấy sẽ có thể thích nó: Anh ấy có gen nguy hiểm di truyền từ ông nội mà. Rồi sau đó chính anh cũng có thể thích chơi nhạc trong phoi-ơ ở rạp hát trước các buổi chiếu phim. Mọi người lúc đó sẽ nhai bánh mì kẹp. Khi đó tôi sẽ không thể hiến dâng cả cuộc đời mình cho anh được. Những nhạc công chơi trong phoi-ơ không được phép “không ở thế giới này”, không thể cống hiến cả đời mình cho họ được. Chỉ có những vĩ nhân mới được phép như thế! Còn nếu như Leva không thành người vĩ đại, hay ít nhất là người nổi tiếng? Thì tôi sẽ phải làm gì? Khi đó mọi kế hoạch của tôi sẽ đảo lộn hết. Tôi sẽ giống như những đứa bạn cùng lớp, phải nghĩ cho mình một nghề nghiệp tương lai, phải gạo bài, chạy theo các điểm số. Tôi sẽ phải trở thành người giống như mọi người… Nhưng dĩ nhiên tôi không nghĩ về bản thân mình. Đây là chuyện về Leva! Vì anh ấy tôi sẵn lòng làm tất cả! Những người em gái đích thực thường can thiệp vào cuộc đời riêng của các anh trai. Và không đòi hỏi lòng biết ơn. Tôi cũng sẽ can thiệp! Leva sẽ quên Alina, sẽ chuẩn bị tốt cho cuộc thi, và sẽ chiếm giải nhất. Lúc đó tôi có thể hiến dâng tất cả đời mình cho anh, không giữ lại chút nào cho mình. – Chẳng lẽ anh không thấy là chị ấy không thành thật và giả tạo à? – Tôi nói với Leva – Clarinet mà là nhạc cụ yêu thích nhất của chị ấy! Liệu có một người bình thường nào trên đời này xem clarinet là nhạc cụ yêu thích nhất được không? Có người như thế không? Không có người nào cả! – Đó là ý kiến cá nhân của em. – Leva nói. – Đó là sự thực, chứ không phải là ý kiến cá nhân! Em đã hy vọng anh sẽ trở thành nghệ sĩ clarinet vĩ đại đầu tiên trên thế giới! Nhưng thật uổng công… Với lại không lẽ anh nghĩ rằng chị ấy thực sự biết… nhiều thứ tiếng khác nhau à? Chẳng qua là học thuộc lời và lặp lại chúng một cách máy móc thôi. Bây giờ tất cả các ca sĩ, thậm chí cả người đến từ Guadeloupe[9] cũng có thể hát bài Chiều ngoại ô Moskva bằng tiếng Nga. Thế anh nghĩ ca sĩ đó biết tiếng Nga à?... Chị ấy cũng thế thôi. Còn tóc chị ấy thì nhuộm đấy… – Thế có khi cô ấy đội tóc giả chắc? – Leva mỉm cười ngắt lời tôi. Anh ấy sẵn sàng bảo vệ Alina, thật là kinh khủng. – Lúc trước em nói khác: cả về tóc, cả về các bài hát. Không thể thay đổi ý kiến nhanh như thế được. Mà lại còn phụ họa với cô ấy, lúc chúng ta tiễn cô ấy nữa chứ. – Đấy là em phụ họa một cách châm biếm. Như kiểu chế giễu ấy… – Xin lỗi chứ anh chẳng thấy có tí châm biếm nào cả. Hơn nữa nó cũng chẳng đúng lúc nữa. – Anh phải lòng chị ấy rồi phải không?! – Tôi kêu lên. Leva không trả lời. Nhưng tôi hiểu rằng trò chuyện với anh là vô ích. Tôi cần phải hành động! Và tôi sẽ hành động… Ngày 30 tháng Mười Hai Hôm nay là ngày cuối cùng của học kỳ. Chúng tôi dĩ nhiên đã viết lên bảng bằng phấn: “Ngày cuối rồi – tha hồ lười!”. Thầy cô đọc được và làm ra vẻ tức giận. Còn ngày mai là kỳ nghỉ! Tôi rất mê các kỳ nghỉ. Thầy cô thì được nghỉ ngơi, thoát khỏi chúng tôi, còn chúng tôi thì nghỉ ngơi, thoát khỏi họ. Vì thế mọi người đều vui vẻ. Trong giờ giải lao, các nữ sinh năm cuối đi lại trên hành lang, thì thầm bàn tính xem ai sẽ cùng ai đón năm mới. Từ lâu tôi đã để ý rằng họ thích nói thầm thì với vẻ bí mật về những điều tầm thường nhất. Với họ thế mới thú vị! Dĩ nhiên cả các thầy cô cũng sẽ đón năm mới. Trong giờ văn, tôi cố hình dung xem họ sẽ làm gì. Nói chung tôi hay cố hình dung về cuộc sống các thầy cô của chúng tôi. Đặc biệt là của các cô giáo. Chồng của họ như thế nào? Họ ở nhà ra sao? Lẽ nào cô giáo dạy hóa của chúng tôi, người hai năm không mỉm cười lấy một lần và luôn gọi chúng tôi bằng “anh, chị” lại có thể hôn chồng lúc ở nhà? Và chú ấy cũng hôn cô?… Không biết chuyện ấy diễn ra như thế nào nhỉ? Nhưng mà trên tay cô ấy đeo nhẫn. Một cái nhẫn to, kiểu cũ, nhưng cũng vẫn là nhẫn cưới! Nghĩa là ở nhà cô ấy vẫn hôn… Có tưởng tượng được không? Và có lẽ cô ấy cũng có con nữa… Mọi người đều vui vẻ. Thậm chí cả cô dạy hóa cũng chúc chúng tôi một kỳ nghỉ bổ ích. Không phải hạnh phúc, mà là bổ ích! Nhưng mà lòng tôi rất nặng nề. Có gì đang treo trong đó. Đó là Alina! Tôi đã cố gắng xua đuổi bằng những ý nghĩ khác để quên đi. Nhưng tôi không thể quên được: Leva sẽ chơi kèn với ban nhạc jazz của trường tôi! Sẽ độc tấu! Rồi sau đó sẽ xuống tới phoi-ơ. Nếu như tôi không cứu anh! Tôi viết nhật ký trong giờ học… Tôi nhận thấy những ngày giờ cuối cùng trong trại hè thiếu nhi, hay trên tàu hỏa, hay trong trường học luôn kéo dài khủng khiếp. Đơn giản là không còn sức lực nữa. Nhưng rồi cuối cùng chuông cũng vang lên! Tiếng chuông báo yêu quý đã không quên chúng tôi! Tôi chạy ra chơi… Giờ học cuối bắt đầu. Cô giáo dạy toán không thể chịu nổi khi học sinh thiếu tập trung. Nếu cô phát hiện ra sẽ lập tức gọi lên bảng. Tất nhiên hy sinh trong trận cuối thì thật đau khổ, nhưng tôi cần phải viết tất cả vào nhật ký. Tôi cần phải kể về chuyện vừa xảy ra đúng một phút trước, trong giờ giải lao. Tôi đã đi một bước quyết định dũng cảm! Vì Leva, vì tương lai âm nhạc của anh! Liệu có khi nào đó anh đánh giá được điều đó chăng? Trong giờ giải lao cuối cùng, các nữ sinh năm cuối tiếp tục đi lại trên hành lang, thì thầm và bá vai nhau. Alina không chạy đến chỗ ai cả: Mọi người đều chạy tới chỗ chị ấy, bởi chị ấy là số một, chị ấy nằm ngoài các cuộc đua tranh. Nhưng chính Alina lại tìm đến chỗ tôi, còn tôi thậm chí không nhúc nhích, không tiến tới chỗ chị ấy bước nào cả. Chị ấy cười với tôi bằng con mắt dài đẹp mà không hiểu sao tôi thấy giống một cái vỏ sò xanh biếc. Còn con mắt thứ hai của chị tôi chưa từng nhìn thấy: Nó luôn bị che khuất bởi món tóc suôn thẳng vàng óng. Alina kéo tôi lại gần mình, hơi cúi xuống và áp má vào tôi. Tưởng tượng được không? Bọn con gái lớp Bảy của chúng tôi gục ngã vì ghen tị. Tất nhiên là gục ngã trong tâm trí thôi. Còn tôi thì thậm chí không nhúc nhích. – Em có những bằng chứng gì rồi? Ông già tuyết sẽ hài lòng chứ? – Alina hỏi. Tôi quyết không để bị chị ấy thôi miên. Không đời nào! Những bằng chứng, tức là điểm số học kỳ vừa rồi của tôi, thì không có gì đáng kể. – Điều đó thì có nghĩa lý gì? – Tôi đáp. Alina lại áp má vào tôi. Lũ con gái lớp tôi lại ngã gục. Nhưng tôi thì lạnh lùng và bình thản. Tôi biết là các cô con dâu tương lai thường muốn kết thân với bố mẹ chú rể, tìm đồng minh cho mình. Alina chưa với tới được bố và mẹ, chị ấy bắt đầu từ tôi. Tôi biết thừa chuyện đó. Và tôi sẽ không sán đến chị ấy. – Chúc mừng em nhân dịp năm mới! – Alina nói – Và chúc mừng tất cả những-người-quen-chung của chúng ta nữa! “Những người quen chung” được chị ấy nhấn mạnh khiến tôi lúng túng. Chúng tôi chẳng có ai là người quen chung cả: Là chị ấy nói về Leva. – Ta sẽ gặp nhau vào đêm giao thừa nhé! – Alina nói tiếp – Địa điểm và thời gian vẫn như cũ chứ? Lúc đó tôi đưa ra bước quyết định. – Chị biết không, anh Leva rất xin lỗi chị… – Tôi nói nhỏ với Alina để không ai khác nghe thấy – Chúng ta không thể gặp nhau được. – Không gặp nhau được sao? – Như muốn nhìn rõ tôi hơn, chị ấy hất món tóc vàng ra và lần đầu tiên tôi trông thấy cả đôi mắt của chị. Nhưng chúng vào giây phút đó không còn giống như những chiếc vỏ sò dài và xanh nữa. Chúng tròn xoe vì kinh ngạc. Và tôi thậm chí cảm thấy thương chị. Nhưng tôi trấn áp sự yếu đuối đó. Nếu như chị ấy thực sự thích Leva, thì lại càng tệ hơn: Họ sẽ yêu nhau trước cuộc thi biểu diễn! – Anh ấy có người yêu rồi, – tôi nói – và chị ấy không thích… Chị hiểu không? – Anh ấy đính hôn rồi à? – Alina đã hỏi với nụ cười nhếch mép. Nhưng nụ cười đó có vẻ bất an, thiếu bình tĩnh. – Ờ… vâng… Có thể nói là đã đính hôn. Đã lâu rồi, từ hồi còn trẻ con. Với người đệm đàn. – Với cái chị… – Vâng, – tôi ngắt lời – chị ấy không đẹp. Nhưng họ có chung lý tưởng! Họ gắn bó với âm nhạc. Họ yêu nhau… Đó là lời nói dối để cứu rỗi anh trai. Liệu đến khi nào đó anh ấy có đánh giá được nó không? Ngày 3 tháng Một Hôm qua là buổi hòa nhạc của sinh viên nhạc viện… Nó bắt đầu lúc bảy giờ ba mươi tối, nhưng tôi và Leva đến sớm trước cả tiếng đồng hồ và lạnh cóng ở ngoài đường. Leva sợ Alina có thể nhầm lẫn và cũng đến sớm trước một tiếng, bởi vì có một số buổi hòa nhạc bắt đầu từ lúc sáu giờ ba mươi. Các bạn hình dung được không? Chúng tôi có lẽ đã hoàn toàn đông cứng nếu như Leva không tưởng bất cứ cô gái ăn mặc đỏm dáng nào mà anh ấy trông thấy từ xa đều là Alina. Chúng tôi liền chạy tới, các cô gái hoảng hốt dừng lại hoặc tránh sang bên. Chúng tôi vội xin lỗi và quay trở lại vị trí bên lối vào của mình. Nhờ thế mà hai anh em ấm lên một chút. – Làm sao anh có thể cầm được kèn bằng những ngón tay cóng buốt thế kia? – Tôi nói – May mà anh không chơi đàn dương cầm, hay chơi vĩ cầm. Anh vào đi. Để em đón chị ấy cho… Làm sao mà đi vào được cơ chứ! Nghe điều đó Leva còn không muốn nghe. Mẹ luôn bảo rằng anh là người rất nhất quán. Nói chung điều đó không có gì xấu. Thậm chí là tốt nữa. Nhưng khi người nhất quán đang yêu, thì không thể làm gì với họ được cả. Không thể nào giải thích với anh ấy được. Vĩ nhân có quyền được làm kẻ kỳ quặc, và cần phải tha thứ cho sự kỳ quặc đó của họ. Bởi vì người vĩ đại một mặt có thể “hoàn toàn tập trung”, nhưng mặt khác cũng lại hơi có chút ngơ ngơ đãng trí. Tôi hiểu điều đó. Nhưng mà hôm qua Leva mất tập trung không giống kiểu của người xuất chúng, mà là như mọi cậu học sinh lớp Mười của chúng tôi phải lòng Alina. Điều đó thì tôi không thể tha thứ được! Những người phi thường phải có kiểu kỳ quặc phi thường. Khi Leva có những sự kỳ quặc kiểu phi thường thì tôi lập tức sẽ tha thứ cho anh ngay, không cần phải nghĩ ngợi gì… Tôi thề như thế! Nhưng hôm qua thì tôi không tha thứ… Lilya cho rằng người nghệ sĩ đích thực không nên phải xuất hiện giữa các khán giả vào ngày biểu diễn của mình. Thế mà Leva lại chạy thẳng vào giữa đám khán giả, suýt nữa thì vấp phải chân họ, mỗi khi anh ấy tưởng là Alina xuất hiện ở đằng xa. Trong số các khán giả có nhiều người quen của Leva, và mọi người đều hỏi: – Cậu đang đợi ai đấy? Và Leva bắt đầu giải thích tỉ mỉ cho họ, rằng anh đang đợi một nữ sinh lớp Mười học cùng trường với tôi. Những người quen nhếch mép cười và nháy mắt một cách ngu xuẩn. Nhưng Leva đến lần sau lại vẫn cứ trả lời tỉ mỉ và chính xác như vậy. Anh ấy luôn nói tuột sự thật, chỉ có một sự thật. Cứ như không thể nói dối rằng chúng tôi đang đợi bà cô, hay ông cậu, hay những người họ hàng nào đó. Hay là, chờ mẹ và bố. Nếu như ai đó gọi điện thoại đến cho Leva, anh ấy luôn chạy ra nghe dù đang bận. Tôi thỉnh thoảng vẫn bảo anh: “Có thể nói họ là anh không có nhà được không?”. “Nhưng anh đang ở nhà cơ mà!” – Anh trả lời, và ra nghe điện, dù anh không muốn nghe. Các bạn có hình dung được không? Con người không thể suốt đời chỉ nói thật. Thiếu gì những trường hợp cần nói dối! Tôi đã quyết định chắc chắn là trong mọi trường hợp tôi sẽ nói dối vì anh trai tôi. Một khi anh ấy không biết nói dối, thì phải làm gì bây giờ? Thôi thì phải thêm một sự hy sinh nữa! – Chắc có chuyện gì xảy ra với cô ấy! – Leva nói với tôi – Chuyện gì xảy ra với cô ấy nhỉ?... Hả? Em nghĩ sao? – Không có gì xảy ra cả! – Tôi trả lời – Chị ấy không chịu nổi nhạc cổ điển. Lại còn kèn clarinet nữa! Em đã nói với anh rồi. Em đã cảnh báo rồi! Em tin là chị ấy sẽ không tới… Đúng lúc đó thì bố mẹ tới. Họ ăn mặc trang trọng và tự hào nhìn xung quanh cứ như mọi người đều biết con trai Leva của họ hôm nay biểu diễn trong hội trường nhỏ của nhạc viện. Còn Leva mà họ tự hào thì nhấp nhổm như chú chim sẻ ở chỗ của mình. Bố luôn đùa những khi ông hồi hộp. Nhưng sự hồi hộp làm ông kém sắc sảo. – Bố sợ tối nay kèn clarinet của con sẽ bị hắt xì và ho đấy! – Bố bảo. – Có chuyện gì đấy? – Mẹ kêu lên. Giá mà Leva bảo rằng chúng tôi đứng ngoài đường để đợi bố mẹ yêu quý! Rằng chúng tôi rét run nhưng vẫn đợi! Thế thì bố mẹ sẽ vui biết bao. Nhưng không may thay Leva luôn chỉ biết nói thật. Và anh lại bắt đầu giải thích rằng chúng tôi đợi một nữ sinh lớp Mười học cùng trường với tôi. Mẹ không hiểu gì cả. Nhưng mẹ hoảng hốt vì Leva vẫn còn ở ngoài phố. Anh ấy buộc phải vào sau cánh gà. Còn tôi thì hứa sẽ đợi Alina. – Chị ấy không đến đâu! – Tôi nói với Leva – Chị ấy ghét nhạc cổ điển, ghét kèn clarinet của anh, ghét cái hội trường nhỏ của nhạc viện… Thậm chí hội trường lớn cũng ghét. Nhưng em sẽ đợi, nếu như anh nhờ thì em sẽ đứng đợi! Tôi đứng ngoài phố thêm năm hay mười phút nữa. Tôi rất mong có ai đó hỏi: “Em có vé thừa không?”. Tôi rất mong rằng buổi biểu diễn có anh Leva tham gia thì cả Moskva sẽ đổ tới xem. Nhưng không ai săn tìm vé thừa cả, và tôi chỉ còn biết mơ ước. Tôi mơ ước về một ngày anh Leva sẽ không chỉ biểu diễn ở buổi hòa nhạc chung, mà sẽ biểu diễn một mình với sự phụ họa của cả một dàn nhạc lớn. Dàn nhạc giao hưởng Liên Xô ấy! Chúng tôi sẽ cùng Leva đi bằng cửa dành riêng cho nghệ sĩ, ở đó có những người hâm mộ (không phải những cô bé nào đó đang săn đuổi những chàng hát giọng nam cao, mà là những người trung niên nghiêm chỉnh, những người biết đánh giá âm nhạc), và tôi sẽ nghe sau lưng tiếng thì thào: “Em gái anh ấy đấy! Cô ấy dành cả cuộc đời cho anh trai. Anh ấy mà thiếu cô ấy thì như thiếu cây clarinet!”. Bạn hình dung được không? Nhưng tối qua chẳng ai tìm “vé thừa” cả. Mặc dù khi tôi vào trong khán phòng thì nó cũng đã đầy người. Không còn một chỗ trống nào cả! Không, vẫn còn thừa một chỗ… Ở cạnh tôi, nơi lẽ ra Alina phải ngồi. Mẹ dĩ nhiên là lập tức trách tôi vì đã bắt Leva phải đợi cô bạn gái nào đó ở ngoài đường. Tôi mà bắt anh ấy ư… Có mà điên! Nhưng mẹ còn bực mình vì tại tôi mà phòng “trống hẳn” một chỗ. Mẹ nói thế đấy: “trống hẳn!”. Dĩ nhiên tôi không định giải thích gì cho mẹ. Nói chung hôm qua không thể giải thích gì cho mẹ được. Mẹ rất căng thẳng. Và xử sự một cách hết sức không tự nhiên: Mẹ đọc một cách quá lâu và chăm chú tờ chương trình trong đó có ghi Leva sẽ biểu diễn tiết mục áp chót của phần một, rồi lại cười một cách không tự nhiên với bố mẹ các sinh viên tham gia diễn khác ngồi cùng hàng với chúng tôi. Cả hàng ghế toàn là người thân của các diễn viên. Điều này cũng thật khó chịu. Chả lẽ người ta không thể xếp chúng tôi ngồi vào các góc khác nhau hay sao. Mẹ tôi giống như một hướng dẫn viên trong bảo tàng, suốt thời gian trước lúc mở màn cứ liên tục thông tin cho tôi: “Kia là người đã đoạt giải thưởng! Còn kia là người từng ba lần thắng giải! Còn kia là giáo sư của nhạc viện…” Mẹ rất hồi hộp. Và tôi rất muốn trấn an mẹ. Nhưng tôi không thể trấn an, bởi mẹ chẳng nghe thấy gì và chẳng tiếp thu. Bỗng mẹ nắm lấy tay tôi: – Chuyện gì thế? Thế nghĩa là sao? Tôi trông thấy anh Leva của chúng tôi ló ra ngoài cánh gà. Anh đưa mắt tìm chúng tôi. Sau đó tìm thấy, nhìn thấy ghế trống bên cạnh tôi… Anh sa sầm, tức là rõ ràng thay đổi nét mặt. Rồi biến mất. Mẹ nhìn sang tôi. Nhưng tôi có thể giải thích gì cho mẹ đây? Cuối cùng thì buổi biểu diễn cũng bắt đầu. Bước ra sân khấu là một người đàn ông có khuôn mặt mệt mỏi. – Ông ấy luôn dẫn các chương trình nhạc giao hưởng. Con chắc đã trông thấy trên tivi rồi hả? – Mẹ thì thào với tôi. Bộ điệu của người đàn ông cứ như ông ta là nhân vật chính của buổi hòa nhạc. Và họ tên của các nhạc sĩ nổi tiếng được ông nói với cái giọng làm tôi không thể nhận ra ngay. Vĩ cầm, dương cầm và đàn đàn vi-ô-lông-xen tối đó với tôi thật không thể chịu nổi. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng các nhạc sĩ vĩ đại quá kéo dài nhạc phẩm của mình. Họ hoàn toàn có thể cắt ngắn chúng đi. Khi vang lên những tràng pháo tay, tôi nổi cáu và nghĩ: “Đừng có mà yêu cầu diễn thêm nữa đấy!”. Mà tôi cứ vừa nghĩ như thế thì nhất định họ lại chơi tiếp thêm. Tôi có cảm giác rằng không bao giờ đến lượt Leva của chúng tôi. Nhưng rồi cuối cùng thì nó cũng tới. Người đàn ông tóc bạc mệt mỏi đó phát âm họ của chúng tôi cứ như một cái họ ngoại quốc. Leva bước ra, và theo sau vài giây là Lilya. Chị ấy cư xử như một người đệm đàn đích thực: chậm rãi mở bản nhạc, chỉnh ghế ngồi và hướng mắt nhìn Leva đợi hiệu lệnh của anh. Còn Leva của chúng tôi thì trông như đang ở sân khấu của trường phổ thông, quá ư là giản dị. Nơi anh chẳng có tí gì là cao sang bí ẩn. Và cảm giác bộ đồ của anh mặc trông không mới, mà nhàu nát, mặc dù hôm qua tôi đã mất nửa ngày giặt và ủi nó. Tôi không nghe thấy anh chơi như thế nào, vì suốt thời gian đó bận lén nhìn khán giả. Nhưng khó có thể đoán được gì: họ chăm chú nhìn Leva, chỉ thế thôi… Một số người thì lại đảo mắt. Sau đó tiếng vỗ tay vang lên. Vỗ không mạnh lắm, như thường thấy sau bài biểu diễn đầu tiên. Mọi người cũng biết là Leva sẽ chơi tiếp. Nhưng khi tiếng vỗ tay lắng xuống, tôi nghe thấy ở đằng sau một giọng đàn ông khô khan: – Hôm nay cậu ta không chuẩn bị tốt lắm… Rồi một giọng thứ hai, cũng khô khan kiểu ông già: – Phải, như mấy anh đánh cờ vẫn nói, chơi không với phong độ tốt nhất. Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, mẹ đã kịp cho tôi biết rằng ngồi đằng sau là các giáo sư của Leva. Tôi sợ hãi nhìn sang mẹ. Nhưng trông thấy mẹ đang nắm chặt tay ghế. Tôi những muốn quay lại nói với các giáo sư của Leva: “Hãy tin cháu, tất cả là lỗi tại cháu. Cháu…” *** Đêm đến, tôi nghe thấy tiếng Leva trăn trở, thậm chí thầm thì gì đó. Dường như là tự tranh luận với mình. Sau đó anh ngồi dậy và đi vào bếp. Khi anh quay lại, tôi hỏi: – Sao vậy? Anh mệt à? – Không… Anh chỉ muốn uống nước thôi. Khát quá… Mà tại sao cô ấy không tới? Em nghĩ sao hả Zhenka? Tôi không kìm lại được. – Đấy là lỗi tại em, Leva… – Tôi nói. – Tại em ư?... Tôi cảm thấy có chút mừng vui trong giọng anh. Hay đúng hơn là chút hy vọng. – Lỗi tại em, tại em! – Tôi khẳng định. Và kể lại mọi chuyện. Trong phòng rất tối. Tôi không trông thấy mặt của Leva, vì thế dễ dàng kể hơn. – Về nguyên tắc thì em đã xử sự rất hèn hạ. – Leva nói. Khi những lời gay gắt được nói lớn, thì nghĩa là người ta nói trong khi nóng nảy. Thậm chí có thế không nghĩ mình đang nói gì. Nhưng Leva nói nhỏ, hoàn toàn bình tĩnh… Nghĩa là anh ấy tin rằng tôi đã làm một việc hèn hạ. Anh ấy tin chắc thế… Tôi cảm thấy lạnh người dưới tấm chăn. – Nhưng mà em chỉ muốn dành cả đời mình cho anh! – Tôi thì thào – Em sẵn sàng hy sinh… – Đó là phong cách của những kẻ bạo chúa. – Leva ngắt lời tôi. – Phong cách nào cơ? – Tôi không hiểu – Tại sao lại có bạo chúa ở đây? – Họ là những kẻ biến những ai mà họ sẵn sàng hy sinh cho thành nạn nhân của mình. – Nghĩa là em không có quyền can thiệp à? – Lẽ nào lại có cái quyền đó? – Leva hỏi, như tự nói với chính mình. – Lẽ nào ai đó lại có cái quyền đó? Leva lại nằm xuống và rúc sâu vào chăn. Tôi đến ngồi cạnh giường anh. – Nhưng dù sao cũng may là vì em mà chị ấy không tới… Chứ không phải là tại chính chị ấy. Vẫn là may phải không?... Leva nhún vai. Ở dưới tấm chăn, nhưng tôi cảm thấy là anh ấy nhún vai… Rồi sau đó anh bỗng mỉm cười. Trời tối, nhưng tôi trông thấy anh ấy mỉm cười. Rồi tôi quay lại giường mình… Tôi không bao giờ viết nhật ký nữa. Nghĩa là trong cuốn sách về anh tôi, người ta sẽ không thể để ảnh của tôi cùng dòng chữ “Em gái của nhạc sĩ”. [1]Phoi-ơ (foyer): Phòng giải lao của rạp hát. (ND) [2]Điểm số ở Nga theo thang điểm 5, điểm 3 là điểm trung bình. (ND) [3] Con ong nghệ bay là bản nhạc của nhạc sĩ Nga Nikolai Rimsky-Korsakov viết cho cảnh chuyển hồi của vở opera Chuyện cổ tích về vua Saltan. (ND) [4] Nhân vật trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của L.N. Tolstoy. (ND) [5] Lời trong Khúc ca của vị khách Ấn Độ trong vở nhạc kịch Sadko của nhạc sĩ Nga Rimsky-Korsakov. (ND) [6]Tên của một nữ danh ca Nga. (ND) [7]Zhenka là tên thân mật, dùng chung cho cả tên Evgeny của con trai lẫn Evgenia của con gái. (ND) [8]A.V. Nezhdanova (1873-1950): Nghệ sĩ opera nổi tiếng của Nga và Liên Xô. [9] Tên một nhóm đảo ở vịnh Caribean, thuộc Pháp. (ND) Ðứa con muộn 1 Người ta đã chờ đợi tôi mười sáu năm trời… Thật kinh khủng khi phải là đứa con muộn màng! Tôi đã biết rõ điều đó! Những đứa con ra đời sớm xuất hiện nhanh chóng, tự mình xuất hiện, giống như những điểm số trong sổ liên lạc khi bạn đi học ở trường. Còn đứa con ra đời muộn, người ta mong mãi đợi hoài, và đến khi cuối cùng có được nó, thì họ bắt đầu thể hiện một tình yêu, một sự quan tâm khiến cho đứa bé đó muốn chạy trốn đến tận cùng thế giới, hay còn xa hơn thế nữa. Bố mẹ nói với nó: “Bố mẹ đã chờ con! Chờ đợi đến thế nào!...” – cứ như là nó ở rạp hát hay ngoài đường lâu chưa về vậy. Tôi là đứa con muộn màng. Bố mẹ tôi ngay từ đầu đã muốn có con trai, nhưng lại có Ludmila… đó là chị gái tôi. Rồi họ cùng với Ludmila, cả ba người cùng mong mỏi tôi ra đời. Và cuối cùng sau mười sáu năm, ước mong của họ thành hiện thực! Quả là muộn màng, tất nhiên rồi. Nhưng tôi nào có thể làm gì được? Tôi không nhớ từ tuổi nào mình bắt đầu nhớ được. Nhưng vào lúc mà tôi bắt đầu nhớ được, tôi thường nghe thấy câu: “Con là điều kỳ diệu! Con là món quà vô cùng quý giá!”. Bây giờ bố mẹ tôi ngại nói những lời to lớn. Có thể trước kia họ cũng không nói chính xác những lời đó. Nhưng là những lời tương tự như thế… Tôi trở thành món quà quý giá, giống như cái tách kiểu đẹp đẽ và sạch bóng nằm trong tủ nhưng người ta không bao giờ dùng để uống trà. Cả nhà nâng niu tôi! Tất nhiên, mỗi người theo cách của mình, bởi vì mỗi người lớn trong nhà tôi có một tính cách riêng. Chẳng hạn như tôi chuẩn bị đi trượt tuyết ở đâu đó, cả ba người đều ngăn cấm tôi. Nhưng ngăn cấm theo các cách khác nhau. Trước tiên tất nhiên là bố. Bố là một người to lớn vạm vỡ. Trông giống như Hemingway trong bức ảnh treo phía trên bàn chị Ludmila. Chỉ thiếu bộ râu, nhưng cũng bạc trắng và đầy nếp nhăn như thế. Cuộc đời bố tôi rất vất vả, bởi vậy ông muốn tôi phải được sung sướng mọi đường. Không, ông không từ chối thẳng thừng: Ông cố làm sao cho tôi cảm thấy dễ chịu – ngay cả khi bị từ chối. – Theo những con đường mòn và theo những sườn núi ư? – Ông cất giọng hát đến nỗi dưới nhà, ngoài sân ai cũng nghe thấy. Bố có một cái giọng rền vang. Và ông thích trích dẫn các bài hát. Không phải trích thơ, tục ngữ, mà là bài hát. – Luôn chuyển động, người chủ cối xay để cuộc đời mình luôn chuyển động!... Bố nhất định phải hát cái gì đó phù hợp với đề tài. Vào những giây phút đó, tôi cảm tưởng bố đang ra sức suy tính: Từ chối sao cho không làm tôi buồn, mà ngược lại còn khiến tôi vui vẻ. Vì căng thẳng nên mặt ông đỏ lựng lên. Màu đỏ lan đến tai, tràn đầy cả cổ, trông càng rõ dưới mái tóc bạc trắng. Bố nói to như đang tuyên bố trên sân khấu: – Còn bố lại muốn cùng con sáng mai đi xem phim! Con cũng thích phải không? Tôi đồng ý. Mặc dù chuyến đi trượt tuyết hấp dẫn tôi nhiều hơn. Tôi không cãi lại bố. Vô ích thôi: Tôi là đứa con muộn màng, mọi người nâng niu tôi. – Nếu muốn thì cái nào cũng được, con trai, tùy con chọn lựa! – Bố hát bằng cái giọng sang sảng của Conchak trong vở opera Quốc vương Igor. Đôi khi ông đổi lời trong các khúc aria hay các bài hát theo ý mình, để chúng phù hợp với đề tài đang nói. – Cái nào cũng được, con trai, tùy con chọn lựa!... Nhưng nếu con muốn đi xem phim thì bố vui sướng hơn. Bố còn vui sướng rất lâu. Dưới nhà, ngoài đường cũng có thể nghe thấy. Nói đúng ra, không chỉ bố, mà mọi người trong nhà tôi đều nói to, bởi vì mẹ tôi nghe kém. Điều này xảy ra khi mẹ sinh tôi. Nghĩa là, những đứa trẻ muộn màng mà người ta mong đợi không chỉ mang đến niềm vui… Mọi người không nói với tôi, đó là vì tôi, để tôi không buồn tủi. Nhưng tôi biết! Có lần tôi nghe thấy bác sĩ nói: “Đó là hậu quả của việc sinh nở. Khó có thể khỏi được”. Giá đừng sinh ra tôi thì tốt hơn! Nhưng bản thân mẹ lại nói rất nhỏ. Đôi khi mẹ cũng đùa, nhưng với nụ cười buồn buồn làm sao ấy. Bất cứ cái gì xảy ra trong nhà, bà luôn cho rằng đó là điều tốt. Không hiểu bà có nói nghiêm túc không. – Thậm chí là tốt rằng mẹ bỏ ngoài tai được nhiều điều: Người ta chả nói lắm những thứ vớ vẩn đấy sao! – Bà bảo. “Thậm chí là tốt…” – Mẹ thường mở đầu như vậy. – Thậm chí là tốt nếu như con muốn đi trượt tuyết: Nghĩa là con không sợ! Nhưng sau đó bà nhất định sẽ tìm ra lý do mà theo đó tôi tốt hơn nên ở nhà: Tôi – đứa con muộn màng, mọi người nâng niu tôi. Cả chị Ludmila cũng nâng niu tôi… Chị ấy là kiến trúc sư. Nghệ nhân của những đường kẻ thẳng – bố gọi chị như vậy. Và chị tôi cũng nói năng rõ ràng và thẳng thắn, chị không biết cải biên các khúc aria. – Nếu như em tập thể thao một cách nghiêm túc và trượt tuyết giỏi thì chị ủng hộ em, nhưng thế này thì không thể được. – Chị ấy sẽ nói thế. Nhưng dù tôi có học trượt tuyết giỏi như các nhà vô địch thể thao thì họ vẫn tìm ra được lý do để không cho tôi đi. Đó là sự thực. Khi trong nhà có chuyện gì đó không vui, mọi người đều giấu tôi. Tôi lập tức cảm thấy ngay, nhưng mọi người lại bảo: “Con (hay em) là trẻ con, chưa hiểu được đâu”. Mọi người chờ đợi một đứa trẻ, và họ vui sướng vì đã có nó. Còn tôi cũng rất vui sướng khi thấy họ được vui sướng như thế, nếu như đứa trẻ đó là ai chứ không phải tôi. Tôi không thích nghe lén. Và tôi sẽ không bao giờ nghe, nhưng một khi mọi người giấu tôi, mà biết đâu tôi lại có thể giúp đỡ được trong việc đó, thì tôi buộc phải nghe. Hơn nữa bố nói rất to cả những điều bí mật, nên dù muốn hay không cũng vẫn biết được. Một lần tôi nghe được câu chuyện này, một chuyện bí mật… Mẹ nói gì thì tôi không nghe rõ, còn bố đáp lại mẹ bằng một câu trong Evgeny Onegin: – Trời cho ta thói quen là trên hết! Tôi vốn không giỏi âm nhạc đến độ có thể đoán ngay ra câu nói từ vở nhạc kịch nào. Nhưng thậm chí bất kỳ ca sĩ nổi tiếng nào cũng đều có một chương trình đặc biệt của riêng mình có thể làm người ta phát thuộc. – Trời cho ta thói quen là trên hết! – Bố nhắc lại, rồi nói thêm. – Sau từng đó năm ư?... Tìm một công việc khác ư? Không, tôi không thể! Sau đó mẹ nói cái gì đó, rồi bố lại cất giọng, nhưng đã là bản giao hưởng số chín của Beethoven. Đó là một bản giao hưởng kỳ lạ: người ta hát nó. – Ôi anh em ơi, buồn đã đủ rồi! – Bố hát. Và thêm một câu bình thường, như mọi người: Hai trăm hai mươi trên một trăm – còn chưa chết được. 2 Tôi từ lâu đã nhận thấy rằng mình thích gặp những người già trên đường phố. Người đó càng già tôi càng sung sướng. “Nghĩa là có thể sống thật lâu, thật lâu trên đời này”, tôi thầm nghĩ. Có lần tôi đọc trên tạp chí nói rằng ở một làng trên núi có năm người đã sống đến một trăm ba mươi tuổi. Và họ vẫn đang tiếp tục sống… Tôi khoe với mọi người mẩu tin đó. – Đấy là ở trên núi, – mọi người nói với tôi – còn cậu sống trong ngõ cụt Xí nghiệp lắp máy số ba. Chúng tôi đúng là sống ở một ngõ cụt có cái tên dài loằng ngoằng như thế. Khi trên báo đăng những tin đặt trong khung đen, tôi luôn đọc chúng. Tôi đặc biệt quan tâm xem người chết bao nhiêu tuổi. Hay như người ta viết “hưởng thọ bao nhiêu tuổi”. Nếu như người đó tám mươi hay chín mươi tuổi, tôi cảm thấy vui mừng. Không phải vì người đó đã chết, tất nhiên rồi, mà là vì người đó đã sống được rất lâu. Những đứa trẻ khác không bao giờ nghĩ về điều đó. Chúng có bố mẹ còn trẻ… Tôi đặc biệt lo lắng cho mẹ. Bởi mẹ nghe kém… Nếu như mẹ đi đâu muộn chưa về, suốt thời gian đó tôi ngó qua ô cửa sổ trông ra đường, sau đó chạy xuống dưới đi đi lại lại ở lối ra vào. Tôi tưởng tượng ra những tai nạn ngoài đường. Đôi tay tôi trở nên ướt đẫm, tôi quên cả chào hỏi với những người quen hay hàng xóm. – Thậm chí là tốt rằng mẹ nghe kém, – mẹ nói – nếu không con chẳng ra đón mẹ! Tôi túm lấy túi xách của mẹ. – Con không nên xách nặng! – Mẹ bảo. Nghĩa là, mẹ thì được xách nặng, còn tôi thì không! Lại còn nữa: Tôi là trẻ con – tôi không nhấc nổi, không xách nổi, tôi không thể!... Sau đó, lúc lên nhà, mẹ an ủi tôi: – Thính giác kém làm người ta chú ý hơn. Người ta sẽ nhìn rõ hơn! Con cứ hỏi bất cứ bác sĩ nào mà xem. Con đừng lo. Con không nên lo lắng quá. Tại sao tôi lại không nên lo lắng? Cái hôm tôi nghe được câu chuyện trên, mẹ gần như nói thì thầm, bởi tôi không nên lo lắng mà. May là bố không biết nói nhỏ! Điều này đã giúp tôi. Khi cuộc trò chuyện của họ kết thúc, bố bước vào phòng nơi tôi đang cúi đầu, hay như người ta nói, đang vùi đầu vào cuốn sách giáo khoa mà tôi hôm đó hoàn toàn không cần học đến. – Ôi niềm vui! Ta biết, ta đã biết trước rồi! – Bố hát đoạn trong Ruslan và Ludmila – Con trai tôi đang làm bài tập! – Thậm chí là tốt rằng các nhạc sĩ viết những bài mà ông hát đã chết cả rồi. – Mẹ bảo. – Tại sao vậy? – Bố ngạc nhiên. – Họ còn sống thì sẽ xé xác ông! Mà tôi thì không muốn thành bà góa. Tôi không muốn! Những lời cuối cùng mẹ nói hoàn toàn không cười. Và tôi sợ hãi. Bây giờ là sợ cho bố. Chiều hôm đó tôi lén xuống nhà Leonid Mironych. Leonid Mironych ở dưới nhà tôi, ở tầng hai. Chú là bác sĩ. Đúng ra là bác sĩ chữa răng. Nhưng cả khu nhà tôi đều quên mất điều đó và gọi chú ấy đến nhà vì bất cứ bệnh gì. Mà ngôi nhà của chúng tôi rất lớn, những bảy tầng lầu. Luôn luôn có người ốm: người đau tim, người viêm họng, người viêm phổi. Và tất cả đều chạy đến chú Lyonya[10]. Chú ấy có biệt hiệu là: chú Lyonya – “không một”. Thực ra số điện thoại “không một” không phải để gọi cấp cứu, mà là đội cứu hỏa. Nhưng mọi người lại đặt cho chú Lyonya đúng biệt hiệu đó… Chú ấy rất tốt bụng. Và thậm chí còn rụt rè nữa. “Bác thấy đấy, tôi chỉ là nha sĩ…” – Chú luôn bắt đầu như vậy. Nha sĩ tức là bác sĩ chữa răng thôi. Nhưng chú Lyonya luôn gọi mình bằng cái từ nha sĩ đẹp đẽ đó. Còn thì chú là người rất khiêm tốn và thậm chí còn rụt rè nữa… Chú Lyonya mở cửa cho tôi với cái tạp dề của phụ nữ trước ngực và cái chảo trên tay. Trong chảo món trứng đang sôi xèo xèo. Trước kia tôi nghĩ chú Lyonya là người quá quan tâm đến chuyện ăn uống: Tôi luôn gặp chú với những cái túi bám đầy dầu mỡ trên tay. Nhưng mẹ giải thích cho tôi, rằng những người độc thân luôn bận rộn với thức ăn, nhưng lại ăn ít hơn người có vợ rất nhiều: Đơn giản là vì họ không biết cách sắp xếp việc nhà. Thì cũng như một số học trò ngồi hàng giờ ở nhà với tập vở và sách giáo khoa để gạo bài, nhưng lại trả bài với điểm Hai, bởi vì chúng không có khả năng học. – A a, anh bạn cùng tên! – Chú Lyonya “không một” thốt lên có vẻ bối rối, thậm chí hoảng sợ. Tôi cũng tên là Leonid. Hay đúng hơn là Lenka… Và tôi cũng có biệt hiệu. Chỉ có điều nó xấu hơn biệt hiệu của chú Lyonya. Một biệt hiệu nghe không hay chút nào! Thậm chí không muốn nhớ tới. – Cậu xuống một mình à? – Chú Lyonya hỏi vẫn với vẻ sợ hãi đó. Và chuyển vội cái chảo sang tay kia, có lẽ nó đang rất nóng. – Cháu… một mình. Cháu có việc. Nhưng chú Lyonya ngó ra cầu thang, cứ như đằng sau tôi có ai đó đang nấp. Sau đó chú mời tôi vào nhà. Không hiểu sao bát đĩa lại nằm trên bậu cửa sổ, còn trong chạn, nơi lẽ ra để bát đĩa lại là những cuốn sách. Tôi quyết định sẽ không đời nào làm kẻ độc thân. – Chú Lyonya, cháu chỉ ghé một phút thôi. – Cậu có muốn ăn không? Tôi có món trứng. Món ốp-la, hai tròng đỏ. Có thể chia cho cậu… Tôi hiểu: Do lòng tốt mà chú mời tôi thứ mà chú hết sức vất vả mới làm được – món trứng ốp-la. Và tôi từ chối. – Cháu chỉ cần nói hai câu thôi. Cháu cần biết… Không, cháu cần được chú cho lời khuyên, về bố cháu. Hôm nay cháu nghe được rằng bố cháu hai trăm hai mươi trên một trăm… Tôi mở đầu câu chuyện đại khái như thế, làm ra vẻ như tôi đã biết hai trăm hai mươi trên một trăm là gì. – Cậu biết đấy, – chú Lyonya nói – tôi chỉ là bác sĩ chữa răng… “Luôn gọi mình là nha sĩ”, – tôi nghĩ – “thế mà giờ lại gọi là bác sĩ chữa răng… Sợ rằng mình không hiểu nha sĩ là gì ấy mà. Chú ấy cho mình là đồ ngốc! Hay nói đúng hơn là trẻ con. Đối với người lớn đó chỉ là một thôi”. – Chú Lyonya, chú bảo như thế có nguy hiểm không: Hai trăm hai mươi trên một trăm ấy? Chú biết cơ mà. Chú kéo cặp kính ra khỏi mũi và đút hai đầu gọng kính bằng nhựa vào miệng. Như thế chú luôn có thể nghĩ được dễ hơn. – Giải thích với cậu thế nào đây nhỉ? – Chú lầu bầu không rõ lắm, vì gọng kính đang ở trong miệng. Tại sao cứ phải gi-ả-i-th-í-ch, mà không đơn giản chỉ là n-ó-i với tôi? – Giải thích thế nào cho cậu hiểu được nhỉ? Ừ, tất nhiên rồi, vì tôi là trẻ con, tức là đồ ngốc! – Bố cháu trông hoàn toàn khỏe mạnh! – Tôi nói – Khi cười, thậm chí còn rất hồng hào. – Tôi rất sẵn lòng ghé vào khám cho bố cậu, nhưng tốt hơn nên mời một chuyên gia. Hơn nữa Ludmila không mời tôi. Tự tôi đến không tiện lắm… – Nhưng có nguy hiểm không? – Giải thích với cậu thế nào nhỉ? Đó là huyết áp cao. Cần phải hạ nó xuống! Các bác sĩ sẽ ghi toa thuốc: thuốc bột, thuốc tiêm, thuốc viên. Nhưng quan trọng là phải giữ trạng thái tinh thần tốt! Cậu hiểu không? – Đương nhiên rồi! – Tôi nói dối. Và nghĩ thầm: “Giá mà chú ấy không tin mình, và giải thích cho mình”. Chú ấy không tin, hay là bỏ ngoài tai lời nói của tôi. – Trạng thái tinh thần tốt – có nghĩa là vui vẻ, sung sướng, hy vọng… Bởi cái quan trọng là thần kinh. Thần kinh cần được bồi bổ. Tôi liếc nhìn món trứng, chú ấy mỉm cười. – Phải, phải! Thần kinh cần đến những vitamin tinh thần. Chúng thích thứ đó, các dây thần kinh ấy. Bố cậu làm việc ở công trường phải không? Cả cuộc đời đi theo các công trình! Công việc này, thứ lỗi cho tôi, không phải dành cho ông ấy: những kỳ hạn, nhiệm vụ, kế hoạch. Lại còn… Có thể, có điều gì làm ông ấy khổ tâm, căng thẳng chăng? Cái này phải dứt khoát vứt bỏ! Tôi nghĩ ngợi giây lát. – Không, không có gì làm bố cháu phiền muộn cả. Ở nhà mọi việc đều tốt đẹp. Và ở cơ quan mọi người đều kính trọng bố. Bố không muốn rời nơi đó… Trời cho ta thói quen là trên hết. Chính chú cũng biết đấy! – Có thể cậu nói đúng. Thế Ludmila nói sao, về chuyện công việc của bố cậu ấy? – Cháu không biết. Cháu chưa hỏi chị ấy. Nhưng không ai làm bố căng thẳng cả… Không ai cả! Cháu tin thế. – Thế thì tốt! Đó là điều quan trọng! Nếu như Ludmila muốn, tôi sẽ ghé khám… Bây giờ thì tôi hiểu vì sao chú ấy ngó ra cầu thang: Chú không muốn chị Ludmila trông thấy chú đeo tạp dề của phụ nữ. Họ học chung với nhau ở trường phổ thông. Người ta còn xem họ là cô dâu chú rể. Thật là tốt nếu như họ lấy nhau. Ludmila sẽ ở lại trong ngôi nhà này, chỉ cần xuống một tầng. Còn nhà chú ấy, sách sẽ không nằm ở nơi lẽ ra để đựng bát đĩa… Nhưng Ludmila không muốn. Chị ấy nói chung không nghĩ đến chuyện lấy chồng: Chị ấy không quan tâm. Ở nhà tôi chị ấy là nghệ nhân của những đường kẻ thẳng và chỉ nghĩ về các bản vẽ của mình. Có lần tôi nói: – Giá mà chị lấy chú Lyonya! – Hai cặp kính trong một gia đình trẻ thì quá nhiều. – Chị Ludmila trả lời tôi. Chị ấy đùa, mặc dù vốn là người không thích đùa. Còn mẹ và bố im lặng, nhìn tôi dịu dàng kèm lẫn thương xót, như nhìn một thằng ngốc yêu mến – Con còn bé lắm, chưa hiểu được đâu!... Thật là kỳ lạ: Họ không quan tâm đến tương lai của con gái! Có lẽ vì chị ấy là đứa con ra đời sớm. Nhưng chẳng lẽ chị ấy có lỗi? Sao mà bất công thế! Cả ba người họ quan tâm đến tôi – đã đủ hết cả sức lực rồi. 3 Tôi thường nghe một vài người lớn nói: “Tôi là bà mẹ điên rồ! Tôi là ông bố điên rồ!...” Và dường như luôn tự hào về sự điên rồ đó của mình. Bố mẹ tôi không giống những người đó. Họ hoàn toàn bình thường. Họ thậm chí còn ngượng ngùng vì lo sợ cho từng bước chân của tôi nữa. Bởi vậy họ lo sợ cứ như đùa chứ không phải lo nghiêm túc. Và do đó, tôi nghĩ, đôi khi bố thành ra hơi thô lỗ. Đơn giản vì bố mẹ đợi tôi lâu quá. Đấy, chuyện là như thế! Mặc dù tôi, tất nhiên, không cảm thấy như vậy là nhẹ nhàng hơn chút nào. Họ chẳng bao giờ quan tâm đến bản thân mình. Đối với tôi họ biết tất cả: cái gì có hại, cái gì không nên, thậm chí cái bổ ích họ cũng cảm thấy có hại cho tôi. Còn cho bản thân mình thì phủi tay không để ý. “Mình không bao giờ để điều này tiếp tục nữa!... Bắt đầu từ bố. Mình sẽ luôn tạo cho bố trạng thái tinh thần tốt!” – Tôi trở về nhà với quyết tâm chắc chắn như vậy. Trước đây mọi người thường trách tôi luôn buồn bã. Mẹ yên lặng chăm chú nhìn vào mắt tôi. Bố cất tiếng hát: “Tại sao chàng chẳng được vui, hỡi chàng dũng sĩ? Tại sao chàng hôm nay buồn chán chẳng yêu đời?”, “Con trầm tư điều gì vậy hỡi con yêu?...” hay những câu gì đó đại loại như thế. Còn chị Ludmila thì hỏi thẳng: – Em chuẩn bị nói cho cả nhà điều gì tồi tệ đấy hả? Chuyện gì xảy ra ở trường vậy? Hay là ở dưới sân? Cứ nói thẳng ra đi. Sự thẳng thắn chuộc được nhiều lỗi lầm đấy. Bản thân là người thẳng thắn, nghệ nhân của những đường kẻ thẳng, Ludmila đòi hỏi mọi người xung quanh đều phải chính xác và thẳng thắn. Còn tôi, cũng như mọi lần, không chuẩn bị nói gì đặc biệt với cả nhà cả… Tôi chỉ đơn giản muốn xin cái mà thay vào đó, tôi tin rằng mọi người sẽ đề nghị mọi thứ quý giá trên thế giới này: viện bảo tàng, rạp chiếu phim, thậm chí cả nhà hát. Nhưng tôi lại muốn đi cùng các bạn ra ngoại ô, đến hồ Bezdonka (hồ Không đáy), nơi tất cả mọi người đến để tắm và phơi nắng từ sáng đến tối, chứ không phải chỉ để chết đuối như những người thân của tôi nghĩ. Nhưng vào ngày hôm đó, tôi mỉm cười với tất cả mọi người. Và không ngớt nhắc đi nhắc lại: – Bố đừng lo lắng bố ạ! Đừng lo lắng, con xin bố đừng lo lắng! Mẹ yên lặng chăm chú nhìn vào mắt tôi. – Con lo lắng điều gì vậy hỡi con yêu? – Bố lại cải biên lời bài hát, mặc dù trên mặt tôi không hề có vẻ lo lắng nào cả: Tôi đang mỉm cười. – Em đang chuẩn bị nói với cả nhà cái gì đấy? – Chị Ludmila hỏi thẳng. Tìm được trạng thái tinh thần tốt ở nhà, nơi bạn được yêu quý, thật chẳng dễ dàng như chú Lyonya nghĩ. Bố thích nghe đài, đặc biệt là các chương trình âm nhạc. Nhưng hiếm khi ông được nghe thỏa mãn: Khi thì tôi đang làm bài tập, hoặc đang đọc sách (khi đó cả nhà đều đi nhón chân), khi thì Ludmila đang phải hoàn tất công việc gần đến hạn nộp, hay chuẩn bị cho kỳ kiểm tra nào đó. Chị ấy luôn học cái gì đó: khi ở các lớp buổi tối, khi ở trường đại học văn hóa hoặc ở đâu khác nữa. Nhưng vào tối hôm đó, tôi ngồi bên chiếc đài, dò tìm các chương trình ca nhạc và làm ra vẻ như vô cùng vui thích. – Bố biết là cuối cùng âm nhạc sẽ chinh phục con. Con là con trai của bố mà! – Của bố, của bố! – Tôi nói với bố. Bố nở một nụ cười đầy hạnh phúc và tự hào: Đấy, chúng ta đã chờ đợi con rất lâu, nhưng một đứa bé như thế đợi cũng đáng lắm!... Trạng thái tinh thần tốt từng phút lại đến thêm. Khi mẹ về, tôi vặn đài to hơn, để bà cũng có thể thưởng thức âm nhạc. Từ căn hộ bên cạnh người ta gõ vào tường. Trong khu nhà của chúng tôi có những bức tường rất dày và trần nhà rất cao. Mẹ tôi có khi nói: – Thật tốt là ngôi nhà của chúng ta được xây vào thời mà kiến trúc chưa có được những thành tựu lớn. Những bức tường cứ như để dành riêng cho những người như mẹ, những người nghe kém… Mẹ thường đùa giễu cái mà người ta gọi là khiếm khuyết cơ thể của mình. – Kiến trúc hiện đại không phải chia cắt mà là giúp gắn bó các gia đình sống trong những căn hộ khác nhau! – Bố nói. – Theo những chuẩn mực cũ thì khối người muốn sống trong các căn hộ cũ kỹ. – Chị Ludmila bình tĩnh giải thích. – Chỉ có điều có thể nghe được đâu đó sau những bức tường… – Bố khẽ hát. Sau những bức tường nhà tôi khó có thể nghe thấy được gì. Nhưng ông hàng xóm, tôi tin rằng cố ý áp tai vào tường, để vừa có dịp là lập tức gõ. Nếu như chúng tôi nói chuyện to để mẹ có thể nghe thấy, ông ta luôn tức giận. Và giờ thì âm nhạc làm phiền ông ta! Có những người mà mọi thứ trên đời đều gây phiền hà. Đặc biệt nếu như ai đó ở bên cạnh lại có được trạng thái tinh thần tốt. – Hôm nay thế đủ rồi! – Bố nói – Con đi chơi đi, con cần phải hít thở không khí trong lành nhiều hơn! Tại sao chính tôi phải hít thở không khí trong lành nhiều hơn? Cứ như là tôi bị hai trăm hai mươi trên một trăm vậy! Nhưng tôi quyết định không phá hủy trạng thái tinh thần tốt và không cãi lại bố. Tôi đi hít thở khí trời. Lát sau Kostik cũng ra sân. Nó cao hơn tôi hẳn nửa cái đầu, mặc dù học chung lớp với tôi. Đừng nghĩ rằng nó là đứa cao lớn. Đơn giản là tôi thấp bé. Có lẽ những đứa trẻ ra đời muộn thường chậm lớn chăng? Còn Kostik không phải là đứa trẻ muộn, nó là một đứa hoàn toàn bình thường. Và bố mẹ nó còn trẻ. Nhưng rất đáng ghét! Bố nó chính là người gõ vào tường lúc nãy. Và mẹ nó cũng hay gõ… Kostik có một thói quen thế này: Nếu như nó nhìn thấy lũ bạn đang chơi hay đang thỏa thuận cái gì đó, nhất định nó sẽ lén đến gần và hét tướng lên: “A a, bắt quả tang, bắt quả tang nhé! Tao nhìn thấy hết rồi, nhìn thấy hết rồi! Tao nghe thấy hết rồi, nghe thấy hết rồi!”, rồi bỏ đi. Mặc dù chẳng ai mời nó nhìn hay nghe cả. Tôi từ lâu đã rất muốn cho Kostik một trận. Tống cho nó ba quả và nói khẽ: “Quả này cho bố mày! Quả này cho mẹ mày! Còn quả này cho mày!” – như người ta thường nói với những đứa bé lười ăn. Kostik từ lâu đã gây sự. Tôi cảnh cáo nó: “Đừng có gây sự! Đừng có gây sự!…”, nhưng nó vẫn cứ tiếp tục. Kostik ra sân, và lập tức đến chỗ tôi: – A a, bắt quả tang nhé! Tao nghe thấy hết rồi, nghe thấy hết rồi: Bố tao vừa gõ một cái là nhà mày lập tức tắt đài ngay. Sợ rồi mà! Giờ thì hết la hét nhé! Có chuyện gì bên nhà mày vậy, có con gà mái điếc nào hả? – Mày bảo sao cơ? – Tôi hỏi Kostik. Và sợ rằng nó sẽ nhắc lại câu nói của mình to hơn làm mọi người nghe thấy, tôi nhanh chóng tống cho nó một quả. Tôi phải nhón chân lên, bởi vì Kostik cao hơn tôi hẳn nửa cái đầu. Nó lập tức chạy vào cầu thang… Tôi có lẽ đã quá hồi hộp và không làm đúng như tôi muốn: Tôi tống cho nó không phải ba mà chỉ một quả. Và cũng không tuyên bố với nó: “Cho bố mày! Cho mẹ mày!”. Tôi quá hồi hộp, nên đã quên hết! Tôi không ngờ nó lại nói những lời đó… “Có nên đánh nó lại từ đầu không nhỉ?” – Tôi nghĩ vậy nhưng không đuổi theo nó. Mười phút sau chị Ludmila thò đầu ra ngoài cửa sổ: – Lyonya, đi về nhà! Tôi đi về… Từ tầng một tôi đã nghe tiếng bố của Kostik la ầm ĩ trên tầng ba: – Nó đánh thằng bé! Nó đánh thằng bé!... Đồ lưu manh! Các người gọi nó về mà dạy bảo! Hay là để tôi… Chẳng phải tự dưng mà người ta gọi nó như thế! Không phải tự dưng mà người ta đặt biệt hiệu đó cho nó! – Ông ta gào to biệt hiệu của tôi – Đáng lắm! Tôi không lên gác khi chưa nghe tiếng bố Kostik đóng sầm cửa. Sau đó tôi mới lên. Ở nhà mọi người đang rối cả lên. Mẹ liếc nhìn bố. Tôi biết cái nhìn đó, nó như nói với bố: “Hãy nhớ rằng chúng ta đã đợi nó rất lâu! Đừng la mắng nó!”. Bố cũng nhìn mẹ và cũng yêu cầu mẹ đúng điều đó. Họ luôn trao đổi bằng mắt như vậy mỗi khi tôi phạm lỗi. Dường như họ kiềm chế nhau. – Vì sao em đánh nó? – Ludmila hỏi. – Thì… không vì cái gì cả. Em từ lâu muốn đánh nó rồi. – Em muốn đánh à? – Chị Ludmila căng thẳng vẽ gì đó trên tờ giấy to. Chị ấy có thói quen khi nào có cuộc trò chuyện khó chịu là không ngừng làm việc, không ngừng vạch bút chì hay bút kẻ trên mặt giấy. Tôi im lặng. – Vì sao mà em đánh nó? Có lẽ phải có lý do chứ? Hãy nói cho cả nhà đi. Nói thẳng thắn sẽ chuộc được nhiều lỗi. – Không… Đơn giản là thế. Nó rất đáng ghét. – Trên đời này thiếu gì người đáng ghét! Thế em sẽ đánh tất cả họ à? Tôi nhún vai: – Em không biết. – Nếu như có lý do, thì chị còn có thể hiểu… Chị ấy thích suy luận: “Nếu như… thì…” – Không có. Không!... – Tàn bạo đã là tồi tệ, – tay không ngừng kẻ, Ludmila nói – nhưng tàn bạo mà không có lý do thì còn tệ gấp đôi. Không, gấp hàng ngàn lần. Chị ấy lại làm tính… 4 Nếu như nói cho đúng, thì niềm tự hào của gia đình tôi phải là chị Ludmila. Chị ấy là phó tiến sĩ khoa học, làm việc ở văn phòng kiến trúc. Thế nhưng mọi người lại tự hào vì tôi. Điều này không công bằng. Nhưng biết làm thế nào được? Thậm chí mọi người cũng không mắng khi tôi bị điểm Ba. – Đấy, nó thật là có khả năng, thằng quỷ sứ này! Hôm qua nó hoàn toàn không học bài, chỉ ngồi xem ti vi, thế mà trả lời được ba điểm! – Bố nhất định thể hiện niềm vui sướng của mình bằng những câu hát. Vừa nhìn tôi, ông vừa hát một câu gì đó đặc biệt ưa thích. – Trong nước chàng không chết chìm, trong lửa chàng không chết cháy! – hay là cái gì tương tự như thế. Bố thường nhờ tôi nhắc lại nội dung của một bộ phim hay cuốn sách nào mà chúng tôi đã cùng xem. – Nó có trí nhớ tốt làm sao, thằng quỷ sứ này! Nhớ được mọi thứ, cứ như mới đọc hôm qua vậy… – và bố vui sướng thốt lên – Tôi thì quên hết, lẫn lộn hết cả! Tôi có cảm tưởng như bố vui sướng chỉ vì mình đã quên và lẫn lộn. Ngày tiếp theo hôm tôi tống vào mặt Kostik một quả như vậy, bố không kìm được, nói: – Đánh nhau tất nhiên là không tốt rồi. Nhưng dù sao nó cũng dũng cảm làm sao, thằng quỷ sứ! Thấp hơn thằng kia đến hai cái đầu, mà dám tấn công nó. Thấp hơn đến hai cái đầu cơ đấy. Sau đó ông mãi vẫn chưa hết hào hứng, cứ nhắc đi nhắc lại: – Thật dũng cảm, thằng quỷ sứ! Cái từ “thằng quỷ sứ” bố luôn nói với giọng âu yếm, thậm chí dịu dàng. Nhưng tôi tất nhiên không cảm thấy dễ chịu hơn, bởi vì chính từ đó mà thành biệt hiệu của tôi. “Lenka – thằng quỷ sứ” – dưới sân người ta gọi tôi như vậy. Tình yêu có thể dẫn đến cơ sự như thế đấy! Và nói chung tôi không thích khi ở nhà tất cả mọi người đều ca ngợi tôi như vậy. Chẳng lẽ khó lắm sao khi trả lời được điểm Ba, hay nhớ được nội dung của một cuốn sách? Tôi là thằng ngốc hay sao? Và tại sao lại phải vui sướng khi tôi thấp hơn Kostik đến hai cái đầu? (Mặc dù thực ra tôi chỉ thấp hơn nó nửa cái đầu thôi). Tôi cảm tưởng như bố và mẹ rất hài lòng vì tôi không cao. Có lẽ họ muốn tôi không bao giờ lớn: Họ chờ đợi một đứa bé và muốn tôi cả đời vẫn là đứa bé ấy. Nhưng tôi không muốn! Tôi có lần nghe đài nói rằng nếu trong gia đình có vài đứa con, thì không nên làm nổi trội riêng đứa nào trong chúng. Đó là xét từ quan điểm giáo dục. Tôi nói điều này với bố mẹ. – Đứa khác thì tự hào vì mình được nổi trội, còn con mình lại lo lắng cho chị nó! – Bố thốt lên – Thật tốt bụng, thằng quỷ sứ! – Thậm chí là tốt rằng con đã nhắc cho bố mẹ, – mẹ đồng tình – nghĩa là tình yêu thương và sự quan tâm không biến con thành kẻ ích kỷ. Bố mẹ rất mừng. Và thế là hết! Họ rất mừng. Thế còn tôi?... Và việc chị Ludmila đến nay vẫn chưa lấy chồng, tôi cảm tưởng như không làm bố mẹ lo lắng. Như khi tôi nói về bác sĩ chữa răng Lyonya, thì họ lại im lặng. “Nếu như lúc đó bố mẹ ủng hộ mình”, – tôi suy nghĩ nhiều lần – “biết đâu chị Ludmila của chúng ta bây giờ đã sống ở tầng hai, ngay dưới nhà mình. Chúng ta có thể đến thăm nhau. Và chị ấy đã có một gia đình… Trong sách người ta viết rằng người phụ nữ nào cũng mong muốn có gia đình. Có thể Ludmila không hiểu điều đó, và bố mẹ lại không giải thích cho chị ấy chăng? Bởi vì tôi đã lấn át chị Ludmila rồi, tôi là đứa con muộn màng… Nhưng thế thật không công bằng…” Bố khen tôi về chuyện đánh nhau khi chị Ludmila chưa đi làm về. Ở nhà ai cũng sợ Ludmila, vì chị ấy, như bố nói, là con người không có khuyết điểm. Nhưng chị ấy vẫn có một khuyết điểm. Đó là tôi! Biết làm sao được, lại là tôi… Không, Ludmila không khen tôi vì được điểm Ba hay đánh nhau. Chị ấy nhận xét, kiểm điểm tôi. Nhưng hai hay ba ngày sau mang cho tôi một món quà, chừng như để xin lỗi. Hầu như bao giờ cũng vậy. Lần này cũng như vậy. Đi làm về, chị làm như không để ý đến tôi. Khi nào chị ấy cáu giận tôi, chị ấy liền tìm ra hàng ngàn công việc: vẽ, tẩy xóa, chép lại bài giảng nào đó. Chị ấy làm tất cả những công việc ấy cốt chỉ để không bắt gặp ánh mắt tôi, không trò chuyện với tôi. Và lần ấy chị cũng làm việc suốt buổi tối. Nhưng trước lúc đi ngủ bỗng nói: – Ngày mai đừng có mà nằm dài trên giường đấy! – Nhưng mai là chủ nhật. – Tôi lí nhí. – Chúng ta sẽ đến nhà hát. – Chị nói với cái giọng như chuẩn bị đưa tôi đến đồn công an. – Vâng, – tôi nói – thế thì đi. Không thể cảm ơn chị ấy vào lúc đó. Tôi không biết mình chờ đợi đến buổi sáng như thế nào. Thậm chí tôi không hỏi chị Ludmila rằng sẽ xem vở kịch nào. Điều đó không quan trọng. Quan trọng là tôi được đến nhà hát. Những người lớn hay hỏi: “Vở kịch đó như thế nào? Liệu chúng ta có phải phí thời gian vì nó không? Nó viết về cái gì? Có hay hay không?”. Họ có thể làm bộ làm tịch như vậy bởi vì họ muốn đi lúc nào thì đi, muốn đi đâu thì đi. Đơn giản là người lớn được nuông chiều quá. Còn bố mẹ tôi lại vẫn chưa muốn tôi lớn lên, chưa muốn tôi thành người lớn!... Cuối cùng thì chúng tôi đi. Bố quyết định tiễn tôi đến tận nhà hát. Bố cầm tay tôi, ông thích dắt tôi như trước kia ông đến đón tôi ở nhà trẻ khi tôi còn bé. Thường thì tôi giằng tay ra (thật buồn cười khi phải dắt một “chàng trai” mười ba tuổi), nhưng bây giờ tôi không cho phép mình giằng tay ra vì bố bị hai trăm hai mươi trên một trăm. Tôi không có quyền lấy đi của bố trạng thái tinh thần tốt! Chị Ludmila đã hơi dịu lại, nhưng vẫn chưa tha thứ hoàn toàn cho tôi. Bây giờ tuy không giống như chị ấy quyết định dẫn tôi đến đồn công an như tối hôm trước nữa, nhưng vẫn như là đến một chỗ nào đó không thú vị lắm, ví như đến lớp học chẳng hạn, mặc dù hôm nay là ngày nghỉ đối với tất cả, ngày Chủ nhật. Nhìn vẻ nghiêm khắc của chị ấy không thể đoán ra được là chúng tôi đang đi đến nhà hát. Tôi kín đáo ngắm nhìn chị Ludmila. “Dù sao vẫn thật bất công làm sao”, – tôi nghĩ – “chị Ludmila là phụ nữ nhưng cao lớn, như người ta nói là có thân hình thể thao, trong khi mình là đàn ông lại bé nhỏ, thấp hơn bình thường. Bố phải nghiêng cả người để nắm lấy tay mình. Không, mình không muốn tranh mất dáng của chị Ludmila đâu, nhưng giá mà mình cũng cao lớn thì sẽ không đến nỗi tệ!” Chị Ludmila không chỉ có thân hình thể thao, chị ấy thực sự chơi thể thao: đánh tennis và chơi bóng chuyền. Nói chung, theo tôi, chị ấy là người thú vị. Cặp kính không hề ảnh hưởng đến chị ấy, thậm chí còn làm đẹp thêm một chút: khuôn mặt trông có vẻ nghiêm nghị, thông minh. Chỉ có điều không biết đàn ông có thích những phụ nữ nghiêm nghị và thông minh không. Tôi thấy những thanh niên đi ngược chiều với chúng tôi không để ý đến chị Ludmila. Điều này thật bực mình. Có thể họ đoán được qua nét mặt chị, rằng chị không muốn lập gia đình, điều mà như tôi đã đọc trong sách, người phụ nữ bình thường nào cũng muốn. Tôi đã nghĩ như thế khi lén nhìn ngắm chị gái. Có những người phụ nữ khoác tay chồng đi ngược lại. Có thể nhận ra ngay: là chồng hay không phải là chồng. Một số người đẩy xe nôi, còn chồng họ đi bên cạnh. Hoặc thậm chí chính các ông chồng đẩy xe nôi… Tôi muốn hỏi tất cả những người phụ nữ tôi gặp: “Cô có là phó tiến sĩ không? Còn chị là phó tiến sĩ ư?” Tôi tin rằng sẽ không ai trả lời: “Phải”. Còn chị gái tôi là phó tiến sĩ. Tại sao chỉ mỗi chị ấy đi một mình. Nghĩa là đi với tôi và bố, nhưng thế không tính. Tất cả chỉ vì chị ấy không muốn lấy chồng! Ở cửa nhà hát chúng tôi gặp những người quen cũ của Ludmila. – Hai mươi năm không gặp nhau! – Người đàn ông và người phụ nữ reo lên gần như đồng thanh – Gần như hai mươi năm! Chúng tớ ở lớp Năm B, cậu nhớ không? Sau chúng tớ bị chuyển sang trường mới, và bọn mình chia tay nhau. Bao nhiêu năm rồi! Chúng mình sống cùng một thành phố, thế mà không gặp nhau lần nào. Không thể tưởng tượng nổi! Thế mà giờ nhận ra ngay… Không thể tưởng tượng nổi! Bọn tớ cưới nhau lâu rồi! Đã lâu lắm rồi. Không còn nhớ nổi mình hồi chưa có gia đình như thế nào nữa! Không thể tưởng tượng nổi! Đơn giản là không nhớ nổi… Có thể nghĩ rằng họ lấy nhau từ hồi học lớp Năm B. Họ ngắt lời nhau. Và sẵn sàng thốt lên “Không thể tưởng tượng nổi!” vì mọi chuyện – cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu. – Đây là con trai cậu à? – Người phụ nữ thốt lên – Giống y như đúc! Hoàn toàn cùng một khuôn mặt! – Cháu ngoại bác phải không ạ? – Cô ta quay sang bố – Giống ông ngoại lắm! Rất giống! Không thể tưởng tượng nổi! Xin chúc mừng. Một cậu cháu tuyệt vời! “Chẳng lẽ trông tôi nhỏ hơn tuổi nhiều đến nỗi người ta có thể tưởng là con chị Ludmila sao?” – Tôi đau khổ suy nghĩ – “Hay là Ludmila trông già hơn tuổi? Không, họ biết chị ấy bao nhiêu tuổi, họ học chung lớp mà. Nghĩa là lỗi tại tôi!” Nhưng làm tôi ngạc nhiên hơn là bố tôi lặng im khi họ chúc mừng bố có đứa cháu ngoại tuyệt vời như thế. Chỉ có điều bố chưa bao giờ đỏ mặt như lúc này: Cả tai, cả cổ, thậm chí cả gáy (có thể nhìn thấy qua lớp tóc trắng) đều đỏ dừ cả lên. Tôi sực nhớ đến lời chú Lyonya ở tầng dưới: “Có thể có điều gì đó làm bác ấy buồn khổ chăng?” Hay có thể bố đúng là có điều buồn phiền? Và chỉ không tỏ ra ngoài thôi? Tôi cảm tưởng rằng bố muốn những người bạn lớp Năm tiếp tục tưởng tôi là con trai của chị Ludmila. Phải, bố muốn thế… Tôi thấy rõ điều đó. Tôi nắm lấy tay chị tôi, mặc dù chị chưa hoàn toàn thứ lỗi cho tôi, và nép sát cả người vào tay chị. Những người bạn lớp Năm hình như sẵn sàng nhớ lại mọi chuyện đã xảy ra với họ trong suốt hai mươi năm qua. Có những người như vậy đấy: Họ nghĩ rằng ai cũng thú vị với mọi thứ lặt vặt vớ vẩn trong cuộc sống của họ, cứ như họ là các nhà soạn nhạc hay nhà văn vĩ đại không bằng vậy. – Chúng ta muộn mất. – Chị Ludmila nói. – Các bạn ngồi chỗ nào vậy? Ngồi chỗ nào vậy? – Người đàn ông và người phụ nữ ở lớp Năm B lại ồn ĩ lên – Ôi, ở hàng thứ mười à? Thật không thể tưởng tượng nổi! Chúng tớ hầu như ngồi ngay bên cạnh. Thật là tuyệt vời. Chúng tớ sẽ giới thiệu con cậu với hai đứa con gái nhà tớ. Chúng nó đã vào ngồi trong đó rồi. Ngồi đó gần như là từ hôm qua đến giờ. Chúng nó cũng học lớp Bốn. Hai đứa sinh đôi. Con cậu chắc cũng học lớp Bốn chứ? – Vâng, lớp Bốn. – Tôi đáp, mặc dù thực ra tôi học lớp Sáu. – Ừ... ừ… – Chị tôi khẽ nói. Và tôi cảm thấy chị nhìn tôi với vẻ biết ơn. Tôi đã không buông tay chị ra. Khi chúng tôi bước vào đại sảnh, Ludmila thì thào: – Này… gọi chị là mẹ nhé. Một khi họ đã muốn như thế! Tôi vẫn còn chưa biết chúng tôi sẽ xem vở kịch gì cho đến khi mua tờ chương trình. Bởi vì suốt thời gian đó tôi mải nghĩ, cả trong đại sảnh cũng như lúc đi lên cầu thang… – Em có muốn vào quầy giải khát không? – Chị tôi hỏi bằng một giọng lạ lùng nào đó, cứ như đang ngắc ngứ. Thà chị ấy cứ cáu giận còn hơn! Tôi đồng ý… Tôi ưa thích hưởng mọi thú vui ở nhà hát: Uống nước ở quầy giải khát, ăn bánh nướng, mua tờ chương trình và đọc nó từ đầu đến cuối, đi ra hành lang ngắm những bức chân dung của các nghệ sĩ… Và, tất nhiên là xem kịch nữa. Suýt nữa thì quên! 5 Người ta thường gọi điện cho chị tôi. Nếu chị đi khỏi nhà, bao giờ cũng để lại cuốn sổ nhỏ và cây bút chì vót rất kỹ lưỡng (“Đồ lề của tôi đấy!” – chị ấy nói). Chị yêu cầu chúng tôi ghi thật cẩn thận: Ai gọi cho chị, gọi từ đâu, vì việc gì. Khi thực hiện yêu cầu của Ludmila, bố thường nhắc đi nhắc lại: – Lúc nào cũng công việc! Chỉ toàn là công việc! – và bố hát từ nhạc kịch Quốc vương Igor mà bố yêu thích – Không nghỉ ngơi, không cả giấc ngủ dành cho tâm hồn khổ đau!... Trước kia tôi cho rằng bố vui mừng vì con gái bố là con người bận rộn như vậy. Còn bây giờ tôi lại nghĩ: “Làm sao mà vui mừng được? Quốc vương hát khúc aria đó khi bị quân Polovets bắt làm tù binh!... Đúng là đôi khi bố cải biên bài hát theo ý mình. Nhưng đây thì hình như bố không cải biên gì, mà hát đúng như vị quốc vương nhất thời bại trận đó: buồn bã, ấm ức… Tại sao trước kia mình không để ý điều này nhỉ?” Một lần, khoảng mười ngày sau khi chúng tôi đi nhà hát, vang lên tiếng chuông điện thoại lạ lùng. Đúng hơn là tiếng chuông vẫn bình thường, nhưng cuộc điện thoại ngay từ đầu đã không bình thường… Một giọng đàn ông gọi Ludmila. Người ta luôn gọi chị tôi theo tên và tên bố[11]. Thậm chí cả những người già trong khu nhà chúng tôi, những người biết chị tôi khi còn là cô bé con, cũng gọi chị mà không quên ông bố, như bố nói. Tôi luôn tin rằng bố tự hào về điều này: Nếu như một phụ nữ trẻ được gọi theo tên và tên bố, nghĩa là người ta tôn trọng cô ấy. “Hay là không còn xem cô ấy là trẻ nữa?” – Tôi bất chợt nghĩ sau khi ở nhà hát về – “Tại sao mà mình lại nghĩ là bố thích điều đó?...” Tôi trả lời người đàn ông là Ludmila không có nhà, và như mọi khi hỏi anh ta từ đâu gọi đến và cần nói lại gì không. – Thế ai đang nói đầu dây đấy? – Anh ta hỏi thay cho câu trả lời. Trước kia cũng chưa bao giờ có ai hỏi như vậy cả. “Gọi chị mình bằng tên, quan tâm đến mình”, – tôi nghĩ – “quan tâm như mấy người hôm ở nhà hát… Có lẽ cũng là bạn hồi lớp Năm nào đó của chị Ludmila. Tất nhiên rồi!… Còn ai mà có thể gọi cho chị ấy mà không có công chuyện gì cơ chứ?”. Tôi cảm thấy người đàn ông này không muốn nói điều gì có thể ghi lại vào trong cuốn sổ tay của chị Ludmila. Tôi chợt nhớ lúc ở nhà hát, chị tôi thì thầm: “Gọi chị là mẹ…” “Chị ấy thích bạn bè, những người không gặp lại hàng hai chục năm rồi và bản thân họ từ lâu đã tái hôn, nghĩ rằng chị ấy cũng đã có chồng… và có con rồi!” Tôi suy luận. Tất cả những suy luận đó diễn ra chỉ trong một giây. Và chưa kịp quyết định gì, tôi hét vào trong máy: – Đây là con trai… – Con trai nào? – Giọng đàn ông hỏi. – Con trai nào ư? – Tôi đáp – Của cuộc hôn nhân đầu tiên! Bản thân tôi cũng không biết mình nói thế để làm gì. Chắc là tôi muốn người bạn phổ thông của chị Ludmila nghĩ: “Mình lấy vợ mới có một lần, thế mà cô ấy đã kịp kết hôn những hai lần! Mà có khi còn nhiều hơn… Nghĩa là được ái mộ!” Không, đúng ra vào giây phút đó tôi chẳng kịp muốn cái gì tương tự như vậy. Đơn giản là chẳng có thời gian… Nhưng điều mà tôi thời gian gần đây mơ ước, tự nó buột ra đầu lưỡi tôi. – Cảm ơn – Người đàn ông nói. Và lập tức bên tai tôi là những tiếng tút tút ngắn. “Phải, không sao đâu”, – tôi nghĩ – “không có chuyện gì xảy ra đâu… Chỉ có những người phụ nữ đẹp mới lấy chồng mấy lần thôi! Nghĩa là mình không hạ thấp chị mình. Mà thậm chí còn ngược lại. Cứ để họ ghen tị với chị ấy! Mọi chuyện đều đúng, mọi chuyện đều tốt đẹp cả!” Tôi đã nghĩ như thế cho đến khi chị Ludmila về nhà. Chị ấy thậm chí không thèm nhìn tôi, mặc nguyên áo khoác đi thẳng sang phòng bên cạnh nơi mẹ đang ngồi đọc sách. Và đóng sầm cửa lại. Ludmila luôn bình tĩnh và cẩn thận, thế mà lại quên cởi áo khoác ngoài hành lang: Xảy ra chuyện gì kinh khủng rồi! Sau đó tôi biết được vì sao chị tôi lo lắng như vậy. Tôi không muốn nghe lén. Nhưng lại lén nghe… Hay đúng hơn là nghe được. Chị Ludmila, cũng như bố và tôi, nói rất to để cho mẹ nghe được. Bởi vậy ở phòng bên cạnh dù muốn hay không cũng biết hết. – Con phải chia sẻ với mẹ, – chị Ludmila nói – chỉ có điều mẹ đừng lo lắng. Có lẽ mẹ lập tức lo lắng, vì thấy chị tôi nói: – Không, không, không có gì đặc biệt đâu! Mẹ trả lời gì đó. Nhưng lời của mẹ ở lại trong phòng bên đó, tôi không nghe thấy. – Có ai đó nói với Ivan là con đã lấy chồng rồi. Thậm chí là hai lần… Rằng con có con trai lớn rồi. Sau đó là im lặng – mẹ nói cái gì đó. Còn trong lúc đó tôi kịp nghĩ: “Chị ấy có anh Ivan nào đó mà mọi người đều giấu mình. Phải, vì mình là trẻ con mà!...” – Thực ra thì chẳng có chuyện gì… – Chị Ludmila tiếp tục – Chỉ là chuyện ngồi lê đôi mách. Hay là một trò đùa ngốc nghếch mà thôi. Mẹ hỏi cái gì đó. – Không, ai thì anh ấy không nói. Nhưng anh ấy tin! Lại còn lục vấn nữa chứ, mẹ hiểu không? Câu tiếp theo của mẹ tôi đoán được qua câu trả lời của chị Ludmila. Mẹ có lẽ đã nói: “Thậm chí là tốt: Con có thể kiểm tra tình cảm bây giờ của anh ta”. Tôi nghĩ là mẹ nói thế vì chị Ludmila đáp: – Thậm chí là tốt ư? Con không cho là như thế! Và con cũng không định kiểm tra tình cảm của anh ấy. Còn phản ứng của anh ấy thì không chịu nổi: Anh ấy không kiềm chế được, anh ấy xử sự rất thô lỗ. Thậm chí còn hét tướng lên… Mẹ hiểu không? Tôi sợ bố về… và sẽ nghe thấy hết. Sau đó cổ, gáy và tai bố sẽ lại đỏ lựng lên, giống như hôm ở nhà hát. Tôi đã gây nên sự gì vậy?! – Nếu như anh ấy yêu cầu con giải thích, thì con còn có thể hiểu… Chị tôi thích suy luận: Nếu như… thì… Cứ như không thể nào tha thứ được! Mẹ nói gì đó. – Không, mọi chuyện kết thúc rồi! Mẹ lại nói gì đó. – Tại sao lại sẽ khó chịu khi phải gặp nhau hàng ngày? Con có ý thức về lẽ phải. Tôi cảm thấy chị Ludmila cố tình trả lời bằng những câu gay gắt như vậy để khỏi bật khóc. Tôi thấy thương chị. Đồng thời cũng bực bội: Chẳng lẽ không thể nào tha thứ? Nghĩa là họ làm việc cùng nhau: “gặp nhau hàng ngày”... – Không, không đời nào! – Chị Ludmila nói – Có thể cố thử hiểu mọi thứ, nhưng khi người ta hạ thấp phẩm giá của mình… Phải, mẹ nói đúng; thậm chí là tốt rằng anh ta đã bộc lộ ra như vậy. Con đã dừng lại đúng lúc! Chị ấy dừng lại ở đâu? Với nghĩa như thế nào? Không đi lấy chồng ư?... Tôi phải không cho chị ấy dừng lại! Không thì chị ấy, nghệ nhân của những đường kẻ thẳng, đã nói là làm đấy. Chị tôi bước ra khỏi phòng mẹ. Tôi cắm cúi làm bài… Chiếc áo khoác vắt trên tay: Chị ấy đang nóng. Chị mỉm cười, nhưng thân hình chị không còn có vẻ thể thao như mọi khi. Chị hơi chúi xuống, cứ như trên vai là cả gánh nặng. Tôi lại thấy thương chị quá… Tôi muốn giúp chị. – Ludmila, – tôi nói khẽ – em đã nghe được đôi chút… – Em nghe à? – Em không thể bịt tai lại được! Em muốn chạy ra ngoài đường để không phải nghe… Nhưng còn bài tập! Chị cũng hiểu đấy… – Em phải vào trong phòng và nói với chị và mẹ là em đang nghe thấy, thế mới trung thực. – Em nghĩ rằng em sẽ không hiểu gì, nên em không vào. Nhưng sau thì em vẫn hiểu được. Đến khi hiểu là mình hiểu được, thì đã muộn không vào nói được rồi. – Thế em hiểu cái gì? – Chị biết không, Ludmila, khi người ta la hét, tức là người ta lo lắng. Mà nếu như lo lắng, thì tức là người ta đau khổ… Chẳng lẽ chị không để ý ư? – Chuyện vớ vẩn! – Chị Ludmila nói, nhưng vẫn tiếp tục nghe. – Khi người ta lo lắng thì có thể nói bất cứ cái gì! Đấy như mẹ đôi khi nói: “Mày đi đâu cho khuất mắt tao đi!”. Đấy là mẹ nói em. Nhưng chẳng lẽ mẹ lại muốn em biến mất đi thật sao? – Thế thôi à? – Chị tôi hỏi. “Thế thôi à?” – Cô giáo dạy toán của chúng tôi cũng hỏi thế khi bọn học trò lên bảng nói linh tinh. Nhưng không cho điểm Hai ngay tức khắc, mà cau mày chờ đợi: Biết đâu vẫn còn có thể nghe được cái gì đó thông minh hơn chăng? Và Ludmila cũng chờ đợi. – Một khi anh ấy la hét, tức là anh ấy lo lắng… Mà nếu anh ấy lo lắng, tức là anh ấy đau khổ. Mà nếu như đau khổ… – Chị đã nghe câu đó rồi! Cô giáo dạy toán của chúng tôi cũng nói vậy: “Tôi đã nghe câu đó rồi!”. Và sau đó lập tức cho điểm Hai. – Câu đó chị đã nghe rồi! – Chị tôi nhắc lại dứt khoát. Rõ rồi: cho điểm Hai. Chị ấy nghe tôi như nghe một học sinh lớp Sáu đi thi vào đại học. – Em chẳng hiểu gì hết, – Ludmila nói – và em không thể hiểu đâu! Chứ còn gì nữa: Tôi là trẻ con mà! Tại sao chị ấy không nói thêm như thế! Quên mất, đơn giản là chị ấy quên mất. Ludmila ra ngoài hành lang để treo áo khoác. Còn tôi lại chúi đầu vào cuốn sách, nhưng toàn nghĩ về chuyện khác. “Mình phải giúp chị ấy!” – Tôi đã quyết định như thế. 6 Tôi đã kể rằng nếu như chị tôi kiểm điểm tôi, nghĩa là làm tôi mất vui, thì hai hay ba ngày sau nhất định sẽ xin lỗi. Chị ấy không thừa nhận điều đó, tất nhiên rồi, nhưng vẫn là xin lỗi: Mua vé vào nhà hát, hay đưa tôi đến sân vận động, nơi chị ấy chơi tennis và bóng chuyền, hoặc là mang một món quà về nhà. Trong những trường hợp như vậy, chị ấy không gọi nó là món quà, mà nói với tôi đại loại như thế này: – Đã đến lúc em phải chơi thể thao rồi đấy. Trước tiên phải xem người khác chơi thế nào đã. Hôm nay đi với chị đến sân vận động. Hay là thế này: – Em không có vẻ thích thú với môn toán lắm. Thế thì em định sẽ làm nghề gì trong tương lai? Chẳng lẽ lại có thể không nghĩ về điều đó sao? Hãy thử sức mình trong lĩnh vực nghệ thuật xem sao. Đầu tiên thử chụp ảnh xem sao. Chị mua cho cái máy ảnh đấy… Chị nói với giọng rất nghiêm khắc, cứ như không phải đang làm hòa, mà là đang dạy dỗ tôi. Nhưng món quà vẫn là món quà. Tôi cũng làm chị tôi mất vui. Thậm chí còn tệ hơn: Tôi đã làm chị phải đau khổ! Chị càng tỏ ra dũng cảm (ví dụ chị mặc chiếc váy mà trước kia tôi thậm chí chưa từng trông thấy), tôi càng thấy rõ là chị bây giờ chẳng tâm trí nào nghĩ đến váy áo. Vào cái hôm tôi tình cờ nghe được câu chuyện của chị với mẹ, đến tối trước khi đi ngủ, tôi đã không kìm được và thú nhận: – Ludmila, đó là em nói với Ivan là chị có con trai lần kết hôn đầu tiên đấy. Nói qua điện thoại… Anh ấy gọi điện thoại và hỏi: “Ai đang nói đầu dây đấy?”. Tự nhiên cái gì xui em không biết… em trả lời: “Đây là con trai”. Anh ấy hỏi: “Con trai nào?”, còn em bảo: “Của cuộc hôn nhân đầu tiên!...” Em đùa ấy mà, chị hiểu không? Tôi nói vậy và hoảng sợ: “Chẳng lẽ chị ấy lại nghĩ là mình hoàn toàn không đùa, mà là nói nghiêm chỉnh? Vì chị ấy đã yêu cầu… ở nhà hát…” Nhưng chị tôi có lẽ đã không nghĩ thế. Và thậm chí không nổi giận. Chị ấy không nổi giận!... – Chuyện không phải ở đó, chuyện là ở phản ứng của anh ấy… Vả lại, em không hiểu đâu! – Nhưng nếu như người ta la hét, tức là anh ấy lo lắng, mà nếu như lo lắng… – Chị đã nghe câu đó rồi! Tôi không đưa thêm được lời khuyên nào nữa. Tôi hiểu rõ mọi chuyện, nhưng theo chị Ludmila, tôi không cần phải hiểu rõ. Tôi không có quyền! Và không thể giúp chị một cách công khai. “Tại sao vậy?”, tôi phát cáu, “Tại sao?”. Tôi phải hành động bí mật không cho mẹ và chị Ludmila biết. Bố không biết chuyện gì: Bố bị hai trăm hai mươi trên một trăm… Và thế là tôi bắt đầu sửa chữa tình hình. Tôi biết số điện thoại cơ quan của Ludmila, và khi không ai ở nhà, tôi gọi điện. – Có thể gặp Ivan không ạ? – Ivan nào? – Một giọng con gái vừa cười vừa trả lời. – Em không biết… – Thế họ là gì? Tôi im lặng. Điều này hoàn toàn làm cô gái vui thích: – Có đứa bé nào đó, – cô ta giải thích cho đồng nghiệp – chú bé hay cô bé nào đó… Lại là đứa bé! Và chẳng lẽ qua giọng nói không phân biệt được tôi là con trai hay con gái sao? – Chị đề nghị em lựa chọn nhé! – Giọng nói vui vẻ nói với tôi – Ivan Petrovich, Ivan Sergeevich và Ivan Ivanovich!... Tôi chọn Ivan Ivanovich. Nhưng khi anh ta “Alô”, tôi lập tức gác máy. Lỡ không phải là anh ấy? Trong khi mình lại đi nói tên chị mình cho anh ta và bắt đầu xin lỗi! Hơn nữa, có lẽ cơ quan có nhiều bộ phận khác nhau. Sao tôi lại nghĩ rằng Ludmila và Ivan làm việc trong cùng một phòng? Phải làm gì bây giờ? Hỏi chị Ludmila xem anh ta ấy họ gì chăng? Chị ấy sẽ không nói đâu, đó không phải là việc của tôi! Hỏi mẹ chăng? Mẹ tất nhiên sẽ trả lời thế này: – Thậm chí là tốt rằng con lo lắng cho chị. Con thật tốt bụng. Nhưng trong trường hợp này không nên can thiệp vào. Chỉ còn lại một cách giải quyết… Vào hôm chị Ludmila được nghỉ bù và đi chơi tennis, tôi đến cơ quan chị. Không hoàn toàn là “cơ quan”, mà là ngôi nhà nơi có văn phòng kiến trúc. Tôi biết ngôi nhà đó, rất đẹp, toàn bằng kính, kim loại và chất dẻo. Rất hiếm những ngôi nhà như thế trong thành phố chúng tôi. Nhưng thật buồn cười nếu người bán đồ gỗ lại phải ngồi trên những đồ gỗ tồi tàn, còn những kiến trúc sư lại phải làm việc trong ngôi nhà xấu xí và cũ kỹ. Tôi đi bộ, để trên đường đi có thể lấy đủ can đảm. Nhưng càng đi lâu tôi càng trở nên sợ hãi: “Làm thế nào để nhận ra anh ấy? Ivan ấy… Mình sẽ nói gì với anh ấy đây, một người không quen biết?” Muốn làm cái gì đó dũng cảm thì phải làm ngay, không cần suy nghĩ mà quyết định ngay. Và lẽ ra tôi nên đi đến đó bằng ô-tô điện hay tàu điện. Đi bộ tôi có quá nhiều thời gian để nghi ngại và nghĩ ngợi đủ thứ. Cuối cùng tôi cũng tới nơi… Tôi biết là ngày làm việc kết thúc vào năm giờ rưỡi. Các kiến trúc sư bắt đầu ùa ra cửa, cũng như chúng tôi ùa ra khỏi trường sau giờ học. Chỉ từ tốn và ít ồn ã hơn một chút… Những cánh cửa ra vào làm bằng gỗ không sơn với những hoa văn không hiểu sao lại làm tôi nhớ đến những giọt nước đọng lại trên những gốc cây. Những cánh cửa đó chị tôi mở ra ngày hai lần. Không, phải bốn lần chứ: Chị ấy còn đi ăn trưa bên nhà ăn nữa. Tôi thích thú ngắm nhìn những cánh cửa và cái cầu thang… Đầu tiên những cô gái ùa ra. Ở trường tôi bọn con trai chạy ra đầu tiên. Các cô gái mặc những chiếc váy in hoa sặc sỡ, đi giày cao và xách những cái túi hợp mốt. Vài người cầm các cuộn giấy trên tay. Tất cả đều trông rất đẹp. Điều này làm tôi đau khổ. Nhưng không ai trong số họ có thân hình thể thao như chị Ludmila! Cũng không ai có khuôn mặt thông minh, như mẹ nói, và trang trọng như chị ấy. Chỉ có điều đàn ông có thích những khuôn mặt trang trọng hay không? Điều này tôi không biết. Chị tôi làm việc ở văn phòng chưa đến một năm: Trước đó chị ấy làm nghiên cứu sinh. Ở đây chị chưa có những bạn thân có thể đến chơi nhà chúng tôi. Vì thế có thể yên tâm hơn, không ai có thể hét lên: “Lyonya, em làm gì ở đây vậy?...” Sau đó xuất hiện cánh đàn ông. Làm sao để có thể nhận ra Ivan đây? Trên đường đi tôi đã nghĩ ra được một cách… Có lẽ cách đó có vẻ buồn cười và ngu ngốc, nhưng khi cánh đàn ông vừa bước ra, tôi kêu lên, mắt ngước lên trời như gọi bồ câu hay chim sẻ: – Ivan! Ivan! Ivan! Không, thế không được: tôi gọi chó hay sao vậy? – I… van… Tôi phát âm tên đó chậm rãi và kéo dài giọng, như đang chuẩn bị gọi thêm tên bố. – Anh gọi tôi à? – Một người đàn ông trỏ vào ngực mình. Ông ta gọi tôi bằng “anh”, có lẽ do bất ngờ. Không, người này quá già và hói đầu. Tôi lắc đầu: không phải bác! Và lại ngó lên trời hét toáng lên: – I… va… an… – Cậu gọi tôi ư? Nếu như Ludmila của chúng tôi thích người này, tôi sẽ kiên quyết phản đối: Anh ta cao chỉ đến vai chị tôi. Không thể kéo cao hơn được! – Không, không phải anh… Và lại: – I… va... an… – Có ai đó trùng tên cậu đấy! – Một người nào đó nói với một người khác trong đám đàn ông. Một người trong số họ quay lại nhìn tôi. """