"Du Ngoạn Vòng Quanh Châu Á Trên Lưng Ngựa - K. A. Vyazemski & Hồ Bất Khuất (dịch) & Nguyễn Thị Như Nguyện (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Du Ký] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Du Ngoạn Vòng Quanh Châu Á Trên Lưng Ngựa - K. A. Vyazemski & Hồ Bất Khuất (dịch) & Nguyễn Thị Như Nguyện (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Du Ký] Ebooks Nhóm Zalo Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa Tác giả: K. A. Vyazemski Số trang: 242 Phát hành: NXB Thế Giới Năm xuất bản: 2014 E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. Bạn nên mua sách giấy để ủng hộ đơn vị xuất bản và thưởng thức trọn vẹn tác phẩm. VTB Nhà tài trợ chính Cuốn sách này được ấn hành nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Liên bang về Hoạt động của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, của đồng bào sống ở nước ngoài và về hợp tác nhân đạo quốc tế (Hợp tác Nga) Dịch từ nguyên bản tiếng Nga Князь К. А. Вяземский Путешествие вокруг Азии верхом. Вьетнамские дневники. 1892 год Москва: Институт востоковедния РАН, 2011 ISBN 978-5-904469-32-0 © Lokid Premium Ltd, bản tiếng Việt, 2014 © Nhà xuất bản Thế Giới, bản tiếng Việt, 2014 Lời những người dịch Chúng tôi đã học chuyên ngành Tiếng Nga và Văn học tại nước Nga từ thế kỷ trước. Thời sinh viên, chúng tôi có biết đến Konstantin Aleksandrovich Vyazemski như một nhà khoa học, nhà văn hóa chứ không phải nhà văn và cũng chưa được đọc tác phẩm nào của ông, tuy nhiên, tên tuổi của ông vẫn được chúng tôi ghi nhớ. Vào năm 2013, chúng tôi được tặng cuốn sách tiếng Nga của Công tước Konstantin Aleksandrovich Vyazemski, có tựa đề “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa. Nhật ký Việt Nam năm 1892”. Chúng tôi đọc thấy vô cùng thú vị. Được sự gợi ý và động viên của Phó giáo sư - Tiến sĩ Anatoly Alekseeich Sokolov (người sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn sách này) và nhà thơ - dịch giả Thúy Toàn, chúng tôi đã dịch cuốn sách này. Đây là một công việc đầy hào hứng vì cả hai chúng tôi đều rất thích nội dung cuốn sách, muốn nhiều bạn đọc Việt Nam cùng thưởng thức món quà tinh thần này để biết thêm về đất nước xinh đẹp của chúng ta trong quá khứ và cũng để mà suy ngẫm về hiện tại. Công tước Konstantin Aleksandrovich Vyazemski là một nhà quý tộc Nga, ông có khát vọng đi du ngoạn khắp nơi trên thế giới để tận mắt chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên và tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc. Konstantin Aleksandrovich Vyazemski là một người uyên bác trong nhiều lĩnh vực, nhưng không phải là chính khách nên cách nhìn nhận của ông rất khách quan, vì vậy “Nhật ký Việt Nam năm 1892” là một tài liệu lịch sử - văn hóa có giá trị lớn đối với Việt Nam. Những gì ông viết ở đây là do ông quan sát, nhìn thấy và suy nghĩ như vậy. Ở đây có những nhận xét thẳng thắn, tinh tế và sâu sắc. Ông thích thú vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam khi ấy bởi sự hoang sơ và kỳ thú, làng mạc sơ sài mà vẫn có những nét đặc trưng, và ta cũng có thể thấy được cảm tình của ông đối với con người Việt Nam. Văn ông toát lên sự nhẹ nhàng, hồn hậu của một tâm hồn đầy nhân văn và sự thâm thúy, sâu sắc của một người nhiều trải nghiệm, kiến thức phong phú. Khiếu hài hước của ông góp phần không nhỏ khiến người đọc thích thú. Khi dịch, chúng tôi cố gắng chuyển tải điều này, mặc dù tiếng Nga và tiếng Việt có sự khác biệt khá lớn. Vì cuốn sách do một du khách nước ngoài viết về Việt Nam từ hàng trăm năm trước nên một số từ ngữ, mô tả, nhất là những từ ngữ liên quan đến địa danh, cây cối, hoa trái... rất khó tra cứu chính xác. Dù chúng tôi đã rất cố gắng, nhưng có lẽ vẫn không tránh khỏi những sai sót khi chuyển ngữ. Chúng tôi rất mong bạn đọc gần xa góp ý để những lần xuất bản tiếp theo được tốt hơn. TS. Hồ Bất Khuất và TS. Nguyễn Thị Như Nguyện Hà Nội, 21 tháng Sáu năm 2014 Lời nói đầu Những thông tin đầu tiên về Việt Nam tại nước Nga bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX, đây là những bài viết trên báo chí định kỳ (cả ở thủ đô và cấp tỉnh), và như thường thấy, chúng là các bản dịch từ báo chí nước ngoài, trước hết là từ báo chí Pháp. Sau đó ra đời những cuốn sách kể về vị trí địa lý Việt Nam, sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên, phong tục tập quán và văn hóa dân tộc. Trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX, ngày càng có nhiều người châu Âu đi du lịch các nước khác nhau ở phương Đông. Sở dĩ có được điều này một phần không nhỏ là nhờ vào việc xây dựng đường sắt và mở những tuyến đường thủy, giúp dân cư của lục địa mới và cũ vươn tới những nơi mà trước đây được xem là không tới được. Chắc chắn, những yếu tố chính góp phần vào sự “bùng nổ Phương Đông” bắt nguồn từ lợi ích địa chính trị và sự gia tăng mâu thuẫn giữa các quốc gia đang tích cực khai thác sức hấp dẫn lớn trong kế hoạch phát triển kinh tế ở các thuộc địa phương Đông. Đông Dương bắt đầu thu hút sự chú ý của Nga vào những năm 80-90 của thế kỷ XIX (khi Pháp đã thực sự củng cố vững chắc vị thế trong khu vực), và điều này liên quan đến nhận thức về triển vọng của mối quan hệ Nga - Trung, về tầm quan trọng vị trí chiến lược - quân sự của Việt Nam và các nước láng giềng trong cuộc đấu tranh đang diễn ra, nhằm phân chia lại thế giới.[1] Vì vậy, các con tàu của quân đội Nga thực hiện khá thường xuyên những chuyến đi trên Thái Bình Dương, đến các cảng biển Việt Nam như Hải Phòng, Sài Gòn, Vịnh Cam Ranh. Kết quả của những chuyến đi đó là những ấn phẩm trong các tạp chí chuyên ngành (“Tạp chí về biển”, “Tạp chí quân sự”, “Khoa học tự nhiên và địa lý”, v.v.), cũng như trên các tờ báo và tạp chí phổ biến (“Ý tưởng Nga”, “Người thương binh Nga”, v.v.). Trong số các tác giả có các nhà văn nổi tiếng (К. M. Stanyukovich, V. V. Krestovski), các nhà khoa học (A. M. Bolshakov, E. Erickson), các Nhà ngoại giao (G. de Vollan), các nhà quân sự chuyên nghiệp và thậm chí cả người kế vị ngai vàng, nhà vua tương lai của nước Nga Nikolai II. Đây là những tác phẩm văn học và chính luận có giá trị của những người Nga đầu tiên đến Việt Nam. Họ mang lại cho chúng ta không chỉ thông tin liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp của mình, mà cả những ấn tượng trực tiếp về một đất nước xa xôi, lạ lẫm đối với chúng ta.[2] *** Trong số những người đầu tiên khám phá Đông Dương, nhiều người bị cái kỳ thú, mới lạ thu hút, còn số khác thì do cố gắng làm giàu khi đã mất hi vọng làm được điều đó ngay tại quê nhà. Nhưng cũng có những người muốn thử thách chính mình trong điều kiện thời tiết và địa hình khốc liệt, và rất khó nói trong ý định của họ thì sự lãng mạn hay tính mạo hiểm - cái gì nhiều hơn. Trong số những “người chinh phục” Đông Dương ấy, có người đồng hương của chúng ta - Công tước Konstantin Alexandrovich Vyazemski (1852-1904), người có số phận rất thú vị, đồng thời rất đáng học hỏi. Tính cách của ông đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học nước nhà, nhưng đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một công trình riêng biệt, nghiêm túc mà, không còn nghi ngờ gì nữa, nhà du ngoạn Nga này xứng đáng được hưởng.[3] Konstantin Aleksandrovich Vyazemski sinh ra trong một dòng họ được phong tước hiệu Công tước từ lâu đời, thuộc nhánh liên quan đến tỉnh Tula và tỉnh Vladimir. Ông sinh ra ở Moskva vào năm 1852, trong một gia đình quý tộc tương đối giàu có, được giáo dục tốt và có lòng tự trọng cao. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trường thiếu sinh quân, Vyazemski không theo đuổi sự nghiệp quân sự. Ông bị cuốn hút bởi những vấn đề đạo đức - triết học; ông quan tâm đến cách sống, phong tục, tôn giáo của các quốc gia và các dân tộc. Bởi thế, ngay từ khi còn trẻ, ông đã thích đi du lịch, hơn nữa, theo một cách khá đặc biệt - trên lưng ngựa. Ông đặt ra nhiệm vụ “nghiên cứu trái đất ở nhiều nơi khác nhau với tất cả các đặc tính”, và “nhận biết cuộc sống thực thụ của các dân tộc không bị tha hóa bởi nền văn minh phù sa”.[4] Công tước Vyazemski giải thích niềm đam mê du lịch trên lưng ngựa như sau: “...Nếu bạn muốn vào sâu lục địa một đất nước, nơi có thể nhìn thấy một cái gì đó độc đáo và đặc biệt, thì làm gì có phương thức di chuyển nào khác, bởi ngoài đường núi thì không còn con đường nào cả”.[5] Trong vòng mười lăm năm, ông đã có mặt tại các hang cùng ngõ hẻm của nước Nga, Tây Âu, châu Phi và châu Á, vượt qua nhiều ngàn cây số. Công tước ghi nhật ký thường xuyên, chỉ mới có một phần rất ít được in ở Pháp (báo “Le Figaro”), và ở báo chí nước nhà (tạp chí “Bình luận Nga”). Ngoài ra, ông trở nên nổi tiếng khắp châu Âu với những phát biểu công khai trong Hội địa lý ở Paris. Trong những năm 1881-1882, ông đi khắp Marốc và là người Nga đầu tiên đến thăm đất nước này. Trong chuyến đi gần mười tháng, kéo dài từ tháng Chín năm 1883 đến tháng Sáu năm 1884, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski đã du ngoạn đến vùng Tiểu Á, Syria, Palestin, sa mạc Sinai, Ai Cập, Sudan, Lưỡng Hà, Kurdistan, Armenia và vùng Kavkaz. Sau chuyến đi thực sự thành công của ông đến châu Phi, Công tước Vyazemski quyết định thực hiện một dự án mới, còn lớn hơn nhiều; ông đã viết như sau: “Cuộc hành trình này (lớn hơn tất cả những cuộc mà tôi đã thực hiện), tôi đặt ra mục tiêu đến tất cả các nơi của châu Á và làm một vòng tròn trọn vẹn quanh lục địa này rồi trở về, nếu Chúa cho phép”.[6] Rõ ràng, không tin vào khả năng thành công của kế hoạch hoành tráng như vậy, Hội địa lý Nga đã từ chối giúp đỡ vật chất và bảo trợ cho công tước, do đó, tất cả chi phí, ông phải tự lo liệu. Trong chuyến đi vòng quanh châu Á, bắt đầu từ tháng Bảy năm 1891 và hoàn thành vào tháng Mười một năm 1893, ông vượt qua hơn 40 ngàn cây số, đi xuyên qua Sibir đến hồ Baikal, sau đó xuyên qua Mông Cổ, trên lưng ngựa, tới Bắc Kinh. Hơn nữa, ngoài Trung Quốc ra, ông đã đến Việt Nam (hồi đó là Đông Dương, thuộc địa của Pháp), Miến Điện, Lào, Xiêm, Campuchia, Ấn Độ, Tây Tạng. Ở Campuchia, ông di chuyển bằng chiếc xe trâu kéo; ở Ấn Độ, trên lưng voi; còn ở Himalaya, bằng bò rừng Tây Tạng. Công tước bị bọn cuồng tín bản địa gây thương tích, hai lần bị cướp, bị tấn công, bị đạn bắn trúng vai, bị lưỡi lê đâm vào chân, bị bọn cướp nhốt hai tuần và trở về quê hương với bệnh dịch sốt.[7] Trong suốt các tháng dài của cuộc hành trình, Vyazemski ghi nhật ký, được đặt tên là “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa”, bao gồm gần bốn chục cuốn vở chi chít chữ viết tay rất nhỏ. Trong những năm 1894-1895, một số đoạn trích từ nhật ký của ông đã được công bố trên tạp chí “Bình luận Nga”, kể về Sibir và Trung Quốc - giai đoạn đầu của cuộc hành trình. Tất cả những phần còn lại chưa hề được in.[8] Trong ghi chép của mình, Vyazemski mô tả chi tiết ấn tượng trên đường đi về các đất nước và các dân tộc mà ông nhìn thấy, luân thường, đạo lý, phong tục, tôn giáo của họ. Tuy nhiên, thiên nhiên rực rỡ và kỳ thú của những đất nước xa lạ, những di tích lịch sử, các cuộc gặp gỡ với những người khác nhau vẫn không giải thoát ông khỏi sự bất bình nội tâm: “Nếu hoạt động của tôi chỉ hạn chế bằng cuộc du ngoạn này, thì tôi sẽ phải buồn bã công nhận rằng, tôi đã sống cuộc đời của kẻ vô dụng”.[9] Lời thú nhận này, trong một chừng mực nhất định, đã phản ánh sự khủng hoảng tinh thần mà công tước phải trải qua trong cuối những năm 1880 - đầu những năm 1890. Đó chính là khi ông bắt đầu cảm thấy sự cần thiết phải “hoàn thiện đạo đức”, gắn liền với sự tìm tòi tôn giáo và mỹ học của ông. Trong giai đoạn này của cuộc đời, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski chịu ảnh hưởng của quan điểm triết học của Lev Nikolaevich Tolstoi và hoạt động truyền bá của giám mục Macary. Với Tolstoi, công tước kết nối bằng sự quen biết thân thiện và trao đổi thư từ bạn bè, ông đã hai lần tới Yasnaya Polyana. Cuộc gặp đầu tiên với nhà văn diễn ra vào ngày 11 tháng Bảy năm 1890, cuộc gặp thứ hai sau đó một năm, vào ngày 27 tháng Sáu năm 1891. [10] Chủ đề chính của việc trao đổi thư từ giữa Vyazemski và Tolstoi là thảo luận về các vấn đề tôn giáo và đạo đức[11]; thư từ bị gián đoạn do Tolstoi bị lâm bệnh, phải đến Crưm để điều trị. Trong chuyến đi dài đầu tiên của mình, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski làm quen với giám mục Macary, trụ trì tu viện Thánh Panteleimon trên núi Aphon.[12] Và chẳng bao lâu sau đó, Macary trở thành người cha tinh thần của công tước. Thư từ và giao tiếp với giám mục Macary đã ảnh hưởng đến thế giới quan của Konstantin Aleksandrovich Vyazemski và sau đó ấn định số phận cá nhân của ông. Năm 1895, ông xuống tóc và nhận tên thánh là Kiprian tại tu viện Thánh Panteleimon, và vào năm 1900, trở thành tu sĩ Ksenofont.[13] Lev Nikolaevich Tolstoi tán thành việc công tước rời bỏ đời sống trần tục và gửi cho ông một lá thư; về việc này Vyazemski có viết cho em gái mình vào ngày 8 tháng Tư năm 1901.[14] Từ năm 1895 đến khi qua đời, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski sống trong tu viện Thánh Panteleimon. Thư từ trao đổi của Vyazemski với N. M. Sologub[15] cho biết ông là thủ thư của tu viện. Làm việc trong một kho lưu trữ các bản thảo vô giá, chỉ có thể là người có học vấn cao. Trong những năm này, Vyazemski xử lý kết quả chuyến thám hiểm của mình và đăng bài trên các tạp chí khoa học Pháp. Chiến dịch tuyệt giao với Lev Nikolaevich Tolstoi và nhà thờ tác động nghiêm trọng đến Konstantin Aleksandrovich Vyazemski. Vào đầu những năm 1900, ông lâm bệnh và tạ thế ngày 4 tháng Bảy năm 1904, sau một cơn đau tim. * * * Thành quả chính của những chuyến du ngoạn dài ngày của Công tước Vyazemski là hai tập nhật ký: “Hành trình đến Marốc” (1881-1882, lưu trữ của Hội địa lý Nga, Peterburg) và “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa” (1891-1893, Phòng bản thảo của Thư viện Quốc gia Nga, Moskva). Ngoài ra, các tập nhật ký khác và các công trình khoa học của ông, thư từ trao đổi với Lev Nikolaevich Tolstoi - được lưu giữ ở các kho lưu trữ khác nhau của Nga - rõ ràng cũng rất thú vị. Mục đích của ấn phẩm này là kể về chuyến đi của Công tước Vyazemski đến Việt Nam, tại thời điểm đó bao gồm Bắc Bộ, An Nam và Nam Kỳ, tương ứng với miền Bắc, miền Trung và miền Nam đất nước, và là một phần của cái gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Như đã nói ở trên, phần này của cuộc hành trình vòng quanh châu Á của ông được phản ánh trong văn đàn rất ít và rời rạc. Trước cuộc hành trình dài, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski đã gửi một bức thư cho P. V. Bykov - nhà văn, nhà thư tịch học và nhà xuất bản người Moskva: “Tôi thực hiện cuộc hành trình chưa từng có từ trước đến nay, mà tôi nghĩ, sẽ khiến giới trí thức quan tâm. Tôi dự định đi vòng quanh toàn bộ châu Á trên lưng ngựa. Cuộc hành trình sẽ kéo dài từ một đến hai năm. Tôi sẽ đi vào đầu tháng Bảy. Thông tin khoa học tôi thu được trong cuộc hành trình sẽ được gửi tới Hội địa lý. Tôi xin gửi cho ngài những mô tả chuyến đi từ những nơi tôi đi qua. Tôi sẽ mang theo máy ảnh, vì vậy tôi có thể gửi cho ngài hình ảnh <...> các loài thú vị và nói chung, những cảnh sinh hoạt dân gian của những đất nước mà tôi đi qua”.[16] Ngày 6 tháng Bảy năm 1891, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski cùng với đầu bếp, phiên dịch và người hầu[17] đi tàu hỏa đến Nizhni Novgorod, từ đây đi tàu thủy theo dòng Volga và dòng Kama đến Perm. Sau đó đi bằng xe bưu điện qua Tomsk, Irkutsk, và cuối cùng đã đến Kyakhta. Tại đây, ông được bố trí mấy người Côdắc hộ tống, một trong số đó có kinh nghiệm hành trình thám hiểm đường dài là Nikolai Mikhailovich Przhevalski.[18] Tiếp theo, đường đi của ông xuyên qua sa mạc Gobi. Bỏ qua miền trung Trung Quốc, vào sáng ngày 14 tháng Ba năm 1892, Công tước Vyazemski và những người đồng hành đến thị trấn biên giới Lạng Sơn.[19] Cuộc hành trình dọc Việt Nam, có đi đến Campuchia và Xiêm, kết thúc tại Sài Gòn, vào tháng Bảy năm đó. Ở khắp mọi nơi người ta đón tiếp vị khách du lịch người Nga rất trọng thị, đôi khi rất vồ vập. Có lẽ, lý do của thái độ này có liên quan đến sự việc đã xảy ra trước đó: 1891, chuyến thăm Sài Gòn của Thái tử Nikolai năm 1891 và quan hệ hữu nghị Pháp Nga. Ngoài ra, tên của Công tước Vyazemski cũng đã khá nổi tiếng ở châu Âu. Nhưng căn cứ vào những gì được ghi trong nhật ký, điều này nếu không gây khó chịu thì ở mức độ nào đó cũng cản trở việc du lịch tự do, ông không muốn được đối xử như một chính khách. Dẫu vậy, “yếu tố đồng minh” đã giúp ông rất nhiều ở Việt Nam. Lưu ý một sự việc thú vị: Ngay trước khi bắt đầu cuộc hành trình đến Việt Nam, Công tước Vyazemski biết được rằng, trong đội quân Lê dương của quân đội Pháp có cả những người Nga bỏ trốn khỏi đất nước.[20] Vyazemski ghi nhật ký hàng ngày. Những ghi chép liên quan đến nhiều thứ khác nhau: tập quán dân tộc, lối sống hàng ngày của người Việt Nam (ông gọi họ là người An Nam) và người Pháp, trang phục, hệ thực vật, động vật, cơ cấu tổ chức hành chính, v.v. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, ông cho rằng khoảng cách giữa Thanh Hóa và Vinh là khoảng 150 versta[i1], không phải 185 như ghi trong bản đồ của Bộ Tổng tham mưu Pháp. Các ghi chú của Vyazemski có điều đặc biệt thế này: do có nhiều kinh nghiệm trong du ngoạn, ông luôn luôn so sánh các hiện tượng, sự kiện, đồ vật ở các nước khác nhau. Đúng là cũng có những nhận định gây tranh cãi, chẳng hạn như về pháo bông - đây là một “sáng chế của địa phương (sáng chế của người An Nam), chúng được sử dụng ở tất cả các trường hợp trang trọng, đặc biệt là trong các sự kiện có tính nghi lễ. Từ đây pháo bông được đưa đến Trung Quốc, và người châu Âu lại vay mượn từ người Trung Quốc”.[21] Những cuộc gặp gỡ với đại diện của các tầng lớp quý tộc địa phương, dù là với thống đốc người Việt Nam (quan đốc) hay là với chính Hoàng đế An Nam, cũng đều rất thú vị. Ông tập trung vào vẻ bề ngoài của người đối thoại: quần áo, thái độ trong lúc trò chuyện, v.v. Khá lạ kỳ là người Việt Nam, thậm chí cả những người giữ chức vụ cao cấp, hầu như không biết gì về nước Nga. Chẳng hạn, trong một cuộc trò chuyện, quan đốc thấy Công tước Vyazemski và công sứ người Pháp (quan chức) nói chuyện với nhau thoải mái; ông rất ngạc nhiên về sự phổ biến rộng rãi tiếng Pháp ở Nga. Về nước Nga, viên quan Việt Nam này biết rất mù mờ và chỉ nghe nói đây là đất nước lạnh nhất trong tất cả các quốc gia. Khi biết Nga không phụ thuộc vào Trung Quốc, Pháp và cả Anh, vị quan chức người Việt này “thấy điều này thật lạ lùng và hỏi: tại sao người ta lại không chiếm lấy nó?”[22] Công sứ người Pháp giải thích cho ông ta rằng, “vào thời điểm này không có khả năng để làm việc đó, rằng nước Nga rộng lớn và mạnh mẽ, rất khó đánh nhau với nước Nga”.[23] Có một bằng chứng cụ thể về tính cách của Công tước Vyazemski, về ý thích mạo hiểm, muốn thử thách của ông. Khi ông quyết định đi xuyên qua những khu rừng nguyên sinh để vào sâu nội địa, viên công sứ người Pháp đã can ngăn, khuyên từ bỏ cách đi này và dọa bằng những mối nguy hiểm. Vyazemski trả lời: “...chính những điều nguy hiểm cuốn hút tôi, tôi không xem mạng sống của mình là cái gì cả”[24] Cần phải thừa nhận rằng, những ghi chép liên quan đến việc đi xuyên rừng này có những cảm xúc đặc biệt trong cách miêu tả (vẻ đẹp của hệ thực vật xích đạo dường như không thể mô tả bằng lời), chúng chứa đựng vô số những chi tiết thú vị. Những dòng chữ tuyệt vời được ông dành cho voi, cho chim, cho bướm và các “cư dân” khác của rừng nhiệt đới. Ông viết về những cuộc gặp gỡ trong các làng Công giáo với các vị linh mục nói tiếng Latinh vô cùng cảm động, chân tình. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất trên đường được thể hiện trong nhật ký là việc đến Cố đô Huế. Thực chất, đây là một bài bút ký riêng về thành phố phương Đông được miêu tả từ các khía cạnh khác nhau: hành chính, văn hóa, chính trị, lịch sử. Hơn nữa, Vyazemski thường xuyên so sánh với những gì tương tự ông từng thấy ở Trung Quốc. Vùng ngoại ô Huế đặc biệt làm ông thích thú; ở đây, giữa những cánh rừng mỹ miều là lăng tẩm của các vị Hoàng đế An Nam. Ông mô tả chi tiết các cụm công trình kiến trúc, chỉ ra rằng “các ngôi mộ... trong đống đổ nát và được bảo quản tồi, sân phủ đầy rác”.[25] Ở đây, Vyazemski gặp vua An Nam (thời Pháp thuộc được gọi là Trung Kỳ) Thành Thái, người đã mời vị khách du lịch Nga đến cung điện của mình. Đây là một đoạn trích từ nhật ký của ông: “Hoàng đế An Nam là một cậu bé 15 tuổi... sống gần như là tù nhân trong cung điện của mình. Danh tính của ông không được xác định rõ, ông được gọi là vua, là hoàng đế; trong các văn bản chính thức ông được gọi là quốc vương vĩ đại của phương Nam, là người trị vì chính, là người được Trời lựa chọn.[26] Ông tiếp nhận ngai vàng thay người anh trai “bị lưu đày đến An-giê-ri vì bất tuân lệnh”.[27] Vyazemski mô tả mọi chi tiết trong cung điện Thành Thái, những người thân của nhà vua, các loại nhạc cung đình, các vở tuồng được diễn (“người hóa trang thành những con thú, nhảy, lăn trên cỏ”). Để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, Hoàng đế Thành Thái tặng quà cho vị khách du lịch Nga, trong đó có hai huân chương (dân sự và quân sự) Với các quyết định kèm theo, một hộp với mười huy chương hạng thấp hơn, hai cái quạt lông công lớn có cán bằng ngà voi và một chiếc lọng sang trọng. Sau này, khi còn chưa khỏi hẳn bệnh, trong một bức thư gửi cho N. M. Sologub, công tước miêu tả giai đoạn này trong cuộc hành trình của mình: “Có Trời biết, tôi có trở lại nước Nga được hay không, có được nhìn thấy tất cả các bạn hay không, sức khỏe của tôi đang lung lay, sức lực suy yếu, tôi vẫn chưa khỏi hẳn bệnh thương hàn, nó suýt mang tôi xuống mồ, và bây giờ tôi đang ở thủ đô An Nam để nghỉ ngơi, nhưng vài ngày tới tôi sẽ vượt qua những ngọn núi chưa có dấu chân người để đến Vương quốc Xiêm; chính quyền Pháp cấp cho tôi một đoàn hộ tống, còn chính phủ An Nam đã tìm cho tôi những người dẫn đường từ các bộ lạc hoang dã sống ở giữa An Nam và Xiêm. Phải đi qua khu rừng nguyên sinh nhiệt đới đến sông Mekong, nơi vẫn chưa có bất kỳ dấu chân người châu Âu nào. Chỉ cần bệnh thương hàn tha cho tôi, còn lại tôi không sợ gì cả. Tất cả chúng tôi sẽ được vũ trang đầy đủ, còn nếu có bị lạc trong rừng, có la bàn, chúng tôi sẽ thoát ra ở chỗ nào đó. Hoàng đế An Nam tặng tôi huân chương vì đã đi ngựa tới đất nước của ông, vượt qua đất nước vốn không thể đi qua được là Trung Quốc (họ cho là như vậy). Tất cả mọi người ở đây đều ngạc nhiên về chuyến đi của tôi và rất khó khăn để tin rằng, tôi có thể đến đây từ Sibir, gần như không nghỉ ngơi ở đâu cả”.[28] Điểm dân cư tiếp theo Vyazemski đến là cảng biển Turan (Đà Nẵng hiện nay) - “nơi đầu tiên quân Pháp tiến vào Đông Dương”, ông đã chú ý đến tầm quan trọng kinh tế của cảng này, nơi xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác (quế, gỗ mun, thảo quả, v.v.), ghi nhận số lượng lớn người châu Âu và quá trình Âu hóa đủ mạnh trong thành phố (“thậm chí vợ các quan chức An Nam còn tán gẫu bằng tiếng Pháp và mặc váy liền áo kiểu châu Âu”). Tiếp theo là thành phố Tây Ninh, vùng ngoại ô có ngọn núi làm công tước đặc biệt quan tâm: từ đỉnh núi đá có thể ngắm nhìn “toàn cảnh tuyệt đẹp của đất nước”.[29] Tại ngôi đền ở đó, Vyazemski đã tham dự các nghi lễ tôn giáo, vốn được ông tái hiện cụ thể trong nhật ký và gọi là “lễ hiến sinh hoặc cúng thần linh”.[30] Vào tháng Sáu, Vyazemski đến Sài Gòn - “điểm cuối cùng trong chuyến du lịch vòng quanh châu Á”. Trên thực tế, toàn bộ cuốn vở 29 của nhật ký được dành để mô tả chi tiết Sài Gòn và khu phố Tàu là Chợ Lớn. Để tôn vinh công tước Nga, chính quyền Pháp sở tại đã tổ chức buổi tiệc chiêu đãi và chúc mừng chuyến thám hiểm xuyên châu Á kết thúc thành công, đặc biệt, các nhà quân sự và nhà báo bày tỏ sự thán phục hơn ai hết. Có lẽ từ những thông tin được cung cấp trong phần này của cuốn nhật ký, đối với bạn đọc, và đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu tự nhiên, những thông tin về thảo cầm viên - “nổi tiếng khắp phương Đông và là niềm vui lớn lao cho công chúng” - sẽ vô cùng lý thú và bổ ích. Vyazemski đã miêu tả các loài thực vật khác nhau (cây dương xỉ, cây thông xích đạo và nhiều loài cây khác), nhiều loài thú, loài chim trong những cánh rừng của vùng này (hổ, vẹt xanh, chim bồ câu màu xanh, rắn chuối, v.v.). Trong ngày cuối cùng của ông trên đất Việt Nam, ông đã đến thăm Chợ Lớn, khu phố mà ông mô tả rất chính xác và súc tích: “Ở đây có sự pha trộn đầy đủ giữa các yếu tố châu Âu và châu Á; mọi người ở đây say mê buôn bán, và cũng thấy có xưởng sản xuất, nhà máy; dưới sông tấp nập tàu thuyền chở đầy gạo, có nhiều máy xay xát gạo”.[31] Ông bị chấn động khi thấy ở đây thuốc phiện được sản xuất công khai như một ngành công nghiệp: “Ngoài sự vô đạo đức hoàn toàn, tôi còn kinh ngạc về sự thiển cận của các quan chức chính phủ. Họ thừa biết thuốc phiện làm suy yếu con người, làm cho họ trở nên lười biếng, mê muội, không thể làm việc, trước khi giết chết họ. Các quan chức cũng hiểu rõ rằng, các thuộc địa chỉ phát triển được nhờ sức lao động của dân bản địa, và họ nhận thức được rằng, lao động đang thiếu, và đất Nam Kỳ chưa cần vì thế thì cũng đã chưa phát huy hết tiềm năng. Thế mà họ lại còn phổ biến thuốc phiện”.[32] Sau Sài Gòn, ông tiếp tục hành trình của mình ở Campuchia, Xiêm, Miến Điện; ông ở Calcutta và Ấn Độ trong ba tháng, từ tháng Hai đến tháng Năm 1893. Sau đó, ông vượt dãy Himalaya, Tây Tạng, Pamir, Bukhara, Ba Tư, vùng Kavkaz và trở về nhà vào cuối năm 1893. Năm 1895, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski đến sống tại tu viện Thánh Panteleimon ở núi Aphon, nơi ông sống trọn những năm cuối cuộc đời. Tên tuổi của Công tước Konstantin Aleksandrovich Vyazemski bị lãng quên một cách bất công mặc dù chuyến du lịch vòng quanh châu Á do ông tổ chức và thực hiện là có một không hai, có lẽ chẳng ai sánh được với ông trong lịch sử địa lý. Đó là “... một đóng góp quan trọng vào lịch sử của khoa học bởi ông đã sử dụng phương pháp so sánh, đặc tả chính xác đặc điểm của dân cư, điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử của thời đại mình”.[33] Nhật ký của ông thú vị bởi tính khoa học và văn chương. Ở trong đó chứa đựng rất nhiều sự so sánh những đặc điểm tự nhiên, văn hóa của nhiều nước châu Á, phong tục, tập quán, đạo đức của các dân tộc khác nhau, mối quan hệ qua lại giữa người dân bản địa và thực dân. Nhiều chuyên gia, đặc biệt là các nhà địa lý nhà thực vật học, động vật học, sử học, dân tộc học, và những người yêu thích du lịch sẽ tìm thấy trong ghi chép trên đường của Công tước Vyazemski nhiều điều bổ ích cho mình. *** Văn bản nhật ký (chín cuốn vở “Việt Nam”) được giữ nguyên vẹn tối đa như khi chúng được Konstantin Aleksandrovich Vyazemski viết ra, kể cả các địa danh, tên, thuật ngữ, v.v. Trong phần chú giải chúng tôi có đưa ra những giải thích cần thiết. Do nhật ký được viết hơn một trăm năm trước, nên trong một số trường hợp, chúng tôi không thể tìm được lời giải thích đầy đủ. Tiến sĩ Anatoly Sokolov, Viện nghiên cứu Phương Đông, Viện hàn lâm khoa học Nga CUỐN VỞ 19 Vượt qua một chặng đường dài trên lãnh thổ Trung Quốc, Công tước K. A. Vyazemski đến biên giới với Bắc Kỳ. Đây là cách ông mô tả trong nhật ký của mình bắt đầu cuộc hành trình qua Đông Dương và một số nước láng giềng: Vào... 11 giờ ngày 14 tháng Ba năm 1892, dưới cơn mưa tầm tã và lội bùn, tôi đã đi vào cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc và thấy phía trước, dưới dốc là thung lũng Lạng Sơn. Kết thúc Vương quốc Trung Hoa! Tạm biệt Trung Quốc đáng yêu, tốt bụng và ngốc nghếch; tôi đã quen với người trong thời gian này. Từ biệt những tổ chim én! Từ biệt vây cá mập! Từ biệt trứng muối! Từ biệt bia gạo! Từ biệt những viên quan đeo thẻ bài trên cổ! Từ biệt những người lính với ô dù trong tay! Tất cả các bạn đã bay qua cuộc đời lang bạt của tôi như ánh sao băng. Bây giờ tôi sẽ nhìn thấy ai đây? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?! Bắc Kỳ và An Đến Lạng Sơn Những người lính An Nam chờ tôi sau cổng. Họ rất đông, tất cả nhỏ bé thế nào ấy, như là đồ chơi: gương mặt của họ có màu đất sét, áo khoác rất bảnh, nón tròn, đen, bằng phẳng, với hai dải băng vải màu đỏ thẫm treo sau gáy у như của các quý bà. Tất cả những người lính, theo như các sĩ quan khẳng định, đều nói tiếng Pháp tuyệt vời, nhưng trong thực tế, họ chỉ biết có hai cụm từ: “Bonjour, capitaine”[i2] và “Oui, mon capitaine”[i3]. Trong hai cụm từ đó. Từ “non” (không) họ không thể phát âm, vì vậy tất cả đều nói “oui” (vâng). Chủ yếu họ đi chân trần, hoặc đi dép. Khi xếp hàng duyệt đội ngũ, gương mặt họ hoàn toàn bất động, không có bất cứ biểu cảm gì, giống xác ướp Ai Cập, hơn nữa, màu da cũng tối nên càng giống. Trong các doanh trại, họ sống với vợ và tuân thủ toàn bộ kỷ luật quân sự, xếp hàng trước mặt các sĩ quan, nếu vi phạm kỉ luật, họ bị trừng phạt bằng cách quản thúc hay bị đánh bằng gậy tre, giống như ở nước Nga chúng ta phạt bằng roi da; ở An Nam hình phạt này được gọi là “cá đu lưới”. Các quan tòa cũng dùng hình thức này nếu muốn tra khảo tội nhân. Nhân thể nói thêm, có lẽ các độc giả của tôi cũng biết rằng, Bắc Kỳ trước đây được chuyển từ tay này đến tay khác, giờ đây được gắn vào An Nam như một nước được bảo hộ. Người Pháp tuyên bố tình trạng chiến tranh và xử sự như những ông chủ có quyền hành tuyệt đối. Cách biên giới bốn versta là đồn quân sự Đồng Đăng, ở đó sĩ quan và nhân viên hải quan Pháp đón tôi với rượu sâm banh. Những người đáng yêu này dường như rất hài lòng khi tôi đến, cùng với họ có hẳn một tiểu đoàn lính Âu, tuyển chọn từ những binh lính tình nguyện của nhiều quốc gia; có người Đức, Ý và cả những người Nga chạy trốn, đội binh này được gọi là “la Légion étrangère”.[34] Mặc dù được tuyển chọn từ cái gọi là tầng lớp hạ lưu, nhưng đây là đội quân có lòng can đảm và sức chịu đựng, trong tất cả các trận chiến luôn được điều lên phía trước. Họ được chính chỉ huy quân sự Lạng Sơn gửi đến đón tôi. Bắc Kỳ là lãnh địa của hải tặc, cướp của và giết người là chuyện phổ biến, các băng nhóm hàng trăm người rình rập trên các con đường; không ai dám đi lại mà không có đội quân hộ tống mạnh mẽ. Quân đội Pháp ở đây rất ít người; thật ngạc nhiên là họ vẫn có thể trụ vững khi chống lại các bộ tộc thù địch ở đây; ngoài cái “Légion étrangères” và “infanterie de marine”[35], còn lại không hơn sáu ngàn người. Dân số ở đây có khoảng sáu triệu, và già một phần ba trong số họ thù địch với người Pháp. Khi tất cả chúng tôi đang ngồi uống sâm banh trên chiếc chiếu trải trên sàn trong một túp lều An Nam bẩn thỉu, có hai quan chức bản địa đến. Họ mặc trang phục màu tối và khăn xếp đen, cau có chào hỏi chúng tôi, rồi ngồi ra xa. Người Pháp đối xử với họ trịch thượng, viên đại úy chỉ vào những chiếc cốc, nói với họ đơn giản và cụ thể: “Uống đi!” Những người An Nam cầm lấy cốc, nhún mình, quay đi và uống một chút. Nói chuyện về cuộc hành trình của tôi, họ bày tỏ sự ngạc nhiên là tôi có thể đi xuyên qua toàn bộ Trung Quốc mà vẫn toàn mạng, những người sĩ quan đề nghị tôi đến Lạng Sơn, từ đây đến đó chỉ 14 versta. Họ thông báo với tôi rằng đại tá của họ vào thời điểm này đang đi vắng, nên cho tôi mượn nhà để nghỉ. Vui vẻ trò chuyện, chúng tôi lên đường, dưới làn mưa không dứt, có lúc bị mắc kẹt trong bùn. Những người lính An Nam nhỏ thó chạy lên trước, một số người vợ trẻ chạy chân trần theo những người chồng của mình. Người Pháp gọi họ là “con gái”, mặc dù đúng theo tiếng An Nam từ này có nghĩa là “cô gái”. Dọc hai bên đường, những người dân địa phương cùng vợ và con cái họ đón chúng tôi. Họ nhìn tôi với sự hiếu kì có lẽ còn hơn người Trung Quốc. Tất cả hét lên với tôi: “Bonjour capitaine”, một số còn thêm: “Brave capitaine”[i4]. Các cô gái và những người phụ nữ ném hoa và các nhánh long não dưới móng ngựa của tôi, điều đó ít nhiều làm cho nó sợ và khiến nó chạy nhanh hơn, có lúc nhảy sang một bên. Dân sống ở Bắc Kỳ là dân hỗn hợp, hầu hết là người An Nam, có cả người Trung Quốc và người Thổ[36]. Có thể dễ dàng phân biệt điều này căn cứ vào màu quần áo của họ. Những dân tộc này mặc màu xanh, còn người An Nam mặc màu hạt dẻ. Chữ viết của người An Nam cũng giống như của người Trung Quốc, nhưng cách phát âm khác. Do vậy người Trung Quốc và người An Nam có thể hiểu được nhau khi họ viết, nhưng khi nói thì không hiểu. Những người xung quanh tôi, vì một lẽ gì đó tỏ ra vui sướng và hài lòng với số phận của mình, kể cả với thời tiết đỏng đảnh. Những bộ trang phục kiểu Pháp lấp lánh, tinh khiết và trang trọng. Còn trang phục của người An Nam gây ngạc nhiên bởi sự đa dạng sắc màu. Tôi cảm thấy hơi lúng túng khi xuất hiện giữa đám đông sặc sỡ này với bộ quần áo vải gai bụi bặm, cũ kỹ và bạc màu vì đã cùng tôi vượt qua hàng ngàn versta đường đất. Mỗi khi đi qua các làng, chúng tôi được nghe từ nhiều phía tiếng lép bép của pháo bông; rồi những đám đông xuất hiện, cúi chào và tham gia hộ tống chúng tôi. Tất cả mọi người, kể cả đàn bà, các cô gái và thậm chí trẻ em đều chào theo lối nhà binh: đặt bàn tay vào đầu. Điều này gợi tôi nhớ lại cách chào đón khi tôi đến Hy Lạp năm 1882, khi tôi từ dãy núi Olympic xuống, bước vào thung lũng phía Nam Thessaly.[37] Chỉ có điều là thiếu những bài hát vui vẻ, ngang tàng như khi những anh hùng Hy Lạp đón tôi. Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi đến Lạng Sơn. Năm năm trước, đây là một ngôi làng nhỏ, còn bây giờ là một căn cứ quân sự quan trọng, được phòng thủ chẳng kém gì Gibraltar.[38] Có một chiếc cầu phao bắc qua sông, điều này khiến người Trung Quốc và người An Nam sống ở đây rất ngạc nhiên. Vẫn biết người Pháp rất nhiệt tình đối với chúng tôi - những người Nga, tôi chỉ nghĩ mình sẽ được đón tiếp lịch sự. Nhưng việc tiếp đón hoan hỉ đã vượt quá mong đợi của tôi: tất cả sĩ quan người Pháp đều đổ ra đón tôi, quốc kỳ Nga ở khắp nơi, mọi người đổ ra đường phố với những lời hô trang trọng. Một viên quan An Nam, người đứng đầu thành phố (quan án - theo cách gọi ở đây), xuất hiện trong trang phục đại lễ - một loại áo choàng rất nhiều màu sắc: trắng, xanh, vàng trộn lẫn vào nhau, tạo ra một ấn tượng kì lạ. Những người hầu của ông, theo nghi thức, che cho ông hai lọng vải dâu đen. Ông đi bộ và khi giáp mặt tôi, ông vái lạy sát đất, tay cầm một vuông lụa màu vàng với chữ đen, đây là biểu hiện lời chào mừng và niềm vui khi nhìn thấy tôi. Ngoài ra, còn có một hộp pháo bông. Tất cả những thứ này đều theo phong tục đất nước. Pháo bông là một phát minh của người An Nam bản địa và được sử dụng trong tất cả các sự kiện long trọng, đặc biệt là khi tiếp khách quý. Từ đây pháo bông được chuyển sang Trung Quốc, châu Âu lại học theo người Tàu. Những quan chức cốt cán người Pháp đợi tôi ở cửa nhà công vụ - nơi tôi được bố trí ăn nghỉ trong thời gian ở đây. Một sĩ quan cao cấp đọc lời chúc mừng, ca ngợi sự can đảm tưởng tượng của tôi. (Với người không có gì để mất thì làm người dũng cảm chẳng có hại gì!) Sự đón tiếp này, về quy mô hoành tráng và sự thân ái, còn hơn cả lần tôi được đón tiếp ở đế quốc Marốc của vị chúa đất hoang dã đáng yêu Myulehasan.[39] Tôi thật sự bị chấn động và hoàn toàn sững sờ vì sự quan tâm này. Tôi chỉ tiếc một điều, ở đây có quá nhiều yếu tố chính trị: tôi được đón tiếp không chỉ như một nhà du lịch nổi tiếng, mà còn như đại diện của quốc gia liên minh, sẵn sàng cùng với họ chiến đấu chống lại một kẻ thù chung tưởng tượng. Tất nhiên, sẽ là thất lễ nếu tôi giải thích cho những người nhà binh rằng, tôi coi tất cả các cuộc chiến tranh là man rợ và thảm họa, và trong các giới chức Nga, người ta hiểu cuộc chiến tranh với Đức sẽ gây tác hại thế nào. [40] Nhưng nói với họ điều này thì cũng vô nghĩa như giảng giải với trẻ con rằng, chơi đồ chơi là vớ vẩn. Hầu hết người trưởng thành thực chất là những đứa trẻ lớn, cách nhìn nhận của họ cơ bản được hình thành từ những điều họ quen nghe thấy xung quanh mình mà không hề kiểm soát. Những người Pháp đón tiếp tôi vui vẻ và tôi rất vui. Thời gian tôi ở Lạng Sơn Tôi ở đó vài ngày, tất cả những người Pháp đáng mến đều cố gắng hết sức để tôi vui. Ngay buổi tối đầu tiên họ dựng rạp và huy động vũ công. Điều này ở đây rất độc đáo: vũ công tuyển chọn từ gái làng như cách chúng ta tuyển dụng tân binh. Cô gái nào đủ 15 tuổi cũng phải đến trình diện vào một thời điểm nhất định để các nhà chức trách xem xét; nếu họ thấy phù hợp, cô gái được ghi danh vào đội vũ công. Những người lớn tuổi dạy nghề cho cô, sau đó trong tất cả các dịp long trọng, cô cùng với những người khác biểu diễn tài nghệ của mình. Trong lúc rảnh rỗi, họ được phép sống ở nhà với cha mẹ, có thể làm việc đồng áng. Những vũ công lớn tuổi bị thải loại và được hưởng một khoản lương hưu nho nhỏ. Để có chỗ biểu diễn, người ta dựng sân khấu trước hiên ngôi nhà tôi ở. Vở diễn có vẻ Trung Quốc: các diễn viên diện trang phục đầy màu sắc, múa máy, la hét, nhảy lên, đánh nhau; không thể hiểu ý nghĩa. Hầu hết các màn trình diễn đều thể hiện chiến tranh giữa An Nam với Trung Quốc, mà người chiến thắng là An Nam. < ... > Trên sân khấu xuất hiện ma quỷ, rồng, các ông vua huyền thoại với những chiếc lông chim trên đầu. Những cảnh tương tự lặp đi lặp lại nhiều lần. Các vũ công ở đây rất điển hình: họ mặc áo choàng màu đỏ với những thứ ở trên đầu giống như mũ giám mục Công giáo, nhưng phía sau treo rất nhiều băng dài đầy màu sắc. Mỗi người cầm trong tay một cây đàn tranh nhỏ và cái lúc lắc là những vòng bằng đồng liên kết với nhau. Họ đều rất trẻ, từ 15 đến 18 tuổi, nhảy chân trần và không có quần dài; khi họ nhảy, áo choàng tung bay, đôi khi để lộ da thịt đến thắt lưng; vú thì họ che rất cẩn thận; nói chung, phụ nữ An Nam cho rằng rất đáng xấu hổ khi hở hang trước đám đông. Thậm chí lúc tắm sông, họ còn mang dải yếm trên ngực. Còn các bộ phận khác của cơ thể, phụ nữ An Nam không quan tâm che giấu. Tôi không nghĩ rằng điệu múa họ đang biểu diễn là điệu múa dân tộc: Họ nhấc chân rất cao, cảm thấy ảnh hưởng của trường phái Paris.[41] Rất nhiều người dân tụ tập để xem biểu diễn. Việc biểu diễn chỉ bắt đầu khi trời đã tối; hôm sau lại tiếp tục; nếu lúc 5 giờ chiều không có lệnh dỡ sân khấu thì có lẽ đã lại kéo dài đến đêm. Khán giả luôn đông đúc, toàn thành phố kéo đến xem. Một quan chức An Nam cai quản và chỉ huy họ theo quân lệnh. Khi một vũ nữ không thực hiện đúng những bước nhảy, ông ta thản nhiên quất roi vào những phần để trần của cơ thể họ; điều này không khiến họ thấy bị xúc phạm, trái lại họ còn cười ré lên. Khi tôi nói với viên quan rằng, không nên đánh các cô gái trẻ khi họ thực hiện không chính xác bước nhảy, ông ta trả lời là không có vấn đề gì, ở đây luôn luôn làm như vậy, hình phạt đánh đòn là cần thiết để duy trì kỉ luật đối với dân chúng; và ngay lập tức, để chứng tỏ điều đó, viên quan điển hình này cho tôi thấy những điều thường diễn ra ở Bắc Kỳ, ra lệnh bắt một cậu bé từ phía khán giả, với cái cớ dường như cậu không tôn trọng ông ta, bắt nằm ra và đánh bằng roi tre. Với sự giúp đỡ của các sĩ quan Pháp và sự nỗ lực của mình, tôi đã buộc viên quan này để cho cậu bé được yên. Màn trừng phạt này khơi dậy niềm vui rất lớn và tiếng cười trong đám vũ nữ. Họ dừng nhảy múa, đến gần để xem; và phải nói rằng chính cậu bé bị trừng phạt, sau khi nhận vài roi, đã vui vẻ cúi đầu lạy tạ rồi chạy vào đám đông để xem tiếp. Tôi thực sự ngạc nhiên nhận thấy khi bị trừng phạt, không ai giữ mà cậu bé nằm im ngoan ngoãn, không kêu rên một tiếng nào, dù là nhỏ nhất. Ông đại tá người Pháp nói với tôi rằng thường là như vậy, và rằng người An Nam chịu đau thật giỏi. Trong thời gian ở Lạng Sơn, tôi đã được xem mọi thứ có thể xem. Tôi đã đến nhà viên quan nghiêm khắc nọ. Nơi ở của ông ta rất bình thường. Ở đây, ông ta là quan tòa, có quyền lực gần như vô biên đổi với tất cả người An Nam, người Trung Quốc sống trong địa hạt. Thậm chí ông ta có thể tuyên án tử hình, tất nhiên, với sự đồng ý của chính quyền Pháp. Ông ta được vua An Nam bổ nhiệm theo đề nghị của toàn quyền Pháp. Ông ta không bị thay thế cho đến khi qua đời, nếu tuân theo mệnh lệnh của chính quyền Pháp. Tôi cũng đến thăm bệnh viện, nó được xây dựng và bảo dưỡng tuyệt vời. Trong bệnh viện đầy lính; họ bị thương trong các cuộc đụng độ với bọn cướp. Có một hạ sĩ người Nga bị một viên đạn bắn vào bụng. Tôi không thể biết được anh ta đến đây bằng cách nào. Chính quyền Pháp rất hài lòng về anh ta. Người hầu của tôi, Ludvig, nghe anh ta nói: hình như ở nước Nga anh ta phục vụ trong quân đội một thời gian dài; sau đó vì đấu súng bị giáng cấp làm lính trơn, rơi vào tay một sĩ quan chỉ huy đại đội rất tàn bạo nên quyết định bỏ trốn, đầu tiên là đến Áo, sau đó sang Pháp. CUỐN VỞ 20 Cuộc đón tiếp những tên cướp Vào đêm trước khi tôi khởi hành, từ Lạng Sơn, kẻ đứng đầu một băng cướp có gửi người đến để đàm phán thỏa thuận gì đó. Kẻ đứng đầu băng cướp biết là đã bị quân đội Pháp bao vây tứ phía nên quyết định thuần phục và đàm phán về mạng sống và tự do của mình và đồng bọn. Những tên cướp ở đây có pháo đài ở trên núi, có súng sân và đại bác; những trận chiến với chúng kéo dài và nguy hiểm; chính phủ Pháp sẵn sàng tiến hành đàm phán với chúng, tiếp nhận chúng là dân địa phương, tha thứ những tội ác cũ, thậm chí cung cấp cho chúng tiền bạc để đổi lấy việc giải giáp vũ khí của chúng. Vẫn thường xảy ra việc những tên cướp được tha thứ, chán cuộc sống tẻ nhạt, lại lên núi, quy tập đồng bọn và lại đi cướp bóc. Chúng tỏ ra rất tàn ác và liều lĩnh, thường tấn công dân làng vào ban đêm, giết người, cướp gia súc và bắt phụ nữ đưa lên núi, sau đó đưa sang Trung Quốc bán. Đôi khi những người rơi vào tay chúng (đặc biệt là châu Âu), bị chúng tra tấn nhiều kiểu khác nhau, như cắt ngón tay và khoét mắt. Tên tướng cướp hiện nay đã từng một lần được tha thứ, rồi hắn lại lập băng đảng và đi cướp. Những kẻ được phái đến gồm hai người Trung Quốc, một người dân tộc Thổ. Khuôn mặt của cả ba đúng là mặt của bọn cướp. Chỉ huy đồn lính ở đây tiếp những người được phái đến một cách lạnh lùng, và trước khi bắt đầu đàm phán, gửi chúng đến chỗ viên quan An Nam, nơi người ta chuẩn bị cho chúng phòng ở, có lẽ là những chiếc lều. Ba vị sứ giả chào và tạm biệt theo kiểu nhà binh, đưa cả bàn tay lên trán. Tôi đã nói rằng, ở đây phương pháp giao tiếp này được sử dụng rộng rãi, thậm chí giữa những người phụ nữ với nhau họ cũng chào như thế. Các sứ giả ăn mặc rất đơn giản, như dân làng, và cả ba đều khác nhau. Cùng đi với họ có mấy người hầu. Viên sĩ quan Pháp đứng trên hiên nhà nói chuyện với họ, không mời vào phòng. Ba vị sứ giả có vẻ suồng sã, nhưng không bặm trợn, rõ ràng là họ tức giận vì sự tiếp đón thiếu trọng thị. Tôi không biết cuộc đàm phán với họ kết thúc ra sao, vì sáng hôm sau đã đi khỏi đây. Sự việc này nhắc nhở tôi về một cảnh tương tự, sự việc được giải quyết ổn thỏa nhờ sự linh hoạt và cứng rắn của Griva - một viên tướng người Ну Lạp. Ngay trước chuyến đi của tôi đến Hy Lạp để dự Hội nghị Berlin[42], người ta đã quyết định cho phép quốc gia này chiếm miền Nam Thessaly, khi đó thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi rất biết ơn Bikonsfild[43] vì quyết định này (ý tưởng là của ông ta), biết rằng bây giờ việc đi du lịch đến các nước này đã được đơn giản hóa đáng kể, và rằng hình như người Hy Lạp đã có thể kiềm chế các băng cướp làm ăn ở đó. Đây có lẽ là quyết định duy nhất hợp lý của Quốc hội Berlin khét tiếng, vì đã bác bỏ thiếu cơ sở Hiệp ước San-Stefano chia đôi Bulgaria.[44] Tôi đã không nhầm trong mong đợi của mình, tướng Griva xuất hiện ở Larissa[45], chiếm vùng đất được giao, nhanh chóng đạt được những điều mong muốn bằng lòng nhiệt tình của mình. Thủ lĩnh các băng cướp tính chuyện chung sống hòa bình với ông ta theo thỏa thuận, như đã từng có với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, gửi phái đoàn đến chỗ ông ta; ông ta đón tiếp họ một cách lịch sự và nói rằng, ông muốn gặp và nói chuyện trực tiếp với các thủ lĩnh các băng nhóm và vì vậy, mời tất cả bọn họ đến ăn trưa vào một ngày ấn định. Nỗi sợ hãi mà bọn cướp tạo ra đối với người dân địa phương khủng khiếp đến nỗi, thậm chí ở các thành phố cảng Thessaly và Macedonia, người châu Âu sợ khi đi ra vùng ngoại vi chỉ cách vài ba versta. Trong tình thế như vậy, thủ lĩnh các băng cướp cho rằng, họ sẽ không bị chơi khăm, không bị gây bất cứ điều gì khó chịu, Griva sẽ sợ bị tay sai của chúng trả thù, và vì thế tất cả đã không ngại xuất hiện. Viên tướng tiếp đón chúng rất ân cần, chiêu đãi cà phê, rượu vodka, mứt (theo phong tục Hy Lạp), hỏi han về lối sống, công việc của chúng, và khi tất cả ra về, ra lệnh bắt gọn tất cả và áp tải tới Athens, tại đây lũ này đã bị chém đầu không cần xét hỏi lôi thôi. Nghe nói tất cả bọn thuộc hạ của chúng quá sợ hãi, đã tự hoàn lương. Và việc cướp bóc và trấn lột tài sản ở Nam Thessaly cũng chấm dứt, chứ như trước đây thì ở đó, người đi đường cũng thường bị bắt cóc lên núi, đòi tiền chuộc, cắt tai, mũi và nhiều điều khác. Tôi thấy trước sự phản đối của những độc giả hiền lành của tôi, họ sẽ nói: “Vậy là ngài khuyến khích án tử hình! Chấp thuận nguyên tắc ác giả ác báo! Sau những điều này, ngài là người theo đạo chính thống thế nào đây?!” Hoàn toàn đúng, tôi là một người theo đạo chính thống tồi, nhưng dù vậy, tôi vẫn không chấp thuận án tử hình. Với sự xâm phạm đời tư, hoặc tài sản công, tôi cho rằng, cách tốt nhất là để con người tự cật vấn và đau đớn với lương tâm của chính mình. Nhưng bọn cướp tung tẩy trên các nẻo đường ở những đất nước ít được biết đến, chúng xuống tay với các nhà thám hiểm, những con người của khoa học, chính vì vậy chúng không chỉ là kẻ thù của những cá nhân nào đó, mà là kẻ thù của khoa học, và có nghĩa là kẻ thù của nhân loại; chúng là loài côn trùng độc hại, với chúng cần sử dụng tất cả mọi hình thức, tuy nhiên, cũng có thể là tôi sai lầm! Khởi hành từ Lạng Sơn Cũng trong ngày này, những người sĩ quan đáng yêu tổ chức cho tôi một bữa tiệc trong câu lạc bộ của họ. Đây là những gì mà họ gọi là một bữa rượu punch quân sự: có pháo bông, đủ mọi loại rượu từ vodka bình thường tới sâm banh. Tất cả đều vui vẻ, chúc mừng tôi đã đến và uống vì liên minh Pháp - Nga. Liên minh này kéo dài được bao lâu? Trên đời tất cả mọi thứ đều không bền vững, trong chính trị lại càng như thế. Tôi rất vui vì tới đây vào giai đoạn nồng ấm nhất của liên minh này. Tôi đề nghị nâng cốc vì tổng thống Carnot[46] của họ, nhưng nhận ra rằng, lời chúc này được đón nhận với sự lạnh nhạt thế nào ấy và hiểu ra rằng, họ không phải là những người cộng hòa, và từ đó tôi không dám nhắc tới chính phủ của họ. Những người Pháp tiễn tôi cũng nồng ấm như khi đón. Đang trong lúc các băng cướp hoành hành ở các vùng lân cận, tôi được bố trí một đoàn hộ tống, và ngày 19 tháng Ba, nói lời tạm biệt với những người tốt bụng này, tôi lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Vị quan lại mặc trang phục chỉnh tề đi tiễn tôi cùng với tất cả các vũ nữ của mình. Các cô chạy bên cạnh ngựa của tôi tới hai versta, chân trần sục trong bùn bẩn. Đường đến Kép Con đường quân sự kéo dài khoảng một trăm versta. Dọc đường là đồng ruộng, suối, vực, núi, tất cả đều đáng yêu, nhưng cũng có một phần là những cánh rừng cháy nham nhở. Ở những trạm gác quân sự, bữa sáng cùng với sâm banh. Khắp nơi đều nói về bọn cướp: chỗ kia một đoàn xe hàng bị cướp, chỗ nọ một ngôi làng bị đốt, chỗ đó hải quan bị chém, chỗ kia một cô gái bị bắt vào núi. Quân đội Pháp ngày đêm uổng công đuổi theo bọn cướp; họ bắt được khoảng 10 tên, còn 500 tên chạy vào vùng sâu. Nhiều lính Pháp bị chết, rất nhiều hàng hóa biến mất, nhưng bọn cướp bị tóm rất ít. Bọn cướp chủ yếu bắt cóc các cô gái. Khi một sĩ quan Pháp mới kiếm cho mình một cô nhân tình người An Nam, tên cướp người Trung Quốc nhất định bắt cô ta, tra tấn vì tội đi với người châu Âu và bán sang Trung Quốc cho một viên quan nào đó. Người Pháp tức giận, truy đuổi những tên cướp ở tất cả các hang cùng ngõ hẻm, nhưng không tìm thấy những kẻ thủ ác vì chúng khéo léo ẩn mình trong những khu rừng nhiệt đới, họ trút sự tức giận lên những cánh rừng tuyệt đẹp vô tội, họ đốt rừng không thương tiếc. Nhiều khu vực vì thế đã biến thành sa mạc. Chẳng bao lâu nữa Bắc Kỳ trù phú sẽ biến thành sa mạc Sahara. Những người xây dựng đường sắt lại còn giúp đỡ nữa chứ, họ cũng chặt phá để xây dựng những con đường sắt chết chóc. Tôi được mọi người đón tiếp niềm nở và tôn kính. Ở mọi nơi người ta chuẩn bị cho tôi những căn phòng trong những ngôi nhà tre được đan kết như đồ chơi. (Trong ngôi nhà mà bây giờ tôi đang viết, sàn, trần và cả tường nhà được đan từ tre mỏng, vậy mà toàn bộ căn phòng trên lầu ở bên ngoài được trang trí bằng những lá cờ Nga.) Những người Pháp vô cùng tốt bụng nấu cho tôi những bữa ăn bằng đồ hộp châu Âu tởm lợm, họ đã bỏ qua sản vật địa phương do sự định kiến không hiểu nổi, tuy nhiên, chúng tôi cũng đã xơi những món đó nhờ chiêu rượu vang tuyệt hảo. Thời tiết rất thuận lợi, tôi bơi mỗi ngày. Trong khi tắm, tôi được khoảng 20 tay súng bảo vệ khỏi bọn cướp. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng hiện tại rất vui vẻ! Chẳng bao lâu sau, một quan chức địa phương đến tặng một con lợn sữa. Niềm vui phải thế chứ! Chúng tôi sẽ có món thịt rán ngon lành! Những người xây dựng làng mạc ở đây rất thông minh, để đề phòng bọn cướp, họ leo lên những vách đá dựng đứng, nơi chỉ có thể đến được bằng thang dây, và như vậy là mạo hiểm cả mạng sống. Tôi rất muốn đến thăm một ngôi làng như vậy, nhưng trước khi đến được đó, phải leo giữa những bụi cây, dốc đá gần như thẳng đứng, vậy nên chưa lên được phía trên, tôi đã tụt xuống. Ở đây thiên nhiên tuyệt đẹp, hoa rực rỡ sắc màu và bướm nhiều vô kể, có những loài thật quyến rũ. Thêm nữa, tôi đã tìm thấy một giống bướm hoàn toàn mới, chưa từng được biết đến trước kia, và gọi nó là bướm Bắc Kỳ, với đôi cánh mở dài tới 5 vershok[i5], màu đen tuyền với những chấm màu xanh lớn, nó được tìm thấy sâu trong khu rừng hoang dã, và nhiều hơn là gần bờ suối. Dưới cỏ có nhiều rắn, bọ cạp và các loài bò sát nguy hiểm khác, nhưng chúng hiếm khi làm phiền ai. Vẹt nhiều đến khủng khiếp, phần lớn có màu xanh lá cây. Không có chim vẹt mào, không có các loài chim trĩ (argus)[47], cũng không có loài chim thiên đường nào, mặc dù lông của chúng có bán ở các chợ; có lẽ người ta mang tới từ những vùng xa hơn ở phía Nam; không sao, sắp tới chúng ta sẽ đến chỗ chúng. Kép Ở đây có một nhánh nhỏ của đường sắt, chạy đến đây từ thị trấn Phú Lương (chỉ cách 18 versta). Trưởng đồn Kép chỉ cho tôi con đường sắt hiện nay vẫn là duy nhất ở Bắc Kỳ, lưu ý rằng đường sắt cần phải như thế: những con tàu đi trên đó và bị chậm, trật đường ray giống hệt như ở châu Âu. Một khu dân cư An Nam nằm dưới chân núi, cách đồn chỉ khoảng một versta. Dưới sự giám sát của người Pháp, đường phố ở đây đối với châu Á sạch sẽ đến mức ngạc nhiên, và vì vậy không giống gì với Trung Quốc. Ngay sau khi tôi đến Kép, một viên tướng chỉ huy chiến đấu với bọn cướp gần đó cũng đến. Viên tướng này tỏ vẻ quan trọng và nghiêm khắc; ngay khi vừa mới đến, đã gọi người trực ban là kẻ ngốc, khi thấy anh ta có vẻ sượng sùng, mắng mỏ viên đại úy; thậm chí không thèm nhìn nhóm sĩ quan trẻ, và đúng theo kiểu tướng, chìa hai ngón tay cho họ bắt. Chỉ mới làm quen với tôi, ông ta đã bắt đầu giải thích là ông ta chiến đấu giỏi như thế nào, làm sao để vượt qua mọi khó khăn và giành chiến thắng. Ngay lập tức, bản đồ nơi ông ta đã chiến đấu được mang tới, và tôi phải đọc bản kế hoạch bố trí tác chiến dài của trận đánh đã qua. Mặc dù chỉ còn nửa giờ là phải lên đường, tôi chưa kịp nghỉ ngơi, chưa kịp ăn sáng nhưng vẫn phải nghe viên tướng đến cùng, chúc mừng thắng lợi và khen tài quân sự của ông ta. Chiến thắng này, cũng giống như tất cả các chiến thắng ở Bắc Kỳ, đã tàn phá cả đất nước vốn trù phú nhờ thảm thực vật phong phú, mà vẫn không hạn chế được nạn cướp bóc. Cây cối, bụi rậm, cỏ, hoa - tất cả mọi thứ đã bị phá hủy, nhưng bọn cướp thì đã chạy thoát để lại bắt đầu cướp bóc ở những chỗ khác. Chỉ bắt được một tù binh, và đấy lại là một ông già 70 tuổi. Người ta chuẩn bị cho viên tướng nghiêm khắc đó toa xe - salon, và ông ta mời tôi vào đó. Đầy tớ của tôi, Ludvig, cùng với ngựa đi trong một toa đặc biệt, còn Pierre[48] xuống cảng biển để trở lại Thiên Tân. Trên đường đến Phú Lương, không nhìn thấy bất cứ điều gì ngoài những cánh đồng lúa. Người Pháp ngưỡng mộ sự trù phú, màu mỡ của đất đai ở đây, nhưng họ chết như ruồi vì những cơn sốt do các chứng sưng nhiễm gây ra. Đáng chú ý là người bản địa cũng đang chết vì dịch sốt khủng khiếp, kể từ khi rừng ở vùng này bị phá để truy đuổi bọn cướp và khôi phục sự yên bình. Ở đây bắt đầu xuất hiện cây cau cho quả để ăn trầu. Độc giả của tôi, tất nhiên, biết rằng trong tất cả các nước Đông Dương, cư dân nhai trầu với vôi và răng họ biến thành màu đỏ. Chồi non của cây cau ăn được. Người Pháp làm món salad từ cau, nhưng loại thực phẩm này khá đắt đỏ, bởi vì để làm nó phải chặt cả cây. Hương vị loại này giống măng tre. Số phận của Pierre Anh chàng này trong thời gian gần đây đã quá được nuông chiều và sa vào việc hút thuốc phiện vô độ. Ở Long Triều tôi đã nhận được đơn khiếu nại độc đáo của các nhà chức trách Trung Quốc, viết bằng tiếng Pháp rất kém. Đơn nói rằng, dọc đường ở tất cả những nơi chúng tôi đi qua, Pierre đòi hối lộ từ người dân và quan chức địa phương, đòi tất cả các trưởng thôn phải đưa tiền, đe dọa nếu không chịu, tôi sẽ báo cáo cấp trên và họ sẽ bị đuổi việc; đơn cũng nói rằng anh ta còn đánh vỡ đồ dùng gì đó. Đơn kết luận rằng, anh ta là người có hại, làm mất uy tín của tôi ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc yêu cầu tôi giao nộp anh ta để xét xử. Với yêu cầu này, một người biết tiếng Pháp xuất hiện để trao đổi trực tiếp. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Pierre chẳng ngại ngùng gì, thừa nhận rằng, thực tế anh ta đã lấy tiền từ các quan lại, và thậm chí, vừa cười, vừa nói là đã thu được hơn ba trăm rúp[i6]. Trong trường hợp này, tôi muốn trao anh ta vào tay chính quyền Trung Quốc, nhưng lãnh sự Pháp khuyến cáo, nói rằng làm như vậy sẽ tạo ấn tượng xấu với toàn bộ dân chúng nếu một người Trung Quốc phục vụ người châu Âu bị trao cho chính quyền Trung Quốc xét xử và giam giữ (ở nhà tù Trung Quốc, hơn nữa họ sẽ trừng phạt rất nghiêm khắc. Theo lời khuyên của lãnh sự, tôi quyết định mang Pierre sang Bắc Bộ để anh ta không có nguy cơ rơi vào tay chính quyền Trung Quốc (khi có tôi, tất nhiên, họ không thể bắt giữ anh ta), Và sau đó gửi anh ta trở lại nơi tôi nhận anh ta, với một bức thư cho lãnh sự ở Thiên Tân để giải thích những loại người như anh ta không nên giới thiệu cho những người châu Âu cần phiên dịch. Để cho anh ta được đi lại tự do, tôi đã viết một lá thư bảo đảm bằng tiếng Pháp, tựa như một loại hộ chiếu. Kể từ đó, tôi không nghe nói thêm gì về anh ta. Phú Lương, Đáp Cầu, Bắc Ninh Đây là những phố xá hỗn hợp (yếu tố Pháp và An Nam trộn lẫn nhau) nằm trên đường đến Hà Nội, chúng cách nhau khoảng 7-8 versta. Chúng rất giống nhau: chỗ nào cũng có doanh trại, pháo đài cổ kiểu Trung Quốc, đền chùa[49], cửa hàng Pháp, khách sạn, những ngôi nhà đẹp đẽ có vườn cây nhiệt đới bao quanh của các vị chức sắc, và các lều tranh sơ sài có hàng rào làm bằng tre của những người An Nam nghèo. Những người Pháp sống ở đây có tâm thế hội hè và tất cả đều vui sướng. Còn những người địa phương An Nam lại có vẻ rất nhát, dường như họ luôn luôn sợ sệt hay ngạc nhiên một điều gì đó. Họ sợ người châu Âu và len lét khi đi qua những ngôi nhà đá hai tầng. Khi gặp lính tráng, họ khiêm tốn cúi đầu và bỏ chạy ngay sau đó, nhất là phụ nữ. Nhà của người An Nam chen chúc nhau như ma trận; tất cả đều gần như thế này: ở giữa là sân nhỏ, đôi khi có lát gạch, bên cạnh là túp lều dùng làm nhà ở hoặc kho, bên trong có thể nhìn thấy bàn ghế xộc xệch, trên tường có trang trí giấy với những dòng chữ (có lẽ là những lời cầu nguyện), ở một số nơi có hình nhân bằng gỗ ở trong góc nhà, trên các kệ, và trước mặt họ có khói hương. Bên cạnh túp lều có ao nhỏ để giặt quần áo; xung quanh là chuối, dừa, mấy luống cà rốt, bắp cải, hành. Tất cả được bảo vệ bằng hàng rào tre, bụi dứa và cây gai góc. Bên ngoài đào mương, kè được làm từ đất sét, bảo vệ khỏi bọn cướp. Hai thị trấn đầu tiên mà tôi nói tới nằm cạnh sông lớn, ở chỗ hoàn toàn bằng phẳng, còn Bắc Ninh (dinh thự của viên tướng dũng cảm) nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Ở Phú Lương bữa sáng đã được chuẩn bị cho viên tướng. Ở Đáp Cầu thì người ta chiêu đãi các đồ uống lạnh ở câu lạc bộ quân nhân, còn chúng tôi đến Bắc Ninh ăn trưa. Tôi ở đó cả ngày, không nói là đặc biệt vui vẻ, nhưng cũng không buồn chán. Viên tướng lịch thiệp nói cho tôi tất cả bí mật của nền hành chính địa phương. Ở đây còn có người đứng đầu dân sự là thống đốc. Viên tướng than thở nhiều về sự bất cập của cách tổ chức như vậy và sự xung đột nguy hiểm giữa chính quyền dân sự và quân sự, hậu quả là, theo ý kiến của viên tướng, người dân địa phương bị nhiều hiểm họa đe dọa. Nhưng tất cả sự bất cập của việc phân quyền như vậy chỉ dẫn tới việc bên dân sự không tiếp đón trọng thị ông ta - một viên tướng. Theo lời viên tướng thì điều này làm giảm uy tín của ông ta trước tất cả dân chúng. Ở Bắc Ninh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy panka nhiệt đới nổi tiếng. Ở vùng khí hậu nóng, không có ngôi nhà nào tử tế mà thiếu nó được. Bước vào nhà ăn, tôi rất ngạc nhiên, khi thấy tận trên trần giữa phòng treo các bức rèm. “Kìa, tôi nghĩ, họ đã tìm được nơi lạ lùng để treo rèm”. Tuy nhiên, tôi im lặng. Khi chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu ăn trưa, tôi nhận thấy một người đàn ông kéo một sợi dây thừng làm các bức rèm chuyển động, chúng như chiếc quạt lông khổng lồ tạo ra một làn gió mát. Sau đó, tôi nhận thấy loại panka này có mặt ở khắp mọi nơi ở các nước phương Nam: nó được sắp xếp trong phòng ngủ, nơi mà ban đêm, nó được điều khiển từ một phòng khác; và nó có mặt trong nhà thờ, nơi người ta đưa đẩy nó trong thời gian làm lễ; người ta còn nói rằng, nó tồn tại trong tất cả các khoang tàu biển chạy trên tuyến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Panka có khả năng đuổi muỗi và những loài côn trùng hành hạ mọi người trong những vùng khí hậu này. Sau này ở Miến Điện, tôi thấy nó hoạt động cả trong mùa đông. Sự thật là mùa đông của họ còn ấm hơn mùa hè ở nước Nga của chúng ta. Trong khi chúng tôi đang ăn trưa, có một bức điện tín đến từ Hà Nội, viên tư lệnh quân đội mời tôi ngày mai đến chỗ ông ta ăn trưa. Ông ta cũng hỏi tôi là giờ nào tôi đến thủ đô của họ. Thật dễ chịu! Tất nhiên là tôi cảm ơn và báo rằng, ngày mai tôi sẽ rời Bắc Ninh vào sáng sớm. Từ đây đến kinh đô Bắc Kỳ chỉ 25 versta. Đường nhựa chạy qua không chỉ những cánh đồng lúa, mà hai bên còn thấy rõ những khu vườn tươi tốt đầy cây đa, cau, cao su và những thứ khác. Khu vực này rất sống động, gần Hà Nội, thậm chí còn có những cây dừa sum suê. Tôi đến Hà Nội vào 3 giờ chiều ngày 25 tháng Ba năm 1892. Hà Nội Đây là Paris thu nhỏ. Sự sang trọng và sôi động trên đường phố không bút nào tả xiết. Sặc mùi châu Âu và chỉ châu Âu. Thuận tiện đủ bề! Muốn gì - cứ nói. Thậm chí có cả nước đá, mặc dù nóng khủng khiếp, và có tất cả đồ uống lạnh. Các chủ quán người Nga nên biết xấu hổ! Các vị sống gần vòng tròn cực Bắc băng giá vĩnh cửu mà lại không có nước đá để phục vụ, bia và kvas luôn nóng rẫy! Xấu hổ vì tiết kiệm vài xu nước đá. Đây là vùng nhiệt đới, nóng quanh năm, mà lại có nhiều nước đá hơn vùng đầm lầy đóng băng của các vị. Tôi không nói về Peterburg, một thành phố khá văn minh đúng nghĩa. Ở đó, những gì bạn muốn, yêu cầu là có, nhưng phần còn lại là các tỉnh, ở đó không chỉ có nước đóng băng, mà đóng băng tất cả những khát vọng tinh thần và mọi tư duy tự chủ. Đây là đầm lầy đóng băng nên bia và kvas thì không có nước đá, và dân chúng buộc phải uống thứ nước nóng tởm lợm. Xấu hổ, một đất nước Bắc cực, đóng băng trí tuệ con người và không có khả năng làm mát cái thứ bia hôi hám. Xấu hổ, tôi nói, cái hạng người rúm ró vì sợ cảm lạnh, nhưng lại ngang nhiên dùng loại cồn độc hại! Tất cả các vị, những người kinh doanh nhà hàng, đặc biệt là < ... > ở thành phố Vilno[50], với óc đông cứng và đầu thì bị thiêu đốt vì chất cồn, khi người ta yêu cầu nước đá, thì các vị trả lời: “Chúng tôi biết lấy đâu ra?”. Hãy học người Hà Nội, lấy nó ở đâu! Hà Nội là thành phố nhiệt đới, nơi chưa ai nhìn thấy tuyết bao giờ, mặc dù mặt trời luôn thiêu đốt, nhưng người dân được dùng thức uống để lạnh, lại còn có thể dùng thêm nước đá, và không ai sợ cảm lạnh, vì ở đây không có chuyện bị cảm lạnh, và người đàn ông đẫm mồ hôi ăn kem ngon lành, không sợ hãi bởi vì anh ta không say xỉn 3/4 cuộc đời, không làm dạ dày hư thối vì đầy chất cồn như người dân đất nước các vị. Nhưng chúng ta hãy gác vấn đề này lại, tất cả mọi lời cất lên chống lại việc say xỉn cũng chỉ là tiếng la hét ở sa mạc mà thôi; con người không thể không uống rượu - vì như vậy là không yêu nước, vì nó ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, làm ngân khố thất thu. Vậy thì hãy cứ say đi! Một khi các bạn thích như vậy, còn tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của mình. Tôi được đón tiếp tại Hà Nội với nghi lễ hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Cả thành phố đổ ra đường đón tôi và chúc mừng đã vượt qua Trung Quốc an toàn. Quan chức quân sự và dân sự đi ngựa ra ngoài thành phố để đón tôi, họ mang theo rượu sâm banh và đọc nhiều diễn văn dài, tất cả đều nhằm mục đích khen ngợi sự cứng cỏi của tôi. Phụ nữ và trẻ em, không biết được ai dạy, mà mang những bó hoa tặng tôi và bày tỏ sự ngạc nhiên về sự dũng cảm huyễn hoặc của tôi. Vấn đề là ở chỗ chưa có ai đến đây theo con đường mà tôi đã đi, chưa ai đi trên đất liền từ Sibir tới An Nam. Những người Pháp đáng mến còn say sưa đến mức tuyên bố cuộc hành trình của tôi là phi thường nhất trong những gì mà người ta làm trong thế kỷ này.[51] Các nhà báo ngay lập tức xếp tôi vào hàng tướng. Tôi đã uổng công phân trần với mọi người rằng tôi không phải là tướng, thậm chí chưa bao giờ phục vụ trong quân ngũ. Mọi người xem đây là sự khiêm tốn của tôi; nhiều người còn khẳng định là đã nhìn thấy tôi trong những trận đánh khác nhau, họ kể tiểu sử của tôi, tính năm, lại còn có cả những người khẳng định rằng họ biết tôi từ bé và đã là bạn hữu từ lâu. (Một viên sĩ quan đúng là có nhìn thấy tôi mười năm trước ở châu Phi trong thời gian đánh nhau với Krumiry[52], mặc dù tôi đến đó không phải để chiến đấu, mà chỉ thăm quan đất nước. Tôi được nhận Huân chương từ Vua Tunisi vì sự thắng trận của người Pháp đối với quân nổi dậy, mặc dù tôi thậm chí không bắn một viên đạn nào, hơn nữa bây giờ tôi cũng không còn giữ nó, vì nó đã bị mất cắp cùng với những đồ đạc khác trong vali khi tôi đi tàu hỏa, và tôi đã không bao giờ tìm nó.) Trong thời gian tôi ở Hà Nội, hội hè gần như không kết thúc: những tiệc chiêu đãi của tổng tư lệnh với quân nhạc; những bữa trưa với người đứng đầu dân sự (thống đốc) cùng với vũ đoàn và đủ các loại hình giải trí; đi picnic ra ngoại ô với vũ đoàn và sâm banh như suối. Những người đẹp - phụ nữ Pháp quên rằng, tôi đã là một ông già hết thời, và họ quay quanh tôi trên đồng cỏ, trong tiếng nhạc của những điệu valse vui nhộn giữa những cây đa, vườn dừa trù phú, xanh mát, những lùm cây ngọc lan tây, chắc chúng cũng ngạc nhiên xem trò nhảy nhót châu Âu chưa từng thấy. Ở đây tôi phải khẳng định rằng, người Pháp quả thật là dân tộc vui tươi nhất thế giới; họ biết cách vui vẻ, gạt bỏ sự câu nệ sang một bên. Các điệu nhảy của họ nhẹ nhàng, đẹp và không khó nhảy: tất cả đều quay cuồng, từ những ông tướng đáng kính trong quân phục trang trọng đến các cô bé trong những bộ váy mỏng tang; các bà thượng lưu, nạ dòng, đầy thói ghen tuông, ăn mặc còn hở hang hơn chính các cô gái An Nam; các quan chức trẻ tuổi phải lòng các bà; những chàng sĩ quan rụt rè nhưng lại sẵn sàng giơ thân dưới làn đạn của bọn cướp; những bà mẹ rình bắt chú rể cho con gái. Tất cả mọi thứ quay quanh, quay cuồng, không sùng bái những bước nhảy thuần thục, chẳng nghĩ ngợi về bất cứ điều gì, ngoại trừ ngày hôm nay. Trái ngược với những gì xảy ra ở Nga, ở đây các tay nhảy nam nhiều hơn đáng kể so với nữ, nhưng các điệu nhảy nối tiếp nhanh chóng khiến chẳng ai có thể buồn. Không như ở ta - tìm “đối tác” một cách ngu ngốc, mà ai đứng đối diện với ai thì nhảy với người đó. Không cần phải giới thiệu, mời bất cứ ai cũng được, người ta cho rằng đã gặp nhau trong một ngôi nhà thì coi như đã quen nhau. Các buổi khiêu vũ bắt đầu từ 9 giờ tối và cũng kết thúc sớm, vì vậy không ai bị mệt, và bất cứ ai tham gia đêm vũ hội, hôm sau vẫn dậy đúng giờ như thường và bắt tay vào công việc. Ở Paris không hẳn như vậy, nhưng có lý do của nó, đương nhiên, xã hội Paris là hỗn hợp, hầu như số người ngoại quốc ngang bằng với người Pháp chính quốc. Còn ở Bắc Kỳ, tất nhiên, không có người nước ngoài nào và không bao giờ có. Vùng ngoại ô Hà Nội thật duyên dáng. Các khu vườn trù phú, đan xen chuối, tre, vani, vải và trái cây khác (dứa ở đây chuẩn bị chín, người ta nói là rất ngon, nhưng không thể có trước tháng Sáu). Có rất nhiều hồ nước với những hòn đảo trên đó có đền chùa; đâu đó ẩn hiện những cây cầu gỗ, cầu đá, có cả những bãi cỏ, những túp nhà tranh của người An Nam, tất cả đều rất sạch sẽ và duyên dáng, mọi thứ đều rất sạch sẽ và thanh lịch, các nhà chức trách Pháp quan tâm điểm này. Chùa chiền ở đây cũng giống như ở ‘Trung Quốc (thờ Phật), nhưng bên trong gọn gàng, bố trí chặt chẽ và tối. Ánh sáng được tránh một cách có chủ ý; và xung quanh bàn thờ chính có nhiều cột nhỏ (kiến trúc này được học hỏi từ Ấn Độ). Ở hai bên lối vào có những con voi đá rất to (ở Trung Quốc không có điều này, không voi đá, không voi sống; chỉ có một hai ngoại lệ). Ở đây có một tượng Phật kích thước khổng lồ khiến du khách ngạc nhiên. Pho tượng làm bằng đồng, có vẻ giống tượng mà tôi đã nhìn thấy (trước đó, ở Trung Quốc), nhưng nhỏ hơn đáng kể, đứng sâu trong một ngôi chùa nhỏ, xung quanh buông rèm, tranh tối tranh sáng, rất khó nhìn rõ. Ở giữa thành phố, người Pháp đã tạo một khu vườn nhiệt đới sang trọng, và trong những ngày lễ có quân nhạc, công chúng tới nghe là đám đông ồn ào và sặc sỡ nhất. Mới đây có lệnh của viên tổng chỉ huy không cho những người ở trần vào nghe, bản phụ lục của lệnh còn nói rằng, khi quân nhạc biểu diễn, cấm rửa ráy hoặc tắm táp ở đài phun nước. Người ta nói rằng, người An Nam, đặc biệt là phụ nữ, rất cằn nhằn về sự nghiêm khắc này. Ở đây, lần đầu tiên tôi thử uống nước dừa, tất nhiên loại này không giống với thứ tương tự như ở châu Âu được lấy ra từ loại quả nhập khẩu (dân bản địa chỉ uống nước dừa từ những quả vừa hái xuống; nếu để quá ba ngày coi như không dùng được nữa), song, ban đầu nó chẳng làm tôi thích thú. Sau này, khi ở trong các khu rừng của nước Xiêm, trong thời gian nóng và bị sốt, tôi mới đánh giá cao nó. Nước dừa cần được uống khi dạ dày trống rỗng, đây là thứ nước uống mát và bổ. Tôi đã đi xem khu phố của dân Hà Nội. Dễ thương quá đi mất! Đây là phố - rừng! Ở đây nổi bật là những cây cau, cây đa, cây lan tây, có tre, tất cả ken dày, tất cả được bao phủ bởi các loại màu sắc, hương thơm lan tỏa khắp nơi, cây Xanh ở khắp mọi nơi. Những căn nhà bé nhỏ của người An Nam phải tìm một cách cẩn thận mới thấy giữa những cây xanh tươi tốt, quấn quít. Tôi đến đó để thăm đáp lễ một vị quan chức làm quen với tôi ở đêm vũ hội tại tư dinh của khâm sứ. Vụ làm quen này khá độc đáo: sau một điệu nhảy với một người đẹp bản địa, là con gái của một tên luật sư bịp bợm nào đó, tôi đưa cô gái đến quầy ăn kem, mấy người ăn mặc quần áo địa phương sặc sỡ đến chỗ chúng tôi, cúi chào sát đất. Hóa ra đây là quan đứng đầu địa phương và đoàn tùy tùng; khi đứng thẳng lên, ông đưa cho tôi danh thiếp viết bằng chữ nho như ở Trung Quốc, mực đen trên giấy đỏ viết từ trên xuống. Tôi cúi chào cám ơn họ. Khá vất vả mới tìm ra nơi ở của vị quan chức này, mặc dù đi cùng với tôi có một sĩ quan Pháp thông thạo địa hình nơi đây. Ngôi nhà của ông ta nhỏ nhắn nhưng ấm cúng, có vẻ như một món đồ chơi, trang trí rất nhiều đồ lặt vặt, đến nỗi không có chỗ để quay trở, thậm chí là nguy hiểm khi đứng thẳng người, bởi vì có thể chạm vào trần và làm vỡ... đầu, bạn đọc có nghĩ thế không? Sự thật là trần nhà rất mỏng manh, lại bằng tre! Vị quan chức này là một người đại lắm lời và vui vẻ, ông mới đến đây từ phương Nam và trật tự ở đây không làm ông thích. Về lệnh của vị tổng chỉ huy, ông tỏ ra không hài lòng và nói thêm rằng, ở Huế (thủ đô của An Nam) viên khâm sứ Pháp cũng ban lệnh mọi người trong thành phố không được để mình trần đến tắm ở cái ao trước cung điện. Nhưng vị Hoàng đế tốt bụng của họ cho rằng lệnh này bất hợp lý, không hợp với với tập tục của họ, bởi không thể bắt con người mặc quần áo khi trời nóng bức, và người nghèo thì có thể chẳng có gì để mặc, còn ai cũng phải tắm, việc giữ vệ sinh thì đến Đức Phật (Thích Ca Mâu Ni) cũng đã ra lệnh rồi. Viên sĩ quan Pháp khẳng định với tôi rằng, trên thực tế, vị Hoàng đế có ký một lệnh đại loại như vậy. Viên quan tiếp tục triết lý về chủ đề này, ông ta giận dữ vung tay, nói với tôi: “Nếu nhân dân không được tắm rửa ở quảng trường giữa thành phố thì thử hỏi: họ tắm rửa ở đâu? Ở trong nhà mình? Chật. Ở ngoài sông cạnh thành phố? Nguy hiểm, ở đó cá sấu ăn thịt họ. Ở biển? Hoàn toàn không thể - ở đó có hàng đàn cá mập; tốt nhất là tắm ở ao thành phố, gần chỗ mọi người đi dạo, không có thú dữ làm hại. Bắt người ta phải mặc quần áo là vớ vẩn; người có tiền thì không sao, còn những người ăn còn chả có, chả lẽ lại dùng những xu cuối cùng để mua quần đùi và nhịn đói. Còn chúng tôi không muốn cho con gái mình mặc váy, vì đơn giản là nó phi đạo đức, chỉ cần đưa váy cho chúng là chúng tưởng mình là công chúa, không cần nghe lời ai nữa”. “Sao lại như thế được?” - tôi bật ra câu hỏi. “Tôi đã từng nhìn thấy trong thành phố một số phụ nữ, thậm chí là những bé gái của các ông mặc váy liền áo!” “Đạo đức suy đồi, thưa ngài” - ông ta nói, buồn bã lắc đầu. “Điều này chẳng mang lại điều gì tốt đẹp”. Này, mọi người, là bạn đọc của tôi, các bạn đọc và mỉm cười! Thế các bạn nghĩ sao? Chính vị quan chức này từ góc độ của mình hoàn toàn đúng: bắt mọi người tuân theo những phong tục xa lạ mà họ không thể hiểu được mục đích của chúng để làm gì? Bằng cách này, người châu Âu làm mất lòng tin vào họ. Ở nước Xiêm, một cô gái học tiếng Pháp từ một nhà truyền giáo, từ chối chuyển sang đạo Thiên chúa, nói với tôi: “Tại sao tôi phải đặt gánh nặng cho mình và tuyên xưng cho một đức tin ngượng ngùng để làm gì, các vị linh mục Công giáo yêu cầu không hợp lý”. “Cô sợ cái gì trong giáo lý của Đức chúa Kitô?” - tôi hỏi. “Những gì được yêu cầu mà cô cho là không hợp lý?”. “Thì đấy” - cô gái trả lời, “các vị linh mục bảo mặc váy và váy liền áo, mặc như vậy khi ra chợ người ta cười cho”. Đó là những gì xảy ra với tôn giáo của Đức Chúa Kitô khi chúng ta yêu cầu trộn lẫn với nền văn minh hiện đại! Chẳng được cái gì hết. Sau cuộc trò chuyện có tính dạy bảo này, vị quan chức đưa tôi ra vườn, ở đó giữa loại cây bản địa, có loại cây châu Âu. Gia chủ vui mừng nhất đối với luống xà lách nhỏ; với niềm tự hào, ông chỉ cho tôi và thể hiện là ông đã tốn nhiều công sức để bảo vệ xà lách khỏi ánh mặt trời muốn làm lụi tàn một loài rau mỏng manh từ phương Bắc. “Này, còn dứa” - tôi hỏi, “trong vườn của ông có không?” “Chúng tôi cần dứa để làm gì?” - ông ta trả lời. “Ở đây đất nước thanh bình, không trộm cắp, tôi không cần phải bảo vệ rau của mình từ ai đó”. Thật là đáng thương, ông xem dứa chỉ là hàng rào bảo vệ. “Sao thế!” - tôi tiếp tục. “Dứa là một loại quả tuyệt vời, khó mà tìm thấy loại ngon hơn nó”. “Ngài nói uổng công rồi” - ông ta mỉm cười. “Chỉ các ngài, những người châu Âu mới thích đủ mọi thứ vớ vẩn đó, còn chúng tôi không cần những thứ đó; nếu muốn dỗ bọn trẻ con, chúng tôi ra chợ, muốn bao nhiêu cũng được; đến mùa thì có mà hàng xe, còn cây xà lách của tôi...” Ông ta nói thêm với sự hài lòng: “Đây là thứ quý hiếm, tất cả những người hàng xóm ghen tị với tôi”. Tôi rời nhà ông ta, ngạc nhiên suy nghĩ, đúng là trong cuộc sống tất cả chỉ là tương đối. Bạn đọc, các vị có thấy sự đánh giá loài cỏ vớ vẩn cao hơn loại quả tuyệt vời! Vịnh Hạ Long Nó nổi tiếng ở Bắc Kỳ bằng vẻ đẹp độc đáo và sự tạo hình như tranh vẽ. Trước đây tôi đã nghe rất nhiều về nó, và bây giờ rất vui khi viên thống đốc Hà Nội đề nghị đến đó chơi. Chúng tôi đi trên tàu của ông theo sông Cái (sông Hồng) đến Hải Phòng và sau đó lần theo những con kênh khác nhau để đến cái vịnh nổi tiếng này. Nó tuyệt vời bằng vô số những khối đá với hình thù khác nhau được sắp đặt không theo bất kỳ trật tự nào. Đây chính là mũi đá, ở một số nơi chúng đứng gần nhau đến nỗi tàu thủy phải khó khăn lắm mới đi qua được. Những khối đá xếp khéo léo trên đường ra đại dương để trong vịnh không hề có sóng. Giữa những khối đá kỳ lạ có hang động, đôi khi chúng ẩn mình trong nước; một trong những cái động như vậy dài hơn một versta và có thể đi thuyền qua đó. Sang phía bên kia, chúng ta rơi vào một nơi hoang dã và tuyệt diệu được bao phủ bằng thảm thực vật đa dạng. Ở vịnh Hạ Long có một nơi được gọi là rạp xiếc: đây là một cái hồ nhỏ được núi bao bọc xung quanh, nối với biển bằng một lối đi hẹp và kín; ở đó tối, khi đi trên thuyền, phải cúi đầu để không va vào đá. Trên bờ hồ là những vách đá gần như dựng đứng, có các bụi cây và loài khỉ nhảy nhót trên đó. Gần đó, trên một hòn đảo nhỏ, có mỏ than. Người Pháp rất vui sướng vì những mỏ than; họ kéo tôi đi theo những lối mòn tối và bẩn, giới thiệu tất cả máy móc dùng để khai thác than, kể về những lợi ích lớn lao sẽ ngự trị vùng mỏ này đối với dân chúng, và kết thúc màn thăm quan không mấy hay ho này bằng bữa trưa với rượu vang. Họ đào bới và hủy hoại nhiều ngọn đồi tuyệt đẹp để tìm kiếm loại than ngu ngốc này. Tôi, tất nhiên, vì lịch sự đã ca ngợi công việc của họ, nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, băn khoăn tự hỏi: con người khai quật sản phẩm này từ trong lòng đất để làm gì?! Người ta nói rằng, chúng sẽ thay thế nhiên liệu, tiết kiệm củi, và do đó bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy điều ngược lại: trên toàn bộ không gian, nơi đào cái loại than xấu số này, rừng bị chặt phá và đốt để lấy nơi sản xuất. Cuộc sống của dân tình bị đảo lộn, họ bỏ gia đình, bỏ đồng ruộng để đi làm ở mỏ than với đồng lương còm, họ ăn, uống, chơi và đôi khi mất hết tiền lương, trở thành những kẻ phát vãng đi thang lang kiếm ăn khắp đất nước, một khi bị thất nghiệp. Tuy nhiên, tôi không phải là quan tòa trong những vấn đề này, tôi chỉ thấy tất cả hoạt động của công xưởng là ghê tởm, không cần thiết và gây phương hại đến đạo đức của nhân dân. Có thể tôi sai, tôi sẽ không tranh luận. Tình huống trên sông Tình huống này rất điển hình cho đạo đức Bắc Kỳ. Buổi tối ngày 3 tháng Tư, tôi đi trên một tàu thủy nhỏ dọc sông Hồng đến thành phố Nam Định, còn ngựa của tôi được gửi tới đó bằng đường bộ. Con tàu này là tàu hải quan, do một trong số các quan chức chỉ huy. Khi chúng tôi kết thúc bữa ăn tối trên boong, phía trước, dưới ánh trăng xuất hiện một chiếc thuyền lớn không có đèn đóm gì cả. “Aha” - vị quan chức kêu lên, “quân hải tặc đây”. Chiếc thuyền đi xuôi dòng, nhanh chóng sánh ngang với chúng tôi, rồi băng đi tiếp. “Ồ, không” - viên quan tuyên bố, “không thể như vậy được, phải tóm bọn chúng”. Và ông ta đã nổi còi. Thuyền không dừng lại. “Ngài cho phép hành động theo pháp luật?” - ông ta long trọng hướng về tôi. “Tại sao lại không” - tôi nói. “Hãy luôn hành động theo pháp luật”. “Tôi có một khẩu pháo” - ông ta thì thầm nói thêm. “Tôi sẽ bắn”. Ông ta nổi còi báo động, thuyền dừng lại, những con người sợ sệt áp vào con tàu. Hóa ra họ là dân buôn thảo quả và quế, họ có giấy phép. “Ồ các người đi trên sông nước, sao lại không có đèn đóm gì?” - viên quan lên giọng dọa nạt. “Xin lỗi, vừa mới bị tắt đấy ạ” - mấy nhà buôn gào vọng sang trong sự khiếp đảm. “Ta sẽ xử bắn các ngươi, quân lừa đảo” - người bạn đường của tôi gầm lên. “Xin tha cho!” “Ta sẽ đày các người đến Caen lao động khổ sai” - vị quan chức này vẫn chưa yên.[53] “Xin rủ lòng thương”. “Ta sẽ cho các người rũ tù”. “Hãy thương hại người nghèo khó”. “Ta sẽ đưa các người ra tòa”. “Xin ngài thể hiện lòng nhân từ”. “Ta sẽ phạt nặng đấy”. “Ngài hãy nương tay”. “Ta không muốn nói chuyện với các người nữa” - viên quan tự đắc. “Nộp phạt cho tử tế, không ta bỏ tù đấy”. Những người dưới thuyền vội vã rút từ túi ra 3 franc đưa cho viên quan; ông ta lấy tiền, hí hoáy viết cái gì đó trong giấy tờ của họ và đắc thắng uống nốt chỗ bia của mình, hài lòng nhìn tôi. Tôi không hiểu nổi tại sao sự việc lại chuyển từ bắn giết tới thực tế chỉ có 3 franc nộp phạt và nói lên cái sự thắc mắc của mình. “Thế ngài ra lệnh phải làm gì” - viên quan trả lời. “Theo luật, những vi phạm giao thông đường thủy chỉ được phạt 3 franc, tôi không có quyền lấy hơn, nếu không, tôi đã cho chúng biết tay” - viên quan này nói thêm với vẻ đe dọa, giơ nắm đấm ra. “Vậy thì đe dọa để làm gì” - tôi hỏi, “nếu không được phép làm gì thêm”. “Không nên, thưa ngài” - viên quan trả lời. “Đe dọa là cần thiết, đây là bọn dân hoang dã”. Lạ lùng! Tôi kết thúc chuyện này bằng cách uống một ngụm rượu vang và bắt đầu đi lại trên boong. Đêm mờ ảo, dịu dàng, ánh trăng rọi sáng đôi bờ bằng phẳng của dòng sông Cái, gần như hoàn toàn được bao phủ bởi các vườn chuối; đâu đó có thể nhìn thấy những cây si tuyệt diệu, được đánh giá cao ở châu Âu. Trời rất ấm áp, thậm chí là hơi nóng. Tôi hạ lệnh trải giường cho tôi trên boong tàu, người bạn đường của tôi cũng thu xếp như vậy. Gió nhiệt đới nhẹ nhàng ru chúng tôi. Sáng hôm sau tôi đến Nam Định, từ đấy sẽ đi theo cái gọi là đường cái quan để đến thủ đô Huế của An Nam.[54] Chúng tôi đến sớm, lúc 7 giờ, một cơn mưa nhiệt đới mạnh mẽ, nhưng ấm áp và dễ chịu đổ xuống, tất cả không khí ẩm ướt và có hương thơm không thể xác định được đối với người phương Bắc. Tôi nằm trên boong tàu, đắm mình trong mưa. Mặc dù phía trên có che một tấm vải, nhưng những hạt mưa lớn vẫn xuyên qua và rơi vào người tôi, vốn chỉ được đắp hờ một tấm vải mỏng. Nam Định Thành phố này là hỗn hợp: ở đây có người Trung Quốc, người An Nam, người Pháp, có công chức và quân nhân, ở đây nổi tiếng với các vũ công. Các đường phố rộng, thẳng, hai bên là những cây si và dừa. Ở đây, cũng như ở Hà Nội, tôi được chào đón rất nồng nhiệt; tất cả quan chức tụ họp ở chỗ thống đốc dự tiệc chiêu đãi tôi. Sau bữa tiệc là những điệu múa địa phương. Vũ công ở đây ăn mặc đơn giản hơn, trên đầu không có gì hết, nhưng bù lại, ở vai được gắn những chiếc đèn thắp sáng. Họ cũng nhảy chân trần, một số vũ công trong số họ nhỏ nhắn và dễ thương; tôi ngạc nhiên là tay họ rất sạch; điều này được giải thích là vì họ hầu hết là tình nhân của các sĩ quan. Họ nhảy múa trong hai giờ, và có lẽ, họ vẫn còn tiếp tục, nếu như họ không buộc phải ra về. Những bà đầm người Pháp trong doanh trại hầu như đã luống tuổi cả (không có người dưới 25 tuổi), họ tức giận vì những người đàn ông của họ ưa thích vũ công trẻ người An Nam hơn, dàn vũ công này tuổi chỉ từ 15 đến 18. Tất nhiên, làm sao một bà nạ dòng mặt đầy phấn trên 25 tuổi có thể cạnh tranh được với cô gái 15 tươi trẻ?! Cho dù là cô gái An Nam. Khi bọn gái trẻ rút lui, một số người đẹp cao tuổi có ý muốn thể hiện tài năng của mình và ngồi vào cây đàn dương cầm; họ chơi không hay lắm: kết thúc bằng bản quốc ca Nga do một người đàn ông Pháp hát sai lời be bét. Đến quá nửa đêm mọi người trở về nhà. Ninh Bình Thành phố tiếp theo sau Nam Định, quy mô nhỏ hơn, không có người Trung Quốc; ở phía Nam có những ngọn núi được nhìn thấy rõ, có rừng bao phủ; nhưng xung quanh thành phố thì bằng phẳng và trơ trụi, nhiều khu dân cư, được bao quanh bởi các khu vườn, chen chúc hai bên đường. Ở đây, chuyện lặp lại như ở các thành phố khác, chúc tụng, yến tiệc, gặp gỡ các vũ công. Các vũ công ở đây thua ở Nam Định và cũng kém sạch sẽ hơn, rõ ràng là các nhà chức trách Pháp đã lơ là họ. Ngày hôm sau, viên công sứ mời tôi dạo núi để xem chùa và lăng mộ của các hoàng đế đã từng trị vì An Nam. Không rõ những vị hoàng đế nào đã được chôn cất nơi đây. Nghe nói, ở đây xưa kia đã từng có một thành phố lớn, bị phá hủy đã lâu, từng là thủ đô của cả nước. Đường lên núi tuyệt đẹp, ở đây ta tìm thấy một vịnh Hạ Long trên đất liền: cũng vô số khối đá hình thù kỳ lạ, được bao phủ bằng những bụi cây dày đặc, rải rác khắp vùng đồng bằng, và ở giữa chúng là những cánh đồng lúa, vườn tược và làng mạc. Chùa chiền nằm cách thành phố 12 versta, gần một ngôi làng nhỏ, chúng khác biệt với chùa chiền ở Trung Quốc bằng kích thước nhỏ và sự sạch sẽ, ở phía trong có nhiều cột gỗ sơn son thiếp vàng, giống những ngôi chùa ở Ấn Độ; trần rất thấp, phía trong nửa tối, nửa sáng. Sân được lát đá, có những cây cau trồng thành hàng và những cây mít, tất cả điều này tạo cho những ngôi chùa hoàn toàn có vẻ nhiệt đới. Viên quan An Nam tháp tùng chúng tôi trong chuyến thăm quan này, khi đến chùa, khoác một chiếc áo lễ, thắp hương và lầm rầm khấn. Trong khi đó, tôi xuống tắm ở cái ao linh thiêng, tuy nhiên, ở đây có rất nhiều đỉa, và có những con dài tới một phần tư arshin[i7]. Đài tưởng niệm các hoàng đế nằm ở một nơi khá cao ráo trong hang núi, đường lên đó đi giữa thiên nhiên hoang dã và tuyệt đẹp. Bản thân những di tích không có gì đáng nói, nhưng quang cảnh đất nước nhìn từ đây thật đáng ca ngợi. Nơi ở của linh mục Siktus[55] Cách Ninh Bình 30 versta là nơi ở của vị linh mục Công giáo người An Nam Siktus. Đây là một nhân vật vô cùng thú vị. Ông từ lâu đã được một số nhà truyền giáo địa phương cải đạo sang Kitô giáo và khai sáng. Trong thời gian chiến tranh và thời gian bị xua đuổi sau đó, ông đã từng bị quân phiến loạn bắt làm tù binh ở Lạng Sơn. Khi người Pháp chiếm thành phố, ông được giải thoát, theo sáng kiến của người Pháp, ông được Hoàng đế An Nam ưu ái, người ta biến ông thành một ông quan quan trọng, tuy chẳng giữ chức gì cả. Người ta nói, ông rất giàu và rất trung thành với người Pháp. Nơi ông ở là Phát Diệm, nằm không xa đường đi của tôi nên tôi ghé vào thăm ông. Khâm sứ Ninh Bình cùng với vợ hộ tống tôi. Siktus sống trong một ngôi nhà hai tầng sang trọng, một phần theo kiểu An Nam, một phần theo kiểu châu Âu. Phần giữa của bức tường chính, nơi thông thường người An Nam đặt tượng Phật thì Siktus treo một hình ảnh lớn của Đấng Cứu Thế và Đức mẹ. Xung quanh nhà là khu vườn tuyệt đẹp với nhiều ao vuông theo phong cách phương Đông. Vị linh mục này đã già và ốm yếu, mặc một chiếc áo choàng lụa màu xanh, hàng ngày làm thánh lễ, không hiểu xây cất vài nhà thờ lớn theo mô hình chùa chiền Phật giáo để làm gì. Các nhà thờ này xây bằng đá cẩm thạch và gỗ mun, những cây cột lớn được mang về từ những khu rừng nhiệt đới láng giềng; tất cả từ trên xuống dưới được chạm khắc những cảnh trong Kinh Thánh. Việc sử dụng gỗ mun như vậy chỉ có thể thực hiện được ở những vùng sung túc, nơi mà gỗ mun không có giá trị gì. Người Pháp ngưỡng mộ tất cả mọi thứ ông làm, và khẳng định rằng, ông có ảnh hưởng lớn trong dân địa phương; trong thời chiến, họ tính bố trí ông đứng đầu hàng quân, bên cạnh súng liên thanh và hy vọng ông khích lệ quần chúng.[56] Người cha tinh thần này có đội bảo vệ riêng rất đông đảo. Tôi không xác định được liệu ông là người ngoan đạo hay là kẻ đạo đức giả. Trong các ngôn ngữ châu Âu, ông chỉ biết tiếng La-tinh, tôi lại quên mất nó hoàn toàn, vì vậy chúng tôi đã phải nói qua một thông dịch viên, người này lẫn lộn và dịch méo mó mọi thứ. Người ta nói rằng, ông có 30.000 giáo dân người An Nam theo ông. Gần dinh thự và nhà thờ của ông là một ngôi làng lớn, đắm mình giữa những khu vườn. Người ta cũng nói rằng, Siktus đã thu được những khoản đóng góp đáng kể của họ và sử dụng phần lớn khoản này làm từ thiện ở Hà Nội và Sài Gòn. Ông phái kiệu thiếp vàng đến đón tôi. Suốt hành trình, đội lính bảo vệ đánh trống và chơi một số nhạc cụ kỳ dị (chắc là để khoe với dân chúng). Tiếng nhạc vang lên chói tai, làm nhớ đến những khúc cuồng tưởng của Liszt.[57] Vị cha cố mời chúng tôi ăn trưa theo kiểu An Nam, nhưng rất tốt (bữa ăn của họ cũng giống của Trung Quốc, nhưng ít món hơn). Trong vườn của người ngoan đạo này có cái hang nhân tạo sắp xếp theo kiểu mê cung với những hình ảnh các vị thánh trên tường. Phòng ngủ của ông treo đầy tranh thánh theo kiểu phòng nguyện. Trước khi theo đạo Thiên Chúa, ông có nhiều vợ và con, nhưng sau đó ông gửi tất cả bọn họ đến nơi nào đó, người ta nói rằng, một trong số các cô con gái của ông biểu diễn sân khấu ở Nam Kỳ. Người đàn ông già cả này được tôn lên tới mức Lanessan[58], viên toàn quyền tất cả các thuộc địa Pháp ở Viễn Đông đã cất công đến thăm ông ta và không hề phật ý khi không được ông tiếp vì tuổi già. Dân chúng coi ông là người có phép thuật. Người ta kể rằng, viên quan án Ninh Bình bị gãy chân, đến Siktus, và khi ông đặt tay lên cái chân gãy, quan án cảm thấy nhẹ nhõm. Siktus khiêm tốn nhận xét rằng, điều đó xảy ra có thể là do chính tay ông sắp xếp các tranh tượng thánh kho để đồ thờ. Vị quan án sau đó bị hoại thư và đã chết, tuy nhiên, chuyện này lan truyền trong cả nước, và gia đình quan án bị thuyết phục bởi những gì xảy ra, gia nhập đạo Thiên Chúa, đóng góp cho Siktus một khoản lớn để ông cầu nguyện cho người quá cố. Trả lời câu hỏi của tôi: vị cha cố đáng kính thực sự có thể làm điều kỳ diệu không, Siktus trả lời rằng, trước đây thì có thể, còn nay già rồi nên không thể. Từ câu trả lời như vậy, tôi cùng với viên thống sứ kết luận rằng, người dịch chắc chắn đã bóp méo, và vị linh mục không hiểu. Khi tôi ra đi, Siktus tặng tôi mấy chục funt[i8] chè tuyệt hảo của Trung Quốc đựng trong hộp sắt tây mỏng như giấy hình cái bình và có thể bị nhàu. Thanh Hóa Ở đây một lần nữa lại sự tiếp đón nồng nhiệt nhất và lịch sự nhất: những bữa ăn tuyệt vời với các loại đặc sản địa phương, món hầm từ da tê giác, sơn dương chiên và thịt chim công; buổi tối vũ công với những chiếc đèn, nến trên đầu và trên tay (lạ lùng là họ làm thế nào để chúng không rơi trong khi nhảy). Tất cả bọn họ ở đây đều xinh đẹp và đáng yêu, mặc những chiếc váy ngắn với màu sắc khác nhau; trong số họ có những cô bé. Vị lãnh đạo ở đây là người rất đáng yêu, nhưng là một người theo phái Bonaparte, khi nói về Napoléon III, gọi ông là hoàng đế và tỏ ra thương tiếc cái chết sớm của con trai ông ta. Ông đã cho tôi đọc hồi ký của Morny[59] được gìn giữ như của quý, nó chỉ càng cho thấy con người giả dối và đểu cáng này dưới góc độ tệ hại hơn. Ở tỉnh Thanh Hóa không có quân đội Pháp, để bảo vệ thành phố và dân chúng, dưới quyển vị thống sứ có vài trăm tay súng người An Nam được đào tạo kỹ lưỡng. Tỉnh này có tiếng là giàu có, khắp nơi là cánh đồng lúa, bông, khoai lang, chàm và các loài cây ăn quả khác nhau (vô số các loại quả nhiệt đới). Ở đây, lần đầu tiên tôi được ăn quả ổi mà nhiều người khen ngợi. Mặc dù tôi yêu tất cả các loại trái cây, nhưng tôi phải thú nhận rằng, loại quả này hoàn toàn không ngon. Vẻ bề ngoài, chúng trông giống như mận hoặc quả hồng dại, thịt của chúng màu hồng, chẳng ngọt, chẳng xốp, không có hột to, nhưng có rất nhiều hạt nhỏ li ti như quả vả; hương vị chúng giống thanh long (trái cây thuộc họ xương rồng) và phúc bồn tử; chả có vị chua gì. Buổi tối, thay vì trà, chúng tôi được phục vụ món nước quế nóng. Đây là một sản vật địa phương được ưa chuộng và đánh giá rất cao. Món này có mùi rất thơm, có vị cay ngọt dịu nhẹ; người ta uống trong những chiếc chén bé nhất. Vùng này xuất khẩu quế là đáng kể, quế ở đây được xem là tốt nhất trên toàn phương Đông. Ở đây không có đồn điền trồng quế. Quế mọc vô số trong các khu rừng rậm và luôn luôn ẩn lẫn trong những loài cây khác. Cây quế có vẻ đẹp khá quyến rũ, thân thon, thẳng, cành mọc thẳng, không bao giờ đạt kích thước lớn, như loài thông trăm năm của chúng ta, chỉ có điều nhỏ bé thôi. Quế tỏa hương rất tuyệt vời đáng yêu và lan xa, nhờ đó mà người ta tìm ra chúng ở trong rừng, đôi khi chúng mọc thành những nhóm nhỏ. Thực ra, quế giá trị ở cái vỏ. Khi người ta bóc hết vỏ, cây sẽ chết, vì vậy trồng ở vườn không có lợi, phải chờ đợi lâu để cây lớn và sau đó bóc vỏ, rồi ngay lập tức phải thay thế bằng cây khác. Nếu không phải trong khu rừng nhiệt đới rất nhiều quế, thì loại sản phẩm này vô cùng đắt đỏ. Quả của cây quế bé như hạt cà phê, nhưng không làm thực phẩm được. Làm khách ở Thanh Hóa hai ngày, tôi lại đi tiếp. Tất cả các quan chức chính quyền thành phố, người Pháp cũng như người An Nam, đều long trọng tiễn tôi ra tận ngoại ô thành phố. CUỐN VỞ 21 Đường từ Bắc Kỳ vào An Nam Như tôi đã đề cập, Bắc Kỳ như là một công quốc của An Nam, được điều hành riêng biệt. Thực ra, về phương diện hành chính, ở đây có sự rối rắm: chính quyền địa phương Bắc Kỳ chỉ trực thuộc hoàng đế An Nam trên danh nghĩa. Những quan chức người Pháp ở Bắc Kỳ không liên can tới quan chức người An Nam, họ có quyền lớn hơn. Khi khâm sứ Huế cần trình hoàng đế việc gì đó, trong trường hợp hoàng đế không đồng ý, phải trình lên bộ ở Paris; còn khâm sứ Hà Nội tự quyết tất. Đứng trên các khâm sứ này có viên thống đốc toàn quyền (trong thời gian tôi đến là Lanessan), nhưng viên quan cuối cùng này trên thực tế không tới tất cả các nơi được. Lãnh thổ ủy thác cho ông ta quá rộng lớn và đa dạng, chỉ mỗi việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác đã hết thời gian, vì vậy hầu như ông vắng mặt ở khắp mọi nơi. Ông quản lý Bắc Kỳ, An Nam, Nam Kỳ và Campuchia. Ở mỗi đất nước dân chúng có đặc điểm riêng và cần quản lý bằng những luật lệ riêng. Dân số tất cả có hơn 40 triệu người. Như vậy là tôi không được nhìn thấy vị tổng đốc toàn quyền suốt đời di chuyển này: khi tôi đến Hà Nội, thì ông vừa rời nơi đó để vào Huế (thủ đô của An Nam); khi tôi tới Huế thì ông lại đã vào Sài Gòn (thủ đô của Nam Kỳ), còn khi tôi vào tới Sài Gòn thì vị tổng đốc này bị ốm vì làm việc quá sức, đã đến Nhật Bản chữa bệnh. Tại sao người Pháp vốn thực dụng lại cần một vị quan chức đắt giá và suốt đời lang thang này? Không thể hiểu nổi! Không có sự phân định chính xác ranh giới giữa Bắc Kỳ và An Nam, hoặc là do những cuộc chiến tranh dai dẳng, sự bất tuân thủ và tái định cư, biên giới thay đổi. Hiện nay Thanh Hóa được xem là thuộc Bắc Kỳ (đang ở tình trạng quân luật), còn Vinh là thành phố tiếp theo, được tính là của An Nam. Theo bản đồ của Bộ Tổng tham mưu Pháp, làm để chuyển thư từ, điện tín; từ Thanh Hóa vào Vinh được công bố là 185 versta. Tuy nhiên, tôi đã cẩn thận kiểm tra, khoảng cách này không thể hơn 150 versta. Không biết vì đâu mà lại cho sai sót lớn như vậy trong đo đạc? Tôi đã sử dụng bốn ngày cho đoạn đường này. Đường rất tốt và rộng, lại gần biển. Địa hình khá bằng phẳng và thuần nhất, chỉ đôi khi mới gặp một vài ngọn đồi. Làng mạc rất nhiều và được bao quanh bởi những khu vườn rậm rạp (nếu có thể miêu tả như vậy). Chỗ nương thân cho những nữ thần rừng ưu tư[60] như Pushkin[61] đã nói về những khu vườn của giới địa chủ của chúng ta, song chúng không thể phục vụ tốt vì ở đó quá sôi động, cách một phần tư versta đã nghe tiếng rì rào và tiếng ồn ào phát ra từ loài dế và những loài côn trùng khác. Ngoài ra, hổ từ những ngọn núi bên cạnh chạy vào các khu vườn, nhiều người, nhất là đàn bà và trẻ em, bị mất mạng. Bởi vậy nếu có những vị thánh suy tư gì đó ở đây thì cũng đã bị ăn thịt từ lâu. Nhân tiện xin được nói thêm là những truyền thuyết của người An Nam cũng chẳng kém truyền thuyết của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Dân xứ này rất thích thơ ca, truyền thuyết. Hộ tống tôi trên đoạn đường này, đầu tiên là những người Pháp (thư ký và chỉ huy đội), họ có tất cả các loại thực phẩm, nhiều rượu, mọi việc ổn. Chúng tôi đi theo trật tự thế này: những người An Nam đi phía trước, mang theo những lá cờ màu sắc khác nhau, phía sau tôi - một đoàn mang lọng, che nắng rất tốt. Những người vác lọng thì lại đi bộ và che cho tôi, người ngồi trên lưng ngựa. Nghi thức ở đây là như thế rồi! Vượt qua chặng đường 60 versta, chúng tôi đã đến ranh giới tỉnh Vinh, và những người Pháp từ biệt tôi. Viên công sứ Vinh chỉ phái một tổ người An Nam, không có người Pháp đi đón tôi, và tôi buộc phải dùng đồ của mình. Tôi đã phải ăn trứng và cơm; may mắn là những người An Nam đứng đầu các làng đã cho tôi gà và chuối, vậy là đôi khi có thể nấu súp và nước hoa quả. Người hầu An Nam mà tôi thuê ở Thanh Hóa thay cho người phiên dịch té ra là một tay lừa đảo, lười nhác và hiểu ít tiếng Pháp. Người trước được lấy từ Ninh Bình, đi đến Phát Diệm thì trốn mất. Sau hai ngày hành trình, tôi đến gần thành phố mong ước, và vui mừng được nghỉ ngơi ở đó. Trời mỗi lúc một nóng hơn. Chúng tôi đi về phía mặt trời. Chẳng bao lâu nữa nó sẽ ở ngay trên đầu chúng tôi. Vinh Một thành phố rất nghiêm cẩn. Các vị đứng đầu, người Pháp cũng như người An Nam, tỏ vẻ vô cùng quan trọng. Chỉ có một quan chức loại hai đi đón tôi, ông được khiêng trên một chiếc cáng, mặc áo dài lụa xanh, được che lọng và có lính đi cùng cờ quạt. Nói thêm về những chiếc kiệu: chúng không giống như ở Trung Quốc được làm bằng gỗ trông như chiếc hộp hoặc chiếc xe nhỏ; ở đây, chúng giống như một cái võng được làm bằng các vật liệu rắn khác nhau. Không thể ngồi được, mà phải nằm, chân cao hơn đầu. Nếu muốn ngủ, phải kéo mái che, rồi nằm nghiêng người về hướng di chuyển, và lưng không tựa vào bất cứ cái gì. Trong tất cả những thành phố An Nam đến nay tôi đã đi qua, tất nhiên ngoại trừ Hà Nội, Vinh là thành phố lớn nhất. Có rất nhiều nhà gạch hai tầng do người châu Âu chiếm hữu. Có những cửa của những người đến từ Trung Quốc. Để vào được trong thành (pháo đài), nơi các Chỉ huy của Pháp cũng như An Nam sinh sống, buộc phải đi vòng hết cả thành phố. Dinh thự của chính quyền được bao quanh bởi một số bức tường đồng tâm, phải qua ba hoặc bốn cổng để vào được nơi ở của các quan chức địa phương dũng cảm. Công sứ là một đại tá giải ngũ (những người đang phục vụ trong quân đội không được làm khâm sứ); ông ta đón tôi tại cửa trong cùng, trịnh trọng nói với tôi: “Soyez le bien venu”[i9], và dẫn tôi đến một ngôi nhà nhỏ một tầng, trước vốn là đền thờ nay được sửa chữa lại theo phong cách châu Âu. Ở đó có căn hộ của ông ta và một phòng cho tôi. Đây là một quan chức rất mẫn cán, ông ta không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài công vụ, sống ẩn dật, hầu như không giao du với ai. Tuy nhiên, với sự lịch thiệp của người Pháp, ông đã quan tâm để tôi không thiếu thốn gì và cố gắng làm cho tôi vui. Sau khi tôi đến một ngày, ông nói với tôi là tổng đốc người An Nam (quan đốc, cao hơn quan án) mời cơm tôi. Nhân thể ông hỏi là vào giờ nào thì tôi muốn đến thăm ông. Câu hỏi này phần nào làm tôi ngạc nhiên: trong tất cả các thành phố An Nam mà tôi đã đi qua, chính quyền địa phương tự mình đến chỗ tôi. Trước mặt người châu Âu, họ cư xử khiêm nhường và cho rằng, là một vinh hạnh lớn nếu được ai đó đến thăm. Rõ ràng, ở đây quan hệ giữa người châu Âu và người bản địa đã khác. Tất nhiên, tôi không từ chối việc đến thăm một chức sắc quan trọng, tôi tò mò muốn xem viên quan này và cảnh trí của ông ta. Ông ta đã được thông báo giờ chúng tôi đến, như đã được thực hiện ở Trung Quốc trước đây. Dinh cư của quan đốc này rất lớn, nhưng bao gồm cả một tổ hợp mấy cái nhà tranh lợp rạ và lá cọ khô. Ở ngay lối vào có nhiều loại súng ống và giáo mác đặc biệt; ở đó có hai người lính đang ngủ, khi chúng tôi xuất hiện, họ ngay lập tức choàng dậy và đi báo cáo về chúng tôi. Quan đốc gặp chúng tôi ngay phía trong cửa ngôi nhà tranh lớn nhất, cùng với thư ký của mình là một ông già tóc bạc, nhỏ thó. Cả hai đều mặc áo lụa màu xanh với chiếc khăn đen trên đầu, quấn thành khăn xếp (giống hệt khăn của cha cố Siktus). Quan đốc cư xử trang trọng gần như các viên quan Trung Quốc, chỉ có nụ cười của ông ta có vẻ khúm núm thế nào ấy. Ông ta đã tiếp xúc với người Pháp, biết một số phong tục, bắt tay chúng tôi và dẫn chúng tôi qua mấy cái sân nhỏ, vào một căn phòng có bàn và những chiếc ghế gỗ, rất giống những phòng khách Trung Quốc. Ông già - thư ký rất lâu không ngồi xuống và chỉ sau khi quan đốc mời như ra lệnh mới dám ngồi xuống mép ghế, và sau đó luôn nhổm dậy mỗi khi ông được hỏi chuyện. Thông dịch viên người An Nam đứng suốt buổi. Quan đốc đãi chúng tôi rượu sâm banh và bánh quy do các cô con gái của ông, tuổi chừng 16-17, rất dễ thương, mang tới. Hai cô nói được một chút tiếng Pháp; một cô tên là Nương, và cô kia tên Ấu Tạ. Cả hai đều mặc áo trắng ngắn, chạm gần đến đầu gối, chân đi sandal, ngón chân và ngón tay đều đeo nhẫn vàng, tóc được vấn lên không lấy gì làm đẹp lắm, dựng ngược lên trông như những tòa tháp. Hai cô nán lại nói chuyện, nhưng không ngồi xuống. Quan đốc giải thích với tôi rằng, ở đất nước này, phụ nữ không được phép ngồi khi có sự hiện diện của đàn ông. Trong cuộc trò chuyện, hai cô gái nói với chúng tôi: “Toi capitaine”[i10]; họ không thể nói “ngài”, thực ra, cả cuộc chuyện trò của họ chỉ là những nụ cười bẽn lẽn và xuýt xoa. Khi chúng tôi ra về, hai cô gái tiễn chúng tôi đến tận cửa ngoài, khâm sứ nói rằng, cần đưa tay cho họ để từ biệt. Trước sự ngạc nhiên của tôi, thay vì bắt tay tôi, hai cô đưa lên môi và hôn. “Để làm gì vậy?” - tôi hỏi lại viên công sứ. “Cần phải như vậy” - ông ta trả lời, rồi cũng tự đưa tay để các con gái quan đốc hôn. Hai cô gái phủ đầy mình các loại đá quý mà bất kỳ cô tiểu thư nào của chúng ta cũng phải ghen tỵ. Tôi ngạc nhiên, người Pháp cần ủng hộ những thủ tục ngu ngốc này để làm gì; cứ để cho người An Nam hôn tay người của họ, nếu họ thích! Quan đốc nhắc lại lời mời tôi dùng bữa, và vẫn chưa hài lòng với điều này, một giờ sau chuyến thăm của chúng tôi, một lần nữa lại gửi lời mời bằng văn bản. Tôi giữ lại vì nó rất điển hình: giữa các chữ màu đen và màu đỏ, vẽ người đàn ông ngồi ăn trên sàn nhà, phía sau là người hầu. Lời mời, tất nhiên, là viết bằng chữ Trung Quốc. Ngay sau đó quan đốc cùng với thư ký và thông dịch viên tự đến thăm đáp lễ. Cuộc trò chuyện, cũng như khi ở chỗ ông ta, không được gắn kết cho lắm, bởi vì thông dịch viên biết tiếng Pháp kém, nhầm lẫn và rất rụt rè. Nhìn thấy tôi nói chuyện thoải mái với công sứ, không cần thông dịch viên gì cả, quan đốc ngạc nhiên và muốn biết: làm thế nào mà chúng tôi - những người của các dân tộc khác nhau - lại hiểu được nhau. Ông ta rất ngạc nhiên khi biết rằng ở Nga, tiếng Pháp rất thịnh hành, về nước Nga, hiểu biết của ông ta rất tù mù, chỉ biết rằng đây là nước lạnh nhất trong tất cả các nước. Biết được từ công sứ rằng nước Nga không lệ thuộc cả Trung Quốc, cả Anh, cả Pháp, ông ta thấy điều này rất lạ và hỏi: tại sao không chiếm lấy nó? Ông công sứ mỉm cười, nói rằng vào thời điểm này không có khả năng như vậy, rằng nước Nga rộng lớn và mạnh mẽ, và không dễ dàng gây chiến với họ. Nghe xong ý kiến này, quan đốc nhìn tôi ngượng ngùng và bắt đầu đối xử với tôi đầy vẻ tôn kính. Buổi tối, rất nhiều người châu Âu đến chỗ ông dự tiệc. Hai cô con gái của viên quan này xuất hiện rất lộng lẫy với quần áo đẹp và những vòng hoa tươi quanh cổ. Họ một lần nữa hôn tay chúng tôi, nhưng chỉ đến gần tôi và ông thống đốc, còn với những người khác chỉ chào lấy lệ. Họ cũng không ngồi cùng bàn với chúng tôi, thậm chí là đi đâu đó về phòng mình; sau đó lại xuất hiện và mang cho chúng tôi rượu vang và hoa quả. Dự tiệc có một bà đầm, người phụ nữ Pháp duy nhất sống ở Vinh; còn có nhà du lịch nổi tiếng Mase, đã đi khắp nước Xiêm, khẳng định ảnh hưởng của Pháp ở Bắc Lào và thành lập văn phòng thương mại đó. Làm quen với tôi, ông được gọi là bạn của Vogue[62] và nói thêm: “N’est ce pas qu'il est l’ami des Russes?”[i11]. Tôi trả lời: “Que s’il est l’ami des quelques Russes, il n’est joint le mien”[i12]- rằng, mặc dù tôi thừa nhận ông có trí tuệ sáng và sâu sắc, nhưng với tư cách là một nhà văn, tôi nghĩ rằng, ông ấy kiêu ngạo và nghĩ quá nhiều về bản thân; rằng ông ấy thích đánh giá văn học Nga với cái nhìn trịch thượng và thường là không hiểu đầy đủ sự việc. Nghe tôi nói như vậy, Mase thôi chuyện với tôi luôn (vì họ coi Vogue như là một ông thánh). Dự bữa tiệc còn có ba viên quan người An Nam, nhưng quan đốc sắp xếp họ ở đâu đó phía cuối bàn, vì vậy chẳng thấy họ đâu. Chúng tôi đến dự tiệc muộn, đợi cho cơn mưa nặng hạt chấm dứt, vì phải đi bộ, mà cũng không phải là gần lắm. Xe ở đây, tất nhiên, là không có. Đúng 7 giờ, quan đốc gửi người đến và nói là đang chờ chúng tôi, mặc dù mưa chưa tạnh hẳn, nhưng buộc phải đi để không xúc phạm đến ông già đáng kính. Quan đốc dự tiệc với chiếc áo choàng màu đen, có lẽ sợ làm ướt chiếc màu xanh. Ông sắp xếp tôi và ông công sứ ngồi đối diện nhau ở chỗ trang trọng; ông ngồi bên phải tôi, còn bên trái là Mase; ông xếp bà đầm duy nhất ngồi cạnh ông công sứ và ở phía kia là một viên chỉ huy nhà binh người Pháp. Tất cả các món ăn, như thường lệ ở An Nam, được đặt trên bàn và tất cả mọi người phải lấy từ đó bằng đũa hoặc thìa, một lúc sau người ta cũng mang dao và nĩa đến. Uống rượu vang đỏ và rượu sâm banh. Bữa tiệc kéo dài không lâu, và sau đó là phần văn nghệ. Vừa đứng dậy khỏi bàn, quan đốc đưa chúng tôi đến một căn phòng nhỏ, hình tròn với những cái lỗ; căn phòng được trang trí rất đẹp bằng đèn lồng Trung Quốc. Ở đó, họ mời trà, và các vũ công đến, cũng với đèn trên vai như ở các thành phố khác, cũng chân trần và trong trang phục đầy màu sắc với dải băng; tất cả bọn họ đều rất trẻ và đáng yêu, các điệu múa của họ không khác với những gì tôi từng thấy trước đây là mấy. Múa khoảng nửa giờ, họ đi thay quần áo, còn chúng tôi được mang cho thứ bia nóng khá tệ (rõ ràng là quan đốc thích bắt chước phong cách châu Âu). Nhân nghỉ giải lao, tôi gọi một trong hai cô con gái của quan đốc để nói chuyện. Tôi nói rằng, tôi rất thích những cái vòng của cô ta; cô ta tháo vòng đeo chân, đeo tay, đưa cho tôi xem, và nói: “Toi savoir Capitaine, passé deux semaine beaucoup battre serviteur vole bagues fort”[i13]; lúc đầu tôi không hiểu, và bắt chước cách nói tiếng Pháp giả cầy của cô, tôi hỏi: “Toi battre serviteur pour quoi?”[i14] “Vole bagues” - cô kêu lên, “moi beaucoup battre verger bambouc mon serviteur”[i15]. Cuối cùng, từ cách giải thích khác nữa, tôi hiểu rằng cô đã trừng phạt người hầu của mình bằng gậy tre (cá đu lưới) vì tội trộm nhẫn. “Chính tay cháu đánh nó à?” - tôi hỏi. “Cần gì phải cháu” - cô ta trả lời, “cháu có hầu gái làm việc đó”. Và cô tự mãn nói thêm: “Sẽ không trộm nhẫn thêm nữa, vì nó bị đánh ra trò, vất vả lắm mới đứng lên được, đến bây giờ vẫn còn ốm”. “Sao cháu không động lòng khi thấy người bị đánh?” - tôi ngạc nhiên hỏi. “Lại còn thương tiếc kẻ trộm nữa kia đấy” - đến lượt cô ta ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi. “Cháu luôn luôn trừng phật tất cả bọn phạm tội”. Một tiểu thư nghiêm khắc - chẳng có gì để nói cả! Thậm chí trở nên đáng sợ khi nghĩ thế này: mới ở tuổi 16 mà đã có sự đồi bại đạo đức này, thì cháu sẽ thành người thế nào, cháu Nương tội nghiệp? Cháu sẽ là một kẻ vô lại khủng khiếp mức nào, một khi hiện nay cháu mới là nửa trẻ con, nửa người lớn, mà đã ác độc, tàn nhẫn như thế! Họ, những kẻ độc ác được hình thành như thế đấy! Và ở nước Nga của chúng ta, tôi biết năm hoặc sáu linh cẩu như thế! Họ, giả sử mà được quyền, chắc cũng sẽ thể hiện bản thân như vậy. Tôi biết một cô đã đẩy một nữ đầy tớ vào tù mấy tháng trời vì tội ăn cắp cái trâm đính kim cương rởm. Tôi cũng biết một cô khác vừa cười vừa khoái trá kể chuyện một người đã uống thuốc độc tự tử vì thất tình với cô ta ra sao. Tôi còn biết một người nữa có tài sản kha khá, đuổi người bố già tội nghiệp khỏi nhà, không muốn biết gì đến ông, chỉ vì ông làm ảnh hưởng tới danh dự của cô ta vì sự nghèo túng của mình, các vị biết không! Này, ba cô khi đọc những dòng này, hãy biết rằng, ở An Nam có người đồng điệu xứng đáng, thậm chí còn có thể vượt các cô đấy. Kể xong chuyện đánh người hầu, cô bé vui vẻ chạy sang phòng khác lấy cho tôi cốc rượu sâm banh. Cô chị cũng chạy sang và mang cho tôi mấy quả nho, vải thiều; nho thì tươi, còn vải thiều đã sấy khô... Khi nào thì tôi mới được thử vải thiều tươi. Hai cô bé nói rằng, vải thiểu sẽ chín cùng với dứa vào tháng tới, nghĩa là tháng Năm. Chúng ta sẽ chờ thôi, biết làm gì được! Lúc sau các cô bé đi ra, nói phải trông chừng vũ công thay trang phục. Các nhạc công An Nam chơi dòng nhạc hành khúc ầm ĩ bằng nhạc cụ kỳ dị, và mười lăm phút sau các vũ công xuất hiện trở lại trong các trang phục khác nhau, nổi bật bởi sự sặc sỡ không thể tin được của màu sắc. Một cô ăn mặc kiểu nữ hoàng, trên đầu là lông chim trĩ[63] dài, dựng đứng có thể chạm trần nhà, những người khác mặc quân phục là lính của cô ta với các loại vũ khí trong tay. Ở phía bên kia là những người lính được một vị vua trẻ chỉ huy đang biểu diễn. Tất cả các vai đều do phụ nữ đóng, họ vừa nói, vừa hát, có khi hét lên. Vở kịch kéo dài khủng khiếp; nội dung chính có lẽ là vương quốc phụ nữ nổi loạn khiêu chiến với vương quốc đàn ông, nhưng kết thúc là vua và nữ hoàng yêu nhau. Tất nhiên là không thể hiểu được gì từ chính vở diễn, và tôi chỉ đoán nội dung cơ bản từ cách giải thích ngắt quãng của hai cô con gái quan đốc. Chờ cho đến khi kết thúc vở kịch cũng là không thể, nó đe dọa kéo dài đến sáng, chúng tôi tỏ lòng ngưỡng mộ trong hai giờ rồi cúi chào quan đốc, cám ơn ông vì đã mang lại sự thú vị, chúng tôi ra về. Những người hầu của ông tiễn chúng tôi đến tận phòng ở, soi đường bằng đuốc. Chia tay tôi, hai cô con gái quan đốc tặng tôi chiếc khăn quàng bằng lụa màu xanh được làm ở địa phương, và thông báo rằng, một số người trong đoàn vũ công là tỳ thiếp của cha mình, và rằng ông sẵn sàng bán họ, nếu thống đốc Pháp cho phép, bởi vì ông không cần. Tôi mỉm cười với sự thẳng thắn ngây thơ này; tất nhiên là không có gì phải trả lời; tôi biết rằng người Pháp truy nã nghiêm ngặt bất kỳ sự mua bán nô lệ nào, hơn nữa, đây lại là nữ nô lệ; họ đã phải làm ngơ chế độ đa thê ở An Nam chỉ cốt để phụ nữ không bị chuyền từ tay người này sang tay người khác. Ngày hôm sau, công sứ tổ chức tiệc ở nhà mình, tất cả quan lại đều được mời; họ đến cùng với quà tặng: mấy hộp chè và quế thanh. Quế ở địa phương này cũng nổi tiếng, rất đậm và ngon, tôi đặc biệt hài lòng với món quà này. Cần phải có đi có lại, và tôi, theo lời khuyên của công sứ, tặng họ vài cái dao nhíp, kéo và dao găm được sản xuất ở châu Âu, con gái quan đốc thì tôi gửi cho mỗi người một miếng xà phòng và một thỏi son. Tất cả những thứ này đều được tìm thấy ở chỗ ông Mase, trong cái cửa hàng di động trên thuyền, và cùng với nó, ông ta đi sâu vào nội địa. Trong bữa tiệc, ông công sứ muốn đề cao quan đốc An Nam, và như thường nói: “lui donner une contenance”[i16], nhưng ông vẫn tiếp tục là một người khiêm nhường và nhút nhát. Trong các thực khách là quan lại ngồi đây với chúng tôi, có một người trước đó từng là tù binh của bọn cướp, và chỉ được giải thoát sau khi nộp một khoản tiền chuộc lớn. Ngày hôm sau cần phải lên đường đi tiếp. Tôi đã rất chán đi trên con đường dọc bờ biển được gọi là đường cái quan, bằng phẳng, đơn điệu; và tôi đã nói với ông khâm sứ là tôi muốn rời khỏi con đường đó để đi vào sâu nội địa và đi qua khu rừng nhiệt đới nguyên sinh. Được cảnh báo rằng, điều đó rất nguy hiểm, tôi nói chính sự nguy hiểm đó thu hút tôi, tôi xem mạng sống của mình chẳng là gì cả. Bàn luận với nhau một lúc, rồi bằng điện tín với công sứ Đồng Hới, người Pháp quyết định để tôi đi đến đó. Hỏi han chính quyền An Nam về con đường đó, họ biết rằng, tuy nguy hiểm, nhưng có thể đi qua được. Đó là cách rẽ về phía phải thị trấn Hà Tĩnh, để làm điều này, ông công sứ trang bị cho tôi lá thư viết cho viên đồn trưởng quân sự. Trong thư nói rằng, cần phải thiết lập đoàn hộ vệ không dưới 40 người và tìm những người dẫn đường, và lệnh cho viên đồn trưởng phải đi theo tôi, dù tôi muốn qua rừng chỗ nào, nhưng không được vượt ra ngoài khu vực của mình. Viên đồn trưởng chỉ có thể giã biệt tôi trong trường hợp chúng tôi gặp đoàn hộ vệ do công sứ Đồng Hới gửi tới. (Trong các khu rừng, ranh giới giữa các tỉnh không được phân định rõ ràng, và cái lệnh té ra rất mù mờ: một mặt, không được đi ra khỏi vùng của mình, mặt khác, không được rời bỏ trước khi gặp đoàn hộ vệ Đồng Hới.) Hà Tĩnh Thị trấn nhỏ này nằm cách thành phố Vinh 50 versta về phía Nam. Con đường đến đó không khác với những đoạn đường chúng tôi đã đi qua trước đây là mấy, và chính cái thị trấn nhỏ bé này cũng rất đỗi bình thường, bao gồm các khu nhà có tường bùn bẩn thỉu bao quanh, có hai - ba cửa hàng, nơi người ta buôn bán sản vật phố huyện. Giữa thị trấn có một cái ao đào lớn, và trồng si và các loài cây cọ. Luôn có người dân tắm rửa ở đó, ao khá sâu, nghe nói mới có một cô gái chết đuối ở đó. Trong thị trấn cả thảy chỉ có hai người Pháp, viên đồn trưởng và người giúp việc của ông ta, họ sống trong các doanh trại dựng ngay giữa chiến lũy trong thành. Ở đây cũng có quan lại, nhưng ít quan trọng hơn ở Vinh; họ đến để hỏi thăm tồi, mang cho trứng và chuối. Tất nhiên, tôi cảm ơn và hai giờ sau đó, cùng với hai người Pháp hộ tống, đến thăm người đứng đầu, những người còn lại đều tập trung ở đó. Chuyến thăm không kéo dài; các vị quan lại chiêu đãi tôi loại trà khá tệ, và theo phong cách châu Âu, lại cho đường, thành ra loại trà này quá kinh. Khi chúng tôi chuẩn bị đi lên đường và tất cả mọi thứ đã sẵn sàng, đột nhiên, một sĩ quan đáng yêu phi nước đại từ Vinh vào, truyền lệnh của công sứ thuyết phục tôi từ bỏ chuyến thám hiểm xuyên rừng. Hóa ra, các bạn thấy đấy, có tin tức về các cuộc đụng độ với bọn cướp trong rừng; viên sĩ quan tội nghiệp đã phải đi suốt đêm, khẩn trương khủng khiếp để kịp gặp tôi. Sự sốt sắng lẽ ra phải xứng với mục đích cao quí hơn! Tất nhiên, độc giả đoán được tôi đã trả lời anh ta thế nào: đi đến đó càng hay, có thể được nhìn thấy bọn cướp chính hiệu. Và nhìn chung, liệu có thể tỏ ra hèn nhát, tự thú nhận điều này trước mặt người khác, lấy cớ nguy hiểm, trở về, trốn vào nơi an toàn? Tôi phải nói thẳng với độc giả điều này: chính tôi sợ hơn mọi thứ trên đời là công nhận trong con người mình có trạng thái sợ hãi hay nhút nhát. Khi còn trẻ, một lần tôi đi tàu hỏa, một cơn giông rất lớn nổi lên. Lúc đó tôi đang sống cuộc đời rất vui vẻ, và tôi không muốn chết, trong một phút tôi nghĩ rằng, tôi ngay lập tức có thể bị sét giết chết, và tôi đưa tay ra để đóng cửa sổ cạnh tôi; tôi biết rằng, dòng điện không truyền qua thủy tinh, nhưng ngay lúc đó tôi kinh hoàng dừng lại, nhận thấy rằng, mình tỏ ra hèn nhát vì cái cơn giông ngu ngốc này; tôi lúc đó tỏ ra là một tên vô lại và ngu ngốc! Tôi sợ chết thế đó, muốn thoát khỏi ý Trời! Một khi Chúa đã phán quyết cái chết tức thì cho tôi, phải chăng tôi có thể thoát chết bằng cách đóng cửa sổ? Chính điều này giống như con đà điểu nghĩ rằng, có thể tránh bị phát hiện khi vùi đầu vào cát. Để tạo cho bản thân không sợ cơn giông ngu ngốc, ngay lập tức, tôi mở tất cả các cửa sổ trong toa xe (tôi đi một mình) và cầm tay vào chân nến bằng đồng, tôi biết kim loại thông qua gió thu hút dòng điện. Vậy là tôi ngồi suốt cả cơn giông, trong lòng nhút nhát, nhưng từ đó đến nay tôi không sợ những cơn giông nữa, tôi ghét chúng vì chúng vi phạm sự hài hòa trong tự nhiên, và như một dấu hiệu của sự hỗn độn, nhưng chúng không còn gây sợ hãi cho tôi. Tôi cũng dạy mình không sợ bệnh tật, khi đến bất cứ nơi nào tôi đều có thể vào các bệnh viện, và chủ yếu đến khu bệnh nhiễm trùng, đã một lần tôi bị sốt ban đỏ, nhiều lần khác thì qua. Vì vậy, tôi khuyên tất cả các bạn nên hành động thế này: sợ hãi cái gì, hãy xông vào cái đó; người Pháp gọi nó là “remonter son moral”[i17]. Thấy trước sự phản đối của những người biết ít về tôi! Họ sẽ nói với tôi: tại sao ngài không đi theo đường biển? Tại vì, các bạn độc giả của tôi ơi, tôi không sợ biển, mà đơn giản không thích vi phạm nguyên tắc , tôi hoàn toàn không cần biển, tôi đơn giản là bỏ qua nó như là một vật không cần thiết đối với tôi; còn nếu cần, tôi sẽ không phải suy nghĩ, sẽ đi theo đường biển ngay, dù trên con thuyền rách nát. Mà tôi đã từng đi theo cách này một chút, vượt qua vịnh Pa-de-Calais, Gibraltar, Messina vùng vịnh khi thủy triều xuống, hai eo biển Zund và Kerch. Tất nhiên, không có cuộc đi nào trong số đó kéo dài hơn 1 giờ rưỡi. Đội quân đề phòng mối hiểm họa lên tới 70 người, và đến cái làng phía trước, dự định lấy thêm 30 tay súng nữa. Người dắt dẫn chúng tôi là một viên quan có gương mặt gian giảo đáng ghét. Tôi nhận thấy rằng, ông ta thì thầm với viên sĩ quan vừa mới đến và viên chỉ huy người An Nam của mình; và tôi tin chắc rằng, y sẽ sử dụng mọi nỗ lực, mọi lực lượng để đưa tôi tránh xa nơi có chiến sự; tôi tin rằng, ông ta được lệnh tránh tất cả con đường nguy hiểm, nơi có thể gặp bọn cướp, và quyết định không nghe ông ta điều gì và sẽ cật lực phản đối ông ta. Những khu rừng nguyên sinh đầu tiên Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng, lần đầu tiên nhìn thấy, chúng thật tuyệt, tuyệt ở mức kỳ diệu; không thể nghĩ ra điều gì tốt hơn chúng... Nhưng nói trước để làm gì, tôi sẽ kể theo trình tự. “ Rời khỏi Hà Tĩnh 10 versta, chúng tôi đến ngôi làng mà đêm trước xảy ra đụng độ với bọn cướp; ở đó, giữa cánh đồng có một người bị bắn vào bụng, bị thương nằm ngay đó. Thậm chí không có ai nghĩ tới chuyện đỡ anh ta dậy và giúp đỡ điều gì. Khi tôi lưu ý điều đó với một người Pháp, ông ta ngạc nhiên kêu lên: “Làm sao lại có thể giúp đỡ kẻ tàn ác! Cứ để cho nó chết!” Rõ ràng, những người này chưa đến Yasnaya Polyana và chưa được làm quen với nhà triết học vĩ đại[64] của chúng ta. Họ hoàn toàn không được khai sáng về những mối quan hệ với đồng loại. Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được những người ở đây đưa anh ta vào lều, cho anh ta uống nước và rửa vết thương. Viên sĩ quan, thậm chí lắc đầu, nói với tôi: “Chính ngài làm hắn khổ thêm. Với hắn bây giờ có gì tốt đẹp đâu, hắn hồi phục sức khỏe và ta phải chặt đầu hắn”. Vâng, thực tế là có một sự cần thiết khủng khiếp không thể hiểu nổi. Khủng khiếp, đương nhiên không phải dành cho kẻ phạm tội, hắn ta, có lẽ tốt nhất là rời bỏ cuộc đời, nhưng còn những gì người đao phủ chịu đựng suốt cuộc đời vì đã giết người! Trong ngôi làng này còn có một tên cướp nữa bị bắt, hắn bị xích chân, và người ta chuẩn bị đưa hắn vào Huế để hành hình. Hắn chỉ khoảng 20 tuổi. Viên sĩ quan Pháp nhìn hắn, nói với tôi: “Tôi không muốn ở địa vị hắn, chẳng vui vẻ gì khi hắn phải chết trẻ như vậy!” “Có thể anh ta hạnh phúc” - một trung sĩ nghe chuyện của chúng tôi, nói. “Có lẽ anh ta sung sướng kết thúc cuộc sống lang bạt của mình và sang thế giới không có buồn phiền, lo lắng”. “Chỉ có một điều đáng tin” - tôi lưu ý với họ, “là giết chết anh ta, các anh không chắc sẽ đưa anh ta đến đâu và chuẩn bị cho anh ta thứ gì!” Ôi, thật đáng sợ và không thể hiểu nổi con đường của Chúa; tên cướp chuẩn bị bị hành hình này đã sống lâu hơn hai người Pháp đang can đảm bàn luận về số phận của anh ta! Nhưng về điều này sẽ nói sau. Vượt qua 10 versta nữa, cuối cùng chúng tôi cũng bước vào khu rừng nhiệt đới rậm rạp tuyệt vời. Vẻ đẹp thực vật xích đạo không bút nào tả xiết! Ngôn ngữ của loài người bất lực trong việc miêu tả vẻ kiều diễm của nó! Người phương Bắc lưu lạc tới đây, đi như một người bị mê hoặc (tất nhiên, nếu anh ta có ý thức thẩm mỹ và không phải là kẻ thô lỗ), trên mỗi bước đi lại mở ra một bức tranh mới. Chúng tôi đi như thể trong một hành lang hẹp của màu xanh, mặt trời không nhìn thấy được, cả bầu trời được ken dày những loại dây leo, uốn khúc giữa cây, giống như một con rắn, và nhiều cây được ủ bởi mùi thơm của hoa, tỏa vào không gian xa thẳm; ở đâu đó, trong trảng cỏ có thể nhìn thấy những con công hoang dã nhất, và trên ngọn cây là những con vẹt; gần các con suối là hàng đàn bướm đầy màu sắc bay lượn, chúng tuyệt vời đến nỗi muốn hôn từng con. Con đường chạy qua địa hình đồi núi và dốc, chúng tôi buộc phải nhiều lần lội qua cùng một con suối đó, đôi khi nước sâu tới thắt lưng, nhưng nước ấm áp và dễ chịu. Trời ngả về chiều, những con đom đóm bắt đầu bay lượn, ở đây chúng lớn hơn ở châu Âu nhiều, nơi bụng chúng tỏa sáng một ngọn lửa màu xanh nhạt. Nikolai Gogol[65] đã miêu tả thật tài tình thiên nhiên cực Bắc nhợt nhạt, đơn điệu và nghèo nàn. Ông sẽ nói gì nếu ông được đến đây! Đến thiên đường trên mặt đất này?! Tất cả mọi thứ trong khu rừng đáng yêu này đều quyến rũ, thậm chí cả loài vắt, từng đàn quăng mình nhào vào bắp chân chúng tôi, cũng không làm hỏng niềm khoái lạc dâng lên trong lòng chúng tôi, những người lần đầu tiên đi du lịch trong rừng nguyên sinh xích đạo chính hiệu.[66] Tuy nhiên, tôi nói chúng tôi là uổng công, bởi vì người đầy tớ trung thành của tôi, Ludvig, từ những bước đầu đã nâng ly với viên đội Pháp vì liên minh Nga - Pháp, đã uống đến mức gần như bất tỉnh và gần như không nhìn thấy gì dưới chân anh ta. Những con vắt bò trên cổ, trên tay áo, trên tai anh ta; và anh ta cũng chỉ hạn chế bằng những lời chửi chúng là đồ hèn hạ và hút máu, quả thực anh ta đã không sai bởi chuyên môn của loại này chính là hút máu. Trước đây tôi đã từng nghe nói về sự phong phú của loài vắt trong rừng nhiệt đới, nhưng chỉ mới gặp chúng trong chuyến thám hiểm này. Chúng cực kỳ đáng ngán, bò xuống chân, chui vào tất, nhảy lên đầu, lên tay bạn từ trên cành cây. Chúng cắn hầu như không thấy đau, vết thương gần như lành ngay, nhưng khủng khiếp là máu chảy nhiều; phải gỡ chúng ra bằng tay, xoa xoa thì không ăn thua gì, chúng bám rất chắc. Dân bản địa đã quen với chúng, họ hầu như không để ý đến chúng. Một cô gái làm phu khuân vác ở chỗ chúng tôi bị vắt bám đầy bắp chân, máu chảy bê bết; khi tôi chỉ cho cô, cô cũng chẳng thèm dừng lại, chẳng mất công gỡ chúng ra. Động vật nhạy cảm với vết cắn của vắt hơn, đặc biệt là ngựa và voi. Những con voi khéo léo dùng vòi bứt vắt ra khỏi da. Điều buồn cười: voi hoàn toàn không cảm nhận cú đánh bằng roi, bằng gậy, bằng dùi, bằng dao; trong khi đó lại rất nhạy cảm với các vết cắn của vắt, rắn và muỗi. Trong chuyến đi này, một vị quan người An Nam hộ tống chúng tôi, bắt được một người đi ngược chiều, nghi là bọn cướp, ra lệnh trói anh ta, giải theo đoàn chúng tôi; người này ngoan ngoãn cúi đầu đi. Chúng tôi dừng lại nghỉ đêm đầu tiên ở nương chè, giữa rừng, tìm được bốn túp lều lót bằng lá chuối khô. Những người dân thấy chúng tôi, bỏ chạy vì sợ, và những người lính đã tận dụng điều này, chiếm tất cả gạo và ngô dự trữ của họ. Viên chỉ huy người Pháp nói với tôi rằng, không phải thương tiếc những người này, bởi vì họ có thể là bọn cướp, sống bằng nghề cướp bóc. Như thể để khẳng định lời của viên chỉ huy, chúng tôi tìm thấy trong lều của họ hai khẩu súng và một con dao săn lớn. Ban đêm, rất nhiều lính được cắt cử canh gác và đốt lửa xung quanh trại. Mối nguy hiểm không chỉ xuất phát từ bọn cướp, mà còn xuất phát từ hổ, báo, rắn và nhiều thứ khác trong khu rừng. Tôi ra lệnh mắc võng của mình lên cây và ngủ dưới bầu trời. Viên sĩ quan Pháp không chấp nhận ngủ kiểu này, anh ta chui vào căn nhà (lều) ngủ; anh ta khẳng định rằng, khu rừng này khí rất độc, luôn tạo ra dịch sốt, và thường kết thúc bằng cái chết. Thật tội nghiệp, lúc đó anh ta không biết rằng, lời nói của anh ta sau này ứng nghiệm đúng như thế! Lúc đó tôi không tin lắm vào sự nguy hiểm của dịch sốt, cái chính là những thông tin về dịch sốt và nguyên nhân gây sốt được đưa ra rất tù mù và mâu thuẫn: người thì cho rằng vì cái nóng và độ ẩm; kẻ thì khẳng định là do nguồn nước trong rừng, ai đó lại cho rằng, vì hoa quả. Chỉ sau này, bằng bản thân mình, tôi đã học được về căn bệnh này và nguyên nhân của nó. Ba ngày tiếp theo, chúng tôi đi dọc theo thung lũng rộng giữa những ngọn núi, ở một số nơi được bao phủ bởi thảm thực vật màu mỡ, ở những chỗ khác không hiểu vì sao nó bị cháy trụi và mặt trời rọi xuống không thương tiếc; ở vài nơi, chúng tôi đi qua các dấu vết của voi rừng (ở An Nam voi là vật nuôi, như ngựa và lạc đà của chúng ta, được sử dụng để chuyên chở đồ nặng hay làm việc đồng áng; ở những nơi khác, chúng cày ruộng và đập lúa; voi rừng rất hiếm, chúng đe dọa nền văn minh, bởi vì tuy không làm tổn hại đến người dân bản địa nhưng chúng ghét những cây cầu, lều trại và cột điện. Hễ nhìn thấy là chúng phá; hơn nữa, voi nhà cũng phá cột điện tín, vì vậy ở An Nam điện tín hầu như không hoạt động. Người Pháp đã thử đánh lừa voi là không dựng cột điện, chỉ đơn giản treo dây lên cây, nhưng cả điều này cũng chẳng giúp được gì. Chúng tôi gặp rất ít nhà ở, đồng lúa cũng hầu như không thấy, chúng được thay thế bằng ngô và khoai môn taro.[67] Nhìn chung, những thứ canh tác chẳng có nhiều. """