" Du Ký Việt Nam 3 - Nguyễn Hữu Sơn PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Du Ký Việt Nam 3 - Nguyễn Hữu Sơn PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Lời nói đầu Du ký là một thể tài đặc biệt của văn học. Một tác phẩm du ký hay không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục và đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội nữa. Nói cách khác, du ký cùng với bút ký, hồi ký, nhật ký, ký sự, phóng sự, tùy bút… nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học. Đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam chuyển mình sang hướng hiện đại hóa trên cơ sở chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn học phương Tây, thì cùng với thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch,… các tác phẩm tùy bút, du ký… cũng rất phát triển. Trên những điều kiện xã hội thuận lợi như đội ngũ đông đảo của những người cầm bút, sự nở rộ của báo chí, nhà in, nhà xuất bản… việc xuất hiện những tác phẩm hay, có giá trị ở mọi thể loại là điều tất yếu và dễ hiểu. Cũng cần phải lưu ý đến nhận xét của Lại Nguyên Ân khi ông cho rằng “Sáng tác văn học thể ký thường thịnh hành ở các giai đoạn văn học sử ứng với thời kỳ xã hội có sự 5 khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp sống mới, làm tăng cường chú ý đến sự miêu tả các thói tục”(1). Có thể xem đó là một nguyên nhân, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng các thể tài này cũng khó có sự phát triển mạnh nếu như không có sự đỡ đầu của báo chí. Một minh chứng dễ nhận thấy nhất là sự xuất hiện đều đặn, thường xuyên của mục Du ký trên Nam Phong Tạp chí. Những đóng góp trong việc xây dựng một nền quốc văn mới, phổ biến học thuật, giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử… của cả Á và Âu trong những năm đầu thế kỷ XX của Nam Phong Tạp chí là điều đã được ghi nhận. Tồn tại 17 năm, từ năm 1917 đến năm 1934, Nam Phong Tạp chí đã thực sự để lại một dấu ấn tinh thần trong tâm trí của nhiều độc giả. Với uy tín của một tờ báo chuyên về học thuật, uy tín của một học giả làm chủ nhiệm kiêm chủ bút như Phạm Quỳnh, Nam Phong Tạp chí đã được sự cộng tác của nhiều cây bút từ Bắc vào Nam. Mục Du ký trên tạp chí cũng không là một ngoại lệ. Những tên tuổi viết cho mục này như Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đông Hồ, Mộng Tuyết… sau này đều được lịch sử văn học lưu danh. Và chính bản thân người khởi xướng ra mục này là Phạm Quỳnh đã có những tác phẩm du ký xuất sắc mà ngày nay với độ lùi ngót một thế kỷ, khi đọc lại, người đọc vẫn thấy thích thú, hào hứng. 1. Lại Nguyên Ân. 150 thuật ngữ văn học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, trang 180. 6 DU KÝ VIỆT NAM Bản thân hai chữ du ký đã có một nội hàm rất rộng. Trên Nam Phong Tạp chí, người đọc thấy có những bài du ký viết về thắng cảnh của một địa phương, mang tính chất địa lý, lịch sử như Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của Nguyễn Văn Bân, loạt bài viết về phong cảnh Hà Tiên của Đông Hồ, Mộng Tuyết… những bài viết về những chuyến đi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam lúc bấy giờ như Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Pháp sáu tháng, Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác lấy bối cảnh Thái Lan (Siam), Nhật Bản, Trung Quốc, Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến thì miêu tả một chặng đường dài từ Hà Nội lên Hải Phòng, đi tàu thủy vào Sài Gòn, sang Campuchia, lên Lào… Có những bài du ký chỉ miêu tả một chuyến đi ngắn chừng một ngày, vài ngày, có những bài du ký dài kỳ, miêu tả những chuyến đi dài từ vài tháng đến vài năm… Có những bài du ký thuần chất văn học, mang nặng cảm hứng nghệ sĩ, nhưng cũng có những bài du ký mang dáng dấp của một bài khảo cứu văn hóa, phong tục tập quán… Không như thể loại thơ mới hay tiểu thuyết hiện đại vốn được du nhập từ văn học phương Tây, nét đặc thù của thể tài du ký trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ nói chung và trên Nam Phong Tạp chí nói riêng là sự kết hợp giữa cách viết, cách tư duy giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây. Vẫn có những câu văn 7 biền ngẫu, đăng đối, nặng từ Hán Việt, những bài ngâm vịnh theo lối cổ, những trang viết tương tự như địa chí, địa bạ v.v… bên cạnh những ghi chép sinh động, hấp dẫn, đôi khi pha chút hóm hỉnh và chêm cả vào những câu tiếng Pháp, rất gần gũi với cách hành văn của những nhà văn Pháp. Nhưng đa phần các bài du ký đã thể hiện một lối viết tiếng Việt trong sáng, nhuần nhị và cho thấy ở thời điểm này, văn chương quốc ngữ đã thực sự được định hình. Những tác phẩm du ký trên Nam Phong Tạp chí cho thấy các tác giả đã kế thừa được truyền thống của văn học thời trung đại với những tác phẩm như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề… Không xem những tác phẩm của mình viết ra chỉ để góp vui, để cho độc giả cùng thưởng lãm, nhiều tác giả viết du ký đã cho thấy một cách viết chỉn chu, nghiêm túc, với quan niệm “cái buổi du lịch này, cứ coi bề ngoài thì không đáng đem ra công cáo, nhưng vì có cái hy vọng về tiền đồ kinh tế kỹ nghệ, ngôn ngữ văn chương, phong tục xã hội nước nhà, mà cái nghĩa vụ lương tâm của chúng tôi nó xui nên phải viết vậy” (Nam Tống du đàm - Trần Thuyết Minh). Đây cũng là một nét rất riêng của những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí và qua đó thể hiện rõ nét tôn chỉ của tờ báo. Cũng không thiếu những nhận xét tinh tế như: “Ở Sài Gòn thật là có cái 8 DU KÝ VIỆT NAM cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối Tàu. Còn các châu thành khác ở Lục tỉnh thì những nơi quan sở là Tây mà chốn phố phường là Tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về những phương diện đó thì những nơi đô hội Bắc Kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn” (Một tháng ở Nam Kỳ - Phạm Quỳnh). Một nhận xét ngắn mà khái quát được nhiều điều, cho thấy được một bức tranh toàn cảnh Nam Bắc trong một giai đoạn lịch sử. Có thể khẳng định, những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí không chỉ có giá trị về mặt văn học mà còn có giá trị trên nhiều phương diện khác như khảo sát địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán… phản ánh được những tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người, qua đó, phần nào khắc họa được chân thực chân dung xã hội của một thời đại. Trên ý nghĩa này, công trình sưu tầm, giới thiệu những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, một chuyên gia có uy tín trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam, là một công trình xứng đáng nhận được sự quan tâm sâu rộng không chỉ của công chúng yêu văn học mà còn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, khi đọc những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí, chúng ta không thể bỏ qua những yếu tố lịch sử, xã hội đã chi phối đến từng câu văn, lối viết của các tác giả. Trong khung cảnh của 9 một xã hội thuộc địa, nửa thực dân, nửa phong kiến, với việc phân chia đất nước thành ba miền, chia để trị, chế độ kiểm duyệt khắt khe, việc đây đó vẫn có những dòng chữ ca ngợi Nam triều, ca ngợi nước Pháp và người Pháp như là những người có công đi bảo hộ, khai phá văn minh… là điều dễ hiểu. Vì tôn trọng những yếu tố chân thực của lịch sử, Nhà xuất bản Trẻ xin phép vẫn giữ nguyên không lược bỏ những đoạn viết này. Bởi vì, tất cả những điều đó cũng trở nên vụn vặt, mờ nhạt đi bên cạnh những dòng chữ tha thiết, nồng nàn: “Huống chi tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương” (Một tháng ở Nam Kỳ - Phạm Quỳnh). Như vậy, đủ hiểu rằng, động lực của những người cầm bút trên hết vẫn là động lực của tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi. Với tinh thần đó, Nhà xuất bản Trẻ hân hạnh được giới thiệu công trình “Du ký Việt Nam - Nam Phong Tạp chí” đến với đông đảo bạn đọc gần xa. NHÀ XUẤT BẢN TRẺ 10 DU KÝ VIỆT NAM Lời giới thiệu 1. Trong truyện ngắn “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một đoạn như thế này: “Đường về, vợ tôi bảo xe đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới được đi xa thích lắm. Ông bảo: “Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: “Tại chú quen đấy, ở nơi khác người ta cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội”. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi này yêu nơi kia. Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù”… Như thế là nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu xê dịch Đi và Xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia” - cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký. 11 2. Một cách khái quát, các nhà lý luận xác định: “Du ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến (…) Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học (…). Dạng du ký khác đậm đà phong vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh đất nước (…) Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII-XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành” (Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục, H, 1992). Định nghĩa trên đây đã khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất của du ký - mà chúng tôi duy danh là thể tài du ký. Tuy nhiên, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được 12 DU KÝ VIỆT NAM hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứ, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hóa học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hóa văn nghệ dân gian khác nữa. Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung hiện thực lẫn phong cách thể loại. 3. Trong nền văn học trung đại Việt Nam đã có nhiều sáng tác thuộc thể tài du ký như thơ ca đề vịnh phong cảnh Thăng Long, núi Bài Thơ, Yên Tử, Hoa Lư, sông Hương núi Ngự, Gia Định, Hà Tiên… Qua mười thế kỷ đã xuất hiện nhiều tác gia, tác phẩm nổi bật như Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334); Bài ký tháp Linh Tế núi Dục Thúy của Trương Hán Siêu (? - 1354); Tịnh cư ninh thể phú và Đại Đồng phong cảnh phú của Nguyễn Hàng 13 (thế kỷ XV-XVI); Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích (1706-1780) và nhiều tác giả khác; Nam trình liên thi tập của Ngô Thì Ức (1709- 1736); Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789); Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720-1791); Nhị Thanh động phú, Tây Hồ phong cảnh phú của Ngô Thì Sĩ (1726-1780); Tụng Tây Hồ phú, Ngự đạo hành cung nhật trình của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808); Bài ký chơi núi Phật Tích của Nguyễn An (1770-1815); Gia Định tam gia thi của Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức (thế kỷ XVIII-XIX); Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ (1821-1882); Ghi về vương quốc Khơ-me, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Dậu (1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898); Như Tây nhật trình, Chư quốc thạc hội của Trương Minh Ký (1855-1900); Hương Sơn hành trình của Chu Mạnh Trinh (1862-1905) v.v… Bước sang thế kỷ XX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ. Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Nam Phong Tạp chí, 1917- 1934, Trung tâm Học liệu ấn hành, Sài Gòn, 1968, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký - còn được ông gọi là du hành - trên Nam Phong Tạp chí: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam Phong, chúng 14 DU KÝ VIỆT NAM ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng… Với thời gian, hẳn những tài liệu này càng ngày càng trở nên quý hóa đối với chúng ta… Trong mục Du ký này, phải kể bài Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Lại tới Thần kinh của Nguyễn Tiến Lãng; Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, và nhất là Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh”… Chính thông qua các chuyến đi, các cuộc giao lưu mà mỗi người vừa tăng thêm nhận thức và niềm tự hào dân tộc, vừa chiêm nghiệm và chứng nghiệm được đầy đủ tình nghĩa đồng bào. Trong một chuyến tới thăm Hà Nội, ông Nguyễn Tử Thức là chủ bút Nam Trung nhựt báo ở Sài Gòn đã phát biểu: “Thiệt chúng tôi không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tú như vầy. Là bởi xưa nay chưa đi khắp nên chưa biết, chưa biết bờ cõi nước ta to rộng, nhân dân nước ta đông đảo là dường nào. Tới nay mới biết, càng biết mà cái cảm tình đối với tổ quốc càng chan chứa biết bao!... Khi tới Tourane, khi tới Hải Phòng, quanh mình toàn những người bổn quốc, cùng ăn bận như mình, cùng nói năng như mình, nhận ra mới biết người với mình, mình với người, tuy ăn ở xa nhau mà cũng là người một 15 nòi một giống, chớ đâu” (Thượng Chi: Cùng các phái viên Nam kỳ. Nam Phong, số 32, tháng 2-1920; tr.126)… Lại nói như bài Cảnh vật Hà Tiên, do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục, đã mở đầu bằng niềm tự hào: “Tỉnh Hà Tiên có nhiều cảnh đẹp, có bãi dài biển rộng, hồ trong núi biếc, mỗi cảnh đều có vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hóa… Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ. Cảnh núi như Thạch Động có các kỳ quan quái thạch, núi Bình San, núi Tô thì có cỏ đẹp hoa thơm…”. Niềm tự hào trước vẻ đẹp quê hương xứ sở của tác giả cũng đồng điệu với tấm lòng người chủ báo qua mấy dòng đề tựa đầy ý nghĩa: “Muốn cho con trẻ yêu mến nước nhà thì phải cho con trẻ thông thuộc nước nhà, hiểu biết cả lịch sử, địa lý, lễ giáo, phong tục; nhỏ từ cách sinh hoạt trong dân gian; lớn đến các kỷ cương về đạo lý, ngõ hầu mới có lòng thiết tha đến nơi quê hương tổ quốc của mình. Lại trước khi biết đến cái tổ quốc lớn là toàn thể quốc gia, phải biết cái tổ quốc nhỏ là nơi địa phương mình sinh trưởng đã” (Nam Phong, số 150, tháng 5-1930; tr.145)… Rõ ràng là vượt qua những áp đặt tuyên truyền tư tưởng chính trị “Pháp - Việt đề huề” và hạn chế lịch sử không tránh khỏi, phải ghi nhận các trang du ký trên Tạp chí Nam Phong đã tiếp nối được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc từ cội nguồn văn học ông cha. Trong một chừng mực nhất định, nhiều trí thức cựu học và tân học 16 DU KÝ VIỆT NAM đã biết lợi dụng diễn đàn công khai để khơi gợi và giáo dục tình cảm yêu nước, nhắc nhở lại truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm thông qua việc du ngoạn, thăm viếng, tưởng niệm các danh nhân đất nước (An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…) và các di tích lịch sử (Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, hồ Hoàn Kiếm, Hoa Lư, lăng điện xứ Huế, danh thắng Banà, Ngũ Hành Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Phú Quốc, Thạch Động, Hà Tiên)… 4. Cùng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí và chính cơ sở kinh tế xã hội đã cho phép thể tài du ký có điều kiện hưng khởi. Các tác giả viết du ký vừa nhằm thỏa mãn hứng thú nội tâm, trình bày những cảm xúc cảm nhận riêng tư vừa hướng tới giới thiệu những điều trải nghiệm tai nghe mắt thấy liên quan tới mỗi thắng cảnh và di tích lịch sử. Đó cũng là bạn đọc cũng sẽ hướng dẫn đi tham quan, du lịch, hành hương về Xứ Đẹp và cội nguồn Lịch Sử Dân Tộc nhờ chính các trang du ký. Trên cơ sở giao thông từng bước phát triển mà nhu cầu hiểu biết, giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng từ Bắc vào Nam, từ nơi đồng bằng đến miền núi, từ vùng sâu vùng xa tới thị thành, từ trong 17 nước cho tới nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng được đi xa nhờ các phương tiện ô tô, xe lửa, tàu thủy, tàu bay vốn gắn liền với kỹ nghệ thời hiện đại đã đem lại cho người viết biết bao những cảm xúc mới lạ, hấp dẫn. Nhu cầu ĐI (kể cả thời gian, cách thức và phương tiện) và XEM (xem gì, khả năng chiều sâu nhận thức và hiểu biết, khám phá về xứ sở du lịch) đã kích thích mạnh mẽ tâm thức sáng tạo của các nhà du hành. Người đọc hôm nay có thể hồi cổ và đồng cảm với tâm tình người xưa qua các du ký như Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn (Mẫu Sơn Mục N.X.H), Sự du lịch đất Hải Ninh (Trần Trọng Kim), Đi tàu bay (Phan Tất Tạo), Nam du đến Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Thuật), Thăm đảo Phú Quốc (Mộng Tuyết), Hạn mạn du ký (Nguyễn Bá Trác), Thuật chuyện du lịch ở Paris (Phạm Quỳnh)… 5. Như chúng tôi đã nhấn mạnh, thể tài du ký có thể thu nạp nhiều phong cách thể loại, bao quát nhiều điểm nhìn chủ thể tác giả và nội dung hiện thực khác nhau. Với các tác phẩm du ký trên Nam Phong Tạp chí, xin phân loại và dẫn giải thành mấy đặc điểm chính sau đây. - Có một dòng du ký mang tính quan phương, sự vụ, công vụ. Kiểu du ký này thường do các trí 18 DU KÝ VIỆT NAM thức, ký giả quan lại ghi chép. Mặt khác, vì Tạp chí Nam Phong chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của chính quyền đương thời nên buộc phải phát ngôn tiếng nói quan phương cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, các trang du ký này vẫn thể hiện được niềm tự hào dân tộc và cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp non sông đất nước. Hơn nữa, từ quan điểm lịch sử mà đánh giá sẽ thấy nhiều trang du ký như Cùng các phái viên Nam kỳ (Thượng Chi); Một tháng ở Nam kỳ, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật ký (Phạm Quỳnh); Tổng thuật về việc phái bộ Bắc kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh - Đông Hà, Lược thuật hành trình cuộc ngự giá Bắc Tuần, Ngự giá Nam tuần hành trình ký (Song Cử), Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn (Mẫu Sơn Mục N.X.H)…, lại thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hóa - xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến. - Có một dòng du ký viễn du - những chuyến du hành vượt biên giới, đòi hỏi cả nguồn kinh phí, yêu cầu công việc và ý chí của người ham hoạt động, ham xê dịch. Đặt trong bối cảnh văn hóa - xã hội đương thời thì các du ký này quả đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trong cuộc, người trải nghiệm, chứng nghiệm. Đó là những du ký dài hơi, phong phú, hấp dẫn như Hạn mạn 19 du ký kể lại cuộc đi chơi phiếm qua Bangkok - Hương Cảng - Nhật Bản - Thượng Hải - Nam Kinh - Quảng Tây - Quế Lâm - Bắc Kinh - Tứ Xuyên - Quảng Đông và trở về nước, trong 6 kỳ (Nguyễn Bá Trác); Pháp du hành trình nhật ký kể về chuyến đi trong sáu tháng, từ khi rời bến Sài Gòn ngày 15-3-1922, những ngày lênh đênh trên biển và ở lại thăm thú nước Pháp văn minh hoa lệ, cho tới ngày 11-9 về tới cảng Hải Phòng - trong 27 kỳ; Du lịch xứ Lào, trong 2 kỳ (Phạm Quỳnh); hoặc các bài khác như Ai Lao hành trình (Trần Quang Huyến), Trên đường Nam Pháp (Tùng Hương)… - Có một dòng du ký thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một địa điểm cụ thể. Loại du ký này thường là kết quả sau một chuyến picnic giới hạn trong thời gian ngắn, kiểu như Ba Bể du ký (Nhạc Anh Hoàng Văn Trung), Du Ngọc Tân ký, Du Tử Trầm Sơn ký, Bài ký chơi Cổ Loa, Cuộc đi chơi năm tầng núi, Cuộc đi chơi Sài Sơn (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), Banà du ký (Huỳnh Bảo Hòa), Thăm lăng Sĩ Vương, Nam du đến Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Thuật)… - Có một dòng du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hóa rộng lớn. Loại du ký này đòi hỏi người viết có thời gian du ngoạn theo “tua” dài hơi và đòi hỏi vốn kiến văn sâu rộng, có sự chuẩn bị tư liệu công phu và ghi chép thực địa kỹ lưỡng. Các du ký tiêu biểu 20 DU KÝ VIỆT NAM kiểu này có Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng (Phạm Quỳnh), Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang (Nguyễn Văn Bân), Hành trình mạn ngược, từ Cao Bằng xuống Phú Thọ (Thái Phong Vũ Khắc Tiệp), Cuộc xem cổ tích miền Đông bắc tỉnh Hải Dương (Nguyễn Đôn Phục), Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, Các lăng điện xứ Huế (Nguyễn Đức Tính), Quảng Xương danh thắng, Tây Đô thắng tích, Ninh Bình phong vật chí (Thiện Đình), Cảnh vật Hà Tiên (Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm)… - Có một dòng du ký mà yếu tố “vị nghệ thuật” chiếm phần quan trọng, ở đó người viết chấm phá một vài nét phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đời thường bình dị hay thoáng qua niềm vui văn hóa lễ hội, đình đám. Đó là các bài Trẩy chùa Hương (Thượng Chi), Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), Một buổi đi xem đền Lý Bát Đế (Phạm Văn Thư), Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai (Nguyễn Mạnh Hồng), Cuộc chơi trăng sông Nhuệ (Mai Khê), Tết chơi biển (Trúc Phong) v.v… Trên thực tế việc phân chia các phương thức, kiểu loại, nội dung du ký như trên chỉ có ý nghĩa tương đối. Song dù có khác nhau thế nào thì các tác phẩm du ký vẫn hướng tâm ở phương thức ĐI và XEM, đặt cược vào tính tích cực chủ thể là người trực tiếp Chứng Nghiệm - Trải Nghiệm 21 và vươn tới phẩm chất “vị nghệ thuật” chân - thiện - mỹ cao đẹp, ít nhiều gián cách với thế tục lầm than. * Trong phần Mục lục theo bộ môn, đề mục XIV - Du ký, du hành, nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên thống kê chi tiết danh sách 69 tác phẩm du ký đã in trên Nam Phong Tạp chí. Tuy nhiên, có một số tác phẩm đúng là thuộc thể tài du ký song lại do tác giả người nước ngoài viết về phong cảnh nước ngoài (các mục bài Ai Cập, Một mình giữa bể Đại Tây, Hòa Lan du ký, Thăm miếu ông Khổng, Cảnh vật Nhật Bản, Du lịch về phía Nam nước Tàu), hoặc là bản dịch tác phẩm từ thế kỷ XVIII (Thượng kinh ký sự của Lãn Ông Lê Hữu Trác), do đó chúng tôi không đưa vào tuyển tập này. Chốt lại, qua 17 năm, Nam Phong Tạp chí (1917-1934) đã in 62 tác phẩm được coi là du ký. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi chủ trương tôn trọng tối đa văn bản gốc để giúp bạn đọc tiện xem xét, đánh giá. Do trình độ dân trí đã được nâng cao nên một số lời lẽ, nhận thức của người xưa vẫn được giữ nguyên để đảm bảo tính lịch sử, chỉ chỉnh lý những yếu tố chính tả, văn phạm cho phù hợp qui ước hiện hành. Trong một số trường hợp thật cần thiết sẽ có thêm chỉ dẫn, chú thích bổ sung và ghi rõ trách nhiệm người biên soạn - (NBS). 22 DU KÝ VIỆT NAM * Nam Phong Tạp chí thuộc số những loại báo chí ra đời tương đối sớm và có vị trí quan trọng trong nền văn hóa - văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XX. Nói riêng thể tài du ký cũng có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức và niềm tự hào trước lịch sử ngàn năm và thắng cảnh non sông đất nước. Chúng tôi hy vọng tuyển tập du ký trên Nam Phong Tạp chí này sẽ là sưu tập mở đầu cho công trình Du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX sẽ hoàn thành trong tương lai. NGUYỄN HỮU SƠN - LA SƠN 23 LƯỢC KÝ ĐI ĐƯỜNG BỘ TỪ HÀ NỘI VÀO SÀI GÒN Mẫu Sơn Mục N.X.H Bài này chỉ nói cái hình thế đại khái thôi, và khi đi tôi không định làm, lúc đi đường lại vội vàng, không đủ thì giờ xem xét, cho nên không khỏi có chỗ không đúng chăng. Hôm mồng 3 tháng 8 ta trước tôi nhân về Hà Nội, gặp ông L., ông rủ tôi đến mồng 6 cùng đi Sài Gòn, vì ông đi ô tô một mình, muốn giữ tôi đi cho có bạn, tuy ngặt ngày và đồ hành lý thiếu thốn, tôi cũng nhận lời ngay, vì cuộc đi chơi đường bộ vào Huế và Sài Gòn là một cái mộng tưởng của tôi đã lâu. 5 giờ sáng hôm mồng 6 tháng 8 ta ở Hà Nội khởi hành, sương sớm tờ mờ, rạng đông mới hé, xe chạy vù vù, hình như cuốn con đường cái trắng xóa, lúc ấy nào Hoành Sơn, nào Hương Giang, nào Hải Vân quan, đều tưởng tượng bày ra từng cảnh ở trong trí não. Trưa đến Thanh Hóa. Thanh Hóa buôn bán bình thường, vì không tiện đường thủy, nhà máy sợi, máy diêm, cũng đều ở bờ sông Hàm Rồng, cách thành phố ba, bốn cây; về miền nhà quê lắm chỗ cũng đẹp, cánh đồng xanh mướt, núi đá nhấp nhô, tỉnh Thanh sơn thủy thanh thú, dân cư trù phú, có khi vào hạng nhất nhì trong Trung Kỳ. 25 Ăn cơm sáng xong, ở Thanh Hóa ra đi, tự đấy là bước dần dần vào cảnh đồng chua nước mặn. Chiều đến Vịnh (Nghệ An). Vịnh là đầu đường xe hỏa ra Bắc Kỳ, lại tiện đường thủy, phố xá buôn bán sầm uất lắm, chúng tôi ngủ ở Vịnh một tối. Sớm hôm mồng 7 ở Vịnh đi ra Bến Thủy, trời còn tối, nhưng đứng ở dưới phà trông lên, nhà máy điện, nhà máy cưa và phố xá ở trên bờ, có chiều vui vẻ lắm; đi một lúc đến cánh đồng tỉnh Hà Tĩnh, ruộng nương có vẻ tươi tốt hơn tỉnh Nghệ. Nhưng ở đấy không biết có kiểu đất gì mà khắp cánh đồng lô nhô những mộ. Có khi không có đám ruộng nào là không có đến mấy cái mộ, làm cho mất cả cảnh sinh hoạt của cánh đồng tốt đẹp ấy đi; tục phong thủy của ta cũng bắt chước của Tàu, mà ta mê tín đến nỗi có câu tục ngữ: “Sống về mồ về mả, chả sống về cả bát cơm”. Tuy rằng những sự mê tín độc hại ấy sẽ theo cái trình độ tân học mà tiêu tán dần, nhưng tôi cũng mong những nhà cựu học có kiến thức, hồi tỉnh lại sớm được chút nào hay chút ấy. Vì cái sự mê tín độc hại này, không những làm hại về đường vật chất, như là ngăn trở sự làm ăn, sự công tác, mà lại hại cả đến đường luân lý và tinh thần nữa, là động làm gì chả nên, cũng đổ tại mồ mả, thậm chí có nhà đào mả ông cha lên không biết bao nhiêu lần để cầu phú quý, và khiến cho người ta mất cả cái lòng tự tín, tự lập, tự cường. Cái tệ này có thể nói là ở nhà cựu học mà ra cả. Nay dẫu rằng những mồ đã an táng rồi, chưa thể di dịch được, nhưng cũng nên cổ động cho hoặc một làng, hoặc một họ lập lấy một cái nghĩa địa để từ nay chôn cất cả vào một nơi. 26 DU KÝ VIỆT NAM Thành phố Hà Tĩnh buôn bán không được sầm uất. Đi lúc nữa đến núi Hoành Sơn, là một chi núi nhỏ ở núi Tràng Sơn (Chaine annamitique) chạy rẽ ngang ra bể, như hình chữ nhất, không cao, độ trăm thước tây thôi, đường ô tô đi có một chữ “chi” thì lên đến đỉnh đèo. Ở đỉnh đèo có hai cái cổng xây gạch, một cái nhỏ ở sườn núi và một cái lớn ở giữa đỉnh. Hai bên cổng có bức tường bằng đá và gạch, chạy theo chiều dài đỉnh đèo, thực là một cái giới hạn nam bắc thiên nhiên vậy. Khi qua đèo này tôi có tức cảnh bốn câu: Đường mây dạo tới ngọn đèo Ngang, Nghiệp bá đồ vương nhộn chiến tràng. Khí mạnh ba quân còn phảng phất, Sóng xô mặt bể gió reo ngàn. Qua đèo Hoành Sơn, lối y phục đã khác, đàn bà bới tóc, khăn vành giây, áo cài khuy cổ, quần trắng, tức là lối ăn vận Huế vậy. Trưa đến Đồng Hới là tỉnh Quảng Bình, là đầu đường xe hỏa ra Vịnh cũng sắp khánh thành, (nay đã chạy rồi), buôn bán không được đông đúc, có nhà khách sạn “Nhật Tân” của người Bắc Kỳ ta mới mở, tuy bé nhỏ mà sạch sẽ, cách tiếp đãi cũng chu tất, cơm tây cơm ta đều có, tiện cho người mình lắm. Đi đến hai giờ trông về phía nam thấy những dải núi nhấp nhô như là báo cho khách bộ hành biết trước đấy là Thần kinh Đế khuyết. Chiều 6 giờ đến Huế, khi đi khi về, đều vội cả, tôi tiếc không được ở lại vài ngày, để xem cung điện, lăng tẩm, nhưng cái 27 này thuộc về mỹ thuật, không phải là chủ đích cuộc đi chơi, cho nên cũng không cần lắm. Khi đến Huế cái nhiệt độ cảm tình tôi lên rất cao, chả kém gì khi đến Vịnh. Ở Huế đẹp nhất là con sông Hương Giang, nước sông trong mà thường đầy, khúc trên thì cây cối um tùm, xóm gianh ẩn nước, đò ngang dịu dàng, ra bức tranh sơn thủy cổ; khúc dưới thì cầu sắt ngổn ngang, thuyền bè phấp phới; bên tả ngạn thì thành hào nhà vua, và phố xá buôn bán sầm uất, bên hữu ngạn thì lâu đài quan dân Đại Pháp nguy nga; lấy con mắt cũ mà xem thì Kỳ đài Ngọ Môn, trang nghiêm vô hạn, mà lấy con mắt mới mà xem thì cái vẻ trang nghiêm này cơ hồ bị cái vẻ tráng lệ lâu đài tối tân ngập lụt đi mất cả. Trước mặt Huế là phía nam núi Ngự Bình và dải núi Ải Vân quan làm bình chướng, tức là cái tay hổ của kinh đô vươn ra làm cái tiền án. Còn tay long thì là một dải đất khuỳnh ra cửa Thuận An, đứng trong Huế trông ra hình như cái lông mày con ngài nằm ngang trên mặt bể vậy. Nói tóm lại, Kinh đô Huế là nơi phong cảnh xinh đẹp, êm đềm, u nhã, chứ không bát ngát, lưu thông, hoạt động như Hà Nội. Tôi có đi qua cái kỷ niệm đài của chiến sĩ trận vong ở hữu ngạn sông Hương, đối xế ngang kỳ đài, là một cái mỹ thuật kiến trúc mới của kinh đô, lấy ý riêng tôi, thì cái kỷ niệm đài này, dáng dấp nặng nề, kiểu đắp rặm rạp và mùi thuốc vẽ sặc sỡ quá. Mỹ thuật tức là văn chương có hình, không ở lắm chữ mà ở ý vị cao xa, không ở nắn gọt mà ở giọng văn thanh thoát, các nước Thái Tây chấn hưng mỹ thuật đã 28 DU KÝ VIỆT NAM mấy ngàn năm, không trách trình độ mỹ thuật người ta cao đến cực điểm. Còn nước mình cho là một nước không có mỹ thuật, cũng không phải là nói quá, vì người nước ta bị có cái tính cẩu thả, mà chỉ mê chuộng về nghề văn chương, cho các nghề khác là mạt nghệ, lấy câu “Xảo vi chuyết giả nô” (người khéo làm đầy tớ cho người vụng) làm cách ngôn, thành ra cái lương năng về mỹ thuật bị đè nén cho đến ngày nay mà ngày nay lại ở vào buổi giao thời, mỹ thuật cũng bị làn sóng giao thời mà sinh ra lắm vẻ lố lăng. Xem những vật kiến trúc và đồ chế tạo ngay ở Hà Nội cũng thế. Nhưng theo lời ông Ẩm Băng nói, thì những người làm là đứng vào địa vị được, còn những người không làm thì bao giờ cũng đứng vào địa vị thua; vậy mỹ thuật ngày nay dẫu rằng lố lăng, nhưng cũng không phải là không có ích, là để về sau xem đấy mà biết chỗ được chỗ hỏng vậy. Kỷ niệm đài các nước đều do các tay chuyên môn về nghề nặn gọt và thường làm hoặc bằng đá, hoặc bằng lọi kim, dẫu nhỏ cũng còn hơn vôi gạch. Sáng hôm mồng 8 từ biệt Huế, đường qua phía tả núi Ngự Bình và vài ba dải núi thấp, rồi đến bến đò Mỹ Lộc, gần đấy có hành cung nghỉ mát. Qua phà xong thì bắt đầu lên Ải Vân Quan, Ải Vân Quan này cũng là một chi núi ở dải Tràng Sơn (Chaine annamitique) chạy ngang ra bể, làm bình chướng cho mặt nam kinh đô, cũng như núi Hoành Sơn làm bình chướng cho mạn bắc, duy Ải Vân Quan thì cao hơn, hiểm hơn Hoành Sơn nhiều. Đỉnh đèo Ải Vân Quan cao độ 150 thước, giữa đỉnh cũng có một cái cửa và một bức tường chắn ngang, nhưng to lớn hơn 29 bức tường ở Hoành Sơn, mà lỗ châu mai lại quay về bắc; thế mới biết xưa nay thường là mạn bắc xâm xuống mạn nam. Từ Hoành Sơn đi vào đến Ải Vân này, trừ hai cái đèo này ra thì không có chỗ nào hiểm trở nữa. Nước ta có hai cái Col des nuages (đèo mây), một cái là Ải Vân Quan này, còn một cái ở vào Lao Kay đi Phong Thổ và Lai Châu, ta gọi là “Rừng Cấm”. Ải Vân Quan này chỉ trên ngọn núi cao thỉnh thoảng còn có mây, còn chỗ đỉnh đèo lối người đi thì chả mấy khi có mây, đến như Rừng Cấm thì cao lắm, tôi cũng đã được đi qua chỗ đỉnh đèo, lối người đi dễ cao hơn 1.000 thước tây, bao giờ cũng có mây mà rét lắm. Suốt đèo toàn là rừng cả, cây nào cũng rêu bám kín mít, giống rêu ở dưới thấp, giống rêu ở chỗ rét này, khác giống rêu ở dưới thấp, hình như từng miếng đăng ten xanh ở thân cây rủ xuống, coi thực là đẹp. Người ta nói rằng phong cảnh rừng cây ở đấy giống như ở bên Tây. Cứ theo rìa bể đi một lúc thì đến Tourane. Tourane là cái vịnh, rất tốt cho tàu bè, vả lại gần trung tâm điểm nước ta bây giờ là Huế, cho nên khi nước Đại Pháp mới sang lấy Tourane là nơi căn cứ. Tourane này là một cái thành phố nhỏ, trên bến dưới sông, thuyền đánh cá như lá tre, chợ búa phố xá, nhà máy gạo, buôn bán cũng vui. Ở đấy có nhiều người Mọi ra chợ. Rồi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai thành phố này là thành phố cổ, Quảng Ngãi buôn bán sầm uất hơn Quảng Nam. Dải đất Trung Kỳ đến tỉnh Quảng Ngãi hơi mở rộng, cánh đồng đã to, có chỗ tốt lắm, giồng nhiều mía, cho nên tỉnh này xuất sản nhiều đường cát. Hết tỉnh Quảng Ngãi thì vào địa phận hạt phủ Mỹ, phủ Cát, thuộc tỉnh Bình Định; địa thế mấy 30 DU KÝ VIỆT NAM phủ này hình như một cái thung lũng lớn. Phía trong thì dải núi Tràng Sơn, phía ngoài giáp bể cũng có một dải núi lớn bao bọc ruộng nương tươi tốt, và giồng dừa sầm uất, đẹp lắm, dân cư trù mật, ở rải rác cả hai bên đường, vui vẻ lắm. Nhà làm cũng chỉnh tề lắm, lợp bằng rơm rất dầy mà cắt sửa rất vuông vắn. Từ Hoành Sơn vào đến đấy về vùng nhà quê, không thấy cái nhà ngói nào cả. Trừ các tỉnh nghèo không kể, tỉnh Bình Định này chắc có nhiều người làm được nhà ngói, cứ người ta nói thì vẫn là cái tục cổ của nước nhà, vì làm nhà ngói thì sợ quân cướp và quấy nhiễu. Hai bên vệ đường giồng toàn cây mù u mát mẻ lắm; thứ cây này bắt đầu trồng từ khỏi Huế; thứ nhất ở gần Quảng Ngãi, lá thì rợp, quả thì ép làm dầu thắp, có cây đã cổ thụ, thì biết rằng con đường quan lộ này làm đã lâu, chắc từ trước đời vua Gia Long. Khi chửa đến tỉnh Bình Định, tôi nghĩ tỉnh này nghèo, cho nên Tây Sơn khởi sự dễ, thành ra không phải, tỉnh này lại là tỉnh trù phú hơn cả trong Trung Kỳ. Tỉnh này nghề võ và nghề hát tuồng có tiếng, chắc cũng là cái di phong thượng võ hào hiệp của nhà Tây Sơn còn lại chăng? Tôi tiếc không được đến thăm miếu Tây Sơn. Đường thì đi qua ngoài thành phố Bình Định, không trông thấy nhà cửa, thành này tức là tích “tượng kỳ khí xa”. Qua Bình Định một lát thì đến Quy Nhơn. Quy Nhơn là một cái thành phố ở bờ bể. Sau lưng và ở giữa bể đằng trước mặt đều có núi, phong cảnh cũng đẹp; phố xá buôn bán cũng vui, có nhiều hiệu khách to, họ thu yến sào và vây cá. Nhiều chú lấy vợ người Bình Định, cũng ngồi bán hàng. Ở Bình Định và Quy 31 Nhơn đã bắt đầu có những tháp của người Hời còn di tích lại. Người Hời là dân cũ Chiêm Thành bị nước ta diệt mất, nay còn một số ít người, rút vào miền Phan Rang và Phan Rí (thuộc tỉnh Bình Thuận). Chúng tôi ngủ ở Quy Nhơn một tối. Sớm mồng 9 ở Quy Nhơn ra đi, độ 20 cây thì qua đèo Cù Mông, cao độ 100 thước tây, rồi qua tỉnh Phú Yên, qua phà sông Ba, cái phà này dài lắm, ở bờ bên bắc mà qua sang bờ bên nam phải đi ngược nước, lại càng lâu, ít ra là một giờ rưỡi. Đi một lúc nữa thì đến Đèo Cả (Col Varella). Cái đèo này cũng chìa ra bể như đèo Ải Vân, nhưng cao hơn, dốc hơn, lại quanh co nhiều hơn. Những chỗ chìa ra bể nguy hiểm đã có xây gò cao. Cái đèo này đã phải một chiếc ô tô hàng chở khách lăn xuống bể hại mất hai ba mươi người, đâu vì người cầm máy vô ý khúc đường này ô tô hàng hay đi về đêm, vì mát trời và không phải tránh những xe khác. Đèo này đẹp lắm, bên ngoài thì bể mùi lục, rộng mông mênh, sâu hoay hoáy, bên trong thì núi mùi chàm, cao chót vót, đứng chênh vênh; con đường uốn quanh ngay lưng chừng sườn núi, trông xuống bể như xe đi lưng chừng trời vậy. Lại đi qua một cái đèo thấp nữa thì đến Nha Trang. Khi đến bờ sông Nha Trang, bóng chiều đã xế, phong cảnh đẹp lắm. Bờ sông bên trái, có một hòn núi nho nhỏ, trên đỉnh dựng hai ngọn tháp Hời (tháp Hời bao giờ cũng xây hai cái, một cái lớn, một cái nhỏ, tục truyền tháp ông tháp bà), bóng xế chiều hôm làm cho cái sắc gạch đỏ lại thêm tươi. Ở dưới sông, thuyền đánh cá cuốn buồm đậu chen nhau san sát, bên ngoài là bể có một dẫy cù lao, ở bờ sông bên phải thì ở đầu bãi một dẫy nhà lá đen sì, rồi đến một giải phố xá lâu đài trắng xóa. 32 DU KÝ VIỆT NAM Ở đàng sau thì chạy lại mấy dẫy núi cao ngất trời, mùi xanh biến thành mùi chàm sẫm. Ấy là bức “phông” làm cho cả một tòa thành phố nổi hẳn ra, thực là một bức tranh sơn thủy lâu đài tuyệt tác, gồm cả phong cảnh kim và cổ vậy. Ngắm xem cái tháp Hời, phố xá người ta, và lâu đài người quý quốc, dễ khiến cho khách đi đường sinh lòng cảm khái, nhân tức cảnh bốn câu: Ngọn tháp Hời xưa bóng ác chiều, Lâu đài non nước cảnh như thêu.(1) (...) Cái tháp Hời xây bằng gạch đỏ hòn nọ sát liền với hòn kia, không thấy mạch vôi, khéo lắm, trên các nóc tháp có hình như con kỳ lân bằng đá, hình tháp dưới nhỏ trên to, lối kiến trúc giống lối Ấn Độ và Đế Thiên, Đế Thích, hàng năm đến ngày lễ, người Hời vẫn kéo đến lễ, chuông trống nhộn cả lên. Lịch sử người Hời tôi chưa được khảo cứu, không biết cái nguyên nhân một nước thế nào. Nhưng nay cứ lấy cái tình hình trông thấy, thì có lẽ phải ba điều: một là không có địa lợi, đất nghèo dân ít, lại không có hiểm yếu. Như đã nói ở trên chỗ Ải Vân Quan, tuy vào miền trong này có nhiều núi hơn, nhưng cũng giống như địa thế tự Hoành Sơn đến dải núi Tràng Sơn (Chaine Annamitique), nhưng dốc quá không có dân cư, vả lại người Hời cũng như người An Nam ta không có tính chất ở núi, cho nên không lợi dụng được. Hai là sự mê tín đạo Phật, sự mê tín ấy làm cho nhân dân sinh ra nhu nhược... Ba là khí trời không tốt, nóng nực luôn luôn, làm cho 1. Nguyên bản chỉ có hai câu thơ (NXB Trẻ chú). 33 sức lực và tinh thần người ta yếu đi. Vả lại giống người ta ở miền Bắc xâm xuống miền Nam tự hồ như một lẽ tự nhiên. Xem sự diệt vong người Hời, mà cái lẽ vật cạnh thiên trạch, mạnh được yếu thua, và lời Khổng Phu Tử nói là: Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi, lại càng rõ rệt lắm. Cái văn minh của người Hời chắc cũng chỉ giỏi về bên hình thức đạo Phật mà thôi, tức như là sự kiến trúc các tháp, chứ xem cách y phục cư xử của người Hời thì dã man bẩn thỉu lắm, mà biết rằng cái trình độ của họ kém ta nhiều lắm. Nha Trang là một cái bãi bể, nơi nghỉ mát, và là đầu đường xe hỏa vào Nam Kỳ. Thành phố mới lập, đẹp đẽ vui vẻ. Có sở thí nghiệm việc đánh cá, có một chiếc tầu và một người Tây làm nghề ấy. Chúng tôi trọ ở bun-ga-lô (Bungalow). Bun-ga-lô là cái nhà khách sạn của Nhà nước làm ra cho người Tây mở hàng cơm, để tiện hành khách đi tại trú ngụ. Từ Đồng Hới trở vào, tỉnh to đều có. Cái bun-ga-lô ở Nha Trang này to và đẹp lắm. Những khách sạn Trung - Nam Kỳ phần nhiều dùng người Khách làm bồi, coi bộ chững chạc đứng đắn lắm. Người mình ở lẫn với người Tây nửa thế kỷ rồi, mà làm bồi cũng kém người Tàu là thứ người không trông thấy người Tây mấy khi, thì cũng chán thực! Lại nói đến khách sạn cũng đã có nhiều người mình mở, có cái nhà cửa cũng to, đồ đạc cũng tốt, nhưng mà sự bày biện, sự trông nom của chủ, sự hầu hạ của bồi, và sự sạch sẽ còn kém người Tây quá. Hay là những nghề này cũng phải bọn du học về làm mới nổi? 34 DU KÝ VIỆT NAM Sớm mồng 10 ở Nha Trang ra đi, đi hết cánh đồng thì đến cái đồn điền cao su, rồi qua một dải đồi thấp, toàn rừng, rộng lắm, dễ còn có thể khai phá trồng trọt được, sau cứ qua hoặc bãi hoang, hoặc ruộng, trưa thì đến Phan Rang. Con đường này đi đêm gặp nhiều thỏ rừng lắm, nhưng không thấy cọp, mà xưa có câu tục ngữ rằng: Cọp Khánh Hòa (Nha Trang), ma Bình Thuận (Phan Thiết). Phan Rang, phố xá buôn bán cũng vui lắm, là đầu chi đường xe hỏa lên Dalat. Mỗi ngày gửi cá lên Dalat từ ba đến năm trăm đồng, bán cho người Tây, người ta và người Mọi. Chợ cũng đông, ở đấy thường có người Hời gánh củi ra chợ bán. Gần Phan Rang có một cái tháp Hời còn nguyên lành hơn các tháp khác. Từ Quy Nhơn về đến Phan Rang này, các chi núi ở dải núi Tràng Sơn (Chaine annamitique) đổ ra bể, hình như một đoàn long xà trong núi tổ đua nhau chạy ra, ngóc đầu lên mà chồm ra phía nam bờ bể Thái Bình vậy. Ăn cơm sáng xong, ở Phan Rang ra đi, từ đấy đến Phan Thiết, thì đi theo con đường thuộc địa số 11 và 14, nghĩa là đi vòng lên miền Dalat, chứ không theo con đường thuộc địa số một nữa, vì khúc đường này chưa làm cho xe ô tô đi được. Đi hết đồng ruộng, đến một cái đồn điền trồng dứa dại, sau đi vào dải đồi, toàn rừng rậm, rồi bắt đầu lên đèo, lên độ non 1000 thước tây thì đến chỗ Bellevue. Ở đấy trông xuống, bên phải và bên trái, hai chi núi ở Dalat chạy xuống, như hai cái tay ngai, ở dưới mở thành một cái thung lũng lớn, rừng cây bát ngát, gỗ núi chen đua, hình như cái bể mùi chàm đang khi sóng lớn vậy. Ở đàng xa thì ruộng nương nhà cửa và bể thực là đẹp. Từ Bellevue cho đến chân đèo bên kia, phần nhiều là 35 rừng thông, có nhiều ngọn núi toàn là một giống thông, đẹp quá. Đi một ít nữa đến Dran, là chỗ bắt đầu có nhà nghỉ mát, và là gare cuối cùng con đường xe hỏa Phan Rang lên, hiện còn đang làm nối thêm, cho chạy lên đến tận Dalat. Lối xe hỏa lên dốc này khác lối xe hỏa đi dưới đồng bằng, lối này toa máy có một cái bánh xe răng cưa ăn với cái nẹp sắt ở giữa đường sắt, đi chậm lắm. Chỗ Dran này đã rộng rãi đẹp đẽ lắm; từ Dran lên Dalat còn non 30 cây nữa. Khi trở ra tôi đi với ông N. mới lên Dalat, để sẽ nói sau. Từ Dran đến cao nguyên D’jirind là những thung lũng của người Mọi ở ruộng nương rộng rãi phẳng phiu, như đồng bằng dưới ta, rất là đẹp, tôi xem còn có nhiều chỗ có thể khai làm ruộng nương hoặc chăn nuôi được. Hiện đã có nhiều nhà đồn điền Tây đang khai khẩn trồng cà phê, như ở cao nguyên D’jirind. Từ Dran cho đến D’jirind có một con suối rất to, sinh ra nhiều cái thác đẹp lắm, dễ có thể cho chạy các thứ máy được. Ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, có lẽ ở đấy là tốt đẹp nhất, khí hậu lại mát mẻ, tôi xem không chán. Người Mọi xem ra sức lực lắm, ngực và chân tay đều nở nang, chứ không lẳng khẳng như người ở dưới đồng bằng từ Huế vào đến Sài Gòn. Thế mới biết người mình không có cái tính ở rừng núi, bị thiệt hại chả biết là chừng nào. Đi hết cái cao nguyên D’jirind thì xuống dốc, hết cả các đèo từ ngoài bắc vào đều không dốc bằng đường lên Tam Đảo, duy quanh co nhiều lắm, cái đèo Dalat này thì cao hơn hết cả các đèo khác, hết cái đèo này thì là đồng bằng cho đến Sài Gòn. Xuống hết đèo lại theo lối trong đồi rừng rậm đi, rồi ra cánh đồng, đêm đến Phan Thiết. Phan Thiết buôn bán có lẽ 36 DU KÝ VIỆT NAM kém Phan Rang, chúng tôi ngủ ở đấy một đêm. Cũng có người Bắc mở khách sạn tính ra thì các tỉnh ở vào độ đường, đều có khách sạn của người Bắc cả. Sáng 11 ở Phan Thiết ra đi, đi độ 30 cây hết cánh đồng ruộng, rồi bắt đầu đi vào dải đồi thấp cũng toàn là rừng rậm, trừ khúc đầu đồi, hiện đã có các nhà đồn điền đang khai phá, những chỗ đã phá rừng rồi, chỉ để loáng thoáng từng cây xem ra rộng rãi phẳng phiu lắm, trông hút con mắt đẹp lắm. Đi độ 30 cây nữa, nghĩa là cách Phan Thiết 60 cây thì đến địa giới Nam Kỳ, lại cứ đi trong đồi ấy độ 40 cây nữa, nghĩa là dải đồi này dài 70 cây, biết bao nhiêu là đất hoang, thì đến Xuân Lộc là các đồn điền cao su, to lắm, trồng thành hàng lối, trông vào giữa khe như là cái ngõ sâu vô để. Hết đồn điền cao su lại đi vào đồi hoang chừng 20, 30 cây nữa, thì ra đồng ruộng, rồi đến thành phố Biên Hòa; từ đấy là bắt đầu vào xứ rất trù phú vậy. Thành phố Biên Hòa tuy nhỏ mà đông đúc vui vẻ lắm. Hàng cao lâu của các chú rất là náo nhiệt, xe ô tô tư, xe ô tô hàng đi lại rầm rập, xe ngựa cho thuê đứng đầy một khu đất cạnh chợ. Con sông ở cạnh thành phố to mà đẹp lắm, nước sông đầy ăm ắp, hai bên bờ thì dân cư cây cối, có nhiều dừa, sầm uất lắm. Trưa thì đến Sài Gòn. Người Tây gọi Sài Gòn là hòn ngọc ở Đông Dương; nhưng dễ nói về vài ba mươi năm về trước, chứ bây giờ thì ở Hà Nội cũng không kém gì Sài Gòn, như là nhà hát tây, các trường học, cầu Doumer, các lâu đài tư gia, đều tráng lệ hơn Sài Gòn cả. Sài Gòn là thành phố mới cho nên phố xá đều rộng rãi, sự vui vẻ thì dồn lại ở phố tây và ở chỗ chợ, chung quanh chợ có 37 ba dẫy phố ngoảnh mặt vào chợ rất rộng rãi (ba dẫy phố này người ta nói là của người Khách tên là Hỏa, người khách này có đến một phần chia ba đất ở thành phố Sài Gòn), mà náo nhiệt nhất là các hàng cao lâu. Cao lâu và hàng cơm nhiều lắm, tôi tưởng ở trong này máy gạo là đầu việc buôn bán to mà cao lâu là đầu việc buôn bán nhỏ vậy. Vào hàng cao lâu người Khách, thấy những tiếng nào khạc nhổ, nào quát nói, chẳng kiêng nể ai, thực là chán cho xã hội Trung Hoa quá. Chợ Lớn lại càng vui hơn Sài Gòn, thứ nhât là về buổi tối, đèn điện ở Sài Gòn thắp đã nhiều, mà ở Chợ Lớn lại nhiều hơn, cứ như ngày hội. Nhưng họ thắp toàn đèn nhỏ, và không khéo như người Tây, cho nên chỉ rực rỡ chứ không được đẹp. Một buổi chiều tối đứng chờ xe hỏa ở ga Chợ Lớn, có hai vợ chồng sẩm hát cải lương, réo rắt ngậm ngùi, như than như khóc. Ở trong đám hàng hóa như núi, tầu bè như rừng, việc buôn bán của người Tầu như mắc cửi, mà bỗng nghe thấy cái giọng hát “hậu đình hoa”, há chẳng đáng thương tâm lắm thay! Âm nhạc ca xướng là để di dưỡng tinh thần, cảm lòng người ta không phải không sâu. Còn nhớ mấy năm trước đây, một hôm tôi ở Hà Nội nhân dịp học trò Cao đẳng Nam Kỳ hát cải lương lấy tiền quyên vào một việc nghĩa gì đấy. Thấy người Hà Thành nói hát cải lương hay, tôi mới đi xem, vở hát là một ông nhà giàu chê cậu rể nghèo, đem con gái gả cho một cậu nhà giàu, cô con gái tự tử, còn cậu rể nghèo sau thi đỗ; ý nghĩa vở tuồng đã cổ, đã kém, giọng hát lại chỉ là một giọng chìm và buồn, thực là chán quá! Ta chả nghe bài quốc ca Đại Pháp ư, hùng cường biết là chừng nào! 38 DU KÝ VIỆT NAM Người Nam Kỳ đã thấy lác đác buôn bán. Người Bắc Kỳ vào làm ăn cũng nhiều. Nghe nói những chỗ đô hội nhỏ, cũng có người Bắc cả. Tôi ở Sài Gòn có sáu ngày, và không có ai đưa đi chơi, cho nên không biết được mấy. Không nói thì ai cũng biết rằng sự buôn bán trong Nam Kỳ, người Trung Hoa đã nắm cái chuôi. Nhưng dẫu thế mặc dầu, cái máy gạo của họ cũng phải nhờ hạt thóc của người mình mới chạy được, chỉ bao giờ họ lấy mất ruộng thì mới sợ; hiện nay người Nam Kỳ đã lưu tâm vào việc buôn bán, người Bắc cũng đua nhau vào đông. Chắc sự buôn chẳng bao lâu sẽ phát đạt đến đấy. Nhân đây lại nói đến sự ăn mặc ở trong Sài Gòn này: đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn là vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuống. Áo toàn là hai ống tay chật nít lại và gài khuy cổ cả. Từ Ải Vân Quan vào đến Sài Gòn đều lối ăn mặc này cả, trông lẳng khẳng đen sì, không được đẹp mắt. Về lối ăn mặc của đàn bà ta, tôi tưởng không gì bằng lối ăn mặc của nhà quê Bắc Kỳ. Ta thử xem cách ăn mặc các nước văn minh Thái Tây chú trọng nhất là chỗ ngực, đều để lộ cái áo “sơ mi” ở ngực ra cho tôn lên. Vậy cái yếm của đàn bà mình thực là đẹp, mà lại hợp vệ sinh, là giữ được kín bụng, lại giữ được vú khỏi sa. Và đàng lưng hở lại mát, vì mình ở xứ nóng. Nếu ở ngực có đeo đồ trang sức, được cái yếm lại tôn đẹp thêm lên. Cái yếm thực là một đồ ăn mặc đẹp đặc biệt của đàn bà nước mình, nên giữ lấy, duy chỉ sửa lại ít nhiều, hoặc tô điểm thêm vào đôi chút mà thôi. Như là bỏ cái dải đi, mà 39 gài khuy, hoặc thêu hoa và đính “đăng tên”, “ru băng” thêm vào. Áo cũng nên theo lối áo bốn thân của đàn bà nhà quê ngoài Bắc, vì lối áo bốn thân để hở ngực ra mới đẹp, vả lối áo bốn thân dễ biến hóa, nghĩa là dễ thay đổi ra các kiểu; duy cũng phải sửa lại, đại khái cổ áo thì nên theo các lối cổ áo đàn bà Tây, chỗ ngang thắt lưng nên may thắt đáy vào, mà làm cái dải gài khuy, chứ không nên thắt lưng một đống ở giữa bụng khó coi lắm. Áo nên may túi để đựng đồ vặt, cho khỏi gài hay buộc vào thắt lưng cũng khó coi lắm. Nên chế thứ áo dài, thứ áo ngắn, cho tiện mùa rét mùa nực, hay là khi đi ra ngoài, khi làm ăn ở trong nhà. Ngắm kỹ ra thì đàn bà sang trọng nước mình, bỏ lối ăn mặc đàn bà mà bắt chước lối ăn mặc của đàn ông. Váy thì tất phải bắt chước giống lối váy của đàn bà Tây. Sắc ăn mặc của đàn bà nên dùng các thứ mùi sáng sủa tươi đẹp, chứ mùi thâm và mùi nâu xấu lắm. Người Tây thường kêu mùi nâu buồn và bẩn, mà họ khen mùi chàm của người Thổ mặc là đẹp. Giầy thì phải đi giầy tây, mới cứng cáp và gọn gàng. Tóc thì tất phải bới, chứ rẽ đường ngôi giữa như ta, trông trơ lắm, mà bới tóc cũng nên theo từa tựa như đàn bà Tây, để tóc rủ xuống cho bớt cái trán đi mới đẹp; chứ bới tóc như người Trung Nam Kỳ phơi cái trán lô lố ra, lại càng trơ nữa. Nón cũng phải chế ra như các thứ mũ của đàn bà Tây mới tiện, chứ cái nón ta sùm sụp, không được đẹp và không tiện. Còn đàn ông thì nên ăn mặc theo lối Tây, cho tiện làm việc, duy chỉ sửa lại một đôi chút, cho hợp với xứ nóng mà thôi. Người đàn ông Nam Kỳ ăn mặc lối ta áo dài chít khăn không có mấy nữa (vào chơi Nam Kỳ nên ăn mặc tây, chứ mặc ta 40 DU KÝ VIỆT NAM thành ra lạ mắt người ta, mà mình cũng tự ngượng). Trừ một phần ít ăn mặc tây, còn thì ăn mặc xềnh xoàng lắm, chỉ khăn xéo, áo cánh trắng, quần thâm. Sự ăn mặc cũng cần lắm, ta thử xem ngày nay nước nào văn minh hơn, thì sự ăn mặc lại phiền phức, chỉnh tề và sạch sẽ hơn, bởi vì có cái văn minh tinh thần, thì tất phải có cái văn minh hình thức. Ta lại thử xem như người Tây, dẫu khi ngồi ở trong nhà bán hàng, mà cũng ăn mặc tử tế, không kể chi lúc ra ngoài. Đức Khổng Phu Tử cũng nói rằng: “Xuất môn như kiến đại tân”; vậy đồ ăn mặc và phép ăn mặc ta cũng phải chú ý lắm. Trong Nam Kỳ không có cái tục ăn thuốc lào, mà hút thuốc lá lại càng nhiều, còn sự ăn trầu có lẽ lại hơn ngoài Bắc Kỳ. Tục ăn trầu và hút thuốc lào, người các nước lấy làm bẩn lắm. Vậy các cậu các cô thiếu niên tân tiến nước ta cũng nên trừ bỏ dần đi. Nói tóm lại, cái hình thế thành phố Sài Gòn là cái cửa bể, là cái đô hội miền nhiệt đới, là cái phong cảnh nhân tạo, cho nên phần náo nhiệt bề ngoài thì hơn Hà Nội, mà phần tôn nghiêm lặng lẽ bề trong của Hà Nội thì cơ hồ không có. Cái đại thế xứ Nam Kỳ là một cái kho thóc để giúp đỡ cho nhiều dân tộc ở bên Đông bề bể Thái Bình; là một cái quán hàng ở cạnh con đường các nước Âu Châu cần phải sang bên Cực Đông, là láng giềng với nước Xiêm, mấy năm nay đã chỉnh bị riết về quân sự, và các nước Nam Dương quần đảo cũng đang tân tiến. Cái đại thế Nam Kỳ ngày nay quan hệ như thế, vậy cái lịch sử Nam Kỳ sau này há chẳng phải là một cái lịch sử quan trọng lắm thay. 41 Sáng ngày 17 tháng 8 ta, tôi từ biệt Sài Gòn mà lại theo đường bộ ra Bắc. Ăn cơm sáng ở Phan Thiết, rồi lên thẳng Dalat. Đang ở Sài Gòn là nơi náo nhiệt nóng nực, đến Dalat bỗng nhiên lạnh lẽo tịch mịch, phong cảnh khí trời trái hẳn nhau, tôi thấy trong mình cũng tựa như hai người vậy. Ở Dran lên Dalat, cao độ bốn trăm thước tây, nghĩa là cả thẩy cao độ 1.400 thước tây. Thành phố Dalat ở trên đỉnh núi, địa thế Dalat là nhiều ngọn núi liền lại nhau dắt díu miên man, mở thành một khu vũ rất rộng, đến mấy chục cây lô mét. Xứ này tên là Lâm Viên hay Lang Biang, nguyên của người Mọi, nay Nhà nước kinh doanh to tát lắm, như nhà Hôtel thì to mà đẹp lắm, nhà nghỉ mát quan Toàn quyền, quan Thống đốc Nam Kỳ đều có cả, người Tây buôn lên mở đồn điền cũng to tát lắm. Tôi có đến một cái đồn điền nuôi bò làm “bơ” và trồng rau, hiện đang xây máy nước, xẻ hào đào ao, tốn phí lắm. Phong cảnh Dalat đẹp lắm. Thứ nhất là những cái thác nước, có một cái to nhưng ở xa tôi không đi đến xem được. Nhà nước có ngăn một con suối làm cái đầm ở giữa thành phố cũng đẹp. Khí hậu mát lắm; người ta nói mùa hè không nực mà mùa đông cũng không rét, thế thì chả giống như trong sách Tàu nói chỗ tiên ở khí trời thường như tháng hai tháng ba hay sao? Tôi lên Dalat mà trong lòng sinh ra nửa mừng nửa lo. Lại sao mà lo, là những cao nguyên ở Đông Dương này, như Chapa, như Taphing (thuộc Lao Kay), như Kontum (Ai Lao) như Dalat (Trung Kỳ), nếu ví Đông Dương là một hình người, thì những cao nguyên này không khác gì là cái chỏm, nếu cái chỏm mình không đến, không đến ở cho đông thì cái thân chắc là không mạnh được mấy nữa. Trong Sử ký cũng đã có nói, ví cái thế 42 DU KÝ VIỆT NAM mạnh ở trên cao đánh xuống dưới thấp không khác gì như vò nước ở trên nóc nhà đổ xuống, cho nên nước ta đã bị bao phen chống chọi với người Tàu họ cũng được cái thế ở cao, hao tổn biết là chừng nào. Nay ta lại ngắm những dân tộc nào đã bị cái vạ người đầy chưa, nếu có thì ta há chẳng đáng lo lắm ư? Tại sao mà mừng? Là địa thế nước ta quá nửa ở vào nhiệt đới, nay có những cái cao nguyên ấy, khí trời mát mẻ, đất cát tốt đẹp, bù lại cho ta, để có nơi nuôi cho ta cái tinh thần nhọc mệt, hoặc thiếu thốn, như tinh thần hoạt bát, mạo hiểm, v.v..., cung cấp cho ta những vật chất ở trên đời ta không có, vả lại làm những cái kim thành ở mặt sau cho ta, thử xem đến ngày nay mà những dân Mọi cũng chưa quy phục hết, thì biết hiểm yếu là dường nào, vậy nếu ta biết mà lợi dụng được thì há chả đáng mừng lắm ư? Nay thiết tưởng có hai cách để khuếch trương cái thế lực dân tộc ta lên những mạn cao nguyên ấy. Một là di dân lên, hai là dạy cho những giống người mọi người mán ở các cao nguyên ấy đồng hóa với ta, nhưng hai cách trên này, đều phải có sức Chính phủ mới được, vậy ta hãy để ra một bên, mà ta hẵng làm cách sau này vậy: là những nhà có trí thức, tài lực, lên các cao nguyên ấy làm nhà nghỉ mát cho thuê, lập những đồn điền nho nhỏ để chơi, bây giờ cũng đã có nhiều người giàu có làm nhà nghỉ mát, nhưng phần nhiều là làm ở các nơi bờ bể cả, chứ chưa có mấy người làm ở trên núi cao, là cái tính người mình vẫn cứ sợ đường sá xa xôi hiểm trở, (tôi chưa từng nghe thấy người Tây nào nói lên Tam Đảo khó, mà người mình thì có nhiều người lên một lần, rồi sợ không dám lên nữa), và chưa biết cái thú tịch mịch ở núi; thứ nhất 43 là làm được trường học hay là nhà nghỉ mát cho học trò, để dạy lấy cái tính ở núi thì lại hay lắm. Nay có những nhà đồn điền người Đại Pháp cũng là một cái hay cho ta lắm, vì một người Pháp mở một cái đồn điền tất phải đem đến một vài trăm người ta lên làm phụ, thì cũng chả khác gì di dân ta lên vậy. Nói tóm lại, khi nào dân tộc ta có lên ở các cao nguyên và các mạn rừng núi, thì bấy giờ mới là người hoàn toàn ở bán đảo Ấn Độ China này vậy. Ta thử xem đã có các quan Toàn quyền định lấy Dalat làm thủ phủ Đông Pháp, thì đủ biết nơi cao nguyên quan hệ là dường nào vậy. (Số 129, tháng 5-1928) N. X. H. 44 DU KÝ VIỆT NAM CUỘC XEM CỔ TÍCH MIỀN ĐÔNG BẮC TỈNH HẢI DƯƠNG NGUYỄN ĐÔN PHỤC Phàm nước, nước nào đã có lịch sử thì dấu vết của tiền nhân để lại tức là cổ tích, cổ tích tức là quốc hồn. Vì quốc dân ví như cái hoa, cái lá, cái cành, tổ tiên ví như cái gốc cái rễ. Kẻ để tâm về sự phóng cổ, nên biết rằng không phải là một chốc mà gây nên được một dân tộc, chắc là tiền nhân ta phải trải bao nhiêu mưa gió, bao nhiêu tâm huyết, mới gây đúc nên được một khối tinh hoa. Ôi! Cái gốc cái rễ kia có đời đời kiếp kiếp liên miên chằng chịt ở dưới cõi âm ty, thì cái cây ở trên thế gian mới có thể nở ngành xanh ngọn lên được. Nếu không thế, thì cái cây đó chẳng qua phất phơ phất phưởng ở trên đời, dù có hớn hở tươi tốt, cũng chẳng hớn hở tươi tốt được bao lâu, mà không thể sao kết ra cho thành quả được. Ấy sở dĩ khoái khoắc đến cổ nhân, cảm tình về cổ tích là vì thế. Song, những nơi có cổ tích ấy, có phải là nơi tranh kỳ đấu xảo mà quang cảnh xán lạn gì đâu; mà những khi đi xem cổ tích ấy, có phải là khi đi xem hội mà xe ngựa dập dìu gì đâu. Chẳng qua cái đỗng đường đã lấp, cái bia chữ đã mòn, cái chùa 45 bụt đã dột, cái tháp đá đã mốc, cái cây gốc đã lũa, cái đài cái ao cỏ đã rườm. Mà lại phải trèo non vạch cỏ, qua suối, qua đèo, hoặc hỏi thăm đường mà vào, hoặc dò từng bước mà đến, cũng có chỗ tìm thấy dấu tích, cũng có chỗ vòng hết quả núi nọ, lại vòng hết quả núi kia, đi hàng nửa ngày, lóp ngóp trèo lên, mỏi gối chồn chân, mà dấu tích chưa tìm thấy đâu cả. Ấy cái sự đi xem cổ tích, người chán thì thật là lấy làm chán, mà người vui thì thật là lấy làm vui vậy. Khoảng trung tuần tháng chín năm nay mới rồi, ký giả với ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Ngô Văn Liễn, ông Trần Gia Thụy, ông Trần Quang Vinh, các ông sáu giờ sáng cùng nhau ra ga Hàng Cỏ, tự Hà Nội đi tàu Hải Dương, chỉnh bị cả bút lẫn giấy, và đồ ăn đồ dùng, lại cả quyển sách địa đồ, bộ máy chụp ảnh nữa, thật là liệu lượng những từ nhà mà liệu lượng đi. Đến ga Hải Dương thì đã thấy ông Nguyễn Trọng Thuật tay mang đồ hành trang, bước lên tàu chào đón. Nguyên ông Thuật là người Hải Dương, bọn mình với ông Thuật là tình quen biết cũ; chuyến đi chơi này nguyên đã có ước trước với ông Thuật về sự đi xem cổ tích Hải Dương, mà ông Thuật là người động đạo chủ, dẫn đường trỏ nẻo cho anh em. Kể ra thì trong miền Hải Dương về phía đông bắc, cổ tích cũng nhiều lắm. Đỗng Kính Chủ thuộc phủ Kinh Môn, chùa Quỳnh Lâm thuộc huyện Đông Triều, hai nơi ấy vừa cổ tích vừa thắng cảnh, đã có danh tiếng ở miền Hải Dương. Lại huyện Chí Linh cũng có tám cảnh nữa. Một là cảnh Trạng Nguyên cổ đường, tức là chỗ nhà học cụ Mạc Đĩnh Chi nhà Trần ngày xưa, hiện nay dân lập làm chùa, tức là chùa Quất Lâm làng Tống Xá. Hai là cảnh Tiều Ẩn cổ bích, tức là chỗ cụ Chu Văn 46 DU KÝ VIỆT NAM An nhà Trần ở ẩn khi xưa, hiện ở trên núi Phượng Hoàng thuộc xã Kiệt Đặc. Ba là cảnh Dược Lĩnh cổ viên, tức là chỗ đức Trần Hưng Đạo trồng những các cây cỏ làm vị thuốc dược ở trong núi, để chữa bệnh cho quân sĩ, núi ấy gọi là núi Dược Sơn, ở gần miền Kiếp Bạc. Bốn là cảnh Bình Than cổ độ, tức là chỗ Trần Khánh Dư mặc áo tơi chở thuyền đi bán than, gặp gỡ vua Trần Thánh Tôn, vua tôi cùng bàn bạc sự đánh giặc Nguyên ở đấy; Bình Than tức là khúc hạ lưu sông Lục Đầu. Năm là cảnh Thượng Tể cổ trạch, tức là chỗ phong ấp của tước Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Trân năm xưa, nay chửa tường ở về địa phận xã nào. Sáu là cảnh Phao Sơn cổ thành, tức là cái thành của nhà Mạc thủa xưa, thành ở về xã Phao Sơn, quanh dài đến xã Hữu Lộc. Bảy là cảnh Vân Tiên cổ đỗng, tức là núi Côn Sơn, là chỗ vị cao tăng nhà Trần là Huyền Quang tu hành, và là chỗ ông Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán về trí sĩ, lại là chỗ cụ khai quốc nhà Lê Nguyễn Trãi đem một người tài nữ Nguyễn Thị Lộ về ở độ khi xưa, nay thuộc xã Chi Ngại. Tám là cảnh Tinh Phi cổ tháp, tức là mả người nữ trạng nguyên triều nhà Mạc, và là nữ khảo quan đời chúa Trịnh tên là Nguyễn Thị Du, người xã Kiệt Đặc. Tháp ở trên núi Trì Ngôi. Những sự tích ấy phần nhiều là những sự tích đẹp đẽ ly kỳ, bình nhật vẫn thường ghi trong mộng tưởng; phen này được người bạn tốt làm đông đạo chủ nhân, tuy thì giờ của anh em mình cũng còn khí ngặt ngòi, chửa được rộng rãi cho lắm, chỗ thì đã đi được đến nơi, chỗ thì cũng chửa đi được đến nơi, lại chỗ thì đã đi được đến nơi mà cổ tích lại tìm chửa thấy, chỗ thì kê xét đã được tường, chỗ thì kê xét cũng chửa được thật tường. Ký giả chuyến này, cũng chửa thật là đã được mãn chí. 47 Nhưng chuyến này là chuyến đi chơi lần thứ nhất, xem xét được đến đâu, thì hãng kỹ thuật ra đến đấy, cũng là một cái hứng thú của con nhà đi chơi; tưởng anh em cũng cùng một ý ấy cả. Vậy cũng xin có mấy đoạn thuật qua ra đây, để ghi nhớ về cuộc đi chơi lần thứ nhất. Khi ấy ông Trọng Thuật cùng anh em cùng chuyện trò ở trong xe lửa, đến Lai Khê mới xuống ga, lên xe tay đi một chốc, qua bến đò Mây. Lại đi một chốc nữa, xe đi vòng núi, qua một cái đèo gọi là đèo Ngà; qua cái đèo ấy tức là qua rặng núi Yên Phụ. Tự rặng núi Yên Phụ đi vào, tầng trong tầng ngoài, tầng gần tầng xa, san sát toàn là quang cảnh núi cả. Bấy giờ thuộc về cảnh mộ thu, ngồi ở trên xe mà trông ra bốn bên núi, có chiều mát mẻ, có vẻ linh lung, mà khí sắc núi thì nhàn nhạt như không, không thấy đậm đà gì cho lắm. Tựa như bức tranh thủy mặc. Lại tựa như ả mỹ nhân khi mới gội đầu, cái vẻ son phấn đã rửa sạch đi rồi, chỉ mình mặc cái áo vải trắng, đầu xòa đôi mái tóc xanh rì như mây, là điểm nhiễm lấy chân tướng mà thôi. Bức tranh thủy mặc với cô nữ đạm trang ấy, thế gian hoặc cũng có người không ưa. Song những kẻ xem nhiều nét tục, với trải qua mùi đời rồi, thì lấy làm ưa lắm. Cho nên cái cảnh thu sơn, lại thích hợp với con nhà họa, con nhà tình, con nhà văn lắm lắm. Rặng núi Yên Phụ có một quả núi cao, trông lên ngọn núi, thấy có cây xanh tốt. Bảo nhau rằng trên ấy có đền thờ đức An Sinh Vương Trần Liễu là đức thân sinh ra đức thánh Trần. Lại cứ trong sách chép trên núi có hai cái hồ, một cái nước trong, cũng là phong cảnh lạ. Nhưng trông lên thì còn xa tít, mà đồng thì đồng lúa, không tiện lối đi sang, cho nên không lên xem được. 48 DU KÝ VIỆT NAM Xe đi đến bến Triều, bến ấy tức là thượng lưu con sông Bạch Đằng, làm giới hạn cho huyện Đông Triều với phủ Kinh Môn. Sực nhớ đến thơ cụ Phạm Sư Mạnh có câu rằng: “Hung hung Bạch Đằng đào, tưởng tượng Ngô vương thuyền”. Than ôi! Sông Bạch Đằng thì ở đó, thuyền ông Ngô Vương thì ở đâu, mà cụ Phạm Sư Mạnh cũng ở đâu? Rồi vòng xuống mé đông nam, bắt đầu vào xem đỗng Kính Chủ. Rặng núi Kính Chủ là rặng núi đá, kề liền ngay hữu ngạn thượng lưu con sông Bạch Đằng, nhưng cửa đỗng thì chếch về mé đông nam, đàng sau tức là sông; bên kia sông tức là rặng núi Hạ Chiếu, cũng san sát những núi đá. Đằng trước có một cái chợ gọi là chợ Dương Nham, làng Dương Nham thuộc phủ Kinh Môn, cho nên núi Kính Chủ cũng còn thuộc về phủ Kinh Môn. Đi ở đàng xa xa, đã trông thấy một cái cổng chùa sừng sực xây lên ở trước núi. Đến nơi mới biết rằng là cái gác chuông. Nghĩa là trên làm gác chuông, dưới làm cửa ra vào, mà mới làm vào độ mấy năm nay. Hỏi ra thì nghe đâu nhà sư ở chùa này lấy kiểu cái cổng trại lính khố xanh ở Hà Nội về làm, mà có tô điểm khác đi ít nhiều. Cửa thiền mà lấy kiểu trại lính thì nghe cũng lạ thay. Nhưng dù lấy kiểu ở đâu mặc dầu, phàm lối kiến trúc, cổ cho ra lối cổ, kim cho ra lối kim, pháo đài cho ra pháo đài, thiền môn cho ra lối thiền môn; sẽ hợp với cái tinh thần tùy mỹ, và cái tâm lý sâu xa, vả chăng xứng với bức họa đồ về phong cảnh nước non vậy. Thoạt tiên vào cái chùa ngoài ở dưới chân núi, trà bánh nghỉ ngơi, rồi nhà sư mới đưa đường lên đến cửa đỗng, cheo leo kể có mấy mươi bậc đá mới lên đến cửa đỗng. Bậc đá thì nhẵn nhụi vuông vắn, xây tạc kỹ càng, tựa như bậc thang gác 49 ở các dinh tòa Hà Nội, kể đã có công phu; đường lên đỗng ở các chốn danh lam, thì đỗng Kính Chủ là dễ đi nhất. Kịp lên đến nơi thì cây cối thanh u, vách đá kỳ dị; đỗng thì sáng sủa rộng rãi, vừa khuất khúc vừa trang nghiêm. Trước cửa đỗng có một cái quán ngói ba gian cũng khá rộng rãi, trước cái quán lại vùng ra được một cái sân đá phẳng phiu, tựa như một chỗ dinh cư của nhà tiên vậy. Giữa trên mái đỗng có một bài thơ thất ngôn tràng thiên ngự đề khắc vào đá của vua Lê Thánh Tôn. Trong thơ có những câu rằng: “Thạch môn sơn thượng đăng lâm xứ - Hư thất cao song khai bạch trú - Cự thạch hàm nha thổ phạm cung - Ta nga quái thạch cao đê thụ”. Đó là tả thực ra cái đỗng này, chỉ trong bốn câu, mà khác nào một bức chiếu ảnh lớn và một đoạn tản văn dài. Lại có câu rằng: “Giang thủy đạm ư tăng nhãn bích - Hải sơn nùng tự Phật đầu thanh”. Mới xem câu thơ thì tưởng ngòi bút khắc hoạch, nhưng xem kỹ mọi chiều sơn thủy ở chốn này thì cũng là ngòi bút tự nhiên. Lại có câu rằng: “Quyện điểu hữu tình y mật diệp - Nhàn vân vô ý lạc không đình”. Xem câu thơ ấy sẽ biết là một vị đế vương có đạo học siêu thoát, há những là một vị tao đàn nguyên súy mà thôi. Phía tả bên cái đỗng, lại có lối hom hỏm đi vào, qua cái cửa đá, lại có một chỗ hổng như hình cái cửa sổ lớn, thông thấu nhật quang. Vào quá một tí nữa, lại có một cái suối, như hình cái giếng, nước thường trong vắt. Ngắm đi ngắm lại ít lâu, thực cũng thích hợp làm chốn thư phòng cho kẻ tĩnh tâm xem sách, chả trách ở đây có dấu tích danh nhân được. Kẻ danh nhân đó là ai? Tức là một vị nho tướng đời nhà Trần là cụ Phạm Sư Mạnh. Thủa cụ còn làm học trò, cụ có lên đọc sách ở 50 DU KÝ VIỆT NAM đây, lấy đây làm nơi thư thất. Hiện nay ở trên vách đá còn có mấy chữ rằng: “Vân thạch thư thất, Phạm Sư Mạnh thư” mà khắc bằng lối chữ lệ, chính là chữ của cụ đề. Khi cụ làm lên chức hành khiển nhà Trần, phụng chiếu ra điểm duyệt ngũ lộ quân, cụ vào thăm đỗng, cụ lại có một bài thơ ngũ ngôn tràng thiên đề khắc rằng: “Hành dịch đăng gia sơn - Kiều thủ vạn trùng thiên - Đồ bằng nam minh ngoại - Tân nhật đông nhạc tiền - Yên Phụ thiên nhất ác - Tượng môn nhận cửu thiên - Tằng tằng tử tiêu vân - Hội phỏng An Kỳ tiên - Hung hung Bạch Đằng đào - Tưởng tượng Ngô Vương thuyền”. Nghĩa là tả ra khi nhân đi duyệt binh, về thăm núi cũ, trông ra bể nam minh, ngắm lên miền đông nhạc, yêu mến cái tiên thuật của ông An Kỳ, tưởng tượng cái công nghiệp của vua Ngô Vương. Sẽ biết cụ cũng là một người kiêm cả chủ nghĩa yếm thế và chủ nghĩa cứu thế. Phàm kẻ nam nhi sinh ra ở đời, không có cái chủ nghĩa cứu đời, mà cứ mặc kệ đời, thì cũng là hư, không có cái chủ nghĩa khác đời, mà cứ theo đời một cách mải miết, thì cũng là tục. Kiêm được cả hai chủ nghĩa ấy, sẽ xứng đáng là kẻ vĩ nhân. Xem ra cái đỗng này, thật là một cái đỗng xinh đẹp, mà lại gần gỏi chốn trung châu; khách đến du lãm cũng nhiều, mà thơ đề khắc cũng thường có; ngày mười ba tháng giêng ta là ngày hội chùa, các khách thập phương đi về hương khói cũng khá vui; cho nên quang cảnh chốn này cũng có phần sảng lãng. Chỉ hiềm về một nỗi nhân công sửa sang, không biết xét đến những bề tạo hóa bài thiết; cho nên cái vẻ thiên nhiên kỳ diệu của đỗng, cũng không khỏi có phần giảm đi. Như mặt dưới trong đỗng, lại thấy lát bằng gạch hoa, vuông vuông méo méo, 51 xanh xanh đỏ đỏ, trông cũng lố lăng nực cười không hợp về cái tâm lý gì cả. Dù có muốn lát, thì ở đây tưởng cũng không thiếu gì đá, mà phải cầu đến gạch hoa. Ôi! những khách đi đến đây, phần nhiều là những khách muốn xem lấy những mầu đá, những nét rêu, những nước suối trong, những hốc cây lạ, những sự tích cổ, những câu thơ hay, chứ xem gì cái hòn gạch vuông vuông méo méo, đỏ đỏ xanh xanh! Nếu muốn xem những hòn gạch ấy, thì thiếu gì nơi khác, mà phải lóp ngóp lên đến tận đây. Bảo rằng vào đỗng mà xem lấy cái khéo của tạo hóa thì có, chứ không ai bảo rằng vào đỗng mà xem lấy cái khéo của nhân công bao giờ. Xét ra cụ Phạm Sư Mạnh thực cũng xứng đáng là một vị chủ nhân cho cái đỗng này, đỗng này cũng vì cụ mà có giá trị với lịch sử, có danh dự với nước non. Đến bây giờ lên đây, còn tưởng như là nghe thấy giọng tiếng đọc sách, hiệu lịnh điểm quân, lại tưởng như là trông thấy ngọn bút đề thơ. Thế mà trông đi ngảnh lại, chỉ thấy những tượng thờ ai, không thấy tượng cụ Phạm Sư Mạnh, hay là bụt chùa nhà không thiêng, đi cầu Thích Ca ngoài đường đấy hay chăng? Sẽ biết quốc dân ta phần tư tưởng về lịch sử còn bạc nhược lắm. Lịch sử cụ Phạm Sư Mạnh thế nào, tưởng quốc dân ta cũng nên biết. Cụ Phạm Sư Mạnh tên tự Úy Trai, người làng Giáo Thạch, huyện Giáo Sơn (tức phủ Kinh Môn). Đời vua Minh Tôn nhà Trần, do tư cách thái học sinh, được nhiệm chức sảnh viên, giữ việc văn mặc trong triều. Đến đời vua Dụ Tôn năm Thiệu Hưng thứ năm, nhà Nguyên bên nước Tàu sai sứ sang hỏi cái sự cột đồng trụ của Mã Viện năm xưa, là ý muốn sinh sự, để tìm cớ xâm lấn thổ địa nước ta; đó là một việc giao thiệp rất quan hệ 52 DU KÝ VIỆT NAM khó khăn, cụ phụng sứ đi ra cứ lấy lẽ tranh biện được cứng cáp, người Nguyên phải lui, việc quốc tế được vô sự. Năm thứ sáu, giữ việc sách vở trong cung cấm kiêm chức tham chính, thế là do văn chương gia ngoại giao gia mà kiêm chính trị gia. Năm Đại Trị nguyên niên, được tiến chức Nhập nội hành khiển, tri khu mật sự, tức là chức tể tướng, có trách nhiệm cả việc nước lẫn việc quân. Năm thứ hai, sung chức hữu nạp ngôn, thế là do chính trị gia kiêm ngôn luận gia. Lại phụng chiếu ra điểm duyệt ngũ lộ quân, sửa sang cái chính sách phòng bị chốn biên thùy, thế là kiêm cả quân sự gia nữa. Cụ là người tài năng rộng rãi, khí độ cứng mạnh, thật là một nhân vật có quan hệ với cuộc đời. Song cụ không những là người công danh sự nghiệp mà thôi, cụ vốn là người cao thượng có đạo đức, văn chương cực hay. Lại hay thích đi chơi lịch lãm những nơi sơn thủy thanh kỳ, đi đến đâu có thơ ngâm đề đến đấy, thơ đều có vẻ phóng dật hào hùng. Cụ có tập thơ gọi là Giáp Thạch tập, lưu hành ở đời. Song hiện nay cũng chửa tìm ra được, chỉ xem trong sách khách thấy chép lại một đôi bài mà thôi, hoặc giả tiêu diệt đi mất tự hồi Minh thuộc chăng, tiếc sao! Cụ lại có hai cái tiểu sử, khiến người đáng sợ đáng kính nữa. Cụ học đạo Nho, cụ tín ngưỡng cái học thuyết ông Mạnh Tử, cho nên cụ đặt tên cụ là Sư Mạnh, nghĩa là bắt chước thầy Mạnh. Có một phen cụ sang sứ Tàu, người Tàu thấy cụ đặt tên là Sư Mạnh, hỏi cụ, cụ cứ thực cụ nói. Người Tàu bắt cụ ám tả đủ bảy thiên trong sách Mạnh Tử; cụ ám tả không sai một chữ nào, thậm chí nét chữ cũng y như bản sách Tàu, không sai một nét nào, người Tàu đều lấy làm lạ. Lại cụ nguyên là học trò cụ xử sĩ Chu An; khi cụ đã xuất 53 tướng nhập tướng, ngôi cao vọng trọng liệt vào hàng công khanh, mà những khi vào hầu thầy ở trong một cái thảo lư, cụ vẫn chắp tay đứng ở dưới thềm, thầy có cho phép bước lên mới dám bước lên. Lại thường cúi xuống đất nưng lấy giầy đỡ lấy gậy cho thầy, tựa như thủa thiếu thời còn cắp sách theo thầy. Có sự gì lỗi, thầy mắng, lại lấy làm hân hạnh vô cùng. Sẽ biết sự nghiệp những kẻ vĩ nhân, không phải là không có căn bản. Than ôi! Núi Kính Chủ kia còn, thì cụ Phạm Sư Mạnh còn, cụ Phạm Sư Mạnh còn, thì học thuyết ông Mạnh Tử cũng nên còn vậy. Xem xong đỗng Kính Chủ, mới sang đò bến Triều, mấy quả núi đất ở bên kia bến, tức là chỗ huyện lỵ Đông Triều. Đông Triều khi xưa là một chỗ khống chế cả thủy đạo lẫn sơn phận hai mặt. Thủy đạo thì giữ thượng lưu sông Bạch Đằng, phòng đại quân của người Tàu ở hải đạo kéo lên. Sơn phận thì phòng tiệt những cái giặc keo giặc đói chỗ duyên biên nước Tàu, hoặc khi xuất nhập vô thường ở nơi lâm phận. Đông Triều cũng là một chỗ trọng yếu trong đất Hải Dương. Tuy ngày nay hình thế đã thay đổi, hải phận không quan ngại gì, nhưng về đường sơn phận, cũng không khác gì là mấy. Cho nên cuộc bảo hộ của Quý quốc, huyện Đông Triều bao giờ cũng thường có đại đồn. Vả lại con đường giao thông từ Thị Cầu, Phả Lại xuống Hải Phòng, Quảng Yên, đường thủy đường lục, cũng đều có tiện lợi phần nhiều, tự xưa đã trứ danh là chỗ buôn bán tấu tập. Tuy ngày nay sự giao thông lớn, cốt ở về đường xe lửa, chứ các ngách sông cũng không quan hệ gì mấy, nhưng hiện nay trông ra, thì quang cảnh huyện Đông Triều, cũng vẫn là quang cảnh một huyện lớn, một huyện vui. 54 DU KÝ VIỆT NAM Tự huyện Đông Triều qua làng An Lâm, đi thẳng về mé đông ra một chút, thấy một cánh đồi thật lớn, bát ngát mênh mông; trên đồi phần nhiều là đá sỏi với cát già, ít thấy có cây gì mọc lên, mà cỏ mọc cũng lơ thơ; đường xe đi ở mé vệ đồi, cát thường ngập bánh xe, xe khó đi lắm. Trông lên đàng trước mặt, xanh xanh biếc biếc, đá liền với trời, thì tức là rặng núi Tiên Hồ với rặng núi Yên Tử. Rồi xuống xe đi đất, đi về mé bên tả, qua cánh đồi ấy, vào chùa Quỳnh Lâm. Khi đi ở trên đồi mà trông sang, đã thấy đàng trước cửa chùa có một cánh đồi, trên đồi có mấy cây thông già, với ở ven chùa có một cái bãi, trên bãi nhấp nhô đến hàng trăm cái tháp cổ; đã biết ngay rằng chùa này là chùa khác thường. Cứ như trong sách chép rằng chùa Quỳnh Lâm ở về địa phận làng Hà Lôi, trên cái đồ phẳng và rộng tự đời nhà Trần kiến trúc ra, là một cảnh danh lam đệ nhất trong thiên hạ. Lời ấy tưởng cũng không sai. Kịp đến lúc vào xem, thì thật là một cảnh vắng vẻ hoang lương. Nếp chùa tuy có rộng rãi, nhưng cũng không phải là nếp chùa cổ nữa, cho nên cũng đơn sơ bình thường, không lấy gì làm nguy nga lắm. Chỉ trông những hòn đá tảng hình tròn, tạc ra khía hoa sen, có nhiều hòn mặt đến ba bốn thước An Nam, với một nếp nhà hậu, ở ngoài thì trông ra một tầng, vào trong thì thành ra kiểu lầu gác, vì cột lớn lắm và cao lắm, mà sắc gỗ đã hoa hoét mốc meo, thật ra sắc cổ. Ấy cái nếp nhà hậu mà còn thế, nữa là nếp chùa khi xưa, làm cho xứng với những hòn đá tảng ấy thì to tát biết dường nào. Lại đi xét qua chung quanh chùa, mà dò xem những cái dấu vết tường cũ hoặc thềm cũ, thì mông mênh rộng rãi khác thường, sẽ biết các vua chúa đời nhà Trần khi xưa có nghị lực về tôn giáo lắm vậy. Đời Vĩnh 55 Khánh với đời Vĩnh Hựu nhà Lê, đã từng có hai lần trùng tu. Vậy thì chùa này có danh tiếng là danh tiếng về lịch sử mà thôi, chứ hiện nay cũng không phải là chỗ phong cảnh thanh u, hương khói sầm uất gì nữa. Mà cái lời bảo rằng trong chùa toàn những tượng đồng, cũng là lời tương truyền thế mà thôi, chứ cũng không thấy có, hay là ngày xưa có, mà tang thương đi đã lâu rồi, cái đó thì cũng không biết. Hiện nay nhà sư ở chùa này cũng cố tập họp lấy thiện tâm, sửa sang được một cái gác chuông ở trước cửa chùa, tổn phí kể có nghìn bạc, coi cũng có thể thế trang nghiêm. Bấy giờ đứng ở trên gác chuông mà coi ra bốn bên, thì ở đây cũng không phải là chỗ sơn cao thủy tú gì, chẳng qua là một nơi dặm cát đồi cây, đồng không mông quạnh, mà đời nhà Trần sửa sang ra một nếp chùa này, trang nghiêm vĩ đại như vậy, xét ra không phải là không có cớ, cái cớ ấy sẽ giải thích ra ở đoạn sau. Khi ấy anh em đứng ngồi với nhau ở trên cái gác chuông đó, trông ra các bức tường lở long, các bụi cỏ rặng cây đìu hiu u uất, không khỏi có tình tang hải, có ý tích kim. Có một ông đứng lên đánh một vài tiếng chuông để tỉnh cho cái hồn tịch mịch, mà cũng thú thay! Lại đương về buổi tà dương, có cảnh vãn hà, trên trời dưới đất cùng lấp lánh một sắc vàng, thành ra một cái thế giới hoàng kim, anh em ngoảnh lại trông nhau, người nào người nấy đều tựa nhớ các vị kim thân trong Phật Quốc, mà cũng đẹp thay! Khi trở ra đến ngoài cửa chùa, nghé vào chỗ bụi rậm, lại thấy có một cái bia về đời Cảnh Hưng, kể về công quả trùng tu, cái bia coi cũng to tát, trên có đề chữ rằng: “An Nam cổ tích danh lam đệ nhất Quỳnh Lâm Phật tự thiên trụ quốc triều 56 DU KÝ VIỆT NAM bi ký.” thì chùa này về hồi Lê mạt cũng còn thịnh vượng; tự Lê mạt đến giờ cũng chửa đã là bao nhiêu năm, mà tấm bia này đã chen vào trong bụi cỏ, coi đó mà ngậm ngùi thay! Lại ra xem qua bãi tháp, tháp cũng có nhiều cái tháp kỳ cổ khả quan. Song cái lối thiền môn đề tháp xưa nay thường dùng những chữ đạo hiệu thông thường, như linh quang, tĩnh viễn chẳng hạn, cho nên cũng không nhận ra được cái tháp nào là của vị nào, chẳng qua xem cái tháp nào đẹp thì chiếu lấy bức ảnh đấy mà thôi. Mới đi sang xem chùa An Sinh, chùa An Sinh cũng gần ngay ở bên chùa Quỳnh Lâm. Chùa An Sinh cũng ở trên một cái đồi rộng, xung quanh cũng không có sơn thủy gì thanh kỳ, cũng là một cái chùa cổ, mà chùa cũng xinh xắn nhỏ hẹp, không rộng lớn như chùa Quỳnh Lâm. Chỉ tầng cao thứ nhất trên tam bảo, có một pho tượng tạc bằng gỗ, dáng nhà sư, tạc kiểu nằm, mà tượng thì ở trong khám, là tượng đức Trần Nhân Tôn, chùa này thờ làm vị đệ nhất Phật tổ. Ngoài có một câu đối khắc rằng: “Tác chi quân, tác chi sư, vạn cổ phong thanh tiêu Tượng Lĩnh; Pháp ư thiên, pháp ư địa, thiên thu linh tích kỷ Đông A”. Chùa này biệt danh là chùa Kim Quy. Chùa này tuy nhỏ, nhưng thực là một chỗ linh tích về lịch sử nhà Trần, chùa này với chùa Quỳnh Lâm đều có giá trị về phần phóng cổ cả. Các lăng của vua chúa nhà Trần, như Thái Lăng của vua Anh Tôn, Mục Lăng của vua Dụ Tôn, Nguyên Lăng của vua Nghệ Tôn, vân vân, cũng ở gần miền chùa An Sinh. Nhưng thê lương man mác ở trên vùng cỏ rộng, chỉ khiến người tưởng tượng mà thôi, chứ cũng khó nhận ra được lăng nào là của vua nào. Chùa này với chùa Quỳnh Lâm, về hồi nhà Trần, 57 thành ra một nơi đặc biệt thắng cảnh, tưởng cũng không phải là không có cớ. Nguyên gốc tích họ nhà Trần phát ra ở đất An Sinh, ký thủy ở đất An Sinh, rồi mới thiên cư sang đất Tức Mặc (thuộc Nam Định). Ý giả khi mới phát tích, còn lam lũ ở phần sơn lâm; sau sinh tụ nhiều ra, mới tìm đường sinh hoạt về phần giang hải; khi được thiên hạ lên làm vua rồi vẫn lấy chỗ này là chỗ quê cha đất tổ, cho chỗ này là chỗ vượng khí sở chung. Cho nên các lăng vua chúa trong lịch đại nhà Trần đều đem về táng ở đấy, mà chùa Quỳnh Lâm với chùa này khi ấy cũng hết sức sửa sang, biến chỗ tịch mịch hoang vu ra làm nơi danh lam thắng cảnh. Ấy cũng là một cái đặc tính của người Đông phương ta xưa nay, mà người ta cũng nên có cái đặc tính ấy vậy. Cho nên hễ thấy người nào có sự gì lấy làm trịnh trọng thì phần hương cáo tổ, khi phú quý thì mặc áo gấm về làng, cũng đừng có vội chê. Gián hoặc cũng có người học được cái lịch sự rởm, cái văn minh thừa, mà khinh ông tổ là quê mùa, là hủ bại; khi phú quý thì phú quý ở đâu đâu, mà người làng cũng ít khi được trông thấy cái áo gấm, chẳng hóa vô tình với cỗi rễ, nhạt nhẽo với bà con lắm ư! Xem chùa An Sinh rồi, về ngủ ở làng An Lâm; làng ấy phụ cận huyện lỵ Đông Triều, cũng có một cái chùa ở giữa làng ngay bên đường cái đi qua, tuy không phải là nơi cổ tích gì, nhưng trông ra chùa cũng khá rộng, cũng có cái quang cảnh bát ngát, cái phong vị u nhàn. Nhân tối hôm ấy là tối hôm rằm, bóng trăng thu lại vừa tỏ; cơm xong, mới cùng nhau ra chơi chùa. Khi đi chơi ấy là vì chơi trăng, chứ không phải là vì chơi chùa. Duy cũng có hai cái cảnh tuệ, 58 DU KÝ VIỆT NAM là mắt ông Phật ở trên chùa với bóng chị Hằng ở dưới nước. Lại có hai cái vật thanh, là làn ao thu thủy với cái ruột anh em mình lúc bấy giờ. Khi đến đêm khuya về nghỉ ở trong làng, vì cái tâm được thanh tĩnh, nên cũng ngủ được ngon. Chẳng bù với những lúc tranh luận với ai một cái vấn đề cái chủ nghĩa gì, hay hoặc hào hứng với bạn bè đi dự cuộc thưởng tâm lạc sự gì; khi về nhà còn dằn dọc hút thuốc vặt mãi chưa ngủ đi được, phải có chút công phu sửa soạn lại cái linh hồn mới ngủ đi được. Sẽ biết con người ta đối với cuộc đời, chỉ biết giấc ngủ là tiên cũng không nên, mà không biết giấc ngủ là quý cũng là không nên. Sáng ngày mai cùng nhau trở dậy sớm, mới thẳng đường xe lên Chí Linh. Xe đi thẳng lên phía bắc, trông ra bốn bên, gần xa thuần là núi cả. Khi ấy mặt trời ở đàng sau lững thững mới mọc lên, xe mình đi như bay, tựa hồ tranh nhau được với mặt trời mà đi lên trước. Qua một cái cầu gọi là cầu Vàng Dát, là chỗ phân giới hai huyện Chí Linh và Đông Triều. Đi một độ nữa cũng khá dài, đến chợ Chi Ngại, xuống xe nghỉ ngơi một lát, rồi tìm lối vào Côn Sơn. Vì đường xe tuy còn dài, thẳng mãi lên đến Phao Sơn, Phả Lại. nhưng lối vào Côn Sơn thì phải rẽ ngang sang mé bên hữu. Nên chi cho xe kéo không đi lên trước, hẹn đón ở quán Hữu Lộc. Hữu Lộc tức là chỗ cửa núi Phượng Hoàng. Vì đã tính sẵn đường đi, từ đấy cứ xuyên sơn mà đi, vào một lối mà ra một lối vậy. Mấy anh em phải vén áo mà lên đồi, trút giày mà lội suối; đồi thì cũng còn thâm thấp, tinh những đồi trọc, thỉnh thoảng có năm ba cây thông; suối thì cũng nông nông, có nhiều chỗ chỉ sâm sấp ngập bàn chân, tuôn ra từ từ, 59 mà nước trong leo lẻo; ruộng nương ở quanh miền đây phần nhiều nhờ những suối ấy để làm chất tẩm nhuận; cho nên lúa thấy tốt lắm dẫu nắng lâu như năm nay cũng không hại gì. Bấy giờ anh em ai nấy đều có cái hứng thú Đào Nguyên, chỉ ước ao rằng giá anh em mình được một khu ruộng ở đây, mà cùng nhau néo khố đi cày, thì tưởng công hầu mà chi, khanh tướng mà chi. Nhưng chỉ hiềm rằng hoặc có cái vấn đề gì khó, khôn lẽ giải quyết với chim chóc với cỏ cây; hoặc có cái tư tưởng gì kháu, câu văn chương gì xinh, khôn lẽ phô phang với nước với đá. Ấy cái cảnh Đào Nguyên với cái cảnh trần thế, trái ngược nhau như vậy. Cho nên thiệp thế khó lắm, mà xuất thế có dễ đâu. Khi gần tới Côn Sơn, thì thấy một dẫy thông xanh tốt, hoặc cao hoặc thấp, hoặc cổ quái, hoặc thẳng thắn, đều là cái vật có mấy trăm năm, kể có hàng trăm cây, mà liệt hàng chữ nhất, đã biết ngay rằng dẫy thông này là dẫy thông tay người bài trí, không phải là dẫy thông thợ trời tự nhiên. Núi thì ra hình núi đất mà có lẫn đá, cây mọc ở trên núi cũng thuần là những thông. Núi cũng không lấy gì làm cao lớn đặc biệt, chẳng qua thanh tú xinh xắn, nhàn nhã thâm u những vẻ ấy mà thôi. Ở mé chân núi thấy có một vài cái nóc ngói ở trong vùng cỏ nhô lên một ít, còn thì khuất cả, sẽ biết cỏ ở đấy cũng khá rậm tốt. Bảo nhau rằng ấy cảnh Côn Sơn đấy. Đến lúc vào thì là một nếp chùa, từ hòn ngói hòn tảng cũng có mầu cổ, nhưng gần đây cũng có sửa sang lại. Chùa đề là chùa Tư Phúc. Sau chùa có một nếp nhà thờ tam tổ thiền sư, là vị Trần Nhân Tôn, vị Huyền Quang, vị Pháp Loa. Hiện nay ở trên núi còn có một tháp của vị Huyền Quang, đứng ở đàng xa xa đã bắt đầu trông 60 DU KÝ VIỆT NAM thấy. Trước cửa chùa có một câu đối đề rằng: “Đông thổ tâm tôn truyền pháp hải - Tây kiền diệu chỉ hiển Côn Sơn”. Chùa cũng có sư, có cả cung văn viết sớ sách, chừng ở đây cũng có phong vận thiền môn, không phải là chỗ hương khói vắng tanh, mà quang cảnh cũng có chiều sảng lãng. Song anh em ta sở dĩ len lỏi vào đây, không phải là vì cảnh chùa, chỉ vì cảnh núi. Núi này có sự tích ba nhân vật kỳ dị trong sử xanh. Một là cụ nguyên lão hồi Trần mạt Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán về đây trí sĩ. Hai là cụ Khai quốc nguyên huân hồi Lê sơ quân sư Nguyễn Trãi về đây dưỡng nhàn. Ba là người kỳ nữ tử Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trước về đây thưởng thức cùng dã hoa đề điểu, sau lại từ đây bước chân ra vui vầy với cấm thụ cung oanh. Hiện nay di tích cụ Băng Hồ chỉ còn một dẫy thông chính là tay cụ trồng ra; di tích cụ Khai quốc cũng chỉ còn có một phiến bàn thạch là chỗ khi xưa cụ ngồi xem sách ngồi câu. Còn di tích cô Lễ nghi học sĩ thì cũng không thấy gì, chỉ để lại cho thế gian cái lịch sử bán chiếu, cái lịch sử làm văn, cái lịch sử Lệ Chi Viên đấy thôi. Lịch sử ba nhân vật ấy, chắc là quốc dân phần nhiều đã biết cả rồi, ở đây không phải kể ra nữa. Vả lại lịch sử ba nhân vật ấy là lịch sử to tát ly kỳ, kể ra đến mấy mươi trang giấy cho vừa. Vả chăng con nhà ký sự trong khi đi du lãm cốt là cái bút tình gửi vào kim cổ, cái bút thái để vào nước non, khiến cho người xem cũng hơi có hứng thú một chút; không phải là con nhà đi sao câu thơ câu văn cũ, đi kiếm câu chuyện xưa mà dồi vào cho đầy trang giấy. Cho nên văn du ký đối với lịch sử, chỗ nào bất đắc dĩ mới phải tự vào, không thì chỉ nên điểm qua mầu nhân vật để tô tỉnh cho non sông, thấu đến lòng kim 61 cổ để phát huy lấy tư tưởng là hơn. Mà đối với những bài thơ trong vách đá, bài văn trong lòng bia cũng vậy, câu nào có thú vị, chỉ nên trích lấy một vài câu đủ làm một món thưởng thức cho độc giả mà thôi, còn thì cũng phải văn chương của tác giả. Vậy đoạn này chỉ xin bàn qua về chút đường tình tự, chút lẽ thị phi trong lịch sử ba nhân vật mà thôi. Cụ Băng Hồ tướng công đối với Hồ Quý Ly, lấy oán làm ân, há không phải là điên đảo lẽ thường. Nhưng nhà mất, nước mất, mà thân còn, cụ cũng là khổ tâm; kẻ biết được một lẽ, chửa biết được hai lẽ ấy, chửa nên chê cụ. Còn như cụ Khai quốc nhà Lê, trời cũng chiều cụ lắm thay! Công danh trời chiều, sự nghiệp trời chiều, văn chương trời chiều; còn cái bệnh đa tình, trời cũng lại chiều nốt. Khi công thành thân thoái, vào hưu dưỡng ở Côn Sơn, non xanh nước biếc, chen có vẻ má phấn quần hồng; câu phú câu thơ, được có bạn tài hoa nữ sĩ. Than ôi! Lạ cho cái sóng khuynh thành, anh hùng như cụ, nho giả như cụ, mà cũng bị cái sóng ấy nó quấn đi, hoặc giả trời đi đâu vắng, mà xẩy ra sự như thế chăng! Tuy vậy, cái thái độ kẻ tiểu nhân và cái tội ác đời chuyên chế đã đành rồi, không hề kể chi nữa. Đến như cụ, tưởng cũng không phải là không có điều đáng tiếc, đáng suy xét ra cho kỹ mà bàn. Ký giả còn nhớ thơ vịnh sử của tiên nghiêm ký giả năm xưa có bài rằng: “Đặng Vũ qui phiên nhật - Thang Hòa trúc đệ thần - Vị văn huề ái thiếp - Mạo diễm cánh năng văn”. Nghĩa là ông Đặng nhà Hán, ông Thang nhà Minh, đều là kiến quốc công thần, đều bảo toàn được công danh phúc lộc; hai ông ấy khi về nhà về nước dưỡng nhàn, chửa nghe ông nào có đa mang một cô hầu trẻ đẹp mà văn hay (hiện đã đăng trong bản chí phần chữ nho 62 DU KÝ VIỆT NAM kỳ thứ 50). Tưởng bài thơ ấy cũng có ý tứ sâu xa, chẳng khác gì một chiếc từ hàng trong sắc hải. Vậy cũng xin tự qua ra đây, để làm căn bản cho lời nghị luận này. Duy thức giả cũng nên biết rằng trong sắc hải lạ lùng lắm, dẫu kẻ anh hùng quân tử cũng chưa dễ đã làm thinh đi được. Nhưng trong sắc hải ba đào lắm kẻ anh hùng quân tử cũng nên tìm lấy một chiếc từ hàng cho vững chãi mà vượt qua. Lại còn câu chuyện rắn về báo thù là câu chuyện huyền hoặc bịa đặt, không xá luận chi. Xem ra cô Thị Lộ cũng là một gái tài hoa yểu điệu, lại là một gái phong vận lẳng lơ; kẻ lão đại khanh tướng chung tình, ông thiếu niên hoàng đế liếc mắt cũng là phải. Duyên cô cũng may, số cô cũng kỳ, mà mệnh cô cũng bạc. Cô xuất hiện trong nhân thế chửa được mấy ngày, mà cái bộ luật chuyên chế kia đã làm thiệt thòi cho kẻ hữu tình mà vô tội. Thiên hạ về sau chỉ biết ông Nguyễn Trãi là oan, ít người xét cô cũng là oan. Có chăng chỉ cái thần lưu liên hoang vong thị tửu hiếu sắc là có tội, chứ cô có tội gì. Đến bây giờ qua chơi vào núi Côn Sơn, trông ra ngọn cỏ lá cây, thấy hiu hiu gió, còn tưởng như là bà Lễ nghi học sĩ về thăm núi vậy. Khi trở ra, lại đi vòng núi, qua một cái sơn thôn nho nhỏ độ vài chục nóc nhà, gọi là thôn Trúc Cương. Hỏi ra thì cái thôn này cũng là cái thôn mới lập ra vào độ vài mươi năm nay, hàng lúa hàng trúc thấy xanh rì, tiếng gà tiếng chó nghe văng vẳng. Phàm đi đường núi mà gặp được cái thôn trang, đều là cái cảnh khá vui cả. Vì tên núi mập mờ, đường núi gập ghềnh, chân đi lẽo đẽo, đến đấy có chỗ thăm hỏi và nghỉ ngơi. Khi vào một nhà ở trong thôn, bọn mình ai nấy đều gối mỏi, chân chồn, lòng không, miệng khát. Tuy đồ ăn dự bị cũng không thiếu gì, 63 nhưng thuần là đồ khô, mà trong thôn rặt những chè mới hái đem về nấu; bọn mình không quen uống, không uống được bao nhiêu, mới nhờ thôn dân luộc cho một lẻ gạo tựa như cháo hoa, để húp lấy nước, đến lúc mang lên, thì gạo núi cũng thấy trắng tinh. Ừ mà lạ thay! Đông Hưng, Nhật Tân, Bạch Mai, Hàng Giấy, cũng không thiếu gì cháo, mà nghe chừng chửa có thìa cháo nào đáng kỷ niệm, mà cháo ở đây dễ dàng kỷ niệm chắc! Rồi mở chai thi nhau uống rượu, mở bao mở hộp thi nhau ăn thức nọ thức kia, thật là vui vẻ. Sẽ biết quạt máy đèn điện và cái tay ngà ngọc của các ả hồng lâu, chẳng qua là cái đồ trang sức ở bề ngoài đấy thôi; nếu bề trong mà không thích hợp, thì bề ngoài cũng vô ích. Nghỉ ngơi xong, lại đi vòng núi, vào núi Phượng Hoàng. Phượng Hoàng cũng là quả núi đất, đôi bên tả hữu đều có một đợt núi đất lớn nổi lên; bên tả lại có một đợt núi đất thò ra, mà khép lại đàng trước mặt, tựa như cái cánh gà. Cho nên đôi bên tả hữu núi Phượng Hoàng có hai cái suối tự sườn núi chẩy xuống, hợp lại đàng trước mặt, nước thường chảy quanh năm. Đôi bên thung lũng ở trên mé bờ suối, cây cối cũng rậm tốt u ảo. Đàng trước mặt, tức là Miết Trì. Dưới Miết Trì có sản xuất một thứ son tốt lắm, dân gian thường lấy đem bán ở ngày hội Kiếp Bạc, gọi là son Phượng Hoàng, son Phượng Hoàng đã từng có tiếng với thiên hạ về phần lịch sử nhà nho. Xem ra phong cảnh chốn này có chiều u nhã, có tứ thanh cao, thật là xứng đáng với chỗ ẩn cư của một người đại nho vậy. Người đại nho về ẩn cư ấy, tức là cụ Chu An đời nhà Trần. Hiện nay miếu cụ Chu An chỉ còn có ba gian miếu ngói ở trên lưng chừng núi Phượng Hoàng, mà trông ngay xuống 64 DU KÝ VIỆT NAM cái Miết Trì, đi ở đàng xa xa đã trông thấy. Trong miếu gian giữa có một cái bệ vôi, trên bệ có một phiến đá xây liền vào tường, khắc mấy chữ rằng “Trần triều Tư nghiệp Chu Văn Trinh công thần vị”. Trên mái cũng có một cái hoành biển hình đã cổ, cũng đề chữ như phiến đá. Trước sân ở đôi bên tả hữu có năm cái thạch bi, nhấp nhô ở trên làn cỏ, cỏ cũng tốt lắm, muốn xem phải vạch mà xem. Một cái đề là Thiệu Trị nguyên niên khởi trúc. Một cái đề là Tự Đức thập niên trùng tu, làm thêm ra ba gian tiền đường, nhưng ba gian tiền đường hiện đổ nát đã lâu, còn hơi di chỉ mà thôi. Một cái khắc tập thơ Tiều Ẩn, tức là thơ của cụ. Một cái khắc những thơ các danh nhân đề vịnh. Một cái đề là Trần triều Tư nghiệp Chu Văn Trinh công ẩn xứ về hồi Lê Cảnh Hưng năm Giáp Thìn đề. Lại có một cái thạch bàn hình hơi vuông mà mặt phẳng, chu vi ước năm sáu thước nam, cao ước bốn thước. Chỗ thổ sơn mà lại có một cái thạch bàn nghiêm trang xinh xắn, nghĩ cũng kỳ. Ý giả ông trời bài thiết ra đó, để đợi kẻ có đạo đức lên ngồi đấy chăng. Tự miếu đi thoai thoải xuống, ước độ non trăm bước, tức là cái suối, khúc suối ấy tức là cái Miết Trì. Núi Phượng Hoàng thuộc xã Kiệt Đặc, dân Kiệt Đặc cứ đệ niên xuân thu đem hương đăng lễ vật âm nhạc lên tế cụ, thờ cụ như một vị phúc thần. Trông ra cửa núi Phượng Hoàng còn có mấy khu đất bỏ hoang, mà quanh năm thường có nước suối tẩm nhuận. Giá kẻ có chí rủ nhau lấy mươi lăm người lên đấy mà làm ruộng, xem sách, trồng cây, ngày ngày lên quét miếu cho cụ, lúc nào buồn thì vạch cỏ ra mà đọc thơ, tưởng cũng là một sự hay. Thơ Tiều Ẩn có những bài rằng: 65 Tích mịch sơn gia chấn nhật nhàn, Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn. Bích mê thảo sắc thiên như túy, Hồng trạc hoa tiêu lộ vi can. Thân dữ cô vân tràng luyến trục, Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan. Bách huân bán lãnh trà yên yết, Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn. Thơ đề vịnh có những bài rằng: Học hải hồi lan tục tái thuần, Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân. Cùng kinh bác sử công phu đại, Kính lão tôn nho giáo hóa tân. Bố miệt mang hài qui khứ nhật, Thương đầu bạch phát dục phong xuân. Huân hoa chỉ thị thùy y trị, Tranh đắc Sào Do tác nội thần. Ký giả khi ấy nhân cũng có một bài cảm thuật rằng: Ai vào thăm Phượng Hoàng san, Miết Trì còn đó Thạch Bàn còn đây. Trông non trông nước trông cây, Trông hòn đá phẳng nhớ ngày kết lư. Tấm bia Tiểu Ẩn trơ trơ, Đọc xong, cũng muốn giả lơ cuộc đời. Bầu trời rộng lắm ai ơi! Chẳng nơi triều thị cũng nơi lâm toàn. 66 DU KÝ VIỆT NAM Xét ra khi cụ về ẩn ở đây là về hồi cụ thượng sớ trảm nịnh thần mà không thấy triều đình lưu ý, cụ mới có chí ẩn cư. Khi ấy có một viên quốc tử giám thư ký họ Lương người xã Kiệt Đặc, là học trò của cụ, rước thầy về ẩn ở núi Phượng Hoàng, kết lư giảng học, cụ bấy giờ mới tự hiệu là Tiều Ẩn. Cụ nghĩ rằng cái đạo cứu nước của mình đã không thể thực hiện về đường chính trị, thì chi bằng thực hiện về đường giáo dục. Nên chi tứ phương lại học cũng nhiều, học trò cụ, có nhiều người làm lên ngôi khanh tướng nhà Trần, tức như bọn ông Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, v.v... Sau đến đời Lê Cảnh Hưng quan Hải Dương trấn án sát sứ là Lê Duy Đản mới tìm nhận ra được nơi ẩn cư cố bích của cụ, lập lên phiến đá để ghi lấy; cái bia đề rằng: Trần triều Tư nghiệp Chu Văn Trinh công ẩn sứ, tức là cái bia ấy. Cụ là người làng Quang Liệt huyện Thanh Trì (nay thuộc Hà Đông). Lịch sử cụ cũng không phải tả gì cho lắm, quốc dân ta chỉ nên biết rằng cụ là một kẻ thanh cao xử sĩ, trung trực đại nho. Phàm thói thường của những kẻ hủ nho, khi bất đắc chí thì hay sinh ra lòng chán đời, hoặc nói gàn bát sách, hoặc rượu tít cung thang; khi mon men ra với đời, thì thấy những kẻ có quyền thế to, hay xu phụ để cầu lấy đắc chí. Vì cụ không có những thói hủ ấy. Cho nên cái lịch sử dâng sớ lên triều xin chém những kẻ nịnh thần bảy người, và cái lịch sử trú tạo lấy nhân vật để tài bồi lấy vận mệnh quốc gia, hai cái lịch sử ấy của cụ, ví như hai vầng nhật nguyệt thường chói lọi ở cõi Nam ta, tưởng quốc dân ta nên coi lấy. Lại đi vòng núi, qua quả núi nọ, sang quả núi kia. Bấy lâu vẫn xem có sách chép rằng mả bà Tinh Phi táng ở trên 67 núi Trì Ngôi thuộc xã Kiệt Đặc, trên mả có xây một cái tháp. Mà Tinh Phi cổ tháp đã liệt vào cảnh bát cổ huyện Chí Linh, thì sự tích bà Tinh Phi cũng là một sự tích có giá trị ở miền Hải Đông. Nên chi anh em khi ấy bồi hồi thơ thẩn, có chí đi tìm núi Trì Ngôi, nhưng cũng không biết rõ núi nào là núi Trì Ngôi. Vì núi Trì Ngôi là núi trứ danh ở trong sách, không phải là trứ danh ở cửa miệng người ta như núi Côn Sơn núi Phượng Hoàng. Chỉ nhận về dẫy núi Kiệt Đặc mà trên núi có cái tháp cổ ấy, hoặc giả là phải chăng. Quanh quẩn ít lâu, thấy một chỗ mé sườn núi có một cái tháp cổ, mà ở bên cạnh cái tháp hình như có di chỉ cái miếu đổ hoặc cái chùa đổ gì đó. Trông ra thì gạch đá tờ mờ, cây cối trơ trọi, ngọn cỏ đìu hiu, thật là một cảnh tịch mịch hoang lương. Năm nọ ông Nguyễn Trọng Thuật đã từng được nghe có người bảo rằng chính tháp bà Sao Sa ở đấy. Khi ấy mới cùng nhau lên xem, thì cái tháp tuy rằng có chữ, nhưng là những chữ thường dùng của lối nhà chùa, không nhận ra được chữ gì là hiển chứng tháp bà Tinh Phi. Anh em ngơ ngẩn ít lâu, mới bảo nhau rằng chắc còn phải đợi khảo sát lại cho kỹ sẽ hay. Bấy giờ bóng chiều đã ngả, mà dặm về còn xa, không thể còn leo lên đỉnh núi được nữa, đã toan chụp lấy một cái ảnh, rồi lại thôi, giá cứ chụp lấy mà đề rằng Tinh Phi nghi chủng sẽ đợi khảo sát, thì cũng phải; rồi cùng nhau đi xuống, nghĩ mà tiếc thay! Tuy vậy, trong lòng đối với lịch sử bà Tinh Phi cũng vẫn còn vô hạn lai láng bồi hồi. Vả chăng lịch sử bà Tinh Phi, quốc dân ta cũng ít người biết, nhân tự qua như sau. Bà Tinh Phi người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, họ tên là Nguyễn Thị Du, tự là Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền. Bà 68 DU KÝ VIỆT NAM có năm cái lịch sử, một là nữ trạng nguyên, hai là nữ thiền sư, ba là nữ giáo sư, bốn là nữ cố vấn, năm là nữ khảo quan, đều là cái lịch sử tốt đẹp vô song trong nữ giới cả. Bà nhan sắc tuyệt trần, mà thông tuệ khác người, lên mười tuổi đã biết làm văn, mà lại sính văn quốc âm. Bà thủa trẻ, trong làng có một chàng khinh bạc muốn lấy bà, bà cố cự tuyệt không lấy, thường ngâm một câu để tỏ chi rằng: “Xá chi vàng đá hỗn hào, thẳng đem cánh phượng bay cao thạch thành.” Cũng đủ biết rằng không phải là hạng tầm thường nhi nữ. Hồi Lê Mạc tranh quyền, chốn trung châu rối loạn, bà theo cha lên tị loạn ở đất Cao Bằng. Cái cảnh thân gái lìa nhà, cũng là một cái cảnh trời đất gió bụi, má hồng truân chuyên. Vậy bà có câu rằng: “Đành hay là kẻ có mình, che trên đã cậy trời xanh phù trì.” Cũng đủ biết rằng bà là người có sức tín ngưỡng và có sức tự tín nữa. Nhân ăn mặc giả lối nam trang, theo thầy đi học, có tiếng hay chữ. Khi ấy phía đông bắc nước ta còn thuộc về nhà Mạc, nhà Mạc mở khoa thi hội ở Cao Bằng, bà đỗ đệ nhất danh, tức là trạng nguyên nhà Mạc. Mạc Chúa thấy dung mạo giống đàn bà, hỏi ra biết là thực mới lấy làm vợ, đặt tên là Sao Sa, nghĩa là sáng và đẹp như vị sao trên trời sa xuống hạ giới vậy. Khi Mạc mất nước, bà phải trốn tránh vào nơi núi thẳm hang sâu, quân Trịnh đi dò bắt được bà. Khi ấy bà vẫn cầm thanh gươm, bảo quân sĩ họ Trịnh rằng chúng bay đã bắt được tao, phải đem tao đến tận mặt chúa chúng bay, chúng bay không được vô lễ, nếu không thế, thì tao chỉ lấy gươm tự vẫn mà thôi. Quân Trịnh phải kinh sợ nghe lời. Khi về Thăng Long, Trịnh Chúa cũng tỏ lòng quý trọng, cho được tự do. Được ít lâu bà sang 69 tu ở chùa Vụ Nông huyện Gia Lâm, nghĩa là thân này gửi với cỏ cây cũng vừa. Sau Trịnh Chúa muốn cầu một người nữ học sĩ để giáo dục cung nhân, kẻ tả hữu nói ai bằng bà Mạc Phi; Trịnh Chúa lại cho đi triệu vào cung, bắt phải dạy học ở trong cung, đặt huy hiệu cho bà là Lễ Sư. Bà vì quốc quyền cưỡng bách lại là vì nghĩa vụ nên làm; tự đấy văn chương học vấn bà càng hiển ra ở đời; trong cổ kinh cổ sử có nghĩa gì khó giải, Trịnh Chúa thường đem ra hỏi, bà lại là một vị cố vấn của Trịnh Chúa. Đời Trịnh Nghị Vương khoa tân vị thi tiến sĩ, có một quyển văn của tên Nguyễn Thọ Xuân, văn thì hay, mà nhiều nghĩa khó lắm, triều sĩ ít người hiểu, Trịnh Chúa phải đem quyển văn ấy vào hỏi bà, bà giải thích ra được rõ ràng, rồi tên ấy được đỗ đệ nhất. Nếu không có bà, thì quyển ấy cơ hồ bị truất lạc, bà phân minh là một vị nữ khảo quan. Bà làm ra văn chương cũng nhiều, chỉ tiếc không còn truyền lại mấy. Bà có một tập quốc âm tự thuật, ví mình với bà Bạc thái hậu nhà Hán; trong tập có câu rằng: “Hiềm vì một chút đảo điên, song le Bạc thị vốn duyên Hán thần”. Thì cái lòng bà đối với nhà Lê nhà Mạc thế nào, tưởng cũng khá rõ ít nhiều. Lịch sử bà Tinh Phi cũng là một cái lịch sử ly kỳ, mà về hồi Lê, Trịnh, Mạc cũng có nhiều tài liệu về điểm xuyết, có thể thành được một bộ tiểu thuyết hay. Hiện nay ở chùa làng Kiệt Đặc có tượng thờ bà Tinh Phi (gọi là tượng vua bà), chỗ thờ có hoành biển đề chữ rằng Hoa am. Lại có câu đối rằng “Giáp khoa tiên chiếm Cao Bằng bảng - Đại bút do truyền Bát Cổ bi”. 70 DU KÝ VIỆT NAM Chuyến đi chơi này, đối với sự tích bà Tinh Phi, thật là chưa được mãn chí. Khi trở ra, lại đi vòng núi, trông gần trông xa, làn núi chập chờn, bóng tà dương bảng lảng, có cái cảnh tượng biến ảo; đi một bước thì thế giới biến đi một bước, đi hai bước thì thế giới biến đi hai bước, sự biến ảo trong cuộc đời tự xưa đến nay, tưởng cũng như trong năm ba bước chân mới rồi vậy. Ra đến quán Hữu Lộc, thì tức là đường xe. Đứng ở trên đường mà trông sang cánh đồng lúa phía tây bắc, đã phảng phất chỗ cổ thành nhà Mạc, y nhiên là cái quang cảnh Thử Ly. Lại đi xe vòng xuống quanh về huyện Chí Linh; đến Chí Linh thì trời đã sâm sẩm tối, mà sơn phận đến Chí Linh cũng là vừa hết, từ đấy cái cảnh sơn lĩnh lại đổi ra cái cảnh bình nguyên. Rồi qua bến đò Bình, chỗ ấy là chỗ hạ lưu sông Lục Đầu, phảng phất chỗ Bình Than cổ độ. Sang đò Bình rồi về phủ Nam Sách. Khi ấy các ông đều tiện xe lên Hải Dương. Ký giả còn nghỉ lại ở Nam Sách nhà ông Nguyễn Trọng Thuật, đến mười một giờ ngày hôm sau mới về. Ký giả khi nghỉ lại tiếp chuyện với ông Nguyễn Trọng Thuật, lại được xem tập thơ sao lục trong “Chí Linh bát cổ bi” (trên kia đã tự qua). Chỗ bia ấy ký giả với anh em trên Hà Nội cũng chửa được đến xem. Song những thơ sao lục ở đó, xem ra nhiều bài thú vị, có giá trị về sự khảo cổ lắm. Thú vị nhất là bài thơ đề “Tinh Phi cổ tháp”, khi ngồi xem bài thơ, cũng đủ bù lại với lúc đi tìm cái tháp vậy. Nhân cũng tự ra đây để điểm xuyết thêm cho cuộc phóng cổ. Thơ rằng: Ngọc thủ chiết cao chi, Kính nhan lưu cổ tháp. 71 Tòng cổ thử giang sơn, Chí kim kỷ minh giáp. Hoa thảo tự khai tạ, Ngư tiều tương vấn đáp. Sơn sắc chính thanh thương, Thu thanh hà tiêu táp. Khải Định, Ất Sửu, mộ thu, trước giả ký. Số 102, tháng 2-1926 N. Đ. P. 72 DU KÝ VIỆT NAM QUẢNG XƯƠNG DANH THẮNG THIỆN ĐÌNH Núi Sầm Sơn thuộc xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, núi đất pha đá, phía đông bắc có bể, phía tây nam có bãi ruộng cát, bên trong có mười sáu ngọn núi, núi cao nhất ước độ một trăm thước tây, chung quanh dài ước ba nghìn thước, phía đông nam có một ngọn núi gọi là núi Voi, thuộc xã Tường Lệ, phía đông bắc lại còn một ngọn núi gọi là núi Cổ Rùa, những chỗ ấy đều có đền thờ ông Độc Cước. Cái núi ấy dẫu không có động sâu hang thẳm, rừng rậm cây xanh, nhưng cũng có một cái thú thiên nhiên, khách du lịch đến đó ai cũng phải dừng chân nghỉ bước, để mượn cái quang cảnh ấy làm cách tiêu dao, vì chỗ ấy có cái gió bể ở phía đông bắc đưa lại, rất là khinh khoái, rất là êm đềm, lúc ban chiều trèo lên đỉnh núi nhìn chung quanh thời các núi xa gần có bao nhiêu vẻ ly kỳ đều phô bày ở trước mắt cả, trên mặt bể thuyền xuôi lái ngược, nhấp nhô sóng gợn, coi như là một bức tranh thủy mặc treo bên mắt ta. Tục truyền đời xưa, xã Tường Lệ đêm hôm mồng bảy tháng Giêng. Mưa to gió lớn, nước ở ngoài bể dâng lên ngập ngang núi, chung quanh núi bao nhiêu cây cối đổ dập cả xuống đất, dân cư chỗ ấy lấy làm kinh sợ, hôm sau có người trèo lên đỉnh núi xem, thấy có dấu chân rất lớn in trên hòn đá, dài hơn 73 một thước, dân cư không ai hiểu vết chân ấy có tự bao giờ, và không biết dấu chân đức thần nào mới hiển hiện ra đó. Đến ngày mười bảy tháng ba năm ấy, bỗng có một trăm cây gỗ lim tự ngoài bể trôi vào đến chân núi, dân cư chỗ ấy mới nhân gỗ ấy lập đền thờ ở chỗ vết chân ấy gọi là đền Thượng, giữa lại làm một cái đền gọi là đền Trung, dưới chân lập một cái đền nữa gọi là đền Hạ. Đền thờ đức thần Độc Cước rất là uy linh, trong truyện chép có một vị cao tăng đứng một chân, đọc kinh giảng kệ, thốt nhiên một đêm hóa bay lên trời, sau anh linh hiển hiện, nhiều nơi phụng thờ, trong từ điển nước ta nói, thời vị thần ấy có hơn một trăm đền thờ, đền nào cũng có vết chân ngài hiển hiện, mà đền Sầm Sơn thời chính là đền ngài hiển hiện ra lần thứ nhất vậy. Lâu nay đền ấy không ai thưởng thức đến, nên lâu ngày hoang phế, coi như một chỗ non xanh cỏ biếc đó thôi. Đến năm Thành Thái thứ mười bốn, ngày tháng bảy găp dịp lễ thần, quan Công sứ tỉnh Thanh, thừa nhàn qua chơi đó, thấy một cái quang cảnh thiên nhiên, bèn làm một cái nhà thừa lương ở trên núi Cổ Rùa, gần bên bàn thờ để chơi mát, và có khắc một cái bia đại ý nói rằng: “Non cao nước rộng, xứ Tây Đô là một nơi nhiều danh thắng ở nước Nam...” Núi Sầm Sơn tự khi có đức Sơn Tiều thiền sư giáng thế vẫn thường tu luyện ở đấy, trải mấy nghìn năm, không ai biết đến, dẫu các nhà danh nhân chí sĩ, cho đến những bậc du ngoạn hào đạt có danh tiếng xưa nay, thế mà vết xe dấu ngựa chưa từng qua đến, có cảnh mà không có người, chẳng là một sự đáng phàn nàn lắm ư! Quan Công sứ bấy giờ là người hào mại, 74 DU KÝ VIỆT NAM biết đem cái cảnh ấy mà tô điểm cho thành được cái vẻ thiên nhiên của tạo hóa, tưởng cũng có bổ ích cho nhà du lịch lắm thay! Dựng cái nhà nghỉ mát, thì có quan Đại lý đốc coi công việc cho được hoàn hảo, tự đấy quan Tây cùng các quan Nam, thừa nhàn du lãm, ngựa xe như nước, áo quần như nêm, thành ra một chỗ đại đô hội, thế thời người nhờ có cảnh mà thêm vui, cảnh nhờ có người mà thêm đẹp, ông thần núi có thiêng, tưởng cũng mừng thầm mà nói rằng: “Không ngờ ngày nay cái phong cảnh ở Tây Đô, nay lại có người ở Tây phương thưởng thức, chả là một cái đại hạnh lắm ư?”. Khi làm xong cái nhà ấy làm lễ khánh thành quan tỉnh, phủ, huyện và liêu thuộc đến đấy ngoạn cảnh đề vịnh cũng nhiều. Ông Phạm Liêu ở Quảng Nam đương tri huyện Nga Sơn có đề thơ rằng: I Có lạ gì đâu nước mới non, Lạ vì có cảnh có người còn. Bể trông ra thế chừng to lượng, Non nước như đây dễ mấy hòn. Trời đất mở mang ba mặt rộng, Gió trăng chờ đợi mấy thu tròn. Nước non này thấy trong cao mãi, Đằm thắm cùng nhau giữ tấc son. II Từ thủa non trên bể dưới non, Còn người còn bể núi non còn. Mênh mang bể rộng đo gì thước, 75 Rải rác non xa biết mấy hòn. Gió quét hơi nồng lòng đó mát, Trăng soi đất rộng bóng ai tròn. Non xanh nước biếc người trong sạch, Thu xếp đem về một nét son. Thơ họa lại của ông Vương Tứ Đại người Hà Nội làm phán sự ở tòa sứ tỉnh ấy có thơ rằng: Bể rộng ai đào để đắp non, Vết chân Độc Cước tới nay còn. Lô nhô sườn núi nhà thưa mái, Khấp khểnh chân mây đá mấy hòn. Mặt bể trong veo trời đất biếc, Đầu thềm sáng vặc bóng trăng tròn. Lân la trong cõi non cùng nước, Mà tấm lòng riêng vẫn sắt son. Huyện Cẩm Thủy xã Quan Bằng có núi Diệu Sơn, coi như hình con sư tử dòm xuống làn sông. Trước núi có sông Mã, nước chảy quanh co; bên tả có núi Lê Sơn, cao bằng núi Liêu Sơn. Dưới núi có chợ, trên núi có động, đường vào động rất là khi khu hiểm trở. Trong động có một hòn đá dáng như người ngồi xổm, lại có hai cái hốc đá, một cái thông lên đỉnh núi, một cái sâu như cái giếng chảy ra sông. Động ấy có pho tượng đá và một cái chuông treo ở trước động, tượng không biết trang hoàng tự đời nào, cái chuông cũng không biết ai đúc ra. Cái chùa ấy lập ra đã lâu đời, triều Lê Cảnh Hưng Trịnh Vương là Trịnh Sâm đề hai chữ “cẩm vân” và hai chữ “diệu trí”, chữ xương kính và có thi luật chữ nho diễn ra đây: 76 DU KÝ VIỆT NAM Thiên tương hư thất, xưởng toàn ngoan, Diệu tích nhưng truyền tại thử gian; Nhất khiếu tà xuyên thiên cổ nguyệt, Bán song phủ hám cửu hồi nan; Hoa kình mộng tỉnh vân trung ưởng, Thạch tượng an bài tuyết hậu ban; Hải vũ chính phùng thanh thiếp hội, Hào đoan thu thập cẩm giang san. Diễn nôm: Thợ trời khéo mở động nguy nga, Linh tích ghi truyền vẫn thế a? Một động nghìn thu trăng ánh sáng, Nửa rèm chín khúc nước quanh xa. Chuông kình tiếng vẳng từng mây thẳm, Tượng đá màu in vẻ tuyết hoa. Bốn bể mừng nay êm sóng gió, Giang sơn một bức vẽ thêm hoa. Núi Lê Sơn ở xã Vân Trai hình như lưng con ngựa, bốn năm cái núi liên lạc với nhau, đá mọc chơm chởm, rừng rậm um tùm, trong có cái miếu thờ thần Độc Cước rất uy linh cũng là vị thần thờ ở núi Sầm Sơn vậy. Núi Tặng Sơn thuộc xã Gia Dụ, núi có động, trong có hai pho tượng đá hình coi cổ pháp, không biết đời nào tạo ra, quang cảnh rất là thanh u, đó cũng là chỗ lâm tuyền giai thú vậy. Động ấy có một cái thạch nhũ rủ xuống nước chẩy trong suốt như giọt mưa, gõ vào đá tiếng vang như chuông; động bên tả bên hữu đều có lỗ hổng, rộng ước hai mươi bảy trượng, 77 có nhiều thứ đá lạ, chỗ thì như cái giá áo, chỗ thì như cái chuông úp, chỗ thì như cái vẩy gấm, đứng ghé mà trông, sắc đá lóng lánh như kim xa vậy. Bên hữu có bia đá, lâu ngày mòn cả chữ, chỉ thấy đề chữ niên hiệu đời vua Lê Thần Tôn là: “Thịnh Đức năm thứ hai”; còn một cái bia ở bên tả chữ cổ, rêu mờ, trông không rõ. Động ấy xưa kia cũng nhiều những bậc danh nhân thưởng thức, nên có nhiều những bi ký như vậy. Năm Tự Đức thứ hai mươi sáu ông Nguyễn Tư Giản làm chức Sơn phòng thương điệu, nhân việc quan đi qua đó vào ngoạn cảnh có bài ca quốc âm rằng: Một xứ ba mươi sáu động, động chùa hang giếng Gia Dụ rất xinh. Đá trong này nền trắng lẫn nền xanh, hoa ngoài lá thức vàng chen thức thắm. Vách chùa vẽ yên hà năm thức gấm, cửa hang treo nhật nguyệt một mầu tiên. Xưa nay những khách tham thiền, đem nhân sự với nhân duyên làm một mối. Thơ rằng: “Thiên nhân thắng thưởng tam xuân hội - Nhất trịnh hoa cầu bách tuế duyên”. Nực cười thay thổ tục kẻ thanh niên, lời nôm ấy hãy để bên cảnh bụt. Lại nói với Bách Gia cùng Quản Cốt, cúng Phật để vui riêng một bầu trời. Việc rồi ta lại vô chơi!” Bài này chép dân Thổ đấy có tục cứ đến tháng xuân thời có cái hội đá cầu. Động Diệu Sơn có một hòn đá lớn, coi như con voi phục, trên hòn đá có một pho tượng Phật, tay bên tả để vào ngay ngực, tay bên hữu rủ xuống cạnh hông, coi rất kỳ tuyệt; lại có một cái lỗ thông đến trời, một lỗ suốt ra ngoài sông. Vách bên hữu có bia chỉ thấy hai chữ “Chính Hòa” là niên hiệu vua Lê Hi Tôn mà thôi. 78 DU KÝ VIỆT NAM Cái vực Tôm thuộc xã Biện Thượng, nay gọi là xã Bồng Thượng, vực Tôm là đất chúa Trịnh phát phúc vậy. Trịnh Kiểm là người Sáo Sơn cùng với mẹ ở đất Diệu, tính rất hiếu, nhà nghèo, thường ăn trộm gà hàng xóm để nuôi mẹ. Hàng xóm ai cũng ghét, nhân dò chúa Trịnh đi chơi vắng, bèn trói mẹ quăng xuống vực Tôm, tự nhiên đêm hôm ấy mưa to gió lớn, sấm sét vang lừng, nước sông đầy dẫy, ngày mai cái vực ấy lấp thành gò đống, sau có một thầy địa lý qua xem kiểu đất ấy, đoán rằng: “Không phải đế không phải bá, quyền huynh thiên hạ, truyền hai trăm năm, trong chỗ tiêu tường dấy vạ”. Sau quả nhiên Trịnh Tòng, Trịnh Cối anh em cướp ngôi nhau, nhà Trịnh mất ngôi cũng vì cớ ấy. (Số 157, tháng 12-1930) T. Đ. 79 TRẨY CHÙA HƯƠNG THƯỢNG CHI Lòng người vốn độc ác; cái đạo từ bi của đức Phật Tổ, đức Gia Tô dạy cho người đời, càng ngày càng thấm thía vào trong lòng thời càng ngày ta lại càng tin rằng tất phải có một cái thần Đại từ Đại bi ở một chốn nào để mà nghe những tiếng kêu tiếng khóc của ta, - từ đó thời những nơi lễ bái càng ngày càng thành ra những chốn than vãn sụt sùi... ... Ôi! Cái thần Đại từ Đại bi, càng ngày tôi lại càng đem lòng tin, tôi muốn giơ tay lên để cầu cứu, vì tôi từng khổ não đã nhiều, đi khắp gầm trời, trải khắp cảnh lạ, chỗ đẹp như Bồng lai, chỗ ghê như địa ngục, đi đến đâu cũng thấy người cầu nguyện... Cái thần Đại từ Đại bi, phải có mới được, dù gọi tên gì mặc lòng, phải có để những khi sinh tử biệt ly đứng đấy mà nghe lấy những tiếng gào khóc vô hạn thảm thê, không thời cái Tạo vật kia không thể cho là giống vô tri vô giác được nữa, hèn quá xấu quá, thành ra cái Oan nghiệt vô ngần(1)... PIERRE LOTI 1. Chúng tôi lược phần dẫn tiếng Pháp (N.H.S chú) 80 DU KÝ VIỆT NAM """