" Đôn Kihôtê - Nhà Quý tộc tài ba xứ mantra - Miguel De Cervantes Saavedra full prc, pdf, epub [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đôn Kihôtê - Nhà Quý tộc tài ba xứ mantra - Miguel De Cervantes Saavedra full prc, pdf, epub [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Thông tin ebook Tên truyện : Đôn Kihôtê - Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra Nguyên tác : DON QUIJOTE DE LA MANCHA, do nhà xuất bản Aguilar phát hành tại Madrid năm 1968 Tác giả : Miguel De Cervantes Saavedra Dịch giả : Trương Đắc Vị Thể loại : Văn học nước ngoài Nhà xuất bản : Văn Học Ngày xuất bản : Quý IV/2004 Số trang : 1024 Kích thước : 14,5 x 20,5 cm Trọng lượng : 1020 g Số quyển / 1 bộ : 1 Hình thức bìa : Bìa cứng Giá bìa : 115.000 VNĐ ---------------------------------- Nguồn : vnthuquan.net, thuvien ebook.com Đánh máy : huytran, Vân Trung Tử Tạo prc (TVE) : santseiya Ngày hoàn thành : 13/12/2008 Nơi hoàn thành : Hà Nội Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook - http://www.dtv-ebook.com Mục Lục Lời giới thiệu Lời nói đầu PHẦN THỨ NHẤT Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII Chương XIX Chương XX Chương XXI Chương XXII Chương XXIII Chương XXIV Chương XXV Chương XXVI Chương XXVII Chương XXVIII Chương XXIX Chương XXX Chương XXXI Chương XXXII Chương XXXIII Chương XXXIV Chương XXXV Chương XXXVI Chương XXXVII Chương XXXVIII Chương XXXIX Chương XL Chương XLI Chương XLII Chương XLIII Chương XLIV Chương XLV Chương XLVI Chương XLVII Chương XLVIII Chương XLIX Chương L Chương LI Chương LII PHẦN THỨ HAI Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII Chương XIX Chương XX Chương XXI Chương XXII Chương XXIII Chương XXIV Lời giới thiệu Mighel đê Xervantêx Xaavêđra (Miguel de Cervantes Saavedra), nhà đại văn hào Tây Ban Nha, sinh tháng 10 năm 1547 tại thị trấn Alcala đê Enarêx, gần thủ đô Mađrít, trong một gia đình quý tộc nhỏ, đã sa sút. Ông thân sinh ra Xervan-têx làm nghề thầy thuốc, phải lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác để kiếm tiền nuôi sống bảy đứa con. Về thời niên thiếu của Xervantêx, người ta biết rất ít. Sách chỉ ghi rằng cậu bé Xervantêx đi theo bố mẹ và đã sống ở Vaiađôlít, Xalamanca, Mađrít, Xêviia... Trình độ học vấn của Xêvantêx chỉ ở mức trung bình. Trong hoàn cảnh gia đình sống nay đây mai đó, Xervantêx không thể theo học một trường nào đến đầu đến đũa. Có thời kỳ ông học tại một viện của thầy dòng Giêduýt, thời kỳ sau ông lại theo học một học giả nổi tiếng ở Mađrít là Huan Lôpêx đê Ôiô. Tuy nhiên, bù đắp vào sự thiếu sót đó, Xervan-têx có trí thông minh, óc nhận xét và tính ham đọc sách. Sự nghiệp văn chương của ông mở đầu bằng một bài thơ làm vào dịp hoàng hậu Tây Ban Nha Idabel đê Valôix tạ thế. Năm đó, ông 21 tuổi (1568). Vào thời kỳ này, Ý-đại-lợi là một nơi tụ tập những kẻ đi tìm công danh trong binh nghiệp hoặc văn chương. Năm 1569, người ta thấy Xervantêx tại Rôma, phục vụ giáo chủ Huliô Aquaviva. Năm sau, Xervantêx gia nhập quân đội Tây Ban Nha đồn trú trên đất Ý. Năm 1571, trong trận thủy chiến Lêpantô giữa một bên là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, một bên là mấy thành thị Ý liên minh với Tây Ban Nha do đôn Huan đê Aoxtria chỉ huy, Xervantêx bị trọng thương, bàn tay trái bị nghiền nát, do đó người ta đặt biệt hiệu cho ông là "Người cụt tay trong trận Lêpantô". Năm 1572, ở bệnh viện ra, Xervantêx lại gia nhập quân đội. Trong ba năm tại ngũ, ông đã qua các nơi như đảo Xixilia, Xerđênha, hoặc các thành phố như Phlôrenxia, Hênôva, Napôlêx, Milan, Rôma là những kho tàng di tích của nền văn học nghệ thuật cổ điển Hy La. Năm 1575, ông về nước với một bức thư giới thiệu của chủ tướng là đôn Huan đê Aoxtria, hy vọng sẽ được nhà vua trọng dụng. Rủi thay, ngày 26 tháng 9, trên đường về Tây Ban Nha, tàu của ông bị bọn cướp biển tấn công và ông bị bắt giải về Arhêl (Alger). Trong thời gian bị cầm tù Arhêl (1575 - 1580), ông luôn luôn có ý chí đấu tranh, khuyến khích bạn bè giữ vững tinh thần tìm cơ hội thoát thân. Ông tổ chức bốn, năm lần vượt ngục nhưng đều thất bại, và mỗi lần, ông đã can đảm nhận phần trách nhiệm của người chủ mưu. Tinh thần dũng cảm và lòng vị tha của Xervantêx không những gây tín nhiệm trong anh emcùng chung số phận mà còn làm cho chính vua Arhêl phải kính nể, không giết. Quãng đời này của Xervan-têx đã được nhắc lại trong câu chuyện Người tù, trong cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra. Cũng trong thời gian này, ông đã nhiều lần cầu cứu những nhân viên cao cấp Tây Ban Nha giải thoát cho ông, song đều vô hiệu. Cuối cùng, chính gia đình ông phải lo liệu tiền nong và, với sự giúp đỡ của Nhà dòng, chuộc được ông về nước. Lúc này, Xervantêx 33 tuổi. Ông trở về Tây Ban Nha, những tưởng với công trạng xưa của mình, sẽ được triều đình cất nhắc. Nhưng, thất vọng. Năm 1585, ông lập gia đình với Catalina đê Palaxiô Xaladar. Ngán ngẩm bước đường công danh lận đận, lại gặp những khó khăn kinh tế, ông bắt đầu viết sách để kiếmthêm tiền nuôi sống gia đình. Tập La Galatêa là tác phẩm đầu tay của Xervantêx (1585). Cũng trong thời gian này, ông sáng tác trên hại chục vở kịch được đưa lên sân khấu. Nhưng nhà viết kịch thiên tài Lôpê đê Vêga (Lope de Vega), "Lôpêt vĩ đại" như chính Xer vantêx gọi, đã xuất hiện, và Xervantêx bỏ nghề viết kịch. Cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, tác phẩm xuất sắc nhất của Mighel đê Xervantex Xaavêđra, ra đời năm 1605 (phần thứ nhất - 52 chương). Người ta cho rằng ông bắt đầu sáng tác vào năm 1602, lúc đang ở trong nhà tù Xêviia, vì như ông đã viết trong lời nói đầu, "tôi thai nghén nó (cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra - ND) trong một nhà tù, nơi trú ngụ của mọi bất tiện và mọi âm thanh buồn thảm". Năm 1614, ở Taragôna bỗng dưng xuất hiện Tập hai cuốn Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra. Tác giả đã không giám ký tên thật của mình mà núp dưới cái tên giả là Alphônxô Phernanđêx đê Avêianêđa. Năm sau, 1615, Xervantêx xuất bản lần thứ hai cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra (gồm 74 chương). Qua lời mở đầu phần này, ông vạch mặt kẻ cướp đoạt văn chương. Trong phần thứ hai cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, nghệ thuật của Xervantêx càng tỏ ra điêu luyện, già dặn. Tác phẩm cuối cùng của ông là cuốn Perxilêx và Xihixmunđa. Từ ngày ở Arhêl về nước cho tới cuối đời, Xervantêx vừa viết văn, vừa phải nhận của triều đình một số việc linh tinh để bảo đảm sinh kế, khi làm nhiệm vụ tiếp lương cho hạm đội Armađa bách chiến bách thắng, lúc đi thu thuế, v.v... đôi ba lần phải ra tòa, bị ngồi tù oan ức, mà cuối cùng nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Sách có ghi lại một câu chuyện như sau: Vào tháng 2 năm 1615, có một đoàn sử giả Pháp sang Tây Ban Nha để đón công chúa Ana đê Aoxtria. Lâu nay hâm mộ tài năng của Xervantêx, họ xin được tới thăm ông. Tới nơi, thấy cảnh nhà quá thanh bạch, một người thốt lên: "Sao! Một con người như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ cung dưỡng và làm cho giàu có ư!". Một người khác nói thêm một cách ý nhị: "Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo như ông làm giàu thiên hạ". Ngày 23 tháng 4 năm 1616, Mighel đê Xervantêx Xaavêđra qua đời tại Mađrít. Khi đó, ông 69 tuổi. * * * Từ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra đã chinh phục dư luận người đọc trong nước cũng như ngoài nước. Ngay trong năm 1605, tại Tây Ban Nha, tập truyện đã được tái bản 5 lần, và sinh thời, Xervantêx đã nhìn thấy tác phẩm của mình được xuất bản 13 lần (6 lần ở Tây Ban Nha, 3 lần ở Bồ Đào Nha, 3 lần ở Bỉ, 1 lần ở Ý). Trải qua gần 400 năm, vượt ra khỏi sự đào thải của thời gian, Đôn Kyhôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra vẫn giành được sự hâm mộ rộng khắp và được công nhận là một trong những tác phẩm văn học lớn nhất của nhân loại. Năm 1795, nhà đại văn hào Đức, Gớt (Goethe), viết cho nhà thơ lớn Silơ (Schiller): "Tôi đã tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết của Xervantêx cả một kho tàng thú vị và bổ ích". Pho truyện thật sự đã đi sâu vào quần chúng. Trong các ngày hội, những cuộc vui hóa trang ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, người ta thường thấy xuất hiện hiệp sĩ đôn Kihôtê và giám mã Xantrô Panxa "hệt như tả trong truyện", Cuốn sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới: Anh, Pháp, Ý, Đức, Thổ, Arập, Êbrơ, Xăngxcri, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên... và cả Thế giới ngữ. Ngót bốn thế kỷ nay, Đôn Kihôtê vẫn là đề tài của sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, màn ảnh. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, các nhà phê bình, triết học, các nhà văn, nhà thơ, những người làm công tác văn nghệ, không ai không xác nhận giá trị tư tưởng và nghệ thuật của cuốn truyện này. Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là cuốn tiểu thuyết cận đại đầu tiên của Tây Ban Nha, viết theo hướng hiện thực phê phán. Trước đó, độc giả các nước phương Tây rất ham thích loại tiểu thuyết kiếm hiệp kể "những truyện hoang đường không lệ thuộc vào những yêu cầu chính xác của sự thật, những nhận xét của ngành thiên văn học, những luật lệ về hình học hay tu từ học" (Lời mở đầu phần thứ nhất, cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra. Loại tiểu thuyết hoang đường đó có tác dụng rất tai hại vì nó tạo cho người đọc một quan niệm hoàn toàn sai lầm về vũ trụ, về nhân sinh, về tư tưởng, về xã hội. Sách kể lại rằng có cả một gia đình đã khóc lóc thảm thiết khi đọc tới đoạn nói về cái chết của hiệp sĩ Amađix! Với cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Xervantêx đã chôn vùi văn chương kiếm hiệp và khai sinh cho tiểu thuyết cận đại. Selinh (Schelling), triết gia Đức, đã phát biểu: "Chúng ta sẽ không quá lời khi khẳng định rằng cho tới nay chỉ có hai cuốn tiểu thuyết, đó là cuốn Đôn Kihôtê của Xervantêx và cuốn Vinhem Maixtơ của Gớt". Sơlêgơn (Schlegel), nhà phê bình văn học người Đức, cũng đã đánh giá Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là "tác phẩm có một không hai trong loại của nó, mở đầu cho tiểu thuyết cận đại..." Toàn bộ cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra gồm 126 chương, là một bức tranh sinh động về xã hội Tây Ban Nha với những màu sắc thật của địa phương, của thời đại. Tác giả đã đưa vào truyện trên hai trăm con người thuộc đủ lứa tuổi và tầng lớp, từ lão chủ quán "giảo quyệt" đến những cô gái quán trọ "nom cũng chẳng phải thiện nhân", từ chàng sinh viên Grixôxtômô si tình đến cô Marxêla xinh đẹp và yêu tự do, từ gã lái la độc ác đến tên chủ trại tham lam, cha xứ, bác phó cạo, bà quản gia, ông thầy tu, lão chăn dê, viên cảnh sát, đámphạm nhân cùng một loạt vương tôn công tử, quan lại, nhà giàu... Và ngần ấy con người xoay quanh hai nhân vật chính là anh chàng quý tộc nhưng nghèo đôn Kihôtê và bác giám mã Xantrô Panxa, một thợ cày chính cống. Tác giả đã đưa hiệp sĩ và giám mã của chàng đi khắp đó đây trên đất nước Tây Ban Nha, từ thành thị đến thôn quê, từ những cánh đồng bao la tới những miền núi sâu vực thẳm, từ những quán trọ bình dân tới chốn thâmnghiêm quyền quý. Cảnh vật, con người đều có thật. Và nếu như trí tưởng tượng phong phú của Đôn Kihôtê đã biến quán trọ thành lâu đài, chậu thau thành mũ sắt, đàn cừu thành đạo quân thì, trái lại, những lời nói giản dị mà chí lý của bác giám mã gốc nông dân luôn luôn lôi kéo ta về với hiện thực. Tóm lại, Xervantêx phản ánh khá toàn diện cuộc sống thật của xã hội đương thời. Và ông đã thành công. * * * Một hôm, vua Tây Ban Nha Phêlipê III đứng trên lâu đài nhìn xuống đường, thấy một anh học trò đang đọc một cuốn sách, thỉnh thoảng lại ngừng đọc cười vang. Nhà vua thầm nghĩ: "Hoặc tên học trò kia điên, hoặc là hắn đang đọc cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra". Quả nhiên anh học trò đang đọc cuốn tiểu thuyết đó thật. Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra đúng là một cuốn tiểu thuyết giàu tính trào lộng. Làm sao người đọc không cười được khi thấy Đôn Kihôtê một thương một mã lăn xả vào tấn công những chiếc cối xay gió vô tội trên cánh đồng Môntiel mà chàng tưởng là "những tên khổng lồ hung tợn có cánh tay dài tới gần hai dặm", hoặc khi chàng cứ nhè những bao rượu trong quán trọ mà đâm, mà chém, ngỡ mình đang đọ sức với tên khổng lồ ở vương quốc Mi-cômicôn! Thế nhưng Đôn Kihôtê có phải là một kẻ viển vông, điên rồ không? Và Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra phải chăng chỉ là pho sách kể về những hành động nực cười của chàng hiệp sĩ xứ Mantra? Bàn về tác phẩm số một của Xervantêx, năm 1821 Bairơn (Byron), nhà đại thi hào Anh, viết: "Đó là cuốn truyện buồn nhất, và nó càng buồn vì làmchúng ta cười". Prôxper Mêrimê (Prosper Mérimée), nhà văn thế kỷ XIX của Pháp, cũng đã nói: "Bất hạnh thay kẻ nào không có được một vài ý nghĩ của Đôn Kihôtê và không dám cả gan nhận roi đòn cùng sự chế giễu để bênh vực kẻ yếu hèn!". Có hai cách đọc tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra: một là trên những dòng chữ, và ta sẽ thấy toàn bộ pho sách là mũi nhọn tấn công vào tiểu thuyết kiếm hiệp; hai là đọc giữa những dòng chữ để tìm hiểu ý tứ sâu xa của tác giả và tác phẩm. Đọc theo cách thứ hai ta sẽ thấy toát ra từ toàn bộ tác pho truyện một bài học nhẹ nhàng, ý nhị về chính nghĩa, công lý, tự do. Đôn Kihôtê là một người chân chính. Mục đích cuộc đời chàng là "trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ hèn yếu, uốn nắn những điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng, bất công". Ta hãy xem chàng lý luận với tên chủ trại và giải thoát cho chú bé chăn cừu Anđrê bị tên này hành hạ và quịt tiền công: "- Tên đê tiện này dám nói dối cả ta ư? Đôn Kihôtê thét lên... Cởi trói cho nó ngay. Tên chủ trại cúi đầu, không dám hé răng, vội vàng cởi trói cho chú bé. Đôn Kihôtê hỏi số tiền công chủ còn thiếu là bao nhiêu. Chú bé thưa rằng chủ còn nợ chín tháng công, mỗi tháng bảy đồng. Đôn Kihôtê nhân lên thành sáu mươi ba đồng, chàng bảo tên chủ trại muốn sống phải trả ngay. Tên này sợ hãi đáp rằng đúng như lời y đã thề (thực ra y đã thề câu nào đâu), số tiền không nhiều đến thế vì y đã chi cho chú bé ba đôi giày và một đồng để chích máu hai lần khi chú ốm. - Được rồi, Đôn Kihôtê vặn lại; nhưng việc thằng bé phải chịu roi vọt, mặc dù nó không có tội tình gì, cũng đủ bù vào số tiền giày và tiền chích máu. Nó làmrách da giày của ngươi thì ngươi làmrách da thịt của nó. Người ta chích máu khi nó đau ốm thì ngươi chích máu khi nó mạnh khỏe. Như vậy là hòa..." Đôn Kihôtê - hay nói đúng hơn là Xervantêx - đã vạch trần tính tham lamđộc ác của bọn nhà giàu thôn quê. Đây, một đoạn khác về tính chất hà khắc và thối nát của pháp luật phong kiến. Một hôm, trên đường phiêu lưu, Đôn Kihôtê gặp một toán người "cổ đeo chung một dây xiềng to bằng sắt, tay đeo xích; đi theo họ có hai người cưỡi ngựa và hai người đi bộ; hai người cưỡi ngựa có súng còn hai người đi bộ cầm gươmmác". Chàng hiệp sĩ bèn dừng ngựa hỏi duyên cớ vì đâu mà họ khốn khổ như vậy. Đám tù nhân đã kể tội trạng của họ: một anh chỉ vì quá "yêu" một cái giành quần áo mà phải chịu một trăm roi và ba nămkhổ sai; một anh ăn trộm gia súc mà bị hai trăm roi và sáu năm khổ sai; một anh bị năm năm khổ sai chỉ vì không có mười đồng tiền vàng đút lót cho bọn lục sự, biện lý; một ông già "đạo mạo" cũng bị đưa đi đày chỉ vì ông muốn cho mọi người sung sướng sống yên lành, vui vẻ với nhau, không cãi cọ, không ưu phiền..." Trong những hành động có vẻ điên rồ của Đôn Kihôtê, vẫn thấy toát lên tình thương yêu nhân loại. Nếu đối với Xantrô Panxa, những cối xay gió là... những cối xay gió, thì trái lại, dưới con mắt của Đôn Kihôtê, chúng là những tên khổng lồ hung ác, một giống xấu xa cần phải quét sạch khỏi trái đất". Đôn Kihôtê yêu tự do, công lý, chính nghĩa. Chàng mong muốn với "cánh tay dũng mãnh" của mình mang lại hạnh phúc, cuộc sống yên vui cho mọi người. Với một tinh thần dũng cảm, không biết sợ, không ngại gian nguy, đơn thương độc mã, chàng lao vào "cuộc chiến đấu không cân xứng", luôn luôn tin tưởng và lạc quan, mặc dù mỗi lần lại bị biêu đầu sứt trán trước những thực tế đáng buồn của thời đại. Đôn Kihôtê là biểu hiện của sự tương phản giữa thực tế phũ phàng với lý tưởng cao đẹp mà chàng mơ ước và chiến đấu cho nó, là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đấu tranh giữa thế giới thực tại và thế giới tương lai mà chúng ta vươn tới. Cuộc sống phải trút bỏ cái vỏ bề ngoài của nó, trút bỏ sự giả dối, ích kỷ, bất công, và phải mang trong nó những ước mơ và làm cho những ước mơ đó trở thành hiện thực. Đó là nội dung tư tưởng sâu xa của tác phẩm. * * * Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là một kho tiểu thuyết trường thiên bằng tiếng Tây Ban Nha. Khung cảnh hoạt động của các nhân vật là một địa bàn bao la, với nhiều màu sắc dân tộc, với những đặc điểm của từng địa phương và những tính cách riêng biệt của từng nhân vật. Tác giả cũng đã sử dụng một ngôn ngữ phong phú, đa dạng, đặc biệt là ông dùng nhiều ca dao, tục ngữ, từ ngữ dân gian của từng vùng đất nước Tây Ban Nha. Văn chương trong Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra lại là văn chương của thế kỷ XVI - XVII. Dịch nó quả là khó. Bản dịch này chắc không khỏi còn những sai sót, những "hạt sạn" mà trình độ có hạn của tôi đã không cho phép tôi tránh được. Tôi thành thật mong độc giả lượng thứ cho. Tôi cũng trông chờ những nhận xét, phê bình của các bạn để rút kinh nghiệm cho bản dịch phần thứ hai cuốn truyện được tốt hơn. Người dịch Lời nói đầu Độc giả nhàn hạ, chẳng cần thề thốt, tôi chắc rằng các bạn cũng phải tin rằng tôi muốn cuốn sách này - con đẻ của trí tuệ - phải là cuốn sách hay nhất, tốt nhất, hoàn hảo nhất mà người đời có thể hình dung được. Nhưng tôi không thể làm trái quy luật tạo hóa là loài nào sinh ra giống nấy. Thành thử, với khối óc khô cằn và thô thiển của mình, tôi chỉ có thể tạo nên một câu chuyện khô khan, ngô nghê, vô lý, đầy rẫy những ý tưởng tản mạn không ai nghĩ tới bao giờ. Vả chăng, tôi đã thai nghén nó ở trong một nhà tù[1], nơi trú ngụ của mọi bất tiện và mọi âm thanh buồn thảm. Cảnh vật yên tĩnh, thôn xómthanh bình, đồng quê êm ả, bầu trời trong sáng, tiếng suối róc rách, tâm trí thảnh thơi, nhưng cái đó một phần lớn khiến cho những thi hứng cằn cỗi nhất cũng trở nên phong phú và nảy nở những án văn chương khiến người ta phải thích thú và thán phục. Một người cha có một đứa con xấu xí, không được một vẻ gì, nhưng tình thương che mắt ông ta khiến ông ta nhìn những cái dở, cái xấu của con mình lại thấy nó hay, nó đẹp, và ông ta đi khoe khắp với bà con, bạn hữu. Nhưng tôi không phải là bố đẻ của Đôn Kihôtê như người ta tưởng, mà chỉ là bố dượng thôi. Cho nên, tôi không muốn làm như mọi người, khóc lóc van xin bạn đọc yêu quý rộng lượng bỏ qua những sai sót trong quyển sách này. Bạn không phải là người thân kẻ thuộc của nó, bạn có suy xét riêng và có quyền phê phán nó với tất cả sự sáng suốt của mình. Bạn lại ở ngay trong nhà bạn, nơi mà bạn có toàn quyền như nhà vua có toàn quyền trong việc thu thuế vậy. Phương ngôn có câu: "Một khi không sợ bị tội, con người có thể giết cả vua". Hoàn toàn không có cái gì bó buộc bạn và bạn cứ nghĩ sao nói vậy, khen chê đều vô thưởng vô phạt, không có gì đáng e ngại cả. Tôi muốn cuốn sách này tới tay bạn một cách mộc mạc tự nhiên, không tô điểm bằng những lời tựa hoặc bằng vô số những bài thơ ca và những lời tán tụng, như người ta vẫn mở đầu các cuốn sách. Bởi vì, xin thú thật, đối với tôi công việc biên soạn cả cuốn sách này có vất vả, song cũng không vất vả bằng việc viết lời mở đầu. Đã bao lần tôi cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống, chẳng biết viết gì. Một hôm, giữa lúc tôi đang phân vân, tờ giấy trước mặt, quản bút gài tai, khuỷu tay chống lên bàn, tay ôm má, bỗng đâu có một anh bạn bước vào. Anh này là một người học rộng tài cao. Thấy tôi ngồi trầm ngâm, anh hỏi tại sao. Không giấu giếm, tôi trả lời là tôi đang suy nghĩ về lời mở đầu phải viết cho truyện Đôn Kihôtê, là tôi rất nản, không muốn làm và cũng chẳng muốn giới thiệu với thiên hạ những chiến công của trang hiệp sĩ tài ba như vậy. Anh bạn ạ, tôi nói, tôi chẳng khỏi hổ thẹn trước những lời phê phán của người giám định nghệ thuật già đời là trước công chúng mỗi khi thấy tôi, sau bao nămim hơi lặng tiếng, giờ đây đã ngần này tuổi đầu, đưa ra một câu chuyện khô như ngói, không chút sáng tạo, bút pháp ngớ ngẩn, ý tứ nghèo nàn, học vấn thô thiển, thiếu dẫn giải ghi ở lề trang hay phụ chú ghi ở trang cuối cùng như những cuốn sách khác; và tuy những quyển này thật là hoang đường và phàm tục những lại được độc giả khâm phục do chứa đầy những câu châm ngôn của Arixtôtêlêx, Platôn và nhiều triết gia khác. Tác giả những cuốn sách đó được coi là những bậc tài giỏi, uyên bác, hùng biện; nhất là khi họ lại trích những lời trong Thánh kinh thì tưởng đâu họ là những thánh sống và những thuyết gia giáo lý đại tài. Câu trên họ tả một anh chàng si tình đồi bại, câu dưới họ dẫn ra một bài giáo thuyết nhỏ, khiến người đọc cảm thấy vui tai, mát mắt. Sách của tôi thiếu tất cả những cái đó vì tôi không biết ghi gì ở ngoài lề trang cũng như ở phần cuối; hơn nữa, tôi cũng chẳng biết những lời tôi trích dẫn ra do ai viết để còn ghi tên họ lên đầu cuốn sách theo thứ tự A, B, C... như người ta thường làm. Cuốn sách của tôi thiếu cả những bài thơ đề tựa của các vị công tước, hầu tước, bá tước, các vị giám mục, các mệnh phụ và văn hào nổi danh, mặc dù nếu tôi ngỏ ý với một vài người bạn quen, họ sẽ tặng cho những bài thơ còn hay hơn tất cả những tác phẩm của những thi sĩ tiếng tăm nhất trên đất Tây Ban Nha này. Cuối cùng, anh bạn ạ, tôi nói tiếp, tôi quyết định vùi sâu chôn chặt anh chàng Đôn Kihôtê trong đống văn thư lưu trữ của xứ Mantra cho tới khi Trời giúp cho một người có tài tô son vẽ phấn cho chàng ta. Riêng tôi thấy bất lực do thiếu học vấn và do bản chất nhút nhát, lười biếng, không chịu đi tìmkiếm những người nói lên điều mà tôi cũng có thể nói được nếu không có họ. Đó, chính vì vậy mà anh thấy tôi ngồi đắn đo, suy nghĩ. Bây giờ, sau khi nghe tôi trình bày, chắc anh đã hiểu rõ nguyên nhân. Anh bạn vỗ trán, cười phá lên rồi nói: - Lạy Chúa, té ra bây giờ tôi mới biết là tôi đã nhầm,anh bạn ạ. Từ lâu nay kết bạn với nhau, tôi cứ tưởng anh là con người khôn ngoan và thận trọng. Giờ đây, tôi thấy giữa anh và con người đó có một khoảng cách khá xa, cũng như trái đất cách xa mặt trời vậy. Làm sao những việc con con dễ giải quyết như thế lại có thể chi phối được một trí tuệ già dặn như anh, sẵn sàng đạp bằng những trở ngại còn lớn hơn nhiều! Thật ra, điều đó không phải phát sinh từ sự thiếu tài năng mà là từ sự lười biếng quá mức và sự thiếu suy nghĩ. Muốn biết tôi nói có đúng hay không, xin hãy lắng nghe và chỉ trong khoảnh khắc, anh sẽ thấy tôi gạt bằng mọi trở ngại và khắc phục hết những thiếu sót mà anh vừa nêu ra, nó đã khiến anh phải do dự, lùi bước, không dám cho ra mắt độc giả chuyện chàng Đôn Kihôtê trứ danh của anh, ánh sáng và tấm gương hiệp sĩ giang hồ. Nghe anh bạn nói, tôi bèn hỏi lại: - Thế theo ý anh thì làm thế nào gạt bỏ được nỗi lo lắng và những ý nghĩ mơ hồ của tôi? Anh bạn đáp: - Trước hết là những bài thơ ca hay những lời tán dương do những nhân vật có chức có quyền đề tựa. Để giải quyết vấn đề này, bản thân anh phải chịu khó làm, rồi sau đó ký một cái tên nào đó, tỉ dụ vua Huan xứ Ấn Độ hay hoàng đế xứ Trapixônđa là những nhà thơ nổi tiếng xưa kia, theo chỗ tôi biết. Và dù họ không có tiếng tăm gì chăng nữa, dù kẻ thông thái dởm hoặc ngứa mồm nào đó chê bai và tỏ vẻ hoài nghi sau lưng anh, anh cũng chớ quan tâm; cho rằng họ phát hiện ra điều dối giả thì cũng chẳng chặt được bàn tay cầm bút của anh. Về việc ghi ở lề trang tên tác giả và sách trong đó anh trích ra những câu châm ngôn, ngạn ngữ, chỉ cần làm thế nào đưa đúng lúc đúng chỗ mấy câu La Tinh mà anh đã thuộc lòng hoặc nếu không, chỉ cần bỏ chút ít công sức ra tìm. Ví dụ, khi người ta nói đến sự tự do hoặc sự giam cầm, hãy đưa câu La Tinh này vào: "Ngàn vàng không mua nổi tự do", rồi ghi ở lề trang tên của Ôraxiô[2]hay tên người nào đã nói câu ấy. Bàn về sức mạnh của sự chết, đã có câu: "Cái chết đến với cả kẻ sang người hèn". Nếu nói về tình bạn và tình yêu, hãy lấy ngay câu của Chúa trong Thánh kinh: "Ta khuyên các ngươi hãy yêu mến kẻ thù của mình". Và về những ý nghĩ xấu xa, sách Phúc Âm nói rằng: "Nhưng ý nghĩ xấu xa xuất phát từ trái tim". Về sự tráo trở của con người có câu của Catôn: "Giàu sang nhiều bạn lắm bè, đến khi hoạn nạn chẳng hề có ai". Với những câu La tinh đó hoặc những câu tương tự, anh sẽ được coi là một nhà thông thái, mà trên đời này, điều đó mang lại cho ta vinh dự và quyền lợi không nhỏ. Còn về phần phụ chú ở cuối cuốn sách, chắc chắn có thể làm được theo cách sau đây: nếu anh định nêu tên một gã khổng lồ nào đó thì phải là Gôliáx, vì anh không mất gì mà lại có sẵn một lời phụ chú dài: "Trong cuốn sách của các đế vương có một chương nói về Gôliáx hay Gôliát, một kẻ ngoại đạo; y đã bị anh chàng chăn cừu Đavít dùng ná bắn đá giết chết ở thung lũng Têrêbintô". Và để tỏ ra mình là một người học rộng, amhiểu vũ trụ, hãy tìm cách đưa con sông Tahô vào cuốn truyện của anh, thế là lại được một lời ghi chú nữa rất hay: "Một ông vua Tây Ban Nha đã đặt tên cho con sông đó là sông Tahô. Nó bắt nguồn từ một nơi nào đó, chảy qua thành Lixboa nổi tiếng rồi đổ ra biển, theo lời đồn, cát ở đây có vàng...". Nếu muốn tả bọn kẻ cắp, tôi sẽ kể cho nghe chuyện Cacô mà tôi thuộc lòng, tả gái giang hồ, có chuyện Lamia, Laiđa và Phlôra của giám mục Mônđôgnêđô với rất nhiều ghi chú: tả những kẻ hung bạo, có nhân vật Mêlêđa của Ôviđiô[3]; tả bọn phù thủy có Calipxô của Ôraxiô và Xirxê của Virhiliô; tả những viên tướng dũng cảmcó Hồi ký của Huliô Xêdar[4]và tác phẩm của Plutarcô[5]. Nói về tình yêu, chỉ cần biết dăm ba chữ Ý là tìm được vô số tài liệu trong sách của Lêôn Êbrêđô; còn nếu không muốn dùng sách nước ngoài thì ngay trong nước ta cũng có cuốn Tình yêu của Chúa do Phônxêca viết, trong đó có tất cả những điều mà anh và những người khó tính nhất yêu cầu. Tóm lại, chỉ cần anh ghi tên những chuyện đó vào cuốn sách của anh, còn phần chú giải và phụ chú đã có tôi; tôi xin cam đoan ghi đầy lề trang và cả bốn trang cuối cuốn sách. Bây giờ đến việc ghi tên tác giả những cuốn sách tham khảo như người ta vẫn thường làm. Việc này rất dễ vì chỉ cần kiếm một cuốn sách nào đã ghi sẵn tất cả những cái tên đó từ A đến Z như anh nói, rồi bê nguyên văn vào sách của anh. Nếu sau đây có ai phát hiện ra vì thấy những sách đó cũng chẳng giúp ích gì nhiều cho anh thì điều đó không có gì quan trọng. Tuy nhiên, có thể có những đầu óc đơn giản nghĩ rằng anh đã đưa tất cả những câu chuyện rối rắm ấy vào trong quyển truyện giản dị và dễ đọc của anh. Dù thế nào đi chăng nữa, cả cái bảng tên tác giả dài dằng dặc ấy cũng đủ làm tăng giá trị cuốn sách. Vả lại, ai mất công đi kiểmtra lại xem anh có dựa vào những tác giả đó hay không. Hơn nữa, nếu tôi không nhầm, quyển truyện của anh không cần đến cái mà anh tưởng là thiếu, vì nó là một bản cáo trạng lên án những loại sách kiếm hiệp, khác hẳn với những sách của Arixtôtêlêx, thánh Baxiliô hay Xixêrô. Nhưng chuyện hoang đường kể trong đó không lệ thuộc vào những yêu cầu chính xác của sự thật, những nhận xét của ngành thiên văn học, những luật lệ về hình học hay tu từ học. Anh cũng không phải làm những bài thuyết giáo trong đó lẫn lộn cả những chuyện thánh thần và chuyện phàm tục, khiến cho không một người Kitô giáo nào nghe có thể lọt tai. Có điều phải học tập cách viết, học tập càng tốt, văn càng hay. Vả chăng tác phẩm của anh chỉ nhằm đánh đổ uy tín của những sách kiếm hiệp trong đám độc giả tầm thường nên nó cũng chẳng cần tới những câu châm ngôn của triết gia, những lời dạy trong Thánh kinh, những bài thơ ca, những diễn văn hoa mĩ hay những câu chuyện phi thường. Tuy nhiên anh viết phải đều tay, dùng những chữ dễ hiểu, sáng sủa, đặt đúng chỗ, sao cho câu văn đọc lên nghe êm tai, nhịp nhàng; phải nói lên được tất cả ý đồ và quan điểm của mình một cách rõ ràng, minh bạch. Làm sao khi đọc sách của anh, người buồn chán phải bật cười, người vui thấy vui thêm, người kém cỏi không chán, người tài giỏi phải khâm phục, người khó tính không chê, người khôn ngoan phải khen ngợi. Và nhất là phải luôn luôn đả kích các loại sách kiếm hiệp rẻ tiền tuy có bị nhiều người phê phán nhưng lại được một số đông hơn tán thưởng. Nếu anh đạt được mục đích đó tức là thành công đấy. Tôi ngồi yên nghe bạn tôi nói. Lý lẽ của anh quả đúng không thể bẻ được. Tôi chỉ còn biết tán thành và ghi vào đây làm lời mở đầu qua đó độc giả sẽ thấy rõ tài năng của anh bạn tôi cũng như sự may mắn của tôi đã gặp đúng lúc một quân sư tài giỏi như vậy. Và thế là bạn cũng có dịp đọc câu chuyện thật về chàng Đôn Kihôtê nổi tiếng của xứ Mantra được mọi người ở huyện Môntiel coi như một tình nhân chung thủy nhất, một hiệp sĩ dũng cảm nhất, đã bao năm mới lại thấy xuất hiện trong vùng. Tôi không dám kể công về việc đã giới thiệu với bạn một trang hiệp sĩ cao quý và đáng khâm phục như vậy, nhưng tôi mong bạn sẽ cảm ơn tôi vì được làm quen với bác Xantrô Panhưnga trứ danh, người giám mã của Đôn Kihôtê. Theo tôi, đó là sự tập trung cao độ nhất cả những nét đáng yêu của một người giám mã, rải rác trong cả mớ sách viết về các hiệp sĩ giang hồ. Tới đây, cầu trời phù hộ cho bạn, và cho cả tôi nữa. Chào bạn. PHẦN THỨ NHẤT Chương I Tính tình và công việc hàng ngày của nhà quý tộc trứ danh Đôn[6] Kihôtê xứ Mantra Cách đây không lâu, tại một làng nọ ở xứ Mantra mà ta chẳng cần nhớ tên, có một nhân vật thuộc lớp những nhà quý tộc có ngọn giáo treo trên giá làm cảnh, một cái khiên cũ kỹ, một con ngựa gầy và một con chó săn. Bữa ăn hàng ngày của chàng chỉ có xúp bò, họa hoằn mới được thịt cừu; bừa chiều: thịt hầm[7]; thứ bảy: trứng tráng; thứ sáu: đậu; chủ nhật thêmmột con chim câu nho nhỏ, thế là đã mất đứt ba phần tư số thu nhập. Khoản tiền còn lại dùng để may mặc: áo khoác ngoài bằng da nhẹ, quần bó và giày nhung dùng trong ngày dạ hội, ngày thường thi mặc quần áo may bằng loại vải cũng khá tốt. Trong nhà có một bà quản gia ngoại tứ tuần, một cô cháu gái chưa đầy đôi mươi và một anh chàng người hầu kiêm cả việc trông nom ruộng vườn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con ngựa. Nhà quý tộc của chúng ta sấp sỉ ngũ tuần, thể chất tráng kiện, da thịt sắt seo, mặt mũi xương xẩu; chàng có thói quen dậy sớm và rất thích săn bắn. Theo lời đồn, chàng mang biệt hiệu Kihađa hoặc Kêxađa. Về điểm này, mỗi tác giả nói một khác, song, theo sự ước đoán có thể đúng, tên chàng là Kihađa. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm tới câu chuyện, miễn sao khi kể ta không để sót một điểm nào của sự thật. Những lúc nhàn cư - cả năm chẳng mấy khi chàng bận rộn - chàng quý tộc của chúng ta chỉ mải miết đọc sách kiếmhiệp, đến nỗi hầu như quên cả thú đi săn và công việc nhà. Chàng ham mê đến mức cuồng dại, bán cả một phần ruộng đất đang cày cấy để mua loại tiểu thuyết đó mang về chất đống trong nhà. Chàng thích nhất những tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Phêlixianô đê Xilva, coi những câu chữ sáng sủa và những lập luận lủng củng trong đó là những hàng châu ngọc, nhất là khi chàng đọc đến những lá thư tỏ tình hay thách thức đấu võ với nhiều đoạn như sau: Lý lẽ của sự phi lý mà nương nương đã viện ra để bác bỏ lý lẽ của tôi khiến cho lý lẽ của tôi không đứng vững nổi, tới mức tôi không thể không than phiền về sắc đẹp của nương nương, hoặc: Ông cao xanh kia, giai nhân tuyệt thế hỡi, cùng các vị tinh tú ban cho nàng phước lành và khiến nàng xứng đáng với những đức hạnh xứng đáng của nàng. Những câu chuyện như vậy đã làmcho chàng quý tộc khốn khổ bị mất trí. Chàng thức thâu đêm suốt sáng để cố tìmhiểu ý tứ của những câu mà giá như Arixtôtêlêx có sống lại để làm việc đó cũng đàng chịu. Chàng lấy làm thắc mắc về những vết thương của Đôn Bêlianix, nghĩ rằng dù có những ông thầy thuốc giỏi đến đâu đi chăng nữa, mặt và khắp người hiệp sĩ này cũng phải chằng chịt những vết sẹo và thương tích. Tuy nhiên, chàng khen tác giả đã khéo kết thúc cuốn sách, để câu chuyện bỏ dở. Lắm lúc, chàng có ý định cầm bút viết tiếp như tác giả đã hứa, và chắc chắn chàng đã làmvà hoàn thành công việc đó nếu thường xuyên không bị những chuyện quan trọng hơn làm bận tâm. Đã nhiều lần chàng tranh luận với Cha xứ là một người thông thái tốt nghiệp ở Xiguenđa về vấn đề ai hơn ai giữa hiệp sĩ Palmêrin nước Anh Cát Lợi và hiệp sĩ Amađix nước Gôlơ[8]. Nhưng bác phó cạo trong làng lại cho rằng không ai bằng hiệp sĩ Mặt Trời, chỉ có anh của Amađix là Đôn Galaor mới có thể sánh kịp với chàng này vì có đủ các điều kiện, về mặt dũng cảm thì cũng chẳng kém ai, lại không làm nũng và mau nước mắt như em. Tóm lại, nhà quý tộc của chúng ta chỉ biết mỗi việc là đọc sách, đọc từ tối đến sáng rồi lại từ sáng đến tối; do ngủ ít đọc nhiều, óc chàng teo đi đến nỗi mất cả trí khôn. Đầu chàng chứa toàn những chuyện hão huyền đọc trong sách, nào là yêu thuật, đánh nhau, chém giết, thách thức, nào là tán tỉnh, yêu đương, đau khổ cùng bao nhiêu chuyện nhảm nhí khác, nó ăn sâu vào đầu óc chàng đến nỗi chàng coi tất cả những điều bịa đặt trong sách là sự thật, tưởng không có gì thật hơn trên đời này. Chàng bảo đầu lãnh Ruc Điax là một hiệp sĩ giỏi, nhưng không thể đem so sánh với hiệp sĩ Gương Nóng Hổi đã chém đứt đôi hai gã khổng lồ dữ tợn và quái dị bằng một nhát kiếm. Chàng lại càng khâm phục Bernađô đel Carpiô đã mưu trí giết Rôlđan mặc dù hiệp sĩ này được pháp luật phù trợ, giống như Êrculêx[9]bóp chết tươi Antêô, con trai thần Đất. Chàng ca ngợi Morgantê tuy thuộc giống khổng lồ kiêu căng và thô bạo nhưng tính tình lại hòa nhã và lễ độ. Chàng khâm phục nhất Râynalđôx đê Môltaban, đặc biệt là khi anh chàng này rời khỏi lâu đài đi cướp bóc lung tung, thậm chí vượt biển đánh cắp pho tượng Môhama bằng vàng như kể trong sách. Còn đối với tên phản bội Galaon, giá như đá được nó mấy cái thì dù có phải đổi cả bà quản gia lẫn cô cháu gái, chàng cũng vui lòng. Thế rồi, trong lúc đầu óc rối loạn như vậy, chàng quý tộc của chúng ta bỗng nảy ra một ý nghĩ vô cùng kỳ quái mà một kẻ điên rồ trên đời này cũng không bao giờ nghĩ ra. Chàng cho rằng muốn tên tuổi của mình được rạng rỡ và bản thân mình giúp ích được cho nước nhà, chàng phải làm một hiệp sĩ giang hồ, một thương một ngựa chu du thiên hạ, tìm kiếmnhững chuyện phiêu lưu, làm những việc mà các hiệp sĩ giang hồ đã làm như viết trong sách, bênh vực kẻ hèn yếu, đạp bằng mọi gian nguy, để tiếng thơm lưu truyền mãi mãi. Chưa chi chàng quý tộc đáng thương của chúng ta đã mơ tưởng, bằng cánh tay dũng mãnh của mình, xoàng ra chàng cũng chinh phục được vương quốc Trapixônđa. Và say sưa trước những ý nghĩ say sưa đó, chàng vội vàng thực hiện điều mong ước. Thoạt đầu, chàng đánh bóng những vũ khí han gỉ của các cụ tổ để lại, vứt ở một xó từ hàng bao thế kỷ nay. Trong lúc hì hụi lau chùi và sửa sang lại chúng, chàng bỗng phái hiện ra một thiếu sót lớn là chiếc mũ sắt chỉ còn một nửa. Chàng bèn lấy một miếng bìa cứng, đem hết tài khéo léo ra cắt một miếng đắp và tạo ra một cái mũ nom cũng có vẻ đàng hoàng. Rồi muốn thử xem nó có đủ sức chịu đòn không, chàng tuốt gươm chém luôn hai nhát. Mới nhát đầu, cả công trình trong tuần lễ bỗng chốc tan tành. Thấy chiếc mũ vỡ toác một cách quá dễ dàng, chàng chẳng khỏi lo ngại, và muốn cho bảo đảm, chàng gia công làm lại. Lần này, chàng ghép một cái đai sắt ở bên trong và lấy làm hài lòng khi thấy chiếc mũ đã chắc chắn hơn. Tuy nhiên, chàng cũng chẳng thử lại làm gì, coi như chiếc mũ đã tốt lắm rồi. Xong việc, chàng đi thăm con ngựa; mặc dù con vật nom thảm hại hơn cả con Gônêla, chỉ có da bọc xương, chàng cho rằng con Buxêphalô của Alêhanđrô hay con Babiêca của Đầu lãnh cũng không theo kịp nó. Trong bốn ngày liền, chàng suy nghĩ tìm cho nó một cái tên vì theo ý chàng , không có lý do gì ngựa của một hiệp sĩ tài ba lỗi lạc lại không có một cái biệt hiệu thật hay. Chàng muốn cái biệt hiệu đó phải nói lên sự thay đổi của nó từ một con ngựa tầm thường trở thành tuấn mã của một hiệp sĩ giang hồ; vả chăng một khi chủ nó đã đổi nghề thì tất nhiên nó cũng phải mang một cái tên thích hợp và làm công việc mới của nó. Sau bao lần đặt rồi lại bỏ, thêm rồi lại bớt, chàng quyết định gọi nó là Rôxinantê[10]. Theo chàng, cái tên đó rất hay, kêu, lại có ý nghĩa giới thiệu được con ngựa trước kia là một con vật tầm thường và bây giờ đứng đầu tất cả những con ngựa trên đời. Hài lòng về cái tên đặt cho ngựa, chàng cũng muốn đặt biệt hiệu cho mình. Thế là lại mất tám ngày nữa. Cuối cùng, chàng tự xưng là Đôn Kihôtê[11], do các tác giả viết về câu chuyện có thật này nói rằng chàng không phải là Kêxađa như nhiều người nói mà là Kêhađa[12]. Nhưng chàng sực nhớ rằng trước kia hiệp sĩ ama dũng cảm không chịu mang cái biệt hiệu cộc lốc là ama mà lại ghép thêm tên tổ quốc vào thành ama nước Gôlơ với ý muốn làm cho nước mình trở nên lừng lẫy. Thế là chàng cũng ghép thêm tên xứ sở vào thành Đôn Kihôtê xứ Mantra để giới thiệu nơi sinh trưởng của mình, đồng thời làm rạng rỡ quê hương mình. Sau khi lau chùi vũ khí, sửa chữa mũ mãng, đặt tên cho ngựa và cho mình một cái biệt hiệu khá oai, chàng thấy còn một việc nữa là tìm cho mình một tình nương, vì một trang hiệp sĩ giang hồ không có người yêu ví như cây không lá không quả, như xác không hồn. Chàng thầm nói: - Nếu trời bắt tội hoặc nếu số phận ta may mắn, ta chạm trán với một gã khổng lồ - điều thường xảy ra với các hiệp sĩ giang hồ - ta quật ngã được nó hoặc chém nó đứt đôi, hoặc ta đánh bại nó và bắt nó quy hàng, mà ta lại có một tình nương dịu hiền để bắt nó tới trình diện thì thật hay biết mấy! Ta sẽ bắt nó quỳ trước mặt nàng và bắt nó nói với nàng bằng một giọng khúm núm, phục tùng: "Thưa phu nhân, tôi là khổng lồ Caracumliambrô, chúa đảo Malinđrania. Hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra mà người đời không đủ lời ca tụng, đã đánh bại tôi trong một cuộc độc chiến và ra lệnh cho tôi đến trình diện phu nhân đề tùy phu nhân định đoạt số phận của tôi". Ôi, chàng hiệp sĩ của chúng ta sung sướng biết bao khi thốt lên những lời lẽ hùng hồn như vậy, và nhất là sau khi đã tìm được người đẹp để đặt tên. Theo lời đồn, đó là một cô thôn nữ xinh sắn ở làng bên, có một thời kỳ chàng đã phải lòng mặc dù cô này không hề biết chàng. Tên cô là Alđônxa[13] Lôrenxô. Chàng thấy cô ta xứng đáng để chàng thờ phụng. Muốn cho tên cô ta tương xứng với tên chàng và cũng na ná tên các công chúa, công nương, chàng bèn gọi cô là Đulxinêa làng Tôbôxô vì cô sinh ra ở Tôbôxô. Theo chàng, cái biệt hiệu đó nghe êm tai, hay tuyệt và cũng có nghĩa như cái biệt hiệu của chàng và của con ngựa. Chương II Cuộc xuất hành đầu tiên của chàng Đôn Kihôtê tài ba Sau khi chuẩn bị xong, Đôn Kihôtê bắt tay ngay vào hành động. Chàng nghĩ mình sẽ có tội với đời nếu trì hoãn việc trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ hèn yếu, uốn nắn điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng bất công. Thế rồi vào một trong những ngày tháng bảy nóng nực nhất, trời chưa tỏ, chẳng nói với ai mà cũng chẳng ai hay, Đôn Kihôtê khoác vũ khí vào người, nhảy lên con Rôxinantê, đầu đội mũ sắt, một tay ômkhiên, một tay vác ngọn giáo, lên cổng sau ra thẳng ngoài đồng, vô cùng sung sướng thấy bước đầu thuận lợi. Nhưng vừa mới lên đường, chàng chợt nảy ra một ý nghĩ khủng khiếp khiến chàng suýt bỏ dở sự nghiệp mới bắt đầu. Chàng nhớ là mình chưa được phong tước hiệp sĩ và, chiểu theo luật lệ của giới hiệp sĩ giang hồ, chàng chưa thể và cũng chưa được đọ sức với bất kỳ một hiệp sĩ nào khác. Vả lại, dù có được phong tước rồi, chàng vẫn là lính mới, chưa có một biểu tượng nào trên khiên khi chàng còn chưa lập được chiến công hiển hách. Những ý nghĩ đó khiến chàng trở nên do dự. Song, tính điên rồ đã giúp chàng thắng mọi trở ngại. Chàng định bụng khi gặp người đầu tiên, chàng sẽ nhờ phong tước hiệp sĩ cho, giống như các hiệp sĩ khác làm như kể trong sách. Còn về vũ khí, chàng sẽ lau chùi thật bóng chờ dịp. Nghĩ vậy càng thấy yên tâm và lại tiếp tục lên đường. Chàng để mặc con ngựa tự do chọn hướng, nghĩ rằng phải đi như thế mới đúng là tìm những chuyện phiêu lưu. Chàng hiệp sĩ mới mẻ của chúng ta vừa đi vừa nói một mình: - Chắc là sau đây, lúc ra sách nói về các chiến công của ta, tác giả sẽ viết như sau trong đoạn kể về buổi sớm đầu tiên ta xuất hành: "Khi vầng hồng vừa mới chăng những sợi tơ vàng tuyệt đẹp lên mặt đất bao la, khi những con chim non có những bộ lông sặc sỡ vừa cất tiếng hót véo von chào mừng nàng Rạng đông dời bỏ chiếc giường của Đức lang quân hay ghen để hiện ra ở chân trời xứ C, khi đó hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê xứ Mantra dời bỏ chăn ấm đệm êm, cưỡi con tuấn mã trứ danh Rôxinantê băng qua cánh đồng Môntiel xa xưa nổi tiếng". Quả thật lúc này Đôn Kihôtê đang đi trên cánh đồng Môntiel. Chàng nói tiếp: "Ôi! Thời đại hạnh phúc, thế kỷ hạnh phúc sẽ được biết tới những chiến công huy hoàng của ta, những chiến công đáng được khắc vào những biển đồng bia đá cho muôn đời sau ghi nhớ. Hỡi những nhà chép sử uyên bác, hãy viết về cuộc đời thần kỳ của ta! Dù người là ai đi chăng nữa, xin chớ quên Rôxinantê tuyệt vời, người bạn đồng hành mãi mãi trung thành của ta". Rồi như một người thực sự si tình, Đôn Kihôtê lại nói: "Ôi! Công chúa Đulxinêa, chủ nhân của trái tim nô lệ này! Ta rất đau lòng vì nàng đã xua đuổi ta, không cho ta đến trình diện trước sắc đẹp của nàng. Xin nàng hãy đoái hoài kẻ vì nàng đã phải chịu bao nỗi đắng cay". Chàng vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ hết chuyện này sang chuyện khác, theo đúng kiểu cách, lời lẽ đã học trong sách. Chàng cứ thủng thẳng bước một trong khi trời nắng như thiêu như đốt đến mức đủ làm cho bộ óc chàng tan ra thành nước nếu như nó còn chút ít nào trong sọ. Hầu như suốt ngày hôm đó, không xảy ra chuyện gì đáng kể trên đường đi. Đôn Kihôtê tức giận vì chàng muốn gặp ngay lập tức đối thủ để thử cánh tay dũng mãnh của mình. Có tác giả viết chuyện phiêu lưu đầu tiên của chàng đã xảy ra ở cảng Lapixê, có tác giả lại cho rằng cuộc mạo hiểm của chang bắt đầu từ những cối xay gió. Theo chỗ chúng tôi xác minh và tìm thấy trong biên niên sử của xứ Mantra, thì vào lúc hoàng hôn ngày đó, cả chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê lẫn con tuấn mã Rôxinantê đều mệt nhoài và đói lả, Đôn Kihôtê bèn nhìn quanh xem có tòa """