"Đời Sống Của Các Loài Chim - Võ Quý full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đời Sống Của Các Loài Chim - Võ Quý full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo ĐỜI SỐNG CÁC LOÀI CHIM Tác giả: Võ Quý Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội – 1978 eBook gốc: Tuanz Tạo lại (05/01/‘16): QuocSan. MỤC LỤC: Lời nói đầu 1. Chim có những đặc điểm gì? 2. Một giai đoạn lịch sử của trái đất 3. Sự phân bố của chim trên thế giới 4. Bộ lông kỳ diệu 5. Mắt chim 6. Mũi chim có thính không 7. Chim cũng có tai 8. Sự vận chuyển của chim 9. Nhịp sống trong ngày 10. Tuổi thọ của các loài chim 11. Thức ăn của chim 12. Có bao nhiêu chim trên thế giới? 13. Mùa sinh sản của chim 14. Vùng làm tổ 15. Kết đôi và khoe mẽ 16. Tổ chim 17. Trứng và chim non 18. Bản năng và “trí khôn” của chim 19. Ngôn ngữ của các loài chim 20. Mùa đông chim bay đi đâu? 21. Nguồn gốc của hiện tượng di cư 22. Những tai nạn trên đường dl cư 23. Nghiên cứu đường bay 24. Một vài “kiện tướng” di cư 25. Độ cao lúc bay di cư 26. Những bí ẩn của di cư 27. Con người với các loài chim LỜI NÓI ĐẦU Chim có ở khắp mọi nơi trên Trái đất chúng ta, từ vùng địa cực lạnh lẽo đến các rừng rậm âm u, từ biển rộng bao la đến các đỉnh núi cao hùng vĩ, từ thành phố náo nhiệt đến các cánh đồng phẳng lặng. Ở đâu chim cũng làm cho cảnh vật thêm đẹp, thêm vui. Chúng ta yêu chim vì chim biểu hiện sự nhẹ nhàng thanh cao, sự tự do sảng khoái và cả sự bền bỉ, dẻo dai. Chim luôn luôn ở quanh ta và gợi cho chúng ta lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương, và chắc chắn rằng một thế giới không có cánh chim bay hay một mùa xuân không có tiếng chim hót sẽ là một sự thiếu thốn khó bù đắp được đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Đời sống của các loài chim luôn luôn gần gũi với chúng ta, gợi lên trong chúng ta tình yêu cuộc sống, hơn nữa trong đời sống của các loài chim lại có nhiều điều lý thú, kỳ lạ hình như vượt cả ra ngoài những quy luật của tự nhiên làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Viết cuốn sách nhỏ này, chúng tôi hy vọng có thể giúp các bạn hiểu được những nét cơ bản nhất về đời sống của các loài chim. Cuốn sách chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong các bạn vui lòng góp ý cho. Tác giả 1. CHIM CÓ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM GÌ? Chim sống khắp nơi trên hành tinh của nhúng ta: từ vùng núi cao đến các địa cực giá lạnh, từ vùng đồng bằng đến các rừng sâu, từ các thành thị đông đúc cho đến các đại dương bao la. Một số loài chim còn thâm nhập cả vào các vương quốc của cá và lặn sâu đến vài ba chục mét. Trong tất cả các động vật bậc cao, chim là những động vật đẹp nhất, có tiếng hót hay nhất, được nhiều người ưa thích nhất và đồng thời cũng cần được bảo vệ nhất. Chim được mọi người biết đến nhưng định nghĩa chim thế nào cho đúng cũng còn có điều cần bàn cãi. Khoảng 100 năm trước đây nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh là Tômat Hecxơli đã gọi chim là “những con bò sát treo trên không trung”. Cách định nghĩa như vậy e có phần nào xúc phạm đến những loài chim khôn ngoan như vẹt, sáo, nhưng thật ra Hecxơli gọi chim như vậy cũng không phải là quá lời. Chim có khá nhiều đặc điểm giống bò sát. Tuy nhiên chim cũng có những đặc điểm riêng biệt khác với tất cả các nhóm động vật khác. Chim có bộ lông vũ và có đôi cánh kỳ diệu đã giúp chim chiếm lĩnh được bầu trời. Chim là nhóm động vật tương đối đồng nhất trong giới động vật. Tuy có loại bay giỏi, có loài không biết bay, có loài sống ở nước, có loài sống trên mặt đất, loài rất lớn, loài rất bé, nhưng tất cả đều có cùng một sơ đồ cấu trúc: bộ xương chắc, xốp và nhẹ, hàm không có răng nhưng có mỏ sừng, hai chi trước biến thành cánh, đi bằng hai chân, thân phủ lông vũ, tim có 4 ngăn, máu động mạch và máu tĩnh mạch riêng biệt, bán cầu não và các giác quan, nhất là thị giác và thính giác rất phát triển. Một cách ngắn gọn ta có thể nói: chim là những động vật có xương sống đi bằng hai chân, có bộ lông vũ và hai chi trước biến thành cánh. Về mặt sinh học thì chim có hai đặc điểm chủ yếu: một mặt là tính mãnh liệt của sự trao đổi chất trong cơ thể, tính mãnh liệt của các hoạt động sống và mặt khác là sự di chuyển của chim trong không khí bằng cách bay. Chính hai đặc điểm này đã chi phối tất cả các đặc điểm sinh học của chim và cũng vì chính hai đặc điểm này mà chim khác với các động vật có xương sống khác. Để bay được trong không khí, các cơ cánh phải hoạt động mạnh, do đó hàng ngày chim phải tiêu hao rất nhiều năng lượng, sự trao đổi chất trong cơ thể chim xảy ra mãnh liệt, nhiệt độ cơ thể cố định và cao (37,8-45,5°C). Tuy phổi chim không lớn nhưng nhờ có hệ thống túi khí và nhờ cách hô hấp kép (nghĩa là cả lúc hít vào và thở ra, không khí đều đi qua phổi và đều có trao đổi khí: lần thở vào, không khí từ phía ngoài, qua phổi rồi vào túi khí và lần thở ra, không khí từ túi khí qua phổi đi ra ngoài), mà chim được cung cấp đầy đủ oxy. Mặt khác, do sự tiêu hao nhiều năng lượng mà chim cần rất nhiều thức ăn. Quá trình tiêu hóa thức ăn biến diễn rất nhanh chóng, như các loài chim ăn côn trùng, mỗi ngày phải ăn đầy dạ dầy 5-6 lần mới đủ sống. Lượng thức ăn khô cần cho chim hàng ngày là 12-28% trọng lượng toàn cơ thể. Đối với chim non, lượng thức ăn cần thiết còn cao hơn nhiều, vì thế mà chim non lớn rất nhanh. Về mặt sinh sản, chim đẻ trứng tương tự như bò sát, nhưng sinh học sinh sản của chim thì phức tạp hơn bò sát nhiều. Ngoài ra chim còn có nhiều tập tính kỳ lạ, lý thú mà không thấy có ở các nhóm động vật khác. 2. MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ CỦA TRÁI ĐẤT Nếu như sự sống xuất hiện trên Trái đất vào khoảng ba tỷ rưỡi năm, theo như những tài liệu mới nhất hiện nay, thì chim chỉ là nhóm động vật sinh sau đẻ muộn. Trong quá trình tiến hóa của sinh vật, các loại chim đã được sinh ra từ một nhóm bò sát cổ vào khoảng 200-300 triệu năm nay, có lẽ chậm sau các loài thú cổ ít lâu. Nhưng tại sao lại có thể xảy ra hiện tượng kỳ lạ là từ những động vật bò sát chậm chạp, nặng nề, sống trên mặt đất lại có được những đột biến để tạo nên những động vật nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, có khả năng chiếm lĩnh không trung? Đầu tiên có lẽ vào thời ấy nhờ có khí hậu thuận lợi, thực vật phát triển, nhiều cây có hoa xuất hiện lôi kéo theo cả sự phát triển của côn trùng. Nhiều động vật ăn côn trùng lúc bấy giờ cũng phải có những thích nghi mới để bắt được những con mồi đã biết bay. Nhiều loài ếch nhái đã nhảy được khá nhanh, một số loài thằn lằn có động tác nhanh nhẹn và chính xác hay có lưỡi dài với đầu lưỡi có chất dính, có thể phóng ra xa bắt lấy con mồi. Một nhóm thằn lằn khác sống ở trên cây đã có những thích nghi mới, hơn hẳn các loài kia để bắt được côn trùng. Chúng không chịu bò từ cành này đến cành kia một cách chậm chạp mà đã có cách di chuyển nhanh hơn là nhảy từ cành này qua cành kia để đuổi con mồi. Ban đầu chúng chỉ nhảy qua được những khoảng ngắn, sau đó bước nhảy có thể xa hơn nhờ các vẩy ở cạnh sau của chân trước và ở hai bên sườn phát triển tạo nên được mặt phẳng rộng để đỡ không khí. Tiếp đến là các vẩy biến thành lông vũ như lông chim. Bằng cách như vậy, với thời gian, đời này qua đời kia, có lẽ phải trải qua hàng triệu năm, đôi cánh mới xuất hiện và loài bò sát cổ đã biến thành chim. H.1. Thằn lằn cổ sống trên cây. Phải chăng đây là bước đầu tiên trên con đường bò sát tiến hóa thành chim. Hiện nay vì thiếu những tài liệu về cổ sinh vật nên khó mà xác định được chim đã tách khỏi bò sát vào thời gian nào. Hóa thạch đầu tiên của loài chim cổ nhất (cổ điểu) được phát hiện vào năm 1861 ở kỷ Jura (khoảng 150 triệu năm trước đây) thuộc vùng Bavi nước Đức và sau đó ít lâu vào năm 1877 lại phát hiện được mẫu thứ hai và mãi gần đây, năm 1956 mới phát hiện thêm được mẫu thứ ba. Lúc đầu các nhà sinh học chưa thống nhất về vị trí phân loại của các hóa thạch này. Một số người cho đây là chim thực thụ vì có bộ lông vũ, có cánh và các chi sau điển hình của chim; một số người khác lại xếp các mẫu hóa thạch này vào nhóm bò sát vì ở hàm còn có răng như răng thằn lằn, đuôi không phải là hình phao câu mà có 20 đốt xương dài và ở chi trước còn có 3 ngón có móng sừng. Nhưng rồi các nhà khoa học đã đặt tên cho các hóa thạch đó là cổ điểu – chim cổ (Archeopteryx) có nghĩa là họ đã thống nhất xếp chúng vào nhóm chim, tuy nhiên cổ điểu còn có nhiều đặc điểm của bò sát. Theo cấu tạo thì cổ điểu có đời sống trên cây, nhưng chưa có khả năng bay thực sự, mà chỉ mới lượn được từ trên cao xuống như kiểu sóc bay, còn muốn lên cao lại phải trèo nhờ cánh có ngón để bám vào vách đá hay cành cây. Chúng ta cũng có thể hình dung được một cách dễ dàng là 3 mẫu cổ điểu tìm thấy trên đã chết trong trường hợp nào mà còn giữ được tương đối nguyên vẹn toàn thân. Có lẽ chúng đã bị kẻ thù ăn thịt nào đó đuổi bắt và không may đã bị rơi vào bùn mà không thoát ra được. Với thời gian, xác của chúng đã hóa đá. Không còn nghi ngờ gì nữa, các cổ điểu tìm thấy trên là gạch nối quan trọng giữa hai lớp động vật: bò sát và chim và đã cung cấp những dấu hiệu quý giá về lịch sử tiến hóa của sinh vật. Chúng cũng đã nói lên rằng chim bắt đầu bay bằng kiểu lượn từ trên xuống chứ không phải nhảy từ mặt đất lên. H.2. Tổ tiên của chim cổ. Một điều đáng chú ý là hiện nay còn có một loài chim còn giữ lại một số nét của cổ điểu. Đó là loại hoaxin (Opisthocomus hoazin) sống ở các rừng ngập nước nhiệt đới, vùng Amazon, Nam Mỹ, có họ hàng gần với gà. Chim non nở ra chỉ có một ít lông tơ phủ thân nhưng đã trèo được trên cành cây một cách vững vàng nhờ chân, mỏ và cánh có 2 ngón phát triển và có móng sắc. Thỉnh thoảng chim non của hoaxin cũng có thể trượt ngã xuống nước, nhưng không hề gì. Nó có thể bơi khá giỏi và còn lặn được nữa, trong lúc đó chim hoaxin trưởng thành lại mất khả năng bơi, lặn và thậm chí cũng không biết trèo vì móng của các ngón ở cánh đã rụng mất. H.4. Chim hoaxin. Tổ tiên của cổ điểu như thế nào thì hiện nay chưa ai biết rõ, nhưng tiếp sau cổ điểu nhiều hóa thạch mới hơn đã được tìm thấy và càng về sau càng có nhiều đặc điểm gần với chim hiện đại hơn. Sau cổ điểu khoảng 50 triệu năm hay cách ngày nay khoảng 100 triệu năm chim đã khá tiến bộ, nhiều loài chim đã bay rất giỏi, có loài đã thích nghi được với đời sống ở nước và bơi lặn giỏi, tuy nhiên ở mỏ của chúng còn có dấu vết của răng. Từ khi được hình thành, chim phát triển rất nhanh chóng, thích nghi được với nhiều điều kiện sống khác nhau trên Trái đất và vào đầu kỷ đệ tam, tức là khoảng 50-60 triệu năm trước đây chim đã rất đa dạng và hầu như đã có đủ đại diện của các nhóm chim như ngày nay. Ðến cuối kỷ đệ tam, khoảng 2-3 triệu năm trước đây là thời kỳ chim phong phú nhất và có số loài nhiều nhất, ước tính được khoảng 11.600 loài, nhiều hơn ngày nay khoảng một phần ba. H.3. Hóa thạch chim cổ. Sau đó ít lâu đến thời đại plâytôxen, trong khoảng thời gian một vài triệu năm, tất cả các sinh vật trên Trái đất phải trải qua một cuộc thử thách khá nặng nề và nhiều loài đã không chịu đựng nổi trong đợt thử thách đó. Đợt băng hà này xuất hiện tiếp nối đợt băng hà kia làm cho khí hậu trên Trái đất lúc bấy giờ thay đổi đột ngột, lúc nóng, lúc lạnh. Những tảng băng khổng lồ đã tiêu hủy nhiều cây cối và tất nhiên cả các loài chim và nhiều động vật khác sống trong đó cũng bị tuyệt diệt. Tổng số các loài chim hiện nay đang sống trên Trái đất là 8580 với sai số khoảng vài chục loài, tuỳ theo quan niệm phân loại. Số loài chim bị tuyệt diệt đã được mô tả theo dấu vết hóa thạch của chúng mới chỉ có khoảng 800, nghĩa là chưa đầy 10% tổng số loài đang sống. Những con số trên còn xa mới biểu hiện được tổng số loài chim đã được hình thành trong khoảng 150 triệu năm lịch sử từ khi xuất hiện cổ điểu đến nay. Điều đó cũng rất dễ hiểu vì xương chim, vừa rỗng vừa giòn – không được cứng như vỏ trai, vỏ ốc hay xương thú và bò sát nên rất khó mà bảo tồn được. Con đường phát triển từ cổ điểu cho đến các loài chim ngày nay đã phải bước qua biết bao nhiêu đổi thay. Một số loài này được hình thành, sinh sống trong một thời gian, và trước lúc chết đi lại là cơ sở để hình thành nên những loài mới có nhiều đặc điểm tiến bộ hơn và thích nghi hơn với những điều kiện sống mới cũng luôn luôn thay đổi. Các nhà sinh học thường dùng thuật ngữ “thích nghi tỏa tròn” hay “thích nghi phóng xạ” để nói lên hiện tượng đó. Với nghĩa tiến hóa, thuật ngữ đó có nghĩa là các hậu thế của một loài động vật nào đó có thể thích nghi với các điều kiện sống khác nhau và các phương thức sống khác nhau. Kết quả là chúng đã tỏa ra, tạo nên nhiều dạng khác nhau và khác với cả tổ tiên chúng. Bằng cách thích nghi như vậy, con cháu của cổ điểu, từ chiếc nôi đầu tiên là rừng đã tỏa ra khắp nơi, thích nghi với những điều kiện sống mới khác nhau và đã hình thành nên hàng triệu loài khác nhau. Mới đây Bơrôtkor sử dụng mọi thành quả của cổ sinh học hiện đại đã ước tính được tổng số các loài chim, con cháu của cổ điểu, kể cả những loài đã bị tuyệt diệt và những loài còn sống là khoảng 1.650.000 loài. Như vậy thì số loài chim hiện nay đang cư trú trên Trái đất chỉ chiếm một phần rất nhỏ không đầy 1% tổng số. Sự tiến hóa của sinh vật là quá trình biến đổi không ngừng. Ta có thể minh họa quá trình tiến hóa đó của các loài chim cũng như của các loài động vật khác như một cây cổ thụ có nhiều cành lá sum suê được gọi là cây gia hệ. Trên cây gia hệ những cành nhỏ nhất đang nẩy lộc, đó là những loài đang tồn tại, còn những cành đã bị khô héo, chết đi là những loài đã tuyệt diệt. Trên cây gia hệ chim, tất cả 8580 loài hiện đại đang sống tương ứng vớl chừng ấy cành nhỏ nhất đang phát triển. Mỗl cành là một loài, nghĩa là một nhóm cá thể, mà các nhà sinh học gọi là quần thể, có cấu tạo giống như nhau, cùng sinh sống trong những điều kiện như nhau, cùng có khả năng giao phối với nhau để tạo ra hậu thế giống như mình và về mặt sinh sản lại hoàn toàn cách biệt vớl các loài khác. Cây gia hệ còn diễn tả cả mối liên hệ họ hàng giữa các loài. Những loài gần nhau nghĩa là cùng một nguồn gốc họp thành một giống, cũng như nhiều cành con được sinh ra từ một cành lớn hơn. Nhiều giống gần nhau lại họp thành một họ, rồi nhiều họ thành một bộ và tất cả các bộ thành lớp chim. Các nhà nghiên cứu chim đã chia lớp chim thành 40 bộ và 155 họ. 3. SỰ PHÂN BỐ CỦA CHIM TRÊN THẾ GIỚI Có thể nói rằng không có một vùng nhỏ nào trên thế giới dù đó là vùng đất khô cằn hay nơi ngập nước lại vắng bóng các loài chim, có chăng chỉ còn vài nơi ở châu Nam cực là chưa có cánh chim lướt qua. Chim là nhóm “động vật toàn cầu” – đúng với nghĩa của nó. Nhìn chung trên mặt đất, chỗ nào cũng có chim nhưng chúng phân bố không đều. Phần lớn các loài tập trung ở vùng nhiệt đới, nhất là vùng rừng nhiệt đới, nơi có điều kiện sống thuận lợi nhất. Càng đi xa về phương bắc và phương nam, số loài càng giảm dần và ở hai địa cực là chỗ có số loài chim ít nhất. Ở Bắc cực người ta cũng đã gặp 4 loài chim và ngay cả sát Nam cực, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất, các nhà thám hiểm cũng đã thấy có một loài nhàn biển bay qua. Ở các mỏm đá trồi lên giữa những tảng băng, nằm sâu trong châu Nam cực, các nhà khoa học đã tìm thấy hai loài nhàn biển làm tổ. Nhiều tập đoàn chim cánh cụt cũng sinh sống ở đây. Trên toàn châu Nam cực có 16 loài chim làm tổ, tất cả đều là chim biển, và nếu kể cả toàn vùng, trong đó có cả các đảo lân cận thì danh sách các loài chim ở đây lên đến con số gần 50. Các vùng đại dương cũng là những vùng nghèo nàn nhất về số loài chim. Ở đây rất ít gặp hay có chỗ hoàn toàn không có chim lục địa, nhất là những đảo ở xa đất liền. Nếu ta đi về phương đông, qua các quần đảo rải rác ở Thái bình dương thì thấy rất rõ là số loài chim có quê hương từ lục địa ít dần: Xôlômông – 127 loài, Tân Calêđôni – 77 loài, Phigi – 54 loài, Xamoa – 33 loài, Xôxiêti – 17 loại, Mackiđa – 11 loài, và Estơ là đảo xa nhất hoàn toàn không có loài chim lục địa nào cả. Ở nước ta trên quần đảo Hoàng Sa, tuy diện tích nhỏ nhưng cũng có khoảng 10 loài chim, trong đó có vài loài có gốc từ đất liền. H.5. Bản đồ phân bố chim trên thế giới. 1. Dưới 63 loài. 2. 63-25 loài. 3. 125-250 loài. 4. 250-500 loài. 5. 500-1000 loài. 6. 1000-1500 loài. 7. Trên 1500 loài. Các loài chim sinh sống ở những vùng rất nghèo chim, phần lớn là những loài đặc trưng, nghĩa là những loài rất thích nghi với điều kiện sống khó khăn ở đó và thường là những loài có số lượng cá thể rất nhiều. Chúng tập trung có khi đến hàng triệu con, trên một diện tích bé nhỏ, con này đậu sát con kia mà ta thường gọi là chợ chim. Các vùng nghèo chim, có số loài từ 63-125 và vùng ít, có số loài từ 125- 250 đều là những vùng ít nhiều có những khó khăn đối với đời sống của chim. Có thể đó là do ở cách quá xa lục địa như các vùng đảo, hay vì quá lạnh hay quá nóng và sinh cảnh đơn điệu như các vùng sa mạc ở châu Phi, châu Mỹ, các dải rừng taiga, rừng lá kim rộng lớn ở suốt các miền cực bắc của các châu Âu, Á, Mỹ. Các vùng có số loài chim trung bình với số loài dưới 500 phần lớn là những vùng có khí hậu ôn hòa và có thực bì kiểu xa van. Một vài vùng bán sa mạc nhiệt đới ở châu Phi, ở Nam Mỹ và châu Úc cũng thuộc vào loài vùng có số loài chim trung bình. Ta có thể kể một vài vùng điển hình như Taxmania – 255 loài, Tân Tây lan – 256, Phần lan – 327, Hy lạp – 339, Apganixtan – 341, Irắc – 354, Xây lan – 379, Nhật bản – 425, Úc – 436, Anh và Aixơlen – 450, Philipin – 450 và Nigiêria – 488 loài. Vùng có nhiều loài chim, có từ 500-1.000 loài là các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới có sinh cảnh đa dạng, nhất là có những khu rừng rậm rạp ở Đông nam Á, ở châu Úc, châu Phi và châu Mỹ như Bocnêô – 650 loài, Mã lai – 575, Tân Ghi nê – 650, Miến điện – 953, Gana – 627, Camêrun – 670, Zambia – 674, Rôđêdia – 675, Xu đăng – 871, Ăngôla – 875, Mêhicô – 967 loài. Vùng có rất nhiều loài chim, trên 1.000 loài không nhiều lắm. Đây là những vùng nhiệt đới có những khu rừng rậm rạp như ở lưu vực sông Côngô ở châu Phi có 1.040 loài, Trung Mỹ từ nam Mêhicô đến Panama – 1.190, Vênêduêla – 1282, Êquađo – 1.357 và Bơrêdin – 1.440 loài. Vùng có nhiều loài chim nhất trên thế giới là Côlômbia ở Trung Mỹ có đến 1.700 loài. Trên đất nước ta có đến 767 loài chim chiếm khoảng 8% tổng số các loài chim trên thế giới và nước ta được xếp vào vùng có nhiều loài chim. 4. BỘ LÔNG KỲ DIỆU Chim bay được trước tiên là nhờ có bộ lông vũ. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong giới động vật không phải chỉ có chim mới biết bay. Ngoài chim ra còn nhiều nhóm động vật biết bay như bướm, ong và có cả một họ động vật có vú bay giỏi là họ giơi. Xưa kia, hàng trăm triệu năm về trước cũng đã có nhiều loài bò sát cổ bay giỏi và thậm chí con người ngày nay cũng đã “bay” được nhờ chế tạo được máy bay, tên lửa. Nhưng bộ lông vũ thì chỉ riêng chim mới có và chính nhờ có bộ lông kỳ diệu đó mà chim đã vượt lên hàng đầu trong các nhóm động vật biết bay. Lông vũ đúng là một tác phẩm tuyệt diệu của thiên nhiên. Vừa nhẹ nhàng, vừa mềm mại lại vừa vững bền, nên lông vũ đã đảm nhiệm được nhiều chức năng phức tạp mà màng da của cánh giơi hay màng mỏng của cánh côn trùng và cả đôi cánh cứng chắc của máy bay cũng không thể sánh kịp. Ta hãy quan sát một chiếc lông cánh của bồ câu. Dọc giữa lông là thân lông có phần gốc cứng và rỗng cắm sâu vào da, còn phần thân lông chính thức lại đặc nhưng xốp và thuôn nhỏ dần về phía mút làm cho cả chiếc lông vừa vững chắc lại vừa mềm mại. Đặc điểm đó rất cần thiết để chim bay. Hai bên thân lông là phiến lông rộng mỏng gồm nhiều sợi lông nhỏ ghép sát vào nhau như tàu lá chuối. Lấy tay vuốt ngược lông, phiến lông bị rách nát, nhưng ta hãy kẹp phiến lông giữa hai ngón tay rồi vuốt xuôi từ gốc ra như thể chim dùng mỏ để chải lông thì phiến lông trở lại lành lặn, phẳng phiu, bóng bẩy như không hề bị rách nát lần nào cả. Ấy là do phiến lông có cấu tạo rất phức tạp. Muốn thẩy rõ sự cấu tạo đó phải quan sát lông chim dưới kính hiển vi. Các sợi lông xếp song song với nhau ở hai bên thân lông để tạo nên phiến lông thực ra không phải là những sợi đơn giản. Mỗi sợi lông cũng có cấu tạo như một chiếc lông vũ tí hon, cũng có thân của sợi lông và hai bên thân đó cũng có những sợi nhỏ xếp song song với nhau gọi là tơ lông. Các tơ ở hàng trên có nhiều móc rất nhỏ, các móc này lần lượt móc vào các tơ ở hàng dưới của sợi phía trên. Với kính hiển vi ta có thể đếm được hàng trăm nghìn tơ lông và hàng triệu móc lông trên một chiếc lông. Khi vuốt ngược lông, các móc lông tuột ra khỏi các tơ lông của sợi lông kề trên, nhưng khi vuốt xuôi các móc lông lại ngoắc vào đúng vị trí cũ làm cho lông trở lại lành lặn. Chính nhờ cấu tạo phức tạp đó mà lông chim vừa nhẹ, vừa vững lại vừa bền. Các lông càng tham gia nhiều vào hoạt động bay như lông cánh và lông đuôi thì số móc lông càng nhiều và lông càng vững chắc còn ở các lông khác số tơ lông và móc lông thưa hơn nhiều. H.6. Lông ống – loại lông mọc ở cánh và đuôi chim, và một phần nhỏ của lông nhìn dưới kính hiển vi. Bộ lông vũ của chim đảm nhiệm nhiều chức phận khác nhau. Không những nó tạo nên diện rộng ở cánh vả đuôi để đỡ không khí lúc bay mà còn bảo vệ cho chim khỏi mưa nắng và là bộ áo ấm giữ cho nhiệt của cơ thể không bị tỏa ra nhanh chóng. Trên cơ thể chim có rất nhiều loại lông khác nhau, tuy nhiên ta có thể phân biệt 4 loại lông chính. Loại lông có số lượng nhiều nhất là lông bao, phủ toàn thân chim, tạo nên hình thuôn tròn của cơ thể để giảm được sức cản của không khí lúc bay, đồng thời giữ cho nhiệt độ của cơ thể luôn ở mức trung bình là 40,4°C. Phía trong các lông bao, sát với da có một loại lông rất mềm, xốp như bông gọi là lông bông. Lông bông giúp cho bộ lông thêm ấm vì vậy mà các loài chim ở xứ lạnh có rất nhiều lông bông và đối với từng loài, về mùa đông số lông bông cũng nhiều hơn về mùa hè. Giữa hai loại lông trên ở cơ thể chim còn có một loại lông rất mảnh hình tơ, mọc ở gốc các lông bao gọi là lông tơ. Lông này chỉ có chức phận cảm giác. Các lông mọc ở cánh và đuôi có phiến rộng và chắc, là loại lông ống. Ở các loài cú ăn đêm là những loài chim ăn động vật mà chủ yếu là chuột, có cơ quan giảm âm hình lược ở mép của phiến lông ống nên khi bay không phát ra một tiếng động nhỏ nào, giúp cho chim bắt mồi được dễ dàng. Ngoài 4 loại lông trên ở chim còn có lông mép, mọc ở mép mỏ là loại lông chỉ có thân lông mà không có phiến lông. Ở nhóm cò, vạc còn có một loại lông hình bột rất mịn tập trung thành đám ở trước ngực hay trên hông mà chim dùng chải lên lông để chống thấm nước. H.7. Các loại lông chim: a. lông bao. b. lông bông. c. lông tơ. d. cơ quan giảm âm ở lông cánh của cú. Chim có bao nhiêu lông? Đây là một câu hỏi mà ít người chú ý đến. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà khoa học đã chịu khó đếm số lông của một vài loài chim. Về nguyên tắc mà nói thì chim càng lớn số lông càng nhiều. Người ta đã đếm được số lông của gà là 8.325, của thiên nga là 25.216 trong đó 80% là lông ở cổ và đầu vì lông ở đây rất bé mà lại mọc rất sít nhau. Ai đã từng vặt lông gà, vịt cũng đều thấy rõ điều đó. Chim ruồi ở Châu Mỹ là loài chim bé nhất, có số lông ít nhất là 940, nhưng nếu ta so mật độ trên một đơn vị diện tích thì chim ruồi có mật độ lông cao hơn thiên nga. Các loài chim thuộc bộ Sẻ có cỡ nhỏ và trung bình như sẻ, chào mào, bách thanh, sáo, vv…, có số lông thay đổi từ 1.100 đến 4.600. Số lông cũng có thể thay đổi chút ít theo mùa. Chim sẻ về mùa đông có khoảng 3.550 lông nhưng về mùa hè số lông ít hơn khoảng 400 chiếc. Bộ lông rất quan trọng đối với chim, vì vậy mà chim luôn luôn lo lắng chăm sóc bộ lông của mình khỏi bị mòn hay bị rách nát. Ở phần lớn các loài chim, phía trên phao câu có tuyến đặc biệt gọi là tuyến phao câu. Thường ngày chim dùng mỏ ấn vào tuyến để chất mỡ nhầy trong tuyến chảy ra. Chim dùng chất mỡ đó để chải lông cho trơn. Trong chất mỡ của tuyến còn có chất tiền vitamin D. Chất này mỗi khi được chải lên lông và phơi ra ánh nắng sẽ biến thành vitamin D. Khi chải lông, chim đã nuốt một phần vitamin đó vào cơ thể. Ở một số loài chim không có tuyến phao câu thì bộ lông được chải bằng lông bột. Dù chăm sóc tốt mấy đi chăng nữa, sau một thời gian bộ lông cũng bị mòn hay hư hỏng ít nhiều, vì vậy mà hàng năm chim thay toàn bộ lông một lần, thường là sau mùa sinh sản. Sự thay lông thường diễn ra theo một thứ tự nhất định, từ đuôi lên đầu, dần dần và cân đối, do đó mà trong lúc thay lông chim vẫn không mất khả năng bay. Ở một số loài như vịt, ngỗng và vài loài chim ở nước khác như gà đồng, tất cả lông cánh và đuôi cùng thay một lúc. Chúng mất khả năng bay một thời gian nhưng vẫn đảm bảo được việc kiếm ăn và không bị kẻ thù sát hại vì chúng sống ở các vực nước lớn. Cũng có một vài trường hợp hãn hữu như chim cánh cụt thì tất cả lông đều rụng cùng một lúc do các lông non ở dưới da đùn lên để thay thế. Vì chim cánh cụt không bay nên việc thay toàn bộ lông cùng một lúc không gây tai hại gì đáng kể cho chim, nhưng ở một số loài khác, do ảnh hưởng của cách thay lông như vậy mà chim bị yếu đi rất nhiều. Chim mái của các loài phượng hoàng đất, và niệc trong thời kỳ ấp trứng hầu như cũng thay toàn bộ lông cùng một lúc. Để bảo đảm an toàn, lúc bắt đầu ấp trứng nó “buộc” phải bị nhốt vào trong tổ làm trong hốc cây, phía ngoài tổ được vít kín chỉ trừ một lỗ nhỏ đủ để chim trống tiếp tế thức ăn cho đến lúc đàn con rời tổ. Cũng vì một thời gian dài bị nhốt, không vận động và một phần bị yếu đi vì thay lông toàn bộ mà lúc ra khỏi tổ nhiều con mái không bay được và thường bị rơi xuống đất. Ngoài đợt thay lông toàn bộ, ở một số loài còn có một đợt thay lông thứ hai, chỉ thay một số lông nhất định, chủ yếu là các lông trang hoàng làm cho chim có bộ lông sặc sỡ hơn trước lúc bước vào mùa sinh sản mà người ta thường gọi là bộ áo cưới của chim. 5. MẮT CHIM Trong giới động vật có lẽ không có loài nào có được đôi mắt tinh như mắt chim. Đại bằng trọc đầu lặng lẽ bay lượn cao đến 2 km, kỳ thực là để tìm các xác chết động vật ở mặt đất; diều hâu, diều mướp lượn trên đồng cỏ để tìm chuột; chim sâu, bạc má quan sát từng kẽ lá, khe vỏ cây để tìm sâu và trứng sâu; cốc đế lặn sâu dưới nước để bắt cá, tất cả đều cần có đôi mắt thật tinh thì mới phát hiện được con mồi. So với mắt người thì mắt chim tinh hơn nhiều, như mắt của chim cắt có thể tinh hơn mắt người đến 8 lần. Mắt chim tinh không phải vì có cấu tạo kiểu “kính viễn vọng” như một số người tưởng mà chính là mắt chim có nhiều tế bào cảm quang hơn mắt người nhiều. Ở đáy mắt của chim cắt có đến 1,5 triệu rưỡi tế bào cảm quang trong lúc đó ở đáy mắt của người, trên vùng tương ứng chỉ có 200 nghìn tế bào cảm quang. Chính vì vậy mà hình của một con thỏ in lên đáy mắt người chỉ là một hình thô, lờ mờ, trong lúc đó hình con thỏ in lên đáy mắt của chim cắt là một hình rất rõ ràng. Cùng một con thỏ, ở độ xa như nhau, người ta chỉ thấy được một cách đại khái còn chim cắt thì thấy rất rõ. H.8. Mắt người và hình con thỏ in ở đáy mắt. H.9. Mắt chim và hình con thỏ in ở đáy mắt. Khác với mắt người, mắt chim còn có một cơ quan đặc biệt là cơ quan lược, có nhiều mạch máu dùng để cung cấp thêm máu cho mắt. Cơ quan lược còn làm giảm bóng mờ ở đáy mắt giúp chim nhận thấy được những vật chuyển động ở rất xa. Mắt chim có kích thước rất lớn. Nhiều loài chim có mắt lớn hơn cả khối não. Mắt của đại bàng và của dù dì lớn bằng mắt người trong lúc đó trọng lượng của đại bàng và của dù dì chỉ bằng 1/10 trọng lượng của người, còn mắt của đà điểu châu Phi, lớn gần bằng quả cam với đường kính khoảng 5 cm. Chim không những phân biệt được các vật rõ hơn người mà còn nhìn thấy được các vật ở khoảng cách rất xa mà chúng ta khó tưởng tượng được. Chim cắt có thể nhìn rõ con chuột ở khoảng cách trên 1.000 mét, còn đà điểu thì phân biệt được kẻ thù ở khoảng cách 5-7.000 mét, vì vậy mà một số loài thú ăn cỏ như ngựa vằn, sơn dương thường kiếm ăn quanh quẩn gần đà điểu lợi dụng đà điểu như vật canh gác bảo vệ cho mình. Chim không những có thể nhìn thấy vật ở xa mà còn có khả năng nhìn thấy vật rất gần nhờ sự điều chỉnh một cách rất nhanh chóng thủy tinh thể trong mắt. Chỉ trong nháy mắt thủy tinh thể của mắt chim đã có thể chuyển từ dạng hơi dẹt thành dạng gần hình cầu để có thể thấy được rõ vật ngay ở đầu mỏ mình. Điều đáng chú ý là mắt chim không những có thể sử dụng như một kính viễn vọng để nhìn rõ vật ở xa và đồng thời như một kính lúp để nhìn rõ vật nhỏ ở rất gần mà còn có góc nhìn rất rộng. Khác với mắt người, mắt chim không nằm về phía trước đầu (trừ các loài cú) mà nằm hai bên đầu và hơi lồi ra phía ngoài, vì vậy mà mỗi mắt có góc nhìn khá rộng, thường là trên 180°. Vùng mà riêng mỗi mắt nhìn thấy gọi là vùng nhìn một mắt. Phía trước mỏ có một vùng mà cả hai mắt đều nhìn thấy gọi là vùng nhìn hai mắt. Đây là vùng chim nhìn rõ nhất. Ta hãy xem con sáo kiếm mồi trên bãi cỏ, nó đang đi bỗng dừng lại, nghiêng đầu, chăm chú nhìn vào một phía, hình như nó đang chú ý nghe tiếng động của con châu chấu dấu mình dưới khóm cỏ, nó hướng mỏ về phía có tiếng động, vùng mà cả hai mắt đều nhìn thấy và đã phát hiện ngay được con mồi. Hầu hết các loài chim đều có góc nhìn rất rộng, trên 300°, phía trước mỏ là vùng nhìn hai mắt hẹp, hai bên đầu là vùng nhìn một mắt khá rộng, phía sau gáy là vùng hẹp mà chim không nhìn thấy. Đó là góc nhìn của các loài chim phát hiện mồi bằng mắt. Rẽ giun có góc nhìn hơi khác. Khi kiếm mồi rẽ giun thọc sâu mỏ dài vào bùn để dò tìm giun nhờ những tế bào xúc giác có nhiều ở phần mút mỏ. Nó không cần nhìn thấy con mồi, nhưng lại rất cần đề phòng kẻ thù từ phía sau và phía trên ập đến. Vì lý do đó mà mắt rẽ giun nằm gần về phía gáy và hơi dịch lên phía trên đầu. Với cách bố trí mắt như vậy rẽ giun có góc nhìn đến 360° và có hai vùng nhìn hai mắt: ở phía trước đầu và sau gáy. Cũng vì vậy mà rẽ giun có thể nhìn được cả 4 phía và cả phía trên đầu nữa, mà rõ nhất lại là phía sau gáy. Mắt vịt cũng có góc nhìn tương tự, nhưng ở vùng sau gáy vịt nhìn hơi tồi hơn. Ðó là cách bố trí mắt của những loài chim mò thức ăn ở trong bùn, nghĩa là những loài tìm thức ăn không phải bằng mắt. H.10. Vùng nhìn của mắt cú, mắt sẻ và mắt rẽ giun. Vùng gạch song song là vùng nhìn một mắt, vùng gạch chéo là vùng nhìn hai mắt. Các loài cú có mắt rất lớn, hướng cả về phía trước như mắt người, vì vậy mà toàn bộ góc nhìn của cú rất hẹp, chỉ vào khoảng 60°. Chủ yếu cú nhìn bằng hai mắt. Để có thể nhìn thấy rõ được mọi vật trong đêm tối, thủy tinh thể của mắt cú rất lớn và nằm ở cuối một ống sừng gần sát với đáy mắt để tập trung ánh sáng chiếu vào vùng võng mạc, nơi có nhiều tế bào cảm quang. Mắt cú không những có góc nhìn hẹp mà còn bị gắn khá chắc vào ổ mắt nên không liếc được linh động như mắt của các loài chim khác. Để bù cho nhược điểm trên của mắt, cổ cú lại đặc biệt mềm mại, nhờ đó mà đầu cú có thể quay về hai bên trọn một vòng 360° để đưa mắt nhìn khắp 4 phía mà không cần phải xoay thân. H.11. Cú có thể xoay đầu trọn một vòng để nhìn được khắp bốn phía. Trong cả lớp chim, loài có đôi mắt tồi nhất có lẽ là loài chim kivi, một loài chim không biết bay sống ở vùng núi rừng Tân Tây Lan. Chim kivi là loài chim ăn đêm mà mắt của nó lại rất nhỏ. Thức ăn của nó là giun, nó kiếm mồi nhờ khứu giác. Để tiện việc sử dụng, lỗ mũi của kivi mở ra ngay ở mút của chiếc mỏ dài. Lúc kiếm ăn nó đưa mút mò sát mặt đất để dò mồi. Mắt của kivi không còn là giác quan quan trọng nhưng mũi lại rất thính. Bằng thực nghiệm người ta đã nhận thấy loại chim không cánh này phát hiện mồi rất dễ dàng bằng mũi, chỉ hơi thoảng có làn gió nhẹ là kivi đã có thể hướng ngay về phía mà dưới đất, ở đó có giun và không hề để ý đến các hướng khác. 6. MŨI CHIM CÓ THÍNH KHÔNG Chim kivi có mũi rất thính. Nhưng mũi của các loài chim khác thì thế nào? Cho đến nay các nhà sinh học vẫn còn tranh cãi mà chưa đi đến một kết luận nào thỏa đáng. Người ta đã chú ý nhiều đến nhóm chim mũi ống (hải âu, chim báo bão) là những loài chim có mũi khá phát triển, nhưng cũng chưa có gì cụ thể để nói lên rằng chúng có khứu giác tốt. Riêng về vịt thì hiện nay đã có nhiều bằng chứng khẳng định rằng chúng phân biệt được khá chính xác các thứ mùi và biết chọn những thức ăn có mùi vừa ý. Thùy khứu giác ở phía trước não bộ của vịt cũng khá phát triển. Còn kền kền và đại bàng trọc đầu tìm mồi bằng mắt hay bằng mũi? Đây là điều thật rắc rối, mà đã hơn một thế kỷ qua vẫn chưa giải quyết được một cách rõ ràng. Năm 1835 Ođiubôn và Basơman đã làm một vài thí nghiệm bằng cách gói thịt ôi rồi vứt ra những chỗ có các loài chim này hay lui tới. Các ông đã đi đến kết luận là chúng chỉ tìm mồi bằng mắt. Đắcuyn cũng đã xác nhận điều đó. Nhưng gần 100 năm sau Sápman đã nghi ngờ kết luận trên. Ông ta đã lập lại thí nghiệm bằng cách vứt xác súc vật chết có che kín ra chỗ trống. Khi xác chết đã nặng mùi thì kền kền tìm đến. Tuy nhiên thí nghiệm của Sápman vẫn chưa có sức thuyết phục vì người ta cho rằng, mùi của xác chết đã lôi kéo ruồi nhặng đến và tạo nên dấu hiệu mà kền kền đã quen thuộc. Sápman làm lại thí nghiệm với mồi bằng cá ươn có mùi rất nặng thì không thấy một con chim nào tìm đến cả. Từ đó ông ta đã cho rằng kền kền không những tìm mồi bằng mắt mà cả bằng mũi nữa và còn phân biệt được các thứ mùi. Trừ một số rất ít loài chim có khả năng phân biệt được mùi, còn hầu hết các loài chim hình như không biết mùi là gì cả. Thùy khứu giác của não chim nói chung không phát triển. 7. CHIM CŨNG CÓ TAI Nhìn qua bề ngoài, thì hình như chim không có tai. Thực ra chim có đôi lỗ tai nằm khuất dưới mấy chiếc lông thưa ở phía sau đuôi mắt. Tuy tai chim không có vành tai ngoài như tai thú, nhưng chim vẫn là nhóm động vật có thính giác tinh tường vào bậc nhất. Khi nghiên cứu cấu trúc của tai trong và cách sắp xếp các tế bào thính giác ở tai chim, người ta cho rằng chim cũng nghe được dải tần số tương tự như dải tần số mà các loài thú nghe được, nhưng có lẽ nhạy cảm hơn về phía các tần số thấp. Theo Lesli Uylê thì tai chim thính gấp mười lần tai người. Tai chim có thể phân biệt được rõ ràng những âm thanh thay đổi rất nhanh chóng cả về tần số lẫn cường độ. Dải tần số mà chim nghe được nằm trong khoảng từ 40 đến 25.000 Hz, nhưng nghe rõ nhất, cũng như người là khoảng từ 1.000 đến 4.000 Hz. Tuy nhiên mỗi loài chim tùy theo cách sinh sống của mình mà có dải tần số nghe thích hợp nhất. Ví dụ như cú vọ, dù dì nghe rõ nhất vào khoảng từ 3.000 đến 6.000 Hz đúng vào dải tần số cần thiết để phân biệt được tiếng rúc rích của chuột ở trong các lùm cây. Một số loài chim còn nghe được cả siêu âm. Loài yến sống ở các hang đảo Tơrinitê ở Nam Mỹ, lúc bay, chúng đánh hai mỏ vào nhau rất nhanh (khoảng 1-2 phần nghìn giây) để phát ra một thứ tiếng nghe như tiếng rít với tần số khoảng 7.000 Hz. Nhờ tiếng đó mà lúc bay chim không bị va vào vách đá hay thạch nhũ ở trong các hang tối. Loài yến sống ở các đảo ở ven biển vùng trung Trung bộ nước ta hình như cũng phát ra âm thanh tương tự để định hướng trong lúc bay. Thính giác giữ vai trò rất quan trọng đối với đời sống của chim. Nhiều loài chim như chích chòe, sơn ca, bách thanh, gà rừng…, dùng âm thanh để xác định ranh giới vùng làm tổ của mình cũng tương tự như các loài thú dùng mùi của tuyến thơm vậy. Khi đã chọn được vùng làm tổ, hễ có chim khác, nhưng cùng loại xâm nhập thì chim trống – kẻ bảo vệ vùng làm tổ – liền cất cao tiếng hót để báo cho khách lạ biết rằng anh không phải đang ở trên lãnh thổ nhà mình, trước khi gây chuyện ấu đả nếu như khách vẫn làm ngơ, tảng lờ như không nghe tiếng. Tiếng hót, tiếng kêu của chim còn để tỏ tình cảm, để báo hiệu có thức ăn, họp đàn, dẫn đường di cư trong đêm tối, báo có nguy biến, cầu cứu và cả để nhận biết con cái hay bạn cùng đôi lứa. Tai của chim tinh đến mức mà chúng ta khó tưởng tượng được. Các loài chim làm tổ riêng lẻ, nghe tiếng chim con kêu là có thể nhận biết được ngay, vì xung quanh đó không có tiếng kêu nào tương tự. Nhưng ở những chợ chim, hàng nghìn, hàng vạn chim cùng làm tổ trên một khoảnh đất nhỏ, tổ này cách tổ kia chỉ vài gang tay, tiếng kêu chim lớn, chim non inh ỏi, nhưng chim mẹ vẫn phân biệt được đâu là tiếng của con mình để tìm đến mớm mồi. Có khi chim mẹ xa cách tổ khá lâu, lúc trở về vẫn tìm được chim con một cách dễ dàng. Chim cánh cụt chúa sống thành tập đoàn lớn ở Nam cực, sau khi đẻ chiếc trứng độc nhất, chim mái giao trứng cho chim trống ấp rồi ra đi, đến vùng biển xa hàng trăm kilômét để kiếm ăn. Sau khoảng 2 tháng trở về chỉ nghe vài tiếng kêu trong cả đám chợ ồn ào nó đã tìm được “gia đình” một cách nhanh chóng. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn vấn đề này ở phần tiếng nói của các loài chim. 8. SỰ VẬN CHUYỂN CỦA CHIM Sự vận chuyển của chim trên mặt đất thật đơn giản. Hai chi trước đã biến thành cánh, chỉ còn hai chi sau để đỡ thân, nên lúc di chuyển trên mặt đất chim không phải phối hợp một cách phức tạp và nhịp nhàng cả 4 chân như ở các loài thú. Các loài chim cỡ lớn và trung bình, kiếm ăn ở mặt đất thường có chân khỏe và cao. Chúng bước đi nhẹ nhàng trên mặt đất, như kiểu người bước, chân này tiếp chân kia để đưa thân về phía trước. Đây là cách di chuyển đơn giản nhất. Các loài chim bé ít khi bước, hay hoàn toàn không bước. Lúc di chuyển chúng nhảy cả hai chân cùng một lúc nhờ sức bật của đôi chân, có các phần gập theo hình chữ Z, như một loại lò xo lá. Các loại chim bơi ở nước, có chân lùi xa về phía sau thân như vịt, bồ nông, cốc. Bước đi của chúng thật nặng nhọc. Thậm chí có một số loài như chim lặn và một vài loài chim cánh cụt không bước nổi. Lúc cần thiết chúng nằm áp bụng xuống đất, dùng chân đẩy phía sau và dùng cánh và mỏ phối hợp để định hướng. Đôi chân đi của chim cũng có ít nhiều thích nghi với môi trường sống. Các loài chim thường phải di chuyển trên giá thể không chắc như bùn hay cây thủy sinh nổi trên mặt nước có ngón chân dài hoặc rất dài để khỏi bị lún. Gà lôi nước và nhiều loại gà nước khác đi được trên đám bèo, lá súng cũng vì lý do đó. Trong cùng một nhóm phân loại như nhóm cò vạc chẳng hạn thì những loài kiếm ăn trên bờ gần mép nước như cò bợ, cò lửa, vạc, cò xanh có chân ngắn, cò trắng kiếm ăn ở chỗ nước nông có chân dài trung bình còn những loài kiếm ăn ở chỗ nước sâu như diệc, cò ngàng lại có chân rất dài. Chiều cao của chân đã phân chia ranh giới vùng kiếm ăn của những loài chim cùng sống chung ở môi trường nước này. H.12. Chim cánh cụt trườn trên băng. H.13. Chim gà lôi nước đi được trên các cây thủy sinh mà không bị chìm. Trong nhóm chim sống trên mặt đất có loài đà điểu châu Phi là đáng chú ý nhất. Với đôi chân khỏe và cao, tuy đà điểu không vượt được tốc độ chuyển vận của các loài chim bay nhưng về khả năng chạy thì nó có thể xếp vào hàng đầu cùng với vài loài động vật khác như chuột túi châu Úc và ngựa. Trên sa mạc Sahara, những dấu chân của đà điểu in trên cát cũng đã phần nào nói lên khả năng đó. Lúc chạy nhanh vừa, bước chân của nó dài 2,50-3 mét, lúc chạy nhanh, bước chân dài 4-5 mét. Người ta đã kể lại trong cuộc đua ngựa tổ chức vào năm 1864 ở Angiê, con ngựa chạy nhanh nhất vượt quãng đường 28 km trong 59 phút 16 giây nhưng đà điểu vượt quãng đường đó chỉ hết 59 phút 10 giây. Đó chỉ là mới với tốc độ chạy nhanh vừa, còn khi đà điểu bị kẻ thù đuổi thì nó có thể chạy được đến 70 km/giờ – tốc độ mà không một con ngựa nào có thể đạt được. Lúc đà điểu chạy, cổ nó dướn về phía trước, hai cánh hơi dương lên, túi khí phồng căng, thân không bị chao sang trái sang phải hay nghiêng lúc trước lúc sau khi chân bước. Thế cân bằng vững chắc đó giúp cho đà điểu đỡ hao sức rất nhiều trong khi chạy. Ở trên cây, phần lớn các loài chim nhảy, nhưng cũng có một số loài chim có cách di chuyển riêng của mình. Dùng chân phối hợp với mỏ, vẹt có thể leo ngược cành cây hay chúc đầu leo xuống. Một số loài chim nhỏ như bạc má, chim trèo cây, nhờ có móng chân cong và sắc mà chúng có thể bám chắc vào vỏ cây để leo lên hoặc leo xuống dọc theo thân cây một cách dễ dàng. Gõ kiến cũng trèo, nhưng nó dùng đuôi có lông rất cứng và mút lông ráp để làm điểm tựa vững chắc rồi nhảy dật lùi, đầu vẫn hướng lên trên và đuôi hơi nâng lên, trước lúc bắt đầu nhảy. Chim non hoaxin ở Nam Mỹ lại trèo bằng cả bốn chi, cánh của nó có móng sắc và cong có thể bám chắc vào cành cây để kéo thân lên. Chúng ta có thể đặt câu hỏi là tại sao chim không những bám chắc được vào thân cây hay cành cây lúc leo trèo mà còn đậu được yên trên cành cây, không bị ngã, ngay cả lúc ngủ say. Đó là nhờ chân chim có cấu trúc đặc biệt Lúc đậu do sức nặng của thân đè lên, chân gập lại, các cơ co ngón ở chân và gân nằm dọc theo giò và ngón chân co lại, tự động kéo các ngón chân gập cong, giữ chắc lấy cành cây. Các loài chim ăn thịt bắt mồi cũng bằng cách như vậy. Lúc cú hay diều hâu vồ được mồi, hai chân co lại làm cho các ngón chân xiết chặt vào con mồi. H.14. Chân chim lúc duỗi và lúc co. Lúc chim đậu chân gập, các ngón chân tự động co lại để giữ chặt lấy cành cây. Tất cả các loài chim ở gần bờ nước đều bơi được, nhưng chỉ những loài chim kiếm ăn ở nước mới có cấu tạo thích nghi với đời sống ở đây. Chân của chúng có màng bơi nối giữ ba ngón trước như vịt, mồng biển, giữa cả bốn ngón như bồ nông, cốc hay riêng mỗi ngón đều có mép xòe rộng ra thành màng bởi riêng của từng ngón như chim lặn hay sâm cầm. Lúc bơi trên mặt nước hai chân đạp về phía sau, màng bơi căng rộng để đẩy thân đi. Lúc co chân lại, các ngón ép sát vào nhau, diện tích rút nhỏ đến mức tối thiểu để không bị nước cản. H.15. Chân le hôi lúc co (A) và lúc duỗi (B). a. nhìn mặt bên; b. nhìn phía trước. Lúc co các ngón chân thu gọn lại đến mức tối thiểu để giảm lực cản của nước còn lúc duỗi các ngón bè ra để đẩy chim đi. Nhiều loài chim lặn được. Các loài lặn giỏi đều có chân nằm lùi rất xa về phía sau thân và chân là động cơ chính để thắng sức đẩy của nước. Lúc lặn, nhiều loài chim khép cánh ép sát vào thân nhưng cũng có loài hai cánh hơi nâng lên hình như để giữ thăng bằng. Riêng ở các loài chim cánh cụt, cánh giữ vai trò quan trọng trong khi lặn, còn chân chỉ dùng làm bánh lái. Khi lặn chim cánh cụt quẫy nhanh đôi cánh như mái chèo để lướt đi trong nước y như bay vậy. H.16. Vịt lặn dưới nước. Trừ một số ít loài chim không bay được còn hầu hết các loài chim đều biết bay và bay giỏi, nhưng mỗi loài có cách bay riêng của mình. Én bay lướt rất nhanh, các loại cò thì bay bằng cách vỗ cánh nhịp nhàng, đều đặn, nhạn rừng lúc thì vỗ cánh lúc thì dang cánh để lượn, còn các loài diều hâu thì có thể dang cánh bay lượn trên không trung hàng giờ không vỗ cánh. Tuy cách bay của từng loài chim có khác nhau nhưng động tác bay của chim cũng chỉ có hai kiểu chính: vỗ cánh và lượn. Tùy loài chim và cách sống của chúng mà cách bay có thiên về kiểu này hay kiểu kia. Chim bay được là nhờ có đôi cánh, vì vậy mà muốn hiểu được chim bay như thế nào không thể không biết vài nét về cánh. Cánh chim được cấu tạo dựa trên những nguyên tắc khí động học rất chặt chẽ. Chính con người cũng đã bắt chước hình dáng đó của cánh chim để tạo nên chiếc cánh của máy bay. Cạnh trước của cánh chim dày và khỏe rồi mỏng dần ra phía sau, giúp cho cánh ít bị sức cản của không khí khi chim bay. Mặt trên của cánh hơi khum khum đã tạo nên sức nâng từ dưới lên – sức đó đã giữ cho chim lướt đi trong không khí mà không bị rơi. Khi chim bay luồng không khí va vào cạnh trước rồi lướt lên mặt trên của cánh với tốc độ nhanh hơn làm cho áp suất không khí ở đây bị giảm sút, trong lúc đó áp suất không khí ở mặt dưới của cánh vẫn giữ nguyên như cũ. Sự khác nhau về áp suất không khí ở mặt trên và mặt dưới cánh đã nâng cánh lên. Nhờ một số lông nhỏ ở góc cánh (cánh con) có tác dụng tương tự như cánh phụ trước và cánh tà sau của cánh máy bay mà chim có thể điều chỉnh được áp suất của không khí ở cánh lúc cần thiết. Khi cánh ở tư thế hơi nghiêng, luồng không khí ở trên mặt cánh tạo nên gió xoáy làm giảm sức nâng lên. Nhưng nếu lúc đó cánh con dương lên thì luồng không khí sẽ lướt qua đều đặn, xoáy gió không còn nữa và sức nâng cánh được phục hồi. H.17. Sơ đồ luồng không khí lướt qua cánh lúc chim bay. a. lúc cánh phẳng ngang; b. lúc cánh hơi nghiêng nhưng cánh con không dương lên; c. lúc cánh con dương lên. Kiểu bay vỗ cánh là kiểu bay phổ biến của hầu hết các loài chim. Khi bay vỗ cánh, cơ ngực co, kéo cánh đập xuống, sức cản của không khí lúc đó sẽ nâng cánh lên có nghĩa là nâng toàn bộ thân chim lên. Cùng với tác động nâng thân chim lên còn có tác động đẩy chim về phía trước của cánh. Khi cánh đập xuống, cạnh trước hạ thấp hơn cạnh sau và do cạnh trước của cánh khỏe, dày mà cả phần sau của cánh lại mỏng, dẻo nên động tác đập xuống đó của cánh sẽ đẩy không khí ra phía sau và nhờ đó mà chim bị xô về phía trước. Nhìn chung có thể nói rằng phần sau của cánh nâng chim lên còn phần trước của cánh thì đẩy chim tới. Tiếp theo động tác vỗ cánh xuống là động tác nâng cánh lên. Khi chim nâng cánh lên, xương cánh khẽ quay để cạnh trước của cánh nằm cao hơn cạnh sau, sức gió sẽ tự nâng cánh lên, đồng thời khớp ở cổ tay gập lại, nhờ đó mà giảm được sức cản của không khí. H.18. Lúc chim nâng cánh lên, các lông cánh tách ra để không khí lọt qua được. H.19. Lúc chim đập cánh xuống, các lông áp sát vào nhau để đỡ lấy không khí. Sự sắp xếp của các lông cánh, chiếc này chồng lên chiếc kia theo một thứ tự nhất định, tạo nên sức cản tối đa khi cánh vỗ xuống và sức cản tối thiểu lúc cánh nâng lên. Ngoài ra khi cánh nâng lên, không khí từ trên ép xuống tạo nên khe hở giữa các lông để không khí lọt qua dễ dàng cũng góp phần giảm bớt sức cản. Khi cánh nâng lên, cả thân chim bị rơi xuống chút ít để rồi lại được nâng lên khi cánh vỗ xuống. Như vậy là khi bay không phải chim lướt đi trong không khí theo một đường thẳng ngang đều, mà lúc lên lúc xuống theo đường lượn sóng tùy theo cánh vỗ xuống hay nâng lên. Tần số đập cánh của mỗi loài chim cũng khác nhau. Các loài chim lớn thường vỗ cánh chậm hơn các loài chim bé. Thiên nga, bồ nông, diệc, hải âu lớn vỗ cánh 1-2 lần trong 1 giây, hồng hạc, đại bàng 2-4 lần, bồ câu, vịt trời 8-9 lần, các loài chim sẻ 10-15 lần, các loại chim ruồi vỗ cánh 50-80 lần trong một giây. Vận tốc bay của các loài chim không tùy thuộc vào cỡ lớn của chim mà tùy thuộc vào kích thước của cánh. Các loài có cánh dài, hẹp và nhọn bay nhanh còn các loài có cánh ngắn, rộng và tròn bay chậm. Quạ bay với tốc độ 50km/giờ, sáo 70km/giờ, diều hâu 70-80km/giờ, ngỗng trời 90-100 km/giờ, nhạn 100km/giờ, cắt lúc tăng hết tốc lực có thể bay đến 280 km/giờ và theo nhiều tác giả thì loài chim bay nhanh vào bậc nhất lại là loài chim bé nhất: các loài chim ruồi có thể bay với tốc độ 180km/ giờ (?). Chim còn có kiểu bay khác gọi là lượn. Khi lượn cánh dang rộng và tác động như hai cái quạt xòe ra giữ cho chim không bị rơi mà chuyển vận như trượt trên một đệm không khí. Khi lượn, độ bay cao của chim tuy có hạ dần do trọng lực nhưng vẫn đưa chim tiến về phía trước. Để giữ cho độ cao không thay đổi, chim thường lợi dụng luồng không khí nóng từ đất bốc lên hay luồng gió để nâng chim lên mà không cần phải vỗ cánh. Chim thường lượn theo hình vòng tròn dịch dần theo chiều gió. Lúc vòng quay ngược chiều gió, chim điều chỉnh tư thế của cánh thế nào cho gió đẩy vào mặt dưới cánh để nâng chim lên, vì vậy mà khi lượn chim có thể giữ độ cao không thay đổi trong một thời gian rất dài có khi đến hàng giờ. Cũng có trường hợp nhờ khéo lợi dụng luồng không khí mà chim có thể nâng dần độ cao lên đến 1000 mét. H.20. Diều hâu lợi dụng luồng không khí bốc từ dưới lên để lượn lên cao dần mà không phải đập cánh. H.21. Hải âu lợi dụng chiều gió ở mặt biển để lượn. a. ở trên cao gió thổi mạnh; b. ở sát mặt nước gió thổi yếu hơn. Tất cả các loài chim đều có thể lượn, nhưng nói chung các loài chim nhỏ chỉ lượn được một thời gian ngắn vì không khí đựng dưới cánh quá ít, chim bị rơi quá nhanh. Một số loài chim nhỏ khác, nhờ đà bay nhanh, như nhạn, yến cũng có thể lượn được khá lâu. Các loài chim lớn có cánh rộng như diều hâu và các loài hải âu có cánh dài là những loài chim lượn giỏi nhất. 9. NHỊP SỐNG TRONG NGÀY Nhịp sống trong ngày của các loài chim, dù là những loài có tập tính hoạt động ngày hay là loài hoạt động đêm đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của độ chiếu sáng của Mặt trời. Các loài chim hoạt động ngày đều thức dậy lúc Mặt trời mọc và tìm về chỗ nghỉ đêm vào lúc hoàng hôn, nhưng sớm hay muộn là tùy mức độ phản ứng với độ chiếu sáng của mỗi loài. Trong các loài chim thường gặp ở nước ta có lẽ chèo bẻo là loài thức dậy sớm nhất. Vào giữa mùa hè, khoảng 4 giờ sáng, lúc phía đông mới hơi ửng hồng, chèo bẻo đã thức dậy và bắt hót ríu rít, tuy nhiên chúng chỉ bay ra khỏi chỗ nghỉ đêm lúc trời đã sáng rõ. Sau chèo bẻo, lần lượt đến vành khuyên, chích chòe, sơn ca, bông lau, chào mào, tu hú, bách thanh, khướu, họa mi, sẻ cũng thức dậy và cất tiếng hót chào bình minh. Hình như sẻ nhà là loài chim thức dậy muộn nhất và thường là vào lúc Mặt trời đã hiện ra ở chân trời. Về mùa đông tất cả các loài chim đều thức dậy chậm hơn, một mặt là do Mặt trời mọc chậm, nhưng mặt khác là do lạnh. Gà rừng, gà lôi, bìm bịp và một số loài nữa thức dậy sớm hơn, chúng gáy hay kêu lên ít tiếng nhưng rồi lại ngủ tiếp cho đến lúc gần sáng hẳn mới bắt đầu một ngày hoạt động mới. Có lẽ những đặc điểm về thị giác của các loài chim đã quyết định nhịp điệu hoạt động trong ngày của chúng. Phần lớn các loài chim hoạt động ban ngày còn ban đêm ngủ, nhưng cũng có một số nhóm lại hoạt động về đêm, nhất là vào lúc hoàng hôn như nhóm cú, cú muỗi, một vài loài trong các nhóm khác như vạc, diều ăn giơi ở châu Mỹ, một loài vẹt ở Tân Ghi Nê, v.v… Tất cả các loài này có mắt rất lớn để có thể nhìn thấy được mọi vật trong bóng tối. Cũng có một số loài, hầu hết là các loài ở gần bờ nước như hồng hạc, vịt, mòng két, ngỗng, diệc là những loài hoạt động ngày thực thụ nhưng nhiều lúc chúng cũng kiếm ăn về đêm, tùy theo con nước lên xuống để kiếm mồi hay vì ban ngày những vùng kiếm ăn của chúng không được yên tĩnh do hoạt động của con người. Trong thời gian di cư nhiều loài chim ngày lại bay về đêm và dành ban ngày để kiếm ăn. Sự hoạt động trong ngày của các loài chim cũng không đồng nhất. Buổi sáng, bắt đầu từ sau lúc thức dậy một chốc, là thời gian chim hoạt động nhất. Chúng dành phần lớn thời gian để kiếm ăn, nuôi con hay làm tổ. Cũng trong thời gian này chúng hót nhiều nhất và thực hiện cả những hoạt động quan trọng có liên quan đến sinh sản như đẻ trứng, khoe mẽ, chọi nhau, v.v… Vào khoảng giữa ngày, chim thường nghỉ một thời gian để tránh nắng rồi lại tiếp tục hoạt động vào buổi chiều. Về mùa đông, chim thường giảm thời gian nghỉ trưa nhất là ở các vùng thuộc các vĩ tuyến phía bắc vì ngày quá ngắn, không đủ thời gian để kiếm no mồi. Thời gian ngủ của chim tùy thuộc vào đêm dài hay ngắn. Tuy nhiên ở vùng bắc cực, vào mùa hè, mặc dầu Mặt trời hầu như lúc nào cũng ở trên chân trời, nhưng ở đây chim vẫn ngủ vào những giờ tương ứng với đêm khuya. Dáng ngủ của các loài chim cũng không giống nhau hoàn toàn. Lúc ngủ hầu như các loài chim đều quay đầu về phía sau và dấu mỏ dưới lông lưng. Các loài chim đậu, nhờ cấu tạo đặc biệt của dây chằng ở ngón mà khi đậu các ngón chân tự động quắp lại, giữ chặt lấy cành cây giúp cho chim không bị ngã lúc ngủ say. Nhiều loài chim phần lớn là các loài chim ở gần bờ nước ngủ đứng trên một chân còn chân kia co sát bụng, nhưng cũng có loài lúc ngủ nằm ép xuống đất. Chim cánh cụt và cả chim non của loài hồng hạc lại thấy thoải mái trong dáng ngủ khác đời là ngủ đứng trên gót chân, ngón chân và bàn chân nâng lên khỏi mặt đất, còn loài vẹt lùn ở nước ta và một số loài vẹt nhỏ khác cùng nhóm lại ngủ treo ngược lên bằng một chân, đầu thòng xuống dưới như giơi. H.22. Hồng hạc đứng ngủ trên một chân. H.23. Hồng hạc non ngủ đứng trên gót chân. Ta thường hay nói chim bay về tổ lúc trời sắp tối, nhưng trừ một số rất ít loài vào mùa đông có thể ngủ trong hốc cây, kẽ đá như sẻ, gỏ kiến, thực ra hầu hết các loài chim ngủ ngay ở ngoài trời, trên mặt đất hay trên cành cây. Cũng có lúc chúng họp lại thành đàn đậu sát nhau nhưng phần lớn đậu riêng lẻ từng con hay từng đôi một. Lúc ngủ mọi hoạt động trong cơ thể chim có giảm sút chút ít nhưng không đáng kể. Chỉ có loài chim tý hon là chim ruồi ở châu Mỹ và một vài loài chim nhỏ khác có hiện tượng đặc biệt: để tiết kiệm năng lượng, lúc ngủ sự trao đổi chất trong cơ thể hạ xuống rất thấp, nhất là vào lúc nửa đêm, nhiệt độ cơ thể từ 38-40°C hạ xuống đến 18-20°. Lúc này chim ở vào trạng thái tiềm sinh, tương tự như hiện tượng ngủ đông của một số động vật khác như ếch nhái, bò sát, dơi ở các xứ lạnh. Sáng mai lúc thức dậy mọi hoạt động trong cơ thể chim ruồi lại trở lại bình thường một cách nhanh chóng. 10. TUỔI THỌ CỦA CÁC LOÀI CHIM Việc tìm hiểu tuổi đời của các loài chim hoang dại, dù đã được chú ý nghiên cứu hơn nửa thế kỷ qua, nhưng cho đến nay người ta cũng chưa biết được gì nhiều lắm. Đây là một vấn đề khá phức tạp, vì chim sống tự do trong thiên nhiên, nay đây mai đó, biết chúng chết lúc nào mà theo dõi, ghi chép. Dùng phương pháp đeo vòng, người ta cũng đã biết được ít nhiều, nhưng lúc bắt lại được chim đeo vòng có phải đã là lúc chim già nhất chưa thì cũng còn phải bàn cãi. Để biết được tuổi đời của các loại chim hoang dại một cách chính xác, phương pháp chắc chắn nhất vẫn là theo dõi chúng ở các vườn nuôi. Nhưng tiếc thay số loài chim hoang dại đã được nuôi từ trước đến nay không phải là nhiều, vả lại do điều kiện sinh sống của chúng trong vườn nuôi, không hoàn toàn giống với điều kiện thiên nhiên, nên tuổi thọ của các cá thể sống trong vườn nuôi cũng có phần sai khác với tuổi thọ của đồng loại của chúng sống trong thiên nhiên. Trong thiên nhiên có lẽ chim gặp nhiều khó khăn hơn ở vườn nuôi về điều kiện khí hậu, về thức ăn, kẻ thù và bệnh tật v.v…, và cũng vì vậy mà tuổi thọ của chim nuôi có lẽ dài hơn so với chim sống trong thiên nhiên. Nói chung, chim có kích thước lớn thường sống lâu hơn chim có kích thước bé, nhưng cũng không phải chim lớn nhất đã có tuổi thọ cao nhất. Đà điểu châu Phi, loài chim hiện đại có cỡ lớn nhất nhưng chỉ sống được khoảng 30-40 năm, trong lúc đó dù dì, nhỏ hơn đà điểu nhiều mà thọ đến 68 tuổi. Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu mấy lâu nay thì tuổi thọ trung bình của các loài chim cùng một nhóm phân loại, không khác nhau nhiều lắm. Tuổi thọ trung bình của chim thuộc bộ Sẻ và bộ Vẹt là 20 năm, của Cú 15 năm, của chim cắt 21-24 năm, vịt, ngỗng 20 năm, rẽ giun 10 năm, mòng biển 17 năm, bồ câu 12 năm và gà 13 năm. Đây tuổi thọ của gà rừng, còn gà nhà thì có thể sống 24-25 năm và thậm chí có con sống được 30 năm. Tuổi thọ của một số loài cụ thể được xem như cao nhất đối với loài đó có thể kể như sau. Trong bộ Sẻ thì quạ sống được lâu nhất, có một con đã sống đến tuổi 60 và một con khác đến tuổi 69. Các loài chim sẻ bé có tuổi thọ thấp hơn: chim chích đầu đen 24 năm, hoét 20 năm, sơn ca 20 năm. Trong bộ Cú thì dù dì sống lâu nhất 34, 53 và 68 năm. Trong bộ Vẹt, có vẹt mào châu Úc sống đến 56 năm, và vẹt đỏ Bắc Mỹ 64 năm. Về nhóm chim ăn thịt ban ngày đã có những số liệu như sau: diều hâu châu Phi sống được 55 năm, kền kền Nam Mỹ 52 và 65 năm, đại bàng đầu trọc 38 năm. Trong bộ Ngỗng, ta biết được tuổi thọ của vịt Canada là 33 năm và thiên nga nhỏ 24 năm rưỡi. Trong nhóm sếu có sếu châu Úc sống được 47 năm, sếu xám 43 năm, sếu cổ trụi 42 năm. Bồ nông hồng sống được đến 51 năm và một số loài bồ câu sống đến 30 năm. Bằng phương pháp đeo vòng người ta cũng đã thu được một số kết quả khả quan như đã bắt được rẽ lớn 9 tuổi, nhạn sống 16 tuổi, nhạn biển 20 tuổi rưỡi, nhạn Bắc cực 14 tuổi, chim cánh cụt trán trắng 22 tuổi, diệc 20 tuổi, cò 11 tuổi, diều mướp 13 tuổi, quạ xám 14 tuổi, sáo 12 tuổi, yến đen 9 tuổi, sẻ nhà 11 tuổi rưỡi, đớp ruồi xám 12 tuổi rưỡi, và nhạn 9 tuổi. Nhóm vịt tuy bị săn bắt rất nhiều nhưng người ta cũng đã bắt được những con sống đến 18-20 năm. Trong thiên nhiên hầu hết các loài chim đều có tỷ lệ tử vong khá cao nhất là vào tuổi chưa trưởng thành, lúc chim chưa đầy một năm tuổi. Hiện tượng này đã ảnh hưởng rõ ràng đến tuổi thọ của chim và việc chim kéo dài được tuổi đời của chúng đến mức tối đa trong thiên nhiên là điều hiếm có. Ở các loài chim thuộc bộ Sẻ, tỷ lệ tử vong vượt quá 50%, như loài đớp ruồi lưng đen chỉ trong năm đầu đã chết 60%, đớp ruồi trán trắng đến 79%. Ở Cộng hòa dân chủ Đức người ta đã đeo vòng cho 77 chim nhạn non, trong năm thứ nhất đã có 51 con bị chết, năm thứ hai 17 con, năm thứ ba 6 con, năm thứ tư 2 con và chỉ còn 1 con sống sót đến năm thứ năm. Khí hậu khắc nghiệt, nhất là lạnh, cũng đã làm chết khá nhiều chim. Ví dụ, loài chim cánh cụt chúa ở vùng Nam cực là loài chim chịu lạnh giỏi nhất, thế mà có đến 77% chim non bị tử vong vì lạnh. Đối với loài mòng biển, chỉ trong năm đầu đã có đến 0,5% chim non chết, nhưng tỷ lệ tử vong của chim non trong năm đầu chỉ chiếm 17,2% toàn đàn. Vì vậy mà (nếu không kể chim non) thì phần lớn thành viên của đàn chim có tuổi đời từ 3 đến 5 năm. Đối với các loài chim ở nước, nhất là những loài sống tập đoàn thì tuổi thọ trung bình cao hơn ở chim sẻ và dĩ nhiên tỷ lệ tử vong của chim trưởng thành cũng thấp hơn. 11. THỨC ĂN CỦA CHIM Nếu ta thống kê được hết những gì mà các loài chim đã ăn thì có lẽ bản danh sách đó sẽ bao gồm hầu hết các dạng động vật và thực vật có trên trái đất này. Tất cả những gì mà động vật ăn được đều có thể là thức ăn cho chim. Ngay cả những động vật rất lớn có khi lớn gấp nghìn lần chim hay những thực vật đơn bào bé ly ty phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy được cũng là thành phần thức ăn của loài chim này hay loài chim khác. Ví dụ như cá voi và voi là những động vật lớn nhất ngày nay khi chết đi, xác của chúng là món ăn thích thú của nhiều loài hải âu, mòng biển, kền kền. Loại tảo đơn bào ở nước (lục tảo) nhỏ đến mức tưởng chừng như không loài chim nào vớt được để ăn lại là nguồn thức ăn chính của ngót ba triệu chim hồng hạc tập trung thành những đàn lớn ở các bờ hồ nước mặn ở Đông Phi. Chính vì nhờ có cách vớt mồi riêng của mình mà hồng hạc loài chim rất cổ vẫn tồn tại đến ngày nay. Chúng đã sử dụng được một loại thức ăn mà hầu như không thuận lợi cho nhiều nhóm động vật khác. Thức ăn của chim nói chung phức tạp như vậy nhưng thức ăn của riêng từng loài có phần đơn giản hơn. Nếu dựa vào thành phần thức ăn để phân loại thì ta có thể chia chim thành ba nhóm cơ bản: chim ăn động vật, chim ăn thực vật và chim ăn tạp hay ăn cả thức ăn động vật và thức ăn thực vật. Trong mỗi nhóm trên lại có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Nhóm chim ăn động vật có thể chia thành nhóm ăn côn trùng, nhóm ăn mồi sống, nhóm ăn xác chết, nhóm ăn động vật không xương ở nước, nhóm ăn cá, v.v… Còn nhóm ăn thức vật có thể chia thành nhóm ăn quả mềm, nhóm ăn hạt, nhóm ăn mật hoa, nhóm ăn phấn hoa… Trong quá trình tiến hóa mỗi loài chim được hình thành và tồn tại đến ngày nay là do chúng đã thích nghi được với môi trường nào đó, chọn được nguồn thức ăn thích hợp và giữ được ưu thế về nguồn thức ăn đó. Dựa vào môi trường sống ta lại có thể chia chim thành nhóm: chim rừng, chim núi, chim đồng cỏ, chim đồng lầy, chim sông hồ, chim sa mạc, chim đảo, chim biển và mới trong thế kỷ này có thêm nhóm chim thành phố và chim vườn làng mới thích nghi được với các loại môi trường do con người tạo ra này. Trong thiên nhiên ngay ở một môi trường cũng có thể có nhiều loài chim cùng sinh sống với nhau một cách hòa thuận, mà không cạnh tranh nhau về nguồn thức ăn, ở đấy mỗi loài có vùng kiếm ăn thích hợp riêng của mình hay ăn một loại thức ăn mà những loài khác ít ăn, không ăn hay không bắt được để ăn. Ví dụ như ở rừng có nhiều loài chim ăn côn trùng, nhưng mỗi loài có chỗ kiếm ăn riêng của mình. Các loài chim đuôi cụt, chích chòe bắt côn trùng ẩn trong đám lá khô ở mặt đất, các loài gõ kiến kiếm ăn dọc thân cây, các loài đớp ruồi bắt côn trùng bay dưới mái rừng, giữa các thân cây, các loài chim sâu, bạc má bắt sâu ở lá cây, còn nhạn, én, chèo bẻo lại bắt côn trùng bay trên mái rừng. Trong các loại thức ăn của chim đáng chú ý nhất là côn trùng. Có thể nói không quá lời là nếu không có chim thì côn trùng đã chiếm lĩnh mặt đất của chúng ta. Các nhà động vật học đã phân loại được khoảng một triệu loài động vật, trong đó có hơn 700.000 loài là côn trùng. Con số đó rất lớn, nhưng cũng chỉ mới chiếm khoảng 1/3 số loài côn trùng hiện có. Phần lớn côn trùng sống ở lục địa và chỉ một số loài rất ít sống ở biển. Côn trùng là nguồn thức ăn chính của nhiều động vật ăn thịt trong đó có chim. Trong số 155 họ chim hiện đại đã có đến 128 họ ăn côn trùng, trong đó 34 họ chủ yếu ăn côn trùng và khoảng 10 họ chuyên ăn côn trùng. H.24. Gõ kiến bổ mút mỏ vào vỏ cây như những nhát rìu. Côn trùng sống khắp mọi nơi trên mặt đất, nhưng không chỗ nào chúng trốn khỏi chim. Nhiều loài chim sống ở đất, chúng đào bới mặt đất, lật tung các đám lá khô để lục soát côn trùng ẩn nấp trong đó. Đây là những loại chim có mỏ khỏe, có chân cao và khỏe như gà, gà gô, gà tiền, chim đuôi cụt, khướu, họa mi v.v… Nhiều loài chim chuyên bắt côn trùng ở vỏ cây và thân cây như chim trèo cây, gõ kiến. Mang tên là gõ kiến, các loài chim này ăn khá nhiều kiến; nhưng chúng ăn cả ấu trùng của nhiều loài côn trùng khác. Suốt ngày chúng nhảy dọc thân cây để bắt côn trùng, vì vậy mà ở nhiều nước người ta gọi chúng là “người bảo vệ rừng” hay “người thợ rừng”. Nhờ có cơ cổ khỏe, gõ kiến bổ đầu mỏ dẹp, sắc vào vỏ cây như những nhát rìu để bới côn trùng ẩn trong đó. Đáng chú ý nhất là gõ kiến có chiếc lưỡi rất dài, tròn như con giun, chóp lưỡi nhọn và cứng, lại có chất nhầy dính để nhặt kiến và côn trùng nhỏ. Gõ kiến còn dùng lưỡi xuyên vào các lỗ nhỏ ở gỗ mục để kéo các sâu sống trong đó ra. Lưỡi gõ kiến dài đến mức khi thụt vào, phần gốc lưỡi phải vòng lên đầu, ôm lấy sọ và thậm chí còn phải xuyên qua hốc mũi vào cả mỏ trên. H.25. Gõ kiến có chiếc lưỡi rất dài, tròn như con giun. Phần gốc lưỡi cuốn lên phía trên sọ và chui cả vào hốc mũi. Ở đảo Galapagos có một loài chim nhỏ cũng bắt được các sâu đục trong gỗ mục nhưng không phải bằng lưỡi như gõ kiến mà bằng gai. Mỗi khi tìm thấy một lỗ nghi có sâu trong đó, loài chim này dùng mỏ bẻ một chiếc gai nhọn và dài rồi xuyên qua lỗ để chọc sâu ra. Đây là một trong hai loài chim biết dùng công cụ để tìm mồi. H.26. Chim dùng gai nhọn để chọc sâu vào lỗ. Côn trùng cũng không thể tự cứu thoát khi bay lên không trung, lặn sâu xuống nước hay dấu mình trong đêm tối. Có đến 20 họ chim bắt côn trùng khi bay. Một số loài thường đậu ở cành cây cao hay nơi rảnh rang để rình mồi và hễ thấy côn trùng bay là phóng ra bắt ngay như trảu, chèo bẻo, đớp ruồi. Nhưng cũng có một số loài ít khi đậu. Để kiếm mồi, hàng ngày chúng phải bay, lượn hàng trăm kilômét như nhạn, yến và họ hàng của chúng. Các loại cú muỗi là những chuyên gia bắt côn trùng ăn đêm. Chúng hoạt động mạnh nhất lúc hoàng hôn, vào những giờ côn trùng ăn đêm bay ra nhiều nhất. Hầu hết các loài chim bắt côn trùng khi bay, đều có miệng rộng để dễ đớp mồi và hình như một số loài cú muỗi, yến cũng phát được siêu âm để dò mồi như kiểu giơi. Ở các suối nước trong, thường thấy một loài chim nhỏ, đuôi ngắn, gọi là chim lội suối. Với đôi chân cao, giữa các ngón không có màng bơi, trông chúng có dáng như những chim kiếm ăn ở mặt đất, nhưng lại là “chuyên gia” lặn ở suối. Chúng ăn các côn trùng sống ở nước. Trong nhóm chim ăn côn trùng có một số loài như cò ruồi, sáo thường hay sống chung rất thân thiện với các loài thú ăn cỏ lớn ở vùng nhiệt đới như trâu, bò, tê giác, thành một kiểu cộng sinh. Chúng quanh quẩn gần các con thú này, lúc ở mặt đất lúc nhảy lên đậu trên lưng, trên đầu mà không bị xua đuổi. Chúng rình bắt côn trùng bay lên từ đám cỏ, bụi cây khi con thú đi qua và bắt cả ruồi, nhặng, ve, bắt ký sinh ở da các con thú này. Trong quá trình kiếm mồi, nhiều loài chim đã có được những tập tính thật lý thú. Ở vùng nhiệt đới châu Mỹ có một loài chim nhỏ thuộc nhóm chim ăn kiến. Để kiếm mồi nó thường tìm đi theo các đàn kiến chiến đấu cỡ lớn. Chúng không ăn kiến này, nhưng đi theo để đón bắt côn trùng bay nhảy tán loạn khi bị đàn kiến dũng mãnh này đột nhập. H.27. Chim lần theo đàn kiến để kiếm mồi. Ở châu Phi có nhiều loài chim hễ thấy lửa cháy ở đồng cỏ, lửa do những người chăn nuôi gia súc đốt đồng cỏ già để cỏ non mọc, là tìm đến để bắt châu chấu bay ra từ chỗ cháy. Chúng xông cả vào khói lửa để tìm mồi. Cũng ở rừng châu Phi còn có loài chim tên gọi là chim báo mật; chim này chuyên ăn ong non và mật ong. Nhưng chúng chỉ kiếm được mồi khi tổ ong bị động vật khác hay người đã phá vỡ một phần. Chúng biết thế và mỗi khi phát hiện được tổ ong, chúng kêu lên như để báo hiệu có mật. Dân địa phương nghe tiếng kêu đó, tìm đến để lấy mật và tất nhiên chim cũng hưởng được một phần thừa còn lại. Gấu thích ăn mật nên cũng rất thính tai đối với tiếng chim này. Trong quá trình tiến hóa, hình như đầu tiên chim chỉ ăn thức ăn động vật mà chủ yếu là côn trùng, mãi về sau mới có một số chim chuyển sang ăn thức ăn thực vật. Có lẽ vì thế mà hầu hết các loài chim ăn thực vật đều nuôi chim non bằng côn trùng. Đến lúc sắp rời tổ, chim non mới được chuyển dần sang chế độ ăn thực vật. Riêng nhóm chim bồ câu lại nuôi con bằng “sữa” tiết ra từ diều mà người ta gọi là “sữa bồ câu”. Cá cũng là nhóm động vật được nhiều loài chim chọn làm thức ăn chính của mình. Cách bắt cá của mỗi loài chim cũng khác nhau. Nhiều loài lặn sâu xuống nước, đuổi theo cá để bắt như cốc, cốc biển, chim cổ rắn, chim cánh cụt và cả một vài loài vịt nữa. Chúng là những thợ lặn thực thụ. Một số loài chim khác lại chuyên bắt cá ở tầng mặt. Bồ nông bơi trên mặt nước để bắt cá. Chúng thường họp cành đàn và kiếm ăn theo kiểu tập thể. Nếu là ở một khúc sông hẹp thì chúng chia thành hai nhóm, xếp thành hàng một, ngang sông, cách nhau khoảng vài ba chục mét rồi bơi ngược chiều, sát lại gần nhau. Vừa bơi chúng vừa há rộng chiếc mỏ dài, có bìu da ở dưới như chiếc đó, vừa xúc vào mặt nước để đón bắt lấy cá bị dồn từ hai đầu lại. Nếu là trên mặt nước rộng thì chúng xếp thành vòng tròn rồi bơi dồn dần vào giữa và nếu ở gần bờ thì chúng lại xếp thành nửa vòng tròn để dồn cá vào mép nước. Chim xúc cá cũng kiếm mồi trên mặt nước nhưng bằng cách khác. Với chiếc mỏ đặc biệt, mỏ dưới dài, mỏ trên ngắn, chúng bay lướt nhanh sát mặt nước, miệng há rộng, mỏ dưới nhúng xuống nước như kiểu một chiếc máy dò để kịp bắt lấy những con cá va phải mỏ. Kiểu bắt cá này chỉ thu được kết quả ở những vùng nước có nhiều cá và tương đối ít sóng như sông Cửu long ở nước ta. Một vài loài chim hoàn toàn không biết bơi, không biết lặn nhưng thức ăn của chúng là cá. Chúng nhào từ trên cao xuống để bắt cá ở mặt nước rồi bốc lên ngay, nhưng để rình mồi thì mỗi loài có cách riêng của mình. Bồng chanh ngồi yên lặng một nơi gần mặt nước để quan sát, bói cá bay qua bay lại trên mặt nước, chốc chốc dừng lại, như treo trên không trung để nhòm xuống, còn ó cá, diều mướp lại vừa bay lượn trên mặt nước vừa tìm mồi. Các loài chim bắt cá ở những chỗ nước nông cũng có cách riêng của mình. Diệc xám, cò ngàng thường đứng yên một chỗ, có khi đến hàng giờ ở vũng nước để rình mồi. Cò trắng không có được đức tính kiên nhẫn như diệc. Lúc kiếm ăn nó lội vội vã, vừa lội vừa dùng chân khuấy ở đáy nước để xua cá, tôm ra khỏi chỗ ẩn nấp. Còn cò nơm lại có cách bắt cá khá độc đáo. Nó lội lò dò ở ruộng nước, hễ thấy cá là nó dùng 2 cánh vây kín rồi cúi đầu xuống mò. Còn cò xanh thì không bao giờ lội xuống nước mà chỉ đứng rình ở trên bờ. Trong họ hàng nhà cò, cò xanh có chân tương đối thấp. Có con cò xanh đã biết dùng mồi để nhử cá. Chuyện như thế này. Trong vườn bách thú của thành phố Maiami thuộc bang Florit ở Mỹ có nhiều động vật nuôi trong điều kiện gần như ở thiên nhiên. Ở đây có con cò xanh được nhiều người xem chú ý. Họ thường ném cho nó một vài viên thức ăn của cá. Nó liền dùng mỏ nhặt lấy đem ra bờ suối, đi chậm đến chỗ thường có cá con rồi ném xuống nước. Mắt nó không rời khỏi viên thức ăn đã nằm gọn ở đáy nước. Nó đứng yên, nép thân hơi thấp xuống để rình. Sau một thời gian không thấy cá đến, nó lại nhặt viên mồi đem đến chỗ khác chắc có nhiều cá hơn để ném xuống đó. Khi cá con đến gần viên thức ăn, nó mới nhanh chóng rời khỏi chỗ nấp để bắt. Có lần người ta đã thấy, chim đứng trên bờ, đàn cá bơi khá xa nó không tài nào với ra bắt được. Nó tỏ ra thất vọng. Đôi khi nó định cố vươn cổ ra nhưng vẫn không ăn thua gì. Đàn cá còn xa. Nếu có mồi cá sẽ vào gần. Chim nhìn viên mồi rồi lại nhìn cá. Hình như nó đã nghĩ ra. Nó lặng lẽ nhặt viên mồi rồi nhẹ nhàng đặt xuống nước ở chỗ gần bờ. Cá thấy mồi bơi lại thế là một con cá đã bị tóm gọn. Nuốt xong con cá, chim lại quan sát viên mồi lúc nãy đã trôi xuôi dòng nước một ít. Nó bước theo, ẩn vào giữa các hòn đá. H.28. Cò nơm bắt cá ở ruộng nước. Nhóm chim ăn thịt gồm khoảng 400 loài và chia thành hai nhóm nhỏ: nhóm ăn thịt ban ngày và nhóm ăn thịt ban đêm. Nhóm ăn ngày chiếm khoảng 2/3 số loài. Đó là các loài ưng, cắt, diều hâu, ó, đại bàng, kền kền, v.v… Họ hàng nhà cú như dù dì, cú mèo, cú lợn, cú vọ, v.v…, gồm 1/3 số còn lại và là những loài chuyên kiếm ăn về đêm. Số lượng cá thể của các loài chim ăn thịt không nhiều. Không bao giờ chúng họp thành đàn lớn, nhưng chúng có mặt ở khắp các vùng. Thức ăn của chúng là các loài chim nhỏ, ếch nhái, bò sát, cá, côn trùng lớn, các loài thú nhỏ và quan trọng nhất là chuột, nhóm thú có hại cho con người về nhiều mặt. Các loài cắt, diều hâu săn chuột ban ngày còn các loài cú săn chúng về đêm. Với đôi mắt rất lớn và đôi tai rộng ẩn sau đĩa mắt, cú có khả năng phát hiện được rất chính xác nơi chuột đang rúc rích, ngay cả ở những khoảnh rừng âm u nhất về đêm. Người ta đã thí nghiệm và nhận thấy rằng cú có khả năng phát hiện được xác một con chuột với điều kiện ánh sáng ít hơn khoảng 30 đến 100 lần lượng ánh sáng cần để cho con người nhìn thấy được cái xác đó, còn đối với chuột sống thì cú có thể phát hiện được một cách dễ dàng cả ở những chỗ hoàn toàn tối. Nhân dân ta thường cho rằng các loài cú đem lại sự chết chóc và khi nghe cú kêu thì lo sợ. Đây là một ý nghĩ hoàn toàn sai lầm. Cú là loài chim rất có ích. Chúng tiêu diệt rất nhiều chuột. Tất nhiên cú còn ăn cả một số chim có ích nhưng số lượng không đáng kể (khoảng 15%). H.29. Cú là loài chim có ích. Hàng năm chúng tiêu diệt rất nhiều chuột. Các loài chim ăn thịt thường đuổi theo con mồi rồi vồ lấy. Chúng dùng chân với ngón rất khoẻ và móng sắc giữ chắc lấy con mồi, và nếu cần, dùng mỏ sắc để cắn cho đến lúc con mồi chết. Một số loài có khả năng bắt được những con mồi khá lớn, đại bàng bắt được cả hoãng, chó sói; diều hâu, cắt bắt được thỏ, cầy, cáo. Nhân dân nhiều nước ở phương bắc, thường là ở các vùng có đồng cỏ rộng hay cao nguyên có nghề đi săn bằng chim ăn thịt. Họ nuôi chim này từ lúc còn non và dạy cho chúng săn thú và chim. Không có loài chim nào trên thế giới lại có tài đuổi theo con mồi bằng cắt. Với hình dáng lý tưởng để di chuyển dễ dàng trong không khí: đầu hình giọt nước, vai rộng, thân thuôn nhọn về phía đuôi, và với đôi cánh khỏe, dài và nhọn (cắt bay nhanh đến 280 km/giờ). Nó có thể đuổi kịp bất kỳ con mồi nào trong nháy mắt. Nhân dân ta có câu “nhanh như cắt” không phải là không có căn cứ. Nhưng với tốc độ như thế cắt chỉ săn được mồi ở chỗ rộng và thoáng. Vì lẽ đó mà ta chỉ gặp cắt ở vùng đồng bằng, bãi cỏ rộng, xa van hay trên mái rừng. Ưng bay chậm hơn cắt, cánh của nó ngắn và tròn, thích hợp với việc săn mồi ở rừng hay chỗ có nhiều cây cối rậm rạp. H.30. Chân của diều hâu. H.31. Mỏ của chim ăn thịt: đại bàng và cắt. Một vấn đề được nhiều người nghiên cứu chim bàn cãi từ lâu là các loài chim ăn thịt có hại hay có ích. Trừ một số loài chuyên ăn chim non hay ăn trứng chim, hiện nay người ta cho rằng phần lớn các loài chim ăn thịt là những loài chim có ích. Chúng tiêu diệt nhiều chuột. Còn đối với các loài chim và thú khác, nếu chúng có bắt để ăn thì về cơ bản, chúng cũng chỉ bắt được những cá thể già yếu,hay đã bị bệnh. Trong thiên nhiên các loài chim ăn thịt có thể xem như là một công cụ của chọn lọc tự nhiên. Chúng nâng cao khả năng sinh tồn của những loài bị chúng ăn thịt. Sự hoạt động của chúng là cần thiết cho sức khỏe của toàn xã hội các loài động vật hoang dại. Đây là một ví dụ cụ thể. Vào khoảng giữa thế kỷ này ở Pháp xuất hiện một vụ dịch thỏ rừng. Bệnh lây truyền rất nhanh chóng và đã giết chết khoảng 95 đến 99% thỏ ở các nước Tây Âu. Riêng chỉ có miền Nam nước Tây Ban Nha là bệnh đó xẩy ra lẻ tẻ, không lan ra thành dịch. Nguyên nhân là ở vùng này có rất nhiều chim ăn thịt. Chúng nhanh chóng tiêu diệt các con thỏ bị bệnh đến mức dịch không lan kịp ở đây. Trong nhóm chim ăn thịt có 17 loài chuyên ăn các xác chết, đó là các loài kền kền và đại bàng trọc đầu. Tất cả đều là những loài chim cỡ lớn. Sải cánh của con bé nhất cũng dài hơn 1,5 mét, còn những con lớn có sải cánh dài đến 3 mét. Vì không phải săn mồi nên chân của chúng không có ngón khỏe và móng sắc nhọn, nhưng mỏ thì rất khỏe vì cần để xé thịt. Tất cả đều có đầu và cổ trụi lông hay nếu có lông thì cũng chỉ là những lông tơ mịn. Người ta thường không ưa thích chúng vì thức ăn của chúng không được sạch sẽ lắm. Nhưng chính vì thế mà chúng lại là những loài chim có ích, chúng là những “vệ sinh viên” rất đắc lực ở các vùng xavan, đồng cỏ và vùng núi. Có một số loài chim tuy về mặt phân loại thuộc nhóm chim ăn thịt, nhưng thức ăn của chúng không phải là thịt. Loài đại bàng châu Phi chuyên ăn quả cọ. Nhiều loài diều hâu chuyên ăn trứng chim, đáng chú ý nhất có loài diều hâu trắng ở châu Phi. Thức ăn của nó là trứng đà điểu. Vỏ trứng đà điểu dày đến hai ly, rất cứng, muốn đập vỡ phải có búa. Diều hâu trắng cũng có cách riêng của mình. Tìm được trứng, nó đi nhặt đá, những viên đá nặng, khá lớn. Cặp đá vào mỏ, nó giơ lên cao rồi bổ mạnh xuống trứng cho đến lúc vỏ trứng vỡ ra. Trong thiên nhiên ai đã dạy cho nó biết dùng công cụ này để phá vỏ trứng? Đó vẫn còn là một điều bí ẩn! H.32. Diều hâu trắng dùng đá để đập vỡ vỏ trứng đà điểu. Cũng có nhiều loài chim, không thuộc nhóm chim ăn thịt nhưng lại là những loài chim ăn thịt thực thụ. Các loài già đẫy ở nước ta và các nước Đông Nam Á ăn thịt xác chết. Chúng cũng có đầu và cổ trụi lông như kền kền. Bách thanh ăn côn trùng, nhưng còn ăn cả ếch nhái, thằn lằn và thậm chí cả chim non. Chúng biết dự trữ thức ăn. Bắt được nhiều mồi chúng găm vào gai trên cây, chỗ chúng hay đậu để ăn dần. Có loại vẹt chuyên ăn thịt. Đó là vẹt kêa ở Tân Tây Lan, mà dân địa phương còn gọi là chim giết cừu. Trước kia vẹt kêa chỉ ăn côn trùng, quả cây và mật hoa. Chúng không hề biết mùi vị của thịt thú là gì, vì trước lúc người châu Âu đến cư trú, ở Tân Tây Lan về thú thì chỉ có một loại giơi và một loài chuột. Từ khi người ta đưa cừu đến nuôi ở đây, kêa đã chuyển hẳn sang chế độ ăn thịt cừu. Đầu tiên có lẽ một vài con đã tình cờ ăn những mảnh thịt cừu mà người ta đã vứt bừa bãi đâu đó. Thấy ngon miệng, chúng đã tìm đến xác những con cừu ốm chết bị vùi ở tuyết để ăn thịt và rồi dần dần tất cả chim kêa đã biết ăn thịt cừu. Nhiều con còn biết giết cừu để ăn thịt. Nó thường đậu ở đất gần chỗ cừu hay đi qua để chờ. Khi gặp con mồi, nó đậu lên lưng rồi dùng mỏ cong và sắc cắn vào da. Mặc cho cừu kêu và chạy, nó vẫn bám chắc để cắn rộng vết thương (có khi đến 10 phân). Máu chảy, cừu lả dần rồi chết. Nhờ có thức ăn mới thích hợp, kêa phát triển nhanh chóng và trở thành tai họa cho nghề nuôi cừu ở Tân Tây Lan. Người ta đã giết rất nhiều kêa nhưng số lượng chim vẫn không giảm sút. H.33. Vẹt kêa. Trong quá trình tiến hóa, các loài chim ăn thực vật được hình thành chậm hơn về sau, trong đó các loài ăn hạt có lẽ là trẻ nhất. Chúng chỉ mới phát triển mạnh vào khoảng 13 triệu năm trước đây, lúc mà các cây có hạt đã khá phổ biến khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên số loài chim ăn hạt ngày nay cũng không nhiều lắm. Chỉ có vài ba bộ chim ăn hạt, phần lớn là những loài có mỏ khỏe, hình chóp nón có khả năng tách được vỏ cứng của hạt, như sẻ, di, sẻ đồng. Gà, vịt cũng ăn hạt nhưng chúng nuốt cả vỏ. Nhiều loài vẹt còn cắn vỡ được các quả có vỏ rất cứng để ăn hạt. Trong nhóm ăn hạt có chim mỏ chéo là loài chim chuyên ăn hạt thông. Mỏ của nó có hình mũi kéo thích hợp với việc tách hạt thông ra khỏi quả. Vì vậymà chim mỏ chéo không bao giờ bay xa khỏi rừng thông. Số loài chim ăn quả mềm khá nhiều. Chúng không cần có cấu tạo đặc biệt của mỏ. Phần lớn chúng là dân ở rừng và chủ yếu là rừng nhiệt đới, nơi có quả chín quanh năm. Ngoài quả và hạt, nhiều thành phần khác của thực vật cũng là thức ăn của chim như lá cây, mầm cây, thân non, rễ, củ, nhựa cây, phấn hoa và mật hoa. Một vài loài chim chuyên ăn nấm, rêu hay tảo. H.34. Đầu vẹt mào. H.35. Đầu chim mỏ chéo. Có điều kỳ lạ là trong các thành phần của thực vật, mật hoa chỉ chiếm phần rất bé, thế nhưng có đến 1/5 tổng số các loài chim trên thế giới (khoảng 1600 loài) ít nhiều có ăn mật hoa, trong đó có khoảng 430 loài chuyên ăn mật hoa, 100 loài thuộc họ hút mật (bộ Sẻ) sống ở các rừng nhiệt đới và á nhiệt đới của các châu Á, Âu, Úc, Phi và khoảng 320 loài thuộc họ chim ruồi (bộ Yến) phân bố ở châu Mỹ mà chủ yếu là ở vùng lưu vực sông Amadôn. Tất cả đều là những loài chim cỡ bé, có con rất bé chỉ nặng khoảng 2 gam, và từ mỏ đến mút đuôi chỉ dài không quá 5 cm. Lưỡi của chim chuyên ăn mật hình ống, như kiểu ống nhỏ giọt mà chim dùng để hút mật ở đáy hoa. Còn mỏ của chúng thì có hình dáng thay đổi, ngắn hay dài, cong hay thẳng là tùy thuộc vào cấu tạo loài hoa mà từng loài thường hay hút mật. H.36. Hình dáng mỏ của các loài chim ruồi tùy thuộc vào hình dáng của hoa mà chúng hay hút mật. H.37. Choắt ăn trai có mỏ rất dẹp. Chim hút mật và chim ruồi đều là những loài chim bay giỏi. Suốt ngày chúng bay từ hoa này sang hoa kia, và cả lúc hút mật cũng bay. Nhờ có chim hút mật mà nhiều loài thực vật mới tồn tại và phát triển được. Lúc hút mật chúng đã giúp hoa thụ phấn. Vẹt lori ở châu Úc cũng ăn mật hoa. Nhưng cách ăn mật hoa của vẹt thật quá phũ phàng. Chúng vặt trụi cánh hoa rồi liếm mật nhờ lưỡi có cấu tạo như một chiếc bút lông nhỏ. Cũng như nhiều loại vẹt khác, vẹt lori thường kiếm ăn theo đàn. Chúng phá nát rất nhiều hoa rừng. Có một người nuôi ong ở thành phố Cuarumbin ở Úc đã nuôi hàng trăm vẹt lori trong vườn nhà mình. Ông ta cho vẹt ăn mật ong và cả đàn vẹt tỏ ra rất thân tình. Chúng đậu lên tay, lên vai, lên đầu ông ta. Hiện nay vườn này đã thực thụ trở thành một vườn vẹt. Hàng ngày có khoảng 500 vẹt lori đến đây để ăn mật ong và người đến tham quan vẹt có lẽ còn đông hơn. Chúng ta đã nói đến những loài chim ăn các loại thức ăn khác nhau, nhưng trên thực tế,số loài chim chỉ chuyên ăn một loại thức ăn nào đó không nhiều. Các loài này đều có cấu tạo đặc biệt của nhiều cơ quan, nhất là mỏ để thích nghi với việc ăn loại thức ăn riêng của mình như chim mỏ chéo, choắt ăn trai, diều ốc châu Mỹ, nhiều loài hút mật và chim ruồi, v.v… Đa số các loại chim thường có chế độ ăn rộng rãi hơn. Chúng ăn nhiều loại động vật khác nhau, nhiều loại thực vật khác nhau và thậm chí ăn cả thức ăn động vật, cả thức ăn thực vật. Chế độ ăn của chúng có thể thay đổi theo tuổi đời, theo mùa, theo vùng phân bố và theo cả thời gian nữa như trường hợp loại vẹt kêa. Các loài chim có “thức ăn rộng” thường dễ thích nghi với sự thay đổi của môi trường, ít nhất là về nguồn thức ăn và là những động vật có vùng phân bố rộng, còn các loài chim có “thức ăn hẹp” chỉ có ở những vùng nhất định, gắn bó với nơi có loại thức ăn thích hợp. 12. CÓ BAO NHIÊU CHIM TRÊN THẾ GIỚI? Hỏi có bao nhiêu chim trên thế giới chẳng khác gì hỏi có bao nhiêu sao trên trời hay có bao nhiêu lá trong rừng. Đếm sao hay đếm lá có lẽ còn dễ hơn đếm chim nhiều, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm nhiều cách để đếm chim, và tất nhiên là không thể đếm được trên toàn thế giới hay ở một vùng quá rộng. Công trình đếm chim đầu tiên có lẽ là do hai nhà tự nhiên học người Anh là Tômas Pennan và Gilbe Oaitơ thực hiện vào năm 1768. Tiếp theo là Alêxandơ Uynxơn, nhà điểu loại học người Mỹ. Năm 1806, trong khi quan sát một đàn bồ câu di cư rất lớn bay qua vùng Kentucky, Uynxơn đã viết: “Nếu chúng ta cho rằng đội hình chim này có bề ngang rộng một dặm (1 dặm bằng 1609 mét) (và tôi tin rằng còn hơn nữa) và nó di chuyển với tốc độ một dặm một phút, trong 4 giờ liên tục đàn chim mới bay qua, như vậy là chiều dài của đàn chim là 240 dặm. Lại cho rằng mỗi iác vuông (1 iác bằng 0,914 mét) của đàn chim đang di chuyển này có 3 con, thì cả đàn chim có đến 2.230.272.000 con! Thật là một quần thể chim hết sức kỳ lạ, và hẳn là còn ít hơn con số thực tế rất xa”. Có lẽ chim bồ câu di cư ở châu Mỹ là loài chim có số lượng lớn nhất mà người ta đã biết được từ trước tới nay. Số lượng ước tính ít nhất cũng vào khoảng 3 đến 5 tỷ con. Nhưng tiếc thay con chim cuối cùng của loài này đã chết vào lúc 1 giờ ngày 1 tháng 9 năm 1914, thọ 29 tuổi ở vườn bách thú Cinninnati. Phải chăng đây là “công trình vĩ đại” của con người. Vào thời bấy giờ mỗi lần có đàn chim bồ câu bay qua như thế là người ta chĩa mọi thứ vũ khí lên trời để bắn chim, kể cả đại bác. Người ta đã tàn sát chim không phải để ăn thịt mà chính là để làm phân! Một loài chim có số lượng cá thể đông vào bậc nhất đã bị tiêu diệt một cách nhanh chóng bởi bàn tay của con người. Trong thế kỷ trước việc đếm chim mới được thực hiện một cách lẻ tẻ ở vùng này hay vùng khác. Nhưng bước qua thế kỷ này công tác thống kê chim đã tinh tế hơn, công phu hơn và đã trở thành một công việc nghiên cứu quan trọng, cho phép chúng ta không những ước đếm số chim ở từng vùng mà còn có thể so sánh chúng với nhau, và từ sự so sánh đó mà rút ra được những quy luật về tiến hóa và sinh thái. Ngày nay để đếm chim người ta đã sử dụng những thiết bị hiện đại như ra đa, máy bay, nhưng các nhà nghiên cứu chim vẫn ưa dùng phương pháp đơn giản mà tinh tế, công phu là phát hiện tất cả các cá thể trên một dải dài và hẹp có diện tích nhất định, thuộc từng sinh cảnh điển hình, rồi quy ra cho cả vùng rộng. Cách đếm trên đây càng lặp đi, lặp lại nhiều lần thì kết quả đếm được càng chính xác. Trên tuyến đường đếm chim người ta có thể dùng mắt, đếm tất cả các chim thấy được nằm trong dải đếm, hay dùng tai để phát hiện tất cả chim trống có trong dải đếm rồi nhân đôi lên vì thường trong mùa sinh đẻ chim ghép thành từng đôi, 1 trống và 1 mái. Nếu là chợ chim thì người ta chụp ảnh, tìm số trung bình cá thể đậu trên 1 mét vuông rồi nhân với diện tích của vùng chim đậu, và thậm chí nếu chim có cổ khá lớn, đậu không quá gần nhau thì có thể chụp ảnh toàn cảnh rồi đếm tất cả. Tất nhiên đếm chim, chỉ trừ trường hợp hãn hữu là đối với các loài chim cỡ lớn có số lượng còn sót lại rất ít và vùng phân bố không rộng thì người ta có thể đếm chính xác từng con, còn các kết quả đếm khác chỉ là con số ước lượng. Với những kết quả bước đầu đã đạt được trên toàn thế giới, tất nhiên là các nhà nghiên cứu chim cũng chưa nghiên cứu được nhiều về mặt này, thì tổng số chim ước tính được khoảng 100 tỷ, với số lượng cá thể của từng loại rất khác nhau. Những năm gần đây cơ quan bảo vệ thiên nhiên và nguồn lợi thiên nhiên quốc tế đã thông báo về số các loài chim hiếm đang đe dọa bị tiêu diệt: loài chim báo bão ở đảo Becmút chỉ còn khoảng 20 đôi, sếu trắng ở Bắc Mỹ năm 1963 chỉ còn 39 con; loài hải âu lưng trắng ở đảo Tôrixima (Nhật Bản) năm 1962 còn 47 con, chim gõ kiến mỏ trắng ở Cuba chỉ còn khoảng 13 con, loài kền kền Caliphocnia năm 1960 chỉ còn 60-65 con, loại cò quăm Nhật Bản ở đảo Hốckaiđô năm 1962 chỉ còn 10-15 con. Cũng cần nói thêm rằng từ thế kỷ XVII đến nay đã có đến 76 loài chim bị tiêu diệt, mà phần lớn là do con người săn bắt. Nếu không kể gà là loài chim đã được thuần chủng và đang đà phát triển mạnh khắp nơi thì số loài chim có số lượng cá thể nhiều nhất thế giới ngày nay có lẽ thuộc vào nhóm chim ở biển. Đacuyn đã có lần cho rằng loài hải âu phương bắc có lẽ là loài phổ biến nhất thế giới. Nhưng Phisơ, người nghiên cứu nhiều về loài này lại có ý khác. Mặc dầu hải âu phương bắc có thể có hơn vài triệu con nhưng không thể đến con số 100 triệu. Theo ý ông ta thì loài có số lượng nhiều nhất là chim báo bão tí hon, lớn bằng con nhạn, ở vùng Nam cực. Các loài báo bão mỏ nhỏ cũng có số lượng rất nhiều. Chỉ riêng một đàn của loài báo bão mỏ nhỏ ở vịnh Baxô ở châu Úc đã có hơn 150 triệu con. Mỗi tập đoàn chim cánh cụt phương bắc thường cũng phải có trên trăm nghìn con. Có vùng chỉ trên một số đảo đã có đến năm triệu chim cánh cụt đang sống. Tập đoàn chim điên và cốc sống ở một số đảo nhỏ gần Pêru có đến chục triệu con. Chúng đã sản xuất ra nguồn phân vô tận cho đất nước này. Ở nước ta, trên một số đảo ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng có nhiều loại chim biển làm chỗ cư trú trong mùa đông hoặc làm tổ trong mùa hè như chim nhiệt đới, chim điên, cốc biển và nhạn biển. Có đảo chúng tập trung đến hàng vạn con. Các loài chim sống trên đất liền có số lượng cá thể nhiều nhất có lẽ là chim sẻ và sáo. Chúng cũng là những loài chim phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Một vài nước trên thế giới cũng đã ước tính được số chim sống trên đất nước mình. Năm 1954, Phisơ đã thông báo số chim sống ở Anh là khoảng 120 triệu con, thuộc 426 loài, trong đó có 30 loài chiếm đến 75% tổng số đó; sẻ đồng và hoét đen có số lượng nhiều nhất, mỗi loài có đến 10 triệu con, sáo 7 triệu, sẻ nhà 3 triệu, quạ xám 1.750 nghìn. Theo số liệu của Phisơ thì trung bình ở Anh cứ 1 hecta có khoảng 5 con chim. Theo Pêtersơn thì ở Mỹ có khoảng 6 tỷ con chim, trung bình mỗi hecta có 6 đến 7 con. Phần Lan là nước đã biết được tương đối chính xác nhất số lượng chim đang sống trên lãnh thổ nước mình. Nhà nghiên cứu chim người Phần Lan E. Merikaliô đã bỏ nhiều công sức để tính số lượng chim bằng cách đếm theo tuyến đường đi (như đã nói ở trên) trong toàn lãnh thổ. Từ năm 1941 đến 1956, hàng năm vào tháng sáu và đầu tháng 7, mỗi ngày Merikaliô đếm tất cả chim thấy được và nghe được tiếng hót trong một diện tích, mỗi bề đúng km, và ghi rõ từng loài một. Bằng cách như vậy ông ta đã nghiên cứu khắp đất nước từ vịnh Phần Lan đến biển Baren và đã đếm được gần 64 triệu con, nghĩa là khoảng 3-4 con trên 1 hecta. Như đã nói ở trên nước ta thuộc vào vùng giàu chim, không những về số lượng loài mà cả về số lượng cá thể. Hiện nay chúng ta cũng chưa có điều kiện để ước tính được toàn bộ chim trên lãnh thổ nước ta. Nhưng nếu không kể một số vùng tập trung nhiều chim có khi đến hàng triệu con như ở các bãi lầy ở cửa các sông lớn ở miền Bắc, các đảo chim ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay các sân chim ở đồng bằng Nam bộ, thì trung bình ở vùng đồng bằng trên mỗi héc ta có khoảng 20-25 con vào mùa đông (đếm ở nông trường Tam Thiên Mẫu, Hà Bắc) và 10-15 con vào mùa hè. Ở vùng rừng núi mật độ chim khá cao vào khoảng 15-20 con trên 1 hecta nhất là ở ven rừng. Đây là một đội quân rất lớn có khả năng tiêu diệt nhiều côn trùng phá hại mùa màng và cây rừng. Chúng ta phải có biện pháp bảo vệ chúng. 13. MÙA SINH SẢN CỦA CHIM Chim sinh sản theo mùa như hầu hết các loài sinh vật khác sống trong thiên nhiên. Mùa sinh sản của chim thường bắt đầu vào lúc xuân sang, khi khí trời đã trở lại ấm áp sau những ngày giá lạnh của mùa đông và cây cối đã đâm chồi nảy lộc. Nhiều loài chim suốt cả mùa đông đang sống thành đàn, cùng nhau kiếm ăn hòa thuận, bỗng một ngày nào đó tự nhiên có sự rạn nứt giữa tình thân ái của cả tập đoàn. Một vài cuộc cãi cọ nhỏ diễn ra, một vài con đang cùng kiếm ăn vui vẻ với đồng loại, bỗng tách ra khỏi đàn, đậu lên một cành cây, cao hứng hót một vài câu ngắn ngủn. Hình như những tia nắng ấm đầu xuân là thủ phạm làm thay đổi nhịp sống bên trong của chim và làm thay đổi cả tính tình của chúng. Mùa sinh sản của chim bắt đầu như vậy đấy! Nước ta nằm gọn trong vùng nhiệt đới nên hầu như lúc nào chúng ta cũng có thể gặp chim làm tổ, không loài này thì loài kia. Ngay ở quanh Hà Nội, vào đầu tháng hai đã thấy cu gáy tha rác làm tổ và mãi đến tháng mười hai chim non của cốc đen vẫn chưa biết bay. Nhưng nhìn chung thì phần lớn các loài chim ở nước ta có mùa sinh sản tập trung trong khoảng từ tháng tư đến tháng chín, là thời gian có nhiều điều kiện ngoại cảnh thuận lợi nhất. Cũng có nhiều loài chim bắt đầu làm tổ và đẻ trứng vào những lúc mà khí hậu ở đó còn rất khắc nghiệt, như các loài chim ăn thịt lớn, sống ở các núi cao, đẻ trứng và ấp vào cuối mùa đông, lúc tuyết vẫn chưa tan. Thế nhưng vì thời gian ấp trứng khá lâu và vì chim non, phát triển rất chậm nên việc đẻ trứng sớm như vậy là rất cần thiết đối với chúng. Nhờ đẻ sớm mà chim non được nở ra đúng vào đầu mùa xuân, lúc chim bố mẹ có thể kiếm đủ mồi để nuôi sống cả đàn con và chim non sau khi rời tổ cũng còn thời gian để rèn luyện kỹ thuật bắt mồi trước khi mùa đông đến. Nói chung, mùa sinh sản của từng loài chim, ở từng vùng, qua chọn lọc tự nhiên hàng bao nhiêu đời đã được xác định thế nào cho giai đoạn gay go nhất của cả quá trình sinh sản được khớp vào lúc điều kiện thiên nhiên thuận lợi nhất, ít gây tử vong nhất và giai đoạn nuôi chim non hình như bao giờ cũng trùng vào lúc thức ăn ở ngoài thiên nhiên tương đối phong phú nhất. Ở Ở những vùng mà khí hậu chia ra làm hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa như ở các cao nguyên phía tây dãy Trường sơn và ở Tây nguyên, các loài chim ăn sâu bọ thường làm tổ vào đầu mùa mưa, lúc côn trùng bắt đầu nở, các loài chim ăn quả và hạt làm tổ vào cuối mùa mưa, lúc nhiều thứ cây đã bắt đầu có quả chín còn các loài chim ăn thịt lại chọn thời gian làm tổ vào giữa mùa khô vì lúc này, cây cối rụng lá, các con mồi ít có chỗ ẩn nấp. Ở các vùng phía bắc của Trái đất, nơi có khí hậu lạnh hay ôn hòa, mùa sinh sản của chim thể hiện rất rõ ràng. Khi tuyết vừa tan hết, cây cối đua nhau nẩy mầm và cỏ non bắt đầu mọc khắp nơi thì tất cả các loài chim, vốn quê hương ở đây, nhưng trú đông ở phía nam xa xôi, đều lần lượt trở về. Chúng tranh thủ thời gian chọn bạn, làm tổ, đẻ trứng, ấp và nuôi con để kịp đến cuối thu thì đàn chim non đã đủ sức để bay được một chuyến dài về nơi trú đông truyền thống của loài mình. Chim dựa vào những yếu tố gì để biết là đã đến thời kỳ làm tổ thích hợp? Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng mọi tập tính sinh sản của chim đều do sự điều khiển của các hocmôn của các tuyến nội tiết mà đầu tiên là tuyến yên ở đáy não. Người ta cũng đã chứng minh được rằng cường độ hoạt động của các tuyến nội tiết lại tùy thuộc vào sự thay đổi của các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là thời gian chiếu sáng của Mặt trời. Điều này thể hiện rất rõ ở các vùng nằm ở các vĩ độ cao về phía bắc. Ở đây vào mùa hè ngày rất dài, đêm rất ngắn và ngược lại về mùa đông thì ngày lại rất ngắn và đêm lại rất dài. Bằng thực nghiệm khi tăng độ dài chiếu sáng cho chim người ta thấy rằng tuyến sinh dục của chim phát triển rất nhanh, ngược lại nếu giảm bớt thời gian chiếu sáng thì sự phát triển của tuyến sinh dục lại bị kìm hãm. Riêng ở các vùng nhiệt đới, nơi mà thời gian chiếu sáng của Mặt trời không thay đổi nhiều suốt cả năm, thì hình như sự thay đổi của độ ẩm không khí lại có vai trò quan trọng. Nhiều loài chim sống ở vùng bán sa mạc ở châu Phi, thường làm tổ vào thời gian có mưa rất ngắn ngủi hàng năm. Chúng chuẩn bị làm tổ và đẻ trứng trước lúc mùa mưa đến, nhưng nếu như năm ấy hạn hán thì tuyến sinh dục của chim cũng bị thoái hóa và chúng sẽ bỏ lứa đẻ. Ngoài ra sự thay đổi nhiệt độ và lượng thức ăn cũng có ảnh hưởng đến mùa sinh sản của chim. Dù cho thời kỳ làm tổ của chim là do nguyên nhân nào quyết định đi chăng nữa thì một điều quan trọng đáng chú ý là, cùng một tác nhân nhưng kết quả cũng có thể không giống nhau, không những đối với các loài chim khác nhau mà cả đối với từng chủng quần khác nhau của cùng một loài. Như ở nước ta có rất nhiều loài chim mà về mùa đông có hai chủng quần khác nhau, một chủng quần sống định cư ở địa phương, nhưng bên cạnh đó còn có chủng quần sống ở các vĩ độ phía bắc về đây trú đông. Đến đầu mùa xuân, chủng quần định cư chỉ phân tán để tìm chỗ làm tổ ngay ở địa phương, nhưng chủng quần trú đông lại di chuyển một quãng đường dài để quay trở về quê hương của mình. Trái lại cũng có những loài, có nhiều chủng quần phân bố rộng ở nhiều vùng, mỗi chủng quần có thể chịu ảnh hưởng của các tác nhân khác nhau tùy theo chỗ sống để cùng đi đến một kết quả chung là bắt đầu mùa sinh sản vào thời gian thích hợp. Những tác nhân của ngoại cảnh hình như chưa phải là nguyên nhân độc nhất quyết định sự thay đổi sinh lý của chim. Có lẽ để điều khiển nhịp điệu sống của chim còn có nguyên nhân nội tại mà hiện nay ta chưa rõ. Nhiều loài chim đã được đem đến nuôi ở những vùng xa lạ với quê hương của chúng trong đó có một số loài đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, nhưng cũng có loài vẫn “bảo thủ” giữ thời kỳ sinh sản của mình đúng như lúc còn ở quê hương. Con cháu của chúng vẫn giữ nhịp điệu đó và phải qua nhiều đời sau mới thay đổi dần để phù hợp với môi trường sống mới. 14. VÙNG LÀM TỔ Vào đầu mùa xuân, trên khắp đất nước ta chỗ nào cũng rộn ràng tiếng chim. Ở các đồng ruộng, bãi cỏ tiếng hót của sơn ca từ trên trời cao rót xuống, nghe thánh thót, êm dịu mà vui vẻ. Trên bụi cây, ở vườn làng, tiếng gáy của chim cu giục giã quyện với tiếng hót du dương của chích chòe, bách thanh và tiếng kêu của nhiều loài chim khác. Đâu đâu cũng có tiếng chim. Nhưng nếu chú ý đôi chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng một con chim thường chỉ đậu ở một vùng nhất định, thậm chí trên một cành cây nhất định khi cất tiếng hót. Hiện tượng thông thường ấy mà đã từ lâu các nhà động vật học ít chú ý đến lại có vai trò rất quan trọng trong đời sống của nhiều loài chim. Không có hiện tượng đó dẫn đầu, nhiều loài chim sẽ không chịu làm tổ và đẻ trứng. Vào cuối mùa đông, nhiều loài chim phổ biến ở nước ta mà chúng ta thường thấy ở vườn làng, đồng ruộng hay đồi núi như chào mào, sơn ca, liếu điếu, khướu v.v…, vẫn chung sống với nhau thành từng đàn. Chúng cùng nhau kiếm ăn trên bãi cỏ, mặt đất hay trong các bụi rậm. Rồi một hôm, một con trống nào đó tách ra khỏi đàn, đậu lên một cành cây, thường là một cành cây trụi lá, phong quang mà từ đây có thể quan sát được khắp cả một khoảng rộng. Nó nhảy nhót trên cành cây, nhìn bên này, xoay bên kia như có ý xem xét mọi phía. Nó đậu đấy một thời gian rồi lại trở về với đàn, cùng hòa vào nhịp sống khẩn trương của cả tập thể. Ngày này qua ngày khác, nhất là vào những lúc đẹp trời, cũng con chim ấy lại bay đến đậu ở cành cây đã chọn nhiều lần hơn, có khi còn hót lên vài điệu, lúc đầu ngắn và sau dài dần. Nó chọn thêm vài ba chỗ nữa tương tự ở quanh đấy. Rồi bỗng nhiên, nó không trở về với đàn nữa, mà chỉ quanh quẩn ở vùng đất ấy. Lúc đầu nó còn làm ngơ, tha thứ cho các bạn “trai” cùng đàn vô tình đến gần chỗ đậu của nó, nhưng chẳng bao lâu, tất cả đều trở nên những kẻ xa lạ. Nó xông ra đánh đuổi bất kỳ chim nào xâm nhập vùng quản lý của nó. Nó đã chọn xong vùng làm tổ của mình, xác định cả ranh giới, và tiếng hót của nó phát đi từ các chỗ đậu, là dấu hiệu báo quyền sở hữu đất đai cho đồng loại gần xa biết mà tránh. Ở vùng xung quanh, các chim trống khác cũng đã chọn xong vùng làm tổ của mình. Lúc này tiếng hót của chúng thi nhau rộn lên khắp nơi, như kêu gọi, giục giã chim mái bay đến kết bạn để cùng xây dựng tổ ấm. Cách chọn vùng làm tổ như trên là tập tính khá phổ biến của nhiều loài chim. Tất nhiên ở một số loài này thì có thể có thêm vài ba chi tiết phức tạp hơn, và ở một số khác lại có phần đơn giản hơn. Chọn vùng làm tổ hầu như là công việc được dành riêng cho các chim trống, nhưng cũng có một số loài, rất hãn hữu, mà chim trống chỉ giữ vai trò thụ động về sinh dục thì công việc đấy lại là của chim mái. H.38. Cũng có lúc phải ẩu đả mới xác định được rõ ràng ranh giới vùng làm tổ. Hiện tượng bảo vệ vùng làm tổ ít nhiều đều có ở các loài chim. Tiếng hót của chim trước tiên là dấu hiệu báo cho đồng loại biết rằng vùng đất đã có chủ, và cũng vì lẽ đó mà chim thường chỉ hót khi ở trong vùng làm tổ của mình. Đối với các loài chim cỡ bé và trung bình, khoảng đất chiếm cứ lúc đầu rộng một vài hecta tùy loài, ranh giới bao quanh lúc đó cũng chưa rõ ràng. Nhưng rồi qua nhiều lần tranh chấp với các đối thủ lân cận, diện tích khoảnh đất có thể được mở rộng thêm hay thu hẹp lại và ranh giới dần dần cũng được xác định cụ thể. Có điều rất lý thú là khi ở trên lãnh thổ của mình thì chim tỏ ra rất dũng cảm, tự tin, cảnh giác và sẵn sàng đối phó với bất kỳ đối thủ nào vô tình hay hữu ý xâm phạm vùng làm tổ của nó. Khi phát hiện có kẻ lạ đến gần ranh giới, chim liền bay đến chỗ đậu, được xem như một vọng gác cố định, cất cao giọng hót. Nhưng rồi nếu chim lạ vẫn làm ngơ, tiến lại sát ranh giới hơn, nó liền bay ra, vừa bay vừa hót như để cảnh cáo, và cuối cùng nếu đối thủ vẫn cố tình xâm phạm lãnh thổ hay không phận thì nó liền xông đến đánh đuổi và có khi xảy ra ẩu đả dữ dội. Người ta đã làm thí nghiệm như sau: đem nhốt một con kim tước vào lồng, sau khi nó đã chọn vùng làm tổ rồi đem treo lồng trong vùng làm tổ của nó. Khi thấy con kim tước ở vùng bên cạnh xâm phạm ranh giới, nó ra sức hót thật to, nhưng trái lại khi xách lồng qua vùng của chim bên cạnh thì nó tỏ ra hoảng sợ và muốn tìm cách thoát ra khỏi lồng để trốn. Có lần người ta đã đem treo lồng có nhốt một con kim tước trống ở vùng làm tổ của con bên cạnh, nó vô cùng bối rối và khi con chủ xông đến, tóm được mút cánh của nó qua nan lồng, nó quá khiếp sợ và đã ngã xuống sàn lồng bất tỉnh. Trong lúc chim trống tích cực bảo vệ vùng làm tổ của mình thì chim mái, trái lại hình như không có trách nhiệm gì trong công việc này. Nó cũng không cần biết đâu là biên giới vì thật ra nếu có cố tình xâm nhập sâu vào các vùng lân cận, nó cũng không bao giờ bị đánh đuổi. Thậm chí có chim mái lơ đễnh, còn xây cả tổ ở ngoài vườn nhà mình và trong trường hợp này chim trống bắt buộc phải đánh chiếm lấy phần đất mới. Tất nhiên nó phải rất dũng cảm, chiến đấu ngoan cường mới giành được chỗ đứng cho mình. Diện tích vùng làm tổ của chim rộng hay hẹp là tùy từng loài chim và tùy mật độ các cá thể của loài có trong vùng. Chích chòe có vùng làm tổ khoảng 2 hecta, bách thanh 7-8 hecta, sơn ca 3 hecta, chào mào 1 hecta, chim sâu 0,5 hecta và đại bàng chiếm vùng làm tổ có lẽ rộng nhất trong tất cả các loài chim là khoảng trên dưới 100km2. Vùng làm tổ là nơi mà chim thực hiện mọi hoạt động có liên quan đến sự sinh sản, nhưng ý nghĩa sinh học quan trọng nhất của vùng làm tổ và của hiện tượng tích cực bảo vệ vùng làm tổ là việc đảm bảo diện tích cho chim bố mẹ kiếm đủ thức ăn để nuôi cả đàn chim non khôn lớn. Cũng vì lẽ đó mà ta thấy rằng tất cả các loài chim làm tổ tập đoàn đều là những loài chim không có cạnh tranh về thức ăn. Nguồn thức ăn của chúng có thể là rất phong phú, hoặc nguồn thức ăn đó di động luôn, hoặc chỗ kiếm mồi của chúng ở cách khá xa chỗ làm tổ. Nhạn, yến là những loài chim ăn côn trùng lúc bay. Hàng ngày chúng phải bay hàng chục, có khi hàng trăm kilômét để kiếm mồi. Chúng tập trung làm tổ trong hang các vách đá, tổ này chỉ cách tổ kia không đến vài gang tay. Cò, vạc, cốc cũng làm tổ tập đoàn. Nguồn thức ăn của chúng là cá và các động vật thủy sinh ở đồng, ruộng, ao hồ cách xa chỗ làm tổ có khi hơn chục kilômét. Các loài chim biển có nguồn thức ăn rất phong phú, đó là các đàn cá thường xuyên di chuyển theo các dòng nước biển. Đối với các loài chim này nhân tố quyết định sự tồn tại của chúng không phải là nguồn thức ăn như đối với nhiều loại chim khác mà là chỗ làm tổ, sao cho các loài thú dữ không đến quấy phá được. Các đảo ở biển là chỗ thích hợp nhất đối với chúng. Vì lẽ thế mà khi đã tìm ra được địa điểm làm tổ, cả tập đoàn ra sức cùng nhau bảo vệ “vùng làm tổ công cộng” đó, và hàng năm chúng lại trở về đây để sinh đẻ. Ở trong vùng làm tổ chung đó hình như mỗi con cũng có dành riêng cho mình một khoảnh đất rất hẹp, có khi chỉ rộng vài tấc vuông, vừa đủ để lót được chiếc tổ nhỏ bé. Ở các chợ chim, có khi trên một mét vuông có thể hơn 10 tổ, tổ này sát tổ kia, chật đến mức lúc ấp trứng chim có thể cài được mỏ vào nhau. H.39. Một góc của chợ chim. 15. KẾT ĐÔI VÀ KHOE MẼ Trong mùa sinh sản, chim thường sống với nhau thành từng đôi: một trống và một mái. Kiểu ghép đôi như vậy được gọi là ghép đơn giao. Ở phần lớn các loài chim, đôi trống mái thường chỉ sống với nhau trong một mùa đẻ, thậm chí ở một số loài, đôi chỉ sống với nhau trong một lứa đẻ, nếu như trong mùa đẻ có nhiều lứa. Tuy nhiên cũng có những loài chim rất chung thủy, đôi trống mái cùng chung sống trong nhiều năm, thậm chí có thể sống với nhau suốt đời như quạ, đại bàng, dù dì, vài loài cú, thiên nga, ngỗng trời, chim cánh cụt, v.v… Hạc trắng ở châu Âu, tuy sau mùa sinh sản, các chim trống mái rời nhau, bay về phương nam trú đông, nhưng mùa xuân đến, từng con một lại tìm về đúng tổ cũ của mình. Hình như chiếc tổ cũ đầy lưu luyến ấy là chiếc cầu nối lại mối tình xưa của đôi chim trống mái. Con mòng biển, chim báo bão, sau khi nuôi đàn con khôn lớn, chúng rời quê hương, viễn du hàng vạn dặm trên biển rộng suốt cả mùa đông, có khi bay thành đàn, có khi bay riêng từng con một, nhưng đến mùa xuân, chúng lại trở về chốn cũ, tìm nhau để kết đôi, chuẩn bị lứa đẻ mới. Ở một vài loài chim mà đôi trống mái cùng nhau chung sống suốt đời, thì trước lúc gắn bó “trăm năm” thường có một thời gian “tìm hiểu” khá dài. Ở quạ và ngỗng trời, sau khi rời tổ, đàn chim non đã có xu hướng ghép lại thành từng đôi. Tuy suốt cả mùa đông đầu tiên này, chúng chung sống với nhau thành đàn, nhưng trong đó, từng đôi một vẫn luôn luôn cạnh nhau và mãi đến mùa xuân năm sau, hay năm sau nữa, khi đã trưởng thành, đôi trống mái mới tách ra khỏi đàn, tìm nơi xây tổ ấm. Nếu đôi trống mái chỉ ghép với nhau tạm thời trong một mùa đẻ, thì khi một con trong đôi không may bị nạn, con kia sẽ nhanh chóng tìm ghép đôi với con khác. Nhưng ở trường hợp mà đôi trống mái sống với nhau trong nhiều năm thì việc thay thế con bị nạn cũng phải sau một thời gian khá dài. Ở ngỗng trời, hình như khi một con trong đôi bị chết đi thì con kia chỉ sống đơn chiếc cho đến hết đời. Thỉnh thoảng ở chim cũng có hiện tượng một chim trống cùng sống với hai chim mái trong mùa sinh sản. Người ta đã thấy một con chim trống sẻ đồng đã chăm sóc thêm một chim mái láng giềng, khi chim trống của con này chẳng may bị chết. Đây là trường hợp hiếm có và chỉ gặp ở một vài loài chim ít tham gia vào công việc làm tổ và nuôi con. Hiện tượng ghép đa giao nghĩa là một chim trống chung sống với nhiều chim mái hay ngược lại một chim mái với nhiều chim trống cũng có ở một số loài chim như gà, đà điểu, cun cút, nhát hoa, v.v… Đà điểu châu Phi thường sống thành từng gia đình, một trống với vài ba mái. Chim trống đào một hõm ở bãi cát để làm tổ rồi nằm vào đó. Các chim mái đẻ trứng ở xung quanh và tất cả trứng đều được chuyển hết vào tổ cho chim trống ấp. Nhiệm vụ ấp trứng và nuôi con hoàn toàn do chim bố gánh vác. Hoàn toàn ngược lại với đà điểu, chim caxich (Cacius) ở Nam Mỹ làm tổ tập đoàn trên các cây cao. Chim mái đảm nhiệm hết mọi công việc như làm tổ, ấp trứng, nuôi con, còn chim trống chỉ lang thang, lần lượt đến với chim mái này rồi chim mái kia, mỗi khi có chim mái vừa làm xong tổ. Ở chim sẻ cổ vàng (Euplectes franciscano) thì lại chính chim trống chăm lo làm tổ, lần lượt chiếc này đến chiếc kia, và mỗi lần hoàn thành một tổ lại mời một chim mái đến đẻ trứng. Một số ít loài chim như cun cút, nhát hoa v.v…, có tập tính sinh sản khác với đa số các loài chim: chim mái giữ vai trò chủ động về sinh sản như khoe mẽ, gù, đánh nhau với chim mái khác để tranh giành chim trống. Cun cút mái mỗi lần đẻ xong một lứa trứng lại bổ đi tìm chim trống khác để kết đôi còn việc ấp trứng, nuôi con đều do chim trống cũ đảm nhiệm hết. Cứ như vậy, trong một mùa đẻ, cun cút cái có thể lần lượt kết bạn với 4-5 chim trống. Sự hình thành đôi ở chim là một tập tính khá phức tạp và mỗi loài lại có những nét riêng rất lý thú. Những tiếc thay cho đến nay chúng ta cũng chỉ mới biết được rất sơ sài về tập tính này của các loài chim. Vào đầu mùa sinh sản thường thì chim trống chọn trước một vùng làm tổ, canh giữ vùng đó, hót và chờ đợi chim mái đến. Tuy nhiên việc “kết duyên” giữa đôi lứa trống mái ở các loài chim không giản đơn mà ít nhiều phải có một số nghi lễ, được gọi là hiện tượng khoe mẽ. Đây là một loại tập tính có tính chất quy ước, một thứ “ngôn ngữ” được thể hiện bằng những điệu bộ, cử chỉ, tiếng kêu, phối họp với việc phô trương những phần đẹp nhất của bộ lông hay của một vài bộ phận nào đó trên cơ thể với chức năng duy nhất là gợi cảm, hấp dẫn con mái hoặc hăm dọa các đối thủ cùng loài để tranh giành con mái. Ta hãy kể vài thí dụ. Vào một sáng mùa xuân đẹp trời, một chim chìa vôi trống đậu trên bụi cây, nơi nó đã chọn làm vùng “cát cứ” của mình, nó đang hót, bỗng thấy một chim mái bay đến, hạ cánh trên đám đất gần đấy. Nó kêu lên mấy tiếng, chim mái đáp lại. Lập tức nó rời chỗ đậu bay đến gần chim mái, lông ngực xù ra, hai cánh hơi thõng xuống, nó quay quanh cô bạn mới mấy vòng. Chim mái vẫn đứng yên, hình như không chú ý gì đến những cử chỉ duyên dáng kia của “chàng trai” nhưng rồi chim trống bay về chỗ đậu của mình, phấn khởi cất cao giọng hót, còn chim mái thì lẩn đi đâu đấy giữa các bụi cỏ. Chỉ có thế, nhưng đôi chim đã thông cảm lẫn nhau và “mối tình” đã gắn bó, và từ đấy chim mái không bay đi đâu xa nữa. Còn chim trống, thì như được tiếp thêm sức mạnh, nó đánh đuổi bất kỳ “chàng trai” láng giềng nào muốn đến gần. Chim cốc biển ở các đảo vùng nhiệt đới lại có cách khoe mẽ riêng của mình. Vào đầu mùa sinh sản, chúng tập trung thành đàn ở các đảo vắng cách rất xa bờ. H.40. Cốc biển trống làm dáng với cái bướu đỏ tươi trước cổ. Mỗi chim trống chọn lấy một chỗ làm tổ cho mình. Đó là một bụi cây nhỏ hay một mỏm đá. Chúng đậu ở đấy, đôi cánh hơi sệ xuống, vừa lắc lư thân từ trước ra sau, vừa phồng to cái bướu đỏ tươi trước cổ, đến mức căng tròn như quả bóng rồi cất lên một điệu hót lạ tai “trr trr trr kiu, kiu kiu iu huhuhuhu” để quyến rũ chim mái. Chim cánh cụt Ađêli trống khi tỏ tình lại có một nghi lễ kỳ lạ. Trước tiên, để làm quen, nó cắp một hòn đá ở mỏ, đưa đến tặng bạn lứa đôi ở nơi làm tổ. Rồi nó vươn đầu và mỏ thẳng ngược lên, hai cánh đu đưa, giật giật, ngực ưỡn cao, bỗng nhiên nó cất tiếng kêu cao dần thành một dải “ku-ku ku-ku-kug-gu-gu-ga-oa-oa”. Hình như chim mái vẫn còn làm cao, không chú ý. Nó lặp lại lễ nghi đó, có khi đến năm bảy lần cho đến lúc chim mái đáp lễ. Lúc này cả hai con đứng đối diện nhau và cùng vươn mỏ thẳng lên trời, mắt đảo ngược đảo xuôi, rồi vừa đu đưa đôi cánh cụt ngủn vừa kêu lên những tiếng khàn khàn vang xa đến nửa dặm đường. Sau đó cả hai con dẫn nhau đến nơi làm tổ. H.41. Quà tặng của chim cánh cụt Ađêli là một hòn đá. H.42. Cả hai con đứng đối diện nhau và cùng vươn mỏ thẳng lên trời. Đà điểu trống “tán tỉnh” chim mái bằng điệu múa độc đáo. Nó bắt đầu với những động tác vẫy cánh nhịp nhàng, nhẹ nhẹ, cánh trái rồi cánh phải. Nhịp vẫy cánh nhanh dần, nhanh dần cho đến lúc cả hai cánh rung tít lên chỉ còn trông thấy như hai khối bông tròn trắng muốt vờn trên cả đám lông đen. Cứ như thế nó tiến dần về phía chim mái, cúi đầu xuống rồi cắm mỏ vào cát hay vặt cỏ tung lên. Chim mái cũng làm theo. Bỗng nhiên nó khuỵu chân xuống trước chim mái, hai cánh vẫy mạnh, tung cát lên mù mịt. Hai chân đỏ tươi duỗi về phía trước, còn đầu và cổ cũng da trần màu đỏ ngã về phía sau, nghẹo bên này, nghiêng bên kia, rồi kêu lên oẹ oẹ. Bỗng giữa cổ nó phồng to, tròn như quả bóng, nó bắt đầu rống lên như thú dữ, nghe xa tưởng như sư tử gầm vậy. Sau đó là kết thúc phần nghi lễ, nó dẫn chim mái về nơi làm tổ. Các loại sếu sống trên các đồng cỏ ở phương bắc xa xôi, trước mùa làm tổ cũng có điệu múa duyên dáng nhịp nhàng tưởng chừng như chúng đang nhảy theo một điệu nhạc sôi nổi. H.43. Sếu múa. Nhiều loài chim thuộc bộ Gà như công, trĩ, gà tiền, gà lôi, gà thông có những dáng điệu khoe mẽ đẹp và kỳ lạ, đặc trưng cho các loài có hai dạng chủng tính rõ ràng: chim trống có bộ lông màu sặc sở còn chim mái lại có bộ lông màu xỉn. Đối với những loài này lúc khoe mẽ chim trống hình như tìm đủ mọi cách để cho chim mái phải say mê về những phần đẹp nhất của bộ lông của mình hay một bộ phận đặc sắc nào đó trên cơ thể của chim, như mào thịt ở đầu, hay đám da trần có màu sặc sỡ ở cổ hay ngực v.v… Loài trĩ vàng (Chrysolophus pictus) ở Trung Quốc là một ví dụ đáng chú ý. Chim trống của loài này có màu vàng, đỏ và lục óng ánh, còn chim mái có màu nâu xỉn. Lúc khoe mẽ, chim trống chạy rất nhanh vòng quanh chim mái, nhưng cứ chạy được khoảng vài ba giây, đột nhiên nó lại dừng lại, ngay cạnh chim mái, đầu cúi thấp, các lông dài ở cổ dựng lên, xòe ra thành những vòng tròn vàng, đen xen kẽ, che khuất cả đầu, trừ đôi mắt và chiếc mào lông màu vàng tơ óng ánh vẫn nhìn thấy rõ. Đuôi của nó xòe rộng ra như chiếc quạt, để lộ rõ các vệt đỏ tươi tuyệt đẹp ở mép lông. Nó lắc la lắc lư toàn thân, làm cho các đám lông màu vàng và lục ở lưng trông thêm óng ánh. Ngộ nhất là đôi mắt, cứ nhìn trừng trừng không nhấp nháy, con ngươi đen liên tiếp mở rộng rồi thu hẹp lại để cho vòng ngoài của tròng mắt màu vàng nhạt lúc mở lúc co, chiếu thẳng vào đôi mắt nâu của chim mái như để khoe vẻ kỳ lạ của đôi mắt của mình. Rồi bỗng nhiên nó lại chạy. Cứ như vậy điệu múa của chim trống có thể kéo dài đến một hai giờ liền. Chim trống của các loài khác cũng có những dáng điệu khoe mẽ không kém phần lý thú. Ở các cánh rừng vắng vẻ, công trống thường múa trên đám cỏ bằng phẳng hay trên bãi cát rộng bên bờ suối. Nó xòe rộng chiếc đuôi đồ sộ, thướt tha, dài gần 2 mét, màu lục ánh đồng, có điểm những chiếc hoa óng ánh năm mầu: xanh thẫm, lục, đỏ đồng, vàng và nâu xếp đồng tâm (thực ra đây không phải là đuôi mà là những lông trên đuôi, chỉ có trong mùa sinh sản) như một chiếc quạt rộng lẫy, rồi múa quanh công mái. Chân nó bước giật giật, lúc chậm lúc nhanh, ăn nhịp với tiếng kêu khàn khàn, đục đục của nó, lúc nhặt lúc khoan. H.44. Gà đuôi công khoe mẽ. Cũng như nhiều loài khác cùng họ, công trống có giọng hót không hay, nhưng lại có bộ lông tuyệt đẹp để phô trương. Trĩ sao Mã Lai, lúc khoe mẽ lại vừa cúi thấp đầu vừa quay thành vòng tròn quanh chim mái. Vòng quay lúc đầu còn rộng, rồi sau hẹp dần và đột nhiên nó dừng lại, ngay trước mặt “cô bạn”. Nó xòe rộng đôi cánh với những chiếc lông vừa rộng bản, vừa dài hơi quá khổ, đưa về phía trước, che khuất cả đầu. Đồng thời mấy chiếc lông đuôi rộng và dài hơn một mét, trông như những tầu lá chuối cũng vươn cao, ve vẩy. Toàn bộ những phần đẹp nhất ở cánh và đuôi đã được dàn ra trước mắt chim mái. H.45. Trĩ sao Mã Lai khoe mẽ. Tuy bộ áo cưới của nhiều loại gà rừng, gà thông, gà lôi không được đẹp bằng bộ áo của công và trĩ nhưng chúng cũng có những điệu múa khoe mẽ khá đặc sắc. Lúc ve vãn, chim trống thường “duỗi” đầu về phía trước, lông cổ xù ra, hai cánh hơi sệ xuống, đuôi xòe rộng rồi vừa quay quanh chim mái vừa kêu lên những tiếng khàn khàn. Tuy nhiên tùy cách trang điểm riêng mà mỗi loài lại có thêm những nét độc đáo, nhưng không ngoài mục đích là chưng ra được những vẻ đẹp đặc sắc của mình. Chim trống của loài gà lôi tía sống ở các mõm núi cao thuộc dẫy Hoàng Liên Sơn ở vùng Tây bắc nước ta, vào mùa sinh sản có đám da trần rộng mầu xanh thẫm có chấm đỏ trước cổ. Thường ngày, đám da này bị lông cổ che khuất, nhưng khi khoe mẽ, túi khí ở cổ căng phồng, đẩy đám da đó lộ ra ngoài, trông giống như chim đeo chiếc yếm đẹp. Lúc múa nó tìm cách hướng phần yếm về phía trước mắt chim mái. Loài gà thông châu Mỹ lại trang điểm bằng hai đám da màu đỏ tươi hình tròn ở hai bên cổ. Trước mặt chim mái nó làm cho hai đám da đó căng phồng, đẩy các lông màu xám với phần gốc trắng muốt ở xung quanh dựng lên trông như hai đóa hoa tuyệt đẹp. Còn loại gà thông châu Âu, để quyến rũ chim mái, lúc múa nó làm những điệu bộ trông thật ngộ nghĩnh là thỉnh thoảng lại chìa đuôi về phía “cô bạn” vì rằng chỉ có túm lông trắng muốt như tuyết, mọc ở dưới đuôi, nổi bật trên nền đen của toàn bộ lông là đáng khoe nhất. Những con gà tây trống đến mùa sinh sản, chúng đi thủng thỉnh ở trong rừng, vai chen vai nhưng hình như chúng chỉ để ý đến những con gà trống khác mà không chú ý đến gà mái. Chúng xù to bộ lông, đuôi xòe ra như cái quạt và những chiếc lông cánh cứng đờ kéo lê trên cỏ. Khi bị kích thích cao độ thì cái đầu trần trụi của chúng biến thành màu xanh nhạt còn cái yếm lòng thòng dưới cổ đỏ ửng và nhăn nheo. Khi đó nếu một con kêu lên “gộp gộp” thì cả đàn cùng một lúc kêu theo. Chúng đi khệnh khang với dáng vênh vang, nhưng không xô xát, còn những con gà mái thì chú ý chọn lựa con mà nó ưa thích. H.46. Gà thông châu Mỹ khoe với bạn đóa hoa tuyệt đẹp ở bên cổ. Cách làm dáng trong mùa sinh sản bằng đám da có màu rực rỡ không phải chỉ có ở mấy loại gà mà còn gặp cả ở một số loài chim khác. Cốc biển có túi da đỏ tươi rất lớn ở trước cổ. Loài chim cổ bướu cũng có túi da kiểu tương tự nhưng phía dưới túi da căng phồng còn được trang điểm thêm bằng một dải da nhỏ với mấy chiếc lông đen lơ thơ. """