"
Đời Sống Bí Ẩn Của Cây PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đời Sống Bí Ẩn Của Cây PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ĐỜI SỐNG BÍ ẨN CỦA CÂY
—★—
Nguyên tác: The Hidden Life of Tree Tác giả: Peter Wohlleben
Dịch giả: Thanh Vy
Thể loại: Khoa học
Bản quyền: Phuongnambook NXB: Thế Giới
Năm xuất bản: 2015/Vn2020 —★★★—
#041: huydat
20-11-2021
LỜI MỞ ĐẦU
Khi tôi bắt đầu sự nghiệp quản lý rừng của mình, những gì tôi biết về đời sống bí ẩn của cây chẳng nhiều hơn bao nhiêu những gì mà một người bán thịt hiểu về đời sống cảm xúc của động vật. Ngành lâm nghiệp hiện đại sản xuất ra gỗ xẻ. Tức là, ngành này đốn cây rồi trồng cây non mới. Nếu bạn đọc tài liệu chuyên môn, bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng sự khỏe mạnh của một khu rừng chỉ được quan tâm ở mức độ cần thiết để tối ưu hóa ngành công nghiệp gỗ xẻ. Thế là đã đủ cho các kiểm lâm viên làm từ ngày này qua ngày khác, và cuối cùng điều này sẽ làm méo mó đi cách mà họ nhìn cây cối. Vì công việc của tôi là nhìn hàng trăm cây mỗi ngày – vân sam, dẻ gai, sồi và thông – để đánh giá xem chúng thích hợp vào nhà máy xẻ gỗ chưa và giá trị thị trường của chúng là bao nhiêu, nên nhận thức của tôi về cây cối cũng chỉ giới hạn trong tầm nhìn hạn hẹp đó.
Khoảng hai mươi năm trước, tôi bắt đầu tổ chức huấn luyện sinh tồn và du lịch nhà gỗ cho các du khách. Rồi tôi làm thêm một chỗ trong rừng để chôn cất người ta như là một giải pháp thay thế các nghĩa trang truyền thống, cũng như để bảo tồn rừng cổ đại. Sau nhiều lần trò chuyện cùng các khách du lịch đến thăm, quan điểm của tôi về rừng rậm lại lần nữa thay đổi.
Du khách bị cuốn hút bởi những thân cây cong veo, xương xấu mà trước đây tôi sẽ loại bỏ đi vì chúng có giá trị thương mại tháp Đi cùng những du khách của mình, tôi biết lưu tâm đến nhiều thứ khác hơn ngoài giá trị của thân cây. Tôi bắt đầu chú ý đến những rễ cây hình thù kỳ lạ, những kiểu dáng sinh trưởng
khác thường, và những “đêm” rêu trên vỏ cây. Tình yêu của tôi dành cho thiên nhiên - thứ tôi đã có từ hỏi sáu tuổi - được khơi gợi lại. Đột nhiên, tôi nhận ra cô hàng hà sa số điều kỳ thú mà tôi khó có thể tự giải thích. Cùng lúc đó, Đại học Aachen (RWTH Aachen) bắt đầu thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học thường xuyên trong khu rừng tôi quản lý. Trong suốt thời gian diễn ra nghiên cứu, rất nhiều câu hỏi đã được trả lời, nhưng lại có nhiều câu hỏi hơn xuất hiện.
Cuộc đời của một người kiểm lâm lại lần nữa trở nên thú vị. Mỗi ngày trong rừng là một ngày khám phá. Điều này khiến tôi có cách quản lý rừng không giống thông thường. Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng với con cái chúng, thì bạn không còn có thể chặt chúng xuống và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa. Hiện máy móc đã bị cấm đưa vào rừng trong vài thập kỷ, nếu thỉnh thoảng cần phải thu hoạch một vài cây, thì việc này sẽ được tiến hành cẩn thận bởi những người quản lý rừng, và ngựa được dùng để thay thế cho máy móc. Một khu rừng khỏe mạnh hơn – bạn thậm chí có thể nói rằng hạnh phúc hơn – có năng suất tăng đáng kể, nghĩa là mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Sự tranh cãi này thuyết phục được bên chủ thuê của tôi – cộng đồng Hümmel, và giờ thì ngôi làng bé nhỏ nằm trên dãy núi Eifel sẽ không xem xét bất kỳ cách quản lý rừng nào khác. Cây thở một hơi dài nhẹ nhõm và tiết lộ thêm nhiều bí mật của chúng, đặc biệt là những cây mọc ở khu bảo tồn mới thành lập – nơi chúng hoàn toàn không bị động đến. Tôi sẽ không bao giờ ngừng học hỏi chúng nhưng thậm chí những gì tôi học được từ trước đến nay dưới tán lá rậm rạp của chúng cũng đã vượt xa mọi thứ tôi từng mơ ước.
Tôi mời bạn chia sẻ cùng tôi niềm vui mà cây đem lại cho chúng ta. Và, ai biết được, có lẽ lần tới khi bạn đi vào rừng, bạn sẽ tự mình khám ra những điều kỳ diệu lớn lao và bé nhỏ.
1 —★—
TÌNH BẠN
Nhiều năm trước, tôi tình cờ thấy một bãi đá hình thù kỳ lạ phủ đầy rêu tại một trong số những khu bảo tồn dẻ gai cổ thụ mọc ở cánh rừng tôi quản lý. Ngẫm nghĩa lại, tôi nhận ra mình đã từng đi qua bãi đá này rất nhiều lần mà chẳng hề lưu tâm đến nó. Nhưng ngày hôm đó, tôi đã dừng lại và cúi xuống để nhìn thật kỹ. Các tảng đá có hình dạng khác thường: Chúng hơi cong và có nhiều vùng rỗng bên trong. Thật cẩn thận, tôi gạt rêu trên một trong những tảng đá ra. Thứ tôi thấy bên dưới lớp rêu là vỏ cây. Vậy hóa ra chúng chẳng phải là đá, mà là những khối gỗ già. Tôi đã ngạc nhiên trước độ cứng của những “viên đá” này, vì thường chỉ cần ít năm thôi là gỗ dẻ gai nằm trên nền đất ẩm đã phân hủy. Nhưng điều tôi ngạc nhiên nhất chính là việc tôi không thể nâng nổi khối gỗ lên. Rõ ràng là nó đã bám chặt vào đất bằng cách nào đó.
Tôi lấy con dao bỏ túi ra và cẩn thận cạo đi một ít vỏ cây cho đến khi chạm đến lớp có màu hơi lục. Lục ư? Màu này chỉ tìm được trong chất diệp lục – thứ tạo nên màu xanh của lá non; chất diệp lục cũng được trữ trong phần thân của những cây còn sống. Điều này có nghĩa là: Khúc gỗ này vẫn còn sống! Tôi đột nhiên chú ý thấy những “viên đá” còn lại tạo thành hình rõ rệt: Chúng xếp thành một vòng tròn với đường kính khoảng 5 feet (152,4 cm). Thứ mà tôi tình cờ tìm thấy lại là phần “xương xẩu” sót lại của một gốc cổ thụ khổng lồ. Tất cả những gì còn lại là vết tích của phần rìa ngoài cùng. Phần bên trong đã hoàn toàn mục rữa thành đất mùn từ rất lâu – dấu hiệu rõ ràng cho thấy cây có
lẽ đã ngã xuống ít nhất bốn hay năm trăm năm trước đó. Nhưng làm thế nào mà phần còn sót lại này có thể tiếp tục sống lâu đến thế?
Tế bào sống cần có thức ăn dưới dạng đường, chúng phải thở, và phải phát triển thêm, ít nhất cũng phải lớn hơn được một chút. Nhưng không có lá – và vì vậy không có sự quang hợp – thì việc đó là không thể. Không sinh vật nào trên hành tinh của chúng ta có thể nhịn đói hàng thế kỷ, thậm chí tàn tích của một cái cây cũng chẳng thể, và chắc chắn một gốc cây càng không tồn tại được đến giờ nếu chỉ dựa vào mình nó. Rõ ràng là có điều gì khác đang xảy ra với gốc cây này. Chắc hẳn nó đã nhận được sự giúp đỡ từ những cây sống xung quanh, cụ thể là từ rễ của chúng. Các nhà khoa học nghiên cứu những tình huống tương tự đã phát hiện sự giúp đỡ có thể đến từ rất xa thông qua hệ thống nấm nằm quanh các đầu rễ – thứ tạo điều kiện cho việc trao đổi dưỡng chất giữa các cây – hoặc có thể đến từ chính sự liên kết giữa các sợi rễ của chúng. Trong trường hợp của gốc cây mà tôi tình cờ bắt gặp, tôi không thể khám phá được điều gì đang diễn ra, vì tôi không muốn làm gốc cây già bị thương khi đào xới xung quanh nó, nhưng có một điều rõ ràng rằng: Những cây dẻ gai xung quanh đã bơm đường cho gốc cây này để giữ nó sống sót.
Nếu nhìn vào những bờ đắp bên đường, bạn có lẽ sẽ thấy được cách mà cây cối kết nối với nhau thông qua hệ thống rễ của chúng. Ở những độ dốc này, mưa thường rửa trôi đất, khiến mạng lưới rễ ngầm dưới đất lộ ra. Các nhà khoa học tại dãy núi Harz ở Đức đã khám phá ra rằng điều này thực sự là minh chứng cho cách sống phụ thuộc lẫn nhau, và hầu hết các cá thể cây cùng loài mọc ở cùng vị trí sẽ kết nối với nhau thông qua hệ thống rễ của chúng. Dường như việc trao đổi dưỡng chất và trợ giúp hàng xóm khi cần chính là luật lệ, điều này dẫn đến kết luận rằng rừng là xã hội hữu cơ có kết nối nội bộ rất giống với tổ kiến.
Tất nhiên, rất hợp lý nếu hỏi rằng liệu có thể rễ cây chỉ đơn giản lang thang lòng vòng không mục đích dưới mặt đất rồi kết nối lại khi chúng tình cờ gặp được rễ cây khác cùng loài hay không? Một khi đã kết nối, chúng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trao đổi dưỡng chất. Chúng tạo nên thứ giống như mạng xã hội, nhưng điều chúng trải qua chỉ đơn thuần là tình cờ cho và nhận. Trong trường hợp này, sự gặp gỡ tình cờ thay thế cho hình ảnh đầy cảm động về việc chủ động hỗ trợ, mà dù chỉ gặp gỡ tình cờ thì vẫn đem lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái khu rừng. Nhưng thiên nhiên phức tạp hơn thế nhiều. Theo Massimo Maffei của Đại học Turin, thực vật – bao gồm cây – có khả năng tuyệt vời trong việc phân biệt rễ của bản thân chúng với rễ của những loài khác, và thậm chí với rễ của những cá thể cùng họ.
Nhưng tại sao cây lại là sinh vật có tính xã hội? Tại sao chúng lại chia sẻ thức ăn với cây cùng loài và thỉnh thoảng còn nuôi dưỡng cả đối thủ của chúng? Nguyên nhân cũng tương tự như cộng đồng loài người: Làm việc cùng nhau có lợi hơn. Một cây làm chẳng nên rừng. Chỉ một mình, cây không thể thiết lập khí hậu khu vực phù hợp. Nó sẽ phải phó thân cho gió và thời tiết. Nhưng cùng nhau, nhiều cây sẽ tạo thành một hệ sinh thái giúp làm dịu cái nóng cực độ hay cái lạnh buốt xương, giúp lưu giữ thật nhiều nước, và sản sinh thật nhiều hơi ẩm. Trong môi trường được bảo vệ này, cây có thể sống mãi đến khi thành cổ thụ. Để sống được đến đó, cộng đồng cây phải còn nguyên vẹn dù bất cứ giá nào. Nếu mỗi cây đều chỉ biết tự lo thân mình, thì khá nhiều trong số chúng sẽ chẳng bao giờ có thể thành cổ thụ. Nhiều cây chết thường xuyên sẽ tạo ra những khoảng trống lớn trên tán rừng khiến bão có thể dễ dàng lọt vào trong và làm bật rễ nhiều cây hơn. Cái nóng của mùa hè cũng sẽ tràn xuống nền rừng và khiến nó bị khô hạn. Tất cả cây trong rừng đều sẽ chịu tổn thất.
Mỗi cây, vì vậy, đều có giá trị đối với cộng đồng và đáng được giữ lại càng lâu càng tốt. Đây là lý do vì sao ngay cả những cây bị
bệnh cũng được hỗ trợ và nuôi dưỡng cho đến khi chúng bình phục. Lần sau, có lẽ sẽ ngược lại: Cây từng hỗ trợ cây khác có thể trở thành cây cần được giúp đỡ. Khi những cây dẻ gai rậm rạp màu xám bạc này cư xử như vậy, chúng làm tôi nhớ đến đàn voi. Cũng như đàn voi, chúng biết tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ những thành viên bị bệnh hoặc yếu sức hồi phục. Chúng thậm chí rất miễn cưỡng khi phải bỏ lại thành viên đã chết.
Tuy mỗi cây là một thành viên của cộng đồng, nhưng lại có nhiều hạng thành viên khác nhau. Ví dụ, hầu hết các gốc cây đều sẽ mục rữa thành đất mùn và biến mất trong vòng vài trăm năm (đây chẳng phải là thời gian quá dài đối với cây). Chỉ có một số ít duy trì được sự sống qua hàng thế kỷ, giống như những “viên đá” phủ đầy rêu mà tôi vừa mô tả. Vậy sự khác nhau là gì? Không lẽ xã hội của cây cũng có công dân hạng hai như xã hội loài người? Có vẻ là vậy, mặc dù khái niệm “thứ hạng” chưa thực sự phù hợp lắm. Đúng hơn là mức độ kết nối – hay thậm chí có lẽ là tình cảm – mới là thứ quyết định một cây xanh nhận được bao nhiêu giúp đỡ từ các “cộng sự” của mình.
Bạn có thể tự kiểm tra điều này đơn giản bằng cách nhìn lên tán rừng. Một cây bình thường sẽ cứ mọc cành ra cho đến khi chạm phải đầu cành của cây hàng xóm có cùng chiều cao. Nó không xòe rộng ra nữa vì không khí và ánh sáng tốt hơn trong không gian này đã bị lấy đi. Tuy nhiên, nó lại “gia cố” thật kỹ những cành đã vươn dài, do đó bạn sẽ cảm thấy trên tán rừng như có một trận “so tài” chen lấn. Nhưng một đôi bạn thật sự sẽ cẩn thận ngay từ đầu không đâm những cành quá rậm rạp về phía nhau. Cây không muốn lấy đi bất cứ thứ gì từ bạn mình, nên chúng chỉ phát triển các cành cúng chắc ở rìa ngoài tán lá, nghĩa là, hướng về phía những cây “không phải bạn bè”. Những đôi bạn thế này thường có rễ liên kết rất chặt và thỉnh thoảng chúng thậm chí chết cùng nhau.
Thông thường, tình bạn sâu nặng đến mức phần gốc trơ lại vẫn được chăm sóc có thể chỉ hình thành trong những khu rừng chưa bị khai phá. Cũng có thể tất cả loài cây đều làm điều này
ị p g y y chứ không chỉ riêng gì loài dẻ gai. Tôi từng tự mình quan sát phần gốc cây sồi, lãnh sam, vân sam và linh sam Douglas còn sống sót rất lâu sau khi bị chặt. Cây trong các khu rừng được trồng – hầu hết là các rừng cây lá kim ở Trung Âu, cư xử giống như “những đứa trẻ đường phố” mà tôi mô tả trong chương 27. Do rễ bị tổn thương không thể phục hồi lúc được trồng, nên chúng dường như không có khả năng tạo ra mạng lưới kết nối với nhau. Thông thường, cây trong những khu rừng được trồng như thế cư xử giống những kẻ cô độc và chịu tổn thương vì sự cô lập này. Và kiểu gì thì hầu hết chúng cũng chẳng bao giờ có cơ hội trở thành cổ thụ. Dựa theo chủng loài, những cây này sẽ được đánh giá là sẵn sàng để thu hoạch khi chúng chỉ khoảng một trăm tuổi.
2 —★—
NGÔN NGỮ CỦA CÂY
Theo định nghĩa của từ điển, ngôn ngữ là thứ mà con người sử dụng khi nói chuyện với nhau. Nhìn theo phương diện này, thì chúng ta là sinh vật duy nhất có thể sử dụng ngôn ngữ, vì khái niệm trên chỉ giới hạn trong loài của chúng ta. Nhưng thú vị không khi biết rằng cây cũng có thể nói chuyện với nhau? Nhưng bằng cách nào? Chúng chắc chắn không tạo ra âm thanh, vì vậy chúng ta chẳng thể nghe được gì. Cành cây kẽo kẹt khi cọ xát nhau, còn lá cây thì xào xạc, nhưng những âm thanh này lại được tạo ra bởi gió chứ cây không điều khiển được. Hóa ra, cây có cách giao tiếp hoàn toàn khác: Chúng dùng mùi hương.
Mùi hương là phương tiện giao tiếp? Khái niệm này không hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Còn vì lý do gì khác mà chúng ta sử dụng lăn khử mùi và nước hoa? Thậm chí khi chúng ta không sử dụng những sản phẩm này, mùi hương riêng của chúng ta cũng nói lên điều gì đó với người khác, cả cố ý lẫn vô thức. Một số người dường như hoàn toàn không có mùi; nhưng vài người khác lại khiến chúng ta bị cuốn hút mạnh mẽ vì hương thơm của họ.
Các nhà khoa học tin rằng pheromone trong mồ hôi là nhân tố quyết định khi chúng ta lựa chọn bạn đời – nói cách khác, người chúng ta muốn cùng tạo ra đời sau. Vì vậy, dường như hợp lý khi cho rằng chúng ta sở hữu ngôn ngữ mùi hương bí mật, và cây cho thấy chúng cũng làm điều tương tự.
Ví dụ, bốn thập kỷ trước, các nhà khoa học đã chú ý thấy vài điều trên thảo nguyên châu Phi. Hươu cao cổ ở đó ăn lá cây keo gai dù, và cây không thích điều này chút nào. Chỉ ít phút sau, cây keo bắt đầu bơm chất độc vào lá để giải cứu bản thân khỏi lũ thú ăn thực vật to lớn. Hươu cao cổ hiểu được thông điệp này và chuyển sang ăn lá những cây khác trong vùng lân cận. Nhưng tại sao chúng không chuyển sang ăn lá những cây gần bên? Không, ngay lúc đó, hươu sẽ đi lướt qua một vài cây và chỉ tiếp tục bữa ăn khi chúng đã đi xa được khoảng 100 yard (91,44 m).
Nguyên nhân của hành vi này thật đáng kinh ngạc. Cây keo đang bị ăn sẽ giải phóng khí cảnh báo (cụ thể là khí ethylene) báo hiệu cho các cây hàng xóm cùng loài biết nguy cơ sắp đến. Ngay lập tức, tất cả các cây được cảnh báo đều bơm chất độc vào lá để chuẩn bị đối phó. Hươu cao cổ đã quá rành trò này, vì vậy chúng di chuyển xa hơn, đến khu vực thảo nguyên mà chúng có thể tìm thấy những cây còn chưa hay biết chuyện gì đang xảy ra. Không thì chúng sẽ đi ngược hướng gió. Vì thông điệp mùi hương sẽ được gió mang đến những cây lân cận, nên nếu đi ngược hướng gió, hươu có thể tìm thấy những cây keo ở gần nhưng vẫn chưa biết tin chúng xuất hiện.
Quá trình tương tự cũng diễn ra trong những khu rừng ở đây. Tất cả dẻ gai, vân sam, và sồi đều thấy đau đớn ngay khi sinh vật khác bắt đầu nhấm nháp chúng. Khi một con sâu bướm hỉ hả cắn một miếng to trên lá, tế bào xung quanh chỗ lá bị tổn hại sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, tế bào lá sẽ gửi đi điện tín, giống hệt những gì tế bào con người làm khi bị thương. Tuy nhiên, tín hiệu không được truyền phát trong vài phần nghìn giây giống như ở loài người; thay vào đó, tín hiệu của thực vật di chuyển với tốc độ chậm chạp: 1/3 của một inch mỗi phút (tương đương 0,84667 cm/phút). Do đó, mất khoảng một giờ hợp chất bảo vệ mới đến được lá để phá hỏng bữa ăn của lũ sinh vật gây hại. Cây sống rất chậm rãi, thậm chí cả khi chúng gặp nguy hiểm. Nhưng sống chậm không có nghĩa là cây không kiểm soát hoàn toàn những bộ phận khác. Nếu rễ gặp rắc rối, thông tin này sẽ được
truyền đi khắp cây, kích hoạt lá phóng ra hợp chất mùi hương. Và không phải cứ loại hợp chất cũ nào cũng được, mà phải là loại được tổng hợp cụ thể theo nhiệm vụ lúc ấy.
Khả năng sản xuất các hợp chất khác nhau này là một đặc tính khác giúp cây tự vệ trước sự tấn công trong một thời gian dài. Đối với một số loài côn trùng, cây có thể nhận diện chính xác đâu là “kẻ xấu” chúng cần chống lại. Nước bọt của mỗi loài sẽ khác nhau, và cây có thể nhận diện côn trùng bằng nước bọt. Thực vậy, cây nhận diện chính xác đến nỗi chúng có thể phóng thích loại pheromone gọi loài săn mồi có lợi đến. Loài săn mồi có lợi sẽ giúp đỡ bằng cách nhiệt tình ngốn ngấu lũ côn trùng đang làm phiền cây. Ví dụ, cây du và cây thông sẽ gọi lũ tò vò ký sinh nhỏ bé đến đẻ trứng vào trong những con sâu bướm ăn lá. Khi ấu trùng tò vò phát triển, chúng sẽ ngấu nghiến sâu bướm – vốn lớn hơn chúng, từng chút một từ trong ra ngoài. Đây chẳng phải là cách chết đẹp đẽ gì. Tuy nhiên, kết quả là cây sẽ thoát khỏi lũ gây hại phiền toái và có thể tiếp tục lớn lên mà không phải chịu thêm thương tổn. Việc cây có thể nhận biết nước bọt tình cờ trở thành bằng chứng cho việc hẳn chúng còn sở hữu một kỹ năng khác. Vì nếu có thể nhận diện nước bọt, ắt cây cũng phải có vị giác.
Nhược điểm của hợp chất mùi hương là phân tán nhanh trong không khí. Thường chúng chỉ được tìm thấy trong phạm vi khoảng 100 yard (91,44 m). Tuy nhiên, phân tán nhanh cũng là một lợi thế. Khi việc truyền tín hiệu bên trong diễn ra quá chậm, cây có thể “phủ sóng” lên các khoảng cách xa nhanh hơn thông qua không khí nếu nó muốn cảnh báo các bộ phận khác về mối nguy đang rình rập. Nhưng không phải lúc nào tiếng gọi báo nguy đặc thù cũng cần thiết mỗi khi cây cần tự vệ trước lũ côn trùng. Thế giới loài vật dễ dàng nhận ra báo động hóa học cơ bản của cây. Tiếp đó, nó biết rằng cây đang bị tấn công và các loài ăn thịt được “huy động” đến. Bất cứ loài nào đang thèm muốn lũ sinh vật tấn công cây đều không thể chỉ khoanh tay đứng nhìn.
Cây cũng có thể tự mình khởi xướng phòng vệ. Ví dụ, sồi chứa chất tannin vừa độc vừa đắng trong vỏ và lá cây. Chất độc này hoặc tiêu diệt triệt để lũ côn trùng đang gặm nhấm cây, hoặc ít nhất cũng ảnh hưởng đến hương vị của lá nhiều đến độ thay vì giòn ngọt, chúng trở nên đắng nghét. Cây liễu sản xuất ra hợp chất tự vệ salicylic acid hoạt động tương tự như tannin. Nhưng chất này không hiệu quả với chúng ta. Salicylic acid là tiền chất của aspirin, và trà vỏ liễu có thể làm dịu cơn đau đầu và giảm sốt. Cơ chế tự vệ như vậy, dĩ nhiên, khá tốn thời gian. Vì thế, biện pháp kết hợp đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảnh báo sớm của thực vật.
Cây không dựa vào mỗi sự phân tán trong không khí, vì nếu làm vậy, một số cây hàng xóm đôi khi sẽ không nhận được “gió cảnh báo”. Tiến sĩ Suzanne Simard của Đại học British Columbia ở Vancouver khám phá ra rằng cây cũng cảnh báo nhau bằng cách gửi tín hiệu hóa học qua mạng lưới nấm quanh đầu rễ – thứ hoạt động bất kể thời tiết. Thật ngạc nhiên, các thông báo được gửi qua rễ không chỉ là các hợp chất hóa học mà còn có cả sóng điện – di chuyển với vận tốc 1/3 của một inch mỗi giây. Nếu so sánh với cơ thể của chúng ta thì, phải thừa nhận, tốc độ đó siêu chậm. Tuy nhiên, có những loài trong thế giới động vật, chẳng hạn như sứa và giun cũng có hệ thần kinh tạo ra sóng điện với tốc độ tương tự. Một khi tin tức mới nhất được phát đi, tất cả sồi trong khu vực sẽ lập tức bơm tannin vào gân lá.
Rễ cây vươn rất dài, gấp đôi chiều rộng của tán lá. Do đó, hệ thống rễ của những cây ở gần chắc chắn sẽ giao nhau và mọc quấn vào nhau – mặc dù luôn luôn có một số ngoại lệ. Ngay trong rừng vẫn xuất hiện những kẻ cô đơn, những kẻ muốn làm ẩn sĩ không thích giao tiếp với người khác. Vậy liệu những cây “khó gần” này có chặn tín hiệu báo nguy đơn giản bằng cách không tham gia? May là chúng không thể làm vậy. Vì còn có sự hiện diện thường xuyên của nấm đóng vai trò trung gian bảo đảm thông tin được truyền đi nhanh chóng. Những loại nấm này hoạt động như những dây cáp quang Internet. Các sợi tơ
mỏng của chúng xâm nhập vào đất, đan kết dày đặc đến mức gần như khó tin. Một muỗng cà phê đất rừng chứa hàng dặm “sợi nấm” (1 dặm = 1,609.344 m). Qua nhiều thế kỷ, chỉ một cây nấm cũng có thể bao phủ nhiều dặm vuông (1 dặm vuông = 2.589.988,110336 m’) và kết nối khắp rừng. Sự kết nối của nấm giúp truyền tín hiệu từ cây này sang cây khác, giúp cây trao đổi tin tức về côn trùng, hạn hán, và những mối nguy khác. Giới khoa học đã chấp thuận thuật ngữ mới được đặt ra lần đầu bởi tạp chí Nature đối với phát hiện của Tiến sĩ Simard về “mạng lưới toàn rừng”✽ đang tràn ngập khắp các khu rừng của chúng ta. Thông tin gì và có bao nhiêu thông tin được trao đổi là những vấn đề chúng ta chỉ mới bắt đầu nghiên cứu. Ví dụ, Simard khám phá ra các loài cây khác nhau vẫn liên lạc với nhau, ngay cả khi chúng xem nhau là đối thủ. Nấm cũng theo đuổi chương trình làm việc của riêng mình và dường như được hưởng lợi rất nhiều khi điều giải và phân phối hợp lý thông tin cùng tài nguyên.
Nếu cây yếu đi, thì có thể cây đã mất kỹ năng đối thoại cùng khả năng tự vệ. Nếu không sẽ rất khó lý giải tại sao lũ côn trùng gây hại lại đặc biệt nhắm vào những cây yếu sức. Có thể hiểu rằng, để làm được vậy, lũ côn trùng sẽ lắng nghe các cảnh báo hóa học khẩn cấp của cây, sau đó chúng thử những cây không chuyển lời nhắn đi bằng cách cắn thân hay lá những cây đó. Cây im lặng có thể vì đang bệnh nặng, hoặc, có lẽ do mất đi hệ thống nấm khiến cây bị ngắt hoàn toàn nguồn tin mới nhất. Cây không còn nhận biết được thảm họa đến gần, và thế là cơ hội tiệc tùng đến với lũ sâu bướm và bọ. Những kẻ cô độc mà tôi vừa nhắc đến cũng dễ bị tổn thương theo cách tương tự – chúng có thể trông khỏe mạnh, nhưng chúng lại chẳng hề biết những gì xảy ra xung quanh.
Trong cộng đồng cộng sinh của khu rừng, không chỉ cây thân gỗ mà cả cây bụi lẫn cỏ – và có thể là tất cả các loài thực vật – đều - trao đổi thông tin bằng cách này. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt chân đến các đồn điền, thực vật lại trở nên rất im ắng. Nhờ
việc chọn giống, những cây trồng hầu hết đều mất đi khả năng giao tiếp trên hoặc dưới mặt đất – bạn có thể nói rằng chúng vừa câm vừa điếc – và vì vậy chúng đã trở thành mồi ngon cho lũ côn trùng gây hại. Đây là lý do vì sao nông nghiệp hiện đại lại sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu. Có lẽ nông dân nên học hỏi rừng và gây giống một ít tính hoang dã trở lại vào hạt và khoai tây để chúng có thể “thích nói” hơn trong tương lai.
Không phải tất cả giao tiếp giữa cây và côn trùng đều là về tự vệ và bệnh tật. Nhờ khứu giác, hẳn bạn từng ngửi được rất nhiều thông điệp dễ chịu được trao đổi giữa những dạng sống khác biệt. Tôi đang liên hệ đến lời mời gọi dịu dàng ngát hương của những đóa hoa. Hoa không tỏa hương ngẫu nhiên hay vì muốn làm hài lòng chúng ta. Cây ăn quả, liễu, và dẻ sử dụng những “lá thư” khứu giác này để lôi kéo sự chú ý và mời gọi những chú ong đi ngang đến “chè chén”. Mật hoa ngọt ngào – chất lỏng giàu đường, là phần thưởng mà côn trùng nhận được cho việc tình cờ gieo rắc phấn hoa khi chúng đến. Hình dạng và màu sắc của hoa cũng là tín hiệu. Chúng hoạt động tương tự như bảng quảng cáo, nổi bật giữa màu xanh của tán cây và chỉ đường đến nơi có bữa ăn nhẹ.
Như vậy, cây giao tiếp bằng phương tiện khứu giác, thị giác, cùng tín hiệu điện. (Tín hiệu điện di chuyển qua một dạng tế bào thần kinh ở đầu rễ). Vậy còn âm thanh? Hãy quay trở lại khả năng nghe và nói. Dù tôi đã nhắc đến ở đầu chương này rằng cây chắc chắn không lên tiếng được, nhưng các nghiên cứu khoa học gần đây đã nghi ngờ tuyên bố này. Cùng với các đồng nghiệp đến từ Bristol và Florence, Tiến sĩ Monica Gagliano từ Đại học Western Australia đã, theo đúng nghĩa đen, lắng tai nghe đất. Nghiên cứu cây thân gỗ trong phòng thí nghiệm là không thực tế; vì vậy, các nhà nghiên cứu thay thế bằng cây lúa non vì chúng dễ xử lý hơn. Họ bắt đầu lắng nghe, và chẳng bao lâu sau họ phát hiện thiết bị đo lường ghi nhận rễ cây khẽ khàng kêu lách tách ở tần số 220 hertz. Rễ kêu lách tách? Điều này không nhất thiết phải mang ý nghĩa gì. Xét cho cùng thì gỗ khô cũng
kêu lách tách khi được đốt trong lò đó thôi. Nhưng tiếng động được khám phá trong phòng thí nghiệm đã khiến các nhà nghiên cứu phải ngồi lại và chú ý. Vì rễ của những cây giống vốn không trực tiếp tham gia thí nghiệm lại có phản ứng. Mỗi khi rễ của một cây lúa non tiếp xúc với tiếng lách tách ở tần số 220 hertz, chúng sẽ hướng đầu rễ về phía đó. Như vậy có nghĩa là đám cỏ này nhận biết được tần số ấy, vì thế hợp lý khi nói rằng chúng “nghe” được nó.
Cây giao tiếp bằng phương tiện sóng âm? Điều này khiến tôi tò mò muốn biết thêm, vì con người cũng giao tiếp bằng sóng âm. Đây có thể là chìa khóa để hiểu hơn về cây chăng? Chưa kể đến việc điều này có ý nghĩa thế nào nếu chúng ta có thể nghe được rằng mọi thứ vẫn ổn hoặc có việc gì đang xảy ra với dẻ gai, sồi và thông. Thật không may, chúng ta không tiến bộ đến thế, và nghiên cứu về lĩnh vực này chỉ mới bắt đầu. Nhưng lần tới nếu bạn nghe tiếng lách tách nhỏ khi đi bộ trong rừng, thì có thể đấy không chỉ là gió đâu....
3 —★—
AN SINH XÃ HỘI
Những người làm vườn thường hỏi tôi liệu cây của họ có mọc gần nhau quá không. Chúng sẽ không giành hết ánh sáng và nước của nhau chứ? Mối lo này bắt nguồn từ lâm nghiệp. Trong những khu rừng thương mại, cây phải phát triển thân dày và đạt độ thu hoạch càng sớm càng tốt. Để làm được điều ấy, chúng cần nhiều không gian và tán lá to, tròn, đối xứng. Trong chu kỳ thông thường là năm năm, mọi cạnh tranh tiềm tàng đều được giảm thiểu nhằm giúp những cây còn lại có thể tự do lớn lên. Vì những cây này sẽ không bao giờ thành cổ thụ – chúng đã được định trước là phải vào xưởng cưa khi chỉ mới khoảng một trăm tuổi – nên mặt trái của phương thức quản lý này hầu như không được chú ý.
Vậy mặt trái ở đây là gì? Chẳng lẽ việc cây sẽ phát triển tốt hơn nếu những đối thủ phiền nhiễu được loại bỏ, nhằm giúp tán cây nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn và rễ cây nhận được nhiều nước hơn là không hợp lý? Đối với cây thuộc nhiều loài khác nhau thì điều này là đúng. Chúng thật sự cần chiến đấu để giành lấy nguồn tài nguyên tại khu vực đó. Nhưng đối với những cây cùng loài thì khác. Tôi đã đề cập đến việc dẻ gai biết kết bạn và thậm chí còn cung cấp thức ăn cho nhau. Hiển nhiên việc mất đi các thành viên yếu hơn không phải là điều tốt nhất cho khu rừng. Nếu điều này xảy ra, các lỗ trống sẽ xuất hiện và phá vỡ vi khí hậu nhạy cảm với ánh sáng yếu và độ ẩm cao của khu rừng. Nếu không phải vì vấn đề lỗ trống thì mỗi cây đã có thể phát triển tự do và tự sống theo ý mình. Tôi nói “đã có thể”
vì dẻ gai, ít nhất là loài này, dường như có rất nhiều nguồn dự trữ nhờ vào việc chia sẻ tài nguyên.
Các sinh viên thuộc Viện Nghiên Cứu Môi Trường tại RWTH Aachen đã khám phá ra điều đáng kinh ngạc về hiện tượng quang hợp ở những khu rừng dẻ gai chưa bị khai thác. Dường như cây đồng bộ hóa hoạt động của chúng để tất cả đều thành công như nhau. Mỗi cây dẻ gai mọc ở một vị trí duy nhất, và điều kiện sống có thể rất khác nhau chỉ trong vài yard. Đất có thể cứng như đá hoặc tơi xốp. Đất có thể giữ rất nhiều nước hoặc hầu như chẳng giữ được chút nào. Đất có thể đầy màu mỡ hoặc cực kỳ cằn cỗi. Do đó, mỗi cây sẽ nếm trải điều kiện phát triển khác nhau; chúng sẽ lớn nhanh hoặc chậm hơn và sản xuất nhiều hoặc ít hơn đường hay gỗ, và vì vậy bạn sẽ cho rằng mỗi cây sẽ quang hợp ở mức độ khác nhau.
Và đó chính là điều khiến kết quả nghiên cứu đáng kinh ngạc. Mức độ quang hợp là như nhau ở tất cả các cây. Cây, dường như đang san bằng mọi khác biệt giữa những thành viên khỏe và thành viên yếu. Bất kể chúng to dày hay mảnh dẻ, tất cả thành viên của cùng một loài đều sử dụng ánh sáng và sản xuất ra một lượng đường như nhau ở mỗi chiếc lá. Quá trình cân bằng này diễn ra trong lòng đất thông qua rễ cây. Rõ ràng có một sự trao đổi tích cực đang xảy ra dưới lòng đất. Cây nào đang thừa đường thì giao ra một ít; cây nào đang thiếu đường thì nhận giúp đỡ. Một lần nữa, nấm lại tham gia vào. Mạng lưới to lớn của chúng hoạt động như một cơ cấu tái phân phối khổng lồ. Nó khá giống cách hệ thống an sinh xã hội hoạt động nhằm đảm bảo từng thành viên trong xã hội không tụt lại phía sau quá xa.
Trong hệ thống như vậy, việc cây mọc thật gần nhau phải chăng là không thể. Hoàn toàn ngược lại. Túm tụm cùng nhau là điều đáng mong muốn, và các gốc cây thường không cách nhau quá 3 feet (0,9144 m). Do vậy, các tán cây vẫn thường nhỏ, chen chúc, và thậm chí nhiều quản lý rừng tin rằng điều này không tốt cho cây. Vì thế, các cây được giãn khoảng cách bằng cách đốn bớt, có nghĩa những cây bị cho là thừa thãi sẽ bị chặt
g g y ị ị ặ
bỏ. Tuy nhiên, các đồng nghiệp từ Lübeck ở phía bắc nước Đức đã khám phá ra rằng rừng dẻ gai sẽ cho năng suất tốt hơn khi cây được sống tụ lại với nhau. Sinh khối tăng rõ hàng năm, trên tất cả gỗ, là minh chứng cho sự khỏe mạnh của một khu rừng sống “tụ họp”.
Khi cây mọc cùng nhau, dưỡng chất và nước sẽ được phân phối một cách tối ưu giữa tất cả, nhờ vậy mỗi cây có thể phát triển tốt nhất có thể. Nếu bạn “giúp” từng cây riêng lẻ bằng cách loại bỏ mối cạnh tranh tiềm tàng của chúng, thì những cây còn lại sẽ phải chịu mất mát lớn. Chúng gửi thông điệp đến hàng xóm một cách vô vọng, vì ở đó chẳng còn gì ngoài gốc cây. Mỗi cây giờ đây phải loay hoay một mình, điều này làm gia tăng khác biệt lớn trong năng suất. Một số cây sẽ quang hợp như điên cho đến khi thân tràn ngập đường. Kết quả là chúng sẽ khỏe khoắn và phát triển tốt hơn, nhưng chúng lại chẳng đặc biệt sống lâu. Điều này là do một cây xanh chỉ có thể đạt mức độ khỏe mạnh bằng với mức của khu rừng bao quanh nó. Và giờ thì có rất nhiều “kẻ thất bại” trong khu rừng. Những thành viên yếu hơn – những cây từng được những cây khỏe hơn hỗ trợ, đột ngột tụt lại phía sau. Bất kể là sụt sức do thiếu dinh dưỡng ở nơi chúng mọc, do sự bất ổn thoáng qua, hay do kiểu gen di truyền, thì giờ chúng cũng đều trở thành mồi ngon cho lũ côn trùng và nấm.
Nhưng đó chẳng phải là cách tiến hóa diễn ra ư? Bạn sẽ hỏi như thế. Kẻ khỏe nhất sẽ sống sót? Cây sẽ lắc đầu – hay đúng hơn là lắc tán lá. Sự khỏe mạnh của cây phụ thuộc vào cộng đồng của chúng, và khi những cây bị cho là yếu ớt biến mất, những cây khác cũng sẽ mất theo. Khi điều đó xảy ra, khu rừng không còn là một thể thống nhất chặt chẽ. Mặt trời nóng bức và những cơn gió xoáy giờ đã có thể xâm nhập vào nền rừng và phá vỡ khí hậu ẩm lạnh. Thậm chí những cây cường tráng cũng dễ mắc nhiều bệnh hơn trong suốt cuộc đời của chúng. Khi bệnh, chúng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của những hàng xóm yếu ớt hơn. Nếu những hàng xóm này không còn nữa, thì tất cả những gì
cây nhận được sẽ là sự tấn công của lũ côn trùng – vốn từng vô hại, nhưng giờ đây đủ để kết liễu cuộc đời của những gã khổng lồ.
Thời gian trước, tôi từng tự khởi xướng một cách hỗ trợ đặc biệt. Vào năm đầu tiên làm quản lý rừng, tôi đã bóc vỏ các cây non. Trong quá trình này, một miếng vỏ cây rộng 3 feet quanh thân cây sẽ bị lột đi nhằm giết chết cây. Căn bản, đây là phương pháp làm thưa rừng, cây không bị đốn hạ, nhưng những thân cây khô còn lại chỉ như những khúc gỗ chết đứng trong rừng. Mặc dù những cái cây này vẫn đứng đó, nhưng chúng sẽ nhường nhiều chỗ hơn cho những cây còn sống, vì tán cây trơ cành của chúng cho phép một lượng lớn ánh sáng rọi đến những cây hàng xóm. Bạn nghĩ phương pháp này có tàn ác không? Tôi thì cho là có đấy, vì cái chết đến từ từ trong vòng vài năm, do vậy, trong tương lai tôi sẽ không quản lý rừng kiểu như thế nữa. Tôi đã quan sát thấy các cây dẻ gai chiến đấu dữ dội thế nào và, thật đáng ngạc nhiên, một số cây sống sót ra sao đến tận ngày nay.
Thông thường, việc sống sót là không thể nào, vì không có vỏ thì cây không thể vận chuyển đường từ lá đến rễ được. Khi rễ chết đói, chúng sẽ ngừng bơm nước, và vì nước không còn lưu chuyển từ thân đến tán, cả cây sẽ chết khô. Tuy nhiên, nhiều cây bị tôi bóc vỏ vẫn tiếp tục lớn lên với nhiều hoặc ít sức sống hơn trước. Giờ đây, tôi biết rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi có sự giúp đỡ từ những cây hàng xóm không bị tổn hại. Nhờ mạng lưới ngầm dưới đất, các cây hàng xóm sẽ tiếp quản công việc cung cấp thức ăn cho rễ, và nhờ vậy bạn của chúng có thể tiếp tục sống sót. Một số cây thậm chí còn xoay xở mọc vỏ mới nối liền các khoảng trống trên vỏ, và tôi thừa nhận rằng: Tôi luôn có chút hổ thẹn khi nhìn thấy những gì mình đã làm ngày trước. Tuy nhiên, nhờ đó mà tôi đã hiểu được rằng cộng đồng cây có thể mạnh đến mức nào. “Sức bền của một sợi xích chỉ bằng sức bền của mắt xích yếu nhất.” Cây chắc hẳn là nguồn cảm hứng để người xưa thốt lên câu tục ngữ trên. Và vì cây biết điều này theo bản năng, nên chúng không ngần ngại giúp đỡ lẫn nhau.
4 —★—
TÌNH YÊU
Nhịp sống thong thả của cây cũng thể hiện rõ khi vào mùa sinh sản. Việc duy trì nòi giống được lên kế hoạch trước ít nhất một năm. Việc cây có “yêu đương” vào mỗi mùa xuân hay không phụ thuộc vào giống loài. Trong khi các cây ngành thông✽ đưa hạt giống của chúng đến thế giới này ít nhất một năm một lần, thì các cây rụng lá✽ có chiến lược hoàn toàn khác. Trước khi nở hoa, chúng sẽ thỏa thuận với nhau. Chúng có nên “yêu đương” vào mùa xuân kế tiếp không, hay sẽ tốt hơn nếu chờ một hoặc hai năm nữa? Cây trong rừng thường thích nở hoa vào cùng một thời điểm để gen của nhiều cây riêng rẽ có thể được pha trộn tốt hơn. Cây ngành thông và cây rụng lá đều tán thành việc này, nhưng cây rụng lá có một nhân tố khác cần phải xem xét: Những kẻ chuyên gặm chồi non, như lũ lợn lòi hoặc hươu.
Lợn lòi và hươu cực kỳ thích hạt dẻ gai và hạt sồi, vì cả hai loại hạt này đều giúp chúng “khoác thêm” lớp mỡ bảo vệ khi đông đến. Chúng lùng sục những hạt này vì cả hai loại chứa đến 50% dầu và tinh bột – nhiều hơn bất kỳ loại thức ăn nào khác. Thường thì toàn bộ khu rừng đều được nhặt sạch những mẩu hạt cuối cùng trong mùa thu, đến nỗi vào mùa xuân hiếm có chồi non dẻ gai hay sồi nào nhú lên được. Và đây là lý do tại sao cây thỏa thuận với nhau từ trước. Nếu chúng không nở hoa hàng năm, thì lũ thú ăn thực vật chẳng thể nào dựa dẫm vào chúng. Cây sẽ trì hoãn việc tạo ra thế hệ kế tiếp, vì suốt mùa đông lũ động vật mang thai phải căng mình chịu đựng một thời
gian dài với rất ít thức ăn, và nhiều con sẽ không sống sót nổi. Khi tất cả dẻ gai và sồi đồng loạt nở hoa vào cùng một thời điểm rồi kết trái, số thú ăn thực vật ít ỏi còn lại sẽ không thể nào phá hủy được mọi thứ, vì thế sẽ luôn có kha khá hạt giống không bị chúng phát hiện nảy mầm thành cây con.
Đi “Năm trĩu hạt” là cụm từ cổ dùng để mô tả năm dẻ gai và sồi kết hạt. Trong những năm sung túc hạt này, tỷ lệ sinh của lợn lòi có thể tăng gấp ba vì chúng có đủ thức ăn trong rừng suốt mùa đông. Thời xưa, nông dân châu Âu lùa lợn nhà – loài họ hàng của lợn lòi đã được thuần dưỡng, vào rừng ăn quả rụng. Mục đích của việc này là bầy lợn sẽ ngốn ngấu hạt rừng và béo tốt lên trước khi bị đem đi giết thịt. Vào năm kế tiếp sau năm trĩu hạt, số lượng lợn lòi thường đột ngột giảm mạnh vì dẻ gai và sồi sẽ tạm ngưng kết trái và nền rừng lại lần nữa trơ trụi hạt.
Nếu dẻ gai và sồi hoãn việc ra hoa trong vài năm, hậu quả chết chóc cũng sẽ đến với lũ côn trùng – đặc biệt là đối với loài ong. Ong sẽ chịu cảnh tương tự như lợn lòi: Cây ngừng ra hoa trong nhiều năm khiến dân số của chúng suy giảm. Hoặc, nói chính xác hơn, khiến chính chúng suy sụp, vì ngay từ đầu ong không bao giờ gầy dựng đàn với dân số lớn trong những rừng cây lá rụng. Nguyên nhân là những cây rừng thực sự không hề quan tâm đến những người giúp đỡ tí hon này. Số “nhân viên thụ phấn” ít ỏi còn sót lại sau nhiều năm bạn chẳng đơm hoa sẽ giúp được gì khi sau đó bạn nở rộ hàng triệu hàng triệu đóa hoa trong hơn hàng trăm dặm vuông chứ? Nếu bạn là cây dẻ gai hay sồi, thì bạn phải nghĩ ra phương thức thụ phấn khả thi hơn, thậm chí có thể chẳng cần phải trả bất kỳ khoản phí nào. Và còn gì có thể tự nhiên hơn là sử dụng gió? Gió thổi phấn bay khỏi hoa và mang phấn đến những cây bên cạnh. Gió còn có thêm một lợi thế nữa. Đó là gió vẫn thổi khi nhiệt độ hạ thấp, thậm chí khi nhiệt độ xuống dưới 53 độ Fahrenheit (11,67 độ C) – mức nhiệt độ quá lạnh đối với ong và chúng sẽ ở lại trong tổ.
Cây ngành thông nở hoa hầu như mỗi năm, nghĩa là ong vẫn được lựa chọn làm phương pháp thụ phấn do chúng luôn tìm
ợ ự ọ p g p p ụ p g kiếm thức ăn. Tuy nhiên, cây ngành thông lại là loài bản địa ở những khu rừng phía bắc – nơi quá lạnh khiến ong không thể ra ngoài lang thang vào thời điểm cây nở hoa, và đó có thể là lý do vì sao các cây ngành thông, tương tự như dẻ gai và sồi, thích dựa vào gió hơn. Các cây ngành thông cũng không phải lo lắng đến việc tạm dừng ra hoa như dẻ gai và sồi, vì chúng không có lý do gì phải sợ hươu và lợn lòi. Những hạt bé tí nằm trong các quả hình nón của “Vân sam & Những người bạn”✽ chẳng phải là nguồn dinh dưỡng hấp dẫn gì lắm. Thật vậy, tuy có những loài chim như sẻ đỏ mỏ chéo tách được các quả hình nón nhờ vào chiếc mỏ chéo chắc khỏe và ăn các hạt bên trong, nhưng nhìn chung, chim dường như không phải là vấn đề lớn. Và do hầu như không loài thú nào thích trữ hạt của các cây ngành thông làm thức ăn dự trữ cho mùa đông, nên cây sẽ thả những “người thừa kế” tiềm năng của chúng vào thế giới này trên những đôi cánh tí hon. Bằng cách đó, hạt giống của chúng sẽ chầm chậm rơi xuống từ các đầu cành và có thể dễ dàng được gió cuốn đi.
“Vân sam & Những người bạn” sản xuất ra một lượng lớn phấn hoa, như thể chúng muốn vượt mặt những cây lá rụng về khoản kết đôi. Chúng sản xuất nhiều phấn hoa đến nỗi chỉ một cơn gió nhẹ cũng tạo ra các đám mây bụi khổng lồ cuồn cuộn quét qua rừng cây ngành thông trong mùa nở hoa, tạo cảm giác như có lửa đang cháy âm ỉ bên dưới các ngọn cây. Điều này không khỏi dấy lên câu hỏi rằng làm thế nào cây tránh được tình trạng phối giống cận huyết trong hoàn cảnh hỗn loạn như vậy. Cây sống sót được đến tận ngày nay đều nhờ lượng gen phong phú của mỗi loài. Nếu tất cả chúng đều giải phóng phấn hoa cùng một thời điểm, thì các hạt phấn hoa tí hon từ tất cả cây sẽ hòa lẫn vào nhau và bay lững lờ trên tán rừng. Vì phấn hoa của một cây thường đặc biệt tập trung quanh cành của chính cây đó, nên thật sự có nguy cơ phấn sẽ thụ tinh cho hoa cái cùng cây. Nhưng, như tôi đã đề cập, đây chính xác là điều mà cây muốn tránh. Để giảm thiểu khả năng này, cây có nhiều chiến lược khác nhau.
Một số loài – như vân sam – dựa vào việc canh thời gian. Hoa đực và hoa cái nở cách nhau vài ngày, nhờ đó, hoa cái thường sẽ được phấn hoa của cây vân sam khác rắc lên. Nhưng đây không phải là lựa chọn cho những cây như loài mận mơ – loài dựa vào côn trùng. Mận mơ có cả cơ quan sinh dục đực và cái trên cùng một bông hoa, và chúng là một trong số ít các loài cây rừng “chính hiệu” cho phép bản thân được ong thụ phấn. Khi ong bay xuyên qua toàn bộ tán lá, chúng không thể không phát tán phấn hoa của chính cây đó. Nhưng mận mơ lại cảnh giác và cảm nhận được khi nào thì mối nguy phối giống cận huyết ập đến. Khi hạt phấn đáp xuống đầu nhụy, gen trong hạt phấn sẽ được kích hoạt và nó sẽ mọc ra một ống mảnh xuyên xuống bầu nhụy để tìm trứng. Trong lúc quá trình trên diễn ra, cây sẽ kiểm tra cấu tạo gen của hạt phấn, và nếu gen khớp với gen của cây, thì cây sẽ chặn ống phấn, rồi ống này sẽ héo đi. Chỉ những gen lạ – tức những gen hứa hẹn thành công trong tương lai, mới được phép tiến vào để tạo ra hạt giống cùng trái cây. Làm cách nào mà mận mơ phân biệt được đâu là “của mình” và đâu là “của bạn”? Chúng ta không biết chính xác. Chúng ta chỉ biết là gen phải được kích hoạt và phải vượt qua được bài kiểm tra của cây. Bạn có thể cho rằng cây “cảm nhận” được chúng. Bạn cũng có thể cho rằng chính bản thân chúng ta cũng trải nghiệm các hành vi thể hiện tình yêu nhiều hơn là việc tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh kích hoạt những bí mật trong cơ thể, dù vậy, cây cảm thấy thế nào khi kết đôi trước giờ vẫn nằm trong suy đoán.
Một số loài có cách tránh phối giống cận huyết đặc biệt hiệu quả: Mỗi cá thể chỉ có một giới tính duy nhất. Ví dụ, có cả cây liễu đực và cây liễu cái, nghĩa là chúng không thể tự thụ tinh mà chỉ có thể sinh sản đời sau với những cây liễu khác. Nhưng phải nói thêm rằng, liễu không phải là cây rừng “chính hiệu”. Chúng thường chiếm lấy những mảnh đất hoang – những khu vực vẫn chưa biến thành rừng. Vì có hàng ngàn hoa dại và cây bụi nở ở những nơi như vậy khiến ong bị thu hút, nên liễu – giống như mận mơ, cũng dựa vào côn trùng để thụ phấn. Nhưng như thế lại nảy ra vấn đề. Đầu tiên, ong phải bay đến cây liễu đực, thu
thập phấn hoa ở đó, rồi mới mang phấn hoa sang cây cái. Nếu làm ngược lại thì sẽ không có sự thụ tinh. Vậy cây phải xoay xở vấn đề này ra sao khi mà cả hoa đực và cái nở cùng một lúc? Các nhà khoa học khám phá ra rằng tất cả liễu đều tỏa ra mùi hương quyến rũ để thu hút ong. Một khi lũ ong đến khu vực mục tiêu, liễu sẽ chuyển sang tín hiệu thị giác. Vì mục đích này, cây liễu đực đổ rất nhiều công sức vào những bông hoa trông giống như đuôi sóc của chúng, khiến những bông hoa này có màu vàng rực rỡ. Như vậy, ong sẽ bị chúng thu hút trước tiên. Một khi ong đã dùng xong bữa ăn thứ nhất với mật hoa giàu đường, chúng sẽ rời đi và ghé thăm những bông hoa xanh xanh khá khó thấy của những cây liễu cái.
Phối giống cận huyết, như chúng ta biết đối với động vật có vú – tức là phối giống giữa quần thể có họ hàng với nhau – dĩ nhiên vẫn có thể xảy ra trong cả ba trường hợp tôi đề cập ở trên. Đối với vấn đề này, cả gió và ong đều mang đến hiệu quả như nhau. Vì cả hai đều là chiếc cầu nối liền khoảng cách lớn, chúng đảm bảo ít nhất sẽ có một số cây nhận được phấn hoa từ những họ hàng xa, và vì vậy vốn gen trong khu vực vẫn luôn được làm mới. Tuy nhiên, những loài cây hiếm sống ở nơi hoàn toàn biệt lập – nơi chỉ có rất ít cây mọc – có thể mất đi sự đa dạng gen của chúng. Khi sự đa dạng gen mất đi, những cây này sẽ yếu dần và, chỉ sau vài thế kỷ, chúng sẽ biến mất.
5 —★—
CUỘC XỔ SỐ CỦA CÂY
Cây luôn duy trì sự cân bằng bên trong. Chúng phân bổ sức khỏe của mình thật cẩn thận, và phải sử dụng năng lượng thật tiết kiệm để thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Chúng sử dụng một số năng lượng để phát triển. Cành phải dài thêm và thân phải to ra để chống đỡ trọng lượng càng lúc càng tăng của mình. Chúng cũng dự trữ lại một số năng lượng để có thể tức thời phản ứng và kích hoạt các hợp chất phòng vệ trong lá và thân nếu bị côn trùng hay nấm tấn công. Cuối cùng, mới tính đến vấn đề nhân giống.
Các loài cây nở hoa hàng năm lập kế hoạch cho nhiệm vụ nặng nề này bằng cách cẩn thận định chuẩn mức năng lượng của mình. Tuy nhiên, các loài cây ba năm đến năm năm mới nở hoa một lần, chẳng hạn như dẻ gai hay sồi, thì mặc kệ luôn chuyện cân bằng mỗi khi mùa hoa đến. Phần lớn năng lượng của chúng vốn dành cho các nhiệm vụ khác, nhưng chúng cần phải tạo ra lượng hạt khổng lồ đến nỗi giờ đây mọi chuyện khác đều thành thứ yếu. Trận chiến của các cành cây bắt đầu. Chẳng còn khe trống nào cho hoa nở, nên lượng lá tương ứng phải rời khỏi chỗ của mình. Những năm lá héo quăn và rơi xuống, cây trông trơ trụi khác thường, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi báo cáo về tình trạng của những khu rừng nơi các cây mắc bệnh đang sống mô tả rằng tán rừng đang trong tình trạng thảm thương. Bởi vì tất cả cây đều sẽ trải qua quá trình này cùng lúc, nên đối với một người ngẫu nhiên bắt gặp thì rừng có vẻ như bị bệnh vậy. Rừng không bệnh, nhưng nó lại dễ bị tổn thương. Cây
sử dụng nguồn năng lượng dự trữ cuối cùng để tạo ra hàng hà sa số đóa hoa, và rắc rối tăng lên khi chúng còn sót lại rất ít lá, vì thế chúng tạo ra lượng đường ít hơn bình thường. Hơn nữa, phần lớn đường tạo ra đều bị chuyển hóa thành dầu và tinh bột trong hạt, do đó gần như chẳng còn lại bao nhiêu để đáp ứng nhu cầu thường ngày của cây, hay để dự trữ cho mùa đông – chứ đừng nói đến năng lượng dự trữ cho việc phòng chống bệnh tật.
Nhiều loài côn trùng luôn chờ đợi thời khắc này. Ví dụ, một lá dẻ gai đẻ hàng triệu, hàng triệu quả trứng vào những tán lá mơn mởn chẳng có chút sức tự vệ nào. Tại đây, hàng trăm con ấu trùng tí hon sẽ gặm thành vô số đường hầm bằng phẳng xuyên từ mặt trên và dưới của lá, và để lại những vệt dài mỏng màu nâu. Những con bọ trưởng thành thì gặm lỗ chỗ trên lá cho đến khi chiếc lá trông như thể bị một tay thợ săn dùng súng bắn tơi tả vậy. Một vài năm, sâu hại nặng đến nỗi, nhìn từ xa, dẻ gai trông nâu nhiều hơn xanh. Thông thường, cây sẽ chiến đấu lại bằng cách khiến bữa ăn của lũ côn trùng trở nên cay đắng – theo đúng nghĩa đen. Nhưng sau khi trổ hết hoa, chúng cạn sạch sức, vì vậy mùa này chúng đành chịu đựng sự tấn công mà không phản ứng lại được.
Cây khỏe mạnh sẽ vượt qua được, nhất là vì sau đó chúng sẽ có một vài năm để hồi phục. Tuy nhiên, nếu một cây dẻ gai đã bệnh sẵn trước khi bị tấn công, thì sâu hại sẽ là hồi chuông báo tử cho nó. Ngay cả khi cây biết rõ điều này, nó vẫn không nở hoa ít đi.
Qua những lần các khu rừng cao chết, chúng ta biết được thường những cá thể đặc biệt thương tích sẽ nở rộ đầy hoa. Nếu chúng chết đi, di sản gen của chúng có lẽ sẽ biến mất, do vậy chúng hiển nhiên muốn sinh sản ngay lập tức để bảo đảm gen của mình được kế tục. Điều tương tự cũng xảy ra sau những mùa hè nóng bất thường. Sau những đợt hạn hán ác liệt đẩy nhiều cây đến bờ vực cái chết, tất cả chúng sẽ cùng nở hoa vào năm sau đó – điều này cho thấy số lượng lớn hạt dẻ gai và sồi xuất hiện không có nghĩa là mùa đông tiếp theo sẽ đặc biệt khắc
ệ g g g p ặ ệ nghiệt. Vì hoa trổ vào mùa hè trước đó, lượng trái dồi dào sẽ phản ánh điều đã xảy ra trong năm trước chứ chẳng liên quan gì đến điều sẽ xảy ra trong tương lai. Ảnh hưởng của việc tự vệ kém sẽ lần nữa lộ ra trong mùa thu, lần này là trong hạt. Lũ sâu ăn lá dẻ gai đẻ trứng vào chồi quả lẫn lá. Do đó, mặc dù hạt dẻ gai thành hình, nhưng bên trong rỗng tuếch, và vì vậy, chúng chẳng thể nảy mầm và hoàn toàn vô dụng.
Khi hạt rơi khỏi cây, mỗi loài đều có chiến lược riêng của mình về thời điểm hạt sẽ nảy mầm. Vậy chúng làm thế nào? Nếu hạt rớt xuống đất mềm ẩm, thì nó chẳng có lựa chọn nào khác ngoại trừ nảy mầm ngay khi thời tiết ấm lên dưới ánh mặt trời mùa xuân, vì mỗi ngày phôi cây đều nằm trên mặt đất mà chẳng hề được bảo vệ khỏi mối nguy hiểm lớn nhất – mùa xuân đang đến cùng lũ lợn lòi và lũ hươu háu đói. Và đây là điều mà những hạt giống lớn của những loài như dẻ gai và sồi đã làm. Thế hệ dẻ gai và sồi kế tiếp sẽ trồi lên từ hạt nhanh nhất có thể để giảm thiểu sự thu hút đối với lũ thú ăn thực vật. Và vì đây là kế hoạch duy nhất, nên hạt sẽ không có chiến lược tự vệ lâu dài trước nấm và vi khuẩn. Chúng sẽ lột bỏ lớp vỏ bảo vệ – thứ sẽ nằm lại dưới nền rừng suốt mùa hè và rồi mục rữa khi xuân sang.
Tuy nhiên, nhiều loài cây khác để hạt của chúng có cơ hội được chờ một hay nhiều năm trước khi bắt đầu mọc. Đương nhiên, hạt có nguy cơ cao bị ăn mất, nhưng điều này cũng mang đến những lợi thế đáng kể. Ví dụ, cây con có thể chết khát trong mùa xuân khô hạn, và khi điều đó xảy ra thì mọi sức lực dồn vào thế hệ kế tiếp coi như uổng phí. Hoặc khi một con hươu lập lãnh thổ và chọn nơi kiếm ăn chính của nó ngay chỗ hạt rớt xuống, thì chưa tới vài ngày những chiếc lá thơm ngon của cây non đã nằm gọn trong bao tử hươu. Trái lại, nếu một số hạt không nảy mầm trong một năm hoặc hơn, thì nguy cơ sẽ được trải đều, nhờ vậy ít nhất một vài cây con có thể sống sót.
Mận mơ thì dùng chiến thuật sau: Hạt của chúng có thể nằm im lìm đến tận năm năm, chờ đúng thời điểm để nảy mầm. Đây
ậ g y y là chiến thuật tốt đối với loài tiên phong đặc hữu này. Hạt dẻ gai và sồi luôn luôn rơi xuống dưới gốc cây mẹ, vì vậy cây non sẽ mọc ở vùng vi khí hậu dễ chịu và có thể đoán trước được, nhưng những cây mận mơ con thì có thể mọc ở bất cứ đâu. Những con chim ngấu nghiến quả mơ chua sẽ thả ngẫu nhiên khắp nơi số hạt giống được bọc trong những gói phân của chúng. Nếu gói phân đáp xuống chốn đồng không mông quạnh vào năm thời tiết khắc nghiệt, thì nhiệt độ sẽ nóng hơn và nguồn nước sẽ khan hiếm hơn so với dưới bóng râm ẩm ướt trong một khu rừng trưởng thành. Vậy sẽ có lợi hơn nếu ít nhất một số “hành khách trốn vé” kia chờ vài năm trước khi bước vào cuộc sống mới.
Và sau khi chúng thức giấc thì sao? Cơ hội nào cho những cây trẻ tuổi lớn lên và tạo ra thế hệ kế tiếp? Đó là một phép tính tương đối dễ. Thống kê cho thấy, mỗi cây nuôi nấng chính xác một hậu duệ trưởng thành để thế chỗ nó. Đối với những cây không thực hiện điều này, hạt có lẽ nảy mầm và cây non có lẽ sinh trưởng được trong vài năm, hoặc thậm chí vài thập kỷ, trong bóng râm, nhưng sớm hay muộn thì chúng cũng đều xong đời. Mà không chỉ mỗi chúng. Hàng tá lứa con cháu từ những năm khác cũng mọc ngay dưới chân cây mẹ, và dần dần, hầu hết đều bỏ cuộc và quay về với mùn. Cuối cùng, chỉ vài hạt giống may mắn được gió hay động vật đưa đến những khoảng không thoáng đãng hơn trên nền rừng mới có khởi đầu cuộc sống tốt đẹp và phát triển thành cây trưởng thành.
Quay lại với tỉ lệ đánh cược. Mỗi năm năm, một cây dẻ gai tạo ra ít nhất ba mươi nghìn hạt (nhờ khí hậu thay đổi, hiện tại dẻ gai kết hạt thường xuyên hơn – mỗi hai hoặc ba năm, nhưng giờ chúng ta hãy bỏ chuyện đó sang một bên). Dẻ gai thành thục vào khoảng 80 đến 150 tuổi, phụ thuộc vào lượng ánh sáng nhận được tại nơi nó lớn lên. Giả sử cây lớn được đến 400 tuổi, nó có thể kết hạt ít nhất sáu mươi lần và tạo ra tổng cộng khoảng 1,8 triệu hạt. Từ những hạt này, chính xác sẽ có một hạt phát triển thành một cây trưởng thành – và trong ngôn ngữ
rừng xanh, đó là tỉ lệ thành công cao, tương đương với thắng xổ số. Tất cả những phôi cây có triển vọng khác hoặc là bị động vật ăn mất, hoặc là bị nấm hay vi khuẩn phân rã thành mùn đất.
Sử dụng công thức tương tự, hãy thử tính toán tỉ lệ đối với những cây con trong điều kiện kém thuận lợi nhất. Hãy xem xét cây dương. Mỗi cây mẹ tạo ra đến 54 triệu hạt – mỗi năm. Những cây dương con hẳn thích đổi chỗ với những cây dẻ gai con lắm đây. Trước khi những cây dương già “chuyển giao quyền lực” cho thế hệ kế tiếp, chúng tạo ra hơn một tỷ hạt giống. Được gói trong những chiếc vỏ phủ lông tơ, những hạt dương tấn công qua đường “hàng không” để tìm vùng đồng cỏ mới. Nhưng, đơn thuần dựa trên thống kê, ngay cả hạt dương cũng chỉ có thể có một kẻ chiến thắng duy nhất.
6 —★—
LỚN CHẬM RÃI
Một thời gian dài, thậm chí chính tôi cũng không biết cây lớn chậm đến mức nào. Trong khu rừng tôi quản lý, có những cây dẻ gai cao từ 3 đến 7 feet (0,9144 – 2,1336 m). Trong quá khứ, tôi từng ước lượng chúng không lớn quá mười tuổi. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu những bí ẩn bên ngoài lĩnh vực lâm nghiệp thương mại, tôi đã quan sát kỹ lưỡng hơn.
Cách đơn giản để ước lượng tuổi của một cây dẻ gai còn non là đếm số mấu nhỏ trên cành. Những mấu này là phần gồ lên rất nhỏ trông giống như một loạt nếp gấp chồng đều lên nhau. Chúng hình thành mỗi năm dưới các chồi, và khi chồi phát triển vào mùa xuân kế tiếp và cành cây dài thêm, các mấu này vẫn nằm lại đó. Mỗi năm, điều tương tự lại xảy ra, vì vậy số lượng mấu sẽ tương ứng với số tuổi của cây. Khi cành cây dày thêm khoảng một phần mười inch (0,254 cm), mấu sẽ biến mất vào lớp vỏ cây nở rộng.
Khi tôi kiểm tra những cây dẻ gai còn non, hóa ra chỉ riêng một nhánh con dài 8 inch (20,32 cm) đã có đến 25 mấu. Tôi không thể tìm được dấu hiệu khác thể hiện tuổi cây trên thân cây bé xíu - có đường kính chưa đến một phần ba inch (0,8466 cm), nhưng khi tôi cẩn thận ngoại suy tuổi cây dựa trên tuổi cành cây, tôi khám phá ra cây chắc hẳn đã được ít nhất 80 tuổi, hoặc có lẽ còn lớn hơn. Điều đó có vẻ thật khó tin, mãi đến lúc tôi tiếp tục nghiên cứu của mình ở những khu rừng cổ xưa. Giờ thì tôi biết: Chuyện này hoàn toàn bình thường.
Cây non thích lớn nhanh đến nỗi chuyện cao thêm khoảng 18 inch (45,72 cm) mỗi mùa hoàn toàn chẳng thành vấn đề với chúng. Nhưng thật không may, mẹ của chúng lại không ủng hộ việc phát triển mau chóng. Chúng che hậu duệ của mình dưới những tán lá khổng lồ, và tán của tất cả các cây trưởng thành đều khép kín vào nhau tạo thành một vòm lá rậm rạp phía trên nền rừng. Vòm lá này chỉ để mỗi ba phần trăm lượng ánh sáng sẵn có chiếu xuống mặt đất – tức chiếu lên lá con cháu chúng. Ba phần trăm – có cũng như không. Với lượng ánh sáng mặt trời như vậy, cây chỉ có thể quang hợp vừa đủ để giữ bản thân khỏi chết. Chẳng còn gì để cung cấp cho cây cao thêm, hay thậm chí cho thân dày thêm chút ít. Và việc phản kháng lại cách dạy dỗ nghiêm khắc này là không thể, vì cây chẳng có năng lượng đâu mà duy trì phản kháng. Dạy dỗ ư? Bạn sẽ hỏi. Vâng, tôi quả thực đang nói đến phương pháp giáo dục nhằm bảo đảm sự khỏe mạnh của những cây con non nớt. Và không phải tôi tự nhiên nghĩ ra từ này đâu – nhiều thế hệ quản lý rừng đã dùng từ này khi nói đến loại hành vi trên của cây.
Phương pháp được sử dụng theo kiểu nuôi nấng này là hạn chế ánh sáng. Nhưng việc hạn chế này nhằm mục đích gì? Chẳng phải cha mẹ đều mong con cái mình độc lập càng sớm càng tốt sao? Cây, ít nhất là vậy, sẽ trả lời câu hỏi này với chữ “không” vang rền, và khoa học gần đây cũng ủng hộ chúng. Các nhà khoa học đã xác định rằng việc phát triển chậm khi cây còn non là điều kiện tiên quyết để cây có thể sống thọ. Con người chúng ta thường dễ dàng quên mất thế nào mới là một cây thực sự “sống thọ”, vì lâm nghiệp hiện đại thường đặt chỉ tiêu tối đa cho cây trồng là 80 – 120 tuổi trước khi bị đốn hạ và biến thành tiền mặt.
Trong điều kiện tự nhiên, những cây độ tuổi đó sẽ không to hơn một chiếc bút chì và sẽ không cao hơn một con người. Do trưởng thành chậm, các tế bào gỗ bên trong chúng bé tí và hầu như không chứa không khí. Nhờ đó, cây sẽ mềm dẻo và khó gãy đổ khi có bão. Quan trọng hơn, khả năng kháng nấm tăng cao
khiến nấm khó lây lan giữa các thân cây bé bỏng nhưng dẻo dai này. Thương tổn cũng không phải là vấn đề lớn đối với chúng, vì cây có thể dễ dàng ngăn cách các vết thương – tức là đóng vết thương lại bằng cách mọc vỏ cây lên trên – trước khi hiện tượng mục rữa xuất hiện.
Được dạy dỗ tốt là điều cần thiết để có thể sống thọ, nhưng thỉnh thoảng sự kiên nhẫn của những cây non bị thử thách rất lớn. Như tôi đã đề cập trong chương 5 “Cuộc xổ số của cây”, hạt sồi và dẻ gai thường rơi xuống chân cây mẹ to lớn. Tiến sĩ Suzanne Simard, người đã giúp khám phá ra bản năng làm mẹ ở cây, mô tả những cây mẹ dưới tư cách là cây thống trị sẽ liên kết rộng rãi với những cây khác trong rừng thông qua hệ thống kết nối nấm – rễ của chúng. Những cây này để lại di sản cho thế hệ sau và sử dụng sức ảnh hưởng của mình để dạy dỗ những cây con. Những cây dẻ gai “của tôi” – những cây cho đến nay đã chờ đợi ít nhất tám mươi năm, đang đứng dưới cây mẹ khoảng hai trăm tuổi – tương đương người bốn mươi tuổi. Những cây bị ức chế sinh trưởng có thể phải chờ hai trăm năm nữa trước khi đến lượt mình mà chẳng thể làm gì. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi này đã được “thiết kế” sao cho chúng có thể chịu đựng vượt qua. Những cây mẹ sẽ liên lạc với chúng nhờ hệ thống rễ, qua đó đưa đường và các dưỡng chất khác đến. Bạn thậm chí có thể nói rằng những cây mẹ đang nuôi dưỡng con của mình.
Bạn có thể tự quan sát xem cây non đang chơi trò chờ đợi hay đang tăng trưởng nhảy vọt. Hãy nhìn vào cành của một cây lãnh sam bạc nhỏ nhắn hoặc một cây dẻ gai. Nếu chiều rộng của cây rõ ràng lớn hơn chiều cao, thì cây non này đang trong trạng thái chờ đợi. Ánh sáng chúng nhận được không đủ tạo ra năng lượng cần thiết để phát triển thân cao hơn, và do đó, cây non đang cố gắng bắt lấy những tia nắng ít ỏi còn sót lại một cách hiệu quả nhất. Để làm được điều này, cây duỗi dài cành theo chiều ngang và mọc ra những chiếc lá đặc biệt nhạy cảm hoặc những chiếc lá kim thích nghi với bóng râm. Thường thì bạn rất
khó phân biệt đâu là đọt trên những cây thế này; chúng giống như bonsai tán phẳng vậy.
Một ngày kia, thời điểm đã đến. Cây mẹ đã đến cuối dốc cuộc đời hoặc lâm bệnh. Thử thách sau cùng có thể sẽ diễn ra trong suốt cơn bão mùa hè. Khi mưa đổ xuống như trút nước, thân cây giòn xốp sẽ không thể chống đỡ sức nặng vài tấn của tán lá được nữa, và nó gãy tan tành. Khi cây ngã xuống, nó làm gãy vài cây non đang trong trạng thái chờ đợi. Khoảng không mới mở ra trên tán rừng bật đèn xanh cho những thành viên còn lại trong “vườn trẻ”: Chúng có thể bắt đầu quang hợp thỏa thích. Giờ thì sự trao đổi chất của chúng vào guồng, cây mọc ra những chiếc lá cứng cáp hơn cùng những chiếc lá kim có thể thích nghi và chuyển hóa ánh sáng.
Giai đoạn này thường kéo dài từ một đến ba năm. Qua thời gian này là đến lúc để tiến lên phía trước. Tất cả cây non đều muốn lớn lên ngay, và chỉ những cây nào biết cố gắng và mọc thẳng như một mũi tên lao về phía bầu trời mới trụ lại được trên đường đua. Khó khăn trùng trùng đối với những cây không tuân thủ quy tắc – những cây nghĩ rằng chúng có thể uốn trái hay vẹo phải tùy tâm trạng và có thể lãng phí thời gian trước khi vươn lên cao. Bị những bạn cây khác vượt mặt, chúng phát hiện rằng chúng lại lần nữa lâm vào bóng tối. Khác với trước, dưới tán của mấy cây bạn mọc nhanh hơn kia sẽ tối hơn nhiều so với dưới tán của cây mẹ. Những cây “choai choai” sẽ dùng hết phần lớn ánh sáng yếu ớt còn lại; còn những cây tụt hậu sẽ chết dần và một lần nữa hóa thành đất mùn.
Có nhiều mối nguy tiềm ẩn hơn trên đường vươn đến đỉnh. Ngay khi ánh mặt trời rực rỡ tăng mức độ quang hợp và kích thích tăng trưởng, chồi của những cây đang lớn nhanh sẽ nhận được nhiều đường hơn. Khi còn trong trạng thái chờ đợi, chồi của chúng là những búp tròn khó nhai và đắng nghét, nhưng giờ chồi đã trở thành món ngon ngọt ngào – ít nhất thì lũ hươu cho rằng như thế. Vậy là, một số cây non trở thành nạn nhân của lũ thú ăn thực vật, bảo đảm cho sự sinh tồn của lũ hươu
ự ậ ự
trước mùa đông sắp đến, nhờ có thêm một nguồn cung cấp calo. Nhưng cả khi đám cây đã lớn khổng lồ thì vẫn còn nhiều cây tiếp tục phát triển.
Ở bất cứ nơi nào đột nhiên có nhiều ánh sáng hơn, những cây có hoa đều thử vận may của mình, bao gồm cây kim ngân. Chúng sử dụng dây leo của mình, bò xoắn theo chiều kim đồng hồ quanh những thân cây bé nhỏ. Bằng cách cuộn mình quanh thân, kim ngân có thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng của cây non và hoa của nó có thể tắm mình trong ánh mặt trời. Tuy nhiên, sau nhiều năm, thân leo của kim ngân hằn vào vỏ cây đang dày thêm và chầm chậm bóp nghẹt cây non. Giờ là câu hỏi về vấn đề thời gian: Liệu tán rừng hình thành từ những cây già sẽ nhanh chóng khép lại và đẩy cây non vào bóng tối lần nữa hay không? Nếu việc này xảy ra, kim ngân sẽ khô héo và chỉ để lại những vết sẹo trên cây. Nhưng nếu vẫn còn nhiều ánh sáng trong một thời gian dài – có lẽ bởi cây mẹ chết đi kia đặc biệt lớn nên để lại một khoảng trống cũng lớn tương tự, thì cây non đang trong “vòng tay ôm ấp” của kim ngân sẽ bị siết đến chết. Cây chết non – mặc dù là điều rất xui xẻo với cây, nhưng ít nhiều đem lại sự thích thú khi chúng ta biến những khối gỗ vặn xoắn kỳ lạ này thành gậy chống.
Những cây non vượt hết mọi khó khăn và tiếp tục phát triển cao lớn, dù vậy, vẫn bị thử thách lần nữa trước khi hai mươi năm tiếp theo trôi qua. Lần này là mất bao lâu để những cây hàng xóm quanh cây mẹ đã chết vươn cành của chúng lấp vào khoảng trống mà cây mẹ để lại khi nó ngã xuống. Chúng lợi dụng cơ hội này để mở rộng tán và chiếm thêm một ít không gian quang hợp khi chúng già. Một khi tầng lá phía trên mọc trùm qua, thì bên dưới khoảng trống đó lại lần nữa tăm tối. Những cây dẻ gai, lãnh sam và thông non đã đi được phân nửa đoạn đường đầu tiên giờ lại phải chờ cho đến khi một trong số những cây hàng xóm to lớn này “chết trận”. Điều đó có thể mất hàng trăm năm, nhưng dù tốn nhiều thời gian, thì ở trong “đấu trường” đặc thù này, số phận đã được an bài sẵn. Tất cả những
cây thành công vươn lên đến tầng giữa rừng không còn bị đe dọa bởi các đối thủ cạnh tranh nữa. Chúng giờ là những “hoàng tử” và “công chúa” kế vị – những cây cuối cùng sẽ trưởng thành khi cơ hội tiếp theo lại đến.
7 —★—
QUY ƯỚC TRONG RỪNG
ở trong rừng, cây cối có những quy ước bất thành văn riêng. Những quy ước này định ra vẻ ngoài chuẩn mực cho các thành viên danh dự trong những khu rừng cổ và các dạng hành vi được chấp nhận. Một cây rụng lá trưởng thành và có giáo dưỡng sẽ trông thế này. Nó có thân đứng thẳng với những vân gỗ được sắp xếp cân đối, có thứ tự. Rễ vươn đều về mọi hướng và chạy dài dưới lòng đất. Khi còn nhỏ, cây mọc những cành ngang ra từ thân. Những cành này đã chết từ rất lâu, và cây đã bịt kín chúng bằng lớp vỏ tươi cùng gỗ mới, do vậy thứ bạn thấy giờ đây là một thân trụ dài, trơn nhẵn. Và chỉ khi trèo lên đến ngọn, bạn mới thấy tán lá đối xứng được hình thành từ những cành chắc khỏe giương cao như những cánh tay vươn thẳng lên trời. Cây có hình dáng lý tưởng như vậy thường có thể sống rất lâu. Quy luật tương tự cũng áp dụng cho các cây ngành thông, trừ việc những cành cao nhất phải chìa ngang hoặc hơi uốn cong xuống dưới.
Vậy những điều trên có nghĩa gì? Phải chăng tận đáy lòng cây luôn bí mật ngưỡng mộ cái đẹp? Thật không may, tôi cũng không biết, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng có nguyên nhân hợp lý đằng sau vẻ ngoài lý tưởng này: Đó là sự ổn định. Tán lá to lớn của cây trưởng thành thường phải phơi mình trước những cơn gió xoáy, những cơn mưa như trút, và những đợt tuyết dày. Cây phải làm yếu bớt ảnh hưởng của những ngoại lực này bằng cách san đều chúng từ thân cho đến rễ. Rễ phải giữ chặt trước những đợt tấn công dữ dội để cây không đổ nhào. Để
tránh điều này, rễ bám chặt vào đất và đá. Sức mạnh truyền từ gió bão có thể xé nát gốc cây với một lực tương đương 220 tấn. Nếu cây có bất kỳ điểm yếu nào, nó sẽ gãy. Trong trường hợp xấu nhất, thân sẽ gãy hoàn toàn và toàn bộ tán lá sẽ sụp xuống. Những cây phát triển đồng đều sẽ phân tán được tác động của lực rung lắc, nhờ sử dụng hình dáng của chúng để điều hướng và chia nhỏ lực này ra đều khắp kết cấu cơ thể.
Những cây không tuân theo quy ước định sẵn thường sẽ tự chuốc lấy rắc rối. Ví dụ, nếu một thân cây bị cong, nó sẽ gặp nhiều khó khăn ngay cả khi chỉ đứng yên một chỗ. Trọng lượng khổng lồ của tán không được chia đều trên đường kính của thân mà sẽ nặng hơn về một phía. Để tránh cho thân không đổ xuống, cây phải gia cố thêm gỗ ở phần nặng hơn đó. Việc gia cố này thể hiện qua những khu vực có màu tối đặc thù trên vòng tuổi của cây, cho thấy rằng tại những nơi này cây đã phải loại bớt không khí đi và tăng nhiều gỗ lên.
Những cây có chạc thậm chí càng thiếu ổn định hơn. Ở những cây này, tại một điểm nhất định, hai đọt cây được hình thành, và chúng sẽ tiếp tục phát triển bên cạnh nhau. Mỗi một bên nhánh sẽ tự tạo nên tán lá riêng, vì vậy khi có gió mạnh, cả hai nhánh đều lắc lư trước sau theo nhiều hướng khác nhau, khiến thân bị kéo căng ở nơi bắt đầu tách nhánh. Nếu điểm chuyển tiếp này có hình dạng của một cây âm thoa hoặc hình chữ U, thì thường chẳng có gì xảy ra. Nhưng sẽ thật khốn khổ nếu chạc cây có hình chữ V với hai nhánh giao nhau tại một góc hẹp. Chạc cây thường gãy ngay điểm hẹp nhất – nơi hai nhánh rẽ ra. Vì chỗ gãy khiến cây đau đớn, nên nó cố phình dày khối gỗ để tránh bị tổn thương nhiều hơn. Nhưng thường thì cách này không hiệu quả, và chất lỏng màu đen do chứa vi khuẩn sẽ liên tục rỉ ra từ vết thương. Tệ hơn nữa là một bên chạc cây đã gãy sẽ tụ nước, và nước sẽ xâm nhập vào những kẽ hở trên vỏ khiến cây bị mục. Sớm hay muộn thì cây có chạc thường sẽ gãy mất một bên, chỉ sót lại nhánh vững chắc hơn. Cây-chỉ-còn-một nửa này chỉ sống thêm được vài thập niên, chứ không lâu hơn. Vết
thương hở lớn sẽ không bao giờ lành, và nấm bắt đầu phá hủy cây dần dần từ trong ra ngoài.
Một số cây dường như chọn chuối làm hình mẫu phát triển thân của chúng. Phần gốc hơi nghiêng sang một bên, nên thân dường như phải mất một khoảng thời gian mới có thể đứng thẳng. Những cây như thế này hoàn toàn bỏ qua hướng dẫn, nhưng dường như chúng không đơn độc. Thường thì toàn bộ các khu vực trong một cánh rừng đều có hình dạng như vậy. Có phải luật tự nhiên đã bị bỏ qua trong trường hợp này? Không hề. Chính tự nhiên buộc cây phải chấp nhận kiểu sinh trưởng như thế.
Lấy ví dụ với cây trên những triền núi cao dưới đường giới hạn của cây cối✽. Vào mùa đông, tuyết thường sâu nhiều feet và thường không ngừng chuyển động. Không chỉ trong những lúc tuyết lở. Ngay lúc trời yên gió lặng, tuyết vẫn chầm chậm trượt xuống thung lũng, dù chúng ta không thể phát hiện ra chuyển động này bằng mắt thường. Khi tuyết trượt xuống, nó sẽ bẻ cong nhiều cây – ít nhất là những cây non. Với những cây nhỏ nhất trong - số các cây bị tuyết bẻ cong, thì đấy chưa phải là ngày tận thế. Khi tuyết tan, chúng sẽ bật về vị trí cũ mà chẳng chịu ảnh hưởng xấu gì. Nhưng thân của những cây đã-trưởng thành-được-một-nửa, cao cỡ 10 feet (3,048 m) hoặc hơn sẽ bị tổn hại. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, thân cây sẽ gãy. Nếu thân không gãy, thì cũng bị nghiêng. Từ chỗ bị nghiêng, cây sẽ cố gắng mọc thẳng trở lại. Và vì cây chỉ cao lên từ ngọn, nên phần thân dưới vẫn giữ nguyên thế cong. Vào mùa đông tiếp theo, cây bị ép nghiêng thêm lần nữa. Năm sau đó, cây lại cố mọc thẳng. Nếu trò chơi này cứ tiếp tục trong vài năm, dần dà bạn sẽ có một cây xanh được uốn theo hình của một lưỡi kiếm cong. Chỉ khi cây lớn tuổi hơn, thân chúng mới dày dặn và trở nên đủ vững chắc để không còn bị tổn hại bởi lượng tuyết thông thường. Phần “kiếm cong” bên dưới vẫn giữ nguyên dáng ấy, trong khi phần thân trên – chỗ không bị phá hoại, sẽ thẳng tắp đẹp đẽ như những cây bình thường.
Điều tương tự có thể xảy ra đối với những cây ở nơi không có tuyết nhưng cũng mọc trên triền đồi. Trong các trường hợp này, thỉnh thoảng nền đất tự trượt thật chậm xuống thung lũng trong nhiều năm, thường ở mức không quá một hoặc hai inch (2,54 – 5,08 cm) một năm. Khi điều này xảy ra, cây cũng trượt chầm chậm theo nền đất và chếch nghiêng gốc trong khi vẫn tiếp tục mọc thẳng lên cao. Bạn có thể nhìn thấy những trường hợp đặc biệt thế này ở Alaska và Siberia – những nơi khí hậu thay đổi khiến tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy. Cây mất đi chỗ đứng vững chắc của mình và hoàn toàn mất cân bằng trên tầng đất mềm xốp. Và vì mỗi cây lại nghiêng về một hướng khác nhau, nên khu rừng trông giống như một lũ say khướt đang loạng choạng bước quanh. Do đó, nhà khoa học gọi chúng là những “khu rừng say xỉn”. các
Tại bìa rừng, quy ước thân mọc thẳng không quá khắt khe. Ở nơi này, ánh sáng đến từ cạnh rừng, đồng cỏ hay hồ nước những nơi cây thân gỗ không mọc được – len lỏi vào. Những cây nhỏ hơn có thể tránh bóng của những cây to bằng cách mọc về hướng những khu vực lộ thiên này. Đây là cách mà cây rụng lá hay tận dụng. Nếu chúng để ngọn của mình mọc gần như nằm ngang, thì chúng có thể tăng kích thước tán đến tận 30 feet (9,144 m) nhờ độ nghiêng tối đa của thân. Tất nhiên, như thế thì cây sẽ có nguy cơ bị gãy đổ, nhất là sau một trận tuyết lớn, khi định luật vật lý có tác dụng và nguyên lý đòn bẩy gặt hái “thành tựu” của nó. Dẫu vậy, tuổi thọ ngắn hơn với lượng ánh sáng đủ để tạo ra đời sau vẫn tốt hơn nhiều so với việc không có sự sống nào.
Trong khi hầu hết cây rụng lá nắm ngay cơ hội bắt thêm ánh sáng, thì hầu hết cây ngành thông đều ngoan cố từ chối. Chúng thề mọc thẳng tắp, còn không thì thôi. Và chúng cứ thế mà làm, luôn luôn đối đầu với trọng lực, hướng thẳng lên trên để thân cây được định hình một cách hoàn hảo và vững chắc. Các nhánh bên bắt được ánh sáng ở bìa rừng sẽ có chu vi đáng chú ý, nhưng cũng chỉ thế thôi. Mỗi mình cây thông là tham lam đến không
biết xấu hổ mà chuyển hướng tán về phía ánh sáng. Chẳng trách thông lại có tỉ lệ gãy đổ do tuyết cao nhất trong các cây thuộc ngành thông.
8 —★—
TRƯỜNG HỌC CỦA CÂY
cây khó nhịn khát hơn là nhịn đói, vì chúng có thể thỏa mãn cơn đói bất cứ khi nào chúng muốn. Giống như người thợ làm bánh luôn có bánh mì đủ dùng, cây có thể thỏa mãn cái bụng réo ùng ục ngay lập tức bằng cách quang hợp. Nhưng ngay cả người thợ làm bánh tài giỏi nhất cũng không thể nào nướng bánh mà không cần nước, và cây cũng tương tự : Không có hơi ẩm, thì việc sản xuất thức ăn cũng dừng lại.
Một cây dẻ gai trưởng thành có thể chuyển hơn 130 gallon nước (492,1 lít) một ngày qua cành và lá, và đó là điều cây thường làm miễn là nó hút được đủ nước từ bên dưới. Tuy nhiên, hơi ẩm trong đất sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu cây cứ làm thế mỗi ngày trong suốt mùa hè. Ở những mùa ấm hơn, trời không mưa đủ để bù lại lượng nước trong đất khô. Do đó, cây phải dự trữ nước trong mùa đông.
Vào mùa đông, lượng mưa quá đủ đầy, và cây cũng không tiêu thụ nước, vì hầu hết thực vật đều ngừng phát triển vào thời gian này trong năm. Cùng với lượng tích lũy từ những cơn mưa rào mùa xuân dưới lòng đất, số nước dự trữ thường còn đủ đến tận khi mùa hè bắt đầu. Nhưng qua nhiều năm, nước hiếm dần. Sau vài tuần nhiệt độ cao và không có mưa, rừng thường bắt đầu chịu tổn hại. Phần lớn những cây bị ảnh hưởng nặng mọc ở chỗ đất thường dư ẩm. Chúng không hiểu “kiềm chế” nghĩa là gì và dùng nước rất phung phí, và thường những cây to lớn và cường tráng nhất trong rừng sẽ trả giá đắt cho hành vi này.
Trong khu rừng tôi quản lý, những cây bị tác động mạnh nhất thường là vân sam – chúng không gặp vấn đề ở mọi chỗ, nhưng chắc chắn sẽ gặp vấn đề dọc theo thân. Nếu đất khô hạn và những chiếc lá kim phía tán trên cao vẫn cần nước, thì vào một thời điểm nào đó, áp lực trong thân đang dần khô héo sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của cây. Nó sẽ rạn vỡ, và một vết nứt dài khoảng 3 feet (0,9144 m) sẽ xuất hiện trên vỏ. Vết nứt này xuyên đến tận trong mô khiến cây bị thương nặng. Bào tử nấm sẽ lập tức lợi dụng vết nứt để xâm nhập vào phần sâu nhất bên trong của cây – nơi chúng bắt đầu công việc phá hủy cây. Trong những năm tới, cây vân sam sẽ cố gắng chữa vết thương này, nhưng vết nứt vẫn cứ hở đi hở lại. Nhìn từ xa, bạn có thể thấy một rãnh tối om đầy răng cưa là bằng chứng của quá trình đầy đau đớn ấy.
Và như vậy, chúng ta đã tiếp cận được một bài học quan trọng của “trường học cây cối”. Thật không may, đây là nơi mà một số hình phạt thể xác nhất định vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, vì thiên nhiên là một giáo viên rất nghiêm khắc. Nếu không chú ý hoặc không làm đúng những gì được bảo, thì cây sẽ phải nếm mùi đau khổ. Bị nứt gỗ, nứt vỏ, và nứt trên tầng sinh gỗ cực kỳ nhạy cảm (tầng truyền sự sống dưới vỏ cây): Không còn gì có thể tệ hơn nữa đối với một cây xanh. Nó phải đối phó lại, không chỉ bằng mỗi nỗ lực bịt kín vết thương. Từ lúc này, nó cũng sẽ đẩy mạnh việc hạn chế khẩu phần nước thay vì bơm hết bất cứ thứ gì có sẵn dưới đất lên ngay khi mùa xuân tới mà không hề nghĩ đến vấn đề lãng phí. Cây đã ghi nhớ bài học sâu sắc, và từ đó nó sẽ luôn “trung thành” với cách ăn ở cần kiệm mới học được này, ngay cả khi mặt đất dồi dào hơi ẩm – suy cho cùng, bạn không bao giờ biết trước được điều gì sẽ xảy ra!
Chẳng hề ngạc nhiên khi vân sam mọc ở những khu vực thừa ẩm sẽ bị ảnh hưởng như trên: Chúng đã bị chiều hư rồi. Cách đó chưa đến nửa dặm hướng về phía nam, trên sườn dốc khô hạn và đầy đá, mọi thứ trông khác hẳn. Lúc đầu, tôi cũng cho rằng các cây vân sam ở đây sẽ bị tổn hại vì đợt hạn nặng
mùa hè. Nhưng thứ tôi quan sát được lại hoàn toàn ngược lại. Những thân cây dẻo dai mọc trên sườn dốc này đã dạn dày kinh nghiệm với việc sống kham khổ và có thể chịu đựng điều kiện sống tệ hơn nhiều so với những đồng loại đã bị chiều hư vì dư nước kia. Dù suốt cả năm ở khu vực này ít nước hơn nhiều – vì đất giữ nước kém hơn và mặt trời thì gay gắt hơn – vân sam mọc ở đây vẫn tươi tốt. Chúng lớn tương đối chậm, rõ ràng chúng đã tận dụng lượng nước ít ỏi tốt hơn, và chúng sống sót qua cả những năm thời tiết khắc nghiệt nhất một cách khá tốt.
“Trường học cây cối” còn một bài giảng khác rõ hơn về việc cây phải học cách tự chống đỡ thân mình. Cây không thích khiến mọi thứ trở nên khó khăn một cách không cần thiết. Tại sao lại phải bận tâm phát triển thân cứng cáp khi bạn có thể thoải mái tựa lưng vào hàng xóm chứ? Miễn là các “láng giềng” vẫn còn đứng đó, thì sẽ chẳng có mấy chuyện không hay xảy ra. Tuy nhiên, cứ vài năm, một nhóm công nhân lâm nghiệp hoặc một chiếc máy gặt sẽ được đưa vào những khu rừng thương mại ở Trung Âu để thu hoạch mười phần trăm lượng cây. Còn ở những khu rừng tự nhiên, cây mẹ vĩ đại sẽ qua đời vì tuổi già – sự ra đi của nó khiến những cây xung quanh mất nơi chống đỡ. Đấy là khi những khoảng trống trên tán rừng mở ra, và khi mà những cây dẻ gai hoặc sồi mới trước đây còn đang sống thoải mái, giờ đột nhiên thấy lảo đảo trên chính đôi chân của mình – hoặc đúng hơn, trên chính hệ thống rễ của chúng. Cây thường chẳng nhanh nhẹn, do đó nó sẽ mất từ ba đến mười năm để có thể đứng vững lần nữa sau sự cố này.
Quá trình học cách đứng vững khởi đầu với những vết nứt rất nhỏ nhưng đau đớn xuất hiện khi cây bị gió uốn cong – mới đầu là ngả về hướng này, sau đó lại nghiêng sang hướng khác. Mỗi khi thấy đau, cây sẽ phải gia cố kết cấu trụ đỡ của mình. Việc này tốn rất nhiều năng lượng, khiến cây không còn sức phát triển chiều cao được nữa. Có một sự an ủi nhỏ là tán cây sẽ có thêm nhiều ánh sáng, nhờ sự biến mất của hàng xóm chúng. Nhưng thật ra cũng phải mất vài năm cây mới có thể lợi dụng
triệt để lợi thế mới có. Vì cho đến thời điểm này, lá cây vẫn là dạng phù hợp với ánh sáng yếu, nên chúng còn rất mong manh và đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng. Nếu ánh mặt trời rực rỡ trực tiếp chiếu lên, chúng sẽ bị cháy sém – ôi, điều đó thật đau đớn! Và vì những chồi non dành cho năm sau lại được hình thành trong mùa xuân và mùa hè năm trước, nên một cây rụng lá sẽ mất ít nhất hai mùa sinh trưởng mới thích nghi được. Các cây ngành thông thậm chí còn cần nhiều thời gian hơn, vì những chiếc lá kim của chúng sẽ ở trên cành đến tận mười năm. Tình hình vẫn căng thẳng cho đến khi tất cả lá xanh hay lá kim được thay thế toàn bộ.
Do đó, bề dày và sự bền vững của thân sẽ tăng dần khi cây phản ứng lại các cơn đau nhức nhối. Trong một khu rừng tự nhiên, trò chơi nhỏ này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần suốt cuộc đời của một cây xanh. Một khi khoảng trống do có cây mất đi được khắc phục và tất cả các cây còn lại xòe rộng tán ra nhiều đến mức “cửa sổ ánh sáng” của khu rừng lại lần nữa được khép kín, thì mọi cây trong rừng lại có thể tiếp tục tựa lưng vào cây khác. Khi ấy, cây sẽ dùng nhiều năng lượng hơn để phát triển thân cao lên thay vì to ra, và hậu quả dễ đoán là: Vài thập niên sau đó, cây kế bên sẽ trút hơi thở cuối cùng.
Quay lại với quan điểm của trường học cây cối. Nếu cây có khả năng học hỏi (và bạn có thể thấy chúng có khả năng này chỉ dựa vào cách quan sát chúng), thì chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi: Cây lưu những điều chúng đã học ở đâu và làm cách nào chúng tiếp cận được những thông tin này? Xét cho cùng thì cây không có não để hoạt động như cơ sở dữ liệu và quản lý các quá trình. Tất cả các loài thực vật đều giống vậy, và đó là lý do vì sao một số nhà khoa học nghi ngờ và vì sao rất nhiều nhà khoa học loại bỏ ý tưởng nhuốm màu mộng ảo về việc cây có khả năng học hỏi. Nhưng, một lần nữa, Tiến sĩ Monica Gagliano – nhà khoa học Úc đã lên tiếng về vấn đề này.
Gagliano nghiên cứu cây trinh nữ, còn được biết với tên “loài thực vật nhạy cảm”. Trinh nữ là loài thảo dược nhiệt đới có tốc
ự ậ ạy ợ ệ độ sinh trưởng chậm. Chúng là đối tượng nghiên cứu đặc biệt tốt, vì chúng dễ bị kích thích và cũng dễ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hơn là cây thân gỗ. Khi bị chạm vào, cây sẽ khép những chiếc lá tí hon trông như những chiếc lông vũ lại để tự vệ. Gagliano đã thiết kế một thí nghiệm, trong đó từng giọt nước sẽ rớt đều đặn trên tán lá của cây trinh nữ. Mới đầu, những chiếc lá lo lắng khép ngay lại, nhưng chỉ một lát sau, loài cây bé nhỏ hiểu rằng những giọt nước không gây tổn hại cho nó. Tiếp đó, lá cây cứ xòe ra dù nước vẫn nhỏ xuống. Gaglino càng ngạc nhiên hơn trước việc cây trinh nữ có thể nhớ và biết áp dụng lại bài học vài tuần sau đó dù không có thêm bất cứ thử nghiệm nào diễn ra.
Thật tiếc rằng bạn không thể chuyển nguyên cây dẻ gai hay sồi vào trong phòng thí nghiệm để tìm hiểu thêm về khả năng học hỏi của cây. Nhưng, ít nhất về phương diện liên quan đến nước, đã có nghiên cứu cho thấy cây có nhiều phản ứng hơn là chỉ đơn thuần thay đổi hành vi: Khi thực sự khát, cây sẽ bắt đầu gào thét. Nếu bạn đang ở trong rừng, bạn sẽ không thể nghe thấy những tiếng thét này, vì chúng nằm ở tầng sóng siêu âm. Các nhà khoa học ở Viện Nghiên Cứu Rừng, Tuyết và Cảnh Quan Liên Bang Thụy Sĩ đã ghi lại những âm thanh này, và đây là cách mà họ giải thích chúng: Sự rung động xảy ra trong thân cây khi dòng chảy của nước từ rễ lên lá bị gián đoạn. Đây chỉ đơn thuần là hiện tượng cơ học và nó hiển nhiên không mang bất cứ ý nghĩa gì. Nhưng chỉ có vậy thôi sao?
Chúng ta đã biết âm thanh trên được tạo ra như thế nào, và nếu nhìn qua kính hiển vi để kiểm tra cách con người tạo ra âm thanh, thì thứ mà chúng ta thấy được sẽ không có bao nhiêu khác biệt: Luồng khí đi xuống khí quản khiến dây thanh đới rung lên. Khi tôi nghĩ về kết quả của nghiên cứu trên, đặc biệt khi liên hệ với thí nghiệm rễ cây kêu lách tách mà tôi đã đề cập trước đó, thì tôi càng cảm thấy những rung động này có thể không chỉ là rung động đơn thuần – rất có thể đấy là tiếng thét vì khát của cây. Có lẽ cây đang thét lên lời cảnh báo nghiêm
trọng về mực nước đang xuống thấp cho các đồng loại của mình biết.
9 —★—
ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT
Cây là những sinh vật có tính xã hội cao, và chúng biết đỡ đần cho nhau. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để thành công sống sót trong hệ sinh thái rừng rậm. Mỗi loài đều cố chiếm thêm nhiều không gian cho bản thân, cố tối ưu hóa hoạt động của mình, và bằng cách đó, chèn ép sự phát triển của các loài khác. Sau cuộc chiến giành ánh sáng, là cuộc chiến giành nước – cuộc chiến cuối cùng sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Rễ cây rất giỏi trong việc rút nước từ đất ẩm và mọc thêm các lông hút nhỏ để tăng diện tích bề mặt hòng hút được càng nhiều nước càng tốt. Dưới tình huống thông thường thì thế là đủ, nhưng nếu có nhiều biện pháp nữa thì vẫn tốt hơn. Và đó là lý do mà cây hợp tác với nấm trong hàng triệu năm qua.
Nấm rất thú vị. Chúng không thật sự tương thích với hệ thống chỉ một nhưng xài được cho tất cả mà chúng ta đang dùng để phân loại mọi sinh vật sống bất kể đó là động vật hay thực vật. Về bản chất, thực vật tự tạo thức ăn từ những nguyên liệu vô sinh, do đó chúng có thể tồn tại hoàn toàn độc lập. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thảm thực vật phải đâm chồi nảy lộc trên mặt đất cằn cỗi trơ trọi xong thì động vật mới có thể chuyển đến đó, vì động vật chỉ có thể sống sót nhờ việc ăn sinh vật sống khác. Tiện thể, cả cỏ lẫn cây non đều không thích thú gì khi bị trâu bò hoặc hươu nai gặm rào rạo. Bất kể sói xé xác lợn lòi, hay nai gặm cây sồi non, cả hai trường hợp đều ẩn chứa nỗi đau và cái chết. Nấm lại nằm giữa động vật và thực vật. Thành tế bào của nấm được làm từ chitin chất không thể tìm được trong thực
vật – khiến chúng giống côn trùng hơn. Hơn nữa, chúng cũng không thể quang hợp và phải dựa vào việc kết nối hữu cơ với các sinh vật sống khác để có thức ăn.
Qua hàng thập kỷ, mạng lưới như tơ giăng của nấm dưới lòng đất – được gọi là hệ sợi, ngày càng trải rộng. Một cây nấm mật ở Thụy Sĩ có mạng lưới phủ gần 120 acre (485.622,77 m) và đã khoảng một ngàn tuổi. Một cây nấm khác ở Oregon được ước khoảng 2.400 tuổi, phủ khắp 2.000 acre (8.093.712,8 m3) và nặng 660 tấn. Điều đó khiến nấm trở thành sinh vật sống lớn nhất từng được biết trên thế giới. Hai kẻ khổng lồ nói trên không thân thiện với cây; chúng giết cây khi lảng vảng trong rừng hòng tìm kiếm những mô ăn được. Tuy vậy, thay vào đó hãy quan sát cách làm việc nhóm nhịp nhàng giữa nấm và cây. Với sự trợ giúp từ hệ sợi của loài nấm phù hợp – ví dụ, nấm mũ sữa sồi sẽ hợp với sồi – cây có thể tăng bề mặt rễ chức năng lên rất lớn để hút thêm được một lượng khá nhiều nước và chất dinh dưỡng. Bạn có thể tìm được lượng nitơ và phốt pho cần cho sự sống ở những cây hợp tác với các cộng sự nấm cao gấp hai lần so với những cây tự hút nước từ đất chỉ bằng rễ của chúng.
Để cộng tác với một trong số hàng ngàn loại nấm, cây phải rất cởi mở – theo đúng nghĩa đen – vì sợi nấm sẽ mọc vào trong những lông rễ mềm mại của cây. Không có nghiên cứu nào về việc nấm mọc như vậy có gây đau đớn cho cây hay không, nhưng do cây muốn thế, nên tôi đoán việc này mang lại cảm giác tích cực cho cây. Dù cây cảm thấy thế nào, thì kể từ lúc đó, hai cộng sự vẫn bắt đầu làm việc với nhau. Không chỉ xâm nhập và bao phủ rễ cây, nấm còn để mạng lưới của mình lang thang khắp nền rừng xung quanh. Khi làm vậy, nấm giúp mở rộng tầm với của rễ do mạng lưới của nấm mọc lấn sang phía những cây khác. Tại đây, nấm sẽ liên kết với rễ cùng những cộng sự nấm của các cây khác. Và như vậy, một mạng lưới kết nối đã được tạo ra, giờ thì các cây xanh dễ dàng trao đổi với nhau những dưỡng chất thiết yếu (xem chương 3,“An sinh xã hội”) và
thậm chí cả thông tin – chẳng hạn như việc côn trùng sắp tấn công.
Sự liên kết này khiến nấm trở thành thứ tương tự như mạng Internet ở rừng rậm. Nhưng liên kết như vậy cũng có cái giá của nó. Như chúng ta biết, những sinh vật này – nhìn ở nhiều phương diện thì chúng giống động vật hơn – phụ thuộc vào các loài khác mới có thức ăn. Không có nguồn cung cấp thức ăn, chúng đơn giản sẽ chết đói. Do đó, chúng đòi được trả công bằng đường và các chất carbohydrate – cộng sự cây của chúng sẽ phải giao nộp khoản này. Và yêu cầu của nấm nào có ít ỏi gì cho cam. Chúng đòi tận một phần ba tổng lượng thức ăn mà cây sản xuất được thì mới chịu cung cấp “dịch vụ”. Điều này cũng hợp lý, vì trong trường hợp bạn quá phụ thuộc vào các loài khác, thì bạn nên trù tính cẩn thận để tránh rủi ro. Và thế là, những sợi nấm mỏng manh bắt đầu thao túng đầu rễ mà chúng bao phủ. Mới đầu, nấm lắng nghe những gì cây muốn nói thông qua phần cấu trúc dưới lòng đất của cây. Tùy thuộc vào thông tin đó có hữu ích với mình hay không, nấm bắt đầu sản xuất ra các hormone thực vật để chỉ dẫn các tế bào của cây sinh trưởng theo hướng có lợi cho chúng.
Để đổi lại thù lao giàu đường, nấm tặng cây một vài lợi ích, như lọc đi những kim loại nặng – thứ gây bất lợi cho nấm ít hơn rễ. Những chất ô nhiễm được lọc đi này sẽ xuất hiện vào mỗi mùa thu trong những tai nấm thông, nấm xép, hoặc nấm ống khá mập mạp mà chúng ta hái về nhà. Chẳng ngạc nhiên khi xêsi phóng xạ – chất được tìm thấy trong đất thậm chí trước cả khi thảm họa nguyên tử Chernobyl năm 1986 xảy ra, phần lớn được tìm thấy trong nấm.
Dịch vụ y tế cũng là một phần trong gói dịch vụ nấm cung cấp. Những sợi nấm mỏng manh ngăn ngừa mọi kẻ xâm nhập, bao gồm cả những đợt tấn công từ vi khuẩn hay từ những bạn nấm có tính thích phá hủy khác. Nấm có thể sống đến hàng trăm năm cùng với cộng sự cây của mình, miễn là chúng vẫn còn khỏe mạnh. Nhưng nếu điều kiện sống của chúng thay đổi,
ạ g ệ g g y
chẳng hạn do ô nhiễm không khí, thì chúng sẽ phải trút hơi thở cuối cùng. Tuy vậy, cộng sự cây của chúng cũng chẳng thương tiếc chúng lâu. Chẳng tốn bao nhiêu thời gian để cây móc nối với loài nấm kế tiếp đến định cư dưới chân mình. Mỗi cây đều có nhiều loại nấm để lựa chọn, và chỉ khi loài nấm cuối cùng trong số đó chết đi thì cây mới thực sự gặp rắc rối.
Nấm thì nhạy cảm hơn rất nhiều. Nhiều loài nấm tìm kiếm cây phù hợp với chúng, và một khi đã “chấm” được cây nào, thì chúng sẽ luôn ở bên cây dù thuận lợi hay khó khăn. Những loài nấm chỉ thích, chẳng hạn bạch dương hay thông rụng lá, được gọi là loài “chọn lọc ký chủ”. Những loài nấm khác, chẳng hạn như nấm mồng gà thì quan hệ tốt với nhiều loài cây khác nhau: sồi, bạch dương, và vân sam. Điều quan trọng là có đủ chỗ dưới lòng đất hay không. Và sự cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt. Đơn cử như trong các khu rừng sồi, có thể có hơn một trăm loài nấm hiện diện trên các phần rễ khác nhau của cùng một cây. Nhìn theo quan điểm của sồi thì đó là sự sắp xếp hết sức thiết thực. Nếu một cây nấm chết đi vì điều kiện môi trường sống thay đổi, thì “người theo đuổi” kế tiếp của cây sẽ vào thế chỗ ngay.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng nấm cũng chơi trò đi nước đôi. Tiến sĩ Suzanne Simard phát hiện mạng lưới của nấm kết nối không chỉ với cây ký chủ đã được chọn, mà còn với cây của loài khác. Simard đã tiêm cacbon phóng xạ vào một cây bạch dương, chất này truyền xuống đất và đến mạng lưới nấm của một cây lãnh sam Douglas sống lân cận. Mặc dù nhiều loài cây chiến đấu không hề khoan nhượng nhau trên mặt đất và thậm chí cố gắng chèn ép hệ thống rễ của nhau, nhưng nấm trú ngụ trên chúng dường như lại thích dĩ hòa vi quý hơn. Hiện vẫn chưa rõ chúng thực sự muốn hỗ trợ cây chủ ngoại lai hay chỉ là muốn giúp các bạn nấm khác đang gặp khó khăn (rồi những bạn nấm này lại chuyển sự giúp đỡ đó đến cho cây của mình).
Tôi nghi ngờ nấm có tư duy hướng về phía trước nhiều hơn một chút so với các cộng sự to lớn của chúng. Giữa các cây, loài này luôn đấu tranh với loài kia. Giả sử dẻ gai bản địa ở Trung Âu
y g ị g có thể chiếm thế thượng phong ở hầu hết các khu rừng nơi đó, thì đây có thật sự là lợi thế không? Điều gì sẽ xảy ra nếu một tác nhân gây bệnh mới xuất hiện khiến hầu hết dẻ gai nhiễm bệnh và chết đi? Trong trường hợp đó, chẳng phải sẽ có lợi hơn nếu vẫn còn một số cây khác xung quanh như sồi, phong, tần bì, hoặc lãnh sam – những cây sẽ tiếp tục phát triển và cung cấp bóng mát cần thiết cho thế hệ dẻ gai kế tiếp nảy mầm và trưởng thành? Tính đa dạng thường đem lại sự an toàn cho các khu rừng cổ xưa. Vì nấm cũng rất phụ thuộc vào điều kiện sống ổn định, nên chúng hỗ trợ các loài cây khác dưới đất và bảo vệ chúng không bị suy sụp hoàn toàn, nhằm đảm bảo sẽ không có duy nhất một loài nào vươn lên thống trị cả khu rừng.
Nếu vấn đề trở nên vô cùng nghiêm trọng với cả nấm và cây ký chủ dù nấm đã nỗ lực giúp đỡ, thì chúng sẽ có hành động quyết liệt, như trong trường hợp của thông và cộng sự của nó – nấm Laccaria bicolor, còn được gọi là “kẻ lừa gạt song sắc”. Khi thiếu nitơ, nấm Laccaria bicolor phóng thích chất độc chết chóc vào đất khiến các sinh vật tí hon như bọ đuôi bật tử vong, từ đó nitơ bên trong cơ thể bọ được giải phóng, buộc bọ trở thành phân bón cho cả cây lẫn nấm.
Tôi đã giới thiệu cho bạn bên giúp đỡ quan trọng nhất của cây; tuy nhiên, cây vẫn còn rất nhiều kẻ giúp đỡ khác. Hãy xét đến lũ chim gõ kiến. Tôi không gọi chúng là những kẻ giúp đỡ thực sự, nhưng ít ra chúng cũng đem lại một số ích lợi cho cây. Như khi bọ vỏ cây tấn công vân sam, vấn đề bắt đầu trở nên nguy hiểm. Lũ côn trùng tí hon này tăng số lượng nhanh đến nỗi chúng có thể giết chết cây hết sức mau chóng bằng cách gặm sạch tầng sinh gỗ cần thiết cho sự sống của cây. Nếu một con chim gõ kiến nhỏ sườn đỏ phát hiện ra dấu vết của lũ bọ, nó sẽ lập tức có mặt ở chỗ đó. Giống như một con chim bắt ve trên lưng hà mã, chim gõ kiến sẽ leo lên leo xuống thân cây để tìm kiếm những con ấu trùng màu trắng béo múp phàm ăn. Chim sẽ mổ chúng ra (mà chẳng buồn nghĩ gì đến cây), khiến từng mảng gỗ bay khỏi thân cây. Thỉnh thoảng thì điều này có thể giúp vân
sam không bị tổn thương sâu hơn. Thậm chí nếu cây không sống sót sau cách chữa trị này, thì những cây bạn của nó vẫn được bảo vệ, vì giờ chẳng còn con bọ trưởng thành nào nở ra và bay lung tung nữa. Chim gõ kiến chẳng hề quan tâm đến sức khỏe của cây, và bạn có thể thấy rõ điều này qua hành động xây tổ của chúng. Chúng thường đục lỗ làm tổ trên những thân cây khỏe mạnh này, khiến cho cây bị tổn thương nghiêm trọng. Mặc dù gõ kiến giúp nhiều cây thoát khỏi sâu hại – ví dụ như cứu sồi khỏi lũ mọt gỗ – nhưng đấy chẳng qua là hiệu ứng phụ do hành vi của chim đem lại, chứ không phải là mục đích thực sự của chúng.
Mọt gỗ có thể trở thành mối đe dọa cho những cây đang khát nước trong mùa khô, vì cây lúc đó không có khả năng tự vệ trước những kẻ tấn công. Và lũ bọ đỏ đầu đen có thể sẽ đến cứu giúp cây. Ở thể trưởng thành, bọ đỏ đầu đen vô hại, sống nhờ dịch ngọt của rệp rừng và nhựa cây. Tuy nhiên, bọ non lại cần thịt, và chúng sẽ lấy thứ này từ ấu trùng bọ cánh cứng sống dưới vỏ các cây rụng lá. Vì vậy một số cây sồi phải cảm ơn lũ bọ đỏ này vì nhờ chúng mà cây sống sót. Và tình hình cũng có thể trở nên tồi tệ đối với lũ bọ: Một khi tất cả con cháu của những loài bọ khác đều bị ăn sạch, lũ ấu trùng sẽ quay sang tấn công luôn đồng loại.
10 —★—
BÍ ẨN CỦA VIỆC CHUYỂN NƯỚC
Làm cách nào mà nước có thể đi từ đất lên lá cây? Theo tôi, cách chúng ta trả lời câu hỏi này đã khái quát cách đặt vấn đề hiện tại rằng chúng ta biết gì về rừng. Vì việc chuyển nước là hiện tượng tương đối đơn giản để nghiên cứu – đơn giản hơn ở mọi mức độ so với việc nghiên cứu xem liệu cây có cảm thấy đau hoặc cách cây giao tiếp với nhau – và vì vấn đề này dường như chẳng chút thú vị và đã quá rõ ràng, nên các giáo sư đại học cứ đưa ra những lời giải thích sơ sài trong hàng thập kỷ. Đấy là một trong những lý do vì sao tôi luôn thảo luận vui về chủ đề này với các sinh viên. Và đây là những câu trả lời được chấp nhận: hiện tượng mao dẫn và sự thoát hơi nước.
Bạn có thể nghiên cứu hiện tượng mao dẫn mỗi sáng lúc dùng điểm tâm. Hiện tượng mao dẫn khiến mặt nước cà phê nhô cao hơn một chút so với mép cốc của bạn. Nếu không có lực gây ra do hiện tượng mao dẫn, bề mặt chất lỏng sẽ hoàn toàn bằng phẳng. Vật chứa càng hẹp thì chất lỏng càng dâng cao ngược hướng với trọng lực. Và các ống giúp vận chuyển nước trong cây rụng lá thường thực sự rất hẹp: bề ngang chưa đến 0,02 inch (0,508 mm). Tuy nhiên, những ống hẹp này không đủ để giải thích làm thế nào mà nước có thể đi đến tán của những cây cao hơn 300 feet (91,44 m). Thậm chí những ống hẹp nhất cũng chỉ tạo ra đủ lực để đưa nước lên cao nhiều nhất là 3 feet (0,9144 m).
À, chúng ta còn một phương án giải thích khác: sự thoát hơi nước. Vào những mùa ấm trong năm, lá phiến và lá kim thoát nước bằng cách đều đặn “thở” hơi nước ra. Đối với một cây dẻ gai trưởng thành, một ngày nó “thở” ra đến hàng trăm gallon nước. Việc “thở” ra này tạo nên lực hút kéo nguồn cung nước liên tục di chuyển theo các con đường mòn vận chuyển bên trong cây. Lực hút luôn hoạt động miễn là các cột nước vẫn tiếp diễn. Lực liên kết khiến các phân tử nước dính chặt vào nhau, nối thành một chuỗi mắt xích, và ngay khi có không gian trống trên lá nhờ việc thoát hơi nước, thì những phân tử liên kết này sẽ kéo nhau nhích cao hơn thân cây một chút.
Và vì chỉ thế thôi thì vẫn không đủ, nên hiện tượng thẩm thấu sẽ tham gia cuộc chơi. Khi lượng đường tập trung trong một tế bào nhiều hơn tế bào lân cận, nước sẽ lưu chuyển xuyên qua thành tế bào để hòa tan lượng đường cao hơn cho đến khi cả hai tế bào đều chứa tỷ lệ nước như nhau. Và khi điều ấy xảy ra từ tế bào này sang tế bào khác lên tận tán lá, thì nước sẽ được chuyển đến ngọn của cây.
Ừm. Khi bạn ước lượng áp lực nước trong cây, bạn sẽ thấy áp lực cao nhất không lâu trước khi lá bung mở vào mùa xuân. Vào thời điểm này trong năm, nước bắn lên trong thân với lực lớn đến nỗi nếu bạn đặt ống nghe vào cây, bạn thực sự có thể nghe được nó. Ở vùng đông bắc Mỹ và Canada, người ta lợi dụng hiện tượng này để thu hoạch xi rô từ những cây phong đường – loài thường chảy nhựa ngay khi tuyết vừa tan. Đây là thời điểm duy nhất trong năm có thể thu hoạch loại nhựa cây yêu thích này. Nếu sớm hơn thời điểm này, thì chẳng có chiếc lá nào trên những cây rụng lá, nghĩa là chẳng có sự thoát hơi nước. Và hiện tượng mao dẫn cũng chỉ có thể đóng góp một phần, vì nước chỉ dâng lên được 3 feet (0,9144 m) như đã đề cập ở trên thì quả thật chẳng đáng nhắc đến. Nhưng vào đúng thời điểm này, thân cây lại căng tràn nước. Vậy thì chúng ta chỉ còn cách giải thích là nhờ hiện tượng thẩm thấu, nhưng theo tôi điều này có vẻ không chắc chắn. Vì xét cho cùng thì hiện tượng thẩm thấu chỉ xảy ra ở
rễ và lá chứ không xảy ra ở thân – nơi không có các tế bào liên kết, mà lại chứa những ống dẫn dài liền mạch để vận chuyển nước.
Vậy chúng ta có bỏ sót ở đâu không? Chúng ta không biết. Nhưng nghiên cứu gần đây đã phát hiện thứ ít nhất có thể khiến hiệu quả của việc thoát hơi nước và lực liên kết bị nghi ngờ. Các nhà khoa học từ ba tổ chức (Đại học Bern; Viện Nghiên Cứu Rừng, Tuyết và Cảnh Quang Liên Bang Thụy Sĩ; và Viện Công Nghệ Liên Bang Thụy Sĩ tại Zurich) đã lắng nghe gần hơn – theo đúng nghĩa đen. Họ ghi nhận có tiếng róc rách nho nhỏ bên trong cây. Hơn hết, tiếng phát ra vào ban đêm. Vào thời điểm này trong ngày, hầu hết nước được trữ trong thân, vì tán đã nghỉ quang hợp và gần như không thoát hơi nước. Cây tự bơm nước quá đầy đến nỗi thỉnh thoảng đường kính thân chúng tăng lên. Nước được giữ yên gần như hoàn toàn trong các ống vận chuyển nội bộ. Không có chút nước nào lưu chuyển. Thế âm thanh đó phát ra từ đâu? Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng đến từ những bọt cacbon điôxít (CO,) tí hon trong những ống dẫn hẹp chứa đầy nước. Bọt trong ống dẫn? Điều đó có nghĩa là những cột nước đáng lý phải liền mạch đã bị gián đoạn hàng ngàn lần. Và nếu đó là những gì thực sự diễn ra, thì sự thoát hơi nước, sự liên kết phân tử, hay hiện tượng mao dẫn đều đóng góp rất ít cho việc vận chuyển nước.
Còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Có lẽ chúng ta lại nghèo đi một lời giải thích khả dĩ đúng, hoặc lại giàu thêm một điều bí ẩn nữa. Nhưng chẳng phải cả hai khả năng này đều khơi gợi sự tò mò thích thú như nhau hay sao?
11 —★—
CÂY GIÀ ĐI THẬT DUYÊN DÁNG
Trước khi nói về vấn đề tuổi tác, tôi muốn rẽ sang vấn đề làn da. Cây cối và làn da? Đầu tiên, hãy tiếp cận vấn đề dưới quan điểm của con người. Làn da là rào chắn giúp bảo vệ những phần sâu bên trong của chúng ta khỏi môi trường bên ngoài. Nó có chứa các chất lỏng. Nó ngăn những thứ bên trong chúng ta không rơi ra ngoài. Và trong suốt thời gian đó, nó giải phóng và hấp thụ khí cùng hơi ẩm. Không chỉ thế, nó ngăn các mầm bệnh có khả năng lan truyền qua hệ thống tuần hoàn của chúng ta. Ngoài ra, nó nhạy cảm với mọi tiếp xúc, dù là dễ chịu khiến nảy sinh mong muốn được đụng chạm nhiều hơn, hay đau đớn khiến phản ứng phòng vệ được kích hoạt.
Thật phiền là cấu trúc phức tạp này chẳng nguyên vẹn được mãi mãi mà sẽ dần chùng xuống khi chúng ta già đi. Nếp gấp và nếp nhăn xuất hiện để những người sống cùng thời với chúng ta có thể chơi trò “Đoán xem chúng tôi bao nhiêu tuổi”, với câu trả lời thường thêm hay bớt một vài năm so với số tuổi thật. Nhìn kỹ thì ngay cả quá trình tái sinh da cũng không hoàn toàn dễ chịu gì. Mỗi chúng ta tróc khoảng 0,05 ounce (1,417 gram) tế bào da mỗi ngày, cộng lại thì được đến khoảng một pound (0,45359237 kg) mỗi năm. Con số rất ấn tượng: 10 tỷ phân tử bong khỏi chúng ta mỗi ngày. Điều đó nghe chẳng hấp dẫn cho lắm, nhưng lột bỏ da chết là điều cần thiết để giữ cho những cơ quan bên ngoài của chúng ta vẫn trong tình trạng tốt. Khi còn nhỏ chúng ta cần bong da để có thể lớn lên. Nếu không có khả
năng tạo mới và giãn rộng lớp bao phủ mà thiên nhiên đã ban tặng, thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nổ tung.
Vậy điều này liên quan gì đến cây? Cây cũng tương tự như thế. Điểm khác biệt lớn nhất đơn giản nằm ở từ ngữ chúng ta dùng. Da của Dẻ Gai, Sồi, “Vân Sam cùng Những Người Bạn” được gọi là vỏ cây. Chúng thực hiện chức năng y hệt và cũng bảo vệ những bộ phận nhạy cảm bên trong của cây khỏi thế giới bên ngoài hung dữ. Không có vỏ thì cây sẽ chết khô. Và ngay sau khi cây mất đi dịch cơ thể, nấm – thứ không có cơ hội sống sót trong loại gỗ ẩm ướt và khỏe mạnh – sẽ xuất hiện và bắt đầu phá hủy mọi thứ. Côn trùng cũng cần độ ẩm thấp, và nếu vỏ cây còn nguyên, nghĩa là chúng xong đời. Một cây xanh chứa lượng chất lỏng gần bằng lượng chất lỏng trong cơ thể chúng ta, và do đó không hấp dẫn lũ sâu hại vì chúng sẽ dễ chết ngạt trong đám chất lỏng đó.
Cây khó chịu khi có vết nứt trên vỏ y như chúng ta thấy khó chịu vì có vết thương trên da vậy. Vì thế, cây dựa vào cơ chế tương tự như cơ chế chúng ta sử dụng để ngăn bản thân khỏi thương tích. Mỗi năm, cây cố gắng mọc thêm từ 0,5 đến 1 inch (1,27 – 2,54 cm) chu vi thân. Chắc chắn việc này sẽ làm vỏ cây bị nứt ra? Nên như thế. Để bảo đảm điều đó không xảy ra, những gã khổng lồ liên tục thay mới da của mình, đồng thời tróc bỏ một lượng tế bào da cực lớn. Nếu đối chiếu giữa kích thước cây và kích thước của chúng ta, thì những “mảnh da” của cây lớn hơn nhiều với bề ngang lên đến 8 inch (20.32 cm). Nếu nhìn mặt đất quanh thân cây vào tiết trời mưa gió, bạn sẽ thấy các tàn tích nằm dưới đó. Vỏ đỏ của những cây thông là dễ phát hiện nhất.
Nhưng không phải tất cả cây đều tróc vỏ như nhau. Có những loài liên tục tróc vỏ (những người khó tính sẽ đề nghị dùng dầu gội trị gàu trong những trường hợp như vậy cho mà xem). Lại có những loài tróc vỏ một cách hạn chế. Bạn có thể biết cây nào tróc vỏ kiểu gì khi quan sát bề ngoài của cây. Thứ bạn nhìn thấy được là lớp ngoài của vỏ cây – lớp này đã chết và
ạ y ợ p g y p y tạo thành một chiếc vỏ ngoài không thấm nước. Lớp vỏ ngoài này hóa ra cũng là phương thức tốt để nhận diện các loài cây khác nhau. Và dù thế nào thì cách này cũng vẫn dùng được cho những cây đã già, vì các đặc điểm phân biệt có liên quan đến hình dạng của các vết rạn hoặc, bạn có thể nói là các vết gấp và vết nhăn trên da của cây. Ở những cây non của tất cả các loài, phần vỏ ngoài mượt mà như mông em bé vậy. Khi cây già, vết nhăn dần xuất hiện (bắt đầu từ phía bên dưới), và chúng ngày một sâu hơn khi năm tháng qua đi. Quá trình này diễn ra nhanh hay không còn tùy thuộc vào từng loại cây. Thông, sồi, bạch dương và lãnh sam Douglas thì nhăn sớm, trong khi dẻ gai và lãnh sam bạc thì vẫn “mịn màng” trong thời gian rất lâu. Tất cả đều phụ thuộc vào tốc độ tróc vỏ.
Với dẻ gai – lớp vỏ xám bạc của chúng vẫn mượt mà cho đến khi chúng được hai trăm tuổi, tức mức độ thay mới vỏ là rất cao. Vì vậy, da của chúng vẫn mỏng manh và vừa vặn với tuổi – tức là vừa vặn với chu vi của thân, nên chúng không cần phải nứt vỏ để mở rộng ra. Lãnh sam bạc cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, thông và các cây giống thông thì lại rất rề rà trong việc làm mới lại vẻ ngoài. Vì một số lý do, chúng không thích chia tay đống “hành lý” của mình, có lẽ vì lớp da dày cung cấp thêm sự bảo vệ. Bất kể vì lý do gì, chúng cũng tróc vỏ chậm đến độ tạo nên một lớp vỏ ngoài cực kỳ dày và tuổi các lớp bên ngoài của chúng có thể lên đến hàng thập kỷ. Điều này có nghĩa là những lớp ngoài hình thành từ thời điểm mà cây vẫn còn non và mảnh khảnh. Khi cây già đi và tăng chu vi, các lớp ngoài sẽ nứt xuống tận lớp vỏ non nhất – tương tự như vỏ của những cây dẻ gai – đang lắp khít chu vi thân cây hiện tại. Vì vậy, vết nứt càng sâu, thì cây càng không sẵn lòng tróc vỏ, và hành vi này càng tăng rõ rệt khi cây già đi.
Số phận tương tự cũng xảy đến với dẻ gai khi chúng đến tuổi trung niên. Đây là lúc mà vỏ của chúng bắt đầu nhăn nheo, từ gốc trở lên. Như thể muốn lan truyền sự kiện này, chúng bắt tay vào việc xui khiến rêu chiếm lấy những ngóc ngách nứt nẻ – nơi
hơi ẩm từ những cơn mưa gần đây còn lưu lại làm ướt sũng những “chiếc đệm” mượt tựa nhung này. Bạn có thể ước tính tuổi của một rừng dẻ gai từ khoảng cách khá xa: Thảm xanh mọc cao phía trên thân cây chừng nào, thì cây già chừng đó.
Cây là các cá nhân riêng biệt, và chúng có khuynh hướng nhăn khác nhau. Một số cây có vết nhăn lúc tuổi vẫn còn trẻ so với những cây đồng lứa với chúng. Một vài cây dẻ gai trong khu rừng tôi quản lý mới một trăm tuổi đã có vỏ ngoài xù xì bao bọc từ đầu đến chân. Thông thường, phải mất đến 150 năm thì điều này mới xảy ra. Không có nghiên cứu nào cho thấy liệu đây đơn thuần là do gen, hay thời gian sống quá lâu cũng đóng vai trò trong việc này. Ít nhất có một vài tác nhân nữa tương tự như tình huống ở loài người. Những cây thông trong vườn của chúng ta chắc chắn bị nứt rất sâu. Đấy không thể chỉ do tuổi tác. Ở tuổi khoảng một trăm, chúng chỉ vừa đi qua tuổi trẻ mà thôi. Từ năm 1934 – năm mà ngôi nhà thường trực cho những người kiểm lâm chỗ chúng tôi được xây, chúng đã mọc dưới chỗ đặc biệt chan hòa ánh nắng. Một phần đất đai được dọn sạch để xây ngôi nhà, và kể từ đó những cây thông còn sót lại có thêm nhiều ánh sáng hơn. Nhiều ánh sáng hơn, nhiều ánh mặt trời hơn, sẽ có nhiều tia cực tím hơn. Tia này gây ra các thay đổi trên da người, và dường như cũng làm điều tương tự đối với cây. Thật ngạc nhiên, vỏ ngoài bên phần hứng nắng của cây thô cứng hơn, nghĩa là chỗ vỏ này thiếu mềm dẻo và dễ bị nứt nẻ hơn.
Tuy vậy, những thay đổi mà tôi đã đề cập cũng có thể do các “bệnh ngoài da”. Cũng giống việc mụn trứng cá tuổi thiếu niên thường sẽ để lại những vết sẹo suốt đời, đợt tấn công của ruồi vỏ cây có thể để lại cho cây bề ngoài xù xì thô ráp. Trong trường hợp này, sẽ chẳng có vết nhăn nào cả; thay vào đó là hàng ngàn chiếc hố và nốt sần tí hon – những thứ sẽ không bao giờ mất đi dù cho cây có sống bao nhiêu lâu đi nữa. Những cây bị bệnh cũng có thể xuất hiện những vết thương thối rữa, ẩm ướt. Vi khuẩn xâm nhập vào những vùng ẩm ướt này và biến chúng thành màu đen. Do đó, không chỉ ở loài người thì da mới là “tấm
gương rọi chiếu tâm hồn” (hay đúng hơn là rọi chiếu tình trạng sức khỏe).
Cây già có thể thực hiện một chức năng rất đặc trưng khác trong hệ sinh thái rừng rậm. Ở Trung Âu, chẳng còn bất cứ khu rừng cổ thụ nào đúng nghĩa nữa. Quần thụ rộng lớn nhất cũng chỉ toàn cây từ hai trăm đến ba trăm tuổi. Trước khi những khu bảo tồn rừng rậm này trở thành những cánh rừng cổ thụ một lần nữa, chúng ta phải nhìn sang Bờ Tây Canada để hiểu vai trò của những cây cổ thụ. Tại đó, Tiến sĩ Zoë Lindo của Đại học McGill ở Montreal đã nghiên cứu những cây vân sam Sitka được ít nhất năm trăm tuổi. Đầu tiên, bà phát hiện một lượng lớn rêu trên cành và trên các chạc cây của những cây lớn tuổi này. Tảo lục lam đã chiếm lấy các đệm rêu của cây. Tảo này bắt nitơ từ không khí và “chế biến” sang dạng mà cây dùng được. Tiếp đó, mưa rửa trôi loại phân bón tự nhiên này xuống khỏi thân để rễ sử dụng. Do đó, những cây già giúp bón phân cho khu rừng và giúp con cháu chúng có khởi đầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Những cây non không có rêu vì rêu mọc rất chậm và phải mất hàng thập kỷ mới thành hình.
Ngoại trừ làn da nhăn nheo và sự phát triển của rêu, còn có những thay đổi vật lý khác biểu thị tuổi của cây. Ví dụ như tán lá – thứ mà tôi lần nữa có thể so sánh với thứ tôi đang có. Ngay đỉnh đầu, tóc tôi đang thưa dần đi. Nó chẳng mọc theo kiểu hồi còn trẻ của tôi nữa. Điều tương tự cũng xảy ra với những cành cao nhất trên tán. Sau một thời gian cụ thể – từ một trăm đến ba trăm năm, tùy thuộc vào chủng loài – lượng cành mới mọc hàng năm ngày càng ngắn hơn và ngắn hơn. Ở những cây rụng lá, những đọt non ngắn như thế tiếp tục mọc sẽ tạo thành những cành cong như vuốt thú, trông tương tự những ngón tay bị bệnh viêm khớp vậy. Ở những cây ngành thông, thân cây thẳng tắp sẽ ngừng phát triển ở những đọt non hay ngọn cao nhất. Trong khi vân sam ở trạng thái như vậy nhìn chung sẽ ngừng lớn, thì lãnh sam bạc vẫn tiếp tục mọc – nhưng thay vì mọc cao lên, giờ chúng trông như thể một con chim lớn đang xây tổ của
Ở
mình ở những cành cây phía trên. Ở Đức, nơi những tổ chim hạc rất dễ bắt gặp, các chuyên gia gọi hiện tượng này là “tán kiểu tổ chim hạc”. Cây thông chuyển hướng sinh trưởng sớm đến mức khi chúng bắt đầu già đi, cả tán lá đã to rộng và không nhận biết được đâu là ngọn.
Trong bất kỳ trường hợp nào, thì mỗi cây đều dần dà ngừng cao lên. Rễ và hệ thống mạch của chúng không thể bơm nước và chất dinh dưỡng cao hơn nữa vì điều ấy quá sức đối với cây. Thay vào đó, cây chỉ to ra thêm (lại một điểm tương đồng với rất nhiều người khi bắt đầu lớn tuổi...). Cây cũng không còn khả năng duy trì chiều cao trưởng thành lâu vì mức năng lượng của nó cũng từ từ giảm đi qua từng năm. Đầu tiên, nó không còn xoay xỏ cung cấp thức ăn cho những nhánh con trên đỉnh được nữa, và những nhánh con này sẽ chết dần. Kế đó, tương tự như người già dần mất đi khối lượng cơ thể, cây già cũng sẽ như thế. Những cơn bão năm tiếp theo sẽ quét sạch những nhánh con đã chết ra khỏi tán, và sau khi được làm sạch, cây sẽ trông tươi tắn hơn chút ít trong một thời gian. Quy trình này lặp đi lặp lại mỗi năm, dần dần tỉa đi tán cây nhưng chúng ta lại hiếm khi chú ý. Một khi tất cả các nhánh con trên đỉnh và những cành con đều mất hết, thì chỉ còn lại những cành thấp chắc khỏe hơn ở bên dưới. Cuối cùng, những cành này cũng chết, dẫu chúng không dễ bị “tháo rời” khỏi tán. Giờ thì cây chẳng thể nào giấu nổi tuổi già hay sự hom hem của mình nữa rồi.
Vào lúc này, chứ không phải trước đó, vỏ cây lại bị đùa bỡn lần nữa. Những vết thương nhỏ ẩm ướt sẽ trở thành chiếc cổng cho bọn nấm xâm nhập vào. Nấm thông báo thành tựu thắng lợi của mình khắp cây bằng cách phô diễn phần tai nấm lộng lẫy – thứ nhô ra khỏi thân dưới dạng những chiếc đĩa nhỏ hình bán nguyệt và sẽ phát triển to hơn khi mỗi năm qua đi. Bên trong, nấm sẽ phá hủy tất cả phòng tuyến và xâm nhập sâu vào phần gỗ trung tâm của cây. Tại đó, phụ thuộc vào loài nấm mà chúng sẽ hấp thu hợp chất đường dự trữ hay, tệ hơn, cellulose và lignin, bằng cách ấy chúng phân hủy và biến bộ xương của cây
thành bột phấn. Dù vậy cây vẫn kiên cường chống cự quá trình này trong hàng thập kỷ. Mặt bên kia của những vết thương – vẫn tiếp tục mở rộng, cây mọc lên gỗ mới – thứ đang dần tích tụ thành những lằn dày ổn định. Trong một thời gian, điều này giúp cây chống đỡ những phần cấu trúc đã hư hỏng trước những cơn bão mùa đông dữ dội. Rồi một ngày, mọi thứ sẽ kết thúc. Thân cây gãy đổ và cuộc đời của cây đã đến điểm cuối. “Rốt cục cũng tới lúc này”, bạn gần như có thể nghe được tiếng thở dài của những cây-non-đang-chờ-đợi. Trong những năm tới, chúng sẽ nhanh chóng vươn lên qua những tàn tích đổ nát. Nhưng sinh mệnh đã kết thúc kia vẫn không ngừng phục vụ khu rừng. Những mảng gỗ mục rữa tiếp tục đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái trong hàng trăm năm nữa. Nhưng chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần sau.
12 —★—
SỒI VĨ ĐẠI HAY KẺ YẾU ĐUỐI TO XÁC
Khi tôi dạo bước khắp khu rừng mình quản lý, tôi thường thấy những cây sồi đang trong tình trạng hiểm nghèo. Và thỉnh thoảng chúng thật sự hết sức khốn khổ. Những chồi bên lo lắng nhú lên dưới gốc cây là chứng cứ rõ ràng nhất. Những chùm chồi mỏng mảnh này phát triển vòng quanh cây và thường nhanh chóng khô héo. Chúng biểu thị rằng cây đang trong cuộc chiến dai dẳng chống lại cái chết, và cây đang hoảng loạn. Thật vô lý khi sồi lại cố gắng mọc lá gần mặt đất đến vậy, vì sồi là loài cần ánh sáng. Chúng cần điều kiện sống tràn ngập ánh sáng để quang hợp. Những “tấm pin năng lượng mặt trời” đặt sát đất của chúng sẽ chẳng sản xuất được chút năng lượng nào dưới ánh sáng lờ mờ của tầng sát mặt đất, và sự “dàn trận” thừa thãi này sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.
Một cây khỏe mạnh sẽ không bận tâm đến việc tổn hao năng lượng của mình để đi phát triển những thứ kiểu như thế, thay vào đó, nó thích mở rộng phạm vi tán bên trên hơn. Ít nhất, đó là việc mà cây sẽ làm khi nó vẫn còn được sống bình yên. Tuy nhiên, sồi ở những khu rừng Trung Âu không được sống yên ổn, vì đây là quê nhà của loài dẻ gai. Hiện tại, dẻ gai là loài có thiên hướng xã hội cực kỳ cao, nhưng chúng chỉ có tính xã hội với những cây cùng loài mà thôi. Dẻ gai sẽ quấy phá những loài khác, chẳng hạn như sồi, đến mức những cây này suy yếu đi.
Mọi thứ bắt đầu khá chậm rãi và vô hại khi một con chim giẻ cùi chôn hạt dẻ gai xuống chân của một cây sồi to lớn. Vì chim
giẻ cùi đã có đủ thức ăn giấu kín ở các nơi khác, nên hạt dẻ gai này vẫn nằm nguyên đó, và khi xuân tới, nó nảy mầm. Dần dần, qua vài thập kỷ, cây non mọc cao lên, yên lặng và không gây chú ý. Đúng là cây non không có mẹ, nhưng ít nhất có cây sồi già cung cấp bóng râm cho nó, do đó cây non được nuôi nấng khỏe mạnh trong một không gian chừng mực. Thứ nhìn có vẻ rất hài hòa phía trên mặt đất hóa ra lại là khởi đầu của cuộc chiến sinh tồn dưới lòng đất.
Rễ dẻ gai xâm nhập vào từng không gian mà sồi chưa sử dụng tới, đào lối đi bên dưới cây sồi già và giành lấy lượng nước cùng thức ăn mà cây lớn vốn định dùng cho mình. Điều này khiến sồi yếu đi từng chút một. Sau khoảng 150 năm, cây dẻ gai bé nhỏ giờ đã cao đến nỗi nó dần dần mọc vào trong tán lá của sồi. Mọc vào trong, và sau vài thập kỷ nữa, mọc xuyên và mọc qua, vì trái ngược với đối thủ, dẻ gai có thể mở rộng tán cây của mình và gần như suốt cuộc đời đều không ngừng phát triển.
Giờ thì lá dẻ gai đã nhận được ánh sáng mặt trời trực tiếp, vì vậy cây có tất cả các loại năng lượng để lớn thêm. Nó phát triển tán thật “hoành tráng”, giúp bắt được đến 97% lượng ánh sáng mặt trời – điều mà các tán cây dẻ gai vẫn luôn làm. Cây sồi sẽ thấy mình bị đẩy xuống tầng rừng thứ hai – nơi tán lá của nó đang cố gắng vô ích trong việc giành lấy chút ánh sáng. Việc sản xuất đường bị sụt giảm trầm trọng, lượng dự trữ cạn kiệt, và sồi từ từ chết đói.
Cây sồi nhận ra nó không thể thắng trong cuộc đọ sức không nhân nhượng này và sẽ không bao giờ có thể mọc được những cành non cao vượt mặt dẻ gai. Trong lúc cần kíp, dẫu rằng có lẽ đang phải đối mặt với sự hoảng loạn gia tăng, nó làm điều ngược lại với tất cả các quy luật: Mọc chồi mới ngay dưới gốc. Lá của chồi mới này đặc biệt lớn, mềm, và có thể xoay xở được trong điều kiện ít ánh sáng hơn so với những lá nằm cao trên tán cây. Tuy nhiên, ba phần trăm đơn giản là không đủ. Sồi chứ đâu phải là dẻ gai. Do đó, những chồi bên mọc trong lúc căng thẳng này khô héo, và số năng lượng quý giá dùng để phát triển
g y g ợ g q ý g g p chúng đã lãng phí. Trong tình trạng đói ăn, sồi có thể cầm cự được một vài thập kỷ nữa, nhưng tới thời điểm nào đó, cây sẽ buông xuôi. Nó mất dần sức mạnh, rồi lũ mọt gỗ xuất hiện theo đó và chấm dứt sự khốn khổ của nó. Lũ bọ đẻ trứng dưới vỏ cây, rồi lũ ấu trùng ngọ nguậy sẽ nhanh chóng ăn sạch da của cây và kết thúc cuộc đời của cây sồi không còn tự vệ được này. Thế cây sồi vĩ đại thật ra chỉ là một kẻ yếu đuối to xác ư? Làm thế nào mà một loài cây mềm yếu như vậy lại trở thành biểu tượng của sự ngoan cường và trường thọ được nhỉ?
Bất kể loài cây này sinh sống bết bát thế nào trong hầu hết các khu rừng khi so với dẻ gai, thì sồi vẫn cực kỳ mạnh mẽ khi nó không phải cạnh tranh với ai. Hãy xem xét những khoảng không lộ thiên – cụ thể là ở khu trồng trọt của chúng ta. Trong khi dẻ gai hiếm khi sống hơn hai trăm năm nếu ở ngoài vùng không khí dễ chịu tại những khu rừng tự nhiên của chúng, thì sồi mọc gần những sân trang trại cổ hoặc bên ngoài những đồng cỏ dễ dàng sống đến hơn năm trăm năm. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu sồi có một vết thương sâu hay một vết nứt rộng trên thân do bị sét đánh? Chẳng thành vấn đề với cây, vì gỗ sồi đầy chất kháng nấm, sẽ làm quá trình nấm gây mục rữa chậm lại đến mức tối đa. Chất tannin này cũng xua đuổi hầu hết côn trùng, nhân tiện và tình cờ, tăng hương vị của rượu – nếu thùng đựng rượu được làm từ loại cây trên (Hãy nghĩ đến rượu “ướp sồi”). Thậm chí những cây bị tổn thương nghiêm trọng với những cành chính đã gãy rời cũng có thể mọc tán thay thế và thọ thêm vài trăm năm nữa. Phần lớn dẻ gai sẽ không thể làm được điều đó, và chúng chắc chắn sẽ không làm được nếu ở bên ngoài khu rừng – tức là không có mạng liên kết thân thương của chúng. Một cây dẻ gai bị bão tàn phá chỉ có thể bám trụ được không quá một vài thập kỷ.
Trong khu rừng tôi quản lý, sồi tỏ rõ chúng được tạo nên từ những thứ cực kỳ khắc nghiệt. Ở sườn dốc đặc biệt ấm hướng về nam, có một vài cây sồi dùng rễ bám víu vào nền đá trần. Khi mặt trời mùa hè nung những hòn đá nóng đến không chịu nổi,
những giọt nước cuối cùng cũng sẽ bốc hơi. Vào mùa đông, sương giá lạnh thấu xương xâm nhập sâu do thiếu lớp bảo vệ dày gồm đất trộn với lượng lá mục dồi dào mà bạn thường tìm thấy trên nền rừng. Cơn gió nhẹ nhất cũng quất xuống sườn dốc, vì vậy chỉ có một lượng địa y còm cõi mọc ở đó, và chúng gần như không có tác dụng trong việc điều chỉnh nhiệt độ khắc nghiệt. Kết quả? Sau một thế kỷ, sồi, hoặc đúng hơn là sồi phiên bản thu nhỏ, không to hơn cổ tay bạn và hiếm khi cao hơn 15 feet (4,572 m). Trong khi bạn bè chúng phát triển những thân cây chắc nịch và cao hơn 100 feet (30,48 m) trong môi trường rừng rậm ấm áp, những cây sống đạm bạc này xoay xở trong cảnh túng thiếu và bằng lòng với việc chẳng cao hơn một lùm cây bụi. Nhưng chúng đã sống sót! Lợi thế của điều kiện sống đói kém này là việc các loài khác đành bỏ cuộc từ rất lâu rồi. Vì vậy, có vẻ một cuộc sống kham khổ cũng có lợi thế nếu nó đồng nghĩa với việc bạn không cần phải lo lắng cạnh tranh với các loài cây khác.
Lớp ngoài dày dặn của vỏ sồi cũng khỏe mạnh hơn nhiều so với lớp da nhẵn, mỏng của dẻ gai, và nó có thể chịu đựng rất nhiều “ngược đãi”. Điều này gợi nhớ đến câu thành ngữ tiếng Đức "Was schert es eine alte Eiche, wenn sich ein Wildschwein in ihr scheuert?”, có nghĩa đại khái là: “Lưng cây sồi già cũng chẳng mất miếng da nào nếu một con lợn lòi muốn dùng vỏ nó để gãi lưng.”
13 —★—
CÁC CHUYÊN GIA
Cây có thể mọc ở nhiều môi trường khắc nghiệt. Có thể ư? Thật ra, chúng phải mọc ấy chứ! Khi hạt rơi khỏi cây, nơi mà nó rớt , xuống chỉ thay đổi khi có gió thổi hay có một con thú đem nó đi. Và một khi nó đã nảy mầm vào mùa xuân, thì coi như “ván đã đóng thuyền”. Từ lúc đó trở đi, cây non sẽ ràng buộc với mảnh đất nhỏ bé này suốt phần đời còn lại và phải nhận lấy mọi thứ mà cuộc sống đưa đẩy đến. Và với hầu hết những cây non, cuộc đời toàn đưa đến thách thức, vì nơi mà hạt tình cờ nảy mầm thường hóa ra lại là nơi hết sức không phù hợp. Hoặc nơi đó quá tối – nếu đó là một cây mận mơ cần nhiều ánh mặt trời nhưng lại nảy mầm ngay dưới đám dẻ gai cao to. Hoặc nơi đó quá sáng – nếu đó là cây dẻ gai non với tán lá nhạy cảm dễ bị cháy sém dưới ánh nắng chói chang lại nảy mầm ngay chỗ quang đãng. Nền rừng quá lầy lội sẽ làm mục rữa rễ của hầu hết các cây, trong khi nền đất cát khô khốc sẽ làm cây chết khát. Nơi không hề có đất giàu dinh dưỡng – trên đá hay chạc của các cây to – là những chỗ “hạ cánh” đặc biệt xui xẻo. Và thỉnh thoảng có may mắn thì cũng chẳng dài lâu. Hãy xem hạt giống đáp trên những gốc cây cao còn sót lại sau khi cây gãy đổ. Hạt định cư ở đó mọc thành những cây tí hon có rễ đâm vào phần gỗ đang mủn dần. Nhưng khi mùa hè khô hạn bất thường đầu tiên quét quanh mặt đất, khiến lượng ẩm cuối cùng bốc hơi ngay cả trên phần gỗ mục rữa, thì những kẻ-từng-có-khả-năng chiến-thắng kia sẽ khô héo và chết đi.
Nhiều loài cây Trung Âu có ý kiến tương tự về nơi ở lý tưởng, vì phần lớn chúng đều có tiêu chuẩn sống khỏe mạnh như nhau. Chúng ưa thích đất tơi xốp giàu dinh dưỡng – thứ đất thông khí tốt đến tận sâu vài feet bên dưới. Mặt đất nên thật ẩm ướt, đặc biệt là vào mùa hè. Nhưng không nên quá nóng, và vào mùa đông thì không nên quá lạnh. Lượng tuyết rơi nên vừa phải nhưng cần đủ để khi tuyết tan sẽ khiến đất ẩm ướt. Bão mùa thu nên được tiết chế bớt nhờ sự che chắn của các ngọn đồi hay những đỉnh núi, và khu rừng không nên chứa quá nhiều nấm hay côn trùng hại gỗ hoặc vỏ cây.
Nếu cây có thể mơ ước về một thiên đường dưới trần thế, thì đây chính là hình ảnh của thiên đường đó. Nhưng ngoại trừ một ít nơi biệt lập nhỏ, thì điều kiện lý tưởng này chẳng thể tìm được ở đâu cả. Và đây là điều tốt đối với sự đa dạng giống loài. Nếu Trung Âu là một thiên đường như thế, thì dẻ gai sẽ thắng hầu như tất cả các cuộc cạnh tranh. Chúng biết chính xác cách khai thác lượng tài nguyên phong phú, và chúng sẽ đàn áp các đối thủ cạnh tranh bằng cách mọc cao lên, xuyên qua tán của những cây khác, rồi bao phủ kẻ thua cuộc bằng những cành cao hơn. Nếu một cây xanh muốn sống sót trước sự cạnh tranh dữ dội như thế, nó phải nghĩ ra chiến lược thay thế, nhưng sống lệch ra khỏi vùng thiên đường lý tưởng này sẽ khiến đời sống của chúng gặp khó khăn, và bất kỳ cây nào muốn tìm một tổ sinh thái kế bên một cây dẻ gai phải sẵn sàng sống “ép xác” ở phương diện này hay phương diện khác. Nhưng chúng ta thực sự đang nói về tổ sinh thái à? Vì hầu như không môi trường sống nào trên trái đất có điều kiện sống hoàn hảo, thực ra cây phải tự mình thích nghi nhiều hơn là dựa vào tổ sinh thái lý tưởng. Có nhiều nơi sống rất khó khăn, và một cây xanh có thể sống tốt ở những nơi như vậy sẽ có thể chinh phục được một phạm vi địa lý khổng lồ. Và đó căn bản là những gì mà vân sam đã làm.
Vân sam có thể đứng vững ở bất cứ đâu – nơi hè thì ngắn còn đông thì lại lạnh tê tái – từ khu vực Viễn Bắc đến vùng núi non
gần đường giới hạn của cây ở Trung Âu. Vì mùa sinh trưởng ở Siberia, Canada và Scandinavia thường chỉ kéo dài vài tuần, dẻ gai mọc ở đó thậm chí không có cơ hội bung hết lá trước khi mùa này kết thúc. Và mùa đông thì rét buốt đến nỗi cây sẽ bị bỏng lạnh một thời gian dài trước khi mùa đông qua đi. Ở những vùng như vậy, vân sam chiếm ưu thế vượt trội.
Vân sam trữ tinh dầu trong những chiếc lá kim và vỏ cây của chúng, có tác dụng chống kết băng. Và đó là lý do vì sao chúng không cần vứt bỏ “bộ quần áo” màu xanh đẹp đẽ mà vẫn quấn chúng quanh những cành cây của mình vào mùa lạnh. Ngay khi thời tiết ấm lên vào mùa xuân, chúng có thể bắt đầu quang hợp. Không một ngày nào bị lãng phí, và thậm chí nếu chỉ có vài tuần để sản xuất đường và gỗ, thì cây vẫn có thể mọc thêm một hay hai inch (2,54 cm – 5,08 cm) mỗi năm.
Tuy nhiên, cố giữ những chiếc lá kim cũng cực kỳ mạo hiểm. Tuyết rơi xuống những cành cây và tích tụ lại cho đến khi quá nặng đến nỗi làm gãy cây. Vân sam dùng hai cơ chế tự vệ để tránh điều này. Thứ nhất, thân cây thường mọc hoàn toàn thẳng đứng. Khi một cấu trúc thẳng tăm tắp, thì rất khó để phá vỡ sự cân bằng của nó. Thứ hai, vào mùa hè, các cành chìa ra theo chiều ngang. Ngay khi tuyết rơi xuống, các cành cây sẽ từ từ nghiêng thấp xuống cho đến khi xếp chồng lên thành từng lớp giống như ngói trên mái nhà. Khi được sắp xếp kiểu như vậy, chúng có thể hỗ trợ qua lại với nhau và cây – khi nhìn từ trên cao xuống, sẽ trông có vẻ khẳng khiu. Điều này có nghĩa là phần lớn tuyết sẽ rơi quanh cây chứ không rơi trên cây. Vân sam mọc ở những khu vực tuyết phủ, nơi có độ cao lớn hơn mực nước biển hoặc ở vùng Viễn Bắc cũng thường hình thành những tán lá dài, hẹp với những cành ngắn, và những thứ này càng làm cây trông có vẻ thanh mảnh hơn.
Giữ lại những chiếc lá kim đỏm dáng còn tiềm ẩn một mối nguy khác. Những chiếc lá kim sẽ tăng diện tích bề mặt đón gió của cây, và do đó, vân sam dễ bị gãy đổ trong những cơn bão mùa đông. Thứ duy nhất bảo vệ chúng là mức độ tăng trưởng
g y ệ g ộ g g cực kỳ chậm của mình. Cây được vài trăm năm tuổi thường không cao hơn 30 feet (9,144 m), và số liệu cho thấy, mối nguy bị thối ngã tăng chẳng đáng kể cho đến khi cây cao hơn 80 feet (24, 374 m).
Rừng tự nhiên ở các vùng Trung Âu thường tràn ngập dẻ gai, và dẻ gai chỉ để lọt rất ít ánh sáng xuống mặt đất. Thanh tùng, ví dụ tiêu biểu cho sự tiết kiệm và lòng kiên nhẫn, đã quyết định tận dụng thật hiệu quả điều kiện sống này. Vì nó biết không thể sánh được với dẻ gai trong việc tăng trưởng, nên nó quyết định “hoạt động chuyên nghiệp” ở tầng rừng sát mặt đất. Và ở đây, với sự giúp sức của ba phần trăm lượng ánh sáng còn thừa lại mà dẻ gai để lọt qua tán, thanh tùng mọc lên. Dưới điều kiện sống như vậy, có thể mất trọn cả một thế kỷ thì thanh tùng mới cao được 20 đến 30 feet (6,096 m – 9,144 m) và thành thục, trong khi có thể có rất nhiều chuyện xảy ra cho cây trong thời gian này. Lũ thú ăn thực vật có thể gặm nó, cản trở nó phát triển đến vài thập kỷ. Hoặc tệ hơn, một cây dẻ gai ngã xuống có thể hạ gục nó hoàn toàn. Tuy vậy loài cây nhỏ bé nhưng dẻo dai này đều đã phòng ngừa trước. Ngay từ đầu, thanh tùng đã dùng số năng lượng nhiều hơn đáng kể so với những loài cây khác để xây dựng hệ thống rễ của mình. Nó cất giấu các chất dinh dưỡng vào đó, và nếu tai họa giáng xuống mặt đất, thì nó sẽ mọc ngay trở lại không chút do dự. Điền này thường dẫn đến việc hình thành nhiều thân cây – chúng có lẽ sẽ hợp nhất khi cây chạm đến tuổi già, khiến cây có vẻ ngoài chẳng mấy gọn gàng. Và, chao ơi, những cây này sống mới lâu làm sao! Thọ đến một ngàn tuổi hoặc hơn, chúng dễ dàng bỏ xa đối thủ trong những cuộc đối đầu gắt gao nhất, và qua hàng thế kỷ, chúng dần tắm mình nhiều hơn dưới ánh mặt trời mỗi khi lại có một cây già cỗi mọc phía trên chúng trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù vậy, thanh tùng vẫn phát triển cao không quá 65 feet (19,812 m). Chúng thấy vậy là ổn rồi, và chúng không phấn đấu để đạt chiều cao cao hơn.
Cây trăn (loài cây có họ hàng với bạch dương, mặc dù bạn không thể nhận ra điều này khi nghe tên của chúng) cố gắng bắt chước thanh tùng, nhưng nó lại có thói quen không quá tiết kiệm và cũng cần lượng ánh sáng nhiều hơn một chút. Dẫu vậy, nó vẫn sống sót được dưới tán dẻ gai, mặc dù không thể sinh trưởng thành một cây cao lớn ở đấy. Dù sao thì cây trăn cũng hiếm khi cao hơn 65 feet (19,812 m), và nó chỉ đạt được đến chiều cao đó khi mọc bên dưới những cây cho phép ánh sáng lọt xuống, chẳng hạn như sồi. Ở đấy, cây trăn được tự do phát triển, và vì nó không gây trở ngại cho những cây sồi lớn hơn – ít nhất là vậy, nên vẫn còn rất nhiều chỗ trống cho cả hai loài. Nhưng thường thì một cây dẻ gai – loài “đè đầu cưỡi cổ” cả hai loài kia, sẽ xuất hiện rồi trưởng thành và che khuất luôn cả sồi. Cây trăn chỉ có thể cạnh tranh ở nơi không những rợp bóng râm mà còn thật nóng và thật khô hạn. Ở những nơi như thế, dẻ gai cuối cùng sẽ phải bỏ cuộc, đồng nghĩa với việc, ít nhất tại những sườn dốc khô hạn phía nam kia, cây trăn sẽ có cơ hội trở thành kẻ chiến thắng.
Ở những nền đất và vị trí lầy lội, nước nghèo oxy, rễ của hầu hết cây không thể sống nổi và cây sẽ lần lượt chết đi. Bạn sẽ tìm được điều kiện sống như thế ở gần các mạch nước hay dọc theo bờ của những con suối – nơi mà các bãi bồi thường xuyên ngập dưới nước. Giả sử một hạt dẻ gai “lỡ lầm” rơi xuống đó và nảy mầm. Mới đầu, nó có thể phát triển thành một cây xanh bệ vệ. Nhưng thỉnh thoảng, trong suốt cơn bão mùa hè, cây sẽ ngã nhào khi bộ rễ mục nát của nó không còn bám chắc được nữa. Vân sam, thông, trăn, và bạch dương đều gặp rắc rối tương tự khi rễ của chúng có một khoảng hay toàn bộ thời gian bị ngâm trong nước ứ đọng. Điều này hoàn toàn trái ngược đối với cây tống quán sủ. Cao khoảng 100 feet (30,48 m), sự thật là chúng không có nhu cầu phát triển cao như những đối thủ của mình, nhưng chúng chẳng gặp rắc rối nào trong việc mọc trên những nền đất lầy lội không được ưa chuộng. Bí mật của loài cây này là hệ thống ống dẫn khí bên trong rễ. Những ống này vận chuyển oxy đến tận các đầu rễ bé nhỏ nhất, giống như các thợ lặn dùng
ống thở nối lên mặt nước vậy. Bên cạnh đó, loài này cũng có các tế bào bần mỏng ở những phần bên dưới thân, giúp không khí có thể tràn vào. Chỉ khi mực nước vẫn cao hơn những lỗ thở này trong một thời gian quá dài thì tống quán sủ mới suy yếu đến mức rễ của chúng trở thành nạn nhân của lũ nấm hung hãn.
14 —★—
CÂY THÂN GỖ HAY KHÔNG PHẢI CÂY THÂN GỖ
Chính xác cây thân gỗ là gì? Từ điển định nghĩa cây thân gỗ là thực vật có thân gỗ với cành mọc ra từ thân. Vì thế, ngọn phải vượt trội và kiên định hướng lên cao, không thì cây đó sẽ bị phân loại thành cây bụi – loại có nhiều thân nhỏ hơn, hay nói đúng ra là cành, được hình thành từ những thân rễ thông thường. Nhưng còn kích thước thì sao? Cá nhân tôi luôn thấy phiền muộn khi đọc những báo cáo về các khu rừng Địa Trung Hải – với tôi, chúng trông như một đám cây bụi ấy. Xét cho cùng thì cây là những sinh vật đồ sộ mà dưới tán của chúng, chúng ta trông nhỏ bé như những con kiến trên cỏ vậy. Nhưng lần nữa, trên chuyến đi đến Lapland, tôi tình cờ bắt gặp một đại sứ hoàn toàn khác biệt của họ cây thân gỗ khiến tôi cảm thấy mình cứ như Gulliver ở Lilliput.
Tôi đang nói đến những cây lùn trên lãnh nguyên – những cây thỉnh thoảng bị du khách dẫm chết mà không hề biết là chúng có ở đó. Những cây này mất một trăm năm để cao lên được vẻn vẹn 8 inch (20,32 cm). Tôi phải nói là khoa học không thừa nhận chúng là cây thân gỗ, và chúng cũng không được phân là cây thân gỗ thuộc họ bạch dương bụi Bắc cực (bạn có thể biết được điều này qua tên của chúng). Thân cây bé nhỏ của bạch dương bụi Bắc cực có thể mọc cao đến 10 feet (3,048 m), nhưng phần lớn chúng đều duy trì độ cao dưới tầm mắt chúng ta, và do đó, rõ ràng không được xem trọng. Nhưng nếu bạn áp dụng tiêu chuẩn giống vậy cho các cây khác, vậy thì những cây dẻ gai nhỏ hay thanh lương trà cũng không được tính là cây
thân gỗ đâu. Hai loài này thường bị lũ thú có vú lớn, chẳng hạn hươu nai, gặm nhấm nghiêm trọng đến mức chúng mọc thật nhiều cành non giống như cây bụi và cứ dậm chân tại chỗ với mức chiều cao 20 inch (50,8 cm) trong hàng thập kỷ.
Vậy nếu bạn chặt một cây thân gỗ xuống thì sao? Nó có chết không? Và còn gốc cây hàng trăm năm tuổi mà tôi đã giới thiệu với bạn ở đầu quyền sách này – thứ vẫn còn sống đến tận ngày nay, nhờ vào các hàng xóm của chúng thì thế nào? Đó có phải là một cây thân gỗ không? Và nếu như không phải, vậy thì nó là cái gì? Vấn đề thậm chí trở nên phức tạp hơn khi một thân cây mới mọc lên từ một gốc cây già. Ở nhiều khu rừng thưa, chuyện này cứ xảy ra suốt. Trong hàng thế kỷ ở châu Âu, cây rụng lá bị chặt ngay gốc bởi thợ đốt than – những người thu hoạch thân gỗ để làm than củi. Các thân mới sẽ mọc lên từ gốc, hình thành nền tảng cho các khu rừng thưa rụng lá mà chúng ta có ngày nay. Đặc biệt, những rừng sồi và trăn thường hình thành từ dạng thu hoạch này, được gọi là phương pháp tỉa sát gốc. Trong những khu rừng này, chu trình chặt cây và chờ cây mọc được lặp đi lặp lại cứ mỗi vài thập kỷ, vì vậy cây không bao giờ mọc cao hay thành thục được. Phương pháp tỉa sát gốc đã từng rất phổ biến, vì thuở ấy người ta nghèo đến nỗi không có đủ điều kiện để chờ gỗ mới mọc lâu hơn được. Bạn có thể bắt gặp tàn tích của thời dĩ vãng này khi dạo bước trong một khu rừng châu Âu. Hãy tìm những cây có nhiều thân mọc thành bụi hay có lớp sần dày cộm dưới gốc – nơi mà việc chặt cây định kỳ đã thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng. Những thân cây này hiện giờ có phải là những cây non, hay hỏi theo cách khác, chúng có thật sự đã được vài ngàn tuổi rồi không?
Đây là những câu hỏi cũng được đặt ra bởi các nhà khoa học, và có một nhóm đang nghiên cứu các cây vân sam cổ xưa ở tỉnh Dalarna tại Thụy Điển. Cây vân sam già nhất ở Dalarna đã phát triển một tấm thảm dạng cây bụi tán phẳng xung quanh thân cây nhỏ bé đơn lẻ của nó. Tất cả sự phát triển này đều thuộc về một cây duy nhất, và rễ của nó được định tuổi bằng cacbon-14.
Cacbon-14 là đồng vị cacbon liên tục được hình thành trong khí quyển và sau đó dần dần phân rã. Điều này có nghĩa là tỷ lệ cacbon-14 với đồng vị cacbon khác trong khí quyển sẽ luôn luôn giống nhau. Một khi cacbon-14 hợp nhất thành các sinh khối không hoạt hóa, chẳng hạn như gỗ, quá trình phân rã vẫn không giảm sút, tuy vậy sẽ không có đồng vị cacbon mới nào được tích tụ. Lượng đồng vị cacbon chứa trong mô thấp chừng nào, thì mô lớn tuổi chừng đó.
Nghiên cứu cũng tiết lộ vân sam đã đạt đến số tuổi hoàn toàn không tin được: 9.550 năm. Từng chồi riêng lẻ đều trẻ tuổi hơn, nhưng các chồi mới mọc cách đây vài thế kỷ này không được xem là một cây độc lập mà là những phần thuộc một tổng thể lớn hơn. Và, tôi nghĩ, khá đúng đấy chứ. Rễ chắc chắn là nguyên tố có tính quyết định hơn nhiều so với những thứ đang mọc trên mặt đất. Xét cho cùng thì, rễ là thứ trông nom sự sống còn của cả tổ chức. Rễ là thứ chịu đựng những thay đổi của thời tiết khắc nghiệt. Và nó cũng là thứ tái phát triển thân cây hết lần này đến lần khác. Trong rễ, hàng trăm năm kinh nghiệm được lưu lại, và những kinh nghiệm này giúp cây có thể sống sót đến tận ngày hôm nay. Theo kết quả của nghiên cứu trên loài vân sam này, một số phương hướng tư duy khoa học bị loại bỏ. Một mặt, trước nghiên cứu này, không ai biết rằng vân sam có thể sống đến hơn năm trăm năm; Mặt khác, trước lúc ấy, người ta vẫn cho rằng loài cây thuộc ngành thông này là loài đầu tiên đến địa phương trên của Thụy Điển vào hai ngàn năm trước sau khi băng tan. Với tôi, loài thực vật nhỏ bé kín đáo này là biểu tượng cho việc chúng ta hiểu về rừng rậm và cây cối ít đến mức nào, và biết bao điều kỳ lạ khác mà chúng ta vẫn chưa khám phá ra được.
Vì thế, hãy quay lại vấn đề vì sao rễ lại là phần quan trọng nhất của cây. Có thể hình dung rằng đây là nơi đặt thứ tương đương với bộ não của cây. Não ư? Bạn sẽ hỏi. Nó có cường điệu quá không? Có thể, nhưng hiện tại chúng ta đã biết rằng cây có khả năng học hỏi. Điều này có nghĩa chúng phải lưu trữ kinh
nghiệm ở đâu đó, và vì vậy, phải có một dạng cơ chế lưu trữ nằm trong cây. Chỉ là nó nằm ở đâu thì không ai biết, nhưng, rễ cây có lẽ là phần thích hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Vân sam cổ thụ ở Thụy Điển cũng cho thấy rằng thứ mọc bên dưới mặt đất là phần tồn tại bền lâu nhất của cây – còn nơi nào khác lưu giữ những thông tin quan trọng qua một thời gian dài ngoài nơi này nữa chứ? Hơn nữa, nghiên cứu hiện tại còn chỉ ra mạng lưới rễ cây tinh vi với đầy sự bất ngờ.
Có một sự thật được chấp nhận hiện nay là mạng lưới rễ chịu trách nhiệm đối với tất cả các hoạt động hóa học bên trong cây. Và chẳng có gì trên trái đất này có thể phá vỡ điều đó. Nhiều quy trình bên trong chúng ta cũng được điều chỉnh bởi các thông điệp hóa học. Rễ hấp thu các chất và đem về cây. Ở chiều ngược lại, chúng đem các sản phẩm thu được từ quá trình quang hợp đến chỗ các “cộng sự” nấm của cây và thậm chí gửi các tín hiệu cảnh báo đến những cây lân cận. Nhưng bộ não ư? Để chúng ta công nhận một thứ là bộ não, thì nó phải liên quan đến các quy trình thần kinh, và để được công nhận là quy trình thần kinh, ngoài thông điệp hóa học, thì bạn còn cần phải có xung điện. Đây chính xác là những thứ mà chúng ta có thể đo đạc được ở cây, và chúng ta đã có khả năng đo đạc này từ thế kỷ mười chín xa xôi. Trong những năm gần đây, một cuộc tranh cãi nảy lửa đang bùng lên giữa các nhà khoa học. Về việc thực vật có biết tư duy không? Chúng có thông minh không?
Cùng với các đồng nghiệp của mình, František Baluška từ Viện Tế Bào và Phân Tử Thực Vật thuộc Đại học Bonn tin rằng các cấu trúc tương tự bộ não có thể tìm thấy ở đầu rễ cây. Bên cạnh các đường truyền tín hiệu, cũng có rất nhiều hệ thống và phân tử khác tương tự như ở động vật. Khi một rễ cây dò dẫm tiến lên trong lòng đất, chúng nhận biết được các tác nhân kích thích. Các nhà nghiên cứu đo lường các tín hiệu điện dẫn đến sự thay đổi hành vi sau khi chúng được xử lý ở “vùng chuyển tiếp”. Nếu rễ gặp phải các chất độc hại, các hòn đá không xuyên qua được, hay đất bão hòa nước, nó sẽ phân tích tình hình và truyền
tín hiệu điều chỉnh cần thiết xuống đầu rễ. Đầu rễ sẽ đổi hướng sau khi nhận được tin tức truyền đạt và “bẻ lái” chiếc rễ đang dài ra này vòng qua vùng chứa nguy cơ.
Hiện tại, phần lớn các nhà nghiên cứu thực vật vẫn hoài nghi về việc liệu hành vi trên có thể hiện được thực vật có trí thông minh, năng lực ghi nhớ và cảm xúc hay không? Bên cạnh đó, họ tỏ ra quá lo lắng với việc mang các phát hiện trong những tình huống tương tự ở động vật sang áp dụng, và cuối cùng họ còn lo rằng điều này sẽ đe dọa làm mờ đi ranh giới giữa thực vật và động vật. Vậy thì sao? Điều đó có gì đáng sợ? Sự phân biệt giữa thực vật và động vật, xét cho cùng, cũng chỉ được tùy tiện quyết định dựa trên cách mà các sinh vật sống kiếm ăn: Thực vật quang hợp, còn động vật thì ăn các vật sống khác. Cuối cùng, sự khác biệt lớn duy nhất là lượng thời gian mà mỗi bên cần để xử lý thông tin và chuyển thông tin thành hành động. Điều đó có nghĩa là những sinh vật sống chậm tự nhiên sẽ ít có giá trị hơn những sinh vật sống nhanh à? Đôi khi, tôi ngờ rằng chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến cây thân gỗ cùng các loài thực vật khác nếu chúng ta có thể làm rõ mọi nghi ngờ về việc chúng rất giống động vật ở nhiều mặt.
15 —★—
TRONG VƯƠNG QUỐC BÓNG TỐI
Đối với loài người chúng ta, đất khó hiểu hơn nhiều so với nước, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong khi hầu như mọi người đều chấp nhận rằng những gì chúng ta biết về đáy đại dương ít hơn so với những gì chúng ta biết về bề mặt mặt trăng, thì những gì chúng ta biết về cuộc sống dưới lòng đất còn ít hơn thế nữa. Chắc chắn có một lượng phong phú các giống loài cùng sự thật mà chúng ta đã khám phá ra, và chúng ta có thể đọc về chúng. Nhưng chúng ta chỉ biết được một phần rất nhỏ trong toàn bộ những điều liên quan đến cuộc sống phức tạp đang bận rộn dưới chân mình. Đến tận một nửa sinh khối của một khu rừng được ẩn giấu dưới tầng rừng thấp hơn này. Hầu hết các dạng sống đang hối hả dưới đây không thể nhìn được bằng mắt thường. Và có lẽ vì vậy mà chúng không được chúng ta quan tâm bằng sói, gõ kiến đen, hoặc kỳ giông lửa chẳng hạn. Tuy nhiên, đối với cây, những sinh vật này chắc chắn có vai trò quan trọng hơn nhiều. Rừng vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống của nó mà chẳng gặp vấn đề gì nếu thiếu đi những dân cư to lớn. Hươu, lợn lòi, thú ăn thịt, và thậm chí phần lớn các loài chim sẽ chẳng tạo ra khác biệt nào lớn trong hệ sinh thái. Ngay cả khi tất cả chúng lập tức biến mất, thì rừng cây vẫn sẽ tiếp tục phát triển mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng xấu nào. Nhưng mọi thứ sẽ hoàn toàn khác nếu những sinh vật tí hon dưới “chân” chúng biến mất. Các dạng sống trong một nắm đất rừng nhiều hơn rất nhiều so với lượng người trên hành tinh này. Chỉ một thìa cà phê cũng chứa nhiều dặm sợi nấm. Tất cả những sinh vật này
tác động đến đất, biến đổi đất, và khiến đất trở nên hết sức giá trị đối với cây.
Trước khi chúng ta quan sát kỹ hơn một số những sinh vật trên, tôi muốn đưa bạn quay về thời điểm khi đất lần đầu tiên được tạo ra. Không có đất, sẽ không có rừng, vì cây phải có chỗ để đâm rễ xuống. Những tảng đá trần trụi sẽ không giúp ích được gì, và những hòn đá được xếp lỏng lẻo lên nhau – mặc dù chúng hỗ trợ được rễ cây đôi chút, cũng không thể trữ được đủ lượng nước hay thức ăn. Các quá trình địa chất – chẳng hạn như những quá trình đã diễn ra trong thời kỳ băng hà với nhiệt độ dưới 0 độ C – đã làm vỡ các tảng đá, và các dòng sông băng chôn những mảnh đá vỡ xuống cát bụi cho đến khi những gì cuối cùng còn sót lại là một lớp nền được bao bọc lỏng lẻo. Sau khi băng tan, nước rửa trôi loại chất liệu này xuống những chỗ trũng và thung lũng, hoặc bão đem nó đi xa và xếp nó thành nhiều lớp dày cả hàng chục feet.
Sự sống sau đó xuất hiện dưới dạng vi khuẩn, nấm, và thực vật nhỏ, tất cả chúng sau khi chết đều phân hủy thành dạng đất mùn. Qua thời gian hàng ngàn năm, cây thân gỗ mọc lên trên đất – thứ mà chỉ ở giai đoạn này mới được công nhận là “đất” – và sự hiện diện của cây thân gỗ khiến đất càng trở nên quý giá hơn. Cây thân gỗ giúp ổn định đất bằng rễ cây và bảo vệ đất trước mưa bão. Xói mòn trở thành chuyện của quá khứ, và thay vào đó, lớp đất mùn dần trở nên sâu hơn, tạo nên dạng ban đầu của than bitum. Trong lúc chúng ta nói về chủ đề xói mòn: Đây là một trong những kẻ thù tự nhiên nguy hiểm nhất của rừng. Đất sẽ mất đi mỗi khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra, thường đặc biệt theo sau các cơn mưa như trút nước. Nếu đất rừng không thể thấm hút hết tất cả nước ngay lập tức, thì lượng nước dư thừa sẽ chảy trên mặt đất, cuốn theo những phân tử đất nhỏ. Bạn có thể tự thấy điều này vào những ngày mưa: Mỗi khi nước chuyển màu nâu, có nghĩa là nó đang cuốn đi lớp đất quý giá. Rừng có thể mất đến tận 2.900 tấn đất trên một dặm vuông (2.589.988,11 m3) mỗi năm. Mỗi dặm vuông chỉ có thể
"""