" Đôi Điều Cần Suy Ngẫm - Jiddu Krishnamurti full mobi pdf epub azw3 [Tư Tưởng] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đôi Điều Cần Suy Ngẫm - Jiddu Krishnamurti full mobi pdf epub azw3 [Tư Tưởng] Ebooks Nhóm Zalo ĐÔI ĐIỀU CẦN SUY NGẪM J.KRISHNAMURTI Đào Hữu Nghĩa dịch ------------------------- NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ Số 9 - Ngõ 26 - Phố Hoàng Cầu - Q.Đống Đa - TP. Hà Nội VPGD: Số 347 Đội Cấn - Quận Ba Đình - TP. Hà Nội ĐT: (024). 66860751 - (024). 66860752 Email: nxbdantri@gmail.com Website: nxbdantri.com.vn Chịu trách nhiệm xuất bản BÙI THỊ HƯƠNG Chịu trách nhiệm nội dung LÊ QUANG KHÔI Biên tập: xxxxxxxxxxxxxxxx Vẽ bìa: Phương Thảo Trình bày: Hồng Thắm Thực hiện liên kết: CÔNG TY TNHH VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT (First News) Địa chỉ: 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP. HCM XNĐKXB số 000-2022/CXBIPH/00-00/THTPHCM ngày 00/00/0000 - QĐXB số 0000/QĐ-THTPHCM-EBOOK2022 cấp ngày 00/00/0000. Lưu chiểu năm 2022. ISBN: 978-604-000-000-0. GHI CHÚ CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP D ù viết về một cuộc trò chuyện với ai đó, hoặc mô tả một buổi hoàng hôn, hoặc nói chuyện trước công chúng, Krishnamurti dường như đều có cách để diễn đạt những lời nhận xét của mình, không chỉ với khán giả trước mặt, mà còn với bất kỳ ai lắng nghe, ở bất kỳ nơi nào; và có rất nhiều người trên khắp thế giới háo hức được lắng nghe ông. Bởi vì, những gì Krishnamurti nói đều mang tính phổ quát, không hề có thành kiến, và nó khám phá tận gốc rễ các vấn đề của con người chúng ta theo một cách thức lay động đến kỳ lạ. Tư liệu trong cuốn sách này ban đầu là các bài nói chuyện với học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Ấn Độ, nhưng sự thấu suốt sâu sắc và sự giản dị trong sáng của nó sẽ rất có ý nghĩa đối với những ai biết suy nghĩ ở mọi nơi, mọi lứa tuổi và trong mọi bước đi của đời sống. Krishnamurti, với tính khách quan và sự thấu hiểu đặc trưng, sẽ xem xét những biểu hiện của cái mà chúng ta hài lòng gọi là văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị và truyền thống của chúng ta; ông sẽ làm rõ những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham và lòng đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ mà ông cho thấy là những yếu tố khiến xã hội loài người trở nên sa đọa. Theo Krishnamurti, văn hóa thực sự không phải là vấn đề giáo dục, cũng không phải là học tập, tài năng, hay thậm chí thiên tài, nó là cái mà ông gọi là “động thái phi thời gian nhằm tìm kiếm hạnh phúc, Thượng đế, sự thật”. Và “khi động thái này bị ngăn chặn bởi uy quyền, bởi truyền thống, bởi nỗi sợ hãi, thì sẽ có sự suy tàn”, bất chấp tài năng hay thành tích của bất kỳ cá nhân, chủng tộc hay nền văn minh cụ thể nào. Ông thẳng thắn chỉ ra những yếu tố sai lầm trong thái độ và thể chế của chúng ta, hàm ý những lời nhận xét của ông thật sâu sắc và rộng mở. 1. CHỨC NĂNG CỦA GIÁO DỤC T ôi thắc mắc liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi giáo dục là gì không. Tại sao ta đến trường, tại sao ta phải học các môn học khác nhau, tại sao ta phải thi cử và ganh đua nhau để đạt được thứ hạng cao, điểm số tốt hơn? Cái gọi là giáo dục này nghĩa là gì và tất cả mọi bàn luận xoay quanh đó để làm gì? Đây thực sự là một câu hỏi hết sức quan trọng, không chỉ dành cho người học trò, mà cả cho cha mẹ, thầy cô giáo và tất cả mọi người còn yêu trái đất này. Tại sao ta phải chịu gian khổ đấu tranh để được học? Phải chăng chỉ để vượt qua các kỳ thi và kiếm được một việc làm? Hay phải chăng chức năng của giáo dục là chuẩn bị cho chúng ta thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống khi còn trẻ? Có việc làm và có được sinh kế là cần thiết - nhưng lẽ nào tất cả chỉ có thế? Có phải ta được giáo dục chỉ nhằm mục đích đó? Chắc chắn, cuộc sống không chỉ là một việc làm, một nghề nghiệp; cuộc sống phải là cái gì đó mênh mông và sâu thẳm phi thường, một bí ẩn khủng khiếp, một cõi mênh mông mà trong đó ta hoạt động với tư cách con người. Nếu ta chỉ đơn thuần tự chuẩn bị để có kế sinh nhai, ta sẽ đánh mất toàn bộ ý nghĩa cuộc sống; và thấu hiểu cuộc sống vẫn quan trọng hơn nhiều so với việc đơn thuần chuẩn bị cho các kỳ thi và rất thành thạo toán học, vật lý hay bất cứ môn nào. Vì thế, dù ta là thầy cô giáo, học sinh hay phụ huynh, chẳng phải điều quan trọng là ta phải tự hỏi tại sao ta làm giáo dục hay được giáo dục ư? Và cuộc sống có ý nghĩa gì? Chẳng phải cuộc sống là điều gì đó phi thường và kỳ diệu sao? Chim chóc, ngàn hoa, cây cối sum suê hoa trái, bầu trời với những vì tinh tú, những dòng sông và cá sống trong đó - tất cả là cuộc sống. Cuộc sống là người nghèo và kẻ giàu; cuộc sống là cuộc chiến triền miên bất tận giữa các đoàn thể, chủng tộc và quốc gia; cuộc sống là thiền; cuộc sống là điều mà ta gọi là tôn giáo và cũng là những gì ẩn giấu thâm sâu trong trí não - những thói ghen tị, tham vọng, đam mê, sợ hãi, thỏa mãn và âu lo. Tất cả những điều đó và nhiều điều hơn nữa là cuộc sống. Nhưng nói chung ta thường chỉ chuẩn bị cho mình để thấu hiểu một góc nhỏ bé của cuộc sống. Ta vượt qua một số kỳ thi, tìm được một việc làm, kết hôn, có con cái và rồi càng lúc ta càng trở nên giống như những cỗ máy. Ta cứ mãi sống trong sợ hãi, âu lo, khiếp sợ cuộc sống. Vậy, không phải chức năng của giáo dục là giúp ta thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống, hay giáo dục chỉ đơn thuần chuẩn bị cho ta một nghề nghiệp, một việc làm tốt nhất mà ta có thể có được? Điều gì sẽ xảy ra với tất cả chúng ta khi chúng ta lớn lên? Đã có bao giờ bạn tự hỏi bạn sẽ làm gì khi bạn lớn lên chưa? Nhưng điều có thể xảy ra cho tất cả chúng ta là bạn sẽ kết hôn, và trước khi kịp biết mình đang ở đâu thì bạn đã là những người mẹ, người cha; và lúc đó bạn sẽ bị trói buộc vào một công việc, hay vào việc bếp núc, rồi bạn sẽ dần dần tàn lụi đi. Phải chăng cuộc đời bạn rồi chỉ có thế? Đã bao giờ các bạn tự đặt cho mình câu hỏi này chưa? Bạn không nên đặt ra câu hỏi đó sao? Nếu gia đình bạn giàu có, bạn có thể có một địa vị tốt hầu như đã được bảo đảm trước, cha bạn có thể cho bạn một việc làm an nhàn, hoặc bạn có thể có một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối; nhưng rồi bạn cũng sẽ lụn bại, suy tàn. Bạn hiểu chứ? Chắc chắn giáo dục chỉ có ý nghĩa khi nào nó giúp chúng ta thấu hiểu được cái sự mênh mông rộng lớn của cuộc sống với tất cả sự tinh tế của nó, cùng với cái đẹp diệu kỳ phi thường của nó, cũng như mọi phiền não và niềm vui của nó. Bạn có thể lấy bằng đại học, có được một danh hiệu đi kèm với tên mình, và kiếm được một công việc lương cao, nhưng sau đó thì sao? Ý nghĩa của tất cả điều đó là gì nếu trong cuộc sống đó, trí não bạn trở nên tăm tối, cạn kiệt, ngu ngốc? Vì thế, đang khi còn trẻ, chẳng phải bạn nên khám phá xem cuộc sống mang ý nghĩa gì sao? Và phải chăng chức năng đích thực của giáo dục là chuyên chú trau dồi và nuôi dưỡng trong bạn trí tuệ để tìm ra lời giải cho tất cả những vấn đề này? Bạn biết trí tuệ là gì không? Trí tuệ chắc chắn phải là khả năng tư duy một cách tự do, không sợ hãi, không rập khuôn theo bất kỳ công thức nào cả, để bạn có thể bắt đầu tự mình khám phá cái gì là chân thực; nhưng nếu còn sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ có được trí tuệ. Mọi hình thái tham vọng, dù mang tính tâm linh hay thế tục, đều sinh ra lo âu, sợ hãi; cho nên tham vọng không giúp tạo ra một trí não sáng suốt, đơn giản, trực tiếp - vốn nhờ đó mới có được trí tuệ. Bạn biết không, điều thực sự hết sức quan trọng là đang khi còn trẻ, bạn nên sống trong một môi trường không sợ hãi. Phần đông chúng ta, càng lớn tuổi, lại càng trở nên sợ hãi; ta sợ sống, sợ mất việc, sợ truyền thống, sợ người xung quanh, sợ lời nói của vợ hay chồng, và ta sợ chết. Phần đông chúng ta đều sợ hãi dưới hình thức này hay hình thức khác; và nơi nào có sợ hãi, nơi đó không có trí tuệ. Và liệu khi còn trẻ, tất cả chúng ta không thể sống trong một môi trường không có sợ hãi mà chỉ có bầu không khí tự do - tự do, không chỉ để làm điều ta thích, mà tự do để thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống - hay sao? Cuộc sống thực sự vô cùng đẹp đẽ chứ không phải thứ cuộc sống xấu xa mà ta đã tạo ra này; và chính bạn có thể thưởng thức được sự phong phú đó, chiều sâu đó, vẻ đáng yêu phi thường đó của cuộc sống, chỉ khi nào bạn vùng lên chống lại mọi sự kiểm soát - chống lại tôn giáo có tổ chức, chống lại truyền thống, chống lại xã hội thối nát hiện tại - để bạn, với tư cách một con người, có thể tự mình tìm ra điều gì là chân thực. Không phải bắt chước mà là khám phá - đó mới là giáo dục, đúng không? Tuân thủ theo những gì xã hội, cha mẹ hay thầy cô giáo nói với bạn thì quá dễ dàng. Đó là lối tồn tại an toàn và dễ dãi; nhưng đó không phải là sống, bởi vì, có sự sợ hãi, suy tàn, chết chóc. Sống là tự bạn phải khám phá xem cái gì là chân thực, và bạn chỉ có thể làm việc đó khi có tự do, khi có một cuộc cách mạng liên tục diễn ra ở nội tâm, bên trong chính bạn. Nhưng bạn không được khuyến khích để làm việc này, không ai bảo bạn phải đặt câu hỏi, phải tự khám phá Thượng đế là gì, bởi vì nếu bạn nổi loạn bạn sẽ trở thành mối nguy hiểm đối với tất cả những gì là giả ngụy. Cha mẹ và xã hội muốn bạn sống an ổn và bạn cũng muốn sống an ổn. Sống an toàn nói chung có nghĩa là sống trong sự bắt chước, và vì thế, là sống trong sợ hãi. Chắc chắn, chức năng của giáo dục là giúp mỗi người chúng ta sống một cách tự do và không sợ hãi, phải thế không? Và để tạo ra một bầu không khí mà trong đó không có sợ hãi thì đòi hỏi phải có sự tư duy rất lớn về phía chính bạn cũng như về phía thầy cô giáo, nhà giáo dục. Bạn có biết như thế nghĩa là gì không - tạo ra một bầu không khí mà trong đó không có sự sợ hãi là một điều lạ lùng đến thế nào? Và ta phải tạo ra cho được bầu không khí đó, bởi vì ta thấy thế giới bị vướng mắc triền miên bất tận trong chiến tranh và bị sai khiến bởi các nhà chính trị luôn luôn mưu cầu quyền lực; đó là thế giới của các luật gia, cảnh sát và lính tráng, của những người đầy tham vọng chỉ muốn có địa vị và luôn đấu đá nhau để giành được nó. Rồi có những người được gọi là thánh nhân, guru, đạo sư tôn giáo với những tín đồ; tất cả họ cũng mưu cầu quyền lực, địa vị ở đời này hay ở kiếp sau. Đó là một thế giới điên cuồng, hoàn toàn hỗn loạn, đảo điên; trong đó tất cả mọi người đều chống lại người nào đó, đấu tranh để đến một nơi an toàn, một địa vị quyền lực hay an nhàn. Thế giới bị xé nát bởi sự xung đột giữa đủ thứ tín điều; bởi những phân biệt về đẳng cấp và tầng lớp, bởi các quốc gia, bởi mọi hình thái ngu ngốc và tàn ác - và đấy là cái thế giới mà bạn đang được giáo dục để sống cho thích ứng. Bạn được khuyến khích sống sao cho phù hợp với cấu trúc của cái xã hội thảm khốc đấy; cha mẹ muốn bạn làm như vậy và chính bạn cũng muốn sống cho phù hợp với nó. Vậy, có phải chức năng của giáo dục chỉ là giúp ta sống rập khuôn theo mô hình của cái trật tự xã hội thối nát này, hay giáo dục sẽ cho ta sự tự do - hoàn toàn tự do để lớn lên và tạo ra một xã hội khác, một thế giới mới? Chúng ta muốn có sự tự do này, không phải trong tương lai, mà ngay bây giờ, nếu không tất cả chúng ta đều bị hủy diệt. Ta phải tạo ra tức thì một bầu không khí tự do, để bạn có thể sống và tự mình khám phá xem cái gì là chân thực, để bạn trở nên thông tuệ, để bạn có thể giáp mặt thế giới và thấu hiểu thế giới, chứ không phải tuân thủ rập khuôn theo nó, để sâu thẳm bên trong bạn, về mặt tâm lý, bạn luôn luôn phản kháng, bởi vì chỉ có những người luôn luôn ở tư thế phản kháng mới khám phá được cái gì là chân thực, chứ không phải những người tuân thủ rập khuôn, chỉ biết làm theo một truyền thống nào đó. Chỉ khi nào bạn thường xuyên truy vấn, thường trực quan sát, luôn luôn học hỏi, bạn mới tìm thấy sự thật, Thượng đế, hay tình yêu; và bạn không thể truy vấn, quan sát và học hỏi, không thể nhận thức sâu sắc, nếu bạn còn sợ hãi. Vì thế chức năng của giáo dục chắc chắn là triệt tiêu, ở nội tâm cũng như ngoại cảnh, nỗi sợ hãi đang hủy diệt tư tưởng con người, mối quan hệ con người và tình yêu này. Hỏi: Nếu mọi cá nhân đều đứng lên phản kháng, ngài không nghĩ là thế giới sẽ hỗn loạn sao? Krishnamurti: Trước hết hãy lắng nghe câu hỏi, bởi vì điều quan trọng là thấu hiểu câu hỏi, chứ không phải chỉ chờ đợi câu trả lời. Câu hỏi là: nếu mọi cá nhân đều đứng lên phản kháng, thế giới sẽ không hỗn loạn sao? Nhưng xã hội hiện tại có đang ở trong một trật tự hoàn hảo để nếu mọi người đứng lên phản kháng lại nó, thì hậu quả sẽ là hỗn loạn không? Chẳng phải sự hỗn loạn đang diễn ra ngay bây giờ sao? Có phải mọi thứ đều đang tốt đẹp, hoàn hảo? Mọi người đều đang sống hạnh phúc, đủ đầy, giàu có? Không có người chống lại người? Không có tham vọng, tàn nhẫn, ganh đua nhau sao? Vậy là thế giới đang ở trong tình trạng hỗn loạn, đó là điều trước hết phải nhận ra. Đừng cho rằng đây là một xã hội có trật tự; đừng tự mê hoặc với những lời lẽ đó. Dù là ở đây, Âu châu, Mỹ hay Nga, thì thế giới vẫn đang trong một tiến trình suy tàn. Nếu bạn thấy được sự suy tàn đó, bạn có một thử thách: thử thách của bạn là tìm cách giải quyết vấn đề khẩn thiết này. Và cách bạn phản ứng với thử thách đó là điều quan trọng, phải không? Nếu bạn phản ứng như một tín đồ Ấn giáo, Phật giáo hay Công giáo, thì lúc đó, phản ứng của bạn rất hạn chế - tức là chẳng phản ứng gì cả. Phản ứng của bạn chỉ có thể hoàn toàn đầy đủ, không thiếu sót, nếu trong bạn không có sự sợ hãi, chỉ khi nào bạn không nghĩ như một tín đồ Hindu, tín đồ Kitô giáo hay Phật giáo, mà như một người toàn diện đang ra sức giải quyết vấn đề này; và bạn không thể giải quyết vấn đề nếu không tự mình phản kháng lại toàn bộ vụ việc, chống lại cái tham vọng tích lũy, vốn là nền tảng mà xã hội được xây dựng trên đó. Khi bản thân bạn không còn tham vọng, không còn ham muốn tích lũy, không còn bám víu vào chỗ an toàn của riêng bạn - chỉ lúc đó bạn mới có thể phản ứng lại thách thức và tạo ra một thế giới mới. Hỏi: Phản kháng, học hỏi, thương yêu - đó là ba tiến trình riêng biệt hay chúng diễn ra đồng thời? Krishnamurti: Tất nhiên chúng không phải là ba tiến trình tách biệt; đó là một tiến trình thống nhất. Bạn thấy đó, chỗ vô cùng quan trọng là tìm ra xem câu hỏi mang ý nghĩa gì. Câu hỏi được dựa trên lý thuyết chứ không phải kinh nghiệm; câu hỏi chỉ mang tính ngôn từ, tri thức, do đó nó không có giá trị. Một người không còn sự sợ hãi, thực sự phản kháng, đấu tranh để khám phá xem học hỏi, yêu thương có ý nghĩa gì - người như thế sẽ không hỏi đó là một hay ba tiến trình. Ta sử dụng ngôn từ rất tài tình và ta nghĩ rằng đưa ra những cách giải thích là ta đã giải quyết vấn đề. Bạn biết học nghĩa là gì không? Khi thực sự học, bạn sẽ học suốt đời và không có một giáo viên đặc biệt nào để bạn học. Bấy giờ mọi sự vật trên đời sẽ dạy bạn - một chiếc lá héo khô, một cánh chim đang bay, một mùi hương, một giọt nước mắt, người giàu và kẻ nghèo, ai đó đang gào khóc, nụ cười của một người phụ nữ, tính kiêu ngạo của một người đàn ông. Bạn học từ muôn vật, vì thế không có người dẫn dắt, không có triết gia, không có đạo sư. Tự thân cuộc sống là thầy của bạn và bạn luôn trong tâm thế học hỏi. Hỏi: Quả thật xã hội được xây dựng trên tinh thần tích lũy và tham vọng; nhưng nếu không có tham vọng, chẳng phải ta sẽ lụn bại sao? Krishnamurti: Đây là một câu hỏi thực sự hết sức quan trọng và nó đòi hỏi phải thật chú tâm. Bạn biết chú tâm là gì không? Ta hãy khám phá. Trong một lớp học, khi bạn tò mò nhìn ra cửa sổ hay kéo tóc một người bạn, thầy giáo thấy và bảo bạn hãy chú tâm. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là bạn không quan tâm những gì bạn đang học và do đó, thầy giáo buộc bạn phải chú tâm - thực ra không phải là chú tâm chi cả. Sự chú tâm xuất hiện khi bạn quan tâm sâu sắc một điều gì đó, bởi vì lúc đó bạn yêu mến điều bạn đang khám phá; bấy giờ toàn bộ trí não, toàn bộ con người bạn có mặt ở đó. Tương tự, khi bạn thấy rằng câu hỏi này - nếu không có tham vọng, chẳng phải ta sẽ lụn bại sao? - là thực sự hết sức quan trọng, bạn quan tâm và muốn khám phá sự thật của vấn đề. Vậy, không phải người tham vọng đang tự hủy diệt chính mình sao? Đó là điều trước hết phải khám phá, chứ đừng hỏi tham vọng đúng hay sai. Hãy nhìn quanh bạn đi, hãy quan sát những người đầy tham vọng. Điều gì xảy ra khi bạn tham vọng? Bạn nghĩ về chính bạn phải không? Bạn trở nên tàn nhẫn, bạn gạt người khác sang một bên, bởi vì bạn đang nỗ lực thực hiện tham vọng của mình, cố trở thành một người đầy quyền lực, từ đó mới sinh ra xung đột trong xã hội giữa những người thành đạt và những kẻ rớt lại phía sau. Có một cuộc chiến triền miên diễn ra giữa bạn và những người khác đang gắng sức đuổi theo những điều bạn muốn; và liệu cuộc xung đột này có tạo ra một cuộc sống sáng tạo không? Bạn hiểu chứ? Bạn có tham vọng không khi yêu thích làm điều gì vì chính bản thân điều đó? Khi bạn làm việc gì bằng trọn vẹn con người mình, chứ không phải bởi vì bạn muốn đi đến đâu hay có nhiều lợi lộc hơn, đạt kết quả to lớn hơn, mà đơn giản bởi vì bạn yêu thích làm việc đó - trong đó không có tham vọng phải không? Trong đó không có ganh đua; bạn không đấu tranh với ai đó để đứng đầu bảng. Và chẳng phải giáo dục nên giúp bạn khám phá những điều bạn thực sự thích làm sao, để trong suốt cuộc đời mình, bạn được làm công việc bạn cảm thấy đáng giá, và đối với bạn nó có một ý nghĩa sâu sắc sao? Nếu không, suốt cả phần đời còn lại, bạn sẽ khốn khổ. Vì không biết mình thực sự muốn làm gì, trí não bạn rơi vào một guồng quay tẻ nhạt, chỉ có sự chán chường, suy tàn và chết chóc. Thế nên điều hết sức quan trọng là đang khi bạn còn trẻ, phải khám phá xem bạn thực sự thích làm việc gì; và đây là cách thức duy nhất để tạo ra một xã hội mới. Hỏi: Ở Ấn Độ, cũng như phần đông các quốc gia khác, giáo dục do chính quyền kiểm soát. Dưới sự kiểm soát như thế, có thể nào tổ chức thực hiện một cuộc thử nghiệm về loại hình giáo dục mà ngài mô tả không? Krishnamurti: Nếu không có sự trợ giúp của chính quyền, liệu một trường học áp dụng loại hình giáo dục này có thể tồn tại không? Đó là điều quý ông này hỏi. Ông ấy thấy mọi việc trên khắp thế giới đang ngày càng bị kiểm soát bởi chính quyền, bởi các chính trị gia, bởi những người nắm quyền lực muốn định hình trí não và con tim chúng ta; muốn chúng ta phải suy nghĩ theo một định hướng nào đó. Dù ở Nga hay trong bất kỳ quốc gia nào khác, khuynh hướng là tiến đến sự kiểm soát của chính quyền trong giáo dục; và quý ông này hỏi liệu loại trường học mà tôi đang đề cập có thể nào hình thành mà không có sự giúp đỡ của chính quyền. Vậy, bạn thực sự muốn nói gì? Bạn biết đấy, nếu bạn nghĩ điều gì đó là quan trọng, thực sự có giá trị, bạn đặt trọn con tim vào đó, bất chấp chính quyền và các sắc lệnh của xã hội - thì nó sẽ thành công. Nhưng phần đông chúng ta không đặt hết tâm trí của mình vào bất cứ điều gì, vì thế ta mới đặt ra một câu hỏi như vậy. Còn nếu bạn và tôi cảm nhận rõ rệt rằng một thế giới mới chỉ có thể hình thành khi mỗi người chúng ta có tinh thần phản kháng toàn diện ở nội tâm, tâm lý, tinh thần - thì bấy giờ ta sẽ đặt trọn con tim ta, trí não ta, thân thể ta hướng vào việc tạo ra một trường học mà ở đó không có bất kỳ một nỗi sợ hãi nào với tất cả hàm ý của nó. Thưa ngài, bất cứ điều gì mang tính cách mạng thực sự đều được tạo dựng bởi một số ít người nhìn thấy cái gì là chân thực và muốn sống trọn vẹn theo sự thật đó; nhưng để khám phá cái chân thực thì phải thoát khỏi truyền thống - nghĩa là thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. 2. VẤN ĐỀ TỰ DO T ôi muốn thảo luận với các bạn về vấn đề tự do. Đó là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần phải nghiên cứu và hiểu sâu. Ta nghe nói nhiều về sự tự do, sự giải thoát của tôn giáo và sự tự do làm điều ta thích làm. Vô số tác phẩm của các học giả đã viết về điều này. Nhưng tôi nghĩ ta có thể đề cập đến vấn đề này một cách hết sức đơn giản và trực tiếp, có lẽ điều đó sẽ đưa ta đến một giải pháp đích thực. Tôi tự hỏi bạn có bao giờ dừng lại quan sát bầu trời phía tây đỏ rực lên một cách diệu kỳ khi mặt trời lặn với vầng trăng non treo lơ lửng trên những ngọn cây chưa? Thường ở giờ phút đó, dòng sông thật tĩnh lặng và lúc đó mọi vật đều được phản chiếu trên mặt nước: cây cầu, đoàn tàu hỏa đang băng qua cầu, mảnh trăng non mềm mại, dịu dàng, và giờ đây khi trời đã tối hẳn, muôn vì sao chiếu lấp lánh. Tất cả đều tuyệt đẹp. Và để quan sát, để nhìn, để chú tâm trọn vẹn vào điều gì xinh đẹp, trí não bạn phải thoát khỏi mọi mối bận tâm, phải không? Trí não phải không bị chiếm cứ bởi những vấn đề, những lo toan bận bịu, những suy xét. Chỉ khi nào trí não vô cùng tĩnh lặng, bạn mới có thể thực sự quan sát, bởi vì lúc đó trí não mới nhạy cảm trước cái đẹp lạ thường, và đây có lẽ là manh mối để giải quyết vấn đề tự do. Vậy thì, tự do nghĩa là gì? Có phải tự do là làm việc gì khiến bạn thoải mái, đi đến nơi nào bạn thích, nghĩ điều gì bạn muốn? Đây là điều mà bạn muốn làm thế nào cũng được. Chỉ đơn thuần được độc lập thì có nghĩa là tự do không? Nhiều người trong thế giới sống độc lập, nhưng rất ít người tự do. Tự do ngụ ý là cực kỳ thông tuệ, phải không? Sống tự do là sống thông tuệ, nhưng trí tuệ không thể hình thành chỉ bằng ước mong sống tự do; trí tuệ chỉ xuất hiện khi bạn bắt đầu thấu hiểu toàn bộ môi trường sống của mình, thấu hiểu mọi ảnh hưởng về xã hội, tôn giáo, gia đình và truyền thống đang liên tục bủa chặt vòng vây quanh bạn. Nhưng để thấu hiểu những ảnh hưởng khác nhau đó - ảnh hưởng từ cha mẹ, từ chính quyền, xã hội, văn hóa mà bạn thuộc về, từ những điều bạn tin, những thần thánh và mê tín, từ truyền thống mà bạn tuân thủ một cách không suy nghĩ - để thấu hiểu tất cả những điều này và thoát khỏi chúng, bạn cần thấu hiểu bên trong mình. Nhưng thông thường bạn chịu thua chúng, bởi vì trong tâm bạn sợ hãi. Bạn sợ không có một địa vị tốt trong đời, bạn sợ các giáo sĩ sẽ nói điều gì đó về bạn; bạn sợ không tuân thủ theo truyền thống, sợ hành động không đúng. Nhưng tự do giải thoát thực sự là một trạng thái của trí não mà trong đó không có sợ hãi hay cưỡng bách, không có sự ham muốn mãnh liệt để được an toàn. Chẳng phải phần đông chúng ta đều muốn được an toàn sao? Không phải ta muốn nghe người khác nói về ta như những con người tuyệt vời ra sao, đáng yêu, hoặc thông minh tài trí thế nào sao? Nếu không, ta sẽ không gắn thêm mấy từ đó vào cái tên của mình. Tất cả những điều đó khiến ta tự đảm bảo, cảm thấy mình quan trọng. Tất cả chúng ta đều muốn trở thành người nổi tiếng - và ngay khi ta muốn mình là cái gì đó, ta không còn tự do nữa. Xin hãy nhìn rõ điều này, bởi vì đó là manh mối thực sự dẫn tới việc thấu hiểu vấn đề tự do. Dù là trong thế giới của các chính trị gia, của quyền lực, địa vị và uy thế, hay trong thế giới gọi là tinh thần, ở đâu bạn còn khao khát được đức cao vọng trọng, cao quý, thánh thiện, khi bạn còn muốn trở thành một nhân vật nào đó, thì bạn không còn tự do nữa. Nhưng nếu có ai nhìn thấy sự phi lý của tất cả những điều này và trái tim của người ấy, do đó, hồn nhiên và không còn dao động theo ý muốn là một nhân vật nào đó - con người như thế mới tự do. Nếu bạn hiểu được sự đơn giản của điều này, bạn cũng sẽ thấy vẻ đẹp và chiều sâu khác thường của nó. Rốt lại, các kỳ thi đều nhằm mục đích: cho bạn một địa vị, biến bạn thành một người nào đó. Các danh hiệu, địa vị và kiến thức khuyến khích bạn trở thành cái gì đó. Bạn không để ý thấy rằng giáo viên hay cha mẹ đều nói với bạn rằng bạn phải trở thành một điều gì đó trong đời, bạn phải thành danh giống như cậu của bạn hay ông của bạn sao? Hoặc bạn cố gắng bắt chước theo tấm gương của một người hùng nào đó, để được giống như các bậc đại sư, những ông thánh; vì thế bạn không bao giờ được tự do. Dù bạn bắt chước theo gương mẫu của một bậc đại sư, một thánh nhân, một giáo chủ, một người bà con, hoặc bám chặt vào một truyền thống cụ thể; thì tất cả đều có ý đòi hỏi bạn phải trở thành cái gì đó; và chỉ khi nào bạn thực sự thấu hiểu điều này, lúc đó mới có sự tự do. Vậy chức năng của giáo dục là trợ giúp bạn từ ấu thơ để bạn không bắt chước bất kỳ một người nào, mà phải luôn luôn là chính bạn. Và đây là điều khó khăn hơn cả: dù bạn xấu hay đẹp, dù bạn ghen tị hay đố kỵ, hãy luôn luôn là chính mình, nhưng hãy hiểu được điều này. Là chính mình là một điều cực khó, bởi vì bạn nghĩ cái bạn đang là là thấp hèn, và rằng chỉ cần thay đổi cái đang là thành cái gì đó cao thượng, thì sẽ rất tuyệt vời; nhưng việc đó không bao giờ xảy ra. Trái lại, nếu bạn nhìn vào con người thực sự của bạn và thấu hiểu nó, thì chính trong hành động thấu hiểu đó đã có sự chuyển hóa. Vì thế, tự do không nằm ở nỗ lực trở thành điều gì khác, không nằm ở việc làm bất cứ điều gì bạn tình cờ cảm thấy thích, cũng như không nằm ở việc tuân thủ uy lực của truyền thống, của cha mẹ, của đạo sư, mà nằm ở hành động thấu hiểu bản thân mình đang là gì trong từng phút, từng giây. Bạn thấy đó, bạn không được dạy phải làm điều này; nền tảng giáo dục của bạn khuyến khích bạn trở thành điều này, điều nọ - nhưng như thế không phải là thấu hiểu chính mình. Cái “tôi” của bạn vô cùng phức tạp; nó không phải chỉ là cái thực thể vẫn đến trường, đang cãi vã, đang chơi đùa, đang lo sợ, mà nó còn là cái gì đó ẩn kín, không hiển lộ. Nó được làm nên không chỉ bằng tất cả những gì bạn suy nghĩ, mà còn bằng tất cả những thứ đã được nhồi nhét vào trí não của bạn bởi những người khác, bởi sách vở, bởi báo chí, bởi các lãnh tụ của bạn; và bạn chỉ có thể thấu hiểu tất cả những điều đó khi không còn muốn trở thành một người nào, khi bạn không còn bắt chước, không còn chạy theo bất kỳ ai - điều đó thật ra có nghĩa là khi bạn đứng lên phản kháng lại toàn bộ cái truyền thống cố gắng trở thành điều gì đó. Đó là cuộc cách mạng chân thực duy nhất, dẫn đến một sự tự do phi thường. Nuôi dưỡng sự tự do này là chức năng thực sự của giáo dục. Cha mẹ, thầy cô và những khao khát của chính bạn muốn bạn đồng nhất với điều này, điều nọ để được hạnh phúc, an toàn. Nhưng để sống thông tuệ, chẳng phải bạn cần phá vỡ mọi ảnh hưởng nghiền nát bạn và bắt bạn làm nô lệ sao? Hy vọng về một thế giới mới nằm ở những người nào trong số các bạn có thể bắt đầu thấy cái gì là giả tạo và phản kháng lại nó, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động thực tế. Chính vì thế, bạn phải tìm ra một nền giáo dục đúng đắn; bởi vì chỉ khi nào bạn trưởng thành trong tự do, bạn mới có thể tạo ra một thế giới mới không dựa trên truyền thống và bị định hình theo khí chất riêng của một triết gia hay một người theo chủ nghĩa lý tưởng nào đó. Nhưng không thể có tự do, chừng nào bạn vẫn còn đơn thuần cố gắng trở thành người nào đó, hoặc bắt chước theo một tấm gương cao quý. Hỏi: Trí thông minh là gì? Krishnamurti: Ta hãy đi sâu vào vấn đề này thật chậm rãi, kiên nhẫn, và hãy khám phá. Khám phá không phải là đi đến một kết luận. Tôi không biết bạn có thấy được chỗ khác biệt không. Khi bạn đi đến một kết luận rằng trí thông minh là gì, thì bạn không còn thông minh nữa. Đó là việc mà phần đông người lớn vẫn làm: họ đi đến những kết luận. Nên họ không còn thông minh nữa. Thế là bạn đã tìm ra một thứ đúng đắn này đây: một trí não thông minh là một trí não luôn luôn học hỏi, chứ không bao giờ kết luận. Trí thông minh là gì? Phần đông người ta thỏa mãn với một định nghĩa về trí thông minh. Hoặc họ nói: “Đó là một cách giải nghĩa tuyệt hay” hoặc họ cảm thấy thích giải thích của riêng họ hơn; và một trí não thỏa mãn với một lời giải thích là rất nông cạn, hời hợt, do đó nó không thông minh. Bạn phải bắt đầu thấy rằng một trí não thông minh là một trí não không thỏa mãn với những lời giải thích, với những kết luận; đó cũng không phải là một trí não tin tưởng, bởi vì niềm tin lại là một hình thái khác của kết luận. Một trí não thông minh là một trí não luôn truy vấn, một trí não luôn quan sát, học hỏi, nghiên cứu. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là chỉ có trí thông minh khi không còn sợ hãi, khi bạn sẵn lòng nổi loạn, phản kháng lại toàn bộ cấu trúc xã hội để tìm ra Thượng đế là gì, hoặc khám phá sự thật của bất cứ điều gì. Trí thông minh không phải là kiến thức. Nếu bạn có đọc hết mọi sách vở trên thế giới thì điều đó cũng không giúp bạn thông minh. Trí thông minh là cái gì đó cực kỳ tinh tế; nó không neo đậu ở bất kỳ nơi chốn nào; nó chỉ xuất hiện khi bạn thấu hiểu toàn bộ tiến trình của trí não - không phải trí não tuân theo một triết gia hay bậc thầy nào; mà là trí não của riêng bạn. Trí não của bạn là thành quả của toàn bộ nhân loại, và khi thấu hiểu được nó, bạn không cần phải nghiên cứu bất kỳ sách vở, kinh điển nào nữa, bởi vì trí não chứa đựng toàn bộ kiến thức của quá khứ. Vì thế, trí thông minh xuất hiện cùng với sự thấu hiểu chính mình; và bạn chỉ có thể thấu hiểu chính mình trong mối quan hệ với thế giới con người, với vạn vật và với ý tưởng. Trí thông minh không phải là điều mà bạn có thể thụ đắc, giống như việc học; nó sinh ra cùng với sức phản kháng cao độ, tức là khi không có sự sợ hãi - thật ra nghĩa là khi có cảm giác yêu thương. Bởi vì khi không còn sợ hãi thì mới có yêu thương. Nếu bạn chỉ quan tâm đến những giải thích, tôi e rằng bạn sẽ cảm thấy như tôi đã không trả lời câu hỏi của bạn. Hỏi trí thông minh là gì giống như hỏi sống là gì. Sống là học tập, chơi đùa, quan hệ tình dục, làm việc, cãi vã, ghen tị, là tham vọng, tình yêu, cái đẹp và sự thật - sống là tất cả mọi thứ, không phải sao? Nhưng bạn thấy đó, phần đông chúng ta không đủ kiên nhẫn để theo đuổi một cách nghiêm túc và kiên định công cuộc truy cầu, khám phá này. Hỏi: Một trí não thô thiển có thể trở nên nhạy cảm không? Krishnamurti: Hãy lắng nghe câu hỏi, ý nghĩa đằng sau ngôn từ. Một trí não thô thiển có thể trở nên nhạy cảm không? Nếu tôi nói trí não tôi thô thiển và tôi cố gắng trở nên nhạy cảm, thì chính sự cố gắng trở nên nhạy cảm là thô thiển. Xin hãy hiểu điều này. Đừng mưu đồ gì cả mà hãy quan sát nó. Ngược lại, nếu tôi nhận ra tôi thô thiển, mà không muốn thay đổi, không cố gắng trở nên nhạy cảm, nếu tôi bắt đầu thấu hiểu thô thiển là gì, quan sát nó trong cuộc sống của tôi từng ngày - cách tôi tham lam trong ăn uống, thái độ thô lỗ khi đối xử với người khác, thái độ tự cao, ngạo mạn, sự thô lỗ trong những thói quen và suy nghĩ của tôi - thì chính sự quan sát đó làm thay đổi cái đang là. Tương tự, nếu tôi ngu muội và tôi nói tôi phải trở nên thông minh, thì nỗ lực trở nên thông minh chỉ là một hình thái lớn lao hơn của sự ngu độn; bởi vì điều quan trọng là phải hiểu được sự ngu độn đó. Tôi có cố gắng cách nào đi nữa để trở nên thông minh, thì cái tính ngu độn của tôi sẽ vẫn còn đó. Tôi có thể đạt được vẻ hào nhoáng nông cạn của việc học. Tôi có thể có khả năng trích dẫn sách vở, lặp lại vanh vách các đoạn văn của các tác giả vĩ đại, nhưng về cơ bản tôi vẫn ngu độn. Nhưng nếu tôi nhìn thấy và thấu hiểu sự ngu độn khi tự nó thể hiện trong cuộc sống đời thường của tôi. Cách tôi đối xử với người ăn kẻ ở trong nhà, cách tôi nhìn hàng xóm, người nghèo, kẻ giàu - thì chính nhận thức đó sinh ra sự sụp đổ của tính ngu độn. Bạn hãy thử đi. Hãy tự quan sát chính mình khi đang nói chuyện với người giúp việc nhà, hãy quan sát thái độ kính nể khủng khiếp của bạn khi đối mặt với một thống đốc, và thái độ coi khinh mà bạn thể hiện với người không cho bạn được gì. Bấy giờ bạn mới bắt đầu khám phá ra bạn ngu độn ra sao; và chính trong sự thấu hiểu đó mới có trí thông minh, tính nhạy cảm. Bạn không nhất thiết phải trở nên nhạy cảm. Người ra sức trở thành điều gì đó là người xấu xa, vô cảm; đó chính là người thô thiển. Hỏi: Làm thế nào một đứa bé có thể khám phá ra mình là gì nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ và thầy cô giáo? Krishnamurti: Tôi có nói một đứa bé làm được vậy chưa, hay đây là sự suy diễn của bạn về điều tôi đã nói? Đứa bé sẽ khám phá về bản thân nó nếu môi trường mà nó sống giúp nó làm việc đó. Nếu cha mẹ và thầy cô giáo thực sự quan tâm đến việc người trẻ phải khám phá được mình là gì, nhưng không cưỡng bách đứa trẻ đó; họ sẽ tạo ra một môi trường mà trong đó đứa trẻ sẽ đi đến chỗ tự biết mình. Bạn đã đặt ra câu hỏi này; nhưng đó có phải là vấn đề sống còn của bạn không? Nếu bạn cảm nhận một cách sâu xa rằng điều quan trọng với đứa trẻ là tự nó phải khám phá chính mình, và rằng đứa trẻ không thể làm việc này nếu nó bị khống chế bởi quyền lực, thì chẳng phải bạn nên giúp tạo ra cái môi trường đúng đắn này sao? Lại trở về với thái độ cũ rích không thay đổi: hãy nói cho tôi biết tôi phải làm gì và tôi sẽ làm theo. Chúng ta không nói: “Hãy cùng nhau làm việc đó”. Vấn đề là làm sao tạo ra một môi trường mà trong đó đứa trẻ có được sự hiểu biết về chính mình trong mối tương quan với tất cả mọi người - cha mẹ, thầy cô giáo và chính bản thân nó nữa. Nhưng sự tự biết mình không thể áp đặt, sự hiểu không thể cưỡng ép, và nếu đây là vấn đề sống còn của bạn và tôi, của phụ huynh và thầy cô giáo, thì lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những môi trường học đường đúng kiểu. Hỏi: Bọn trẻ nói với tôi rằng chúng đã thấy trong làng một số hiện tượng kỳ quặc, giống như sự ám ảnh, và chúng sợ ma quỷ, những linh hồn, vân vân. Chúng cũng hỏi về cái chết, ta phải nói gì về những điều này? Krishnamurti: Vào thời điểm thích hợp, ta sẽ truy vấn xem cái chết là gì. Nhưng bạn thấy đó, sợ hãi là một điều hết sức kỳ lạ. Các bạn hồi còn bé cũng đã nghe cha mẹ, người lớn nói về ma quỷ, nếu không có lẽ bạn sẽ không thấy ma quỷ. Người nào đó đã nói với bạn về sự ám ảnh đó. Các bạn còn quá trẻ để biết về tất cả những điều ấy. Đó không phải là trải nghiệm của chính bạn, đó chỉ là sự phản ánh lại những điều mà người lớn đã nói với bạn. Và bản thân họ thường không biết gì về những điều này. Họ chỉ đọc trong sách và nghĩ rằng họ đã hiểu. Việc đó khiến khơi dậy một câu hỏi hoàn toàn khác: có chăng một trải nghiệm không bị nhiễm bẩn bởi quá khứ? Nếu một kinh nghiệm bị nhiễm bẩn bởi quá khứ thì đó chỉ là một sự nối tiếp của quá khứ, và do đó không phải là một kinh nghiệm nguyên bản. Điều quan trọng đối với những người đang có mối liên hệ gần gũi với trẻ em là không nên áp đặt lên trẻ các quan niệm của chính bạn về ma quỷ, những ảo tưởng của chính bạn, những ý niệm và kinh nghiệm của riêng bạn. Điều này hết sức khó tránh, bởi vì người lớn thường hay nói quá nhiều về những thứ vô bổ chẳng có gì quan trọng trong cuộc sống; do đó, dần dần họ truyền đạt cho trẻ những âu lo, sợ hãi và mê tín của chính họ, một cách tự nhiên bọn trẻ sẽ lặp lại những điều chúng đã nghe. Điều quan trọng là người lớn, vốn thường không tự biết điều gì về tất cả những thứ này, không được nói về chúng trước mặt trẻ, mà thay vào đó hãy giúp tạo ra một bầu không khí để trẻ có thể lớn lên trong tự do và không sợ hãi. 3. TỰ DO VÀ TÌNH YÊU C ó lẽ một số người trong các bạn không hiểu trọn vẹn những gì tôi đã nói về sự tự do, nhưng như tôi đã chỉ ra, điều quan trọng là phải mở trí não trước những ý tưởng mới, trước điều gì đó mà có thể bạn chưa quen. Thật vui khi thấy điều gì đó tốt đẹp, nhưng bạn cũng phải quan sát những xấu xa của cuộc sống, bạn phải tỉnh thức trước mọi sự vật. Tương tự, bạn phải phơi mở chính mình trước những điều mà có lẽ bạn không thực sự hiểu, bởi vì bạn càng ngẫm nghĩ và suy tư trước những vấn đề phần nào khó khăn đối với bạn, thì bạn càng có khả năng sống một cách phong phú. Tôi không biết liệu có ai trong các bạn, vào lúc sáng sớm, để ý ánh mặt trời trên mặt nước. Ánh sáng thật mềm mại một cách lạ lùng và mặt nước tối đen nhảy múa, với ngôi sao mai treo trên ngọn cây, ngôi sao duy nhất trên bầu trời. Bạn có bao giờ để ý bất cứ điều nào như vậy chưa? Hay vì quá bận rộn với guồng quay thường nhật, nên bạn quên đi hay không bao giờ biết đến vẻ đẹp cực kỳ phong phú của trái đất mà chúng ta đang sống? Dù ta tự gọi mình là tín đồ Hindu hay Phật giáo, Hồi giáo hay Kitô giáo, dù ta đui mù, tàn tật hay nguyên vẹn và hạnh phúc, thì trái đất là của chúng ta. Các bạn hiểu chứ? Đó là trái đất của chúng ta, không phải của bất kỳ người nào khác; trái đất không phải chỉ của những người nhiều tiền lắm của, không phải của riêng những nhà cầm quyền đầy quyền lực, của những quý tộc địa chủ, mà trái đất là của chúng ta, của bạn và tôi. Chúng ta là những người tầm thường, không phải nhân vật quan trọng nào cả, tuy nhiên ta cũng phải sống trên trái đất này và tất cả chúng ta đều phải sống chung với nhau. Đây là thế giới của kẻ giàu cũng như người nghèo, của người thất học cũng như kẻ có học; đó là thế giới của chúng ta và tôi nghĩ cảm nhận được điều này và yêu quý trái đất là điều vô cùng quan trọng. Không chỉ thỉnh thoảng mới yêu, như vào buổi sáng yên bình như hôm nay, mà ta phải luôn yêu quý trái đất. Ta có thể cảm nhận thế giới là của ta và yêu mến nó khi ta thấu hiểu tự do là gì. Không có điều gì có thể sánh bằng tự do ngay trong hiện tại, ta không biết như thế nghĩa là gì đâu. Ta muốn được tự do, nhưng nếu bạn để ý thì tất cả mọi người - thầy cô giáo, cha mẹ, luật sư, cảnh sát, binh lính, chính trị gia, doanh nhân - đều đang làm điều gì đó trong cái góc hẹp nhỏ bé của chính mình để ngăn chặn tự do. Sống tự do không phải chỉ là làm điều bạn thích, hay phá vỡ hoàn cảnh sống bên ngoài trói buộc bạn, mà còn phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về sự phụ thuộc. Bạn biết phụ thuộc là gì không? Bạn phụ thuộc vào cha mẹ bạn phải không? Bạn phụ thuộc vào thầy cô giáo, bạn phụ thuộc vào người đầu bếp, vào người đưa thư, vào người mang sữa đến nhà bạn, vân vân. Phụ thuộc kiểu này thì ta có thể dễ dàng hiểu được. Nhưng có một loại phụ thuộc cực kỳ sâu sắc mà bạn phải hiểu trước khi có thể sống tự do: phụ thuộc vào người khác để có được hạnh phúc. Bạn có biết phụ thuộc vào người nào đó để có được hạnh phúc nghĩa là gì không? Không chỉ là sự phụ thuộc về mặt vật chất vào người khác mới trói buộc bạn, mà còn có sự phụ thuộc tâm lý, nội tâm sinh ra từ cái gọi là hạnh phúc; bởi vì khi bạn phụ thuộc vào ai đó theo cách này, bạn sẽ trở thành một nô lệ. Nếu, khi lớn lên, bạn phụ thuộc về mặt cảm xúc vào cha mẹ bạn, vào vợ hay chồng bạn, vào vị đạo sư, hay vào một ý tưởng nào đó, vậy là bắt đầu có sự trói buộc tù ngục. Ta không thấu hiểu điều này, dù phần đông chúng ta, nhất là khi còn trẻ, luôn muốn sống đời tự do. Để được tự do ta phải phản kháng lại mọi sự phụ thuộc ở nội tâm, và ta không thể phản kháng nếu không hiểu được tại sao ta lại phụ thuộc. Nếu chưa thấu hiểu và thực sự thoát khỏi mọi sự phụ thuộc nội tâm, ta không bao giờ có thể tự do, bởi vì chỉ trong sự thấu hiểu đó, tự do mới ra đời. Nhưng tự do không phải là một cách phản ứng đơn thuần. Bạn có biết phản ứng là gì không? Nếu tôi nói điều gì đó làm tổn thương bạn, nếu tôi gọi bạn bằng một từ ghê tởm và bạn nổi giận với tôi, đó là phản ứng - một phản ứng sinh ra từ sự phụ thuộc; và không phụ thuộc lại là một phản ứng khác nữa. Nhưng tự do không phải là một phản ứng; và chừng nào ta còn chưa hiểu được phản ứng và vượt qua được nó, ta sẽ không bao giờ có được tự do. Bạn có biết yêu thương người nào đó nghĩa là gì không? Bạn có biết yêu một cội cây hay một chú chim hay thú cưng trong nhà - tức là bạn quan tâm chăm sóc nó, cho nó ăn, trìu mến với nó, dù có thể đổi lại nó không cho bạn được gì, dù nó có thể không cho bạn bóng mát, hay cứ lẽo đẽo theo bạn, hay phụ thuộc vào bạn - nghĩa là gì không? Phần đông chúng ta không yêu thương theo cách đó, ta không biết đó là gì cả, bởi vì tình yêu của ta luôn bị vây chặt bởi âu lo, ghen tuông, sợ hãi - điều đó chỉ ra rằng nội tâm ta phụ thuộc vào người khác; ta muốn được yêu. Ta không chỉ yêu thương và để lại tình yêu ở đó, mà ta đòi hỏi phải nhận lại điều gì, và khi đòi hỏi như vậy, ta trở nên phụ thuộc. Vậy là tự do và tình yêu đi kèm với nhau. Tình yêu không phải là một phản ứng. Nếu tôi yêu bạn bởi vì bạn yêu tôi, thì đó chỉ là trao đổi, như một thứ hàng hóa được mua bán ở chợ; nó không phải là tình yêu. Yêu thương mà không đòi hỏi bất cứ điều gì đáp lại, thậm chí không cảm thấy bạn đã cho đi điều gì - chỉ tình yêu như vậy mới có thể biết đến tự do. Nhưng, bạn thấy đó, bạn không được dạy cho thứ tình yêu này. Bạn được giáo dục để giải toán, hóa, sử, địa và chấm hết, bởi vì cha mẹ bạn chỉ quan tâm làm sao giúp bạn kiếm được một chỗ làm tốt và thành công trong cuộc sống. Nếu cha mẹ bạn có tiền nhiều, có thể họ sẽ cho bạn ra nước ngoài, giống như phần còn lại của thế giới, toàn bộ mục đích của họ là bạn phải giàu có và có một địa vị đáng nể trong xã hội; và bạn càng leo cao, bạn càng gây khổ cho nhiều người khác, bởi vì để đạt đến đó bạn phải tranh đua, tàn nhẫn. Thế là cha mẹ gửi con cái của mình đến những trường học nơi chỉ có tham vọng, ganh đua, không có tình yêu gì cả, thế nên một xã hội như của chúng ta mới triền miên phân rã, không ngừng xung đột; và dù các chính trị gia, các thẩm phán, những người được gọi là quý tộc địa chủ cứ nói về hòa bình, nhưng hòa bình mà họ nói đến không có ý nghĩa gì cả. Giờ đây, bạn và tôi, ta phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về tự do này. Ta phải tự mình khám phá xem tình yêu nghĩa là gì; bởi vì nếu ta không yêu thương, ta sẽ không bao giờ biết quan tâm, chú tâm; ta không bao giờ ân cần để ý đến người khác. Bạn biết ân cần để ý nghĩa là gì không? Khi bạn thấy một cục đá bén nhọn nằm trên con đường mà nhiều người vẫn đi lại bằng chân trần, bạn dẹp cục đá ấy đi, không phải vì bạn được yêu cầu làm việc đó, mà bởi vì bạn nghĩ đến người khác - bất luận người khác đó là ai và bạn có thể không bao giờ gặp họ. Trồng cây và chăm chút cái cây đó, nhìn ngắm dòng sông và tận hưởng sự trọn vẹn của trái đất, quan sát một con chim tung cánh và nhìn thấy vẻ đẹp trong cánh chim chao lượn ấy, nhạy cảm và cởi mở với cái chuyển động kỳ diệu gọi là cuộc sống này - muốn làm tất cả những điều đó thì phải có tự do, và để tự do, bạn phải thương yêu. Không có tình yêu thì không có tự do; không có tình yêu, tự do chỉ là một ý niệm không chút giá trị. Vì thế, chỉ với những ai thấu hiểu và vượt thoát sự phụ thuộc nội tâm, nhờ đó biết được tình yêu là gì, thì mới có thể có tự do; và chỉ có họ mới tạo ra một nền văn minh mới, một thế giới khác. Hỏi: Nguồn gốc của dục vọng là gì và làm thế nào tôi có thể loại bỏ dục vọng? Krishnamurti: Một anh bạn trẻ đang đặt ra câu hỏi này; và tại sao cậu ấy phải loại bỏ dục vọng? Các bạn hiểu chứ? Anh bạn này còn rất trẻ, đầy nhựa sống; tại sao cậu ấy phải loại bỏ dục vọng chứ? Người ta bảo cậu ấy rằng thoát khỏi dục vọng là một trong những đức hạnh vĩ đại nhất, rằng khi thoát khỏi dục vọng cậu ấy sẽ nhận ra Thượng đế, hay bất cứ cái tên nào người ta có thể gọi; do vậy, cậu ấy hỏi: “Nguồn gốc của dục vọng là gì và làm thế nào tôi có thể loại bỏ được nó?”. Nhưng chính cái thôi thúc loại bỏ dục vọng lại vẫn là dục vọng, không phải sao? Nó thật ra là do sợ hãi thúc đẩy. Nguồn gốc, cội nguồn, khởi thể của dục vọng là gì? Bạn thấy điều gì đó hấp dẫn và bạn muốn có nó. Bạn thấy một chiếc ô tô hay một du thuyền, và bạn muốn sở hữu nó; hoặc bạn muốn đạt đến địa vị của một người giàu, hay trở thành một sannyasi*. Đây là nguồn cội của dục vọng; nhìn thấy, tiếp xúc, từ đó có cảm giác, và từ cảm giác có dục vọng. Bây giờ, khi đã nhận ra rằng dục vọng đem lại xung đột, bạn hỏi: “Làm thế nào tôi có thể thoát khỏi dục vọng?”. Vậy, điều bạn thực sự muốn không phải là thoát khỏi dục vọng, mà thoát khỏi những âu lo, phiền muộn,khổ đau do dục vọng gây ra. Bạn muốn thoát khỏi những hậu quả đắng cay của dục vọng, chứ không phải thoát khỏi chính dục vọng, và đây là điều vô cùng quan trọng phải hiểu. Nếu bạn tước bỏ khỏi dục vọng sự phiền não, đau khổ, đấu tranh, tước bỏ mọi âu lo và sợ hãi đi kèm với dục vọng, sao cho chỉ còn lại duy nhất khoái lạc, thì liệu bạn có còn muốn thoát khỏi dục vọng không? * Theo Hindu giáo, đây là người tu đến giai đoạn thứ tư, giai đoạn cuối cùng của một người Bà-la-môn muốn thành thánh. Ở giai đoạn này, người Bà-la-môn sẽ lìa bỏ vợ con, mọi của cải, cuộc sống xã hội và khất thực để sống. - BTV Chừng nào còn khao khát muốn có được, đạt được, dù ở mức độ nào, thì chắc chắn còn có âu lo, phiền não, sợ hãi. Cái tham vọng làm giàu, trở thành thế này thế khác, chỉ rơi rụng đi khi nào bạn thấy sự thối rữa, cái bản chất đồi bại của chính dục vọng. Khi bạn thấy rằng dục vọng nhắm vào quyền lực ở bất kỳ hình thức nào - quyền lực của một vị thủ tướng, một thẩm phán, một giáo sĩ, một đạo sư - về cơ bản đều là ác, thì chúng ta sẽ không còn ham muốn quyền lực nữa. Nhưng ta không thấy rằng dục vọng là đồi bại; rằng khao khát đạt được quyền lực là ác; trái lại, ta nói rằng ta sẽ dùng quyền lực để làm điều tốt đẹp - điều này hoàn toàn vô nghĩa. Phương tiện sai lầm không bao giờ có thể dùng để đạt được mục đích đúng. Nếu phương tiện là ác, thì mục đích cũng ác. Thiện không phải là cái đối nghịch của ác, thiện chỉ xuất hiện khi điều ác đã hoàn toàn chấm dứt. Vì thế, nếu ta không thấu hiểu toàn bộ ý nghĩa của dục vọng, cùng với những hậu quả của nó, những phụ phẩm của nó, thì việc đơn thuần cố gắng loại bỏ dục vọng, chẳng có nghĩa gì cả. Hỏi: Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi sự phụ thuộc trong khi vẫn còn sống trong xã hội này? Krishnamurti: Bạn biết xã hội này là gì không? Xã hội là mối quan hệ giữa người và người, phải không? Đừng làm phức tạp vấn đề, đừng trích dẫn sách vở gì cả; hãy suy nghĩ một cách đơn giản về xã hội và bạn sẽ thấy rằng xã hội là mối quan hệ giữa bạn và tôi và nhiều người khác. Những mối quan hệ của con người làm thành xã hội; và xã hội hiện tại được xây dựng trên một mối quan hệ của ham muốn tích lũy, không phải sao? Phần đông chúng ta muốn tích lũy tiền bạc, quyền lực, của cải, uy quyền; ở bình diện này hay bình diện khác, ta muốn địa vị, thanh thế, và do đó, ta xây dựng một xã hội chuyên tích lũy. Chừng nào ta còn muốn tích lũy, chừng nào ta còn muốn địa vị, thanh thế, quyền lực và những điều như thế, chừng đó ta còn thuộc về xã hội này, và do đó, ta còn phụ thuộc vào nó. Nhưng nếu ta không còn muốn bất cứ thứ gì như thế nữa và đơn giản là chính mình với tất cả sự khiêm nhường, thì lúc bấy giờ ta sẽ thoát khỏi xã hội đó; ta phản kháng lại và đoạn tuyệt với xã hội đó. Bất hạnh thay, nền giáo dục hiện nay chỉ có một mục đích duy nhất là biến bạn thành thứ người chỉ biết tuân thủ, tự điều chỉnh để thích ứng rập khuôn theo cái xã hội chuyên tích lũy này. Đó là tất cả những gì mà cha mẹ, thầy cô giáo và sách vở của bạn quan tâm. Chừng nào bạn còn tuân thủ, chừng nào bạn còn đầy dục vọng, còn muốn tích lũy, còn làm bại hoại và hủy diệt người khác vì công cuộc săn đuổi địa vị và quyền lực, thì chừng đó bạn còn được coi là một công dân ưu tú đáng kính. Bạn được giáo dục để sống hoàn toàn ăn khớp với xã hội; nhưng đó không phải là giáo dục, đó chỉ là một tiến trình quy định cho bạn để tuân thủ rập khuôn theo một khuôn mẫu. Chức năng thực sự của giáo dục không phải là đào tạo bạn thành một thư ký, một quan tòa hay một thủ tướng, mà là giúp bạn thấu hiểu toàn bộ cấu trúc của cái xã hội thối nát này và cho phép bạn lớn lên hướng đến tự do. Bạn sẽ đoạn tuyệt với xã hội này và kiến tạo một xã hội khác, một thế giới mới. Phải có những người đứng lên phản kháng lại, không chỉ một phần mà toàn bộ thế giới cũ, bởi vì chỉ có những con người như thế mới có thể kiến tạo một thế giới mới - một thế giới không dựa trên sự tích lũy, quyền lực và thanh thế. Tôi có thể nghe những người lớn nói: “Không bao giờ làm được đâu, bản chất con người là như vậy, và ông đang nói điều vô nghĩa”. Nhưng ta không bao giờ nghĩ đến việc xóa bỏ sự quy định trí não ở người trưởng thành và không quy định trí não trẻ em. Chắc chắn, giáo dục phải vừa trị bệnh vừa phòng bệnh. Những học trò lớn như các bạn đã bị quy định, đã bị định hình, đã trở nên tham vọng rồi; bạn muốn thành đạt giống như cha bạn, giống như ngài thống đốc hay ai khác. Vì thế, chức năng đích thực của giáo dục không chỉ là giúp bạn tự xóa bỏ sự quy định của chính bạn, mà còn để thấu hiểu toàn bộ tiến trình cuộc sống diễn ra từng ngày một, sao cho bạn có thể trưởng thành trong tự do và kiến tạo một thế giới mới - một thế giới hoàn toàn khác hẳn với thế giới hiện tại. Tiếc thay, không có phụ huynh, thầy cô nào hay dư luận nói chung quan tâm đến điều này. Thế nên giáo dục phải là một tiến trình giáo dục nhà giáo dục đồng thời với giáo dục học sinh. Hỏi: Tại sao con người đánh nhau? Krishnamurti: Tại sao các cậu trai lại đánh nhau? Bạn thỉnh thoảng cũng đánh nhau với anh em mình hay với mấy cậu bé khác ở đây, phải không? Tại sao? Bạn đánh để giành đồ chơi. Có lẽ một cậu bé khác đã lấy trái banh hay cuốn sách của bạn, thế là bạn đánh nhau. Nhiều người lớn cũng đánh nhau vì chính lý do đó, chỉ là đồ chơi của họ bây giờ là địa vị, của cải và quyền lực. Nếu bạn muốn quyền lực và tôi cũng muốn quyền lực thì ta đánh nhau, và đó cũng là lý do khiến các quốc gia gây chiến. Đơn giản là thế, chỉ có các triết gia, chính trị gia và những người được gọi là người có đức tin làm phức tạp vấn đề lên thôi. Bạn biết đó, để có thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm - biết hết sự giàu có của cuộc sống, vẻ đẹp của sự tồn tại, những đấu tranh, khổ đau, tiếng cười, nước mắt - mà vẫn giữ cho trí não bạn cực kỳ đơn giản là cả một nghệ thuật vĩ đại, và bạn chỉ có thể có một trí não đơn giản khi nào biết cách yêu thương. Hỏi: Đố kỵ là gì? Krishnamurti: Đố kỵ hàm ý bất mãn với những gì bạn đang là và ganh tị với những người khác, phải không? Không bằng lòng với hiện trạng của mình chính là khởi đầu của ghen tị. Bạn muốn giống như một người nào đó, hiểu biết nhiều hơn, đẹp hơn hoặc có ngôi nhà to hơn, nhiều quyền lực hơn, có địa vị tốt hơn bạn. Bạn muốn mình đạo đức hơn, bạn muốn biết làm sao để thiền tập tốt hơn, bạn muốn vươn tới Thượng đế, bạn muốn là gì đó khác với hiện trạng của mình, do đó bạn sinh lòng đố kỵ, ganh ghét. Hiểu được mình đang là gì vốn khó khăn vô cùng, bởi vì nó đòi hỏi một sự tự do hoàn toàn, thoát khỏi mọi dục vọng để thay đổi hiện trạng của bạn thành điều gì khác. Khao khát thay đổi chính mình làm sinh ra đố kỵ, ghen ghét; trái lại, trong việc hiểu được mình đang là gì đã hàm chứa sự chuyển hóa cái bạn đang là. Nhưng bạn thấy đó, toàn bộ thứ giáo dục mà bạn tiếp nhận buộc bạn phải cố gắng phải khác với cái bạn đang là. Khi bạn đố kỵ, người ta dạy bạn: “Đừng có đố kỵ, đó là một tính cách khủng khiếp”. Thế là bạn cố gắng để không đố kỵ; nhưng bản thân sự cố gắng đó đã là đố kỵ, bởi vì bạn muốn mình khác đi. Bạn biết đó, một đóa hoa hồng xinh đẹp là một đóa hoa hồng xinh đẹp; nhưng con người chúng ta đã được gắn cho cái năng lực tư duy, và chúng ta tư duy một cách sai lầm. Để biết tư duy như thế nào đòi hỏi phải thâm nhập, thấu hiểu rất nhiều, nhưng biết tư duy cái gì lại là việc tương đối dễ dàng. Nền giáo dục hiện tại của ta cốt yếu dạy ta phải suy nghĩ điều gì chứ không dạy ta suy nghĩ như thế nào, thâm nhập, khám phá bằng cách nào; và chỉ khi nào người thầy cũng như học trò biết cách suy nghĩ, thì trường học mới xứng đáng với danh hiệu của nó. Hỏi: Tại sao tôi không bao giờ thỏa mãn với bất cứ điều gì? Krishnamurti: Một cô bé đặt câu hỏi này, và tôi chắc chắn cô bé làm vậy không phải vì bị xúi giục. Cô bé lại muốn biết tại sao mình không bao giờ thỏa mãn khi tuổi đời còn non nớt như vậy. Những người trưởng thành như các bạn sẽ nói gì đây? Đó là việc của các bạn; các bạn đã tạo ra cái thế giới mà trong đó một bé gái hỏi tại sao em không bao giờ thỏa mãn với bất cứ điều gì. Các bạn được cho là những nhà giáo dục, nhưng các bạn không nhìn thấy bi kịch của điều này. Các bạn thiền định, nhưng lại tăm tối, kiệt quệ, chết mòn từ bên trong. Tại sao con người không bao giờ thỏa mãn? Có phải vì họ mải đi tìm hạnh phúc và họ nghĩ rằng phải không ngừng thay đổi thì họ mới hạnh phúc. Họ chuyển từ công việc này sang công việc khác, từ mối quan hệ này đến mối quan hệ khác; từ tôn giáo hay hệ tư tưởng này sang tôn giáo hay hệ tư tưởng khác; cứ nghĩ rằng nhờ sự chuyển động thay đổi không dứt đó, họ mới tìm thấy hạnh phúc; hoặc nếu không thì họ chọn một cuộc sống tù đọng và rũ chết trong đó. Chắc chắn sự hài lòng là điều gì đó hoàn toàn khác. Nó chỉ xuất hiện khi bạn nhìn bản thân như bạn đang là, chấm dứt mọi ý muốn thay đổi, chấm dứt mọi ý định lên án hay so sánh - như thế không có nghĩa là bạn chỉ việc chấp nhận điều bạn thấy rồi ngủ quên trong đó. Nhưng khi trí não không còn so sánh, phán xét, lượng giá và do đó có thể thấy cái đang là trong từng phút giây mà không có ý muốn thay đổi nó - thì cái vĩnh cửu sẽ sinh ra trong chính sự tri giác đó. Hỏi: Tại sao ta phải đọc? Krishnamurti: Tại sao ta phải đọc? Chỉ cần yên lặng lắng nghe. Bạn không bao giờ hỏi tại sao bạn phải chơi đùa, tại sao bạn phải ăn, tại sao bạn phải nhìn dòng sông, tại sao bạn tàn ác, đúng không? Bạn chỉ nổi loạn và hỏi tại sao bạn phải làm điều gì đó khi bạn không thích làm. Nhưng đọc sách, chơi đùa, cười giỡn, tàn ác, tử tế, nhìn ngắm dòng sông và những đám mây, đó đều là một phần cuộc sống. Và nếu bạn không biết làm thế nào để đọc, nếu bạn không biết làm thế nào để đi, nếu bạn không đủ khả năng thưởng thức vẻ đẹp của một chiếc lá, thì bạn không sống. Bạn phải thấu hiểu toàn thể cuộc sống, chứ không chỉ một phần nhỏ nhoi của nó. Đó là lý do tại sao bạn phải đọc, đó là lý do tại sao bạn phải nhìn lên trời, đó là lý do tại sao bạn phải hát và nhảy múa và làm thơ và đau khổ và thấu hiểu, bởi vì tất cả đều là cuộc sống. Hỏi: E thẹn là gì? Krishnamurti: Bạn không cảm thấy e thẹn khi gặp người lạ sao? Bạn không cảm thấy e thẹn khi đặt câu hỏi đó sao? Bạn không cảm thấy e thẹn nếu bạn lên bục giảng này, như tôi, và ngồi ở đây nói chuyện sao? Bạn không cảm thấy e thẹn, bạn không thấy có chút ngượng nghịu và muốn đứng im lặng khi thình lình hiện ra trước mặt bạn một cái cây đáng yêu, một đóa hoa thanh nhã, hay một con chim đang ở trong tổ của nó sao? Bạn thấy không, e thẹn là điều tốt. Nhưng với phần đông chúng ta, e thẹn lại hàm ý là tự ý thức về mình. Khi ta gặp một nhân vật tai to mặt lớn, nếu có một người như vậy, ta trở nên ý thức về cái tôi của ta. Ta nghĩ: “Ông ấy quả là người quan trọng và nổi tiếng, còn mình chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt”. Thế là ta cảm thấy e thẹn, tức là ý thức về bản thân. Nhưng có một loại e thẹn khác, tức là thực sự nhạy cảm, và trong đó không còn có sự tự ý thức. 4. LẮNG NGHE T ại sao bạn có mặt ở đây để nghe tôi nói? Có bao giờ bạn ngẫm xem tại sao bạn phải nghe người ta nói không? Và lắng nghe ai đó nghĩa là gì? Tất cả các bạn ngồi đây, trước mặt một người đang nói. Có phải bạn lắng nghe để nắm bắt điều gì đó sẽ xác nhận, phù hợp với tư tưởng của chính bạn, hay bạn lắng nghe để khám phá? Bạn thấy chỗ khác biệt chứ? Lắng nghe để khám phá có một ý nghĩa hoàn toàn khác với lắng nghe chỉ để nghe được điều gì đó xác nhận điều bạn nghĩ. Nếu bạn hiện diện ở đây đơn thuần để xác nhận, để nhận được sự khích lệ về những tư tưởng của chính bạn, thì lắng nghe chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng nếu bạn lắng nghe để khám phá, thì lúc đó trí não của bạn được tự do, không vướng mắc vào bất cứ việc gì, nó trở nên sắc bén, tinh nhạy, sống động, đầy ý muốn hiếu kỳ, tìm hiểu, và do đó đủ sức khám phá. Vì thế, điều quan trọng là phải xem tại sao bạn lắng nghe và bạn lắng nghe cái gì? Đã bao giờ bạn ngồi hết sức yên lặng, không phải cố định tâm vào bất cứ thứ gì, không phải nỗ lực tập trung tư tưởng, mà chỉ cần một trí não hết sức tĩnh lặng, thực sự im lặng? Bấy giờ, bạn nghe được mọi thứ, phải không? Bạn nghe tiếng ồn ở xa thật xa, cũng như tiếng ồn ở gần hơn và tiếng ồn ở sát bên, những âm thanh trực tiếp - thật ra nó có nghĩa là bạn đang lắng nghe mọi thứ. Trí não bạn không bị giới hạn trong một kênh hạn hẹp nông cạn nào. Nếu bạn có thể lắng nghe theo cách này, nghe một cách thoải mái, không căng thẳng, bạn sẽ thấy có một sự thay đổi kỳ diệu diễn ra bên trong bạn, một sự thay đổi không do ý chí của bạn, không do bạn đòi hỏi; và trong sự thay đổi đó, có cái đẹp lớn lao và chiều sâu của sự thấu suốt. Hãy thử làm thế một lúc xem, hãy thử ngay bây giờ, như hiện bạn đang lắng nghe tôi, đừng chỉ lắng nghe tôi mà hãy nghe mọi vật quanh bạn. Lắng nghe hết thảy những tiếng chuông đó đi, tiếng chuông của đàn bò và của các ngôi đền; lắng nghe tiếng tàu hỏa xa xa và tiếng ô tô chạy trên đường; và nếu bạn đến gần hơn và lắng nghe tôi nói, bạn sẽ thấy có một chiều sâu khủng khiếp trong sự lắng nghe. Nhưng để làm điều này, bạn phải có một trí não hết sức tĩnh lặng. Nếu bạn thực sự muốn lắng nghe, trí não bạn tự nhiên phải yên lặng, đúng không? Bấy giờ bạn sẽ không bị xao lãng bởi điều gì đó xảy ra bên cạnh bạn. Trí não bạn tĩnh lặng bởi vì nó đang lắng nghe thật sâu mọi thứ. Nếu bạn có thể lắng nghe theo cách này với một tâm thế thoải mái, với một niềm hạnh phúc lớn lao, bạn sẽ thấy một sự chuyển hóa kỳ lạ diễn ra trong tim bạn, trong trí não bạn - một sự chuyển hóa mà bạn đã không hề nghĩ tới, hay không có cách nào sản sinh ra nó được. Tư tưởng là một thứ hết sức lạ lùng, phải không? Bạn biết tư tưởng là gì không? Với phần đông người đời, tư tưởng hay suy nghĩ là thứ gì đó được trí óc kết hợp lại và họ chiến đấu vì tư tưởng của mình. Nhưng nếu bạn có thể thực sự lắng nghe mọi thứ - tiếng nước vỗ bờ của dòng sông, tiếng hót của chim muông, tiếng khóc của một em bé, tiếng rầy la của mẹ bạn, tiếng một ai đó đang bắt nạt bạn, tiếng trách móc của vợ hay chồng bạn - bấy giờ bạn sẽ thấy rằng bạn đã vượt qua ngôn từ, vượt qua những cách diễn đạt thuần túy bằng ngôn từ vốn xé toạc bản chất một ai đó. Và vượt qua những cách diễn đạt thuần túy ngôn từ là điều hết sức quan trọng, bởi vì rốt lại, tất cả chúng ta đều muốn điều gì? Dù trẻ hay già, dù còn non nớt hay đầy kinh nghiệm, tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, đúng không? Khi còn là một người học trò, ta muốn được hạnh phúc trong khi chơi đùa, khi học tập, trong khi làm những điều nhỏ nhặt mà chúng ta thích làm. Rồi khi ta lớn hơn, ta tìm hạnh phúc trong những sự chiếm hữu, trong tiền bạc, trong việc có được một ngôi nhà xinh, một người vợ hay người chồng biết đồng cảm, một công việc tốt. Khi những thứ ấy không còn làm ta thỏa mãn nữa, ta chuyển sang thứ khác. Ta nói: “Ta phải xả chấp thì mới hạnh phúc”. Vậy là ta bắt đầu tập xả chấp. Ta lìa bỏ gia đình, từ bỏ mọi của cải, lui về sống ẩn dật. Hoặc ta gia nhập vào một đoàn thể tôn giáo vì nghĩ rằng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách cùng nhau sống và thảo luận về tình anh em, bằng cách đi theo một lãnh tụ, một guru, một đức thầy, một lý tưởng, bằng cách tin vào điều gì đó mà về cốt lõi là một sự tự lừa dối, một ảo tưởng, một sự mê tín. Các bạn hiểu điều tôi đang nói chứ? Khi bạn chải tóc, khi bạn mặc quần áo sạch sẽ và sửa soạn cho mình thật đẹp, tất cả đều nằm trong khao khát được hạnh phúc của bạn, đúng không? Khi bạn thi đậu và thêm được vài chữ cái vào cái tên của mình, khi bạn có được một việc làm, một ngôi nhà và tài sản khác, khi bạn kết hôn và có con cái, khi bạn gia nhập một hội đoàn tôn giáo mà các lãnh đạo của hội tuyên bố rằng họ có những thông điệp từ một đức thầy vô hình - thì đằng sau tất cả những điều đó là một sự thôi thúc kỳ lạ, sự cưỡng bách phải tìm thấy hạnh phúc. Nhưng bạn thấy đó, hạnh phúc không dễ dàng như vậy đâu, bởi vì hạnh phúc không nằm trong tất cả những thứ đó. Bạn có thể có niềm vui, bạn có thể tìm thấy một sự thỏa mãn mới, nhưng sớm muộn gì nó cũng trở nên tẻ nhạt. Bởi vì không có hạnh phúc lâu dài nào trong những điều ta biết. Nụ hôn nào cũng kèm theo nước mắt, tiếng cười nào cũng kèm theo phiền não và cô độc. Mọi vật đều suy tàn, thối rữa. Vì thế, đang khi còn trẻ, bạn phải bắt đầu khám phá xem cái điều lạ lùng được gọi hạnh phúc ấy là gì. Đó là một phần cốt tủy của giáo dục. Hạnh phúc không đến khi bạn cố gắng đuổi theo nó - và đó là bí mật to lớn nhất, dù nó rất dễ dàng được nói ra. Ta có thể dùng vài từ đơn giản để nói về nó; nhưng nếu chỉ đơn thuần nghe tôi nói rồi lặp lại những gì đã nghe, bạn sẽ không hạnh phúc đâu. Hạnh phúc lạ lùng lắm; nó đến khi bạn không tìm kiếm nó. Khi bạn không cố gắng để hạnh phúc, thì nó đến, không mong đợi, một cách bí mật, được sinh ra từ sự thuần khiết, từ tình yêu cuộc sống. Nhưng hạnh phúc đó đòi hỏi phải thấu hiểu rất nhiều - chứ không phải gia nhập một tổ chức hoặc cố gắng trở thành ai đó. Chân lý không phải là điều có thể đạt được. Chân lý xuất hiện khi tâm trí bạn được gột sạch mọi ý niệm cố gắng, và bạn không còn muốn cố gắng để trở thành ai đó; chỉ lúc đó, khi trí não hoàn toàn yên lặng, hành động lắng nghe mọi thứ mà không chịu ảnh hưởng của thời gian mới có thể xảy ra. Bạn có thể nghe những lời lẽ này, nhưng để hạnh phúc xuất hiện, bạn phải tìm ra cách giải thoát trí não khỏi mọi nỗi sợ. Chừng nào bạn còn sợ bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì thì không thể có hạnh phúc. Không thể có hạnh phúc chừng nào bạn còn sợ cha mẹ, thầy cô của bạn, sợ thi rớt, sợ không tiến bộ, không đến được gần hơn với đức thầy, không đến được gần hơn với chân lý, hoặc sợ không được ủng hộ, không được động viên, hỗ trợ. Nhưng nếu bạn thực sự không sợ bất cứ điều gì, thì bạn sẽ thấy - khi bạn thức dậy vào một buổi sáng hoặc khi bạn đi dạo một mình - đột nhiên một điều lạ lùng xảy đến: không mời gọi, không van nài, không trông chờ, cái điều có thể gọi là tình yêu, chân lý, hạnh phúc, đột nhiên xuất hiện ở đó. Thế nên điều hết sức quan trọng là bạn phải được giáo dục một cách đúng đắn đang khi còn trẻ. Thứ mà hiện giờ ta gọi là giáo dục không phải là giáo dục gì cả, bởi vì chẳng ai nói với ta về tất cả điều này. Thầy cô giáo của bạn chuẩn bị để bạn vượt qua các kỳ thi, nhưng không nói với bạn về cuộc sống, vốn là điều quan trọng hơn tất cả, bởi vì rất ít người biết sống ra sao. Phần đông chúng ta chỉ đơn thuần tồn tại, chúng ta chỉ làm cách nào đó để lê lết qua cuộc đời, và do đó, cuộc sống trở thành một thứ thật khủng khiếp. Để thực sự sống, ta phải có thật nhiều tình yêu, một cảm nhận tuyệt vời về sự tĩnh lặng, một sự giản dị lớn lao với vô vàn kinh nghiệm; cuộc sống đó đòi hỏi một trí não đủ khả năng tư duy hết sức sáng suốt, không bị trói buộc bởi định kiến hay sự mê tín, bởi hy vọng hay sợ hãi. Tất cả đều là cuộc sống, và nếu bạn không được giáo dục để sống, thì lúc đó giáo dục không có ý nghĩa gì cả. Bạn có thể học cách sống ngăn nắp, gọn gàng, có những cung cách xử sự đẹp, và bạn có thể đạt kết quả tốt qua các kỳ thi; nhưng gắn cho những điều cạn cợt ấy một tầm quan trọng hàng đầu khi toàn bộ cấu trúc của xã hội đang đổ nát, thì cũng giống như làm sạch và đánh bóng các móng tay trong khi nhà đang cháy. Bạn thấy đó, không ai nói với các bạn về tất cả những điều này, không ai cùng bạn đi sâu vào vấn đề đó. Bạn đã bỏ hết ngày này sang ngày khác để dùi mài các môn học - toán, sử, địa - thì bạn cũng cần phải bỏ thật nhiều thời gian để bàn thảo với nhau về các vấn đề thâm sâu này, bởi vì nó sẽ biến cuộc sống của bạn trở nên phong phú. Hỏi: Chẳng phải sùng bái Thượng đế chính là tôn giáo đích thực sao? Krishnamurti: Trước hết ta hãy khám phá cái gì không phải là tôn giáo. Chẳng phải đó là thái độ tiếp cận đúng đắn sao? Nếu ta có thể thấu hiểu cái gì không phải là tôn giáo, thì hẳn ta sẽ bắt đầu tri giác điều gì đó khác. Tựa như lau sạch kính cửa sổ dính bụi bặm - ta bắt đầu nhìn xuyên qua đó hết sức rõ ràng. Vậy hãy xem liệu ta có thể thấu hiểu và quét sạch ra khỏi trí não ta những gì không phải là tôn giáo hay không; đừng nói rằng: “Tôi sẽ nghĩ về điều này” rồi khua môi múa mép bằng ngôn từ. Có lẽ các bạn có thể làm vậy, nhưng phần đông người lớn đã bị vướng mắc rồi, họ đã an vị một cách thoải mái trong cái không phải là tôn giáo và họ không muốn bị quấy nhiễu. Vậy cái gì không phải là tôn giáo? Đã bao giờ các bạn nghĩ đến điều này chưa? Bạn đã nghe người ta nói đi nói lại nhiều lần về điều được cho là tôn giáo - tin vào Thượng đế và hàng tá thứ khác nữa - nhưng không ai yêu cầu bạn khám phá xem cái gì không phải là tôn giáo; và bây giờ bạn và tôi sẽ tự mình khám phá. Khi lắng nghe tôi hay bất kỳ ai khác, đừng chỉ chấp nhận điều đã được nói ra, mà hãy lắng nghe để thấy rõ sự thật của vấn đề. Nếu bạn đã từng tự mình lĩnh hội điều gì không phải là tôn giáo, thì trong suốt cuộc sống của bạn, không tu sĩ hay kinh sách nào có thể đánh lừa được bạn nữa. Không có nỗi sợ hãi nào có thể sinh ra ảo tưởng khiến bạn tin tưởng và đi theo. Để khám phá xem cái gì không phải là tôn giáo, bạn phải bắt đầu ở cấp độ đời sống hằng ngày, rồi từ đó bạn có thể leo lên. Để đi xa, bạn phải bắt đầu từ gần và bước gần nhất là bước quan trọng hơn cả. Vậy, cái gì không phải là tôn giáo? Các nghi lễ có phải là tôn giáo không? Việc thờ cúng hằng ngày có phải là tôn giáo không? Giáo dục đích thực là học cách nghĩ, chứ không phải nghĩ cái gì. Nếu bạn biết cách tư duy, nếu bạn thực sự có khả năng đó, thì bạn mới là một con người tự do - thoát khỏi mọi giáo điều, mọi sự mê tín, mọi nghi lễ - và do đó, bạn mới có thể khám phá tôn giáo là gì. Các nghi lễ rõ ràng không phải là tôn giáo, bởi vì trong khi thực hiện các nghi lễ ấy, bạn chỉ lặp đi lặp lại một công thức đã được trao truyền từ quá khứ đến cho bạn. Bạn có thể tìm thấy một cảm giác khoái lạc nào đó trong việc thực hiện các nghi lễ ấy, giống như cảm giác của những người hút thuốc hay uống rượu; nhưng đó có phải là tôn giáo không? Khi thực hiện các nghi lễ ấy, bạn đang làm điều mà bạn không biết gì cả; cha bạn và ông bạn đã làm việc đó, cho nên bạn làm theo, vì nếu bạn không làm họ sẽ la rầy bạn. Đó không phải là tôn giáo, đúng không? Và trong một ngôi đền, chùa, nhà thờ, có gì trong đó? Một hình tượng được chạm khắc bởi một người, theo sự tưởng tượng của riêng người ấy. Hình tượng có thể là một biểu tượng, nhưng nó vẫn chỉ là một hình tượng, không phải là thứ có thật. Một biểu tượng, một từ ngữ không phải là thứ mà nó đại diện. Từ “cửa” đâu phải là cái cửa, đúng không? Từ không phải là vật. Ta đi đến nhà thờ, đền, chùa để cúng bái… điều gì? Một hình ảnh được cho là một biểu tượng; nhưng biểu tượng không phải là thứ có thật. Vậy tại sao bạn đến đó? Đó là những dữ kiện; không phải tôi đang chỉ trích; và vì đó là những dữ kiện, tại sao lại bận tâm việc ai đi đến đền thờ, người Bà-la-môn hay không phải người Bà-la-môn? Ai bận tâm làm gì? Bạn thấy đó, người lớn đã biến biểu tượng thành tôn giáo, rồi vì tôn giáo ấy họ sinh ra cãi lộn, bất hòa, đánh nhau, sát hại nhau; nhưng Thượng đế không có ở đó. Thượng đế không bao giờ ở trong một biểu tượng. Vì thế, sùng bái một biểu tượng hay hình ảnh không phải là tôn giáo. Và niềm tin có phải là tôn giáo không? Điều này phức tạp hơn. Ta đã bắt đầu gần, giờ ta sẽ đi xa hơn một chút. Niềm tin có phải là tôn giáo không? Người Kitô giáo tin cách này, tín đồ Hindu tin cách khác, người Hồi giáo tin cách khác, tín đồ Phật giáo lại tin cách khác nữa, và tất cả họ đều tự cho mình là người có đạo, người của tôn giáo; tất cả họ đều có đền thờ, đấng tối cao, thần thánh, những biểu tượng, những niềm tin của riêng mình. Và đó có phải là tôn giáo không? Có phải là tôn giáo không khi bạn tin vào Thượng đế, Rama, Sita, Ishwara và những điều đại loại như thế? Làm thế nào bạn có được một niềm tin? Bạn tin vì cha bạn và ông bạn tin; hoặc đã đọc được những điều mà một đạo sĩ nào đó như Shankara hay Đức Phật được cho là đã nói, bạn tin vào mọi điều đó và nói đó là thật. Phần đông các bạn tin vào những gì Kinh Gita nói, cho nên bạn không xem xét cuốn sách này một cách rõ ràng và đơn giản như đối với bất kỳ cuốn sách nào bạn có; bạn không cố khám phá xem đâu là sự thật. Ta đã thấy rằng nghi thức cúng bái thờ phượng không phải là tôn giáo, rằng đi đến đền thờ không phải là tôn giáo, và rằng niềm tin không phải là tôn giáo. Niềm tin chia rẽ con người. Tín đồ Kitô giáo có những niềm tin và do đó đã chia rẽ với những người có những niềm tin khác, và bản thân họ cũng tự chia rẽ với nhau; tín đồ Hindu tràn ngập thù địch triền miên, bởi vì họ tự tin rằng họ là những người thuộc dòng dõi Bà-la-môn hay không phải Bà-la-môn, là cái này hay cái khác. Vậy niềm tin đem lại sự thù địch, chia rẽ, hủy diệt, và đó rõ ràng không phải là tôn giáo. Vậy, tôn giáo là gì? Nếu bạn đã lau sạch kính cửa sổ - nghĩa là bạn đã thực sự ngưng dứt việc thực hiện các nghi lễ cúng bái, bỏ hết mọi niềm tin, ngưng chạy theo bất kỳ lãnh tụ hay đạo sư nào - bấy giờ trí não của bạn giống như kính cửa sổ được lau sạch bóng loáng, và bạn có thể nhìn ra và thấy mọi vật một cách rõ ràng. Khi trí não được lau sạch mọi hình ảnh, nghi thức cúng bái, mọi niềm tin, biểu tượng, mọi ngôn từ, mọi kinh kệ tụng niệm và mọi sợ hãi, thì bấy giờ những gì bạn thấy sẽ là cái chân thực, cái phi thời gian, cái vĩnh hằng, có thể gọi là Thượng đế; nhưng điều này đòi hỏi một trí tuệ, một sự thấu hiểu và nhẫn nại vô cùng, và chỉ dành cho những người nào thực sự đi sâu truy vấn xem tôn giáo là gì và theo đuổi công cuộc truy vấn đó hết ngày này sang ngày khác, cho đến giây phút cuối cùng. Chỉ những người như thế mới biết tôn giáo đích thực là gì. Những người còn lại chỉ nói ra những lời môi miệng, và tất cả những đồ trang hoàng và toàn bộ những hình thức trang trí cơ thể, những nghi lễ, việc rung chuông - tất cả chỉ là sự mê tín, tuyệt đối không có ý nghĩa chi cả. Chỉ khi nào trí não phản kháng, chống lại tất cả những gì được gọi là tôn giáo, thì nó mới thấy cái chân thực. 5. SỰ BẤT MÃN SÁNG TẠO Đ ã bao giờ bạn ngồi một cách hết sức yên lặng, không động đậy chút nào chưa? Hãy thử đi, hãy ngồi thực sự yên lặng, lưng thẳng và quan sát xem trí não bạn đang làm gì. Đừng tìm cách kiểm soát nó, đừng bảo nó không nên nhảy từ tư tưởng này sang tư tưởng khác, từ mối quan tâm này sang mối quan tâm khác như vậy, mà hãy cứ nhận thức về việc trí não bạn đang nhảy nhót thế nào. Đừng làm gì xen vào, mà hãy cứ quan sát như khi bạn đứng bên bờ sông quan sát dòng nước chảy. Dòng chảy đó mang theo nhiều vật - cá, lá cây, xác chết động vật - nhưng dòng sông luôn luôn sống động, trôi chảy, và trí não bạn giống như thế. Nó trôi chảy không dừng nghỉ, di chuyển từ thứ này sang thứ khác giống như một cánh bướm. Khi bạn nghe một bài hát, bạn nghe như thế nào? Bạn có thể thích người đang hát, người ấy có thể có một khuôn mặt xinh, và bạn có thể theo dõi ý nghĩa của ca từ; nhưng đằng sau tất cả những điều đó, khi nghe một ca khúc, bạn lắng nghe những nốt nhạc và quãng lặng giữa các nốt nhạc, phải không? Cũng như vậy, hãy thử ngồi thật yên lặng, không bồn chồn, không động đậy bàn tay hay thậm chí ngón chân, và chỉ quan sát trí não bạn thôi. Đó là một trò chơi thật vui. Nếu bạn thử làm thế như một trò vui, một trò giải trí, bạn sẽ thấy trí não bắt đầu lắng xuống mà bạn không hề phải cố gắng kiểm soát nó. Lúc đó, không còn có người giám sát, người phán xét, người đánh giá nữa; và khi trí não nhờ đó tự nó hết sức yên lặng, tĩnh lặng một cách tự phát, bạn sẽ khám phá được thế nào là vui vẻ. Bạn biết vui vẻ là gì không? Chỉ là cười vui vậy thôi, là cảm thấy thích thú vì điều gì hay không vì điều gì cả, là biết niềm vui của việc sống, việc mỉm cười, việc nhìn thẳng vào mặt người khác mà hoàn toàn không có chút cảm giác sợ hãi nào cả. Đã bao giờ bạn thực sự nhìn vào mặt ai chưa? Đã bao giờ bạn nhìn vào mặt thầy cô, cha mẹ, một viên chức cấp cao, một người giúp việc, một người cu li nghèo khổ, và thấy xem việc gì xảy ra chưa? Phần đông chúng ta đều sợ nhìn thẳng vào mặt người khác, và người khác cũng không muốn ta nhìn họ theo cách đó, bởi vì họ cũng sợ hãi. Không người nào muốn tự phơi bày chính mình; ta luôn luôn đề phòng, thủ thế, giấu mặt đằng sau những vẻ ngoài đau khổ, phiền não, ao ước, hy vọng, và rất ít người có thể nhìn thẳng vào mắt bạn và mỉm cười. Và điều hết sức quan trọng là mỉm cười, là hạnh phúc; bởi vì, bạn thấy đó, không có tiếng hát trong tim là cuộc sống trở nên cực kỳ tăm tối. Ta có thể đi hết đền thờ này đến đền thờ khác, tìm hết người chồng/vợ này đến người chồng/vợ khác, đến gặp một giảng sư hay đạo sư mới; nhưng nếu không có niềm vui bên trong này, cuộc sống cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Và tìm thấy niềm vui nội tâm này là việc không dễ dàng gì, bởi vì phần đông chúng ta chỉ bất mãn ngoài mặt. Bạn có hiểu bất mãn nghĩa là gì không? Hiểu được bất mãn là điều hết sức khó khăn, bởi vì phần đông chúng ta đào kênh dẫn sự bất mãn đi theo một phương hướng nào đó, để nó bị nhận chìm và cuốn đi. Tức là, mối quan tâm duy nhất của ta là tự thiết lập cho ta một vị trí an toàn với những lợi lộc và uy thế vững chắc, để không bị quấy rầy. Điều đó diễn ra trong gia đình và cả ở trường học. Thầy cô giáo không muốn bị quấy nhiễu, vì thế họ cứ theo thói quen cũ mà sống; bởi vì một khi ta thực sự bất mãn và bắt đầu khám phá, chất vấn, thì bắt buộc phải có sự xáo trộn. Nhưng chỉ khi bất mãn thực sự, ta mới có sáng kiến. Bạn biết sáng kiến là gì không? Bạn có sáng kiến khi bạn khởi xướng hay bắt đầu làm việc gì đó táo bạo mà không do bị xúi giục. Đó không nhất thiết phải là một việc vĩ đại hay phi thường - điều đó có thể đến sau; nhưng chỉ một tia sáng kiến khi bạn tự trồng một cây con, khi bạn tử tế một cách tự nhiên, khi bạn mỉm cười chào một người đang mang vác nặng, khi bạn dẹp một cục đá nằm giữa đường đi, hoặc vỗ về một con vật trên đường. Đó là một khởi đầu nhỏ bé của một sáng kiến vĩ đại mà bạn phải có nếu bạn biết cái điều phi thường được gọi là sáng tạo này. Sáng tạo bắt nguồn từ sáng kiến chỉ xuất hiện khi có sự bất mãn sâu sắc. Đừng e sợ sự bất mãn mà hãy nuôi dưỡng nó cho đến lúc một tia lửa trở thành ngọn lửa và bạn mãi mãi bất mãn với mọi sự - với công việc, với gia đình của bạn, với truyền thống theo đuổi tiền bạc, địa vị, quyền lực - để bạn thực sự có thể bắt đầu tư duy, khám phá. Nhưng bởi vì càng lớn, bạn sẽ càng thấy rằng duy trì cái tinh thần bất mãn này là rất khó. Bạn có con cái phải chu cấp và những đòi hỏi trong công việc phải xem xét; ý kiến của làng xóm, của xã hội khép chặt lấy bạn, và bạn bắt đầu nhanh chóng đánh mất ngọn lửa bất mãn bùng cháy này. Khi bạn cảm thấy bất mãn, bạn mở radio lên nghe, bạn đến thăm đạo sư, bạn hành lễ thờ bái, bạn đến một câu lạc bộ, uống rượu, theo đuổi phụ nữ - bất cứ điều gì có thể dập tắt ngọn lửa. Nhưng, bạn thấy đó, không có ngọn lửa bất mãn này, bạn sẽ không bao giờ có sáng kiến, vốn là khởi đầu của sự sáng tạo. Để khám phá xem đâu là sự thật, bạn phải phản kháng lại trật tự đã được thiết lập; nhưng cha mẹ bạn càng có nhiều tiền bạc và thầy cô bạn càng muốn củng cố công việc của mình, thì họ càng ít muốn bạn phản kháng hơn. Sáng tạo không chỉ là vẽ tranh hay làm thơ, việc đó cũng tốt thôi, nhưng chỉ thế thì quá ít ỏi. Chỗ quan trọng là phải hoàn toàn bất mãn, bởi vì bất mãn toàn diện là khởi đầu của sáng kiến, vốn sẽ trở thành sáng tạo khi nó chín muồi; và đó là cách duy nhất để khám phá ra sự thật là gì, Thượng đế là gì, bởi vì trạng thái sáng tạo là Thượng đế. Vì thế, ta phải có sự bất mãn toàn diện này, nhưng với niềm vui. Bạn hiểu chứ? Ta phải bất mãn hoàn toàn, không phải oán trách, mà với niềm vui, với sự thích thú, với tình yêu. Hầu hết những người bất mãn đều chán nản khủng khiếp; họ luôn luôn phàn nàn rằng điều gì đó hay ai đó không đúng, hoặc họ mong ước có một địa vị tốt hơn, hoặc muốn hoàn cảnh thay đổi, bởi vì sự bất mãn của họ quá hời hợt, nông cạn. Còn những người không bất mãn chút nào thì đã chết rồi. Nếu bạn có thể phản kháng khi bạn đang còn trẻ, và khi lớn tuổi hơn mà vẫn giữ được tâm trạng bất mãn sống động với sức sống của niềm vui và tình yêu to lớn, thì ngọn lửa bất mãn đó sẽ có một ý nghĩa phi thường, bởi vì ngọn lửa ấy sẽ xây dựng, sẽ sáng tạo, sẽ đem lại những điều mới lạ cho cuộc sống. Để làm được điều này, bạn phải có một nền giáo dục đúng đắn, không phải thứ giáo dục chỉ biết chuẩn bị cho bạn kiếm được một việc làm hay leo lên nấc thang thành công, mà là nền giáo dục giúp bạn suy nghĩ và cho bạn không gian - không gian ở đây không phải là một phòng ngủ rộng hơn hay một mái nhà cao hơn, mà là không gian để trí não bạn lớn lên mà không bị trói buộc bởi bất kỳ niềm tin, bất kỳ nỗi sợ hãi nào. Hỏi: Bất mãn ngăn ta suy nghĩ sáng suốt. Làm thế nào để khắc phục trở ngại này? Krishnamurti: Tôi nghĩ bạn có thể đã không lắng nghe điều tôi đang nói đây; có lẽ vì bạn quan tâm câu hỏi của bạn hơn, bạn lo lắng không biết đặt câu hỏi thế nào cho thông. Đó là điều tất cả các bạn đều làm bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi người đều có sẵn một mối bận tâm, và nếu điều tôi nói không phải là điều bạn muốn nghe, bạn liền gạt bỏ nó ngay, bởi vì trí não của bạn đã bị vấn đề của chính bạn chiếm cứ rồi. Nếu người hỏi lắng nghe điều đã được nói lên, nếu anh ta đã thực sự cảm nhận được bản chất bên trong của sự bất mãn, của sự vui vẻ, của sự sáng tạo, thì tôi nghĩ anh ta đã không đặt ra câu hỏi này. Vậy, có phải sự bất mãn ngăn ta suy nghĩ sáng suốt không? Và suy nghĩ sáng suốt là gì? Có thể suy nghĩ thật sáng suốt không nếu bạn muốn đạt được điều gì đó từ chính sự suy nghĩ của mình? Nếu trí não bạn quan tâm đến một kết quả, thì liệu bạn có thể suy nghĩ một cách sáng suốt không? Hay phải chăng bạn chỉ có thể tư duy một cách sáng suốt khi bạn không tìm kiếm một mục đích, một kết quả, không nỗ lực đạt được điều gì đó? Và liệu bạn có thể tư duy một cách sáng suốt nếu bạn còn có thành kiến, còn có một niềm tin cụ thể - tức là nếu bạn còn tư duy như một tín đồ Hindu, một tín đồ Thiên Chúa? Chắc chắn bạn chỉ có thể suy nghĩ một cách thật sáng suốt khi trí não bạn không bị ràng buộc với một đức tin, giống như con khỉ bị cột vào cây cọc; bạn chỉ có thể suy nghĩ thật sáng suốt khi bạn không còn tìm kiếm một kết quả; bạn chỉ có thể suy nghĩ sáng suốt khi bạn không còn thành kiến - tất cả những điều này thật ra có nghĩa là bạn có thể suy nghĩ một cách sáng suốt, đơn giản và trực tiếp khi trí não bạn không còn tìm kiếm sự an toàn dưới bất kỳ hình thức nào, và do đó đã thoát khỏi sợ hãi. Vì vậy, theo hướng này, bất mãn không ngăn ta suy nghĩ sáng suốt. Nhưng khi thông qua bất mãn, bạn theo đuổi một kết quả, hoặc khi bạn tìm cách dập tắt sự bất mãn bởi vì trí não bạn ghét bị quấy rầy, và muốn được yên tĩnh, bình yên với bất cứ giá nào, thì lúc đó tư duy sáng suốt mới là điều không thể. Nhưng nếu bạn bất mãn với mọi thứ - với những thành kiến của bạn, với các tín điều của bạn, với những nỗi sợ hãi bên trong bạn - mà không tìm kiếm một kết quả, thì lúc ấy chính sự bất mãn sẽ giúp bạn tập trung tư tưởng, không phải vào một đối tượng cụ thể hay theo một chiều hướng cụ thể nào, mà toàn bộ tiến trình tư duy của bạn sẽ trở nên cực kỳ đơn giản, trực tiếp và sáng suốt. Dù trẻ hay già, phần đông chúng ta đều bất mãn chỉ vì ta muốn điều gì đó - hiểu biết hơn, công việc tốt hơn, xe đẹp hơn, lương cao hơn. Sự bất mãn của ta dựa trên khao khát “cái nhiều hơn”. Chỉ vì muốn điều gì đó càng lúc càng nhiều hơn nên phần đông chúng ta mới bất mãn. Nhưng tôi không đề cập đến loại bất mãn đó. Chính việc khao khát “cái nhiều hơn” đó ngăn ta suy nghĩ sáng suốt. Trái lại, nếu ta bất mãn, không phải vì muốn điều gì đó, mà vì không biết ta muốn điều gì, nếu ta bất mãn với công việc của ta, với việc kiếm tiền, với việc tìm kiếm địa vị và quyền lực, với truyền thống, với những gì ta chưa có và những gì ta có thể có; nếu ta bất mãn không vì cái gì cả nhưng vì tất cả mọi sự, bấy giờ tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rằng nỗi bất mãn của chúng ta mang lại sự sáng suốt. Khi ta không chấp nhận hay đi theo sự hướng dẫn của bất kỳ ai, mà chất vấn, tìm hiểu, thâm nhập, thì sẽ có một sự thấu hiểu mà từ đó sự sáng tạo, niềm vui xuất hiện. Hỏi: Tự biết mình là gì, và làm thế nào ta có thể đạt được điều đó? Krishnamurti: Bạn có thấy trạng thái tâm lý nằm đằng sau câu hỏi này không? Tôi không có ý bất kính với người đặt câu hỏi, nhưng hãy nhìn cái trạng thái tâm lý đã đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào tôi có thể đạt được nó, phải trả bao nhiêu để mua được nó? Tôi phải làm gì, tôi phải hy sinh thế nào, phải tu tập giữ giới hay tham thiền ra sao để có được nó?”. Giống như một cỗ máy, các trí não tầm thường nói: “Tôi sẽ làm điều này để đạt được điều đó”. Những người được gọi là người có đức tin suy nghĩ bằng những lời lẽ như thế; nhưng sự tự biết mình không xuất hiện theo cách ấy. Bạn không thể mua được nó bằng một nỗ lực hay hoạt động tu tập nào cả. Sự tự biết mình xuất hiện khi bạn quan sát chính mình trong quan hệ với bạn bè và thầy cô giáo của bạn, với tất cả mọi người quanh bạn; nó xuất hiện khi bạn quan sát cung cách ứng xử của người khác, những cử chỉ của người ấy, lối ăn mặc, cách nói năng, thái độ khinh miệt hay nịnh bợ của người ấy và phản ứng của bạn; nó xuất hiện khi bạn quan sát mọi thứ bên trong bạn và những gì có liên quan đến bạn, tự thấy mình như bạn thấy gương mặt mình trong gương. Khi nhìn vào gương, bạn thấy chính bạn như bạn là, đúng không? Bạn có thể mong ước đầu bạn có một hình dáng khác, nhiều tóc hơn một chút và gương mặt bạn ít xấu hơn; nhưng sự thật vẫn ở đó, phản ánh rõ nét trong gương, bạn không thể gạt nó đi và nói: “Mình mới đẹp làm sao!”. Vậy, nếu bạn có thể nhìn vào tấm gương các mối quan hệ chính xác như bạn nhìn vào một tấm gương thông thường, thì lúc đó công cuộc tự biết mình trở nên vô tận. Giống như bước vào một đại dương không đáy, không bến bờ. Phần đông chúng ta muốn vươn tới một mục đích. Ta muốn có thể nói rằng: “Tôi đã đạt đến sự tự biết mình và tôi hạnh phúc”; nhưng không có điều gì như thế cả. Nếu bạn có thể nhìn vào chính mình mà không chỉ trích những gì bạn thấy, không so sánh bạn với người nào khác, không mong muốn mình đẹp hơn hay đạo đức hơn. Nếu bạn có thể chỉ đơn giản quan sát hiện trạng của mình và cùng chuyển dịch với điều đó, thì bạn sẽ nhận ra rằng nó có thể đi xa đến vô tận. Bấy giờ không có chỗ kết thúc cho hành trình, và đó là sự huyền bí, là cái đẹp của nó. Hỏi: Linh hồn là gì? Krishnamurti: Nền văn hóa, văn minh của chúng ta đã bịa ra từ “linh hồn” - văn minh là khao khát chung của tập thể và ý chí của nhiều người. Hãy nhìn vào nền văn minh Ấn Độ. Chẳng phải đó là kết quả của đa số mọi người với những khao khát, ý chí của họ sao? Bất kỳ nền văn minh nào cũng đều là kết quả của những gì có thể gọi là ý chí tập thể; và cái ý chí tập thể trong trường hợp này đã nói rằng phải có cái gì đó bên ngoài thân thể vật chất sẽ chết đi, mục ruỗng, phân hủy, điều gì đó vĩ đại mênh mông hơn nhiều, điều gì đó bất hoại, bất tử; do đó nó đã thiết lập nên ý niệm linh hồn này. Thỉnh thoảng có thể có một, hai người tự mình khám phá đôi điều về cái phi thường được gọi là sự bất tử này, một trạng thái mà trong đó không có cái chết, và rồi tất cả những trí não tầm thường lên tiếng: “Đúng, linh hồn phải có thật, quả thực điều ông ấy nói là chính xác”. Và bởi vì họ muốn sự bất tử nên họ bám vào từ “linh hồn”. Bạn cũng muốn biết liệu có thứ gì đó hơn hẳn sự tồn tại thể lý này, phải không? Cái vòng bất tận đến văn phòng, làm một công việc mà bạn hoàn toàn không có hứng thú, gây gổ, ghen tị, sinh con đẻ cái, tám chuyện tầm phào với hàng xóm, nói những lời vô nghĩa - bạn muốn biết liệu có cái gì đó hơn hẳn tất cả những điều này không. Chính từ “linh hồn” biểu hiện rõ ràng cái ý tưởng về một trạng thái vốn bất hoại, phi thời gian, đúng không? Nhưng bạn thấy đó, bạn không bao giờ tự mình khám phá được liệu có hay không một trạng thái như thế. Bạn không nói: “Tôi không quan tâm Đức Chúa, Shankara hay bất kỳ người nào khác đã nói gì, cũng không quan tâm những mệnh lệnh của truyền thống, của cái gọi là nền văn minh; tôi sẽ tự mình khám phá liệu có hay không một trạng thái vượt lên trên khuôn khổ thời gian”. Bạn không phản kháng chống lại những gì mà nền văn minh hay ý chí tập thể đã tạo thành công thức; trái lại, bạn còn chấp nhận nó và nói: “Đúng rồi, có linh hồn”. Bạn gọi sự tạo thành công thức đó là thế này, người khác gọi nó là thế khác, và rồi các bạn tự chia rẽ nhau và trở thành kẻ thù của nhau vì xung đột niềm tin. Người thực sự muốn khám phá liệu có hay không một trạng thái vượt lên trên khuôn khổ thời gian thì phải thoát khỏi nền văn minh; tức là phải thoát khỏi ý chí của tập thể và đứng riêng một mình. Và đấy là một phần thiết yếu của giáo dục: học cách đứng riêng một mình để bạn không bị vướng mắc vào ý chí của đám đông hoặc ý chí của một người và do đó, tự bạn có thể khám phá điều gì là chân thực. Đừng phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tôi hoặc ai khác có thể nói với bạn rằng có một trạng thái phi thời gian, nhưng điều đó có giá trị gì đối với bạn chứ? Nếu đói, bạn sẽ muốn ăn chứ không muốn được mớm cho vài lời nói đơn thuần. Điều quan trọng là tự bạn phải khám phá. Bạn có thể thấy rằng mọi thứ quanh bạn đang phân rã, bị hủy diệt. Cái gọi là văn minh không còn được giữ vững bởi ý chí tập thể; nó đang trên đà phân rã thành từng mảnh. Cuộc sống thách thức bạn từng phút từng giây, và nếu bạn chỉ đơn thuần phản ứng lại thách thức bằng lối mòn của tập quán, của thói quen, tức là phản ứng bằng thái độ chấp nhận, vậy thì phản ứng của bạn chẳng có giá trị gì cả. Bạn chỉ có thể khám phá liệu có hay không một trạng thái phi thời gian, một trạng thái không còn một động thái tìm kiếm “cái nhiều hơn” hay “cái ít hơn”, khi nào bạn dám nói: “Tôi không chấp nhận, tôi đang tìm hiểu, khám phá” - nghĩa là bạn không còn sợ đứng một mình nữa. 6. TÍNH TOÀN VẸN CỦA CUỘC SỐNG P hần đông chúng ta bám chấp vào một phần nhỏ của cuộc sống và nghĩ rằng thông qua phần nhỏ đó ta sẽ khám phá cái toàn thể. Không chịu rời khỏi căn phòng, nhưng ta hy vọng sẽ khám phá được toàn bộ chiều dài và chiều rộng của dòng sông, cảm nhận sự màu mỡ của đồng cỏ xanh rờn hai bên bờ. Ta sống trong một căn phòng nhỏ, vẽ lên một toan vải nhỏ mà nghĩ rằng ta đã nắm được cuộc sống trong tay hoặc thấu hiểu ý nghĩa của cái chết, nhưng thật ra là không. Để làm được việc đó, ta phải đi ra ngoài. Và cực kỳ khó có thể đi ra ngoài, rời căn phòng với những cửa sổ hạn hẹp và thấy mọi vật như chúng là mà tuyệt đối không phán xét, không lên án, không nói “Tôi thích cái này và tôi không thích cái kia”. Bởi vì phần đông chúng ta nghĩ rằng thông qua một bộ phận, ta sẽ thấu hiểu cái toàn thể. Chỉ thông qua một nan hoa, ta hy vọng hiểu được bánh xe; nhưng một cái nan hoa không làm nên bánh xe, đúng không? Phải cần nhiều nan hoa, cũng như trục và vành bánh xe nữa để làm nên cái gọi là bánh xe, và ta cần thấy toàn bộ bánh xe để hiểu nó. Cũng như vậy, ta phải tri giác toàn bộ tiến trình sống nếu thực sự muốn hiểu cuộc sống. Tôi hy vọng bạn theo kịp điều này, bởi vì giáo dục phải giúp bạn thấu hiểu toàn bộ cuộc sống, chứ không chỉ chuẩn bị cho bạn để bạn có được một công việc và cứ thế tiếp tục đi theo lối mòn thông thường là kết hôn, có con, đóng bảo hiểm, lễ bái mỗi ngày trước những bức tượng thần nhỏ bé của bạn. Nhưng để tạo ra một nền giáo dục đúng đắn đòi hỏi phải có thật nhiều trí tuệ, sự thông hiểu, thế nên điều quan trọng là bản thân nhà giáo dục phải được giáo dục để thấu hiểu toàn bộ tiến trình sống, và để không chỉ dạy bạn rập khuôn theo một công thức, dù cũ hay mới. Cuộc sống là một bí ẩn phi thường - không phải bí ẩn trong sách vở, không phải bí ẩn mà người đời nói đến, mà là một bí ẩn mỗi người phải tự khám phá; thế nên điều cực kỳ quan trọng là bạn phải thấu hiểu cái nhỏ nhen, hẹp hòi, vụn vặt và vượt qua nó. Nếu không bắt đầu thấu hiểu cuộc sống ngay khi còn trẻ, bạn sẽ trưởng thành trong một nội tâm gớm ghiếc. Bên trong bạn sẽ tăm tối, rỗng tuếch dù bên ngoài bạn có thể có tiền bạc, sở hữu những chiếc xe đắt tiền, sống như một ông chủ. Vì thế, điều quan trọng là phải rời bỏ căn phòng nhỏ bé của bạn và tri giác cái mênh mông trọn vẹn của bầu trời. Bạn không thể làm được vậy nếu không có tình yêu trong lòng - không phải tình yêu trần tục hay tình yêu thánh thiện, mà chỉ đơn giản là tình yêu thế thôi; tức yêu chim muông, cây cối, hoa lá, thầy cô, cha mẹ, và vượt qua khuôn khổ gia đình, tình yêu nhân loại. Chẳng phải là một bi kịch lớn sao, nếu bạn không tự mình khám phá được tình yêu là gì? Nếu ngay bây giờ bạn không biết yêu thương, bạn sẽ không bao giờ biết yêu thương, bởi vì khi bạn lớn lên, cái được gọi là tình yêu sẽ trở thành điều gì đó cực kỳ xấu xa - một sự chiếm hữu, một thứ hàng hóa để mua bán. Nhưng nếu ngay bây giờ bạn bắt đầu có tình yêu trong lòng, nếu bạn yêu cái cây bạn trồng, vỗ về một con vật đi lạc, thì khi lớn lên, bạn sẽ không còn giam mình trong căn phòng nhỏ của bạn với những cửa sổ chật hẹp, mà bạn sẽ rời khỏi đó và yêu toàn bộ cuộc sống. Tình yêu vốn thực tế, nó không mang tính cảm xúc, không phải là sự gào khóc đau buồn, không ủy mị. Tình yêu không phải là tình cảm ủy mị gì cả. Tình yêu là một vấn đề vô cùng nghiêm túc và hệ trọng mà bạn phải thấu hiểu khi còn trẻ. Cha mẹ và thầy cô của bạn có lẽ không biết yêu, và vì thế họ đã tạo ra một thế giới khủng khiếp, một xã hội chiến tranh triền miên trong nội bộ của nó và với các xã hội khác. Tôn giáo, triết lý và ý thức hệ của các xã hội ấy đều giả dối vì họ không có tình yêu. Họ chỉ tri giác một phần và nhìn ra ngoài thông qua một cửa sổ nhỏ hẹp để thấy một khung cảnh mà họ có thể cảm thấy thích thú và rộng mở, nhưng đó không phải là cái mênh mông toàn vẹn của cuộc sống. Không có cảm giác yêu thương sâu sắc thì bạn không bao giờ có thể tri giác cái toàn thể; do đó bạn sẽ luôn luôn khốn khổ, và cuối cùng cuộc sống của bạn sẽ không là gì khác ngoài tro tàn, cùng hàng loạt những từ ngữ rỗng tuếch. Hỏi: Tại sao ta muốn được nổi tiếng? Krishnamurti: Tại sao bạn nghĩ bạn muốn được nổi tiếng. Tôi có thể giải thích tại sao, nhưng cuối cùng bạn sẽ ngừng muốn được nổi tiếng chứ? Bạn muốn được nổi tiếng bởi vì mọi người xung quanh bạn trong xã hội đều muốn được nổi tiếng. Cha mẹ bạn, thầy cô bạn, các vị đạo sư, các vị yogi - hết thảy đều muốn nổi tiếng, muốn ai cũng biết họ, và bạn cũng vậy. Hãy cùng nghĩ điều này. Tại sao người ta muốn được nổi tiếng? Trước hết, được nổi tiếng là điều có lợi, nó cho bạn thật nhiều khoái lạc, không phải sao? Nếu cả thế giới đều biết bạn, bạn sẽ cảm thấy mình hết sức quan trọng, nó cho bạn một cảm giác bất tử. Bạn muốn được nổi tiếng, muốn ai cũng biết bạn và nói về bạn trên khắp thế giới, bởi vì bên trong, bạn không là ai cả. Trong nội tâm bạn không có sự giàu có, ở đó chẳng có gì cả, cho nên bạn muốn được nổi danh ở thế giới bên ngoài; nhưng nếu nội tâm bạn giàu có, thì dù bạn có nổi danh hay không, cũng không có vấn đề gì cả. Nội tâm giàu có khó khăn hơn nhiều so với việc giàu có và nổi tiếng bề ngoài; nó đòi hỏi thật nhiều sự quan tâm, tập trung gần hơn nữa. Nếu bạn có chút tài năng và biết cách khai thác nó, bạn sẽ trở nên nổi tiếng; nhưng sự giàu có ở nội tâm không xuất hiện theo cách đó. Để nội tâm giàu có, trí não phải hiểu và loại bỏ những thứ không quan trọng, như ham muốn được nổi tiếng. Sự phong phú nội tâm có nghĩa là đứng một mình; nhưng người muốn được nổi tiếng sợ đứng một mình, bởi vì họ phụ thuộc vào sự tâng bốc và khen chê của người đời. Hỏi: Khi còn trẻ, ngài đã viết một cuốn sách mà trong đó ngài nói rằng: “Đây không phải lời lẽ của tôi, mà của thầy tôi”. Vậy sao bây giờ ngài lại nhấn mạnh rằng ta phải tự mình suy nghĩ? Và thầy của ngài là ai? Krishnamurti: Một trong những điều khó khăn hơn cả trong cuộc sống là đừng để bị trói buộc bởi một ý niệm; sự trói buộc được gọi là kiên định. Nếu có một lý tưởng về bất bạo động, bạn ra sức kiên định với lý tưởng đó. Vậy, người đặt ra câu hỏi nói: “Ngài bảo chúng tôi hãy tự mình suy nghĩ, vậy là đi ngược lại điều ngài đã nói khi còn trẻ. Tại sao ngài không kiên định?”. Kiên định nghĩa là gì? Đây thực sự là một vấn đề hết sức quan trọng. Kiên định là có một trí não đi theo một khuôn mẫu tư duy cụ thể nào đó mà không hề thay đổi - nghĩa là bạn không được làm điều gì mâu thuẫn, hôm nay làm điều này, mai làm điều ngược lại. Một trí não nói: “Tôi đã thề nguyện là điều gì đó và tôi sẽ là điều đó suốt phần đời còn lại của mình” được gọi là kiên định; nhưng đó thật ra lại là một trí não ngu ngốc nhất, bởi vì nó đã đi đến một kết luận và sống rập khuôn theo kết luận đó. Tựa như một người xây tường vách quanh mình và để mặc cho cuộc sống trôi đi bên ngoài tường vách ấy. Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp; tôi có thể đơn giản hóa nó quá mức, nhưng tôi không nghĩ vậy. Khi trí não chỉ loay hoay trong kiên định, nó trở nên máy móc và đánh mất sức sống, nhiệt huyết, vẻ đẹp của sự chuyển động tự do. Trí não đó vận hành bên trong một khuôn mẫu. Đó là một phần của câu hỏi này. Phần còn lại là: Vị thầy là ai? Bạn không biết những ý nghĩa hàm chứa trong điều này đâu. Câu chuyện chính xác là thế này. Người ta kể rằng tôi đã viết một tập sách gì đó khi tôi còn là một cậu bé, và quý ông đây trích trong cuốn sách đó một phát biểu bảo rằng một vị thầy đã giúp tôi viết nên tập sách đó. Và có nhiều nhóm người, như Hội Thông Thiên, tin rằng có các bậc thầy đang sống trong vùng núi Himalayas xa thẳm hướng dẫn và trợ giúp thế giới; và quý ông này muốn biết vị thầy là ai. Hãy nghe cho kỹ điều này bởi vì nó cũng áp dụng cho bạn. Việc một bậc thầy hay đạo sư, guru, là ai quan trọng đến thế sao? Vấn đề chính là cuộc sống - chứ không phải đạo sư, đức thầy, lãnh tụ hay tổ sư nào đang diễn giải cuộc sống cho bạn nghe. Chính bạn phải thấu hiểu cuộc sống; chính bạn đang đau khổ, đang sống trong nỗi khốn cùng; chính bạn muốn biết ý nghĩa của việc sinh, tử, của thiền tập, của đau khổ, và không ai có thể nói cho bạn biết được cả. Người khác có thể giải thích, nhưng mọi sự giải thích của họ có thể là hoàn toàn giả trá, sai lầm hết cả. Vì thế thái độ chính xác là hãy hoài nghi, bởi vì hoài nghi cho bạn cơ hội để tự khám phá xem liệu bạn có cần đạo sư hay không. Điều quan trọng là bạn phải tự soi sáng cho chính mình, bạn phải là vị thầy của chính mình, phải vừa là thầy vừa là trò. Chừng nào bạn còn học thì chừng đó không có thầy. Chỉ khi nào bạn ngừng thăm dò, khám phá, thấu hiểu toàn bộ tiến trình sống, thì bấy giờ người thầy mới xuất hiện - và người thầy như vậy chẳng có giá trị gì cả. Lúc đó bạn đã chết và do đó, người thầy của bạn cũng chết. Hỏi: Tại sao con người tự hào? Krishnamurti: Các bạn không tự hào nếu mình có một nét chữ đẹp, khi thắng một trò chơi hay khi vượt qua một kỳ thi nào đó sao? Có bao giờ bạn sáng tác một bài thơ hay vẽ một bức tranh và đưa cho bạn bè xem? Nếu người bạn ấy nói bài thơ thật dễ thương hay bức tranh tuyệt đẹp, bạn không cảm thấy rất thích thú sao? Khi bạn làm điều gì mà người ta khen thật xuất sắc, bạn cảm thấy thật vui sướng, và cảm giác đó là chính đáng và tốt thôi; nhưng chuyện gì xảy ra lần sau khi bạn lại vẽ một bức tranh, làm một bài thơ hay dọn phòng? Bạn hy vọng người nào đó sẽ đến và nói bạn thật là một cậu bé tuyệt vời; và nếu không ai đến, bạn không còn chịu khó vẽ vời, viết lách hay quét dọn nữa. Thế là bạn lệ thuộc vào cảm giác vui sướng mà người khác đem lại cho bạn thông qua sự tán thành của họ. Đơn giản là thế. Rồi việc gì xảy ra? Khi bạn lớn lên, bạn muốn điều bạn làm phải được nhiều người công nhận. Bạn có thể nói “Tôi làm điều này vì đạo sư của tôi, vì tổ quốc tôi, vì con người, vì Thượng đế”. Nhưng thực ra bạn làm điều ấy nhằm đạt được sự thừa nhận, mà từ đó sinh ra lòng tự hào; và khi bạn làm bất cứ điều gì theo kiểu đó, thì nó không đáng để làm. Tôi tự hỏi liệu bạn có hiểu được những điều này không. Để hiểu được điều gì đó như lòng tự hào, bạn phải đủ khả năng suy nghĩ thấu suốt; bạn phải thấy nó bắt đầu như thế nào và thảm họa nó mang đến, thấy nó trong toàn bộ, tức là bạn phải quan tâm sâu sắc rằng trí não bạn theo nó sát sao cho đến cùng và không dừng lại nửa đường. Khi bạn hứng thú thực sự trong một cuộc chơi, bạn phải chơi đến cùng chứ không đột ngột dừng lại giữa chừng và trở về nhà. Nhưng trí não bạn không quen với lối suy nghĩ này và nhiệm vụ của giáo dục là giúp bạn truy vấn toàn bộ tiến trình sống chứ không chỉ học vài môn học. Hỏi: Vì chúng em là trẻ con, người ta dạy chúng em cái gì là đẹp và cái gì là xấu, kết quả là suốt đời chúng em chỉ biết lặp lại “Cái này là đẹp, cái kia là xấu”. Vậy làm thế nào ta biết được cái gì thực sự là đẹp và cái gì là xấu? Krishnamurti: Ví dụ bạn nói rằng một mái vòm nào đó đẹp, nhưng ai đó lại cho là xấu. Vậy thì điều nào quan trọng: trận chiến giữa những ý kiến đối chọi nhau để xem liệu điều gì đó là đẹp hay xấu, hay sự nhạy cảm với cả cái đẹp và cái xấu? Trong cuộc sống, có những thứ rác rưởi, bẩn thỉu, mất phẩm giá, khổ đau, rách nát, và cũng có niềm vui, tiếng cười, vẻ đẹp của đóa hoa khoe sắc trong nắng. Điều quan trọng chắc chắn phải là nhạy cảm trước mọi sự, chứ không chỉ đơn thuần quyết định cho cái gì là đẹp và cái gì là xấu, rồi giữ mãi ý kiến đó. Nếu tôi nói: “Tôi sẽ bồi đắp cho cái đẹp và gạt bỏ mọi cái xấu”, thì việc gì xảy ra? Bấy giờ việc bồi đắp cho cái đẹp dẫn tới sự vô cảm. Giống như một người phát triển cánh tay phải, khiến nó trở nên vô cùng mạnh mẽ, và bỏ mặc cho cánh tay trái yếu đi. Vì vậy, bạn phải tỉnh thức trước cái xấu cũng như cái đẹp. Bạn phải thấy muôn lá đang nhảy múa, nước chảy qua cầu, vẻ đẹp của buổi hoàng hôn, và cũng phải nhận ra những người hành khất đi trên đường, bạn phải thấy một người phụ nữ nghèo khổ đang vất vả gánh nặng, phải thấy những con vật lang thang đói rét và sẵn sàng giúp một tay. Tất cả những việc ấy đều cần thiết, và chỉ khi nào có được sự nhạy cảm này, bạn mới có thể bắt đầu hành động, trợ giúp, chứ không phải chỉ vứt bỏ hay lên án. Hỏi: Xin thứ lỗi, nhưng ngài vẫn chưa nói vị thầy của ngài là ai. Krishnamurti: Điều đó có quan trọng lắm không? Khi bạn xem trọng điều gì đó tầm thường, như đức thầy là ai, bạn đang biến toàn bộ cuộc sống thành một việc cực kỳ nhỏ nhen. Bạn thấy đó, ta luôn luôn muốn biết đức thầy là ai, ai là người học cao hiểu rộng, ai là người nghệ sĩ đã vẽ bức họa này. Ta không bao giờ muốn tự mình khám phá nội dung của bức tranh, bất chấp nhân thân của người nghệ sĩ. Chỉ khi nào bạn biết nhà thơ là ai, bạn mới nói bài thơ thật đáng yêu. Thái độ màu mè, trưởng giả học làm sang, chỉ biết lặp lại ý kiến của người khác ấy đã hủy diệt chính khả năng tri giác bên trong bạn đối với thực tại của sự vật. Nếu bạn thấy bức họa là đẹp và cảm thấy hết sức dễ chịu, thì liệu việc ai vẽ bức họa đó đối với bạn có thực sự quan trọng không? Nếu mối quan tâm duy nhất của bạn là thấy nội dung, sự thật của bức họa, thì lúc đó chính bức họa sẽ truyền đạt ý nghĩa của nó. 7. THAM VỌNG T a đã thảo luận về việc có được tình yêu là thiết yếu như thế nào, và ta đã thấy rằng không thể kiếm tìm hay mua được tình yêu; thế nhưng không có tình yêu, mọi kế hoạch thực hiện một trật tự xã hội hoàn hảo, không còn bóc lột, không còn sự kiểm soát bằng thể chế, sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa, và tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng là phải hiểu điều này đang khi ta còn trẻ. Dù đi đến nơi nào trong thế giới, nơi nào không quan trọng, ta sẽ thấy rằng xã hội đang ở trong tình trạng xung đột triền miên. Luôn có người nắm quyền lực, người giàu có, người sung túc ở một bên, và người lao động ở bên còn lại; và mỗi người đều cạnh tranh nhau vì lòng ghen tị, mỗi người đều muốn có địa vị cao, lương bổng nhiều, muốn thêm quyền lực, thêm uy thế. Đó là trạng thái hiện hữu của thế giới, và vì thế chiến tranh luôn luôn xảy ra đồng thời ở nội tâm và ngoại cảnh. Bây giờ, nếu bạn và tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong trật tự xã hội, thứ đầu tiên mà ta phải thấu hiểu là cái bản năng tích lũy quyền lực này. Phần đông chúng ta đều muốn có được quyền lực dưới dạng này hay dạng khác. Ta thấy rằng nhờ vào của cải và quyền lực, ta sẽ có thể đi khắp nơi, kết giao với những người quan trọng và trở nên nổi tiếng; hoặc ta mơ ước tạo ra một xã hội hoàn hảo. Ta nghĩ ta sẽ làm được điều tốt lành nhờ có quyền lực; nhưng chính việc theo đuổi quyền lực - quyền lực cho chính bản thân ta, quyền lực cho tổ quốc, quyền lực cho một hệ tư tưởng - tất cả đều là ác và mang tính hủy diệt, bởi vì chắc chắn nó không tránh khỏi tạo ra những quyền lực đối nghịch, và vì thế luôn luôn có xung đột. Vậy chẳng phải là giáo dục phải giúp bạn, khi trưởng thành, hiểu ra tầm quan trọng của việc tạo ra một thế giới không còn xung đột cả ở bên trong hay bên ngoài, một thế giới mà ta không còn xung đột với người hàng xóm hay với bất kỳ đoàn thể nào, bởi vì sự thôi thúc của tham vọng, tức là khao khát địa vị và quyền lực, đã hoàn toàn chấm dứt hay sao? Và có thể nào tạo ra một xã hội mà trong đó sẽ không còn xung đột cả bên trong và bên ngoài? Xã hội là mối quan hệ giữa bạn và tôi; và nếu mối quan hệ của chúng ta dựa trên tham vọng, mỗi người chúng ta đều muốn có nhiều quyền lực hơn những người khác, thì rõ ràng chúng ta sẽ luôn xung đột nhau. Vậy, liệu cái nguyên nhân của xung đột này có thể được tháo gỡ không? Liệu tất cả chúng ta có thể tự giáo dục bản thân không đấu tranh giành giật, không so sánh ta với bất kỳ người nào khác; không muốn địa vị này, địa vị kia không - hay nói ngắn gọn một lời là không tham vọng gì nữa? Khi bạn cùng với cha mẹ bạn ra ngoài, khi bạn đọc báo và nói chuyện với mọi người, bạn hẳn có để ý thấy hầu hết mọi người đều mong muốn thế giới thay đổi. Và bạn có để ý thấy rằng chính những người đó lại đang luôn xung đột với nhau về việc này, việc nọ - xung đột về tư tưởng, tài sản, chủng tộc, đẳng cấp xã hội hay tôn giáo? Cha mẹ bạn, những người hàng xóm, các bộ trưởng và các quan chức - tất cả họ đều đầy tham vọng, đấu tranh vì một địa vị tốt hơn, và do đó luôn luôn xung đột với ai khác? Chắc chắn chỉ khi nào cái tinh thần tranh đua giành giật này được gỡ bỏ thì mới có một xã hội hòa bình, mà trong đó tất cả chúng ta có thể sống một cách hạnh phúc, một cách sáng tạo. Vậy, làm thế nào để thực hiện được điều này? Ban hành quy định, ban hành luật pháp hoặc buộc trí não không được tham lam, thì có thể tiêu diệt được tham vọng không? Về bề ngoài, bạn có thể rèn luyện để không còn tham lam, về xã hội, bạn có thể ngừng ganh đua với người khác; nhưng sâu bên trong bạn, tham vọng vẫn sẽ còn sôi sục, đúng không? Và có thể nào quét sạch hoàn toàn tham vọng, thứ đem đến cho con người quá nhiều đau khổ không? Có lẽ trước đây các bạn đã không nghĩ đến việc này, bởi vì chẳng ai nói vậy với bạn cả, nhưng giờ đây ai đó đang nói với bạn, thì bạn có muốn khám phá xem liệu có thể sống trong thế giới này một cách phong phú, sung mãn, hạnh phúc, sáng tạo, mà tuyệt đối không có cái động lực thôi thúc mang tính hủy diệt của tham vọng, không còn tranh đua, giành giật không? Bạn có muốn biết phải sống như thế nào để cuộc sống của bạn sẽ không hủy diệt người khác hoặc phủ chụp bóng tối lên đường đi của người khác không? Bạn thấy đó, ta cứ nghĩ điều này là một giấc mơ không tưởng, không bao giờ có thể biến thành hiện thực được; nhưng ta không nói đến một xã hội không tưởng như Utopia, một thứ vô nghĩa. Liệu bạn và tôi, những con người đơn giản và bình thường, có thể sống một cách sáng tạo trong thế giới này mà không bị thôi thúc bởi tham vọng, vốn tự thể hiện bằng nhiều cách như ham muốn quyền lực, địa vị? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời chính xác khi bạn yêu điều bạn đang làm. Nếu bạn là một kỹ sư chỉ vì bạn phải kiếm kế sinh nhai, bởi vì cha bạn hay xã hội kỳ vọng điều đó ở bạn, thì đó là một hình thái cưỡng bách khác; và cưỡng bách dưới bất kỳ hình thái nào cũng đều sinh ra mâu thuẫn và xung đột. Trái lại, nếu bạn thực sự yêu việc mình là một kỹ sư, hay một nhà khoa học, hoặc nếu bạn có thể trồng một cái cây, hoặc vẽ một bức tranh, làm một bài thơ, mà không có ý tìm kiếm sự công nhận, mà chỉ vì bạn yêu việc bạn làm, thì lúc đó bạn sẽ thấy rằng bạn không bao giờ còn có ý tranh đua với người khác. Tôi nghĩ đây thực sự là một bí quyết: yêu điều bạn làm. Nhưng khi bạn còn trẻ, thường rất khó biết bạn thích làm gì, bởi vì bạn muốn làm quá nhiều điều. Bạn muốn là một kỹ sư, là một người lái tàu hỏa, một phi công lái máy bay; hoặc có thể bạn muốn là một nhà diễn thuyết hay một chính trị gia nổi tiếng. Bạn có thể muốn làm một họa sĩ, một nhà hóa học, một nhà thơ hay một người thợ mộc. Bạn có thể muốn làm việc bằng đầu óc hoặc bằng chân tay. Có điều gì trong số đó bạn thực sự thích làm không, hay việc bạn quan tâm đến chúng chỉ đơn thuần là một phản ứng do áp lực của xã hội? Làm sao bạn biết được? Và chẳng phải mục đích thực sự của giáo dục là giúp bạn khám phá, để khi lớn lên, bạn có thể bắt đầu đặt trọn vẹn trí não, con tim và cơ thể mình vào điều gì đó bạn thực sự thích làm sao? Để tìm ra việc mà bạn thích làm đòi hỏi phải thật thông tuệ; bởi vì nếu bạn sợ không thể kiếm sống, hay không thích ứng nổi với cái xã hội thối nát này, thì lúc đó bạn sẽ không bao giờ tìm ra. Nhưng nếu bạn không sợ hãi, nếu bạn từ chối để bị ép vào cái khuôn rập của truyền thống bởi cha mẹ của bạn, bởi thầy cô của bạn, bởi những yêu cầu hời hợt của xã hội, thì lúc đó bạn mới có thể khám phá xem mình thực sự thích làm gì. Vì thế, để khám phá, không được sợ rằng mình sẽ không thể sống sót. Nhưng phần đông chúng ta lại sợ chúng ta không thể sống sót, ta nói: “Việc gì sẽ xảy đến với tôi nếu tôi không làm theo lời dạy bảo của cha mẹ, nếu tôi không thích ứng được với xã hội này?”. Vì sợ hãi, ta làm theo những gì người khác bảo, và trong đó không có tình yêu, mà chỉ có sự mâu thuẫn; sự mâu thuẫn bên trong này là một trong những nhân tố sinh ra tham vọng mang tính hủy diệt. Vì thế chức năng cơ bản của giáo dục là giúp bạn tìm ra xem bạn thực sự thích làm gì, để bạn có thể đặt trọn trí não và trái tim vào đó, bởi vì tình yêu đó tạo ra cái phẩm cách làm người, quét sạch sự tầm thường, cái tâm tánh tiểu tư sản hẹp hòi. Thế nên, điều quan trọng vô cùng là có những nhà giáo, môi trường giáo dục đúng đắn, để bạn có thể lớn lên trong thứ tình yêu tự thể hiện trong điều bạn làm. Không có tình yêu này, các cuộc thi, kiến thức của bạn, năng lực, địa vị, và những gì bạn sở hữu chỉ là tro tàn, không có ý nghĩa gì cả; không có tình yêu này, hành động của bạn sẽ gây nên nhiều cuộc chiến hơn, nhiều thù hận hơn, nhiều thảm họa, tàn phá và hủy diệt hơn. Tất cả những điều này có lẽ không có ý nghĩa gì đối với các bạn, bởi vì ở bên ngoài các bạn vẫn còn quá trẻ, nhưng tôi hy vọng nó sẽ có ý nghĩa gì đó đối với thầy cô giáo các bạn, và cả đối với các bạn, đâu đó ở bên trong. Hỏi: Tại sao ngài cảm thấy xấu hổ? Krishnamurti: Bạn biết không, điều phi thường hơn cả trong cuộc sống là sống vô danh - không nổi tiếng hay vĩ đại, không quá thông thái, không phải là một nhà cải cách vĩ đại hay một nhà cách mạng nào cả, mà chỉ là người bình thường, người không quan trọng; và khi ta thực sự cảm nhận như thế, việc đột ngột bị bao vây bởi nhiều người hiếu kỳ sẽ tạo ra một cảm giác thoái lui. Chỉ thế thôi. Hỏi: Làm thế nào ta có thể nhận thức được sự thật trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Krishnamurti: Bạn nghĩ rằng sự thật là một thứ và cuộc sống thường ngày của bạn là một thứ khác, và trong cuộc sống thường ngày của bạn, bạn muốn nhận ra điều mà bạn gọi là sự thật. Nhưng sự thật có tách rời với cuộc sống thường nhật không? Khi bạn lớn lên, bạn sẽ phải kiếm sống, đúng không? Rốt lại, đó là điều bạn nhắm đến khi bạn trải qua các kỳ thi: chuẩn bị cho bản thân để kiếm kế sinh nhai. Nhưng nhiều người không quan tâm họ phải làm về lĩnh vực gì, miễn sao họ kiếm được tiền. Miễn họ có việc làm là ổn rồi. Làm gì không thành vấn đề, làm lính, làm cảnh sát, làm luật sư hay làm một kiểu gian thương nào đó. Vậy, tìm ra sự thật của cái tạo ra phương tiện mưu sinh đúng đắn là điều quan trọng, đúng không? Bởi vì sự thật nằm trong cuộc sống của bạn chứ không phải ở đâu xa. Cung cách bạn nói chuyện, điều bạn nói, cách bạn cười, liệu bạn có dối trá, đùa bỡn người khác hay không - tất cả những điều đó là sự thật trong cuộc sống thường ngày của bạn. Vì vậy, trước khi bạn trở thành một người lính, một người cảnh sát, một luật sư, hay một doanh nhân sắc sảo, chẳng phải bạn cần hiểu rõ sự thật về các nghề nghiệp ấy sao? Chắc chắn, nếu bạn không thấy được sự thật của điều bạn làm và bị điều khiển bởi sự thật đó, cuộc sống của bạn trở thành một đống hỗn loạn ghê gớm. Ta hãy xem xét câu hỏi liệu bạn có nên trở thành một người lính hay không, bởi vì các nghề nghiệp khác sẽ phức tạp hơn đôi chút; bởi vì ngoài sự tuyên truyền và những gì người khác nói, sự thật liên quan đến nghề nghiệp của một người lính là gì? Nếu ai đó trở thành người lính thì có nghĩa là người đó phải chiến đấu bảo vệ tổ quốc của anh ta, người đó phải tự rèn luyện trí não mình không được suy nghĩ mà chỉ biết vâng lời. Người đó phải được chuẩn bị để giết và bị giết - vì cái gì? Vì một ý tưởng mà một người vĩ đại hoặc nhỏ nhen nào đó đã nói là đúng. Vậy, bạn trở thành một người lính là để bạn tự hy sinh bản thân và giết người khác. Đó có phải là một nghề nghiệp đúng đắn không? Đừng hỏi bất cứ người nào khác mà hãy tự mình khám phá sự thật của vấn đề. Bạn được bảo đi giết người nhân danh một xã hội không tưởng tuyệt vời trong tương lai - cứ như thể người bảo bạn làm vậy đã biết tương lai là gì rồi vậy! Bạn có nghĩ rằng giết người là một nghề nghiệp đúng đắn, dù giết người vì tổ quốc hay vì một tôn giáo có tổ chức nào đó? Có bao giờ giết người là đúng không? Vì thế, nếu bạn muốn khám phá sự thật trong cái tiến trình quan trọng vốn là cuộc đời của chính bạn đó, thì bạn phải truy vấn tất cả những điều này; bạn phải đặt hết trái tim và trí não vào đó. Bạn phải suy nghĩ một cách độc lập, sáng suốt, không định kiến, bởi vì sự thật không ở đâu xa rời cuộc sống; sự thật nằm trong chính sự vận động cuộc sống thường ngày của bạn. Hỏi: Không phải những hình tượng, các bậc thầy và các vị thánh giúp ta hành thiền một cách đúng đắn sao? Krishnamurti: Bạn biết hành thiền đúng đắn là gì không? Bạn có muốn tự mình khám phá sự thật của vấn đề không? Và bạn có bao giờ khám phá được sự thật đó nếu còn chấp nhận kết luận của chuyên gia hay người có uy tín rằng thiền đúng là thế nào không? Đây là một vấn đề rộng lớn. Để khám phá toàn bộ nghệ thuật thiền, bạn phải hiểu được chiều sâu và chiều rộng của cái tiến trình phi thường gọi là tư duy. Nếu bạn chấp nhận một người có uy quyền nào đó nói rằng “Hãy thiền như thế này”, thì bạn chỉ là một người bắt chước, một bầy tôi trung thành mù quáng của một phương pháp hay một ý tưởng. Thái độ chấp nhận uy quyền của bạn dựa trên hy vọng đạt được một kết quả, và đó không phải là thiền. Hỏi: Bổn phận của người học trò là gì? Krishnamurti: Từ “bổn phận” có ý gì? Bổn phận đối với cái gì? Bổn phận đối với tổ quốc của bạn theo ý của một chính trị gia? Bổn phận đối với cha mẹ bạn theo mong ước của họ? Họ sẽ nói bổn phận của bạn là phải làm như họ đã dạy bạn; và những điều họ dạy bạn bị quy định bởi hoàn cảnh họ sống, bởi truyền thống của họ, vân vân. Và người học trò là gì? Có phải đó là một cậu bé hay một cô bé đi đến trường, đọc vài cuốn sách để mong đậu một kỳ thi nào đó sao? Hay hễ làm người học trò thì phải học mãi và đối với người học trò thì việc học không có chỗ dừng? Chắc chắn người chỉ đơn thuần học một môn, đậu một kỳ thi rồi ngưng thì không phải là người học. Người học trò đích thực nghiên cứu, học hỏi, truy vấn, khám phá, không chỉ học đến tuổi hai mươi hay hai mươi lăm, mà học suốt đời. Là người học trò nghĩa là lúc nào cũng học và chừng nào bạn còn học thì không có thầy, đúng không? Khi bạn là học trò, thì không có riêng người nào dạy dỗ bạn cả, bởi vì bạn học từ mọi thứ. Chiếc lá bị gió thổi, tiếng nước ì oạp vỗ vào hai bên bờ sông, cánh chim bay vút trên không trung, một người nghèo khổ đang gánh nặng đi ngang qua, những người nghĩ rằng họ biết hết mọi sự về cuộc sống - bạn đang học từ tất cả những điều ấy, cho nên không có thầy và bạn không phải là người chỉ biết đi theo và vâng dạ. Vậy, bổn phận của người học trò chỉ là học. Từng có một họa sĩ nổi tiếng ở Tây Ban Nha tên là Goya. Ông là một trong những người vĩ đại nhất và khi đã rất cao tuổi, ông viết dưới một trong các bức tranh của ông: “Tôi vẫn còn đang học”. Bạn có thể học từ sách vở, nhưng sách không mang bạn đi xa được. Một cuốn sách chỉ có thể cho bạn những điều mà tác giả muốn nói. Nhưng việc học thông qua sự tự biết mình thì không có giới hạn, bởi vì học thông qua sự tự biết mình là để biết cách lắng nghe, biết cách quan sát, và do đó, bạn học từ mọi thứ: từ âm nhạc, từ những gì người khác nói và cách mà họ nói, học từ sự giận dữ, tham lam, tham vọng. Trái đất này là của chúng ta, nó là của bạn và của tôi, để sống trên đó một cách hạnh phúc, phong phú, không còn xung đột. Nhưng sự phong phú đó của cuộc sống, hạnh phúc đó, cái cảm giác rằng “Trái đất này là của chúng ta” đó, không thể được tạo ra bởi sự ép buộc, bởi luật pháp. Nó phải xuất phát từ bên trong, bởi vì ta yêu thương trái đất cùng với tất cả những gì thuộc về nó; và đó là trạng thái của việc học. Hỏi: Chỗ khác biệt giữa tôn kính và yêu thương là gì? Krishnamurti: Bạn có thể tra từ điển hai từ “tôn kính” và “yêu thương” để tìm thấy lời giải. Có phải đó là điều bạn muốn biết? Bạn muốn biết ý nghĩa nông cạn của các từ ấy, hay ý nghĩa đích thực nằm đằng sau chúng? Khi có người nổi tiếng xuất hiện, một bộ trưởng hay một thống đốc, bạn có để ý thấy người ta chào hỏi ông ấy như thế nào không? Bạn gọi đó là sự tôn kính, phải không? Nhưng tôn kính như vậy là giả tạo, bởi vì đằng sau đó có sự sợ hãi và tham lam. Bạn muốn kiếm chác chút lợi ích nào đó từ kẻ xảo quyệt khốn khổ ấy, thế là bạn choàng một vòng hoa lên cổ hắn. Đó không phải là tôn kính, đó chỉ là đồng tiền để mua bán ở chợ trời. Bạn không cảm thấy kính trọng đối với người giúp việc nhà hay người dân làng, mà chỉ với những người bạn có thể hy vọng kiếm chút lợi ích nào từ họ. Kiểu tôn kính này thực ra là sợ hãi; đó không phải là tôn kính chi cả, nó không có ý nghĩa. Nhưng nếu trong tim bạn thực sự có tình yêu, bấy giờ đối với bạn, thống đốc, thầy giáo, người giúp việc nhà của bạn và người dân làng, tất cả đều như nhau; lúc đó bạn có sự tôn kính, một cảm giác đối với tất cả, bởi vì tình yêu vốn không đòi hỏi bất cứ điều gì đáp lại. 8. SUY NGHĨ TRONG TRẬT TỰ G iữa rất nhiều điều trong cuộc sống, bạn có để ý tại sao phần đông chúng ta sống một cách khá cẩu thả, luộm thuộm - cẩu thả trong ăn mặc, trong cách cư xử, trong tư duy, trong cách ta làm mọi việc? Tại sao ta không đúng giờ giấc, do đó, không quan tâm đến người khác? Và điều gì sẽ mang lại trật tự cho vạn vật, trật tự trong cách ăn mặc, trong tư duy, trong cách nói năng, trong cách đi đứng, trong cách ta đối xử với những người kém may mắn hơn chúng ta? Điều gì tạo ra cái trật tự kỳ lạ xuất hiện mà không do cưỡng bách, không do hoạch định, cố ý sắp đặt? Có bao giờ bạn nghĩ đến điều đó chưa? Bạn biết ý tôi là gì khi nói về trật tự không? Đó là ngồi yên lặng mà không phải do bị áp lực, ăn uống một cách tao nhã, không vội vàng, thong thả nhưng chính xác, sáng suốt trong tư duy nhưng vẫn cởi mở. Điều gì tạo ra trật tự này trong cuộc sống? Đó thực sự là vấn đề hết sức quan trọng, và tôi nghĩ rằng, nếu ta có thể được giáo dục để khám phá cái yếu tố sản sinh ra trật tự, thì công cuộc giáo dục đó hẳn phải mang một ý nghĩa to lớn phi thường. Chắc chắn, trật tự chỉ xuất hiện thông qua đạo đức; bởi vì, nếu bạn không đạo đức, không phải trong các sự việc nhỏ nhoi, mà trong mọi sự, cuộc sống của bạn trở nên hỗn loạn, phải không? Sống đạo đức chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng bởi vì bạn đạo đức, nên tư tưởng bạn trở nên chính xác, toàn bộ con người bạn trở nên trật tự, và đó là chức năng của đạo đức. Nhưng việc gì xảy ra khi một người cố gắng trở nên đạo đức, khi anh ta tự rèn luyện kỷ luật để sống tử tế, có năng suất, nhạy cảm, biết quan tâm, khi anh ta nỗ lực không làm tổn thương người khác, khi anh ta dành năng lượng để cố gắng thiết lập trật tự, phấn đấu làm điều tốt? Những nỗ lực của anh ta chỉ dẫn đến sự kính trọng, thứ khiến trí não trở nên tối tăm ngu dốt; cho nên anh ta không phải là con người đạo đức. Đã bao giờ bạn nhìn thật gần một đóa hoa chưa? Tất cả cánh hoa xếp theo một trật tự chính xác đến kinh ngạc; nhưng vẫn có một vẻ thanh mảnh nhẹ nhàng, một hương thơm và vẻ đáng yêu kỳ lạ. Vậy, khi một người cố gắng sống có trật tự, cuộc đời anh ta có thể rất chính xác, nhưng nó đã đánh mất cái phẩm chất nhẹ nhàng vốn chỉ xuất hiện khi không có sự cố gắng, giống như đóa hoa kia. Vì thế, chỗ khó của chúng ta là phải chính xác, trong sáng và cởi mở mà không cần cố gắng. Bạn thấy đó, việc cố gắng để trật tự hay ngăn nắp có một ảnh hưởng hạn hẹp. Nếu tôi cố gắng sắp xếp trật tự trong căn phòng của tôi, nếu tôi cẩn thận bày biện vật nào chỗ ấy, nếu tôi luôn luôn quan sát chính mình, cẩn thận từng bước chân, vân vân, việc gì xảy ra? Tôi trở nên buồn chán đến mức không thể chịu nổi với chính tôi và những người khác. Một người luôn cố gắng để là cái gì đó, một người luôn sắp xếp tư duy hết sức cẩn thận, luôn chọn và ưa chuộng suy nghĩ này hơn suy nghĩ kia, thì quả là quá sức mệt mỏi. Một người như vậy có thể ngăn nắp, rõ ràng, anh ta có thể dùng từ một cách chính xác, anh ta có thể rất chú tâm và thận trọng xem xét, nhưng anh ta đã đánh mất niềm vui sáng tạo của cuộc sống. Vậy, vấn đề ở đây là gì? Làm sao ta có thể có niềm vui sáng tạo của cuộc sống, luôn rộng mở trong cảm nhận, trong tư tưởng, mà vẫn chính xác, sáng suốt, trật tự trong cuộc sống? Tôi nghĩ phần đông chúng ta không như thế, bởi vì ta không bao giờ cảm nhận bất cứ điều gì một cách mãnh liệt, ta không bao giờ đặt trọn tâm và trí hoàn toàn vào bất cứ điều gì. Tôi nhớ có lần quan sát hai con sóc màu hung đỏ, với những cái đuôi dài có lông xù rậm rạp đáng yêu, đang đuổi bắt nhau trên một cây cao liên tục suốt mười phút - chúng làm thế chỉ vì niềm vui sống thôi. Nhưng bạn và tôi, ta không thể biết niềm vui đó nếu ta không cảm nhận mọi sự một cách sâu sắc, nếu ta không có đam mê sống - đam mê không phải nhằm làm điều tốt hay tạo ra một cuộc cải cách nào, mà đam mê theo nghĩa cảm nhận mọi thứ thật mạnh mẽ; và ta chỉ có thể có niềm đam mê quan trọng này khi có một cuộc cách mạng toàn diện trong tư duy, trong toàn bộ con người ta. Bạn có để ý thấy rất ít người trong chúng ta có được cái cảm nhận sâu sắc về bất cứ điều gì không? Bạn có bao giờ chống lại thầy cô, chống lại cha mẹ bạn, không chỉ vì bạn không thích điều gì đó, mà bởi vì bạn có một cảm giác sâu sắc, mãnh liệt rằng bạn không muốn làm việc gì đó? Nếu bạn cảm nhận sâu sắc và mãnh liệt về điều gì đó, bạn sẽ thấy rằng chính cảm nhận đó theo một cách kỳ lạ nào đó sẽ đem lại một trật tự mới trong cuộc sống của bạn. Bản thân sự trật tự, ngăn nắp, rõ ràng của tư tưởng vốn không quá quan trọng, nhưng chúng trở thành quan trọng đối với người nhạy cảm, người có cảm nhận sâu sắc, ở trong một trạng thái mà nội tâm diễn ra một cuộc cách mạng không ngừng. Nếu các bạn cảm nhận rất mạnh mẽ về việc có quá nhiều người nghèo khổ, người ăn xin bị bụi bặm từ những chiếc xe hơi bóng lộn của người giàu thổi vào mặt, nếu bạn lĩnh hội, bạn nhạy cảm một cách lạ lùng với mọi thứ, thì chính sự nhạy cảm vô cùng đó sẽ mang đến trật tự, đạo đức; và tôi nghĩ đây là điều vô cùng quan trọng mà cả thầy và trò phải hiểu. Bất hạnh thay, trong đất nước này, cũng như trên toàn thế giới, người ta chẳng hề quan tâm, người ta không cảm nhận sâu sắc về bất cứ điều gì. Phần đông chúng ta đều là những nhà trí thức - trí thức theo nghĩa hời hợt, tức là vô cùng khéo léo, đầy nghẹt ngôn từ và lý thuyết bàn về cái đúng, cái sai, về việc ta nên suy nghĩ thế nào, nên làm cái gì. Về mặt tri thức, ta phát triển cao, nhưng về nội tâm thì chẳng có thực chất và ý nghĩa gì cả; và chính cái thực chất nội tâm này mới tạo ra hành động đích thực, không phải thứ hành động tuân theo một ý niệm. Thế nên bạn phải có một cảm nhận vô cùng mãnh liệt - cảm giác đam mê, giận dữ - và quan sát chúng, chơi với chúng và khám phá sự thật về chúng; bởi vì nếu bạn chỉ đơn thuần đè nén chúng, nếu bạn nói: “Tôi không nên cảm thấy tức giận, tôi không nên cảm thấy đam mê, vì như thế là sai lầm”, bạn sẽ thấy rằng trí não bạn dần dần bị đóng khuôn trong một ý niệm, và do đó, trở nên vô cùng nông cạn. Bạn có thể cực kỳ khéo léo, bạn có kiến thức như từ điển bách khoa, nhưng nếu không có cái sức sống của cảm nhận mãnh liệt và sâu sắc, thì hiểu biết của bạn cũng chỉ như một đóa hoa không mùi hương mà thôi. Điều vô cùng quan trọng là bạn phải hiểu được tất cả những điều này khi bạn còn trẻ, bởi vì khi lớn lên, bạn sẽ là những nhà cách mạng đích thực. Không phải cách mạng theo một ý thức hệ, một lý thuyết hay cuốn sách nào, mà cách mạng theo nghĩa toàn diện của từ này, cách mạng xuyên suốt như những con người hợp nhất, sao cho không một chút tì vết nào của cái cũ kỹ còn lưu dấu trong bạn. Chỉ khi đó, trí não bạn mới trở nên hồn nhiên, mới tinh khôi và do đó, cực kỳ sáng tạo. Nhưng nếu bạn bỏ lỡ ý nghĩa của tất cả những điều này, thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô cùng buồn tẻ, bởi vì bạn bị áp đảo bởi xã hội, bởi gia đình, bởi vợ hay chồng bạn, bởi những học thuyết, bởi các tổ chức tôn giáo hay chính trị. Thế nên, bạn rất cần được giáo dục một cách đúng đắn - tức là bạn phải có những người thầy giúp bạn phá vỡ lớp vỏ bọc của cái gọi là văn minh, để không còn là những cái máy lặp đi lặp lại, mà là những cá nhân thực sự vui ca từ bên trong, và do đó là những con người hạnh phúc, sáng tạo. Hỏi: Giận là gì và tại sao ta giận? Krishnamurti: Nếu tôi đạp lên ngón chân bạn, cấu véo bạn hay lấy đi vật gì đó của bạn, bạn có tức giận không? Tại sao bạn không nên giận? Tại sao bạn nghĩ giận là sai lầm? Phải chăng vì bạn nghe người ta nói vậy? Vì thế, điều quan trọng là khám phá được vì sao ta giận, thấy sự thật của cơn giận, chứ đừng chỉ nói giận là sai. Vậy, bây giờ, tại sao bạn giận? Bởi vì bạn không muốn bị tổn thương - một nhu cầu bình thường của con người để tồn tại. Bạn cảm nhận rằng bạn không nên để bị sử dụng, bị chà đạp, tiêu diệt hay lợi dụng bởi một cá nhân hay chính quyền hay xã hội nào. Khi người nào đó tát bạn, bạn cảm thấy bị tổn thương, bị sỉ nhục, và bạn không thích cảm giác đó. Nếu người làm tổn thương bạn to lớn và mạnh hơn bạn, bạn không thể đánh trả, bạn quay ra làm tổn thương người khác, bạn lại gây ra sự tổn thương đó với em trai, em gái hay người giúp việc nhà bạn. Thế là trò chơi của sự giận dữ được tiếp tục. Trước hết, tránh bị tổn thương là phản ứng tự nhiên. Tại sao ai đó lại lợi dụng bạn chứ? Vì thế, để không bị tổn thương, bạn tự bảo vệ, bạn bắt đầu triển khai một lớp phòng vệ, một chướng ngại vật. Ở bên trong, bạn dựng nên tường vách quanh bạn bằng thái độ không cởi mở, không tiếp thu; do đó bạn không thể khám phá và không có cảm giác cởi mở. Bạn nói giận dữ là điều hết sức tồi tệ và bạn lên án nó, như khi bạn lên án các cảm giác khác; thế là dần dần bạn trở nên khô khan, rỗng tuếch, bạn không còn bất kỳ cảm giác mãnh liệt nào nữa. Bạn hiểu chứ? Hỏi: Tại sao chúng ta yêu mẹ chúng ta nhiều thế? Krishnamurti: Bạn có yêu mẹ bạn không nếu bạn ghét cha của bạn? Hãy nghe kỹ nhé. Khi bạn yêu ai đó thật nhiều, bạn có loại trừ những người khác ra khỏi tình yêu đó không? Nếu bạn thực sự yêu mẹ bạn, chẳng phải bạn cũng yêu cha bạn, cô, dì, hàng xóm láng giềng, người giúp việc nhà bạn sao? Chẳng phải bạn sẽ có cảm giác yêu thương trước, rồi tiếp theo mới yêu một người nào đó cụ thể sao? Khi bạn nói: “Tôi yêu mẹ nhiều lắm”, bạn không ân cần chu đáo quan tâm đến bà sao? Bấy giờ bạn có gây cho bà nhiều nỗi lo lắng vô nghĩa không? Và nếu bạn quan tâm đến mẹ, bạn có thể không quan tâm anh chị em của bạn, hàng xóm láng giềng của bạn sao? Nếu vậy, bạn không thực sự yêu mẹ bạn đâu; đó chỉ là một lời nói suông do thuận miệng mà thôi. Hỏi: Trong tôi chỉ toàn là sự căm ghét. Xin ngài vui lòng dạy tôi làm thế nào để yêu thương? Krishnamurti: Không ai có thể dạy bạn cách để yêu thương. Nếu người ta có thể được dạy cách để yêu thương, thì vấn đề của thế giới sẽ quá đơn giản rồi, phải không? Nếu ta có thể học cách yêu thương từ trong sách như học toán, thì đây sẽ là một thế giới diệu kỳ; sẽ không còn sự căm ghét, thù hận, không còn có sự bóc lột lợi dụng, không còn chiến tranh, không còn sự chia rẽ giàu-nghèo và tất cả chúng ta thực sự sẽ là bằng hữu với nhau. Nhưng tình yêu không dễ dàng xuất hiện như vậy. Thật dễ để căm ghét, và sự căm ghét tập hợp con người lại với nhau ở một mức độ nào đó; nó tạo ra đủ loại ý tưởng kỳ quặc, tạo ra đủ kiểu hợp tác khác nhau như trong chiến tranh. Nhưng tình yêu thì khó khăn hơn nhiều. Bạn không thể học cách thương yêu, mà điều bạn có thể làm là quan sát sự căm ghét và đặt nhẹ nó sang một bên. Đừng chiến đấu chống lại sự căm ghét, đừng nói thật khủng khiếp khi căm ghét người khác, mà hãy nhìn sự căm ghét như nó là và hãy để nó dần biến mất; hãy gạt nó sang một bên, nó không có gì quan trọng. Điều quan trọng là không để sự căm ghét cắm rễ trong trí não bạn. Bạn hiểu chứ? Trí não bạn giống như lớp đất trồng màu mỡ, và nếu có đủ thời gian thì bất cứ vấn đề nào cũng đều có thể bắt rễ như cỏ dại, rồi bạn sẽ phải khổ công nhổ bỏ đi; nhưng nếu bạn không cho nó đủ thời gian bắt rễ, thì nó không có chỗ để lớn lên và sẽ lụi tàn. Nếu bạn khuyến khích sự căm ghét, cho nó thời gian để bén rễ, để phát triển, để chín muồi, thì nó sẽ trở thành một vấn đề khủng khiếp. Nhưng nếu mỗi lần sự căm ghét khởi lên, bạn để cho nó qua đi, thì lúc đó bạn sẽ thấy rằng trí não trở nên vô cùng nhạy cảm mà không ủy mị; do đó nó sẽ biết yêu thương. Trí não có thể theo đuổi các cảm giác, dục vọng nhưng nó không thể theo đuổi tình yêu. Tình yêu phải đến cùng trí não. Và một khi tình yêu có mặt ở đó, thì sẽ không còn sự chia rẽ thành tình yêu phàm tục và thiêng liêng: yêu chỉ là yêu. Đó là điều phi thường về tình yêu: đó là phẩm chất duy nhất mang đến một sự thấu hiểu toàn diện trong toàn bộ sự tồn tại. Hỏi: Hạnh phúc trong cuộc sống là gì? Krishnamurti: Nếu bạn muốn làm điều gì khiến bạn hài lòng, bạn nghĩ bạn sẽ hạnh phúc khi làm điều đó. Bạn có thể muốn cưới một người chồng giàu nhất hay cưới một cô gái đẹp nhất, vượt qua một kỳ thi nào đó hay được người nào đó ca ngợi, và bạn nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc nếu đạt được điều mình muốn. Nhưng đó có phải là hạnh phúc không. Chẳng phải nó sẽ sớm lụi tàn, như đóa hoa kia sớm nở tối tàn sao? Nhưng cuộc đời là thế đó và đó là tất cả những gì mà ta muốn. Ta hài lòng với những thứ hời hợt: có một chiếc xe hơi hay một địa vị an toàn, với một tí cảm xúc về một việc vô tích sự nào đó, giống như một cậu bé đang hạnh phúc thả diều bay cao trong một cơn gió to và ít phút sau mắt đã đẫm lệ. Đó là cuộc sống của ta và ta hài lòng với nó. Ta không bao giờ nói: “Tôi sẽ dành hết con tim, năng lượng sống và toàn bộ con người mình để khám phá hạnh phúc là gì”. Ta không nghiêm túc, ta không cảm nhận mãnh liệt về nó, vì thế ta chỉ hài lòng với những điều nhỏ nhặt. Nhưng hạnh phúc không phải là điều bạn có thể tìm mà thấy; hạnh phúc là một kết quả, một sản phẩm thứ sinh. Nếu bạn săn đuổi hạnh phúc vì chính nó, thì việc đó sẽ không có ý nghĩa. Hạnh phúc đến không do mời gọi; và ngay khi bạn ý thức rằng bạn đang hạnh phúc, thì bạn không còn hạnh phúc nữa. Tôi không biết bạn có để ý điều này không? Khi bạn đột nhiên cảm thấy vui không vì lý do cụ thể nào, thì bạn sẽ thoải mái mỉm cười, thoải mái hạnh phúc vậy thôi; nhưng khi bạn ý thức được nó, thì bạn đã đánh mất nó, không phải sao? Khi tự ý thức được hạnh phúc hay theo đuổi hạnh phúc cũng chính là khi chấm dứt hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc khi nào cái tôi, cùng mọi yêu cầu của nó, bị loại bỏ. Người ta dạy các bạn thật nhiều về toán học, bạn bỏ nhiều ngày để học sử, địa, khoa học, vật lý, sinh học…; nhưng các bạn và thầy cô của các bạn có khi nào dành thời gian để suy nghĩ một cách nghiêm túc các vấn đề quan trọng này chưa? Có bao giờ các bạn ngồi yên lặng, lưng thật thẳng, bất động và biết được vẻ đẹp của sự tĩnh lặng chưa? Có bao giờ bạn để mặc cho trí não đi lang thang, không phải theo những thứ vụn vặt, mà mở rộng, mênh mông, sâu sắc và theo đó mà khai mở, khám phá? Và các bạn có biết điều gì đang xảy ra trên thế giới không? Điều đang xảy ra trên thế giới là hình ảnh phóng chiếu của điều đang xảy ra bên trong mỗi người chúng ta; ta là gì thì thế giới là đó. Phần đông chúng ta sống trong hỗn loạn, đảo điên, chỉ biết tích lũy, chiếm hữu, ganh ghét và chỉ trích nhau; và đó chính xác là những điều cũng đang diễn ra trên thế giới, chỉ có điều kịch tính hơn, tàn nhẫn hơn. Nhưng không ai trong các bạn, cũng như thầy cô của các bạn, bỏ thời gian để suy nghĩ về tất cả những điều này; chỉ khi nào các bạn chịu dành thời gian mỗi ngày suy nghĩ một cách nghiêm túc về các vấn đề này, thì lúc đó các bạn mới có thể tạo ra một cuộc cách mạng toàn diện và sáng tạo một thế giới mới. Và tôi cam đoan với các bạn rằng một thế giới mới phải được tạo ra, một thế giới mà không phải là sự nối tiếp của cái xã hội thối nát này dưới một hình thức khác. Nhưng bạn không thể tạo ra một thế giới mới nếu trí não bạn không tỉnh táo, sáng suốt và nhận thức cởi mở; vì thế, điều hết sức quan trọng là khi bạn còn trẻ, nên dành thời gian suy xét các vấn đề hết sức quan trọng này, chứ không chỉ sống cho qua ngày để học một vài môn học không dẫn tới đâu ngoài có một công việc rồi hết đời. Vì thế hãy nghiêm túc suy xét các vấn đề này, bởi vì từ sự suy xét đó sẽ nảy sinh một cảm nhận phi thường về niềm vui và hạnh phúc. Hỏi: Cuộc sống thực là gì? Krishnamurti: “Cuộc sống thực là gì?” Một cậu bé con đã đặt ra câu hỏi này. Chơi đùa, ăn món ngon, chạy nhảy, xô đẩy nhau - đó là cuộc sống thực của cậu. Bạn thấy đó, ta chia cuộc sống thành thực và ảo. Cuộc sống thực là làm điều bạn yêu thích bằng trọn vẹn con người bạn, để nội tâm bạn không bị mâu thuẫn, không có xung đột giữa điều bạn làm và điều bạn nghĩ mình nên làm. Cuộc sống bấy giờ là một tiến trình hợp nhất hoàn toàn, mà trong đó có một niềm vui không sao tả xiết. Nhưng điều này chỉ có thể diễn ra khi về mặt tâm lý bạn không phụ thuộc vào bất cứ người nào, hay vào bất kỳ xã hội nào, khi có sự tách rời hoàn toàn về mặt nội tâm, bởi vì chỉ lúc đó bạn mới có thể thực sự yêu thích điều bạn làm. Nếu bạn ở trong một trạng thái cách mạng toàn diện, thì dù bạn là người làm vườn, hay trở thành thủ tướng, hay có làm bất cứ việc gì khác cũng chẳng có gì quan trọng; bạn sẽ yêu thích việc bạn làm và phát xuất từ tình yêu đó, một cảm giác sáng tạo phi thường xuất hiện. 9. MỘT TRÍ ÓC CỞI MỞ B ạn biết không, thật thú vị khi khám phá xem học là gì. Ta học từ sách hay từ thầy cô môn toán, môn địa, môn sử; ta học để biết thủ đô London hay Moscow hay New York ở đâu; ta học để biết một cái máy vận hành như thế nào, hay chim làm tổ ra sao, nuôi chim con thế nào, vân vân. Ta học bằng cách quan sát và nghiên cứu. Đó là một dạng học hỏi. Nhưng chẳng phải còn có một dạng học hỏi khác nữa sao - học thông qua kinh nghiệm? Khi ta thấy một con thuyền trôi trên sông với cánh buồm phản chiếu trên mặt nước tĩnh lặng, chẳng phải đó là một trải nghiệm phi thường sao? Và lúc đó, việc gì xảy ra? Trí não lưu trữ một trải nghiệm kiểu như thế, giống hệt như nó lưu trữ các kiến thức, và chiều hôm sau chúng ta lại ra ngoài đó để ngắm chiếc thuyền, hy vọng có được cảm giác hệt như hôm trước - một trải nghiệm vui sướng, một cảm giác yên bình rất hiếm gặp trong đời. Vậy là trí não cần mẫn lưu trữ các kinh nghiệm; và chính việc lưu trữ kinh nghiệm thành ký ức này khiến ta suy nghĩ, đúng không? Điều mà ta gọi là suy nghĩ chính là phản ứng của ký ức. Vì đã trông thấy con thuyền đó trên dòng sông và cảm thấy vui sướng, nên ta lưu trữ trải nghiệm đó thành ký ức, rồi muốn lặp lại trải nghiệm; thế là tiến trình tư duy khởi động, đúng không? Rất ít người trong chúng ta thực sự biết cách tư duy. Phần đông chúng ta chỉ lặp lại những gì chúng ta đã đọc trong sách hay nghe người khác nói, hoặc tư duy của ta là kết quả của vốn kinh nghiệm rất có hạn của riêng ta. Ngay cả khi ta có đi khắp thế giới và có vô số kinh nghiệm, gặp gỡ nhiều người và nghe vô số những điều họ nói, quan sát phong tục, tập quán của họ, tôn giáo của họ, cung cách ứng xử của họ, ta giữ lại tất cả những hồi ức đó, từ đó có cái mà ta gọi là tư duy. Ta so sánh, phán xét, chọn lựa, và thông qua tiến trình này, ta hy vọng tìm thấy một thái độ hợp lý với cuộc sống. Nhưng kiểu tư duy đó vốn rất hạn chế, nó chỉ giới hạn ở một khu vực rất nhỏ. Chúng ta có một trải nghiệm giống như khi thấy chiếc thuyền trên dòng sông ấy, hoặc thấy một thi hài được đưa xuống bậc tam cấp của bờ sông để hỏa thiêu, hoặc một người phụ nữ nông thôn mang vác nặng nề - tất cả những ấn tượng đều có đó, nhưng chúng ta quá vô cảm đến mức chúng không thể thấm sâu vào ta và chín muồi; và chỉ khi nhạy cảm trước mọi vật xung quanh, ta mới bắt đầu có một kiểu tư duy khác hẳn, không bị giới hạn bởi tình trạng bị quy định của ta. Nếu bạn bám chặt vào một số tín điều này hoặc tín điều khác, hoặc nhìn sự vật thông qua một định kiến, hay truyền thống cụ thể nào đó, bạn sẽ không có bất kỳ liên hệ nào với thực tại. Bạn đã bao giờ để ý đến những người phụ nữ nông thôn đang gồng gánh hàng hóa nặng nề đi vào phố chưa? Khi bạn thực sự để ý điều đó, thì việc gì xảy đến với bạn, bạn cảm thấy thế nào? Hay vì bạn đã thấy những người phụ nữ này đi về quá thường xuyên, đến mức bạn không có cảm nhận gì, bởi bạn đã trở nên quá quen thuộc với điều đó, nên bạn hầu như không để ý đến họ nữa? Và ngay cả khi bạn quan sát điều gì lần đầu tiên, thì việc gì xảy ra? Bạn tự động diễn dịch điều bạn thấy theo các thành kiến của bạn, đúng không? Bạn trải nghiệm điều đó theo trạng thái được quy định của bạn. Trái lại, nếu bạn không bị quy định, và do đó, không nhìn cuộc sống xuyên qua bức màn của bất kỳ ý tưởng hay niềm tin nào, mà thực sự tiếp xúc trực tiếp, thì lúc đó bạn sẽ để ý thấy mối quan hệ giữa bạn và điều bạn quan sát mới lạ lùng làm sao. Nếu bạn không có thành kiến, không có cái nhìn thiên lệch, nếu bạn cởi mở, thì mọi thứ quanh bạn sẽ trở nên hết sức thú vị, sinh động khác thường. Thế nên, điều rất quan trọng là khi còn trẻ, bạn cần để ý tất cả những điều này. Nhận thức được con thuyền trôi lững lờ trên sông, ngắm nhìn đoàn tàu hỏa đang băng qua, thấy người nông dân đang mang vác nặng nề, quan sát vẻ xấc xược của người giàu, thái độ kiêu ngạo của những kẻ tai to mặt bự, của những người tự nghĩ họ học rộng biết nhiều - chỉ nhìn họ thôi, đừng phê bình, chỉ trích. Ngay khi bắt đầu chỉ trích, thì bạn không còn ở trong mối quan hệ nữa, lúc đó có một chướng ngại ngăn giữa bạn và họ; nhưng nếu bạn chỉ đơn thuần quan sát, thì bạn sẽ có mối quan hệ trực tiếp với mọi người và mọi vật. Nếu bạn có thể quan sát một cách tỉnh táo, nhiệt tình, nhưng không phê phán, không kết luận, bạn sẽ thấy rằng tư duy của bạn trở nên sắc sảo đến mức kinh ngạc. Lúc đó, bạn sẽ luôn luôn học hỏi. Khắp mọi nơi xung quanh bạn đều có sinh và tử, có đấu tranh để giành tiền bạc, địa vị, quyền lực, cái tiến trình bất tận mà ta gọi là cuộc sống; và có khi nào bạn tự hỏi, ngay khi bạn còn rất trẻ, cái tiến trình bất tận ấy là để làm gì? Bạn thấy đó, phần đông chúng ta muốn có một lời giải đáp, ta muốn nghe người khác giải thích, nên ta háo hức cầm lấy những cuốn sách chính trị hay tôn giáo, hoặc ta tìm đến người nào đó để xin họ nói cho ta biết; nhưng không người nào có thể làm vậy, bởi cuộc sống không phải là điều có thể hiểu được nhờ sách vở, cũng không thể có được ý nghĩa của nó bằng cách đi theo người khác, hoặc thông qua một hình thức cầu nguyện nào đó. Bạn và tôi phải tự thấu hiểu nó - mà ta chỉ có thể làm được khi ta hoàn toàn sống động, cực kỳ tỉnh táo, luôn quan sát, theo dõi, quan tâm đến mọi vật quanh ta; và chỉ khi đó, ta mới khám phá được thế nào là hạnh phúc thực sự. Hầu hết con người đều sống trong đau khổ; và họ không hạnh phúc bởi vì trong tim họ không có tình yêu. Tình yêu sẽ nảy sinh trong trái tim bạn, khi giữa bạn và người khác không có chướng ngại vật, khi bạn gặp gỡ và quan sát người khác mà không phán xét, khi bạn chỉ đơn giản thấy thuyền buồm theo gió lướt nhanh trên sông và vui hưởng vẻ đẹp của điều đó. Đừng để mây mù của thành kiến che phủ khiến bạn không còn quan sát sự vật như chúng là; chỉ đơn thuần quan sát thôi, rồi bạn sẽ khám phá được rằng từ sự quan sát đơn giản này, từ việc nhận ra cây cối, chim chóc, người qua kẻ lại, đang làm việc, đang mỉm cười, một điều gì đó sẽ xảy ra bên trong bạn. Nếu điều phi thường này không xảy ra với bạn, nếu không có tình yêu khởi lên bên trong bạn, cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thế nên điều quan trọng là nhà giáo dục phải được giáo dục để giúp các em thấu hiểu ý nghĩa của tất cả những điều này. Hỏi: Tại sao ta muốn sống xa hoa? Krishnamurti: Ý bạn là gì khi nói đến xa hoa? Mặc quần áo sạch sẽ, giữ thân thể sạch sẽ, ăn uống thực phẩm thích hợp - bạn có gọi đó là sống xa hoa không? Đó có thể là xa hoa đối với người đói khát, quần áo rách rưới và không thể tắm rửa mỗi ngày. Vì thế, khái niệm xa hoa thay đổi tùy theo khao khát của mỗi người; đó là vấn đề cấp độ. Vậy, bạn có biết việc gì sẽ xảy đến nếu bạn thích sống xa hoa, nếu bạn bám vào tiện nghi vật chất và luôn muốn ngồi trên sofa hay ghế bành nhồi bông. Trí não của bạn tìm chỗ yên ngủ. Thật là êm ấm nếu có một tiện nghi vật chất nho nhỏ để dung thân; nhưng đặt nặng tiện nghi vật chất, gắn cho nó tầm quan trọng lớn lao, là có một trí não ngủ quên. Bạn có để ý thấy phần đông những người béo phì hạnh phúc ra sao không? Không gì có thể quấy nhiễu được họ qua nhiều lớp mỡ bọc lấy thân họ. Đó là một tình trạng thể lý, nhưng trí não cũng tự bao bọc nhiều lớp mỡ; nó không muốn bị chất vấn, không muốn bị quấy nhiễu, và một trí não như thế sẽ dần dần đi vào giấc ngủ. Điều hiện giờ ta gọi là giáo dục nói chung đang ru ngủ người học trò, bởi vì nếu người học trò thực sự đặt ra những câu hỏi sắc bén, có khả năng xuyên thấu, thì người thầy cảm thấy hết sức bối rối và nói “Ta hãy tiếp tục bài học của mình”. Vì thế khi trí não bám vào bất kỳ hình thức tiện nghi nào, khi nó bám vào một tập quán, một tín điều, hay bám vào một nơi nào đó mà nó gọi là “nhà của tôi”, là nó bắt đầu ngủ quên; và việc hiểu được mọi sự kiện này quan trọng hơn gấp bội việc đặt câu hỏi liệu có nên sống xa hoa hay không. Một trí não năng động, tỉnh thức, luôn quan sát thì không bao giờ bám vào tiện nghi; đối với trí não đó, sự xa hoa không có nghĩa gì cả. Nhưng chỉ có rất ít quần áo để mặc thì không có nghĩa là ta có một trí não tỉnh thức. Người tu theo hạnh khất sĩ, từ bỏ của cải thế gian, bên ngoài sống hết sức giản dị, nhưng ở nội tâm có thể hết sức phức tạp, người đó muốn tu dưỡng đạo đức, muốn đạt đến chân lý, Thượng đế. Nhưng điều quan trọng là nội tâm phải cực kỳ đơn giản, cực kỳ chân phương, tức là có một trí não không bị gây trở ngại bởi những tín điều, bởi những nỗi sợ hãi, bởi vô số những ham muốn, bởi vì chỉ một trí não như thế mới có thể thực sự tư duy, tìm hiểu và khám phá. Hỏi: Liệu có thể có sự bình an trong cuộc sống của ta không khi mà ta còn đấu tranh với môi trường sống của mình? Krishnamurti: Bạn không cần đấu tranh với môi trường sống của mình sao? Bạn không cần phá vỡ môi trường đó sao? Những gì cha mẹ của các bạn tin, nền tảng xã hội của các bạn, truyền thống của các bạn, những thứ các bạn ăn, và những điều vây quanh bạn như tôn giáo, các tu sĩ, người giàu, kẻ nghèo - tất cả những điều đó chính là môi trường sống của bạn. Chẳng phải bạn cần phá sập môi trường đó bằng cách chất vấn nó, bằng cách phản kháng lại nó sao? Nếu bạn không phản kháng, nếu bạn chỉ biết chấp nhận môi trường của mình, thì sẽ có một sự an bình nào đó, nhưng nó là sự an bình của cái chết; trái lại, nếu bạn đấu tranh để phá vỡ môi trường, rồi tự mình tìm ra đâu là sự thật, thì bấy giờ bạn sẽ khám phá được một kiểu bình an hoàn toàn khác biệt, chứ không phải tình trạng tù đọng đơn thuần này. Đấu tranh với môi trường sống của mình là điều tất yếu. Bạn nhất định phải làm. Do đó, bình an không quan trọng. Điều quan trọng là thấu hiểu và phá vỡ môi trường sống của bạn; rồi từ đó sẽ có bình an. Nhưng nếu bạn tìm kiếm bình an bằng việc chỉ biết chấp nhận môi trường của mình, thì bạn sẽ bị ru ngủ, và bấy giờ bạn có thể coi như đã chết. Thế nên từ những """