"
Đối Đầu Herlock Sholmès - Maurice Leblanc full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đối Đầu Herlock Sholmès - Maurice Leblanc full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
Ebooks
Nhóm Zalo
ARSÈNE LUPIN
Siêu Trộm Hào Hoa
Arsène Lupin đối đầu với Herlock Sholmès
Tác giả Maurice Leblanc
Người dịch Đinh Minh Hương
Phát hành Đinh Tị Books
Nhà xuất bản Văn học
Ngày xuất bản 3/2020
ebook©vctvegroup
Phần I
Tiểu thư Tóc vàng
1. Tấm vé xổ số 514, series 23
V
ào ngày mùng Tám tháng Mười hai năm ngoái, ông Gerbois, giảng viên môn Toán trường Cao đẳng Versailles, trong khi lục tung một cửa hiệu đồ cổ đã khám phá ra chiếc bàn viết gỗ gụ khiến ông rất đỗi hài lòng, vì nó có vô số các ngăn kéo.
“Đúng là thứ thích hợp để làm quà sinh nhật cho Suzanne.” Ông nghĩ. Và vì ông vốn vẫn luôn luôn cố gắng đem đến những niềm vui giản dị cho con gái, phù hợp với thu nhập khiêm tốn của mình, ông hỏi giá, rồi sau khi mặc cả hết sức gắt gao, ông đồng ý trả sáu mươi lăm franc. Ông đang đưa địa chỉ cho người chủ cửa hiệu thì một thanh niên phục sức tao nhã, lịch duyệt trước đó đã xem xét các đồ vật khác – trông thấy chiếc bàn và ngay lập tức hỏi giá.
“Đã có khách mua rồi.” Người chủ cửa hiệu nói.
“A! Tôi đồ là ông này!”
Ông Gerbois cúi chào rồi rời khỏi cửa hiệu, khá hãnh diện được sở hữu
một món đồ mà ngay đến một thanh niên quyền quý cũng chú ý, quan tâm. Nhưng chưa đầy mươi bước chân, chàng thanh niên đã vượt lên phía trước ông. Mũ cầm trong tay, anh ta nói với ông bằng giọng cực kỳ lịch thiệp: “Thưa ông, xin lỗi ông, tôi muốn hỏi ông một câu mà ông có lẽ sẽ cho là không phải phép. Câu hỏi là liệu ông có mục đích đặc biệt gì khi mua chiếc bàn viết đó không?”
“Không, tôi tình cờ bắt gặp và tự dưng thấy thích thôi.”
“Tuy nhiên ông không quá thích nó chứ?”
“Ồ! Tôi sẽ giữ nó, vậy thôi.”
“Vì nó là một món đồ cổ, có lẽ thế chăng?”
“Không, vì nó tiện lợi.” Ông Gerbois tuyên bố.
“Trong trường hợp đó, ông bằng lòng đổi nó lấy chiếc bàn khác cũng hoàn toàn tiện lợi như thế mà tình trạng còn tốt hơn?”
“Ồ! Chiếc bàn này đủ tốt rồi, và tôi thấy chả có lý do gì để đổi lấy chiếc khác.”
“Nhưng…”
Ông Gerbois tính khí dễ cáu kỉnh, nên ông đáp gắt gỏng: “Thưa ông, xin lỗi ông, ông đừng nài nỉ.”
Chàng thanh niên vẫn khăng khăng: “Thưa ông, tôi không biết ông đã trả bao nhiêu tiền, nhưng tôi xin trả ông gấp đôi.”
“Không.”
“Gấp ba.”
“Ô! Đủ rồi.” Ông thầy giáo kêu lên một cách sốt ruột. “Tôi không muốn bán nó.”
Chàng thanh niên nhìn ông chằm chằm theo cái cách khiến ông chẳng dễ dàng quên đi được, rồi vội vã quay bước.
Một tiếng đồng hồ sau, chiếc bàn được đưa đến nhà ông thầy giáo trên đường Viroflay. Ông gọi bảo con gái: “Cha có cái này cho con, miễn là con thấy thích.”
Suzanne là cô gái xinh đẹp, bản tính vui vẻ, nồng nhiệt. Cô ôm cổ cha, sung sướng hôn ông. Đối với cô, chiếc bàn trông đúng là một món quà hết sức vương giả. Buổi tối hôm đó, với sự giúp đỡ của người đầy tớ Hortense, cô kê chiếc bàn vào phòng mình, rồi cô phủi bụi, lau sạch sẽ các ngăn kéo, các hộc, cẩn thận xếp giấy tờ, bút, mực, thư từ, bưu thiếp, và vài món đồ lưu niệm của ông anh họ Philippe mà cô bí mật cất giữ vào các ngăn kéo.
Bảy rưỡi sáng hôm sau, ông Gerbois đến trường. Lúc mười giờ, theo thông lệ, Suzanne ghé đến chỗ cha, và ông sung sướng được trông thấy cái dáng mảnh mai, nụ cười thơ trẻ của cô con gái đợi mình ở cổng trường. Hai cha con cùng trở về nhà.
“Chiếc bàn viết của con… tình hình nó sáng hôm nay thế nào?”
“Tuyệt vời! Hortense và con lau những cái núm bằng đồng cho tới lúc chúng trông như làm bằng vàng ấy.”
“Vậy là con hài lòng với nó?”
“Hài lòng với nó ư? Ôi, con không biết làm sao con có thể sống không có nó suốt bao nhiêu lâu nay.”
Khi hai cha con đang đi trên lối dẫn vào nhà, ông Gerbois nói: “Chúng ta sẽ ngắm nó một chút rồi mới ăn sáng nhé?”
“Ồ! Vâng, ý tưởng tuyệt vời đấy ạ!”
Suzanne lên cầu thang, đi phía trước cha, nhưng đến cửa phòng mình, cô kêu lên đầy choáng váng, kinh ngạc.
“Có chuyện gì thế?” Ông Gerbois lắp bắp hỏi.
“Chiếc bàn viết biến mất rồi!”
Khi cảnh sát được gọi tới, họ sửng sốt trước cái cách đơn giản đáng thán phục mà tên trộm áp dụng. Trong lúc Suzanne đi vắng, người đầy tớ ra chợ, và vì thế ngôi nhà chẳng có ai trông, một gã đánh xe, đeo huy hiệu hẳn hoi – mấy người hàng xóm láng giềng đã trông thấy – dừng xe phía trước ngôi nhà, rung chuông hai lần. Tưởng Hortense ở nhà, những người hàng xóm chẳng hề ngờ vực, do đó gã kia tiếp tục hành động một cách êm thấm, lặng lẽ.
Ngoài chiếc bàn, ngôi nhà không mất mát gì nữa. Thậm chí chiếc xắc Suzanne đặt trên chiếc bàn đó cũng được đặt sang chiếc bàn bên cạnh, các thứ đựng bên trong hoàn toàn chẳng bị động đến. Rõ ràng tên trộm đã có ý đồ từ trước, điều này làm cho vụ việc bí ẩn thêm, vì tại sao hắn sẵn sàng liều lĩnh đến thế chỉ để đổi lấy một vật rất chi bình thường?
Manh mối duy nhất ông thầy giáo có thể cung cấp là sự kiện lạ lùng của buổi tối hôm trước. Ông khai: “Gã thanh niên vô cùng bực bội vì bị tôi từ chối. Tôi có cảm tưởng lúc gã bỏ đi, gã đã đe dọa tôi.”
Nhưng manh mối đó là một manh mối mơ hồ. Người chủ cửa hiệu không thể làm sáng tỏ gì vụ việc. Ông ta cũng không biết gã thanh niên kia. Còn về chiếc bàn, ông ta mua nó với giá bốn mươi franc từ một người thi
hành di chúc ở Chevreuse, và tin tưởng rằng mình đã bán lại nó với giá phù hợp. Cảnh sát không điều tra ra kết quả gì hết.
Nhưng ông Gerbois cứ ôm ấp cái ý nghĩ là ông phải chịu một tổn thất hết sức lớn lao. Ắt hẳn đã có một gia tài được cất giấu trong một ngăn kéo bí mật, và vì thế mà gã thanh niên đã ra tay đoạt lấy nó.
“Cha tội nghiệp của con, chúng ta sẽ làm gì với cái gia tài đó chứ?” Suzanne hỏi.
“Con ơi! Với một gia tài như thế, hôn sự của con có thể vô cùng thuận lợi đấy.”
Suzanne thở dài đầy chua chát. Cô có ước ao ai hơn ông anh họ Philippe đâu, kẻ thực ra rất đỗi tồi tệ. Và cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ ở Versailles này chẳng còn sung sướng, mãn nguyện như xưa.
Hai tháng trôi qua. Xuất hiện những sự việc liên tiếp đáng chú ý, vận may lẫn với bất hạnh khủng khiếp!
Ngày đầu tiên của tháng Hai, lúc năm rưỡi, ông Gerbois bước vào nhà, cầm trên tay tờ báo buổi chiều, ngồi xuống, giương mục kỉnh và bắt đầu đọc. Vì chẳng quan tâm đến chính trị, ông giở các trang bên trong. Ngay lập tức, ông chú ý tới một mục có đầu đề:
Đợt quay số thứ ba của giải Xổ số Hiệp hội Báo chí
Vé số 514, series 23, trúng một triệu franc
Tờ báo tuột khỏi tay ông Gerbois. Các bức tường xoay mòng mòng trước mắt ông, và tim ông không đập nổi nữa.
Ông đang giữ tờ vé số 514, series 23. Ông đã mua tờ vé số từ một người bạn nhằm mục đích giúp đỡ người bạn đó, chứ không hề có ý nghĩ sẽ trúng giải, và ngạc nhiên chưa, nó lại là con số may mắn!
Ông Gerbois hấp tấp rút cuốn sổ ghi chép ra. Phải, ông nhớ hoàn toàn chính xác. Con số 514, series 23, được ghi ở mặt trong bìa. Nhưng còn tấm vé xổ số!
Ông Gerbois lao tới bàn làm việc của mình, tìm chiếc hộp đựng phong bì đã cất tấm vé xổ số, tuy nhiên chiếc hộp không thấy ở đó, và ông bất chợt nhận ra ông không thấy nó ở đó đã vài tuần nay. Ông nghe thấy tiếng bước chân trên lối đi rải sỏi dẫn từ phố vào.
Ông gọi: “Suzanne! Suzanne!”
Cô vừa đi dạo về. Cô vội vã bước vào nhà. Ông Gerbois nghẹn giọng lắp bắp: “Suzanne… chiếc hộp… chiếc hộp đựng phong bì?”
“Chiếc hộp nào ạ?”
“Chiếc hộp cha mua ở Bảo tàng Louvre… một hôm thứ Bảy… nó được bày ở phía cuối bàn.”
“Cha, cha không nhớ à, chúng ta đã cất tất cả những thứ đó vào một chỗ với nhau.”
“Bao giờ?”
“Buổi tối hôm ấy… cha biết mà… đúng cái buổi tối hôm ấy…” “Nhưng cất chỗ nào?… Nói đi, mau mau con!… Chỗ nào?” “Chỗ nào ư? Ô kìa, trong ngăn kéo cái bàn viết ấy cha.”
“Cái bàn viết đã bị trộm?”
“Vâng.”
“Ôi, trời đất!… Trong cái bàn viết đã bị trộm!”
Ông Gerbois hạ giọng nói câu cuối cùng, với vẻ như choáng váng, ngơ ngẩn. Rồi ông tóm lấy bàn tay của cô con gái, hạ giọng hơn nữa, nói: “Một triệu trong đó đấy, con ơi!”
“Ôi! Sao cha chẳng nói với con?” Suzanne ngây thơ lẩm bẩm.
“Một triệu!” Ông Gerbois lặp lại. “Nó đựng tấm vé xổ số trúng giải nhất của Hiệp hội Báo chí.”
Mức độ khủng khiếp của tai họa áp đảo họ hoàn toàn, và hai cha con im lặng hồi lâu, không dám cất lời phá vỡ sự im lặng ấy. Cuối cùng, Suzanne nói: “Nhưng, cha ạ, người ta sẽ vẫn trả tiền cho cha thôi.”
“Bằng cách nào? Dựa trên chứng cứ nào?”
“Cha nhất thiết phải có chứng cứ ạ?”
“Đương nhiên.”
“Và cha không có chứng cứ gì?”
“Nó nằm trong chiếc hộp.”
“Trong chiếc hộp đã biến mất.”
“Phải, và bây giờ thì tên trộm sẽ lĩnh tiền.”
“Ôi! Cha ơi, thế thì kinh khủng quá. Cha phải ngăn chặn việc này.”
Ông Gerbois không nói gì một lát, rồi trong cơn bột phát sức lực, ông nhảy chồm chồm trên sàn, kêu lên: “Không, không, hắn sẽ không có được một triệu đó, hắn sẽ không có được! Sao hắn có được chứ? A! Khôn ngoan như hắn cũng chẳng thể làm gì. Nếu hắn đi lĩnh tiền, người ta sẽ gô cổ hắn lại. A! Bây giờ thì chúng ta cứ chờ xem, anh bạn quý hóa!”
“Cha, cha sẽ làm gì?”
“Bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta, cho dù là có chuyện gì xảy ra! Chúng ta sẽ thắng lợi. Một triệu franc đó thuộc về cha, và cha dự định lĩnh nó.”
Mấy phút sau, ông Gerbois đã đánh đi bức điện như sau:
Gửi ngài Giám đốc Ngân hàng Tín dụng Nhà đất
Đường Capucines, Paris
Tôi là chủ nhân tờ vé số 514, series 23. Bằng mọi biện pháp pháp lý, tôi phản đối bất cứ người nào khác đòi lĩnh giải.
GERBOIS
Gần như cũng cùng lúc ấy, bức điện sau đây được chuyển đến Ngân hàng Tín dụng Nhà đất:
Tờ vé số 514, series 23, đang nằm trong tay tôi.
ARSÈNE LUPIN
Mỗi lần tôi bằng lòng thuật lại một trong số những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm phi thường đánh dấu cuộc đời của Arsène Lupin, trong tôi đều xuất hiện cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ, vì đối với tôi, có vẻ là các độc giả đã biết rất rõ những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm cũ rích ấy rồi. Thực tế, không một vụ việc nào do tên trộm của nhân dân (cái cách gọi hết sức phù hợp) tiến hành mà lại chưa được phổ biến rộng rãi tới quảng đại quần chúng, không một kỳ tích chói lọi nào mà lại chưa được nghiên cứu trên đầy đủ mọi phương diện, không một hành vi, hoạt động nào mà lại chưa được bàn luận cặn kẽ theo kiểu vốn vẫn chỉ dành cho những hành vi, hoạt động quả cảm, anh hùng.
Chẳng hạn, ai mà không biết câu chuyện kỳ lạ về Tiểu thư Tóc vàng, với các chương chứa đựng những tình tiết khác thường, được các báo chạy tít đen đậm, như Tấm vé xổ số 514, series 23!… Tội ác trên đại lộ Henri Martin!… Viên kim cương xanh!… Người ta quan tâm chú ý vì có sự tham gia điều tra của viên thám tử lừng danh Anh quốc, Herlock Sholmès! Người ta thấy hồi hộp ly kỳ vì những cuộc chiến đấu chẳng lần nào giống lần nào giữa những nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy ấy! Và sự chấn động trên đường phố mới lớn làm sao, cái ngày mà những thằng bé bán báo rao to: “Arsène Lupin đã bị bắt!”
Lý do để tôi nhắc lại những câu chuyện này vào thời điểm này là vì chính tôi sẽ cung cấp chiếc chìa khóa mở cánh cửa bí ẩn. Những chuyến phiêu lưu mạo hiểm kia dù ít dù nhiều từ trước tới nay đều bị một màn
sương mờ bao phủ, và tôi bây giờ sẽ xóa tan đi màn sương mờ này. Tôi sao chép những bài báo cũ, tôi xem xét các bức thư xưa, tôi liên kết các cuộc phỏng vấn từng diễn ra, nhưng tôi đã sắp xếp, phân loại tất cả những thứ đó và quy chúng về sự thật hoàn toàn. Hợp tác với tôi thực hiện việc này chính là Arsène Lupin, ngoài ra có cả Wilson – người bạn cực kỳ tâm phúc của Herlock Sholmès nữa.
Hết thảy mọi người sẽ nhớ lại tràng cười dữ dội chào đón hai bức điện được công bố. Cái tên Arsène Lupin bản thân nó đã kích thích thói hiếu kỳ, hứa hẹn là trò tiêu khiển cho đám khán giả bình dân. Và, trong trường hợp này, đám khán giả bình dân chính là toàn bộ thế giới.
Ngân hàng Tín dụng Nhà đất ngay lập tức mở một cuộc điều tra và đã xác minh được những thông tin sau: Tấm vé xổ số 514 đã được văn phòng chi nhánh Versailles của Công ty Xổ số bán cho một sĩ quan pháo binh tên là Bessy, người sau đó tử vong do ngã ngựa. Trước khi qua đời ít lâu, ông ta có nói với các đồng đội của mình là đã bán lại tấm vé xổ số cho một người bạn.
“Và người bạn ấy là tôi.” Ông Gerbois khẳng định.
“Hãy chứng minh điều đó.” Giám đốc Ngân hàng Tín dụng Nhà đất đề nghị.
“Đương nhiên tôi chứng minh được. Hai mươi người có thể xác nhận với ngài tôi là bạn thân của ông Bessy, và chúng tôi thường xuyên hẹn gặp nhau tại quán cà phê Thao Trường. Tại đây, một hôm, tôi đã trả hai mươi franc mua lại tấm vé xổ số của ông ấy, chẳng qua là muốn giúp đỡ ông ấy thôi.”
“Có ai chứng kiến việc mua bán này không?”
“Không.”
“Chà, thế ông nghĩ sẽ chứng minh việc đó bằng cách nào?” “Bằng một bức thư ông ấy viết cho tôi.”
“Bức thư nào?”
“Bức thư được ghim vào với tấm vé xổ số.”
“Hãy đưa đây xem nào.”
“Nó đã bị đánh cắp cùng lúc với tấm vé xổ số rồi.”
“Chà, ông dứt khoát phải tìm thấy nó.”
Người ta nhanh chóng biết rằng Arsène Lupin đang nắm trong tay bức thư. Trên tờ Tiếng vang nước Pháp, tờ báo có hân hạnh làm cơ quan ngôn luận cho anh ta và nghe nói anh ta là cổ đông quan trọng của nó, có một mẩu tin ngắn tuyên bố Arsène Lupin đã trao cho ông Detinan – luật sư, và là cố vấn pháp lý của anh ta – bức thư đích thân ông Bessy viết gửi anh ta khi còn sống.
Tuyên bố này gây ra cả một tràng cười. Arsène Lupin thuê luật sư! Arsène Lupin, tuân theo các luật lệ, lề lối của xã hội hiện đại, đã chọn một thành viên thuộc loại vua biết mặt chúa biết tên trong giới luật sư Paris làm đại diện pháp lý cho mình!
Ông Detinan chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ Arsène Lupin – một sự thật khiến ông ta rất lấy làm tiếc – nhưng đúng là ông ta đã được người đàn ông bí ẩn đó thuê, và ông ta cảm thấy cực kỳ hân hạnh vì đã được lựa chọn. Ông ta xác định tinh thần là sẽ dốc hết sức bảo vệ lợi ích cho thân chủ. Ông ta sẵn lòng, thậm chí có vẻ tự đắc, đưa ra bức thư của ông Bessy,
nhưng – mặc dù xác nhận việc bán lại tấm vé xổ số – trong thư không nhắc đến tên người mua. Người này chỉ đơn giản được gọi là Bạn quý mến của tôi.
“Bạn quý mến của tôi! Đó là tôi chứ không phải là ai khác.” Arsène Lupin ghi thêm trong bức thư gửi kèm bức thư của ông Bessy. “Và bằng chứng rõ ràng nhất chính là việc tôi là người giữ bức thư kia.”
Đám phóng viên ngay lập tức đổ xô tới gặp ông Gerbois, ông này chỉ có thể lặp lại: “Bạn quý mến của tôi! Đó là tôi chứ không phải là ai khác… Arsène Lupin đã đánh cắp bức thư cùng với tấm vé xổ số.”
“Hãy để ông ta chứng minh!” Arsène Lupin vặc đám phóng viên.
“Hắn ắt đã làm việc đó, vì hắn đã đánh cắp chiếc bàn viết!” Ông Gerbois thốt lên cũng với đám phóng viên này.
“Hãy để ông ta chứng minh!” Arsène Lupin đáp.
Đó là mẩu hài kịch lý thú do hai kẻ đang đòi quyền sở hữu tờ vé số 514 diễn, và cung cách điềm tĩnh của Arsène Lupin trái ngược hoàn toàn trạng thái lo lắng căng thẳng của ông Gerbois tội nghiệp. Báo chí tràn ngập những lời than vãn của người đàn ông không may này. Ông ta trình bày về nỗi bất hạnh mình gặp phải với sự thống thiết rất thật.
“Xin quý vị hãy hiểu, đó là khoản hồi môn dành cho Suzanne, mà kẻ bất lương kia đã đánh cắp! Bản thân tôi, tôi chẳng màng… nhưng còn Suzanne! Xin hãy nghĩ đi, hẳn một triệu franc! Một trăm ngàn franc nhân mười! Ôi! Tôi đã biết chắc chắn bên trong chiếc bàn có cả một kho báu!”
Chẳng ăn thua gì khi thuyết phục ông Gerbois rằng kẻ thù của ông, vào thời điểm đánh cắp chiếc bàn, hoàn toàn không biết bên trong đó có tấm vé
xổ số, và rằng, dẫu thế nào chăng nữa, hắn cũng không tài nào biết trước được là nó sẽ trúng giải nhất. Ông một mực đáp: “Vớ vẩn! Đương nhiên hắn đã biết trước rồi… nếu không tại sao hắn phải tốn công tốn sức đánh cắp một chiếc bàn tồi tàn, tầm thường?”
“Vì một lý do đang còn là bí ẩn, nhưng dứt khoát không phải vì một mẩu giấy lúc ấy mới đáng giá hai mươi franc.”
“Một triệu franc! Hắn biết thế… hắn biết tất cả mọi việc! Ôi! Các vị chưa biết hắn, tên côn đồ này!… Hắn chưa cướp của các vị một triệu franc!”
Cuộc tranh cãi lẽ ra còn lâu mới dừng, nhưng đến ngày thứ mười hai, ông Gerbois nhận được bức thư từ Arsène Lupin, đóng dấu mật. Bức thư như sau:
Thưa ông, công chúng đang được dịp cười chúng ta. Liệu ông có nghĩ rằng đã tới lúc chúng ta nên nghiêm túc? Tình hình là: Tôi
đang nắm trong tay tấm vé xổ số tôi không có quyền lợi hợp pháp, còn ông có quyền lợi hợp pháp với tấm vé xổ số ông đang không nắm trong tay. Chúng ta chẳng ai làm được gì. Ông sẽ không
nhường quyền lợi của ông cho tôi. Tôi sẽ không trao tấm vé xổ số cho ông. Phải làm sao bây giờ?
Tôi thấy duy nhất một cách giải quyết vấn đề: Chúng ta hãy chia nhau lợi lộc. Nửa triệu cho ông, nửa triệu cho tôi. Chia như thế
chẳng phải là công bằng sao? Theo tôi, đó là giải pháp vừa hợp lý hợp tình, vừa chóng vánh. Tôi cho ông ba ngày để cân nhắc đề nghị này. Vào sáng thứ Năm, tôi chờ đợi được đọc mục quảng cáo rao vặt trên tờ Tiếng vang nước Pháp một lời nhắn kín đáo gửi ông Ars. Lup, bằng lời lẽ úp mở thể hiện việc ông đã bằng lòng. Ông sẽ
ngay lập tức được nhận lại tấm vé xổ số, và ông sẽ có thể đi lĩnh tiền, rồi gửi nửa triệu cho tôi theo cách tôi sẽ hướng dẫn ông sau.
Nếu ông không đồng ý, tôi sẽ sử dụng tới các biện pháp khác để vẫn đạt được kết quả như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh những rầy rà cực kỳ nghiêm trọng ông phải chịu do thói bướng bỉnh, ông sẽ còn tốn thêm hai mươi lăm ngàn franc cho các chi phí phát sinh.
Thưa ông, ông hãy tin tôi, tôi vẫn luôn luôn là kẻ bầy tôi tận tụy của ông,
ARSÈNE LUPIN
Trong cơn điên tiết, ông Gerbois đã mắc sai lầm nghiêm trọng là đem công khai bức thư và để cho người ta sao chép nó. Sự phẫn nộ ở ông đã thắng sự suy xét chín chắn.
“Không gì hết! Hắn sẽ không có được gì hết!” Ông Gerbois kêu lên trước cả đám phóng viên. “Chia chác tài sản của tôi với hắn ư? Không bao giờ! Hãy cứ để hắn xé tan tờ vé số nếu muốn!”
“Nhưng năm trăm ngàn franc còn hơn không đồng nào.”
“Vấn đề chẳng phải ở đó. Vấn đề là quyền lợi chính đáng của tôi, và tôi sẽ chứng minh quyền lợi ấy trước tòa.”
“Cái gì? Tấn công Arsène Lupin? Việc này buồn cười chết mất.”
“Không, là Ngân hàng Tín dụng Nhà đất. Họ dứt khoát phải trả cho tôi một triệu franc.”
“Không cần đưa ra tờ vé số, hay ít nhất, không cần chứng minh việc ông mua nó?”
“Bằng chứng đó đang tồn tại, vì Arsène Lupin thừa nhận hắn đã đánh cắp chiếc bàn viết.”
“Nhưng liệu lời nói của Arsène Lupin có trọng lượng gì đối với tòa không?”
“Không sao, tôi sẽ tranh đấu đến cùng.”
Đám khán giả bình dân thích thú hò hét, và những tay cá cược đổ xô đặt cửa cho Lupin. Vào ngày thứ Năm, công chúng háo hức dò đọc kĩ lưỡng mục quảng cáo rao vặt trên tờ Tiếng vang nước Pháp, nhưng không có mẩu tin nào gửi ông Ars. Lup. Ông Gerbois đã chẳng thèm hồi đáp Arsène Lupin. Đó là lời tuyên chiến.
Buổi chiều, báo chí đưa tin cô Suzanne Gerbois bị bắt cóc.
Điểm đặc trưng thú vị nhất trong cái có thể được gọi là những vở kịch Arsène Lupin, đó là vị thế khôi hài của lực lượng cảnh sát Paris. Arsène Lupin tuyên bố, viết thư, lập kế hoạch, chỉ huy, đe dọa, và tiến hành hành động, y như thể lực lượng cảnh sát không tồn tại. Họ chẳng bao giờ xuất hiện trong những tính toán của anh ta.
Cảnh sát vốn vẫn cố gắng hết sức. Nhưng họ có thể làm gì để chống lại một kẻ thù như thế – một kẻ thù coi khinh và phớt lờ họ?
Suzanne rời khỏi nhà lúc mười giờ kém hai mươi phút, đó là lời khai
của người đầy tớ. Khi rời khỏi trường lúc mười giờ năm phút, cha cô không tìm thấy cô ở chỗ cô hay đợi ông. Do đó, bất kể chuyện gì đã xảy ra thì cũng xảy ra trong lúc cô đi bộ từ nhà đến trường cao đẳng. Hai người hàng xóm gặp cô khi cô cách nhà khoảng ba trăm mét. Trên phố, có một bà trông thấy một thiếu nữ phù hợp với miêu tả về Suzanne. Ngoài ra, chẳng còn ai khác trong thấy cô.
Việc điều tra được thực hiện theo tất cả các hướng, người ta thẩm vấn những nhân viên tàu hỏa và tàu điện, nhưng không ai trông thấy điều gì liên quan đến cô gái mất tích. Tuy nhiên, tại Ville-d’Avray, vào ngày xảy ra vụ bắt cóc, người ta phát hiện được một chủ cửa hiệu đã bán xăng cho một chiếc xe hơi từ Paris tới. Trên xe có một phụ nữ tóc vàng óng ả, da trắng nõn nà. Một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe lại chạy qua Ville-d’Avray theo hướng từ Versailles đi Paris. Người chủ cửa hiệu khai rằng trên xe lúc bấy giờ có một người phụ nữ nữa che mạng dày. Đấy chắc chắn là Suzanne Gerbois.
Vụ bắt cóc hẳn đã diễn ra giữa ban ngày ban mặt, trên một con phố tấp nập, ở ngay trung tâm thị trấn. Như thế nào? Và tại địa điểm nào? Không ai nghe thấy một tiếng kêu, không ai trông thấy một hành vi đáng ngờ nào. Như người chủ cửa hiệu miêu tả thì chiếc xe hơi kia là một chiếc limousine màu xanh lam láng bóng hai mươi tư mã lực của hãng Peugeot. Cảnh sát liền tiến hành thẩm vấn tại Grand-Garage do Bob-Walthour quản lý, vốn chuyên cung cấp dịch vụ bắt cóc bằng xe hơi. Ả khai vào ngày hôm đó đã cho một phụ nữ tóc vàng thuê một chiếc limousine của hãng Peugeot, ả chưa bao giờ gặp cô ta trước đó và sau đó cũng chưa gặp lại lần nào.
“Ai làm tài xế?”
“Một gã trai trẻ tên là Ernest tôi chỉ vừa thuê hôm trước. Những người giới thiệu anh ta khen anh ta lắm.”
“Bây giờ anh ta có ở đây không?”
“Không. Anh ta đã mang xe về, nhưng từ hôm đó tôi chưa trông thấy mặt mũi anh ta đâu.” Bob-Walthour nói.
“Cô có biết phải tìm anh ta ở đâu không?”
“Các ông có thể gặp những người đã giới thiệu anh ta cho tôi. Tên của những người ấy đây.”
Việc điều tra cho thấy không ai trong số những người này biết người nào tên là Ernest. Các bức thư giới thiệu đã bị giả mạo.
Đó là số phận của từng manh mối mà cảnh sát theo đuổi. Chúng chẳng dẫn đến đâu cả. Bí ẩn vẫn là bí ẩn.
Ông Gerbois không đủ mạnh mẽ và can đảm để tham gia một trận chiến không cân sức như thế. Việc cô con gái bị mất tích khiến ông suy sụp, ông đành đầu hàng kẻ thù. Một mẩu tin ngắn trên tờ Tiếng vang nước Pháp tuyên bố ông đã đầu hàng vô điều kiện.
Hai ngày sau, ông Gerbois đến văn phòng Ngân hàng Tín dụng Nhà đất, trao tờ vé số 514, series 23 cho Giám đốc ngân hàng, ông này thốt lên đầy ngạc nhiên: “A! Ông có tấm vé xổ số rồi! Hắn đã trả lại cho ông rồi hả?”
“Lúc trước nó bị thất lạc. Vậy thôi.” Ông Gerbois đáp.
“Nhưng ông lại phịa ra là nó bị đánh cắp.”
“Đầu tiên, tôi đã nghĩ thế… nhưng bây giờ thì nó đây.”
“Chúng tôi sẽ đòi hỏi chứng cứ để xác nhận quyền sở hữu của ông đối với tấm vé xổ số.”
“Bức thư của ông Bessy, người mua tấm vé xổ số, đã đủ chưa?” “Vâng, thế là đủ.”
“Nó đây.” Ông Gerbois đưa bức thư ra.
“Rất tốt. Hãy để những giấy tờ này lại cho chúng tôi. Theo quy định, chúng tôi có mười lăm ngày để kiểm tra tuyên bố của ông. Tôi sẽ thông báo cho ông biết lúc nào có thể đến lĩnh tiền. Tôi đồ là ông, cũng giống như tôi, mong muốn vụ việc này khép lại một cách kín đáo.”
“Đúng vậy.”
Từ hôm ấy trở đi, ông Gerbois và vị Giám đốc ngân hàng giữ im lặng đầy dè dặt, thận trọng. Nhưng, bằng các cách nào đó, bí mật vẫn cứ bị tiết lộ, vì người ta nhanh chóng biết rằng Arsène Lupin đã trả lại tấm vé xổ số cho ông Gerbois. Công chúng đón nhận tin tức này với sự sửng sốt, thán phục. Anh ta dứt khoát là một con bạc liều lĩnh dám quăng lên bàn lá bài chủ – tấm vé xổ số – quan trọng đến thế. Nhưng thực sự, anh ta vẫn nắm trong tay một lá bài chủ quan trọng chẳng kém. Có điều, nếu cô gái trẻ trốn thoát thì sao? Nếu con tin mà Arsène Lupin đang bắt giữ được giải cứu?
Cảnh sát nghĩ là họ đã khám phá ra điểm yếu ở kẻ địch, và lúc bấy giờ tăng nỗ lực lên gấp đôi. Arsène Lupin đã bị tước vũ khí vì chính hành động của mình, đã bị nghiền dưới chính bánh xe mưu đồ của mình, đã bị mất không còn một xu lẻ trong số một triệu franc biết bao nhiêu người thèm muốn… Sự quan tâm chú ý của công chúng lúc bấy giờ tập trung về phía đối thủ của anh ta.
Nhưng cần tìm được Suzanne. Mà cảnh sát thì không tìm được cô, còn cô thì không trốn thoát được. Do đó, phải thừa nhận rằng, Arsène Lupin đã ăn điểm trước. Tuy nhiên, ván bài chưa tới lúc quyết định. Khó khăn lớn nhất vẫn còn. Anh ta đang nắm trong tay cô Gerbois, anh ta sẽ chưa thả cô chừng nào chưa nhận đủ năm trăm ngàn franc. Có điều, một cuộc trao đổi như thế sẽ được thực hiện bằng cách nào và ở đâu? Để đạt mục đích ấy, sẽ phải bố trí việc gặp gỡ, và liệu điều gì sẽ ngăn cản ông Gerbois báo trước với cảnh sát, vừa cứu được con gái vừa giữ được tiền? Người ta phỏng vấn ông thầy giáo, nhưng ông giữ thái độ cực kỳ kín đáo. Câu trả lời của ông là: “Tôi không có gì để nói cả.”
“Cô Gerbois thì sao?”
“Việc tìm kiếm vẫn đang được thực hiện.”
“Nhưng Arsène Lupin đã viết thư cho ông?”
“Không.”
“Ông cam đoan là không?”
“Không.”
“Vậy việc Arsène Lupin viết thư cho ông là sự thực. Anh ta ra chỉ thị như thế nào?”
“Tôi không có gì để nói cả.”
Đến đây, những người đặt câu hỏi lại quay sang tấn công ông Detinan, và nhận thấy ông ta cũng thận trọng chẳng kém.
“Ông Lupin là thân chủ của tôi, tôi không thể bàn luận về các chuyện làm ăn của ông ấy.” Ông ta đáp với vẻ nghiêm trang giả tạo.
Sự bí ẩn làm công chúng phát cáu. Rõ ràng là các cuộc thương lượng kín đáo đang được tiến hành. Arsène Lupin đã bố trí, thắt chặt tấm lưới mình giăng ra, trong khi cảnh sát vẫn theo dõi sát sao ông Gerbois cả ngày lẫn đêm.
Khắp nơi, người ta bàn tán xôn xao ba khả năng: bị bắt giữ, chiến thắng, hay thất bại một cách đáng thương và lố bịch, ngoài ba khả năng này thì không còn khả năng nào khác. Nhưng sự hiếu kỳ của công chúng mới được thỏa mãn một phần, những trang sau đây được dành riêng để tiết lộ sự thật tuyệt đối về vụ việc.
Vào thứ Hai, ngày Mười hai tháng Ba, ông Gerbois nhận giấy báo từ Ngân hàng Tín dụng Nhà đất. Thứ Tư, ông bắt chuyến tàu hỏa một giờ đi Paris. Hai giờ, người ta phát cho ông một ngàn tờ giấy bạc ngân hàng, mỗi tờ trị giá một ngàn franc. Trong khi ông Gerbois, trong tâm trạng lo âu căng thẳng, đang đếm từng tờ số tiền chính là số tiền chuộc Suzanne, một cỗ xe ngựa chở hai người đàn ông dừng ở lề đường gần ngân hàng. Một trong hai người đàn ông có mái tóc lốm đốm bạc và vẻ mặt cực kỳ sắc sảo, hoàn toàn tương phản với bộ đồ hóa trang trông tồi tàn. Đó là thám tử Ganimard – kẻ thù không đội trời chung của Arsène Lupin. Ganimard bảo thuộc cấp Folenfant: “Năm phút nữa chúng ta sẽ đón anh bạn Lupin láu lỉnh. Tất cả đã sẵn sàng chưa?”
“Rồi ạ.”
“Chúng ta có bao nhiêu người?”
“Tám người, hai người đi xe đạp.”
“Đủ, nhưng chưa quá nhiều. Bất luận vì lý do gì, không được để Gerbois thoát mất. Ông ta mà thoát mất, mọi việc coi như xong. Ông ta sẽ gặp Lupin tại địa điểm đã định, đổi nửa triệu lấy đứa con gái, và cuộc chơi kết thúc.”
“Tại sao ông ta không hợp tác với chúng ta nhỉ? Cách ấy hay hơn chứ, ông ta có thể giữ toàn bộ số tiền cho mình.”
“Phải, nhưng ông ta sợ nếu đánh lừa kẻ kia thì sẽ không được gặp lại con gái nữa.”
“Kẻ kia nào?”
“Lupin.”
Ganimard phát âm cái tên bằng giọng trang nghiêm, có phần hơi e dè, như thể ông ta đang nói tới một sinh vật siêu nhiên mà ông ta đã cảm nhận được các móng vuốt của nó.
“Hết sức lạ lùng khi chúng ta bắt buộc phải bảo vệ người đàn ông này, hoàn toàn trái với nguyện vọng của bản thân ông ta.” Folenfant thận trọng nhận xét.
“Phải, nhưng Lupin luôn khiến cả thế giới đảo lộn.” Ganimard buồn bã nói.
Một lát sau, ông Gerbois xuất hiện, bắt đầu đi về phía đầu phố. Hết đường Capucines, ông rẽ vào đại lộ, chầm chậm thả bước, liên tục dừng
chân, chằm chằm nhìn các ô kính của cửa hàng cửa hiệu.
“Quá điềm tĩnh, quá bình thản.” Ganimard nói. “Một người với một triệu trong túi đời nào mà có cái vẻ bình thản ấy được.”
“Ông ta đang làm gì thế?”
“Ồ! Ông ta hiển nhiên đang chẳng làm gì… Nhưng tôi nghi ngờ đó là Lupin… phải, Lupin!”
Đúng lúc ấy, ông Gerbois dừng lại tại một quầy bán báo, mua một tờ, giở ra, và vừa bắt đầu đọc vừa chầm chậm bước đi. Lát sau, ông bất thình lình nhảy vào một chiếc xe hơi đang đỗ ở lề đường. Xem ra chiếc xe đã đợi ông, vì nó vội vã lăn bánh, rẽ vào đường Madeleine rồi biến mất.
“Mẹ kiếp!” Ganimard kêu lên. “Đó là một trong những mánh khóe cũ của hắn!”
Ganimard hấp tấp đuổi theo chiếc xe hơi vào đường Madeleine. Rồi ông ta phá ra cười.Ở đầu đại lộ Malesherbes, chiếc xe hơi đã đỗ lại và ông Gerbois đã bước xuống.
“Mau, Folenfant, gã tài xế! Có lẽ là cái gã Ernest ấy đấy.”
Folenfant đến hỏi người lái xe. Anh ta tên là Gaston, là nhân viên hãng taxi. Mười phút trước, có một ông thuê anh ta, bảo anh ta đỗ gần quầy bán báo đợi một ông khác.
“Người đàn ông kia… địa chỉ anh ta đưa thế nào?” Folenfant hỏi.
“Không có địa chỉ. Đại lộ Malesherbes… đường Messine… boa gấp đôi bình thường. Vậy thôi.”
Nhưng, trong lúc ấy, ông Gerbois đã nhảy vào cỗ xe ngựa đầu tiên chạy
ngang qua.
“Đến ga tàu điện ngầm Concorde.” Ông bảo người đánh xe.
Ông Gerbois rời khỏi ga tàu điện ngầm ở quảng trường Palais-Royal, chạy lại một cỗ xe ngựa khác, yêu cầu đi tới quảng trường Bourse. Rồi ông bắt chuyến tàu điện ngầm thứ hai tới đại lộ Villiers, tiếp theo là chuyến xe ngựa thứ ba tới số 25 đường Clapeyron.
Số 25 đường Clapeyron giáp với ngôi nhà nằm ở góc phố, chỗ đường Clapeyron và đại lộ Batignolles cắt nhau. Ông lên tầng hai, bấm chuông. Một người đàn ông ra mở cửa.
“Có phải ông Detinan sống ở đây không ạ?”
“Vâng, đó là tên tôi. Ông là ông Gerbois?”
“Vâng.”
“Tôi đang mong ông. Mời vào.”
Khi ông Gerbois bước vào văn phòng ông luật sư, chiếc đồng hồ treo tường điểm ba giờ. Ông nói: “Tôi không chậm một phút nào. Anh ta ở đây chưa?”
“Chưa.”
Ông Gerbois ngồi xuống, quệt mồ hôi trán, nhìn đồng hồ đeo tay như thể ông không biết mấy giờ rồi, lo lắng hỏi: “Anh ta sẽ đến chứ?”
“Chà, thưa ông.” Ông luật sư đáp. “Tôi không biết, nhưng tôi cũng lo lắng, sốt ruột muốn biết y như ông. Nếu anh ta đến, anh ta sẽ phải cực kỳ liều lĩnh, vì ngôi nhà này đã bị theo dõi chặt chẽ suốt hai tuần vừa qua. Họ không tin tưởng tôi.”
“Họ cũng nghi ngờ tôi. Tôi không chắc chắn là đám thám tử có mất dấu tôi trên đường tôi đến đây hay không.”
“Nhưng ông đã…”
“Đó chẳng phải lỗi tại tôi.” Ông thầy giáo vội vàng kêu lên. “Ông không thể trách cứ tôi. Tôi hứa tuân theo các chỉ thị của anh ta, và tôi đã tuân theo một cách chính xác. Tôi rút tiền đúng thời điểm anh ta ấn định, tôi đến đây đúng cái cách anh ta hướng dẫn. Tôi trung thực thực hiện phần tôi theo như thỏa thuận… hãy để anh ta thực hiện phần mình!”
Sau một khoảng im lặng ngắn ngủi, ông Gerbois lo lắng hỏi: “Anh ta sẽ đem con gái tôi đến, đúng không?”
“Tôi… Tôi cho là vậy.”
“Nhưng… ông đã gặp anh ta rồi?”
“Tôi ư? Chưa, chưa đâu. Anh ta thu xếp cuộc hẹn qua thư, nói rằng cả anh ta và ông sẽ đến đây, đề nghị tôi giải tán những người hầu trước ba giờ và không nhận tiếp ai trong lúc ông đang có mặt. Nếu tôi chẳng bằng lòng như vậy, tôi sẽ đăng vài lời thông báo với anh ta trên tờ Tiếng vang nước Pháp. Nhưng tôi sung sướng quá đỗi được giúp đỡ Lupin, nên tôi đã bằng lòng.”
“Ôi! Chuyện này rồi sẽ kết thúc sao đây?” Ông Gerbois rền rĩ.
Ông lôi tập tiền từ túi áo khoác ra, đặt lên trên bàn và chia thành hai phần đều nhau. Rồi hai người đàn ông ngồi đấy trong yên lặng. Chốc chốc, ông Gerbois lại nghe ngóng. Có ai bấm chuông không? Tâm trạng bồn chồn mỗi phút một tăng hơn lên trong ông, và ông Detinan cũng thể hiện rằng ông ta đang lo lắng lắm. Cuối cùng, ông luật sư mất hết kiên
nhẫn. Ông ta bật dậy, nói: “Anh ta sẽ chẳng đến đâu… Chúng ta không nên đợi làm gì. Anh ta họa có điên rồ thì mới đến. Anh ta sẽ phải cực kỳ liều mạng.”
Và ông Gerbois, hai bàn tay đặt bên trên những tờ tiền, chán nản lắp bắp: “Ôi! Trời ơi! Tôi hy vọng anh ta sẽ đến. Tôi sẵn sàng trao toàn bộ số tiền này để được gặp lại con gái tôi.”
Cánh cửa mở ra. “Nửa số đó đủ rồi, thưa ông Gerbois.”
Những lời này phát ra từ miệng một thanh niên phục sức tao nhã lúc ấy bước vào phòng, mà ông Gerbois ngay lập tức nhận ra chính cái người ở Versailles đã muốn mua lại chiếc bàn viết. Ông lao bổ về phía anh ta.
“Con gái Suzanne của tôi đâu?”
Arsène Lupin thận trọng đóng cánh cửa lại, và vừa chậm rãi rút găng tay ra vừa nói với ông luật sư: “Ông luật sư quý mến của tôi, tôi vô cùng đội ơn ông đã đồng ý bảo vệ lợi ích cho tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên.”
Ông Detinan lẩm bẩm: “Nhưng anh không bấm chuông. Tôi không nghe thấy tiếng cửa…”
“Cửa và chuông cửa là những thứ nên làm việc một cách lặng lẽ. Tôi đang có mặt tại đây, điều ấy mới quan trọng.”
“Con gái tôi! Suzanne! Nó đâu?” Ông thầy giáo nhắc lại.
“Trời ơi, thưa ông.” Lupin nói. “Ông vội vã mà làm gì? Lát nữa, con gái ông sẽ có mặt.”
Lupin bước tới bước lui trong một phút, rồi, với vẻ khoa trương của nhà hùng biện, anh ta nói: “Thưa ông Gerbois, tôi chúc mừng ông đã khôn
khéo tới được đây.”
Trông thấy hai tập tiền, anh ta thốt lên: “A! Tôi hiểu! Một triệu franc đây. Chúng ta sẽ không mất thời gian nhé. Tôi xin phép.”
“Hẵng khoan.” Ông luật sư đứng chắn lấy bàn, nói. “Cô Gerbois chưa tới.”
“Ồ!”
“Chẳng phải sự hiện diện của cô ấy là điều kiện bắt buộc ư?”
“Tôi hiểu! Tôi hiểu! Arsène Lupin chỉ tạo dựng được sự tin tưởng có giới hạn. Anh ta có thể đút túi nửa triệu mà không trao trả con tin. Ôi! Thưa ông, người ta không hiểu tôi. Vì hoàn cảnh xô đẩy, tôi đã bắt buộc phải làm một số việc hơi… khác thường, và vì thế mà thiện ý của tôi bị ngờ vực… Tôi, người luôn luôn tôn trọng sự khéo léo và thận trọng cao độ trong các phi vụ làm ăn. Vả lại, ông kính mến của tôi ơi, nếu ông sợ gì, ông hãy mở cửa sổ kêu to lên. Có ít nhất nửa tá thám tử đang lởn vởn dưới phố.”
“Anh nghĩ thế à?” Arsène Lupin hơi nhấc tấm rèm lên.
“Tôi cho là ông Gerbois không cắt đuôi Ganimard được… Tôi đã hẹn ông sao nhỉ? Bây giờ thì ông ta kia kìa.”
“Có lẽ nào?” Ông thầy giáo thốt lên. “Nhưng tôi thề với anh…”
“Rằng ông không phản bội tôi chứ gì?… Tôi không nghi ngờ ông, có điều cái đám đó đôi khi cũng thông minh. A! Tôi trông thấy Folenfant, Greaume, Dieuzy… toàn các bạn thân thiết của tôi!”
Ông Detinan sửng sốt nhìn Lupin. Sự tự tin mới lớn làm sao! Anh ta cười vui vẻ y như đang tham gia vào một trò thể thao con trẻ, y như không
có mối hiểm họa nào đang đe dọa anh ta. Sự vô tư lự này khiến ông luật sư yên tâm hơn sự hiện diện của đám thám tử. Ông ta rời khỏi chiếc bàn bày tiền. Arsène Lupin cầm từng tập tiến lên, rút hai mươi lăm tờ từ mỗi tập, đưa cho ông Detinan, nói: “Phần thưởng vì sự giúp đỡ của ông đối với ông Gerbois và Arsène Lupin. Ông rất xứng đáng nhận nó.”
“Anh chẳng nợ tôi gì cả.” Ông luật sư đáp.
“Hả? Sau tất cả các rắc rối mà chúng tôi gây ra cho ông ư?” “Và tất cả những thú vị mà anh đem đến cho tôi!”
“Như thế nghĩa là, thưa ông kính mến, ông không muốn nhận bất cứ thứ gì từ Arsène Lupin. Hãy xem tai tiếng nó gây tác hại ra sao đấy.”
Anh ta đưa năm mươi ngàn franc ấy cho ông Gerbois, nói: “Thưa ông, để ghi nhớ cuộc gặp gỡ dễ chịu giữa chúng ta, cho phép tôi hồi lại ông số tiền này, coi như là quà cưới tôi tặng cô Gerbois.”
Ông Gerbois nhận lấy số tiền, nhưng đáp: “Con gái tôi chưa cưới.”
“Cô ấy chưa cưới nếu ông chưa bằng lòng, có điều cô ấy vốn vẫn mong mỏi.”
“Anh biết gì về việc này?”
“Tôi biết rằng các cô gái trẻ hay mơ mộng những điều mà cha mẹ các cô không biết. May thay, đôi khi có các vị thiên thần như Arsène Lupin, họ khám phá ra những bí mật nho nhỏ của các cô trong ngăn kéo bàn viết.”
“Anh đã tìm thấy cái gì nữa?” Ông luật sư hỏi. “Tôi xin thú thực là tôi tò mò muốn biết tại sao anh quá mất công như thế để đoạt lấy chiếc bàn.”
“Vì tính lịch sử của nó, ông bạn ạ. Cho dù ông Gerbois có ý kiến ra sao
thì chiếc bàn thực ra cũng không chứa đựng gia tài nào cả, trừ tấm vé xổ số mà lúc trước tôi đâu đã biết. Dẫu vậy, tôi vốn vẫn hằng tìm kiếm chiếc bàn. Chiếc bàn viết gỗ gụ và gỗ thủy tùng ấy được phát hiện ra trong ngôi nhà nhỏ ở Boulogne, nơi Marie Walewska từng sống. Trên một trong số những ngăn kéo có dòng chữ: Dâng tặng Napoléon Đệ nhất, Hoàng đế nước Pháp, do người đầy tớ rất đỗi trung thành của ông ta, Mancion, đặt làm. Và bên trên dòng chữ này là dòng chữ khắc bằng mũi dao: Tặng em, Marie. Sau đó, Napoléon yêu cầu đóng một chiếc bàn tương tự cho Hoàng hậu Joséphine, nên chiếc bàn mà người ta chiêm ngưỡng với biết bao thích thú trầm trồ ở lâu đài Malmaison, rốt cuộc chỉ là bản sao không hoàn hảo của chiếc bàn mà từ giờ sẽ thuộc về bộ sưu tập của tôi.”
“Ôi! Nếu biết thế thì khi ở cửa hiệu, tôi đã vui vẻ nhường nó cho anh rồi.” Ông thầy giáo nói.
Arsène Lupin mỉm cười, đáp: “Và ông đã có cái lợi là giữ được toàn bộ tấm vé xổ số 514.”
“Còn anh chẳng cần thiết phải bắt cóc con gái tôi.”
“Bắt cóc con gái ông ư?”
“Đúng thế.”
“Thưa ông kính mến, ông nhầm. Cô Gerbois không bị bắt cóc.” “Không ư?”
“Đương nhiên là không. Bắt cóc có nghĩa phải sử dụng đến bạo lực hoặc sự cưỡng ép. Và tôi cam đoan với các ông rằng cô gái bằng lòng làm con tin một cách hoàn toàn tình nguyện.”
“Hoàn toàn tình nguyện!” Ông Gerbois sửng sốt nhắc lại.
“Thực tế, cô ấy gần như đã đề nghị được đưa đi. Sao, liệu ông có nghĩ một cô gái trẻ thông minh như cô Gerbois, và hơn nữa, đang âm thầm ấp ủ một mối tình, lại do dự trước việc làm cần thiết nhằm đảm bảo khoản hồi môn cho mình? Ôi! Tôi thề với ông rằng chẳng khó khăn gì để khiến cho cô ấy hiểu đây là cách duy nhất khuất phục được thói bướng bỉnh của ông.”
Ông Detinan hết sức thích thú. Ông ta đáp lời Lupin: “Nhưng tôi thiết nghĩ việc khiến cho cô ấy lắng nghe anh thì khó khăn hơn. Làm sao anh tiếp xúc với cô ấy được?”
“Ồ! Tôi không tự tiếp xúc với cô ấy. Tôi không có cái hân hạnh được làm quen với cô ấy. Một người bạn của tôi, một cô gái, đã tiến hành dàn xếp.”
“Cô gái tóc vàng trên chiếc xe hơi, chắc chắn thế rồi.”
“Chính xác. Mọi việc được dàn xếp ngay tại cuộc gặp gỡ đầu tiên gần trường cao đẳng. Kể từ hôm ấy, cô Gerbois và người bạn mới của cô đã đi du lịch qua Bỉ và Hà Lan theo cái cách rất dễ chịu, rất bổ ích đối với một cô gái trẻ. Cô ấy sẽ tự thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho ông…”
Có tiếng chuông ở tiền phòng, ba hồi nhanh liên tiếp, rồi tới hai hồi riêng rẽ.
“Cô ấy đấy.” Lupin nói. “Ông Detinan, phiền ông…”
Ông luật sư vội vã ra cửa.
Hai cô gái trẻ bước vào. Một cô chạy ào vào vòng tay ông Gerbois. Cô kia đến bên Lupin. Đó là một cô gái cao ráo, dáng dấp hấp dẫn, da trắng nõn nà, mái tóc vàng rẽ ngôi trước trán buông xuống bồng bềnh, lấp lánh
sáng như ánh mặt trời hoàng hôn. Cô phục sức toàn màu đen, không đeo bất cứ thứ trang sức gì, tuy nhiên, vẻ bề ngoài của cô bộc lộ sự tao nhã và gu thẩm mỹ tinh tế. Arsène Lupin nói mấy câu với cô, rồi nghiêng mình chào cô Gerbois: “Thưa cô, xin lỗi cô vì tất cả những phiền phức đã gây ra cho cô, nhưng tôi hy vọng rằng cô không cảm thấy quá khổ sở.”
“Khổ sở ư? Tại sao cơ? Nếu chẳng phải xa cách người cha tội nghiệp của tôi, tôi thực sự đã cảm thấy rất sung sướng.”
“Thế thì lại tốt. Hãy hôn ông ấy lần nữa, và tận dụng cơ hội này, một cơ hội tuyệt vời đấy, để nói với ông ấy về người anh họ của cô.”
“Anh họ của tôi ư? Ý ông là gì? Tôi không hiểu.”
“Đương nhiên cô hiểu. Người anh họ tên là Philippe ấy. Chàng trai đã gửi cho cô những bức thư mà cô hết sức giữ gìn.”
Gương mặt Suzanne đỏ bừng lên, nhưng, theo lời khuyên của Lupin, cô lại buông mình vào vòng tay cha. Lupin nhìn họ với ánh mắt dịu dàng.
“Ôi! Đó là phần thưởng dành cho một việc làm đúng đắn của tôi! Một hình ảnh mới xúc động làm sao! Một người cha hạnh phúc bên một người con hạnh phúc! Và phải biết rằng niềm hân hoan của họ là tác phẩm của nhà người đó, Lupin! Từ giờ về sau, những người này sẽ cầu Chúa phù hộ cho nhà ngươi, và sẽ trân trọng truyền tên nhà ngươi cho con cháu họ, thậm chí cho chắt chút họ. Lupin, một phần thưởng mới vinh quang làm sao, đáp lại một hành động tử tế.”
Anh ta tới trước cửa sổ.
“Ông bạn Ganimard thân mến vẫn đang đợi à? Ông ta sẽ rất muốn chứng kiến cái khung cảnh gia đình đẹp đẽ này!… Ồ! Ông ta không có
đó… Những kẻ khác cũng không… Tôi chẳng trông thấy ai cả. Quỷ tha ma bắt! Tình hình đang trở nên nghiêm trọng. Tôi dám chắc bọn họ đã đứng dưới lối vào nhà… trao đổi với người giữ cửa, có lẽ… hay, thậm chí, đã đang lên cầu thang!”
Ông Gerbois có một hành động đột ngột.
Lúc bấy giờ, khi con gái ông đã được trao trả, ông nhìn nhận tình hình dưới một ánh sáng khác. Đối với ông, việc kẻ địch bị bắt giữ cũng có nghĩa nửa triệu franc không mất. Theo bản năng, ông tiến một bước về phía trước. Như thể tình cờ, Lupin đứng chắn ngang đường ông.
“Ông định đi đâu thế, ông Gerbois? Bảo vệ tôi trước bọn họ à? Ông thật tử tế quá, nhưng tôi cam đoan với ông rằng việc đó chẳng cần thiết. Bọn họ còn cảm thấy lo lắng hơn tôi kìa.”
Rồi Lupin tiếp tục nói với vẻ điềm tĩnh, thong thả: “Thực sự, bọn họ biết điều gì? Biết rằng ông đang ở đây, và, có thể, biết rằng cô Gerbois đang ở đây, vì có thể bạn họ trông thấy cô ấy tới đây cùng với một cô gái lạ. Nhưng bọn họ không bao giờ hình dung ra được sự hiện diện của tôi. Làm sao tôi lại lọt được vào một ngôi nhà mà sáng hôm nay bọn họ đã lục soát kĩ lưỡng từ hầm chứa cho đến gác xép? Bọn họ nghĩ cô gái lạ kia do tôi phái tới tiến hành trao đổi, và bọn họ sẽ sẵn sàng bắt giữ cô ấy khi cô ấy bước ra ngoài.”
Đúng lúc ấy, có tiếng chuông cửa. Bằng một cử chỉ đột ngột, thô bạo, Lupin túm lấy ông Gerbois, nói với ông bằng giọng mệnh lệnh: “Đừng động đậy! Hãy nghĩ tới con gái ông, và xử sự cho khôn ngoan, bằng không… Còn ông, ông Detinan, ông đã hứa với tôi rồi.”
Ông Gerbois đứng chôn chân tại chỗ. Ông luật sư không nhúc nhích gì.
Chẳng chút vội vàng, Lupin cầm chiếc mũ lên, dùng ống tay áo phủi bụi trên mũ.
“Ông Detinan quý mến, nếu có lúc nào tôi được phục vụ ông… Chúc có những điều tốt đẹp nhất, thưa cô Suzanne, và cho tôi gửi lời chào trân trọng tới ông Phillipe.”
Lupin rút từ túi áo khoác ra chiếc đồng hồ vàng nặng trịch.
“Ông Gerbois, bây giờ là ba giờ bốn mươi hai phút. Đến ba giờ bốn mươi sáu phút, tôi cho phép ông rời khỏi căn phòng này. Đúng ba giờ bốn mươi sáu phút, không sớm hơn một phút nào.”
“Nhưng bọn họ sẽ phá cửa ập vào.” Ông Detinan nói.
“Ông quên mất luật lệ rồi, thưa ông quý mến! Ganimard sẽ không bao giờ cả gan xâm phạm sự riêng tư của một công dân Pháp. Nhưng, xin lỗi, thời gian đang vùn vụt trôi, và tất cả các vị đều có chút lo lắng.”
Lupin đặt chiếc đồng hồ lên trên bàn, mở cửa phòng, nói với cô gái tóc vàng: “Em thân yêu, em sẵn sàng chưa?”
Anh ta lùi lại cho cô gái đi qua, lễ phép cúi chào cô Gerbois, bước ra khỏi phòng, đóng cánh cửa lại sau lưng. Rồi họ nghe thấy tiếng anh ta oang oang ở sảnh: “Xin chào, Ganimard, tình hình ổn chứ? Cho tôi gửi lời hỏi thăm bà nhà. Hôm nào, tôi sẽ mời bà ấy tới dùng bữa sáng. Tạm biệt, Ganimard.”
Chuông cửa réo dữ dội, rồi réo đi réo lại, và xuất hiện các giọng nói ngoài đầu cầu thang.
“Bốn mươi lăm phút.” Ông Gerbois lẩm bẩm.
Sau vài giây, ông rời khỏi căn phòng, bước ra sảnh. Arsène Lupin và cô gái tóc vàng đã biến mất.
“Cha!… Cha không được! Đợi đã!” Suzanne kêu lên.
“Đợi đã! Con quả là dại dột!… Không thể tha cho kẻ bất lương kia được!… Và còn nửa triệu franc!”
Ông Gerbois mở cửa ngoài. Ganimard lao vào. “Ả đàn bà đó… Cô ta đâu? Lupin đâu?”
“Hắn đã ở đây… hắn đang ở đây.” Ganimard bật một tiếng kêu đầy đắc thắng.
“Chúng ta sẽ chộp được hắn. Ngôi nhà đã bị bao vây rồi.” “Nhưng lối cầu thang dành cho người hầu?” Ông Detinan gợi ý.
“Nó thông xuống ngõ cụt.” Ganimard nói. “Chỉ có duy nhất một đường ra, đó là cửa mở ra phố. Mười người đang gác cái cửa này.”
“Nhưng anh ta không vào qua đó, và sẽ không ra qua lối đó đâu.” “Thế thì qua lối nào?” Ganimard hỏi. “Bay chăng?”
Ông Detinan kéo một tấm rèm sang bên, để lộ một hành lang dài dẫn sang căn bếp. Ganimard chạy dọc hành lang, thử mở cánh cửa ở đầu cầu thang dành cho người hầu. Cửa khóa. Từ cửa sổ, ông ta hét hỏi các nhân viên phụ tá: “Có thấy đứa nào không?”
“Không.”
“Vậy bọn chúng vẫn đang trong ngôi nhà này!” Ganimard kêu lên. “Bọn chúng trốn ở căn phòng nào đấy thôi! Bọn chúng chưa tẩu thoát được. A! Lupin, những lần trước mi đã đánh lừa ta, nhưng, đến lần này, ta
sẽ phục hận.”
Bảy giờ tối, Dudouis, Trưởng ban Thám tử, ngạc nhiên khi không nhận được tin tức gì, liền ghé tới đường Clapeyron kiểm tra. Ông ta hỏi hai viên thám tử đang gác ngôi nhà, rồi leo lên căn hộ của ông Detinan. Ông luật sư đưa ông ta vào phòng mình. Ở đó, ông ta trông thấy một người đàn ông, hay chính xác hơn là hai cái cẳng chân đạp đạp trong không khí, còn thân mình thì thụt lút trong ống khói.
“Ê hê!… Ê hê!” Một giọng nghèn nghẹt hổn hển.
Đáp lại là một giọng ở xa xa trên cao: “Ê hê!… Ê hê!”
Dudouis vừa cười to vừa kêu lên: “Này! Ganimard, anh đã trở thành thợ cạo ống khói đấy à?”
Viên thám tử trườn ra khỏi ống khói. Mặt mũi đen nhẻm, quần áo vương đầy bồ hóng, ánh mắt phấn khích, bồn chồn, thật chẳng tài nào nhận ra ông ta được.
“Tôi đang tìm kiếm hắn.” Ganimard gầm gừ.
“Ai cơ?”
“Arsène Lupin… và kẻ giúp đỡ hắn.”
“Chà, anh nghĩ bọn chúng trốn trong ống khói ư?”
Ganimard đứng dậy, bám bàn tay đầy bồ hóng vào ống tay áo khoác của viên sĩ quan cấp trên, tức tối thốt lên: “Sếp nghĩ bọn chúng ở đâu, hả sếp? Bọn chúng hẳn phải ở đâu đấy chứ! Bọn chúng cũng bằng xương bằng thịt như sếp và tôi thôi, chẳng thể tan đi như khói được.”
“Đúng, nhưng dẫu sao thì bọn chúng cũng đã biến mất rồi.”
“Cơ mà bằng cách nào? Bằng cách nào? Người của chúng ta đã bao vây ngôi nhà, thậm chí cả ở trên mái.”
“Thế ngôi nhà giáp ngôi nhà này thì sao?”
“Không có lối thông sang.”
“Còn các căn hộ ở tầng khác?”
“Tôi biết tất cả những người thuê nhà. Họ không trông thấy ai.” “Anh có chắc chắn rằng anh biết hết họ không?”
“Có. Người giữ cửa chịu trách nhiệm kiểm soát họ. Ngoài ra, để đề phòng hơn nữa, tôi đã bố trí trong mỗi căn hộ một người. Bọn chúng không trốn thoát được. Nếu tôi chưa bắt được bọn chúng đêm nay, ngày mai tôi sẽ bắt được bọn chúng. Tôi sẽ ngủ ở đây.”
Ganimard ngủ ở đó đêm hôm ấy và hai đêm tiếp theo. Ba ngày ba đêm trôi qua mà chẳng phát hiện được tăm hơi anh chàng Lupin bất trị và cô bạn gái
của anh ta. Thậm chí, Ganimard còn chẳng phát hiện được manh mối dù là nhỏ nhất nào để xây dựng giả thuyết về việc bọn họ đã trốn thoát ra sao. Vì lý do ấy, ông ta cứ khư khư giữ lấy ý kiến ban đầu.
“Không có dấu vết nào cho thấy bọn chúng đã trốn thoát. Bởi vậy, bọn chúng đang quanh quẩn ở đây thôi.”
Có thể là, trong thâm tâm, Ganimard không có niềm tin vững chắc tới mức ấy, nhưng ông ta sẽ không thú nhận. Không, một nghìn lần, không! Một người đàn ông và một người đàn bà làm sao tan biến đi như những tà ma trong truyện cổ tích được. Và, không mất dũng khí, ông ta tiếp tục tìm kiếm, như thể ông ta hy vọng sẽ khám phá ra hai kẻ lẩn trốn đang nương náu trong một ngóc ngách chẳng nhìn thấu, hay đã ẩn mình vào giữa những bức tường đá của ngôi nhà.
2. Viên kim cương xanh
B
uổi tối ngày Hai mươi bảy tháng Ba, tại số 134 đại lộ Henri-Martin, trong ngôi nhà thừa hưởng từ người anh trai sáu tháng trước, vị tướng già – Nam tước d’Hautrec, Đại sứ tại Berlin dưới thời Đế chế thứ Hai, ngủ thiếp đi trong chiếc ghế bành thoải mái dễ chịu, khi cô thư ký đang đọc sách cho ông ta nghe, còn xơ Auguste thì đang sưởi ấm giường cho ông ta và sửa soạn đèn ngủ. Lúc mười một giờ, bà xơ phải trở về tu viện theo quy định. Bà nói với cô thư ký: “Cô Antoinette, tôi xong hết việc rồi, tôi đi đây.”
“Vâng, thưa xơ.”
“Đừng quên là người đầu bếp đang đi vắng, ở nhà chỉ có cô với người đầy tớ thôi.”
“Xơ chẳng phải lo lắng cho Nam tước đâu. Tôi ngủ ở phòng bên cạnh và luôn luôn để cửa mở.”
Bà xơ rời khỏi ngôi nhà. Mấy phút sau, người đầy tớ Charles bước vào
nhận mệnh lệnh. Nam tước lúc bấy giờ đã thức giấc, tự mình nói: “Các mệnh lệnh như mọi ngày đây Charles: Hãy để ý chiếc chuông điện trong phòng anh, ngay hồi chuông đầu tiên là phải chạy đi gọi bác sĩ. Nào, cô Antoinette, chúng ta đọc đến đâu rồi?”
“Ngài chưa đi ngủ bây giờ ạ?”
“Chưa, chưa, lúc nữa. Với lại, tôi không cần ai ở đây đâu.”
Hai mươi phút sau, Nam tước lại chìm vào giấc ngủ, Antoinette rón rén đi ra. Lúc đó, Charles đang đóng các cánh chớp cửa sổ ở dưới gác. Trong bếp, anh ta chốt chặt cửa mở ra vườn, và ngoài sảnh, anh ta không chỉ khóa cửa mà còn cài cả xích. Rồi anh ta lên phòng mình trên tầng ba, đi ngủ, và chẳng mấy chốc thiếp đi.
Có lẽ là được một tiếng đồng hồ thì Charles hoảng hốt bật dậy khỏi giường. Chiếc chuông đang reo. Nó reo có lẽ là chừng bảy, tám giây, liên tục.
“Ôi!” Charles đã trấn tĩnh lại, lẩm bẩm. “Một ý thích bất chợt nữa của ngài Nam tước đây.”
Anh ta nhanh nhẹn mặc quần áo, xuống cầu thang, dừng lại trước cửa phòng, gõ nhè nhẹ theo thói quen. Không có tiếng trả lời. Anh ta mở cửa, bước vào.
“Ô! Không có đèn.” Charles lẩm bẩm. “Thế này là thế nào?” Rồi anh ta hạ giọng, gọi: “Cô ơi?”
Không có tiếng trả lời.
“Cô ơi, cô có đó không? Có chuyện gì à? Ngài Nam tước ốm à?”
Không có tiếng trả lời. Không có gì ngoài một sự im lặng hoàn toàn, sự im lặng nhanh chóng trở nên đáng sợ. Charles tiến về phía trước hai bước, bàn chân anh ta va phải chiếc ghế dựa, anh ta sờ soạng thì nhận ra là nó bị lật ngược. Rồi, vẫn bằng bàn tay sờ soạng, anh ta nhận ra các đồ vật khác nữa trên sàn: một chiếc bàn nhỏ và một bức bình phong. Anh ta lo lắng di chuyển tới sát bức tường, lần tìm công tắc, bật điện lên.
Chính giữa căn phòng, giữa chiếc bàn và chiếc tủ đựng đồ vệ sinh, là thân thể của chủ anh ta, Nam tước d’Hautrec.
“Cái gì!… Không thể thế được!” Charles lẩm bẩm.
Anh ta chẳng nhúc nhích nổi người. Anh ta cứ đứng đấy, trố mắt ngây ngô nhìn cái khung cảnh lộn xộn khủng khiếp, những chiếc ghế dựa bị lật ngược, chùm chúc đài pha lê lớn vỡ tan tành thành nghìn mảnh, chiếc đồng hồ nằm trên khoảng sàn lát đá cẩm thạch phía trước lò sưởi, tất cả các bằng chứng của một cuộc vật lộn ghê gớm, đáng sợ. Cán của một con dao găm nhỏ lấp lánh sáng, cách cái thân thể kia không xa, lưỡi dao có vấy máu. Một chiếc khăn mùi soa lốm đốm đỏ vương nơi mép giường.
Charles kinh khiếp lùi lại: Cái thân thể kia tự duỗi dài ra trong chốc lát rồi lại co lại, hai hay ba cơn rùng mình, và đến đây là chấm dứt.
Charles cúi xuống nhìn. Một vết cắt rất ngọt ở cổ nạn nhân mà từ đó máu đang tuôn ra, đông lại thành vũng đen trên thảm. Bộ mặt vẫn còn lưu nét khiếp sợ cực độ.
“Có kẻ đã giết ngài ấy!” Charles lẩm bẩm. “Có kẻ đã giết ngài ấy!”
Rồi anh ta run lên với ý nghĩ là biết đâu đã xảy ra một tội ác rùng rợn khác nữa. Chẳng phải cô thư ký của ngài Nam tước ngủ ở căn phòng bên
cạnh sao? Liệu kẻ sát nhân có giết cả cô ấy không? Anh ta mở cửa căn phòng này, căn phòng không có ai. Anh ta kết luận rằng Antoinette bị bắt cóc rồi, hoặc cô đi ra ngoài trước khi xảy ra vụ việc. Anh ta trở lại phòng Nam tước. Ánh mắt dừng ở chiếc bàn viết, anh ta nhận ra chiếc bàn viết không suy suyển gì. Rồi anh ta trông thấy một nắm những đồng louis vàng trên bàn, bên cạnh chùm chìa khóa và chiếc ví mà Nam tước vốn vẫn để đó hằng đêm. Charles vồ lấy chiếc ví, mở ra, trông thấy mấy tờ tiền giấy. Anh ta đếm, có mười ba tờ một trăm franc.
Một cách bản năng và máy móc, anh ta nhét các tờ tiền vào túi áo khoác, lao xuống cầu thang, rút chốt cửa, tháo xích, đóng cánh cửa lại sau lưng, và bỏ chạy ra phố.
Charles là một người trung thực. Vừa bước chân ra khỏi cửa thì làn không khí và cơn mưa ban đêm khiến anh ta bình tĩnh hơn, anh ta dừng phắt ngay lại. Lúc bấy giờ, anh ta đã nhìn nhận hành động của mình theo đúng bản chất của nó, và trong lòng tràn ngập nỗi khiếp sợ. Anh ta vẫy một chiếc xe ngựa chạy ngang qua, bảo người xà ích: “Hãy đến đồn cảnh sát và đưa sĩ quan phụ trách đồn đến đây. Nhanh lên! Trong ngôi nhà kia có án mạng.”
Người xà ích vội vã đánh xe đi. Charles muốn quay vào nhà, nhưng thấy cửa bị khóa rồi. Anh ta đã tự sập khóa khi đi ra, và không thể mở từ bên ngoài. Mặt khác, bấm chuông cũng vô ích vì chẳng còn ai trong nhà cả.
Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, cảnh sát mới tới. Khi họ tới, Charles thuật lại câu chuyện và đưa cho viên sĩ quan phụ trách số tiền. Một người thợ khóa được triệu tới. Anh ta phải hết sức chật vật mới phá nổi khóa của cửa mở ra vườn và cửa mở vào sảnh. Viên cảnh sát bước vào phòng Nam tước trước, nhưng, ngay lập tức, quay sang Charles, nói: “Anh bảo căn phòng lộn xộn kinh khủng mà.”
Charles đứng ở cửa, sửng sốt, hoang mang. Tất cả đồ đạc đã được đặt lại vào vị trí quen thuộc. Những chiếc ghế dựa được lật lại đúng chiều, chiếc bàn nhỏ ở giữa hai khung cửa sổ, chiếc đồng hồ ở trung tâm bệ lò sưởi. Những mảnh vỡ của chùm chúc đài được dọn sạch sẽ.
“Ngài Nam tước… đâu rồi?” Charles lắp bắp.
“Đúng thế!” Viên sĩ quan thốt lên. “Nạn nhân đâu rồi?”
Ông ta đến bên giường, lật một tấm mền lớn. Phía dưới tấm mền, Nam tước d’Hautrec, cựu Đại sứ Pháp tại Berlin, đang nằm. Tấm áo khoác quân đội phủ trên thân thể, cài huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Nét mặt ông ta bình thản. Cặp mắt khép chặt.
“Ai đó đã ở đây.” Charles nói.
“Làm sao kẻ đó lọt vào đây được?”
“Tôi không biết, nhưng ai đó đã ở đây lúc tôi ra ngoài. Có con dao găm nhỏ trên sàn đằng kia! Và chiếc khăn mùi soa dính máu trên giường. Chúng bây giờ đã biến mất. Chúng đã được đem đi chỗ khác. Và ai đó đã sắp xếp lại gọn ghẽ căn phòng.”
“Ai đã làm những việc ấy?”
“Kẻ giết người.”
“Nhưng chúng tôi thấy tất cả các cửa đều khóa.”
“Lúc nãy hắn hẳn vẫn còn ở trong ngôi nhà này.”
“Thế thì bây giờ hắn vẫn còn ở đây, vì anh đã đứng trước cửa suốt.”
Charles nghĩ ngợi một lát, rồi chậm chạp nói: “Phải… đương nhiên… tôi không hề rời khỏi cửa.”
“Ai là người cuối cùng anh trông thấy bên cạnh ngài Nam tước?” “Cô Antoinette, thư ký của ngài ấy.”
“Cô ta sao rồi?”
“Tôi không biết. Cô ấy chẳng ở trên giường, vậy hẳn là cô ấy đã ra ngoài. Điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, cô ấy đang độ trẻ trung, xinh đẹp.”
“Nhưng làm sao cô ta rời khỏi nhà được?”
“Qua cửa.” Charles trả lời.
“Nhưng anh cài chốt và xích rồi mà.”
“Vâng, nhưng hẳn là cô ấy đã rời khỏi nhà trước đó.”
“Và tội ác xảy ra sau khi cô ta đi?”
“Đương nhiên.” Người đầy tớ đáp.
Ngôi nhà được lục soát từ hầm chứa cho đến gác xép, nhưng kẻ sát nhân đã biến mất. Bằng cách nào? Và bao giờ? Là hắn hay là một kẻ tòng phạm đã quay lại hiện trường vụ án, đem đi tất cả những gì có thể cung cấp manh mối về nhân thân hắn? Đó là câu hỏi mà cảnh sát phải trả lời.
Nhân viên điều tra có mặt lúc bảy giờ. Và tám giờ, Dudouis, Trưởng
ban Thám tử, cũng có mặt tại hiện trường vụ án. Tiếp theo là ủy viên công tố và thẩm phán điều tra. Ngoài những vị quan chức này, ngôi nhà chật ních cảnh sát, thám tử, phóng viên, thợ chụp ảnh, thân bằng quyến thuộc của người chết.
Một cuộc khám xét kĩ lưỡng được thực hiện. Người ta nghiên cứu tư thế của cái xác theo thông tin mà Charles cung cấp. Người ta thẩm vấn xơ Auguste khi bà tới, nhưng không phát hiện ra chi tiết mới nào. Xơ Auguste sửng sốt khi biết Antoinette Bréhat đã biến mất. Bà vừa thuê cô gái trẻ cách đây mười hai ngày, căn cứ vào những lời giới thiệu rất tốt, và chẳng chịu tin rằng cô đã lãng quên bổn phận, đang đêm rời khỏi nhà.
“Nhưng, bà thấy đấy, cô ta chưa quay lại.” Ông thẩm phán nói. “Và chúng tôi vẫn phải đương đầu với câu hỏi: Điều gì đã xảy ra cho cô ta?”
“Tôi nghĩ kẻ sát nhân đã bắt cóc cô ấy.” Charles nêu ý kiến.
Giả thuyết này nghe hợp lý, và nó xuất phát từ những thực tế nhất định. Dudouis tán thành. Ông ta nói: “Bị bắt cóc! Chà, không phải là không có khả năng xảy ra.”
“Không những là không có khả năng xảy ra.” Một giọng nói cất lên. “Mà còn hoàn toàn trái ngược thực tế. Không có chút chứng cứ nào chứng minh cho giả thuyết này cả.”
Giọng nói với âm sắc chói tai, và chẳng ai lấy làm ngạc nhiên khi nhận ra người nói là Ganimard. Nếu là ở người khác, thì họ đã chẳng chịu được cái giọng áp chế đó.
“Ồ! Là anh, Ganimard!” Dudouis thốt lên. “Nãy giờ tôi chưa trông thấy anh.”
“Tôi đã có mặt tại đây từ lúc hai giờ.”
“Vậy là anh quan tâm tới cả những thứ khác ngoài tấm vé xổ số 514, series 23, vụ việc ở đường Clapeyron, Tiểu thư Tóc vàng và Arsène Lupin?”
“Ha ha!” Viên thám tử kỳ cựu phá ra cười. “Tôi sẽ chẳng bảo Lupin là kẻ xa lạ đối với vụ án hiện tại đâu. Nhưng chúng ta hãy tạm thời lãng quên tấm vé xổ số, và cố gắng lần cho ra manh mối của sự bí ẩn mới này.”
Ganimard không phải là một trong số các thám tử lừng danh mà phương pháp làm việc sẽ được viết thành sách giáo khoa, hay tên tuổi sẽ trở nên bất tử trong những ghi chép về lịch sử hình sự của nước Pháp. Ông ta không phải là một trong số các thiên tài, các nhân vật tiêu biểu của nghề nghiệp này như Dupin⦾, Lecoq⦾, hay Sherlock Holmes. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng ông ta sở hữu khả năng quan sát, sự thông minh, tính nhẫn nại, và thậm chí cả trực giác siêu việt. Ông ta xuất sắc nhờ phong cách độc lập hoàn toàn. Không có gì quấy rầy hay ảnh hưởng được đến ông ta, có lẽ trừ một kiểu ám ảnh đối với Arsène Lupin. Dẫu vậy chăng nữa, cái thế của ông ta sáng hôm đó, trong ngôi nhà của Nam tước d’Hautrec vừa chầu trời, chắc chắn và rõ ràng là một thể áp đảo. Đồng thời, ông thẩm phán điều tra cũng mong mỏi có được sự hợp tác của ông ta trong vụ án này.
“Đầu tiên…” Ganimard nói. “Tôi sẽ yêu cầu anh Charles cho biết hết
sức cụ thể về một điểm. Anh ta bảo rằng lần thứ nhất anh ta vào phòng, các món đồ đạc bị đổ nhào, nằm bừa bãi lộn xộn. Bây giờ, tôi hỏi phải chăng lần thứ hai anh ta vào phòng, anh ta thấy tất cả đã được đặt lại vị trí quen thuộc, đương nhiên, ý tôi là, chính xác các vị trí quen thuộc?”
“Vâng, tất cả đều được đặt lại đúng vị trí.” Charles đáp.
“Vậy, hiển nhiên, cái người đã sắp xếp lại các món đồ đạc phải là người thông thuộc vị trí của chúng.”
Logic của nhận xét này hoàn toàn rõ ràng đối với những thính giả của Ganimard. Ông ta tiếp tục: “Một câu hỏi nữa, anh Charles. Anh bị tiếng chuông đánh thức. Nào, theo anh, ai bấm chuông?”
“Đương nhiên là ngài Nam tước.”
“Ông ấy có thể bấm chuông lúc nào?”
“Sau cuộc vật lộn… lúc ngài ấy sắp chết.”
“Không thể, vì anh phát hiện ra ông ấy nằm bất tỉnh ở vị trí cách cái nút chuông hơn bốn mét.”
“Vậy hẳn là ngài ấy bấm chuông trong khi vật lộn.”
“Không thể.” Ganimard tuyên bố. “Vì tiếng chuông, như anh nói, kéo dài liên tục bảy hay tám giây. Anh nghĩ đối thủ của ông ấy để ông ấy bấm chuông một cách ung dung như thế sao?”
“Ồ, vậy thì, trước khi ngài ấy bị tấn công.”
“Cũng hoàn toàn không thể, vì anh nói với chúng tôi từ lúc chuông kêu tới lúc anh sang phòng ông Nam tước tối đa ba phút. Nếu ông Nam tước bấm chuông trước khi bị tấn công, chúng ta bắt buộc phải đi đến kết luận
rằng cuộc vật lộn, việc đoạt mạng và biến mất của kẻ sát nhân, tất cả chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi là ba phút. Tôi xin nhắc lại, điều đó là không thể nào.”
“Tuy nhiên, ai đó đã bấm chuông.” Ông thẩm phán phát biểu. “Nếu chẳng phải là ông Nam tước, thì là ai?”
“Là kẻ giết người.”
“Nhằm mục đích gì?”
“Tôi không biết. Nhưng việc hắn bấm chuông chứng tỏ hắn biết chuông được nối với phòng người hầu. Nào, ai có thể biết điều này, trừ phi là người cùng sống trong nhà?”
Ganimard đang thít những mắt lưới lại mỗi lúc một chặt hơn. Bằng vài câu logic, mạch lạc, ông ta đã hé lộ và từ từ đưa ra một cách rõ ràng giả thuyết về vụ án mạng, nên dường như hoàn toàn tự nhiên khi ông thẩm phán nói: “Ganimard, theo tôi hiểu, ông nghi ngờ cô Antoinette Bréhat.”
“Tôi không nghi ngờ cô ta, mà tôi buộc tội cô ta.”
“Ông buộc tội cô ta đồng lõa với thủ phạm?”
“Tôi buộc tội cô ta đã sát hại Nam tước d’Hautrec.”
“Vô lý! Ông có chứng cứ gì?”
“Nắm tóc tôi phát hiện được trong lòng bàn tay phải của nạn nhân.”
Ganimard đưa nắm tóc ra, nó có một màu vàng tuyệt đẹp, óng ánh như những sợi chỉ bằng vàng ròng. Charles nhìn và nói: “Đó là tóc của cô Antoinette. Không thể nào ngờ vực được. Và, thế thì, còn một vấn đề nữa. Tôi tin con dao mà tôi trông thấy lúc vào phòng lần thứ nhất là con dao của
cô ta. Cô ta vốn vẫn dùng nó để rọc sách.”
Sự im lặng kéo dài đầy đáng sợ bỗng bao trùm căn phòng, như thể tội ác đã thêm phần rùng rợn vì được ra tay bởi một phụ nữ. Cuối cùng, ông thẩm phán nói: “Cho tới lúc thu thập được thêm chứng cứ, chúng ta hãy tạm thời coi Antoinette Bréhat là thủ phạm giết chết ông Nam tước. Tuy nhiên, chúng ta phải biết cô ta đã lẩn trốn chỗ nào sau khi thực hiện tội ác, bằng cách nào cô ta có thể quay lại sau khi Charles rời khỏi ngôi nhà, và bằng cách nào cô ta có thể tẩu thoát sau khi cảnh sát tới? Anh đã có ý kiến gì về những điểm này chưa?”
“Chưa.”
“Chà, thế thì chúng ta đang đứng ở đâu đây?”
Ganimard ngượng ngùng. Rốt cuộc, với nỗ lực ai cũng nhìn thấy, ông ta nói: “Tất cả những gì tôi có thể phát biểu bây giờ là tôi thấy cách thức hành động trong vụ án này giống cách thức hành động chúng ta đã thấy trong vụ tấm vé xổ số 514. Các hiện tượng giống nhau, có thể gọi là cái tài đi mây về gió. Việc Antoinette Bréhat xuất hiện và biến mất trong ngôi nhà này cũng bí ẩn y như việc Arsène Lupin xuất hiện và biến mất trong ngôi nhà của ông Detinan cùng Tiểu thư Tóc vàng.”
“Điều đó có ý nghĩa gì không?”
“Đối với tôi là có. Tôi thấy hai vụ việc lạ lùng này có khả năng liên quan tới nhau. Xơ Auguste thuê Antoinette Bréhat mười hai ngày trước, hay nói chính xác hơn là một ngày sau khi Tiểu thư Tóc vàng khôn khéo thoát khỏi tay tôi. Thứ nữa, tóc của Tiểu thư Tóc vàng cũng có màu vàng rực rỡ y hệt món tóc được phát hiện ra trong vụ án này.”
“Như vậy, theo anh, Antoinette Bréhat…”
“Chính là Tiểu thư Tóc vàng.”
“Và Lupin đã nhúng tay vào cả hai vụ.”
“Vâng, đó là quan điểm của tôi.”
Lời tuyên bố này được chào đón bằng một tràng cười. Từ Dudouis.
“Lupin! Lúc nào cũng Lupin! Mọi chuyện đều có Lupin dính líu vào! Khắp nơi đều xuất hiện Lupin!”
“Phải, mọi chuyện hệ trọng đều có Lupin dính líu vào.” Ganimard đáp lời, phật ý trước sự cười cợt của cấp trên.
“Chà, cho tới lúc này, tôi thấy anh chưa phát hiện được động cơ của vụ án.” Dudouis nhận xét. “Ngăn kéo chiếc bàn viết không bị cạy, chiếc ví không bị lấy mất. Thậm chí, một đống vàng còn nguyên trên bàn.”
“Vâng, chính thế.” Ganimard thốt lên. “Nhưng còn viên kim cương trứ danh!”
“Viên kim cương nào?”
“Viên kim cương xanh! Viên kim cương nổi tiếng gắn trên vương miện của hoàng gia Pháp, được Công tước Aumale tặng cho Leonide Lebrun, và khi Leonide Lebrun qua đời, được Nam tước d’Hautrec mua như là một kỷ vật về nữ diễn viên duyên dáng yêu kiều mà ông ấy từng yêu mê đắm. Đó
là một trong những câu chuyện mà một người Paris cỡ tuổi tôi không bao giờ quên.”
“Rõ ràng nếu viên kim cương xanh không được tìm thấy, động cơ của vụ án đã được phơi bày.” Ông thẩm phán nói. “Nhưng chúng ta phải tìm
kiếm nó ở đâu?”
“Trên ngón tay ngài Nam tước.” Charles đáp. “Ngài ấy lúc nào cũng đeo viên kim cương xanh bên tay trái.”
“Tôi đã quan sát bàn tay ấy, chỉ có một chiếc nhẫn bằng vàng trơn.” Ganimard nói, sau khi đến gần cái xác.
“Hãy tìm trong lòng bàn tay xem.” Người đầy tớ nói.
Ganimard mở bàn tay nắm cứng đờ. Chiếc niềng gắn đá xoay vào bên trong, và, ở giữa chiếc niềng, viên kim cương xanh lấp lánh sáng với tất cả sự lộng lẫy của nó.
“Quỷ tha ma bắt!” Ganimard lẩm bẩm, kinh ngạc tột độ. “Tôi không hiểu nổi.”
“Bây giờ anh sẽ xin lỗi Lupin vì đã nghi ngờ hắn chứ?”
Dudouis cười to.
TGanimard dừng lại nghĩ ngợi một lát, rồi nói ngắn gọn: “Chỉ khi nào tôi không hiểu nổi những điều khiến tôi nghi ngờ Lupin.”
Đó là những sự việc được cảnh sát xác minh một ngày sau khi tội ác bí ẩn xảy ra. Không có phát hiện tiếp theo nào giải thích cho những sự việc mơ hồ và rời rạc ấy. Hành tung của Antoinette Bréhat vẫn chẳng tài nào giải thích nổi, y như hành tung của Tiểu thư Tóc vàng. Cảnh sát không phát hiện ra dấu vết gì của con người bí ẩn với mái tóc vàng đã sát hại Nam tước d’Hautrec nhưng không đoạt được từ ngón tay ông ta viên kim cương từng tỏa sáng trên vương miện của hoàng gia Pháp.
Những người thừa kế của Nam tước d’Hautrec không bỏ qua cơ hội kiếm chác từ vụ việc đang khiến cho dư luận bàn tán xôn xao như thế. Họ tổ chức trưng bày trong ngôi nhà những thứ sẽ được đưa ra bán đấu giá tại các phòng bán đấu giá của Công ty Drouot. Những món đồ gỗ với gu thẩm mỹ bình thường, những vật dụng chẳng có giá trị nghệ thuật gì cả… nhưng chính giữa căn phòng, trong chiếc hộp bọc nhung tím, được bảo vệ bằng một quả cầu kính, có hai sĩ quan cảnh sát gác liên tục, là chiếc nhẫn gắn viên kim cương xanh danh tiếng lẫy lừng.
Viên kim cương lớn tuyệt diệu, độ tinh khiết không một viên kim cương nào bì kịp, xanh thăm thẳm tựa làn nước trong vắt dưới bầu trời không một gợn mây. Có người ngắm nghía mê say, có người trầm trồ tán tụng… và có người khiếp sợ nhìn căn phòng của nạn nhân, nhìn vị trí cái xác đã nằm, nhìn sàn nhà đã được lột đi tấm thảm vương máu, và đặc biệt là những bức tường, những bức tường tưởng không tài nào vượt qua được, thế mà kẻ tội phạm đã vượt qua. Một số người tự kiểm tra để chắc chắn rằng mặt lò sưởi ốp đá cẩm thạch không xê dịch được, một số người khác thì hình dung đến những cái hố sâu toang hoác, những cái cửa đường hầm, những lối bí mật thông với hệ thống cống, và các hầm mộ.
Việc bán đấu giá viên kim cương xanh diễn ra tại phòng bán đấu giá của Công ty Drouot. Căn phòng đông đến nghẹt thở và người ta trả giá gần như điên rồ. Tham dự cuộc bán đấu giá là tất cả những nhân vật thường xuyên tham dự những sự kiện tương tự ở Paris, người thì mua, người thì
giả vờ như có khả năng mua, các chủ ngân hàng, các tay môi giới chứng khoán, phụ nữ thuộc đủ mọi tầng lớp, hai ông bộ trưởng, một ca sĩ giọng nam cao người Ý, một ông hoàng lưu vong – ông này, cốt để giữ gìn danh tiếng, hét oang oang với vẻ cực kỳ phô trương, trả một trăm ngàn franc. Một trăm ngàn franc! Ông ta có thể đưa ra giá đó mà không sợ bị người điều hành chấp nhận. Ca sĩ giọng nam cao người Ý đánh liều trả một trăm năm mươi ngàn, và một thành viên Nhà hát Quốc gia Pháp trả một trăm bảy mươi lăm ngàn franc.
Khi mức giá lên đến hai trăm ngàn franc, các đối thủ nhẹ ký hơn bật bãi. Khi mức giá lên đến hai trăm năm mươi ngàn, chỉ còn lại hai đối thủ trên sân: Herschmann – nhà tư bản nhiều tiếng tăm, ông vua của các mỏ vàng, và nữ Bá tước Crozon – một người Mỹ giàu có, sở hữu bộ sưu tập kim cương, đá quý đình đám thế giới.
“Hai trăm sáu mươi ngàn… hai trăm bảy mươi ngàn… bảy mươi lăm… tám mươi…” Người điều hành hô to, trong khi liên tục đảo mắt nhìn từ đối thủ nọ sang đối thủ kia. “Quý bà đây trả hai trăm tám mươi ngàn… Có vị nào trả cao hơn không?”
“Ba trăm ngàn.” Herschmann nói.
Một quãng im lặng ngắn ngủi. Nữ Bá tước đứng yên mỉm cười, nhưng mặt tái đi trong trạng thái bị kích động. Bà ta tì người vào lưng chiếc ghế phía trước. Bà ta biết, và tất thảy mọi người ở đây đều biết, kết quả của cuộc đấu tay đôi đã chắc chắn rồi. Một cách hợp lý, tất yếu, nó phải kết thúc với lợi thế thuộc về nhà tư bản, người nắm trong tay không biết bao nhiêu triệu franc để mà chiều chuộng những sở thích thất thường của mình. Tuy nhiên, nữ Bá tước vẫn trả giá một lần nữa: “Ba trăm lẻ năm ngàn.”
Lại một quãng im lặng. Mọi cặp mắt hướng vào nhà tư bản, chờ đợi ông ta nâng mức giá lên. Nhưng Herschmann đang không chú ý gì đến cuộc mua bán. Ông ta đang đăm đăm nhìn một tờ giấy cầm trên tay phải, còn tay trái cầm một chiếc phong bì đã xé.
“Ba trăm lẻ năm ngàn.” Người điều hành nhắc lại. “Lần thứ nhất!… Lần thứ hai!… Lần cuối cùng… Có vị nào trả giá cao hơn không?… Lần thứ nhất!… Lần thứ hai!… Có vị nào trả giá cao hơn không? Cơ hội cuối cùng!…”
Herschmann không động đậy.
“Lần thứ ba và là lần cuối cùng… Chốt giá!” Người điều hành hô to, đồng thời gõ búa xuống.
“Bốn trăm ngàn.” Herschmann giật nẩy mình kêu lên, như thể tiếng búa đã đánh thức ông ta khỏi trạng thái ngơ ngẩn.
Quá muộn mất rồi, người điều hành không thể thay đổi quyết định. Một số người quen của Herschmann xúm xung quanh ông ta. Có chuyện gì thế? Tại sao ông ta chẳng lên tiếng sớm hơn? Ông ta bật cười, nói: “Mẹ kiếp! Chỉ là tôi bị một khoảnh khắc mất tập trung.”
“Thế thì lạ lùng quá.”
“Ông thấy đấy, tôi vừa nhận được bức thư này.”
“Và bức thư đó đủ để…”
“Tôi mất tập trung! Phải, trong một khoảnh khắc.”
Ganimard có mặt ở đó. Ông ta tới chứng kiến việc bán đấu giá chiếc nhẫn. Ông ta chặn một người trong phòng bán đấu giá lại, hỏi: “Anh
chuyển bức thư kia cho ông Herschmann phải không?”
“Vâng.”
“Ai đưa nó cho anh?”
“Một phụ nữ.”
“Cô ta đâu?”
“Cô ta đâu ấy à?… Lúc nãy cô ta ngồi dưới kia kìa… người phụ nữ đeo tấm mạng dày.”
“Cô ta đi rồi ư?”
“Vâng, vừa đi xong.”
Ganimard vội vã ra cửa, trông thấy người phụ nữ đang xuống cầu thang. Ông ta cuống cuồng đuổi theo. Nhưng ông ta bị vướng đám đông ở lối vào tòa nhà. Khi ông ta ra được đến vỉa hè, người phụ nữ đã biến mất. Ông ta quay lại phòng bán đấu giá, xáp lại gần Herschmann, tự giới thiệu mình và đặt câu hỏi về bức thư. Herschmann trao bức thư cho ông ta. Chỉ có vài dòng nguệch ngoạc bằng bút chì, nét chữ xa lạ đối với nhà tư bản:
Viên kim cương xanh luôn luôn đem đến nỗi bất hạnh. Hãy nhớ tới Nam tước d’Hautrec.
Tuy nhiên, những thăng trầm của viên kim cương xanh chưa kết thúc. Mặc dù nó đã trở nên nổi tiếng qua cái chết của Nam tước d’Hautrec và các tình tiết diễn ra ở phòng bán đấu giá, nửa năm sau nó thậm chí còn nổi tiếng hơn nữa. Trong mùa hè tiếp theo đó, nữ Bá tước Crozon bị cướp mất viên kim cương danh tiếng mà bà ta đã phải rất khó khăn mới có được.
Hãy để tôi thuật lại vụ việc ấy, vụ việc với các tình tiết ly kỳ và đầy kịch tính đã khiến tất cả chúng ta rùng mình hồi hộp, mà giờ đây tôi được phép vén bức màn bí mật lên phần nào.
Buổi tối ngày mùng Mười tháng Tám, khách khứa của ông bà Bá tước Crozon tập trung trong phòng khách tòa lâu đài nguy nga trông xuống vịnh Somme. Để khách khứa được tiêu khiển, bà Bá tước tự mình ngồi chơi piano. Trước đó, bà ta tháo tất cả các món trang sức ra, đặt lên chiếc bàn nhỏ kê gần đàn. Trong số các món trang sức có chiếc nhẫn vốn của Nam tước d’Hautrec.
Một tiếng đồng hồ sau, ông Bá tước cùng hầu hết khách khứa rút lui, trong số đó có hai người em họ của ông ta và phu nhân de Réal, bạn thân của bà Bá tước. Bà Bá tước vẫn còn ở lại cùng ông Bleichen – lãnh sự Áo – và vợ ông này.
Họ trò chuyện một lát. Rồi bà Bá tước tắt ngọn đèn lớn đặt trên chiếc bàn kê giữa phòng. Cũng đúng lúc ấy, ông Bleichen tắt hai ngọn đèn đặt trên đàn piano. Bóng tối tạm thời bao phủ. Rồi viên lãnh sự thắp nến lên, và ba người đi về phòng mình. Nhưng, ngay sau khi về đến phòng mình, bà Bá tước nhớ ra các món trang sức, liền sai cô hầu gái đi lấy. Cô hầu gái đem các món trang sức về, đặt lên trên bệ lò sưởi. Tuy nhiên, bà Bá tước không xem xét gì. Ngày hôm sau, bà ta phát hiện ra một chiếc nhẫn đã bị mất, đó là chiếc nhẫn gắn viên kim cương xanh.
Bà ta thông báo với chồng, và, sau khi bàn bạc kĩ lưỡng, họ đi đến kết luận rằng chẳng thể nghi cho cô hầu gái được, mà kẻ phạm tội ắt phải là Bleichen.
Ông Bá tước thông báo với sĩ quan phụ trách đồn cảnh sát tỉnh lỵ
Amiens. Cảnh sát bắt đầu mở một cuộc điều tra và kín đáo giám sát chặt chẽ viên lãnh sự Áo, đề phòng ông ta tẩu tán chiếc nhẫn.
Các thám tử giám sát xung quanh tòa lâu đài cả ngày lẫn đêm. Hai tuần trôi qua chẳng có diễn biến gì. Rồi ông Bleichen thông báo ý định ra về. Ngày hôm đó, đơn kiện ông ta chính thức được đệ trình. Cảnh sát chính thức khám xét hành lý của ông ta. Trong chiếc cặp nhỏ mà chìa khóa cặp đích thân viên lãnh sự luôn luôn đem bên mình, người ta tìm thấy một chai thuốc đánh răng, và trong chai, người ta tìm thấy chiếc nhẫn.
Bà Bleichen ngất xỉu. Còn chồng bà ta bị bắt giữ.
Tất cả mọi người sẽ không quên những lời bào chữa của người đàn ông bị buộc tội. Ông ta tuyên bố chiếc nhẫn ắt hẳn đã bị Bá tước Crozon bỏ vào đó để trả thù. Ông ta nói: “Ông Bá tước là kẻ cục súc, khiến cho vợ ông ta rất đỗi bất hạnh. Bà ấy đã tham vấn ý kiến tôi, và tôi khuyên bà ấy hãy ly dị. Bằng cách nào đó, ông Bá tước nghe được chuyện này, và để trả thù, ông ta đã lấy chiếc nhẫn bỏ vào cặp của tôi.”
Vợ chồng ông Bá tước khăng khăng buộc tội ông Bleichen. Những gì họ trình bày, những gì viên lãnh sự trình bày, tất cả nghe đều hợp lý và có khả năng xảy ra như nhau, công chúng phải tự lựa chọn. Người ta không phát hiện được thông tin mới nào khiến cán cân nghiêng đi. Một tháng với bao nhiêu những đồn thổi, phỏng đoán, điều tra, mà chẳng đem lại một tia sáng nào cả.
Mệt mỏi vì căng thẳng và tai tiếng, lại không thể tìm ra những chứng cứ cần thiết để duy trì sự buộc tội đối với viên lãnh sự, vợ chồng ông Bá tước rốt cuộc phải đi Paris mời một thám tử có khả năng tháo gỡ vụ việc bí ẩn đang rối như mớ bòng bong này. Do đó Ganimard xuất hiện.
Trong bốn ngày, viên thám tử kỳ cựu lục soát ngôi nhà từ tầng trên xuống đến tầng dưới, xem xét từng centimet đất, có các cuộc trao đổi dài với cô hầu gái, người lái xe, toán thợ làm vườn, những nhân viên bưu điện quanh vùng, kiểm tra những căn phòng khách khứa từng ở. Rồi, một buổi sáng, ông ta biến mất mà chẳng cáo từ vợ chồng chủ nhà. Nhưng sau đấy một tuần, họ nhận được bức điện với nội dung:
Xin ông bà hãy đến phòng trà Nhật Bản, đường Boissy d’Anglas, ngày mai, thứ Sáu, lúc năm giờ chiều.
GANIMARD
Năm giờ chiều thứ Sáu, chiếc xe hơi của họ dừng trước số 9 đường Boissy d’Anglas. Viên thám tử già đang đứng chờ trên vỉa hè. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta đưa họ lên tầng hai của phòng trà Nhật Bản. Tại một căn phòng, họ gặp hai người đàn ông mà Ganimard giới thiệu như sau:
“Đây là ông Gerbois, giảng viên trường Cao đẳng Versailles, ông bà sẽ nhớ ra vụ việc ông ấy bị Arsène Lupin lấy mất nửa triệu. Ông Léonce d’Hautrec, cháu trai, người thừa kế duy nhất của Nam tước d’Hautrec.”
Máy phút sau, một người nữa tới. Đó là Dudouis, Trưởng ban Thám tử, và ông ta có vẻ như đang hết sức bực bội. Ông ta cúi chào, rồi nói: “Nào,
lại rắc rối gì, Ganimard? Tôi nhận được lời nhắn qua điện thoại của anh đề nghị tôi tới đây. Có chuyện hệ trọng sao?”
“Vâng, thưa sếp, rất hệ trọng. Trong vòng một tiếng đồng hồ nữa, hai vụ án gần đây nhất mà tôi chịu trách nhiệm giải quyết sẽ kết thúc tại đây. Đối với tôi, xem ra là không thể thiếu sự hiện diện của sếp được.”
“Cả Dieuzy và Folenfant nữa à? Lúc nãy vào, tôi để ý thấy bọn họ đang đứng loanh quanh gần cửa.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Để làm gì? Anh chuẩn bị tiến hành một cuộc bắt giữ à, và anh muốn trống giong cờ mở làm việc đó? Nào, Ganimard, tôi nóng lòng được nghe anh trình bày đây.”
Ganimard lưỡng lự một chút, rồi nói với mục đích rõ ràng là để gây ấn tượng cho đám thính giả của mình: “Đầu tiên, tôi muốn tuyên bố rằng ông Bleichen không liên quan gì tới việc kẻ nào đó đã đánh cắp chiếc nhẫn.”
“Ồ! Ồ!” Dudouis thốt lên. “Đây là một tuyên bố táo bạo và là một tuyên bố hết sức nghiêm trọng.”
“Và ông chỉ khám phá ra có thế thôi?” Bá tước Crozon hỏi.
“Hoàn toàn chẳng phải là chỉ có thế. Ngày thứ hai sau vụ trộm, ba trong số những người khách của ông đã đi bằng xe hơi tới tận Crécy. Hai người trong số bọn họ đến tham quan bãi chiến trường nổi tiếng, người thứ ba vội vã ghé bưu điện, gửi đi một chiếc hộp nhỏ có cột dây và gắn xi theo như quy định, với giá trị được khai là một trăm franc.”
“Tôi không thấy điều gì lạ lùng cả.” Ông Bá tước nói.
“Ông có lẽ sẽ thấy lạ lùng khi tôi bảo để ông biết rằng người thứ ba này, thay vì dùng tên thật của cô ta, đã gửi chiếc hộp đi dưới cái tên Rousseau, và người nhận, một ông Beloux nào đó ở Paris, đã ngay lập tức thay đổi nơi cư trú sau khi nhận được chiếc hộp, hay nói cách khác, sau khi nhận được chiếc nhẫn.”
“Tôi cho là ông ám chỉ một trong hai người em họ tôi, d’Andelle.” “Không. Ganimard đáp.
“Thế thì, phu nhân de Réal chăng?”
“Phải.”
“Ông buộc tội bạn tôi, phu nhân de Réal?” Bà Bá tước kêu lên, sửng sốt, bàng hoàng.
“Thưa bà, tôi muốn được hỏi bà một câu.” Ganimard nói. “Phu nhân de Réal có mặt khi bà mua chiếc nhẫn không?”
“Có, có điều chúng tôi không đi với nhau.”
“Cô ta có khuyên bà mua chiếc nhẫn không?”
Bà Bá tước nghĩ ngợi một lát, rồi nói: “Phải, cô ấy là người đề cập tới trước…”
“Thưa bà, cảm ơn bà. Câu trả lời của bà đã xác nhận thực tế phu nhân de Réal là người đề cập tới chiếc nhẫn trước, và là người khuyên bà mua.”
“Nhưng, theo tôi đánh giá, bạn tôi hoàn toàn không thể… có khả năng mua.”
“Xin lỗi, thưa bà Bá tước, tôi xin phép nhắc nhở bà rằng, theo thông tin báo chí đăng tải, phu nhân de Réal chỉ là một người quen sơ sơ chứ chẳng
phải một người bạn thân thiết của bà. Mùa đông năm ngoái bà mới gặp cô ta lần đầu tiên. Bây giờ, tôi có thể chứng minh mọi điều cô ta nói với bà về bản thân cô ta, về cuộc sống đã qua, về họ hàng này kia, đều hoàn toàn là giả dối. Phu nhân Blanche de Réal thực tế không tồn tại trước khi gặp bà và giờ đây cũng không còn tồn tại nữa.”
“Ôi chao!”
“Ôi chao?” Ganimard đáp lại.
“Câu chuyện của ông là câu chuyện rất lạ lùng.” Bà Bá tước nói. “Nhưng nó chẳng gắn kết với vụ việc của chúng tôi. Nếu phu nhân de Réal là người đánh cắp chiếc nhẫn, ông giải thích thế nào cái thực tế nó được tìm thấy trong chai thuốc đánh răng của ông Bleichen? Bất cứ kẻ nào đã hao tâm tổn trí liều lĩnh đánh cắp viên kim cương xanh chắc chắn sẽ giữ nó. Ông nói gì về việc đó?”
“Không phải tôi mà là phu nhân de Réal sẽ trả lời câu hỏi này.” “Ô! Thế thì cô ấy có tồn tại đấy chứ!”
“Cô ta vừa có vừa không tồn tại. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn. Ba ngày trước, trong khi đọc báo, tôi liếc sơ qua danh sách khách tới nghỉ ở các khách sạn vùng Trouville, và tôi đọc được dòng chữ: Khách sạn Beaurivage, phu nhân de Réal… Tôi ngay lập tức đi Trouville, phỏng vấn người chủ khách sạn. Từ lời mô tả và những thông tin khác mà người chủ khách sạn cung cấp, tôi kết luận rằng cô ta đích thị là phu nhân de Réal tôi đang tìm kiếm. Nhưng cô ta đã rời khỏi đấy rồi, cô ta khai địa chỉ ở Paris là số 3 đường Colisée. Hôm kia, tôi đến địa chỉ đó, được biết không có người nào là phu nhân de Réal, nhưng có một người là cô Réal, sống trên tầng ba, làm nghề môi giới kim cương, thường xuyên đi vắng. Cô ta vừa
về đêm hôm trước. Hôm qua, tôi gọi điện cho cô ta, và, bằng tên giả, tôi đề nghị cô ta làm trung gian bán kim cương cho mấy người bạn giàu có của tôi. Cô ta sẽ đến đây gặp tôi hôm nay.”
“Cái gì? Ông nghĩ cô ta sẽ đến?”
“Vâng, lúc năm rưỡi.”
“Ông chắc chắn đó là cô ta chứ?”
“Phu nhân de Réal đã có mặt tại lâu đài Crozon ấy à? Đương nhiên. Tôi nắm trong tay những chứng cứ đầy thuyết phục. Nhưng, yên nào! Tôi nghe thấy tín hiệu của Folenfant.”
Có tiếng huýt sáo. Ganimard vội vã đứng dậy.
“Hành động thôi nào. Ông bà Crozon, làm ơn sang phòng bên cạnh. Cả ông, ông d’Hautrec và ông, ông Gerbois. Cửa thông phòng sẽ vẫn mở, khi tôi đánh tín hiệu, các vị hãy bước ra. Còn sếp, sếp tất nhiên sẽ ở lại ngoài này.”
“Chúng ta có thể bị những khách khác quấy rầy.” Dudouis nói.
“Không. Phòng trà này mới mở, và chủ phòng trà là bạn tôi. Ông ấy sẽ không để cho ai quấy rầy chúng ta, trừ Tiểu thư Tóc vàng.”
“Tiểu thư Tóc vàng! Ý anh là gì?”
“Phải, chính Tiểu thư Tóc vàng, thưa sếp, vừa là bạn vừa là tòng phạm của Arsène Lupin, Tiểu thư Tóc vàng bí ẩn mà tôi đang nắm trong tay những chứng cứ thuyết phục, nhưng, thêm vào đó, tôi muốn cô ta phải đối chất với tất cả những người đã bị cô ta ăn cướp.”
Ganimard nhìn ra qua cửa sổ.
“Tôi trông thấy cô ta rồi. Bây giờ cô ta đang đi qua cửa. Cô ta sẽ không tẩu thoát được, Folenfant và Dieuzy đang gác ngoài cửa… Thưa sếp, rốt cuộc thì Tiểu thư Tóc vàng sẽ bị bắt!”
Lát sau, một phụ nữ xuất hiện ở trên ngưỡng cửa. Cô ta cao dong dỏng, da trắng nõn nà, tóc vàng óng ả. Ganimard run lên phấn khích. Ông ta chẳng thể nhúc nhích, cũng chẳng thất được lời nào. Cô ta kia, trước mặt ông ta, tùy thuộc ông ta định đoạt! Một chiến thắng mới ngoạn mục làm sao! Một sự trả thù mới xứng đáng làm sao! Đồng thời, chiến thắng đó cũng dễ dàng tới mức ông ta tự hỏi liệu Tiểu thư Tóc vàng có lại tuột khỏi những ngón tay ông ta bằng một trong các phép màu vốn vẫn thường xuyên xuất hiện để kết thúc mỗi kỳ tích táo bạo của Arsène Lupin? Cô ta chưa bước ra xa khỏi cửa, ngạc nhiên vì chẳng ai nói gì. Cô ta đưa mắt nhìn xung quanh, không hề tỏ vẻ nghi ngờ hay e sợ.
“Cô ta sẽ trốn thoát này! Cô ta sẽ biến mất này!” Ganimard nghĩ.
Rồi ông ta cố gắng đứng được vào giữa cô ta và cửa. Cô ta quay người bỏ đi.
“Không, không!” Ganimard nói. “Tại sao cô bỏ đi?”
“Thưa ông, tôi thực sự không hiểu thế này nghĩa là thế nào. Tôi xin phép.”
“Thưa cô, không có lý do gì khiến cô phải bỏ đi, và có những lý do rất xác đáng để cô phải ở lại.”
“Nhưng…”
“Vô ích thôi, thưa cô. Cô không đi được.”
Cô ta run rẩy ngồi xuống chiếc ghế dựa, lắp bắp: “Ông muốn gì?”
Ganimard đã thắng trận và bắt được Tiểu thư Tóc vàng. Ông ta nói: “Tôi xin phép giới thiệu người bạn lúc trước tôi nhắc tới, người có ý muốn mua vài viên kim cương. Cô có đem đến số kim cương cô hẹn đem…”
“Không… không, tôi không biết. Tôi không nhớ gì.”
“Nào! Cô xốc lại trí nhớ đi! Một người quen của cô có ý định gửi cho cô một viên đá màu… Một viên đá giống viên kim cương xanh. Tôi vừa cười to vừa nói. Và cô đáp: Chính xác, tôi hy vọng nhận được đúng thứ ông muốn. Cô nhớ chứ?”
Cô ta không trả lời. Chiếc túi nhỏ cô ta đang cầm rơi xuống đất. Cô ta hấp tấp nhặt lên, giữ chặt lấy nó. Hai bàn tay cô ta run run.
“Nào!” Ganimard nói. “Tôi thấy là cô không tin tưởng chúng tôi, phu nhân de Réal. Tôi sẽ làm gương trước, bằng cách cho cô xem tôi có gì.”
Ganimard lấy từ ví của ông ta ra một gói giấy, mở gói giấy, để lộ một món tóc.
“Đây là món tóc bị Nam tước d’Hautrec giật khỏi đầu Antoinette Bréhat, mà tôi đã phát hiện được trong bàn tay nắm chặt của cái xác. Tôi đã đưa nó cho cô Gerbois xem, cô ấy khẳng định màu của nó giống hệt màu tóc của Tiểu thư Tóc vàng. Hơn nữa, màu của nó giống hệt màu tóc của cô.”
Cô Réal hoang mang nhìn Ganimard, như thể không hiểu nổi ông ta đang muốn nói gì. Ông ta tiếp tục: “Và đây là hai lọ nước hoa, tuy chẳng còn nhãn cũng như chẳng còn tí nước hoa nào, nhưng hương thơm trong lọ vẫn đủ để cô Gerbois nhận ra đó là loại nước hoa Tiểu thư Tóc vàng, bạn đồng hành của cô ấy trong hai tuần lễ, đã dùng. Một trong hai cái lọ này
được tìm thấy trong căn phòng dành cho phu nhân de Réal tại lâu đài Crozon, lọ kia được tìm thấy trong căn phòng cô lưu lại tại khách sạn Beaurivage.”
“Ông bảo sao cơ ạ?… Tiểu thư Tóc vàng… lâu đài Crozon…”
Viên thám tử không trả lời. Ông ta lấy từ túi áo khoác ra và đặt lên trên bàn bốn tờ giấy nhỏ, tờ nọ cạnh tờ kia.
“Tôi có ở đây, trên bốn tờ giấy này, các mẫu chữ viết tay khác nhau. Thứ nhất là chữ viết tay của Antoinette Bréhat. Thứ hai là chữ của người phụ nữ đã gửi lời nhắn cho ông Herschmann tại buổi bán đấu giá viên kim cương xanh. Thứ ba là chữ của phu nhân de Réal, viết trong khi lưu lại tại lâu đài Crozon. Thứ tư là chữ của cô, thưa cô… ghi tên và địa chỉ của cô, mà cô đưa cho người phu khuân vác ở khách sạn Beaurivage. Bây giờ, hãy so sánh bốn mẫu chữ viết tay này. Chúng giống hệt nhau.”
“Chuyện vô lý gì vậy? Thưa ông, tôi thực sự không hiểu. Thể này nghĩa là thế nào ạ?”
“Thưa cô!” Ganimard thốt lên. “Nó có nghĩa là Tiểu thư Tóc vàng, người vừa là bạn vừa là tòng phạm của Arsène Lupin, chẳng phải ai khác ngoài cô, cô Réal ạ.”
Ganimard sang căn phòng bên cạnh và trở lại cùng ông Gerbois. Ông ta đưa ông Gerbois tới trước mặt cô Réal, nói: “Ông Gerbois, đây có phải người phụ nữ đã bắt cóc con gái ông, người phụ nữ ông đã gặp tại nhà ông Detinan không?”
“Không.”
Ganimard ngạc nhiên tới mức mất một lúc không thốt được lời nào.
Rốt cuộc, ông ta nói: “Không ư? Ông nhầm rồi.”
“Tôi không nhầm. Cô đây tóc vàng, đúng thế, và về mặt đó thì giống với Tiểu thư Tóc vàng, nhưng về tất cả các mặt khác thì cô ấy hoàn toàn chẳng giống.”
“Tôi chẳng tài nào mà tin được. Ông hẳn nhầm rồi.” Ganimard mời các nhân chứng khác ra.
“Ông d’Hautrec.” Ông ta nói. “Ông có nhận ra Antoinette Bréhat không?”
“Không, người này không phải người tôi đã gặp ở nhà bác tôi.”
“Người phụ nữ này không phải phu nhân de Réal.” Bá tước Crozon khẳng định.
Đó là phép thử cuối cùng. Ganimard bị đè bẹp, bị chôn vùi trong chính đống đổ nát của cái công trình mà ông ta đã dựng lên với biết bao nhiêu chắc chắn và cẩn trọng. Sự kiêu hãnh ở ông ta bị hạ nhục, tinh thần ông ta suy sụp, bởi sức mạnh của cú đấm bất ngờ này.
Dudouis đứng dậy, nói: “Thưa cô, chúng tôi xin lỗi cô vì sự nhầm lẫn đáng tiếc. Nhưng, kể từ lúc cô đến đây, tôi để ý thấy rằng cô ở trong tâm trạng bối rối, căng thẳng. Có chuyện gì đó làm cô lo lắng, liệu tôi có thể hỏi là chuyện gì không?”
“Trời ơi, thưa ông, tôi sợ. Tôi đem theo trong chiếc túi này số kim cương trị giá một trăm ngàn franc, mà cung cách của người bạn ông khá đáng ngờ.”
“Nhưng cô thường xuyên đi vắng khỏi Paris. Cô giải thích việc đó ra sao?”
“Tôi thường xuyên đến các thành phố khác vì chuyện làm ăn buôn bán. Vậy thôi.”
Dudouis chẳng còn gì để hỏi nữa. Ông ta quay sang thuộc cấp, nói: “Ganimard, việc điều tra của anh rất thiển cận, và cách anh đối xử với cô đây thực sự đáng trách. Ngày mai, anh hãy tới văn phòng tôi giải thích nhé.”
Cuộc thẩm vấn kết thúc, Dudouis đang chuẩn bị rời khỏi phòng thì một tình huống rất đáng khó chịu xảy ra.
Cô Réal quay sang Ganimard, nói: “Theo tôi hiểu, ông là ông Ganimard. Có đúng không ạ?”
“Vâng.”
“Thế thì, bức thư này ắt hẳn gửi cho ông. Sáng hôm nay tôi nhận được nó. Phong bì đề Gửi ông Justin Ganimard, nhờ cô Réal chuyển giúp. Tôi đã nghĩ nó là một trò đùa, vì tôi không biết ông mang tên đó, nhưng có vẻ người viết thư ẩn danh biết cuộc gặp gỡ giữa chúng ta.”
Ganimard có ý muốn nhét bức thư vào túi áo, chưa đọc vội. Tuy nhiên, ông ta chẳng dám làm vậy trước sự hiện diện của cấp trên. Nên ông ta đành mở phong bì, lấy bức thư ra đọc thành tiếng, nhưng giọng lí nhí gần như không nghe được:
Ngày xửa ngày xưa, có một Tiểu thư Tóc vàng, một Lupin và một Ganimard. Lúc bấy giờ, Ganimard xấu xa luôn luôn có các ý đồ
độc ác đối với Tiểu thư Tóc vàng, còn Lupin tốt bụng là bạn và là người che chở, bảo vệ hàng. Khi Lupin tốt bụng ước mong nàng
trở thành bạn của nữ Bá tước Crozon, chàng khoác cái tên phu nhân
de Réal lên nàng, nghe gần giống tên một phụ nữ làm nghề môi
giới kim cương, một phụ nữ cũng da trắng tóc vàng. Và Lupin tốt bụng tự nhủ: Nếu Ganimard xấu xa có lần theo được dấu vết Tiểu thư Tóc vàng, sẽ hữu ích nếu lão bị hướng sang người phụ nữ làm
nghề môi giới kim cương lương thiện kia. Sự đề phòng khôn ngoan đã mang lại kết quả như mong đợi. Vài dòng ngắn ngủi gửi tới tờ báo Ganimard xấu xa hay đọc, lọ nước hoa được Tiểu thư Tóc vàng đích thực cố ý bỏ quên trong khách sạn Beauricage, tên và địa chỉ của cô Réal được Tiểu thư Tóc vàng đích thực ghi vào sổ của khách sạn, những lá bài được ném xuống. Ganimard, lão nghĩ gì về các chi tiết ấy? Ta muốn nói với lão chân tướng của vụ việc, biết rằng lão sẽ là người đầu tiên phá ra cười. Thực tế, nó hết sức buồn cười, mà ta đã cảm thấy rất thích thú.
Bạn thân mến, hãy nhận lấy lời chúc tốt đẹp nhất của ta, và cho ta gửi lời chào trân trọng tới ngài Dudouis đáng kính.
ARSÈNE LUPIN
“Hắn luôn luôn biết tất cả.” Ganimard lầm bầm, có điều ông ta không thấy buồn cười như Lupin dự đoán. “Hắn thậm chí biết những điều tôi chưa bao giờ nói với ai. Bằng cách nào mà hắn biết tôi sẽ mời sếp đến đây, hả sếp? Bằng cách nào mà hắn biết tôi đã phát hiện ra lọ nước hoa thứ nhất? Bằng cách nào mà hắn tìm hiểu được những thông tin kia?”
Ganimard giậm chân, vò đầu bứt tóc trong nỗi thất vọng tràn trề. Dudouis cảm thấy tội nghiệp cho ông ta, nói: “Thôi, Ganimard, không hề gì. Lần sau hãy cố gắng làm tốt hơn.”
Rồi Dudouis cùng cô Réal rời khỏi phòng.
Trong vòng mười phút tiếp theo, Ganimard đọc đi đọc lại bức thư của Arsène Lupin. Vợ chồng Bá tước Crozon, ông d’Hautrec và ông Gerbois thì sôi nổi bàn bạc ở một góc. Cuối cùng, ông Bá tước tiến đến chỗ viên thám tử, nói: “Thưa ông kính mến, sau cuộc điều tra của ông, chúng ta vẫn chưa tiến đến gần sự thật hơn lúc trước.”
“Xin lỗi, nhưng cuộc điều tra của tôi đã xác minh những điều sau: Tiểu thư Tóc vàng là nhân vật nữ chính bí ẩn trong các vụ việc này, và Arsène Lupin là kẻ đạo diễn.”
“Những thực tế đó chẳng làm sáng tỏ được gì. Thực tế, chúng khiến tình hình còn trở nên mù mịt hơn. Tiểu thư Tóc vàng giết người nhằm đoạt lấy viên kim cương xanh, tuy nhiên cô ta lại chưa đoạt lấy nó. Tiếp theo, cô ta đánh cắp nó, rồi lại từ bỏ nó bằng cách bí mật đưa cho một đối tượng khác. Ông giải thích cách hành xử lạ lùng của cô ta như thế nào?”
“Tôi không giải thích được.”
“Đương nhiên. Nhưng, có lẽ, một người khác có thể giải thích được.” “Ai?”
Ông Bá tước còn do dự, nên bà Bá tước thẳng thắn đáp: “Ngoài ông, chỉ có duy nhất một người có thể bước lên vũ đài đấu với Arsène Lupin và chiến thắng hắn. Liệu ông có phản đối việc chúng tôi mời Herlock Sholmès tham gia vào vụ án này không?”
Câu hỏi khiến Ganimard phật ý, nhưng ông ta cũng đành lắp bắp đáp: “Không… chỉ có điều… tôi không hiểu…”
“Để tôi giải thích. Tôi rất khó chịu trước toàn bộ sự bí ẩn này. Tôi muốn nó được làm sáng tỏ. Ông Gerbois và ông d’Hautrec cũng muốn thế. Chúng tôi thống nhất mời viên thám tử Anh quốc danh tiếng lẫy lừng kia.”
“Thưa bà, bà đã đúng.” Ganimard đáp, với sự trung kiên khiến ông ta xứng đáng được tôn trọng. “Bà đã đúng. Ganimard già nua không chiến thắng Arsène Lupin được. Nhưng liệu Herlock Sholmès có chiến thắng được không? Tôi hy vọng vào điều này, vì tôi vốn vẫn hết sức ngưỡng mộ ông ấy. Tuy nhiên… điều này là bất khả.”
“Ông muốn nói ông ấy sẽ thất bại ư?”
“Đó là ý kiến của tôi. Tôi có thể thấy trước kết quả cuộc đấu tay đôi giữa Herlock Sholmès và Arsène Lupin. Viên thám tử Anh quốc sẽ thua trận.”
“Nhưng dù gì thì chúng tôi cũng vẫn trông cậy được vào sự giúp đỡ của ông chứ?”
“Đúng thế, thưa bà. Tôi sẽ sẵn lòng hỗ trợ ông Sholmès bằng mọi cách có thể.”
“Ông biết địa chỉ của ông ấy chứ?”
“Vâng, số 219 phố Parker.”
Buổi chiều hôm đó, ông bà Crozon rút lại lời buộc tội đối với ông Bleichen, và một bức thư chung được gửi đi cho Herlock Sholmès.
3. Herlock Sholmès khai chiến
“T
hưa, ông muốn gọi gì?”
“Gì cũng được.” Arsène Lupin đáp, như một kẻ không bao giờ băn khoăn đến tiểu tiết của bữa ăn. “Anh muốn mang ra gì cũng được, trừ thịt với rượu.”
Người bồi bàn khinh khỉnh bước đi.
“Cái gì? Vẫn ăn chay sao?” Tôi kêu lên.
“Hơn bao giờ hết.” Lupin đáp.
“Vì sở thích, niềm tin, hay thói quen?”
“Vì vấn đề vệ sinh.”
“Anh không bao giờ phá lệ à?”
“Ô! Có chứ… khi tôi đang ăn tối ở nhà hàng… và muốn tránh bị coi là kẻ kỳ cục.”
Chúng tôi ăn tối gần ga Xe lửa miền Bắc, tại một nhà hàng do Arsène Lupin chọn mời tôi. Thường thường, anh ta sẽ đánh điện hẹn tôi tới gặp tại một nhà hàng không mấy tiếng tăm nào đấy, nơi chúng tôi có thể thưởng thức một bữa tối êm ả, được phục vụ chu đáo, và luôn luôn thú vị vì tôi sẽ được nghe anh ta thuật lại một câu chuyện phiêu lưu nào đấy tôi chưa được nghe bao giờ.
Vào buổi tối đặc biệt đó, anh ta tỏ ra sôi nổi hoạt bát hơn bình thường. Anh ta cười to và đùa bỡn với sự hào hứng vô tư lự, với sự mỉa mai tinh tế quen thuộc ở anh ta, một sự mỉa mai nhẹ nhàng, tự nhiên, hoàn toàn không có chút ác độc gì cả. Thật thích thú được thấy anh ta đang trong những lúc vui vẻ như thế, và tôi không cưỡng lại nổi ý muốn nói với anh ta điều này.
“À! Phải.” Anh ta thốt lên. “Có những ngày tôi thấy cuộc đời tươi tắn rạng rỡ y như buổi sáng mùa xuân, lúc ấy thì cuộc đời đối với tôi xem ra là một kho báu vô tận tôi không bao giờ xài hết. Tuy nhiên, Chúa biết tôi vốn sống bất cẩn!”
“Có lẽ là quá bất cẩn.”
“A! Nhưng tôi bảo cho anh biết, cái kho báu ấy là vô tận. Tôi có thể phung phí nó. Tôi có thể vung tuổi trẻ và sức mạnh của tôi vào bốn phương trời mười phương đất, để rồi tôi lại được trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn. Chưa kể là cuộc sống của tôi thú vị như thế!… Nếu ước ao, tôi có thể ước ao trở thành một người như thế nào?… Nhà hùng biện, nhà sản xuất, hay chính trị gia… Nhưng, tôi xin cam đoan với anh, tôi sẽ chẳng bao giờ có một ao ước như vậy. Arsène Lupin, đó là tôi. Arsène Lupin, đó luôn luôn là tôi. Tôi đã tìm kiếm mà tìm kiếm không ra trong lịch sử một cái nghề bì được với cái nghề của tôi, một cuộc sống mãnh liệt hơn, phong phú hơn.
Napoléon ư? Vâng, có lẽ… Nhưng Napoléon, khi sự nghiệp của ông ta đã sắp sửa đi đến hồi kết, khi cả châu Âu đang cố gắng tiêu diệt ông ta, vào buổi đêm trước mỗi trận đánh, ông ta đều tự hỏi mình rằng liệu đây có phải là trận đánh cuối cùng của mình hay không.”
Anh ta đang nghiêm túc chăng? Hay anh ta đang đùa cợt?
Anh ta càng nói lại càng hăng hái. “Sự nguy hiểm, anh có hiểu không, nó là tất cả mọi thứ xung quanh mình. Cái cảm giác thường xuyên, liên tục về sự nguy hiểm! Khi anh hít lấy không khí, anh hít lấy nó, anh đánh hơi thấy nó trong mỗi một cơn gió nhẹ thoảng qua, anh phát hiện ra nó trong mỗi một tiếng động lạ khác thường. Và, ở giữa cuồng phong, vẫn phải bình tĩnh, đừng nghiêng ngả loạng choạng. Bằng không, anh thua. Trên đời này, duy nhất một cảm giác có thể so sánh được với cái cảm giác ấy: Đó là cảm giác của người lái xe trong một cuộc đua xe hơi. Nhưng một cuộc đua xe hơi chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, còn cuộc đua của tôi kéo dài cho tới lúc chết!”
“Hình ảnh mới ấn tượng làm sao!” Tôi kêu lên. “Và anh muốn tôi cho là anh không có lý do đặc biệt gì để lựa chọn cuộc đời đầy hứng thú ấy?”
“Nào.” Anh ta mỉm cười, nói. “Anh là nhà tâm lý học khôn ngoan. Anh hãy tự tìm hiểu lấy.”
Anh ta rót cho mình một cốc nước, uống hết, rồi nói: “Anh đọc tờ Thời đại số ra ngày hôm nay chưa?”
“Chưa.”
“Herlock Sholmès đã vượt eo biển Manche hồi chiều, và đã đến Paris khoảng chừng lúc sáu giờ.”
“Quỷ tha ma bắt! Ông ta đến với mục đích gì?”
“Một chuyến đi ngắn ngủi theo lời đề nghị của ông bà Bá tước Crozon, ông Gerbois và cháu trai Nam tước d’Hautrec. Bọn họ gặp ông ta tại ga Xe lửa miền Bắc, đưa ông ta tới gặp Ganimard, và, vào lúc này, sáu người bọn họ đang hội ý với nhau đấy.”
Mặc dù thâm tâm cực kỳ muốn, tôi chưa từng dám đánh bạo chất vấn Arsène Lupin về bất cứ hoạt động gì trong cuộc sống riêng của anh ta, trừ phi anh ta tự đề cập tới trước. Cho tới lúc bấy giờ, tên anh ta chưa bị gắn với vụ viên kim cương xanh, ít ra là một cách chính thức. Do đó, tôi đành kiên nhẫn nén sự tò mò lại. Anh ta tiếp tục nói: “Tờ Thời đại còn đăng bài
phỏng vấn ông bạn Ganimard thân mến của tôi, mà theo ông ta thì một Tiểu thư Tóc vàng nào đó, bạn bè của tôi, hẳn là đã sát hại Nam tước d’Hautrec cũng như đã cố gắng ăn cướp chiếc nhẫn nổi tiếng từ bà Crozon. Anh nghĩ sao? Ông ta buộc tội tôi đã chủ mưu thực hiện những vụ án ấy!”
Tôi chẳng thể kìm lại một thoáng rùng mình. Đó có phải là sự thực không? Liệu tôi có bắt buộc phải nghĩ cái nghề trộm đạo của anh ta, cái phong cách sống của anh ta, cái kết quả logic của một cuộc đời như thế, đã đẩy người đàn ông này vào những tội ác nghiêm trọng hơn, bao gồm cả giết người? Tôi nhìn anh ta. Anh ta thật là điềm tĩnh, và ánh mắt anh ta thật là bộc trực! Tôi quan sát đôi bàn tay anh ta: Đôi bàn tay được tạo thành từ một chiếc khuôn quá đỗi thanh tú, những ngón tay thon dài, chẳng thể làm hại ai, thật thế… đôi bàn tay của một nghệ sĩ.
“Ganimard cứ có các ý nghĩ hoang đường.” Tôi nói.
“Không, không!” Lupin phản đối. “Ganimard cũng thông minh, và, đôi khi, cũng gần như mang lại cảm hứng.”
“Mang lại cảm hứng!”
“Vâng. Ví dụ, bài trả lời phỏng vấn là một chiến thuật tài tình. Thứ nhất, ông ta thông báo việc đối thủ người Anh của ông ta sang đây nhằm mục đích để tôi sẵn sàng cảnh giác và để nhiệm vụ được giao vào tay đối thủ của Sholmès trở nên khó khăn hơn. Thứ hai, ông ta chỉ ra chính xác ông ta đã giải quyết công việc được đến đâu rồi, để Sholmès không thể nhận tiếng tốt cho những gì Ganimard làm. Đó là sự tận dụng cơ hội hiệu quả trong một cuộc chiến.”
“Bất luận thế nào, anh cũng phải đương đầu với hai kẻ thù, mà hai kẻ thù mới nguy hiểm làm sao chứ?”
“Ồ! Một trong hai kẻ chẳng đáng quan tâm.”
“Còn kẻ kia?”
“Sholmès ư? Ồ! Tôi xin thú thực rằng ông ta là một đối thủ xứng đáng đấy, và nó giải thích cho tâm trạng vui vẻ của tôi lúc này. Thứ nhất, đó là vấn đề tự trọng, tôi hài lòng thấy bọn họ coi tôi là đối tượng xứng đáng để viên thám tử Anh quốc danh tiếng lẫy lừng phải quan tâm. Tiếp theo, hãy hình dung xem một người như tôi cảm thấy thích thú thế nào trước ý nghĩ được đấu tay đôi với Herlock Sholmès. Nhưng tôi sẽ phải chiến đấu hết sức mình, ông ta tài giỏi và sẽ quyết liệt giành từng tấc đất đấy.”
“Vậy anh coi ông ta là đối thủ nặng ký?”
“Phải. Tôi nghĩ, với vai trò một thám tử, ông ta chưa gặp ai ngang sức ngang tài bao giờ. Nhưng tôi có lợi thế hơn ông ta, ông ta là người tấn công, còn tôi thì chỉ tự vệ. Nhiệm vụ của tôi dễ dàng hơn. Vả lại, cách đánh của ông ta đối với tôi đã quen thuộc, trong khi ông ta chưa biết cách đánh
của tôi. Tôi sẽ sẵn sàng giở ra vài thủ đoạn mới, để đầu óc ông ta có việc mà làm.”
Anh ta vừa khe khẽ gõ những ngón tay lên bàn vừa nói mấy câu sau đây với vẻ cực kỳ thích thú: “Arsène Lupin đấu với Herlock Sholmès… Nước Pháp đấu với nước Anh… Rốt cuộc, trận Trafalgar⦾ sẽ được phục thù… A! Lão đáng ghét… lão chẳng ngờ ta đã chuẩn bị tinh thần… một Lupin đã có sự đề phòng…”
Anh ta đột ngột ngừng lại, ho rũ rượi một cơn. Anh ta lấy chiếc khăn ăn che mặt, như thể có cái gì đó tắc trong cổ họng anh ta.
“Nghẹn bánh mì à?” Tôi hỏi. “Uống chút nước xem.”
“Không, không phải.” Anh ta đáp, giọng nghẹt nghẹt. “Vậy là làm sao?” “Thiếu không khí.”
“Anh muốn mở cửa sổ không?”
“Không, tôi ra ngoài đây. Đưa cho tôi mũ và áo khoác, nhanh lên! Tôi phải đi.”
“Có vấn đề gì thế?”
“Hai người vừa vào đây… Hãy nhìn cái người cao hơn ấy… Bây giờ, khi chúng ta đi ra ngoài, hãy nhớ đi bên tay trái tôi, để ông ta không trông thấy tôi.”
“Cái người ngồi đằng sau anh ư?”
“Phải. Tôi sẽ giải thích với anh, ngoài kia.”
“Ai thế?”
“Herlock Sholmès.”
Anh ta phải cố gắng lắm để giữ sự tự chủ, như thể anh ta xấu hổ vì đã quá xúc động. Anh ta đặt chiếc khăn ăn lại chỗ cũ, uống một cốc nước, và sau khi đã hoàn toàn trấn tĩnh, anh ta mỉm cười nói với tôi: “Thật lạ là tôi lại dễ dàng bị xúc động đến thế, nhưng việc bất ngờ trông thấy ông ta…”
“Anh có gì mà phải sợ? Chẳng ai nhận ra anh được, vì anh thay hình đổi dạng luôn luôn. Mỗi lần tôi gặp anh, tôi thấy gương mặt anh dường như lại khác, chẳng quen thuộc chút nào. Tôi không biết tại sao anh sợ.”
“Nhưng ông ta sẽ nhận ra tôi.” Lupin nói. “Ông ta mới gặp tôi duy nhất một lần. Tuy nhiên, lần đó, ông ta đã chụp ảnh tôi trong đầu, không phải chụp hình thức bên ngoài của tôi mà là chính phần hồn của tôi ấy, không phải những gì tôi tỏ ra mà là chính con người tôi. Anh có hiểu không? Và rồi… và rồi… tôi đâu có nghĩ sẽ gặp ông ta tại đây… Một cuộc chạm trán mới lạ lùng làm sao!… Trong cái nhà hàng bé nhỏ này…”
“Chà, chúng ta ra ngoài nhé?”
“Chưa, chưa phải bây giờ.” Lupin nói.
“Anh đang định làm gì?”
“Tốt hơn hết là hành động một cách thẳng thắn… tin tưởng ở ông ta… trông cậy vào ông ta…”
“Anh sẽ không nói chuyện với ông ta chứ?”
“Tại sao không? Như thế sẽ đem đến thuận lợi cho tôi, tìm hiểu xem ông ta biết gì, và có lẽ cả việc ông ta nghĩ gì. Lúc này, tôi cảm thấy ông ta đang chăm chăm nhìn vào gáy và vai tôi, ông ta đang cố gắng nhớ xem ông ta từng trông thấy chúng ở đâu rồi.”
Anh ta nghĩ ngợi một lát. Tôi quan sát khóe môi anh ta nhếch một cái cười hiểm độc, rồi, tôi nghĩ vì một ý thích bất chợt xuất phát từ bản tính bốc đồng chứ chẳng phải vì hoàn cảnh bắt buộc, anh ta đứng dậy, xoay người lại, cúi chào với điệu bộ vui mừng, nói: “Sự tình cờ may mắn nào đây? Ôi! Tôi sung sướng quá vì được gặp ông. Cho phép tôi giới thiệu một người bạn của tôi.”
Viên thám tử Anh quốc thoáng bối rối, rồi ông ta có cử chỉ y như định tóm lấy Arsène Lupin. Anh ta lắc đầu, nói: “Như thế sẽ không công bằng. Hơn nữa, hành động đó sẽ là một hành động vụng về… và hoàn toàn vô ích.”
Viên thám tử Anh quốc nhìn xung quanh, tựa như muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Vô ích.” Lupin nói. “Vả lại, ông có hoàn toàn chắc chắn rằng ông đặt được tay vào người tôi không? Thôi nào, hãy cho tôi thấy ông đích thị là người Anh, và do đó, là người có tinh thần độ lượng.”
Xem ra viên thám tử chấp nhận lời khuyên này, vì ông ta hơi nhỏm dậy, nói một cách rất trịnh trọng: “Đây là ông Wilson, vừa là bạn vừa là trợ lý của tôi… Còn đây là ông Arsène Lupin.”
Sự kinh ngạc của Wilson khiến mọi người cười vang. Trố mắt há mồm, ông ta nhìn từ người này sang người kia, như thể chẳng tài nào hiểu nổi tình huống đó. Herlock Sholmès cười to, nói: “Wilson, anh nên che giấu nỗi kinh ngạc của anh trước một sự việc nằm trong số những sự việc tự nhiên nhất trên đời này.”
“Tại sao anh không bắt giữ anh ta?” Wilson lắp bắp.
"""