"
Đời Bình An (1972) - Võ Anh Thơ full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đời Bình An (1972) - Võ Anh Thơ full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5: Cuối
ĐỜI BÌNH AN (1972)
Võ Anh Thơ
dtv-ebook.com
Chương 1
Đó là đầu xuân 1972, năm ấy tôi mười tám tuổi, làm y tá trong quân y rồi theo phẫu sư đoàn đóng trong rừng An Giang dưới miền Tây. Tôi băng bó và chăm sóc vết thương cho nhiều thương binh cả nam lẫn nữ nhưng chung quy tôi vẫn là đứa con gái mới lớn, chưa từng tiếp xúc gần gũi với đàn ông, dù bác sĩ giao việc gì tôi cũng cố gắng làm hết, duy cái chuyện lau rửa vết thương nơi chỗ kín cho nam thương binh nằm liệt giường thì tôi không làm được!
Tôi cố chấp lắc đầu trước mặt bác sĩ, và trước mặt anh chàng Tiểu đội trưởng.
Tiểu đội hơn chục người vừa bị địch xung kích, mấy đồng đội của anh ta bị thương nặng do trúng đạn hoặc trúng bom mới được khiêng về đây hai hôm trước. Đây là lần đầu chúng tôi giáp mặt nhau. Anh ta cao phải tới thước tám, thân hình to lớn trong áo bộ đội lấm đất, đầu đội nón kết, khuôn mặt sáng sủa ưa nhìn với nước da hơi ngăm, ánh mắt hướng vào tôi nghiêm nghị khó chịu:
- Tại sao đồng chí không làm?
- Tiểu đội trưởng, em là gái chưa chồng, chỗ đó của đàn ông... sao em có thể?
- Đã gia nhập quân ngũ, chấp nhận làm y tá thì đồng chí phải săn sóc thương binh dù với mọi vết thương, ở bất cứ vị trí nào. Đồng đội tôi xả thân chiến đấu, còn đồng chí ở đây phân biệt nam nữ, vậy có đúng không?
Tôi nhìn anh ta, thầm nghĩ ngoài chiến trường có cái khổ của chiến trường, nơi quân y cũng có cái khó của quân y, anh ta tại sao không thể thông cảm cho một đứa con gái mới làm y tá hơn một năm như tôi? Bác sĩ
đứng giữa khó xử, anh Khánh từ đâu chạy lại, bảo để anh làm giúp tôi vì anh là y tá nam, sẽ dễ hơn! Tôi thấy anh cười gật đầu với mình, liền nói câu cảm ơn.
- Đồng chí cứ vậy sao thành y tá thành thạo được? Tôi không thích đứa con gái suốt ngày chỉ biết khóc khi ở ngoài chiến trường khói lửa này.
Tiểu đội trưởng quay lưng rời đi, tôi bặm môi, chị Miên đứng kế bên an ủi:
- Thôi để ý chi, người ta là Tiểu đội trưởng, đòi hỏi nghiêm khắc là chuyện thường. Nghe đâu, tiểu đội anh ta cũng khá lắm đó.
Giỏi vậy sao bị địch xung kích bị thương tới mấy người? Tôi không nói ra lời đó chỉ quay lại công việc của mình, trước khi rời lán, tôi còn nghe loáng thoáng chị Miên nói với anh Khánh, Tiểu đội trưởng hình như tên Khởi!
Tôi biết anh ta đề cập đến chuyện khi nãy tôi đứng trong góc bếp khóc thầm.
Tôi khóc vì nhớ nhà chứ không phải vì tôi sợ!
Tía tôi hi sinh trong một lần làm nhiệm vụ, mùa đó miền Tây địch bắn phá cầu đường dữ dội hòng ngăn tiếp tế từ quân ta, tía tôi cùng mấy đồng chí giao thông chung vai quyết giữ đường lên biên giới. Cả đời tía tôi bảo vệ những con đường, những vòng bánh xe chở quân, chuyển hàng từ hậu cần ra tiền tuyến.
Má có mình tôi, hồi đó đi làm ruộng má đau đẻ giữa chừng. Má nói lúc mở mắt ra thì nghe tiếng tôi khóc rồi, xung quanh thấy mấy bông dại nở nhụy, thế là đặt luôn cái tên Nhụy Hoa. Nhiều người đọc trại, cứ gọi tôi là nhị này nhị nọ miết.
Má bảo tôi hãy như hoa dại, kiên cường khoe sắc, cả đời vui vẻ hồn nhiên. Mong mỏi của má khó thành khi năm mười bảy, tôi xin má đi bộ đội, má không nói gì ngoài việc đồng ý. Má biết thời chiến tranh, những lứa
thanh niên luôn xung phong đi bộ đội, góp sức mình trong việc giải phóng nước nhà.
Má bảo tôi cẩn thận với con trai, đừng quên nhiệm vụ của mình, môi trường quân đội kỷ luật, đứa con gái như tôi sẽ được rèn giũa nghiêm khắc.
Tôi kiên quyết là vậy, thế mà ngày ra đi nước mắt chảy mãi không ngừng.
Tôi chọn quân y, chẳng cần phải ra tận chiến trường cầm súng giết địch, ở đây tôi có thể chăm sóc cho nhiều người, giúp họ xoa dịu những cơn đau do chiến tranh bom đạn khốc liệt gây ra. Tôi học trong lớp y tá quen được nhiều đồng chí nữ, có người đang độ xuân xanh cũng có người đã lấy chồng đẻ con. Lớp học nam nữ học chung, và tôi biết anh Khánh. Người đen nhẻm, tốt tính, hay cười. Anh chăm lo cho tôi lắm, tôi xem anh như anh trai. Cái duyên thế nào khi khóa học trôi qua, tôi với anh lại về cùng một đơn vị, thế là thân càng thêm thân.
Tôi hay gửi thư cho má, lúc đầu ở đây tôi nhớ nhà lắm, dần dần thì nguôi ngoai.
Quân y làm việc liên tục, ca trực không lúc nào ngơi nghỉ, nhiều đêm vừa đặt lưng xuống chiếu nhắm mắt chưa bao lâu đã nghe tiếng bom dội lại, biết ngay thể nào cũng có thương binh chở đến.
Hơn một năm, qua những ca trực vất vả tới sáng, tôi cũng quen rồi.
Chiều chiều ngơi tay chút, chị Miên rủ tôi qua lán mấy anh nam nói chuyện cho vui. Nơi đây chỗ nào tôi cũng dám đi, riêng có chỗ này thì e dè, vì mỗi lần tới đây đều thấy toàn đàn ông con trai, họ thấy tụi tui lại chọc ghẹo liên tục.
Vài lần tôi từ chối mà chị Miên có chịu đâu, bảo anh Khánh ở bển trông em qua đấy hoài! Tôi sang đó chỉ nói được dăm ba câu với ảnh, chẳng làm gì khác.
Hôm nay qua tới nơi, tôi không những thấy mấy anh quân y mà còn vài bộ đội chiến đấu với cả Tiểu đội trưởng tên Khởi kia. Nhóm bộ đội thân thiện nói râm ran kể đủ thứ chuyện đánh Mỹ, anh chàng Tiểu đội trưởng ở trong lán, lâu lâu nhìn ra ngoài và vừa thấy tôi lại quay mặt đi. Chị Miên để ý người ta hay sao mà cứ hỏi:
- Ảnh ít nói quá hả?
- Anh Khởi cũng hòa đồng lắm, không xét nét cấp trên cấp dưới, bình thường thì vui vẻ nhưng ra tới chiến trường thì nghiêm túc dữ thần.
- Ảnh nhiêu tuổi, có vợ chưa?
- Mới ngoài hai mươi, chưa vợ. Nhiều cô đòi thương mà ảnh từ chối hoài hà.
- Thế chị hỏi kỹ vậy, định hỏi cưới Tiểu đội trưởng tụi này hả? - Ờ thì ảnh gật cái là tui hỏi cưới liền!
Chị Miên bông đùa, ai nấy đều cười rần rần trước tánh bạo dạn của chị. Từ trong lán Tiểu đội trưởng đi ra, tôi thấy mọi người lập tức im bặt, chắc sợ đội trưởng la cho một trận vì biết nãy giờ mình trở thành mục tiêu bị bàn tán cỡ nào.
- Tôi vô rừng có chút việc, mấy đồng chí ngồi đây coi mắt tới đồ đạc giúp tôi.
- Đồ quan trọng lắm hả Tiểu đội trưởng?
- Mấy cái đó mất, tôi không làm lại được.
Dõi theo bóng dáng anh ta khuất sâu trong rừng, mọi người tiếp tục câu chuyện dở ban nãy. Tự dưng tôi tò mò nhìn vô lán, trên chiếc bàn nứa ọp ẹp là một cuốn sổ cũ, mấy lá thư rồi vài thứ lỉnh kỉnh. Tôi nghĩ chắc thư tình của anh ta.
Không khí đang vui vẻ thì thình lình máy bay đến.
ẳ
Đằng sau những ngọn cây cao vút, bọn địch ập tới chẳng khác gì sấm sét.
Một bộ đội liền đứng dậy nói rõ ràng nhưng không quá lớn: "Chúng đánh tọa độ đó!", một thứ ánh sáng lạnh chớp giật, đất bên dưới rùng mình một cái. Tất cả chúng tôi nằm sát xuống nín thở, tiếp theo đất đá cùng mấy cành cây lớn từ trên đầu đổ ào xuống. Máy bay địch vẫn ở trên cao, hết đợt
này lại đến đợt khác! Loạt bom không thả trực tiếp xuống chỗ này, mà cách một khoảng nhưng đủ để rung chuyển mấy cái lán dựng siêu vẹo tại đây.
Không ai bảo ai, chúng tôi lập tức đi tìm chỗ nấp. Trong đầu tôi khi ấy bất giác nhớ tới Tiểu đội trưởng, phía rừng nơi anh ta vừa đi về gần với chỗ đánh tọa độ của địch, không biết anh ta may mắn thoát được không. Rồi mắt liếc nhanh về bàn nứa, có mấy thứ đồ quan trọng anh ta nói giữ hộ. Mặc xung quanh cây lớn đổ ào, tôi chui vô lán, quýnh quáng lấy cuốn sổ với thư từ, kèm theo vài thứ khác. Một tiếng bom dội ầm, tôi giật mình thụp xuống, chợt có ai đó nắm vội tay tôi kéo giật lại, nhìn qua mới phát hiện là Tiểu đội trưởng.
"Chạy mau!", anh ôm chặt lấy tôi chạy vội ra khỏi lán. Máy bay địch còn quay mòng trên đầu kèm theo từng đợt pháo sáng rực. Tìm được khe đá an toàn, anh ta đẩy tôi vào bên trong núp, còn mình đứng nửa thân ngoài nửa thân trong. Tiếng ầm ầm dội ở ngoài, địch bắn hai mươi ly nghe rát cả tai.
Khe đá chật chội tối om, và tôi cảm nhận hơi ấm truyền vào lòng bàn tay mình. Vai tôi với vai Tiểu đội trưởng đụng nhau, tay anh ta vẫn nắm chặt tay tôi, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần gũi với con trai đến vậy. Tôi nhìn sang bên, ánh sáng yếu ớt của buổi chiều cùng pháo sáng trên cao giúp tôi nhìn rõ bóng dáng to lớn đang che chắn ngoài cửa khe. Vị đội trưởng trong tấm áo bộ đội mạnh mẽ lẫn quyết liệt khi bảo vệ tôi. Hình ảnh đó như đập vào trong tâm trí tôi, rất lâu về sau...
Máy bay cuối cùng cũng bay đi.
Bắt đầu nghe âm thanh lào xào, chắc mọi người đã trở lại dãy lán, tôi với Tiểu đội trưởng cũng đi ra. Không bị dội bom nhưng cành cây đổ xuống làm vài cái lán bị sụp. Chúng tôi nhanh chóng chạy về chỗ lán của phẫu sư đoàn, may chỗ này chưa bị thiệt hại nhiều. Đứng một lúc, tôi phát hiện vai phải của Tiểu đội trưởng chảy máu, màu đỏ thấm đẫm vải áo.
- Tiểu đội trưởng, anh bị thương rồi kìa!
- Vết thương nhẹ thôi, không sao. - Rồi anh ta nhìn tôi - Nghe tiếng máy bay, tôi chạy vội về thấy ai nấy đều tìm chỗ nấp, sao đồng chí còn chạy vô lán?
Bấy giờ mới sực nhớ, tôi đưa ra cái túi vải cũ sờn mà ban nãy kịp bỏ đồ vào trong đó, trả lại cho anh ta và nói rõ:
- Hồi nãy anh đi có nhờ coi giúp những thứ này, anh nói rất quan trọng nên em mới quay vô lán để lấy cho anh.
Tôi thấy Tiểu đội trưởng ngây người một thoáng, vẻ mặt giống kiểu vừa bất ngờ vừa ngạc nhiên, tiếp theo anh ta đón lấy cái túi vải rồi mở ra xem, tôi nghĩ là mình đã lấy đủ hết. Sau đó anh ta nhìn lại tôi, giọng dường như nhẹ nhàng hơn chút:
- Đây là nhật ký của tôi với mấy lá thư gia đình gửi, vài kỷ vật của đồng đội, đúng là quan trọng nhưng không đến mức khiến đồng chí phải mạo hiểm như vậy.
Nghe anh ta nói thế bất giác tôi thấy chàng trai này hiền lành đến lạ, lúc này trông anh thật khác với sáng nay khi quở trách tôi.
- Tại em nghĩ chạy vô lấy ít đồ chắc cũng không sao.
- Đồng chí nhỏ nhắn vậy mà gan lớn quá.
- Nhưng hồi sáng Tiểu đội trưởng nói em chỉ biết khóc.
Thật tình tôi chỉ buột miệng nhắc lại thôi, nào ngờ Tiểu đội trưởng trở nên khó xử liền đưa tay lên gãi đầu, nhưng anh ta quên mất mình đang đội nón kết thành ra càng thêm bối rối, tôi trông thế mà buồn cười vô cùng.
- Sáng nay tôi không đúng khi nặng lời với đồng chí. Tôi thấy đồng đội đau đớn vì bị thương nên sốt ruột, không thông cảm khi đồng chí là một cô gái.
- Cái đó em hiểu, điều em không thích là Tiểu đội trưởng nói em chỉ biết khóc.
- Ban nãy thấy đồng chí liều mình thì tôi biết cô can đảm cỡ nào rồi.
Không nghĩ Tiểu đội trưởng khó tính đó lại khen mình, tôi ngượng ngùng cười.
- Đồng chí tên gì?
- Nhụy Hoa, cái tên nghe hơi buồn cười, má đẻ em trong bụi hoa dại nên đặt vậy.
- Tôi thấy cũng hay, thế đồng chí biết tên tôi chưa?
- Nghe mọi người nói Tiểu đội trưởng tên Khởi.
- Phong Khởi, là nổi gió đó. Đồng chí thấy ở đâu nổi gió thì ở đấy có tôi.
- Tiểu đội trưởng cũng biết nói đùa nghen.
- Quê đồng chí Hoa ở đâu?
- Em ở Vĩnh Long.
- Ủa vậy là đồng hương rồi, tôi cũng ở Vĩnh Long đây.
Tôi nghe tiếng anh cười khẽ, cùng lúc một đồng chí bộ đội đi tới hỏi về hành trình ngày mai, anh gật đầu xong quay qua tôi nói rằng:
ẳ
- Mai tiểu đội tôi phải rời khỏi đây, chẳng biết chúng ta có còn gặp lại không.
- Quân y tụi em thường đâu có ở một nơi, chỗ này bị địch đánh tọa độ lần thứ ba rồi, có lẽ sẽ phải dời đi chỗ khác.
Phong Khởi tỏ vẻ tiếc nuối, mà cũng lạ, lòng tôi cũng mang chút nuối tiếc.
- Thôi, trong thời chiến gặp gỡ nhau vậy cũng là cái duyên. Đồng chí bảo trọng, mong có ngày gặp lại, đến lúc đó hi vọng đồng chí trở thành y tá giỏi giang.
- Tiểu đội trưởng, anh cũng bảo trọng.
Tôi dứt lời, Phong Khởi liền đưa tay lên mái tóc rối của tôi, khoảnh khắc ấy tim tôi đập nhanh kỳ lạ. Mãi đến khi anh lấy xuống một bông hoa dại vô tình vướng vào tóc lúc nào chẳng hay, thả rơi nó vào lòng bàn tay tôi. Anh cười, nhìn thật duyên, đôi mắt long lanh hơn cả những vì sao trên trời đang dần về đêm. Lúc anh quay đi, tôi không hiểu cảm giác xao xuyến này của mình là gì...
Chỉ biết rằng, tôi đã ép khô bông hoa dại ấy, cất vào sổ tay giữ cho riêng mình.
Hôm sau, Phong Khởi cùng tiểu đội lên đường, còn rất nhiều những trận chiến đang chờ đợi họ. Phẫu sư đoàn chúng tôi cũng chuyển đến chỗ khác.
Sau lần đó, lòng tôi tràn đầy hi vọng lẫn chờ đợi, dẫu thứ mình đợi thật mơ hồ.
Thời chiến, gặp gỡ rồi chia xa là điều rất hiển nhiên.
Không ai trong chúng tôi biết được định mệnh phía trước của mình là gì, sẽ ra sao. Dù vậy, những con người mang trong mình trái tim thanh xuân
này vẫn tiếp tục hành trình gian khổ vì lý tưởng lẫn khát vọng về một tương lai hòa bình.
...[Và năm ấy, xảy ra một sự kiện lớn, đó là Chiến dịch Xuân - Hè, còn gọi là "Mùa hè đỏ lửa 1972", bước ngoặt vô cùng quan trọng gần như thay đổi cục diện chiến tranh miền Nam bấy giờ. Chiến dịch kéo dài gần một năm, bắt đầu từ tháng ba năm 1972 đến tháng giêng năm 1973 do Quân Giải phóng miền Nam hòng chống lại chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc tấn công diễn ra với quy mô lớn, tiến thẳng vào tuyến phòng ngự quan trọng ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Thời điểm đó mây Quảng Trị nhuộm một màu đỏ, Tây Nguyên khói lửa ngày đêm, những con đường miền Tây ngập tràn lửa đạn, một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh được giải phóng với mười tám tháng ròng rã của chiến dịch Nguyễn Huệ trước khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết.]
...
Thắng trận nhưng thương vong cũng không ít.
Ngoài tiền tuyến bộ đội chiến đấu ngày đêm, nơi hậu cần quân y chúng tôi không biết một ngày phải tiếp nhận bao nhiêu thương binh, trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật xuyên đêm. Kỳ lạ thay, dù mệt mỏi đến đâu, hay trong những giấc ngủ chập chờn, thì tôi vẫn luôn nhớ về một hình bóng rất xa xôi.
Nhớ ngày hôm đó, hình ảnh chàng trai đẩy tôi vào khe đá và đứng chắn bên ngoài bảo vệ, nhớ nụ cười của anh, đôi mắt sáng lấp lánh, cả bông hoa dại anh lấy xuống từ mái tóc tôi... Thời chiến đầy gian khổ mà cũng kỳ diệu thay, người ta có thể mang trong mình bóng hình không bao giờ gặp lại, hay một lời hứa chưa từng được nói ra, vậy mà vẫn chẳng cách nào quên được.
ĐỜI BÌNH AN (1972)
Võ Anh Thơ
dtv-ebook.com
Chương 2
Tôi không hề nghe tin tức gì về tiểu đội của anh, thậm chí là về anh. Nhưng tôi vẫn luôn hi vọng, ngày nào đó...
Thời gian thấm thoắt trôi, đến đầu tháng tư năm 1973, phẫu sư đoàn chúng tôi có dịp quay lại rừng An Giang. Để rồi duyên phận lần nữa đưa đẩy, tôi và anh thật sự gặp lại nhau. Phong Khởi đứng trước mặt tôi vẫn cao lớn như thế, với làn da ngăm đen hơn, khuôn mặt nam tính ngày càng dày dạn, riêng nụ cười đó vẫn rất duyên và đôi mắt lấp lánh. Lúc nãy vào rừng tìm lá thuốc, tôi cảm nhận có cơn gió nhẹ thổi tràn đến, mát dịu trong lành. Khi về lại lán, chị Miên chạy tới báo tôi hay tiểu đoàn của anh Khởi đến kìa! Chạy vội tới chỗ anh, tôi không kịp thở.
- Tiểu đội trưởng, anh vẫn bình an.
- Tôi vui khi thấy đồng chí Hoa ở đây, sao cô gầy đi nhiều vậy?
Tôi năm nay mười chín rồi, cao hơn lần đầu chúng tôi gặp mà cũng gầy nhom đi. Chiến tranh thiếu thốn, làm việc đêm ngày, có ai không như tôi? Ngay cả Phong Khởi cũng gầy hơn xưa. Tôi chỉ cười lắc đầu. Đợt này tiểu đội anh có vài đồng chí bị trúng đạn nhưng nhẹ thôi, tôi thấy may vì anh không bị thương nhiều. Hai chúng tôi hỏi thăm nhau dăm ba câu, sau đó mỗi người có việc riêng. Kể từ lúc đó, lòng tôi cứ bồi hồi suốt, vì cảm nhận được sự hiện diện và hơi thở của anh ở đây.
Tối ấy, băng bó xong cho thương binh cuối cùng, chị Miên nói tôi về lán nghỉ cho lại sức, ở đây để mình chị trực cũng được. Tôi vừa rời lán vài bước, anh Khánh từ đâu đi tới, hình như đã chờ tôi khá lâu. Đứng dưới gốc cây nghe tiếng dế kêu ri rỉ, tôi nhìn anh lấy trong túi áo ra tờ giấy gấp tư, nói nhỏ nhẹ:
- Anh mới làm bài thơ, em mang về mà đọc.
Thời gian này anh Khánh hay viết thơ tặng tôi, những con chữ tràn đầy tình cảm, và tôi biết anh có tình ý với mình. Lần này tôi không nhận, bảo rằng:
- Đồng chí đừng chép thơ nữa, em không thích đọc.
- Thì em cứ giữ lấy cho anh vui.
- Em biết đồng chí nghĩ gì nên mới không muốn nhận.
- Hoa à, hổng lẽ em không hiểu tấm lòng của anh?
- Nhưng em đối với đồng chí chỉ như anh em, thôi em mệt rồi phải đi nghỉ.
Tôi quay đầu bỏ đi tuốt, nghe từ sau lưng tiếng thở dài của anh Khánh như đuổi theo mình. Trên đường trở về, tình cờ tôi bắt gặp Phong Khởi đi qua đi lại ở trước dãy lán của y tá nữ, chốc chốc anh cứ nhìn thứ gì đó trong lòng bàn tay. Khi tôi đi tới thì anh liền để tay ra sau lưng, tôi hỏi anh làm gì đứng ở đây, anh đáp:
- Tôi gặp đồng chí Hoa có chút chuyện, mà đồng chí vừa đi đâu về à? - Em gặp đồng chí Khánh.
- Hai người thân thiết lắm hả?
- Tiểu đội trưởng đừng nói vậy, chúng em chỉ có tình đồng đội, với lại...
Tôi ngập ngừng, đối diện Phong Khởi giữ nguyên nụ cười như đang chờ câu nói tiếp theo kia, tự dưng tim đập nhanh khiến tôi lẩn tránh đôi mắt đó.
- Với lại em có người mình thương rồi...
"À", Phong Khởi phát ra thứ âm thanh nhẹ tênh, còn tôi vẫn dán mắt vào đâu đó trong đêm tối mà không đủ can đảm quan sát biểu hiện của anh thế nào. Rồi khoảng lặng kéo đến giữa chúng tôi, đến nhanh mà cũng qua nhanh.
- Đồng chí Hoa cũng tới tuổi lấy chồng rồi đấy.
- Phải coi có ai hỏi cưới em không.
- Ủa chứ hồi nãy cô nói có người thương mà.
- Là em thương người ta, chứ còn người ta thế nào em không biết. - Sao đồng chí không ngỏ lời đi?
- Em là con gái, sao được chứ?
- Cô phải hỏi để còn nghe người ta trả lời.
Vậy nếu bây giờ em ngỏ lời, thì anh sẽ hồi đáp thế nào? Lỡ anh từ chối... Ngay cả trong suy nghĩ, tôi cũng không đủ dũng cảm nghĩ tới. Tôi kín đáo nhìn anh, cảm giác ngượng ngùng với những mong muốn trong lòng, sau đó hỏi:
- Mà Tiểu đội trưởng tìm em có việc chi?
Tôi thấy Phong Khởi vẻ như khựng lại vài giây, tiếp theo mới cười lắc đầu:
- Thôi, đồng chí cả ngày mệt rồi, mau ngủ đi.
Anh xoay lưng rời khỏi để tôi đứng ngẩn ra, tôi phát hiện trong tay anh cất giấu thứ gì đấy nhưng cũng có thể vật đó không phải dành cho tôi...
Hôm sau quả là một ngày hiếm hoi, phẫu sư đoàn chúng tôi không có thêm thương binh mới, tranh thủ chút thời gian nhàn rỗi quý giá, nhóm quân y cùng với vài bộ đội quây quần với nhau dưới gốc cây to, vừa nói
chuyện vừa hát hò để quên đi bom đạn ngoài kia, quên đi những vết thương đau đớn trên thân thể.
Lát sau có người gợi ý "hay tụi mình hò đối đáp đi, ai thua thì làm theo yêu cầu từ người thắng". Ai nấy đều vỗ tay hưởng ứng, riêng tôi liền nhăn mặt vì dở khoản hát hò này lắm. Thế là chia ra bên nam bên nữ, chị Miên bắt đầu trước: "Hò chơi cho trọn buổi chiều/Keo sơn quấn chặt, sợi chỉ điều se săn hò ơ...". Bên nam, tức thì anh Vện hò đáp lại ngay: "Hò ơ... thò tay mà ngắt ngọn ngò/Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ...".
Cứ thế hết anh này đến chị kia hò đáp qua lại. Lúc thì phe nữ chiếm ưu thế khi thì đổi ngược qua nam. Sau cùng cũng tới lượt tôi, run rủi thế nào người hò đáp với tôi lại là Tiểu đội trưởng. Anh ngồi đối diện, nhìn tôi ra điều suy tư.
- Tiểu đội trưởng, nếu không biết hò thì nói nghen, tụi tui chỉ cho!
Chị Miên, chị Đào với mấy chị khác nữa nhao nhao. Tôi cũng thầm mong Phong Khởi chịu thua trước cái trò hò đáp và tôi sẽ thoát nạn. Nhưng một bộ đội ngồi kế bên anh khoát tay bảo "đội trưởng tụi này hò hay lắm nha", rồi giục anh mau mau xuất chiêu cho cánh chị em thấy bản lĩnh. Gật gù, anh hò: "Gió đưa gió đẩy bông trang/Bông búp về nàng bông nở về anh hò ơ...".
Đám bộ đội rần rần trong khi nhóm chị em dồn mắt vào tôi. Mím nhẹ môi, đưa tay gãi sau ót, tôi lên giọng: "Hò ơ... hò" và cứ cà lăm miết ở cái chữ "hò". Vài chị "nhắc bài" nho nhỏ, nào là chìa vôi, đám thuốc, con cá, bãi trầu, mương cau đủ thứ nhưng tôi không nhớ ra. Tức thì bên nam cắt ngang dứt khoát: Hết giờ! Bên nữ thua! Mấy chị la trời lên một tiếng não nề.
Tôi ngồi im re, chờ đợi Phong Khởi đưa ra yêu cầu.
- Tôi muốn đồng chí Hoa bày tỏ với người mà đồng chí thầm thương.
Tôi đứng hình, ngồi ngây đơ luôn! Những người xung quanh mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau hỏi han, bày tỏ với người thầm thương là sao? Trong khi
ai nấy bàn tán sôi nổi thì tôi thấy Phong Khởi chăm chú nhìn mình, không hề trêu chọc hay giễu cợt mà rất nghiêm túc, để rồi tôi tự hỏi rốt cuộc anh muốn làm gì vậy? Hồi sau như hiểu sự tình, chị Miên cất tiếng giải vây cho cô em đồng chí tôi:
- Vậy không được nghen Tiểu đội trưởng, thân con gái ai lại đi ngỏ lời trước, đã vậy còn trước mặt bao nhiêu người nữa.
- Đã giao kèo rồi, thua phải nghe theo thắng!
- Thế này ác quá mấy anh ơi!
Mặc mấy chị với nhóm bộ đội nói qua nói lại, tôi vẫn chưa rời mắt khỏi Phong Khởi, tiếp theo thì nghe anh từ tốn nói:
- Thiệt ra tôi nghĩ tình cảm không phân biệt nam nữ, nếu đã thương ai thì phải cho người đó biết, tôi muốn đồng chí Hoa dũng cảm bày tỏ. Tôi không bắt đồng chí nói trước mặt mọi người, mà nói riêng với người ta kìa.
Tôi cúi gằm mặt. Gì chứ, anh muốn em bày tỏ với người ta dù cho đó có thể không phải anh? Anh sẽ chấp nhận chuyện đó sao? Nhắm mắt im lặng đồng thời lắng nghe tiếng tim đập vội vã trong lồng ngực, tiếp tôi ngước mặt lên hỏi:
- Tiểu đội trưởng không hối hận chứ?
- Tôi chỉ muốn tốt cho đồng chí Hoa, nhưng nếu đồng chí thấy khó... - Được, em làm!
Tôi đứng dậy thật dứt khoát, tiếp theo tiến về phía anh Khánh ngồi ở đầu hàng nam khiến đội quân y xôn xao, vậy là con Hoa thương thằng Khánh hử, hèn chi thấy hai đứa nó thân nhau lắm! Tôi dừng lại trước mặt anh Khánh còn anh nhìn tôi với vẻ háo hức chờ đợi như thể chắc rằng người được bày tỏ nhất định là mình.
- Đồng chí Khánh, em cảm ơn anh đã luôn quan tâm giúp đỡ em, cũng cảm ơn tình cảm anh dành cho em nhưng em phải từ chối vì em thích người khác rồi.
Anh Khánh không cười nữa và những người xung quanh cũng thừ ra, còn tôi xoay bước hướng thẳng về phía Tiểu đội trưởng đang ngồi với vẻ ngạc nhiên.
- Không phải đồng chí Hoa nói sẽ bày tỏ với người mình thương sao? - Thì em đang làm đây.
- Vậy người đó...
- Đang ở ngay trước mặt em.
Trái tim trong lồng ngực sắp nổ tung tới nơi, tôi hít sâu rồi nói rõ ràng: - Anh Khởi, em thích anh...
Hẳn bất ngờ lắm hay sao mà Phong Khởi đứng dậy, miệng hỏi chậm rãi:
- Thật hả?
- Thật! Em đã nói anh đừng hối hận mà.
- Khoan... khoan đã... cái chuyện này...
- Là anh bắt em bày tỏ! - Tôi lặp lại - Phong Khởi, em rất thích anh!
Cuối cùng tôi cũng nói ra được rồi, nói cho anh biết tôi thương anh thế nào, nói cho anh biết tôi nhớ anh nhiều ra sao kể từ sau ngày gặp gỡ đó, và dù trải qua hơn một năm không hề có tin tức gì của nhau thì hình bóng anh chỉ khắc sâu trong tim tôi hơn. Từ trước tới giờ, ngoài chuyện xin má đi bộ đội thì có lẽ đây là việc làm bạo gan nhất mà cũng kiên quyết nhất của tôi!
Ban đầu tự dưng im lặng đến khó hiểu, tiếp theo mọi người đứng dậy vỗ tay ầm ĩ, hò reo cứ như thể là lời chúc mừng. Tôi cười ngượng nghịu, cảm nhận cơ thể nóng hết cả lên y hệt phát sốt tới nơi. Khẽ khàng, tôi chớp mắt nhìn Phong Khởi, xem thử biểu hiện của anh thế nào và cả câu đáp lời. Tôi thấy anh đứng yên tại chỗ, vẻ mặt còn chưa hết bất ngờ, rồi chẳng hiểu do đứng dưới nắng hay sao mà mặt anh hơi đỏ, tôi nhận ra trong đôi mắt lấp lánh ấy có chút gì ngại ngùng vừa giấu đi.
- Tiểu đội trưởng, bác sĩ tìm anh có việc!
Ngay chỗ lán phẫu sư đoàn xuất hiện một bộ đội cất giọng rõ to. Sự cắt ngang đột ngột khiến ai nấy đều dừng lại, Phong Khởi chưa kịp nói gì với tôi cứ thế mà rời khỏi đây. Dõi theo bóng anh, tôi tự hỏi sao anh không đáp lời trước sự bày tỏ đó? Hay anh thật sự không hề có tình cảm gì với tôi? Chính anh là người bắt tôi tỏ rõ tình cảm và giờ lại không cho tôi câu trả lời... Tiểu đội trưởng đã đi nên nhóm bộ đội cũng theo sau, mấy chị nhìn tôi cười cười rồi vỗ vai, hổng ngờ lại thích ngay anh đội trưởng khó tính! Sau đó tôi nhìn qua anh Khánh, anh vẫn vậy luôn cười hiền với tôi. Trông anh buồn bã, tôi chỉ biết thở dài.
Tầm trưa tôi vào lán bếp, vô tình Phong Khởi đi ngược trở ra. Sự việc sáng nay khiến chúng tôi bối rối khi chạm mặt thế này. Tôi chờ, và anh cũng cất tiếng:
- Đồng chí Hoa ăn cơm trễ vậy?
- Tại việc em bây giờ mới xong.
- Đây, đồng chí lấy phần cơm của tôi mà ăn.
- Không cần đâu, em sẽ tự lấy cơm, anh là bộ đội phải ăn nhiều. - Tôi đặt cách cho em ăn phần cơm của đội trưởng.
Tôi ngạc nhiên trước cách thay đổi xưng hô đó, còn ngớ ra thì Phong Khởi đặt phần cơm của mình vào tay tôi, tiếp theo chìa ra một mảnh giấy nhỏ gấp ngay ngắn, hạ giọng dặn dò: "Phải ăn hết cơm đấy và nhớ đọc cái
ẳ
này nữa" xong rồi anh bỏ đi thẳng ra ngoài. Đặt cơm xuống bàn tre, tôi mở giấy ra xem, vỏn vẹn mấy từ thế này "trưa nay gặp nhau ở rừng cây ô môi".
Trong cái nắng đầu hạ, qua những cơn mưa trái mùa, rừng cây ô môi trút lá nở hoa hồng rực cả góc trời. Từng cánh hoa nhỏ mảnh mai mọc thành từng chùm, tô điểm thêm nét đẹp khó tả qua từng nẻo đường An Giang hay Đồng Tháp. Chúng tôi còn gọi loài hoa đặc biệt mọc ở phương Nam này là "hoa anh đào miền Tây".
Loài hoa ô môi bắt đầu từ câu chuyện tình son sắt của người Khmer. Giữa tiểu thư khuê các và anh chàng nhà nghèo, tình yêu của họ bị ngăn cấm do vấn đề môn đăng hộ đối để rồi sau cùng chàng trai bỏ đi biền biệt, khiến cô gái đi tìm và kiệt sức gục ngã, thân thể hóa cây ô môi. Câu chuyện do người dân truyền miệng.
Tháng tư là thời điểm hoa ô môi nở đẹp nhất, tôi đứng dưới bóng cây mát rượi, lòng thắc mắc Tiểu đội trưởng hẹn gặp mình có chuyện gì.
Một chùm hoa ô môi tươi hồng đưa ra trước mặt, tôi quay qua thấy Phong Khởi.
- Tặng em.
Hồi trước, anh Khánh cũng tặng hoa với chép thơ cho tôi đọc mà sao cảm giác lúc đó không giống với bây giờ, trong lòng rộn ràng sung sướng khi tôi chậm rãi đón lấy hoa anh tặng. Tôi hỏi anh hẹn em có gì hôn, anh bỏ hai tay vào túi quần mà cử chỉ cứ lúng túng thế nào, tiếp theo mới nói rằng:
- Sáng này nghe em bày tỏ, tôi bất ngờ lắm, rồi còn có nhiều người nữa nên tôi chưa kịp nghĩ phải nói gì và làm gì.
- Rồi giờ anh hẹn em ra đây để trả lời?
- Chứ em muốn nghe mà phải không?
- Em muốn nhưng anh không muốn thì em đành chịu.
- Vậy theo em, tôi nên đáp lời thế nào?
- Cái này em hổng giúp anh được...
Trả lời vu vơ và tôi cứ cúi nhìn chùm hoa trên tay, tôi không muốn anh thấy rõ sự mong mỏi chờ đợi trong mắt mình. Con người, hạnh phúc nhất là tình cảm được đáp lại, con gái như tôi càng muốn vậy hơn, muốn được anh thương... Tự dưng Phong Khởi với tay nắm lấy tay tôi, nhẹ nhàng kéo
tôi lại gần hơn. Tôi đứng chỉ tới ngực anh, thế là phải ngước cổ lên nhìn, anh bảo có cái này cho em! Từ trong túi áo, anh lấy ra chiếc kẹp tóc xinh xắn, trên đó đính hai bông hoa nhỏ.
- Tôi cài lên tóc em nhé.
- Được.
Phong Khởi tháo dây chun cột tóc của tôi ra, mái tóc đen xõa nhẹ xuống vai áo bà ba, dù tôi gầy nhom mà mái tóc thề con gái vẫn dày đen mượt. Lúc anh cẩn thận kẹp lên tóc tôi, những cánh hoa ô môi hồng rơi xòa xuống vì gió thổi.
- Đêm qua định tặng em mà nghe em nói có người thương nên tôi đành giữ lại. Dạo trước trên đường ra quân, đi qua chợ trời, tôi nhớ tới em liền mua nó.
Anh kể giọng đều đều, trong tôi có niềm hạnh phúc lâng lâng khi biết anh cũng nhớ về mình giống như tôi nhớ về anh.
- Anh còn chưa trả lời mà tặng quà cho em sao?
- Tôi hẹn em ra đây, rồi làm như vậy, em không biết câu trả lời của tôi à?
- Em nghe đồng đội anh nói, cũng có nhiều cô thương anh nhưng anh từ chối.
- Nếu từ chối tôi sẽ nói ngay lúc đó, chứ rảnh đâu mà hẹn ra đây giống em. Từ cái lần em bất chấp chạy vào lán lấy đồ giúp tôi, thì tôi không quên được rồi...
ĐỜI BÌNH AN (1972)
Võ Anh Thơ
dtv-ebook.com
Chương 3
Tôi ngượng nghịu nhìn Phong Khởi, cảm nhận từng sợi tóc mình len qua kẽ tay anh cho những cái vuốt dịu dàng. Rồi anh cúi mặt xuống, nhìn sâu vào mắt tôi, hỏi nhỏ: "Hôn nhé", và tôi đỏ bừng mặt liền gật đầu. Anh hôn khẽ vào gò má tôi, hơi thở thấm vào da thịt khiến người tôi như run lên. Làm quân y hai năm đây là lần đầu tiên mới hiểu cảm giác tim đập mạnh quá sẽ nguy hiểm dường nào, bởi tôi sắp lịm đi rồi. Anh vòng tay ôm tôi, mặt áp vào ngực anh, tôi ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi đất cỏ và mùi thuốc súng hăng nồng qua lớp vải áo bộ đội.
- Đêm nay tôi phải lên đường, em chờ tôi rồi tôi sẽ viết thư cho em.
Lồng ngực anh thở chậm lại, tim tôi hẫng mất một nhịp, chiến tranh loạn lạc việc gặp nhau thật khó khăn, đã vậy thời gian kề cận cũng ít ỏi, bởi thế mới khiến sự nhung nhớ của tình yêu càng thêm nhiều, thêm day dứt. Tôi nhắm mắt gật đầu, nói khi vùi mặt vào khuôn ngực rắn rỏi đó, rằng em sẽ chờ và cũng viết thư cho anh!
- Mà này, em làm y tá tận tình chăm sóc thương binh là điều hiển nhiên nhưng đối với nam thương binh, thấy những chỗ khó quá thì em nhớ phải nhờ đồng chí Khánh hay những nữ đồng chí đã có chồng giúp đấy.
Mở mắt ra đồng thời ngẩng mặt lên, tôi khó hiểu hỏi:
- Sao vậy? Chẳng phải anh từng bảo em không được phân biệt thương binh à?
- Nhưng em là gái chưa chồng.
- Hồi đầu, anh nghiêm khắc la em một trận còn giờ lại như vậy...
- Tại giờ em là người tôi thương nên phải khác.
Lời nói tình tứ nhưng tôi thấy nét mặt Phong Khởi điềm tĩnh lắm, trong khi tôi cảm giác nóng bừng ở hai gò má, ngại ngùng đáp lại:
- Tiểu đội trưởng anh thật thiên vị! Cái chuyện này không cần anh nói, em cũng sẽ nhờ đồng chí Khánh giúp. Đợi đến lúc lấy anh rồi, em chẳng cần lo nữa.
- Tôi nói cưới em hồi nào?
- Vậy thì em đi hỏi cưới anh là được.
- Con gái như em sao gan lớn thế, tôi làm bộ đội cũng chịu thua.
Bị anh gõ nhẹ lên mũi, tôi liền cười. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ để quên đi chuyện đêm nay mỗi người đã mỗi nơi, lần gặp lại tiếp theo chưa rõ là khi nào.
Dưới cái nắng trong lành đầu hạ, trong cánh rừng ô môi đẹp nên thơ, tình yêu của chúng tôi đã bắt đầu.
Từ ngày đó, tôi và anh tạm chia tay, thực hiện nhiệm vụ mình đang gánh vác.
Như lời đã hứa, chúng tôi đều đặn gửi thư cho nhau, gửi vào đó những yêu thương mong nhớ dành cho đối phương, cho mối tình buộc phải cách xa.
Duyên phận với chúng tôi vẫn còn may mắn, trong suốt nửa năm tiếp theo, tôi và anh có gặp nhau đôi ba lần, dẫu chỉ ở cạnh vài ngày nhưng đủ để xoa dịu trái tim đang yêu nhau say đắm, bất chấp khoảng cách và cả bom đạn tàn phá.
Một ngày đầu tháng mười, tôi vừa từ trên xe chở thương binh bước xuống, chị Miên hối hả chạy đến báo, Tiểu đội trưởng Khởi bị trúng đạn rồi Hoa ơi! Tôi đứng sững vài giây, chuyện sống chết ngoài chiến trường
khó nói, anh là bộ đội tham chiến nên khi yêu anh tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý, nhưng lúc này nghe báo xong thấy toàn thân bủn rủn, tôi vội vã chạy vào trong lán.
Phong Khởi nằm cạnh những thương binh khác, mắt nhắm nghiền như đang ngủ, cánh tay trái quấn băng trắng, tôi liền bước vội đến xem anh thế nào.
- Đã gắp đạn ra rồi, không sao đâu.
Bấy giờ tôi mới thở phào khi nghe bác sĩ Hiệu nói, đúng lúc Phong Khởi mở mắt ra, vừa thấy tôi thì anh đã mỉm cười thật tươi dù gương mặt đang tái đi.
- Tôi mất cảnh giác, bị trúng đạn của địch, phẫu thuật xong rồi em đừng lo.
- Hổng lo sao được, em sợ...
Phong Khởi nén đau ngồi dậy, xoa đầu tôi trấn an. Thấy có bác sĩ Hiệu cùng những thương binh khác, tôi kìm nước mắt, nghĩ sao mình mít ướt quá! Ngày đêm mong mỏi gặp lại, đến lúc thấy mặt nhau thì anh bị thương, tình yêu thời chiến kiên cường mà cũng rất đỗi mong manh. Thứ gì càng khó gìn giữ, mới càng khiến người ta thêm quý, thêm trân trọng.
Do vết thương hơi nặng nên đợt này Phong Khởi ở đây lâu hơn mấy lần trước.
Đến đêm cuối, một sự kiện quan trọng của chúng tôi đã xảy ra.
Là vào buổi tối, tôi với chị Miên không có ca trực nên lại cùng mấy đồng chí bộ đội quây quần nói chuyện để rạng sáng mai các anh lên đường. Ăn cơm xong, vừa ra khỏi lán bếp thì mọi người nghe Phong Khởi kêu khẽ
một tiếng, tôi quay lại đầu tiên thấy anh hơi nhăn mặt, đưa tay sờ lên chỗ vết thương đạn bắn, nói tự nhiên bị đau. Chị Miên bảo hổng chừng vết khâu sưng mủ nghen, Hoa coi lại cho ảnh đi! Thế là mọi người kéo nhau đi
mất, bấy giờ tôi mới kéo tay áo anh lên, mở băng xem qua vết may vẫn bình thường, cũng sắp lành rồi.
- Em thấy đâu có gì, anh còn đau hả?
- Ờ thì... em coi kỹ hơn đi.
- Xem kỹ rồi này. Mà ở đây tối quá, mình vào trong lán đi, có đèn sáng. - Thôi, cứ xem ở đây được rồi.
- Nhưng tối hù, em chả thấy có gì bất thường hết, hay để em gọi bác sĩ Hiệu...
Tôi quay đi thì từ phía sau, Phong Khởi vòng tay ôm ngang hông kéo tôi vào trong lòng anh. Nơi này khá xa lán bếp và xung quanh không có ai, tôi vẫn mắc cỡ.
- Anh làm gì vậy?
- Muốn ôm em một chút.
- Chẳng phải anh bị đau hả, để em gọi bác sĩ...
- Em khờ quá, là tôi muốn được ở riêng với em.
- Có thế mà anh lại nói mình bị đau?
- Không nói vậy, thể nào mấy người kia cũng rình trộm tụi mình. Tôi muốn ôm em, làm nhiều việc khác với em nữa, tôi không thích để họ nhìn thấy.
Làm nhiều việc khác là việc gì? Tôi tự hỏi, bất giác xấu hổ trước mấy lời này của anh. Trước giờ luôn thấy Tiểu đội trưởng tác phong đứng đắn, dáng vẻ nghiêm nghị, nay trông cảnh anh nói hệt như "vòi vĩnh" khiến tôi bất ngờ lắm, phát hiện mình còn chưa hiểu hết về anh. Tôi không nói gì, cũng không gỡ đôi tay đang ôm siết lấy mình. Cả hai đứng ôm rịt như vậy
vài phút, tiếp theo anh nắm tay kéo tôi đi vào trong rừng phía sau dãy lán y tá nữ.
- Cho em cái này, hồi chiều tôi vô rừng bắt mãi mới được.
Phong Khởi đưa tôi chiếc túi ni lông cột chặt đầu, bên trong có những đốm sáng nhỏ bay lơ lửng, nhìn một hồi mới biết là đom đóm. Theo phẫu sư đoàn đến bao nhiêu cánh rừng, mải lo làm việc mà tôi ít khi nào nhìn thấy đom đóm, lần đầu tiên và duy nhất có lẽ cách đây hai năm khi tôi còn học lớp y tá. Tôi reo lên, thích quá!
- Em thích đom đóm lắm hả?
- Thì nó đẹp vầy, sao hổng thích được.
- Có bằng em thích tôi không?
- Anh đâu có đẹp như đom đóm.
- Vậy tôi cho em thấy một thứ còn đẹp hơn đom đóm nhiều, và rất ngọt nữa.
- Là cái gì?
Nhanh như cắt, Phong Khởi nhoài người tới, hôn lên môi tôi một cái. Tôi ngây đơ, tay cầm túi ni lông buông thõng. Lần đầu tôi được hôn môi, mau chóng đến bất ngờ. Anh hỏi tôi thấy sao, tôi cúi gằm mặt bẽn lẽn, nhanh quá nên không biết nữa! Rồi khuôn mặt tôi được anh ôm lấy bằng hai tay đồng thời nâng nhẹ lên, mắt tôi nhìn thẳng vào đôi mắt lấp lánh của anh, nghe anh nói thế thì hôn lại lần hai! Khi hai bờ môi chạm nhau, tôi tự động nhắm mắt lại, môi anh quyện lấy môi tôi tạo nên sự ngọt ngào kỳ lạ. Nụ hôn sâu và kéo dài khiến tôi muốn ngộp thở, chân bất giác bước lùi ra sau và lưng tựa vào một thân cây để có sức đứng vững. Lúc anh ngừng hôn, bấy giờ tôi mới thở dốc, lại thấy anh cười hỏi:
- Em nín thở à, khờ thế!
- Tại... tại lần đầu em mới hôn... Cũng tại anh hôn dữ dội quá...
- Bộ đội như tôi ra chiến trường phải tấn công thật nhanh nếu không sẽ bị địch giết, tác phong đó giờ của tôi luôn nhanh gọn dứt khoát để giành thắng lợi.
- Hôn em hay anh giết địch vậy?
- Với em, là tôi không kìm lòng được.
Mặt bây giờ chắc đỏ lắm rồi, tôi đánh nhẹ vào ngực Phong Khởi, vu vơ mà rằng Tiểu đội trưởng anh dẻo miệng quá! Anh lại ôm tôi, để tôi thở đều lấy lại sức.
- Giữa tháng này tôi xin phép đơn vị nghỉ vài ngày.
- Anh về thăm nhà hả?
- Ừ, để thưa với nội một chuyện quan trọng, sau đó tôi sẽ tới gặp má em.
Tôi ngước nhìn anh, gặp má em chi? Anh vuốt nhẹ đầu vai tôi, giọng lãng đãng:
- Để nói má em biết, đồng chí Hoa tới tuổi lấy chồng rồi, má em chịu gả em chưa?
- Nếu má nói chưa thì anh làm sao?
- Thì tôi nói có người muốn cưới em lắm rồi.
Tôi biết anh bày tỏ ý định cưới mình, lòng hạnh phúc vô cùng nhưng giả vờ hỏi:
- Lỡ má em không chịu?
- Quan trọng là em chịu kìa.
- Rồi lỡ em hổng chịu luôn?
- Thế thì tôi sẽ cưới vợ khác, coi lúc đó ai tiếc hơn ai.
- Thiệt cái miệng của anh hổng ai nói lại hết đó!
Phong Khởi bật cười, ngực rung lên từng hồi, tiếp theo cúi mặt nhìn tôi mà chọc:
- Rồi đồng chí Hoa trả lời sao nè? Đăng ký nhập hộ khẩu vô nhà tôi không?
- Anh phải hứa không được bắt nạt em...
Nói đến đấy tôi ngượng quá liền vùi mặt vào ngực áo bộ đội hăng hắc mùi thuốc súng, không quá lâu sau lại nghe anh thì thầm trong gió đêm:
- Tôi hứa, cố gắng cho em cuộc sống bình an vui vẻ.
Kỳ lạ! Đêm nay chẳng hề có tiếng dội bom, cũng chẳng có chuyện gì xảy ra, tất cả tĩnh lặng và yên bình đến lạ thường. Ở thời chiến loạn lạc, ngày ngày nghe tiếng bom rồi đối diện với súng đạn, nay gặp mặt mà mai chưa chắc đã còn thấy nhau, vậy mà anh nói muốn cho tôi đời bình an. Liệu có được không anh? Mỗi đêm em đều khóc vì sợ, sợ ngày nào đó hay tin anh hi sinh trên chiến trường, nhưng duyên phận để em thương anh thì em sẽ chấp nhận đánh cược. Chỉ cần ở cạnh anh, với tình yêu này, thì trái tim em đã bình an rồi!
Nằm trong vòng tay anh, tôi mãn nguyện, thầm ước giá như đêm nào cũng bình yên như đêm nay thì tốt biết bao...
Giữa tháng, Phong Khởi thưa chuyện của chúng tôi cho hai nhà biết.
Má tôi nửa mừng nửa lo, vui vì con gái cũng chịu lấy chồng, còn lo là vì anh làm bộ đội, sống chết khó nói. Tôi an ủi má, con thương ảnh thì con chấp nhận!
Phong Khởi kể, ba má anh mất dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, một mình nội chăm anh lớn, cũng ráng cho anh ăn học tử tế. Nào ngờ anh trốn nội đi tuyển bộ đội, biết xong bà không la mắng gì hết chỉ buồn suốt mấy ngày. Nội thương anh, còn mỗi đứa cháu trai nối dõi nay phải nhìn nó đem tính mạng ra chiến trường.
Tháng nào anh cũng gửi thư cho nội, kể bà nghe anh chiến đấu thế nào, ở đơn vị anh rất vui khi quen được nhiều đồng đội.
Mấy đợt nội nhắc anh cưới vợ đi, chí ít cũng để bà bồng bế cháu cố. Anh lần lữa hoài, nói con chưa thích ai, bây giờ chỉ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ! Nội sốt ruột lắm, nên cái ngày anh dẫn tôi về gặp nội, bà mừng đến chảy nước mắt. Nội ngoài sáu mươi mà vẫn khỏe, ngồi kể tôi nghe biết bao chuyện ngày anh còn bé.
Nội vừa gặp tôi thì bảo, mới gặp con nhỏ là thấy thương rồi, và tôi cũng thế. Thương bà mất đi con trai với cả con dâu, thương bà một thân một mình trong thời chiến tần tảo nuôi dạy anh, để tôi được gặp anh, thương anh và gắn bó suốt đời.
Cuối năm đó, chúng tôi cưới. Đồng chí hai bên đơn vị đến chúc mừng đông lắm. Tôi và Phong Khởi cũng rất vui trong cái đám cưới đơn sơ giản dị.
Đêm tân hôn, anh nhẹ nhàng âu yếm tôi trên chiếc giường cưới, tôi nằm yên cảm nhận những yêu thương anh dành cho mình. Nhưng là con gái lần đầu trải qua tân hôn, tôi không hề biết về chuyện đó, cho đến khi anh làm tôi đau đến nước mắt lăn dài, ôm chặt lấy vai anh và tôi trách:
- Anh đã nói không bắt nạt em mà.
- Khờ quá, làm chuyện vợ chồng thì đàn bà sẽ bị đau.
- Vậy anh sẽ làm em đau cả đời hả...
- Chỉ lần đầu thôi, sau này sẽ không đau nữa.
- Thật sao?
Không nghe tiếng đáp lời, tôi mơ hồ thấy anh dựng nửa người dậy, dịu dàng hôn lên đôi mắt ướt rượt của tôi, rồi cơn đau rách toạc bên dưới từ từ dịu bớt. Mãi sau này tôi mới hiểu, đàn bà đau đớn trong lần đầu làm chuyện đó để suốt đời ghi nhớ người đàn ông đầu tiên của họ, vì đã đem lại cho họ nỗi đau lẫn vui sướng.
- Cái đau này để em không quên anh.
- Em thương anh vậy làm sao quên anh được?
Lần nữa anh im lặng, chỉ ôm siết lấy thân thể đang nóng hổi của tôi. Vẫn là tôi không biết có đôi khi người ta xa nhau không một lời báo trước, chẳng phải vì hết thương thì sẽ quên nhau, mà là nếu mai này anh lỡ hi sinh chỉ sợ rằng thời gian sẽ xóa nhòa bóng hình anh trong trái tim tôi, có lẽ đó là điều anh đã nghĩ tới.
Sau cuộc ái ân, Phong Khởi đắp mền cho tôi, hỏi còn đau không? Hơi mệt mỏi, tôi gật nhẹ và tựa đầu vào ngực anh, thắc mắc điều này:
- Tại sao lần đầu tiên chỉ có em bị đau, còn anh lại không? - Vì trời sinh đàn ông không bị đau như đàn bà.
- Em nghe chị Miên nói đàn ông trước khi cưới vợ đều từng nằm trên giường với những người đàn bà khác. Anh thì sao?
Tôi thấy chồng bắt đầu cau mày, nhưng vẫn kiên nhẫn trả lời: - Tất cả đàn ông thường như vậy, mà khi cưới vợ rồi sẽ không thế nữa. - Thế lần đầu tiên có ai chỉ anh không?
- Đàn ông sinh ra tự họ đã biết làm rồi.
- Thế...
- Đồng chí Hoa, tôi lệnh cho đồng chí đừng hỏi mấy cái chuyện này nữa, nhắm mắt lại và ngủ đi, trời sắp sáng rồi đó.
Anh là Tiểu đội trưởng chứ không phải cấp trên trực tiếp của em! Tôi thầm nhủ, bứt rứt vì còn nhiều thứ khó hiểu lắm nhưng vẻ như anh không thích nói. Tôi liền ôm anh, nhắm mắt ngủ, lắng nghe bên ngoài có tiếng mưa rơi. Lát sau trong cơn mơ chập chờn, tôi cảm nhận anh hôn lên trán mình, rồi nằm xuống theo. Chìm vào giấc ngủ rồi mà tôi vẫn mỉm cười. Đêm nay thật may vì không có tiếng dội bom.
Sau đám cưới, hai vợ chồng bên nhau thắm thiết cũng chỉ được một quãng thời gian ngắn, sau đó ai nấy lại trở về đơn vị, tiếp tục công việc của người ở ngoài tiền tuyến và người ở trong hậu cần.
Dĩ nhiên chúng tôi không quên việc này. Là, những đêm tù mù chong mắt bên đèn dầu cạn đọc những cánh thư lần lượt được gửi đến đơn vị của mỗi người, mang theo nỗi nhớ nhung ngày càng sâu đậm và tình cảm canh cánh trong lòng.
Nhưng ngoài những điều đó ra, tôi và anh còn kể cho nhau nghe nhiệm vụ mỗi ngày của mình, như chuyện hôm nay tiểu đội anh giết hạ bao nhiêu địch, những cái chết từ đồng đội anh cùng với nước mắt của gia đình, rồi có anh bộ đội cùng đơn vị vừa mới cưới vợ, hay đêm về nhắm mắt lại anh nhớ tôi thế nào. Tôi cũng kể mình săn sóc cho nhiều thương binh, càng thấy căm ghét chiến tranh hơn. Tôi không quên báo anh tin vui, anh Khánh cưới chị Miên rồi! Phẫu sư đoàn làm đám cưới đơn sơ cho họ, đêm tân hôn mấy nam quân y rủ nhau đi xem trộm.
Rất nhiều, rất nhiều những điều khác mà chúng tôi chia sẻ cho nhau, để như thể người này vẫn luôn kề cận người kia, và để quên đi cảm giác cô đơn.
ĐỜI BÌNH AN (1972)
Võ Anh Thơ
dtv-ebook.com
Chương 4
Tình hình đất nước khi đó chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Binh lính Việt Nam Cộng Hòa lẫn Quân giải phóng có dịp gặp nhau, nhưng dần dà hai phía phá vỡ những ký kết hòa bình trong Hiệp định Paris.
Để rồi ngày mười chín tháng giêng năm 1974, sự kiện chấn động diễn ra khi Trung Quốc bất ngờ chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa.
Không lực Việt Nam Cộng Hòa chuẩn bị năm phi đoàn phản lực F-5, đợi lệnh tại Đà Nẵng nhưng cuối cùng kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa đã không được thực hiện, nguyên nhân là chính phủ Mỹ lên tiếng ngăn chặn kế hoạch này...
Sau sự kiện "Hải chiến Hoàng Sa 1974", vào tháng hai cùng năm, một chuyện "chấn động" khác xảy đến với tôi.
Ngày hôm đó, Phong Khởi có vẻ bất ngờ trước việc tôi xin nghỉ phép và đến đơn vị tìm anh. Sau khi hỏi han xong, mấy anh đồng đội liền đùa: "Thôi tụi mình để cho vợ chồng Tiểu đội trưởng được riêng tư đi", rồi kéo nhau đi mất. Ngồi xuống ghế dưới gốc cây, anh hỏi tôi đi đường mệt không, tôi lắc đầu. Anh lại hỏi tôi muốn ăn gì không, tôi cũng lắc đầu. Tôi thấy anh nhìn mình từ trên xuống dưới, hình như xem thử vợ có bị đau ở đâu, chắc do biểu hiện của tôi khác lạ quá.
- Em tới sao không báo anh biết trước?
- Tại có việc bất ngờ quá nên em muốn tới đây gặp anh.
- Bộ xảy ra chuyện gì à?
- Anh nè, nếu nhà mình có thêm một người nữa thì sao?
- Thêm một người? Vậy là ở nhà có chuyện chi hả?
- Ý em là nói vợ chồng mình ấy...
- Anh nghe nãy giờ mà không hiểu em nói gì hết.
- Là nếu giữa vợ chồng mình có thêm một người đó.
- Sao lại thêm một người? Mà đấy là ai? Ở đâu?
Chán Tiểu đội trưởng này ghê, tôi thầm nhủ rồi kéo tay anh qua đặt lên bụng mình, nói câu rõ ràng: Nó ở đây nè! Phong Khởi ở trước mặt tôi thừ ra một lúc, biểu hiện này giống y như cái lần anh nghe tôi bày tỏ vậy, bất ngờ và mừng rỡ đan xen. Anh nhìn chằm chằm tôi, tay sờ tới sờ lui trên cái bụng chưa nhô lên làm tôi nhột muốn chết, tiếp theo hỏi: "Thật hả?", ngay cả câu hỏi cũng chẳng khác hồi đó.
- Thiệt, qua em mới bị nôn, chị Miên thấy nghi liền nhờ bác sĩ Hiệu khám cho em. Sao nè, anh vui không? Có thích không?
- Vui chứ, vậy là anh có con rồi hử?
- Thì con anh đó, tới nhận đi.
Tôi bảo đùa khiến Phong Khởi cười lớn, tay ngừng xoa anh lại chuyển qua áp tai lên bụng vợ nghe ngóng, tôi liền vỗ nhẹ vai anh: "Mới có mấy tháng hà, anh mà nghe được cái gì mới hay đó". Anh ngồi trở lại chỗ cũ, quàng tay qua ôm bờ vai tôi. Tựa đầu vào ngực anh, tôi vân vê vạt áo bà ba tím nhạt, hỏi khẽ:
- Đứa bé này là trai hay gái anh nhỉ.
- Trai gái gì đều được, chỉ cần con sinh ra bình an là tốt rồi. - Vậy em ráng sinh một trai, một gái cho anh.
- Hay không em sinh cho anh một tiểu đội mười đứa luôn đi.
- Tham vừa thôi, đàn ông các anh tưởng mang bầu sinh đẻ dễ lắm hả? - Anh biết vợ chịu cực rồi, sinh xong anh sẽ bù đắp cho vợ. - Hứa mà không làm thì biết tay em.
Tôi giơ tay lên liền bị anh nắm giữ lại, hai vợ chồng nhìn nhau cười miết. Thật, sắp làm cha làm má tới nơi mà chúng tôi toàn làm mấy cái chuyện không đâu.
Tối đó, tôi ở lại chỗ Phong Khởi, trong một căn phòng nhỏ khang trang. Đơn vị anh xây phòng này để ưu tiên cho vợ chồng các đồng chí có thời gian tâm sự tỉ tê sau những khoảng thời gian tạm chia xa.
Lúc tôi trở về phẫu sư đoàn thì năm ngày sau, Phong Khởi đã xin phép đơn vị nghỉ hai ngày để đến gặp tôi. Anh hỏi han liên tục, nào là tôi có bị nghén không, có thấy mệt mỏi không, hay chăm sóc thương binh có nhiều quá không... Hành động của chồng y hệt trẻ con, khiến mấy chị đồng chí được dịp chọc ghẹo. Anh thản nhiên đáp lại các chị, ai mới lần đầu làm cha mà không mừng?
May sao đứa trẻ trong bụng tôi ngoan lắm, mấy tháng đầu tôi không hề ốm nghén, chỉ hơi mệt mỏi và thèm ăn, bé cũng không quấy phá gì. Chị Miên ngưỡng mộ tôi rằng mang bầu khỏe như em thì sướng nhất đời rồi! Tôi cười bảo, chắc con nó biết ba má đang cực khổ chiến đấu để sau này con sống trong hòa bình nên mới ngoan vậy! Đúng rồi, khi tôi vuốt ve bụng mình, tôi cũng hi vọng lúc con chào đời thì đất nước đã giành được độc lập.
Nội anh với má tôi cũng nhận được tin mừng, khuyên tôi giữ gìn sức khỏe, vừa làm quân y vừa mang bầu thì cực lắm. Tôi nói sức mình chịu được, ngày ngày biết con đang lớn lên trong bụng mình, tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
Nhưng sau đó tin buồn kéo đến, nội mất! Hôm qua bà vẫn bình thường, ngủ một đêm xong thì bà không tỉnh dậy nữa. Má tôi bảo, nội ra đi thanh
thản vậy là phúc đức lắm. Đơn vị cho phép tôi và Phong Khởi nghỉ vài ngày về chịu tang.
Nội vừa mất thì miền duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra trận chiến quan trọng, là trận Thượng Đức tỉnh Quảng Nam, giữa Quân giải phóng miền Nam với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phát súng đầu tiên mở màn vào đêm hai tám và rạng sáng hai chín tháng bảy. Trận chiến trải qua hai đợt kéo dài đến ngày bảy tháng tám.
Đến tháng mười, tôi sinh. Trước đó tôi đã về nhà được vài ngày, đến tối tự dưng đau đẻ, má đỡ đẻ cho tôi luôn. Hồi má đẻ tôi, nhanh như cái chớp mắt, và đứa con này của tôi cũng vậy, cơn đau vừa dứt thì tôi nghe tiếng con khóc rồi. Má vui mừng trao đứa con gái đỏ hỏn cho tôi, nhìn con khóc oe oe trong tay mình, tôi thấy chưa chi mà cái miệng con đã giống ba Khởi nè!
Tôi sinh xong vài ngày thì Trận Thượng Đức bắt đầu đợt chiến thứ ba, thế giằng co giữa Quân giải phóng và quân Việt Nam Cộng Hòa kéo dài cả tháng trời. Kết quả vào cuối tháng mười một, Quân giải phóng tái chiếm thành công quận Thượng Đức. Toàn bộ hệ thống phòng thủ Đà Nẵng bị phá vỡ, thành phố thủ phủ miền Trung rơi vào thế cô lập khiến quân địch phải rút lui.
Ngày Phong Khởi về nhà, đón lấy đứa con gái đầu lòng từ trong tay tôi, mắt anh đỏ hoe xúc động. Tôi nói anh đặt tên cho con đi, em nghĩ hoài không ra!
- An Phương! - Đó là cái tên anh bật ra sau nửa ngày ngồi suy nghĩ thật lâu - Dù ở phương trời nào đi nữa, con gái ba cũng sẽ thật bình an, thật vui vẻ khỏe mạnh.
Tôi rất thích cái tên này, nghe thật hay và ý nghĩa. Lúc này loạn lạc với chiến tranh liên tục, được sống bình an là điều khó khăn nhất. Một tay ôm con, một tay ôm tôi, đưa mắt nhìn ra ngoài mảnh vườn nhỏ vắng lặng nhưng phía xa kia vẫn nghe âm vang tiếng đạn bom, anh thì thầm một lời nghe chắc chắn:
- Hòa bình nhất định sẽ tới, con gái mình sẽ lớn lên khi đất nước thống nhất, không phải như ba má hay ông bà chúng sống trong khói lửa đổ máu. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ và buông súng, anh sẽ cho mẹ con em sống đời bình an.
Tôi thấy Phong Khởi nhìn đăm đăm về phía hoàng hôn cuối trời, nơi những cánh chim dáo dác bay về tổ ấm sau một ngày vất vả. Điều anh hi vọng cũng là điều tôi hi vọng, mơ về một đất nước hòa bình độc lập cho con cái chúng tôi. Những thế hệ trước đã quá đau khổ mất mát rồi, và tôi không muốn thế hệ sau lần nữa bước qua đau thương như chúng tôi đã
từng như thế...
Tôi và Phong Khởi ở nhà với An Phương chưa được bao lâu thì phải quay về đơn vị vì một trận chiến mới lại nổ ra. Ngày tiễn vợ chồng tôi, má ôm cháu trên tay, dặn dò hai bây cứ đi "quýnh" giặc, con Phương để ở nhà má chăm cho! Nhìn con gái vừa sinh đã phải rời vòng tay mẹ, tôi kìm nước mắt không khóc. Chồng hôn con xong rồi quay qua dỗ dành vợ, tôi thấy mình chẳng khác gì đứa trẻ sắp rời nhà đi xa. Lúc lên xe tôi ngoái đầu nhìn con, nước mắt lăn dài.
...[Tới tháng mười hai năm 1974, tiếp tục diễn ra trận đụng độ quân sự lớn giữa Quân giải phóng miền Nam và quân Việt Nam Cộng Hòa trong "Chiến dịch đường 14 - Phước Long". Cuộc chiến chỉ vỏn vẹn ba tuần, đặt dấu kết thúc vào ngày sáu tháng giêng năm 1975, với phần thắng của Quân giải phóng. Nhờ sự đóng góp về sức người, vật chất của tầng lớp công nhân cao su và các dân tộc thiểu số, giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Quan trọng hơn, đường Hồ Chí Minh được mở thông từ Vĩnh Linh nối liền với Nộc Linh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam Bộ.] ...
Giữa tháng hai, may mắn thế nào tôi và cả Phong Khởi đều được nghỉ phép về nhà cùng lúc, chỉ có hai ngày thôi. An Phương sinh được ba tháng rồi, nằm ngủ trên giường tre, má tôi bảo con bé ngoan lắm không quấy khóc gì đâu. Má sang xin sữa của chị con dâu nhà bà Hai Lía, rồi chắt nước cơm cho cháu uống nữa.
Má sang xin sữa của chị con dâu nhà bà Hai Lía, rồi chắt nước cơm cho cháu uống nữa. Nghe vậy tôi thương con lắm, cả ngày bồng bế cho bú. Chồng tôi cũng ở cạnh không rời. Hai ngày ít ỏi để gia đình sum vầy vui vẻ trôi qua nhanh chóng, đêm cuối má tôi bồng cháu về buồng mình ngủ để vợ chồng tôi được ở riêng.
Đêm ấy trăng sáng, gió cũng dịu mát, chúng tôi cuộn vào những miên man, để sự nóng hổi của da thịt hòa nguyện nhau. Ánh trăng chảy tràn rớt vào phòng tối, qua khe cửa sổ khép hờ, khuôn mặt Phong Khởi hiện lên trong đáy mắt tôi. Vẫn mạnh mẽ dạn dày gió sương qua bao cuộc chiến, và cái nhìn dành cho tôi chưa bao giờ thôi dịu dàng. Anh vẫn ôm tôi thật nhẹ nhàng trong vòng tay cứng cáp mỗi lần gần gũi. Tôi nghe hơi thở anh, tiếng anh thì thầm cứ nửa xa nửa gần:
- Anh thương em...
Lấy nhau và đã có một đứa con, vậy mà mặt tôi vẫn còn đỏ bừng mỗi khi nghe ba từ này từ miệng anh. Cảm giác yêu thương trong chúng tôi như mới ngày hôm qua, giữa anh chàng đội trưởng và cô quân y thuở trước, ngại ngùng trong từng ánh mắt, từng cái nắm tay hay cái hôn sâu. Thời gian ở gần không nhiều, khoảng cách cùng bom đạn chiến tranh khiến tình yêu con người thêm sâu sắc chứ không hề vơi đi. Mỗi lần kề cần là thêm một lần góp nhặt những hạnh phúc nhỏ nhoi.
Tôi vùi mặt vào khuôn ngực lấm tấm mồ hôi của anh, như thói quen khó bỏ, nói:
- Vợ chồng mình đang thân mật, anh còn nói lời này, em ngượng chết đấy.
- Em như vậy không sợ con gái cười hả?
- Thì em nói với con là do ba nó hổng biết xấu hổ.
- Thế anh sẽ nói em nghe mấy lời xấu hổ này, đẻ cho anh thêm đứa con nữa.
Tôi buông chồng ra, hai tay đưa lên che kín bưng hết mặt, thật chịu không nổi!
- Em hổng muốn, anh tự mà đẻ.
- Hồi đó chính em hứa ráng đẻ cho anh một trai, một gái.
- Giờ em rút lại lời hứa, anh làm gì em?
- Thì phạt đồng chí Hoa phải đẻ cho anh đứa thứ hai.
Anh liền kéo hai tay tôi xuống, tôi thấy vẻ mặt ngại ngùng của mình in hằn trong đôi mắt lấp lánh đó, rồi anh hôn lên môi tôi thật lâu cùng những tiếng cười khẽ. Cả đêm ấy, chúng tôi quấn quýt không rời.
Khi chìm đắm trong men say tình yêu, người ta không nghĩ rằng sẽ dễ dàng mất đi hạnh phúc mình đang có.
Cũng như tôi, đêm nay ngủ vùi trong lòng anh, tôi đã không biết đây là lần cuối.
...
[Tháng ba và tháng tư năm 1975 trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện miền Nam.
Bắt đầu ngày bốn tháng ba đến ngày ba tháng tư cùng năm, chiến dịch Tây Nguyên với mật danh "Chiến dịch 275" do Quân giải phóng phát động tấn công vào Buôn Ma Thuột khiến cánh nam của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân trên địa bàn Tây Nguyên để giữ miền duyên hải Trung Bộ, nhưng với quyết định sai lầm này đã khiến Quân đoàn II của Việt Nam Cộng Hòa tan rã rồi tháo chạy trên con đường số 7 định mệnh.
Chiến dịch Tây Nguyên tạo nên biến động lớn trên chiến trường miền Nam, mở ra cuộc tấn công cuối cùng là "Chiến dịch mùa xuân 1975" diễn
ra trong năm mươi lăm ngày xuân và Quân giải phóng khiến Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ.
Trưa ngày ba mươi tháng tư, xe tăng của Quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trong sự hân hoan, vui mừng của dân miền Nam. Chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Việt Nam và thống nhất đất nước sau hai mươi mốt năm bị chia cắt.]
...
Trong dòng người đang đứng reo hò trước chiến thắng lịch sử thì tôi bật khóc.
Trước ngày giải phóng một ngày, tôi hay tin anh hi sinh... ***
Sài Gòn, tháng tám năm 1977.
Tôi ngồi trong một quán nước nhỏ bên góc đường công trường Lam Sơn, bên cạnh tôi là An Phương đang giương đôi mắt tròn xoe hiếu kỳ nhìn khung cảnh người người qua lại, lúc này đang là buổi sáng đầu thu mát mẻ
vô cùng. Tôi ngồi đây tầm nửa tiếng rồi, khi tôi uống xong nửa ly nước cam thì chiếc ghế phía đối diện tôi được kéo ra, người đàn ông da ngăm đen, hơi thấp và ốm, nụ cười vui vẻ.
- Có phải chị Hoa, vợ anh Khởi hôn?
- Đúng là tôi, anh là người chiều qua gọi điện cho tôi hả? - Phải rồi chị! Trời ơi may quá, cuối cùng tôi cũng tìm được chị!
Tôi thấy anh ta lau mồ hôi bịn rịn trên trán, gọi chủ quán cho ly chanh đường. Uống một hơi gần cạn hết ly, bấy giờ anh ta đưa mắt nhìn lại tôi, giới thiệu:
- Tôi tên Hiếu, hồi trước ở cùng đơn vị với anh Khởi, đúng hơn là cấp dưới ảnh.
- Không biết anh Hiếu gọi tôi ra đây có chuyện chi?
- Trước khi nói cái đó, tôi có thể biết giờ chị ở đâu, làm gì? Nửa năm rồi, tôi tìm đến nhà chị dưới Vĩnh Long mà nghe người ta nói má con chị dọn lên Sài Gòn rồi.
- Sau giải phóng, ở dưới đấy cũng khó khăn, tôi không tìm được công việc gì để làm, quân y như tôi trở về nhà cũng đâu được trợ cấp gì nhiều, rồi tôi có một chị hồi trước làm cùng đơn vị rủ lên Sài Gòn làm thợ may, tụi tui làm cũng tốt lắm nên tôi đưa má với con gái lên đây sống luôn. Nhà
chỉ là do ba má hồi trước mua để lại, có hai gian, chỉ cho tui thuê một gian. - Vậy hả chị, thế tôi cũng yên tâm. Bé năm nay nhiêu tuổi vậy chị? - Cũng gần ba tuổi rồi anh.
- Nhìn bé giống anh Khởi quá nghen.
Anh Hiếu vuốt nhẹ cái má bầu bĩnh của An Phương, cười cười rồi nói tiếp:
- Hồi giải phóng tới giờ cũng hai năm rồi, thiệt tình tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ mắc công người còn sống đau lòng chị à. Là về anh Khởi...
ĐỜI BÌNH AN (1972)
Võ Anh Thơ
dtv-ebook.com
Chương 5: Cuối
Thời gian qua nhanh thật, mới đấy đã hai năm trôi qua, từ ngày giải phóng từ ngày giải phóng cũng là ngày tôi mất chồng. Người ta nói anh bị nổ bom không tìm thấy xác, chỉ có duy nhất cánh tay phải của anh nằm bên cạnh những thi thể không nguyên vẹn khác của đồng đội. Đám tang anh, tôi ôm con gái gục bên quan tài trống rỗng, ngay cả thân xác anh tôi cũng không được nhìn thấy, không được giữ lại. Suốt một năm đầu, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ anh. Vợ chồng chị Miên và anh Khánh, rồi má, ở bên liên tục an ủi vỗ về, và cũng nhờ có An Phương, nên tôi dần vượt qua nỗi đau to lớn này. Hiện tại tôi chú tâm vào công việc, chăm sóc con gái, thỉnh thoảng nhớ đến chồng, lồng ngực tôi vẫn còn thắt lại nhưng đã thôi khóc.
- Nếu là chuyện quan trọng xin anh cứ nói, tôi bây giờ cũng đỡ buồn rồi anh à.
Tôi nghe tiếng anh Hiếu thở dài, như chuẩn bị cho một câu chuyện buồn nào đấy, chậm rãi lấy trong túi áo ra một bì thư ngay ngắn đặt ở trước mặt tôi.
- Nhờ anh Khởi mà tôi sống tới giờ đó chị... Ảnh vì cứu tôi nên không kịp chạy khỏi vùng địch, tôi nghe tiếng bom nổ ở phía sau, quay trở lại thì ảnh với mấy đồng chí hi sinh rồi. Chắc chị cũng nghe nói chỉ còn cánh tay phải của ảnh, và tôi thấy nó nắm chặt tấm hình. Tôi thề nhất định phải trao kỷ vật này lại cho chị.
Thật sự tôi không nghĩ rằng sau hai năm, sẽ có người tìm đến để trao kỷ vật của Phong Khởi cho mình, bởi nghĩ thân xác anh còn không ở lại thì sẽ có thứ gì trao cho tôi đây? Tâm trạng tôi lúc này nửa vui nửa sợ, vui vì cuối cùng cũng còn một vật mà anh để lại cho tôi từ chiến trường, sợ vì khi nhìn thấy rồi tôi khó kìm lòng.
- Lúc đó tôi bị thương nặng, nằm điều trị mấy tháng trời, đám tang anh Khởi tôi không tới dự, rồi khi khỏe lại thì tôi tìm không thấy chị, mãi tận bây giờ mới được...
Trong khi anh Hiếu giải thích lý do cho cuộc hẹn gặp hơi muộn này, tôi mở bì thư, chậm rãi lấy ra một tấm hình trắng đen bị khuyết góc bên trái, vương chút máu đã khô từ lâu, hình chụp Phong Khởi và tôi đang bế An Phương với nụ cười hạnh phúc. Tôi ngồi yên lặng khá lâu, trong tôi từng dòng cảm xúc tràn đến hệt sóng vỗ, nghĩ đến khúc cuối anh đã nắm chặt bức ảnh gia đình. Cầm một lúc như có điều gì mách bảo, tôi lật ra phía sau tấm hình, tiếp theo bất động vài giây.
- Chị có sao không?
Nuốt nước mắt vào trong lòng, tôi ngước nhìn anh Hiếu, lắc đầu: "Cảm ơn anh đã trao kỷ vật của chồng lại cho tôi...", sau đó thì không nói gì thêm. Anh ta gật đầu, lát sau anh hướng mắt nhìn ra dòng xe cộ ngược xuôi, buông câu nhẹ tênh:
- Giá mà ảnh chờ thêm chút nữa thì thấy giải phóng rồi.
Khi chia tay anh Hiếu, tôi dẫn An Phương đến sông Sài Gòn. Tôi muốn ngắm nhìn con sông chảy từ Bình Phước, qua hồ Dầu Tiếng, tới ranh giới Bình Dương và Sài Gòn, hợp nhất với sông Đồng Nai rồi đổ ra biển, ngắm nhìn những chiếc thuyền lớn nhỏ neo đậu gần bờ, từng cánh chim chao liệng hay ngọn gió thổi đến.
Tôi nhớ anh từng nói anh tên Phong Khởi, là nổi gió, ở đâu gió nổi lên thì sẽ có anh. Trong thời chiến, cơn gió đó đã bay mải miết, bay lạc đi đâu mất rồi, và lỡ hẹn không thể quay về nơi dừng chân.
Anh lỡ hẹn với tôi, lỡ hẹn với An Phương, lỡ hẹn với hòa bình.
Chỉ còn một ngày nữa thôi, mà anh cũng không chờ được lúc thống nhất.
Anh không thể trông cảnh con gái lớn lên, cắp sách tới trường, vui đùa hạnh phúc khi đất nước giải phóng, anh không nhìn thấy miền Nam lúc này, thấy một đất nước đã hòa bình như anh hằng mơ ước.
Lấy ra tấm hình kỷ vật của Phong Khởi, lật giở ở phía sau hình nơi dòng chữ viết tay bằng mực tím đã nhòe đi, lúc nãy có anh Hiếu nên tôi cố kìm nhưng bây giờ nước mắt cứ vậy mà rơi xuống những con chữ được viết thật nắn nót, khiến nó loang lỗ: "Cho em và con sống đời bình an".
Bây giờ không tiếng súng nổ hay dội bom, không khói lửa hay loạn lạc, khung cảnh trước mắt thanh bình vô cùng, vậy tại sao lòng tôi vẫn chưa bình yên?
Người đàn ông từng hứa cho tôi sống đời bình an nay đã mất rồi, liệu ở đất nước độc lập này nơi nào sẽ cho tôi bình an?
Đến giờ tôi mới nhớ lời Phong Khởi nói trong đêm tân hôn, "để em không quên anh", nỗi đau chia cắt bởi sống chết, đời này kiếp này mãi không thể tương phùng. Vì anh, em sẽ chiến đấu với thời gian, giữ hình ảnh anh vẹn nguyên trong tim!
Khi ấy, An Phương ở trên tay tôi liền đưa đôi mắt tròn xoe vô bức hình tôi đang cầm, ngón tay nhỏ xíu chỉ vào Phong Khởi, bờ môi chúm chím gọi lên: "Ba... ba" khiến tôi quay qua nhìn con.
Hồi anh đi con gái chỉ mới đẻ vài tháng làm sao nhớ mặt ba nên sau khi anh mất thì ngày nào tôi cũng ngồi thủ thỉ với con, chỉ cho con xem ba trông như thế nào, kể cho nó nghe anh đã sống và chiến đấu ra sao.
- Phương nhận ra ba Khởi hả, con má giỏi quá.
Tôi đưa tấm hình cho An Phương cầm lấy, nó cứ nhìn mặt ba mà cười. Tôi ôm chặt con gái trong tay, nghe lòng thanh thản đến lạ.
Hòn máu năm đó anh gieo vào người tôi, trở thành đứa bé đáng yêu của ngày hôm nay, kể từ giờ sẽ là nơi chốn bình an nhất để tôi nương nhờ.
Sông Sài Gòn vẫn chảy, chiến tranh đã kết thúc, con người lại tiếp tục sống.
***
An Giang, tháng tư năm 1997.
Chiếc ô tô chạy nhanh trên con đường đất miền Tây, tôi ngồi trong xe cứ nhìn dáo dác ra bên ngoài với vẻ sốt ruột. Bên cạnh tôi ngay chỗ vô lăng là anh Khánh, phía sau có chị Miên và An Phương lúc này đã hai mươi ba tuổi. Lý do cho việc chúng tôi tất tả chạy xuống tỉnh An Giang, chính vì một tin hết sức chấn động. Chuyện phải kể lại một ngày trước, chị Miên xuống dưới này định mua một mảnh đất xây nhà cho vợ chồng chị về sau an hưởng tuổi già, tình cờ thế nào chị gặp một người đàn ông trung niên. "Nhìn ảnh giống y chang anh Khởi nghen Hoa", đấy là toàn bộ câu nói của chị khi hối hả chạy ngược lên Sài Gòn tới chỗ tôi.
- Người giống người thiếu chi hả chị? - Tôi bảo.
- Hổng phải! Nè nha, người đó cũng cao tầm thước tám, bị cụt mất cánh tay phải. Hồi đó giải phóng, người ta cũng nói ở chiến trường chỉ thấy cánh tay phải của ảnh.
- Vậy sao lúc đó chị không tới hỏi phải anh Khởi không?
- Khổ quá, chị đi nhờ xe đứa bạn, nó có việc gấp không dừng lại lâu được! Mà em biết rồi, chị được cái trí nhớ tốt lắm, dù chạy qua nhanh nhưng chị kịp thấy cái nhà nơi ảnh ở. Nó nằm gần khu rừng ô môi mà hồi trước phẫu sư đoàn mình đóng đó. Giờ mình xuống đấy hỏi người ta thử coi!
- Nhưng lỡ đó không phải ba Khởi thì sao dì Miên? - An Phương hỏi.
- Con à, dì thấy người đó giống y ba Khởi con, dù già hơn xưa nhiều rồi. Thì mình cứ tìm hiểu hỏi thăm, giả sử không phải thì thôi, còn lỡ tìm được người xưa thì tốt quá chớ con. Đâu phải ai cũng được vậy!
- Con chỉ sợ má Hoa thất vọng...
Qua kính chiếu hậu, tôi thấy ánh mắt lo lắng của con gái hướng lên chỗ mình, vẻ như nó cũng hiểu phần nào tâm tư trong tôi lúc này. Thật, khi nghe chị Miên báo, tôi không rõ mình có nên vui không, có nên hi vọng người đàn ông đó chính là Phong Khởi - người chồng những tưởng đã hi sinh hai mươi hai năm trước. Nếu phải thì vì sao ngần ấy năm anh không hề tìm kiếm hai má con tôi, vì tôi đã dọn lên Sài Gòn ư? Rồi qua nhiều năm vậy, anh có nhớ tôi, có lấy vợ khác trong khi tôi vẫn một mình, chẳng hề có ý định tiến thêm bước nữa? Rồi nếu như đấy không phải anh, có thể lần nữa khiến vết thương lòng trong tôi bị khơi dậy.
- Hoa, sao im ỉm thế? - Chị Miên dò xét - Tại chị nghĩ cho em nhưng con Phương nói đúng, thôi hay mình đừng đi nữa, dù gì người cũng chết hai mươi hai năm...
Tôi vẫn im lặng, tự dưng anh Khánh ngồi bên cạnh mới lên tiếng rằng:
- Anh nghĩ, Hoa tới đây rồi thì sẽ không dừng lại đâu. Như em nói đấy, Hoa thà biết đó không phải anh Khởi còn hơn là bỏ qua cơ hội này. Chớ anh nhớ Hoa hồi năm bảy mươi hai thà chờ anh Khởi hết một năm trời chứ không chịu lấy anh mà. Một người như thế sao dễ dàng từ bỏ chứ.
Nghe anh Khánh tường tận, tôi chỉ cười. Phải, tôi đã chấp nhận đi xuống An Giang này thì nghĩa là không từ bỏ tại đây, tôi vẫn sẽ như năm mười tám ấy, hi vọng lẫn chờ đợi dẫu thứ mình đợi thật mơ hồ! Nếu đó không phải Phong Khởi, thì tôi sẽ nhẹ nhõm biết rằng anh đã hi sinh rồi, như hơn hai mươi năm qua vẫn vậy.
Chiếc ô tô dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ, lúc xuống xe tôi không thấy người đàn ông nào ngồi ngay cửa như chị Miên từng thấy, tim tôi bỗng dưng đập mạnh. Bốn chúng tôi nhìn nhau một lúc rồi đi vào trong, tiếng chó sủa inh ỏi báo cho gia chủ biết có khách tới. Rất nhanh, người phụ nữ ngoài bốn mươi với hai đứa bé gái nhỏ xuất hiện, tôi đã nghĩ đây giống như một gia đình và người đàn ông kia có thể là chồng của cô ấy, cha của hai đứa con.
- Cho hỏi anh chị tìm ai? - Người phụ nữ lên tiếng.
Chị Miên sợ tôi bối rối quá hay sao mà nhanh chóng đáp lời: - Ờ chị cho hỏi, ở đây có ai tên Khởi? Phong Khởi?
Tôi trông người phụ nữ nọ nghiêng đầu cau mày, tiếp theo lắc đầu bảo rõ:
- Hổng có ai tên Khởi cả, chắc anh chị nhầm nhà rồi.
Cảm giác thân thể nhẹ hẫng đồng thời tim cũng chùng xuống, tôi biết sẽ như thế! Đứng phía trước tôi, chị Miên dường như còn cố chấp, liền nói rõ ràng:
- Chuyện là vậy, cách đây một ngày, tôi có đi qua đây thì thấy một người đàn ông gần năm mươi, bị cụt cánh tay phải ngồi trước cửa...
Lần này người phụ nữ nọ ngẩn mặt ra một lúc, sau đó kêu khẽ:
- Chị hỏi anh Biển hả? Cụt tay, gần năm mươi tuổi, ở nhà tôi chỉ có anh Biển thôi.
- Biển? Tên ảnh là Khởi mà... Ủa mà ảnh là gì của chị?
- Là anh tôi.
Không phải vợ rồi, tôi đã kín đáo thở phào, nhưng vấn đề là ở chỗ Phong Khởi không hề có anh chị em gì hết, anh từng kể nhà chỉ có mỗi mình anh! Hình như chị Miên với anh Khánh cũng nhớ điều đó nên liền nhìn nhau.
- Mà anh chị biết anh Biển hả?
Đáng lý phải là người hỏi chính thì nãy giờ cứ để chị Miên nói thôi, nên bây giờ tới lượt tôi lên tiếng, giải thích cụ thể hơn:
- Chẳng là chị tôi thấy anh Biển đó giống y chang chồng tôi.
- Chồng chị?
- Chuyện cũng dài dòng, chồng tôi tên Phong Khởi, ảnh đi bộ đội chống Mỹ gần cuối năm bảy mươi và từng là Tiểu đội trưởng ở đơn vị A. Hồi mới giải phóng tôi hay tin ảnh hi sinh, người ta nói chỉ thấy cánh tay phải của ảnh ở chiến trường do bom nổ... Nhưng chắc tụi tôi nhầm người rồi, xin lỗi đã làm phiền chị.
- Khoan đã! - Người phụ nữ tỏ ra ngạc nhiên - Có khi nào là anh Biển hôn?
- Nhưng chị là em gái anh Biển trong khi anh Khởi không có anh chị em chi hết.
- Ảnh không phải anh ruột tôi.
Bấy giờ, tám con mắt lập tức đổ dồn vào nhau. Người phụ nữ liền mời chúng tôi ngồi xuống ghế, bảo cháu ngoại đi pha nước cho khách rồi lại nhìn qua tôi mà kể:
- Hồi chiến tranh, nhà tôi ở Phước Tuy ngoài Vũng Tàu. Hôm đó Quân giải phóng đánh tới rồi, ai nấy đều bỏ chạy hoặc trốn trong nhà tránh bom đạn. Thì qua hôm sau ngày hai mươi chín thì phải, ba má tôi phát hiện có người bộ đội nằm ở gần nhà, tay phải bị cụt, vài chỗ trên người bị bỏng, máu chảy nhiều lắm. Tưởng chết rồi ai ngờ còn sống nên ba má tôi đưa vô nhà luôn, ảnh hôn mê năm ngày mới tỉnh. Mà tỉnh lại rồi hổng nhớ mình là ai, hỏi chi cũng không biết, thấy tội quá nên ba má tôi cưu mang coi như con trai.
- Sau đó thì sao? - Tôi hồi hộp.
- Thì ảnh sống với gia đình tôi, ba tôi đặt tên Biển. Tính ảnh hiền, chăm làm, mà hơi lơ ngơ, má tôi nói chắc do bom nổ ảnh bị văng đi nên thành ra thế. Tụi tôi sống tới năm tôi lấy chồng thì chuyển về An Giang, rồi ba má tôi mất, vợ chồng tôi và hai đứa con sống ở nhà này. Anh Biển ở cùng, chớ ảnh một thân một mình, bỏ tội!
Ả
- Ảnh không cưới vợ hả chị? - Tới lượt anh Khánh.
- Ảnh lơ ngơ vậy, ai dám gả con gái cho? Bao năm rồi cũng không nhớ về chuyện trước đây. Mà có cái lạ, từ hồi về An Giang, cứ hễ tới hè là ảnh hay vô rừng cây ô môi ngồi. Tôi hỏi thì anh nói, chờ một người. Nhưng khi tôi hỏi chờ ai, ảnh lắc đầu bảo không nhớ nữa... Chồng tôi nói chắc hồi trước ảnh có kỷ niệm gì với chỗ này, và cứ bao năm qua ảnh ngồi miết vậy đó.
Nghe đến đấy, cả người tôi run lên, mồ hôi ra đầy lòng bàn tay. Một người bộ đội bị thương trong trận đánh cuối cùng năm bảy lăm, bị cụt một tay, lại hay ngồi chỗ cây ô môi trong rừng An Giang này, tất cả đều rất giống với Phong Khởi! Chị Miên ở bên cạnh nắm tay tôi lắc mạnh, chắc anh Khởi rồi đó Hoa ơi! Ảnh không nhớ gì hết nên mấy năm mới không tìm em! Đến nỗi An Phương cũng gật đầu, con nhớ má từng kể lần đầu hai người hẹn gặp là rừng ô môi An Giang, chắc chú Biển là ba Khởi đó má! Rồi tự dưng con gái lục tìm gì đấy trong ba lô, tiếp theo lấy tấm hình mà anh Hiếu đưa tôi hồi trước, chìa ra trước mặt người phụ nữ:
- Quên nữa, con có ảnh của ba! Cô nhìn xem, chú Biển có phải ba con?
Tôi gần như nín thở khi quan sát biểu hiện trên khuôn mặt đối diện, cuối cùng:
- Đúng rồi, anh Biển đó! Giống y cái hồi ba má tôi tìm thấy ảnh ở gần nhà!
Tôi không biết diễn tả tâm trạng của mình lúc này thế nào? Vui sướng? Bất ngờ? Không thể tin vào sự thật? Chẳng ai ngờ nổi, sau hai mươi hai năm, duyên phận lần nữa đưa đẩy để tôi tìm gặp lại người chồng những tưởng đã hi sinh. Đây là phép màu sao? Tôi đặt tay lên ngực, nghe tim mình thổn thức.
- Vậy anh Khởi đang ở đâu vậy chị?
- À giờ chắc ảnh lại ngồi trong rừng cây ô môi, chị ra đấy đi, biết đâu gặp ảnh...
ẳ
Chưa nghe hết câu, tôi đã đứng dậy chạy ra khỏi nhà, cứ thẳng con đường đất mà hướng ra rừng cây ô môi năm nào. Chạy ra tới nơi, tôi đưa mắt nhìn quanh, những chùm hoa ô môi nở hồng rực cả khoảng trời yên ả,
nơi đây trải qua gần ba mươi năm mà vẫn chẳng hề thay đổi, cứ như thể thời gian đã hoàn toàn ngừng trôi.
Và rất nhanh, tôi đứng sững ra bởi trông thấy một người đàn ông ngoài bốn lăm, cụt cánh tay phải, mái tóc hoa râm, đang đứng dưới gốc cây ô môi ngước nhìn lên.
- Khởi... anh Khởi...
Từng bước chân tiến về phía đó là từng tiếng gọi run rẩy phát ra từ miệng tôi. Tiếp theo người đàn ông đó liền quay qua. Dáng người cao gầy trong bộ quần áo sơ mi với quần tây đã cũ sờn, gương mặt sáng sủa từng
dày dạn gió sương nay già đi rồi, nơi đuôi mắt đã hằn những vết nhăn nhưng con ngươi đó luôn sáng bừng lấp lánh như ngày xưa vẫn nhìn tôi thật dịu dàng, tôi đưa tay lên môi ngăn tiếng nấc sắp vỡ òa. Đúng là Phong Khởi rồi! Chồng ơi...!
Phong Khởi cầm trên tay một cành hoa ô môi, chăm chú nhìn tôi rồi hỏi:
- Cô là ai?
- Em là người mà anh đang đợi.
- Cô có nói giỡn hôn, tôi còn không biết mình đợi ai nữa kìa...
Bỗng chốc nước mắt lăn dài, tôi khẽ khàng lấy cành hoa nở rộ ra khỏi tay anh sau đó nắm lấy bàn tay đã chai sần qua bao năm tháng, bàn tay trong thời chiến từng cầm súng và thuở xưa cũng từng ôm tôi thật nồng ấm, nhẹ nhàng áp lên khuôn mặt hạnh phúc của mình, nói rằng:
- Nhưng em biết!
Phong Khởi nhìn tôi một hồi lâu, ngón tay anh như chạm khẽ vào nước mắt tôi.
- Mà sao tôi thấy cô thân quen, chắc hồi trước tôi biết cô. - Em tới đón anh đây. Anh Khởi, xin lỗi em tới trễ...
Cùng lúc ấy, gió từ nơi nào thổi tràn đến mang theo vô số những cánh hoa ô môi hồng rực rơi lả tả xuống chỗ vợ chồng tôi đang đứng. Truyền thuyết về loài hoa gắn liền với sự chung thủy được truyền miệng bao đời, để đến khi gặp lại người yêu đã khiến loài hoa im ắng ba năm chợt bừng nở, từng cánh hoa hồng nhạt như môi người thương khiến ai nấy đều chẳng nỡ quên.
Từng chùm hoa ô môi bay xòa trong gió, khoảnh khắc ấy lướt qua nhanh cứ như thể thời gian quay ngược, là lúc tôi và Phong Khởi hẹn gặp nhau lần đầu tiên tại nơi đây, tôi mười chín còn anh hai mươi ba.
"Đồng chí tên gì?"
"Em tên Nhụy Hoa..."
"Tôi tên Phong Khởi, là gió nổi. Đồng chí thấy ở đâu nổi gió thì ở đó có tôi."
Gió nổi thì hoa sẽ bay.
Đất nước thống nhất sau hơn hai mươi năm chia cắt, và những con người bước ra từ trong thời chiến đó, lần nữa may mắn gặp lại nhau sau hai mươi hai năm.
Kể từ giây phút này, họ sẽ không chia xa nữa.
Đời đã bình an rồi!
......
"Hãy giữ lấy tình yêu con người
Dẫu cách ngăn đừng nghi ngại
Mơ một hôm nắng lên sum họp Với những người đang chờ nhau Với những người biết đợi nhau..." (Trên mảnh đất tình người - Thanh Thúy) Võ Anh Thơ
Thành phố Hồ Chí Minh, 08/2019
"""