" Đọc Vị Người Lạ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đọc Vị Người Lạ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Đọc Vị Người Lạ - Talking To Strangers Malcolm Gladwell Alphabooks - Lan Dao Dịch Nhà Xuất Bản Thế Giới More Books At fb.com/groups/yeukindlevietnam Notion Ebook Member tinyurl.com/downloadebookyeukindle Mục lục Lời nhắn của tác giả Mở đầu: Hãy bước ra khỏi xe PHẦN MỘT - TÌNH BÁO & NGOẠI GIAO Chương một: Sự đáp trả của Fidel Castro Chương hai: Để hiểu về Quốc Trưởng PHẦN HAI - MẶC ĐỊNH VỚI SỰ THÀNH THẬT Chương ba: Nữ hoàng Cuba Chương bốn: Chàng thậm ngốc Chương năm: Nghiên cứu tình huống: Cậu bé trong phòng tắm PHẦN BA - TÍNH TƯƠNG ỨNG Chương sáu: Ngụy biện "Những người bạn" Chương bảy: Một giải thích “ngắn gọn“ về trường hợp của Amanda Knox Chương tám: Nghiên cứu tình huống: Bữa tiệc sinh viên PHẦN BỐN - NHỮNG BÀI HỌC Chương chín: KSM: Chuyện gì xảy ra khi người lạ là một tên khủng bố PHẦN NĂM - GHÉP CẶP Chương mười: Sylvia Plath Chương mười một: Nghiên cứu tình huống: Thử nghiệm ở thành phố Kansas Chương mười hai: Sandra Bland Lời cảm ơn Ghi chú N LỜI NHẮN CỦA TÁC GIẢ hiều năm trước, trong một lần cha mẹ xuống thăm tôi ở thành phố New York, tôi quyết định đặt phòng cho họ ở khách sạn Mercer. Việc này có chút đùa giỡn của tôi. Khách sạn Mercer là một nơi lịch thiệp và sang chảnh, chỗ mà những người nổi tiếng và lẫy lừng chọn ở. Cha mẹ tôi - đặc biệt là cha tôi - thì lại chẳng màng đến mấy chuyện như thế. Cha tôi không xem truyền hình, không đến rạp chiếu phim, không nghe nhạc đại chúng. Hẳn là ông sẽ nghĩ tạp chí People là một tờ chuyên về nhân học. Các lĩnh vực chuyên biệt của ông rất cụ thể: toán học, làm vườn và Kinh Thánh. Lúc đến đón cha mẹ đi ăn tối, tôi có hỏi cha xem ngày hôm ấy của ông như thế nào. “Tuyệt vời!” ông đáp. Thì ra ông đã dành cả buổi chiều trò chuyện với một người đàn ông trong sảnh khách sạn. Đó là kiểu hành vi khá đặc trưng của cha tôi. Ông thích trò chuyện với những người lạ. “Cha nói chuyện với người ta về cái gì?” “Làm vườn!” cha tôi trả lời. “Tên của người ấy là gì?” “Ồ, cha chịu. Nhưng suốt cả buổi mọi người đến xếp hàng để được chụp ảnh với ông ấy và đề nghị ông ấy ký tên vào những mảnh giấy nhỏ”. Vậy nếu người nổi tiếng Hollywood nào đọc cuốn sách này mà nhớ ra là đã từng trò chuyện với một người Anh có râu quai nón từ dạo lâu lắm rồi trong sảnh chờ của khách sạn Mercer, xin hãy liên hệ với tôi. Đối với mọi người khác, hãy coi đây là một bài học. Đôi khi những cuộc trò chuyện thú vị nhất giữa những người lạ cho phép người lạ hãy cứ là một người lạ mặt. 1 Mở đầu HÃY BƯỚC RA KHỎI XE . Tháng 7 năm 2015, một phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Phi tên là Sandra Bland đang lái xe từ quê nhà ở Chicago đến một thị trấn nhỏ cách phía tây thành phố Houston, Texas một giờ lái xe. Cô đang phỏng vấn tìm việc tại Đại học Prairie View A&M, ngôi trường mà cô đã tốt nghiệp vài năm trước. Cô cao ráo và nổi bật, với một cá tính phù hợp với vẻ bề ngoài. Cô tham gia hội nữ sinh Sigma Gamma Rho khi còn ở trong trường, và chơi trong ban nhạc giễu hành. Cô tham gia tình nguyện giúp một nhóm người cao tuổi. Cô thường xuyên đăng những đoạn video ngắn, truyền cảm hứng trên YouTube dưới cái tên “Tiếng nói Sandy”, hay mở đầu bằng “Chào buổi sáng, những Ông Vua và Bà Chúa xinh đẹp của tôi”. Hôm nay con ở đây chỉ để ngợi ca Chúa, cảm tạ nhân danh Ngài. Con biết ơn Ngài không chỉ bởi hôm nay là sinh nhật của con, mà con tạ ơn Ngài vì sự trưởng thành, vì những ân điển mà Ngài đã ban cho cuộc đời con trong một năm qua. Chỉ để nhìn lại hai mươi tám năm con được sống trên trái đất này, với tất cả những điều kỳ diệu mà Ngài đã chỉ cho con thấy. Ngay cả khi con từng mắc lỗi, con chắc chắn đã có lúc phạm sai lầm, Ngài vẫn luôn yêu thương con, và con chỉ muốn tất cả những Ông Vua, Bà Chúa ở ngoài kia biết rằng Ngài cũng yêu thương cả họ nữa. Bland nhận được việc ở Prairie View. Cô quá sức vui sướng. Kế hoạch của cô sau này sẽ là vừa làm vừa học tiếp bằng thạc sĩ ngành khoa học chính trị. Vào buổi chiều ngày 10 tháng 7, cô rời khỏi trường đại học để đi mua thực phẩm, và khi rẽ phải vào đường cao tốc nằm cạnh vòng xuyến của khuôn viên trường Prairie View, cô bị cảnh sát ra hiệu dừng xe. Tên của anh ta là Brian Encinia: da trắng, tóc ngắn tối màu, ba mươi tuổi. Anh ta lịch sự - ít nhất là lúc đầu. Anh ta cho cô biết cô đã không bật đèn xi nhan khi chuyển làn. Anh ta hỏi cô vài câu. Cô trả lời. Rồi Bland châm một điếu thuốc, và Encinia yêu cầu cô vứt điếu thuốc đi. Cuộc trao đổi tiếp sau của họ được ghi lại bởi camera nằm ở đầu xe của anh ta và đã có vài triệu lượt xem trên YouTube, ở dạng thức này hoặc dạng thức khác. Bland: Tôi ngồi trong xe của tôi, sao tôi phải vứt điếu thuốc của mình đi? Encinia: Được rồi, cô bước ra khỏi xe ngay. Bland: Tôi không việc gì phải ra khỏi xe. Encinia: Bước ra khỏi xe. Bland: Tại sao tôi… Encinia: Bước ra khỏi xe! Bland: Không, anh không có quyền. Không, anh không có quyền. Encinia: Bước ra khỏi xe. Bland: Anh không hề có quyền. Anh không có quyền yêu cầu thế. Encinia: Tôi có quyền, nào, bước ra khỏi xe không tôi sẽ kéo cô ra. Bland: Tôi từ chối nói chuyện với anh ngoại trừ xưng danh tính của mình. [cắt ngang] Tôi buộc phải ra khỏi xe chỉ vì quên không bật đèn xi nhan? Encinia: Bước ra nếu không tôi sẽ buộc cô phải ra. Bland: Còn tôi sẽ gọi điện cho luật sư. Bland và Encinia tiếp tục cuộc giằng co khó chịu một lúc lâu. Cảm xúc tăng vọt. Encinia: Tôi sẽ kéo cô ra khỏi đây. [Vươn tay vào trong xe] Bland: Anh định kéo tôi ra khỏi xe của tôi á? OK, được rồi. Encinia: [Gọi hỗ trợ] 2547. Bland: Thử cùng làm xem sao. Encinia: Phải, chúng ta sẽ làm thế. [Tóm lấy Bland] Bland: Đừng có động vào tôi! Encinia: Bước ra khỏi xe! Bland: Đừng động vào tôi. Đừng động vào tôi! Tôi không bị bắt - anh không có quyền kéo tôi ra khỏi xe. Encinia: Cô bị bắt! Bland: Tôi bị bắt á? Vì tội gì? Tội gì? Tội gì? Encinia: [Với bộ đàm] 2547 Hạt FM 1098 [câm tiếng] Cử đội hỗ trợ. [Với Bland] Bước ra khỏi xe! Bước ra khỏi xe ngay! Bland: Tại sao tôi lại bị bắt? Anh đang định ghi phiếu phạt vì tôi quên… Encinia: Tôi nói bước ra khỏi xe! Bland: Tại sao tôi lại bị bắt? Anh vừa mở cửa xe-- Encinia: Tôi đang yêu cầu cô tuân thủ luật pháp. Tôi sẽ kéo cô ra khỏi đây. Bland: Thế ra anh đang dọa sẽ kéo tôi ra khỏi chính xe của tôi? Encinia: Bước ra khỏi xe! Bland: Và rồi anh sẽ [câm tiếng] tôi? Enicina: Tôi sẽ làm cho cô sáng mắt! Bước ra! Ngay bây giờ! [Rút súng ngắn ra và nhắm vào Bland] Bland: Ấy khoan! Khoan! [Bland ra khỏi xe.] Encinia: Bước ra. Ngay. Ra khỏi xe! Bland: Chỉ vì quên xi nhan? Anh làm tất cả những việc này chỉ vì tôi quên xi nhan? Bland bị bắt giữ và tạm giam. Ba ngày sau, cô tự tử chết trong buồng giam. 2. Trường hợp Sandra Bland xảy ra giữa một quãng ngừng lạ lùng trong đời sống cộng đồng Mỹ. Sự ngắt quãng bắt đầu vào cuối mùa hè năm 2014, khi một thanh niên da đen mười tám tuổi tên là Michael Brown bị một cảnh sát bắn tới chết ở Hạt Ferguson, Missouri. Cậu này bị cho là vừa “thó” một bao thuốc trong một cửa hàng tiện dụng. Vài năm tiếp theo lần lượt diễn ra các trường hợp nghiêm trọng khác liên quan đến bạo lực cảnh sát đối với người da đen. Các cuộc tuần hành và biểu tình diễn ra trên khắp đất nước. Phong trào nhân quyền có tên gọi Black Lives Matter (Sinh mạng Da đen Đáng giá) ra đời. Trong một khoảng thời gian, người Mỹ không ngớt nói về chuyện này. Có thể bạn vẫn nhớ một vài cái tên từng được nhắc đến trong các bản tin. Ở Baltimore, một thanh niên da đen tên là Freddie Gray đã bị bắt giữ vì mang bên mình một con dao bấm và rơi vào hôn mê trong thùng xe cảnh sát. Bên ngoài Minneapolis, một thanh niên da đen tên là Philando Castile bị cảnh sát ra hiệu dừng xe trên đường và rồi bị bắn bảy phát liên tiếp không thể lý giải nổi sau khi đưa cho viên cảnh sát giấy chứng nhận bảo hiểm. Ở thành phố New York, người đàn ông da đen có tên Eric Garner bị một toán cảnh sát tiếp cận vì nghi ngờ anh ta bán thuốc lá trái phép, sau đó bị bóp cổ đến chết trong cuộc giằng co. Ở Bắc Charleston, bang Nam Carolina, người đàn ông có tên Walter Scott bị cảnh sát dừng xe vì đèn chiếu hậu không hoạt động, đã chạy ra khỏi ô tô và bị viên cảnh sát da trắng bắn chết từ phía sau. Scott bị giết vào ngày 4 tháng 4 năm 2015. Sandra Bland đã dành riêng một tập để nói về anh ta trên kênh “Tiếng nói Sandy”. Chào buổi sáng, các Ông Vua, Bà Chúa xinh đẹp… Tôi không phân biệt chủng tộc. Tôi lớn lên ở Villa Park, Illinois. Tôi là cô bé da đen duy nhất trong đội nhảy cổ động toàn da trắng… Hỡi những người da đen, các bạn sẽ không thể thành công trong thế giới này cho đến khi học được cách làm việc với người da trắng. Tôi muốn người da trắng thực sự hiểu được rằng trong cuộc sống ở ngoài kia, những người da đen cũng đang làm hết mức có thể… và chúng tôi không thể ngăn nổi cảm giác phẫn nộ khi nhìn ra những tình cảnh mà rõ ràng ở đó sinh mạng người da đen không có nghĩa lý gì. Còn đối với những người đặt câu hỏi tại sao anh ta lại bỏ chạy, ôi khốn nạn, cứ đọc những tin tức gần đây thì biết, người ta cứ việc đứng im, tuân lệnh cảnh sát và vẫn bị giết chết đó thôi. Ba tháng sau, chính cô cũng chết. Cuốn sách này là một nỗ lực để hiểu điều gì đã thực sự diễn ra bên lề đường cao tốc ngày hôm ấy ở vùng nông thôn Texas. Tại sao tôi lại viết một cuốn sách về một vụ dừng giao thông chuyển hướng tồi tệ? Bởi vì cuộc tranh luận bùng nổ sau một dây các trường hợp như thế thực sự không khiến người ta tâm phục khẩu phục. Một bên thì đẩy cuộc thảo luận theo hướng phân biệt chủng tộc - kẻ cả nhìn xuống từng trường hợp từ độ cao ba nghìn mét. Một phía thì dò xét từng chi tiết trong từng trường hợp với một chiếc kính lúp. Viên cảnh sát ấy giống kiểu người nào? Chính xác thì anh ta đã làm gì? Một bên nhìn thấy cánh rừng nhưng không thấy cây. Phía còn lại thì nhìn thấy cây nhưng không thấy rừng. Mỗi bên đều đúng, theo lý lẽ của riêng họ. Định kiến và yếu kém đã được mang ra để giải thích rõ ràng cho sự lệch lạc xã hội trong lòng Hoa Kỳ. Nhưng ta phải làm gì với chẩn đoán hay bắt bệnh của mỗi trường hợp, ngoài thề nguyện, với tất cả lòng thành thực, rằng sẽ cố gắng hơn trong lần tiếp theo? Có những tay cớm bẩn. Có những tay cớm thiên kiến. Những người bảo thủ thích cách hiểu trước, người ủng hộ tự do thích cách hiểu sau. Rốt cuộc thì cả hai bên triệt tiêu lẫn nhau. Những viên cảnh sát vẫn tiếp tục giết người ở đất nước này nhưng những cái chết ấy không còn thu hút sự chú ý của báo chí nữa. Tôi đồ rằng chính bạn lúc này cũng có thể phải ngừng lại một chút để nhớ xem Sandra Bland là ai. Chúng ta đã đặt những tranh cãi ấy sang một bên sau một quãng thời gian kha khá và rồi dịch chuyển qua những vấn đề khác. Tôi không muốn dịch chuyển sang các vấn đề khác. 3. Vào thế kỷ XVI, có gần bảy mươi cuộc giao tranh giữa các quốc gia và lãnh địa ở châu Âu. Đan Mạch chiến đấu với Thụy Điển. Ba Lan giao chiến với các Hiệp sĩ Teuton. Đế quốc Ottoman chống lại Đế chế Venetian. Người Tây Ban Nha đánh nhau với người Pháp - vân vân và vân vân. Nếu có một mẫu số chung cho mối bất hòa bất tận ấy, thì đó là các trận chiến, hãi hùng thay, đều liên quan đến những người láng giềng với nhau. Bạn chiến đấu với người ở ngay bên kia chiến tuyến, vốn là những người vẫn ở ngay bên kia biên giới của bạn từ đời nào tới giờ. Hoặc bạn đánh nhau với người ở trong cùng đường biên: Chiến tranh Ottoman năm 1509 là cuộc tranh chấp giữa hai anh em ruột. Xuyên suốt phần lớn lịch sử loài người, các cuộc đối đầu - dẫu thù nghịch hay là loại khác - thường hiếm khi xảy ra giữa những người xa lạ. Những người bạn gặp và giao tranh thường cũng tin vào vị Chúa của bạn, xây dựng nhà cửa và sắp đặt thành trì giống như cách bạn làm, và họ cũng mang vào trận mạc cùng loại vũ khí và cùng tuân thủ những luật lệ chiến tranh như bạn. Nhưng cuộc đao binh đẫm máu nhất thế kỷ XVI lại không hề mang bất cứ một nét mẫu hình nào như thế. Khi vị tướng xâm lược người Tây Ban Nha Hernán Cortés lần đầu tiên gặp thủ lĩnh của người Aztec Montezuma II, cả hai người họ đều không biết tí gì về đối phương, không một chút nào. Tướng Cortés đặt chân lên bờ cõi Mexico vào tháng 2 năm 1519 và từ từ từng bước tiến vào nội địa, hướng về phía Aztec, thủ phủ của vùng Tenochtitlán. Khi Cortés và đạo quân tới nơi, họ thực sự sửng sốt. Tenochtitlán là một vùng rộng lớn kỳ vĩ và tráng lệ hơn bất cứ thành phố nào mà Cortés và đoàn tùy tùng từng biết đến khi còn ở Tây Ban Nha. Đó là một thành phố nằm trên một hòn đảo, liên kết với đại lục bằng những cây cầu và những con kênh bắc ngang. Nơi đây có những đại lộ rộng lớn, hệ thống cống dẫn nước liên thông, những khu chợ sầm uất, những đền đài được xây dựng trát vữa trắng bóc sáng lấp lánh, những khu vườn công cộng, thậm chí còn có cả sở thú. Còn một điều nữa, ấy là nơi đây sạch bong không một vũng bẩn - đối với người từng lớn lên trong bùn đất bẩn tưởi của các thành phố châu Âu thời trung cổ thì ắt hẳn đây gần như một điều kỳ diệu. “Khi được tận mắt chứng kiến những phố thị và làng mạc được dựng trên mặt nước cùng những thị trấn trù phú trong đất liền, chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng tột độ và bảo nhau rằng những gì trông thấy như được phù phép vậy”, một trong những tướng lĩnh của Cortés là Bernal Díaz del Castillo hồi tưởng. “Và thậm chí vài chàng lính còn thốt lên không biết những gì hiện ra trước mắt có phải là một giấc mơ?... Tôi cũng không biết phải miêu tả như thế nào khi nhìn thấy những thứ mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ chúng tôi chưa từng được thấy, thậm chí còn chẳng nằm mơ được”. Những người Tây Ban Nha được một hội đồng tướng lĩnh người Aztec chào đón ở cổng thành Tenochtitlán, sau đó họ được dẫn đến gặp Montezuma. Vị thủ lĩnh với vẻ uy nghi siêu thực của một bậc quân vương, ngồi trên kiệu thêu đính vàng, bạc, gắn tràng hoa và đá quý. Một kẻ hầu cận trong triều đình đi trước cử lễ, quét sạch đường. Cortés bước xuống ngựa. Kiệu của Montezuma hạ thấp xuống. Cortés, theo thói quen của người Tây Ban Nha, bước tới ôm hôn thủ lĩnh của người Aztec - nhưng bị những người hầu cận của Montezuma chặn lại. Không ai được phép ôm hônMontezuma. Thay vào đó, hai bên chắp tay cúi đầu chào nhau. “Phải Ngài đó không? Ngài là Montezuma?” Montezuma đáp lời: “Phải, chính ta”. Chưa từng có người châu Âu nào đặt chân tới Mexico. Chưa hề có người Aztec nào từng gặp một người Âu châu. Cortés không biết gì về Aztec ngoài cảm giác sững sờ trước sự tráng lệ và trù phú của thành phố mà người Aztec đã gây dựng. Montezuma cũng không biết gì về Cortés, ngoài việc thấy ông tướng này tiến về phía vương quốc của người Aztec với vẻ liều lĩnh đường hoàng, được võ trang bởi những món vũ khí kỳ lạ và mang theo một giống loài to lớn, bí hiểm - ngựa chiến - mà người Aztec chưa từng trông thấy bao giờ. Ai mà không băn khoăn tự hỏi tại sao cuộc gặp gỡ giữa Cortés và Montezuma cho đến nay vẫn làm kinh ngạc biết bao nhà sử học trong suốt nhiều thế kỷ đã qua? Vào đúng khoảnh khắc ấy - hơn 500 năm về trước - khi những nhà thám hiểm bắt đầu vượt các đại dương và tiến hành những cuộc chinh phục táo tạo đến những miền đất chưa từng biết tới trước đó, đã có một kiểu đối đầu hoàn toàn mới mẻ nổi lên. Cortés và Montezuma muốn đối thoại với nhau, ngay cả khi họ không biết gì về người còn lại. Khi Cortés hỏi Montezuma “Phải Ngài đó không?” ông ta không trực tiếp nói ra những từ ấy. Cortés chỉ biết tiếng Tây Ban Nha. Ông mang theo hai thông dịch viên đi cùng. Một người là cô gái Anh-điêng bản địa có tên là Malinche, bị lính Tây Ban Nha bắt vài tháng trước đó. Cô biết tiếng Nahuatl và tiếng Maya của người Aztec, đó là các ngôn ngữ được sử dụng trên lãnh thổ Mexico, nơi Cortés bắt đầu hành trình chinh phạt. Cortés còn có một thầy tu người Tây Ban Nha tên là Gerónimo del Aguilar, ông này bị đắm tàu ở Yucatán và học được tiếng Maya trong thời gian lưu trú ở đó. Thế là Cortés nói với Aguilar bằng tiếng Tây Ban Nha. Anguilar dịch sang tiếng Maya cho Malinche. Và Malinche dịch từ tiếng Maya sang tiếng Nahuatl cho Montezuma - và khi Montezuma trả lời, “Phải, chính ta”, thì đường dây thông dịch dài dằng dặc lại chạy theo chiều ngược lại. Phương thức tương tác dễ dàng mặt-đốimặt mà mỗi bên vẫn từng quen thuộc từ thuở lọt lòng đột nhiên trở nên phức tạp một cách tuyệt vọng.[1] [1] . Ý tưởng Montezuma coi Cortés là một vị thần đã được sử gia Camilla Townsend, trong số những người khác, lý giải khá hợp lý. Townsend lập luận rằng có thể đó chỉ là một sự hiểu lầm, bởi vì thực tế trong tiếng Nahuatl, từ teotl được dùng để chỉ Cortés và đoàn tùy tùng, khi dịch sang tiếng Tây Ban Nha sẽ thành vị thần. Nhưng Townsend cho rằng người Aztec sử dụng từ đó chỉ bởi vì họ “cần phải gọi những người Tây Ban Nha này bằng một cái gì đó, và rõ ràng là họ hoàn toàn không biết cái gì đó nên là cái gì… Trong vũ trụ của người Nahualt hiện hữu cho đến thời điểm ấy, một người luôn được gắn với một làng mạc cụ thể hoặc một trấn, phủ, hoặc, cụ thể hơn nữa, là một người đảm nhiệm một vị trí xã hội (người cống nạp, hoàng thân, hay người hầu). Những người mới này không phù hợp với bất cứ vị trí nào hết. Cortés được đưa đến một trong những cung điện của Montezuma - nơi mà Aguila về sau đã miêu tả là có “vô số phòng ở bên trong, có những phòng chờ và những đại sảnh lộng lẫy, có những giường nệm phủ dài, gối làm từ lông vũ và sợi bông, chăn phủ lông vũ và những chiếc áo choàng lông trắng tinh đáng thèm muốn”. Sau bữa tối, Montezuma nhập cuộc với Cortés cùng đoàn tùy tùng và trịnh trọng phát biểu. Ngay lập lức sự bối rối xuất hiện. Theo như những gì mà người thông dịch Tây Ban Nha truyền đạt lại lời của Montezuma, thì thủ lĩnh của người Aztec đang bày tỏ một sự hàng phục gây sửng sốt: ông ta tin rằng Cortés chính là một vị thần, xuất hiện theo đúng lời tiên tri cổ xưa rằng có một đấng thần linh bị lưu đày sẽ quay trở lại từ phương đông. Và kết quả là ông ta đã chấp nhận hàng phục trước Cortés. Bạn có thể hình dung ra phản ứng của Cortés: thành phố huyền diệu này giờ đây chính thực thuộc về ông ta. Nhưng có đúng thực đó là điều mà Montezuma muốn nói? Nahuatl, ngôn ngữ của người Aztec có một kiểu nói ngược. Một nhân vật hoàng gia như Montezuma sẽ nói chuyện bằng mật mã, mà theo truyền thông văn hóa, những người quyền cao vọng trọng thể hiện vị thế của mình bằng cách nói khiêm tốn giả hiệu. Như nhà sử học Matthew Restall đã chỉ ra, trong tiếng Nahuatl, từ có nghĩaquý tộc không gì khác chính là từ có nghĩa tương ứng là trẻ ranh. Khi một bậc quân vương như Montezuma nhắc đến bản thân bằng một sự nhún nhường và yếu thế, thì nói cách khác, ông ta thực ra đang muốn thể hiện rằng ông ta đầy tự tin và uy quyền. “Để dịch được chính xác một thứ ngôn ngữ như thế rõ ràng là một sự bất khả”, Restall viết: Người diễn thuyết thường buộc phải nói ngược lại với những gì anh ta thực sự muốn nói. Ý nghĩa thực sự được gói ghém trong cách sử dụng ngôn ngữ đảo chiều. Bỏ qua những mập mờ sắc thái trong dịch thuật và tam sao thất bản khi sử dụng nhiều thông dịch viên... thì không chỉ những bài phát biểu như của Montezuma khó có khả năng được thông hiểu chính xác, mà ý nghĩa của nó còn có thể hoàn toàn bị đảo lộn. Trong trường hợp này, bài diễn thuyết của Montezuma không hề là lời đầu hàng; nó là lời phát biểu chấp thuận sự hàng phục của người Tây Ban Nha. Có thể bạn vẫn nhớ bài học lịch sử trong trường trung học về cuộc đối đầu giữa Cortés và Montezuma kết thúc như nào. Montezuma bị Cortés bắt giữ và sau đó bị sát hại. Hai bên nổ ra chiến tranh. Có đến hai mươi triệu người Aztec bị xóa sổ, bị giết dưới tay của người Tây Ban Nha hoặc bị chết do dịch bệnh mà họ mang theo. Tenochtitlán bị phá hủy. Cuộc xâm chiếm của Cortés vào Mexico đánh dấu một kỷ nguyên chinh phục mở mang bờ cõi tàn bạo. Và nó đồng thời cũng giới thiệu một hình mẫu mới mẻ và khác biệt trong tương tác xã hội. Ngày nay con người liên tục ném mình vào quan hệ tương tác với những người mang những giả định, viễn kiến và nền tảng hoàn toàn khác biệt với chúng ta. Thế giới hiện đại không còn là chuyện cừu hận giữa hai anh em tranh giành quyền cai quản Đế chế Ottoman nữa. Mà là chuyện của những Cortés và Montezuma xoay xỏa để hiểu được nhau thông qua muôn tầng thông dịch. Cuốn sách này giúp tìm hiểu tại sao chúng ta lại kém cỏi đến thế trong nghệ thuật diễn dịch này. Mỗi một chương sách tiếp theo sẽ dành trọn vẹn để thấu hiểu một khía cạnh khác nhau trong vấn đề kỳ lạ này. Bạn sẽ được nghe kể rất nhiều ví dụ - tất cả đều được trích xuất từ tin tức báo chí. Tại đại học Stanford ở bắc California, cậu sinh viên năm nhất có tên Brock Turner gặp gỡ cô gái trong một bữa tiệc, và đến đêm hôm ấy, cậu ta bị cảnh sát bắt giữ. Ở Đại học Bang Pennsylvania, cựu trợ lý huấn luyện viên của đội bóng bầu dục của trường, Jerry Sandusk, bị kết án tội ấu dâm, và hiệu trưởng của nhà trường cùng hai trợ lý đắc lực của ông bị kết án đồng lõa với tội ác trên. Bạn sẽ đọc câu chuyện về một điệp viên nằm vùng nhiều năm, đã leo lên những tầng cao nhất của Lầu Năm Góc mà không bị phát hiện, về người đã lật tẩy bộ mặt của nhà quản lý quỹ đầu tư Bernie Madoff, về án lệ của sinh viên Mỹ Amanda Knox trong chương trình trao đổi du học sinh, và về vụ tự tử của nhà thơ Sylvia Plath. Trong tất cả các trường hợp, các bên liên quan đều trông cậy vào một bộ chiến lược diễn giải từ ngữ và ý định của đối phương. Và trong từng trường hợp, đều có một điều gì đó chệch hướng xảy ra. Trong cuốn sách này, tôi muốn hiểu những chiến lược ấy - phân tích chúng, chỉ trích chúng, xác định xem chúng đến từ đâu, và tìm ra cách để sửa chữa chúng. Đến cuối cuốn sách tôi sẽ quay trở lại với Sandra Bland, bởi vì có một điều gì đó trong cuộc chạm trán bên lề đường cao tốc ấy hẳn vẫn ám ảnh chúng ta. Hãy nghĩ xem nó khó khăn tới mức nào. Sandra Bland không phải là người mà Brian Encinia quen biết trong khu dân cư hoặc ở ngay con phố bên cạnh. Đáng lẽ mọi sự có thể dễ dàng thế này: Sandy! Chị khỏe không? Lần sau nhớ lái xe cẩn thận hơn chút nhé.Nhưng thay vào đó, bạn có một Bland đến từ Chicago và một Encinia đến từ Texas, một người là đàn ông, người còn lại là phụ nữ, một người da đen và một người da trắng, một nhân viên cảnh sát và một thường dân, một người được trang bị vũ khí, một người thì không. Họ là những người lạ với nhau. Nếu xã hội của chúng ta biết nghĩ thấu đáo hơn một chút - nếu chúng ta sẵn lòng tự vấn lương tâm hơn một chút khi tiếp cận và lý giải những người xa lạ với mình - thì có lẽ cô ấy đã không phải chịu kết cục bỏ mạng trong một phòng giam của bang Texas. Nhưng để bắt đầu, tôi có hai câu hỏi - hai bài toán hóc búa về những người xa lạ - từ câu chuyện do một người đàn ông tên là Florentino Aspillage kể cách đây nhiều năm trong một phòng thẩm vấn ở nước Đức. PHẦN MỘT TÌNH BÁO & NGOẠI GIAO 1 Chương một SỰ ĐÁP TRẢ CỦA FIDEL CASTRO . Nhiệm vụ cuối cùng của Florentino Aspillaga là ở Bratislava, nước Tiệp Khắc thời bấy giờ. Đó là vào năm 1987, hai năm trước khi Bức màn sắt sụp đổ. Aspillaga điều hành một công ty tư vấn có tên Cuba Tecnica, nơi đáng lẽ phải làm gì đó liên quan đến thương mại. Nhưng không. Đó chỉ là vỏ bọc. Aspillaga là sĩ quan cao cấp của Cơ quan Tình báo Cuba. Aspillaga từng nhận danh hiệu nhân viên tình báo của năm trong ngành phục vụ tình báo Cuba năm 1985. Ông từng nhận được thư khen ngợi do chính tay Fidel Castro viết. Ông đã phụng sự đất nước bằng sự xuất sắc ở Moscow, Angola và Nicaragua. Ông là một ngôi sao sáng. Từ Bratislava, ông điều hành toàn bộ mạng lưới tình báo Cuba trong khu vực. Nhưng vào một lúc, trên con đường đi lên vững vàng trong sự nghiệp tình báo Cuba của mình, ông dần thay đổi... Ông lên kế hoạch đào tẩu vào ngày 6 tháng 6 năm 1987. Đó là một trò đùa láu cá chỉ người trong cuộc mới hiểu. Ngày 6 tháng 6 là ngày kỷ niệm thành lập Sở Nội Vụ Cuba - cơ quan nắm toàn quyền điều hành hoạt động tình báo quốc gia. Nếu anh làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc gia Cuba thì hẳn là sẽ thường kỳ tham dự lễ chào mừng ngày 6 tháng 6 hằng năm. Sẽ có những bài diễn văn, các buổi tiệc mừng, các lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh bộ máy tình báo Cuba. Aspillaga muốn sự phản bội của mình nhói buốt. Ông hẹn gặp bạn gái Marta trong một công viên ở trung tâm Bratislava. Hôm ấy là chiều thứ bảy. Cô này cũng là người Cuba, một trong hàng ngàn công nhân nước ngoài làm việc trong các công xưởng của Tiệp Khắc. Giống như tất cả những người Cuba ở địa vị ấy, hộ chiếu của cô bị giữ trong văn phòng của chính phủ Cuba ở Praha. Chắc hẳn là Aspillaga đã lén đưa được cô qua biên giới trót lọt. Ông có một chiếc Mazda công vụ. Ông đã tháo bỏ lốp dự phòng trong cốp xe, đục một lỗ thông khí trên sàn và bảo cô trèo vào nằm trong đó. Đông Đức, thời điểm ấy, vẫn đang ngăn cách với phần còn lại của châu lục bởi Bức tường. Di chuyển giữa hai bờ Đông và Tây bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng Bratislava chỉ cách thành phố Vienna có một quãng lái xe, và Aspillaga trước đó đã từng qua lại chặng đường này. Ông đã được quen mặt ở biên giới và lại có hộ chiếu ngoại giao trong tay. Lính gác chỉ việc vẫy tay cho xe qua. Đến Vienna, ông và Marta vứt bỏ chiếc Mazda, gọi taxi và trình diện trước cửa Đại sứ quán Hoa Kỳ. Lúc đó là tối thứ bảy. Tất cả nhân viên cao cấp đều đã ở nhà. Nhưng Aspillaga chẳng cần cố gắng cũng có được sự chú ý của lính gác: “Tôi là một nhân viên thuộc Tình báo Cuba. Tôi là một sĩ quan chỉ huy tình báo”. Trong nghề điệp viên, sự xuất hiện của Aspillaga trước của đại sứ quán ở Vienna được gọi là vãng lai. Một nhân viên thuộc một cơ quan tình báo của một quốc gia đột nhiên xuất hiện, bất ưng, trước cổng cơ quan tình báo của một quốc gia khác. Và Florentino “Tí hon” Aspillaga là một trong những nhân vật vãng lai vĩ đại nhất trong Chiến tranh Lạnh. Những gì ông ta biết về Cuba - và đồng minh thân cận, Liên Xô - thì nhạy cảm tới mức ông ta bị các sếp cũ ở cơ quan tình báo Cuba truy tìm và ám sát hụt đến hai lần sau cuộc đào tẩu. Cả hai lần ông đều chuội thoát. Kể từ đó, chỉ có duy nhất một lần Aspillaga lộ diện. Người gặp được là Brian Latell, từng phụ trách điều hành văn phòng CIA Mỹ Latinh trong rất nhiều năm. Latell nhận được tin báo từ một điệp viên ngầm, người này hoạt động trong vai trò là trung gian của Aspillaga. Ông gặp nhân vật trung gian này trong một nhà hàng ở Coral Gables, ngay rìa Miami. Ở đó, ông được hướng dẫn đến một điểm hẹn khác gần nơi Aspillaga sinh sống dưới danh tính mới. Latell thuê một phòng khách sạn, ở một nơi vô danh và chờ Tí hon tới. “Ông ta trẻ hơn tôi. Tôi bảy mươi lăm tuổi. Ông ta khi ấy chắc chỉ tầm ngoài sáu mươi”, Latell kể, hồi tưởng lại cuộc gặp. “Nhưng ông ta có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Ý tôi là, một kẻ phản quốc, ẩn mình với danh tính mới, rất là nhọc”. Nhưng ngay cả trong tình trạng xuống cấp, dẫu vậy, người ta vẫn cảm nhận được một Aspillaga trẻ tuổi hẳn sẽ như thế nào, Latell kể: quyến rũ, mảnh dẻ và có một chút gì đó kịch sĩ về người này - một kiểu khát thèm nếm trải những thử thách và những hành động long trời lở đất. Khi đến khách sạn, Aspillaga mang theo một chiếc hộp. Ông ta đặt nó xuống bàn và quay về phía Latell. “Đây là bản thảo hồi ký mà tôi đã viết không lâu sau khi bỏ trốn”, ông ta nói. “Tôi muốn ông có nó”. Bên trong chiếc hộp, trên những trang hồi ký của Aspillage, là một câu chuyện hoàn toàn vô lí. 2. Sau sự xuất hiện kịch tính trước đại sứ quán Hoa Kỳ ở Vienna, Aspillaga được hộ tống bay tới một trung tâm thẩm vấn nằm trong căn cứ Quân sự Hoa Kỳ ở Đức. Trong những năm ấy, tình báo Hoa Kỳ hoạt động trong Khu Lợi Ích Hoa Kỳ ở Havana, dưới quốc kỳ Thụy Sĩ. (Tổ chức Cuba cũng có một trụ sở tương tự như thế trong nước Mỹ). Trước khi buổi thẩm vấn bắt đầu, Aspillaga có một yêu cầu: ông ta muốn CIA mời đến vị cựu đội trưởng trạm Havana, một người đàn ông được tình báo Cuba biết đến với cái tên “el Alpinista” - Người Leo Núi. Người Leo Núi đã tham gia công tác tình báo ở khắp các mặt trận trên toàn thế giới. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, các tài liệu lưu trữ từ KGB và cảnh sát mật Đông Đức tiết lộ họ đã tổ chức hẳn một khóa giảng dạy về Người Leo Núi cho các đặc vụ của mình. Nghiệp vụ tình báo của ông ta hoàn hảo không tì vết. Một lần, các sĩ quan tình báo Liên Xô đã cố tuyển mộ ông: họ đã đặt hàng bao tải tiền, theo nghĩa đen hẳn hoi, trước mặt ông ta. Ông ta phẩy tay đuổi đi và chế nhạo họ. Người Leo Núi không thể bị mua chuộc. Ông ta nói tiếng Tây Ban Nha như người Cuba. Đó chính là hình mẫu lý tưởng của Aspillaga. Aspillaga mong muốn được gặp mặt đối mặt với ông. “Khi ấy tôi đang làm nhiệm vụ ở một quốc gia khác thì nhận được tin nhắn giục giã quay trở lại Frankfurt”, Người Leo Núi nhớ lại. (Mặc dù đã giải nghệ khỏi CIA từ rất lâu, ông vẫn muốn được nhận diện bằng bí danh của mình.) “Frankfurt có một trung tâm xử lý đào ngũ. Họ cho tôi biết có một nhân vật vừa tới đại sứ quán ở Vienna. Ông ta trốn khỏi Tiệp Khắc với cô bạn gái giấu trong cốp xe, trình diện và đòi được nói chuyện với tôi. Tôi nghĩ điều đó thật điên rồ”. El Alpinista đến thẳng trung tâm thẩm vấn. “Tôi thấy có bốn sĩ quan chỉ huy đã ngồi sẵn trong phòng khách”, ông kể. “Họ bảo tôi là Aspillaga đang ở trong phòng ngủ làm tình với cô bạn gái, ông ta liên tục làm việc này kể từ khi được đưa đến căn nhà trú ẩn. Sau đó tôi bước vào nói chuyện với ông ta. Ông ta cao lêu nghêu, ăn vận xuềnh xoàng, đúng kiểu thường thấy ở những người Đông Âu và Cuba hồi ấy. Hơi luộm thuộm. Nhưng ngay tức thì người ta có thể nhận ra đó là một gã rất thông minh”. Khi bước vào, Người Leo Núi không cho Aspillaga biết mình là ai. Ông cố tỏ ra bí hiểm; Aspillaga là một ẩn số. Nhưng chỉ trong vòng vài phút Aspillaga đã nhận ra. Đó là một khoảnh khắc của kinh ngạc và vỡ òa. Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, một phong cách Cuba. “Chúng tôi trò chuyện chừng năm phút trước khi bắt đầu đi vào công việc. Bất cứ khi nào bạn thẩm vấn một trong những người này, bạn cần một ai đó chứng minh tính xác tín của họ”, Người Leo Núi nói. “Vì thế, về căn bản, tôi hỏi ông ta xem ông ta có thể nói những gì về tổ chức [tình báo Cuba]”. Chỉ đến lúc ấy Aspillaga mới hé lộ quả bom tấn mà ông ta mang theo, thông tin đã mang ông ta từ phía sau Bức màn sắt đến trước cửa đại sứ quán ở Vienna. CIA có một mạng lưới điệp viên trong lòng Cuba, những người có nhiệm vụ chuyển báo cáo cho các sĩ quan phụ trách của họ nhằm định hình sự thấu hiểu của người Mỹ đối với kẻ thù của họ. Aspillaga đọc tên một trong số họ và nói, “Anh ta là điệp viên hai mang. Anh ta làm việc cho chúng tôi”. Cả phòng sững sờ. Họ không hề có chút manh mối nào. Aspillaga tiếp tục nói. Ông ta đọc tên một điệp viên khác. “Anh ta cũng là hai mang”. Một người nữa, và lại một người nữa. Ông ta biết đầy đủ tên họ, các chi tiết, nhiệm vụ và ám hiệu. Người đó các ông tuyển mộ trên một tàu thủy ở Antwerp. Gã béo tí hon với râu quai nón kia ư? Cũng là hai mang. Còn người kia, bị thọt chân, làm việc trong bộ quốc phòng ấy hả? Hắn là hai mang. Ông ta tiếp tục như thế cho đến khi liệt kê ra hàng tá cái tên - về cơ bản là toàn bộ điệp viên mật của Mỹ cắm rễ trong lòng Cuba. Tất cả bọn họ đều làm việc cho Havana, mớm cho CIA những thông tin đã được chế biến kỹ càng bởi các đầu bếp Cuba. “Tôi ngồi đó và ghi chép”, Người Leo Núi nói. “Tôi cố không để lộ chút cảm xúc nào. Đó là những gì chúng tôi đã được đào tạo. Nhưng tim của tôi đập thình thịch”. Aspillaga đang nói chuyện với Người Leo Núi về những đồng đội của ông, những điệp viên cộng tác với ông khi ông còn làm nhiệm vụ ở Cuba, trong vai trò là một sĩ quan tình báo trẻ tuổi và tham vọng. Khi lần đầu đặt chân tới Havana, Người Leo Núi đã quyết định chọn cách tiếp cận với các nguồn tin của mình một dồn dập, liên tục đào xới để kiếm thông tin từ họ. “Vấn đề là, nếu anh có một điệp viên làm việc trong văn phòng tổng thống của một quốc gia nào đó, nhưng anh không thể giao tiếp với anh ta, thì gã đặc vụ ấy là vô dụng”, Người Leo Núi nói. “Cảm giác của tôi là được rồi, cứ trò chuyện và thu được một chút giá trị, còn hơn là ngồi chờ đợi sáu tháng hay cả năm trời, lỡ mà anh ta lại bị điều chuyển sang bộ phận khác thì công toi”. Nhưng giờ đây tất cả những mánh lới ấy trở thành quả đắng. “Tôi phải thừa nhận là tôi không ưa nổi Cuba, đến độ tôi đã thấy thật thỏa mãn khi qua mặt được họ”, ông nói, giọng rầu rĩ. “Nhưng hóa ra kẻ dùng vải thưa che mắt thánh ở đây lại là họ, chứ nào phải là tôi. Thật là một cú trời giáng”. Người Leo Núi lên một chiếc máy bay quân sự cùng với Aspillaga bay thẳng tới Căn cứ Quân sự Không quân Andrews bên ngoài Washington, DC. Ở đó, họ được dẫn tới gặp những nhân vật “tai to mặt lớn” của nhánh châu Mỹ Latinh. “Ở tiểu ban Cuba, phản ứng là tuyệt đối bàng hoàng và kinh hãi”, ông nhớ lại. “Họ không thể tin nổi là họ đã bị dắt mũi tệ hại đến thế, trong quá nhiều năm. Nó tạo ra một làn sóng kích động”. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Khi Fidel Castro biết tin Aspillaga đã cho CIA biết được nỗi hổ thẹn của họ, ông quyết định xát thêm muối vào vết thương hở. Đầu tiên ông cho triệu tập toàn bộ đội ngũ giả danh đặc vụ CIA và tổ chức cho họ diễu hành khắp nước Cuba để biểu dương thắng lợi. Sau đó ông cho phát trên truyền hình Cuba những thước phim tài liệu đầy sửng sốt gồm mười một phần có tựa đề La Guerra de la CIA contra Cuba - Cuộc chiến chống lại CIA của Cuba. Tình báo Cuba té ra là đã quay phim và ghi âm lại toàn bộ hoạt động của CIA, từng đường đi nước bước của họ trong lòng Cuba trong vòng ít nhất mười năm - như thể họ đang dựng một chương trình truyền hình thực tế vậy. Sống sót: Phiên bản Havana. Thật kinh ngạc là bộ phim có chất lượng rất cao. Có những cảnh quay cận và những góc quay đầy tính điện ảnh. Âm thanh thì trong như pha lê: hẳn là người Cuba đã phải biết trước đầy đủ các địa điểm gặp gỡ bí mật, và cử nhân viên kỹ thuật đến gắn thiết bị nghe lén khắp các phòng để thu âm. Trên màn hình, các nhân viên CIA, đáng lẽ phải là những điệp viên nằm vùng bí mật, lần lượt được chỉ mặt đặt tên. Có cả đoạn phim quay toàn bộ những thiết bị tối tân của CIA: những chiếc giỏ giã ngoại hay va ly chứa thiết bị giấu kín. Còn có những giải thích chi tiết cho biết nhân viên CIA sẽ sử dụng chiếc ghế băng nào trong công viên để trao đổi thông tin với các nguồn tin và cách CIA sử dụng màu áo làm ám hiệu bí mật cho đầu mối của họ như thế nào. Một cảnh quay dài cho thấy một đặc vụ CIA nhét tiền mặt và chỉ dẫn vào ruột một “hòn đá” giả làm bằng nhựa cỡ bự; một cảnh khác bắt gặp cảnh một nhân viên CIA nhét tài liệu bí mật cho đặc vụ của mình bên trong một chiếc xe hư hỏng trong bãi rác thải xe cộ ở Pinar del Rio; và trong một cảnh khác nữa, một nhân viên CIA đang tìm kiếm một gói hàng giấu trong bãi cỏ rậm rì bên lề đường trong khi vợ anh ta bồn chồn hút thuốc lá chờ đợi trong xe. Người Leo Núi cũng xuất hiện thoáng qua trong bộ phim tài liệu. Người kế nhiệm của ông còn thảm hại hơn. “Khi người ta trình chiếu chương trình ti vi ấy”, Người Leo Núi kể, “có cảm giác như họ cử riêng một người vác máy quay trên vai đi theo anh ta khắp chốn cùng nơi vậy”. Khi lãnh đạo đầu não văn phòng FBI ở Miami được báo cáo về bộ phim tài liệu, ông liền gọi điện thoại cho tiểu ban Cuba và yêu cầu gửi cho ông một bản sao. Ngay lập tức một tập băng ghi hình được nhanh chóng gửi đến, còn cẩn thận lồng phụ đề tiếng Anh đầy đủ. Tổ chức tình báo tinh nhuệ nhất thế giới đã bị quay như quay dế. 3. Và đây chính là điều khiến cho câu chuyện về Florentino Aspillaga trở nên vô nghĩa lí. Nếu Cuba qua mặt được một nhóm các ông già bà cả, theo cách mà các nghệ sĩ ảo thuật vẫn làm, thì là bình thường. Nhưng đằng này người Cuba đã phỉnh lừa được cả CIA, một tổ chức vốn coi trọng những vấn đề như là thấu hiểu những người lạ một cách nghiêm túc. Còn có tài liệu đầy đủ về từng người trong số những điệp viên hai mang. Người Leo Núi nói ông đã kiểm tra họ kỹ càng. Không hề có bất cứ dấu hiệu cờ đỏ nào phất lên. Giống như tất cả những cơ quan tình báo khác, CIA cũng có một phân nhánh - tiểu ban phản gián - mà nhiệm vụ của họ là điều tra chính tổ chức của mình để tìm ra những dấu hiệu phản bội. Thế họ tìm được gì? Không gì cả.[2] Nhiều năm sau, khi nhìn lại quãng thời gian này, tất cả những gì Latell có thể làm là một cái nhún vai và nói rằng người Cuba thật sự tài ba. “Họ làm điều đó một cách điêu luyện”, ông nói. [2] . CIA thường xuyên thực hiện một hoạt động đó là yêu cầu các đặc vụ làm bài kiểm tra trên máy nói dối - nhằm chống lại chính xác kiểu phản bội mà Aspillaga đã miêu tả. Bất cứ khi nào một trong số các điệp viên Cuba rời khỏi đảo, CIA sẽ bí mật gặp họ trong một phòng khách sạn và bắt họ ngồi chạy máy nói dối. Một số lần một số người Cuba sẽ vượt qua bài kiểm tra; lãnh đạo của phân nhánh kiểm tra nói dối sẽ trực tiếp trao cho họ giấy chứng nhận tình trạng trong sạch cho sáu đặc vụ Cuba khác, những người mà kết quả cuối cùng đều là những điệp viên hai mang. Có những lần thì họ trượt bài kiểm tra. Nhưng chuyện gì xảy ra khi họ trượt? Những người điều hành tiểu ban Cuba sẽ chối bỏ kết quả. Một trong số cựu nhân viên phòng kiểm tra nói dối, John Sullivan, nhớ lại một lần ông được triệu tập đến một cuộc họp sau khi nhóm của ông đánh trượt quá nhiều nhân sự thuộc tiểu ban Cuba. “Họ đánh úp chúng tôi”, Sullivan nói. “Chúng tôi bị mắng nhiếc không ra gì… Tất cả các các sĩ quan đều bảo, ‘Các anh đúng là chả biết mình đang làm cái gì’, vân vân và vân vân. ‘Đến Mẹ Theresa hẳn cũng sẽ bị các anh đánh trượt”. Ý tôi là, họ thực sự rất, rất, rất khinh bỉ chuyện này”. Nhưng liệu ai có thể trách được họ? Trong các sĩ quan phụ trách lựa chọn thay thế phương pháp lý giải những người lạ mặt (buộc họ vào chiếc máy dò nói dối) bằng một phương pháp khác: sự phán xét của chính họ. Và điều này hoàn toàn hợp lô-gic. Máy nói dối, nói theo cách giảm nhẹ nhất, là một nghệ thuật thiếu chính xác. Các sĩ quan phụ trách đã có rất nhiều năm kinh nghiệm với một điệp viên cụ thể: đã gặp gỡ, trò chuyện với họ và phân tích chất lượng các bản bảo cáo họ gửi về. Những đánh giá của một tay chuyên nghiệp được đào tạo, đã lăn lộn trong nghề bao nhiêu năm, hẳn là phải chính xác hơn kết quả của một cuộc gặp vội vã trong một phòng khách sạn chứ, phải không? Ngoại trừ câu trả lời là không. “Rất nhiều sĩ quan phụ trách của chúng tôi đã nghĩ rằng, “Tôi là một sĩ quan phụ trách giỏi, họ không thể qua mặt tôi được,’” Sullivan nói. “Ngay lúc này tôi đang nghĩ đến một nhân vật cụ thể - một người sĩ quan phụ trách rất, rất giỏi - mọi người cho rằng ông ấy là một trong những sĩ quan phụ trách tài giỏi nhất trong cả văn phòng”. Rõ ràng là anh này đang ám chỉ đến Người Leo Núi. “Họ để ông ta trao đổi với những điệp viên “trong sạch” kia. Thực tế là họ đã đẩy ông ta vào phục vụ bộ phim chết tiệt. Chuyện ấy thật điên rồ”. Ý tôi là Fidel Castro đã lựa chọn những điệp viên hai mang mà ông có thể chi phối. Ông đã tuyển lựa bọn họ bằng sự tài tình thật sự… Một số người được đào tạo rất tốt. Một số khác lại tỏ ra ngây thơ, cái kiểu anh biết rồi đấy… Thực ra người đó rất xảo trá, một sĩ quan tình báo lão luyện… Nhưng sao nhỉ, người đó tỏ ra ngốc nghếch. Một người như thế làm sao là điệp viên hai mang cho được? Fidel điều khiển tất cả những màn kịch này. Ý tôi là, Fidel quả thật mới là đạo diễn tài ba hạng nhất trong tất cả. Về phần mình, Người Leo Núi lập luận rằng chẳng qua là nghiệp vụ tình báo của bộ phận CIA Cuba kém cỏi. Ông từng làm việc cùng đội Tây Đức, chống lại Đông Đức, và ở đó CIA chỉn chu hơn rất nhiều. Thế nhưng thành tích của CIA Tây Đức thì thế nào? Cũng tệ chẳng kém gì thành tích của CIA Cuba. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, điệp viên Đông Đức Markus Wolf đã viết trong hồi ký vào cuối những năm 1980: Chúng tôi ở vào một tình thế cực kỳ đáng thèm muốn khi biết rằng không có lấy một đặc vụ CIA nào từng làm việc cho Tây Đức mà không biến thành điệp viên hai mang hoặc không làm việc cho chúng tôi ngay từ đầu. Theo lệnh của chúng tôi, tất cả bọn họ đều thận trọng trao cho người Mỹ những thông tin được chọn lọc và những thông tin sai lệch. Trên thực tế, bộ phận Tây Đức vốn được coi là chỉn chu lại phải nhận một phát bắn đau đớn nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Aldrich Ames, một trong những sĩ quan cao cấp nhất phụ trách điều tra hoạt động phản gián Xô Viết đến cuối cùng lại làm việc cho Xô Viết. Sự phản bội của ông ta đã dẫn đến những cuộc bắt giữ - và xử tử - vô số điệp viên người Mỹ ở Nga. El Alpinista biết ông này. Tất cả các sĩ quan cấp cao trong cơ quan đều biết. “Tôi không đánh giá cao ông ta lắm”, Người Leo Núi nói, “bởi vì tôi biết ông ta làm một gã bợm lười nhác”. Nhưng ông và các đồng nghiệp không bao giờ nghi ngờ Ames là một kẻ phản bội. “Đối với những tay kỳ cựu, thì thật khó mà tin nổi chuyện một người của phe ta như Ames lại có thể bị đối phương lôi kéo”, ông nói. “Tất cả chúng tôi đều chết điếng khi biết rằng một đồng đội có thể phản bội chúng tôi như thế”. Người Leo Núi là một trong những nhân vật tài cán nhất trong một tổ chức tinh vi nhất trên thế giới. Ấy thế mà có đến ba lần ông bị đáp trả một cách tức tưởi - đầu tiên là bởi Fidel Castro, tiếp đến là những người Đông Đức, và cuối cùng, là ngay chính trong đại bản doanh của CIA, bởi một tên bợm rượu biếng nhác. Và nếu như người giỏi nhất của CIA còn có thể lừa mị hoàn toàn như thế, nhiều lần như thế, thì tất cả những người còn lại như chúng ta sẽ thế nào? Câu đố số một: Tại sao chúng ta không thể nói khi nào một người lạ ngay trước mặt đang nói dối trắng trợn vào mặt ta? B Chương hai ĐỂ HIỂU VỀ QUỐC TRƯỞNG uổi tối ngày 28 tháng 8, 1938, Nevill Chamberlain gọi viên cố vấn thân cận nhất tới số 10 Phố Downing để bàn thảo chiến lược vào lúc tối muộn. Chamberlain khi ấy giữ chức Thủ tướng Anh mới được hơn một năm. Trước đó ông là một doanh nhân, một người đàn ông thực tế và bộc trực, và mối quan tâm cùng kinh nghiệm của ông chủ yếu là về các vấn đề trong nước. Nhưng giờ đây ông phải đối mặt với khủng hoảng chính trị đối ngoại đầu tiên. Chuyện liên quan đến Adolf Hitler, gần đây ông ta liên tục đưa ra những tuyên bố hiếu chiến đe dọa tấn công Sudentenland là một vùng nói tiếng Đức thuộc Tiệp Khắc. Nếu Đức tấn công Tiệp Khắc thì chiến tranh thế giới chắc chắn nổ ra, điều mà Chamberlain muốn tránh bằng mọi giá. Nhưng trong những tháng gần đây Hitler đặc biệt tỏ ra cô lập, và rất khó dò xét các ý đồ của nước Đức, điều đó khiến các nước còn lại ở châu Âu bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Chamberlain quyết tâm xử lý thế bế tắc. Ông mân mê ý tưởng của mình, và bàn bạc với các cố vấn buổi tối hôm đó, Kế hoạch Z. Kế hoạch tuyệt mật. Về sau Chamberlain đã viết về ý tưởng ấy là “rất bất thường và và liều lĩnh đến mức làm cho [Bộ trưởng Ngoại giao, Ngài] Halifax chết sững”. Chamberlain muốn bay tới Đức và đề nghị gặp trực tiếp mặt-đối-mặt với Hitler. Một trong những điều lạ lùng nhất trong những thời khắc tuyệt vọng của những năm cuối thập kỷ 1930, khi mà Hitler kéo lê thế giới về phía chiến tranh, là rất hiếm vị lãnh đạo thế giới nào thực sự hiểu biết về kẻ cầm đầu nước Đức này.[3] Hitler là một bí ẩn. Franklin Roosevelt, tổng thống Mỹ trong suốt thời kỳ Hitler trỗi dậy, chưa từng gặp mặt ông ta. Joseph Stalin, lãnh đạo Xô Viết cũng không. Winston Churchill, người kế nhiệm của Chamberlain, từng có dịp tiến sát gần Hitler khi đi thu thập tài liệu nghiên cứu cho một cuốn sách của ông ở Munich năm 1932. Sau này, ông và Hitler có hai lần lên kế hoạch gặp gỡ dùng trà, nhưng cả hai lần Hitler đều đánh tháo. [3] . Một trường hợp ngoại lệ là Thủ tướng Canada William Lyon Mackenzie King. Ông này đã gặp Hitler năm 1937. Ông yêu thích Hitler và còn so sánh Hitler với Joan d’Arc. Những người duy nhất ở Anh từng có dịp tiếp xúc thực với Hitler thời kỳ trước chiến tranh là một số quý tộc người Anh ủng hộ lý tưởng Nazi, từng vài lần vượt đường hầm eo biển sang tận Đức để bày tỏ lòng ngưỡng mộ hoặc tham dự các bữa tiệc có sự hiện diện của Quốc trưởng. (“Tùy theo cảm hứng, ông ta có thể rất hài hước”, nữ quý tộc theo chủ nghĩa phát xít người Anh Diana Mitford đã viết như vậy trong hồi ký. Bà là người thường xuyên dùng bữa tối với Hitler ở Munich. “Ông ta bắt chước những tay hề thật tài tình”. Nhưng đó là những cảm nhận mang tính xã hội. Chamberlain đang cố gắng đảo ngược một cuộc đại chiến, và dường như đối với ông, hẳn là ông sẽ đạt được những lợi ích khi tự mình đưa ra những đánh giá về Hitler. Liệu Hitler là một nhân vật có thể nói chuyện phải trái đúng sai? Tin cậy được? Chamberlain muốn tìm ra câu trả lời. Sáng ngày 14 tháng 9, đại sứ Anh gửi một bức điện đến bộ trưởng ngoại giao của Hitler, Joachim von Ribbentrop. Liệu Hitler có đồng ý gặp mặt? Von Ribbentrop đáp từ trong cùng ngày: có. Chamberlain là một chính khách tài tình cùng tài năng trình diễn thiên bẩm, ông ta liền khéo léo mớm tin cho báo chí. Thủ tướng Anh chuẩn bị sang Đức để ngăn chặn chiến tranh. Khắp nước Anh rộ lên những tiếng hò reo kêu gọi ăn mừng. Thăm dò cho thấy 70% người dân trên khắp đất nước nghĩ rằng chuyến đi của Thủ tướng là “một điều tốt lành cho hòa bình”. Các tờ báo ủng hộ ông. Ở Berlin, một phóng viên thường trú nước ngoài đưa tin khi đang ngồi ăn trong một nhà hàng thì tin tức lan đến khiến cả căn phòng đồng loạt đứng bật dậy, như một khối, và tất cả đều nâng ly chúc sức khỏe Chamberlain. Chamberlain rời London vào sáng ngày 15 tháng 9. Trước đó ông chưa từng đi máy bay, nhưng ông vẫn cố gắng giữ bình tĩnh khi phi cơ bay vào vùng thời tiết xấu gần Munich. Hàng ngàn người đã tụ tập ở sân bay để chào đón ông. Ông được một đoàn xe 14 chiếc Mercedes hộ tống tới ga tàu, sau đó dùng bữa trưa trong chính khoang tàu của Hitler, trong lúc đoàn tàu hỏa xình xịch đưa đoàn lên núi, hướng về phía khu nghỉ dưỡng của Hitler ở Berchtesgaden. Ông đến nơi vào lúc năm giờ tối. Hitler ra đón chào và bắt tay ông. Sau này, Chamberlain tường thuật chi tiết những ấn tượng đầu tiên của mình trong một bức thư gửi em gái là bà Ida: Đứng ở lưng chừng bậc tam cấp là Quốc trưởng, ông ta để đầu trần và vận một chiếc áo choàng màu kaki bằng vải len dệt chặt với một tấm băng tay màu đỏ có thêu chữ thập ngoặc, trên ngực có đeo một tấm huân chương chữ thập ngoặc. Ông ta mặc quần dài màu đen, giống loại chúng ta hay mặc vào buổi tối và mang một đôi giày tây bằng da có vân đen. Tóc của ông ta màu nâu, không phải màu đen, đôi mắt màu xanh, biểu cảm của ông ta hơi có vẻ cắm cảu, đặc biệt là vào những lúc nghỉ, nhìn tổng thể ông ta trông hoàn toàn mờ nhạt. Sẽ chẳng ai chú ý đến ông ta trong đám đông và hẳn sẽ đoán ông ta chỉ là thợ sơn tường. Hitler dẫn đường đưa Chamberlain lên trên lầu vào thư phòng của ông ta, đi kèm chỉ có thêm một phiên dịch. Họ trò chuyện, đôi lúc căng thẳng. “Tôi sẵn sàng đối mặt với một cuộc thế chiến!” Đến một thời điểm, Hitler tuyên bố với Chamberlain như vậy. Hitler thẳng thừng khẳng định ông ta sẽ chiếm Sudetenland bất chấp thế giới nghĩ gì về điều đó. Chamberlain muốn biết liệu đó có phải là tất cả những gì Hitler muốn. Hitler trả lời đúng như vậy. Chamberlain quan sát Hitler tỉ mỉ, kỹ càng và quyết định tin ông ta. Cũng trong bức thư gửi em gái, Chamberlain viết rằng ông đã nghe thấy những người thân cận của Hitler nói lại rằng lãnh đạo của nước Đức cảm thấy ông ta đã có một cuộc trò chuyện “với một người đàn ông thực thụ”. Chamberlain tiếp tục: “Nói ngắn gọn, ta đã thiết lập được một niềm tin chắc chắn rằng mọi việc nằm trong tầm ngắm, và về chủ quan mà nói, bỏ qua sự cứng rắn và yêu sách mà ta nghĩ là mình đã thấy được trên khuôn mặt ông ấy, ta có ấn tượng rằng đây là người đàn ông có thể tin cậy được một khi ông ta đã đưa ra lời hứa”. Chamberlain bay trở lại nước Anh vào buổi sáng hôm sau. Ở sân bay Heston, ông có bài phát biểu ngắn trên đường băng. “Buổi chiều hôm qua tôi đã có cuộc trò chuyện dài với Quốc trưởng Hitler”, ông nói. “Tôi cảm thấy vui mừng vì giờ đây mỗi người chúng tôi đã hoàn toàn hiểu được điều gì nằm trong đầu óc của đối phương”. Hai người chúng tôi sẽ còn gặp lại, ông hứa hẹn, chỉ có điều lần tới sẽ ở một địa điểm gần Anh Quốc hơn. “Mục đích là để xá cho ông già này một chuyến bay dài nữa”, Chamberlain phát biểu, trước đám đông được mô tả là “òa lên reo hò và chúc tụng”. 2. Các thỏa thuận giữa Chamberlain với Hitler sau này được nhìn nhận rộng rãi là một trong những thất bại điên rồ nhất trong Thế chiến Thứ hai. Chamberlain đã bị rơi vào bẫy của Hitler. Ông ta hoàn toàn nằm ở chiếu dưới trên bàn đàm phán. Ông ta đã hiểu sai hoàn toàn ý đồ của Hitler, và đã thất bại khi không đưa ra được lời cảnh báo rằng nếu Hitler nuốt lời thì sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng. Lịch sử đã không hề nương nhẹ với Neville Chamberlain. Nhưng ẩn sâu bên dưới những lời chỉ trích này là một câu đố hóc búa. Chamberlain đã bay trở lại Đức thêm hai lần nữa. Ông ta đã ngồi nói chuyện với Hitler nhiều giờ đồng hồ. Hai người họ đã trò chuyện, tranh luận, dùng bữa và đi dạo lòng vòng với nhau. Chamberlain là lãnh đạo duy nhất của phe Đồng Minh thời kỳ đó đã dành một khoảng thời gian đáng kể với Hitler. Ông ta đã cẩn thận ghi lại những hành vi của người đàn ông này. “Vẻ bề ngoài cũng như cử chỉ của Hitler khi tôi nhìn thấy ông ta xuất hiện là những tín hiệu của một cơn bão tố sắp đến”, Chamberlain nói với chị gái Hilda sau một chuyến viếng thăm khác đến Đức. Nhưng rồi “Ông ta đưa cả hai tay ra để bắt tay, cử chỉ mà ông ta chỉ dành để biểu lộ tình bằng hữu đặc biệt thân tình”. Quay trở lại London, ông nói với nội các của mình rằng Quốc trưởng “không có dấu hiệu điên loạn mà rất nhiều hứng khởi”. Hitler không điên loạn. Ông ta tỉnh táo và quyết tâm: “Ông ta hẳn đã nghĩ ra điều ông ta muốn và quyết phải đạt cho được, ông ta sẽ không dung thứ khi chưa đạt đến một điểm nhất định”. Chamberlain đã hành động dựa trên cùng một giả định rằng tất cả chúng ta đều nghe theo những nỗ lực của mình nhằm lý giải về những người xa lạ. Chúng ta tin rằng thông tin thu thập được từ một cuộc tiếp xúc cá nhân có giá trị rất lớn. Bạn sẽ không bao giờ tuyển một vú em trông nom con cái của mình mà không gặp gỡ người ấy trước. Các công ty không bịt mắt tuyển nhân viên. Họ gọi ứng viên đến và phỏng vấn kỹ càng, đôi khi kéo dài hàng giờ đồng hồ, và phỏng vấn không chỉ một cuộc. Họ làm đúng như những gì Chamberlain đã làm: họ nhìn thẳng vào mắt ứng viên, quan sát thái độ và cử chỉ của ứng viên, và rút ra các kết luận. Ông ta đưa cả hai tay ra để bắt tay. Vậy nhưng tất cả những thông tin bổ sung mà Chamberlain thu thập được từ những cuộc tiếp xúc trực tiếp với Hitler đã không giúp đỡ ông ta nhìn nhận Hitler được rõ nét hơn. Nó còn làm điều ngược lại. Chuyện này xảy ra phải chăng vì Chamberlain quá ngây thơ? Có thể vậy. Kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao của ông là rất ít. Về sau, một trong những người chỉ trích đã so sánh ông ta với một ông thầy tu lần đầu bước vào một quán rượu và chịu chết không phân biệt được sự khác nhau giữa “một cuộc tụ tập xã hội và một cuộc ẩu đả”. Nhưng hình mẫu này không bó hẹp với mỗi Chamberlain. Nó cũng tác động lên Ngài Halifax, người mà về sau tiếp tục làm bộ trưởng ngoại giao cho Chamberlain. Halifax là một nhà thông thái, một sinh viên siêu đẳng ở trường Eton và Oxford. Ông từng đảm nhiệm vai trò Phó vương Ấn Độ giữa thời chiến, ông từng đạt được thỏa thuận xuất sắc với Mahatma Gandhi. Ông có tất cả những gì Chamberlain thiếu hụt: xảo ngôn, thời thượng, cực kỳ quyến rũ, và trí giả - một người đàn ông trí tuệ thượng thừa đáng ngưỡng vọng đến độ Churchill đặt cho ông cái tên “Thánh Cáo”. Halifax tới Berlin vào mùa thu năm 1937 và gặp gỡ với nhà cầm quyền Đức ở Berchtesgaden: ông là thành viên duy nhất còn lại trong số những người nắm quyền ở nước Anh từng gặp Quốc trưởng. Cuộc gặp của họ không phải cuộc gặp gỡ ngoại giao vô bổ. Nó bắt đầu bằng việc Halifax nhầm lẫn Hitler là một người hầu cận và suýt nữa đưa áo khoác cho ông ta. Rồi sau đó Hitler hiện nguyên hình là Hitler trong năm tiếng đồng hồ liền: hằm hè, gào thét, lơ đãng, hăm dọa. Ông ta nói về chuyện ông ta ghét báo chí đến mức nào. Ông ta nói về những “hiểm ác” của cộng sản. Halifax ngồi nghe màn trình diễn với thái độ mà một nhà ngoại giao Anh Quốc thời đó đã gọi là một “thái độ hòa trộn giữa kinh ngạc, ghê tởm và cảm thông”. Halifax dành năm ngày ở Đức. Ông gặp gỡ hai bộ trưởng cấp cao của Hitler - Hermann Gӧring và Joseph Goebbels. Ông tham dự một tiệc tối ở Đại sứ quán Anh, ở đó ông gặp một đầu mối của các nhà chính trị và doanh nhân kỳ cựu của Đức. Khi trở về nhà, Halifax nói rằng chuyến đi “toàn những cuộc gặp gỡ tốt đẹp” với lãnh đạo Đức, và đó là điều khó lòng tranh cãi. Đúng là việc mà một nhà ngoại giao phải làm. Điều ông đạt được là sự thấu hiểu đáng giá, từ cuộc gặp mặt-đối-mặt với Hitler, về thái độ hung hăng và thù nghịch của ông ta. Nhưng cuối cùng thì kết luận tối thượng của Halifax là gì? Rằng Hitler không hề muốn tham chiến, và ông ta để ngỏ ý tưởng đàm phán hòa bình. Không một ai dám nghĩ rằng Halifax là một người ngây thơ, càng không thể nói ông ta bị lừa mị sau cuộc gặp với Hitler như cái cách mà Chamberlain đã bị sập bẫy. Một nhà ngoại giao Anh quốc có rất nhiều thời gian với Hitler là ngài đại sứ Anh ở Đức, ông Nevile Henderson. Ông thường xuyên gặp mặt Hitler, tham dự các đại hội của ông ta. Hitler thậm chí còn đặt biệt danh cho Henderson là “Người đàn ông hoa cẩm chướng”, bởi vì Henderson thường xuyên đeo một chiếc ve cài áo hình hoa cẩm chướng. Sau khi tham dự Đại hội Nuremberg tai tiếng vào đầu tháng 9 năm 1938, Henderson viết trong báo cáo gửi về London rằng Hitler có vẻ rất bất thường, rằng “ông ta có thể sẽ phá rào và trở nên điên loạn”. Henderson không hề bị Hitler điều khiển. Nhưng liệu ông có nghĩ rằng Hilter có những ý định đê tiện đối với Tiệp Khắc? Không. Ông ta tin rằng Hitler “cũng ghét chiến tranh như bất cứ người nào”. Cả Henderson nữa cũng lại đọc vị Hitler sai hoàn toàn[4]. [4] . Một nhân vật Nazi mà Henderson còn hiểu kỹ càng hơn là Gӧring, phó tướng của Hitler. Henderson từng đi săn hươu với Gӧring. Họ có những cuộc đối thoại dài với nhau. Henderson bị thuyết phục rằng chính Gӧring cũng muốn hướng tới hòa bình, và rằng bên trong bộ quân phục Phát xít kia cũng là một con người tử tế. Trong hồi ký về thời gian ở Berlin, được viết vào đúng lúc chiến tranh nổ ra, Henderson nói Gӧring “yêu động vật và trẻ em; và, trước cả khi ông ta có con cái, thì tầng cao nhất ở Karinhall đã được biến thành một phòng riêng dành cho trẻ em, trong đó đầy ắp các món đồ chơi cơ khí mà bất cứ đứa trẻ thời hiện đại nào cũng thích mê. Không gì mang lại cho ông ta cảm giác hạnh phúc tột độ hơn là được lên trên đó và chơi đùa với trẻ con. Những đồ chơi, nếu như chúng tồn tại, bao gồm cả những mô hình máy bay ném bom hạng nặng, nổ ngay trên đầu những làng mạc và thành phố đầy dân thường yếu ớt, không chút phòng vệ; nhưng, khi tôi đề cập về vấn đề này thì ông ta tỏ ra chăm chú và giải thích đó không phải là một phần trong quan niệm của Đức Quốc xã về cuộc sống văn minh để có thể tiếp cận rộng rãi hoặc để dạy dỗ cho trẻ nhỏ”. (Trong trường hợp bạn vẫn băn khoăn, đó chính xác là điều mà chủ nghĩa phát xít Đức hướng tới: nuôi dạy những đứa trẻ đầu óc lạnh lùng, cứng rắn.) Sự mù quáng của Chamberlain và Halifax và Henderson không hề giống với những gì trong Câu đố số một ở chương trước. Mà nó là sự bất lực của những người có thể được coi là thông thái và chuyên chú, những người hiểu được khi nào thì con người sẽ bị lừa gạt. Đây là tình huống mà một số người sẽ bị Hitler làm cho mụ mị và một số người thì không. Và câu đố ở đây là nhóm những người bị lừa gạt lại là những người bạn kỳ vọng sẽ không rơi vào bẫy dễ dàng, trong khi những người nhìn ra sự thật lại là những người bạn nghĩ là sẽ bị thôi miên. Ví dụ như Winston Churchill, ông không bao giờ tin, dù chỉ thoáng qua, rằng Hitler là bất cứ cái gì khác ngoài một tên khốn lá mặt lá trái. Churchill gọi chuyến viếng thăm của Chamberlain là “hành động xuẩn ngốc nhất từng được thực hiện”. Nhưng Hitler chỉ là người mà ông chỉ từng biết qua các tài liệu đọc được. Duff Cooper, một thành viên nội các của Chamberlain cũng có cái nhìn thấu tỏ tương đương. Ông lắng nghe quan điểm của Chamberlain về cuộc gặp với Hitler với sự kinh hãi. Sau này, ông đã từ chức, không làm cho chính quyền của Chamberlain để bày tỏ sự phản đối. Liệu Cooper có biết Hitler? Không. Chỉ có duy nhất một người thuộc hàng cao cấp của ngạch ngoại giao Anh quốc - Anthony Eden, giữ chức bộ trưởng ngoại giao trước Halifax - là từng gặp mặt Hitler và nhìn ra bản chất của ông ta. Còn đối với những người khác? Những người hiểu đúng về Hitler nhất là những người ít tiếp xúc cá nhân với ông ta nhất. Những người hiểu sai về Hitler là những người đã trò chuyện với ông ta hàng giờ đồng hồ. Tất nhiên, tất cả những điều này có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Có thể Chamberlain và phái đoàn của ông ta, vì một lý do riêng tư nào đó, đã quyết nhìn nhận Hitler theo cách mà họ muốn nhìn nhận, bất chấp những chứng cớ rành rành mà họ mắt thấy tai nghe. Chỉ có điều hình mẫu hóc búa thế này xuất hiện nhan nhản ở mọi nơi. 3. Vị thẩm phán chạc tuổi ngũ tuần, cao ráo, đầu bạc có thổ âm của người sinh trưởng ở quận Brooklyn. Hãy gọi ông ấy là Solomon. Ông đã ngồi trên ghế quan tòa của Bang New York được hơn một thập kỷ. Ông không có vẻ cửa quyền, cũng không có vẻ hù doạ. Ông chừng mực, và ngạc nhiên thay, có cử chỉ rất hiền từ. Hôm đó là một ngày thứ năm, đối với phòng xử án của ông, thì đó thường là một ngày bận rộn dành để nghe cáo trạng. Bị can là những người vừa bị bắt giữ trong vòng hai mươi tư giờ qua với cáo buộc đã thực hiện một hành vi phạm tội nào đó. Họ vừa trải qua một đêm mất ngủ trong phòng tạm giam và giờ đây lần lượt từng người một, bị còng tay, được dẫn tới phòng xử án. Họ sẽ ngồi trên một chiếc ghế băng thấp phía sau một tấm ngăn, ngay phía bên trái thẩm phán Solomon. Khi một trường hợp được kêu tên, thư ký sẽ chuyển cho Solomon một tập tài liệu chứa các thông tin về bị can, và ông sẽ bắt đầu lật giở một lượt để nắm bắt thật nhanh tình hình. Nghi phạm có thể đứng ngay trước mặt Solomon, một bên là luật sư của anh ta, bên còn lại là công tố viên của quận. Hai luật sư sẽ tranh luận. Solomon sẽ lắng nghe. Sau đó ông ta sẽ quyết định xem liệu bị can này có được quyền nộp tiền bảo lãnh không, và nếu có, thì số tiền bảo lãnh là bao nhiêu.Liệu con người hoàn toàn xa lạ này có xứng đáng với sự tự do? Sau này ông kể, những trường hợp khó nhất đều liên quan đến trẻ em. Một cậu nhóc mười sáu tuổi đầu bước vào phòng với cáo buộc đã thực hiện một tội ác khủng khiếp. Và ông đương nhiên biết rằng nếu ông nâng mức tiền bảo lãnh đủ cao thì rốt cuộc cậu ta sẽ bị “cho vào lồng” của nhà tù Đảo Rikers của thành phố, là nơi mà - ông đã cố gắng nói giảm nói tránh hết mức có thể - về cơ bản là bạo loạn rình rập nổ ra bất cứ lúc nào”.[5] Những trường hợp này còn đặc biệt trở nên khó khăn hơn nếu ông nhìn quanh phòng xử án và trông thấy mẹ đứa trẻ ngồi trên ghế dự thính. “Ngày nào tôi cũng có những ca như vậy”, ông nói. Ông phải tập ngồi thiền. Ông cảm thấy thiền định giúp xoa dịu mọi thứ. [5] . Đến nay luật pháp đã được điều chỉnh. Một bị can phải đủ mười tám tuổi trở lên mới bị chuyển đến Rikers. Ngày lại ngày, Solomon đều phải đối mặt với một vấn đề là một phiên bản của câu đố mà Neville Chamberlain và các nhà ngoại giao Anh Quốc đã phải đối mặt vào mùa thu năm 1938: ông được yêu cầu phải đánh giá tính cách của một người xa lạ. Và hệ thống tư pháp xét xử tội phạm cũng giả định giống như cách Chamberlain đã làm, đó là đối với những loại quyết định khó khăn như thế tốt hơn hết là phải được thực hiện khi người đánh giá và người bị đánh giá gặp nhau trước đã. Rồi đến buổi chiều hôm đó, ví dụ thế, Solomon đối diện với trường hợp của một người đàn ông lớn tuổi có mái tóc thưa, mỏng, ép tẹt vào đầu. Ông ta mặc một chiếc quần bò màu xanh, một chiếc áo sơ mi cộc tay và chỉ nói tiếng Tây Ban Nha. Ông ta bị bắt giữ vì một “sự cố” liên quan đến một cậu bé sáu tuổi, là cháu của bạn gái ông ta. Cậu bé kể chuyện với bố ngay lập tức. Công tố viên quận đề nghị mức bảo lãnh 100.000 đô-la. Rõ ràng người đàn ông vừa bị bắt giữ sẽ không đời nào gom được đủ số tiền bảo lãnh trên. Nếu Solomon đồng tình với công tố viên quận, thì người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi kiểu Mễ kia chắc chắn sẽ đi thẳng vô khám. Mặt khác, người đàn ông phủ nhận mọi cáo buộc. Trước đó ông từng có hai lần vi phạm luật pháp - nhưng đều là những lỗi nhỏ, từ rất nhiều năm trước. Ông ta làm nghề thợ máy, nếu phải vào tù thì chắc chắn sẽ mất việc, ông còn có một người vợ đã ly dị và một cậu con trai mười lăm tuổi phải chu cấp. Solomon phải nghĩ đến cậu bé mười lăm tuổi vẫn đang phụ thuộc vào tiền lương tháng của bố. Đồng thời ông cũng biết chắc chắn một đứa trẻ sáu tuổi không phải là nhân chứng đáng tin cậy nhất. Vì thế không có cách nào để Solomon có thể chắc chắn được rằng tất cả những chuyện này chỉ là một sự hiểu nhầm tai hại hay là một phần của tội ác đã thành vết. Nói cách khác, quyết định xem liệu có nên thả tự do cho người đàn ông mặc áo sơ mi kiểu Mễ - hay là giữ ông ta trong trại giam để chờ ngày xét xử là quyết định khó khăn không tưởng. Và để giúp đưa ra được quyết định đúng đắn, Solomon đã làm điều mà tất cả chúng ta đều sẽ làm trong tình huống này: ông nhìn thẳng vào mắt người đàn ông trước mặt và cố gắng lý giải xem rốt cuộc ông ta thực sự là người như thế nào. Vậy hành động ấy có giúp ích gì không? Hay là các thẩm phán cũng chỉ là một đối tượng của cùng một câu đố hóc búa giống như của Chamberlain? 4. Lời giải đáp chính xác nhất mà chúng ta có thể có được cho câu hỏi trên đến từ nghiên cứu do một nhà kinh tế học Harvard, ba nhà khoa học máy tính cao cấp và một chuyên gia về bảo lãnh từ Đại học Chicago thực hiện. Nhóm này - để giản tiện, tôi sẽ lấy tên của nhà kinh tế học Sendhil Mullainathan làm đại diện khi nhắc đến họ - quyết định chọn thành phố New York làm nơi tiến hành thử nghiệm. Họ thu thập dữ liệu của 554.689 bị can từng được dẫn ra phòng trình bày cáo trạng ở New York từ năm 2008 đến năm 2013 - 554.689 bị can cả thảy. Trong tất cả số này, họ ghi nhận con số mà các thẩm phán của New York đã thả tự do là hơn 400.000 một chút. Sau đó Mullainathan xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo, nạp cho nó tất cả các thông tin mà các công tố viên chuyển cho các thẩm phán về từng trường hợp cáo trạng (tuổi của bị can và lịch sử phạm tội), đặt lệnh cho máy tính chạy chương trình qua 554.689 trường hợp này và tự tạo một danh sách 400.000 người được thả của riêng nó. Đó là một cuộc chạy đua: con người đấu với máy móc. Bên nào sẽ cho ra những quyết định tốt nhất? Danh sách của bên nào ít người phạm tội nhất trong số những người được tại ngoại hầu tra và nhiều khả năng sẽ có mặt trong ngày tòa mở phiên xét xử nhất? Các kết quả thậm chí còn không gần nhau. Những người trong danh sách của máy tính có ít hơn 25% khả năng phạm tội trong khi chờ đợi phiên tòa so với 400.000 người được tại ngoại nhờ phán quyết của Thành phố New York. 25%! Trong trận đấu một-một, máy móc hủy diệt con người.(*) (*) . Hai điểm kỹ thuật của các danh sách song song về 400.000 bị can: Khi Mullainathan kết luận rằng danh sách bị can của máy tính phạm tội ít hơn 25% so với danh sách bị can của thẩm phán, ấy là vì ông đếm số người không có mặt vào ngày diễn ra phiên tòa dành cho họ. Thứ hai, tôi chắc rằng bạn đang băn khoăn làm thế nào mà Mullainathan có thể đo đếm được, và đưa ra con số chắc chắn những người bị kết tội hoặc không bị kết tội trong thời gian được tại ngoại tại phiên đọc cáo trạng. Con số này được xác định không phải vì Mullainathan có quả cầu tiên tri. Mà đó là một con số ước lượng được đưa ra dựa trên cơ sở căn bản của một quá trình phân tích thống kê tinh vi cao cấp. Sau đây là một cách giải thích ngắn gọn. Các thẩm phán ở thành phố New York luân phiên ngồi nghe cáo trạng. Các bị can, về căn bản, là được chỉ định ngẫu nhiên cho các thẩm phán xem xét. Giữa các thẩm phán ở New York (cũng như ở tất cả các cơ quan xét xử khác) có một độ chênh đáng kể trong cách thức họ đưa ra quyết định thả tự do cho một người cũng như trong cách họ xác định số tiền bảo lãnh cao đến mức nào. Một số thẩm phán rất dễ dãi. Số khác rất nghiêm khắc. Vì thế hãy tưởng tượng là một loạt các thẩm phán nghiêm khắc ngồi nghe 1.000 cáo trạng và giải phóng cho 25% số đó. Một số các thẩm phán dễ dãi gặp 1.000 bị can khác, tính chất không khác gì với 1.000 bị can trước, và giải phóng cho 75% số đó. Bằng cách so sánh tỉ lệ phạm tội của những bị can được thả ra trong mỗi nhóm, bạn có thể có được hình dung sơ bộ có bao nhiêu người vô tội gặp phải ông thẩm phán nghiêm khắc nên bị bỏ tù, và bao nhiêu kẻ hiểm ác gặp được ông thẩm phán dễ tính nên được sổng thoát. Sự ước đoán này, sau đó, cũng được áp dụng đối với dự đoán của máy tính. Sau khi máy tính thực hiện phán xét của riêng nó đối với 1.000 bị can, thì một mặt, thử tính xem máy tính làm tốt hơn thế nào so với các vị thẩm phán nghiêm khắc, và mặt khác, so với các vị thẩm phán dễ dãi? Tiến trình nghe rất phức tạp và đúng là như vậy. Nhưng đó là một phương pháp đã được xác lập cẩn thận. Để hiểu cặn kẽ hơn về giải thích này, tôi khuyến khích bạn tìm đọc nghiên cứu của Mullainathan. Để giúp bạn cảm nhận được một phần sự cao thủ của máy tính của Mullainathan, nó đã đánh dấu 1% tất cả các bị can với nhãn “nguy cơ cao”. Đây là những người mà máy tính cho rằng tuyệt đối không được phép cho tại ngoại trước phiên xét xử. Theo các tính toán của máy tính, quá nửa số người nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ tiếp tục gây tội ác khác nếu họ được bảo lãnh tại ngoại hầu tra. Dẫu vậy, khi các thẩm phán là người trần mắt thịt nhìn vào nhóm “táo thối” này, họ không thể xác định được là những thành phần này có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Họ giải phóng tới 48,5% người trong số này! “Rất nhiều bị can được thuật toán máy tính gắn cờ đỏ chỉ báo nguy cơ cao nhưng vẫn được các thẩm phán đối xử như những người có nguy cơ phạm tội thấp”, Nhóm Mullainathan đưa ra kết luận trong một đoạn viết đặc biệt chấn động. “Kết quả của bài tính này gợi ý rằng các thẩm phán đơn giản là không thiết lập một ngưỡng cao đối với những người đáng ra phải bị giam giữ, mà còn xếp hạng nhầm cho các bị can… Các bị can cận biên mà họ chọn để giam giữ được rút ra xuyên suốt trong toàn thể quá trình phân phối rủi ro được dự đoán trước”. Dịch ra là: các quyết định tại ngoại hầu tra của các thẩm phán diễn ra tràn lan ở khắp mọi nơi chốn. Tôi cho là bạn cũng sẽ đồng ý rằng chuyện này thật bế tắc. Khi các thẩm phán đưa ra quyết định tại ngoại, họ phải truy cập ba nguồn thông tin. Họ có hồ sơ của bị can - tuổi của anh ta, lịch sử phạm tội, chuyện gì xảy ra lần trước khi anh ta được tại ngoại, anh ta sống và làm làm việc ở đâu. Họ có bản cáo trạng của công tố viên quận và luật sư của bị can: bất cứ thông tin nào được trao đổi trong phòng xử án. Và họ có chứng cớ từ chính đôi mắt của họ. Cảm giác của tôi đối với người đàn ông đứng trước mặt mình là gì? Ngược lại, máy tính của Mullainathan không nhìn thấy bị can và cũng không thể nghe thấy bất cứ điều xì xầm nào trong phòng xử án. Tất cả những dữ liệu máy tính có được là tuổi của bị can và các tờ ghi cáo trạng. Nó có được một phần thông tin mà thẩm phán có được - và nó đưa ra các quyết định tại ngoại tốt hơn so với các thẩm phán. Trong cuốn sách thứ hai của tôi, Trong chớp mắt, tôi đã kể câu chuyện các dàn nhạc giao hưởng có thể đưa ra các quyết định tuyển dụng thông minh hơn khi họ để ứng viên tiềm năng biểu diễn phía sau một bức màn như thế nào. Loại bỏ bớt thông tin cấp cho ban tuyển dụng giúp họ đưa ra những đánh giá chuẩn xác hơn. Đó là bởi vì các thông tin thu thập được khi nhìn một người chơi nhạc rất không phù hợp. Nếu bạn muốn đánh giá một người có phải là một nghệ sĩ vĩ cầm tài ba hay không thì việc họ béo hay gầy, xinh xắn hay kém ưa nhìn, da trắng hay da đen sẽ chẳng giúp ích gì. Trên thực tế, những điều đó có thể sẽ chỉ châm mồi định kiến khiến cho quyết định của bạn trở nên khó khăn hơn. Nhưng khi bàn đến quyết định cho một bị can tại ngoại, thông tin bổ sung mà thẩm phán có được nghe có vẻ như nó đáng ra phải rất hữu ích. Ví dụ một trường hợp trước đó trong phòng xử án của Solomon, một thanh niên trẻ mặc quần thể thao bóng rổ và áp phông màu ghi bị cáo buộc tham gia vào cuộc ẩu đả với một người, sau đó dùng thẻ tín dụng ăn cắp được của người này đi mua ô tô. Khi đề cập đến điều kiện tại ngoại, công tố viên quận chỉ ra rằng cậu này đã không có mặt tại tòa vào ngày xử án sau hai lần bị bắt giữ trước đó. Đó là một chỉ báo cờ đỏ rõ ràng. Nhưng không phải tất cả các tội không hầu tòa (FTA) đều giống hết nhau. Ngộ nhỡ bị can bị thông báo nhầm ngày hầu toà? Ngộ nhỡ bị can sẽ mất việc nếu anh ta xin nghỉ ngày hôm đó, và quyết định rằng đi hầu tòa là không đáng? Lỡ đâu con của anh ta hôm đó phải nhập viện? Đó chính là điều mà luật sư của bị can đã nói với thẩm phán: Khách hàng của bà có một lý do chính đáng. Máy tính không biết điều đó, nhưng vị thẩm phán biết. Thế nào mà thông tin ấy lại không giúp ích được gì? Tương tự, Solomon nói một thứ khiến ông cảnh giác nhất trong các trường hợp quyết định tại ngoại hầu tra là khi bị can “có bệnh lý tâm thần viện cớ bạo lực”. Những trường hợp này là ác mộng tồi tệ nhất đối với các thẩm phán. Họ để một người được bảo lãnh tại ngoại, rồi người đó ngừng uống thuốc và ra ngoài thực hiện một tội ác kinh hoàng. “Đó là bắn một cảnh sát”, Solomon nói. Đó là đâm thẳng ô tô vào một chiếc minivan, giết chết một người phụ nữ đang mang thai và chồng của cô ta. Đó là làm hại một đứa trẻ. [Đó] là đẩy một ai đó đứng trước xuống đường ray tàu điện ngầm và giết chết họ. Đó là những tình huống khiếp đảm nhìn từ bất cứ góc độ nào… Không một thẩm phán nào muốn trở thành người đưa ra quyết định tại ngoại trong trường hợp đó. Một vài dấu hiệu chỉ báo cho kiểu tình huống đó đã nằm sẵn trong hồ sơ của bị can: các bệnh án, những lần nhập viện trước, một vài thông tin đề cập đến việc bị can được cho là không có đủ năng lực hành vi. Những dấu hiệu khác chỉ được phát hiện trong một vài khoảnh khắc. “Bạn có thể nghe được loáng thoáng đâu đó trong phòng xử án từ ‘EDP’ - người mắc chứng rối loạn cảm xúc”, Solomon nói. Thông tin đó có thể đến từ nhân viên cảnh sát áp giải bị can và chuyển cho bạn tập phong bì chứa hồ sơ bệnh án từ một bác sĩ trong một bệnh viện mà bị can vừa được kiểm tra tâm thần trước cuộc trình bày cáo trạng… Những lần khác, thông tin có thể được chuyển vào hồ sơ của uỷ viên công tố quận và vị này sẽ đặt ra những câu hỏi… Đó là một hiện thực khiến tôi phải suy nghĩ. Ông thẩm phán sẽ nhìn vào bị can, và trong các trường hợp cụ thể này - ông sẽ nhìn họ một cách cẩn thận, kỹ càng, lục tìm điều gì đó, như ông mô tả là: một ánh mắt lạnh lẽo, không có khả năng nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Và không phải kiểu một thiếu niên không dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện bởi vì phần thùy trán chưa phát triển hết. Tôi đang nói đến những người trưởng thành trong cơn đói thuốc. Trong khi đó chiếc máy của Mullainathan không thể nghe lỏm được chuyện các công tố viên to nhỏ về một người mắc chứng EDP, và nó cũng không thể nhìn thấy những ánh mắt lạnh lẽo lồ lộ. Yếu tố đó đáng lẽ phải được diễn dịch thành một lợi thế lớn cho Solomon và các đồng nghiệp của ông. Nhưng vì một vài lý do nào đó, nó lại không thế. Câu đố số 2: Làm sao cuộc gặp gỡ với một người xa lạ đôi khi lại khiến chúng ta trở nên tệ hơn khi tìm cách lý giải một người so với khi không trực tiếp gặp gỡ họ? 5. Neville Chamberlain thực hiện chuyến thăm viếng thứ ba và cũng là cuối cùng đến Đức vào cuối tháng 9 năm 1938, hai tuần sau chuyến thăm đầu tiên. Cuộc gặp diễn ra ở Munich trong văn phòng của Đảng Phát xít Đức - tòa nhà Quốc trưởng. Nhà lãnh đạo Ý Benito Mussolini và Thủ tướng Pháp Édouard Daladier cũng được mời tới dự họp. Bốn người, cùng với các trợ lý, gặp nhau trong phòng làm việc riêng của Hitler. Buổi sáng ngày thứ hai, Chamberlain đề nghị gặp riêng Hitler. Đến thời điểm này, Chamberlain cảm thấy ông ta đã đánh giá được tương đối đầy đủ đối phương. Khi Hitler tuyên bố rằng tham vọng của ông ta chỉ giới hạn ở Tiệp Khắc, Chamberlain đã tin tưởng rằng “Quốc trưởng Hitler đang nói thật”. Giờ vấn đề chỉ còn là biến lời nói của ông ta thành chuyện giấy trắng mực đen. Hitler đưa Chamberlain đến căn hộ của mình ở Prinzregentenplatz. Chamberlain rút từ túi áo một tờ giấy trong đó đã thảo sẵn một bản cam kết đơn giản và hỏi liệu Hitler có sẵn lòng ký vào bản cam kết không. Trong khi thông dịch viên phiên dịch nội dung câu hỏi sang tiếng Đức: “Hitler liên tục hét lên, ‘Ja! Ja!’ Và cuối cùng, ông ta nói: ‘Có, chắc chắn là tôi sẽ ký’“, Chamberlain sau này kể lại với một người chị em. “‘Khi nào thì nên tiến hành?’ Ta hỏi, ‘ngay bây giờ’, và thế là bọn ta cùng ngồi xuống bàn giấy, mỗi người ký tên vào hai bản thỏa thuận mà ta mang theo”. Buổi chiều hôm đó, Chamberlain trở về cố hương trong sự đón chào nồng nhiệt dành cho người hùng. Một đám đông các nhà báo đôn đáo chạy về phía ông ta. Ông rút tờ giấy ở túi áo ngực và vẫy vẫy đám đông. “Sáng nay, tôi đã có một cuộc nói chuyện nữa với Quốc trưởng Hitler, và đây, tờ giấy có cả chữ ký tên ông ấy và tên của tôi”. Sau đó tất cả quay trở về trước tư dinh Thủ tướng ở số 10 Phố Downing. “Các bạn hữu thân mến, đây là lần thứ hai trong lịch sử của đất nước chúng ta, hòa bình có được từ chuyến đi Đức trở về Phố Downing trong niềm hân hạnh. Tôi tin rằng đó chính là hòa bình cho thời đại chúng ta. Chúng tôi xin được cảm ơn các bạn từ đáy lòng”. Đám đông hò reo. “Giờ tôi khuyến khích các bạn nên trở về nhà và lên giường ngủ một giấc thật bình an”. Tháng 3 năm 1939, Hitler xâm lược phần còn lại của Tiệp Khắc. Ông ta chỉ mất chưa tới sáu tháng để phá vỡ thỏa thuận đã ký với Chamberlain. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler xâm lược Ba Lan, và cả thế giới chìm vào cuộc đại chiến. Nói cách khác, chúng ta có những sĩ quan CIA không tài nào hiểu nổi điệp viên của mình, những vị thẩm phán không thể lý giải các bị can đứng trước mặt mình, và các vị thủ tướng không cách nào nắm bắt được các đối thủ đồng cấp. Chúng ta có những người vật lộn với những ấn tượng đầu tiên của họ về một người lạ. Chúng ta có những người bối rối ngay cả khi họ có rất nhiều tháng để hiểu một người lạ. Chúng ta có những người loay hoay khi họ chỉ gặp một ai đó có duy nhất một lần, và những người mắc mớ khi gặp lại một người lạ hết lần này tới lần khác. Họ gặp trắc trở trong việc đánh giá sự thành thực của một người lạ. Họ gặp khó khăn khi nhận định tính cách của một người lạ. Họ chịu chết không hiểu được ý đồ của một người lạ. Thật là một mớ rối nùi. 6. Một điều cuối: Hãy nhìn vào những chữ cái sau đây và điền các chữ cái vào hai chỗ trống. Làm thật nhanh, không ngẫm nghĩ.[6] [6]. Xin phép để nguyên các từ vựng tiếng Anh (kèm dịch nghĩa) trong phần chơi chữ này để giữ nguyên ý đồ của tác giả (ND). G L _ _ Đây là trò chơi có tên là điền chữ ghép từ vựng. Các nhà tâm lý học thường dùng cách này để thử nghiệm một số thứ, ví dụ như là thử trí nhớ. Tôi điền thêm chữ cái ghép thành GLUM (BUỒN BÃ). Hãy nhớ từ này nhé. Từ tiếp theo là: _ _ TER Tôi điền các chữ cái ghép thành từ HATER (NGƯỜI CĂM GHÉT). Hãy nhớ cả từ này nữa. Đây là các chữ cái còn lại trong danh sách: S_ _ RE STER_ _ B_ _ T P_ _ N GO_ _ PO_ _ _ TOU_ _ CHE_ _ BA _ _ ATT _ _ _ _ _OR _RA BO _ _ SL _ _ _ _ _ _EAT FL _ _ T SC _ _ _ SL _T _ _NNR Tôi bắt đầu bằng hai từ GLUM (BUỒN BÃ) và HATER (NGƯỜI CĂM GHÉT) và kết thúc trò chơi bằng các từ SCARE (SỢ HÃI), ATTACK (TẤN CÔNG), BORE (CHÁN NẢN), FLOUT (COI THƯỜNG), SLIT (CHẶT/ CHẺ), CHEAT (GIAN LẬN), TRAP (BẪY), và DEAFEAT (ĐÁNH BẠI). Đó quả là một danh sách các từ khá buồn nản và sầu bi. Nhưng tôi không nghĩ danh sách ấy nói lên bất cứ điều gì đen tối trong tâm hồn tôi. Tôi không phải người sầu lụy. Tôi là một người lạc quan. Tôi nghĩ rằng từ đầu tiên, GLUM (BUỒN BÃ) đã nảy ra trong đầu óc tôi và sau đó chỉ là tôi cứ tiếp tục theo mạch suy nghĩ ấy. Vài năm trước, một nhóm các nhà tâm lý học do bác sĩ Emily Pronin dẫn đầu đã giao bài tập này cho một nhóm người. Pronin yêu cầu họ điền các chữ cái vào chỗ trống để tạo thành các từ. Sau đó bà hỏi nhóm đó cùng một câu hỏi: Bạn có nghĩ những từ ngữ mà các bạn lựa chọn nói lên điều gì đó về bạn không? Ví dụ, nếu như bạn điền từ TOU_ _ thành TOUCH (XÚC CẢM), thì điều đó có gợi ý rằng bạn là một kiểu người khác so với nếu bạn điền từ đó thành TOUGH (CỨNG RẮN)? Những người được hỏi cũng trả lời y như tôi đã nói. Chúng chỉ là các từ vựng. “Tôi không đồng tình với việc sử dụng các từ vựng này như một thước đo tính cách của tôi”, một trong những chủ thể tham gia thử nghiệm của Pronin viết. Và những người khác trong nhóm cũng đồng tình: “Những từ vựng đầy đủ này không thể hiện điều gì về tôi cả… Chỉ là những từ vựng được hoàn thành ngẫu nhiên”. “Một số từ vựng tôi viết ra đối lập với cách tôi nhìn nhận thế giới. Ví dụ, tôi cho rằng mình không phải kiểu người luôn tỏ ra STRONG (MẠNH MẼ), BEST (GIỎI NHẤT), hay một WINNER (NGƯỜI THẮNG CUỘC)”. “Tôi không nghĩ những từ mà tôi hoàn thành lật mở điều gì về tôi… Chúng xuất hiện vì chúng nảy ra trong đầu thế thôi”. “Không thể hiện được điều gì về con người… Chúng chỉ thể hiện vốn từ vựng”. “Tôi không nghĩ có bất kỳ mối liên hệ nào… Các từ này chỉ là ngẫu nhiên”. “Các từ PAIN (ĐAU ĐỚN), ATTACK (TẤN CÔNG), VÀ THREAT (ĐE DỌA) nghe có vẻ tương đương, nhưng tôi không chắc là chúng nói lên điều gì về tôi”. Nhưng rồi câu chuyện trở nên thú vị hơn. Pronin đưa cho nhóm này các từ vựng do một nhóm khác hoàn thành. Họ là những người hoàn toàn xa lạ. Bà đặt ra cùng một câu hỏi. Các bạn nghĩ những lựa chọn từ ngữ của những người này nói lên điều gì? Và lần này, toàn bộ hội đồng tham gia trả lời đổi ý 180 độ. “Anh này có vẻ không đọc sách nhiều lắm, bởi vì dường như (với tôi) khi điền từ B_ _ K thì tự nhiên mà nói sẽ phải là BOOK (CUỐN SÁCH). BEAK (MỎ CHIM) có vẻ hơi ngẫu nhiên, và có thể là dấu hiệu của một đầu óc hơi thiếu tập trung”. “Tôi có cảm giác là bất kể danh sách từ vựng này của ai thì người ấy cũng khá tự mãn, nhưng về cơ bản là một người tốt”. Hãy nhớ rằng đây chính xác là những người mà chỉ vừa vài phút trước khẳng định rằng trò chơi này không hề có chút ý nghĩa nào. “Người này có vẻ hiếu thắng và luôn suy nghĩ về chuyện hơn thiệt thắng thua”. “Tôi có cảm giác rằng nhân vật này có thể rất thường thấy chán nản trong cuộc sống. Thêm nữa, tôi nghĩ rằng họ có thể sẽ hứng thú với những tương tác cá nhân gần gũi với người khác giới. Người này cũng có thể sẽ thích thú với các trò chơi”. Cũng chính người vừa mới nói “Những từ vựng này không thể hiện điều gì về tôi cả” thì nay quay ngoắt 180 độ và nhận xét thế này về một người hoàn toàn xa lạ: “Tôi nghĩ cô gái này đang đến tháng hay sao… Tôi cũng nghĩ hình như trong mối quan hệ cá nhân, cô ấy đang cảm thấy một trong hai người, hoặc là cô ấy hoặc là nửa kia đang che giấu điều gì đó, bởi vì cứ nhìn những từ mà cô ấy hoàn thành thì biết: WHORE (GÁI ĐIẾM), SLOT (tương tự như slut - đĩ điếm), CHEAT (PHẢN BỘI)”. Những câu trả lời cứ tiếp tục tuôn ra như thế. Và không một ai, dù chỉ một thoáng, nhận ra rằng chính họ đang rơi vào cái bẫy mâu thuẫn. “Tôi đoán có một vài liên hệ… Anh ta nói rất nhiều về tiền bạc và nhà băng (BANK). Có rất nhiều tương đồng ở đây”. “Anh ấy có vẻ như quá chú trọng vào ganh đua và chiến thắng. Người này chắc là vận động viên hoặc một người rất hiếu thắng”. “Có vẻ như nhân vật này thường có cái nhìn lạc quan đối với những thứ mà anh ta thích thú. Hầu hết các từ như là WINNER (NGƯỜI CHIẾN THẮNG), SCORE (THÀNH TÍCH), GOAL (MỤC TIÊU) đều cùng một kiểu thuộc tính cạnh tranh, kết hợp với một số ngữ cảnh, cho thấy anh này có bản tính cạnh tranh tự nhiên. Nếu hội đồng này nhìn thấy các từ vựng mà tôi hoàn thành GLUM (BUỒN BÃ) và HATER (NGƯỜI CĂM GHÉT) và kết thúc trò chơi bằng các từ SCARE (SỢ HÃI), ATTACK (TẤN CÔNG), BORE (CHÁN NẢN), FLOUT (COI THƯỜNG), SLIT (CHẶT/CHẺ), CHEAT (GIAN LẬN), TRAP (BẪY) và DEAFEAT (ĐÁNH BẠI), hẳn họ sẽ rất lo lắng cho tâm hồn đen tối của tôi. Pronin gọi hiện tượng này là “ảo giác ngầm hiểu bất cân xứng”. Bà viết: Niềm tin vững chắc rằng chúng ta hiểu thiên hạ hơn là họ hiểu ta - và rằng chúng ta có thể “đi guốc trong bụng” người khác, nhìn ra thiếu sót của họ (nhưng không theo chiều ngược lại) - đã khiến ta nói khi đáng lẽ nên nghe cho kỹ và trở nên thiếu kiên nhẫn khi đáng ra nên nhẫn nại khi những người khác bày tỏ đích xác rằng chính họ là những người bị hiểu lầm hoặc bị phán xét thiếu công bằng. Đây chính là vấn đề trọng tâm của cả hai câu đố đầu tiên này. Những sĩ quan phụ trách khu vực Cuba trong CIA dám chắc là họ có thể đánh giá được lòng trung thành của các điệp viên trong mạng lưới. Các thẩm phán không giơ cả hai tay đầu hàng khi đứng trước nhiệm vụ phải đánh giá tính cách của các bị can. Họ dành ra cho mình một đến hai phút suy tính rồi đưa ra phán quyết đầy thẩm quyền. Neville Chamberlain không bao giờ hoài nghi tính khôn ngoan trong kế hoạch táo bạo chặn đứng chiến tranh của ông ta. Nếu những ý đồ của Hitler là không rõ ràng, thì việc của ông ta, với tư cách thủ tướng, đó là đi sang tận nước Đức để làm rõ trắng đen. Chúng ta nghĩ rằng có thể dễ dàng nhìn thấu tâm can người khác dựa trên những manh mối lỏng lẻo nhất. Chúng ta chộp ngay lấy cơ hội để phán xét người lạ mặt. Tất nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ làm như thế với chính mình. Chúng ta tinh tế, phức tạp và bí ẩn. Còn người lạ mặt thì dễ đoán. Nếu chỉ có một điều mà tôi có thể thuyết phục bạn trong cuốn sách này, thì đó sẽ là: Những kẻ xa lạ không hề dễ đoán. PHẦN HAI MẶC ĐỊNH VỚI SỰ THÀNH THẬT 1 Chương ba NỮ HOÀNG CUBA . Hãy cùng nhìn vào một câu chuyện tình báo Cuba khác. Vào đầu những năm 1990, hàng ngàn người Cuba bắt đầu di tản khỏi đất nước. Họ chen chúc trên những chiếc thuyền tự chế - làm từ săm lốp và thùng phuy, cánh cửa gỗ và vô số những bộ phận chắp vá khác - và giong thuyền ra khơi trong một hành trình gian khó dài 90 dặm qua Eo biển Florida để tới Hoa Kỳ. Ước tính có đến 24.000 người đã bỏ mạng trong hành trình mạo hiểm này. Đó là một sự cố nhân đạo. Để ứng phó, một nhóm người Cuba nhập cư ở Miami đã sáng lập ra nhóm Hermnos al Rescate - Hội Anh em Cứu trợ. Họ cùng nhau đưa vào vận hành tạm thời một chiếc máy bay một động cơ Cessna Skymasters có nhiệm vụ bay lượn trên khắp vùng trời eo biển Florida, tìm kiếm những thuyền nhân và báo tọa độ thuyền về cho Đội Tuần duyên Hoa Kỳ. Hội Anh em Cứu trợ đã cứu được hàng ngàn mạng sống. Họ trở thành những anh hùng. Một thời gian sau, hội những người nhập cư ngày càng trở nên táo tợn hơn. Họ bắt đầu bay vào không phận của Cuba, thả tờ rơi xuống Havana xúi giục người dân Cuba đứng lên chống lại chế độ. Chính phủ Cuba, vốn đã nóng mặt vì những chuyến bay giải cứu người tị nạn, nay càng giận dữ. Căng thẳng leo thang, mà đỉnh điểm diễn ra vào ngày 24 tháng 2 năm 1996. Buổi chiều hôm đó, ba chiếc máy bay của Hội Anh em Cứu trợ cất cánh rời khỏi eo biển Florida. Khi họ tiến sát bờ vịnh Cuba thì bị hai chiếc máy bay chiến đấu MiG của Cuba bắn trúng, hai trong số ba máy bay của Hội Anh em Cứu trợ bị bắn hạ, giết chết cả bốn người trên khoang điều khiển. Phản ứng với cuộc tấn công ngay lập tức bùng lên. Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa kỳ đưa ra tuyên bố chỉ trích chính quyền Cuba. Tổng thống Clinton tổ chức một cuộc họp báo chia buồn... Hai chiếc máy bay đã bị bắn hạ trong khu vực không phận quốc tế, sự việc này không khác gì một hành động châm ngòi chiến tranh. Đoạn radio trao đổi giữa các phi công Cuba sau đó được đăng tải trên báo chí: “Bắn trúng rồi, mẹ kiếp, trúng rồi”. “Hạ chúng rồi, mẹ kiếp”. “Ta bắn trúng rồi”. “Mẹ kiếp”. “Đánh dấu tọa độ nơi chúng bị bắn hạ”. “Nào còn dám nhờn với tụi bố nữa không”. Và rồi, một trong hai chiếc MiG lại tiếp tục bắn trúng vào chiếc Cessna thứ hai: “Tổ quốc hay là chết, lũ khốn nạn”. Nhưng ngay giữa bầu không khí tranh luận căng thẳng, câu chuyện đột ngột chuyển hướng. Một cựu Chuẩn Đô đốc Hoa kỳ tên là Eugen Carroll trước đó vừa trả lời một cuộc phỏng vấn trên kênh CNN. Carroll là một nhân vật có tầm ảnh hưởng với Washington. Ông từng giữ chức giám đốc toàn thể các lực lượng quân đội của Hoa Kỳ ở châu Âu, nắm trong tay 7.000 lính tinh nhuệ. Ngay trước vụ bắn hạ đội tàu bay của Hội Anh em Cứu trợ, Carroll cho biết ông và một nhóm nhỏ các nhà phân tích chiến lược quân sự vừa gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Cuba. CNN: Thưa Đô đốc, ông có thể cho biết mục đích chuyến đi của ông tới Cuba, ông đã gặp gỡ những ai và nội dung cuộc gặp là gì? Carroll: Chúng tôi được Bộ trưởng Quốc phòng Cuba, Tướng Rosales del Toro đón tiếp… Chúng tôi đã có các cuộc viếng thăm các căn cứ của Cuba, trường học và một phần nhà máy hạt nhân đã hoàn thiện của họ, vân vân. Trong cuộc trao đổi kéo dài với Tướng Rosales del Toro và cấp dưới của ông ta, một câu hỏi được đặt ra lên liên quan đến các máy bay xuất phát từ phía Hoa Kỳ - không phải không lực chính phủ, mà là những chiếc máy bay dân sự xuất phát từ Miami. Họ hỏi chúng tôi là: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi bắn hạ một trong số những chiếc máy bay này? Chúng tôi hoàn toàn có thể, ông biết rồi đấy”. Carroll cho rằng câu hỏi này từ phía Cuba là một lời cảnh báo. Cuộc phỏng vấn tiếp tục: CNN: Vậy thế khi các ông quay trở về, ông chuyển thông tin này cho ai? Carroll: Ngay khi chúng tôi đặt được lịch hẹn, chúng tôi đã trao đổi tình hình… với các thành viên Bộ Ngoại giao và các thành viên của Cục Quân báo Hoa Kỳ. Cục Quân báo Hoa kỳ (DIA) là cánh tay thứ ba trong bộ tam đầu chế của chính phủ Hoa Kỳ, bên cạnh CIA và Cục An ninh Quốc gia (NSA). Nếu Carroll gặp được Bộ Ngoại giao và Cục Quân báo Hoa Kì, ông ta đã phải chuyển lời cảnh báo của Cuba đến cấp cao nhất có thể trong chính phủ Mỹ. Thế Bộ Ngoại giao và DIA có xem xét cảnh báo này một cách nghiêm túc? Liệu họ có can thiệp và yêu cầu đội bay Đội Anh em Cứu trợ ngừng bay lượn bất cẩn vào không phận Cuba không? Rõ ràng câu trả lời là không.[7] [7] . Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin cho Đội Anh em Cứu trợ qua các kênh chính thức, cho biết bất cứ chuyến bay nào có điểm đến là Cuba đều không được chấp nhận. Nhưng rõ ràng là các cảnh bảo này không hiệu quả. CNN: Thưa Đô đốc, Bộ Ngoại giao đã phát những cảnh báo này cho Đội Anh em Cứu trợ, có phải vậy không? Carroll: Nhưng không phải là những cảnh báo hiệu quả… Họ biết rằng [Đội Anh em] thường khai man lịch trình bay rồi vẫn bay hướng Cuba, đây là phần khiến Cuba không hài lòng vì cho rằng chính phủ không kiểm soát được quy định của chính mình. Những bình luận của Carroll bắn tứ phía trong các bàn tròn chính sách ở Washington, DC. Đây là một tiết lộ đáng xấu hổ. Vụ bắn hạ của Cuba xảy ra vào ngày 24 tháng 2. Carroll chuyển cảnh báo tới Bộ Ngoại giao và DIA vào ngày 23 tháng 2. Một nhân vật nội bộ uy tín ở Washington gặp gỡ các nhân viên chính phủ Mỹ một ngày trước cuộc khủng hoảng, cảnh báo rành rọt rằng người Cuba đã hết kiên nhẫn với Đội Anh em Cứu trợ, và lời cảnh báo của ông bị phớt lờ. Chuyện bắt đầu bằng hành động tàn bạo từ phía Cuba giờ biến thành câu chuyện về năng lực ngoại giao yếu kém của người Mỹ. CNN: Thế nhưng ông bình luận thế nào về việc đó là những chiếc máy bay dân sự không được trang bị vũ khí? Carroll nhắc lại những gì ông được nghe ở Havana. Carroll: Đó là một câu hỏi vô cùng nhạy cảm. Vị thế của họ là gì? Họ đang làm gì? Tôi so sánh thế này cho dễ hiểu. Giả sử chúng ta thấy có những chiếc máy bay từ Mexico bay vè vè trên bầu trời San Diego, thả tờ rơi và kêu gọi chống lại Thống đốc [California] Wilson. Chúng ta sẽ để yên cho những chiếc máy bay do thám ấy được bao lâu sau khi đã cảnh báo là ta sẽ ra tay? Fidel Castro không được mời lên trả lời phỏng vấn trên đài CNN để bào chữa cho vụ việc này. Nhưng ông không cần làm thế. Ông đã có một chuẩn đô đốc trả lời thay. 2. Ba chương tiếp theo của cuốn sách này sẽ dành trọn vẹn cho những ý tưởng của một nhà tâm lý học có tên Tim Levine, ông đã dành nhiều công sức cho vấn đề tại sao chúng ta lại nhận định sai lầm về những người lạ như bất cứ người nào làm việc trong ngành khoa học xã hội. Chương thứ hai sẽ nhìn sâu vào các giả thuyết của Levine qua câu chuyện về Bernie Madoff, nhà đầu tư đã thực hiện cú lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất trong lịch sử. Chương thứ ba xem xét trường hợp lạ lùng của Jerry Sandusky, huấn luyện viên bóng bầu dục của Đại học Tiểu bang Pennylvania bị kết án lạm dụng tình dục. Và đây, câu chuyện đầu tiên, là về sự thất bại tính từ thời điểm khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Cuba vào năm 1996. Có điều gì trong câu chuyện của Đô đốc Carroll và cuộc tấn công của Cuba khiến bạn thấy lạ lùng? Có quá trời sự trùng hợp ở đây. 1. Người Cuba lập một kế hoạch tấn công có chủ đích đối với công dân Mỹ bay trong không phận quốc tế. 2. Chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc tấn công, một nhân vật có máu mặt phía nội bộ Mỹ đã chuyển lời cảnh báo cứng rắn đến quan chức của Hoa kỳ về khả năng xảy ra đích xác vụ tấn công. 3. Và, thật tình cờ, một ngày sau vụ tấn công, cũng chính nhân vật trên tiếp tục truyền tin, đưa lời cảnh báo của phía Cuba, lên một trong những mạng lưới tin tức được tin cậy nhất thế giới. Thời điểm diễn ra cả ba sự kiện trên đều có vẻ quá hoàn hảo, có phải vậy không? Nếu bạn là một công ty truyền thông đang tìm cách xử lý khủng hoảng từ một hành động gây tranh cãi, thì đây chính xác là kịch bạn bạn cần dựng nên. Có ngay một chuyên gia dường như trung lập xuất hiện - ngay lập tức - để nói: “Tôi đã cảnh báo họ rồi đấy chứ!” Đây chính là điều mà một nhà phân tích phản gián tên là Reg Brown đã nghĩ vào những ngày sau khi xảy ra sự vụ trên. Brown làm việc cho phòng Châu Mỹ Latinh của Cục Quân báo Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của ông ta là tìm hiểu những cách gây ảnh hưởng của tình báo Cuba lên các tổ chức quân sự của nước Mỹ. Nói cách khác, công việc của ông ta là cảnh giác với tất cả những kiểu tình cờ lập lờ, tinh vi và khó lý giải mà hầu hết những người thường chúng ta đều bỏ qua, và Brown không thể giũ bỏ được cảm giác rằng, bằng một cách nào đó người Cuba đã hành động như một nhạc trưởng điều khiển toàn bộ cuộc khủng hoảng này. Sau này người ta mới biết rằng người Cuba có nguồn tin bên trong Đội Anh Em Cứu trợ - một phi công tên là Juan Pablo Roque. Vào ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, anh ta đột nhiên biến mất và xuất hiện bên phía Castro ở Havana. Rõ ràng là Roque đã báo cáo với các sếp của anh ta nơi quê nhà rằng Đội Anh em Cứu trợ sẽ có một kế hoạch gì đó vào ngày 24. Điều đó khiến Brown khó lòng tin được ngày mà Carroll báo cáo tình hình lại được lựa chọn một cách tình cờ. Để đẩy mức ảnh hưởng tối đa lên truyền thông, người Cuba sẽ muốn lời cảnh báo của họ được chuyển đi trước một ngày, không phải vậy sao? Theo cách đó Bộ Ngoại giao và DIA sẽ không thể phủi tay giũ vấn đề bằng việc nói rằng lời cảnh báo quá mông lung hoặc từ quá lâu. Lời của Carroll phải được nói ra ngay trước mặt họ vào một ngày trước khi các phi công cất cánh từ Miami. Vậy thì ai là người sắp xếp cuộc gặp đó? Brown tự hỏi. Ai là người chọn ngày 23 tháng 2? Chỉ đào bới thông tin chút đỉnh, ông ta đã có câu trả lời và cái tên khiến ông ta giật nảy. Chính là một đồng nghiệp của ông tại DIA, một chuyên gia về Cuba có tên là Ana Belen Montes. Ana Montes là một ngôi sao. Cô ta liên tục được lựa chọn để thăng chức và nhận được những cơ hội nghề nghiệp đặc biệt, được khoản đãi bằng khen ngợi và tiền thưởng. Các bản đánh giá về cô đều sáng ngời. Cô ta được thuyên chuyển từ Bộ Tư pháp về DIA, và thư giới thiệu của một trong những cựu quản lý của cô thì mô tả đây là một trong những nhân viên xuất sắc nhất mà ông ta từng có. Cô ta còn từng được nhận huân chương từ George Tenet, giám đốc của CIA. Biệt danh của cô ta trong giới tình báo là “Nữ hoàng Cuba”. Nhiều tuần trôi qua. Brown vật vã. Buộc tội một đồng nghiệp vào tội danh phản quốc cơ bản dựa trên một nghi vấn nửa hoang tưởng là một nước cờ táo bạo khủng khiếp, đặc biệt là đối với một đồng nghiệp có vị thế như Montes. Cuối cùng Brown cũng nghĩ thông suốt và quyết định trình bày mối ngờ vực của mình với một sĩ quan phản gián của DIA tên là Scott Carmichael. “Anh ta ghé qua và chúng tôi đi dạo một lúc trong giờ ăn trưa”, Carmichael nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với Reg Brown. “Và anh ta thậm chí còn chưa nhắc được đến Montes. Ý tôi là phần lớn thời gian gặp chỉ là nghe anh ta kêu lên, ‘Ôi, Chúa ơi!” Anh ta nắm chặt hai bàn tay và nói: ‘Tôi không muốn làm một việc sai trái.’“ Dần dà, Carmichael cũng khơi gợi để anh ta trút hết nỗi lòng. Tất cả những người từng làm việc về Cuba đều nhớ quả bom tấn mà Florentino Aspillaga thả xuống đầu họ. Người Cuba rõ là giỏi. Và Brown cũng đã có chứng cớ của riêng mình. Vào cuối những năm 1980, ông ta đã viết một bản báo cáo liệt kê tường tận sự can thiệp của những quan chức cấp cao Cuba trong mạng lưới buôn lậu ma tuý quốc tế. “Anh ta chỉ đích danh cán bộ cấp cao nào của Cuba đã trực tiếp dính líu trong vụ đó”, Carmichael nói, “và tiếp theo đã cung cấp đầy đủ các chi tiết. Ý tôi là thông tin các chuyến bay, ngày tháng, giờ, địa điểm, ai làm gì với ai, toàn bộ miếng bánh, không sót phần nào”. Sau đó chỉ vài ngày trước khi bản báo cáo của Brown được công khai, phía Cuba tóm toàn bộ những nhân vật được nhắc đến trong điều tra của ông ta, xử lý một số người và cho thông cáo bác bỏ sự việc. “Và Reg kiểu, “Cái con khỉ gì thế này? Có người làm lộ tin”. Điều đó khiến Brown bị ám ảnh. Năm 1994, có hai nhân viên tình báo Cuba đào ngũ và khai một câu chuyện tương tự: Người Cuba có gài được một nhân vật cao cấp bên trong tình báo Hoa Kỳ. Vậy thì ông ta phải nghĩ gì bây giờ? Brown nói với Carmichael. Chẳng phải ông ta có lý do để nghi ngờ đó sao? Sau đó ông ta kể cho Carmichael một chi tiết khác đã xảy ra trong thời gian khủng hoảng Hội Anh em Cứu trợ. Montes làm việc tại văn phòng DIA ở Khu căn cứ Quân sự Không quân Bolling, trong khu vực Anacostia ở Washington, DC. Khi những chiếc máy bay bị bắn hạ, cô ta được mời đến Lầu Năm Góc: nếu anh là một trong những chuyên gia hàng đầu của chính phủ về Cuba, anh nhất thiết phải có mặt tại đó. Cuộc bắn hạ diễn ra vào ngày thứ bảy. Tối hôm sau Brown vô tình gọi điện thoại, hỏi gặp Montes. “Anh ta nói rằng một người phụ nữ đã trả lời điện thoại và cho biết Ana đã về rồi”, Carmichael nói. Trước đó trong ngày, Montes có nhận được một cuộc điện thoại - và sau đó cô ta có vẻ bồn chồn. Rồi cô ta bảo tất cả mọi người trong phòng tình huống rằng mình bị mệt, và rằng nếu không có gì nữa, thì cô ta về nhà. Reg đúng thật là hoàn toàn không thể tin nổi. Có điều gì đó đơn giản là quá trái ngược với văn hóa của chúng tôi khiến anh ta thấy thật khó tin. Tất cả mọi người đều hiểu rằng khi một cuộc khủng hoảng nổ ra, anh được gọi đến bởi vì anh có những hiểu biết của một chuyên gia có thể đóng góp cho quá trình nhào nặn để đưa ra quyết định. Và ở Lầu Năm Góc, anh sẽ luôn sẵn sàng cho đến khi anh được phép cho lui. Điều đó ai cũng hiểu. Nếu có ai đó ở cấp độ đó gọi anh đến, bởi vì đột nhiên người Bắc Hàn quyết định bắn tên lửa sang San Francisco, thì anh không thể cứ thế mà rời đi khi anh thấy mệt và đói được. Tất cả mọi người đều hiểu điều đó. Ấy thế mà cô ta lại hành động như vậy. Và Reg phản ứng, kiểu như là, “Chuyện quái gì thế này?” Trong suy nghĩ của Brown, nếu cô ta thực sự làm việc cho Cuba, hẳn là họ đang rất nóng lòng muốn nghe tin từ phía cô ta: họ muốn biết chuyện gì đang diễn ra bên trong phòng tình huống. Hay cô ta có cuộc họp vào buổi tối hôm đó với chỉ huy của mình? Tất cả suy diễn dường như đang đi hơi quá xa, đó cũng chính là điều khiến Brown cảm thấy đầy mâu thuẫn. Nhưng đã từng có những gián điệp Cuba. Ông ta biết điều đó. Và ở đây có một người phụ nữ, nhận một cuộc điện thoại cá nhân và đi thẳng ra khỏi cửa giữa một sự vụ - nhất là đối với một chuyên gia Cuba - được coi là khủng hoảng lớn nhất trong cả một thế hệ. Và trên hết, cô ta lại chính là người đã sắp xếp cuộc họp quá sức thuận lợi cho phía Cuba với Đô đốc Carroll? Brown nói với Carmichael rằng người Cuba đã muốn bắn hạ máy bay của Hội Anh em Cứu trợ từ nhiều năm rồi. Nhưng họ không thực hiện, bởi vì họ biết hành động đó sẽ kích hoạt điều gì. Nó có thể biến thành một cái cớ mà Mỹ cần để hạ bệ Fidel Castro hoặc tiến hành một cuộc xâm lăng. Đối với người Cuba thì như thế là không đáng - trừ phi họ vẽ ra được một cách nào đó làm đảo chiều ý kiến dư luận theo hướng có lợi cho họ. Và thế là anh ta khám phá ra được rằng Ana không chỉ là một người ở trong phòng họp với Đô đốc Carroll, mà cô ta còn chính là người tổ chức cuộc họp đó. Anh ta nhìn vào chi tiết đó và nói kiểu, “Chó chết, tôi đang lần theo dấu vết của một tổ chức phản gián Cuba đóng vai trò xoay chuyển câu chuyện như thế nào, và Ana là một trong những người dẫn đầu nỗ lực sắp xếp cuộc gặp với Đô đốc Carroll. Tất cả chuyện này là thế quái nào?” Nhiều tháng trôi qua. Brown vẫn kiên định. Cuối cùng, Carmichael cũng lôi hồ sơ của Montes ra xem. Cô ta vượt qua hầu hết các bài kiểm tra nói dối gần đây với thành tích vang dội. Cô ta không có rắc rối bí mật với ma men, hoặc không có những khoản tiền bất thường trong tài khoản. Không có cờ đỏ nghi vấn nào đối với cô ta. “Sau khi nghiên cứu hồ sơ an ninh và hồ sơ cá nhân về cô ta, tôi đã nghĩ, cậu Reg này quá nhầm rồi”, Carmichael nói. “Người phụ nữ này khéo sẽ trở thành Giám đốc Tình báo của DIA. Cô ấy thật sự quá xuất sắc”. Ông biết rằng để có thể lý giải một cuộc điều tra chỉ dựa trên sự ngờ vực cơ bản, ông cần phải cực kỳ tỉ mỉ. Reg Brown, ông ta nói, đang “tan rã”. Ông phải xóa nhòa nghi ngờ của Brown, bằng cách này hay cách khác - như cách ông ta giải thích, bởi vì nếu để lọt ra ngoài chuyện Montes nằm trong diện nghi ngờ thì “tôi biết tôi sẽ phải hứng rất nhiều cà chua và trứng thối”. Carmichael gọi Montes đến. Họ gặp nhau trong một phòng họp ở căn cứ Bolling. Cô ta là một phụ nữ hấp dẫn, thông minh, thanh mảnh với mái tóc ngắn và gọn gàng, toát lên vẻ cứng rắn. Carmichael nghĩ thầm, Người phụ nữ rất ấn tượng. “Khi cô ta ngồi xuống, cô ta gần như ngồi cạnh tôi, chỉ cách xa chừng này” - ông giơ hai tay ký hiệu khoảng cách chừng 1 mét - “ngồi cùng phía. Cô ta vắt chéo chân. Tôi nghĩ cô ta không cố tình làm thế, tôi nghĩ cô ta chỉ đang lấy tư thế thoải mái. Tình cờ tôi lại là một người dễ bị hấp dẫn bởi đôi chân - cô ta không thể biết điều đó, nhưng tôi thích đôi chân và tôi biết mình đã liếc mắt xuống nhìn”. Ông hỏi cô ta về cuộc gặp của Đô đốc Carroll. Cô ta có câu trả lời. Đó không hề là ý tưởng của cô ta. Con trai của một nhân vật mà cô ta quen biết ở DIA là người tháp tùng Carroll đến Cuba và cô ta chỉ nhận được cuộc gọi sau đó. Cô ta nói: “Tôi biết cha của người đó, cha của người đó gọi cho tôi và bảo, ‘Này, nếu cô muốn lên “chuyến tàu vét” sang Cuba kỳ này thì cô nên gặp Đô đốc Carroll,’ thế là tôi gọi cho Đô đốc Carroll và chúng tôi nhìn vào lịch làm việc của cả đôi bên rồi quyết định rằng ngày 23 tháng 2 là ngày phù hợp nhất với lịch trình cho cả hai, chuyện là thế”. Hóa ra là Carmichael biết nhân viên DIA mà Montes nhắc đến là ai. Ông bảo cô ta là ông sẽ gọi điện cho người đó để kiểm chứng câu chuyện. Và cô ta bảo, “Vâng, xin hãy làm thế”. Thế còn chuyện có một cuộc điện thoại gọi đến khi cô ở trong phòng tình huống thì sao, Carmichael hỏi Montes? Cô ta nói không nhớ là có nhận một cuộc điện thoại, và với Carmichael thì dường như cô ta nói thật. Hôm ấy là một ngày điên cuồng, căng thẳng cách đây đã chín tháng trời. Thế còn chuyện về sớm? Cô ta nói, “À, đúng là tôi về sớm”. Ngay lập tức, cô ta thừa nhận chuyện đó. Cô ấy không hề chối tránh, điều đó có thể hơi khả nghi. Cô ta bảo, “Vâng, hôm ấy tôi về sớm thật. Ông biết đấy, hôm đó là chủ nhật, quán cà phê đóng cửa. Tôi là người rất khảnh ăn, tôi bị dị ứng, vì thế tôi không ăn được đồ từ máy bán hàng tự động. Tôi đến đó vào sáu giờ sáng, còn khi ấy đã là tầm… tám giờ tối. Tôi đói gần chết, mọi việc cũng đã xong xuôi, mọi người không thực sự cần tôi nữa, thế nên tôi quyết định là sẽ đi ra khỏi đó. Về nhà và ăn cái gì đó”.[8] Tôi nghe thấy hợp lý. Thật thế. [8] . Đây là một chi tiết chính xác. Montes cực kỳ nghiêm ngặt với chế độ ăn uống của mình, có lúc cô ta “chỉ ăn khoai tây luộc không tẩm ướp”. Sau này, các nhà tâm lý học của CIA kết luận Montes có triệu chứng của OCD. Cô ta có thói quen tắm rất lâu với các loại xà phòng tắm khác nhau và luôn đeo găng tay khi lái xe. Trong một số hoàn cảnh, sẽ không có gì lạ nếu một ai đó sẽ vin vào đó để đập tan sự hoài nghi với cô ta bởi những hành vi thường xuyên lạ lùng ấy. Sau cuộc phỏng vấn, Carmichael tiến hành kiểm tra chéo các câu trả lời của Montes. Ngày diễn ra cuộc họp đúng thực dường như là một sự tình cờ. Con trai của bạn ông ta đúng thực là có đi Cuba với Carroll. Tôi được biết rằng cô ta bị dị ứng thức ăn, cô ta không bao giờ ăn đồ ở máy bán hàng tự động, cô ta rất cẩn thận với đồ ăn thức uống. Tôi nghĩ cô ta đã ở đó cả ngày chủ nhật. Tôi cũng ở đó, quán cà phê không mở cửa. Cô ta đã làm việc cả ngày mà không có gì bỏ bụng nên cô ta về nhà. Tôi nghĩ, “Ừm, nghe ra cũng không bắt bẻ được gì”. Cho đến một ngày vào năm 2001, năm năm sau đó, khi mọi việc vỡ lở ra rằng mỗi một ngày từ cơ quan trở về nhà, Montes đều ngồi gõ lại từ trong trí nhớ tất cả những thông tin và các am hiểu mà cô ta biết được trong ngày làm việc, và gửi cho những chỉ huy của cô ta ở Havana. Ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào DIA, Montes đã là một điệp viên của Cuba. 3. Trong tiểu thuyết tình báo kinh điển, điệp viên thường là những người giảo quyệt, khôn lường. Chúng ta bị đánh lừa bởi vì kẻ thù quá xuất sắc. Đó chính là cách mà rất nhiều người trong cuộc ở CIA chữa ngượng khi Florentino Aspillaga tiết lộ bí mật động trời: Castro là một thiên tài. Các điệp viên là những diễn viên siêu hạng. Tuy nhiên, trên thực tế, những gián điệp nguy hiểm nhất hiếm khi là những kẻ hiểm ác. Aldrich Ames, được coi là một trong những kẻ phản bội tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, chỉ được xếp hạng đánh giá trung bình, có vấn đề với ma men, và thậm chí ông ta chẳng buồn giấu giếm tiền bạc mà ông ta nhận được từ Liên Xô cho hoạt động gián điệp của mình. Ana Montes cũng không mấy khá khẩm hơn. Ngay trước khi bị bắt giữ, DIA tìm thấy mật mã mà cô ta sử dụng để chuyển tin cho cấp trên ở Havana nằm ngay… trong túi xách tay của cô ta. Và trong căn hộ của cô ta, có một chiếc đài sóng ngắn để trong một hộp giày nằm ngay trong tủ quần áo. Brian Latell, chuyên gia Cuba của CIA là người đã chứng kiến thảm họa Aspillaga cũng biết Montes rất tường tận. “Cô ta thường ngồi ngay phía bên kia bàn đối diện với tôi trong các cuộc họp mà tôi triệu tập, khi ấy tôi là [Sĩ quan Tình báo Quốc gia]”, Latell nhớ lại. Cô ta không hề bóng bẩy hay điêu luyện. Ông biết cô ta có danh tiếng khá nổi trong nội bộ DIA nhưng đối với ông thì cô ta luôn có vẻ gì đó kỳ quặc. Mỗi lần tôi cố gắng gợi chuyện thì cô ta luôn khiến tôi cảm thấy những phản ứng rất khác thường… Khi tôi cố hỏi dồn cô ta ở một trong số những cuộc họp do tôi triệu tập - “Cô nghĩ gì về động cơ của Fidel trong vụ này?” - cô ta sẽ lúng búng, hình ảnh thì giống hệt con nai bị đèn pha chiếu vào mắt. Cô ta lập bập. Ngay cả hành vi bên ngoài của cô ta cũng cho thấy một kiểu phản ứng khiến tôi nghĩ, “Ôi, cô ta căng thẳng bởi vì cô ta chẳng qua là một nhà phân tích tệ hại. Cô ta chẳng biết phải nói gì”. Latell kể tiếp, có một năm, Montes được tuyển lựa vào Chương trình Nhà phân tích Xuất sắc của CIA, được trao một cơ hội nghiên cứu “nghỉ dưỡng” dành cho các sĩ quan tình báo trong chính phủ. Cô ta xin đi nghỉ ở đâu? Cuba, tất nhiên rồi. “Cô ta tới Cuba bằng tiền dự án của chương trình này. Anh có tưởng tượng nổi không?” Latell kể lại. Nếu anh là một điệp viên của Cuba, anh đang cố gắng che giấu thân phận và ý đồ của mình, liệu anh có đề xuất một kỳ nghỉ được trả tiền ở Havana không? Latell kể lại chuyện này sau gần 20 năm diễn ra sự việc, nhưng sự trơ tráo trong hành vi của cô ta vẫn khiến ông nổi da gà. Ả đến Cuba trong vai trò là một nhà phân tích tình báo xuất sắc của CIA. Tất nhiên, bọn họ phải phấn khởi lắm khi được đón tiếp ả, đặc biệt là khi chuyến đi được chi trả bằng đồng xu cắc bạc của chúng ta, và tôi chắc chắn là họ sẽ trang bị cho cô ả đủ loại chiến thuật đào tạo bí mật khi cô ả ở đó. Tôi ngờ rằng - mặc dù không chứng minh được, nhưng tôi dám chắc là cô ta có đến gặp Fidel. Fidel rất thích gặp gỡ trực tiếp các điệp viên chủ chốt của ông ta, để động viên họ, để chúc mừng họ và để ăn mừng thành công mà họ đã cùng nhau đạt được trong cuộc chiến chống lại CIA. Khi trở về Lầu Năm Góc, Montes viết một bản báo cáo trong đó cô ta còn chẳng buồn che giấu các định kiến cá nhân. Đáng lẽ phải có đủ các loại cờ đỏ phất lên và súng bắn đùng đoàng khi các cấp trên của cô ta đọc bản báo cáo, bởi vì cô ta nói những thứ hoàn toàn vô nghĩa về quân đội Cuba, chúng chỉ hợp lý khi đứng từ góc độ [của người Cuba]. Nhưng có ai nhận thấy những tín hiệu cờ đỏ đáng ngờ không? Latell thừa nhận ông chưa từng một lần nghi ngờ cô ta là gián điệp. “Có những sĩ quan CIA ngang hàng với tôi hoặc rất gần cấp bậc của tôi nghĩ rằng cô ta là một trong những nhà phân tích Cuba tài giỏi nhất mà ta có”, ông nói. Vì thế ông tự hợp lý hóa những cảm giác gờn gợn của mình về cô ta. “Tôi chưa bao giờ tin cô ta, nhưng là vì những lý do sai lầm khác, và đó là một trong những điều hối hận nhất của tôi. Tôi đã bị thuyết phục rằng cô ta là một nhà phân tích về Cuba tệ hại. Ừm, đúng là như vậy. Bởi vì cô ta có làm việc cho chúng ta đâu. Cô ta làm việc cho Fidel. Nhưng tôi không bao giờ kết nối các điểm lại với nhau”. Cũng như không có bất cứ người nào làm việc đó. Montes có một người em trai tên là Tito, là đặc vụ FBI. Cậu này không biết tí gì. Chị gái của cô ta cũng là một đặc vụ FBI, và trên thực tế, nhiệm vụ chính của cô này là vạch mặt một mạng lưới những tên gián điệp của Cuba ở Miami. Cô ta cũng mù tịt. Bạn trai của Montes cũng làm việc cho Lầu Năm Góc. Chuyên ngành của anh ta, thật không thể tin nổi, là tình báo khu vực châu Mỹ Latinh. Nghề của anh ta là chống lại những gián điệp như bạn gái của anh ta. Anh ta cũng không hề có chút manh mối nào. Khi cuối cùng Montes cũng bị bắt giữ, trưởng bộ phận của cô ta tập hợp toàn bộ đồng nghiệp của cô ta lại và báo tin cho họ. Mọi người bật khóc vì không thể tin nổi. DIA đã phải mời các nhà tâm lý học lũ lượt kéo đến để cung cấp dịch vụ tư vấn tại chỗ cho nhân viên của văn phòng. Cấp trên của cô ta tan nát cõi lòng. Không một ai trong số họ có gợn chút nghi ngờ. Trong ô làm việc của mình, cô ta dán một câu trích dẫn của Shakespear trong vở kịch Henry V ngay trên vách ngăn ở đúng tầm nhìn - để cả thế giới cùng đọc. Nhà Vua đã biết hết thảy những gì họ định liệu Bằng cách nào, Dẫu nằm mơ họ cũng không sao biết được. Hoặc, nói một cách rõ ràng hơn thì là: Nữ hoàng Cuba đã ghi lại toàn bộ ý đồ của phía Mỹ bằng những cách mà tất cả mọi người xung quanh có nằm mơ cũng không thể nghĩ ra được. Chuyện về các gián điệp không nằm ở chỗ họ xuất sắc đến mức nào. Mà là chuyện có gì không ổn trong cách nhìn nhận của chúng ta. 4. Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu, nhà tâm lý học Tim Levine đã tiến hành hàng trăm phiên bản khác nhau của cùng một thí nghiệm đơn giản. Ông mời các sinh viên đến phòng thí nghiệm và bảo họ làm một bài kiểm tra kiến thức vui. Ngọn núi cao nhất ở châu Á là gì? Kiểu câu hỏi như vậy. Nếu người tham gia trả lời chính xác, họ sẽ giành được một phần thưởng bằng tiền mặt. Để hỗ trợ người chơi, mỗi người sẽ được ghép đôi với một bạn chơi khác. Một người họ chưa từng gặp bao giờ, nhưng họ không được biết một điều, rằng tất cả những người này đều làm việc cho Levine. Trong phòng kiểm tra có một giám thị tên là Rachel. Giữa cuộc kiểm tra, đột nhiên Rachel bị gọi ra ngoài có việc. Cô rời khỏi phòng và đi lên lầu. Lúc này thì màn kịch đã được lên cẩn thận trước đó mới bắt đầu. Người bạn chơi sẽ bảo: “Tớ không biết cậu thế nào, nhưng nếu có tiền thì tớ đã nghĩ ra khối thứ phải tiêu. Tớ nghĩ là các câu trả lời nằm ngay trên bàn kia kìa”. Sau đó anh ta chỉ về phía chiếc phong bì nằm lộ liễu trên bàn giám thị. “Chuyện quyết định có gian lận hay không hoàn toàn tùy thuộc vào họ”, Levine giải thích. Khoảng 30% trường hợp là người chơi gian lận. “Sau đó”, Levine tiếp tục, “chúng tôi sẽ phỏng vấn họ, câu hỏi là, ‘Bạn có gian lận không?’“ Số lượng các học giả trên khắp thế giới đang nghiên cứu về hành vi lừa gạt của con người là khổng lồ. Số lượng các giả thuyết về việc tại sao chúng ta nói dối, và làm thế nào để phát hiện được những người nói dối còn nhiều hơn cả các giả thuyết về vụ ám sát Kennedy. Trong lĩnh vực đông đúc đó, Levine vẫn nổi trội. Ông đã cẩn trọng thiết lập được một học thuyết chặt chẽ về sự lừa gạt.[9] Và điểm cốt lõi của học thuyết này chính là những sự thật ngầm hiểu mà ông đúc rút được từ chính nghiên cứu đầu tiên về bài đố vui trên. [9]. Các giả thuyết của Levine được trình bày trong cuốn Duped: Truth-Defaut Theory and the Social Science of Lying and Deception (Bản Nhái - Học thuyết Mặc định vào sự thành thật và Khoa học Xã hội về Dối trá và Lừa gạt) (Tuscaloosa, AL: University Alabama Press, 2019). Nếu bạn muốn hiểu được sự lừa gạt hoạt động như thế nào thì nên đọc bắt đầu từ cuốn sách này. Tôi đã xem các đoạn video quay hơn một chục cuộc phỏng vấn hậu thí nghiệm với Levine trong văn phòng của ông tại Đại học Alabama ở Birmingham. Đây là một đoạn video điển hình, nhân vật chính là một chàng trai trẻ có vẻ hơi lơ ngơ. Hãy gọi cậu ta là Philip. Người hỏi: Rồi, thế nào… đã bao giờ cậu chơi trò Đố vui Có thưởng kiểu này chưa? Philip: Không nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ là rồi. Người hỏi: Khi tham gia trả lời ban nãy, cậu thấy các câu hỏi có khó không? Philip: Có, một số câu khó. Tôi đã kiểu như là, “Ủa, cái gì ấy nhỉ?” Người hỏi: Nếu xếp hạng từ 1 tới 10, trong đó 1 là dễ và 10 là khó, thì cậu nghĩ cậu chấm trò chơi này mấy điểm? Philip: Tôi sẽ chấm điểm tám. Người hỏi: Tám điểm. Phải, các câu hỏi khá là lắt léo. Sau đó Philip được thông báo là cậu và bạn chơi đã làm rất tốt trong bài kiểm tra. Người phỏng vấn đặt câu hỏi tại sao. Philip: Làm việc nhóm. Người hỏi: Làm việc nhóm á? Philip: Vầng. Người hỏi: OK, được rồi. Vừa nãy, tôi có gọi Rachel ra ngoài một lúc. Trong khi cô ấy đi vắng, cậu có ăn gian không? Philip: Chắc thế. Không. Philip lẩm bẩm câu trả lời. Rồi đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Người hỏi: Cậu có đang nói thật không? Philip: Có. Người hỏi: Được rồi. Nếu tôi phỏng vấn bạn chơi của cậu và hỏi cô ấy, theo cậu cô ấy sẽ nói gì? Ở thời điểm này trong đoạn băng ghi hình, có một khoảng lặng không dễ chịu, như thể cậu sinh viên đang kiểm điểm lại câu chuyện của mình. “Rõ ràng là cậu ta đang suy nghĩ rất lung”, Levine nói. Philip: Không. Người hỏi: Không à? Philip: Vâng. Người hỏi: OK, được rồi. Ừm, đó là tất cả những gì tôi cần ở cậu. Liệu Philip có đang nói thật? Levine đã chiếu đoạn video của Philip cho hàng trăm người và gần như tất cả mọi người đều đoán chính xác Philip là người gian lận. Đúng như “bạn chơi” đã khẳng định với Levine, Philip đã nhìn vào các tờ đáp án trong phong bì lúc Rachel rời khỏi phòng kiểm tra. Trong đoạn phỏng vấn cuối bài, cậu ta đã nói dối. Và điều đó quá hiển nhiên. “Cậu ấy không thể chối cãi được”, Levine nói. Tôi cũng cảm nhận tương tự. Trên thực tế, khi Philip được hỏi, “Cậu có gian lận không?” và câu trả lời “Chắc thế. Không”, tôi đã không kiềm chế được bản thân mà kêu lên, “Ôi, cậu này kém quá”. Philip đã nhìn đi nơi khác. Cậu ấy căng thẳng. Cậu ấy còn không giữ được bộ mặt tỉnh bơ. Khi người phỏng vấn hỏi tiếp câu sau “Cậu có đang nói thật không?” Philip đã dừng hẳn lại, như thể cậu ấy phải nghĩ về điều đó. Cậu ấy quá nhát. Nhưng càng xem nhiều đoạn băng, thì càng lúc lại càng khó đoán hơn. Đây là trường hợp thứ hai. Hãy gọi cậu ta là Lucas. Cậu này đẹp trai, chỉn chu, tự tin. Người hỏi: Tôi phải hỏi câu này, khi Rachel ra khỏi phòng, có chuyện gian lận xảy ra không? Lucas: Không. Người hỏi: Không á? Cậu đang nói thật đấy chứ? Lucas: Phải, tôi nói thật. Người hỏi: Nếu tôi phỏng vấn bạn chơi của cậu, và tôi cũng hỏi cô ấy câu này, cậu nghĩ câu trả lời của cô ấy sẽ là gì? Lucas: Giống tôi. “Tất cả mọi người tin cậu ta”, Levine nói. Chính tôi cũng tin cậu ta. Nhưng Lucas nói dối. Levine và tôi đã dành gần hết buổi sáng để xem các đoạn băng quay thí nghiệm đố vui. Cho đến cuối buổi, tôi chỉ biết giơ hai tay đầu hàng. Tôi chịu chết không biết phải đoán ai vào với ai. Luận điểm nghiên cứu của Levine là cố gắng tìm câu trả lời cho một trong những bí ẩn lớn nhất trong tâm lý học con người: tại sao chúng ta lại kém tệ đến thế khi xác định sự dối trá? Hẳn là bạn nghĩ chúng ta giỏi việc này lắm. Logic là sẽ thật hữu dụng nếu con người biết được khi nào thì họ đang bị đánh lừa. Tiến hóa, qua bao nhiêu triệu năm, hẳn là phải ban tặng cho con người khả năng nhận ra những dấu hiệu mơ hồ của sự gian trá. Tiếc là không. Trong một lần lặp lại thí nghiệm, Levine chia các đoạn ghi hình ra làm hai phần: 22 người nói dối và 22 người nói thật. Tính trung bình, 56% những người được ông cho xem tất cả 44 đoạn băng đã nhận diện được chính xác những người nói dối. Các nhà tâm lý học khác đã thử nghiệm các phiên bản tương tự của cùng một nghiệm. Con số trung bình những người đoán đúng là bao nhiêu? 54%. Chỉ là tất cả mọi người đều tệ như nhau: nhân viên cảnh sát, thẩm phán, nhà tâm lý trị liệu - ngay cả các nhân viên CIA điều hành những mạng lưới điệp viên rộng lớn ở nước ngoài. Tất cả mọi người. Tại sao? Câu trả lời của Tim Levine được gọi là “Lý thuyết mặc định với sự thành thật” - “Truth-Default Theory”, viết tắt là TDT. Luận cứ của Levine khởi nguồn từ một phát hiện sâu sắc thuộc về một trong những nghiên cứu sinh của ông, Hee Sun Park. Thời điểm là ngay trước khi bắt đầu nghiên cứu của mình, Levine cũng như các đồng nghiệp khác của ông đều đang bế tắc không hiểu vì """