"
Định Vị Bản Thân - Bí Quyết Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân Trên MẠNG XÃ HỘI - Anh Tuan Le full prc pdf epub azw3 [Khởi Nghiệp]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Định Vị Bản Thân - Bí Quyết Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân Trên MẠNG XÃ HỘI - Anh Tuan Le full prc pdf epub azw3 [Khởi Nghiệp]
Ebooks
Nhóm Zalo
Dinh-vi-ban-than_outline_25.6
Mục lục
1. Lời mở đầu
2. Nội dung chính của cuốn sách này
3. Tôi là ai?
4. PHẦN 1: TÔI LÀ AI VÀ ĐÂY LÀ ĐÂU?
5. 1. Hành trình của tôi, hành trình của bạn
6. 2. Có rất nhiều cơ hội xung quanh chúng ta
7. 3. Thương hiệu cá nhân là gì?
8. 4. Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội 9. PHẦN 2: “LÊN ĐỒ”
10. 1. Giỏi cần phải đi trước đam mê
11. 2. Tố chất và kỹ năng
12. 3. Chọn mạng xã hội nào thì phù hợp?
13. 4. Làm nội dung thế nào cho hay
14. 5. Xây dựng cộng đồng: làm sao để biết mọi người đang quan tâm gì?
15. 6. Kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân bằng cách nào? 16. PHẦN 3: HÀNH ĐỘNG, THỰC THI
17. 1. Phát triển thương hiệu cá nhân
18. 2. Tự tin là điều tiên quyết
19. 3. Thích nghi với hoàn cảnh
20. 4. Bị chỉ trích thì làm sao?
21. 5. Không bỏ quên những điều nhỏ nhặt
22. 6. Không bỏ cuộc!
23. Lời kết
24. PHỤ LỤC
25. Phụ lục 1: Các bước để xây dựng thương hiệu cá nhân 26. Phụ lục 2: Một vài ý tưởng kinh doanh
27. Phụ lục 3: Một số người hay ho để theo dõi trên mạng xã hội
Lời mở đầu
Chào tất cả bạn đọc,
Tôi tên là Tuấn Anh, tài khoản Facebook là Anh Tuan Le. Hiện tại công việc chính của tôi là Chuyên viên Tư vấn hướng nghiệp và phát triển bản thân cho người trẻ.
Một phần để phục vụ công việc của mình, tôi đã xây dựng một thương hiệu cá nhân rất vững về hai chủ đề hướng nghiệp và phát triển bản thân. Hiện tôi có một trang blog (anhtuanle.com) với hơn 1 triệu lượt truy cập và trung bình 2 nghìn lượt xem mỗi ngày; một trang Facebook cá nhân với hơn 15 nghìn lượt theo dõi; một fanpage với hơn 30 nghìn bạn đọc và một nhóm cộng đồng hơn 30 nghìn thành viên.
Tôi cũng đã có cuốn sách đầu tay tên Nhắm mắt bắt được việc vào năm 2018 và cuốn sách này cũng có cơ hội xuất hiện tại bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy ở Tiki. Bây giờ, nếu cần một cái tên để theo dõi khi cần hỗ trợ về viết CV, đi phỏng vấn, tìm việc hay quản lý thời gian, cái tên Anh Tuan Le của tôi có lẽ sẽ là một gợi ý.
Tôi viết những điều này không nhằm mục đích khoe khoang thành tích cá nhân. Cuốn sách này viết về việc xây dựng thương hiệu cá nhân, nên tôi nghĩ để bạn đọc hiểu rõ về thành tích của người viết ra nó thì sẽ đáng tin cậy hơn.
Xuất phát điểm cũng chỉ là một sinh viên như bao bạn khác, tôi tìm thấy đam mê của mình trong việc giúp đỡ mọi người và quyết định chọn hướng nghiệp như một ngành nghề để theo đuổi. Nhờ có sự
giúp sức của mạng xã hội, cụ thể ở đây là Facebook, tôi đã có được một thương hiệu cá nhân mà ở thời điểm này, tôi cho rằng khá thành công.
Thiết nghĩ, việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng không quá khó. Mạng xã hội hiện tại lại hoàn toàn miễn phí cho người dùng cá
nhân. Nếu bạn có thể xây dựng được cho bản thân một thương hiệu cá nhân vững chắc, nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, từ mở rộng các mối quan hệ, tăng độ tự tin cho đến kiếm việc làm tốt và có nhiều tiền hơn.
Từ những trăn trở trên, tôi quyết định viết cuốn sách này, nhằm một mục đích duy nhất: khuyến khích những người trẻ chúng ta tự xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình.
Nội dung chính của cuốn sách này
Trong cuốn sách này, tôi sẽ vừa hướng dẫn, vừa kể lại trải nghiệm thực tế của bản thân về việc sử dụng các trang mạng xã hội tại Việt Nam (tập trung nhiều vào Facebook) để xây dựng một thương hiệu cá nhân nho nhỏ trên đó (và có thể kiếm tiền được từ đó) theo từng
bước một. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cần làm gì mỗi khi mở Facebook lên thay vì chỉ lướt cho đỡ chán, cần viết những gì để có thêm nhiều “fan hâm mộ”, cần sử dụng công cụ, cách thức marketing như thế nào để có nhiều người biết đến bạn hơn. Từ đấy bạn sẽ có một thương hiệu cá nhân tốt trên mạng xã hội, bạn có thể kiếm được chút tiền từ đó, và quan trọng nhất là – bạn có thể sống với đam mê của bản thân giống như lâu nay bạn vẫn hằng mơ ước.
Với những bạn đã biết mình thích gì và đam mê gì, cũng như đã có một công việc ổn định và đang muốn xây dựng một cộng đồng riêng cho bản thân, trong cuốn sách này tôi cũng đưa ra một số ý tưởng giúp bạn có thể xây dựng một thương hiệu cá nhân dựa trên những gì bạn có sẵn hiện tại.
Các trang mạng xã hội đang cực kỳ phát triển ở Việt Nam. Và như bạn đã biết, mạng xã hội hoàn toàn miễn phí. Vậy nên nếu có đủ đam mê và một chiến lược đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể tự phát triển một thương hiệu cá nhân nho nhỏ, được một cộng đồng nhỏ biết đến và chắc chắn sẽ cảm thấy “sướng” vì có chỗ đứng trong cộng đồng.
Tôi luôn không thích viết những thứ giáo điều, thay vào đó tôi muốn chú trọng vào thực hành nhiều hơn. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp ích cho các bạn, và mong bạn đọc tới đâu sẽ áp dụng tới đó.
Chúc các bạn đọc sách thật vui.
Tôi là ai?
1
Phần này tôi viết về tôi và những chặng đường tôi đã trải qua trên hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình. Bạn có thể chuyển luôn sang phần Tôi là ai và đây là đâu? nếu muốn bắt
tay vào xây dựng thương hiệu cá nhân ngay bây giờ mà không cần chờ đợi.
Tôi tính nhẩm là mình đã có khoảng ba năm kinh nghiệm làm việc.
Bắt đầu từ tháng 1/2015, sau khi kết thúc sáu tháng tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Melbourne, Australia – tôi quay về Việt Nam tìm nơi thực tập cuối khóa. Tôi học ngành Truyền thông chuyên nghiệp (Professional Communication), điểm GPA 3.23 – tốt nghiệp loại giỏi tại RMIT (tôi tự tin là một trường tốt trong ngành Truyền thông). Thời điểm đó bạn bè tôi chọn thực tập cho những công ty truyền thông lớn, những agency. Còn tôi, tôi thấy bản thân mình thích việc giúp đỡ và mang đến giá trị cho người khác, nên tôi quyết định chọn việc thực tập tại phòng Tư vấn hướng nghiệp, trường Đại học RMIT.
Nói một chút về đam mê giúp đỡ mọi người dẫn đến quyết định nộp đơn thực tập cho phòng Tư vấn hướng nghiệp của tôi. Thời sinh viên tôi rất năng nổ, tham gia hoạt động xã hội ở ngoài trường, là “leader” của một vài câu lạc bộ trong trường, cũng có đi làm thêm kiếm kinh nghiệm nữa. Tôi từng làm trưởng ban Truyền thông của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong hai năm, hỗ trợ cho ba sự kiện lớn với hơn 20 nghìn người tham gia mỗi sự kiện. Tôi yêu cái cảm giác hướng dẫn cho khách tham quan bảo tàng cái này cái kia, dùng những hiểu biết của mình về văn hóa Việt Nam để nói chuyện với khách quốc tế. Tôi tự hào về điều đó.
Tôi hỗ trợ cho một vài phòng ban của trường trong việc tổ chức những ngày hội lớn như Khai giảng cho sinh viên khóa mới, “Open Day” (Ngày hội thông tin) cho các em cấp ba tìm hiểu về trường hay “Graduation Day” (Ngày lễ tốt nghiệp của sinh viên RMIT). Tôi cảm thấy hưng phấn khi giới thiệu về trường cho các em, cho các cô bác phụ huynh. Tôi cảm thấy tự hào, vừa run lại vừa vui khi đứng trước 50 cô bác phụ huynh để chia sẻ lại những khó khăn và vui vẻ trong cuộc sống trao đổi sinh viên của mình.
Tôi có hai công việc làm thêm thời sinh viên: marketing cho một trung tâm tiếng Anh và phục vụ bàn cho một nhà hàng tại Melbourne. Tôi yêu thích công việc ở Trung tâm tiếng Anh khi lần đầu tiên tôi được lên giáo án và quản lý một câu lạc bộ tiếng Anh nhỏ cho các bạn trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Tôi yêu thích công việc phục vụ bàn khi được phục vụ theo yêu cầu của mọi người, nhìn thấy mọi người vui vẻ trò chuyện, tận hưởng quãng thời gian vui vẻ cùng người thân trong bữa ăn của họ.
Thế đấy, từ những việc giản đơn như vậy, tôi thấy mình thích giúp và phục vụ mọi người, nên tôi quyết định thử thực tập tại phòng Hướng nghiệp.
Tháng 2/2015, tôi bắt đầu thực tập tại Phòng hướng nghiệp trường Đại học RMIT. Tại đây như cá gặp nước, công việc nào tôi cũng mê. Tôi yêu việc nhìn các anh chị tư vấn cá nhân cho các bạn sinh viên và các cô bác phụ huynh, giúp các em và các bác có cái nhìn rõ hơn về con đường nghề nghiệp. Tôi mong mình tương lai cũng làm một công việc như vậy. Tôi dành cả thời gian hành chính, buổi tối, cuối tuần cho việc giúp đỡ các anh chị trong phòng tổ chức các sự kiện hướng nghiệp rất hay như Ngày hội nghề nghiệp, Chia sẻ thông tin thực tập, Chương trình Mentor (Chương trình kết nối sinh viên với các anh chị đã đi làm) hay Chương trình Networking (Giao lưu tự do giữa sinh viên và đại diện các doanh nghiệp). Lúc đó tôi biết ước mơ của mình là gì, tôi không mơ ước thành tỷ phú hay doanh nhân, tôi đơn giản muốn mình làm công việc hướng nghiệp, để nhân rộng những chương trình hay ho này cho sinh viên Việt Nam. Kết thúc kì
thực tập, tôi nói với cô Phoenix, một người giáo viên mà tôi rất yêu quý: “Em quyết định sẽ theo con đường hướng nghiệp”.
Tháng 5/2015, tối bắt đầu trang blog anhtuanle.com của mình, viết về những kinh nghiệm viết CV bản thân tôi đã học được và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong những buổi phỏng vấn. Tháng 6/2015, tôi kết thúc thời gian thực tập tại phòng Tư vấn hướng nghiệp.
Tháng 7/2015, tôi từ chối cơ hội làm việc cho một công ty quảng cáo lớn ở Sài Gòn, nhận lời làm công việc hợp đồng full-time cho phòng Hỗ trợ sinh viên, trường Đại học RMIT. Tôi muốn tiếp xúc với các em sinh viên và các cô bác phụ huynh để hiểu rõ hơn về những tâm tư, nguyện vọng của họ trong con đường chọn ngành và chọn nghề.
Tháng 10/2015, tôi kết thúc hợp đồng ngắn hạn với Phòng Hỗ trợ sinh viên RMIT, sau khi sử dụng những kỹ năng truyền thông của bản thân để giúp giới thiệu và ra mắt phòng thành công. Cơ duyên từ những mối quan hệ cũ dẫn đến công việc tiếp theo của tôi, một công việc rất thú vị trong lĩnh vực phim ảnh.
Tháng 10/2015 đến tháng 12/2015, tôi dành ra ba tháng làm việc cho hãng phim Oriental Pictures. Dự án tôi nhận là Quảng bá phim tài liệu Lửa Thiện Nhân ra rạp tại thị trường Hà Nội và Sài Gòn. Trong ba tháng, một tay tôi quản lý hết mọi việc. Từ quản lý rạp chiếu, quản lý nhân viên, làm việc với báo chí, làm việc với các cơ quan ban ngành cho đến công việc truyền thông. Ba tháng liên tục tôi làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 23 giờ khuya. Ba tháng đó là những trải nghiệm rất vui ở một công việc rất khác, giúp tôi hiểu hơn về một khía cạnh đời sống của các anh chị đạo diễn và nhà báo. Tuy được giữ lại làm việc lâu dài nhưng tôi quyết định từ chối, vì biết mình vẫn muốn theo đuổi mảng hướng nghiệp.
Đúng như câu nói “Cứ theo đuổi đam mê, duyên sẽ tới” mà tôi rất tâm đắc, tôi gặp Giang vào tháng 1/2016. Từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2016, tôi về trung tâm UNESCO-CIC làm cùng Giang nhiều dự án hướng nghiệp cho người trẻ mà cả hai đứa cùng ấp ủ. Đây là công việc tuyệt vời nhất mà tôi mơ ước, khi có một chức
danh và cơ hội được thực hiện những ý tưởng lâu nay chỉ có trong đầu. Trong 10 tháng, tôi và Giang đã xây dựng nên website hướng nghiệp 8morning.com – thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập và được nhiều tờ báo đưa tin. Dù dự án đã khép lại từ tháng 9/2017, nhưng 8morning.com vẫn là một dấu mốc đáng nhớ với tôi. Chúng tôi tổ chức chương trình Uni CV Tour, hướng dẫn kỹ năng tìm việc đến các bạn sinh viên đại học tại Hà Nội và Sài Gòn. Chúng tôi làm việc với Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Nhân văn, Học viện Chính sách và Phát triển và nhiều trường khác nữa. Chúng tôi còn cho ra đời một chương trình rất hay tên là Bình dân Học vụ Tiếng Anh, với hơn 20 khóa và gần 500 học viên, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho người trẻ.
Tháng 10/2016, một lần nữa tôi nhận được lời mời từ phòng Hỗ trợ sinh viên RMIT cho một dự án mới của phòng trong sáu tháng tại Sài Gòn. Đam mê Sài Gòn từ một năm trước khi thực tập, tôi quyết định khăn gói vào đây lập nghiệp. Tôi có chín tháng làm việc tại đây, hỗ trợ cho một dự án lớn chuyển giao công nghệ từ RMIT Melbourne về RMIT Việt Nam.
Tháng 7/2017, tôi kết thúc dự án tại RMIT. Thời điểm này có một vài cơ hội làm full-time tại một số công ty, tôi quyết định từ chối để thử làm việc toàn thời gian theo đuổi dự án hướng nghiệp của mình. Trong sáu tháng từ tháng 8/2017 đến tháng 2/2018, tôi tự gọi mình là một freelancer (người làm việc tự do). Tôi làm công việc mình yêu thích mỗi ngày. Tôi tư vấn tìm việc, cách viết CV và chuẩn bị phỏng vấn cho các bạn trẻ và nhiều anh chị đã đi làm. Rất nhiều người trong số đó đã có việc thành công, nhiều người còn đang làm ở những công ty lớn như RMIT, Deloitte, Unilever, Đại sứ quán Mỹ, Prudential. Năm 2017, tôi mở được ba lớp Career & Personal Development (Phát triển cá nhân và sự nghiệp), nơi tôi hướng dẫn cho các em sinh viên trong hai tháng về kỹ năng tìm việc và phát triển bản thân. Ba lớp với gần 50 con người với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tôi viết blog mỗi ngày để chia sẻ về hướng nghiệp và phát triển bản thân. Tôi đã xây dựng một cộng đồng viết tên là Viết 100 Từ với hơn 30 nghìn thành viên đến thời điểm này. Tôi về các
trường như Bách khoa, Đại học Mở, Ngoại thương, Kinh tế để hỗ trợ các em sinh viên về kỹ năng mềm.
Hiện nay tôi mới nhận một công việc mới là chuyên viên viết về hướng nghiệp và phát triển bản thân cho một kênh thông tin và vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê giúp đỡ mọi người.
Phần 1Tôi là ai và đây là đâu?
Thương hiệu cá nhân thật ra không bắt đầu từ đâu xa xôi cả, nó bắt đầu từ những gì mà chúng ta thích làm mỗi ngày.
1Hành trình của tôi, hành trình của bạn
Có một câu hỏi đôi khi khiến tôi thấy mơ hồ: Tôi điên hay người khác điên?
– Albert Einstein
CÓ NHỮNG THỨ TA ĐÃ GIỎI TỪ NHỎ
Thành thật mà nói tôi chưa nổi tiếng đến mức ra đường ai nhìn thấy cũng sẽ nhận ra. Chỉ có những người quan tâm đến tìm việc và làm việc hiệu quả mới có thể biết đến tôi qua các hoạt động chia sẻ và bài viết của tôi trên Facebook Anh Tuan Le và blog anhtuanle.com. Với tôi, như vậy là đủ.
Tôi là người hướng nội. Tôi tự thấy mình khá nhạy cảm trong giao tiếp, rất hay để ý xem người khác nói gì, nghĩ gì về mình. Đi vào nhà hàng sang trọng thì ngại không biết nhân viên có nghĩ mình nhà quê không. Đi sửa xe thì ngại không biết mấy ông sửa xe có nghĩ mình con trai mà không biết gì về xe cộ không? Tôi phải lấy can đảm mấy năm liền mới dám bước vào phòng gym, vì lúc nào trong đầu cũng nghĩ: “Không biết chúng nó có cười vì mình gầy gò không nhỉ?”, “Không biết mấy ông tập lâu năm có cười vì mình tập sai động tác không nhỉ?”...
Mãi đến khoảng hơn một năm gần đây, tôi mới dần học được cách “bơ đi mà sống” và không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình nữa. Tôi nhận ra mỗi người chúng ta chẳng thể kiểm soát được người khác nghĩ gì hay nói gì; chúng ta chỉ có thể kiểm soát được bản thân và chọn được cách phản ứng của mình với những điều đó. Tôi cũng nhận ra việc xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân tốt giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc khiến bản thân tự tin hơn trong những hoàn cảnh mà tôi kể ở trên. Và nếu bạn cũng
là người hướng nội giống tôi, bạn vẫn hoàn toàn có thể xây dựng được thương hiệu cá nhân.
Từ nhỏ tôi đã rất thích công việc viết lách, chia sẻ thông tin, làm website. Hồi cấp hai khi đọc báo Hoa học trò hoặc Thiếu niên Tiền phong, tôi đã có ý tưởng làm một tờ báo giấy cho trường, tôi sẽ đi phỏng vấn các bạn trong trường, copy mấy mẩu chuyện cười trên mạng sau đó tự dùng máy tính biên tập, thiết kế lại thành một tờ báo. Nói là làm liền, tôi đi lên mạng cóp nhặt những chuyện hay ho rồi vào Word dàn trang, hôm sau cho ra lò ngay một tờ báo có độ dài hai trang A4. Tiếc là hồi ấy không có kinh phí để in số lượng lớn mang phát cho các bạn trong trường.
Lên cấp ba, tôi được dùng Internet và bắt đầu lang thang ở các diễn đàn. Hồi ấy dân tình chưa dùng Facebook nhiều như bây giờ, nên chủ yếu là vào các diễn đàn. Khoảng năm 2008, tôi tham gia một diễn đàn bóng đá của báo Bóng đá. Thật sự lúc ấy muốn nổi tiếng lắm, nên ngày nào tôi cũng chăm chỉ lướt các trang bóng đá, cóp nhặt bài về đăng lại lên diễn đàn để nhanh được đứng đầu bảng xếp hạng những người viết nhiều. Mà cũng nhờ cóp nhặt lại nên tôi cũng có chút kiến thức, dần dần cũng tự viết được một vài bài báo bình luận và phân tích trước và sau mỗi trận đấu, được lên trang chủ báo Bóng đá hẳn hoi.
Tôi kể hai câu chuyện vừa rồi để muốn nói là, thật ra có khi từ nhỏ chúng ta đã biết sở thích và đam mê của bản thân, nhưng vì không có điều kiện làm, vì bố mẹ không cho, vì lý do này lý do kia mà không được theo đuổi nữa. Trong các ca tư vấn từng tham gia, tôi từng gặp nhiều trường hợp kiểu như: Con thích lắp ráp linh kiện nhưng mẹ cứ nhất quyết bắt học luật vì cả nhà theo ngành luật, dễ xin việc hơn hay Con thích học sáng tạo, tổ chức sự kiện nhưng bố lại cứ bắt phải học ngành Tài chính ngân hàng vì nghe nói ngành đó ổn định hơn. Thương hiệu cá nhân thật ra không bắt đầu từ đâu xa xôi cả, nó bắt đầu từ những gì mà chúng ta thích làm mỗi ngày.
HÃY TỰ VIẾT “TIỂU SỬ” CỦA CHÍNH MÌNH
Để làm được thương hiệu cá nhân tốt, trước tiên ta phải hiểu chính mình. Để hiểu chính mình, không có cách nào tốt hơn là ngồi xuống và viết ra. Tốt nhất bạn nên viết về bản thân từ những ngày cấp ba (nếu bạn nào vẫn còn trẻ thì hãy viết từ cấp hai) cho đến thời điểm
hiện tại. Liệt kê tất tần tật những thứ mình đã từng làm, dù có hay ho hay không, cái gì trong đó mình thích, cái gì trong đó mình chưa thích lắm.
Dưới đây, tôi sẽ kể một chút về tôi, một là để các bạn hiểu hơn về người đang nói chuyện với các bạn trong cuốn sách này, hai là để các bạn có mẫu làm theo.
Hoạt động “va vấp” đầu tiên của tôi với xã hội là khi tôi làm nhóm Truyền thông tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đây là công việc đầu tiên của tôi, khởi đầu cho rất nhiều công việc sau này. Tôi được làm việc cùng một nhóm hơn 20 anh chị khác nhau từ nhiều hoàn cảnh, được tiếp xúc và đón tiếp hơn 20 nghìn lượt khách mỗi dịp sự kiện diễn ra. Công việc đầu tiên đã dạy cho tôi được rất nhiều về làm việc nhóm, về vai trò của mỗi người trong xã hội, về việc đi làm. Tôi dần nhận ra mình rất thích việc hướng dẫn và giúp đỡ người khác. Để hiểu rõ bản thân hơn nữa, tôi khuyên các em có cơ hội hãy bắt đầu đi làm ngay, công việc gì cũng được, đừng quản ngại khó khăn, mỗi một công việc là một cơ hội để các em được học hỏi và hiểu hơn về bản thân mình – một trong những bước khởi đầu cho việc làm thương hiệu cá nhân.
Công việc thực sự kiếm ra tiền đầu tiên mà tôi làm đó là vị trí Marketing Executive (nhân viên marketing) ở một Trung tâm tiếng Anh. Thời điểm đó, tôi đang là sinh viên cuối năm nhất, chuẩn bị qua năm hai. Công việc ở Trung tâm tiếng Anh cũng không có gì nhiều. Thời điểm đó trung tâm mới mở, nên có mình tôi làm marketing, hai người làm sales, hai người làm chăm sóc khách hàng và một người làm quản lý. Là một start-up nên mọi người cố gắng đảm nhận càng nhiều việc càng tốt. Ngoài công việc marketing đơn thuần là cập nhật thông tin trên website và quản lý fanpage, tôi còn làm một số việc không tên khác như phỏng vấn giáo viên nước ngoài, soạn giáo án, tổ chức lớp học cho trẻ em và câu lạc bộ tiếng
Anh cho các bạn sinh viên. Công việc mang lại nhiều trải nghiệm hữu ích. Chẳng hạn như nhờ đó tôi nhận ra mình không hề thích dạy trẻ em, trong khi lại rất có khiếu đứng lớp người lớn. Như tôi đã nói ở trên, phải làm mới biết được mình hợp cái gì. May mắn mình sẽ được làm cái mình thích, nhưng may mắn hơn nữa là mình được trải nghiệm thứ không thích để sau này khi bắt đầu đi làm có thể tránh những vết xe đổ đó.
Cuối năm ba đại học, tôi tham gia chương trình trao đổi sinh viên kéo dài sáu tháng tại Melbourne, Úc. Trong sáu tháng đó, tôi trải qua hai công việc chính và một vài công việc lặt vặt khác. Công việc đầu tiên của tôi bên Úc là làm cho một nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc. Với tôi không có công việc nào là vô giá trị hay vô ích cả. Với công việc bồi bàn, tôi học được từ anh chủ niềm đam mê của anh. Anh rất đam mê ăn uống, trước khi mở ra nhà hàng này, anh dành nguyên một tháng đi từng nhà hàng trong phố, ăn thử các món, quan sát cách họ hoạt động rồi mới bắt tay vào mở nhà hàng. Tôi học được sự tỉ mỉ và cách bao quát công việc. Tỉ mỉ từ việc lau chùi sạch sẽ, quan sát từng bàn xem có khách nào cần giúp đỡ không, có gì cần dọn không mà không cần chờ được nhắc. Chủ động cũng là một thái độ mà tôi học được và vẫn áp dụng nhiều cho các công việc sau này. Chủ động là phải tự tìm việc mà làm, chứ không trễ nải, chờ người khác cầm tay chỉ việc. Những thứ này tôi thấy giúp ích cho bản thân tôi rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân sau này.
Như đã nói ở trên, thương hiệu cá nhân nên bắt đầu từ đam mê. Bạn chỉ thật sự đam mê khi bạn bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian cho một công việc nào đó, giống như việc anh chủ quán đã bỏ ra cả tháng để khảo sát các cửa hàng vậy. Tính chủ động cũng rất quan trọng trong việc làm thương hiệu cá nhân, chỉ có chủ động tìm kiếm thông tin, chủ động trong việc xây dựng các mối quan hệ mới giúp bạn có một thương hiệu cá nhân bền vững.
Một trải nghiệm nho nhỏ nữa mà tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người là một lần tôi được đi làm nông trại ở Úc. Một buổi tối đẹp trời đang lang thang trên Facebook, tôi thấy bài đăng tuyển người làm
nông trại trong một ngày. Công việc được miêu tả là “rất dễ”, đơn giản là thu hoạch su hào và bắp cải. Ừ thì làm có một ngày, công việc dễ, lương khá, nên tôi quyết định đăng ký thử xem sao.
Nông trại ở xa, nên 3 giờ sáng sớm hôm sau tôi đã phải dậy để chuẩn bị. Đi bộ ra quảng trường cách nhà khoảng 500 mét, tôi đứng chờ xe trong cái lạnh thấu da thấu thịt. Khoảng 15 phút sau thì xe tới. Một chiếc xe bảy chỗ loại cũ, trên xe đã có sẵn năm người, hai cô bác trung tuổi, hai chị và một anh tầm tuổi nhau. Lên xe chạy cỡ một tiếng thì tới nông trại. Nông trại ở xa thành phố nên đồng không mông quạnh lắm, chỉ có kangaroo nhảy lung tung thôi chứ không có người.
Việc đầu tiên cần làm là thu hoạch su hào. Công việc cũng đơn giản thôi, cả cánh đồng có rất nhiều làn, mỗi người phụ trách thu hoạch một luống. Mỗi luống dài cỡ 200 – 300 mét. Ở đầu luống là một cái xe to đùng, mọi người cắt đến đâu thì vứt lên xe đến đấy, người trên xe sẽ rửa và xếp vào thùng. Xe sẽ đi từ từ nên mọi người cũng vừa cắt vừa di chuyển theo hướng xe, ai cắt chậm tụt lại phía sau là bị khiển trách ngay. Những người làm cùng tôi đã quen tay nên cắt nhoay nhoáy nhanh lắm. Tôi thì mới, chưa làm nông bao giờ nên cứ loay hoay mãi. Cắt thì chả được mấy mà đau hết cả tay. Rồi thì lưng phải cúi nhiều nên mỏi hết cả lưng nữa. Hôm ấy trời lạnh tôi còn cẩn thận mặc một cái áo len to đùng, đứng cắt một hồi thì nóng – thấy mình thật dại dột. Cứ cần mẫn cắt hết luống này đến luống kia, vừa cắt vừa nghe mấy ông chủ Ấn Độ ở đấy chửi bới. Tôi mới làm một tí mà đã thế này, vậy các cô các chú làm ở đây cả năm cả tháng sao họ chịu được nhỉ? Người ở nhà thì cứ nghĩ là đi nước ngoài sướng lắm, nào có biết được sang đây khổ cực như thế này. Hôm ấy chính xác tôi đã làm ở cánh đồng rau đúng bảy tiếng đồng hồ, từ 6 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Về đến nhà ăn vội bát phở 10$ rồi ngủ một giấc đến đúng sáng hôm sau mới lết dậy được. Cả người ê ẩm mấy ngày liền. Sau này đi làm văn phòng, mỗi lần phải nghĩ cái gì xì trét quá tôi lại nhớ tới trải nghiệm đau thương này để thấy là, ở ngoài kia còn bao nhiêu người đang dầm mưa dãi nắng, khổ hơn mình nhiều, tôi có mệt tí nhưng vẫn ở trong phòng điều hòa, cố gắng mà chịu đựng và giải quyết đi.
Ô Ớ À
CÔNG VIỆC HIỆN TẠI: TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP VÀ DẠY VỀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Khi ai đó hỏi về công việc hiện tại, tôi hay đùa là tôi sửa CV dạo kiếm tiền. Giống kiểu mấy cậu đi bán vé số dạo ấy. Nói vui vậy thôi vì mọi người thấy tôi chẳng đi làm cho công ty nào, suốt ngày chỉ viết lách trên blog, rồi viết status Facebook, rồi tham gia hội thảo này hội thảo kia, nên thắc mắc không biết một tháng tôi kiếm được bao nhiêu.
Chia sẻ thẳng thắn là nghề viết lách chẳng kiếm được là bao. Đơn giản là tôi thích viết và muốn chia sẻ miễn phí cho cộng đồng. Tuy nhiên, các bạn cũng biết, làm gì thì làm cũng vẫn phải có đồng ra đồng vào để sống. Có cái ăn thì mới có sức làm việc tiếp được. Tôi có đi tư vấn cá nhân, chủ yếu là về tìm việc và hướng nghiệp. Trong đó gồm nhiều cái nhỏ hơn như giúp các bạn viết CV, hướng dẫn các bạn để chuẩn bị phỏng vấn tốt hơn. Công việc này tôi tính phí theo giờ. Vì tôi cũng không quảng cáo nhiều nên chủ yếu là khách quen làm việc xong với tôi thấy hài lòng thì giới thiệu cho người khác, nên trung bình một tháng tôi cũng kiếm được một khoản thu nhập nho nhỏ. Ngoài việc tư vấn cá nhân thì tôi có đi dạy nữa. Dạy các lớp về kỹ năng làm việc, các lớp về kỹ năng tìm việc. Tôi thích công việc giảng dạy lắm.
Đó là câu chuyện “tiểu sử” của tôi, hành trình tôi nhận ra mình giỏi gì, thích gì và đam mê gì.
Còn bạn, bạn thì sao?
Đừng chối bỏ những gì mình đang có.
Khi tôi đi tư vấn cho các bạn về thương hiệu cá nhân, tôi nhận thấy các bạn bây giờ thường bị tự ti, bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện thành công trên mạng và luôn thấy rằng bản thân bất tài hay chẳng-có-gì-giỏi-giang-cả. Ví dụ tôi từng gặp:
– Một bạn sinh viên ngành Răng – Hàm – Mặt năm cuối có trình độ chuyên môn rất tốt nhưng lúc nào cũng băn khoăn thấy mình không
giỏi và năng động như các bạn trẻ ngành marketing.
– Một em gái tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, rất giỏi về tiếng Anh và các hoạt động cộng đồng, một năm được tham gia hội thảo ở ba, bốn nước khác nhau, nhưng khi nào gặp tôi em cũng than vãn là “Em không biết mình giỏi cái gì, em thấy đáng ra mình nên có công việc ổn định giống các bạn ở nhà”.
– Một bạn học Ngoại thương, chủ tịch một câu lạc bộ lớn, từng đoạt giải ở vài cuộc thi marketing gặp tôi với tâm thế tự ti rằng tại sao bạn bè em có được công việc ổn định hết rồi mà em vẫn cứ lông bông mãi.
Tôi tin rằng, mỗi người chúng ta đều giỏi, dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Chẳng có ai trên thế giới này giỏi hơn bạn tất cả mọi thứ. Cái chúng ta cần là bình tâm lại, cùng suy ngẫm về bản thân mình, dùng hệ quy chiếu là chính mình năm năm về trước, đừng so sánh với ai cả để hiểu hơn về mình.
Một thương hiệu cá nhân tốt xuất phát từ việc bạn hiểu rõ chính mình, không xuất phát từ việc bắt chước một ai đó.
BÀI TẬP SỐ 1: BẠN LÀ AI?
Tôi không muốn độc giả chỉ đọc sách của tôi rồi để đó, vậy nên cuối mỗi chương chúng ta hãy làm một chút “bài tập” nho nhỏ nhé.
Bài tập đầu tiên là hiểu rõ bản thân mình đang có những gì, phải hiểu rõ chính mình xem đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu, thì mới có thể làm thương hiệu cá nhân tốt được. Vậy nên bạn đọc hãy làm bài tập đầu tiên, gồm ba nhiệm vụ nhỏ dưới đây nhé:
1/ Liệt kê 10 hoạt động, công việc hoặc môn học bất kỳ mà bạn đã tham gia, kể một câu chuyện khoảng 300 từ về hoạt động đó trả lời đủ các câu hỏi sau:
Bạn làm công việc, hoạt động gì? (What)
Tại sao bạn làm công việc đó? (Why)
Bạn làm công việc đó ở đâu, khi nào? (Where, when) Bạn làm công việc đó với ai? (Who)
Bạn làm công việc đó như thế nào? (How)
Bạn có thích công việc đó không, công việc đó có hình thành ở bạn kỹ năng gì không?
2) Vào Google Form (google.com/forms) tạo một survey ẩn danh với các câu hỏi dưới đây, sau đó gửi cho những người thân của mình, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp nhờ họ nhận xét:
• Theo bạn ba điểm mạnh của tôi là gì?
• Theo bạn tôi có điểm yếu gì?
• Bạn nghĩ rằng tôi phù hợp với công việc nào?
3) Vào trang 16Personalities (16personalities.com) làm bài test tính cách và đọc hết những điều trong trang đó để xem nó đúng bao nhiêu phần trăm với bản thân.
Thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội không nhất thiết cứ phải bó buộc vào vấn đề giải trí hay viết sách.
2Có rất nhiều cơ hội xung quanh chúng ta
Bạn chỉ sống một lần thôi, nhưng nếu bạn sống đúng, một lần là đủ rồi.
– Khuyết danh
Ngày càng có nhiều người tự mở công ty riêng, tự kinh doanh một cái gì đó. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017 đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp mới mở – xác lập kỷ lục tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này được thành lập bởi các
bạn trẻ, tạo nên một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Nhiều người ví von vui là Việt Nam đang dần dần trở thành một “start-up nation” (quốc gia khởi nghiệp) giống như Israel vậy.
Khoan nói đến việc bạn có gia nhập làn sóng khởi nghiệp này hay không, ý tôi muốn nói ở đây là ngày càng có nhiều người trẻ (và cả người không trẻ) bắt đầu tự phát triển một thứ gì đó cho riêng mình, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc đi làm công ăn lương ngày tám tiếng. Nhờ sự phát triển của Internet, và đặc biệt là Facebook như hiện nay, ai cũng có thể tự mở hoặc tự làm một cái gì đó cho bản thân mà không bị quá nhiều ràng buộc như trước. Ví dụ rất nhiều người cho rằng vì sự phát triển của công nghệ mà báo giấy và sách giấy mất đi chỗ đứng của nó, có ít người mua hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực, thì chính nhờ việc này, các nhà báo, nhà văn, tác giả lại có nhiều cơ hội hơn để phát triển thương hiệu cá nhân và có thêm thu nhập tốt hơn từ đó.
Báo giấy và sách giấy ngày càng ít người đọc vì mọi người đang dần chuyển hướng sang đọc sách và báo mạng. Điều này có nghĩa là tiền quảng cáo sẽ tập trung vào các ấn phẩm online nhiều hơn. Vậy nên, để có nhiều cơ hội việc làm thì đương nhiên các nhà báo cũng như tác giả cũng phải “go-online”, lên mạng tìm kiếm cơ hội
chứ không thể khư khư mãi với cây bút và quyển sổ được nữa. Và dĩ nhiên, khi đã lên mạng, các nhà báo hay tác giả sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hình ảnh của họ hơn cũng như kiếm được nhiều tiền hơn so với việc họ viết báo giấy thông thường trước đây.
Lấy ví dụ trước đây khi chưa có Internet, các nhà báo và tác giả thường kiếm tiền qua đâu? Chủ yếu là qua nhuận bút trả từng bài hoặc doanh thu bán sách. Và nếu bạn nào đã có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực “bán con chữ” này hoặc có bạn bè người thân làm trong lĩnh vực này thì sẽ biết, tiền kiếm được từ nhuận bút viết báo hay thậm chí bán sách chẳng được là bao nhiêu. Chẳng mấy ai làm giàu chỉ từ nhuận bút. Hiện nay, nhờ có Internet, các tác giả và nhà báo có nhiều cơ hội hơn hẳn.
Nếu như các doanh nhân xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển hình ảnh của họ thông qua các thương vụ làm ăn triệu đô, tỷ đồng thì với những người viết lách, cơ hội rõ ràng nhất để phát triển thương hiệu cá nhân là thông qua việc viết.
Nếu như trước đây chỉ có viết cho báo và hưởng nhuận bút thì bây giờ một tác giả hoặc nhà báo có thể viết ở rất nhiều nơi. Họ không bị bó buộc ở báo nữa. Một tác giả có thể cộng tác với nhiều kênh khác nhau, ở nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra, tác giả còn có thể viết những chia sẻ của họ về các vấn đề xã hội trên Facebook hay blog cá nhân.
Vì họ là những người viết rất hay, nên thường các bài viết của họ sẽ có rất nhiều người đọc và chia sẻ lại trên mạng xã hội. Nhiều người đọc và chia sẻ tức là sẽ có nhiều follower. Nhiều follower tức là có nhiều cơ hội để làm quảng cáo (ví dụ như viết một status quảng cáo sản phẩm) hoặc được tham gia chương trình này, chương trình kia, từ đó mang lại nhiều thu nhập cá nhân hơn. Như vậy chẳng phải mạng xã hội giúp ích rất nhiều cho những người viết lách?
Tương tự như vậy là viết sách. Nếu như trước đây để xuất bản được một cuốn sách rất khó khăn, để bán và quảng bá được cuốn sách đó lại càng khó khăn hơn nữa. Bây giờ thì khác. Ngày càng nhiều tác giả trẻ xuất hiện. Không tin bạn cứ ra hiệu sách mà xem,
kiểu gì cũng có một gian sách dành riêng cho các tác giả trẻ như Nguyễn Ngọc Thạch, Gào, Hamlet Trương, Anh Khang, v.v..
Nhờ có mạng xã hội, việc quảng bá cho một cuốn sách mới ra dễ hơn hẳn. Nếu như trước đây có thể chỉ có lễ ra mắt sách sau đó là quảng cáo trên báo hoặc trực tiếp ở hiệu sách thì bây giờ các tác giả có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ, tự quảng cáo miễn phí trên trang cá nhân, bỏ tiền mua quảng cáo từ Google, Facebook hoặc mua bài PR từ các trang báo có nhiều độc giả trẻ. Nói chung là có rất nhiều cơ hội. Có khi quyển sách này đến tay bạn cũng vì một trong những lý do trên.
Nhờ sự phát triển của mạng xã hội mà bây giờ cũng có rất nhiều website hay ho dành cho giới trẻ ra đời. Những website này chẳng cần đội ngũ nhân lực mấy trăm người như một công ty lớn, họ chỉ cần một nhóm ba đến bốn người, thậm chí hai người hoặc có khi có một người cũng đủ duy trì website đó rồi. Lấy ví dụ một số website cá nhân tôi thấy rất hay mà bạn đọc có thể tham khảo là:
tramdoc.vn – Kênh thông tin giới thiệu, review sách; kiến thức phát triển bản thân.
tamlyhoctoipham.com – Kênh thông tin tâm lý học thường thức. ybox.vn – Kênh chia sẻ thông tin dành cho giới trẻ.
ecoblader.com – Kênh thông tin về marketing và giới thiệu sách.
bookaholic.vn – Trang thông tin về sách.
Đặc điểm chung của các website này là không cần quá đông nhân lực để duy trì. Có thể chỉ cần hai đến ba người trong đội ngũ nhân sự chính, còn lại là cộng tác viên. Vì nhân lực không đông nên các website này sẽ không đưa các tin kiểu nóng sốt, cập nhật nhanh
chóng như Kênh14 hay VnExpress mà sẽ tập trung nhiều hơn vào các bài phân tích chất lượng và dài (tôi thích thế).
Nếu như các tin kiểu hotgirl, sex, scandal đọc cho vui để biết thì các bài phân tích dài hay ho từ những trang này khi chia sẻ lên mạng xã hội sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ. Từ đó mang lại một lượng follower lớn cho các trang và nhiều cơ hội quảng cáo
cho các trang này. Khi có một lượng follower lớn rồi thì các trang này có thể quảng cáo sản phẩm, tổ chức sự kiện, v.v.. Những founder (người sáng lập) có thể không đi làm, không hưởng lương 5 – 6 triệu một tháng ổn định như bạn, nhưng họ có cơ hội để nhận được 20% hay 30% doanh thu của một trăm triệu chẳng hạn, cũng đáng đấy chứ nhỉ?
Ngoài ra, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, việc viết lách và trở thành người trong lĩnh vực viết dễ dàng hơn hẳn. Trước đây khi muốn trở thành một tác giả, có thể bạn sẽ cần bằng cấp hoặc một vài năm kinh nghiệm trong nghề. Bây giờ chỉ cần một trang blog cá nhân miễn phí, chăm chỉ viết mỗi ngày một bài là bạn có thể được xem như một tác giả rồi. Có thể bạn chưa được gọi là tác giả chuyên nghiệp, nhưng ít nhất cũng được xem là tác giả có bài viết.
Ví dụ có nhiều bạn sinh viên rất thích viết lách, viết cũng rất hay, nhưng chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có một portfolio dày dặn, nên nếu muốn xin làm cộng tác viên cho các trang báo lớn như YanTV, Kênh 14, VnExpress... sẽ gặp nhiều khó khăn, các bạn có thể bắt đầu ở những website nhỏ hơn như ybox.vn, tramdoc.vn chẳng hạn. Hay như ở 8morning.com tôi rất khuyến khích các bạn viết lách, kể cả đó là một bạn học sinh lớp 10. Sau một thời gian viết trên 8morning.com, các bạn sẽ có một hồ sơ tác giả cho riêng mình. Đó có thể xem như portfolio cá nhân để bạn mang đến “khoe” với nhà tuyển dụng về những thành tích bạn đã đạt được.
Thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội không nhất thiết phải bó buộc vào vấn đề giải trí hay viết lách. Không phải bạn cứ phải nói hay nói duyên như JVevermind hay HuyMe thì mới nên làm vlog. Không phải bạn cứ phải viết văn hay như Gào, Nguyễn Ngọc Thạch thì mới nên làm blog. Chỉ cần bạn thật sự đam mê và có kiến thức sâu rộng về một chủ đề nhất định, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu một kênh vlog, blog hoặc podcast (một dạng radio) của riêng mình về chủ đề đó.
XÂY DỰNG LỘ TRÌNH TƯƠNG LAI CHO BẢN THÂN Trong Alice in Wonderland có đoạn:
– Tôi nên chọn đường nào để đi? – Alice hỏi con mèo. – Để xem cô định đi đâu đã.
– Tôi không biết.
– Vậy thì không thành vấn đề. Nếu cô không biết mình muốn đi đâu, thì bất kỳ con đường nào cũng sẽ dẫn cô đến đích. – Con mèo trả lời.
Đúng vậy, câu chuyện minh họa cho cuộc sống của không ít người hiện nay. Các bạn mong được ai đó dẫn đường chỉ lối, cầm tay chỉ bước đi như thế nào cho đúng, nhưng chính các bạn còn chưa biết mình muốn đi đâu. Bạn có não trong đầu, có chân trong giày, trong
dép. Bạn đang giữ bánh lái chiếc xe đời mình. Muốn đi đâu là tùy bạn. Không ai nghĩ giùm bạn. Không ai đi giùm bạn. Không ai chở giùm bạn trên con đường của riêng bạn. Hãy quyết định mình sẽ đi đâu trong hành trình cuộc đời. Đừng đợi người khác quyết định thay. Hãy nhấc chân mà đi, đừng đợi ai bồng ai bế. Đừng trao đời mình vào tay người khác. Hãy sống ở thế chủ động trong mọi việc lớn nhỏ.
Trong sâu thẳm chúng ta, tôi thấy ai cũng mong muốn có một công việc gì đó của riêng mình, không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Có nhiều anh chị cô chú tôi biết cố gắng làm một công việc ngày tám tiếng trong mười, hai mươi năm cũng chỉ với mục đích tích cóp đủ tiền để ra ngoài làm riêng. Có thể là mở một công ty, mở một tiệm tạp hóa nhỏ hoặc thậm chí chỉ cần một xe hàng bán đồ ăn, thế cũng là của riêng mình rồi.
Nếu đọc báo về chủ đề đam mê và theo đuổi đam mê, các bạn có thể thấy những người đang theo đuổi đam mê đa số đều có một công việc và một công ty riêng của họ, chẳng mấy ai đi làm công ăn lương và nói mình đang theo đuổi đam mê cả (cũng có nhé nhưng không nhiều). Nói như vậy không có nghĩa tôi bảo bạn phải bỏ việc và bắt đầu theo đuổi đam mê ngay bây giờ. Dù gì thì cũng cần phải kiếm tiền để có miếng ăn bỏ vào miệng. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn theo đuổi đam mê, muốn tự tạo ra cho bản thân một cái gì đó
đặc biệt, bạn nên có kế hoạch chuẩn bị ngay từ bây giờ. Hãy thử trả lời một số câu hỏi dưới đây:
Bạn có thực sự yêu thích công việc hiện tại? Yêu đến mức cứ đến cuối tuần, bạn mong chóng đến thứ hai để được đi làm, được cống hiến, được làm những gì bạn thích.
Bạn có đang làm việc cho một công ty cho phép bạn phát triển thương hiệu cá nhân? Công ty đó có cho bạn viết blog, có kiểm soát thông tin bạn viết trên Facebook hay không? Có rất nhiều công ty hiện đang kiểm soát nhân viên như thế. Nếu đang bị vậy, bạn có bằng lòng với việc đó không? Bạn có sẵn lòng bỏ qua những cơ hội trên mạng xã hội chỉ để làm hài lòng công ty không? (Tôi thì không. Đó là lý do tôi từng nghỉ làm chỉ sau hai tuần đầu khi bị sếp nhắc nhở là không được viết blog). Bạn có đang dành thời gian để phát triển thương hiệu cá nhân ngoài giờ làm việc? Ví dụ như viết lách, quay video nói về vấn đề mà bạn thích.
Nếu câu trả lời của bạn là không cho cả ba (hoặc ⅔) câu hỏi trên, tôi khuyên bạn nên thật sự nghiêm túc cân nhắc việc bắt đầu xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân. Nếu bạn không yêu quý công việc của mình, chỉ làm vì lương, vì ngại nghỉ, vậy tương lai 5 – 10 năm nữa của bạn sẽ ở đâu? Liệu bạn có phát triển được thêm gì mới hay vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn cam chịu làm công việc bạn không hề yêu thích? Trong khi nếu dành thời gian 1 – 3 năm phát triển thương hiệu cá nhân theo đúng lộ trình, bạn có thể đã hoàn toàn ở một vị thế khác. Bạn có thể vẫn duy trì việc làm công ăn lương, nhưng với một thương hiệu cá nhân đi cùng, bạn sẽ luôn sẵn sàng cho các cơ hội mới. Bạn sẽ không còn phải rơi vào tình trạng dù rất muốn nghỉ nhưng chẳng dám vì không biết nghỉ xong sẽ đi đâu về đâu.
Lấy ví dụ tôi có một cô bạn tốt nghiệp cùng thời điểm với mình. Bạn rất đam mê thời trang và mỹ phẩm. Cách đây một năm tôi có bảo bạn mỗi ngày dành khoảng một tiếng viết lách hoặc chia sẻ về đam mê của bạn trên Facebook, vừa thoả mãn niềm đam mê, vừa tranh thủ xây dựng thương hiệu cá nhân luôn. Tôi bảo bạn: “Khoan nghĩ
đến chuyện sau này mình có kiếm được tiền từ việc viết này hay không, bản thân mình đang thích hãy cứ viết đi đã”. Khoảng một tuần đầu, bạn rất chăm chỉ viết bài chia sẻ, rồi sau đó vì lý do bận công việc, bận gia đình, bận này bận kia mà cuối cùng bạn chẳng viết thêm gì mới nữa. Một năm qua đi bây giờ bạn vẫn đang loay hoay nửa muốn nghỉ nửa không với công việc hiện tại. Lý do là tuy bạn rất mệt và chán công việc hiện tại nhưng chưa dám nghỉ vì sợ không tìm được việc nơi khác, sợ gia đình nói là đang làm ổn định lại nghỉ, sợ này sợ kia. Thật là tiếc. Nếu một năm qua bạn chăm chỉ viết lách một xíu, giờ có thể chưa nổi tiếng nhưng ít ra cũng có người biết đến đam mê của bạn rồi.
Một câu chuyện khác ngược lại. Lúc tôi lập ra 8morning.com, có một em sinh viên năm nhất đại học, chưa có kinh nghiệm làm việc, xin tham gia đội ngũ viết bài. Em chưa viết bao giờ nên ban đầu viết cũng kém. Tôi bảo em là nếu thích thì cứ viết, mỗi ngày viết một bài, ban đầu có thể không hay nhưng dần sẽ khắc phục được, có viết ra thì mới biết chỗ nào không hay để sửa. Nhờ chăm chỉ viết mà bây giờ em cũng có kha khá bài viết trên 8morning.com. Tôi còn biết tin em được một công ty mời viết bài PR với giá 200 nghìn/bài, một tháng viết khoảng 10 bài. Thu nhập có thể không cao nhưng em chia sẻ với tôi em chưa bao giờ nghĩ mình có thể kiếm tiền được từ việc viết. Vậy cũng tốt đấy chứ nhỉ?
Thế nên, nếu bạn đang rất chán công việc hiện tại, nhưng vì lý do tài chính mà chưa nghỉ được, hãy cứ tiếp tục làm, nhưng đừng chỉ làm ngày này qua ngày khác mà không có sự thay đổi gì. Hãy bắt
đầu học thêm một thứ mới, bắt đầu tạo một blog cá nhân hoặc quay một vài video chia sẻ về những chủ đề bạn thích vào lúc rảnh rỗi. Đừng vội quan tâm đến kết quả, đừng vội băn khoăn bạn sẽ kiếm tiền từ việc viết hay quay video như thế nào, cũng đừng vội lo lắng sẽ có bao nhiêu người đọc blog của bạn, bao nhiêu người xem video của bạn. Hãy cứ làm đi đã. Chỉ cần mỗi ngày bạn tạo thêm một giá trị mới, bạn đã đắp thêm được một viên gạch để xây dựng cơ hội cho tương lai của bạn rồi.
SNEAKER – SÂN CHƠI CÒN BỎ NGỎ
Việc kiếm tiền rất quan trọng, nhưng nếu thật sự bạn thích sneaker, biết rất rõ về các loại giày khác nhau và tin rằng mình hiểu về giày dép hơn tất cả những người xung quanh, bạn hoàn toàn có thể kiếm tiền từ đam mê đó.
Tôi có tìm đỏ mắt trên Google và chưa thấy có thương hiệu cá nhân nào viết về giày cả. Vậy nếu bạn đam mê giày, thử làm thương hiệu cá nhân về giày xem.
Ngày ngày bạn review các loại giày và tính năng của nó. Nếu chưa có tiền mua giày về trải nghiệm, bạn có thể liên hệ với các cửa hàng giày, xin chụp ảnh, PR miễn phí cho họ. Ngày nào bạn cũng viết 1 – 3 status hoặc quay một video review giày, đảm bảo sau 2 – 3 tháng, bạn sẽ được chúng bạn biết đến như một đứa biết rất nhiều về giày.
Từ đó, bạn bè và người quen ai cần mua giày chắc chắn sẽ liên hệ hỏi ý kiến bạn.
Nếu từ số 0 để thành một blogger thời trang thì hơi khó, vì độ cạnh tranh khá cao. Vậy tại sao không chọn một nhánh nhỏ chưa ai làm như “giày” để bắt đầu nhỉ? Khi đã có một chút tiếng tăm, bạn có thể
lấn sang các mảng khác như quần áo, mũ nón… miễn là bạn có kiến thức về nó.
Khi lượng follower bắt đầu tăng lên đáng kể, biết đâu bạn sẽ nhận được lời mời hợp tác viết bài PR từ các hãng giày như Bitis, Nike, Adidas... chẳng hạn. Biết đâu đấy!
Thương hiệu cá nhân không nhất thiết là cứ phải có cả triệu fan hâm mộ, mà có thể đơn giản là có một cộng đồng nhỏ công nhận và biết đến những gì mình đang làm.
3Thương hiệu cá nhân là gì?
Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê.
– Nick Vujicic
Tôi bắt đầu được dùng máy tính vào năm lớp 6. Hồi đó Facebook chưa thông dụng, mọi người vẫn còn dùng Yahoo!360 để viết blog và vào Zing để chơi game. Tôi lúc ấy còn bé, nên cũng chỉ dùng máy tính như biết bao chúng bạn, chơi game online, đọc tin nhảm nhí và xem những thứ không nên xem. Đến tận thời điểm vào đại học, tôi vẫn chưa từng nghĩ mình sẽ làm một công việc gì đó liên quan đến Internet và có thu nhập từ đó cả. Nhưng cuối cùng, một phần công việc của tôi bây giờ lại là viết lách và kiếm tiền từ việc viết trên mạng xã hội.
Công việc hiện tại tôi đang làm (tư vấn hướng nghiệp, phát triển bản thân và phát triển thương hiệu cá nhân) nghe có vẻ mới, nhưng thực tế ở các nước phương Tây, đã có rất nhiều người bắt đầu biết phát triển thương hiệu cá nhân và kiếm tiền từ đó. Bạn có thể lướt qua các trang như Medium (một trang dành cho những người thích viết lách), Quora (trang hỏi đáp mọi chủ đề), The Muse (trang thông tin về nghề nghiệp) để thấy có rất nhiều người đang làm thương hiệu cá nhân rất mạnh.
Ở Việt Nam ngoài showbiz, cũng có nhiều doanh nhân, các bạn trẻ đã dần biết đến tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân và bắt đầu trau chuốt cho nó. Vậy nên việc làm thương hiệu cá nhân hoàn toàn không khó hay xa vời, nếu bạn thực sự muốn một chút thành công và một chút thương hiệu cho bản thân mình, bạn hoàn toàn có thể làm được.
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân, bạn không nhất thiết phải có cả triệu fan hâm mộ, mà có thể đơn giản là được một cộng đồng nhỏ
công nhận và biết đến những gì bạn đang làm.
Website của tôi có gần 1 triệu lượt truy cập sau hơn một năm. Nó mang lại cho tôi một nguồn thu nhập không quá lớn nhưng cũng tương đương với những người đang đi làm tám tiếng một ngày. Tuy chưa thành tỷ phú triệu đô, nhưng tôi vẫn rất tự hào với những gì mình đã làm được. Ngoài website cá nhân, tôi còn phát triển cộng đồng 8morning.com, nơi chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và làm việc dành cho các bạn trẻ tại Việt Nam. Cộng đồng thu hút hơn 1 triệu lượt xem sau tám tháng hoạt động và được nhiều đầu báo lớn giới thiệu. Điều đặc biệt là tôi chẳng cần phải có vốn cả tỷ đồng hay trăm triệu đồng để làm được hai website này, mà chỉ cần vài triệu để khởi đầu. Nghe có vẻ tuyệt và khả thi phải không? Thương hiệu cá nhân của tôi là hướng nghiệp.
Tôi có một cô bạn rất thích viết tản văn, chắc cũng giống nhiều bạn nữ khi đọc đến dòng này? Tôi giúp bạn lập một trang cộng đồng trên Facebook tên là Chuyện Qua Phố, nơi bạn có thể chia sẻ hàng tuần về cảm xúc, suy nghĩ của mình về một câu chuyện tình yêu nào đó. Bạn chẳng cần phải cố gắng nhiều, chỉ cần viết ra những gì bạn nghĩ, đúng giọng văn của bạn. Dần dần, có rất nhiều bạn đọc tìm đến trang Chuyện Qua Phố hơn. Hiện tại, Chuyện Qua Phố đã có hơn 100 nghìn bạn đọc. Chưa đầy một năm sau, bạn tôi cũng đã xuất bản một cuốn sách tên là Chỉ cần mình thương nhau. Tôi tin rằng, nếu đủ đam mê, bạn cũng sẽ làm được điều tương tự. Thương hiệu cá nhân của bạn tôi là viết về tình yêu.
Tôi có một cô bạn khác rất thích đi du lịch. Sở thích của bạn ấy là đi phượt mỗi tháng một lần, chụp ảnh và quay phim lại các cung đường phượt. Bạn ấy còn có một kênh radio riêng kể chuyện phượt nữa. Vì sao bạn ấy làm vậy? Đơn giản là bạn ấy thích và đam mê. Bạn ấy đã có thương hiệu cá nhân chưa? Có rồi! Trong cộng đồng phượt hiện đã có rất nhiều người biết đến bạn ấy. Như vậy đã là một thành công. Thương hiệu cá nhân của bạn ấy là du lịch.
Có thể bạn chưa có nhiều mối quan hệ với những người nổi tiếng, bạn chưa có bằng thạc sĩ tiến sĩ hoặc... bạn chưa giàu, nhưng nếu bạn thật sự có đam mê ở một lĩnh vực gì đó và đang đọc cuốn sách
này, bạn hoàn toàn có thể làm được một điều gì đó cho riêng mình, giống như tôi và các bạn mình đã làm được vậy.
BÍ KÍP THÀNH CÔNG
Chúng ta sẽ tạm đồng ý với nhau rằng, xây dựng được một thương hiệu cá nhân tốt đồng nghĩa với việc bạn đã thành công phần nào trong cuộc sống. Vậy những bí kíp nào sẽ có thể giúp bạn đạt được tới thành công bước đầu đó?
Các bạn trẻ bây giờ nhiều bạn rất chăm đọc sách hoặc các bài viết về người nổi tiếng, tò mò muốn biết xem họ có bí quyết hay bí mật gì dẫn tới thành công. Jack Ma có bí kíp gì để xây dựng đế chế Alibaba? Steve Jobs sống như thế nào mỗi ngày để làm nên một Apple cực kỳ nổi tiếng? Hay Elon Musk quản lý thời gian mỗi ngày như thế nào? Vậy nếu bạn cũng đang thắc mắc là tôi có bí kíp gì để làm được những thứ tôi đã làm (tôi gọi là “những thứ tôi đã làm” chứ không gọi là thành công vì có thể định nghĩa thành công của chúng ta khác nhau), thì tôi có ba bí kíp nhỏ như sau.
Mỗi ngày đều phải học.
Làm việc chăm chỉ.
Theo đuổi đam mê.
Nghe thật là hiển nhiên nhỉ? Nếu bạn đang hy vọng biết được bí kíp gì cao siêu hơn thì rất xin lỗi là tôi không có. Tôi chỉ sống mỗi ngày với ba bí kíp nhỏ như vậy thôi.
Nhiều người quan niệm thành công là phải kiếm được nhiều tiền, phải có nhà thật to, xe thật đẹp, đi ăn những chỗ sang chảnh, đi chơi châu Âu... Với tôi, thước đo thành công là việc mình có vui, có hạnh phúc với những gì mình đang làm hay không. Và với ba bí kíp mà tôi đang viết ở trên, mỗi ngày trôi qua (kể cả khi đang viết những dòng này), tôi đều thấy rất vui và hạnh phúc với những gì tôi đang có.
Bí kíp đầu tiên, hãy học mỗi ngày. Nếu hôm nay bạn chưa học được gì mới, hãy gấp tạm trang sách này lại và đi học ngay một thứ mới, dù nhỏ thôi cũng được. Nếu bạn không học thêm những điều mới mỗi ngày, những gì tôi chia sẻ trong các phần tiếp theo của cuốn sách sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu hay đọc về những người thành công, bạn sẽ biết rằng dù đã có cả tỷ đô-la trong ngân hàng, họ vẫn không ngừng học. Tôi cũng vậy thôi, kể cả khi đã tốt nghiệp đại học, tôi vẫn cố gắng học thêm một cái gì đó mỗi ngày. Ví dụ như dành ra 30 phút để học thêm một ngoại ngữ, một giờ để học một khóa học bất kỳ trên Coursera, Udemy (những trang học trực tuyến về mọi chủ đề) hay mỗi ngày đọc ít nhất 10 bài trên các trang bổ ích như Medium, Quora chẳng hạn. Việc học thêm, đọc thêm, xem thêm các kiến thức mới mỗi ngày sẽ giúp bạn có nhiều ý tưởng hơn để áp dụng và phát triển thương hiệu cá nhân cho bản thân.
Bí kíp số hai, làm việc chăm chỉ. Nếu bạn chưa có thân hình đẹp như mong muốn, điểm tiếng Anh chưa cao, chuyện tìm việc mãi vẫn chưa có kết quả gì..., hãy tự kiểm tra lại xem mình đã đủ chăm chỉ và đầu tư đủ thời gian công sức để đạt được những gì mình muốn hay chưa? Bạn muốn một thân hình đẹp, bạn đã dành ra ít nhất hai giờ mỗi ngày tập thể dục chưa? Bạn muốn điểm tiếng Anh cao, bạn đã dành ra mỗi ngày ba đến bốn tiếng cho việc học tiếng Anh? Bạn muốn tìm việc, bạn đã rải đủ hồ sơ hay tham gia các ngày hội nghề nghiệp để tìm kiếm cơ hội phù hợp?
Bí kíp số ba, theo đuổi đam mê. Thế nào là theo đuổi và sống với đam mê? Là mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng khi có chuông báo thức, bạn sẽ bật dậy ngay để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng, thật nhiều ý tưởng và sẵn sàng làm việc. Là khi bạn tập trung làm việc đến nỗi khi chợt giật mình nhìn lên đồng hồ đã là 7 giờ tối. Là khi bạn có thể vừa làm công ăn lương, vừa sẵn sàng làm thêm một công việc bạn thực sự thích dù có phải làm miễn phí. Ví dụ ngoài công việc truyền thông để kiếm tiền, tôi sẵn sàng làm miễn phí các dự án cộng đồng về tư vấn hướng nghiệp cho các bạn sinh viên, học sinh cấp ba vì tôi thực sự thích các dự án đó.
Còn bạn thì sao? Bạn có đang làm một công việc mình không thích, nhưng lại không dám nghỉ chỉ vì vấn đề tài chính? Bạn vẫn đang loay hoay xem mình thích gì, mình đam mê gì, mình nên làm gì để “theo đuổi đam mê” và thành công giống như những người mà bạn hâm mộ? Đời ngắn lắm, đừng nghĩ nhiều, làm đi thôi. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy tính có Internet và sử dụng một số công cụ mà tôi sẽ hướng dẫn bạn ở các phần tiếp theo.
NHƯNG TÔI THẤY MÌNH CHẲNG GIỎI CÁI GÌ CẢ
Đọc đến đây chắc chắn sẽ có bạn tự hỏi: “Nhưng những cái em thích nó chẳng dễ kiếm ra tiền. Ví dụ anh làm về hướng dẫn CV, hướng nghiệp thì còn có ích cho các bạn, chứ sở thích của em có ích gì đâu ạ? Em thích mặc quần áo đẹp. Em thích đi ăn uống”. Hay rất nhiều lý do khác như là: “Bố mẹ em khó tính lắm, không cho em làm việc tự do đâu”, rồi “Em còn đang đi học, làm gì có thời gian để làm mấy cái này ạ?”.
Vậy để tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số người mà tôi biết nhé.
1/ Anh Minh Bùi thích thời trang và mua sắm (một sở thích giống rất nhiều bạn nữ), và anh ấy đã biến sở thích đó thành một blog rất nổi tiếng ở cả Việt Nam và quốc tế (iminhtouch.com).
2/ Chị Hương Chóe rất thích ăn, và từ niềm đam mê ăn uống của mình, chị ấy đã trở thành một blogger ẩm thực được nhiều kênh báo chí, truyền hình săn đón. Bạn hoàn toàn có thể Google được tên chị ấy và tìm thấy những thực đơn hướng dẫn ăn sạch chị chia sẻ.
Có bạn lại lo lắng hay hỏi tôi là “Nhưng mà anh ơi, để phát triển thương hiệu cá nhân thì phải lên kế hoạch đầy đủ rõ ràng, chứ đùng một cái làm lỡ mình viết không hay thì sao, lỡ mọi người ném đá thì sao, lỡ thế này, lỡ thế nọ, lỡ thế kia”, rồi thì “Chủ đề em viết không nhiều người quan tâm lắm, vậy làm sao để có nhiều lượt xem, nhiều người thích được hả anh?”.
Lý do tôi thấy mọi người chưa bắt đầu làm là vì đang mải nghĩ và lên kế hoạch quá nhiều. Việc nghĩ nhiều sẽ khiến bạn cứ chần chừ,
lần lữa mãi không chịu bắt tay vào làm. Càng cố gắng lên kế hoạch hoàn hảo, đến khi gặp thất bại bất ngờ, bạn sẽ càng nhanh nản chí.
Vấn đề tiếp theo là chủ đề mà bạn thích thì không có nhiều người thích. Thật ra đó là một cơ hội rất tốt cho bạn. Vì không nhiều người quan tâm nên bạn sẽ có ít đối thủ cạnh tranh, những gì bạn viết ra sẽ dễ thu hút được những người quan tâm đến chủ đề này. Ví dụ bây giờ bạn mở một blog về việc kiếm tiền trên Internet thì chắc chắn sẽ gặp phải sự cạnh tranh dữ dội từ hàng trăm website khác có cùng chủ đề. Tuy nhiên nếu bạn mở một blog hướng dẫn việc dạy chó mèo cưng như thế nào, tôi đảm bảo nếu làm đúng quy trình thì bạn sẽ nhanh chóng có tiếng tăm trong cộng đồng nuôi chó mèo ngay.
Bất cứ chủ đề hay lĩnh vực nào cũng có một lượng người nhất định quan tâm và muốn tìm hiểu. Chủ đề càng ít người quan tâm, bạn càng có cơ hội trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực đó. Thế nên nếu bạn thực sự có đam mê và muốn phát triển một thương hiệu cá nhân với đam mê đó, đừng vội quan tâm đến việc điều mình đam mê có nhiều người biết hay không, hãy cứ làm đi đã. Chỉ cần bạn bớt nghĩ đi một chút và bắt tay vào làm theo các phương pháp tôi chia sẻ trong cuốn sách này, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công.
Cô bạn tôi đã từng có cơ hội trải nghiệm ở nhiều công ty khác nhau, từ công ty vừa và nhỏ đến các tập đoàn đa quốc gia, và hiện giờ đang làm ở một công ty tổ chức sự kiện. Sau sáu tháng làm công việc mới, bạn tôi bắt đầu than thở công việc nhiều và áp lực, cảm thấy không hợp với môi trường, đồng nghiệp soi mói..., nói chung là rất muốn nghỉ. Tôi hỏi: “Thế sao chưa nghỉ đi?”. Và thế là vô vàn lý do được nêu ra. Nghỉ thì biết đi đâu, làm gì? Sắp Tết rồi nghỉ không tiện lắm. Nghỉ xong ở nhà bố mẹ lại hỏi thế này thế kia. Công việc đang ổn định cũng chưa dám nghỉ... Luôn có lý do mà.
Chung quy lại là sợ, nếu nghỉ công việc này, có thể sẽ không tìm được công việc mới, bạn bè thấy thất nghiệp lại hỏi thăm, soi mói... Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề chung của các bạn đi làm hiện nay. Nhiều bạn nhìn bề ngoài có vẻ có công việc ổn định, sáng xách xe
đi, tối xách xe về, cuối tháng nhận lương, nhưng liệu bạn ấy có thực sự thích công việc đang làm hay không thì chẳng ai biết và có khi đến chính bạn ấy cũng không nhận ra, chỉ biết rằng ngày nào đi làm cũng thật mệt mỏi, cực hình. Vậy tại sao chúng ta không chủ động thay đổi điều này?
Tôi nói với bạn mình: “Nếu đã chán rồi thì nghỉ đi, cứ nghỉ rồi tính tiếp”. Nghỉ để dành thời gian refresh lại bản thân, đặt mục tiêu lớn hơn, tập trung hơn và những cái mình thích. Nếu ở nhà ngại bố mẹ thì mỗi ngày đến một quán cà phê nào đó, mang theo một cuốn sách để đọc, đọc chán thì chuẩn bị CV nộp đơn cho các công ty bạn thích, nộp đơn chán thì lên Udemy, TED xem một video hay ho truyền cảm hứng. Nếu bạn nghỉ việc nhưng mỗi ngày vẫn có một kế hoạch phát triển bản thân đầy đủ, thì tôi cam đoan cùng lắm hai tháng bạn sẽ có một công việc mới. Nếu bạn nghỉ việc mà cả ngày chỉ nằm xem Games of Throne, How I Met Your Mother hay lang thang quán xá với bạn bè thì không nên. Hoặc bạn có thể nghỉ việc, dành thời gian ngâm cứu cuốn sách này, tìm xem đam mê của mình là gì, xây dựng một website, xây dựng một thương hiệu cá nhân và biết đâu bạn sẽ thành công đến mức chẳng cần phải đi làm ở công ty nào nữa, bạn đi làm cho chính bạn mà thôi.
Đó là đối với các bạn đang chán ghét công việc hiện tại hoặc chưa tìm được cho bản thân một công việc ưng ý. Còn nếu như bạn đang có một công việc ổn định và đã tìm ra đam mê rồi thì sao? Hãy bắt đầu dành thời gian xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân. Dù cho bạn đang học hay đang làm trong lĩnh vực gì, một thương hiệu cá nhân sẽ giúp bạn vừa có được sự nghiệp bền vững, vừa phát triển được đam mê của mình, và biết đâu lại có thêm một nguồn thu nhập nhỏ bên cạnh công việc chính đang làm hiện tại.
Mỗi người sẽ có một giá trị (value) và sứ mệnh (mission) khác nhau trong cuộc sống. Có những người sinh ra đã có tư chất doanh nhân, nhìn chỗ nào cũng thấy cơ hội kiếm tiền – và họ thực sự giỏi trong việc đó. Còn với tôi, tôi đặt giá trị của mình là gia đình, tiền kiếm nhiều mấy nhưng vẫn phải sắp xếp thời gian dành cho gia đình. Có thể bạn có tư chất doanh nhân, có thể bạn cũng giống tôi, sống một
cuộc đời bình bình cũng chẳng ai phê phán. Quan trọng là bạn xác định được giá trị của bản thân, nhận ra được đam mê của mình và nỗ lực không ngừng cho đam mê đó.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ đưa ra cho bạn các tip thực tế mà tôi đã ứng dụng và tạo ra thu nhập cho bản thân. Hy vọng bạn có thể tham khảo và ứng dụng cho chính mình. Vừa được làm công việc mà mình thích, vừa có tiền tiêu, còn gì sung sướng hơn, phải không nào?
VIỆC Ở NGOÀI KIA KHÔNG THIẾU
Đơn giản thế này, nếu bạn thật sự muốn thì tiền ở ngoài kia, thành công ở ngoài kia, công việc ở ngoài kia không hề thiếu. Điều bạn cần làm là sẵn sàng nắm lấy nó. Vậy nên, đừng lý do lý trấu, đừng ngụy biện rằng bạn phải làm việc một ngày tám tiếng nên không có thời gian làm cái khác ngoài lề? Bạn hoàn toàn có thể làm thêm trong khoảng từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng mà, tại sao không? Nếu thật sự đam mê và yêu thích công việc mình làm, tôi đảm bảo việc làm cả buổi tối như thế sẽ không khiến bạn ngại chút nào. Không quan trọng bạn thích gì hay đam mê gì, nếu biết tận dụng công nghệ và các trang mạng xã hội, bạn hoàn toàn có thể biến đam mê đó thành một công việc thực thụ, thành một thứ của riêng mình.
MỖI NGƯỜI CÓ MỘT KIỂU THƯƠNG HIỆU RIÊNG
Sẽ có bạn hỏi: “Em không thích kinh doanh lắm, và em cũng chẳng thấy mình có năng khiếu kinh doanh, vậy em có nên làm thương hiệu cá nhân không?”. Đừng lo, đam mê khó tìm chứ kỹ năng thì dễ học. Nếu bạn thực sự thích và hiểu những gì bạn viết ra, cho dù ở bất kỳ chủ đề nào, bạn hoàn toàn có thể kiếm tiền từ nó.
Lấy ví dụ thế này, bạn là một người rất thích ăn vặt ở ngoài đường và ngày nào bạn cũng ăn vặt ít nhất một món ngoài đường. Với suy nghĩa thông thường, đi ăn suốt ngày chỉ tổ tốn tiền chứ làm sao mà “làm tiền” được từ nó. Nhầm. Chỉ là bạn chưa biết cách tận dụng tài
năng “ăn uống thiên bẩm” của mình mà thôi. Nếu thật sự đam mê ăn uống (thật sự đam mê nhé, chứ không phải ăn cũng được không
ăn cũng không sao), bạn có thể lên Wordpress hoặc Weebly lập một blog cá nhân, bắt đầu viết hoặc nói về niềm đam mê đồ ăn đường phố bất tận của mình.
Bạn có thể lập blog toithichan.wordpress.com, bắt đầu viết về các món bạn đã ăn, kết hợp chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Blog của bạn dần sẽ thu hút được những người cũng thích ăn vào xem. Hoặc có thể một cửa hàng nào đó thấy bạn viết về đồ ăn hay sẽ liên hệ để xin viết review quảng cáo.
Bạn cũng có thể lập một trang fanpage riêng review đồ ăn thức uống, một kênh YouTube chỉ quay lại cảnh bạn đi ăn hàng ngày, rất có thể bạn sẽ có cơ hội được mời đến các hội chợ ẩm thực tham gia ăn uống và review món ăn.
Nói chung là bạn chỉ cần đam mê thật sự, tận dụng sự miễn phí của các trang mạng xã hội để quảng bá đam mê của mình đến với mọi người. Mạng xã hội rất to, nên đừng lo hết chỗ. Dù bạn đam mê hay thích một thứ khác thường, bạn vẫn hoàn toàn có thể làm được thương hiệu với nó. Ví dụ bạn thích sưu tầm nắp chai bia chẳng hạn, cũng là một sở thích hay ho đấy chứ!
Ở trên tôi đang nói riêng về việc làm thương hiệu cá nhân online trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu bạn có những khả năng thiên bẩm khác, bạn hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân mà không cần dùng đến mạng xã hội. Ví dụ, bạn rất đam mê nông nghiệp, bạn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân trong giới nông nghiệp. Bạn đam mê đồ gỗ và xây dựng thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực này, dù không nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng những ai quan tâm đến gỗ có thể sẽ biết đến bạn.
Tóm lại ai cũng có sở thích và mối quan tâm riêng. Bạn hoàn toàn có thể biến sở thích và mối quan tâm của mình thành một thương hiệu. Đừng bị bó buộc bởi bất kỳ giới hạn nào. Nhắc đến Anh Tuan Le mọi người sẽ nghĩ đến các tip viết CV, cách tìm việc hiệu quả. Nhắc đến Dưa Leo chúng ta nghĩ ngay đến hài độc thoại. Nhắc đến JVevermind, HuyMe bạn nghĩ đến những vlogger hay ho. Vậy nhắc đến bạn, người khác nghĩ đến cái gì?
Ỉ Ó Ờ Ủ Í Ì
CHỈ CÓ BẠN QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC CUỘC ĐỜI CỦA CHÍNH MÌNH
Điều tôi muốn nói ở đây là hãy làm những gì bạn thích, nghĩ thật đơn giản và bắt tay vào làm ngay một cách chăm chỉ, nghiên cứu kỹ lĩnh vực mình đã chọn và luôn nhìn về phía trước.
Khi mới đọc cuốn Crush It! (một cuốn sách rất hay về thương hiệu cá nhân của tác giả Gary Vaynerchuk) và quyết định xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân, tôi chẳng nghĩ gì nhiều đến việc sau này sẽ thành công như thế nào. Tôi nghĩ đơn giản mình là người hướng nội, ngại nói chuyện trực tiếp, thích viết trên mạng hơn nên lập blog chắc sẽ phù hợp. Hồi ấy tôi mới dùng Facebook, tài khoản Twitter chưa có, LinkedIn chưa biết là cái gì, Wordpress thì mới bắt đầu mày mò. Dần mọi thứ cũng thay đổi. Facebook của tôi đến cuối năm 2017 đã có 33 nghìn người theo dõi, LinkedIn cũng có 10 nghìn lượt người tiếp cận, Wordpress thì đã chuẩn bị đạt con số 1 triệu lượt xem. Các công cụ online đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc xây dựng một thương hiệu cá nhân tốt. Tuy nhiên, nó chỉ giúp ích thôi chứ không tạo ra thành công nhé. Thành công hay không phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người, chứ không chỉ phụ thuộc vào công cụ. Các công cụ mà tôi sẽ chia sẻ trong những phần sau sẽ giúp bạn phát triển thương hiệu cá nhân nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn và tiếp cận được với nhiều người hơn. Tuy nhiên, một lần nữa tôi muốn nói là, việc hiệu quả hay không tùy thuộc vào đam mê và quyết tâm của chính bạn.
Một số bạn muốn phát triển thương hiệu cá nhân để trở thành một người nổi tiếng, một diễn giả được nhiều người hâm mộ. Một số bạn có thể chỉ muốn có chút thương hiệu để tìm việc dễ dàng hơn, hay đơn giản là có một chỗ giải trí và thỏa mãn niềm đam mê của mình. Không sao cả, dù cho mục tiêu của bạn là gì, chỉ cần kiên trì học và đọc một cách có chọn lọc, luôn nhìn lại và điều chỉnh những kiến thức tiếp nhận được cho phù hợp với bản thân, không máy móc áp dụng theo như robot, thành công sẽ tới với bạn. Nếu chỉ đọc xong cuốn sách này rồi ngừng học hỏi thêm, rèn luyện thêm, nội dung trong sách có hay đến đâu cũng sẽ chẳng giúp ích được gì
cho bạn. Hãy luôn nhớ rằng thành công có đạt được hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên trì của bạn.
Tôi chẳng có bí kíp gì đặc biệt cho thành công. Tôi chỉ là một người thích bắt tay vào làm nhiều hơn là lập kế hoạch, và làm theo kiểu của riêng mình.
BÀI TẬP SỐ 2: VÌ SAO BẠN CHƯA THÀNH CÔNG?
Bây giờ, hãy thử làm thêm một bài tập để bạn hiểu hơn về cuộc sống của mình và vì sao đến giờ bạn vẫn chưa thành công như mong muốn.
Bạn có học mỗi ngày?
Lấy một tờ giấy và một cây bút. Chia tờ giấy làm hai cột. Cột bên trái liệt kê những gì bạn đã học từ hồi cấp ba đến giờ. Cột bên phải liệt kê ít nhất 20 kỹ năng bạn muốn học trong 20 năm tới.
Chọn một kỹ năng bất kỳ ở cột bên phải, lên Udemy tìm từ khóa đó và học một khóa học online trong một tuần tới.
Bạn đã làm việc chăm chỉ?
Dùng giấy bút hoặc Google Calendar, ghi lại thời gian biểu một tuần vừa qua bạn đã làm những gì, từ mấy giờ đến mấy giờ, càng chi tiết càng tốt. Sau đó, trong vòng một tuần, cứ cuối mỗi ngày, dành thời gian ghi chép lại xem mình đã làm những gì. Cuối tuần, dành thời gian tổng kết xem mình đã dành bao nhiêu tiếng cho việc ăn, đi lại, làm việc, ngủ, học tập, giải trí và các việc khác.
Sở thích của bạn là gì?
Liệt kê 10 sở thích bất kỳ của bản thân. Sau đó lên Google tìm kiếm xem có ai đang là người giỏi ở những lĩnh vực đó. Ví dụ bạn thích hát, ai đang là ca sĩ nổi tiếng? Bạn thích đi du lịch, ai đang là phượt thủ nổi tiếng?
Bạn đang dùng mạng xã hội nào?
Liệt kê các trang mạng xã hội bạn đang sử dụng? Bạn có bao nhiêu bạn hay follower trên các trang đó?
Liệt kê một vài nhân vật bạn thích về giọng văn và cách trình bày của họ trên mạng xã hội? Vì sao bạn thích những người đó? Bạn nghĩ đối tượng mà những người đó hướng đến là ai?
Cách nhanh nhất để thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.
4Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội
Xây dựng thương hiệu cá nhân chính là việc quản lý cái tên của bạn – ngay cả khi bạn không sở hữu một doanh nghiệp – trong một thế giới đầy những luồng thông tin sai lệch và khó kiểm soát.
Người mà bạn đang hẹn hò có thể đã “Google” tên của bạn trước buổi hẹn đầu tiên của hai người. Người chủ doanh nghiệp mà bạn chuẩn bị có buổi phỏng vấn xin việc cũng vậy.
– Tim Ferriss
KỶ NGUYÊN WORD-OF-MOUTH
Word-of-mouth (có nghĩa là truyền miệng) là một phương pháp marketing rẻ và được nhiều người sử dụng. Định nghĩa đơn giản, đó là phương thức bạn khiến cho sản phẩm của mình được mọi người truyền tai nhau mà không cần đến các phương pháp marketing tốn kém. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội thực chất cũng là việc làm thế nào để mọi người có thể “word-of-mouth” về bạn nhiều nhất có thể. Không cần nói đâu xa, trước khi quyết định đến một quán ăn, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ lên Google, Foody hoặc Lozi xem review hoặc hỏi bạn bè trước đúng không? Ý kiến của người đi trước luôn dễ tin hơn xem quảng cáo trên ti vi hoặc website của nhà hàng. Vậy nên, làm thế nào để người dùng nói tốt về sản phẩm của bạn là vô cùng quan trọng. Tương tự như vậy khi làm thương hiệu cá nhân, làm thế nào để mọi người truyền miệng nhau, giới thiệu nhau về thương hiệu cá nhân của bạn là mục đích cuối cùng. Ví dụ ai đó có bạn bè đang tìm việc, có thể giới thiệu về tôi như “Tao có biết blog của anh Anh Tuan Le, có nhiều bài viết hay ho về tìm việc lắm, mày vào đọc thử xem”. Thế là tôi đã thành công rồi.
Cùng với sự phát triển của Internet hiện nay, người người nhà nhà ai cũng dùng Facebook, việc truyền miệng lại càng phát triển nhanh chóng. Ví dụ, trên Facebook có rất nhiều các group cộng đồng. Những người thích nuôi chó thì có group Hội những người thích nuôi chó, người thích chơi ô tô thì có Otofun, các chị em thì có Tâm sự Eva, v.v.. Mỗi group có khoảng chục ngàn, thậm chí trăm ngàn người thảo luận mỗi ngày. Người tiêu dùng không bị bó hẹp việc chia sẻ kinh nghiệm sử dụng một sản phẩm nào đó của họ trong phạm vi những mối quan hệ người quen nữa. Nếu sản phẩm của bạn được một người nổi tiếng, có vài trăm nghìn follower viết một status cảm nhận, đảm bảo lượng người biết đến sản phẩm của bạn sẽ tăng rất nhanh. Tương tự, nếu thương hiệu cá nhân của bạn được một người đánh giá tốt, họ sẽ giới thiệu lại cho bạn bè, những người bạn ấy lại giới thiệu cho bạn bè của họ, dần dần bạn sẽ có một lượng follower nhất định. Trước đây, khi Internet chưa phát triển, thật khó để ai đó có cơ hội tiếp cận hàng nghìn người đọc hoặc người xem. Bây giờ, chỉ cần viết một status ngắn, chia sẻ lên mạng xã hội, chưa đầy mười phút sau, bạn đã có thể tiếp cận được con số đó rồi.
AI CŨNG ĐANG LÀM THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Có thể bạn chưa mở công ty, cũng chưa bắt đầu kinh doanh, nhưng rất có thể bạn đã tự tạo một thương hiệu cá nhân cho bản thân mình. Khi lập tài khoản Facebook, LinkedIn hoặc Twitter, thực chất bạn đã đặt bước chân đầu tiên cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình. Bởi lúc ấy, dù ít hay nhiều, hình ảnh của bạn cũng bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng. Ví dụ, bạn rất thích chụp ảnh phong cảnh và đi du lịch. Bạn dùng tài khoản Facebook và Instagram để đăng tải những bức ảnh du lịch bạn chụp và ưng ý. Một ngày đẹp trời, có người nhìn thấy những bức ảnh của bạn và nảy ra ý tưởng kinh doanh với chúng. Thế là, rất có thể hôm sau, bạn sẽ nhận được một lời mời hợp tác. Chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin được truyền cho nhau nhanh như (hoặc có khi hơn cả) tốc độ ánh sáng. Vậy nên nếu bạn đã và đang sử dụng mạng xã hội, hãy bắt đầu nắm lấy cơ hội để xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân.
Có một số bạn nói với tôi: “Hiện tại em đang có một công việc ổn định, ở một công ty lớn, lương tháng đủ ăn đủ tiêu rồi, cần gì phải mất thời gian xây dựng thương hiệu cá nhân làm gì nữa?”. Đúng vậy, điều đó sẽ ổn nếu bạn có thể giữ được công việc ấy suốt đời.
Cứ cho bạn là một nhân viên cực kỳ trung thành và sẽ cam kết gắn bó với công ty cả đời, liệu bạn có chắc chắn rằng mình sẽ làm được mãi công việc đó từ giờ cho đến già? Liệu bạn có chắc chắn rằng sẽ không có vấn đề gì xảy ra với công việc của bạn? Có những yếu tố khách quan từ bên ngoài mà chúng ta không kiểm soát được, ví dụ như công ty phá sản, thời tiết thiên tai, lạm phát, khủng hoảng kinh tế... bạn hoàn toàn có thể mất việc bất kỳ lúc nào. Thế nên để chuẩn bị cho bản thân luôn ở tâm thế sẵn sàng và không lo thất nghiệp, việc có một thương hiệu cá nhân ngay từ bây giờ khá quan trọng.
Để bắt đầu ứng tuyển một công việc vào thời điểm này bạn cần phải làm gì? Chuẩn bị một bản CV và Cover Letter đầy đủ sau đó gửi cho nhà tuyển dụng đúng không nào? Với những công việc ít người ứng tuyển và không có nhiều cạnh tranh thì như vậy là đủ. Tuy nhiên với những công việc có hàng nghìn người cùng ứng tuyển và chỉ chọn ra một vài người, làm thế nào để hồ sơ của bạn có thể nổi bật hơn so với ứng viên khác? Liệu CV và Cover Letter không có đủ? CV chỉ nên viết trong khoảng hai trang, Cover Letter không nên viết quá một trang, liệu bạn nghĩ ba trang giấy có đủ để thể hiện mọi thứ về bạn, tính cách, kinh nghiệm, kỹ năng, những gì bạn biết, những gì bạn đã trải nghiệm với nhà tuyển dụng? Nếu bạn nghĩ là không, và bạn muốn mình nổi bật hơn so với ứng viên khác, gây được ấn tượng thêm với nhà tuyển dụng, đây là lúc bạn nên bắt đầu dành chút thời gian xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân nho nhỏ.
Việc xây dựng một thương hiệu cá nhân cho bản thân cũng giống như bạn đang có một bản CV “sống” vậy. Nếu như CV bình thường của bạn chỉ nên gói gọn trong hai trang, chắt lọc những gì tốt nhất để viết vào thì với một thương hiệu cá nhân, bạn có thể làm được nhiều hơn thế. Thay vì gửi cho nhà tuyển dụng một file PDF hoặc file Word thông thường như nhiều bạn vẫn làm, bạn có thể gửi kèm
cho nhà tuyển dụng link Facebook hoặc link trang blog của bạn chẳng hạn. Trong đó bạn có thể viết một status hoặc viết một bài viết chia sẻ cảm nghĩ của bạn về một dự án trong công ty, phân tích tình hình hoạt động của công ty hoặc đưa ra giải pháp nào đó. Ví dụ nếu bạn ứng tuyển vào vị trí làm digital marketing cho một công ty, thay vì gửi bản CV trắng đen bình thường, bạn có thể viết một bài trên Wordpress về 10 ý tưởng bạn có thể thực hiện để giúp quảng bá cho hình ảnh công ty tốt hơn nếu được nhận. Chưa cần biết những ý tưởng đó có tốt hay không, chỉ cần thấy bạn bỏ công bỏ sức nghĩ những thứ hay ho như vậy, lại biết dùng Wordpress, đảm bảo bạn sẽ được ưu tiên gọi vào vòng phỏng vấn.
Ngoài ra, nếu bạn có thể xây dựng được một thương hiệu cá nhân bền vững và tập trung vào một chủ đề nhất định, cơ hội để bạn nhận được lời mời phỏng vấn từ các công ty là rất cao, chẳng cần phải lo đi viết CV và rải đơn nữa.
Lấy ví dụ tôi rất thích viết về chủ đề giáo dục và phát triển bản thân. Chủ yếu tôi viết trên blog cá nhân là anhtuanle.com, sau đó chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội như Facebook và LinkedIn. Nhờ chăm chỉ viết khoảng một năm mà tôi cũng được mọi người nhìn thấy giống như một “expert” – chuyên gia trong lĩnh vực tìm việc và phát triển con người, cũng như biết chút ít về lĩnh vực marketing, truyền thông (vì tôi học ngành này). Thế nên không có gì ngạc nhiên khi cứ trung bình một tháng một lần, tôi lại nhận được một lời mời làm việc (hoặc hợp tác) qua email hoặc message trên LinkedIn. Hợp tác thì có đủ các dạng, ví dụ như mời tôi tham gia viết bài cho website, giúp xây dựng website, làm head-hunter (người tìm ứng viên giỏi về cho các công ty có nhu cầu), làm nhân viên marketing, v.v.. Nói chung là cơ hội ngoài kia rất nhiều. Thị trường việc làm hiện nay có vô vàn công việc đang chờ tìm được ứng viên phù hợp, chứ không hề khan hiếm như báo chí hay nói. Các công ty cũng phải đỏ mắt đi lùng sục khắp nơi để tìm người giỏi, chứ không ngồi không và chờ ứng viên lao đến. Vậy nên để giúp cho các công ty, các nhà tuyển dụng tìm thấy bạn nhanh hơn (và nhiều hơn), cách hiệu quả và thiết thực nhất chính là xây dựng thương hiệu cá nhân.
Chia sẻ cho các bạn một sự thật thú vị là thường các công ty hoặc phòng nhân sự sẽ ưu tiên tìm người quen trong mạng lưới quan hệ hoặc tìm người được giới thiệu cho các vị trí mà họ đang cần nhiều hơn thay vì đăng tuyển online. Các tin tuyển dụng bạn thấy trên Facebook, Vietnamwork... chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lượng công việc thực có trên thị trường lao động. Và thường các tin đó, hoặc sẽ là các vị trí rất bình thường (lương khoảng 3 – 4 triệu, chủ yếu là hình thức cộng tác viên, part-time), hoặc sẽ là các công việc đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, như các vị trí quản lý hay tuyển trên Vietnamwork.
Vậy 80% các công việc tốt đang nằm ở đâu? Đó chính là nằm ở việc giới thiệu. Ví dụ bây giờ công ty tôi cần tuyển một bạn sinh viên viết tốt để làm nội dung cho website, thay vì đăng tin tuyển dụng rồi chờ ứng viên ứng tuyển, lọc hồ sơ, gọi phỏng vấn khá mất thời gian, tôi sẽ nói với các nhân viên và bạn bè quen biết trong mối quan hệ của mình đại ý như: “Em/anh/chị có biết bé nào viết lách ổn ổn không, công ty tôi đang cần tuyển một vị trí như vậy. Công việc chủ yếu là... Lương khoảng xx triệu/tháng. Nếu biết bé nào như vậy thì giới thiệu cho tôi nhé!”. Vậy là xong. Thường thì những người tôi nhờ sẽ xem trong mạng lưới quan hệ của họ có ai như vậy không rồi giới thiệu cho tôi. Bạn hoặc em đó sẽ gửi CV cho tôi và chắc chắn là được phỏng vấn luôn, vì qua giới thiệu. Vậy là đỡ hẳn một vòng cạnh tranh CV.
Tương tự mỗi ngày tôi cũng nhận được rất nhiều lời nhờ giới thiệu “Bạn nào viết tốt tốt chút” hay “Bạn nào có kinh nghiệm làm sale”... cho các công ty. Và tôi cũng rất sẵn lòng nhìn xem trong các mối thân quen của mình có ai giỏi và đang có nhu cầu tìm việc không để giới thiệu. Vấn đề ở đây là, bạn phải định hình bản thân như thế nào để khi người khác nghĩ đến bạn, họ sẽ nghĩ ngay ra bạn giỏi một cái gì đó. Ví dụ khi nhắc đến tôi, Tuấn Anh, có người có thể nghĩ đến tìm việc, có người nghĩ đến viết CV, có người nghĩ đến marketing. Thế là đủ. Với những người đó khi cần hỗ trợ ở những chủ đề như vậy, họ sẽ tìm đến tôi. Bạn cũng nên như thế. Ví dụ bạn muốn tìm việc kế toán, hãy cho mọi người thấy là bạn rất đam mê trong lĩnh vực đó. Bạn viết các bài blog về lĩnh vực kế toán, bạn chia sẻ các
thông tin về lĩnh vực kế toán lên Facebook mỗi ngày. Đảm bảo sau một tháng mọi người sẽ nhìn bạn khác ngay, cứ nhắc đến bạn là nhắc đến kế toán. Và nếu có công ty nào tuyển kế toán, người họ nhớ tới đầu tiên sẽ là bạn.
Với mỗi người, việc xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ mang đến một lợi ích khác nhau. Không quan trọng bạn chọn phương pháp nào, làm Vlog giống JVevermind, làm Podcast giống Quick & Snow Show hay viết blog giống tôi, quan trọng nhất bạn phải là chính bạn. Nói như mấy chị bán hàng online, bạn phải là “đồ authentic”(hàng thật) chứ đừng là “đồ fake” (hàng giả). Việc bạn là chính mình, không bắt chước bất kỳ ai, sẽ giúp bạn khác biệt với người khác, điều tối quan trọng khi xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do người trẻ mở ra, đều phát triển dựa trên nền tảng của một thương hiệu cá nhân có sẵn. Ví dụ như bánh mỳ Minh Nhật của Minh Nhật Masterchef, anh Phạm Đình Nguyên của cà phê PhinDeli... Rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới cũng tận dụng thương hiệu cá nhân của họ và kiếm được rất nhiều tiền từ đó. Ví dụ như Oprah Winfrey, tân tổng thống Mỹ Donald Trumps hay Tony Robbins, họ đều là những người giỏi, có một thương hiệu cá nhân tốt, có hàng triệu người hâm mộ và rất giàu.
Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ phải ông nọ bà kia, làm trong giới kinh doanh hay nghệ thuật mới nên có thương hiệu cá nhân. Thực tế, ai cũng có thể làm thương hiệu cá nhân được. Ví dụ ở Việt Nam, cực kỳ nổi tiếng ai cũng biết có thể nói đến Mỹ Tâm, Sơn Tùng MTP, Trấn Thành, v.v. – chủ yếu là những người trong giới nghệ thuật. Cấp thấp hơn một chút về thương hiệu cá nhân (tôi tạm đo lường bằng lượng follower) là Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Chi Pu, v.v.. Những người kể trên đều có lượng follower rất lớn trên mạng xã hội, cụ thể hơn là trên Facebook. Người nhiều thì có vài triệu người quan tâm, người ít hơn thì có vài trăm ngàn người theo dõi. Theo Gary Vaynerchuk trong cuốn Crush It, số lượng người theo dõi không quan trọng bằng chất lượng tương tác trong cộng đồng những người quan tâm tới bạn. Tuy nhiên, giữa thời buổi cơm áo
gạo tiền như hiện nay, có lẽ chúng ta sẽ cần để tâm tới cả hai tiêu chí này, đặc biệt khi bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Một người có nhiều follower đồng nghĩa với việc các quảng cáo của họ
sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Ví dụ như công ty bạn cần thuê một cô A có 100 nghìn follower viết một bài PR có thể chỉ phải trả 3 triệu một bài, nhưng nếu thuê anh B có 1 triệu follower thì con số đó khả năng cao sẽ phải tăng lên đến 30 triệu.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, bắt đầu từ số 0, từ xuất phát điểm không có gì cho đến khi có được một lượng follower nho nhỏ, một lượng người quan tâm nhất định. Sau đó, các bước tiếp theo ta sẽ tìm hiểu sau.
THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN CỦA TÔI – ANH TUAN LE
Nếu bạn đã theo dõi Facebook cá nhân (Anh Tuan Le) hoặc blog của tôi (anhtuanle.com) thì sẽ rất dễ nhận ra thương hiệu cá nhân mà tôi đang xây dựng. Tôi là một blogger viết về chuyện tìm việc và làm việc, bằng một giọng văn đời thường. Đây là hình ảnh mà tôi đã tự chọn và xây dựng cho bản thân từ khi mới bắt đầu từ hơn một năm trước.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các trang tìm việc như Vietnamwork, CareerLink, CareerBuilder... và vô vàn các group Facebook hoặc fanpage liên quan đến tuyển dụng việc làm. Các kênh này có rất nhiều bài viết hướng dẫn về việc viết CV, đi phỏng vấn, làm thế nào để hài hòa với đồng nghiệp, cách thương thảo lương, v.v.. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các trang này có rất nhiều bài viết, nhưng lượng người đọc rất ít, hoặc thường đọc xong rồi thôi, không đọng lại được gì. Trong khi đó, có rất nhiều bạn vô tình biết đến blog của tôi trên Google, đọc xong thấy thích và quyết định thường xuyên theo dõi các bài viết tiếp theo.
Với các trang như tôi kể trên, thường mục đích của các bài viết là để làm SEO1, tức là làm thế nào cho trang web của họ lên được top Google. Vì vậy nội dung thường không thân thiện với người đọc, xào nấu lại từ các bài khác nhau hoặc dịch từ các nguồn bài viết của nước ngoài. Báo ở nước nào thường sẽ viết cho người ở nước
đó, chỉ phù hợp nếu đặt vào hoàn cảnh ở nơi đó. Nếu cứ máy móc bê nguyên xi những kiến thức ấy về Việt Nam thì thực sự không phù hợp chút nào. Ngoài ra có thể là trang của doanh nghiệp lớn nên quy định về cách viết bài, cách dùng từ cũng khá khắt khe và đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nên đôi khi bị cứng nhắc, bạn đọc đọc xong cứ thấy nhàn nhạt mà không đọng lại được gì.
1 Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO – Search Engine Optimization) là một quá trình tối ưu nội dung văn bản và cấu trúc website để các công cụ tìm kiếm chọn lựa trang web phù hợp nhất phục vụ người tìm kiếm trên Internet. Có thể hiểu đơn giản SEO là một tập hợp các phương pháp nhằm đưa website lên vị trí TOP 10 (trang đầu) trong các trang kết quả của các Search Engine.
Đó là lý do tôi chọn một hướng đi hoàn toàn riêng biệt cho bản thân khi phát triển thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực tìm việc và phát triển cá nhân. Vẫn là những câu chuyện về viết CV, đi phỏng vấn, nhưng tôi chọn cách viết theo lối kể chuyện. Tôi không tự nhận mình là chuyên gia. Trong bất kỳ bài viết nào tôi cũng nói mình chỉ là một người đi trước, may mắn được trải nghiệm và học hỏi từ các nguồn khác nhau, nên nội dung bài viết của tôi là tổng hợp từ kinh nghiệm cá nhân cũng như những gì mà tôi học được. Ngoài ra vì viết theo phương diện cá nhân, nên tôi thoải mái dùng lối văn nói (giống giọng văn bạn đọc được từ đầu cuốn sách đến giờ), nên có lẽ như vậy cũng là cái hay, có thể lôi cuốn bạn đọc hơn, khiến bạn đọc có cảm giác dễ gần hơn. Một số người chắc sẽ phản đối hoặc không thích kiểu viết của tôi. Một số người khó tính sẽ cho rằng đã viết thì phải nghiêm túc, đã là “nhà văn” có nhiều người đọc thì phải viết sao cho hoa mỹ, cho hay để bạn đọc còn học thêm. Tuy nhiên, tôi biết đâu là thế mạnh của mình, đâu là cách viết phù hợp với mình và tôi tin có một bộ phận người đọc thích lối viết như vậy.
Tôi từng luôn luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng càng làm nhiều công việc càng tiếp xúc với nhiều người, tôi mới biết được “cách nhanh nhất để thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người”. Nếu chia thế giới làm ba phần, sẽ có ⅓ người biết và thích mình, ⅓ người rất ghét mình và ⅓ người chẳng biết mình là ai.
Một ngày, tôi và bạn cũng chỉ có 24 giờ như nhau, tại sao phải cố gắng làm hài lòng những người không thích mình? Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể dành thời gian để mang thêm nhiều điều bổ ích hơn tới những người đã và đang ủng hộ mình.
Sau này khi bắt đầu tiếp xúc và làm việc với người lớn và các doanh nghiệp, tôi cũng có cố gắng thay đổi hình ảnh một chút cho phù hợp. Tôi bớt nhắng nhít đi, cách ăn mặc và cách nói chuyện tỏ ra “professional” (chuyên nghiệp) hơn để phục vụ mục đích công việc. Tuy nhiên dù có nói chuyện với đối tượng nào, về chủ đề gì, tôi vẫn giữ hai nguyên tắc trong nội dung bài nói (cũng như tất cả các bài viết của tôi), đó là: 1) nội dung có thể làm được (tức là nghe xong áp dụng được chứ không nghe suông) và 2) nội dung là câu chuyện thực tế của chính bản thân. Tôi không phải chuyên gia, nên mọi câu chuyện tôi chia sẻ nên xuất phát từ chính trải nghiệm của mình, có thật lòng thì bạn đọc mới muốn đọc, muốn xem và muốn nghe.
CHẤT LƯỢNG ĐI ĐẦU
Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nên bạn hãy cứ lo phần nội dung của bạn thật tốt, fan hâm mộ sẽ tự khắc tìm đến ngay. Đừng mới bắt đầu viết mà đã lo nghĩ xem làm cách nào để có nhiều người đọc, nhiều người theo dõi.
“HÀNG” THẬT THÌ MỚI NHIỀU NGƯỜI THÍCH
Bây giờ người tiêu dùng thông minh hơn rất nhiều. Trước khi mua một món đồ gì đó, người ta cân đo đong đếm, suy nghĩ kĩ hơn chứ không tin hoàn toàn vào quảng cáo như trước đây. Ví dụ trước khi
mua một quyển sách trên Tiki, tôi phải đọc review hoặc chụp ảnh đưa lên Facebook hỏi xem bạn bè có ai đọc chưa và phản hồi ra sao. Tương tự giống như khi mua một bộ quần áo qua Facebook hay mua đồ điện tử qua Lazada, mọi người thường sẽ lướt xem
phần comment và review trước, coi đó là một nguồn tham khảo trước khi quyết định có mua hay không. Vì sao lại thế? Vì chúng ta tin những review đó là người thật, việc thật, trải nghiệm thật nên
đáng tin hơn là những thông tin quảng cáo của nhà sản xuất. Đó cũng là lý do vì sao các đơn vị bán hàng gần đây cũng bắt đầu tự dùng các tài khoản ảo và tự viết review cho sản phẩm của mình, nhằm tăng độ tin cậy với khách hàng.
Người tiêu dùng bây giờ tin vào những giá trị thật. Nếu bạn bán một sản phẩm giả mạo hoặc có hành vi lừa đảo, chỉ vài phút sau bạn sẽ có cơ hội nổi như cồn trên mạng xã hội. Vậy nên, dù bạn đang muốn xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân như thế nào, hãy bắt đầu bằng sự thật trước.
Mỗi ngày tôi đều viết và chia sẻ một thứ gì đó. Có hôm tôi viết một bài blog thật dài chia sẻ về việc viết CV như thế nào, đi phỏng vấn thì cần chuẩn bị những gì. Có hôm khác tôi sẽ viết một status về những cuốn sách hay nên đọc, các tips làm sao để mỗi ngày làm việc hiệu quả hơn. Vậy có phải lời khuyên nào tôi đưa ra, tips nào tôi chia sẻ cũng có thể đúng và áp dụng cho tất cả mọi người không? Đương nhiên là không. Thi thoảng tôi còn bị bạn đọc email, nhắn tin xỉ vả bảo là tí tuổi mà đã lên mặt dạy đời. Tôi có quan tâm không? Không. Tất cả những gì tôi đang làm trên trang blog anhtuanle.com của mình cũng như trên Facebook cá nhân là tôi ra các ý kiến phân tích, các trải nghiệm của bản thân. Lúc nào trong bài viết hoặc trong các status tôi cũng ghi rõ là đây là ý kiến cá nhân, trải nghiệm cá nhân, không đúng hoàn toàn với tất cả mọi người, nên cần cân nhắc trước khi áp dụng theo. Tất cả những gì tôi viết, tôi nói đều là thật, là những trải nghiệm của bản thân tôi, không có gì giả tạo. Nếu bạn đang muốn xây dựng một thương hiệu cá nhân cho mình, dù là qua video, blog hay podcast, bạn cũng nên làm như vậy. Nếu bạn nói dối về những thứ thực sự mình không có hoặc không giỏi, tôi cam đoan là bạn sẽ bị phát hiện sớm thôi.
Ví dụ các bạn nữ bán mỹ phẩm trên Facebook bây giờ luôn cố gắng quảng cáo những cái hay cái tốt của loại mỹ phẩm đó. Chụp một bức ảnh thật lung linh trước và sau khi sử dụng sản phẩm hoặc nói về các tính năng hay ho của sản phẩm đó. Nói chung là cái gì hay ho thì khoe ra, cái gì xấu xa thì đậy lại. Vậy nếu bây giờ bạn thử một cách khác thì sao? Bạn tự quay một series vlog chia sẻ với người
xem những cảm nghĩ thực sự của bạn về sản phẩm mà bạn đang bán. Ví dụ như, “Mình đang có một thỏi son rất xấu và hiện nay nó đang ế chưa bán được cho ai cả, nếu phải chọn giữa thỏi son này
và một thỏi Dolce & Gabbana Monica Voluptuous hoặc một thỏi Rouge Louboutin Velvet Matte thì chắc chắn là phải chọn D&G hoặc Louboutin rồi. Thỏi này tuy kết cấu hơi xấu, nhưng bù lại thì chất lượng lại rất ổn, vừa lì lại vừa lâu trôi. Mình nhập vào định bán với giá 900K tuy nhiên do nó đang ế vì xấu quá nên mình quyết định bán rẻ còn 700K thôi, đi kèm một số quà tặng khác nữa. Vậy nên bạn nào hứng thú thì inbox mình luôn nhé.”
Ở trên tôi chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ về việc xây dựng thương hiệu cá nhân dựa trên những điều chân thật. Viết thì dễ chứ chắc làm thật sẽ khó hơn nhiều. Tuy nhiên tôi nghĩ đó cũng là một ý tưởng hay mà các bạn đang bán mỹ phẩm hoặc thời trang online có thể thử. Nói về “mặt trái” của sản phẩm thay vì lúc nào cũng nói về cái hay cái đẹp có thể là một chiến lược giúp bạn khác biệt với các cửa hàng khác. Có thể thời gian đầu sẽ hơi khó khăn, không có khách vì cách quảng cáo của bạn hơi lạ lùng. Nhưng thử tưởng tượng bạn cứ chăm chỉ quảng cáo, làm một series các bài review như vậy trong khoảng vài tháng, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu có chút tiếng tăm, được mọi người biết đến là người review có tâm và chân thực nhất. Dần dần bạn có thể bán được các sản phẩm của mình vì người mua sẽ tin rằng sản phẩm của bạn luôn là sản phẩm tốt, đúng chất lượng như bạn nói. Quan trọng nhất là tôi nghĩ bạn sẽ vui khi vừa được nói thật, lại vừa bán được hàng. Chẳng cần câu từ hoa mỹ để quảng cáo. Và quan trọng hơn nữa, bạn sẽ có một thương hiệu cá nhân vững chắc cho mình, rồi biết đâu thương hiệu đấy lại mang tới cho bạn nhiều cơ hội khác như viết sách, xuất hiện trên ti vi hoặc hợp tác với các hãng thời trang...
Thế nên bạn nào đọc đến đây mà thấy hay thì hãy bắt tay làm luôn đi nhé. Đừng chần chừ.
CÁC BLOGGER MỸ PHẨM
Có một số blogger khá thành công trong việc review các sản phẩm mỹ phẩm, tôi liệt kê ở đây để các chị em (cả các anh em) tìm và tham khảo cách các bạn ấy làm thương hiệu cá nhân:
Love at first shine - http://www.loveat1stshine.com/
Mailovesbeauty - http://www.mailovesbeauty.vn/
Khanh Ngoc Nguyen (Nàng Thơ) - fb.com/nang.tho.9 Changmakeup - changmakeup.com/blog
The Skincare Junkie - theskincarejunkie.wordpress.com
MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ MỘT KHẨU VỊ KHÁC NHAU
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân, đừng nghĩ xem bạn phải bắt chước hay làm thế nào cho giống tôi hay những người đi trước. Bạn nên cho bản thân một “khẩu vị” mà bạn thấy thích nhất. Vì “khẩu vị” của tôi cũng hơi khác người và biết đâu bạn không thích. Ví dụ đa số mọi người khi viết thường chọn câu từ rất cẩn thận, văn phong phải đi vào lòng người đọc. Tôi thì khác. Tôi thích kiểu nghĩ gì viết nấy, không câu nệ câu chữ. Tuy nhiên đó là lựa chọn của tôi. Tôi muốn các bạn đọc những gì mình viết một cách dễ hiểu nhất. Thương hiệu cá nhân của bạn cũng vậy. Nó nên đặc biệt và duy nhất, vì bạn cũng đặc biệt và duy nhất mà, có giống ai đâu! Bạn chẳng cần bắt chước để giống tôi, hay giống bất kỳ một anh chị nổi tiếng nào bạn hâm mộ. Khi bắt chước một ai đó, bạn có thể sẽ nổi tiếng nhanh, nhưng dần thương hiệu cá nhân của bạn sẽ trở nên nhạt nhoà và sớm bị lãng quên mà thôi.
Để trở thành blogger có hơn một triệu lượt view và có vài chục ngàn follower trên Facebook như bây giờ, tôi cũng phải mất thời gian để có một chiến lược phù hợp cho bản thân. Ví dụ, tôi không làm vlog mà chọn viết lách vì tôi thấy mình lên hình không ăn ảnh, cũng không được tự tin trước máy quay, nhưng lại rất tự tin khi viết. Tương tự, tôi chọn lập một trang blog riêng chứ không tập trung viết mọi thứ trên Facebook. Vì sau khi nghiên cứu, tôi thấy Facebook rất phù hợp để xây dựng cộng đồng cũng như chia sẻ cho nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nếu bạn muốn mọi thứ được lưu trữ lại thì nên có một website riêng. Ngoài ra, lập website cũng sẽ có nhiều cơ hội
thu hút quảng cáo về sau và kiếm tiền từ đó. Tôi có một trang fanpage tên là Career Blog – Anh Tuan Le hiện tại có khoảng hơn 35 nghìn lượt người thích. Mỗi ngày tôi đều có gắng viết từ một đến ba status chia sẻ trên fanpage này. Mọi status ở đây đều do tôi tự viết, mọi comment do tôi tự trả lời, mọi inbox cũng vậy. Tuy có hơi bận bịu và tốn thêm thời gian nhưng tôi thích làm như vậy để cảm thấy gần gũi hơn với bạn đọc, có cảm giác kết nối hơn với những người quan tâm hoặc cần mình giúp đỡ.
Có thể những người nổi tiếng hơn tôi rất nhiều sẽ chọn cách khác. Ví dụ như trên Instagram hoặc Twitter của các ca sĩ diễn viên nổi tiếng hoặc các thầy cô giáo giỏi ở các trung tâm tiếng Anh, trong 10 status đăng trên Facebook cá nhân thì thường chỉ có một – hai status là do chính họ đăng, còn lại đằng sau là có một đội ngũ marketing quyết định xem hôm nay đăng gì, viết như thế nào, làm thế nào để câu like. Tôi không phán xét vấn đề đó là đúng hay sai, vì mỗi người có một cách lựa chọn riêng. Cách của tôi tương tác tốt hơn với người đọc, nhưng nhược điểm là mất thời gian. Khi có đội ngũ riêng, bạn có cơ hội xây dựng thương hiệu cá nhân tới nhiều người hơn, cả trăm nghìn follower chứ không phải là chỉ vài chục nghìn nữa. Tuy nhiên, chi phí khá tốn kém, bạn cũng khó nắm bắt được sát sao tâm tư nguyện vọng của người đọc.
Trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi sẽ tập trung chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, đi từ con số 0 đến một blogger nhỏ, có một lượng follower nhất định, chưa cần dựa vào bất kỳ đội ngũ marketing hùng hậu nào.
BÀI TẬP SỐ 3: SỞ THÍCH CỦA BẠN LÀ GÌ?
Một số bạn không biết mình có sở thích gì đặc biệt, vậy tôi sẽ hướng dẫn ở đây một số phương pháp để tìm ra sở thích.
1. Hồi bé bạn thích làm gì?
Ngày bé, bạn từng thích viết, thích làm nghiên cứu khoa học hay thích chăm sóc cho người khác? Thử dành ra 5 – 10 phút, chọn một
nơi thật yên tĩnh, nghĩ và viết một số điều mình thích làm hồi bé ra giấy xem sao nhé!
2. Nếu không phải lo về tài chính, bạn sẽ làm gì?
Nếu có rất nhiều tiền, bạn sẽ làm gì? Đi du lịch? Dành thời gian với người yêu? Lập một tổ chức từ thiện? Đầu tư chứng khoán hay làm gì khác? Dĩ nhiên, tiền rất quan trọng, nhưng đừng để vấn đề tài chính làm hẹp đi các lựa chọn của bạn. Hãy thử hình dung và viết ra những gì bạn sẽ làm, rất có thể bạn sẽ nhận ra sở thích đặc biệt của mình.
3. Bạn bè đánh giá như thế nào về bạn?
Như đã hướng dẫn trong Bài tập số 1: Bạn là ai?, bạn có thể quay lại và thử làm theo các bước ở phần 2 nhỏ. Hoặc đơn giản hơn, hãy inbox cho bạn bè và hỏi trực tiếp “Theo mày thì tao hợp làm công việc gì?”, câu trả lời có thể sẽ khiến bạn vô cùng ngạc nhiên.
4. Đọc nội dung các khóa học ở trường đại học.
Bạn có thể vào website của một trường đại học bất kỳ và tìm đọc về các khóa học đang được giảng dạy. Khóa nào bạn thích? Khóa nào bạn nghĩ mình sẽ học giỏi? Khóa học nào bạn thấy chán ngắt?
Ví dụ bạn có thể bắt đầu từ trang này:
https://www.undergraduate.study.cam.ac.uk/courses 5. Tìm hiểu về “idol” của mình.
Nếu bạn có hâm mộ ai đó và thường xuyên theo dõi họ trên Facebook, hãy thử Google tên người đó, tìm mọi thông tin về cuộc sống, đời tư của họ. Từ bé họ học gì, lớn lên họ làm gì, và mình có thích những điều đó không?
6. Nghĩ về thứ bạn vừa thích và vừa giỏi.
Sau khi hoàn thành các bài tập trên, hãy nghĩ về những gì bạn đã được học (trên mạng hoặc ở trường). Viết ra những thứ mà bạn
thấy mình có khả năng làm được – ví dụ như thiết kế, nấu ăn, gấp giấy origami... Sau đó, thu hẹp danh sách này còn khoảng 3 – 4 thứ, và mình sẽ dùng ở các chương sau.
Phần 2“Lên đồ” 2
Thay vì hỏi bản thân ‘Mình đam mê công việc gì?’, hãy hỏi ‘Mình thích một công việc và lối sống như thế nào?’.
1Giỏi cần phải đi trước đam mê
Tôi có đọc được một bài viết rất hay của tác giả Cal Newport có tên là Cultivating Your Craft Before Your Passion, tôi tạm dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Giỏi cần phải đi trước đam mê.
Bây giờ lên mạng có rất nhiều bài viết nói về việc phải theo đuổi đam mê thì thành công mới theo đuổi bạn giống Bill Gates, Mark, Steve Jobs, v.v.. Ở hiệu sách và các khu sách kỹ năng cũng có một loạt các đầu sách như vậy. Vậy liệu có đúng là từ khi 20 – 21 tuổi đã phải tìm ra đam mê của mình và theo đuổi nó không? Nếu đang học đại học mà không tìm được đam mê của bản thân thì sẽ thất bại? Câu trả lời đương nhiên là không. Những người nghiên cứu về chủ đề đam mê đã tự đặt ra một câu hỏi là:
“Điều gì sẽ làm cho một người thích và yêu công việc mà họ đang làm?”
Và câu trả lời mà họ tìm được KHÔNG phải là đam mê, mà là hai vấn đề khác, đó là:
(1) Rất ít người có công việc hiện tại giống với đam mê hồi còn trẻ;
(2) Để hài lòng với công việc, bạn cần nhiều thứ hơn chứ không phải chỉ cần mỗi đam mê.
Trong bài viết tôi đọc, tác giả có kể về câu chuyện của một nhân vật tên là Bill McKibben và cách anh ta đã theo đuổi đam mê, sống với đam mê như thế nào để trở thành một nhà báo môi trường nổi tiếng như bây giờ. Tuy nhiên cá nhân tôi không thích việc đưa các dẫn chứng người nước ngoài lắm, vì đọc cũng hay nhưng không thân thuộc với hoàn cảnh ở Việt Nam. Tôi cũng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về những anh chị đi trước và cực kỳ thành công ở nước ta, nên tôi đưa ra câu chuyện thành công nho nhỏ của bản thân vậy.
Câu chuyện như thế này.
Anh Tuan Le hay còn gọi là Tuấn Anh (không phải Anh Tuấn như bà con hay nhầm) là một blogger và là một trong số vô vàn người đang hoạt động trong lĩnh vực hướng nghiệp/giáo dục. Tuấn Anh có một trang blog riêng tên là anhtuanle.com, viết về cách viết CV, cách đi phỏng vấn, định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra Tuấn Anh còn được mọi người biết đến qua website 8morning.com, là một website phi lợi nhuận về học hành và làm việc hiệu quả. Nếu ai có dịp làm việc và nói chuyện với Tuấn Anh thì sẽ thấy anh là một người rất đam mê với công việc hiện tại. Nhờ đâu mà anh có được đam mê mãnh liệt như vậy?
Câu chuyện bắt đầu từ khi Tuấn Anh còn là một sinh viên ngành Truyền thông của đại học RMIT. Trong thời gian học ở đây Tuấn Anh rất chăm chỉ tham gia các hoạt động ngoại khóa và có đi làm ở một số công ty và agency với các vị trí khác nhau như marketing, sales, v.v.. Nhờ làm ở nhiều nơi và nhiều vị trí khác nhau, Tuấn Anh nhận thấy là mình chẳng hợp với lĩnh vực truyền thông hào nhoáng cho lắm mà thích chia sẻ và giúp đỡ mọi người hơn. Thế nên, khi đến kì thực tập cuối khóa, thay vì chọn một công ty quảng cáo như các bạn khác cùng ngành, Tuấn Anh quyết định thử vào làm ở phòng Tư vấn hướng nghiệp của trường.
Tháng 5/2015, sau khi đọc được một cuốn sách rất hay tên là Crush It! của Gary Vaynerchuk, Tuấn Anh quyết định thử theo đuổi đam mê của bản thân là viết lách và giúp đỡ người khác, công cụ được chọn là một trang blog riêng. Và đến giờ, sau hơn một năm rưỡi trôi qua, Tuấn Anh vẫn chưa trở thành tác giả best-seller hay diễn giả thay đổi cuộc đời mấy triệu người, nhưng Tuấn Anh vẫn rất tự hào vì đã giúp đỡ và tác động đến một phần nhỏ các bạn trẻ trong lựa chọn công việc của họ. Quan trọng nhất là mọi người biết đến Tuấn Anh như một người làm về hướng nghiệp, giáo dục và sẵn sàng tìm đến Tuấn Anh khi gặp vấn đề ở các lĩnh vực trên.
Đây là tóm gọn cách tôi đã bắt đầu đam mê như thế nào, cũng giống như câu chuyện của nhà báo môi trườngBill McKibben được Cal Newport nhắc đến.
Từ câu chuyện này, Cal Newport đã rút ra hai bài học dành cho các bạn muốn bắt đầu xây dựng và tìm kiếm đam mê cho bản thân.
1) CÁI MÌNH NGHĨ QUAN TRỌNG HƠN VIỆC MÌNH LÀM
Tôi đã và đang theo đuổi đam mê với nghề viết. Tuy nhiên nếu không làm nghề viết nữa, tôi vẫn có vô số lựa chọn công việc khác phù hợp với đam mê của bản thân. Hai yếu tố để tôi lựa chọn một công việc là 1) Tôi có được tự do khi làm việc đó không? (tự do thời gian, tự do nơi làm việc, tự do quản lý dự án...) và 2) Tôi có đang giúp đỡ được ai khi làm việc đó không? Từ hai yếu tố này có thể thấy rằng, cứ công việc nào khiến tôi thấy tự do và khiến tôi cảm thấy đang giúp đỡ được cộng đồng, thì công việc đó sẽ khiến tôi đam mê, không nhất thiết phải là công việc như hiện tại. Thế nên, nếu trong vài năm tới bỗng nhiên tôi chán viết, tôi vẫn có thể theo đuổi một số công việc khác như giảng dạy hoặc hoạt động trong tổ chức phi chính phủ.
Đây cũng là điểm chung ở những người đang yêu quý công việc họ làm. Việc hài lòng và yêu quý công việc thực chất không đến từ việc bạn làm gì, mà đến từ yếu tố công việc đó có phù hợp với lối sống bạn lựa chọn hay không. Ví dụ có người thích được nổi tiếng, được nhiều người biết đến, có người lại thích được thoải mái và cống hiến là được. Vậy nên để kết luận lại, tác giả Cal Newport có nói: để xây dựng một lộ trình nghề nghiệp bền vững, thay vì hỏi bản thân “Mình đam mê công việc gì?” thì hãy hỏi “Mình thích một công việc và lối sống như thế nào?”.
2) KỸ NĂNG ĐI TRƯỚC ĐAM MÊ
Sự tự do trong công việc như hiện tại (tôi tự quyết định được thời gian và nơi làm việc cho bản thân) và việc có thể giúp ích cho cộng đồng qua công việc của mình, hai cái này tôi chỉ đạt được sau khi đã thực sự giỏi và được mọi người công nhận là giỏi ở một số lĩnh vực nhất định.
Đầu tiên là về việc viết. Tôi thích viết từ hồi cấp ba. Hồi đó tôi đã chăm chỉ hợp tác với một số báo thể thao như báo Bóng đá để viết
các bài review, bình luận, phân tích trận đấu. Tôi không được đánh giá là viết hay, nhưng mọi người lúc nào cũng nhìn nhận tôi là đứa “viết rất khoẻ” và có cách viết chân thực. Bên cạnh việc viết tôi cũng có hay vọc vạch về các nền tảng để làm website như forum, HTML, WordPress nên cũng có biết một chút về công nghệ. Tôi kết hợp việc viết và việc biết sử dụng, phát triển website và cho ra đời website anhtuanle.com của tôi như bây giờ. Việc viết và làm website, cũng giống như một số kỹ năng khác như sử dụng photoshop, lập trình... sẽ mang đến cho bạn cơ hội làm việc tự do tại nhà, kiểu như freelancer vậy.
Thứ hai là việc giúp đỡ cộng đồng. Ban đầu tôi cũng chỉ là một sinh viên mới ra trường, kiến thức không có nhiều để hướng dẫn người khác viết CV, đi phỏng vấn hay hướng nghiệp. Điểm duy nhất tôi trội hơn so với số đông các bạn sinh viên khác là tôi chịu khó đi làm nhiều chỗ, nên kinh nghiệm đậu và rớt cũng nhiều. Thế nên khoảng sáu tháng đầu tiên sau khi có blog, tôi chỉ dám nói đây là kinh nghiệm cá nhân của bản thân, chứ chưa dám dạy dỗ ai. Dần dần, để bổ sung kỹ năng và kiến thức, tôi chịu khó đăng ký một vài lớp học về CV và hướng nghiệp trên Udemy, tham gia nhiều các buổi talkshow về nghề nghiệp để nghe thêm biết thêm, từ đấy bắt đầu có nền tảng để giúp mọi người.
Nếu tôi chưa viết bao giờ, chưa làm CV bao giờ mà tự nhiên bảo mở một blog về chủ đề này thì chắc chắn là tôi sẽ không thành công.
Quay lại với đúc kết số 1. Đam mê công việc chỉ đến khi nó phù hợp với lối sống mà bạn mong muốn. Nhưng đời mà, đâu phải cứ muốn là được. Đâu phải tôi cứ muốn làm việc tự do thì công ty sẽ cho làm
việc tự do. Không, không bao giờ có! Nếu bạn muốn có cái gì đó cho riêng mình, bạn phải mang lại một thứ tương tự cho người ta. Và cái mà bạn cần mang lại chính là kỹ năng. Tôi đôi lúc vẫn đi làm ở công ty, nhưng không bị bó buộc lắm về thời gian, vì tôi mang lại cho công ty những kỹ năng tôi có (viết lách, truyền thông, quản lý sự kiện, v.v.).
Tóm lại, đừng chạy lung tung hỏi người này người kia với mục đích tìm ra đam mê công việc cho bản thân. Hãy bắt đầu tự xây dựng đam mê cho bản thân mình bằng hai bước:
1. Tự hỏi xem “Mình chọn cách sống như thế nào?”.
2. Dành thời gian trau chuốt để trở nên thật giỏi một kỹ năng nhất định.
Nếu bạn quyết định đọc cuốn sách này và muốn làm thương hiệu cá nhân giống như tôi, lời khuyên duy nhất tôi có là luôn thành thật và luôn là chính mình.
2Tố chất và kỹ năng
Có ba điều chẳng thể che giấu: mặt trời, mặt trăng và sự thật. – Buddha
LUÔN THÀNH THẬT
Mạng xã hội ở Việt Nam bây giờ khá tạp nham nên người dùng cũng kén chọn hơn trước khi quyết định đọc một nội dung nào đó. Lấy ví dụ về hai chủ đề tôi thích bây giờ là viết CV và marketing. Mỗi lần lên Facebook hoặc Google, tôi lại thấy hàng loạt trang báo hoặc các anh “chuyên gia” hướng dẫn cho các bạn trẻ cách viết CV như thế nào để gây ấn tượng hay cách làm marketing “0 đồng” mà vẫn thu về một tỷ chẳng hạn. Tôi không nói những hướng dẫn đó là sai. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có rất nhiều người không có đủ chuyên môn nhưng vẫn tự gọi mình là “chuyên gia” và đi hướng dẫn người khác. Có thể họ là giám đốc của một công ty, vì họ thành lập ra công ty đó, nhưng họ không hề có chuyên môn về HR (nguồn nhân lực), chưa được đào tạo về cách đọc CV, cách tuyển người, vậy làm sao tự nhận mình là chuyên gia tuyển dụng và đi khuyên nhủ lại người khác được? Hay có những bạn sau khi học một số khóa học marketing xong, không hề có kinh nghiệm thực tế, chưa vấp ngã bao giờ nhưng cũng tự nhận mình là “chuyên gia” để chia sẻ lại kiến thức marketing cho các bạn trẻ khác.
Ngoài những trường hợp trên, rất nhiều bài viết bây giờ chủ yếu là bài SEO, tức là bài được viết bởi những người không có chuyên môn, thậm chí chẳng biết gì về lĩnh vực họ đang viết, chỉ xào lại các bài có sẵn trên báo hoặc dịch lại từ nguồn nước ngoài. Mục đích của những bài viết này là để thêm các từ khóa liên quan đến công ty vào đó và giúp cho website của công ty lên top Google cao hơn, từ đó bán hàng tốt hơn. Ví dụ, nếu thử lên Google và tìm từ khóa “chống xuất tinh sớm”, bạn sẽ thấy rất nhiều website xuất hiện ngay đầu với nhiều bài viết hướng dẫn phương pháp này, phương pháp
kia. Liệu đó có phải là những chia sẻ từ một giáo sư trong ngành? Không hề. Đó có thể chỉ là bài viết của một bạn sinh viên ngồi sau màn hình máy tính, lượm lặt các tip trên mạng và viết thành một bài như thế. Chưa kể tính đúng sai ra sao, nhưng chắc chắn là không tin tưởng được 100% rồi.
Vậy nên nếu quyết định đọc cuốn sách này và muốn làm thương hiệu cá nhân giống như tôi, lời khuyên duy nhất tôi có đó là luôn thành thật và luôn là chính mình.
Ví dụ khi các bạn đọc bài của tôi trên blog anhtuanle.com sẽ thấy, ở mỗi bài viết tôi luôn nói về việc tôi không phải chuyên gia hướng nghiệp hay chuyên gia HR, tôi chỉ là một người từng thất bại nhiều, có cơ hội được học những kiến thức về hướng nghiệp, CV và mang đến chia sẻ lại với các bạn đọc. Việc thành thật như thế có thể làm tôi mất đi cơ hội tiếp cận những người ở độ tuổi 25 – 29, những người cần lời khuyên từ các chuyên gia được chứng nhận hơn là một người đi chia sẻ như tôi. Nhưng không sao cả. Tôi vẫn còn những bạn trẻ cấp ba, các bạn đang học đại học, các bạn từ 18 – 24 tuổi. Đó là những bạn vẫn còn trẻ, ít kinh nghiệm, các bạn vẫn muốn nghe kinh nghiệm từ những người đi trước như tôi. Và tôi cũng chọn cách chia sẻ lại với các bạn những kinh nghiệm vấp ngã của bản thân để các bạn không lặp lại những sai lầm đó.
ĐẦU TƯ VÀO NHỮNG THỨ CẦN THIẾT
Với cách làm thương hiệu cá nhân của tôi, tôi đã đầu tư vào một số thứ như thế này:
Tên miền: tôi bỏ khoảng 100$/năm để mua tên miền anhtuanle.com và dùng gói Premium trên Wordpress. Sách: tôi dành ra 500 nghìn đồng một tháng để mua những cuốn sách liên quan, đọc và bổ sung thêm kiến thức cũng như lấy ý tưởng.
Các công cụ: tôi dành khoảng 50$/năm để trả tiền cho các công cụ hẹn giờ mạng xã hội và một vài công cụ khác.
Tiền quảng cáo Facebook: đôi khi tôi bỏ ra một chút tiền quảng cáo Facebook để bài của tôi được nhiều người biết hơn.
Khi tôi nói về những thứ này, có nhiều bạn sẽ ái ngại ngay, vì biết lấy đâu ra tiền mà đầu tư nhiều như thế? Không sao, các bạn ạ, tôi cũng chỉ bắt đầu đầu tư những thứ như trên khi thương hiệu cá nhân đã tương đối ổn. Còn bạn, bạn vẫn có thể bắt đầu ngay từ số 0 như thế này:
Tên miền: lên Wordpress, Tumblr, Wix hoặc Weebly mua một tên miền miễn phí và bắt đầu viết bài trên đó. Tên miền miễn phí sẽ có đuôi ví dụ như là anhtuanle.wordpress.com hay anhtuanle.wix.com.
Sách: nếu chưa có tiền mua sách, bạn có thể đọc ở thư viện hoặc các trang miễn phí trên mạng. Một số trang hay ho bạn nên đọc là Quora, Medium và StumbleUpon. Hầu hết mọi chủ đề các bạn thích đều có trên các trang đó.
Các công cụ: nếu chưa cần lắm thì bạn chưa cần bỏ tiền ra mua công cụ. Hãy cứ làm nội dung thật tốt, chịu khó tự tay chia sẻ lại, tốn chút thời gian là xong. Ngoài ra các công cụ như MailChimp, Hootsuite hay Buffer hoàn toàn miễn phí nếu bạn dùng với số lượng ít.
MỌI NỖ LỰC ĐỀU SẼ CÓ THÀNH TỰU
Nếu bạn làm công việc mình thực sự thích và đam mê, cộng với việc học cách sử dụng các công cụ mạng xã hội sao cho tốt, đừng lo sẽ không kiếm được ra tiền – tôi cam đoan kiểu gì cũng có.
Nếu có tham vọng vừa vừa (ví dụ như tôi), bạn không nhất thiết phải ép bản thân trở thành số một trong lĩnh vực mình theo đuổi. Với tôi, phấn đấu để đứng trong top 10 người giỏi nhất ở một lĩnh vực đã là tốt rồi. Tuy nhiên, nếu bạn có tham vọng cao hơn, muốn trở thành “the best”, người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn theo đuổi, bạn vẫn có thể nỗ lực cố gắng trở thành “the best”.
Vậy có phải là cứ có đam mê, theo đuổi đam mê và biết tận dụng mạng xã hội thì sẽ trở thành người giỏi nhất? Chắc chắn là không rồi. Vậy yếu tố gì còn thiếu ở đây? Đó là sự chăm chỉ – tiếng Anh là “hard-working” đó. Nếu bạn có giỏi đến mấy, đam mê có hay ho đến đâu mà không làm việc chăm chỉ thì cũng trở thành công cốc.
Một số bạn thấy tôi làm việc tự do cứ nghĩ là tôi sướng lắm. Nhiều bạn có quan niệm sai lầm là làm việc tự do thì được thoải mái về thời gian, sáng muốn ngủ dậy mấy giờ thì dậy, chiều muốn đi về mấy giờ thì đi. Ngồi làm mệt thì ngủ hoặc rủ bạn bè đi café... Đúng là làm freelancer hoặc blogger như tôi thì bạn hoàn toàn có thể có cơ hội làm được những điều trên. Nhưng nếu bạn muốn trở thành một người giỏi, kiếm được ra tiền thì việc đầu tiên cần làm là phải biết kỉ luật bản thân trước. Tuy rằng bây giờ tôi đang làm việc cá nhân, nhưng cũng phải học cách tự quản lý bản thân. Hồi xưa đi làm cho các công ty thì có sếp để đốc thúc, giờ không có sếp nữa thì chính bản thân phải tự đốc thúc. Ví dụ sáng 6 giờ phải tự bắt mình dậy vệ sinh cá nhân, tập tành, ăn sáng; 8 giờ ngồi vào bàn làm việc (hoặc ra quán café làm việc). Mỗi ngày cũng phải cố gắng lên lịch đều đặn để làm việc ít nhất 8 tiếng/ngày.
Nếu bạn hay đọc các bài báo về những người nổi tiếng như Elon Musk, Mark Zuckerberg hay Evan Spiegel, bạn sẽ nhận thấy một điểm chung là những người giỏi đều làm việc rất chăm chỉ. Càng có nhiều thành tích, công ty càng lớn, họ càng làm việc chăm chỉ hơn chứ không phải hề lười đi. Đương nhiên làm việc chăm chỉ không có nghĩa là cày thâu đêm suốt sáng với công việc, họ vẫn có thời gian cho bản thân, cho gia đình. Làm việc chăm chỉ là phải biết cách để thúc đẩy bản thân mỗi ngày, biết phân bổ thời gian hợp lý để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất.
Tôi thấy nhiều bạn khi bắt đầu làm thương hiệu cá nhân có một nỗi lo chung là mình không đủ giỏi để cạnh tranh với những người đi trước. Bạn hiền à, có thể ở thời điểm hiện tại danh tiếng của bạn chưa bằng anh A, lượng follower của bạn chưa nhiều bằng chị B, nhưng có hai thứ mà nếu bạn thực sự đầu tư thì cũng chẳng thua kém ai cả, đó là: đam mê và sự chăm chỉ. Ví dụ hai năm trước khi bắt đầu phát triển bản thân ở lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp, tôi là con số 0. Không bằng cấp, không follower, không ai biết đến. Ở thời điểm đó đã có một vài người đi trước trong lĩnh vực này, có công ty riêng, nhiều người biết đến. Nhưng tôi kệ, so sánh với người ta làm gì, phải phấn đấu để vượt qua bản thân mình trước. Vì tôi thích lĩnh vực hướng nghiệp nên tôi chăm chỉ viết bài, chia sẻ các bài viết của
tôi trên các trang blog cá nhân, Facebook, ngoài ra tôi còn tham gia hướng dẫn cho các em học sinh ở các trường. Tôi thích những việc đó nên làm không thấy mệt. Và bây giờ, sau hai năm làm việc chăm
chỉ, tôi cũng đã có một chỗ đứng riêng cho bản thân. Nhiều người tìm đến tôi khi có vấn đề về CV, các trường đại học tìm đến tôi khi cần người hướng dẫn kỹ năng cho các em sinh viên. Vậy nên, đừng lo lắng, ngần ngại hay so sánh mình với người khác; hãy dành thời gian và sức lực đó phấn đấu để bản thân mình tốt hơn mỗi ngày.
Nếu bạn nghiêm túc muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân, hãy chấp nhận việc cắt bớt thời gian cho những thú vui như chơi game, đi bar hay những cuộc gặp bạn bè không cần thiết. Thay vào đó, dành thời gian cho những việc có ích hơn như đọc sách chuyên ngành để có thêm kiến thức, quan tâm chăm sóc những người mình yêu thương, gặp gỡ những người có thể hỗ trợ cho sự nghiệp của mình và làm việc. Nếu bạn đang có một công việc full time và làm thêm thương hiệu cá nhân ngoài giờ chắc sẽ đỡ áp lực hơn. Còn nếu bạn giống tôi, quyết định nghỉ việc hoàn toàn để xây dựng thương hiệu cá nhân thì bạn càng phải làm việc chăm chỉ. Để làm gì, đơn giản thôi, chăm mới có tiền mà ăn.
Một số bạn khi được tôi tư vấn làm thương hiệu cá nhân luôn muốn phải có kết quả ngay, giống như mì ăn liền. Ví dụ tôi bảo bạn viết blog, viết được vài ba bữa, bạn kêu chán và muốn bỏ. Lý do là viết mãi mà không có ai like, không có ai đọc, không có nhiều người quan tâm. Đấy là điều hết sức bình thường. Làm thương hiệu cá nhân cần thời gian, không nóng vội được. Ban đầu khi tôi viết blog cũng đâu có người đọc ngay. Mất một thời gian mới có một vài người đọc rồi tôi mới biết cần phải viết chủ đề gì, cần phải đăng vào giờ nào để có nhiều người đọc hơn. Tôi cũng làm sai rất nhiều lần mới có thể làm được những thứ đúng như hôm nay. Đây cũng là lý do và động lực giúp tôi viết cuốn sách này, vừa để truyền cảm hứng cho các bạn có động lực làm việc, vừa kể lại những cái gì tôi đã làm sai để các bạn tránh đi vào vết xe đổ đó.
KIÊN NHẪN
Dường như ai trong chúng ta cũng có tính “phàn nàn” trong máu. Ví dụ như “Tại sao mình cũng làm việc chăm chỉ mà không thành công được như người ta? Số trời đã định rồi”. Khi nghe thấy vậy, tôi thường hỏi lại xem người đó đã làm-việc-chăm-chỉ được bao lâu, và câu trả lời thường kiểu như là “Em viết một tuần được ba bài blog rồi mà chưa thấy phản hồi nhiều lắm?”. Trời ơi! Một tuần ấy hả? Nếu bạn bảo tôi là bạn đã chăm chỉ viết blog một năm rồi mà chưa có phản ứng tích cực lắm thì có thể xem xét. Chứ làm gì có ai nổi tiếng được trong một tuần? Dĩ nhiên là trừ các ca nổi tiếng hoặc tai tiếng hiếm hoi bất chợt xuất hiện trong showbiz và cộng đồng mạng (mà chắc chắn là sẽ không bền vững).
Trong cuốn sách này, tôi sẽ chỉ chia sẻ về việc theo đuổi một công việc yêu thích để kiếm ra tiền, chứ không hướng dẫn cách làm giàu chỉ sau một đêm.
Lấy ví dụ ở lĩnh vực của tôi, có rất nhiều người viết hay. Mỗi khi có cảm hứng có thể viết được một bài cực kỳ xuất thần, truyền lửa được cho nhiều bạn đọc. Nhưng kiên nhẫn mới là điều tạo ra sự khác biệt. Kiên nhẫn là cái giúp tôi được nhiều người biết đến, giúp tôi xây dựng một thương hiệu cá nhân như thời điểm bây giờ. Có thể bạn viết rất hay nhưng nếu bạn không kiên nhẫn viết mỗi ngày, chia sẻ với mọi người mỗi ngày thì cũng không ai biết và nhớ đến bạn lâu dài cả.
Tôi nhớ thời điểm tháng 5/2015 khi quyết định lập trang blog anhtuanle.com để chia sẻ các kinh nghiệm tìm việc và các tip làm việc hiệu quả của bản thân, trang blog của tôi lúc đó rất đìu hiu. Khoảng chục bài viết đầu tiên, mỗi bài chi được tầm 30 – 50 người vào xem, chủ yếu toàn là bạn bè trên Facebook. Nếu là người nhanh nản, tôi có thể quyết định dừng việc viết blog ngay lúc đó. Viết làm gì cho mệt khi mà dành ra cả mấy tiếng viết xong rồi chỉ có vài người vào xem? Đó là điều tôi rất hay gặp ở các bạn tập tành viết blog nửa chừng rồi quyết định bỏ ngang. Khác biệt ở đây là tôi không nản. Tôi cứ tiếp tục viết, tiếp tục chia sẻ các bài viết của tôi trên mạng xã hội. Đương nhiên không phải cứ cắm cúi viết và chia sẻ mà không có chiến lược cụ thể. Thông qua các bài đã viết, tôi bắt
đầu phân tích xem người đọc thích đọc về chủ đề gì, thích góc nhìn như thế nào, từ đó tập trung viết nhiều bài hơn về chủ đề đó. Qua các lần chia sẻ lại bài viết trên mạng xã hội, tôi cũng rút được kinh nghiệm là nên chia sẻ vào giờ nào thì sẽ có nhiều người xem, với chủ đề bài viết như vậy thì nên đưa lên Group nào trên Facebook sẽ được mọi người quan tâm nhiều hơn. Làm thế nào tôi có thể rút được kinh nghiệm như vậy? Đơn giản là cứ kiên nhẫn thử và thất bại. Tôi kiên nhẫn viết một bài mỗi ngày, dù hay hay không hay, cũng để xem bạn đọc thích đọc cái gì hơn. Tôi kiên nhẫn chia sẻ lên các trang, dù có thể không nhận được phản hồi tích cực, nhưng như vậy giúp tôi biết được cách để cải thiện. Nói chung, sau hơn hai năm làm blog, tôi thấy blog của mình nổi bật lên không phải 100% vì nội dung quá hay hay cao siêu gì, mà phần nhiều là nhờ việc tôi kiên nhẫn viết bài đều đặn.
Nhiều bạn bè hoặc các học viên của tôi cũng muốn làm thương hiệu cá nhân online. Nhưng đa phần đều nóng vội quá, nên cuối cùng chẳng đâu vào đâu. Một bạn giỏi viết văn nghĩ rằng mình cứ viết hay là đủ. Một bạn khác rất giỏi tiếng Anh giao tiếp cũng nghĩ rằng khả năng tiếng Anh tốt là được rồi. Chuyên môn tốt là một chuyện, nhưng nếu có chuyên môn mà thiếu đam mê, thì bạn mãi chỉ là một người giỏi trong mắt bạn bè thôi. Muốn được nhiều người công nhận, hay nói cách khác là muốn xây dựng một thương hiệu cá nhân hướng đến nhiều người, bạn cần có đam mê và sự kiên nhẫn.
Kiên nhẫn không chỉ cần thiết trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân mà còn là một đức tính rất quan trọng, đặc biệt với người trẻ chúng mình. Nói thật bây giờ khi online mà thấy một bạn nào đó 9x
quảng cáo rằng mình là “chuyên gia marketing”, “chuyên gia HR”, “chuyên gia bán hàng” là tôi hơi có ác cảm. Tính đến nay tôi đã làm trong lĩnh vực hướng nghiệp được gần hai năm, kiến thức về kỹ năng viết CV tôi tự tin là không thua kém ai ở Việt Nam, nhưng chưa bao giờ tôi dám tự nhận mình là chuyên gia khi đi dạy hay làm quảng cáo cả. Tôi chỉ luôn nói rằng tôi là một người đi trước, may mắn được học hỏi những kiến thức này và bây giờ muốn chia sẻ lại cho các bạn bằng kinh nghiệm cá nhân, khi các bạn đọc và học từ tôi, hãy biết chắt lọc và chọn ra những gì phù hợp nhất cho mình.
Nói đến chuyện học hỏi kiến thức để làm thương hiệu cá nhân, để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện về bản thân mình. Khoảng tháng 5/2015, khi chuẩn bị kết thúc chương trình thực tập tại phòng Tư vấn hướng nghiệp, Đại học RMIT, tôi quyết định thử xây dựng thương hiệu cá nhân trong việc hướng nghiệp. Việc đầu tiên tôi thấy mình có thể làm đó là tư vấn và hướng dẫn cho các bạn trẻ cách viết CV như thế nào để đi tìm việc cho hiệu quả. Có hai vấn đề nảy ra khi tôi có ý tưởng này:
1) Kiến thức và kinh nghiệm của bản thân còn hạn hẹp, tôi sợ khi nói hoặc khi chia sẻ các bạn đọc sẽ không tin tưởng.
2) Việc chia sẻ về cách viết CV, hướng nghiệp lúc đó là sở thích tạm thời, tôi chưa biết rõ có phải là đam mê của mình không.
Để giải quyết hai vấn đề trên tôi quyết định đi học. Tôi dành thời gian tìm hiểu tất tần tật về CV tại Việt Nam; lên Google, tìm các từ khóa như “write resumé”, “cách viết CV” và đọc tất cả các bài từ trang 1 đến trang 10 về chủ đề này; lên Udemy, FutureLearn mua các lớp dạy viết CV do các chuyên gia từ các trường đại học nước ngoài để có được kiến thức chính xác nhất; dành thời gian tham gia tất cả các buổi hội thảo có thể, nơi có sự xuất hiện của các anh chị làm tuyển dụng, HR để hỏi về kinh nghiệm đọc CV của họ... Nhờ kiên nhẫn tìm tòi và học hỏi, tôi rất tự tin vào kiến thức hiện tại của bản thân. Tôi có một kiến thức nền tảng rất tốt nhờ học từ các nguồn nước ngoài, bên cạnh đó tôi vẫn có kiến thức thực tế về thị trường lao động tại Việt Nam.
Giờ đã là hơn hai năm kể từ ngày tôi quyết định theo đuổi lĩnh vực hướng nghiệp. Thời điểm đó, cũng có một vài bạn giống tôi theo đuổi mảng này, nhưng rồi cũng bỏ cuộc hết. Vậy sao tôi vẫn còn ở đây? Đơn giản là với công việc này, tôi luôn có 100% đam mê bất tận dành cho nó. Tôi luôn yêu công việc của bản thân. Từ trong sâu thẳm thâm tâm, lúc nào tôi cũng tin tưởng mình sẽ thành công với công việc mà tôi đang làm. Kể cả có thể vì một lý do nào đó công việc của tôi thất bại, tôi cũng không hối tiếc vì mình đã bỏ ra 100% công sức tập trung cho nó.
Bây giờ bạn đã hiểu vì sao khi làm thương hiệu cá nhân, để thành công, đam mê phải là cái đi đầu rồi chứ? Nếu bạn làm thương hiệu cá nhân mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, chẳng mấy chốc bạn sẽ bỏ cuộc. Ví dụ như giáo dục là một lĩnh vực rất tiềm năng vì có nhiều khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, để làm gì đó kiếm được tiền từ các bạn học sinh, sinh viên là rất khó. Vậy nên, nhiều người hăm hở làm start-up, mở doanh nghiệp về giáo dục, nhưng vì mục tiêu là kiếm tiền chứ không phải đam mê, nên sau thời gian vài tháng chật vật, họ đành bỏ cuộc. Nếu bạn không có đam mê trong việc mình làm, chẳng mấy mà bạn sẽ mệt, sẽ chán, sẽ tự nghĩ ra rất nhiều lý do để bỏ cuộc. Khi bắt tay làm thương hiệu cá nhân dựa trên đam mê của bản thân, hãy xem đó như một cuộc chạy marathon đường dài, cần rất nhiều sự kiên trì và sức bền, đừng mong chạy nhanh như cuộc thi 100 mét. Trên đường marathon đó, có lúc bạn sẽ mệt, có lúc bạn sẽ nản, nhưng vì bạn có đam mê, chắc chắn bạn sẽ vẫn tiếp tục chạy đến đích mà thôi.
Sau khi đã có trong tay chủ đề muốn phát triển, việc tiếp theo bạn cần làm là chọn một công cụ, hình thức, nền tảng (platform) phù hợp để truyền tải đam mê của mình tới người quan tâm.
3Chọn mạng xã hội nào thì phù hợp?
Hãy để mọi người xung quanh quý mến bạn, họ sẽ lắng nghe bạn. Để mọi người tin tưởng bạn, họ sẽ giao dịch với bạn.
– Zig Ziglar
Hy vọng bạn đã đọc và hiểu được phần nào các chương trước. Đến chương này, tôi mong bạn đã chọn được cho bản thân một sở thích, một đam mê hoặc một chủ đề mà bạn muốn xây dựng thương hiệu
cá nhân quanh đó. Giống như tôi xây dựng thương hiệu cá nhân của mình với chủ đề xin việc vậy. Cứ nhắc đến tìm việc là nhớ đến ông Tuấn Anh hoặc nhớ đến blog anhtuanle.com.
Vậy chủ đề bạn muốn phát triển thương hiệu cá nhân là gì, ghi ra ô dưới đây nhé!
3
VÌ SAO NÊN CHỌN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ LÀM THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN?
Việt Nam tuy là một nước đang phát triển, nhưng rất may mắn chúng ta vẫn có cơ hội được tiếp cận đầy đủ với nguồn tri thức bao la của nhân loại. Bạn vẫn vào được Facebook, YouTube và nhiều website bạn muốn. Mỗi ngày, có hàng triệu người truy cập Facebook, một phần nhỏ hơn vào các trang như LinkedIn hoặc viết các câu chuyện tình yêu trên Tumblr, tìm ảnh trên Pinterest, theo dõi người nổi tiếng trên Twitter. Chưa kể, Việt Nam còn có cộng đồng Zalo rất đông thành viên nữa. Chính mỗi người chúng ta cũng đang mua hàng trên mạng nhiều hơn. Bạn có thể mua hàng ở một shop trực tuyến trên Facebook, đặt mua một cuốn sách từ Amazon hoặc Tiki hoặc mua các đồ khác từ những trang thương mại điện tử như Adayroi, Lazada. Ngày xưa các doanh nghiệp quảng cáo tập trung
chủ yếu vào báo, tạp chí, bảng biển ngoài đường, ti vi,... Bây giờ, ngày càng nhiều quảng cáo trên Facebook, Google, thông qua các viral video (video có tính lan tỏa cao) trên YouTube hay các status của những người nổi tiếng.
Các công ty quảng cáo và các công ty cần chi tiền quảng cáo để sản phẩm của họ bán được nhiều hơn. Vậy tại sao không khiến họ chi khoản tiền đó cho bạn nhỉ? Bằng việc tự mình xây dựng một thương hiệu cá nhân, bạn vừa giúp ích cho bản thân, vừa có thể sẽ giúp ích cho công ty bạn đang làm. Thay vì phải tự phát triển một trang blog và thuê người viết hàng trăm bài, phải tốn vài tháng hoặc lâu hơn để trang đó có nhiều người quan tâm, họ có thể đơn giản bỏ tiền ra và thuê luôn blog của bạn làm đại diện cho nhãn hàng của mình hoặc thuê bạn viết một bài quảng cáo cho họ trên blog của bạn. Hợp lý không?
Sau khi đã có trong tay một chủ đề mà bạn muốn phát triển, việc tiếp theo bạn cần làm là chọn cho bản thân một công cụ, hình thức, platform phù hợp để truyền tải đam mê của bạn tới người quan tâm. Để làm thương hiệu cá nhân online (chủ đề chính của quyển sách này), hiện tại có ba hình thức bạn có thể chọn (hoặc làm cả ba luôn nếu muốn): video, audio hoặc viết.
Hiện nay nếu tìm trên Google từ khóa “hướng dẫn dùng...” (có thể là YouTube hoặc Wordpress hoặc bất kỳ nền tảng nào bạn thích), bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài hướng dẫn rất chi tiết và đầy đủ bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Vậy nên để không tốn thời gian cũng như dung lượng của cuốn sách, trong chương này tôi sẽ không đề cập hay hướng dẫn nhiều đến việc sử dụng các công cụ. Thay vào đó tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số công cụ phù hợp nhất để sử dụng ở thời điểm hiện tại tại Việt Nam. Tôi muốn các bạn hiểu rõ về bản chất để có thể chọn ra công cụ phù hợp nhất và đầu tư thời gian, công sức phát triển thương hiệu cá nhân từ đó.
Việc chọn công cụ nào để truyền tải thông điệp, đam mê tới người khác phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Ví dụ với tôi, tôi thích nhất là dùng blog và viết lách. Việc viết lách khiến tôi thấy tự tin hơn việc xuất hiện trực tiếp hoặc trên video. Việc ẩn mình sau con chữ
cũng khiến tôi thấy tự tin diễn giải những thứ tôi muốn truyền đạt hơn là thu hình. Ngoài ra, tôi cũng rất hay đọc nên từ việc đọc truyền tải sang việc viết tôi thấy dễ dàng hơn. Viết là hình thức tôi thấy dễ làm nhất, có thể áp dụng cho bất kỳ đam mê, sở thích hay chủ đề nào. Ví dụ bạn thích làm sale, bạn có thể viết một loạt bài về các kỹ thuật sale hiệu quả, các câu chuyện đi sale của cá nhân. Nếu bạn thích kế toán, bạn có thể viết về cuộc sống của một kế toán như thế nào, những câu chuyện bi hài mà kế toán thường gặp, làm thế nào để trở thành kế toán giỏi, làm thế nào để tìm được việc kế toán hay, trên thị trường việc làm hiện nay có những loại công việc gì liên quan đến kế toán...
Bạn nhớ ở chương trước tôi nói gì chứ? Cứ viết về cái gì bạn thực sự thích, thực sự hiểu về nó, kể một câu chuyện về chủ đề đó, đảm bảo các bài viết của bạn sẽ dần có khán giả đón đọc ngay.
Để lấy một ví dụ hay ho về việc viết, các bạn có thể thử tìm cuốn Lên xuống dòng đời (Diary Of A Taxi Driver: True Stories From Singapore›s Most Educated Cabdriver). Cuốn sách kể về câu chuyện của tác giả Cai Mingjie, một tiến sĩ ở Singapore vì cắt giảm biên chế mà mất việc, đành phải đi lái taxi kiếm sống. Thay vì chỉ giống người lái taxi thông thường, tác giả mở một blog cá nhân và chia sẻ về câu chuyện lái taxi mỗi ngày. Hôm nay gặp khách như thế này, gặp trường hợp khó tính ra sao, bị quỵt tiền như thế nào,... Blog được các bạn trẻ Singapore đón nhận rất nhiệt tình và đã đạt được hơn một triệu lượt xem chỉ sau vài tháng.
Tuy nhiên, như tôi đã nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách, những gì tôi chia sẻ, viết ra chỉ mang tính chất tham khảo. Với bạn, hãy chọn lựa một công cụ phù hợp nhất, công cụ nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất để thực hiện.
Ví dụ, Giang – co-founder 8morning.com và là bạn thân của tôi – là một đứa “mặt rất dày”. Nó rất lười viết nhưng có thể chém gió cả ngày không chán và không ngại đứng trước camera. Thế nên nếu nó muốn phát triển thương hiệu cá nhân thì vlog có lẽ là hình thức phù hợp hơn (có thể bạn cũng vậy).
Hoặc nếu bạn bè người thân thường khen bạn có một giọng nói rất hay, bạn cũng chỉ thích giọng nói của mình thôi chứ không thích trưng mặt mình ra với thiên hạ thì có thể bạn sẽ thích hình thức phát triển thương hiệu cá nhân bằng podcast hoặc qua các kênh audio. Ví dụ một đồng nghiệp cũ của tôi là bạn Hạnh My, rất thích đi phượt và có giọng đọc rất hay. Thế là bạn tự lập ra một kênh tên là Phượt Radio (fb.com/phuotradio) kể lại những câu chuyện trên cung đường phượt của mình. Phượt Radio giờ đã có hơn 14 nghìn like trên Facebook và Hạnh My nhờ phát triển thương hiệu rất chăm chỉ và bài bản mà ngoài kênh radio đó cũng đã viết thêm được hai cuốn sách về chủ đề du lịch. Quá giỏi. Tuy đi làm ngày nào cũng gặp nhau nghe giọng nhau suốt mà lúc nghe radio phượt của My tôi vẫn phải bất ngờ vì giọng khác và hay thế. Mê mẩn luôn.
Vậy đó, nếu bạn cũng chỉ thích nói thôi chứ không thích viết hay lên hình, bạn có làm một cái radio về chủ đề bạn thích, ví dụ như chụp ảnh, cà phê hay trượt patin, đọc truyện tranh Nhật Bản... Còn nếu bạn giống tôi, lên hình mặt cứng đờ, giọng cũng chẳng hay ho gì cho lắm nhưng lại viết tạm ổn, thì blog là hình thức tuyệt vời nhất rồi. Hiện giờ có rất nhiều người kiếm tiền từ việc viết blog mỗi ngày, bạn cũng có thể gia nhập đội ngũ này.
Viết blog có một số lợi thế rất hay. Ví dụ đầu tiên là bạn có thể tăng khả năng nhận diện và được tìm thấy trên Google nhanh hơn. Ví dụ bây giờ bạn thử gõ Anh Tuan Le thì sẽ thấy tôi xuất hiện ở ngay top
đầu trên Google. Các bạn cũng cần phân biệt một blog và một website nhé. Website thì phức tạp hơn blog vì liên quan đến máy chủ (hosting) rồi tên miền (domain), đôi khi phải biết chút lập trình (coding). Còn blog thì dễ lắm, ai cũng có thể làm được. Chỉ cần lên các trang có nền tảng sẵn như Wordpress, Wix, Weebly và làm theo hướng dẫn, năm phút sau là bạn sẽ có ngay cho bản thân một trang blog đẹp và dễ nhìn. Ví dụ như trang của bạn Thảo Tiên này làm trong vòng năm phút: thaotienphan.wordpress.com.
Còn ví dụ bây giờ bạn đang bán hàng online hoặc đã có một website bán hàng hoặc website sản phẩm riêng, bạn có thể làm thêm một mục blog trên website đó. Nếu để ý website của các công
"""