"Điều Ý Nghĩa Nhất Trong Từng Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Gary Keller & Jay Papasan full mobi pdf epub azw3 [Self Help] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Điều Ý Nghĩa Nhất Trong Từng Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Gary Keller & Jay Papasan full mobi pdf epub azw3 [Self Help] Ebooks Nhóm Zalo THE ONE THING Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời Nguyên tác: THE ONE THING The Surprisingly Simple Truth Behind Extraordinary Results Tác giả: Gary Keller & Jay Papasan Giới thiệu Trong cuộc sống, có quá nhiều thứ bạn muốn: công việc, gánh nặng,… bạn muốn ít đi, và ngược lại: những điều tốt đẹp, thời gian hưởng thụ, thư giãn,… bạn lại muốn nhiều lên. Vậy làm sao để những cái “muốn” của bạn trở thành hiện thực? Cuốn sách The one thing – Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời mà Alpha Books mới xuất bản sẽ giúp độc giả có thể có cả hai thứ, ít và nhiều. Bạn muốn ít. Bạn muốn ít sự sao nhãng. Bạn muốn ít sự lựa chọn. Hàng ngày, bạn phải trả lời cả đống email, tin nhắn qua điện thoại, tin nhắn trên internet khiến bạn sao nhãng và ức chế tâm lý nặng nề. Bạn luôn phải đáp ứng cùng lúc ít nhất hai vai trò. Khi đi làm, bạn phải là một nhân viên tốt, hoàn thành xuất sắc công việc, đồng thời khi tan sở về nhà, bạn phải trở thành người chồng/vợ, người cha/mẹ, người con tốt, hoàn thành nghĩa vụ với gia đình mình. Cái giá bạn phải trả là gì? Chất lượng công việc đi xuống, trễ deadline, lương thấp, không thăng tiến và ức chế nặng. Bạn muốn nhiều. Bạn muốn tăng năng suất công việc của mình. Bạn muốn tăng thu nhập. Bạn muốn sống thoải mái hơn. Bạn muốn thỏa mãn hơn. Bạn muốn có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Trong The one thing – Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời, bạn sẽ học: Sống có trách nhiệm Thanh lọc phiền nhiễu Chống lại sự cám dỗ Đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn Xây dựng động lực hướng tới mục tiêu của bạn Phục hồi năng lượng Biến những gì quan trọng đối với bạn trở thành thói quen Cuốn sách này đem lại những kết quả kinh ngạc trong mọi lĩnh vực của đời sống, công việc, cá nhân, gia đình, và tinh thần của mỗi người. Thông tin tác giả Gary Keller là đồng sáng lập và chủ tịch Hội đồng Quản trị của Keller Williams Realty International, công ty kinh doanh nhượng quyền bất động sản lớn nhất nước Mỹ. Là Doanh nhân của Năm của Earnst & Young. Ông đã từng xuất bản 3 quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, Gary đã giúp vô số người nhận ra kết quả phi thường của việc chỉ tập trung vào Sứ mệnh của họ. Jay Papasan là phó giám đốc xuất bản và tổng biên tập của Keller Williams Realty. Ông còn là đồng tác giả với Gary Keller trong nhiều cuốn sách bán chạy khác. TẠO RA CÚ HÍCH CHO QUÂN DOMINO CHỦ CHỐT Trong thời đại ngày nay, cuộc sống diễn ra với tốc độ chóng mặt và luôn đòi hỏi bạn phải cùng lúc đảm trách nhiều vai trò, công việc và nhiệm vụ. Khi đi làm, bạn phải là một nhân viên tốt, hoàn thành xuất sắc công việc, đồng thời khi tan sở về nhà, bạn phải trở thành người chồng/vợ, người cha/mẹ, người con tốt, hoàn thành nghĩa vụ với gia đình mình. Mỗi người đều được sở hữu một lượng thời gian trong ngày như nhau, tuy nhiên, có những người tận dụng nó để hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ mà vẫn đủ thời gian dành cho gia đình, bạn bè và cho bản thân. Trong khi đó, nhiều người lại bị nhấn chìm trong đống công việc ngổn ngang và thậm chí không còn một giây phút nào cho chính mình cũng như cho người thân. Vậy sự khác nhau giữa hai dạng người này là gì? Cuộc sống như một cơn lốc, nếu biết khéo léo lèo lái, nó sẽ đưa chúng ta đi xa hơn, nhưng ngược lại, nếu lúng túng, do dự thì bạn sẽ nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy và mãi không tài nào thoát ra được. Đừng để mình bị choáng ngợp bởi hàng núi công việc hàng ngày, thậm chí là của hàng tháng hay hàng năm. Hãy bình tĩnh, suy xét và tìm ra điều quan trọng hơn tất thảy mọi điều khác, phân chia thời gian ưu tiên dành cho nó, làm tốt nó và bạn sẽ thấy mọi điều còn lại sẽ được hoàn thành một cách trôi chảy, nhanh chóng. Điều này sẽ tương tự như bạn dàn dựng một hiệu ứng domino mà mấu chốt quan trọng nhất chính là quân domino đầu tiên. Hãy tìm ra điều quan trọng nhất cần phải thực hiện, đặt nó vào quân domino dẫn đầu và công việc đơn giản mà bạn cần phải làm chỉ là tạo một cú hích cho nó và tận hưởng thành quả từ hiệu ứng domino. Cuốn sách này dành cho những ai muốn có ít sự sao nhãng, giảm bớt việc lựa chọn nhưng muốn tăng năng suất công việc của mình và tăng thu nhập. Những người muốn sống thoải mái hơn, thỏa mãn hơn, muốn có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. The One Thing giúp bạn học được cách nhìn xuyên qua được sự hỗn độn nhiễu loạn để đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn, tạo ra đòn bẩy đưa bạn đến mục tiêu, giảm và chế ngự sự ức chế tâm lý, đem lại nguồn năng lượng cho bản thân, tiếp tục đi đúng hướng và làm chủ những điều thực sự quan trọng với bạn. Cuộc sống là của bạn chứ không phải bạn sống cho cuộc sống. Nó nằm trong tầm tay bạn, hãy chủ động điều khiển nó và làm chủ nó một cách khéo léo, thông qua việc cân bằng cuộc sống, sống có mục đích, có ưu tiên và nhiều bí quyết khác nữa sẽ được trình bày trong cuốn sách này. Alpha Books trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách này! Tháng 11 năm 2013 CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA 1. ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT Vào ngày 7 tháng 6 năm 1991, trái đất dường như chao đảo trong 112 phút. Thực tế, đây chỉ là một hình ảnh mang tính ẩn dụ. Tôi đang xem bộ phim hài khá nổi, City Slickers (tạm dịch: Dân thành thị), cả khán phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay và những tràng cười không ngớt. Được biết đến như một trong những bộ phim hài hay nhất mọi thời đại, City Slickers đã mang đến cho khán giả những giây phút sảng khoái đầy sâu cay và ý nghĩa. Trong một cảnh đáng nhớ, Curly, chàng cao bồi gan góc, vai diễn cuối cùng của Jack Palance quá cố, và Mitch, “chàng cao bồi” thành thị, do Billy Crystal thủ vai, đã tách nhóm để đi tìm đàn gia súc bị lạc. Dù luôn bất đồng trong suốt bộ phim, nhưng cuối cùng khi cưỡi ngựa song hành bên nhau, họ đã cùng tâm sự câu chuyện về cuộc đời. Đột nhiên, Curly ghìm cương ngựa rồi quay sang Mitch: Curly: Cậu có biết bí mật của cuộc sống này là gì không? Mitch: Không, gì thế? Curly: Đây! (Anh ta giơ ngón trỏ lên.) Mitch: Ngón tay anh? Curly: Không. Điều quan trọng nhất. Chỉ điều quan trọng nhất. Cậu dốc toàn lực vào nó và mọi thứ khác chẳng là cái quái gì hết. Mitch: Thật tuyệt! Thế nhưng “điều quan trọng nhất” đó là gì mới được chứ? Curly: Đó là điều cậu phải tự tìm ra, anh bạn của tôi ạ! Câu nói của một nhân vật hư cấu đã chạm đến trái tim chúng tôi mang theo bí mật về thành công. Dù các tác giả biết rõ hay chỉ vô tình, nhưng những gì họ đã viết ra hoàn toàn đúng đắn. “Điều quan trọng nhất” là cách tiếp cận tốt nhất để có được những gì bạn muốn. Tôi đã không hiểu được điều đó cho đến mãi sau này. Trước đó, tôi đã từng thành công, nhưng chỉ đến khi vấp phải khó khăn, tôi mới bắt đầu móc nối các kết quả với cách thức thực hiện. Tôi đã gây dựng một công ty thành công cả trong và ngoài nước trong chưa đến 10 năm, nhưng mọi việc đột ngột diễn ra không theo dự tính. Dù nỗ lực và cống hiến hết mình, nhưng cuộc sống của tôi vẫn hỗn loạn và tôi có cảm giác mọi thứ xung quanh đang dần sụp đổ. Tôi trượt dài. Cho đi Đến bước đường cùng, tôi hoảng hốt tìm kiếm sự giúp đỡ và tìm thấy nó từ một vị huấn luyện viên. Tôi kể với ông sơ qua về tình hình của mình, về những thách thức mà tôi phải đối mặt cả trong công việc lẫn cuộc sống. Chúng tôi cùng nhau xem lại các mục tiêu, định hướng tương lai; và sau khi đã nắm rõ các vấn đề, ông bắt đầu đi tìm câu trả lời. Ông nghiên cứu rất kỹ lưỡng và khi gặp lại nhau, ông đã có trong tay bản sơ đồ tổ chức của công ty tôi – cho thấy cái nhìn rất tổng quan về công ty – và treo nó ngay ngắn trên tường. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi mở đầu bằng một câu hỏi rất đơn giản: “Anh biết mình cần những gì để xoay chuyển tình thế chứ?” Tôi mông lung không tìm ra được lời đáp. Ông cho hay chỉ có duy nhất một điều tôi cần phải làm. Ông chỉ ra 14 vị trí cần những gương mặt mới, và tin rằng với việc chọn lựa đúng người vào các vị trí quan trọng, công ty, công việc và cuộc sống của tôi sẽ thay đổi triệt để theo hướng tích cực. Tôi vô cùng ngỡ ngàng và cho ông hay rằng tôi cứ nghĩ mình sẽ cần thay đổi nhiều hơn thế. Ông nói, “Không, Jesus cần 12, nhưng anh sẽ cần tới 14”. Đó là khoảnh khắc của sự thay đổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ một chút thay đổi đó lại có thể mang lại hiệu quả to lớn đến vậy. Rõ ràng, tôi nghĩ mình đã đủ tập trung, nhưng thực tế không phải vậy. Việc tìm kiếm 14 vị trí cần thay đổi thực chất là điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm. Vì vậy, nhờ cuộc gặp gỡ này, tôi đã đưa ra một quyết định quan trọng. Tôi tự sa thải mình. Tôi rời vị trí CEO và coi việc tìm kiếm 14 người này là nhiệm vụ của riêng tôi. Lúc này, cục diện thực sự thay đổi. Trong 3 năm, chúng tôi bắt đầu thời kỳ tăng trưởng bền vững, với tỷ lệ trung bình 40% mỗi năm liên tiếp trong gần một thập kỷ. Từ một công ty khu vực, chúng tôi đã phát triển trở thành một đối thủ mang tầm quốc tế. Chúng tôi đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng và không bao giờ ngoái nhìn lại quá khứ. Thành công nối tiếp thành công hẳn phải có nguyên do. Cũng từ đó, ngôn ngữ “điều quan trọng nhất” xuất hiện. Sau khi tìm ra 14 vị trí, tôi bắt đầu trao đổi trực tiếp với từng thành viên đứng đầu để tạo dựng sự nghiệp và công việc kinh doanh của họ. Theo thói quen, tôi sẽ kết thúc buổi thảo luận huấn luyện bằng một bản tóm tắt những điều họ đồng ý thực hiện trước khi chuyển sang phần tiếp theo. Thật đáng tiếc, tuy mọi người đều hoàn thành được phần lớn cam kết, nhưng đó lại không phải là những gì quan trọng nhất. Kết quả thảm hại kéo theo sự thất vọng gia tăng. Vì vậy, để giúp họ thành công, tôi rút gọn lại danh sách của mình: Nếu các anh có thể hoàn thành chỉ 3 điều trong tuần này… Nếu các anh có thể làm được chỉ 2 điều trong tuần này… Tôi đi từng bước nhỏ nhất và tự hỏi: “Điều quan trọng nhất các anh có thể làm trong tuần này giúp việc thực hiện mọi hoạt động khác sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc thậm chí không cần thiết nữa là gì?” Và điều tuyệt vời nhất đã xảy ra. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Sau những trải nghiệm này, tôi nhìn lại cả những thành công và thất bại của mình để rồi phát hiện ra một hình mẫu thú vị. Tôi đạt được thành công lớn ở đâu, tôi tập trung vào điều quan trọng nhất ở đó, và sự tập trung được dàn mỏng thì thành công của tôi cũng vậy. Đi từng bước nhỏ Mỗi ngày đều chỉ có 24 giờ, vậy tại sao có người lại làm được nhiều việc hơn những người khác? Họ làm nhiều hơn, thành công hơn, kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách nào? Nếu thời gian là thứ để mua thành công, tại sao một số người lại biết “chi tiêu” hơn những người khác? Đó là bởi họ đã biến việc tiếp cận được trọng tâm của mọi vấn đề trở thành cốt lõi của phương thức thực hiện. Họ đi từng bước nhỏ. Khi muốn có cơ hội tốt nhất để thành công trong mọi việc bạn muốn, cách tiếp cận của bạn phải nhất quán – Đó là đi từng bước nhỏ. “Đi từng bước nhỏ” đồng nghĩa với việc bỏ qua mọi thứ bạn có thể làm và làm những điều bạn nên làm. Bạn nên nhận ra không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau và hãy tìm ra những thứ giữ vai trò trọng yếu nhất. Đó là cách giúp kết nối hành động bền chặt với mong muốn của bạn. Điều đó cho thấy những kết quả bất thường luôn có liên quan mật thiết trực tiếp đến mức độ tập trung của bạn. Để đạt được thành công viên mãn trong công việc và cuộc sống, chúng ta phải tiến từng bước càng nhỏ càng tốt. Hầu hết mọi người đều nghĩ ngược lại. Họ cho rằng thành công lớn tiêu tốn nhiều thời gian và vô cùng phức tạp. Vậy nên lịch trình và danh sách những việc cần làm của họ luôn quá tải. Thành công bắt đầu có cảm giác nằm ngoài tầm với, do đó họ thường đạt được ít thành quả hơn. Không nhận thức được rằng thành công lớn đến từ khả năng “làm ít, nhưng chất lượng”, họ lầm tưởng rằng “càng làm nhiều, càng tốt” và cuối cùng thành quả “chẳng ra sao”. Họ hạ thấp dần các kỳ vọng, từ bỏ ước mơ và bằng lòng với việc thu hẹp cuộc sống. Quả thật sai lầm. Bạn chỉ có một lượng thời gian và năng lượng nhất định, vì vậy khi đảm đương quá nhiều công việc, bạn sẽ bị phân tán. Bạn nên làm ít nhưng “chất lượng” thay vì làm nhiều mà thiếu hiệu quả. Quan trọng là, khi ôm đồm quá nhiều việc, dù chúng có mang lại hiệu quả, chúng cũng kéo theo không ít rắc rối ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn: Chậm tiến độ, kết quả không được như mong muốn, áp lực lớn, thời gian kéo dài, mất ngủ, kém ăn, không có thời gian tập thể dục hay quây quần bên gia đình và bạn bè – tất cả đều vì chạy theo thứ dễ dàng đạt được hơn bạn tưởng. “Bước từng bước nhỏ” là một phương pháp đơn giản giúp mang lại những thành quả khác biệt và rất hiệu quả. Nó có tác dụng mọi lúc, mọi nơi và đối với bất cứ điều gì. Bởi nó chỉ có một mục đích duy nhất – đưa bạn đến “điểm” cần đến. Khi tiến từng bước “chậm nhưng chắc”, bạn sẽ chú tâm vào điều quan trọng nhất. Đó chính là mấu chốt. 2. HIỆU ỨNG DOMINO Tại Leeuwarden, Hà Lan vào ngày Domino, 13/11/2009, Weijers Domino Productions đã xác lập kỷ lục thế giới về hiệu ứng domino bằng cách sắp xếp hơn 4.491.863 quân domino thành một bức hình rực rỡ. Trong trường hợp này, chuỗi domino đổ tạo ra hiệu ứng domino đã giải phóng 94.000 Jun năng lượng tích tụ tương đương với năng lượng được giải phóng khi một người đàn ông vóc dáng trung bình hít đất 545 lần. Mỗi domino chứa một lượng năng lượng nhỏ tiềm ẩn; bạn càng xếp được nhiều, năng lượng tiềm tàng tích lũy được càng lớn. Sau đó, chỉ với một cú chạm nhẹ, bạn đã tạo ra một phản ứng dây chuyền có sức mạnh đáng kinh ngạc. Và Weijers Domino Productions đã chứng minh điều đó. Khi “điều quan trọng nhất” được xếp đúng chỗ, chỉ cần tác dụng một lực nhỏ, nó có thể xô đổ rất nhiều thứ. Nhưng đó chưa phải tất cả. Năm 1983, Lorne Whitehead đã viết trên tạp chí Vật lý Mỹ rằng ông đã phát hiện ra hiệu ứng domino không những có thể xô đổ nhiều thứ, mà còn có khả năng xô đổ những thứ lớn hơn. Ông đã mô tả khả năng một domino có thể đánh đổ một domino khác có kích thức lớn gấp rưỡi nó như thế nào. Vào năm 2001, một nhà vật lý đến từ Exploratorium của San Francisco đã mô phỏng thí nghiệm của Whitehead bằng cách tạo ra 8 domino làm từ gỗ dán, mỗi domino có kích thước lớn gấp rưỡi domino trước nó. Domino đầu tiên cao khoảng 5cm và domino cuối cùng cao khoảng 0,3m. Với một cú chạm nhẹ, hiệu ứng domino nhanh chóng kết thúc bằng một “tiếng rầm lớn”. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu chuỗi domino này được kéo dài hơn? Nếu hiệu ứng domino thông thường là một chuỗi tuyến tính, thì thí nghiệm của Whitehead được mô tả là một chuỗi dây chuyền cấp số nhân. Kết quả có được nằm ngoài sức tưởng tượng. Domino thứ 10 sẽ cao gần bằng thủ quân đội bóng nhà nghề Peyton Manning. Domino thứ 18 có thể có chiều cao tương đương với tháp nghiêng Pisa. Domino thứ 23 cao hơn tháp Eiffel và domino thứ 31 sẽ cao hơn đỉnh Everest gần 1.000m. Domino thứ 57 thực tế có thể “bắc cầu” Trái Đất với Mặt Trăng! Đạt được thành quả đáng kinh ngạc Vì vậy, khi nghĩ về thành công, hãy nhắm tới những điều không tưởng. Bạn hoàn toàn có thể đạt được chúng nếu bạn ưu tiên mọi thứ và dồn hết tâm sức của bản thân để hoàn thành điều quan trọng nhất. Đạt được những kết quả đáng kinh ngạc đồng nghĩa với việc tạo ra hiệu ứng domino trong cuộc sống của bạn. Đánh đổ các domino không khó. Bạn xếp chúng đứng theo hàng và tác động một lực để đánh đổ domino đầu tiên. Tuy nhiên, hiệu ứng domino trong thực tế phức tạp hơn một chút. Bởi cuộc sống không sắp sẵn mọi thứ cho bạn và nói rằng, “Anh nên bắt đầu từ đây”. Những người gặt hái được thành công nắm rõ điều này. Vì vậy, họ sắp xếp lại các ưu tiên, tìm quân domino “chủ chốt”, và tác động đủ lực để đánh đổ nó. Tại sao cách tiếp cận này lại hiệu quả đến vậy? Bởi những thành quả đáng kinh ngạc thường diễn ra theo tuần tự, nhưng không đồng thời. Những gì khởi đầu một cách tuyến tính sẽ dần trở thành dây chuyền cấp số nhân. Những việc làm đúng đắn sẽ được nối tiếp bởi những điều đúng đắn. Nó được tích tụ lớn dần theo thời gian, và tiềm năng thành công lũy tiến sẽ được giải phóng. Hiệu ứng domino được áp dụng cho bức tranh tổng thể như công việc hoặc doanh nghiệp của bạn; nó cũng được áp dụng cho những thời khắc ra quyết định nhỏ nhất trong ngày. Thành công nối tiếp thành công, và khi điều này được tái lặp theo thời gian, bạn sẽ đạt được tiềm lực thành công lớn nhất có thể. Một người hiểu sâu biết rộng hẳn là đã trau dồi kiến thức theo thời gian. Một người thành thạo các kỹ năng chắc chắn đã thục luyện rất nhiều. Một người giàu có chắc chắn tích lũy trong nhiều năm. Thời gian chính là chiếc chìa khóa quan trọng, là điểm mấu chốt của vấn đề. Thành công được xây dựng một cách tuần tự. Đó là “điều quan trọng nhất” tại từng thời điểm. 3. CÁC ĐẦU MỐI THÀNH CÔNG Bằng chứng về “điều quan trọng nhất” xuất hiện ở khắp nơi. Hãy quan sát thật kỹ, bạn sẽ luôn tìm thấy nó. Một sản phẩm, một dịch vụ Những công ty thành công vượt trội luôn sở hữu một sản phẩm hoặc dịch vụ giúp tạo dựng thương hiệu độc quyền hoặc giúp họ “hái ra tiền”. Colonel Sanders đã cho ra đời thương hiệu KFC chỉ với một công thức món gà bí mật duy nhất. Công ty Adolph Coors tăng trưởng với tốc độ 1.500% từ năm 1947 đến năm 1967 chỉ với một sản phẩm, được sản xuất tại một nhà máy bia duy nhất. Các bộ vi xử lý đã mang lại phần lớn doanh thu ròng cho Intel. Thế còn Starbucks? Tôi nghĩ hẳn các bạn cũng có thể đoán ra. Danh sách các doanh nghiệp đã thành công vượt trội thông qua sức mạnh của triết lý “điều quan trọng nhất” kéo dài vô tận. Đôi khi những gì được tạo ra, hoặc được chuyển đi cũng là những gì được bán ra, nhưng đôi khi không phải vậy. Google là một ví dụ. “Điều quan trọng nhất” của họ là công cụ tìm kiếm giúp bán quảng cáo – được coi là nguồn doanh thu chủ yếu của công ty này. Thế còn bộ phim Cuộc chiến giữa các vì sao (Star Wars)? “Điều quan trọng nhất” là bộ phim hay hàng hóa? Nếu đoán là hàng hóa, bạn có thể đúng hoặc sai. Doanh thu bán đồ chơi ăn theo bộ phim theo thống kê gần đây đạt trên 10 tỷ đô-la, trong khi tổng doanh thu bán vé trên toàn cầu của 6 tập phim chính chỉ vẻn vẹn 4,3 tỷ đô-la. Theo cá nhân tôi, “điều quan trọng nhất” là bộ phim bởi nó tạo ra đồ chơi và các sản phẩm có tiềm năng mang lại doanh thu. Câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng điều đó không khiến quá trình tìm kiếm câu trả lời trở nên kém phần quan trọng. Các đổi mới về công nghệ, những cuộc chuyển giao văn hóa và các lực lượng cạnh tranh thường chỉ ra rằng “điều quan trọng nhất” của một doanh nghiệp hoặc là phát triển hoặc là chuyển đổi. Những công ty thành công nhất nắm rõ điều này và luôn tự hỏi: “Điều quan trọng nhất” của chúng ta là gì?” Apple là một ví dụ tiêu biểu về khả năng hình thành nên một môi trường, nơi “điều quan trọng nhất” đầy khác biệt có thể tồn tại đồng thời chuyển đổi thành “điều quan trọng nhất” khác. Từ năm 1998 đến năm 2012, “điều quan trọng nhất” của Apple chuyển từ máy Mac sang iMac, đến iTunes rồi đến iPod, iPhone và đến iPad chiếm vị trí đầu bảng trong các dòng sản phẩm. Khi mỗi “sản phẩm vàng” mới ra đời, các sản phẩm khác không hề bị ngưng sản xuất hoặc “xuống hạng”. Những dòng sản phẩm mới này cộng với nhiều sản phẩm khác tiếp tục được chăm chút trong khi “điều quan trọng nhất” hiện tại tạo ra ấn tượng rất tốt, khiến người dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm của Apple. Khi đã nắm bắt được “điều quan trọng nhất”, bạn sẽ nhìn nhận thương trường dưới góc độ rất khác biệt. Nếu giờ đây công ty bạn không biết “điều quan trọng nhất” là gì, thì “điều quan trọng nhất” bây giờ của công ty bạn chính là tìm ra điều đó. Thần tượng “Điều quan trọng nhất” là chủ đề có ảnh hưởng rất lớn và xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Hãy nắm rõ khái niệm và áp dụng nó với mọi người, bạn sẽ thấy một người có thể tạo ra mọi sự khác biệt trong những khía cạnh nào. Khi còn là một sinh viên năm nhất, Walt Disney đã tham gia các khóa học buổi tối tại Học Viện Nghệ thuật Chicago và trở thành người vẽ tranh biếm họa cho tờ báo của trường. Sau khi tốt nghiệp, Disney muốn trở thành một họa sĩ truyện tranh nhưng không tìm được việc, vì vậy anh trai của Disney, Roy, một doanh nhân kiêm một chủ ngân hàng, đã xin cho cậu làm việc tại một studio nghệ thuật. Tại đây, cậu đã học về hoạt họa và bắt đầu dựng phim hoạt hình. Khi còn trẻ, thần tượng của Walt là Roy. Còn thần tượng của Sam Walton, ngay từ đầu đã là L.S.Robson, bố dượng của anh, người đã cho Walton mượn 20.000 đô-la để khởi nghiệp công ty bán lẻ đầu tiên mang thương hiệu Ben Franklin. Sau đó, khi Sam mở cửa hàng Wal-Mart đầu tiên, Robson đã bí mật trả chủ nhà 20.000 đô-la để gia hạn hợp đồng thuê nhà. Max Talmud là người thầy đầu tiên của Albert Einstein. Max chính là người đã chỉ dẫn cho cậu bé 10 tuổi Einstein những kiến thức cơ bản đầu tiên về toán học, khoa học và triết học. Max đến ăn tối một lần một tuần với gia đình Einstein trong suốt 6 năm để dạy Albert bé nhỏ học. Không ai có thể tự mình thành đạt. Oprah Winfrey luôn hàm ơn cha mình đã “cứu rỗi” cuộc đời bà và trân trọng khoảng thời gian sống cùng cha và mẹ kế. Khi trả lời phỏng vấn Jill Nelson của tạp chí Washington Post, bà chia sẻ, “nếu không sống cùng cha, cuộc đời tôi chắc đã rẽ sang một hướng khác.” Về chuyên môn, sự nghiệp của bà bắt đầu với Jeffrey D. Jacobs, “một luật sư, đại diện, quản lý và cố vấn tài chính”, người đã thuyết phục bà thành lập công ty thay vì làm thuê khi Oprah xin ông tư vấn về hợp đồng lao động. Và Harpo Productions, Inc. đã ra đời từ đó. Cả thế giới hẳn đều quen thuộc với sức ảnh hưởng của John Lennon và Paul McCartney đến những sáng tác thành công của nhau, nhưng trong phòng thu còn có George Martin. Được coi là một trong những nhà sản xuất âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại, George từng được coi là “thành viên thứ năm của The Beatles” nhờ những đóng góp của ông trong các album chính của ban nhạc The Beatles. Tài năng âm nhạc của Martin đã giúp lấp đầy khoảng cách giữa tài năng chưa được gọt giũa của các thành viên Beatles và kỹ thuật hát mà họ muốn sở hữu. Hầu hết công việc hòa âm, phối khí và hậu kỳ các đĩa thu âm của The Beatles đều là sản phẩm của sự cộng tác của nhóm với Martin. Mỗi người đều có một thần tượng hoặc là người đầu tiên có ảnh hưởng, hướng dẫn hoặc quản lý họ. Không ai có thể tự thành công. Không một ai. Một đam mê, một kỹ năng “Điều quan trọng nhất” luôn đứng sau mọi câu chuyện về thành công vượt trội. Nó xuất hiện trong hoạt động của mọi doanh nghiệp thành công và trong công việc của bất cứ người thành đạt nào. Nó cũng xuất hiện xung quanh các đam mê và kỹ năng cá nhân. Mỗi chúng ta đều có đam mê và kỹ năng riêng, nhưng những “kẻ xuất chúng” thường sở hữu cảm xúc mãnh liệt hoặc khả năng học hỏi phi thường, giúp khẳng định vị thế của họ hoặc thúc đẩy họ hơn bất cứ điều gì. Ranh giới giữa đam mê và kỹ năng thường không rõ ràng. Bởi chúng gần như luôn kết nối với nhau. Pat Matthews, một trong những họa sĩ lớn thuộc trường phái ấn tượng của Mỹ, đã biến đam mê hội họa trở thành kỹ năng, rồi thành nghề nghiệp, chỉ đơn giản bằng việc vẽ tranh hàng ngày. Angelo Amorico, hướng dẫn viên du lịch thành công nhất nước Ý cho hay ông đã phát triển các kỹ năng và cuối cùng là sự nghiệp kinh doanh từ tình yêu đất nước nhỏ bé này cũng như khát khao chia sẻ về nó với mọi người. Đây chỉ là một câu chuyện trong vô vàn những câu chuyện về thành công vượt trội. Đam mê đồng nghĩa với việc dành nhiều thời gian để luyện tập hoặc trau dồi nó. Thời gian được đầu tư đó cuối cùng biến thành các kỹ năng, và khi kỹ năng được cải thiện sẽ kéo theo kết quả được cải thiện. Kết quả tốt thường mang đến nhiều niềm vui và đam mê hơn, từ đó cần đầu tư thời gian nhiều hơn. Đó là một vòng xoắn tiến dẫn đến những kết quả đáng kinh ngạc. Niềm đam mê của Gilbert Tuhabonye là chạy. Gilbert, vận động viên điền kinh cự ly dài người Mỹ được sinh ra tại Songa, Burundi, sớm đã có tình yêu với đường đua và đam mê đó đã giúp anh giành vị trí quán quân giải vô địch quốc gia Burundi ở cự li 400m và 800m khi mới là học sinh trung học. Niềm đam mê này đã “cứu rỗi” cuộc đời anh. Ngày 21/10/1993, các thành viên của bộ tộc Hutu đã tấn công trường trung học nơi Gilbert đang theo học và bắt cóc các học sinh của bộ tộc Tutsi. Những người bị bắt không bị giết ngay mà bị đánh đập và thiêu sống tại một tòa nhà gần đó. Sau 9 giờ bị chôn vùi dưới những cơ thể bị đốt cháy, Gilbert đã tìm cách trốn thoát và chạy như bay, bỏ xa những kẻ bắt cóc mình đến một bệnh viện gần đó an toàn. Anh là người sống sót duy nhất. Anh đến Texas, tiếp tục nỗ lực và rèn luyện các kỹ năng của mình. Ghi danh vào học tại Đại học Abilene Christian, Gilbert đã dành được 6 lần danh hiệu vận động viên nghiệp dư xuất sắc nhất toàn Mỹ trên toàn nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, anh chuyển đến Áo và trở thành huấn luyện viên điền kinh nổi tiếng nhất tại đây. Để khơi được nguồn nước ngầm tại Burundi, anh đã đồng sáng lập Quỹ Gazelle, với phương châm hoạt động “Chạy vì nước sạch” thông qua một cuộc thi chạy được tài trợ diễn ra trên các đường phố khắp nước Áo. Bạn có nhận thấy “chạy” là chủ đề xuyên suốt cuộc đời của anh ấy không? Từ một con tin đến kẻ sống sót, từ trường học đến sự nghiệp, đến cả các hoạt động từ thiện, niềm đam mê chạy của Gilbert Tuhabonye từ một kỹ năng trở thành một nghề nghiệp. Nụ cười nở trên môi khi anh chào đón các vận động viên điền kinh trên những con đường nhỏ quanh hồ Lady Bird của Áo tượng trưng cho hành trình biến đam mê thành kỹ năng, cùng nhau đốt lên ngọn lửa đam mê và tạo nên một cuộc sống khác biệt. “Điều quan trọng nhất” xuất hiện nhiều lần trong cuộc sống của những người thành công bởi đó là một sự thật cơ bản. Nó xuất hiện trước mắt tôi nhưng nếu bạn biết nắm bắt, thì đó là cơ hội của bạn. Áp dụng “điều quan trọng nhất” vào công việc và cuộc sống của bạn là điều đơn giản và thông minh nhất bạn có thể làm nhằm thúc đẩy chính mình tiến tới thành công như mong muốn. Một cuộc đời Nếu phải lựa chọn một tấm gương duy nhất về người đã khai thác triết lý “điều quan trọng nhất” để tạo dựng một cuộc sống khác biệt, tôi sẽ chọn Bill Gates. Khi còn học trung học, Bill đã đam mê máy tính, và cũng chính điều đó đã dẫn cậu tới việc phát triển kỹ năng lập trình. Cũng trong thời gian này, cậu đã gặp Paul Allen, người tạo công ăn việc làm đầu tiên cho Bill và trở thành đối tác của cậu trong quá trình thành lập Microsoft. Đây là kết quả từ một lá thư họ gửi cho Ed Roberts, người đã thay đổi cuộc đời họ bằng lời nhận xét sắc sảo về việc viết mã cho máy tính Altair 8800. Microsoft đã ra đời để hiện thực hóa “điều quan trọng nhất”, phát triển và bán bộ chuyển đổi BASIC cho Altair 8800, cuối cùng đã biến Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới trong 15 năm liên tiếp. Khi rời vị trí điều hành tại Microsoft, Bill đã chọn một người thay thế ông ở vị trí CEO – Steve Ballmer, người mà ông đã từng gặp thời đại học. Ngoài ra, Steve là nhân viên thứ 30 của Microsoft nhưng lại là CEO đầu tiên được Bill tuyển dụng. Bill và Melinda Gates đã quyết định dùng tài sản riêng của mình để góp phần tạo nên sự khác biệt trên thế giới. Được dẫn lối bởi niềm tin rằng mọi người đều có giá trị như nhau, họ đã thành lập một quỹ tài trợ để thực hiện “điều quan trọng nhất”: Giải quyết “những vấn đề thực sự khó khăn” như y tế và giáo dục. Từ khi thành lập, phần lớn các khoản tài trợ của tổ chức này đều được đầu tư vào Chương trình Y tế toàn cầu của Bill và Melinda. Chương trình có mục tiêu đầy tham vọng là khai thác những tiến bộ trong khoa học và công nghệ để cứu sống người dân ở các quốc gia nghèo đói. Để thực hiện mong muốn này, họ đã tập trung vào “điều quan trọng nhất” – tiêu diệt căn bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân chính gây tử vong cho nhiều người. Tại một thời điểm nào đó trong cuộc hành trình, họ đã quyết định tập trung vào “điều quan trọng nhất” giúp họ thực hiện được mục tiêu của mình − đó là vắc-xin. Bill giải thích về quyết định của họ, “Chúng tôi phải lựa chọn những gì có ảnh hưởng lớn nhất để cho đi. Công cụ kỳ diệu nhất của sự can thiệp về y tế là vắc-xin, bởi chúng có chi phí sản xuất không quá cao”. Quyết định này của họ bắt nguồn từ câu hỏi của Melinda rằng: “Chúng ta có thể dùng tiền để mang đến sự thay đổi lớn nhất ở đâu?” Bill và Melinda Gates là bằng chứng sống về sức mạnh của “điều quan trọng nhất”. Điều ý nghĩa nhất Những cánh cửa hướng ra thế giới luôn mở rộng, và quang cảnh ngoài khung cửa vô cùng hùng vĩ. Nhờ công nghệ và đổi mới, cơ hội và tiềm năng dường như được kéo dài vô tận. Thực tế này vừa có khả năng khích lệ nhưng cũng không kém phần vượt ngoài tầm với. Hậu quả khôn lường của sự “dư giả” là chúng ta tiếp nhận thông tin và các lựa chọn trong một ngày bằng lượng thông tin tổ tiên ta nhận được cả đời. Tàn phá và vội vã, một cảm giác ám ảnh dai dẳng khi chúng ta nỗ lực quá nhiều nhưng thành quả đạt được chẳng đáng là bao. Trực giác không mách bảo chúng ta về lựa chọn con đường tốt hơn mà là câu hỏi, “Ta nên bắt đầu từ đâu”? Với những gì cuộc sống ban tặng, chúng ta sẽ lựa chọn bằng cách nào? Chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn nhất có thể, trải nghiệm cuộc sống thật khác biệt và không bao giờ hối tiếc ra sao? Hãy sống theo triết lý “điều quan trọng nhất”. Những gì Curly biết, tất cả những ai thành công đều nắm rõ. Điều quan trọng nhất nằm ở cốt lõi của thành công và là điểm khởi đầu để đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, đó là một ý tưởng lớn về thành công được bọc trong lớp vỏ giản đơn đến không ngờ. Giải thích về nó không khó, nhưng để tin và áp dụng nó lại không hề đơn giản. Vì vậy, trước khi chúng ta có thể trao đổi thẳng thắn và chân thành về hiệu quả của “điều quan trọng nhất”, tôi muốn công khai thảo luận về những suy diễn và thông tin sai lệch đã ngăn cản chúng ta chấp nhận nó. Đó là những ước lệ sai lầm về thành công. Khi loại bỏ được những niềm tin sai lầm này, chúng ta có thể đón nhận “điều quan trọng nhất” với một tâm trí cởi mở và hành trình rộng mở hơn. PHẦN I. NHỮNG DỐI TRÁ ĐÃ LÀM MÊ MUỘI VÀ KHIẾN CHÚNG TA LẠC LỐI RẮC RỐI VỚI “ĐỨC TIN” Năm 2003, Merriam-Webster bắt đầu phân tích các tìm kiếm trong từ điển trực tuyến của họ để xác định “Từ của năm”. Với ý tưởng rằng việc tìm kiếm từ trực tuyến sẽ tiết lộ mọi điều trong suy nghĩ của chúng ta, nên từ được tìm kiếm nhiều nhất sẽ nắm bắt được tinh thần thời đại. Từ đầu tiên đã xuất hiện. Theo gót của cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, dường như ai cũng muốn biết “dân chủ” thực sự có nghĩa là gì. Trong năm tiếp theo, “blog”, một từ ghép đã mô tả một hình thức giao tiếp mới, đứng đầu danh sách. Sau mọi vụ bê bối chính trị vào năm 2005, từ “sự toàn vẹn” giành được danh hiệu cao nhất. Sau đó, vào năm 2006, Merriam-Webster đã bổ sung một tính năng mới. Những người truy cập trang web có thể đề cử “ứng cử viên” và bình chọn “Từ của năm”. Bạn có thể cho đó là nỗ lực nhằm tăng lượng người truy cập bằng phản hồi chất lượng, hoặc có thể gọi đó là chiến lược tiếp thị khả quan. Từ giành chiến thắng vang dội là “đức tin”, được diễn viên hài Stephen Colbert tạo ra với ý nghĩa “chân lý đến từ trái tim thay vì sách vở” tại màn đầu tiên trong vở diễn Comedy Central của ông, The Colbert Report. Trong thời đại công nghệ thông tin với tin tức được cập nhật hàng ngày, các chương trình phát thanh rao giảng, và những bài blog không được qua biên tập, đức tin nắm bắt những niềm tin sai lầm ngẫu nhiên, tình cờ, và thậm chí cố ý tỏ vẻ “đúng đắn” đủ để chúng ta coi đó là sự thật. Vấn đề là chúng ta có xu hướng hành động dựa trên những gì chúng ta tin tưởng, ngay cả khi những gì chúng ta tin không phải là những điều chúng ta nên làm. Vậy nên, việc tin tưởng và sử dụng triết lý “điều quan trọng nhất” trở nên vô cùng khó khăn bởi thật không may, chúng ta đã tin tưởng vào quá nhiều thứ và thường xuyên để những “thứ khác” đánh lạc hướng suy nghĩ, hướng dẫn sai lệch hành động và trì hoãn thành công của chính mình. Cuộc sống quá ngắn ngủi để ta có thể chạy theo những giấc mơ viển vông. Nó cũng quá quý giá để ta phó mặc cho những may rủi. Những giải pháp thật sự mà chúng ta đang tìm kiếm luôn ẩn trong những tầm nhìn giản đơn; thật không may, chúng lại thường bị che khuất bởi một số lời nói xàm, hàng loạt những “lẽ thường” mà vô nghĩa. “Đặt cược vào tay đua ngựa, thay vì con ngựa!” từ lâu đã là một lời kêu gọi mọi người đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo của công ty. Tuy nhiên, như một chiến lược đặt cược, câu châm ngôn này sẽ đưa bạn tới con đường tắt dẫn lối đến sự nghèo đói, khiến bạn băn khoăn tự hỏi sao câu đó có thể trở thành một câu châm ngôn. Theo thời gian, những chuyện tưởng tượng và sự ngờ vực xuất hiện thường xuyên đến mức mọi người cảm thấy quen thuộc và bắt đầu coi điều đó là sự thật hiển nhiên. Sau đó, chúng ta bắt đầu đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên chúng. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi xây dựng các chiến lược thành công đó là thành công cũng có những dối trá riêng. “Tôi đã làm được rất nhiều việc”; “Tôi cần trở thành một người có kỷ luật hơn”; “Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn vào bất cứ lúc nào tôi muốn”; “Tôi cần cân bằng cuộc sống hơn nữa”; “Có lẽ tôi không nên mơ mộng quá”. Lặp lại những suy nghĩ này thường xuyên sẽ trở thành 6 sự dối trá về thành công ngăn cản chúng ta sống theo triết lý “điều quan trọng nhất”. 6 SỰ DỐI TRÁ GIỮA BẠN VÀ THÀNH CÔNG 1. Mọi thứ đều quan trọng như nhau 2. Có thể làm được nhiều việc cùng lúc 3. Một cuộc sống có kỷ luật 4. Sức mạnh ý chí luôn tồn tại 5. Một cuộc sống cân bằng 6. Lớn thường không tốt 6 sự dối trá này là những niềm tin đã ăn sâu vào tư tưởng của chúng ta và dần trở thành tôn chỉ dẫn chúng ta lạc lối. Sự mù quáng đã kéo tuột chúng ta ra khỏi sự minh mẫn vốn có. Nếu muốn tối đa hóa tiềm năng của chính mình, chúng ta sẽ phải loại bỏ những niềm tin mù quáng này. 4. MỌI THỨ ĐỀU QUAN TRỌNG NHƯ NHAU Sự công bằng là một lý tưởng đáng theo đuổi nhân danh công lý và nhân quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi thứ không bao giờ công bằng. Dù các nhà tổ chức có cố gắng phân minh ra sao – các cuộc thi vẫn không đạt được sự công bằng. Dù mọi người có tài năng đến đâu – hai người cũng không thể ngang tài ngang sức tuyệt đối. Sự công bằng là lời dối trá. Hiểu được điều này là cơ sở của mọi quyết định quan trọng. Vậy, bạn quyết định bằng cách nào? Khi có quá nhiều việc để làm trong ngày, bạn quyết định việc phải làm đầu tiên bằng cách nào? Khi còn bé, chúng ta thường đợi đến hạn chót mới vội vàng hoàn thành nốt những việc cần phải làm. Đã đến giờ ăn sáng. Đã đến giờ đi học, đến giờ làm bài tập về nhà, đến giờ làm việc nhà, giờ tắm, giờ đi ngủ. Nhưng khi lớn hơn, chúng ta được đặt ra một khung thời gian nhất định. Con có thể ra ngoài chơi miễn là con làm xong bài tập về nhà trước bữa tối. Sau đó, khi trưởng thành hơn, chúng ta được quyền tự lựa chọn. Và khi cuộc sống của chúng ta được hình thành dựa trên các lựa chọn, chúng ta phải làm sao để lựa chọn đúng đắn? Thật phức tạp khi càng lớn, lại càng có nhiều cớ để chúng ta tin rằng mọi chuyện “đơn giản phải được thực hiện”. Kỳ vọng quá nhiều, vượt quá năng lực và cam kết thái quá. Tràn lan, đại trà đã trở thành tình trạng chung. Đó là khi cuộc chiến tìm kiếm hành trình đúng đắn diễn ra quyết liệt. Thiếu công thức ra quyết định rõ ràng, chúng ta rơi vào trạng thái phản ứng và sa đà trở lại những cách thức ra quyết định quen thuộc và dễ dãi. Kết quả là, chúng ta tùy tiện chọn những cách tiếp cận làm xói mòn thành công của chính mình. Việc gấp rút thực hiện những công việc cần làm trong ngày biến chúng ta thành một nhân vật đang hoảng sợ trong một bộ phim kinh dị − luống cuống chạy lên cầu thang thay vì chạy ra cửa. Quyết định sáng suốt nhất được thay thế bằng bất kỳ quyết định nào, và những gì cần được tiến hành chỉ đơn giản trở thành một chiếc bẫy. Ở tình trạng cấp bách và quan trọng, mọi thứ dường như công bằng. Chúng ta trở nên chủ động và bận rộn, nhưng điều đó không thực sự đưa chúng ta đến gần thành công hơn. Hành động thường không liên quan đến hiệu suất, và sự bận rộn hiếm khi ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả công việc. Như Henry David Thoreau từng nói, “bận rộn thôi không đủ, cần mẫn cũng vậy. Vấn đề là, chúng ta bận vì việc gì?” Thà làm một việc có ý nghĩa còn hơn làm trăm việc vô nghĩa. Không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau, và thành công không phải là phần thưởng dành cho kẻ làm nhiều nhất. Tuy nhiên, đó lại là những gì diễn ra hàng ngày. Chẳng có gì để làm Danh sách những việc cần làm là thành tố chính của khả năng thành công và quản lý thời gian. Với mong muốn của bản thân và ước muốn của người khác dồn dập ập đến chúng ta từ tứ phía, chúng ta vội vàng ghi chúng vào các mảnh giấy nhỏ một cách rõ ràng hoặc liệt kê chúng một cách có thứ tự vào các tập giấy in. Các nhà hoạch định thời gian dành thời gian quý giá cho các danh sách công việc hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Nhiều ứng dụng điện thoại di động, và các chương trình phần mềm mã hóa chúng ngay vào bảng chọn. Có vẻ như chúng ta được khuyến khích tạo ra một danh sách việc cần làm – và cho dù những danh sách đó là vô giá, nhưng chúng cũng có những hạn chế. Dù việc cần làm được coi như những mục đích tốt đẹp nhất của chúng ta, nhưng chúng cũng áp chế chúng ta với những việc không quan trọng, tầm thường mà chúng ta cảm thấy bắt buộc phải hoàn thành – bởi chúng nằm trong danh sách những việc cần làm. Đó là lý do hầu hết chúng ta đều thích hoặc không thích danh sách những việc phải làm. Nếu được phép, chúng sẽ tự tạo ra các ưu tiên giống như cách hòm thư bức chế lịch trình hàng ngày cho chúng ta. Phần lớn những hộp thư đều tràn ngập những e-mail không quan trọng “giả dạng các ưu tiên”. Giải quyết công việc theo trình tự thời gian thư nhận được chẳng khác nào chiếc bánh xe cót két cần được tra dầu. Thủ tướng Úc, Bob Hawke, đã ghi nhận một cách đúng đắn, “Những điều quan trọng nhất không phải là những gì được rao giảng nhiều nhất.” Những người thành công thường hành động khác biệt. Họ có con mắt rất tinh tường. Họ cân nhắc đủ kỹ lưỡng để xác định những gì quan trọng và sau đó cho phép chúng chi phối thời gian của họ. Những người thành công thường hoàn thành các công việc mà người khác dự định làm nhưng lại trì hoãn có thể là vô thời hạn và ngược lại, họ có thể trì hoãn hoặc không làm những gì người khác làm. Sự khác biệt không nằm ở dự định mà ở cách làm. Những người thành công luôn xuất phát với một ý thức rõ ràng về các ưu tiên. Trong tình trạng nguyên bản, như một bản kiểm kê đơn giản, một danh sách những việc cần làm có thể dễ dàng khiến bạn lạc đường. Một danh sách những việc cần làm chỉ đơn giản là những việc bạn nghĩ mình cần phải thực hiện; việc đầu tiên trong danh sách chỉ là điều đầu tiên bạn nghĩ đến. Các danh sách những việc cần làm vốn đã thiếu định hướng thành công. Trong thực tế, hầu hết các danh sách những việc cần làm chỉ là “danh sách sống sót” – giúp bạn sống qua ngày, nhưng không tạo nên những bước đệm để giúp bạn dần tạo dựng cuộc sống thành công. Chúng ta dành rất nhiều thời gian để thực hiện các mục trong danh sách những việc cần làm nhưng đến cuối ngày chúng lại chẳng hề mang lại thành công. Thay vì một danh sách những việc cần làm, bạn cần một “danh sách thành công” – với mục đích tạo ra những kết quả đột phá. Các danh sách những việc cần làm thường rất dài, đưa bạn đến mọi hướng trong khi danh sách thành công lại khá ngắn nhưng lại vẽ cho bạn một hướng di cụ thể. Một là thư mục hỗn độn và một là hướng dẫn có tổ chức. Nếu một danh sách không nhằm mục đích tạo dựng thành công, nó chắc chắn sẽ không mang lại thành công cho bạn. Nếu danh sách những việc phải làm của bạn là một mớ “hổ lốn”, thì nó có thể đưa bạn đến khắp nơi nhưng đó lại không phải nơi bạn thực sự muốn đến. Vậy, một người thành công biến danh sách việc cần làm thành danh sách thành công bằng cách nào? Với rất nhiều điều có thể làm, bạn xác định được điều gì quan trọng nhất tại một thời điểm bất kỳ hoặc theo cách bất kỳ ra sao? Hãy làm theo chỉ dẫn của Juran. Juran bẻ mã khóa Vào cuối những năm 1930, một nhóm nhà quản lý tại General Motors đã có một khám phá hấp dẫn mở ra bước đột phá tuyệt vời. Một đầu đọc thẻ của họ (thiết bị đầu vào cho dòng máy tính ban đầu) bắt đầu có dấu hiệu bị lỗi. Khi kiểm tra, họ khám phá ra một cách để mã hóa các thông điệp bí mật. Đây là một vụ lớn vào thời điểm đó. Từ khi những chiếc máy mã hóa Enigma tai tiếng của Đức lần đầu xuất hiện trong Thế chiến I, thì cả việc mã hóa và phá mã đều là vấn đề thuộc an ninh quốc gia và thậm chí đã dấy lên làn sóng tò mò trong công chúng. Ban quản lý của GM nhanh chóng bị thuyết phục rằng mật mã ngẫu nhiên của họ không thể bị bẻ gãy. Một tư vấn viên của Western Electric tỏ ra không đồng ý với điều đó. Anh ta đã lên tiếng thách thức bẻ mã, từ tối hôm trước và phá được khóa trước 3 giờ sáng ngày hôm sau. Anh ta tên là Joseph M. Juran. Juran sau đó đã coi sự cố này là điểm khởi đầu cho quá trình bẻ một mã khóa lớn hơn và biến nó trở thành một trong những đóng góp lớn nhất của anh đối với khoa học và kinh doanh. Nhờ giải mã khóa thành công, anh đã được một nhà điều hành của GM mời đến xem xét lại nghiên cứu về bồi thường quản lý được dựa trên một công thức theo mô tả của nhà kinh tế Ý Vilfredo Pareto. Trong thế kỷ XIX, Pareto đã viết một mô hình toán học về phân bổ thu nhập không đồng đều tại Ý khẳng định 80% diện tích đất thuộc sở hữu của 20% dân số. Thực tế, theo Pareto, của cải thực sự tập trung theo cách có thể dự đoán được. Là người tiên phong về quản lý kiểm soát chất lượng, Juran nhận thấy rằng chỉ một số ít sai sót cũng tạo ra vô số sản phẩm lỗi. Sự mất cân bằng này không chỉ đúng với trải nghiệm của anh, mà anh còn cho rằng nó thậm chí có thể là một quy luật phổ quát và những gì Pareto quan sát được thậm chí còn nằm ngoài sức tưởng tượng của ông. Khi viết cuốn sách chuyên đề Sổ tay kiểm soát chất lượng (Quality Control Handbook), Juran muốn đưa ra một cái tên ngắn gọn cho khái niệm “quan trọng thì ít mà tầm thường thì nhiều”. Một minh họa trong bản thảo của ông mang tên “nguyên tắc phân bổ không đồng đều của Pareto…” Khi người khác có thể gọi nó là Quy tắc của Juran, anh lại gọi nó là Nguyên tắc Pareto. Nguyên tắc Pareto hóa ra giống như định luật hấp dẫn, nhưng hầu hết mọi người không nhìn thấy lực hấp dẫn của nó. Nó không chỉ đơn thuần là một lý thuyết – mà là sự chắc chắn có thể dự đoán, đã được chứng minh và là một trong những sự thật về hiệu suất lớn nhất từng được phát hiện. Richard Koch, trong cuốn sách của ông, Nguyên lý 80/20, đã nhận định: “Nguyên lý 80/20 khẳng định số ít nguyên nhân, yếu tố đầu vào hoặc nỗ lực thường dẫn đến phần lớn kết quả, thành quả hoặc phần thưởng”. Nói cách khác, trong thế giới của thành công, mọi thứ đều không công bằng. Số ít nguyên nhân tạo ra phần lớn kết quả. Chỉ cần đầu vào đúng đắn sẽ tạo ra phần lớn đầu ra. Nỗ lực có chọn lọc sẽ tạo ra đa phần phần thưởng xứng đáng. Pareto đã chỉ cho chúng ta một hướng đi rất rõ ràng: Phần lớn những gì bạn muốn thường khởi nguồn từ phần nhỏ những gì bạn làm. Những kết quả đáng kinh ngạc đều được tạo ra một cách không tương xứng bởi số ít hành động so với khả năng nhận biết của con người. Chân lý của Pareto nghiêng về sự bất bình đẳng, và dù được thể hiện thông qua tỷ lệ 80/20, nhưng cũng có thể có nhiều tỷ lệ khác nữa. Tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể là 90/20, trong đó 90% thành công của bạn đến từ 20% nỗ lực. Hoặc 70/10 hay 65/5. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, về cơ bản, tất cả đều xuất phát từ cùng một nguyên tắc. Juran đã cho thấy tầm nhìn sâu sắc: không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau, một số điều quan trọng hơn những điều khác – thậm chí hơn rất nhiều. Danh sách những việc phải làm sẽ trở thành danh sách thành công khi bạn áp dụng Nguyên tắc Pareto. Nguyên lý 80/20 là một trong những quy tắc hướng dẫn thành công quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi. Nó mô tả các hiện tượng, giống như Juran, tôi đã quan sát thấy trong cuộc đời mình nhiều lần. Chỉ số ít các ý tưởng đã mang đến cho tôi phần lớn thành công. Một số khách hàng quan trọng hơn những người khác; chỉ vài người tạo ra thành quả kinh doanh của tôi; số ít các khoản đầu tư lại mang về lợi nhuận khổng lồ. Khái niệm phân bố không đồng đều xuất hiện mọi nơi. Nó càng xuất hiện nhiều, tôi càng chú ý – và tôi càng chú ý, nó càng xuất hiện nhiều. Cuối cùng, tôi từ bỏ suy nghĩ đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và bắt đầu áp dụng nó như một nguyên tắc tuyệt đối về thành công – không chỉ đối với bản thân mà còn cả trong mối quan hệ với những người khác. Pareto cực điểm Pareto đã chứng minh mọi thứ tôi vừa nhắc đến – nhưng vẫn còn điểm chưa được. Ông không nghiên cứu đủ sâu. Tôi muốn các bạn nghiên cứu sâu hơn nữa. Tôi muốn bạn đưa Nguyên lý Pareto đến cực điểm. Tôi muốn bạn đi vào chi tiết, bước từng bước nhỏ bằng cách làm rõ 20%, và sau đó tôi muốn bạn thậm chí đi sâu hơn bằng cách tìm ra những điều quan trọng nhất trong số ít những điều quan trọng. Nguyên lý 80/20 là định nghĩa đầu tiên, nhưng không phải cuối cùng, về thành công. Pareto đã bắt đầu, bạn phải có nhiệm vụ kết thúc. Thành công buộc bạn phải tuân theo Nguyên lý 80/20, nhưng không chỉ dừng lại đó. Hãy nỗ lực hơn nữa. Bạn thực sự có thể chọn 20% của 20% của 20% và tiếp tục như thế cho đến khi bạn có được điều quan trọng nhất! (Hình 5). Dù đó là công việc, nhiệm vụ hay mục đích nào. Dù lớn hay nhỏ. Bắt đầu với một danh sách dài bao nhiêu tùy theo ý muốn của bạn, nhưng hãy hình thành suy nghĩ rút gọn dần danh sách của bạn từ những mục ít quan trọng nhất và không dừng lại cho đến khi chỉ còn điều cần thiết nhất. Một điều bắt buộc phải thực hiện. Một điều duy nhất. Năm 2001, tôi tổ chức một buổi họp với đội ngũ điều hành chủ chốt. Dù phát triển nhanh và mạnh, chúng tôi vẫn không được những nhân vật đầu ngành công nhận. Tôi thử thách nhóm bằng cách buộc họ phải đưa ra 100 ý tưởng thay đổi hiện trạng. Chúng tôi đã mất cả ngày để đưa ra danh sách. Sáng hôm sau, chúng tôi thu hẹp danh sách còn 10 ý tưởng, và từ đó chúng tôi chọn ra một ý tưởng ấn tượng nhất. Ý tưởng đó là nền tảng để tôi viết nên cuốn sách về cách để trở thành một tổ chức ưu tú trong ngành. Nó rất hiệu quả. 8 năm sau, cuốn sách không chỉ bán chạy nhất, mà còn trở thành loạt sách được tiêu thu hơn một triệu bản. Trong một ngành công nghiệp với khoảng một triệu người, “điều quan trọng nhất” đã làm thay đổi hình ảnh của chúng tôi mãi mãi. Giờ đây, một lần nữa, hãy dừng lại một chút và thực hiện một phép toán. Một trong số 100 ý tưởng. Đó là Pareto cực điểm. Đó là nghĩ lớn, nhưng đi từng bước nhỏ. Đó là áp dụng “điều quan trọng nhất” vào thách thức kinh doanh theo một cách thực sự mạnh mẽ. Nhưng điều này không chỉ áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh. Vào sinh nhật thứ 40, tôi bắt đầu học guitar và nhanh chóng phát hiện ra tôi có thể dành 20 phút mỗi ngày để luyện tập. Lượng thời gian này không nhiều, vì vậy tôi biết mình phải thu hẹp những gì cần học. Tôi nhờ Eric Johnson một người bạn, một trong những nghệ sĩ guitar vĩ đại, tư vấn. Eric nói nếu có thể làm “một điều duy nhất”, thì tôi nên luyện tập theo thang âm của mình. Vì vậy, tôi đã lựa chọn gam thứ theo điệu blue. Tôi phát hiện ra nếu học theo thang âm đó, tôi có thể chơi được rất nhiều bản nhạc của các nghệ sĩ guitar rock cổ điển vĩ đại từ Eric Clapton cho đến Billy Gibbons và, có thể một ngày nào đó, là cả Eric Johnson nữa. Thang âm đó đã trở thành “điều quan trọng nhất” của tôi trong quá trình học guitar, và nó mở ra trước mắt tôi cả thế giới rock ‘n’ roll. Sự bất công trong nỗ lực để thành công xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống nếu bạn chịu tìm kiếm. Và nếu bạn áp dụng nguyên lý này, nó sẽ mang lại thành công mà bạn mong muốn trong bất cứ điều gì quan trọng với bạn. Sẽ luôn có một vài thứ quan trọng hơn những thứ còn lại, và trong số đó, một điều sẽ giữ vai trò quan trọng nhất. Tiếp thu khái niệm này cũng giống như việc bạn được giao cho một chiếc la bàn ma thuật. Bất cứ khi nào cảm thấy mất phương hướng, bạn có thể mang nó ra để nhắc nhở mình tìm kiếm điều quan trọng nhất. Ý tưởng lớn 1. Đi từng bước nhỏ. Đừng tập trung quá vào sự bận rộn, thay vào đó, hãy để mắt tới sự hiệu quả. Hãy để điều quan trọng nhất định hướng cho bạn mỗi ngày. 2. Tiến đến cực điểm. Khi đã tìm ra những điều thực sự quan trọng, hãy tiếp tục loại bỏ dần đến khi chỉ còn lại điều quan trọng nhất. Hành động cốt lõi đó đứng đầu danh sách thành công của bạn. 3. Nói không. Cho dù bạn nói “sau này” hay “không bao giờ”, nhưng vấn đề là phải nói “không phải bây giờ” với bất cứ điều gì bạn có thể làm đến khi việc quan trọng nhất của bạn được thực hiện. 4. Đừng để bị mắc kẹt trong trò chơi “đánh dấu”. Nếu tin rằng không phải mọi điều đều quan trọng như nhau, chúng ta phải có hành động phù hợp. Chúng ta đừng mong làm được mọi thứ, cũng đừng nghĩ mỗi lần hoàn thành một mục trong danh sách những điều cần làm là chúng ta đang tiến gần đến thành công. Không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau và thành công chỉ xuất hiện trong quá trình thực hiện những gì quan trọng nhất. Đôi khi đó là điều đầu tiên bạn làm hoặc điều duy nhất bạn làm. Nhưng dù là gì đi chăng nữa, việc thực hiện điều quan trọng nhất luôn là điều quan trọng nhất. 5. ĐA NHIỆM VỤ Vì vậy, nếu việc thực hiện điều quan trọng nhất là điều quan trọng nhất, tại sao bạn phải cố gắng làm thêm bất cứ điều gì cùng lúc? Mùa hè năm 2009, Clifford Nass đã đặt vấn đề để tìm cách trả lời câu hỏi đó. Nhiệm vụ của anh là tìm hiểu xem những người đa nhiệm tài ba đã làm nhiều việc cùng lúc bằng cách nào. Nass, một giáo sư tại Đại học Stanford, đã chia sẻ với tờ New York Times rằng ông “rất kinh ngạc” về những người đa nhiệm và tự cho mình là một kẻ nghèo đói. Vì vậy, ông và một nhóm các nhà nghiên cứu đã đưa ra bảng câu hỏi cho 262 sinh viên để xác minh tần suất làm nhiều việc cùng lúc của họ. Họ chia các đối tượng thử nghiệm thành hai nhóm gồm những người đa nhiệm nhiều và ít đồng thời bắt đầu với giả định rằng những người đa nhiệm thường xuyên sẽ làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, họ đã nhầm. “Tôi chắc chắn họ có một khả năng bí mật nào đó”, Nass nói. Nhưng hóa ra người đa nhiệm tần suất cao là người nghiện những điều không thích hợp.” Họ vượt trội hơn hẳn xét trên mọi tiêu chí. Mặc dù họ thuyết phục bản thân và những người xung quanh rằng họ giỏi “đa nhiệm” nhưng theo Nass, “những người đa nhiệm tệ hại ở mọi mặt.” Làm nhiều việc cùng lúc là một lời dối trá. Bởi gần như mọi người đều coi đó là một hành động hiệu quả, nó trở thành điều phổ biến đến mức mọi người thực sự nghĩ rằng đó là việc họ nên làm và làm càng thường xuyên càng tốt. Chúng ta không chỉ nghe nói về cách thực hiện điều đó, mà thậm chí còn được nghe về cách để làm nó tốt hơn. Hơn 6 triệu trang web đều đưa ra câu trả lời về cách làm điều đó; các trang web nghề nghiệp liệt kê “đa nhiệm” như một kỹ năng mà người lao động nên hướng đến và nên được liệt kê vào một trong các thế mạnh của nhân viên tiềm năng. Một số người còn tự hào về kỹ năng hỗ trợ đó và áp dụng nó như một cách sống. Nhưng thực tế, đó là một “lời dối trá” bởi sự thật là đa nhiệm vừa không hiệu quả vừa không phù hợp. Trong thế giới coi trọng kết quả, nó sẽ khiến bạn thất bại mọi lúc, mọi nơi. Khi cố gắng làm hai việc cùng lúc, bạn không thể hoặc sẽ không làm tốt được cả hai. Nếu nghĩ đa nhiệm là một cách làm việc hiệu quả thì bạn đã nhầm. Thực tế, đây là cách làm giảm hiệu quả công việc. Như Steve Uzzell nói, “đa nhiệm đơn giản là hành động tạo cơ hội phá hỏng nhiều hơn một việc trong cùng một thời điểm.” Tư duy con khỉ Khái niệm về việc con người có thể làm nhiều việc một lúc đã được nghiên cứu bởi các nhà tâm lý học từ những năm 1920, nhưng thuật ngữ “đa nhiệm” đã không được đề cập cho đến tận những năm 1960. Nó được sử dụng để mô tả máy tính thay vì con người. Tính đến thời điểm đó, tốc độ 10 MHz nhanh đến mức cần một từ hoàn toàn mới để mô tả khả năng thực hiện đó của máy tính. Khi nhìn lại, họ có thể đã đưa ra một lựa chọn tồi tệ, bởi phần giải thích cho khái niệm “đa nhiệm” vốn đã là một sự dối trá. Đa nhiệm là nhiều nhiệm vụ luân phiên chia sẻ một nguồn lực (CPU), nhưng trong quá trình thực hiện, nó được hiểu thành nhiều nhiệm vụ được thực hiện đồng thời bởi một nguồn lực (hoặc một người). Một biến đổi cụm từ thông minh có thể gây hiểu nhầm, bởi ngay cả các máy tính cũng chỉ có thể xử lý được một đoạn mã tại một thời điểm. Khi làm nhiều việc cùng lúc, chúng ta di chuyển như con thoi, xen kẽ sự chú ý cho từng việc đến khi cả hai nhiệm vụ đều được hoàn thành. Tốc độ mà máy tính giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau tạo ra ảo tưởng rằng mọi thứ xảy ra cùng lúc, vì vậy việc so sánh máy tính với con người có thể gây nhầm lẫn. Con người thực sự có thể làm hai hay nhiều việc cùng lúc, như vừa đi vừa nói chuyện, hoặc vừa nhai kẹo cao su vừa đọc bản đồ, nhưng giống như máy tính, chúng ta không thể tập trung vào cả hai việc cùng lúc. Sự tập trung của chúng ta sẽ bị phân tán. Máy tính thì không có vấn đề gì, nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Hai chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh trên cùng một đường băng. Một bệnh nhân được kê đơn thuốc sai. Những bi kịch tiềm tàng này đều có chung một điểm là mọi người đang cố ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc và quên làm điều họ nên làm. Thật kỳ lạ, nhưng bằng cách nào đó theo thời gian, một người đa nhiệm đã trở thành hình ảnh về một người có lối sống hiện đại. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể, vì vậy chúng ta cho rằng chúng ta nên làm vậy. Học sinh vừa học vừa nhắn tin, nghe nhạc hoặc xem tivi. Người lớn vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại, ăn uống, trang điểm. Những điều đó diễn ra không phải bởi chúng ta có quá ít thời gian để làm mọi việc cần làm, mà bởi chúng ta cảm thấy cần phải làm quá nhiều việc trong khoảng thời gian chúng ta có. Vì vậy, chúng ta tăng gấp đôi và gấp ba lượng việc làm với hy vọng làm được mọi thứ. Các văn phòng hiện đại đầy rẫy những nhu cầu đa nhiệm gây sao nhãng. Trong khi bạn đang cố gắng hoàn thành nốt một dự án, một người nào đó ở ô bên cạnh ho và hỏi xem bạn có thuốc đau họng không. Hệ thống máy điện thoại văn phòng liên tục đổ chuông mà không ai sẵn sàng nghe máy. Màn hình máy tính của bạn liên tục thông báo có thư mới trong khi những cập nhật từ mạng xã hội thu hút hết sự chú ý của bạn đồng thời điện thoại di động lúc đó cũng rung báo tin nhắn mới. Một chồng thư chưa mở, hàng tá việc chưa giải quyết. Mất tập trung, sự quấy rầy, gián đoạn. Trên hết là sự mệt mỏi. Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng người lao động bị gián đoạn 11 phút một lần và dành 1/3 thời gian trong ngày để quay trở lại công việc sau những phiền nhiễu. Tuy nhiên, với thực tế đó chúng ta vẫn cho rằng mình có thể khắc phục được tình hình và làm những gì đã đề ra trong thời hạn cho phép. Nhưng chúng ta đang tự lừa dối bản thân. Đa nhiệm là một trò lừa đảo. Nhà thơ Billy Collins tóm tắt rằng: “Chúng tôi gọi đó là đa nhiệm, điều đó khiến nó nghe có vẻ giống khả năng làm được rất nhiều việc cùng lúc… Một tín đồ Phật giáo gọi đây là tư duy con khỉ”. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta làm chủ được khả năng đa nhiệm, nhưng thực tế chúng ta chỉ tự dẫn mình đến những quả chuối. Tung hứng là một ảo tưởng Chúng ta thường “đa nhiệm” một cách tự nhiên. Trung bình khoảng 4.000 suy nghĩ lướt qua đầu mỗi ngày, nên dễ thấy tại sao chúng ta lại cố gắng làm nhiều việc cùng lúc. Nếu suy nghĩ thay đổi với tần suất 14 giây một lần kéo theo thay đổi về phương hướng, thì rõ ràng chúng ta liên tục bị cám dỗ bởi việc cố gắng làm càng làm nhiều việc một lúc càng tốt. Khi làm một việc nào đó, chúng ta sẽ mất tập trung vào việc khác. Hơn nữa, lịch sử cho thấy sự tồn tại liên tục của chúng ta có thể đòi hỏi con người phải tiến hóa hơn để có thể bao quát nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Tổ tiên của chúng ta không thể tồn tại lâu khi không ăn thịt thú rừng, hái lượm hoa quả, thuộc da, hoặc không đốt lửa sau một ngày đi săn. Nỗ lực sắp xếp nhiều hơn một việc tại một thời điểm không chỉ là cốt lõi của cách chúng ta đang làm, mà rất có thể là điều cần thiết cho sự sống còn sau này. Nhưng khả năng tung hứng không phải là khả năng đa nhiệm. Tung hứng là một ảo tưởng. Đối với một người quan sát ngẫu nhiên, một nghệ sỹ xiếc đang tung hứng ba quả bóng cùng lúc. Trong thực tế, các quả bóng đang được ném lên và hứng tự do với sự luân chuyển rất nhanh. Bắt, ném, bắt, ném, bắt, ném. Mỗi quả bóng, một thời điểm. Đó là những gì các nhà nghiên cứu gọi là khả năng “luân chuyển công việc.” Khi bạn chuyển từ việc này sang việc khác, tự nguyện hay không, có hai điều sẽ xảy ra. Điều đầu tiên diễn ra gần như tức thì: Bạn quyết định chuyển đổi. Điều thứ hai khó dự đoán hơn: Bạn phải kích hoạt các “quy tắc” đối với bất cứ điều gì bạn chuẩn bị làm (xem Hình 6). Chuyển đổi giữa hai nhiệm vụ đơn giản – như xem tivi và gấp quần áo – diễn ra khá khẩn trương và dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn đang làm việc trên một bảng tính và lúc đó, một đồng nghiệp ghé qua văn phòng của bạn để thảo luận về một vấn đề kinh doanh, sự phức tạp tương ứng liên quan đến các công việc khiến bạn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi qua lại. Bạn luôn mất một chút thời gian để bắt đầu một nhiệm vụ mới và khởi động lại việc bạn vừa bỏ qua, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ quay trở lại chính xác phần công việc còn dang dở. Bạn phải trả giá cho việc này. “Chi phí dưới dạng thời gian phụ trội do chuyển đổi công việc phụ thuộc vào mức độ phức tạp hay đơn giản của công việc,” theo báo cáo nghiên cứu của Tiến sĩ David Meyer. “Nó có thể tăng từ 25% thời gian hoặc ít hơn đối với những việc đơn giản đến hơn 100% đối với các việc phức tạp.” Chuyển đổi công việc kéo theo một vài chi phí mà hiếm có người nhận ra mình đang phải trả. Các kênh trong não bộ Như vậy, chuyện gì xảy ra khi chúng ta thực sự làm hai việc cùng lúc? Điều đó thật đơn giản. Chúng tôi đã tách riêng chúng. Não của chúng ta có nhiều kênh, và kết quả là chúng ta có thể xử lý các loại dữ liệu khác nhau trong các phần khác nhau của não bộ. Đây là lý do bạn có thể vừa nói chuyện vừa đi bộ. Không có sự giao thoa giữa các kênh. Nhưng có một cái bẫy: Bạn không thực sự tập trung vào cả hai hoạt động. Một hoạt động chính và một hoạt động phụ. Nếu bạn muốn nói chuyện với một hành khách ngồi ở hàng ghế DC-10, bạn sẽ phải dừng bước. Tương tự, nếu muốn đi qua cây cầu dây bắc qua một hẻm núi, bạn phải im lặng. Bạn có thể làm hai việc cùng lúc, nhưng bạn không thể tập trung hiệu quả vào cả hai. Nhiều người nghĩ rằng bởi cơ thể họ hoạt động mà không ý thức được những điều đang xảy ra xung quanh, nên họ đang làm cùng lúc nhiều việc. Điều này cũng đúng, nhưng đó không phải là bản chất vấn đề. Rất nhiều hành động vật lý của chúng ta, như hô hấp, đang được điều khiển từ một phần khác của não bộ thay vì vùng điều khiển sự tập trung. Kết quả là, không có sự xung đột giữa các kênh. Chúng ta đã đúng khi nói một điều gì đó là “trung tâm của sự chú ý” hoặc “quan tâm hàng đầu”, bởi đó là vị trí sự tập trung diễn ra − thùy não trước. Khi tập trung, bạn thực sự có thể chú ý đến hai điều, nhưng đó là những gì được gọi là “sự chú ý phân tán”. Và không có sai sót nào cả. Làm cả hai việc, bạn sẽ bị phân tán sự chú ý. Làm thêm việc thứ ba, bạn sẽ mất hẳn sự tập trung vào một trong số những việc đó. Vấn đề của việc cố gắng tập trung vào hai việc cùng lúc xuất hiện khi một việc đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn việc còn lại hoặc nếu nó cắt ngang khu vực não bộ đang được sử dụng vào một việc khác. Khi vợ/chồng bạn mô tả cách sắp xếp lại đồ nội thất trong phòng khách, nhờ vỏ não thị giác, bạn tưởng tượng được hình ảnh đồ đạc trong tâm trí. Nếu đang lái xe lúc đó, thì sự can thiệp này đồng nghĩa với việc bạn đang nhìn thấy chiếc ghế sofa mới và kết quả là bạn không nhìn thấy chiếc ôtô đang đi chậm lại trước mặt. Đơn giản là bạn không thể tập trung hiệu quả vào cả hai điều cùng lúc. Mỗi khi chúng ta cố gắng làm hai hay nhiều việc cùng lúc, chỉ đơn giản là phân chia sự tập trung và giảm thiểu kết quả của mọi việc trong quá trình thực hiện. Dưới đây là danh sách ngắn về việc đa nhiệm đã gián đoạn chúng ta như thế nào: 1. Não chỉ có khả năng làm nhiều việc cùng lúc trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy cứ phân chia sự tập trung tùy ý, nhưng bạn sẽ phải trả giá về thời gian và hiệu quả. 2. Bạn càng dành nhiều thời gian chuyển sang việc khác, bạn càng khó trở lại việc ban đầu. Những điểm chưa thỏa đáng tồn đọng do đó. 3. Bị kẹp giữa hai việc, bạn sẽ mất thời gian để thay đổi sự tập trung vào việc mới. Thời gian lãng phí được cộng dồn ngày càng tăng. Các nhà nghiên cứu ước tính trung bình, chúng ta mất 28% thời gian mỗi ngày thiếu hiệu quả do đa nhiệm mang lại. 4. Người “mắc bệnh” đa nhiệm sở hữu tư duy lệch lạc về thời gian cần đầu tư cho công việc. Hầu hết họ đều tin rằng công việc cần nhiều thời gian để hoàn thành hơn dự kiến. 5. Những người đa nhiệm thường phạm sai lầm nhiều hơn người không đa nhiệm. Họ thường đưa ra những quyết định tồi hơn bởi họ thích thông tin mới hơn cũ, ngay cả khi thông tin cũ có giá trị hơn. 6. Người đa nhiệm được tận hưởng cuộc sống ít hơn, căng thẳng sẽ dập tắt niềm vui sống của họ. Với nghiên cứu khá rõ ràng, có vẻ như thật mất trí khi biết những tác hại mà đa nhiệm gây ra nhưng chúng ta vẫn cố gắng đa nhiệm bằng mọi giá. Những nhân viên văn phòng sử dụng máy tính hàng ngày thường thay đổi cửa sổ hoặc kiểm tra e-mail hay các chương trình khác gần 37 lần một giờ. Làm việc trong môi trường gây sao nhãng khiến họ càng sao nhãng hơn. Người đa nhiệm về phương tiện truyền thông cảm thấy bị kích thích chuyển đổi việc – bùng phát dopamine – có thể gây nghiện. Nếu thiếu nó, họ sẽ cảm thấy chán nản. Dù vì bất cứ lý do gì, kết quả vẫn rõ ràng: Đa nhiệm kìm hãm và hạn chế khả năng tập trung của chúng ta. Dẫn đến sự mất tập trung Năm 2009, phóng viên tờ New York Times Matt Richtel đã giành được giải thưởng Pulitzer về lĩnh vực Báo cáo Quốc gia với một loạt bài báo (“Dẫn đến sự mất tập trung”) về sự nguy hiểm khi vừa lái xe vừa nhắn tin hoặc sử dụng điện thoại di động. Ông thấy rằng bị phân tâm khi lái xe chiếm 16% nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tương đương với gần nửa triệu người bị thương hàng năm. Thậm chí một cuộc chuyện phiếm qua điện thoại khi lái xe cũng chiếm 40% sự tập trung của bạn và, ngạc nhiên thay, nó có ảnh hưởng tiêu cực ngang mức bị say rượu. Bằng chứng thuyết phục đến mức nhiều tiểu bang và thành phố đã cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Việc làm này rất có ý nghĩa. Chỉ cần một tin nhắn cũng có thể biến chiếc SUV gia đình trở thành đống đổ nát. Chúng ta biết rằng đa nhiệm thậm chí có thể gây họa trong những tình huống nguy kịch. Trong thực tế, chúng tôi hoàn toàn mong đợi các phi công và bác sĩ phẫu thuật chỉ tập trung vào công việc của họ nếu không sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc. Chúng ta không tranh luận và không chấp nhận bất cứ điều gì ngoài sự tập trung hoàn toàn từ những chuyên gia này. Tuy nhiên, chúng ta thuộc đa số những người sống theo những chuẩn mực khác. Chúng ta không đánh giá cao công việc của mình hay coi trọng nó một cách nghiêm túc? Tại sao chúng ta lại làm nhiều việc cùng lúc khi đang thực hiện việc quan trọng nhất? Chỉ bởi công việc hàng ngày của chúng ta không liên quan đến phẫu thuật tim nhân tạo nên không cần tập trung vào bất kỳ điều gì không quan trọng đối với thành công của chúng ta hoặc thành công của người khác. Công việc của bạn cũng xứng đáng được tôn trọng không kém. Tại thời điểm hiện tại, điều này có vẻ không như vậy, nhưng liên kết mọi thứ chúng ta làm đồng nghĩa với việc mỗi chúng ta không chỉ có một công việc để làm, mà còn là một công việc xứng đáng được đầu tư tâm sức. Hãy suy nghĩ theo cách này. Nếu trung bình chúng ta mất gần 1/3 ngày làm việc cho sự mất tập trung, vậy trong suốt sự nghiệp, chúng ta sẽ mất bao nhiêu thời gian? Những ngành nghề khác là bao nhiêu? Các doanh nghiệp thì thế nào? Khi xem xét vấn đề này, bạn chỉ có thể khám phá ra rằng nếu không tìm ra cách giải quyết vấn đề này, thực tế bạn có thể thất bại trong sự nghiệp hoặc có thể phá sản công ty. Hay tệ hơn, kéo theo những người khác cùng thất bại. Ngoài công việc, sự phân tâm còn ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của chúng ta? Tác giả Dave Crenshaw đã đúng khi viết, “Những người chúng ta cùng sống và làm việc hàng ngày xứng đáng nhận được sự quan tâm đầy đủ từ chúng ta. Khi chúng ta quan tâm đến mọi người với sự ngắt quãng, gián đoạn, cái giá chúng ta phải trả không chỉ là thời gian. Chúng ta sẽ phá hỏng các mối quan hệ”. Mỗi lần bắt gặp một cặp đôi đi ăn cùng nhau, một người đang cố nói chuyện nghiêm túc trong khi người kia lén gửi tin nhắn, tôi thường nhớ đến sự thật đơn giản về lời khẳng định của tác giả này. Ý tưởng lớn 1. Mất tập trung là điều đương nhiên. Đừng cảm thấy tồi tệ khi bạn bị phân tâm. Ai cũng bị sao nhãng. 2. Đa nhiệm gây ra rất nhiều thiệt hại. Dù tại nhà hay tại nơi làm việc, mất tập trung dẫn đến những lựa chọn thiếu sáng suốt, những sai lầm và căng thẳng không đáng có. 3. Mất tập trung làm suy giảm các kết quả. Khi cố gắng làm quá nhiều việc cùng lúc, bạn có thể không làm tốt được việc nào. Hãy tìm ra điều quan trọng nhất vào thời điểm đó và dành cho nó sự quan tâm trọn vẹn. Để buộc nguyên tắc “điều quan trọng nhất” mang lại hiệu quả, bạn không thể dối mình rằng cố gắng làm hai việc cùng lúc là một ý tưởng tuyệt vời. Mặc dù đôi khi chúng ta hoàn toàn có thể đa nhiệm, nhưng không bao giờ chúng ta có thể làm điều đó một cách hiệu quả. 6. MỘT LỐI SỐNG CÓ KỶ LUẬT Người ta thường cho rằng người thành công là “người có kỷ luật” sở hữu một “lối sống có kỷ luật”. Đó là một lời dối trá. Sự thật là chúng ta không cần bất cứ kỷ luật nào ngoài những gì chúng ta vốn có. Chúng ta chỉ cần điều khiển và quản lý nó tốt hơn. Trái với niềm tin của đa số người, thành công không phải là một cuộc chạy đua của hành động có kỷ luật. Thành tích không buộc bạn phải là người luôn có kỷ luật với mọi hành động đều phải được trau chuốt, với sự kiểm soát là giải pháp cho mọi tình huống. Thành công thực sự là một cuộc chạy đua nước rút – được thúc đẩy bởi kỷ luật đủ để trở thành một thói quen giúp bạn làm chủ chính mình và hoàn cảnh. Khi biết cần phải hoàn thành một việc gì đó nhưng chưa thực hiện được, chúng ta thường lấp liếm rằng, “tôi chỉ cần có kỷ luật hơn nữa”. Trên thực tế, chúng ta cần thói quen làm việc đó. Và chúng ta cần vừa đủ kỷ luật để tạo dựng thói quen. Trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về thành công, từ “kỷ luật” và “thói quen”, thường đan xen nhau. Dù có nghĩa hoàn toàn khác biệt, nhưng chúng gắn bó mật thiết để tạo nền tảng cho thành công – thường xuyên làm một việc gì đó đến khi nó mang lại lợi ích cho bạn. Khi có kỷ luật, bạn đã tự luyện bản thân hành động theo một cách cụ thể. Hãy rèn luyện bản thân trong một thời gian đủ để kỷ luật trở thành thói quen. Vì vậy, khi thấy những người có vẻ “có kỷ luật”, bạn đang gặp những người đã tạo dựng được các thói quen trong cuộc sống. Điều này khiến họ có vẻ “có kỷ luật” hơn nhưng thực tế không phải vậy. Không ai là người “có kỷ luật”. Vậy chúng ta muốn trở thành người như thế nào? Suy nghĩ về việc phải tôi luyện mọi hành vi trở thành thói quen vừa có vẻ bất khả thi vừa vô cùng nhàm chán. Hầu hết mọi người đều sẽ đi đến kết luận này, nhưng, do chẳng còn lựa chọn nào khác, họ phải nỗ lực gấp đôi để thực hiện điều tưởng chừng bất khả thi đó hoặc lẳng lặng từ bỏ. Thất vọng xuất hiện và cuối cùng họ có thể sẽ phải từ bỏ quyền lợi. Bạn không cần phải trở thành một người có kỷ luật để thành công. Trong thực tế, bạn có thể thành công với rất ít kỷ luật so với tưởng tượng, vì một lý do đơn giản: Thành công là làm việc đúng đắn, thay vì làm đúng mọi việc. Bí quyết để thành công là lựa chọn đúng thói quen và có đủ kỷ luật để tạo dựng thói quen đó. Đó là tất cả những kỷ luật bạn cần. Khi thói quen này trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ bắt đầu trông giống một người có kỷ luật, nhưng kỳ thực không phải vậy. Bạn sẽ là một người sử dụng kỷ luật có chọn lọc để tạo dựng thói quen mạnh mẽ. Kỷ luật có chọn lọc rất hiệu quả Michael Phelps, một vận động viên Olympic về bơi lội, là một ví dụ về kỷ luật được lựa chọn. Khi còn là một đứa trẻ, anh được chẩn đoán mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), cô giáo mầm non nơi anh theo học đã nói với mẹ của anh rằng: “Michael không thể ngồi yên. Michael không thể yên lặng… Cậu bé không có năng khiếu tự nhiên. Con trai chị sẽ không bao giờ tập trung được vào bất cứ điều gì”. Bob Bowman, huấn luyện viên của Phelps từ năm cậu 11 tuổi nói rằng Michael đã dành rất nhiều thời gian ở bể bơi bên cạnh các nhân viên cứu hộ và có hành vi gây rối. Hành vi sai trái này cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong cuộc đời anh. Tuy nhiên, anh đã thiết lập hàng chục kỷ lục thế giới. Năm 2004, anh giành được 6 huy chương vàng và 2 huy chương đồng tại Thế vận hội Athens và sau đó, năm 2008, một kỷ lục 8 huy chương vàng tại Bắc Kinh, đã giúp anh vượt qua huyền thoại Mark Spitz. 18 huy chương vàng của anh đã thiết lập một kỷ lục mới đối với các vận động viên Olympic trong bất kỳ môn thể thao nào. Trước khi giải nghệ, chiến thắng của anh tại Thế vận hội năm 2012 diễn ra tại London đã đưa tổng số huy chương của anh lên con số 22 và mang về cho anh danh hiệu vận động viên Olympic thành công nhất trong lịch sự thể thao. Nói về Phelps, một phóng viên chia sẻ: “Nếu là một quốc gia, anh ấy đã được xếp hạng thứ 12 trong ba Thế vận hội gần đây nhất”. Ngày nay, mẹ anh khẳng định, “khả năng tập trung của Michael khiến tôi vô cùng ngạc nhiên”. Bowman gọi đó là “cá tính mạnh mẽ nhất của anh ấy”. Điều này đã xảy ra như thế nào? Làm sao một cậu bé “không bao giờ có thể tập trung vào bất cứ điều gì” lại đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ đến vậy? Phelps trở thành một người có kỷ luật chọn lọc. Từ năm 14 tuổi đến Thế vận hội Bắc Kinh, Phelps đều luyện tập 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm. Anh nghĩ bằng cách tập luyện vào các ngày Chủ nhật, anh có lợi thế cạnh tranh 52 ngày luyện tập. Anh đã dành 6 giờ ở dưới nước mỗi ngày. “Phân bổ nguồn năng lượng là một trong những điểm mạnh của cậu ấy”, Bowman nói. Không phải nói quá khi cho rằng Phelps đã tập trung mọi năng lượng của mình vào một kỷ luật mà sau đó nó đã phát triển thành một thói quen – bơi hàng ngày. Thành quả có được từ việc phát triển thói quen đúng đắn khá rõ ràng. Nó giúp bạn có được thành công mà bạn đang tìm kiếm. Tuy nhiên, những gì bị bỏ qua đôi khi lại là một vận may tuyệt vời: Nó khiến cuộc sống của bạn trở nên đơn giản hơn. Cuộc sống của bạn rõ ràng và ít phức tạp hơn bởi bạn biết mình phải tập trung làm tốt những gì. Vấn đề là việc hướng tính kỷ luật vào thói quen đúng đắn sẽ buộc bạn phải bỏ qua các lĩnh vực khác, bạn sẽ được giải phóng khỏi việc kiểm soát mọi thứ. 66 ngày tìm được điểm mạnh nhất Kỷ luật và thói quen. Thành thật mà nói, hầu hết mọi người đều không bao giờ muốn nói về chuyện này. Hình ảnh những từ ngữ này luôn gợn lên trong đầu chúng ta hơi hướng của sự hà khắc và khó chịu. Chỉ cần đọc chúng đã tạo cho chúng ta cảm giác mệt mỏi. Nhưng thật may, để có được kỷ luật đúng đắn phải đi một chặng đường dài, và các thói quen chỉ khó khăn vào giai đoạn đầu. Sự thật là dần dần, thói quen của bạn ngày càng dễ duy trì hơn. Các thói quen đòi hỏi ít năng lượng và công sức để duy trì hơn lúc bắt đầu (xem Hình 7). Hãy theo đuổi kỷ luật đủ lâu để biến nó thành một thói quen, và hành trình của bạn sẽ trở nên khác biệt. Hãy biến một thói quen trở thành một phần cuộc sống của bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống đơn giản hơn nhiều. Thói quen khiến những thứ khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Vậy bạn phải duy trì kỷ luật trong bao lâu? Các nhà nghiên cứu tại Đại học London đã đưa ra câu trả lời. Năm 2009, họ đặt ra câu hỏi: Để có được một thói quen mới mất bao lâu? Họ tìm kiếm thời điểm một hành vi mới tự động ăn sâu vào mỗi người. Điểm “tính tự động” đã xuất hiện khi những người tham gia chiếm 95% đường cong năng lượng và nỗ lực cần thiết để duy trì nó ở mức thấp nhất có thể. Họ đã yêu cầu các sinh viên duy trì chế độ ăn kiêng, tập thể dục trong một khoảng thời gian và theo dõi tiến bộ. Kết quả cho thấy phải mất trung bình 66 ngày để có được một thói quen mới. Số ngày nói chung khoảng từ 18 đến 254 ngày, nhưng 66 ngày đại diện cho điểm mạnh nhất – với những hành vi dễ dàng hơn mất ít ngày hơn so với mức trung bình và những hành vi khó mất nhiều thời gian hơn. Các chu kỳ tự lực có xu hướng cho thấy phải mất 21 ngày để thực hiện một sự thay đổi, nhưng khoa học hiện đại không ủng hộ nhận định đó. Chúng ta cần thời gian để tạo dụng những thói quen đúng đắn, vì vậy đừng từ bỏ quá sớm. Quyết định lựa chọn đúng đắn, sau đó đầu tư thời gian cần thiết và áp dụng mọi kỷ luật bạn có để tập trung phát triển nó. Megan Oaten và Ken Cheng, các nhà nghiên cứu người Australia, thậm chí còn tìm thấy một số bằng chứng về hiệu ứng halo xung quanh việc tạo ra thói quen. Trong các nghiên cứu của họ, những sinh viên đã thành công khi tạo dựng được một thói quen tích cực thường ít căng thẳng, chi tiêu ít bốc đồng, có thói quen ăn uống tốt hơn, hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá và cà phê; ít xem tivi hơn, và thậm chí để ít đĩa bẩn hơn. Duy trì kỷ luật đủ lâu về một thói quen không chỉ khiến những việc đó mà cả những việc khác cũng trở nên dễ dàng hơn. Đó là lý do những người có thói quen đúng đắn thường làm tốt hơn những người khác. Họ đang thường xuyên làm điều quan trọng nhất và vì thế mọi thứ khác cũng trở nên dễ dàng hơn. Ý tưởng lớn 1. Đừng trở thành người có kỷ luật. Hãy là một người của những thói quen lành mạnh và sử dụng kỷ luật chọn lọc để phát triển những thói quen đó. 2. Tạo dựng từng thói quen một. Thành công là một chuỗi liên tục thay vì diễn ra đồng thời. Không ai thực sự có kỷ luật để có được nhiều thói quen mới tích cực tại một thời điểm. Những người thành công lớn biết sử dụng kỷ luật chọn lọc để phát triển một vài thói quen nổi bật, lần lượt từng thói quen theo thời gian. 3. Đầu tư đủ thời gian cho mỗi thói quen. Gắn bó mật thiết với kỷ luật đủ lâu để biến nó trở thành thói quen. Trung bình cần 66 ngày để hình thành một thói quen. Một khi thói quen được thiết lập vững chắc, bạn có thể tạo dựng thành quả dựa trên thói quen đó hoặc, nếu phù hợp, hình thành nên thói quen mới. Nếu bạn là tổng hòa của những hành động bạn lặp đi lặp lại nhiều lần, thì thành quả không phải hành động bạn làm mà là thói quen bạn rèn luyện trong cuộc sống. Bạn không cần phải tìm kiếm thành công. Hãy khai thác sức mạnh của kỷ luật chọn lọc để tạo dựng các thói quen đúng đắn, và những kết quả đáng kinh ngạc sẽ tìm đến bạn. 7. “CẦN LÀ CÓ, MUỐN LÀ ĐƯỢC” Ý CHÍ Tại sao bạn từng phải chật vật làm một điều gì đó? Tại sao bạn từng lâm vào một hoàn cảnh hết sức bất lợi, cố lê bước giữa một bên là vách đá, một bên là vực sâu, hoặc cố làm việc gì đó khi tay bị khóa trái sau lưng? Hầu hết mọi người đều vô tình làm điều đó mỗi ngày. Khi trói thành công của mình bằng sức mạnh ý chí của bản thân mà không biết điều gì thực sự có nghĩa, chúng ta đã đặt mình vào thế lưỡng nan. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảo ngược tình thế. Thường được trích dẫn như một tuyên bố về quyết tâm tuyệt đối, câu tục ngữ cổ của Anh “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường” đã nhiều lần bị nhầm lẫn về sức mạnh ý chí. Nó được phát từ miệng, trôi tuột qua đầu chúng ta nhanh chóng đến mức hiếm ai dừng lại để hiểu hết ý nghĩa của nó. Được coi là nguồn lực duy nhất về sức mạnh cá nhân ở mọi nơi, người ta nhầm tưởng nó là “đơn thuốc” thành công duy nhất. Nhưng để có được cách thức hữu hiệu nhất, cần đến nhiều điều hơn thế. Coi sức mạnh ý chí chỉ là một lời kêu gọi nghị lực, bạn sẽ bỏ lỡ yếu tố không kém phần quan trọng khác: Đó là thời cơ – một nhân tố rất quan trọng. Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi không quan tâm nhiều đến sức mạnh ý chí. Một khi tôi đã làm, việc làm đó sẽ thu hút tôi. Khả năng kiểm soát bản thân để xác định hành động là một ý tưởng khá mạnh mẽ. Dựa vào việc rèn luyện và đó được gọi là kỷ luật. Nhưng hãy làm điều đó, đơn giản bởi bạn có khả năng, đó là năng lượng nguồn nguyên sơ của bạn. Sức mạnh của ý chí. Điều này có vẻ quá đơn giản: Chỉ cần có ý chí, thành công sẽ xuất hiện. Tôi đang đi trên hành trình của mình. Đáng buồn thay, hành trang của tôi không nhiều, vì đó là một chuyến đi ngắn ngày. Khi tôi tìm cách áp đặt ý chí của mình vào những mục tiêu không có khả năng tự vệ, tôi nhanh chóng phát hiện ra một điều gây nản lòng: Không phải lúc nào tôi cũng có ý chí. Sức mạnh ý chí của tôi đến rồi đi như thể nó có một cuộc sống riêng. Tạo dựng thành công xung quanh thế mạnh, ý chí theo nhu cầu của cá nhân được chứng minh là không mang lại hiệu quả. Suy nghĩ ban đầu của tôi là, “Tôi làm sao vậy?” Tôi là một kẻ thua cuộc? Tôi mất hết can đảm. Không có sức mạnh nghị lực. Không có dũng khí. Do đó, tôi dồn tâm sức, quyết tâm, nỗ lực gấp đôi, và đi đến một kết luận khiêm nhường: Sức mạnh ý chí không phải “cần là có, muốn là được”. Mạnh mẽ như động lực, ý chí không chỉ ngồi đợi tôi hô hào, không phải lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng, túc trực để thực hiện bất cứ điều gì tôi muốn. Thật quá đỗi ngạc nhiên, bởi tôi luôn cho rằng nó lúc nào cũng ở đó. Tôi có thể tiếp cận nó bất cứ khi nào, có được bao nhiêu tùy ý. Tôi đã nhầm. “Cần là có, muốn là được” ý chí là một lời dối trá. Hầu hết mọi người cho rằng ý chí rất quan trọng, nhưng nhiều người không hoàn toàn đánh giá cao tầm quan trọng của nó với thành công. Một dự án nghiên cứu rủi ro lớn sẽ cho thấy tầm quan trọng thực sự của nó. Tra tấn trẻ nhỏ Cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, nhà nghiên cứu Walter Mischel đã bắt đầu “tra tấn” có phương pháp các bé 4 tuổi tại trường mầm non Bing thuộc Đại học Stanford. Hơn 500 trẻ em được tình nguyện đưa vào tham gia chương trình độc ác này bởi chính cha mẹ chúng, nhiều người trong số họ, giống như hàng triệu người khác, đã cười không thương tiếc trước các video quay những đứa trẻ loay hoay, đau khổ. Thí nghiệm độc ác này được gọi là “Thí nghiệm kẹo dẻo”. Đó là một cách thú vị để quan sát sức mạnh ý chí. Bọn trẻ được đưa cho một trong ba phần thưởng – một chiếc bánh quay xoắn, một chiếc bánh quy dẹt, hoặc một chiếc kẹo dẻo dở tệ. Bọn trẻ được biết các nhà nghiên cứu sẽ phải ra ngoài, và nếu có thể đợi 15 phút đến khi các nhà nghiên cứu quay lại, chúng sẽ được thưởng một chiếc bánh quy dẹt. Một món trước bây giờ hoặc hai món sau đó. (Mischel biết họ thiết kế các bài kiểm tra hiệu quả khi một vài đứa trẻ muốn từ bỏ ngay khi họ giải thích luật chơi.) Bị bỏ lại một mình với chiếc kẹo dẻo không được phép ăn, bọn trẻ sử dụng mọi loại chiến lược trì hoãn, từ nhắm mắt, kéo tóc, quay đi, để lơ lửng trước mặt, ngửi và thậm chí vuốt ve món quà. Chúng “kiên trì” được trung bình chưa đầy 3 phút. Và chỉ có 3 trong số 10 đứa trẻ chờ được đến khi các nhà nghiên cứu trở lại. Hầu hết bọn trẻ rõ ràng đều vật lộn trì hoãn “thưởng thức” phần thưởng. Chúng thiếu ý chí. Ban đầu, không ai cho rằng bất cứ điều gì về thành công hay thất bại trong bài thử nghiệm kẹo dẻo có thể nói về tương lai của một đứa trẻ. Tầm nhìn sâu sắc đó xuất hiện một cách hữu cơ. Những đứa trẻ kiên nhẫn đợi đến khi nhận được món quà thứ hai thường thành công hơn rất nhiều. Từ năm 1981, Mischel bắt đầu theo dõi một cách có hệ thống các đối tượng ban đầu. Ông thu thập bảng điểm, lưu trữ hồ sơ và gửi bảng câu hỏi để đo tiến độ trong học tập và hành vi xã hội tương ứng của chúng. Linh cảm của ông đã đúng, sức mạnh ý chí hoặc khả năng trì hoãn ham muốn là một chỉ số góp phần rất lớn để tạo dựng thành công trong tương lai. Trong hơn 30 năm sau đó, Mischel và các đồng nghiệp đã công bố nhiều bài viết về cách “những người trì hoãn giỏi” duy trì tình trạng này tốt hơn bằng cách nào. Thành công của cuộc thử nghiệm dự đoán thành tích học tập nói chung cao hơn, coi trọng giá trị bản thân, và quản lý căng thẳng tốt hơn. Mặt khác, “những người trì hoãn kém” có khả năng béo phì cao hơn 30% và có khả năng nghiện ma túy cao hơn. Khi mẹ của bạn nói với bạn rằng “mọi điều tốt đẹp chỉ đến với những ai biết chờ đợi”, bà hẳn đã không hề nói đùa. Ý chí quan trọng đến mức nên liệt kê nó vào một trong những ưu tiên hàng đầu. Thật không may, do không phải lúc nào cũng có sẵn, nên để tận dụng nó tốt nhất bạn buộc phải quản lý nó. Sức mạnh ý chí là một vấn đề về thời gian. Khi có ý chí, bạn sẽ tìm được hướng đi. Mặc dù nghị lực là yếu tố thiết yếu của sức mạnh ý chí, nhưng chìa khóa để khai thác nó lại là thời điểm bạn sử dụng nó. Năng lượng tái tạo Hãy coi ý chí giống như cục pin điện thoại di động của bạn. Bạn bắt đầu mỗi sáng với “pin được sạc đầy”. Bạn sử dụng nó cả ngày. Vì vậy, vạch pin rút ngắn lại, công việc dần được giải quyết, và khi vạch pin báo đỏ, bạn có thể hoàn tất công việc trong ngày. Ý chí có một tuổi thọ hạn chế nhưng có thể được nạp đầy trong khoảng thời gian nhất định và có thể tái tạo. Do nguồn cung hạn chế nên mỗi hành động của ý chí sẽ tạo nên một tình huống thắng thua, trong đó việc sử dụng sức mạnh ý chí để chiến thắng sẽ khiến bạn bị thua trong tương lai vì càng về sau, sức mạnh của ý chí của bạn sẽ càng giảm. Mọi người đều chấp nhận rằng các nguồn lực hạn chế phải được quản lý, nhưng chúng ta lại không nhận ra rằng sức mạnh ý chí là một trong số đó. Chúng ta hành động như thể nguồn lực sức mạnh ý chí là vô tận. Kết quả là, chúng ta không coi đó là một nguồn tài nguyên cá nhân cần được quản lý, như thức ăn hay giấc ngủ. Điều này nhiều lần đặt chúng ta vào hoàn cảnh khó khăn, khi cần đến ý chí nhất, nó lại không xuất hiện. Nghiên cứu của giáo sư Đại học Stanford Baba Shiv cho thấy ý chí của chúng ta chỉ có thể xuất hiện thoáng qua như thế nào. Ông chia 165 sinh viên thành hai nhóm và yêu cầu họ ghi nhớ số có hai hoặc bảy chữ số thập phân. Cả hai nhiệm vụ đều nằm trong khả năng nhận thức của một người bình thường, và họ có thể dùng tối đa thời gian cần thiết. Khi đã sẵn sàng, các sinh viên sẽ sang phòng khác để nhớ lại các con số. Họ ăn nhẹ trước khi tham gia vào nghiên cứu. Có hai lựa chọn là bánh sô-cô-la hoặc một bát sa lát hoa quả − ngon miệng hoặc có lợi cho sức khỏe. Đây là tác nhân kích thích: Các sinh viên được yêu cầu ghi nhớ số có bảy chữ số thập phân gần gấp đôi số người có thể chọn bánh. Chút nhận thức nhỏ này vừa đủ để ngăn chặn một lựa chọn khôn ngoan. Những tác động của sức mạnh ý chí vô cùng đáng kinh ngạc. Chúng ta càng sử dụng tâm trí nhiều, sức mạnh ý chí càng ít. Ý chí giống một cơ vận động nhanh dẫn đến mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Nó rất mạnh mẽ, nhưng không có sức chịu đựng dẻo dai. Như Kathleen Vohs mô tả trên tạp chí Prevention năm 2009, “Sức mạnh ý chí giống như xăng trong xe của bạn… Khi tăng số, xăng sẽ cạn. Bạn càng ga lớn, xăng càng hết nhanh.” Trong thực tế, tình huống trên với một số có thêm 5 chữ số thập phân nữa sẽ rút cạn ý chí của các sinh viên. Trong các quyết định khai thác sức mạnh ý chí của chúng ta, thực phẩm cũng đóng một vai trò quan trọng trong các cấp độ sức mạnh ý chí. Thực phẩm cho tư duy Não bộ chiếm 1/50 trọng lượng cơ thể chúng ta nhưng tiêu thụ đến 1/5 lượng calo chúng ta đốt cháy để tạo ra năng lượng. Nếu bộ não là một chiếc xe, xét về mức độ tiêu thụ nhiên liệu, nó tương đương với một chiếc Hummer. Phần lớn các hoạt động có ý thức của chúng ta đang xảy ra ở thùy não trước, một phần của bộ não chịu trách nhiệm cho sự tập trung, xử lý bộ nhớ ngắn hạn, giải quyết vấn đề và quản lí kiểm soát xung động. Đó là trung tâm của những gì biến chúng ta thành con người kiêm trung tâm kiểm soát điều hành và sức mạnh ý chí. Dưới đây là một thực tế thú vị. Thuyết “vào sau cùng, ra trước tiên” rất có hiệu lực trong đầu chúng ta. Những phần phát triển sau cùng của bộ não chúng ta là phần đầu tiên bị ảnh hưởng nếu có sự thiếu hụt các nguồn dinh dưỡng bổ sung. Càng trưởng thành, các khu vực phát triển hơn của não bộ, như những vùng điều chỉnh hơi thở và các phản ứng thần kinh của chúng ta, được cung cấp máu đầu tiên và hầu như không bị ảnh hưởng nếu chúng ta bỏ bữa. Mặt khác, thùy não trước bị ảnh hưởng lớn nhất. Thật không may, đó là khu vực phát triển sau trên mỗi cơ thể con người, nó có tuổi đời nhỏ nhất. Một nghiên cứu nâng cao khác cho chúng ta thấy tại sao vấn đề này lại quan trọng đến vậy. Một bài báo năm 2007 trên tạp chí Personality and Social Psychologyđã chi tiết hóa 9 nghiên cứu riêng biệt về ảnh hưởng của dinh dưỡng và sức mạnh ý chí. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu được giao nhiệm vụ cần đến hoặc không cần đến sức mạnh ý chí và đo lượng đường trong máu trước và sau mỗi nhiệm vụ. Những người sử dụng ý chí trong các nhiệm vụ cho thấy sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ đường trong máu. Các nghiên cứu sau đó cho thấy ảnh hưởng của ý chí đến hiệu suất khi hai nhóm cùng hoàn thành một nhiệm vụ liên quan đến sức mạnh ý chí, sau đó thực hiện thêm một nhiệm vụ khác. Giữa các nhiệm vụ, một nhóm được cho dùng một ly nước chanh Kool-Aid ngọt với đường thực (buzz) và nhóm khác đã dùng một loại giả dược, nước chanh với Splenda (buzzkill). Nhóm dùng giả dược đã mắc gần gấp đôi số lỗi trong bài thi tiếp theo so với nhóm dùng đường thật. Các nghiên cứu đã kết luận rằng sức mạnh ý chí là một cơ bắp tinh thần không có khả năng phục hồi nhanh chóng. Nếu sử dụng nó vào một việc, bạn sẽ có ít năng lượng có sẵn cho các nhiệm vụ tiếp theo trừ khi bạn tiếp thêm nhiên liệu cho nó. Để làm tốt nhất có thể, chúng ta phải bồi bổ tâm trí của mình, bổ sung năng lượng mới thay cho những năng lượng đã mất hay sử dụng “thực phẩm cho tâm trí”. Các loại thực phẩm gia tăng lượng đường trong máu trong thời gian dài, như carbohydrate và protein phức tạp, trở thành nhiên liệu chọn lọc cho những người thành đạt, hay nói theo nghĩa đen là “những gì bạn ăn.” Phán xét mặc định Một trong những thách thức thực sự mà chúng ta gặp phải đó là khi sức mạnh ý chí của chúng ta ở mức thấp, chúng ta có xu hướng rơi vào những hành vi mặc định sẵn. Các nhà nghiên cứu Jonathan Levav của trường Kinh doanh Stanford tại California, cùng với Liora Avnaim-Pesso và Shai Danziger của Đại học Ben Gurion ở Negev, đã tìm ra một cách sáng tạo để điều tra vấn đề này. Họ đã quan sát kỹ lưỡng tác động của sức mạnh ý chí đến hệ thống phóng thích ở Israel. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 1.112 buổi điều trần ban ân xá được giao cho 8 thẩm phán trong khoảng thời gian 10 tháng (tình cờ chiếm tới 40% tổng số yêu cầu tạm tha của Israel trong giai đoạn đó). Tốc độ diễn ra chậm. Các thẩm phán nghe lập luận và mất khoảng 6 phút để đưa ra quyết định về 14 đến 35 lệnh tạm tha mỗi ngày, và họ chỉ ăn 2 bữa – một bữa ăn nhẹ vào buổi sáng và bữa trưa muộn để nghỉ ngơi và tiếp năng lượng. Ảnh hưởng của lịch trình này vô cùng đặc biệt và đáng ngạc nhiên: Vào các buổi sáng và sau mỗi giờ nghỉ, cơ hội người được ân xá đạt mức cao nhất với 65%, và sau đó giảm dần xuống 0 ở cuối mỗi buổi (xem Hình 8). Kết quả dường như gắn liền với sự thiệt hại về tinh thần do quá trình ra quyết định tái lặp. Đây là những quyết định quan trọng đối với những người được ân xá và công chúng nói chung. Rủi ro lớn và nhịp độ liên tục đòi hỏi sự tập trung cao độ của các thẩm phán trong cả ngày. Khi năng lượng của họ cạn kiệt, phán quyết của họ trở thành “lựa chọn mặc định” mà hóa ra không có lợi cho các tù nhân đang tràn đầy hy vọng. Hơn nữa, nếu không cẩn thận, những hành vi mặc định cũng có thể kết tội bạn. Khi sức mạnh ý chí cạn kiệt, chúng ta đều trở lại với các hành vi mặc định. Điều này đặt ra câu hỏi: Những hành vi mặc định của bạn là gì? Nếu ý chí cạn dần, bạn sẽ làm thế nào? Bạn sẽ tập trung vào công việc đang làm hay để tinh thần xuống dốc dẫn đến mất tập trung? Công việc quan trọng nhất của bạn được thực hiện khi sức mạnh ý chí của bạn suy yếu, hành vi mặc định sẽ xác định mức độ thành quả của bạn? Bạn chắc chắn chỉ đạt được kết quả ở mức trung bình. Để mắt tới sức mạnh ý chí mỗi ngày Chúng ta đánh mất ý chí không phải bởi chúng ta nghĩ về nó mà vì chúng ta đã không làm vậy. Nếu không coi trọng ý chí, nó có thể đến và đi rất nhanh. Nếu không có chủ đích bảo vệ nó mỗi ngày, chúng ta đều sẽ đi vào ngõ cụt, khó có thể đạt đến thành công. Giống như các vạch báo pin chuyển từ màu xanh sang màu đỏ, ý chí cũng vậy, nó cũng dần mất đi sức mạnh. Hầu hết mọi người sẽ không có đủ sức mạnh ý chí để vượt qua những thách thức quan trọng nhất mà không bao giờ nhận ra đó là những gì gây khó khăn cho họ. Khi chúng ta coi nó như một nguồn tài nguyên vô hạn, khi không trao cho nó những nhiệm vụ quan trọng nhất, khi không “sạc” nó thường xuyên, chúng ta đã tự đặt mình vào hành trình khó khăn nhất để tiến đến thành công. Vậy, làm sao bạn có thể tận dụng được tối đa sức mạnh ý chí? Hãy nghĩ về nó. Hãy chú ý đến nó. Hãy tôn trọng nó. Hãy biến việc thực hiện những gì quan trọng nhất là một ưu tiên khi ý chí của bạn ở mức cao nhất. Nói theo cách khác, bạn hãy dành cho nó thời gian nhất định trong ngày. Những gì cần đến ý chí Thực hiện những hành vi ứng xử mới Thanh lọc phiền nhiễu Chống lại sự cám dỗ Kìm nén cảm xúc Hạn chế xung đột Thực hiện các bài kiểm tra Cố gắng gây ấn tượng với người khác Đối mặt với nỗi sợ hãi Làm việc bạn không thích Lựa chọn lợi ích dài hạn thay vì ngắn hạn Mỗi ngày, do không nhận ra điều đó, chúng ta thường tham gia vào mọi hoạt động dẫn đến việc rút cạn sức mạnh của ý chí. Ý chí bị cạn kiệt khi chúng ta đưa ra các quyết định tập trung sự chú ý, kìm nén cảm xúc và xung động, hoặc thay đổi hành vi của chúng ta để theo đuổi các mục tiêu. Nó giống như việc bạn lấy một chiếc búa và đập vỡ đường ống dẫn khí. Chẳng bao lâu ý chí rò rỉ khắp mọi nơi và chúng ta chẳng còn chút ý chí nào để dành làm công việc quan trọng nhất. Vì vậy, giống như bất kỳ nguồn lực hạn chế nhưng quan trọng nào khác, sức mạnh ý chí phải được quản lý chặt chẽ. Thời cơ là điều tiên quyết khi nói đến sức mạnh ý chí. Bạn sẽ cần sức mạnh ý chí ở mức cao nhất để đảm bảo khi đang làm điều đúng đắn, bạn sẽ không để bất cứ điều gì khiến bạn bối rối hoặc sao nhãng. Lúc này, bạn cần có đủ sức mạnh ý chí trong cả ngày để hỗ trợ hoặc tránh phá hoại những gì bạn đã thực hiện. Đó là ý chí bạn cần để thành công. Vì vậy, nếu bạn muốn đạt được hiệu quả cao nhất trong ngày, hãy thực hiện công việc quan trọng nhất của bạn – điều quan trọng nhất – càng sớm càng tốt trước khi ý chí của bạn cạn kiệt. Ý tưởng lớn 1. Đừng phân tán mỏng ý chí của bạn. Bạn có một nguồn cung sức mạnh ý chí hạn chế trong ngày, vì vậy hãy quyết định những gì quan trọng nhất và “để dành” sức mạnh ý chí của bạn cho nó. 2. Theo dõi máy đo lượng ý chí của bạn. Sức mạnh ý chí mạnh mẽ cần một nguồn cung dồi dào. Đừng để những gì quan trọng nhất bị tổn hại đơn giản chỉ bởi bộ não của bạn đã cạn kiệt năng lượng. Hãy ăn uống đúng cách và bổ sung năng lượng thường xuyên. 3. Cân đối thời gian cho công việc của bạn. Làm những gì quan trọng nhất đầu tiên mỗi ngày khi ý chí của bạn ở mức cao nhất. Tối đa hóa sức mạnh ý chí đồng nghĩa với việc tối đa thành công. Đừng lạm dụng sức mạnh ý chí của bạn. Lập kế hoạch hàng ngày dựa trên cách thức hoạt động của ý chí và để nó trở thành một phần cuộc sống của bạn. Ý chí không phải lúc nào cũng “cần là có, muốn là được”, nhưng khi dùng nó vào những gì quan trọng nhất, bạn hoàn toàn có thể trông cậy vào nó. 8. MỘT CUỘC SỐNG CÂN BẰNG Không bao giờ tồn tại sự cân bằng tuyệt đối. Dù không cảm nhận được, nhưng những gì xuất hiện như một trạng thái cân bằng là thứ hoàn toàn khác – một hành động cân bằng. Được nhìn nhận như một danh từ, nhưng cân bằng thường được sử dụng dưới dạng động từ. Được xem như một điều gì đó cuối cùng chúng ta cũng đạt được, nên chúng ta ra sức cố gắng để đạt được nó. Một “cuộc sống cân bằng” là một điều chỉ có trong tưởng tượng – một khái niệm sai lầm được hầu hết mọi người chấp nhận như một mục tiêu xứng đáng và có thể đạt được mà không bao giờ dừng lại để thực sự xem xét nó. Tôi muốn các bạn phải xem xét, thách thức, từ chối nó. Một cuộc sống cân bằng là lời dối trá. Ý tưởng về sự cân bằng chính xác chỉ mãi là một ý tưởng. Sự cân bằng không tồn tại. Đây là điều khó chấp nhận, khó tin, chỉ bởi một trong những than vãn thường xuyên nhất đó là “tôi cần cân bằng hơn”, một câu thần chú phổ biến biện hộ cho những mất mát trong cuộc sống của hầu hết mọi người. Sự cân bằng được nhắc nhiều đến mức tự động cho rằng đó chính xác là những gì chúng ta nên tìm kiếm. Không phải vậy. Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng – đó là tất cả những gì tạo nên một cuộc sống thành công. Việc tìm kiếm chúng sẽ dẫn bạn đến một cuộc sống mất cân bằng, giúp loại bỏ bất kỳ ranh giới vô hình nào trong quá trình theo đuổi các ưu tiên trong cuộc sống. Sống một cuộc sống đủ đầy bằng cách dành thời gian cho những điều quan trọng là một hành động cân bằng. Nguồn gốc của sự lầm tưởng Trước đây, cân bằng cuộc sống là một đặc ân quan trọng cần cân nhắc chu đáo. Nếu bạn không làm việc – săn bắt, hái lượm, chăn nuôi, trồng trọt – bạn sẽ không thể duy trì cuộc sống. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Tác phẩm giành giải thưởng Pulitzer của Jared Diamond – Súng, Vi trùng và Thép: Số phận của xã hội loài người đã minh họa hình ảnh các xã hội thuần nông tạo ra một lượng thức ăn dư thừa dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ chuyên môn hóa trong công việc như thế nào. “12.000 năm trước, mọi người trên trái đất chỉ chuyên săn bắn hái lượm trong tự nhiên, nhưng giờ đây hầu hết chúng ta đều là những người nông dân tự trồng trọt, chăn nuôi hoặc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đó.” Sự tự do thoát khỏi việc chăn nuôi hoặc trồng trọt cho phép con người trở thành các học giả và thợ thủ công. Một số làm việc để tạo ra lương thực phẩm trong khi những người khác tạo ra các đồ đạc. Ban đầu, con người làm việc theo nhu cầu và mong muốn của họ. Thợ rèn không phải ở xưởng rèn cho đến 5 giờ chiều; họ có thể về nhà sau khi chân ngựa đã được đóng móng. Sau đó, công cuộc công nghiệp hóa thế kỷ XIX lần đầu tiên được chứng kiến lượng lớn nguồn nhân lực làm thuê. Câu chuyện đã chuyển thành một trong những ông chủ khó chiều, lịch trình làm việc quanh năm, các nhà máy luôn sáng đèn bất kể ngày đêm. Do đó, thế kỷ XX đã chứng kiến sự khởi đầu của phong trào nền tảng quan trọng nhằm bảo vệ người lao động và giới hạn giờ làm. Tuy nhiên, thuật ngữ “cân bằng công việc – cuộc sống” không xuất hiện cho đến giữa những năm 1980 khi hơn một nửa số phụ nữ đã lập gia đình tham gia vào lực lượng lao động. Để tóm tắt lời nói đầu trong cuốn sách năm 2005 của Ralph E. Gomory, Being together, Working apart: Dual-Career family and the work-life Balance (Tạm dịch: Sống một nơi, làm hai nơi: Những gia đình hai trụ cột và sự cân bằng công việc – cuộc sống), một gia đình với một trụ cột và một người nội trợ chuyển thành gia đình có hai trụ cột và không có người nội trợ. Bất cứ ai cũng biết được gia đình kiểu nào sẽ gặp vấn đề với những công việc gia đình ngay từ đầu. Tuy nhiên, đến tận những năm 1990, cân bằng công việc – cuộc sống mới nhanh chóng trở thành một khẩu hiệu chung đối với nam giới. Một cuộc khảo sát của LexisNexis về 100 tờ báo và tạp chí hàng đầu thế giới cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng các bài viết về chủ đề này, từ 32 bài trong thập niên 1986-1996 đến 1.674 bài trong năm 2007 (xem Hình 9). Không phải ngẫu nhiên khi xuất hiện sự gia tăng về công nghệ cùng với sự gia tăng về niềm tin rằng một cuộc sống của chúng ta đang dần mất điều gì đó. Không gian dễ dàng thẩm thấu và các ranh giới mờ nhạt là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó. Bắt nguồn từ những thách thức thực tế, ý tưởng về sự cân bằng trong công việc và cuộc sống rõ ràng đã nắm bắt được tâm trí và trí tưởng tượng của chúng ta. Quản lý cân bằng kém hiệu quả Mong muốn đạt đến sự cân bằng là điều dễ hiểu. Dành đủ thời gian cho mọi việc và mọi việc sẽ được hoàn thành kịp thời. Điều đó nghe có vẻ rất hấp dẫn đến mức chỉ nghĩ đến nó thôi cũng khiến chúng ta cảm thấy thanh thản và bình yên. Sự bình tĩnh này quá thực tế đến mức chúng ta biết đó là một cách sống. Nhưng không phải vậy. Nếu bạn coi cân bằng là điểm giữa, thì mất cân bằng đồng nghĩa với việc vượt ra xa khỏi điểm này. Đi quá xa khỏi điểm giữa, bạn sẽ tiến về các thái cực. Vấn đề của việc sống ở điểm giữa đó là nó ngăn cản bạn đưa ra những cam kết đặc biệt về thời gian đối với bất cứ điều gì. Khi can dự vào mọi việc, bạn sẽ thấy chúng không được hoàn chỉnh và không gì được cân bằng. Điều này đôi khi có thể ổn, đôi khi không. Biết rõ khi nào phải theo đuổi điểm giữa và khi nào nên tiến về các thái cực, về bản chất, là sự khởi đầu thực sự khôn ngoan. Những kết quả đáng kinh ngạc sẽ xuất hiện thông qua khả năng đàm phán với thời gian của bạn. Lý do chúng ta không nên theo đuổi sự cân bằng là bởi sự kỳ diệu không bao giờ diễn ra ở điểm giữa mà ở các thái cực. Tuy nhiên, theo đuổi các thái cực sẽ mang lại nhiều thách thức. Chúng ta đều tự hiểu rằng thành công nằm ngoài các ranh giới, nhưng lại không biết làm thế nào để quản lý cuộc sống khi chúng ta vượt ra khỏi những lằn ranh đó. Khi làm việc trong một thời gian dài, cuộc sống cá nhân của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sa lầy vào niềm tin rằng càng làm nhiều càng tốt, chúng ta thật không công bằng khi đổ lỗi cho công việc bằng lời xảo biện, “Tôi không còn thời gian dành cho cuộc sống”. Thường thì, thực tế hoàn toàn ngược lại. Ngay cả khi không có sự can thiệp của công việc, đời sống cá nhân của chúng ta cũng đầy rẫy những “việc phải làm” để rồi chúng ta cũng lại đi đến cùng một kết luận tương tự: “Tôi không còn thời gian dành cho cuộc sống.” Và đôi khi chúng ta bị tấn công từ cả hai phía. Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nhu cầu cá nhân lẫn công việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh. Sự cố xảy ra, và chúng ta lại một lần nữa tuyên bố, “Tôi không có thời gian dành cho cuộc sống!” Giống như việc tập trung vào điểm giữa, việc tiến đến các thái cực là loại quản lý cân bằng vô cùng yếu kém diễn ra mọi lúc. Thời gian không chờ đợi ai Vợ tôi đã từng kể câu chuyện về một người bạn của cô ấy. Mẹ của người bạn đó là một giáo viên và cha cô ấy là một nông dân. Họ đã chắt bóp, sống tằng tiện cả đời để dành tiền dưỡng già và đi du lịch sau khi nghỉ hưu. Người bạn của vợ tôi vẫn nhớ như in các chuyến đi mua sắm thường xuyên với mẹ đến những cửa hàng vải địa phương để chọn vải và các mẫu quần áo. Người mẹ giải thích rằng khi nghỉ hưu, đây sẽ là quần áo để bà đi du lịch. Bà đã không bao giờ được tận hưởng thời gian nghỉ hưu. Trong năm giảng dạy cuối cùng, bà mắc bệnh ung thư và qua đời. Người cha luôn cảm thấy không thoải mái nếu chi tiêu số tiền họ đã tiết kiệm được, với niềm tin rằng đó là tiền “của họ” và bây giờ bà không còn sống để cùng ông hưởng thụ. Khi ông qua đời, người bạn của vợ tôi đã dọn dẹp nhà cha mẹ mình và phát hiện ra một tủ quần áo đầy đủ các loại vải và mẫu đầm. Người cha đã không bao giờ bỏ chúng đi. Ông không thể. Nó mang quá nhiều ý nghĩa. Chúng chứa đựng quá nhiều lời hứa hẹn chưa thể thực hiện được đến mức không cam tâm bỏ chúng đi. Thời gian không chờ đợi bất cứ ai. Đẩy một điều gì đó đến một thái cực, sự trì hoãn có thể trở thành vĩnh viễn. Tôi từng biết một doanh nhân rất thành công đã từng dành cả tuần thậm chí cả ngày cuối tuần cho công việc trong suốt cuộc đời của mình với niềm tin chân thành rằng ông đang làm mọi thứ cho gia đình mình. Một ngày, khi ông nghỉ hưu, họ sẽ tận hưởng thành quả lao động đó, dành nhiều thời gian bên nhau, du lịch và làm tất cả những điều họ vẫn chưa từng thực hiện cùng nhau. Sau nhiều năm xây dựng công ty, ông đã bán nó gần đây và cân nhắc xem sẽ làm gì tiếp theo. Tôi hỏi ông cảm thấy thế nào và ông tự hào tuyên bố rằng ông cảm thấy rất thoải mái. “Khi còn điều hành công ty, tôi hiếm khi ở nhà và gặp mặt gia đình. Vì vậy, giờ đây tôi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi bên họ để bù đắp lại thời gian đã mất. Anh hiểu ý tôi chứ? Bây giờ tôi có đủ tiền và thời gian để bù đắp lại những năm đã qua.” Bạn có thực sự nghĩ mình có thể quay lại câu chuyện được nghe kể trước giờ đi ngủ hay một bữa tiệc sinh nhật thời thơ ấu? Liệu một bữa tiệc của một cậu nhóc 5 tuổi với những người bạn tưởng tượng có giống bữa tối với cậu bé ấy cùng các bạn bè trung học của mình? Liệu một ông bố, bà mẹ ngồi dự trận bóng đá của cậu con trai bé bỏng có giống việc chơi bóng đá với cậu con trai đã trưởng thành của mình? Bạn nghĩ rằng mình có thể thỏa thuận để thời gian đứng yên chờ bạn, trì hoãn bất cứ điều gì quan trọng cho đến khi bạn sẵn sàng thực hiện nó một lần nữa? Khi đùa giỡn với thời gian, bạn đang đặt cược vào một cuộc chơi mà bạn cầm chắc phần thua. Ngay cả khi bạn chắc chắn mình có thể giành chiến thắng, hãy cẩn thận bởi bạn có thể sẽ sa lầy vào những gì bạn đã đánh mất. Đùa giỡn với thời gian sẽ dẫn bạn đến chiếc bẫy không lối thoát. Tin vào lời dối trá này sẽ gây hại đến bạn bởi nó thuyết phục bạn làm những điều không nên làm và bỏ qua những điều bạn cần làm. Quản lý cân bằng thiếu hiệu quả có thể là một trong những hành động tiêu cực nhất bạn từng làm. Vì vậy, nếu việc đạt được sự cân bằng là một lời dối trá, thì bạn sẽ làm gì? Thay từ “cân bằng” bằng từ “thăng bằng”, trải nghiệm của bạn sẽ hoàn toàn khác biệt. Những gì chúng ta cho là phải cân bằng thực sự chỉ là sự thăng bằng. Các nữ diễn viên múa ballet là một ví dụ điển hình. Khi đứng bằng đầu mũi chân, họ như nhẹ bẫng, bay trong không trung, tượng trưng cho khả năng cân bằng và sự uyển chuyển. Quan sát gần hơn, chúng ta sẽ thấy các đầu ngón chân của họ rung rất gấp gáp để điều chỉnh và giữ cân bằng. Thăng bằng là hình ảnh minh họa tuyệt vời cho sự cân bằng. Thăng bằng – lâu hay nhanh Khi nói rằng chúng ta mất cân bằng, chúng ta thường đề cập đến một cảm giác rằng một số ưu tiên – những điều quan trọng đối với chúng ta – đang hoặc chưa được đáp ứng. Vấn đề là khi tập trung vào những gì thật sự quan trọng, bạn buộc phải bỏ qua nhiều việc khác. Cho dù cố gắng đến đâu, bạn cũng không thể hoàn thành mọi việc vào cuối ngày, tuần, tháng, năm và cuối cuộc đời. Cố gắng làm mọi thứ là hành động điên rồ. Khi những điều quan trọng nhất đã được thực hiện, bạn sẽ vẫn còn nguyên cảm giác mọi thứ vẫn chưa được hoàn thành – cảm giác mất cân bằng. Bỏ ngỏ một số việc là sự lựa chọn cần thiết để có được những kết quả đáng kinh ngạc. Nhưng bạn không thể không hoàn thành mọi việc, đó là lúc sự thăng bằng xuất hiện. Thăng bằng đồng nghĩa với việc bạn không bao giờ đi quá xa đến mức không thể tìm được đường về hoặc ở đó quá lâu đến mức không có gì chờ đợi bạn khi bạn trở về. Điều này quan trọng đến mức cuộc sống của bạn rất có thể được giữ ở mức thăng bằng. Một nghiên cứu kéo dài 11 năm về gần 7.100 công chức Anh kết luận rằng thời gian làm việc dài thường xuyên có thể gây chết người. Các nhà nghiên cứu cho thấy 67% các cá nhân làm việc hơn 11 giờ một ngày (một tuần làm việc hơn 55 giờ) có khả năng mắc bệnh tim. Thăng bằng không chỉ là về cảm giác hạnh phúc, mà là yếu tố cần thiết đối với hạnh phúc của bạn. Có hai loại thăng bằng: Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân và cân bằng trong công việc hoặc trong cuộc sống cá nhân. Trong thành công về chuyên môn, vấn đề không phải lượng thời gian bạn đầu tư mà là thời gian tập trung liên tục. Để đạt được kết quả đáng kinh ngạc, bạn phải chọn những gì quan trọng nhất và đầu tư tối đa thời gian cho nó. Việc này đòi hỏi sự mất cân bằng hoàn toàn trong mối quan hệ tương quan với mọi việc khác, thay vào đó là sự thăng bằng không thường xuyên để làm rõ chúng. Trong thế giới riêng của mỗi người, nhận thức là yếu tố tiên quyết. Nhận thức về tinh thần và cơ thể, nhận thức về gia đình và bạn bè, nhận thức về nhu cầu cá nhân – bạn không thể bỏ qua bất cứ điều nào trong những điều này nếu muốn “sống”, vì vậy bạn sẽ không bao giờ được từ bỏ họ vì công việc hoặc vì một điều nào khác. Bạn có thể di chuyển qua lại nhanh chóng giữa những điều này và thậm chí kết hợp các hoạt động xung quanh chúng, nhưng bạn không thể bỏ bê bất kỳ ai quá lâu. Cuộc sống cá nhân của bạn đòi hỏi sự thăng bằng chặt chẽ. Mất cân bằng hay không thực sự là một vấn đề nghi vấn. Câu hỏi đặt ra là: “Bạn bước ngắn hay dài?” Trong đời sống cá nhân, hãy bước những bước ngắn và tránh những khoảng thời gian dài có thể gây mất cân bằng. Bước đi ngắn cho phép bạn kết nối với mọi thứ quan trọng nhất và quy tụ chúng lại. Trong công việc, đi bước dài và hòa hoãn với ý tưởng rằng việc theo đuổi những kết quả đáng kinh ngạc có thể khiến bạn mất cân bằng trong thời gian dài. Đi từng bước dài cho phép bạn tập trung vào những gì quan trọng nhất, thậm chí bằng mọi giá với ít các ưu tiên hơn. Trong cuộc sống cá nhân, bạn không được phép bỏ lại bất cứ điều gì ở phía sau. Nhưng trong công việc, việc chọn lọc là điều cần thiết. Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Suzanne’s Diary for Nicholas (tạm dịch: Nhật ký của Suzanne dành cho Nicolas), James Patterson đã khéo léo làm nổi bật các ưu tiên của chúng ta trong hành động cân bằng cuộc sống và công việc: “Hãy tưởng tượng cuộc sống là một trò chơi mà trong đó bạn đang tung hứng 5 quả bóng. Các quả bóng có tên công việc, gia đình, sức khỏe, bạn bè, và sự toàn vẹn. Bạn thường xuyên tung 5 quả bóng này. Nhưng đến một ngày, bạn hiểu ra rằng công việc là một quả bóng cao su. Nếu bạn đánh rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên. Bốn quả bóng khác gồm gia đình, sức khỏe, bạn bè, sự toàn vẹn được làm bằng thủy tinh. Nếu bạn trượt tay, chúng sẽ vỡ toang.” """