🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Điều trị bệnh tận gốc năng lực của tâm bi mẫn
Ebooks
Nhóm Zalo
Điều trị bệnh tận gốc
By Nguyễn Minh Tiến – Nguyễn Văn Điểu – Đỗ Thiết Lập
Edited by Nguyễn Minh Tiến, Published by Liên Phật Hội at Smashwords Copyright 2016 Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)
Discover other titles by Nguyễn Minh Tiến at Smashwords.com .
Smashwords Edition, License Notes
This ebook is licensed for your personal enjoyment only. This ebook may not be re-sold or given away to other people. If you would like to share this book with another person, please purchase an additional copy for each recipient. If you’re
reading this book and did not purchase it, or it was not purchased for your use only, then please return to Smashwords.com and purchase your own copy. Thank you for respecting the hard work of this author.
LỜI TRI ÂN
Vâng theo lời dạy của Thầy Lama Zopa Rinpoche, chúng con dịch cuốn sách này ra tiếng Việt với ước muốn chia sẻ những lời dạy của Thầy đến bạn bè, tất cả những ai quan tâm tu tập Phật pháp, đặc biệt là trau giồi Bồ-đề tâm để chữa lành tận gốc mọi bệnh tật của cả thân và tâm.
Chúng con kính dâng lòng tôn kính và tri ân sâu xa lên Thầy Zopa Rinpoche, một Kadampa trong thời hiện đại, Người là nơi nương tựa của chúng con mãi mãi, Người dạy chúng con đi vào đường tu giác ngộ.
Thành kính tri ân các vị Lama, các huynh đệ trong Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Đại thừa (FPMT).
Chân thành tri ân Nhà xuất bản Wisdom (Wisdom Publications) đã cho phép dịch sang tiếng Việt và xuất bản sách này.
Thành thật cảm ơn tất cả bạn bè gần xa đã góp sức trong việc dịch thuật, in ấn và phát hành sách này.
Nguyện hồi hướng tất cả công đức về cho pháp giới chúng sinh. Nguyện cầu tất cả độc giả cũng như tất cả chúng sinh đều bước lên đường tu đến giác ngộ viên mãn.
Nguyễn Văn Điểu & Đỗ Thiết Lập
LỜI NÓI ĐẦU
Đây thực sự là một cuốn sách rất ấn tượng. Từ các trang sách hiện ra trí tuệ dịu dàng đến như thế, ánh sáng chữa lành bệnh tràn ngập đến như thế - như thể thầy đang có ở đó, với từng lời, từng lời dạy của thầy, một trong những vị thầy cao cả nhất của thế giới này. Đây là một cuốn sách tập trung tiêu điểm vào sự điều trị tâm linh cho những ai đang đau khổ; một cuốn sách hướng sự chú ý của tâm vào trí tuệ đặc biệt chữa lành bệnh, chính trí tuệ này khiến cho sự điều trị luôn hiện diện, trở nên thường hằng; đích thị đây là cuốn sách dành cho những người đau ốm, người bị thương tật, người bất hạnh.
“Điều trị bệnh tận gốc” không chỉ là một cuốn sách với những lời cầu nguyện cho bệnh tật cơ thể được giảm bớt. Nội dung của cuốn sách này còn chứa đựng nhiều hơn thế nữa. Các phần lý thuyết và thực hành chứa đựng trong sách này
có tác dụng dẫn dắt tâm chúng ta đến chỗ thấu hiểu sâu xa hơn về sự sống và chết, về vô thường và khổ đau. Sự thấu hiểu sâu sắc như thế sẽ cho phép chúng ta bắt đầu nhìn ngắm cơn đau và bệnh tật bằng một tầm nhìn bao quát hơn. Với tầm nhìn này thì khái niệm về nghiệp quả, về tái sinh và về phẩm chất của sự tái sinh, tất cả những khái niệm đó sẽ mang những ý nghĩa mới có năng lực làm dịu cơn đau và chữa lành tận gốc các căn bệnh của chúng ta.
Lama Zopa Rinpoche là một vị thầy tâm linh với các đức tính bi mẫn, từ ái và khiêm nhường vượt bậc; đạo hạnh của thầy đã là một huyền thoại thấm đượm trong lòng hàng ngàn đệ tử và những người theo học trên khắp thế giới. Vào lúc bốn tuổi, ngài được thừa nhận là tái sinh của một vị thánh, và là một thiền sư kiếp trước đã sống trong vùng Lawudo trên dãy Hy Mã Lạp Sơn thuộc Nepal.
Tôi có được cơ may lớn lao nhất đã gặp Rinpoche ở Ấn Độ vào tháng Hai năm
1997. Cuộc diện kiến này làm thay đổi mãi mãi nhân sinh quan của tôi. Trước đó, hành trang của tôi là một cuộc sống bề ngoài giả tạo và chỉ biết quan tâm đến mình và thân tôi luôn làm dáng làm điệu; tôi đã mang hành trang bất thiện này đến gặp thầy. Hồi đó tôi hút thuốc như ống khói - phì phò hai gói mỗi ngày rất dễ. Tôi đã hút thuốc như thế trong suốt thời gian ba mươi năm. Khi đến Ấn Độ, người ta đã lịch sự yêu cầu tôi đừng hút thuốc trước mặt vị thầy cao cả như thế. Tôi nhớ lại, lúc đó cứ cách vài giờ tôi lại lẻn ra phía sau nhà liều mạng đốt một điếu thuốc. Tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn, nhưng theo như cách giải thích của hết thảy những người nghiện thuốc là: chúng tôi không thể làm khác được! Với một đời nghiện thuốc thì việc cai bỏ thật không dễ.
Ấy thế mà, điều tuyệt vời này đã xảy ra: Từ Ấn Độ trở về nhà, tôi đã không hề đụng tới một điếu thuốc, và từ đó đến giờ tôi đã bỏ hút thuốc luôn. Nhớ lại khi trở về được bảy tám tháng, tôi mới nhận biết việc tôi cai được thuốc có liên quan đến việc tôi gặp ngài. Trước đó, mọi nỗ lực cai nghiện của tôi đều thất bại, nhưng chính việc Rinpoche chú nguyện gia trì đã giúp tôi. Tuy nhiên, khi tôi cố tìm cách để cảm ơn thì Rinpoche thậm chí không thừa nhận đã làm gì cho tôi. Ngài hoàn toàn phớt lờ đi khi tôi nhắc đến việc đó. Ngài khiêm nhường đến mức như thế!
Những cách thực hành được chỉ dẫn trong cuốn sách này có lợi ích sống còn cho những ai đang đau đớn vì những căn bệnh hiểm nghèo. Thực hành pháp Đức Phật Dược Sư có năng lực đặc biệt mãnh liệt vì chữa lành bệnh một cách mầu nhiệm cho chúng ta và cho cả những ai bị bệnh mạn tính. Lòng từ bi của Lama Zopa Rinpoche thật là vô lượng khi truyền trao tri thức và giáo pháp này cho đời.
Vì thế, chúng ta hãy sẵn sàng để được chữa lành bệnh; nhưng mặt khác chúng ta đồng thời cũng phải nỗ lực xuyên thủng bức màn vô minh và phiền não đã ngăn cản tâm chúng ta không chịu chấp nhận khi bệnh không chữa lành được. Xin hãy đâm thủng bức màn vô minh nghiệp chướng bằng cách quán chiếu những lời dạy
này, thực hiện những pháp quán tưởng và trì tụng mật chú. Rinpoche chỉ cho chúng ta thấy rằng, bằng sự thấu hiểu bản chất chân thật của thực tại, chúng ta có
thể thấy là mọi khổ đau đều có chứa đựng hạt giống hạnh phúc. Đây chính là trí tuệ ưu đẳng của cuốn sách tuyệt vời này.
Cầu mong sao những ai đọc được lời dạy của thầy tôi sẽ có hạnh phúc mãi mãi. Cầu mong đau khổ của họ được dịu bớt, được tiêu dần, và cầu mong cho tất cả những cơn đau, những bệnh tật của họ được chữa lành ngay tức thì.
Lillian Too
Tháng Bảy năm 2001
DẪN NHẬP
(Lời giới thiệu của người biên tập Anh ngữ)
Lama Zopa Rinpoche, vị lãnh đạo tinh thần của Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Phật giáo Đại thừa (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradation - FPMT) đã và đang giúp đỡ những người có vấn đề về sức khỏe trong hơn hai mươi năm qua, bắt đầu từ khi ngài quyết định mở khóa giảng đầu tiên về việc điều trị bệnh, được tổ chức tại Viện Tara (Tara Institute), Trung tâm FPMT ở Melbourne, nước Úc. Trước đó, ngoài những cách thức chữa bệnh bằng cây cỏ theo truyền thống Tây Tạng, Lama Zopa đã chỉ dẫn cho hàng ngàn người các phương thuốc chữa bệnh bằng thiền định, trì tụng mật chú và nhiều cách thực hành chữa bệnh khác nữa theo Phật giáo Tây Tạng. Vì cảm thấy ngày càng có nhiều người cần sự giúp đỡ và thấy rằng Phật giáo Tây Tạng có quá nhiều điều cung cấp cho họ, nhất là những người bị bệnh nan y, nên Rinpoche đã tổ chức một khóa học trong một tuần lễ dạy về cách chữa bệnh.
Khóa tu tập đó, được phổ biến như là “Các phương pháp và thiền định giúp điều trị thân tâm”, đã không đưa ra hứa hẹn nào về những cách chữa bệnh kỳ diệu. Lama Zopa Rinpoche đã nhấn mạnh rằng những ai bị bệnh hiểm nghèo mới được phép tham dự khóa học và kết quả là chỉ có sáu người được chấp nhận theo học. Trong số đó, bốn người bị bệnh ung thư, một người có HIV dương tính, và người còn lại bị bệnh xơ cứng đa phương (multiple sclerosis). Thêm vào đó, khóa học còn có sự tham dự của sáu người được chọn lựa để lo việc tổ chức khóa học hoặc để điều hành các khóa học chữa bệnh trong tương lai.
Vào buổi sáng ngày 28 tháng 8 năm 1991, các học viên gặp nhau trong phòng thiền của Viện Tara cho buổi học đầu tiên. Không áp dụng cách thức giảng Pháp theo truyền thống là vị thầy sẽ ngồi trên một ngai cao, Lama Zopa đã ngồi trong một ghế bành thoải mái ngay trước mặt sáu học trò, và cả sáu người này cũng ngồi trong ghế bành. Rinpoche mở lời chào mừng các học trò như sau: “Tôi muốn nói lời cảm ơn tất cả các bạn đã đến đây. Chúng ta sẽ cùng giúp đỡ nhau để phát triển tâm và lòng tốt của chúng ta - chính lòng tốt này là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Được như vậy, chúng ta có thể làm lợi lạc các chúng sinh hữu tình khác tốt hơn, chu đáo hơn. Tôi muốn cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã tạo ra cơ hội này.”
Sau đó, tất cả mọi người trong nhóm, kể cả Rinpoche, đều tự giới thiệu vắn tắt về mình và nói đôi lời về những gì họ mong đợi có được khi tham gia khóa học. Sau này, Rinpoche cho biết rằng, lúc đầu ngài dự định khóa học sẽ chú tâm vào việc thực hành thiền định, nhưng khi nghe các học viên nói ra những mong đợi của từng người thì ngài ngạc nhiên thấy rằng họ rất quan tâm đến việc tìm kiếm sự bình an trong tâm hơn là chữa bệnh. Chính điều này khiến Rinpoche đã đi sâu hơn vào triết lý Phật giáo trong các bài giảng.
Trong suốt bảy ngày của khóa học, Rinpoche dạy hai lần mỗi ngày, sáng và chiều, thường là những tiết học ngắn bởi vì các học viên có sức khỏe không tốt. Ngài cẩn thận tránh dùng từ tiếng Phạn (Sanskrit), thay vào đó ngài sử dụng những từ ngữ phổ thông dễ hiểu hơn. Kèm theo các buổi học còn có tiết tập thể dục nhẹ vào buổi sáng, thời thiền định có hướng dẫn và tiết thảo luận nhóm.
Rinpoche giới thiệu triết lý Phật giáo cơ bản, nhấn mạnh đặc biệt về sự chuyển hóa tâm; ngài tặng mỗi người một cuốn sách “Transforming Problems into Happiness” (Chuyển họa thành phúc) với chữ ký đề tặng của ngài. Ngài lưu ý rằng cuốn sách đó chứa đựng những chủ đề chính sẽ được thảo luận trong khóa học chữa bệnh này. Rinpoche cũng hướng dẫn các pháp thiền định chữa bệnh bằng ánh sáng trắng, hướng dẫn tụng các mật chú và thiền định Bổn tôn, đặc biệt là mật chú của Bổn tôn Logyưnma; hướng dẫn đi nhiễu quanh các [thánh vật linh thiêng như] bảo tháp, xá-lợi, kinh điển; và hướng dẫn việc chú nguyện vào nước, rồi học viên được cho uống nước đã chú nguyện này vào lúc bắt đầu và kết thúc mỗi buổi học. Cuối khóa Rinpoche gặp gỡ từng người để trao đổi về tình trạng riêng của họ và đưa ra những lời khuyên cho sự thực hành của mỗi người. Trong phòng riêng, Rinpoche cũng thực hiện các lễ puja cầu nguyện cho họ.
Có một nữ học viên trẻ phải rời khóa học sau ngày thứ hai vì cần thêm thuốc giảm đau, những người còn lại đều nhận xét rằng khi đến cuối khóa họ cảm thấy khỏe hơn nhiều, cơn đau giảm bớt và sự bình an trong tâm phát triển hơn.
Kết thúc khóa học, Rinpoche đã ban pháp jenang, tức là sự cho phép thực hành các pháp Đức Phật Dược Sư, Singhanada và Sitatapatra. Ngài cũng soạn ra chương “Thực hành tịnh hóa cho người bị ung thư hay AIDS” (xem trang 446 ) và dịch ra tiếng Anh một pháp thực hành điều trị bệnh ngắn gọn do Đức Liên Hoa Sinh soạn (xem phần “Đức Phật Dược Sư” trang 353). Ngài ban cho từng người các pháp cần thực hành tu tập sau khóa học. Sau này, ngài có giải thích rằng, ngài muốn những người đang bị bệnh hiểm nghèo tiếp tục thực hành tu tập tâm linh như vậy sẽ tiến gần đến chỗ chấm dứt trọn vẹn khổ đau và nhân khổ đau, hơn là chỉ thực hành để khỏi bệnh rồi sau đó không tiếp tục thực hành tu tập tâm linh nữa. [Vì nếu vậy,] họ có thể có sức khỏe tốt nhưng đang sống lãng phí cả cuộc đời.
Mặc dù khóa học ở Viện Tara là khóa học duy nhất về chữa bệnh do Lama Zopa giảng dạy, nhưng vào tháng Hai năm 1993, Rinpoche còn có ba lần thuyết giảng về “Chữa lành bệnh tâm và thân” ở Auckland thuộc New Zealand. Ngài mang
đến các buổi giảng một cuốn sổ tay trong đó ngài phác họa những chủ đề cho các khóa học về chữa bệnh mà ngài cho là “tinh túy nhất của sự chữa lành bệnh tật”. Vì không thể giảng hết các chủ đề tại Auckland, Rinpoche đã tiếp tục hoàn tất chúng trong các buổi giảng kế tiếp ở Trung tâm Mahamudra, cũng ở New Zealand. Mặc dù bản phác họa các chủ đề đó không được đề cập đến trong khóa học ở viện Tara, nhưng rõ ràng các chủ đề đó đã là dàn bài của khóa học này.
Các chủ đề đó cũng tạo nên dàn bài của Phần Một sách này. Chủ đề đầu tiên bao gồm hai chương đầu, nhằm thúc đẩy người đọc có lòng tin vào những lợi ích của các kỹ thuật thiền định thông qua các câu chuyện nói về những người đã khỏi bệnh nhờ sự thực hành này. Chương ba phát triển chủ đề thứ hai, tức là sự cần thiết phải phá vỡ những khái niệm cố hữu về sự thường hằng. Điều này có nghĩa là ta chấp nhận rằng dù người ta có mắc bệnh hiểm nghèo hay không cũng đều là như nhau trước sự kiện cái chết có thể xảy ra cho bất kỳ ai và bất cứ lúc nào.
Chủ đề thứ ba được giảng giải trong chương bốn, đề cập đến việc xem xét mục đích tối hậu của cuộc đời, vốn không chỉ là khỏe mạnh, sống lâu, mà còn là cứu giúp mọi chúng sinh hữu tình thoát khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Chủ đề này được giảng giải cặn kẽ hơn trong ba chương kế tiếp.
Chủ đề thứ tư được chia thành hai phần, chỉ rõ rằng mọi sự đều do tâm. Phần đầu tiên liên quan đến tiến trình gán đặt tên gọi lên sự vật (định danh) của tâm, được đề cập trong hai chương tám và chín, và phần thứ hai nói về nghiệp (karma) được thảo luận trong chương mười.
Kế tiếp là chủ đề then chốt, sự chuyển hóa tư tưởng, trong đó các vấn đề bất ổn được chuyển hóa thành hạnh phúc bằng cách nghĩ đến những khía cạnh có lợi của chúng. Chủ đề này được đề cập trong ba chương tiếp theo.
Chủ đề cuối cùng là pháp thiền định cho và nhận (Tiếng Tây Tạng là tong-len),
được giảng giải trong chương mười bốn.
Phần Hai chứa đựng nhiều cách thức thiền định và thực hành chữa bệnh, nhiều pháp trong đó được chính Lama Zopa Rinpoche biên soạn hay phiên dịch. Chương mười lăm cung cấp các cách thiền định về chữa bệnh bằng ánh sáng trắng, về tâm bi mẫn, và về pháp cho và nhận. Chương mười sáu giải thích những lợi ích của pháp thực hành Đức Phật Dược Sư, chương này có hai bản văn về pháp thực hành Đức Phật Dược Sư do Đức Liên Hoa Sanh biên soạn và Lama Zopa dịch sang tiếng Anh.
Tiếp theo, có hai chương bàn về cách phóng sinh. Chương đầu giải thích lợi ích của việc đi nhiễu quanh bảo tháp, việc trì tụng mật chú và chú nguyện vào nước (đây là các thực hành chính liên quan đến việc phóng sinh), chương kế tiếp dạy cách thức thực hiện lễ phóng sinh cụ thể do Lama Zopa biên soạn.
Chương mười chín trình bày ba kỹ thuật được áp dụng vào việc chữa bệnh trầm cảm. Chương hai mươi mở đầu với một giới thiệu ngắn về phương thuốc bốn năng lực, kế tiếp là một pháp thực hành tịnh hóa đơn giản được nêu ra ở cuối khóa chữa bệnh đầu tiên do Lama Zopa Rinpoche biên soạn. Hai chương kế tiếp cung cấp một pháp thiền định ngắn gọn về Đức Quán Thế Âm để có nước được chú nguyện và cung cấp một hiểu biết sơ lược liên quan đến việc đối phó với bệnh do loài rồng và sinh linh ma quỉ - các loài phi nhân liên can đến việc gây bệnh.
Chương 23 giới thiệu một nỗ lực của Rinpoche để tìm ra một phương thuốc thảo mộc chữa bệnh AIDS, và chương 24 là bản dịch một lời cầu nguyện rất nổi tiếng mà Rinpoche khuyến khích áp dụng trì tụng trong suốt các khóa học chữa bệnh.
Chương cuối cùng chứa đựng ba lời cầu nguyện hồi hướng mà Rinpoche đã trì tụng vào cuối các bài giảng và sau các thời thiền định trong suốt khóa học ở
Viện Tara.
Việc xây dựng cấu trúc cho sách “Điều trị bệnh tận gốc” tương đối đơn giản vì Lama Zopa đã cung cấp dàn bài chính cho cuốn sách rồi, nhưng chúng tôi cần phải đưa ra nhiều quyết định trong việc chọn lựa các phần tài liệu thích đáng từ hơn 600 trang bản thảo chưa biên tập, ghi lại các bài giảng đề cập việc chữa bệnh của Rinpoche. Ngoài 3 bài giảng chính đã được nêu ra, còn có hơn 30 bài giảng khác có mức độ dài ngắn khác nhau, và những phân đoạn trích dẫn từ những lời khuyên cho từng cá nhân, các học trò mà ngài đã ban dạy trong các năm 1998 và 1999. Mặc dù phần lớn các bài giảng được đưa ra trong những năm đầu thập niên 90, nhưng cũng có các bài giảng nằm rải rác trong suốt khoảng thời gian từ đầu năm 1981 đến giữa năm 1999.
Trong suốt khóa học ở Viện Tara, Lama Zopa Rinpoche đã linh kiến và chọn vị Bổn tôn chữa bệnh là Logyưnma, một Bổn tôn nữ thường được thực hành để chữa bệnh lây nhiễm. Thay vì cố đưa vào sách này toàn bộ các pháp thực hành Bổn tôn chữa bệnh, tôi chọn cách tập trung duy nhất vào Đức Phật Dược Sư, chủ yếu là vì pháp này có sự nối kết trực tiếp với sự chữa bệnh và cũng vì nó có thể được thực hành để đem lại sự thành công tổng quát. Nếu bạn bị bệnh, cách tốt nhất là nhờ một vị Lama đạo hạnh tìm xem vị Bổn tôn nào có một mối liên hệ nghiệp mạnh mẽ với bạn, và rồi áp dụng pháp thực hành vị Bổn tôn đó. Nếu muốn biết thêm thông tin về các pháp thực hành chữa bệnh, xin liên lạc với Bộ phận Phụ trách Giáo dục của Tổ chức FPMT.
Mặc dù có một số pháp thực hành trong sách này có thể áp dụng cho cả những người không phải là Phật tử, nhưng đa số các pháp thực hành được mặc nhiên xem như người áp dụng đã qui y Tam Bảo rồi. Đặc biệt đối với các pháp thực hành về Bổn tôn, tốt nhất là bạn nên có sự tu tập đầu tiên về các thiền định sơ
đẳng của Con đường tu từng bước đến giác ngộ, hay Lam rim, trước khi nỗ lực quán tưởng và trì tụng mật chú. Một lần nữa, sự hướng dẫn từ một vị thầy đạo hạnh là cách lý tưởng nhất để bạn có thể đạt được tối đa những lợi lạc từ các phương pháp đó.
Các pháp thực hành này không có gì là thần thông hay kỳ bí, mà đúng hơn là một sự nhẫn nại vun trồng những nhân duyên nội tại chân chính dẫn đến sức khỏe và hạnh phúc [trong tương lai]. Cũng như với sự tu tập phổ biến hơn trong Phật giáo thì kết quả mỗi người có được luôn tùy theo nghiệp đã tạo trong quá khứ và các điều kiện (duyên) hiện tại. Chẳng hạn như, Rinpoche nhiều lần giải thích về những lợi ích tuyệt vời của việc trì tụng nhiều mật chú khác nhau, đôi khi còn nói rằng việc trì tụng một mật chú chỉ một lần cũng có thể dứt bỏ nguy cơ bị tái sinh vào các cảnh giới thấp. Sự giải thích về các lợi lạc không thể nghĩ bàn như vậy sẽ thúc đẩy lòng tin và sự kiên trì. Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý rằng: “Lợi lạc mà bạn nhận được tùy thuộc vào cách mà bạn trì tụng mật chú hoàn hảo như thế nào, và mức độ hoàn hảo này được xác định bởi động cơ bạn khởi lên và phẩm chất của tâm bạn.”
Tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã góp công sức cho cuốn sách này. Tôi đặc biệt bày tỏ sự thọ ơn Lama Zopa Rinpoche vì tâm từ ái và lòng kiên nhẫn vô lượng của ngài; cảm ơn cô Claire Atkins vì sự giúp đỡ rộng rãi về tài chánh; Ni sư Robina Courtin về rất nhiều những ý kiến chỉ dạy; Nick Ribush ở tổ chức Lama Yeshe Wisdom Archive (LYWA) vì sự hỗ trợ, Wendy Cook ở LYWA đã nhanh chóng cung cấp các băng đĩa và bản ghi chép; Ni sư Connie Miller ở Bộ phận Phụ trách Giáo dục của FPMT vì đã cung cấp dồi dào các tài liệu và cho những lời khuyên; Ven. Lhundrup Damchư về việc cung cấp tài liệu; Ven. Thupten Gyatso, Ven. Pende Hawter và Murray Wright về những công lao đóng góp trong việc chuyển sửa biên tập sơ khởi; và xin cảm ơn rất nhiều người đã giúp việc ghi chép từ các băng đĩa gồm có Ven. Wendy Finster, Ven. Yeshe Chodron, Ven. Kaye Miner, Ven. Thubten Wongmo, Chris Naylor, Katarina Hallonblad, Tracy Ho, Sally Baraud, Su Hung, Julia Hengst, Gareth Robinson, Segen Speer-Senner, Diana Velez và Inta McKimm đã quá cố.
Cầu mong cho tất cả những ai đọc cuốn Điều trị bệnh tận gốc này đều sẽ được giải thoát tức thì mọi bệnh tật, mọi thương tổn tinh thần, mọi nghiệp chướng xấu ác và nhanh chóng đạt được hạnh phúc vô song của giác ngộ viên mãn. Mong sao cuốn sách này trở thành linh dược cho tất cả chúng sinh hữu tình, không chỉ tạm thời chữa lành sự đau đớn thân thể, mà còn chữa lành tận gốc thân và tâm họ, để họ không bao giờ phải bị đau khổ nữa.
Người biên tập
AILSA CAMERON
PHẦN MỘT
TÂM LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH
1.
NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM
Bản chất của tâm
Bệnh tật được chữa lành chủ yếu là do tâm chứ không phải do thân, cho nên việc hiểu biết về bản chất của tâm vô cùng quan trọng. Bản chất tự nhiên của tâm là thanh tịnh, trong ý nghĩa là nó không đồng nhất với những lỗi lầm của tâm, với những vọng tưởng rối rắm và chướng ngại. Tất cả các sai lầm của tâm ta - sự ích kỷ, vô minh, sân hận, tham đắm, tội lỗi và những tư tưởng rối rắm khác - đều chỉ là tạm thời, không thường hằng vĩnh cửu. Và vì nguyên nhân khổ đau của ta - những vọng tưởng rối rắm và chướng ngại - là tạm thời, nên khổ đau cũng là tạm thời.
Tâm cũng là rỗng không về mặt thực hữu, hay sự hiện hữu riêng biệt tự nó [không phụ thuộc vào gì khác bên ngoài]. Phẩm tính này của tâm còn được gọi là Phật tánh, cho phép chúng ta có khả năng tự mình giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau, kể cả bệnh tật, cùng với nguyên nhân của khổ đau và đồng thời đạt tới
bất kỳ hạnh phúc nào mà chúng ta muốn, kể cả hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ. Vì tâm có trọn vẹn tiềm năng này nên chúng ta không cần phải cảm thấy tuyệt vọng chán nản. Chúng ta không mãi mãi gánh chịu các vấn đề bất ổn. Chúng ta có sự tự do kỳ diệu để phát triển tâm mình theo bất cứ cách nào mà chúng ta muốn. Vấn đề chỉ đơn giản là làm sao tìm ra cách thức đúng đắn để sử dụng tiềm năng này của tâm.
Thân và tâm là hai hiện tượng khác biệt. Tâm được xác định là phần sáng suốt và nhận biết các đối tượng. Giống như các hình chiếu xuất hiện trong một tấm gương, các đối tượng cũng hiện ra rõ ràng trong tâm, và tâm có khả năng nhận ra chúng. Thân là vật chất, còn tâm thì không hình tướng, không có màu sắc hay dạng thể. Thân bị tan rã sau khi chết, còn tâm thì tiếp nối từ đời này sang đời khác. Chúng ta thường nghe nói về những người ở phương Đông cũng như phương Tây có khả năng nhớ lại các kiếp trước hay thấy trước tương lai, không chỉ của bản thân họ mà cả của những người khác. Một số người có khả năng này do bẩm sinh, nhưng một số khác phát triển qua thiền định. Một số người có thể nhớ lại những kiếp sống cách đây hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn năm. Khi Lama Yeshe, người thầy của tôi trong nhiều năm, đến viếng các Kim tự tháp Ai Cập, ngài có thể nhớ lại rằng ngài đã từng sống ở đó trong một kiếp quá khứ.
Vấn đề ở đây là, dù cho nhiều người không tin có kiếp trước, kiếp sau, nhưng không ai thực sự chứng minh được rằng không có những kiếp sống đó. Trong khi đó, có nhiều người nhận biết là có các kiếp trước bởi họ nhớ lại rất rõ như thể chúng ta nhớ lại những việc mới làm hôm qua. Họ nhận biết rằng sự tái sanh
là có thật bởi vì tâm của họ có khả năng thấy được những kiếp sống quá khứ và tương lai.
Kiến thức về bản chất của tâm là một chủ đề mênh mông hơn, quan trọng hơn nhiều so với kiến thức về bản chất của các hiện tượng bên ngoài tâm. Và nếu bạn không hiểu được bản chất của tâm thì bạn không có cách nào hiểu đúng được bản chất của các hiện tượng khác về cả hai phương diện tương đối (theo quy ước) và tuyệt đối. Và ngay cả trong phương diện thế tục, chỉ thông qua sự hiểu biết về tâm chúng ta mới có thể hiểu và xác định được chính xác các hiện tượng
bên ngoài tâm hiện hữu như thế nào.
Một cách tổng quát, sự phát triển hiểu biết về tâm là giải pháp thực tiễn đối với các vấn đề bất ổn của chúng ta. Trước tiên chúng ta phải xác định nguồn gốc phát sinh các vấn đề, vì chỉ khi đó ta mới có khả năng chấm dứt được chúng và bảo đảm rằng chúng không phát sinh trở lại. Chúng ta cũng phải nhận biết các vấn đề bất ổn một cách toàn diện, vì nếu chỉ nhận biết một phần của chúng, thì khái niệm về sự giải thoát của ta sẽ bị giới hạn.
Điều trị tâm
Việc điều trị tâm là thiết yếu, vì nếu không thì các vấn đề bất ổn của chúng ta, vốn không có điểm khởi đầu, sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta có thể dùng thuốc hay các phương cách bên ngoài khác để chữa lành một căn bệnh nào đó, nhưng bệnh sẽ tái phát nếu chúng ta không điều trị tâm. Nếu không điều trị tâm thì luôn luôn có nguy cơ là ta sẽ lại tạo ra nguyên nhân của bệnh, chúng ta sẽ tái diễn các hành vi mà trước đây đã khiến cho cơ thể chúng ta bị đau ốm. Và rồi chúng ta sẽ bị cùng căn bệnh đó trong các kiếp sau, hay thậm chí ngay trong kiếp này.
Chữa bệnh bằng các phương cách ngoài tâm không phải là giải pháp tốt nhất vì nguyên nhân của bệnh không ở bên ngoài. Vi trùng, vi-rút hay ma quỉ... có thể tác động như các điều kiện bên ngoài (duyên) gây bệnh, nhưng bản thân căn bệnh không có nguyên nhân từ bên ngoài. Tuy nhiên, người phương Tây thường cho rằng các điều kiện bên ngoài gây ra một căn bệnh nào đó chính là nguyên nhân của bệnh. Nhưng nguyên nhân của bệnh không ở bên ngoài; nó ở trong tâm - hay cũng có thể nói nó chính là tâm. Bệnh tật gây ra bởi tâm ích kỷ, vô minh, sân hận, tham luyến, các phiền não khác, và bởi các hành vi bất thiện xuất phát từ các tâm niệm bất thiện này. Các tư tưởng và hành vi bất thiện của ta để lại dấu ấn tạo thành chủng tử trong tâm, và các chủng tử đó thể hiện ra thành bệnh hay các vấn đề bất ổn khác. Các chủng tử đó cũng tạo điều kiện cho các vọng tưởng
và các hành vi bất thiện tiếp tục sinh khởi.
Một dấu hiệu thực thể cần phải có nguyên nhân vật thể, nhưng nguyên nhân vật thể lại sinh khởi từ nguyên nhân nội tại - tức là các chủng tử do các tư tưởng và hành vi bất thiện để lại trong tâm. Để hiểu về bệnh một cách đầy đủ, chúng ta phải hiểu được nguyên nhân nội tại này, vốn là nguyên nhân thực sự của bệnh tật và cũng tạo ra các điều kiện vật thể gây bệnh. Nếu chúng ta không đếm xỉa gì đến nguyên nhân nội tại của bệnh thì ta sẽ không thực sự chữa lành được bệnh. Chúng ta phải nghiên cứu sự phát triển của bệnh và nhận ra rằng nguyên nhân của bệnh là ở trong tâm. Một khi chúng ta nhận biết được như vậy, tự nhiên chúng ta hiểu được rằng việc chữa trị bệnh phải bắt đầu từ tâm.
Những gì tôi vừa giải thích không chỉ phù hợp với giáo lý đạo Phật mà còn phù hợp với cả những kinh nghiệm sống của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy rằng sức khỏe của một người liên quan rất nhiều đến thái độ ứng xử hằng ngày và khả năng duy trì tâm tích cực. Lấy ví dụ, trong sách “The Uncommon Wisdom”, tác giả Fritjof Capra đã phỏng vấn các bác sĩ và các nhà tâm lý học nổi tiếng về nguyên nhân của bệnh ung thư. Dựa vào các nghiên cứu, họ đã kết luận rằng, bệnh ung thư bắt nguồn từ các thái độ bi quan tiêu cực và nó có thể được chữa trị bằng việc phát triển các thái độ lạc quan tích cực. Quan điểm khoa học này đang tiến đến gần hơn với giáo lý Đức Phật.
Mỗi vấn đề bất ổn là một sự tạo tác cụ thể của tâm. Nếu nguyên nhân của một vấn đề bất ổn đang hiện hữu trong tâm, thì bất ổn đó chắc chắn sẽ thể hiện ra, trừ phi ta thanh tịnh hóa được nguyên nhân đó. Nếu nguyên nhân nội tại của một vấn đề bất ổn đang hiện hữu thì các điều kiện bên ngoài liên quan đến bất ổn đó cũng sẽ hiện hữu, vì chúng được tạo ra từ nguyên nhân nội tại. Nói cách khác, các chướng ngại bên ngoài bắt nguồn từ các chướng ngại bên trong. Ngay cả các điều kiện bên ngoài của một vấn đề bất ổn cũng được tạo ra bởi tâm ta. Các yếu tố bên ngoài trở thành điều kiện của một vấn đề bất ổn là vì có nguyên nhân nội tại trong tâm ta; nếu không có nguyên nhân nội tại thì dù các yếu tố bên ngoài đang hiện hữu, chúng cũng không thể trở thành các điều kiện gây bất ổn. Nếu không có các chướng ngại bên trong, sẽ không có các chướng ngại bên ngoài.
Lấy thí dụ về bệnh ung thư da. Người ta thường cho rằng nguyên nhân của bệnh này là do phơi trần tắm nắng quá lâu. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân chính là ánh nắng của mặt trời thì bất cứ ai tắm nắng cũng mắc phải bệnh này. Thực tế là không phải bất kỳ ai tắm nắng cũng bị bệnh, do đó ánh nắng mặt trời không phải là nguyên nhân chính. Phơi trần dưới nắng là một điều kiện gây bệnh ung thư da, nhưng đó không phải nguyên nhân chính của bệnh. Nguyên nhân chính của bệnh ung thư da là ở bên trong, không phải bên ngoài. Nguyên nhân chính là tâm. Đối với những ai có sẵn nguyên nhân ung thư da ở trong tâm thì việc phơi da trần dưới ánh nắng là điều kiện để ung thư da phát triển. Với những người không có nguyên nhân ung thư da ở trong tâm thì việc phơi trần lâu dưới ánh nắng sẽ không trở thành điều kiện cho bệnh đó phát sinh.
Như tôi đã nêu ở trước, nguồn gốc những bất ổn của chúng ta nằm ở trong tâm. Đó là những cách suy nghĩ không khéo léo. Chúng ta phải nhận biết [phân biệt] được những cách suy nghĩ đúng đắn, vốn mang lại hạnh phúc, và những cách suy nghĩ sai trái, vốn dẫn tới đau khổ. Có những cách suy nghĩ làm phát sinh vấn đề bất ổn, có những cách suy nghĩ khác không gây bất ổn. Nói cách khác, hạnh phúc hay khổ đau đều từ tâm ta mà ra. Tâm chúng ta tạo ra cuộc đời ta.
Thiền định là dược phẩm
Các dược phẩm bên ngoài có thể được dùng để chữa trị một căn bệnh thể xác; trong khi đó, dược phẩm bên trong cần được dùng để chữa trị nguyên nhân của bệnh và bảo đảm là bệnh không bao giờ tái phát.
Vậy dược phẩm bên trong là gì? Đó là thiền định. Thiền định là dùng tâm của mình, các thái độ sống tích cực của mình, để chữa trị cho chính mình. Và định nghĩa này không chỉ giới hạn trong việc chữa trị một bệnh nào đó, mà còn áp dụng rộng hơn, bao gồm việc điều trị tất cả mọi vấn đề bất ổn cùng với nguyên
nhân của chúng. Bệnh tật và tất cả mọi vấn đề bất ổn khác đều được tạo ra bởi các chủng tử bất thiện đang tồn tại trong tâm, cho nên việc loại bỏ nguyên nhân của các bất ổn cũng phải được thực hiện từ tâm. “Thiền định” là tên gọi đơn giản của tất cả những gì mà chúng ta làm với tâm, và đó là cách chữa trị tốt nhất vì nó không gây ra phản ứng phụ.
Thiền định là chìa khóa chính để chữa trị đau khổ, vì đau khổ cũng như hạnh phúc đều do tâm mà ra. Thiền định là cách duy nhất để dập tắt nguyên nhân của đau khổ và tạo ra nguyên nhân của hạnh phúc. Các phương tiện bên ngoài không thể làm được như vậy. Chỉ nhờ vào tâm chúng ta mới làm được. Nếu chỉ dùng thuốc, hay chỉ dùng một pháp quán tưởng đơn giản mà thôi, thì có thể điều trị được một bệnh nào đó, nhưng không đủ để điều trị tâm. Ngoài thiền định ra, sẽ không còn cách nào khác hơn để chữa trị bệnh cùng với nguyên nhân của bệnh.
Trong thiền định, các thái độ tích cực hiền thiện của ta sẽ trở thành dược phẩm bên trong để điều trị tâm và giải quyết nguyên nhân của mọi vấn đề bất ổn. Khi chúng ta phát triển được các phẩm tính tốt đẹp của tâm thì sự chữa trị mới thành công. Những suy nghĩ như thế này sẽ mang đến sự an lạc và chữa lành bệnh tật; trong khi đó, những suy nghĩ như thế kia sẽ mang đến rối loạn và gây tác hại. Bệnh tật và tất cả những vấn đề khác nữa trong cuộc sống chúng ta đều bị những tâm không lành mạnh gây ra. Một tâm không lành mạnh hàm nghĩa là bất cứ hoạt động tâm thức nào quấy nhiễu chúng ta và làm cho ta mất hạnh phúc, và một thân thể không lành mạnh phát sinh từ một tâm không lành mạnh.
Thiền định không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn mang sự bình an lớn lao đến cho tâm. Bản chất của các suy nghĩ tích cực là làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái và thanh thản. Những suy nghĩ tích cực tốt nhất là các tâm từ ái và bi mẫn. Tâm từ ái là tâm ao ước người khác có được hạnh phúc và nguyên nhân hạnh phúc; tâm đại từ là tự mình nhận lấy trách nhiệm mang hạnh phúc và nguyên nhân hạnh phúc đến cho người khác. Tâm bi mẫn là ước muốn cho những người khác được thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân khổ đau; tâm đại bi là tự mình nhận lấy trách nhiệm làm cho người khác thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Việc phát sinh các thái độ hiền thiện này có năng lực giúp điều trị
được bệnh.
Tâm bi mẫn là người thầy thuốc giỏi nhất. Năng lực chữa bệnh mạnh nhất đến từ việc phát sinh tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt nòi giống, quốc tịch, tín ngưỡng hay họ hàng thân thích. Chúng ta cần có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh hữu tình, bất kỳ ai cũng mong muốn được hạnh phúc và không muốn phải chịu khổ đau. Chúng ta cần phát triển không chỉ tâm bi - ước muốn giải thoát cho tất cả chúng sinh khỏi mọi khổ đau - mà còn cả tâm đại bi - tự mình nhận lấy trách nhiệm làm việc đó. Điều này sẽ mang đến năng lực điều trị bệnh một cách mãnh liệt và triệt để.
Tâm từ và tâm bi đều có bản chất bình an và lành mạnh, hoàn toàn khác với bản chất của các tâm sân hận, vô minh, tham lam, kiêu căng hay ganh tị. Cho dù một người có tâm bi mẫn sẽ chân thành quan tâm đến người khác và cảm thấy như không thể chịu đựng nổi khi thấy bất kỳ ai đó đang đau khổ, nhưng bản chất cốt lõi của tâm họ vẫn là sự bình an.
Ngược lại, loại tâm khởi lên từ ý xấu ác, muốn hãm hại người khác, không thể thư thái bình an; nó giống như một cái gai sắc nhọn đâm vào tim ta. Sự tham ái cũng có nỗi đau đớn riêng của nó; chúng ta như thể bị cột chặt, bị vắt ép và rất
đau đớn khi phải chia cách với đối tượng ta thèm khát. Sự tham ái cũng che mờ tâm thức chúng ta, tạo ra một bức tường ngăn cách chúng ta với thực tại. Khi chúng ta tham luyến một người nào đó, hay thậm chí chỉ là một con vật, chúng ta không thể thấy được thực tiễn đau khổ của đối tượng đó hay phát khởi được lòng bi mẫn từ trái tim ta, vì tham ái đã che mờ tâm ta. Tham ái ngập đầy tâm ta, không còn chỗ để lòng bi mẫn phát sinh. Ngay cả khi ta giúp đỡ đối tượng ấy, ta cũng luôn chờ đợi sự đền đáp. Chúng ta không giúp đỡ chỉ vì đối tượng ấy đang đau ốm hay bị nguy hiểm, mà là với sự mong chờ sẽ được đền đáp trong tương lai theo một cách nào đó.
Khi sự tham ái choán đầy tâm ta, thật khó để sinh lòng bi mẫn. Nếu suy xét kỹ, ta sẽ thấy rằng khi tâm ta ngập tràn sự tham ái mãnh liệt, ta chỉ còn quan tâm
duy nhất đến những gì ta muốn. Mục đích chính của ta là hạnh phúc của riêng mình. Thậm chí nếu ta có giúp người khác cũng chỉ vì ta muốn nhận lại được một điều gì đó. Tâm ta bị rối loạn và che chướng. Đối với người mà ta tham luyến mãnh liệt, ta không thể thấy được rằng ít nhất họ cũng quan trọng như ta; chúng ta không thể yêu thương và chân thành giúp đỡ họ.
Dùng tâm đại bi để điều trị tâm, chúng ta sẽ có thể giải quyết các vấn đề bất ổn của chính mình và cả của những người khác. Ý niệm tích cực của tâm bi mẫn không chỉ giúp ta khỏi bệnh mà còn mang đến cho ta sự bình an, hạnh phúc và toại nguyện. Nó giúp ta có khả năng vui hưởng cuộc sống. Nó cũng sẽ mang bình an và hạnh phúc đến cho gia đình và bạn bè, những người quanh ta. Vì chúng ta không có những tư tưởng xấu ác [gây hại] nhắm vào họ, nên những người - hay thậm chí cả loài vật - tiếp xúc với ta đều sẽ cảm thấy hạnh phúc. Khi chúng ta có lòng tốt và tâm từ bi, mối quan tâm chính của ta sẽ luôn là việc tránh không làm tổn hại người khác, và điều này tự nó đã là một sự điều trị bệnh. Người có tâm bi mẫn là người có năng lực chữa trị mạnh mẽ nhất, không chỉ đối với những bệnh tật và bất ổn của riêng họ, mà với cả những bệnh tật và bất ổn của người khác nữa. Một người có tâm từ bi có thể chữa lành bệnh cho người khác chỉ đơn giản bằng sự có mặt của mình.
Điều trị bệnh tận gốc
Mỗi khi thiền định về lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, chúng ta tích tụ được vô lượng công đức, là nhân của tất cả những thành công và hạnh phúc; mỗi lần chúng ta tu tập thiền định vì lợi ích của tất cả chúng sinh, chúng ta thực hiện việc điều trị bệnh tận gốc rễ.
Việc phát triển lòng bi mẫn cũng giúp chúng ta phát triển trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ thực chứng tánh Không, bản chất rốt ráo của cái tôi, của tâm và của tất cả các hiện tượng khác. Trí tuệ này từng bước làm mỏng dần các đám mây che mà đang lúc này tạm thời phủ tối tâm ta, cho đến khi tâm ta được trong sáng như bầu trời
xanh trong suốt tràn ngập ánh sáng. Trí tuệ này trực tiếp thanh tịnh hóa tâm ta. Nó giúp cho tâm thoát khỏi vô minh, sân hận, tham lam và mọi suy nghĩ quấy nhiễu khác nữa; nó giải thoát tâm ta khỏi các mầm mống của các suy nghĩ phiền não này, và thậm chí kể cả những chủng tử của chúng. Tất cả những che chướng, kể cả những che chướng vi tế nhất, đều hoàn toàn được thanh tịnh hóa bởi trí tuệ này.
Với sự phát triển đầy đủ trí tuệ và từ bi, tâm ta sẽ được giải thoát trọn vẹn khỏi các thứ che chướng từ thô đến vi tế. Vào lúc đó, tâm đạt được sự toàn giác hay biết được tất cả. Một tâm toàn giác có khả năng trực tiếp thấy được quá khứ, hiện tại và vị lai; có khả năng thấy biết được tâm của tất cả chúng sinh hữu tình và rõ biết phương pháp để giải thoát họ khỏi các vấn đề bất ổn và mang đến cho họ hạnh phúc, kể cả hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn.
Hiện nay sự hiểu biết của chúng ta rất giới hạn. Thậm chí để biết được tình trạng sức khỏe của chính mình, chúng ta cũng phải dựa vào các bác sĩ, máy móc, xét nghiệm máu, vân vân... Ngay cả trong lãnh vực nhỏ hẹp của việc điều trị bằng thuốc men, chúng ta cũng không thể hiểu được các vấn đề bất ổn của người khác cũng như nguyên nhân và cách chữa trị thích hợp. Hiểu biết của chúng ta rất giới hạn, khả năng giúp người khác của chúng ta cũng thế. Khả năng thấy biết tương lai của ta cũng rất giới hạn. Chúng ta không thể nói trước được những gì sẽ xảy ra vào năm tới, tháng tới hay tuần tới, thậm chí vào ngày mai, nói gì đến những việc của kiếp sau!
Năng lực thân, khẩu và ý của chúng ta bị giới hạn là vì những che chướng tâm thức. Tuy nhiên, khi chúng ta giải thoát được dòng tâm thức tương tục của chúng ta khỏi những che chướng thô và vi tế đó, thì sẽ không có gì hạn chế năng lực của chúng ta. Tâm ta không chỉ có khả năng thấy biết trực tiếp tất cả quá khứ, hiện tại và vị lai, mà còn tràn ngập khắp cả mọi nơi. Tâm ta sẽ có khả năng tiếp cận tức thì bất kỳ đối tượng nào được ta nghĩ tới, không một chút chướng ngại. Lúc tâm chúng ta được toàn giác, có nghĩa là giải thoát tất cả các che chướng thô và vi tế, chúng ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi tâm thô lậu và thân thô lậu. Vào lúc ấy, chúng ta sẽ không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì. Đây là sự tự do tối thượng.
Khi mặt trời mọc lên, ánh sáng sẽ tức thời được phản chiếu khắp nơi. Ánh sáng được phản chiếu ở khắp những vùng nước không bị che khuất trên mặt đất - khắp các đại dương, dòng suối và ngay cả trên giọt sương mai. Cùng một cách thức như vậy, vì mọi che chướng thô và vi tế đã được loại bỏ, tâm toàn giác tự nhiên tràn ngập khắp mọi nơi. Bất cứ khi nào chủng tử hiền thiện của một chúng sinh hữu tình đạt đến sự chín mùi, tâm toàn giác lập tức thể hiện ở dạng thích hợp với mức độ tâm của chúng sinh đó. Nếu họ có tâm thanh tịnh, tâm toàn giác sẽ thể hiện ở dạng thanh tịnh để dẫn dắt họ; nếu tâm họ chưa thanh tịnh, nó thể hiện ở dạng không thanh tịnh. Bởi vì tâm toàn giác thấy được sự hiện hữu trọn vẹn ở mọi thời khắc, nên khi chủng tử hiền thiện chín mùi trong tâm một chúng sinh thì tâm toàn giác tức thì hiển lộ để dẫn dắt chúng sinh đó đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, cho tới hạnh phúc vô thượng của giác ngộ viên mãn. Đây là ý nghĩa của năng lực toàn hảo.
Tuy nhiên, kiến thức và năng lực không thôi thì chưa đủ. Cần có lòng từ bi. Mặc dù tâm toàn giác thấy biết mọi sự, nhưng động lực cứu giúp người khác chính là lòng từ bi. Chẳng hạn, một người có khả năng hiểu biết, nhưng không có nghĩa là họ sẽ dùng kiến thức của họ để giúp đỡ người khác. Kiến thức và năng lực có thể trở thành chướng ngại nếu không có lòng từ bi. Cho dù họ biết cách giúp bạn và họ có năng lực để làm, nhưng rất có thể họ không giúp bạn, ngay cả khi bạn yêu cầu. Ngược lại, người có lòng từ bi thì lúc nào cũng sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi bạn nhờ đến.
Chính lòng từ bi giúp ta hoàn thiện trí tuệ và năng lực. Lòng từ bi thúc giục ta phát triển tâm vì lợi lạc của người khác. Chúng ta cần phát khởi và hoàn thiện tâm từ bi, cũng như phát triển lòng từ bi vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh hữu tình, để nhờ đó ta có thể phát triển hơn nữa tất cả các phẩm tính tốt đẹp khác. Khi có được lòng từ bi hoàn thiện cùng với kiến thức và năng lực, ta mới có thể thực sự giúp người khác.
Sự chuyển hóa này của tâm chính là sự điều trị tận gốc rễ. Tôi chỉ là người nói ra tất cả những điều này, nhưng việc điều trị thực sự phải đến từ chính bạn, từ tâm
thức bạn. Việc điều trị sẽ có được thông qua sự tu tập thiền định của bạn, thông qua những suy nghĩ tích cực, mà về cơ bản có nghĩa là thông qua trí tuệ và lòng từ bi của chính bạn. Sự thiền định về tánh Không, về tâm từ, tâm bi giúp chấm
dứt nhu cầu điều trị, vì thông qua sự điều trị tận gốc rễ này, bạn sẽ không bao giờ còn bị đau ốm nữa.
2.
CÁC TRƯỜNG HỢP
ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG
Vì có một số bệnh là nan y, không có thuốc chữa, nên con người ngày nay đang sử dụng rất nhiều những phương pháp chữa bệnh khác nhau, đặc biệt là những phương pháp liên quan đến năng lực của tâm. Việc thoát khỏi ung thư và nhiều
căn bệnh khác nhờ thiền định giờ đây cũng phổ biến giống như việc nhờ vào phương pháp điều trị chuẩn mực. Như tôi đã có giải thích, cách tốt nhất để tự chữa bệnh cho mình là thiền định, sử dụng tâm của mình. Như vậy, chúng ta trở thành bác sĩ, nhà tâm lý học và vị thầy dẫn dắt cho chính mình.
Theo như tôi biết, những ai chân thành dốc tâm tu tập thiền định, cuối cùng đều sẽ đạt kết quả; dù không chữa khỏi hẳn thì ít nhất họ cũng kéo dài hơn tuổi thọ. Điều này chứng minh rằng sức khỏe của ta có liên quan đến tâm, liên quan đến
các cách suy nghĩ của ta. Sau đây, tôi muốn giới thiệu một số câu chuyện về những người đã tự chữa bệnh thành công bằng thiền định.
Alice
Bản thân tôi được biết người đầu tiên dùng thiền định chữa lành bệnh ung thư là cô Alice, một nhà tư vấn thời trang nổi tiếng. Khi Alice biết mình bị ung thư, cô ta nhờ một người bạn đang tu tập ở Tu viện Vajrapani (Vajrapani Institute) ở bang California nước Mỹ hỏi xin tôi chỉ dạy về tu tập thiền định. Tôi đề nghị cô ta hãy thiền định về Vajrapani, một hiện thân hung nộ của Phật rất có hiệu lực trong việc điều trị ung thư. Một cách vắn tắt, tôi bảo cô ta quán tưởng đức Vajrapani trên đỉnh đầu cô, tỏa ra các tia nước cam lồ để tịnh hóa cho cô. Tôi cũng khuyên cô mua các động vật sắp bị giết rồi đem phóng sinh ở nơi an toàn để chúng có thể sống lâu hơn.
Alice nhận được lời chỉ dạy của tôi về hai pháp thực hành căn bản này khi cô đang ở bệnh viện. Cô ta trình bày với các bác sĩ là cô muốn rời bệnh viện để thực hành hai việc này; họ khuyên cô nên ở lại bệnh viện nhưng cũng nói rằng nếu cô thực sự tin vào hai phép chữa bệnh bằng tâm linh đó thì cô có thể về nhà. Cô liền quyết định rời bệnh viện.
Alice đã phóng sinh rất nhiều động vật mua lại từ các tiệm ăn và các nơi khác nữa, khi chúng sắp bị giết. Tôi đã khuyên cô ta phóng sinh số lượng động vật [ít nhất là] bằng số tuổi của cô, nhưng Alice đã thực sự phóng sinh tới hai hay ba ngàn con vật, chủ yếu là gà, cá và giun đất. Cô ta chăm sóc các con gà được phóng sinh ở một nông trại, thả cá ra ao hồ. Cô ta mua một hay hai ngàn con giun đất và thả ra khu vườn quanh nhà. Giun đất rất dễ mua và rẻ. Phóng sinh giun đất là một ý hay vì khi được thả ra chúng chui thẳng vào đất. Vì không có động vật ăn thịt nào bắt chúng, nên chúng có thể sống lâu hơn. Những con vật khác được phóng sinh ở trong rừng hoặc trên biển, ao hồ... ít có khả năng sống lâu hơn vì có nhiều loài ăn thịt ở đó.
Khi Alice trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe sau một thời gian thực hành những điều nói trên, các bác sĩ đã không tìm thấy dấu hiệu ung thư. Họ rất ngạc nhiên. Đó là trường hợp đầu tiên họ thấy có bệnh nhân ung thư được chữa lành bằng thiền định. Họ muốn viết một cuốn sách về trường hợp này vì đối với họ, sự chữa khỏi bệnh ung thư của Alice là một hiện tượng mới mẻ và rất lạ thường, nhưng cô ta bảo họ là cô sẽ tự mình viết cuốn sách đó.
Sau đó Alice đi Nepal để trực tiếp bày tỏ sự biết ơn tôi; cô ta nói rằng tôi đã cho cô ta một quà tặng, đó là phần đời còn lại của cô ta.
Mặc dù bệnh ung thư đã được chữa khỏi, nhưng tôi tò mò muốn biết xem bệnh có tái phát hay không nên tôi thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm tình trạng sức khỏe của cô ta. Cô ta khỏe mạnh được 5 năm, sau đó khi nhiễm phải một loại bệnh vi rút
thì bệnh ung thư tái phát. Cô ta bảo tôi rằng bệnh tái phát có thể vì cuộc sống quá rối loạn, cô ta không còn tự chủ được. Trong một thời gian dài cô ta đã duy trì được giới hạnh trong sự tu tập tâm linh, nhưng vào lúc đó cô ta ngưng việc tu tập, và rồi cuộc sống bị đảo lộn.
Kinh nghiệm của Alice cho thấy rằng điều trị tâm quan trọng hơn điều trị thân. Bệnh ung thư của cô ta tái phát vì cô ta ngưng tu tập, ngưng rèn luyện tâm. Cô ta đã không bảo vệ tâm mình bằng thiền định. Rèn luyện cuộc sống tức là tu luyện tâm. Alice tu tập trở lại, thiền định về Vajrapani, phóng sinh động vật, thọ trì tám giới Đại thừa, thực hành giới nguyện trong một ngày không phạm tám điều bất thiện.
Một thời gian sau, cô ta đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ bảo rằng bệnh ung thư hoàn toàn biến mất. Sau khi hồi phục, Alice đã được phỏng vấn nhiều lần trên truyền hình về kinh nghiệm chữa lành bệnh ung thư bằng thiền định.
Chúng ta có thể chữa lành bệnh qua thiền định; nhưng sau đó nếu chúng ta không bảo vệ được tâm mình thì cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn trở lại, và rồi các vấn đề sẽ tái phát. Nếu chúng ta bỏ mặc cho bản thân mình chạy theo những điều xấu như chỉ biết chăm lo bản thân (vị kỷ), tham lam và các vọng tưởng khác nữa, như vậy tâm không được bảo vệ, và chúng ta tạo ra nguyên nhân để các vấn đề tái diễn.
Alan
Tôi đã gặp nhiều trường hợp khi bệnh nhân không tiếp tục tu tập thiền định thì đời sống bị đảo lộn và tình trạng sức khỏe bị giảm sút nhiều. Ông Alan là một ví dụ. Ông ta đã chết mấy năm về trước vì bệnh AIDS. Khi còn sống ở Tu viện Quán Thế Âm (Chenrizig Institute), một trung tâm thiền tập ở nước Úc, ông đã hành trì rất nghiêm túc cũng như tu tập nhiều phép thiền định khác nhau khi được chỉ dẫn. Tôi nghĩ cũng chẳng có nhiều chọn lựa trong một môi trường như thế - chẳng có việc gì khác để làm.
Alan tham dự các khóa thiền mỗi ngày, chủ yếu tập trung vào thiền định đức Phật Dược Sư và còn tu tập các Bổn tôn khác. Năng lực của các Bổn tôn đó rất mạnh, mật chú của các vị rất linh thiêng, cho nên thiền định về các Bổn tôn rất hiệu nghiệm. Chắc chắn sự tu tập đã tạo được cảm ứng và làm cho tâm ông ta thấy khỏe lên. Sắc diện thể hiện cái tâm, Alan trông người rất tươi sáng, thoải mái vì có được tâm đang khỏe. Khi tâm sung sướng nhờ thiền định và nếp sống theo khuôn khổ tốt thì kết quả này cũng phô bày ra trên gương mặt và thân thể mình. Sau thời gian hoàn tất việc tu tập thiền định, Alan trông như thể không còn bị bệnh và đủ sức làm các việc giúp cho Tu viện.
Lẽ ra Alan nên ở lại Tu viện thêm ít tháng hay ít tuần nữa, nhưng ông ta muốn về thành phố để có thể giúp đỡ những người bị bệnh AIDS. Vấn đề ở chỗ là khi trở về thành phố ông ta không thể tiếp tục tu tập, cuộc sống bị đảo lộn và rồi tình trạng sức khỏe bị sa sút. Ông ta đã quá bận rộn khi ở thành phố, nhưng tôi cho rằng sức khỏe bị sa sút nhiều không phải vì bận rộn mà vì ông ta không tiếp tục tu tập thiền định được. Sau đó ông ta trở lại Tu viện tu tập để cố lấy lại sức khỏe và tìm lại nguồn cảm ứng. Tuy nhiên, mỗi khi sức khỏe được phục hồi, Alan lại trở về thành phố để giúp những người khác, và cái chu kỳ như thế cứ tiếp tục, ông ta đi lui đi tới Tu viện Chenrizig rất nhiều lần.
Dĩ nhiên, việc giúp đỡ người khác là một ý tưởng quí báu. Dù vậy, tôi chưa thấy
những người bị bệnh ung thư quan tâm giúp đỡ nhau nhiều như những người bị bệnh AIDS. Sự đau khổ mà tự bản thân phải chịu đựng khiến cho họ thông cảm sâu sắc với những người cũng đang chịu đựng như họ. Nên dù đang đau ốm, họ
như có sự thôi thúc tự nhiên muốn đi giúp người đồng cảnh ngộ. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một thái độ đáng quí và có được cách cư xử cao đẹp này là điều đáng ca tụng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là, sức khỏe của họ thường sa sút vì họ không thể duy trì được mức độ cần phải có cho một nếp sống khuôn khổ và tu tập.
Vào lần cuối trước khi chết, Alan có gặp tôi, và tôi thấy ông ta rất yếu, phải có hai người bạn dìu mới bước đi được. Ông ta ngồi trên ghế, lắng nghe tôi giảng trong khoảng hơn một giờ đồng hồ về việc ông ta có thể chuyển hóa suy nghĩ để thấy được rằng việc bị bệnh nan y như thế này là điều tốt và có ý nghĩa chứ không phải điều tệ hại và tuyệt vọng. Tôi nói với ông ta rằng bị bệnh AIDS là việc may mắn cho ông ta, vì nhờ vậy ông ta mới có được một cơ hội vô cùng hy hữu để đưa cuộc đời hướng theo con đường tâm linh, theo con đường dẫn tới giác ngộ. Bệnh nan y đã mở cánh cửa đi tới giác ngộ và sự hạnh phúc trọn vẹn.
Tôi đã nói với ông ta về lợi lạc của việc bị bệnh AIDS. Chẳng hạn như, nhờ bị bệnh AIDS mới có được phương pháp nhanh chóng và mãnh liệt để phát triển tâm từ bi, vì khi bị bệnh bạn mới dễ dàng cảm thấy bi mẫn xót thương những
người cùng hoàn cảnh hay những người bị các bệnh nan y khác. Nương vào bệnh tật để phát triển tâm từ bi, như vậy sẽ mang lại sự tịnh hóa nghiệp rất hiệu lực.
Tôi không thể nhớ từng lời mà tôi đã nói với Alan, nhưng chủ yếu là: bệnh tật đã mang ông ta nhanh chóng đến giác ngộ. Tôi muốn ông ta thấy được các khía cạnh tích cực khi mắc phải bệnh AIDS, tôi muốn ông ta thấy được một cơ hội hy hữu mà ông ta đang nắm giữ trong lúc này.
Chúng ta cần chuyển hóa suy nghĩ, vì cách thức suy nghĩ có liên quan mật thiết với việc chữa lành bệnh. Chúng ta phải biết rằng đau ốm là một sự kiện rất cần
có, chứ không phải một vấn đề không cần có, không muốn có. Chúng ta phải nhận diện bệnh tật như một sự phô bày hiển lộ đau khổ của tất cả chúng sinh hữu tình. Chúng ta đừng xem bệnh tật là chướng nạn, mà nên sử dụng nó để phát triển từ bi và trí tuệ.
Cũng giống như sử dụng chất độc làm dược phẩm, chúng ta nên sử dụng bệnh tật như con đường dẫn tới hạnh phúc. Thông qua việc chuyển hóa tâm, chúng ta làm cho kinh nghiệm đau ốm trở nên có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn cho
những người khác. Bệnh giúp ta phát triển được các phẩm chất quí báu của con người là lòng từ ái, bi mẫn, và chính điều này giúp ta có thể mang hạnh phúc và bình an đến cho từng chúng sinh hữu tình.
Dù gì thì ta cũng đã bị bệnh, ta nên biến nó thành việc có lợi lạc bằng cách sử dụng nó để mang hạnh phúc tạm thời cũng như vĩnh cửu đến cho bản thân và cho mọi chúng sinh hữu tình. Đây là kế sách hay nhất để vượt qua bệnh tật.
Sau khi nghe tôi giảng về việc chuyển hóa tâm theo cách này, Alan cảm thấy như được khỏe hơn. Trước lúc nói chuyện, ông ta ngồi sụm người trên ghế, nhưng khi kết thúc câu chuyện, ông ta đã có thể tự đứng dậy và bước đi mà không cần người giúp. Ông ta rất ngạc nhiên về sự phục hồi sức khỏe bất ngờ như thế. Ông ta quơ tay, nói: “Ồ, xem kìa! Bây giờ tôi có thể tự đứng lên được!”
Alan đã có được sự phục hồi tức thì, nhưng dĩ nhiên, có được trạng thái tâm phấn chấn như thế vào lúc đó là chưa đủ, ông ta phải tiếp tục duy trì tâm luôn luôn trong trạng thái đó thì mới có thể giúp ông ta sống lâu hơn.
Từ câu chuyện này bạn có thể thấy được vì sao thể trạng có liên quan mật thiết với tâm trạng. Điều này đặc biệt chính xác với trường hợp bệnh AIDS. Nếu những người bị bệnh AIDS có được tâm khỏe mạnh, họ có thể sống lâu hơn và cơ thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn, bất chấp là bệnh tật vẫn còn đó.
Lucy
Nhiều năm về trước, Lucy - một sinh viên người Úc - có nói với tôi rằng cô ta bị bệnh ung thư. Tôi đã đề nghị cô ta thực hành nhiều lần phép nyung-n. Đó là một phép thực hành tịnh hóa nghiệp nhờ vào đức Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Phật Đại
bi. Mỗi lần nhập thất kéo dài hai ngày. Hành giả thực hành lễ lạy sám hối và nhịn ăn uống. Vào ngày đầu, hành giả chỉ ăn một bữa, nhưng vào ngày thứ hai sẽ không ăn uống gì cả. Việc nhịn ăn uống thực chất không có gì đặc biệt, chỉ là sự hành xác. Tuy nhiên, bạn thực hành việc nhịn ăn uống với một động cơ đặc biệt là lòng bi mẫn, trong đó bạn tự mình nhận lấy trách nhiệm làm sao cho tất cả chúng sinh hữu tình thoát khỏi khổ đau và hưởng được hạnh phúc.
Lucy đã thực hành một số lần nhập thất hành trì pháp nyung-n tại Bồ-đề Đạo tràng, một thánh tích ở Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo.
Tôi cũng dạy Lucy chú nguyện vào nước uống bằng cách niệm hết ba chuỗi hạt (108 hạt) mật chú Quán Thế Âm bản có độ dài trung bình rồi thổi vào nước. Sau đó Lucy dùng nước đã chú nguyện này để uống nhiều lần trong ngày. Cô ta cũng tiếp tục thực hành phép chú nguyện vào nước uống như vậy ngay cả sau khi rời Ấn Độ trở về Úc.
Sau đó mấy năm, tôi có gặp lại Lucy ở Luân Đôn trong một kỳ giảng, cô ta trông tươi tắn khỏe mạnh. Mới gần đây, tôi đã gặp cô ta ở Úc, cô ta vẫn khỏe mạnh. Mỗi lần gặp tôi, Lucy đều nhắc lại rằng chính nhờ vào việc thực hành trì chú Quán Thế Âm mà cô ta đã chữa lành bệnh ung thư.
Luke
Khi Luke, một sinh viên người Hoa ở Singapore, đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, bác sĩ cho biết anh ta bị bệnh AIDS. Là người rất sùng tín, Luke liền viết thư gửi đến thầy mình là ngài Rato Rinpoche, một vị Lama cao cấp ở Dharamsala, Ấn Độ. Vị này đến nay đã qua đời.
Luke đã có đủ nghiệp lành để nhận được những chỉ dạy thiền định từ thầy mình. Mặc dù vào lúc đó chính ngài Rato Rinpoche cũng đang thị hiện tướng bệnh, nhưng ngài đã ưu ái gửi cho Luke những hướng dẫn pháp thiền định đặc biệt về tâm từ bi, được gọi là pháp “cho và nhận”, tiếng Tây Tạng là tong-len.
Trong pháp thiền định cho và nhận, để rèn luyện tâm bi, chúng ta nhận về mình tất cả khổ đau, kể cả bệnh tật của chúng sinh hữu tình và sử dụng khổ đau đó để phá trừ tâm vị kỷ của ta, vốn là nguồn gốc của mọi khổ đau. Pháp tu tập thiền định này trực tiếp đối trị mong muốn thông thường của ta là “không nhận lãnh bệnh tật của người khác”. Tiếp theo, để rèn luyện tâm từ, chúng ta nguyện dâng hiến thân thể, các vật sở hữu, hạnh phúc và thiện hạnh của mình cho mọi chúng sinh hữu tình khác.
Pháp tu tập thiền định này không phải là bí mật hay hiếm thấy. Đây là một pháp thiền định thông thường có trong giáo pháp của “Con đường tu tập từng bước đưa tới giác ngộ” (tiếng Tạng là Lam rim).
Sau khi nhận được chỉ dạy từ Rato Rinpoche, Luke đã hành trì thiền định chỉ trong bốn ngày. Rồi anh ta đến bệnh viện kiểm tra lại sức khỏe, và các bác sĩ đã không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của vi-rút HIV. Khi tôi hỏi anh ta đã thiền định trong bao lâu, tôi đã hết sức kinh ngạc khi anh ta trả lời rằng chỉ thiền định trong khoảng ba hay bốn phút mỗi ngày. Tôi tưởng rằng anh ta hẳn đã phải thiền định trong nhiều giờ.
Điểm quan trọng cần phải hiểu là: mấy phút thiền định của anh ta đã cực kỳ mãnh liệt. Trong suốt thời gian thiền định, anh ta không nghĩ gì về bản thân, về bệnh tình của mình, như thể vấn đề của anh ta không hề tồn tại. Anh ta hoàn toàn chỉ nghĩ đến khổ đau của những người khác, đặc biệt là khổ đau của những người mắc bệnh AIDS, và sinh khởi tâm bi mẫn mãnh liệt. Nước mắt trào ra trên gương mặt mỗi lần anh ta thiền định, không phải vì nghĩ đến căn bệnh của mình mà vì quá xót thương những người khác đang bị bệnh AIDS và cả những bệnh khác nữa. Anh ta quan tâm đến những người ấy hơn là chính bản thân mình. Anh ta đã có sự chân thành sùng mộ mãnh liệt và trong suốt các thời thiền định luôn cảm nhận được rằng vị thầy (Rato Rinpoche) đang ở bên cạnh và đang dẫn dắt anh ta.
Chữa lành một bệnh nặng cần thời gian lâu nếu bạn sử dụng loại thuốc yếu với liều nhẹ; nhưng sự phục hồi sẽ nhanh hơn nếu bạn sử dụng thuốc mạnh, cho dù bạn dùng ít thuốc, ít lần trong một ngày. Sự chữa bệnh của Luke đã thành công nhanh chóng nhờ vào năng lực tâm của anh ta, nhờ vào uy lực vô cùng mãnh liệt
của tâm từ bi mà anh ta có được cho dù các thời thiền định không kéo dài. Anh ta nhanh chóng khỏi bệnh nhờ làm nảy sinh được tâm bi mẫn rất mãnh liệt giúp tịnh hóa được rất nhiều nghiệp bất thiện cùng với các che chướng mê lầm, vốn là nhân của bệnh AIDS.
Luke đã trở lại bệnh viện nhiều lần để kiểm tra sức khỏe tổng quát, anh ta vẫn khỏe mạnh. Theo chỗ tôi biết được, đây là trường hợp duy nhất áp dụng thiền định chữa lành hoàn toàn bệnh AIDS.
Tôi đã yêu cầu Luke cho tôi một ghi chép chính xác về việc thiền định của anh ta để tôi có bằng chứng nói cho người khác biết về câu chuyện này (Xem thêm ở chương 15, phân đoạn Pháp thiền định cho và nhận)
Pháp thiền định Tong-len là tâm điểm của việc chữa lành bệnh. Một khi hiểu được pháp thiền này, ta có thể mang ra áp dụng với mọi vấn đề bất ổn trong cuộc sống và chuyển hóa tất cả thành hạnh phúc. Vấn đề chỉ đơn giản là bạn có thực
hành thiền định hay không mà thôi. Trong khi thiền định chúng ta không thể có cảm giác chán nản, vì vấn đề bất ổn của chúng ta đã được chuyển hóa ngay lập tức thành hạnh phúc.
Pháp thiền định đặc biệt này là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất, nhưng lợi lạc quan trọng nhất của nó không phải việc chữa bệnh mà là giúp ta phát triển tâm từ, tâm bi và Bồ-đề tâm, vốn là nhân chính đưa tới giác ngộ. Bồ-đề tâm là tâm nguyện vị tha, khao khát đạt đến giác ngộ để giải thoát cho tất cả chúng sinh hữu
tình khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau, dẫn dắt họ đến sự giác ngộ viên mãn. Thực hành thiền Tong-len có thể chữa bệnh và chuyển hóa các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, nhưng quan trọng nhất là nó giúp chúng ta phát triển sự thực chứng Bồ-đề tâm. Những niệm tưởng từ bi và thương yêu của Bồ-đề tâm là phương thuốc hữu hiệu nhất cho cả tâm và thân.
Ông Lee
Ông Lee, một doanh nhân người Hoa ở Singapore, đã thiền định để tự chữa bệnh ung thư dạ dày. Lần đầu tôi gặp ông ta ở một buổi giảng, trong hành lang một phòng thi đấu môn bowling ở Singapore. Hôm đó trông ông ta rất gầy yếu, phải tựa vào bà vợ để bước đi. Bác sĩ bảo ông ta chỉ có thể sống thêm ít tháng nữa. Ở Singapore, Hong Kong và Đài Loan, các bệnh nhân thường đến nghe pháp và ngay sau buổi giảng họ đến gặp và yêu cầu tôi thảo luận về bệnh của họ hay cho họ vài lời khuyên.
Tôi đã khuyên ông Lee thiền định về Tara và đặc biệt trì tụng bài “Hai mươi mốt câu xưng tán hồng danh đức Tara”. Mặc dù là một thương gia bận rộn đi khắp thế giới, nhưng ông Lee đã tận tụy hết mình trong việc cầu nguyện Tara và mau chóng chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư bao tử.
Sau đó ít lâu, khi tham dự khóa thiền định một tháng ở Tu viện Kopan tại Nepal,
ông Lee nói với tôi rằng, không chỉ tự chữa lành bệnh ung thư bao tử của mình, ông ta còn chữa lành căn bệnh tim trầm trọng của con trai ông. Trong một giấc mơ, ông nhìn thấy một bánh xe đang quay nơi tim của người con trai, và rồi con trai ông khỏi bệnh...
(... ... ...)
... Với khả năng chữa bệnh như vậy, ông ta trở nên rất bận rộn vì có nhiều người hằng ngày đến chờ ông ta đi làm về để chữa bệnh. Tôi cũng đã yêu cầu ông ta mở lớp dạy chữa bệnh ở trung tâm Phật giáo Amitabha (Amitabha Buddhist Center) thuộc Tổ chức FPMT ở Singapore, sao cho các huynh đệ ở trung tâm đó, dù là người đang khỏe mạnh, có thể cùng nhau cầu nguyện để chữa trị cho những bệnh nhân. Năng lực chữa bệnh sẽ mạnh mẽ hơn khi có một nhóm người cùng nhau trì tụng cầu nguyện.
Điểm quan trọng cần phải hiểu là nguồn năng lực chữa bệnh của ông Lee. Mặc dầu có vẻ như khả năng tự chữa bệnh cho mình và người khác của ông Lee đến từ một đối tượng bên ngoài, đức Tara, nhưng thực ra khả năng đó chủ yếu có được nhờ vào thái độ tích cực của chính bản thân ông ta. Năng lực chữa bệnh của ông ta là kết quả của tâm sùng mộ mãnh liệt đối với đức Tara và đạo đức thanh tịnh của chính bản thân ông ta.
Điểm cốt lõi là tất cả chúng ta ai cũng có tiềm năng chữa bệnh. Bằng việc phát huy năng lực các hành vi hiền thiện của mình, chúng ta có thể chữa lành bệnh ung thư, bệnh AIDS và nhiều bệnh khác cho chính mình và người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là phải loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh, nếu không thì mọi sự ngăn chặn đều chỉ là tạm thời. Ngay cả khi ta chữa lành bệnh cho một người, ta cũng chỉ là tạm thời giải quyết một vấn đề bất ổn trong cuộc sống của họ, và nếu nguyên nhân vẫn còn thì vấn đề đó sẽ quay trở lại.
Nói chung, thiền định có thể chữa bệnh, nhưng nếu chỉ thiền định về Bổn tôn và trì tụng mật chú không thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần thay đổi thái độ sống và hành vi của chúng ta nữa. Nếu chúng ta không giảm dần những hành vi bất thiện gây hại cho bản thân và người khác, thì một khi được khỏi bệnh chúng ta lại tiếp tục tạo ra nguyên nhân bệnh. Điểm thiết yếu nhất là ngừng hẳn việc tạo ra nguyên nhân của bệnh.
3.
PHÁ VỠ ĐỊNH KIẾN
Một số khái niệm thông thường của chúng ta là không phù hợp với thực tại. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng ta chỉ chết sớm nếu như mắc phải các bệnh ung thư, AIDS hoặc các bệnh hiểm nghèo khác, và nếu không bị những bệnh nan y như thế thì chúng ta sẽ được sống lâu.
Chúng ta liên kết cái chết với những bệnh tật này và kết quả là không tự mình cảm nhận được mối quan hệ giữa chính ta với cái chết. Điều trước tiên chúng ta phải làm là từ bỏ định kiến rằng ta chỉ chết sớm nếu như mắc phải những bệnh hiểm nghèo, và nếu không bị bệnh hiểm nghèo thì ta sẽ được sống lâu. Điều này hoàn toàn sai lầm. Có nhiều người khoẻ mạnh sẽ chết trong hôm nay. Thật ra, mỗi ngày có nhiều người khoẻ mạnh chết đi hơn so với số người bị bệnh tật. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn người khoẻ mạnh, không hề mắc bệnh ung thư hay AIDS, đã chết vì những tai nạn xe hơi, vì chiến tranh và vì nhiều tình huống khác. Sự thật là những bệnh ung thư, AIDS không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết; có quá nhiều cách chết!
Quan niệm rằng mình sẽ không thể chết yểu vì không có bệnh hiểm nghèo là sai lầm. Và cũng sai lầm nếu bạn thật sự mắc phải bệnh ung thư hay AIDS và nghĩ
rằng mình sẽ chết sớm chỉ vì mắc bệnh, nếu không thì sẽ được sống lâu. Định kiến này sẽ hành hạ bạn bằng cách làm cho bạn âu lo và sợ hãi. Bạn cần phải phá vỡ khái niệm sai lầm này bằng cách nhớ lại rằng ngay cả nếu không bị ung thư hay AID, nhiều nguyên nhân khác cũng có thể đưa bạn tới cái chết. Biết được như thế, bạn sẽ có được sự yên tĩnh thanh thản trong tâm. Và nhờ vậy mà việc mắc bệnh ung thư hay AIDS sẽ bớt phần đáng sợ, bớt làm cho bạn hoảng loạn. Một khi thấy rằng có nhiều điều kiện khác cũng có thể gây ra cái chết, bạn sẽ thấy rằng việc mắc bệnh ung thư hay AIDS cũng không có gì là khác thường. Điều đó sẽ không làm cho bạn quá lo âu.
Trong đời sống hằng ngày chúng ta cần nhận thức về sự vô thường và cái chết. Chết là môt hiện tượng tự nhiên. Có sinh ra thì sẽ có chết đi, cũng giống như cây cỏ mọc lên rồi lụi tàn. Việc cố gắng lờ đi sự thực này của cuộc sống chỉ làm phát sinh nhiều cảm xúc tiêu cực, bao gồm cả bệnh trầm cảm. Vì cái chết là một điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua nên chúng ta cần ý thức về cái chết và chuẩn bị cho nó.
Chúng ta phải trừ bỏ khái niệm về sự thường hằng của riêng mình, vốn đang đánh lừa chúng ta; và hãy mở rộng tâm để chấp nhận ý tưởng rằng dù có hay không có bệnh nan y thì cũng như nhau, vì cái chết có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta vào bất cứ lúc nào. Dù có khoẻ mạnh hay không thì chúng ta vẫn có thể chết vào bất kỳ lúc nào. Việc chấp nhận điều này sẽ ngay lập tức đem lại sự bình an, vì việc tự mình thoát khỏi khái niệm về sự thường hằng của riêng mình giúp ta được thoải mái, bớt căng thẳng. Sự thay đổi thái độ này là nền tảng của việc điều trị bệnh, vì nó làm giảm bớt lo lắng và sợ hãi. Tất nhiên là điều này cũng quan trọng đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì những người đang mắc bệnh nan y.
Chúng ta phải chấp nhận rằng cái chết là một thực tế, rằng ta có thể chết bất kỳ lúc nào và có nhiều điều kiện khác ngoài bệnh tật có thể làm cho ta chết sớm. Nhất là khi đầu óc chúng ta tràn ngập sự lo âu sợ hãi hay vướng mắc trong những khao khát không được thỏa mãn, chúng ta cần nhớ rằng ta có thể chết bất kỳ lúc nào - có thể trong tháng này, tuần này, hoặc thậm chí là ngay hôm nay.
Vì tâm vị kỷ và sự tham đắm đối với cuộc đời này khiến chúng ta phát sinh nhiều ham muốn được sung sướng, giàu có, quyền lực, tiếng tăm và rồi chúng ta phải gánh chịu nỗi lo lắng, sợ hãi khi những ham muốn này không được thỏa mãn. Việc nhớ lại rằng chúng ta có thể chết ngay hôm nay, thậm chí chỉ trong giờ tới, sẽ giúp chúng ta loại bỏ ngay lập tức tất cả vọng tưởng mê lầm và ham muốn. Việc nhớ đến cái chết giúp chúng ta có khả năng thấy rõ rằng mọi vọng tưởng ham muốn đều không có ý nghĩa gì cả. Ngay khi chúng ta nhớ đến sự vô thường và cái chết, lập tức chúng ta tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc và thanh thản, vì chúng ta đã loại bỏ được tất cả những ham muốn không cần thiết, vốn chỉ đem lại cho ta những bất ổn.
Chúng ta cần tỉnh táo nhận biết về bản chất thật sự của cuộc sống ta, thân thể ta, gia đình và bạn bè ta cũng như những vật sở hữu của ta. Tất cả đều chỉ là những hiện tượng duyên sinh, nghĩa là có bản chất giả tạm. Chúng ta cần tỉnh táo nhận biết về bản chất thật sự của chúng và không để bị đánh lừa bởi khái niệm thường
hằng, nhìn thấy một cách sai lầm rằng chúng thường hằng và mong muốn chúng được thường hằng. Và rồi chúng ta bám víu vào những thứ giả tạm này và bực tức khi nghĩ đến cái chết, khi ta phải xa lìa chúng. Điều này chỉ có nghĩa là ta đang bực tức với bản chất tự nhiên của các hiện tượng, và sự từ chối chấp nhận bản chất của sự vật càng làm cho cái chết của ta trở nên khủng khiếp hơn.
Chết không phải là vấn đề, khái niệm của chúng ta về cái chết mới là vấn đề. Tự thân cái chết không đáng sợ; nhưng tâm ý của ta làm cho cái chết trở nên đáng sợ và khó chấp nhận. Tâm tham đắm của chúng ta bám chặt vào những hiện tượng bên ngoài của cuộc sống này - thân xác ta, gia đình bạn bè ta, những vật sở hữu của ta. Nhưng như vậy cũng giống như bám luyến vào những gì hiện ra trong giấc mơ, vì tâm tham đắm của ta dựa trên một khái niệm huyễn ảo. Chúng ta nhìn thấy những thứ đó như là có thật và tồn tại độc lập, có tự tánh tự hữu, cho dù tất cả chỉ là do tâm gán đặt tên gọi. Chúng ta không nhận thức được rằng chúng phụ thuộc vào những thành phần tạo ra chúng, phụ thuộc vào nhân và duyên (điều kiện), hay phụ thuộc vào tâm, vào khái niệm tên gọi và thực thể. Tất cả những thứ đó hiện ra trước mắt ta như thể chúng có tự tánh tự hữu, và chúng ta tin vào sự trình hiện giả dối này như là có thật.
Trên căn bản của khái niệm ảo tưởng này, chúng ta cường điệu những phẩm chất tốt đẹp của thân thể ta, gia đình, bạn bè ta và những gì ta sở hữu, và rồi bám chặt vào những phóng tưởng của mình. Thí dụ, chúng ta tham đắm một đối tượng xinh đẹp, như thể cái đẹp của đối tượng đó là tự có, khách quan, không liên quan gì đến tâm của chúng ta; và sự tham luyến này ngăn cản không cho ta chấp nhận thực tại của cuộc sống, chấp nhận sự vô thường và cái chết. Sự tham đắm cuộc đời này đã không cho phép chúng ta chấp nhận cái chết, thay vào đó nó khiến ta thấy cái chết thật đáng sợ và thậm chí là khó nghĩ đến.
Tuy nhiên, cái chết tự nó không thật có, cái chết tự nó không đáng sợ. Cái chết là sự sáng tạo của chính tâm thức ta. Vì thế, tâm ta cũng có thể làm cho cái chết trở nên thú vị; chúng ta có thể sử dụng tâm để chuyển hóa cái chết trở thành một kinh nghiệm hạnh phúc, phấn khởi. Vì chúng ta sẵn có khả năng chuyển hóa cái chết từ một sự việc đáng sợ thành một sự việc thú vị, nên ta có thể sử dụng cái chết của chính mình để phát triển tâm thức, để kinh nghiệm về cái chết trở nên lợi lạc cho chính ta và cho tất cả chúng sinh hữu tình.
Một pháp thiền định thiết yếu và thực tiễn sẽ giúp ta hiểu rõ việc những khái niệm của ta đã tạo ra các vấn đề bất ổn cho ta như thế nào, kể cả sự lo sợ về cái chết, và tôi sẽ trở lại thảo luận sâu hơn về điều này.
Tất cả chúng ta đều giống nhau về căn bản. Khi dạ dày trống rỗng, chúng ta đều thấy đói và muốn ăn. Nhưng vào lúc bạn không thấy đói, một người khác có thể đang đói; và vào lúc khác có thể bạn thấy đói trong khi một người khác không đói. Bệnh tật cũng giống như vậy. Bạn có thể đã kiểm tra sức khoẻ tổng quát gần đây và tin rằng bạn không bị mắc bệnh, nhưng thực ra đó chỉ là vấn đề thời gian. Điều đó chắc chắn không có nghĩa là trước đây bạn chưa từng mắc phải những căn bệnh mà những người khác đang mắc phải vào lúc này; và cũng không có nghĩa là trong tương lai bạn sẽ không bao giờ mắc phải những bệnh đó. Trong vô số kiếp quá khứ, bạn đã vô số lần trải qua tất cả những bệnh tật có thể có trên trái đất này cũng như mọi vấn đề bất ổn khác. Chẳng có bệnh tật hay bất ổn nào là mới mẻ cả. Có những lúc bạn vượt qua được bệnh tật và có những lúc khác thì
không. Tuy nhiên, khi bạn bỏ lại thể xác này, bạn cũng bỏ lại bệnh tật. Tâm thức bạn tương tục, nhưng vì tâm không mang theo bệnh tật của thể xác nên bạn không tái sanh với căn bệnh đó.
Mặc dù theo quan điểm của phương Tây thì một số căn bệnh nào đó có thể được xem như mới phát sinh, nhưng theo quan điểm của Phật giáo nó không có gì mới cả. Theo giải thích của Phật giáo về tâm thức và về toàn bộ sự trải nghiệm trong
luân hồi, mỗi chúng ta đã trải qua mọi kinh nghiệm trong vô số lần. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, giống như mầm cây mọc ra từ hạt giống. Điểm cần phải hiểu là, nếu chúng ta không làm điều gì đó ngay từ bây giờ để hoàn thiện tâm thức mình, chúng ta sẽ tiếp tục trải qua những kinh nghiệm này vô số lần nữa.
Chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc rằng mình đã có thể sống được đến lúc này và đặc biệt vui mừng vì có được cơ hội để phát triển tâm thức và chuyển hóa tất cả kinh nghiệm thành hạnh phúc. Cho dù chúng ta có mắc phải điều mà các bác sĩ gọi là bệnh tật, chúng ta vẫn còn có cơ hội vô cùng to lớn để làm nên sự tiến bộ tâm linh, phát triển trí tuệ, tâm bi mẫn cùng với những phẩm tính hiền thiện khác. Chúng ta có cơ hội sử dụng bệnh tật của mình để đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, cho tới hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn, tức là vĩnh viễn thoát khỏi mọi vấn đề bất ổn cùng với nguyên nhân của chúng.
Tâm chúng ta có thể đưa ta tới chỗ kết thúc sinh tử, kết thúc mọi khổ đau. Trong thời gian hiện nay, khi ta đang phát triển tâm thức hướng tới mục tiêu đó, chúng ta cần làm cho bệnh tật và tất cả các kinh nghiệm khác của ta đều trở thành có giá trị, không chỉ cho chính ta mà còn là cho tất cả chúng sinh hữu tình khác đang khổ đau. Chúng ta nên sử dụng bệnh tật của chính mình để giải thoát tất cả những chúng sinh khác khỏi khổ đau, đem lại cho họ hạnh phúc tạm thời và đặc biệt là hạnh phúc tối thượng.
Bởi vì chúng ta đang có một cơ hội quí báu lạ thường như thế để phát triển tâm thức và đem lại hạnh phúc cho những chúng sinh khác, nên điều hết sức quan trọng là đừng lãng phí những năm tháng, ngày giờ hoặc thậm chí là từng phút
giây quý giá còn lại của đời ta. Chính thái độ của ta sẽ quyết định cuộc đời ta là có ý nghĩa hay vô nghĩa. Nếu thái độ của ta không lành mạnh, chúng ta lãng phí thời gian và sống một cuộc sống vô nghĩa. Nếu thái độ của chúng ta lành mạnh, nếu mong ước của ta là đem lại sự bình an và hạnh phúc cho các chúng sinh hữu
tình khác, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa nhất. 4 .
MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC ĐỜI
Mục đích của cuộc đời chúng ta không chỉ đơn giản là được khỏe mạnh, sống lâu, trở nên giàu sang, có học vị hoặc có nhiều bạn bè. Với những mục đích như thế thì chẳng có cái nào là mục đích tối thượng của cuộc đời. Dù có được khỏe mạnh hay không, giàu hay nghèo, có học vị hay không... mục tiêu tối thượng của ta chính là đem lại lợi ích cho những chúng sinh khác. Mục đích của con người đang sống này, của hợp thể thân và tâm này, là đem lại lợi ích cho người khác, sử dụng thân, khẩu, ý của mình để đem hạnh phúc đến cho những người khác.
Tất cả những hạnh phúc của quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta có được là nhờ lòng tử tế của những chúng sinh hữu tình khác. Và tâm vị kỷ là nguồn gốc tất cả các vấn đề bất ổn của chúng ta, kể cả bệnh tật. Cho nên, thay vì bỏ mặc người khác để chăm lo bản thân, chúng ta cần chăm lo người khác và phớt lờ đi bản thân mình. Thay vì làm [điều gì đó] vì mình và cho bản thân mình, chúng ta phải sống và chỉ sống để [làm điều gì đó] mang hạnh phúc đến cho người khác. Sự hoán đổi mình cho người khác là tâm lý căn bản để nhổ bỏ tận gốc rễ tất cả những vấn đề bất ổn của chúng ta. Đó cũng là cội nguồn của sự điều trị bệnh tật.
Sự yêu thương chăm lo các chúng sinh hữu tình khác sẽ chữa trị tâm bệnh của chúng ta ngay lập tức, vì nó giúp loại bỏ tâm vị kỷ - nhân tố chính tạo ra các vấn
đề bất ổn của ta. Yêu thương chăm lo cho người khác cũng chữa lành bệnh tật cho ta bằng cách chuyển hóa tâm tham luyến của ta đối với cuộc sống này, cùng với các tâm si mê, sân hận, ganh tị, kiêu mạn và các tư tưởng không lành mạnh khác, vốn là nguyên nhân không chỉ tạo ra bệnh tật mà còn là tất cả các vấn đề bất ổn của chúng ta. Những tư tưởng không lành mạnh này làm cho tâm chúng ta bất an. Ngay khi chúng ta phát Bồ-đề tâm - tâm lành mạnh nhất - ta sẽ tìm thấy sự mãn nguyện và sự bình an của tâm. Khi đó chúng ta chuyển hóa tâm mình từ chỗ tạo ra khổ đau trở thành nhân tố tạo ra hạnh phúc.
Mục đích cuộc sống không chỉ là giải quyết những vấn đề bất ổn của riêng ta và tìm hạnh phúc cho chính mình, mà còn là giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi đau khổ và nguyên nhân gây đau khổ, đem lại cho họ không những hạnh phúc tạm thời mà còn là hạnh phúc tối thượng. Và để đạt hạnh phúc tối thượng, chúng ta cần dẫn dắt người khác không chỉ đến sự giải thoát mà còn là đạt được hạnh phúc tối thượng của giác ngộ viên mãn. Mục đích của chúng ta trong từng hơi thở mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây cũng rộng lớn như hư không vô tận, vì chúng sinh hữu tình nhiều vô số và mục đích cuộc sống chúng ta là đem hạnh phúc tới cho mỗi một chúng sinh trong số đó.
Với mục tiêu này duy trì không gián đoạn trong tâm, mọi sự buồn chán và bất ổn sẽ chấm dứt, hạnh phúc và sự mãn nguyện đến một cách tự nhiên. Hạnh phúc thật sự trong cuộc sống sẽ đến khi chúng ta hiến dâng cuộc đời mình cho lợi lạc của các chúng sinh hữu tình khác. Làm lợi lạc cho những người khác sẽ đem lại cho ta sự bình yên thực sự trong tâm và sự mãn nguyện. Đó là cách tốt nhất để vui hưởng cuộc sống.
Chúng ta trải qua nhiều thất vọng chán nản trong cuộc sống căn bản là vì chúng ta đã không chịu thay đổi sang một thái độ sống vì người khác. Sự chuyển đổi mục tiêu tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình thành mục tiêu mang hạnh phúc đến cho người khác sẽ lập tức làm giảm thiểu những vấn đề bất ổn trong cuộc sống chúng ta. Thái độ mới này sẽ chuyển hóa tất cả những điều không mong muốn trong cuộc sống trở thành niềm hạnh phúc. Thay vì xem các vấn đề như là tác nhân gây phiền não, ta có thể thấy chúng trở nên có lợi ích.
Nhiều vấn đề bất ổn của ta có liên quan mật thiết đến những mong ước thuộc về mục đích đời sống. Sức khỏe, tiền bạc, học vấn, tiếng tăm và quyền lực là những mục tiêu rất giới hạn. Đang khi mang bệnh thì mục tiêu của mình không gì hơn là được khỏe mạnh trở lại. Mục tiêu như vậy không có gì đặc biệt. Sự mong muốn giới hạn này thực sự tạo ra những vấn đề bất ổn qua việc làm cho ta âu lo, sợ hãi và thất vọng, bởi vì nếu mục đích của ta chỉ đơn giản là được khỏe mạnh thì một khi bị bệnh chúng ta sẽ trở nên âu lo và sợ hãi.
Được khỏe mạnh không phải là điều quan tâm chính. Điều quan tâm chính là làm sao để mọi chuyện xảy ra cho chúng ta sẽ trở thành lợi lạc cho các chúng sinh hữu tình khác. Nếu được khỏe mạnh, chúng ta nên sử dụng sức khỏe đó để đem lại lợi lạc cho những người khác; và nếu bị đau ốm, chúng ta vẫn sử dụng kinh nghiệm bị bệnh đó để làm lợi lạc cho người khác.
Khi chúng ta tập trung nỗ lực vào mục tiêu đích thật của cuộc đời - làm lợi lạc cho chúng sinh hữu tình - thì việc được khỏe mạnh chỉ là thứ yếu. Thậm chí việc mắc phải ung thư hay AIDS cũng không còn khiến ta bận tâm nữa, vì ta có thể chịu đựng bệnh tật thay cho tất cả chúng sinh hữu tình. Dù khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu hoặc nghèo, còn sống hay sắp chết, mục tiêu chính của ta là đem lại lợi lạc cho các chúng sinh hữu tình khác. Đó chính là cội nguồn thiết yếu của hạnh phúc trong cuộc đời. Với thái độ sống này chúng ta sẽ vui hưởng mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Với thái độ này chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa trong suốt hai mươi bốn giờ của mỗi ngày.
Nền văn hóa phương Tây nhấn mạnh vào sự thành công vật chất như là cội nguồn của hạnh phúc. Hạnh phúc được cho là đến từ sự giàu có, sống trong những ngôi nhà lộng lẫy xa hoa, sở hữu nhiều tài sản v.v... Tuy nhiên, chỉ riêng sự giàu có [như thế] không thể đem lại hạnh phúc và sự mãn nguyện. Dù cho có trở thành triệu phú với tiền bạc đủ sống đến năm mươi đời, sự giàu có đó vẫn không thể đem lại cho ta sự bình yên trong tâm. Và dù có nhiều bè bạn đến đâu, họ cũng không đem lại cho ta sự bình yên trong tâm. Sự thành công trên con đường học vấn cũng không phải là nguồn hạnh phúc. Trong thực tế nó còn có thể mang đến cho ta sự bất mãn triền miên, sân hận, kiêu mạn v.v... Chẳng những
không đem lại cho ta sự mãn nguyện và bình an trong tâm, tiền bạc, bạn bè và học vấn còn có thể thực sự trở thành những vấn đề bất ổn cho chúng ta.
Nếu xem sức khỏe, tiền bạc, học vấn, tiếng tăm hoặc quyền lực như là mục tiêu của mình, chúng ta sẽ hoàn toàn bám víu vào cái hạnh phúc và sự hưởng thụ tiện nghi thoải mái của cuộc đời này. Ngay cả khi đạt được mục tiêu này, chúng ta cũng sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn, vì thái độ của chúng ta là thái độ tham đắm cuộc sống này. Chúng ta đã theo đuổi sự tham đắm này suốt từ vô thỉ cho tới ngày nay và chưa bao giờ có được sự mãn nguyện. Dù ta theo đuổi sự ham muốn đến bao lâu đi chăng nữa, ta cũng không bao giờ có thể tìm thấy sự thỏa mãn, và thực sự không bao giờ chấm dứt được phiền não. Theo đuổi ham muốn không phải là cách để chấm dứt sự bất toại nguyện.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu của chúng ta là đem lại lợi lạc cho người khác, thì việc được giàu có sẽ trở nên có giá trị, bởi vì chúng ta có thể sử dụng sự giàu có để giúp đỡ người khác. Cũng với thái độ tích cực đó, nếu có càng nhiều quyền lực và tiếng tăm, chúng ta sẽ đem lại càng nhiều lợi lạc cho người khác.Với mục đích như vậy trong cuộc sống, tất cả mọi việc chúng ta làm sẽ trở nên lợi lạc cho người khác, và khi ta đem lại lợi lạc cho người khác thì rõ ràng là ta cũng làm lợi lạc cho chính mình.
Khỏe mạnh hay không khỏe mạnh cũng đều như nhau đối với chúng ta nếu ta sử dụng tất cả những gì mình trải qua để làm lợi lạc cho các chúng sinh hữu tình khác. Khi ta có những vấn đề bất ổn, ta sử dụng chính những bất ổn đó để đem lại lợi lạc cho người khác. Điều này đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Ngay cả khi ta không gặp bất ổn nào, ta vẫn làm cho cuộc sống của mình trở nên có ích cho người khác.
Những suy nghĩ không lành mạnh, chẳng hạn như vị kỷ và tham luyến... là nguồn gốc mọi vấn đề bất ổn, ta cần thay đổi chúng, chuyển hóa chúng thành những suy nghĩ lành mạnh, chẳng hạn như ý nguyện đem lại hạnh phúc cho người khác.
Sự chuyển hóa, hay chữa trị tâm, là giải pháp chung cho mọi vấn đề bất ổn trong cuộc sống. Chẳng hạn, nó sẽ giúp giảm ngay tức thì nỗi lo sợ khi có kết quả chẩn đoán xác định bị ung thư hay AIDS. Với thái độ này, không một vấn đề bất ổn nào có thể làm ta bối rối, và ta có thể sử dụng bất kỳ vấn đề bất ổn nào để đem lại lợi lạc cho người khác.
Việc xác định rõ ràng mục tiêu cuối cùng của cuộc đời ta là cực kỳ quan trọng. Nếu xem sự chữa khỏi một căn bệnh nào đó là mục tiêu cuối cùng, đó là ta đã hiểu sai vấn đề, bởi vì ngay cả khi ta đã khỏi bệnh thì cũng không có gì thay đổi cả. Chúng ta vẫn giữ thái độ sống như cũ và thực hiện những hành vi như trước. Chúng ta sẽ tiếp tục tạo nhân cho những vấn đề bất ổn, bởi vì các hành vi của ta sẽ tạo nghiệp bất thiện. Nói cách khác, chúng ta lại tiếp tục tạo ra nhân của bệnh.
Việc thay đổi thái độ sống thực sự quan trọng hơn nhiều so với việc chữa trị bệnh tật. Nếu mục tiêu tối thượng của ta là đem lại lợi ích cho người khác, thái độ tích cực này sẽ ngăn cản việc tạo thêm các nghiệp bất thiện, vốn là nhân của bệnh tật, và giúp chúng ta có khả năng tạo ra những nghiệp thiện, là nhân của hạnh phúc.
Khi ước nguyện sử dụng cuộc sống của mình để đem lại hạnh phúc cho các chúng sinh hữu tình khác, lẽ tự nhiên là ta chắc chắn sẽ không làm tổn hại người khác. Khi hạnh phúc của người khác là mục tiêu tối thượng của ta, chúng ta sẽ đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng, vì thái độ sống này đem lại tất cả hạnh phúc, bao gồm cả hạnh phúc vô song của sự giác ngộ, và chấm dứt mọi khổ đau. Định nghĩa chân chính nhất của sự thành công trong cuộc sống là có khả năng làm lợi ích cho người khác.
Ngay cả khi ta không thể chữa lành bệnh của mình bằng thuốc men hay thiền định, chúng ta vẫn đạt được sự chữa trị sâu sắc nhất nếu ta chuyển hóa được quan niệm sống của mình thành nguyện ước trong sáng là làm lợi lạc người
khác. Điều này đem lại sự chữa trị sâu sắc bởi vì nó tạo nhân cho thân tâm lành mạnh bằng cách loại bỏ những quan niệm sai lầm vốn là nguyên nhân gây bệnh tật và tạo ra những thái độ hiền thiện vốn là nguyên nhân của hạnh phúc.
Khi phân tích những lợi lạc có được từ nguyện ước giúp đỡ người khác, ta sẽ thấy việc không chữa lành được bệnh của mình không phải là một thất bại lớn. Mặt khác, việc phục hồi bệnh một cách thần kỳ cũng chưa chắc đã có ý nghĩa gì lớn lao, nếu ta không thay đổi được quan niệm sống của mình, vì một khi vẫn còn đó những quan niệm sai lầm, chúng ta sẽ lại tạo ra nhân của bệnh. Dù có thể đứng dậy sau hai mươi năm ngồi trên xe lăn cũng không có mấy ý nghĩa nếu không có sự thay đổi về thái độ tinh thần. Phép lạ thật sự là khi một người có thể chấm dứt nhân của khổ đau và tạo ra nhân của hạnh phúc bằng cách nhận biết được tâm thức là cội nguồn của hạnh phúc cũng như khổ đau. Phép lạ thật sự là phải chuyển hóa tâm mình, vì sự chuyển hóa này sẽ bảo vệ chúng ta trong nhiều kiếp sống. Thái độ tích cực sẽ giúp ta chấm dứt việc tạo ra nhân của các vấn đề bất ổn, nhờ đó sẽ đảm bảo hạnh phúc không chỉ trong đời này mà còn cho hàng trăm, thậm chí đến hàng ngàn kiếp sống tương lai, cho tới khi đạt được giác ngộ. Đây mới là sự thành công vĩ đại nhất.
Tại sao chúng ta cần giác ngộ?
Để hoàn tất sự nghiệp lớn lao là mang hạnh phúc đến cho tất cả chúng sinh hữu tình, đặc biệt là hạnh phúc vô song của giác ngộ viên mãn, chúng ta cần phải giác ngộ. Để dẫn dắt các người khác một cách hoàn hảo, ta cần phát triển các phẩm chất bên trong tâm mình, đặc biệt là trí tuệ toàn giác, tâm bi mẫn với tất cả chúng sinh hữu tình và năng lực hoàn thiện để đưa ra được những phương pháp thích hợp giúp đỡ người khác. Các phẩm chất này là vô cùng thiết yếu trong việc chữa lành bệnh cho chính mình và tất cả chúng sinh hữu tình.
Giác ngộ có nghĩa là chấm dứt vô minh, sân hận, tham lam và tất cả các suy nghĩ bất tịnh khác, cũng như dứt trừ cả những tập khí vi tế và chứng ngộ hoàn toàn.
Sự giác ngộ đạt được thông qua phát triển tâm linh. Chúng ta cần phát triển cả từ bi và trí tuệ. Chúng ta không chỉ phát triển trí tuệ nhận biết thực tại tương đối (theo quy ước), đặc biệt là những nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau, mà còn phải phát triển trí tuệ nhận biết thực tại tối hậu, vì chỉ với trí tuệ này chúng ta mới loại bỏ được vô minh, vốn là cội gốc của tất cả khổ đau và nguyên nhân khổ đau, và thành tựu giải thoát.
Thông thường, trước khi có thể dạy người khác văn chương, triết học, khoa học hay các nghề thủ công mỹ nghệ, bản thân chúng ta cần có đủ năng lực trình độ chuyên môn để dạy. Chẳng hạn, trước khi các giáo sư bác sĩ giảng dạy cho các
sinh viên y khoa, họ phải có kiến thức và kỹ năng chữa bệnh cần thiết để chẩn đoán cả những căn bệnh khó phát hiện. Tương tự như vậy, chúng ta không thể dẫn dắt tất cả chúng sinh hữu tình đến được bến bờ giác ngộ viên mãn trừ phi
bản thân ta có năng lực trình độ hoàn hảo thông qua sự phát triển các phẩm chất tích cực của tâm, đặc biệt là tâm bi mẫn và trí tuệ. Chỉ khi đó ta mới thực sự giúp được người khác.
Mục đích cuộc đời ta là giúp cho thân tâm của mỗi một chúng sinh hữu tình thoát khỏi mọi khổ đau và nguyên nhân khổ đau, và đưa tất cả chúng sinh đến với hạnh phúc tối thượng vĩnh viễn của giác ngộ viên mãn. Phát triển các phẩm chất nội tại của trí tuệ và bi mẫn là phương pháp chữa lành thân tâm của chúng ta, và thông qua điều này, chúng ta sẽ có khả năng chữa lành bệnh cho người khác.
Hãy làm cho mỗi ngày trở nên có ý nghĩa
Buổi sáng, việc đầu tiên ngay khi thức dậy là bạn hãy nhớ đến mục đích cuộc đời bạn, đó là giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi mọi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Chúng ta phải thấy rằng hạnh phúc của tất cả chúng sinh hữu tình là trách nhiệm cá nhân của ta. Để có khả năng giúp đỡ người khác, chúng ta phải khỏe mạnh và sống lâu, và chính vì lý do này mà chúng ta làm vệ
sinh cá nhân, ăn uống và làm những việc hằng ngày khác nữa. Mỗi khi ăn uống trong ngày, chúng ta luôn nhớ đến mục đích của cuộc đời mình. Và khi đi ngủ cũng vậy. Để hoàn thành trách nhiệm lớn lao phổ quát của mình, chúng ta cần có sức khỏe tốt và sống lâu, và vì lý do này mà chúng ta ngủ. Bằng cách này, chúng ta đã dùng tất cả hoạt động hằng ngày của mình để phụng sự tất cả chúng sinh hữu tình.
Trước khi đi làm, một lần nữa chúng ta nên nhớ đến mục đích của cuộc đời, đó là trách nhiệm mang hạnh phúc đến cho tất cả chúng sinh hữu tình. Đơn giản chỉ là việc chúng ta thay đổi thái độ, trước đây chúng ta đi làm là để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, nay ta đi làm là để tìm kiếm hạnh phúc cho người khác. Thậm chí, nếu không thể nói đến hạnh phúc của tất cả chúng sinh hữu tình thì ít nhất chúng ta cũng phải lưu ý tới hạnh phúc của những người chủ thuê, những người cần đến người khác để làm công việc cho họ. Qua việc thực hiện công việc của mình, chúng ta phục vụ những người chủ thuê một cách thiết thực, mang đến cho họ lợi nhuận và hạnh phúc mà họ mong đợi. Ít nhất chúng ta nên nhớ rằng, thông qua những nỗ lực của chúng ta mà các người chủ được thỏa nguyện. Chúng ta đang hiến tặng những người chủ thuê tất cả những lợi tức, tiện nghi thoải mái và hạnh phúc mà họ có được nhờ vào việc làm của chúng ta.
Trong khi làm việc, chúng ta nên nhớ đến mục đích cuộc đời chúng ta trong mối quan hệ với tất cả những người xung quanh, ngay cả với súc vật. Chúng ta có mặt ở đó là để phục vụ cho mọi người, kể cả những người xa lạ; sự tồn tại của chúng ta là vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Việc nhớ đến mục đích của cuộc đời sẽ tức thời mang đến cho chúng ta hạnh phúc. Ngay khi chúng ta thay đổi thái độ sống, chúng ta sẽ có được sự bình an và mãn nguyện. Và chúng ta đột nhiên thấy rằng mình đang vui thích tận hưởng cả cuộc sống và công việc.
Một khi chỉ biết nghĩ đến riêng mình, chúng ta sẽ trở nên căng thẳng, và sự căng thẳng kéo dài càng gây căng thẳng. Chúng ta trở nên thất vọng chán nản với các vấn đề bất ổn của mình và ý nghĩ này luôn quanh quẩn trong đầu ta: “Tôi gặp bất ổn này. Tôi bị rắc rối kia... Biết bao giờ tôi mới được sung sướng?” Biểu hiện vật lý của tâm vị kỷ là gương mặt luôn căng thẳng và đau khổ.
Tuy nhiên, sự căng thẳng của ta sẽ giảm nhẹ ngay khi ta chấm dứt thái độ chỉ nghĩ đến bản thân mình và bắt đầu quan tâm đến người khác. Chúng ta hãy suy đi nghĩ lại thật nhiều lần giống như tụng niệm thần chú, rằng: “Tôi ở đây là để phụng sự người khác. Tôi ở đây là để phụng sự người khác...” Hoặc là: “Tôi đến đây để mang hạnh phúc cho người khác. Tôi đến đây để mang hạnh phúc cho người khác...” Những câu thần chú mạnh mẽ này sẽ làm cho ta hạnh phúc và giúp ta thấy được cuộc đời ta tràn đầy ý nghĩa. Hãy ngồi một nơi nào đó và tụng đọc những câu trên trong khoảng mười phút, hay thậm chí trong một giờ. Pháp thiền định này sẽ lập tức làm giảm nhẹ căng thẳng trong lòng ta và mang hạnh phúc đến cho cuộc đời ta.
Chúng ta tự giam mình trong ngục tù của tâm vị kỷ, nhưng sự quan tâm chăm sóc người khác sẽ là chiếc chìa khóa giải thoát chúng ta. Chúng ta có thể tức thì cảm nhận được sự tự do. Tâm chúng ta sẽ không còn bén nhọn dễ gây thương tích như một cây gai hay thô nhám và cứng rắn như đá, nhưng sẽ mềm mại, ngọt mát như kem. Tâm ta sẽ rộng mở và thênh thang, và chúng ta tức thì trải nghiệm được bình yên và hạnh phúc. Đây là kết quả có được từ sự quan tâm chăm sóc người khác.
Có được thái độ sống này, tất cả những gì ta làm trong suốt một ngày làm việc sẽ trở nên tốt đẹp, tích cực, là nhân tạo thành hạnh phúc, vì động cơ làm việc của chúng ta không bị ô nhiễm bởi tâm vị kỷ. Với thái độ sống tích cực này, tất cả các hành vi hằng ngày của chúng ta như làm việc, đi lại, đứng ngồi, ăn ngủ... đều trở thành nguyên nhân tạo ra thành công và hạnh phúc, và không có hành vi nào của ta là nhân tạo ra khổ đau. Hành vi của chúng ta cũng sẽ trở thành nhân đưa đến hạnh phúc tối thượng của giác ngộ viên mãn.
Từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho đến khi đi ngủ, chúng ta nên làm tất cả mọi việc vì người khác. Với một nếp sống vì người khác, chúng ta trở nên hạnh phúc, và niềm hạnh phúc vui sướng này không là sự phấn khởi nhất thời mà là sự bình an sâu thẳm trong tâm. Cách tốt nhất để tận hưởng cuộc sống là tự nguyện hiến dâng cuộc đời cho người khác, không phải vì bị ai ép buộc, mà vì tâm từ bi và trí
tuệ đã ban cho chúng ta sự tự do tự nguyện. Hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống bất ngờ có được. Cuộc đời thật đáng sống. Chúng ta có sự tự do lạ thường [trong việc] sử dụng tâm ta để chấm dứt các vấn đề bất ổn và đạt được hạnh phúc. Bất cứ việc gì xảy ra cho chúng ta, ta đều có khả năng làm cho chúng có ý nghĩa, và ta không lãng phí thân người quí báu này. Nếu không, thì cho dù chúng ta có sức khỏe và sống đến hàng ngàn năm, đó cũng chỉ là một cuộc sống vô nghĩa, trống rỗng.
Khi mục đích cuộc đời chúng ta là mang hạnh phúc đến cho người khác, điều đó sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn, vì khi ấy thì việc có bệnh hay khỏe mạnh đều không còn quan trọng đối với ta. Ngay cả cho dù ta có bị bệnh ung thư, vì sức khỏe không phải là mục tiêu chính của đời ta nên chúng ta chỉ quan tâm đến việc sử dụng kinh nghiệm bị ung thư để mang hạnh phúc đến cho người khác. Điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn về phương diện tâm lý và mang đến cho ta nhiều hạnh phúc.
Sự hy sinh bản thân để mang lại điều gì đó cho người khác thay vì lúc nào cũng lấy mất của người khác điều gì đó và dùng họ cho hạnh phúc của riêng mình sẽ mang lại ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời ta. Cách suy nghĩ mới này sẽ chuyển hóa cuộc đời chúng ta.
Dù bản thân ta đang hạnh phúc hay đau khổ, khỏe mạnh hay đau ốm... ta nên vận dụng bất cứ kinh nghiệm nào mình đang trải qua để làm lợi lạc cho người khác. Ngay cả khi sắp chết, ta cũng nên làm cho kinh nghiệm về cái chết của ta trở nên lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình.
5.
BẢN CHẤT CỦA TÂM BI MẪN
Tâm bi là nguồn gốc của hạnh phúc trong cuộc sống. Nó là phương tiện thiết yếu đảm bảo cho hạnh phúc của riêng ta cũng như hạnh phúc của xã hội. Nếu không có tâm từ và tâm bi thì sẽ không có được sự bình yên và hạnh phúc trong gia đình, xã hội, quốc gia hay cả thế giới. Tâm bi cũng là nguồn gốc của một tinh thần minh mẫn và một thân thể tráng kiện. Phát triển tâm bi là phương pháp mạnh mẽ nhất để chữa lành bệnh cho chính mình và các chúng sinh hữu tình khác.
Tâm bi mẫn hết sức quan trọng, vì nó là nhân của hạnh phúc, thành công, mãn nguyện và an vui trong cuộc sống. Thực hành tâm bi có nghĩa là không làm tổn hại mà chỉ luôn giúp đỡ người khác, và việc giúp người là nhân đưa đến sự thành công của chúng ta. Khi ta sống với tâm từ bi, ta mang hạnh phúc đến cho người khác, như vậy sẽ khiến cho cuộc sống của ta có ý nghĩa. Chúng ta sẽ hạnh phúc khi thấy mình đang làm cho người khác vui sướng. Đức Dalai Lama thường nói rằng, nếu muốn chăm lo cho bản thân, chúng ta nên hành xử với một thái độ khôn ngoan và chăm lo cho bản thân một cách khôn ngoan bằng việc chăm lo cho người khác, cho chúng sinh hữu tình khác. Và dù chẳng mong cầu gì cho mình, nhưng bằng cách mang hạnh phúc và thành công đến cho người khác, tự nhiên ta có được kết quả là hạnh phúc và thành công sẽ đến với ta.
Tâm bi sẽ khiến cho người khác trở thành bạn bè ta. Khi ta có tâm từ bi, ta xem mọi người đều như anh em bạn bè của mình, ta cảm thấy gần gũi họ, mặc dù trên thực tế họ ở xa chúng ta. Nếu ta không có tâm từ bi, ta không cảm thấy gần gũi mọi người cho dù họ đang sống trong cùng căn hộ với ta. Nếu ta thiếu tâm bi thì sẽ thấy khó kết bạn, và khi ta cố gắng tìm một người bạn, không chóng thì chầy họ cũng sẽ trở thành kẻ thù của ta. Ngay cả bà con họ hàng cũng có thể trở thành
kẻ thù của chúng ta.
Cuộc sống mà không có tâm bi thì thật sự khốn khổ. Những người cả ngày chỉ biết quan tâm đến mình, trong lòng trống vắng sự yêu thương xót xa trước khổ đau của người khác, sẽ không có được sự bình yên và hạnh phúc đích thực. Nếu không có tâm từ bi thì dù cho giàu có bao nhiêu, có quyền lực hay học thức bao nhiêu, có bạn bè nhiều bao nhiêu, chúng ta cũng không thể có bình yên và hạnh phúc, chúng ta không thể hưởng thụ được cuộc sống. Thiếu tâm từ bi, ta sẽ phải trải qua sự cô đơn, chán nản, và chịu đựng nhiều vấn đề khác nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về bệnh trầm cảm, đức Dalai Lama trả lời rằng, bệnh trầm cảm về cơ bản xuất phát từ sự không yêu thương người khác. Nhận xét này thật có ý nghĩa, vì thái độ chỉ biết quan tâm đến riêng bản thân mình sẽ mang lại sự lo âu và sợ hãi.
Nếu chúng ta không có tâm bi, cho dù có bao nhiêu bạn bè, cho dù giàu có bao nhiêu, chúng ta cũng không thể có sự bình yên và toại nguyện thực sự trong cuộc sống. Cho dù chúng ta là người giàu nhất trên thế giới, tiền bạc sẽ không mang đến cho chúng ta bất kỳ sự thỏa mãn nào nếu ta thiếu mất các phẩm tính quí giá của con người là tâm từ và tâm bi. Chúng ta sẽ không thể tận hưởng cuộc sống, lòng ta sẽ như một sa mạc nóng bỏng và khô cằn. Nếu chúng ta thiếu các phẩm tính quí báu này, và với thái độ sống ích kỷ, sự giàu có sẽ đưa tới cho chúng ta rất nhiều lo âu, sợ hãi và thất vọng. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta thành công trong việc có được tất cả những tiện nghi vật chất sung túc mà ta mong muốn, vì khi ấy ta vẫn không bao giờ có thể tìm thấy sự thỏa mãn, toại nguyện. Chúng ta sẽ lo sợ đối thủ cạnh tranh trở nên giàu có hơn ta. Tài sản tiền bạc thậm chí còn tạo ra các vấn đề bất ổn trong cuộc sống, mang đến với ta những kẻ thù và làm cuộc sống ta bị đe dọa.
Việc ôm lòng vị kỷ và không có tâm từ bi sẽ làm cho cuộc sống của những người giàu trở nên bất hạnh, bất toại nguyện. Họ còn bất hạnh hơn cả những người hành khất đi xin ăn từng bữa, vì mặc dù họ có mọi thứ tiện nghi vật chất nhưng
họ vẫn không thấy thỏa mãn. Điều này làm cho các vấn đề tinh thần trở nên trầm trọng hơn và họ phải chịu đựng nhiều thất vọng, nhiều sự bất mãn trong cuộc sống.
Ngược lại, nhiều người sống trong những điều kiện sơ khai thiếu thốn tiện nghi vật chất, nhưng nhờ có tâm bi mẫn, có lòng thương người nên họ sống rất hạnh phúc và toại nguyện. Lấy ví dụ về dân làng Solu Khumbu vùng Hy Mã Lạp Sơn
nơi tôi đã sinh ra. Nếu so sánh với những người phương Tây thì dân làng tôi chẳng có gì cả; họ sống trong những căn nhà đá trơ trọi, có một hay hai bộ quần áo để thay, vài cái nồi nhỏ và thực phẩm thì chỉ đủ để sống qua ngày. Tuy nhiên, bất chấp các điều kiện sống giản dị và sơ khai, những người dân này luôn rất hạnh phúc và an vui nhờ vào tấm lòng ấm áp tử tế của họ.
Thêm nữa, cho dù tri thức và học vấn nhiều đến bao nhiêu, chúng ta cũng không thể có sự bình yên trong lòng nếu ta thiếu tâm từ bi. Ngay cả khi dành hết cả cuộc đời để học hỏi nghiên cứu, thì vốn kiến thức đó cũng chỉ tạo ra các vấn đề bất ổn nếu ta bị thúc đẩy bởi tâm ích kỷ chỉ biết chăm lo cho bản thân mình. Đáng lẽ ra học vấn sẽ mang đến hạnh phúc và toại nguyện, đằng này ngược lại, nó tạo ra nhân của kiêu căng, sân hận và làm cho những tư tưởng bất tịnh khác nữa nổi lên. Chúng ta sẽ không tận hưởng được cuộc sống, ta sẽ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Nếu ta không có tâm từ bi thì có nguy cơ là ta sẽ dùng kiến thức và học vấn để làm tổn hại người khác, thậm chí tự hủy hoại mình và hủy hoại cả thế giới. Thí dụ, bom nguyên tử có thể bị sử dụng với tính cách hủy hoại nếu thiếu động lực từ bi. Nhưng với tâm từ bi, chúng ta sẽ dùng kiến thức và học vấn để mang hạnh phúc đến cho người khác, đây đích thị là cách tốt nhất để tìm thấy hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Vì sao người khác cần đến tâm bi của chúng ta
Tâm bi mẫn của chúng ta là cội nguồn của bình an và hạnh phúc trong cuộc sống bản thân và cuộc sống của những người khác. Nó là nguồn hạnh phúc cho bất kỳ
chúng sinh hữu tình nào, bắt đầu từ những người và động vật quanh ta.
Chúng ta có thể hiểu được điều này bằng cách quán xét xem hạnh phúc của ta phụ thuộc như thế nào vào những người và cả những động vật quanh ta trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta chịu ảnh hưởng bởi cách thức, mức độ mà những người khác suy nghĩ về ta, cư xử với ta. Những điều đó có thể làm cho ta vui sướng hoặc thất vọng. Chúng ta hoan hỉ khi một ai đó, thậm chí là một người xa lạ, mỉm cười với ta một cách trìu mến hay cư xử tử tế với ta. Ngược lại, ta cảm thấy không vui khi một ai đó khó chịu hay cư xử tệ bạc với ta. Thậm chí một người hoàn toàn xa lạ đang đi trên đường mải miết suy tư về bản thân và về các vấn đề bất ổn, hình ảnh đó cũng sẽ làm chạnh lòng ta. Tâm họ quá ư bận rộn miên man và toàn bộ cơ thể họ căng thẳng.
Tương tự như vậy, cách thức mà chúng ta suy nghĩ và cư xử sẽ gây ảnh hưởng đến những người và động vật quanh ta. Người và động vật quanh ta sẽ cảm thấy thoải mái khi biết rằng ta không có ý định gây tổn hại. Ngay cả loài chuột cũng cảm nhận được sự tử tế tốt bụng. Lần đầu tiên khi con chuột thấy ta, nó do dự không biết có nên tin ta hay không, nhưng sau khi nó nhận biết rằng ta không có ý định hại nó, nó tỏ ra yên tâm, thư thả đi lại quanh ta. Thậm chí ta có thể thấy được một ít thay đổi nơi vẻ ngoài của nó, trông thoải mái điềm tĩnh.
Tôi có nhiều duyên nghiệp với loài chuột. Ngay cả nếu một nơi nào trước đó không có chuột nhưng khi tôi đến ở thì chúng xuất hiện. Khi tôi đang nhập thất ẩn tu ở Adelaide, Úc châu, nhiều con chuột đã xuất hiện vào lúc nửa khuya. Chúng leo lên gần tôi trên giường, chúng khum người xuống sau chiếc gối như thể chúng muốn làm tổ ở chỗ ấm áp đó. Vào một đêm, một con chuột sau nhiều lần thất bại cuối cùng leo được lên bàn tôi chỉ một lần. Dĩ nhiên, con chuột trèo lên không phải vì tôi tử tế với nó, nhưng vì nó cảm nhận được rằng tôi không có ý định quấy rối nó. Con chuột nhỏ nhắn đó ngồi xuống, ngước lên nhìn vào mặt tôi, gương mặt của nó trông rất thoải mái và có vẻ hạnh phúc. Sau một lúc nó bỏ đi.
Mặc dầu con chuột đó đã không thể trèo được lên bàn thờ trong phòng nhập thất của tôi, nhưng nó trèo lên được bàn thờ trong phòng kế cận. Nó đã trèo lên khoảng vài lần, uống nước trong các chén nước cúng và gặm một ít bánh cúng. Tôi đã lấy một cái chén, đổ đầy hạt đậu và tsampa vào đó, rồi để cạnh chỗ con chuột trèo lên, ấy thế mà nó lại không ăn nhiều - có lẽ tôi không đủ phước. Nó chỉ ăn một ít rồi bỏ đi.
Có một đêm, toàn bộ những khối tsa-tsa bằng thạch cao trên bàn thờ bị đổ sụp xuống, lật ngược ra phía sau. Tôi đoán chừng con chuột có thể bị kẹt giữa hai khối tsa-tsa lớn khi rơi xuống. Nó phải loay hoay một lúc mới thoát ra được; trông bộ dạng của nó, tôi đoán nó phát sợ, thất vọng, như thể bị đánh đau lắm. Khi tôi làm một tiếng động nhỏ, nó liền nhảy xuống sàn và chạy đi mất. Từ đó về sau, nó không bao giờ trở lại chỗ bàn thờ nữa.
Điều mà tôi cố gắng nêu ra ở đây là, hạnh phúc của những người và động vật ở quanh ta tùy thuộc vào chúng ta, tùy thuộc việc chúng ta suy nghĩ và cư xử như thế nào với họ. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm đối với hạnh phúc không chỉ riêng của tất cả những người quanh ta hằng ngày, mà còn là của vô số
chúng sinh hữu tình; hạnh phúc đó tùy thuộc vào tấm lòng ta, tùy thuộc vào tâm từ bi của ta. Hạnh phúc này hoàn toàn ở trong tầm tay. Chúng ta có mang bình yên và hạnh phúc đến cho người khác hay không là tùy thuộc việc chúng ta làm được gì với tâm ta. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó.
Nếu chúng ta không tu tập tâm từ bi thì với tư tưởng vị kỷ cùng với các vọng tưởng khác nữa, chúng ta sẽ làm hại vô số chúng sinh hữu tình một cách trực tiếp hay gián tiếp, đời này tiếp nối đời khác. Và vì đời sống cùng với hạnh phúc hay khổ đau của những người khác đều tùy thuộc vào chúng ta, nên chúng ta có thể gây nguy hại cho chúng sinh hữu tình. Nếu không có tâm từ bi, một người có thể sử dụng năng lực và ảnh hưởng của mình để gây nguy hại cho cả thế giới.
Lịch sử thế giới đã cho thấy nhiều lần, trong quá khứ xa xưa và ngay cả mới gần đây, hàng triệu người - và cả động vật, sâu bọ - đã bị sát hại chỉ vì một người có
quyền lực đã không hành động từ bi. Nếu người nắm giữ quyền lực đó có tâm bi mẫn thì hàng triệu người đã không bị hành hạ và giết hại, cũng như vô số động vật và sâu bọ đã không phải chịu đựng khổ đau. Trong một cuộc chiến tranh hay trong một vụ nổ bom nguyên tử, người ta chỉ thống kê số người chết, còn động vật và sâu bọ thì không được đếm xỉa tới. Người nắm giữ quyền lực đó không cần phải làm gì đặc biệt để giúp người khác mà chỉ cần đừng ra lệnh giết hại thì tất cả vô số chúng sinh ấy đã được sống, được hạnh phúc bình yên. Nhưng thay vì như vậy, họ đã bị hãm hại thật đáng sợ; và thậm chí nhiều năm sau đó nỗi kinh hoàng vẫn còn trong lòng họ.
Ngược lại, nhờ có lòng bi mẫn, những người như đức Dalai Lama và Mahatma Gandhi đã là suối nguồn chính yếu của hòa bình thế giới. Các sách vở và những bài nói chuyện trước công chúng của đức Dalai Lama đã mang lại sự bình yên cho hàng triệu người qua việc giảng dạy cho họ về từ bi và trí tuệ. Nếu những người có quyền lực có tâm từ bi, họ sẽ sử dụng quyền lực để mang hạnh phúc đến cho hàng triệu người; nhưng nếu thiếu tâm từ bi, họ có thể dùng quyền lực đó để gây nguy hại cho cả thế giới...
... ... Một người có tâm bi mẫn thì dù có bao nhiêu vũ khí cũng không là mối nguy hại cho người khác. Ngược lại, một người không có tâm bi có thể gây nguy hại cho người khác ngay cả khi họ không có vũ khí; vì họ luôn tìm cách để làm hại người khác bằng thân, khẩu và ý của họ.
Như trên vừa nêu, chúng ta đã thấy được rằng một người có quyền lực có thể gánh trách nhiệm lớn lao đối với cuộc sống của nhiều chúng sinh hữu tình; bình yên và hạnh phúc của hàng triệu chúng sinh có thể tùy thuộc vào tâm và mức độ bi mẫn của chỉ một con người này. Và cá nhân mỗi chúng ta cũng giống hệt như vậy. Từng thành viên chúng ta đều có trách nhiệm đối với hạnh phúc của mỗi chúng sinh hữu tình khác, cho dù mắt ta có trông thấy chúng sinh đó hay không.
Chúng ta có trách nhiệm đối với hạnh phúc của từng con người, từng con vật, từng côn trùng bé nhỏ, từng sinh linh... Bất kỳ chúng sinh nào cũng giống nhau ở một điểm là mong muốn được hạnh phúc sung sướng và không muốn chịu đau khổ, và chúng ta có trách nhiệm đối với bất kỳ chúng sinh nào, không chỉ là bạn
bè thân quyến, mà kể cả những người xa lạ và kẻ thù ta nữa.
Khi ta thực hành tâm từ bi, việc trước nhất là ta ngưng làm hại các chúng sinh, bắt đầu từ những người và động vật quanh ta. Khi ta làm như vậy, các chúng sinh đó nhận được sự bình yên từ chúng ta. Không gây hại tức là tạo ra sự bình yên. Ví dụ, hôm qua chúng ta bị đau đầu, hôm nay tuy rằng cơn đau đầu chưa biến mất nhưng đã bớt nhiều, chúng ta nói với người khác “Hôm nay tôi cảm thấy khỏe hơn!” Chúng ta thấy vui sướng vì cơn đau gia tăng như hôm qua đã không còn, và vì vậy chúng ta tự cho là “khỏe hơn”.
Một ví dụ khác, có người đe dọa bắn chết ta. Nhờ vào sự thuyết phục có lý có tình, ta đã khiến họ thay đổi ý định và không bắn ta. Như vậy họ đã mang bình yên và hạnh phúc đến cho chúng ta. Bằng sự thay đổi ý định, họ đã giải thoát cho ta khỏi sự sợ hãi và sự hiểm nguy bị bắn, và họ đã cho ta được sống lâu hơn. Thực tế là, người đó đã giúp chúng ta vì họ đã tự kiềm chế, ngưng làm hại chúng ta. Tương tự như vậy, khi chúng ta thực hành tâm từ bi, chúng ta giúp người khác khi ta tự kiềm chế việc gây hại. Khi chúng ta không gây hại như vậy, vô số chúng sinh khác nhận được sự bình yên và hạnh phúc từ chúng ta.
Nhưng trên hết, khi chúng ta có tâm bi mẫn, chúng ta cảm thấy có sự cởi mở rộng lượng, sự cảm thông với người khác, nên chúng ta cố gắng giúp họ. Khi chúng ta có tâm bi mẫn mãnh liệt đối với một chúng sinh, chẳng hạn một con
người hay một động vật, chúng ta không chỉ không hãm hại mà còn giúp đỡ chúng sinh đó. Phản ứng tự nhiên là chúng ta đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của người đang bị đau ốm, người nghèo khổ, cho dù đó là người xa lạ, hoặc một con vật đang bị thương. Chúng ta sẽ giúp đỡ tùy theo khả năng của ta và cũng tùy theo việc ta nhận biết tình huống như thế nào. Việc không làm hại chúng sinh, và hơn thế nữa, mang đến lợi lạc cho mọi chúng sinh, chính là đã bao gồm được toàn bộ giáo lý của đạo Phật.
Chúng sinh được giúp đỡ hay bị hãm hại là tùy thuộc việc chúng ta có tâm từ bi hay không. Rõ ràng, một khi chúng ta có tâm từ bi, chúng ta sẽ giúp đỡ người
khác; nếu không giúp được thì ít nhất chúng ta cũng không làm hại họ. Tâm từ bi càng mãnh liệt, chúng ta càng hiến dâng cuộc đời nhiều hơn cho việc làm lợi ích chúng sinh. Và rồi tất cả chúng sinh sẽ nhận được sự bình yên và hạnh phúc từ chúng ta, trực tiếp hoặc gián tiếp. Các chúng sinh khác có nhận được lợi lạc từ chúng ta hay không là tùy thuộc việc ta có thực hành tâm từ bi hay không. Mỗi một chúng ta có trách nhiệm đối với hạnh phúc và sự bình yên của từng chúng sinh hữu tình là như thế đó. Hạnh phúc của tất cả chúng sinh tùy thuộc vào tâm của riêng ta, tùy thuộc việc ta có phát triển tâm bi mẫn hay không.
Nếu ta không sinh khởi tâm từ bi, nếu ta sống với tư tưởng chỉ biết quan tâm bản thân, thì sự tham lam, sân hận, ganh tị và các vọng tưởng khác nữa sẽ nổi lên nhanh chóng và quyết liệt. Các tư tưởng bất thiện này sẽ khiến chúng ta gây hại các chúng sinh khác, trực tiếp hay gián tiếp, đời này nối tiếp đời khác. Thiếu vắng tâm từ bi sẽ mang đến rất nhiều bất hạnh, rất nhiều vấn đề bất ổn cho cuộc sống của ta và của cả những chúng sinh khác.
Bạn chỉ là một con người
Chẳng có gì đáng nói nếu có ai đó tỏ vẻ thông cảm, thương xót bạn. Thậm chí, nếu có ai đó không thích bạn, hoặc hơn thế nữa, chưởi mắng hay làm tổn thương bạn thì cũng chẳng có gì đáng phải buồn phiền, vì bạn chỉ là một người. Sự việc chẳng có gì đáng phải hoảng sợ, vì chỉ có một chúng sinh liên quan và chúng sinh đó chỉ là riêng bạn. Nếu bạn phải sinh vào địa ngục thì cũng chẳng có gì đáng tuyệt vọng, vì bạn chỉ là một chúng sinh. Và nếu bạn đạt giác ngộ thì cũng chẳng có gì quá phấn khởi, vì bạn cũng chỉ là một người.
Tuy nhiên, nếu một chúng sinh hữu tình như bạn không thực hành tâm từ bi, thì có nguy cơ là bạn có thể gây hại cho tất cả chúng sinh khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, đời này sang đời khác. Như tôi đã nêu ra, ngay cả trong một đời này bạn cũng có khả năng gây hại đến hàng triệu người. Vì lý do này, việc phát khởi tâm từ bi phải là ưu tiên hàng đầu. Đó phải là việc đầu tiên mà bạn nghĩ tới và cố
gắng thực hiện. Vô số chúng sinh hữu tình mong muốn bạn khởi tâm từ bi đối với họ, giúp đỡ họ và đừng làm hại họ. Dù cho bản thân bạn cũng muốn mọi người yêu thương và giúp đỡ, nhưng vì bạn chỉ có một mình, bạn hoàn toàn không đáng kể khi so sánh với vô số chúng sinh mà hạnh phúc của họ tùy thuộc vào tâm từ bi của bạn.
Nếu so sánh với việc những người khác tỏ lòng từ bi đối với bạn, một cá nhân mà thôi, thì việc bạn tỏ lòng từ bi đối với vô số chúng sinh khác là quan trọng hơn. Vì lý do này, bạn phải chủ động thực hành tâm từ bi, dù những người khác có cư xử tốt, có thương mến bạn hay không. Vì nếu bạn thực hành tâm từ bi, bạn sẽ đem lợi lạc đến cho vô số chúng sinh; và nếu bạn không thực hành tâm từ bi, bạn sẽ gây hại cho vô số chúng sinh. Và vì lý do đó, bạn vẫn nên thực hành tâm từ bi dù những người khác có thực hành tâm từ bi hay không.
Chúng ta thường nghĩ rằng: “Tại sao tôi phải thực hành tâm từ bi nếu những người khác không [thực hành tâm từ bi đối với tôi]?” Nhưng lập luận này xuất phát từ tâm vị kỷ chứ không phải từ trí tuệ. Lập luận này không dựa trên sự suy nghĩ thấu đáo, vì nó không tính đến ngay cả sự bình yên và hạnh phúc trong tâm ta. Tâm vị kỷ tranh biện theo cách này vì mong muốn được lợi lạc, nhưng trên thực tế nó chỉ đưa tới sự mất mát, vì nhận thức của nó về lợi lạc là không đúng.
Cách mà tâm vị kỷ nhận thức về lợi lạc là làm cho người khác bị thua thiệt và giành lấy phần lợi về cho mình; người khác phải bị thiệt thòi để cho mình được có lợi, được sung sướng. Ngược lại, trí tuệ theo Chánh pháp hiểu được tiến trình đích thực của hạnh phúc và đau khổ, biết rằng cả hạnh phúc lẫn khổ đau đều đến từ tâm ta. Thái độ và hành động hiền thiện sẽ mang lại hạnh phúc; thái độ và hành động bất thiện mang lại khổ đau. Trí tuệ cũng biết rằng việc đánh bại người khác để giành lấy chiến thắng về mình trên thực tế chỉ đưa đến sự thiệt hại, mất mát, vì chúng ta đang tạo ra nhân để rồi sẽ phải chịu sự thiệt hại, mất mát trong đời này và có thể nối tiếp trong hàng ngàn đời sau.
Khi hãm hại người khác, chúng ta tạo ra những vấn đề bất ổn cho chính ta, dù ta
có nhận biết điều đó hay không. Hạnh phúc và các vấn đề bất ổn đều có sự phát triển tự nhiên của chúng. Cũng giống như cây thuốc mọc lên từ hạt giống của cây thuốc, và cây có độc mọc lên từ hạt giống của cây có độc. Hạt giống của một cây thuốc không thể phát triển thành cây có độc, hay hạt giống cây có độc không thể mọc lên thành cây thuốc. Việc hãm hại người khác sẽ tạo ra nhân của các vấn đề bất ổn mà chính bản thân ta phải hứng chịu, và không làm hại người sẽ tạo ra nhân của hạnh phúc mà cũng chính ta sẽ được hưởng.
Tâm vị kỷ là tâm chỉ quan tâm đến hạnh phúc tức thời của mình, nhưng các phương pháp mà tâm này sử dụng để mang lại hạnh phúc là không khéo léo, không thiện xảo. Đánh bại người khác và giành lấy vinh quang lợi lộc cho mình là một điều thực sự ngây ngô, vì kết quả của nó sẽ ngược lại với mục đích. Cũng giống như chúng ta có ý muốn uống thuốc chữa bệnh nhưng hóa ra ta đang uống thuốc độc.
Khi chúng ta hành động với trí tuệ theo Chánh pháp, chúng ta nhường phần thắng cho người khác và nhận lấy phần thua thiệt về mình. Tuy nhiên, sự thua thiệt, mất mát chỉ là phần hiện ra bên ngoài, mà thực ra chúng ta được lợi lạc vô song từ hành động hiền thiện này, vì trong nhiều ngàn năm sau chúng ta vẫn có thể được tận hưởng vinh quang thắng lợi. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tự mình thực hành tâm từ bi, bất kể là người khác có thực hành tâm từ bi hay không.
Vì sao chúng ta có thể phát sinh tâm bi mẫn
Tất cả chúng ta đều sẵn có ít nhiều tâm bi. Chúng ta có thể chưa xót thương bi mẫn đối với hết thảy chúng sinh hữu tình, nhưng chúng ta hẳn phải thật có tâm bi đối với ít nhất là một số người trong đó. Có những người khác có tâm từ bi rộng lớn hơn chúng ta. Thậm chí trên thế giới có những người có tâm xót thương bi mẫn với rất nhiều chúng sinh đang khổ đau. Và cứ lần theo dòng lập luận như vậy, chúng ta biết chắc là phải có những người mà tâm bi mẫn được phát triển
trọn vẹn, bao trùm hết thảy mọi chúng sinh khổ đau.
Điều chủ yếu khiến ta có thể phát sinh tâm bi mẫn là bản chất của tâm ta. Như tôi đã giải thích trước đây, bản chất đích thực của tâm chúng ta là sáng suốt, thanh tịnh; nó không đồng nhất và cũng không pha trộn với các lỗi lầm của tâm. Vì bản chất đích thực của tâm là không đồng nhất với những vọng tưởng phiền não và những che chướng, nên một số người thậm chí gọi bản chất này của tâm là “Phật” và cho đó là giác ngộ viên mãn.
Bản chất thanh tịnh sáng suốt của tâm được gọi là tánh Phật, đã cho chúng ta khả năng phát triển tâm theo cách mà ta muốn; cho phép ta có khả năng làm sinh khởi và mở rộng tâm bi mẫn. Chúng ta có thể tu luyện tâm và phát triển trọn vẹn lòng bi mẫn xót thương đến tất cả chúng sinh hữu tình.
Tâm bi mẫn không phải là một hiện tượng độc lập. Nó không tự mình hiện hữu; không có tự tánh tự tồn. Những tư tưởng hiền thiện và an hòa, mong muốn mọi chúng sinh khác thoát khỏi khổ đau, được tâm chúng ta gán cho tên gọi là “tâm
bi mẫn”. Nói cách khác, tâm bi mẫn là một cái gì đó mà chúng ta dùng tâm mình tạo ra. Tâm bi là một hiện tượng duyên khởi; nó sinh khởi tùy thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện. Ví dụ, tâm bi mẫn khởi lên trong sự tùy thuộc vào điều kiện chúng ta nhìn thấy sự đau khổ của một chúng sinh khác, như một em bé Ethiopia đói khổ hay một con thú bị thương, và mong muốn chúng sinh đó thoát được khổ đau. Chính bản chất của tâm đã giúp ta có thể sinh khởi và phát triển tâm bi. Tâm thức tự nó cũng là sự sinh khởi tương thuộc, nó hiện hữu trong sự phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện.
Dựa vào kinh nghiệm chúng ta biết rằng, khi ta cảm thấy dù chỉ đôi chút xót thương một người nào đó, ta cũng tự nhiên ước muốn cho người đó thoát khỏi những bất ổn, và ta sẽ làm những gì có thể được để giúp người đó. Khi tâm bi của ta mãnh liệt hơn, ta sẽ nhận lấy trách nhiệm cứu giúp ngày càng nhiều hơn những chúng sinh hữu tình để họ thoát khỏi khổ đau. Khi chúng ta phát triển trọn vẹn tâm bi, chúng ta sẽ hiến dâng cuộc sống của mình cho tất cả chúng sinh hữu
tình. Chúng ta sống chỉ để giải thoát cho mỗi một chúng sinh khỏi khổ đau và nhân của khổ đau cũng như để mang hạnh phúc đến cho họ. Khi ấy, chúng ta đã không ngừng tích tụ công đức - là nhân của hạnh phúc và thành công - nhiều như không gian vô biên.
Làm sao phát khởi tâm bi mẫn?
Giờ đây, chúng ta thấy được rằng việc phát khởi tâm bi là điều quan trọng nhất đối với chúng ta và đặc biệt là cho tất cả chúng sinh hữu tình. Chúng ta cần phát triển tâm bi đối với từng chúng sinh hữu tình, giải phóng họ khỏi khổ đau và nguyên nhân khổ đau, dẫn dắt họ tới không chỉ hạnh phúc tạm thời mà còn là hạnh phúc vĩnh cửu của sự giác ngộ viên mãn.
Tuy nhiên, tâm từ bi không thể từ trên trời rơi xuống một cách thần kỳ hoặc chỉ đơn giản có được bằng cách lặp đi lặp lại rằng: “Tôi cần tâm bi, tôi cần tâm bi...” Cũng giống như ở trường học, chúng ta học từ môn học này sang môn học khác và tiến dần qua các lớp, chúng ta phải phát triển tâm bi từng bước một, bắt đầu với những đề mục thiền định sơ đẳng. Nếu không làm như thế, tâm bi của ta sẽ không ổn định. Chúng ta có thể xót thương một người bạn đang hoạn nạn hay một con vật bị thương, nhưng sau vài ngày thì tâm bi của chúng ta sẽ biến mất.
Chúng ta cần phát triển tâm bi một cách trọn vẹn, tức là có tâm xót thương bi mẫn đối với từng chúng sinh hữu tình như người mẹ xót thương khi đứa con thân yêu đang bị nguy hiểm. Nếu đứa con bị rơi vào lửa, người mẹ chỉ có một suy nghĩ duy nhất là nhảy vào lửa để cứu con. Suy nghĩ của người mẹ nổi lên một cách mãnh liệt và tự nhiên, người mẹ lập tức ngừng ngay công việc đang làm và chạy đến cứu con. Khi chúng ta phát triển tâm bi trọn vẹn, chúng ta cảm thấy hoàn toàn giống như người mẹ này đối với nỗi đau khổ của từng chúng sinh hữu tình, bất kể là bạn bè, kẻ thù hay người xa lạ.
Với một tâm bi mẫn vĩ đại, chúng ta không chỉ mong muốn từng chúng sinh thoát khỏi khổ đau, mà chúng ta còn tự mình hành động để giải thoát họ khỏi đau khổ. Đây gọi là tâm đại bi, vì chúng ta tự mình nhận lấy trách nhiệm giải
thoát họ. Khi chúng ta có được tâm đại bi, chúng ta mang hạnh phúc và an lạc đến không chỉ cho bản thân mình mà còn là cho từng chúng sinh hữu tình. Điều đó làm cho cuộc đời ta có ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta cần phát triển tâm bi này với tất cả chúng sinh hữu tình - mỗi một chúng sinh trong số đó đều chỉ muốn được sung sướng và không muốn khổ đau. Chúng ta cần có tâm bi không chỉ với những người đau ốm, hoạn nạn, mà còn cả với những người đang giàu sang, khỏe mạnh...
Để phát sinh tâm bi đối với từng chúng sinh hữu tình, chúng ta cần sự hiểu biết sâu sắc về tất cả các loại vấn đề bất ổn mà chúng sinh chịu đựng. Mỗi một vấn đề thuộc về cá nhân hay quốc gia, hay cả thế giới, đều là lý do khiến chúng ta phát sinh tâm bi. Mỗi người, mỗi động vật mà chúng ta nhìn thấy đang bị khổ đau, dù là thấy trên tivi, đều là lý do để chúng ta phát sinh tâm bi. Mỗi chúng sinh khổ đau đang khẩn cầu chúng ta phát sinh tâm bi. Chúng ta thấy các loài vật đang chịu khổ đau không thể tưởng tượng được, tràn ngập sự sợ hãi, sự tức giận, tham lam, vô minh. Chúng tấn công lẫn nhau mà không biết rằng, khi gây hại kẻ khác, chúng đang tạo ra nhân để nhận lại sự hãm hại cho chính mình về sau.
Nhiều động vật, đặc biệt là loài chim, không thể thoải mái được một giây phút nào, vì chúng sống trong nỗi sợ hãi triền miên. Khi chúng ăn, chúng không thể ăn trong tư thế thoải mái, vì chúng phải liên tục lắng nghe động tĩnh chung quanh và phải quan sát canh chừng mọi hướng. Cuộc sống không ổn định, không chắc chắn. Mọi con chim đều có kẻ thù có thể giết chúng bất kỳ lúc nào. Chúng luôn luôn sợ sệt, dù khi chúng đậu trên mặt đất hay khi bay trên bầu trời. Ngược lại chúng ta đã quen với sự an toàn đến nỗi chúng ta không ý thức về nó; và chúng ta được sống một cách thanh thản, thoải mái, tiện nghi. Khi rời nhà đi ra ngoài, chúng ta tin rằng chẳng có ai muốn hãm hại hay đe dọa giết chúng ta. Tuy nhiên, thực ra thì sự nguy hiểm có thể xảy ra một giây sau đó. Sự việc đơn giản tùy thuộc vào sự thay đổi thái độ của chỉ một con người. Chỉ cần có một người trở nên thô bạo là cuộc sống của chúng ta lập tức rơi vào nguy hiểm ngay. Như vậy, chúng ta thấy rằng ta tùy thuộc vào người khác như thế nào.
Ba loại khổ đau
Để có tâm bi mẫn với các chúng sinh hữu tình một cách trọn vẹn, chúng ta phải biết được ba loại khổ đau mà chúng sinh đang trải qua: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Và để hiểu rõ khổ đau của chúng sinh, chúng ta trước hết phải biết rõ khổ đau của chính bản thân mình. Chúng ta phải nhận rõ rằng chúng ta đang phải trải qua ba loại khổ đau, từ đó có quyết tâm tự giải thoát mình ra khỏi khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Ngược lại, nếu bản thân ta không nhận ra được tất cả khổ đau của mình, chúng ta sẽ không có khả năng nhận ra được các khổ đau của những người khác. Và khi hiểu biết của chúng ta về khổ đau bị giới hạn thì sự phát triển tâm từ bi của chúng ta cũng sẽ bị giới hạn. Lúc đó, chúng ta sẽ chỉ có tâm từ bi với những ai có khổ đau giống như khổ đau của chính ta. Ví dụ, chúng ta có thể chỉ nghĩ về khổ đau của một loại bệnh [ta đang mắc phải] mà thôi.
Nếu hiểu biết về khổ đau của chúng ta bị giới hạn thì ý tưởng giải thoát cũng bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu biết được rõ ràng về ba mức độ khổ đau, chúng ta sẽ có khả năng phát khởi tâm bi rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, vì lúc đó tâm bi bao trùm tất cả mọi loài chúng sinh. Ngược lại, nếu không có được một sự hiểu biết tốt, tâm bi của ta chỉ giới hạn với những ai đang bị đau đớn.
Loại khổ thứ nhất là “khổ khổ”, rất dễ nhận diện. Nó liên quan đến sinh, lão, bệnh, tử và tất cả các vấn đề khác thuộc cơ thể và tinh thần. Giống như một nguyên tử đơn lẻ so sánh với tất cả nguyên tử có trên thế giới, bệnh tật chỉ là một trong hàng ngàn vấn đề thuộc loại khổ khổ.
Loại khổ thứ hai là “hoại khổ”, khó nhận biết hơn. Chúng ta chỉ có thể hiểu được
loại khổ này qua sự lý luận phân tích. Sự khổ vì biến hoại, ám chỉ đến những niềm vui thích giả tạm mà chúng ta đang có, những vui thích này không tồn tại lâu, và khi chúng ta cố làm cho chúng được tồn tại lâu dài thì chúng chuyển thành [những khổ đau thuộc phạm trù] khổ khổ.
Với những vui thích tạm bợ mà chúng ta đang thụ hưởng, chúng ta gán tên gọi “vui thích” cho một cảm giác vốn thật sự là khổ đau. Vì bản chất khổ đau của cảm giác này không dễ nhận biết như những khổ đau dạng thô [thuộc phạm trù khổ khổ], nên chúng ta gán cho nó cái tên gọi là “vui thích” và nó liền xuất hiện trước mắt ta như thể là vui thích. Tuy nhiên, khi sự vui thích giảm xuống thì sự khổ đau tiềm ẩn bắt đầu hiển lộ. Sự tiếp tục một hành động - cho dù đó là ăn uống, đi lại, nằm ngồi hay ngủ nghỉ - chỉ càng làm tăng thêm nỗi khó chịu. Sự khổ đau càng trở nên dễ nhận biết hơn và ta cảm nhận ít hơn những gì ta đã gọi tên là “vui thích”. Sự vui thích không hề tự có, chỉ có những gì mà ta đã gán cho tên gọi là “vui thích”. Chúng ta đặt tên “sự vui thích” trên một nền tảng không thuần túy vui thích mà thực chất chỉ là sự khổ đau không được nhận biết.
Ví dụ, khi chúng ta bị đau, nếu hôm nay ta ít đau hơn hôm qua, ta nói rằng cảm thấy khỏe hơn, nhưng không có nghĩa là ta hoàn toàn không còn đau. Chỉ là cảm giác đau được giảm bớt. Chúng ta gán đặt tên gọi “hạnh phúc” cho cảm giác khó chịu đang được giảm bớt của bất kỳ vấn đề nào mà chúng ta đang phải đương đầu, nhưng nền tảng mà chúng ta dựa vào để gán đặt tên gọi “hạnh phúc” không phải hoàn toàn không có vấn đề. Chúng ta vẫn còn có bất ổn, nhưng đã giảm bớt đi. Những niềm vui thích giả tạm trong cõi luân hồi cũng giống hệt như vậy.
Khi ta ngồi, nếu ngồi càng lâu ta sẽ càng cảm thấy khó chịu hơn, mệt mỏi hơn. Sự khó chịu đó không bao lâu sẽ trở nên dễ dàng nhận biết, và đến khi nó trở nên không thể chịu đựng được nữa, ta đứng dậy. Vào lúc này, sự khó chịu không thể kham nổi vì ngồi lâu đó chấm dứt, vì hành động ngồi lâu gây ra nó đã chấm dứt. Nhưng ngay khi ta vừa đứng lên, hành động đứng cũng lập tức khởi sinh sự khó chịu của việc đứng. Mặc dù sự khó chịu của hành vi đứng đã bắt đầu ngay tức thì, nhưng ta không nhận thấy được vì nó còn quá nhỏ nhặt; nhưng khi ta tiếp tục đứng, sự khó chịu dần dần tăng lên. Sau một thời gian, sự khó chịu trở nên hiển
nhiên, rõ ràng thì chúng ta bắt đầu nhận biết được nó. Vào lúc đó nó trở thành [sự khổ thuộc phạm trù] khổ khổ. Như vậy, khi vừa đứng lên chúng ta đã gán tên gọi “dễ chịu” lên một cảm giác khó chịu quá yếu ớt đến nỗi ta không nhận biết là khó chịu, và ta tiếp tục gọi nó là “dễ chịu” cho đến khi sự khó chịu ấy trở nên hiển nhiên rõ ràng.
Khi một cảm giác khổ đau dễ nhận biết trước đây vừa chấm dứt, chúng ta nói rằng ta đang kinh nghiệm sự dễ chịu, nhưng đó không phải là niềm hạnh phúc hoàn toàn hay rốt ráo. Ngay khi chúng ta nói là cảm thấy khỏe hơn khi bớt đau, chính là ta đang gán đặt tên gọi “vui thích” lên một cơ sở mà thực chất là đau khổ. Và nó có vẻ như một sự vui thích chỉ vì ta đã gán đặt tên gọi “vui thích” lên nó, nhưng thực chất nó không phải là hạnh phúc đích thực. Chúng ta chỉ có thể gán tên “hạnh phúc đích thật” lên một cái gì thoát khỏi được toàn bộ ba loại khổ đau, không phải chỉ là khổ khổ và hoại khổ, mà cả hành khổ nữa.
Loại khổ thứ ba, hành khổ, là loại khổ vi tế nhất và quan trọng nhất cần phải hiểu rõ. Nó là loại khổ đau cơ bản, vì nếu không có nó thì chúng ta sẽ không phải trải qua khổ khổ và hoại khổ. Chúng ta cần có một quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi loại khổ này.
Vậy hành khổ là gì? Đó chính là cõi luân hồi này, là sự kết hợp của thân và tâm này, vốn bị khống chế bởi nghiệp lực và những vọng tưởng phiền não, và bị ô nhiễm bởi những chủng tử của vọng tưởng phiền não. Tất cả chúng sinh trong Ba cõi - Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới - đều phải trải qua loại khổ thứ ba này. Tất cả chúng sinh ở địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, cõi người và chư thiên thuộc Dục giới đều phải trải qua cả ba loại khổ. Chư thiên ở Sắc giới không trải qua khổ khổ nhưng phải chịu hoại khổ và hành khổ. Chư thiên ở Vô sắc giới chỉ có tâm thức mà không có thân vật thể, không trải qua hoại khổ cũng như khổ khổ, nhưng vẫn phải chịu hành khổ, vì họ vẫn bị chi phối bởi nghiệp lực và vọng tưởng.
Vì những hạt giống vọng tưởng phiền não làm ô nhiễm trong tâm thức ta, nên ta
phát sinh vọng tưởng phiền não khi tiếp xúc các đối tượng đẹp, xấu hay không đẹp không xấu. Các vọng tưởng phiền não này kích hoạt nghiệp, vốn đã để lại các chủng tử trong tâm thức, và sau đó chính các chủng tử này trở thành nhân của kiếp sống tương lai trong luân hồi, sự kết hợp thân và tâm trong kiếp sống tương lai của chúng ta - tái diễn sự trải qua đau khổ.
Mỗi một hành vi bị thúc đẩy bởi một vọng tưởng phiền não đều để lại chủng tử bất thiện trong tâm thức, và rồi giống như chồi mầm nảy sinh từ hạt giống, chủng tử đó sẽ hiển lộ thành các hợp thể (uẩn) cùng loại trong tương lai, có nghĩa là cùng thuộc về bản chất đau khổ. Như một cây bắp không sinh ra lần nữa, nhưng cây bắp non tương tự như nó sẽ mọc lên từ hạt của nó, các hợp thể (uẩn) cùng loại sẽ khởi sinh từ chủng tử, có nghĩa là các hợp thể (uẩn) mới cũng không thoát khỏi đau khổ. Mặc dù thân chúng ta không chuyển tiếp sang kiếp sau, nhưng tâm thức thì có. Nó kết hợp với một thân thể khác để trở thành các uẩn của kiếp sống tương lai, hay luân hồi. Các uẩn đời sau của chúng ta là sự tiếp nối của các uẩn đời này, đó là lý do vì sao chúng ta gọi là vòng luân hồi.
Loại khổ thứ ba này được gọi là “bao trùm” vì sự kết hợp thân và tâm bị chi phối cũng như vây phủ bởi nghiệp lực và vọng tưởng phiền não, và “cấu thành” vì chủng tử [trong tâm thức] tạo thành các uẩn thuộc loại tương tự. Các uẩn hiện tại của ta cấu thành các uẩn tương lai thuộc loại tương tự, tái diễn sự trải qua ba loại khổ đau. Nói cách khác, các uẩn này cấu thành một hợp thể các uẩn khác, các uẩn của đời sống tương lai, vốn có cùng bản chất khổ đau, bằng sự cấu thành từ nhân của chúng, hay chủng tử. Đó là lý do vì sao các uẩn này được gọi là hành khổ.
Nếu chúng ta loại bỏ các hạt giống của vọng tưởng phiền não ra khỏi dòng tương tục tâm thức thì các vọng tưởng phiền não không thể khởi sinh, và không có vọng tưởng thì không có gì tạo ra các hành vi bất thiện, vốn là nguyên nhân để lại các chủng tử trong tâm ta và tạo ra sự luân hồi trong tương lai - cũng giống như không gì có thể mọc lên trên một thửa ruộng khi không có hạt giống được gieo xuống. Không có nhân sẽ không có quả. Đó là cách thức giúp ta có thể giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi.
Bằng sự chuyển hóa tâm qua việc tu tập thiền định, chúng ta có thể tịnh hóa chính mình, không còn các hạt giống của vọng tưởng phiền não và giải thoát hoàn toàn bản thân ta khỏi các nguyên nhân của đau khổ, và do đó giải thoát
khỏi đau khổ. Khi đó chúng ta được giải thoát vĩnh viễn khỏi sinh tử và các vấn đề bất ổn trong cuộc sinh tử đó. Một khi tịnh hóa được tất cả các hạt giống vọng tưởng trong tâm, chúng ta sẽ vĩnh viễn thoát khỏi đau khổ. Đây là cách thức giúp chúng ta có thể tự mình hoàn toàn thoát khỏi loại khổ cơ bản thứ ba này: hành khổ.
Khi chúng ta tự mình giải thoát khỏi các uẩn - hay nói cách khác là thoát khỏi hành khổ - chúng ta cũng tự mình giải thoát khỏi khổ khổ và hoại khổ. Sự giải thoát rốt ráo là giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả ba loại khổ đau. Vào lúc đó chúng ta không còn tái sinh với các uẩn đau khổ như vậy nữa. Hạnh phúc của giải thoát sẽ được vĩnh viễn bởi vì chúng ta sẽ không thể nào phải trải qua đau khổ lần nữa. Đây là sự giải thoát rốt ráo.
6.
NĂNG LỰC CHỮA LÀNH
CỦA TÂM BI MẪN
Một người có tâm từ bi có thể chữa lành cho người khác chỉ đơn giản bằng sự có mặt của mình. Bất cứ nơi nào họ có mặt, họ đều đang chữa bệnh, vì người có tâm từ bi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người khác bằng thân, khẩu và ý của mình. Được ở gần người có tâm bi mẫn sẽ giúp ta chữa bệnh vì ta sẽ có được sự bình an và hạnh phúc.
Chỉ nhìn thấy được gương mặt của một người tử tế, nhiệt tình cũng đã khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Ngay cả khi đang lo lắng phiền muộn vì một vấn đề nào đó nhưng chợt nhìn thấy được một người như thế cũng đủ làm cho ta hạnh phúc và bình an. Và chúng ta muốn đến nói chuyện với họ, muốn giúp họ. Chúng ta sẽ sung sướng khi được một người có lòng nhiệt tình, có tâm từ bi đến thăm chúng ta, vì con người đó mang niềm vui đến cho mọi người. Chúng ta vui khi thấy họ bước vào phòng. Thậm chí chỉ cần được nghe đến tên họ cũng đủ là ta vui thích.
Mẹ tôi giờ đã mất, nhưng khi còn sống đã là một người rất từ bi. Mọi người đều yêu thích và kính trọng bà, không phải vì bà là mẹ tôi, nhưng vì bà luôn quan tâm đến người khác. Bất cứ khi nào tôi có cơ hội gặp và nói chuyện với bà thì bà luôn nói về các vấn đề khó khăn của những người khác. Tôi hầu như không thể nhớ ra là bà đã có bao giờ nêu ra các vấn đề bất ổn của riêng mình. Khi bị bệnh đục nhãn cầu mắt, có một lần bà yêu cầu tôi trì chú và thổi vào mắt cho bà, nhưng thường thì bà chẳng bao giờ đề cập đến những nhu cầu của riêng mình.
Mẹ tôi thường không bao giờ để cho bất cứ ai rời khỏi nhà bà mà không nhận được gì. Suốt ngày bà luôn biếu tặng cho mọi người. Khi cùng ngồi trên xe với tôi trên đường, bà luôn tỏ vẻ bối rối khi thấy những người đi chân trần dọc hai bên đường; bà rất quan tâm đến việc họ không có giày dép để mang.
Có lần mẹ tôi được mời đến viếng thăm Trung tâm Ẩn tu Tushita ở Dharamsala, Ấn Độ. Ở đó, mỗi buổi sáng chúng tôi dùng bữa bằng bánh kếp. Mẹ tôi chỉ ăn một ít, rồi gói phần còn lại bỏ vào túi. Tu viện Tushita nằm trên núi cao, nhưng mỗi ngày bà luôn leo xuống để đến đi nhiễu quanh nơi ở của đức Dalai Lama và ngôi đền gần đó, bà phân phát phần bánh kếp cho những người hành khất bị bệnh cùi đang ngồi dọc theo lối đi.
Trên nhiều vùng thuộc Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas) ở Nepal, người ta phải đi bộ vì không có đường lớn, và các gia đình thường ngừng lại trên lối đi để nhóm lửa nấu ăn. Khi mẹ tôi đi hành hương với gia đình, sau khi thổi cơm bà thường đem thức ăn cho những người khác. Vì thế cả nhà chẳng còn gì để ăn, lại phải nấu
nướng lần nữa.
Ở tu viện Kopal, khi các sư tăng trẻ mang thức ăn đến cho, bà thường nói với họ: “Tôi không xứng đáng để được họ phục vụ - vì dạ dày của tôi trống trơn.” Bà không có ý nói “dạ dày trống trơn” theo nghĩa đen, bà muốn ám chỉ rằng tâm bà chẳng có chút chứng ngộ nào cả.
Bà luôn quan tâm đến những người khác, nghĩ đến những khó khăn của họ, và không chỉ riêng cho những người trong gia đình tôi. Nếu có ai đang giúp đỡ bà hay đang làm việc bên cạnh bà, bà luôn hết lòng quan tâm đến việc họ phải làm việc cực nhọc vì bà.
Vì mẹ tôi rất từ bi nên mọi người đều thấy hạnh phúc khi được gặp gỡ, trò chuyện với bà. Khi chúng ta thấy một ai đó có tâm rộng rãi, nhiệt tình thì dù không quen biết, chúng ta cũng muốn ngồi xuống bên cạnh và trò chuyện cùng họ. Đây là sự đáp ứng tự nhiên của chúng ta đối với những người có tâm bi mẫn, những người luôn quan tâm đến người khác hơn chính bản thân mình.
Trong kinh Phật có nhiều câu chuyện kể về các vị Bồ Tát (Bodhisattva) hay các bậc thánh nhân, những vị luôn hy sinh bản thân vì người khác. Theo thuật ngữ Sanskrit, Bodhisattva có thể được dịch như là “vị anh hùng giác ngộ”. Các vị Bồ Tát tuy chưa giác ngộ viên mãn, nhưng không hề tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình mà chỉ nghĩ đến việc chăm lo những người khác và làm việc bằng cả thân, khẩu, ý của mình vì lợi lạc cho chúng sinh hữu tình. Các ngài không chỉ mong ước người khác được hạnh phúc mà còn tự mình nhận lấy trách nhiệm giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Các ngài thệ nguyện làm việc này mà không cần biết nó khó khăn như thế nào hay bao lâu sẽ hoàn thành. Với tâm đại từ đại bi, các ngài nhận lấy trách nhiệm tự mình và duy nhất chỉ riêng mình sẽ hoàn thành công việc. Đó là tư tưởng hiến dâng trọn vẹn với một trái tim dũng mãnh cực độ. Bất kỳ chúng sinh nào có được phẩm chất dũng mãnh này đều là một vị anh hùng đích thực.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước khi đạt giác ngộ viên mãn đã từng là một vị Bồ Tát trong hàng trăm đời sống, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp. Tuy nhiên, không chỉ các vị Phật, các vị Bồ Tát mới có được tâm thanh tịnh này, các vị thánh trong Thiên chúa giáo cũng có tâm như vậy, chẳng hạn như Thánh St. Francis ở Assisi, nước Ý, sống cùng thời với ngài Milarepa. Dù là thuộc tôn giáo nào, Hindu, Thiên chúa giáo hay Phật giáo, hễ ai có tâm quên mình để nghĩ đến việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ thì đều là thánh nhân, là chúng sinh thiêng liêng. Ngay cả loài vật nếu có thái độ hoàn toàn vị tha như vậy cũng được xem là một chúng sinh thiêng liêng.
Trong suốt thời gian còn là vị Bồ Tát, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã hàng trăm lần hy sinh thân thiêng liêng của mình vì chúng sinh hữu tình. Trong hàng trăm kiếp, đức Phật đã dùng mắt của mình tặng cho những người mù, tặng cả tay chân cho những người cần đến. Có một lần, đức Phật đã để cho một gia đình cọp sắp chết đói ăn thân thể của mình. Và Ngài đã cầu nguyện rằng nhờ vào mối nhân duyên được ăn thịt thân Ngài mà các con cọp đó sẽ tái sinh làm người và trở thành đệ tử của Ngài. Ngài cũng cầu nguyện sẽ khai mở cho họ con đường đưa tới giác ngộ. Kết quả là, nhờ vào nhân duyên kết nối đó, các con cọp sau này đã tái sinh làm người, đã nghe giáo lý trực tiếp từ đức Phật và đã thực chứng được con đường giác ngộ.
Vào một kiếp khác trong quá khứ, khi còn là Bồ Tát, đức Phật đã để cho năm quỷ dạ-xoa - loài chúng sinh hút máu - hút máu của mình và cũng cầu nguyện là sẽ ban giáo lý giác ngộ cho họ trong các kiếp sau. Kết quả là, sau này năm quỷ dạ-xoa được tái sinh làm người và trở thành năm đệ tử đầu tiên của đức Phật, đã được nghe đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế ở Sarnath, Ấn Độ.
Vào một kiếp khác nữa trong quá khứ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng với một chúng sinh địa ngục kéo một chiếc xe chở các cai ngục đi trên một nền toàn bằng sắt nung chảy trong một địa ngục nóng. Ngài cảm thấy quá xót thương cho chúng sinh địa ngục đang cùng ngài kéo xe, đến nỗi Ngài hy sinh bằng cách tự kéo xe một mình. Ngài cũng cầu nguyện rằng Ngài sẽ chịu đựng sự đau khổ thay
thế cho tất cả các chúng sinh đang có cùng nghiệp khổ như thế.
Khi Ngài phát nguyện thay thế chịu nghiệp cho các chúng sinh địa ngục, các cai ngục bảo Ngài là điên khùng và lấy búa đánh lên đầu Ngài. Lập tức Ngài được giải thoát khỏi địa ngục, và tâm thức được chuyển lên cõi trời Đâu-suất (Tushita). Kinh điển nói rằng, đó là lần đầu tiên Ngài phát sinh tâm đại bi.
Lại một kiếp khác nữa trong quá khứ khi còn là Bồ Tát, đức Phật Thích-ca Mâu ni là thuyền trưởng của một con thuyền chở năm trăm lái buôn. Các lái buôn này đi thuyền qua biển để tìm mua ngọc. Với tâm sáng suốt, vị thuyền trưởng Bồ Tát linh kiến biết có một người trên thuyền định mưu sát tất cả các người khác. Ngài quá đỗi xót thương cho kẻ định gây tội ác và nghĩ rằng: “Tôi phải giết người này - tôi bất chấp việc giết người sẽ đẩy tôi vào địa ngục.” Với sự hy sinh quên
mình, Ngài chỉ nghĩ đến chuyện ngăn cản người kia không tạo nghiệp cực ác giết các lái buôn và Ngài chấp nhận tự mình vào địa ngục thay cho người kia. Và vị thuyền trưởng Bồ Tát đã làm như vậy với lòng bi mẫn không gì so sánh được.
Nói chung, hành động giết người là xấu ác, và quả là phải tái sinh địa ngục. Tuy nhiên, hành động giết người của vị thuyền trưởng xuất phát từ tâm đại bi mãnh liệt tột bực, nên thay vì tái sinh địa ngục, Ngài đã được tẩy sạch nghiệp và rút ngắn thời gian ở cõi luân hồi một trăm ngàn kiếp. Nói cách khác, nhờ vào việc toàn tâm toàn ý hy sinh quên mình cho hạnh phúc của người khác, hành động giết người của Ngài đã mang Ngài đến gần bến bờ giác ngộ hơn.
Có một câu chuyện về vị tăng trẻ tên là Tsembulwa, học trò của vị đại du-già Krishnacharya, người đã có những chứng ngộ cao cấp. Ngài Krishnacharya đang trên đường đi đến Oddiyana, một trong hai mươi bốn nơi linh thiêng của đức Vajrayogini (Kim Cang Du già Thánh nữ) để thực hiện một pháp tu tập Tantra đặc biệt trước khi hoàn tất con đường tu giác ngộ. Ngài đến bờ sông, và thấy một người đàn bà bị bệnh cùi toàn thân thể đã biến dạng. Bà ta trông rất xấu xí, da thâm bầm, rỉ mủ. Người đàn bà cầu xin ngài cõng qua sông và ngài từ chối.
Một lát sau, Tsembulwa cũng đến ngay chỗ bờ sông đó và người đàn bà bị cùi cũng van xin Tsembulwa cõng qua sông. Lẽ ra theo giới luật thì một vị tăng không thể chạm vào đàn bà, nhưng vì quá đỗi xót thương tình cảnh người bị cùi, nên ông ta không do dự hy sinh tư cách vị sư và bất chấp việc sợ lây bệnh cùi, vội vàng cõng người đàn bà trên lưng và lội qua sông. Tuy nhiên, khi đến giữa sông, người cùi bất ngờ hóa thành đức Vajravarahi một hóa thân của đức Vajrayogini. Vì Tsembulwa có được tâm đại bi vô lượng và hy sinh trọn vẹn khi giúp người bị cùi nên ngài Vajravarahi đã mang Tsembulwa trong dạng thân người lên cõi Tịnh độ của đức Vajrayogini, ở đó ông ta có cơ hội nghe Pháp và hoàn tất con đường giác ngộ.
Điều then chốt ở đây là, người bị cùi luôn luôn là Vajravarahi, nhưng Tsembulwa thấy ngài là người cùi vì các chướng ngại của nghiệp đã che mắt ông ta. Chỉ sau khi phát sinh tâm đại bi, toàn tâm toàn ý hy sinh mình để giúp người cùi, ông ta mới có khả năng thấy được người đàn bà cùi là một đấng giác ngộ. Các nghiệp bất thiện đã khiến ông ta thấy người đàn bà ở hình thức cùi lở, và ngăn không cho thấy được đó là một đấng giác ngộ, nhưng sau khi phát sinh tâm bi mẫn mãnh liệt, xót thương tột độ, ông ta đã tịnh hóa hoàn toàn các nghiệp bất thiện đó.
Một điều tương tự như vậy đã xảy ra cho ngài Vô Trước (Asanga) vị Thánh tăng vĩ đại và là một đại sư truyền thừa của truyền thống “Con đường từng bước đi tới giác ngộ”. Ngài Vô Trước đã nhập thất thiền định trong mười hai năm để linh kiến đức Phật Di Lặc nhưng thất bại. Cứ sau mỗi ba năm, ngài Vô Trước chán nản và muốn rời bỏ nơi ẩn tu. Nhưng rồi, luôn có điều gì đó xảy ra để thôi thúc ngài trở lại thiền định tiếp ba năm nữa. Ngài đã làm như vậy ba lần và sau mười hai năm ngài vẫn không thấy được đức Phật Di Lặc.
Cuối cùng, ngài từ bỏ hẳn và đi xuống núi. Khi đang đi, bất chợt Ngài trông thấy một con chó bị thương toàn thân lở loét, nhung nhúc những con dòi. Thấy con chó như thế, ngài Vô Trước phát sinh lòng bi mẫn tột độ và muốn cứu nó mà chẳng quan tâm đếm xỉa gì đến mình. Nghĩ rằng các con dòi sẽ cần thức ăn để
sống khi bị lấy ra khỏi con chó, ngài cắt thịt ở đùi và rải chung quanh đất. Sau đó ngài bắt đầu lấy các con dòi ra nhưng không dùng các ngón tay vì sợ làm cho các con dòi bị chết dẹp. Ngài cúi người xuống, nhắm mắt, dùng đầu lưỡi lùa các con
dòi, nhưng đột nhiên thấy đầu lưỡi của mình chẳng chạm vào cái gì cả, như thể chẳng có gì ở đó. Ngài mở mắt ra và bất ngờ thấy được đức Phật Di Lặc.
Rồi ngài Vô Trước than phiền với Đức Phật Di Lặc: “Tại sao phải mất rất nhiều thời gian Ngài mới hiện ra? Con đã thiền định về Ngài rất nhiều năm!”
Đức Phật Di Lặc trả lời: “Không phải Ta không hiện ra. Ta luôn hiện ra trước mặt con, nhưng con không thấy Ta.”
Ngài Vô Trước có thói quen khạc nhổ trong chỗ ẩn tu, và Đức Phật Di Lặc chỉ cho ngài Vô Trước thấy những vết bẩn của nước bọt còn dính trên áo của Ngài để chứng minh rằng Ngài đã luôn ở bên cạnh ngài Vô Trước. Rồi đức Phật Di Lặc nói: “Ta đã luôn ở đây nhưng con không thấy Ta vì những nghiệp chướng
của con đã che mắt con. Những nghiệp chướng này giờ đây đã được tịnh hóa nhờ vào tâm đại bi của con. Do đó bây giờ con mới thấy được Ta.”
Giây phút ngài Vô Trước phát sinh tâm đại bi cực kỳ mãnh liệt khi thấy con chó bị thương lở lói đã tịnh hóa hoàn toàn các nghiệp bất thiện của ngài, và ngài đã thấy được đức Phật Di Lặc; một sự chứng ngộ mà ngài đã không đạt được trong ròng rã mười hai năm thiền định ẩn tu.
Quên mình, hy sinh mình vì lợi ích của một chúng sinh khác - một con chó bị thương, như trong trường hợp của ngài Vô Trước - đã tạo nên một sự khác biệt lớn lao. Thương yêu chăm sóc dù chỉ một chúng sinh, bất kể là con người hay
con vật, hy sinh mình để chăm sóc họ, như vậy sẽ mang lại sự tịnh hóa mãnh liệt, tẩy sạch mọi nghiệp bất thiện của chúng ta, nhân của bệnh tật và tất cả các vấn đề khác nữa. Điều đó chữa lành thân và tâm ta. Hy sinh chính mình vì lợi lạc
dù chỉ của một chúng sinh thôi cũng đã tích lũy công đức vô lượng.
Như tôi đã giải thích trước, chúng ta phải chịu đựng các bệnh tật cùng với các vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi nào chúng ta giải thoát được khỏi [thân năm] uẩn này, vốn có bản chất là khổ đau. Dù gì chúng ta cũng phải trải qua các vấn đề, vậy tại sao chúng ta không làm cho chúng trở thành những điều có lợi? Tại sao chúng ta không noi gương các thánh nhân, các bậc giác ngộ, buông bỏ bản thân mình để chăm lo cho chúng sinh mà thôi? Hành vi tích cực này đã kết quả nơi các bậc giác ngộ là họ đã nhanh chóng giải thoát khỏi mọi vấn đề và nhân của vấn đề, đã thành tựu giác ngộ viên mãn, và tiếp theo là họ giác ngộ cho vô lượng chúng sinh. Tại sao chúng ta không sử dụng các vấn đề của chúng ta theo cách như thế?
Số lượng công đức chúng ta tích tụ được từ việc chịu đựng bệnh tật và các vấn đề vì lợi ích của các chúng sinh khác sẽ tùy thuộc sức mạnh hay mức độ lòng từ bi mà chúng ta cảm thấy được, phát sinh được. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta chăm sóc người khác như thế nào, tùy thuộc vào việc chúng ta ước muốn hy sinh mình đến mức nào để trải nghiệm đau khổ của họ. Vì vô lượng chúng sinh có cùng những vấn đề như chúng ta đang có, nên chúng ta cần phải nhận về mình tất cả các vấn đề này, và chúng ta cần phải trải nghiệm, chịu đựng các vấn đề đó vì lợi ích của chúng sinh. Vị thuyền trưởng Bồ Tát, vị sư trẻ Tsembulwa và ngài Vô Trước đã hy sinh mình để giúp đỡ dù chỉ một chúng sinh. Cũng vậy, chúng ta có thể đạt được sự thành tựu vĩ đại nhất bằng cách phát sinh tâm bi mẫn xót thương cùng cực, đồng thời hy sinh mình cho lợi ích dù chỉ là của một chúng sinh.
7.
NGƯỜI THẦY CHỮA BỆNH
Có nhiều nhân và duyên đối với việc bệnh nhân có thể được khỏi bệnh hay không và bao lâu thì khỏi bệnh. Chẳng hạn, kết quả tùy thuộc việc bệnh nhân đã tích tụ đủ thiện nghiệp từ những hành vi tích cực trong quá khứ hay không. Nó cũng tùy thuộc vào việc các bệnh nhân có mối liên kết thiện nghiệp với người chữa bệnh (thầy thuốc) hay không, và bốn thành phần (đất, nước, lửa, gió) của cơ thể bệnh nhân có hài hòa được với bốn thành phần của cơ thể người chữa bệnh hay không. Tuy nhiên, có ba yếu tố chính trong việc chữa bệnh. Đó là: lòng tin, tâm bi mẫn và giới hạnh.
Năng lực của lòng tin
Việc điều trị bệnh liên quan rất nhiều đến lòng tin của cả hai: bệnh nhân và người chữa bệnh. Năng lực tâm của người chữa bệnh là quan trọng, nhưng lòng tin của cả hai người (bệnh nhân và người chữa bệnh) vào phương pháp chữa bệnh cũng quan trọng nữa. Dĩ nhiên, sự tin tưởng cần được dựa trên thái độ chân thành, bi mẫn, ít vị kỷ. Một thái độ vị kỷ cũng như những suy nghĩ không lành mạnh như sân hận và những mong cầu bất thiện sẽ cản trở khả năng chữa bệnh cho người khác.
Lòng tin là một nguyên nhân quan trọng của sự thành công, không chỉ riêng trong việc chữa bệnh mà còn là trong bất kỳ hành vi nào, kể cả việc thành tựu các chứng ngộ trên đường tu giác ngộ. Đôi khi cách chữa bệnh có vẻ như rất kỳ cục, nhưng nếu bệnh nhân có được niềm tin mãnh liệt vào đó, họ sẽ được chữa khỏi.
Để minh chứng, tôi sẽ kể một câu chuyện xảy ra ở Buxa Duar, Tây Bengal, Ấn Độ, nơi tôi đã đến sống tám năm ngay sau khi rời khỏi Tây Tạng. Trước kia, Duxa là một nhà tù khi người Anh còn cai trị Ấn Độ, nơi đó Mahatma Gandhi và Thủ tướng Nehru đã bị giam. Các tăng sĩ Tây Tạng thuộc bốn truyền thống muốn tiếp tục tu tập trong tu viện sẽ được gửi tới Buxa; tuy nhiên, đa số các tăng sĩ định cư ở đó là đến từ ba tu viện lớn gần Lhasa: Sera, Ganden và Drepung.
Các tăng sĩ khác đi định cư nhiều nơi trên nước Ấn Độ, một số đã đi làm nhân công xây dựng đường. Dãy nhà dài nơi trước kia giam Thủ tướng Nehru bây giờ dành cho các tăng sĩ thuộc Tu viện Sera. Các tăng sĩ sống chen chúc bên trong dãy nhà giam cũng như bên ngoài ngay trên hành lang, có dây thép gai chấn song. Họ bao các dây thép gai bằng quần áo cũ, tre và các vật liệu khác nữa. Còn các ni sư thì ở trong dãy nhà giam mà trước kia ngài Gandhi bị nhốt. Không có gì thay đổi. Các dãy nhà tù cùng với các hàng rào thép gai vẫn còn đó - chỉ có một điều khác là những người sống trong đó nay không còn gọi là tù nhân.
Buxa là một nơi nóng bức, bất lợi cho sức khỏe, nhiều tăng sĩ bị bệnh lao phổi cũng như các bệnh khác. Nhiều người bị ốm và chết ở đó, một phần vì họ không thích nghi được với khí hậu và thực phẩm Ấn Độ.
Mỗi buổi sáng, các tăng sĩ thuộc bốn truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều tụ họp lại trước thềm để cầu nguyện và làm lễ puja. Vì trời nóng nên họ đổ mồ hôi rất nhiều. Vào một buổi sáng, trong khi hành lễ puja, một tăng sĩ nói với người đang ngồi bên cạnh rằng ông ta đang ốm, sốt cao. Vị tăng bên cạnh bèn lấy tay cào một ít ghét bẩn trên thân rồi vê thành viên nhỏ, đưa cho người bị bệnh và nói rằng đó là viên thuốc đã được làm phép chú nguyện. Ông ta thật sự tin rằng đó là viên thuốc đã được làm phép chú nguyện nên đã nuốt vào và kết quả là nhanh chóng hồi phục bệnh sốt cao.
Sở dĩ vị tăng bị ốm đã được khỏi bệnh không phải vì bản thân viên thuốc, mà nhờ lòng tin vào năng lực chữa bệnh của nó. Năng lực chữa bệnh đó đến từ tâm ông ta, đến từ sự tin tưởng của ông ta vào viên thuốc [mà ông tin là đã] được chú nguyện.
Năng lực của tâm từ bi
Như tôi đã nêu ra, tâm bi mẫn là một nguồn lực khác nữa trong việc chữa bệnh.
Nếu bác sĩ điều trị cho chúng ta tỏ ra biết thông cảm xót thương và dịu dàng thì khi vị ấy chỉ vừa mới nói chuyện hay chạm vào người, ta đã cảm thấy khỏe hơn, bớt đau hay có thể thấy an tâm hơn. Có thể ông ta cho chúng ta loại thuốc không phải tốt nhất, nhưng nó vẫn có tác dụng tốt cho chúng ta. Nhưng nếu một bác sĩ không có tâm từ bi, ông ta có thể chỉ quan tâm đến uy tín và hạnh phúc riêng mà không để ý đến sự đau khổ của bệnh nhân; và dù ông ta cho loại thuốc tốt nhất, đắt tiền nhất, nhưng nó vẫn có thể không có tác dụng tốt cho bệnh nhân.
Những ai làm công việc chữa bệnh nên tập trung nhất tâm thiền định về Bồ-đề tâm. Dù đang làm công việc hằng ngày hay đang nhập thất, họ cũng nên thực hiện các pháp thiền định theo thứ lớp về “Con đường từng bước đưa tới giác ngộ” để thành tựu sự thực hành tâm bi mẫn. Mọi người đều đồng ý với nhau rằng tâm bi là cần thiết, nhưng ít người biết được một cách cụ thể làm sao phát triển được tâm này.
Người thầy thuốc tốt nhất là người đã thành tựu Bồ-đề tâm, tâm vị tha cầu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình. Toàn bộ thân thể của một vị Bồ Tát đều là phước báu nhờ vào tâm vị tha thanh tịnh của ngài, tâm không hề có chút ô nhiễm bởi bất cứ tư tưởng vị kỷ nào. Tâm của các Bồ Tát đã được chuyển hóa, vì các ngài đã hoàn toàn dứt bỏ ý tưởng làm lợi cho riêng mình, các ngài toàn tâm toàn ý lo nghĩ làm lợi lạc cho chúng sinh. Trong từng hành động như đi đứng, nằm ngồi, ăn ngủ, thậm chí kể cả lúc thở, các vị Bồ Tát đều luôn nghĩ và làm vì lợi lạc cho mọi chúng sinh hữu tình.
Bồ-đề tâm là một tâm quí báu, thanh tịnh, vì các vị Bồ Tát không chỉ buông bỏ tâm thô lậu chỉ biết quan tâm bản thân, mà còn buông bỏ cả những suy nghĩ làm gì đó cho riêng mình. Ngay cả thân thể của vị Bồ Tát, chỗ y cứ cho Bồ-đề tâm thiêng liêng của ngài, cũng là phước báu. Các vị Bồ Tát rất đáng để chúng ta chiêm ngưỡng, tức là bất kỳ chúng sinh nào kể cả súc vật, nếu có cơ hội nhìn thấy, nghe hay chạm được vào thân thể các vị Bồ Tát cũng đều được lợi lạc. Cho nên, chỉ riêng việc chiêm ngưỡng một vị Bồ Tát cũng đã là sự chữa bệnh, vì sự tiếp cận chiêm ngưỡng đó sẽ an định được tâm chúng ta. Ngay cả hơi thở của một người có tâm đại bi cũng được xem như thuốc chữa bệnh, thậm chí cả
những thứ như nước tiểu, nước bọt, máu, phân... cũng như mọi thứ khác thuộc về thân thể họ. Một người bệnh có thể được chữa lành nhờ được vị Bồ Tát phà hơi thở vào người. Được vị Bồ Tát chạm vào người, hay quần áo của họ chạm vào người cũng sẽ mang đến phước báu vô lượng. [Thậm chí việc] uống nước tiểu hay xức nước tiểu của một vị Bồ Tát vào chỗ nhiễm trùng cũng có năng lực
chú nguyện và chữa bệnh.
Nhiều câu chuyện về các hành giả tâm linh có thể chứng minh điều này. Ở Tây Tạng, khi một người bị ngất xỉu hay phát cuồng, cách chữa bệnh thường áp dụng là đốt tóc hay quần áo của vị Lama cao cấp và đưa cho người bệnh hít khói. Nếu bệnh nhân bị ngất, họ sẽ tỉnh lại rất nhanh. Ở một số đất nước Thiên chúa giáo cũng có lối chữa bệnh giống như vậy với các di vật thánh tích của Thánh St. Francis ở Assisi và của các vị Thánh khác. Lama Yehse và tôi đã quan sát sự việc này khi chúng tôi viếng thăm một số nhà thờ và tu viện Thiên chúa giáo ở nước Ý. Một số nhà thờ ở Ý đã gìn giữ quần áo của các vị thánh Thiên chúa giáo, và những mảnh vải nhỏ xíu lấy từ quần áo các ngài đã được đưa cho các bệnh nhân, họ đốt thành tro để uống hay nuốt các mảnh vải nhỏ đó. Họ thường nôn ói ngay sau khi nuốt và rồi dần dần khỏi bệnh. Người ta giải thích rằng, ma quỉ gây bệnh đã thoát ra khỏi bệnh nhân. Năng lực chữa bệnh đến từ sự thành tựu chứng ngộ cao cấp và nhất là đến từ tâm từ bi của của các vị thánh.
Ở Solu Khumbu, nước Nepal, có một tu viện cho cả tăng và ni, giờ đây tu viện đó không còn nhiều tăng sĩ vì vị trụ trì đã qua đời. Vị trụ trì tu viện này là một vị thiền giả ẩn tu cao cấp, đã đến đây ở sau khi rời khỏi Tây Tạng. Trước đó ngài là vị tri sự của một tu viện lớn ở Tây Tạng, một chi nhánh của Trường Đại học Sera Me. Nhiệm vụ của ngài là thu gom ngũ cốc và các thực phẩm khác từ các làng có mối liên hệ với tu viện và đem bán để nuôi sống tu viện. Công việc tri sự đã không thành công, và sự thất bại này khiến ngài phát sinh tâm buông bỏ, cương quyết thoát khỏi luân hồi.
Ngài xin thôi nhiệm vụ tri sự ở tu viện, đi tìm gặp ngài Lama Ling Tse Dorje Chang - một vị cao tăng rất thông tuệ - và nhận giáo huấn về “Con đường từng bước tới giác ngộ”. Rồi ngài đi đến một nơi cô tịch trên núi để thiền định. Trong
sáu, bảy năm ngài sống trong một hang đắp đất bùn được đào sâu bên triền núi. Trước đây ở Tây Tạng, trên những núi cao lỗ chỗ những hang trông xa xa như những tổ kiến, đó là những hang động mà các thiền giả đến sống trên núi để thực hiện cho được sự thành tựu con đường đưa tới giác ngộ. Họ đào hang sâu vào trong núi và bít miệng hang. Ngày nay còn lại rất ít các hang như vậy.
Ngài nhập thất ẩn tu ở trên núi trong sáu, bảy năm và thực chứng trạng thái an định, hay Định Tam-muội (Shamatha) cùng với Bồ-đề tâm. Ngài cũng đạt được các chứng ngộ Tantra. Với sự thành tựu tam-muội, hành giả sẽ có được sự tập trung nhất tâm và không dao động; một khi tâm tập trung vào một đề mục, hành giả có thể kéo dài sự tập trung vào đề mục đó trong nhiều tháng, nhiều năm, và thậm chí trong nhiều kiếp nếu muốn. Tâm và thân của hành giả trở nên hoàn toàn được tinh luyện. Các vấn đề thuộc về cơ thể như bệnh tật, mệt mỏi .v.v... không còn là chướng ngại của thiền định và hành giả kinh nghiệm được trạng thái “đại lạc” cả về tinh thần lẫn thể xác.
Vì thành tựu pháp định tam-muội, ngài có được linh kiến và có thể sử dụng năng lực này để khuyên bảo, cho ý kiến về các vấn đề của người khác. Các thành tựu mà ngài đạt được đã khiến cho ngài trở nên nổi tiếng. Ngài lập một tu viện cho tăng và ni ở Tư Tsang, thuộc những vùng cao của Tây Tạng. Khi Tây Tạng có biến động (... ...), ngài cùng các vị tăng ni đi sang Nepal. Ngài đã xin ý kiến đức Dalai Lama về việc có nên sang định cư ở Ấn Độ hay không. Đức Dalai Lama khuyên ngài ở lại Solu Khumbu, và ngài đã lập một tu viện cho tăng ni ở sườn núi dưới chân hang Lawudo. Nhờ vào các thành tựu, ngài cũng đã sớm trở nên nổi tiếng ở Solu Khumbu.
Ngài thường bảo các học trò trộn phần trà bơ còn lại sau bữa ăn của ngài với bột tsampa rồi vê thành những viên thuốc. Rồi ngài đưa những viên thuốc đó cho các dân làng bị bệnh khi họ đến xin thuốc. Nhiều người được khỏi bệnh tức thì nhờ các viên thuốc đó.
Thỉnh thoảng ngài đột nhiên thị hiện bệnh nặng, ói ra máu, có khi đầy cả một
bình nhỏ. Các học trò thường lấy bột tsampa trộn với máu ngài đã ói ra, vê thành những viên thuốc rồi đưa cho những người bị bệnh. Thường thì sau khi uống các viên thuốc này người ta đều khỏi bệnh. Nhờ vào Bồ-đề tâm của ngài, mọi thứ thuộc cơ thể ngài đều có năng lực chữa bệnh. Thậm chí người ta còn dùng thức ăn dư thừa của ngài, nước tiểu và những thứ khác nữa thuộc về ngài để chữa bệnh.
Nhiều thánh nhân Ấn Độ (các tu sĩ khổ hạnh Hindu) cũng có năng lực như vậy. Có một vị thánh không có nhiều học trò lắm nhưng đặc biệt là phân của ngài có thể chữa lành bệnh cùi bằng cách dùng bôi lên cơ thể. Ở Ấn Độ, người ta thường đại tiện ngoài đồng trống, và phân của vị Thánh này trở nên hiếm thấy vì người ta đua nhau đi tìm phân của ngài. Một lần nữa, ta thấy rằng năng lực chữa bệnh này đến từ tâm thiêng liêng của vị thánh, từ tâm đại bi của ngài.
Trong các bài giảng cũng đề cập đến câu chuyện một gia đình Tây Tạng có người con gái bị ma nhập trong một thời gian dài. Dù đã mời nhiều lama đến làm lễ cúng dường puja nhưng cô gái vẫn không khỏi bệnh. Vào một ngày, có một vị tăng bình thường đến khất thực, gia đình mời vị tăng vào nhà và cầu xin chữa bệnh cho cô gái. Khi vị tăng thực hiện nghi lễ xua đuổi các chướng ngại ngăn cản lời cầu nguyện và dâng bánh cúng, ông ta phát hiện rằng con ma cũng đang tụng đọc các lời cầu nguyện y hệt như vậy.
Vị tăng biết rằng lễ puja không hiệu quả, nên ông ta lấy khăn choàng trùm lên đầu, rồi thiền định về tâm bi mẫn thương xót con ma. Chỉ đến lúc đó, con ma mới chịu buông tha cô gái. Rồi con ma xin lỗi vị tăng và nói: “Hãy chỉ dạy cho tôi.” Một khi tâm thiện càng mạnh mẽ thì năng lực chữa bệnh càng có hiệu lực hơn.
Nếu chúng ta khẩn cầu các vị Bồ Tát giúp đỡ thì các ngài sẽ giúp chúng ta, vì tâm bi mẫn của các ngài. Tuy nhiên, về phía mình, chúng ta cần có trí tuệ và niềm tin để nương tựa và khẩn cầu sự giúp đỡ. Nếu chúng ta có trí tuệ và niềm tin, các vị Bồ Tát mới có thể dẫn dắt chúng ta.