🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống Ebooks Nhóm Zalo ĐIỀU DIỆU KỲ TỪ CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG Thể loại: Kỹ năng, Kỹ năng sống Tác giả: Jack Canfield, Mark Victor Hansen Biên dịch: First New Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp thành phố HCM Text: Waka ebook: nguyenthanh-cuibap - 27/04/2022 Lời giới thiệu C uộc sống vốn là một hành trình dài với nhiều thăng trầm khó đoán. Có những ngày trời xanh trong, hoa nở rộ và chúng ta chỉ gặp toàn niềm vui. Nhưng cũng sẽ có những ngày trời u ám, ảm đạm và ta chỉ toàn thấy nỗi buồn. Trên hành trình muôn màu muôn vẻ ấy, có nhiều lúc chúng ta lại bị trói buộc bởi chính cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống. Chẳng hạn như khi chúng ta sống vội vã đến nỗi quên mất điều gì mới là điều thật sự quan trọng trong đời; như khi chúng ta mãi đắm chìm trong nỗi khổ đau, thất vọng mỗi khi vấp ngã đến nỗi không nhìn thấy được những bài học và cơ hội mà nghịch cảnh ấy mang lại cho chúng ta; hay như khi chúng ta chỉ mãi nhìn vào những điểm chưa hài lòng mà không nhận ra cuộc đời còn rất nhiều điều tốt đẹp và chúng ta đang may mắn biết chừng nào… Đôi khi, chỉ một câu nói đúng lúc hay một hành động nhỏ cũng có thể khiến chúng ta thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận cuộc sống của mình trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Điều diệu kỳ từ cách nhìn cuộc sống chính là tuyển tập những câu chuyện về những khoảnh khắc thấu suốt diệu kỳ ấy. Thông qua những câu chuyện bình dị nhưng sâu sắc, quyển sách nhỏ này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống này - về những niềm vui lẫn những khó khăn, thử thách mà mỗi người chúng ta đang trải qua mỗi ngày; và nhờ đó, chúng ta sẽ có thể sống một cuộc đời hạnh phúc hơn, trọn vẹn hơn. Hy vọng quyển sách này có thể giúp bạn nhìn thấy và thêm trân trọng những điều tốt đẹp bình dị trong cuộc sống của mình. - Ban biên tập First News Không một bạn nào! “Hạnh phúc hay bất hạnh, tất cả đều phụ thuộc vào cách ta nhìn nhận mọi chuyện.” C - Walt Disney had vốn là một cậu bé trầm lặng và nhút nhát. Thế nên dù đã chuyển đến trường mới được gần một học kỳ, cậu bé vẫn chưa thật sự hòa nhập được với các bạn. Mỗi khi tan học, trong khi các bạn vừa đi vừa cười đùa vui vẻ với nhau thì Chad lúc nào cũng lủi thủi đi một mình đằng sau. Thế mà vào một ngày mùa đông nọ, sau khi đi học về, Chad lại nói với mẹ rằng cậu bé muốn tự tay làm thiệp Giáng sinh cho tất cả các bạn trong lớp. Trái tim người mẹ thắt lại khi bà nghe con trai bày tỏ nguyện vọng với ánh mắt lấp lánh. Bà thầm nghĩ: Có lẽ thằng bé không làm thế thì tốt hơn! Tuy vậy, bà vẫn quyết định giúp con mình. Bà mua giấy cứng, keo dán, bút chì màu và kiên nhẫn hướng dẫn cậu bé cách làm thiệp. Kể từ hôm đó, tối nào Chad cũng cặm cụi làm thiệp và không bao lâu cậu bé đã làm đủ ba mươi lăm tấm thiệp xinh xắn cho các bạn trong lớp. Vào buổi sáng ngày đi học cuối cùng trước kỳ nghỉ Giáng sinh, Chad thức dậy trong tâm trạng vô cùng háo hức. Cậu bé cứ đếm đi đếm lại các tấm thiệp rồi cẩn thận xếp tất cả vào cặp và nhảy chân sáo đến trường. Mẹ cậu bé lo âu nhìn theo bóng lưng con trai mình, rồi bà quyết định nướng món bánh quy Chad thích nhất để cậu bé được thưởng thức một đĩa bánh quy thơm lừng khi đi học về. Bà biết rõ Chad sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng sau buổi học hôm nay và bà hy vọng món bánh quy yêu thích có thể giúp cậu bé nguôi đi nỗi buồn. Mỗi lần nghĩ đến việc Chad sẽ nhận được rất ít thiệp từ các bạn cùng lớp, thậm chí là không nhận được tấm thiệp nào, bà lại thở dài não nề. Chiều hôm đó, khi vừa dọn xong món bánh quy và sữa tươi lên bàn, mẹ Chad nghe tiếng cười đùa của bọn trẻ bên ngoài và vội nhìn ra cửa sổ. Các bạn của Chad vẫn cười nói rôm rả, hào hứng bàn tán về kỳ nghỉ sắp tới trong khi Chad đi một mình phía sau như thường lệ. Khi quan sát kỹ hơn, bà thấy cậu bé không cầm theo một tấm thiệp Giáng sinh nào và dường như cậu bé bước đi nhanh hơn mọi ngày. Tim bà chùng xuống và bà tin chắc Chad sẽ òa khóc ngay khi bước vào nhà. Cửa ra vào bật mở và bà cố nén nước mắt, gượng cười, giả vờ vui vẻ nói với Chad: “Con về rồi à? Mẹ có nướng món bánh quy con thích nhất đấy.” Thế nhưng, Chad dường như không hề để tâm đến lời mẹ nói. Cậu bé bước vào nhà với khuôn mặt ngời sáng và luôn miệng lẩm bẩm: “Không một bạn nào. Không một bạn nào cả!”. Trái tim người mẹ đau nhói khi nghe những lời này. Thế rồi Chad bỗng reo lên: “Mẹ ơi, bạn nào trong lớp cũng nhận được thiệp của con hết, con không hề quên một bạn nào!”. Vụ tai nạn “Thứ khiến ta phiền não không phải bản thân những sự việc xảy đến với ta mà là cách ta nhìn nhận những sự việc ấy.” N - Marcus Aurelius ăm đó, ngày Giáng sinh rơi vào Chủ nhật. Chính vì thế mà buổi họp tối Chủ nhật hằng tuần của câu lạc bộ thanh thiếu niên địa phương do tôi quản lý cũng trở thành một buổi liên hoan hoành tráng. Trong số các thành viên của câu lạc bộ, có hai chị em gái tuổi vị thành niên ở gần nhà tôi. Sáng hôm Giáng sinh, sau khi dự lễ ở nhà thờ, mẹ của hai chị em gái ấy đã nhờ tôi cho hai cô con gái của bà đi nhờ xe đến chỗ câu lạc bộ và từ câu lạc bộ về nhà. Bà đã ly hôn và chồng cũ của bà đã chuyển đến nơi khác. Bà lại không quen lái xe ban đêm, nhất là khi tối hôm đó được dự báo là sẽ có mưa và đường phố sẽ rất trơn trượt do băng tuyết. Sau khi nghe chuyện, tôi hứa với bà ấy tôi sẽ đưa hai cô con gái bà đến chỗ câu lạc bộ và về nhà an toàn. Tối hôm đó, tôi để hai cô gái ngồi ở băng ghế trước với tôi rồi lái xe đến chỗ câu lạc bộ. Xe chúng tôi đang leo lên một con dốc thì gặp một vụ tông xe liên hoàn. Mặt đường lúc đó rất trơn trượt do đang phủ một lớp băng mỏng nên tôi đã không thể thắng xe kịp và xe chúng tôi tông mạnh vào chiếc xe phía trước. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì đã nghe thấy tiếng hét của cô bé đang ngồi ngay cạnh tôi. “Ôi không, Donna!” Tôi hốt hoảng rướn người sang xem cô bé ngồi cạnh cửa sổ có ổn không. Vào thời điểm đó, xe ô tô vẫn chưa được trang bị dây an toàn. Do cú va chạm vừa rồi mà mặt Donna đã va thẳng vào tấm kính chắn gió. Khi cô bé ngả người ra phía sau, những mảnh kính vỡ còn sót lại trên khung xe đã cứa hai đường rất sâu lên má trái cô bé và máu bắt đầu tuôn ra từ vết thương. Đó quả thật là một cảnh tượng khủng khiếp. May mắn thay, một hành khách trên một chiếc xe gần đó có mang theo bộ dụng cụ sơ cứu và ông ấy đã giúp chúng tôi cầm máu cho cô bé. Cảnh sát kết luận đây là một vụ tai nạn bất khả kháng và không có ai bị phạt, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy tội lỗi vô cùng vì đã khiến một cô gái mười sáu tuổi phải mang sẹo trên mặt suốt đời. Khi đến bệnh viện, Donna được chuyển ngay vào phòng cấp cứu để xử lý vết thương. Tôi đứng bên ngoài chờ một lúc lâu nhưng mãi vẫn chưa nghe tin tức gì. Vì lo cô bé gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng, tôi đã hỏi thăm một cô y tá về tình hình của cô bé. Cô y tá nói rằng vị bác sĩ trực đêm đó là một bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ và ông đã tiến hành khâu thẩm mỹ - kiểu khâu vết thương tốn rất nhiều thời gian, để hạn chế tối đa việc để lại sẹo trên mặt cô bé. Những hôm sau đó, ngày nào tôi cũng đến bệnh viện nhưng lại không dám vào thăm Donna vì sợ cô bé sẽ nổi giận và buồn bã khi nhìn thấy tôi. Vì lúc ấy đang là kỳ nghỉ Giáng sinh, các bác sĩ đã cho hoãn những cuộc phẫu thuật không quá gấp và cho các bệnh nhân có bệnh tình không quá nghiêm trọng xuất viện. Thế nên bệnh viện nơi Donna đang nằm rất vắng bệnh nhân. Tôi đứng bên ngoài phòng của Donna và hỏi một cô y tá về tình hình của cô bé. Cô y tá mỉm cười nói rằng Donna vẫn ổn. Nói đúng hơn, cô bé rạng rỡ như nắng ban mai. Donna có vẻ rất vui vẻ và thường hỏi các y tá về quy trình chăm sóc bệnh nhân. Cô y tá nói vì hiện tại không có nhiều bệnh nhân nên các y tá cũng khá rảnh rỗi và họ thường tận dụng những lúc rảnh rang để đến phòng Donna trò chuyện với cô bé. Sau cùng, tôi cũng có đủ can đảm bước vào trong gặp cô bé. Tôi tha thiết xin lỗi cô bé vì vụ tai nạn nhưng cô bé chân thành nói tôi không cần phải xin lỗi và trấn an tôi rằng cô bé có thể trang điểm để che đi hoàn toàn vết sẹo. Sau đó, cô bé hào hứng kể với tôi về công việc của các y tá ở bệnh viện. Trong khi cô bé say mê nói chuyện với tôi, các y tá đứng xung quanh mỉm cười nhìn cô bé. Donna trông có vẻ rất hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên cô bé phải nhập viện và dường như mọi thứ trong bệnh viện đều khiến cô bé tò mò, thích thú. Sau khi đi học lại, Donna đã trở thành tâm điểm chú ý ở trường. Các bạn trong trường cứ bắt cô bé phải kể đi kể lại về vụ tai nạn và những gì đã xảy ra trong bệnh viện. Mẹ và chị cô bé không hề trách móc tôi mà thậm chí còn đến gặp tôi để cảm ơn tôi vì đã chăm sóc Donna ở bệnh viện đêm hôm đó. Về phần Donna, gương mặt cô bé không bị tổn thương quá nghiêm trọng và chỉ cần cô bé trang điểm nhẹ thì hầu như không còn thấy vết sẹo nữa. Dù cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút khi biết việc này, nhưng tôi vẫn cứ thấy áy náy mỗi khi nhớ đến Donna - cô bé xinh xắn phải mang vết sẹo trên mặt vì tôi. Một năm sau đó, tôi chuyển đến một thành phố khác và mất liên lạc với Donna và gia đình cô bé. Mười lăm năm sau, tôi được mời về nhà thờ ở thành phố cũ để tham gia một số hoạt động cộng đồng. Vào đêm cuối cùng tôi ở lại đó, tôi thấy mẹ Donna đang đứng chờ bên ngoài nhà thờ để chào tạm biệt tôi. Tôi bỗng rùng mình khi toàn bộ ký ức về vụ tai nạn, những hình ảnh máu me và vết sẹo trên mặt Donna bỗng ùa về trong tâm trí. Tôi bước ra chào mẹ Donna và bà nở một nụ cười thật tươi với tôi. Sau đó, bà gần như bật cười khi hỏi liệu tôi có biết sau đó Donna sống thế nào không. Tôi trả lời rằng tôi không biết. Bà hỏi tôi có nhớ việc Donna đã cảm thấy hứng thú với công việc của các y tá thế nào không. Tôi đáp rằng tôi vẫn nhớ rõ. Thế rồi bà ấy nắm lấy tay tôi và rạng rỡ nói: “Cậu biết không, sau vụ đó Donna đã quyết tâm trở thành một y tá. Con bé cố gắng học hành chăm chỉ, tốt nghiệp loại ưu ngành điều dưỡng và được nhận vào làm y tá tại một bệnh viện lớn. Ở đó, con bé đã gặp một bác sĩ trẻ. Hai đứa yêu nhau, kết hôn trong hạnh phúc và hiện tại đã có hai đứa nhóc xinh xắn. Con bé nói với tôi rằng vụ tai nạn đêm hôm đó chính là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong đời con bé!” Điều quý giá nhất “Cuộc đời này còn rất nhiều điều quan trọng hơn việc sở hữu mọi thứ.” S - Maurice Sendak au một thời gian dài tìm kiếm, chúng tôi đã tìm được mảnh đất hoàn hảo để xây dựng gia đình: một mảnh đất gần Spokane, bang Washington; xung quanh đó là rừng thông bao la và những con suối nhỏ. Khi tôi và Joy, vợ tôi, vừa nhìn thấy mảnh đất, chúng tôi đã biết ngay đó chính là địa điểm hoàn hảo cho ngôi nhà mơ ước của chúng tôi. Mảnh đất đó được bán giá rất cao - vượt xa so với mức mà tôi có thể xoay xở với đồng lương khiêm tốn của một giáo sư Triết học tại Đại học Whitworth. Nhưng vì muốn mua mảnh đất, tôi đã bắt đầu nhận dạy thêm ngoài giờ đồng thời kiếm thêm nghề tay trái trong ngành bất động sản. Sau cùng, hai vợ chồng tôi cũng mua được mảnh đất. Tôi vui sướng bế Soren, cậu con trai út mới sinh của chúng tôi, dạo quanh mảnh đất trống. “Cha đảm bảo con sẽ thích mê khi được thỏa thích dạo chơi trên những đồng cỏ và những con suối ở đây”, tôi thủ thỉ với thằng bé. Hè năm đó, chúng tôi bắt đầu xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình. Anh vợ tôi vốn là một kiến trúc sư và anh đã thiết kế cho chúng tôi một ngôi nhà xinh đẹp làm quà. Suốt khoảng thời gian xây nhà, ngày nào tôi cũng làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn, sau đó tôi chạy vội về nhà ăn tối rồi lại đi đến lớp dạy thêm ban đêm. Mỗi khi các kỹ sư xây dựng hỏi tôi muốn chọn loại vật liệu nào cho ngôi nhà mới của mình, tôi đều trả lời: “Các anh cứ lấy loại tốt nhất. Chúng tôi sẽ sống ở ngôi nhà đó cả đời”. Mỗi khi có công việc bên ngoài trường học, tôi thường dẫn theo hai cô con gái của mình - Sydney năm tuổi và Whitney bảy tuổi. Thế nhưng khi cùng ăn tối với cả nhà, tôi lại không thường xuyên nói chuyện hay đùa giỡn với các con vì quá mệt mỏi. Thời điểm đó, tôi hiếm khi dành tâm trí cho gia đình bởi chi phí xây nhà đang đội lên ngày một cao khiến tôi luôn lo lắng. Thế nhưng sau cùng chúng tôi cũng làm được - chúng tôi đã xây xong ngôi nhà mơ ước của mình! Ngày chuyển vào nhà mới, tôi cảm thấy tự hào và thỏa mãn vô cùng. Tôi hào hứng muốn dẫn các con khám phá ngôi nhà mới, gặp gỡ hàng xóm mới và làm quen thêm nhiều bạn mới. Nhưng chỉ một tuần sau, chúng tôi đã phải dọn ra khỏi đó. Vì không thể bán được ngôi nhà cũ, ban đầu chúng tôi dự định cho thuê ngôi nhà đó để có tiền trang trải món nợ của ngôi nhà mới. Thế nhưng đến phút cuối, người thuê nhà lại hủy hợp đồng. “Chúng ta sẽ tìm được cách xoay xở thôi”, tôi trấn an Joy. Nhưng cô ấy rất tỉnh táo khi đối mặt với tình trạng tài chính bi quan của chúng tôi. Cô ấy nói: “Forrest, nếu cứ thế này thì chúng ta không sở hữu ngôi nhà mà chính ngôi nhà đang sở hữu chúng ta”. Trong thâm tâm, tôi biết cô ấy nói đúng. Vì ngôi nhà mới tọa lạc ở vị trí đẹp và có kiến trúc độc đáo, ngôi nhà này chắc chắn sẽ bán được nhanh hơn ngôi nhà cũ. Tôi chần chừ mãi mới đồng ý với cô ấy việc bán nhà, và nỗi thất vọng đã khiến tôi suy sụp suốt một thời gian dài sau đó. Một buổi chiều nọ, tôi đã lái xe đến chỗ ngôi nhà mơ ước của mình và ngồi yên trong xe nhìn ngôi nhà mình đã dùng hết tâm huyết xây dựng nên. Cảm giác thất bại não nề bỗng dâng lên và tôi bắt đầu bật khóc trong nỗi ngạc nhiên của chính mình. Mùa thu và mùa đông năm đó đã trôi qua mà tôi vẫn chưa vượt qua được cảm giác mất mát trong lòng. Tôi nghiên cứu về tôn giáo và triết học nên lẽ ra tôi phải biết rõ điều gì mới thật sự quan trọng trong đời - như những gì tôi đã dạy các sinh viên của mình; thế mà tôi vẫn cứ buồn bã mãi không nguôi. Tháng Tư năm sau đó, cả nhà tôi cùng đến thăm gia đình Joy ở California. Một hôm, gia đình tôi bắt xe buýt đến thăm khu di tích Mission of San Juan Capistrano, một địa điểm du lịch rất nổi tiếng. “Con cho bồ câu ăn được không cha?”, Whitney nài nỉ. Con bé chồm người về phía trước, cúi đầu nhìn xuống đài phun nước nằm giữa khoảng sân được trồng rất nhiều hoa. Hai vợ chồng tôi cùng cha mẹ Joy thay phiên dẫn bọn trẻ đi cho bồ câu ăn, đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm và tham quan vườn hoa. Đến lúc chuẩn bị ra bến xe buýt về nhà, tôi nhìn quanh tìm Joy và thấy cô ấy đang đi với hai cô con gái, ngay cạnh đó là cha mẹ chúng tôi. “Soren đâu rồi em?”, tôi hỏi. “Em tưởng thằng bé đang đi với anh chứ?” Chúng tôi kinh hoàng nhận ra chúng tôi đã để lạc thằng bé gần hai mươi phút rồi. Soren mới hai mươi tháng tuổi và là một đứa bé vô cùng hiếu động, gan dạ và thân thiện. Thế nên hiện giờ thằng bé có thể ở bất cứ chỗ nào. Chúng tôi vội vã tản ra đi tìm thằng bé khắp khu di tích. “Anh có nhìn thấy một bé trai tóc đỏ cao chừng này không?”, tôi hỏi mọi người tôi gặp trên đường. Tôi chạy đi tìm Soren ở khu vườn đằng sau nhà thờ và ở tất cả các cửa hàng bán đồ lưu niệm nhưng vẫn không thấy bóng dáng thằng bé đâu. Tôi bắt đầu trở nên hoảng loạn. Bất thình lình, tôi nghe tiếng Joy hét lên: “Ôi không!”. Ngay sau đó tôi nhìn thấy Soren. Thằng bé đang nằm trên thành một đài phun nước với hai cánh tay buông thõng. Người thằng bé tái xanh, bụng phình to và thằng bé trông không còn chút sức sống nào. Hình ảnh Soren nằm đó hằn sâu vào tâm trí tôi. Ngay giây phút đó, tôi biết rằng cuộc đời mình sẽ không bao giờ giống như xưa nữa. Một người phụ nữ đứng ngay gần đó ngay lập tức chạy đến chỗ Soren, nhẹ nhàng nhấc đầu thằng bé lên và tiến hành hà hơi thổi ngạt cho thằng bé. Cùng lúc đó, một người đàn ông khác cũng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực cho thằng bé. “Con tôi… thằng bé vẫn ổn chứ?”, tôi thất thanh hỏi, lòng sợ hãi phải nghe sự thật. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức”, người phụ nữ nói. Joy quỵ ngã, miệng lẩm bẩm trong trạng thái thất thần: “Không thể như vậy được. Không thể được”. Cầu xin Chúa, xin hãy giữ thằng bé ở lại, tôi khẩn thiết cầu nguyện. Tôi biết rõ cơ hội sống sót của thằng bé là vô cùng mong manh, đặc biệt là nếu thằng bé đã đuối nước hơn hai mươi phút. Chưa đầy một phút sau, tổ cấp cứu đến nơi. Soren được gắn máy thở và đưa ngay đến bệnh viện. Tổ cấp cứu tiến hành kiểm tra sơ bộ cho thằng bé và đánh giá Soren “bị thiếu oxy do đuối nước”. “Thằng bé sao rồi bác sĩ?”, tôi liên tục hỏi các nhân viên trong tổ cấp cứu suốt quãng đường đến bệnh viện. “Hiện tại thằng bé vẫn ổn”, một y tá trả lời tôi. “Nhưng hai mươi bốn tiếng tiếp theo rất quan trọng. Chúng tôi sẽ đưa thằng bé đến bệnh viện Trung ương miền Tây ở Santa Ana bằng máy bay trực thăng.” Cô y tá nhìn tôi với vẻ thông cảm và nói thêm: “Nhưng anh cần chuẩn bị tinh thần, vì dù vượt qua được, thằng bé vẫn có nguy cơ cao bị tổn thương não nghiêm trọng”. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh đứa con trai bé bỏng của mình phải nằm ở phòng chăm sóc tích cực trong bệnh viện. Cơ thể mềm oặt, trần truồng của thằng bé trông càng bé nhỏ hơn khi nằm giữa vô số máy móc và dây nhợ. Một bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã đặt máy dò áp lực nội sọ vào giữa trán và đỉnh đầu của thằng bé. Thiết bị này được cố định trên đỉnh đầu thằng bé bằng một chiếc đinh vít có đai ốc cánh ở trên. Ngón tay Soren được gắn một thiết bị có đèn đỏ nhấp nháy. Thằng bé trông như một sinh vật ngoài hành tinh vậy. Soren sống sót qua hai mươi bốn tiếng đồng hồ đầu tiên. Trong bốn mươi tám tiếng tiếp theo, Soren bị sốt đến hơn bốn mươi độ và hai vợ chồng tôi không dám rời thằng bé nửa bước. Chúng tôi ngồi ngay bên cạnh thằng bé, khe khẽ hát những bài hát ru quen thuộc, hy vọng những bài hát này có thể xoa dịu được nỗi khốn khổ thằng bé đang phải chịu đựng. Hai ngày kinh hoàng cũng trôi qua và Soren bắt đầu hạ sốt. “Anh chị cũng cần phải nghỉ ngơi một lát”, bác sĩ phụ trách Soren hết lời khuyên nhủ chúng tôi. Thế nên tôi và Joy đã cùng lái xe đi vòng quanh thành phố và trò chuyện với nhau. “Anh không chỉ lo lắng về tình trạng của Soren mà còn lo về cả mối quan hệ của chúng ta”, tôi nói. “Anh nghe nói có nhiều gia đình đã đổ vỡ sau khi trải qua những bi kịch tương tự thế này. Anh sẽ không thể chịu nổi nếu mất luôn cả em.” “Dù chuyện gì xảy ra đi nữa”, cô ấy nói, “chúng ta cũng sẽ chiến đấu cùng nhau. Tình yêu chúng ta dành cho Soren vượt trên cả tình yêu chúng ta dành cho nhau.” Đó chính là những lời tôi muốn nghe nhất lúc này. Chúng tôi bật khóc và rồi nhìn nhau cười trong nước mắt. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm, những khoảnh khắc quý giá và những điểm đáng yêu ở cậu con trai tinh nghịch của chúng tôi. Thằng bé rất thích chơi bóng. Khi Soren chưa đầy một tuổi, tôi đã đặt một trụ bóng rổ trẻ em trong phòng ngủ thằng bé. “Em có còn nhớ thằng bé thường hét ‘Ye’ thật to mỗi khi lao đi trên xe tập đi không?”, tôi hỏi. Chúng tôi cũng nói về nỗi sợ thằng bé sẽ bị tổn thương não. “Các bác sĩ giờ đã có vẻ lạc quan hơn”, tôi trấn an Joy. Bác sĩ đã nói với chúng tôi rằng Soren còn sống chính là nhờ được sơ cứu kịp thời ngay khi được phát hiện. Mỗi khi nghĩ đến việc chúng tôi đã để lạc thằng bé tận hai mươi phút, chúng tôi lại cảm thấy biết ơn vì ít ra thằng bé còn có một cơ hội để giành giật sự sống. Chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để cứu sống Soren, chúng tôi chỉ không biết cuộc sống của thằng bé và cả gia đình sẽ bị tác động ra sao nếu thằng bé bị tổn thương não nghiêm trọng. “Em có tin nổi rằng suốt mấy tháng qua, điều khiến anh trăn trở nhất lại là việc chúng ta mất đi ngôi nhà không?”, tôi hỏi. “Ngôi nhà mới kia có gì tốt đẹp nữa nếu chúng ta sống ở đó mà không có con mình?” Dù Soren vẫn còn hôn mê, cuộc nói chuyện hôm đó đã giúp hai vợ chồng tôi bình tĩnh hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự động viên, giúp đỡ từ bạn bè, gia đình và những người xung quanh. Ngày hôm sau, có bốn vị khách ghé thăm Soren. Người đầu tiên là Dave Cameron, người đã phát hiện ra Soren bị đuối nước và sau đó tiến hành ép tim cho thằng bé. Ông là một cựu chiến binh và hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch ở khu di tích. “Hôm đó tôi đến khu di tích từ khá sớm. Khi đang đứng gần chỗ đài phun nước, tôi bỗng cảm nhận được một điềm báo mạnh mẽ”, ông nói, “đó cũng là lúc tôi nhìn thấy đế đôi giày bé xíu của thằng bé trong đài phun nước. Sau đó tôi đã làm mọi việc theo bản năng và những kiến thức tôi học được trong chương trình huấn luyện hướng dẫn viên.” Vị khách thứ hai là Mikiel Hertzler, người phụ nữ đã tiến hành hà hơi thổi ngạt cho Soren đến tận khi xe cấp cứu đến. “Tôi từng học hồi sức tim phổi”, bà nói với chúng tôi. “Lần đầu tiên bắt mạch cho thằng bé, tôi thấy mạch đã dừng. Nhưng rồi tôi nhìn thấy những bong bóng nhỏ dưới cuống họng thằng bé nên tôi đoán thằng bé đang cố thở.” Tôi rùng mình khi nghĩ đến tình trạng tồi tệ có thể xảy ra nếu người phát hiện ra thằng bé là người không có kiến thức y khoa và bỏ cuộc ngay khi thấy mạch thằng bé ngừng đập. Tôi thật sự không dám tưởng tượng đến tình cảnh đó. Hai vị khách cuối cùng là hai thành viên trong tổ cấp cứu hôm đó đã đưa thằng bé đến bệnh viện, Brian Stephens và Thor Swanson. Hai người nói rằng bình thường tổ cấp cứu ở cách khu di tích khoảng mười phút đi đường, nhưng hôm đó khi chúng tôi gọi điện họ đang có việc ở dãy nhà ngay gần khu di tích, nên họ đã có mặt trong vòng chưa đến một phút. Khi vợ chồng tôi nhớ đến lời bác sĩ nói rằng Soren còn sống chính là nhờ thằng bé đã được sơ cứu đúng lúc, những lời chia sẻ của các vị khách đặc biệt này lại càng khiến chúng tôi cảm động sâu sắc. Vào đêm thứ tư sau khi sự việc xảy ra, lúc tôi đang ngủ trong phòng dành cho thân nhân thì điện thoại tôi bỗng rung lên. “Anh mau đến đây”, Joy cố kìm nén tiếng reo vui mừng. “Soren tỉnh rồi.” Khi tôi đến nơi, Soren đang khẽ cựa quậy và đưa tay lên dụi mắt. Vài giờ sau, thằng bé bắt đầu phục hồi ý thức. Chúng tôi ôm nhau và bật khóc trong hạnh phúc. Thế nhưng lòng tôi vẫn canh cánh không biết liệu thằng bé có thể hoàn toàn hồi phục và quay trở lại là cậu bé hiếu động, tinh nghịch ngày xưa hay không. Vài ngày sau, Soren đã khỏe mạnh hơn rất nhiều. Joy để thằng bé ngồi trên đùi mình, còn tôi ngồi bên cạnh và trao cho thằng bé một quả bóng. Thằng bé giơ tay muốn bắt lấy quả bóng, rồi thằng bé bập bẹ: “Quả bóng”. Tôi hoàn toàn sửng sốt! Sau đó, Soren chỉ vào ly soda đang đặt trên bàn nên tôi mang ly soda cùng một cái ống hút đến cho thằng bé. Soren ngậm lấy ống hút rồi bắt đầu thổi bong bóng. Thằng bé bật cười - tiếng cười yếu ớt, nhỏ xíu - nhưng đó chính là tiếng cười quen thuộc của Soren! Hai vợ chồng tôi cùng bật cười trong nước mắt; các bác sĩ và y tá bên cạnh cũng vậy. Chỉ vài tuần sau đó, Soren lại khỏe mạnh chạy nhảy khắp nhà, hào hứng chơi đùa với quả bóng rổ yêu thích và nói líu ríu suốt cả ngày. Thằng bé trông tràn đầy sức sống và nụ cười của thằng bé đã giúp chúng tôi nhận ra đâu mới chính là thứ quý giá nhất trong cuộc sống này. Giờ đây, khi đã một lần suýt mất Soren, tôi mới nhìn nhận lại một cách sáng suốt hơn vai trò làm cha của mình. Thứ quan trọng và ý nghĩa nhất một người cha có thể mang đến cho con mình không phải là một ngôi nhà tiện nghi, một căn phòng toàn đồ chơi hay rừng thông và những con suối, mà chính là sự hiện diện của anh ta. Cách đây không lâu, tôi có quay lại ngôi nhà mơ ước ngày xưa của mình. Tôi đỗ xe ở đằng xa, lặng yên ngắm nhìn khung cảnh lộng lẫy khi ánh nắng lấp lánh chiếu xuyên qua năm mươi hai ô cửa sổ được thiết kế và thi công tỉ mỉ của ngôi nhà. Nhưng giờ đây tôi không còn cảm thấy day dứt vì đã để mất ngôi nhà ấy nữa và tôi biết rõ lý do. Một lúc sau, khi tôi lái xe quay về ngôi nhà cũ kỹ quen thuộc của mình để dẫn các con đi dã ngoại, cả ba đứa con tôi cùng chạy ra đón tôi. Soren reo lên: “Cha ơi, cha ơi!” và tôi thấy cuộc đời mình trọn vẹn vô cùng. H Lựa chọn nằm ở ta “Một số người phàn nàn vì bụi hồng có gai, còn tôi thì thấy biết ơn vì trong bụi gai có hoa hồng.” - Alphonse Karr ồi tháng Mười Hai vừa rồi, tôi và vợ tôi, Tere, vừa mua một chiếc xe ô tô mới. Vì thế mà dù đã đặt vé chuyến bay từ California đến Texas để đến thăm gia đình Tere nhân dịp Giáng sinh, sau cùng chúng tôi vẫn quyết định hủy vé và tự mình lái xe đến Texas để trải nghiệm chuyến đi đầu tiên trên chiếc xe mới. Giáng sinh năm đó, hai vợ chồng tôi đã trải qua một tuần tuyệt vời ở nhà bà ngoại Tere. Khi kỳ nghỉ kết thúc, vì không muốn xa bà nên chúng tôi đã nấn ná ở nhà bà đến tận phút cuối cùng. Thế nên, chúng tôi không có nhiều thời gian la cà trên đường trở về nhà mà phải thay phiên nhau lái xe suốt cả ngày hôm đó. Sau nhiều giờ lái xe dưới một cơn mưa nặng hạt, sau cùng chúng tôi cũng về đến nhà lúc nửa đêm. Hai vợ chồng tôi đều mệt lả và chỉ muốn tắm rửa rồi đi ngủ ngay. Tôi biết rằng chúng tôi nên thu dọn hành lý và dọn dẹp xe ngay đêm hôm đó, nhưng vì đã quá mệt nên hai chúng tôi quyết định để đến sáng hôm sau mới bắt tay vào làm. Sau khi thức dậy vào lúc bảy giờ sáng hôm sau, hai vợ chồng tôi cảm thấy vô cùng khỏe khoắn và đã sẵn sàng dọn dẹp chiếc xe mới. Thế nhưng khi mở cửa bước ra ngoài, chúng tôi lại không nhìn thấy chiếc xe mới của mình đâu cả! Tôi và Tere nhìn nhau, sau đó nhìn ra sân rồi lại nhìn nhau lần nữa. Tere hỏi tôi: “Ừm, tối qua anh đỗ xe ở đâu vậy?”. Tôi hoang mang bật cười và trả lời: “Anh đỗ xe ở ngay đó, ngay trong sân nhà mình”. Dù biết rõ mình đã đỗ xe ở đâu nhưng chúng tôi vẫn bước ra đi quanh sân và ngó nghiêng xung quanh, thầm hy vọng chiếc xe bị trượt khỏi sân và đang nằm đâu đó ngoài lề đường. Nhưng chúng tôi không hề nhìn thấy chiếc xe dù là ở trong sân hay ngoài lề đường. Chúng tôi cảm thấy vừa bối rối vừa buồn cười. Ngay sau đó, chúng tôi báo cảnh sát về vụ việc và yêu cầu kích hoạt thiết bị giám sát hành trình của chiếc xe. Để đảm bảo chắc chắn tìm được xe, tôi cũng gọi cả công ty truy tìm xe thất lạc. Công ty này đảm bảo với tôi rằng có 98% cơ may họ sẽ tìm thấy chiếc xe của tôi trong hai tiếng đồng hồ. Hai tiếng sau, tôi gọi lại cho họ: “Các anh đã tìm thấy xe tôi chưa?” “Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy anh Harris à, nhưng có 94% cơ may chúng tôi sẽ tìm thấy xe anh trong hai tiếng nữa.” Hai tiếng nữa trôi qua, tôi lại gọi cho họ: “Các anh đã tìm thấy xe tôi chưa?”. Và họ lại trả lời: “Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy xe của anh, nhưng có 90% cơ may chúng tôi sẽ tìm thấy chiếc xe trong tám tiếng”. Đến nước này, tôi đành nói với họ: “90% hay 95% cơ may của các anh không có ý nghĩa gì nếu trường hợp của tôi luôn rơi vào mức phần trăm nhỏ hơn. Hãy gọi lại cho tôi khi nào các anh tìm thấy chiếc xe”. Chúng tôi ngồi đợi tin tức chiếc xe đến tận chiều tối. Vì cả ngày dài sắp trôi qua mà chiếc xe mới vẫn biệt vô âm tín, Tere càng lúc càng trở nên bực bội. Cô ấy nhớ về những món đồ quý giá chúng tôi còn để trên xe: quyển album hình cưới, những tấm hình gia đình cũ vô giá, quần áo, máy ảnh, ví tiền, tập ngân phiếu của tôi và rất nhiều món đồ quan trọng khác nữa. Ngày trước, chúng tôi không hề xem trọng những món đồ này; thế nhưng ngay lúc này, những món đồ nho nhỏ ấy lại trở nên gần như vô giá. Cuối ngày hôm đó, trên tivi có chiếu một chương trình quảng cáo xe ô tô. Một giọng nói vui tươi cất lên: “Bạn có thích có một chiếc xe như thế trong sân nhà mình không?”. Tôi trả lời: “Chắc chắn là thích rồi! Mới hôm qua tôi còn có một chiếc xe như vậy trong sân nhà tôi mà”. Tere hỏi tôi với vẻ vừa lo lắng vừa bực bội: “Sao anh có thể đùa như thế trong khi chiếc xe mới tinh của chúng ta cùng mấy món đồ quan trọng vừa bị mất chứ?”. Tôi nhìn cô ấy, dịu giọng trả lời: “Em yêu, chúng ta có thể bực bội khi bị mất xe, nhưng chúng ta cũng có thể cứ bình thản, vui vẻ khi rơi vào hoàn cảnh này. Dù bực bội hay vui vẻ thì chúng ta cũng đã bị mất xe rồi. Anh tin chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ và tâm trạng của mình trước mọi vấn đề; và lúc này đây, anh chọn sống vui vẻ”. Năm ngày sau, chúng tôi tìm được chiếc xe. Tuy nhiên, tất cả đồ đạc trong xe đều biến mất và chúng tôi còn phải tốn thêm ba ngàn đô-la tiền sửa xe. Tôi mang xe đến trung tâm sửa chữa và họ báo họ sẽ sửa xong vào cuối tuần. Cuối tuần đó, tôi đến lấy xe trong tâm trạng hào hứng và nhẹ nhõm. Thế nhưng cảm giác ấy không kéo dài được bao lâu. Khi gần về đến nhà, tôi đã bất cẩn tông vào đuôi một chiếc xe tải. Chiếc xe bị tông không gặp vấn đề gì nhưng chắc chắn chúng tôi lại phải tốn thêm ba ngàn đô-la nữa để sửa lại chỗ lõm trên xe và tốn thêm thời gian làm giấy tờ cho bên bảo hiểm. Tôi cẩn thận lái xe về nhà rồi nhanh chóng bước ra xem xét chiếc xe. Đầu bên trái xe đã bị lõm vào một mảng lớn. Lúc tôi đang đứng trên lối vào nhà tự nguyền rủa bản thân vì đã lái xe không cẩn thận thì Tere về đến nhà. Cô ấy bước đến bên tôi, nhìn chiếc xe rồi ngẩng lên nhìn tôi. Khi thấy vẻ mặt rầu rĩ của tôi, cô ấy nhẹ nhàng vòng tay ôm lấy tôi và nói: “Anh yêu, chúng ta có thể bực mình khi bị hư xe, nhưng chúng ta cũng có thể cứ bình thản, vui vẻ khi rơi vào hoàn cảnh này. Dù bực bội hay vui vẻ thì chúng ta cũng đã bị hư xe rồi, vậy mình cứ chọn sống vui vẻ nhé”. Tôi đưa tay ra dấu đầu hàng vợ. Chúng tôi cùng bật cười sảng khoái rồi bước vào nhà, sẵn sàng tận hưởng một buổi chiều tuyệt vời bên nhau. Chiếc áo khoác nhiều màu “Tất cả chúng ta đều sống trong rãnh nước, nhưng có một số người lựa chọn ngẩng đầu lên nhìn ngắm sao trời.” D - Oscar Wilde olly Parton1* thường được biết đến với hình ảnh một nữ ca sĩ chuyên nghiệp, giàu có và sang trọng, thế nhưng bà từng có một tuổi thơ hết sức khốn khó. 1* Dolly Rebecca Parton (sinh ngày 19 tháng 1 năm 1946) là ca sĩ, nhạc sĩ nhạc đồng quê, diễn viên và nhà từ thiện nổi tiếng người Mỹ. Một trong những bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp ca hát của bà là Coat of Many Colors (tạm dịch: Chiếc áo khoác nhiều màu). Bà là con thứ tư trong một gia đình có mười hai anh chị em. Thuở nhỏ, bà cùng gia đình sống tại một ngôi nhà gỗ bên rìa vườn quốc gia núi Smoky. Cha bà, ông Robert Lee Parton, phải làm việc quần quật cả ngày ngoài những cánh đồng thuốc lá để kiếm tiền nuôi gia đình; còn mẹ bà, bà Avie Lee Parton, thì thường xuyên đau ốm. Vì sinh ra trong gia đình nghèo khó mà những đứa trẻ nhà Parton thường xuyên bị bạn bè trong lớp trêu chọc. Khi Dolly mới chín tuổi, bạn bè của bà ở trường thánh Canton đã cười nhạo chiếc áo khoác nhiều màu được may từ vải vụn của bà. Sự việc này đã truyền cho Dolly cảm hứng sáng tác nên một trong những bài hát nổi tiếng nhất của bà. Bà vô cùng tự hào chiếc áo đã được may nên nhờ tình yêu thương và sự hy sinh của mẹ bà và chính niềm tự hào đó đã tạo cho bà động lực phát triển tài năng của mình. Bà đã kể lại câu chuyện về chiếc áo khoác nhiều màu của mình. “Mỗi năm, khi trời vào thu, mẹ sẽ bắt đầu may áo khoác cho chúng tôi. Khi mẹ phải chắp vá vải vụn để may quần áo, bà thường cố gắng chọn những mảnh vải có màu càng giống nhau càng tốt để mọi người không nhìn ra chỗ chắp vá. Nhưng vì biết rõ cá tính của tôi nên bà đã quyết định may một chiếc áo khoác rực rỡ nhất, nhiều màu sắc nhất có thể. May tay một chiếc áo khoác cho trẻ em tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bạn cũng có thể hình dung ra việc may áo cực khổ thế nào rồi đấy, nhất là khi bạn phải ghép rất nhiều mảnh vải nhỏ lại với nhau để tạo nên chiếc áo. Tôi biết mẹ đang may áo cho tôi, thế nên mỗi khi mẹ may áo tôi đều ngồi kế bên im lặng ngắm nhìn. Những lúc như thế, mẹ tôi thường vừa may vừa kể những câu chuyện trong Kinh thánh cho tôi nghe, trong đó có câu chuyện về Joseph và chiếc áo khoác nhiều màu của ông. Chiếc áo khoác nhiều màu của Joseph giúp ông nhận ra mình đặc biệt và được cha yêu thương như thế nào; và tôi cũng cảm thấy như thế mỗi khi nhìn ngắm mẹ may áo khoác cho mình. Tôi quan sát cách mẹ cẩn thận gấp mép những mảnh vải trước khi may các mảnh vải lại với nhau bằng những mũi chỉ thật khít để chiếc áo được chắc chắn. Trong các gia đình đông con, các bà mẹ thường không có nhiều thời gian chăm sóc cho từng đứa trẻ. Thế nên khi thấy mẹ dành nhiều thời gian để tỉ mỉ may áo cho mình như thế, tôi đã cảm thấy bản thân vô cùng đặc biệt. Khi chiếc áo chỉ vừa mới được ráp lại, tôi đã nằng nặc xin mẹ được mặc thử chiếc áo đặc biệt của mình. Sau khi khoác áo, tôi đi khệnh khạng trước lò sưởi như một chú chim công kênh kiệu. Tôi biết các anh chị em của tôi đang vô cùng ganh tị với tôi, không phải ganh tị vì chiếc áo, mà vì sự quan tâm mẹ dành cho tôi. Tôi bắt đầu hiểu tại sao các anh trai của Joseph lại ganh ghét ông ấy đến nỗi đã đẩy ông xuống giếng rồi bán ông đi làm nô lệ. Ngoại trừ anh lớn Denver, tôi không nghĩ những người anh chị em khác của tôi có thể mang tôi đi bán làm nô lệ; nhưng chắc chắn các anh chị em khác có thể véo hay nắm tóc tôi. Nhưng tôi không sợ. Dù sao đi nữa, các anh chị em cũng đang phải ganh tị với tôi - tôi và chiếc áo khoác xinh đẹp của tôi. Tôi vẫn nhớ rất rõ đêm mẹ tôi may xong chiếc áo khoác ấy. Tối đó, tôi đã mặc áo mới đi vòng quanh nhà cho đến khi mẹ bắt tôi phải cởi áo ra đi ngủ và mọi người trong nhà bắt đầu chán ngấy việc phải khen chiếc áo của tôi. Đêm hôm đó, tôi không sao ngủ được. Tôi thậm chí còn thấy hào hứng hơn cả đêm Giáng sinh. Tôi chỉ mong trời mau sáng để được diện chiếc áo khoác mới đến trường. Lúc đó trời vẫn còn khá ấm áp nên chúng tôi chưa cần phải mặc thêm áo, nhưng sáng hôm sau mẹ vẫn đồng ý để tôi mặc áo khoác đi học. Bà biết rõ tôi sẽ không nghe lời bà khuyên. Sau khi ăn sáng, tôi phấn khích chạy thật nhanh đến trường trong chiếc áo khoác mới. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy hồi hộp khi đi học. Tôi lao vào cổng trường như một cơn gió lốc đủ màu, lòng háo hức tự hỏi không biết có bao nhiêu bạn sẽ trầm trồ, ngưỡng mộ chiếc áo khoác của mình. Tôi thật sự vô cùng tự hào về chiếc áo mới và tôi muốn tất cả mọi người nhìn thấy tôi mặc nó. ‘Thấy áo khoác mới của tớ thế nào?’, tôi hỏi một cậu bạn cùng lớp. ‘Mới ư?’, cậu ta chế nhạo, ‘nhìn cái áo của cậu giống một đống vải vụn thì có.’ Trái tim tôi hẫng đi một nhịp. Không sao, chỉ có mình cậu ta nghĩ thế thôi, tôi tự trấn an. Tôi tin chắc rằng các bạn khác sẽ nhận ra chiếc áo khoác của tôi đẹp đẽ và đặc biệt như thế nào. Thế nhưng, tôi càng lúc càng thất vọng khi các bạn khác trong lớp cũng bắt đầu cười nhạo tôi và chiếc áo mới của tôi. Sau đó, tất cả các bạn trong lớp đều quay sang chế giễu tôi; họ cười cợt, chỉ trỏ, nhạo báng tôi và chiếc áo khoác của tôi. Tôi rất muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về Joseph mà mẹ đã kể cho tôi để họ hiểu chiếc áo của tôi đặc biệt, đẹp đẽ và độc đáo như thế nào; nhưng tôi cũng biết họ sẽ không bao giờ quan tâm. Trái tim tôi tan vỡ. Tôi không thể hiểu nổi tại sao các bạn lại có thể độc ác và xấu tính như vậy. Khi giáo viên vào lớp, cô ngay lập tức nhận ra tôi đang bị trêu chọc nên đã cố gắng giúp tôi. ‘Em có muốn cất áo khoác vào tủ đồ không?’, cô gợi ý. Nhưng tôi không nghe lời cô. Không ai có thể lay chuyển niềm tự hào tôi dành cho chiếc áo khoác của mình, tình yêu tôi dành cho mẹ và niềm tin của tôi vào chính bản thân. Tôi không đời nào cởi chiếc áo khoác nhiều màu của mình ra đâu! Tôi kiên quyết mặc áo khoác và ngồi yên tại chỗ, chịu đựng cái nóng và ngồi học bình thường. Tôi chờ đến lúc tan trường rồi kiêu hãnh bước ra khỏi trường trong chiếc áo khoác mà tôi tự hào. Tôi đã ngẩng cao đầu bước đi trong buổi chiều thu lộng gió đó để mọi người đều có thể nhìn thấy chiếc áo khoác của tôi; để họ phải ngưỡng mộ những mảng màu lộng lẫy của chiếc áo; phải choáng ngợp trước từng đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ tạo nên chiếc áo; phải tán thưởng chiếc áo khoác tuyệt vời đang được khoác trên người Dolly Parton. Dù là một kỷ niệm buồn, sự kiện hôm đó đã trở thành một ân huệ lớn đối với tôi. Chính nhờ ngày hôm đó mà tôi đã có cảm hứng viết nên bài hát thương hiệu của mình. Chiếc áo khoác nhiều màuvẫn luôn là bài hát tôi yêu thích nhất. Bài hát đã được rất nhiều người yêu mến và điều đó đã giúp tôi nguôi đi nỗi đau ngày đó.” Tin tức tuyệt vời nhất trong tuần “Luôn luôn có một điều tuyệt vời nào đó đang diễn ra, chỉ cần chúng ta lựa chọn nhìn thấy điều tuyệt vời ấy mà thôi.” R - Katrina Mayer obert De Vincenzo, vận động viên golf nổi tiếng người Argentina, từng đoạt chức vô địch một giải đấu golf lớn. Hôm đó, sau khi nhận thưởng và chụp hình với báo chí xong, ông quay về phòng chờ thay quần áo để chuẩn bị về nhà. Một lúc sau, khi ông đang đi một mình ra bãi đỗ xe thì có một phụ nữ trẻ tiến đến bắt chuyện với ông. Cô chúc mừng ông đã đạt chức vô địch rồi tâm sự rằng con trai cô đang bị bệnh nặng sắp chết trong khi gia đình cô đang gặp khó khăn và cô không thể xoay xở đủ tiền để trả viện phí cho thằng bé. De Vincenzo rất xúc động khi nghe câu chuyện của người phụ nữ nọ nên ông quyết định chuyển toàn bộ số tiền thưởng mình vừa nhận được cho cô. “Hãy dùng số tiền này để giúp thằng bé được sống những ngày tốt đẹp cuối đời”, ông vừa nói vừa dúi vào tay người phụ nữ tờ séc. Một tuần sau đó, khi ông đang ăn trưa tại câu lạc bộ golf thì một thành viên của hiệp hội chơi golf chuyên nghiệp đi đến bên bàn ông và nói: “Có người nói với tôi rằng tuần trước anh có gặp một phụ nữ trẻ sau giải đấu.” De Vincenzo gật đầu và thành viên kia nói tiếp: “Tôi rất tiếc phải báo với anh tin này. Cô ta là một kẻ lừa đảo. Cô ta không hề có đứa con trai bị bệnh nào cả. Cô ta thậm chí chưa kết hôn. Anh bị cô ta lừa rồi, anh bạn ạ.” “Vậy ý anh là không hề có đứa trẻ nào bị bệnh sắp chết?”, De Vincenzo hỏi. “Đúng vậy”, người kia nói. “Đây chính là tin tức tuyệt vời nhất tôi nghe được trong tuần này”, De Vincenzo nói. Hạnh phúc “Hạnh phúc không đến với ta một cách ngẫu nhiên; hạnh phúc đến với ta là do ta lựa chọn.” K - Jim Rohn hi chúng tôi đẩy cô bé Mary mới năm tuổi vào buồng chụp MRI, tôi đã cố gắng hình dung cảm xúc hiện tại của cô bé. Sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Mary bị liệt nửa người bên trái và tổn thương não trong khi cha mẹ cô bé thì đã ra đi mãi mãi trong vụ tai nạn ấy. Chúng tôi đã từng nghe về nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo của các bệnh nhân trong bệnh viện, thế nhưng câu chuyện của cô bé bất hạnh Mary vẫn khiến chúng tôi nhói lòng và day dứt mãi không thôi. Cô bé ngoan ngoãn nằm yên khi được đẩy vào buồng chụp MRI và chúng tôi bắt đầu tiến hành chụp. Vào thời điểm đó, máy chụp MRI chưa hiện đại như bây giờ nên các bệnh nhân phải nằm yên tuyệt đối trong khoảng năm phút đồng hồ thì máy mới chụp được ảnh rõ nét. Việc nằm yên như thế không hề dễ dàng, đặc biệt là với một cô bé năm tuổi vừa phải trải qua quá nhiều bi kịch như Mary. Chúng tôi cần chụp hình đầu cô bé nên nếu cô bé cử động mặt, như để nói chuyện chẳng hạn, hình ảnh chụp được sẽ bị méo mó và không chính xác nữa. Khoảng hai phút sau khi bắt đầu tiến hành chụp, qua camera giám sát chúng tôi thấy miệng Mary đang động đậy. Chúng tôi cũng nghe được một giọng nói khe khẽ vang lên từ mạng liên lạc nội bộ. Vì vậy, chúng tôi dừng việc chụp ảnh lại và nhẹ nhàng nhắc Mary không được nói chuyện. Cô bé mỉm cười và hứa sẽ không nói chuyện nữa. Chúng tôi bắt đầu chụp lại từ đầu. Thế nhưng lại một lần nữa, chúng tôi thấy gương mặt cô bé chuyển động và nghe được giọng nói mơ hồ của cô bé. Tuy vậy, chúng tôi không nghe rõ cô bé đang nói gì. Các bác sĩ trong phòng bắt đầu cảm thấy hơi mất kiên nhẫn vì nhiều người trong số họ có lịch trình rất bận rộn và nếu cứ liên tục chụp đi chụp lại như thế, họ sẽ bị trễ nhiều kế hoạch khác. Chúng tôi đành phải tạm dừng thêm lần nữa và đưa Mary ra khỏi buồng chụp. Khi được đưa ra ngoài, cô bé trông không hề khó chịu hay giận dỗi mà thậm chí còn nở một nụ cười méo mó do di chứng của vụ tai biến. Một kỹ thuật viên nói với cô bé bằng giọng hơi cộc cằn: “Mary, cháu lại nói chuyện trong lúc chụp nữa rồi. Nếu cháu cứ nói như thế, hình sẽ bị nhòe đi đấy”. Mary vẫn mỉm cười khi cô bé trả lời: “Cháu đâu có nói chuyện, cháu đang hát mà. Chú chỉ dặn cháu không được nói chuyện thôi”. “Vậy cháu đang hát gì thế?”, một bác sĩ hỏi. “Bài Những ngôi sao nhỏ ạ”, cô bé trả lời bằng giọng nhỏ xíu. “Cháu thường hát bài Những ngôi sao nhỏ khi cháu thấy hạnh phúc.” Khi nghe cô bé trả lời, mọi người trong phòng đều câm lặng. Hạnh phúc ư? Làm sao một cô bé rơi vào hoàn cảnh bi đát như Mary có thể cảm thấy hạnh phúc được chứ? Người kỹ thuật viên ban nãy và tôi đã phải rời khỏi phòng để kìm nén những giọt nước mắt đang chực rơi xuống. Kể từ ngày hôm ấy, mỗi khi cảm thấy căng thẳng, chán nản hay bất mãn với cuộc đời, tôi lại nhớ đến cô bé Mary và cảm thấy như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh. Câu chuyện của cô bé khiến tôi nhận ra hạnh phúc là món quà thật kỳ diệu - bất kỳ ai sẵn lòng đón nhận hạnh phúc đều có thể nhận món quà này miễn phí. Bạn có thấy mình giàu có không? “Không có gì trên thế giới này là tầm thường cả. Tất cả đều tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người.” V - Johann Wolfgang von Goethe ào một ngày mùa đông mưa rơi nặng hạt, khi mở cửa đi ra ngoài đổ rác, tôi nhìn thấy hai đứa bé - một trai, một gái - đang đứng nép vào nhau ngay dưới mái hiên nhà tôi. Bọn trẻ co ro trong những chiếc áo khoác cũ kỹ rộng quá khổ. Đứa bé trai, đứa lớn hơn trong hai đứa, run rẩy hỏi tôi: “Thưa cô, nhà cô có báo cũ không ạ?” Lúc đó tôi đang rất bận và chỉ muốn từ chối một tiếng cho xong. Thế nhưng, khi tôi nhìn xuống chân của hai đứa trẻ, tim tôi bỗng nhói lên. Giữa thời tiết giá lạnh như thế mà bọn trẻ chỉ mang hai đôi sandal mòn vẹt, lại còn ướt sũng vì mưa tuyết. “Hai đứa vào nhà đi, cô sẽ làm cho mỗi đứa một ly cacao nóng.” Hai đứa trẻ im lặng đi theo tôi. Hai đôi sandal ướt sũng của bọn trẻ để lại những dấu chân đầy bùn tuyết trên thềm nhà. Tôi dẫn bọn trẻ vào phòng khách, để hai đứa ngồi cạnh lò sưởi rồi mang cho mỗi đứa một ly cacao nóng và vài lát bánh mì nướng với mứt để giúp bọn trẻ xua tan cái lạnh. Sau đó tôi lại vào bếp tiếp tục tính toán chi tiêu trong tháng. Một lúc sau, thấy không khí trong phòng khách có vẻ hơi yên ắng nên tôi tò mò rướn người nhìn vào phòng. Hai đứa trẻ vẫn ngồi yên trên ghế. Cô bé gái cầm tách cacao đã uống cạn trên tay và đang say mê ngắm nhìn chiếc tách. Cậu bé đi cùng nhận thấy tôi đang nhìn và rụt rè hỏi: “Thưa cô, cô có giàu không ạ?” “Cô có giàu không à? Chao ôi, không đâu cháu!”, tôi vừa nói vừa ngao ngán nhìn tấm khăn trải bàn đã sờn cũ của mình. Cô bé cẩn thận đặt chiếc tách đã uống cạn lên đĩa lót tách, nhẹ nhàng nói: “Chiếc tách của cô cùng bộ với đĩa lót này!”. Giọng nói của cô bé có chút ngưỡng mộ. Khi trời tạnh mưa, hai đứa trẻ đứng dậy chào tôi và rời đi, cầm theo hai gói báo cũ tôi cho chúng. Hai đứa cúi thấp đầu bước đi dưới gió rét căm căm. Chúng quên chưa cảm ơn tôi nhưng thật ra chúng không cần phải làm vậy. Những gì tôi nhận được từ bọn trẻ còn hơn cả những lời cảm ơn. Hai đứa đã giúp tôi nhận ra rằng tuy những chiếc tách và đĩa lót tách bằng gốm màu xanh trơn của tôi chỉ là hàng bình dân, nhưng hai món đồ này lại đồng bộ với nhau. Khi tôi vào bếp thử món khoai tây hầm và khuấy nước sốt trên chảo, tôi bỗng nhận ra khoai tây và nước sốt, một mái nhà vững chãi trên đầu và người chồng tận tụy có công việc ổn định dù lương không cao của tôi - tất cả đều thật hoàn hảo khi đồng hành cùng nhau. Tôi đẩy hai chiếc ghế ở trước lò sưởi trở về chỗ cũ rồi dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng. Vết bùn từ hai đôi sandal ướt sũng của hai đứa bé vẫn còn đọng lại trên bậc thềm, nhưng tôi không lau đi. Tôi muốn giữ những dấu chân ấy lại để nhắc nhở bản thân mình giàu có như thế nào. Chuyến bay giá rẻ “Ta chỉ có thể nhìn nhận đúng đắn về mọi vật khi ‘nhìn’ bằng con tim; ta không thể nhìn thấy bản chất của mọi vật chỉ bằng đôi mắt.” T - Antoine de Saint-Exupéry ôi chưa bao giờ tự tay bế một em bé sơ sinh bị khuyết tật cả. Thật ra, tôi chưa từng nhìn thấy một em bé khuyết tật nào trước đây. Thế mà giờ đây tôi lại đang phụ trách đưa ba em bé sơ sinh - trong đó có một em bé khuyết tật - đến chỗ cha mẹ nuôi của các em vào dịp Giáng sinh. Tôi đang là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc. Thế rồi các sinh viên trong trường tiến hành bạo loạn và trường học phải đóng cửa nên tôi quyết định về nước trong lúc chờ vụ bạo loạn kết thúc. Khi biết tin tôi muốn về nước, một người bạn đã giới thiệu cho tôi chương trình “Chuyến bay kết nối yêu thương”. Nếu tham gia chương trình này, tôi sẽ được mua vé bay từ Hàn Quốc về Mỹ với giá rẻ như cho; bù lại, tôi phải đưa ba em bé mồ côi Hàn Quốc đến Mỹ để giao cho cha mẹ nuôi của các em. Vì muốn tiết kiệm tiền nên sau cùng tôi đã đồng ý tham gia chương trình này. Vài ngày sau, tôi lên máy bay với ba em bé: một bé mới ba tháng tuổi, một bé bảy tháng tuổi và một bé mười tám tháng tuổi. Các em được trao cho tôi trong tình trạng nước mũi chảy ròng ròng, mặc tã giấy bẩn và bị cảm lạnh. Khi máy bay cất cánh, ba đứa bé tội nghiệp ré lên sợ hãi. Máy bay bắt đầu rung lắc mạnh, bọn trẻ lại yên lặng. Một lát sau, máy bay ngừng rung và thế là bọn trẻ lại đồng thanh ré lên. Các hành khách xung quanh đều bật cười. Trong ba đứa trẻ, có một em bé bị dị tật bẩm sinh. Đầu cô bé to bất thường; cánh tay và các ngón tay của cô bé cũng bị biến dạng. Tôi không biết cha mẹ nuôi của em có biết việc em bị dị tật thế này không. Trong lúc tôi mải mê suy nghĩ thì một bên đùi tôi đã ướt sũng còn sữa bột tôi pha sẵn thì đã sắp hết. Không bao lâu sau khi máy bay cất cánh, tôi đã học được cách thay tã nhanh chóng, pha sữa bột nóng vừa phải và cho bọn trẻ ngậm ti giả đúng lúc. Một lúc sau, có hai binh lính người Mỹ đến hỏi xin tôi được bế hai em bé. “Đương nhiên là được rồi”, tôi trả lời và để họ bế hai em bé đi về chỗ của họ. Tôi ngồi tại chỗ, ôm em bé bị dị tật trong lòng. Con bé chớp chớp mắt nhìn tôi. Hàng mi dài cong vút của em trông thật xinh đẹp. Rồi con bé mỉm cười với tôi. Thật kỳ diệu làm sao khi những thứ nhỏ bé như một nụ cười ngây thơ lại có thể thay đổi hoàn toàn con người bạn. Tôi bỗng nhận ra con bé mới xinh đẹp làm sao. Và kể từ giây phút đó, tôi lúc nào cũng ôm con bé trong lòng. Trước khi máy bay quá cảnh ở Tokyo, hai người lính ban nãy đến trao lại hai đứa trẻ cho tôi. Tôi âu yếm đón hai bé vào lòng rồi thành thục thay tã cho cả hai. Khi tôi cởi quần áo bọn trẻ ra, có vài tờ tiền một đô-la rơi xuống sàn. Tôi ngẩng lên nhìn hai người lính đang chuẩn bị xuống máy bay. Một người lính nháy mắt với tôi: “Chúng tôi không chuẩn bị kịp quà Giáng sinh cho bọn trẻ. Chúc cô và bọn trẻ Giáng sinh an lành!”. Đến lúc này, tôi đã cảm thấy vô cùng gắn bó với bọn trẻ. Tôi thậm chí còn đặt tên cho cô bé bị tật đầu to là Tina. Càng nghĩ về việc cô bé sắp phải rời xa tôi để về nhà mới, tôi lại càng thấy lo lắng về cha mẹ nuôi tương lai của cô bé. Lúc xếp hàng lên máy bay sau thời gian quá cảnh, tôi nhận thấy một phụ nữ châu Á xinh đẹp cứ đi loanh quanh chỗ tôi và bọn trẻ. Cô ấy nhìn chằm chằm tôi và bọn trẻ nhưng ngay lập tức quay đi khi tôi nhìn lại. Thế nhưng sau cùng cô ấy cũng bước đến chỗ tôi và ngập ngừng bắt chuyện: “Bọn trẻ là trẻ mồ côi đúng không?” “Đúng vậy”, tôi trả lời. “Tôi cũng là trẻ mồ côi như chúng. Tôi có thể bế một bé không?” Cô gái đáng mến ấy đón lấy đứa bé ồn ào nhất. Cô đã bế đứa bé lên máy bay và thay tôi chăm sóc đứa trẻ ấy suốt quãng đường còn lại. Mỗi khi có thể, cô lại đến chỗ tôi ngồi và giúp tôi cho ăn hay thay quần áo cho hai bé còn lại. Sau hai lần quá cảnh và tổng cộng hai mươi bảy giờ bay, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Cha mẹ nuôi của hai em bé khỏe mạnh ngay lập tức lao đến bên con, cảm ơn tôi rối rít rồi nhanh chóng rời đi. Tôi bế Tina đi quanh quẩn khu vực đón khách chờ cha mẹ nuôi con bé đến. Lòng tôi trào dâng cảm giác lo sợ cha mẹ nuôi con bé sẽ không đến đón con bé về. Sau một lúc chờ đợi, tôi nặng nhọc bế Tina rời khỏi khu vực đón khách. Thế rồi tôi nhìn thấy cha mẹ nuôi của con bé ở ngay cửa ra vào. Họ là một cặp đôi mắc chứng thấp lùn. Sau khi rối rít xin lỗi vì đã khiến tôi phải đợi, cặp vợ chồng rạng rỡ dang tay ra đón lấy con bé. Khi tôi cúi xuống trao Tina cho họ, con bé quay lại nhìn tôi và lưu luyến gọi tôi là “Umma” - từ “Mẹ” trong tiếng Hàn. Khi con bé rời khỏi tay tôi, tôi đã không thể kiềm chế cảm xúc mà ngồi bệt xuống đất bật khóc. Tôi ngồi đó nhìn theo bóng lưng của gia đình nhỏ đang hân hoan rời khỏi sân bay để bắt đầu một cuộc sống mới và thầm nghĩ: Thật hoàn hảo làm sao. Năm sau, tôi chấp nhận mua vé máy bay thông thường để về nhà vì chuyến bay kết nối yêu thương thật sự quá đắt. Giá trị của những món quà “Đôi khi, những thứ đo đếm được lại không có chút giá trị nào, còn những thứ có giá trị thì lại không thể đo đếm được.” K - Albert Einstein hi còn nhỏ, chúng ta thường được dạy rằng giá trị của món quà không nằm ở giá tiền mà nằm ở tấm lòng người tặng. Thế nhưng làm sao bọn trẻ có thể tin tưởng lời dạy này khi những người lớn xung quanh các em thường hồ hởi đón nhận những món quà đắt tiền và phớt lờ những trái tim làm bằng đất sét mà các em đã tỉ mỉ làm nên bằng cả tấm lòng để bày tỏ tình yêu với họ? Tôi đã tự hỏi mình câu hỏi này vào một lần Giáng sinh nọ. Năm đó, tôi cho các con mình một khoản tiền nhỏ để bọn trẻ mua quà Giáng sinh ở cửa hàng Mistletoe Mall tặng gia đình và bạn bè. Mistletoe Mall là cửa hàng chuyên bán các món quà lưu niệm dành cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp sáu. Các món hàng ở đây có giá cả phù hợp với túi tiền của các em nhỏ và bọn trẻ lúc nào cũng mê mẩn mấy món đồ chơi tại đây. Sau khi lựa chọn cẩn thận cả buổi sáng, các con tôi đã mua được quà Giáng sinh cho tôi và cố gắng giữ bí mật về món quà - nhất là cậu con trai năm tuổi của tôi. Thằng bé kiên quyết không tiết lộ một lời về món quà “đặc biệt” của mình, thế nhưng lại cố tình đặt món quà được gói tỉ mỉ ấy ngay dưới gốc cây thông và ngày nào cũng bắt tôi đoán xem món quà đó là gì. Vào sáng Giáng sinh năm đó, con trai tôi phấn khích lao vào phòng đánh thức tôi dậy và năn nỉ tôi mở món quà của mình trước. Thằng bé cười khúc khích với vẻ háo hức, đảm bảo với tôi rằng đây chính là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất trên đời. Tôi vui vẻ mở hộp quà và nhìn vào trong. Quả thật đó chính là món quà đẹp nhất tôi từng nhận được, bởi tôi không xem xét món quà ấy qua góc nhìn của một người đàn ông ba mươi lăm tuổi - người chỉ hào hứng với những món đồ “có công nghệ hiện đại nhất” hay “nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn và tiết kiệm hơn”; mà tôi nhìn nhận món quà qua góc nhìn của một cậu bé năm tuổi đang hào hứng. Món quà tôi nhận được là mô hình một chú khủng long bạo chúa màu xanh lá bằng nhựa cao chừng mười xăng-ti-mét. Con trai tôi nhanh chóng chỉ cho tôi xem chỗ tuyệt vời nhất của món quà: chân, đuôi và cổ con khủng long có khớp nối nên tôi có thể dễ dàng điều chỉnh hình dáng của con khủng long. Tôi cứ nhớ mãi ánh mắt con trai mình vào buổi sáng Giáng sinh hôm đó. Đôi mắt to tròn, trong sáng của thằng bé tràn ngập sự kỳ vọng, hy vọng và tình yêu thương. Rồi thằng bé đã hỏi tôi câu hỏi khiến tôi băn khoăn rất lâu: “Có đúng là tình cảm mới là thứ thật sự quan trọng khi tặng quà không cha?”. Tôi nghĩ đến việc con trai mình đã phải cực khổ thế nào để tìm ra món quà ưng ý nhất trong mắt nó - thứ có thể bày tỏ trọn vẹn tình yêu mà thằng bé dành cho cha mình - giữa hàng chục kệ hàng trong Mistletoe Mall. Rồi tôi cố gắng trả lời câu hỏi của con theo cách một đứa bé năm tuổi có thể hiểu được. Tôi nói với thằng bé về cảm giác của tôi khi nhận được món quà này, rằng tôi thấy món quà tuyệt vời thế nào và tôi khẳng định với thằng bé tôi thích món quà vô cùng. Suốt vài tuần sau đó, tôi luôn treo mô hình khủng long bạo chúa mà con trai tôi tặng lên quai cặp táp của mình khi đi làm. Thật ngạc nhiên là không ai để ý đến chuyện này cả, ngoại trừ cậu con trai của tôi. Tôi cũng nhận ra rằng biểu cảm của bọn trẻ khi trao tặng món quà mình muốn cho đi bằng cả tấm lòng thật sự rất khác biệt so với biểu cảm của những người lớn khi cố mua chuộc tình cảm của người khác bằng những món quà đắt tiền. Giáng sinh năm ngoái, hai đứa trẻ nhà hàng xóm đã tặng các con tôi những đôi vớ Giáng sinh tự làm bằng giấy. Các đôi vớ được “khâu” lại bằng ghim bấm, bên trong là rất nhiều món quà nho nhỏ nhưng lại vô cùng quý giá đối với bọn trẻ: kẹo, kẹp tóc, mô hình đồ chơi… Cha mẹ của hai đứa bé hàng xóm ấy đã ly dị và gia đình họ không dư dả tiền bạc, nhưng nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của bọn trẻ khi trao tặng những món quà, tôi biết rằng chúng đã đặt hết tâm tư, tình cảm của mình vào những “món trang sức, nước hoa và điện thoại đắt tiền phiên bản trẻ con” ấy. Từ khi nào mà “tấm lòng” không còn được coi trọng trong chuyện tặng quà nữa? Đây là câu hỏi mà tôi cứ tự vấn mãi. Tôi đoán chúng ta không còn xem trọng tấm lòng của người tặng kể từ khi chúng ta bắt đầu trở nên vội vã, hời hợt đến nỗi chỉ đơn giản nhìn nhận giá trị của những món quà bằng đúng giá trị vật chất của chúng. Món quà con trai tôi tặng tôi rõ ràng không đáng là bao nếu xét về giá trị tiền bạc, nhưng nó lại đáng giá ngàn vàng đối với tôi bởi thằng bé đã tặng tôi bằng cả tấm lòng. Thế nên, lần sau nếu bạn có thấy ai đó đeo một chiếc cà vạt bằng giấy sặc sỡ đến một trung tâm thương mại sầm uất hay dán một hình xăm hình sâu bướm “cực ngầu” giá năm xu trên cánh tay, bạn không cần phải thương hại anh ta đâu. Nếu bạn nói anh ta trông thật ngốc nghếch, anh ta sẽ chỉ mỉm cười và trả lời bạn: “Có lẽ tôi trông ngốc nghếch thật, nhưng cậu con trai năm tuổi của tôi nghĩ tôi chính là người cha tuyệt vời nhất trên đời. Thế nên, dù anh có cho tôi tất cả tiền bạc trên đời, tôi cũng không đời nào cởi chiếc cà vạt này hay gỡ hình xăm dán kia ra đâu”. Buổi họp lớp “Hãy thay đổi góc nhìn của bạn rồi mọi thứ bạn nhìn cũng sẽ thay đổi theo.” S - Wayne W. Dyer áng nay, khi tôi đang mải mê làm việc thì chuông điện thoại bỗng reo vang từng tràng dài. Đó là cú điện thoại từ một người bạn cùng lớp với tôi năm cấp ba; cô ấy gọi mời tôi đến dự buổi họp lớp kỷ niệm hai mươi năm ngày chúng tôi tốt nghiệp cấp ba. Đã hai mươi năm rồi sao? Tôi rùng mình. Tôi thấy sống lưng ớn lạnh và mồ hôi bắt đầu rịn ra trên trán khi hiện thực bắt đầu hiện rõ trước mắt tôi: hai mươi năm đã trôi qua và tôi đã làm được gì suốt khoảng thời gian đó? Có lần mẹ tôi đã nói với tôi rằng đến một ngày nào đó tôi sẽ phải đối mặt với cảm giác này. Lúc nghe mẹ nói thế, tôi đã không tin lời mẹ và chỉ bật cười, như những lần tôi cười đùa về mấy chiếc lô uốn tóc màu hồng của mẹ. Thật kỳ lạ làm sao khi một cuộc điện thoại dài vài phút lại có thể thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn nhận cuộc đời mình. Bỗng nhiên tôi nhận ra những bài hát mình thường nghe ngày trẻ giờ được gọi là “nhạc sến”; rằng Mariah Carey, ca sĩ tôi thần tượng một thời, giờ đã hơn năm mươi tuổi; rằng những bộ phim tôi yêu thích hồi mười lăm, mười sáu tuổi giờ đây được xếp vào lớp những bộ phim “cổ điển”... Tôi bất giác liếc nhìn gương (thôi được, tôi đã nhìn chằm chằm chiếc gương hàng phút đồng hồ). Tôi săm soi từng nếp nhăn và lỗ chân lông trên mặt mình, từ đường chân tóc cho đến hai nếp hằn bên miệng rồi xuống đến tận cổ. Ít ra mình không có nọng cằm, tôi thầm nghĩ. Cả ngày hôm đó tôi ngồi làm việc nhưng đầu óc cứ ở trên mây. Tôi không thể tập trung vào nội dung của đống giấy tờ trước mặt mà cứ mãi nghĩ về khoảng thời gian mình đã lãng phí bấy lâu. Tôi thậm chí còn thấy hơi sợ khi nghĩ đến việc gặp lại những người bạn cũ, những người đang có một cuộc đời “thành công”, “viên mãn” hơn tôi. Chiều hôm đó, khi tan làm, tôi quyết định đi mua một bộ váy thật đẹp - bạn biết đấy, bộ váy giúp bạn trông trẻ ra hai mươi tuổi - để mặc đến dự buổi họp lớp. Sau khi dạo quanh hết các cửa hàng trong trung tâm thương mại, tôi chua xót nhận ra chỉ có cỗ máy thời gian mới có thể giúp tôi trông trẻ ra hai mươi tuổi chứ không có chiếc váy nào có thể làm được điều đó cả. Thôi mình sẽ mua váy sau vậy, tôi chán nản nghĩ. Khi nặng nhọc lê bước qua những gian hàng rực rỡ ánh đèn để về nhà với tâm trạng u uất kỳ lạ, tôi bỗng kinh hoàng nhận ra có lẽ tôi đang gặp khủng hoảng tuổi trung niên mất rồi. Tôi đã biết tiếng cọt kẹt buồn cười mình nghe thấy mỗi khi leo cầu thang thật ra phát ra từ đầu gối tôi. Thành tựu quan trọng duy nhất của bản thân mà tôi nghĩ ra được là “tập cho con ngồi bô thành công”. Sáng nào tôi cũng ăn ngũ cốc dù tôi không thích món này chút nào. Tôi cũng bắt đầu tổ chức các bữa tiệc tại gia buồn chán chỉ để đếm xem mình có bao nhiêu người bạn… Cuộc đời đã không đi theo đúng hướng tôi mong đợi. Đương nhiên, tôi cũng từng trải qua nhiều thời khắc hạnh phúc. Tôi có một người chồng tuyệt vời và hai đứa con ngoan ngoãn. Thế nhưng tôi không nghĩ việc trở thành một bà mẹ hai con với công việc thư ký bán thời gian tại một công ty nhỏ lại được xem là “thành công” trong mắt các bạn học của tôi. Chẳng lẽ tôi đã thật sự lãng phí hai mươi năm cuộc đời quý giá rồi sao? Tôi chán chường mở cửa bước vào nhà trong lúc vẫn bần thần suy nghĩ. Ngay lúc tôi chuẩn bị từ bỏ và định gọi điện từ chối lời mời họp lớp, cậu con trai bảy tuổi của tôi bỗng chạy hối hả xuống cầu thang, nhảy lên ôm lấy vai tôi từ đằng sau và thủ thỉ vào tai tôi: “Mẹ về rồi! Con nhớ mẹ quá!”. Tôi mỉm cười. Mọi băn khoăn, lo lắng chợt tan biến hoàn toàn khi tôi ôm “thành công” của mình vào lòng và hôn thằng bé một cái thật kêu vào má. Tôi nhìn quanh tổ ấm thân thuộc của mình, nhìn những bức hình lưu giữ những kỷ niệm đẹp được xếp đầy trên bệ lò sưởi và cảm thấy thật đủ đầy. Tôi thật lòng muốn gặp lại các bạn cũ và hứng khởi mong đợi hai mươi năm tiếp theo trong đời. T Cây điều ước “Cho đi tức là đang nhận lại.” - Thánh Francis thành Assisi ôi là một bà mẹ đơn thân của bốn đứa trẻ. Tiền lương mỗi tháng tôi kiếm được chỉ vừa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho năm mẹ con. May mắn thay, chúng tôi có một mái nhà vững chãi, luôn có thức ăn trong tủ lạnh và quần áo ấm. Chúng tôi không dư dả tiền bạc nhưng vẫn kiếm đủ để xoay xở cuộc sống. Các con nói với tôi rằng lúc còn nhỏ, bọn trẻ không hề nhận ra nhà chúng tôi nghèo. Chúng chỉ nghĩ tôi muốn sống tiết kiệm thôi. Mỗi lần nghe các con nói thế, tôi đều thấy mừng vì ít nhất tôi đã cho các con mình một cuộc sống không thiếu thốn. Hồi các con tôi còn nhỏ, có một khoảng thời gian gia đình tôi gặp nhiều khó khăn về tài chính. Giáng sinh năm đó, dù không dư dả gì chúng tôi vẫn quyết định ăn mừng Giáng sinh. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ với người thân và bạn bè, trang trí nhà cửa và vào trung tâm thành phố ngắm phố phường. Trong thời gian trước Giáng sinh, hoạt động khiến bọn trẻ háo hức nhất chính là đến trung tâm thương mại mua quà. Bọn trẻ bắt đầu nói về chuyện mua quà và lên kế hoạch kỹ càng cho chuyến đi trước đó cả tuần. Bọn trẻ hỏi nhau và hỏi các thành viên khác trong gia đình về món quà Giáng sinh mơ ước của mỗi người. Tâm trạng háo hức của bọn trẻ khiến tôi cũng nôn nao theo. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, tôi đã trích 120 đô-la từ khoản tiền tiết kiệm cả năm qua của mình để dành cho việc mua quà. Vào ngày đi mua quà Giáng sinh, cả nhà tôi dậy rất sớm rồi háo hức khởi hành đến trung tâm thương mại. Tôi cho các con mỗi đứa hai mươi đô-la để mua quà và cẩn thận dặn chúng chỉ nên mua những món quà dưới bốn đô-la. Sau đó, chúng tôi tản ra và hẹn gặp lại nhau ngay trước cửa hàng Santa’s Workshop sau hai giờ đồng hồ. Sau khi mua quà xong, cả nhà tôi nói cười vui vẻ trên đường về nhà. Ai cũng phấn khởi trước kỳ nghỉ sắp tới. Bọn trẻ trêu đùa nhau, đưa ra gợi ý về món quà mình mua cho nhau và bật cười khoái chí. Thế nhưng, tôi để ý thấy Ginger, cô con gái út mới tám tuổi của tôi, có vẻ trầm lặng khác thường. Tôi nhận thấy con bé chỉ mang về một chiếc túi xốp nhỏ, bên trong là vài thanh sô-cô-la có giá chỉ năm mươi xu mỗi thanh! Tôi cảm thấy giận dữ vô cùng. Con bé đã làm gì số tiền hai mươi đô-la tôi cho lúc sáng? Tôi muốn hỏi rõ mọi chuyện ngay trên xe nhưng cố gắng kiềm chế. Về đến nhà, tôi bảo con bé vào phòng ngủ gặp tôi. Sau khi đóng kín cửa, tôi giận dữ hỏi con bé đã làm gì với số tiền tôi cho và con bé đã trả lời tôi thế này: “Trong lúc đi loanh quanh chọn quà cho mọi người, con đã đứng lại đọc mấy tấm thiệp nhỏ trên Cây điều ước của tổ chức Cứu Thế Quân2*. Trong số mấy tấm thiệp trên cây, có một tấm thiệp kể về một cô bé bốn tuổi. Vì nhà nghèo nên em ấy chưa từng được nhận một món quà Giáng sinh nào trước đây và món quà Giáng sinh mơ ước của em ấy là một con búp bê có kèm lược chải tóc. Con đã lấy tấm thiệp xuống rồi chạy đi mua một con búp bê nhỏ và lược chải tóc cho búp bê. Sau đó con mang món quà và tấm thiệp đến quầy của tổ chức Cứu Thế Quân để họ chuyển món quà này đến cho em ấy. Vì mua búp bê nên con chỉ còn đủ tiền để mua sô-cô-la cho mọi người”, Ginger thì thầm. “Nhưng con vẫn quyết định mua quà cho cô bé vì con thấy nhà chúng ta đã có đầy đủ mọi thứ, trong khi cô bé kia thì lại không có gì cả.” 2* Cứu Thế Quân (Salvation Army), hoặc Đạo quân Cứu thế, là một tổ chức xã hội với các hoạt động từ thiện được tổ chức giống mô hình quân đội. Mắt tôi nhòe đi. Tôi ôm con bé vào lòng và chưa bao giờ tôi cảm thấy mình giàu có như lúc đó. Bữa tiệc sinh nhật đáng nhớ “Trao đi tình yêu thương và sự tử tế không bao giờ là phí công cả. Tình yêu và sự tử tế luôn tạo nên sự khác biệt và mang lại phúc đức cho người nhận lẫn người trao.” T - Barbara de Angelis ôi sẽ không bao giờ quên lần mẹ bắt tôi phải đến dự tiệc sinh nhật của một người bạn cùng lớp. Lúc đó, tôi đang học lớp ba tại trường Wichita Falls, bang Texas. Một ngày nọ, tôi đi học về và mang về một tấm thiệp mời sinh nhật xinh xắn. “Con không thèm đi đâu”, tôi nói. “Đây là thiệp của cô bạn mới chuyển đến lớp con, bạn ấy tên Ruth. Berniece và Pat cũng nói hai bạn ấy sẽ không đi. Ruth đã mời hết ba mươi sáu bạn trong lớp con đấy.” Mẹ tôi xem xét tấm thiệp mời với vẻ mặt suy tư kỳ lạ. Rồi mẹ bỗng tuyên bố: “Con yêu, mẹ nghĩ con nên đến dự tiệc sinh nhật của Ruth. Ngày mai mẹ sẽ đi mua quà cho bạn ấy”. Tôi không thể tin nổi mẹ đang ép buộc tôi phải đến dự một bữa tiệc sinh nhật! Tôi nhất quyết không chịu đi; tôi nói với mẹ tôi sẽ chết nếu phải đến dự bữa tiệc đó. Thế nhưng dù tôi có mè nheo thế nào đi nữa, mẹ vẫn không thay đổi quyết định của mình. Vào ngày thứ Bảy - ngày diễn ra bữa tiệc sinh nhật của Ruth, mẹ kéo tôi ra khỏi giường và bảo tôi gói bộ gương và lược mini mà mẹ đã mua với giá 2,98 đô-la để làm quà cho Ruth. Sau đó, mẹ lái xe đưa tôi đến nhà Ruth. Cô bạn mới mở cửa ngay khi tôi vừa bấm chuông và vui vẻ dẫn tôi vào phòng khách. Đó là đoạn đường đi vào phòng khách dài nhất mà tôi từng đi. Thế nhưng, khi vào đến nơi, tôi thấy ngạc nhiên và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Vì gia đình Ruth mới chuyển đến đây nên một số món đồ nội thất cũ trong phòng vẫn còn được phủ khăn trắng. Tuy vậy, căn phòng được trang trí rất vui mắt với nhiều bóng bay và dây kim tuyến. Sàn nhà bằng gỗ bóng phản chiếu những tia nắng ban mai lấp lánh. Trên chiếc bàn lớn được đặt giữa phòng là chiếc bánh sinh nhật lớn nhất tôi từng nhìn thấy trong đời. Bên trên chiếc bánh có chín cây nến hồng, những nụ hồng bằng kem đỏ và dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Ruthey” bằng kem vàng được viết khá vụng về. Ngay bên cạnh chiếc bánh kem là ba mươi sáu ly kẹo mềm có ghi tên từng bạn trong lớp. Tôi thầm nghĩ: Nếu các bạn đến đông đủ thì bữa tiệc hôm nay có vẻ cũng vui đó chứ. “Mẹ cậu đâu rồi?”, tôi hỏi Ruth. Ruth hơi cúi đầu, trả lời: “Mẹ tớ không được khỏe”. “Ồ, vậy còn cha cậu?” “Cha tớ mất rồi.” Sau đó căn nhà chìm vào tĩnh lặng, thỉnh thoảng chỉ có vài tiếng ho dữ dội vọng ra từ một căn phòng đóng kín cửa. Mười lăm phút trôi qua, rồi lại thêm mười phút nữa. Thế rồi hai chúng tôi cùng nhận thức được một sự thật kinh hoàng: không có bạn nào trong lớp đến dự tiệc nữa. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến một chuyện: Làm sao thoát ra khỏi chỗ này đây? Trong lúc tôi mãi chìm đắm trong cảm giác giận dỗi mẹ vì mẹ đã ép tôi đến đây, tôi chợt nghe thấy những tiếng sụt sịt ngậm ngùi. Tôi ngẩng lên và nhìn thấy gương mặt đẫm nước mắt của Ruth. Ngay lúc đó, trái tim non nớt của tôi chợt bùng lên cảm giác đồng cảm sâu sắc với Ruth và cảm giác tức giận với ba mươi lăm người bạn ích kỷ còn lại trong lớp. Tôi hít một hơi thật sâu rồi vừa nhún nhảy vừa hét lên thật to: “Ai cần mấy bạn còn lại chứ? Hai đứa mình tự chơi với nhau cũng được mà!”. Ruth hơi giật mình và có vẻ hoảng hốt, nhưng rồi gương mặt bạn ấy dần trở nên rạng rỡ hơn và bạn ấy gật đầu đồng ý với tôi. Ngay sau đó, chỉ với hai người, tôi và Ruth đã bắt đầu bữa tiệc sinh nhật hoành tráng với một chiếc bánh kem ba tầng, ba mươi sáu ly kẹo mềm, rất nhiều kem, kẹo cao su và hàng chục món quà cho phần trò chơi. Đầu tiên, chúng tôi tìm cách thắp nến trên bánh kem. Hai đứa không tìm được que diêm nào và vì Ruthey (tôi cũng bắt đầu gọi cô bạn một cách trìu mến như vậy) không muốn làm phiền mẹ cậu ấy nghỉ ngơi, thế là chúng tôi chỉ giả vờ thắp nến. Tôi hát vang bài Chúc mừng sinh nhật trong khi Ruthey nhắm mắt thì thầm điều ước của mình rồi thổi tắt những ngọn nến tưởng tượng. Sau đó, chúng tôi đã cùng ăn bánh kem, chơi tất cả các trò chơi và cứ cười mãi không thôi. Không mấy chốc đã đến giờ mẹ tôi đến đón tôi về. Tôi vừa thu dọn đồ đạc của mình vừa rối rít cảm ơn Ruthey vì bữa tiệc sinh nhật hết sảy này. Sau đó tôi hào hứng chạy ra xe gặp mẹ. “Mẹ ơi, con đã chơi thắng tất cả các trò chơi luôn đó mẹ! Ừm, thật ra Ruthey đã chơi thắng trò Gắn đuôi lừa, nhưng bạn ấy nói vì hôm nay là sinh nhật bạn ấy, nếu bạn ấy cũng thắng cả trò chơi thì thật không công bằng, nên Ruthey đã nhường giải thưởng của trò chơi đó cho con. Sau cùng, bọn con đã chia đôi tất cả phần thưởng. Mẹ biết không, bạn ấy cực kỳ thích bộ gương và lược chúng ta tặng. Ruthey và mẹ bạn ấy đã chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo và trò chơi, thế mà chỉ có một mình con đến dự tiệc; tất cả ba mươi lăm bạn còn lại đều không đi. Ngày mai con sẽ nói với tất cả các bạn trong lớp họ đã bỏ lỡ một bữa tiệc tuyệt vời như thế nào.” Khi nghe tôi nói những lời này, mẹ bỗng dừng xe lại bên lề đường và choàng người qua ôm tôi thật chặt. “Mẹ rất tự hào về con”, mẹ nói, mắt ngân ngấn nước. Ngày hôm đó, tôi đã hiểu được rằng chỉ một người cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao như thế nào. Tôi đã tạo nên một khác biệt lớn lao trong bữa tiệc sinh nhật của Ruthey, và mẹ đã tạo ra một khác biệt lớn lao trong cuộc đời tôi. Vị cứu tinh “Chỉ một sự thay đổi nhỏ trong cách nhìn nhận cũng có thể thay đổi cả một cuộc đời. Chỉ một sự điều chỉnh nhỏ trong thái độ cũng có thể thay đổi cả thế giới của bạn.” V - Oprah Winfrey ào những năm loạn lạc cuối thập niên 40, ngay sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, có một gia đình người Hungary di cư đến New York đã tìm mọi cách liên lạc với họ hàng của mình ở cố hương. Vấn đề là việc liên lạc ở thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Thư từ thường bị thất lạc còn tin nhắn bằng điện báo thì thiếu chính xác. Để gửi một lá thư từ Mỹ sang châu Âu, người ta thường phải mất từ vài tuần đến vài tháng và thêm chừng ấy thời gian nữa để nhận được hồi đáp. Gần như không có cách trao đổi tin tức nào đáng tin cậy vào thời đó. Gia đình ở Mỹ không biết họ hàng của mình ở Hungary có sống sót qua chiến tranh không và hiện tại những người họ hàng đó đang sống ở đâu. Trong lúc đang hoang mang, may mắn thay họ đã nhận được một lá thư mà bác Lazlo - một trong những người họ hàng may mắn sống sót qua chiến tranh - gửi cho họ từ một thị trấn nhỏ gần Budapest, thủ đô của Hungary. Trong quá trình vận chuyển, lá thư đã bị lạc mất vài trang nên gia đình ở Mỹ không biết toàn bộ nội dung thư. Thế nhưng, từ những trang thư còn lại, họ biết gia đình bác Lazlo đang phải chịu cảnh đói khổ và ốm đau. Thức ăn và nhu yếu phẩm đang vô cùng khan hiếm ở Hungary. Người dân ở đó phải mua mọi thứ ở chợ đen với giá cắt cổ; tiền mặt bị mất giá trầm trọng và gần như không còn chút giá trị nào. Những người họ hàng ở Hungary của họ đang phải vật lộn để sống qua ngày. Gia đình ở New York cảm thấy đau đớn vô cùng khi biết được hoàn cảnh khốn khổ của họ hàng mình. Ngay sau khi nhận được thư, họ quyết định gửi một số nhu yếu phẩm sang giúp đỡ gia đình bác Lazlo. Vì không có thông tin đầy đủ về hoàn cảnh hiện tại của gia đình bác, họ đành cố đoán xem những con người khốn khổ ấy đang cần gì và muốn có gì. Thế nhưng vì chưa bao giờ trải qua chiến tranh, họ cứ loay hoay mãi mà vẫn chưa lên được danh sách những món thiết yếu. Họ chắc chắn rằng thịt hộp, rau củ và sô-cô-la là những món nhất định phải có. Những nhu yếu phẩm khác như giấy vệ sinh và băng cá nhân cũng vậy. Cuối cùng, họ quyết định gửi tất cả mọi thứ họ nghĩ ra và đã phải dùng đến vài thùng các-tông lớn để đóng gói toàn bộ số hàng hóa ấy; thùng nào cũng đầy tràn, nặng trịch. Những chỗ trống trong các thùng các-tông ấy được nhồi nhét mọi món đồ nho nhỏ họ có thể cho vào được: kẹo, khăn giấy, giấy viết thư và viết chì. Cuối cùng, những thùng các-tông này được niêm phong cẩn thận rồi được gói lại bằng giấy nâu và dây ràng để đảm bảo kiện hàng không bị phá hư trong quá trình vận chuyển. Sau khi được chuyển đến bưu điện, các thùng các-tông này đã vượt qua một quãng đường rất dài để đến Hungary. Gia đình ở New York cứ chờ, rồi lại chờ suốt hàng tháng liền. Họ không biết liệu kiện hàng mình gửi đi có bị thất lạc hay bị trộm mất không, hay liệu gia đình họ ở Hungary có gặp phải chuyện tồi tệ gì không. Sẽ thật trớ trêu nếu những con người khốn khổ ấy đã xoay xở để sống sót qua chiến tranh để rồi lại ra đi vào thời hậu chiến vì cảnh đói khổ. Cả nhà lo lắng, mất ăn mất ngủ nhiều ngày để ngóng trông, chờ đợi tin tức. Họ cũng lo rằng mình đã không gửi đúng những thứ gia đình bác Lazlo cần. Dù không nhận được hồi đáp và cũng không phải dạng khá giả gì, tháng nào gia đình ở New York cũng đều đặn gửi những kiện hàng sang Hungary cho họ hàng mình trong nỗi lo lắng, bất an. Cuối cùng, sau nhiều tháng chờ đợi, họ cũng nhận được một lá thư từ bác Lazlo. Lá thư đã trở nên nhàu nhĩ sau quá trình vận chuyển, nhưng ít nhất họ vẫn đọc được nội dung thư. “Cháu yêu quý”, lá thư mở đầu bằng lời chào quen thuộc của bác Lazlo, “chúng ta đã nhận được ba kiện hàng các cháu gửi. Chúng ta mang ơn các cháu mãi mãi vì những kiện hàng quý giá này. Các cháu không biết số hàng hóa này đến đúng lúc thế nào đâu. Thực phẩm đang cực kỳ khan hiếm và Anna thì cứ bệnh mãi, con bé bị sốt liên miên. Số thức ăn này đã cứu sống gia đình bác. Dù cảm thấy rất có lỗi nhưng bác đã bán một ít đồ các cháu gửi ngoài chợ đen để có tiền trả tiền nhà.” Phần tiếp theo của lá thứ nói về từng món đồ họ gửi sang cho nhà bác và những món này đã giúp ích cho gia đình bác ra sao. Thế rồi họ đọc được một câu chuyện bí ẩn. “Bác không tìm được lời nào đủ tha thiết để bày tỏ lòng biết ơn đối với các cháu vì số thuốc các cháu đã gửi cho gia đình bác. Ở đây gần như không có chút thuốc men nào, nếu có thì cũng là thuốc kém chất lượng và không có chút hiệu quả nào. Em họ Gesher của cháu đã đau ốm suốt mấy năm qua vậy mà thằng bé đã khỏi bệnh nhờ uống thuốc các cháu gửi! Trước đây thằng bé phải chống gậy mới đi lại được vì đầu gối thằng bé quá yếu. Thế mà nhờ uống mấy viên thuốc của các cháu mà thằng bé đã đi đứng bình thường trở lại. Chứng đau lưng của bác và chứng đau đầu của Lizabeta cũng khỏi hoàn toàn nhờ thứ thuốc này. Mỹ quốc và khoa học công nghệ ở đó thật tuyệt vời. Bác mong các cháu gửi thêm cho bác một ít thuốc nữa vì gia đình bác sắp dùng hết rồi. Cảm ơn các cháu lần nữa. Cả nhà bác yêu tất cả các cháu và nguyện cầu được gặp lại các cháu.” Cả gia đình ở New York hoang mang đọc đi đọc lại lá thư của bác Lazlo. Họ đã gửi thuốc gì nhỉ? Họ cố lục lọi trí nhớ nhưng đành phải xấu hổ thừa nhận rằng họ đã quên không gửi chút thuốc men nào sang cho bác! Vậy bác Lazlo đang nói về thuốc gì? Có khi nào họ đã vô tình nhét vào các thùng hàng một ít thuốc? Nhưng nếu họ đã làm vậy thì đó là thuốc gì? Cuối cùng, họ đành gửi sang chỗ bác những kiện hàng như bình thường cùng vài thứ thuốc cơ bản họ tìm được. Vài ngày sau, vì vẫn không tìm ra loại thuốc bác nói, họ đành gửi thêm một lá thư nhờ bác gửi tên loại thuốc bác đang cần. Cả nhà lại tiếp tục chờ đợi. Tuy nhiên, lúc này họ đã thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều vì các kiện hàng họ gửi sang Hungary đã giúp ích cho gia đình bác Lazlo. Thế nhưng, họ vẫn không tài nào biết được loại thuốc kỳ diệu bác nói đến là gì. Hai tháng sau, họ nhận được thư hồi âm từ bác: “Cháu yêu quý, chúng ta vô cùng biết ơn khi được nghe tin từ cháu lần nữa. Bác đã nhận thêm hai kiện hàng cháu gửi, rồi sau đó là lá thư của cháu. Cháu đã gửi đúng loại thuốc kỳ diệu đó. Gói thuốc không có hướng dẫn sử dụng nhưng gia đình bác có thể ước lượng được liều lượng phù hợp. Ở đây không có ai biết tiếng Anh trừ thằng nhóc Sandor từng học một chút tiếng Anh ở trường mấy năm trước. May mắn thay, thằng bé có thể dịch được tên của loại thuốc này. Loại thuốc ấy có tên ‘Vị cứu tinh’. Các cháu hãy gửi thêm thuốc sang đây nhé. Yêu các cháu, bác Lazlo.” Những gói kẹo mà gia đình ở Mỹ dùng để nhét đầy các thùng các-tông chính là một loại kẹo cho trẻ em nổi tiếng ở Mỹ có tên Life Savers - “Vị cứu tinh”. Lối dịch sát nghĩa đã biến một loại kẹo ngọt ở Mỹ trở thành một niềm hy vọng lớn lao cho những con người khốn khổ ở Hungary. Chuck “Giờ đây, đích đến của tôi không còn là một nơi chốn nào đó, mà là một cách nhìn mới.” T - Marcel Proust ôi rất ghét đi mua sắm, nhất là vào dịp Giáng sinh. Tôi luôn xem những chuyến đi mua sắm vào dịp lễ như một cuộc chạy đua qua các quầy hàng và tôi lúc nào cũng kiên quyết đứng chờ ở một quầy tính tiền duy nhất chứ không di chuyển qua lại giữa các quầy. Xui xẻo thay, hôm đó tôi đã chọn sai quầy tính tiền. Quầy tôi đang đứng có đến mười xe đẩy đang chờ và xe nào cũng chất đầy hàng hóa. Tôi càng lúc càng thấy thiếu kiên nhẫn khi những hàng người đang đợi tính tiền còn lại đang di chuyển lên từng chút một trong khi hàng của tôi cứ đứng yên mãi. Những người đứng cùng hàng với tôi bắt đầu phàn nàn: “Có chuyện gì vậy?” và “Sao chúng ta phải đứng chờ mãi thế?”. Sau khi hỏi thăm vài người, tôi đã biết được thủ phạm đằng sau vụ trễ nải này. Đó chính là Chuck - người thu ngân phụ trách quầy tính tiền tôi đang chờ. Chuck tính tiền lâu như thế là do anh ấy vừa tính tiền vừa nói chuyện với từng món hàng một. “Ồ, chào quý ngài Bánh ngọt, anh sắp mang đến một bữa tráng miệng tuyệt vời trong bữa tối đêm Giáng sinh đấy. Xin chào quý ngài Ngũ cốc, anh đang giúp các cô bé, cậu bé đáng yêu lớn lên khỏe mạnh đấy”, cứ như vậy cho đến món hàng cuối cùng. Sau khi cho tất cả hàng hóa vào túi, Chuck sẽ mỉm cười với vị khách hàng và nói: “Tôi chắc rằng gia đình bạn yêu thương bạn rất nhiều vì bạn chăm sóc họ chu đáo thế này mà. Chúc bạn và gia đình một Giáng sinh an lành!”. Khi nghe Chuck nói những lời này, tôi bỗng không còn thấy nóng giận nữa mà bắt đầu bình thản chờ đến lượt mình tính tiền. Sau một hồi chờ đợi, tôi cũng đến được quầy tính tiền. Chuck giúp tôi xếp mọi thứ gọn gàng vào túi và tôi đã boa anh ấy hai đô-la. Anh ấy nhìn tờ hai đô-la rồi lại ngẩng lên nhìn tôi. Rồi gương mặt anh ấy rạng rỡ hẳn lên; anh ấy nhún nhảy và vui vẻ nói: “Nhìn xem này mọi người! Khách hàng của tôi nghĩ tôi xứng đáng được boa đến hai đô-la đấy!”. Vào lần tiếp theo tôi đến cửa hàng, một nhân viên ở đó đã nhận ra tôi là người đã boa Chuck hôm nọ và nói với tôi: “Cảm ơn cô đã khen ngợi Chuck. Chúng tôi đều biết anh ấy làm việc rất tốt và xứng đáng được khen ngợi như thế nào, nhưng quan trọng là Chuck cũng cần phải biết điều đó”. Tôi trả lời: “Ồ không, chính tôi phải cảm ơn anh ấy mới đúng. Anh ấy đã nhắc tôi nhớ về tinh thần Giáng sinh đích thực và đã cho tôi một bài học quý giá”. Bài học về danh từ và trạng từ “Nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng.” V - Marcus Tullius Cicero ài năm trước, một trường công lập đã thuê một nữ giáo viên đến dạy các em học sinh của trường không may phải nằm viện. Công việc của cô giáo này là dạy kèm các em nhỏ ấy trong thời gian nằm viện để các em không bị tụt hậu quá nhiều so với các bạn cùng lớp và có thể theo kịp bài vở khi đi học lại. Một ngày nọ, như thường lệ cô nhận được cuộc gọi yêu cầu đến dạy kèm một bé trai nọ. Người gọi điện cho cô biết tên cậu bé, tên bệnh viện, phòng bệnh của cậu và nói thêm: “Lớp cậu bé đang học đến bài danh từ và trạng từ. Vì thế, mong cô giúp cậu bé học bài và làm các bài tập của phần này để cậu bé theo kịp các bạn trong lớp”. Cô vội vã đến bệnh viện nơi cậu bé nọ đang nằm. Đến tận khi đứng trước phòng bệnh của cậu bé, cô mới biết cậu bé đang nằm ở khoa Bỏng. Cô vô cùng lo lắng vì trước đó cô chưa từng tiếp xúc với một bệnh nhi bỏng nào. Trước khi vào phòng bệnh, cô phải mặc áo khử trùng y tế và nón trùm đầu để tránh nguy cơ cậu bé bị nhiễm trùng. Các bác sĩ dặn cô không được chạm vào người cậu bé hay giường cậu bé đang nằm. Cô có thể đứng gần cậu bé nhưng luôn phải đeo khẩu trang trong lúc giảng bài. Sau khi hoàn thành quy trình khử trùng và mặc đồ bảo hộ y tế như quy định, cô hít một hơi thật sâu và bước vào phòng. Cô nhìn thấy một cậu bé bị bỏng nặng toàn thân đang nằm thoi thóp một mình trên giường. Cô giáo cảm thấy lúng túng và không biết phải nói gì, nhưng cô không thể bỏ về khi đã đến tận đây. Cuối cùng, cô cũng ngập ngừng cất tiếng: “Chào em, cô là giáo viên đặc biệt được chỉ định đến dạy em bài học về danh từ và trạng từ hôm nay”. Cô cố gắng giảng bài thật cẩn thận, rõ ràng và chậm rãi để cậu bé dễ tiếp thu nhất. Thế nhưng cô vẫn không hoàn toàn hài lòng với bài giảng hôm đó của mình. Sáng hôm sau, khi cô quay lại bệnh viện để tiếp tục bài giảng, một y tá thuộc khoa bỏng đã hỏi cô: “Hôm qua cô đã nói gì với cậu bé thế?”. Cô giáo hơi bất an khi nghe những lời này. Thế nhưng, trước khi cô kịp nói xin lỗi, người y tá kia đã nói tiếp: “À, cô hiểu lầm rồi. Cô đừng lo lắng. Thật ra cậu bé kia vốn đang trong tình trạng khá nghiêm trọng và chúng tôi đang rất lo lắng cho em ấy. Thế mà kể từ lúc cô đến dạy kèm hôm qua, thái độ của cậu bé đã thay đổi hoàn toàn. Trước đó, cậu bé rất bị động, rất bi quan và tình trạng của cậu bé không có chút tiến triển nào, nhưng từ hôm qua cậu bé bắt đầu lấy lại tinh thần và việc điều trị cũng có hiệu quả rõ rệt hơn… cứ như thể cậu bé đã quyết tâm sẽ chiến đấu đến cùng vậy”. Về sau, khi đã hoàn toàn hồi phục, cậu bé đã nói rằng lúc mới bị bỏng, cậu đã hoàn toàn từ bỏ hy vọng và chỉ biết nằm chờ chết; thế rồi cậu gặp người giáo viên đặc biệt đó. Cậu bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ của mình nhờ vào sự thấu suốt cậu có được bằng một nhận thức giản đơn. Cậu bé rơi nước mắt, giải thích: “Em đã lấy lại hy vọng vì nghĩ rằng sẽ không ai chỉ định một giáo viên đặc biệt đến dạy em danh từ và trạng từ nếu họ nghĩ em sắp chết”. Bài học quan trọng “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được những điều lớn lao. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu lớn lao.” T - Mẹ Teresa ôi may mắn là một người sáng dạ nên việc học hành đối với tôi khá dễ dàng. Khi trở thành một người mẹ, tôi cũng cho rằng nếu tôi hướng dẫn cho các con mình thói quen đọc sách và học tập một cách khoa học từ nhỏ, các con cũng sẽ học tốt và đạt toàn điểm A như tôi ngày xưa. Amanda, cô con gái lớn của tôi, đã lớn lên đúng như tôi kỳ vọng. Con bé tiếp thu bài vở rất nhanh và luôn đạt thành tích tốt trong lớp. Ngược lại, dù được nuôi dạy bằng cùng một phương pháp như chị, nhưng cậu con trai út Eric của tôi lại gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện học hành. Tôi đã làm mọi việc có thể để giúp cậu con trai ngoan ngoãn của mình học tốt. Tối nào tôi cũng kiểm tra xem thằng bé đã làm đầy đủ bài tập về nhà chưa, tôi thường xuyên liên lạc với các giáo viên của thằng bé và cho Eric đi học thêm những môn thằng bé học kém. Thế nhưng dù tôi và Eric có nỗ lực thế nào, học kỳ nào thằng bé cũng đầm đìa nước mắt trao cho tôi tấm phiếu liên lạc chỉ toàn điểm C. Tôi có thể nhìn thấy thằng bé đang ngày một nản lòng với việc học và tôi bắt đầu sợ thằng bé sẽ không còn hứng thú học hành nữa. Tôi cũng bắt đầu hoài nghi bản thân. Mình đã sai chỗ nào trong cách giáo dục thằng bé?, tôi tự hỏi. Sao tôi lại không thể truyền cho thằng bé động lực học tốt? Tôi sợ rằng nếu không học tốt ở trường, sau này thằng bé sẽ không có được những kỹ năng và phẩm chất cần thiết để tự sống tốt đời mình và xây dựng gia đình riêng của mình. Rồi một ngày năm Eric mười sáu tuổi, tôi đã hiểu rõ được chuyện này. Hôm đó, chúng tôi đang ngồi trò chuyện trong phòng khách thì chuông điện thoại reo vang. Chúng tôi nhận được tin báo cha tôi đã qua đời ở tuổi bảy mươi chín vì một cơn đau tim. Eric gọi cha tôi là Papa. Ông chính là một trong những người mà thằng bé thân thiết nhất suốt năm năm đầu đời. Vì chồng tôi thường làm ca đêm và phải ngủ bù vào ban ngày, nên người dẫn thằng bé đi cắt tóc, mua kem và chơi bóng rổ cùng thằng bé chính là Papa. Papa chính là bạn thân nhất của thằng bé. Khoảng thời gian đầu cha tôi mới dọn về quê sống, Eric đã cảm thấy vô cùng lạc lõng. Nhưng rồi thằng bé cũng dần nguôi ngoai. Theo thời gian, thằng bé cũng hiểu được rằng ông ngoại mình cần đến những người bạn cũ và những kỷ niệm thân thuộc trong quá khứ. Thằng bé dần quen với những cuộc điện thoại và những chuyến viếng thăm ngắn của ông. Papa thì chưa bao giờ quên thằng bé cả. Khi chúng tôi đến nhà tang lễ, tôi đứng yên ở cửa ra vào, sững sờ nhìn cha tôi. Ông nằm lặng lẽ ở đó, gầy gò và già nua, thật khác với hình ảnh tôi thường nhớ về ông. Amanda và Eric đứng ngay bên cạnh tôi và Eric đã nắm lấy tay tôi khi chúng tôi cùng đi về phía cha. Chúng tôi ôm nhau khóc và chia sẻ nỗi đau với nhau. Sau khi kiềm chế được cảm xúc, chúng tôi đứng ở góc phòng chào hỏi những người đến viếng cha tôi. Những người đến viếng đều bày tỏ nỗi thương tiếc và chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm về ông. Một số người chỉ đơn giản là nắm tay chúng tôi an ủi rồi lặng lẽ rời đi. Sau một lúc, tôi bỗng nhận ra Eric không còn đứng bên cạnh mình. Tôi nhìn xung quanh để tìm thằng bé và thấy thằng bé đang đứng ngay cửa ra vào để giúp những cụ già đến viếng bước lên cầu thang hay bước qua bậc thềm. Thằng bé cẩn thận dìu những cụ già mà tôi không quen biết đi đến chỗ cha tôi để họ bày tỏ lòng thành kính lần cuối cùng với ông. Trong suốt quá trình này, Eric không ngừng thì thầm những lời an ủi, động viên chân thành dù bản thân thằng bé cũng đang vô cùng đau xót trước sự ra đi của ông. Nhờ sự có mặt của thằng bé mà không khí bi thương của buổi tang lễ cũng dịu đi phần nào. Cuối ngày hôm đó, người chủ trì tang lễ nói với tôi rằng họ đang thiếu một người khiêng quan tài. Khi nghe thấy thế, Eric ngay lập tức nói ngay: “Thưa ông, cháu có thể giúp được không?”. Người chủ trì khuyên thằng bé nên ở lại cạnh tôi và Amanda nhưng Eric lắc đầu. “Papa đã bế cháu ngày cháu còn nhỏ”, thằng bé nói, “giờ đến lượt cháu đỡ đần ông.” Khi nghe những lời này, tôi đã bật khóc nức nở. Giây phút đó, tôi có cảm giác mình sẽ không bao giờ ngừng khóc được. Sau hôm đó, tôi tự hứa sẽ không bao giờ la mắng Eric mỗi khi thằng bé bị điểm thấp nữa. Tôi nhận ra mình không nên kỳ vọng thằng bé phải trở thành kiểu người mà tôi mong muốn, bởi vì con người hoàn hảo tôi mong muốn ấy không hề giống với con người tốt đẹp của con trai tôi hiện tại. Tấm lòng tràn ngập sự thấu cảm, sự quan tâm và tình yêu thương của thằng bé chính là món quà Chúa trời ban tặng thằng bé và cho cả chính tôi. Không có sách vở nào có thể dạy thằng bé những thứ này. Không có bằng cấp nào đủ sức truyền tải, vinh danh những phẩm chất tốt đẹp của Eric cả. Thằng bé giờ đã hai mươi tuổi và vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh bằng tấm lòng tử tế, khiếu hài hước và lòng thấu cảm của mình. Mỗi lần ngắm nhìn thằng bé cười tươi rạng rỡ khi giúp đỡ người khác, tôi lại tự nhủ: “Khoa học và toán rất quan trọng, nhưng nếu một người sống tử tế bằng cả trái tim mình, anh ta cũng xứng đáng được điểm A mà không cần phải giỏi toán và khoa học”. Bão biển “Bão tố xuất hiện kéo theo mưa dông, nhưng cũng mang đến cầu vồng.” V - Matshona Dhliwayo ào một ngày thứ Sáu âm u, tại nhà ga nhỏ ở một thị trấn ven biển, có một người đàn ông tóc đã sắp bạc trắng đang đứng bồn chồn bên một chiếc xe bán tải cũ. Ông đang đợi cô cháu gái nhỏ của mình với tâm trạng vô cùng bối rối. Một tuần trước, cô con gái đang sống ở thành phố bỗng gọi về nhờ ông trông giúp cô con gái mới năm tuổi của cô trong vòng một tháng vì cô phải đi công tác nước ngoài đột xuất. Ông cụ đã sống một mình từ lâu lắm rồi và ông cũng đã quen với cuộc sống đơn độc một mình. Thế nên, khi nghĩ đến chuyện có một cô bé năm tuổi đến sống cùng mình, ông cảm thấy cuộc sống riêng tư của mình sẽ bị khuấy động. Từ lúc con gái ông gọi điện về đến nay, ông cứ lo nghĩ mãi về chuyện này. Ông chỉ mới gặp May - cháu gái của ông - vài lần khi con bé còn rất nhỏ và cũng vài năm rồi ông chưa gặp lại con bé. Nếu May là một đứa trẻ nghịch ngợm thì sao? Nếu con bé cứ khóc nhè mãi, không chịu ăn, không chịu ngủ thì ông phải làm thế nào? Càng nghĩ ngợi, ông lại càng thấy lo lắng. Ông nghĩ lẽ ra mình nên từ chối lời nhờ vả của cô con gái; không phải vì ông không muốn giúp cô, mà vì có thể ông sẽ không thể chăm sóc tốt cho đứa nhỏ. Vài phút sau, tàu về đến ga. May có vẻ hơi sợ sệt khi gặp ông, thế nhưng cô bé vẫn kiên cường không khóc. Khi hai ông cháu đang trên đường về nhà, ông nhiều lần liếc nhìn kính chiếu hậu để quan sát cô bé nhỏ nhắn, gầy gò ngồi ở băng ghế sau. Cô bé ôm siết lấy chiếc ba lô nhỏ trong lòng, ngồi yên trên ghế, có lẽ vì vẫn còn sợ. “Đứa nhỏ tội nghiệp, vì sống ở thành phố từ nhỏ nên mới yếu ớt như vậy đây mà!”, ông khẽ thở dài. Trông cô bé cứ như sẽ dễ dàng bị gió biển cuốn đi mất vậy. Vì đã quá già nên ông không lên thuyền ra khơi được nữa. Đôi mắt ông không còn tinh anh và ông cũng không còn đủ dẻo dai để chống chọi với gió bão khi lênh đênh trên biển. Thế nhưng, ông vẫn giữ thói quen đi ra biển hằng ngày; khi thì để câu cá, khi thì để ngồi một mình trên ghềnh đá ngắm sóng biển dạt dào và lắng nghe âm thanh lúc dữ dội, lúc dịu êm của biển cả. Ông yêu mọi thứ thuộc về biển, trừ những cơn bão. Những cơn bão thường đến rất bất ngờ, phá hư thuyền bè và cuốn phăng mọi thứ xuống đáy biển, kể cả người vợ yêu dấu của ông. Ông bất giác thấy buồn cười. Cô bé May nhỏ bé ngồi sau xe ông hiện tại cũng giống như một “cơn bão” - đột ngột xuất hiện trong cuộc sống của ông và sẽ làm rối tung cuộc sống của ông. Giờ đây, “cơn bão” ấy đang ngồi ngoan ngoãn như một chú mèo con. Ít ra con bé không phải một đứa nhỏ lắm lời!, ông thầm nghĩ. Sau khi về đến nhà và sắp xếp đồ đạc cho May đâu vào đó, ông tần ngần đứng nhìn cô bé đang ngồi khép nép trên chiếc sofa cũ rồi hắng giọng nói: “Ta đi ra biển đây. Con có thích thì đi cùng ta.” Cô bé ngước mắt lên nhìn ông nhưng vẫn lặng im không trả lời. Rõ ràng là cô bé rất sợ ông, nhưng việc phải ở nhà một mình còn khiến cô bé sợ hơn nữa. Ông chợt thấy mềm lòng khi nhìn vào đôi mắt to tròn, long lanh đang ngập tràn vẻ sợ sệt và tủi thân của cô bé. Ông nghĩ ngợi một lát rồi dịu giọng nói với May: “Ta có làm hai chiếc bánh mì kẹp mang theo. Ta đoán con sẽ thích nghịch cát như mẹ con ngày xưa.” May rụt rè đứng lên và đi theo ông ra bãi biển. Cô bé khác hẳn với những đứa trẻ hàng xóm nghịch ngợm, hiếu động mà ông biết. Thay vì la hét và đùa nghịch, cô bé chỉ trầm ngâm đứng nhìn những cơn sóng xô bờ rồi nhẹ nhàng nhón từng bước đi trên cát. Ông yên lặng ngồi trên bờ cát cách đó không xa, dõi theo cô bé nhỏ nhắn đang mải mê nhặt những viên sỏi đã được sóng biển mài nhẵn và những chiếc vỏ sò màu sắc sặc sỡ mà biển đã đưa vào bờ. Trông con bé chơi vui quá!, ông lão bất giác mỉm cười. Khi May quay về bên cạnh ông, cô bé đã nhặt được một nắm lớn những hòn sỏi và vỏ sò lấp lánh. Lần đầu tiên ông thấy cô bé mỉm cười. May vẫn lặng lẽ chơi mà không nói một lời. Cô bé ngồi bệt xuống bãi cát rồi cẩn thận đắp một ụ cát lớn. Đến khi ụ cát cao ngang ngực, cô bé bắt đầu tỉ mỉ dát những mảnh vỏ sò lấp lánh đủ màu, những viên sỏi nhỏ lên ụ cát và cắm vài cành cây khô xung quanh để trang trí. “Chà, một lâu đài cát”, ông khẽ trầm trồ. Ông đã sống gần cả đời với biển nhưng lại chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tự tay xây một lâu đài cát cả; vì ông biết rõ rằng không bao lâu, những con sóng sẽ ập đến và cuốn trôi lâu đài của mình... Khi mặt trời sắp lặn, May cũng hoàn thành tòa lâu đài tuyệt đẹp của mình; cô bé thậm chí còn làm một con đường nhỏ rải sỏi dẫn thẳng đến chỗ ông đang ngồi. Cô bé vui sướng và tự hào ngắm nhìn tác phẩm của mình. “Ông ơi, ngày mai...”, May ngập ngừng bắt chuyện với ông. “Ngày mai con sẽ mang búp bê đến đây chơi cùng.” Có con bé ở cùng kể ra cũng vui đấy chứ!, ông thầm nghĩ khi ngắm nhìn May mang giày vào chuẩn bị ra về. Trên đường về nhà, ông ngạc nhiên nhận ra mình đang ngân nga giai điệu của một bài hát vui tươi mà ông tưởng mình đã quên từ lâu lắm rồi. Tối hôm đó, một cơn bão bất ngờ quét qua thị trấn của hai ông cháu. Suốt đêm, sóng biển gào thét dữ dội, gió giật từng hồi, mưa tuôn xối xả; những hàng dừa quanh nhà bị những cơn gió mạnh quăng quật rũ rượi đến sắp bật cả gốc; hàng phi lao thẳng tắp, cao vút bên bờ biển bị gió táp ngả rạp về một phía, không sao đứng thẳng dậy được. Những tia chớp thỉnh thoảng lại lóe lên, rạch ngang bầu trời vần vũ. Dù sợ hãi đến nỗi không sao ngủ được, bé May vẫn cứng cỏi không khóc. Thái độ cứng rắn của cô bé khiến ông vô cùng ngạc nhiên và cũng rất hài lòng. Sáng hôm sau, khi hai ông cháu quay ra biển, bão đã tan và biển đã hiền hòa trở lại. Bãi cát phẳng mịn như chưa từng có trận cuồng phong đáng sợ nào quét qua. Thế nhưng, lâu đài cát “nguy nga” của bé May đã bị mưa bão cuốn trôi không còn vết tích. Khi nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của May, ông nhỏ giọng an ủi: “Con hãy thử nhìn xung quanh xem, sáng nay bãi cát có rất nhiều vỏ sò và đá lấp lánh đủ màu. Chúng ta cùng đi nhặt những món đồ trang trí này và xây một lâu đài khác nhé!” Cô bé hít một hơi thật sâu, môi hơi mím lại cố ngăn cơn nức nở rồi gật đầu thật dứt khoát với ông. “Ông ơi, ông nhìn kìa”, May chợt reo lên. “Hôm nay những vỏ sò còn đẹp hơn cả ngày hôm qua nữa!” “Chúng ta sẽ dùng chiếc vỏ ốc này để trang trí đỉnh cao nhất của lâu đài nhé”, ông hào hứng phụ họa với cô bé. “Con sẽ dùng đám rong biển còn tươi này để trang trí hai bên con đường dẫn vào lâu đài!”, May phấn khởi chạy quanh, thích thú ngắm nhìn những món quà tuyệt đẹp biển cả đã dành tặng cho hai ông cháu. “Còn đây nữa, con lại đây xem. Con có thể nghe thấy tiếng sóng biển rì rầm khi áp tai vào chiếc vỏ ốc này đấy!”, ông giơ cho cô bé xem một chiếc vỏ ốc to có những đường vân đẹp lạ lùng. “Ông ngoại ơi!”, May lảnh lót gọi và tim ông chợt rộn lên niềm vui khi lần đầu tiên ông nghe thấy May gọi mình như thế. “Con thấy hôm qua bãi biển không có những thứ xinh đẹp này nên có phải cơn bão đêm qua đã mang những thứ này đến đây không ông?” Cô bé vừa len bàn tay nhỏ bé của mình vào tay ông rồi nhẹ nhàng nắm lấy tay ông vừa hướng đôi mắt to tròn ngây thơ lên nhìn ông. Ông lão mỉm cười hiền hòa, nhẹ nhàng siết lấy tay cô bé: “Đúng là vậy đấy. Cơn bão đêm qua đã rửa sạch bờ cát, cuốn trôi mọi rong rêu cũ mốc và mang tất cả những thứ đẹp đẽ này đến trang hoàng bãi biển cho chúng ta.” Lần đầu tiên trong đời, ông nhìn thấy được mặt tốt của những cơn bão. Và ông cảm thấy biết ơn cuộc đời vì đã đưa May đến làm bạn với ông. Câu chuyện lúc hai giờ sáng “Khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy những khoảnh khắc bạn sống trọn vẹn nhất là những lúc bạn hết lòng làm điều gì đó vì tình yêu thương.” C - Henry Drummond ách đây vài năm, tôi quyết định bỏ công việc mình đang làm, dành một phần tiền tiết kiệm mua một chiếc xe tải nhỏ và chuyển sang kiếm sống bằng nghề chở hàng. Từ đó đến nay, tôi được sống một cuộc đời hoàn toàn tự do. Tôi tự quyết định công việc của mình, tôi hoàn toàn nắm quyền chủ động trong mọi việc. Sau một thời gian, tôi nhận ra công việc mới không những giúp tôi kiếm sống, khiến tôi được tự do, thoải mái mà còn cho tôi cơ hội để sẻ chia và mang đến nhiều niềm vui cho người khác. Trên những chuyến xe dài đằng đẵng, rất nhiều hành khách đã mở lòng trò chuyện với tôi. Họ kể tôi nghe về cuộc đời họ, ước mơ của họ, những nỗi niềm tiếc nuối của họ; dù nhiều lúc họ còn không giới thiệu tên tuổi với tôi. Những câu chuyện của các hành khách đã giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống muôn màu muôn vẻ này. Có những câu chuyện thật xúc động, có những câu chuyện lại hài hước và cũng có những câu chuyện đã dạy cho tôi những bài học quý giá. Trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, có một lần gặp gỡ khiến tôi nhớ mãi không quên. Đó chính là lần tôi chở hàng cho một bà cụ vào một đêm tháng Tám ấm áp. Lần đó, tôi nhận được một yêu cầu chở hàng với thời gian khởi hành lúc hai giờ sáng. Khuya hôm đó, tôi tìm đến địa chỉ được thông báo. Nơi đó là một ngôi nhà cũ kỹ chìm trong bóng tối, chỉ có chút ánh đèn le lói hắt ra từ cửa sổ tầng trệt. Thông thường, các bác tài sẽ bóp còi một vài lần rồi ngồi đợi bên ngoài vài phút. Qua thời gian đó, nếu không thấy người đón xuất hiện, các bác tài sẽ lái xe đi, coi như mình bị một kẻ vô công rồi nghề nào đó chọc phá. Thế nhưng hôm đó dù đã chờ hơn mười lăm phút, tôi vẫn cứ bình thản đợi bên ngoài mà không lái xe đi vì sợ rằng người khách kia thật sự cần giúp đỡ. Một lúc sau, tôi xuống xe và bước đến gõ cửa. “Làm ơn đợi tôi một phút!”, giọng nói run run, yếu ớt của một phụ nữ lớn tuổi vọng ra. Tôi nghe tiếng một vật nặng rơi xuống sàn nhà. Ngay sau đó, cánh cửa bật mở; đằng sau đó là một cụ bà dáng người thấp bé, tay xách một chiếc vali nhỏ. Khi nhìn vào nhà bà cụ, tôi có cảm tưởng ngôi nhà này đã nhiều năm không có người sinh sống. Tất cả đồ đạc trong phòng khách đều được phủ khăn trắng. Trên các bức tường không hề có đồng hồ treo tường hay tranh ảnh trang trí. Dưới chân bà cụ là một chiếc thùng giấy nhỏ chứa một ít đồ vật linh tinh và vài khung hình cũ. Chiếc vali nhỏ và chiếc thùng giấy kia là toàn bộ hành lý của bà cụ. “Phiền cậu mang mấy thứ này ra xe giúp tôi”, bà cụ nhã nhặn nói. “Ồ, bà cứ để đó cho cháu.” Tôi nhanh chóng khuân chiếc vali và chiếc thùng giấy lên xe trong lúc bà cụ lưu luyến ngắm nhìn ngôi nhà lần cuối rồi chậm chạp khóa cửa lại. Sau khi lên xe, bà đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ có một bản đồ chỉ đường được vẽ tay và nói: “Phiền cậu đưa tôi đến địa chỉ này”. Sau khi xem tờ giấy chỉ đường, tôi nói với bà cụ: “Nếu đi theo đường này thì xa lắm bà ạ, cháu có biết một đường khác nhanh hơn”. Thế nhưng bà lại nói: “Không sao, tôi cũng không cần đến đó gấp. Tôi cũng muốn nhìn lại một vài nơi chốn cũ trên đường đi”. Bà cụ ngập ngừng một lát rồi nói thêm: “Tôi không còn gia đình để về nữa. Các bác sĩ nói tôi không còn sống được bao lâu”. Tôi lặng người khi nghe những lời này. Trong suốt chuyến đi khuya hôm ấy, tôi luôn cố gắng chạy xe thật chậm. Suốt ba tiếng đồng hồ, tôi lặng lẽ chở bà cụ đi loanh quanh khắp thành phố theo sơ đồ được vẽ sẵn trong giấy. Chúng tôi đi ngang ngôi trường cũ bà cụ từng dạy khi còn trẻ. Chúng tôi cũng đi ngang qua ngôi nhà bà từng sống khi mới kết hôn. Trên một con phố ở khu trung tâm, bà chỉ một phòng trưng bày đồ trang trí nội thất và nói với tôi với vẻ hoài niệm: “Trước đây chỗ này từng là một câu lạc bộ khiêu vũ”. Có vài lần, bà nhờ tôi lái xe chậm hơn chút nữa khi chúng tôi đi qua một tòa nhà hay một công viên nào đó. Sau khi xe đã đi qua những chỗ như thế, lần nào bà cũng thẫn thờ nhìn khoảng không tối đen trước mặt, lặng yên không nói một lời; như thể bà đang nhấm nháp từng kỷ niệm cũ, cả vui vẻ lẫn buồn đau. Chúng tôi cứ đi như vậy cho đến khi trời bắt đầu hửng nắng, rồi bà bình thản nói với tôi: “Trời sáng rồi, có lẽ tôi phải đi đến địa chỉ đó thôi!”. Tôi tiếp tục lặng lẽ lái xe đến địa chỉ ghi trong mảnh giấy. Đó là một khu nhà cũ kỹ nằm sâu trong một con đường nhỏ, trông giống như một nhà an dưỡng. Phía trước khu nhà là một chiếc cổng vòm lớn. Trước khi xuống xe, bà nhẹ nhàng nói với tôi: “Nơi này là viện dưỡng lão. Tôi sẽ chuyển đến đây sống từ hôm nay. Khi biết bệnh tình của tôi, các con tôi cho rằng tốt hơn hết tôi nên chuyển đến đây sống để được các y tá chăm sóc. Ngôi nhà cũ của tôi sẽ được bán đi và chia đều cho chúng. Lẽ ra sáng mai tôi mới đi, nhưng rồi tôi quyết định đến đây sớm hơn dự tính một chút”. Quyết định đến viện dưỡng lão sớm hơn dự tính ư?, tôi nghĩ thầm, cảm thấy hơi khó hiểu. Nhìn vẻ mặt bối rối của tôi, bà mỉm cười buồn bã: “À, các con tôi dự tính tổ chức một bữa tiệc nhỏ để tiễn tôi đi vào chiều nay. Nhưng tôi nghĩ mình nên rời đi trước khi bữa tiệc đó diễn ra thì hơn. Những người già như chúng tôi rất sợ những buổi tiễn đưa. Vả lại, việc vào viện dưỡng lão thì có gì phải tiễn chứ? Cảm ơn cậu đã giúp tôi có một chuyến đi thật tuyệt vời. Hôm nay có lẽ cũng là ngày cuối cùng tôi được thăm lại những nơi chốn cũ mà tôi yêu thương, là ngày cuối cùng tôi được tự do đi lại”. Bà cố mỉm cười nhưng khóe miệng cứ run run và đôi mắt già nua hơi rưng rưng. Sau đó, bà hít một hơi thật sâu rồi loay hoay mở ví tiền: “À, tôi phải trả cậu bao nhiêu nhỉ?”. “Ồ không, bà không cần phải trả tiền cho cháu đâu!”, tôi vừa nói vừa đỡ bà xuống xe. “Nhưng cậu còn phải kiếm sống nữa chứ. Chiếc xe này là phương tiện làm ăn của cậu mà”, bà ngạc nhiên. “Cháu đã nhận được thứ còn quý giá hơn cả tiền bạc khi đi cùng bà trong chuyến đi này rồi ạ!”, tôi mỉm cười nói với bà. Thế rồi, tôi không kìm được cảm xúc của mình mà cúi xuống ôm chầm lấy bà. Bà cụ cũng xúc động vỗ nhẹ lưng tôi, run rẩy nói: “Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu nhiều lắm!”. Ngay lúc đó, một vài nhân viên trong viện dưỡng lão bước ra đón bà vào trong. Tôi đứng yên nhìn theo bóng bà khuất dần sau chiếc cổng vòm to bệ vệ. Mãi một lúc sau, khi cơn xúc động qua đi, tôi mới quay lên xe và lái đi. Ngoài kia, mặt trời đã lên cao, một ngày mới nữa lại đến. Ô cửa sổ tò vò “Trong mỗi khó khăn đều đã có sẵn giải pháp, và chúng ta sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ của mình để tìm ra giải pháp ấy.” M - Niels Bohr ột buổi chiều nọ, sau một trận đấu bóng đá thuộc giải đấu giữa các trường trung học trong thị trấn, Johnny - một cầu thủ trong đội bóng của trường Trung học số 1 - đi về nhà với vẻ thất vọng não nề. Dù được nhận vào đội bóng nhờ khả năng chạy nhanh vượt trội, suốt mấy tháng nay cậu chỉ toàn ngồi ghế dự bị mà không được tham gia thi đấu một trận nào. Huấn luyện viên nói cậu cần phải luyện tập thêm các kỹ thuật đá bóng vì chỉ chạy nhanh thôi thì vẫn chưa đủ để trở thành một cầu thủ bóng đá giỏi. Thế nhưng, dù đã cố gắng luyện tập thật chăm chỉ, cậu vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý bóng và chính vì thế mà vẫn chưa lần nào được huấn luyện viên tin tưởng cho ra thi đấu. Johnny cảm thấy vô cùng thất vọng về bản thân. Cậu từng hứa với cha sẽ mời ông đến xem mình thi đấu trận chung kết của giải đấu này, nhưng cậu chợt nhận ra cậu khó mà giữ được lời hứa này. Cậu hoàn toàn không muốn làm cha thất vọng vì ông chính là người cậu yêu thương và ngưỡng mộ nhất trên đời. Johnny nhớ lại ánh mắt thất vọng của huấn luyện viên sau những buổi đánh giá kỹ năng hằng tuần và mơ hồ nhận ra ẩn ý của thầy đằng sau những câu nói an ủi đầy vẻ thông cảm mà thầy thường nói với cậu: Có lẽ cậu thật sự không có năng khiếu chơi bóng đá. Nước mắt cậu chực trào ra khi lần đầu tiên cậu nhìn thẳng vào hiện thực đáng buồn này và cậu bắt đầu lao đầu chạy thật nhanh để nước mắt không rơi. Khi hai chân bắt đầu rã rời và bụng bắt đầu đau nhói, cậu dừng lại thở và nhận ra mình đang đứng ngay gần nhà kho của ông Scott, một ông lão đáng mến thường mời cậu ăn kem vào những buổi chiều nóng bức mỗi khi cậu đi học về ngang nhà ông. Cậu thấy ông Scott đang chuyển rơm từ một chiếc xe tải lớn vào nhà kho nên cậu vội chạy đến giúp ông. Sau khi chuyển hết rơm vào nhà kho, hai ông cháu cùng ngồi nghỉ trên một đụn rơm, Johnny uống một lon nước trái cây còn ông Scott thì uống một lon bia lạnh. Sau một lúc, ông Scott bỗng quay sang hỏi cậu: “Cháu đang gặp chuyện buồn à?” “Dạ, đúng vậy ông ạ”, dường như chỉ đợi câu mở lời đó, Johnny trả lời ngay không hề đắn đo. Cậu buồn bã thừa nhận: “Cháu chơi bóng rất tệ! Cháu muốn trở thành một cầu thủ bóng đá giỏi để cha mẹ có thể tự hào về cháu. Thế nhưng, dù có luyện tập chăm chỉ thế nào đi nữa, cháu vẫn không hề tiến bộ. Ông biết không, cháu đã hứa với cha sẽ mời cha đến xem cháu chơi trận chung kết, thế nhưng hiện tại cháu còn không được rời ghế dự bị nữa!” Ông Scott gật đầu với vẻ thấu hiểu và vỗ nhẹ vai cậu an ủi. Ngay lúc đó, một tiếng động lớn bỗng vang lên ở cuối nhà kho khiến cậu giật nảy mình. Khi đứng lên nhìn về phía phát ra âm thanh, Johnny nhìn thấy ở cuối nhà kho có lắp