"Điệp Viên Yêu Chúng Ta: Chiến Tranh Việt Nam Và Trò Chơi Nguy Hiểm Của Phạm Xuân Ẩn - Thomas A. Bass full prc pdf epub azw3 [Gián điệp] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Điệp Viên Yêu Chúng Ta: Chiến Tranh Việt Nam Và Trò Chơi Nguy Hiểm Của Phạm Xuân Ẩn - Thomas A. Bass full prc pdf epub azw3 [Gián điệp] Ebooks Nhóm Zalo THOMAS A. BASS ĐIỆP VIÊN YÊU CHÚNG TA. CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TRÒ CHƠI NGUY HIỂM CỦA PHẠM XUÂN ẨN ĐỖ TUẤN KIỆT dịch BÙI XUÂN BÁCH bổ sung và hiệu đính “Đây là câu chuyện xuất sắc về một con người và thời đại của ông. Nó càng củng cố thêm cho cảm giác của tôi khi gặp ông trong giai đoạn cuối đời của ông rằng Phạm Xuân Ẩn là một trong những người ấn tượng nhất mà tôi từng gặp. Ông là con người của trí tuệ, lòng can đảm và tình yêu đất nước nồng nàn. Ông cũng là - mặc dù có vẻ thật trớ trêu khi nói ra điều này trong hoàn cảnh hiện nay - một con người của sự chính trực phi thường. Ông yêu chúng ta ở khía cạnh tốt đẹp nhất trong khi lại đối đầu với chúng ta ở khía cạnh tồi tệ nhất.” - Daniel Ellsberg, tác giả của Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers (Những bí mật: hồi ức về Việt Nam và tài liệu mật của Lầu Năm Góc) “Thomas Bass kể một câu chuyện tuyệt vời về mưu mô[1], nghề gián điệp và tình bạn. Cuốn sách của ông được viết như thể nó đến từ những bến bờ xa xôi nhất của sự hư cấu, và hẳn tôi sẽ không bao giờ tin nổi lấy một từ nào nếu như chính tôi không gặp rất nhiều nhân vật trong đó và không biết câu chuyện để tin rằng nó có thực và không biết câu chuyện đó có thực hay không.” - H. D. S. Greenway, biên tập viên, The Boston Globe, và là phóng viên chiến tranh Việt Nam cho tạp chí Time và báo Washington Post “Mỗi cựu binh, mỗi học giả, mỗi sinh viên, bất kỳ ai từng sống qua cuộc chiến tranh Việt Nam đều được khuyên đọc cuốn sách này và suy ngẫm về thông điệp của nó. Trong cuốn tiểu sử rất sâu sắc và kích thích này về một trong những điệp viên thành công nhất trong lịch sử, Thomas Bass thách thức một vài giả định cơ bản nhất của chúng ta về những gì đã thực sự xảy ra ở Việt Nam và về ý nghĩa của nó đối với chúng ta trong hiện tại.” - John Laurence, phóng viên chiến tranh Việt Nam cho CBS News và là tác giả cuốn The Cat from Huế: A Vietnam War Story (Con mèo Huế: một câu chuyện chiến tranh Việt Nam). * Gã cảm thấy mình đang vĩnh viễn quay lưng lại với sự thanh thản. Mắt mở to, ý thức rõ hậu quả, gã đi vào lãnh địa của sự dối trá không mang theo tấm hộ chiếu cho ngày quay trở lại. GRAHAM GREENE Cốt lõi của vấn đề (The Heart of Matter) Mục lục Lời nói đầu Đôi lời cảnh báo về điệp viên Z.21 Cuộc thử lửa đầu tiên Công việc của bầy chó săn Ghép não Những chuyến đi ở nước Mỹ Trò lợi dụng lòng tin Những nguồn tin đáng tin cậy Tết Một đất nước do Salvador Dali tạo ra Một thế giới tươi sáng hơn Ghi nhận Chú thích Chú thích Lời nói đầu “Nước Mỹ chỉ giỏi tiến hành những cuộc thập tự chinh,” tướng David Petraeus viết trong luận án tiến sĩ của mình về đề tài “Quân đội Mỹ và những bài học từ chiến tranh Việt Nam”. Được đưa ra bảo vệ tại Đại học Princeton năm 1987, luận án của Petraeus công kích những gì đã trở thành quan niệm được giới nhà binh chấp nhận một cách rộng rãi về những bài học từ Việt Nam. Ông coi đây là một “lối suy nghĩ kiểu được ăn cả ngã về không”, mà chung quy là xuất phát từ học thuyết cho rằng nước Mỹ chỉ nên tiến hành những cuộc chiến tranh thông thường với sự ủng hộ áp đảo của một công chúng mang tinh thần thập tự chinh. Petraeus bác bỏ quan điểm “làm ăn như lối suy nghĩ bình thường” này. Thay vào đó, ông lập luận rằng nước Mỹ có nhiều khả năng là thấy mình sa vào những cuộc chiến tranh phi chính quy khác, đôi khi phải chống trả hai, ba, hay nhiều trận chiến kiểu Việt Nam. Sau này Petraeus tiếp tục biên soạn cẩm nang tác chiến cho lục quân về chống nổi dậy được ban hành ấn hành năm 2006. Năm sau, được trao cơ hội tiến hành công tác thực địa về chuyên ngành học thuật của mình, ông được bổ nhiệm vào vị trí tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq. Chiến tranh không chỉ là những cuộc thập tự chinh; chúng còn là những cuộc dan díu của con tim. Chiến tranh được phát động vì tình yêu, điều này thì chúng ta đã biết từ thời nàng Helen của thành Troy[2] khiến cho cả nghìn chiến thuyền chở đầy những chàng trai mê mẩn sẵn sàng chết vì nàng xung trận. Nhà văn hài hước người Mỹ P. J. O’Rourke đã nhận ra chân lý này trong một bài tiểu luận ông viết về Việt Nam năm 1992. “Ở Huế, cứ chiều đến, những nữ sinh trung học trở về nhà sau khi tan học, từng đoàn nữ sinh đạp xe trên con phố, tất cả đều tha thướt trong những tà áo dài trắng tinh, một kiểu trang phục gồm áo dài may ôm sát người mặc trùm lên quần rộng. Không phải vô cớ mà những nhà thờ Công giáo còn lại gióng lên hồi chuông cầu kinh Đức Bà vào thời điểm này trong ngày. Tôi không hiểu ở một nơi mà cái đẹp đã trở nên quá đỗi bình dị như thế có thể thay đổi được bản chất của một xã hội hay không.” Sau khi trầm trồ trước “tỷ lệ khổng lồ những mỹ nhân ngư và giai nhân tuyệt sắc” ở cái đất nước Địa đàng này, O’Rourke viết: “Giờ thì tôi hiểu tại sao chúng ta lại can dự vào Việt Nam. Chúng ta đã phải lòng… [Chúng ta] đã ngây ngất bởi nơi này. Tất cả mọi người, từ những cố vấn đầu tiên mà Ike3 gửi tới đây năm 1955 cho đến Henry Kissinger ở bàn đàm phán hòa bình Paris, thảy đều mê mệt đến phát cuồng vì Việt Nam. Nó làm tan vỡ trái tim họ. Họ cứ tiếp tục đến thăm và gửi hoa mãi không thôi. Họ không thể tin nổi rằng đây là lần chia tay cuối cùng.” Trước khi bắt đầu câu chuyện của mình về Việt Nam và nước Mỹ (với đôi nét điểm qua về nước Pháp và những khu vực khác trên thế giới), tôi xin phép được nói rằng cuốn sách này nói về chiến tranh và tình yêu, về những bài học Việt Nam, tác chiến chống nổi dậy và những cuộc xung đột khác bị gọi là phi chính quy. Nó cũng nói về những điệp viên và phóng viên cùng sự lẫn lộn giữa hai nghề này. Một số người sẽ cho rằng các phóng viên góp phần làm cuộc chiến (của chúng ta) tại Việt Nam thất bại. Trong trường hợp này, tôi xin khẳng định rằng có một phóng viên đã góp phần mang đến chiến thắng trong cuộc chiến - cho phía người Việt. Cuốn sách phiền muộn này nói về thông tin và hỏa mù cùng sự mơ hồ không thể tránh khỏi trong việc xác định ranh giới nơi hai yếu tố này hòa nhập vào nhau. Cuốn sách không đưa ra thêm chân lý nào có thể được đúc rút thành những bài học mới về chiến tranh Việt Nam. Nó nói về cuộc sống đơn giản của một con người phức tạp. Sự thật nằm trong các chi tiết. Chúng ta hãy bắt đầu. Đôi lời cảnh báo về điệp viên Z.21 “Đây, Phạm Xuân Ẩn đây,” người phóng viên cuối cùng của tờ Time (Thời đại) tại Việt Nam đánh điện về tòa soạn tạp chí ở New York ngày 30 tháng 4 năm 1975. “Tất cả các phóng viên người Mỹ đều đã di tản do tình hình khẩn cấp. Văn phòng của Time giờ do mình tôi, Phạm Xuân Ẩn điều hành.” Phạm Xuân Ẩn gửi đi thêm ba bản báo cáo khác nữa từ Sài Gòn trong khi quân đội Bắc Việt Nam đang tiến sát đến thành phố. Rồi đường dây bị đứt hẳn. Trong một năm sau đó, với Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò là phóng viên duy nhất của tờ Time tại Việt Nam thời hậu chiến, tạp chí này đăng những bài viết về “Lời vĩnh biệt tàn nhẫn”, “Phe thắng: Những người làm nên chiến thắng”, và “Một tuần thanh bình dưới chế độ cộng sản”. Phạm Xuân Ẩn là một trong số 39 phóng viên người nước ngoài làm việc cho tờ Time khi văn phòng tại Sài Gòn đóng cửa và tên ông biến mất khỏi măng sét báo này ngày 10 tháng 5 năm 1976. Được biết đến như là một nhà phân tích chính trị sắc sảo, khởi đầu làm việc cho hãng Reuters trong những năm 1960 và sau đó là cho tờ New York Herald Tribune (Diễn đàn thông tin New York) và Christian Science Monitor (Người theo dõi khoa học Kitô giáo), rồi, cuối cùng, là một phóng viên của tờ Time trong 11 năm, dường như công việc xuất sắc nhất của Phạm Xuân Ẩn là trao đổi chuyện trò với những đồng nghiệp ở Givral, một tiệm cà phê trên đường Catinat cũ. Chiều nào ông cũng chủ trì tin vỉa hè tại đây như là nguồn tin tốt nhất ở Sài Gòn. Ông được gọi là “trưởng đoàn báo chí Việt Nam” và “tiếng nói của đài Catinat” - lò tin đồn. Với khiếu hài hước tự trào sẵn có, ông thích gọi mình bằng những tên khác, ví dụ như “docteur de sexologie” (tiến sĩ tình dục học), “professeur coup d’état” (giáo sư đảo chính), “tư lệnh huấn luyện quân khuyển” (ngụ ý đến con chó béc giê Đức lúc nào cũng kè kè bên ông), “tiến sĩ chuyên về cách mạng”, hoặc đơn giản chỉ là ông tướng Givral. Giờ đây chúng ta biết đó mới chỉ là một nửa công việc Phạm Xuân Ẩn đã làm trên cương vị một nhà báo, mà lại không phải là nửa chính. Phạm Xuân Ẩn đều đặn gửi cho chính phủ cộng sản ở Hà Nội những tài liệu quân sự mật và những bức điện viết bằng mực vô hình, nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, chính những báo cáo được đánh máy của ông, hiện đang được khóa kỹ trong kho lưu trữ của tình báo Việt Nam tại Hà Nội, mới được coi là chef d’oeuvre (kiệt tác) của ông. Phạm Xuân Ẩn đã viết 498 báo cáo tin tình báo (con số chính thức được chính phủ Việt Nam công bố năm 2007), trung bình mỗi tháng một báo cáo, trong suốt sự nghiệp 55 năm của ông trên cương vị một điệp viên tình báo. Sử dụng một chiếc máy đánh chữ Hermes được cơ quan tình báo Bắc Việt Nam mua riêng cho mình, Phạm Xuân Ẩn viết những báo cáo tin tình báo, có bản dài cả trăm trang, vào ban đêm. Được chụp lại và chuyển đi dưới dạng những cuốn phim chưa rửa, thông tin của Phạm Xuân Ẩn được liên lạc viên đưa ra mạng lưới địa đạo Củ Chi, nơi được dùng làm cơ quan đầu não bí mật của những người cộng sản. Cứ vài tuần một lần, bắt đầu từ năm 1952, Phạm Xuân Ẩn lại rời khỏi văn phòng của mình ở Sài Gòn, đi khoảng 20 dặm theo hướng Tây Bắc về phía rừng Hố Bò, rồi chui xuống địa đạo để hoạch định chiến lược cộng sản. Từ Củ Chi, những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn được khẩn trương chuyển đi dưới sự bảo vệ đặc biệt tới núi Bà Đen, sát tận biên giới Campuchia, rồi được đưa bằng xe hơi đến Phnom Penh, bằng máy bay tới Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc, và rồi được trình ngay cho Bộ Chính trị tại Hà Nội. Tin tức của Phạm Xuân Ẩn sống động và chi tiết đến nỗi người ta kể rằng Tướng Giáp và Hồ Chí Minh đã phải xoa tay sung sướng khi nhận được những báo cáo này từ Trần Văn Trung - bí danh của Phạm Xuân Ẩn. “Chúng ta đang ở trong phòng tác chiến của Hoa Kỳ!” họ thốt lên, theo lời vài thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam. Khi Sài Gòn rơi vào tay những người cộng sản, Phạm Xuân Ẩn hy vọng sẽ được di tản sang Mỹ. Không phải vì ông lo sợ sự trả thù của cộng sản, như mọi người vẫn tưởng, mà bởi vì tình báo Việt Nam có kế hoạch để ông tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Họ biết sẽ có một cuộc chiến hậu chiến, một giai đoạn ác liệt của những thủ đoạn chính trị, trong đó Mỹ có thể sẽ tiến hành những hoạt động quân sự ngấm ngầm và áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Còn ai có thể báo cáo về những ý đồ của Mỹ tốt hơn Phạm Xuân Ẩn? Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, vợ ông cùng bốn đứa con của họ được đưa bằng máy bay ra khỏi Việt Nam và bố trí ở tại Washington, D.C. Ông Ẩn đang nóng lòng chờ đợi chỉ thị đi theo họ thì nhận được lệnh từ Bộ Chính trị miền Bắc là ông sẽ không được phép rời khỏi đất nước. Phạm Xuân Ẩn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được thưởng hơn chục huân huy chương quân sự, và được thăng lên quân hàm thiếu tướng. Ông cũng được gửi đến nơi mà thỉnh thoảng ông gọi đùa là một “trại cải tạo”[3] và bị cấm tiếp xúc với khách phương Tây. Vợ và các con ông được đưa trở lại Việt Nam một năm sau ngày họ ra đi. Vấn đề đối với Phạm Xuân Ẩn, theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ở chỗ ông yêu nước Mỹ và người Mỹ, những giá trị dân chủ, và tính khách quan trong nghề báo. Ông coi nước Mỹ là một kẻ thù ngẫu nhiên, những người Mỹ sẽ quay trở lại thành bạn bè một khi dân tộc của ông giành được độc lập. Phạm Xuân Ẩn là Người Việt Nam trầm lặng, người đứng giữa, nhân vật đại diện, vừa suốt đời là một chiến sĩ cách mạng vừa là một người nhiệt thành ngưỡng mộ nước Mỹ. Ông khẳng định rằng chưa bao giờ nói dối bất kỳ ai, rằng những phân tích chính trị mà ông gửi cho tờ Time cũng giống hệt những gì ông gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một con người bị phân thân bởi tính chính trực tối cao, một con người sống trong dối trá nhưng luôn nói sự thật. “Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn làm tôi nghĩ ngay đến những gì được lấy ra từ Graham Greene,” David Halberstam, người từng kết bạn với Phạm Xuân Ẩn khi còn làm phóng viên của New York Times (Thời báo New York) ở Việt Nam, nói. “Nó liên hệ đến tất cả những câu hỏi cơ bản nhất. Trung thành là gì? Yêu nước là gì? Sự thật là gì? Anh là ai khi anh nói ra những sự thật đó? Ở Phạm Xuân Ẩn có một sự lưỡng phân tình cảm mà chúng ta gần như không thể hình dung nổi. Khi nhìn lại, tôi nhận ra ông là một con người bị xẻ làm đôi ở chính giữa.” Trong cuốn sách năm 1965 viết về Việt Nam, The Making of a Quagmire (Sa lầy), tác giả Halberstam, với sự châm biếm hoàn toàn không có chủ ý, miêu tả Phạm Xuân Ẩn là cái đinh chốt của một “mạng lưới tình báo nhỏ nhưng hạng nhất” gồm các nhà báo và nhà văn. Phạm Xuân Ẩn, ông viết, “có những mối quan hệ với giới quân sự tốt nhất trong nước ”. Sau khi Halberstam đã biết về câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn, ông có cảm thấy chút thù hận nào không? “Không,” ông nói với tôi, khi tôi gọi cho ông để trao đổi về cuộc sống hai mặt của Phạm Xuân Ẩn trong chiến tranh. “Đó là một câu chuyện đầy rẫy những mưu mẹo, khói mờ và những tấm gương, nhưng tôi vẫn nghĩ về Phạm Xuân Ẩn một cách thiện cảm. Khi ông nhắc đến tên ông ấy, một nụ cười đã hiện lên trên mặt tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị Phạm Xuân Ẩn phản bội. Ông ấy buộc phải thích ứng với việc là một người Việt Nam ở giai đoạn đau thương đó trong lịch sử của dân tộc mình, khi lan tràn khắp nơi chẳng có gì khác ngoài sự phản bội .” Năm 2005, tôi cho đăng một bài viết về Phạm Xuân Ẩn trên tờ The New Yorker . Ngay sau khi bài báo được đăng, tôi ký hợp đồng phát triển bài viết này thành một cuốn sách. Cái mà tôi tưởng sẽ là một công việc dễ dàng cuối cùng lại trở nên khó khăn khi tôi bị sa thêm vào nhiều mưu mẹo, khói mờ và những tấm gương. Tôi bắt đầu ngờ rằng chính mình đã rơi vào đúng chiếc bẫy giống như những đồng nghiệp cũ của Phạm Xuân Ẩn trước kia. Họ đã đánh đổi sự mù tịt lấy sự mù tịt có chủ tâm và cuối cùng vẫn bị hút hồn bởi khuôn mặt mỉm cười của Phạm Xuân Ẩn. Liệu ông có phải là một “con người bị phân thân” như Halberstam khẳng định, hay ông là một “con người cách mạng”, như người Việt Nam thường nói, với tất cả những cái khác chỉ là vỏ bọc? Ông có phải là một người ngẫu nhiên thành cộng sản hay là một đơn giản là một người cộng sản, người làm công việc của mình đến tận ngày qua đời? Khi đào xới sâu hơn vào công việc này, tôi nhận thấy rằng Phạm Xuân Ẩn, dù tự cho mình là một nhà phân tích chiến lược, người chỉ quan sát cuộc chiến từ bên lề, thực sự là một nhà chiến thuật bậc thầy liên quan đến nhiều trận đánh chủ chốt của cuộc chiến. Ông là một người lính được tặng thưởng nhiều huân chương, nhân vật trung tâm trong một chuỗi dài những diễn biến quân sự làm nên chiến thắng của những người cộng sản và thất bại của nước Mỹ. Phạm Xuân Ẩn không chỉ được tặng thưởng 4 huân huy chương - như tôi đã viết trên tờ The New Yorker - mà là tới 16 . Mà đó không phải là những phần thưởng mang tính lễ nghi . Trừ hai cái, còn lại tất cả đều là huân chương Quân công và Chiến công, được tặng thưởng vì chiến đấu anh dũng trong hai cuộc chiến tranh của Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi năm 1992, Phạm Xuân Ẩn đã đánh lạc hướng tôi khỏi con đường nhằm tìm ra sự thật rằng ông đã làm gì trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai, và những gì ông tiếp tục làm trên cương vị “cố vấn” cho ngành tình báo Việt Nam cho đến khi qua đời ngày 20 tháng 9 năm 2006. Ông che giấu những sự thật này đối với người ngoài, bằng cử chỉ khoa tay khéo léo và khiếu hài hước quyến rũ đã làm ông trở nên nổi tiếng. Khi những câu hỏi của tôi trở nên quá thẳng thừng, ông chuyển từ giúp đỡ công trình viết sách của tôi sang ngăn chặn nó. Cấp trên của ông trong ngành tình báo quốc phòng đã cho phép ông nói chuyện với tôi trong khuôn khổ một bài tạp chí. Ông vốn có cảm tình với tờ The New Yorker kể từ những ngày ông còn là phụ tá cho Robert Shaplen, phóng viên thường trú khu vực Viễn Đông của tạp chí này. Chắc hẳn Phạm Xuân Ẩn đã nói với cấp trên của ông rằng: “Chỉ là một bài tạp chí thôi mà. Tôi sẽ lèo lái câu chuyện, có thể là đi xa hơn một chút so với mọi khi, nhưng sẽ không để lộ bất kỳ điều gì chúng ta không muốn tiết lộ.” Họ đã cho phép ông thực hiện nhiệm vụ này, vốn được cho là có quy mô hạn chế, nhưng dứt khoát họ không cho phép ông làm việc với tôi trong khuôn khổ một cuốn sách. Ngay sau khi bài viết được đăng, Phạm Xuân Ẩn chấm dứt những cuộc gặp của chúng tôi và vội vã sắp xếp cho một cuốn tiểu sử “chính thức” khác sẽ được viết, một quyển tiểu sử có mục đích giữ an toàn cho vỏ bọc của ông. Phạm Xuân Ẩn là một người có tài nói chuyện đặc biệt cuốn hút. Phương pháp xuyên suốt cuộc đời ông là ngụy trang những hoạt động của mình thông qua nói chuyện. Làm sao một người mồm mép và cởi mở như vậy về cuộc sống của mình lại có thể là điệp viên? Làm sao một người hài hước và chua cay đến thế trong những nhận xét của mình về sự ngu ngốc của con người lại có thể là một người cộng sản? Phương pháp này phát huy hiệu quả đến nỗi nó thấm sâu vào trong tính cách của ông. Không có cách nào để bắt ông ngừng nói. Phạm Xuân Ẩn cứ nói mãi nói mãi không thôi, rồi cuối cùng, chỉ cho một bài báo đăng tạp chí, mà chúng tôi đã ghi âm đến 60 giờ băng phỏng vấn. Ngoài ra còn rất nhiều giờ trò chuyện nữa được ghi lại bằng văn bản về những cuộc gặp của chúng tôi. Khi nghe lại những cuốn băng và đọc lại những ghi chép của mình, những biến tấu khác nhau trong câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn bắt đầu khiến tôi thấy tò mò. Ví dụ, chỉ có đúng một lần trong số hơn chục lần kể về “khóa học cấp tốc” mà ông được huấn luyện làm một chiến sĩ Việt Minh, Phạm Xuân Ẩn mới tiết lộ rằng sau này ông có chỉ huy một trung đội, đơn vị này ít nhất có một lần đã nổ súng vào lính Pháp. Đây không phải là công việc của một nhà phân tích chiến lược mà là hành động của một chỉ huy du kích. Tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng cuốn sách này cũng được hưởng lợi từ sự qua đời của Phạm Xuân Ẩn. Sự kiểm soát mà ông thực hiện đối với câu chuyện về cuộc đời mình kết thúc vào mùa thu năm 2006. Những nguồn tin tình báo, cả ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, bắt đầu tiết lộ những thông tin được giấu kín trước đó. Những thông tin này gồm cả các chi tiết về sự liên quan của Phạm Xuân Ẩn vào một số trận đánh và chiến dịch then chốt trong cuộc chiến. Ví dụ, chúng ta được biết rằng, ông được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng nhất vì đã cung cấp thông tin cảnh báo sớm về kế hoạch Mỹ xâm lược Campuchia tháng 4 năm 1970. Thông tin sớm này cho phép lực lượng cộng sản, đặc biệt là bộ máy chỉ huy quân sự, rút lui kịp thời về phía Tây. Một Huân chương Chiến công hạng nhất khác được tặng thưởng cho ông vì đã phát hiện kế hoạch xâm lược Nam Lào tháng 2 năm 1971 của quân đội Nam Việt Nam[4]. Ở đây, chính sự tham gia về mặt chiến thuật của Phạm Xuân Ẩn đã dẫn đến thất bại quân sự thê thảm của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Những thông tin được tiết lộ sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời khẳng định rằng ông tham gia vào các hoạt động tình báo quân sự với quy mô đáng ngạc nhiên. Một số thông tin mới được công bố một cách ngẫu nhiên, một số là có chủ ý. Dù thế nào đi nữa, tôi bắt đầu nhận được đều đặn cơ man nào là những báo cáo, ghi chép, hình ảnh và các loại tài liệu khác về một con người mà 17 năm sau lần đầu tiên tôi gặp ông, vẫn tiếp tục gây bất ngờ. Vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn sẽ chỉ bộc lộ hoàn toàn khi người ta có cơ hội đọc được toàn bộ oeuvre (tác phẩm) của ông - những báo cáo tin tình báo mà ông gửi cho Hồ Chí Minh và Tướng Giáp khiến họ phải vỗ tay sung sướng và trầm trồ thán phục trước sự sinh động và ngòi bút kể chuyện hấp dẫn của một Tolstoy trong hàng ngũ của mình, mà họ biết đến qua bí số Z.21. Trong những cuộc gặp của chúng tôi suốt nhiều năm, Phạm Xuân Ẩn biết là ông đang nói chuyện với tôi vượt quá xa những gì cần thiết cho một bài tạp chí, ngay cả với một câu chuyện phóng sự được viết một cách thoải mái từng có lần được dành cho Robert Shaplen. Nhưng Phạm Xuân Ẩn có vỏ bọc của mình, và tôi có vỏ bọc của tôi, ít nhất thì cho đến khi bài báo trên The New Yorker được đăng. Sau đó thì không ai trong chúng tôi có thể giả vờ rằng chúng tôi đang nói chuyện với nhau vì một thứ gì đó khác chứ không phải là một cuốn sách, công việc mà Phạm Xuân Ẩn không được phép làm. Khi tôi đến thăm ông lần cuối, vào tháng 1 năm 2006, chúng tôi đang chuẩn bị cho cái mà tôi nghĩ sẽ là một đêm trò chuyện dài, sự pha trộn thông thường giữa những câu chuyện và những lời đùa cợt, thì ông cho tôi biết đây sẽ là lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi. Không thể có chuyện đảo ngược lại quyết định này của ông. Chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Đến thời điểm này thì tôi biết là Phạm Xuân Ẩn đang làm việc với một nhà viết tiểu sử “chính thức” khác. “Có gì khác nhau giữa cuốn sách của tôi với cuốn sách kia?” tôi hỏi. “Cuốn sách của ông đang được viết từ bên trong Việt Nam,” ông nói, ám chỉ rằng tôi đã tiếp cận với những thông tin nhạy cảm lẽ ra không được tiết lộ. Tôi coi đây là một lời khen ngợi đối với những trợ lý nghiên cứu người Việt Nam của mình, công việc đi lại và sự bền bỉ của họ nhiều lúc cũng xuất sắc không kém gì Phạm Xuân Ẩn trong những ngày ông còn là phóng viên làm việc chăm chỉ nhất tại Việt Nam. Tôi thấy bị tổn thương trước quyết định của Phạm Xuân Ẩn về việc không gặp tôi nữa, và tôi rất tự ái với thông tin này, cho đến khi tôi biết rằng ông đang hành động theo lệnh của cấp trên. Câu chuyện của ông phải được thêu dệt như Halberstam đã kể. Trong phiên bản này về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, được tạo ra cho độc giả phương Tây, ông là một người dân tộc chủ nghĩa, ngẫu nhiên bị kẹt vào lịch sử của đất nước mình, một nhà phân tích chiến lược, người đã nhìn xuống cuộc chiến tranh từ đỉnh cao Olympus của tờ Time. Còn trong cuốn sách này lại là một chân dung hoàn toàn khác, một nhà chiến thuật bậc thầy và là một chiến sĩ trung kiên vì lý tưởng cộng sản. Tôi đã viết cuốn tiểu sử không được phép về một điệp viên. Mặc dù Phạm Xuân Ẩn ngừng hỗ trợ công trình này - cùng với một số người bạn Mỹ, những người cho rằng họ làm như thế là vì lợi ích của ông - tôi vẫn kiên trì nghĩ rằng nếu như cuốn sách này có nói điều gì đó chính xác về Việt Nam và những cuộc chiến tranh dai dẳng của đất nước này hoặc bản chất của chiến tranh nói chung, chắc hẳn Phạm Xuân Ẩn sẽ ngậm cười về điều đó. Đã một số lần tôi gần như từ bỏ công trình này, và ngay cả khi cuốn sách được đưa đi xuất bản, những câu hỏi cơ bản vẫn còn nguyên ở đó - những câu hỏi. Nếu như tôi đang nói chuyện với Phạm Xuân Ẩn về thế tiến thoái lưỡng nan này, như tôi vẫn thường làm, có thể ông đã bật ra một câu chuyện đùa hoặc lại say sưa nói về một giai thoại trong lịch sử Việt Nam, hoặc gợi ý tôi đọc một cuốn sách, ví dụ như cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khải viết năm 1983 về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, Thời gian của người. Ở Việt Nam, những cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn như vậy. Lòng vòng và miên man, trước khi chuyển, hầu như không thể nhận ra, thành những câu chuyện ngụ ngôn vừa giải trí vừa giáo huấn. Tôi đã kể câu chuyện này theo phong cách Việt Nam, lập lờ về quan điểm và về thời gian tính. Phạm Xuân Ẩn đã qua đời. Ông bị gắn chặt vào một chiếc máy thở suốt nhiều tuần liền trước khi hai lá phổi của ông ngừng hoạt động mãi mãi vào mùa thu năm 2006, kết thúc tất cả ngần ấy năm trò chuyện. David Halberstam cũng đã qua đời. Ông dành cả cuộc đời viết về những cuộc chiến tranh ở châu Phi và châu Á trước khi chết trên ghế hành khách của chiếc xe hơi gặp tai nạn ở một giao lộ tại Menlo Park, bang California, năm 2007. Chừng nào tôi còn nghe thấy họ, tôi vẫn sẽ giữ giọng nói của họ ở thì hiện tại. Mặc dù vậy, cũng cần cảnh báo cho người đọc. Không có câu chuyện đích thực duy nhất về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, vì cuộc đời ông chứa đựng những sự thật đa tầng. Thậm chí cả cái tên của ông cũng là một lời cảnh báo. Ẩn trong tiếng Việt có nghĩa là “che giấu” hoặc “bí ẩn”. Trong suốt 20 năm chiến tranh với người Việt Nam, nước Mỹ chưa bao giờ hiểu được con người hay văn hóa của đất nước này. Nam Việt Nam được làm lại theo hình ảnh của nước Mỹ. Terra incognita đi trước terra nova[5]. Nước Mỹ đã phải trả giá đắt cho sự xem thường đối thủ của mình. Chúng ta đã thua trận, với 58.000 binh sĩ thiệt mạng, và hàng trăm nghìn người bị thương, và mất luôn cả sự ngây thơ về sức mạnh quân sự vô địch của mình. Kẻ thù của nước Mỹ không mắc phải những sai lầm như vậy. Người Việt Nam nghiên cứu kỹ đối thủ của mình. Họ xây dựng một điệp viên có thể suy nghĩ như một người Mỹ, người có thể thâm nhập vào lối tư duy kiểu Mỹ để học những giá trị và niềm tin của đất nước này. Người Việt Nam cần một điệp viên trong doanh trại của kẻ thù, nhưng không phải là một điệp viên bình thường, kiểu tên trộm chui cửa sổ tầng thượng ém mình trong nhà. Họ cần một điệp viên chiến lược, một điệp viên thi sĩ, một điệp viên yêu quý người Mỹ và cũng được họ yêu quý đáp lại. Sau khi giành được niềm tin của họ, người điệp viên đó sẽ cạy chiếc khóa quý giá nhất trong chiến lược quân sự - chiếc khóa dẫn đến giấc mơ và tham vọng của họ, những huyền thoại của họ về bản thân, và vai trò của họ trên thế giới. Để thực hiện sứ mệnh này, người Việt Nam đặt niềm tin vào một người, người đó sẽ trở thành điệp viên quan trọng nhất và cũng là một trong những vũ khí quân sự hiệu quả nhất của họ. Như một bài học về chiến tranh và như một cách để hiểu người Việt Nam, không có lăng kính nào tốt hơn cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn. Thay vì được gọi là “người điệp viên yêu chúng ta ”, ông hoàn toàn có thể được gọi - như một trong những biên tập viên của tôi đã gợi ý - là “người đàn ông nguy hiểm nhất ở Việt Nam”. Khi đọc cuốn sách này, tôi khuyên người đọc sử dụng cả hai lăng kính hoặc, tốt hơn cả, gắn mỗi chiếc vào một mắt. Cuộc thử lửa đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh - hay Sài Gòn, như cách gọi vẫn còn phổ biến hiện nay - là một nơi người ta chuyên tâm làm ăn buôn bán. Đông chật những xe đẩy và gánh hàng rong bán đủ mọi thứ từ phở hay bún riêu đến đĩa CD, đường phố là những dòng sông sôi sục các loại xe máy hai thì. Khói xả ra đặc quánh đến nỗi những người phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng của Sài Gòn đã bắt đầu phải lấy khăn che mặt. “Giờ thì tất cả chúng tôi là người Hồi giáo hết,” Việt, người lái xe ôm nói. Anh là người đưa tôi đi khắp thành phố trên chiếc xe gắn máy của mình. Đến nhà Phạm Xuân Ẩn - một căn biệt thự ở quận 3, trong khu dân cư đông đúc gần nhà ga xe lửa - chúng tôi đi qua một ngã tư đầy những cửa hàng sửa chữa xe máy và đến một con phố chuyên bán các loại cá nhiệt đới, gồm cả giống cá chọi Xiêm mà Phạm Xuân Ẩn rất mê. Tôi giật chiếc chuông treo lủng lẳng trên cánh cổng sơn màu xanh nhà ông. Trong khi lũ chó bắt đầu sủa nhặng lên, tôi nhòm qua tấm lưới sắt thấy Phạm Xuân Ẩn đang loẹt xoẹt bước ra trên lối đi vào cái ngày nắng ấm đó của tháng Giêng năm 2004. Dáng người gầy guộc, ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay cài cây bút bi nơi túi ngực, chiếc quần màu xám bay phần phật quanh hai chân, và đi đôi dép cao su. Ra đến nơi ông thở hổn hển không ra hơi nhưng vẫn mỉm cười và chào tôi với một cái bắt tay bằng những đầu ngón tay của mình. Vừa mới phải nhập viện vì suy phổi, hậu quả của việc cả đời hút thuốc Lucky Strike, vị tướng quân Givral 77 tuổi, với nụ cười khoe trọn cả hàm răng, trông vẫn hóm hỉnh như mọi khi. Trước đó tôi đã gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên hồi đầu những năm 1990, khi tôi đến Việt Nam để nghiên cứu viết một cuốn sách về những người Mỹ lai - con của những binh lính Mỹ và người tình Việt Nam của họ. Khi cuốn sách được xuất bản, tôi đã gửi cho ông một bản, và tôi cũng gửi cho ông một số cuốn sách khác mỗi khi những người bạn chung của chúng tôi đến Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn biết là tôi rất muốn được nghe câu chuyện của ông. Ông là một vị chủ nhà rất hòa nhã với những vị khách được phép tới thăm mình sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, phiên bản perestroika[6] riêng của nước này, hồi cuối những năm 1980. Ông thường dành nhiều giờ giải thích về lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhưng lại im lặng như một con nhân sư về một chủ đề: cuộc đời mình với tư cách là một điệp viên. Cuối năm 2003, tôi nhận được một bức thư cho biết cuối cùng thì có thể ông cũng đồng ý nói chuyện, không chính thức mà là những cuộc trò chuyện thân tình. Những cuộc trò chuyện này bắt đầu vào dịp Tết, năm mới theo âm lịch, và được nối lại trong khoảng hai tuần vào đầu mùa mưa tháng 5 năm 2004. Tôi gặp lại Phạm Xuân Ẩn vào tháng 3 năm 2005 và sau đó là cả năm sau trước dịp Tết. Phạm Xuân Ẩn dẫn tôi qua khu vườn nhà ông, một khoảnh không gian nhiệt đới sum suê với những cây khế và quất. Khu vườn thoang thoảng mùi hoa sứ, điểm xuyết màu sắc của những chậu mai và lan đang trổ bông. Một con diều hâu và ba con gà chọi chăm chú nhìn chúng tôi từ trong những chiếc lồng đặt dưới gốc cây. Chúng tôi dừng bước giữa vườn chiêm ngưỡng bức tượng bằng sứ của một trong những con chó béc giê Đức, cục cưng của Phạm Xuân Ẩn. Ông coi Edward Lansdale, điệp viên tình báo quân sự và được cho là nguyên mẫu cho nhân vật người Mỹ “trầm lặng” của Graham Greene, là người dạy ông cách sử dụng chó trong công việc của mình. “Tôi huấn luyện chó của mình sao cho nó có thể đánh động cho tôi khi cảnh sát đang lục soát nhà dân, dù cách đó cả cây số,” ông nói. “Nó mới là một điệp viên cừ.” Phạm Xuân Ẩn, với kiểu hài hước rất tinh quái của mình, cũng cho biết là con chó siêu thông minh của Lansdale trong vườn nhà ông có đến ba tinh hoàn. Vợ ông, bà Thu Nhạn, đang quét dọn hiên trước với một cây chổi cán ngắn. Bà là một phụ nữ vui tính, khuôn mặt tròn trịa phúc hậu với mái tóc buộc túm ra sau thành một búi. Kém chồng mười tuổi, bà đang bận dọn dẹp trước khi đón tiếp rất nhiều khách khứa sẽ đến trong dịp Tết, gồm cả người con gái của ông bà đang sống ở California. Treo dưới mái hiên và những chiếc cột dựng trên lối đi là những chiếc lồng ông Ẩn nuôi lũ chim khướu, chim xanh trán vàng, giẻ cùi, hoàng yến và các loại chim biết hót khác. Một con sáo xanh mỏ vàng thông báo bằng tiếng Việt: “Nội ơi, có điện thoại!” Con chim đang nhại tiếng cháu nội ông Ẩn, đứa cháu này đang sống cùng ông và ba người con trai đã trưởng thành của ông. Chúng tôi cởi giày bước vào căn phòng rộng rãi đã từng được dùng làm văn phòng và thư viện của Phạm Xuân Ẩn, cũng như phòng ăn và phòng tiếp khách của ông. Kê dọc bức tường cuối phòng là những chiếc giá mặt kính nơi chứa sách vở của ông. Một bức tranh thủy mặc Trung Hoa treo phía trên bộ xô pha bọc nỉ xanh. Phía dưới cánh cửa sổ để mở là một cái bể cá lưu giữ thành phần thứ ba trong bầy động vật cảnh của Phạm Xuân Ẩn. “Chó luôn trung thành,” ông nói. “Chim thì nhảy hoài trong lồng, lúc nào cũng bận rộn. Cá dạy anh biết ngậm miệng. Tiếc là dạo tôi nằm viện, lũ cá chết gần hết.” Căn phòng đã thay đổi nhiều so với lần tôi đến thăm trước đó. Trong hốc tường gần cửa chính, thay cho bàn làm việc của ông và những ngăn kéo đựng giấy tờ cùng hàng chồng tạp chí và báo trước kia chất cao đến trần nhà, là cây đàn piano của con trai ông. Sau đó tôi phát hiện ra chuyện gì đã xảy ra với phòng làm việc của ông khi tôi đi qua bàn thờ gia tiên và thông qua phòng bếp đi ra lối đi phía sau nhà. “Vợ tôi vứt hết giấy tờ của tôi ra đây,” ông nói, và chỉ vào hai tủ giấy tờ cùng một chiếc bàn chất đầy những tài liệu ngả vàng. Tất cả những gì bảo vệ chúng khỏi nắng gió là một chiếc mái hẹp bằng nhựa. Trong khi chúng tôi ngỡ ngàng nhìn chỗ giấy tờ chất đống trên lối đi, Phạm Xuân Ẩn bật cười. “Vợ tôi bảo đã đến lúc nhường chỗ cho thế hệ trẻ, nhưng tôi chưa chết được. Chẳng có chỗ nào cho tôi ra đi cả. Tôi không được lên thiên đường vì tôi nói xạo nhiều quá; địa ngục thì dành riêng cho những kẻ lừa đảo, nhưng ở Việt Nam loại đó quá nhiều, nên địa ngục cũng chật cả rồi.” Phạm Xuân Ẩn có đôi tai to rủ xuống, vầng trán cao vuông vắn, mái tóc màu đen húi ngắn, và đôi mắt màu nâu sinh động. Mắt trái của ông to hơn mắt phải một chút, như thể cùng một lúc ông đang quan sát cả cận cảnh lẫn viễn cảnh những vấn đề của thế giới . Những bức ảnh của ông hồi những năm 1950 cho thấy ông mặc những bộ com lê may sát người, áo sơ mi trắng và quần đen. Dạo đó nhìn Phạm Xuân Ẩn giống như một trong những thanh niên bảnh trai, sáng sủa tham gia vào các hội đoàn và thành thạo những trò bù khú thời thượng. Ông cao hơn tầm vóc trung bình của người Việt, kiểu một võ sĩ quyền Anh hay tay đua bơi lội hạng bét nhưng đã có thời, sau khi trượt hai năm liên tiếp, nghĩ rằng mình có thể sẽ trở thành một tay anh chị Việt Nam. “Tôi không muốn nói về mình,” Phạm Xuân Ẩn thường nói. “Có quá nhiều điều phải nhớ.” Và rồi ông không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt nhất từ 50 năm trước. Ông cúi người về phía trước trên chiếc ghế của mình. Ông khoa chân múa tay với những ngón tay dài xương xẩu và gần như trong mờ vì tuổi tác. Ông nhào nặn không gian trước mặt như thể nó là một khối bột nhão, thỉnh thoảng lại giáng cho nó một cú đấm. Ông chia những nhận xét của mình thành các khái niệm tam cương ngũ thường Nho giáo trong khi vẫy những ngón tay thành một hình vòng cung tượng trưng cho một trong những déesses, những nữ thần hộ mệnh mà ông tin là mang đến thành công cho mình trong cuộc sống. Phạm Xuân Ẩn cũng có thể nói chuyện hàng giờ liền về các sự kiện trên thế giới, vạch ra những nét tương đồng giữa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh tại Iraq (“những phương pháp được phát triển đầu tiên ở châu Á đã được đưa đến sa mạc”) hoặc đánh giá các cơ quan tình báo trên thế giới (“Người Mỹ là bậc thầy về thu thập thông tin tình báo, nhưng họ không biết phải làm gì với chúng”). Theo lịch của người Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn sinh năm Đinh Mão, giờ Sửu, tức ngày 12 tháng 9 năm 1927, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm về phía Đông Bắc, tại nhà thương điên Biên Hòa, nơi vào thời điểm đó là cơ sở y tế duy nhất của người Âu tại Nam Kỳ tiếp nhận người Việt Nam. Là con trai đầu của một cadre supérieur, một viên chức có học của chính quyền thuộc địa, ông được nhận giấy khai sinh của Pháp, một đặc quyền hiếm thấy. “Họ có một bác sĩ chuyên chăm lo cho những người điên bị dính bầu,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Do tôi được sinh ra trong một nhà thương điên nên nhiều người nói rằng máu tôi bị nhiễm virus cộng sản: Ẩn được sinh ra trong một nhà thương điên hả? Thảo nào chả theo cộng sản... Chả điên mà! ” Phạm Xuân Ẩn là một nhà kể chuyện ngụ ngôn đại tài. Ông sử dụng những câu chuyện ngụ ngôn và tục ngữ để chế giễu thói tham sân si của người đời. Sự hóm hỉnh của ông công nhận những điều vô lý của cuộc sống và xoay quanh những mâu thuẫn của nó, nhưng nhiều lúc tôi tự hỏi liệu đó có phải chỉ là một tấm lá chắn, một dạng mai bảo vệ để đánh lạc hướng người đối thoại. Tại sao Phạm Xuân Ẩn lại trở thành một người cộng sản? Lẽ nào ông đùa giỡn về chuyện đó vì vấn đề quá nghiêm túc nên không thể được giải quyết bằng cách nào khác được? Có gốc gác ở Hà Đông, nằm ngay trung tâm của miền Bắc Việt Nam trong vùng châu thổ sông Hồng đất chật người đông, nằm giữa Hà Nội và vùng ven biển, cụ nội của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hùng, một người thợ kim hoàn, được nhà Nguyễn mộ vào chế tác đồ vàng bạc cho triều đình ở Huế, miền Trung Việt Nam. Ông nội Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Dương, thăng tiến qua ngạch quan lại của Việt Nam, trở thành thầy giáo và cuối cùng là hiệu trưởng một trường tiểu học nữ sinh ở Huế. Trong bức ảnh đặt giữa bàn thờ gia tiên nhà Phạm Xuân Ẩn, ông Phạm Xuân Dương đeo một chiếc huân chương bằng vàng trên ngực. Được chính hoàng đế ban tặng, chiếc huân chương lớn bằng cánh hoa tulip, còn được gọi là kim khánh, cho thấy ông nội của Phạm Xuân Ẩn có phẩm hàm ngang với một vị “thư ký” trong triều. Phạm Xuân Ẩn cho tôi xem bức ảnh của chính ông hồi còn nhỏ với tấm kim khánh đeo quanh cổ. Tôi hỏi xem ông còn giữ tấm kim khánh của ông nội mình hay không. “Nó đã được gửi tới chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh [Hồ Chí Minh ] trong dịp Tuần lễ vàng”, ông nói, nhắc tới món tiền hối lộ khổng lồ mà Hồ trả cho quân đội Trung Hoa năm 1946 để thuyết phục họ rút ra khỏi Việt Nam sau Thế chiến thứ hai. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Đông Dương ở Hà Nội, Phạm Xuân Viễn, cha của Phạm Xuân Ẩn, làm tham tá trắc địa chuyên vẽ địa bạ ranh giới và sổ thuế đất ở vùng biên cương miền Nam Việt Nam. Ông Viễn cũng quy hoạch đường sá ở Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong rừng U Minh, dọc bên bờ vịnh Xiêm La (vịnh Thái Lan). Trong khi đo đạc ở Campuchia, ông gặp mẹ của Phạm Xuân Ẩn, một phụ nữ người Bắc di cư tần tảo học hết lớp hai biết đọc biết viết. Công việc của một ông tham trắc địa dưới thời thuộc địa ở miền Nam Việt Nam bao gồm cả việc huy động những người nông dân đi kéo xích đo đạc qua những đồng lầy của sông Mê Công và xây chòi trong rừng rậm để làm đường ngắm chuẩn. “Khi đi làm công việc trắc địa, đào kênh hay làm đường, anh sẽ thấy dân Việt Nam nghèo khổ phải đi làm thêm để kiếm sống,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Anh sẽ thấy hệ thống lao động cưỡng bức, đánh đập và những hình thức ngược đãi khác của người Pháp. Cách duy nhất để chống lại những hình thức ngược đãi này là đấu tranh giành độc lập. Người Mỹ cũng đã làm như vậy năm 1776. Khi ba tôi nhận ra người Pháp đối xử tàn tệ như thế nào đối với những người nông dân, lẽ tự nhiên là ông sẽ đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ba tôi trở thành một người yêu nước. Gia đình tôi lúc nào cũng có tinh thần yêu nước với khát vọng đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam.” Là một cadre supérieur, cha của Phạm Xuân Ẩn nắm giữ một trong những vị trí cao dành cho người Việt trong chính quyền thực dân. Hồi đó, ở Đông Dương không có trường kỹ thuật (để theo đuổi ngành học cao cấp này người ta phải sang Pháp học): vì thế Phạm Xuân Viễn được đào tạo như một agent technique, về chức năng cũng tương đương như một kỹ sư công chánh. Sinh tại Huế, miền Trung Việt Nam và được đào tạo ở miền Bắc, Phạm Xuân Viễn đã dành cả sự nghiệp của mình ở miền Nam, xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc địa của nước Pháp. Ở thời điểm đó, miền Nam là miền biên viễn của Việt Nam, phần lớn vùng đất này vẫn còn bị rừng rậm bao phủ. Những khu vực khác chỉ có thể được tiếp cận bằng xuồng. Làm việc qua những cánh đồng ngập nước theo mùa mưa, những rừng đước, và những đồng lúa bị gió mùa vùi dập mỗi năm hai bận, Phạm Xuân Viễn phục vụ trong đoàn quân tiên phong của công cuộc mà người Việt Nam gọi là Nam tiến – tiến xuống miền Nam . Người Kinh, một trong 54 dân tộc của Việt Nam (hiện là dân tộc chiếm đa số), đã mở rộng về phía Nam từ quê hương của mình ở đồng bằng sông Hồng gần Hà Nội suốt năm nghìn năm qua. Nhưng chỉ sau khi những vùng đất hoang vu thuộc châu thổ sông Mê Công ở miền Nam đã phủ kín những con đường và đồn điền thì người Việt mới hoàn thành cuộc trường chinh của mình. Phạm Xuân Ẩn, giống như cha mình, đã phục vụ công cuộc Nam tiến . Thực ra, có thể nói rằng chính ông đã đưa nó đến chỗ kết thúc. Một nước Việt Nam thống nhất trải dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan chỉ có thể tồn tại sau khi tất cả những kẻ xâm lược Việt Nam – Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ và Campuchia - đã bị đánh đuổi và Việt Nam đã giải quyết xong cuộc chiến tranh Đông Dương cuối cùng của mình . Chỉ khi đó công cuộc Nam tiến mới thực sự hoàn tất. Cũng như nhiều người Việt, tổ tiên của Phạm Xuân Ẩn có gốc gác từ khu vực miền Nam Trung Hoa. “Đó là nơi chúng tôi sống trước khi bị xua đi,” ông nói. “Chúng tôi di cư từ Hà Nội tới miền Trung Việt Nam, khu vực của người Chăm và người Khmer, trước khi chúng tôi đi xa hơn về phía Nam tới vùng Nam Kỳ. Tổ tiên tôi cũng đi theo lịch sử chung của cả đất nước, dịch chuyển từ đồng bằng châu thổ sông Hồng về phía Nam tới những vùng đất thấp.” Ngay sau khi tới ở Huế, gia đình Phạm Xuân Ẩn bắt đầu thăng tiến từ những người lao động chân tay lên hàng viên chức thuộc địa. Trong khi Phạm Xuân Hùng, trưởng tộc, là một nghệ nhân kim hoàn, chuyên chế tác vàng bạc thành những hình cây cối và chim thú tinh tế đến nỗi chúng sống động như thật, thì các con ông lại sử dụng vị trí của mình tại triều đình để đảm bảo cho những công việc như làm giáo viên hay làm quan lại. Trường học nằm dưới sự điều hành của ông nội Phạm Xuân Ẩn, ông Phạm Xuân Dương, là một trong những trường đầu tiên trên cả nước dạy chữ quốc ngữ, thứ chữ viết hiện đại của người Việt Nam - một kiểu chữ dựa vào bộ chữ cái Latin do giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes phát triển vào thế kỷ 17. Hệ thống chữ viết ban đầu của người Việt Nam, chữ Nôm, dựa trên các chữ Hán truyền thống, bị người Pháp cấm sử dụng năm 1920. Trường của ông Dương là một phần của chiến lược khởi động lại lịch sử của Việt Nam từ năm số không. Với chữ viết và một nền văn học mới, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia châu Á sử dụng bộ chữ cái Latin. Để giúp nhào nặn lại ý thức của các thần dân châu Á của mình, Pháp đưa máy chém vào Việt Nam và bắt đầu sử dụng nó với một sự hăng hái cách mạng . Cuối cùng thì người Pháp thất bại trong việc áp đặt ý chí chính trị của họ vào Việt Nam, nhưng cuộc cách mạng về ngôn ngữ của họ lại là một thành công. Một đất nước trước kia hầu hết là mù chữ, xuất phát từ khó khăn trong việc nắm vững nghệ thuật viết chữ Hán, bây giờ hầu như cơ bản đều đã biết chữ. Người chú của Phạm Xuân Ẩn cũng là hiệu trưởng một trường tiểu học. Một người chú khác trở thành viên chức làm việc cho sở dây thép, trong khi cô của ông kết hôn với một agent technique khác, người, cũng giống như cha của Phạm Xuân Ẩn, đã tốt nghiệp Đại học Đông Dương ở Hà Nội. Hẳn nhiều người nghĩ gia đình thành đạt và đầy triển vọng thăng tiến của Phạm Xuân Ẩn sẽ cảm thấy chịu ơn những thế lực đã đào tạo và thuê họ làm việc, nhưng gia đình ông đã chống lại chứ không ủng hộ người Pháp. Họ điều hành các trường học, xây dựng đường sá, và chuyển phát thư từ, nhưng đồng thời họ cũng là những người yêu nước chống lại ách cai trị thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Họ là những nhà cách mạng lặng lẽ, chứ không phải là những người vào tù hoặc đấu tranh trong phong trào kháng chiến của Việt Minh, nhưng tinh thần hăng say của họ thì rất sâu sắc và kiên định, và tinh thần đó sau này sẽ đơm hoa kết trái - với tác động ghê gớm - thành sự nghiệp cách mạng của Phạm Xuân Ẩn. Người Việt là một tộc người mãnh liệt có lịch sử chủ yếu là những trận đánh chống lại kẻ thù từ phương Bắc (Thành Cát Tư Hãn, cùng Trung Quốc và Nhật Bản), phương Đông (Bồ Đào Nha, Pháp và Mỹ) và từ phương Tây (Lào, Khmer, Ấn Độ và Thái) . Danh sách những chiến binh của Việt Nam, gồm cả những chiến sĩ nữ, rất dài, và khoảng thời gian diễn ra những cuộc đấu tranh của họ cũng thế. Người Việt Nam phải đấu tranh cả nghìn năm để chống lại sự đô hộ của Trung Quốc . Chủ nghĩa yêu nước tại nước Việt Nam thuộc địa vô hình trung lại do chính người Pháp nuôi dưỡng. Họ đã dạy cho người Việt về chủ nghĩa dân tộc, gồm cả ý tưởng về quốc gia-dân tộc và những khát vọng thể hiện tinh thần của một dân tộc thống nhất. Chương trình giảng dạy tại các trường học của Pháp chủ yếu được dành để học về Cách mạng Pháp kết thúc hạnh phúc bằng một thể chế cộng hòa theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái . Người Pháp không hề có ý định để cho người Việt Nam tiếp thu những lý tưởng đó thành của mình. Họ đang nói về nước Pháp chứ đâu phải về Việt Nam. Nhưng một khi lý tưởng dân tộc chủ nghĩa đã bắt đầu thẩm thấu vào các nước thuộc địa, thì đến máy chém cũng không ngăn chặn nổi. “Để kiếm sống, anh phải làm cho chế độ Pháp, nhưng không một người Việt Nam nào muốn tổ quốc của mình bị những người nước ngoài đô hộ,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Lịch sử của chúng tôi có vô số những trận đánh chống giặc ngoại xâm. Chúng tôi mượn ngôn ngữ để tiến hành cuộc đấu tranh này từ người Pháp, nhưng nó lại bắt nguồn từ chính tình yêu của chúng tôi đối với dân tộc mình - đó cũng chính là động lực đã thúc đẩy bất kỳ quốc gia nào đứng lên giành độc lập.” Người Pháp đã chia Việt Nam, cũng như xứ Gaul, thành ba phần. Bắc Kỳ (Tonkin) là khu vực phía Bắc gồm cả Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Trung Kỳ (Annam) là khu vực ở miền Trung, cũng là nơi sinh ra những nhà cách mạng như anh em nhà Tây Sơn và Hồ Chí Minh, và cũng là nơi đặt triều đình bù nhìn ở Huế. Nam Kỳ (Cochin China) ở phía Nam gồm Sài Gòn, đồn điền Michelin và những đồn điền cao su khác ở Dầu Tiếng, cùng những vùng trồng lúa rộng mênh mông ở châu thổ sông Mê Công. Trước đó, một nước Việt Nam thống nhất trải dài từ biên giới với Trung Quốc xuống đến vịnh Thái Lan chưa bao giờ tồn tại và người Pháp cũng không muốn nó tồn tại. Họ đặt cái từ Việt Nam vào vòng “húy kỵ” - vì nó nhắc đến ý tưởng về một quốc gia thống nhất và bắt giam bất kỳ ai sử dụng nó. “Bản đồ Việt Nam do người Pháp lập ra”, Phạm Xuân Ẩn nói. “Trước khi họ đến chúng tôi chưa có quốc gia. Những vùng cao nguyên thuộc về các dân tộc người Thượng. Những khu vực còn lại thuộc về người Chăm hoặc người Khmer.” Một hôm tôi đang nói chuyện với Phạm Xuân Ẩn thì ông bước tới chiếc tủ kê gần bàn phòng ăn, mở ngăn kéo trên cùng và lần giở qua một bộ sưu tập những bức ảnh và thư từ cũ. “Đây rồi,” ông vừa nói, vừa chìa ra tấm thẻ căn cước của mình do cảnh sát cấp từ thời thuộc địa. Vì gia đình của cha ông đến từ miền Trung, mà người Pháp gọi là Annam, Sureté (Sở Mật thám Pháp) đã gọi Phạm Xuân Ẩn là một người Annamite. “Tất cả người Việt Nam đều chống lại sự đô hộ của Pháp,” Phạm Xuân Ẩn nói với tôi. “Những cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra ở hết nơi này đến nơi khác.” Ông say sưa kể một câu chuyện về tinh thần sôi sục chống Pháp tại nước Việt Nam thuộc địa. Giống như nhiều câu chuyện khác của ông, câu chuyện này, kéo dài từ nhiều thế hệ tiếp nối nhau, liên quan đến một mớ rối rắm những mối quan hệ gia đình và xã hội đan xen vào nhau chặt chẽ đến nỗi tôi hầu như không thể nào bóc gỡ nổi. Nhằm giúp tôi, ông Ẩn đưa ra một cái tay vịn để theo dõi nội dung câu chuyện khi lần ngược lại quá khứ lịch sử của Việt Nam. Nhân vật trung tâm của câu chuyện hôm đó là bà Nguyễn Thị Bình, tên của bà thường xuyên được nhắc đến trong những câu chuyện của ông Ẩn. Bà Bình và ông Ẩn đều sinh năm 1927, là những người bạn từ thời thơ ấu. Cha của hai người là bạn học ở Đại học Đông Dương và cùng làm kỹ sư công chánh với nhau ở Nam Kỳ. Lẽ ra bà Bình và ông Ẩn đã có thể lấy nhau nếu như con đường đi của họ không rẽ tách trong thời gian diễn ra những cuộc chiến tranh liên miên của Việt Nam. Bị thực dân Pháp giam cầm hai năm, bà Bình về sau trở thành bộ trưởng Ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (liên minh của những người cách mạng miền Nam với lực lượng vũ trang được gọi tắt là Việt Cộng) và là trưởng phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại các cuộc đàm phán ở Paris. Năm 1992, sau khi đảm nhiệm cương vị bộ trưởng Giáo dục, bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm phó chủ tịch nước Việt Nam. Trong giai đoạn hỗn loạn ngay sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, chính bà đã giúp ông Ẩn đoàn tụ với gia đình tại Sài Gòn, nhưng câu chuyện hôm nay thậm chí còn đi ngược lại xa hơn nữa về mặt thời gian. Ông của bà Nguyễn Thị Bình là nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, người tổ chức các phong trào chống thực dân tin rằng nước Pháp nên tôn trọng những nguyên tắc dân chủ của mình bằng cách thay thế hệ thống cai trị bằng quan lại của Việt Nam - mà ông cũng là một thành viên - bằng luật pháp và những định chế hiện đại. Sau khi những cuộc nổi dậy chống sưu thuế nổ ra năm 1908, Phan Chu Trinh bị kết án tử hình, nhưng được chuyển thành án tù và bị đày ra nhà tù Côn Đảo (Poulo Condore), Đảo Quỷ của Đông Dương[7]. Nhà thám hiểm Marco Polo ở thế kỷ 13 là người phương Tây đầu tiên phát hiện ra quần đảo gồm 16 hòn đảo toàn đồi núi này trên Biển Nam Trung Hoa – hay Biển Đông như cách mà người Việt Nam luôn gọi . Với những bãi biển lộng gió chuyên là nơi làm tổ của các loài rùa biển và cá cúi, những hòn đảo này có một vẻ đẹp ma quái quyến rũ được tăng thêm nét liêu trai vì được sử dụng làm nơi giam cầm và tra tấn suốt nhiều năm. Chính tại đây mà khái niệm “chuồng cọp” khét tiếng, đầu tiên do người Pháp xây dựng và về sau được người Mỹ kế thừa, đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện tàn bạo của Mỹ tại Việt Nam. Sau ba năm ở Côn Đảo, Phan Chu Trinh “tốt nghiệp” và lưu vong sang Pháp, nơi ông làm thợ sửa ảnh và là đồng tác giả những bài báo được ký tên “Nguyễn Ái Quốc”, tức Nguyễn Yêu Nước, một cái biệt hiệu vào thời điểm đó của Nguyễn Sinh Cung, về sau được gọi là Hồ Chí Minh. Khi Phan Chu Trinh qua đời năm 1926, hàng nghìn người đổ kín ra các đường phố ở Sài Gòn và Hà Nội, đòi chấm dứt ách đô hộ thực dân của Pháp. Cha của Phạm Xuân Ẩn cũng giúp tổ chức những cuộc biểu tình này, và đến những năm 1950 Phạm Xuân Ẩn theo gương cha, khi ông lợi dụng đám tang của một người Việt Nam yêu nước để phát động một loạt những cuộc biểu tình và bãi công trên đường phố. Khi chúng tôi gặp nhau, Phạm Xuân Ẩn và tôi thường ngồi trong phòng khách của ông. Thỉnh thoảng chúng tôi bước tới bên những giá sách kê dọc theo phía trong căn phòng. Một hôm, ông Ẩn dẫn tôi ra phía sau những giá sách vào trong một hành lang hẹp nơi đặt bàn thờ gia tiên. Nơi đây đặt những bát hương và đĩa hoa quả như bình thường cùng tập hợp lộn xộn các tấm ảnh để tưởng nhớ người đã khuất. Việt Nam là đất nước kỷ niệm ngày mất thay cho ngày sinh. “Người Việt Nam không phải là những người theo đạo Phật,” ông Ẩn nói. “Chúng tôi là những người theo thuyết phiếm thần. Tín ngưỡng mà chúng tôi thực hành là thờ cúng tổ tiên. Đó là lý do tại sao ngày Tết lại quan trọng đến thế đối với người Việt Nam. Nó là dịp anh mời linh hồn của những người đã khuất về thăm những người đang còn sống.” “Chúng tôi tin rằng con người ta có ba cái hồn,” ông Ẩn nói, “hồn tinh thần, hồn t́nh cảm và hồn vật chất. Hồn tinh thần là yếu tố phân biệt con người với con vật. Hồn tình cảm xuất phát từ trái tim. Còn hồn vật chất xuất phát từ bụng. Nó giải thích tại sao con người lại xấu xa, tại sao chúng ta lại giết lẫn nhau và bị tha hóa. “Khi chết đi, con người ta sẽ phải trình diện trước Diêm vương. Nếu anh đã phạm phải quá nhiều tội lỗi, anh sẽ buộc phải ở lại đó. Dù thế nào đi nữa, anh cũng sẽ phải ở lại địa ngục ba ngày sau khi được mai táng. Sau đó gia đình người chết sẽ đến thăm mộ với một con gà đen. Nếu con gà kêu lên, nó sẽ được thả ra khỏi lồng và được phóng sinh . Được gọi là ‘lễ mở cửa mả’, nghi lễ này giải phóng linh hồn tình cảm. Người ta có thể sử dụng một con chó mực cho lễ này, nhưng như thế sẽ tốn tiền hơn. Nếu con chó quay về nhà, nó sẽ mang theo linh hồn tình cảm của người chết cùng với nó. Chúng tôi đón mừng sự kiện này bằng cách đặt một tấm ảnh của người đã khuất lên bàn thờ gia tiên.” Đặt ở giữa bàn thờ là bức ảnh ông nội của Phạm Xuân Ẩn, chụp ông mặc áo dài khăn đóng may sát và cổ đeo tấm bội tinh của hoàng đế. Cạnh đó là ảnh của những bậc tổ tiên khác trong dòng họ, và ông Ẩn bèn kể những câu chuyện về họ. Ông nội ông có ba vợ. Người vợ cả sinh bốn người con, trong đó có cha của Phạm Xuân Ẩn, là con trai thứ hai trong ba người con trai. Bà vợ ba sinh ba người con. Bà vợ hai, không có con, bỏ ông nội của Phạm Xuân Ẩn rồi sau đó lấy chồng vào một gia đình quyền quý ở miền Bắc và sinh ra Tố Hữu, người về sau trở thành một trong những nhà thơ và nhà chính trị lớn nhất của Bắc Việt Nam. “Vào thời đó, người Pháp cho phép đàn ông cưới ba vợ,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Dạo xưa, anh có thể có đến năm thê bảy thiếp. Đó là lý do tại sao tôi muốn được sống ở thời xưa,” ông nói đùa. Cha của Phạm Xuân Ẩn, ông Phạm Xuân Viễn, cũng có hai vợ, thực ra là một vợ và một thiếp. Trước khi gặp mẹ của Phạm Xuân Ẩn, ông Viễn đã có một con gái với một cô gái nông dân ở Rạch Giá, một thị xã Nam Bộ nằm ở bìa rừng U Minh. Trong một thời gian ngắn năm 1941, cô gái đó đến sống cùng gia đình Phạm Xuân Ẩn, nhưng lại nhanh chóng thấy nhớ nhà và bỏ về. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ gặp lại người ấy nữa. Giống như cha ông, mẹ của Phạm Xuân Ẩn là một phần của công cuộc Nam tiến của Việt Nam. Bà đến từ khu vực khai thác than gần Hải Phòng, và gia đình bà có gốc gác từ Trung Quốc, nơi ông của bà, cũng giống Phạm Xuân Ẩn, là một người thích chơi chim. Khi còn là một cô bé, bà đã chăm sóc lũ chim sơn ca của ông - những con chim Trung Quốc được nuôi nấng rất kỳ công để tạo ra những ca sĩ và vũ công xuất sắc nhất. “Ảnh của cha ông đâu?” tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn, khi chúng tôi đứng trước bàn thờ gia tiên. “Nó được đặt ở đây,” ông nói, và với tay về phía một bức ảnh ở phía trong. Bức ảnh chụp một người đàn ông nghiêm nghị đeo mục kỉnh màu đen, mặc một bộ đồ Tây sẫm màu và mang cà vạt. “Tôi không đứng lâu được, nhất là khi trời nóng,” Phạm Xuân Ẩn nói, và đặt bức ảnh vào vị trí cũ. Tôi tự hỏi hay là ánh mắt trách móc của người cha cũng làm cho ông thấy ngột ngạt khó thở. Sinh năm 1900, cha ông được đi học tại trường nữ sinh do ông nội ông làm hiệu trưởng. Một ngoại lệ hiếm hoi đối với những quy định thuộc địa ngặt nghèo liên quan đến việc đào tạo nam nữ riêng biệt. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông Viễn ra Bắc, đến Hà Nội để học làm một agent technique, một nhân viên công chánh. Các kỹ sư chia công việc của mình thành nhiều chuyên ngành khác nhau: lập bản đồ, trắc đạc, nạo vét kênh, xây cầu đường. Cha của Phạm Xuân Ẩn rất giỏi về lập bản đồ. Ông dành phần lớn thời gian của mình cho công việc trong rừng rậm và những khu vực hoang dã của Nam Kỳ, quan sát để lên kế hoạch khởi công cho những đồng nghiệp của mình, những người đến sau và xây dựng hệ thống công trình công cộng của miền Nam. Bản thân Phạm Xuân Ẩn cũng nắm vững những kỹ năng này khi ông bắt đầu vẽ bản đồ các chiến trường trong chiến tranh Việt Nam. Một trong những công việc quan trọng nhất của ông tại tòa báo Time là nộp bảng tọa độ hàng tuần về tất cả bố trí lực lượng quân sự và chiến sự của cuộc chiến tranh đang diễn ra. Bất chấp vị thế đặc quyền của mình là những viên chức, các thành viên trong gia đình Phạm Xuân Ẩn không hề làm ngơ trước cảnh lầm than xung quanh họ. Lao động cưỡng bức và lực lượng nông dân bị bần cùng hóa tạo thành nền tảng cho nền kinh tế thuộc địa. Ngô Vĩnh Long, trong cuốn sách Trước cách mạng: Nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã miêu tả những đồn điền cao su của Việt Nam hoạt động như những trại lao động nô lệ như thế nào, với tỷ lệ tử vong hằng năm cao hơn 20%. Sưu thuế hà khắc đối với nông dân, lao dịch, một hệ thống kiểm soát bằng cảnh sát và nhà tù tinh vi, nạn đói xảy ra liên tục ở vùng nông thôn kéo theo những cuộc nổi dậy của nông dân và những vụ đàn áp chóng vánh - đó là nền tảng kinh tế chính trị học đã đẩy đại đa số người dân Việt Nam vào cảnh khốn cùng. Đồng thời, người Pháp cũng xây dựng đường sá và trường học ở nhiều nơi trên cả nước, và thư từ được chuyển đi một cách mau lẹ đáng kể. Hệ thống kinh tế này vận hành như một cỗ máy khổng lồ trong việc biến rừng rậm thành những đồn điền lúa gạo và cao su, và nó cũng mang đến sự nhàn tản cho những người Pháp ở thuộc địa để có thể dành các buổi chiều nhấm nháp rượu Pernod trên sân thượng của khách sạn Continental Palace. Sự phản kháng của người Việt Nam đối với ách thống trị thuộc địa của người Pháp diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số người Việt Nam muốn khắc phục sự tàn bạo trong hệ thống cai trị của người Pháp trong khi vẫn duy trì một liên minh Pháp-Việt để phòng ngừa người Trung Quốc. Những người khác lại kêu gọi lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Gia đình ruột thịt của ông Ẩn muốn chấm dứt thời kỳ thực dân. “Nếu là một giáo viên, hàng ngày khi đối diện với các học sinh của mình, anh có thể thấy là gia đình họ rất nghèo, và anh biết tại sao họ lại nghèo như thế,” ông Ẩn nói. “Ông nội tôi thấy hậu quả do sự đô hộ của thực dân Pháp gây nên, và ông không có cách nào khác hơn là chống lại nó.” Cha của Phạm Xuân Ẩn cũng nhận ra những hậu quả đó. “Ba tôi vẽ bản đồ trong rừng bằng cách kéo thước dây cuộn, đây là công việc rất khó nhọc trong rừng rậm,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ổng phải dựng những cái chòi rất cao để lấy đường ngắm và phải dựa vào những chaineurs (những người đo đạc bằng thước dây), bao gồm tù khổ sai và các nông dân quá nghèo đến mức không có tiền đóng thuế.” Sau khi lập bản đồ khu vực xung quanh Biên Hòa, ông Phạm Xuân Viễn được điều chuyển về Rạch Giá. Khu vực rộng mênh mông gồm những đầm lầy và rừng đước nằm sát Vịnh Thái Lan này đánh dấu sự kết thúc công cuộc Nam tiến của Việt Nam. Xa lánh hoàn toàn khỏi thế giới văn minh, khu vực này rất thưa thớt dân cư, là nơi định cư của những người Hoa và Campuchia lánh nạn, và của những tên cướp biển hoành hành ngoài khơi vùng vịnh. Bao quanh Rạch Giá là rừng U Minh, một vùng đất ngập nước phủ kín các loài cây tràm Melaleuca và những rừng tràm. Hàng nghìn những chiếc đó bắt cá, những chiếc lồng hình tam giác được đan từ nan tre, nổi trên mặt nước. Những thân tràm trắng và mảnh mọc chen chúc trong đầm lầy, cùng với vô số loài côn trùng, trong đó có cả loài ong mật có tổ bị săn tìm rất ráo riết. Người Pháp cố rút nước khỏi những đầm lầy này và khơi kênh rạch để biến chúng thành những đồn điền trồng lúa, nhưng họ không bao giờ thuần hóa được hoàn toàn những vùng đất hoang dã của rừng U Minh. Khu rừng là nơi tập hợp lực lượng Việt Minh. Nó cũng đóng một vai trò tương tự đối với Việt Cộng, và đây chính là nơi Phạm Xuân Ẩn được huấn luyện để trở thành một chiến sĩ cách mạng. Khi còn nhỏ, Phạm Xuân Ẩn đi khắp nơi qua những vùng sông nước rộng mênh mông của rừng U Minh trên con xuồng tam bản của gia đình luôn chất đầy những thiết bị trắc địa và bản đồ của cha ông. Đến đêm gia đình neo xuồng vào những xóm làng ven kênh, nơi chính quyền địa phương cho họ mượn những túp lều để nấu nướng và ngủ lại. Một buổi tối trước khi Phạm Xuân Ẩn tròn hai tuổi, cả gia đình đang băng qua cửa một con sông lớn đổ thẳng ra đại dương thì hai chiếc vòi của một cơn lốc biển bắt đầu ập tới. “Trông nó giống như những chiếc cổ đen sì của hai con ngỗng quấn chặt vào nhau vậy,” ông Ẩn kể. Con xuồng qua được cơn lốc xoáy, nhưng mẹ ông, khi đó đang mang thai em gái ông, nhận ra rằng cuộc sống trên sông nước là quá nguy hiểm đối với cậu con trai đầu lòng của bà, và Phạm Xuân Ẩn được mẹ đưa về sống cùng ông bà nội ở Huế. Họ sống trong một ngôi nhà gạch, do cha của ông xây dựng, nơi trú ngụ của ông nội cùng bà vợ cả và bà vợ hai, cùng với người chú con bà trẻ và người cô của ông Ẩn. Sau khi sinh hạ người con thứ hai ở Huế, mẹ ông lại quay vào với chồng ở miền Nam. “Tôi bị bỏ lại đó sống cùng với ông nội khi mới lên hai tuổi,” ông Ẩn nói. Ông không hề dùng cái từ bỏ lại một cách vô tình. Giai đoạn xa cách khỏi bố mẹ này của ông chỉ vài năm sau lại được tiếp diễn với một giai đoạn xa cách khác, mà ông Ẩn gọi là thời gian lưu đày của mình. Phải hai năm sau Phạm Xuân Ẩn mới gặp lại cha mẹ. Họ về Huế khi bà nội ông qua đời, và sau đám tang, họ đưa Phạm Xuân Ẩn quay trở lại Nam Kỳ. Không còn sống trên một con xuồng nữa, cả gia đình trú ngụ trong một ngôi nhà ở tỉnh Gia Định bên ngoài Sài Gòn, nơi vào thời điểm đó còn là một tỉnh lỵ với vài trăm ngàn dân, bao quanh là những cánh đồng lúa, đồn điền cao su, và rừng rậm. Mới chỉ có vài con đường cắt qua vùng nông thôn (cha của Phạm Xuân Ẩn được phân công quy hoạch nơi chúng sẽ chạy qua), nên người dân đi qua khu vực này bằng những đường mòn xuyên rừng, chủ yếu là đi bộ và thỉnh thoảng là bằng xe thổ mộ, một loại xe nhỏ hai bánh do ngựa kéo. Và thế là bắt đầu chuyện tình trọn đời của Phạm Xuân Ẩn với Sài Gòn. Ông dành hàng giờ dọc bờ sông Sài Gòn, đu những cành đa và nhảy ùm xuống nước. Ông đánh bạn với những người công nhân ở nhà máy đóng tàu Ba Son, họ đúc cho ông những đồng xu có hình thù kỳ dị để chơi đánh đáo. Ông nhảy xe điện đến Chợ Lớn, khu của người Hoa, rồi lại quay về rạp xi nê gần cầu Đa Kao, để xem những bộ phim có diễn viên Johnny Weissmuller thủ vai Tarzan. “Đó là một giấc mơ tuyệt đẹp về tự do trong rừng rậm,” Phạm Xuân Ẩn nhận xét về những bộ phim này. “Tôi đã nghĩ rằng dưới chế độ cộng sản tôi sẽ sống như Tarzan. Tôi đem giấc mơ này vào cuộc cách mạng.” “Hãy nhìn Tarzan mà xem,” ông Ẩn thốt lên. “Anh ta có gì chứ? Chỉ có một chiếc khố. Khi anh là một người cộng sản, anh cũng trở thành Tarzan, vua của rừng rậm.” Đây là chủ nghĩa cộng sản kiểu trạng thái tự nhiên thuần khiết, một mô hình mơ mộng kiểu Rousseau. Nó là phiên bản triết lý trung học về chủ nghĩa cộng sản, mà Phạm Xuân Ẩn tiếp thu từ những cuốn sách do Đảng Xã hội Pháp gửi cho các học sinh sinh viên ở những thuộc địa. “Vâng, tôi là một người cộng sản,” ông nói. “Chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết rất đẹp, học thuyết nhân văn nhất. Những lời răn dạy của Chúa trời, đấng Sáng tạo, cũng như vậy. Chủ nghĩa cộng sản dạy chúng ta phải yêu thương, thay vì giết hại lẫn nhau. Cách duy nhất để làm được điều đó là tất cả mọi người phải trở thành anh em, khéo phải mất cả triệu năm. Không tưởng, nhưng rất đẹp.” Là một nhà phân tích chính trị, Phạm Xuân Ẩn hiểu những hạn chế của chế độ cộng sản mà ông sống biết rằng chủ nghĩa cộng sản là một “vị thần đã thất bại”, chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều triệu người, ông biết quá rõ những hạn chế của chế độ cộng sản mà ông đã sống. Nhưng chàng thanh niên Phạm Xuân Ẩn yêu nước đã quyết định chọn con đường đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập. Lực lượng hiệu quả nhất cho vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh này chống lại người Nhật, người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc, người Campuchia cùng những thế lực ngoại xâm khác trên đất nước bị chia cắt của ông chính là những người cộng sản. “Tại Việt Nam này, anh phải tham gia vào tổ chức nào để thực hiện cuộc đấu tranh cho tổ quốc của mình?” ông hỏi. “Anh không có sự lựa chọn nào khác ngoài Đảng Cộng sản.” Phạm Xuân Ẩn rất sung sướng khi được đoàn tụ với cha mẹ mình tại Sài Gòn, nhưng trường học lại là chuyện khác. Đăng ký vào trường tiểu học của Pháp, ông phải trải qua một kỳ thi quan trọng vào cuối năm thứ ba. Nếu thi trượt, ông sẽ phải học lại cả năm đó. Nếu trượt lần nữa, ông sẽ bị đuổi học. Kỳ thi này quan trọng đến nỗi, vào ngày tổ chức thi, cảnh sát vây kín quanh lớp học của Phạm Xuân Ẩn và khóa chặt cửa ngăn cản những bậc cha mẹ cố tìm cách hối lộ giám thị. “Tôi thi trượt,” Phạm Xuân Ẩn nói. Ông cười khi nhớ lại bước thụt lùi về con đường học vấn này, một tiếng cười khùng khục, sảng khoái. “Trường học nơi tôi học giỏi nhất và trải qua những ngày sung sướng nhất là l’école buissonnière,” ông nói, sử dụng từ ngữ tiếng Pháp có nghĩa là trốn học. Cha của một bạn cùng lớp với Phạm Xuân Ẩn là thợ đóng quan tài. Đêm đến, Phạm Xuân Ẩn lẻn ra khỏi nhà đến ngủ với bạn trong những chiếc quan tài trống không. (Khi công việc làm ăn ế ẩm, người đóng quan tài tin rằng sẽ là may mắn nếu chỗ hàng thừa của mình được trưng dụng tạm thời.) “Bên trong những chiếc quan tài rất ấm áp, nên tôi ngủ ngon lành,” Phạm Xuân Ẩn kể. “Ông già tôi đi ra ngoài tìm tôi. Khi phát hiện ra tôi đã ngủ trong những chiếc quan tài ở nhà bạn là ổng lại cho tôi ăn đòn.” “Những đêm khác, tôi cùng đám bạn ra ngoài săn ma. Tụi tôi trốn gần bãi tha ma, bên cạnh một rặng tre. Người ta bảo là vào ban đêm, khi ma hiện lên, chúng phát ra một tiếng động, và nếu nhìn vào một ngôi mộ, anh có thể thấy linh hồn đang bay lên khỏi xác. Thực ra đây là lớp sương ẩm bốc lên khi trời bắt đầu đổ mưa, nhưng tụi tôi cứ tưởng những đợt sương đầu tiên bốc lên là linh hồn của người chết đang bay lên khỏi mộ. Và thế là chúng tôi nằm chờ đợi, rồi đêm xuống, khi gió thổi qua, những thân tre sẽ cọ vào nhau tạo thành tiếng kẽo kẹt, giống tiếng xương người lạch cạch trong quan tài. Đó là tiếng động mách bảo chúng tôi hãy sẵn sàng, sắp có ma hiện hình.” Khi Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe câu chuyện này, ông khiến tôi nhớ đến nhân vật Tom Sawyer, mải mê gọi hồn người chết và giở đủ những trò phá phách, trong khi đó ở nhà thì cha của ông, đóng vai dì Becky, đang chuẩn bị cho ông ăn một trận đòn nhừ tử. Cách 5 kilômét bên ngoài thành phố Sài Gòn thuộc địa, khu vực rừng rú nơi gia đình Phạm Xuân Ẩn sống trở nên tối thui và tĩnh lặng khi đêm xuống, trừ tiếng rao buồn thảm của người bán đậu phộng, khi anh ta đi từ nhà này sang nhà khác, bán những gói đậu phộng rang hình nón với giá vài xu. Thỉnh thoảng Ẩn ta cũng được phép mua một gói đậu phộng rang như một món quà hậu hĩnh. Một buổi tối, với những cơn mưa theo gió mùa tầm tã đang trút xuống mái nhà, ông nghe thấy tiếng rao xa xa của người bán đậu phộng. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại giọng rao ai oán từ thời thơ ấu: Ai đậu phộng rang nào, ai đậu phộng rang không. Khi mở cửa, Phạm Xuân Ẩn phát hiện ra rằng người bán đậu phộng cũng chỉ là một cậu bé trạc tuổi mình. Thứ duy nhất giúp cậu ta chống chọi với cơn mưa xối xả là chiếc nón lá và tấm áo tơi đan bằng lá dừa nước. Phạm Xuân Ẩn đã quay lại với bài tập về nhà của mình và tóp tép nhai đậu phộng rang. Khi cha cậu hỏi cậu nghĩ gì về cậu bé bán đậu phộng dạo, Ẩn trả lời: “Nó cũng là một thằng bé như bất kỳ thằng bé nào khác chứ có gì đâu.” “Con nghĩ vậy sao? Nếu thế tại sao con lại đang ngồi đây, trong căn phòng tiện nghi này? Tại sao con lại được đọc sách dưới ánh điện trong khi nó thì phải ở ngoài đêm tối, chẳng có gì mà mặc ngoài một chiếc áo tơi làm bằng lá dừa nước? Nó đang đi kiếm tiền nuôi sống gia đình. Ba má nó rất nghèo. Tại sao con không biết tận dụng hoàn cảnh may mắn của mình? Tại sao lúc nào con cũng chạy lông bông, hết ngày đến đêm, hết đêm lại ngày? Ba đánh con là để con phải học, là vì tương lai của con thôi.” Cả đòn roi lẫn la mắng đều không làm cậu thiếu niên bướng bỉnh biến chuyển. “Ổng cho tôi ăn roi. Thế là tôi không học nữa,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Cha tôi sợ tôi sẽ trở thành một dạng du côn Sài Gòn. Đó là lý do tại sao ông đày tôi về Truồi. Một khi đã học đến lớp ba tức là anh phải biết đọc và biết viết tiếng Pháp. Thậm chí cả môn toán cũng học bằng tiếng Pháp. Lịch sử được dạy bằng tiếng Pháp, và chủ yếu là lịch sử Pháp. Tôi học toán rất khá, nhưng tôi thi trượt môn chính tả tiếng Pháp, mà đó lại là môn được coi trọng nhất.” “Ba tôi gửi tôi về Huế, rồi ông nội tôi tống tôi về Truồi,” Phạm Xuân Ẩn miêu tả về quãng thời gian mà ông gọi là đi đày. “Truồi là một vùng quê rất nghèo khổ, nhiều làng chỉ có chung một trường tiểu học. Hiệu trưởng trường đó là con nuôi của ông nội tôi. Vợ ổng cũng là giáo viên trong trường. Tôi ở với họ một năm trời. Tôi tham gia kỳ thi và lại trượt. Ba tôi giận phát điên! Tôi đã dành cả năm trời ra để vui thú, chẳng học hành gì cả.” Tưởng sống giữa những người nghèo khổ đến nỗi phải ăn ve sầu rang thay thịt và thắp sáng nhà cửa bằng mỡ chuột thì Ẩn sẽ học hành chăm chỉ hơn. Thế nhưng, cậu lại sung sướng được chơi trò trốn học và nhởn nhơ rong chơi khắp vùng quê. Sau khi thi trượt lần nữa, cậu bị cha nện cho một trận nên thân và đưa trở lại Sài Gòn để áp dụng chế độ ngặt nghèo hơn. Một buổi sáng, sau khi tôi kéo chuông cổng và Phạm Xuân Ẩn đi qua khu vườn ra đón tôi, tôi nhận thấy ông có vẻ mệt mỏi và ủ rũ. “Một người bạn vừa mất đêm qua,” ông nói. “Giờ thì chuyện đó xảy ra như cơm bữa.” “Người già thì rụng răng,” ông nói. “Thứ lẽ ra nên rụng thay cho răng, vì chẳng còn tác dụng gì nữa, là ‘hòn bi’ của họ.” “Tôi thực muốn lớn lên được giống như Tarzan. Được có một cô bạn gái và sống tự do trong rừng rậm. Thế mà giờ thì họ bắt tôi sống trong một ngôi nhà. Tôi phải mang cà vạt vào khi đi họp rồi dự đám cưới và đám ma. Tarzan có bao giờ phải mang cà vạt đâu cơ chứ.” “Tôi cứ tưởng ông muốn lớn lên trở thành một tên gangster Việt Nam.” “Khi anh là một tay gangster tốt, người ta sẽ kính nể anh. Anh có thể giúp đỡ họ. Anh chiến đấu vì những người yếu đuối chống lại những kẻ ức hiếp họ.” “Điều gì đã xảy ra với kế hoạch của ông?” “Ông nội tôi nói không. Ba tôi cũng nói không. Đó là lý do tại sao ổng tống tôi về Truồi, khi ổng nhận ra tôi đang cố trở thành một tay anh chị Sài Gòn. Ổng hy vọng khi chứng kiến cuộc sống cơ cực của người nông dân, tôi sẽ biết đường hồi tâm chuyển tánh, nhưng tôi lại thấy thích. Ông có biết tại sao không? Bởi vì ba tôi đâu có ở đó. Tôi không còn bị ổng cho ăn đòn với cái roi mây của ổng.” Phạm Xuân Ẩn được đưa trở về Sài Gòn để thử sức lần cuối cùng với kỳ thi của mình. Cậu quay lại với trò tắm sông và lông bông khắp thành phố, nhưng mọi việc đã thay đổi. Chiến tranh đang lù lù hiện ra tại châu Á. Thế giới đang dịch chuyển quanh cậu. “Tôi có một người bạn, một cậu bé Việt Nam, đồng thời cũng là một công dân Pháp. Anh trai cậu ta bị người Pháp bắt đi quân dịch năm 1938 để phục vụ trong quân đội Pháp. Trước khi lên tàu sang châu Âu để đánh nhau với người Đức, ảnh bị nhốt trong doanh trại quân đội gần sở thú. Cứ đến cuối tuần là cậu bạn và tôi lại đi bộ từ Gia Định đến doanh trại, mang theo những nải chuối to bự. Mẹ ảnh muốn con trai mình được ăn chuối. Đó có thể là thức ăn cuối cùng của quê hương mà ảnh được ăn trước khi lên đường đi bỏ mạng ở châu Âu.” Phạm Xuân Ẩn rất ít khi kể về mẹ mình, nhưng có câu chuyện về một cuộc tranh cãi trong gia đình xảy ra khi ông lên mười hay mười một tuổi gì đó. “Phụ nữ đẹp nhất trên thế giới là phụ nữ Pháp,” cha ông nói. “Không,” mẹ ông nói. “Gái Mỹ mới gọi là xinh nhất.” Cha của Phạm Xuân Ẩn rất bất ngờ khi thấy ý kiến của mình bị phản bác, vì ông là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Là một thành viên đáng kính trọng của giới viên chức dân sự Pháp, thỉnh thoảng ông được mời làm giám khảo những cuộc thi sắc đẹp địa phương tại các hội chợ hàng tỉnh, và theo ông thì những cô gái Pháp - chứ không phải gái Việt Nam hoặc métisses (gái lai) - mới là những phụ nữ xinh đẹp nhất. “Tôi hỏi mẹ, ‘Làm sao má biết gái Mỹ đẹp nhất?’ ‘Thì cứ xem những bộ phim sản xuất ở Hollywood coi,’ bả nói. ‘Trong điệu bộ, lời nói, cử chỉ của mình, gái Mỹ đẹp hơn hẳn so với gái Pháp. Nên khi nào con lớn lên, con nên tới Mỹ và cưới một phụ nữ như vậy. Con sẽ được hạnh phúc. Đừng có cưới một đứa con gái Pháp. Chúng kênh kiệu lắm.’” Để chứng minh quan điểm của mình, cha của Phạm Xuân Ẩn đưa cậu đi coi Những người khốn khổ, một bộ phim về một gia đình Pháp bị bần cùng hóa với một cô gái Pháp xinh đẹp là nhân vật chính. Phạm Xuân Ẩn cảm kích với bài học này từ cha mình, nhưng những bộ phim cậu thực sự yêu thích lại là phim Mỹ với Charlie Chaplin cùng Laurel rồi Hardy và, tất nhiên, nhân vật Tarzan ưa thích của cậu. Đến năm 1938, gia đình Phạm Xuân Ẩn chuyển từ Sài Gòn về Cần Thơ, thành phố thuộc địa náo nhiệt đóng vai trò là thủ đô kinh tế và văn hóa của châu thổ sông Mê Công. Cha của Phạm Xuân Ẩn thay thế một người Pháp đã bị động viên, ông được chính thức nâng lên ngạch kỹ sư, và Phạm Xuân Ẩn, mặc dù thi trượt, vẫn được nhận vào lớp bốn, nơi cuối cùng cậu cũng nắm vững cái môn dictée (chính tả) quỷ quái của tiếng Pháp. Nằm giữa nơi hợp nhất của hai dòng sông trong một mạng kênh rạch chằng chịt, Cần Thơ là trung tâm của khu vực được biết đến với tên gọi Cửu Long, tức Chín con Rồng. Đây là cách nói ngụ ý chín nhánh của dòng sông Mê Công chảy ngang qua vùng đồng bằng ngập nước phì nhiêu. Thành phố kín đặc những khu chợ nổi và bao quanh là những vườn cây ăn trái trồng sầu riêng, măng cụt và cam. Dừa và những vạt mía mọc khắp nơi, cả khu vực được che phủ bởi những cánh đồng lúa xanh biếc tạo thành vựa lúa gạo của cả vùng Đông Nam Á. Trước kia Cần Thơ là nơi sinh sống của người Khmer Krom – tức người Thủy Chân Lạp – những người cai quản vùng này cho đến cuối thế kỷ mười bảy, khi các Chúa Nguyễn bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của mình về phương Nam. Đến những năm 1860, người Pháp đã kiểm soát vùng châu thổ và bắt tay vào việc rút nước và đào kênh rạch biến vùng đầm lầy thành những đồn điền lúa gạo – một công trình được các thương nhân Ấn Độ bắt đầu từ mười tám thế kỷ trước đó . Phạm Xuân Ẩn là một học sinh vô tư lự được đến đâu hay đến đó, nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai đang đến gần. Vì quá thiếu binh lính, người Pháp cố gắng thực hiện chế độ quân dịch với những người đàn ông khỏe mạnh của thuộc địa, thậm chí cả những người có tuổi như Phạm Xuân Viễn, cha của Ẩn. Năm 1938, ông Viễn bị gọi lên Sài Gòn để kiểm tra sức khỏe, nhưng bị loại. Năm 1940, người Nhật chiếm Đông Dương. Những người Pháp ở thuộc địa bị bỏ lại đành tự điều hành theo mô hình chính phủ Vichy của mình, tạo danh nghĩa Pháp cho sự cai trị thực sự của người Nhật Bản. Phạm Xuân Ẩn trải qua những năm học trung học ở Collège de Cần Thơ, nơi đào tạo các học sinh nam đến hết lớp mười. Ẩn vẫn là một cậu học sinh xoàng, nhưng lại rất được cảm tình của những giáo viên khâm phục tính tự lập và tò mò của cậu. Họ nhận thấy ở cậu một mẫu người Việt Nam mới - nhanh nhẹn, tháo vát, và có máu phiêu lưu. Thế giới đang đảo lộn vì chiến tranh và không khí cách mạng sôi sục. Kỷ nguyên thực dân của Pháp đang sụp đổ. Người Việt Nam hiểu rằng làm chủ môn dictée tiếng Pháp sẽ là không đủ để bảo đảm thành công trong thế giới mới này. Một số giáo viên của Phạm Xuân Ẩn, đặt trọn kỳ vọng của họ vào cậu bé tinh quái này, đã cố đẩy cậu về phía trước. Phạm Xuân Ẩn cảm thấy rằng thế giới của người Pháp ở châu Á đã chết, mặc dù cũng phải mất thêm 15 năm nữa thì cuối cùng cái xác này mới bị mang ra khỏi sân khấu. Cậu bắt đầu có những buổi học tiếng Anh riêng từ một mục sư Tin Lành người Việt Nam từng được đào tạo ở Singapore, thế là cậu trở thành một người say mê nghiên cứu văn hóa Mỹ, và đặc biệt thấy ấn tượng với lịch sử cách mạng, những bộ phim và những tay gangster Chicago huyền thoại của đất nước này. Năm 1941, cha của Phạm Xuân Ẩn được thuyên chuyển về địa hạt cũ của mình gần rừng U Minh. Gia đình của cậu, lúc này đã gồm cả em gái và hai em trai cậu, chuyển về Rạch Giá, trong khi Ẩn ở lại Cần Thơ. Giáo viên môn tiếng Pháp của cậu là Trương Vĩnh Khánh đảm nhiệm thay vai trò người cha vắng mặt của Ẩn. Ông Khánh là một đối trọng đầy yêu thương và ân cần so với ông Viễn nghiêm khắc. Không chỉ am tường sâu sắc về văn học Việt Nam và văn học Pháp, thầy Khánh còn là một người yêu thể thao và, giống Phạm Xuân Ẩn, thầy cũng rất hài hước. Là một công dân Pháp xuất thân từ gia đình địa chủ giàu có, ông Khánh có hiểu biết sâu sắc về nước Mỹ, đất nước mà ông cảm thấy sẽ là thế lực lớn tiếp theo ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông Khánh có sự bao dung từng trải cần thiết để hiểu rõ giá trị của một học sinh như Phạm Xuân Ẩn, người không bao giờ học hành đủ chăm chỉ để đạt điểm cao hơn mức trung bình nhưng lại sở hữu cơ man nào những trò hài hước và tinh thần hoang dã. Ngày nào hai thầy trò cũng tập luyện với cái bao cát và đấu với nhau trong phòng tập quyền Anh của thầy. “Tôi rất yêu quý ổng. Ổng dạy tôi đủ mọi thứ trên đời,” Phạm Xuân Ẩn nói. Những người bạn Mỹ của Phạm Xuân Ẩn coi ông như là một người trong số họ, nhưng nền giáo dục đầu đời của ông lại mang ảnh hưởng sâu sắc của Pháp. Mỗi khi gặp khó khăn trong việc tìm một từ bằng tiếng Anh, thì hiện ra trong đầu ông luôn luôn là một từ tiếng Pháp. Ý thức của ông về chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và giác ngộ ban đầu về học thuyết của Marx cùng chủ nghĩa cộng sản đều được vay mượn từ nước Pháp. “Khi là học sinh chúng tôi đã biết về tinh thần ái quốc và chủ nghĩa dân tộc, mà làm thế nào chúng tôi lại biết những thứ đó?” Phạm Xuân Ẩn hỏi. “Bởi vì chúng tôi được người Pháp dạy.” “Trong năm đầu tiên học trung học chúng tôi chỉ được phép học mỗi tuần một giờ tiếng Việt. Toàn bộ phần còn lại của chương trình là bằng tiếng Pháp. Họ dạy chúng tôi về Cách mạng Pháp, về gốc gác của nước Pháp, sự đoàn kết của nước Pháp, những cuộc chiến tranh của Pháp, lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và những cuộc chiến tranh khác của nước Pháp với nước Đức, tôn giáo Pháp, Công giáo, triều đình và giới quý tộc, luật pháp của Pháp. Giáo dục công dân được chú trọng đặc biệt,” Phạm Xuân Ẩn nói, ám chỉ đến ý tưởng về một dân tộc thống nhất, với những quyền lợi được cụ thể hóa trong một nhà nước có hiến pháp. Thầy Khánh bổ sung vào vốn kiến thức của Phạm Xuân Ẩn về văn học Pháp những câu chuyện ngụ ngôn của Jean de La Bruyère và Jean de La Fontaine. Phạm Xuân Ẩn yêu thích những câu chuyện này về con người và các con vật, chúng cho thấy sự khác biệt duy nhất giữa hai giới là thói kiêu ngạo và tham vọng của con người, điều này có thể coi là hạn chế của chúng ta khi so với sự đơn giản cao quý của các loài động vật khác. “Cứ lúc nào thấy buồn là tôi lại đọc truyện ngụ ngôn của La Fontaine, bởi vì ông ấy là một professeur universel (thầy giáo phổ cập),” Phạm Xuân Ẩn nói. “Một tác giả yêu thích khác của tôi là Jean de La Bruyère. Ông ấy là một nhà văn rất lạc quan. Ông dạy anh cách mỉm cười, để sống vui vẻ. Thầy Khánh giới thiệu cho tôi những nhà văn này. Đó là lý do tại sao tôi nợ ổng rất nhiều.” “Ổng cho rằng tôi nên sang Pháp học. ‘Ở Pháp không có rừng rậm,’ ổng nói. ‘Trò sẽ không bị bạn bè nào rủ ra ngoài đi chơi cả. Sẽ không còn trò tắm sông, đấu quyền Anh, tập luyện hàng ngày. Trò sẽ buộc phải trở nên nghiêm túc, như người Pháp.’” Thầy Khánh nảy ra một ý tưởng khác. “Vì môn học duy nhất mà tôi giỏi là l’école buissonnière - trốn học - nên ổng nghĩ tôi sẽ trở thành một tay gangster. ‘Trò sẽ không bao giờ trở thành một học sinh tử tế,’ ổng bảo tôi. ‘Để nói tiếng Pháp, tất cả những gì trò cần là học ba từ. Để nói tiếng Anh, học thêm ba từ nữa. Còn lại, trò nên học cách đánh nhau. Trò nên trở thành trùm gangster toàn Nam Kỳ này. Như thế trò sẽ được gia đình kính trọng và bạn bè kính nể.’” “‘Những tay gangster khét tiếng nhất là ở Chicago,’ ổng nói. ‘Trò nên trở thành một tay gangster Việt Nam, nhưng học cách làm từ những tay gangster Chicago.’ Ổng khuyên tôi nên tới Mỹ và học về công nghệ, cách thức hiện đại để làm mọi việc. Ổng kể rằng, những tay gangster Chicago, mỗi khi đánh nhau, bao giờ cũng dùng poing américain, nắm đấm bằng đồng. Ổng dạy tôi cách tạo chúng. Anh đổ chì nóng vào một chiếc khuôn rồi làm mát bằng nước. Anh có thể đấm vỡ sọ đối phương một cách dễ dàng.” Ông Khánh và cậu học trò của mình dành hàng giờ trao đổi những câu chuyện đùa cợt và tếu táo về việc huấn luyện trong tương lai để Phạm Xuân Ẩn trở thành một tay gangster Mỹ. Một trong những câu chuyện của ông Khánh liên quan đến những lò mổ của Chicago. Với một nụ cười lệch trên khóe môi, Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe về chiếc máy kỳ diệu ở Chicago dùng để giết lợn, mà ông Khánh xem là đỉnh cao của công nghệ Mỹ. “Ở Việt Nam, chúng tôi trói con lợn xuống và lấy dao chọc tiết nó. Chúng tôi lấy tiết. Chúng tôi mở phanh bụng con lợn và moi hết bộ đồ lòng ra. Ở Mỹ, các ông không bao giờ động đến con lợn. Nó vừa bẩn thỉu, vừa dã man. Dân Mỹ là những người rất sạch sẽ. Họ có những con lợn giống Yorkshire và Berkshire tuyệt đẹp, to lớn hơn nhiều so với lợn của Việt Nam. Mỗi con nặng hơn một tạ.” Vừa kể cho tôi nghe câu chuyện này, Phạm Xuân Ẩn bắt đầu nhại tiếng ụt ịt của một con lợn Yorkshire đang trên đường lên bàn mổ. Ông bắt chước rất tài tình. Tôi đang nghe tiếng ụt ịt hoàn hảo của một con lợn Yorkshire ngay giữa Sài Gòn. Tại các lò mổ, nơi những con lợn bị giết, một người Mỹ đi giày bóng lộn và đeo cà vạt mở chiếc cổng dẫn đến một cỗ máy kim loại khổng lồ. Ông ta ấn một chiếc nút. Con lợn rơi xuống. Cỗ máy kết liễu đời nó. Con lợn bẩn thỉu đi vào đầu bên này của chiếc máy và đi ra ở đầu kia, được nấu chín hoàn toàn và bày biện ngon lành trên một chiếc đĩa. Xúc xích, giăm bông, salami - tất cả đều được chế biến trong chiếc máy kỳ diệu đó. “Ở đầu phía bên kia chiếc máy có một người đàn ông lịch lãm mặc bộ vét tuxedo và đeo cà vạt nơ đang ngồi. Trước mặt ông ta là một chiếc bàn phủ khăn trắng tinh, bộ đồ ăn bằng pha lê và bạc rất tinh xảo, cùng một chai rượu vang hảo hạng. Thức ăn đi ra khỏi chiếc máy và được đặt lên đĩa. Ông ta nếm thử một miếng. Ông ta nhấp một ngụm rượu vang. Ông ta rít một hơi xì gà. Ông ta dừng lại và gật đầu một cái - nhưng chỉ khi nó đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất của ông ta - thế là thức ăn được chuyển đi để phân phối khắp cả nước tới tất cả các siêu thị trên nước Mỹ. “Nếu ông ta không vừa lòng, ông ta lắc đầu và có người lại ấn một chiếc nút khác. Thức ăn được mang đi khỏi đĩa của ông ta, quay trở lại chiếc máy. Ông có biết sau đó chuyện gì xảy ra không? Chui ra ở đầu kia của chiếc máy là con lợn Berkshire! “Tôi đến Chicago và cố công đi tìm chiếc máy này,” Phạm Xuân Ẩn kể, nhắc lại những chuyến đi khắp nước Mỹ của mình trong những năm 1950. “Hồi đó thầy giáo của tôi đã mất rồi, nếu không tôi đã viết thư để nói với ổng rằng tôi không tìm thấy chiếc máy kỳ diệu đó ở bất kỳ nơi đâu trên nước Mỹ.” Trong hoàn cảnh của nước Việt Nam thời chiến, gợi ý của ông Khánh về việc Phạm Xuân Ẩn trở thành một tay gangster cũng không có gì là viển vông. Việt Nam có truyền thống lâu đời về những băng đảng tội phạm. Người Pháp sử dụng những công ty tội phạm để tài trợ cho công cuộc cai trị thuộc địa của mình, và họ cắt đặt những tên gangster điều hành đất nước. Tại nước Việt Nam thuộc địa, trở thành một trùm gangster thực sự có thể làm con người ta “được gia đình và bạn bè kính nể”. Khét tiếng trong những tay anh chị Việt Nam hiện đại là Lê Văn “Bảy” Viễn. Xuất thân từ một tay đâm thuê chém mướn mù chữ, đầu bò đầu bướu, cực giỏi võ Tàu, Bảy Viễn là đại ca của những tên cướp vùng kênh rạch Bình Xuyên kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc phiện cùng tất cả các sòng bạc và nhà thổ tại Sài Gòn. Là một kẻ từng tốt nghiệp nhà tù Côn Đảo, về sau y ngoi lên trở thành thị trưởng không chính thức của Sài Gòn, kẻ giàu nhất thành phố, trùm cảnh sát trong thực tế, và cũng là một viên tướng. Xét theo một khía cạnh, toàn bộ lịch sử Việt Nam – tất cả năm mươi thế kỷ đó – có thể được xem như sự tiếp nối dài dằng dặc của cuộc tranh giành giữa những băng đảng. Việt Nam là một giao lộ khổng lồ, một cái nồi hầm đúng nghĩa đối với tất cả các nền văn hóa, dường như tất cả đều đến cắm cọc ở vùng đất này, vì nó là nơi xa quê hương nhất mà người ta tới được. Việt Nam là nơi người ta tìm đến sau một cuộc cách mạng thất bại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, hoặc Pháp. Nó là vùng đất của những tên cướp biển, những kẻ lưu đày, thủ lĩnh, và các băng đảng tội phạm, tất cả đều hỗn chiến với nhau trong bóng tối của những khu rừng rậm và đồng bằng nhiệt đới luôn có lũ lụt trên đất nước này. Việt Nam là tên gọi xuất phát từ Nam Việt, nghĩa là những người Việt ở “phương Nam”, những người bị buộc phải di cư từ vùng đầu nguồn sông Mê Công ở Tây Tạng xuống vùng châu thổ sông Hồng và sông Đà. Khi người Việt tiếp tục đi xuống phía Nam, họ tiếp xúc với những nhóm người đến từ Ấn Độ, Campuchia và Mã Lai đã định cư ở các khu vực màu mỡ trồng lúa của vùng châu thổ sông Mê Công. Lịch sử tranh chấp của vùng châu thổ bắt đầu nổi lên từ thế kỷ đầu tiên của Công lịch, khi nền văn minh chịu ảnh hưởng của Ấn Độ là Phù Nam được thiết lập. Phù Nam có những thành quách kiên cố với đầy đủ các thư viện và thợ bạc cùng một hạm đội mạnh, cho phép nó kiểm soát được những vùng ven biển của Việt Nam. Ở phía Bắc vương quốc Phù Nam, một nền văn hóa khác chịu ảnh hưởng của Ấn Độ bắt rễ ở đây, tức là nước Chăm Pa . Như William Cassidy, người đã viết một tác phẩm rất sống động có tên gọi Truyền thống tội phạm ở miền Nam Việt Nam (1991), đã miêu tả, “Cái mà ngày nay chúng ta gọi là Sài Gòn bắt nguồn từ một tập hợp những ngôi làng nằm sâu trong nội địa, cách bờ biển khoảng 80 cây số, trước kia được gọi là Prey Kor, tức là ‘Vùng đất rừng’, nơi trốn tránh và ẩn náu đi về cho những tên cướp biển quấy nhiễu tàu bè trên biển đi về phía Nam và tàu bè trên sông đi về phía Tây. Khu vực này chứng kiến một cơn lốc xoáy của nạn cướp biển và cướp bóc. Hạm đội cướp biển Mã Lai hoạt động ở sâu trong đất liền từ Côn Đảo. Những hạm đội cướp biển Chăm Pa hoạt động ở phía Nam từ mạn Huế trở vào. Những băng cướp Phù Nam và Chăm độc quyền các tuyến đường trên bộ.” Đến năm 1859, một băng cướp biển mới - người Pháp - đã chiếm Sài Gòn, và đến năm 1862 vua Tự Đức đã phải nhượng phần lớn Nam Kỳ cho những vị chúa tể người Âu mới của mình. Campuchia sụp đổ năm 1863 và đến năm 1884, toàn bộ khu vực này nằm dưới sự cai trị của người Pháp. Người Pháp trấn áp nạn cướp bóc dọc bờ biển, thích tự mình kiểm soát hoạt động trên biển và thu thuế. Điều này khiến dân anh chị Việt Nam phải chuyển vào trong đất liền, nơi họ trở thành những tên cướp sông, ẩn náu trong những khu vực đầm lầy phía Đông Nam Chợ Lớn - khu người Hoa của Sài Gòn. Ở ngay Chợ Lớn thì những tên cướp sông cũng điều hành các nhà chứa, tiệm hút thuốc phiện và sòng bạc. Khu vực tập trung cho những hoạt động tội phạm của họ là một nơi được gọi là Rừng Sát, nghĩa là “Khu rừng của những sát thủ”. Tại đây, ở ấp Bình Xuyên, hình thành một khối hỗn tạp bất hảo những băng cướp đầm lầy, những tên côn đồ đường phố ở Chợ Lớn, công nhân hợp đồng bỏ trốn khỏi đồn điền cao su Michelin, cùng thành viên của đủ các băng đảng tội phạm có liên quan đến Hội Tam hoàng của người Trung Quốc và các hội kín của người Việt Nam. Đến đầu những năm 1930, những tên cướp ở Bình Xuyên chào đón vào hàng ngũ của mình một tay lưu manh đường phố trẻ tuổi có tên là Bảy Viễn. Y bị người Pháp bắt giữ và tống giam ở Côn Đảo, nhưng may mắn thoát được khi người Nhật giành quyền cai trị Việt Nam năm 1941. Người Nhật thả những dân anh chị Bình Xuyên ra khỏi Đảo Quỷ và bắt đầu sử dụng chúng làm công cụ hữu ích trong việc cai trị đất nước. Sau vụ Nhật đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi những công dân Pháp tại Việt Nam bị vây bắt và tống giam, Bảy Viễn xuất hiện như một quan chức cảnh sát của chính phủ. Sự cai trị của Nhật Bản tại Việt Nam phủ bóng đen lên những năm tháng niên thiếu của Phạm Xuân Ẩn. Ông coi người Nhật Bản như một sự bổ sung chậm chân vào hàng dài những kẻ ngoại xâm tìm cách đô hộ tổ quốc mình. Có chăng chỉ khác là người Nhật Bản thậm chí còn tàn tệ hơn cả người Pháp. Những người Việt Nam khác liên kết với thế lực chính trị mới này, háo hức trước viễn cảnh người châu Á cai trị châu Á - một chiêu bài phân biệt sắc tộc mà người Nhật Bản đã khai thác rất hiệu quả. “Người Nhật Bản nói về thuyết ‘Đại Đông Á’ và ‘Châu Á cho người Đông Á’,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ muốn tống cổ tất cả những người da trắng ra khỏi châu Á. Cuối cùng thì chỉ còn Hàn Quốc và Hồng Kông là những nơi mà người da trắng còn bám trụ được. Người Nhật Bản coi đây là thành công vĩ đại của mình.” Các đảng phái chính trị của Việt Nam và thậm chí cả các giáo phái tôn giáo của nước này bắt đầu ngả theo đường lối Nhật Bản. “Người Nhật rất khôn ngoan,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ tạo ra tôn giáo Hòa Hảo. Họ chiêu nạp tôn giáo Cao Đài. Họ lập ra đảng chính trị Đại Việt và tuyển mộ sinh viên vào Việt Nam Quốc Dân đảng, chịu ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên. Họ cũng rất khôn ngoan trong việc sử dụng người Pháp chống lại cộng sản. Họ biết những người cộng sản Việt Nam chống lại mình, nên để duy trì trật tự và huy động nền kinh tế phục vụ cho các lực lượng Nhật Bản, họ giữ người Pháp lại để có thể sai khiến.” Một phần của chính sách động viên này bao gồm cả việc hoán đổi ruộng lúa của Việt Nam thành những ruộng trồng đay phục vụ cho bộ máy chiến tranh của Nhật Bản, hậu quả là hai triệu người Việt Nam chết đói. Sự đô hộ của người Pháp ở Việt Nam kết thúc năm 1945 với cuộc đảo chính của người Nhật. Khi Phạm Xuân Ẩn chứng kiến những công dân Pháp ở Cần Thơ bị đánh đập và bắt phải ngồi trên quảng trường thành phố cả ngày không được uống nước trước khi bị tống vào ngục, khung cảnh đó để lại cho anh sự ác cảm sâu sắc đối với người Nhật và di sản thuộc địa của họ tại châu Á. Mắc kẹt giữa làn sóng yêu nước sôi sục lan khắp Việt Nam cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, khi cả nước dường như đã sẵn sàng tự giải phóng cho mình khỏi người Pháp thua trận và người Nhật đang rút chạy, Phạm Xuân Ẩn bỏ học vào mùa xuân năm 1945 và tham gia hàng ngũ những người cộng sản. “Kẻ thù đầu tiên của chúng tôi là Nhật Bản, những kẻ đang xâm chiếm đất nước,” ông nói. “Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đặc biệt quan tâm đến việc tuyển các học sinh sinh viên, những người biết đọc biết viết. Chúng tôi đều còn trẻ và yêu nước.” “Vào thời điểm đó, chúng tôi biết chắc rằng những người lãnh đạo Đảng Cộng sản sẽ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì đất nước. Đa số họ đều được học hành, như Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người lấy vợ Pháp. Ngay các giáo viên tiểu học của tôi cũng tham gia hàng ngũ của những người cộng sản. Đó là tổ chức tốt nhất. Tất cả những lực lượng khác đều tuyên bố là họ đang chống Pháp, nhưng khi người Pháp quay lại, họ liền thôi đấu tranh, như đảng Đại Việt, do người Nhật dựng lên để phục vụ cho mình. Sau chiến tranh, đảng Đại Việt đi với người Pháp hoặc người Mỹ và bí mật làm việc cho CIA. Một số người trong đó cố gắng tham gia cùng những người cộng sản nhưng bị tẩy chay, điều này thì tôi thấy là không đúng. Thật không hay chút nào nếu anh trở nên nghi kỵ tất cả mọi người. Trong trường hợp đó, anh đã tự đầu độc chính mình.” “Những người cộng sản đã phạm nhiều sai lầm,” Phạm Xuân Ẩn thừa nhận. “Tôi không thích kiểu chủ nghĩa cộng sản của Stalin và Mao. Họ tự tạo ra mô hình chủ nghĩa cộng sản của riêng mình. Họ truyền bá những học thuyết của mình vì lợi ích riêng. “Ông có nhớ điều gì đã xảy ra với con trai của Đặng Tiểu Bình, bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc không?” Phạm Xuân Ẩn hỏi. “Hồng vệ binh đã ném anh ta ra khỏi cửa sổ làm xương anh ta gãy hết. Bây giờ anh ta bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Marx đâu có dạy họ phải làm như thế. Tôi cũng không nghĩ vậy.” Mỗi khi Phạm Xuân Ẩn và tôi nói về lòng trung thành của ông với Đảng, ấy là những bậc thánh nhân từ của chủ nghĩa cộng sản mà ông đã chọn để sùng bái . “Chủ nghĩa cộng sản dạy chúng ta phải thương yêu nhau, giống như Jesus Christ dạy những con chiên của mình. Tôi cho rằng ông ấy cũng là một dạng như Karl Marx.” “Chúng tôi chiến đấu không phải vì Chủ nghĩa cộng sản, mà vì độc lập và thống nhất của Việt Nam,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Đó là những gì mà đa số người Việt Nam mong muốn.” Điều đó khác với đấu tranh vì Chủ nghĩa cộng sản. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào mùa thu năm 1945, Việt Nam chìm đắm trong tâm trạng ngây ngất ngắn ngủi của sự kiện được gọi là Cách mạng tháng Tám. Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, có trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, trước sự cổ vũ đông đảo của một triệu người dân. Hồ Chí Minh lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó được ít ngày thì quân Trung Quốc tràn vào từ phía Bắc và người Anh đổ quân ở miền Nam. Anh tái vũ trang cho Pháp, để lực lượng này tấn công những trụ sở chính phủ ở Sài Gòn và nhanh tay hơn trong việc tách Nam Kỳ khỏi phần còn lại của Việt Nam. Tháng 11 năm 1946, hải quân Pháp bắn phá Hải Phòng, giết hại 6.000 dân thường Việt Nam. Người Pháp giành lại quyền kiểm soát Hà Nội và buộc chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải rút về vùng nông thôn. Phải mất cả một thập kỷ nữa trước khi ông quay lại nắm quyền ở miền Bắc và thêm 30 năm nữa những lực lượng cách mạng của Hồ Chí Minh mới giành lại quyền kiểm soát miền Nam. “Chúng tôi vô cùng thất vọng với người Anh,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Chúng tôi thậm chí còn thất vọng hơn khi người Pháp quay lại nắm quyền. Sau Cách mạng tháng Tám, hầu như tất cả các học sinh trung học và sinh viên đại học đều tham gia đấu tranh. Ngay cả con cái của các địa chủ và métis (người lai) Pháp cũng tham gia, giống như người bạn tôi có bố là một thầy giáo vật lý. Ông ấy là một người Việt Nam đã tốt nghiệp đại học tại Pháp. Vợ ông là người Pháp. Con trai họ, người mang một nửa dòng máu Việt Nam, nửa dòng máu Pháp, cũng tham gia cách mạng.” Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe câu chuyện khác về một métis tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp. Cha người này là thiếu tá trong quân đội viễn chinh Pháp. Mẹ anh ta là người Việt Nam. Anh ta, trông giống người Pháp hơn là người Việt Nam, cố tìm cách đánh lừa kẻ thù bằng cách mặc bộ quân phục Pháp và chỉ huy một cuộc tấn công vào thành phố Mỹ Tho ở miền Nam. Anh ta bị bắt và đối mặt với án tử hình. “Tôi vừa bắt được con trai em,” viên thiếu tá Pháp nói với người vợ Việt Nam của mình. “Em muốn tôi thả nó hay đưa nó ra tòa án binh?” “Em muốn anh cứu mạng nó,” bà nói. “Tôi sẽ mất việc. Tôi sẽ bị đuổi khỏi quân đội.” “Vâng, nhưng em rất yêu nó, và nó yêu tổ quốc của mình. Nó là một người yêu nước.” Ngay sau đó, Phạm Xuân Ẩn bắt đầu viết lại đoạn đối thoại. “Nó yêu hai tổ quốc. Tổ quốc của mẹ nó, và tổ quốc của cha nó.” Cuối cùng, viên thiếu tá thả con trai mình ra, Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông ta mất chức và quay trở về Pháp. Con trai ông ta được tập kết ra miền Bắc và ở đó cho đến năm 1975 mới quay trở lại miền Nam. Đến lúc này thì ông ta đã mất tất cả mọi thứ, toàn bộ tài sản và của cải của cha mình. Hiện giờ ông ta đang sống ở Sài Gòn, một người đàn ông nghèo khổ. Chuyện này xảy ra với rất nhiều con cái những người điền chủ. Cha mẹ họ bị cộng sản giết trong cuộc cách mạng, nhưng họ vẫn tiếp tục phục vụ tổ quốc của mình .” Tháng 9 năm 1945, Phạm Xuân Ẩn tham gia một “khóa học cấp tốc” về quân sự do những người cộng sản huấn luyện gần Rạch Giá. Cho một trăm tân binh mà chỉ có năm mươi khẩu súng, kể cả những khẩu súng hỏa mai còn sót lại từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Các học viên phải nhặt lại vỏ đạn cũ để làm đạn mới. Mặc dù có dính dáng đến chiến đấu đầu tiên chống Nhật và sau đó là chống Pháp, nhưng Phạm Xuân Ẩn coi trải nghiệm này chẳng qua cũng chỉ là trò chạy việc vặt. Nhưng một website của chính phủ, khi liệt kê lại những hoạt động của ông trên cương vị một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã miêu tả Phạm Xuân Ẩn như là một “chiến sĩ bảo vệ tổ quốc đã tham gia tất cả các trận đánh ở khu vực miền Tây của miền Nam”, và phải mãi đến tháng Ba năm sau - tức là sáu tháng sau khi tham gia khóa huấn luyện cấp tốc đó - Phạm Xuân Ẩn mới trải qua cái mà ông gọi là baptême de feu (thử lửa lần đầu) của mình. “Khóa huấn luyện này dành riêng cho giai cấp nông dân và con cái của những công nhân,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi được coi là một trí thức. Ba tôi là một fonctionnaire, một cadre supérieur, như thế bị coi là một phần tử thân Pháp.” Những người cộng sản cũng nghi ngờ về việc Phạm Xuân Ẩn sở hữu đất. Do không tin con trai mình sẽ tiến xa trong con đường học hành, cha của Phạm Xuân Ẩn đã mua cho ông một vùng đất gần rừng U Minh. Thỉnh thoảng Phạm Xuân Ẩn lại về thăm đất của mình, nơi ông được chứng kiến tận mắt những khổ cực của người nông dân vùng nông thôn. Những chuyến đi đó tạo cho Phạm Xuân Ẩn một cái cớ rất tốt để đi tới những vùng heo hút và cũng mang lại cho ông một nguồn thu nhập - điều trớ trêu là hầu hết trong số này lại đến từ người Mỹ. “Ba tôi nói rằng cách duy nhất để giúp tôi là biến tôi trở thành một điền chủ . Vì thế năm 1941 hay 1942 gì đó, ổng mua cho tôi 70 héc ta đất ở Rạch Giá, cộng thêm 30 héc ta đất nhượng địa. Đây là vùng đất chuyên trồng lúa, những cánh đồng lúa rất phì nhiêu. Đáng tiếc là chúng tôi không có cơ hội khai thác mảnh đất vì cách mạng nổ ra năm 1945.” Đất của Phạm Xuân Ẩn gần rừng U Minh về sau trở thành một khu vực đổ bộ của quân đội Mỹ, mỗi khi họ cần đổ quân vào khu vực này bằng máy bay trực thăng. Khi ông trở thành phóng viên đi cùng các binh lính trong những cuộc càn quét vào trong rừng, Phạm Xuân Ẩn cũng đã hạ cánh xuống đây vài lần. “Cuối cùng, ông biết ai thanh toán tiền đất cho tôi không?” ông hỏi. “Chính chú Sam. Năm 1970, chính phủ Việt Nam Cộng hòa bắt đầu cải cách đất đai. Họ muốn xóa bỏ tầng lớp địa chủ. Họ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ có thể làm tốt hơn những người cộng sản. Người Mỹ thanh toán tiền cho chương trình này. Họ trả cho tôi một khoản thanh toán một cục cho 40% giá trị mảnh đất, và mỗi năm sau đó họ lại trả tôi thêm một khoản. Lẽ ra tôi sẽ nhận khoản thanh toán cuối cùng vào năm 1975, nhưng tôi không có cơ hội nhận nó vì những người cộng sản lên nắm quyền.” Những người huấn luyện cho Phạm Xuân Ẩn ở Rạch Giá là các chiến sĩ du kích từ miền Bắc Việt Nam đã từng bị Pháp giam cầm ở Côn Đảo. “Hệ thống của người Pháp để cai trị Việt Nam rất đơn giản,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ xây một cái dinh lớn cho viên thống sứ tỉnh và bên cạnh đó họ xây một nhà tù, rồi bên cạnh đó là một tòa án. Họ bắt anh, đưa anh ra tòa, cho anh một bản án, rồi tống anh vào ngục, nơi viên thống sứ và tay chân có thể canh chừng anh. Tất cả đều rất lôgic.” “Ngoài nhà tù chính ở mỗi tỉnh, còn có rất nhiều trại tập trung và nhà tù rải rác khắp Đông Dương. Để trở thành lãnh đạo, anh nên trải qua một quãng thời gian trong những nhà tù đó. Những người này đều bị bắt giam vì họ là người yêu nước.” Khi Phạm Xuân Ẩn sử dụng từ captured (bắt giam), đó là một trong những trường hợp hiếm hoi ông sử dụng một từ ngữ cách mạng cho cái từ tương đương ở phương Tây, trong trường hợp này, là arrested (bắt giữ). Người phóng viên ngày nào của Time vẫn luôn thận trọng trong việc lựa chọn những từ ngữ mang hàm ý chính trị. “Những người cộng sản tiến hành công tác tuyên truyền trong tù đều được huấn luyện kỹ càng. Họ biết cách làm thế nào để tuyển mộ thành viên từ các đảng phái theo đường lối dân tộc khác, như Việt Nam Quốc dân đảng, Hòa Hảo, Cao Đài. Những người này cũng đều là người yêu nước, nhưng họ rất mơ hồ về nhận thức. Họ không hề có hệ tư tưởng. Những người cộng sản là những nhà lý luận. Điều này vô cùng quan trọng. Họ có cả hệ thống để huy động tối đa những tình cảm dân tộc chủ nghĩa của mình, một kế hoạch hành động. Khi anh đã ‘tốt nghiệp’ khỏi nhà tù, đó là bước đầu tiên để thăng tiến.” Trước đó tôi đã đề nghị ông kể cho tôi nghe câu chuyện này, nhưng chỉ có đúng một lần Phạm Xuân Ẩn để lộ ra rằng ông đã trực tiếp tham gia ít nhất một trận đánh trên cương vị một trung đội trưởng Việt Minh. “Một hôm tôi được phân công nhiệm vụ tấn công quân Pháp. Tôi dẫn trung đội của mình ra cánh đồng. Chúng tôi tiến hành mai phục dọc bên đường. Hồi đó đang là mùa khô, tháng 4 năm 1946. Quân Pháp đã ký thỏa thuận không di chuyển qua khu vực đó, do lực lượng của chúng tôi kiểm soát. Họ đang phá vỡ thỏa thuận. “Trung đội của tôi có 30 người. Chúng tôi được trang bị súng trường, lựu đạn và súng ngắn. Chúng tôi có cả những khẩu súng bắn đạn ghém của Pháp, mà họ gọi là ‘Flaubert’, vốn là súng trường bắn chim dành cho trẻ em bắn bồ câu, và một số khẩu súng săn hai nòng. Quân Pháp hành quân dọc theo hai con đường chạy dài bên kênh. Có hai thê đội lính di chuyển về phía chúng tôi, ở giữa chúng là một chiếc xuồng, với những khẩu súng máy sẵn sàng quét qua hai bên dòng kênh. “Chúng tôi đã vào vị trí trên một cây cầu bắc qua kênh. Tôi ra lệnh cho trung đội của mình nổ súng vào quân Pháp, nhưng chúng tôi ở cách quá xa không thể bắn trúng bất kỳ ai hoặc để biết xem có ai bị trúng đạn không nữa. Quân Pháp kêu gọi không quân yểm trợ. Khi máy bay đến, tôi ra lệnh cho trung đội rút lui. Đó là baptême de feu của tôi,” Phạm Xuân Ẩn nói, ông dùng cụm từ tiếng Pháp để diễn tả cuộc thử lửa đầu tiên của mình[8]. “Tôi không bao giờ bắn thêm một phát súng nào trong suốt cả cuộc chiến tranh.” Lần baptême de feu thực sự của Phạm Xuân Ẩn diễn ra năm 1947, khi ông nhận ra rằng ngay cả những người mà mình yêu quý cũng hy sinh cho cuộc cách mạng. Đến giữa năm 1946, ông đã rời khỏi vùng nông thôn và quay lại Cần Thơ. Một hôm ông đang đi bộ trên phố thì tình cờ gặp lại người thầy giáo tiếng Pháp yêu quý của mình, Trương Vĩnh Khánh, người đã được quân Nhật bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Lycée de Cần Thơ và vừa trở thành bộ trưởng giáo dục của chính phủ Nam Kỳ mới được tạo ra. Bất ngờ và sung sướng khi gặp lại cậu học trò cũ của mình, ông Khánh hỏi Phạm Xuân Ẩn đang làm gì. “Em vừa mới ở dưới quê lên, từ khoảnh đất của em,” Phạm Xuân Ẩn kể cho thầy giáo của mình. “Quân Pháp đã quay lại, và hầu hết những người cách mạng đều đã lánh đi. Nên em đang tìm kiếm một công việc. Có thể em sẽ lên Sài Gòn hoặc vào trường quân sự ở Vũng Tàu.” Khi Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe về lần gặp gỡ này, tôi nhận ra rằng khi ấy ông đang khoác tấm áo ngụy trang của một điệp viên. Ông đang giả vờ làm một điền chủ lo lắng đến việc bảo vệ tài sản của mình khỏi tay Việt Minh. Sau đó ông lấp lửng đề cập đến ý tưởng đăng ký vào học tại trường huấn luyện sĩ quan mới thành lập của quân đội thuộc địa Việt-Pháp. “Ẩn, đừng có khùng như thế,” ông Khánh bảo Ẩn. “Làm lính dễ chết lắm. Hãy ở lại Cần Thơ này, và lần sau quay lại, tôi sẽ đưa trò về Sài Gòn rồi cho trò học bổng đi Pháp học nốt trung học. Khi lớn lên trò sẽ có thể học hành tử tế. Bây giờ trò còn điên rồ quá.” Phạm Xuân Ẩn cười khoái trá, khi nhớ lại người thầy giáo cũ và sự điên rồ trước kia của mình. Học bổng đi Pháp không bao giờ trở thành hiện thực. Cơ hội đó biến mất khi Trương Vĩnh Khánh bị Cộng sản phục kích và bắn chết trong một cuộc tấn công bên đường. Họ đang nhắm vào viên thủ tướng, một bác sĩ nhãn khoa theo đạo Cao Đài tên là Lê Văn Hoạch, nhưng thế nào họ lại bắn đúng vào ông Khánh. “Năm 1947, ngay giữa ban ngày, bên ngoài Mỹ Tho, một đoàn xe của các quan chức chính phủ đã bị Cộng sản phục kích,” Phạm Xuân Ẩn nói. Hành động táo bạo này là cuộc tấn công chủ chốt đầu tiên dưới sự tổ chức của Trần Văn Trà, người chỉ huy quân sự trẻ tuổi sau này lãnh đạo cuộc tấn công vào Sài Gòn trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đến năm 1975, Trần Văn Trà trở thành phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận đánh cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam. Thật khó có thể hình dung nổi nỗi đau mà Phạm Xuân Ẩn đã phải trải qua khi ông biết tin những người cộng sản đã sát hại người thầy giáo dạy tiếng Pháp của mình. Khoảnh khắc đó bộc lộ một cách trần trụi đến phũ phàng bi kịch của chiến tranh [bi kịch của nước Việt Nam hiện đại]. Phạm Xuân Ẩn bị mắc kẹt giữa một cuộc chiến, một diễn viên đã lựa chọn phe của mình. Ông biết rằng nhiều người, gồm cả bạn bè và người thân trong gia đình, sẽ chết trong cuộc xung đột này. Ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục. “Đây không phải là vấn đề lẽ phải hay công lý,” một sĩ quan Pháp đã nói với tay nhà báo người Anh là nhân vật chính trong Người Mỹ trầm lặng . “Tất cả chúng ta đều bị cuốn vào một khoảnh khắc của cảm xúc và rồi chúng ta không thể thoát ra được nữa.” Công việc của bầy chó săn Khi Pháp giành lại quyền kiểm soát Việt Nam năm 1945, cha của Phạm Xuân Ẩn, ông Phạm Xuân Viễn, sợ không dám quay lại vị trí của mình ở Rạch Giá. Ông lánh nạn ở Cần Thơ trong một năm, cho đến khi ông nghĩ đã an toàn để có thể khôi phục chức vụ cũ của mình. Ông đã khuyến khích các kỹ sư trắc địa và toàn bộ nhân viên của mình tham gia Việt Minh, họ đã chiến đấu chống Nhật, Anh, và giờ là Pháp. Chính quyền thuộc địa nghi ngờ lòng trung thành của Phạm Xuân Viễn, vì ông đã từ chối đề nghị được trao quốc tịch Pháp năm 1942. Đến năm 1947 họ bắt đầu sử dụng những biện pháp nặng tay hơn. “Ba tôi gặp rất nhiều rắc rối với bên an ninh Pháp ở Rạch Giá,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Chúng kêu ổng lên thẩm vấn, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Tất cả những người làm việc cho ổng đều đã rời bỏ khu vực của người Pháp và tham gia cách mạng. Chúng quy lỗi cho ổng. Ổng bị người Pháp đe dọa. Ổng cảm thấy sợ hãi. Ổng mất cả ngủ. Đó là lý do tại sao ổng bị lao phổi.” Đến năm 1947, sức khỏe của ông Viễn đã trở nên nguy kịch đến nỗi ông phải vào khoa lao phổi bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn. “Đó là năm lẽ ra tôi phải quay vô bưng để tham gia cách mạng,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi về nhà thăm ba tôi trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. Má tôi cho tôi biết ổng đã bị bên an ninh đánh đập. ‘Ổng đang ốm lắm. Con nên vô thăm ổng, trước khi con vô bưng,’ má tôi nói.” Khi Phạm Xuân Ẩn tới Sài Gòn, cha ông yêu cầu ông ở lại chăm sóc mình. Phạm Xuân Ẩn ngoan ngoãn nghe lời. Ông Viễn bị cắt một lá phổi phải nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy suốt hai năm trời. Có lẽ chính trong thời gian ở khoa lao phổi mà những mô tế bào phổi của Phạm Xuân Ẩn bị tổn thương vì chính ông cũng mắc phải căn bệnh này. “Tôi bị lây một chút grisaille (xám đen) từ ba tôi, vì bị vi trùng lao xâm nhập. Đó là lý do tại sao tôi được hoãn đi quân dịch, cho đến khi họ chắc chắn là tôi đã khỏi bệnh.” Phạm Xuân Ẩn sử dụng quãng thời gian của mình ở Sài Gòn để đọc sách và học tiếng Anh. Khi Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ mở một văn phòng ở đại lộ Catinat gần Grand Hotel, Phạm Xuân Ẩn đăng ký khóa học tiếng Anh đầu tiên. Năm 1949, ông cố một lần nữa để học nốt trung học. Nhờ sự can thiệp của thầy giáo dạy toán cũ của mình, người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Collège de Mỹ Tho, Phạm Xuân Ẩn được phép quay trở lại trường. Nằm tại một thành phố buôn bán hiền hòa cách Sài Gòn 70 kilômét về phía Tây Nam, Mỹ Tho là trường lycée thứ hai của vùng châu thổ dành cho các học sinh chuẩn bị thi tú tài. Thay vì học nốt trung học, Phạm Xuân Ẩn tham gia tổ chức những cuộc biểu tình và đấu tranh của học sinh. Năm 1950, các trường học ở Nam Kỳ bị đóng cửa khi các học sinh tập trung tham gia hai cuộc biểu tình lớn, một cuộc biểu tình chống Pháp và một cuộc biểu tình chống Mỹ can thiệp. Được biết đến với tên gọi là cuộc biểu tình Trần Văn Ơn, những cuộc biểu tình này - vay mượn một trang từ thế hệ của cha Phạm Xuân Ẩn - được tổ chức quanh đám tang của Trần Văn Ơn, một học sinh trung học 15 tuổi ở trường lycée Pétrus Ký Sài Gòn bị cảnh sát Pháp giết hại. (Một câu chuyện nói rằng người thanh niên này bị bắn chết trong một cuộc biểu tình trước dinh thống sứ; một câu chuyện khác lại kể rằng anh bị đánh chết bằng dùi cui.) Phạm Xuân Ẩn quay lại Sài Gòn để tham gia những cuộc biểu tình lớn, diễn ra trong tháng Giêng và tháng Ba năm 1950. Nước Mỹ đã cử hai tàu khu trục đến Việt Nam chở theo quân cụ (khí tài) chiến tranh. Những con tàu này thả neo ở sông Sài Gòn cuối đại lộ Catinat, con phố chính ở Sài Gòn, chạy từ nhà thờ Đức Bà qua khách sạn Continental và dọc theo một lối đi dạo rợp bóng cây tới bến sông. Màn biểu dương sức mạnh quân sự còn gồm cả tàu USS Boxer, một chiếc hàng không mẫu hạm thả neo ngoài khơi, nơi cất cánh của cả một phi đội máy bay chiến đấu. Các phi cơ Mỹ lượn vù vù phía trên những đoàn biểu tình. Mặc dù cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất còn kéo dài bốn năm nữa, nhưng Mỹ đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng thế chân Pháp tại Việt Nam. “Dường như tất cả Sài Gòn đều tham gia cuộc biểu tình của các học sinh sinh viên, khi đám tang bắt đầu đi từ trường trung học Pétrus Ký tới bệnh viện Chợ Rẫy, để lấy thi hài của Trần Văn Ơn đưa ra nghĩa trang,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Đoàn người tham gia cuộc biểu tình thứ hai trong tháng Ba thậm chí còn hùng hậu hơn. Tất cả các thành phần xã hội đều tham gia, công nhân, viên chức, tiểu thương; mọi người đều đổ ra đường. “Chúng tôi biểu tình phản đối thỏa thuận ký giữa Pháp và Mỹ năm 1950. Người Mỹ sẽ chi tiền cho quân đội viễn chinh Pháp với hai điều kiện. Người Pháp phải thành lập một lực lượng vũ trang của người Việt Nam. Phải có một quân đội Việt Nam thực sự, chứ không chỉ là những binh sĩ người Việt chiến đấu dưới sự chỉ huy của người Pháp. Người Pháp cũng phải thành lập một chính phủ Việt Nam thực sự. Không phải kiểu bù nhìn họ vẫn giật dây trước kia, mà là một chính phủ thực sự, với một số quyền lực tự trị của riêng mình. “Chính sách của Mỹ về quyền tự quyết, với nội dung là mỗi quốc gia có chủ quyền nên có chính phủ dân chủ của riêng mình, thực ra là một chính sách kiểu Chúa cứu thế mà nước Mỹ muốn áp đặt với phần còn lại của thế giới. Đó là lý do tại sao người Mỹ cố tạo ra một quốc gia là Nam Việt Nam, được tập hợp từ những vùng thuộc địa cũ là Nam Kỳ và Trung Kỳ.” Người Mỹ, theo Phạm Xuân Ẩn, thích thống trị thế giới thông qua những chính phủ khách hàng độc lập về danh nghĩa nhưng hành động theo ý muốn của Washington. Người Pháp coi hệ thống này là cồng kềnh và lằng nhằng, nếu không muốn nói là nguy hiểm, vì những con rối người Việt Nam thường có xu hướng cắt dây và tự nhảy theo ý mình. Khi Pháp cử viên tướng xuất sắc nhất của họ là Jean de Lattre de Tassigny sang để triển khai kế hoạch mới chống lại Việt Minh, Phạm Xuân Ẩn và các bạn học chào đón de Lattre năm 1950 bằng một loạt các cuộc biểu tình trên đường phố. “Tôi là một trong những người tổ chức. Bởi vì tôi biết cách lẩn tránh cảnh sát. Tôi không bị bắt giữ hay bị giết. Tôi đã gặp may. Nhiều người tổ chức khác không được may mắn như vậy.” Chính trong những cuộc biểu tình Trần Văn Ơn mà Phạm Xuân Ẩn bắt đầu làm việc với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một bác sĩ y khoa đào tạo tại Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản, người “phụ trách công tác vận động trí thức và chính trị hóa phong trào học sinh sinh viên” ở Nam Kỳ. Là một chuyên gia về lao phổi, sau này Phạm Ngọc Thạch còn là bác sĩ riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ trưởng Y tế chính phủ Bắc Việt Nam. (Nguyên nhân gây tử vong số một cho các chiến sĩ cộng sản trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ là sốt rét. Về sau bác sĩ Phạm Ngọc Thạch qua đời vì sốt rét năm 1968 khi ông đang ở trong rừng tìm cách chữa căn bệnh này.) Phạm Xuân Ẩn đã được giới thiệu với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch qua một người bạn học, Đỗ Ngọc Thạnh, người được biết đến chủ yếu qua bí danh là Ba. “Anh ấy là người lãnh đạo lực lượng sinh viên ở Sài Gòn, trước khi anh ấy bị an ninh Pháp bắt giữ. Chúng tra tấn anh ấy đến chết và ném xác xuống sông Sài Gòn. Tôi vô cùng đau đớn khi bạn mình bị giết.” Là một đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 17 tuổi, Ba đã bồi dưỡng cho Phạm Xuân Ẩn về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Anh cũng là một thành viên của Câu lạc bộ Marxist tại Sài Gòn, sinh hoạt tại nhà của nhà giáo người Pháp Georges Boudarel. Về sau Boudarel cũng vào bưng gia nhập cùng những người cộng sản, và làm việc cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. “Ba đưa cho tôi tất cả các loại sách do Editions Sociales xuất bản tại Pháp. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc là L’économie (Kinh tế học). Sau đó tôi đọc về lịch sử Đảng Bolshevik và tư tưởng của Lenin. Tôi không phải là thành viên nhóm đọc về chủ nghĩa cộng sản của họ, nên tôi tự mình đọc tất cả những cuốn sách đó. “Khi bạn mình bị bắt giữ, tôi nhận ra tôi đang gặp nguy hiểm. Chị của anh ấy đến báo cho tôi biết là anh ấy đã bị bắt. Tôi đốt tất cả sách vở và tài liệu cách mạng mà anh ấy đã đưa cho tôi. Tôi phải mất cả đêm mới đốt hết.” Những trang nhật ký do Jack và Bobby Kennedy viết miêu tả chuyến đi của họ tới Đông Dương năm 1951 đưa ra một đánh giá khách quan về cách mạng Việt Nam. John F. Kennedy, khi ấy đang là một dân biểu nhiệm kỳ thứ ba của bang Massachusetts, cùng người em trai 26 tuổi của mình, Robert F. Kennedy, và em gái là Patricia thăm Việt Nam năm 1951 trong một chuyến đi tìm hiểu sự thật, nhằm mục đích làm dày dặn hơn bản lý lịch của JFK khi ông ta chuẩn bị chạy đua vào Thượng viện năm sau đó. Bay tới Sài Gòn ngày 19 tháng 10, họ được chào đón ở sân bay bởi một đội ngũ hùng hậu binh sĩ và xe tăng, một màn phô trương không phải dành cho họ mà là cho de Lattre de Tassigny, người cũng đang thăm Sài Gòn. “Mọi người có vẻ sưng sỉa và hậm hực,” Bobby nhận xét trong ghi chép của mình. Vùng nông thôn nằm trong tay quân du kích, chứ không phải người Pháp. “Có thể nghe thấy tiếng súng nổ khi đêm xuống. Cơ man nào là những vụ ám sát.” Anh em nhà Kennedy nhận thấy ngay lập tức rằng cuộc Chiến tranh Đông Dương của người Pháp lại không phải do người Pháp tiến hành. Tất nhiên là người Pháp đang ném những sĩ quan xuất sắc nhất của mình cùng hàng tỷ franc vào cuộc chiến, nhưng trong số 150.000 binh sĩ thuộc địa ở Đông Dương, chỉ có 15% đến từ nước Pháp chính quốc. Đơn cử như trong số 18.000 binh sĩ thuộc đội quân Lê dương Pháp, có đến 10.000 là các binh sĩ Đức đã tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Để tránh bị chết đói trong những trại cải tạo được dựng lên sau khi cuộc chiến kết thúc, những người này đã tình nguyện đi đánh nhau ở châu Á. Hỗ trợ cho lực lượng này thêm 150.000 binh sĩ bản địa khác. Đến mùa thu năm 1951, Việt Minh đã phát động ba cuộc tấn công chủ chốt vào lực lượng Pháp ở đồng bằng sông Hồng tại miền Bắc. Sau khi mười nghìn người thiệt mạng - nhiều người trong số họ chết trong những cuộc không kích bằng bom napalm do Mỹ cung cấp - Việt Minh từ bỏ những cuộc tổng tấn công và áp dụng chiến tranh du kích. Phải ba năm sau họ mới lại tấn công quân Pháp trong một trận đánh công khai tại Điện Biên Phủ, một pháo đài cô độc trong lòng chảo núi non cách Hà Nội 180 dặm. Ở trang đầu tiên trong nhật ký của mình Bobby miêu tả Hồ Chí Minh như là một nhà xách động cộng sản già không nhận được mấy sự ủng hộ tại Việt Nam. Ngày hôm sau, sau buổi giao ban tình hình đầu tiên của mình, ông ta đã phải đổi ý: “Nếu bầu cử được tổ chức ngay hôm nay, ít nhất 70% người dân trên khắp Đông Dương sẽ bầu cho Hồ Chí Minh chỉ bởi vì ông ta chống Pháp. Tất cả người dân nơi nào chiến tranh đang diễn ra đều ủng hộ Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng họ cũng giúp đỡ các binh sĩ Việt Nam, nhưng họ sẽ tìm cách cung cấp cho binh sĩ Pháp những thông tin sai lệch, ấy là nếu như có cung cấp.” Người Việt Nam duy nhất mà anh em nhà Kennedy phỏng vấn là một ký giả không rõ danh tính, người này phàn nàn rằng Việt Nam đầy rẫy colons (thực dân) Pháp. Bobby đồng tình. “Quá nhiều đường phố mang tên Pháp, quá nhiều cờ Pháp, quá nhiều người Pháp ở những vị trí cao,” ông ta viết. Tay ký giả cho anh em nhà Kennedy biết về lòng căm thù lâu đời của Việt Nam đối với người Trung Quốc – lý do tại sao Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ đưa quân Trung Quốc vào cuộc chiến ở Việt Nam. Thật không may, đến khi John F. Kennedy trở thành tổng thống Mỹ năm 1960 thì bài học này đã bị quên lãng. Anh em nhà Kennedy được mời ăn tối, trong trang phục dạ tiệc, với Bảo Đại, viên cựu hoàng mà người Pháp đã đưa về để đứng đầu nhà nước Việt Nam. “Ăn tối với Quốc trưởng tại dinh của ông ta - các vệ sĩ trang bị súng ổ quay đứng lù lù quanh các hành lang,” JFK viết. “Sau bữa tối một con voi nhỏ được dẫn vào [phòng ăn] và ở lại đó một lát.” Hai đêm sau, anh em nhà Kennedy ăn tối với tướng de Lattre de Tassigny, người đặc biệt lo lắng về vùng châu thổ sông Hồng, nơi sinh sống của 7,5 triệu người dân Bắc Kỳ, “những chiến binh và công nhân giỏi giang,” de Lattre nói, “những người giỏi nhất ở Đông Nam Á.” De Lattre vạch ra một bản sơ thảo của học thuyết domino. “Nếu cộng sản giành quyền kiểm soát [vùng châu thổ sông Hồng], họ sẽ thọc vô sườn của toàn bộ vùng Đông Nam Á. Họ có thể thâm nhập vào Lào, rồi từ đó sang Miến Điện, xuống Mã Lai. Như thế có nghĩa là chủ nghĩa cộng sản lan đến Nam Kỳ trước khi binh lính đặt chân đến.” Bay ra Hà Nội để chứng kiến một “màn biểu dương lực lượng vô cùng ấn tượng”, anh em nhà Kennedy dành cả một buổi chiều tham quan những lô cốt nhỏ trên đồi ở vùng châu thổ sông Hồng. Họ ăn trưa tại một trong những chiếc lô cốt này với một viên đại tá người Pháp, viên đại tá nói rằng ông ta “lạc quan… về kết thúc thành công của cuộc chiến, mặc dù có thể nó sẽ không xảy ra trong đời của chúng ta!” Bobby ghi lại nhận xét này với hai dấu chấm than . “Chúng ta không ở đây để giúp người Pháp duy trì chế độ thực dân, mà là để ngăn chặn cộng sản,” John F. Kennedy viết trong nhật ký của mình. Em trai ông ta tỏ ra trung thực hơn trong đánh giá. “Chúng ta ở đây để giúp người Pháp duy trì các thuộc địa. Người Pháp nghi ngờ những ý đồ của người Mỹ.” Trong khi trường học bãi khóa và chính trị xâm chiếm hết thời gian của mình, Phạm Xuân Ẩn không bao giờ quay trở lại trường trung học. Cha ông đã về nghỉ hưu sớm với mức lương cắt giảm, và không còn ai khác để nuôi sống gia đình, Phạm Xuân Ẩn đi làm. Ông bươn chải làm thêm qua đủ các loại công việc, kể cả đạp cyclopousse (xích lô) - một dạng xe đẩy gắn trên xe đạp - trước khi ông được thuê làm một chân giữ sổ sách kế toán ở hãng dầu Caltex. Năm 1950, Phạm Xuân Ẩn đạt điểm cao trong một cuộc thi đầy tính cạnh tranh để tuyển viên chức. Ông rời bỏ công việc kế toán để trở thành một trong 50 người được chính quyền Đông Dương huấn luyện làm thanh tra quan thuế. “Có mười người cho miền Bắc Việt Nam, được gọi là Tonkin, mười người cho miền Trung Việt Nam, gọi là Annam, mười người cho Lào, mười người cho Campuchia, và mười người cho Nam Kỳ,” Phạm Xuân Ẩn nói. Năm 1950 ông đến nhận công việc ở sở quan thuế tại cảng Sài Gòn. Đối với một người bình thường, đây sẽ là một vị trí ngồi mát ăn bát vàng cả đời, với đích đến là một cuộc sống hưu trí êm ái lại được bồi thêm những khoản lại quả và hối lộ thông thường. Nhưng Phạm Xuân Ẩn quá thông minh cho cái sự nghiệp hạn chế này và cũng quá hiếu động. Ông tiếp tục học tiếng Anh và mơ được đến nước Mỹ. Ông quý mến nhiều người Pháp mà ông gặp, và thường là kết bạn với họ, nhưng ông cũng tin tưởng rằng thế lực thực dân đang đô hộ đất nước mình phải bị đánh đổ bằng mọi cách có thể. Chỉ khi đó người Việt Nam và người Mỹ mới có thể thực sự trở thành bạn bè. Nhân dịp ăn Tết vào cuối tháng 1 năm 1952, Phạm Xuân Ẩn được những cấp trên cộng sản của mình triệu tập vào chiến khu trong rừng để báo cáo. Ông vô cùng háo hức khi nghĩ rằng cuối cùng mình cũng được gọi vào chiến khu để được chiến đấu. Ông chờ đợi được cấp một khẩu súng và bắt tay vào việc chiến đấu chống kẻ thù. “Ngay từ hồi năm 1947 tôi đã quyết định là tôi sẵn sàng vô chiến khu,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Nhưng vì ba tôi bị bệnh, tôi phải ở lại thành phố và chăm sóc ổng.” Trước khi rời Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn được chỉ thị không được bỏ công việc tại sở thuế, kể cũng lạ, và ông được lệnh giả vờ đi ra khỏi thành phố trong dịp nghỉ Tết. Sau khi tới Tây Ninh gần biên giới Campuchia, Phạm Xuân Ẩn nghỉ qua đêm tại một ngôi làng hẻo lánh trước khi được một giao liên[9] đến đón. Họ đi xuyên rừng cả ngày trời. “Quân Pháp liên tục lùng sục qua khu vực này trong những chuyến đi càn. Rất khó lẻn vào và thoát ra. Có khi anh phải chờ nhiều ngày liền mới có thể an toàn đi xuyên qua rừng.” Trước đó Phạm Xuân Ẩn đã từng ở đây khi đến thăm em gái mình là Phạm Thị Cúc, người vào chiến khu từ ba năm trước đó để trở thành “Tiếng nói Nam Bộ”, một phát thanh viên cho mạng lưới đài cộng sản. Thỉnh thoảng Phạm Xuân Ẩn lại mang thực phẩm cùng thuốc men cho em gái và ở lại qua đêm tại đài phát thanh, nằm ẩn sâu dưới tán rừng. (Năm 1955, em gái của Phạm Xuân Ẩn ra Bắc để làm việc cho vùng mỏ than của nhà nước.) “Cuộc sống trong chiến khu rất khó khăn,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ không có đủ lương thực. Họ ăn khoai mì và tìm kiếm đủ các loại lá ăn được. May mắn lắm họ mới tìm được gạo. Họ làm bánh từ bột khoai mì, loại này có thể ăn được khi còn nóng, còn một khi đã nguội rồi thì cực rắn, khó nhai không thể tả. Quân Pháp có những chiếc máy bay do thám Morane, bay vè vè trên rừng lùng tìm khói hoặc các dấu hiệu khác cho thấy có người ở. Nếu phát hiện được bất kỳ thứ gì, chúng sẽ ném bom ngay. Nên anh sẽ phải nướng bánh trong tổ mối và lọc khói qua những đống lá trên nền rừng.” Theo lời Phạm Xuân Ẩn, thú giải trí duy nhất của họ là uống một thứ bia tự chế, trong đó có hai loại: bia đứng và bia ngồi. “Bia đứng được làm từ nước tiểu của đàn ông. Bia ngồi làm từ nước tiểu của đàn bà. Sau khi anh lấy nước tiểu và cho men vào đó, nó có vị giống như bất kỳ loại bia nào khác,” Phạm Xuân Ẩn bảo đảm với tôi, “nhưng thường thì cánh đàn ông thích uống bia đứng, còn mấy bà thì thích uống bia ngồi.” Phạm Xuân Ẩn đang ở cùng với em gái mình tại trụ sở đài phát thanh của Việt Minh thì bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đảng ủy viên Nam Bộ, đến gặp. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có trách nhiệm thành lập cái về sau được gọi là Trung ương Cục miền Nam (TWCMN). Là bộ phận tiền phương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo cuộc chiến tranh tại miền Nam. Khi hai người nói chuyện, Phạm Xuân Ẩn thất vọng khi biết rằng ông sẽ không được tham gia hoạt động cùng em gái mình trong chiến khu. Thay vào đó ông được giao nhiệm vụ làm điệp viên trong cơ quan tình báo quân sự mới thành lập của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. “Tôi là lứa đầu tiên,” Phạm Xuân Ẩn nói. Ông không ưa nhiệm vụ mới của mình. “Làm gián điệp là công việc của lũ chó săn, chim mồi,” ông nói với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. “Tôi đã từng bị cảnh sát chống bạo loạn đánh đập trong những cuộc biểu tình của học sinh sinh viên ở Sài Gòn, nên tôi không hề có mong muốn trở thành một tên cò mồi hay một tên chỉ điểm,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Đồng chí phải chiến đấu cho tổ quốc,” bác sĩ Thạch nói với ông. “Bất kỳ nhiệm vụ nào tổ chức muốn đồng chí thực hiện, đồng chí phải thực hiện. Đồng chí không có lựa chọn nào khác. Đồng chí đang chiến đấu cho nhân dân. Bất kỳ cương vị nào cũng là cao cả, chỉ trừ khi đồng chí làm việc cho kẻ thù.” “Tôi được giao nhiệm vụ theo dõi sự bắt rễ của người Mỹ tại Việt Nam,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Để đối mặt với tương lai, chúng tôi phải bắt đầu nghiên cứu về sự can thiệp của Mỹ.” Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra lệnh cho hai giáo viên huấn luyện từ Bắc vào và giảng dạy cho Phạm Xuân Ẩn về tình báo quân sự. Một người được người Nga đào tạo, một người do Trung Quốc đào tạo, nhưng Phạm Xuân Ẩn nhận thấy là cả hai hầu như cũng chẳng giúp được gì cả. “Về cơ bản, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch bảo tôi phải tự xoay xở. Tôi nên mượn sách của người Mỹ và người Pháp nói về tình báo và áp dụng chúng ở mức tốt nhất có thể.” Trong khi Phạm Xuân Ẩn tả lại cho tôi nghe cảnh đó, lũ chim của ông bắt đầu ríu rít, như thể chúng đang cố tìm cách đưa chúng tôi quay trở lại rừng sâu trong cái ngày định mệnh ấy. Tiếng chúng kêu như một bầy thú nhại giọng, hú hót như mấy con tinh tinh và meo meo như mèo. Chúng thậm chí còn sủa giống mấy con chó của ông Ẩn. Khi nghe lại băng ghi những cuộc trò chuyện của chúng tôi, tôi căng tai ra nghe giọng của Phạm Xuân Ẩn giữa một dàn đồng ca không ngớt tiếng chiêm chiếp, ríu rít, líu lo, giục gọi. Lũ chim lặp lại những nốt nhạc đó hết lần này đến lần khác, trong đó có một con phát ra âm thanh nghe như tiếng gọi cầu cứu khẩn cấp “Cứu tôi với, cứu tôi với, tôi đang chết đuối”. Một chiếc micro nếu giấu trong tường nhà của ông Ẩn sẽ chẳng ghi được gì ngoài mớ âm thanh ríu rít ngớ ngẩn của lũ chim đang hót inh ỏi, líu lo, gù gù, cãi vã. Vấn đề đầu tiên Phạm Xuân Ẩn đối mặt khi bí mật trở lại Sài Gòn trên cương vị một điệp viên mới được tuyển mộ là làm thế nào để tránh bị bắt quân dịch vào lực lượng thuộc địa của Pháp. Những người cộng sản sợ rằng Phạm Xuân Ẩn cuối cùng sẽ chỉ là một đại tá - không đủ cao về chức vụ để có thể trở thành một nguồn tin tốt. Thế giới buồn ngủ của sở quan thuế Đông Dương cũng mang lại những tin tức ít ỏi, nên Phạm Xuân Ẩn bắt đầu làm thêm với tư cách là chuyên viên kiểm duyệt báo chí tại sở dây thép Sài Gòn. Tại đây ông được giao kiểm duyệt những bài viết gửi cho các tờ báo Anh và Pháp của Graham Greene, một kẻ gây rắc rối mà người Pháp nghi là đang làm việc cho tình báo Anh. Ngồi dưới những chiếc cột thép vươn cao lừng lững và những chiếc quạt trần quay vù vù tô điểm cho tòa nhà ấn tượng do Gustave Eiffel thiết kế, Phạm Xuân Ẩn làm việc ở sở dây thép vào buổi chiều tối. Các ký giả gửi bài đi từ Sài Gòn đối mặt với sự chậm trễ do trục trặc đường truyền và các vấn đề kỹ thuật khác, nhưng rào cản lớn nhất của họ nằm tại văn phòng kiểm duyệt. Phạm Xuân Ẩn, một người tự học tiếng Anh một cách bập bõm, lỗ bỗ, lại được giao kiểm duyệt bài viết của Graham Greene, một trong những nhà văn châm biếm vĩ đại của thế kỷ 20. “Người Pháp ra lệnh cho chúng tôi canh chừng Graham Greene thật cẩn thận,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông ấy đã làm việc cho tình báo Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó ông ấy tới Đông Dương để đưa tin về chiến tranh. Khi ông ấy ở châu Á, hút thuốc phiện và giả vờ là một ký giả, thì Phòng Nhì khẳng định với chúng tôi rằng ông ấy là điệp viên của MI6, tình báo Anh. Chúng tôi cũng được lệnh phải canh chừng cẩn thận bất kỳ ai làm việc cho CIA. “Một hôm Graham Greene đến sở dây thép để gửi bài. Phóng sự của ổng được đặt trên bàn tôi. Đó là một phóng sự dài. ‘Tôi phải làm gì với cái này?’ tôi hỏi người phụ trách của mình. ‘Cậu phải hết sức cảnh giác,’ ông ta nói. ‘Nếu có bất kỳ từ nào cậu cảm thấy không chắc chắn, cứ việc gạch đi là xong. Tiếng Anh của cậu không tốt lắm, nhưng ông ta cũng chẳng làm gì được. Ông ta không thể cãi cậu được. Vì thế cứ việc mạnh dạn gạch những từ đó đi là xong. Đánh dấu nó lại rồi đưa cho người đánh điện. Đằng nào thì người ta cũng không bao giờ cho ông ta cơ hội hoạnh họe gì.’” “Để gửi đi một bài viết hay, anh phải dùng đến chim bồ câu,” Phạm Xuân Ẩn nói, ám chỉ đến một người đưa tin đi máy bay chuyển tin bài ra nước ngoài rồi gửi chúng đi tại Hồng Kông hoặc Singapore. “Ngay chính Greene cũng viết một bài về việc ông ta đã chuyển những bài báo ra khỏi Việt Nam cho David Chipp, thông tín viên của hãng Reuters tại Đông Dương. Về sau tôi cũng làm việc dưới quyền của David Chipp khi ông ta trở thành trưởng văn phòng của Reuters tại Đông Nam Á. Khi tôi nói với ông ta về chuyện này, ông ta nói với tôi rằng chính ông ta mới là người chuyển những bài báo ra khỏi Việt Nam cho Graham Greene. “Hồi Greene ở Sài Gòn, ổng hút rất nhiều thuốc phiện,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ổng kiếm thứ đó từ Mathieu Franchini ở khách sạn Continental. Hồi đó hút thuốc phiện không phải là phạm pháp. Tôi chưa bao giờ gặp Graham Greene. Tôi nhìn thấy ổng ở sở dây thép hoặc dưới khách sạn Continental, đang dùng một ly khai vị trên ban công, nhưng giá kể hồi đó mà bắt chuyện với ổng là thế nào tôi cũng gặp rắc rối với an ninh quân sự Pháp, gọi tắt là OR, tên đầy đủ là Office des Renseignements. Họ cài cắm người của họ khắp mọi nơi.” Ngoài việc kiểm duyệt những bài viết của Greene, Phạm Xuân Ẩn cũng chứng kiến sự kiện tạo thành chuyện chính trong tác phẩm Người Mỹ trầm lặng được xuất bản tại Anh năm 1955 và tại Mỹ một năm sau đó. “Tôi đang trên đường từ sở quan thuế về nhà,” Phạm Xuân Ẩn nói, miêu tả lại những gì ông nhìn thấy ngày 9 tháng 1 năm 1952. “Chúng tôi có giờ nghỉ ăn trưa kéo dài để tranh thủ chợp mắt, trước khi quay lại làm việc vào buổi chiều. Thỉnh thoảng khi không có nhiều việc để làm, tôi thường đi bơi ở bể bơi gần khách sạn Majestic và sau đó về nhà ăn trưa. Hôm đó, tôi nói với sếp của mình là tôi muốn về sớm để xem cuộc diễu binh chào đón một trung đoàn Pháp vừa tham chiến ở Triều Tiên về. Đơn vị này đang được luân chuyển về nhà, có ghé qua Sài Gòn và diễu binh dọc đại lộ Catinat để phô trương thanh thế. Đây là con phố quan trọng nhất ở Sài Gòn, dọc hai bên là rất nhiều cửa hàng sang trọng. Một sân khấu duyệt binh đã được dựng lên trước nhà thờ, và cả thành phố đang sửa soạn đi xem.” Phạm Xuân Ẩn đang đạp chiếc xe của mình trên đại lộ Catinat về phía khách sạn Continental. Phía trước mặt, ông nhìn thấy một đám đông tập trung gần bồn nước ở Place Garnier. Trông ra quảng trường ở trung tâm Sài Gòn này là quán cà phê Givral, nhà hát thành phố, khách sạn Continental, và những điểm nổi bật khác của Sài Gòn. Cả Phạm Xuân Ẩn và những người hiếu kỳ đều không biết rằng cuộc diễu binh đã bị hủy bỏ. Đột nhiên Phạm Xuân Ẩn nhìn thấy những hình người bị bắn tung lên không trung và nghe thấy tiếng nổ khủng khiếp biến cả quảng trường thành một hiện trường đánh bom la liệt xác chết và những kẻ sống sót đang kêu la thảm thiết. Ông đến tận hiện trường và nhìn thấy những cánh cửa sổ vỡ tan cùng rất nhiều người gần đó bị thương đang kêu cứu. Được đưa vào làm đỉnh điểm của tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng, vụ đánh bom là tác phẩm của tướng Thế, một thủ lĩnh Cao Đài được người Mỹ hậu thuẫn làm “lực lượng thứ ba” nhằm mục đích dẫn dắt Việt Nam vào một tương lai không cộng sản mà cũng không có người Pháp. Trong tiểu thuyết của Greene, Alden Pyle, điệp viên CIA, người tài trợ tiền cho tướng Thế, coi hành động khủng bố đô thị này là cái giá không may mà người ta phải trả cho việc thúc đẩy sự nghiệp tự do của Việt Nam. “Phòng Nhì Pháp nhận được tin báo về việc tướng Thế đã gài một quả bom,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Nên đến phút cuối cùng họ cho hủy cuộc diễu binh. Có thể họ nhận được thông tin quá muộn. Có thể họ muốn quả bom phát nổ để làm bẽ mặt người Mỹ bằng cách để cho họ giết hại vô số dân thường vô tội. Dù sao thì cũng đã có rất nhiều người xếp hàng dọc trên phố, chờ đợi đám diễu binh, khi quả bom phát nổ. Nó làm vỡ nát những cánh cửa sổ ở quán cà phê Givral và hiệu thuốc bên cạnh. Tôi chứng kiến cảnh sát chạy tới giúp đỡ người bị thương.” Trừ quân đội riêng của mình với vài nghìn binh sĩ, Cao Đài là một lựa chọn đỡ đầu kỳ quặc của người Mỹ. Tôn giáo này được thành lập năm 1926 bởi một viên chức người Việt Nam ngộ đạo trong một lần cầu cơ. Đạo Cao Đài có một Hộ Pháp và cả Nữ Đầu sư cai quản một Tòa thánh, cách Sài Gòn 80 kilômét về phía Tây Bắc. Greene miêu tả Tòa thánh Cao Đài như “một hình ảnh tưởng tượng phong phú kiểu Walt Disney của phương Đông, [đầy] rồng và rắn sặc sỡ”. Với biểu tượng là thiên nhãn (con mắt thần), nhìn thấu tất cả, tôn giáo này đưa vào danh sách các vị thánh của mình cả Jeanne d’Arc, Descartes, Shakespeare, Pasteur và Lenin. Ngay sau khi cuốn Người Mỹ trầm lặng được xuất bản, Mills C. Brandes, một nhân viên CIA nằm vùng tại Sài Gòn, người nghe đâu về sau trở thành trưởng cơ sở ở Thái Lan, đã tặng Phạm Xuân Ẩn một cuốn. Brandes nghĩ cuốn sách sẽ giúp Phạm Xuân Ẩn học tiếng Anh. “Nhiều người Việt Nam tin vào câu chuyện về việc những người Mỹ tới Việt Nam và cố dựng đạo Cao Đài lên làm ‘lực lượng thứ ba’, Phạm Xuân Ẩn nói. Khi Người Mỹ trầm lặng được dựng thành phim, Phạm Xuân Ẩn đã có một bài bình luận về nó. Khi cuốn sách được chuyển thành phim lần thứ hai vào năm 2001, Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò là một cố vấn cho bộ phim và như là nguyên mẫu cho một trong những nhân vật trung tâm - người cộng sản đã thủ tiêu điệp viên CIA Alden Pyle. Để thoát khỏi “tính khí hưng-trầm cảm” của mình, Graham Greene bắt đầu đi đến châu Á năm 1950. Ông đang đưa tin về cuộc nổi dậy của những người cộng sản tại Malaysia trên cương vị thông tín viên cho tờ Life khi ông bay tới Hà Nội tháng Giêng năm 1950 để thăm một người bạn cũ đang làm lãnh sự Anh tại đó. Greene phải lòng Việt Nam ngay lập tức. Sau này ông còn quay lại thêm ba lần nữa để đưa tin về chiến tranh và thu thập tư liệu cho Người Mỹ trầm lặng. Như Greene viết trong Những con đường giải thoát, cuốn thứ hai trong số hai cuốn tự truyện của ông, “Ở Đông Dương tôi nốc cạn một thứ bùa mê thuốc lú, một thứ rượu tình mà từ ngày đó tôi đã thành đồng bệnh với nhiều thực dân về hưu cùng các sĩ quan của đội quân Lê dương, ánh mắt họ vẫn sáng lên khi nghe nhắc đến Sài Gòn và Hà Nội.” “Lời nguyền đó được gieo đầu tiên, tôi nghĩ, là bởi những cô gái thanh mảnh trang nhã mặc quần lụa trắng; bởi ánh đèn đêm nhợt nhạt trên những cánh đồng lúa bằng phẳng, nơi những con trâu ì ọp lội sâu đến tận khuỷu chân với dáng vẻ thong dong nguyên thủy; bởi những cửa hàng nước hoa Pháp trên đại lộ Catinat; những sòng bạc của người Hoa ở Chợ Lớn; và trên hết thảy là bởi cảm giác hoan hỉ mà một biện pháp đề phòng nguy hiểm mang đến cho những du khách có vé khứ hồi: những nhà hàng được chăng lưới chống lựu đạn, những tháp canh trải dọc các con đường của vùng châu thổ như một sự nhắc nhở kỳ cục về tình trạng thiếu an toàn: ‘Si vous êtes arrêtés ou attaqués en cours de route, prévenez le chef du premier poste important.’” [Nếu bạn bị bắt giữ hoặc bị tấn công trên đường, hãy báo ngay cho người phụ trách ở bốt gác tiếp theo.] Trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, Greene gặp người về sau trở thành nguyên mẫu cho một người Mỹ trầm lặng. Greene đang ở vùng đầm lầy của tỉnh Bến Tre tại châu thổ sông Mê Công, ghé thăm “người hạnh phúc nhất trong số các đốc quân ở Nam Kỳ”, tay thực dân lai Tây Leroy, người mang đến cho các vị khách của mình một buổi dạ hội trên con tàu riêng của mình. “Đêm đó tôi ở chung phòng với một người Mỹ thuộc một phái bộ viện trợ kinh tế - thành viên của phái bộ này bị người Pháp quy kết, có lẽ chính xác, là nhân viên CIA. Người bạn đường của tôi hoàn toàn chẳng có chút gì giống Pyle, người Mỹ trầm lặng trong câu chuyện của tôi - ông ta là một người cực kỳ thông minh và ít ngây thơ hơn, nhưng ông ta giảng giải cho tôi nghe suốt cả chặng đường dài quay trở lại Sài Gòn về sự cần thiết phải tìm kiếm “một lực lượng thứ ba tại Việt Nam”. Trước đó tôi chưa bao giờ được tiếp xúc gần gũi đến thế với giấc mơ Mỹ vĩ đại có mục đích là làm rối loạn tình hình tại phương Đông cũng như sau này họ sẽ làm ở Algeria.” Greene quay lại Việt Nam tháng 10 năm 1951, tám tháng sau chuyến thăm đầu tiên của mình. Ông vẫn làm cho tờ Life, lần này là để viết về cuộc chiến của người Pháp ở Đông Dương. Cũng trong tháng 10 Greene xuất hiện trên trang bìa của tờ Time . Cái đầu như đầu sư tử của ông trùm lên trên một đường hầm tối tăm trông giống như một âm đạo, ở phía cuối lấp lánh một cây thập giá. Phía dưới trang bìa là dòng chú thích: Tiểu thuyết gia Graham Greene Gian dâm có thể được phong thánh Greene rời Việt Nam trong tháng 2, hy vọng được tới Mỹ để xem quá trình chuyển thành phim cuốn tiểu thuyết Đoạn kết cuộc tình của mình. Nhưng đề nghị xin visa của ông đã bị từ chối với lý do ông là một ngýời cộng sản. (Ông từng là ðảng viên cộng sản trong sáu tuần vì nghịch ngợm hồi đại học). Khi Greene vô tình được cấp visa qua một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, người này đã buộc phải lùng sục khắp thành phố và tìm thấy nhà văn trong phòng của ông tại khách sạn Continental. Sau khi gõ cửa và đề nghị kiểm tra hộ chiếu của Greene, nhân viên này đã rút ra một hộp dấu mực và đóng dấu hủy visa. Về sau, khi được phép tới Mỹ bằng một visa ngắn hạn, Greene đã dự lễ chầu Thánh thể với Claire Booth Luce, vợ của Henry Luce, chủ tịch tập đoàn Time Inc., và ông chuyển bài viết mà tạp chí của mình yêu cầu cho các biên tập viên của Luce tại Life, để rồi những người này đã bỏ nó. Như Greene viết trong Những con đường giải thoát: “Tôi ngờ là thái độ lập lờ của tôi về cuộc chiến đã trở nên quá lộ liễu - sự khâm phục của tôi dành cho quân đội Pháp, sự khâm phục của tôi đối với kẻ thù của họ, và mối hoài nghi của tôi về bất kỳ giá trị cuối cùng nào trong cuộc chiến.” Quay trở lại Việt Nam tháng 12 năm 1953, Greene trải qua một khoảng thời gian “hai mươi tư giờ tang tóc trĩu nặng” tại Điện Biên Phủ, cứ điểm ở vùng núi cao phía Tây Hà Nội. Năm tháng sau chuyến thăm của Greene, Việt Minh đã tràn vào cứ điểm này. Trận đánh này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cục diện thế giới, như Greene nhận định. Greene tin rằng đó là lần đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa thực dân phương Tây, những người lính châu Á đã đánh bại một quân đội châu Âu trong một trận địa chiến. Trong số 15.000 binh sĩ viễn chinh Pháp bảo vệ Điện Biên Phủ, khoảng ba đến bốn nghìn bị giết trên chiến trường, còn mười nghìn người khác bị Việt Minh bắt sống. Một nửa số người này sau đó đã chết trên chặng đường áp giải dài năm trăm dặm từ vùng núi xuống vùng ven biển . Một ngày sau chiến thắng của cộng sản, hội nghị quốc tế được triệu tập để chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Geneva. “Điện Biên Phủ không chỉ là thảm bại của quân đội Pháp,” Greene viết trong Những con đường giải thoát. “Trận đánh này gần như đánh dấu sự cáo chung của bất kỳ hy vọng nào mà các cường quốc phương Tây có thể đã ấp ủ rằng họ có thể thống trị phương Đông. Người Pháp, với sự minh triết kiểu Descartes, đã chấp nhận lời phán quyết. Ở một mức độ kém hơn, cả người Anh cũng vậy: nền độc lập của Malaysia, bất kể những người Malaysia có thích nghĩ đến như vậy hay không, cũng được giành lại cho họ khi lực lượng cộng sản của tướng Võ Nguyên Giáp, một cựu giáo sư sử học trường Thăng Long, đánh bại lực lượng của tướng Navarre, một cựu sĩ quan kỵ binh, cựu trưởng Phòng Nhì, tại Điện Biên Phủ. (Sau này thanh niên Mỹ vẫn tiếp tục phải bỏ mạng tại Việt Nam càng chỉ chứng tỏ thực tế rằng phải mất một thời gian thì tiếng dội của ngay cả một thất bại toàn diện mới lan tỏa khắp thế giới.)” Khi được tờ Sunday Times đề nghị viết về trận đánh có ý nghĩa quyết định nhất trong lịch sử thế giới, Greene đã chọn Điện Biên Phủ. Greene đến Việt Nam lần cuối cùng năm 1955. Đã lên lịch gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để phỏng vấn nhưng cảm thấy người không được khỏe, ông lại tìm đến phương thuốc quen thuộc của mình - kéo vài điếu thuốc phiện. “Tẩu thuốc cuốn trôi đi cơn bệnh và mang đến cho tôi năng lượng để gặp Hồ Chí Minh trong bữa trà.” “Trong số bốn mùa đông mà tôi trải qua tại Đông Dương, thuốc phiện đã để lại những ký ức hạnh phúc nhất, và cũng như nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của Fowler, nhân vật của tôi trong Người Mỹ trầm lặng, tôi bổ sung vài ký ức từ những ghi chép của mình liên quan đến nó, vì tôi cảm thấy không đành lòng rời Đông Dương vĩnh viễn chỉ với một cuốn tiểu thuyết để nhớ về nó.” Những nhận xét của Greene trong Những con đường giải thoát được bổ sung 11 trang tả về thú hút thuốc phiện, thói quen bắt đầu trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông năm 1951. “Sau bữa tối, một quan chức Pháp đưa tôi đến căn hộ nhỏ ở con phố vắng - tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc phiện nồng nồng khi lên cầu thang. Nó cũng giống như lần đầu tiên nhìn thấy một phụ nữ đẹp, người mà ta cảm nhận là có thể sẽ có một mối quan hệ: một người mà ký ức về người đó sẽ không phai mờ sau một đêm ngủ dậy.” Phạm Xuân Ẩn được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1953 tại một buổi lễ trong rừng U Minh dưới sự chủ tọa của ông Lê Đức Thọ. Là một người “tốt nghiệp” Côn Đảo, ông Lê Đức Thọ phụ trách kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Về sau ông có đến bốn năm đàm phán với Henry Kissinger trong các vòng đàm phán hòa bình Paris. Em trai ông là Mai Chí Thọ, phụ trách công tác an ninh của lực lượng cộng sản ở miền Nam, là cấp trên của Phạm Xuân Ẩn. “Họ đề nghị tôi vào Đảng Cộng sản vì tôi làm việc trong một lĩnh vực nhạy cảm,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Nếu tôi không vào, họ sẽ không tin tưởng tôi nữa. Họ giải thích tất cả những biện pháp mà họ tiến hành vì các lý do an ninh, rồi tôi còn phải nghiên cứu các nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng. Về danh nghĩa thì Đảng Cộng sản Đông Dương đã giải tán, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Những người cộng sản lo ngại sẽ mất đi sự ủng hộ rộng rãi nếu họ hoạt động công khai, vì vậy họ tiến hành các hoạt động của họ một cách bí mật.” Một năm trước đó Phạm Xuân Ẩn cũng đã được kết nạp dự bị vào Đảng trong một buổi lễ ở khu rừng gần Củ Chi. “Có một giai đoạn thử thách kéo dài từ ba đến sáu tháng đối với một công nhân muốn vào Đảng,” Phạm Xuân Ẩn giải thích. “Đối với một thành viên của tầng lớp trung lưu, một sinh viên, hay một người làm việc cho chính quyền (ngụy), giai đoạn thử thách ít nhất là một năm, trước khi anh được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức.” Trong khi đọc các văn kiện của Đảng và các tác phẩm của Marx cũng như của Engels, Phạm Xuân Ẩn rút ra những bài học chính trị thực sự của mình từ Karl von Clausewitz, viên tướng người Phổ thế kỷ 19 đã tham gia đánh bại Napoleon trong trận Waterloo và sau đó, trên cương vị hiệu trưởng trường đại học chiến tranh Phổ, đã viết kiệt tác dang dở của mình, Về chiến tranh. Điều Phạm Xuân Ẩn thấy thuyết phục nhất ở Clausewitz là tư tưởng chiến tranh tổng lực, trong đó bao gồm việc tấn công các công dân và tài sản của một quốc gia thù địch bằng mọi cách có thể. Phạm Xuân Ẩn thường xuyên quay trở lại quan điểm này, giải thích đi giải thích lại tầm quan trọng của tư tưởng chiến tranh tổng lực đối với chiến lược của Việt Nam. “Để chống lại kẻ thù mạnh đến từ nước ngoài, anh phải tiến hành một cuộc chiến trường kỳ,” ông nói. “Anh phải huy động tất cả nhân tài và vật lực của tổ quốc mình vì một mục tiêu duy nhất - đánh bại kẻ thù đó. Phải đương đầu với sự tổng động viên này, cuối cùng đối phương sẽ phải nhận ra rằng việc tiếp tục duy trì cuộc chiến là không có lợi. Nó sẽ tự quyết định rút lui. Đó là cách mà anh giành chiến thắng. Anh không đánh bại kẻ thù. Anh không thể đánh bại họ. Anh quá yếu, nhưng bằng cách tiến hành một cuộc chiến trường kỳ, cuối cùng anh sẽ khiến họ phải rệu rã và tự động rút lui. Người Trung Quốc gọi đó là chiến tranh nhân dân. Việt Minh cũng học nó từ người Trung Quốc. Họ nghĩ rằng đây là tư tưởng do Mao Trạch Đông đưa ra, nhưng thật ra đây là một bài học của Clausewitz.” Tôi ngạc nhiên khi Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng người Việt chưa bao giờ thắng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam: “Không, nước Mỹ đâu có thua trận.”, ông nói, “Chúng tôi đã thực hiện cái mà Clausewitz gọi là chiến tranh tổng lực, trong đó sức mạnh của toàn dân tộc được huy động chống một kẻ thù ngoại xâm. Theo như Clausewitz, cuộc chiến này chỉ kết thúc khi kẻ xâm lược tính toán rằng những cái lợi của anh ta sẽ không thấm vào đâu so với những mất mát. Trên cơ sở như vậy, anh sẽ phải rút lui. Đó là cách duy nhất để một nước nhược tiểu có thể đánh lại một cường quốc. Người Trung Quốc có cải tiến một chút về tư tưởng này, nhưng Clausewitz mới là người thầy thực sự của chúng tôi.” “Đây mới chính xác là những gì đã xảy ra,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Người Mỹ đã rút đi. Tất cả chỉ có thế. Chúng tôi chiến đấu đến khi quân Pháp phải rời đất nước. Chúng tôi chiến đấu đến khi Mỹ cút, và sau đó chúng tôi lật đổ chế độ ngụy quyền bù nhìn. Chúng tôi không hề đánh bại kẻ thù về phương diện quân sự. Ngay cả Điện Biên Phủ cũng chỉ là một trận đánh mà người Pháp đã thua trong một cuộc chiến rộng hơn. Người Mỹ đã không hề thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam; họ chỉ rút lui. Thậm chí đó cũng không phải là cuộc chiến của họ. Đó là cuộc chiến của những con bù nhìn mà họ dựng lên. Người Mỹ dựng lên đất nước này. Họ là những kẻ buôn vua, nhưng rồi nó đã sụp đổ. Việc ngôi nhà bị đổ đâu phải do lỗi của những người xây. Lỗi là của những người sống trong ngôi nhà đó. ” Sau lễ kết nạp Đảng của Phạm Xuân Ẩn, ông Lê Đức Thọ mời mọi người uống trà và ăn bánh. “Ổng có bài phát biểu ngắn, nói rằng tôi vẫn còn là một thanh niên và chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Ổng biết rằng các nước lớn đang nhóm họp để bàn về việc dám xếp một hiệp định ngừng bắn tại Triều Tiên, và ổng nghĩ chiến tranh tại Việt Nam cũng sẽ sớm được giải quyết. Ổng biết Mỹ đang nhảy vào thế chân Pháp, nhưng ổng không hề biết là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai sẽ kéo dài đến thế.” Sau bài phát biểu, ông Lê Đức Thọ yêu cầu các cán bộ, giới thiệu cho Phạm Xuân Ẩn những người phụ nữ có thể kết hôn được ở trong Đảng. “Họ sẽ giới thiệu cho tôi vài cô gái, và tôi sẽ chọn trong số đó.” “Ông ấy có tự mình giới thiệu ai cho ông không?” Phạm Xuân Ẩn bật cười khùng khục khi nghĩ đến việc nhà cách mạng kỳ cựu của Việt Nam lại đóng vai trò một người mai mối. “Không, ổng giao cho người của mình làm việc đó.” “Họ có giới thiệu tôi với các cô gái, và tôi cũng thích một người trong đó,” ông nói. Trước khi tôi kịp hỏi tên người con gái đó, Phạm Xuân Ẩn đã bắt đầu chuyển sang câu chuyện về một mối quan hệ khác. “Người đầu tiên tôi yêu là một bạn học 11 tuổi ở Cần Thơ tên là Pauline Taget. Cổ là một métisse dễ thương có cha làm việc cho cảnh sát. Cổ cũng tham gia cách mạng. Cổ bị bắt. Cha cổ can thiệp để trả tự do cho con gái mình. Sau đó, cổ sống với một người đàn ông trong một mối quan hệ do cách mạng bố trí cho đến khi người này hy sinh năm 1947 hay 1948 gì đó. Tại đám tang, Pauline khăng khăng đòi phủ quan tài bằng lá cờ cách mạng, lá cờ đỏ có ngôi sao vàng lớn ở giữa.” Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn xem ông còn giữ bức ảnh hay tài liệu nào ghi lại thời điểm ông vào Đảng không. “Không, không ai ký vào bất kỳ thứ gì hết,” ông nói. “Đó chỉ là một buổi lễ đơn giản. Đây chính là lý do tại sao sau này rất nhiều người không có cách nào để chứng minh rằng họ là đảng viên. Họ lại phải trải qua toàn bộ quá trình đó từ đầu. Người giao thông liên lạc của tôi, bà Nguyễn Thị Ba, phải vào Đảng tới ba lần, mặc dù bà ấy đã làm việc cho những người cộng sản từ khi còn là một thiếu nữ 18 tuổi.” Khi không mời Phạm Xuân Ẩn uống trà ăn bánh và giới thiệu cho những cô gái có thể cưới làm vợ, những cấp trên cộng sản của ông có thể rất nghiêm khắc. Họ đánh một dấu đen về ông. Ông là một địa chủ thu tô từ người nông dân, một kẻ tiểu tư sản chuyên bóc lột giai cấp công nhân. Khi được miêu tả bởi những tác giả Việt Nam viết tiểu sử về ông, Phạm Xuân Ẩn có hai cái đuôi, cả hai cái đều đã bị ông chặt đứt. “Anh là một gã tiểu tư sản, nhưng lại có chất anh hùng kiếm hiệp trong máu, thích học đòi theo phim ảnh, như thế rất dễ làm hỏng việc,” cấp trên của Phạm Xuân Ẩn nói. “Con trai của một người tiểu tư sản có một cái đuôi. Cái đuôi đó là lối sống tư sản, kiểu ăn nói và cư xử kiêu căng hợm mình với mọi người, nhất là với những người nghèo mà họ quen gọi là tầng lớp dưới. Kể cả anh có đủ khôn ngoan để che giấu, không sớm thì muộn cái đuôi đó sẽ lòi ra. Anh phải tìm cách chặt nó đi.” Sau bài giảng này, hàng ngày Phạm Xuân Ẩn ra cảng để ăn trưa với các công nhân bốc vác. Cố gắng xây dựng tinh thần đoàn kết công nhân này được định hướng bởi phương châm “ba cùng”: cùng ăn, cùng làm, cùng nghỉ . Phạm Xuân Ẩn cứ đinh ninh mình đang tiến bộ dần, cho đến một ngày ông để lộ ra cái đuôi thứ hai cần phải cắt bỏ. Phạm Xuân Ẩn đấm vào mũi một người Pháp. Khi tên này đang hạch sách một số công nhân, Phạm Xuân Ẩn đã túm cổ và vật hắn xuống đất. Thay vì được khen ngợi vì đã để lộ “cái đuôi của một người yêu nước”, ông bị những người cộng sản xạc tơi bời. “Một điệp viên không được phép nóng nảy và vị kỷ. Không thể chấp nhận được việc anh hành động như một người chủ bảo vệ công nhân của mình. Đã được phân công thực hiện nhiệm vụ bí mật trong lòng địch, nếu anh không chịu giao du cùng đồng nghiệp, từ chối ăn hối lộ, từ chối nhậu nhẹt hoặc đi tán gái, làm sao anh có thể hoàn thành nhiệm vụ? Chỉ có một người cộng sản mới có thể nghiêm túc và kiên định như vậy. Làm sao anh có thể đấu tranh một khi anh để lòi cái đuôi của mình ra như vậy?” Bất chấp công việc làm thêm tại sở dây thép cho Phòng Nhì Pháp, năm 1954 Phạm Xuân Ẩn vẫn phải đi quân dịch vào Armée Nationale Vietnamienne (Quân đội Quốc gia Việt Nam). Để tránh bị ăn đạn trong những ngày tàn của cuộc chiến thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương, ông lợi dụng những mối quan hệ gia đình vốn là cách giải quyết công việc ở Việt Nam. Ông nhờ anh họ mình, đại úy Phạm Xuân Giai, giúp đỡ. “Ổng là trưởng tộc,” Phạm Xuân Ẩn nói về ông Phạm Xuân Giai, con trưởng của bác ông. Lớn hơn Phạm Xuân Ẩn tám tuổi, Phạm Xuân Giai sinh ở Huế. Được người Pháp đào tạo thành sĩ quan quân sự, ông ta chiến đấu ở phe của Hồ Chí Minh năm 1945 và rồi ngay năm đó lại đổi phe, quay lại làm việc cho Pháp. Đại úy Giai là một người tham vọng và tháo vát, thăng tiến vùn vụt qua các chức vụ của ngành tình báo Pháp cho đến khi trở thành người đứng đầu G5, phòng Chiến tranh tâm lý thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam. Phạm Xuân Giai giúp em họ mình làm thượng sĩ đồng hóa, cấp cao nhất của ngạch hạ sĩ quan, và bố trí ông về làm việc tại Bộ Tư lệnh quân đội trên đường Galliéni, gần Chợ Lớn. Đây chính là nơi đại tá Edward Lansdale tìm thấy Phạm Xuân Ẩn khi ông ta đến để gặp đại úy Giai và đề nghị giúp đỡ công việc và tiền bạc. Lansdale, một người từng làm việc trong ngành quảng cáo và là chuyên gia về chiến tranh tâm lý, được phái tới điều hành các hoạt động bí mật của CIA tại Việt Nam. Chính thức tới Đông Dương ngay sau thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Lansdale nhận thấy cả G5 và phần còn lại của cỗ máy chiến tranh thuộc địa cũ đang rệu rã. Các lực lượng miền Nam hoàn toàn mất phương hướng, không biết phải làm gì, cho đến khi Lansdale cùng cơ quan mang cái tên rất vô hại là Phái bộ Quân sự Sài Gòn của ông ta bắt đầu biến Nam Kỳ thành một quốc gia mang tên gọi Nam Việt Nam. Nhận ra một học trò đầy triển vọng ở chàng thanh niên Phạm Xuân Ẩn, Lansdale và các đồng nghiệp của ông ta bắt đầu dạy Phạm Xuân Ẩn những ngón nghề mà về sau ông sẽ dùng đến trong suốt 50 năm sau đó trên cương vị một điệp viên cộng sản. “Tôi là một học trò của Sherman Kent,” Phạm Xuân Ẩn nói, nhắc đến người giáo sư ở Đại học Yale đã giúp thành lập ra CIA, gồm cả cái mà ngày nay được gọi là Trường Phân tích Tình báo Sherman Kent. “Tình báo chiến lược,” Kent viết trong tác phẩm kinh điển của mình Tình báo chiến lược cho chính sách thế giới của Mỹ (1949), là một “công việc báo cáo” trên cơ sở nghiên cứu tính cách của các nhà lãnh đạo thế giới. “Nó phải nắm được cá tính và tham vọng, quan điểm của họ, những điểm yếu của họ và những ảnh hưởng họ có thể tạo ra cũng như những ảnh hưởng có thể tác động đến họ. Nó phải biết rõ bạn bè và người thân của họ, cùng môi trường chính trị, kinh tế và xã hội mà họ hoạt động.” Phạm Xuân Ẩn, điệp viên tình báo tâm lý, đang bắt đầu học hỏi về phương pháp báo cáo mà sau này ông sẽ phát huy một cách vô cùng xuất sắc trên cương vị Phạm Xuân Ẩn, thông tín viên của Time . “Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao giờ rảnh,” Phạm Xuân Ẩn nói với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. “Hai nghề này nó rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra, sau đó giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí!” Ngoài những tác phẩm của Sherman Kent, Phạm Xuân Ẩn cũng được đưa cho đọc cuốn sách kinh điển của Paul Linebarger, Chiến tranh tâm lý (1948). “Sức lôi cuốn cộng sản là một sức lôi cuốn mạnh mẽ, tồi tệ,” Linebarger viết về những “nhân vật thù địch” tham gia cuộc chiến tranh tâm lý. “Chiến lược tâm lý được xây dựng trên mấp mé miệng vực của cơn ác mộng.” Là một điệp viên bốn mang, vừa làm thêm cho Phòng Nhì của Pháp vừa làm việc cho tổ chức tình báo thuần túy Việt Nam của anh họ mình cùng người tài trợ cho nó là CIA, và đồng thời lại báo cáo tình hình cho các cấp trên cộng sản của mình, Phạm Xuân Ẩn cũng bắt đầu sống trên miệng vực cơn ác mộng của riêng mình. “Tôi không lúc nào thảnh thơi được lấy một phút,” ông nói. “Đã là điệp viên, không sớm thì muộn anh cũng bị tóm thôi. Tôi phải tự chuẩn bị cho mình khả năng bị tra tấn. Đó rất có thể sẽ là số phận của tôi.” Điều an ủi nhỏ nhoi là hầu hết các đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn tại G5 cũng đều ở trong tình cảnh tương tự. “Một tay trong phòng làm việc cho CIA đang đấu đá với anh họ tôi, người làm việc cho Phòng Nhì. Lúc nào họ cũng theo dõi hoạt động của nhau, rồi báo cáo lại cho sếp của mình những gì đã xảy ra. Nhưng họ vẫn là bạn bè tốt của nhau. Chúng tôi luôn chơi bời khắp nơi cùng nhau. Đó là cung cách ở Việt Nam, thuần túy Việt Nam. Chúng tôi bị ném vào nhau như một lũ cua từ năm đại dương của thế giới.” “Khi nào không do thám lẫn nhau, chúng tôi lại hút thuốc phiện và ăn chơi cùng nhau như bạn bè. Đó là cách mà mọi việc diễn ra. Tôi phải chia rạch ròi từng chuyện. Kể cũng khó khăn. Ban đầu anh làm thế như một kiểu phản xạ, và rồi, sau một thời gian dài, anh cũng quen với nó. Lúc nào tôi cũng phải cảnh giác. Anh họ tôi, và cũng là sếp của tôi, là người thân Pháp. Nên tôi phải giả vờ đứng về phía người Pháp, trong khi thực ra tôi là người chống Pháp. Tôi cũng chống lại những kẻ can thiệp, những người Mỹ, trong khi đồng thời tôi lại làm việc cho họ. Nhưng không thể lúc nào cũng giết chóc. Khi chiến tranh qua đi, đây là những người mà tôi sẽ phải chung sống cùng.” Giữa mớ điệp viên hỗn độn này có hai người sau này trở thành bạn thân của Phạm Xuân Ẩn. Cao Giao là một người đàn ông đeo kính với chòm râu dê lưa thưa và làm việc cho những người cộng sản. Nguyễn Hưng Vượng, người có khuôn mặt bủng beo của dân nghiện hút, làm việc cho CIA. Phạm Xuân Ẩn và những đồng nghiệp của mình dành nhiều thời gian ở cùng nhau, lê la khắp thành phố và nhấm nháp cà phê trên đường Catinat, đến nỗi mà người ta bắt đầu gọi họ là Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Họ mách nhau việc làm cũng như thông tin và vẫn luôn là những người bạn thân thiết trong suốt mấy cuộc chiến ở Việt Nam. Ban đầu, Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò như một cậu em nhỏ so với những đồng nghiệp từng trải hơn của mình, khi họ dạy cho ông những gì họ biết về nghề điệp viên. Sinh năm 1917 trong một gia đình quan lại ở phía Nam Hà Nội, nơi cha là một quan chức trong chính quyền Pháp, Cao Giao là một người lúc nào cũng sôi sục và nổi bật. Ông có kiểu hóm hỉnh sắc sảo chẳng kiêng nể gì ai. Đổi lại, mỗi đảng phái chính trị lên nắm quyền tại Việt Nam lại tống ông vào tù và tra tấn ông. Ông không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ bóp méo sự thật. Cho đến tận cái ngày qua đời trong cảnh lưu vong tại Bỉ năm 1986, ông vẫn thuộc về tầng lớp quý tộc trí thức, giống như một viên cận thần thời Phục hưng bị buộc phải lẩn trốn từ công quốc này sang công quốc khác nhưng lần nào cũng la cà quá lâu ở quán cà phê, nấn ná với một câu chuyện cuối cùng, câu nói đùa cuối cùng, thế là hết lần này đến lần khác ông ta lọt vào tay những lực lượng ngoại xâm vốn luôn cho rằng ông đã chọn nhầm phe. “Ông ấy là kiểu người suốt ngày phải đi tù, dưới chế độ nào cũng thế, cứ đi tù đã,” Phạm Xuân Ẩn nói và bật cười với ý nghĩ ông bạn Cao Giao tội nghiệp làm phật ý tất cả mọi người. Những người đầu tiên tống ông vào tù là người Pháp. Cao Giao đã đứng cùng hàng ngũ với người Nhật Bản khi họ xâm lược Việt Nam. Với những khẩu hiệu của họ về Đại Đông Á và Á châu dành cho người Á châu, ông nghĩ họ có thể nắm giữ chìa khóa để giải phóng tổ quốc mình. “Đó là thất bại đầu tiên trong sự nghiệp của tôi,” ông cay đắng. Sau đó Cao Giao quay sang thông tin cho những người cộng sản. Trong số những thông tin quan trọng mà ông cung cấp cho họ có việc thông báo trước về vụ Nhật đảo chính Pháp. “Ông ấy là nguồn duy nhất có thông tin đó,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông ấy đóng góp rất nhiều cho cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ Nhật và Pháp đô hộ Việt Nam.” Mặc dù vậy, khi những người cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc, lại đến lượt họ bắt giữ Cao Giao và tra tấn ông vì tội đã làm việc cho người Nhật. Cuối cùng ông bỏ trốn vào Nam. Tại đây Cao Giao gặp rắc rối với Ngô Đình Diệm, một cộng sự viên khác của người Nhật và về sau trở thành đồng minh của Mỹ chống cộng sản. Sau khi được thả ra khỏi phòng tra tấn của Diệm, Cao Giao vào làm cho tờ Newsweek . Ông là người anh em sinh đôi không bao giờ tách rời khỏi người phóng viên Việt Nam đồng nghiệp của mình làm việc cho tờ Time, nhưng trong khi chàng phóng viên Phạm Xuân Ẩn kín đáo không bao giờ gặp rắc rối với bất kỳ ai, thì Cao Giao lại là cái cột thu lôi hứng chịu tất cả. Đến năm 1978, ông lại bị tra tấn lần nữa trong nhà tù Chí Hòa ở Sài Gòn, lần này có lẽ là vì bị kết tội làm tay chân cho CIA. Sau bốn năm trong tù, trong đó có mười ba tháng biệt giam, cuối cùng Cao Giao cũng được phép ra nước ngoài sống lưu vong. Trong khi Cao Giao là một người kể chuyện bẩm sinh với khuôn mặt tròn trịa, da bánh mật, lúc nào cũng hồ hởi với một nụ cười, thì người đồng nghiệp ốm yếu, lưng còng của ông là Nguyễn Hưng Vượng lại nói chuyện với giọng thều thào nhợt nhạt nghe như thể ông đang cố tìm cách biến mất khỏi khoảng không trước mặt bạn. Ông có mái đầu đầy những sợi tóc thẳng, ngả màu muối tiêu và làn da đùng đục mỏng như giấy của một con nghiện. Sinh năm 1923 tại Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, trong một gia đình người Việt Nam làm việc cho chính quyền Pháp, Vượng là một sinh viên xuất sắc tốt nghiệp tú tài tại Hà Nội trước khi theo học tiếp về y khoa. Tháng 8 năm 1945, sau một thời gian ngắn làm nhân viên kiểm duyệt, ông rời Việt Nam sang Hồng Kông. Sau đó ông tới Thái Lan, tại đó ông kết bạn với Phạm Xuân Giai, anh họ của Phạm Xuân Ẩn. Trong khi Giai làm việc cho Phòng Nhì, thì Vượng làm việc cho CIA, đầu tiên là ở Thái Lan, Lào, và Hà Nội, rồi cuối cùng là ở Sài Gòn, nơi Giai tuyển ông vào làm cho G5. “Vượng làm việc cho CIA và đang đối đầu với anh họ tôi, người làm việc cho Phòng Nhì,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ luôn theo dõi các hoạt động của nhau, báo cáo lại cho cấp trên của mình về những gì đang xảy ra. Nhưng đồng thời họ cũng là những người bạn thân luôn đi chơi bời cùng nhau. Như thế chẳng có gì là sai cả. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình. Tôi đã học được rất nhiều điều từ những người này. Không một ai từng nghi ngờ rằng tôi làm việc cho những người cộng sản. Tôi tỏ ra vô cùng ngây ngô và cởi mở. Bất kỳ điều gì không biết là tôi hỏi ngay. Vì không ai từng dạy tôi về tình báo, nên tôi phải hỏi những người biết về nghề này dạy lại cho mình.” Từ văn phòng làm việc của mình tại G5, Phạm Xuân Ẩn dần làm quen với những kinh nghiệm toàn cầu về chiến tranh tâm lý. “Họ đã vay mượn từ người Anh và người Pháp rất nhiều tư tưởng về chiến tranh chống du kích,” ông nói. “Từ người Anh, họ chủ yếu dựa vào những ý tưởng của Robert Thompson và kinh nghiệm của ông ta tại Mã Lai. Từ người Pháp, họ dựa vào những ý tưởng của đại tá Roger Trinquier, một chuyên gia về chiến tranh chống du kích, đầu tiên là ở Việt Nam và sau đó là ở Algeria. Ông ta từng là giáo sư tại một trường trung học ở Pháp, và sau đó trong Chiến tranh thế giới thứ hai ông ta trở thành quân nhân. Trinquier là người đầu tiên vạch ra cả một kế hoạch tiến hành chiến tranh tại Đông Dương. Ông ta là chìa khóa để hiểu được chiến lược của Pháp về chống du kích. Những quan điểm của ông ta về sau cũng được người Mỹ học hỏi. Ông nên đọc Trinquier nếu ông muốn hiểu những gì chúng tôi làm hồi đó.” Sinh năm 1908 trong vùng núi Alps thuộc Pháp và được đào tạo làm giáo viên, Trinquier khởi đầu binh nghiệp năm 1934 trên cương vị một sĩ quan trẻ chuyên tiễu phạt những băng cướp biển Việt Nam và dân buôn lậu thuốc phiện trong vùng núi hoang dã được gọi là Thập Vạn Đại Sơn, trải dài ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Ông ta bị người Nhật giam cầm trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, Trinquier dành trọn 15 năm tiếp theo trong binh nghiệp của mình để chống lại những cuộc chiến giành độc lập, đầu tiên là tại Việt Nam và sau đó là ở Algeria. Theo Trinquier, những người cách mạng thắng thế không phải bởi vì họ giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh, mà bởi vì các chính trị gia đã bán đứng quân đội đúng lúc họ đang giành chiến thắng. Nếu như lời phàn nàn này nghe quen quen, thì là vì nó sẽ trở thành chủ đề được nhắc đi nhắc lại đối với nhiều nhân vật của quân đội Mỹ, những người nắm lấy quan điểm này sau thất bại của chính họ tại Việt Nam. Cuối những năm 1940, Trinquier được giao cái mà Bernard Fall gọi là “nhiệm vụ khó khăn quét sạch những phần tử Việt Minh ra khỏi vùng đầm lầy và những cánh đồng lúa xung quanh Sài Gòn”. Về sau Trinquier được phân công phụ trách việc vũ trang cho những người Thượng Việt Nam và các nhóm người thiểu số khác mà để bí mật thả xuống phía sau hậu phương của kẻ thù. Được chu cấp bởi người Mỹ, những người vô cùng khâm phục người lính mẫn cán này và hoạt động bí mật của ông ta, thiếu tá Trinquier có đến 30.000 người dưới quyền chỉ huy của mình khi “vụ việc Điện Biên Phủ đáng tiếc”, theo cách gọi của ông ta, đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Người Mỹ cũng chấm dứt luôn sự liên hệ với những lực lượng bí mật của Trinquier và nhiều người trong số 20.000 binh sĩ của ông ta bị cộng sản săn lùng và tiêu diệt. Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, Trinquier phát triển phương pháp của mình về chiến tranh hiện đại. Theo ông ta, cuộc xung đột cách mạng tại Việt Nam là cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên trên thế giới bởi vì nó bao hàm cả một trận đánh tranh giành “con tim và khối óc” của người dân Việt Nam. Giành được lòng trung thành của người dân bình thường là một mục tiêu quân sự vĩ đại không kém gì việc chiến thắng những trận đánh riêng rẽ. Một lực lượng cách mạng muốn chiếm lợi thế trong chiến tranh hiện đại sẽ huy động một “hệ thống tổng thể các hành động - chính trị, kinh tế, tâm lý, quân sự - nhằm mục đích lật đổ một chính quyền đã được thiết lập tại một quốc gia và thay thế nó bằng một chế độ khác”. Xuất phát từ tính tổng lực của các phương pháp này, một quân đội đang cố đàn áp một lực lượng cách mạng phải xây dựng tập hợp các kỹ thuật chiến tranh hiện đại cho riêng mình. Nó sẽ chiến đấu bằng những nhóm biệt kích nhỏ, cơ động và các lực lượng hoạt động bí mật. Nó sẽ dùng cả đến cách tra tấn. Nó sẽ cưỡng bức dân thường phải vào ở trong những trại vũ trang đồng thời sử dụng đến biện pháp khủng bố cùng các kỹ thuật khác được phát triển trong cái lĩnh vực ngày càng hiệu quả được gọi là chiến tranh tâm lý. Khi tới Việt Nam tiếp quản cuộc chiến tranh của người Pháp, người Mỹ, thường là vô tình, phát minh lại tất cả các phương pháp của Trinquier. Đinh ninh mình là những nhà phát kiến vĩ đại trong việc đàn áp lực lượng cách mạng Việt Nam, nhưng thực ra người Mỹ cũng chỉ là những Trinquier thế hệ sau này sao chép lại tất cả những phương pháp của ông ta về cách tiến hành một cuộc chiến hiện đại - với kết quả cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Người Mỹ phát triển lực lượng Mũ nồi Xanh và các lực lượng đặc biệt khác hoạt động cùng những nhóm biệt kích nhỏ, cơ động. Họ sử dụng biện pháp tra tấn và khủng bố, đáng chú ý nhất là Chương trình Phượng hoàng, chuyên về đào tạo lực lượng chỉ điểm và thủ tiêu 50.000 người bị nghi là có cảm tình với cộng sản. Họ áp dụng ồ ạt chính sách dồn cưỡng bức người dân Việt Nam vào những trại vũ trang, đầu tiên gọi là agroville (khu trù mật) và về sau gọi là ấp chiến lược. Cuối cùng, họ thích thú vận dụng các phương pháp chiến tranh tâm lý được đề ra để chiếm lấy trái tim và khối óc của dân thường, lòng trung thành của nhóm này sẽ là thứ vũ khí tối thượng trong kiểu chiến tranh nhân dân này. Khi được yêu cầu bình luận về thời gian đưa tin chiến tranh của mình tại Việt Nam, David Halberstam nhắc đến nhà báo người Anh Phillip Knightley: “Vấn đề là cố gắng theo dõi một sự kiện nào đó hàng ngày như thể tin tức khi mà trong thực tế chìa khóa thực sự nằm ở chỗ tất cả cũng đều phát sinh từ cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, điều đã trở thành lịch sử. Nên thực sự thì lẽ ra anh phải cho thêm một đoạn văn thứ ba vào mỗi bài viết với nội dung ‘Tất cả những thứ này đều là rác rưởi và không hề có chút ý nghĩa gì bởi vì chúng ta đang bước theo đúng dấu chân người Pháp và chúng ta là tù nhân của kinh nghiệm mà họ có’.” Mùa xuân năm 1971, nhà sử học Alfred McCoy phỏng vấn Trinquier cùng cấp trên của ông ta, tướng Maurice Belleux, cựu trùm tình báo Pháp tại Đông Dương. Vào thời điểm đó, McCoy đang đi vòng quanh thế giới để nghiên cứu viết tác phẩm kinh điển của mình Nền chính trị bạch phiến tại Đông Nam Á (xuất bản năm 1972, với một lần tái bản có sửa chữa, Nền chính trị bạch phiến: Sự đồng lõa của CIA trong hoạt động buôn bán ma túy toàn cầu, xuất bản năm 1991). “Đến giai đoạn 1950-1951, các sĩ quan Pháp trẻ tuổi hơn theo trường phái cách tân đã từ bỏ những chiến thuật chiến tranh truyền thống về cơ bản hình dung Đông Dương như một bãi trống thưa thớt dân cư cho các phòng tuyến được gia cố, những trận càn quét quy mô lớn, và những cuộc tấn công thọc sườn,” McCoy viết. “Thay vào đó, Đông Dương trở thành một bàn cờ khổng lồ nơi những bộ tộc miền núi, các băng đảng và các nhóm thiểu số tôn giáo có thể được sử dụng như những con tốt nắm giữ các vùng lãnh thổ chiến lược và ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Minh.” Trinquier được trao cả một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài để thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ này. Hoạt động dọc theo dãy Trường Sơn, dãy núi trải dài từ miền Trung Việt Nam đến biên giới Trung Quốc, Trinquier tuyển mộ và huấn luyện hơn 30.000 lính đánh thuê người thiểu số, những người luôn hăng hái tấn công các tuyến đường tiếp tế của Việt Minh và hỗ trợ nỗ lực quân sự của Pháp. Công việc này gồm cả trồng cây anh túc ở Lào và chế biến thành bạch phiến - mối làm ăn béo bở mà các cơ quan tình báo Pháp sử dụng để tự chu cấp cho mình. Vì không có giá trị chiến lược gì, trừ việc là một trạm trung chuyển giữa bờ biển và đế chế sâu trong đất liền của Trinquier, Điện Biên Phủ là một thành tố khác trong chiến lược của Trinquier. Người H’Mông trồng anh túc và thu hoạch được lượng thuốc phiện khá lớn trên những ngọn đồi quanh Điện Biên Phủ, và căn cứ này có nhiệm vụ ngăn không cho Lào rơi vào tay Việt Minh. Như Belleux và Trinquier kể lại trong những cuộc phỏng vấn của McCoy với họ, Trinquier chi trả cho hoạt động của mình bằng cách để lính dù Pháp chuyển nhựa anh túc thô từ Lào tới Vũng Tàu (hồi đó được gọi là Cap Saint Jacques), từ đó nó được chuyển tiếp tới Sài Gòn. Tại đây những tên cướp sông Bình Xuyên, lực lượng kiểm soát sở cảnh sát thành phố và các lò hút thuốc phiện, sẽ biến thứ nhựa anh túc thô thành sản phẩm có thể hút được. Lợi nhuận từ hoạt động này được chia đều giữa những tên cướp, Phòng Nhì của Pháp, và các “lực lượng tăng cường” của Trinquier trên miền núi. Graham Greene viết rất nhiều về Điện Biên Phủ vì ông coi nó là trận đánh quyết định nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng có một điều về trận đánh này mà ông không bao giờ hiểu. “Điều vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay,” Greene viết năm 1980, “là tại sao trận đánh lại diễn ra, tại sao 12 tiểu đoàn quân đội Pháp lại nhất quyết bảo vệ một căn cứ vũ trang được đặt trong địa hình vô vọng về mặt địa lý - vô vọng về mặt phòng thủ và vô vọng về mục tiêu thứ hai, vì đồn trại này dự định sẽ là căn cứ cho các chiến dịch tấn công. (Vì mục đích này mà một đại đội mười chiếc xe tăng được lắp ráp tại đây, các bộ phận được thả dù xuống.) Một ủy ban điều tra được thành lập tại Paris sau thất bại, nhưng không bao giờ có kết luận nào được đưa ra.” Bí ẩn này chỉ được giải đáp khi Trinquier và Belleux tiết lộ tầm quan trọng của hoạt động buôn bạch phiến trong việc chu cấp tài chính cho quân đội Pháp tại Đông Dương, chính thực tế này quyết định vị trí của Điện Biên Phủ và ý nghĩa chiến lược của nó. Sau Việt Nam, Trinquier chỉ huy chiến dịch tra tấn của quân Pháp trong trận đánh Algiers[10]. Ông ta tiếp tục tổ chức các đội quân đánh thuê tại Congo và sau đó về hưu để viết những tác phẩm quân sự được tìm đọc rộng rãi về chống chiến tranh du kích, trong đó đề xuất “những hành động phá hoại và khủng bố có tính toán”. Nếu như việc Trinquier sử dụng ma túy để kiếm tiền cho các hoạt động quân sự là một chiến lược về sau này được CIA áp dụng, thì cách ông ta sử dụng tra tấn như một công cụ hữu hiệu trong chống du kích cũng là một chính sách khác về sau được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Cuối cùng Phạm Xuân Ẩn nhận ra mình can dự vào mọi lĩnh vực trong chương trình của Trinquier. Trong khi làm việc cho anh họ tại G5, ông trở thành một chuyên gia về chống du kích. Về sau ông tham gia các hoạt động rửa tiền buôn ma túy cho tình báo Việt Nam Cộng hòa, và suốt đời mình ông phải đối mặt với nỗi lo sợ thường trực bị lột mặt nạ và bị tra tấn. Hoặc là ông thực hiện chương trình của Trinquier hoặc ông sẽ trở thành nạn nhân của nó. Ghép não Sau thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, nhiệm vụ biến những thực thể thuộc địa cũ gồm Annam, Nam Kỳ thành một quốc gia mới được gọi là Việt Nam Cộng hòa, hay Nam Việt Nam, như cách gọi phổ biến trong hai mươi năm tồn tại ngắn ngủi của nó, rơi vào tay thiên tài sáng tạo của Edward Lansdale. Đây là một sứ mệnh béo bở dành cho người hùng chống du kích của nước Mỹ chất phác và thích thổi kèn harmonica. Việc tạo ra một quốc gia từ nơi trước đó không hề có quốc gia nào tồn tại chẳng khác nào Picasso đang đối mặt với tấm bố trắng . Lansdale sẽ phải vận dụng tất cả những kỹ năng của một người bán hàng hiện đại mà ông ta học được trong giai đoạn làm công việc chào bán sản phẩm mới tại hãng quảng cáo ở San Francisco của mình. Lansdale đã từng quản lý tài khoản cho ngân hàng Wells Fargo, các công ty Union Trust, Nescafé, hãng rượu Italian Swiss Colony Wine, và Levi Strauss (ông ta thiết kế chiến dịch toàn quốc đầu tiên của hãng này nhằm bán quần jeans ra khắp nước Mỹ) khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ngày 07 tháng 12 năm 1941. Lansdale nhập ngũ, ở tuổi 35, với quân hàm trung úy trong Cơ quan Tình báo quân sự (MIS) của Lục quân tại San Francisco. Làm việc cho Cục Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) của William J. (“Bill Liều”) Donovan, tiền thân của CIA, Lansdale bắt đầu nhiệm vụ kép trên cương vị một sĩ quan quân đội và một điệp viên. Một thập kỷ sau khi nhập ngũ, Lansdale đến Philippines giật dây màn “thay đổi chế độ” đầu tiên của mình - đầu tư cho một ứng cử viên gần gũi với CIA, Ramon Magsaysay, và sắp đặt việc ông ta được bầu làm tổng thống. Vai trò điều hành của Lansdale trong chiến dịch này là một thắng lợi về PR (Public relations). Những người theo chủ nghĩa dân tộc (đại diện cho rất nhiều thành phần chính trị khác nhau) phản đối chiến lược của Mỹ bị biến thành những phần tử nổi loạn “cộng sản” có thể bị săn lùng và trừ khử mà không sợ trừng phạt. Ở Việt Nam, nơi Lansdale đã đến thăm có lẽ ngay từ năm 1950, ông ta được phân công tạo ra đúng phép màu mà ông ta đã mang đến Philippines. Dưới vỏ bọc, ông ta thực hiện chuyến đi điều tra khắp Đông Dương kéo dài sáu tuần trong tháng 6 và tháng 7 năm 1953. Một năm sau, ông ta chính thức đến Việt Nam với tư cách “phó tùy viên không quân”. Về danh nghĩa, đại tá Lansdale làm việc cho Đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự (MAAG) dưới quyền tướng John “Mike Thép” O’Daniel, người đang giúp Pháp xây dựng một quân đội Việt Nam. Không hài lòng với những người Mỹ đang đổ xô vào thành phố, người Pháp đã cấp cho O’Daniel một nhà thổ của quân đội Nhật Bản trước kia tại Chợ Lớn làm trụ sở. Một gian nhà kho ở sân trong với nền nhà bằng đất cùng những chiếc ghế gấp dưới ánh sáng của hai bóng điện trần trụi lủng lẳng trên trần tạo thành văn phòng của Lansdale. Tại đây ông ta bắt đầu tạo dựng phái bộ liên lạc và huấn luyện (TRIM), có nhiệm vụ lùa những binh sĩ trung thành đến các vùng của đất nước do Việt Minh bỏ lại. (Sau khi ký Hiệp định Geneva, Việt Nam tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, mỗi bên rút lui về phía Bắc và phía Nam của vĩ tuyến này, cho đến khi những cuộc tổng tuyển cử được tổ chức để thống nhất đất nước. Những cuộc tổng tuyển cử này, dự kiến là vào năm 1956, đã không bao giờ diễn ra). “Tại TRIM có quá ít ỏi sự thân thiện dành cho tôi,” Lansdale viết trong cuốn tự truyện của mình, Giữa những cuộc chiến tranh: Một phái bộ Mỹ tại Đông Nam Á (1972). Viên chánh văn phòng người Pháp của TRIM, người về danh nghĩa là cấp trên của Lansdale, từ chối nói chuyện với ông ta. Viên sĩ quan này luôn đặt viên trợ lý của mình vào giữa ông ta và Lansdale, và ngay cả khi họ đang nói với nhau bằng tiếng Anh, ông ta cũng nhất định đòi phải “dịch” cuộc trò chuyện của họ. “Họ có một mối nghi ngờ bệnh hoạn đối với tất cả những gì tôi làm,” Lansdale nói về các đồng nghiệp người Pháp của mình. Được tập hợp từ “nhiều cơ quan tình báo khác nhau”, họ dành nhiều ngày cho việc nghe trộm những cuộc nói chuyện điện thoại của ông ta và viết báo cáo về các hoạt động của ông ta. Không bao giờ sợ đóng vai anh ngốc của làng, Lansdale trả thù bằng cách giở trò trêu chọc tay chánh văn phòng người Pháp. Cứ mỗi lần gặp nhau ở chỗ đông người, Lansdale lại choàng tay qua vai viên sĩ quan kia và lè nhè bằng cái giọng mũi kiểu Mỹ the thé: “Đây là bồ ruột của tôi đấy. Các cậu liệu mà đối xử với ông ấy, các cậu nghe chưa hả?” Bị người Pháp cấm “dính mũi” vào công việc quan trọng của Bộ Tổng tham mưu - G1, Phòng Điều hành; G2, Phòng Tình báo; G3, Phòng Tác chiến; và G4, Phòng Hậu cần - Lansdale chỉ còn có G5, phụ trách các vấn đề dân sự. Công việc này liên quan đến các hoạt động cả đen lẫn trắng, trải đều từ công tác tuyên truyền đến hoạt động bí mật, bao gồm phá hoại và ám sát. “Tại tổng hành dinh có một đội ngũ tham mưu đông đảo, ba đại đội tuyên truyền vũ trang tại địa bàn, một đội ngũ họa sĩ và nhà văn, một đơn vị phát thanh chuyên phát chương trình hàng ngày tới các binh sĩ từ đài phát thanh của chính phủ tại Sài Gòn, quyền tiếp cận những cơ sở in ấn chủ chốt, và thiết bị chiến tranh tâm lý, ví dụ như những bộ khuếch đại âm thanh cầm tay, có chất lượng vượt trội hẳn so với bất kỳ thứ gì tôi từng biết,” Lansdale viết trong cuốn tự truyện. “Về cơ bản, thứ còn thiếu là một mục đích thực sự để tất cả nguồn nhân lực đầy khả năng và trang thiết bị hiện đại này có thể được nhắm tới.” G5 “có một khiếm khuyết chính trị nặng nề”, Lansdale nói, xuất phát từ thực tế là “những người Việt Nam mặc quân phục đứng cùng hàng ngũ các binh sĩ thuộc lực lượng thuộc địa của Pháp, chiến đấu chống lại một kẻ thù cộng sản giữa một cộng đồng khát khao giành độc lập khỏi nước Pháp”. Nói cách khác, các chiến dịch chiến tranh tâm lý của Nam Việt Nam được hướng vào mục đích duy trì quyền lực thực dân của Pháp tại Đông Dương. “Tôi bắt đầu một nỗ lực giáo dục với các sĩ quan tham mưu Pháp mà tôi gặp,” Lansdale nói. “Họ thấy các ý tưởng của tôi thật xa lạ và cười cợt gợi ý là thay vào đó tôi nên tập hút thuốc phiện đi.” Gợi ý này chỉ có một nửa là đùa giỡn. Trong chuyến đi bí mật của mình tới Đông Dương, Lansdale đã phát hiện ra rằng tướng Salan, tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh, đang chi trả cho các chiến dịch quân sự của Pháp bằng cách bán thuốc phiện thu về từ vùng cao nguyên của Lào. “Chúng tôi không muốn anh mở cái thùng giòi này ra làm gì, vì nó sẽ trở thành một nỗi khó xử rất lớn đối với một chính phủ đồng minh. Do vậy hãy từ bỏ cuộc điều tra của anh đi,” Lansdale được chỉ thị như vậy, khi ông ta báo tin này về Washington. “Kết thúc năm 1954, những kẻ ngoa ngôn nói rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập,” Lansdale viết trong cuốn tự truyện của mình. “Tuy nhiên, tại đất nước này vẫn còn sự hiện diện của một lực lượng viễn chinh Pháp hùng hậu, và vẫn còn rất nhiều người Pháp tại khắp các cơ sở quân sự và dân sự của Việt Nam, mặc dù hầu hết trong số họ đang rút lui khỏi các vị trí quản lý để đảm nhiệm vai trò cố vấn. Sự hiện diện của người Pháp vẫn rất rõ ràng và nặng nề. Cùng lắm thì các quan chức Việt Nam cũng mới chỉ được hít hà, chứ không được thở sâu, không khí của tự do và độc lập.” Lansdale, trong một đoạn văn có phần thi vị, cố gắng miêu tả một nước Việt Nam chân thực đằng sau vẻ ngoài thuộc địa. Tôi không chắc liệu đã có lần nào ông ta đến thăm ngôi nhà của người sĩ quan chiến tranh tâm lý Phạm Xuân Ẩn, nhưng đoạn miêu tả có vẻ đặc biệt giống với khu vực nơi Phạm Xuân Ẩn sống, một ngôi nhà hai phòng nằm giữa khu phố Tàu và chợ trung tâm của Sài Gòn. “Đằng sau mặt tiền của những tòa nhà hàng tỉnh kiểu Pháp và đời sống thuộc địa trên các đường phố chính của khu vực trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn là một thành phố thực sự, một tổ hợp chen chúc của các thôn xóm Việt Nam. Cũng gần giống như một trò ảo thuật. Cuối các con hẻm và ngõ ngách qua các tòa nhà trụ sở, cửa hàng, biệt thự bằng xi măng và trát vữa, là những thôn xóm nằm ẩn mình, sôi sục với một nhịp sống hối hả của riêng mình, với hàng nghìn người chen chúc trong những túp lều gỗ dọc mấy con hẻm lầy lội. Cả thảy có đến cả triệu người sinh sống trong các khu xóm này tại Sài Gòn-Chợ Lớn, nằm ngoài tầm mắt và phạm vi hiểu biết của những người sống trên các con phố được lát cẩn thận. Rất ít người nước ngoài, trừ những nhóm cảnh sát, từng ghé thăm những xóm này. Họ tạo thành một thành phố gần như bí mật với cung cách thuần túy Việt Nam bất biến qua thời gian bên trong một thành phố đã tập nhiễm những lề thói ngoại lai.” Cái nhìn thoáng qua đầu tiên của nước Mỹ về bản chất thực sự trong các hoạt động của Lansdale tại Việt Nam hiện ra khi viên phó trước kia của ông ta, Daniel Ellsberg, công bố Tài liệu Lầu Năm Góc - tài liệu tuyệt mật Lịch sử quá trình ra quyết định của Mỹ về Việt Nam, hoàn thành năm 1969. Ellsberg sao chép lại 43 trong số 47 tập tài liệu này và tiết lộ chúng cho tờ New York Times cùng những tờ báo khác năm 1971. (Lansdale có hai nhiệm kỳ chính thức tại Việt Nam, một chuyến công tác hai năm bắt đầu năm 1954, và một nhiệm kỳ hai năm khác từ năm 1965 đến 1967. Giữa những khoảng thời gian đó, ông ta là chỉ đạo nỗ lực của CIA trong việc ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ellsberg đảm nhiệm vai trò cấp phó cho Lansdale tại Việt Nam trong một năm rưỡi, bắt đầu từ mùa hè năm 1965. Là một thành phần diều hâu ngổ ngáo liều chết, Ellsberg thích mang khẩu súng máy ra chiến trường và chơi trò chiến binh cuối tuần. Quá trình biến đổi của ông ta thành một nhà hoạt động chống chiến tranh diễn ra về sau này.) Trong tập Tài liệu Lầu Năm Góc có một tài liệu nhan đề Báo cáo của nhóm Lansdale về Phái bộ bí mật tại Sài Gòn các năm 1954 và 1955. Báo cáo không đề tên tác giả về phái bộ quân sự Sài Gòn (SMM) của Lansdale tự giới thiệu nó là “bản miêu tả cô đọng về một năm hoạt động của một nhóm tác chiến ‘chiến tranh lạnh’.” “SMM có nhiệm vụ vào Việt Nam một cách lặng lẽ và hỗ trợ người Việt Nam, thay vì người Pháp, trong chiến tranh không thông thường. Trong quá trình đó, phải giữ người Pháp như những đồng minh gần gũi, hết mức có thể. Nhiệm vụ cơ bản của nhóm là tiến hành các hoạt động bán quân sự chống lại đối phương và phát động chiến tranh tâm lý-chính trị.” Báo cáo tiếp tục miêu tả các hoạt động phá hoại và khủng bố bí mật mà Lansdale tiến hành chống miền Bắc Việt Nam trước khi các điệp viên của ông ta được di tản khỏi Hà Nội tháng 4 năm 1954. Phái bộ “dành những ngày cuối cùng ở Hà Nội vào việc làm ô nhiễm nguồn dầu cung cấp cho công ty xe buýt để động cơ xe hỏng dần dần, tiến hành các hoạt động phá hoại từ từ hệ thống đường sắt (công việc đòi hỏi sự hợp tác với một nhóm kỹ thuật đặc biệt của CIA tại Nhật Bản, những người hoàn thành phần việc của mình một cách xuất sắc), và để viết những ghi chép tỉ mỉ các mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động bán quân sự tương lai”. Tiếc là những kế hoạch làm nổ tung các nhà máy điện, kho xăng dầu, cầu cảng này đã bị cắt bỏ, Lansdale than thở, bởi vì “Mỹ tôn trọng Hiệp định Geneva” kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Cố tỏ ra nhạy bén kiểu James Bond, báo cáo Lansdale miêu tả những công trạng của Lucien “Luigi Đen” Conein và các đặc vụ SMM của ông ta tại Hà Nội, những người đã có “một thời khắc tồi tệ khi làm nhiễm bẩn nguồn dầu” được sử dụng để chạy những chiếc xe buýt của thành phố. “Họ phải hành động rất khẩn trương vào ban đêm, trong một căn nhà kho kín như bưng. Mùi nồng nặc bốc lên từ chất gây nhiễm bẩn khiến họ hoa cả mắt. Choáng váng và bủn rủn cả đầu gối, họ lấy khăn tay bịt mặt và hoàn thành công việc.” Đến năm 1955, Lou Conein đang huấn luyện cho những phần tử phá hoại bán quân sự tại Philippines và thả chúng xuống bờ biển Bắc Việt Nam. CIA cũng tiến hành một nỗ lực tương tự với các gián điệp được huấn luyện trên đảo Saipan. Những kẻ thâm nhập mang theo vũ khí, máy thu phát vô tuyến, và vàng - rất nhiều vàng - với giá trị ước tính suýt soát một triệu đô la. Không kể một vài trường hợp ngoại lệ, gián điệp nào nhảy dù xuống miền Bắc đều bị tóm gọn ngay lập tức khi vừa đặt chân xuống đất. Tệ hơn thế, rất nhiều gián điệp bị bắt giữ, trong khi Lansdale hoặc CIA đều không hề biết là họ đã bị bắt giữ và đang truyền thông tin giả về miền Nam. Những gì Lansdale đã bắt đầu như là một phần trong sứ mệnh tiến hành chiến tranh lạnh của ông ta được quân đội Mỹ tiếp quản năm 1964 và tiếp tục mở rộng. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, 500 gián điệp sa lưới bị tống giam trong các nhà tù ở miền Bắc Việt Nam, nơi họ bị giữ thêm một thập kỷ nữa. “Chắc chắn đối phương phải có người làm tay trong để có thể hốt trọn cả mạng lưới như cách họ đã làm, tất cả cùng một mẻ,” Conein nói với một người phỏng vấn năm 1995. Ông ta nghi là đã có một con chuột chũi hoặc một điệp viên đã báo cho đối phương, trong đó ứng cử viên khả dĩ nhất chính là người “bạn thân” Phạm Xuân Ẩn của Conein. Trong số những công trạng ít anh hùng hơn của Lansdale có việc tổ chức “một lớp học tiếng Anh nhỏ dành cho nhân tình của các vị tai to mặt lớn”. Trong số học viên của ông ta có cô “nhân tình cưng” của tham mưu trưởng lục quân. Lansdale cố phá hủy nhà máy in lớn nhất của Việt Nam đã rơi vào tay những người cộng sản miền Bắc, và ông ta tiến hành những “đòn tấn công chiến tranh tâm lý đen”, bao gồm việc in các sắc lệnh giả của chính phủ để phát tán ở miền Bắc. Ông ta đặc biệt tự hào về những công việc được thực hiện bởi các thầy tử vi Việt Nam, những người được thuê để tiên đoán thảm họa cho cộng sản và mang điềm lành cho miền Nam. Khi công việc của ông ta trên cương vị một chuyên gia phá hoại bị cản trở bởi những hạn chế chính trị, Lansdale xoay xở một chiến dịch bí mật khác trong đó ông ta tung ra khắp miền Bắc luận điệu “Chúa đã vào Nam” và “Đức Mẹ đồng trinh Maria đã bỏ miền Bắc”. Một tờ truyền đơn miêu tả Hà Nội ở chính giữa ba đường tròn đồng tâm của một vụ nổ hạt nhân. Chiến dịch Đến với Tự do phát huy tác dụng trong việc thuyết phục những người Công giáo rằng họ đang gặp nguy hiểm nhãn tiền một cách hiệu quả đến nỗi 800.000 người tị nạn từ Bắc ồ ạt đổ vào Nam Việt Nam trên các chuyến tàu và máy bay của Mỹ. Thời điểm đó miền Nam có dân số là 17.000.000 người, chủ yếu là các nông dân trồng lúa và công nhân đồn điền. Dòng người tị nạn Công giáo khổng lồ tràn vào cung cấp cho chính phủ mới thành lập của Việt Nam Cộng hòa - do một người Công giáo đứng đầu - những viên chức trung thành, họ nhanh chóng tự đặt mình vào vai trò người giám sát và chỉ điểm tại miền Nam, nơi đa số người dân theo đạo Phật. Hơn một nửa số quan chức cấp cao trong chính phủ của Diệm là người Công giáo, trong một đất nước có đến 90% người dân là Phật tử. Trung thành với những người Mỹ đã “cứu” họ khỏi cộng sản, những người tị nạn từ miền Bắc là vật liệu hoàn hảo để nhào nặn thành những công dân mới của một quốc gia mới. Cuối cùng thì Lansdale đã tìm thấy “lực lượng thứ ba” của mình, và đó không phải là đạo Cao Đài mà là Công giáo. Những người tị nạn dồn dập rời khỏi miền Bắc cũng hữu ích trong việc nêu bật bản chất xảo trá của cộng sản . Hỗ trợ Lansdale trong nhiệm vụ này là sĩ quan quân y hải quân Tom Dooley, người được phân công tới một trong những chiếc tàu quân sự của Mỹ chở người tị nạn từ Vịnh Bắc Bộ vào Nam, tới Đà Nẵng. Cuốn sách của Dooley về sự di cư của người Công giáo, Hãy giải thoát chúng tôi khỏi cái ác (1956) rất ăn khách. Viên bác sĩ bảnh bao cùng những kỳ công nhân đạo của ông ta “đặt Việt Nam lên bản đồ thế giới mới cho hàng triệu người Mỹ,” theo lời James Fisher, người viết tiểu sử của Dooley. Với sự giúp sức của Lansdale, Dooley tiếp tục viết những cuốn sách ăn khách khác về cuộc sống ở Đông Dương, mở đường cho sự can dự quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á. (Về sau, khi Dooley đang được xem xét để phong thánh, người ta mới phát hiện ra rằng ông ta là một người đồng tính bí mật và là một kẻ bịp bợm văn chương, những cuốn sách của ông ta được CIA biên tập rất nhiều, nếu không nói là viết thay hoàn toàn.) Sau thành công trong việc tạo ra dòng người Công giáo di cư, Lansdale chuyển sang củng cố quyền lực của Ngô Đình Diệm, người đàn ông độc thân 53 tuổi lùn tịt béo tròn từng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong cái chính phủ thời hậu chiến của Hoàng đế Bảo Đại. Sinh năm 1901, Jean Baptiste Ngô Đình Diệm là một viên quan theo Công giáo từng trở thành quan đầu tỉnh ở tuổi hai mươi lăm[11]. Sau một thời gian ngắn làm thượng thư Bộ Lại trong một nội các thân Pháp của Bảo Đại, ông từ chức, với lời buộc tội hoàng đế là một “công cụ” của người Pháp. Ông hợp tác với người Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai và bị ông Hồ Chí Minh tống giam sáu tháng trước khi sống lưu vong. Năm 1950 ông đến Mỹ và sống hai năm trong các trường dòng Maryknoll ở Lakewood, bang New Jersey, và Ossining, bang New York. Khi Diệm đang sống tại một tu viện dòng Benedict (Biển Đức) tại Bỉ, Mỹ gây áp lực buộc Bảo Đại phải cho vời ông ta về Việt Nam. Lansdale bảo vệ Diệm khỏi hai âm mưu đảo chính trước khi tổ chức chiến dịch quân sự thành công đầu tiên của ông ta, “trận dẹp các giáo phái”, một cuộc tấn công nhằm vào quân đội riêng của Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Vì những tên cướp sông Bình Xuyên đang nuôi sống chính quyền thuộc địa Pháp, gồm cả một tờ séc hằng tháng cho Bảo Đại, trận dẹp các giáo phái thực chất là một trận chiến chống lại quân Pháp. Người Pháp đã phải ký kết giao kèo với Bảy Viễn, thủ lĩnh của Bình Xuyên, do hoàn cảnh bắt buộc bởi vì không có y họ sẽ không có cả tiền lẫn người để giành lại quyền kiểm soát Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với Bảy Viễn thì việc ủng hộ quân Pháp hay Việt Minh cũng thế, và y từng là một người theo cộng sản trước khi là một nhà tư bản, nhưng tư bản thì chia cho y phần bánh lớn hơn[12]. Trong khi thu những khoản tiền “bảo kê” lên đến 2.600 đô la mỗi ngày từ sòng bạc Đại Thế Giới của Sài Gòn, đến năm 1947 Bình Xuyên đã có đội quân mười nghìn người được biên chế thành bảy trung đoàn đầy đủ, trở thành lực lượng Việt Minh hùng hậu nhất ở Nam bộ. Cũng trong năm đó, Việt Minh đã tiến hành một loạt những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người Pháp . Mặc dù ban đầu Bảy Viễn ủng hộ Việt Minh, đến năm 1948 y đã lại quay sang hàng ngũ quân Pháp. Người Pháp cho phép y mở rộng lĩnh vực làm ăn béo bở của mình trong lĩnh vực buôn ma túy, cũng như các sòng bạc và nhà thổ ở Sài Gòn. Mối liên hệ giữa Bảy Viễn với Phòng Nhì không chỉ là vấn đề tài chính. Bình Xuyên cũng lão luyện trong việc thu thập thông tin tình báo qua một mạng lưới chỉ điểm truyền tai nhau đến nỗi về sau lực lượng cảnh sát mật của Diệm cũng áp dụng hệ thống này. Để loại bỏ Việt Minh ra khỏi Sài Gòn và bảo vệ thành phố khỏi những cuộc tấn công khủng bố, quân Pháp buộc phải chuyển giao lại ngày càng nhiều lãnh thổ và số lượng các cơ quan chức năng chính phủ vào tay Bình Xuyên. Sài Gòn trở thành lãnh địa riêng của Bảy Viễn. Được Bảo Đại phong hàm tướng, y cho mở nhà thổ lớn nhất tại châu Á, với 1.200 nhân viên. Y điều hành sòng bạc Đại Thế Giới tại Chợ Lớn và sòng bạc Kim Chung béo bở không kém tại Sài Gòn. Y cũng kiểm soát hàng trăm ổ hút thuốc phiện tại Sài Gòn và Chợ Lớn, với một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận được trả hàng năm cho Bảo Đại. Đàn em của Bảy Viễn được bổ nhiệm làm tổng giám đốc nha cảnh sát đô thành, trải rộng đến 60 dặm từ Sài Gòn ra đến khu nghỉ mát ven biển Cap Saint Jacques. Những mối quan hệ làm ăn của Bảy Viễn tại Pháp là chìa khóa cho thành công của y. “Ông trùm ngang nhiên của thế giới ngầm kiểu đảo Corse tại Sài Gòn là nhà buôn khả kính Mathieu Franchini,” nhà sử học Alfred McCoy viết. “Là chủ sở hữu của khách sạn Continental Palace sang trọng, Franchini… kiểm soát phần lớn lượng ma túy xuất khẩu tới Marseille.” Ông ta cũng quản lý lợi nhuận từ thuốc phiện và sòng bạc của Bình Xuyên với tư cách “cố vấn đầu tư” của lực lượng này. Bình Xuyên vẫn nắm giữ quyền lực cho đến khi Lansdale và Diệm thành công trong việc xua đuổi lực lượng này quay trở lại Rừng Sát. Từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 1955, quân đội Việt Nam Cộng hòa tấn công đẩy lùi lực lượng giang hồ này để giành quyền kiểm soát Sài Gòn. Số lính được huy động vào trận đánh này còn lớn hơn hối Mậu Thân 1968 và sự tàn phá cũng gần bằng, McCoy nói. Năm trăm người thiệt mạng, hai nghìn người bị thương, và thêm hai mươi nghìn người nữa mất nhà mất cửa. “Trận đánh này là một cuộc chiến mượn tay người khác: Bình Xuyên và quân đội của Diệm chỉ là những kẻ đóng thế, những con bài, trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Phòng Nhì Pháp và CIA của Mỹ,” McCoy viết. Một quân đội thân chủ này giao tranh với một quân đội thân chủ khác, khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất ngả dần sang cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ hai. Trong phiên bản chính thức của câu chuyện, một Ngô Đình Diệm quả cảm - người mà Dwight Eisenhower gọi là “George Washington của Việt Nam” - đã đánh một trận quyết liệt chống lại các giáo phái và quy phục họ trong chiến đấu. Về sau mới lộ ra là chính Lansdale đã mua chuộc các giáo phái với hơn 12 triệu đô la bằng tiền của CIA, khoản tiền này cho phép lãnh đạo của các giáo phái sung sướng nghỉ hưu tại vùng Riviera thuộc Pháp. (Lansdale, khi được hỏi về những khoản tiền này, gọi chúng là “lại quả”.) Một trong những phụ tá cũ của Lansdale, đại tá L. Fletcher Prouty, khẳng định rằng khoản tiền đó cũng mua được rất nhiều màn kịch chính trị, với những trận đánh do Lansdale viết kịch bản để tạo ra những cảnh chiến đấu giả tạo. Philippe Franchini, con trai của Mathieu, cựu cố vấn đầu tư của lực lượng Bình Xuyên, còn nhớ lần gặp Bảy Viễn ở Paris vài năm sau cuộc chiến của Ngô Đình Diệm chống lại các giáo phái. Chàng thanh niên Philippe đi cùng cha mình tới nhà hàng Fouquet trên đại lộ Champs Elysées để nhâm nhi chút rượu khai vị chiều với Bảy Viễn, thì thấy Bảy Viễn xuất hiện tại nhà hàng này dắt theo một con hổ. “Ông ta kiểu như một anh hề,” Philippe nói. “Nhưng trong khi bật cười vì những câu nói đùa của ông ta và thích thú với những câu chuyện phóng đại mà ông ta kể, bạn vẫn biết rằng ông ta hoàn toàn có thể giết bạn nếu ông ta muốn.” Bước đi tiếp theo của Lansdale là sắp đặt một chiến thắng trong bầu cử cho Ngô Đình Diệm. Được dự kiến là một con rối phục vụ lợi ích của nước Mỹ, nhưng Ngô Đình Diệm không bao giờ cử động theo cách mà người Mỹ mong muốn. Trong bài học chiến tranh tâm lý quan trọng này về cách tổ chức một cuộc bầu cử gian lận, ông ta đã hơi đi quá trớn. Tháng 10 năm 1955, người dân miền Nam Việt Nam phải bầu cho Bảo Đại hoặc Diệm. Lansdale bố trí cho cuộc bầu cử được tiến hành với những lá phiếu màu - màu đỏ, tượng trưng cho vận may ở Việt Nam, dành cho Diệm, và màu xanh, tượng trưng cho vận rủi, dành cho Bảo Đại. Sau khi thêm vào một liều cực mạnh trò gian lận phiếu và hăm dọa, Diệm tuyên bố ông ta đã “thắng” cử với 98,2% số phiếu. Và thế là bắt đầu lịch sử của đất nước Nam Việt Nam dân chủ, yêu chuộng tự do, mà lợi ích của nó sẽ được Hoa Kỳ hết mình bảo vệ trong hai mươi năm tồn tại yểu mệnh sau đó. Diệm thiết lập một triều đại độc tài theo hướng làm giàu cho gia đình mình và tưởng thưởng chức tước cho các đồng đạo Công giáo. Em trai ông ta là Ngô Đình Cẩn cai trị miền Trung Việt Nam như một lãnh chúa phong kiến. Ngô Đình Thục, một tổng giám mục Công giáo, điều hành các đồn điền gỗ và cao su của gia đình. Ngô Đình Luyện được bổ nhiệm làm đại sứ tại Anh, trong khi Ngô Đình Nhu, người em trai kế sau Diệm, kiểm soát mật vụ và đảng chính trị riêng của Diệm. Trần Lệ Xuân, vợ Nhu, đóng vai trò như đệ nhất phu nhân của Nam Việt Nam, và dưới ánh mắt theo dõi xinh đẹp nhưng khắc nghiệt của bà ta, đất nước này đặt ra ngoài vòng pháp luật chuyện ly dị và phá thai và quy định việc bắt buộc mặc áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam. Hiệp định Geneva năm 1954, tạm thời chia cắt Việt Nam theo vĩ tuyến 17, kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1956. Với việc Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, Diệm bịa ra lý do để hủy cuộc tổng tuyển cử và tiến hành bắt giữ các đối thủ của mình. Những người cộng sản và những người theo đường lối xã hội chủ nghĩa bị vây bắt cùng với cánh ký giả, lãnh đạo công đoàn, và Phật tử, cho đến khi có đến cả một trăm nghìn người bị tống vào các trại giam. “Không có sự hậu thuẫn của Mỹ, Diệm gần như chắc chắn không thể củng cố được quyền lực của mình tại miền Nam trong giai đoạn 1955 và 1956,” một nhà phân tích không nêu tên viết trong Tài liệu Lầu Năm Góc. “Không có mối đe dọa về sự can thiệp của Mỹ, thì Nam Việt Nam thậm chí không dám từ chối thảo luận về cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 1956 theo Hiệp định Geneva mà không bị quân đội Việt Minh lật đổ ngay lập tức. Không có viện trợ của Mỹ trong những năm sau đó, chế độ của Ngô Đình Diệm, và gần như cả quốc gia Nam Việt Nam độc lập, không thể nào sống sót… Nói tóm lại, Nam Việt Nam về cơ bản là sản phẩm do nước Mỹ tạo ra.” “Ban đầu Lansdale rất thành công, nhưng người Mỹ đã mắc sai lầm,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ dựng Ngô Đình Diệm lên cùng một chính phủ tập quyền. Họ giải tán tất cả những quân đội tư nhân từng do người Pháp tạo ra để hỗ trợ mình, như Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Lansdale loại bỏ tất cả những lực lượng này trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ 1955 đến 1956. Diệm tự biến mình từ thủ tướng thành tổng thống và tiếp tục xây dựng một chính phủ tượng trưng, một chính phủ được cho là dân chủ, theo kiểu chính phủ Mỹ. Đó là khi người Mỹ cho rằng công việc của Lansdale đã hoàn thành. Không may cho người Mỹ, người ta không cho phép người của Lansdale tiếp tục công việc của mình. Khi Diệm và gia đình ông ta đi theo hướng gia đình trị thì người Mỹ đã phát hiện ra điều này quá muộn.” Một điều khác mà người Mỹ cũng không nhận ra là cách mà Diệm hành động có lợi cho cộng sản. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn khuyên các đồng nghiệp của mình không nên lật đổ Diệm hoặc gây bất ổn cho chính phủ của ông ta. Sinh ra và lớn lên trong một nước Việt Nam thuộc địa, Phạm Xuân Ẩn nhận ra sự hiệu quả của chính quyền thực dân Pháp. Nó thối nát, nhưng hiệu quả. Nó rải ra một mạng lưới gián điệp tinh vi khắp Nam Việt Nam. Nó chiều theo những điểm yếu và tính vị kỷ của con người. Nó tha hóa và hoài nghi, nhưng đồng thời nó cũng phù hợp với lề thói xã hội của xã hội Việt Nam. Bằng cách phân tán bớt quyền lực từ chính phủ trung ương cho các giáo phái, người Pháp đã tạo ra những lãnh địa mà cộng sản sẽ phải rất khó khăn mới xóa bỏ được. Trái ngược với điều này là quan điểm của Mỹ về cách điều hành Nam Việt Nam. Nó tập trung quyền lực vào một tổng thống độc tài. Nó tạo ra một chế độ chuyên chế ngang nhiên không thèm đếm xỉa gì tới những lề thói của xã hội Việt Nam đến nỗi nó trở thành một chương trình tuyển mộ ồ ạt cho cộng sản. Nó tạo ra hàng nghìn những người cách mạng, khi mà những nông dân Việt Nam bị xua ra khỏi làng quê chôn rau cắt rốn của mình và bị tống vào những trại lao động cưỡng bức. Nó xây dựng đường sá và thiết lập một mạng lưới hoành tráng về quản lý nhà nước tập trung, thứ mà những người Bắc Việt Nam sau này, khi có cơ hội, cũng có thể đem nhập vào cái chế độ toàn trị của họ . “Những người cộng sản chưa sẵn sàng tiếp quản,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Chúng tôi cần Ngô Đình Diệm đẩy nhân dân vào cuộc cách mạng.” Theo quan điểm này, Lansdale là một người bạn vĩ đại, cho dù là vô tình, của những người cộng sản. “Lansdale tới châu Á với tư cách là kẻ chủ mưu cho chiến lược của Mỹ về chiến tranh không thông thường,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông ta là người buôn vua. Ông ta là người đưa Diệm lên làm tổng thống của Việt Nam. Ông ta phụ trách không chỉ cuộc chiến chống du kích của Mỹ, mà là mọi thứ ở Việt Nam: các vấn đề quân sự, chính trị, tình báo - tất cả đều chịu sự điều hành của phái bộ Sài Gòn. Ông ta có rất nhiều chuyên gia phụ tá cho mình, như Lou Conein và Rufus Phillips. Ông ta tuyển mộ các cựu chiến binh của Chiến tranh thế giới thứ hai và cả những người trẻ tuổi. Họ rất thành thạo công việc của mình. Lansdale rất xuất sắc, xuất sắc thực sự.” Khi được đề nghị đánh giá những điệp viên thành công nhất trên thế giới, Phạm Xuân Ẩn không bao giờ đánh giá cao mình như Lansdale. Phạm Xuân Ẩn phân biệt sự khác nhau giữa các điệp viên “tấn công” và “phòng ngự”. Các điệp viên tấn công làm việc trong lãnh địa của kẻ thù. Họ tạo ra những liên minh chiến lược và định hình lại bản đồ thế giới. Điệp viên phòng ngự hoạt động trong phạm vi hẹp hơn. Ngay cả khi vượt sang ranh giới của kẻ thù, mục tiêu của họ cũng rất bảo thủ và hạn chế. Phạm Xuân Ẩn rất ngưỡng mộ sự tài giỏi của Lansdale. Ông cảm thấy như mình đang được học hỏi một bậc thầy, nhưng hai người cũng chia sẻ những lời nói đùa và những câu chuyện, đồng thời nổi tiếng là giao du thân thiết với nhau. “Tôi gặp Lansdale khá thường xuyên,” ông Ẩn nói. “Đó là những ngày thật vui vẻ.” Mỗi khi đi đâu đó quanh Sài Gòn, Lansdale luôn đi cùng một con chó đen lông xù rất bự, nhưng ông ta được biết đến chính là với nòi chó béc giê (chó chăn cừu) Đức. “Lansdale giải thích cho tôi về loài chó,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Anh phải để ý phản ứng của con chó. Chúng sống bằng bản năng. Anh phải học cách quan sát những gì con chó đang nói với anh. Nó sẽ chỉ cho anh thấy anh có phải cảnh giác với vị khách của mình hay không. Con chó của anh có thể bảo vệ anh. Lansdale đã cho tôi những lời khuyên hữu ích.” Alden Pyle, điệp viên CIA, nhân vật chính trong Người Mỹ trầm lặng, cũng đi khắp Sài Gòn với một con chó bên mình. Dấu chân con chó của Pyle, in trên mặt xi măng ướt trước căn hộ của tay nhà báo người Anh Thomas Fowler, ám chỉ sự liên can của tay nhà báo này trong cái chết của Pyle. Trong trường hợp này, con chó không cứu được chủ mình nhưng nó đã chỉ ra kẻ giết người. “Ngay sau khi Lansdale rời Việt Nam, tôi ra chợ chó,” ông Ẩn nói. “Tôi thấy một con béc giê Đức rất đẹp được chào bán. Người bán chó nói: ‘Đây là con chó của ông Lansdale, trùm tình báo, ông ấy vừa mới về nước. Con chó này khôn lắm.’ “Tôi đi quành qua góc chợ và thấy một con béc giê Đức khác cũng được bán. ‘Đây là chó của Lansdale,’ người chủ nói. Ngày hôm đó thì tất cả những con béc giê Đức trong chợ đều là ‘chó của Lansdale’, và như thế nghĩa là anh phải trả nhiều tiền hơn, vì nó khôn thế cơ mà. Sau cùng, chẳng còn con chó béc giê Đức nào ở Việt Nam mà không từng thuộc về Lansdale cả.” Từ Lansdale, Phạm Xuân Ẩn hình thành thói quen đi khắp Sài Gòn với một con chó đi cùng. Ông để một con béc giê Đức nằm dưới chân mình trong quán cà phê Givral hoặc lẽo đẽo theo sau trên sân thượng khách sạn Continental. Khi ông Ẩn lái xe khắp thành phố trên chiếc Renault nhỏ màu xanh của mình, con chó ngồi ngay trên ghế bên cạnh nhòm thẳng ra đường phố. Quan trọng hơn cả, con chó canh gác nhà ông vào ban đêm khi Phạm Xuân Ẩn làm việc trong phòng tối sao chép tài liệu và viết báo cáo bằng mực vô hình. “Nó sẽ gầm gừ khe khẽ khi nghe thấy tiếng cảnh sát tuần tra đi qua khu vực quanh đó. Nó rất thính trong việc cảnh báo trước cho tôi mỗi khi có nguy hiểm rình rập.” Một hôm khi họ tình cờ gặp nhau, Lansdale cho Phạm Xuân Ẩn biết là ông ta sắp về California nghỉ phép và hỏi ông có muốn thứ gì đó từ nước Mỹ không. Phạm Xuân Ẩn nhắc đến một món quà rất đặc biệt nhưng cũng rất khó kiếm. Nó đòi hỏi Lansdale phải bơi cùng lũ hải cẩu ngoài khơi bờ biển California. “Ồ, thật sao?” Lansdale hỏi, và bắt đầu mỉm cười. “Anh cắt lấy ‘bi’ của một con hải cẩu đực rồi ngâm nó vào một bình đầy whiskey,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi cần một loại thuốc cường dương. Khoản này tôi yếu xìu hà, trong khi đó lại là loại thuốc rất hiệu nghiệm.” Phạm Xuân Ẩn cười ha hả khi nhớ lại lần trò chuyện với Lansdale về tinh hoàn hải cẩu. Phạm Xuân Ẩn rất sành về tử vi và y học dân gian, huấn luyện chó và chọi gà, nuôi chim nuôi cá. Sự am hiểu của ông về các loại thuốc cường dương và nuôi thú cảnh cung cấp chủ đề cho những câu chuyện tiếu lâm của mình. Nó giúp ông gần gũi với tất cả mọi người. Đó là những trò tiêu khiển rất thú vị trong cuộc sống của ông, đồng thời cũng là phương pháp luận của ông. Ông đã thành thạo nghệ thuật tạo sự thoải mái cho một người như Lansdale khi nói đùa về những tật xấu của mình. Daniel Ellsberg thường nói rằng có “ba Lansdale”, những hiện thân khác nhau mà ông ta trưng ra trước các khán giả khác nhau. “Thứ nhất là một Lansdale được cho là có khả năng nhạy cảm kỳ lạ với người nước ngoài… Điều tôi chứng kiến ông ta làm với người Việt Nam - và tôi học hỏi được từ ông ta - là lắng nghe họ thay vì rao giảng hoặc nói với họ một cách kẻ cả, như hầu hết người Mỹ vẫn làm. Ông ta đối xử với họ một cách tôn trọng, như thể họ là những người trưởng thành xứng đáng được ông ta chú tâm đến.” Lansdale tập cho các khách hàng châu Á của ông qua những lần họ phải xuất hiện trước công chúng; ông ta viết bài phát biểu và tổ chức lịch làm việc của họ. Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm trao cho Tom Dooley phần thưởng dân sự cao nhất của Việt Nam Cộng hòa, sự kiện này được Lansdale xây dựng kịch bản, trong đó Diệm không phải làm gì ngoài việc đứng vào vị trí để chụp ảnh. “Một Lansdale thứ hai khi làm việc với các quan chức Mỹ thường tạo cho người ta ấn tượng về một tên ngốc - một kẻ với những ý tưởng điên rồ, khờ khạo và quá đơn giản. Ông ta hoàn toàn không ngại tỏ ra là một kẻ ngớ ngẩn trong mắt bất kỳ ai mà ông ta không muốn thực sự bộc lộ bản thân, mà với một trăm người thì có đến chín mươi chín người ông ta không muốn. Với cánh nhà báo, ngoài một vài người mà ông ta gần gũi như Robert Shaplen của tờ The New Yorker, ông ta rất kín kẽ và thận trọng về những gì ông ta nói với họ. Để thoái thác họ, ông ta nói bằng những thuật ngữ cơ bản nhất về dân chủ và truyền thống của Việt Nam. “Ngoài ra còn có một Lansdale thứ ba mà bạn chỉ có thể nhìn thấy nếu bạn ở trong ê kíp của ông ta hoặc làm việc gần gũi với ông ta. Sau lúc thể hiện ra trước một tay nhà báo cung cách cục mịch mọi khi của mình, ông ta lại nhập hội với chúng tôi và tâm trạng của ông ta thay đổi ngay lập tức. Ông ta sẽ đưa ra phân tích về một tình huống với những chi tiết sắc sảo, nhạy bén, thậm chí là cay độc, về việc ai đang làm gì nhắm vào ai.” Một quan điểm ít đáng tự hào hơn về Lansdale được cung cấp bởi một cựu trợ tá khác, đại tá không quân L. Fletcher Prouty. Là người phụ trách các hoạt động đặc biệt tại Lầu Năm Góc từ năm 1955 đến năm 1964, Prouty là quan chức của Bộ Quốc phòng cung cấp sự yểm trợ quân sự cho các hoạt động bí mật của CIA trên khắp thế giới. Điều này bao gồm cả chiến tranh chống du kích mà Lansdale đang tiến hành tại Việt Nam. Khi Lansdale rời Việt Nam quay trở lại Washington, Prouty phục vụ dưới quyền ông ta. Prouty kết thúc sự nghiệp của mình với một quan điểm u ám về ác tâm của CIA, điều mà ông ta xem là có ảnh hưởng tha hóa tới đời sống Mỹ. (Prouty là cố vấn cho Oliver Stone khi ông thực hiện bộ phim sặc mùi âm mưu JFK của mình, và trong bộ phim này ông ta đóng một vai hư cấu được gọi là Ông X - nội gián bên quân đội biết nơi các xác chết được chôn giấu.) Theo Prouty, chiến tranh Việt Nam là một chiến dịch bí mật do CIA tiến hành bằng nguồn ngân sách đen của cơ quan này, cho đến khi nó phình lên quá to và lính thủy đánh bộ Mỹ buộc phải đổ bộ lên bờ biển (Việt Nam) năm 1965. “Từ năm 1945 cho đến suốt những năm quyết định 1954 và 1955 rồi đến tận năm 1964, hầu như tất cả mọi việc diễn ra tại Nam Việt Nam, thậm chí cả vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các tướng lĩnh và đại sứ, cũng đều là hành động của CIA, trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ đóng vai trò hỗ trợ còn Bộ Ngoại giao thì hầu như mờ nhạt hoàn toàn.” Prouty miêu tả việc Lansdale gặp thủ lĩnh Cao Đài Trịnh Minh Thế như thế nào trong sào huyệt trên núi của ông này. Ông ta tranh thủ được sự ủng hộ của Thế bằng cách phong cho Thế quân hàm thiếu tướng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và “công đức” cho thánh thất của Thế một khoản kếch xù là 3.600.000 đô la. Prouty kết thúc với việc miêu tả cấp trên cũ của mình là kẻ cầm đầu một “băng siêu khủng bố”. Lansdale là nguyên mẫu cho đại tá Edwin Barnum Hillandale trong Người Mỹ xấu xí (1958) và cho đại tá Lionel Teryman trong cuốn Sốt vàng da (Le Mal Jaune) (1965) của Jean Lartéguy. Hầu hết mọi người đều nhầm tưởng Lansdale là nguyên mẫu cho một nhân vật hư cấu khác, Alden Pyle trong Người Mỹ trầm lặng. Graham Greene nhất quyết khẳng định rằng Pyle không được xây dựng dựa trên Lansdale, nhưng Lansdale, với sự nhạy bén của một người làm quảng cáo biết rõ rằng nổi tiếng thì chẳng bao giờ là không hay, đã thành công trong việc khẳng định nhân vật đó chính là mình. Ông ta tự viết phần về mình trong kịch bản phim Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Hollywood Joseph Mankiewicz, và ông ta giúp sản xuất ra cái mà Greene coi là một hành động lừa bịp điện ảnh. Sau khi mua bản quyền để chuyển thành phim cuốn Người Mỹ trầm lặng, Mankiewicz đến Việt Nam năm 1956 để khảo sát thực tế. Ông gặp Lansdale tại Sài Gòn và xin lời khuyên của Lansdale về kịch bản. Bộ Ngoại giao Mỹ không cho phép Mankiewicz làm phim tại Việt Nam với lý do rằng Graham Greene là một phần tử cộng sản đáng ngờ. Chỉ sau khi Lansdale can thiệp và bắt đầu chỉnh lại bộ phim theo ý đồ riêng của mình thì dự án mới được thông qua. Trong khi kịch bản dần hoàn thiện, Mankiewicz viết thư cho Lansdale, tìm hiểu về vụ nổ trước cửa khách sạn Continental vào ngày 9 tháng 1 năm 1952. Lansdale cho biết vụ nổ được thực hiện với 20 kilôgam melenite (chất nổ dẻo) của Pháp giấu trong thùng một chiếc Citroen 15CV và được kích nổ bằng thiết bị hẹn giờ. Quả bom giết chết hơn chục người và làm bị thương gấp đôi con số đó. Lẽ ra nó còn giết hơn thế nhiều, nhưng mục tiêu dự kiến của nó, cuộc diễu binh của binh sĩ Pháp đang trên đường luân chuyển về nước, đã bị hủy bỏ. Lansdale khẳng định rằng vụ đánh bom là tác phẩm của tướng Thế, chỉ huy quân đội Cao Đài. Thế nhận melenite từ Quân đoàn viễn chinh Pháp, lực lượng tổ chức và trang bị các quân đội tư nhân của Việt Nam, theo lời Lansdale. (Greene cho rằng Thế nhận thuốc nổ từ người Mỹ, câu chuyện này nghe có vẻ khả dĩ hơn, vì mục tiêu dự kiến của Thế là các binh sĩ Pháp.) Trong một phiên bản khác của câu chuyện, mà Lansdale kể với Mankiewicz trong phần tái bút lá thư của mình, tướng Thế đã nhặt lấy hai quả bom xịt do quân Pháp ném xuống chỗ ông ta rồi nối chúng vào bình xăng của hai chiếc xe ăn cắp. Mặc dù tướng Thế nhận trách nhiệm về vụ đánh bom trong một chương trình phát thanh, những người cộng sản lại bị đổ lỗi về chuyện này. “Tôi không nghĩ là có quá một hoặc hai người Việt Nam còn sống biết sự thật về câu chuyện này, và chắc chắn họ sẽ không tiết lộ với bất kỳ ai, kể cả một người Mỹ ‘trầm lặng’,” Lansdale viết cho Mankiewicz. “Người Pháp và những người khác đã tổng hợp các báo cáo lại với nhau và kết luận rằng chính Thế đã làm chuyện này. Vì tướng Thế có thể được coi là một anh hùng dân tộc do cuộc chiến của ông ta chống lại Bình Xuyên năm 1955, và để ăn khớp với cách xử lý của ông rằng thực ra đây là một hành động do cộng sản gây ra, tôi đề xuất là ông cứ giữ nguyên như vậy và cuối cùng tiết lộ rằng hoàn toàn là do cộng sản gây ra từ đầu đến cuối, thậm chí là làm giả cả chương trình phát thanh (mà điều này thì cũng dễ làm thôi).” Với nhân vật chính người Mỹ của mình - do người hùng chiến tranh Audie Murphy thủ vai - được thể hiện như một người tốt chống lại sự xảo trá của cộng sản, bộ phim của Mankiewicz có một người hâm mộ nhiệt thành: Edward Lansdale. Vào cái ngày xem bộ phim, Lansdale đã gửi ngay một bức thư tới Tổng thống Diệm, để nói với ông ta rằng bộ phim mang lại “một sự thay đổi tuyệt vời so với cuốn tiểu thuyết tuyệt vọng của Greene”, một sự thay đổi sẽ “giành thêm nhiều bạn bè cho ngài và cho Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, nơi bộ phim được trình chiếu”. Bất chấp những nỗ lực lăng xê của CIA, bộ phim là một thất bại về mặt doanh thu và phê bình. Mặc dù vậy, nó cũng thành công trong việc tạo ra sự liên quan giữa Lansdale với cuốn tiểu thuyết của Greene - một sự nhầm lẫn mà ông ta hăm hở vun đắp thêm, hay tiết lộ, như cách nói của Lansdale. Greene gọi bộ phim là một “trò bôi bác toàn diện” và là một “mánh khóe bất lương chính trị thực sự”. Sau này ông viết: “Người ta có thể tin rằng bộ phim được làm ra với ý đồ tấn công cuốn sách và tác giả của nó. Nhưng cuốn sách được dựa trên sự am hiểu sâu sắc hơn về chiến tranh Đông Dương so với những gì người Mỹ có và tôi đủ tự tin để nói rằng cuốn sách sẽ sống thọ hơn vài năm so với bộ phim hổ lốn của ông Mankiewicz.” Greene và Lansdale gặp nhau đúng một lần. Như lời Lansdale kể lại trong một cuộc trò chuyện với người viết tiểu sử của ông ta là Cecil Currey, khi Greene và một nhóm sĩ quan quân đội Pháp đang tụ tập trên sân thượng khách sạn Continental, nhấm nháp những ly cocktail chiều, thì Lansdale tới và đỗ xe ngay trước cửa khách sạn. Khi Lansdale vào trong khách sạn Continental, Greene và nhóm sĩ quan Pháp ngồi quanh - Lansdale áng chừng có khoảng từ 30 đến 50 người - bắt đầu la ó chế giễu ông ta. Greene nghiêng người qua buông một câu nhận xét với Peg Durdin, phóng viên của tờ New York Times đang ngồi bên cạnh. Theo lời Lansdale, “Peg thè lưỡi ra với ông ta rồi nói: ‘Nhưng chúng tôi yêu ông ấy [Lansdale].’ Sau đó cô ta quay người lại ôm choàng lấy tôi và hôn. Tôi nói: ‘Chà, tôi sắp được ca tụng ở đâu đó như một con chó bẩn thỉu cho mà xem.’ Vì thế tôi đoán tôi làm nên cuốn tiểu thuyết của ông ta. Hồi đó tôi có một con chó xù giống Pháp và nó đi cùng tôi, ở trong xe với tôi, và họ bình phẩm về con chó.” Greene nói con chó mà ông nghĩ đến trong đầu thuộc về René de Berval, chủ bút tờ France Asie tại Sài Gòn. (Cuốn Người Mỹ trầm lặng được dành tặng cho Berval và Phượng, bạn gái ông ta.) Như Greene viết trong một bức thư gửi tờ British Sunday Telegraph năm 1966: “Nói cho thật chính xác thì phóng viên của các ngài… hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng tôi lấy tướng Lansdale làm nguyên mẫu cho Người Mỹ trầm lặng. Pyle là một điệp viên CIA trẻ hơn, ngây thơ hơn và mơ mộng hơn. Tôi sẽ không đời nào chọn đại tá Lansdale, như cấp bậc của ông ta khi đó, làm hiện thân cho mối nguy hiểm của sự ngây thơ.” Phạm Xuân Ẩn làm việc cho Lansdale về các vấn đề liên quan đến chiến tranh tâm lý và những chiến dịch phao tin cho cuộc di cư Công giáo từ miền Bắc, cuộc chiến của các giáo phái, và cuộc bầu cử tổng thống gian lận của Diệm. Rất nhanh chóng ông bắt đầu học hỏi các ngón nghề của bậc thầy này. Những ông thầy có tài khác tới Sài Gòn khi Lansdale bổ sung cho phái bộ quân sự Sài Gòn của mình bằng những nhân vật có máu mặt nhất trong nghề. Một vài người trong số này trở thành những “người bạn” suốt đời của Phạm Xuân Ẩn, mặc dù một tình bạn mà trong đó anh quên không đề cập đến việc anh là kẻ thù không đội trời chung của bạn mình kể ra cũng là điều thật khó mà hình dung nổi. “Khi những người Mỹ tới văn phòng của tụi tôi với thứ tiếng Pháp dở ẹc của họ, chỉ có đúng một người mà họ có thể nói chuyện được. Và khi anh ta đi vắng, thì tôi là người mà họ có thể nói chuyện cùng,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi nhanh chóng trở thành sĩ quan liên lạc giữa người Mỹ và những người Việt Nam. Đầu tiên là có Lansdale và sau đó là người của Lansdale, rồi đến các sĩ quan quân sự khác. Tôi đánh bạn với đủ loại người Mỹ và thậm chí cả gia đình họ.” Năm mươi năm sau, Phạm Xuân Ẩn vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết về những lần gặp gỡ với những người bạn Mỹ của mình và con cái họ, những người mà ông có cảm tình thực sự. “Tôi trở thành bạn của một tay thượng sĩ tên là Frank C. Long và vợ anh ta, Mary, cùng ba đứa nhỏ nhà họ, Kathy sáu tuổi, Peter bốn tuổi, và Amanda mới lên ba. Hồi đó tôi đang làm ở tổng hành dinh quân sự Mỹ. Anh ta là hạ sĩ quan phụ trách việc xây dựng chương trình huấn luyện cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ngày nào tôi cũng gặp anh ta ở văn phòng, và sau đó cứ đến cuối tuần là tụi tôi lại đến bể bơi. Tôi thực hành tiếng Anh với vợ anh ta, cô ấy là một thư ký luật. Cô ấy dạy tôi ghi tốc ký và văn hóa Mỹ, rồi tôi còn chơi với tụi nhỏ. Thật ra chúng là thầy tôi khi tôi đang tìm hiểu về văn hóa Mỹ. “Tôi thấy ấn tượng với việc người Mỹ dạy dỗ con cái mình biết cách cư xử rất lễ độ. Chúng biết cách làm thế nào để kết bạn với những trẻ em Việt Nam và học chung với nhau ở trường. Tôi thấy ấn tượng với những đứa nhỏ này đến nỗi tôi đưa chúng về gặp gia đình mình. ‘Tụi nhỏ xinh thật,’ ba tôi thừa nhận. ‘Nhưng chúng ăn mặc không được chỉnh tề bằng tụi trẻ con Pháp.’ Đó là thành kiến của ổng. Bao giờ ổng cũng cho rằng người Pháp mới là những người đẹp nhất. Tôi không đồng ý. ‘Chúng đâu có giống tụi trẻ con Pháp,’ tôi nói. ‘Chúng rất lịch sự. Chúng cư xử rất có lễ độ.’ Tụi trẻ con Pháp thường đánh tôi khi tôi còn nhỏ. Chúng thường tới và bắt nạt tôi vô cớ. Tôi muốn đánh lại nhưng ba tôi không cho phép.” Phạm Xuân Ẩn kết bạn với một quân nhân khác, Mills C. Brandes, một trong những sĩ quan tình báo của Lansdale, người cũng có ba đứa con. Người Mỹ không nặng nề chuyện phân biệt chủng tộc và thói kiêu ngạo như petits blancs colons (mấy thằng nhóc thực dân da trắng). Họ hết mình chống cộng, và họ tổ chức thế giới theo một trục xoay chuyển từ trắng sang đen. Nhưng ở giai đoạn đầu này của cuộc chiến, họ hành xử như là những vị khách lễ độ rất vinh dự được đến thăm quê hương của các vị chủ nhà Việt Nam. “Họ dạy tôi tất cả mọi thứ, và con cái họ cũng dạy tôi,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi học được từ họ, tự chuẩn bị cho mình trước khi đi Mỹ.” Ba thành viên trong nhóm của Lansdale thân nhất với Phạm Xuân Ẩn là Lucien “Luigi Đen” Conein, “người không thể thay thế” chỉ đạo các chiến dịch đen của Lansdale; cựu sĩ quan OSS Mills C. Brandes; và Rufus Phillips, người về sau chỉ huy các hoạt động của CIA tại Lào và sau đó chỉ đạo chương trình ấp chiến lược tại Việt Nam. Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn liệu có ai trong số này nghi ngờ ông là cộng sản hay không, ông nói: “Không, không một ai biết cả, ngay cả Lou Conein, trong khi cái gì ông ta cũng biết. Ông ta là một người bạn tốt. Khi mới tới đây ông ta là thiếu tá, làm việc cho Lansdale. Ông ta từng là lính Pháp. Ông ta chửi thề thì thôi rồi. Bất kỳ khi nào tụi tôi tụ tập cùng nhau để uống một chầu tại khách sạn Continental, Lou Conein cùng với Bob Shaplen và tôi, thì Conein lại chửi thề bằng tiếng Pháp, Shaplen chửi thề bằng tiếng Anh, còn tôi thì bằng tiếng Việt. Chả khác nào một góc địa ngục[13].” “Lou Conein luôn là người được người Việt Nam tin tưởng,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Khi họ tiến hành cuộc đảo chính năm 1963, ông ta là người ngoài duy nhất được cánh tướng lĩnh mời theo dõi diễn biến. Họ cho phép ông ta gọi điện về đại sứ quán và cập nhật cho sứ quán biết về diễn biến cuộc đảo chính.” Nhờ Giai, anh họ mình, mà Phạm Xuân Ẩn cũng biết rằng Conein đã rơi vào một cái bẫy “mỹ nhân kế” do Phòng Nhì chăng ra đối với ông ta. “Họ sử dụng rất nhiều gái đẹp để thu thập thông tin. Họ đã đánh lừa được rất nhiều người. Họ không bẫy được Lansdale và những người khác, như Rufus Phillips, một người rất đẹp trai, nhưng người Pháp đã thành công trong việc đánh lừa Lou Conein.” Mills Brandes, người đang hoạt động tại MAAG dưới vỏ bọc là một “kỹ sư”, trở thành một mẫu người cha thế chân của Phạm Xuân Ẩn, vì chính cha đẻ của ông cũng là một kỹ sư. “Ông ta nhanh nhẹn lắm, rất lẹ làng với cái bao cát. Ngày nào ông ta cũng tập luyện,” Phạm Xuân Ẩn nói, ông làm giả tiếng động khi một người đang đấm vào bao cát rattattatta. “Ông ta rất lực lưỡng, rất khỏe, và thân thiện lắm. Ông ta giúp tôi học tiếng Anh. Khi nào ông ta bận thì bà vợ dạy tôi tại nhà. Cứ lúc nào rảnh là tôi gọi điện cho ông ta rồi qua nhà. Tôi thường viết những mẩu chuyện, và họ chữa cho tôi những gì tôi viết.” Brandes là người đã tặng cho Phạm Xuân Ẩn một cuốn Người Mỹ trầm lặng, có lẽ không nhận ra là người Mỹ được miêu tả tồi tệ như thế nào trong tiểu thuyết của Greene. Một người khác trong những điệp viên đầy sôi nổi của Lansdale là Rufus Phillips, một cầu thủ môn bóng đá kiểu Mỹ vạm vỡ, cao hơn mét tám, quê ở vùng nông thôn Virginia, tốt nghiệp Đại học Yale năm 1951 và gia nhập quân đội. Sau khi được điều chuyển từ Triều Tiên tới Việt Nam năm 1954, ông ta làm trong nhóm của Lansdale một năm rồi sau đó chuyển sang Lào. Ông ta quay lại Việt Nam năm 1962 với Cơ quan Phát triển Quốc tế và tiếp tục làm việc tại Việt Nam trên cương vị một cố vấn từ 1965 đến 1968. “Chính phủ Nam Việt Nam chỉ tồn tại trên danh nghĩa, một mớ những công chức do Pháp đào tạo hoàn toàn không biết phải làm gì nếu người Pháp không ra lệnh cho họ,” Phillips nói trong một cuộc phỏng vấn với Christian Appy. “Chúng tôi không biết liệu Diệm có sống sót được không hay liệu Nam Việt Nam có sống sót được không. Tôi nghĩ hầu hết người Mỹ tại đó về cơ bản đều xóa sổ khả năng này. Họ tỏ ra cực kỳ bi quan. “Khi ở Lào, tôi biết chính phủ của Diệm đang bắt đầu đi trệch khỏi đường ray… Thay vì kiên quyết thực hiện dân chủ khi Diệm vẫn còn chịu lắng nghe lời khuyên, nước Mỹ lại hậu thuẫn cho việc tạo ra và phát triển một đảng chính trị bí mật dành cho giới tinh hoa có tên là Đảng Cần Lao. Đảng này nằm dưới sự kiểm soát của em trai Diệm là Ngô Đình Nhu. Nó gần như một bản sao chép nguyên xi của Đảng Cộng sản như là một vũ khí về tổ chức. Ý tưởng là xây dựng một lực lượng sùng bái cá nhân xung quanh Diệm và có một đảng để, thành giấy trắng mực đen, buộc mọi người phải thề trung thành. Khi Lansdale phản bác lại ý tưởng này với Allen và Foster Dulles, ông ta bị cho là ngây thơ. Vậy là chúng ta đã dung dưỡng và là tòng phạm cho phần tồi tệ nhất, không chỉ của Diệm mà còn của tất cả những ngýời Việt Nam hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về chính trị dân chủ.” Phạm Xuân Ẩn và Phillips trở thành bạn thân. Phillips tôn trọng sự am tường của Phạm Xuân Ẩn về lịch sử Việt Nam và sự nhạy bén chính trị của ông. Phạm Xuân Ẩn thì tôn trọng sự thông minh và chân thành của Phillips. “Phụ nữ Việt Nam mê mẩn ông ta, nhưng ông ta luôn tránh để không bị rơi vào bẫy mỹ nhân kế,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông ta luôn tỏ ra nghiêm nghị và giữ kẽ. Ông ta học tiếng Pháp và chơi thể thao rất giỏi.” Có một điều rất lạ lùng xảy ra khi hai người nói về nhau. Nghe họ nói không có vẻ gì là giống những kẻ thù ở hai phía đối nghịch nhau trong một cuộc chiến. Nghe họ nói giống như những người đồng đội chiến đấu cho cùng một phe. “Lẽ ra người Mỹ nên lắng nghe ông ta,” Phạm Xuân Ẩn nói về Phillips. “Ông ta muốn gây áp lực lên Diệm để sửa chữa những sai lầm của ông này [Diệm].” Nhưng Phillips đã không nhận ra rằng Phạm Xuân Ẩn còn nghĩ trước cả mười nước đi trên bàn cờ chính trị Việt Nam. Ông muốn Diệm thành công, nhưng chỉ như một ga xép cho cộng sản lên nắm quyền. Vô hình trung, Diệm trở thành tay trong của họ, tảo thanh những băng cướp và giáo phái tôn giáo điên rồ để thống nhất miền Nam Việt Nam sẵn từ trước cho cái ngày Đảng Cộng sản thay thế Đảng Cần Lao bằng mạng lưới cảnh sát riêng của mình. Sẽ đơn giản biết bao khi chỉ cần thay thế đồ thật bằng bản sao y hệt của nó . Sự nghiệp tình báo của Phạm Xuân Ẩn vô tình trở nên tiến triển khi anh họ của ông, Phạm Xuân Giai, bị buộc phải bỏ trốn ra nước ngoài sau một âm mưu đảo chính bất thành. “Người Pháp chi tiền để ổng thực hiện một vụ đảo chính chống lại Diệm tháng 12 năm 1954, nhưng vụ đảo chính đã bất thành. Người Mỹ phát hiện ra kế hoạch này và phá hỏng nó, nên ổng phải lưu vong sang Lào.” “Khi ổng ở đó, người của CIA sử dụng ổng để làm việc cho người Mỹ, còn Phòng Nhì sử dụng ổng để làm việc cho người Pháp. Ổng tham gia việc chuẩn bị một vụ đảo chính khác tại Indonesia. Tất cả đều vô cùng phức tạp,” Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa huơ huơ hai bàn tay trước mặt. “Những cha này có quá nhiều bộ não. Còn tôi là một trong những kẻ đần.” Từ vai trò một chân loong toong trong cửa hàng của Phạm Xuân Giai chuyên sản xuất các truyền đơn chiến tranh tâm lý và chiến dịch tung tin đồn, Phạm Xuân Ẩn leo lên trở thành người chủ chốt tại TRIM phụ trách việc gửi các sĩ quan quân sự Việt Nam sang Mỹ huấn luyện. Đây là lúc ông bắt đầu tích lũy các mối giao thiệp và ân huệ giúp ông trở thành người có quan hệ rộng rãi nhất tại Việt Nam. “Tôi chọn ra những ứng viên tiềm năng, tập hợp hồ sơ lý lịch của họ, rồi sắp xếp các thủ tục rà soát an ninh với tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ. Các sĩ quan Việt Nam được gửi sang những trường của Mỹ để học về chiến tranh chống du kích, như Nguyễn Văn Thiệu, người về sau trở thành tổng thống của Nam Việt Nam. Ông ta được cử đến Fort Leavenworth ở bang Kansas. Tôi hoàn thành hồ sơ giấy tờ cho ông ta và theo dõi các báo cáo được gửi ngược lại cho MAAG.” Mặc dù khi đó chưa hề đặt chân tới nước Mỹ, nhưng Phạm Xuân Ẩn đã giảng cho những người Việt Nam về những điều cần chú ý khi họ đến đó. “Người Mỹ bắt tay mỗi khi chào nhau. Họ nhìn vào mắt anh khi họ nói chuyện và thường xuyên mỉm cười.” Phạm Xuân Ẩn cũng cho họ biết rằng người Mỹ là những người tuân thủ khắt khe các quy định, thậm chí cả những quy định mà nếu tuân thủ chặt chẽ sẽ ngăn chặn bất kỳ người Việt Nam nào có thể đặt chân vào Mỹ. Ví dụ, các sĩ quan quân đội Việt Nam bao giờ cũng không vượt qua được phần kiểm tra y tế. Nhiều người trong số họ đã bị nhiễm lao hoặc mới hồi phục khỏi những lần nhiễm bệnh trước đó. “Tôi tốn rất nhiều thời gian đôi co với các bác sĩ người Mỹ về những phần kiểm tra này,” Phạm Xuân Ẩn nhớ lại. “Tôi phải giải thích với họ sự khác nhau giữa các vết sẹo do những ca nhiễm bệnh từ trước và những ca lao phổi hiện tại.” Giun sán cũng là một vấn đề động chạm khác. Ở một đất nước dùng phân người để bón ruộng, hầu như không có mấy người Việt Nam không nhiễm các loại ký sinh trùng. “Có cả giun móc rồi sán xơ mít, thôi thì đủ các loại giun sán,” Phạm Xuân Ẩn nói. Lần cuối cùng Phạm Xuân Ẩn nổ súng là khi ông bắn vào một trung đội lính Pháp đang hành quân ở vùng châu thổ sông Mê Công tháng 4 năm 1946, nhưng ông lại được trang bị vũ khí lần nữa khi ra chiến trường cùng hai quân nhân Mỹ tháng 1 năm 1956. Ông mang theo khẩu súng ngắn do ông anh họ đưa cho trước khi ông này trốn ra nước ngoài sống lưu vong. “Đó là một khẩu Walther 7,65 mm, với phần báng màu nâu và nòng súng ánh lên màu xanh biếc, bóng loáng. Đó là loại mà tụi tôi gọi là ‘súng ngắn tình ái’. Nó được thiết kế để mang theo trong túi xách hoặc túi áo và rút ra mỗi khi cần bắn vợ mình hay nhân tình của cô ta.” “Tôi chưa bao giờ sử dụng khẩu súng đó, và tôi thậm chí còn không biết nó hoạt động như thế nào, cho đến một hôm tôi ra chiến trường với tư cách là sĩ quan liên lạc cho đại tá Glenn và đại tá Hicks, hai cố vấn Mỹ. Tụi tôi đang vào vùng châu thổ để theo dõi binh lính của Diệm chiến đấu với những lực lượng cộng sản cuối cùng đã bị rớt lại. Chúng tôi lái xe jeep tới Long Hà rồi đi xuồng từ đó tới Mộc Hóa, ở Đồng Tháp Mười, gần biên giới Campuchia. Khi ra chiến trường cùng với người của Lansdale, tôi buộc khẩu súng vào khuy thắt lưng của mình bằng một sợi dây, để nếu nó có bị rơi ra khỏi túi tôi cũng không mất được.” Khi họ đòi xem thứ gì bên trong túi của Phạm Xuân Ẩn, đại tá Hicks và đại tá Glenn đã cười nhạo khẩu súng lục nhỏ bé của ông. Như tất cả các cố vấn Mỹ, họ mang theo những khẩu Colt to bự. Họ hỏi Phạm Xuân Ẩn đã bắn súng bao giờ chưa và sau đó lắc đầu không thể nào tin nổi. “Ẩn, anh là người lính tệ nhất mà cả đời nay chúng tôi mới gặp,” họ nói. “Anh thông minh lắm, nhưng anh không có óc sáng kiến. Cái anh cần bây giờ là cấy ghép não. Anh cần một bộ não Mỹ được ghép vào bộ não Việt Nam của anh. Sau đó thì anh có thể đi ra ngoài thế giới và làm nên cơm cháo gì đó.” Sau một khóa học cấp tốc tại chiến trường, Phạm Xuân Ẩn biết cách tháo súng ra và lau chùi nó. Ông cũng biết cách hút thuốc thế nào cho đúng. Các viên cố vấn nhận ra là Phạm Xuân Ẩn đang rít những điếu Lucky Strike mà không nuốt khói. Ông có thói quen hoang toàng của một thanh tra hải quan chuyên xài thuốc lá và những thứ hàng lậu khác miễn phí. “Họ dạy tôi cách cho khói vào trong phổi rồi thở một phần qua miệng và phần còn lại qua lỗ mũi, và sau đó họ dạy tôi cách hút xì gà. Tuyệt vời hết sảy, phê thực sự,” Phạm Xuân Ẩn nói và bật cười thoải mái. “Thế là tôi bị nghiện thôi, cách đây hơn năm chục năm, và đó là lý do tại sao bây giờ phổi tôi trục trặc. Cứ mỗi lần hút thuốc, tôi lại nghĩ đến hai ông cố vấn là đại tá Glenn và đại tá Hicks.” Phạm Xuân Ẩn cũng thành công trong việc ghép một bộ não Mỹ vào bộ não Việt Nam của mình. Ông học những kỹ năng báo chí phương Tây - các phương pháp phân tích và vốn liếng kỹ thuật điều tra của nó - rồi áp dụng chúng để trở thành điệp viên vĩ đại nhất của Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn có những bậc thầy tài giỏi. Ông đã khai thác họ một cách triệt để. Trong một trong những lần trò chuyện cuối cùng của chúng tôi năm 2006, Phạm Xuân Ẩn lại nói về gia tài văn hóa đầy mâu thuẫn của mình. “Tôi trải qua nhiều năm làm việc với người Mỹ đến nỗi khi thời gian qua đi, bộ não của tôi trở nên khó tiếp thu với sự đào tạo và nhồi nhét của cộng sản .” Ông nói chữa lại “Ý tôi muốn nói là sự quán triệt học thuyết của những người cộng sản. Tiếc là một bộ não Mỹ đã được ghép vào bộ não Việt Nam của tôi rồi. Dần dần nó trở thành một loại hợp chất, rất cứng và rất khó phá vỡ. Đến mức này thì chẳng thể làm gì được nữa. Tốt nhất là cứ để nó nguyên như vậy. Đằng nào thì tôi cũng sắp chết rồi, và khi đó thì sẽ không còn ai phải bận tâm đến việc tôi nghĩ gì nữa.” Phạm Xuân Ẩn bật cười, một trong những tiếng cười dài và sảng khoái mà ông để dành cho những câu chuyện cười thú vị của cuộc sống. Sau đó ông kể cho tôi nghe câu chuyện về một ông vua và quan cố vấn của mình. “Một hôm nhà vua được mời tới ăn tại nhà viên cố vấn. Viên quan này có một tay đầu bếp và những người hầu hạ trong nhà rất tuyệt vời, nhưng họ căm ghét viên quan vì ông ta là một tên ác nghiệt. Nên họ quyết định sẽ trả thù một vố. Trong bữa trưa họ phục vụ chủ mình món hạt mít, được chế biến một cách đặc biệt, để ông ta không nhận ra mình đang ăn món gì. Đến tối, khi hạt mít lên men trong dạ dày của ông ta, viên quan bắt đầu đánh rắm.” Đến đây Phạm Xuân Ẩn lại giả âm thanh bụp bụp pfftt, pfftt của viên quan đang đánh rắm. “Tới lúc vua ngự đến ăn tối, viên quan đang đánh rắm hết phát này đến phát khác, pfftt, pfftt, pfftt.” ‘Tiếng gì thế?’ nhà vua gặng hỏi. ‘Muôn tâu bệ hạ, đó là tiếng một con cóc trong vườn nhà thần ạ,’ viên quan nói. ‘Nhưng nếu là tiếng cóc kêu thì tại sao mùi lại thối thế?’ ‘Bẩm đó là một con cóc chết ạ.’ ‘Làm sao một con cóc chết lại kêu được?’ nhà vua hỏi. ‘Bẩm có hai con cóc,’ viên quan thưa. ‘Một con sống. Một con chết. Tiếng kêu là từ con sống mà ra. Mùi thối là từ con chết mà ra.’ Nhà vua rất hài lòng. Ông vua cứ chắc mẩm mình đã biết sự thật về tình hình vì đã có lời giải thích nhất quán về những gì đang xảy ra. Nhưng thực ra thì tất cả những gì ông vua nhận được là một câu chuyện lố bịch. Đấy là những gì chúng ta miêu tả về công việc của một cố vấn. Đó là công việc của lũ cóc. ” Những chuyến đi ở nước Mỹ Năm 1956, cấp trên cộng sản của Phạm Xuân Ẩn ra lệnh cho ông rời bỏ quân đội Việt Nam và bắt đầu một sự nghiệp mới. Họ muốn ông tới Mỹ và nghiên cứu về đất nước đang tiến hành chiến tranh đối với họ từ cách nửa vòng trái đất. Phạm Xuân Ẩn là điệp viên cộng sản đầu tiên tại tổng hành dinh quân đội Việt Nam, nhưng khi có một sĩ quan khác được chuyển từ bộ tổng tham mưu sang thay, thì đã đến lúc ông có thể chuyển đi. “Sau khi giải ngũ lẽ ra tôi quay trở lại sở quan thuế. Nhưng tôi không thích làm một fonctionnaire. Tôi muốn một nghề tự do. Đó là vấn đề của tôi, luôn là vấn đề của tôi. Tôi không muốn quay lại chỗ cũ. Tôi nộp một lá đơn xin thôi việc, lá đơn này phải được bộ trưởng tài chính phê chuẩn, và tôi rút hết sạch tiền ra khỏi lương hưu của mình. Ai cũng ngạc nhiên hết. ‘Anh đang có một công việc yên ổn cả đời còn gì. Tại sao anh lại bỏ chỗ này?’” Phạm Xuân Ẩn nghĩ đến việc trở thành một bác sĩ hoặc học về kinh tế, một ngành mà ông vẫn quan tâm đến kể từ khi đọc tác phẩm Kinh tế chính trị học, một cuốn sách dựa trên cuốn Tư bản luận của Karl Marx. “Tôi tự nhủ, có lẽ mình sẽ qua Mỹ học kinh tế hoặc chính trị học. Mình sẽ đi từ bốn đến sáu năm và lấy bằng thạc sĩ hoặc, nếu có thể, lấy luôn bằng tiến sĩ trong khi tranh thủ học về văn hóa Mỹ.” Nhưng Phạm Xuân Ẩn phải rất khó khăn mới sang được Mỹ. “Tay tùy viên quân sự Mỹ đưa tôi tới thăm Quỹ Á châu (Asia Foundation)[14]. Họ đề nghị cho tôi một học bổng, nhưng chính quyền Nam Việt Nam không cho phép tôi nhận vì tôi không có bằng tú tài. Chẳng qua là họ lấy cớ để trao học bổng đó cho thành viên gia đình và bà con của họ.” Kế hoạch của ông gặp một rào cản khác khi ông được thông báo rằng ông không thể học những chuyên ngành như chính trị hoặc kinh tế là những thứ có được dạy tại Việt Nam, bất kể ai trả tiền cho ông sang Mỹ học đi nữa. Chính ông Mai Chí Thọ, người chỉ huy lực lượng tình báo của chính quyền miền Bắc Việt Nam, và Mười Hương, cán bộ chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, là những người quyết định đưa ông sang Mỹ để được đào tạo thành một nhà báo. Mười Hương lấy ý tưởng đó từ Hồ Chí Minh, người cũng từng là một nhà báo. Đó là vỏ bọc hoàn hảo cho một điệp viên, bảo đảm cho anh ta quyền sục sạo vào những nơi hẻo lánh và gặp gỡ các nhân vật tai to mặt lớn. Kế hoạch này được thông qua ở cấp cao nhất của Bộ Chính trị Việt Nam, nhưng cũng phải mất vài năm mới thực hiện được. Cha của Phạm Xuân Ẩn đang hấp hối. Những nhà đương cục do Pháp đào tạo, vốn không mấy mặn mà với ý tưởng cử một người Việt Nam qua học tại Mỹ, đã chặn visa xuất cảnh của Phạm Xuân Ẩn. Đảng Cộng sản cũng gặp khó khăn về tài chính. Cuối cùng, ông Mai Chí Thọ cũng gom được tất cả 80.000 đồng, khoản tiền vào thời điểm đó tương đương với khoảng hai nghìn đô la. Ngần ấy là đủ cho Phạm Xuân Ẩn mua vé máy bay qua Mỹ và bốn bộ com lê mới - chỉ cần ông có thể tìm được đường ra khỏi Việt Nam. “Ý tưởng trở thành một nhà báo nghe có vẻ cũng được, nhưng tôi không biết nhiều về nghề này,” Phạm Xuân Ẩn nói. “‘Nghề báo quan trọng nhưng cũng rất nguy hiểm,’ ông Mười Hương nói với tôi. ‘Ai cũng nghi kỵ nhà báo, chắc mẩm là họ đang thực hiện các hoạt động tình báo.’” “Tôi phải yêu cầu những người cách mạng vay tiền cho mình,” Ẩn nói. “Đảng trả tiền cho tôi qua Mỹ. Tôi có sáu năm tiền lương hưu, nhưng ngần ấy cũng chẳng thấm vào đâu. Thậm chí cả va li tôi còn không có. Cũng may là Mills C. Brandes cho tôi chiếc va li Samsonite cũ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai của ông ta, làm bằng các tông.” Trở ngại cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn nằm ở khâu xin visa. Lần này ông được sự trợ giúp từ mật vụ của Diệm. Ông bắt đầu bằng cách liên lạc với anh họ mình, cũng chính là người đã gọi ông vào làm tại phòng chiến tranh tâm lý. Chị gái của Phạm Xuân Giai lấy chồng là Lê Khắc Duyệt, giám đốc cảnh sát Trung phần và phụ trách về an ninh cho Ngô Đình Cẩn, em trai út trong gia đình đang cai trị Nam Việt Nam. Cẩn, theo sự đề đạt của Duyệt, gửi thư cho Trần Kim Tuyến, người nhỏ bé nhưng là thần gác cửa phụ trách các chuyện trong nhà của ông Ngô Đình Diệm. “Ông ấy phụ trách các vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị tại Dinh Độc Lập,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Thực ra ông ấy là cầu nối của lực lượng mật vụ. Mọi việc đều nằm trong thẩm quyền của ông ấy.” Với một bằng luật tại Hà Nội và được huấn luyện làm bác sĩ quân y, Tuyến là một trong những người Công giáo di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954. Ông ta gốc Phát Diệm, nơi được miêu tả trong Người Mỹ trầm lặng như là một thị trấn Trung cổ “dưới cái bóng và sự che chở của Đức Giám mục vương quyền (Prince Bishop)”, người có hẳn một quân đội riêng. Greene, một người cải sang Công giáo, mô tả Phát Diệm như “thị trấn sống động nhất trong cả nước”. Với chữ sống động (living) ông thực sự muốn nói là sùng đạo (faithful) hay ngoan đạo (religious). Phát Diệm, giống những vùng Công giáo khác tại Bắc Việt Nam, bị tàn phá trong một trận đánh tàn khốc giữa Việt Minh và lực lượng thuộc địa Pháp. (Greene đi thăm chiến trường và nghe lỏm thấy các binh sĩ, “phần lớn trong số họ là người Đức”, kêu lên Gott sei dank (Lạy Chúa) khi họ thấy nhiều người Việt Nam hơn là lính Lê dương Pháp chết nổi lềnh bềnh trên những dòng kênh của thị trấn). Như Phạm Xuân Ẩn mô tả về cách ông lấy được visa thì “đó là theo kiểu Việt Nam, thuần túy Việt Nam”. Anh nhờ một người anh họ hỏi người anh rể của anh ta tại miền Trung Việt Nam can thiệp với sếp của mình, đến lượt ông này gửi thư ngược vào Sài Gòn qua anh rể của anh họ anh, người này trực tiếp đến tận nơi, trong thư nói rằng anh nên được cấp visa xuất cảnh, et voilà (đây rồi), dấu thị thực mới hôm qua còn là không thể nào có được bỗng nhiên xuất hiện trên bàn của bác sĩ Tuyến, như cách họ gọi ông ta. Tất nhiên, điều này có nghĩa là anh phải chịu ơn tất cả những thành viên gia đình đã giúp đỡ anh trong kế hoạch này, và đặc biệt là anh nợ bác sĩ Tuyến, người trực tiếp trao thị thực cho anh. Vẫn còn một trở ngại cuối cùng trước khi Phạm Xuân Ẩn có thể lên đường. Ông đang túc trực từng giờ bên giường của người cha sắp qua đời. Bệnh lao đã ăn mòn một lá phổi của ông cụ và làm suy yếu trái tim cụ. Ông cụ bắt đầu thở hắt ra và suy sụp trông thấy. “Một hôm tôi phải đèo đứa cháu gái mình sang Chợ Lớn bằng xe scooter,” Phạm Xuân Ẩn nhớ lại. “Trong khi chúng tôi đang chờ tạnh mưa, ba tôi nói: ‘Nhanh nhanh rồi về nhà. Ba có việc quan trọng muốn nói với con.’ Ổng kêu má tôi mang nước nóng lại cho ổng rửa mặt. Ổng thay đồ rồi nằm xuống nghỉ ngơi. Khi ở Chợ Lớn về tôi tiêm cho ổng một liều thuốc nữa để trợ tim.” “Ổng bắt đầu thở rất nặng nhọc, một kiểu thở hắt ra vất vả. Ổng thở khó nhọc đến nỗi tôi phải đỡ ổng ngồi thẳng dậy trên tay mình. ‘Mang cho ba một tờ giấy trắng,’ ổng kêu. Tôi mang giấy lại cho ổng. Ổng ký tên vô đó. ‘Con có thể điền ngày vào sau,’ ổng nói. Ổng ký thêm mười tờ giấy nữa như vậy. ‘Con có thể dùng đến những cái này khi ba qua đời,’ ổng nói.” Vậy là giờ đây món thừa kế của Phạm Xuân Ẩn bao gồm cả chữ ký của cha ông, nếu cần đến, trên mười tờ tài liệu khống. “Ổng đang sắp đi rồi. Tôi biết ổng đang hấp hối. Con bướm đen của thần chết, papillon nocturne (bướm đêm), bay vào khung cửa sổ. Bình thường chúng chỉ bay vào ban đêm. Nó đậu vào cái màn căng trên giường ba tôi. Cơn hấp hối bắt đầu, trạng thái đau đớn trước khi con người ta qua đời. Ba tôi trút hơi thở cuối cùng. Con bướm xòe cánh ra. Tôi biết thế là hết. Trái tim của ba tôi đã ngừng đập.” Cha ông qua đời ngày 24 tháng 9 năm 1957, và hai tuần sau Phạm Xuân Ẩn tới Costa Mesa, bang California, để đăng ký vào học năm thứ nhất tại trường cao đẳng cộng đồng ở đó. Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên cộng sản 31 tuổi, một thanh tra quan thuế về hưu sớm và chuyên gia chiến tranh tâm lý khi ông bắt đầu theo học tại Trường cao đẳng Orange Coast (OCC), nơi một cố vấn Mỹ tại Việt Nam đã gợi ý cho ông. Có lẽ ông là người Việt Nam đầu tiên sống tại hạt Orange. (Giờ đây là nơi sinh sống của 150.000 người tỵ nạn Việt Nam và con cháu họ). Được các bạn trong lớp gọi là Khổng Tử, Phạm Xuân Ẩn học các môn chính trị, chính thể Mỹ, kinh tế, xã hội học, tâm lý học, tiếng Tây Ban Nha, và báo chí. Ông tháp tùng các nữ sinh viên 18 tuổi ra bãi biển và dành nhiều thời gian làm việc ở tờ Barnacle, tờ báo của trường. Thỉnh thoảng ông lại có bài viết cho tờ này, ví dụ như bài điểm phim Người Mỹ trầm lặng . Nhận thấy bộ phim mập mờ về cách hiểu, Phạm Xuân Ẩn đã đề xuất là nó “không nên được chiếu tại Việt Nam”. Phạm Xuân Ẩn miêu tả hai năm của mình tại Mỹ, gồm cả giai đoạn thực tập tại tờ Sacramento Bee và Liên hợp quốc, là “quãng thời gian duy nhất trong đời tôi không phải lo âu gì”. (Những chuyến đi của ông từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ được Quỹ Á châu thanh toán, quỹ này về sau mới lộ ra là một bình phong của CIA). Ông phải lòng với nước Mỹ và với một người Mỹ, Lee Meyer, cô gái tóc vàng yểu điệu vốn là biên tập và người hướng dẫn viết bài cho ông tại tờ Barnacle. “Cổ biết tôi yêu cổ, nhưng tôi không bao giờ nói với cổ điều đó,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Người Việt Nam chúng tôi không bao giờ nói ra cảm xúc thực của mình.” Phạm Xuân Ẩn tới OCC vào một ngày thứ Bảy, khi ngôi trường toàn người đi đi về về này sạch bóng sinh viên và ký túc xá thì khóa kín. “Đó là giờ ăn trưa, và tôi không biết phải đi đâu,” ông nhớ lại. “Đột nhiên một trong số các sinh viên quay lại ký túc xá. Tôi nói với anh ta rằng tôi là sinh viên mới và cũng vừa mới đến Mỹ. Anh ta mời tôi ăn một chút đậu đỏ.” “Sau đó ông Henry Ledger, người quản lý ký túc xá, xuất hiện. ‘Chúng tôi đang chờ cậu,’ ổng nói. ‘Chúng tôi giữ phòng cho cậu suốt tháng rồi, nhưng cuối cùng cũng phải bố trí người khác vào đó.’ Ổng còn một phòng khác dùng để làm kho trải giường và khăn tắm. Ổng dọn những thứ đó ra và xếp tôi vào trong đó. Đó là một căn phòng xinh xắn với cửa nhìn ra rất đẹp, tôi ở đấy một mình, trong khi tất cả các phòng còn lại đều có hai người ở. Ổng đi ra và kiếm cho tôi một chiếc ghế, một cái bàn và một giá sách cho tôi cất sách vở. Căn phòng không có tủ quần áo, nhưng đằng nào thì tôi cũng chẳng có nhiều quần áo. Tất cả những gì tôi có là một chiếc va li bằng các tông mượn của Brandes và một chiếc túi mới để mang sách vở đến trường.” Ban đầu ký túc xá của Phạm Xuân Ẩn là một khu doanh trại cho căn cứ không quân Santa Ana. Căn cứ huấn luyện các tân binh mới tuyển vào lực lượng không quân này cũng từng có thời gian ngắn, vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, được sử dụng làm trại giam tù binh chiến tranh dành cho các binh sĩ bị bắt từ Quân đoàn châu Phi của Thống chế Rommel và cũng là trại giam giữ những người Mỹ gốc Nhật, nơi những ngoại kiều của kẻ thù bị quản thúc trước khi trục xuất về Nhật Bản. Khi căn cứ này được chuyển thành một trường cao đẳng cộng đồng năm 1948, các lớp học về những chuyên ngành bao gồm từ thẩm mỹ học đến công nghệ hóa dầu được dạy trong 68 nhà tôn lắp ghép và doanh trại được kế thừa từ quân đội. Nhiều giảng viên của nhà trường cũng được kế thừa từ quân đội. Người chỉ huy ban nhạc của căn cứ không quân trở thành trưởng khoa nghệ thuật tại OCC, và một tay cựu đại úy trở thành giáo sư khoa học xã hội. “Tối hôm tôi tới California, các sinh viên tổ chức một buổi khiêu vũ kiểu bốn cặp hoành tráng ở căng tin,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ban nhạc của trường chơi đàn. Hai giảng viên, một cô giáo và một thầy giáo, đã được mời đến để hướng dẫn cho các sinh viên cách nhảy bốn cặp hình vuông. Một sinh viên đưa tôi tới buổi khiêu vũ để tôi không cảm thấy nhớ nhà. Tôi ngồi ngoài như một kẻ chầu rìa. Sau đó một cô gái trẻ bước tới và dẫn tôi ra sàn khiêu vũ. Mọi người đều ăn mặc như dân miền núi và những cô gái chăn bò. Họ đang nhảy choi choi như mấy con gà tây. Họ lệnh cho tôi hết tiến lại lùi. Đó là lần đầu tiên trong đời mình tôi ôm một cô gái trong tay như thế. Tôi cảm thấy vừa nóng bừng vừa lạnh toát. Tôi nhận ra rằng mình sắp phạm phải rất, rất nhiều lầm lỗi.” “Họ thường đưa tôi ra bãi biển, năm hay sáu cô gái một lần. Tôi không có tiền để đi chơi cũng không có người thân để tới thăm. Lúc nào tôi cũng ở trong phòng ký túc xá đọc sách, nhưng ngoài tôi ra chẳng có ai ở lại ký túc xá cả. Mọi người bao giờ cũng ra ngoài làm đủ mọi trò. Và thế là những cô gái thường tới rủ tôi ra bãi biển cùng với họ. Tôi chẳng bao giờ bơi cả. Nước biển quá lạnh, vậy mà những cô gái vẫn bơi. Họ đều rất khỏe mạnh và sung sức. Lúc đó tôi đã 31 tuổi. Họ mới chỉ khoảng 17, 18. Họ đưa tôi đi cùng như thể tôi là ‘cái phao’ của họ vậy.” Đó là những năm tháng hạnh phúc của Phạm Xuân Ẩn. Ông yêu những con chim én di trú làm tổ dưới mái ký túc xá, các sinh viên California rám nắng với những buổi cuối năm và tiệc tùng trên bãi biển, những giáo sư khó tính nhưng đồng thời cũng rất thân thiện và dễ gần. Như Phạm Xuân Ẩn đã viết trên tờ Barnacle, ông học được cách viết “thứ ngôn ngữ Mỹ của H. L. Mencken, cách thưởng thức âm thanh hi-fi, cách nhảy rock and roll, cách làm bài tập ở nhà trong tiếng radio và âm thanh quen thuộc của lò sưởi, cách hít căng buồng phổi thứ không khí của những câu chuyện đùa hài hước từ các bạn cùng ký túc xá”. “Tôi làm nhiều cái theo cách thức mà chúng tôi vẫn làm ở Việt Nam, khiến các bạn cùng lớp của tôi coi là ngộ nghĩnh,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ví dụ như một hôm tôi đang đi tiểu trong nhà vệ sinh nam. Tôi nhận thấy là lần nào tôi vào nhà vệ sinh, các sinh viên cũng chạy dọc hành lang xuống nhìn tôi chằm chằm. Khi tôi đi tiểu xong họ lại cười ầm lên và chạy ra ngoài. Cuối cùng, một trong các sinh viên, một người từng là thủy quân lục chiến trong chiến tranh Triều Tiên đang theo học bằng học bổng của quân đội, cho tôi biết là chuyện gì đang xảy ra. ‘Ẩn, không ai muốn làm cậu xấu hổ đâu, nhưng tụi tớ nghĩ kiểu đi tè của cậu rất buồn cười. Cậu vén ống quần của mình lên. Ở nước Mỹ này, bọn tớ kéo quần xuống.’ Đây là một bài học khác mà tôi phải học, cách kéo zip quần xuống.” Bài học quan trọng nhất của Phạm Xuân Ẩn là làm thế nào để che giấu sự thật rằng ông là một điệp viên cộng sản. Ông đã có mấy lần suýt để lộ và có lẽ quãng thời gian ở California cũng không hẳn là vô tư như ông cố tỏ ra. “Lớp học về diễn thuyết của chúng tôi do một cựu đại tá phụ trách, một sĩ quan pháo binh trong lực lượng dự bị của quân đội. Lần nào ông ta cũng cho tôi điểm C trừ[15]. ‘Trong các bài phát biểu của mình anh dùng quá nhiều thuật ngữ cách mạng,’ ông ta bảo tôi. ‘Anh phải thay đổi kiểu đó đi mới được.’ Tôi cố giải thích rằng tôi đã học tiếng Anh từ các tạp chí được Đảng Cộng sản Pháp gửi sang Việt Nam. Cũng may, một trong những bạn học của tôi là người Canada, một phụ nữ lớn tuổi quay lại trường để hoàn thành khóa học của mình. Bả trở thành déesse (nữ thần) của tôi, một trong những phụ nữ bảo vệ cho tôi. Bả bắt đầu sửa những bài phát biểu của tôi, và sau đó tôi được điểm C cộng.” “Tôi cũng gặp rắc rối với cô Fowler, cô giáo dạy tiếng Anh năm thứ nhất của tôi. Bả là cựu sĩ quan tình báo thời Chiến tranh thế giới thứ hai và là một chuyên gia, trong suốt thời McCarthy, về săn lùng các phần tử thân cộng sản[16]. Một hôm bả hỏi tôi: ‘Anh tới đây để học hay làm việc gì khác?’ ‘Để học,’ tôi cam đoan với bà. ‘Tôi đã làm việc với các quân nhân Mỹ; đó là lý do tại sao họ cử tôi sang đây.’ ‘Tôi ngờ là anh sang đây để làm việc gì đó khác cơ.’ “Những gì bả nói khiến tôi phải cảnh giác hơn. Tôi tự Mỹ hóa mình. Không còn giọng điệu cách mạng nữa. Cũng không còn tiếng Pháp nữa.” Việc Phạm Xuân Ẩn trở thành một nhà báo lớn cũng như một nhà tình báo lớn là bằng chứng rõ ràng cho phương pháp đào tạo phóng viên của Mỹ bằng cách để cho họ thường xuyên thực tập với công việc ra báo sinh viên. Khi làm biên tập phụ và viết cho tờ Barnacle, Phạm Xuân Ẩn viết những bài về thức ăn trong trường, cuộc sống ở ký túc xá, và những nhu cầu đặc biệt của các sinh viên nước ngoài, bao gồm cả một đội ngũ đông đảo các sinh viên từ Trung Đông tới California để học về các giếng khoan dầu ngoài khơi của bang này. Có 16 sinh viên trong biên chế tờ Barnacle, tất cả đều theo học Báo chí khóa 101 và 102. Cái năm mà Phạm Xuân Ẩn được cử làm “Biên tập viên trang 2”, tờ báo này đứng thứ hai trong số tờ báo của các trường cao đẳng vùng miền Nam nước Mỹ trong một cuộc thi tại Đại học Nam California. Những giờ miệt mài mà Phạm Xuân Ẩn trải qua tại tòa báo sinh viên có thể đã xuất phát từ việc ông phải lòng biên tập của mình là Lee Meyer, người kết hợp một nụ cười quyến rũ với cặp kính gọng đen đạo mạo. Rất nhiều người phải lòng Meyer, căn cứ vào những thông điệp đầy si mê được ghi lại trong cuốn kỷ yếu hằng năm của bà. Phạm Xuân Ẩn gọi bà là một “người bạn lý tưởng” trong những dòng lưu bút của mình và viết về hy vọng của ông rằng “tình bạn của chúng ta sẽ ngày càng gắn bó hơn bất chấp hoàn cảnh không thích hợp”. Phạm Xuân Ẩn đang nói đến thực tế là vào lúc đó Meyer đã gắn bó với một sinh viên y mà sau này bà đã kết hôn - một cuộc hôn nhân ngắn ngủi và không hạnh phúc. “Cô ấy là kiểu phụ nữ mà tôi sẽ lấy nếu tôi có cơ hội,” Phạm Xuân Ẩn nói. Có thể nhận thấy là Phạm Xuân Ẩn và Lee có tình cảm với nhau qua những bức thư mà họ trao đổi sau này trong cuộc đời. Lee liên lạc với Phạm Xuân Ẩn sau khi đọc về ông trong một bài báo xuất bản trên tờ Newsweek nhân dịp kỷ niệm 25 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Bà rất vui khi có thể liên lạc trở lại sau ngần ấy năm, và họ duy trì việc thư từ với nhau cho đến tận khi bà qua đời năm 2003. Phạm Xuân Ẩn “rất, rất thân thiết với Lee”, theo lời của Janet Simms, cộng sự gần gũi của Lee khi bà còn làm chuyên gia tâm lý hành nghề ở Los Angeles. Phạm Xuân Ẩn đáp lại: “Bạn vẫn luôn ở trong trái tim và suy nghĩ của tôi”. Sau năm đầu tiên của mình tại OCC, Phạm Xuân Ẩn tham gia khóa học mùa hè để hoàn thành thêm các tín chỉ, sau đó ông dọc theo bờ biển để thăm một người bạn Việt Nam đang dạy tại trường ngôn ngữ quân sự ở Monterey. Song kế hoạch của ông đã thay đổi và ông sẽ phải về nhà càng sớm càng tốt, nếu ông có thể quay về. Quãng thời gian một năm tươi đẹp của Phạm Xuân Ẩn tại California là thời gian đen tối nhất trong lịch sử của lực lượng Việt Minh ở miền Nam Việt Nam, gồm 60.000 người cộng sản đã ở lại dưới vĩ tuyến 17 khi Việt Nam bị chia cắt năm 1954. “Chính quyền Diệm lê máy chém đi khắp vùng nông thôn, chặt đầu những người cộng sản, và đến cuối chiến dịch năm 1958, 85% số đảng viên cộng sản đã bị quét sạch, hoặc bị giết hoặc bị tống giam,” Phạm Xuân Ẩn nói. Ông biết được từ một bức thư được mã hóa của em trai ông, Phạm Xuân Đính, rằng Mười Hương, cán bộ chỉ đạo của ông, đã bị bắt. Ông cũng biết rằng ông đang được triệu hồi về nhà vì Việt Minh - một thời gian ngắn sau lại hồi sinh với tên gọi Việt Cộng - cuối cùng cũng bắt đầu tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang dẫn đến Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. “Em trai tôi bị bắt khi tôi đang ở Mỹ,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Chúng tra hỏi cậu ấy về Mười Hương và hỏi tại sao ông ấy lại đến nhà gặp tôi. Em trai tôi bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam cho đến sau Tết năm 1958. Anh họ tôi đưa cậu ấy ra khỏi nhà giam - chính là người làm việc cho Ngô Đình Cẩn trên cương vị trùm mật thám và chỉ huy lực lượng cảnh sát tại miền Trung Việt Nam. Ổng tới Sài Gòn gặp trưởng nha cảnh sát. Em trai tôi được trả tự do dưới sự bảo lãnh trực tiếp của ổng. “Em trai tôi viết cho tôi một bức thư với ngụ ý rằng hai cấp trên trực tiếp của tôi đã bị bắt. Cậu ấy nói bóng gió đủ cho tôi hiểu.” Khi Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe câu chuyện này, một trong những con chim của ông bắt đầu hót inh ỏi từ đâu đó phía sau nghe như một chiếc xe tuần tra của cảnh sát bật còi hụ hết công suất. Nếu như em trai ông là Phạm Xuân Đính thoát tội khá dễ dàng, thì tình cảnh của Mười Hương không được như vậy. Ông bị tra tấn tại nhà tù Chín Hầm khét tiếng ở miền Trung Việt Nam suốt sáu năm trời. Ông không khai ra Phạm Xuân Ẩn, nhưng đó là một thời khắc hiểm nghèo cho tất cả các điệp viên trong mạng lưới của ông. Bạn của Phạm Xuân Ẩn là Cao Giao cũng trải qua một thời gian tại nhà tù khét tiếng của Ngô Đình Cẩn. “Ổng biết Mười Hương, biết ông này là một cán bộ cao cấp trong Đảng Cộng sản và là người chỉ huy lực lượng tình báo ở miền Nam. Hai người từng làm việc với nhau khi Cao Giao còn chuyển tin tức cho những người cộng sản, cung cấp cho họ cảnh báo sớm về vụ đảo chính của Nhật. Ổng có cơ hội được trả tự do bằng cách tố cáo Mười Hương, nhưng Cao Giao không bao giờ bán đứng bất kỳ ai, kể cả khi bị tra tấn. Ổng đi qua ông này với bộ mặt lạnh như tiền không để lộ bất kỳ điều gì về sự dính dáng của họ trong quá khứ. Ổng là một trong những người can đảm không bao giờ mất tinh thần.” “Bây giờ làm cách nào để bắt liên lạc với những chỉ huy đã bị bắt giữ của mình đây, tôi tự hỏi. Tôi không được phép đi tìm hay liên lạc với họ. Nhiệm vụ của họ là liên lạc với tôi, nhưng nếu tôi cứ ở Mỹ thì làm sao họ có thể tìm ra tôi được? Nếu không quay trở về Việt Nam, coi như tôi từ bỏ cuộc đấu tranh giành độc lập, nhưng nếu quay trở lại trong khi các cấp trên của mình đang ở trong tù, thì ngay cả tôi cũng có nguy cơ bị bắt và bị tống vào tù. Nếu ông Mười Hương mà khai ra, thì chắc chắn tôi như xong đời rồi. Tôi nhiều phần tin là ổng sẽ khai. Ổng cũng là con người mà. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Nhưng ổng không khai. Ai đó có thể khai, chứ nhất định không phải Mười Hương.” Sau khi Phạm Xuân Ẩn biết rằng mình đang được gọi về Việt Nam, ông bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha. Nếu vỏ bọc bị lộ, biết đâu ông có thể lẻn trốn qua biên giới và trở về nước qua đường Cuba, nơi Fidel Castro đang lên nắm quyền. Trong thời gian ở thăm bạn tại trường ngoại ngữ ở Monterey, Phạm Xuân Ẩn cũng biết được rằng những người cộng sản miền Bắc, sau vài năm kiềm chế, cuối cùng cũng cho phép lực lượng cách mạng ở miền Nam tái phát động chiến tranh du kích. “Đó là lý do tại sao tôi quyết định quay về,” Phạm Xuân Ẩn nói. Mùa xuân năm 1959 ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Orange Coast với tấm bằng cao đẳng về báo chí. Ông lái xe ven bờ biển tới Monterey và từ đó đi tiếp tới Sacramento, rồi ở lại đó hai tháng, làm việc tại tờ Sacramento Bee trong khóa thực tập được Eleanor McClatchy, một thành viên của gia đình sáng lập ra tờ báo bố trí cho ông. Tiền lương của Phạm Xuân Ẩn được chi trả bởi Quỹ Á châu, tổ chức này cũng sắp xếp để ông bay tới New York vào cuối mùa hè cho một khóa thực tập khác, lần này tại Liên hợp quốc. “Bà McClatchy là một phụ nữ rất dễ mến,” Phạm Xuân Ẩn nói. Về phần mình bà cũng nghĩ Phạm Xuân Ẩn là một người rất dễ thương. Với những lời giới thiệu từ CIA và Lansdale cùng những người bạn tốt khác của Phạm Xuân Ẩn trong các cơ quan tình báo Mỹ, bà rất vui lòng được đón tiếp chàng trai Việt Nam nho nhã này tới Sacramento. Có đôi chút trục trặc khi ông bị từ chối cho thuê phòng ở vì tay chủ nhà không chấp nhận “dân da vàng”, nhưng Phạm Xuân Ẩn không để tâm lắm đến sự phân biệt chủng tộc này. “Đó là chuyện bình thường tại Mỹ,” ông nói. “Thậm chí cả Henry Kissinger cũng không được phép ở tại một số khách sạn nào đó vì ông ta là người Do Thái.” McClatchy đưa ông tới gặp viên thống đốc, Edmund G. Brown, người đang chủ trì đón tiếp thủ tướng Liên Xô khi đó đang có một chuyến thăm tới bang này. “Tôi được phép đi theo sau, để xem người ta đưa tin như thế nào về một nhân vật chóp bu đến thăm thống đốc bang California.” Trước đó Phạm Xuân Ẩn đã gặp thống đốc và đã được chụp một tấm ảnh đứng cạnh ông này tại một hội nghị các biên tập viên báo chí sinh viên, nhưng gặp ông ấy lần nữa cũng chẳng hại gì. Phạm Xuân Ẩn đang hình thành nên tác phong chuyên nghiệp rất có ích cho ông trên cương vị một điệp viên. Ông đang thu thập một bản sơ yếu lý lịch gồm những lời tiến cử của CIA và sự nâng đỡ của McClatchy để nói lên rằng có thể ông đang làm việc cho cơ quan tình báo này. Ngay sau khi ông tới Sacramento, tờ Bee cho đăng một bài về tay ký giả thực tập mùa hè của mình với nhan đề “Ký giả Việt Nam nhằm đả phá sự tuyęn truyền đỏ”. Nhý Phạm Xuân Ẩn tinh quái nhận xét với một ngýời phỏng vấn ông năm 2005: “Tôi sử dụng tất cả những gì Lansdale đã dạy tôi cho bài báo đó. Ông ta là một người thầy tuyệt vời”. Phạm Xuân Ẩn đến thăm trụ sở của Quỹ Á châu tại San Francisco, với hy vọng thuyết phục họ cho phép ông lái xe xuyên nước Mỹ thay vì đi máy bay. “Tôi mua một chiếc Mercury đã sử dụng được mười năm của một bà già với giá 250 đô la,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Chiếc xe có động cơ tám xi lanh và ngốn xăng như uống nước. Nó có máy sưởi nhưng không có điều hòa không khí. Viên giám đốc của quỹ khuyên tôi nên ở tại các ký túc xá của Hội thanh niên Cơ Đốc giáo, chỉ với giá năm đô la một đêm, hoặc tại các nhà nghỉ rẻ tiền. ‘Đừng có cho ai đi nhờ xe. Họ nguy hiểm lắm. Họ sẽ biết là anh chỉ có một mình và lại là người nước ngoài. Họ có thể cướp tiền và giết anh.’” Mặc dù ông sở hữu đến hai bằng lái xe của Việt Nam, một bằng quân sự và một bằng dân sự, nhưng thực ra thì Phạm Xuân Ẩn cũng chưa bao giờ lái một chiếc xe nào trước khi ông tới Mỹ. Tờ Sacramento Bee đã tử tế cung cấp cho các thực tập sinh của mình một khóa học lái xe, và, sau khi hứa sẽ không “lái xe như một tay đua”, Phạm Xuân Ẩn bắt đầu lên đường vào cuối tháng 8. “Đó là bởi vì ông thầy giáo tiếng Pháp đã dạy tôi về những tên gangster Chicago và các phương pháp hiện đại, nhân đạo của thành phố này dùng để giết mổ súc vật nên tôi mới lái xe đi xuyên ngang nước Mỹ.” Phạm Xuân Ẩn nhìn thấy một cơn bão mùa hè quét ngang qua sa mạc Nevada như một cơn lốc xoáy khổng lồ. Ngỡ ngàng khi được chứng kiến những cành to cành nhỏ và toàn bộ thân cây bị bốc thẳng lên trời, ông dừng xe để ghi lại cảnh tượng đó bằng chiếc máy ảnh chụp phim dương bản Ektachrome. “Tôi lái xe rất chậm, thường dừng lại uống một lon Coca và nghỉ ngơi. Tôi đi tuyến đường giữa từ California sang bờ biển miền Đông. Cứ khi nào có phong cảnh đẹp, thì tôi lại dừng xe và chiêm ngưỡng. Tôi thường tấp lại bên đường và bước xuống xe. Tôi nằm xuống và nhìn trân trân lên bầu trời cho đến khi tôi sẵn sàng lái xe tiếp. Tôi gặp may. Tôi gặp nhiều người tốt bụng hơn những kẻ đểu cáng. Có thể họ đểu cáng khi ở với nhau, nhưng không phải với tôi, như khi tôi ở San Francisco. Một buổi tối, tôi đang thả bộ về phía bến tàu để ăn tối thì chạm trán một băng những gã tay cầm dao lăm lăm. Họ đang đuổi theo một băng khác, nhưng họ còn mải mê tìm cách giết nhau nên không động gì đến tôi cả.” Phạm Xuân Ẩn lái xe dọc khu Strip và ghé vào những sòng bạc ở Las Vegas. Bên ngoài thành phố, ông nhìn thấy một dãy dài những toa tàu hàng đang băng qua núi và biến mất vào một đường hầm. “Tôi hỏi một người đàn ông đứng cạnh mình, đang nhìn theo đoàn tàu: ‘Nó đang chở người từ Bờ Tây sang Bờ Đông à?’ ‘Không,’ ông ta nói. ‘Đây là một đoàn tàu đặc biệt. Nó không chở theo hành khách nào cả. Nó đưa các nhà khoa học vào một đường hầm trong núi, ở đó họ tiến hành nghiên cứu nguyên tử.’ Sau đó ông ta chỉ dẫn cho tôi trên một tấm bản đồ về nơi nước Mỹ chế tạo những quả bom nguyên tử của mình. ‘Đừng có đến đấy,’ ông ta nói. ‘Họ sẽ bắt anh đấy.’” Phạm Xuân Ẩn cười khùng khục khi nhớ lại tay người Mỹ thân thiện đã cho ông biết những bí mật quân sự đó. Giờ thì nhà tình báo cộng sản Phạm Xuân Ẩn đã biết quân đội Việt Nam nên tấn công vào đâu nếu có lúc nào đó họ xâm lược Hoa Kỳ. Phạm Xuân Ẩn cũng đến thăm khu giáo phái Mormon ở Salt Lake City và chiêm ngưỡng cảnh các chàng cao bồi chăn lùa gia súc ở bang Wyoming. Ông chỉ lái xe vào ban ngày, còn khi mặt trời lặn ông dừng xe tại một ký túc xá của Hội Thanh niên Cơ Đốc hay một nhà nghỉ rẻ tiền. Ngày hôm sau khi mặt trời mọc ông lại bắt đầu lái xe đi tiếp. “Nước Mỹ quả là rộng lớn và tươi đẹp, với sự đa dạng muôn màu muôn sắc. Trước đó tôi chưa bao giờ nhận ra nước Mỹ rộng lớn đến nhường nào. Đây không phải là những gì tôi tưởng tượng ra sau khi nghe miêu tả về nó.” Sau khi băng qua dãy núi Rocky và vùng Đồng bằng Lớn, Phạm Xuân Ẩn ngỡ ngàng khi nhìn thấy những cánh đồng màu mỡ ở bang Iowa. “Tôi nhìn thấy những cánh đồng ngô trải dài hết dặm này tới dặm khác. Tôi mất gần trọn một ngày lái xe mới ra khỏi cánh đồng ngô. Tôi dừng xe lại để xem lũ gà tây mà người ta nuôi ở đó, những con gà tây to đùng màu sô cô la. Mấy cánh đồng trải ra đến tận chân trời.” Đến khi tới được Chicago, ông lại gặp rắc rối với bộ chế hòa khí trong xe mình. Ông ngạc nhiên khi một bộ chế hòa khí mới được lắp vào rất nhanh thay vì người ta tháo ra và sửa lại bộ chế hòa khí cũ. Ông bắt đầu lái xe quanh thành phố, tìm kiếm chiếc máy kỳ diệu mà thầy giáo tiếng Pháp đã kể với ông. “Tôi lái xe tới khu lò mổ, nhưng tôi chẳng thấy chiếc máy đó ở đâu cả.” Phạm Xuân Ẩn bật cười: “Chắc tôi phải tự mình tạo ra chiếc máy đó nếu tôi muốn nó tồn tại trên đời.” Trừ việc sửa chữa xe chóng vánh, Phạm Xuân Ẩn thấy thất vọng với Chicago. “Tôi cứ đinh ninh sẽ tìm thấy thứ gì đó ở Chicago làm cho nó trở nên hiện đại hơn Việt Nam.” Nhưng thậm chí cả những tên gangster cũng kém màu mè so với Bảy Viễn và những tên cướp sông của ông ta. Phạm Xuân Ẩn lái xe đến thác Niagara, nơi ông dành cả tuần tham dự một hội thảo dành cho các sinh viên Công giáo Việt Nam được cha Emmanuel Jacques, một nhà truyền giáo dòng Tên người Bỉ, tổ chức. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ tỏ ra là người theo bất kỳ tôn giáo nào khác ngoài đạo Phật. Mặc dù vậy, chắc hẳn ông đã nghĩ đó cũng là một ý tưởng hay khi bổ sung cha Jacques, người từng sống ở Việt Nam và “nói tiếng Việt như một người Việt”, vào danh sách những người giới thiệu mình. Sau đó Phạm Xuân Ẩn lái xe tới Washington, trên đường tới đó ông ở lại Arlington, bang Virginia, mười ngày với người bạn CIA của mình là Mills Brandes và gia đình ông này. “Sau khi tham quan đồi Capitol, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, họ đưa tôi đi tham quan FBI, nơi tôi được chứng kiến các đặc vụ bắn vào những mục tiêu trên trường bắn bằng đạn thật,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ bấm một chiếc nút và một xạ thủ vụt đứng lên. Mục đích là để chúng tôi phải thán phục bao nhiêu phát súng họ bắn trúng hồng tâm. Hầu như ai cũng bắn trúng hồng tâm.” “Tôi hỏi họ: ‘Như thế này để làm gì?’ ‘Đó là lời cảnh báo đối với mọi người: đừng phạm tội, nếu không FBI sẽ dễ dàng găm một viên đạn vào người anh.’ Tôi tự nhủ: ‘Đây đúng là trò chiến tranh tâm lý hiệu quả, với mục đích là giảm số lượng tội phạm’.” Phạm Xuân Ẩn lái xe về New York vừa kịp để chứng kiến lễ khai mạc phiên họp của Liên hợp quốc. Quỹ Á châu giới thiệu ông với một phóng viên Liên hợp quốc đến từ Ấn Độ, người này đưa ông đi lấy thẻ báo chí và hướng dẫn cho ông. “Đó là phiên họp mà Nikita Khrushchev sang thăm Mỹ lần đầu tiên. Đường phố chật cứng những hàng cảnh sát vũ trang, cưỡi những con ngựa lực lưỡng và trông rất oai vệ trong ánh nắng mùa thu. Đám đông đứng chật các vỉa hè để xem Khrushchev đi qua trên một chiếc limousine màu đen, với cờ Liên Xô tung bay trên nắp xe. Tôi đứng nhìn đoàn xe của ông ấy đi qua. Sau đó tôi tới khu vực báo chí để theo dõi Khrushchev phát biểu.” Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là ông có phấn khích không khi được nhìn thấy Khrushchev trên cương vị một người đồng chí cộng sản, và liệu ông có tin lời Khrushchev khi ông ấy nói với nước Mỹ: “Chúng tôi sẽ chôn vùi các người!” Phạm Xuân Ẩn trả lời tôi bằng một tiếng “có” mạnh mẽ, một vẻ đồng tình kéo dài, đi kèm với một cái vẫy tay tán thành, những ngón tay hướng lên trời. “Thời kỳ đó chủ trương của Liên Xô là ủng hộ các cuộc chiến tranh giải phóng. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông cũng đang làm điều tương tự. Để đương đầu với thách thức đó, người Mỹ đang phát triển các học thuyết chống chiến tranh du kích để đàn áp các cuộc chiến tranh giải phóng. Chiến lược ở Việt Nam cũng giống hệt như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Giải phóng các thuộc địa cũ. Làm ra vẻ đưa họ vào con đường tiến tới tự quyết, trong khi tung ra các lực lượng đặc biệt và sử dụng chiến tranh không thông thường để đàn áp lực lượng cách mạng. Thực ra chính sách này có từ hồi những năm 1950, khi nước Mỹ ký thỏa thuận hỗ trợ quân Pháp tại Đông Dương và thành lập phái bộ Sài Gòn của Lansdale.” “Tôi không hề chống đối người Mỹ. Tôi chống đối chính sách của họ. Tôi không có lựa chọn nào khác. Họ đang tiến hành một cuộc chiến tranh. Chúng tôi phải chống lại nó. Phe cộng sản chúng tôi phải nắm rõ chiến lược này. Chúng tôi phải thu thập tất cả những thông tin có thể và phân tích những thông tin ấy. Đây không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu không có nó, thì tức là đang tiến hành chiến tranh trong mò mẫm. Anh có thể giành chiến thắng nhờ ngẫu nhiên, nhưng nhiều khả năng anh sẽ thua vì thiếu hiểu biết.” Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là việc ông phải sống cuộc sống hai mặt của mình với đủ loại mưu kế và giấu giếm có khó khăn không. “Đúng là khó khăn thật,” ông nói, lặp lại câu này đến ba lần. Sau đó ông nhắc đến một tay cựu trung tá trong quân đội Mỹ, người đã kết bạn với ông hồi ông còn là sinh viên ở California. Phạm Xuân Ẩn đang quay về sau chuyến thăm bạn ở Monterey thì ông bỏ lỡ mất điểm dừng xe buýt để xuống trường Orange Coast. Ông xuống xe ở bờ biển dưới mạn Laguna Beach. Đó là đêm giao thừa, và không còn chiếc xe buýt nào nữa. Viên trung tá, đang trên đường đi đón cô con gái về thăm nhà nhân dịp nghỉ lễ, đã cho ông đi nhờ xe tới trường và sau đó mời ông đến nhà, từ đó Phạm Xuân Ẩn trở thành một vị khách thường xuyên lui tới. Sau khi Phạm Xuân Ẩn quay về Việt Nam và bắt đầu làm phóng viên, viên trung tá vẫn viết thư cho ông, và hỏi liệu ông có thể chăm sóc con trai ông ta, người đang được cử đến Việt Nam trên cương vị một trung úy trong không quân. “Sau khi suy nghĩ về chuyện đó, tôi từ chối liên lạc với con trai ông ấy,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi đang làm việc cho phía bên kia, trong lĩnh vực tình báo. Nếu gặp biết đâu có thể tôi sẽ lợi dụng anh ta một cách không có chủ ý. Vì tôi biết bố anh ta, nên có thể tôi sẽ moi được một số thông tin từ anh ta. Thế nếu như tôi bị tra tấn thì sao? Nhỡ chẳng may tôi không chịu nổi và khai ra người đã cung cấp thông tin cho tôi? Điều đó sẽ rất tồi tệ. Nên để tỏ lòng tôn trọng người đã giúp mình và để khỏi bị sơ suất, khỏi do cố ý, hay tự động lợi dụng con trai ông ta, tôi đã từ chối gặp anh ta.” “Đó là lý do tại sao tôi không muốn viết hồi ký,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi sẽ phải nêu ra những cái tên, mà như thế thì không ổn. Một số người thì đã qua đời, nhưng những người khác vẫn còn đang sống. Rất nhiều người đã giúp đỡ tôi từ những mối quan hệ cá nhân. Bây giờ chẳng có lý do gì lại đi phản bội họ cả.” Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là ông cảm thấy như thế nào trước thực tế thông tin tình báo của ông làm những người Mỹ phải thiệt mạng. “Tôi ghét phải chứng kiến điều đó,” ông nói. “Khi tôi nhìn thấy những người lính Mỹ được di tản khỏi chiến trường, nằm trên nóc những chiếc xe chở quân, rất nhiều người đã chết hoặc đang hấp hối, nó làm tôi nhớ đến những người bạn của mình ở trường cao đẳng, những thanh niên mười tám đôi mươi có thể đã bị bắt quân dịch và bị đưa sang Việt Nam. Đó là lý do tại sao tôi cầu nguyện cuộc chiến này sẽ không kéo dài.” Cuộc sống hai mặt của Phạm Xuân Ẩn chứa đầy những mâu thuẫn và bi kịch, nhưng về phía ông không có gì là cảm xúc giả tạo. Ông đã có sự lựa chọn, và ông đã lựa chọn. Tôi cho rằng một phần của điều này xuất phát từ việc ông là một nhà báo. Ông đối mặt với thực tại và giải quyết nó. Có một cuộc chiến tranh đang diễn ra. Ông là một người lính trong cuộc chiến đó. Ông thực hiện bổn phận của mình. “Tất cả là thế,” ông thường nói. “Đơn giản lắm,” đó là một trong những câu nói ưa thích của ông. Tất nhiên là không hề đơn giản. Nó phức tạp đến thắt tim, và tình trạng khó xử về đạo đức đó thật không thể giải quyết triệt để. Một người khác kém vững vàng hơn về ý chí và tinh thần hẳn đã bị đánh quỵ hoặc tự để lộ thân phận của mình. Phạm Xuân Ẩn làm tôi nhớ đến một tay cờ bạc vĩ đại, một trong những tay đổ bác chuyên nghiệp ở Las Vegas đã học được cách che giấu thứ được gọi là “mánh” - những dấu hiệu không chủ tâm để lộ bài của bạn, dù là tốt hay xấu. Phạm Xuân Ẩn, người kể chuyện tiếu lâm, người chơi khăm, người giao thiệp rộng và thích nuôi chó, đã dồn tất cả những cảm xúc vào những lời giễu cợt và thói quen cá nhân của mình mà nếu không làm thế sẽ khiến để lộ ra trên mặt những gì ông cảm thấy bên trong. Tất cả là thế. Đơn giản lắm. “Ở New York, Quỹ Á châu bố trí cho tôi ở với một trong những người của họ sống ở khu Bronx. Anh ta đưa tôi đi đây đó và chỉ cho tôi thấy Central Park (Công viên Trung tâm thành phố), nơi tôi chứng kiến rất nhiều người điên diễn thuyết. Tôi đi tham quan một vòng quanh New York. Tôi đi phà ra bến cảng để chiêm ngưỡng Nữ thần Tự do. Tôi tới tham quan các văn phòng của tạp chí Time. Họ nói: ‘Có thể trong tương lai anh sẽ làm việc cho Time’. Tôi bảo được thôi, tôi rất sẵn lòng. Nhưng lúc này, tôi chỉ muốn trở về nước và làm việc cho Việt Tấn Xã. Trước đó Quỹ Á châu đã nói với tôi rằng, khi quay về Việt Nam, tôi nên làm việc cho Việt Tấn Xã, để giúp đỡ họ.” Sự mập mờ trong lời kể của Phạm Xuân Ẩn về sau mới khiến tôi để ý, và tôi không có cơ hội nào để hỏi ông về điều đó. Tại sao Quỹ Á châu lại khuyên ông làm việc cho Việt Tấn Xã? Phạm Xuân Ẩn sẽ giúp cho sự nghiệp báo chí của Việt Nam hay cho CIA? “Tôi đã chỉ dẫn cho các sĩ quan Việt Nam trước khi gửi họ qua Mỹ, giới thiệu với họ những bức ảnh về đời sống tại Mỹ, nhưng tôi vẫn sững sờ khi được tận mắt chứng kiến điều đó. Cách duy nhất để Việt Nam có thể tiến hành một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ là đấu tranh hy vọng một ngày nào đó họ sẽ rút đi . Việt Nam là một nước nhỏ, bị cô lập. Chúng tôi hầu như không có quan hệ với bất kỳ ai khác bên ngoài biên giới của mình, bên trong thì chúng tôi đấu đá lẫn nhau suốt ngày đêm . Chúng tôi bắt đầu từ con số không. Chúng tôi phải hy sinh cho đến khi chỉ còn là con số không. Bất kể có lâu đến đâu chăng nữa, chúng tôi cũng phải tiếp tục. Chúng tôi đã đấu tranh hàng trăm năm chống lại quân Pháp và hàng nghìn năm chống lại quân phương Bắc. Chẳng có lý do gì để chúng tôi dừng lại lúc này.” Gần tròn hai năm sau cái ngày ông rời khỏi Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn bán chiếc xe của mình và bay từ New York về San Francisco. Đây là cơ hội cuối cùng của ông để đổi ý. Ông đã được mời giảng dạy ngôn ngữ tại Monterey với mức lương 350 đô la một tháng, một khoản tiền hậu hĩnh thời đó. Lee Meyer đã gửi cho ông một tấm bưu thiếp từ San Francisco, chụp cảnh vịnh và hòn đảo nhà tù Alcatraz nổi tiếng. “Tôi sẽ gặp bạn trước khi bạn về nước,” bà viết. “Khi máy bay hạ cánh xuống San Francisco, tôi tới cầu Cổng Vàng để nhìn qua vịnh về phía đảo Alcatraz. Nó nằm kia, nổi trên mặt nước, giống hệt như trong bức bưu thiếp Lee Meyer đã gửi cho tôi. Tôi đứng trên cầu nghĩ về cô ấy, và suýt chút nữa thì tôi đã đổi ý. Tôi tự nhủ, đây sẽ là kết cục dành cho mình nếu quay về Việt Nam: ở trong tù, nhưng là một nhà tù không được đẹp đẽ như Alcatraz. Đối với mình, đó sẽ là Côn Đảo và một cái chuồng cọp. Cả hai đều là những hòn đảo, nhưng Côn Đảo còn tồi tệ hơn nhiều so với Alcatraz.” Đó là tháng 10 năm 1959, với cái se lạnh của mùa thu len lỏi trong không khí. Trong túi áo của Phạm Xuân Ẩn là một chiếc vé máy bay về Sài Gòn, do Quỹ Á châu mua cho ông. Vươn cao trong bến tàu phía dưới ông là cái ống khói đơn độc và những bức tường bạc phếch của Alcatraz. Ông có thể ở lại Mỹ và theo học tiếp một khóa báo chí để hoàn thành nốt bằng cử nhân của mình tại Berkeley. Ông có thể kết hôn với một cô gái Mỹ và quên đi cuộc chiến tranh dai dẳng mà tổ quốc của mình đang phải trải qua. Cuối cùng, Phạm Xuân Ẩn, người yêu nước, người cả gia tài có bốn bộ com lê thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam và danh chính ngôn thuận là nên được trả lại cho nhân dân, đã lên máy bay và bay về Sài Gòn. Thế là kết thúc chuyến đi đầu tiên và cũng là duy nhất của ông tới Mỹ. “Tôi có hai tình yêu, giống như Josephine Baker[17],” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi yêu tổ quốc mình, và tôi yêu nước Mỹ. Khi chiến tranh kết thúc, tôi muốn hai nước quay lại với nhau.” Trò lợi dụng lòng tin Về đến Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn lo sợ về việc bị lộ vai trò điệp viên đến nỗi ông náu mình trong nhà suốt một tháng trước khi đưa ra một kế hoạch hành động: thay vì chờ đợi cảnh sát đến nhà bắt mình, ông sẽ tới chỗ cảnh sát và tìm hiểu xem họ đã biết gì về ông. Sử dụng những mối quan hệ cá nhân, ông liên lạc với Trần Kim Tuyến, tay cựu bác sĩ quân y đang chỉ đạo mạng lưới tình báo tại Nam Việt Nam cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai ông ta là Ngô Đình Nhu. Mạng lưới rộng khắp các gián điệp và lực lượng quân sự bí mật được CIA hậu thuẫn này hoạt động từ Phủ Tổng thống dưới cái tên vô thưởng vô phạt là Sở Nghiên cứu Chính trị, Văn hóa và Xã hội. Nếu ông Tuyến thuê ông, Phạm Xuân Ẩn có thể yên tâm không sợ bị bắt, ít nhất là trước mắt. Rất chóng vánh, Phạm Xuân Ẩn trở thành phụ tá của ông Tuyến, trợ thủ đắc lực và bạn tâm giao của ông ta. Nhiều lúc, có cảm giác như thể Phạm Xuân Ẩn là người duy nhất mà Trần Kim Tuyến tin cậy ở Sài Gòn. Phạm Xuân Ẩn giải quyết công việc của Trần Kim Tuyến và thậm chí rửa tiền cho ông ta. “Ông Tuyến kiểm soát việc vận chuyển thuốc phiện từ cao nguyên xuống Sài Gòn,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Thực ra, chính chủ của nhà hàng Nổi Sài Gòn mới là người làm việc này, nhưng ông ta trả cho ông Tuyến tiền bảo kê để công việc được trôi chảy.” Một số xưởng cưa tại Chợ Lớn hoạt động như là bình phong cho các cơ sở tinh chế thuốc phiện của Sài Gòn. “Họ đốn gỗ ở vùng núi sát biên giới với Lào rồi khoét rỗng thân cây. Những thân cây khoét rỗng này được nhét đầy thuốc phiện rồi chở xuống các ‘xưởng cưa xẻ’ ở Chợ Lớn. Ông Tuyến biết chuyện này. Người của ông ấy nhận hối lộ, và bản thân ông ấy cũng có những khoản quỹ được gửi trong các tài khoản ở nước ngoài. Nhưng ông ấy là một người khiêm tốn,” Phạm Xuân Ẩn cam đoan với tôi. “Ông ấy không bao giờ ăn tiền một cách trắng trợn, đó là kiểu của lũ biển lận ngày nay.” Trần Kim Tuyến sử dụng Phạm Xuân Ẩn làm phiên dịch cho các giao dịch tài chính với nước ngoài, và ông ta giao phó cho ông Ẩn những nhiệm vụ nhạy cảm khác, ví dụ như tiếp các vị khách Mỹ đến thăm. Trong một nhiệm vụ như vậy, Phạm Xuân Ẩn đã gặp Gerald Hickey, chuyên gia về văn hóa truyền thống Việt Nam, người làm việc cho chính phủ Mỹ trong các vấn đề nhân loại học (và sau đó bị giới học giả tẩy chay). Phạm Xuân Ẩn kể việc ông đi cùng Hickey như thế nào khi ông ta đi thực tế để kiểm tra các khu trù mật của Việt Nam - chiến lược đầu tiên của Diệm để chống lại những người cộng sản. Nếu như những người cộng sản bơi như cá trong biển đời nông thôn, thì cách để giết họ là làm cho biển cạn. Đầu tiên, anh xua những người nông dân rời khỏi làng và tái định cư họ vào những khu tập trung kiên cố được gọi là khu trù mật. Những người duy nhất còn lại ở vùng nông thôn, theo định nghĩa, sẽ là những người cách mạng, những người có thể bị tiêu diệt bằng bom hoặc khí độc. Trong thực tế, khu trù mật của Diệm là những trại lao động cưỡng bức nhét đầy những nông dân căm phẫn. Ban ngày họ treo cờ Cộng hòa rồi đến đêm lại che chở những người cách mạng. Diệm buộc phải từ bỏ thí nghiệm đầu tiên này trong chiến lược chống chiến tranh du kích sau một năm, nhưng ông ta và các cố vấn người Mỹ của mình lại một lần nữa trục vớt kế hoạch này lên trong những năm 1960, khi khu trù mật được đổi tên thành “ấp chiến lược”. “Tôi thích Gerald Hickey,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông ấy rất thông minh và lúc nào cũng vui vẻ. Ông ấy muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Đáng tiếc là người ta không nghe lời ông ấy.” Hickey ấp ủ một niềm tin mạnh mẽ rằng các bên tham chiến tại Việt Nam nên đàm phán cho một giải pháp của riêng họ. Khi Hickey và những người Mỹ khác tới thăm Phủ Tổng thống, Phạm Xuân Ẩn được giao nhiệm vụ đưa họ đi tham quan khu trù mật. “Tôi đưa họ qua sông Mê Công sang tỉnh Kiến Hòa (nay là Bến Tre). Họ đang bình định khu vực đó. Sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nơi này đầy rẫy Việt Minh. Bắt đầu được một năm thì chương trình thất bại. Bác sĩ Tuyến giao cho tôi một chiếc xe rồi bảo tôi đến thăm các khu trù mật và báo cáo cho ông ấy những gì tôi thấy. Ông ấy biết mọi người, những tay quận trưởng và tỉnh trưởng, đang nói dối mình. Ông ấy cần một người có thể tin cậy, người có thể ra tận thực địa và cung cấp cho ông ấy một bản báo cáo bí mật về những gì đang thực sự xảy ra. Tôi lái xe một mạch xuống Rạch Giá, trên bờ vịnh Thái Lan ở Nam Bộ. Rồi từ đây tôi lái xe qua miền Trung ra tới Huế ở phía Bắc. Tôi quay về và báo cáo với bác sĩ Tuyến: ‘Chương trình khu trù mật đi tong rồi. Hãy quên nó đi. Ông phải làm cái gì đó mới thôi.’ Đó là lý do tại sao ông ấy từ bỏ khu trù mật và chuyển sang xây dựng ấp chiến lược, với sự hậu thuẫn của người Mỹ.” Cách Phạm Xuân Ẩn xử lý nhiệm vụ này cho thấy làm thế nào ông trở thành một cố vấn tin cẩn của nhiều quan chức Mỹ và chính quyền miền Nam Việt Nam. Khi được yêu cầu nghiên cứu một vấn đề quân sự nhạy cảm, ông luôn tự mình xem xét vấn đề, như một nhà báo điều tra, và quay về với một báo cáo thẳng thừng: “Chiến lược của các ông không hiệu quả. Hãy tìm một chiến lược mới đi”. Thế là cuối cùng ông giống như một người trung thực ở Việt Nam, người cần tham vấn cho những đánh giá tuyệt mật về những gì đang thực sự diễn ra. Ông nói sự thật với bác sĩ Tuyến. Ông nói sự thật với những cấp trên cộng sản của mình. Vẫn là cùng một sự thật đó nhưng lại mang những ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào việc người nghe là ai. Ông Tuyến đối mặt với một điểm yếu chiến lược cần khắc phục. Những người cộng sản nắm được một điểm yếu chiến lược cần khai thác. Phạm Xuân Ẩn bảo vệ vỏ bọc của mình bằng cách nói với các sếp phương Tây chính sự thật mà ông báo cáo với những người đồng chí cộng sản của mình. Nhưng điều gì xảy ra khi “sự thật” này được biến thành một quân cờ và đem ra triển khai trên bàn cờ, đi trước từ năm đến sáu nước? Điều đó có ý nghĩa gì khi một điệp viên cộng sản lại đi khuyên chính phủ Nam Việt Nam cách làm thế nào để xây dựng thêm những chiến lũy hiệu quả hơn ở vùng nông thôn? Rốt cuộc, chuyển đổi từ khu trù mật sang ấp chiến lược dẫn đến gia tăng sự hiện diện quân sự, tăng cường vũ trang, cũng như có thêm những hành động áp bức tàn bạo nhằm vào người nông dân Việt Nam. Liệu lời khuyên của Phạm Xuân Ẩn có phải là một ví dụ về sự chia ô rạch ròi? Liệu có phải ban ngày ông suy nghĩ như một người phương Tây và đêm đến thì suy nghĩ như một người cộng sản? Hay có gì đó sâu xa hơn đang diễn ra? Chẳng phải nếu anh đày đọa người dân, xua đuổi và đàn áp họ dã man thì họ sẽ càng trở nên hăng hái hơn trong việc ủng hộ những người cộng sản? Phạm Xuân Ẩn đang cung cấp “thông tin” hay “phản thông tin” hay một thứ “sự thật” thuộc nhóm thứ ba? Dù thế nào đi nữa, giờ đây ông đã đặt mình vào một sự nghiệp biến ông vừa trở thành người cố vấn được tin cậy nhất vừa là điệp viên hiệu quả nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện trong phòng khách của ông, Phạm Xuân Ẩn luôn ngồi ngay bên cạnh điện thoại và một tập giấy, và lúc nào cũng có một cây bút cài trên túi áo ngực của ông. Những đồng nghiệp cũ gọi điện rủ ông đi uống cà phê. Khách nước ngoài đề nghị được gặp. Có tin bạn bè cũ vừa qua đời. Phạm Xuân Ẩn kết thúc những cuộc trò chuyện này rất ngắn gọn. Chúng tôi luôn quay lại chỗ vừa dừng lại. Trong trường hợp này, tôi hỏi ông có ý gì khi ông báo cáo về một khu vực đầy rẫy Việt Minh cần được bình định hóa. “Tôi sử dụng ngôn ngữ này vì tôi phải suy nghĩ như một người Mỹ,” ông nói. “Tôi phải suy nghĩ như một người theo chủ nghĩa quốc gia. Nếu hồi đó tôi suy nghĩ như một người cộng sản, có lẽ tôi đã đi tong rồi, tong hẳn rồi.” Khi làm việc cho bác sĩ Tuyến, có lần Phạm Xuân Ẩn được yêu cầu làm phiên dịch cho một giáo sư người Mỹ nổi tiếng. Ông Tuyến từng bị cộng sản bắt giam ở miền Bắc hồi năm 1945 trước khi trốn thoát vào miền Nam, nên ông ta chống cộng rất dữ dội và vô cùng nghi kỵ bất kỳ ai có cảm tình với cộng sản. Sau ba giờ phỏng vấn, vị giáo sư người Mỹ mời Phạm Xuân Ẩn đi ăn trưa. Phạm Xuân Ẩn rất ngạc nhiên khi vị giáo sư tuyên bố rằng ông Tuyến không là một người cộng sản Việt Nam thì cũng là một thành viên của KGB[18]. “Cách ông ta tư duy, giải thích vấn đề và đi đến kết luận - tất cả đều là cộng sản,” vị giáo sư nói. “Hôm nay, ông ta kể hết chuyện này đến chuyện khác, tất cả đều được trình bày với kiểu tư duy cộng sản.” “Tôi không thực sự hiểu cách tư duy của những người cộng sản,” Phạm Xuân Ẩn nói, “nhưng người Việt Nam thích cách lập luận lôgic của bác sĩ Tuyến. Họ đánh giá ông ấy là người tài giỏi. Ông ấy xem xét mọi chuyện từ A đến Z trước khi đưa ra những kết luận xác đáng. Chúng tôi cho rằng ông ấy là một nhà phân tích xuất sắc, và giờ thì ông nói rằng kiểu lý giải vấn đề như thế là ‘cộng sản’. Tôi thấy sốc khi nghĩ rằng những điều ông nói có thể là đúng.” “Tôi chỉ nói để anh biết là anh phải hết sức cảnh giác với người đàn ông này. Tôi không muốn sau này anh phải hối hận,” vị giáo sư nói. “Tôi có thể cho ông ta biết quan điểm của ông được không?” “Tùy anh thôi. Nếu anh cho ông ta biết tôi nghĩ gì, rằng ông ta làm việc cho cộng sản, thì ông ta sẽ càng thận trọng hơn và anh sẽ càng phải cảnh giác với ông ta hơn.” Phạm Xuân Ẩn kể câu chuyện này như thể ông đang dẫn dắt dần đến điểm nút của một câu chuyện đùa tuyệt cú mèo. Một nụ cười phảng phất quanh khóe miệng của ông. Ông huơ huơ tay trong không trung và ngồi thẳng dậy trên ghế của mình. “Sau bữa trưa, tôi đi từ dưới bến sông lên văn phòng của bác sĩ Tuyến. ‘Bác sĩ Tuyến này,’ tôi nói khi thấy ông ấy ngồi ở bàn. ‘Ông có biết tay giáo sư Mỹ nói gì về ông không? Ông ta bảo ông là một người cộ…n….g sản! Không phải ông đang làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ông đang làm việc cho KGB!’ “‘Ẩn, anh đang đùa đấy à?’ ông Tuyến hỏi. “Ông ấy biết lúc nào tôi cũng thích nói đùa. Đó là kiểu nói chuyện của tôi, như thể tôi đang đùa, nhưng thật ra tôi nói nghiêm túc,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi không bao giờ nói dối,” Phạm Xuân Ẩn bảo ông Tuyến, trước khi giải thích lập luận của vị giáo sư. Ông Tuyến tỏ vẻ ngạc nhiên. Sau đó ông ta nói: “Tay giáo sư nói đúng”. “Có nghĩa rằng ông là một người cộng sản?” Phạm Xuân Ẩn hỏi. “Không! Tôi không phải là người cộng sản,” ông Tuyến trấn an. “Nhưng phân tích của tay giáo sư rất chính xác. Kiểu tư duy của cộng sản rất lôgic, rất thuyết phục, rất khúc chiết. Tôi mất đến ba năm mới học được cách bắt chước kiểu suy nghĩ của họ. Giờ thì tôi nói chuyện theo cách đó một cách hoàn toàn tự nhiên. Tôi không nhận ra là đến một ngày một tay giáo sư người Mỹ sẽ đoán ra những gì tôi đang làm, có thể thậm chí tôi còn không nhận ra mình đang làm gì nữa, nhưng đây là một sai lầm lớn,” Trần Kim Tuyến thừa nhận. “Bài học nhớ đời nhé! Ông sẽ phải sửa cách nói chuyện của mình thôi,” Phạm Xuân Ẩn lên lớp ông ta bằng cái giọng cợt nhả của một cậu học sinh đang trêu chọc bạn cùng lớp của mình. ...“Bản thân tôi cũng phải nhớ lấy bài học này cho mình,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Tôi phải học cách làm thế nào để nói như một người Mỹ, suy nghĩ như một người Mỹ. Thực sự là việc học cách viết những bài báo cân bằng, như một nhà báo Mỹ, giúp tôi rất nhiều trên cương vị một sĩ quan tình báo chiến lược. Nó khiến ta trở nên khách quan hơn.” Khi được hỏi là ông có sử dụng thứ ngôn ngữ “khách quan” đó trong việc viết các báo cáo gửi cấp trên không, Phạm Xuân Ẩn trả lời là có. “Tôi thường nói chuyện về việc bình định những khu vực đầy rẫy lực lượng khủng bố Việt Cộng. Họ hiểu ý tôi nói gì. Đó là lý do tại sao chính phủ cử tôi đi học trong hai năm 1978 và 1979. Sau khi Nam Việt Nam sụp đổ, họ phát hiện ra là tôi sử dụng rất nhiều từ nước ngoài. Tôi cố gắng sử dụng những từ cộng sản mới, nhưng tôi không hiểu chúng. Tôi nói một thứ tiếng Việt cổ xưa. Tôi đã học những từ mới, nhưng đến giờ thì tôi lại quên hầu hết chúng rồi.” Phạm Xuân Ẩn lại bật cười, một tiếng cười sâu sắc trước những điều phi lý của cuộc sống. Cuối cùng Phạm Xuân Ẩn cũng được điều chuyển vào công việc mà trước đó ông đã được Quỹ Á châu chuẩn bị sẵn, khi Trần Kim Tuyến cử ông tới làm việc cho Việt Tấn Xã (VTX), cơ quan thông tấn chính thức của chính quyền, có quan hệ mật thiết với Reuters. Trước khi Phạm Xuân Ẩn chính thức cắt đứt những mối quan hệ của mình với tư cách một đặc vụ tình báo của chính quyền miền Nam Việt Nam, ông được Trần Kim Tuyến, VTX và Reuters đồng thời trả lương. Tại VTX, Phạm Xuân Ẩn được giao phụ trách các phóng viên nước ngoài thường trú ở Sài Gòn. Rất nhiều người trong số họ, không được đào tạo nghiệp vụ báo chí, chưa bao giờ gửi về bài viết nào. Phạm Xuân Ẩn ra lệnh cho họ phải gửi về ít nhất một bài mỗi tuần. Những người này kêu ca với Tuyến, viện cớ rằng công việc làm báo sẽ ngáng trở công việc tình báo - đây mới là công việc thực sự của họ. Ủng hộ Phạm Xuân Ẩn, Trần Kim Tuyến chỉ thị cho các điệp viên nước ngoài của ông ta phải “nghiêm túc trong công việc” và bắt đầu gửi bài giống như Phạm Xuân Ẩn, “dân báo chí chuyên nghiệp”. Tuyến là người đỡ đầu cho Phạm Xuân Ẩn trong ba năm, cho đến khi ông ta mất sạch quyền lực sau một vụ đảo chính bất thành tháng 12 năm 1962. “Cứ khi nào âm mưu một chuyện gì đó là ông ấy lại bàn bạc với tôi,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Khi ông ấy lên kế hoạch tiến hành một vụ đảo chính, ông ấy đề nghị tôi tới văn phòng của mình và giúp ông ấy.” Sau âm mưu đảo chính bất thành, Trần Kim Tuyến trải qua 13 năm tiếp theo trong tình trạng bị giam lỏng tại nhà, suốt ngày ấp ủ ý định hạ bệ hết chính phủ này đến chính phủ khác. Sự ràng buộc bằng tình bạn và nghĩa vụ giữa Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến vẫn bền chặt cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, khi Phạm Xuân Ẩn giúp bạn mình trốn thoát khỏi tay các lực lượng cộng sản đang tiến vào Sài Gòn. “Tôi giúp bác sĩ Tuyến rời khỏi đây, tôi biết mình sẽ gặp rắc rối. Đây là một trùm tình báo, một nhân vật quan trọng cần bắt giữ, nhưng ông ta là bạn tôi. Tôi nợ ông ta. Ông ta đã rất tốt đối với tôi. Ông ta giúp đỡ tôi trong mọi việc.” Phương pháp làm việc của Phạm Xuân Ẩn tiếp tục không hề thay đổi khi ông chuyển từ văn phòng của bác sĩ Tuyến sang VTX và tiếp tục từ đây chuyển sang một vị trí chính thức tại Reuters. Được công nhận là một trong những nhà báo hoạt động năng nổ nhất trong thành phố, luôn sẵn sàng giúp các đồng nghiệp của mình với những quan điểm đầy hiểu biết hoặc những mẩu tin đắt giá, Phạm Xuân Ẩn đã cho người khác thông tin với mục đích để nhận được những thông tin khác. “Thức ăn của họ là thông tin, tài liệu,” Phạm Xuân Ẩn nói về sự tương đồng giữa các nhà báo và các điệp viên. “Cũng giống như lũ chim, người nuôi phải liên tục cho chúng ăn thì chúng mới chịu hót.” “Từ các nguồn quân đội, tình báo, mật vụ, tôi có đủ các loại tin,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Chỉ huy các quân binh chủng trong quân đội, sĩ quan của các lực lượng đặc biệt, hải quân, không quân - tất cả họ đều giúp tôi.” Đổi lại nguồn thông tin dồi dào này, Phạm Xuân Ẩn trao cho những người cung cấp tin ở Nam Việt Nam của ông cũng chính những gì ông gửi cho cấp trên cộng sản của mình. “Chúng tôi thảo luận các tài liệu này. Khi những người Nam Việt Nam cố tìm hiểu ý nghĩa của những tài liệu đó, họ gặp một vấn đề. Họ sẽ phải giải quyết với người Mỹ như thế nào đây?” Khi đó Phạm Xuân Ẩn sẽ quay sang bên kia và cố vấn cho người Mỹ về cách thức làm việc với những người Việt Nam. Đó là một trò chơi lợi dụng lòng tin cấp độ cao, với cái chết lơ lửng trên đầu ông trong trường hợp ông bị phát hiện đang chụp ảnh các kế hoạch chiến lược cùng các báo cáo tình báo được nhét cho ông bởi các nguồn tin Nam Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn vừa nắm chắc tin tức và có các mối quan hệ tốt lại vừa sắc sảo trong việc diễn giải tình hình quân sự chính trị của Việt Nam với những vị khách phương Tây đến nỗi mà Peter Smark, trưởng đại diện văn phòng Reuters tại châu Á, đã thuê ông làm việc năm 1960 trên cương vị phóng viên thường trú tại Việt Nam cho hãng tin này. Được một nhân viên ngân hàng Đức tên là Israel Beer Josaphat thành lập năm 1849, ban đầu Reuters sử dụng chim bồ câu đưa thư để chuyển các báo cáo về chứng khoán. Một thời gian ngắn sau đó lũ chim bồ câu chuyên chở đủ các loại tin tức, và sau khi Josaphat chuyển tới Anh - nơi ông ta tự đổi tên mình thành Nam tước Paul Julius von Reuter - thì Công ty Điện tín Reuter bắt đầu xây dựng một mạng lưới các văn phòng tin tức trên khắp thế giới. Được biết đến nhờ sự nhanh chóng và súc tích, Reuters tuân thủ một phong cách Anh rạch ròi không cảm xúc. Đưa tin sốt dẻo và phản ánh sự việc là hai tôn chỉ song hành của hãng này. Công việc của Phạm Xuân Ẩn là áp tai xuống mặt đất và khai thác những kênh hậu trường bên trong dinh tổng thống để đưa ra cảnh báo sớm về những vụ đảo chính và chống đảo chính, những âm mưu trong dinh tổng thống, các chiến dịch quân sự, các trận oanh kích, triển khai quân đội, thất bại trên chiến trường, và tất cả những thứ khác được đưa tin từ một vùng chiến sự. Khi làm việc cho Reuters trong những năm 1960, Phạm Xuân Ẩn trở thành nhân vật không ai có thể chế ngự được trong thành phố, người biết tất cả mọi điều về tất cả mọi người và được nhìn thấy ở tất cả mọi nơi, trong tất cả các nhà hàng và quán cà phê sang trọng nhất của thành phố, tán gẫu và đùa cợt với tất cả mọi người từ các tướng lĩnh và những viên đại sứ xuống đến những người đạp xích lô quanh vùng hay những cô gái nhảy. Phạm Xuân Ẩn tự biến mình trở thành nhân vật cần tìm đến đối với những người Mỹ mới đến cần nắm qua tình hình và cả với những người kỳ cựu cần được mách nước. Lúc nào ông cũng hào phóng với những lời khuyên và câu chuyện của mình, lúc nào cũng là một nguồn tin tốt mang màu sắc địa phương. Những báo cáo tin tức phát ra khỏi Việt Nam bắt đầu với một thông tin do Phạm Xuân Ẩn cung cấp phải lên đến con số hàng nghìn. Ngày 25 tháng 1 năm 1962, Phạm Xuân Ẩn kết hôn với Hoàng Thị Thu Nhạn, một thiếu nữ bán đồ thêu và những hộp sơn mài trong một cửa hàng trên đường Catinat. Trẻ hơn chồng mười tuổi, bà Thu Nhạn không phải là một trong những déesse của Phạm Xuân Ẩn, những người phụ nữ bảo vệ cho ông thoát khỏi nguy hiểm suốt cả đời, bà cũng không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Phải đến một tháng sau khi lấy nhau Phạm Xuân Ẩn mới kể cho vợ mình vài điều về cuộc sống bí mật của mình. Bà Thu Nhạn không phải là một điệp viên được bố trí với nhiệm vụ thủ tiêu những dấu vết của Phạm Xuân Ẩn trong trường hợp ông bị bắt. Vai trò này được dành cho hai nữ điệp viên khác là Tám Thảo[19] và em gái của bà là Chín Chi[20], người trước đó đã từ chối lời cầu hôn của Phạm Xuân Ẩn. Ông Lê Đức Thọ, một trong những cán bộ cốt cán của Đảng Cộng sản Đông Dương và nhà tư vấn hôn nhân của Phạm Xuân Ẩn, đóng một vai trò không được biết đến trong đời sống gia đình của Phạm Xuân Ẩn, nhưng chắc chắn một điều là đám cưới này đã được Đảng Cộng sản bàn bạc ở những cấp cao nhất. “Bà vợ tôi cũng biết sơ sơ đôi chút, nhưng bả nghĩ tôi làm việc cho cách mạng. Bả chẳng biết gì về tình báo cả.” Phạm Xuân Ẩn trả lời một người phỏng vấn ông năm 2004. Theo lời Phạm Xuân Ẩn, mọi người trong gia đình ông đều có cảm tình với sự nghiệp cách mạng, nhưng vì những lý do an ninh họ đều không được biết về công việc của ông. Em trai kế tiếp ông, Phạm Xuân Hòa, trẻ hơn Phạm Xuân Ẩn bốn tuổi, đã được đào tạo tại Pháp để trở thành thợ sửa chữa máy bay trực thăng. Ông này đang bay trên chiếc máy bay trực thăng của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong một chuyến bay giữa đêm mưa bão năm 1962 thì chiếc máy bay đâm vào dãy núi phía Bắc Sài Gòn và tất cả 13 người trên máy bay đều thiệt mạng. Ngô Đình Diệm không có mặt trong chuyến bay. Em trai út của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Đính, được đào tạo trở thành một luật sư, gặp rắc rối khi bảo vệ cho các tù nhân chính trị và bản thân ông này cũng bị giam cầm một thời gian. Ông này phải đi quân dịch làm lính khuân vác, chuyên chở đạn tại chiến trường cho đến khi Phạm Xuân Ẩn sử dụng những mối quan hệ của gia đình để chuyển người em về làm nhân viên dưới quyền Diệm. “Mọi người trong gia đình đều biết tôi làm việc cho những người cộng sản,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Em trai tôi là Đính cũng muốn tham gia, nhưng tôi nói không.” Tám Thảo, Chín Chi và Phạm Xuân Ẩn ở cùng một cụm chính trị. Ông dạy tiếng Anh cho các cô gái và đến chơi nhà họ để theo đuổi cô tiểu thư Chín Chi xinh đẹp. Họ đã vẫy tay tạm biệt tại sân bay khi ông lên đường sang Mỹ, và họ chào đón ông tại Sài Gòn khi ông quay trở về. Sau khi Phạm Xuân Ẩn đã nằm im mấy tháng trời, Tám Thảo đưa ông tới khu địa đạo ở Tây Bắc Sài Gòn và giới thiệu ông hoạt động trở lại trong mạng lưới tình báo, vốn đã được xây dựng lại sau khi Mười Hương bị bắt. Bà là người giao liên ban đầu của Phạm Xuân Ẩn. Trong căn hộ của bà có một bức tường giả được xây để lẩn tránh cảnh sát, và chỗ ẩn náu này được người đứng đầu cụm tình báo của họ sử dụng trong những lần ông đến Sài Gòn. Bản thân Tám Thảo cũng là một điệp viên, làm thư ký và bạn tâm tình của một số sĩ quan quân đội Mỹ. Chín Chi cũng làm công việc tương tự cho đến khi bà được gọi vào chiến khu năm 1965. Bốn năm sau Tám Thảo cũng được chuyển vào chiến khu, ở đó bà tìm được một người chồng với sự ủng hộ của Đảng và được phép kết hôn. Khi tôi biết được rằng Tám Thảo và Chín Chi, giờ là hai bà góa, đang sống tại Sài Gòn, tôi bèn sắp xếp đến gặp và uống trà cùng với họ. Tôi nhìn thấy hai bà ngồi trên sàn tầng trệt của một ngôi nhà ba tầng ở một con phố yên tĩnh tại một trong những khu dân cư dễ coi của Sài Gòn. Sau khi luồn lách đi qua những chiếc xe máy đỗ trong sân và cởi giày, tôi bước vào phòng khách ở tầng dưới, nơi được bài trí trang trọng với một chiếc ghế xô pha lớn bọc màu đỏ và những chiếc ghế phụ được phủ lớp lót đăng ten. Trên một chiếc tủ cổ bằng gỗ gụ là bàn thờ gia tiên. Bên trong chiếc tủ, ngoài những đồ lưu niệm khác, là một bức tượng Nữ thần Tự do nhỏ mà Tám Thảo cho tôi biết là bà vừa mới mua trong một chuyến đi sang Mỹ. Cả hai người phụ nữ đều mảnh dẻ và trang nhã, với mái tóc được búi cẩn thận. Là một phụ nữ cao ráo với khuôn mặt thanh tú, cân đối, Chín Chi mặc một bộ quần áo lụa trắng dập nổi hình những bông hoa và được tô điểm thêm với những nút áo bằng xương và viền quần áo màu đen. Tôi có thể thấy rằng bà đã từng có thời là một người đẹp lộng lẫy, với cặp môi đầy đặn, gợi cảm, gò má cao, và đôi mắt màu nâu mở to. Còn bây giờ bà có mái tóc bạc như sương và dáng vẻ nhũn nhặn của một cô thiếu nữ luôn để người lớn hơn nói thay cho mình. Bà và Tám Thảo là mẫu những bà mệnh phụ chỉn chu lẽ ra có thể đang tán gẫu với tôi về câu lạc bộ chơi bài của mình, nhưng thay vào đó họ lại đang kể lại về cuộc đời làm điệp viên và chiến sĩ trong chiến khu của mình. Sinh cách nhau một năm, hai cô gái đang là những thiếu nữ học tiếng Anh và tiếng Pháp tại trường lycée Gia Long ở Sài Gòn khi họ gặp Phạm Xuân Ẩn, người lớn hơn Tám Thảo bốn tuổi. Ông dạy kèm tiếng Anh cả hai chị em và phải lòng cô em Chín Chi. Sau khi các cô gái """