" Điển Cố Truyện Và Thơ - Phan Thế Roanh full prc pdf epub azw3 [Thơ Ca] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Điển Cố Truyện Và Thơ - Phan Thế Roanh full prc pdf epub azw3 [Thơ Ca] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : ĐIỂN CỐ TRUYỆN VÀ THƠ Chủ trương : PHAN THẾ ROANH Nhà xuất bản : NAM-SƠN HÀ-NỘI Năm xuất bản : 1953 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : Hanna Lê, Vũ Đình Hào, Chau1011, Aprilicious, Martian_K, Robinson1412, nonliving, green@, Mekhoaibi, gacondeptrai, Dũng PC, Hường, thuhang1319, nth_9195, Kim Như Kiểm tra chính tả : Trần Lê Nam, Nguyễn Xuân Huy, Vũ Thị Diễm Tuyết, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Văn Huy Biên tập chữ Hán – Nôm : Lý Hồng Yến Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 30/11/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm các tác giả và nhà xuất bản NAM-SƠN đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC MẤY LỜI NÓI ĐẦU HỨA TUẤN – LIỄU CHƯƠNG-ĐÀI (TÌNH SỬ) VU-LIÊN-SÚY – KHÁCH QUA ĐƯỜNG (TÌNH SỬ) DƯƠNG-TỐ – GƯƠNG VỠ (TÌNH SỬ) VÂN-ANH – CẦU LAM VU-HỰU – LÁ THẮM (TÌNH SỬ) VI-CỐ – CHỈ HỒNG (TÌNH SỬ) BÁ-NHA, TỬ-KỲ – KIM-CỔ KỲ-QUAN VI-CAO, NGỌC-TIÊU (DỊ-VĂN) LANG-NGỌC-TRỤ – MÊ SÁCH (LIỄU-TRAI) DƯƠNG-QUÍ-PHI – LỜI THỀ THẤT-TỊCH (TÙY-ĐƯỜNG) LÝ THÁI BẠCH-KIM-CỔ KỲ-QUAN MẠNH-QUANG (TÌNH-SỬ) LÃ-BẤT-VI – TÂY HÁN CHÍ TRANG-TỬ GÕ CHẬU – KIM-CỔ KỲ-QUAN TRẦN-HẬU-CHỦ (TÙY ĐƯỜNG) THÔI-HỘ – HOA ĐÀO NĂM NGOÁI (TÌNH-SỬ) HOÀNG-SÀO (TÀN ĐƯỜNG) THẠCH-SÙNG (ĐÔNG-TÂY-TẤN) LÝ-ÍCH VÀ TIỂU-NGỌC (TÌNH-SỬ) TRÁC-VĂN-QUÂN (TÌNH-SỬ) PHAN THẾ ROANH CHỦ-TRƯƠNG ĐIỂN CỐ TRUYỆN VÀ THƠ THƯỜNG DÙNG LÀM VĂN-LIỆU NAM-SƠN HÀ-NỘI XUẤT-BẢN IN LẦN THỨ NHẤT 1953 PHAN-THẾ-ROANH GIỮ BẢN-QUYỀN NHỮNG SÁCH ĐÃ IN CỦA THANH-HOA THƯ-XÃ I. TÁC GIẢ : PHAN-MẠNH-DANH 1. Bút hoa. – Thơ tập-cổ, dầy 180 trang, 1 ảnh, 1 trang hải-thảo chính tác-giả vẽ. In lần thứ hai năm 1953. Giá 30$. Hiệu sách Trường-thi, 48b phố Mỹ quốc Hà-nội phát-hành. 2. Xuân mộng. – Thơ diễm-tình, do Thi-sĩ Tôn-Thất Lương chú-giải, dầy 220 trang, 1 ảnh, 1 trang mẫu-đơn Giang-nam, chính tác-giả vẽ. In lần thứ hai năm 1953. Giá 36$. Hiệu sách Trường-thi, 48b phố Mỹ quốc Hà-nội phát hành. 3. Cổ thi trích dịch. – Thơ cổ, từ Hán, Sở, qua Đường, Ngũ-đại, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, dịch nôm theo nguyên điệu, có nhiều truyện ngắn rất hay, để giúp ích cho sự tìm hiểu câu thơ, dầy 170 trang, 1 ảnh, 1 tranh mai-điểu, chính tác giả vẽ. In lần thứ nhất năm 1953. Giá 30$. Hiệu sách Trường-thi, 48b phố Mỹ quốc Hà-nội phát-hành. 4. Tình sử. – Truyện ngắn ly-kỳ với thơ từ tuyệt-tác của Tàu, dịch theo nguyên-điệu, dầy 128 trang. In lần thứ nhất năm 1953, Thanh-Hoa thư-xã xuất-bản. Giá 16$. Hiệu sách Trường-thi, 48b phố Mỹ quốc Hà-nội phát-hành. II. TÁC GIẢ : PHAN-THẾ-ROANH 1. Điện học. – Lớp đệ tứ Trung-học có bài giảng, toát yếu, bài tập, đã được Bộ Quốc-gia Giáo-dục chuẩn nhận làm sách giáo-khoa dùng trong các trường, dầy 236 trang. In lần thứ ba năm 1953. Nam-Sơn số 63 phố Hàng Giấy Hà-nội xuất-bản và phát hành Giá 25$. 2. Từ-học. – Lớp đệ tứ Trung-học, có bài giảng, toát yếu, bài tập, đã được Bộ Quốc-gia Giáo-dục chuẩn nhận làm sách giáo-khoa dùng trong các trường, dầy 34 trang. In lần thứ tư năm 1954. Văn-Hồng-Thịnh, 112 Hàng Bông Hà-nội xuất-bản và phát hành Giá 5$. 3. Hóa học hữu cơ. – Lớp đệ tứ Trung-học, có bài giảng, toát yếu, bài tập, dầy 142 trang. In lần thứ hai năm 1953. Nam-Sơn, 63 Hàng Giấy Hà-nội phát hành. Giá 20$. 4. Quang học. – Lớp đệ tứ Trung-học có bài giảng bài tập, tạp-trở, đã được Bộ Quốc-gia Giáo-dục chuẩn-nhận làm sách Giáo khoa dùng trong các trường, dầy 150 trang. In lần thứ ba năm 1954. Nhà in Nam-Sơn, 63 Hàng Giấy Hà-nội xuất-bản và phát hành. 5. Điển cố tập 1. – Truyện lạ, thơ hay, thường dùng làm điển trong Việt-văn. Nam-Sơn 63 Hàng Giấy Hà nội xuất-bản và phát hành. MẤY LỜI NÓI ĐẦU Thơ-văn của ta ngày trước, cũng như của Tàu, có nhiều đặc-tính : ý-tứ dồi dào tuy lời văn thưa-thớt, điều nhận-xét được chứng-dẫn phân-minh, câu nhạt-nhẽo thì tô nên vẻ đặm-đà, mà chiều thô-lậu cũng đổi ra màu thanh-nhã. Đó là kết-quả của một phương-pháp đặc-biệt : tác-giả thường nhắc tới thơ-văn cũ hoặc sự-tích xưa. Thơ-văn ấy, sự tích kia, gọi là ĐIỂN-CỐ, mà phép làm văn như thế, gọi là DỤNG ĐIỂN. Cho nên muốn hiểu thấy thơ-văn cổ nước nhà, tất ta phải biết điển. Gần đây, đã có những lời chú-thích ghi-chép ngay trong nhiều tập thơ-văn, hoặc biên-soạn thành mấy quyển từ-điển rất quí. Nhưng chúng tôi còn mong có thêm một BỘ ĐIỂN CỐ CHÍNH CỔ-NHÂN BIÊN-CHÉP, vừa kỹ vừa vui, dễ lôi cuốn cả những người không hay để ý đến thơ-văn cổ. Muốn đạt được mục-đích ấy, chúng tôi trộm nghĩ : phải góp-nhặt những truyện ngắn ly-kỳ với thơ-từ tuyệt-tác, trong sách chữ Hán, mà nhà văn của ta hay dùng làm điển, đem dịch ra nôm, câu truyện không thêm-bớt, thơ-từ theo nguyên điệu ; những truyện ngắn ấy thường là bài chép sẵn-sàng, lấy được nguyên-vẹn, nhưng có khi là nhiều đoạn rải-rác trích ra rồi ghép lại với nhau. Vả trên đầu mỗi truyện, có in những câu văn hay của nhiều tác-giả đã dùng truyện ấy làm điển. Như vậy, nhà sưu-tầm có thể thấy được những chi-tiết khá đầy-đủ, và so-sánh được những cách dùng điển của nhiều tác-giả khác nhau ; người giải-trí ham đọc truyện lạ thơ hay, nhớ được dễ-dàng, rồi dần-dần có thêm kiến-thức để hiểu thơ-văn cổ, mà không ngờ rằng khi giải-trí kia, chính là khi học-tập. Quan-niệm về một bộ Điển-cố như vậy, vào hồi 1941, chúng tôi có trình với gia-tiên-nghiêm, tác-giả Bút-hoa thi thảo, để xin thực-hiện ngay. Nhưng sự phiên-dịch mới bắt đầu, thì dịch-giả phút đà tạ-thế. Sau, chúng tôi đã góp sức với mấy nhà ưa-chuộng thơ văn cổ để tiếp-tục công-việc : vừa xong được 80 điển theo thứ-tự A B C, thì cuộc chiến-tranh làm cho phải bỏ dở, mà bản-thảo cũng bị thất-lạc. Nay chúng tôi lại theo đường-lối cũ để thu-thập tài-liệu. Được đến đâu, in ra đến đấy thành tập nhỏ, chờ khi trọn bộ mới lập thành mục-lục tổng-quát theo thứ-tự A B C. Vậy những bài sau đây, của nhiều dịch-giả, sẽ không xếp theo mục-loại nào, chỉ cốt cho dài-ngắn xen nhau, lỗi văn thay-đổi, để các bạn thấy vui mà ham đọc. Hà-nội, tháng Mạnh-đông, năm Quí-tị 1953 PHAN-THẾ-ROANH ĐIỂN CỐ – TẬP 1 典故 HỨA TUẤN – LIỄU CHƯƠNG-ĐÀI (TÌNH SỬ) - Khi về hỏi Liễu Chương-đài, Cành xuân đã bẻ cho người chuyên lay. (KIM-VÂN-KIỀU) - Xanh xanh khóm liễu Chương-đài, Tiếc thay đã để cho ai vin cành. (THỊ-KÍNH) - Châu rơi có nhẽ phục-hoàn, Cùng mong Liễu lại tay Hàn mai nay. (THỊ-KÍNH) Về đời Đường có một người danh sĩ, tên là Hàn-Hoành, tính người điềm-đạm, từ khi còn nhỏ đã tự-phụ là một bậc tài-hoa. Năm Thiên-Bảo, thi đỗ Tiến-sỹ, song vẫn ở vào cảnh bần-hàn, thực là vách nứa soi giăng, nhà gianh treo khánh. May được một ông láng giếng là Lý-tướng-quân, khi nào có rượu ngon, cũng mời sang uống. Hàn cho Lý-tướng-quân là một người hào-phóng, nên coi như bạn thân, và năng đi-lại chuyện-trò. Lý-tướng-quân có một nàng hầu, họ Liễu, vốn là danh-kỹ một thời. Người hầu ấy, ngày thường hé vách nhìn Hàn Hoành xem chiều ăn-ở, thấy chàng tuy nhà gianh vách nát mà tính hay đãi khách, hễ thấy khách đến thì cố ý mời-chào. Nhân khi thanh-vắng, Liễu-thị nói với Lý-tướng-quân rằng : « Hàn-Hoành là một bậc danh-sĩ, dẫu rằng cùng-quẫn, song bạn-bè toàn là những bậc tài-danh, có lẽ nào nghèo khổ mãi. Tướng-quân nên giúp-đỡ người ta ». Lý-tướng-quân nghe qua mà chẳng đáp. Một hôm, Lý tướng-quân làm tiệc rượu thật lớn, mời Hàn-Hoành đến dự. Lúc rượu xong, mới bảo Hàn-Hoành rằng : « Tiên-sinh vốn là danh-sĩ, mà Liễu-thị cũng là danh-sắc ; danh-sĩ cùng với danh-sắc sánh vai, thì thực vừa đôi phải lứa ». Rồi bắt Liễu-thị ra tiếp rượu Hàn. Hàn e-e thẹn-thẹn, cố từ chẳng dám đương. Lý-tướng-quân bèn nói : « Kẻ trượng-phu ở bên chén rượu gặp nhau, đã một nhời tâm-phúc, thì chết cũng chẳng quản gì, phương chi một người đàn-bà, đủ chi từ chối ». Hàn không thể đừng được, đành phải vâng nhời. Lý-tướng-quân lại nói : « Tiên-sinh cam chịu cảnh nghèo hèn, thì phấn-chấn làm sao được. Liễu-thị có vài trăm vạn, cũng có thể tựa nương ». Rồi quay lại bảo Liễu-thị rằng : « Nàng là người giỏi giang, phải thờ chồng cho hết đạo ». Hàn lúc ấy phân-vân trong dạ, song Liễu-thị nét mặt vui vẻ mà bảo rằng : « Lý-tướng-quân là người hào-dật, hôm qua đã bảo với thiếp rồi, chàng chớ nên nghi-ngại ». Hàn bèn cùng Liễu-thị ra về. Hai năm sau, có quan Tiết độ ở Phan-thành, tên là Hi-Dật, tâu cho Hàn làm viên-ngoại. Lúc ấy Triều-đình lắm việc, Hàn không dám cho vợ đi theo, phải tạm để ở Đô-hạ ít lâu. Khi kỳ hẹn đã qua, Hàn không thấy vợ đến. Hơn ba năm nữa cũng chẳng gặp nhau. Một hôm, Hàn lấy vàng lụa bỏ vào trong một cái hòm, đề một bài thơ gửi về cho vợ : Đài-chương kia, cây liễu ấy, Trước xanh nay có còn nguyên vậy ? Tơ dài phỏng vẫn rủ như xưa, Hẳn chịu tay người đà bẻ gẫy. Nguyên tác : Chương đài liễu, Chương đài liễu, Tích nhật thanh thanh kim tại phủ Túng sử trường điều tự cựu thùy, Dã ưng phan chiết tha nhân thủ. 章臺柳章臺柳 昔日青青今在否 縱使長條似舊垂 也應攀折他人手 Khi Liễu-thị nhận được, chưa tiện đi ngay, cho nên cũng đáp lại bằng một bài thơ : Cành liễu này tươi tốt đấy, Tặng biệt năm năm buồn biết mấy ! Chiếc lá vàng bay chợt báo thu, Chàng dẫu có về khôn bẻ lấy. Nguyên tác : Dương liễu chi, phân phi tiết, Khả hận niên niên tặng ly biệt. Nhất diệp tùy phong hốt báo thu, Túng sử quân lai khởi kham chiết. 楊柳枝芬菲節 可恨年年贈離別 一枼随風忽報秋 縱使君來豈堪折 Liễu-thị nghĩ mình nhan-sắc, mà ở một mình, sợ cũng khó lòng giữ nổi, dắp toan cắt tóc ở chùa. Khi Hàn theo Hi Dật vào chầu, có ý dò-la thăm-hỏi để tìm Liễu-thị, nhưng mà tăm cá bóng chim. Mãi sau mới biết rằng nàng đã bị tướng Phiên là Sa-Trá-Lỵ bắt làm thiếp. Một hôm, Hàn đi vào các Trung-Thư, đến góc thành phía đông-nam, chợt gặp một cái xe đi qua, nghe có tiếng người ở trong xe hỏi rằng : Có phải Hàn viên-ngoại ở Thanh-châu đấy không ? » Hàn đáp : « Phải ». Người trong xe mở màn ra trông Hàn, sụt-sùi mà nói : « Thiếp là Liễu-thị, đã mắc vòng Sa-Trá-Lỵ bấy lâu, tự biết cá chậu chim lồng, khôn đường thoát khỏi. Nếu chàng nghĩ tình xưa nghĩa cũ, thì ngày mai xin cứ đường này đón thiếp để cho thiếp gửi lại một nhời ». Hàn về nhà rất đỗi ngậm-ngùi. Hôm sau y hẹn đến đón. Vụt thấy một chiếc xe đi qua, bên trong ném ra một gói, mở ra xem thì là một hộp nước hoa, ngoài bọc khăn điều, Liễu thị thấy Hàn, nước mắt như mưa, chỉ nói được một câu rằng : « Chàng ơi, cách tuyệt từ đây, còn mong bao giờ gặp mặt ». Hàn chưa kịp đáp, thì « một xe trong cõi hồng trần như bay », mắt với trông theo, hai hàng lệ ứa. Cách ít lâu thì Lâm-truy đại hội, bạn bè Hàn đặt tiệc tại cao-lâu, có viết thiếp mời. Hàn y hẹn đến, song trong lòng thương-cảm, sắc mặt không vui. Khi uống rượu, người trong tiệc đều hỏi rằng : « Hàn viên-ngoại vốn cười-nói phong-lưu, lúc nào cũng vui-vẻ, nay sao dường có dáng lo-buồn ? » Hàn mới đem hết chân-tình giãi-tỏ. Lúc ấy có Ngu-hầu Hứa-Tuấn, người còn trẻ tuổi, khí phách hào-hùng, bỏ chén rượu xuống mà nói rằng : « Tuấn nay nghĩa-liệt là lòng, ngay giữa đường gặp việc bất-bình cũng còn giúp-đỡ. Nếu Hàn viên-ngoại viết cho mấy chữ, thì châu kia Hợp-phố sẽ đem về ». Nhân Hứa-Tuấn nói thế, mọi người cũng đều đồng-thanh khuyến-khích. Hứa-Tuấn giục Hàn viết thư, rồi đóng đồ cho ngựa, lại dắt thêm một con ngựa nữa theo sau, mà đi tắt lại nhà Sa-Trá-Lỵ. Khi đến, thì vừa lúc Sa-Trá-Lỵ đi chơi vắng, Hứa-Tuấn bèn bảo người canh cửa rằng : « Sa-tướng-quân ngã ngựa, cho tôi đem ngựa về đón Liễu-phu-nhân ». Liễu-thị sợ chạy ra, Hứa-Tuấn đưa thư của Hàn làm tin, rồi cắp Liễu-thị lên yên, vượt đường tắt mà về. Tiệc rượu chưa tan, mà Hứa-Tuấn đã đem Liễu-thị đến bảo Hàn rằng : « May không nhục mạng ». Lúc bấy giờ Sa-Trá-Lỵ có công, vua Đại-Tôn rất yêu đương và hậu-đãi. Những người ở đấy sợ thành cháy vạ lây, dắt nhau đến nói cùng Hi-Dật. Hi-Dật nghe nói, vểnh râu dài cổ, cả giận mà rằng : « Những việc bất bình như thế trước kia ta đã thường làm, ai ngờ Hứa-Tuấn mà cũng có những cử-chỉ đó ». Bèn lập-tức dâng biểu hạch tội Sa-Trá-Lỵ đã hiếp-đoạt vợ người, mà Hứa-Tuấn là chàng nghĩa-hiệp. Vua Đại-Tôn tấm-tắc khen ngợi, ngự bút châu-phê rằng : « Cho Sa-Trá-Lỵ lụa tấm hai ngàn, mà Liễu-thị cho về với Hàn-Hoành ». PHAN MẠNH DANH dịch VU-LIÊN-SÚY – KHÁCH QUA ĐƯỜNG (TÌNH SỬ) - Có điều chi nữa mà ngờ, Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu. (KIM-VÂN-KIỀU) - Vả nơi rốn bể cửa hầu, Ra vào vì nỗi thẳm-sâu ngại-ngùng. (HOA-TIÊN) Ở Hán-thượng có một người tên gọi Thôi-Giao, thi đỗ tú tài, văn-chương uẩn-tạ, song nhà rất nghèo-nàn. Một người cô Thôi-Giao cũng rất nghèo, có nuôi được một người tỳ, vốn là mỹ-nhân ở Hán-nam, lại giỏi cả thơ-từ ca-hát. Thôi-Giao yêu-mến nàng vô-cùng. Sau vì quẫn-bách quá, nên người cô phải bán nàng cho Vu-Liên-Súy lấy bốn mươi vạn quan tiền. Khi nàng về hầu Liên-Súy, được Liên-Súy rất mực yêu-đương và hay được thưởng hậu lắm. Còn Thôi-Giao đêm-ngày nhớ tưởng khôn khuây, biếng ăn quên ngủ, đến nỗi thành bệnh. Nhiều khi phải gượng ra đứng trước cửa phủ Liên-Súy để hòng được trông thấy mặt nàng. Một hôm, nàng nhân tiết Hàn-thực đi chơi, gặp Thôi-Giao ở dưới khóm cây dương-liễu. Trong khi hai người được thấy mặt nhau, nước mắt như mưa, nghĩa cũ tình xưa, nói lại nói mà nhời khôn hết. Lúc nàng về, Thôi-Giao tặng-biệt một bài thơ rằng : Người theo gót ngọc bụi bay vàng, Kẻ ướt khăn là lệ chứa-chan. Vào cửa hầu kia sâu tựa bể, Chàng Tiêu rày cũng khách qua đường. Nguyên tác : Công tử vương tôn trục hậu trần, Lục-Châu thùy lệ thấp la cân. Hầu môn nhất nhập thâm như hải, Tùng thử Tiêu-lang thị lộ nhân. 公子王孫逐後塵 綠珠垂淚濕羅巾 侯門一入深如海 從此蕭郎是路人 Có kẻ ghét Thôi-Giao đem bài thơ ấy đề vào vách phủ. Liên-Súy đi qua đó, trông thấy thơ, ngâm-đọc mấy lượt, bèn sai lính đòi Thôi-Giao. Lúc ấy tả-hữu chẳng ai hiểu ý thế nào. Thôi-Giao vừa lo vừa hối, không biết trốn đi đâu, bất-đắc-dĩ phải vào hầu, cúi đầu quì lạy. Liên-Súy cầm tay đỡ dậy mà rằng : « Vào cửa hầu kia sâu tựa bể Chàng Tiêu rày cũng khách qua đường ». Câu thơ ấy có phải nhà thày làm không ? Bốn mươi vạn quan tiền có là bao ? Tiếc gì một bức thư, mà thày không nói trước. Bèn cho nàng lấy thêm đồ tư-trang, ăn mặc rất đẹp để về với Thôi-Giao. Từ đấy Thôi-Giao trở nên giầu-có. Sau lại có người khách ở Linh-lăng đến mách Liên-Súy rằng : Nhung-Lạp Sứ-quân có một danh-ca, hát rất hay, mà người rất đẹp. Liên-Súy bèn cho giấy đến đòi. Nhung-Lạp Sứ- quân không dám trái lời, phải cho người danh-ca ấy đi, hơn một tháng giời mới đến. Khi Liên-Súy bắt hát, thì người danh-ca hát ngay bài của Nhung-Lạp Sứ-quân tặng-biệt : Đã sửa quần-thoa lại vẽ mày, Vẽ rồi lệ ứa muốn làm mây. Khuyên ai chiều ý Trương-Vương đó, Chớ tưởng đài Dương giấc mộng say. Nguyên tác : Bảo-điến hương nga phỉ thúy quần, Trang thành yểm khấp dục hành ván. Ân-cần hảo thủ Trương-Vương ý, Mạc hướng Dương-đài mộng Sứ-quân. 寶鈿香蛾翡翠裙 粧成掩泣欲行雲 慇懃好取襄王意 莫向楊臺夢使君 Liên-Súy nghe hát, liền hối mà nói rằng : « Đại-trượng phu đã chẳng hay dựng nghiệp lớn, để danh-tiếng về sau, lại cướp vợ yêu của kẻ khác để vui thú lấy một mình, thật là không phải đạo ». Liên-Súy bèn lấy vàng lụa tặng người danh-ca, rồi cho về với Sứ-quân. Lại tự tay viết thư đến Sứ-quân để tạ lỗi. PHAN MẠNH DANH dịch * LỜI GHI THÊM Tỳ thường là tớ gái. Cũng có nghĩa là nàng hầu, để nâng khăn sửa túi cho chủ nhân, kém thiếp tức vợ lẽ. Các nhà quyền-quí hay có những người tỳ, gọi là chị. Lục-Châu là hầu yêu của Thạch-Sùng, có nhan-sắc tuyệt thế. Trong bài thơ, Thôi-Giao đã mượn tên ấy để ám-chỉ nàng tỳ. Tiêu-lang, dịch nôm là chàng Tiêu, không phải là Tiêu-Sử đời Chiến-quốc, vì thổi sáo hay, mà lấy được Lộng-Ngọc, con gái Tần-Mục-Công. Đó là một chữ phiếm-xưng, có nghĩa là anh khóa, cũng như chữ Tiêu-nương có nghĩa là cô ả vậy. Thơ của Dương-Cự-Nguyên đời Đường vịnh Thôi-Oanh Oanh có câu : Phong-lưu tài-tử đa xuân tứ Trường đoạn Tiêu-nương nhất chỉ thư. Nghĩa là những người tài-tử phong-lưu, có tứ thưởng xuân, tức yêu hoa, thì đều đứt ruột vì một bức thư của Tiêu nương, của cô ả, tức Thôi-Oanh-Oanh. Khi Thôi-Giao thương-nhớ một người tỳ đã ở một nơi quyền-quí, thì đâu dám gọi rõ tên nàng, đâu dám tự xưng tên mình. Lẽ tất-nhiên phải mượn tên một mỹ-nhân để chỉ nàng tỳ, và lấy danh-từ phiếm-xưng để tự chỉ mình. Phép làm thơ như thế gọi là giả-danh thác-từ, nghĩa là mượn người mà ví, mượn lời mà nói. Nhiều thi-sĩ hay nhắc tới câu thơ thứ ba thứ tư của Thôi Giao, để nói người nhan-sắc, vào ở nơi quyền-quí, xa-cách chốn nhân-gian, hoặc có vẻ hững-hờ với tri-âm cũ. Truyện Vu-Liên-Súy dịch trên, là trích ở sách Tình-sử về loại Tình-hiệp. Trong sách Hán-thư cũng chép rằng : Thôi Giao có người tỳ bán cho Liên-Súy. T.H.T.X. DƯƠNG-TỐ – GƯƠNG VỠ (TÌNH SỬ) - Bây giờ gương vỡ lại lành, Khôn thiêng lừa-lọc đã dành có nơi. (KIM-VÂN-KIỀU) - Mảnh gương ai bẻ làm hai, Biết đâu mà được giải-bầy duyên do. (HOA-TIÊN) Lạc-Xương Công-chúa là em vua Trần-Hậu-Chúa Thúc Bảo, và là vợ Từ-Đức-Ngôn, làm chức Sá-nhân của Đông Cung nhà Trần. Bà là một thiếu-phụ thơ-từ nức tiếng, tài-sắc hơn người. Gặp lúc nhà Trần bị nhà Tùy đánh, Từ-Đức-Ngôn tự nghĩ vợ-chồng khó được trọn-vẹn cùng nhau, bèn bảo vợ rằng : « Tài-sắc dường ấy, hễ nước mất, Công-chúa hẳn lọt vào tay nhà quyền-hào, còn mong gì sum-họp với nhau được nữa. Nhưng nếu chưa rứt hẳn mối tình và còn mong thấy mặt nhau, tất phải có vật gì làm tin ». Chàng bèn đập một cái gương ra làm hai, mỗi người giữ một mảnh, rồi hẹn rằng : « Về sau, cứ nhớ ngày rằm tháng giêng, đem mảnh gương ra bán ở chợ Kinh-đô. Nếu ta có đấy, thì sẽ tìm gặp nhau được ». Đến khi nhà Trần mất nước (dương-lịch 589) Lạc-Xương Công-chúa quả vào tay danh-tướng nhà Tùy là Việt-Công Dương-Tố. Bà được yêu-mến lạ dường, đãi-đọa rất hậu. Còn Đức-Ngôn thì lưu-lạc gian-nan, trăm phần cay đắng ; sau trải bao sương-tuyết mới đến được kinh-đô. Chàng y hẹn ngày rằm tháng giêng ra chợ để dò-la thăm-hỏi. Chợt thấy một người ăn-mặc ra dáng đầy-tớ, đem bán một mảnh gương nói giá thật cao, cả chợ cho là xuẩn. Đức-Ngôn mời người ấy đến một nơi, cơm rượu đãi xong, kể hết chân-tình, rồi đem mảnh gương của mình ra ghép lại với mảnh kia, thấy liền nhau như một. Bèn nhờ người ấy đưa hộ một bài thơ về : Gương với người đều vắng, Thấy gương chẳng thấy người. Chị Hằng còn lánh mặt, Chỉ có bóng giăng soi. Nguyên tác : Chiếu dữ nhân câu khứ, Chiếu qui nhân bất qui. Vô phục Hằng-Nga ảnh, Không lưu minh nguyệt huy. 照與人俱去 照歸人不歸 無復姮娥影 空留明月輝 Công-chúa được thư thì giọt lệ chứa-chan, mùi ăn chẳng nhớ. Dương-Tố biết ý thương tình, mời Đức-Ngôn đến, hậu tặng cho lụa vàng và nói rõ muốn đem Công-chúa giả lại cho. Ai nghe thấy thế cũng đều thán-phục. Một hôm, Dương-Tố mở tiệc, cùng ngồi uống rượu với Công-chúa và Đức-Ngôn. Nhân ép Công-chúa làm thơ, thì bà liền ứng-khẩu đọc lên một bài : Ngày nay sao dời-đổi Người mới lại người xưa ; Khóc dở thêm cười dở, Việc đời đã khó chưa. Nguyên tác : Kim nhật hà thiên thứ Tân quan đới cựu quan Tiếu đề câu bất cảm Phương nghiệm tố nhân nan. 今日何遷次 新官對舊官 笑啼俱不敢 方驗做人難 Dương-Tố bèn cho Công-chúa về Giang-nam cùng với Đức-Ngôn giai-lão. PHAN-MẠNH-DANH dịch VÂN-ANH – CẦU LAM - Chầy sương chưa nện cầu Lam, Sợ lần-khân quá ra sờm-sỡ chăng. (KIM-VÂN-KIỀU) - Mảng nghe họ Mãng gần miền, Lam-kiều là chốn thần-tiên có người. (THỊ-KÍNH) - Chốn Lam-kiều cách nước mây, Bùi-Hàng chưa dễ biết đây chốn nào. (PHAN-TRẦN) Năm Trường-Khánh triều Mục-Tôn đời Đường (Dương-lịch 821-825) có một người tú-sĩ tên là Bùi-Hàng, bị hỏng thi, đi chơi Ngạc-chử thăm bạn cũ. Khi về, được bạn tặng nhiều tiền, thuê thuyền tiện thể đi Tương-hán và Ngọc kinh. Cùng thuyền ấy, cũng đi Tương-hán, có Phàn-phu-nhân và một thị tỳ là Đảo-Yên theo hầu. Bùi-Hàng thấy phu-nhân có sắc khuynh-thành, ý muốn thân-cận, nhưng không có kế gì. Sau làm thơ để dò ý, rồi cho tiền người thị tỳ đưa hộ : Kẻ Hồ người Việt còn thương-nhớ Huống cách người tiên chỉ bức mành Ví được Ngọc-kinh cùng nối gót Xin theo loan hạc đến mây xanh. Nguyên tác : Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình Thảng nhược Ngọc-kinh triều hội khứ Nguyện tùy loan hạc nhập thanh vân. 同為胡越猶懷想 况遇天仙隔錦屏 倘若玉京朝會去 願隨鸞鹤入青雲 Thơ đưa rồi mà đợi mãi không thấy trả lời. Bùi-Hàng lại hỏi người thị-tỳ, thì nàng nói : « Nương-tử có xem thơ, nhưng ra vẻ không muốn nghe, thì làm thế nào ? » Bùi-Hàng bèn ra chợ mua những rượu ngon, quả quí, đem về biếu. Phu-nhân thấy vậy, sai thị-tỳ mời chàng lại chơi. Đến gần, thấy phu-nhân rất đẹp, mặt ngọc da ngà, môi son má phấn, mắt phượng mày ngài, mà cách nói-năng cử chỉ, thật là người tiên, chắc rằng không bao giờ chịu kết duyên với người phàm, chàng bèn vái mà hỏi : « Nương-tử cho gọi có việc gì ? » Nàng nói : « Phu-quân tôi nay ở Hán-nam, định từ quan về ẩn chốn sơn-lâm, nên gọi tôi về để bàn-định. Nay lại cùng đi một thuyền với chàng, dẫu có ai sơ-xuất điều gì, tôi cũng không để ý ». Nói rồi liền rót rượu mời uống. Bùi-Hàng uống xong, từ lui ra. Sau phu-nhân lại gửi cho một bài thơ : Một chén quỳnh-tương dễ cảm-tình Chày sương giã thuốc gặp Vân-Anh Lam-kiều là chốn thần-tiên đấy Len-lỏi làm chi đất Ngọc-kinh Nguyên tác : Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh Huyền sương đảo tận kiến Vân-Anh Lam kiều tự hữu thần tiên quật Hà tất khi khu thượng Ngọc-kinh 一飲瓊漿百感生 玄霜搗盡見雲英 蓝橋自有神仙窟 何必崎嶇上玉京 Bùi-Hàng xem thơ không hiểu ý. Khi thuyền đến Tương hán mọi người đều lên cả. Bùi-Hàng muốn tìm phu-nhân để chào, thì chẳng thấy đâu, mà cũng không biết phu-nhân đi lối nào. Chàng bèn thu-xếp hành-trang rồi thuê xe ngựa đi Ngọc-kinh. Lúc đến trạm Lam-kiều thì khát nước lắm, phải xuống xe đi tìm nước uống. Chợt thấy ở bên đường có mấy nóc nhà tranh, Bùi-Hàng bèn vào xin nước. Một bà cụ gọi Vân-Anh đi lấy nước. Lúc bấy giờ chàng mới nghĩ ra câu thơ của Phu nhân có chữ Vân-Anh, nhưng vẫn chưa hiểu rõ ra sao. Sau thấy trong rèm đưa ra một bình nước, chàng tiếp lấy uống, thấy mùi hương thơm nức, thực là một thứ nước quí. Nhân lúc đưa trả bình, chàng nhìn rõ được người con gái, mới biết là một trang nghiêng nước nghiêng thành, trần-gian chưa thấy ai đẹp thế. Chàng như bị hồn xiêu phách tán, không muốn bước chân ra đi ; bèn nói với bà cụ rằng : « Vì đường xa dặm thẳng, đầy tớ và ngựa đều có vẻ mệt cả ; vậy xin cụ cho lưu-trú lại đây ít lâu để nghỉ ngơi ăn-uống, liệu có được không ? » Bà cụ đáp : « Xin tùy ý ». Bấy giờ mới cho người nhà và ngựa ăn-uống. Sau chàng lại nói với bà cụ rằng : « Không dám giấu cụ, tôi trông thấy nương-tử đây, rất đem lòng yêu-mến, cho nên trù-trừ không thể ra đi được. Tôi xin nộp hậu lễ để xin làm rể cụ ». Bà cụ đáp : « Tôi nay đã già, chỉ có một người cháu gái ấy thôi. Trước kia tiên có cho tôi một thứ thuốc, và bảo rằng phải có cái chày bằng ngọc, giã đủ trăm ngày, thì mới uống được và mới tràng-thọ. Tôi định hễ ai hỏi cháu, phải có cái chày bằng ngọc ấy, tôi mới gả, còn vàng-bạc châu-báu thì tôi chả lấy làm gì ». Bùi-Hàng tạ mà nói : « Xin vâng ». Bùi-Hàng lập-tức đi ngay. Khi đến Kinh, không còn nghĩ đến việc gì, chỉ ngày-ngày đi giong các phố vừa tìm vừa rao to lên xem ai có chày ngọc bán, nhưng mãi cũng chẳng thấy gì. Thường khi gặp bạn thì ngảnh mặt làm thinh, ai cũng cho là người điên-dại. Cứ đi rao như thế đã được hai ba tháng, chợt một hôm có một ông già bán ngọc đến mách rằng : « Tại Quắc-châu, phố hàng thuốc, có nhà muốn bán một cái chày ngọc. Nếu ông cần mua, tôi sẽ viết thư giới-thiệu, nhưng tất phải hai trăm lạng người ta mới bán ». Bùi-Hàng phải đem bán cả đồ-đạc mới đủ số tiền ấy. Sau, quả mua được chày ngọc, đem về Lam-kiều đưa cho bà cụ. Bà cụ cười mà nói rằng : « Thế thì chàng là một người chí-thành và chịu khó, có lẽ nào tôi tiếc một người cháu gái mà không cho chàng để đền công khó-nhọc ». Người con gái cũng mỉm cười mà nói rằng : « Đã đành thế, nhưng phải giã thuốc đủ một trăm ngày mới được thành thân ». Bà cụ nghe nói liền đem thuốc ra. Thế là Bùi-Hàng phải giã thuốc suốt ngày, cứ đến tối lại nghỉ và đưa thuốc cho bà cụ cất đi. Song có khi đêm cũng nghe thấy tiếng chày. Dòm vào nơi có tiếng chày ấy, thì thấy một con ngọc-thỏ cũng đương giã thuốc. Thấy thế, Bùi-Hàng lại càng kiên-tâm, chăm chỉ hơn. Đúng hạn trăm ngày, bà cụ lấy thuốc uống ngay, rồi bảo : « Bây giờ tôi cùng cháu gái vào động để nói với họ hàng về việc hôn-nhân của chàng. Vậy cứ đợi đây, rồi sẽ có xe ngựa ra đón ». Đến khi Bùi-Hàng vào động, thì thấy nhà cửa nguy-nga chẳng khác lâu-đài, rèm châu, màn gấm, đệm thúy, chăn loan, bàn ngọc, mâm ngà, đồ-đạc quí báu, không biết bao nhiêu mà kể, thật là một chốn tiên-cung. Các tiên-đồng đưa chàng vào làm lễ, rồi ra vái bà cụ. Bà cụ nói rằng : « Bùi lang cũng là dòng-dõi Bùi-chân-nhân, thế thì làm rể nhà ta thực xứng-đáng ». Nói rồi chỉ vào một nàng mà bảo là chị vợ. Bùi-Hàng ra cúi chào thì người ấy hỏi : « Bùi-lang có biết tôi không ? » Chàng vẫn cúi mà đáp : « Tôi lạ-lùng chưa được biết ». Người ấy lại hỏi : « Vậy thì chàng có nhớ người đi cùng thuyền về Tương-hán không ? » Bùi-Hàng ngẩng mặt nhìn kỹ mới nhận ra Phàn phu nhân. Hỏi những người ở đấy, mới biết phu-nhân là vợ ông Vân Kiều đại-nhân Lưu-Cương-Tiên. Sau, bà cụ bảo cháu gái đưa chàng vào động Ngọc-phòng, cho uống những thứ thuốc gọi là Giáng-tuyết và Quỳnh-anh. Uống vào thấy tinh-thần thanh-sảng và cốt-thể nhẹ-nhàng mà thành tiên. Đến năm Thái-Hòa, một người bạn Bùi-Hàng là họ Lư có gặp chàng ở gần trạm Lam-kiều. Chàng nói chuyện cho biết đã đắc-đạo, và có tặng cho người bạn mấy hạt ngọc Lam-điền với một viên thuốc linh đan. Người bạn hỏi : « Ông có thể truyền đạo cho tôi được không ? » Bùi-Hàng đáp : « Người ta có tâm hư bụng thực và có phép tràng-sinh bất-tử thì mới truyền được. Hiện nay tôi chưa có thể nói đến chuyện đó ». Người bạn biết không thể ép được, bèn từ-biệt đi về. Từ đấy, không ai gặp Bùi-Hàng ở đâu nữa. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch VU-HỰU – LÁ THẮM (TÌNH SỬ) - Thâm nghiêm kín cổng cao tường, Cạn dòng lá thắm rứt đường chim xanh. (KIM-VÂN-KIỀU) - Tơ hồng lá thắm là duyên, Dù bao giờ gặp thì nên bấy giờ. (PHAN-TRẦN) - Trông qua lặng ngắt giờ lâu Ấy ai thả lá doành câu ghẹo người. (BÍCH-CÂU KỲ-NGỘ) Đời vua Hy-Tôn nhà Đường (Dương-lịch : 874-889), có một người con gái họ Hàn, được tuyển vào làm cung-nữ. Nhưng đã ngót mười năm, nàng không bao giờ được trông thấy mặt vua, suốt ngày nhàn-rỗi, hết thẩn-thơ nơi cảnh vắng, lại vong-vóng chốn phòng không. Nàng tự nghĩ sống trong một cảnh thê-lương hiu-quạnh như thế, thật không lấy gì làm vui-thú. Một hôm, nàng đi vãn-cảnh, trông thấy một cái ngòi, dòng nước chảy xiết, từ trong cung ra ngoài phố. Nàng lấy một lá ngô, đề bốn câu thơ, rồi thả xuống nước cho trôi đi : Dòng nước sao chảy xiết, Trong cung suốt buổi nhàn, Ân-cần nhờ lá thắm, Mau đến chốn nhân-gian. Nguyên tác : Lưu thủy hà thái cấp, Cung trung tận nhật nhàn, Ân-cần tạ hồng diệp, Hảo khứ đáo nhân-gian. 流水何太急 宮中盡日閒 懃慇謝紅葉 好去到人間 Lúc bấy giờ, một người tên là Vu-Hựu, nhân đi chơi mát ngoài phố, trông xuống ngòi, thấy chiếc lá trôi, trên lại có thơ đề, biết ngay là thơ của cung-nữ. Chàng cũng lấy một cái lá khác, đề bốn câu thơ, chờ khi nước chảy vào cung, đem thả giữa dòng : Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương, Thương kẻ trong cung lúc đoạn-trường, Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước, Gửi cho ai đó nói không tường. Nguyên tác : Sầu kiến oanh đề liễu nhứ phi, Thượng dương cung-nữ đoạn-trường thì, Tư quân bất cấm đông lưu-thủy, Diệp thượng đề thi ký giữ thùy. 愁見鶯啼柳絮飛 上陽宮女斷腸時 思君不禁東流水 葉上題詩寄與誰 Cách đó ít lâu, vua hạ chiếu thải cung-nữ, hơn ba nghìn người, trong số ấy có cả Hàn-thị. Khi ở cung ra, nàng về nhà một người trong họ, tên là Hàn-Vịnh. Chính lúc ấy, Vu-Hựu cũng ở đó. Sau Hàn-Vịnh thấy Vu-Hựu là người tử-tế, bèn gả nàng cho. Một hôm, Vu-Hựu tình-cờ thấy chiếc lá đề thơ của chàng ở trong hòm vợ, mới lấy cho vợ xem chiếc lá đề thơ, chàng bắt được khi xưa. Cả hai người đều cho là sự ngẫu nhiên hiếm có. Hàn-Vinh bèn mở tiệc mừng, bắt Hàn-thị làm một bài thơ để tạ lá thắm : Câu thơ tuyệt-diệu theo dòng nước, Ôm hận mười năm ngỏ với ai, Nay được vui-vầy loan-phượng sánh, Khen thay lá thắm mối-manh tài. Nguyên tác : Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, Thập tải u tư mãn tố hoài, Kim nhật khước thành loan phượng lữ, Phương tri hồng diệp thị lương môi. 一聯佳句隨流水 十載幽思滿素懷 今日却成鸞鳳侶 方知紅葉是良媒 Bài thơ ấy không những là để tạ lá thắm, mà lại có ý nói lấy làm phỉ-nguyền được kết duyên cùng Vu-Hựu. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch VI-CỐ – CHỈ HỒNG (TÌNH SỬ) - Dù khi lá thắm chỉ hồng, Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ-cha. (KIM-VÂN-KIỀU) - Trăm năm một sợi chỉ hồng, Buộc người tài-sắc vào trong khuôn giời. (HOA-TIÊN) - Ngẫm nhân-sự cớ chi ra thế, Sợi xích-thằng chi để vướng chân ? (CUNG-OÁN) - Cửa Từ phương-tiện đâu bằng, Kim-thằng xin đổi xích-thằng này cho. (PHAN-TRẦN) Vi-Cố là người ở Đỗ-lăng, cha-mẹ mất sớm. Chàng muốn lấy vợ để sinh con nối dõi, mà hỏi đâu cũng không thành. Năm Trinh-quán thứ hai đời Đường (Dương-lịch : 628), chàng đi chơi Thanh-hà, gặp người mách mối con gái ông Phan Phỏng, làm quan Tư-mã ở đó. Người mối hẹn chàng lúc tối đến cửa chùa Long-hưng xem mặt. Chàng y hẹn ra chùa, nửa đường thì gặp một cụ già đeo một cái đãy, đang ngồi xem sách dưới ánh trăng (nguyệt-lão), ở trước một cái nhà tranh. Chàng trông vào sách, tuyệt chẳng biết được một chữ gì, mới hỏi : « Thưa cụ, sách này là sách gì thế ? Từ thuở nhỏ, cháu đã xem rất nhiều sách, đọc được các thứ chữ, thế mà đến thứ chữ này, cháu chửa từng được thấy bao giờ ». - Có phải là sách trần-gian đâu mà anh thấy được. - Vậy là sách gì, thưa cụ ? - Đó là sách âm-phủ. - Thưa, cụ là người âm-phủ, sao lại đến đây ? - Người âm-phủ mà chủ-trương việc trần-gian, thì phải xen lẫn với người trần chứ. Thực ra thì trên đường qua lại, một nửa là người trần, một nửa là người âm, mắt trần không thấy được. - Vậy cụ coi về việc gì ? - Ta coi về việc hôn-nhân của mọi người. Vi-Cố mừng lắm, nói rằng : « Thưa cụ, cháu bồ-côi từ khi còn nhỏ, muốn sớm có vợ có con để nối dõi, thế mà từ mười năm nay hỏi đâu cũng không được. Hiện có người hẹn làm mối cho con gái quan Tư-mã họ Phan, xin cụ dạy cho biết có thành không ? » - Không thành đâu. Anh sẽ lấy một người bây giờ mới lên 3 tuổi, nhưng mãi đến khi người ấy 17 tuổi, anh mới cưới về được. - Đãy của cụ có đựng gì thế kia ? - Có những sợi dây đỏ (xích-thằng) để buộc chân những người phải lấy nhau ; dù ghét nhau thế nào, xa cách nhau đến đâu ra nữa, hễ đã buộc vào với nhau, thì thế nào cũng thành vợ chồng. Chỉ ấy đã buộc chân anh vào với người con gái lên 3 kia rồi, anh có muốn lấy người khác cũng không được. - Thưa, hiện nay người ấy ở đâu ? Nhà làm nghề gì ? - Người ấy là con Trần-thị bán rau ở phía bắc kia. - Liệu cháu có thể xem mặt được không ? - Được lắm. Khi bán rau ở chợ, mẹ thường bế con đi ; anh cứ theo tôi, tôi sẽ chỉ cho. Trời vừa sáng, Vi Cố vẫn chẳng thấy người mối đến. Ông cụ bèn bỏ sách vào đãy, rồi đưa Vi-Cố đến một cái chợ, chỉ vào một con bé bẩn-thỉu mà nói rằng : « Đấy, vợ anh đấy ». Vi-Cố giận lắm mà nói rằng : « Cháu muốn giết nó đi, có được không ? » - Không được. Người con gái ấy tốt số lắm. sau sẽ được phong tước. Nói xong, ông cụ biến mất. Vi-Cố về nhà mài dao nhọn, sai một đứa đầy-tớ nhanh-nhẹn đi giết đứa bé kia, và hẹn sẽ thưởng một vạn đồng. Sáng hôm sau, người đầy-tớ giắt dao ra chợ, nhân khi đông-đúc, nhằm đâm vào ngực con bé, nhưng lại chệch lên phía trên sống mũi. Cả chợ xôn-xao, người đầy tớ mau chân trốn thoát. Mười bốn năm qua, Vi-Cố chẳng lấy được ai. Sau, chàng tập ấm, rồi làm việc dưới quyền quan Thứ-sử Tương-châu là Vương-Thái. Chàng được quan Thứ-sử trọng-dụng và gả con gái cho. Vương-tiểu-thư khi ấy mới mười bảy tuổi, mặt hoa da phấn, nhưng lúc nào cũng đính một bông hoa nhỏ bằng vàng bên trên sống mũi, dù khi tắm-gội cũng chẳng bỏ qua. Lấy nhau đã hơn một năm, một hôm chàng gạn hỏi vợ duyên-cớ ra sao, thì vợ nói rằng : « Thiếp vốn là cháu quan Thái-thú và là con quan huyện Tống-Thành. Cha thiếp mất tại chức, từ khi thiếp còn đang ẵm ngửa ; chẳng bao lâu mẹ thiếp và anh thiếp cũng chết theo, để thiếp chơ-vơ một mình. Vú của thiếp là Trần-thị bèn đem thiếp về nuôi trong một cái trại, ở phía nam Tống-thành. Vú rất quí thiếp, đi đâu cũng chẳng dời. Năm thiếp mới lên ba, vú bế thiếp ra bán rau ngoài chợ, gặp một kẻ hung hãn, đâm thiếp một nhát thành sẹo. Hoa vàng thiếp đeo, là để che cái sẹo ấy. Bảy tám năm sau, chú thiếp bổ về làm quan ở Lư-long, thiếp mới được gặp. Thiếp ở với chú, được coi như con, và được gả cho chàng ». Vi-Cố hỏi : « Có phải Trần-thị chột mắt không ? » - Phải, nhưng sao chàng biết ? - Chính tôi là người đã chực giết nàng. Vi-Cố bèn kể cho nghe đầu-đuôi câu chuyện cũ. Từ đấy vợ-chồng lại càng kính-mến nhau hơn. Sau, có con giai làm quan Thái-thú. Vợ Vi-Cố quả được phong Phu-nhân. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch BÁ-NHA, TỬ-KỲ – KIM-CỔ KỲ-QUAN - Rằng nghe nổi tiếng cầm đài, Nước-non luống những lắng tai Chung-Kỳ. (KIM-VÂN-KIỀU) - Than rằng : lưu-thủy cao-sơn, Ngày nào nghe được tiếng đàn tri-âm. (LỤC-VÂN-TIÊN) - Bá-Nha xưa gặp Tử-Kỳ, Bảo-sơn ắt chẳng trở về tay không. (TRINH-THỬ) Về đời Chiến-quốc, có một người danh-sĩ họ Du tên Thụy, tiểu-tự Bá-Nha, quê ở Sính-đô nước Sở, thuộc phủ Kinh-châu. Nhân làm quan nước Tấn đến chức Thượng-đại-phu, ông vâng mệnh vua Tấn đi nước Sở. Ông đến Sính-đô, vào bệ kiến vua Sở để trình sứ-mạng. Vua Sở mở tiệc khoản-đãi rất long-trọng. Ông có đi viếng phần-mộ, thăm bạn-bè, nhưng không dám ở lâu. Khi nhiệm-vụ đã xong, ông vào bái-biệt vua Sở. Nhà vua có tặng ông gấm-vóc vàng-bạc, lại dành riêng một chiếc thuyền lớn đưa ông về Tấn, để tránh nỗi nhọc-nhằn của đường bộ, và có phái đình-thần tiễn đưa đến tận bờ sông. Bá-Nha vốn là một bậc phong-lưu tài-tử, cho nên lúc trở về, hễ thấy nơi nào phong-cảnh đẹp, cũng đều thưởng ngoạn. Thuyền đến cửa sông Hán-Dương nhằm vào đêm Trung-thu, bèn cắm sào ở chân núi. Vầng trăng vằng-vặc giữa trời, như khơi nguồn hứng. Bá-Nha mới sai tiểu-đồng đốt lò hương, đem túi đàn đặt trên án. Ông mở túi lấy đàn ra gẩy. Chưa hết một khúc, bỗng đứt một dây. Ông kinh-ngạc, gọi tiểu-đồng, sai lên bờ xét xem có ai nghe trộm không. Tiểu-đồng chửa kịp tuân lời, thì đã nghe thấy trên bờ có tiếng người nói xuống : « Xin Đại-nhân ở trong thuyền chớ ngại. Kẻ tiểu-nhân này, đi kiếm củi về khuya, thấy tiếng đàn hay, quả có đứng nghe trộm ». Bá-Nha cả cười mà nói : « Một chú tiều-phu mà dám nói đến việc nghe đàn, sao ngông-cuồng như vậy. Thôi ta cũng chẳng chấp, bay ra bảo hắn đi ngay đi ». Người tiều-phu nói to lên rằng : « Đại-nhân nói lầm rồi. « Một xóm 10 gia-đình chắc cũng có người trung-tín ; trong nhà có người quân-tử ở, thì ngoài cửa cũng có người quân-tử đến ». Đại-nhân chẳng nghe nói thế hay sao ? Nếu ở chốn quê-mùa núi-non không có kẻ biết nghe đàn, thì sao khi đêm khuya thanh-vắng ở chỗ rừng hoang lại có người biết gẩy đàn được ». Bá-Nha nghe câu nói lấy làm thú-vị, bèn ra ngoài hỏi với lên bờ rằng : « Hỡi ông đứng trên bờ kia, ông đã biết nghe đàn, thì cũng biết khúc tôi vừa gẩy là khúc gì chứ ? » - Đó là bài Đức Khổng-Tử than-tiếc ông Nhan-Hồi mất sớm, đem phổ vào tiếng đàn. Tôi xin đọc cho Đại-nhân nghe : Khá tiếc Nhan-Hồi chẳng thọ-trường, Khiến người tơ-tưởng tóc như sương, Vui lòng ăn-ở đường sơ-lậu, Nguyên tác : Khả tích Nhan-Hồi mạnh tảo vương, Giao nhân tư-tưởng mấn như sương ; Chỉ nhân lậu hạng đan biều lạc, 可惜顏回命早亡 教人思想鬢如霜 只因陋巷單瓢樂 Vừa đến đấy thì đàn đứt, chưa kịp gẩy đến câu thứ tư, mà tôi cũng còn nhớ, là : Lưu mãi danh hiền khắp bốn phương. Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương, 留得賢名萬古揚 Bá-Nha nghe nói rất mừng, bèn sai bắc cầu mời người ấy xuống. Đầy-tớ thấy rõ-ràng là một chú tiều-phu, nên có ý rẻ rúng mà dặn phải lạy chào và thưa bẩm cho kính-cẩn. Người tiều-phu cứ thản-nhiên bước vào khoang thuyền vái-chào. Bá-Nha giơ tay ra hiệu miễn lễ, mà nói rằng : « Ông đã biết nghe đàn, tất biết người chế tạo ra đàn cầm là ai, và đàn có ích-lợi gì chứ ? » - Đại-nhân đã hỏi đến, tôi xin thưa. Tôi còn nhớ trong sách có chép rằng : Về đời vua Phục-Hi, có tinh-khí của 5 vì sao tụ xuống một cây ngô-đồng, sau lại có phượng-hoàng đến đậu ở đó. Phượng-hoàng là chúa các loài chim, chỉ ăn quả trúc, chỉ uống nước giếng trong, chỉ đậu cây ngô-đồng. Vua Phục-Hi biết rằng cây ngô-đồng quí như thế, mà lại thu được tinh-khí của tạo-vật, thì có thể dùng làm nhạc-khí được. Vua bèn sai người hạ xuống, chia ra làm ba đoạn, chỉ tam tài, là trời, đất, người. Đoạn trên có tiếng trong quá và nhẹ quá ; đoạn dưới đục quá và nặng quá ; duy chỉ có đoạn giữa là trong-đục phải khoảng, nặng-nhẹ vừa tầm. Vua cho lấy khúc giữa ấy ngâm xuống dòng nước 72 ngày, rồi đem phơi khô trong bóng râm. Sau chọn ngày tốt, bảo một người thợ khéo là Lương-Tử-Kỳ chế thành nhạc-khí, theo lối của Dao trì, cho nên gọi là Dao-cầm. Dao-cầm chiều dài là 3 thước 6 tấc 1 phân, chỉ 361 độ của vòng trời, mặt sau rộng 4 tấc chỉ 4 mùa ; chiều dầy 2 tấc chỉ khí âm-dương. Lại có đầu Kim đồng, lưng Ngọc-nữ, giếng phượng ao rồng, phím vàng trục ngọc. Trong số 13 phím, thì 12 phím chỉ 12 tháng, còn 1 phím ở khoảng giữa để chỉ tháng nhuận. Đàn có mắc 5 dây, ngoài thì chỉ ngũ-hành, là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, trong chỉ 5 âm, là cung, thương, giốc, chủy, vũ. Khi vua Thuấn gẩy đàn 5 dây, ca khúc Nam-phong, thiên-hạ đều yên-vui. Khi vua Chu-Văn-Vương bị hạ ngục ở Dữu-lý, con trưởng là Bá-Ấp Khảo thêm vào một dây mà gẩy, để tả nỗi thanh-u ai-oán, cho nên gọi là dây văn. Khi vua Vũ-Vương đánh vua Trụ, trước ca sau múa, lại thêm một dây nữa để tỏ lòng hăng-hái, cho nên gọi là dây vũ. Thế là từ đấy đàn có 7 dây. Đến như nghề gẩy đàn, thì có 6 điều kiêng-kỵ, 7 trường-hợp không nên đàn : 6 điều kiêng-kỵ là : rét lắm, nắng lắm, gió to, mưa to, sấm nhiều, tuyết nhiều. 7 trường-hợp không nên đàn, là : nghe tiếng đưa đám, rối ruột, bận việc, mình không sạch-sẽ, áo-mũ không chỉnh, không đốt lò hương, không gặp tri-âm. Lại có 8 thứ tuyệt-diệu là : thanh, kỳ, u, nhã, bi, tráng, du, trường. Gẩy đàn ấy mà hay đến hết sức, thì hổ phải thôi gầm, vượn phải ngừng hót. Cho nên ngày nay đàn cầm là quí nhất trong các nhạc-khí vậy. Bá-Nha nghe dứt lời, lấy làm trọng lắm, lại hỏi rằng : « Ngày xưa Đức Khổng-Tử đương gẩy đàn trong nhà, ông Nhan-Hồi từ ngoài vào, nghe thấy tiếng đàn u-trầm, ngờ có sát-khí, lấy làm lạ mà hỏi Đức Khổng-Tử. Ngài trả lời rằng Ngài đương đàn, thì trông thấy một con mèo đuổi một con chuột. Ngài có ý muốn cho mèo bắt được chuột, cho nên cái ý sát-phạt có lẩn vào tiếng đàn. Thế tức là ông Nhan-Hồi nghe tiếng đàn mà biết được lòng người đó. Nay tôi thử vừa gẩy đàn, vừa nghĩ-ngợi, liệu ông có biết được tôi nghĩ gì không ? » - Xin cứ gẩy, để tôi thử đoán xem. Bá-Nha lại ôm đàn, gấy một bài tầm-thường, mà nghĩ đến núi cao. Tiều-phu thưa rằng : « Véo-von thay ! Có lẽ ngài để chí vào chốn non cao ». Bá-Nha lại đàn, nhưng nghĩ đến nước chẩy. Tiều-phu lại nói : « Sâu-xa thay ! Có lẽ Ngài để chí đến nơi nước chẩy ». Bá-Nha thấy tiều-phu thấu được lòng mình, càng kính phục lắm. Bèn mời ngồi lên ngang hàng, sai bầy tiệc khoản đãi, và hỏi họ-tên. Tiều-phu nói : « Tôi họ Chung, tên Huy, tiểu-tự Tử-Kỳ, nhà ở núi Mã-yên, thôn Tập-hiện. Xin hỏi đại-nhân, quý-danh là gì, và làm quan ở đâu ? » Bá-Nha nói : « Tôi họ Du, tên gọi Bá-Nha, làm quan nước Tấn, vâng mệnh sang sứ đây. Tiên-sinh là người đại-tài, sao không ra mà cầu lấy công-danh, lại chịu ở chỗ quê-mùa, làm nghề đốn củi, cùng cỏ-cây mục-nát, chẳng cũng uổng lắm du ? » Tử-Kỳ nói : « Tôi còn bố-mẹ, không có anh-em, một thân đi kiếm củi về nuôi, dẫu làm gì ở đâu xa, cũng không thể đi được ». Bá-Nha cho là người có hiếu mà hỏi : « Tiên-sinh bao nhiêu tuổi ? » Tử-Kỳ đáp : « Tôi hai mươi bảy tuổi ». Bá-Nha nói : « Tiên-sinh thật là một người bạn tri-âm của tôi. Kém tôi mấy tuổi, tiên-sinh có bằng lòng cũng tôi kết nghĩa anh-em không ? » Tử-Kỳ thưa : « Đại-nhân là một vị đại-thần, tôi là người quê-mùa nghèo-hèn, có dám đâu cùng ngài, kết-nghĩa anh em ». Bá-Nha nói : « Tôi được cùng với người đại-hiền kết bạn, lấy làm may lắm, có kể chi đến sự giầu-nghèo sang-hèn ». Tức thì sai tiểu-đồng đốt trầm. Hai người cùng lễ trời-đất, mà kết làm anh-em. Bá-Nha là anh, Tử-Kỳ là em. Lễ rồi bày tiệc rượu, hai người cùng uống, chuyện-trò cho đến sáng. Các thủy-thủ sửa-soạn nhổ sào. Tử-Kỳ đứng dậy cáo-từ. Bá-Nha nói : « Tình anh-em không muốn rứt, anh xin em cùng đi đến chơi nhà anh mấy hôm, có được không ? » Tử-Kỳ nói : « Không phải là em không muốn theo anh, nhưng vì cha-mẹ ở nhà, không thể bỏ mà đi được ». Bá-Nha nói : « Vậy thì mời cả song-thân đi có được không ? » Tử-Kỳ nói : « Em không dám vâng điều ấy : nếu về không mời được song-thân đi, thì thành ra để anh chờ lâu vô- ích, tất em có lỗi với anh ». - Nếu thế, sang năm, anh lại đến thăm em. Tử-Kỳ hỏi : « Sang năm, vào độ nào anh đến ? » Bá-Nha nói : « Cũng đúng vào ngày hôm nay ». Tử-Kỳ nói : « Vậy em xin ra đón ». Bá-Nha lấy hai nén vàng đưa cho Tử-Kỳ và nói : « Của này là để dâng song-thân, gọi là lễ mọn, xin em nhận mang về ». Tử-Kỳ bất-đắc-dĩ phải nhận, rồi cùng nhau từ-giã. Thuyền nhổ sào, đi trong mấy ngày đã đến Tấn-Dương. Bá-Nha đem tâu các việc với vua Tấn, xong rồi, trong lòng vẫn tơ-tưởng người bạn tri-âm. Thì giờ thấm-thoát, đông qua hạ tới, lại gần đến tiết Trung-thu, Bá-Nha sắm-sửa hành-trang cùng với các gia đồng xuống thuyền, lại nhằm hôm rằm tháng tám đến núi Mã-yên, đúng chỗ hội với Tử-Kỳ năm trước. Thuyền đậu tới hai ngày, mà chẳng thấy tăm-hơi. Đến đêm ông lại giở đàn ra gẩy, xem Tử-Kỳ có tới nghe không ; trong khi gẩy, tự nhiên có tiếng ai-oán, biết ngay rằng Tử-Kỳ bị nạn. Bèn cất đàn đi, cả đêm không ngủ. Sáng hôm sau, Bá-Nha cùng tiểu-đồng mang đàn đi lên thôn Tập-hiền ; đến chỗ ngã-ba, không biết rẽ lối nào, may gặp một ông già chống gậy đi qua, bèn lại chào mà hỏi lối. Ông già nói : « Ở đây có hai thôn Tập-hiền, ông muốn đến thôn nào ? » Bá-Nha đáp : « Tôi muốn đến thôn ông Tử-Kỳ ở ». Ông già nghe nói liền khóc mà rằng : « Tử-Kỳ chính là con tôi. Năm ngoái, cháu có gặp quan Thượng-đại-phu nước Tấn, là Du-Bá-Nha tiên-sinh, lấy làm tâm-đầu ý-hợp. Khi ngài biệt, có tặng hai nén vàng và hẹn năm nay lại đến. Cháu mua sách về, ban ngày kiếm củi, ban đêm đọc sách, khó nhọc quá mà thành bệnh rồi mất ». Bá-Nha nước mắt như mưa, khóc-than thảm-thiết. Chung-Công bèn khẽ hỏi tiểu-đồng rằng : « Ông ấy là ai thế ? » Tiểu-đồng đáp : « Chính là Du-Bá-Nha tiên-sinh ». Chung-Công bèn gạt lệ mà an-ủi Bá-Nha, rồi nói : « Lúc hấp-hối, cháu đã có tôi biết rằng có hẹn gặp ngài ở dưới núi Mã-yên vào ngày rằm tháng tám này, và xin an-táng ở trước núi để khỏi sai lời hẹn. Cháu mất đến hôm nay vừa được trăm ngày, cho nên tôi đi thăm mộ ». Bá-Nha nói : « Nếu thế, xin Lão-bá cho tôi cùng ra mộ để viếng lệnh-lang ». Chung-Công đưa đến nơi, Bá-Nha lạy trước mồ mà khóc rằng : « Em sống khôn, chết thiêng, xin chứng-giám những lời anh viếng ». Bá-Nha đem đàn ra trước mộ gẩy, và đọc một bài từ như sau này : Năm ngoái cũng Trung-thu, Bên sông được gặp nhau, Năm nay lại tìm đến, Nào thấy tri-âm đâu, Trơ trơ một nấm đất, Khiến cho lòng ta đau, Lòng đau, lại lòng đau, Khôn ngăn giọt lệ châu, Đi vui, sao về khổ, Bên sông thấy mây sầu, Tử-Kỳ hỡi Tử-Kỳ, nghìn vàng là nghĩa ấy, Tri-âm còn biết tìm đâu thấy, Khúc nào rứt tiếng chẳng còn đàn, Ba thước dao-cầm chết theo đấy. Nguyên tác : Ức tích khứ niên xuân, Giang biên tằng kiến quân, Kim nhật trùng lai phỏng, Bất kiến tri-âm nhân. Đãn kiến nhất phần thổ, Ân nhiên thương ngã tâm, Thương tâm, phục thương tâm, Bất giác lệ phân phân. Lai hoan khứ hà khổ, Giang bạn khởi sầu vân, Tử-Kỳ Tử-Kỳ hề, nhĩ ngã thiên kim nghĩa, Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ, Thử khúc chung hề bất phục đàn, Tam xích dao-cầm vị quân tử. 億昔去年春 江邊曾見君 今日重來訪 不見知音人 但見一墳土 殷然傷我心 傷心復傷心 不覺淚紛紛 來歡去何苦 江畔起愁雲 子期子期兮爾我千金義 歷盡天涯無夙語 此曲中兮不復彈 三尺瑶琴爲君死 Bá-Nha đọc rồi, hai tay bưng đàn, hết sức đập xuống, vỡ tan-tành. Chung-Công thấy vậy, cả sợ, hỏi cớ sao ? Bá-Nha lại đọc một bài như sau này : Đập vỡ đàn kia chẳng dụt-dè, Chung-Kỳ đã mất, gẩy ai nghe, Gió xuân đâu cũng người quen-biết, Khó được tri-âm kết bạn-bè. Nguyên tác : Thốt toái dao-cầm phượng vĩ hàn, Tử-Kỳ bất tại đối thủy đàn, Xuân phong mãn diện giai bằng hữu, Dục-mịch tri-âm, nan thượng nan. 推碎瑶琴鳳尾寒 子期不在對誰彈 春風滿面皆朋友 欲覓知音難上難 Bá-Nha nói với Chung-Công rằng : « Nay tôi có bụng thương-đau, không muốn theo Lão-bá về nhà ; nhân có mười lạng vàng, xin tặng một nửa, để sửa-sang phần-mộ lệnh lang, một nửa xin dâng-tặng hai Lão-bá, gọi là lễ mọn. Rồi ra, tôi xin từ-chức, sẽ rước hai vị Lão-bá về nuôi thay cho Tử Kỳ. Xin hai vị Lão-bá coi tôi cũng như Tử-Kỳ vậy ». Chung-Công khóc mà nhận, rồi mọi người đều đi cả. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch VI-CAO, NGỌC-TIÊU (DỊ-VĂN) - Vi-Cao lòng vốn chăm-chăm, Ngọc-Tiêu phong độ mấy năm tái-hoàn. (THỊ-KÍNH) Về đời Đường, có một ông quan Tiết-độ-sứ ở Lưỡng xuyên, tên gọi Vi-Cao. Khi còn trẻ, nhân có việc ở Giang-hạ, Vi-cao đến trọ ở nhà một vị Sứ-quân họ Khương. Con giai Sứ quân, tên là Kinh-Bảo, rất hậu-đãi Vi-Cao, thân săn-sóc từ nơi-ăn, chốn-ở, lại sai một thị-tỳ nhỏ, tên là Ngọc-Tiêu, hầu hạ bên cạnh. Ngọc-Tiêu lúc ấy mới mười tuổi, rất thông-minh, nhanh nhẹn, mà lại cẩn-thận, cho nên Vi-Cao quý lắm. Hai năm sau, nhân dịp Sứ-quân vào kinh, Vi-Cao mới xin dọn sang ở một ngôi chùa. Kinh-Bảo cố lưu ông lại mà không được, đành để ông dọn đi, nhưng vẫn cho Ngọc-Tiêu theo hầu. Một hôm, Vi-Cao chợt nhận được thư của thân-phụ kíp gọi về quê. Ông vội-vã cho đi thuê thuyền, rồi thân đến nhà Kinh-Bảo từ-biệt. Lúc ấy, Ngọc-Tiêu đã hơi lớn, Kinh-Bảo ngỏ ý xin cho nàng được theo hầu chăn-gối. Vi-Cao có vẻ mừng-rỡ mà tạ rằng : « Tôi thực rất thâm cảm cái hậu-ý của chàng, nên đâu dám chối-từ. Nhưng tôi về chuyến này, công việc bộn-bề, phải khá lâu mới xong-xuôi được. Vậy Ngọc-Tiêu cứ ở lại đây. Vào khoảng 5 năm nữa, mà chậm ra là 7 năm, thế nào tôi cũng trở lại để lấy nàng ». Ông băn-khoăn không nỡ rứt, bèn đưa cho Ngọc-Tiêu một cái vòng ngọc để làm tin, rồi từ-giã mọi người mà xuống thuyền. Tháng-ngày qua, Ngọc-Tiêu những đêm-ngày trông-mong chờ-đợi ; nàng thường đi lễ-bái cầu-đảo ở những đền thiêng. Sau 5 năm chẳng có tin gì về Vi-Cao, mà quá 7 năm cũng không thấy ông trở lại. Một hôm, Ngọc-Tiêu rầu-rĩ mà than rằng : « Nay đã quá 7 năm rồi mà chẳng thấy Vi-lang-quân, chắc rằng lang-quân không đến nữa ». Thế rồi nàng nhịn ăn mấy ngày mà chết. Nhà họ Khương ai nấy đều cho nàng là tiết-nghĩa mà thương-tiếc vô-cùng. Kinh-Bảo lại lấy cái vòng ngọc của Vi-Cao tặng trước, đem buộc chặt vào tay nàng trước khi an-táng. Sau đó khá lâu, Vi-Cao được làm quan, mà lại được về coi ngay đất Thục. Khi mới nhận chức, ông bắt đầu kiểm-soát tội-nhân, có đến hơn ba trăm người. Trong đám ấy, có mấy người nói nhỏ với nhau rằng : « Đó là quan Bộc-sạ Vi-Cao, xưa kia vẫn ở đất ta đấy ». Một tội-nhân nghe nói, bèn kêu to lên rằng : « Quan Bộc-sạ còn nhớ tên Kinh-Bảo họ Khương không ? » Vi-Cao nhìn lại, sửng-sốt mà nói : « Chàng Kinh-Bảo đấy à ? Cớ sao mà đến nỗi tù-tội như vậy ? » Kinh-Bảo đáp : « Sau khi ngài biệt, tôi có một người nhà phạm tội, nên cũng bị lây ». Vi-Cao bèn xin quan trên tha cho Kinh-Bảo. Nhân hỏi thăm Ngọc-Tiêu, Kinh-Bảo đáp rằng : « Trước khi xuống thuyền, ngài có hẹn chậm lắm là 7 năm sẽ trở lại lấy nàng. Đến ngày quá hẹn, chẳng thấy tăm-hơi, cho nên nàng đã nhịn ăn mà chết. Cái vòng ngọc ngài tặng để làm tin, tôi cũng buộc vào tay nàng để chôn theo. Nàng còn để lại một bài thơ sau này : Chim sẻ ngậm vòng đã mấy xuân, Cởi vòng từ-biệt tặng giai-nhân, Cá nhàn bặt dấu, đường xa ngút, Giấc mộng thăm nhau được thỏa dần. Nguyên tác : Hoàng-tước hàm hoàn dĩ sổ xuân, Biệt thời lưu giải tặng giai-nhân, Trường nhai bất kiến ngư thư chí, Vị khiển tương-tư nhập mộng tần. 黄雀啣環己數春 別時留解贈佳人 長街不見魚書至 爲遣相思入夢頻 Vi-Cao nghe nói thương-cảm vô-cùng ; đến lúc xem thơ, những giọt dài giọt ngắn. Muốn đáp lại lòng nhớ-tưởng của Ngọc-Tiêu, ông thuê người tạc tượng nàng, lại tụng các thứ kinh để siêu-sinh giải-thoát. Nhân nghe tiếng một đạo-sĩ có phép đưa hồn người chết về nói chuyện với người sống, ông lập tức cho mời. Sau 7 ngày chay-giới, ông mới được đạo-sĩ cho gặp Ngọc-Tiêu trong lúc đêm khuya. Khi hai người trò-chuyện, Ngọc-Tiêu có nói rằng : « Xin đa-tạ quan Bộc-sạ đã có lòng thương mà cho tụng kinh tạc tượng. Thế nào thiếp cũng tái-sinh ; mười ba năm nữa sẽ xin đến hầu-hạ để đền ơn ấy. Sở-dĩ ngày nay phải âm-dương cách-biệt, là vì trước kia ngài đã bạc-tình ». Từ đấy, Vi-Cao vẫn làm quan đất Thục. Trải qua 13 năm, đến triều vua Đức-Tôn, ông mới thăng làm Trung-thư-lệnh. Một hôm, nhân ngày sinh-nhật, ông mở tiệc ăn mừng. Các nơi có đưa đến mừng nhiều của quí vật lạ ; một người ở Đông-xuyên, tên là Lư-Bát-Tọa, đem dâng một người con hát, còn ít tuổi, sắc đẹp tiếng hay, tên là Ngọc-Tiêu, trông giống y như Ngọc-Tiêu nhà họ Khương ngày trước, mà tay còn hằn vết buộc. Thấy vậy, Vi-Cao than rằng : mọi việc sẩy ra, đều đúng như lời Ngọc-Tiêu vậy. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch LANG-NGỌC-TRỤ – MÊ SÁCH (LIỄU TRAI) - Thư trung đành có ngọc-nhan, Sách-đèn còn bận buông màn Quảng-Xuyên. (THỊ-KÍNH) - Đã người trong sách là duyên, Mấy thu hạt ngọc Lam-điền mới giâm. (BÍCH-CÂU KỲ-NGỘ) Lang-Ngọc-Trụ là một thư-sinh ở Bành-thành. Tiên thế có người làm quan Thái-thú, tính rất thanh-liêm, mà lương-bổng chỉ đem mua sách xếp đầy nhà. Đến Ngọc-Trụ, thì lại mê sách hơn nữa. Có khi túng-thiếu phải bán hết đồ-đạc để chi dùng, nhưng sách của bố để lại, vẫn giữ nguyên-vẹn. Lúc còn sống, thân-phụ chàng có viết một bài khuyến học dán ở chỗ ngồi ; Ngọc-Trụ ngày thường ngâm-đọc, rồi đem lụa phủ kín cho khỏi bụi khỏi rách. Chàng một lòng tin tưởng rằng : trong sách thực có vàng có thóc, cho nên ngày đêm chăm-chỉ học-hành. Ngoài 20 tuổi, chàng vẫn chưa lấy vợ, những mong rằng trong sách có mỹ-nhân hiện ra. Bạn bè, thân-thích đến thăm, thì chàng chỉ tiếp chuyện qua-loa vài câu, rồi lại cặm-cụi học, làm cho khách chán phải ra về. Nhiều lần chàng có đi thi, văn-bài của chàng đều được quan trường thưởng-thức, nhưng vì phạm trường-qui cho nên chàng không đỗ được. Một hôm, chàng đương đọc sách, một cơn gió to thổi bay sách đi ; chàng vội chạy theo nhặt về, tình-cờ thụt chân xuống một cái hố, đào lên xem thì có thóc chôn đã mục-nát. Chàng lại càng tin cái thuyết « Trong sách có nghìn chung thóc », và lại càng chăm học hơn. Một hôm khác, chàng lên gác soạn sách, bắt được một đồ-vật bằng vàng. Chàng mừng lắm, mà lại tin ở câu « Trong sách có nhà vàng ». Khi đem đồ-vật ấy đi khoe, mới nhận ra là mạ vàng mà thôi, cho nên có ý giận người xưa. Nhân một ông quan hạt ấy, là bạn đồng-niên của thân phụ chàng, tính rất mộ Phật, có người khuyên chàng dâng quan làm đồ thờ Phật. Quan rất mừng-rỡ, bèn tặng chàng 300 lạng vàng và 2 con ngựa. Lúc ấy chàng lại cho rằng câu « Nhà vàng, xe ngựa ở trong sách » cũng nghiệm, mà càng gắng sức học-hành. Năm chàng 30 tuổi, có kẻ khuyên chàng lấy vợ, chàng chỉ đáp rằng : « Trong sách sẵn có mỹ nhân », lo gì chả có vợ ». Trải hai, ba năm nữa, chàng cũng không đổi chí, cho nên nhiều người hay chế-nhạo chàng. Nhân lúc bấy giờ có tin phao-đồn rằng « Chức-Nữ trốn xuống trần », họ mới riễu-cợt rằng : « Có lẽ sao Chức-Nữ vì Ngọc-Trụ mà trốn xuống hạ giới ». Chàng biết vậy, nhưng chẳng trả lời. Một buổi đã khuya, chàng còn đương đọc bộ Hán-thư, đến nửa quyển thứ tám, thì thoáng thấy một hình mỹ-nhân nhỏ, nằm ép trong sách. Chàng dật mình mà nói : « Có lẽ cô gái Nhan-Như-Ngọc ở trong sách là đây chăng ? » Nhìn kỹ mặt-mày, thấy như người thật, lại có hai chữ Chức-Nữ ở sau lưng. Chàng lấy làm lạ lắm, ngày-ngày đem để hình ấy trên quyển sách mà ngắm-nghía đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Sau chợt thấy tự nhiên mỹ-nhân cử-động rồi ngồi dậy mà mỉm cười. Chàng hoảng sợ, sụp lạy trước án, đến lúc ngẩng đầu lên, thì thấy mỹ-nhân đã lớn bằng người thường, rõ-ràng tuyệt-thế giai-nhân, lừ-lừ bước xuống. Chàng kính cẩn hỏi rằng : « Ngài là vị thần-tiên nào giáng-thế ? » Nàng đáp : « Thiếp họ Nhan, tên Như-Ngọc, vốn biết chàng đã từ lâu, mà cũng đã được chàng để ý đến. Nếu thiếp không đến để gặp chàng, thì e rằng nghìn năm sau không ai tin lời nói của cổ-nhân nữa ». Ngọc-Trụ mừng lắm, bèn cùng Như-Ngọc kết làm vợ chồng ; tuy tình thương-yêu rất đằm-thắm, mà chàng không biết Như-Ngọc là người gì. Khi đọc sách, chàng để vợ ngồi bên cạnh. Vợ thường khuyên đừng đọc sách nữa, nhưng chàng không nghe. Được ít lâu, Như-Ngọc bảo chàng rằng : « Sở-dĩ chàng không đỗ-đạt được, là vì chàng chăm học quá. Chàng thử xem những người khoa-bảng, có ai chăm học như thế đâu. Nếu chàng chẳng nghe lời thiếp, thì thiếp sẽ đi nơi khác ». Chàng nghe nói, nể lời mà gượng theo, nhưng chẳng được bao lâu, lại miệt-mài về sách. Sau, tự-nhiên thấy Như-Ngọc biến mất. Chàng hoảng-sợ, quỳ gối cầu-khấn, cũng chẳng thấy đâu. Chợt nhớ đến nơi nàng hiện hình khi trước, liền dở quyển Hán-thư số 8, đúng chỗ ấy, thì thấy Như-Ngọc nằm ép ở đó, nhưng gọi chẳng thưa. Chàng phải quỳ xuống kêu-van, nàng mới chịu bước ra mà nói rằng : « Nếu lần này, chàng không nghe thiếp, thì thiếp quyết đi hẳn ». Như-Ngọc thường bắt chàng phải đánh cờ, đánh bài với mình, để quên sách-vở. Chàng miễn-cưỡng nghe theo, nhưng hễ nàng đi vắng, thì lại vớ sách đọc. Chàng lại dấu quyển Hán-thư vào chồng sách khác, để phòng khi Như-Ngọc có bắt được chàng đọc sách cũng không trốn được. Một hôm, chàng đang mải xem sách, Như-Ngọc chợt đến mà chàng không biết, vừa thoáng trông thấy nàng, vội-vàng gấp sách lại, nhưng nàng đã biến mất. Sau lại thấy trong quyển Hán-thư số 8 ở đúng chỗ cũ. Chàng van-lơn mãi, thề không đọc sách nữa, Như-Ngọc mới chịu ra. Nàng có hẹn với chàng nội trong ba ngày phải giỏi cờ, nếu không thì nàng sẽ đi mất ; quả nhiên ngày thứ ba, có một ván cờ chàng hơn nàng được ba quân, nàng mừng-rỡ quá. Nàng lại bắt phải học đàn, cứ 5 ngày phải thuộc một bài ; chàng gắng sức luyện-tập, sau 5 ngày đã có những tiếng tài-tình. Từ đó, ngày nào chàng cũng uống rượu, đánh bài với nàng mà sao-nhãng sự xem sách. Nàng lại bắt phải đi giao-thiệp bạn-bè, thành ra chàng nổi tiếng là một người thạo. Như-Ngọc mới nói rằng : « Bây giờ chàng có thể đi cầu công-danh được ». …Mãi sau, chàng mới biết đến tình chăn-gối, rồi sinh được một con trai. Như-Ngọc mượn vú nuôi con, mà nói rằng : « Thiếp lấy chàng đã được 2 năm, nay đã có con rồi, thiếp xin từ-biệt. Nếu ở lâu, tất hại cho chàng, sau hối không kịp ». Chàng sùi-sụt, lạy dưới chân nàng mà nói rằng : « Xin nàng thương lấy đứa con thơ ». Nàng nghe nói cũng rầu-rĩ, lâu mới nói ra lời : « Nếu muốn cho thiếp ở lại, thì phải đốt hết sách đi ». - Đó là sinh-quán của nàng và là tính-mạnh của tôi, sao lại như vậy. Như-Ngọc không ép, thở dài mà nói rằng : « Thiếp vốn biết ở đời người ta đều có số-mạng, nên phải nói trước thế thôi ». Kể từ khi Ngọc-Trụ và Như-Ngọc kết làm vợ-chồng, trong họ vẫn có kẻ nhìn trộm mà biết mặt nàng, cho nên thường hỏi chàng về sự đính-hôn, và họ-hàng nhà vợ. Chàng không biết nói thế nào, cho nên mọi người sinh nghi. Tiếng-tăm đồn-đại khắp nơi, sau đến tai quan Huyện là Sử-Công, quê ở đất Mân, đỗ Tiến-sĩ. Quan muốn biết mặt mỹ-nhân, liền cho trát đòi cả hai vợ-chồng Lang-Ngọc-Trụ. Như-Ngọc biết chuyện biến hình trốn mất. Quan giận, đem chàng ra tra khảo. Chàng bị đánh gần chết cũng không chịu xưng. Khi tra đứa ở gái, thì nó khai qua cuộc gặp-gỡ của hai người. Quan cho là ma-quỉ, liền thân đến khám nhà Ngọc-Trụ, nhưng chỉ thấy đầy những sách-vở, chẳng biết tìm đâu thấy Như-Ngọc. Quan bèn sai đốt hết sách, khói bốc lên cao, kết lại thành một đám mây đen ở giữa sân mà không tan. Sau Ngọc-Trụ được tha về. Nhờ có một người học-trò thân-phụ chàng viết một bức thư biện-bạch giúp cho, nên chàng được trắng án. Ngay năm ấy chàng thi đỗ Cử-nhân, đến năm sau đỗ luôn Tiến-sĩ. Chàng vẫn căm-hờn Sử-Công đã đang tay đốt sách của chàng, cho nên lập bàn thờ để thờ Như-Ngọc, mà sớm-tối cầu-khấn phù-hộ cho chàng được bổ làm quan đất Mân. Cách đó ít lâu, quả-nhiên chàng được đi thanh-tra đất ấy ; trong ba tháng khám-xét, chàng đã tìm ra được nhiều sự ác-nghiệt của Sử-Công, khiến Sử-Công bị tịch thu gia-sản. Sau, theo lời khuyên-bảo của người trong họ, chàng phải lấy một người tỳ, lại chính là thiếp yêu của Sử Công trước. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch DƯƠNG-QUÍ-PHI – LỜI THỀ THẤT-TỊCH (TÙY-ĐƯỜNG) - Chữ đồng lấy đấy mà ghi, Mượn lời Thất-tịch mà thề bách-niên. (CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC) - Có đêm thề-thốt dưới trăng, Một rằng thế-thế, hai rằng sinh-sinh. (THỊ-KÍNH) Dương-Quí-Phi, tên là Ngọc-Hoàn, người Hoa-âm, cha làm Thục-châu Tư-hộ. Nàng sinh ở đất Thục, bố mẹ mất sớm, ở với chú là Lập-Khuê. Đến khi nhớn, nhan-sắc khác thường, thật là khuynh-thành khuynh-quốc, tuyệt-thế không hai. Đời Đường, năm Khai-nguyên thứ 22 (Dương-lịch : 734), triều Minh-Hoàng tức Huyền-Tôn, nàng được tuyển làm Thọ Vương-Phi. Chợt Vũ-Huệ-Phi mất, vua Huyền-Tôn thương nhớ lắm, mà từ đấy trong cung không có người vừa ý vua. Đến năm Khai-nguyên thứ 28 vua nghe nói Quí-Phi có nhan sắc, mới sai Cao-Lực-Sĩ đón-rước vào cung. Năm Thiên-bảo thứ 4, nàng được phong làm Nữ-đạo-sĩ, hiệu là Thái-Chân, sau mới phong là Quí-phi. Vua yêu-dấu lắm, thường nói rằng : « Ta được Quí-Phi như được ngọc quí vậy ». Thật là : Trong cung giao lệ ba nghìn, Thương-yêu nào có ai chen được mình. Năm Thiên-bảo thứ 10, giữa đêm mồng bảy tháng bảy, vua cùng Dương-Quí-Phi ngồi nghỉ mát tại điện Trường-sinh, có các cung-nga theo hầu. Mãi đến canh hai mới trở vào cung, và cho các cung-nga được đâu về đấy. Đêm hôm ấy trời nóng-nực quá, Dương-Quí-phi không ngủ được, lại cùng vua ra điện Trường-sinh hóng mát. Canh khuya vắng-vẻ, chung-quanh không có một ai, hai người đều ngửa mặt xem sao. Vua khẽ nói với Quí-Phi rằng : « Đêm hôm nay sao Ngưu-lang và Chức-nữ được hội-họp với nhau, chắc rằng vui lắm. Người ta nói Ô-thước bắc cầu, không biết có thật không. Nếu quả như một năm mới được gặp một lần, thì hợp ít ly nhiều, không bằng dương-gian chúng ta, tôi cùng nàng đêm-ngày liền nhau không lúc nào xa-cách ». Dương-Quí-phi nghe nói tâu rằng : « Chúng ta tụ-họp chỉ có chừng thôi, không như hai sao trên trời cùng nhau mãi mãi ». Nói xong có ý buồn-rầu. Vua cũng cảm-động bèn nói : « Hai ta ái-ân tình nặng, nỡ nào lìa nhau. Chúng ta nên thề rằng : « Kiếp ấy kiếp khác nguyện làm vợ-chồng. Thế-thế sinh-sinh nguyện vi phu-phụ ». Hai người thề xong lấy làm vui-vẻ. Sau ông Bạch-Cư-Dị có làm mấy câu trong bài Trường-hận-ca để nói về chuyện ấy. Dương-Quí-phi được vua yêu-dấu như thế mà vẫn tư thông với An-Lộc-Sơn. Sau An-Lộc-Sơn khởi binh làm loạn, đánh đâu được đấy, dần-dần tiến về đánh gần đến kinh thành để chiếm lấy Quí-Phi. Triều-đình rối loạn, nhân-dân nao-núng, kinh-thành không đủ quân chống-giữ. Vua phải chạy trốn về Ba-thục. Lúc đi chỉ đem Dương-Quí-Phi, anh nàng là Thừa-tướng Dương-Quốc-Trung, và hai chị nàng là Hàn-Quốc phu-nhân, Quắc-Quốc phu-nhân, cùng các tướng dẫn quân đi hộ-giá. Đi khỏi Trường-An được vài trăm dặm, đến dãy núi Nga my và Mã-ngôi, các tướng bàn nhỏ với nhau rằng : « Giặc này là chỉ do họ Dương gây nên. Bây giờ có giết bọn ấy đi để tạ tam-quân, thì vua đi mới yên được ». Thế là chư-tướng vào giết luôn Dương-Quốc-Trung và hai phu-nhân, rồi loan-báo cho chư-quân biết. Lúc bây giờ quân đã biến, đóng lại nhất định không đi, và bảo với nhau rằng : « Quí-Phi còn ở bên cạnh vua, nếu không giết đi thì không được ». Thấy vậy, Cao-Lực-Sĩ phải vào tâu vua rõ. Vua nghe nói rụng-rời chân tay, phải thân ra đứng trước tam-quân mà nói rằng : « Tội tại Dương-Quốc-Trung, nay đã giết rồi. Còn như Phi-tử ở chốn thâm-cung, có biết gì đến việc ngoài, nếu giết đi thực tội-nghiệp ». Quân-sĩ đều hô vạn-tuế, nhưng cứ đứng im như trước. Cao-Lực-Sĩ phải khẽ tâu với vua rằng : « Tam-quân có yên thì vua mới yên được. Bây giờ lòng quân đã thế, xin Bệ hạ chiều lòng quân, cắt đứt mối tình. Bằng không, giặc đuổi đến đây, thì không lấy gì địch được ». Vua chỉ đứng nguyên mà khóc. Vì Cao-Lực-Sĩ tâu mãi, vua mới vào khóc với Dương-Quí-Phi rằng : « Tôi cùng nàng bây giờ vĩnh-biệt, bao giờ lại được thấy nhau ? » Dương-Quí-Phi đã biết trước, không đợi vua nói rõ, ngồi ngay xuống lạy mà tâu rằng : « Thần-thiếp đã tự biết có tội với Quốc-Gia, nay chết cũng không dám ân-hận. Xin Bệ-hạ đừng quá nghĩ vì thiếp, mà chăm lấy long-thể, để khôi-phục kinh-thành, thì thiếp cũng được hả lòng nơi chín suối ». Vua cứ giữ lấy Quí-Phi không cho đi. Lực-Sĩ phải thúc giục lắm, vua mới bỏ ra. Quí-Phi lại bảo : « Xem có cái chùa nào đưa ta đến ». Lực-Sĩ thưa : « Nương-nương cứ đi, kẻ hạ-thần xin chu tất ». Nói xong bèn đưa đến một cái chùa, đợi Quí-Phi lễ rồi, mới sai quân thắt cổ chết ngay giữa cửa Phật. Bấy giờ Quí Phi đã ngoài 30 tuổi. PHAN-NHƯ-XUYÊN dịch LÝ THÁI BẠCH-KIM-CỔ KỲ-QUAN - Câu cẩm-tú đàn anh họ Lý, Nét đan-thanh bậc chị chàng Vương. (CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC) - Thôi ngày chán lại đêm thâu, Cạn chung Lý-Bạch, nghiêng bầu Lưu-Linh, (BÍCH-CÂU KỲ-NGỘ) Về đời vua Đường-minh-Hoàng (Dương-lịch : 713-756), tại Cẩm-châu, thuộc tỉnh Tứ-xuyên, có một người tài-tử, họ Lý tên Bạch, tiểu-tự Thái-Bạch, biệt-hiệu Thanh-Liên Cư-sĩ, là cháu chín đời vua Lương-Vũ-Đế. Bà mẹ nằm mộng thấy sao Thái-Bạch sa vào lòng rồi sinh ra ông, cho nên mới đặt tên ông như vậy. Lý-Bạch tư-dung như vẽ, cốt-cách thanh-tao. Mới mười tuổi đã tinh-thông các sách, miệng đọc thành thơ, cho nên người đời đều coi là một vị thần-tiên giáng-thế, mà gọi là Lý Trích-Tiên. Trích-Tiên tính hay ngâm-vịnh, thích ngao-du chốn nước biếc non xanh và mong được uống hết các thứ rượu ngon trong thiên-hạ. Một hôm, nghe nói ở Hồ-nam có thứ rượu Ô-trình rất ngon, ông chẳng quản đường xa dặm thẳm, tìm đến một quán rượu ở đó, uống thật say rồi ngâm thơ. Chợt có quân Tư-mã Cao-Diệp đi qua, nghe thấy, bèn cho lính vào hỏi. Trích-Tiên ứng-khẩu đáp bằng một bài thơ : Thanh-Liên Cư-sĩ Trích-Tiên đây, Giấu tiếng bao năm chốn tỉnh-say ; Tư-mã việc chi còn phải hỏi, Như-Lai Kim-Túc hiện thân này. Nguyên tác : Thanh-Liên Cư-sĩ Trích-Tiên nhân, Tửu tứ đào danh tam thập xuân ; Hồ-châu Tư-mã hà tu vấn, Kim-Túc Như-Lai thị hậu thân. 青蓮居士謫仙人 酒肆藏名三十春 湖州司馬何須問 金粟如來是後身 Tư-mã nghe thơ biết là Trích-Tiên ở Tây-thục, một người mình vẫn mộ tiếng, thì mừng-rỡ vô cùng, liền mời về nhà, giữ luôn mười ngày để uống rượu. Khi tiễn-biệt, Tư-mã lại hậu-tặng và nói rằng : « Túc-hạ là người có tài, rất dễ phát đạt, sao chẳng về Trường-an mà ứng-thí ? » Lý-Bạch đáp : « Đời này, muốn thi đỗ thì phải có tiền có thế, chứ không nhờ ở học ở tài. Muốn tránh nỗi tức giận về những sự bất công, cho nên không ứng thí ». Tư-mã lại nói : « Tuy vậy, Trường-an là nơi đô-hội, thiếu chi tài-tử văn-nhân, thì tài học như Túc-hạ tất có người thưởng-thức ». Lý-Bạch nghe lời, bèn đi ngay Trường-an. Một hôm, Lý Bạch ngẫu gặp quan Học-sĩ Hạ-Tri-Chương, cùng nói chuyện văn-chương mà thành tri-kỷ. Hạ liền mời Lý về nhà, kết- nghĩa anh-em, rồi ngày-ngày uống rượu ngâm thơ, ngao-du sơn-thủy. Ngày qua tháng lại, sắp tới khoa thi. Tri-Chương bảo Lý Bạch rằng : « Khoa này, thi chủ-khảo là quan Thái-sư Dương-Quốc-Trung, tức anh Dương-Quí-Phi, giám-thi là quan Thái úy Cao-Lực-Sĩ, đều là những kẻ tham-nhũng, nếu không có tiền như hiền-đệ, thì không sao đỗ được. Nhưng tôi quen biết, có thể viết thư cho họ để nói trước về tài học của hiền đệ, thì họ sẽ nể mà không nỡ đánh hỏng oan ». Lý-Bạch, tính vốn không hay cầu-cạnh nhưng cũng không nỡ can-ngăn bạn. Dương-Quốc-Trung với Cao-Lực-Sĩ tiếp được thư, cười mà nói với nhau rằng : « Hạ Tri-Chương tất đã lấy vàng-bạc của Lý-Bạch rồi viết giấy nhờ chúng ta. Vậy hễ thấy quyển của họ Lý thì nhất định đánh hỏng ». Ngày mồng 3 tháng 3, là kỳ đệ nhất. Hãy còn sớm, Lý Bạch đã viết xong và đem quyển nộp. Mặc dầu chữ tốt văn hay, Quốc-Trung nhận thấy tên Lý-Bạch, cầm quyền xem qua rồi trao cho Cao-Lực-Sĩ mà nói rằng : « Người học-trò này dốt quá, chỉ đáng mài mực cho thí-sinh thôi ». Cao lực sĩ nói tiếp rằng : « Có lẽ chưa đáng mài mực, chỉ đáng cởi giày cho họ thôi ». Dương-Quốc-Trung bèn phê hỏng vào quyển rồi vất quyển đi, lại sai đuổi ngay Lý-Bạch ra ngoài cửa trường. Lý-Bạch cả giận, về nhà thề rằng : « Hễ sau có làm nên, thì quyết bắt Quốc-Trung mài mực và Lực-Sĩ cởi giầy cho hả giận ». Hạ-Tri-Chương thấy vậy khuyên rằng : « Hiền-đệ chớ lo, cứ ở đây chờ đến khoa sau, có quan-trường khác, thế nào cũng đỗ ». Từ đấy, hai người ngày-ngày chỉ cùng nhau uống rượu ngâm thơ. Năm sau, có sứ Phiên đến, Triều-đình mới phái Hạ-Tri Chương ra tiếp tại sứ-quán. Khi vào bệ-kiến, sứ-thần dâng Vua một phong quốc-thư. Vua giao thư cho Hạ-Tri-Chương mở thư tuyên-đọc. Tri-Chương xem qua rồi tâu rằng : « Muôn tâu Bệ-hạ, thư này viết bằng chữ ngoại-quốc, hạ-thần chửa học qua, nên không đọc nổi ». Vua truyền giao cho các quan Hàn-lâm khác, nhưng không có ai đọc được. Vua giận mà nói rằng : « Cả tòa Hàn lâm có hàng trăm người, mà không một ai đọc nổi bức thư, thì thực mất thể-diện với nước ngoài. Nay truyền cho các quan đại-thần, trong hạn năm ngày, phải tìm cho được một người đọc nổi thư đó ». Các quan đều lo-sợ. Hạ-Tri-Chương về nhà thuật lại chuyện ấy cho Lý-Bạch nghe, thì Lý-Bạch cười mà nói rằng : « Nếu khoa vừa rồi ta đỗ, thì làm gì mà chả giúp vua giảng bức thư Phiên ». Hạ-Tri-Chương vội hỏi : « Hiền-đệ có đọc được chữ Phiên à ? » Lý-Bạch gật đầu. Hạ-Tri-Chương vào tâu với vua rằng : « Muôn tâu Bệ-hạ, có một người học-trò tỉnh Tứ-xuyên tên là Lý-Bạch, hiện đang ở chơi nhà hạ-thần, tuy chưa thành-đạt, nhưng học rộng tài cao, biết nhiều thứ chữ ngoại-quốc. Tưởng nhà Vua nên truyền gọi mà hỏi ». Vua mừng lắm, liền sai sứ-giả đến gọi Lý-Bạch. Lý-Bạch thưa rằng : « Tôi là một kẻ học-trò, học thiển tài sơ, không có danh-vị, cho nên không dám vào chầu ». Sứ-giả về tâu, vua lại hỏi Tri-Chương rằng : « Lý-Bạch không chịu vào bệ-kiến, là ý thế nào ? » Tri-Chương tâu rằng : « Khoa thi vừa rồi, Lý-Bạch bị quan-trường vất quyển đuổi ra. Nay mặc áo vải vào chầu có điều sợ-hãi và xấu-hổ. Xin Bệ-hạ ban cho đặc-ân gì, thì mới dám vào ». Tức thì, Vua phê cho Lý-Bạch đỗ Tiến-sĩ, và phái Hạ-Tri Chương đem cờ, biển, áo, mũ, về nhà ban cho Lý-Bạch, rồi đón vào bệ-kiến. Lý-Bạch bèn áo mũ chỉnh-tề, cưỡi ngựa cùng với Tri Chương vào chầu, làm lễ tạ ơn. Vua Minh-Hoàng phán rằng : « Có bức thư của vua Phiên, không ai hiểu được. Nay gọi nhà người vào, để giảng cho Trẫm ». Lý-Bạch xem qua bức thư, rồi đến ngai vàng đọc rành mạch như sau này : « Khả-Độc nước Bột-hải kính gửi Hoàng Đế nước Đại-Đường ». Từ khi Trung-quốc chiếm nước Cao-ly, cùng với nước tôi tiếp-giáp, thì quân-đội quí-quốc thường xâm-phạm và bờ-cõi nước tôi, tôi bỏ qua đã nhiều lần, đến nay không thể chịu được nữa, mới phải gửi thư này. Hoàng-Đế nên nhường lại cho tôi 176 thành của nước Cao-ly, để tránh những sự xung- đột nơi biên-giới. Tôi sẽ chia cho Trung-quốc một phần những sản-vật sau này : Nai núi Thái-bạch, hải-vị miền Nam-hải, trống ở Bành-thành, hươu sao ở Phù-dư, lợn to ở Trịnh-hiệt, ngựa tốt ở Xuất-tân, tơ lụa ở Thứ-châu, mắm cá ở Vị-dà, mận đỏ ở Cửu-đô, lê trắng ở Lạc-du. Nếu Hoàng-Đế không ưng thuận, tôi sẽ phải khởi binh để cùng với quan Đường một phen thắng-phụ. Vua hỏi các quan đại-thần rằng : « Chúa Bột-hải hòi đất Cao-ly, ta phải đối-phó thế nào ? » Các quan đều im lặng Hạ-Tri-Chương tâu rằng : « Việc ấy rất khó, xin Bệ-hạ cứ hỏi Lý-Bạch xem ». Vua bèn hỏi Lý-Bạch, thì Lý-Bạch tâu rằng : « Xin Thánh thượng chớ ngại. Mai, xin Bệ-hạ cho triệu Sứ-thần Bột-hải vào chầu, hạ-thần sẽ thảo tờ chiếu bằng chữ Phiên để làm cho Khả-Độc phải khuất-phục ». Vua hỏi : « Khả-Độc là thế nào ? » Lý-Bạch tâu : « Khả-Độc của Bột-hải cũng như Khả-Han của Hồi-ngột, như Tán-Phổ của Thổ-phồn, như Hoàng-Đế của ta vậy ». Vua thấy Lý-Bạch ứng-đối chôi-chẩy rất mừng, phong cho làm Hàn-lâm học-sĩ và ban yến tại điện Kim-loan. Vua vốn biết Lý-Bạch thích rượu, nên truyền cho uống thật say rồi cho nghỉ ngay ở điện bên. Sáng sớm hôm sau, Lý-Bạch còn say, vua sai nội-thị lấy bát yến nóng, rồi tay tự cầm ban cho Lý Bạch. Lý-Bạch quỳ mà ăn, một lúc sau mới tỉnh. Khi Phiên-sứ vào chầu, Lý-Bạch tay cầm phiên-thư đứng bên ngai vàng mà đọc, không sai một chữ, rồi bảo Phiên-sứ rằng : « Trong bức thư này, Khả-Độc có vẻ vô-lễ, nhưng Hoàng-Đế đại-lượng, tha thứ cho và sẽ có chiếu đáp lại, người phải đợi trước sân rồng ». Lúc ấy, bên long-sàng, đã kê sẵn giường thất-bảo, giải đệm gấm, có bầy nghiên ngọc, bút ngà, mực long-yên, giấy kim-hoa cho Lý-Bạch ngồi thảo chiếu. Lý-Bạch tâu rằng : « Giầy của kẻ hạ-thần dơ-bẩn, xin Bệ hạ ra ân cho cởi, để hạ-thần đi chân lên điện ». Vua ưng cho, và sai nội-thị cởi hộ. Lý-Bạch lại tâu : « Kẻ hạ-thần muốn xin tâu thêm một điều, nhưng sợ vô-lễ. Bệ-hạ có rộng-lượng tha-thứ cho, kẻ hạ-thần mới dám tâu ». Vua nói : « Cho phép nhà ngươi cứ tâu ; dù có lầm-lỗi, trẫm cũng rộng dong cho ». Lý-Bạch tâu : « Khoa thi vừa rồi, kẻ hạ-thần có bị quan chủ-khảo Dương-Quốc-Trung vất quyển đi, quan giám-thị Cao-Lực-Sĩ đuổi ra ngoài. Nay thấy hai người ấy, kẻ hạ-thận nhớ đến cái nhục trước, viết khó thành văn. Vậy dám xin Bệ hạ gia-ân, truyền cho Dương-Quốc-Trung mài mực, Cao-Lực Sĩ cởi giầy cho hạ-thần, thì hạ-thần thảo chiếu mới hay được ». Vua Minh-Hoàng muốn cho được việc đành bắt Dương Quốc-Trung mài mực, và Cao-Lực-Sĩ cởi giầy cho Lý-Bạch. Bấy giờ Lý-Bạch đắc-chí, ngồi lên đệm gấm, thảo tờ chiếu, chỉ trong chớp mắt đã xong và đem trình ngự-lãm. Vua thấy chiếu viết toàn bằng chữ Phiên như trong bức thư nhận được, trao cho các quan đại-thần xem rồi bắt sứ-giả quì trước ngai vàng để nghe Lý-Bạch tuyên-đọc. Chiếu rằng : « Đức Hoàng-Đế hiệu Khai-nguyên nhà Đại-đường chiếu cho Khả-Độc của Bột-hải như sau này : « Thường nghe trứng không chọi được với đá, rắn không thể địch được với rồng. Như Thiên-triều đây, theo mạng trời mà trị thiên-hạ, 9 châu đã định, 4 bể đã yên, đất rộng người nhiều, quân mạnh tướng giỏi : Chúa Hiệt-Lỵ bội-ước mà phải bắt, Tán-Phổ kèn-cựa sau cũng phải hàng, nước Tân-la dâng bức chướng thêu, nước Thiên-trúc dâng con chim biết nói ; nước Phất-thuật tiến chó biết giắt ngựa, nước Ba-tư biếu rắn bắt chuột ; nước Kha-lăng dâng vẹt trắng, nước Lâm-ấp dâng ngọc dạ-quang, nước Cốt-ly-cán dâng ngựa quí, toàn là tỏ cái lòng sợ uy phục đức, má tránh được tai-vạ, hưởng được yên vui. Đến như nước Cao-ly chống lại, thì cơ-nghiệp bị tan tành. Đó há chẳng phải là tấm gương soi sáng cho kẻ u-mê ru ? Nước ngươi vốn là một nước nhỏ, so với Trung-quốc chưa bằng một quận, binh-lực tài-sản đều kém xa, nếu không biết phận mình, lại kiêu-căng vô-lễ, thì tránh sao khỏi cái vạ máu chẩy thành sông, mà chịu chung số-phận của Hiệt-lỵ và Cao-ly. « Nay Hoàng-Đế rộng lượng để cho Khả-Độc suy-nghĩ mà tự sửa lỗi mình mới hòng tránh khỏi cái vạ mất nước mà bị thiên-hạ chê-cười. « NAY DỤ » Vua nghe đọc rất mừng, sai nội-thị phong tờ chiếu lại rồi giao cho Phiên-sứ. Khi ra khỏi Ngọ-môn, sứ-thần mới hỏi Hạ Tri-Chương rằng : « Người thảo tờ chiếu là thế nào, mà quan Thái-sư cũng phải mài mực, quan Thái-úy phải cởi giầy như vậy ? » Hạ-Tri-Chương đáp : « Đó là một vị Thần-tiên xuống trần để giúp Đường-triều nên Đại-thần phải hầu hạ ». Phiên-sứ về nước đưa trình tờ chiếu và thuật lại những truyện đã qua ; Khả-Độc lấy làm kinh-sợ mà chịu thần-phục như trước. Từ đấy, vua càng nể-vì Lý-Bạch, muốn trao cho chức trọng quyền cao, vàng-bạc, gấm-vóc ; Lý-Bạch đều từ mà tâu rằng : « Nếu Bệ-hạ rộng thương thì xin cho kẻ hạ-thần được ngày-ngày cùng quan Hàn-lâm Hạ-Tri-Chương uống rượu ngâm thơ, ngao-du sơn-thủy ». Vua Minh-Hoàng biết Lý-Bạch là người thanh-cao, nên không cưỡng-ép, thường thường ban yến và cho ngủ ngay ở trong điện. Một hôm, Lý-Bạch cưỡi ngựa đi chơi, gặp một toán lính, áp giải ra pháp-trường một người tù ngồi trong xe, trạng mạo khác thường. Hỏi ra mới biết là một võ-quan ở biên-giới tên là Quách-Tử-Nghi. Lý-Bạch nhận thấy Tử-Nghi có tài thao-lược, mà tin rằng về sau lập được công to, bèn xin quan giám-hình hãy tạm chờ, để phi ngựa về cung xin ân-xá. Một lát sau Lý-Bạch đã trở lại pháp-trường tuyên-mộc chỉ-dụ của vua tha tội chết cho Quách-Tử-Nghi, cho về giữ chức cũ để lập công chuộc tội. Quách-Tử-Nghi ở trong xe tù bước ra, sụp lạy Lý-Bạch để tạ ơn cứu mạng, rồi biệt về nhận chức cũ. Mẫu-đơn giang-nam, cũng gọi mộc-thược-dược, là một thứ hoa quí, sắc đẹp, hương thơm, có tiếng là chúa các thứ hoa. Trong cung nhà Đường, có trồng được bốn màu, là đại hồng, thâm hồng, thiển hồng và thông bạch. Một hôm, cả bốn thứ đều nở hoa, vui rất vui-vẻ, cùng với Dương-Quí-Phi ra đình Trầm-hương thưởng-ngoạn, có phường nhạc Lê-viên của nhà vua tấu nhạc. Vua lại sai Lý-Qui-Niên, là quan trưởng phường nhạc, đi tìm Lý-Bạch để đặt bài hát mới. Qui Niên vừa đến một quán rượu đã thấy Lý-Bạch quá say mà đương nghêu-ngao hát mấy câu sau này : Ba chén xuốt đạo lớn, Một dấu ngủ tự nhiên ; Chỉ lấy rượu làm thú, Người tỉnh mấy ai truyền. Nguyên tác : Tam bôi thông đại đạo, Nhất đẩu hợp tự nhiên ; Đãn đắc tửu trung thú, Vật vị tỉnh giả truyền. 三杯通大道 一斗合自然 但得酒中趣 勿爲醒者傳 Qui-Niên bèn nới với Lý-Bạch rằng : « Hoàng-Thượng ngự ở đình Trầm-hương đang đợi Học-sĩ. Chính tôi phụng-chỉ đi tìm Học-sĩ đây ». Lý-Bạch bầng mắt, đọc một câu thơ của Đào-Uyên-Minh như sau này : Tôi say muốn ngủ, ông về trước. Ngã dục túy miên, quân thả khứ. Lý-Bạch đọc xong lại ngủ. Qui-Niên không sao được, phải gọi mấy người lính khiêng Lý-Bạch đặt lên mình ngựa và đỡ Lý để đưa đến trước lầu Ngũ-phượng. Vua Minh-Hoàng biết vậy, sai nội-thị ra truyền cho phép Lý-Bạch được cưỡi ngựa vào Trầm-hương-đình, rồi nằm nghỉ trên một chiếc chiếu hoa ở góc đình cho tỉnh rượu. Lý-Bạch lại ngủ, bọt sùi ra mép. Vua thân cầm khăn tay chùi cho Lý. Quí-Phi nhân tâu rằng : « Thần-thiếp nghe nói : những người say rượu, hễ vẩy nước lạnh vào mặt thì tỉnh rượu ngay ». Vua sai cung-nữ vẩy nước lạnh vào mặt Lý-Bạch. Lý bèn tỉnh rượu thấy vua đứng trước mặt, sợ-hãi, bèn quì xuống tâu rằng : « Kẻ hạ-thần tội đáng chết, xin Bệ-hạ rộng tha cho ». Vua đáp : « Trẫm cùng Phi-tử thưởng hoa ở đây, muốn vời Khanh vào để làm mấy bài hát mới, phổ vào khúc nhạc ». Lý-Bạch vâng mệnh, nhân sẵn bút mực, thảo ngay 3 bài Thanh-bình điệu sau này : Bài I Xiêm áo như mây, mặt tựa hoa, Hương nồng bên triện gió xuân qua ; Ví không gặp-gỡ đầu non ngọc, Âu cũng đài Dao dưới bóng nga. Nguyên tác : Vân tưởng y thường hoa tưởng dung, Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng ; Nhược phi quần ngọc sơn đầu hiện, Hội hướng Dao-đài nguyệt hạ phùng. 雲想衣裳花想容 春風拂檻露華濃 若非羣玉山頭見 會向瑶臺月下逢 Bài II Một cành tươi tốt đượm màu hương, Giấc mộng mây-mưa uổng vấn-vương ; Ướm hỏi Hán-cung ai sánh kịp, Phấn son Phi-Yến cũng xin nhường. Nguyên tác : Nhất chi nùng diệm lộ ngưng hương, Vân vũ Vu-sơn uổng đoạn trường ; Tá vấn Hán-cung thùy đắc tự, Khả lân Phi-Yến ỷ tân trang. 一枝濃艷露凝香 雲雨巫山枉斷腸 借問漢宮誰得似 可憐飛燕倚新粧 Bài III Danh-hoa khuynh-quốc vẻ đua tươi, Nên được Quân-Vương ngắm lại cười ; Rũ sạch gió đông bao nỗi giận, Đình Trầm đang lúc tựa lan chơi. Nguyên tác : Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan, Dương đắc Quân-Vương đới tiếu khan ; Giải thích xuân phong vô hạn hận, Trầm-hương-đình bắc ỷ lan-can. 名花傾國兩相歡 當得君王帶笑看 解釋春風無恨恨 沉香䭽北倚欄杆 Vua xem thơ, khen là hay lắm, rồi trao cho Qui-Niên lựa nhịp mà hát. Quí-Phi cũng vừa ý, đứng dậy lạy vua để tạ ơn. Vua nói : « Không phải tạ Trẫm đâu, nên tạ quan Học-sĩ ». Quí-Phi bèn lấy rượu bồ-đào, rót vào chén ngọc, sai cung nữ ban cho Lý-Bạch. Từ đấy, trong cung có yến tiệc nào, Lý Bạch cũng được vời. Quí-Phi cũng kính-trọng lắm. Một hôm, Quí-Phi đứng xem hoa ở đình Trầm-hương, ngâm ba bài Thanh-bình-điệu của Lý-Bạch mà khen-ngợi. Cao-Lực-Sĩ nghe thấy, muốn trả-thù Lý-Bạch, tâu với Quí-Phi rằng : « Chúng tôi xem ý Nương-nương lấy làm thích mấy bài thơ ấy, chứ không oán-giận Lý-Bạch ». Quí-Phi hỏi : « Có gì mà oán-giận ? » Đáng giận vì câu « Phấn son Phi-Yến cũng xin nhường ». Xưa Phi-Yến là Hoàng-hậu của vua Hán-Thành-Đế, có tư thông với Yên-Xích-Phượng, vua Thành-Đế bắt gặp Xích Phượng ở trong cung, bèn giết đi. Vậy đem Nương-nương mà ví với Phi-Yến, thì tức là chê-bai chứ không phải là ca-tụng. Xin Nương-nương nghĩ kỹ. Nguyên Quí-Phi bấy giờ đương tư-thông với An-Lộc-Sơn, nghe nói thế chột ý, mà sinh ra giận Lý-Bạch. Từ đấy, nàng thường nói với vua rằng Lý-Bạch vô-lễ, cho nên vua cũng không vời Lý-Bạch nữa. Lý-Bạch thấy vậy, biết rằng bị Lực-Sĩ dèm-pha, bèn xin cáo về, nhưng vua không cho. Ông lại càng hay say sưa với 7 ông bạn rượu là : Hạ-Tri-Chương, Lý-Thích Chi, Nhữ-Dương-Liễn, Thôi-Tôn-Chi, Tô-Tấn, Trương-Húc, Tiêu-Thoại. Người ta thường gọi là 8 ông tiên rượu. Một hôm, vua Minh-Hoàng bảo Lý-Bạch rằng : « Khanh có trí u-nhã, Trẫm cùng chiều ý mà cho cáo về. Nếu cần thứ gì, Trẫm sẽ ban cho ». Lý-Bạch tâu rằng : « Muôn tâu Bệ-Hạ, kẻ hạ-thần chỉ xin được lúc nào cũng đủ tiền uống rượu ». Vua bèn ban cho một cái thẻ bài bằng vàng có mấy chữ sau này : « Lý-Bạch đến đâu, cần tiền rượu thì được phép vào kho đấy mà lĩnh ». Vua còn ban thêm 1 nghìn lạng vàng, 1 áo gấm, 1 đai ngọc, 1 con ngựa bạch, 1 yên nạm vàng và 20 người lính hầu, lại thân cầm 3 đóa hoa bằng vàng giắt vào mũ Lý-Bạch và thân rót 3 chén rượu tiễn chân. Lý-Bạch dập đầu lạy tạ, từ biệt ra đi. Các quan trong triều đều đi tiễn, chí có Dương-Quốc-Trung và Cao-Lực-Sĩ là vắng mặt ; các ông bạn rượu đưa chân đến một trăm dặm và uống rượu với Lý Bạch suốt ba ngày rồi mới trở về. Lý-Bạch mặc áo gấm hồng, đội mũ sa đen cưỡi con ngựa trắng của Vua ban, cùng với 20 người lính trở lại quê nhà ở Tứ-Xuyên. Tiền uống rượu trong lúc đi đường, đều lấy ở những kho địa-phương để trả. Về tới Cẩm-châu, thì phu-nhân là Hứa-thị cùng với các quan sở-tại ra đón rước. Vui cảnh gia-đình được độ nửa năm Lý-Bạch lại từ-biệt phu-thân để ngao-du sơn-thủy. Ông ăn-mặc như một người học-trò, dấu kim-bài của Vua ban, cưỡi một con lừa, có một tiểu-đồng theo sau. Một hôm, đi đến huyện Hoa-âm, nghe nói quan huyện là người tham-nhũng, muốn gặp xem sao ; ông bèn cưỡi lừa đến thẳng công-đường, qua qua lại lại mấy lượt. Quan huyện trông thấy cho lính bắt vào hỏi, thì Lý-Bạch chẳng nói gì, cho nên quan huyện sai giam, rồi ủy người lấy cung. Lý-Bạch khai rằng : « Tôi là Lý-Bạch quê ở Cẩm-châu, văn-chương nhất đời quỷ-thần kinh-sợ. Hội Bát-tiên chốn Trường-an, dịch Phiên-thư nơi đế-điện. Xe Ngọc-liễu có khi đón rước, điện Kim-loan thường vẫn ngủ đêm. Đã từng được vua quấy yến cho ăn, được vua lấy khăn lau miệng, Cao Thái-Úy chụt giầy, Dương-Thái-Sư mài mực. Vào cung đã được cưỡi ngựa, qua huyện sao phải xuống lừa. Muốn biết lai lịch ta đây, xem thử kim-bài sẽ rõ ». Người lấy cung, mới đọc qua, sợ hãi quì lạy xin tha lỗi. Lý-Bạch nói rằng : « Không việc gì đến ngươi. Cứ về hỏi quan huyện rằng : Ta phụng kim-bài đi chơi, có phạm tội gì mà bắt ? » Người lấy cung vào bẩm, quan huyện cả sợ vội-vàng đến sụp lạy mà xin tha lỗi. Lý-Bạch mắng rằng : « Ngươi làm quan, đã có tước lộc của Thánh-Thượng, sao lại còn tham-nhũng ? » Rồi đưa kim-bài ra nói tiếp : « Cứ theo bài này, thì các ngươi đều phải tội cả ». Mọi người đều van lạy xin tha Lý-Bạch nói rằng : « Thôi, lần này tha cho. Nếu không biết sửa mình, sau sẽ trị tội ». Mọi người đều tạ ơn và xin vâng mệnh. Tin ấy đồn khắp mọi nơi, ai cũng cho rằng Lý-Bạch được mật phái đi thanh tra, cho nên quan-nha đều bỏ cả thói tham-nhũng. Mấy năm sau, An-Lộc-Sơn nổi loạn, Vua Minh-Hoàng phải chạy vào Thục. Ba quân hộ-vệ, trong khi đi đường, bắt giết Dương Quốc-Trung và ép Dương-Quý-Phi phải thắt cổ chết trong một ngôi chùa. Bấy giờ một vị hoàng-thân là Vĩnh-Vương-Lân đem quân đánh lấy Tràng-an, lên ngôi Hoàng-đế, nghe nói Lý-Bạch trốn ở núi Lư-sơn, triệu Lý-Bạch về ép phải giúp sức. Sau con trưởng vua Minh-Hoàng là Túc-Tôn nối ngôi cha, sai Quách Tử-Nghi đi đánh Vĩnh-Vương-Lân, Vĩnh-Vương thua rồi tự tử, còn Lý-Bạch chạy trốn đến bến Tầm-dương thì bị bắt đem nộp Quách-Tử-Nghi. Tử-Nghi trông thấy vội-vàng cởi trói, mời ngồi, rồi sụp lạy mà nói rằng : « Xưa nhờ ân-nhân cứu mạng cho cho nên mới có ngày nay. Tôi xin hết sức để báo đền ơn trước ». Nói xong, làm tiệc khoản-đãi rồi thảo tờ sớ xin vua Túc Tôn tha tội cho Lý-Bạch. Khi ấy, hai Kinh đã khôi-phục, Vua Túc-Tôn mới rước vua Minh-Hoàng ở Thục về, và tôn là Thái Thượng-Hoàng, vừa tiếp được sớ của Quách-Tử-Nghi. Vua Minh-Hoàng bảo vua Túc-Tôn rằng : « Lý-Thái-Bạch là bậc thiên-tài, nếu không dùng thì thật là phí lắm ». Túc-Tôn bèn cho Lý-Bạch làm Tả-thập-di nhưng Lý-bạch cố từ. Sau đó ít lâu, Lý-Bạch từ-biệt Quách-Tử-Nghi, ngày ngày đủng-đỉnh con thuyền, uống rượu ngâm thơ ở những nơi thắng cảnh. Một đêm, thuyền đậu ở bến Thái-thạch, thuộc Kim-lăng, trăng sáng vằng vặc, Lý-Bạch ngồi trên mũi thuyền, uống rượu thật say, trông thấy bóng mặt trăng ở dưới sông, nhẩy xuống để ôm lấy mà chết. Tục truyền rằng : Lúc ấy trên trời có tiếng đàn-địch vang giậy, dưới sông có cá kình nổi lên, Lý-Bạch cưỡi cá mà ra bể. Người đời hâm-mộ, lập đền ở bến Thái-thạch mà thờ, gọi là đến Lý-Trích-Tiên. PHAN NHƯ XUYÊN dịch MẠNH-QUANG (TÌNH-SỬ) - Án kia nâng ở ngang mày, Sạch-trong một tiết, thảo-ngay một bề. (THỊ-KÍNH) - Ngang mày Mạnh-thị chưa nâng án, Khuất mặt Chiêu-Quân đã mạc tranh. (NHỊ-ĐỘ-MAI) Triều vua Hán-Minh-Đế (Dương lịch : 58-76), có một người tên là Lương-Hồng, ở đất Bình-lăng, tên chữ là Bá Loan, thông-minh và học rộng, không sách gì là không biết. Nhà có nuôi một đàn dê, vì nghèo nên hễ đi học về, lại chăn dắt. Một hôm, nhà bị phát hỏa, cháy lan sang cả một nhà hàng xóm, Lương-Hồng tự phàn-nàn rằng đã làm hại người ta, rồi sang hỏi thăm. Người láng-giềng nói rằng bị hại nhiều lắm. Lương-Hồng xin đưa cả đàn dê để đền. Người láng-giềng cũng không bằng lòng. Chàng nói : « Cả gia-tài tôi chỉ có một đàn dê thôi. Nếu không đủ, thì tôi xin ở hầu-hạ ông để đền sự thiệt-hại ». Người láng-giềng ưng-thuận. Từ đấy Lương-Hồng yên phận là một người đầy-tớ, hầu-hạ rất cẩn-thận siêng-năng. Có người cũng ở gần đấy, thấy Lương-Hồng trạng-mạo khác thường mà đến nỗi thế, bèn trách người láng-giềng kia là tệ, mà khen Lương-Hồng là hiền. Người láng-giềng bèn trả lại đàn dê cho Lương-Hồng. và thôi không để cho ở nữa, nhưng chàng không chịu nhận dê. Rồi từ-giã ra đi. """