"Đi Tìm Gobi - Dion Leonard & Nguyễn Thu Thảo (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đi Tìm Gobi - Dion Leonard & Nguyễn Thu Thảo (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller] Ebooks Nhóm Zalo ĐI TÌM GOBI Tác giả: Dion Leonard Dịch thuật: Nguyễn Thu Thảo Thể loại: Tiểu thuyết Phát hành:Trí Đức Nhà xuất bản:Văn Học Nguồn sách: Waka Đóng ebook: nguyenthanh-cuibap Dành tặng người vợ yêu dấu của tôi, Lucja. Cuốn sách này không thể ra đời nếu thiếu sự ủng hộ, tận tâm và tình yêu nơi em. Mở đầu ĐÊM QUA, Ê KÍP LÀM PHIM ĐÃ ĐÓNG MÁY. N gày mai đại diện nhà xuất bản sẽ đến. Cả người tôi vẫn còn ê ẩm do dư âm của chuyến hành trình dài bốn mươi mốt giờ qua. Cho nên tôi và Lucja đã quyết định chuyến chạy bộ đầu tiên của năm sẽ chỉ chạy nhẹ nhàng thôi. Với lại, chuyến này không chỉ dành riêng cho hai chúng tôi thôi đâu. Còn cả Gobi nữa. Chúng tôi thong thả chạy qua quán bar, phi xuống con đường ngay bên cạnh Cung điện Holyrood. Dưới nền trời trong xanh, đồi cỏ mọc trên đường chân trời Edinburg hiện ra trước mắt. Đó là đồi Arthur’s Seat - Ngai vàng của vua Authur. Đến tôi còn chẳng nhớ nổi mình đã chạy lên ngọn đồi này bao nhiêu lần, mặc dù bạn biết đấy, ngọn đồi luôn tỏ ra hung bạo. Nào là những cơn gió táp vào mặt, buộc anh phải lùi bước. Nào là mưa đá sắc như dao cứa vào da thịt anh. Những ngày như thế, tôi lại thèm cái nóng 49 độ của sa mạc. Nhưng hôm nay, trời không gió cũng chẳng mưa đá. Khi chúng tôi leo lên, ngọn đồi cũng chẳng cau có khó chịu như mọi khi, như thể đang muốn khoe mình dưới bầu trời quang mây hiếm hoi. Gobi như biến thành một cô chó khác khi chúng tôi giẫm lên cỏ. Cô nhóc vốn nhỏ con đến mức tôi có thể dễ dàng cắp bên nách, nay lại lồng lộn như sư tử, kéo tôi chạy phăng phăng lên sườn đồi. “ Wow !” Lucja trầm trồ. “Coi nó tràn đầy năng lượng chưa kìa!” Không chờ tôi đáp, Gobi đã quay lại, thè lưỡi, hai mắt sáng bừng , tai vểnh, ngực ưỡn ra. Ái chà, chừng như nó hoàn toàn hiểu lời Lucja vậy. “Em chưa biết đó thôi,” tôi đáp, tăng tốc lên một chút để nới lỏng dây xích. “Chỉ khi về núi rừng nó mới như vậy.” Chúng tôi chạy ngày một xa, sắp đến đỉnh đồi rồi. Sao tôi lại đặt tên cho Gobi theo tên một sa mạc ấy nhỉ ? Sườn núi Thiên Sơn hiểm trở, lạnh lẽo mới là nơi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên cơ mà. Gobi quả là một nhà leo núi thực thụ. Càng đi, trông cô nhóc càng lí lắc hơn. Chẳng mấy chốc, cái đuôi ngắn ngủn của Gobi vẫy nhanh như chớp, nó lắc lư thân mình vì một niềm vui đơn thuần. Khi Gobi quay đầu lại lần nữa, tôi thề là tôi đã thấy nụ cười toe toét của nó. Nhanh lên nào! Cô nhóc giục. Tiến lên! Từ trên đỉnh đồi, tôi đắm mình trong những khung cảnh quen thuộc. Cả Edinburgh trải rộng dưới chân chúng tôi; xa hơn là Cầu Forth, những quả đồi ở Lomond, rồi từng dặm đường mòn West Highland Way dài chín mươi sáu dặm tôi từng chinh phục. Tôi còn trông thấy cả bắc Berwick nữa, trọn một đường chạy marathon chuẩn1* đây. Tôi mê cảm giác chạy dọc bờ biển, kể cả vào những ngày phải đánh vật với gió từng dặm đường một. 1* Đường chạy marathon chuẩn có cự li 26,2 dặm Anh, tức là khoảng 42,2 kilômét. Tôi đã ở đây được hơn bốn tháng rồi. Dù đã quen, nhưng ở đâu đó vẫn có chút khang khác. Phải chăng vì có Gobi. Cô nhóc quả quyết đã đến lúc xuống núi, rồi lôi tôi xềnh xệch xuống sườn đồi. Không phải bằng đường mòn chúng tôi đã đi lên mà lao thẳng xuống. Tôi nhảy qua những bụi cỏ và tảng đá to cỡ chiếc vali. Lucja vẫn duy trì tốc độ chạy kế bên tôi. Gobi dẫn đường đầy điêu luyện. Tôi và Lucja nhìn nhau rồi cùng bật cười, tận hưởng khoảnh khắc chúng tôi hằng mong mỏi. Khoảnh khắc cả gia đình chạy cùng nhau. Chạy không phải lúc nào cũng vui. Với tôi mà nói, chạy chưa bao giờ vui. Có lẽ sẽ có khen thưởng và thỏa mãn, nhưng không phải là thứ niềm vui có thể bật cười thành tiếng như giờ khắc này. Gobi muốn chạy tiếp, vì vậy chúng tôi để nhóc ta kéo đi. Nhóc ta dẫn chúng tôi đến bất cứ nơi nào nhóc ta muốn, lúc quay lên đồi, lúc chạy xuống đồi. Không theo kế hoạch huấn luyện hay lộ trình định trước nào. Không lo âu. Không câu nệ. Chỉ là một giây phút vô tư lự, và cũng vì thế mà tôi vô cùng thấy cảm kích. Sáu tháng đã qua, tôi thấy mình cần điều đó lúc này. Tôi đã đối mặt với những thứ tôi chưa từng dám nghĩ tới chỉ bởi vì cô cún Gobi này, nhúm lông nâu bé tí tẹo đang chạy phăng phăng, làm bả vai tôi như muốn trật đến nơi. Tôi từng đối mặt với nỗi sợ hãi chưa từng biết đến. Tôi từng tuyệt vọng, loại tuyệt vọng có thể biến bầu không khí xung quanh bạn trở nên ảm đạm và mất đi sức sống. Tôi từng đối mặt với cái chết nữa. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Còn rất nhiều chuyện tôi muốn kể cho bạn nghe. Về một cô chó nhỏ đã thay đổi chính tôi theo cái cách mà đến giờ tôi mới chớm hiểu. Mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu thấu được. Tuy vậy, tôi vẫn biết: Đi tìm Gobi là một trong những thử thách khó khăn nhất đời tôi. Và được Gobi chọn là một trong những hạnh phúc lớn nhất. PHẦN MỘT 1 B ƯỚC QUA CỬA SÂN BAY, TÔI ĐẾN VỚI TRUNG QUỐC. Tôi đứng hình. Tình thế hỗn loạn trước mắt oanh tạc mọi giác quan của tôi. Cuộc chiến không khoan nhượng của cả ngàn động cơ gầm rú trong bãi đậu xe phía trước và cả ngàn tiếng người la hét vào điện thoại. Biển báo được viết bằng cả chữ Hán và thứ chữ gì đó trông như tiếng Ả Rập. Tôi không đọc được bất kì thứ chữ nào, nên tôi quyết định gia nhập đoàn người chờ taxi. Tôi đoán thế. Hầu hết họ đều thấp hơn tôi chừng 30 phân, nhưng có vẻ như chẳng mấy ai quan tâm. Đứng giữa họ, tôi như người vô hình. Tôi đang ở Urumqi, thủ phủ rộng lớn của khu tự trị Tân Cương , tây bắc Trung Quốc. Urumqi là thành phố xa biển nhất thế giới. Đi máy bay từ Bắc Kinh, tôi thấy địa hình chuyển từ những dãy núi lởm chởm phủ đầy tuyết đến vùng sa mạc hoang vu trải rộng mênh mông. Đâu đó dưới kia, ban tổ chức giải đua đã lên lộ trình đường chạy dài 155 dặm vượt qua cả những đỉnh núi băng giá, gió thổi liên miên. Vùng đất cằn cỗi, hoang vu và thiếu vắng sự sống đó chính là sa mạc Gobi. Tôi sẽ chạy xuyên qua sa mạc. Bốn ngày đầu, mỗi ngày hoàn thành suýt soát một đường chạy cự li chuẩn. Tiếp đó là quãng đường dài gần gấp đôi cự li chuẩn trong ngày thứ năm. Mùa giải sẽ khép lại với màn chạy nước rút 6 dặm chót trong một giờ đồng hồ. Những giải như thế được gọi là “Giải chạy siêu bền đa chặng”. Bạn khó có thể tìm được thử thách nào kiểm nghiệm cả độ bền tinh thần và thể chất cam go hơn thử thách này. Những người như tôi phải bỏ ra hàng nghìn đôla mới giành được đặc quyền “chuốc khổ vào thân”, rồi phải giảm thêm 10% cân nặng , nhưng sự hi sinh này hoàn toàn đáng giá. Chúng tôi có dịp chạy qua những vùng hẻo lánh nhưng đẹp nhất trên hành tinh. Chúng tôi được đội ngũ nhân viên hỗ trợ, tận tâm bảo vệ và đội ngũ chuyên viên y tế chăm sóc tận tình. Đôi khi, những thử thách có thể khắc nghiệt đến cùng cực, nhưng nhờ thế mà cuộc đời ai đó có hẳn một bước ngoặt lớn. Chưa kể, cán đích chính là một trong những trải nghiệm tuyệt nhất của đời người. Mọi chuyện đôi khi không được suôn sẻ cho lắm. Ví như lần cuối cùng tôi gắng chạy quãng đường dài bằng sáu lần cự li chuẩn trong vòng một tuần. Kết cục là tôi phải từ bỏ giữa chừng , trong đau đớn. Ấy là lúc tôi sụp đổ, tưởng như chẳng bao giờ thi đấu được nữa. Nhưng tôi đã hồi phục, đủ để “nổ một phát súng” cuối cùng. Nếu thể hiện tốt trong Giải chạy Gobi lần này, có lẽ tôi sẽ đăng ký mấy mùa giải nữa. Dẫu sao, sau ba năm tham gia các giải chạy một cách nghiêm túc, tôi nhận ra cảm giác được đứng trên bục vinh quang mới tuyệt vời làm sao. Nhưng trong tôi luôn canh cánh nỗi lo rằng mình không bao giờ thi đấu được nữa. Chẳng may đời tôi chấm hết giống như tuyển thủ cùng giải vài năm trước thì sao. Tôi đã tra trên mạng rồi. Ngồi xe từ sân bay đến khách sạn mất chừng hai mươi, ba mươi phút. Nhưng càng gần giờ cao điểm, tài xế càng nôn nóng hơn. Anh ta bắt đầu cáu kỉnh khi biết tôi là một du khách nói tiếng Anh, thét giá gấp ba lần số tiền tôi dự tính. Từ đó, mọi chuyện bắt đầu tệ hơn. Xe đỗ xịch trước một tòa nhà xây bằng gạch đỏ, tài xế xua tay và cố đuổi tôi ra khỏi xe. Tôi nhìn tòa nhà qua cửa xe, rồi nhìn lại tấm ảnh mờ mà tôi cho anh ta xem trước khi xe chuyển bánh. Nheo mắt lại nhìn thì đúng là hơi giống thật. Nhưng rõ ràng là anh ta không đưa tôi đến đúng chỗ. “Tôi nghĩ anh cần đeo kính đấy, anh bạn!” Tôi mở lời, gắng nói thật nhẹ nhàng để xoa dịu anh ta. Nhưng chẳng ăn thua. Anh ta miễn cưỡng nhấc điện thoại lên và gắt gỏng với ai đó ở đầu dây bên kia. Hai mươi phút sau, chúng tôi mới đến đúng chỗ. Anh ta cáu tiết, dứ nắm đấm về phía tôi rồi phóng xe lao vụt đi. Chuyện ấy chẳng mảy may khiến tôi bực mình. Không khác chạy siêu bền là mấy. Nó vừa hành hạ cơ thể anh, vừa tra tấn đầu óc anh, nhờ thế anh sẽ nhanh học được cách tĩnh tâm trước những phiền toái không đáng có như bật móng chân hay chảy máu núm vú. Do vậy, không có lý do gì mà tôi phải nhọc thân vì một gã tài xế taxi nổi khùng. Ngày hôm sau là một câu chuyện khác. Sân khấu chính của giải đua được đặt tại một thị trấn lớn có tên là Hami. Tôi phải ngồi tàu cao tốc vài trăm dặm mới đến được đó. Ngay từ giây phút tôi bước vào nhà ga Urumqi, tôi mới nhận ra cuộc hành trình này đang thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Đời tôi chưa từng thấy sân ga nào có lực lượng an ninh hùng hậu như ở đây. Xe quân sự ở khắp mọi nơi. Người đi bộ và các phương tiện phải đi trong lối đặt rào chắn tạm thời có lính gác vũ trang. Người ta bảo hai giờ nữa tôi được lên tàu, nhưng nhìn dòng người dài dằng dặc đằng trước, tôi băn khoăn: Có chắc là chỉ cần đợi hai giờ thôi không ? Nếu hỏi chuyến taxi ngày hôm trước đã dạy cho tôi điều gì thì chính là : Nếu lỡ chuyến tàu này, tôi không chắc mình có thể đánh bại rào cản ngôn ngữ và đặt thêm một tấm vé khác hay không đây. Chẳng may không kịp tham gia cuộc gặp gỡ các tuyển thủ hôm nay, thì ma nào biết người ta có cho tôi xuất phát hay không ? Hoảng sợ cũng chẳng ích gì nên tôi thở đều, tự nhắc mình phải bình tĩnh và chậm rãi đi qua cửa an ninh đầu tiên. An toàn đi qua cửa an ninh, đến quầy lấy vé, tôi phát hiện ra mình đứng sai hàng. Đến lúc tôi chuyển sang đúng hàng thì thời gian không còn nhiều. Nếu đây là một cuộc đua thì, tôi nghĩ, mình sẽ về đích sau cùng mất. Tôi chưa nếm cảm giác về đích sau cùng bao giờ. Lấy được vé, tôi chỉ còn bốn mươi phút nữa để qua một cửa an ninh khác trước khi tàu chạy. Một cảnh sát soi từng chi tiết trong hộ chiếu của tôi xem có hợp pháp không rồi đẩy tôi vào trước một hàng năm mươi người đang chờ làm thủ tục lên tàu. Tôi đứng đó, miệng há hốc, thở hổn hển rồi cuống quýt ngó đủ thứ biển báo, bảng hiển thị không biết tên. Quỷ tha ma bắt! Sân ga của tôi ở chỗ quái nào chứ? May thay, tôi không hoàn toàn vô hình. Một anh bạn người Trung Quốc từng học tại Anh vỗ vai tôi. “Anh cần giúp gì không ?” anh ta hỏi. Tôi chỉ thiếu nước ôm chầm anh ta nữa thôi. Tôi vừa đặt mông xuống ghế chờ khởi hành thì mọi người xung quanh quay sang nhìn theo đoàn tàu mới sượt qua chúng tôi. Quang cảnh một sân bay những năm 50 hiện ra: Các tài công khoác trên mình bộ đồng phục trắng không tì vết, đeo găng tay trắng ; không khí nghiêm cẩn; mấy cô tiếp viên ăn vận chỉn chu, trong tư thế sẵn sàng. Tôi theo lên tàu, thả mình vào ghế, kiệt sức. Gần ba mươi sáu giờ kể từ khi rời khỏi quê nhà Edinburgh, tôi cố gắng xua tan hết tất thảy những căng thẳng chất chứa trong cả tâm trí lẫn thể xác. Ngồi trên tàu, tôi hướng ra cửa sổ xem có thứ gì hay ho không , nhưng qua nhiều giờ ròng rã, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một thứ phong cảnh nhạt nhẽo, chẳng phải đất trồng trọt trong trang trại cũng chẳng hoang vu như sa mạc. Chỉ có đất, đất và đất, trải dài hàng vạn dặm. Mệt lử và căng thẳng. Đây không phải trạng thái mà tôi muốn khi mùa giải quan trọng nhất trong sự nghiệp chạy đường trường ngắn ngủi của mình đang đến gần. Tôi đã có dịp tham gia một vài giải chạy danh tiếng hơn thế, ví như Giải Marathon des Sables tại Ma rốc được cả thế giới biết đến là giải chạy bộ khắc nghiệt nhất hành tinh. Hai lần đứng trong hàng ngũ 1.300 vận động viên chạy qua sa mạc Sahara dưới nền nhiệt ban ngày chạm ngưỡng 52oC và ban đêm, nhiệt độ giảm xuống còn hơn 4oC. Chưa kể, tôi còn về đích với thành tích đáng nể - đứng thứ ba mươi hai toàn đoàn - trong lần thứ hai tham gia. Nhưng mười lăm tháng trôi qua, nhiều thứ đã không còn như trước. Tôi bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong cuộc đua dài 155 dặm qua sa mạc Kalahari, Nam Phi. Tôi đã quá tham vọng khi ép mình hoàn thành mục tiêu về thứ hai chung cuộc và “đứng trên bục vinh quang lần đầu tiên” trong một cuộc đua đa chặng. Ấy vậy mà do uống không đủ nước, nước tiểu của tôi có màu như màu Coca. Trở về nhà, bác sĩ riêng nói rằng thận của tôi bị teo lại do thiếu chất lỏng , rồi chạy bộ khiến thận bị dập và đi tiểu ra máu. Một vài tháng sau, khi tôi tham gia một cuộc đua khác, triệu chứng đánh trống ngực bắt đầu xuất hiện. Tim tôi đập dồn dập, cảm giác buồn nôn và choáng váng ập đến. Tất cả triệu chứng này đồng loạt tái phát lúc tôi bắt đầu chạy Marathon des Sables. Dĩ nhiên, tôi làm ngơ và gắng gượng trên suốt đường chạy để đạt mục tiêu lọt top 50. Hậu quả là, về đến nhà, cơ gân khoeo chân trái đau điếng mỗi khi tôi cố đi bộ, chứ đừng nói gì đến chạy vài bước. Mấy tháng đầu sau mùa giải, tôi nghỉ hẳn. Mấy tháng tiếp, tôi đi khắp các phòng tư vấn vật lý trị liệu, nghe hết người này đến người kia bảo tôi phải thử những phương pháp mới kết hợp các bài tập thể lực với bài tập bổ trợ mà họ gợi ý. Tôi thử hết. Nhưng vô vọng. Sau đúng một năm, tôi mới tìm được một chuyên viên vật lý trị liệu và một huấn luyện viên. Họ đều là chuyên gia về chạy bộ và hiểu rõ căn ng uyên của bệnh phần nhiều là do tôi chạy không đúng. Tôi cao trên một mét tám, sải chân dài và vững chãi giúp bước chạy trở nên dễ dàng và thuần thục. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà tôi không điều động hết tất cả các cơ cần thiết, khiến cẳng chân bị co thắt đột ngột mỗi khi chạy. Cuộc đua cam go ở Trung Quốc lần này là cơ hội để tôi thử nghiệm cách chạy mới, bước ngắn hơn nhưng nhanh hơn. Đúng ra thì, tôi cũng nóng lòng muốn thử lắm. Ở nhà, tôi có thể chạy hàng giờ liền mà không đau chân và tuân thủ chế độ ăn trước cuộc đua nghiêm ngặt hơn trước đây. Từ ba tháng trước, tôi bỏ tất cả đồ uống có cồn và đồ ăn vặt, chỉ ăn thịt gà và rau xanh. Tôi thậm chí còn cai cả cà phê, những mong sẽ không bị đánh trống ngực nữa. Nếu những nỗ lực từ trước đến nay phát huy tác dụng , tôi có thể thi triển đúng năng lực của mình trong cuộc đua tại Trung Quốc, sau đó thử sức trong giải đua danh tiếng băng qua hoang mạc Atacama, Chilê, được tổ chức vào cuối năm nay. Nếu giành chiến thắng , tôi sẽ trở lại giải Marathon des Sables năm tới với tâm thế tốt nhất và làm nên tên tuổi. Tàu tiến vào Hami. Là hành khách đầu tiên xuống tàu nên tôi dẫn đầu dòng người ào về phía lối ra. Có thế chứ, tôi nghĩ. Quả nhiên, tôi không nên vui mừng quá sớm. Lính gác chốt an ninh chặn tôi lại và hỏi: “Anh đến đây làm gì?” Trông ra ngoài cửa, tôi thấy một hàng taxi dài dằng dặc đỗ bên vỉa hè, chờ những hành khách đi cùng chuyến tàu với tôi vẫy xe. Tôi gắng giải thích với anh ta về giải đua, bày tỏ nguyện vọng muốn đi bắt một chiếc taxi, nhưng tôi biết mà, vô dụng thôi. Anh ta nhíu mày, hết nhìn tôi lại nhìn hộ chiếu của tôi, rồi ra hiệu cho tôi đi theo anh ta vào một xe moóc to gấp đôi một văn phòng. Tôi mất nửa giờ để giải thích công dụng của từng bịch gel bổ sung năng lượng và đồ khô. Tôi dám thề là anh ta chả tin đâu. Tôi nghĩ anh ta cho tôi đi phần vì anh ta chán ngán lắm rồi. Lúc tôi đi ra, vỉa hè vắng tanh, người và taxi đều đi hết rồi. Hay thật. Tôi đành đứng chờ một mình. Tôi đã quá mệt mỏi và chỉ muốn cuộc hành trình ngớ ngẩn này mau mau kết thúc. Ba mươi phút sau, một chiếc taxi đến. Trước khi rời khỏi Urumqi, tôi đã cẩn thận in địa chỉ khách sạn bằng chữ Hán ra giấy. Tôi đưa tờ giấy đó cho tài xế và mừng vì dường như cô ấy biết khách sạn đó. Tôi trèo lên ghế sau, co giò ngồi trong một cái lò sắt và tranh thủ chợp mắt khi xe lăn bánh. Mới đi được mấy chục mét, chiếc xe đột nhiên dừng lại. Tài xế đang vẫy một hành khách khác. Nhập gia tùy tục, Dion. Tôi không thấy có gì đáng phàn nàn ở đây cả. Ít nhất là không cho đến khi cô ấy quay sang chỗ tôi, chỉ tay ra cửa, ý bảo người kia hiển nhiên là một khách hàng tiềm năng hơn tôi. Vậy nên, tôi không còn được chào đón trên chiếc xe này nữa. Tôi đi bộ quay trở lại, rồi mất thêm hai mươi phút để được đi qua các chốt an ninh khác, rồi lẳng lặng xếp hàng lần nữa, một mình, ở trạm bắt taxi vắng vẻ. Cuối cùng , một chiếc taxi khác cũng xuất hiện. Tài xế rất vui tính, lịch sự và biết chính xác nơi cần đến. Sự thực chứng minh anh ta tự tin thái quá. Mười phút sau, anh ta dừng xe trước một toà nhà quy mô lớn, màu xám. Còn tôi thì chẳng buồn kiểm tra xem có đúng khách sạn đó không. Tôi chỉ trả tiền, xách ba lô ra khỏi xe và nghe tiếng xe đi xa dần. Tận lúc bước vào sảnh, tôi mới nhận ra mình đến nhầm chỗ. Đây không phải khách sạn mà là một toà nhà văn phòng. Một toà nhà văn phòng mà không ai biết nói tiếng Anh. Bốn mươi phút, tôi và các nhân viên văn phòng vẫn nỗ lực thông ngôn với nhau. Các cuộc điện thoại đến người- không quen-biết cũng không mấy tác dụng. Chỉ khi trông thấy một chiếc taxi từ từ lướt qua trước tòa nhà, tôi vội chộp lấy ba lô, chạy ra, và nài nỉ người lái xe đưa tôi đến nơi tôi cần đến. Rốt cục, ba mươi phút sau, đứng sững nhìn chiếc giường trống không trong khách sạn bình dân mà ban tổ chức đã đặt trước, tôi thề thành tiếng : “Tôi sẽ không bao giờ quay lại Trung Quốc nữa!” Tôi phiền lòng không phải vì nỗ lực giao tiếp không thành hay vì những cơn đau cơ và uể oải. Cả ngày nay, tôi phải cố gắng lắm mới ngăn không cho mình luống cuống , và giờ tôi chỉ cảm thấy bực dọc khi kết quả không như mong đợi. Điều này không hợp lý tí nào. Những nỗ lực của tôi hoàn toàn vô nghĩa. Tôi đã tự thuyết phục rằng mình vẫn còn đủ thời gian đi từ Bắc Kinh đến điểm xuất phát, mà nếu như có lỡ tàu đi chăng nữa thì tôi vẫn có thể tìm cách khác. Tôi cũng hiểu rõ, tất cả những cơn đau góp nhặt trong hai ngày qua sẽ sớm tiêu tan một khi tôi bắt đầu chạy. Ấy thế mà, khi có mặt tại khách sạn gần địa điểm tổ chức giải đua, tôi còn thấy lo lắng hơn bất cứ giải đua nào tôi từng tham gia trước đây. Không phải những nỗi lo về chuyến đi, hay sức khỏe trước mắt, mà là một cái gì đó sâu xa hơn thế. Tôi lo đây có thể là cuộc đua cuối cùng trong đời tôi. Tôi sợ mình sẽ không giành chiến thắng trong một cuộc đua mà chỉ có chiến thắng là động lực thúc đẩy tôi tham gia thi đấu. Thứ Ba, ngày 3 tháng 1 năm 1984. Ngày đầu tiên sau sinh nhật chín tuổi chính là lúc tôi bắt đầu hiểu cuộc sống thay đổi nhanh đến chừng nào. Một ngày tuyệt vời, ngập tràn ánh nắng mặt trời mùa hạ tuyệt đẹp ở Australia. Buổi sáng hôm ấy, khi tôi cưỡi chiếc xe đạp qua những chướng ngại vật tự sắp, bố mẹ tôi đang đọc báo và cô em gái ba tuổi thì đang chơi trong sân gần phòng của bà ở dưới tầng , đằng cuối ngôi nhà. Trình diễn xong cú nhào lộn quá ư là hoàn hảo trên giàn nhún, sau bữa trưa, bố và tôi cầm gậy cricket và mấy quả bóng cũ ra ngoài. Bệnh nhiễm trùng ngực của bố mới hồi phục. Nhiều năm rồi ông mới cùng tôi chơi thể thao ngoài trời. Bố dạy tôi cầm gậy đúng cách để bóng bay thật mạnh, thật cao, vụt qua bãi cỏ trụi lủi và bay xa ra khỏi đất nhà chúng tôi. Về nhà lúc chiều tối, mùi thức ăn mẹ nấu lan tỏa khắp nhà. Mẹ đã hấp bánh pudding sô-cô-la mấy giờ liền và làm sốt thịt bò bằm siêu ngậy đến nỗi tôi chỉ muốn chúc đầu vào nồi, hít hà mùi nước sốt thơm nức đến tận khi hơi nóng hừng hực phả ra mới thôi. Một ngày tuyệt vời biết mấy. Như mọi đứa trẻ chín tuổi khác, đến giờ đi ngủ, tôi liền khăng khăng là con không mệt. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, mơ mơ màng màng thấy mẹ ra khỏi nhà đến lớp học Aerobic mỗi tối Thứ Ba, còn bố vặn nhỏ âm lượng , xem một trận cricket trên tivi. “Dion!” Tôi không muốn dậy đâu. Trời vẫn còn tối mà tâm trí tôi thì đang mắc kẹt trong thế giới của những giấc mơ lý thú. “Dion!” Tôi lại nghe bố gọi. Cả căn nhà hết sức yên ắng , không có tiếng tivi, cũng chẳng có tiếng của mẹ. Tôi không hiểu sao bố gọi tôi như thế nên tôi cứ ngủ tiếp. Tôi không biết bố đã liên tục gọi tên tôi bao lâu, chỉ biết mình phải thức dậy, đi xem bố muốn gì. Bố đang đắp chăn, nằm trên giường. Khi tôi bước vào, ông không nhìn tôi, mà tôi cũng không muốn đi hẳn vào phòng. Hơi thở của bố có gì đó không ổn, như thể ông cố hết sức mới hít được một chút ít không khí vào phổi. Ông bị ốm thật rồi. “Dion, đi tìm bà nội con.” Tôi vội chạy xuống tầng , gõ cửa phòng bà. “Bà ơi”, tôi gọi. “Bố cháu cần bà. Có chuyện không ổn bà ạ.” Bà tôi lao ra ngay, tôi nối gót bà lên tầng. Tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ bà từng là y tá mà, bố sẽ không sao đâu. Mỗi khi tôi, hoặc em gái Christie bị thương , bà vừa bôi thuốc vừa kể chuyện thời bà còn làm y tá trưởng ở một bệnh viện phục hồi chức năng thời chiến để chọc chúng tôi cười. Bà là một người phụ nữ cứng cỏi, một chiến binh mà tôi tin là mang trong mình sức mạnh chữa lành mọi bệnh tật và đau đớn. Vừa nhìn thấy bố, bà liền đi gọi một chiếc xe cứu thương. Còn tôi ở lại với ông. Ngay sau khi bà trở lại, bà bảo tôi ra ngoài. Christie vẫn đang yên giấc ở phòng sát vách. Tôi vừa đứng trông em vừa nghe tiếng bố thở ngày một khó nhọc và giọng nói mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ của bà. “Garry,” Bà thốt lên, to hơn bình thường. “Xe cứu thương đang đến rồi. Con chỉ bị lên cơn hen thôi. Bình tĩnh, Garry. Ở lại với mẹ.” Tiếng ồn đã đánh thức Christie. Nó bắt đầu khóc toáng lên. “Bố bị ốm thôi, Christie,” tôi dỗ dành, cố gắng nói át đi tiếng bà. “Nhưng xe cứu thương sắp đến rồi.” Tôi chạy qua hành lang để mở cửa ngay khi nghe thấy tiếng xe cứu thương đỗ bên ngoài. Các nhân viên y tế mang theo cáng và máy thở lên trên tầng. Tôi chỉ biết lặng nhìn. Vài phút sau, mẹ chạy vội vào nhà. Tôi nghe tiếng mẹ sụt sùi bên giường , vẫn chưa hiểu thế nghĩa là sao. Một lát sau, khi họ đẩy cáng ra, tôi không dám nhìn bố lấy một lần. Ông vẫn còn khó thở, đầu ông run lên bần bật. Tôi có thể nghe thấy tiếng bánh xe cáng cứu thương rít lên. Tôi đi theo mọi người ra ngoài, nơi cả đèn đường , đèn pha và đèn báo động nhấp nháy chiếu rọi mọi ngóc ngách như thể đêm tối đã qua. Khi các nhân viên y tế nâng cáng vào xe cứu thương , bố nói bố yêu mẹ. Tôi đứng bên cạnh bà, bàn chân trần giẫm trên cỏ lạnh. Mẹ thủ thỉ: “Sẽ ổn cả thôi.” Tôi không biết mẹ đang nói với ai. Bà, Christie và tôi ở lại, còn mẹ đi theo xe cứu thương. Tôi không biết chúng tôi chờ đợi bao lâu, hay làm gì. Tôi chỉ nhớ, chừng nửa đêm, cửa nhà cuối cùng cũng mở. Mẹ đi vào cùng một bác sĩ. Hai người họ lặng thinh. Tới lúc ấy, bà và tôi đều hiểu. Trong chốc lát, bà, mẹ và tôi oà khóc. Không lâu sau thì điện thoại reo. Bà thấp giọng trả lời. Cuộc điện thoại chỉ kéo dài vài phút. Chuông cửa reo, những người hàng xóm đầu tiên đến nhà và ôm mẹ thật chặt. Còn tôi lủi về phòng mình. Ngày đưa tang , tôi thấy người ta đẩy quan tài bố vào xe tang. Giãy khỏi cánh tay mẹ đang ôm vai mình, tôi chạy ra chặn họ lại. Tôi cố hết sức ôm vòng quanh chiếc hộp gỗ, nhưng không được. Hai cánh tay tôi quá nhỏ bé. Tôi oà khóc nức nở, lồng ngực thắt lại khi có người gỡ từng ngón tay tôi ra. 2 S AU KHI BỐ RA ĐI, MẸ NHƯ QUAY TRỞ VỀ thời còn là một đứa trẻ. Mẹ chuyển xuống tầng dưới ở, nơi bà chăm sóc cả mẹ, Christie và tôi. Mẹ không còn đủ sức chăm sóc chúng tôi đúng như một người mẹ nữa. Phải, tôi mới chỉ là một đứa bé chín tuổi thôi, nhưng kẻ ngốc cũng nhận ra những dấu hiệu bất thường. Có hôm, tôi lững thững bước vào phòng mẹ. Thấy trên gò má bà vẫn còn vệt nước mắt chảy dài, tôi mới hiểu mẹ vẫn chưa vượt qua được. Lúc đó đã vài tuần sau khi bố mất. Sau đó mấy tháng , tôi phát giác nỗi đau mất chồng không phải là căn nguyên duy nhất. Một tối nọ, mẹ và tôi đều ở trong bếp. Mẹ đang lau dọn - một hành vi ám ảnh mới xuất hiện gần đây thôi - và tôi ngồi bên bàn đọc sách. “Dion”, mẹ lên tiếng, “Bố Garry không phải bố ruột của con.” Tôi không nhớ mình đã bật khóc hay chạy trốn thế nào. Tôi không nhớ mình đã la hét hay ép hỏi mẹ ra sao. Tôi không nhớ sau đó mình đã nói những gì. Và tôi cũng không tài nào nhớ nổi cảm giác của mình lúc đó. Vô vàn ký ức nay chỉ còn là một khoảng trống rỗng. Thử nghĩ mà xem, cái tin tức đó phải xót xa nhường nào mới khiến tôi muốn quét sạch mọi dấu vết về nó trong ký ức. Nhưng tôi biết chắc rằng sự ra đi của bố tôi - Garry - đã gây ra vết thương lòng , thay đổi mọi thứ nơi tôi. Đến tận hôm nay, mẹ tôi vẫn sẽ khóc mỗi khi tôi và bà nhắc tới sự ra đi của bố Garry. Mẹ sẽ nói chỉ hai mươi phút trên xe cứu thương thôi cũng đủ để thay đổi cuộc sống của chúng ta. Mẹ đã đúng , nhưng không hẳn: Vài phút có thể khiến cuộc sống hỗn loạn, nhưng chỉ tám từ đã đủ khiến trái tim tang thương của tôi vỡ vụn. Tôi luôn giấu kín bí mật này. Trong một, hai năm đầu biết chuyện, tôi thấy tủi hổ về quá khứ của mình: không chỉ vì tôi là một đứa trẻ mồ côi cha, mà còn vì trong số bạn bè, tôi là người duy nhất thuộc gia đình đơn thân. Khách ghé thăm gia đình sau đám tang từ lâu đã chẳng còn ai. Tiền bạc cạn dần, buộc mẹ phải ra ngoài tìm việc làm. Mỗi khi ở nhà, mẹ liền dành hàng giờ đồng hồ dọn đi dọn lại căn nhà và mở loa thật to, nghe những bài hát của Lionel Richie trong phòng ăn xưa cũ. Trong tâm trí tôi, hình như tất cả bạn bè tôi đều có một gia đình lý tưởng , bởi cả nhà họ đều đi nhà thờ vào mỗi Chủ nhật, còn tôi thì tự đi một mình. Tôi không muốn cảm thấy tách biệt khỏi mọi người, và tôi cũng thích được cho một vốc bánh nhỏ sau buổi lễ nữa. Tôi không để tâm đến mấy bài thuyết giảng lắm - dù đôi khi chúng khiến tôi cảm thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Nhưng nhìn phản ứng của mọi người lúc tôi lởn vởn gần bàn trà cuối buổi lễ, tôi biết họ thấy tôi không giống họ. Tôi có thể nghe thấy tiếng họ xì xào bàn tán sau lưng. Khi quay lại, trước mặt tôi là bầu không khí tĩnh lặng đến khó xử và những nụ cười giả tạo. Mẹ cũng bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại. Tôi rón rén trên hành lang , nhìn mẹ. Bà đang khom người, đứng quay mặt vào tường. Những cuộc gọi ngắn ngủi. Tôi chỉ nghe loáng thoáng vài từ. Thỉnh thoảng , khi gác máy, mẹ quay lại, thấy tôi đang nhìn thì kể cho tôi nghe những tin đồn mới nhất về chúng tôi đang lan truyền trong thị trấn. Ít lâu sau, tôi bị tẩy chay. Một buổi chiều thứ Bảy, tôi đến nhà một người bạn chơi. Tôi biết cậu ta đang ở nhà vì tôi thấy xe đạp của cậu ta đang dựng ở bãi cỏ trước sân. Thế nhưng mẹ cậu ta lại nói cậu ta không được ra ngoài chơi. “Đừng có mà đến tìm Dan nữa.” Nói xong , cô ấy đóng sầm cửa lại. “Cô Carruthers, sao lại thế ạ?” “Mày là thằng sao chổi, Dion. Chúng tao không muốn mày lảng vảng quanh đây.” Tôi suy sụp ra về. Tôi không uống rượu, không nói tục, không phá bĩnh ở trường hay gặp rắc rối với cảnh sát. À, tôi háu ăn bánh ngọt ở nhà thờ. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì tôi luôn lịch sự và tử tế cơ mà. Cô ấy chắc hẳn đang ám chỉ đến một thứ. Lúc ấy tôi cũng chưa có tiếng xấu. Nhưng tôi đã dần dần ghét cay ghét đắng cái cảm giác bị tẩy chay. Năm mười bốn tuổi, tôi mới biết chính xác vị trí của bản thân trong cuộc đời này: tôi là kẻ ngoài lề. Khi nhân viên ban tổ chức chào đón các vận động viên và bắt đầu phổ biến quy tắc an toàn, tôi ngồi một mình một góc, như mọi khi, tách biệt với những người khác. Tôi chưa từng làm việc với đội tổ chức giải đua lần này, nhưng tôi đã tham gia nhiều buổi gặp mặt thế này, quá đủ để biết sắp tới mình phải làm gì. Mối nguy lớn nhất đối với bất cứ ai tham gia giải chạy siêu bền đa chặng dưới cái nóng của sa mạc là tình trạng kiệt sức do nhiệt - triệu chứng thường gặp gồm: mất nước, chuột rút, chóng mặt và mạch đập nhanh. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới sốc nhiệt, mất ý thức, mất phương hướng và lên cơn co giật. Anh sẽ không ý thức được chuyện gì đang diễn ra, anh không thể tự mình nhận ra những thay đổi trong cơ thể. Kết quả là anh nằm co quắp dưới rãnh hoặc đưa ra quyết định sai lầm vào đúng thời khắc mà anh cần phải ra khỏi khu vực nắng nóng , bổ sung muối, nước và tìm mọi cách hạ nhiệt độ cơ thể. Nếu không , anh sẽ rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong. Ban tổ chức giải đua cho biết vận động viên nào bị nghi có triệu chứng kiệt sức do nhiệt buộc phải rời cuộc đua ngay lập tức. Có điều, họ không nói gì về vụ một vận động viên tham gia giải đua tử vong do sốc nhiệt sáu năm trước. Micro được chuyển sang cho một phụ nữ người Mỹ. Tôi nhận ra bà ấy. Bà là nhà sáng lập giải đua này. “Giải đua năm nay của chúng ta có sự góp mặt của những vận động viên tầm cỡ,” bà cất tiếng ,“trong đó có Tommy Chen.” Hàng trăm vận động viên có mặt trong khán phòng vỗ tay. Mọi người tập trung chú ý vào một thanh niên người Đài Loan, có đội ngũ quay phim riêng đứng cạnh, sẵn sàng ghi lại khoảnh khắc này. Tiếp sau đó, chúng tôi được nghe một tràng chiến tích và bí quyết đằng sau chiến thắng của cậu ta. Lúc ở nhà, tôi đã nghiên cứu kĩ về những vận động viên mà tôi nghĩ là đối thủ đáng gờm. Vì thế, tôi biết Tommy là một trong những người giỏi nhất. Cậu ta là một siêu sao chạy đa chặng đích thực và rất khó đánh bại. Trước khi rời Scotland, tôi đã đọc email liệt kê top mười vận động viên sáng giá nhất mà ban tổ chức gửi. Danh sách đó không có tên tôi, mặc dù tôi từng đánh bại vài người có tên trong danh sách. Tôi phần nào vẫn tức anh ách về cái danh sách ấy, không phải vì tổn thương lòng tự trọng của tôi. Cũng đúng thôi, họ không có lí do để tin tôi sẽ tỏa sáng. Đã tám tháng nay tôi không đua, kể từ lần tham gia giải chạy cự li 132 dặm ở Campuchia. Tôi cảm thấy mình bị lãng quên, nhưng tôi không đổ lỗi cho họ vì đã bỏ qua tôi. Tôi chỉ giận chính mình. Mới chạy được ba năm, nhưng tôi đã được đứng trên bục vinh quang vài lần. Đến với thể thao quá muộn, tôi biết mình chỉ có một cơ hội nhỏ để chứng minh bản thân. Với tôi, khoảng thời gian tám tháng nghỉ phục hồi quá phí phạm. Trước buổi họp mặt, chúng tôi phải kiểm tra hành lý để đảm bảo rằng tất cả các vận động viên đều có đủ vật dụng bắt buộc cho cuộc đua. Chúng tôi phải mang tất cả đồ ăn, mặc, ngủ đủ dùng trong sáu chặng , bảy ngày đua, nhưng vẫn phải đảm bảo trọng lượng ba lô ở mức tối thiểu. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là không thay quần áo, không chiếu ngủ, không sách, không điện thoại để giải trí suốt cuộc đua. Tôi chỉ mang theo túi ngủ, một bộ quần áo, và lượng thực phẩm tối thiểu đủ dùng trong ngần ấy ngày. Tôi cần 2.000 calo mỗi ngày, dù biết khi chạy, tôi sẽ đốt cháy gần 5.000 calo. Đến lúc về nhà, người tôi trông như bộ xương khô, nhưng đáng giá. Hôm sau, chúng tôi đi xe khách đến điểm xuất phát, cách Hami hai giờ đi đường. Ngoài cuộc trò chuyện ngắn ngủi với anh bạn ngồi bên cạnh, phần lớn thời gian tôi đều im lặng và cố ngăn chặn tiếng ồn từ ba cậu thanh niên người Ma Cao ngồi sau. Họ cười cười nói nói suốt đường đi. Thỉnh thoảng tôi quay lại và gượng cười ái ngại với họ, mong họ hiểu mà giữ trật tự giùm. Nhưng họ lại cười nhăn nhở và tiếp tục bữa tiệc như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Xe dừng bánh. Tôi hơi mệt và muốn xuống xe, tìm chỗ nào đó yên tĩnh để chuẩn bị tinh thần cho cuộc đua phía trước. Người dân địa phương chào mừng chúng tôi bằng điệu múa đặc trưng , cưỡi ngựa và tổ chức một trò chơi tương tự như mã cầu nhưng không phải chơi với bóng mà chơi với một con cừu chết. Tôi lẻn về lều trước để giữ chỗ. Hầu như giải chạy siêu bền đa chặng nào các vận động viên cũng được phân lều và cố định trong suốt giải đua. Anh không bao giờ biết được mình sẽ ở với ai, nhưng ít nhất anh có thể đảm bảo chỗ ngủ của mình không quá kinh khủng. Tôi đứng trong chiếc lều quân dụng cũ, tự hỏi nên nằm ở đâu. Tôi ghét nằm gần cửa vì gió lùa, và cuối lều thường lạnh hơn. Được rồi, chọn chỗ giữa vậy. Hi vọng các bạn cùng lều không ngáy ngủ hoặc làm ồn. Tôi kiểm tra hành lý lần cuối thì ba người đầu tiên vào. Trông họ khá an phận và không cãi vã gì khi chọn chỗ. Lòng tôi bỗng chùng xuống khi nghe thấy tiếng cười. Tôi ngẩng đầu nhìn lên và thấy ba cậu người Ma Cao bước vào. Mặc dù bấy giờ đang là mùa hè nhưng sau khi mặt trời lặn, nhiệt độ giảm đột ngột. Ngài thị trưởng đang phát biểu gì đó, nhưng tôi nghe không hiểu. Được cái màn trình diễn múa Mông Cổ và phi ngựa nước đại khiến tôi không rời mắt nổi. Một vài vận động viên đang ngồi quây lại thành vòng tròn, ăn bữa tối, còn tôi thì dạo quanh. Tôi thơ thẩn nhìn đoàn làm phim của Tommy Chen một lúc rồi định quay về lều. Thấy mọi người bắt đầu hỏi nhau đi loại giày nào, ba lô nặng bao nhiêu kí, hay có ai mua thêm đồ dự trữ không , thì quả đã đến lúc tôi rời đi rồi. Tham gia mấy cuộc chuyện trò kiểu này trước khi cuộc đua bắt đầu rõ ràng không phải ý hay. Bởi khi anh phát hiện ra người ta làm khác mình, anh sẽ bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình. Tôi xem đồng hồ - sáu giờ ba mươi. Đến giờ ăn rồi. Dù quá trình chờ đợi không mấy vui vẻ, bản thân thì đang lo lắng và trời đã tối rồi, nhưng tôi luôn nhắc nhở bản thân phải ăn đúng bữa trước mỗi ngày đua. Anh không nên ăn quá sớm, vì như thế sẽ khiến cơ thể tiêu tốn calo trước khi anh chạy. Tôi lấy thức ăn, chui vào túi ngủ, và lặng lẽ ăn tối trong lều. Tôi định sẽ ngủ say trước khi có người về. 3 M ỌI NGƯỜI LUÔN DẬY QUÁ SỚM VÀO NGÀY đầu tiên của cuộc đua. Họ không ngủ được vì lo lắng. Hai, ba tiếng trước khi xuất phát, cả lều xôn xao hẳn lên. Mọi người loay hoay sắp đồ, ăn uống , tán gẫu, và băn khoăn không biết mình còn thiếu vật dụng nào không hay có ăn đúng và đủ bữa sáng hay chưa. Tôi hiểu tâm trạng đó. Bởi tôi cũng đã từng như thế. Nhưng giờ thì không. Tôi xây dựng cho mình một thói quen. Chín mươi phút trước giờ xuất phát - thức dậy, thay đồ, vệ sinh cá nhân. Sáu mươi phút trước giờ xuất phát - ngồi trong túi ngủ ấm áp và ăn bữa sáng giàu calo. Mười lăm phút trước giờ xuất phát - gấp gọn túi ngủ và đệm hơi, rời lều và tiến vào hàng. Trước giờ xuất phát một tiếng đồng hồ, có thể một số người sẽ cảm thấy thói quen của tôi có chút kỳ quặc. Bởi tôi ngồi trong túi ngủ suốt, đến tận lúc vào hàng mới chịu ra. Trong khi mọi người lục đục ra ngoài ăn đồ khô thì tôi vẫn cuộn mình trong túi ngủ, đội mũ len beanie1* che kín đầu, và ngấu nghiến một hộp đồ ăn đông lạnh gồm có đậu, xúc xích, thịt xông khói và nấm. Một vài người tò mò nhìn tôi. Trong suy nghĩ của họ, chẳng có vận động viên chạy đa chặng nào lại mang theo đồ hộp cả bởi vì chúng nặng hơn đồ khô. Tôi chỉ ăn một hộp trước khi cuộc đua bắt đầu. Những ánh nhìn nghi hoặc, chê tôi nghiệp dư của đám người kia không đáng gì so với việc bổ sung 450 calo. 1* Mũ beanie: mũ len có hình dáng tròn hoặc bầu dục, kiểu dáng đơn giản và ôm sát đầu. Tự dưng tôi lại thấy mấy món này thơm ngon lạ thường. Có lẽ bởi sáu ngày tới, tôi sẽ chỉ được ăn mấy thứ đồ khô cong , lạnh toát, có vị như cá hồi hay mì Ý sốt thịt bò bằm; rồi thi thoảng mới được nhấm một ít thịt khô Biltong2* thái lát, một ít đậu, và mấy tá gel bổ sung năng lượng. Chưa nổi một tuần, chắc tôi sẽ phát ốm với thứ thức ăn này mất. Nhưng biết sao được, chúng vừa nhẹ vừa dinh dưỡng. 2* Thịt khô Biltong : đặc sản Nam Phi, thường là thịt phi lê đà điểu, ướp gia vị rồi treo lên cho khô. Tôi nhai ngồm ngoàm thức ăn trong miệng. Tôi không thấy ba anh chàng người Ma Cao đâu cả, nhưng tôi dám cá những người còn lại trong lều - hai người Anh và một người Mỹ - đang nhìn tôi chằm chằm như thể tôi là một thằng ngốc hết thuốc chữa. Không ai nói gì cả. Ăn xong , tôi lại nằm xuống và cuộn mình thật chặt trong túi ngủ. Tôi đoán chắc họ vẫn đang nhìn tôi. Còn mười lăm phút nữa. Tôi ra khỏi túi ngủ, gói ghém đồ đạc cho vào trong ba lô, và thẳng tiến tới vạch xuất phát. Tôi biết mọi người lại đang nhìn mình. Ngày đầu tiên, họ luôn thế mỗi khi thấy tôi đi đến. Áo trên bó sát màu vàng sáng in logo của nhà tài trợ. Người tôi vừa cao vừa gầy nên trông tôi đúng như một trái chuối. Lúc chuẩn bị và tập luyện trước cuộc đua tự tin bao nhiêu thì lúc nhìn vạch xuất phát tôi lại nghi ngờ bản thân bấy nhiêu. Dù có cố lảng tránh thế nào thì suy nghĩ các vận động viên khác trông giỏi hơn mình vẫn luôn ám ảnh tôi. Trông họ cơ bắp, khỏe khoắn, và bền bỉ như những vận động viên thực thụ khiến tôi chợt thấy mình không khác gì dân nghiệp dư. Cách duy nhất giúp tôi vượt triệu chứng này là nghiến chặt răng , giấu mình sau chiếc kính râm và tự nhủ đến lúc phải tập trung vào nhiệm vụ chính rồi. Với nhiều vận động viên marathon, hành động buộc dây giày, nhìn về phía trước, tìm được sự đồng điệu giữa hơi thở và bước chạy giữa thiên nhiên là một trải nghiệm tuyệt vời. Đó là lúc ta được nếm sự tự do, bình yên, khoảnh khắc thời gian như dừng lại và những lo toan về cuộc sống thường nhật biến mất. Tôi không nằm trong số họ. Nhưng vợ tôi thì có đấy. Lucja chạy vì cô ấy thích, đua vì cô ấy yêu tình bạn và thích sống giữa mọi người. Tôi thì không. Tôi không thích chạy. Không thích một chút nào. Nhưng tôi thích đua. Tôi mê thi đấu. Quãng thời gian ba mươi bảy năm giúp tôi nhận ra rằng tôi được sinh ra để đua. Từ thuở niên thiếu đến những năm hai mươi, tôi đã đấu cricket và khúc côn cầu. Ngay từ đầu, tôi đã mê đường chuyển động của bóng ném, tư thế quật bóng qua vòng biên hoàn hảo và cú đánh tên lửa trúng góc phải cầu môn. Đối với tôi, cả hai môn thể thao này đều mang lại cảm giác hạnh phúc và yên bình trào dâng như lúc Lucja chạy vậy. Nhưng mà tinh thông kỹ thuật chặn bóng và ném bóng thì sao chứ, tôi vẫn không thể năng nổ dưới vai trò thành viên của một đội. Đã rất nhiều lần, trong các trận đấu, tôi chứng kiến đồng đội lên cơn thịnh nộ vì tôi chơi không tốt. Từ đó, tôi nhận ra mình hợp với các môn thể thao cá nhân hơn. Bằng chứng là tôi từng chơi golf một thời gian và chơi khá tốt - tốt đến mức cuối tuần nào tôi cũng tiếp các tay golf trên sân cỏ khắp các vùng ngoại ô phía tây Sydney, và kiếm đủ tiền sinh hoạt cho gia đình trong một tuần. Nhưng chính luật chơi ngặt nghèo chọc tôi phát cáu. Cuối cùng , sau cả đống lần nổi cơn tam bành và bẻ gãy vô số chiếc gậy, tôi quyết định golf không phải là môn thể thao dành cho mình. Sau đó, đến với chạy, tình cờ tôi ngộ ra, bản tính thích ganh đua của mình đã quay trở lại. Thời điểm đó, gia đình tôi đã rời khỏi London, và đến Manchester sinh sống. Ấy là đêm Giao Thừa, tôi nghe Dan, một người bạn trong đội cricket, huyên thuyên về việc tham gia một giải bán marathon1* vào mùa xuân năm nay. Cậu ấy nói muốn phá kỷ lục một giờ bốn mươi lăm phút của chính cậu. Qua Lucja, tôi cũng biết chút ít về chạy đường trường. Một giờ bốn mươi lăm phút không phải là một thành tích đáng nể nhưng cũng hơn khối người trong nghề rồi. Thân hình Dan khá cân đối nên tôi có lí do để tin rằng cậu ta hoàn toàn có khả năng chạy nhanh hơn. 1* Bán marathon: Cự li 13,1 dặm Anh, tương đương 21,1 kilomet. Thấy cậu ta quá tự mãn, tôi đặt chai bia xuống và lên tiếng : “Tôi có thể đánh bại cậu.” Dan cười phá lên. Tiếng nhạc ầm ĩ nên cậu ta phải ghé lại gần tôi để chắc chắn mình không nghe nhầm. “Sao cơ?” “Tôi có thể đánh bại cậu. Dễ ợt.” “Không thể nào. Cậu không phải một vận động viên chạy bộ, Dion.” “Dan, dám cá là tôi sẽ về trước cậu năm phút.” Câu chuyện dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Mọi người cười cợt và la ó ầm ĩ, ngay sau đó, thỏa thuận được xác lập. Nếu thành tích của tôi không nhanh hơn Dan năm phút, tôi sẽ phải mời hai vợ chồng cậu ta và Lucja ăn tối. Ngược lại, nếu tôi thắng , cậu ta chủ chi. Lucja liếc xéo tôi, Lại thế nữa. Tôi chỉ cười trừ, rồi giơ tay đầu hàng. Tôi chỉ muốn kiếm một bữa ăn miễn phí cho hai vợ chồng thôi mà. Cuộc đua diễn ra vào cuối tháng Ba. Theo sơ đồ đường chạy, tôi phải leo qua hai ngọn núi. Tôi đã chạy được một, hai năm nay, nhưng chưa bao giờ chạy quá hai, ba dặm bởi nếu chạy nhiều hơn thế, tôi sẽ bắt đầu thấy chán nản. Tôi ghét chạy khi trời lạnh và ẩm ướt lắm, mà tháng Một, tháng Hai ở Manchester thì chả có gì ngoài lạnh và ẩm ướt. Cũng chính vì lẽ đó nên qua mấy tuần rồi mà vụ tập chạy của tôi vẫn gần như chưa bắt đầu. Dan thuộc tuýp vận động viên cuồng khoe khoang. Lần nào đua về, cậu ta cũng không nhịn được đăng thành tích lên Twitter. Cho nên, ngay trước khi chứng tự tin thái quá của cậu ta được đà tái phát, tôi đã kịp tìm hiểu cự li và tốc độ chạy của đối thủ. Nhờ thế, tôi mới có động lực ra khỏi ghế sô pha và ra đường. Tôi biết, chỉ cần tôi gắng chạy nhanh hơn và xa hơn thành tích mà Dan đăng , tôi có thể đánh bại cậu ta. Tôi đứng kế bên Dan và Lucja tại vạch xuất phát. Trông Dan đầy sung sức và sẵn sàng. Lucja thì thích đoạn phim tuyên truyền phát trước cuộc đua và tiết mục khởi động tập thể lắm. Người phát ngôn hay dùng chiêu này để đẩy không khí lên cao trào trước khi xuất phát. Còn tôi thì thấy bản thân mình lạc lõng trong số hàng nghìn vận động viên mà ai nấy đều có vẻ có trang bị tốt hơn của tôi. “Cậu biết là tôi sành rượu thế nào mà,” Dan nói. “Có khi cậu cần vay thế chấp lần hai để trả cho bữa ăn tối nay đấy, Dion.” Tôi chỉ cười không đáp. “Nghiêm túc đấy, anh bạn.” Cậu ta nói tiếp, làm như quan tâm tôi lắm. “Mà này, cậu chống đỡ được chứ? Chưa gì tôi đã thấy hừng hực rồi này. Đừng cố quá.” Tôi đang hồi hộp đây. Miệng tôi khô khốc. Điều duy nhất tôi có thể làm lúc này là hít càng nhiều không khí vào phổi càng tốt. Súng nổ, và chúng tôi xuất phát. Dan đang chạy kế bên tôi. Chúng tôi duy trì nhịp độ vừa phải. Lucja đã bị tụt lại phía sau, chỉ còn hai chúng tôi chạy cùng nhau. Cậu ta thật mạnh mẽ và kiểm soát tốt cơ thể của mình. Tôi dễ dàng bắt kịp cậu ta và vui vì cuộc đua giữa hai chúng tôi đã chính thức bắt đầu. Khi chúng tôi cán mốc một dặm đầu tiên, tôi chợt giật mình nhận ra, chỉ còn mười hai dấu mốc nữa để về trước Dan năm phút. Vậy là tôi làm điều duy nhất tôi nghĩ đến lúc này. Tôi quyết định bỏ hết vốn liếng , chạy nhanh hết sức có thể. Không lâu sau, hai lá phổi bắt đầu đau nhói. Tôi thấy như thể mình không còn đủ không khí để thở nữa. Vốn muốn thả chậm tốc độ một chút và hồi phục, nhưng tôi lại ép bản thân mình duy trì tốc độ. Để cán đích trước Dan 5 phút, tôi phải kéo dãn khoảng cách với cậu ta. Tôi không quay nhìn lại lấy một lần. Bởi tôi biết, có nhìn cũng vô dụng. Tôi có thể mất bình tĩnh khi thấy cậu ta ngay sau mình, hoặc chạy chậm lại nếu thấy cậu ta còn xa mới bắt kịp tôi. Tôi hiểu, thắng hay thua đều phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý. Vì vậy, nếu tôi tập trung và gắng sức, tôi sẽ không bị phân tâm. Dan nói đúng. Hôm nay quá nóng. Ngày trước ở Manchester, tôi chưa từng trải qua trận nóng nào tương tự vào thời gian này trong năm. Suốt cả buổi sáng , hết tiếng ồn của đám đông lại đến tiếng còi xe cứu thương chuyên chở các vận động viên bị kiệt sức trên đường chạy. Dù vậy, với tôi, cái nóng không phải là mối đe dọa. Nó giống một người bạn hơn. Nó nhắc tôi nhớ về thuở ấu thơ ở Australia, những ngày hè tôi chơi cricket hoặc đạp xe hàng giờ liền dưới cái nóng 43 đến 48 độ. Bởi lẽ đó, sức nóng suốt cuộc đua này không là gì với tôi cả. Thậm chí, nhiệt độ càng cao và chạy càng xa, tôi càng thấy sung sức hơn. Ít nhất là thế đến tận dặm thứ mười một. Kể từ đây, tôi bắt đầu thấy đuối sức. Chân tôi tê liệt và yếu dần, như thể có ai đó tước mất một nửa cơ trên chân tôi. Nhưng tôi vẫn chạy, cố gắng hết sức và nhắc nhở bản thân: tất cả vì lòng tự tôn. Tôi cán đích sau một giờ ba mươi tư phút, nhanh hơn thành tích cao nhất của Dan 9 phút. Một thành tích đáng nể với người lần đầu tham gia cuộc đua bán marathon. Nhưng liệu đã đủ? Dan xuất phát khá nhanh và tập luyện giúp anh ta có cơ hội về nhất. Còn tôi, tất cả những gì tôi có thể làm sau khi về đích là cúi người thở dốc, chờ nhịp thở bình thường trở lại và đếm từng giây, hi vọng không trông thấy cậu ta. Lucja về sau tôi hơn năm phút. Chúng tôi đập tay mừng chiến thắng và mỉm cười nhìn Dan về đích sau đó mười phút. “Cậu làm thế nào thế?” Cậu ta hỏi khi lấy lại sức. “Chạy không thấy bóng luôn. Chắc cậu phải luyện tập chăm hơn đã nói nhiều...” Tôi cười và vỗ vào lưng cậu ta. “Bạn thân mến, cậu nên cai Twitter đi thôi.” Tương tự như bất cứ cuộc đua nào khác trên thế giới, mỗi vận động viên có cách ổn định tâm lý khác nhau khi đứng sau vạch xuất phát. Tôi đứng ở mạn sườn, hàng thứ hai hay thứ ba từ trên xuống , liếc mắt nhìn những người chung quanh để tránh căng thẳng. Tommy Chen cũng có mặt, tâm thế sẵn sàng và tập trung , với đội quay phim kế bên và người hâm mộ vây quanh. “Chúc may mắn, Tommy,” ai đó hô. “Chúc cậu ẵm huy chương !” “Cám ơn mọi người,” cậu ta đáp, di chân tới lui. Tôi để ý thấy nụ cười tắt ngúm trên gương mặt cậu. Cậu ta cũng lo như chúng tôi thôi. Có khi còn hơn ấy chứ. Tôi biết cậu ta là một trong nhiều ngôi sao chạy siêu bền đa chặng mới nổi. Tuy vậy, cuộc đua đầu tiên trong năm cuộc đua tổ chức năm nay, cậu ta chỉ về thứ nhì. Áp lực đè nặng lên vai cậu ta. Để tránh rảnh rỗi rồi lại nghĩ linh tinh, tôi kiểm tra tư trang thêm lần nữa, xem dây đai quanh ngực đã chặt chưa. Đồ ăn chuẩn bị cho chặng này đã ở trong ba lô. Ghệt màu vàng sáng đã thắt chặt quanh giày. Tôi biết sớm nay chúng tôi sẽ chạy qua cồn cát. Bốn, năm tiếng ma sát trên cát có thể khiến bàn chân phồng rộp và nhiều chấn thương khác. Còi đã vang lên, thế giới quanh tôi chợt tĩnh lặng. Cuộc đua bắt đầu trên một đồng cỏ trải rộng. Còi vang , dòng người chen chúc nhau, ào ào xông lên. Ai cũng muốn dẫn đầu trong ngày đầu tiên, còn tôi thì không để tâm nhiều đến thế. Đây chính là nét đẹp riêng của các cuộc đua - nơi vận động viên đẳng cấp thế giới đồng hành cùng vận động viên nghiệp dư, không phân thứ hạng hay cấp bậc. Nếu anh dẫn trước, giữ vững tốc độ thì anh trở thành đồng bạn của tôi. Tôi nghĩ thế này, lúc xuất phát sẽ khó mà chạy nhanh được vì mọi người hay kết bè, nên tôi độc hành, tránh xa những người còn lại. Tôi không muốn vướng víu tay chân. Nếu chạy đủ nhanh, tôi có thể dẫn trước phòng khi đường chạy hẹp và phải băng qua hẻm đá. Chiến lược bước đầu hiệu quả. Sau 100 mét đầu tiên, tôi bám sát Tommy. Tối qua trời không mưa, nhưng con đường đá vẫn trơn do sương sớm. Vậy nên, cũng như Tommy, giữ vững nhịp chạy và bước chạy, với tôi, không dễ chút nào. Tôi đoán chắc, cả hai chúng tôi đều biết nếu tiếp đất sai, bị sái mắt cá chân, thì chúng tôi, hoặc sẽ ráng chịu đau trên 150 dặm còn lại, hoặc nghiêm trọng hơn, bỏ cuộc giữa chừng. Tôi nghe loáng thoáng có tiếng bước chân đằng sau, rồi thấy một anh chàng Rumani sượt qua. Cậu ta bật nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác như thể chúng là những giàn nhún siêu nhỏ. Khi Tommy thấy mình sắp bị tụt lại sau anh chàng kia, cả hai người họ nhanh chóng tăng tốc, kéo dãn khoảng cách với tôi. Bình tĩnh, tôi tự nhủ. Không cần lo lắng gì cả. Tôi cùng huấn luyện viên đã cùng nhau vạch ra một chiến lược đua chi tiết theo từng chặng trước khi tôi rời Scotland. Chúng tôi cùng nhìn lại các giải đua tôi tham gia trước đó, và nhận thấy tôi hay mắc cùng một lỗi. Tôi thường xuất phát chậm, sau tăng tốc để thu hẹp khoảng cách trong một tuần tiếp đó, nhất là ngày đua dài, cự li từ năm mươi dặm trở lên, đúng như điểm mạnh của mình. Thực sự thì tôi không phải là người khởi đầu tốt. Buổi sáng đầu tiên bao giờ cũng khó khăn với tôi. Chẳng thế mà cuối ngày đầu tiên, tôi thường chậm hơn những người thuộc tốp đầu những hai mươi phút đồng hồ, và gần như không có khả năng lật ngược tình thế. Ngay cả khi tập luyện cũng vậy. Trong một, hai dặm đầu, tôi vừa chạy vừa tự vấn liệu tôi có nên chạy tiếp. Đúng hơn thì mấy phút đầu tôi chỉ toàn nghĩ vẩn vơ hơn là tập trung chạy. Nhưng nếu vượt qua đoạn này thì tôi sẽ phi như bay trong nửa cuối đường đua. Tin rằng thành tích ngày đầu tiên sẽ không tệ nếu tôi giữ vững khoảng cách với Tommy và anh chàng người Rumani kia. Nếu cứ duy trì tốc độ này đến gần cuối chặng một, không nóng vội, thì những ngày đua còn lại tôi có thể đạt thành tích cao nhất. Nửa chặng trôi qua, anh bạn Rumani bắt đầu đuối sức, và tụt lại tít phía sau. Tôi không còn nghe thấy tiếng bước chân của cậu ta nữa. Tôi trông lên cồn cát cao ngất đằng trước. Dốc, trải rộng và phải cao đến hơn 90 mét. Tôi từng thấy những cồn cát dạng này ở Ma rốc, nhưng cái này có vẻ hơi khác. Tuy cát ở mạn sườn trông chắc và đặc hơn nhưng khi tôi chạy lên, nó lại mềm và gần như sụp lún ngay tức khắc. Có một bí quyết chạy qua cồn cát, cũng là bài học xương máu mà tôi đã đúc rút được từ lần đầu tham gia Giải Marathon des Sables. Lúc ấy, tôi vốn không biết phải bước càng ngắn càng tốt, tốc độ phải nhanh bởi nếu chẳng may dính phải, cát lún sẽ kìm hãm bước chân bạn. Tôi không biết đường dài đôi khi dễ đi hơn đường ngắn. Dĩ nhiên, tôi bị kẹt cứng và về tít cuối ngày thứ nhất, thậm chí còn suýt bị loại thẳng. Tommy bước chân lên cồn cát trước tôi, nhưng mới bước được đôi bước đã phát hiện ra cát ở sa mạc Gobi khác cát ở sa mạc Sahara. Có vẻ mưa cục bộ suốt đêm khiến cát sậm màu và lộn nhộn hơn. Chỉ cần một lực nhẹ cũng làm cát trượt xuống như bùn nhão. Nhiều lúc, tôi phải dùng cả tay để bò lên. Chúng tôi đây không phải chạy mà là trườn trên cát mất rồi. Rốt cục, khi leo tới đỉnh, cả cồn cát hiện rõ trước mắt chúng tôi. Chiến lược duy nhất là chạy dọc theo đỉnh hẹp dài chưa đến một dặm. Bởi cả hai sườn đều dốc, nếu chẳng may lỡ bước, anh sẽ bị lăn xuống đáy ngay. Sau đó, lại phải tốn thêm thời gian và năng lượng quý báu để leo lên lần nữa. Tommy có vẻ thích quang cảnh này. “Nhìn kìa!” Cậu ta hét lên. “Ngoạn mục nhỉ!” Tôi không đáp. Tôi sợ độ cao và càng sợ bị ngã xuống. Nên tôi bước từng bước cẩn trọng về phía trước. Mấy lần trượt chân suýt ngã, tôi chới với khua tay cố lấy lại thăng bằng. Những lúc ấy, tôi chẳng còn đủ sức quan tâm Tommy đã cách tôi bao xa nữa, mà chỉ chăm chăm nhìn xuống chân, thầm mong cát đừng có sụt xuống. Ghét cay ghét đắng là thế, nên đến lúc được chạy xuống , tôi sướng rơn. Tiếp thêm năng lượng cho đôi chân, tôi lao xuống như bay. Đến chân cồn cát, tôi đã vượt Tommy. Nghe tiếng bước chân bám sát phía sau, tôi có thể cảm nhận được cậu ta sững sờ thế nào. Chúng tôi chạy song song một đoạn, rồi đua nhau lội qua mấy cánh đồng ruộng , chạy trên những cây cầu bắc qua một hồ chứa khổng lồ. Sa mạc Gobi với bãi cát mênh mông và cái nóng tàn khốc vẫn còn cách chúng tôi vài ngày đường nữa. Lúc chạy qua những thôn làng hẻo lánh như từ thế kỷ trước, chúng tôi bắt gặp những căn nhà ọp ẹp đổ xô trên mặt đất như phim trường bỏ hoang. Thỉnh thoảng , chúng tôi gặp cả người dân bản địa. Họ vừa đứng vừa hờ hững nhìn chúng tôi. Họ nín thinh. Có vẻ như họ không mấy quan tâm đến sự xuất hiện của chúng tôi. Dẫu sao thì bấy nhiêu thứ không ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi đang phi như bay, tràn trề hi vọng rằng Sa mạc Gobi không phải là cuộc đua cuối cùng trong đời tôi. 4 T ÔI SINH RA Ở SYDNEY, NEW SOUTH WALES, nhưng lớn lên ở một thị trấn hẻo lánh có tên Warwick, thuộc Queensland, Australia. Đó là một vùng quê mà những người dù chưa ghé thăm bao giờ nhưng chỉ cần nhìn bạn là họ biết bạn đến từ Warwick. Một vùng nông nghiệp, với nhiều giá trị truyền thống và trọng gia đình. Giờ nó đã thay đổi nhiều rồi, trở thành một thành phố nhỏ sôi động. Nhưng hồi tôi còn là thiếu niên, Warwick chỉ đông vui vào tối thứ Sáu. Những con người cần mẫn chen chúc trong các quán bar, chờ mong một buổi tối xả hơi với bia bọt, đôi cuộc ẩu đả và vi vu đến trạm xăng - nhiều người Úc hay gọi vui là servo3* - để lấy một cái bánh nhân thịt cứng như đá vì để trong lồng hấp cả ngày trời. 3* Tiếng lóng của Úc, có nghĩa là trạm xăng. Họ đều tốt bụng cả, nhưng hồi ấy họ thích chia bè kết phái. Chẳng thế mà mọi người đều biết tỏng chuyện của nhau. Còn tôi thì không thuộc về nơi này. Mọi người không chấp nhận tôi không chỉ vì vụ tai tiếng về thời thơ ấu dị thường và hoàn cảnh gia đình, mà còn vì cách tôi xử sự, vì con người tôi khi lớn lên. Từ một đứa trẻ lễ phép, dễ mến, tôi biến thành một thằng ngoa ngoắt, sao chổi và to mồm. Năm mười bốn tuổi, tôi vào vai thằng hề của lớp, chọc tức giáo viên bằng những lời lẽ pha trò, bị đuổi khỏi lớp, rồi vênh váo đi ra cổng trường , đến trạm xăng cho kịp mẻ bánh đầu giờ chiều trong khi những thằng ngốc khác vẫn phải ngồi trong lớp học. Lễ tổng kết cuối khoá, nếu thầy hiệu trưởng thân mật bắt tay từng đứa và tặng chúng những lời chúc tốt đẹp thì đến tôi, ông ta lại nói, “Tôi sẽ đến thăm trò khi trò ở tù.” Tất nhiên, mọi việc đều có nguyên do của nó. Tôi trở nên như vậy không chỉ vì tôi mất bố - không những một mà hai lần liền. Tôi sa ngã bởi cả nhà tôi đều thế. Nỗi đau mất chồng đã khiến mẹ tôi gục ngã. Đau đớn. Ông ngoại, cũng giống như nhiều thương binh khác trở về sau Thế chiến II, mượn rượu để làm tê liệt cơn đau. Tuổi thơ đã dạy mẹ một điều: Khi gia đình không yên ấm, nhà không phải lúc nào cũng là nơi trú ẩn tốt nhất. Vì vậy, mới đầu ba mươi đã góa chồng , cắp theo hai đứa con, bà chọn cách giải quyết duy nhất mà bà biết: trốn tránh. Tôi nhớ những tháng ngày bà khóa trái cửa, nhốt mình trong phòng ngủ, mặc tôi tự sinh tự diệt. Những ngày như thế, tôi tự nấu món trứng trên bánh mì hoặc làm spaghetti bằng lon, hoặc đến nhà bà nội, nhà hàng xóm, hoặc đến nhà thờ nếu hôm ấy là Chủ nhật. Tôi chứng kiến mẹ trải qua cái thời tự dưng dọn dẹp nhà cửa. Bà dọn không biết mệt, và vào một dịp kì cục nào đấy, bà tự nấu ăn, tất tưởi kì cọ bếp những hai giờ liền. Tôi và em gái, Christie, đều có lúc mắc lỗi. Suy cho cùng , chúng tôi vẫn là trẻ con mà. Có khi chúng tôi sẽ làm vãi vụn bánh chỗ nọ chỗ kia, bôi dấu tay nhem nhuốc lên cửa sổ, hoặc tắm vòi sen lâu hơn 3 phút, và điều đó làm mẹ bực. Nhà chúng tôi có nửa mẫu đất trồng cây và hoa. Bố và mẹ từng thích cùng nhau chăm vườn, tỉa cây. Sau khi bố mất, thì đến lượt một mình tôi. Có khi quên không làm việc đó, thì tôi sẽ cảm thấy mình chẳng đáng sống tí nào. Khi mẹ bắt đầu cằn nhằn, thì chỉ chốc lát thôi, bà sẽ gào thét vào mặt tôi. Bà sẽ xỉ vả : “Đồ vô dụng !” Tôi sẽ hét lại, và tiếp đến là một trận chửi rủa. Mẹ không bao giờ xin lỗi. Tôi cũng thế. Nhưng chúng tôi đều hối hận vì những gì mình đã nói. Chúng tôi cãi vã triền miên, ngày này qua ngày khác. Mỗi lần đi học về, tôi phải đi nhẹ nói khẽ. Nếu chẳng may tôi làm ồn hay quấy rầy bà, một cuộc chiến sẽ bị khơi lên. Năm tôi mười bốn tuổi, mẹ không chịu nổi nữa. Vào một ngày nọ, khi cuộc chiến lăng mạ lẫn nhau đến hồi kết, bà vừa rút dụng cụ vệ sinh trong tủ ra, vừa nói: “Mày cút đi. Đã làm sai còn cãi nhem nhẻm. Mày xuống tầng dưới mà ở.” Nhà này vốn là một căn nhà hai tầng , nhưng mọi người chỉ sống ở tầng trên. Không ai ngó ngàng gì đến tầng dưới. Đấy là chỗ chơi của tôi và Christie khi còn nhỏ. Về sau, chỗ đó thành như bãi rác. Có một nhà vệ sinh tối tăm dưới đó, và một phòng lớn chất đầy vật liệu xây dựng. Lí do quan trọng nhất mẹ bảo tôi xuống dưới đó là vì có cánh cửa có khóa ở cầu thang ngăn cách hai tầng. Xuống đó, tôi cảm thấy như bị nhốt, và không còn là một phần của gia đình ở bên trên. Tôi không cãi lại. Phần vì tôi muốn rời khỏi mẹ. Tôi mang theo đệm và quần áo chuyển đến nơi ở mới - sống một cuộc sống mà mẹ sẽ mở cửa cho tôi đi lên, lấy đồ ăn mang đi học. Còn khi ở nhà, tôi sẽ bị nhốt dưới tầng hầm. Quãng thời gian sống dưới này, điều mà tôi căm ghét nhất không phải là cảm giác bị đối xử như tù nhân. Tôi ghét ở đây vì nó tối. Không lâu sau khi bố Garry mất, tôi bắt đầu bị mộng du. Tình huống tệ hơn khi tôi chuyển xuống tầng dưới sống. Mỗi khi thức dậy, tôi thấy mình đang ở một khu toàn ngói vỡ. Xung quanh tối om. Tôi kinh hãi, không biết làm sao mới bật được đèn. Mọi chuyện càng trở nên đáng sợ hơn khi tôi mơ thấy tên sát nhân Freddy Krueger4* đang chờ bên ngoài căn phòng. Hầu như đêm nào tôi cũng nghe thấy tiếng vặn nắm cửa. Tôi nép mình xuống giường, úp mặt vào con Cookie Monster5* hồi bé khóc nức nở. 4*Freddy Krueger, biệt danh sát thủ Springwood hay sát nhân trong mộng, là một nhân vật hư cấu trong loạt phim kinh dị A Nightmare on Elm Street. Hắn đi vào giấc mơ của nạn nhân và giết người, ai bị giết trong giấc mơ sẽ bị chết thật ngoài đời. 5* Cookie Monster, hay còn gọi là Quái vật bánh quy, nhân vật chính trong chương trình truyền hình dành cho trẻ em Sesame Street. Thường thì tôi không mang theo đệm khi đua, nhưng vì lo chấn thương ở chân sẽ tái phát ở chặng nào đó trên Sa mạc Gobi nên tôi đặc biệt mang theo một chiếc. Cuối ngày đua đầu tiên, tôi thổi đệm lên và ráng nghỉ ngơi. Tôi mang theo cả một chiếc iPod nhỏ nữa, nhưng không muốn bật nó lên lúc này. Ngả lưng và nghĩ về ngày đua hôm nay là đủ rồi. Tôi mãn nguyện khi về thứ ba. Hơn thế, tôi, Tommy và anh chàng người Rumani, sau này tôi mới biết tên cậu ta là Julian, chỉ về cách nhau một, hai phút. Tối đó, chúng tôi nghỉ lại trong lều Yurt6* thay vì lều quân dụng. Tôi mong trong đây sẽ kín và ấm áp khi nhiệt độ xuống thấp. Chắc phải một lúc nữa mấy người ở cùng lều với tôi mới đến nơi. Tôi nhai một ít thịt khô Biltong rồi cuộn người trong túi ngủ. 6* Nhà lều dạng tròn của dân du mục Mông Cổ. Khoảng một tiếng sau, hai người đầu tiên về lều. Trong lúc lơ mơ ngủ, hình như tôi nghe họ nói gì đó. Một anh bạn người Mỹ tên Richard, reo lên: “Ồ! Dion đã về rồi!”. Tôi nhìn lên, mỉm cười chào và chúc mừng họ hoàn thành chặng đua đầu tiên. Richard định nói chuyện với ba người Ma Cao khi họ đến nơi. Tôi ngủ cả đêm nên không biết, nhưng nghe Richard nói họ sục sạo đồ đạc đến khuya, rồi mở mắt ra đã tám chuyện liên miên. Tôi không bận tâm lắm, nằm nghĩ về Lucja và lần đầu cô ấy đưa tôi đến với chạy đường trường rồi ngủ lúc nào không hay. Lần đầu tôi thử chạy là khi chúng tôi sống ở New Zealand. Lucja quản lý một khách sạn sinh thái còn tôi làm cho một hãng xuất khẩu rượu. Cuộc sống khi ấy cũng khá giả. Những ngày tất bật ở các sân golf kiếm tiền ăn đã qua rồi. Công việc hiện tại của chúng tôi đều có ưu đãi hậu hĩnh, ví như những két rượu miễn phí và bữa ăn hàng tuyệt vời. Đêm nào chúng tôi cũng thưởng thức đôi chai rượu vang và ra ngoài ăn vào mỗi cuối tuần. Buổi sáng , chúng tôi dẫn Curtly - chú chó giống St. Bernard7*, đặt tên theo danh thủ cricket huyền thoại người Tây Ấn, Curtly Ambrose - đi dạo, ghé vào một quán cà phê nào đó ăn bánh rán ngô khoai hoặc trứng ốp la, thịt xông khói, xúc xích, đậu, nấm, cà chua và bánh mì nướng. Bữa trưa có thể có bánh ngọt mua trên đường về nhà cùng thức uống. Chúng tôi ra ngoài ăn bữa tối, với thực đơn đủ ba món, thêm chút rượu vang. Ăn xong , chúng tôi dắt Curtly dạo quanh thêm lần nữa và nhấm nháp que kem. 7* Saint Bernard : giống chó rất lớn từ Ý và Alps, Thụy Sĩ, chuyên được huấn luyện làm chó cứu hộ. Người ta hay gọi tôi là đứa trẻ to xác. Họ nói không sai đâu. Hồi đỉnh điểm nhất, tôi nặng gần 109 kí. Không tập thể dục, nghiện thuốc rồi cai thuốc rồi lại nghiện thuốc, nằm chết gí trên sô pha xem thể thao trên ti vi. Tôi mới hai mươi sáu tuổi, và chết vì ăn. Mọi sự thay đổi khi Lucja quen vài người bạn mới. Họ thích chạy và tập thể hình. Bị họ khích bác, cô ấy bắt đầu có động lực giảm cân. Cô ấy nói muốn giảm cân để mặc bikini, còn tôi thì - như bao thằng đàn ông khác trong thế giới của tôi - chế giễu cô. Nhưng tôi nói thì nói thế thôi. Bởi tôi biết cô ấy rất mạnh mẽ, cô đã quyết tâm thì phải làm bằng được. Lucja nhanh chóng lao vào tập luyện và chạy vòng tròn cự li ba dặm càng ngày càng nhanh. Cô ấy chê tôi: “Trông anh yếu xìu và không cơ bắp tí nào, Bubba8*.” Tôi bắt đầu thấy ghét cái tên Bubba này rồi đấy. “Em còn chạy nhanh hơn cả anh đấy.” 8* Tiếng lóng miền Nam Hoa Kỳ, nghĩa là “người anh em”. Tôi lúc ấy đang nằm ườn trên sô pha, xem trận cricket, đáp lại, “Khờ quá. Anh hạ em dễ như chơi. Em mới tập được có sáu tuần thôi đấy.” Tôi vẫn nghĩ mình là một vận động viên cơ đấy. Tôi từng là một đứa có thể chơi cricket, hoặc chạy nhảy với bè bạn nguyên ngày. Hơn thế, tôi có cái mà Lucja không có - bản tính thích đua tranh. Nhờ bản tính ấy mà khi còn trẻ, tôi đã thi đấu và giành chiến thắng nhiều trận. Vì lẽ đó mà tôi tin mình vẫn có thể đánh bại cô trong bất cứ trò nào. Tôi tìm chiếc quần soóc và đôi giày chơi tennis, bước qua con Curtly đang ngủ trước thềm nhà, rồi cùng Lucja xuống phố. “Anh sẵn sàng rồi chứ, Bubba?” Tôi khịt mũi hoài nghi. “Em đang giỡn đấy hả? Em làm sao mà thắng nổi anh chứ.” “Cứ chờ xem. Đi nào.” Chúng tôi chạy song song trong mười lăm mét đầu tiên. Sau đó, Lucja bắt đầu vượt lên, cách tôi ngày càng xa. Tâm trí bảo tôi phải tiếp tục chạy, nhưng bất khả thi. Tôi chẳng còn chiêu nào. Tôi chạy chậm dần chậm dần như một con xe lu cổ lỗ sĩ cạn dầu. Chạy thêm được ba mươi mét nữa, tôi dừng hẳn lại. Trước mắt là một khúc cua dẫn lên đồi. Cảm giác thất bại ê chề ngập tràn trong tôi. Tôi gập người xuống , hai tay chống gối, buồn nôn, ho khan và thở hổn hển. Tôi ngước lên thì thấy bóng lưng Lucja. Cô ấy ngoảnh lại nhìn tôi trong giây lát rồi tiếp tục chạy lên đồi. Tôi phẫn uất. Sao mình lại bại trận cơ chứ? Tôi quay lại và đi bộ về nhà. Càng đi, có gì đó dần thế chỗ cho cơn giận. Nỗi sợ hãi. Cô ấy càng giảm cân, càng khỏe khoắn bao nhiêu thì tôi càng có nguy cơ mất cô ấy. Hôm thi chạy, tôi biết cô ấy sẽ không dừng lại, tôi cũng biết đây không phải một giai đoạn hay một sở thích nhất thời. Cô ấy đã quyết tâm, và sẽ tiếp tục đi cho đến khi nào tìm được niềm vui thực sự. Khi đó, liệu cô ấy có còn muốn ở bên một thằng béo cục mịch như tôi? Lần này, tôi choàng tỉnh bởi tiếng ba anh chàng Ma Cao trở vào lều. Họ hứng khởi khi hoàn thành chặng đua đầu tiên, và lôi hết đồ trong ba lô ra để kiếm chút gì đó cho bữa tối. Đúng lúc đó, Richard rút tai nghe ra. Cậu ấy bắt chuyện với họ bằng thứ tiếng Quan Thoại9* đúng chuẩn. 9* Tiếng Trung phổ thông. Ấy là phán đoán của cá nhân tôi thôi. Bởi cách họ đáp trả lại cho thấy họ hiểu hết lời cậu ấy nói. Đôi bên bắt đầu thảo luận một cách nghiêm túc. Trông ba người họ như học sinh bị đuổi ra khỏi lớp vậy, không biết nhìn đâu mới phải. Richard nói một hồi rồi chỉ vào tôi. Ba người họ lẳng lặng nhìn, chộp lấy đồ ăn trong ba lô, rồi lủi ra khỏi lều. “Cậu nói gì với họ thế ?” Allen, một trong hai anh bạn người Anh, hỏi. “Tôi bảo tối nay họ làm ơn giữ im lặng và để đồ đạc gọn gàng. Họ phải sắp đồ gọn gàng trước khi ăn tối, ăn xong thì hãy trở về lều nghỉ ngơi. Người này đến đây vì muốn giành chiến thắng.” Tất cả họ quay sang nhìn tôi. “Cậu ấy nói thật hả?” Allen nghi hoặc. “Anh muốn giật giải?” “À, vâng.” Tôi đáp. “Tôi không đến đây để chơi bời, nếu cậu đã hỏi thế.” Richard bật cười. “Chúng tôi biết mà. Anh không hòa đồng lắm nhỉ?” Tôi cười theo. Tôi thích anh bạn này. “Ừ, phần vì tôi thuộc tuýp người lạnh lùng , phần vì đấy là cách tôi vượt qua những cuộc đua thế này.” Ngừng lại một chút, tôi mới nói tiếp,“Dẫu sao thì cũng cám ơn cậu vì đã nhắc nhở họ.” Sáu rưỡi tối, tôi lết ra khỏi túi ngủ và lang thang bên ngoài lều cùng một túi đồ khô để ăn tối. Trong một giải siêu bền đa chặng , mặc dù phải mang theo tất cả đồ ăn, ngủ và quần áo, nhưng ít ra chúng tôi vẫn được ban tổ chức chuẩn bị nước. Tôi tìm bếp đun nước để làm món súp Taco10* thơm lừng. Mùi vị vẫn nhạt thếch như mọi khi, nhưng tôi tự nhủ tôi không đến đây để chơi bời. Món này sẽ bổ sung lượng calo cần thiết để đi tiếp. Vì thế, tôi phải ăn hết. 10* Sốt bò hầm đậu kiểu Mexico. Mọi người đang ngồi quanh đống lửa chuyện trò. Ngồi nghỉ bên ánh sáng rực rỡ và tắm mình trong hơi ấm thì còn gì bằng. Đáng tiếc, hết chỗ rồi nên tôi phải ngồi xổm trên một phiến đá gồ ghề và ăn bữa tối. Sau khi vét hết thức ăn trong túi, tôi trở về lều. Hôm nay là một ngày tốt lành - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giờ tôi cần một giấc ngủ ngon và thêm một ngày mai tốt lành thế này nữa để giữ vững vị trí số ba toàn đoàn. Nếu như mới đầu tôi chỉ là một kẻ vô danh, không ai biết tôi là ai, thì từ giờ, chắc hẳn mọi người sẽ lưu tâm hơn về tôi rồi nhỉ. Và điều đó có khi lại gây khó khăn ấy chứ. Hôm sau, vừa mở mắt ra, tôi đã thấy một con cún. Cao cỡ ba mươi phân, lông màu cát, đôi mắt vừa to vừa đen và bộ ria mép trông đến hài. Nó đi vòng quanh mấy chiếc ghế, nhảy chồm lên đứng bằng hai chân sau và dụ mọi người cho nó chút thức ăn. Dụ dỗ được các vận động viên phải chia thức ăn cho nó khi cuộc đua chỉ mới bắt đầu quả là một chiến thắng ngoạn mục. Con chó khôn ghê, tôi thầm nghĩ. Nhưng tao không cho mày ăn được đâu. PHẦN HAI 5 T RONG LỀU NÓNG QUÁ NÊN CẢ ĐÊM QUA tôi mất ngủ. Thế nhưng sáng nay, vừa bước ra khỏi lều, tôi đã rùng mình vì lạnh. Mặt đất ẩm ướt. Mây đen giăng kín dãy Thiên Sơn trước mặt, chứng tỏ trời sẽ còn mưa nữa. Vài phút nữa là đến 8 giờ - giờ xuất phát. Tôi đứng vào chỗ, đầu dãy, sau vạch xuất phát. Về đích thứ ba trong chặng đua hôm qua khiến tôi có cảm giác như thể đây là chỗ dành cho tôi vậy. Hiển nhiên, mọi người đã thoải mái hơn. Thậm chí, tôi còn nghe thấy vài người cười nữa, mặc dù đã cố gắng không phân tâm và hết sức tập trung vào thử thách phía trước. Bởi sắp tới đây, khi chạy lên núi, chúng tôi sẽ phải leo dốc mấy dặm liền và theo sau đó là những mối nguy hiểm khôn lường khi xuống núi. Chúng tôi hiện đang ở độ cao 2.134 mét. Tôi đoán chắc hẳn một số vận động viên phải gắng gượng vì thiếu oxy rồi. Hôm nay sẽ là một chặng đua đầy chông gai bởi chúng tôi phải leo lên độ cao gần 2.800 mét. Bỗng nhiên, ngày càng nhiều tiếng cười và reo hò đằng sau lưng tôi, làm tôi xao nhãng. “Một con chó!” “Đáng yêu chưa kìa!” Tôi nhìn xuống thì thấy con chó tối qua. Nó đang đứng bên chân tôi, mắt nhìn đăm đăm vào mấy cái ghệt màu vàng sáng buộc quanh giày tôi. Cái đuôi nó ngoe nguẩy liên tục. Tôi sững người một lúc. Sau đó, nó làm điều lạ lùng nhất. Nó nhìn lên. Đôi mắt đen láy vốn đang nhìn chân tôi, chuyển lên chiếc áo bó màu vàng và dừng lại trên mặt tôi. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, làm tôi không thể lảng tránh. “Đáng yêu đấy nhóc,” tôi hụt hơi nói, “nhưng tốt hơn hết là mày chạy nhanh lên, nếu mày không muốn bị một trăm tuyển thủ chạy đằng sau giẫm đạp.” Tôi nhìn xung quanh xem có ai định tiến lên nhận con chó và bế nó ra khỏi đường chạy trước khi chúng tôi xuất phát hay không. Tôi để ý thấy một vài vận động viên khác cười và gật đầu với con chó, nhưng không có người dân hay thành viên ban tổ chức nào có ý định nhận nó cả. “Có ai biết là chó của ai không ?” Tôi hỏi, nhưng không ai đáp. Tất cả họ đều tập trung đếm ngược 10 giây để xuất phát. “Chín... Tám... Bảy...” Tôi nhìn xuống lần nữa. Con chó vẫn ở cạnh chân tôi, chỉ là không nhìn tôi nữa mà đánh hơi mấy cái ghệt. “Mày nên đi ra đi nhóc, nếu mày không muốn bị đè bẹp gí.” “Năm... Bốn...” “Đi ra,” Tôi gắng xua nó đi. Nhưng vô dụng. Nó vẫn hăng say gặm cái ghệt, hết nhảy lùi, chúi xuống đất rồi lại chìm đắm trong thú vui đánh hơi và gặm một cái ghệt khác. Cuộc đua bắt đầu. Tôi chạy, con chó chạy theo tôi. Mấy cái ghệt đung đưa giúp trò chơi ghệt gủng trở nên thú vị hơn. Con chó chạy nhảy quanh chân tôi như thể nó đang vui lắm, vui nhất từ trước tới giờ. Còn với tôi, khoảnh khắc đáng yêu này có thể khiến tôi bực mình nếu như nó cứ kéo dài mãi. Điều cuối cùng tôi muốn là vấp phải con chó nhỏ này và khiến cho cả nó lẫn tôi bị thương. Tôi biết, tới con đường mòn hẹp dài phía trước sẽ rất khó vượt, nên tôi phải giữ vững tốc độ và không được rớt hạng. Chạy được 400 mét, tôi cúi xuống nhìn. Ơn trời, con chó đi rồi. Chắc là quay về lều với chủ ở chỗ cắm trại rồi cũng nên, tôi nghĩ. Chúng tôi vừa tiến vào con đường mòn xuyên rừng dài vài dặm. Đường hẹp nhưng được cái bằng phẳng. Tôi đang ở vị trí thứ hai, cách người dẫn đầu - một người Trung Quốc tôi chưa gặp bao giờ - mấy mét. Thỉnh thoảng , anh ta lại bỏ sót một dấu mốc - một tờ giấy ô li màu hồng to cỡ vỏ hộp đĩa CD, gắn vào que kim loại mảnh cắm trên mặt đất. Cứ ba đến sáu mét lại có một cái. Chúng dễ thấy lắm. “Ê!” Tôi gọi vài tiếng để anh ta biết mình đi nhầm đường vào rừng rồi. Tôi chờ anh ta quay lại, rồi để anh ta chạy trước. Đáng lẽ tôi có thể để anh ta chạy tiếp, hoặc gọi nhắc anh ta rồi chạy trước. Nhưng các vận động viên chạy đa chặng có quy ước riêng của họ. Chúng ta chiến thắng vì chúng ta nhanh hơn và mạnh hơn chứ không phải nhờ chơi khăm hoặc không giúp đỡ khi có thể. Suy cho cùng , khi phải gánh khó khăn vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, người ta thỉnh thoảng cũng sẽ mắc sai lầm. Bạn không biết khi nào thì mình sẽ cần người khác cứu giúp. Để lại khu rừng phía sau, chúng tôi bắt đầu leo lên núi. Tôi giữ vững tốc độ 268m/phút, sải bước ngắn và tiếp đất nhanh. Thân tôi hoài niệm cái cảm giác chạy theo tiếng hô theo nhịp của huấn luyện hàng giờ liền bên máy chạy bộ. Lúc đầu, tiếng hét “một-hai-ba-một-hai-ba” của ông như tra tấn, nhưng sau vài lần chạy ba phút, nghỉ một phút trong một giờ đồng hồ như thế, chân tôi cuối cùng cũng có cảm giác. Bởi tôi muốn chạy nhanh và không phải chịu cơn đau tê tái nữa, nên tôi buộc phải học cách chạy này. Bỗng chốc, tôi nhác thấy có cái gì. Tôi miễn cưỡng liếc xuống một phần trăm giây. Lại là con chó đó. Lần này, nó không nghịch mấy cái ghệt nữa mà có vẻ thích thú khi chạy lon ton theo tôi. Quái! Nó đang làm gì ở đây thế? Tôi thầm nghĩ. Tôi nghiêng người, chạy lên dốc. Zeng , người Trung Quốc đang dẫn đầu đoàn đua, là một vận động viên chạy đường trường sành sỏi. Anh ta đã kéo dãn khoảng cách thêm một chút. Tôi không nghe thấy tiếng chân ai phía sau. Chỉ có tôi và con chó, chạy song song , lượn qua những khúc cua ngoằn ngoèo. Một cái rãnh nước rộng chưa đầy một mét xuất hiện, chia đôi con đường. Tôi nhảy vọt luôn qua dòng nước chảy xiết mà không nghĩ ngợi gì. Như ý tôi, con chó đứng khựng lại. Nó bắt đầu sủa ăng ẳng , sau đó thì rên rỉ là lạ. Tôi không quay lại nhìn. Không bao giờ. Thay vì làm thế, tôi tập trung hoàn toàn vào cuộc đua và tăng tốc. Chắc là chó của ai đó sống gần lều nghỉ chặng trước thôi. Hôm nay, nhóc đó đã thu hoạch kha khá rồi, cuỗm được ít thức ăn giàu calo từ vài vận động viên, và giờ đã đến lúc phải về nhà. Năm mười lăm tuổi, tôi bảo mẹ là tôi sẽ rời khỏi tầng hầm dơ dáy và chuyển đến ở với bạn. Mẹ không buồn nói gì. Chắc bà không thèm quan tâm đâu. Tôi đoán chắc chuyện tôi tự ra ngoài ở cùng bạn chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà cứ quanh quẩn ở nhà là mẹ và tôi lại cãi nhau liên miên, chửi qua chửi lại như mấy võ sĩ quyền Anh đọ cân. Có khi đây lại là một sự giải thoát ý chứ. Tôi chuyển đến sống với thằng Deon. “Dion và Deon á?” Bà chủ nhà trọ hỏi khi Deon giới thiệu tôi với bà. “Cháu không đùa ta chứ?” “Không ạ,” Deon đáp. “Được rồi, lên đi,” bà ấy khịt mũi và quay đi lẩm bẩm. “Ta biết rồi.” Deon lớn hơn tôi một tuổi. Nó đã tốt nghiệp và đang học việc thợ xây. Nó cũng gặp chuyện như tôi ở nhà. Mặc dù, cả hai chúng tôi cuối cùng cũng thoát khỏi mấy cuộc cãi vã, nhưng chẳng đứa nào thích sống ở nhà trọ cả. Tường thì mỏng như giấy. Mấy người sống ở đây thì già cả rồi và họ làm chúng tôi sợ. Trong đây toàn người vô gia cư, khách du lịch và mấy kẻ nát rượu. Thức ăn vứt bày bừa ở các khu vực chung. Chưa kể, hiếm có đêm nào thiếu vắng tiếng đánh lộn đánh thức cả khu trọ. Lúc đó, tôi vừa đi học, vừa đi làm thêm - làm nhân viên bơm xăng ở trạm. Cũng kiếm được chút đỉnh nhưng chẳng đáng là bao. Cho nên, tuần nào tôi cũng phải vay Deon bù vào. Tôi phải cố gắng lắm mới theo kịp bài vở trên lớp. Chẳng có giáo viên nào quan tâm tôi sống ở đâu hay tôi cáng đáng cuộc sống xa nhà như thế nào. Thực ra, tôi nghĩ không ai biết tôi chuyển nhà, và tôi cũng muốn thế. Đi về nhà trọ làm tôi cảm thấy xấu hổ, nên tôi cố giấu giếm, không để những người bạn cùng lớp chăm ngoan học giỏi, gia đình đầm ấm biết. Deon là một tay sát gái. Con gái mê nó như điếu đổ. Tối thứ Sáu hoặc thứ Bảy chúng tôi hay lẻn vào quán bar, gọi vài chai bia và bắt chuyện với vài cô nàng. Tôi thà để Deon chém gió, còn hơn là để nó lên sàn nhảy. Những gã người Úc quê mùa đến từ mấy thị trấn như thị trấn chúng tôi không thích nhảy nhót vào những ngày này. Nên nếu để Deon lên sàn nhảy, thì lúc xuống , nó sẽ bị ăn chửi, rồi ăn đấm là cái chắc. Mà nếu có ăn đấm thật thì nó cũng chỉ cười xòa thôi. Một chiều Chủ nhật, đang nằm trên giường giết thời gian, chúng tôi nghe thấy tiếng la ó bên ngoài hành lang. Ai đó gọi tên Deon, nói hắn ta sẽ giết nó vì ngủ với bạn gái hắn. Hai chúng tôi ớn lạnh. Tôi sững sờ nhìn Deon. Lần đầu tiên tôi thấy nó sợ khiếp vía đến vậy. Ở trong nhà trọ, cả hai đứa đều cố tỏ ra lì lợm nhưng dù gì chúng tôi vẫn chỉ là trẻ con. Mà đã là trẻ con, thì vào thời điểm đó, đứa nào chả sợ khiếp vía vì sắp bị đánh vỡ đầu. May thay, người kia không biết chúng tôi ở phòng nào. Họ đi tới đi lui ngoài hành lang rồi rời đi. Bị một lần là quá đủ. Chúng tôi quyết rời khỏi nhà trọ này càng sớm càng tốt. Chúng tôi chuyển đến khách sạn Grand. Điều kiện ở đó hơn hẳn nhà trọ, nhưng mà cũng chưa thể gọi là một khách sạn, mà là một quán rượu có vài phòng cho thuê ở tầng trên cùng thì đúng hơn. Không có mấy thằng nghiện, nát rượu, và dân vô gia cư, Grand là căn cứ địa của những người làm việc trên đường ray hoặc trong xưởng đóng gói thịt địa phương . Một cựu kình ngư từng đánh bại nhà vô địch quốc gia nhưng vì nghiện rượu mà chôn vùi hết tất thảy sự nghiệp của mình. Một lữ khách đã tiêu hết sạch tiền và quyết định coi War wick là nhà . Tôi thích nghe ông kể chuyện. “Nơi nào cũng được, miễn là ta chấp nhận những gì xảy ra ở đó.” Ông nói. Ở Grand, tôi thấy dễ chịu hơn là ở nhà trọ. Tôi thích ở cùng với những người tự quyết định số phận của họ và vui vẻ với nó. Dù đôi khi sự lựa chọn đó đồng nghĩa với việc không vợ, không nhà cửa và không gia đình. Sống giữa họ, tôi thấy mình tự do. Lần đầu tiên sau chừng ấy năm, tôi có ý nghĩ rằng tất cả những điều mẹ nói, những điều từng khiến tôi thấy mình như một kẻ vô dụng , thừa thãi, thất vọng , một kẻ phá hoại không được chào đón, chưa chắc đã là thật. Sau tất cả, có lẽ tôi nên học cách bỏ qua. Con chó vẫn sủa và rên rỉ. Đến tận khi tôi chạy cách rãnh nước khoảng sáu mét, thế giới mới im lặng trở lại. Trong phút chốc, tôi cầu mong nó không bị ngã xuống nước. Nhưng chẳng đợi tôi nghĩ viển vông thêm nữa, một nhúm lông màu nâu quen thuộc đã vụt đến bên cạnh tôi. Con chó đã trở lại bên tôi một lần nữa. Mày đúng là một nhóc cứng đầu nhỉ? Chẳng mấy chốc, đường đua càng dốc hơn, nhiệt độ không khí sụt giảm. Không khí lạnh khiến mặt và các ngón tay tôi tê cóng , nhưng tôi vẫn đổ mồ hôi. Lên cao khiến tôi khó thở và đầu tôi quay mòng mòng. Tôi biết, nếu cứ chạy liền một mạch lên núi mà không nghỉ chút nào, tôi sẽ đốt cháy nhiều năng lượng hơn bình thường. Tôi ghét chạy đường núi. Phải, tôi sống ở Edinburgh, có vùng cao nguyên Scotland tuyệt đẹp bao quanh. Nhưng tôi luôn tránh chạy lên đồi và chạy ngoài trời nếu được. Nhất là những khi trời lạnh, có gió và ẩm ướt. Ấy vậy mà ném tôi vào trong sa mạc hơn 43 độ, tôi lại không hề hấn gì, vẫn tươi vui như các vận động viên khác. Mọi người thường hỏi sao tôi thích chạy ở những vùng nóng thế. Câu trả lời rất đơn giản. Khi chạy dưới ánh mặt trời sáng chói, tôi cảm thấy mình tự do nhất. Từ lúc còn nhỏ tôi đã vậy rồi. Sau khi bố Garry mất, tôi tìm đến thể thao, với hi vọng tìm một nơi lẩn trốn những rắc rối ở nhà. Tôi chơi cricket, khúc côn cầu bên ngoài hàng giờ liền. Thời gian như ngừng lại khi tôi ở bên ngoài. Và càng chạy, càng chạm đến cực hạn của bản thân, thở càng nặng nhọc, tiếng tim đập càng mạnh, thì nỗi phiền muộn trong tôi càng dịu đi. Bạn có thể nói, chạy khi trời nóng là một kiểu giải thoát. Còn tôi thì chắc chắn một điều. Khi chạy trên sa mạc Gobi, tôi không còn phải chạy trốn quá khứ nữa. Tôi đang chạy để hướng tới tương lai. Tôi đang chạy với niềm hi vọng , chứ không phải phiền muộn. Càng bước, chân tôi càng nặng như đeo chì. Tôi giảm tốc độ. Xung quanh đều là tuyết. Có lúc, chúng tôi phải chạy dọc sông băng. Lại có lúc, phải chạy dưới sườn núi dốc đứng như muốn sụt lún xuống bất cứ lúc nào. Từ độ cao này mà nhìn xuống , chắc hẳn sẽ kích thích lắm đây. Nhưng cũng may là mây bay là là dưới mặt đất nên tôi không thể nhìn thấy gì ngoài một bức tường sương mù dày. Cảnh tượng mờ mờ ảo ảo này làm tôi cứ ngỡ như mình đang trong một cơn dị mộng. Tôi chỉ mong sao mình thoát khỏi chỗ này thật nhanh. Cuối cùng , chốt kiểm soát đã ở trước mắt. Tôi nghe thấy tiếng mọi người reo hò cổ vũ như mọi khi. Khi họ nhìn thấy con chó, họ càng hò hét to hơn. “Lại là chú chó đó kìa!” Tôi gần như đã quên khuấy nhóc này. Lúc tôi chật vật leo lên đồi, con chó vẫn bắt kịp tôi, lóc ca lóc cóc như thể chạy lên độ cao 760 mét dưới gầm trời là điều hết sức bình thường. Đến chốt kiểm soát, tôi phải đối mặt với hàng tá câu hỏi như tôi cảm thấy thế nào, hay tôi đã uống nước chưa. Ban tổ chức đặt các chốt kiểm soát không chỉ để tiếp nước cho các vận động viên mà còn để kiểm tra xem chúng tôi có đủ sức đi tiếp hay không. Ấy thế mà, người ta chú ý đến con chó nhỏ đó còn hơn cả tôi. Hai tình nguyện viên chụp ảnh trong khi con chó đánh hơi căn lều được dựng làm chốt kiểm soát. Rót đầy chai nước, tôi đã sẵn sàng đua tiếp. Tôi ra khỏi lều, nửa hi vọng con chó sẽ không đi theo tôi nữa và ở lại đây kiếm phiếu cơm ngon nghẻ hơn. Nhưng khi chiếc ghệt màu vàng trên chân tôi bắt đầu chuyển động , con chó đã chạy ngay ra chỗ tôi. Leo lên núi đã vất, xuống núi cũng không kém. Hơn năm dặm đường đua toàn đá dăm và đá tảng , có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Chạy thế này quả là hành hạ khớp xương. Như các vận động viên khác, nếu tôi không duy trì một trăm phần trăm phong độ, tôi có nguy cơ bị vượt qua bất cứ lúc nào. Quả nhiên là thế. Khi chạy xuống dốc, chật vật lắm tôi mới gần đạt tốc độ tối đa. Chẳng mấy chốc, Tommy đã vượt qua tôi, tiếp theo đó là Julian. Tôi tự trách mình đã tốn quá nhiều sức lúc leo lên. Tôi đã phạm một lỗi căn bản, dù biết là mình không nên. Ngay sau đó, tôi tự điều chỉnh lại tâm trạng. Tự trách có thể khiến tôi mắc thêm lỗi căn bản khác. Trước đây, tôi từng mấy lần bị ám ảnh bởi chính lỗi lầm tôi gây ra. Trên vài dặm đua, cảm giác thất bại cứ tích tụ dần đến tận khi tôi chẳng còn hứng thú đua nữa và rút lui. Chỉ tập trung nhìn phong cảnh xung quanh, tôi cố đánh lạc hướng bản thân. Chạy xuống núi được một quãng , hình như tôi trông thấy một một cái hồ nước lớn đằng trước. Mặt hồ trải rộng và thẫm lại dưới bầu trời xám xịt. Càng đến gần, tôi mới nhìn rõ đó không phải một cái hồ, mà là một bãi cát sỏi đen sì khổng lồ. Đường bằng phẳng hơn nên tôi giảm tốc độ xuống còn 24m/phút, chạy thẳng qua chốt kiểm soát cuối cùng mà không cần dừng lại lấy nước. Tôi thấy Tommy, Zeng và Julian ngay đằng trước. Họ không cách quá xa như tôi lo ngại. Họ gan lì nối đuôi nhau. Chỉ cách họ chưa đầy một dặm, nhưng cố đến mấy tôi vẫn không thể bắt kịp họ. Tôi cũng không để tâm lắm. Tôi thấy thỏa mãn vì chân tôi không hề có dấu hiệu bị đau suốt chặng đua hôm nay. Tôi nghe thấy tiếng trống vang lên mỗi khi có một vận động viên về đích. Với vị trí thứ tư ngày hôm nay, tôi hoàn toàn có hi vọng giành hạng ba chung cuộc. Con chó vẫn thu hút sự chú ý ở vạch đích như ở các chốt kiểm soát trước. Mọi người hết chụp ảnh, quay phim, rồi tung hô con chó lai nhỏ màu nâu khi nó chạy về đích. Dường như nhóc này thích được chú ý. Tôi thề là nó vẫy đuôi thoăn thoắt khi đùa nghịch với đám đông vây quanh. Tommy về trước tôi một, hai phút gì đó, và cũng tiến vào hàng ngũ hoan nghênh. “Chú chó kìa, ông anh! Nó theo anh cả ngày nay cơ mà!” “Nó đã được uống tí nước nào chưa nhỉ?” Một trong số các tình nguyện viên nghi hoặc. “Tôi không rõ nữa,” tôi đáp. “Chắc nó uống ít nước suối trên đường rồi.” Tôi có chút ngượng nghịu. Tôi không muốn nó bị khát hay bị đói. Ai đó kiếm một cái xô nhỏ và múc cho con chó ít nước. Nó liếm liên hồi, chắc là khát lắm. Tôi lùi lại, tránh khỏi đám đông một chút vì muốn bỏ con chó lại đó. Lại một lần nữa, tôi nghĩ nó sẽ lảng vảng , rồi đi theo người khác, nhưng không. Uống nước xong , nó ngẩng đầu lên, hai mắt dán chặt vào chiếc ghệt màu vàng của tôi, rồi chạy lon ton đến bên tôi, tôi đi đâu nó theo đó. Trong lều nóng hừng hực. Tôi mừng vì cuối cùng chúng tôi đã thoát khỏi cái lạnh cắt da cắt thịt trên núi cao. Bắt đầu từ giây phút này, cái chúng tôi phải đương đầu không còn là cái lạnh nữa, mà là khí nóng. Kể từ ngày mai, chúng tôi sẽ tiến vào sa mạc Gobi. Tôi háo hức lắm rồi đây. Tôi vừa ngồi vào lều, con chó đã nằm cuộn tròn bên cạnh tôi. Còn tôi bắt đầu lo ngại về vi khuẩn và mầm bệnh. Trong một cuộc đua kéo dài cả tuần trời như thế này, điều cốt yếu là phải giữ mình càng sạch càng tốt. Bởi bạn sẽ rất dễ bị ốm nếu không tắm giặt. Con chó đang nhìn thẳng vào mắt tôi, như cách nó nhìn tôi sớm nay. Vài giờ nữa là đến bữa tối lúc sáu rưỡi, nên tôi lôi một túi đậu và thịt khô Biltong ra. Con chó nhìn không chớp mắt. Cắn một miếng thịt, tôi chợt nhận ra con chó chưa ăn gì cả ngày nay. Nó đã biểu hiện xuất sắc trong một giải marathon. Hơn thế, trước mặt tôi, nó chưa từng mặt dày xin xỏ hay ăn trộm tí thức ăn nào. “Đến đây nào,” tôi vừa nói vừa tung một nửa miếng thịt xuống tấm bạt trước mặt nó. Trực giác mách bảo, tôi không nên cho nó ăn trên tay mình. Con chó nhai, nuốt, lượn vòng vài lần rồi nằm xuống. Trong nháy mắt, nó ngáy, giật giật người, rên rỉ, và chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi choàng tỉnh khi nghe tiếng mấy người thủ thỉ như đám học sinh. “Ái chà, dễ thương nhỉ?” “Đây không phải con chó tối qua sao? Anh nghe gì chưa? Cô nhóc theo anh ta cả ngày nay đấy.” Cô nhóc ư? Nó chạy cùng tôi cả ngày, còn tôi thì chưa từng nghĩ đến chuyện nó là con đực hay con cái. Tôi mở mắt. Con chó đang nhìn tôi. Ánh mắt chuyên chú hơn tất thảy. Tôi xem thử. Họ nói đúng. Nó không phải một cậu nhóc. Là một cô nhóc. “Ừ.” Tôi nói với Richard và những người còn lại. “Cô nhóc cứ dính lấy tôi cả ngày nay. Nó dai sức phết đấy.” Mấy người cho cô nhóc ấy ăn. Như mọi khi, người ta cho là nó ăn. Cô nhóc lặng lẽ ăn như thể nó biết mình đã chộp được một món hời béo bở và phải ngoan ngoãn. Tôi kể với họ chuyện tôi không biết cô nhóc từ đâu đến và chuyện tôi đoán chủ của nó là người ở cùng lều với chúng tôi đêm hôm trước. “Tôi không nghĩ thế đâu,” Richard nói. “Tôi nghe mấy vận động viên khác kể hôm qua nó chạy cùng họ trên cồn cát.” Điều đó có nghĩa là cô nhóc đã chạy gần năm mươi dặm trong hai ngày qua! Tôi sửng sốt. Điều đó cũng có nghĩa là cô nhóc không thuộc về ai ở cùng lều hôm trước hay ai đó trong ban tổ chức. “Anh biết giờ mình cần làm gì chứ?” Richard nói tiếp. “Gì?” “Đặt tên cho nó đi.” 6 C HẠY CHƯA ĐƯỢC MỘT DẶM, TÔI DỪNG LẠI và thầm mắng mình ngu dốt. Chúng tôi đã nếm đủ mọi loại thời tiết trên đường chạy trong hai mươi tư giờ qua. Từ tuyết và mưa trên núi đến khô nóng lúc hạ trại. Gió giật cạnh lều cả đêm. Khi tôi dậy, trời lạnh nhất từ đầu giải đến giờ. Cái lạnh làm tôi buồn bực. Phải, tôi những mong một ngày nóng hơn, đường bằng phẳng hơn. Ấy thế mà, tôi lại đang run lẩy bẩy sau vạch xuất phát. Trong lúc các vận động viên khác đã khởi động xong , tôi lại vứt ba lô xuống , lục lọi tìm cái áo khoác nhẹ, làm lộn xộn hết hành lý vốn đã được chuẩn bị kỹ càng. Giờ thì, tôi đang tất bật cởi áo khoác ra. Mặt trời mới ló rạng được vài phút, nhiệt độ đã bắt đầu tăng. Đáng lẽ tôi phải thấy vui mới phải, nhưng thú thật, tôi đang phát ngốt trong cái áo gió ướt nhẹp đây. Tôi đành dừng lại cởi áo vì còn những năm tiếng đồng hồ chạy bộ đang chờ tôi. Lúc đang kéo khóa, giật cúc nhựa và cởi áo khoác ra, tôi thấy Tommy, Julian và hai người khác vượt lên dẫn đầu. Thêm một người áp sát phía sau. Tôi cười. “Này Gobi,” tôi gọi nó bằng tên tôi đặt cho nó tối qua. “Mày đổi ý rồi à?” Nó nằm cuộn tròn bên sườn tôi cả tối. Nhưng lúc tôi đứng ở vạch xuất phát sáng nay, Gobi đã lủi đi đâu mất trong đám vận động viên. Tôi thì quá chú tâm vào thời tiết mà quên khuấy mất cô nhóc. Hai mươi tư giờ qua đã dạy tôi: Gobi đích xác là một cô nhóc cứng đầu. Nếu hôm nay cô nhóc có kế hoạch khác thì tôi là ai mà ngăn được cô nhóc ấy chứ? Nhưng giờ Gobi đang ở đây, ngước nhìn tôi trong khi tôi buộc túi, rồi nhìn xuống cái ghệt giày. Cô nhóc đã sẵn sàng. Tôi cũng thế. Tôi mất bao công sức mới bắt kịp mấy người dẫn đầu, rồi lại tụt lại phía sau họ. Tôi biết có một đoạn dài trong đường đua hôm nay chạy qua núi đá, và tôi vẫn còn nhớ, hôm đầu tiên, đôi chân Julian nhẹ nhàng băng qua dạng địa hình này như thế nào. Tôi không muốn nhìn cậu ta bỏ xa tôi một lần nữa chút nào, nên tôi tăng tốc, vượt qua hạng tư, hạng ba, Julian và Tommy. Trở lại vị trí dẫn đầu thật tuyệt. Hai chân tôi mạnh mẽ và tinh thần đầy hưng phấn. Mỗi phút trôi qua, tôi nghe thấy bước chân những vận động viên bám sau ngày càng xa. Tôi gắng chạy nhanh hết sức. Hễ mệt mỏi, tôi lại liếc nhanh xuống Gobi. Cô nhóc không biết chút gì về kĩ thuật chạy hay chiến thuật đua. Cô nhóc thậm chí còn không biết hôm nay tôi định chạy bao xa. Cô nhóc cứ thế chạy, như thể sinh ra để chạy vậy. Tôi men theo dấu mốc màu hồng trên đường chạy đến khu vực núi đá. Lối đi bằng phẳng hơn chệch về bên phải, nhưng những dấu mốc vẫn chỉ thẳng về phía trước, theo hướng con đường toàn đá to, lung la lung lay, gần như không thể duy trì thế chạy được. Nhưng muốn tránh cũng không được, tôi nhảy lên, cảm giác như những tảng đá nhỏ hơn lắc lư khi tôi di chuyển. Tôi vừa hi vọng mình không bị sái chân, vừa ghen tị với khả năng nhảy tưng tưng qua mấy tảng đá mà chẳng tốn chút sức nào của Gobi. Đoạn này, chắc chắn Julian sẽ chạy nhanh hơn tôi. Lúc vừa lên đến đỉnh đồi cát, tôi nghe thấy tiếng bước chân của Julian ở ngay phía sau. Ấy thế mà lên đến đỉnh, thay vì tiến về phía trước và cố gắng kéo dãn khoảng cách với Julian, tôi sững lại. Đứng trên đây, tôi có thể trông thấy mọi thứ. Xa xa đằng kia là chốt kiểm soát. Trước khi đến đó, chúng tôi sẽ phải chạy qua một ngôi làng nhỏ. Tôi trông thấy cả con đường đá lởm chởm cách chúng tôi tầm 30 mét, rồi đến những mốc màu hồng đánh dấu đường đua trên con đường bằng phẳng dẫn đến ngôi làng , chốt kiểm soát và xa hơn nữa. Nhưng cái đập vào mắt tôi hiện giờ không phải những thứ đó. Như Julian và hai vận động viên khác dừng chân cạnh cậu ta, tôi dán chặt mắt vào con người đơn độc vừa chạy chếch sang phải. Đó là Tommy. “Ồ!” Julian thốt lên. “Không đúng.” Bằng cách nào đó, Tommy đã bỏ qua toàn bộ khu vực đá tảng , và đang dẫn trước chúng tôi khoảng mười phút. Đám chúng tôi tức anh ách. Chúng tôi gọi nhưng Tommy không nghe thấy. Cậu ta cách quá xa. Với ngọn lửa phục thù đang cháy hừng hực, chúng tôi quyết bắt cho kịp cậu ta. Khi chạy qua ngôi làng , chúng tôi trông thấy Tommy đã đến chốt kiểm soát đằng trước. Thế nhưng lúc chúng tôi đến đó, cậu ta đã biến mất hút sau một chỏm núi cách đó mấy chục mét. Tôi quyết định dừng lại một lúc để trình báo và xem có ai ghi lại những gì vừa xảy ra không. Lần đầu tiên tôi cố giải thích tình huống, thành viên ban tổ chức nhìn tôi như một thằng ngốc. “Vui lòng nói lại lần nữa,” bà ta nói. “ Tommy Chen đã bỏ qua khu đá tảng đằng đó. Tôi không biết cậu ta có cố tình hay không nhưng như thế là không công bằng.” “Chúng tôi sẽ điều tra sau,” bà ta đáp đại khái. “Tommy đã nhảy cóc,” Zeng , một nhân chứng khác nói. “Như thế là không đúng luật.” Lại một lần nữa, bà ta tỏ ra không màng gì cả. Ngay sau đó, chúng tôi quay lại chốt kiểm soát, cố gắng đuổi kịp Tommy. Cậu ta đã dẫn trước chúng tôi gần một dặm đường hiểm trở, nhưng không hề gì, cậu ta chọc giận tôi rồi. Tôi tăng tốc lên 247m/phút, gắng thu hẹp khoảng cách. Julian và những người khác đã tụt lại đằng sau, nhưng tôi không quan tâm. Tôi chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất. Con đường nhấp nhô quá, nên tôi chỉ thấy rõ bóng Tommy vài lần. Giây phút khoảng cách giữa chúng tôi chỉ còn cỡ 800 mét, cậu ta quay lại, thấy tôi đang đuổi theo, cậu ta liền chạy nước rút hết tốc lực. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Các cuộc đua kiểu này thường có một quy ước. Nếu anh nhận ra mình có lợi thế không công bằng so với các vận động viên khác, anh phải lùi lại, để họ vượt lên và khôi phục lại đúng thứ hạng vốn có. Tôi đã mắc lỗi này trong một cuộc đua. Cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu vốn dễ dàng , nhưng giải quyết mọi chuyện trên đường đua sẽ tốt hơn là khi mọi chuyện đã kết thúc. Tôi kiên trì bám theo cậu ta. Nhưng sau khi cố gắng hết sức để thu hẹp khoảng cách, để tức giận, tôi liền cảm thấy mệt mỏi. Tôi nghe thấy tiếng bước chân đằng sau. Julian đã vượt qua tôi. Trời bắt đầu nóng hơn. Chúng tôi tiến vào đoạn đường bằng phẳng trải dài hàng dặm. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản và thất vọng về bản thân mình. Kinh nghiệm trước đó đã dạy tôi rằng thứ cảm xúc tiêu cực này là độc dược, cũng dạy tôi cách xử lý chúng. Lần đầu tiên tham gia một giải chạy siêu bền - cự li 26,2 dặm kết hợp chạy vòng tròn cự li 6 dặm chót - tôi bắt đầu thấy mệt mỏi ở khoảng mốc 20 dặm. Từ lúc cán mốc, tôi đã thấy thế rồi. Tôi không thích thú gì chạy đường trường , chán ngấy cảnh bị mấy ông bà lớn tuổi hơn mình vượt mặt. Tôi chạy chỉ vì muốn đồng hành cùng Lucja. Mặc dù tôi sắp sửa hoàn thành đường đua 26,2 dặm trong vòng 3 giờ 30 phút, nhưng sâu thẳm trong tôi lại muốn từ bỏ. Tôi bước ra khỏi đường đua, đi ra xe và đợi Lucja cùng về. Phải mấy tiếng nữa Lucja mới ra. Tôi ngồi trong xe và nhìn các vận động viên còn lại cố gắng đua, mà mình thì chưa sẵn sàng cố gắng như họ. Tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng vì chính mình. Số vận động viên thưa thớt dần. Những người vẫn kiên trì là những người coi giải đua này như trải nghiệm chỉ có một lần trong đời. Lucja sung sức, nhanh, và mạnh hơn tất thảy nhưng cô ấy không ở tốp đầu. Tôi bắt đầu tự hỏi đã xảy ra chuyện gì vậy. Sau cùng , tôi bước ra khỏi xe, đi bộ dọc theo đoạn đường đua cuối cùng để tìm cô ấy. Chẳng bao lâu sau, tôi đã thấy cô ấy, chạy thong thả bên một gã. Chân hắn bị chấn thương khá nặng. Lucja mệt mỏi lê từng bước, nhưng rốt cục cô ấy đã về đích. Tôi nhìn cô ấy chạy qua vạch đích mà nghẹn ngào. Sức mạnh tinh thần và lòng trắc ẩn ở Lucja ngày hôm ấy đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi cố gắng noi gương cô ấy mỗi khi đua. Và bằng hết sức bình sinh, tôi có thể chịu đựng và vượt qua đủ mọi nỗi đau và sự khó chịu. Nhưng nhiều lúc, tiếng nói bảo tôi từ bỏ cứ to hơn tiếng nói bảo tôi tiếp tục kiên trì. Đó là những ngày chật vật nhất. Khi thấy Julian biến mất hút, tôi cố dằn lòng không nghĩ đến việc Tommy đã cách mình bao xa. Tôi biết tôi đang nhớ Lucja. Liếc xuống nhìn Gobi, tôi đã lấy lại sự tập trung và vứt cái mớ bòng bong về Tommy ra khỏi đầu. Gobi vẫn luôn ở bên tôi, vẫn sát cánh cùng tôi. Vì có Gobi ở đây, nên tôi muốn tiếp tục. Đoạn đường đua dài, bằng phẳng kết thúc, nhường chỗ cho cây bụi. Tôi nhận thấy, từ đầu chặng tới giờ, hễ thấy một dòng suối hay vũng nước, Gobi đều mon men chạy lại uống nước. Kể từ đoạn đường đá, chúng tôi chưa thấy vũng nước nào cả. Tôi tự hỏi mình có nên chia cho cô nhóc ấy chút nước không nhỉ. Dù không muốn dừng lại, nhưng tôi cũng bắt đầu cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của Gobi. Cô nhóc ấy chưa trưởng thành, và mấy cái chân thì còn xa mới dài bằng tay tôi. Với Gobi, chạy bộ hẳn là vất vả lắm. Nên tôi nhẹ nhõm hẳn khi trông thấy mấy dòng suối phía trước. Gobi chạy lon ton ra một dòng suối uống nước. Phải chăng cô nhóc nhìn thấy những gì tôi nhìn thấy lúc này, Gobi chắc hẳn sẽ không còn hưng phấn như thế. Đứng bên dòng suối, tôi trông thấy Julian ở bờ bên kia một con sông rộng cỡ 50 mét. Tôi vẫn nhớ ban tổ chức đã nhắc đến nó khi tôi còn đang run lẩy bẩy sau vạch xuất phát vài giờ trước. Nước dâng cao đến tận đầu gối, nhưng vẫn đi bộ qua được. Hình ảnh Julian đã khích lệ tôi, khiến tôi không ngần ngại lội xuống nước, kiểm tra xem đã buộc chặt ba lô trên lưng và có bị dính nước không. Nước lạnh hơn tôi tưởng , nhưng chẳng hề gì, tôi còn đang muốn làm mát cơ thể một chút đây. Đúng là nước cao đến đầu gối tôi, thậm chí có chỗ sâu hơn. Dòng chảy xiết cộng thêm đá trơn làm tôi chệnh choạng. Nếu giày ướt, tôi vẫn có thể đua tiếp. Dù sao thì chúng cũng sẽ khô nhanh thôi. Nhưng nếu bị trượt chân ngã, ba lô ướt không chỉ nặng và khó chịu mà thức ăn cũng sẽ hỏng mất. Một bước sẩy chân, một cú ngã, cuộc đua của tôi rất có thể sẽ chấm dứt tại đây. Tôi tập trung cao độ để lội qua sông , đồng thời không quên chú ý Gobi. Tôi đoán cô nhóc ấy sẽ tìm được đường qua sông thôi, như hôm chạy qua rãnh nước vậy. Thế nhưng lần này, Gobi sủa và rên rỉ không ngừng. Tôi đi càng xa, tiếng kêu càng tuyệt vọng hơn. Đi được một phần tư lòng sông , tôi quyết định làm cái chuyện mà tôi chưa từng làm trong bất cứ cuộc đua nào. Tôi quay lại. Gobi đang đứng trên bờ, sốt sắng chạy lên chạy xuống , nhìn thẳng vào tôi. Tôi biết Julian mới dẫn trước tôi vài phút thôi, nhưng còn ai đó bám sau tôi thì sao, bao lâu nữa họ sẽ vượt qua tôi. Nếu tôi quay lại, liệu tôi có mất cả thứ hạng này lẫn vài phút quý báu không? Tôi chạy lại nhanh nhất có thể, kẹp Gobi vào cánh tay trái và lội ngược trở vào nước lạnh lần nữa. Tôi chưa bế Gobi bao giờ. Cô nhóc nhẹ hơn tôi tưởng nhiều. Ngay cả thế thì bế theo Gobi lội qua sông cũng quá ư là khó nhọc. Tôi chỉ dùng tay phải để giữ thăng bằng , mon men phía trước. Tôi trượt chân mấy lần liền, một lần khuỵu sang trái làm Gobi và cả đáy ba lô bị ướt - tôi đoán vậy. Thế mà Gobi không phàn nàn gì, cũng không lộn xộn hay vùng vẫy. Cô nhóc ở yên dưới cánh tay tôi, để tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình và bảo vệ cô nhóc an toàn. Đến một đảo nhỏ giữa dòng , tôi đặt Gobi xuống. Cô nhóc chạy lon ton như thể mọi thứ đều là một chuyến phiêu lưu kì thú. Tôi xem ba lô có bị ướt lắm không rồi đeo thật cao trên lưng. Tôi gọi Gobi, nhóc ta chạy ngay lại. Tôi nhấc cô nhóc lên và lại tiến bước. Cô nhóc nhảy lên bờ nhanh hơn tôi. Nhân lúc tôi rửa sạch bùn và rong rêu, Gobi đã lắc mình giũ lông xong và đang nhìn tôi chằm chằm, như tỏ ý mình đã sẵn sàng trở lại cuộc đua. Chạy qua đoạn đường đất bụi mù, chúng tôi bắt gặp một cái rãnh nhân tạo khác, to hơn cái hôm trước Gobi nhảy qua. Lần này, tôi không dừng lại, mà nhấc bổng cô nhóc lên, nhảy liền một mạch. Trong khoảnh khắc ấy, khi tôi nhấc Gobi lên trước, hai chúng tôi đối mặt nhau, tôi thề là cô nhóc ấy trao tôi ánh nhìn trìu mến và biết ơn. “Sẵn sàng chưa, nhóc?” tôi nói, không thể ngừng cười khi đặt Gobi xuống và xem nhóc ta bắt đầu nhảy tưng tưng. “Vậy thì tiến lên nào.” Tôi chỉ ngước mắt lên khi trông thấy một ông lão cưỡi lừa. Ông ấy ngây ra nhìn hai chúng tôi. Trông tôi kì lắm à? Tôi tự hỏi. 7 B AN TỔ CHỨC CUỘC ĐUA ĐANG TRÊU ĐÙA mấy vận động viên chúng tôi chắc? Đoạn đường đua cuối cùng trong ngày dài hàng mấy dặm liền. Đồng hồ GPS báo sắp đến đích, nhưng tôi chẳng thấy bóng dáng cái trại nào ở quanh đây cả. Tất cả những gì tôi thấy là con đường nhấp nhô vô tận, rồi mất hút đằng xa. Tôi đã chạy thêm được hai dặm nữa. Theo tính toán, tôi mất quá nhiều thời gian do giảm tốc độ trước đó và mang Gobi lội sông. Trong lúc đó, Tommy, thậm chí có thể cả Julian cũng đã về đích rồi. Cho nên lúc trên đỉnh dốc, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy cả hai người họ chỉ dẫn trước tôi có một dặm. Theo lí mà nói, giờ họ phải chạy nước rút chứ nhỉ? Trông như họ đang đi bộ ấy. Tôi tự hỏi, liệu có phải Tommy cố ý chạy chậm lại để những người khác bắt kịp và khôi phục thứ tự vốn có không. Hay cũng có thể cậu ta chỉ kiệt sức vì nóng và không thể chạy nhanh hơn thôi. Dù thế nào thì tôi nghĩ cơ hội thu hẹp khoảng cách đây rồi. Tôi muốn vượt lên một cách lặng lẽ. Tôi không muốn họ phát hiện ra tôi đang đuổi theo họ và tăng tốc. Hôm nay, tôi đã tốn quá nhiều sức. Đoạn đường dốc giúp tôi náu mình nên tôi phi hết tốc lực. Lúc lên dốc, không còn vật gì che chắn, tôi bèn chạy chậm lại. Chắc Gobi nghĩ trò này vui lắm, nên nó phi nước đại theo tôi rồi giảm tốc, hết lần này đến lần khác. Tôi không thấy Tommy hay Julian ở hai con dốc đầu, nhưng đến con dốc thứ ba, khoảng cách giữa chúng tôi đã giảm phân nửa. Chắc chắn họ đang đi bộ. Hai lần xuống dốc tiếp theo, tôi còn lao nhanh hơn. Mỗi lần chạy nước rút, tôi nhận thấy mình ngày càng gần họ hơn. Leo lên con dốc thứ năm, phổi tôi như muốn bốc cháy, tôi cách họ chưa đầy sáu mươi mét nữa thôi. Họ mới vừa biến mất khỏi tầm mắt tôi ở lần xuống dốc cuối cùng. Rốt cục, tôi đã thấy vạch đích ngay phía trước. Tôi chỉ cần thực hiện tổ hợp chạy nước rút cộng lén lút này thêm một lần cuối cùng nữa thôi. Sau cùng , tôi muốn cảnh báo họ là tôi sắp vượt họ rồi. Vì vậy, tôi bắt đầu chạy, nhanh nhất, và yên lặng nhất có thể. Tôi chạy bằng đầu ngón chân, và chú ý không va phải đá. Sáu mươi mét giờ rút xuống còn ba mươi mét. Rồi hai lăm mét. Hai mươi mét. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì không ai nghe thấy tiếng bước chân của tôi hay quay lại nhìn. Khi khoảng cách giữa chúng tôi chỉ còn vẻn vẹn mười mét, thêm ba mươi mét nữa chính là đến đích. Chính là lúc này, tôi đã tiếp cận đủ gần và quyết chạy hết sức bình sinh. Chạy được vài bước thì Julian quay đầu lại và thấy tôi. Nhưng mọi sự đã rồi. Dù Tommy có bắt đầu chạy, thì họ cũng không đủ sức vượt tôi nữa. Tôi về nhất, nối gót tôi chính là Gobi. Tiếng trống khải hoàn cũng không át hết tiếng reo hò cổ vũ của đám đông ban tổ chức và các tình nguyện viên. Tôi biết dẫn trước Tommy vài giây trong chặng này khó có thể thay đổi kết quả chung cuộc cuối giải đua bảy ngày liên tiếp, nhưng quá đủ để đáp trả lại những gì cậu ta đã làm hôm nay. Tôi muốn cậu ta biết rằng dưới góc độ là một vận động viên, tôi tôn trọng cậu và tất cả thành tích chạy đường trường cậu đạt được, nhưng tôi sẽ không ngồi yên để cậu ta muốn làm gì cũng được. Nếu Tommy muốn giành chiến thắng , cậu ta bắt buộc phải đấu với tôi một trận công bằng và sòng phẳng. “Quá cừ!” Thành viên ban tổ chức reo lên. “Anh xứng đáng vào siêu cúp đấy.” “Ồ, cám ơn,” tôi đáp. Nhưng cái tôi muốn không phải là những cái vuốt ve. Tôi muốn xem bà ta định xử lý chuyện Tommy thế nào. “Lát nữa tôi có thể gặp và thảo luận về vụ Tommy Chen cố tình nhảy cóc trước khi qua chốt kiểm soát đầu tiên không ? Mặc dù hiện giờ tâm trạng tôi chưa ổn định, nhưng tôi nghĩ bà cần biết chính xác những gì đã xảy ra.” Cơn giận đã nguôi, nhưng tôi vẫn phải cẩn trọng với lời nói của mình. Bởi dù gì thì Tommy cũng là ngôi sao của chương trình. Sau khi thuật lại toàn bộ sự việc, tôi chờ trong lều, còn Gobi nằm cuộn tròn bên cạnh tôi trong lúc chờ diễn biến tiếp theo của cuộc điều tra. Người phụ nữ mới vừa hỏi tôi cũng trao đổi với các vận động viên khác, nhân viên tại chốt kiểm soát và Tommy. Tôi đã đề xuất phạt cộng thêm mười lăm phút vào kết quả chung cuộc là công bằng , nhưng Tommy chỉ bị phạt cộng thêm năm phút vào thành tích ngày. Tôi vừa thất vọng vừa lo không biết Tommy sẽ nắm bắt năm phút đó như thế nào. Tôi đến tận lều tìm cậu ta. Cậu ta đang khóc. “Nói chuyện với tôi một chút được không , Tommy?” “Tôi không thấy dấu mốc,” chúng tôi vừa ra ngoài cậu ta đã giải thích. Tôi cho là không phải vậy. Những dấu mốc màu hồng rất khó bỏ lỡ. Chưa kể bất cứ vận động viên chạy đường trường dày dạn nào cũng phải nghiên cứu trước về dấu mốc để nhận biết và chạy theo tuyến đường đã định. Hơn nữa, lúc đó cậu ta chạy ngay sau tôi, nên không thể không thấy cái áo màu vàng chói lóa của tôi được. “Được rồi,” tôi nói. “Tôi không muốn đau đầu vì chuyện hôm nay nữa. Mọi chuyện đã qua. Đừng giữ mãi trong lòng làm gì, được chứ?” Cậu ta nhìn tôi, gương mặt cương quyết và không còn vương giọt nước mắt nào. “Tôi không cố ý. Tôi không nhìn thấy dấu mốc.” Cậu ta đã bảo thế thì tôi còn biết nói gì đây. Vì vậy, tôi quay đi. Quay lại lều, Richard và Mike chúc mừng tôi đã về nhất chặng này. Nhưng thực ra, họ muốn nói về vụ của Tommy cơ. Tôi không còn hứng thú thảo luận chuyện ấy nữa. Tôi muốn chuyện gì đã qua thì để cho nó qua đi. “Tôi phục anh đấy, Dion,” Richard nói. “Anh đã làm được một điều gì đó tốt đẹp ở đây.” “Tại sao?” “Những vận động viên người Mỹ về đích sau thực sự đánh giá cao anh vì dám đứng lên bảo vệ lập trường. Tất cả chúng ta đều phải tuân thủ luật chơi. Hơn thế, anh đã làm đúng khi nói chuyện với Tommy và chủ động giải hòa.” “Thôi nào, chúng ta sẽ biết năng lực thực sự của Tommy vào ngày mai. Không khéo tôi vừa chọc tổ ong bắp cày ấy chứ,” tôi nói. Tối đó, tôi trằn trọc cả đêm. Trong lều thì nóng , mà trong đầu tôi thì cứ ong ong. Richard mới mò dậy đi vệ sinh. Khi cậu trở vào lều, Gobi nhìn cậu ta gầm gừ. Tôi thích cảm giác được Gobi trông chừng như thế. Ngày hôm sau là chặng sa mạc, đá lởm chởm, đất cứng đe và ánh mặt trời thiêu đốt từng dặm đường. Như đã bàn bạc tối qua, chặng sa mạc quá sức với Gobi nên cô nhóc sẽ ngồi xe với nhóm tình nguyện viên đến trại tiếp theo. Tôi dậy sớm và ra khỏi lều sớm hơn mọi khi để tìm người dẫn Gobi theo và nhắc người ta cho cô nhóc uống đủ nước và mát mẻ cả ngày. Đến lúc nói lời tạm biệt, tôi chợt thấy hơi lo về cô nhóc. Ừ thì, rõ là cô nhóc thích bám tôi, nhưng liệu nhóc ta có ổn giữa hàng tá người lạ mặt cả ngày không ? Tôi sẽ gặp lại Gobi chứ? Hay cô nhóc sẽ dấn thân theo một cuộc phiêu lưu khác? Cuộc đua ngày hôm nay thách thức các vận động viên ngay từ bước xuất phát, phần vì địa hình thay đổi. Nếu chặng đua hôm trước là tổ hợp của đường nhấp nhô, vượt sông và chạy trên núi đá khiến các vận động viên phải luôn tỉnh táo, thì ngày thứ tư, giữa các chốt kiểm soát ẩn náu dưới đường chân trời cách nhau hàng dặm là dải đất bằng phẳng đến bất tận. Chân giẫm lên bãi đá cổ từng cản bước nhiều vận động viên, nhưng thay vì đường đất bụi mù và cây bụi, giờ chúng tôi đang chạy qua con đường đá cuội đen sì uốn lượn qua sa mạc Gobi. Cả ngày nay, tôi chạy ngược gió, quan sát những tảng đá, và gắng không để tâm đến tiếng ai đó ăn uống xì sụp phía sau. Đó là Tommy. Gần như từ lúc xuất phát đến giờ, cậu ta vẫn duy trì vị trí sau tôi. Không phải cách tôi ba mét hay bên cạnh tôi vài mét. Mà là ngay đằng sau lưng tôi. Chưa kể, cậu ta còn chạy theo đúng nhịp chân tôi. Lợi dụng tôi làm bức tường chắn gió, cậu ta gồng mình, tránh sau lưng tôi mỗi khi không còn đủ sức cản gió nữa, như một vận động viên đua xe đạp hay chim di trú. Rõ ràng , Tommy không có ý định cho tôi thả lỏng và hưởng thụ cảm giác dẫn đầu một giây phút nào. Cậu ta bám sau tôi, để tôi dẫn đường. Gió thi nhau quật lên người tôi, còn cậu ta thì thong thả nạp nhiên liệu. Nhấm quả hạch. Uống nước. Nước tăng lực. Cậu ta nhấm nháp cả ngày, nhưng không hé răng nửa lời. Ngay cả khi Zeng vượt hai chúng tôi, Tommy vẫn không thay đổi chiến lược. Cậu ta như thể cái bóng của tôi, còn tôi thì biết làm gì với nó đây. Tôi bắt đầu thắc mắc động cơ của cậu ta. Cậu ta muốn gì mới được chứ? Chẳng lẽ cậu ta định cản trở tôi ? Cậu ta không muốn vượt và cho tôi hít bụi hả? Tôi biết cậu ta muốn bù đắp sự mất mát hôm qua, và giành chiến thắng chặng này, vậy thì lí do gì khiến cậu ta cứ bám sau tôi ? Sau tôi lại nghĩ về Gobi. Tôi nhớ cô nhóc ấy hay cắn vào dây ghệt, lôi tôi tăng tốc. Suốt một ngày, tôi vẫn ứng phó được và không mấy phật lòng vì sự hiện diện của Tommy. Thực tế, sự hiện diện của cậu ta còn tiếp thêm động lực giúp tôi quên đi mình đang chạy ngược gió, đỡ nhàm chán và sải từng bước vững chãi. Ít nhất thì tôi vẫn cảm thấy thế đến tận khi gần đến chạm chốt kiểm soát cuối cùng. Tôi biết, vạch đích cách chỗ này hơn bốn dặm nữa. Nhưng dưới trời nắng chang chang trên đỉnh đầu, và nhiệt độ cao bốn năm mươi độ thế này, tôi bắt đầu thấy chóng mặt. Cuối cùng đã đến chốt kiểm soát. Đứng dưới bóng râm, tôi hưởng thụ cảm giác hạ nhiệt và điều chỉnh bản thân trong chốc lát. Thời tiết là vậy nhưng Tommy vẫn không ngừng bước. Cậu ta gật đầu ra hiệu, nói vài lời với một người trong đội tình nguyện rồi tiến thẳng. Tôi còn nghĩ là cậu ta sẽ kiên trung không đổi cơ đấy. Tôi tranh thủ rót đầy nước vào hai chai cho đủ một lít rưỡi nước. Lúc tôi xuất phát lại thì Tommy đã dẫn trước gần hai trăm mét. Trông cậu ta khỏe khoắn và kiểm soát tốt. Rõ ràng cậu ta rất quyết tâm. Tôi sớm biết, lúc này, mình không thể đuổi kịp cậu ta. Julian và Zeng sớm bắt kịp tôi và không chần chừ vượt lên. Họ chạy song song , tìm cơ hội hạ bệ Tommy, trong khi tôi chỉ chực cảm thấy khớp chân như rụng rời. Tôi không thể chạy tiếp. Cho dù tôi cố gắng thế nào, cho dù tôi tự nói với bản thân không được chậm lại, tôi vẫn cảm thấy chân nặng như đeo chì. Không giống hôm trước, chán nản và mệt mỏi đồng thời xuất hiện. Còn đây chỉ đơn thuần là vấn đề về thể chất. Tôi đã chạy liên tục suốt ba tiếng qua, hết nắng nóng thiêu đốt lại đến gió nóng thổi ngược. Tôi chẳng còn dư bao nhiêu sức. Tôi từng như thế rồi. Năm 2013. Hồi ấy, mặc dù tôi đã giảm từ gần 109 kí xuống tầm 77 kí, nhưng tôi vẫn không kiềm chế được cái miệng của mình, thích nếm mỹ thực và thưởng thức mỹ tửu. Vì vậy, khi chọn giải đua marathon đầu tiên, tôi đã chọn ghi danh vào một giải đua tổ chức tại Pháp, quê hương của rượu vang. Tại mốc đánh dấu mỗi dặm có một quầy nước giải khát phục vụ cả rượu vang và món ngon địa phương. Vì là cuộc đua hóa trang và không trọng thời gian về đích, nên tất cả các vận động viên đều phải cải trang thành động vật. Tôi mặc đồ con lợn. Nhiều người bỏ qua mấy quầy giải khát, nhưng tôi thì không. Chạy được nửa đường , tôi đã no căng bụng , nào là thịt, pho mát, sò biển, nào là rượu vang. Da tôi bắt đầu phồng rộp và đau rát khi đến mốc ba phần tư, rồi đến cẳng chân và eo cũng bắt đầu đau nhói sau mốc hai mươi dặm. Dưới ánh mặt trời thiêu đốt, Lucja đang vui mừng nhảy múa như võ sĩ quyền Anh kết thúc vòng loại trực tiếp, còn tôi thì hì hà hì hục, ngày một chậm dần. Tôi buồn nôn, mất tập trung, không thể nhìn thẳng và lưng đau nhói từng cơn khiến tôi vô cùng lo lắng. Lucja đã đưa tôi về đích. Thậm chí, tôi còn chẳng nhớ mình hoàn thành dặm cuối cùng như thế nào. Cô ấy đỡ tôi về khách sạn, cho tôi uống thật nhiều nước và thủ thỉ mọi chuyện sẽ ổn thôi khi tôi run lẩy bẩy dưới chăn. Chỉ còn vài tháng nữa là đến giải chạy siêu bền đa chặng cự li 155 dặm đầu tiên mà chúng tôi tham gia - băng qua sa mạc Kalahari đầy khắc nghiệt và không khoan nhượng ở Nam Phi. Chu trình huấn luyện của Lucja đã diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi đều hiểu, cô ấy khỏe mạnh đến thế nào. Còn tôi thì sao? Phải chăng tôi đang tự lừa mình dối người? “Lucja à, anh không làm được đâu. Anh không giống em.” “Ngủ đi, Dion. Chúng ta sẽ lo chuyện đó vào ngày mai.” Tôi không nhìn thấy Tommy nữa, cậu ta cách tôi xa quá. Julian và Zeng cũng đang dần biến mất khỏi tầm mắt tôi. Vậy là xong đời. Tôi chẳng còn gì cả. Đôi chân như không còn là của tôi nữa. Đầu tôi đơ đi vì những suy nghĩ viển vông. Có lẽ đây là cuộc đua cuối cùng trong đời tôi. Có lẽ tôi đã hết thời rồi. Có lẽ tham gia giải này là sai lầm lớn. Tôi nghe thấy tiếng trống giục giã xa xa trước cả khi nhìn thấy vạch đích. Tay đua xếp thứ tư đã vượt tôi ở dặm đua cuối cùng , nhưng tôi không quan tâm nữa. Tôi chỉ muốn qua được hôm nay. Để kết thúc mọi thứ. Tôi những tưởng Lucja đang ru tôi ngủ, nghỉ ngơi rồi ăn uống khiến tôi cảm thấy ổn hơn, nhưng một giọng nói khác xen ngang bảo tôi cuốn xéo. Đến khúc cua cuối cùng , tôi đã thấy vạch đích. Gobi đang ở đó chờ tôi. Cô nhóc ngồi trong bóng râm, trên một tảng đá, giương mắt nhìn đường chân trời. Trong một khắc, cô nhóc vẫn bất động , tôi tự hỏi liệu Gobi có thấy tôi không. Rồi nhúm lông màu nâu bắt đầu động. Nhảy xuống tảng đá, vẫy đuôi, thè lưỡi, xé gió lao về phía tôi. Lần đầu tiên trong ngày hôm nay, tôi mỉm cười. Đó là ngày nóng nhất, nắng như đổ lửa. Lều dựng gần một trại nuôi cừu cũ. Tôi cố gắng nằm ngủ một giấc trong một cái chuồng , nhưng tường kim loại biến nơi đây thành một cái lò nung. Tôi chuyển về lều, không khí ở đây bị ám mùi và nhiệt độ lên đến trên 43 độ. Gobi nằm cuộn tròn bên mạn sườn, tôi ngủ lúc được lúc không. Một phần trong tôi đang mong chờ cơn buồn ngủ trở lại, nhưng những lúc nằm trong lều là khoảnh khắc tôi nhớ Lucja nhất. Trước khi đến Trung Quốc, tôi đã biết cuộc đua này sẽ khó khăn nhường nào nếu thiếu Lucja. Vì yêu cầu công việc, cô ấy không thể cùng tôi tham gia. Đây mới là cuộc đua thứ hai chúng tôi không ghi danh cùng nhau thôi. Tôi chợt nhớ cuộc đua marathon đầu tiên tại Pháp, tôi mặc trang phục con heo, còn Lucja là ong nghệ. Tôi dựa dẫm vào cô ấy, cô ấy chăm sóc tôi, nhất là cuối ngày. Kể từ đó đến nay, chúng tôi chưa đồng hành cùng nhau lần nào. Lucja vốn là người dễ hòa đồng. Cô ấy hay ra khỏi lều trò chuyện với các vận động viên khác. Bất cứ khi nào tôi nản lòng hoặc buồn bực, cô ấy sẽ giúp tôi thoát khỏi mớ cảm xúc tiêu cực đó. Mấy lần cô ấy bảo tôi đừng bỏ cuộc. Tôi cần Lucja, nhất là những lúc xảy ra vấn đề không mong muốn như chuyện với Tommy chẳng hạn. Nhưng chặng đua hôm nay đã dạy cho tôi bài học khác. Tôi nhớ Gobi. Cô nhóc xứng đáng là một động lực tuyệt vời cứu vớt tôi khỏi sự nhàm chán do chạy qua những khung cảnh muôn giờ như một. Cách cô nhóc chạy - đầy quyết tâm, kiên định và tận tụy - cũng truyền cảm hứng cho tôi nữa. Gobi là một chiến binh không bao giờ chấp nhận thoái lui. Đói khát hay mệt mỏi cũng không thể khiến nhóc ta nản lòng. Cô nhóc luôn kiên trì tiến lên phía trước. Tôi không biết nên vui hay nên buồn khi ngày mai sắp đến. Ngày thứ năm là một chặng đua dài. Gần năm mươi dặm đường , dưới trời còn nóng hơn hôm nay. Tôi đã sắp xếp để gửi Gobi ở chỗ ban tổ chức lần nữa. Tôi biết, họ sẽ chăm sóc tốt cho cô nhóc. Chạy ngày dài là bài tủ của tôi. Thậm chí, tôi còn hứng khởi hơn khi nhiệt độ tăng vọt. Nhưng sau hai ngày có Gobi đồng hành, có điều gì đó đã chậm rãi thay đổi. Tôi trở nên thích chạy cùng cô nhóc, chiêm ngưỡng sức mạnh phi thường trong hai đôi chân ngắn cũn cỡn cả ngày. Làm sao đây, tôi lại nhớ Gobi rồi. Đêm qua, tôi ngủ không nhiều. Trời thì nóng nực mà người tôi thì ngứa ngáy. Bốn ngày đằng đẵng tham gia cuộc đua là ngần ấy ngày tôi chưa tắm gội hay thay quần áo. Da tôi phủ một lớp bụi bẩn và ghét dày cộp. Gobi thì không chịu ngồi yên một chỗ. Cô nhóc nhổm dậy mấy lần, chạy thoăn thoắt ra khỏi lều và đi sủa đàn cừu. Tôi không quản, và mấy người bạn cùng lều khác cũng không phàn nàn gì. Tôi đoán là ai ai cũng cuống cuồng tập trung tinh thần cho chặng đua sắp tới rồi. 8 D Ù LỚN LÊN Ở ÚC NHƯNG TÔI VẪN CẦN được huấn luyện thích nghi với trời nắng nóng. Ở Edinburgh, tháng nào nhiệt độ cũng dưới 16 độ, nên nếu không tự rèn luyện trước, thì tôi không thể đương đầu với cái nóng trong sa mạc được. Tôi nghĩ ra một cách. Đó là biến phòng ngủ trống trong nhà thành một buồng sưởi mini. Tôi đã sắm hai máy sưởi công nghiệp - loại mọi người hay dùng để hong khô nhà bị ngập nước - và hai máy sưởi xách tay nhỏ. Chưa đủ, tôi còn sắm cả một tấm mành treo cửa sổ dày cộp. Tôi ngộ ra, nếu chỉ có mình tôi trong phòng đó, nhiệt kế mới chỉ gần 38oC. Nếu tôi nài nỉ Lucja vào cùng tôi thì nhiệt độ sẽ tăng thêm được chút nữa. Mấy buổi tập thật khủng khiếp. Tôi mặc áo bó chuyên dụng mùa đông , đội mũ, đeo găng tay, bật máy chạy bộ nấc nhanh nhất. Độ ẩm không khí cực cao. Chỉ sau hai, ba giờ tập luyện, tôi đã kiệt sức mặc dù không đeo ba lô đựng đường hoặc gạo nặng sáu, bảy kí. Để chuẩn bị cho giải đua qua sa mạc Gobi, tôi đã tăng cường độ tập luyện cao hơn hẳn cường độ tập luyện cho các giải đua trước đây. Lúc muốn tăng độ khó, chạy trong điều kiện khí hậu khô nóng , tôi trả 100 đô đổi lấy một giờ tập trong buồng sưởi của một trường đại học trong vùng. Lucja nói cô ấy chưa từng thấy tôi quyết tâm và tập trung như thế bao giờ. Nhưng tôi vẫn phải tập luyện bởi tôi biết mình không còn lựa chọn nào khác. Tôi từng tham gia Giải Marathon des Sables hai lần, nhiệt độ nơi đó đôi khi còn chạm mốc hơn 54oC. Ấy thế mà tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực. Giải đua ở sa mạc Gobi lại khác. Người bước lên bục vinh quang phải là người chiến thắng cái nóng. Ngày đua thứ năm bắt đầu lúc 7 giờ, sớm hơn mọi khi một tiếng. Đứng sau vạch xuất phát, tôi tranh thủ nhẩm lại chiến lược đua chẳng biết đã lần thứ mấy. Xuất phát nhanh, băng qua sa mạc với tốc độ ổn định và mạnh mẽ, sau đó tùy vào điều kiện nhiệt độ để tung cú hích và chạy nước rút về đích. Hiện tôi đang xếp vị trí thứ ba chung cuộc. Nhưng chênh lệch thành tích không đáng kể. Vị trí thứ tư chỉ kém vị trí thứ nhất có hai mươi phút thôi. Tôi cần một ngày đua khả quan. Tôi không thể phạm sai lầm nào. Đầu ngày, tôi chạy tự do. Tôi chạy đằng trước, thỉnh thoảng dẫn đầu đoàn đua, sau đó chủ động tụt lại để vận động viên khác chịu trách nhiệm dẫn đoàn trong chốc lát. Một lần, do quá tập trung vào bước chân nên có một quãng tôi để lạc mất các dấu mốc. Tôi dẫn đoàn đua chạy sai đường một lúc tới tận khi có người gọi chúng tôi quay lại. Chúng tôi giữ vững đội hình, chạy ngược trở về nơi vận động viên khác đang chờ để khôi phục đúng thứ hạng vốn có. Mọi người không cần phải cố chơi ăn gian làm gì. Bởi đường đua và sức nóng đã quá đủ thách thức rồi. Cả địa hình cũng khôngủng hộ chúng tôi. Sáu dặm đầu là những bụi cỏ lạc đà dày đặc thỉnh thoảng xen lẫn mấy đoạn đường nhựa gập ghềnh. Sau đó, chúng tôi tiến vào bãi cát đen trên sa mạc Gobi. Vẫn còn sớm nhưng tưởng như trời nóng hơn 38 độ rồi vậy. Rõ ràng là cái nóng sẽ khắc nghiệt lắm đây. Tôi cố chạy thật thư giãn. Thêm một đôi vượt qua tôi, nhưng tôi không để tâm. Tôi phải tuân theo đúng chiến lược đua. Chỉ vài giờ nữa thôi, khi ánh nắng mặt trời bắt đầu thiêu đốt, tôi có thể vượt bất cứ ai đã kiệt sức do tăng tốc ở đoạn giữa chặng đua. Tâm trí tôi thơ thẩn nghĩ về Gobi, tự hỏi cô nhóc đang làm gì khi tôi chạy nhỉ. Để tránh nhàm chán, tôi cũng tranh thủ ngắm nhìn cảnh vật xung quanh nữa, tự nhủ rằng mình sẽ không có cơ hội chiêm ngưỡng nó lần thứ hai trong đời đâu. Chúng tôi vừa tiến vào bãi cát đen, mọi dấu hiệu của sự sống đều biến mất. Mấy hôm trước, ngày nào chúng tôi cũng bắt gặp những thôn làng hẻo lánh. Khi thì chúng tôi chạy qua những dãy nhà cấp bốn, người dân ai nấy đều tò mò, ló đầu ra xem. Khi thì chạy qua lòng sông khô cạn rộng như sân bóng , mọi người đều dừng lại ngắm nghía. Khi thì băng qua vùng đồng bằng đất đỏ bát ngát. Nhưng càng tiến sâu vào Sa mạc Gobi, dấu hiệu của sự sống con người cũng mất dần. Không ai có thể sinh sống ở địa hình khắc nghiệt thế này. Đến chốt kiểm soát thứ tư, tôi dừng lại lấy nước như mọi khi, lấy một viên muối và hỏi nhiệt độ. “46 độ rồi,” nhân viên y tế trả lời. “Nhưng sẽ tăng lên 49 độ sớm thôi. Anh có muốn một lon không ?” Cậu ta đưa tôi một lon Pepsi nóng bỏng. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ban tổ chức chu cấp cho chúng tôi thứ khác ngoài nước lọc. Mặc dù cảm thấy như thứ nước ngọt này đang thiêu đốt cổ họng , nhưng tôi vẫn nuốt xuống. “Cám ơn,” tôi nói. “Anh có thêm gì để chống mất nước không ?” Tôi đã có mấy viên muối. Hãy còn một nửa chặng đường đang chờ nên tôi phải đảm bảo có đủ muối để dùng đến khi về đích. Cậu ta lấy một chai nước của tôi, pha thêm muối và đường. “Anh vẫn ổn chứ?” Cậu ta vừa hỏi vừa tiến lại gần nhìn tôi khi trả tôi cái chai. “Tôi ổn. Phòng trừ thôi.” Trước khi rời chốt kiểm soát, tôi nhân tiện xem thử các vận động viên khác dẫn trước tôi bao lâu. Có Tommy, Zeng và Julian. Họ mới lên đường 15 phút trước. Tôi lấy làm kinh ngạc vì họ không xa như tôi tưởng. Vì vậy, tôi quyết định tăng tốc một chút. Dù gì, tôi đã đủ nước và thêm 150 calo từ Pepsi cơ mà. Trời thì đã nóng hơn. Tôi đã sẵn sàng vượt. Nếu đủ sức, qua một hoặc hai chốt kiểm soát nữa, tôi có thể bắt kịp họ. Đến chốt kiểm soát thứ năm, tôi đuổi kịp Julian. Trông cậu ta không ổn lắm nhưng có vẻ vẫn kiên trì được. Điều tôi quan tâm hơn cả là Tommy và Zeng chỉ mới rời đi vài phút trước khi tôi đến. Tôi nhanh chóng lục ba lô và lấy vũ khí bí mật ra, thứ tôi giữ kín từ đầu giải đua tới giờ. Chiếc iPod nhỏ của tôi. Tôi kẹp nó lên áo, đeo tai nghe vào và bật nhạc lên khi trở lại đường đua. Thời lượng pin của iPod chỉ được vài giờ nên tôi không bao giờ dùng nó vào các buổi chiều dài đằng đẵng ở trong lều hay ở các chặng khác. Tôi muốn giữ nó đến lúc tôi cần động lực nhất. Chính là lúc này đây. Tôi đã soạn hẳn một danh mục nghe nhạc trước vài tháng liền. Danh mục này gồm một số bài hát bất hủ, vài bài thánh ca cổ vũ tôi tiến lên phía trước. Nhưng chất xúc tác thật sự là Johnny Cash. Giọng nam trung truyền cảm cùng lời bài hát viết về những kẻ ngoài lề và loại người mà người ta luôn khinh thị truyền vào tai giúp tôi nâng cao tinh thần. Anh ấy hát cho tôi nghe, bảo tôi cố gắng hơn, chạy nhanh hơn. Tôi phải chứng minh cho những người nghi ngờ năng lực của tôi thấy rằng họ đã sai. Tôi trông thấy Tommy ở chốt kiểm soát thứ bảy. Cậu ta không xong rồi. Tommy ngồi sụp xuống ghế, hai ba tình nguyện viên đang cố gắng hạ nhiệt cho cậu ta trong vô vọng , hết phun nước lại quạt cho cậu ta bằng mấy cái bảng tạm. Cậu ta nhìn tôi. Giờ thì tôi dám nói mình đã vượt cậu ta. Tôi quay đi, để lại không gian riêng tư cho cậu ta, rót đầy nước vào chai và thả một viên muối khác vào chai nước. Zeng vừa mới rời chốt kiểm soát, dẫn trước cậu ta là một gã chúng tôi hay gọi là Brett, vận động viên người New Zealand đua xuất sắc hôm nay, và một nữ vận động viên người Mỹ tên là Jax. Tôi biết tôi có thể giành chiến thắng trong chặng này, nhưng không cần thiết phải làm thế. Tôi không quan tâm Brett hay Jax về đích trước bởi thành tích chung cuộc của cả hai người họ đều kém tôi mấy giờ liền. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện giờ là phải vượt Zeng. Cậu ta đang dẫn trước tôi 5 phút. Nếu vượt được Zeng , thành tích dẫn trước 20 phút chung cuộc sẽ được bảo toàn. Đến lúc đó, chỉ bằng 6 dặm đua trong ngày cuối cùng , không ai có thể soán ngôi quán quân chung cuộc của tôi. Huy chương sẽ là của tôi. Còn hai chốt kiểm soát nữa, tương đương với 10 hay 12 dặm gì đó. Chỉ cần tiếp tục duy trì phong độ, tôi sẽ làm được. Tôi vừa giội một ít nước lên đầu, vừa dỏng tai nghe bác sĩ đang dặn dò Tommy. “Người cậu nóng quá Tommy. Cậu nên đi cùng với Dion, đừng đi một mình, được chứ?” Tôi đùa nghịch với cái tai nghe và vờ như không nghe thấy gì cả. Tôi không muốn bỏ rơi một anh chàng bị mắc cạn, nhưng tôi phải chiến thắng trong cuộc đua này. Vì vậy, nếu cậu ta không theo kịp, tôi sẽ không đèo bòng cậu ta. Khi tôi đang kiểm tra lại dây đai ba lô và chuẩn bị di chuyển, Tommy vịn ghế đứng dậy và đứng bên cạnh tôi. “Cậu chắc là cậu ổn chứ, Tommy?” “Ừ,” cậu ta đáp, giọng khàn và yếu nhợt. “Tôi sẽ cố. Trời nóng quá.” Chúng tôi cùng nhau trở lại đường đua. Tôi mới nghỉ trong mái che ở chốt kiểm soát vài phút thôi, mà ngoài trời đã nóng thêm vài độ rồi. Tưởng như đang chạy trong một cái tủ sấy vậy. Ánh nắng mặt trời sắc bén như kim châm vào từng thớ thịt trên tay tôi. Tôi thích thế. Không gì có thể xóa tan nụ cười trên gương mặt tôi lúc này. Tôi tự hỏi liệu có nên thoa thêm một lớp kem chống nắng nữa không. Không có gió, không có bóng râm. Thứ gì cũng nóng ran - không khí, đá, thậm chí cả viền nhựa và khóa kéo bằng kim loại trên ba lô của tôi. Mọi thứ đều bị mặt trời nung nóng. Nhưng tôi biết tôi cần phải bắt kịp Zeng. Tôi không rõ cậu ta mạnh đến mức nào hay cậu ta có kiệt sức hay không , nhưng trong hoàn cảnh này, tôi thấy mình vẫn còn dư sức. Đây là cơ hội của tôi. Tôi phải nắm lấy nó. Chúng tôi mới rời khỏi trạm kiểm soát mấy chục mét. Nghe chừng Tommy mệt lắm rồi. Có điều, là một vận động viên ngoan cường , cậu ta sẽ không từ bỏ giữa chừng đâu. Chúng tôi đang chạy trên con đường trải sỏi thẳng tắp. Ở đoạn này, cứ 15 mét sẽ có một dấu mốc màu hồng. “Cố lên, Tommy,” Tôi nói, gắng kích cậu ta tăng tốc. “Chạy theo mấy lá cờ kìa.” Chạy bộ qua một dấu mốc, chúng tôi đi bộ đến dấu mốc tiếp theo rồi chạy tiếp. Cứ như thế được 800 mét, chúng tôi tiến vào một khu bốn bề là cát. Xung quanh chúng tôi chỉ có hốc núi đá hình thành từ đụn cát, và những bức tường bụi cao tới 6 mét, kéo dài ngút tầm mắt. Giống như bề mặt sao Hoả vậy. Thật vậy, tôi dám cá trong này còn yếm khí và nóng hơn cả Sao Hoả ấy chứ. Tommy không còn đồng hành cùng tôi nữa. Tôi biết thể nào cậu ta cũng sẽ bỏ cuộc. Đây rồi, tôi nghĩ. Đến lúc tăng tốc rồi. Tôi chạy qua bốn năm lá cờ, thở đều và dậm từng bước chắc chắn. Chạy tự do mới tuyệt làm sao. Càng tuyệt vời hơn là càng chạy tôi càng thu hẹp khoảng cách với anh bạn dẫn trước. Thế nhưng , có gì đó cứ làm tôi day dứt mãi không thôi. Tôi không thể ngừng nghĩ về Tommy. Cậu ta ổn chứ? Cậu ta có đang chạy """