" Đi Qua Nước Mắt Nụ Cười - Tập 1: Hồi Ức - Nguyễn Đông Thức full mobi pdf epub azw3 [Tự Truyện] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đi Qua Nước Mắt Nụ Cười - Tập 1: Hồi Ức - Nguyễn Đông Thức full mobi pdf epub azw3 [Tự Truyện] Ebooks Nhóm Zalo ĐI QUA NƯỚC MẮT NỤ CƯỜI - TẬP 1: HỒI ỨC Tác giả: Nguyễn Đông Thức Thể loại: Tự truyện NXB Hội Nhà Văn Đóng gói: nguyenthanh-cuibap Nguồn text: Waka - 23/07/2018 CHƯƠNG 1 Từ Trong Máu… Ngoài oxy, không khí trong nhà tôi còn có chất gì? Tôi nghĩ chắc là chất văn chương. Ngay từ sáng sớm, khi các anh chị em trong nhà còn ngủ, mỗi lần tôi thức trước là lại nghe tiếng đầu bút Bic của mẹ tôi chạy loạt soạt trên trang giấy. Âm thanh đó sẽ còn trở lại trong đêm, khi mấy đứa con đã say ngủ. Một âm thanh trên đời không mấy người được nghe. Chỉ có thể có trong một sự yên tĩnh tuyệt đối, với một loại lao động cô độc đến nao lòng. Có khi rất nhanh, hối hả, tưởng như sợ không kịp với những ý tưởng đang tuôn ra. Nhưng cũng có khi ngập ngừng, thậm chí dừng lại rất lâu, đến mức tôi gần như nín thở chờ nghe nó lướt tiếp… Tết năm 1963, gần như đủ mặt nhà tôi (chỉ thiếu anh Nguyễn Ðức Lập không biết lúc đó đi đâu). Ðứng giữa thầy và mẹ tôi là chị Trần Quang Thế, con của thầy tôi và người vợ trước. Ngoài ra từ trái sang phải là chị Thanh Hương, em Thanh Thái, Phương Chi, Thanh Bình, chị Nghi Xương, tôi, anh Ðức Trạch, Ðức Thạch. 1. Từ trong máu… T ôi chào đời ngày 18-10-1951, tại một vùng quê nghèo thuộc Chợ Gò Mỹ Thịnh, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Nghe mẹ kể, đó là một ca sinh khó nhưng tôi lại chào đời… im ru không một tiếng khóc, cũng chưa biết là trai hay gái. Đỡ đẻ là chị Toàn, con cô Bốn chị của thầy tôi [2] – thầy tôi thứ Năm. Tuy ở tỉnh nhưng chị Toàn lúc ấy đã có bằng Sage Femme D’État (Nữ hộ sinh Quốc gia) của chính quyền thuộc địa Pháp. Chị ngạc nhiên kêu lên: – Trời đất, đứa nhỏ này sao kỳ vậy? Mẹ tôi hoảng hốt cố nhìn xuống thì thấy đứa con chỉ là một khối tròn đẫm nước ối! Mẹ đang muốn xỉu thì chị Toàn hạ giọng vừa sợ sệt vừa mừng rỡ: – Hình như nó… đẻ bọc?... Để coi… Làm sao gỡ cái bọc cho nó khóc mới thở được… Mẹ tôi kể, đó là một cái bọc trắng (phải chi bọc điều chắc đời tôi sướng lắm!) bao hết toàn thân tôi. Chị Toàn phải mằn mò cái bọc, tìm chỗ là cái miệng của tôi để thọc ngón tay vào đâm lủng rồi từ đó xé ra! – đâm trúng con mắt chắc tôi đã thành… thằng chột! Thằng tôi lúc ấy mới tha hồ mà khóc! Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe Trần có vui sao chẳng cười khì [3] Tôi sinh ra đời không khóc không cười, không biết có phải là dị nhân? Không rõ, chỉ biết tôi thuộc loại bịnh tật dặt dẹo từ nhỏ nhưng rất lì, dù thể lực yếu kém nhưng hầu như không việc gì không dám làm. Chợ Gò Mỹ Thịnh là một làng nghèo ở ngay chân một ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, nghèo tới mức có tiếng “chó ăn đá gà ăn muối”. Tôi lúc ấy là thằng con thứ… bảy của mẹ, một cô giáo vùng kháng chiến Liên khu 5, làm sao có đủ sữa để bú? Chỉ được nước cháo cầm hơi, tôi khóc ngặt nghẹo suốt ngày, được mẹ thương ấn vú vào là lập tức ngậm chặt nút lấy nút để không buông, dù không có miếng sữa nào – có lẽ vì vậy mà sau này miệng móm? Đến đây thì chắc phải đặt câu hỏi, vì sao năm 1943, thầy mẹ tôi, vừa đang làm báo Sài Thành vừa đang dạy học ở Sài Gòn, đã có ba đứa con đầu cộng thêm ba đứa con riêng của thầy, lại dắt díu nhau trở về quê nghèo để chịu đựng quá nhiều cực khổ? Chắc không gì hơn là xin trích một đoạn ngắn trong hồi ký của mẹ tôi về khoảng thời gian này: “… Năm 1943, khi máy bay Đồng minh thả bom xuống Sài Gòn, chồng tôi đang làm việc ở Huế, nhắn tin tôi phải dẫn lũ nhỏ về gấp Quảng Ngãi để tránh bom. Mặc dù cha mẹ tôi ngăn cản, anh chị chồng tôi không bằng lòng, nhưng tôi vẫn cứ thu xếp sang nhà, bán đồ đạc, sắp xếp đâu vào đó để đưa mấy đứa con về Quảng. Có chồng thì phải theo chồng Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo. Tôi đã làm một cuộc hành trình vất vả nhưng rồi cũng đến quê chồng, một thị xã Tư Nghĩa quá nghèo nàn nhỏ bé so với Sài Gòn hoa lệ và náo nhiệt của lũ con tôi, lúc ấy mới có ba đứa. Vừa thu xếp tạm ổn cuộc sống ở đây thì sau Cách mạng Tháng Tám, quân Nhựt [4] đầu hàng, Quảng Ngãi lại phải tiêu thổ kháng chiến vì hạm đội Mỹ đang đậu ngoài khơi. Chúng tôi lại phải di tản một lần nữa, lần này thì lên Chợ Gò Mỹ Thịnh, vì chồng tôi có ông bạn học cũ rất thân trên đó. Lại một lần nữa tay bế tay bồng đi lánh nạn, phải mất cả năm mới ổn định được cuộc sống ở đây. Chợ Gò Mỹ Thịnh ở Nghĩa Thắng, một xã nghèo nhất quận Tư Nghĩa, nằm giữa bốn xã dân giàu đất rộng là An Mỹ, An Hội, Phước Lộc và Xóm Bùn; những nơi vừa giàu lúa, vừa có những công nghệ như dệt lụa, làm đường, sản xuất nước mắm… Còn Mỹ Thịnh thì đất cằn cỗi, quanh năm chỉ trồng khoai mì, khoai lang. Người dân ở đây chỉ biết làm thuê, làm mướn; đàn ông đi đốt than trên núi, đàn bà đi đốn củi trong rừng. Tản cư lên một vùng như vậy, riêng phần tôi, tôi cũng tự hỏi không biết lấy gì để sống đây?...” Không biết lấy gì để sống đây, vậy mà có vẻ như thầy mẹ tôi vẫn… hạnh phúc. Bởi sau ba đứa con đầu bồng ra từ Sài Gòn (Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Nghi Xương, Nguyễn Đức Trạch), cứ ba năm một mẹ tôi tiếp tục sòn sòn cho ra đời thêm ba thằng con trai: Nguyễn Đức Lập (1945), Nguyễn Đức Thạch (1948) và tôi (1951). Mẹ còn lãnh nuôi luôn một gánh ba người con đời vợ trước của thầy tôi là chị Trần Bạch Liên (tên ở nhà là “Hai Xíu”, vì người chị nhỏ xíu), anh Trần Đức Thạnh, chị Trần Quang Thế. (Sở dĩ các anh chị lấy họ Trần của mẹ ruột vì cuộc hôn nhân với thầy tôi không chính thức, không có hôn thú). Trong thời gian đó thầy mẹ tôi làm gì? Chị Thanh Hương kể: “Công việc của các chị lúc đó, cực khổ lắm... Chị và chị Thế bán gánh hàng xén [5] ở Chợ Gò Mỹ Thịnh. Ở đây có thể nhìn thấy rặng Trường Sơn không xa, dân làng thường lên núi đốn củi sáng đi chiều về. Mỗi chiều ở nhà mình ngắm Thạch Bích Tà Dương [6] rất là đẹp. Gánh hàng xén của hai chị gồm một đôi gióng bằng mây, một cây đòn gánh, hai cái thúng với nhiều chiếc sàng để chồng lên. Rồi hai cái ghế đòn mắc vào chiếc gióng để đến nơi lấy ngồi bán. Khi dọn hàng bán thì bày ra trên các chiếc sàng. Hàng bán gồm nhiều thứ, như dầu dừa (vừa thắp đèn vừa dùng để nấu ăn), muối hột, tiêu, mắm, mực tím học trò từng viên nhỏ... Chị Thế gánh hàng chạy trước, chị lúp xúp theo sau… Chị còn nhớ có những hôm bán muối hột rất đắt hàng. Muối đong bằng cái chung, người đi chợ xúm mua, vài bữa là hết muối bán. Sau đó dân chúng phải đi… gánh nước biển về dùng. Từ núi đi đến biển phải mất mấy ngày, họ đi từng đoàn, mỗi người gánh được hai chiếc vại nhỏ. Để tránh nước bị sánh ra ngoài khi gánh chạy, người ta phải bỏ vào vại vài nhánh lá. May phước là nhà mình còn muối... Tan chợ trên đường về thì hai chị em đi lượm gốc khoai mì về róc vỏ phơi khô làm củi. Chị đi chợ nấu ăn, ra giếng múc nước lên giặt đồ, có khi xay lúa giã gạo. Chị Thế gánh nước tưới cây. Em Xương với em Trạch cùng khiêng cái lu nhỏ phụ với chị Thế... Nhà mình quen nếp Sài Gòn không ăn cơm ghế (nấu độn) với khoai được, nên nấu hai lon gạo và một nồi khoai, mỗi người ăn một chén cơm không rồi ăn vài củ khoai lang hoặc vài khúc khoai mì… Bây giờ nghĩ lại chị cũng không biết hồi ở Quảng Ngãi gia đình mình sống bằng cách gì, vì việc đi dạy của thầy mẹ hầu như không có lương…”. Chị Nghi Xương thì kể về giai đoạn này như sau: “Thầy mẹ đều dạy học. Thầy còn làm ông bầu, tổ chức đội bóng đá cho các trường. Mẹ làm liên hiệu trưởng hai trường Nghĩa Kỳ và Nghĩa Thắng trong vùng giải phóng. Dạy từ lớp 1 cho tới lớp 5. Có lớp chỉ có một học trò cũng dạy. Ban ngày lớp học đông hơn, tối dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, du kích, dân chúng…, mỗi lớp chừng 10 – 20 người… Hiếm ai có tiền đóng học phí, nhà có gì đem cho nấy. Gạo, cá, trái cây, đường, đậu, trứng, khoai, bắp…”. Năm 1952, lúc vừa sinh tôi được mấy tháng, cuộc sống thêm khó khăn, không nuôi nổi các con, mẹ xin phép và được chính quyền vùng giải phóng cho đưa các con từ Quảng Ngãi về Sài Gòn để tránh đói. Tôi chưa thôi nôi, luôn nằm trên tay mẹ, đeo cứng mẹ đến nỗi mẹ không thể buông tôi ra lấy một giây, kể cả khi đi… vệ sinh (thành tích này của tôi, sau này mẹ vẫn hay nhắc lại). Mẹ đưa chúng tôi ra Châu Ổ [7] rồi từ đó ra Tam Kỳ, sau đó mới ra Hội An, vùng cai trị của người Pháp, để đi Đà Nẵng rồi lên tàu biển về Sài Gòn. Thầy tôi không được cùng đi chuyến này, phải ở lại làm việc. Tờ báo Sài Thành của bác tôi từ năm 1946 đã đổi tên là Sài Gòn Mới, vẫn đang rất cần người giỏi, và các trường tư thục cũng đang cần giáo sư giảng dạy hai môn Việt văn, Pháp văn. Mẹ tôi quay lại hai nghề làm báo và dạy học (trường Đạt Đức, Tân Thịnh, Les Lauriers) để nuôi các con. Sáu tháng sau, thầy tôi mới vào đoàn tụ. Thầy trở lại làm báo Sài Gòn Mới và dịch truyện Tàu. Mẹ làm các trang phụ nữ và bắt đầu đứng mục “Gỡ rối tơ lòng” hàng ngày trên báo từ năm 1953, rồi viết feuilleton [8] từ năm 1954, trở thành một cây bút ăn khách sau cuốn truyện thứ ba, Bóng người xưa (1957). Lúc cực thịnh, một mình mẹ viết tiểu thuyết cho bốn tờ báo mỗi ngày, phụ trách mục “Gỡ rối tơ lòng” và “Tâm tình cởi mở” cho hai tờ báo Sài Gòn Mới và Tiếng Vang… Trong thời gian này, từ năm 1954 đến 1958, thầy mẹ tôi lại có thêm ba đứa con nữa, đều là con gái: Nguyễn Thị Thanh Bình (1954), Nguyễn Thị Thanh Thái (1957) và Nguyễn Thị Phương Chi (1958). Bình tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1976, vì lý lịch gia đình nên phải lên dạy ở tận huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng [9]. Năm 1975 Thái và Chi mới 18 và 17 tuổi, cả hai học xong lớp 12 là nghỉ, đi làm công nhân nhà máy dệt Phong Phú nơi chị Thanh Hương đang làm việc, vì lúc đó gia đình quá túng thiếu như nhiều gia đình khác... Út Chi xinh đẹp nhứt nhà, sau lập gia đình và qua Cộng hòa Liên bang Đức sống. Những điều tôi vừa kể cho thấy gia đình thầy mẹ tôi là một gia đình nhà báo – nhà văn – nhà thơ chuyên nghiệp. Cho nên… Ngoài oxy, không khí trong nhà tôi còn có chất gì? Tôi nghĩ chắc là chất văn chương. Ngay từ sáng sớm, khi các anh chị em trong nhà còn ngủ, mỗi lần tôi thức trước là lại nghe tiếng đầu bút Bic của mẹ tôi chạy loạt soạt trên trang giấy. Âm thanh đó sẽ còn trở lại trong đêm, khi mấy đứa con đã say ngủ. Một âm thanh trên đời không mấy người được nghe. Chỉ có thể có trong một sự yên tĩnh tuyệt đối, với một loại lao động cô độc đến nao lòng. Có khi rất nhanh, hối hả, tưởng như sợ không kịp với những ý tưởng đang tuôn ra. Nhưng cũng có khi ngập ngừng, thậm chí dừng lại rất lâu, đến mức tôi gần như nín thở chờ nghe nó lướt tiếp… Có thể nói mẹ là người dậy sớm nhứt và thức khuya nhứt (trừ những mùa thi anh em tôi phải mỗi người một góc tụng bài). Và mẹ đã viết như thế trong hơn 30 năm! Chất văn chương còn có trong tiếng ngâm thơ sang sảng của thầy tôi. Làm xong hoặc dịch xong một bài thơ, ông thường đắc ý đọc đi đọc lại nhiều lần, mẹ con tôi bao giờ cũng là những “nạn nhân” đầu tiên. Chất văn chương đó sẽ tràn ngập trong những lúc thầy tôi có các thi hữu tới nhà, đọc thơ và bình thơ hết mấy xị rượu thuốc và chục ấm trà vẫn chưa thôi! Từng tới nhà tôi uống trà uống rượu ngâm thơ, có những Đông Hồ, Mộng Tuyết, Thiếu Sơn, Tế Xuyên, Nguyễn Vỹ, Trúc Nam, Bùi Giáng, Nguyễn Mạnh Côn, Linh Giang, Tô Nguyệt Đình, Nguiễn Ngu Í (Nguiễn Hữu Ngư) … đủ cả những tên tuổi lớn lúc ấy. Chất văn chương có trong tiếng thầy tôi gõ máy đánh chữ khi viết báo, viết văn, dịch sách (khác với mẹ tôi, chữ ông quá bay bướm nên thợ xếp chữ chê, buộc phải đánh máy nếu không muốn bài in ra sai đầy lỗi!). Sau đó tới anh Lập anh Thạch làm thợ gõ cho ông, rồi tới tôi gõ tiếp. Thầy tôi ngồi một bên vừa dịch vừa đọc từng câu của Liêu trai chí dị, Hỏa thiêu Hồng Liên Tự, Phương Thế Ngọc... Cái máy đánh chữ Olympia cổ lỗ sĩ đã theo tôi từ hồi 13 – 14 tuổi! Trong khi gõ chữ, vì làm biếng tôi hay liều mạng biên tập luôn cho ngắn gọn để đỡ mất công, có khi được thầy khen nhưng cũng có khi bị la là ngu! Đó cũng là một cách học… Chất văn chương ở cả trong những buổi Cầu Tiên trên căn gác gỗ của nhà tôi, với khoảng chục người ăn mặc nghiêm chỉnh, nam áo dài the, nữ áo dài trắng. Trong ánh sáng của hai ngọn đèn cầy nhập nhoạng, với những lá bùa vàng dán chung quanh gác, nét mặt thành kính của người tham dự…, buổi Cầu Tiên có vẻ gì đó hơi… ma quái mà người yếu bóng vía có thể sẽ phải sờ sợ. Rồi tiếng đọc thơ trầm bổng vang lên, với người lĩnh xướng là chú Trần Thiên Bích – cũng thường là người ngồi đồng chính – rồi tất cả mọi người rì rầm hòa giọng đọc theo cho đến khi tiên nhập đồng: Ba Lăng nhất vọng Động Đình thu Nhật kiến Cô Phong thủy thượng phù Văn đạo thần tiên bất khả tiếp Tâm tùy hồ thủy cộng du du…[10] Chốn Bồng Đảo vân hoàn thủy nhiễu Luyện linh đơn hỏa táo dao lê Linh hư là chốn lê thê Sớm chơi Bích Thủy, tối về Thương Ngô Bầu thế giới giang hồ thong thả Thú yên hà chi bả trần ai Tiêu diêu tử phủ đơn dài Ba ngàn thế giới cõi ngoài trường sanh Mùi dinh dưỡng nhựt tinh nguyệt túy Luyện chân hình chân khí phi thăng Thoắt như bẻ quế cung trăng Giang hồ ngàn dặm xem bằng tấc gang Phép đã diệu trần gian biến hóa Lại phù hay nạt đá nên dê Nương con xích ký ra về Trăng thanh gió mát ngỏa nguê bầu trời… Có một điều gì đó tới tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được. Có những người ngồi đồng không biết làm thơ, không biết viết chữ Tàu, vậy mà khi được tiên nhập rồi thì đọc thơ ào ào, lại còn phóng bút lông viết chữ Tàu nhoay nhoáy. Từ nhỏ xíu tôi đã thường được cho dự những buổi Cầu Tiên này, chỉ để mẹ xin tiên cho tôi thuốc uống. Vì thuở nhỏ tôi bị bịnh suyễn rất nặng. Mỗi người ngồi dự buổi Cầu Tiên đều lần lượt xin tiên giúp một điều gì đó. Tôi thường được ưu tiên vì không chắc gì tiên nhập lâu, có khi chỉ mới trả lời vài ba người là thăng. Tuy nhiên tôi rất sợ uống thuốc tiên. Đó chỉ là một lá bùa “tiên” viết ra loằng ngoằng trên giấy, sẽ được mẹ tôi đốt ra tro hòa với nước bắt tôi uống! Tôi nhớ đã nhắm mắt nhắm mũi uống khoảng ba lá bùa như vậy mà bịnh vẫn không hết. Cũng có khi “tiên” chỉ tôi uống mật gấu đắng ngắt, nhưng tới màn nuốt sống con thằn lằn để sau đó ói ra mật vàng mật xanh là tôi trốn tiệt khỏi mọi cuộc Cầu Tiên sau đó. Chất văn chương có trong những sáng mùng Một Tết, khi thầy tôi gọi từng đứa con lên chúc Tết thầy mẹ bằng… thơ (con gái có thể được tha, nhưng con trai thì bắt buộc!). Tôi không bao giờ quên cảnh những tối Ba mươi cả đám anh chị em ngồi bóp trán nghĩ những câu thơ thể hiện tình yêu của mình dành cho cha mẹ. Ai làm thơ hay sẽ được “giám khảo” thầy lì xì nhiều. Đó chính là những bài thơ đầu tiên vụng dại của anh em tôi, và trong bốn anh em trai thì thơ tôi luôn bị phê là dở nhứt và nịnh thô thiển nhứt. Bài được coi là khá nhứt là bài tôi làm năm 11 tuổi, vào sinh nhật mẹ 47 tuổi (1-8-1962), nguyên văn như sau: LÒNG CON Từ lâu ơn Mẹ quá cao dày Viết báo, làm văn suốt tháng ngày Nuôi đám con thơ ăn học đủ Mong con khỏi khổ lúc sau này. Ước gì con có đủ quyền uy Nắm được thời gian chớ vội đi Để Mẹ chúng con còn trẻ mãi Nhưng rồi ước vọng lại tan đi. Mái tóc đen nay đã bạc màu Đôi môi tươi thắm có còn đâu! Làn da trắng mịn giờ thay thế Bằng một làn da kém ửng đào. Con muốn đem ngay mái tóc đen Cùng dòng máu nóng của con tim Thay vào tóc trắng, đôi môi héo Và nếp da nhăn của Mẹ hiền. (Long Nhi – Nguyễn Đức Thông) Khi mẹ tôi mất (26-4-2006), trong những giấy tờ bà cẩn thận giữ lại, tôi tìm thấy bài thơ tôi chép tay này, trên một tờ giấy tập vàng ố, đủ thấy mẹ đã quý nó như thế nào. Còn lúc ấy, khi nghe tôi đọc, mẹ chỉ mỉm cười: “Đồ nịnh!”. Chính xác thì ba ông anh tôi đã có thơ đăng trên các báo từ trước năm 1975 và sau này cả ba vẫn làm thơ hay, còn tôi… giải nghệ từ lâu. Nhưng như lời mẹ phán, dùng văn chương để nịnh gái thì tôi luôn được coi là số một trong nhà! Chất văn chương còn nằm trong vần điệu của những câu thơ ba chữ trong cuốn Tam tự kinh, sách dạy làm người cổ nhứt của Trung Quốc mà thầy tôi gò anh em tôi viết từng chữ. Đến giờ tôi chỉ còn nhớ “Nhân chi sơ tay rờ vú mẹ, tánh bổn thiện cái miệng đòi ăn...” – do anh em tôi thêm thắt bậy bạ chứ không phải thầy dạy. Chất văn chương còn nằm trong những bài báo tôi phải đọc cho thầy nghe mỗi sáng và bị chỉnh mỗi khi ngắt câu sai. Nằm trong từng khổ báo đăng feuilleton của mẹ tôi mà tôi được giao nhiệm vụ cắt lưu và sửa những chữ in sai để còn in sách khi kết thúc. Riêng với tôi, có lẽ chất văn chương còn được thấm qua từng dòng sữa mẹ. Dì Trần Thị Sâm, em con dì với mẹ tôi (mẹ của dì là em bà ngoại tôi), kể là tôi mê vú mẹ tới hai, ba tuổi mới buông. Dì tới nhà chơi thường, luôn thấy mẹ tôi vừa viết văn vừa cho tôi bú! Phải chăng trong dòng sữa ấy đã có chất văn chương? Không biết, chỉ biết tôi… mê vú cho tới tận bây giờ! Văn thầy tôi là lối văn cổ, biền ngẫu, nhiều thành ngữ, điển tích. Văn mẹ tôi là văn mới, Tây học. Mẹ không dạy gì nhiều, chỉ khuyến khích tôi đọc sách, bất cứ sách gì cũng có điều bổ ích. Chỉ mất khoảng hai năm tôi đã đọc hết tủ sách vài chục bộ truyện Tàu của ông ngoại để lại, đến nay vẫn còn nhớ nào là Tam quốc chí, Thủy hử, Đông châu liệt quốc, Phong thần, Tây du ký…, nào là Ngũ hổ bình Tây, Ngũ hổ bình Nam, La Thông tảo Bắc, Tiết Nhơn Quý chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Nhạc Phi, Anh hùng náo Tam Môn Giai, Tam hạ Nam Đường, Phong kiếm Xuân Thu, Vạn Huê Lầu, Càn Long du Giang Nam…, được in từng cuốn mỏng khoảng trăm trang giấy, bộ ngắn chừng năm cuốn, bộ dài vài chục cuốn. Sau đó, lúc tôi được 9 – 10 tuổi, tháng nào lãnh lương xong mẹ cũng dắt tôi ra các nhà sách Khai Trí, Tự Lực, Văn Nghệ (đường Lê Lợi) và Liên Châu (công trường Nữ Vương Hòa Bình, đối diện Bưu Điện)... để mua sách. Mẹ mua các cuốn Livre de poche (sách truyện Pháp khổ bỏ túi, nhớ lúc đó mẹ rất thích đọc truyện của nữ nhà văn Mỹ Pearl Buck [11], bản tiếng Pháp, có đủ bộ), còn tôi Vô gia đình, Trong gia đình, Những người khốn khổ, Bá tước Monte Cristo… rồi truyện tranh Lucky Luke, Spirou, Buck Danny, Johan et Pirlou... Hình như trong các anh chị em, chỉ có tôi được mẹ dắt đi mua sách nhiều vậy! Trong chín anh chị em, tôi đọc sách thuộc loại dữ, nhưng thiên kinh vạn quyển thì phải nói đến anh Lập và trí nhớ siêu đẳng của anh. Còn tôi đọc xong thường quên rất nhanh vì nuốt sách quá lẹ, mẹ hay chê tôi vụ này nhưng thầy tôi lại cười, nói không cần nhớ chính xác chi tiết, chỉ cần nhớ ý là được rồi. Y như sau này đọc Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, sư thúc tổ Độc Cô Cầu Bại Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung chỉ cần kiếm ý mà không cần nhớ chiêu thức. Khi các anh của tôi lớn, đi lính, đi làm, tôi được mẹ giao tiếp công việc đi đưa truyện feuilleton của bà cho các tòa soạn, đọc sơ chọn thư bạn đọc gởi về nhờ “Gỡ rối tơ lòng” vì nhiều quá bà đọc không xuể. Những trường hợp ly kỳ, hấp dẫn, mẹ đều để vào hồ sơ riêng để dành sau này làm đề tài viết tiểu thuyết (giờ tôi bắt chước bà chuyên đi góp nhặt những câu chuyện trên báo hoặc hóng từ bạn bè). Đi giao truyện của mẹ (mỗi lần khoảng ba bốn trang viết tay), tôi thường được chỉ thẳng vào chỗ xếp chữ, nơi từng trang bản thảo bị xé thành bốn năm mảnh giao cho mỗi người thợ, họ bốc từng mẫu tự bằng chì ghép lại thành cột chữ rồi in vỗ ra bản bông đưa thầy cò sửa. Nhờ vậy tôi đã học được nghề sửa morasse ngay từ năm 16 – 17 tuổi! Cứ thế mà chúng tôi lớn lên… Bốn đứa con trai thì có ba người làm thơ (là ba ông anh của tôi), ba người viết văn – làm báo (là anh Trạch, anh Lập và tôi). Con gái thì có chị Hai Xíu, chị Thế, chị Xương, em Bình đều làm thơ được! Có thể nói thầy mẹ chính là hai người thầy dạy văn chương cho chúng tôi từ thuở ấu thơ. Ấy vậy mà… Thầy thì không bao giờ nói rõ ý mình muốn hoặc không muốn các con làm gì. Thầy chỉ nói có bốn đứa con trai (thầy là chúa… trọng nam khinh nữ!), thì hai cho nhà, hai cho nước. Hai đứa “cho nước” là hai đứa khỏe mạnh, thầy cho đi học võ từ nhỏ, sau lớn lên một đứa vào trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (anh Trạch), một đứa vào trường Sĩ quan Võ bị Đà Lạt (anh Thạch). Hai đứa “cho nhà” đều ốm yếu bịnh tật từ nhỏ: anh Lập (bị bịnh tim) thì học trường Luật ra làm luật sư, tôi (bị bịnh suyễn) cũng học Luật rồi vào Cao học Quốc gia Hành chánh… Sau ngày 30-4-1975, hai đứa “cho nước” đi học tập cải tạo, hai đứa “cho nhà” thì anh Lập thất nghiệp về đi kinh tế mới rồi vượt biên năm 1980, còn tôi bị nghỉ học rồi đi TNXP… Thầy nằm nhà buồn hiu hắt, thở dài than ngắn… Mẹ thì nói rõ không muốn đứa nào đi theo nghiệp văn chương – báo chí của thầy mẹ. Nghề chỉ làm giàu cho chủ báo, chủ nhà xuất bản. Trường văn trận bút là chốn đầy thị phi, ganh tị, mưa máu gió tanh... Mẹ dạy “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Lập thân bằng nghề văn chương là thấp kém nhất, ông Viên Tử Tài, đời nhà Minh, đã nói vậy và câu nói đến nay vẫn còn được truyền tụng! Nhưng cuối cùng thì… Tự dưng năm 1976, khi đang ở văn phòng Ban chỉ huy Lực lượng TNXP đóng tại đình Tân Phú Trung (Củ Chi), tôi bỗng gõ máy chữ viết những bài ghi chép đầu tiên về những người trẻ Sài Gòn đang sống và lao động tuyệt vời ở các đơn vị, mỗi người là một câu chuyện đầy xúc động, gởi về báo Tuổi Trẻ. Rồi tôi làm tờ báo tường cho TNXP đoạt giải nhứt cuộc thi bích báo của Thành Đoàn, có tin ảnh đăng trên báo. Đó là những tiền đề để năm 1977 Ban biên tập báo lên tận nơi xin tôi về làm phóng viên. Rồi hai ông anh Đức Trạch (Trạch Gầm) và Đức Lập [12] của tôi, khi qua Mỹ cũng lại cầm bút, trở thành hai nhà văn nhà thơ có tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Chỉ có mỗi anh Đức Thạch dù làm thơ rất hay nhưng không hề dính vào nghiệp văn chương… Chỉ có thể là từ trong máu… Và không thể tránh khỏi… 2. Tuổi thơ ở Cư xá “Cái Rốn” Năm 1952, khi từ Quảng Ngãi về Sài Gòn, cả nhà tôi đến ở nhờ nhà ông bà ngoại. Ông bà ngoại có một căn nhà ở số 12 đường Roger Massoulard – sau đổi lại là Lương Hữu Khánh [13], Quận 1, và hai căn phố nhỏ, mái tôn, trong khuôn viên nhà. Trước hai căn phố là khoảng sân có cây vú sữa trắng rất ngon. Cả nhà tôi ở chung trong một căn phố. Đó là nơi chị Thanh Hương [14] dạy tôi học vỡ lòng, đánh vần từ những tờ nhật báo hàng ngày thầy mẹ tôi đem về. Năm 1955, ông bà ngoại tôi bán nhà dọn về Phước Hải (Bà Rịa), nơi ông ngoại có một dãy nhà mát bốn căn ở ngay bờ biển, gần đồn Con Ó. Thầy mẹ tôi lại phải dọn về ở nhờ trên lầu căn biệt thự của bác Bút Trà, số 30 đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), quận Phú Nhuận. Sau đó mẹ mới mướn căn phố ở Phú Nhuận của bà Cao Xuân Cẩm, phía trong khu Cư xá Nhà băng (do Ngân hàng Đông Dương – Bank Indochine – bỏ tiền ra xây để bán lại cho nhân viên), từ đình Văn Giáp (nay gọi là Văn Giáp Từ Đường) quẹo vào ngõ đi vô chùa Bà Đầm ăn thông ra đường Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long). Căn nhà này nay là số 29/15 Đoàn Thị Điểm, thỉnh thoảng có dịp tôi lại chạy xe qua, để nhìn và nhớ về một thời thơ ấu của mình. Năm 1958, mẹ tôi mới mua căn 215/F12 của Cư xá Nhà băng. Sau đó ngân hàng này còn xây dựng vài khu cư xá khác nữa để bán, nên người ta gọi khu cư xá của chúng tôi là Cư xá Chu Mạnh Trinh cho dễ phân biệt. Bởi ở ngay đầu con đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu), chỗ ngã tư Phú Nhuận, có một ngôi trường tư thục tên Chu Mạnh Trinh (nay là Ngân hàng Công thương Vietinbank), nên tên khu cư xá – ở ngay phía sau ngôi trường – được “ăn theo” từ đó và cho đến nay người ta vẫn chưa quên. Không ai gọi là Cư xá Chi Lăng (trước đây) hay Phan Đăng Lưu (sau này) cả, dù cái hẻm lớn dẫn vào cư xá nằm ngay số 215 trên con đường này. (Giờ nguyên trục hẻm này gọi là đường Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận). Đây được coi là Cư xá “Cái rốn vũ trụ”, bởi không hiểu sao lại có rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng về cư ngụ tại đây. Có thể kể đến, trong khu dân cư ấy – gồm tám lô nhà từ A đến H chia đều hai bên trục chính là hẻm 215 – người nổi tiếng nhứt là nhạc sĩ Phạm Duy, ở đầu lô E. Sau ông còn mua thêm hai căn, một ở cuối lô H làm nơi tập nhạc cho ban The Dreamers của bốn đứa con trai Quang – Minh – Hùng – Cường, và một ở sâu phía trong, đường vô chùa Bà Đầm [15]. Nhà báo Hồ Anh, chủ nhiệm báo Ngôn Luậnvà Văn Nghệ Tiền Phong, có lúc cũng ở lô E này. Lô B có nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Lô C có diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Lô D có vợ chồng nghệ sĩ – soạn giả Năm Châu – Kim Cúc và nhà văn Duyên Anh. Lô E ngoài Phạm Duy còn có tay trống nổi tiếng Tám Lang. Lô F có thầy mẹ tôi, nhạc sĩ Hoàng Nguyên (Ai lên xứ hoa đào), nhà báo Trịnh Viết Thành. Lô G có nhạc sĩ Tuấn Khanh (Chiếc lá cuối cùng). Nhà văn Văn Quang (Chân trời tím), cặp vợ chồng nhạc sĩ – ca sĩ Dương Thiệu Tước – Minh Trang và cô con gái là ca sĩ Quỳnh Giao, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, nữ danh ca Mộc Lan, danh ca Anh Ngọc, nhà báo Linh Lan, nhà văn Đỗ Tiến Đức, nhạc sĩ Lê Dinh, đạo diễn Lê Mộng Hoàng… đều từng có thời gian là dân cư xá này. Rồi rất nhiều những ký giả, họa sĩ, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, giáo sư, kiến trúc sư, sĩ quan, công chức cao cấp… Người ta nói đùa bầu trời khu đó có rất nhiều sao ngay cả vào ban ngày, vì nhiều người ở đó ra đường lúc nào cũng hếch mặt lên trời như để ngắm sao! Đặc tính của khu cư xá này là hoàn toàn biệt lập, dù không hề có cổng rào hay bảo vệ. Tối đến là nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng mới nghe một tiếng xe hơi êm ru lướt đi hoặc tiếng xe máy chạy qua. Xóm an ninh, dễ chịu, chẳng ai để ý tới ai. Ở đầu đường vào cư xá, hai bên có hai xe nước mía đều do người Hoa bán, từ 5 cắc một ly lên dần tới 1 đồng rồi 2 đồng. Ly nước mía uống xong, khách đưa trả, chạy đi, ông Tàu chắt mấy cục đá bỏ vô thau để… dùng tiếp, cái ly còn chút cặn thì được nhúng vô cái xô nước dưới chân gọi là rửa qua, xong úp lại trên quầy. Ruồi bu thoải mái trên mấy cây mía đã gọt vỏ, lâu lâu mới được chủ xe xua lấy lệ. Ðến đây xin mở ngoặc vài dòng về xe ngựa thời xưa: Thuở nhỏ, đâu khoảng năm 10 – 12 tuổi, tôi hay đi xe ngựa đến bơi ở Hồ tắm Chi Lăng đường Lam Sơn. Chỉ mất 5 cắc! Các chuyến xe đó chạy từ tuốt đâu tận Hốc Môn chở hàng legumes (rau cải các loại) đến chợ Bà Chiểu. Ða phần khách là các bà buôn gánh bán bưng, đám học trò xây lố cố1... Là phương tiện vận tải thô sơ nhứt nhưng có bugi bự nhứt! Ðón xe, tôi chỉ việc ra đầu cư xá chỗ có hai xe nước mía hai bên. Bác xà ích hay ghé đây làm một ly, uống xong bác lấy tay áo quẹt ngang cho sạch đám bọt nước mía còn dính trên miệng. Con ngựa luôn được thưởng nguyên xô nước rửa ly có cặn nước mía và nước đá, tha hồ đã khát chạy tiếp. Bác xà ích đổ hết nước đó vào cái xô nhựa rồi móc trước cổ con ngựa, nó vừa chạy vừa uống có vẻ khoái chí. Tôi thích tót lên ngồi phía trước, sát bên bác xà ích. Lốc cốc lốc cốc xe cứ túc tắc chạy, ngựa phi đường xa. Thỉnh thoảng tôi lại lén bứt một cọng lông đuôi ngựa, chả biết để làm gì, con ngựa cứ mặc kệ! Ði riết cũng quen từng con ngựa già, ốm. Con màu nâu con màu đen con màu trắng ngả vàng, con nào cũng lông lá xác xơ. Có không ít con từng là ngựa đua ở Trường đua Phú Thọ, hết thời ra kéo xe trong những ngày tàn. Có hôm thấy vẫn chiếc xe đó, bác xà ích đó, nhưng đã là chú ngựa khác. Hỏi thì bác nói nó hết chạy nổi, đã được hóa kiếp cho xong đời ngựa (Hồi đó trên con đường nhỏ Ðỗ Thành Nhân – nay là Trần Văn Kỷ – sau lưng Tòa tỉnh trưởng Gia Ðịnh, chạy từ đường Lê Quang Ðịnh ra đường Nguyễn Văn Học – nay là Nơ Trang Long – có một tiệm, hình như là tiệm duy nhất ở Sài Gòn – chuyên bán thịt ngựa, dai và có... mùi ngựa, nhưng rẻ nên dân nhậu vẫn xơi!). Xe ngựa chạy trên đường phố Quận 1, khoảng đầu thập niên 1960. – Ảnh: Internet Những con ngựa chỉ được phép chạy thẳng, không được nhìn ngang liếc dọc lề phải lề trái gì sất, vì hai mắt đã bị che bằng hai miếng da đen, cứ thẳng đường mà bước. Muốn quẹo thì bác xà ích giật dây, ra hiệu lệnh. Có hôm đi ngoài đường thấy con ngựa kéo xe chạy ngược chiều chợt khụy xuống, sùi bọt mép... Hành khách xuống sang xe khác, nó vẫn cứ nằm, thở dốc, mắt trợn ngược nhìn bầu trời bao la lần cuối... Chuyện ngựa nhớ lại được nhiêu đó! Xin trở lại câu chuyện đang kể: Bắt đầu vào cư xá có xe phở khá ngon bên phía tay trái, đông khách ăn, bán đến khoảng mười năm sau giải phóng mới nghỉ. Buổi chiều, bên tay phải thì có xe chè sâm bổ lượng, xe hủ tíu bò viên nổi tiếng vùng Phú Nhuận, và một xe nhỏ bò bía. Cả ba xe đều do người Hoa bán, đặc biệt xe bò bía của ông Tàu già hom hem thở không ra hơi và có đôi tay với mười ngón đen nhớp không bao giờ biết găng tay là gì nhưng cuốn bò bía ngon vô địch, từ xưa tới giờ tôi vẫn không thấy bò bía ở đâu ngon hơn! Khoảng 4 giờ chiều ông ra bán, tới 6 giờ là hết. Bán dạo vòng vòng trong cư xá thì thôi khỏi nói, từ sáng đến tối: bánh mì nóng, bánh ướt, cháo sườn, phở gà, mì gõ, bánh giò, bánh tiêu, giò cháo quẩy, chè xôi nước, lục tào xá chí mà phủ (chè đậu xanh bột báng và chè mè đen)… Chỉ cần ngồi nhà là được phục vụ tận răng. Thích nhất chơi đổ xí ngầu với anh Tàu bán kẹo kéo, chơi trò Bửu bằng hai hột xí ngầu, cộng lại ai lớn nút ăn, được hai mặt giống nhau thì gọi là Bửu, ăn gấp đôi, Bửu lớn ăn Bửu nhỏ. Có hôm anh bị mấy anh em tôi hạ gục, thắng nguyên thùng kẹo kéo! Có đủ món và mỗi món là một kiểu rao khác nhau. Tất cả đều rao bằng miệng, lẽ dĩ nhiên, vì hồi đó làm gì có tăng âm, loa… Và tôi nghĩ không nơi nào trên đất nước mình có giọng rao đủ vùng miền như ở Sài Gòn, bởi đây cũng là vùng “đất lành chim đậu”, tụ họp người dân đủ mọi miền về làm ăn sinh sống. Có mấy món không cần rao, một là mì gõ, hai là thợ nhuộm, ba là thợ đấm bóp, bốn là bán bánh mì không, năm là bán cà rem. Mì gõ lời rao là tiếng hai miếng tre gõ vào nhau, nhiều đêm mưa học bài đói bụng nghe tiếng gõ “xực tắc” mừng không gì bằng. Thợ nhuộm dạo thì cầm một cái trống lắc nhỏ bằng da đường kính khoảng gang tay, có cán, hai bên thành trống có hai sợi dây, cứ lắc là hai cục chì ở hai đầu dây va vào mặt trống, tạo tiếng kêu đặc biệt. Thợ đấm bóp thì vừa đạp xe đạp vừa vung xuống sợi dây có buộc những cái nắp khoén va vào nhau lẻng xẻng. Xe bánh mì thì bóp kèn hơi nghe “te te”. Bán cà rem thì lắc chuông. Tiếng rao ngắn nhất có lẽ là “Cháo huyết!”, còn dài nhất là của một ông thầy bói, đội nón nỉ, thắt cravate, đeo kính mát, mang giày tây, đi xe đạp. Ông luôn dừng xe giữa xóm, bước xuống và trịnh trong đọc luôn một bài mà giờ tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng: “Ba mươi năm Hoàng Anh đã đến đây rồi!... Coi không hỏi tuổi mà biết tuổi, biết trong nhà có mấy người, sống mấy người chết mấy người...”. Có những tiếng rao chính xác như kim đồng hồ, khi nghe vang lên thì có thể biết lúc đó đang là mấy giờ... Tôi đã sống 15 năm tại căn nhà 215/F12 này, từ năm 7 tuổi đến năm 22 tuổi. Bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn của cả một thời thiếu niên, dậy thì và trở thành một chàng trai… Đáng nhớ nhứt là những trò chơi thuở nhỏ… Tám lô của cư xá Chu Mạnh Trinh mỗi lô có khoảng 18 nhà, thống nhất một bên số lẻ nhà dạng phố (4m x 13,5m) và một bên số chẵn nhà dạng biệt thự song lập (7m x 9m). Tổng cộng cả cư xá có khoảng 150 gia đình. Hồi xưa không có sinh đẻ kế hoạch gì ráo, nên con nít rất đông, dịp Trung Thu đổ ra xách lồng đèn đi lòng vòng trong cư xá đông như ngày hội. Mỗi đứa một cái lồng đèn trong tay, nối đuôi nhau vừa đi vừa hát: “Tết Trung thu đốt đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường...” (Rước đèn tháng Tám – Đức Quỳnh), rồi “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ...” (Thằng Cuội – Lê Thương) và bao nhiêu bài đồng dao khác. Các trò chơi khác trong đêm còn có “Rồng rắn lên mây có ông thầy ở nhà không?”, “Thiên đàng địa ngục hai bên”... Nhớ lại không hiểu tại sao những trò chơi đơn giản của ngày xưa ấy lại có thể làm cả đám chơi vui đến như vậy?! Lồng đèn đa số được mua, cái thì làm bằng tre dán giấy bóng kiếng màu, cái là lồng đèn xếp hình tròn trái bí hoặc hình trụ. Nhưng thích nhất vẫn là tự làm lồng đèn cho mình. Lồng đèn xếp thì dễ rồi, thường làm bằng giấy pelure màu xanh màu hồng. Lồng đèn tre công phu hơn, phải đi tìm tre không già quá không non quá để dễ uốn cong, và lẽ dĩ nhiên phải là dân làm thủ công khéo tay, tỉ mỉ. Nhà sách Tương Lai và Văn Chương gần ngã tư Phú Nhuận – nay không còn nữa – là nơi cung cấp đủ vật dụng để làm các loại lồng đèn. Phổ biến là lồng đèn ngôi sao, rồi tàu thủy máy bay, con cá con bướm... Cầm cái lồng đèn do chính mình làm để đi chơi cùng chúng bạn, bao giờ cũng thấy tự hào hơn. Còn có loại đèn làm bằng hai lon sữa bò, đẩy chạy được, với ánh sáng lập lòe, rất thích. Đám trẻ lớn hơn trong cư xá còn có trò chơi phừng lửa khá nguy hiểm. Sáp đèn cầy được nấu trên một cái chảo nhỏ, khi sôi lên thì lấy ống chích xịt nước vào. Lửa sẽ phừng lên thật cao, láng cháng cháy tóc, lông mày như chơi! Vậy mà cứ chơi, cứ reo hò đến khản cổ… Lúc đó chưa có tivi, cũng không có học thêm, dạy kèm…, nên các trò giải trí của đám con nít sau giờ học hầu hết là trò chơi vận động ngoài trời, diễn ra rần rần trong các đường hẻm. Những trận bóng đá tưng bừng trong cư xá, cùng nhiều trò chơi khác, lôi cuốn cả thằng Chương và con Thúy, con của nhà văn Duyên Anh ở lô D, có lẽ từ đó ông đã viết nên các truyện Mơ thành người Quang Trung, Chương Còm, Con Thúy, Bồn Lừa… rất hay. Riêng lô F, nhà tôi có trồng hai cây trứng cá và nhà bà Mập (số F9) có cây mận mát rượi phía trước là được ưa chuộng chọn làm chiến trường cho đủ loại trò chơi. Ngày nào cũng có thể chơi, sau khi đi học về. Chủ nhật và cả mùa hè là chơi từ sáng đến tối. Thật sự tôi không thể hiểu tại sao lúc đó đám nhóc chúng tôi có quá nhiều trò chơi nối nhau liên miên ngày này qua ngày khác như vậy. Ngoài đá banh còn có chơi năm mười (tức trốn tìm), chơi u, chơi cướp cờ, chơi thiên đàng địa ngục hai bên, chơi cá sấu lên bờ, chơi bịt mắt bắt dê, chơi rồng rắn lên mây, chơi bắn bi, chơi đánh đáo, chơi đập tường, chơi tạt lon, chơi tạt hình, chơi bông vụ, chơi thả diều, chơi đá dế, chơi đá cá… Trong nhà, mùa mưa thì có chơi dích hình, chơi búng thun, chơi búng hột me, chơi đổ cá ngựa và mùa Tết thường chơi đổ xăm hường… Con gái cũng có thể chơi nhiều trò của con trai, và con trai thì hoàn toàn có thể chơi các trò của con gái: cò cò, nhảy dây, đánh đũa, ô ăn quan, dải gianh… Mỗi trò chơi có từng đợt rộ lên chừng vài tuần, sau đó lại qua trò khác. Tôi tham gia tất cả những trò kể trên, tuy nhiên những trò cần nhiều thể lực thì tôi không mê, vì sức khỏe kém. Nhắc tới những trò chơi vận động ngày xưa và bỗng thấy tiếc cho đám con nít bây giờ, cứ ru rú trong nhà, hai tay ôm smartphone, iPad, Note, play station, X-box... Mỗi đứa một thế giới riêng, ngồi… tự kỷ! Ăn uống bổ dưỡng, thiếu vận động, bệnh béo phì phát triển mạnh. Khả năng hòa nhập cộng đồng kém… Nhưng thôi, mỗi thời một khác! Ðài Truyền hình Việt Nam (THVN) phát hình thí điểm từ trên không trung lần đầu tiên vào ngày 7-2-1966 vào lúc 19 giờ, bằng kỹ thuật Stratosvision do máy bay vận tải bốn động cơ Dakota có tên là Blue Eagle, bay ở độ cao ổn định là 3.150m. Mỗi tối máy bay này chở 56,5 tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn Nhứt lên tới độ cao nhất định tại một địa điểm phía Ðông Nam Sài Gòn khoảng 32km rồi từ đó vừa bay vừa phát sóng theo một lộ trình không thay đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Khu vực bắt sóng bao trùm cả miền Nam và Nam Trung Bộ, từ Phan Thiết đến Cần Thơ đều xem được. Lúc đầu phát hình một giờ đồng hồ, sau tăng thời lượng lên hai giờ đồng hồ. Máy bay bay suốt bốn giờ liên tục từ 7 giờ đến 11 giờ đêm mới hạ cánh. Từ 8 giờ máy bay phục vụ cho chương trình truyền hình thứ nhì loan tin và giải trí cho quân đội Mỹ đến 11 giờ. Các máy móc thu, phát hình trong phi cơ đều của hãng RCA (Mỹ) trị giá nửa triệu đô-la Mỹ thời ấy. Do phát hình từ máy bay nên sóng truyền hình rất dễ thu, không cần đến ăng-ten cồng kềnh phức tạp. Tuy nhiên, kiểu phát hình như vậy hết sức tốn kém, một đêm phát hình tối thiểu tốn 1.000 USD. Có lẽ phát hình bằng máy bay như đã sử dụng ở Sài Gòn cũng là một trường hợp hiếm có trên thế giới. Ngày 25-10-1966 mới lập cơ sở trên mặt đất trong thành phố (số 9 đường Hồng Thập Tự – nay là Nguyễn Thị Minh Khai), ngưng phát hình bằng máy bay. (Tổng hợp từ Internet) 1. Logo Ðài truyền hình Việt Nam ở miền Nam trước 1975. 2. Máy bay Dakota – Blue Eagle năm 1966 ở phi trường Tân Sơn Nhứt. – Ảnh: Internet Bên trong máy bay Blue Eagle. – Ảnh: Internet Vụ đáng nhớ thứ hai của thuở dậy thì ở Cư xá “Cái rốn” – Những rung động đầu đời – xin đọc ở Chương 3 “Hai… mối tình đầu” nhé bạn! Chỉ nói ngay ở đây là dù tôi tham gia đầy đủ mọi trò chơi với bọn con trai (trừ đá banh và chơi u, hai môn tôi không đủ sức), nhưng tôi vẫn dành rất nhiều thời giờ để chơi với bọn con gái trong cư xá. Các môn lò cò, nhảy dây, đánh đũa… tôi đều rành sáu câu. Có thể nói không có thằng nào trong cư xá chơi với con gái nhiều như tôi! Nhờ vậy mà kinh nghiệm rất nhiều, đón coi hồi sau sẽ rõ. Khoe một chút về một thành tích tôi lập thuở nhỏ, lúc khoảng 14 – 15 tuổi: Đông con, sáng nào mẹ tôi cũng cho cả lũ ăn bánh mì, vừa rẻ vừa tiện. Bánh mì được mua dài hạn, do một ông đi xe gắn máy chở theo một cần xé bánh mì sau lưng, tới nhà nào đặt mua thì ông lấy bánh mì bỏ vô bao giấy rồi thảy vào nhà, bóp nhẹ cái kèn hơi cho trong nhà biết trước khi chạy tiếp. Bánh mì nhà tôi ông hay để ở bức tường lỡ có tấm sáo – hồi đó người ta hay có tấm sáo gỗ trước nhà, kéo lên thả xuống che mưa che nắng – che khuất. Ông bỏ bánh mì rất sớm, khoảng 5 giờ 30 sáng. 6 giờ là người giúp việc nhà tôi ra lấy vào cho chị em tôi ăn chuẩn bị đi học. Lúc đó tôi nhớ cả nhà thường ăn với trứng ốp-la, cá hộp Sumaco của Maroc – mẹ tôi rất thích ăn loại cá ngâm dầu ô-liu hơn là sốt cà – và bơ Bretel, fromage La Vache Qui Rit của Pháp. Bữa ăn sáng đó luôn có kèm dưa leo, hành tây, muối tiêu và nước tương Maggi… Bỗng dưng có một lúc, mấy ngày liền, không có bánh mì! Dù sáng nào cũng nghe tiếng còi của ông đưa bánh. Mọi người trong nhà đều hoang mang nhưng không ai biết phải làm sao, định đợi cuối tuần ông bánh mì tới thâu tiền mới hỏi. Tôi lẳng lặng quyết tâm tự mình làm thám tử. Năm giờ sáng tôi để đồng hồ reo, dậy đi qua hàng ba nhà đối diện để núp rình. Ngay sau khi ông bánh mì vừa chạy đi, lập tức có hai thằng nhỏ, khoảng 10 tuổi và 8 tuổi, xuất hiện và chạy tới thò tay vào sau tấm sáo để trộm bánh. Yên tâm hai đứa nhỏ con, tôi lao ra chụp tay thằng lớn và la lên: “Ăn trộm bánh mì!”. Thằng lớn không vùng được, đẩy cho thằng nhỏ chạy mất. Nhà tôi và nhà hàng xóm đổ ra coi, tôi nhớ có người hỏi nó tại sao lại đi ăn trộm như vậy, nó nói “tại tui nghèo quá, biết xóm này là xóm nhà giàu…”. Mẹ tôi khuyên nó từ nay đừng làm vậy nữa rồi kêu tôi thả nó ra. Nó bỏ đi không một lời cảm ơn, mặt lì câm. Bỗng dưng thầy tôi nói một câu mà tới giờ tôi vẫn còn nhớ: “Thằng này lớn lên thế nào cũng theo Cộng sản!”. Cộng sản lúc đó đúng là một con ngáo ộp khổng lồ mà từ người lớn đến con nít, hết thảy đều sợ. Đọc báo hàng ngày cho thầy tôi nghe, tin tức nhiều nhứt chiếm đầy mặt trang 1 của các báo vẫn là VC[16] đắp mô, VC đặt mìn, VC ám sát, VC pháo kích… Rồi đầu năm 1963, quân Giải phóng đánh thắng ở Ấp Bắc[17], gây nhiều thiệt hại cho quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)… Tới giờ tôi vẫn nhớ về trận đánh này bởi thầy rất quan tâm, kêu tôi đọc kỹ hết các bài trên các báo – nhà tôi lúc ấy thường xuyên đọc Sài Gòn Mới, Ngôn Luận (sau là Chính Luận), Trắng Đen, Tiếng Vang… – và nằm luôn miệng thở dài, tiếng thở dài của thầy rất lớn. Không hiểu tại sao thầy lại nói “Thằng này lớn lên thế nào cũng theo Cộng sản!”, tôi theo hỏi mẹ thì mẹ nói lớn lên tôi sẽ hiểu. Tôi lớn dần theo cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt. Mậu Thân 1968, năm tôi 17 tuổi, là khủng khiếp nhất, khi chiến tranh ào vào tới Sài Gòn, Huế… Người chết như rạ. Những vụ thảm sát tập thể ở cố đô Huế là kinh hoàng. Báo chí, truyền hình đăng tin với đầy đủ hình ảnh, đọc nổi da gà. Rồi mùa hè đỏ lửa năm 1972, quân Giải phóng mở những trận đánh lớn ở Quảng Trị, Tây Nguyên, An Lộc..., con số người chết hai bên lên tới hàng vạn. Những vụ đặt mìn diễn ra thường xuyên và khắp nơi[18], trong đó có hai địa điểm dân sự đáng nhớ là vụ đặt hai quả mìn nối nhau nổ ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh (Bến Bạch Đằng, Sài Gòn) vào tối ngày Thứ bảy 25-6-1965, giết 42 người và làm 81 người bị thương; và vụ đặt chất nổ ở nhà hàng – vũ trường Tự Do đêm 16-9-1971, giết và làm bị thương hàng chục người… Ấn tượng mạnh là vụ pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) giữa giờ ra chơi chiều ngày 9-3-1974, giết chết nhiều học sinh…[19] Ngay cả ở Sài Gòn, những năm sắp kết thúc chiến tranh, quân Giải phóng vẫn từ Nhà Bè, Thủ Thiêm, Bình Chánh… pháo kích vào Quận 1, Quận 4, Phú Nhuận… Sau một vụ pháo kích gây sập nhà và chết người ở khu xóm trong gần chùa Bà Đầm, cách cư xá chúng tôi đang ở chỉ khoảng 200m, nhà tôi lúc đó cũng như nhiều gia đình khác trong cư xá đều phải cho làm một hầm nổi chống pháo kích ngay trong nhà, gồm những bao cát che chắn phía trên và chung quanh một bộ ván. Cho vui vậy thôi chớ làm sao chống nổi đạn 122 ly nếu nó rơi thẳng vào nhà? Vậy mà rồi cũng có nhiều ngày tôi theo Cộng sản… 3. “Bàn cờ cũng như cuộc đời…” Áo vest đen, quần trắng, giày da trắng, thắt cravate, tay cầm canne… Khoảng năm 1930 trên đỉnh Lang Biang ở Ðà Lạt. Thầy tôi – nhà thơ nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Ðức Huy – xuất thân Nho học mà trông cũng có vẻ “dân chơi” lắm chứ! “Đằng sau thành công của một người đàn ông, luôn có hình bóng của một người đàn bà”. Người ta thường nói vậy. Còn đằng sau thành công của một người đàn bà? Tôi đã mấy lần viết về mẹ tôi, nhưng thật bất công khi chưa bao giờ viết về cha. Người mà tôi gọi bằng “thầy”, như trong nhiều gia đình người miền Trung khác. Ngay cả mẹ tôi hàng ngày vẫn gọi ông bằng “thầy”, vì trong thực tế, ông chính là thầy dạy mẹ tôi viết văn, từ khi bà còn là nữ sinh trường Áo Tím (sau này là trường Gia Long, rồi Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay). Thầy tôi tên Nguyễn Đức Huy, sinh năm Dần 1902 ở Quảng Ngãi. Theo thế phả phái Quý[20] của tộc Nguyễn làng Bảo An, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thì Tiền hiền[21] của họ Nguyễn làng Bảo An là cụ tổ Nguyễn Liệt, quê quán ở huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An, thuộc triều Hậu Lê. Năm Canh Thìn 1470, nhà Hậu Lê đại thắng Chiêm Thành, lập ra đạo Quảng Nam (từ đèo Hải Vân đến Quảng Ngãi). Hai năm sau, 1472, vua khuyên dân vào Nam khai hoang. Cụ tổ Nguyễn Liệt theo lệnh vua, dẫn vợ con dong thuyền buồm vào Nam lập nghiệp, đầu tiên ghé ở Triệu Phong, Quảng Trị, đến năm 1611, các đời sau tiếp tục dời vào Hòa Đa trước khi vượt sông Thu Bồn vào định cư hẳn ở Gò Nổi, Bảo An… Năm 1924, ghi nhận công lao mở đất của cụ, vua Khải Định đã phong sắc “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần” cho cụ, lệnh cho toàn dân bổn xã đời đời thờ phụng. Thế phả phái Quý xếp cụ Nguyễn Liệt là đời thứ nhất của tộc Nguyễn làng Bảo An theo phái mình. Đến ông nội tôi, Nguyễn Quang Biêu (tên ở nhà là Thắng), là đời thứ 13, theo ông cố tôi về Quảng Ngãi lập nghiệp. Nay đã là đời thứ 16 mà đọc lại toàn bộ thế phả hàng nghìn người, chả thấy ai được làm quan lớn cho dòng họ nhờ, thỉnh thoảng mới có một ông cai tổng, lý trưởng. Lớn chức nhất dòng họ phái Quý có lẽ là cụ Nguyễn Duy Tự, đời thứ 11, đậu phó bảng, làm tri phủ. Chấm hết! Nếu tin vào khoa địa lý thì có lẽ mộ cụ Tổ đã không được táng trong thế đất giúp con cháu phát quan. Tử vi bốn anh em tôi cung Quan đều xấu, riêng tôi còn bị Triệt! Ông nội tôi có năm người con, hai người đầu mất sớm, chỉ còn ba, một gái hai trai. Như thông lệ hồi đó, chỉ con trai được đi học. Những người sống trong thời kỳ đó thường đều phải trải qua hai nền giáo dục. Thuở nhỏ, thầy tôi (Nguyễn Quang Dần, sau lấy tên giấy tờ là Nguyễn Đức Huy) học theo chương trình thi cử bằng Hán văn của nhà Nguyễn, nghe kể là học rất giỏi, mới 14 tuổi đã đậu ngạch Học sinh của tỉnh. Sau đó, khi cùng người anh ruột là Nguyễn Quang Tý (tức Nguyễn Đức Nhuận, làm thơ lấy bút danh là Bút Trà – tức núi Thiên Bút và sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi) [22] chuẩn bị đi thi Hương thì triều đình bãi bỏ chế độ thi cử. Năm thầy 19 tuổi, ông nội tôi bị bệnh mất (bà nội đã mất từ trước), hai anh em bỏ nhà vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề viết báo. Hai anh em Bút Trà (trái) – Hồng Tiêu ở tòa soạn báo Sài Thành. Nhà báo ngày xưa ăn mặc quá nghiêm chỉnh! Tôi nhớ thầy tôi lúc nào ra đường cũng thắt cravate, mang giày da, không như tôi và các đồng nghiệp ngày nay ăn mặc quá xuề xòa. Hai nhà báo Hồng Tiêu và Tùng Long đi bát phố Catinat (Ðồng Khởi ngày nay), sau lưng là tiệm cà phê Givral. Ăn mặc quá lịch sự! Một thời gian ngắn sau, bác tôi kết hôn với bà Tô Thị Thân, một phụ nữ giàu có từng có một đời chồng người Hoa. Bà này bỏ vốn cho ông làm tờ báo Sài Thành (sau đổi tên là Sài Gòn Mới) và thầy tôi về làm chủ bút. (Sau mẹ tôi cũng về làm thư ký tòa soạn tờ báo này). Hình như việc làm báo giúp bà Bút Trà giàu thêm? Bằng cớ là hai đứa con trai của bà ra riêng được giúp vốn làm hai tờ tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn và Phụ Nữ Ngày Mai bán cũng rất chạy. Còn cô con gái út, chị Kim Châu, được hưởng của hồi môn là rạp hát mang tên mình ở đường Nguyễn Văn Sâm gần chợ Bến Thành (nay là Nguyễn Thái Bình). Đến đây tôi xin mở ngoặc đôi dòng về bác trai tôi, thi sĩ Bút Trà. Sau khi lấy được bà vợ giàu, hầu như ông không phải làm gì nữa, chỉ ăn rồi… diện đẹp, đi chơi. Ông lần lượt lấy thêm hai bà vợ nhỏ, cả hai đều xinh đẹp (đặc biệt bà vợ hai, thường được gọi là “Hoa hậu Mayer” – tên cũ của đường Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu, do nhà bà ở trong một con hẻm của đường này – chân dài, người đầy đặn như Thẩm Thúy Hằng, xứng danh mỹ nhân), tổng cộng ba dòng con khoảng mười mấy người. Lẽ dĩ nhiên ông không bỏ bà lớn – lúc ấy bà đã bị bệnh bây giờ gọi là “béo phì”, nặng trên 100kg – và đáng ngạc nhiên là bà dù biết tất cả mọi chuyện, vẫn tỉnh bơ chu cấp đầy đủ cho ông nuôi hai bà vợ sau. Ông có ra hai tập thơ Tâm sự ngàn thu 1 và 2 in trên giấy đẹp nhất thời đó, tuy nhiên trong đầu tôi chỉ còn nhớ mỗi câu lục bát mà ông rất thích đọc trong các cuộc họp mặt gia đình, đọc xong lại cười ha hả: Thân anh như trái banh tròn Chuyền tay người đẹp hết còn tự do! Mỗi lần như vậy bà bác tôi chỉ tủm tỉm cười, thật là đáng nể! Cũng quá đáng nể, là chuyện bà đứng ra thu xếp cho thầy tôi chia tay với người vợ trước để kết hôn với mẹ tôi. Bà giúp vốn cho người vợ trước mở một tiệm thuốc tây để làm ăn, rồi sau đó còn đứng ra xây dựng gia đình cho bà ấy lấy người chồng thứ hai! Mẹ tôi cũng đáng nể không kém, khi nhận nuôi luôn ba đứa con của chồng với người vợ trước, ăn học đến ngày trưởng thành ra đi làm. Cả ba cùng coi mẹ tôi như mẹ ruột của mình. Trở lại với chuyện của thầy tôi. Vào nghề báo ở Sài Gòn (làm các báo Opinion – một tờ báo song ngữ Pháp – Việt – rồi Sài Thành...), thầy bắt đầu có tên với các bút danh Hồng Tiêu, Nhất Chi Mai, Như Hoa – nổi tiếng với mục “Film du jour” kiểu như “Chuyện thường ngày” của Tuổi Trẻbây giờ (sao thầy thích lấy bút danh nữ vậy nhỉ?)… Đây cũng là một “ông Trương Phi trong làng báo”, nóng như lửa, mà sự kiện từng gây rùm beng là chuyện ông bợp tai bà Phương Lan, nữ ký giả đầu tiên của làng báo Sài Gòn, vợ ông Lan Đình Bùi Thế Mỹ, và bị thưa ra tòa, bị xử phạt bồi thường 1 đồng danh dự! Tên tuổi trong nghề báo của thầy lúc ấy, tôi nghĩ chắc không nhỏ, vì khi ông Trần Trọng Kim lập chính phủ, có mời thầy nhận chức Bộ trưởng Bộ Thông tin, nhưng thầy từ chối vì biết chính phủ này bù nhìn, thân Nhật. Thầy còn có lúc tự đứng ra làm chủ báo – báo Đông Thinh – để mong đổi đời, nhưng… thất bại. Số không làm chủ được, vậy thôi! (Mà hình như cả nhà tôi là vậy!). Ngoài làm báo, thầy còn viết tiểu thuyết (đã xuất bản ba cuốn Máu chảy ruột mềm, Tìm cha phương trời và Lá thơ rơi – 2 tập), làm thơ (đã xuất bản Hồng Tiêu thi tập – đáng tiếc những cuốn này nay đều không còn!), dịch sách Tàu (tôi nhớ có các bộ Liêu trai chí dị, Hỏa thiêu Hồng Liên Tự, Phương Thế Ngọc, Đường thi tam bách thủ, Tống thi…). Thầy dịch rất nhanh. Tôi ngồi đánh máy cho thầy vừa đọc sách vừa dịch, nhiều khi chạy theo không kịp! Thầy lại biết cả tiếng Pháp, dịch thơ Lamartine, Rimbaud, Verlaine, Baudelaire… và đi dạy Việt văn ở vài trường tư. Thừa năng lực (?), thầy còn làm một việc mà bây giờ chưa chắc ai đã dám làm: mở lớp học hàm thụ (dạy từ xa, qua thư từ) hướng dẫn viết văn, làm thơ! Một trong những đệ tử của thầy chính là… mẹ tôi, lúc ấy đang học trường Áo Tím, cô học trò mà sau này thầy nói là xuất sắc nhất và sau khi cưới được cô thì bỏ luôn, không dạy ai nữa (hay cũng có thể đã bị học trò cấm, không cho dạy nữa vì… quá nguy hiểm?). Không hiểu thầy dạy thế nào mà hai thầy trò gặp nhau rồi mê nhau như điếu đổ, dù thầy đã lập tức nhận ra trò cũng chính là con của một người bạn vong niên trong Việt Nam Quang Phục Hội ngày xưa! (Về chuyện tình này, mẹ tôi đã kể khá chi tiết trong Hồi ký Bà Tùng Long, Công ty Sách Phương Nam ấn hành năm 2003, tái bản năm 2014). Sau đây xin chép lại một bài thơ của thầy viết trong giai đoạn tán tỉnh mẹ (và mẹ thuộc lòng cho tới những ngày cuối), đọc lại thấy thương cho cái sự mất công của mấy ông già ngày xưa, đâu như bây giờ có khi chỉ vài tin nhắn là xong: Trăm lạy trời xanh chớ phụ phàng Muôn nghìn đau khổ dám từ nan Dọn đường anh quét xong gai góc Để bước em đi được nhẹ nhàng Tình ái xưa nay vật thế nào? Bây giờ mới biết nó ra sao! Yêu em, yêu lắm nên ham sống Sống để dìu em những bước đầu Vốn nhà thi lễ bực trâm anh Đâu dám như ai thói bộc tình Rìu búa ngửa vưng lời trách móc Đá vàng không lợt dạ đinh ninh… Có thể nói mẹ tôi vào nghề văn chính là nhờ sự hướng dẫn của thầy tôi. Ngay cả bút hiệu của bà – Tùng Long – cũng do ông đặt cho, theo một khái niệm Hán ngữ: “Vân tùng Long, Phong tùng Hổ” (Mây theo Rồng, Gió theo Cọp – vì mẹ tôi tên Vân). Sau này, khi mẹ đã nổi tiếng, mẹ ngồi viết bài, thầy nằm giường gần bên, thỉnh thoảng có chữ gì không rõ nghĩa, nhất là chữ Hán Việt, hoặc điển tích gì khó hiểu, mẹ hỏi, đều được thầy giải thích thông suốt. Có lẽ chính vì vậy mà mẹ tôi quý trọng chồng tới ngày cuối cùng, chìu chuộng ông như ý. Thầy rất thích kết giao bạn bè, thường lôi về nhà ăn nhậu đủ loại bạn nghệ sĩ giang hồ, cho bạn tới đồng bạc cuối cùng, mẹ tôi vẫn luôn vui vẻ hầu cơm nước. Thầy đánh cờ tướng giỏi, các môn đỏ đen khác cũng vậy, có lần đi đánh bài từ chiều hôm nay đến sáng hôm sau, khi về vác cả túi tiền, dẫn theo sau lưng một gánh bún thịt nướng và một gánh chè bột khoai để đãi… cả xóm, mẹ tôi vẫn không phiền trách một lời. Năm mươi mấy tuổi, chán cảnh bon chen và bất mãn chế độ gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm, thầy nghỉ làm việc, về nhà làm thơ, dịch sách, hưởng nhàn… Mẹ luôn bổ thang rượu thuốc “Thập toàn đại bổ” mắc tiền nhất của tiệm thuốc Bắc nổi tiếng Vạn Hồi Xuân ở đường Phan Chu Trinh cửa Tây chợ Bến Thành ngâm cho ông uống (lúc ấy một thang trị giá cả lượng vàng!), trà Thiết Quan Âm[23] mỗi ngày ngồi hầu thầy hai cữ[24], pha nước nóng có chút Eau de Cologne cho thầy tắm, hàng ngày ngồi soạn thực đơn luôn hỏi thầy ưng ăn gì… Thầy là một trong những người đàn ông ghen tuông kinh hồn nhất trên đời mà tôi được biết. Ngoài lúc đi làm đi dạy, hầu như mẹ không đi đâu và cũng chẳng dám ăn diện gì cả. Biết ý thầy, ra đường bà chỉ mặc áo dài trắng hoặc một màu thật trang nhã, và luôn hết sức cẩn trọng, kín đáo trong chuyện giao thiệp. Vậy mà thỉnh thoảng anh chị em tôi vẫn được chứng kiến những màn “đổ ghè tương”[25] náo nhiệt thật tức cười của thầy. Thậm chí có lần vì quá ghen với một ông… thầy chùa mà thầy tự… cạo trọc đầu, trông rất ghê! Hồi bốn anh em trai chúng tôi còn nhỏ, thầy dạy cả đám học Tam tự kinh – một bộ sách Hoa ngữ nhập môn dạy luôn đạo lý của người Hoa, viết và đọc được hết bộ coi như đã có một số vốn chữ Hoa lận lưng. Rồi dạy làm thơ Đường (tứ tuyệt, bát cú, thất ngôn, ngũ ngôn), thơ lục bát. (Có lẽ nhờ vậy mà cả ba anh tôi đều có khả năng thi phú, riêng tôi không hiểu sao đầu óc lại quá thực tế nên không thích theo con đường này). Các chị em gái ai thích thì học, thầy không bắt buộc, nhưng đám con trai phải biết. Lúc tôi còn nhỏ, hàng năm, vào sáng mồng Một Tết, thầy mẹ ra ngồi trước bàn thờ gia tiên, từng đứa con tiến đến khoanh tay chúc Tết, đứa nào chúc bằng thơ sẽ được khen nhiều hơn. Hàng ngày, thầy dạy chúng tôi y như một nhà Nho dạy con, toàn dùng các câu chữ Hán. Đến giờ tôi còn nhớ được vài câu như “Thiên kim chi tử bất nhập tùy đường chi hạ” (Đứa con ngàn vàng không đứng dưới mái nhà nghiêng – để dặn các con phải hết sức cẩn thận trước những chuyện có thể gây nguy hiểm), “Qua điền bất hạ lý, lý hạ bất chỉnh quan” (Đi trên ruộng dưa đừng cúi xuống sửa giày, đứng dưới cây mận đừng đưa tay lên sửa mão – tránh làm những chuyện khiến người ta phải nghi ngờ mình), “Mạn tàng hối đạo” (Đừng để của cải hơ hỏng khiến người ta sinh lòng tham), “Dưỡng nam bất giáo bất như dưỡng lư, dưỡng nữ bất giáo bất như dưỡng trư” (Nuôi con trai mà không dạy không bằng nuôi lừa, nuôi con gái mà không dạy không bằng nuôi heo), “Thư trung hữu mỹ nữ” (Trong sách có người đẹp – chịu khó học sẽ tìm được các em đẹp – tôi chịu khó học chỉ vì câu này!)… Những lời dạy dỗ ấy, tôi nghĩ, vẫn còn giá trị đến tận bây giờ. Lúc còn đi làm, thầy ăn xài rất thoải mái dù gia đình tôi chưa bao giờ giàu, mua sắm toàn thứ đắt tiền, thường cho cả nhà đi xem phim, đi ăn nhà hàng bằng xe taxi, thích uống cognac Courvoisier… Tôi còn nhớ có lần đi ăn cưới mẹ buột miệng khen một người quen mặc chiếc áo dài nhung đen, hôm sau thầy lẳng lặng ra đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) mua ngay một xấp vải nhung cho mẹ, mẹ phải xuýt xoa tiếc vì quá mắc. Cái áo dài nhung đó, mẹ giữ đến tận cuối đời, mới nguyên! Vào đầu những năm 1970, anh Trạch và anh Thạch đi lính, anh Lập làm luật sư ra thuê nhà ở riêng, chỉ còn mình tôi ở nhà đi học và lo cho thầy. Tôi được thầy tin cậy cho hớt tóc, nhổ râu, cắt móng tay móng chân và cả… tắm rửa cho ông. Thỉnh thoảng ông lại bắt tôi ngồi đàn mandolin cho ông nằm lim dim nghe. Tôi chỉ biết đàn vài bài do tự tập: Never on Sunday, Cánh bướm vườn xuân, I will follow you,Que sera sera… Thường ông chỉ nghe được hai bài rồi chắc chán quá nên ngủ luôn. Nhà chật, lúc nhỏ tôi ngủ với thầy. Tôi bị suyễn, thầy là người xoa dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cho tôi. Tôi bị dị ứng nặng, hay ngứa mắt ngứa mũi, thầy chữa bằng một phương pháp lạ: chà hai tay thật mạnh vào nhau cho đến khi nóng hực lên rồi đắp lên mắt mũi tôi, vậy mà lúc ấy tôi thấy rất “đã”. Tôi nổi mề đay trên lưng trên đầu thì thầy gãi lưng gãi đầu, xong lấy... dầu thơm chế lên, rát ơi là rát, nhưng cũng “đã” luôn. Không có ông anh nào của tôi được như vậy. Bởi vậy, trong khi mấy anh chị em không gần gũi thầy thì tôi thương và gần thầy nhiều. Những năm sau này, khi các anh đã ra đi làm, đi lính, chỉ còn tôi là người kề cận chăm sóc thầy. Là người học giỏi, ít nhiều tài hoa, nên thầy hơi bị… kiêu, ngang chướng, thương kẻ dưới, ngạo người trên, tính cách đó khó làm việc dưới quyền ai. Thầy hay nói đùa rất hài hước, châm chọc thì sâu cay, cũng là người cực kỳ nóng tính, có gì không vừa ý là la hét ầm nhà. Tôi không hề thấy thầy làm bất cứ việc gì trong nhà, lại thích sai, cứ gặp đứa con nào đi ngang là có ngay chuyện để sai khiến, nên bị bọn tôi lén đặt tên là “Vua sai”. Thầy chủ trương “đàn ông làm việc nước, không làm việc nhà”, nên bốn anh em trai tôi chỉ lo ăn, học và đi chơi, quá nhàn hạ. Quan niệm về chuyện học của các con của thầy cũng rất tếu, thỉnh thoảng thấy đứa nào xách cặp ra thầy lại nói: “Hôm nay ở nhà chơi đi con!”. Theo thầy, hơn thua là khi ra đời, chứ ở trường chỉ học cho biết thôi. Quan trọng là phải đọc nhiều, biết nhiều, suy nghĩ nhiều, giao tiếp nhiều... Sau tôi thấy thầy có phần đúng, nhiều người học rất giỏi nhưng ra đời lại không bằng ai. Thầy dạy các con trai đánh cờ, cho hút thử thuốc lào, uống thử rượu, khuyến khích đi học ngoại ngữ, chụp hình, võ thuật, guitar, bơi lội, nhảy đầm, lái xe hơi… với quan niệm đàn ông thì cái gì cũng nên biết. Khi các anh tôi không còn ở chung nhà thì tôi là người hầu cờ thầy. Thầy dạy tôi chơi, lúc đầu chấp tôi nguyên bộ xe-pháo-ngựa, rồi bớt dần cho tới khi hai người đánh đồng rồi có khi tôi cũng thắng được thầy. Xưa thầy nổi tiếng là tay chơi cờ nóng tính, không chịu thua, và từng có lúc đập nguyên cái bàn cờ lên đầu anh rể tôi (anh Hóa, chồng chị Bạch Liên, con người vợ trước). Tôi đã nghe kể chuyện dạng đàm tiếu này nên chơi rất thận trọng, không dám chọc quê khi rình ăn được quân xe của thầy. Nhưng đến lúc già thì thầy không còn nóng nữa. Thầy chỉ khuyên tôi đừng ra đường đánh cờ thế ăn tiền, coi như nộp tiền cho họ. Đặc biệt câu thầy dặn, tôi còn nhớ mãi: “Bàn cờ cũng như cuộc đời, đã hạ quân xuống thì không thể lấy lên làm lại, nên trước khi làm gì con cũng phải suy nghĩ kỹ…”. Sau giải phóng, đời sống quá khó khăn, người sành ăn và thích ăn ngon như thầy phải nhịn nhiều, rượu chỉ được uống loại rượu thuốc rẻ tiền, ngày một xị trước khi đi ngủ – lúc đó thầy đã bị nghiện, không uống không ngủ được. Thầy chịu đựng được tất cả, không than phiền gì, chỉ thỉnh thoảng nằm nghĩ đến hai đứa con trai đi học tập cải tạo và một đứa nữa đi kinh tế mới, cứ liên tục thở dài, nghe mà xót ruột. Tôi đi TNXP rồi đi bộ đội, có đồng nào đâu. Chỉ khi về làm Tuổi Trẻ mới bắt đầu có lương, nhưng thời kỳ đầu cũng chẳng là bao, nhu yếu phẩm còn không đủ xài. Thỉnh thoảng có chút tiền về chở thầy đi ăn mì hoành thánh, hoặc mua về ít heo quay vịt quay, là đã… sang trọng lắm rồi. Uống rượu dỏm làm sau này thầy bị lẫn nhiều, các cháu nội cháu ngoại về thăm lần nào thầy cũng hỏi đứa nào đây, con ai… Ước mơ tha thiết trong mấy năm cuối đời của thầy là được một lần về thăm lại làng quê nghèo ở Trường Yên, Quảng Ngãi, nơi có mộ ông bà tôi, và được ăn lại món don[26], sau đó có chết ở đó cũng vui lòng. Niềm tiếc nuối lớn nhất của tôi về thầy là đã không thể giúp ông thực hiện được ước mơ ấy. Ngày 26-3-1985, đang nằm ngủ, bỗng thầy la lên một tiếng lớn rồi hôn mê, sáng hôm sau thì mất, thọ 83 tuổi. Không hiểu sao tôi lại có một niềm tin chắc nịch là thầy thương tôi nhất và luôn phù hộ cho tôi trong những lúc khó khăn. Có thể nói đến giờ này, trong chín đứa con, tôi là đứa nhiều may mắn nhất nhà. Có những lúc thấy tai nạn chết người đến nơi, lại thoát. Rồi bao nhiêu lần bệnh nặng, vẫn gặp quới nhơn giúp đỡ. Có lẽ vì tôi là đứa con đã ở bên thầy nhiều nhất trong những năm cuối đời? Hay có lẽ vì tôi có nhiều… tật xấu giống thầy? Tôi chỉ còn lưu giữ được khoảng hơn 100 bài thơ của thầy và một tập thầy dịch thơ Đường, thơ Pháp – tất cả đều do chính tay mẹ tôi chép lại, vì chữ mẹ rất đẹp, dễ đọc hơn chữ thầy. Đa số là thơ cổ, không còn hợp với thời nay nữa. Tuy nhiên có một bài lục bát mà tôi nhớ mãi, xin ghi lại đây: Hồng Tiêu Về cố hương Qua sông ta gọi con đò Lòng ta như nắm chỉ vò trên tay Lìa quê từ ấy đến nay Biết rằng cảnh có như ngày ra đi Sông xanh trăng bạc từ khi Bây giờ lại chiếu mặt mày cố nhân Ngậm ngùi thân lại tủi thân Bốn phương nặng nợ, mười ân lỗi nghì Cây xưa nọ gốc bồ đề Nhà xưa chủ mới, mình này người xưa Mơ màng trong cõi nắng mưa Đòn cân tạo hóa trừ thừa biết sao! Để chân về chốn chôn nhau Mà như khách lạ nơi nào tới chơi Cố hương ơi! Cố hương ơi! Người con mặt biển chân trời về đây Tư bề lặng lẽ nước mây Vô tình nước chảy mây bay một chiều. (Cổ Lũy Cô Thôn, 1934) Giờ thì thầy và mẹ – một đôi tri kỷ văn chương – có lẽ đang tha hồ thong dong bên nhau ngao du khắp chốn phong vân. Hình ảnh những buổi sáng thầy vừa uống trà vừa đọc thơ, mẹ ngồi bên cạnh dịu dàng lắng nghe, sẽ sống mãi trong ký ức tôi… (Viết nhân đám giỗ thầy năm thứ 25 – tháng 3/2010) PHỤ LỤC Đôi lời: Hút thuốc phiện có lẽ là một cái thú (?) của không ít văn nghệ sĩ, nhà báo... thời trước 1975 ở miền Nam, thịnh hành khoảng trước 1954 (còn nói là hút… tốt cho sức khỏe và giúp ích sáng tạo!). Tôi nhớ một số người bạn của thầy tôi đều hút. (Trong cư xá Chu Mạnh Trinh có khá nhiều văn nghệ sĩ ở lúc bấy giờ, có nhà văn Nguyễn Mạnh Côn cũng là bạn hút, thỉnh thoảng hai người qua lại nằm tâm sự với nhau hàng giờ bên bàn đèn). Thầy tôi đã tự bỏ được khi cuộc sống ngày càng khó khăn má tôi kham không nổi (sau năm 1963). Tôi nhớ ông đã làm được việc đó không hề dễ dàng, nhưng đúng là ông đã nói bỏ là bỏ. Bài viết dưới đây cũng xác nhận vậy. Bài báo xưa lơ xưa lắc này không chỉ kể về thú ấy mà còn cho biết khá nhiều về hoạt động làm báo từ xa xưa ở Sài Gòn, qua những câu chuyện về thầy tôi và một vài người bạn. Ông đúng là dân chơi thứ dữ, xứng đáng là hổ phụ (ông tuổi con cọp, 1902). Câu “Vô sở bất chí” cũng là câu ông hay dạy bốn anh em tôi (chỉ dạy cho con trai câu này). “Ở đời không có cái gì là không biết, không có cái gì là không làm”. Hehe, tôi đã theo lời ông được hầu hết, chỉ trừ ma túy là chưa dám chơi... (Cảm ơn bạn Phạm Công Luận đã chuyển cho tôi tư liệu quý giá này) N.Đ.T. Làng báo Sài thành trên 10 năm trước VÀI TAY KIỆN TƯỚNG Đức Khiêm (Bài đăng trên trang 5 – 6 báo Việt Thanh số Xuân Nhâm Thìn 1952) Tôi làm chung với ông Phan Khôi và Hồng Tiêu Khoảng năm 1941 – 1942 tôi có làm chung với hai ông Phan Khôi và Hồng Tiêu trong một thời gian ngắn, ở báo Đông Thinh. Tôi lúc ấy viết còn kém, mỗi tuần chỉ viết một bài và giữ mục văn uyển, còn ông Phan Khôi viết một tuần hai bài, một bài dạy làm thơ và một bài luận thuyết. Ông Phan Khôi có một điều khác người ta là tự ấn định tiền mỗi bài mình viết, hễ giao bài là lấy tiền, có nhiều khi lấy tiền trước mới viết sau. Tiếng là anh em làm chung với nhau trong một tòa soạn, thật ra tôi coi ông như một người anh cả, tự xem mình như một người em út. Lúc ấy tôi mới 16 tuổi[27] còn ông Phan Khôi đã ngoài ngũ tuần. Cuộc cộng tác giữa tôi và ông Phan Khôi tại tờ tạp chí Đông Thinh do ông Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy làm chủ nhiệm. Việc ấn loát và trình bày ông Hồng Tiêu giao trọn quyền cho tôi. Còn quản lý do thầy Lâu, em người vợ lớn của ông, trông coi quản xuyến. Tờ Đông Thinh lúc ấy in tại nhà in Xưa Nay, do cô Triệu Ẩu (con gái ông Nguyễn Háo Vĩnh) làm chủ. Lúc làm tờ Đông Thinh chung với tôi, ban đêm thì ông Phan ngụ tại nhà ông Bùi Thế Mỹ, còn ban ngày ông thường đóng trụ sở ở tiệm hút Khoan Ký đường Kitchener[28], vì từ tiệm này tới nhà ông Mỹ gần hơn hết. Tòa soạn báo Đông Thinh Ông viết bài cũng ở tiệm. Xong cho đứa làm thuốc đưa lại tòa soạn chứ ít khi ông đích thân đến. Tòa soạn báo Đông Thinh lúc đó kêu là tòa soạn cho oai để có địa chỉ độc giả gửi thư mua báo hoặc gởi bài, thật ra thì chỉ mướn phía trước hàng ba tiệm thuốc Đồ Nam ở đường Colonel Grimaud[29], vừa đủ chỗ đặt được một cái bàn con và hai cái ghế. Bìa báo Việt Thanh Xuân Nhâm Thìn 1952 và bài báo Vài tay kiện tướng. Ông Khôi đang… rặn Nhiều kỳ, Chủ nhật ra báo mà Thứ năm ông Khôi vẫn chưa có bài nào hết. Ông Hồng Tiêu đến nhà in rủ tôi cùng đi lại tiệm Khoan Ký lấy bài về cho thợ sắp. Tại tiệm ông Phan có một chỗ nằm nhất định, lên thang gác, qua khỏi chỗ bán thuốc là đến “trụ sở” của ông. Chúng tôi bước vào, thấy bộ đồ tây treo trên móc, bàn đã lên đèn, anh làm thuốc nằm chèo queo một bên đang hí hoáy làm thuốc, ông Phan đang lum khum… rặn bài. Thấy chúng tôi đến, ông ngồi dậy, lột cặp mắt kiếng ra nói: – Tưởng lát nữa xong, mỏa cho người cầm lại nhà in, gặp toa đến may quá! À! Mà toa có cầm tiền lại cho mỏa mượn không? Ông Hồng Tiêu chỉ cười mà không đáp, rồi móc túi lấy ra 60 đồng đập ra giữa bàn một cái bép, ba người chúng tôi trông nhau cùng cười. – Cổ động viên ở Nam Vang hôm qua gởi măng-đa[30] về được bao nhiêu mỏa đem theo đấy. Tôi từ chối nhập làng bẹp Bấy giờ, Hồng Tiêu bảo tôi cũng cởi áo quần tây và giày rồi lên nằm chơi. Tôi nghe lời, song khi ông bảo kéo vài điếu chơi, thì tôi nhất định từ chối. Ổng nói: “Toa dại lắm, vô sở bất chí, ở đời không có cái gì là không biết, không có cái gì không làm”. Ông Phan Khôi nghe nói đang viết bèn ngồi ngay dậy, ngăn lại: “Toa không nên rủ anh ấy hút. Bọn mình đây đã già rồi thôi thì tới đâu thì tới, chẳng những không chịu bỏ, mà quyết không bỏ. Còn mấy anh thanh niên đang đứng ngoài vòng, tụi mình đừng nên kéo họ vào…”. Ông Khôi tuyên bố Rồi ông tiếp: “Từ trước đến giờ, đối với vấn đề thuốc phiện, mỏa khác toa, đã không nghiện thì chớ, đã nghiện rồi thì nhất định không bỏ, dẫu nghèo đến chết cũng vậy. Còn toa nay hút mai bỏ, mốt hút kia bỏ, rốt cuộc chỉ thêm hại mình và tốn tiền chứ không ích gì”. Mà thật có như vậy, ông Phan Khôi có viết trong một số Xuân Dân Báo, dám tuyên bố: “Tôi nhất quyết không bỏ thuốc phiện!”, và ông cũng có nói với tôi: “Từ khi tập hút chút cho đến ngày nay đã già, tôi chưa hề uống thuốc cai nha phiến một lần nào”. Bỏ đi hút lại Còn ông Hồng Tiêu trái ngược lại: Hễ có tiền và gặp anh em bạn là ông rủ hút, thích là chơi, còn ngày mai ra sao ông không cần nghĩ tới. Hễ một khi hết tiền thì ông ra cụ Mộng Võ (một ông lang từng xuất dương du học bên Nhựt về, có viết trên Đông Thinh về Kỹ nghệ làm giấy ở Nhựt Bổn, một bạn chí thân của Hồng Tiêu và lúc tờ Đông Thinh sắp chào đời, cụ có xuất vốn cho ít nhiều) bổ một thang thuốc Bắc về ngâm, mua 5 cắc bạc thuốc phiện (giá hồi năm 1942) táo lại ngâm chung trong ít ngày đem ra uống là bỏ được. Anh em rất phục ông Hồng Tiêu ở chỗ đó, hễ có tiền là hút cả ngày, có bao nhiêu hút bấy nhiêu, nhưng khi hết tiền là thôi cái một, có quạu quọ vài ngày rồi lại vui vẻ như thường. Nhưng hễ có chuyện chi buồn là ổng đi hút lại ngay. Một con vịt quay Bấy giờ gần 12 giờ trưa, ông Phan Khôi vừa hút vừa viết đã xong hai bài, ông Hồng Tiêu đứng dậy kêu tôi mặc đồ đi về. Ông cầm 60 đồng bạc khi nãy đưa cho ông Phan Khôi 50 đồng: – Anh cầm 50 nầy, rồi mai mốt có tôi sẽ đưa thêm. Còn 10 đồng, ông cho anh làm thuốc 2 đồng, trả tiền thuốc 6 đồng. Vỏn vẹn còn 2 đồng, ông rủ tôi ra Chợ Cũ mua một con vịt quay gói xách về. Trả tiền hai cái giấy xe điện hạng nhứt Cuniac[31] – Pétrus Ký 0đ30. (Hồi ấy ông Hồng Tiêu còn ở tại Chợ Quán sau nhà S.A.M.I.P.I.C.). Thế là số tiền mấy tuần lễ cổ động viên đi thu ở Nam Vang, chỉ nội buổi sáng tiêu ra mây khói, vợ con không hưởng 1 đồng xu, ngoài con vịt quay mới xách về. Tấm lòng hào hiệp Ông Hồng Tiêu đối với anh em bạn rất hào phóng, coi đồng tiền không ra cái quái gì. Rượu cũng như thuốc phiện, những người nào ông đã gọi là bạn chí thân thì ông đối đãi hết mình. Tôi còn nhớ trong cuốn Hồng Tiêu thi tập của ông, trong bài Ngẫu hứng có câu: Nhà cửa bốn mùa như cái chợ Tháng ngày không chật với anh em… Lời nói của ông thật đúng như việc làm của ông. Có tài không biết xài Nói ngay ra, ông Hồng Tiêu là một tay làm báo kỳ cựu trong Nam, ông có tài ba về nghề nghiệp và hào hiệp đối với anh em, nhưng cái tài của ông là một thứ tài để cho người khác dùng thì được, mà ông tự dùng, tự lợi dụng cái tài của ông thì hỏng. Hồng Tiêu văn sĩ Ông xuất sắc nhất là lối viết “Chuyện hằng ngày”, tức “Tranh xã hội” cho báo Sài Gòn của ông Bút Trà là anh ruột của ông. Ông mà chửi lộn thì không ai bì kịp, lý luận hay mà hỗn ẩu cũng dữ. Có đôi khi ông công kích ai, người ấy phải nhảy nhổm dậy, chịu không nổi. Đông Thinh số xuân Tạp chí Đông Thinh chỉ ra không đầy một năm thì tự đình bản vì tài chính, song trong khoản đó, ông có ra một số xuân, mà số xuân ấy lại bảnh hơn cả các báo trường thọ ở Sài Gòn, là ngoài cái bìa của họa sĩ Nam Xuân Hải, còn có một tấm phụ bản chạy litô 3 màu in tại nhà in Ng-V-L (tấm phụ bản ấy vẽ một cô gái chèo thuyền trên sông Hương), ruột in tại nhà in Nguyễn Đức, nhưng hai bên có chuyện bất bình nên số Xuân Đông Thinh in trễ ra gần Tết, bán không được, phải lỗ nhiều. Chính số xuân ấy tôi có viết đến mấy bài, nhưng vì thấy ông Hồng Tiêu lỗ tội nghiệp, tôi cũng từ chối không lãnh tiền nhuận bút. Đông Thinh đình bản Báo Đông Thinh tự đình bản, ông Hồng Tiêu bấy giờ mỗi ngày chỉ viết một bài Tranh xã hội cho báo Sài Gòn, với số lương hồi ấy 120 đồng một tháng, nuôi một gia đình 8 người và một người ở nữa, thật sống một cuộc đời hết sức chật vật. Vẫn cứ phong lưu Thế mà khi nào cao hứng là ông kéo khách về nhà, bắt vợ con phải kiếm cơm rượu đãi đằng tử tế. Đũa gãy, chén sứt, giường chõng xiêu vẹo, đặt ngồi ngoài vườn dưới bóng cây, rượu đế rót vào chén nước trà, thế mà anh em quen biết ai nấy vẫn ưa ông Hồng Tiêu lắm. Ông thường tự phụ, khoe với anh em: “Anh Bút Trà hơn tôi được cái giàu tiền và giàu con, thì tôi cũng hơn anh Bút Trà được cái giàu bạn và giàu rượu”. Rồi ông nhấp một ngụm rượu, nhai một miếng thịt vịt, cười bể nhà bể cửa, coi vẻ tự đắc và sung sướng lắm. Bấy giờ ông Phan Khôi đã dời “trụ sở” về đóng tại nhà ông Hồng Tiêu, nào rương, nào bao, nào bàn đèn, ống vố chở về đầy nhà. Vợ lại sợ chồng! Lúc ấy ông Hồng Tiêu đã bỏ hút, xoay sang nghiện rượu, mà lại rước về một ông thủy tổ làng hút để ở trong nhà. Vợ ông, cô Bạch Vân bất bình lắm, song không dám nói ra, vì vợ ông sợ ông còn hơn chuột lắt sợ mèo, đời nào dám hó hé. Hơn nữa, tính ông Phan Khôi lại hết sức kỳ khôi, khó từng chút, từ cái ăn, cái ngủ tới cái đóm hút thuốc, cái tăm xỉa răng. Con ở mất hồn Có một hôm, tôi cũng có mặt đến giờ ăn cơm, con ở dưới nhà bưng lên một mâm cơm nhưng không cho ông hay trước nên bàn đèn ông chưa thu xếp kịp (nhà ông Hồng Tiêu chật lắm, chỗ ông Phan Khôi hút kiêm cả… bàn ăn). Ông nổi đóa quát tháo ầm lên rồi xách ống vố rượt theo người ở xuống đến nhà bếp. Mà tính ông đã nổi nóng lên thì đố ai cản được. Từ bữa đó, con ở không dám bén mảng lên nhà trên và khi gặp ông nó không dám ngó ngay mặt nữa. Sau đây, tôi sẽ kể một chuyện tranh luận giữa Phan Khôi và Hồng Tiêu suýt hai người gây ra ẩu đả! Nói chuyện văn chương Cũng tại tiệm Công Yên Khoan Ký ở đường Kitchener, hai người nằm hút. Bên một đống sách và nhật trình Việt lẫn Hoa, trong đó có bộ sách Vương Dương Minh, ba chúng tôi cùng xem và nói chuyện. Ông Phan Khôi đang xem tờ báo Sài Gòn nơi mục Tranh xã hội, bỗng vụt ngồi dậy chỉ cho ông Hồng Tiêu xem một lỗi về chính tả rồi nói: – Anh em các ông viết Quốc ngữ theo giọng Quảng Ngãi, không chịu khó phân biệt, có g hay không g cũng không cần. Bây giờ các ông nên tập theo lối này thì có lẽ viết trúng: mát mẻ đọc mát tờ, thì phía sau chữ mát phải viết chữ t. Dao mác đọc mác cờ thì phía sau chữ mác phải viết chữ c… Suýt có ẩu đả Động tới lòng tự ái, ông Hồng Tiêu nổi nóng cự lại: – Tôi hỏi ông, ông đọc bài Tranh xã hội của tôi có hiểu hết ý nghĩa không? Ông là người Việt, chứ đâu phải thứ người gì mà tiếng Việt không hiểu? Nghe nói mình là thứ người gì, ông Phan Khôi đổ mồ hôi trán ra nói lớn: – Anh là một người viết Quốc ngữ trật nhất nước Nam! – Anh là một người tính khí kỳ khôi nhất nước Nam! Thế là cả tiệm hút từ dưới đất lên trên lầu, người ta đổ xô lại can, người lớn có, kẻ nhỏ có. Hoa đông mà Việt cũng lắm. Dĩ hòa vi quý! Các ông đều tự biết các ông có điều quấy, đây là chỗ công cộng, ai có quyền cho các ông tới đây đánh lộn? Trời quang mây tạnh Sau khi cả hai đều nguôi cơn giận, ông Hồng Tiêu ôn tồn nói: – Chữ là cái dấu hiệu, miễn sao đọc lên hiểu được thì thôi! T thay c không quan hệ, có g hay không gcũng không cần. Tôi hỏi ông bây giờ căn cứ vào đâu mà biết trúng hay trật? Muốn nói trúng trật là khi nào Việt Nam có một Viện Hàn lâm làm ra một quyển tự điển thống nhất gồm danh nhân cả Bắc, Trung, Nam. Hiện thời mạnh xứ nào xứ ấy nói tiếng của họ là trúng. Ông đừng khen tiếng Bắc là trúng. Ở Quảng Ngãi tôi nói con trâu mà ở Bắc nói con châu, như vậy tiếng Bắc có trúng hay không? – Nói bướng như ông thì không khi nào xong việc gì hết! – Ông Phan Khôi cãi lại – Trúng hay trật là nói theo nghĩa tương đối, xem một bài Tranh xã hội của ông từ đầu chí cuối về chính tả trật bấy xà ngầu hết ráo. Tôi hỏi lại ông, ví dụ ông có một đứa con tên là Nguyễn Văn Lan đi học xa mà ông gửi cho nó một cái măng-đa đề là Nguyễn Văn Lang, hỏi nó có nhận được số tiền ấy không? Lẽ tự nhiên là không khi nào nhà dây thép cho nhận, đó là chưa nói đến những việc quan hệ hơn nữa, như giấy khai sinh, giấy căn cước chẳng hạn. Hai bên cãi nhau từ nãy giờ, tuy có vẻ êm dịu, song lập luận của ai nấy giữ không bên nào chịu nhịn. Hồng Hồng Bút Bút… Ông Hồng Tiêu thích cãi lộn, riết rồi hầu khắp làng báo không có mấy người ông chừa, nhất là người đối lập với ông, càng tài cao học rộng, càng nổi tiếng bao nhiêu ông lại càng ưa khai chiến bấy nhiêu. Độ nọ, một nhân vật (xin giấu tên) làm báo giỏi nhất trong Nam có lẽ khắp cả Trung, Nam, Bắc, bị ông Hồng Tiêu mần sát ván. Nhân vật ấy cùng với các bạn trong băng tức ứa gan không biết làm cách nào trả đũa cho nguôi cơn giận. Một hôm gặp Lê Trọng Đình, Đình nói: “Hồng Tiêu chỉ có tôi là trị lại, nếu các ông bằng lòng, để tôi làm một bài hát thì anh em họ tiêu dên”. Mọi người tán thành. Lê Trọng Đình về tiệm thuốc phiện đường A. Courbet nằm hai ba ngày vò đầu vò óc là được một bài ca trù thể theo điệu Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Tôi còn nhớ được mấy câu như thế này: Hồng Hồng Bút Bút Mới ngày nào còn nằm hút ở Lơ-pheo [32] Mười lăm năm vừa thoát khỏi cơn eo Ngoảnh mặt lại đã lên lèo phách lối Công kích ông… đà nhức nhối… Tuy lâu ngày song bài hát này có lẽ ở Sài Gòn nhiều người còn nhớ. Đại khái những tranh luận trong làng báo Sài thành trước kia là vậy, khác hẳn những vụ công kích nhắm vào đời tư cá nhơn của đối phương. Nhơn vui năm mới tôi xin nhắc lại làm chuyện mua vui, giải muộn, chứ không ngụ ý so sánh chê bai ai hết. Và quyền phẩm bình xin tuyệt đối nhường lại bạn đọc. 4. Mây bay về trời “Mèo mẹ” – “Mèo con” tại Vườn Tao Ðàn Sài Gòn (nay là Công viên Văn hóa Tao Ðàn, TP.HCM) – 1952. Tôi sinh năm 1951, năm 1952 đã được mẹ bồng trên tay đi tàu biển từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn. Căn nhà đầu tiên chúng tôi ở nằm trên đường Lương Hữu Khánh Q.1 (gần quán Ðo Ðo của Nguyễn Nhật Ánh bây giờ). Thuở nhỏ tôi là đứa con bị bệnh nhiều nhất so với các anh chị em. Mẹ đã cực nhọc rất nhiều với tôi… Trong suốt những ngày còn lại của đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ tôi trước phút lâm chung. Không nói được nữa, bà lần lượt cầm tay từng đứa con đưa lên miệng hôn, thật ngon và thật sâu. Như muốn nói với từng đứa rằng mẹ yêu các con lắm, yêu lắm. Nhưng không thể nào ở lại với chúng con nữa rồi… Vâng, đã hết cách, sau mấy tháng trời mẹ dũng cảm chiến đấu với bệnh tật, hai lần đồng ý cho mổ ruột ở tuổi 92… Chị em chúng tôi cùng nức nở khóc… MỘT SỨC LÀM VIỆC ĐÁNG NỂ Thú thật tôi chưa bao giờ hiểu hết về sức mạnh của mẹ mình, nhất là khi càng dấn sâu vào con đường mẹ từng đi. Mẹ đã có 60 cuốn tiểu thuyết được xuất bản. Xấp truyện ngắn đã in báo của mẹ cắt để dành nay đếm lại cũng gần 400 cái. Rồi cả nghìn bài “Gỡ rối tơ lòng” và “Tâm tình cởi mở” nữa… Hàng đêm tôi cứ thấy mẹ chong đèn ngồi viết, không nghỉ đêm nào, không một ngày đi du lịch ở đâu. Hết ba trang feuilleton cho báo này lại chuyển qua ba trang feuilleton cho báo khác – cao điểm có lúc mẹ viết cùng lúc bốn tiểu thuyết cho bốn tờ báo! – rồi trả lời thư tâm tình của bạn đọc. Đó chính là bài học đầu tiên tôi học được từ mẹ: Hãy lao động cần cù, kỷ luật. Những câu chuyện rối như tơ vò mà sao mẹ gỡ ra quá nhẹ nhàng, vừa gỡ vừa ghi chép để dành đề tài cho những cuốn tiểu thuyết sau. Đó là bài học thứ hai mẹ dạy tôi: Hãy tìm đề tài từ chính cuộc sống chung quanh mình. Sức mạnh ở đâu để mẹ có thể làm việc bền bỉ suốt mấy chục năm như vậy? Tôi nhớ có lần được phỏng vấn, mẹ chỉ trả lời đơn giản mình viết văn để nuôi con. Chín đứa con như chín chiếc tàu há mồm hàng tháng xơi cả tạ gạo, đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn… Sau này ngồi biên tập để in lại những cuốn sách của mẹ, tôi thấy xưa kia có lẽ mẹ viết quá vội, để có những lỗi mà lẽ ra nếu kỹ lưỡng đọc lại, mẹ đã không mắc phải. Thế nhưng làm sao trách được mẹ? Nếu tôi có chín đứa con ngày nào cũng vòi tiền ăn tiền học phát chóng mặt, chắc chắn tôi không đủ sức ngồi viết như mẹ. Ngồi viết miệt mài, thế nhưng vẫn thong dong mỗi sáng sớm và mỗi trưa nghỉ dậy tự tay nấu nước pha trà và ngồi trò chuyện đối ẩm với thầy tôi đúng ba tuần trà. Nhưng mẹ thường uống rất ít mà chỉ thích đưa chén trà lên hong mắt. Cho mắt sáng hơn và cho tâm hồn thư thái hơn, mẹ giải thích. Và trang viết đầu tiên trong ngày của mẹ chính là bản thực đơn cho cả nhà, để chị giúp việc cầm đi chợ, sao cho suốt tuần không ngày nào phải ăn giống nhau. Những ngày còn đi dạy (mẹ tôi dạy môn Việt văn và Pháp văn ở các tư thục như Đạt Đức, Tân Thịnh, Les Lauriers… ở Sài Gòn) trong thập niên 1950 và nửa đầu thập niên 1960, mẹ chỉ viết được buổi tối. Nhiều hôm ngủ một giấc thức dậy, tôi vẫn thấy mẹ cặm cụi ngồi viết, tiếng bút Bic chạy rào rào trên giấy. Sức “cày” đó, suốt đời tôi chạy theo không kịp và cũng tin khó có nhà văn nam nào làm việc bằng. Tôi đã từng nuôi heo… Từ năm 6 tuổi, lúc bắt đầu học lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ), tôi đã nuôi heo. Và nuôi dài dài cho đến năm tôi học lớp Ðệ nhất (lớp 12). Ðiểm đặc biệt là mỗi năm tôi chỉ nuôi đúng một con, từ lúc vào năm học mới. Con heo cũ bị xẻ thịt trước khi nhập học khoảng một tuần, để tôi có tiền sắm sửa một số vật dụng như ý trước khi quay lại trường sau những ngày hè. Ðó bao giờ cũng là một con heo mập tròn, mặt mày hết sức vui vẻ cho đến tận lúc đã bị phanh thây cho vào… thùng rác! Vâng, đó chính là một con heo đất, vật quen thuộc với nhiều đứa trẻ ngày xưa, mà giờ đây có lẽ sắp đi vào viện bảo tàng? Chín đứa con đi học tiểu học, đứa nào cũng được mẹ cho chút tiền tiêu vặt hàng ngày (thời tôi hình như là 1 cắc), đủ để ăn một cái bánh dừa, uống ly xi-rô đá nhận trong giờ ra chơi… Khi cho chúng tôi khoản tiền tiêu vặt ấy, mẹ còn tặng thêm mỗi đứa một chú heo đất với lời dặn: “Mẹ cho con tiền là để con đừng cảm thấy thua sút bạn bè, nhưng mẹ muốn con càng ít xài tiền càng tốt, vì ăn uống ngoài đường không được vệ sinh và khi về nhà cũng sẽ không ngon miệng bằng để bụng đói. Tiền để dành hàng ngày và tiền lì xì hàng năm, con cứ bỏ vào đây. Cuối năm học, đập heo ra, con sẽ ngạc nhiên khi thấy mình đã có một số tiền kha khá. Tiền đó con cứ dùng mua sắm những gì con thích, bởi mẹ chỉ đủ tiền để lo cho con những gì cần thiết cho năm học mới mà thôi”. Mỗi đứa con có một cách cư xử khác nhau với con heo đó. Ðứa để trên bàn học, đứa giấu trong ngăn tủ quần áo, đứa gởi mẹ… Ðứa nào càng giấu kỹ con heo (trong đó có tôi) thì khi đập ra, con heo đó càng có nhiều tiền. Có đứa sốt ruột đến mức đục thủng một lỗ dưới bụng heo rồi lấy giấy dán lại, thỉnh thoảng lại moi tiền ra đếm. Có đứa cả năm chỉ bỏ heo được vài cắc, sau đó không thèm nuôi heo nữa… Trong mấy anh chị em, hình như tôi là người chắt bóp nhứt, khi đã nuôi được tổng cộng đúng bảy con heo trong cuộc đời mình! Thậm chí hầu hết con heo sau khi chết còn truyền lại “tài sản” cho con heo sau tiếp tục sự nghiệp. Mẹ tôi rất hài lòng về tôi, cũng như luôn hài lòng khi kể lại câu chuyện trong chín cái tiệc thôi nôi của đám con, chỉ mình tôi là đứa duy nhứt chọn bốc tờ tiền giấy rồi đưa ngay cho bà! Hỡi ơi, chỉ mãi sau này bà mới hiểu lý do tôi đưa cho bà tờ giấy bạc ấy, chỉ vì bà là người phụ nữ đang ở gần tôi nhứt. Từ lúc tôi bắt đầu có bạn gái, con heo thứ bảy đã bị xử sớm hơn thời hạn và đó cũng là con heo cuối cùng của đời tôi… Mẹ tôi đã mất vào tháng Tư năm 2006. Khi ngồi cầm bàn tay đang lạnh dần của bà, tôi nhớ đến rất nhiều điều tôi đã được ban phát từ bàn tay ấy, ban phát vô điều kiện, trong đó có bảy con heo đất. Ði kèm với chúng là một bài học đầy giá trị về cách tiết kiệm và sử dụng đồng tiền mà tôi nay đã truyền lại được cho mấy đứa con của mình… VÌ CON Là đứa út trong bốn anh em trai, hai anh phải vào lính và một anh ra đi làm, tôi ở nhà đảm đương chức thư ký cho mẹ. Tôi cắt truyện để dành, tôi cắt thư bạn đọc xếp sẵn cho mẹ đọc (về sau tôi còn được đọc duyệt, cái nào quá nhảm nhí thì loại trước cho mẹ đỡ mất thời giờ), tôi đem bài của mẹ viết xong đi giao các tòa soạn… Ở đâu tôi cũng thấy người ta quý trọng mẹ, vì mẹ luôn luôn giao bài đúng giờ, đúng số chữ vào khuôn quy định. Mẹ không bao giờ làm phiền ai, kể cả các con của mình. Mẹ hầu như không còn bao nhiêu thời giờ dành cho mình, nên mẹ ngăn nắp một cách đáng sợ. Đồ đạc chung quanh mẹ, trên bàn, trên đầu giường, trong ngăn tủ… đều có vị trí nhất định không đổi, để khi cần mẹ chỉ đưa tay ra là lấy được, kể cả khi nhà bị mất điện. Hồ sơ, tài liệu… trong gia đình, chưa bao giờ mẹ phải mất quá một phút để tìm! Chín đứa con, mà bất cứ lúc nào hỏi đến khai sinh, học bạ, bằng cấp… mẹ đều lấy ra trong nháy mắt. Mẹ còn là người quan tâm giữ sức khỏe một cách kỳ lạ, hết sức điều độ và theo dõi kỹ lưỡng tình trạng cơ thể để mỗi khi bất kỳ một triệu chứng bệnh tật xuất hiện là lập tức đi bác sĩ chữa trị ngay. Vì mẹ không cho phép mình… bị bệnh. Mẹ là lao động chính trong gia đình mà! Thu nhập tháng nào hết tháng đó, không dư đồng nào, bệnh làm sao nuôi con? Bệnh thường xuyên của mẹ là bệnh nhức một nửa đầu, nhức lắm, theo lời than của mẹ. Suốt một thời gian dài, mẹ cứ ngồi vừa ôm đầu vừa viết, có khi tay trái phải vịn đè một túi nước nóng đặt trên chỗ đau… Vì cả nhà trông vào những trang viết của mẹ, nên mẹ không thể nghỉ làm việc ngày nào[33]. Tôi còn nhớ hồi tôi sáu, bảy tuổi, mẹ lần lượt sinh hai em Thanh Thái (1957) và Phương Chi (1958), chỉ vài ngày là đã rời bảo sanh viện để về nhà ngồi viết lại. Bà con, bạn bè tới thăm ai cũng kêu Trời! Đứa con nào bị bệnh, mẹ cũng đích thân đưa đi bác sĩ, những người giỏi nhất, tên tuổi nhất. Bệnh thì phải bác sĩ Đệ, bác sĩ Chiếu. Làm răng phải nha sĩ Lý. Những bác sĩ thuộc hàng giỏi nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong chín đứa, tôi là đứa làm mất thì giờ mẹ nhứt. Mang gien của bà ngoại, tôi bị suyễn nặng từ nhỏ, có nhiều đêm phải ngồi mà ngủ. Mẹ đưa tôi đi chạy chữa đủ kiểu, đến mức có Tây học như mẹ mà cũng từng cho tôi nuốt thằn lằn, uống mỡ gấu và cả… bùa tiên! Cho đến khi tôi gặp bác sĩ Pháp Piere Boucheron ở đường Trương Minh Ký (nay là Nguyễn Thị Diệu, Q.3), bệnh suyễn của tôi mới được chặn lại từng đợt bằng những viên thuốc con nhộng Dectancyl (Corticoide) – sau này đã để lại hậu quả nặng nề cho xương khớp tôi. Mẹ hay nhắc chuyện tôi được “đẻ bọc”, tưởng hay ho gì, đâu ngờ èo uột khó nuôi quá, phải biết vậy... khỏi đẻ! Chín đứa con, duy nhứt mình tôi cùng tuổi Mẹo với mẹ. Có lẽ vì bệnh nhiều, được mẹ chăm sóc nhiều, nên tôi là đứa luôn quấn quýt bên mẹ, luôn miệng nịnh “Mèo mẹ, mèo con…” mỗi lần muốn xin xỏ gì đó. Trong mấy cuốn nhật ký mẹ tôi để lại (mẹ vẫn còn thói quen viết nhật ký cho đến trước khi ngã bệnh nặng đợt cuối), chúng tôi đọc và thấy mẹ thương chúng tôi quá. Hình như ngày nào cũng nhớ đứa này, đứa kia, nhắc tên từng đứa sao lâu quá không thấy về thăm… Vậy mà trước kia chúng tôi cứ ngỡ tuần nào cũng về thăm mẹ là được rồi, thậm chí có tuần không về vẫn không hề thấy áy náy. Rồi hàng ngày chi tiêu gì mẹ cũng đều ghi nhật ký, một thói quen mẹ phải làm để kiểm soát chặt chuyện chi thu trong nhà mới đủ nuôi con. Đọc lại những trang nhật ký, chúng tôi đau lòng nhận ra có những ngày mẹ rất túng thiếu không còn một đồng để tiêu, nhưng vẫn cắn răng không than với con… Mẹ mê viết từ lúc còn là học sinh cho đến tận cuối đời, trước khi chết vẫn còn ấp ủ sẽ sửa lại và bổ sung thêm nhiều điểm trong cuốn hồi ký[34]. Mỗi lần sách mẹ được in, mẹ cứ cầm nhìn ngắm say mê, đọc đi đọc lại. Không những mê sách của mình, mẹ còn mê sách của người khác. 90 tuổi, được Nguyễn Nhật Ánh tặng sách viết cho… tuổi mới lớn, mẹ vẫn đọc không sót một chữ. Mẹ dạy tôi: “Người ta có quý mình thì mới tặng sách. Mình phải đọc để không phụ lòng người ta”. Mẹ quý trọng tất cả những người viết, dù thật ngược đời, mẹ luôn khuyên tất cả anh chị em chúng tôi hãy chọn nghề khác, đừng theo nghiệp viết văn – làm báo. Mẹ, và thầy, đều hay nói, “Trường văn trận bút là một nghề hư danh, bạc bẽo, lành ít dữ nhiều”. Năm 1977, khi tôi từ TNXP chuyển về làm báo Tuổi Trẻ, hỏi ý mẹ, mẹ chỉ thở dài, rồi sau đó lại đổi buồn làm vui, khuyên tôi những điều cần làm và cần tránh trong nghề báo, trong đó quan trọng nhất là câu “làm báo là để giúp người”. Nghe lời mẹ, tôi làm báo đến nay gần 30 năm, hầu như không phạm sai lầm nào đáng kể. CÔNG TRÌNH ĐỂ ĐỜI Sinh nhật của tôi, tôi thường không làm gì, nhưng còn sinh nhật mẹ, những năm sau này tôi luôn tổ chức. Để những học trò cũ, những con cháu từ khắp nơi, được dịp tề tựu bên mẹ. Mẹ luôn miệng nói thôi đừng tổ chức tốn kém, nhưng ánh mắt mẹ lại cho thấy mẹ đang trông chờ ngày ấy biết bao nhiêu! Không phải để mặc đẹp, không phải để ăn ngon, vì càng ngày mẹ càng ăn ít lại, mà chỉ là dịp để được gặp đông đủ người thân. Sinh nhật năm mẹ 90 tuổi, có một người khách thật đặc biệt, nhỏ hơn tôi vài tuổi. Anh là Tạ Hùng, làm việc trong quân đội, thỉnh thoảng vẫn đi nhậu với thầy cũ của anh là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Khi tình cờ biết anh Biền sắp đi dự sinh nhật mẹ tôi, anh mừng rỡ không ngờ Bà Tùng Long còn ở Việt Nam nên xin tháp tùng và vác theo một cái khánh vàng to, với hàng chữ đại ý: “Chúc mừng sinh nhật Bà Tùng Long, người mà 50 năm trước đã giúp cho tôi được chào đời”. Thì ra ngày xưa mẹ anh gặp một sự cố trong chuyện tình cảm, viết thư nhờ mẹ tôi “gỡ rối tơ lòng” trong tâm trạng chán chường tuyệt vọng và có ý muốn phá bỏ mầm sống đang mang trong người. Mẹ tôi trả lời trên báo, khuyên mẹ anh “hãy cứ yêu đời mà sống” và phải giữ lấy đứa con. Nhờ vậy anh được chào đời! Mẹ anh còn nhớ mãi chuyện đó, kể lại và bảo anh phải mang ơn người đã giúp anh được sinh ra, người mà anh chỉ nghe tiếng chứ chưa từng biết mặt. “Gỡ rối tơ lòng” là một mục đinh hấp dẫn – có thể nói chính mẹ đã khai sinh ra – trên các báo Sài Gòn Mới, Tiếng Vang (trên báo này thì có tên “Tâm tình cởi mở”), Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn hồi xưa. Thật ra trong hồi ký của mình, mẹ cũng nói mẹ chỉ có ý tưởng mở mục này theo mẫu của các mục trên các báo Pháp, nhưng không ngờ thu hút sự chú ý của bạn đọc đến vậy. Nhiều người đến nay vẫn còn nhớ tên mẹ tôi chính là từ mục này hơn là những tiểu thuyết của bà. Tôi còn nhớ bạn đọc ngày xưa thật lạ. Thỉnh thoảng lại có những người tìm đến tận nhà, nói lời cảm ơn và tặng mẹ những món quà nho nhỏ, như xấp vải may áo dài, trái cây, bút viết… Thường thì họ đi cả hai vợ chồng, cảm ơn mẹ vì mẹ đã gỡ rối và giúp họ tìm lại hạnh phúc gia đình. Có người xin được gọi bằng “mẹ” và lui tới suốt một thời gian rất lâu, mãi tới 1975 vì thời cuộc thay đổi mới vắng bóng… Trong những trang cuối của nhật ký, mẹ viết: “Lúc này mệt quá rồi… Mình như một áng mây trắng[35] bay xuống chơi với cuộc đời này, chắc sắp tới lúc bay lại về trời…”. Và 5 giờ 15 phút chiều ngày 26-4-2006 là lúc mẹ bay đi. Tôi ngồi bên mẹ hồi lâu, cầm mãi bàn tay gầy guộc lạnh giá đã từng dắt anh chị em tôi đi đến trường, đi bác sĩ, đi mua giày dép quần áo mới mỗi đầu năm học, đi mua sách vở và đồ chơi… Tôi nhớ lại không hết những điều tuyệt diệu mà mẹ đã trao tặng chúng tôi không chút đắn đo, suy nghĩ. Tôi hối tiếc vì mình không đáp trả được bao nhiêu cho mẹ. Tôi đau đớn vì bất lực trước cái chết của người thân thiết nhất đời mình, dù đã làm hết cách có thể. Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm...[36] Từ nay “Mèo con” đã mất “Mèo mẹ” rồi, còn ai để tôi chạy về nằm kề bên gối tìm lấy sự yên bình tuyệt đối sau mỗi chấn thương của cuộc đời? Tôi viết bài này vào đúng ngày 14-5, Ngày của Mẹ (Mother’s Day). Tôi đã chảy nước mắt khi viết, vì nhớ mẹ tôi. Ai cũng an ủi tôi, nói rằng mẹ tôi như vậy đã quá thọ. Nhưng theo tôi, sẽ không có đứa con nào trên đời nghĩ rằng cha mẹ mình đã quá thọ, vào cái ngày phải vĩnh biệt. Trước ngày mất mẹ, tôi đã viết được khoảng 100 truyện ngắn và 5 truyện dài, trong vòng 27 năm. Những con số mà vài bạn bè khen ngợi, do biết hàng ngày tôi còn là một nhà báo làm việc “bận như có con mọn” ở tòa soạn một tờ báo lớn. Thế nhưng bạn có biết mẹ tôi đã viết được bao nhiêu trong 40 năm? Gần 400 truyện ngắn và 60 truyện dài! Tôi viết ít, “giải trí” nhiều. Mẹ tôi, trừ hai buổi sáng trưa ngồi hầu trà với ba tôi và khoảng vài chục phút đọc báo, nghe đài, xem tin tức trên tivi, hầu hết thời gian hoạt động trong ngày đều dành cho việc phục vụ chồng con và viết lách. Ðôi khi, thật lòng, nghĩ tới mẹ, tôi lại thấy xấu hổ. Và chính mẹ chứ không ai khác, mẹ biết không, đã là tấm gương soi, là lời động viên con tiếp tục công việc nhọc nhằn này… Tôi và mẹ, sinh nhật mẹ 2005 – một năm trước ngày mẹ mất. Lúc ấy tôi đã biết “ngày tôi xa mẹ càng gần…”. – Ảnh: Quỳnh Nguyễn ________________________________________ [2]Một số vùng ở miền Trung ngày xưa gọi “cha” bằng “thầy”. [3]Trích từ bài thơ Chữ nhàn của Nguyễn Công Trứ. [4]Nhật Bản. (BT) [5]Kiểu như bán tạp hóa. [6]Thạch Bích Tà Dương là cảnh đẹp thứ 4 trong 12 cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi (lần lượt là Thiên Ấn Niêm Hà, Cổ Lũy Cô Thôn, Long Ðầu Hí Thủy, Thạch Bích Tà Dương, Vân Phong Túc Vũ, La Hà Thạch Trận, Hà Nhai Vãn Ðộ, Liên Trì Dục Nguyệt, An Hải Sa Bàn, Thạch Cơ Ðiếu Tẩu, Thiên Bút Phê Vân, Vu Sơn Lộc Trường. Thạch Bích là một ngọn núi cao nổi tiếng ở Quảng Ngãi, nằm giữa ba huyện Sơn Hà, Minh Long, Tư Nghĩa. Ngọn núi cao chót vót rừng xanh, vách đá dựng ngược nên tên gọi là Thạch Bích (vách đá). Cảnh núi Thạch Bích thay đổi theo từng thời khắc trong ngày, đặc biệt lúc mặt trời lặn bóng xuống núi, trên đỉnh Thạch Bích như còn rực rỡ ánh hoàng hôn, tạo nên một vẻ hùng vĩ nên thơ. Do vậy mà có tên Thạch Bích Tà Dương (Bóng chiều Thạch Bích). [7]Thị trấn thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nằm bên bờ sông Trà Bồng. [8]Thể loại truyện dài nhiều kỳ viết từng ngày để đăng nhật báo. [9]Sau tôi có mượn thực tế cuộc sống của em ở đây để viết về cô giáo Thương trong tiểu thuyết Không có gì và không một ai (2015). [10]Bốn câu đầu là bài Tống Lương Lục của Trương Duyệt thời Sơ Ðường, lược dịch: Từ Ba Lăng xa ngắm về hồ Ðộng Ðình mùa thu Thấy núi Cô Phong nổi dập dình trên sóng Nghe nói không thể gặp được thần tiên Tâm theo sóng hồ cùng trôi xa xăm… [11]Pearl Sydenstricker Buck (1892 – 1973), là nhà văn Mỹ, từng đoạt giải Pulitzer năm 1932 và Nobel Văn chương năm 1938. Ðã có 44 tác phẩm: Gió Ðông gió Tây, Ðất lành, Những người con trai, Vợ cả và những câu chuyện khác, Người mẹ, Một nhà chia rẽ, Nhà tranh vách đất, Trái tim kiêu hãnh… [12]Anh Nguyễn Ðức Lập mất ngày 29-2-2016 tại Texas (Hoa Kỳ) vì bệnh tim, chứng bệnh anh đã mang từ nhỏ. Vượt biên (1980) và sang sống ở Mỹ từ năm 1983, viết văn – làm báo, nhưng cho đến khi mất, anh vẫn không chịu nhập tịch Mỹ. Anh là người thứ hai trong các anh chị em là con của thầy mẹ lìa đàn. (Người đầu tiên là chị cả Lan Anh, mất lúc mới được vài tháng tuổi). [13]Lương Hữu Khánh đậu cử nhân năm 12 tuổi, đậu thứ 2 thi Hội nhưng vì bị thiên vị nên ông bỏ, không thi Ðình dưới triều Mạc Ðăng Doanh mà trốn vào Thanh Hóa theo phò vua Lê. Là nhân vật trọng yếu của triều đình nhà Lê, có công khôi phục và lập nên nhà Lê trung hưng. Không hiểu tại sao con đường mang tên một ông quan to của triều đình phong kiến sau này lại không bị đổi tên. J [14]Chị là người học giỏi nhứt nhà, đậu cử nhân Toán-Lý-Hóa (MPC) Ðại học Khoa học Sài Gòn năm 1966, sau khi làm giáo sư toán trường nữ trung học Lê Văn Duyệt (nay là Võ Thị Sáu) một thời gian thì về làm Trưởng phòng Thí nghiệm Nhà máy nhuộm An Nhơn của Công ty kỹ nghệ bông vải Việt Nam – gọi tắt là SICOVINA – rồi phụ trách Phó phòng Kỹ thuật của Công ty dệt Phong Phú từ năm 1974… [15]Không hiểu tại sao lại tên chùa Bà Ðầm? Ðầu tiên đây chỉ là một ngôi đền không biết thờ ông gì mà chủ nhân là một phụ nữ Ấn Ðộ lai. Chắc từ bà Ấn Ðộ này mà có tên Bà Ðầm? Sau 1975 được đổi tên là chùa Từ Vân. [16]VC (Vixi) là tiếng lính Mỹ, báo chí và nhiều người dân miền Nam trước 1975 gọi quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. [17]Ấp Bắc là trận đánh quy mô lớn diễn ra vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh giữa quân Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam với quân VNCH có cố vấn Mỹ tham chiến, diễn ra vào ngày 2-1-1963 tại Ấp Bắc thuộc tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ (nay là Tiền Giang). Theo Wikipedia tiếng Việt thì trận này quân Giải phóng chiến thắng, với 18 chết và 39 bị thương, trong khi bên VNCH 86 chết và 108 bị thương, mất 5 trực thăng và 3 xe thiết giáp. Tuy nhiên theo hồi ký của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (nguyên Chỉ huy trưởng Thiết giáp, Tư lệnh Sư đoàn 23 và Sư đoàn 25BB Quân lực VNCH), lúc đó là Ðại đội trưởng Ðại đội 7 xe thiết giáp M113 tham gia trận đánh, thì thực tế không hẳn vậy. Nhưng dù sao trận đánh đã gây tiếng vang rất lớn lúc bấy giờ. [18]Một số vụ đặt bom các địa điểm dân sự khác ở Sài Gòn: khách sạn Hưng Ðạo (20-5-1962), rạp hát Kinh Ðô (16-2-1964), khách sạn Caravelle (25-8-1964), sân vận động Cộng Hòa (4-10-1965), khách sạn Metropole (4- 12-1965), khách sạn Victoria (1-4-1966)… [19]Gây chết 34 người và bị thương trên 70, theo thông tin lúc bấy giờ (nói chung những con số lúc chiến tranh đều ít nhiều thiếu chính xác, từ cả hai phía). [20]Thế phả là một loại gia phả, ghi các thế hệ trong dòng họ, sinh con mấy trai mấy gái tên gì… Phái Quý là phái của con trai thứ ba (trưởng là Mạnh, giữa là Trọng, thứ ba là Quý – không biết từ con trai thứ tư gọi là gì?). Vậy thế phả này chỉ tính riêng từ dòng con trai thứ ba của cụ tổ Tiền hiền Nguyễn Liệt, tên là Nguyễn Khắc Minh, tính là đời thứ hai. [21]Người mở đầu một dòng họ. [22]Những thập niên đầu của thế kỷ 20, ở Sài Gòn có ba người cùng tên, cùng họ, cùng cả chữ lót, gần như xuất hiện cùng lúc trên văn đàn, báo chí miền Nam, với tiếng tăm một thời lừng lẫy. Ðó là các ông: a. Nguyễn Ðức Nhuận (sinh năm 1900 tại Trà Vinh), chủ nhiệm báo Phụ Nữ Tân Văn (PNTV), tờ báo nổi tiếng với 2 câu thơ đăng ngay dưới măng sét: “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. Ðây cũng là tờ báo đầu đứng ra thành lập Hội Dục Anh chăm sóc trẻ em con nhà nghèo và xây dựng Nữ Lưu Học Hội dạy nữ công gia chánh cho giới nữ. PNTV còn là nơi dấy lên phong trào thơ mới, sau bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, trong đó có bài Tình già của Phan Khôi làm xôn xao dư luận. PNTV cũng là tờ báo ra số xuân đầu tiên vào năm 1930, mở đầu cho truyền thống báo giới hàng năm ra báo xuân… b. Nguyễn Ðức Nhuận (nhà văn Phú Ðức, sinh năm 1901 tại Gia Ðịnh), tốt nghiệp trường Sư phạm, dạy học một thời gian, rồi bỏ nghề, chuyển sang viết văn, cộng tác với các báo Trung Lập, Công Luận, Ðuốc Nhà Nam, Sài Thành..., tác giả của nhiều cuốn sách rất được bạn đọc thời đó ái mộ như: Châu về Hiệp phố (1926), Tiểu anh hùng Võ Kiết (1929), Non tình biển bạc (1930), Tình trường huyết lệ (1930), Một thanh bảo kiếm (1930), Căn nhà bí mật (1931), Tổng đốc Hồ Cường (1931)... c. Nguyễn Ðức Nhuận (bút danh Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn Mới, sinh năm 1900 tại Quảng Ngãi). Xuất thân là một thầy lang, vào Sài Gòn chen chân vô làng báo, lấy bút danh Bút Trà, cộng tác với báo Lục Tỉnh Tân Văn (1921), Ðông Pháp Thời Báo (1923), Công Luận (1925)... Từ năm 1929, ông đứng ra chủ trương nhật báo Sài Thành, đến năm 1931 đổi tên là Sài Gòn cho tới 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1946, ông cho ra tờ Sài Gòn Mới cho đến năm 1974, tự đình bản cùng nhiều tờ báo khác, theo Sắc luật 007, buộc chủ báo phải ký quỹ 20 triệu đồng với báo ngày và 10 triệu đồng với báo tuần. Ông Bút Trà – Nguyễn Ðức Nhuận còn là một nhà thơ, có hai tập thơ Tâm sự ngàn thu 1 và 2. [23]Loại trà nổi tiếng ở trấn Tây Bình, huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Với hương vị đặc biệt đậm đà, trà Thiết Quan Âm được mệnh danh là “bảy nước còn dư hương”, tức có thể pha bảy lần nước mà vẫn còn mùi thơm (nhưng thầy chỉ uống đúng ba tuần trà, tức một ấm chỉ ba lần pha). [24]Một kỷ niệm về việc uống trà của thầy mẹ tôi: Năm 7-8 tuổi, tôi thường ra ngồi bên cạnh khi thầy mẹ tôi uống trà, để thầy sai làm vài chuyện lặt vặt. Một hôm, nghe thầy chê trà hôm nay ít thơm, tối hôm đó tôi lén chế một ít… dầu thơm vào hộp trà! Sáng hôm sau, thầy suýt sặc khi nhấp vào ngụm trà đầu tiên do tôi pha chế. Khi biết thủ phạm là tôi, thầy chỉ cười: “Có lòng thành mà ngu thì chỉ có làm bậy, nhớ nghe con!” – câu này tương tự câu “Nhiệt tình cộng với ngu dốt…” phổ biến sau năm 1975. [25]Ghen. (BT) [26]Don là một loại hến riêng có ở Quảng Ngãi, nấu nước lèo ăn với bánh tráng nướng bẻ nhỏ. Sau này có dịp về Quảng Ngãi, món ăn đầu tiên tôi yêu cầu bạn bè đãi là món này. Ngạc nhiên vì đó là món ăn bình dân nhất, và cũng… thường thôi. Kỷ niệm này tôi có viết lại trong truyện Nhớ ở tập Ðời 1. [27]Có lẽ báo xếp chữ sai, 26 chắc đúng hơn. [28]Ðường Nguyễn Thái Học ngày nay. [29]Ðường Phạm Ngũ Lão ngày nay. [30]Mandat: Giấy chuyển tiền qua bưu điện. [31]Place d’Eugène Cuniac: Công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành ngày nay. Xưa là nhà ga xe điện, xe taxi, xe buýt… Nay là nhà ga tàu điện ngầm thì cũng hợp lý thôi. [32]Lefèvre: Ðường Nguyễn Công Trứ ngày nay. [33]Khoảng năm 1965 mẹ mới được thượng tọa Thích Tâm Ấn – học châm cứu từ bên Nhật về mở điểm chữa trị tên Dược Sư Tịnh Xá ở đường Trần Quốc Toản (nay là Ba Tháng Hai, Q.10) và một điểm nữa ở chùa Giác Tâm trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Ðình Phùng, Q. Phú Nhuận, gần nhà tôi) – trị cho hết bệnh này. Trong một phần trước tôi đã kể ba tôi từng ghen với một ông thầy chùa, đó chính là ông thượng tọa này! Có gì đâu, ghen bậy thôi. Vì thấy mẹ tôi cứ ra chùa châm cứu hàng ngày. Dù mỗi lần đi mẹ đều phải dắt tôi hoặc một đứa em nào theo, và thầy có châm cứu thì cũng thanh thiên bạch nhật với nhiều bệnh nhân chung quanh. [34]Hồi ký Bà Tùng Long, do NXB Trẻ và Công ty CPVH Phương Nam ấn hành, năm 2003. Tái bản năm 2014. [35]Tên thật của mẹ là Lê Thị Bạch Vân. [36]Ðường xa vạn dặm, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết sau khi thân mẫu của anh qua đời. CHƯƠNG 2 Tôi Ði Học Dù học hành thuộc hạng khá trong nhà, nhưng tôi tự nhận thấy mình chỉ… làng nhàng, học vì phải học vậy thôi, chớ không phải xuất sắc mà càng không do đam mê. Có lẽ một phần là do thầy tôi. Ông quan niệm không cần học giỏi, chỉ cần không ở lại lớp… Nguyễn Đức Thông (giữa) cùng hai người bạn thân lớp Đệ nhất (nay là lớp 12) A1 trung học Võ Trường Toản niên khóa 1968 – 1969 là Vương Văn Thúy (trái) và Nguyễn Văn Thọ, trong một lần trốn học vào Sở Thú chơi. Bộ ba Th. này từng lấy tên là “Nhóm Aphrodite”, cùng ngồi bàn nhất trong lớp và ở tuổi 18 đã chủ trì biên soạn một chương trình nhạc nước ngoài trên Đài phát thanh Quân đội mỗi trưa Chủ nhật! Chính việc soạn chương trình theo một cốt truyện có lời bình dẫn dắt có thể đã là tiền đề cho việc viết văn sau này? Cũng theo ông, con trai càng biết nhiều thứ càng tốt. Ông khuyến khích chúng tôi học võ, trừ anh Lập đau tim bẩm sinh được miễn. Anh Trạch, anh Thạch học võ đường môn phái Bắc Thiếu Lâm Lê Đại Hoan của ông thầy Mười, gần cổng xe lửa số 10 đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm). Anh Trạch giỏi võ, từng lên võ đài. Anh Thạch sau đi học trường Sĩ quan Võ bị Đà Lạt, còn có thêm đai đen Thái cực đạo. Tôi cũng đi học Nhu đạo ở võ đường Quang Trung của thầy Thích Tâm Giác đường Phạm Đăng Hưng (nay là Mai Thị Lựu), học Thái cực đạo lò Oh Do Kwan của võ sư Nguyễn Bình ngoài xa lộ. Tuy nhiên tôi học mỗi nơi chừng một, hai năm là bỏ, vì thể lực tôi thuộc loại kém, ra song đấu là bị no đòn, có lần bị đá… bất tỉnh tại chỗ. Tôi còn đi học Anh văn ở Hội Việt Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi, học Pháp văn ở Trung tâm văn hóa Pháp đường Đồn Đất, học tiếng Đức ở Trung tâm Goethe đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu)… Học bơi ở Hồ tắm Chi Lăng, học lái xe hơi ở đường Nguyễn Kim trước Sân vận động Cộng Hòa, học nhảy đầm với mấy đứa bạn, học đánh cờ tướng với thầy, học đánh các tê với bà ngoại, học đánh xập xám và nhiều loại bài khác với bạn bè, tự học mandolin và guitar qua sách vở… Giờ nghĩ lại, tôi thấy thầy… đúng. Đ ã có lần tôi được phỏng vấn: “Khi học cấp III, anh học trường nào và đã có kỷ niệm nào suốt đời không quên?”. Tôi học Võ Trường Toản[37] suốt bảy năm trung học, kỷ niệm nhớ mãi là lần chạy xe làm cái đuôi theo một cô học sinh Trưng Vương láng giềng, tới đèn đỏ, bị cô quay lại hỏi: “Em còn nhỏ lắm, đi theo chị làm gì?”[38]. Nhưng đó cũng chỉ là một trong vô vàn kỷ niệm thời học sinh của tôi. Nghĩ lại, không phải nói theo bài bản, mà đúng như hầu hết mọi người thường nói, thời gian ấy quả đẹp nhất đời. Bảy năm, nhưng là bảy năm của cái tuổi mười một – mười tám. Tuổi bắt đầu biết nhận thức cuộc sống, hình thành những quan niệm giá trị riêng, tự tìm cách thể hiện mình, trang bị biết bao kiến thức. Cũng là tuổi dậy thì đón nhận những ngọt ngào của tình bạn và lạ lẫm trước những xao động đầu tiên của tình yêu… Tất cả đều hết sức thú vị, đáng nhớ, bởi tất cả đều là những gì rất đầu tiên, tinh khôi, được ghi lại trên những trang đầu tiên của cuốn sổ ký ức cuộc đời cũng còn mới nguyên. Không hiểu sao, tôi lại cứ nhớ về những lần trốn học leo tường đi chơi bị phát hiện, những lúc gồng mình đứng ì trên bảng vì không thuộc bài hoặc giải không ra một bài toán, những giờ phút đầu tiên biết kiên trì đứng bên kiosque quán Hẹn để chờ nhìn cho được một gương mặt “em tan trường về”, những ngày kéo băng đánh lộn với đám học trò Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ, những buổi lang thang “đem tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (thơ Đinh Hùng) trong Sở Thú…, hơn là những lúc được nhận bằng danh dự, được trao phần thưởng… Phải chăng những gì quá êm ả, phẳng lì thường dễ bị trôi tuột đi trên dòng sông trí nhớ? Cũng như không hiểu tại sao tôi lại nhớ nhiều về những thầy cô thường hay rầy la mình (mà hồi đó tụi tôi gọi là “giảng morale” – còn bây giờ có từ “giũa te tua” nghe hình tượng hơn nhiều) hơn là những thầy cô quá hiền lành. Nhớ mãi lần tôi cùng Thọ, Thúy trốn học leo lên nóc dãy cầu tiêu sát đường Nguyễn Du để trèo tường (đoạn đó không có kẽm gai) qua Sở Thú chơi. Tôi nhảy xuống đầu tiên, thì bỗng đâu thầy Tuân lù lù xuất hiện! Ba thằng riu ríu theo thầy đi lên văn phòng tổng giám thị, ký tên vào sổ bìa đen để ngày Chủ nhật phải vào trường quét dọn rồi ngồi làm bài học bài nguyên buổi sáng, hồi đó gọi là bị “công-xi” (cấm túc). Rồi cô Loan dạy Vạn vật, thầy Trí dạy Toán, thầy Ân dạy Pháp văn, thầy Nhường dạy Công dân giáo dục, thầy Thọ dạy Anh văn…, mỗi người “giũa” một kiểu, nhưng đều xuất phát từ tình thương dành cho chúng tôi. Bởi vậy, “giũa” mà mình nhớ, mình quý. Như thầy Nhường, dạy Công dân giáo dục năm Đệ lục (lớp 7), đã dạy về luật đi đường căn bản mà cho tới giờ, đã 52 năm, tôi vẫn nằm lòng bốn câu thơ của thầy: Đi đường phải có kỷ cương Cứ bên tay phải là đường nên đi Bên kia cần có việc gì Ngó sau xem trước xong thì hãy qua. Thầy còn dạy những phép tắc xã giao thông thường, nghĩa vụ phải đóng thuế và đi bầu, cho đến lễ nghĩa đối với thầy cô, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà và yêu thương đất nước. (Thật đáng tiếc, một thời gian dài sau giải phóng, các trường không có môn Công dân giáo dục nữa!). Thầy – và cả cô Loan, thầy Tuân nữa – dạy nhiều nhất về sự quý trọng thời gian. Đó là cái quý nhất, đã qua là không trở lại, và những năm trung học chính là thời gian quan trọng nhất quyết định tương lai của mỗi người. Hãy sử dụng thời gian thật hữu ích để sau này không phải tiếc nuối “phải chi hồi đó…”, sao cho thời gian đừng bay biến mất tăm khỏi đời mình mà không để lại chút gặt hái nào. Cho tới giờ, tôi vẫn thấm thía lời dạy ấy. Mỗi lúc sắp quá đà trong một cuộc vui, sắp phải đi ngủ mà thấy cả ngày chưa làm được gì, tôi lại nhớ tới lời dạy đó, và tự thấy mình phải nên thế nào. Từ rất lâu, tôi đã có nguyên tắc là trong một ngày, tôi phải làm được một điều gì đó, dù nhỏ, cho công việc và sự nghiệp của tôi. Một bài toán, một bài dịch… của thời đi học, và bây giờ, không là vài trang bản thảo truyện dài thì cũng cái đề cương truyện ngắn, hay ít nhất cũng đôi dòng ghi chép về những ý tưởng mới nảy sinh… Bởi vậy, bao năm nay dù có tiếng là người ham vui, sẵn sàng có mặt “trên từng cây số”, nhưng tôi chưa bao giờ là học sinh kém, nhân viên tồi hay nhà văn lười biếng. Những gì tôi phải làm và dự định làm, hầu như đều làm được. Bạn ơi, tôi muốn nhắc lại một lần nữa cho bạn nhớ (xin đừng nghĩ là tôi lên mặt “thầy đời”), rằng hãy quý trọng thời gian, thứ tài nguyên quý nhất và công bằng nhất của mỗi người, trong cuộc đời ngắn ngủi và đầy bất công này. 1. Chỉ nhớ được ba chuyện ở tiểu học Hồi xưa chẳng có ai đi nhà trẻ, mẫu giáo. Có đâu mà đi? Sinh ra là cứ hồn nhiên… ở nhà, cho đến năm 6 tuổi là bắt đầu đi học lớp Năm, rồi Tư, Ba, Nhì, Nhứt[39]. Tới 11 tuổi sẽ lên Trung học đệ nhứt cấp với các lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ[40], thi Trung học xong sẽ lên Trung học đệ nhị cấp với Đệ tam, Đệ nhị đi thi Tú tài 1 rồi Đệ nhứt thì đi thi Tú tài 2[41]. Trường tiểu học thì cứ đúng tuổi là vô học. Người ta thường cho con đi học trường nào gần nhà cho tiện… đi bộ, khỏi mất công đưa đón. Bậc tiểu học chỉ cần đọc, viết Quốc ngữ thông thạo, không sai chính tả, biết sử ký địa lý nước nhà, làm toán cộng trừ nhân chia không sai, biết cách làm toán đố, học thuộc lòng một số bài thơ văn hay… Ôi, những bài học thuộc lòng! Sao đến giờ tôi vẫn còn nhớ chúng như in trong đầu vậy? Những bài học về đạo lý làm người, được chuyển tải qua những câu ca dao, câu thơ dễ nhớ, đã in hằn trong tâm trí đám trẻ những điều hay lẽ phải về lòng nhân ái: Thấy người hoạn nạn thì thương Thấy người tàn tật lại càng trông nom Thấy người già yếu ốm mòn Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần Trời nào phụ kẻ có nhân Người mà có đức, muôn phần vinh hoa… (Thương người như thể thương thân – Nguyễn Trãi gia huấn) Yêu công việc nhà nông: Tháng Giêng là tháng ăn chơi Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà Tháng Ba thì đậu đã già Ta đi ta hái về nhà phơi khô Tháng Tư đi tậu trâu bò Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm… (Công việc nhà nông – Ca dao) Yêu gia đình: Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa Mắt trông con đứa đứa về dần Xa xa con đã tới gần Các con về đủ quây quần bữa ăn Cơm dưa muối khó khăn mới có Của không ngon, nhà khó cũng ngon Khi vui câu chuyện thêm giòn Chồng chồng vợ vợ con con một nhà… (Cảnh vui của nhà nghèo – Tản Đà) Yêu quê hương đất nước: Những buổi sáng vầng hồng le lói chiếu Trên non sông làng mạc, ruộng đồng quê Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe Tiếng thầy giảng vang trong giờ Quốc sử Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ Nước chúng ta là một nước vinh quang Các anh hùng thuở trước của giang san Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc Các em phải đêm ngày chăm chỉ học Để sau này nối được chí tiền nhân Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần Dân tộc Việt sẽ là dân hùng kiệt…” (Giờ Quốc sử – Đoàn Văn Cừ) Lạ lùng nhứt là bài Anh hùng vô danh của Đằng Phương, rất dài mà tôi vẫn thuộc tới bây giờ: Họ là những anh hùng không tên tuổi Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh Không khi nào được hưởng ánh quang vinh Nhưng can đảm và tận tình giúp nước. Họ là kẻ bốn ngàn năm thuở trước Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu Đã làm cho những đất cát hoang vu Biến thành một dải sơn hà gấm vóc… Vậy đó, tôi đi học, rất vui thú. Ngày chỉ học một buổi, tất cả bài vở đều học xong làm xong trong trường, về là… đi chơi. Nhiều lắm là buổi tối bỏ chừng một tiếng ngồi ê a học thuộc lòng các bài chưa thuộc, làm vài bài tập toán là đã đủ. Chả phải học thêm gì hết. Tôi được mẹ cho học trường tiểu học tư thục Chi Lan ở số 171 Chi Lăng (nay là trụ sở của Công ty Xổ số tỉnh Kontum tại TP.HCM, 171 Phan Đăng Lưu, Quận Phú Nhuận), ra khỏi cư xá đi bộ chừng 200m là tới. Trường nhỏ, là một cái villa chia làm mấy phòng, có một khoảng sân dùng làm nơi chào cờ và chạy nhảy trong giờ ra chơi. Chỉ có vài thầy cô. Tôi nhớ hiệu trưởng là thầy Nguyễn Đức Rễ, người Bắc, cả thầy và vợ cùng đứng lớp (thầy tôi thường ghẹo Đứt Rễ thì… chết thôi chứ dạy cái gì?). Thầy Rễ có thằng con bằng tuổi tôi, học lớp tôi, tên Nguyễn Đức Long, chơi với tôi rất thân. Còn một thằng bạn thân nữa, tên Dũng, cũng người Bắc, nhà trong hẻm đường Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long) gần đó. Không biết ba mẹ làm gì mà vắng nhà suốt, nó mới học tiểu học mà đã biết tự nấu cơm ăn, chiên đậu hũ giòn tan ăn rất ngon. Một thằng bạn khác tên Phúc, người Bắc luôn, nhà ở cặp đường rầy xe lửa gần đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Phúc là người đã hướng dẫn tôi chơi guitar, bắt đầu bằng bài Apache của ban The Shadows. Nó đạp xe chở tôi đi mua cây guitar thùng đầu tiên trong đời ở đường Nguyễn Thiện Thuật tuốt khu Bàn Cờ, mua thêm cuốn Tự học căn bản Tây Ban Cầm của thầy Hoàng Bửu, cứ thế mà tự rỉ rả. Trước đó tôi cũng đã tự học mandolin để đàn cho thầy tôi nghe, học đàn tranh với chú Trịnh Chức là một người bà con. Cuối cùng là Nguyễn Danh Toại, nhà ở hẻm đối diện trường, sau cũng học Luật rồi từng làm thẩm phán ở Quận 10 từ năm 1999, giờ về hưu xách mô-tô rong chơi khắp nơi. Nhờ Facebook mà tôi tìm được nó. Bạn trai tôi nhớ được bốn thằng đó, còn bạn gái chỉ nhớ được hai đứa. Một là Đặng Thị Mai, nhà ở đường Cô Giang, Phú Nhuận, có mấy lần tan trường tôi đưa về nhà nên còn nhớ. Rồi Quách Kim Chung[42], gốc Hoa, cha mẹ làm hãng nhập khẩu, nhà giàu nhứt lớp nhưng tính tình rất dễ thương, ngay mặt tiền đường Chi Lăng, gần bò bảy món Duyên Mai, giờ hình như là vị trí làm Ngân hàng Đông Á. Kim Chung cằm nhọn, mắt xếch một mí, rất thích tôi, một lần có mời tôi đến nhà ăn sinh nhật. Nhưng tôi lại thích Mai hơn. Đời luôn oái oăm là vậy! Nói có sách mách có chứng. May sao tôi còn giữ được tấm hình này, chụp cuối năm lớp Nhứt (tháng 5-1962), trước khi tan đàn. Thầy dạy chúng tôi là thầy An. Đố bạn nhìn ra tôi. Đức Long là thằng cười toe. Mai và Chung cùng mặc đầm, đứng hai bên cô bé nhỏ con cũng mặc đầm ở giữa hình, hàng đầu. Nhìn mặt chắc bạn cũng đoán được ai là Kim Chung rồi? 1957 – 1962. Đó cũng là thời gian êm đềm nhứt của miền Nam từ sau thời Pháp thuộc. Đây là những năm vàng son của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam[43], xã hội phát triển tốt, bình yên ở các vùng thị tứ, mô hình chính thể dân chủ tư sản với nền hành chính công quyền và luật pháp, giáo dục, y tế… thừa hưởng từ thời Pháp, kinh tế tư nhân hình thành với sự viện trợ ồ ạt của Mỹ... Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp viết văn – làm báo của mẹ tôi. Bà được các báo mời viết feuilleton… mệt nghỉ, đến mức phải bỏ luôn nghề dạy học vừa cực nhọc hơn mà đồng lương lại kém cỏi. Tuổi con mèo, nên dù công việc rất cực, lúc nào cũng thấy phong thái mẹ ung dung, bình thản. Hầu như hiếm thấy mẹ từ chối việc khi được các báo, tạp chí, người làm sách… đặt hàng. Mẹ không từ nan bất cứ công việc gì làm ra tiền bằng nghề viết của mình. Bởi sau lưng mẹ là cả một bầy con! Các nhà xuất bản luôn canh tiểu thuyết mới của mẹ tôi vừa xuất hiện trên báo là đua nhau đến nhà giành đặt cọc mua quyền xuất bản. Trung bình một năm mẹ tôi ra 2 – 3 đầu sách mới. Hồi đó hợp đồng viết sách giữa nhà xuất bản và tác giả không cần văn bản mà chỉ bằng... miệng. Nhuận bút một cuốn sách khoảng từ 70.000 đồng tới 100.000 đồng tùy số trang (vàng lúc đó chỉ 5.000 đồng/lượng). Sách in khởi đầu không dưới 10.000 cuốn, bán hết là in thêm ngay. Với các tác giả có sách bán chạy thì nhà xuất bản thường mua đứt tác quyền trong vòng 5 năm, trả tiền một lần, nên tác giả không cần thắc mắc số lượng in. Tôi còn nhớ những ngày nhà xuất bản – thường chỉ là một người! – chở sách mới in tới nhà biếu mẹ tôi, đồng thời giao phần nhuận bút còn lại (đã đưa tạm ứng hồi còn đăng báo). Đó thật sự là những ngày hội trong gia đình! Mẹ tôi kêu về nhà hai bao gạo chỉ xanh 100kg để ăn dần, kêu anh tôi đi bổ thang thuốc về ngâm rượu cho ba tôi, rồi mãng cầu, vú sữa, xoài, nhãn…, mùa nào thức nấy cả giỏ cần xé phục vụ cho chín cái tàu há mồm trong nhà. Rồi cả nhà lên taxi đi ăn bò bảy món Ánh Hồng gần cổng xe lửa đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển)… Chỉ vậy thôi, chứ mẹ không thể tạo nên sự giàu sang cho gia đình. Giàu sao nổi với nghề viết văn, làm báo? Mà lại phải lo cho một ông chồng quen sống phong lưu, với 9 đứa con đang tuổi ăn học! Như nhiều người lúc đó, mẹ không hề mua vàng dự trữ, chỉ dùng tiền bán sách lo cho con đi học, dư thì gởi tiết kiệm ngân hàng. Cứ nghỉ hè xong là đứa nào cũng có quần áo, giày dép mới. Và một dịp nữa trong năm chắc chắn bọn tôi có quần áo giày dép mới, đó là Tết. Tết nào không đủ tiền lo cho cả nhà, thì mẹ lại gọi mấy nhà xuất bản tới “bán lúa non”, tức nhận tiền cọc cho một cuốn sách chưa viết. Cứ thế mẹ cày và cày… Năm năm tiểu học của tôi trôi qua rất bình yên. Những gì mà tôi nhớ nhứt, các bạn không đoán được đâu, lại là những món ăn bán trước cổng trường. Chi Lan là một trường nhỏ, có đủ 5 cấp lớp tiểu học, nhưng mỗi cấp chỉ có một lớp. Học sinh có thể chọn học lớp sáng hoặc lớp chiều. Mỗi buổi chỉ có khoảng 150 học sinh, vậy mà trước cổng trường vào đầu giờ học và giờ ra chơi, luôn có khoảng 6 – 7 người bán các món quà vặt cho lũ học trò. Những món ăn rất đơn giản, rẻ tiền, bởi mắc thì bán cho ai? Như món me ngào đường, đựng trong thau nhựa, trên đậy tấm lá chuối khô, mỗi lần mua 2 cắc, 5 cắc đều bán. Người bán lấy muỗng múc một miếng quệt vào cái bánh tráng nướng nhỏ vừa lòng bàn tay, cho thêm cái tăm để… quẹt quẹt, dích dích, ăn chua chua ngọt ngọt ngon mê tơi. Cũng với me, có món bánh me ép tròn như đồng xu, ăn chua chua cay cay. Các món trái cây khác ngoài cóc, ổi, xoài, chùm ruột sống chấm mắm ruốc, còn có trái xay, trái sắn, trái me keo…, toàn thứ rẻ tiền. À quên, còn có một thứ trái mà giờ hình như đã tuyệt chủng trước các cổng trường: trái ô môi. Trái này hình ống tròn, có vỏ cứng màu nâu đen, dài khoảng 4 – 5 tấc, đường kính chừng 3cm, bên trong chứa nhiều múi, mỗi múi có một chút thịt bọc quanh cái hột tròn dẹp. Người bán chặt trái thành từng đoạn, róc hai bên mép vỏ mềm, sau đó ép hai đường gân đôi bên cho xệu xạo. Người ăn chỉ việc lấy ra từng múi để ăn. Thịt ô môi có vị ngòn ngọt, cay nồng, ăn bị đen môi, ăn nhiều rất bón. Hột ô môi còn có thể dùng để nấu chè, ăn dẻo, ngon. Rồi nhiều thứ quà vặt khác: bánh vòng xỏ chỉ đeo cổ, cà rem đá bỏ trong thùng sắt, kẹo múi cam, kẹo đèn cầy, kẹo đậu phọng sữa Nougat… Nhưng mê nhứt là kẹo kéo của ông Chệt, không chỉ bởi vị ngọt ngon, lời rao độc đáo[44] mà món ăn này còn luôn được bán kèm trò quay số, hên thì có thể chỉ với 5 cắc có thể trúng được chục cây bao bạn bè, xui thì mất tiền. Vật dụng quay số là một miếng gỗ tròn có thể dùng tay quay được, phía ngoài có gắn một cây cờ cố định. Trên mặt gỗ chia thành nhiều ô, có đánh số. Khi miếng gỗ dừng lại, lá cờ chỉ vào ô nào đó sẽ là giải người quay được trúng. Tôi nhớ nhiều đến các món quà vặt bởi vì tôi… hay mua chúng để mời vài cô bạn gái trong lớp. Thói galant này luôn luôn có lợi, bạn hãy tin tôi. Về sự kiện trong thời này thì tôi chỉ còn nhớ được ba chuyện. Chuyện thứ nhứt, Kim Chung vô lớp, đem cho tôi một trái ổi xá lị lớn. Ra chơi, tôi ngồi chống cùi chỏ lên trái ổi, ra ý khoe khoang. Một thằng bạn ngồi sau tức tối chồm lên xô mạnh tôi. Chỉ vậy thôi mà tôi bị trật khớp, phải đi băng bột, chứng tỏ tôi suy dinh dưỡng cỡ nào! Chuyện thứ hai, thật là xấu hổ, nhớ tới bây giờ luôn. Hôm đó là sáng Thứ hai, chào cờ. Năm tôi sáu tuổi, học lớp Năm, lớp đầu tiên. Học mới vài tháng nhưng cũng đã thân với Mai và Chung. Không hiểu sáng hôm đó tôi ăn uống thế nào mà tự nhiên… mắc tè dữ dội. Mắc từ lúc xếp hàng chào cờ, nhưng cố nín. Chào cờ xong, thầy hiệu trưởng luôn phải giáo huấn đôi lời. Hôm đó trái lệ thường, thầy nói rất lâu. Không thể nào nín được mà lại nhát không dám chạy ra ngoài, tôi chịu hết nổi… tè luôn tại chỗ. (Ai đã từng trải qua cảm giác tè dầm hay ị đùn, sẽ cảm thấy “đã” như thế nào khi… bùng nổ tuôn trào, kệ tới đâu thì tới!). Đám bạn đứng sau nhìn thấy, bắt đầu cười sùng sục trong miệng rồi lớn dần. Lẽ dĩ nhiên sau đó cả lớp đều biết. Tôi được mẹ của Long đưa vào trong lấy quần Long cho thay. Tôi mắc cỡ trốn học mấy ngày! Khi vào học lại, còn phải chịu đựng thêm mấy ngày đám bạn chọc ghẹo vụ đái dầm, nhưng dù sao vẫn còn dễ chịu hơn là mỗi khi gặp Mai và Chung, hai con nhỏ cứ nhìn tôi tủm tỉm cười… Chuyện thứ ba, cuối năm lớp Nhứt, như mọi học sinh, tôi đi thi vào trường trung học công lập[45]. Ở Sài Gòn lúc đó, trường trung học công lập thì nam học riêng, nữ học riêng. Về trường nam, đẳng cấp nhứt là Pétrus Ký, rồi tới Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Trãi, Hồ Ngọc Cẩn, Mạc Đĩnh Chi… Pétrus Ký thì anh Lập và anh Thạch đã học, Chu Văn An ở tuốt Chợ Lớn quá xa mà lại nhiều học sinh người Bắc. Tôi chọn Võ Trường Toản, một trường nhỏ gần Sở Thú, nơi anh Trạch từng học trước khi đi lính. Chỉ vì một lý do: kế bên là trường nữ trung học Trưng Vương, thấy anh Trạch có làm thơ ca tụng. (Ngoài Trưng Vương, Sài Gòn lúc đó còn hai trường nữ công lập khác là Gia Long và Lê Văn Duyệt). Tôi đi thi ở trường Bồ Đề, góc đường Nguyễn Thái Học – Cô Giang, gần chợ Cầu Muối. Chị Hương đưa tôi đi thi bằng xe xích-lô, hẹn khoảng 11 giờ 30 sẽ tới đón. Năm đó học sinh chỉ phải thi hai môn Luận văn và Toán đố, trong một buổi sáng. Còn nhớ đề Luận văn là về nạn lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi viết miên man nhờ có vốn hàng ngày đọc báo cho thầy tôi nghe, hình như năm trước đó có một trận lụt lớn. Bài toán đố hơi khó, thuộc loại tính đổ đồng, ví dụ có X con gà và thỏ (2 chân và 4 chân), mình phải đổ đồng ra cùng một loại, mới tính được. Thầy Rễ ở trường Chi Lan không dạy loại toán này nên thằng Long (cũng đi thi với tôi) không làm được, bị rớt. Còn tôi được chị Hương rèn kỹ nên làm được dễ dàng. Mới 10 giờ 30 tôi đã lên nộp bài. Ra cổng trường chờ chị lâu quá, tôi thả bộ đi chơi lòng vòng định một lát sẽ quay lại. Biết rạp Kim Châu của bà bác tôi ở trên đường Nguyễn Văn Sâm (nay là Nguyễn Thái Bình) cách đó không xa, tôi tới coi mấy hình ảnh quảng cáo phim sắp chiếu. * Bạn có tin lúc đó tôi đã là dân ghiền xi-nê có số má? Mới 8 – 9 tuổi tôi đã thường cùng vài đứa bạn trong cư xá đi bộ ra hai rạp bình dân gần nhà là Văn Cầm và Cẩm Vân cùng trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) để coi phim. Cả hai rạp này đều… “có máy nóng”, ghế gỗ có nhiều rệp, chuột chạy rầm rập dưới chân, khai rình vì nhiều khách con nít xem phim sẵn sàng tè tại chỗ. Chỉ chiếu lại phim cũ đã dạt ra từ các rạp lớn trung tâm, chiếu permanent (thường trực) tức vô ra lúc nào cũng được, khỏi có số ghế, được cái giá vé chỉ có 1 đồng rồi lên dần tới 5 đồng/vé. Tới giờ vẫn còn nhớ vài bộ phim đình đám lúc đó, như Gunfight at the O.K. Corral (Kirk Douglas, Burt Lancaster), Alamo (John Wayne, Richard Widmark), Bảy tay súng oai hùng (Yul Brynner, Charles Bronson, James Coburn, Horst Buchholz), The 7th Voyage of Sinbad (Kerwin Mathews)… Phim Nhật có Người phu xe (Toshiro Mifune), Bảy chàng võ sĩ đạo (chỉ nhớ được tên Toshiro Mifune)… Ngay cả một phim chiến tranh bi thảm như Tant qu’il y aura des hommes (From Here to Eternity – với Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra) mà tôi vẫn còn nhớ đến tận giờ! Rạp Kim Châu được bác tôi xây xong năm 1960, thầy mẹ và cả nhà được mời đi coi hôm khai trương, chiếu Sappho – Venus of Lesbos, dạng phim giác đấu La Mã màn ảnh đại vĩ tuyến, màu Technicolor, có nữ tài tử Tina Louise rất đẹp. Màn nam tài tử Kerwin Mathews đẹp trai tay không đánh với sư tử làm tôi mê mẩn. Rạp có hành lang phía trước rộng, mát lạnh, hai bên tường là vách kính để đầy hình ảnh các bộ phim sắp chiếu. Hôm tôi đi thi, rạp đang quảng cáo bộ phim Pháp – Ý Les Trois Mousquetaires (Ba chàng ngự lâm pháo thủ), dựa theo thiên truyện lừng danh của đại văn hào Pháp Alexandre Dumas. Tôi đứng mê mẩn ngắm tới ngắm lui hình ảnh cô đào nẩy nở có đôi môi cong Mylène Demongeot (vai cô nàng gian ác Milady de Winter), chứ chẳng thèm nhìn chàng diễn viên Gérard Barray đẹp trai trong vai hiệp sĩ D’Artagnan[46]. Khung kính kế bên lại đầy hình ảnh của nữ tài tử Lâm Đại[47] của Hồng Kông trong vai cô nàng rắn trắng Bạch Tố Trinh của phim Bạch Xà truyện (1962), đẹp mê ly trước mắt thằng con trai 11 tuổi chưa bể tiếng. 11 giờ 30, chị tôi tới trường đợi đến lúc không còn thí sinh nào vẫn chẳng thấy tôi đâu, hốt hoảng kêu ông xích-lô chạy kiếm khắp các con đường quanh trường Bồ Đề, may sao gặp tôi đang trên đường lơn tơn quay về. Đến giờ thỉnh thoảng chị vẫn còn nhắc câu chuyện tôi mê gái đẹp từ năm 11 tuổi đến nỗi quên tuốt người nhà (mãi mãi đến giờ vẫn vậy!). Khoảng một tháng sau, chị tôi đi coi kết quả về báo tôi đã thi đậu vào trường Võ Trường Toản với số điểm khá cao. Đó là kết quả công dạy dỗ của chị. Việc thi đậu vào trường công lúc đó là một sự kiện với nhiều gia đình, nhưng ở nhà tôi là bình thường. Các anh chị, rồi sau này là ba cô em tôi, đều học trung học ở các trường công lập. Chứ học trường tư thì làm sao mẹ tôi có thể nuôi nổi! 1. Bưu ảnh Mylène Demongeot tôi mua cất trong hộc bàn để đêm đêm ngồi học lấy ra ngắm. Tôi mê đôi môi cong nũng nịu và vòng 3 đầy đặn của cô đào này trong suốt những năm mới lớn! 2. Poster phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ (đạo diễn Bernard Borderie, điện ảnh Pháp – Ý hợp tác sản xuất 2 tập, Xâu chuỗi của nữ hoàng và Sự """