"Đẹp - Khái Hưng full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đẹp - Khái Hưng full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo KHÁI HƯNG Trong Tự Lực Văn Đoàn ĐẸP TIỂU THUYẾT 1941 Nhà xuất bản Đời Nay ĐỀ TẶNG NGHỆ SĨ TÔ NGỌC VÂN KHÁI HƯNG PHẦN THỨ NHẤT I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. - Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào anh ấy cười cho… Mà anh ấy giận nữa cũng nên. Anh ấy gửi thư lại đánh luôn giây thép cho mình là cốt để mình sửa soạn phòng riêng cho anh ấy. Ngọc suy nghĩ và hỏi: - Không biết sao anh ấy lại đi được? Loan không để ý đến câu của chồng, nói luôn: - Vậy em cứ bảo dọn phòng em Hanh để anh Nam ở nhé? Ngọc giọng hơi gắt: - Đã bảo để chờ anh ấy vào hãy hay. Em còn không biết tính Nam hay sao? Làm phật ý anh ấy, anh ấy vùng vằng bỏ ra về ngay, cũng chưa biết chừng. Mà đã chắc đâu anh ấy vào! - Đã đánh giây thép báo trước, anh còn bảo chắc đâu… - Anh ấy gửi điện tín, rồi không đi là thường. Có khi ra ga, vào lấy vé lên toa ngồi yên chỗ, anh ấy còn xách va-li hấp tấp trở về nhà để ngủ, nữa là… - Anh và các anh bạn anh cứ nặn mãi ra, thêm thắt mãi vào làm như anh Nam là một người ngộ nghĩnh, khác thường. Kỳ thực em chỉ thấy anh ấy dễ dãi, nhu mì. Ngọc cười: - Thì vẫn dễ dãi, nhu mì! - Mỗi cái anh dở hơi lắm! Dẫu sao người ta cũng là khách của mình. Người ta đã báo trước rằng người ta vào chơi một vài tuần lễ, thì mình phải chọn sẵn một phòng tốt để người ta ở chứ! Chẳng lẽ người ta lại bảo mình: “Tôi thích phòng này, tôi không ưng phòng kia? ” Vậy mặc anh, em cứ đi thu dọn đây. Nói đoạn, Loan bỏ sang phòng bên. Ngọc mơ màng ngó nhìn qua cửa sổ ra những rặng phi lao ngoài bãi cát và nghĩ thầm: “Ừ! Không hiểu sao bỗng dưng Nam lại bỏ bừa công việc mà vào nghỉ mát Sầm Sơn được?” Nam và Ngọc là cựu sinh viên trường Mỹ Thuật, Nam lên năm thứ ba thì Ngọc bắt đầu vào năm thứ nhất. Thời ấy Nam đã nhận thấy cái tài lạ lùng, cái tài đặc biệt của Ngọc, và đem lòng yêu mến Ngọc ngay. Chẳng bao lâu hai người trở nên đôi bạn chí thân. Năm năm sau. Ngọc thi ra đỗ đầu và xin được bổ giáo sư trường Trung học, trong khi Nam đương mê man với cái thú vẽ tranh. Ngoài hội họa ra, Nam không còn thiết một thứ gì ở đời nữa. Trước kia nha Học-chính cũng đã một lần có giấy gọi chàng, để định bổ chàng vào một chân giáo sư. Dạo ấy, chàng đi vẽ ở vùng Cao Bằng. Ngọc biên thư lên báo tin mừng cho chàng và giục chàng về. Đương họa giở một bức tranh sơn, Nam định nấn ná ở lui lại mấy ngày để làm cho xong công việc đã. Nhưng rồi quên bẵng đi, chàng vẽ luôn một bức nữa, lại một bức nữa. Khi chàng tới Hà Nội thì Nha Học Chính đã bổ người khác. Chàng không lấy thế làm phiền lòng, mà có lẽ cũng không nhớ rằng người ta đã định bổ mình vào ngạch giáo sư. Từ đó tình yêu hội họa một ngày một lấn sâu mãi vào tâm hồn Nam. Vẽ cần cho chàng như ăn, uống. Có khi hơn. Vì mải vẽ chàng có thể quên ăn. Nhưng không một lạc thú gì, không một sức mạnh gì lôi kéo được chàng đi đâu, một khi chàng đứng trước cái khung căng vải đặt trên giá, cái bảng màu cầm trên tay. Vẽ để vẽ. Đó là nguyên tắc của chàng về hội họa. Được vẽ là đủ rồi, là chàng sung sướng rồi, chàng không cần phải hỏi và phải biết: Vẽ để làm gì? Nhiều lần, một bức tranh vừa ráo sơn, vì không sẵn có khung căng vải, chàng quả quyết trát trắng đi để vẽ bức khác. Mà không phải bức trước không có giá trị. Chàng thường nói với bạn: “Một bức tranh chỉ có giá trị khi mình còn đương vẽ. Vẽ xong, nó là cái khung vải bôi sơn. Đem bán, đem cho hay đem vứt đi cũng thế thôi. Nó như một người con gái. Người con gái ấy một hôm mình gặp mặt, và mình ao ước tìm tòi cái lạ, cái đẹp. Cái đẹp, cái lạ một khi đã thấy, hay tưởng thấy, thì còn gì nữa? Sự thực hiện ra và mộng ảo tan đi.” Những người quen chàng thường lợi dụng cái tính thích vẽ của chàng. Họ căng vải, mua sơn đưa đến cho chàng để sau này vác tranh về nhà treo. Chàng cảm động cho là bạn có lòng tốt đối với mình. Rồi bức tranh vẽ xong, có khi chàng bán đi, hay cho một người khác nếu không vứt vào một xó kín cho bụi bám và mạng nhện trắng. Cái tính đãng trí của chàng, trong anh em không ai còn lạ. Vả chàng ít khi chịu phân biệt cái gì là của mình, cái gì là của người. Có lần vừa may xong bộ quần áo rét, chàng cho một người bạn mượn đi ăn cưới, rồi quên khuấy. Mà người bạn mặc vừa quá cũng quên bẵng không trả lại chàng. Cách đó ít lâu gặp người kia chàng ngắm nghía khen. “Bộ quần áo anh may đâu mà dễ thương quá!”. Bạn tưởng chàng nói đùa chỉ cười. Thế là hôm sau chàng đi tìm may một bộ y như bộ trước mà chàng đã may. Cái tính đãng trí của chàng có lẽ cũng là một hình trạng của lòng rửng rưng đối với đời. Nam không cho một cái gì ở đời là quan trọng, kể cả hội họa. Chàng vẽ như chim hót. Con chim nó hót để hót, nào nó có cho tiếng hót của nó là quan trọng? Nhưng ở đời có một thứ mà chàng rửng rưng nhất, mà chàng khinh bỉ nhất, khinh bỉ mà vẫn phải cần đến, và vì phải cần đến mà lại càng khinh bỉ: Đó là tiền. Lần đầu chàng làm ra tiền là thời chàng còn học năm thứ ba trường Mỹ Thuật. Một nhà du lịch Hoa Kỳ vào thăm trường, lưu ý đến những bức tranh lụa có tính chất An Nam của chàng và hỏi mua. Buổi chiều ông giám đốc trường gọi chàng lên bàn giấy và giao cho chàng hai trăm bạc. - Đó, của anh, nhưng anh phải làm trả nhà trường những bức khác như hệt những bức đã bán. Nam ngơ ngác hỏi lại: - Như hệt? - Phải, như hệt. Sao? - Lại vẽ những bức đã vẽ rồi thì chán lắm! Ông giám đốc mỉm cười: - Chán, nhưng đã được hai trăm bạc tiêu! Nam làu nhàu: - Hai trăm bạc! Nhưng tôi có muốn bán đâu? Bắt đầu từ hôm ấy, ông giám đốc đem lòng ghét Nam. Ông cho chàng kiêu căng, và tự phụ. Có lẽ vì thế mà năm ấy thi lên lớp, Nam trụt từ thứ nhất xuống thứ ba. Ngay chủ nhật tới, Nam nhờ người bà con đặt bữa tiệc hết sức long trọng và mời tất cả bạn bè đến dự. Lúc trả tiền, chàng kinh ngạc: - Năm mươi sáu đồng! Chủ khách sạn và anh em bạn tưởng chàng kêu đắt quá. Nhưng chàng nói tiếp ngay: - Có năm mươi sáu đồng thôi! Vậy còn những một trăm bốn mươi tư đồng thì làm gì, tiêu gì cho hết được? Ai nấy cười vui vẻ, vì tưởng chàng khôi hài. Nhưng chàng rất thành thực. Chàng cho “của giời ơi” ấy chẳng tiêu hết đi, giữ mà làm gì? “Mình vẽ tranh có phải để kiếm tiền đâu? ” Cái tính ghét tiền, không bao giờ chàng bỏ được, mặc những lời chê trách của các bạn và anh chàng. Chàng có một người anh làm giáo sư yêu chàng như bà mẹ yêu con nuông. Xưa nay chàng vẫn ở chung với anh. Cho tới ba năm gần đây, công việc bộn bề quá, chàng mới chịu thuê riêng một cái nhà ở làng Yên Phụ để làm phòng vẽ và xưởng thợ. Vì từ ngày tạm bỏ sơn dầu và lụa để chuyên làm sơn ta, thì chàng có rất nhiều khách hàng phần đông là Â người Âu. Bất đắc dĩ chàng phải thuê thợ, đó là một điều làm chàng khó chịu, vì có lúc chàng đã cáu kỉnh thấy mình thành một ông chủ thầu hơn là một nghệ sĩ. Những người thân nghe chàng ngõ ý kiến riêng đều lo sợ có một ngày kia chàng sẽ bỏ sơn ta như chàng đã bỏ sơn dầu và lụa. Họ ái ngại cho chàng vì thấy “nghề ” sơn ta của chàng đương phát đạt. “Phát đạt”, đó là một tiếng không có nghĩa gì đối với Nam. Vả phát đạt đây chỉ là nhiều việc. Chứ không là nhiều lãi. Ngày chàng đem bức bình phong sơn ta đầu tiên ra bày phòng triển lãm thì các ông giáo trường Mỹ Thuật lưu ý đến chàng ngay. Đồ sơn ta xưa nay chỉ là tác phẩm của người thợ khéo, hay của nhà nghệ sĩ thiên về trang hoàng hơn hội họa. Nam bỏ hẳn cái định kiến ấy. Chàng muốn cách mệnh, muốn mở rộng phạm vi sơn ta. Và coi một bức tranh sơn ta không khác gì một bức tranh sơn dầu. Ông giáo G. thầy học yêu mến của Nam, viết một bài phê bình đăng báo để ca tụng học trò, nói Nam đã nâng sơn An Nam lên bực “đại nghệ thuật ”. Phe phản đối chẳng chịu yên lặng. Họ công kích Nam kịch liệt, nói Nam làm mất hẳn ý nghĩa và giá trị của sơn An Nam, cái ý nghĩa và cái giá trị trang hoàng của nó. Và để đánh đổ cái thuyết của ông giáokia, họ nêu ra một họa sĩ chuyên vẽ sơn An Nam đã nổi danh khắp thế giới, ông Dunant: Ông Dunant không vẽ rậm rạp, tỉ mỉ như Nam bao giờ. Anh em bạn Nam giục Nam trả lời, Nam chỉ cười và đáp lại vui vẻ - Tôi vẽ cho tôi, chứ tôi có vẽ cho ông Dunant đâu? Bức bình phong ấy chàng bán được ngay, bán theo giá trường Mỹ Thuật đã định. Chàng mừng rỡ bảo anh em: - Hòa vốn, may quá! Thế là chàng dùng ngay tiền nhận được để làm luôn bức bình phong thứ hai. Bức bình phong ấy, có lẽ trong một năm nữa sẽ hoàn thành. Vì cách chàng làm việc, khác hẳn người thường, làm việc để làm việc không cần mau, chậm: thời ấy chàng chưa mượn thợ. Chàng vẫn nói: “Làm sơn ta sướng hơn làm sơn dầu. Có nhiều cái bất ngờ lắm. Mà cái bất ngờ bao giờ cũng đẹp, cũng đẹp hơn cái mình định trước ”. Ai đã nhìn chàng mài than một bức sơn mới hiểu câu nói của chàng là đúng. Có khi sau hằng giờ, nét vẽ mới thành hình. Từ lúc ấy họa sĩ phải gượng nhẹ: Tùy mình mài sâu hay nông, nền màu sẽ hiện ra nhạt hay xám. Tới một màu ưng ý, chàng nghiêng nghiêng tấm gỗ ngắm ngía, miệng lầm bầm: “Pas bête! pas bête!” Rồi, thét vang, rồi hát ầm nhà. Hôm ấy thế nào chàng cũng tìm bạn thân, nhất là Ngọc, đến xem cái màu lạ lùng, “sung sướng” kia. Và thế nào Ngọc cũng khen không tiếc lời: “Ngon lắm, anh ạ, Trời ơi! C’est charnu! C’est bon à croquer! C’est sensuel ! ” Nam yên lặng mỉm cười, bẽn lẽn như đứa trẻ đứng im cho người mẹ vuốt ve, âu yếm. Về sau Ngọc nói: - Còn đợi gì mà không ăn mừng? Thế là hai người đưa nhau đi cao lâu. Nhờ bài phê bình của ông giáo, nhiều người Âu biết chuộng tài Nam, đến đặt tranh nhà Nam. “Thế mới chết chứ! ” Đó là câu nửa bỡn cợt, nửa thành thực mà Nam thốt ra với anh em bạn, khi ông giáo sư đưa tin cho biết có nhiều người đặt “hàng”. Chính từ đó Nam bắt buộc phải mở xưởng riêng ở Yên Phụ. Và cũng từ đó chàng bận tíu tít quanh năm, vì khách hàng một ngày một thêm đông. Các người Âu giàu sang hình như đua nhau có một bức bình phong sơn bày trong nhà. Anh em bạn Nam khuyên Nam tăng giá tranh. Nếu không, thà nghỉ dưỡng sức cho khỏe còn hơn, can chi lại hì hục năm ấy sang năm khác để mua lấy cái ốm mà chẳng lợi lộc gì. Nam chau mày gắt: - Lợi lộc! Các anh làm như tôi là một nhà buôn không bằng! - Nhưng ít ra cũng không nên để mình chịu thiệt. - Cố nhiên! Tôi có thiệt gì đâu, Tôi đương tìm tòi về tranh sơn ta, chỉ mong có việc để mình thí nghiệm. Nay người ta đem việc đến, rất nhiều việc đến, mình còn cần gì hơn nữa? - Vậy xong thời kỳ thí nghiệm phải đến thời kỳ thực hành chứ? Nam cười, hỏi: - Thực hành cái gì? Các anh bảo thực hành cái gì? Thực hành làm giàu chăng? Bán tranh, bán “hàng” thực đắt, kiếm vài vạn bạc, làm một tòa nhà lộng lẫy ở một phố tây… Rồi tự túc…bỏ hội họa… yên sống tuổi già… À ! còn quên một bà vợ và một lũ con…Tôi không ngờ các anh lại muốn dấn tôi vào cái đài trưởng giả ấy… thực hành! trời ơi, thực hành! Một người bạn cãi gượng: - Vâng! Thực hành vẽ tranh kia. Nam nghiêm nét mặt: - Điều ấy thì không có. Suốt đời nghệ sĩ lúc nào cũng phải tìm tòi, cũng phải thí nghiệm… Ai dám tự phụ đã tới chỗ hoàn toàn, chỗ tột đích của nghệ thuật? Kể thì Nam cũng không đến nỗi nghèo, không đến nỗi thiếu thốn như một số lớn họa sĩ An Nam. Tiền lãi tranh tuy không nhiều lắm cũng đủ cho chàng ăn tiêu khá rộng, mua sơn, mua vàng, nhất là vàng mà chàng rất quý mến. Quý mến là quý mến cái giá trị của nó trong tranh sơn ta, chứ không phải quý mến cái giá cao của nó trên trường thương mại. Chàng phung phí dùng nó trên các bức bình phong, mặc dầu gần đây giá một ngày một lên mãi. Nhưng có thứ mà chàng dùng phung phí hơn. Đó là sức khỏe của chàng. Ròng rã ba năm nay chàng chưa nghỉ được luôn một tháng, ngày đêm ở xưởng bị vây bọc trong làn không khí nặng nề đầy hơi sơn nồng nực. Cũng có dạo chàng bỏ xưởng đi Hòa Bình, đi Lạng Sơn, đi Hạ Long nữa. Nhưng đi để làm việc, để vẽ chứ không phải đi chơi, đi nghỉ mát. Thế mà lần này chàng định nghỉ, nghỉ hẳn một tháng trong Sầm Sơn, khiến Ngọc phải lấy làm ngạc nhiên. II Trong làn không khí oi nồng buổi trưa. Ngọc vừa chợp mắt thì tiếng hát của Nam ở cổng đánh thức chàng dậy. Loan đã từ trong nhà chạy ra chào: - Anh Nam! Chứng tôi đương đợi anh. Nam cười hỏi: - Nghĩa là anh chị đợi cơm, phải không? - Chính thế. Đó là câu trả lời của Ngọc. Và Ngọc tiếp luôn: - Nam sao thế? Nam làm bộ nghiêm trang hỏi lại: - Ngọc sao thế? - Tôi hỏi anh câu ấy. - Vì anh hỏi tôi câu ấy nên tôi mới hỏi lại anh câu ấy, nghĩa là: anh sao thế mà lại đi hỏi tôi sao thế? Loan cười: - Chuyện hai anh rõ lẩn thẩn quá! Thôi mời anh Nam đi rửa mặt rồi xơi cơm. Ngọc ngơ ngác nhìn quanh: - Nhưng giá với khung đâu? Chưa mang vào? - Để cả ở Hà Nội, nghĩa là ở Yên Phụ. - Không mang đi? - Mang đi làm gì? Đã bỏ đi nghỉ mát là đi nghỉ mát. Tất cả hành lý chỉ có cái va-li quần áo này. Trong bữa cơm, Nam rất vui vẻ và ăn ngon lành. Chàng thuật chuyện đi xe hỏa. Buổi sáng chàng ra ga suýt nhỡ xe. Và chàng cũng mong nhỡ để đánh điện tín cho bạn nói không vào được. Vì lúc sửa soạn ra đi, chàng thấy chán nản lạ lùng, phải hết sức can đảm mới rửa được cái mặt, chải được cái đầu. May mà va-li quần áo, đầy tớ lại đã xếp xong từ tối hôm trước. Không thì cũng đến đành ở lại nhà. Tới phòng phát vé hạng tư, một người ăn mặc như bồi tây chạy ra lo lắng hỏi chàng: “Thầy đi Nam phải không?” Chàng đáp: “Tôi đi Thanh Hóa” - “Thế thì chỉ còn ba phút nữa tàu chạy, thầy đưa tiền tôi lấy vé cho nào, một đồng mười lăm xu.” Nam cảm động vì lòng tốt của người kia, và quên hẳn mình đương do dự không biết nên đi hay nên ở lại. Hấp tấp chàng mở ví lấy hai đồng đưa cho người ấy, và chờ mấy phút sau nhận được cái vé với bảy hào rưỡi. Chàng tính nhẩm và hỏi: “Vé một đồng hai hào rưỡi?” - “Không, có một đồng một hào rưỡi thôi, nhưng công tôi một hào.” Kể đến đó, Nam phá lên cười. Loan hỏi: - Lúc bấy giờ hẳn anh phải ngã ngửa người ra? Ngọc tiếp luôn: - Và hết cảm động. Nam, giọng triết lý khôi hài: - Ở đời, cái gì có rồi mà không hết? Mấy phút cảm động hắn ta cho tôi cũng đủ làm tôi mãn nguyện rồi. Tôi còn muốn gì hơn nữa? Cái cảm giác sung sướng thấy loài người đẹp đẽ. Cái “đẹp” thoáng qua khiến tôi yêu đời tha thiết, yêu đời nồng nàn, dù chỉ yêu đời trong mấy phút. Vả cái đẹp gì mà không thoáng qua, phải không, anh chị? Sao ta tầm thường lại cứ muốn hưởng một cái đẹp lâu bền, một cái đẹp bất vong bất diệt? Ngọc ngắt lời: - Anh sao thế? Lần thứ hai tôi hỏi anh câu ấy. Nam buồn rầu: - Dễ thường anh cho tôi là điên chăng? Rồi đương chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, chàng cười nói: - Điên cũng đẹp. Tôi vẫn muốn thỉnh thoảng điên chơi một lúc, nhưng khó mà đóng vai điên có tài như vợ anh chàng Kim Nham. Tôi nhớ ngày bé được xem đào Kỳ đóng vai điên ấy. Đẹp không thể tưởng tượng được, người đẹp cũng có, nhưng cái đẹp thực, cái đẹp tự nhiên ấy tăng lên bội phần vì cái điên. Cặp mắt phản chiếu ánh đèn long lanh như ném lửa dục, cái miệng cười… không thể điên hơn. Tôi nói thế, là vì hôm nay tôi đã được so sánh vai đào điên của tôi với một người điên thực. Cũng cặp mắt ấy, cũng cái miệng ấy. Sao mà hệt thế! Và vì hệt, nên sự liên tưởng đã khiến tôi thấy người điên của tôi đẹp, tuy người ấy chẳng có một tí nhan sắc. Loan cười ngắt lời: - Có phải một người đàn bà không? - Phải đấy! - Thế thì hôm vào đây chúng tôi cũng đã gặp. Tay nó cầm một bó rác và một bó hương. - Chính rồi. Có phải đẹp không? Chắc chị không thấy đẹp vì chị không có một cô đào điên trong óc. Còn tôi, tôi cho là đẹp, đẹp lắm. Nhìn cái mắt liếc, cái miệng cười, cánh tay giơ ra vẫy, tôi nhớ lại cả một thời xưa, cái thời đẹp nhất của chúng ta, vì chúng ta chưa bị cái đẹp giả dối, cái đẹp sách, cái đẹp khoa học nó huyễn diệu làm mất hẳn sự xét đoán của hai con mắt ngây thơ, thành thực và rất nghệ thuật của chúng ta. Nam thở dài nói tiếp: - Đẹp! Sao ta lại cứ muốn một cái đẹp tuyệt đích? - Làm gì có cái đẹp tuyệt đích! - Phải không anh, làm gì có cái đẹp tuyệt đích. Hãy nói cái đẹp hoàn toàn thôi. Nếu Dương Quý Phi sống ở thế kỷ này, thì tập thể thao hai năm vị tất đã nhẹ bớt được năm cân mỡ. Và nếu Tây Thi sống ở đời Đường Minh Hoàng thì cái tấm thân mảnh dẻ ấy hẳn không được ông vua dâm dục kia để con mắt tới. Cái đẹp còn tùy theo khí thể, tùy theo tính chất của ta. Nhất hầu hết trong bọn chúng ta lại có một cô đào điên trong óc hay trong tim. Loan cười hỏi: - Vậy anh có một cô đào điên trong óc hay trong tim? - Trong óc. Còn tim tôi thì… Nhưng mời anh chị xơi cơm đi chứ. Cứ ngồi nghe tôi nói chuyện, có khi đói, vì tôi nhiều chuyện lắm. Ngọc biết Nam nói lảng nên yên lặng nhìn vợ mỉm cười. Buổi chiều khi hai người đi chơi ngoài bãi biển, chàng bảo bạn: - Anh buồn vì Trang đã lấy chồng phải không? Nam ngửng nhìn mảnh trăng chiều nhợt nhạt, mỏng mảnh: - Chừng anh cho Trang là cô đào điên của tôi? Trang là con gái một người bạn của Nam và Ngọc, chủ một hiệu tạp hóa lớn ở phố hàng Bông. Hơn hai năm nay, anh em đùa bỡn nói gả Trang cho Nam. Nam cười nhận lời. Từ đó anh em coi như Trang là vị hôn thê của Nam, nhất trong bọn lại có một người họ xa với Trang thường vui vẻ bảo Nam: “Được, để rồi tôi làm mối cháu cho anh. ” Nhiều câu giai thoại đã làm cho việc nhân duyên hờ của Nam trở nên cảm động. Trang mới mười sáu, Nam đã ba mươi hai. Một hôm anh em dắt Nam vào xem việc tiền định ở một ông thầy tướng số bày hàng nơi khung cửa đóng của một hiệu khách - hàng nghĩa là một vuông vải rộng vẽ hình mặt người, một cái tráp sơn then, một bó chân gà khô và một thẻ hương đặt ngang trên cái đĩa gỗ. Thầy tướng xem mặt, xem tay, hỏi tuổi Nam, rồi dõng dạc nói: “Đường nhân duyên của ông muộn mằn và ông sẽ lấy một người chỉ bằng nửa tuổi ông”. Anh em bạn vỗ tay cười reo, khiến Nam thẹn đỏ mặt. Chàng vẫn có tính bẽn lẽn. Nam lo lắng vẩn vơ, cho việc này không khéo sẽ trở nên sự thực. Nhưng sự thực có gì đáng lo lắng đâu, sự thực thì lũ bạn nghịch ngợm đã mớm lời thầy tướng số, để trêu ghẹo Nam. Lại một hôm Nam đưa hai người bạn vào hàng của Trang mua cho mỗi người một cái ca-vát mà chàng đã hứa biếu. Có lẽ vào hiệu ấy là một sự ngẫu nhiên, nhưng hai người tưởng Nam chủ ý muốn nhìn mặt Trang. Một người bảo Trang: “Ông Nam mua cho chúng tôi hai cái ca-vát giống nhau để đi làm phù rể cho ông ấy.” Trang vì chiều khách, nhất khách lại là bạn của cha mình, nên trả lời nhã nhặn: “Thưa ông, ông Nam sắp cưới vợ? Vậy thế nào thầy cháu cũng sắp được ăn cỗ.” Người kia cười nói: “Cả cô cũng đến ăn cỗ chứ?” Ra đường người ấy bảo Nam: “Anh có thấy mắt Trang ướt lệ không? Trang tưởng anh lấy vợ thực đấy mà!” Nam không tin lời bạn nhưng cũng cảm động. Câu chuyện Nam và Trang kéo dài hơn hai năm, cho tới ngày Trang đi lấy chồng. Ngọc yên trí rằng Nam thất vọng vì mối ái tình bỡn cợt đã trở nên thành sự thực: Những cử chỉ và ngôn ngữ của Nam càng khiến chàng tin chắc rằng mình không lầm. - Trang kể cũng đẹp đấy chứ? Nam cười thẳng thắn: - Còn kể cũng gì nữa! Đẹp hẳn đi rồi! Các anh cứ đùa tôi, làm hôm Trang lấy chồng tôi hơi băn khoăn, cảm động. - Thế là ái tình đấy. - Hôm cưới Trang sao anh không đi ăn cỗ? Lâm không mời chăng? - Có, nhưng tôi đi vắng. - Hôm ấy tôi có đến. Rõ khổ, anh ạ, tự nhiên tôi đâm bẽn lẽn mới chết chứ. Lúc ở nhà ra đi không nghĩ gì, nhưng lúc ngồi vào bàn tiệc và thoáng thấy bóng Trang, mình không giữ được mỉm cười nữa, cái mỉm cười ngượng ngập đến hay. Biết thế đừng đến cho xong. Ngọc buồn rầu nhìn Nam: - Cũng tại anh, Giá anh cứ ngỏ lời hỏi Trang thì làm gì mà Lâm không gả. Nam cười: - Thôi đùa đến lúc người ta lấy chồng là đủ lắm rồi. Từ giờ ta xếp câu chuyện ấy lại… Các anh sẽ có một câu chuyện khác, mà có lẽ không phải chuyện đùa nữa. - Chuyện gì mà quan trọng lắm thế? Nam yên lặng ngửng nhìn phía xa, mắt mơ màng, linh hồn ngây ngất trong tiếng sóng đều đều. Trăng chiều như miếng giấy trắng cắt dán lên trời, và vì quá mỏng để lộ cả nền xanh. Bỗng Nam cúi xuống quay nhìn thẳng vào mặt bạn, hỏi: - Tôi có thể còn yêu được không? Ngọc cười: - Câu hỏi mới lạ lùng! Anh tự hỏi anh có lẽ hơn là đem hỏi tôi. Nam giọng thản nhiên và nghiêm trang: - Tôi đã tự hỏi tôi trong hai tháng nay rồi. Bởi tôi không thể trả lời tôi được, tôi mới đến hỏi anh. Ngọc vẫn cười vì cho là bạn đùa: - Chỉ vì thế mà tôi được hân hạnh anh vào chơi… Anh có đọc cái truyện ngắn của Maupassant, truyện gì tôi quên mất tên. Trong truyện, một bá tước trước khi nhận lời lấy vợ còn đi Paris để thí nghiệm xem mình còn có thể yêu được nữa không? Vậy anh đã thí nghiệm chưa? Nam gắt: – Đừng nói rỡn nữa, anh! Câu chuyện quả không có gì đáng rỡn. Đây này, năm nay tôi băm ba rồi, nghĩa là đã quá cái tuổi mơ mộng. Ngọc vẫn giọng giễu cợt: - Những người chơi bời không mục đích thì băm ba đã bắt đầu lãng mạn, đã bắt đầu mơ mộng là sớm quá. Còn các nghệ sĩ thì mơ mộng suốt đời, vì suốt đời theo đuổi cái đẹp rất khó chiều. Nam nói tiếp, làm như không để ý đến lời bạn - Đã bao lần tôi phù rể cho bạn trẻ hơn tôi. Trong số đó có anh. Còn số đám cưới tôi đã dự thì không nhớ xuể nữa. Tôi thường đùa bảo bạn: “Tôi sẽ lấy cô phù dâu già nhất Hà Nội.” Nhưng mà có số thực, anh ạ, và số tôi có lẽ phải lấy người bằng nửa tuổi tôi như lời thầy tướng đã đoán. Ngọc cười: - Nghĩa là mười sáu tuổi rưỡi? - Thôi, cứ cho mười bẩy tuổi. Câu chuyện cũng hơi ly kỳ… Ngọc cười càng to: - Ly kỳ? Ly kỳ thực ư? III Câu chuyện ly kỳ của Nam, thực ra, chẳng có gì ly kỳ. Đó chỉ là một câu chuyện tình. Nam có một người bạn hơn chàng ba bốn tuổi. Ngày xưa Ở trường Bảo Hộ hai người tuy không học cùng lớp nhưng chơi với nhau rất thân. Không phải vì Nam và Biên hợp tính nhau. Trái lại, Nam nhanh nhẹn bao nhiêu thì Biên chậm chạp bấy nhiêu. Nam vui vẻ, đùa nghịch, lười biếng, nhẹ dạ; Biên trang nghiêm, chững chạc, siêng năng, trầm trọng. Hình như Trời phú cho mỗi người một tính chất riêng để sau này theo hai con đường đời cách biệt hẳn nhau: công sở và nghệ thuật. Hai người biết nhau, rồi để ý đến nhau, rồi yêu mến nhau vì một sự ngẫu nhiên: có một kẻ thù chung, một viên giám thị. Người ấy ghét Biên vì Biên hiền lành và ghét Nam vì Nam nghịch ngợm. Nhưng sự ngẫu nhiên chỉ là một cớ để họ bắt đầu làm quen với nhau. Thực ra thường thường ở đời càng có tính tình trái ngược, hai người càng dễ thân nhau: Nam thích đọc sách, có tiền chỉ mua tiểu thuyết; Biên khuyên bạn nên để thời giờ mà học thì hơn. Lại khoe rằng mình không hề đọc “truyện” bao giờ. Nam chỉ cười và không hề nghe theo. Nhưng Biên không nản chí, khuyên răn mãi, tuy trong thâm tâm vẫn phục Nam là người học rộng, biết nhiều, cũng như Nam vẫn thầm khen Biên là người cần cù chí thú, nhất lại thấy Biên luôn luôn chiếm đầu lớp. Rồi hai ngưài xa nhau. Sáu bảy năm sau một vụ nghỉ hè, Nam vác giá và khung lên vùng Lạng Sơn để vẽ. Thời ấy Nam đương học năm thứ tư trường Mỹ Thuật. Tình cờ chàng gặp Biên. Bấy giờ chàng mới biết bạn hiện làm tham tá tòa sứ ở đây. Biên mời Nam về nhà, bảo dọn riêng một phòng cho Nam. Nam vui thích, hầu sung sướng trong một gia đình đông đảo hai vợ chồng và năm con, bốn gái, một trai. Trong những bữa ăn ngồi quây quần chung quanh cái bàn vuông giải khăn trắng, lũ trẻ chuyện trò, cười nói huyên thiên, hay cãi nhau đánh nhau chí chóe. Nam rất yêu chúng, cùng chúng bày đình, chơi hú tim, ba ba. Trong bọn, Lan là đứa con gái lớn tuổi nhất. Lan lên chín và xinh xắn nhất. Nam cũng yêu Lan nhất vì Lan biết nghe chuyện và hỏi những câu rất thông minh, rất ngộ nghĩnh. Chàng kể chuyện Tấm Cám cho Lan nghe: đôi mắt xanh và to của Lan lóng lánh ướt lệ. Nghe truyện “Lấy vợ Cóc”, Lan vỗ tay cười, rồi băn khoăn nghĩ ngợi và hỏi tại sao trong cái da cóc bé nhỏ, xấu xí, một người con gái nết na, xinh đẹp và cao như người thường lại có thể sống được. Nam và Lan trở nên một đôi bạn thân. Nam thích cái tính thơ ngây, đầy thi vị của trẻ con. Lan được “Chú Nam” nuông chiều, nên suốt ngày lúc nào cũng bện lấy chú, theo chú đi vẽ, theo chú đến chùa Tiên, đến động Tam Thanh, đến các làng Thổ quanh vùng. Chú đi xa vắng độ hai ba hôm, Lan ở nhà nhớ mong ngơ ngác, ngớ ngẩn như mất hồn. Biên cười bảo vợ: “Hôm nào “Chú Nam”về Hà Nội cho con Lan nó theo chú quách”. Mẹ Lan cũng cười: “Phải đấy! Lan ạ, con có muốn làm con nuôi chú Nam không? Làm con nuôi chú thì tha hồ được ăn bánh.” Lan cúi mặt đứng yên lặng, hai má đỏ ửng. Đó là câu trả lời: “Bằng lòng” của tuổi thơ. Hôm Nam trở về Lạng Sơn, Lan không giữ nổi bồng bột, ôm chầm lấy “chú”, rồi hôn, rồi nói những câu nũng nịu. “Chú”! Cả nhà bây giờ đều gọi Nam là Chú. Hôm Nam mới tới, hai người bạn xưng nhau bằng anh. Trong bữa ăn vợ Biên bảo các con: “Mời bác xơi cơm đi, các con!” Nam cười nói đùa: “Mời chú chứ! Nào Lan, Cúc, Hồng, Trúc, Liên, mời chú đi!”. Thế là từ đó Nam có một địa vị nhất định trong gia đình người bạn. Nam nấn ná ở chơi nhà Biên cho tới hết hè - hơn một tháng. Hôm chàng về, đôi mắt xanh và to của Lan đầm đìa, và Lan phải nén lòng mới không khóc òa lên trước mặt mọi người. Còn Nam, chàng cười nói để giấu giọt nước mắt cảm động: “Khóc thì xấu lắm, Lan ơi! Người đẹp thế kia, ai lại khóc bao giờ, phải không, Cúc?… Trời ơi, đôi mảnh trời xanh trong của tôi sao lại mờ hơi sương như thế kia!”. Mẹ Lan bảo Lan: “Chú làm thơ từ biệt con đấy. Con họa lại đi”. Cả nhà cười, vui vẻ, Lan không giữ được cũng bật cười theo. Nam nói: Ừ “Ừ, có thế chứ, hai mảnh trời xanh trong của tôi lại xanh trong như thường rồi.” Mấy giây yên lặng, hình ảnh tất cả cái buồn rầu của một cuộc ly biệt. Bỗng Lan rụt rè ngửng lên nhìn mẹ, thỏ thẻ: “Thế mà me bảo mẹ cho con về chơi Hà Nội với chú”. Một tiếng cười to đáp lại câu nói ngây thơ. Rồi ai nấy đều cười tuy chẳng hiểu Lan đã nói gì. Giữa những tiếng vui vẻ và om sòm ấy, Nam lên xe ra ga. Năm sau thi đậu xong, Nam lại lên chơi Lạng Sơn ba tuần lễ. Nếu không bận phải làm việc cho trường thì Nam còn ở lâu hơn. Lần này lại diễn lại những giờ nói chuyện, những cuộc đi chơi, đùa nghịch của hai người bạn với những tính tình không thay đổi tuy Lan khôn biết hơn một chút. Thế rồi bẵng đi sáu năm, Nam và Biên không gặp nhau. Nam cũng có lên Lạng-sơn một lần nữa. Nhưng Biên đã đổi đi nơi khác. Bận công việc, Nam không nghĩ đến tìm hỏi xem Biên hiện ở tỉnh nào. Bỗng năm ngoái, đi chơi vịnh Hạ Long, lúc trở về, Nam rẽ vào thăm Quảng Yên và gặp Biên ở đấy. Gia đình Biên đã thay đổi khác xưa. Vợ Biên má hóp, da nhăn, trông có vẻ già, tuy mới ba mươi sáu tuổi. Lan có thêm hai em, một trai, một gái. Nhưng sự biến đổi bất ngờ cho Nam nhất là Lan không còn ngây thơ như trước nữa. Nay Lan đã là một cô gái dậy thì, hai má đỏ hây hây, cái ngực nở nang như chứa đầy sinh lực. Lan hiện học năm thứ ba trường Đồng Khánh và nghỉ hè, về nhà gần được một tháng. Thoạt nhìn thấy Nam, Lan vui cười chắp tay chào, vì nàng vẫn nhận được ông “chú” năm xưa. Nhưng nàng không dám vồ vập, nhất lại thấy Nam ngơ ngác và lúng túng ngả đầu như đáp lễ một người đàn bà không từng quen biết. Đến bữa ăn, Biên cười hỏi con gái: - Thế nào, con quên chú Nam rồi? Lan giọng nũng nịu và giận dỗi: - Khi nào con quên. Có chú Nam quên con thì có. Mải lúc ấy Nam mới nhớ ra rằng thiếu nữ chào mình ban nãy là Lan. - Chị Lan chóng nhớn quá làm tôi cứ tưởng ai. Cúc, kém Lan hai tuổi nói khôi hài: - Chú lại cứ tưởng cô tiểu thư nào, phải không… Mọi người cùng cười, nhưng chủ khách chưa thể trở lại thân mật được như xưa. Buổi chiều, gặp Lan ở vườn đương ngắt hoa về cắm lọ, Nam nói: - Tôi giúp Lan, nhé? Lan đáp: - Được, ông để mặc con. Hai người như cùng ngượng ngùng không dám dùng tiếng “chú ” và tiếng “cháu ”. - Lan chóng nhớn quá nhỉ. Tôi tưởng như mới năm ngoái, tôi còn dắt Lan lần mò vào trong động Tam Thanh. - Rồi thầy con đổi đi Hưng Yên, rồi lại đổi về đây… Ở đây buồn quá. Nhưng con ở Hà Nội quanh năm chỉ tết với nghỉ hè mới về nhà… Ông có thích Hà Nội không? - Cũng thích. Nhưng không thích bằng Lạng Sơn. Lan mỉm cười: - Hình như ngày ở Lạng Sơn ông yêu con lắm? Nam nhận thấy tiếng “yêu” hơi lạ ở miệng một cô bé mà tuy không gọi là cháu nữa, chàng vẫn quen coi vào hàng con cháu. Xưa nay chàng chỉ nghe tiếng ấy ở miệng các cô đào nhảy, đào hát Khâm Thiên. Bữa ăn chiều, ngôn ngữ và cử chỉ của Nam đã thân mật và tự nhiên hơn. Và tiếng “chú”, tiếng “cháu” người ta đã bắt đầu đọc đến dù giọng vẫn còn rụt rè, ngượng ngập. Nhưng Cúc chứ không phải Lan khơi mào ra trước: Ă - Ăn cơm xong, chú vẽ cho cháu cái khăn mùi-xoa nhé? Thấy cha mẹ có vẻ lạnh lùng với mình, Cúc thêm: - Có phải không chị Lan, ngày xưa chúng ta gọi ông Nam bằng chú? Nam cười, đáp thay Lan: - Chính thế đấy. Từ đó, trong suốt một tuần lễ, Nam ở chơi Quảng Yên, tình thân chú cháu lại nối. Có điều khác xưa là nay khi chuyện trò, cũng như khi dong chơi ra bến xem tầu tới tầu đi, không phải chỉ có Nam và Lan như ngày ở Lạng Sơn. Bao giờ cũng đủ cả một đoàn chị em, chỉ trừ hai đứa em út còn nhỏ tuổi quá. Biết bao tranh phác họa những nét mặt ngây thơ và thùy mị ấy. Trí nhớ về thị giác của Nam thực lạ. Người và vật, chàng chỉ thoáng nhận xét qua là về sau nghĩ lại vẽ gần hệt được. Liên thường đố chàng về người nọ, người kia, và khi thấy giống vỗ tay reo “Chú tài quá!” Rồi Nam đố lại, và bao giờ chàng cũng bắt đầu vẽ hình Lan, hoặc nhìn nghiêng, hoặc nhìn mặt. Một hôm Lan bảo Nam: - Ông vẽ cho con một bức ảnh, nhé? Lan vẫn không sao quả quyết kêu Nam là chú như các em được. Mỗi lần nàng đọc cái tên “chú” má nàng lại ửng đỏ, và mắt nàng lại cúi xuống nhìn chân. Nam tự nhiên cảm thấy sung sướng, cái sung sướng của nghệ sĩ đứng trước một kiểu mẩu đẹp. Nhưng chàng đáp: - Lần này thì không kịp, vì mai… tôi phải về Hà Nội. Để lần sau vậy. Biên mắng át con: - Mày chỉ làm rầy ông. Nam bảo bạn: - Có gì mà rầy! Anh cứ để tôi vẽ cho Lan một bức hình. Vợ Biên nói: - Nhưng còn tiền sơn, tiền vải của anh? - Ồ! mấy tí. Và Nam cười nói tiếp: - Với lại tiền sơn, tiền vải chả thấm vào đâu với công Lan ngồi làm kiểu mẫu, có phải không Lan? Lan không bằng lòng: - Làm kiểu mẫu thì con không làm đâu! Hơn tuần lễ sau, Nam lại ra Quảng Yên. Lần này ra chỉ cốt ra vẽ hình Lan. Mà vẽ hình Lan, Nam chỉ nghĩ đến thỏa mãn lòng ham thích nghệ thuật. Lan có một thứ nhan sắc thùy mị ngây thơ mà chàng muốn diễn tả hết tinh thần. Nhưng trong khi vẽ và nói chuyện với Lan chàng nhận thấy rằng cái ngây thơ ấy giấu một trí thức thông minh, nhanh nhẹn và tinh quái nữa. Môt lần nàng hỏi Nam: - Chú có họ với thầy cháu không nhỉ? Nam lắc đầu mỉm cười, cho là nàng quá thật thà. - Cháu cứ tưởng thế nào cũng hơi có họ một tí, nên chúng cháu mới gọi ông… là chú. - Thế này này: Chả ngày xưa tôi là bạn của thầy… Lan mỉm cười ngắt lời: - Vậy ra… ông cùng học lớp với thầy đấy? - Không, tôi học kém những mấy lớp, nhưng chơi với nhau rất thân, như anh em ruột, nên sáu bảy năm trước tôi đến chơi, ngày ấy chị còn bé, thầy bảo các chị kêu tôi là chú. Lan lai mỉm cười: - À ra thế. Nếu thế thì có lẽ ông cũng nhiều tuổi rồi đấy nhỉ? Nam chưa từng nghĩ đến tuổi bao giờ. Từ ngày chàng biết hưởng lạc thú ở đời, chàng tưởng như tuổi chàng đứng lại. Và chàng chau mày suy nghĩ, khó chịu. Nào Lan đã chịu để chàng yên: - Năm nay ông bao nhiêu nhỉ? Rồi Lan cười nói tiếp luôn: - Người Tây, họ kiêng hỏi tuổi lắm kìa. đấy, nhưng An Nam mình gặp nhau rất hay hỏi tuổi có phải không… chú nhỉ? Nam cũng cười: - An Nam mình cũng nhiều người hay giấu tuổi như Tây. Nhất khi có lợi… Lan làm bộ ngây thơ: - Có lợi gì cơ ông? - Chẳng hạn một người đàn ông đứng trước mặt một cô thiếu nữ trẻ hơn mình nhiều quá, thì không quên hạ bớt tuổi mình xuống dăm năm… Lan yên lặng, như không nghe thấy câu trả lời của Nam. Và Nam cũng yên lặng cúi xuống vẽ. Bỗng chàng nói: - Mà tôi chưa trả lời câu hỏi của… Lan nhỉ. Năm nay tôi băm hai… Già quá rồi! Lan cười rất xinh: - Già gì mà già! Ba mươi hai trẻ lắm chứ. Thầy mẹ con bảo chú chưa có vợ, có thực không… chú? - Thực đấy Lan ạ. Nói… chú không lấy vợ thì đúng hơn. Lan lại cười: - Chú cứ nói dại dột! - Thực đấy chứ! Chú quả quyết lắm rồi. Nhưng Lan ngồi im cho chú nhờ một tí. Lan ngồi im được vài phút, lại nói. Như đã nghiền ngẫm lắm, Lan hỏi: - Chú đã đọc kịch “Il ne faut jurer de rien” của Musset chưa nhỉ? Nam hơi kinh ngạc, đăm đăm nhìn Lan: - Đã, chú đọc rồi. Sao? - Hay đấy, chú nhỉ? - Phải, hay. Lan thích Musset lắm, phải không? - Cháu cũng thích vừa thôi. Rồi đương chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, Lan bảo Nam: - Cháu biết có người bạn với cha, rồi sau lại bạn với con. Thành thử gọi người cha là anh, gọi người con cũng là anh. Nam thẳng thắn đáp: - Cái đó là thường, chính tôi cũng ở vào trường hợp ấy. Câu chuyện đến đó, Lan đứng dậy xin phép hãy nghỉ. Và không kịp lại xem tác phẩm của Nam để khen vài câu như mọi lần, nàng xuống thẳng bếp sửa soạn bữa cơm sáng. IV Nam ngồi lặng nhìn bức tranh. Chàng không ngờ Lan tinh quái đến thế, người lớn đến thế. Chẳng còn gì là ngây thơ. Họa chăng cái ngây thơ giả dối. Chàng nghĩ ngay đến những cô nữ học sinh chàng thường gặp quanh hồ Hoàn Kiếm: “Rặt một hạng bà lão non!”. Đó là lời chàng bảo bạn mỗi khi chàng ngắm đi tha thướt từng bọn thiếu nữ từ mười hai tới mười lăm, mười sáu tuổi, mặt bự phấn, môi đầy son, lông mày vẽ chì, thân thể núng nính trong bộ quần áo kiểu mới may chẽn. Và chàng cười nói tiếp: “Con gái Hà Thành đã mất hẳn cái tuổi trẻ thơ từ mười hai đến mười sáu rồi. Họ già sớm quá!” Chàng so sánh Lan với bọn ấy. “Phải, những cô Đồng Khánh, Hoài Đức, những cô trong các trường công, tư, những cô trong các nhà thành phố, đồng một loạt cả!”. Chàng nhớ lại một câu nói khôi hài của chàng: “Mình theo chủ nghĩa độc thân là phải lắm, trừ khi lấy một người vợ quê mùa, quê mùa đặc thì không kể! Chứ rước ngữ kia về thì sống làm sao được?”. Nam nhớ lại những cử chỉ, ngôn ngữ của họ. Tự nhiên, có lẽ tự nhiên quá, sống sượng nữa. Một hôm trong buổi chợ phiên, vì một câu nói nhịu, chàng đã bị mấy cô bán hoa giấy khoảng mười ba, mười bốn tuổi cười phì vào mặt. “Ngày xưa, họ rụt rè quá. Bây già thì họ… trâng tráo quá, hầu thiếu giáo dục nữa! ”. Nghĩ liên miên, và sẵn ác cảm với phụ nữ, chàng cố moi trong ký ức hết những cái rởm của họ. Một hôm chàng đã xem bọn họ diễn kịch. Vở kịch rất dở và nhảm nhí nữa. Nhưng mấy vai đào cải nam trang đóng khéo quá. Và họ càng đóng khéo bao nhiêu, Nam càng ghét họ bấy nhiêu. Vì những điệu bộ lố lắng nhí nhảnh, những lời lẽ lấc cấc, cợt nhả mà họ gán cho bọn con trai, lêu lổng, đàng điếm, Nam nhận thấy chính là những điệu bộ lời lẽ của họ, nhất những điệu bộ ấy lại cử động do đôi tay xinh xắn, cặp giò mềm mại và những lời nói ấy thốt ra ở cái miệng tô son hình trái tim quá lộ. Và chàng thở dài lẩm bẩm: “Hỏng! đàn bà, con gái mà thiếu giáo dục thì nguy thực, thì cái xã hội An Nam không còn ra sao nữa.” Giáo dục đây, Nam không hiểu theo phương diện luân lý. Luân lý, hai chữ ấy không có nghĩa gì đối với chàng. Chàng chỉ hiểu theo phương diện xã hội và mỹ thuật. Những y phục lõa lồ hay lòe loẹt của các cô không biết trang sức làm chướng mắt hơn là làm bại hoại phong hóa, những lời nói lỗ mãng, tục tằn làm chướng tai hơn là phạm tới luân lý. Luân lý, theo ý Nam chỉ là cái đẹp. Và phạm tới luân lý tức là hành hạ cái đẹp. Lừa dối, luân lý kết tội, là vì lừa dối rất xấu, xấu về hết các phương diện, về phương diện tinh thần cũng như về phương diện hình thức. Nhất là về phương diện hình thức. Vu cáo, xàm báng, luân lý cho là đê hèn, chàng chỉ cho là không đẹp, không đáng để người ta phạm tới. Luân lý hô: “Mày không giết người!”. Nhưng luân lý lại ca tụng những hành vi anh hùng của người lính can đảm. Mà hành vi anh hùng của người lính là giết được nhiều quân thù. Chi bằng theo mệnh lệnh của cái Đẹp: “Giết người mà xấu xa thì đừng phạm tới. Chỉ giết người khi nào sự giết người đẹp mắt. Mà có lẽ rất đẹp mắt cái cử chỉ của người lính tuốt gươm xông sang bên địch…” Ý tưởng lan man đưa Nam đi, đến nỗi chàng không nhớ đã bắt đầu từ đâu nữa. Ít lâu nay chàng hay có những tư tưởng triết lý viễn vông trong khi suy nghĩ cũng như trong khi nói chuyện với anh em. Nhưng tranh đặt trên giá kéo chàng về với hiện tại, với sự thực. Người trong tranh mỉm cười với chàng, đăm đăm nhìn chàng. Cái miệng ấy, cặp mắt ấy mới hôm qua chàng cho là hiền lành. Bây giờ, thì trái hẳn, sau câu chuyện hóm hỉnh, sau khi so sánh Lan với các cô nữ học sinh Hà Thành, Nam chỉ còn thấy mỉa mai và tinh quái: “Thế mà mình cứ cố tả hết vẻ ngây thơ của Lan! Ngây thơ ngày nay chỉ có trong mộng tưởng.” Nam lại bật cười lên tiếng: “Làm gì mà mình hằn học tức tối thế này? Hằn học tức tối ai mới được chứ! Chẳng lẽ vì mấy lời nói có thể vô tình của một cô bé mười sáu, mười bảy tuổi mà mình đâm ra ghét phái đẹp chăng? ” Và chàng nhẩm ôn lại những lời nói ấy. Chàng nhớ nhất cái đầu đề vở kịch của Musset mà chàng chẳng muốn hiểu tại sao Lan lại xen vào trong câu chuyện. Bữa ăn chiều, Lan nói rất ít. Trái lại, Nam rất nhiều lời. Chàng bàn rặt những điều đứng đắn gần như đạo đức. Và những ý tưởng của chàng về các cô thiếu nữ Hà Thành chàng đem ra nói với vợ chồng Biên. Biên bảo Lan: - Con đã nghe thấy chưa? Lan, giọng đĩnh đạc mà Nam cho là xấc láo vì đã có sẵn định kiến: - Bẩm thầy, con đã nghe cẩn thận lắm rồi ạ. Buổi sáng hôm sau, trong khi Nam sửa soạn các họa cụ, Lan mỉm cười bảo chàng: - Ông nói phải lắm, con gái ngày nay…thế nào ấy. Nam cũng mỉm cười, vì chàng thấy ba chữ “thế nào ấy” Lan dùng đúng quá: thực vậy, họ thế nào ấy. - Nhưng chắc Lan giận chú. Lan lạnh lùng, rõ ra một người lớn: - Việc gì con lại giận ông được? Ông có đụng chạm gì tới con đâu mà bảo con giận ông? Rồi nàng cười nhạt nói tiếp luôn: - Có ông giận con thì có. Vì giận con nên ông mới đem chuyện các cô nữ học sinh ra nói để…để trả thù. Nam kinh ngạc: “Lan sống sượng được đến thế ư? ” Giọng bỡn cợt, chàng đáp: - Có khi nào chú lại đi trả thù cháu! Lan vẫn chẳng vừa: - Không phải chú trả thù cháu đâu! Đây chỉ là một thiếu niên trả thù một thiếu nữ. Nam thấy Lan hay hay, ngộ nghĩnh. Và chàng định tâm gợi chuyện để xem Lan đi đến đâu. Ừ - Ừ, Lan bảo tôi giận Lan, vậy tôi giận Lan vì cớ gì? - Vì con nhìn thấu tương lai của ông. - Không phải nhé! Vì Lan hóm hỉnh, tinh quái quá nhé! Lan lắc đầu, chán nản: - Lạ thực! Ông cũng như thầy con, cứ nhất định bắt con ngây thơ mãi. Ông phải biết năm nay con mười bảy tuổi ta, mười sáu tuổi tây rồi. Con không phải là trẻ con nữa. Nếu sang năm con đậu bằng Thành Trung thì con sẽ xin bổ làm giáo học, và con sẽ cầm thước kẻ gõ lên đầu các trò em… Dễ lúc bấy giờ ông mới chịu cho con là người lớn chăng? - Cũng chưa là người lớn được. - Vậy bao giờ con mới là người lớn? Nam mỉm cười: - Khi nào có chồng, có con, Lan mới là người lớn! Lan nhìn Nam chòng chọc: - Vậy ông cũng chưa là người lớn được, vì ông hiện chưa có vợ, có con. Nam cười to để đánh trống lảng. Cúc chạy vào, hỏi: - Chú vẽ hình chị Lan đã xong chưa, mà chú vui thích thế? Trong bọn con Biên, Cúc dùng tiếng chú thẳng thắn và tự nhiên nhất. Lại âu yếm nữa. Nghe Cúc nói chuyện, với Nam, những người không biết rõ, không ai không tưởng Nam có họ với Biên, và có họ rất gần. Mà đối với Cúc, Nam cũng thân mật hơn hết. Thân mật như bảy tám năm trước chàng thân mật với Lan. Không đẹp bằng Lan, và nàng cũng biết thế, Cúc hơn Lan ở chỗ khéo, khéo chân tay cũng như khéo ăn nói, khéo cư xử. Cúc không để mất lòng ai bao giờ, từ cha mẹ, chị Lan cho chí các em nhỏ. Thấy Nam được cha mẹ quý mến, nàng hết sức chiều chuộng. - Vẽ xong hình chị Lan, chú sẽ họa cho Cúc một bức. Cúc buồn rầu và thành thực: - Có chị Lan đẹp, chị ấy mới thích vẽ hình chứ, cháu thì cháu chả thích. Nam thương hại nhìn cái mũi dẹt và hơi ngắn của Cúc. Chàng an ủi: - Cúc cũng đẹp đấy chứ. Lan đẹp một vẻ, Cức đẹp một vẻ. Chàng đọc luôn câu Kiều: - Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai. Và đắc chí chàng cười ha hả, khiến Cúc tưởng chàng chế giễu mình, cắm đầu chạy biệt. Rồi Nam yên lặng làm việc. Chàng như sợ nói chuyện với Lan. Bức tranh nay đã gần xong. Lan ra ngắm nghía ảnh mình, nói: - Chú vẽ tôn cháu lên nhiều quá. Lan ít khi dùng hai tiếng “chú, cháu” nên Nam nghe chưa quen tai và tưởng như Lan đùa bỡn, nhất chàng lại yên trí rằng Lan có tính cợt nhả. - Vậy Lan tặng chú cái gì cho xứng đáng? Nam vô tình và thẳng thắn nói bông. Nhưng nhìn đôi mắt to và sáng của Lan, chàng bỗng thấy lời mình có nhiều nghĩa, nhất khi nghe Lan đáp lại: - Bao giờ ông lấy vợ, con sẽ thêu biếu ông đôi mặt gối. Nam cười: - Thế thì không bao giờ Lan sẽ có hân hạnh biếu tôi mặt gối ấy rồi. Lan vờ ngây thơ, hỏi: - Tại sao thế? - Tại không bao giờ tôi lấy vợ, như tôi đã nói với Lan hôm nào. Lan, giọng quả quyết: - Chưa chắc! - Chắc lắm chứ. Lan phải biết một nghệ sĩ không bao giờ nên vướng víu vợ con. Lan tính: thê tróc tử phọc thì còn làm nổi trò trống gì. Một nghệ sĩ chân chính phải cúc cung tận tụy với nghệ thuật, phải hy sinh hết tài sản, tình ái cho nghệ thuật. Đàn bà họ hay ghen lắm. Họ muốn chồng họ chỉ yêu một mình họ, chỉ lưu ý tới một mình họ, khi nào họ chịu để chồng họ yên thân mà phụng sự nghệ thuật? Mà nghệ sĩ thì bao giờ cũng thành thực yêu có nghệ thuật. Vậy chỉ còn cách chọn lấy một: Hoặc lấy vợ và thôi vẽ tranh, hoặc vẽ tranh và đừng lấy vợ. Lan cười trêu ghẹo: - Vậy ông sẽ thôi vẽ tranh. Hay vẫn vẽ tranh mà cứ lấy vợ như thường. Nam không thèm trả lời nữa. Chàng lặng thinh đứng rửa bút rồi xếp vào trong hộp. - Con nói thế là có lý lắm, chứ con không nói liều. Nam không quay lại, hỏi: - Nào, xem cái lý của Lan nào! - Ông viện nghệ thuật, con cũng xin viện nghệ thuật. Nghệ thuật là đẹp chứ gì? Người dễ cảm cái đẹp nhất là nghệ sĩ. Mà cái đẹp hoàn toàn nhất, cũng như cái máy hoàn toàn nhất, dù người ta cố nói xấu mãi mặc lòng, bao giờ cũng vẫn là con người. Vậy sao ông lại không cảm được cái hoàn toàn ấy? Ông chưa cảm là vì ông chưa gặp người làm được ông cảm đấy thôi… Nam ngắt lời: - Lan đọc ở sách nào thế? - Con chả đọc ở sách nào cả. Vả đó là những ý tưởng rất tầm thường, rất sáo. Rồi nàng nói tiếp luôn ý tưởng của minh: - Ông phải biết Goethe ngoài bảy mươi còn cảm trước hình ảnh một thiếu nữ hai mươi tuổi? Nam cười: - Cảm thì có cảm. Nhưng cảm không phải để lấy làm vợ. Lan đứng im vì thấy lý của mình bị rung chuyển. Rồi nàng nói gượng: - Không, chú sẽ lấy vợ. Mà lấy vợ trước khi con lấy chồng cũng nên. - Đánh cuộc nhé? - Vâng, xin cuộc. Nếu ông lấy vợ trước con vẫn giữ lời hứa thêu tặng ông đôi mặt gối, còn ông vì thua cuộc sẽ phải vẽ cho con một bức hình thứ hai. - Được rồi! Thua cuộc như thế cũng không nguy hiểm lắm. Lan cười: - Thì vẫn! Và nàng bỏ xuống nhà để Nam đứng lại một mình. Chàng lẩm bẩm: “Một tâm hồn không tầm thường một tí nào!” V Vừa vẽ xong bức tranh, Nam vội bỏ ra về Hà Nội. Chàng như bứt rứt, khó chịu, hơn thế, như thất vọng vì điều gì. Có lẽ chàng đã trông rõ tận đáy lòng cái đẹp của một thiếu nữ: Cái dung nhan ngây thơ mà chàng đã được ngắm, được họa, chàng chỉ thấy giấu những tính tình khác hẳn với sự ước đoán của chàng, trái ngược với những tính tình thùy mị thoạt có trong trí tưởng tượng nghệ sĩ. Mãi khi ngồi trên ô-tô hàng, chàng hồi tưởng lại, mới nhận thấy rằng mình đã cáu kỉnh vô lý. Phải, chỉ có hai đằng, một là giữ thái độ lãnh đạm, hai là bảo thẳng cho Lan biết mà sửa lỗi. Can chi lại giận dỗi bực tức? Đóng vai “ông chú hờ ” hay đóng vai “người bạn thân” tùy ý, nhưng phải cho dứt khoát. Chàng buồn rầu tự nhủ: “Mình về hơi có vẻ đột ngột.” Và chàng yên trí rằng vợ chồng Biên đều lưu ý đến sự đột ngột ấy. Sự thực, vợ chồng người bạn chỉ giữ một câu lấy lệ và chàng ra đi giữa sự vui vẻ, trước mặt gần khắp gia đình ấy đến tận ô-tô để tiễn biệt chàng. Nam còn như trông thấy mấy cái bàn tay nhỏ xíu giơ ra vẫy, mấy hàm răng trắng nuột nhe ra cười, khi xe bắt đầu từ từ lăn trên đường nhựa. Chỉ thiếu mỗi một Lan. Và Nam loay hoay tự hỏi “Tại sao Lan không tiễn mình?”. Vì Lan đã lớn tuổi? Vô lý! Mọi hôm cùng các em đi dạo phố với chàng, Lan có tỏ ý ngượng ngùng đâu? Vì Lan giận chàng? Càng vô lý hơn: Lan không hề giận ai. Vả trong hai người, chính chàng bị Lan trêu tức và đáng giận Lan hơn. Thiếu Lan, nhiều người nhận thấy ngay. Lũ em lao xao hỏi nhau: “Chị Lan đâu? Chị Lan không đi à?”. Và Biên bảo vợ: “Con bé thế thì thôi, chú vừa vẽ hình cho nó xong mà nó không đi tiễn chú.” Nói xong, cười to và thẳng thắn. Biên vẫn quen coi Lan như một đứa bé chưa biết gì, và không từng nghĩ đến cái tuổi mười bảy của con. Có lẽ vì thế mà Lan muốn lánh mặt cha mẹ ở nơi công chúng, nhất là ở trước mặt Nam mà nàng đã nói chuyện vớí bằng một giọng người lớn và ngang hàng. ẳ Phong cảnh đẹp khiến Nam quên hẳn gia đình Biên, quên cả Lan. Nam đã đi đường Uông Bí để về Hải Phòng, và khi qua những hòn núi đá xinh xắn như hàng non bộ bài trí bên sông, chàng lại nhớ đến Hạ Long với những cù lao thiên hình vạn trạng từ đáy biển sừng sững nhô lên. Về nhà, khi bắt tay vào công việc, chàng không còn nghĩ tới một việc cỏn con gì ở Quảng Yên nữa. Nhưng cách đó hai, ba tháng, một chủ nhật Lan đến xưởng vẽ của chàng, giữa lúc chàng đương phác họa một bức bình phong. Chung quanh chàng bọn thợ ngồi, đứng ngổn ngang, hoặc vẽ, hoặc mài, hoặc bào. Đồ đạc, gỗ, sơn, vỏ bào, nước đọng từng vũng, không thể tưởng tượng một cảnh bề bộn hơn được nữa. Nghe tiếng chuông ở cổng, Nam rửng rưng như không. Và khi thằng nhỏ vào nói có một cô đến chơi chàng uể oải vừa mặc cái áo dài làm việc - vì chàng đương cởi trần và vận quần ngắn - vừa hỏi: - Đầm hay ta? - Thưa ông ta. - Ta? Chàng vẫn tưởng đó là người đàn bà Pháp đến trường Mỹ Thuật đặt bức bình phong ba hôm trước. Và chàng chau mày hỏi lại: - Ta? - Vâng, ta. Nam, vẻ suy nghĩ: - Chắc lại cái cô đến đây bữa nọ, phải không? Ra bảo tôi không có nhà. - Thưa ông, không, không phải cô Xuyến. Xuyến là một trong những tình nhân tạm bợ của Nam, thường đến xưởng, và có lần ở đấy hai ba hôm, một tuần lễ, nếu Nam cho phép. Xuyến làm kiểu mẫu cho Nam nữa. Nam không ưng cái thân thể quá bé nhỏ của Xuyến, nhưng chàng thương hại, và nể lời xin khẩn khoản của một cô tình nhân mà bao giờ chàng cũng hết sức chiều chuộng cho tới khi chàng tuyệt giao một cách quả quyết. Bỏ, đó là một khóe, một tài của chàng. Và anh em đều lấy làm lạ rằng không một lần nào chàng bị một cô tình nhân cũ lôi thôi sinh sự, có khi làm mất thể diện nữa. Chính chàng cũng tự hào về điều đó. Chàng thường nói: “Câu vạn sự khởi đầu nan không đúng. Phải trừ ra một sự, sự ấy là ái tình. Vì trong ái tình, - ái tình tạm bợ cố nhiên, chỉ ái tình ấy là đáng kể, - bước đầu rất dễ, khó nhất là “bước cuối”, là bước ra ngoài vòng, bước sao cho êm thấm, cho vui vẻ, cho không xô xát, vấp váp, mà muốn thế, khôn khéo không đủ, phải yêu tha thiết mới được”. Yêu tha thiết, đó là một cách nói, vì xưa nay ngoài hội họa ra, Nam chưa yêu một cái gì có thể gọi là tha thiết. Trong lúc chàng bận vẽ mà người tình đến, thì bao giờ chàng cũng đi vắng, có khi chàng khôi hài cười nói: “Anh đi vắng.” Các cô đã thừa hiểu, và không hề giận chàng, hễ biết chàng không rỗi là đi ngay. Nhưng cô này lại cứ lùi lũi đòi vào, dù thằng nhỏ đã nói chủ đi vắng. Nam giật mình khi nghe thấy cái giọng quen quen: “Ông đi vắng thì tôi vào xem qua xưởng vẽ của ông cũng được.” Chàng ngửng nhìn ra cổng và nhận ngay được Lan. - Lan! Vô lý! Lan đến đây làm gì? Chàng tự hỏi và lúng túng. Đối với gái chàng thành thạo bao nhiêu thì đối với các cô thiếu nữ con nhà chàng ngượng ngập bấy nhiêu... Ít khi có dịp chàng tiếp các cô và các bà. Họ không phải là khách mua tranh và không bao giờ là tình nhân của chàng, điều mà chàng rất kiêng kị. Vì thế chàng ít giao thiệp với họ. Những buổi chàng bày tranh trong một phòng triển lãm, họ cũng có đến, và đến rất đông. Nhưng chàng không lưu ý đến họ, và ngờ rằng họ đến không phải để xem tranh mà để xem nhau. Phòng Triển lãm của chàng chỉ là một nơi hò hẹn. Chứ họ còn hiểu gì mà xem! Chàng không nhịn cười nổi mỗi khi những lời khen hay bình phẩm của họ nhỡ lọt vào tai chàng, nhưng vẻ lãnh đạm của chàng vẫn không được tự nhiên những khi chàng nghe thấy các cô chỉ trỏ bảo nhau: “Ông Nam đấy! Họa sĩ đấy! Trông như Nhật Bản ấy nhỉ! ”. Và chàng quay đi để giấu đôi má ửng hồng vì cảm động. Lần này không những má chàng ửng hồng mà đầu chàng còn bừng nóng. Chàng cố trấn tĩnh, cố thản nhiên, tim chàng vẫn đập mạnh Và chàng cười, nói to để che cuống quýt. - Lan đến thăm xưởng vẽ của chú, đấy à? Lan thản nhiên lên thềm, thân thể nhẹ nhàng, chân thoăn thoắt bước. - Vâng, nhân đến chơi người bạn, qua đây con vào thăm ông. Nam vẫn cười, nhìn Lan. - Thì ra nhân tiện Lan mới vào thăm chú? Lan mỉa mai đáp lại: - Nói thế để đối chọi với câu trả lời của ông ban nãy. Nam ngạc nhiên: - Câu trả lời của tôi? Lan cười sang sặc: - Vâng, con kéo chuông, ông cho anh nhỏ ra bảo ông đi vắng. Nam cũng cười rất vui vẻ: - Tôi tưởng… người khác. Tôi có ngờ đâu Lan đến chơi! Lan giọng thành thạo: - Người khác? Con chắc người khác ấy là người yêu của ông. Có phải không ông, các nghệ sĩ đều có tình nhân? Nam chau may tỏ vẻ khó chịu nhớ lại những mẩu chuyện trong khi vẽ hình Lan ở Quảng Yên: - Lan nói chi đến những chuyện nhảm nhí ấy? Lan thản nhiên đáp: - Vì con đọc trong các tiểu thuyết thấy các văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ thường có một vài cô “bạn nhỏ”. - Những tiểu thuyết ấy Lan càng không nên đọc. Lan phá lên cười: - Ông chú đạo đức của cháu ơi! Chú cấm đoán cháu quá quắt lắm. Chú coi cháu như đứa trẻ mười một mười hai mãi sao? Nam nhìn bọn thợ, và chàng lo lắng. Chàng chỉ sợ Lan quá tự do và sẽ làm trò cười cho họ. May mà ai nấy đều yên trí rằng Lan là cháu ông chủ đấy. Chàng nói lảng … - Lan đã nhìn sơn bao giờ chưa? - Đã, sơn thì ai không nhìn luôn. - Không, sơn ta, sơn sống kia. - Con có thấy bày bán ở phố hàng Gai, hàng Hòm. - Đựng trong sải và đậy giấy dầu, phải không? Đằng này sơn để ngoài, bốc hơi kia. Nếu không quen thì lở liền. Lan cười khanh khách: - Nghĩa là chú đuổi cháu, phải không? Nam cũng cười theo: - Lan chỉ nói bậy. Tôi muốn Lan ra ngoài vườn nói chuyện cho thoáng. Sự thực Nam ngượng với Lan, vì thấy mắt Lan nhìn long sòng sọc khắp mọi nơi, từ cái bàn vẽ đầy giấy, vải để ngổn ngang, cho chí những mạng nhện trắng ở trần và ở các góc tường. - Nhưng ông chưa cho con xem tranh sơn ta của ông. - Có mấy bức khá, người ta vừa lấy về cả, chỉ còn một bức xoàng. - Ông cứ cho con xem, vị tất đã xoàng như ông tưởng. Giọng nói vững chãi của Lan khiến Nam hơi kinh ngạc. Nam càng kinh ngạc hơn khi nghe Lan phê bình. Đó toàn là ý riêng của một người không biết vẽ, song những ý riêng ấy ngộ nghĩnh quá sức tưởng tượng… Chẳng hạn Lan trang nghiêm khuyên họa sĩ không nên dùng vỏ trứng để họa con ngựa, sợ khi đói ngắm con ngựa hóa con gà con đương lách trứng chui ra. Cây đu đủ nàng cho ngon mắt lắm. Nam đã tưởng nàng khen theo nghệ thuật, nhưng nàng tiếp luôn: - Vì con rất thích ăn đu đủ. Nam phải mỉm cười và thầm phục là đúng một câu phê bình khôi hài quá bạo của nàng. - Tranh sơn dầu ví như một người đẹp mà người ta tôn kính đứng xa để ngắm. Tranh sơn ta ví như một người đẹp mà người ta thích vuốt ve hơn ngắm nghía. Có phải vì thế mà người ta cứ làm những bức bình phong hay cánh cửa tủ bằng sơn ta để bày sát bên cạnh người ta không? Nhẵn nhụi quá, và mát rời rợi! Lan vừa nói, vừa nhẹ nhàng đưa bàn tay trắng trên mặt sơn bóng loáng. Còn Nam, chàng ngắm bàn tay xinh xắn nghĩ thầm: “Ta có nên coi Lan như một đứa cháu nhỏ nữa không?”. Bỗng Lan đột ngột bảo chàng: - Phải đấy, ra vườn đi. Con thấy nhức đầu rồi. - Tôi đã nói hơi sơn bốc lên độc lắm. Lan thương hại nhìn Nam: - Thế mà ông quanh năm ngửi hơi độc ấy. - Cũng quen đi. Ra tới vườn, một cái vườn khá rộng ở ven Hồ Tây, trong đó trồng nào na, ổi, cam, bưởi, khế, cau, táo, đủ các thứ cây quen. Lan ngắm quanh một vòng, rồi cười bảo Nam: - Trong vườn hẳn có nhiều cây bất tử. Nam không hiểu, hỏi lại: - Bất tử? - Vâng, vì được sống mãi trong tranh của họa sĩ. Nam cho câu khen rất có ý nhị, và cảm động nhìn Lan. - Nếu vậy Lan cũng bất tử rồi. - Vâng, nếu bức tranh của con được lưu lại hậu thế, mà chắc thế nào cũng được lưu lại hậu thế vì ông là một họa sĩ có tài, có đại tài. Cảm động đã biến thành cảm tình và Nam không dám tưởng đến vẻ ngây thơ của Lan nữa: Lan là người lớn như mọi người đàn bà khác, có khi hơn mọi người đàn bà khác. - Lan khéo quá! - Không, con chỉ thành thực. Nhiều khi con thành thực mà ông vẫn cho là con đùa giỡn. Như hôm ông vẽ hình cho con ở Quảng Yên con có nói với ông rằng ông sẽ lấy vợ, vì một nghệ sĩ cũng lấy vợ như những người thường không có hại gì hết. Nay thì con cho đó là một việc cần nữa. Nam nhắc lại: - Một việc cần nữa? - Vâng, một việc cần. Ông thử ngắm cái xưởng vẽ của ông xem. Ông vẽ đẹp, được rồi. Nhưng có cần phải trang hoàng phòng vẽ của ông bằng những mạng nhện và những vỏ bào, giẻ rách, nước bẩn không? Ông chỉ nghĩ đến vẽ. Vâng, đành rằng thế. Nhưng phải có người nghĩ đến những mạng nhện, vỏ bào, giẻ rách, và nước bẩn giùm ông. Người ấy phải là một người đàn bà. Hơn thế, phải là một người vợ. Các ông họa sĩ, thi sĩ nói đến đàn bà, nói đến những người vợ đảm đang như nói đến quân thù. Cái đó đã thành lệ, thành sáo mất rồi. Nhưng không sao, họ nói, họ phàn nàn, họ than phiền, mặc họ không bỏ qua được cái cầu ấy, cái cầu lấy vợ. Nam cười, mỉa mai: - Lan nghị luận như một bà già vậy. Lan hí hởn: - Thế à! Hân hạnh cho con quá nhỉ! Rồi nhìn đồng hồ tay nói: - Đến giờ con vào trường rồi. Chủ nhật sau có lẽ con lại ra. Nếu ông có rỗi thì con sẽ ra sớm để nhờ ông đi chọn hộ con một thứ tissu … Nhưng chắc ông bận. - Không, cũng chả bận. Chủ nhật tôi thường nghỉ. Cả thợ cũng nghỉ. Chủ nhật này là một chủ nhật đặc biệt vì có một bức bình phong phải làm kíp. - Được rồi, vậy con sẽ ra tìm ông ở đây nhé? Thôi lạy ông. Lan thoăn thoắt đi ra cổng, nhanh nhẹn rẽ khuất con đường hẻm giữa hai hàng dậu găng. VI Chủ nhật sau. Nam dậy sớm để cùng mấy người bạn đi xe đạp vào chơi chùa Trầm. Qua Thái Hà một quãng và gặp một thiếu phụ mặc áo hồng ngồi trong chiếc xe nhà, chàng chợt nhớ tới màu áo Lan mặc khi đến thăn chàng. Và chàng nhớ luôn tới lời hứa đưa Lan đi mua dạ may áo. Chàng chau mày, khó chịu, hối hận rằng đã không quả quyết từ chối phắt đi cho xong. Chàng chép miệng thở dài: “Chà! kệ xác cháu… Đến thấy mình đi vắng thì cũng thôi chứ gì! Sau này có gặp xin lỗi một câu… Đã sao”. Và chàng đều đều đạp theo đoàn xe. Nhưng từ đó trí chàng mất bình tĩnh, lòng chàng mất vui vẻ. Chàng đăm đăm tưởng tới Lan, tới nét mặt hóm hỉnh nhưng xinh tươi của Lan, hầu như bị hình dáng thiếu nữ ngộ nghĩnh, hay hay ấy đuổi theo ám ảnh, trêu tức. Nhất chàng lại băn khoăn về điều này: Là chốc nữa Lan ra không thấy chàng ở nhà sẽ nghĩ sao? Chàng cố đoán những ý nghĩ của Lan. Có lẽ Lan sẽ cho rằng chàng lánh mặt không muốn tiếp. Cũng có lẽ Lan sẽ cho rằng chàng sợ. Chàng bật cười tự nhủ: “Sợ, sợ cái gì, sợ ai mới được chứ? Rõ mình lẩn thẩn quá! Vô lý quá!” Và chàng nói chuyện huyên thiên với các bạn để quên đi, chàng cũng chẳng hiểu để quên cái gì… Bỗng chàng vụt nhận thấy cần phải về. Liền bảo các bạn: - Thôi các anh đi, tôi phải về. Cần lắm! Rồi vội vã chàng lái xe và đạp miết trên đường Hà Nội. Mọi người không kịp kinh ngạc. Vả ai nấy đã hiểu tính Nam, không cho một hành vi, một cử chỉ gì của chàng là lạ nữa. Vì thế, họ để mặc chàng trở về, sau khi đã quay lại gọi mấy câu lấy lệ. Nam đạp một mạch không ngừng. Vừa tới cổng chàng đã vội gọi đầy tớ để hỏi xem có ai đến chơi trong khi chàng đi vắng không. Nhỏ đáp: - Có. Con nói ông đi chùa Trầm, nên cô ấy viết mấy chữ để lại. Nam chau mày, khẽ hỏi lại: - Cô ấy? Và yên trí rằng đó là Lan. Nhưng khi xem giấy thì đó là Xuyến. Thì ra Lan chưa đến. Chàng nghĩ thầm: “Cũng may, vì Lan gặp Xuyến ở đây không tiện tí nào… Tuổi Lan không nên biết người ta có nhân tình nhân ngãi.” Chàng lại nhớ câu hỏi của Lan: “Có phải không, các nghệ sĩ đều có tình nhân? ”. Và chàng ngờ rằng Lan nói để nói chứ không hiểu ý nghĩa, khờ dại của lời mình. Nam mơ màng nhìn con chim chích chòe nhảy tìm sâu bên gốc mấy cây cam và mỉm cười nghĩ tiếp: “Tuổi Lan! Mười bảy rồi, còn ngây thơ gì!”. Cách đây ba năm chàng đã yêu một cô kỹ nữ cùng tuổi ấy. Có lẽ chàng thấy Lan trẻ con, chỉ vì chàng biết Lan khi nàng còn nhỏ, chỉ vì chàng quen coi Lan vào hàng con, cháu. “Chứ sự thực, Lan bé bỏng gì!” Để khỏi có vẻ mong đợi vẩn vơ “như mong đợi người tình”. Nam đem bức vẽ phác một kiểu bình phong bỏ giở ra sửa chữa lại. Rồi cặm cụi làm việc, chàng quên cả Lan lẫn sự mong đợi. Mãi hai hôm sau, nhận được thư Lan, Nam mới nhớ lại rằng Lan đã sai hẹn. Bức thư của Lan: “Thưa ông, “Em xin lỗi ông, vì em đã sai hẹn. Lỗi ấy một phần ở cô giáo Mùi em, nhưng em cũng xin nhận cả. Cô giáo em vô lý quá, ông ạ. Ai lại đọc tiểu thuyết trong giờ khâu mà phạt cấm ra chủ nhật. “Chương trình nhà trường mới lại càng vô lý chứ! Sao không dạy con gái học vẽ như con trai mà lại đi bắt học khâu? Những viêc nữ công ấy có khó gì đâu! Ai làm chả được, mà cần phải dạy! Chừng họ tưởng công việc sau này của chúng em là khâu khâu vá vá suốt đời chăng? Nếu quả thế thì cũng buồn, ông nhỉ! Đời người phải là một đời nghệ sĩ, một đời họa sĩ, mới đáng sống, phải không ông? Em nói thế không phải em nịnh ông đâu, em không thích nịnh ai bao giờ. Nhưng em tin thế. Sống cho cái đẹp, sống để yêu cái đẹp, nói thế có đúng không ông? Hay không có nghĩa gì hết? “Đây cần mở một cái dấu ngoặc để cảnh tỉnh ông mấy câu, hẳn ông cho phép chứ? Sống cho cái đẹp nhưng vẫn phải sống. Còn ông thì ông chểnh mảng với sống quá. Em nói thế không phải em không nhận thấy lực độ sự sống của ông mạnh mẽ, cao sâu là chừng nào. Nhưng đây em nói về phương diện sống thường của hạng người… Thôi nói thế đủ rồi, ông sẽ hiểu. Vả đến đây xin đóng cái dấu ngoặc lại để thuật cho ông nghe câu chuyện bị phạt ra chủ nhật. “Có gì đâu: Em không khâu, ngồi đọc tiểu thuyết bị cô giáo tóm được. Có thế. Nhưng sự quan trọng không ở cho đó. Sự quan trọng ở chỗ: thiếu nữ và nhất là nữ học sinh có được phép đọc tiểu thuyết không? Cô giáo em cho là không. Và nếu có, thì chỉ đtrợc đọc những quyển mà các cô giáo chọn lựa cho. “Các cô chọn lựa? Nghĩa là các cô bắt chúng em đọc những sách mà các cô không bao giờ thèm đọc tới, phải không thưa ông? Còn những tiểu thuyết hay mà các cô ham mê thì các cô cấm học trò các cô đọc, lấy cớ rằng học trò của các cô còn ít tuổi, còn ngây thơ dễ sa ngã.v.v.. “Lại điều này nữa, ông có biết quyển tiểu thuyết em đọc là quyển gì không? Quyển ấy đã bị bà đốc và cô giáo em liệt vào hạng bị cấm đấỵ. Vậy ông có biết là quyển gì và của tác giả nào không? Thôi ông chả đoán được đâu. Đó là quyển “Symphonie pastorale” của André Gide, một truyện cũng không lấy gì làm hay lắm, cũng không lấy gì làm nhảm lắm và chắc ông chưa đọc. Sở dĩ em đọc là vì trước kia em sợ André Gide, coi ông ta như một tác giả sâu sắc bí hiểm quá quắt. Một hôm em đọc bản dịch truyện “La Porte étroite” của Đỗ Đình Thạch thấy dễ và cũng hay. Thế rồi chủ nhật trước, khi ở nhà ông về em gặp một người bạn trai cầm quyển “Symphonie pastorale”, em mượn liền. Sách có hai truyện. Nhưng em chỉ mới đọc xong truyện “Symphonie pastorale ” thì sách bị tịch thu. “Ông có muốn em thuật lại câu chuyện cầu kỳ ấy cho ông nghe không? Phải đấy, em kể cho ông nghe để ông được biết bà đốc và cô giáo em vô lý đến bực nào.. “Đây này: “Một giáo sĩ - chừng một giáo sĩ như giáo sĩ đạo Tin Lành ở đây - một hôm gặp một cô bé mời đến chữa cho một bà lão già ở một xóm hẻo lánh. Giáo sĩ đến nơi thì bà lão đã chết. Người còn sống ở cái nhà ấy duy có một thiếu nữ. Nói thiếu nữ ngay thì cũng hơi không đúng, vì lúc bấy giờ đó chỉ là một con mọi, bẩn thỉu, hôi hám, quần áo nhung nhúc những rận và rệp. Khốn nạn cùng cực, con người ấy lại vừa mù vừa câm. “Sự thực, người ấy chỉ mù, sinh ra đã mù, chứ không câm. Người ấy không nói được là vì từ thuở nhỏ ở với bà (người chết) mà bà không nói với một câu. “Giáo sĩ đưa về nuôi, vì thấy đứa trẻ mồ côi không còn một thân thích nào ở đời. Bà vợ giáo sĩ không bằng lòng nhưng vì tòng phục chồng nên không dám hé môi. Giáo sĩ cắt tóc, tắm gội, thay quần áo cho người mù. Và cách đó ít lâu nhận ra rằng đó là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, và thông minh tuyệt trần nữa. “Từ đó bắt đầu cuộc nhạc tấu nơi thôn dã, la symphonìe pastorale. Giáo sĩ yêu thiếu nữ, thiếu nữ yêu giáo sĩ, trước còn yêu như cha với con. Sau tình cha con đổi ra tình yêu vắn tắt. Nhưng tình yêu ấy vẫn âm thầm và… đau đớn. Giáo sĩ có một người con trai ngoài hai mươi tuổi. Cố nhiên anh chàng cũng yêu thiếu nữ, nhưng không được thiếu nữ yêu lại, hay đúng hơn, không được thiếu nữ yêu như yêu người cha. “Giá cứ thế mãi thì chỉ có một người khổ, người ấy là vợ giáo sĩ. Bà đã trông thấy rõ tình yêu của chồng và của con. Nhưng một bác sĩ lại đem mổ mắt và đem ánh sáng đến cho thiếu nữ. Ánh sáng tai hại! Vì thiếu nữ trông rõ sự thực: Cái đẹp biến đổi hẳn, khác hẳn, ẳ trái ngược hẳn với những lời dạy tươi sáng mà giáo sĩ đã vẽ vào khối óc mơ mộng và ngây thơ của nàng. “Và nàng chết, ngã xuống sông mà chết trong lúc nàng nghiêng mình trên làn nước để ngắt mấy bông hoa. Hấp hối, lời nói cuối cùng của nàng là ngỏ cho giáo sĩ biết rằng lúc mù nàng cứ tưởng dung nhan giáo sĩ đẹp như những lời giáo sĩ nói, như cái giọng êm dịu và ngọt ngào của giáo sĩ. Nhưng sự thực, cái đẹp ấy chỉ có trên dung nhan người con: người ấy đã thất vọng vì tình và đã xin vào nhà tu kín. “Ông có thấy truyện cảm động khộng? Em thì em thấy vô lý. Vì sự thực chỉ có một. Cái đẹp cũng chỉ có một. Cái đẹp tưởng tượng trong khi mù vẫn là cái đẹp trước mắt khi đã sáng. Lỗi là ở chỗ thiếu nữ không biết nhìn hay nhìn sai vì quáng lòa trong ánh sáng đột ngột rực rỡ. “Đó, truyện đã làm em bị phạt. Ông có thấy nó nhảm nhí và nguy hiểm không? Em cho nó quá đạo đức nữa. Người ta có thể dùng làm bài dạy luân lý được: các thiếu nữ ngây thơ không nên tưởng tượng mơ màng, vì khi tỉnh ngộ sẽ bị thất vọng. “Nhưng xin lỗi ông. Em đã viết cho ông một bức thư quá dài để bắt ông mất thì giờ đọc. Nhất em lại viết huyên thuyên chẳng đâu vào đâu. Chủ nhật sau em sẽ ra tạ lỗi ông một lần nữa. “Kính thư Lan ” Nam đọc một mạch hết bức thư. Rồi vân vê mấy mảnh giấy trong tay, chàng xem lại từng đoạn. Chàng thấy Lan triết lý, triết lý quá. Và chàng mỉm cười tự nhủ: “Bọn mới lớn lên họ vẫn thế, nhất về bên phụ nữ. Họ thích triết lý lắm. Bất cứ một việc gì, dù đơn giản đến đâu, họ cũng thấy có một triết lý sâu xa ở trong ”. Điều nhận xét thứ hai của Nam là trong thư Lan không xưng con hay cháu nữa. Lan xưng em. Có lẽ cũng như chàng, Lan đã thấy tiếng “con” không tiện. Và chữ “em” đây, nàng chỉ dùng để thay chữ “tôi” quá sơ. Nhưng sao Lan lại đem truyện “Symphonic pastorale” ra kể với chàng? Nam chau mày suy nghĩ, như để cố tìm ra một cớ gì. Ừ, chẳng lẽ chỉ để xin lỗi vì không ra được mà phải thuật dài dòng một truyện đã đọc? Nam ngờ rằng Lan đã bịa ra chuyện bị phạt để lấy cớ viết thư. Chàng biết nhiều thiếu nữ khi đọc được một quyển sách thì thế nào cũng tìm cách để khoe khoang với những người quen thuộc. Huống quyển truyện Lan đã xem lại là một tác phẩm của André Gide, một văn sĩ có thể làm tăng giá trị người đọc. Và Nam mỉm cười, lạnh lùng bỏ bức thư vào ngăn kéo, rồi đi làm việc. VII Nam ngừng kể, lơ đãng nhìn theo mấy người tắm muộn bơi lội đùa bỡn với nước. Trên bãi cát, những bộ maillot và slip màu nâu, màu lam sẫm lác đác xen trong những bộ pyjama màu sáng hay những bộ quần áo ta màu lụa bạch. Những người tắm biển đã về thay y phục để đi dạo mát. Những câu chuyện lao xao đưa trong gió, những tiếng cười tan trong tiếng sóng gầm. Sau rặng phi lao, mặt trời lặn đã lâu. Cảnh dần dần tối. Mỏm đá, nhuộm tím, như một con quái vật khổng lồ nhô đầu, vươn cổ, chực vượt thẳng ra khơi. Trăng đã cao, và trở nên đầy dặn, sáng bóng. Ngọc hỏi Nam: - Câu chuyện ly kỳ của anh chỉ có thế? Nam cười: - Nếu chỉ có thế thì đã chẳng ly kỳ. Ngọc cười theo: - Phải, tôi cũng tưởng thế. Rồi Ngọc lặng thinh, ngồi chờ bạn kể tiếp. Nhưng Nam mơ màng ngắm theo những tấm thân vạm vỡ, cân đối, uyển chuyển in nét nhịp nhàng lên nền trời, nước. Và chàng nói: - Có phải không anh, An Nam mình đã bắt đầu biết đẹp? Trước kia họ giấu kỹ tấm thân thế nào thì ngày nay họ phô bày nó ra như thế. Cũng có lẽ trước kia thân thể họ xấu mà nay nhờ về luyện tập nên thân thể họ đẹp. Câu tục ngữ cố thủ họ đã rêu rao từ nghìn xưa: “Đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại ” mà! - Chả phải thế đâu! Cái cớ che đậy, giấu giếm của họ ở luân lý chứ không phải ở mỹ thuật. Họ chỉ ca tụng cái đẹp tinh thần, cái đẹp đạo đức và cố nhắm mắt trước cái đẹp hình thức. Mỗi lần một ông vua chúa nào mở mắt ra để thưởng thức cái đẹp là bị bọn đạo mạo công kích liền. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng ở Á Đông mình cái đẹp hình thức thường lẫn trong cái khoái nhục thể. Ta không mấy khi chịu bình tĩnh mà ngắm một pho tượng trần truồng bằng con mắt mỹ thuật… Nhưng hình như chúng ta lạc đầu đề xa quá rồi. Câu chuyện của anh bỏ dở đã hơi lâu. Nam mơ màng hỏi: - Câu chuyện nào? Ngọc cười: - Lại còn chuyện nào nữa? Câu chuyện ly kỳ của anh chứ câu chuyện nào? Nếu anh quên thì tôi xin nhắc: Anh kể đến bức thư của Lan, trong thư hình như nói đến André Gide và một quyển tiểu thuyết của văn sĩ… Chừng không chịu nổi được cái giọng mỉa mai của bạn, Nam cướp lời nói lảng: - Rồi tôi đưa cho anh xem bức thư của Lan. Ngộ nghĩnh lắm! - Có ly kỳ nữa không? Dứt lời, Ngọc cười ha há. Nam thì ngây ngất nhìn phía xa, hai tay ôm má. Bỗng chàng nói: - Nguy quá, anh ạ! - Cái gì mà nguy thế? Nam vẫn nhìn thẳng: - Lan yêu tôi. Ngọc cười: - Tưởng cái gì nguy hiểm lắm, chứ cái ấy thì thường quá. Nam hơi chau mày: - Không, anh nên nghiêm trang mà nghe tôi. Tôi vào đây chỉ cốt kể với anh câu chuyện và nghe lời chỉ bảo của anh. Ngọc vẫn giọng bỡn cợt: - Chả dám. Với lại tôi còn ít tuổi hơn anh. - Phải, anh kém tuổi tôi. Nhưng có lẽ anh từng trải việc đời hơn tôi nhiều. Nhất anh lại có gia đình rồi. Anh tất hiểu rõ những cái phiền, cái khổ, cái khó chịu, bực tức vân vân… của một nghệ sĩ trong một gia đình, tôi nói tiểu gia đình. Một lần nữa, tôi xin anh nghiêm trang mà nghe tôi. Đoạn này mới là đoạn chính trong câu chuyện của tôi. - Trong câu chuyện ly kỳ của anh. Nam lắc đầu chán nản: - Chúng ta không thể đứng đắn trong mươi phút được ư? Cái đời nghệ sĩ cứ phải cười cợt hoài ư? - Chính thế. Vì anh đã bảo tôi nhiều lần rằng ở đời không có cái gì là quan trọng hết kể cả hội họa. Vậy nay tôi chỉ thêm: Kể cả hội họa và ái tình. - Anh như cố ý không muốn nghe nốt câu chuyện của tôi… - Xin lỗi anh. Vậy anh kể đi. Tôi lại cứ tưởng Lan yêu anh là hết chuyện. - Tôi không ngờ, thực tôi không ngờ anh ạ. Lan yêu tôi, có thể như thế được không? Mà lại yêu tôi ngay từ thời ở Lạng Sơn, nghĩa là hồi Lan mới chín tuổi. Mãi hôm kia Lan mới chịu thú thực hết với tôi trong một bức thư dài tới gần chục trang. Tôi chẳng giấu giếm anh làm gì, rồi tôi đưa thư của Lan cho anh xem. Tin ấy là một tiếng sét bên tai tôi. Tôi còn hy vọng rằng đó là một hiện tượng thoáng qua trong một tâm hồn lãng mạn. Phải lãng mạn lắm mới sớm có tình yêu như thế, anh nhỉ? - Chả cứ! Với lại trước có lẽ chưa hẳn là tình yêu. Tình yêu chỉ đến sau mà thôi. Nay chẳng hạn thì chắc chắn là tình yêu. Lan mười bảy tuổi, phải không? - Mười bảy. Lan nói sau ngày tôi từ biệt Lạng Sơn về Hà Nội, Lan khóc mãi, khóc ngấm khóc ngầm vì nhớ tôi, nhớ thành thực và sâu xa chứ không phải nhớ một ông chú hờ. Lan bảo thế. Rồi mấy năm sau Lan thi đậu tốt nghiệp về Hà Nội học. Lan lớn lên với tình yêu bất diệt. Và Lan theo dõi công việc của tôi, đến xem các phòng triển lãm của tôi, cảm động ngắm nghía những tranh lụa, tranh sơn, những bình phong sơn ta của tôi. Có lần Lan đứng ngay trước mặt tôi, tay mơ màng xoa một bức bình phong, mắt đăm đăm nhìn tôi nói chuyện với một người đàn bà Pháp. Lan muốn bảo thẳng tôi: “Chú Nam ơi, cháu Lan đây mà!” Nhưng không bao giờ Lan dám. Lan cảm thấy thế. Và đã lâu không thấy ông chú đến chơi nhà, Lan ngờ rằng ông quên gia đình Lan và Lan rồi…Thế rồi tôi gặp Lan ở Quảng Yên và chú cháu lại nhận nhau. Nhưng có điều này cảm động, tôi không ngờ Lan lạ lùng đến thế. Là Lan định bụng làm ra ngộ nghĩnh để tôi phải lưu ý đến Lan. Trong ngôn ngữ cử chỉ và trong cả những bức thư viết cho tôi Lan cố tỏ ra rằng mình khác thường. Làm xiêu lòng tôi, đó là mục đích duy nhất của Lan. Mãi nay thấy tôi “trơ như đá vững như đồng” - lời Lan, - Lan mới liều thú thực tình yêu với tôi. Ngọc cười hỏi: - Nhưng, thực tình, anh có trơ như đá vững như đồng không? - Thực thế, anh ạ. Trước kia trong con mắt yêu mỹ thuật của tôi, Lan chỉ là một thiếu nữ đẹp như nhiều thiếu nữ đẹp khác. Không bao giờ tôi nghĩ đến tình yêu hay một tính tình dịu dàng gần như thế. Đối với Lan cũng như đối với các bà các cô quen biết, tôi khuyên bảo, sửa chữa giùm cách trang điểm nhan sắc, thế thôi. Giờ nhớ lại thì tôi hiểu rõ tại sao Lan đã làm theo ý tôi. Một lần, tôi nói chuyện với anh em bạn - mà không biết có Lan đứng gần đấy - về cái đẹp của thân thể. Tôi bảo: “Con gái các nhà ít người có tấm thân đẹp bằng tấm thân bọn vũ nữ. Muốn đẹp phải luyện tập thân thể mà phụ nữ mình ít tập quá. Còn vũ nữ, họ khiêu vũ tức cũng gần như tập thể thao. Vì thế người họ thường nở nang cân đối.” Tôi cũng tưởng trêu tức mấy anh bạn đương tự phụ có vị hôn thê đẹp. Ai ngờ câu nói lọt tai Lan. Và ngay hôm sau Lan bắt đầu chăm tập thể thao. Lan hỏi tôi về các sách dạy thể thao nữa. Đã được hơn nửa năm rồi. Ngọc mỉm cười nhìn bạn: - Thế kể cũng thú! Nhưng ly kỳ thì câu chuyện chả có thể gọi là ly kỳ được. Bắt đầu yêu từ chín tuổi, có chi lạ. Nếu thế anh đã cho là lạ, thì tình yêu của Julia de Trécœur còn lạ đến đâu. Ừ, mà hơi giống đấy. Một đằng yêu bố dượng, một đằng yêu chú… Có khác một chút, là anh chưa có vợ. Vậy ông chú hờ chưa vợ nhất định trơ như đá vững như đồng mãi? Nam buồn rầu: - Nếu thế thì tôi đã chẳng đến cầu cứu anh. Chỉ vì sau khi đọc bức thư của Lan, tôi thấy lòng tôi bỗng đổi khác hẳn nên tôi mới lo sợ. Anh ạ, trước kia tôi không hề tha thiết, âu yếm nghĩ đến Lan. Có lẽ một phần vì tôi đã quen coi Lan như cô cháu gái bé nhỏ và ngây thơ. Nhưng đọc xong bức thư cảm động của Lan… Ngọc tiếp luôn: - Thì anh hết trơ như đá vững như đồng phải không? Bọn người dạo mát về đã gần hết. Bãi biển vắng rộng. Mặt nước lấp loáng ánh trăng. Nam cảm thấy lòng rạo rực tình yêu. Hai tay bóp chặt lấy cái đầu bừng nóng, chàng nhớ lại những việc đã xảy ra mà trước kia vô tình chàng không lưu ý tới. Việc cảm động nhất và nay chàng cho rất có ý nghĩa là việc nhân duyên của Lan. Hôm ấy Lan đến xưởng vẽ, mặt buồn rầu, thờ thẫn. Nàng đột ngột hỏi Nam: - Ông có vẫn còn là ông chú của em không? Nam ngạc nhiên nhìn Lan, đáp: - Có, nếu Lan sẵn lòng nhận làm cháu. - Sao em lại không sẵn lòng! Vậy chú thành thực chỉ bảo cho cháu một việc này nhé, một việc rất khó xử. Rồi Lan kể bằng một giọng bình tĩnh. Năm Lan lên tám, một ông huyện đem con đến chơi nhà ông tham Biên… Thấy Lan kháu khỉnh ông huyện nói đùa xin cho Huấn (tên con ông). Ông Biên cũng đùa bỡn trả lời: “vâng”. Ngờ đâu, năm năm sau, ông huyện nhắc lại lời ước xưa và nhờ mối đến hỏi Lan cho con. Bấy giờ, Lan đương học năm thứ nhất. Cha mẹ Lan, sau khi xem mặt chàng rể, đã nhận lời gả mà không bảo qua Lan một câu. “Vậy, nàng hỏi Nam, bây giờ cháu có quyền từ chối không?” Nam nhìn Lan. Và ý nghĩ thứ nhất của chàng là: “Thôi! Chẳng bao lâu, Lan sẽ về với chồng rồi.” Một ý nghĩ tiếc thương rất tự nhiên của những người chưa vợ. Nhưng ông chú cố thắng người bạn ích kỷ: Nam, giọng gượng vui hỏi thăm về gia thế, về địa vị người chồng chưa cưới của Lan. Và sau khi đã biết rằng Huấn đã đậu tú tài và sắp sang du học bên Pháp, chàng chỉ có thể khuyên Lan một câu: - Thế thì Lan nên bằng lòng đi Lan hỏi lại: - Vì hắn đã đổ tú tài và sắp sang Pháp? Nhưng nếu em không yêu hắn thì sao? Lòng ích kỷ của anh chàng yêu sắc đẹp tuy yêu vẩn vơ thôi, lại muốn lấn: - Đó lại là một chuyện khác. Lan vờ không hiểu: - Thế nghĩa là thế nào? - Nghĩa là nếu Lan không yêu thì Lan có quyền từ chối. Nam vội chữa ngay, vì thấy Lan tươi cười đăm đăm ám ảnh nhìn mình: - Nhưng cứ gì phải yêu mới lấy được? Cứ lấy nhau rồi tình yêu sẽ đến cũng được chứ gì. Xưa nay như thế cả. Lan, giọng mỉa mai, căn vặn: - Nếu tình yêu không đến thì cũng chẳng sao phải không, ông chú? Vì xưa nay chán vạn gia đình như thế cả? Thực ông chú nghĩ đến tương lai cháu một cách chu đáo quá. Nhưng có một điều này xin nói trước để ông chú biết ngay cho. Là không bao giờ tình yêu sẽ đến. Sự sung sướng không cội rễ tràn ngập tâm hồn Nam. Mặt chàng nóng bừng, mắt chàng sáng lên sau đôi kính cận thị. Và chàng hỏi ngớ ngẩn. - Tại sao thế? Câu hỏi ấy Lan không trả lời. Mà câu chuyện cũng lơ lửng không một lần nào bàn tới nữa. Nhưng nay Nam thấy rõ ràng câu trả lời trong bức thư nồng nàn, trong bức thư điên cuồng của Lan: “Vì Lan yêu chàng.” - Lan yêu tôi, vô lý quá! Nam thì thầm bảo Ngọc. Ngọc cười đáp: - Cũng không vô lý lắm đâu! Nhưng mà đi về ăn cơm thôi chứ, anh đã đói chưa? - Chưa. Ngọc vỗ mạnh vào vai bạn: - Vậy thì đích thị anh yêu rồi. Nhưng cũng về thôi, chắc ở nhà Loan đương chờ cơm. Nam thong thả đứng dậy và uể oải vươn vai đáp: - Về thì về! Hai người lặng yên đi trên cát khô. Bỗng Nam bảo Ngọc: - Mai tôi về sớm. - Về thế nào? Anh nói vào đây nghỉ mát một vài tuần kia mà! Nam chỉ nhắc lại: - Mai tôi phải về sớm! VIII Nam thong thả đạp xe tới nơi hò hẹn. Hơn ba tháng sau khi nhận được bức thư bồng bột lần đầu tiên chàng dám quả quyết gặp mặt Lan Trong hơn ba tháng ấy chàng đã sống với lo lắng và băn khoăn. Tâm trí chàng chưa bao giờ hồi hộp như dạo này. Xưa nay chàng chỉ yêu toàn những gái dễ dãi. Một đôi khi chàng đã thoáng có ý nghĩ rằng Lan cũng chẳng ghê gớm gì, và muốn được yêu nàng cũng chẳng phải là một việc khó khăn. Nhưng chàng tự mắng thầm ngay, cho tư tưởng ấy là bậy bạ, tư tưởng của hạng người như chàng, không thể có được những tính tình tốt đẹp và trong trẻo. Vì không thể ví được Lan với những vũ nữ của chàng, cũng không thể so sánh được cái dễ dãi nhẹ dạ của bọn kia với cái dễ dãi ngây thơ và thành thực của Lan riêng đối với chàng. Ái tình của Lan, như Lan đã thú thật với chàng, nhóm ngay từ thời Lan mới chín tuổi, rồi ngấm ngầm nẩy nở mãi cho tới ngày Lan hiểu biết. Nam không khỏi lấy làm tự phụ. Được một thiếu nữ xinh đẹp thầm yêu trong bao năm, người lãnh đạm đến đâu cũng phải cảm động. Trước Nam còn cho rằng sự thực Lan chỉ yêu tài mình. Nhưng sau dần dần chàng tin chắc rằng chàng có duyên, chàng đáng yêu. Chàng không cần tìm chứng cớ ở đâu xa. Biết bao vũ nữ đã yêu chàng. Mà đối với vũ nữ, không phải như người ta tưởng, chỉ việc bỏ tiền ra để mua tình ái. Vả chàng cũng chẳng giàu có gì! Sáng hôm nay nhận được mấy chữ của Lan hẹn chàng buổi trưa ra ga để nói câu chuyện cần, chàng đã ngắm nghía trong gương và nhận thấy mình đương thời cường tráng. Bộ râu quai nón, sự chế giễu của bạn bè, chàng chỉ cho là biểu hiệu của sức mạnh, của phái khỏe. Nhưng chàng đã không quên lấy dao cạo đi, và cạo rất nhẵn nhụi. Tới trước ga, Nam ngước nhìn đồng hồ: Mới mười hai giờ đúng. Còn những hơn một giờ nữa? Chàng dừng xe ở đầu hè đối diện khách sạn “Ga” và mở thơ của Lan xem lại: Ô Ông Nam, Em về Hà Nội từ hôm qua, có chút việc và em ở đằng nhà dì Phán em, phố chợ Hôm. Một giờ trưa hôm nay em ra ga tiễn một người bạn gái đi Lạng Sơn. Ông sẽ ra ga vào giờ ấy và sẽ gặp em ở đó. Cần lắm. Lan Nam nghĩ ngợi. Chàng cho rằng cuộc hẹn hò có vẻ giấu giếm. Và chàng mỉm cười. Vì chàng thấy từ ngày Lan ngỏ tình yêu với chàng thì cả hai cùng trở nên bẽn lẽn, rụt rè. Muốn nói một câu chuyện cần, Lan chỉ việc đến thẳng xưởng vẽ của chàng. Giản dị biết bao! Cần chi lại phải dựa vào một dịp đi tiễn bạn để gặp nhau. Cả chàng nữa, đã nhiều lần chàng định nói với Lan mọi lẽ phải. Nhưng chàng do dự không dám đi Quảng Yên. Rồi sau, không được tin tức gì của Lan, chàng cho ngay rằng Lan đã quên những phút điên cuồng vụt có. Bây giờ có lẽ nàng đương hối hận về bức thơ nàng đã viết, Nam đến chỉ gợi mối đau đớn cho nàng mà thôi. Vì thế, chàng cố quên. Sự thực, có một điều chàng không dám tự thú: là chàng muốn âm thầm kéo dài mãi cái tình yêu vô lý ở trong lòng thiếu nữ, dù khi tình yêu ấy sẽ chỉ còn thoảng qua. Nam đạp xe đi dạo quanh mấy phố, rồi hơn nửa giờ sau lại trở về ga. Trước chỗ phát vé, hành khách còn vắng lắm. Gần đó, Nam gặp Lan đứng bên một thiếu nữ vào trạc tuổi nàng. Chợt thấy chàng, Lan vội kêu: - Kìa ông Nam, thưa ông đi đâu đấy ạ? Nam hơi luống cuống: Không định bụng nói dối, chàng không nghĩ sẵn câu trả lời. - Không… tôi không đi đâu cả. Có lẽ Lan đã ngẫu nhiên thốt ra một câu hỏi không đâu, nhưng Nam ngờ rằng nàng khéo đóng kịch, nhất khi nghe nàng tiếp luôn câu mà nàng đã viết trong mảnh giấy gửi cho Nam buổi sáng: - Thưa ông em ra tiễn chị bạn em đi Lạng Sơn. Vừa nói nàng vừa trỏ thiếu nữ đứng bên. Nam ngả đầu chào. Rồi nói: - Còn tôi, tôi tiễn một người đi Hải Phòng. Dứt lời, chàng hơi lo, vì chàng chưa biết xe Phòng chạy trước hay sau xe Lạng. Nhưng chàng lại chợt, nghĩ ra câu nói dối thứ hai: “Nếu xe Phòng chạy trước thì mình sẽ nói người bạn nhỡ giờ chứ gì.” Và chàng buồn rầu tự nhủ: “Đi từ câu nói dối nọ đến câu nói dối kia, mà làm như thế chỉ để khỏi phải đường hoàng đến chơi nhà nhau. Có phải khi lòng người ta bất chính thì người ta hay ưa con đường bất chính?” Nam mải suy nghĩ, đến nỗi không nghe thấy lời giới thiệu của Lan: - Chị Phượng bạn học cùng lớp của em.. Thấy Nam lơ đãng nhìn ra đường, Lan phải đập vào tay chàng và nhắc lại câu nói, rồi tiếp luôn: - Và ông Nam họa sĩ trứ danh. Nam cười: - Trứ danh gì mà trứ danh, cô cứ chế giễu! Lan trố mắt nhìn Nam. Nàng có vẻ kinh ngạc, mà không phải vì câu nhũn nhặn, nhưng vì chữ “cô” chàng dùng một cách rất tự nhiên. Và nàng trêu ghẹo: - Họa sĩ trứ danh lại là ông chú của em. Nam hơi thấy nóng mặt, và chàng nói, chừng để che ngượng: - Chức ông chú thì xin nhận, còn chức họa sĩ trứ danh thì thực không dám. Vì chỉ mới họa sĩ chứ chưa trứ danh. Phượng mỉm cười láu lĩnh: - Thưa ông, trứ danh thực rồi, đấy ạ. Tôi nhớ một lần Lan có đưa tôi đến xem phòng triển lãm của ông. Ông nổi tiếng rất là đích đáng. Nhưng mải bây giờ tôi mới biết có hân hạnh được là bạn của cháu một nhà danh họa. Tới giờ phát vé, Phượng đưa tiền nhờ Nam lấy vé hộ. Làm xong việc ấy, Nam ngả đầu chào hai thiếu nữ rồi dắt xe đi thẳng, mặc dầu chàng đã nhận thấy vẻ mặt sửng sốt của Lan. Sự thực, Nam chỉ đem xe đến gửi một khách sạn trước ga, và mười phút sau chàng đã gặp hai thiếu nữ ở ngoài sân ga. Lan không giấu nỗi vui mừng.Và Phượng nhanh nhẩu hỏi: - Ông đã gặp ông bạn chưa? Nam quên câu nói dối ban nãy, ngây mặt nhìn. Lan vội nhắc: - Ông bảo ông đi tiễn bạn, vậy ông đã gặp ông bạn chưa? - À, chưa. Rồi chàng cười nói tiếp: - Anh ấy thì không khéo lại nhỡ xe mất thôi. Chẳng mấy khi là đi đúng giờ. Phượng băn khoăn hỏi: - Thưa ông, thế ông bạn ông ra Phòng có việc gì cần không ạ? - Cần thì chả có việc gì cần. Đi chơi…. Lan nhận thấy thời giờ đã kéo dài, vả câu chuyện giữa ba người đã trở nên nhạt nhẽo, khó chịu. Vì thế khi xe sắp chạy nàng vui cười, sung sướng bắt tay bạn rất nhanh, hầu như lôi bạn ra ngoài toa. Xe vừa khuất. Lan không quay lại, bảo Nam, đứng bên: - Em báo cho ông biết tin rằng thầy mẹ đã cho phép em… không … Nàng không nói dứt câu, vì không tìm được những tiếng gọn gàng và ổn thỏa để giảng nghĩa cho Nam hiểu rằng cha mẹ nàng đã chiều theo nàng mà từ chối hẳn người đến hỏi nàng. Nhưng Nam cũng đoán được ý nàng. Và chàng nói: - Thế ra Lan nhất định không chịu lấy chồng! Lan nhìn Nam, cái nhìn đầy trách móc. Nàng như thầm bảo Nam: “Một tin mừng như thế mà dửng dưng được!” Và nàng bực tức, mắt muốn ứa lệ, rảo bước đi tới phòng đợi. Nam thủng thẳng theo sau. Sau các giờ xe chạy phòng đợi vắng ngắt. Lan liếc qua chiếc gương treo, vì nàng sợ rằng nàng đã khóc. Nàng cố tươi sắc mặt lại khi nàng nhận thấy đôi mắt hơi đỏ. Nhưng lời nói của nàng vẫn còn run vì cảm động. Ngẫu nhiên Nam cũng nhìn vào gương, và gặp khuôn mặt xinh đẹp của Lan: chàng thấy nhan sắc Lan tăng lên bội phần. Có lẽ Lan được thế là nhờ ở khoa phục sức mà chàng đã chỉ bảo cho. Nhưng chàng không để ý đến cách phục sức của Lan. Chàng chỉ thấy Lan đẹp. Yên lặng làm hai người ngượng ngùng. Nam bắt đầu: - Thế là Lan đỗ bằng Thành Chung rồi đấy! Lan bĩu môi tỏ vẻ không bằng lòng: - Em đỗ đã được gần nửa năm rồi, bây giờ ông mới biết? - Ngày Lan đỗ tôi chả gửi thư chúc mừng là gì! - Thế sao nay ông còn hỏi? - Tôi nhắc lại thôi đấy chứ. Lan hay cự tôi lắm nhỉ! - Không phải là em dám cự ông. Em chỉ phiền về nỗi ông không hiểu em. Nam cười: - Tôi hiểu cô lắm chứ. Tôi lại nhận thấy cô là một linh hồn rất lạ nữa. Sau cùng tôi xin thú thực rằng bức thư của cô đã làm cho tôi hết sức cảm động. Và tôi xin thề với cô rằng không bao giờ tôi có một ý tưởng… xúc phạm về cô. Vì tôi hiểu cô lắm… Cô chỉ có toàn những tính tình ngay thẳng và… trinh bạch… Vâng, tôi hiểu cô lắm. Nam tự nhận thấy giọng mình luống cuống. Và chàng ngừng nói để trấn tĩnh lại tim quá hồi hộp và trí quá bối rối. Trong khi ấy Lan lặng thinh ngồi chống tay như suy nghĩ sâu xa tới một điều gì. - Nhưng mà, Lan ạ, những tính tình trong trẻo và tốt đẹp của Lan đối với tôi, một ngày kia Lan sẽ không có nữa, nếu Lan hiểu tôi như tôi hiểu Lan. Nam chợt nghe thấy lời minh trịnh trọng và kiểu cách nữa. Chàng vờ bật lên tiếng cười và tiếp luôn: - Ai lại đi yêu một nghệ sĩ bao giờ! Yêu tác phẩm của họ thì cứ yêu, nhưng đừng yêu họ!... Họ không yêu ai đâu mà! Lan phá lên cười to hơn Nam khiến mấy người phu khuân vác qua đấy quay vào nhìn. Nhưng Nam như không nghe thấy tiếng cười mỉa mai của Lan. Chàng vẫn bình tĩnh nói: - Nếu tôi lấy vợ, thì cô quả thực là người tôi kén chọn. Tôi thề với cô như thế. Cô là con bạn thân của tôi? Điều đó tôi không cần. Lấy con gái bạn, tôi cho cũng thường như lấy một người khác. Tôi là một nghệ sĩ đã quen sống cái đời tự do, hầu vô gia đình, thì gia đình vợ sẽ không làm phiền nổi tôi. Tôi lấy vợ là lấy vợ, thế thôi. Rồi vợ tôi với tôi sẽ biệt lập một gia đình, một tiểu gia đình. Vậy thì, sở dĩ tôi không đáp bức thư của cô, không phải…vì chỗ…tình bè bạn… không phải vì chỗ tình… chú cháu… Mà cũng không phải vì tôi không yêu cô. Trước kia, tôi chỉ yêu cô như đứa em bé của tôi, tuy tôi yêu tha thiết và thành thực… Từ khi nhận được bức thư lạ lùng của cô thì có lẽ… Nam im bặt và âu yếm nhìn Lan. - Giá ngày ấy tôi đừng suy nghĩ gì cả thì có lẽ tôi đã hỏi cô làm vợ rồi. Nhưng tôi đã suy nghĩ và tôi nhận thấy tôi vô lý. Tôi cứ yên trí rằng cô sẽ suy nghĩ như tôi và cũng sẽ tự nhận thấy mình vô lý. Nhưng hình như cái tình chín tuổi đã ăn sâu vào tâm hồn ngây thơ của cô rồi. Tôi có biết hai người con chú con bác ở với nhau cùng một nhà từ lúc bé, rồi lớn lên yêu nhau và tự do lấy nhau. Đó không phải là ái tình đâu. Đó chỉ là tình ngây thơ… Thấy Nam ngừng lại, Lan khẽ hỏi: - Thế rồi sao nữa? - Mà dẫu cho chúng ta thành thực yêu nhau nữa, thiết tưởng chúng ta cũng nên vì nghệ thuật mà hy sinh ái tình của chúng ta. Ràng buộc một nghệ sĩ vào trong gia đình tức cũng như đem một cây đa mà trồng vào một chiếc chậu sứ. Cây sẽ cằn cỗi không nẩy nở được, mà cái chậu sứ có khi bị nứt, vỡ. Sao không để mặc nó sống cái đời tự do của nó, ngoài mưa nắng dưới bầu trời cao cả. Cô có thấy họa sĩ Bạch Hải không? Trước kia đó là một thiếu niên đầy nhiệt huyết và tài năng. Bây giờ ông ta sống trong một gia đình đông con, nhiệt huyết chẳng còn mà tài năng cũng cạn. Hiện nay ông ta đương đi sâu vào cái đời trưởng giả, chỉ nghĩ cách làm giàu. Và, quý hóa quá, lại tin cả đất cát mồ mả nữa. Tôi lấy vợ tức là đi đến cái đời trưởng giả ấy… Lan nghiễm nhiên đứng dậy, nói: - Em hiểu ông rồi. Thôi em xin về. Nàng, lẳng lặng đi ra. Nam đạp xe đưa nàng về tận nhà dì. Hai người không nói với nhau một lời. Nhưng ngay chủ nhật ấy, Nam nhờ anh đi Quảng Yên hỏi Lan làm vợ. IX Đã hơn hai tháng, Nam xuất tận lực làm việc. Trong đám bạn thân ai nấy đều tưởng và Nam cũng tự dối mình rằng làm việc rất kíp như thế là để có nhiều tác phẩm đem trưng bày phòng triển lãm của hội Mỹ Thuật sắp tới đây. Sự thực xưa nay Nam vẫn lãnh đạm với những phòng triển lãm công cộng ấy. Nhiều lần chàng lại không có một bức tranh đem bày nữa. Chỉ khi nào nể lời ông đốc hay các ông giáo thân yêu, chàng mới vẽ vội vẽ vàng một vài bức lụa hoặc một vài bức tranh sơn dầu Nam thành thực ghét những phòng triển lãm ấy. Không phải vì chàng sợ bị bày lẫn, bị xếp ngang hàng với những họa sĩ vô tài, vái những “Hạng thợ khéo tay” như chàng thường mỉa. Chàng có cần gì điều đó. Và một hôm chàng đã cười ngất vì mấy lời khen ngợi trầm trồ của một ông xem tranh ra vẻ thành thạo lắm. Vẽ nhẵn nhụi, sạch sẽ, vẽ lừa dối người và mình để được đời yêu chuộng như thế phỏng có khó gì, nhưng Nam không bao giờ làm: chàng vẽ cho chàng, như chàng đã nói, và vẫn thường nghĩ. Lời khen hay chê của những ông xem tranh, chàng có kể vào đâu? Năm nay thì trái hẳn, xưởng vẽ của Nam lúc nào cũng tấp nập công việc. Ngoài mấy bức bình phong sơn ta, chàng lại còn cặm cụi vào mấy bức tranh sơn dầu và thủy mặc trên lụa nữa Chàng đã thuê một cô kiểu mẫu bé nhỏ xinh xắn. Và luôn mấy ngày đặt người ấy đứng ngoài vườn, bên khóm chuối, cạnh tầu cau hay dưới cành ổi. Hôm nay chàng để kiểu mẫu ngồi trong phòng ấm vì cần vẽ một bức cởi trần. Nghe tiếng chuông cổng, chàng giật mình; như có tâm linh báo trước chàng đoán chắc có Lan đến. Từ khi chính thức là vị hôn thê của chàng. Lan rất năng lại chơi, và có lần hằng giờ ngồi nhìn chàng vẽ. Chàng cũng thường bỏ bút xuống đứng nhìn lại Lan hồi lâu. Rồi hai người cùng cười, vô cớ. Lan là nguồn cảm hứng của chàng, một nguồn cảm hứng mới mẻ và mênh mông. Lần này là lần đầu chàng vụt nhận thấy thế và hiểu rằng hơn hai tháng thiết tha với nghệ thuật, đó là ảnh hưởng của cặp mắt mỹ nhân. Trong một giây cái hy vọng lớn lao hiện ra, rõ rệt, to tát: Lan sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng của chàng, khi Lan đã là vợ chàng cũng như khi Lan hãy còn là vị hôn thê của chàng. Cùng với những ý nghĩ vui và bồng bột ấy, xen lẫn những ý nghĩ buồn và chán nản - Song những ý nghĩ buồn chỉ thoáng qua trong tâm hồn, như những gợn nhỏ thoáng qua trên mặt nước phẳng lặng, một buổi chiều êm ả. Vì nghĩ đến Lan và hạnh phúc, tự nhiên chàng lại nhớ, tuy chàng vẫn cố quên, đến những điều gay go trong việc hôn nhân của chàng... Suýt nữa chàng đã không lấy được Lan; mà duyên do chỉ tại lòng yêu của một người anh, và tính cố chấp của một người bạn. Hôm chàng đến nhờ ông giáo Tuệ, anh chàng hỏi Lan cho chàng làm vợ, anh chàng đã nói nhiều câu khiến nay chàng vẫn còn phải nghĩ ngợi. Anh chàng tìm ra nhiều lẽ không nên mà trong lúc mê man - mê man cãi lý hơn là mê man tình yêu - chàng đã cho là cổ hủ, là “vô nhân đạo” nữa. Chàng đã xin lỗi anh mãi về câu quá lỗ mãng ấy, và nay nghĩ lại chàng còn buồn rầu hối hận. Cái lý cổ hủ của anh chàng là một người bạn mình, đương anh anh tôi tôi, có khi mày mày tao tao với mình, không thể nhảy ngay lên bực cha mình được. Chàng bảo em: - Ừ, tôi hãy hỏi chú, lúc bấy giờ chú xưng hô ra làm sao? Khi chắp tay chào vợ chồng Biên: lạy thầy mẹ, con về thăm thầy mẹ ạ, liệu chú có ngượng mồm không Nam đã đỏ mặt lên cãi lại: “Cần gì! em nói tiếng Pháp”. Và Tuệ đã mỉm cười, tiếp luôn: - Nói tiếng Pháp cả với vợ Biên và các con nhỏ của Biên? Nhưng vì thấy Nam quá yêu đến nỗi trở nên khổ sở, Tuệ cũng chiều lòng, đi Quảng Yên hỏi Lan cho em. Chàng hy vọng thầm rằng Biên sẽ từ chối. Mà Biên kinh ngạc thực. Chưa bao giờ chàng ngờ rằng Nam, bạn thân của chàng lại sẽ là rể chàng được. Và chàng hỏi Tuệ: “Bác tính như thế có tiện không?”. Tuệ lấy làm khó trả lời quá. Chàng nói lảng: “Khi người ta yêu thì người ta rất lạ lùng! Người ta chẳng chịu lùi trước một sự cản trở, một điều khó khăn gì.” Biên đã định tâm từ chối, nhất chàng lại nghĩ đến sự chênh lệch tuổi của Nam và con gái. Chàng không rõ Nam bao nhiêu tuổi, chỉ yên trí rằng Nam cũng vào loạt tuổi mình. Bạn bè chơi với nhau thường tưởng ngang tuổi nhau dù hơn kém nhau đến mười năm cũng vậy. Nhưng Biên cũng trả lời hờ hững một câu: - Được, bác để tôi bàn với nhà tôi và hỏi ý kiến cháu Lan đã. Dầu sao thì cũng phải cháu Lan bằng lòng, việc mới xong được. Biên vẫn đinh ninh rằng vợ sẽ đồng ý với mình. Sự thực đã trái ngược hẳn. Bà tham thường được nghe con gái tán tụng Nam, khoe khoang tài cán của Nam, nhất lại nhân lên gấp hai gấp ba giá những bức tranh, những bức bình phong của Nam, nên vừa nghe chồng nói đến việc Nam hỏi Lan, bà thuận gả ngay và đã cãi lý với chồng để bắt chồng nghe theo. Sau cùng Lan phải trả lời quả quyết, Biên mới chịu hàng. Trước Lan còn ấp úng mãi câu “tùy thầy me”. Nhưng Biên ép con phải đáp: “Con bằng lòng.” Lan, đầu nóng bừng, vừa chạy vào nhà trong vừa nói: “Con bằng lòng. ” Thế là xong việc. Những lý thuyết mà anh và bạn viện ra, nay lại vưởng vất trong đầu óc Nam. Chàng lại nhớ tới những lời chàng nói với Lan ở phòng đợi ngoài ga. Phải, lấy con gái bạn, không bao giờ chàng cho thế là một việc quá quắt, lạ lùng. Có sống trở về thời xưa đâu mà chịu để cái luân lý trẻ con ấy ràng buộc, cản trở. Ngày nay chỉ có cá nhân với cá nhân. Nam ngừng lại không dám nghĩ xa hơn, sợ sẽ đi tới chỗ tự phản đối như nhiều lần đã xảy ra. Giữa lúc bấy giờ ngửng đầu lên nhìn qua kính cửa sổ, Nam thấy Lan đương ung dung từ cổng tiến vào. Màu xám nhạt của chiếc áo “len” nàng mặc hoạt động in trên nền lá xanh đen rặng cam trồng hai bên lối đi. Chàng vội quay lại bảo cô kiểu mẩu: - Thôi, hôm nay thế là đủ…. Cô về nhé. Thấy người kia vẫn yên lặng nhìn mình, chàng giục: - Cô mặc áo, đi về thôi. Tôi mắc bận đây. Để Lan khỏi vào phòng và nhìn thấy tấm thân cởi trần của người kiểu mẫu, Nam hấp tấp bước ra hiên. Nhưng quá chậm, Lan đã mở cửa phòng vén bức rèm suốt tre, đứng sững mỉm cười hồi: - Nam làm việc? Nam giơ tay bắt tay, nói: - Xong rồi, mời Lan ngồi chơi. Lan lại gần giá vẽ ngắm nghía, rồi so sánh hồi lâu người trong tranh với cô kiểu mẫu đương mặc áo dài: - Đẹp! Nam chỉ mỉm cười yên lặng nhìn Lan. Người kiểu mẫu, một cô đào rượu mà Nam thuê rất đắt đứng lên, dáng điệu kiêu hãnh, hỏi sõng Nam: - Chiều có đến nữa không? - Thôi, chiều nghỉ. Mai hãy đến nhé… Thiếu nữ lạnh lùng: - Cũng được. Thôi, au revoir, Nam! Rồi quay về phía Lan, nàng khẽ gật và nói lí nhí mấy tiếng. Lan cũng lí nhí đáp lại. Chờ cho nàng đi khỏi, Lan không giấu nỗi vẻ mặt buồn, bảo Nam: - Gái nhảy phải không, anh? - Không, ả đào. - Thì cũng thế. - Hơi khác chứ, một đằng nhảy, một đằng hát. Rồi chàng cười ha hả đánh trống lảng.Nhưng Lan vẫn như thấy tấm bán thân cởi trần hoạt động trước mặt, nhất bức tranh lại vẫn còn đặt trên giá và nàng không thể rời mắt được. - Nam không nghĩ ra mà vẽ được nhỉ? Cứ phải có người kiểu mẫu? Nam nhận thấy câu hỏi hơi ngộ ở miệng một thiếu nữ có trí thức, có học vấn như Lan, nhưng chàng nghĩ ngay đến tình yêu của Lan: Lan ghen. Và chàng cười âu yếm, trả lời: - Không, Lan ạ. Bao giờ, vẽ cũng phải có kiểu mẫu chứ! Họa sĩ không có thể bịa ra mà vẽ được. Bịa bao giờ cũng sai: sai nét và sai màu, nhất là sai màu. Muốn Lan quên người kiểu mẫu, chàng cố đem khoa hội họa ra giảng dài dòng: - Đây nhé. Lan trông, một người trong bức tranh lụa này. Có phải Lan thấy nét rất ít, và màu rất giản dị không? Nhưng Lan đừng tưởng vừa vẽ là tới ngay được ít nét và ít màu như thế. Phải bắt đầu vẽ tỉ mĩ rất kỹ. Đây này. Nam mở ra một cuộn giấy bóng và một bức tranh nguyên tác trong đó. Hình người thiếu nữ rập lại trên bức lụa vẽ rất tinh vi. Nhưng Lan lơ đãng nhìn, tâm trí đương theo đuổi một ý nghĩ nhất định. - Nam có nhiều các cô làm kiểu mẫu nhỉ? - Có đâu mà nhiều! Vài cô thôi. Còn các bà vợ bạn nhờ vẽ hình cả. Bà nào đẹp, nhiều khi anh cũng mượn sơ cái mặt hay cái thân thể áp dụng vào trong tranh. Lan làm bộ kinh ngạc: - Cả vợ bạn nữa? Nam cười: - Quái! Cái gì Lan cũng cho là lạ. Chẳng hạn bức hình anh vẽ cho Lan năm ngoái, anh cũng có thể cho vào tranh được chứ?. - À! thế! Vậy sau này em có thể làm kiểu mẫu cho anh được đấy nhỉ? - Cái đó tùy Lan. Tiếng “anh”, Lan nói đã quen miệng. Lan thay vào tiếng “ông” ngay từ khi nhà nàng nhận gả nàng cho Nam. Và nàng dùng tiếng ấy một cách rất tự nhiên và âu yếm. Nhưng Nam, thì ngượng ngập mãi trước khi tới đưọc hai tiếng “Nam” và “Lan” dùng trong câu chuyện. Rồi mấy tháng sau mới được nói “anh” và “em” như Lan. Cách xưng hô nói với vợ chồng Biên thì Nam cho sẽ khó khăn mãi. Từ hôm hỏi tới nay chàng đã hai lần đến Quảng Yên thăm Lan. Như chàng đã dự định từ trước, chàng dùng tiếng Pháp để nói chuyện với Biên. Còn đối với vợ Biên, sau một hồi ấp úng nói trống không, chàng đã tìm ra được một lối xưng hô ổn thỏa: “bà” và “tôi”. Nhưng chàng nghĩ cũng nên thưa đi lại nhà vợ để tránh những cuộc gặp gỡ giữa bố, mẹ vợ và con rể. Lan không hiểu cho Nam, tưởng chàng lãnh đạm, nhạt nhẽo với mình. Thấy nàng khóc, chẳng dừng được, Nam đã phải thú thực hết với nàng. Nàng cười nhưng trở nên buồn rầu và nghĩ ngợi. Hôm nay, vì Nam ít xưng hô “anh, em” với nàng, Lan lại nhớ đến chuyện đã xảy ra. Và nàng nói, nửa nghiêm trang nửa bỡn cợt, để thử ý Nam. - Cách xưng hô của An Nam mình nhiều khi còn lúng túng lắm nhỉ? Như vợ với chồng, ngày xưa các cụ gọi nhau là ông nó, bà nó, nhà nó, bu nó thì cách xưng hô tuy lôi thôi, còn nhất định để cho người ta dùng. Chớ như ngày nay, chúng mình chả biết gọi nhau là gì cho tiện. Cậu với mợ nghe nó thế nào ấy, có vẻ con ông cháu cha quá, mà “nhà” thì trời ôi! Cổ ơi cổ! Gọi nhau là “anh” với “em” có người lại cho là quá suồng sã ở trước mặt công chúng… Nam đáp: - Sao lại suồng sã được? Anh và em không bao giờ có nghĩa “chéri” như họ tưởng lầm. Anh và em chỉ là “mon ami” hay “mon mari” và “ma femme” rất giản dị, rất tự nhiên rất chững chạc, rất lễ phép ở trước mặt công chúng nữa. Sao lại không dùng hai chữ ấy? Lan cười: - Cảm ơn anh, em vẫn dùng hai chữ ấy đối với Nam. Nhưng em thấy Nam không hay dùng nên em hơi lo rằng em đã dùng sai. Nam cũng cười: - Chính anh phải cám ơn em đã cho anh một bài học. Bây giờ thì anh đưa em đi may áo, phải không? Lan nũng nịu: - Nhưng anh đương bận vẽ. - Anh chẳng bận gì hết. Vì em mà anh vẽ. Đưa em đi chơi cũng là vẽ một bức tranh tuyệt diệu rồi. Cả hai cùng vui. Nam mê man trong giấc mộng yêu đương, hai tay giữ lấy đầu Lan ngắm nghía nói: - Anh không ngờ em Lan của anh chóng người lớn thế! Lan ngước nhìn mỉm cười: - Cháu Lan của chú? X Đêm đã khuya, Nam còn đứng tựa lan can, nhìn qua cây trúc đào ra phía cổng. Cảnh vật lờ mờ dưới ánh trăng gợi trong lòng chàng một mối buồn vô cớ. Thỉnh thoảng ngắm trăng chàng lại thấy buồn như thế, không phải cái buồn dịu dàng, đầy thơ của nhiều bạn chàng, nhưng cái buồn khó chịu, cáu kỉnh, cái buồn chán nản của người mong đợi đã hầu thất vọng không biết làm việc gì cho qua thời giờ nhàn rỗi. Chàng muốn ngủ cho quên đi. Quên cái gì, chàng cũng không biết rõ. Nhưng chàng tỉnh quá. Vào giường nắm hằng giờ nghĩ vơ vẩn, thì còn khổ gấp mấy đứng, đi vơ vẩn, hay làm việc vơ vẩn. Làm việc vơ vẩn, đã có nhiều đêm chàng thức suốt sáng để làm việc vơ vẩn. Chẳng ra việc gì, cũng chẳng rõ làm việc gì. Vẽ kín đặc từng trang giấy những hình dung quen, rồi vò nát vứt đi. Hay húy hoáy phác họa một kiểu quảng cáo cho một nhà buôn tưởng tượng, cho một thứ rượu, cho một hãng thuốc lá, hoặc một tiệm khiêu vũ. Và nếu chàng tìm ra được một ý ngộ nghĩnh, tinh nghịch, thì chàng cười ầm lên và có khi quên cả buồn nản. Lần này Nam cũng nhớ đến làm việc. Chàng lại có việc để làm: những bức tranh lụa mà chàng còn bỏ dở và đêm khuya thường đem ra vẽ. Chàng liền vào phòng. Giữa lúc ấy chàng nhác trông thấy bức hình bán thân với khuôn mặt trái soan và con mắt sắc sảo của Kim, cô kiểu mẫu. Chàng cũng không rõ có điều gì bực tức với Kim, nhưng chợt gặp ảnh Kim, bất giác hai tay chàng nắm chặt lại. Giá gần đấy có con dao, thì dễ thường chàng đã cầm dao rạch ngang giữa mặt người trong tranh. Nhưng nhìn quanh một vòng không thấy có vật gì có thể dùng để phá phách được, chàng đành giựt cái khung vải ném lên mặt tủ sách. Rồi ra bàn vẽ ngồi ôm đầu suy nghĩ… Chàng thấy chàng vô lý, và cố bình tĩnh để tìm xem bỗng dưng mình lại vô lý như thế. Chàng nghĩ ngay đến cái dạ dầy. Nhiều lần vì sự tiêu hóa khó khăn mà chàng đã trở nên mất lương tri. Nhưng lần nầy, chàng chắc chắn rằng không phải vì cái dạ dầy: Bữa chiều nay chàng chỉ ăn sơ sài có mấy món rau và đậu. Anh em bạn chàng vẫn ngờ rằng chàng mắc bệnh thần kinh. Và có lúc chàng cũng tin thế, tuy chàng đi khám bệnh, thầy thuốc thấy các cơ quan trong mình chàng đều lành mạnh. Chàng lo lắng nghĩ thầm: “May mình chưa thành lập gia đình, chứ tính nết này mà ở cùng với môt người vợ…” Chàng không dám nghĩ tiếp vì chợt nhớ tới Lan và hiện tại. Do thói quen ý nghĩ kia đã lảng vảng trong tâm trí chàng, ý nghĩ mà xưa nay chàng vẫn có, mỗi khi chàng tự ghét tự trách mình, hay trái lại, tự hào về cái đời độc thân của mình, cái đời tự do không phiền nhiễu ai, không bị ai phiền nhiễu, cái đời nghệ sĩ như mấy người bạn chàng thường tự cao tự đại hãnh diện với bọn người sống yên ổn trong một gia đình đầy lạc thú tầm thường, tầm thường theo ý họ. Chàng mỉm cười tự nhủ: Chắc chúng nó cáu với mình lắm, và buồn lắm, khi nhận được giấy báo hỉ của mình!” Và tự nhiên chàng cũng hơi buồn. Sau khi chàng cưới vợ, phái “độc thân” của chàng sẽ chỉ còn có Nguyên và Đức. Mới đầu năm nay ba người còn vui cười bảo nhau: “Chúng nó xoàng cả. Chứ bọn mình thì dám chắc không bao giờ chịu phá giới, chịu rời bỏ cái đời trinh tiết… cái đời tu hành.” Nam bẽn lẽn cười gượng: “Thôi, thế cũng xong! Đức cũng bắt chước lấy vợ như mình. Nó là con một, tội nghiệp!” Biết bao lần bà mẹ bạn đã đem chuyện riêng ra than thở với Nam: Bà góa chồng, được mỗi một mụn con, thế mà bà bảo thế nào, có khi khóc lóc nữa, Đức vẫn bướng bỉnh không chịu vâng theo, tuy năm nay Đức đã ngoài ba mươi tuổi. Rồi bà khẩn khoản nhờ Nam, giọng bà tha thiết và van lơn: “Em nó yêu anh lắm, anh cố khuyên em giúp tôi.” Nam nhận lời, nhưng chàng mỉm cười thầm. Nguyên thì không phải là con một. Mà Nam cũng chẳng rõ gia đình Nguyên ở đâu và tình cảnh ra sao. Có người bạn bảo chàng rằng Nguyên đã có vợ và hình như có cả con nữa, nhưng Nam vẫn tin lời Nguyên mà cho nhập bọn “trai tơ”. Cũng như người ta đã để Nguyên nhập bọn làng văn sĩ, nghệ sĩ. Sự thực, đó là một nhà văn chưa từng viết văn, một nhà báo chưa từng làm báo, một họa sĩ chưa vẽ một bức tranh sơn, tranh lụa, và sau hết, một giáo sư không có học trò vì chưa dạy qua một trường nào. Nhưng hình như đó là một nhà văn có tài, một nhà báo có khiếu, một họa sĩ tương lai và một giáo sư đầy tâm huyết. Trước khi cầm bút viết văn, và vẽ tranh, Nguyên mới bắt đầu phê bình. Không phải viết bài phê bình, - vì nếu thế Nguyên đã là một văn sĩ thực thụ - nhưng phê bình bằng lời nói trong câu chuyện với anh em mà thôi. Nam quen biết Nguyên trong bữa tiệc ở khách sạn đã hơn bốn năm nay. Tối hôm ấy, Nguyên bàn cãi và nói chuyện có duyên quá khiến Nam đem lòng quyến luyến ngay. Nay nghĩ đến Nguyên và cái gia đình bí mật của bạn, Nam không sao giữ được tức cười. Trước giờ, Nam vẫn không tin những lời đồn về Nguyên. Nhưng nay chàng cho rằng có thể như thế lắm. Hoặc Nguyên nói dối chưa vợ để hòng chiếm lấy những tấm lòng tươi trẻ và dễ tin. Hoặc vợ Nguyên quê mùa mà Nguyên giấu giếm không muốn giới thiệu với anh em. Hoặc vợ Nguyên có nết xấu gì đó nên Nguyên bỏ lửng. Điều dự đoán sau cùng thực không lấy gì làm lạ lắm. Biết đâu vợ Nguyên lại không có thói ghen bóng gió và quá lăng loàn thô bỉ. Ý nghĩ ấy khiến Nam lo lắng, buồn phiền. Chàng như vừa chợt tỉnh ngộ: Lan cũng có tính hay ghen. Cái cảnh tượng sáng nay lại như hiện ra trước mắt chàng. Chàng trông thấy rõ hơn trước cái vẻ mặt lãnh dạm, bất bình của Lan, khi đứng đối diện Kim, người kiểu mẫu. Chàng nhớ lại cả cái cười lặng lẽ và những câu nói mát mẻ của Lan. “Gái nhảy, phải không anh?…Thì cũng thế! ” Lại những câu vô lý nữa. Lan mà chàng biết có thông minh, có học thức, và nhất là chàng tưởng có chút khiếu về hội họa, Lan đã nói với chàng câu vô lý này: “Nam không nghĩ ra mà vẽ được? Cứ phải có người kiểu mẫu?” Buổi sáng chàng chỉ thấy câu nói ngộ nghĩnh, nhưng bây giờ chàng thấy nó ngu ngốc, nếu không hằn học. Nam bỗng bật cười. Chàng thấy chàng cũng hằn học từ chiều tối đến giờ. Hằn học vô cớ. Thì ra cái cớ ngấm ngầm của sự gắt gỏng buồn phiền chán nản chính ở đó, hay ít ra cũng một phần lớn tự đó gây ra, nhóm lên bởi những lời nói ghen tức của Lan. Khi đã hiểu rõ nguyên nhân sự bực bội khó chịu của mình, Nam thấy như cất hẳn được cái sức nặng đè trĩu trong lòng. Chàng trở nên bình tĩnh, và nếu chàng vẫn lo lắng về Lan, đó là sự lo lắng có suy xét. Chàng đứng dậy thở dài, rồi khoác áo tơi ra hiên sau, vì về cuối thu đêm khuya đã lạnh. Trăng trung tuần ngả xuống mặt hồ phẳng lặng. Ánh vàng như những mảnh lửa lân tinh vụn từ đáy hồ bốc lên rồi tan ra trong nước để nhường chỗ cho những mảnh sau kế tiếp bốc lên và cứ thế mãi mãi không ngừng. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ thổi những ánh vàng lan rộng ra và chảy rạt về một phía. Biết bao cảnh trăng nước khác nhau Nam đã ngắm. Và chàng lấy làm buồn cười về một câu bình phẩm của một ông giáo, một đêm chàng cùng ông ta và mấy người bạn chơi thuyền trên đầm Vạc. Ông ta bảo chàng: “Kìa, họa sĩ thử ngắm xem, ánh sáng trăng có giống một đàn rắn vàng đuổi nhau dưới nước như các nhà văn sĩ thường tả đâu!” Và ông ta khoái trí, tự đắc. Một cánh buồm vừa lướt qua trăng. Nam nghĩ thầm: “Thi sĩ nào mà cao hứng thế kia? Hay lại La Martine và Elvire đấy? ”. Ý tưởng ấy kéo tâm trí chàng về với Lan và câu chuyện ban sáng. Chàng vẫn đãng tính như thế, đương nghĩ một việc, chỉ một ý thoáng qua óc cũng có thể làm chàng quên lãng trong chốc lát, có khi quên hẳn. Chẳng khác khi chàng tra tự vị để xem nghĩa một chữ rồi gặp một chữ khác thấy hay hay chàng quên khuấy chữ chàng định tìm. Đối với Nam, Lan không hẳn là một chữ trong hằng nghìn, vạn chữ của quyển tự vị đời. Nhưng yêu vẫn chưa đủ mãnh lực chiếm đoạt tất cả tâm hồn chàng. Nó chưa cực đoan, chưa độc đoán như một thị hiếu đối với một người mê man, mê muội. Là vì, có lẽ, ái tình của Nam bao giờ cũng phảng phất, trộn lộn trong cảnh vật: Chàng yêu qua nghệ thuật, yêu qua cái đẹp. Nam lấy làm lạ rằng từ lúc chàng bắt đầu yêu Lan đến giờ, chưa một lần nào chàng ngắm Lan với sự thèm muốn, với lòng rạo rực, thế mà xưa nay chàng vẫn tin lời Anatole France là đúng: “Chỉ có ái tình xác thịt là thực!” Xưa nay tình yêu đối với chàng chỉ là sự gặp gỡ của hai làn da. Bây giờ thì khác hẳn. Như mới có một sự biến cải trong lòng chàng. Tim chàng như đập đều đặn hơn trước, linh hồn chàng như trong sạch hơn trước. Đến nỗi đã mấy tháng liền chàng không tìm một cô tình nhân nào để thay người mà chàng rời bỏ. Đó là những dấu hiệu của tình yêu, một tình yêu có lẽ hơi lãng mạn, hơi vẩn vơ, một tình yêu có lẽ không thiết thực. Chàng yêu nhưng không bao giờ xếp đặt một tương lai cho tình yêu, không bao giờ chàng nghĩ đến thời kỳ hai người đã lấy nhau chung sống với nhau. Chàng chỉ thấy hiện ra một cảnh đẹp trong đó có một người đẹp mà chàng yêu, yêu lắm. Nhưng cái cảnh ban sáng, từ lúc chàng chợt nhớ tới, từ lúc chàng bắt đầu để ý tới luôn luôn ám ảnh chàng. Một chút tương lai không đẹp của cái đời tình đẹp vừa hơi lộ ra cho chàng trông thấy: Lan ghen. Chàng lấy làm bứt rứt về điều đó và nhớ lại câu chuỵện khôi hài tức cười về một người bạn. Người ấy cùng vợ vào hội chợ, gặp vợ bạn, đứng lại hỏi thăm mấy câu lấy lệ, thế là “bà sư tử ” ghen lồng lên và bắt chồng đưa về ngay lập tức. Nam tự bảo thầm: “Lan có học và thông minh, chả khi nào ghen tuông vô lý đến như thế?” Nhưng chàng tự trả lời liền “Chả khi nào! Đã biết đâu? ” Và một câu hỏi mà có lẽ Lan đã vô tình thốt ra, bỗng làm cho Nam rùng mình: Cả vợ bạn nữa? ” Dần dần chàng thấy Lan hiện ra nguyên hình như những gái đẹp trong truyện Liêu trai hiện nguyên hình thành nhưng con cáo, con rắn. Thay vào cái dung nhan tươi trẻ, cái hình thể uyển chuyển, chàng tưởng tượng ra một người đàn bà đầu tóc bù xù, mặt mũi nhem nhuốc đứng ngoạc miệng cãi lý với chồng. Những cảnh gia đình ầm ĩ như thế, chàng thường được mục kích. Một đám mây đen che khuất trăng làm cho mặt hồ hơi tối lại và những ánh vàng kém hẳn tươi. Một đám mây đen cũng vừa che tối cảnh tương lai của đời chàng. Không phải là đời ái tình nữa, mà là đời nghệ thuật. Bất giác chàng nhớ đến những đoản thiên “Vợ nghệ sĩ” của Alphonse Daudet. Và buồn rầu lại lặng lẽ chiếm tâm hồn chàng, không phải cái buồn nóng nẩy, vô cớ ban nãy, nhưng cái buồn sâu xa khi người ta lầm lỡ điều gì, việc gì. Vậy ra yêu Lan là một việc lầm lỡ? Không hẳn thế. Nhưng lấy Lan có lẽ là một việc hơi vội vàng, hơi hấp tấp. Nam nhớ lại hôm thúc giục anh đi Quảng Yên… Tự nhiên chàng mỉm cười vơ vẩn, và không dám nghĩ xa hơn nữa. Chàng chỉ lờ mờ nhận thấy rằng nếu chàng không vội vàng, hấp tấp trong một lúc thì dễ thường nay Lan vẫn chưa là vị hôn thê của chàng, thì có khi không bao giờ Lan sẽ là vợ chàng. Trong đời chàng, việc gì chàng không quả quyết làm ngay là rồi chàng bỏ bê liền. Cả việc “lấy vợ” cũng vậy. Quả quyết lấy vợ cũng chẳng khác gì quả quyết đi chơi xa một chuyến. Biết bao lần cảnh đẹp phương xa gợi tình yêu mỹ thuật của chàng và như gọi chàng đến. Lúc bấy giờ nếu gặp giờ xe hỏa sắp chạy hay sẵn có xe ô-tô của bạn để chàng mượn thì chàng đi ngay. Nhưng nếu chàng còn đợi vài ngày hay vài giờ thì vị tất chàng đã rời được Hà Nội. Ra tới ga, rồi vì một điều khó chịu cỏn con lại quay về nhà để ngủ, đó là những việc làm rất thường đối với chàng… Lần này thì liệu có quay về được nữa không?… Nam bỗng rùng rợn cả người, tự thẹn với lương tâm, tự lấy làm ghê tởm nữa. Có những ý tưởng ấy đối với Lan? Những ý tưởng tệ bạc, tàn nhẫn ấy, những ý tưởng bậy bạ ấy?… Và trong lúc bồng bột hối hận, Nam cảm thấy tình yêu tràn ngập khắp tâm hồn. Hai hàng lệ ứa ra, lặng lẽ. Mãi lúc vào giường nằm và nước mắt thấm xuống gối lạnh một bên má, Nam mới biết rằng mình đã khóc. Bất giác chàng mỉm cười. Tuy thức khuya, sáng hôm sau Nam vẫn dậy sớm lắm. Dậy sớm là một thói quen của chàng. Vì thế nhiều đêm, như đêm vừa qua, chàng chỉ chợp mắt trong khoảng một, hai giờ. Nhưng một hai giờ nghỉ ngơi ấy đã đủ tiêu tán hết mọi nỗi băn khoăn, trằn trọc mà bây giờ Nam chỉ thoáng nhớ qua như người ta nhớ lại một giấc mộng. Sau khi tập thể thao và tắm nước lạnh, Nam càng thấy tâm trí bình thản hơn: một cảm giác khoan khoái, sung sướng chạy dưới làn da mát, trong khi chàng ngồi ăn ngon lành một bữa ăn sáng đầy đủ. Trước kia, những lúc tâm thần thư thái như thế, bao giờ Nam cũng nghĩ đến vẽ, dù chỉ nghĩ đến mà chẳng làm gì. Và khi chàng đã cầm cái bảng màu trong tay, thì những việc khác quan trọng đến đâu chàng cũng vứt mặc đó. Nay tính nết Nam đã hơi biến đổi: hội họa không còn chiếm lấy cả tâm hồn chàng nữa. Nó đã cùng tình yêu chia sẻ đời sống của chàng… Không phải trước kia chàng không yêu. Cũng không phải ngày nay chàng kém ham mê nghệ thuật. Nhưng từ khi yêu Lan, chàng mới cảm thấy những phút rung động ngây ngất, những nỗi mong nhớ bâng khuâng. Đã có lần đương vẽ dở một bức tranh, Nam nhìn đồng hồ tay và chợt nghĩ đến Lan, vì lúc đó sắp đến giờ có chuyến xe lửa đi Hải Phòng. Thế là chàng xếp giá vẽ vào một xó, dặn qua người nhà và bọn thợ mấy câu, rồi xách va-li ra thẳng ga. Chỉ tối hôm ấy chàng đã đi chuyến xe cuối cùng trở về Hà Nội. Có lẽ đó không phải là một hành vi của người yêu. Đó chỉ là một cử chỉ thường có của Nam: chợt nghĩ đến điều gì là ngay lúc ấy làm cho bằng được. Cũng như chiều hôm trước, khi tiễn Lan trở về, một người bạn trỏ một thiếu nữ đi qua bảo chàng: “Con anh Kế đấy! Nó chóng lớn và đẹp quá nhỉ!”, chàng ngây người đứng ngắm, quên bẵng ngay Lan mà chàng đương nhớ. Rồi hăm hở chàng lại chơi nhà bạn. Nhưng Kế và Trinh con gái chàng cùng đi vắng. Chàng tự hứa hôm sau sẽ trở lại một lần nữa. Để không quên, khi về đến nhà chàng biên vào mảnh giấy câu này: “Mai đến chơi Kế”. Và lấy ghim đóng lên tường. Quả nhiên, đương ăn chàng tò mò nhìn đọc mảnh giấy trên tường. Tức thì hấp tấp đứng dậy thay quần áo để đến chơi bạn và ngắm lại Trinh mà chàng quen biết từ thủa mới lên hai, lên ba, và mọi ngày chàng thường gặp, nhưng không lưu ý tới. XI Đến nơi Nam gặp Kế đương ngồi ở cái phản thấp kê sau hai dẫy quả sơn đựng hàng. Những quả ấy đã cũ lắm, cái thì dóc lần sơn đỏ, lộ từng mảng nền đen, cái thì để trơ cả cốt gỗ nhem nhuội. Kế đứng dậy mỉm cười ngượng ngùng chào: - Bonjour anh Nam! Rồi ngần ngừ không biết nên tiếp khách ở ngay cái phản bán hàng, hay bỏ hàng, mời khách vào trong nhà. Kế bẽn lẽn nói: - Tôi sai cháu đi đằng kia một lát, thành thử phải coi hàng hộ nó. Sự thực thì Kế nhàn rỗi quá, thường ngồi coi hàng cho con, dù con đi vắng hay có nhà. Nam chữa thẹn cho bạn, đáp: - Coi hàng hộ các cháu cũng đỡ buồn. Thôi, anh cứ để tôi ngồi chơi ngay đây cũng được. Kế giọng rụt rè: - Ấy!… mời anh vào.. trong này. Nhưng giữa lúc ấy một người đàn bà nhà quê đứng lại hỏi: - Ở đây, ông có bán miến không? Kế đáp, mắt liếc nhìn Nam: - Có. - Vậy cho tôi mua một cân. Trong khi hai người định đoạt về giá cả Nam lẳng lặng ngắm nghía trong những quả sơn đậy lồng bàn thép lác đác thủng một vài chỗ những đống đường cát cao có ngọn trên đó mấy con ong mật thong dong bò lên bò xuống: chàng tưởng ngay tới những người Mèo đeo lẵng thoăn thắt lên trên sườn đồi cỏ cháy. Bên cạnh là những quả đựng nấm, mộc nhỉ, măng, bóng, vây, mực, với những màu chen lộn hay hay. Chàng chỉ để ý tới màu: màu mực loãng của mộc nhĩ, màu nâu khác nhau của măng và nấm, màu nâu Van Dyck của mực khô, màu bạc cũ của những quả mứt hồng rắc bột. Quên rằng bạn đương bận bán hàng, Nam cười, hỏi: - Anh bán cả tranh? Kế cũng cười đáp: - Không, cháu nó treo lên đấy. Đó là những bức tranh sơn mà Kế đã trưng bày hai ba lần tại phòng triển lãm của hội Mỹ thuật và công nghệ. Chờ người đàn bà ra rồi, Nam hỏi cho có chuyện: - Lâu nay anh có tác phẩm nào khá không? - Anh tính còn vẽ vờn gì được nữa, những bận … Kế chưa nói dứt câu thì người đàn bà nhà quê đã trở lại: - Hai hào sáu đấy, ông có bán, tôi lấy hai cân. - Không được đâu, bà mua đâu được hai hào sáu thì tôi xin biếu không. Đó là câu ngày xưa vợ Kế và ngày nay con gái Kế luôn miệng đáp lại khách mua hàng. Nó đã, sau gần hai mươi năm, khắc sâu vào trực giác của chàng, khiến mỗi khi chàng ngồi coi hàng giúp con gái và gặp người mua trả hạ thì chàng lại thốt nhiên nhắc tới như đọc một câu thuộc lòng. - Thôi, hai hào bảy, nhất định hai hào bảy. Tôi không trả hơn một trinh nào nữa. Vừa nói người kia vừa làm bộ bước đi vội vàng. Kế gọi: - Này hai hào tám đấy. Thấy người nhà quê vẫn lùi lũi đi, không quay đầu lại, Kế chạy ra hè, và hầu như gào thét: - Này, lại mà lấy! Đó cũng là một dáng bộ và một câu nói đã có do thói quen. Mãi lúc bán xong hàng và khách hàng đi khỏi, Kế mới kịp suy nghĩ và lấy làm thẹn với bạn. Chàng cười ngượng nghịu bảo Nam: - Khổ quá! mỗi lần cháu đi vắng… Nam ngắt lời hỏi: - Chị Trinh phải không? - Phải, còn cháu Thục thì đi học. Rồi đổi sang chuyện khác, Kế hỏi Nam: - Nghe nói độ này anh phát tài lắm… - Có gì mà phát tài. Buôn bán như anh thì mới phát tài được chứ. - Anh nhận được nhiều “com măng” lắm cơ mà! - Cũng khá, nhưng có lời lãi gì mấy đâu! Chẳng qua chỉ nhận làm cho đỡ buồn; cũng như anh bán hàng đồ nấu cho đỡ buồn ấy mà! Kế bẽn lẽn cười, hỏi lảng: - Anh sắp có tin mừng, phải không? - Vâng… nhưng cũng còn lâu. Kế cười: - Thôi mau lên cho chúng tôi ăn cỗ. Anh coi, tôi hơn anh… có lẽ chỉ ba, bốn tuổi thôi mà… một đàn sáu con.. Còn anh… gần nửa đời người rồi, mà vẫn chưa vợ. Không biết xấu hổ! Dứt lời, Kế khoái trí, nhe lợi cười ha hả. Nam mơ mộng hồi tưởng đến thời học trường Bảo Hộ. Và chàng tư lự bảo bạn: - Chóng thực nhỉ! Mới ngày nào Trinh còn khóc i ỉ cả ngày.Thế mà nay đã là một thiếu nữ. - Cháu mười tám rồi đấy, anh ạ. Đừng tưởng cháu còn bé. """