"
Đền Mạng - John Grisham PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đền Mạng - John Grisham PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
“Theo từng cuốn sách mới, tôi càng yêu mến John Grisham hơn vì những phê phán mạnh mẽ của ông đối với hệ thống pháp luật, vì sự đồng cảm của ông với những người thua thiệt, và vì ý nguyện của ông muốn vạch ra những hướng đi mới.”
— Entertainment Weekly
“John Grisham cực kỳ tài năng trong những gì ông làm… Sách của Grisham thông minh, giàu óc tưởng tượng và hóm hỉnh. Chúng hàm chứa những con người phức tạp, thú vị. Và chúng được viết lên bởi một người không chỉ hướng đến giải trí mà còn thực sự phẫn nộ trước lòng tham và sự hư hỏng của loài người.”
— The Washington Post
“John Grisham là một người kể chuyện giỏi, như ở Hoa Kỳ chúng ta đã từng có thuở nào.”
— The New York Times Book Review
“John Grisham là một trong những nhà văn được yêu thích nhất trong thời đại chúng ta. Ông là một nghệ nhân và ông đã viết ra những câu chuyện hay, những nhân vật lôi cuốn, những mưu mô thông minh.” — The Seattle Times
Dành tặng Renée,
Một người phụ nữ đẹp lạ thường, Một người bạn trung kiên, Một nhà phê bình thấu cảm, Một người mẹ tận tâm,
Một người vợ hoàn hảo.
LỜI TÁC GIẢ
Do tôi có xu hướng khởi đầu các dự án mà chưa bao giờ thực sự kết thúc, khi bắt đầu viết cuốn sách này, mục đích của tôi là phải làm sao kết thúc nó. Tôi bèn hình dung một xấp giấy đánh máy nằm ngay ngắn tại một góc văn phòng của mình, và một ngày nào đó tôi có thể trỏ vào nó với ít nhiều tự hào, và nói với các thân chủ và bạn bè rằng đó là cuốn tiểu thuyết tôi đang viết. Chắc chắn đâu đó thầm kín trong bộ não của tôi, tôi đã mơ sẽ xuất bản được nó, nhưng thành thực mà nói, tôi không thể nhớ những ý nghĩ như thế, chí ít khi tôi bắt đầu viết. Nó có thể trở thành nỗ lực lâu dài đầu tiên của tôi trong lĩnh vực hư cấu.
Tôi bắt đầu viết vào mùa thu năm 1984, chỉ ba năm sau khi tốt nghiệp trường luật và vẫn còn rất non nớt. Trong những thuở ban đầu của sự nghiệp luật pháp, tôi đã trải qua nhiều giờ ở phòng xử, quan sát các luật sư giỏi xử lý các vụ án của họ. Tôi luôn bị cuốn hút bởi phòng xử, và đến nay vẫn thế. Tại tòa công khai, người ta thảo luận nhiều điều mà thường ngày họ không dám nhắc đến khi ra khỏi nhà. Những tấn kịch lớn nhất không chỉ diễn ra trên màn ảnh và sân khấu, mà còn diễn ra hàng ngày, trong vô số những phòng xử khắp đất nước này.
Một ngày nọ, phải một phiên tòa khủng khiếp, trong đó một bé gái đã tuyên thệ chống lại một gã đàn ông đã hãm hiếp cô bé một cách hung bạo. Với tôi, đó là một trải nghiệm kinh hoàng, dù tôi chỉ là một khán giả. Trong một lúc, cô bé tỏ ra dũng cảm; lúc kế tiếp, bé tỏ ra nhu nhược đến đáng thương. Tôi như bị thôi miên. Tôi không sao mường tượng nổi cơn ác mộng mà bé và gia đình đã trải qua. Tôi tự hỏi liệu tôi sẽ làm gì nếu đó là con gái tôi. Khi tôi quan sát bé
khổ sở đứng trước bồi thẩm đoàn, tôi đã muốn tự mình bắn chết tên cưỡng dâm kia. Trong một khoảnh khắc ngắn nhưng kéo dài như vô tận, tôi đã muốn là cha của cô bé. Tôi đã muốn công lý. Có cả một câu chuyện ở đó.
Tôi trở nên ám ảnh bởi ý tưởng sự phục thù của người cha. Một bồi thẩm đoàn những con người trung bình và bình thường liệu sẽ làm gì với một người cha như thế? Hiển nhiên sẽ có rất nhiều thiện cảm, nhưng điều đó liệu có đủ để tha bổng hay không? Ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết này xuất hiện trong khoảng ba tháng, lúc đó tôi chỉ còn suy nghĩ rất ít đến những chuyện khác.
Tôi viết tay chương đầu tiên trên sổ ghi chép và đưa cho Renée đọc thử. Vợ tôi thấy ấn tượng, và nói muốn được đọc tiếp chương hai. Một tháng sau, tôi đưa cô ấy xem chương hai và ba, và vợ tôi bảo đã bị cuốn vào câu chuyện. Renée thường đọc năm hay sáu cuốn tiểu thuyết mỗi tuần—những cuốn tiểu thuyết bí ẩn, gay cấn, rùng rợn, tình báo, nói chung loại tiểu thuyết—và cô ấy có rất ít kiên nhẫn với những câu chuyện không đạt.
Tôi tiếp cận việc viết cuốn sách này giống như một thú vui, một giờ lúc này một giờ lúc khác, với một nỗ lực kỷ luật nhất định để viết ra được ít nhất mỗi ngày một trang. Tôi chưa bao giờ từ bỏ. Tôi còn
nhớ một giai đoạn bốn tuần lễ không viết lách gì cả. Tôi thi thoảng cũng bỏ viết một ngày, nhưng hầu hết các ngày tôi vẫn cày tới với một sự chuyên cần mù quáng. Tôi nghĩ câu chuyện là tuyệt vời, nhưng không chắc lắm về khả năng viết lách. Renée thích nó, nên tôi vẫn tiếp tục.
Sau một năm, tôi ngạc nhiên khi thấy các trang giấy đã chất lên nhanh chóng, và nhận ra rằng cuốn sách đã hoàn thành phân nửa. Mục tiêu ban đầu của tôi đã bị quên lãng, và tôi thấy mình đang nghĩ đến những hợp đồng xuất bản, những điều khoản nhuận bút và những bữa trưa hoành tráng với các giám đốc xuất bản và các biên tập viên—giấc mơ của mọi người viết tiểu thuyết chưa từng được ra sách.
Ba năm sau khi tôi khởi đầu, Renée đọc chương sách cuối cùng và chúng tôi chuyển nó đến New York. Cái tựa ban đầu là Deathknell (Hồi chuông báo tử), một ý tưởng tồi đã bị thải loại ngay khi bản thảo đáp xuống văn phòng của giám đốc xuất bản mới của tôi, Jay Garon. Jay đã đọc ba chương đầu và lập tức gửi cho tôi bản hợp đồng đại diện. Mười sáu chi nhánh xuất bản và một chục nhà xuất bản khác đã chuyền tay nhau. Jay nhận bản thảo và bảo tôi hãy viết cuốn sách nữa. Tôi đã làm theo lời khuyên của ông.
Một năm trôi qua, không có chuyện gì xảy ra cả. Tôi đang dấn sâu vào việc viết cuốn The Firm thì Jay gọi cho tôi vào tháng Tám năm 1988 với những tin tức tuyệt vời rằng cuốn sách này sẽ thực sự được xuất bản. Bill Thompson của nhà xuất bản Wynwood Press đã đọc bản thảo và lập tức mua nó. Với sự hướng dẫn của ông, tôi đã thực hiện vô số chỉnh sửa và tìm ra được một cái tựa mới, A Time to Kill. Tôi nghĩ đó là cái tựa thứ sáu hay thứ bảy mà tôi đã cân nhắc. Tôi không giỏi việc đặt tựa.
Wynwood in 5.000 bản và ra mắt cuốn sách vào tháng Sáu 1989. Nó bán tốt trong phạm vi một trăm dặm từ nhà và không được biết đến ở phần còn lại của thế giới. Không có thỏa thuận làm sách bìa thường, không có bản quyền bán sách ở nước ngoài. Nhưng đó là một cuốn tiểu thuyết đầu tay, và phần lớn những cuốn như thế không được ai biết đến. Những gì tốt đẹp hơn chỉ là tiềm năng mà thôi.
Tôi hoàn tất cuốn The Firm vào năm 1989, và gửi nó cho Jay. Nhà xuất bản Doubleday/Dell đã mua nó, và khi nó được xuất bản ở dạng bìa cứng vào tháng Ba 1991, sự nghiệp viết lách của tôi đã có một bước ngoặt kịch tính. Thành công của cuốn The Firm đã khơi dậy mối quan tâm mới đối với cuốn A Time to Kill.
Có rất nhiều phần tự truyện trong cuốn sách này. Tôi không còn hành nghề luật nữa, nhưng trong suốt mười năm tôi đã hành nghề theo cách rất giống Jake Brigance. Tôi đại diện cho người dân, chưa bao giờ đại diện cho các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm hay các tập đoàn lớn. Tôi là một luật sư đường phố. Jake và tôi cùng độ tuổi với nhau. Tôi từng chơi bóng bầu dục ở vị trí tiền vệ tại trường
trung học, mặc dù không giỏi lắm. Hầu hết những gì Jake nói và làm đều là những điều tôi nghĩ mình đã nói và làm tùy theo hoàn cảnh. Chúng tôi đều lái Saab. Chúng tôi đều cảm thấy áp lực không sao chịu đựng nổi trong các phiên tòa xử tội giết người, vốn là điều mà tôi đã cố diễn tả trong câu chuyện. Chúng tôi đều đã mất ngủ vì các thân chủ, đều đã nôn mửa tại phòng vệ sinh của tòa án.
Cuốn sách này được viết từ trái tim. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay, có lúc nó tản mạn, nhưng tôi sẽ không thay đổi một từ nào nếu được cho cơ hội để sửa đổi.
Oxford Mississippi
30 tháng Một, năm 1992
1
Trong hai gã ngáo vườn, Billy Ray Cobb là gã ít tuổi và cũng nhỏ thó hơn. Ở tuổi hai mươi ba, hắn đã có ba năm thâm niên ở nhà lao Pachman do can tội cướp giựt với ý đồ đem bán. Hắn là một gã oắt con rác rưởi, sống sót qua nhà lao nhờ nắm được nguồn cung ma túy cách chi đó rồi bán lại và thi thoảng đem biếu cho đám tù da đen và cai ngục để được họ bảo vệ. Một năm sau khi được trả tự do, hắn tiếp tục ăn nên làm ra, và hoạt động buôn bán lẻ ma túy đã nâng hắn lên địa vị một trong những tay anh chị có ảnh hưởng nhất ở hạt Ford. Hắn là một doanh nhân có nhân viên, có nghĩa vụ, có giao kèo hẳn hoi, chỉ có điều là không đóng thuế mà thôi. Ở Clanton, xuôi theo mạn nam của hạt Ford, hắn được tiếng là người cuối cùng trong lịch sử cận đại đã bỏ tiền mặt để sắm một chiếc Ford mới cứng cựa. Mười sáu nghìn bạc tiền tươi cho một chiếc xe bán tải Ford hạng sang màu vàng tươi, dòng xe dẫn động bốn bánh, thiết kế theo đơn đặt hàng. Các bánh xe mạ crôm với lốp đi bùn được cung cấp theo một giao kèo kinh doanh. Lá cờ của Liên minh Miền Nam treo dọc cửa sổ hậu là do Cobb chôm được từ một bạn nhậu trong đội bóng bầu dục Ole Miss. Chiếc bán tải là vật sở hữu đắt giá nhất của Cobb. Hắn ngồi nhấp bia ở cửa sau xe, phì phèo hút thuốc lá, xem gã bạn Willard của hắn đang thay phiên “thịt” cô bé da đen.
Willard lớn hơn Cobb bốn tuổi, và chậm lụt hơn hắn đến cả chục lần. Gã này tựu trung là hạng người vô hại, chưa từng gặp rắc rối nghiêm trọng nào và cũng chưa từng được thuê mướn nghiêm túc. Có thể hắn thi thoảng cũng ngồi tù một đêm, nhưng hắn chẳng có gì là nổi bật cả. Hắn tự xưng là dân đốn cây, nhưng theo lẽ thì chiếc
lưng đau không thể nào cho phép hắn vào rừng. Hắn bị thương ở lưng khi làm việc ở một giàn khoan ngoài khơi, đâu đó ở Vùng Vịnh, và công ty dầu khí đã trả cho hắn một khoản bồi hoàn khá đẹp mà hắn đã đánh mất khi bị cô vợ cũ đá đít. Công việc chính của hắn là làm nhân viên bán thời gian cho Billy Ray Cobb. Gã này không trả cho hắn được bao lăm, nhưng được cái rất hào phóng với các khoản ăn nhậu của hắn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Willard được mó tay đến một thứ gì đó. Và hắn luôn cần thứ gì đó. Hắn luôn luôn như thế kể từ khi bị thương ở lưng.
Cô bé mới lên mười, trông nhỏ hơn tuổi thật. Bé nằm đè trên hai khuỷu tay bị trói gô bởi một sợi thừng ni lông màu vàng. Đôi chân bé xoạc ra một cách thô tục, chân phải bị trói vào một cây sồi non, chân trái bị cột vào cây cọc của một hàng rào mục nát và xiêu vẹo, từ lâu bị bỏ phế. Sợi thừng lướt sóng cắt sâu vào mắt cá, máu chảy dọc theo chân bé. Khuôn mặt bé sưng tấy, máu me, một bên mắt húp lại và nhắm tịt, mắt bên kia chỉ nhìn được he hé, nhờ đó mà bé nhìn thấy gã đàn ông da trắng ngồi trên chiếc bán tải. Bé không nhìn cái gã đang nằm đè lên bé. Hắn đang hổn hển, vã mồ hội và chửi thề. Hắn làm bé đau.
Khi xong việc, hắn vỗ mạnh vào bé rồi cười phá lên, gã kia liền cười theo, rồi cả hai cùng cười lớn hơn nữa, bò lăn ra thảm cỏ gần chiếc xe hệt như hai gã khùng. Cô bé quay lưng lại chúng, lặng lẽ khóc, cố im lặng. Trước đó bé đã bị bợp tai vì tội khóc lóc và la hét. Chúng dọa sẽ giết bé nếu bé không chịu im.
Cười chán chê, chúng ra cửa sau xe, nơi Willard lau mình bằng chiếc áo của cô bé da đen mà lúc này đã sũng máu và mồ hôi. Cobb chìa cho hắn một lon bia lấy ra từ thùng lạnh rồi phàn nàn về chiếc áo ẩm ướt. Chúng quan sát cô bé đang nấc lên, khe khẽ phát ra những tiếng kêu lạ tai rồi sau đó nín bặt. Lon bia của Cobb đã cạn phân nửa và đã hết lạnh. Hắn ném nó vào cô bé. Chiếc lon trúng vào bụng, văng bọt trắng, rồi lăn trên đất đến gần sát vài chiếc lon khác, tất cả đều xuất xứ từ cùng chiếc thùng lạnh. Hai gã lực lưỡng bắt đầu ném những lon bia uống dở vào cô bé rồi phá lên cười. Willard nhắm ném không được tốt lắm, nhưng Cobb thì tỏ ra khá
chính xác. Chúng không phải là loại người thích phí phạm bia, nhưng lon bia càng nặng thì càng dễ nhắm trúng, hơn nữa bọt bia văng tứ tung trông rất là thích mắt.
Bia nguội hòa trộn với máu đen chảy dài trên khuôn mặt và cần cổ của cô bé, đọng thành một vũng dưới đầu. Cô bé vẫn bất động.
Willard hỏi Cobb theo hắn cô bé đã chết hay chưa. Cobb khui một lon bia mới rồi giải thích rằng cô bé chưa chết đâu vì bọn mọi đen nói chung không thể nào cứ đấm đá và cưỡng hiếp là chết ngay được. Phải thêm nhiều thứ khác nữa, chẳng hạn như con dao, khẩu súng hay sợi thừng, thì mới giải quyết được một đứa mọi đen. Dù chưa bao giờ tham gia một vụ giết chóc kiểu đó, nhưng hắn từng sống chung với nguyên đám mọi đen trong nhà tù nên biết tỏng bọn này. Bọn mọi đen luôn giết lẫn nhau, và chúng luôn sử dụng một thứ vũ khí nào đó. Đứa nào chỉ bị đánh và hiếp không thôi thì không thể nào chết được. Có vài đứa da trắng bị đánh và hiếp, và chúng đã chết ngắc. Nhưng đám da đen thì không đâu. Chúng cứng đầu hơn. Willard có vẻ thỏa mãn.
Willard hỏi Cobb định làm thế nào để xử lý chuyện cô bé. Cobb hít một hơi cần sa, chiêu một ngụm bia, rồi nói rằng hắn chưa nghĩ đến chuyện đó. Hắn bật dậy khỏi cửa sau xe, loạng choạng băng qua khoảng rừng thưa nhỏ, nơi cô bé đang bị trói. Hắn chửi thề, quát vào mặt cô bé để đánh thức bé dậy. Rồi hắn rót bia lạnh lên mặt bé, cười phá lên hệt như một gã điên.
Cô bé quan sát hắn đi bọc quanh ngọn cây bên phải, rồi nhìn hắn loay hoay giữa đôi chân của bé. Khi hắn tụt quần xuống, cô bé quay sang trái, nhắm mắt lại. Hắn lại làm bé đau. Cô bé nhìn ra xa cánh rừng và thấy gì đó—một người đàn ông đang hộc tốc chạy qua những ruộng nho và bụi cây. Đó là cha của bé. Ông đang la hét, trỏ tay về phía bé, tuyệt vọng lao đến để cứu bé. Cô bé hét gọi cha. Rồi cha bé biến mất. Bé chìm vào giấc ngủ.
Khi cô bé tỉnh dậy, một trong hai gã đàn ông đang nằm dưới đuôi xe, gã kia ngồi dựa cây. Chúng đang ngủ. Tay chân bé tê cóng. Máu, bia và nước tiểu hòa với đất cát tạo thành một lớp hồ nhơm nhớp
dán cơ thể nhỏ bé xuống mặt đất và vỡ ra mỗi khi bé chuyển động hay ngọ nguậy. Phải trốn thoát, bé nghĩ vậy, nhưng dù cố gắng cách mấy bé cũng chỉ nhích được vài phân sang phải. Đôi chân bé bị cột quá cao đến nỗi mông chỉ hơi chạm đất. Chân tay bé tê dại đến mức không thể cử động nổi.
Bé nhìn vào rừng để tìm cha và khẽ gọi tên ông. Bé chờ đợi, rồi lại thiếp đi.
Khi bé tỉnh dậy lần thứ hai, chúng đã đứng dậy và đang đi lòng vòng. Gã cao hơn loạng choạng tiến đến, cầm theo con dao nhỏ. Hắn chộp mắt cá nhân bên trái của bé rồi cuồng nộ cứa sợi dây cho đến khi nó đứt rời. Rồi hắn giải thoát chiếc chân phải của bé. Bé thu mình trong tư thế bào thai, lưng quay về phía chúng.
Cobb quẳng một đoạn dây lướt sóng dày cỡ sáu milimet lên một cành cây lớn rồi thắt một thòng lọng nút trượt ở một bên đầu dây. Hắn tóm lấy cô bé, tròng thòng lọng qua đầu rồi băng qua khoảng rừng thưa, cầm theo đầu dây bên kia. Hắn ngồi xuống đuôi xe, nơi Willard vừa hút xong một điếu cần sa mới và nhoẻn cười với hắn về điều mà hắn sắp sửa làm. Cobb thít chặt dây rồi kéo một phát dữ dội khiến cái cơ thể trần truồng bé bỏng giật nẩy lên. Rồi hắn kéo lê cô bé trên mặt đất cho đến khi hắn dừng lại ngay dưới cành cây lớn. Cô bé nghẹn thở, ho sặc sụa, cho nên hắn tử tế nới lỏng dây để cô bé có thêm ít phút nữa. Hắn cột sợi dây vào thanh chắn rồi khui một lon bia mới.
Chúng ngồi ở cửa sau xe, vừa uống, hút, vừa ngắm nghía cô bé. Gần suốt cả ngày, chúng lê la ở khu hồ, nơi một người bạn của Cobb có chiếc thuyền và mấy cô em chịu chơi, tưởng chừng là dễ dãi nhưng hóa ra lại không chạm đến được. Cobb đã rất hào phóng với khoản ma túy và bia, nhưng các cô em này lại không chịu báo đáp. Thất vọng, chúng rời khỏi khu hồ, đang vừa đi vừa nhậu thì tình cờ gặp cô bé. Bé đang xách chiếc túi đựng tạp phẩm, đi bộ xuôi theo con đường sỏi, thì bị Willard quẳng lon bia trúng gáy.
“Mày muốn làm không?” Willard hỏi, đôi mắt hắn đỏ ngầu và đờ đẫn.
Cobb lưỡng lự. “Không, tao để cho mày làm đó. Là ý của mày mà.” Willard rít một hơi cần sa, rồi nhổ nước bọt, nói: “Đâu phải ý tao. Mày là chuyên gia diệt mọi mà. Làm thử coi.”
Cobb tháo dây khỏi thanh chắn rồi kéo căng. Động tác này làm phát ra một tiếng nấc nghẹn chỗ cành cây lớn và làm rải ít lá du quanh cô bé, mà lúc này đang chăm chú nhìn chúng. Cô bé cất tiếng ho.
Bất chợt, bé nghe thấy gì đó—hình như là một chiếc xe có tiếng còi rất lớn. Hai gã đàn ông vội lao ra, nhìn dọc theo con đường bụi bặm cách cao tốc một quãng. Chúng chửi thề ỏm tỏi rồi lom khom chạy quanh, một gã ra đóng cửa sau, gã kia chạy đến chỗ cô bé.
Hắn bị vấp ngã gần chỗ bé. Chúng chửi bới nhau trong lúc tóm lấy bé, tháo sợi dây khỏi cổ, lôi bé đến chiếc bán tải, rồi quẳng bé lên sàn xe qua cửa sau. Cobb bợp tai cô bé, dọa sẽ giết bé nếu bé không nằm yên và câm miệng. Hắn nói sẽ đưa bé về nhà nếu bé không gây rối và biết nghe lời, bằng không thì chúng sẽ giết bé. Chúng đóng sầm cửa xe rồi phi vào con đường bụi. Bé đang được về nhà. Bé thiếp đi.
Cobb và Willard vẫy chiếc Firebird có tiếng còi rất to khi chiếc xe này băng qua chúng trên con đường bụi hẹp. Willard kiểm tra phía sau xem cô bé có đang nằm hay không. Cobb rẽ ra cao tốc rồi phóng đi.
“Bây giờ làm sao đây?” Willard lo lắng hỏi.
“Không biết,” Cobb bồn chồn. “Nhưng phải làm gì đó nhanh lên, chứ không thì máu của nó dính từa lưa ra xe của tao cho coi. Nhìn ra sau đi, máu nó loang khắp nơi kia kìa.”
Willard suy nghĩ giây lát trong lúc nốc cạn lon bìa. “Quẳng nó xuống cầu đi,” hắn hãnh diện nói.
“Ý hay đấy. Hay bá cháy luôn.” Cobb nhấn bàn đạp thắng. “Đưa tao lon bia coi,” hắn ra lệnh cho Willard. Gã này liền nhảy khỏi xe, lấy hai lon bia ở phía sau rồi quay lại.
“Máu nó dính tùm lum vào cái thùng lạnh,” hắn báo cáo khi chiếc xe lại vọt tới.
Gwen Hailey linh cảm có một chuyện gì đó khủng khiếp. Bình thường thì bà đã cử một trong ba đứa con trai ra tiệm tạp hóa, nhưng chúng lại đang bị cha phạt, bắt rẫy cỏ ngoài vườn. Tonya trước đây đã từng đi bộ một mình ra tiệm tạp hóa—tiệm này chỉ ở cách nhà tầm một cây số rưỡi—và đã chứng tỏ là đáng tin cậy. Nhưng sau hai giờ chờ đợi, Gwen cử mấy đứa con trai đi tìm em gái chúng. Chúng đoán cô bé đi đến nhà Pounder để chơi với đám trẻ đông đúc nhà bên ấy, hay có thể cô bé đã liều lĩnh vượt qua tiệm tạp hóa để đến thăm đứa bạn thân Bessie Pierson.
Ông Bates, chủ tiệm tạp hóa, nói có thấy cô bé đến rồi đi khoảng một giờ trước đó. Jarvis, cậu con giữa, tìm thấy chiếc giỏ đựng tạp phẩm nằm lăn lóc bên đường.
Gwen bèn gọi cho chồng ở nhà máy giấy, đưa Carl Lee Jr. vào xe rồi lái dọc theo các con đường sỏi quanh tiệm tạp hóa. Bà lái xe đến khu lán cũ trên đồn điền Graham để hỏi thăm người dì. Xe dừng lại ở cửa hàng Broadway, cách tiệm tạp hóa của ông Bates chừng một dặm, nơi một nhóm các ông cụ da đen cho biết họ không thấy cô bé. Bà đánh xe ngược xuôi các con đường trải sỏi, các con đường ruộng bụi bặm trong phạm vi bốn dặm vuông xung quanh nhà.
Cobb không tìm ra được cây cầu nào vắng bóng đám mọi đen đang cắm câu. Bất cứ cây cầu nào chúng sáp đến đều có đến bốn năm gã mọi đen đang ngồi vắt vẻo hai bên thành, với những chiếc nón rơm và cần câu của chúng. Và dưới mỗi hai bên đầu cầu lại có thêm vài đám đội nón rơm xách cần câu đang ngồi bất động bên những chiếc xô, chỉ thi thoảng mới xua ruồi hay đập muỗi.
Lúc này hắn đã bắt đầu thấy sợ. Willard đã ngủ say, chẳng giúp gì được hắn, và hắn phải tự mình giải quyết con bé sao cho nó không mở miệng được nữa. Trong khi Willard ngáy ran, hắn cuống cuồng lái xe dọc các con đường sỏi và đường làng, tìm kiếm một cây cầu hay bờ kè sông nơi hắn có thể dừng lại, hất con bé xuống, mà không bị hàng tá mọi đen đội nón rơm trông thấy. Hắn nhìn vào
gương và phát hiện cô bé đang cố đứng dậy. Hắn bèn đạp mạnh thắng, khiến cô bé va mạnh vào phần trước của sàn xe, ngay bên dưới cửa sổ. Willard bật nhoài, ngã giúi giụi xuống sàn, nơi hắn vẫn tiếp tục ngáy. Cobb chửi bới cả Willard lẫn cô bé.
Hồ Chatulla chẳng qua chỉ là một hố bùn nhân tạo lớn nhưng nông choẹt, có một con đập phủ cỏ chạy dài hơn một cây số rưỡi dọc theo một bên hồ. Con đập nằm ở góc xa phía tây nam của hạt Ford, lấn sang hạt Van Buren vài mẫu. Vào mùa xuân, nó có cái độc đáo của một vũng nước lớn nhất Mississippi. Nhưng đến cuối hè thì mưa dứt từ lâu, mặt trời nướng chỗ nước nông cho đến khi khô kiệt. Những tuyến bờ từng có lúc dạt dào nay rút lại, co cụm vào nhau hơn, tạo thành một vùng lòng chảo nông chứa nước màu nâu đỏ. Chiếc hồ được nạp nước từ đủ mọi hướng, từ vô số những con suối, con lạch, nước mưa, và từ một vài dòng chảy đủ lớn để có thể gọi là sông. Sự tồn tại của tất cả những nguồn cống nạp này tất yếu làm mọc lên một lượng khá lớn những cây cầu ven hồ.
Chính trên những cây cầu này mà chiếc bán tải màu vàng đang ra sức tìm kiếm một nơi thích hợp để thả xuống người hành khách không mong muốn. Cobb cảm thấy tuyệt vọng. Hắn biết còn một cây cầu khác, một cây câu hẹp bằng gỗ bảng qua Foggy Creek. Khi đến gần đó, hắn thấy có vài tên mọi đen đang vác những cây mía, cho nên hắn rẽ sang đường hông rồi dừng xe lại. Hắn mở cửa sau, lôi cô bé ra, quẳng nó vào một khe núi nhỏ mọc um tùm sắn dây.
Carl Lee Hailey không vội về ngay. Gwen thường hay cuống quýt, và bà đã từng gọi đến nhà máy giấy, tưởng rằng lũ nhỏ bị bắt cóc. Ông bứt khỏi công việc vào lúc tan tầm và thực hiện chuyến-trở-về mười-lăm-phút trong đúng mười lăm phút. Nỗi lo lắng ập đến khi ông rẽ vào con đường sỏi và nhìn thấy một xe tuần tra đậu gần hàng hiên trước nhà. Những chiếc xe khác thuộc về những người trong gia đình Gwen. Chúng nằm rải rác dọc lối đi dài và ở trong sân, nơi có một chiếc xe nữa mà ông không nhận ra. Nó có những cây mía tòi ra từ cửa sổ hông, và có ít nhất bảy gã đội nón rơm đang ngồi bên trong đó.
Tonya và mấy đứa con trai đâu cả rồi?
Vừa mở cửa trước ra, ông đã nghe tiếng Gwen khóc. Ở bên phải, trong căn phòng khách nhỏ, ông thấy một đám đông đang nhốn nháo xúm quanh một thân hình bé bỏng nằm trên trường kỷ. Đứa trẻ được bọc khăn tắm ướt, bao quanh là những người thân đang khóc lóc. Khi ông bước đến trường kỷ, những tiếng khóc ngừng bặt và đám đông rẽ ra. Chỉ còn Gwen ở cạnh bé. Bà dịu dàng vuốt tóc bé. Ông quỳ xuống bên trường kỷ, khẽ chạm vào vai bé. Ông trò chuyện với con gái và cô bé cố mỉm cười. Khuôn mặt bé đầy vệt máu, chỗ bầm, vết cắt. Cả hai mắt đều sưng húp và chảy máu. Ông rớm nước mắt khi nhìn cái thân thể nhỏ nhắn bọc kín trong những chiếc khăn tắm mà vẫn cứ rướm máu từ suốt mắt cá chân cho đến trán.
Carl Lee hỏi Gwen điều gì đã xảy ra. Bà lập tức run rẩy và rên khóc khiến cậu em trai của bà phải dìu bà vào bếp. Carl Lee đứng dậy, quay sang đám đông, yêu cầu cho biết chuyện gì đã xảy ra. Im lặng.
Ông hỏi lại lần thứ ba. Cảnh sát Willie Hastings, một trong những người anh họ của Gwen, bước tới, nói với Carl Lee rằng một số người đang đi câu cá ở miệt Foggy Creek thì thấy Tonya nằm giữa đường. Cô bé cho họ biết tên cha mẹ và họ đã đưa bé về nhà.
Hastings chợt im bặt, dán chặt mắt xuống chân.
Carl Lee nhìn ông, chờ đợi. Mọi người đều nín thở cắm mặt xuống sàn.
“Chuyện gì xảy ra vậy, Willie?” Carl Lee quát lên, chòng chọc nhìn viên cảnh sát.
Hastings chậm rãi nói, mắt nhìn ra cửa sổ. Ông lặp lại những gì bé Tonya kể cho mẹ liên quan đến hai gã da trắng và chiếc bán tải của chúng, sợi dây thừng và cành cây, việc chúng đè lên bé và làm bé đau. Hastings dừng lại khi nghe tiếng còi xe cứu thương.
Đám đông nghiêm trọng đổ xô ra phía cửa chính, đứng chờ ở hàng hiên, nơi họ chứng kiến đội cứu thương lôi ra chiếc băng ca rồi thẳng tiến vào nhà.
Các nhân viên sơ cứu dừng lại ngoài sân khi cửa chính bật mở và Carl Lee bước ra cùng cô con gái ẵm trên tay. Ông dịu dàng thủ thỉ với cô bé, nước mắt ông nhỏ giọt xuống cằm. Ông bước đến xe cứu thương rồi leo vào trong. Các nhân viên sơ cứu đóng cửa lại rồi thận trọng gỡ cô bé khỏi vòng tay của cha.
2
Ozzie Walls là cảnh sát trưởng da đen duy nhất ở Mississippi. Trong lịch sử cận đại cũng đã có không ít người ở địa vị như ông, nhưng cho đến lúc đó thì ông vẫn là người đầu tiên. Ông rất hãnh diện về điều này vì hạt Ford có đến bảy mươi bốn phần trăm người da trắng, và các cảnh sát trưởng da đen khác đều đến từ các hạt “đen” hơn. Kể từ thời Tái thiết đến nay mới chỉ có một cảnh sát trưởng da đen được bầu lên ở một hạt da trắng của Mississippi.
Ông lớn lên ở hạt Ford, được phần lớn người da đen và một số người da trắng yêu mến. Sau cuộc xóa phân biệt chủng tộc cuối thập niên sáu mươi, ông là thành viên của lớp hỗn hợp sắc tộc thuộc trường Trung học Clanton. Ông muốn chơi bóng bầu dục cho trường Ole Miss ở gần đấy, nhưng trong đội đã có hai người da đen rồi. Ông bèn nhắm đến trường Alcorn State, và trong khi đang là hậu vệ đánh chặn cho Rams thì một chấn thương đầu gối đã gửi ông về lại Clanton. Ông nhớ bóng bầu dục, nhưng cũng thích thú với công việc của một cảnh sát cấp cao, đặc biệt là trong mùa bầu cử, khi ông nhận được nhiều phiếu bầu của người da trắng hơn cả đối thủ da trắng của ông. Đám trẻ da trắng yêu mến ông vì ông là một người hùng, một ngôi sao bóng bầu dục từng chơi bóng trên TV và có ảnh trên tạp chí. Cha mẹ chúng tôn trọng ông và bỏ phiếu cho ông vì ông là một tay cớm cứng cựa, không có sự phân biệt giữa côn đồ da đen và côn đồ da trắng. Các chính khách da trắng ủng hộ ông vì, từ khi ông làm cảnh sát trưởng, Sở Tư pháp không còn can thiệp vào hạt Ford nữa. Người da đen mến mộ ông vì ông là Ozzie của họ, là người thuộc phe họ.
Ông bỏ bữa tối tại văn phòng của mình ở nhà giam để chờ Hastings báo cáo về từ nhà Hailey. Ông đã có sẵn một nghi phạm. Billy Ray Cobb không phải là cái tên xa lạ ở văn phòng cảnh sát trưởng. Ozzie biết hắn bán ma túy, chỉ có điều chưa thể bắt được hắn mà thôi. Ông cũng biết Cobb là một gã đồi bại.
Điều phối viên gọi cho các cảnh sát. Khi họ báo cáo về nhà giam, Ozzie chỉ đạo họ xác định vị trí của Billy Ray Cobb, nhưng không được bắt giữ. Có tổng cộng mười hai viên cảnh sát—chín da trắng và ba da đen. Họ tỏa ra khắp hạt để truy tìm chiếc xe bán tải Ford thời thượng màu vàng có treo lá cờ của Liên minh Miền Nam ở cửa sổ hậu.
Khi Hastings về đến, ông cùng cảnh sát trưởng đi đến bệnh viện hạt Ford. Như thường lệ, Hastings lái xe, còn Ozzie thì phát lệnh qua tổng đài. Trong phòng đợi tầng hai, họ gặp người nhà của Hailey. Dì, chú, ông, bà, bằng hữu, tất cả đang túm tụm trong căn phòng nhỏ, một số đứng đợi bên ngoài hành lang hẹp. Có những tiếng thì thào và những giọt nước mắt lặng thầm. Tonya đang ở phòng phẫu thuật.
Carl Lee ngồi trên chiếc trường kỷ bằng nhựa rẻ tiền cùng với Gwen và các cậu con trai. Ông đang nhìn xuống đất, chẳng đếm xỉa gì đến đám đông. Gwen ngả đầu lên vai ông tấm tức khóc. Bọn con
trai ngồi cứng đờ, tay đặt lên đầu gối, thi thoảng liếc nhìn cha như thể đang chờ đợi sự trấn an.
Ozzie lách qua đám đông, nhẹ nhàng bắt tay, vỗ lưng, thì thầm rằng ông sẽ bắt được chúng. Ông quỳ xuống trước Carl Lee và Gwen. “Con bé sao rồi?” ông hỏi. Carl Lee không thấy ông. Gwen khóc lớn hơn, còn bọn con trai thì khụt khịt lau nước mắt. Ông vỗ nhẹ lên đầu gối Gwen rồi đứng dậy. Một trong những em trai của Gwen đưa Ozzie và Hastings từ phòng ra hành lang, tách khỏi gia đình. Anh ta bắt tay Ozzie và cảm ơn ông đã đến.
“Con bé sao rồi?” Ozzie hỏi.
“Không tốt lắm. Nó đang ở phòng giải phẫu, chắc còn nằm đó một thời gian. Nó bị gãy xương và bị sang chấn mạnh. Nó bị đánh
thảm lắm. Có vết dây thừng trên cổ con bé, hình như chúng định treo cổ nó.”
“Nó có bị hãm hiếp không?” ông hỏi, dù đã biết chắc câu trả lời. “Có đấy. Nó nói với mẹ rằng chúng luân phiên nhau đè nó ra và làm đau nó. Bác sĩ đã xác nhận việc này.”
“Carl Lee và Gwen thì sao?”
“Anh chị tôi rất khổ sở. Tôi nghĩ họ bị sốc. Từ khi đến đây, Carl Lee chớ có nói lời nào.”
Ozzie trấn an anh rằng ông sẽ lùng ra hai gã đó, việc này sẽ không lâu đâu, và khi nào ông tìm ra thì chúng sẽ bị nhốt vào một nơi nào đó an toàn. Cậu em trai gợi ý ông nên giấu chúng ở một nhà giam khác, vì sự an toàn của chính chúng.
Ra khỏi Clanton tầm năm cây số, Ozzie trỏ vào một con đường sỏi. “Lái vào đó đi,” ông bảo Hastings. Hastings rời cao tốc, đi vào khoảnh sân trước của một ngôi nhà di động tồi tàn. Ngoài trời hầu như đã tối đen.
Ozzie giáng mạnh cây gậy tuần vào cửa trước. “Mở cửa ra, Bumpous!”
Ngôi nhà di động rung chuyển. Bumpous lết vào phòng tắm để xối nước điếu cần sa vừa mới hút.
“Mở cửa ra, Bumpous!” Ozzie giáng gậy. “Tao biết mày ở trong đó. Ra mở đi, không thì tao đạp cửa đó.”
Bumpous giật cửa mở toang và Ozzie bước vào.
“Mày biết không, Bumpous, mỗi lần viếng thăm mày tao lại ngửi thấy thứ gì đó thú vị vừa mới được xối nước. Mặc đồ vào đi. Tao có việc cho mày đây.”
“G… gì cơ?”
“Khi nào tao hít thở nổi thì tao mới giải thích. Mày cứ mặc đồ đi, và nhanh lên.”
“Nếu tôi không muốn đi thì sao?”
“Tốt thôi. Ngày mai tao sẽ gặp người quản chế mày.” “Một phút nữa tôi ra.”
Ozzie mỉm cười, bước ra xe. Bobby Bumpous là một trong những gã chỉ điểm ưa thích của ông. Từ khi bị quản chế cách đây hai năm, hắn có cuộc sống sạch sẽ ở mức độ hợp lý, thi thoảng mới khuất phục trước sự cám dỗ của một phi vụ buôn bán ma túy dễ dãi để kiếm vài đồng tiền nhanh. Ozzie dòm ngó hắn như một con chim ưng. Ông biết tỏng những giao dịch này, và hắn cũng biết là ông biết. Do đó, Bumpous thường vô cùng sốt sắng giúp đỡ người bạn của hắn, cảnh sát trưởng Walls. Kế hoạch của ông là dùng Bumpous để tóm cổ Billy Ray Cobb vì tội buôn bán ma túy, nhưng kế hoạch đó nay đã phải hoãn lại.
Sau vài phút, Bumpous bước ra, vẫn đang nhét dở chiếc áo đuôi tôm và kéo dây khóa quần. “Ông truy thằng nào vậy?” hắn hỏi. “Billy Ray Cobb.”
“Chuyện nhỏ. Chẳng cần tôi ông cũng tìm ra nó.”
“Câm miệng lại và nghe đây. Bọn tao nghĩ thằng Cobb có dính líu đến vụ hiếp dâm mới chiều nay. Một con bé da đen đã bị hai thằng da trắng hãm hiếp, và tao nghĩ thằng Cobb có dây vào chuyện này.”
“Thằng Cobb không dây vào chuyện hãm hiếp, cảnh sát trưởng à. Nó chỉ dây vào ma túy thôi, nhớ không?”
“Câm miệng lại và nghe nè. Mày đi tìm thằng Cobb rồi giữ chân nó lại. Năm phút trước đây có người bắt gặp chiếc xe của nó ở quán Huey’s. Mày mời nó uống bia. Rủ nó chơi bi-da, xóc đĩa, hay chơi gì cũng được. Tìm hiểu xem hôm nay nó làm gì. Nó đi với ai? Đi những đâu? Mày biết nó thích tán dóc mà, đúng không?”
“Đúng.”
“Gọi cho điều phối viên khi nào mày tìm ra nó. Họ sẽ gọi tao. Tao sẽ ở đâu đó gần đấy. Mày hiểu chưa?”
“Hiểu chứ, cảnh sát trưởng. Chuyện nhỏ mà.”
“Có muốn hỏi gì thêm không?”
“Có đấy. Tôi cạn túi rồi. Ai sẽ chi cho chuyện này?”
Ozzie đưa cho hắn một tờ hai mươi đô la rồi rời đi. Hastings lái về hướng quán Huey’s ở mạn cuối hồ.
“Ông có chắc tin được nó không vậy?” Hastings hỏi. “Ai cơ?”
“Thằng nhóc Bumpous đó.”
“Dĩ nhiên tôi tin. Nó đã chứng tỏ đáng tin cậy kể từ khi bị quản chế. Nhìn chung, nó là một thằng nhóc tốt tính đang cố đi theo đường ngay. Nó hỗ trợ cho cảnh sát ở địa phương và sẽ làm bất cứ việc gì tôi yêu cầu.”
“Vì sao?”
“Vì tôi đã tóm cổ nó với gần 300 gam cần sa cách đây một năm. Nó ra tù được khoảng một năm thì tôi lại tóm thằng em của nó với 28 gam, rồi bảo thằng này rằng nó sẽ lãnh án ba mươi năm. Thằng nhỏ kêu gào ầm ĩ, khóc lóc suốt cả đêm trong phòng giam. Đến sáng ra thì nó chịu khai. Nó nói nguồn cung chính là thằng anh của nó, Bobby. Tôi bèn thả nó ra rồi đến gặp Bobby. Tôi gõ cửa nhà nó và nghe thấy tiếng dội cầu. Nó không chịu ra nên tôi đạp cửa. Tôi thấy nó mặc đồ lót trong nhà tắm, đang cố thông cái bồn cầu. Ma túy vương vãi khắp nơi. Chả biết nó xối được bao nhiêu, nhưng hầu hết có thể thu hồi được ở đường ống thoát nước. Tôi dọa nó thê thảm đến mức nó tè cả ra quần đùi.”
“Ông lại đùa nữa rồi.”
“Đâu có đâu. Thằng nhỏ tè ra khắp mình mẩy của nó thật mà. Nó đứng phỗng ra với cái quần đùi ướt sũng, một tay cầm cây thông bồn cầu, tay kia cầm ma túy, và căn phòng nồng nặc mùi cầu tiêu.
"Rồi ông làm sao?”
“Dọa giết nó.”
“Nó phản ứng thế nào?”
“Bắt đầu khóc lóc. Khóc như đứa trẻ nít ấy. Khóc vì bà mẹ nó, vì nhà tù, vì chuyện này chuyện nọ. Hứa sẽ không quậy nữa.”
“Ông có bắt nó không?”
“Không, đơn giản là tôi không thể. Tôi chửi nó thậm tệ rồi hù nó thêm nữa. Tôi đưa nó vào diện quản chế ngay tại đó, trong cái phòng tắm của nó. Kể từ đó nó hợp tác rất vui vẻ."
Họ đi đến Huey’s và thấy chiếc bán tải của Cobb ở bãi đầu xe trải sỏi, cạnh các chiếc bán tải và truyền động bốn bánh khác. Họ đậu xe phía sau một nhà thờ da đen trên ngọn đồi từ Huey’s ra cao tốc, nơi họ có thể quan sát rõ cái hộp đêm lậu mà khách hàng thường trìu mến gọi là “tiệm nhảy”. Một xe tuần tra khác ẩn sau các lùm cây mé kia cao tốc. Lát sau, Bumpous lượn qua rồi đưa xe vào bãi. Hắn đạp thắng, làm sỏi đất tung tóe, rồi de lại cạnh chiếc xe của Cobb. Hắn nhìn quanh quất rồi bình thản bước vào Hueys. Ba mươi phút sau, điều phối viên báo cho Ozzie gã chỉ điểm đã tìm thấy nghi phạm, nam da trắng, tại quán Huey’s, một cơ sở trên cao tốc 305, khoảng gần hồ. Chỉ vài phút sau, thêm hai xe tuần tra nữa đã rà đến, nấp gần đó. Họ chờ đợi.
“Sao ông biết chắc đó là Cobb?” Hastings hỏi.
“Tôi biết chắc hồi nào. Tôi chỉ linh cảm thôi. Con bé nói đó là chiếc bán tải có mâm bánh sáng loáng và những chiếc lốp bự.”
“Điều đó thu hẹp số xe nghi vấn xuống còn chừng hai ngàn.”
“Nó nói chiếc xe đó màu vàng, trông còn mới, có treo chiếc cờ lớn ở cửa sổ hậu.”
“Điều đó thu hẹp xuống còn hai trăm."
“Có thể ít hơn thế. Có bao nhiêu thằng đê tiện cỡ như Bill Ray Cobb?”
“Nếu không phải nó thì sao?”
“Chính nó đấy.”
“Còn lỡ không phải?”
“Ta sẽ sớm biết thôi. Nó là một thằng bẻm mép, đặc biệt khi say xỉn.”
Họ chờ suốt hai giờ, theo dõi những chiếc bán tải đến và đi. Tài xế xe tải, dân đốn rừng, công nhân nhà máy, nông dân làm thuê, tất cả đậu những chiếc bán tải của mình trên sỏi. Họ khệnh khạng vào quán để uống, để thụt bi da, để nghe nhạc, nhưng chủ yếu vẫn là để tìm “bò lạc”. Một số rời đi, bước sang quán Ann’s Lounge ở kế bên, nơi họ chỉ ở lại vài phút rồi quay trở về Huey’s. Quán Ann’s tối tăm hơn cả bên trong lẫn bên ngoài, và nó thiếu những tấm nhãn bia lòe loẹt và thiếu nhạc sống, những thứ đã khiến cho Huey’s trở thành một nơi hấp dẫn đến vậy đối với dân địa phương. Ann’s được tiếng về mua bán ma túy, nhưng Huey’s thì có tất tần tật: nhạc, gái, những giờ vui vẻ, máy chơi poker, trò xóc đĩa, múa, và rất nhiều trận ẩu đả. Một cuộc choảng nhau tràn từ cửa ra bãi xe, nơi một đám ngáo vườn man dại đấm đá nhau tưng bừng, cho đến khi chúng hộc xì dầu và trở lại bàn xóc đĩa.
“Hy vọng không có thằng Bumpous trong đám đó,” viên cảnh sát trưởng nói.
Các phòng vệ sinh bên trong đều chật chội và kinh tởm, cho nên hầu hết khách hàng đều cảm thấy cần xả nước giữa những chiếc xe bán tải ở bãi xe. Điều đó đặc biệt đúng vào thứ hai hàng tuần, khi đêm bia mười xu thu hút các ngáo vườn từ bốn hạt, và mọi xe tải trong bãi đậu đều nhận ít nhất ba tia nước. Khoảng mỗi tuần một lần lại có một người lái mô tô ngây ngô đi ngang qua bị sốc bởi những gì anh ta hoặc cô ta nhìn thấy ở bãi đậu, và Ozzie buộc phải mở cuộc bắt bớ. Ngoài ra thì ông mặc xác những nơi này.
Cả hai quán đều vi phạm hàng đống luật. Đánh bạc, ma túy, rượu lậu, vị thành niên, không đóng cửa đúng giờ, v.v. Không lâu sau khi đắc cử lần đầu, Ozzie đã phạm sai lầm—một phần do muốn thực hiện gấp những lời hứa tranh cử—khi cho đóng cửa tất cả những tiệm nhảy ở trong hạt. Đó là một sai lầm khủng khiếp. Tỷ lệ tội phạm tăng vọt. Nhà giam chật cứng. Trát tòa chồng chất. Đám ngáo vườn đoàn kết lại, lái xe diễu hành ở Clanton, nơi chúng đậu xe, dễ đến hàng trăm chiếc, khắp xung quanh khu vực tòa án ở quảng
trường. Cứ về đêm chúng lại chiếm quảng trường, nhậu nhẹt, đánh lộn, mở nhạc ầm ĩ, hét những lời tục tĩu vào các thị dân kinh hãi. Đến sáng, quảng trường giống như một bãi rác với chai lon quẳng tứ tung. Ozzie cũng cho đóng cả các tiệm nhảy của dân da đen, và rồi những vụ đột nhập, trộm cắp, đâm chém đã tăng lên gấp ba chỉ trong vòng một tháng. Trong một tuần đã có hai vụ giết người.
Cuối cùng, trước việc thành phố bị vây hãm, một nhóm các mục sư địa phương đã bí mật gặp Ozzie và cầu xin ông nới tay với các tiệm nhảy. Ông lịch sự nhắc họ rằng, trong chiến dịch tranh cử, chính họ đã đòi dẹp tiệm chúng. Họ thừa nhận mình sai và xin ông bỏ qua. Họ sẽ ủng hộ ông trong kỳ bầu cử tới. Tốt. Ozzie bèn nới tay, và cuộc sống đã trở lại bình thường ở hạt Ford.
Ozzie không bằng lòng việc các quán nhậu làm ăn phát đạt trong hạt của ông nhưng, không nghi ngờ gì nữa, ông đã được thuyết phục rằng việc thực thi pháp luật của ông sẽ an toàn hơn khi mà các tiệm nhảy này mở cửa.
Lúc mười giờ ba mươi, điều phối viên báo tin kẻ chỉ điểm đang nghe điện thoại và muốn gặp cảnh sát trưởng. Ozzie cho anh ta vị trí, và một phút sau họ thấy Bumpous xuất hiện, loạng choạng bước đến chiếc xe của hắn. Hắn bẻ lái, cán sỏi, phóng về phía nhà thờ.
“Hắn xỉn rồi,” Hastings nói.
Hắn đánh vòng qua bãi xe nhà thờ rồi rít bánh dừng lại gần chiếc xe tuần tra.
“Chào sếp!” hắn la lớn.
Ozzie tiến đến chiếc bán tải. “Sao lâu thế?”
“Ông bảo tôi cứ thoải mái cả đêm mà.”
“Mày tìm ra nó đã hai tiếng rồi còn gì.”
“Đúng vậy đó sếp, nhưng đã bao giờ ông thử tiêu hai mươi đô la tiền bia trong khi một lon chỉ có năm mươi xu chưa?”
“Mày xỉn rồi à?”
“Đâu có đâu, chỉ vui vẻ chút thôi mà. Cho tôi thêm hai mươi đô nữa có được không?”
“Mày đã phát hiện gì rồi?”
“Về gì cơ chứ?”
“Thằng Cobb!”
“Ờ, đúng là nó ở trong đó.”
“Tao cũng biết nó ở trong đó mà! Còn gì nữa không?”
Bumpous thôi cười, nhìn về phía tiệm nhảy ở xa xa. “Nó cười cợt chuyện đó, sếp ạ. Đó là câu chuyện tiếu lâm lớn của nó. Nó nói cuối cùng đã tìm ra được một con mọi đen hãy còn trinh. Ai đó hỏi con bé đó bao nhiêu tuổi, Cobb nói nó lên tám hay lên chín. Mọi người phá lên cười.”
Hastings nhắm mắt, cúi đầu xuống. Ozzie nghiến răng nhìn đi nơi khác.
“Nó còn nói gì nữa không?”
“Nó xỉn quắc cần câu. Đến sáng mai nó chẳng nhớ gì đâu. Nó nói đó là một con bé da đen xinh xắn.”
“Có ai đi cùng nó không?”
“Pete Willard.”
“Thằng này cũng ở trong đó chứ?”
“Ừ, cả hai đứa nó cùng nhau cười cợt chuyện đó."
“Chúng ngồi ở đâu?”
“Bên tay trái, gần chỗ mấy cái máy bắn bi.”
Ozzie mỉm cười. “Được rồi, Bumpous, mày làm tốt đấy. Cuốn xéo di.”
Hastings gọi cho điều phối viên, nêu ra hai cái tên. Điều phối viên báo lại cho cảnh sát Looney, lúc này đang đậu xe ngoài đường, trước cửa nhà ông thẩm phán hạt Percy Bullard. Looney bấm
chuông cửa rồi trao cho ông thẩm phán hai bản khai và hai trát bắt. Bullard nguệch ngoạc ký các tờ trát rồi trả lại cho Looney. Ông cảm ơn Ngài rồi rời đi. Hai mươi phút sau, Looney trao trát bắt cho Ozzie ở phía sau nhà thờ.
Chính xác mười một giờ, ban nhạc bỗng khựng lại, các vũ công bỗng đóng băng, các banh cái bỗng ngừng lăn, và ai đó đã bật đèn. Mọi cặp mắt đều dõi theo ông cảnh sát trưởng to béo khi ông và người của ông đường bệ và chậm rãi băng qua sàn nhảy, tiến đến chiếc bàn cạnh các máy bắn bi. Cobb, Willard, và hai gã khác đang ngồi trong một khoang. Chiếc bàn chật kín lon bia rỗng. Ozzie bước tới và nhoẻn cười với Cobb.
“Xin lỗi nhé, nhưng chúng tôi không cho phép mọi đen vào đây.” Cobb nói rồi cả bốn tên phá lên cười. Ozzie vẫn tiếp tục nhoẻn cười. Khi trận cười kết thúc, Ozzie nói, “Mấy thằng nhóc chúng mày đang vui vẻ lắm nhỉ, phải vậy không Billy Ray?”
“Bọn tôi vui thật mà.”
“Có vẻ thế thật. Tao ghét phải phá bĩnh, nhưng mày và Willard phải đi theo tao.”
“Đi đâu?” Willard hỏi.
“Đi dạo chơi một chút.”
“Tôi chả nhúc nhích đi đâu cả,” Cobb chửi thề. Đến đó, hai gã kia lẹ làng chuồn ra khỏi khoang, gia nhập vào đám đông các khán giả.
“Tao đang đặt hai đứa mày vào diện bắt giữ,” Ozzie nói. “Ông có trát bắt không?” Coob hỏi.
Hastings lôi các tờ trát ra, Ozzie ném chúng vào giữa các lon bia. “Có chứ, chúng tao có trát bắt. Giờ thì đứng dậy đi.”
Willard tuyệt vọng nhìn Cobb, gã này nhấp bia rồi nói, “Tôi không vào tù đâu.”
Looney trao cho Ozzie cây gậy tuần dài nhất và đen nhất từng được sử dụng ở hạt Ford. Willard rơi vào hoảng loạn. Ozzie gõ gõ cây gậy rồi giáng một phát vào giữa bàn khiến bia, lon và bọt văng
tung tóe. Willard nhảy dựng lên, bắt chéo hai cổ tay, chìa ra cho Looney đang cầm còng chờ sẵn. Hắn bị lôi ra ngoài, tống vào xe tuần tra.
Ozzie vỗ vỗ cây gậy vào lòng bàn tay trái, nhoẻn cười với Cobb. “Mày có quyền giữ im lặng. Những gì mày nói ra có thể được dùng để chống lại mày tại tòa. Mày có quyền mướn luật sư. Nếu mày không có khả năng mướn luật sư thì nhà nước sẽ cung cấp luật sư cho mày. Có hỏi gì nữa không?”
“Có đấy, bây giờ là mấy giờ rồi?”
“Bây giờ là giờ đi tù, bồ tèo ạ.”
“Mày xuống địa ngục đi, thằng mọi đen.”
Ozzie túm tóc hắn, nhấc hắn ra khỏi khoang rồi giúi mặt hắn xuống sàn. Ông chặn một đầu gối lên xương sống hắn, luồn cây gậy tuần dưới cổ họng hắn rồi giật ngược nó lên đồng thời đè mạnh hơn vào lưng hắn. Cobb kêu ré lên khi cây gậy ép mạnh vào thanh quản của hắn. Chiếc còng được đóng khớp, và Ozzie túm tóc hắn lôi qua sàn nhảy, đi ra cửa, băng qua sân trải sỏi, rồi tống cổ hắn vào băng ghế sau, cùng chỗ với Willard.
Tin tức về vụ cưỡng hiếp nhanh chóng lan rộng. Thêm những người bạn và người thân tụ tập trong phòng đợi và hành lang xung quanh. Tonya đã được phẫu thuật xong và được xếp vào ca trầm trọng. Ozzie nói chuyện với em trai của Gwen ở ngoài sảnh, báo cho anh ta biết việc bắt giữ. Phải, chính là chúng nó, ông khẳng định.
3
Jake Brigance leo qua vợ, loạng choạng bước vào căn phòng tắm nhỏ ở cách giường vài bộ, nơi anh mò mẫm trong bóng tối để tìm chiếc đồng hồ báo thức đang reo inh ỏi. Anh tìm ra nó ở nơi anh đã đặt, rồi làm cho nó câm nín bằng một phát vỗ nhanh và mạnh. Lúc này là năm giờ ba mươi sáng thứ Tư ngày 15 tháng Năm.
Anh đứng trong bóng tối một hồi lâu, nín thở, khiếp nhược, tim đập rộn, mắt dán vào những con số huỳnh quang đang rọi soi vào anh từ mặt đồng hồ, một chiếc đồng hồ mà anh thù hận. Tiếng kêu chói lọi của nó ngay cả ở ngoài đường cũng còn nghe thấy được. Sáng nào anh cũng thót tim khi cái vật ấy bùng phát. Thi thoảng, chừng hai lần mỗi năm, anh cũng xô được Carla xuống sàn, và có thể cô sẽ tắt nó rồi leo vào giường trở lại. Nhưng, hầu hết trường hợp, cô không được dễ thương cho lắm. Cô nghĩ anh bị khùng nên mới dậy sớm như thế.
Chiếc đồng hồ nằm trên bậu cửa sổ nên Jake phải di chuyển một chút mới làm cho nó tắt tiếng. Một khi đã thức dậy, Jake không cho phép mình chui trở lại vào chăn. Đó là một trong những điều luật của anh. Từng có lúc chiếc đồng hồ báo thức được đặt trên bàn đầu giường và được giảm âm lượng. Carla có thể với tới và tắt nó trước khi Jake kịp nghe thấy gì. Thế là anh ngủ luôn cho đến bảy tám giờ và làm hỏng bét cả một ngày. Anh không được đến văn phòng vào lúc bảy giờ, một điều luật khác nữa. Chiếc đồng hồ do đó đã được đặt trong phòng tắm và làm đúng chức năng của nó.
Jake bước đến bồn rửa mặt, vốc nước lạnh lên mặt và tóc. Anh bật đèn và khiếp hãi trước hình ảnh của mình trong gương. Mái tóc
nâu duỗi thẳng của anh đâm lởm chởm tứ tung, và đường chân tóc đã lui lại ít nhất năm centimet trong đêm. Hoặc là thế, hoặc là trán của anh đã nở ra. Mắt anh mờ và sưng, ghèn trắng tụ lại ở khóe. Đường viền của tấm chăn để lại một vệt đỏ dọc bên trái khuôn mặt. Anh sờ, rồi chà nó và tự hỏi không biết nó có chịu tan đi hay không. Bằng tay phải, anh vuốt tóc ra sau và xem xét đường chân tóc. Ở tuổi ba mươi hai, anh không có tóc bạc. Tóc bạc không phải là vấn đề. Vấn đề là triệu chứng hói, điều mà Jake thừa hưởng dồi dào từ cả hai phía bên nội ngoại. Anh ước có một đường chân tóc rậm và dày, cách chân mày khoảng chừng một inch. Anh vẫn còn nhiều tóc lắm, Carla bảo thế. Nhưng điều đó chẳng kéo dài được đâu, căn cứ theo tốc độ chúng biến mất. Cô cũng trấn an anh rằng dẫu thế nào anh vẫn cứ đẹp trai, và anh đã tin lời cô. Cô giải thích rằng đường chân tóc lùi lại sẽ khiến anh trông chững chạc hơn, và đó là điều thiết yếu đối với một luật sư trẻ. Anh cũng tin luôn cả điều đó.
Nhưng còn các luật sư già và hói thì sao nhỉ, thậm chí các luật sư chững chạc trung niên và bị hói? Cớ sao tóc không chịu mọc lại sau khi anh đã mọc những vết nhăn cùng những sợi mai bạc và trông đã chững chạc lắm rồi?
Jake nghĩ ngợi những điều này trong lúc tắm. Anh tắm nhanh, сạо mặt, rồi mặc nhanh quần áo. Anh phải đến tiệm cà phê vào lúc sáu giờ sáng—lại một điều luật nữa. Anh bật đèn, kéo rồi sập các ngăn bàn và cửa tủ trong nỗ lực đánh thức Carla dậy. Đó là một thông lệ vào mùa hè, khi cô được nghỉ dạy ở trường. Anh đã giải thích cho cô vô số lần rằng cô sẽ phải rượt đuổi suốt cả ngày sau mỗi lần ngủ quên, và hai vợ chồng cần chia sẻ những thời khắc sớm ở bên nhau. Cô rên rỉ sâu hơn vào chăn. Mặc đồ xong, Jake nhảy lên giường rồi hôn vào tai cô, hôn xuống cổ, hôn khắp khuôn mặt cho đến khi cô rốt cuộc cũng ngọ nguậy theo anh. Rồi anh giật chăn ra khỏi giường và bật cười khi thấy cô co rúm, run rẩy, van xin anh trả lại. Anh trao nó lại và chiêm ngưỡng đôi chân rám nắng, hầu như hoàn hảo của cô. Chiếc áo ngủ thùng thình không che đậy được gì bên dưới eo, và hàng trăm ý nghĩ dung tục nhảy múa trong đầu anh.
Mỗi tháng một lần, cái thông lệ ấy lại vuột khỏi tầm kiểm soát. Cô sẽ không chống cự, và chiếc chăn sẽ được tung ra bởi cả hai. Trong những sáng như thế, Jake cởi đồ ra thậm chí còn nhanh hơn và phá vỡ ít nhất ba điều luật của mình. Đó là cách mà Hanna đã được thụ thai.
Nhưng không phải là sáng hôm đó. Anh đắp chăn cho vợ, trìu mến hôn cô rồi tắt đèn. Cô thở nhẹ hơn rồi thiếp đi.
Trên đường xuống nhà, anh khẽ mở cửa phòng Hanna rồi quỳ xuống bên con gái. Nó mới lên bốn, là đứa con duy nhất, và sẽ không có thêm em. Nó nằm trên giường, xung quanh là những búp bê và thú nhồi bông. Anh hôn nhẹ lên má nó. Con bé đẹp giống mẹ, hai mẹ con giống y chang nhau cả bề ngoài lẫn điệu bộ. Cả hai đều có đôi mắt xanh xám có thể lập tức đổ lệ mỗi khi cần. Cả hai đều có mái tóc sậm cùng một kiểu—như do cùng một người cắt và được cắt cùng lúc. Cả hai thậm chí ăn mặc cũng giống nhau.
Jake yêu thương hai người phụ nữ của đời anh. Anh hôn tạm biệt người thứ hai rồi vào bếp pha cà phê cho Carla. Trên đường ra khỏi nhà, anh thả Max, con chó lai, vào sân sau, nơi nó liên tục xả nước và sủa con mèo của bà Pickle ở kế bên.
Rất ít người hoạt động vào sáng sớm như Jake Brigance. Anh nhanh nhẹn đi đến cuối đường xe chạy, lấy những tờ báo sáng cho Carla. Trời vẫn tối, không khí trong lành và mát mẻ, hứa hẹn một mùa hè đang nhanh chóng đến gần.
Anh đi dạo trong bóng tối từ đầu đường đến cuối đường Adams, rồi trở về ngắm nghía ngôi nhà của mình. Ở hạt Ford có hai ngôi nhà được chứng nhận là địa điểm lịch sử cấp quốc gia, và Jake Brigance đang sở hữu một trong hai ngôi nhà đó. Mặc dù nó bị thế chấp nặng nề, anh vẫn cứ tự hào về nó. Đó là một ngôi nhà mang phong cách Victoria thế kỷ thứ mười chín, được xây bởi một ông cụ làm việc trong ngành đường sắt đã nghỉ hưu. Ông này đã chết ngay vào đêm Giáng sinh đầu tiên của ông ta trong ngôi nhà mới. Mặt tiền nhà là một đầu hồi lớn được trụ ở giữa, với mái điểm phía bên trên một hàng hiên rộng. Dưới đầu hồi có một cửa mạn bọc gỗ diềm nằm
thoai thoải trên hàng hiên. Năm chiếc cột trụ tròn, sơn trắng và lam đá phiến, mỗi cột được chạm khắc thủ công nhiều loại hoa khác nhau—thủy tiên, diên vĩ, hướng dương. Hàng rào giữa các cột được che chắn bởi những công trình đan tết. Trên gác có ba cửa sổ mở ra một ban công nhỏ, bên trái ban công có một cột tháp hình bát giác với cửa sổ kính màu nhô ra và dựng thẳng trên đầu hồi cho đến khi lên đến đỉnh của hình chạm bằng sắt ở đầu mái. Dưới tháp phía bên trái là một hàng hiên rộng và duyên dáng với hàng rào trang trí, nới rộng từ nhà ra và được dùng làm nơi để đậu xe. Các tấm pa-nô phía trước là một tác phẩm cắt dán gồm bánh gừng, đá cuội tuyết tùng, vỏ sò điệp, lưới vây cá, những cột chống tí tẹo, và những con suốt thu nhỏ.
Carla đã tìm được một nhà tư vấn về sơn ở New Orleans, và cô tiên này đã lựa ra sáu màu nguyên thủy—hầu hết có sắc xanh lam, xanh ngọc, hồng đào, và trắng. Việc sơn phết kéo dài đến hai tháng và làm cho Jake hao tổn đến năm ngàn đô la, đó là chưa kể vô số giờ đồng hồ mà anh và Carla đã dành ra để tha thẩn từ chỗ các bậc thang đến chỗ các nẹp trần hoa văn. Và mặc dù vẫn chưa ưng ý một số màu, anh không bao giờ dám gợi ý việc sơn lại.
Như mọi công trình thời Victoria, ngôi nhà trông vinh quang và độc đáo. Nó có cái duyên thầm, có sự khêu gợi, sự cuốn hút đến từ vẻ chân phương. Và nó có sự vui vẻ hầu như trẻ thơ. Carla đã muốn
sở hữu nó từ trước cả khi họ lấy nhau. Đến khi người chủ sở hữu ở Memphis rốt cuộc qua đời và ngôi nhà được niêm phong, họ mới tậu được nó với giá rẻ như bèo vì chẳng ai muốn nó cả. Nó đã bị bỏ hoang trong suốt hai mươi năm. Họ vay nợ rất nhiều từ ba ngân hàng ở Clanton, rồi dành ba năm sau đó đổ mồ hôi hoàn thiện cột mốc son của họ. Nay nhiều người đi ngang qua đã dừng lại và chụp ảnh nó.
Ngân hàng địa phương thứ ba giữ thế chấp chiếc xe của Jake, chiếc Saab duy nhất ở hạt Ford, mà lại còn màu đỏ nữa chứ. Anh lau sương đọng trên kính chắn gió rồi mở cửa xe. Max vẫn đang sủa, đánh thức cả một đội quân chim giẻ ngụ trên cây phong bên nhà bà Pickle. Chúng líu lo với anh và nói lời tạm biệt khi anh cười và huýt
sáo đáp trả. Anh trở lại đường Adams. Vượt qua hai dãy nhà phía đông, anh rẽ hướng nam đi ra đường Jefferson, từ đó qua hai dãy nhà nữa là đâm thẳng ra đường Washington. Jake thường thắc mắc vì sao mọi thị trấn nhỏ phương nam đều có đường mang tên Adams, Jefferson và Washington, nhưng chẳng có đường nào mang tên Lincoln hay Grant. Đường Washington chạy ra phía đông và tây ở mạn bắc của quảng trường Clanton.
Do Clanton là thủ phủ của hạt nên nó có một quảng trường, và một quảng trường thì hiển nhiên phải có một tòa án đặt ở trung tâm. Tướng Clanton đã bỏ nhiều tâm huyết khi sắp đặt thị trấn, vì vậy quảng trường này vừa dài vừa rộng, bãi cỏ quanh tòa được những cây sồi khổng lồ phủ bóng, tất cả các cây đều ngay hàng thẳng lối và cách quãng đều nhau. Tòa án hạt Ford đã bước sang thế kỷ tồn tại thứ hai. Được xây lên sau khi quân Yankee thiêu cháy tòa án đầu tiên, nó ngạo nghễ hướng mặt về phía nam, như thể để răn đe người miền Bắc, buộc họ phải lễ độ và vĩnh viễn hôn đằng sau nó. Tòa nhà ấy cổ kính và đường bệ, với hàng cột trắng chạy dọc mặt tiền và những cửa chớp đen quanh hàng tá cửa sổ. Gạch đỏ nguyên thủy từ lâu đã được sơn lại thành màu trắng, và cứ bốn năm một lần Boy Scout lại bổ sung một lớp men dày sáng loáng để chuẩn bị cho các hoạt động truyền thống vào mùa hè. Nhiều giao ước ban hành qua năm tháng đã cho phép việc bồi đắp và tu sửa. Bãi cỏ quanh tòa rất tươm tất và được cắt xén gọn gàng. Cứ hai tuần một lần, một đội từ nhà giam lại đến đó tỉa tót.
Clanton có ba quán cà phê—hai cho dân da trắng và một cho dân da đen, và cả ba đều nằm trên quảng trường. Việc dân da trắng ăn uống ở Claude’s—quán cà phê da đen ở phía tây—thì chẳng có gì là bất hợp pháp hay bất thường cả. Và dân da đen cũng được an toàn khi ăn uống ở Tea Shoppe ở phía nam hay Coffee Shop trên đường Washington. Nhưng họ không làm vậy vì được căn dặn rằng họ có thể sẽ bị rơi trở lại vào thập niên bảy mươi. Thứ Sáu nào Jake cũng ăn thịt nướng ở Claude’s giống như phần lớn người da trắng theo chủ nghĩa tự do ở Clanton. Nhưng sáu buổi sáng còn lại trong tuần thì anh thường ăn uống ở Coffee Shop.
Anh đậu chiếc Saab trước văn phòng của mình trên đường Washington, rồi đi qua ba cánh cửa để đến Coffee Shop. Quán đã mở cửa từ một giờ trước đó và lúc này đang hoạt động nhộn nhịp. Các cô hầu bàn chạy loanh quanh, phục vụ cà phê và điểm tâm, không ngớt trò chuyện với các anh nông dân, thợ máy và cảnh sát, vốn là những khách ruột. Không có quán cà phê nào dành cho giới văn phòng. Giới văn phòng tụ tập muộn hơn vào buổi sáng tại Tea Shoppe ở bên kia quảng trường, thảo luận về các chính sách quốc gia, tennis, golf và thị trường chứng khoán. Tại Coffee Shop, họ bàn luận về chính sách địa phương, bóng bầu dục, và câu cá vược. Jake là một trong số ít ỏi dân văn phòng được phép lai vãng ở Coffee Shop. Anh được giới văn phòng ưa thích và chấp nhận, hầu hết đều đã từng lúc này lúc khác đến văn phòng của anh để lập chúc thư, chứng thư, đơn ly hôn, đơn bào chữa, hay bất kể công chuyện gì trong hàng ngàn công chuyện khác nhau. Họ nhắm vào anh để kể những câu chuyện tiếu lâm móc mỉa về nghề luật sư, nhưng da mặt anh rất dày. Trong bữa điểm tâm, họ nhờ anh giải thích các điều luật của Tòa Thượng Thẩm và những điều bất cập của luật pháp và tại Coffee Shop, anh đã cho họ rất nhiều tư vấn pháp lý miễn phí. Họ biết ơn điều đó. Không phải lúc nào họ cũng đồng ý với anh, nhưng họ luôn nhận được câu trả lời trung thực. Đôi lúc họ tranh cãi, nhưng chưa bao giờ ác ý.
Anh bước vào quán lúc sáu giờ, và mất năm phút để chào hỏi, bắt tay, vỗ vai mọi người, nói những câu dí dỏm với các cô hầu bàn. Lúc anh ngồi vào bàn, cô gái mà anh ưa chuộng, Dell, đã chuẩn bị xong cho anh cà phê và bữa sáng thường lệ, gồm bánh mì nướng, rau câu và cháo ngô. Cô nựng anh, gọi anh là cục cưng, là người yêu, và nói chung là cứ rối rít quanh anh. Tuy dấm dẳng và hay cự cãi những người khác, nhưng cô lại có một lề thói khác đối với Jake.
Anh ăn cùng Tim Nunley, thợ máy của hãng Chevrolet, và hai anh em Bill và Bert West, cùng làm việc tại nhà máy giày ở phía bắc thị trấn. Anh rưới ba giọt sốt tiêu Tabasco lên cháo ngô rồi khuấy chúng đầy nghệ thuật cùng với một lát bơ. Anh trét một lớp rau câu dâu nhà làm lên bánh mì nướng. Khi đã chuẩn bị hoàn chỉnh hết các
món, anh nếm cà phê rồi bắt đầu ăn. Họ lặng lẽ ăn và thảo luận về việc món cá thu bị cay như thế nào.
Trong khoang giáp cửa sổ, cách bàn của Jake vài bộ, ba viên cảnh sát đang trò chuyện với nhau. Viên cảnh sát to béo, Marshall Prather, quay sang Jake, lớn tiếng hỏi. “Jake này, có phải anh từng cãi cho Billy Ray Cobb cách đây vài năm không?”
Quán cà phê lập tức im bặt, mọi con mắt đều đổ dồn về vị luật sư. Không ngạc nhiên về câu hỏi mà về ngạc nhiên về phản ứng, Jake nuốt chỗ cháo rồi cố nhớ lại cái tên.
“Billy Ray Cobb ấy à,” anh cao giọng đáp lại. “Vụ gì thế nhỉ?”
“Ma túy,” Prather nói. “Hắn bị bắt quả tang bán ma túy cách đây bốn năm. Ngồi tù ở Pachman rồi được thả năm ngoái.”
Jake nhớ ra. “Không, tôi chưa cãi cho hắn. Tôi nhớ đó là một luật sư ở Memphis.”
Prather có vẻ hài lòng. Ông quay lại với món bánh kếp của mình. Jake chờ đợi.
Cuối cùng, anh lên tiếng hỏi, “Sao vậy? Hắn lại làm gì nữa à?” “Chúng tôi mới tóm hắn đêm qua vì tội hiếp dâm.
“Hiếp dâm!”
“Phải, hắn cùng với Pete Willard.”
“Chúng hiếp ai vậy?”
“Anh còn nhớ gã da đen Hailey mà anh bào chữa trong vụ án giết người cách đây vài năm không?”
“Lester Hailey. Dĩ nhiên tôi nhớ.”
“Anh biết Carl Lee, anh của Lester chứ?”
“Dĩ nhiên. Tôi biết rõ ông ta. Tôi biết mọi người nhà Hailey. Tôi đại diện cho hầu hết gia đình họ mà.”
“Vậy thì nạn nhân chính là cô bé con đấy.”
“Ông đùa à?”
“Không hề.”
“Con bé bao nhiêu tuổi?”
“Mười.”
Jake mất hết cả khẩu vị khi quán cà phê trở lại bình thường. Anh khuấy khuấy tách cà phê và lắng nghe cuộc trò chuyện chuyển từ câu cá sang xe hơi Nhật Bản rồi trở lại chuyện câu cá. Khi hai anh em nhà West đi khỏi, anh chuồn sang khoang có các viên cảnh sát.
“Con bé thế nào?” anh hỏi.
“Ai cơ?”
“Con bé gái nhà Hailey ấy mà.”
“Tệ lắm,” Prather nói. “Nó đang nằm viện.”
“Chuyện gì đã xảy ra?”
“Chúng tôi chưa biết hết. Con bé không nói được nhiều. Mẹ con bé sai nó ra tiệm tạp hóa. Họ ngụ trên đường Craft, phía sau tiệm tạp hóa Bates.”
“Tôi biết họ sống ở đâu.”
“Cách chi đó chúng lôi được con bé lên chiếc bán tải của thằng Cobb rồi đưa nó đến nơi nào đó ở trong rừng và cưỡng hiếp nó.”
“Cả hai tên?”
“Phải, và nhiều lần. Rồi chúng đấm đá con bé thậm tệ. Vài người họ hàng còn chẳng nhận ra được nó nữa. Nó bị đánh thảm lắm.”
Jake lắc đầu. “Bệnh thật!”
“Là cái chắc. Bệnh chưa từng thấy. Chúng định giết con bé. Bỏ cho nó chết.”
“Ai tìm ra con bé vậy?”
“Mấy cu cậu da đen nhà Buncha đang câu cá xuôi theo mạn Fogny Creek. Chúng thấy con bé bị bỏ lại giữa đường, tay bị trói
quặt ra sau. Con bé còn nói được chút đỉnh—nó nói tên cha nó, và chúng đưa nó về.” -
“Làm sao các ông biết đó là Billy Ray Cobb?”
“Con bé nói với mẹ rằng đó là chiếc bán tải màu vàng có treo lá cờ Liên minh Miền Nam ở cửa sổ hậu. Ozzie chỉ cần biết có thế. Nó mới vừa nhập viện thì ông ta đã hình dung ra tất tật.”
Prather thận trọng không tiết lộ quá nhiều. Ông thích Jake, nhưng Jake là luật sư và đang nắm giữ nhiều vụ việc hình sự.
“Pete Willard là ai vậy?”
“Là thằng bạn nào đó của Cobb”
“Các anh tóm chúng ở đâu?”
“Ở Huey’s.”
“Cũng dễ đoán thôi.” Jake uống cà phê và nghĩ về Hanna. “Bệnh, bệnh, bệnh hết cỡ nói” Looney làu bàu.
“Carl Lee thế nào rồi?”
Prather chùi chỗ xi rô dính trên ria mép. “Cá nhân mà nói, tôi không quen biết ông ta, nhưng tôi chưa bao giờ nghe chuyện gì xấu về ông ta cả. Họ vẫn đang ở bệnh viện. Tôi nghĩ Ozzie đã ở cùng họ suốt đêm qua. Ông ta biết họ rất rõ, dĩ nhiên rồi, ông ta biết tất tật họ hàng nhà bên đó. Hastings cũng có họ với con bé đấy.”
“Khi nào thì phiên sơ bộ diễn ra?”
“Bullard xác định vào lúc một giờ chiều nay. Phải không vậy, Looney?”
Looney gật đầu.
“Có bảo lãnh gì không?”
“Chưa xác định. Bullard sẽ đợi phiên sơ thẩm. Nếu con bé chết, chúng sẽ bị xem xét tội danh giết người gia trọng, đúng không nhỉ?” Jake gật đầu.
“Chúng không thể được bảo lãnh nếu phạm tội giết người gia trọng, đúng không?” Looney hỏi.
“Chúng có thể đấy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai như thế được bảo lãnh. Tôi biết Bullard sẽ không cho bảo lãnh đối với tội danh giết người gia trọng, mà nếu ông ta có muốn cho đi nữa thì cũng chẳng được.”
“Nếu con bé không chết thì chúng phải ngồi tù bao lâu?” Nesbit, viên cảnh sát thứ ba, hỏi.
Mọi người lắng nghe Jake giải thích. “Chúng đáng bị kết án chung thân vì tội cưỡng hiếp. Tôi cho rằng chúng còn bị kết tội bắt cóc và hành hung nghiêm trọng nữa kìa.”
“Chúng quả thật đã phạm các tội đó mà.”
“Vậy thì chúng đáng nhận thêm hai mươi năm vì tội bắt cóc và hai mươi năm vì tội hành hung nghiêm trọng.”
“Phải, nhưng chúng sẽ ngồi hết bao lâu?” Looney hỏi.
Jake suy nghĩ một lát. “Có thể hình dung chúng sẽ được phóng thích sau mười ba năm. Ngồi bảy năm vì tội cưỡng hiếp, ba năm vì tội bắt cóc, ba năm vì hành hung nghiêm trọng. Đó là giả sử chúng bị kết án tất cả các tội danh trên và bị xử tối đa.”
“Cobb thì sao? Hắn có tiền án mà.”
“Phải, nhưng hắn không tái phạm. Phải có hai tiền án thì mới ăn thua.”
“Mười ba năm,” Looney lắc đầu lặp lại.
Jake nhìn qua cửa sổ. Quảng trường đang sinh động lên với những chiếc bán tải đầy hoa quả đậu sát vỉa hè quanh thảm cỏ tòa án, nơi các ông bà cụ nông dân trong bộ áo liền quần bạc phếch đang sắp lại ngay ngắn những chiếc rổ nhỏ đựng cà chua, dưa leo và bí ở cửa sau và mui xe. Dưa hấu từ Florida được đặt cạnh những bánh xe bẩn thỉu, nhớp nhúa, rồi các bác nông dân rời đi để dự một cuộc họp sớm dưới đài tưởng niệm Việt Nam, nơi họ ngồi trên các băng ghế, nhai Red Man và gọt cắt trong khi tán gẫu với nhau
những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Có lẽ họ đang bàn tán về vụ cưỡng hiếp, Jake nghĩ. Lúc này trời đã sáng, và đã đến giờ tới văn phòng. Các viên cảnh sát đang ăn nốt, và Jake xin cáo lui. Anh ôm nhẹ Dell, thanh toán séc, và trong một phút đã nghĩ đến việc lái về nhà để kiểm tra Hanna.
Bảy giờ kém ba phút, anh mở khóa cửa văn phòng và bật đèn.
Carl Lee nằm trằn trọc trên chiếc trường kỷ trong phòng đợi. Tình trạng của Tonya tuy nghiêm trọng nhưng ổn định. Họ đã vào thăm bé lúc nửa đêm, sau khi bác sĩ cảnh báo rằng bé có vẻ không ổn lắm. Bé trông như vậy thật. Gwen hôn lên khuôn mặt nhỏ băng bó kín mít trong khi Carl Lee đứng ở cuối giường, cam chịu, bất động, không biết phải làm gì ngoài việc ngây nhìn cái thân hình bé bỏng bao bọc bởi các kiểu máy móc, ống truyền, và các cô y tá. Gwen sau đó được cho thuốc an thần rồi đưa về nhà mẹ của bà ở Clanton. Đám con trai thì về nhà người em của Gwen.
Đám đông giải tán vào lúc một giờ, để lại Carl Lee một mình trên chiếc trường kỷ. Ozzie mang cà phê và bánh rán đến vào lúc hai giờ. Ông kể cho Carl Lee tất cả những gì ông biết về Cobb và Willard.
Văn phòng của Jake là một tòa nhà hai tầng trong dãy nhà hai tầng nhìn ra tòa án ở phía bắc quảng trường, chỗ từ Coffee Shop đi xuống. Tòa nhà được gia đình Wilbanks xây từ hồi thập niên 1890, lúc mà họ còn sở hữu hạt Ford. Việc hành nghề luật của nhà Wilbanks đã tồn tại trong tòa nhà kể từ ngày nó được xây cho đến năm 1979, tức vào năm khai trừ .
Bên cạnh, về phía đông, là đại lý bảo hiểm mà Jake đã từng kiện về việc xuyên tạc một yêu sách của Tim Nunley, người thợ máy của hãng Chevrolet. Ở phía tây là ngân hàng nắm thế chấp chiếc Saab. Tất cả các tòa nhà quanh quảng trường đều có hai tầng, ngoại trừ các ngân hàng. Tòa nhà bên cạnh—cũng được xây bởi nhà Wilbanks —chỉ có hai tầng thôi, nhưng tòa nhà ở góc đông nam của quảng trường lại có ba tầng, và tòa nhà mới nhất ở góc tây nam thì có đến bốn tầng.
Jake hành nghề một mình từ năm 1979, tức vào năm khai trừ. Anh thích công việc đó, đặc biệt vì chẳng có luật sư nào khác ở Clanton có đủ năng lực để hành nghề cùng anh. Ở thị trấn có nhiều luật sư giỏi, nhưng phần lớn lại làm việc cho hãng Sullivan, ngụ ở cái tòa nhà ngân hàng bốn tầng lầu. Jake ghét hãng Sullivan này. Mọi luật sư đều ghét hãng Sulivan ngoại trừ các luật sư của hãng đó. Họ có tám người cả thảy, tám gã phô trương và ngạo mạn chưa từng thấy. Hai gã có bằng Harvard. Họ nắm các nhà nông lớn, các ngân hàng, các công ty bảo biểm, các công ty đường sắt, tất cả những ai có tiền. Mười bốn luật sư khác trong hạt nhặt nhạnh những phần thừa thẹo và đại diện cho người dân—những sinh linh đang sống, đang thở, hầu hết chỉ có chút ít tiền. Họ là những “luật sư đường phố”—những kẻ vượt khó để giúp những người lâm nạn. Jake tự hào anh là một luật sư đường phố.
Văn phòng của anh rất rộng lớn. Anh chỉ sử dụng năm trong số mười căn phòng trong tòa nhà. Dưới nhà có một phòng tiếp tân, một phòng họp lớn, một nhà bếp, và một phòng kho nhỏ hơn. Trên gác, Jake có cái văn phòng rộng lớn của anh và một phòng khác nữa, nhỏ hơn, mà anh gọi là phòng tác chiến. Nó không có cửa sổ, điện thoại, những thứ làm phân tâm. Có ba phòng trống ở trên gác và hai phòng như thế ở dưới nhà. Suốt nhiều năm trong quá khứ, những căn phòng này được trấn giữ bởi hãng Wilbanks danh giá, mãi cho đến năm khai trừ. Văn phòng của Jake ở trên gác—Văn Phòng—rất đồ sộ: chín nhân chín mét, với trần gỗ cao ba mét, sàn gỗ cứng, lò sưởi khổng lồ, và ba chiếc bàn làm việc—bàn làm việc của anh, bàn họp nhỏ nằm ở một góc, và một chiếc bàn có bệ nằm ở một góc khác, dưới bức chân dung của William Faulkner. Những bàn ghế cổ bằng gỗ sồi đã nằm đó gần cả thế kỷ, cũng như các cuốn sách và giá sách phủ kín một bên bờ tường. Khung cảnh quảng trường và tòa án là rất ấn tượng, và nó có thể còn hoàn thiện hơn nữa nếu mở các cánh cửa kiểu Pháp và bước ra chiếc ban công nhỏ nhô ra vỉa hè, gần đường Washington. Không nghi ngờ gì nữa, Jake đang có một văn phòng đẹp nhất ở Clanton. Ngay cả những kẻ thù khốc liệt nhất của anh trong hãng Sullivan cũng chào thua chuyện này. Để có sự khang trang và cảnh quan quảng trường đó, Jake phải
trả bốn trăm đô la mỗi tháng cho chủ nhà và cũng là chủ cũ của anh, Lucien Wilbanks, người đã bị khai trừ khỏi luật sư đoàn vào năm 1979.
Suốt nhiều thập niên, nhà Wilbanks đã thống trị hạt Ford. Họ là những người kiêu hãnh, giàu có, tài ba trong các lĩnh vực nông sản, ngân hàng, chính trị, và đặc biệt là luật pháp. Tất cả những người đàn ông nhà Wilbanks đều là luật sư, được giáo dục tại các trường Ivy League. Họ lập ra các ngân hàng, nhà thờ, trường học, và có nhiều người phục vụ trong lĩnh vực hành chánh công. Hãng Wilbanks & Wilbanks từng là một hãng hùng mạnh và danh giá bậc nhất ở bắc Mississippi trong suốt nhiều năm.
Rồi Lucien đã đến. Trong thế hệ của ông, ông là nam nhân duy nhất của nhà Wilbanks. Ông có hai người chị và vài cô cháu gái, nhưng họ chỉ mong lấy được chồng tốt. Lúc ông còn bé, mọi người đều kỳ vọng nơi ông những điều lớn lao, nhưng khi ông lên lớp ba thì ai cũng thấy rõ ông sẽ là một Wilbanks khác. Ông thừa hưởng hãng luật vào năm 1965 sau khi cha và chú của ông tử nạn trong một vụ rơi máy bay. Mặc dù đã bốn mươi tuổi, nhưng chỉ gần đây thôi tức nhiều tháng trước cái chết của họ—ông mới học xong môn luật qua các khóa hàm thụ. Cách chi đó, ông vượt qua được các kỳ thi lấy chứng chỉ. Ông nắm quyền kiểm soát hãng và thế là khách hàng bắt đầu bay biến. Các thân chủ lớn, như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, và nông gia, tất cả đều rũ áo ra đi rồi tập kết tại hãng Sullivan mới thành lập. Sullivan từng là một nhân viên cấp thấp trong hãng Wilbanks cho đến khi bị Lucien sa thải. Sullivan ra đi, kéo theo nhiều nhân viên cấp thấp khác và phần lớn khách hàng. Rồi Lucien lại tiếp tục sa thải tất cả những người khác—các phụ tá, lục sự, văn thư—tất cả ngoại trừ Ethel Twitty, bà thư ký mà người cha quá cố của ông ưa chuộng nhất.
Ethel và John Wilbanks đã gần gũi nhau suốt nhiều năm. Thực tế là bà có một cậu con trai trông rất giống Lucien. Anh chàng tội nghiệp này dành phần lớn thời gian tới lui các bệnh viện tâm thần. Lucien thường bông đùa gọi anh ta là người em trai thiểu năng của ông. Sau vụ rơi máy bay, người em trai thiểu năng này chợt xuất
hiện ở Clanton và bắt đầu nói với mọi người rằng anh ta là con trai ngoài giá thú của John Wilbanks. Ethel thấy tủi nhục, nhưng không thể kiểm soát được con mình. Clanton sục sôi trong tai tiếng. Một đơn kiện được hãng Sullivan tung ra với tư cách luật sư của người em thiểu năng nhằm tranh chấp một phần tài sản. Lucien tức điên. Một phiên sơ thẩm đã diễn ra tiếp theo đó, và Lucien đã quyết liệt bảo vệ thanh danh, sự kiêu hãnh và tên tuổi gia đình ông. Ông cũng quyết liệt bảo vệ tài sản của cha, toàn bộ đã được chia lại cho ông và các người chị. Tại tòa, bồi thẩm đoàn đã ghi nhận sự giống nhau đáng ngạc nhiên giữa Lucien và con trai bà Ethel, vốn trẻ hơn ông nhiều tuổi. Người em trai thiểu năng đã tuân thủ cái chiến lược cố ngồi thật gần Lucien. Các luật sư của Sullivan đã hướng dẫn anh ta cách đi lại, nói năng, ngồi và làm mọi thứ y hệt như Lucien. Họ thậm chí còn cho anh ta ăn mặc giống Lucien. Ethel và chồng của bà phủ nhận con trai họ có dính líu đến nhà Wilbanks, nhưng bồi thẩm đoàn không cảm thấy như vậy. Anh ta được phán xét là người thừa kế của John Wilbanks, và được hưởng một phần ba tài sản. Lucien chửi bới bồi thẩm đoàn, bợp tai anh chàng đáng thương kia, để rồi, trong cơn la hét, bị lôi ra khỏi phòng xử và đưa thẳng đến nhà giam. Quyết định của bồi thẩm đoàn đã bị đảo ngược và bãi bỏ trong phiên kháng cáo, nhưng Lucien vẫn sợ sẽ có thêm tranh chấp nếu Ethal thay đổi lời khai của bà. Vì thế mà Ethel Twitty đã ở lại với hãng Wilbanks.
Lucien hài lòng với việc hãng của ông bị tan rã. Ông chưa bao có ý định hành nghề luật giống như cách các vị tổ tiên của ông. Ông muốn là một luật sư hình sự, trong khi khách hàng cũ của hãng rõ ràng đã trở thành giới công ty. Ông muốn có các vụ hiếp dâm, giết người, lạm dụng trẻ em, những vụ việc xấu xí mà chẳng ai khác muốn nhận. Ông muốn là một luật sư dân quyền, tranh tụng cho các quyền tự do dân sự. Nhưng trên tất cả, Lucien muốn là một luật sư cấp tiến, một luật sư cấp tiến chói sáng với những vụ án và lý tưởng không được ưa thích, và với rất nhiều sự chú ý nữa.
Ông bắt đầu để râu, ly dị vợ, bỏ đi lễ, bán cổ phần tại câu lạc bộ thể thao ngoài trời, gia nhập NAACP và ACLU, rút lui khỏi hội đồng quản trị ngân hàng, và nói chung đã trở thành một mối họa của
Clanton. Ông kiện các trường học về việc tách ly , kiện thống đốc về tình trạng nhà tù, kiện thị trấn vì đã từ chối lát vỉa hè ở khu vực da đen, kiện ngân hàng vì không có thủ quỹ người da đen, kiện nhà nước về án tử hình, kiện các nhà máy vì không công nhận các tổ chức công đoàn. Ông đã chiến đấu và thắng nhiều vụ án hình sự, và các chiến thắng đó không chỉ diễn ra ở hạt Ford. Uy tín của ông lan rộng và một sự ủng hộ lớn đã phát triển trong số những người da đen, người da trắng nghèo, và vài tổ chức công đoàn ở bắc Mississipi. Ông lấn sang vài lĩnh vực béo bở như gây thương tích cá nhân và án tử hình bất công. Đã có những dàn xếp tốt đẹp. Hãng của ông, gồm ông và Ethel, đã sinh lãi hơn bao giờ hết. Lucien không cần tiền. Ông vốn đã sinh ra cùng tiền và chưa bao giờ nghĩ về nó. Việc đếm tiền là do Ethel làm.
Luật đã trở thành cuộc sống của ông. Do không có gia đình, ông trở thành một người nghiện công việc. Mười lăm giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần, Lucien hành nghề với tất cả sự đam mê. Ông không có mối quan tâm nào khác ngoại trừ rượu. Cuối thập niên sáu mươi, ông thấy mình hợp khẩu vị với Jack Daniel’s. Sang đầu thập niên bảy mươi, ông là người mê rượu chè, và khi ông tuyển mộ Jake vào năm 1978 thì ông đã là con sâu rượu thứ thiệt. Nhưng ông chưa bao giờ để cho việc say xỉn ảnh hưởng đến công việc. Ông đã học được cách vừa uống vừa làm việc cùng một lúc. Lucien luôn nửa tỉnh nửa say, và trong tình trạng như thế, ông luôn là một luật sư nguy hiểm. Với tính cách quyết liệt và lỗ mãng, ông thực sự đáng sợ khi rượu vào. Tại tòa, ông làm cho các luật sư đối nghịch phải lúng túng, ông chửi mắng thẩm phán, sỉ nhục nhân chứng, rồi xin bồi thẩm đoàn cáo lỗi. Ông chẳng nể nang gì ai và chẳng ai dọa được ông. Người ta sợ ông vì ông có thể nói và làm bất cứ điều gì. Người ta đi nhón gót khi ở quanh ông. Ông biết điều đó và thích như thế. Ông trở nên ngày càng quái gở. Càng uống nhiều thì ông càng hành động điên rồ, vì vậy mọi người càng nói nhiều về ông, và ông càng uống nhiều hơn nữa.
Từ năm 1966 đến năm 1978, Lucien tuyển mộ rồi sa thải mười một trợ thủ. Ông thuê người da đen, người Do Thái, người nói tiếng Tây Ban Nha, phụ nữ, và không một người nào theo kịp những đòi
hỏi của ông. Ông là một bạo chúa ở văn phòng, liên tục chửi bới, mắng mỏ các luật sư trẻ tuổi. Vài người bỏ đi chỉ sau tháng đầu. Một người bỏ đi sau hai năm. Khó mà chịu đựng nổi sự điên rồ của Lucien. Ông có tiền nên có quyền lập dị—còn các trợ thủ của ông thì không.
Ông tuyển mộ Jake vào năm 1978, khi anh vừa chân ướt chân ráo tốt nghiệp trường luật. Jake đến từ Karaway, một thị trấn nhỏ hai mươi lăm ngàn dân cách Clanton gần 30 cây số. Anh sáng dạ, thủ cựu, theo Giáo hội Trưởng lão, có một cô vợ đẹp thích sinh nhiều
em bé. Lucien tuyển mộ anh để xem thử có thể làm tha hóa anh được không. Jake nhận việc và tỏ ra rất khiêm cung vì anh không có sự chào mời nào khác ở gần nhà.
Một năm sau, Lucien bị khai trừ khỏi luật sư đoàn. Đó là một bi kịch đối với những người ít ỏi mến mộ ông. Công đoàn nhỏ của nhà máy giày phía bắc thị trấn đã kêu gọi đình công. Đó là công đoàn mà Lucien đã tổ chức ra và đại diện. Nhà máy bắt đầu thuê nhân công mới để thay thế những người đình công, và bạo lực đã diễn ra. Lucien xuất hiện ở tuyến đầu để quy tụ người của ông. Ông say xỉn hơn thường lệ. Một nhóm phá đình công tìm cách vượt phòng tuyến và một vụ cãi cọ đã bùng phát. Lucien cầm đầu nên bị bắt bỏ tù. Ở tòa án thị trấn, ông bị kết tội hành hung và gây rối. Ông kháng cáo và bị thua, kháng cáo và lại bị thua tiếp.
Luật sư đoàn Hoa Kỳ đã ngán ngẩm Lucien suốt từ nhiều năm qua. Không có luật sư nào ở Hoa Kỳ nhận nhiều kiện cáo như Lucian Wilbanks. Khiển trách riêng, khiển trách công cộng, treo giò, tất cả đều đã được vận dụng mà chẳng được tích sự gì. Ủy ban Khiếu kiện và Kỷ luật Tòa án đã nhanh nhẹn vào cuộc. Ông bị khai trừ khỏi luật sư đoàn vì hành vi lăng mạ. Ông kháng cáo và thua, kháng cáo và lại thua tiếp.
Thế là ông điêu đứng. Vào lúc Jake đang ở văn phòng của Lucien, tức căn phòng lớn trên gác, thì có tin từ Jackson rằng Tòa Tối cao đã tán thành việc tước quyền. Lucien gác điện thoại, bước đến các cánh cửa trông ra quảng trường. Jake quan sát ông sít sao, chờ đợi một tràng chửi bới. Nhưng Lucien không nói năng gì cả. Ông chầm
chậm xuống thang, dừng lại nhìn Ethel, lúc đó đang khóc, rồi ông nhìn Jake. Ông mở cửa và nói, “Hãy chăm nom nơi này nhé. Hẹn gặp lại anh sau.”
Họ chạy ra cửa sổ, nhìn ông phóng đi từ quảng trường trên chiếc Porsche cũ tả tơi của ông. Suốt nhiều tháng, anh không có tin tức gì về ông. Jake vẫn cày bừa các vụ án của Lucien, còn Ethel thì cố giữ cho văn phòng không hỗn loạn. Một số vụ án đã được giải quyết, số được chuyển giao cho các luật sư khác, một số được đưa ra xử.
Sáu tháng sau, khi Jake trở về văn phòng sau một ngày dài ở tòa án, anh thấy Lucien đang nằm ngủ trên tấm thảm Ba Tư tại văn phòng lớn. “Lucien! Ông ổn chứ?” anh hỏi.
Lucien bật dậy, đến ngồi trên chiếc ghế da lớn phía sau bàn làm việc. Trông ông tỉnh táo, rám nắng, thư thái.
“Jake, anh bạn của tôi, anh thế nào rồi?” ông nồng nhiệt hỏi. “Ổn, tôi ổn. Ông đi đâu biệt tăm vậy?”
“Quần đảo Caymann.”
“Ông làm gì ở đó?”
“Nốc rượu rum, nằm ườn ngoài bãi biển, săn mấy em gái nhỏ bản địa.”
“Nghe thú vị đấy nhỉ. Thế sao ông lại bỏ về?”
“Tôi thấy chán.”
Jake đi bọc qua bàn. “Lucien, gặp lại ông thật dễ chịu.” “Gặp lại anh cũng dễ chịu, Jake ạ. Công việc nơi đây thế nào rồi?” “Dồn dập. Nhưng cũng ổn, tôi nghĩ vậy.”
“Anh giải quyết vụ Medley chưa?”
“Rồi. Họ trả tám ngàn.”
“Rất tốt. Ông ta có vui không?”
“Vui chứ, có vẻ thế.”
“Cruger có ra tòa không?”
Jake nhìn xuống sàn nhà. “Không, ông ta thuê Fredrix. Tôi nghĩ phiên tòa sẽ được thiết lập vào tháng tới.”
“Lẽ ra tôi phải nói chuyện với ông ta trước khi đi.”
“Ông ta có tội đúng không?”
“Phải. Rất có tội. Ai đại diện cho anh ta thì cũng đến nước đó thôi. Hầu hết các bị cáo đều có tội. Hãy nhớ lấy điều này” Lucien bước đến cánh cửa kiểu Pháp, chằm chặp nhìn tòa án. “Kế hoạch của anh là gì vậy, Jake?”
“Tôi mong được ở lại đây. Còn kế hoạch của ông là gì?”
“Anh là người tốt, Jake ạ. Tôi muốn anh ở lại. Phần tôi thì tôi chưa biết. Tôi đã nghĩ đến việc di chuyển sang Caribean, nhưng tôi sẽ không đến đó đâu. Đó là một nơi đẹp để viếng thăm, nhưng nó xưa lắm rồi. Tôi thực sự chẳng có kế hoạch gì cả. Có lẽ tôi sẽ đi du lịch, tiêu cho bớt tiền đi. Tôi giàu lắm đấy, anh biết mà.”
Jake đồng ý. Lucien quay lại, khoát tay quanh căn phòng. “Tôi muốn anh có tất cả những thứ này, Jake ạ. Tôi muốn anh ở đây và ít nhiều làm ra vẻ như hãng vẫn đang hoạt động. Hãy dọn đến văn phòng này, sử dụng chiếc bàn mà ông nội tôi đưa từ Virginia đến sau nội chiến. Hãy giữ các hồ sơ, vụ việc, khách hàng, sách vở, tất tật mọi thứ.”
“Ông hào phóng quá, Lucien.”
“Hầu hết khách hàng sẽ biến mất. Không chỉ trích gì anh đâu đấy nhé—ngày nào đó anh sẽ là một luật sư tuyệt vời. Nhưng hầu hết khách hàng của tôi đã theo tôi suốt nhiều năm qua.”
Jake chẳng muốn sở hữu hầu hết khách hàng của ông. “Tiền thuê thì thế nào?”
“Anh trả được bao nhiêu thì trả. Lúc đầu tiền bạc sẽ eo hẹp đấy, nhưng anh sẽ kiếm được thôi. Tôi không cần tiền, còn anh thì có đấy.”
“Ông thật là tốt bụng.”
“Tôi tốt bụng thật mà."
Cả hai lúng túng cười. Jake ngưng cười.
“Còn Ethel thì sao?”
“Tùy theo anh thôi. Bà ấy là một thư ký giỏi. Anh không biết người nào quên nhiều luật lệ như bà ấy đâu. Tôi biết anh không ưa bà ấy, nhưng bà ấy khó thay thế lắm đấy. Cứ sa thải bà ấy nếu anh muốn. Tôi chẳng quan tâm.”
Lucien bước ra cửa. “Cần thì gọi tôi nhé. Tôi sẽ ở quanh đây. Tôi muốn anh dọn vào văn phòng này. Nó từng là của cha tôi và ông nội tôi. Hãy bỏ mấy thứ linh tinh của tôi vào vài chiếc hộp, tôi sẽ đến lấy sau.”
Cobb và Willard thức dậy với cái đầu đau nhói và đôi mắt sưng đỏ. Ozzie đang quát tháo chúng. Chúng bị nhốt riêng trong một phòng giam nhỏ. Sau các chấn song bên phải là phòng giam nơi các tù nhân của bang đang chờ chuyến đến Pachman. Một tá gã da đen cố thò đầu qua chấn song, chật vật dụi mắt khi ngó thấy hai gã tù da trắng. Bên trái là một phòng giam nhỏ hơn, cũng đầy ắp dân da đen. Ozzie quát gọi chúng thức dậy và bảo chúng giữ yên lặng, nếu không ông sẽ cho nhập phòng.
Thời gian yên lành của Jake là từ bảy giờ cho đến khi Ethel đến vào lúc tám giờ ba mươi. Anh luôn bo bo giữ cho riêng mình khoản thời gian đó. Anh khóa cửa trước, phớt lờ điện thoại, từ chối các cuộc hẹn. Anh lập kế hoạch chi li trong ngày. Đến tám giờ ba mươi anh sẽ có đủ việc để giao phó cho Ethel, giữ cho bà ấy bận rộn và im ắng cho đến trưa. Khoảng chín giờ anh sẽ lên tòa hay gặp gỡ các thân chủ. Anh sẽ không nhận điện thoại trước mười một giờ, lúc anh phải trả lời các tin nhắn buổi sáng một cách có hệ thống—toàn bộ chúng. Anh chưa bao giờ trì hoàn trả lời bất cứ cú điện thoại nào— một điều luật khác. Jake làm việc quy củ và hiệu quả, với rất ít thời gian bị làng phí. Những thói quen này anh không hề học hỏi từ Lucien.
Vào lúc tám giờ ba mươi, Ethel khai trương cuộc xuất hiện ồn ào của bà ở nhà dưới. Bà pha tách cà phê mới rồi mở thư như vẫn làm
hàng ngày suốt bốn mươi mốt năm qua. Năm nay bà đã sáu mươi bốn tuổi mà trông như chỉ mới năm mươi. Bà tuy đẫy đà nhưng không mập, giữ eo tốt nhưng không mấy cuốn hút. Ngấu nghiến xong cây xúc xích béo ngậy và chỗ bánh quy mang từ nhà đến, bà bắt đầu đọc các thư từ của Jake.
Jake nghe thấy giọng bà. Ethel đang nói chuyện với một người phụ nữ. Anh kiểm tra cuốn sổ ghi lịch hẹn—không có ai trước mười giờ cả.
“Chào ông Brigance,” Ethel nói qua nội đàm.
“Chào bà Ethel.” Bà thích được gọi là “bà Twitty” hơn. Lucien và mọi người luôn gọi bà như thế. Nhưng Jake thì vẫn gọi bà là Ethel kể từ khi anh sa thải bà trong một quãng thời gian ngắn sau vụ khai trừ.
“Có bà đây muốn gặp ông.”
“Bà ta chưa được hẹn.”
“Vâng, thưa ông, tôi biết.”
“Hẹn bà ta sáng mai vào lúc mười giờ ba mươi đi. Hiện thời tôi đang bận.””
“Vâng, thưa ông. Nhưng bà ta nói đây là chuyện khẩn cấp.”
“Ai thế?” anh gắt lên. Luôn luôn là khẩn cấp khi họ xông vào mà không hề báo trước, cứ như xông vào nhà tang lễ hay tiệm giặt ủi vậy. Co lẽ đó chỉ là vài câu hỏi khẩn cấp về di chúc của bác Luke hay một vụ án sẽ xét xử trong ba tháng tới.
“Một bà tên là Willard,” Ethel đáp.
“Tên thánh là gì?”
“Earnestine Willard. Ông không biết bà ta đâu, nhưng con trai bà ta đang ngồi tù.”
Jake thấy anh vẫn còn thu xếp được cuộc hẹn, nhưng tự tung tự tác xông vào lại là một chuyện khác. Ethel hoặc sẽ phải đẩy bà ta đi, hoặc phải xếp lịch hẹn cho hôm sau hay một ngày nào đó. Ông
Brigance đang rất bận, bà sẽ phải giải thích như vậy, nhưng ông ta có thể làm việc với bà vào ngày mốt. Nói như vậy sẽ tạo được ấn tượng.
“Nói với bà ta rằng tôi không quan tâm.”
“Nhưng bà ta nói bà ta phải tìm bằng được một luật sư. Con trai của bà ta phải ra tòa vào lúc một giờ chiều nay.”
“Bảo bà ta gặp Drew Jack Tyndale, luật sư bào chữa công ấy. Ông ấy giỏi mà lại cãi miễn phí.”
Ethel chuyển lời nhắn. “Nhưng, thưa ông Brigance, bà ta muốn thuê ông cãi. Có ai đó nói với bà ta rằng ông là luật sư hình sự giỏi nhất hạt.” Sự giễu cợt lộ rõ trong giọng nói của Ethel.
“Bảo bà ta rằng quả thật là như thế, nhưng tôi không quan tâm.”
Ozzie còng tay Willard, dẫn hắn ra hành lang đi đến văn phòng của ông ở mặt tiền của nhà giam hạt Ford. Ông tháo còng rồi bảo hắn ngồi lên chiếc ghế gỗ ở tâm căn phòng hẹp. Ozzie thì ngồi trên chiếc ghế lớn bên kia bàn, nhìn xuống bị cáo.
“Anh Willard, đây là trung úy Griffin của Đội Tuần tra Cao tốc Mississippi. Đây là thanh tra Rady thuộc văn phòng của tôi, còn đây là cảnh sát Looney và cảnh sát Prather mà anh đã gặp đêm qua, chẳng hay anh còn nhớ không. Tôi là cảnh sát trưởng Walls.”
Willard sợ hãi gật gù, nhìn từng người. Hắn đã bị bao vây. Cánh cửa đã đóng. Hai chiếc máy ghi âm nằm cạnh nhau ở mép bàn của cảnh sát trưởng
“Chúng tôi muốn hỏi anh vài câu được chứ?”
“Tôi không biết.”
“Trước khi bắt đầu, tôi muốn đảm bảo anh hiểu các quyền của anh. Trước hết, anh có quyền giữ im lặng. Hiểu chưa?”
“Ờờờờ.”
“Anh không phải nói điều gì mà anh không muốn nói, nhưng nếu anh nói thì mọi điều anh nói có thể sẽ được sử dụng để chống lại
anh tại tòa. Hiểu chưa?”
“Ờờờờ.”
“Anh biết đọc, biết viết chứ?”
“Biết.”
“Tốt, vậy hãy đọc tờ này rồi ký tên vào. Nó nói rằng anh đã được tư vấn về các quyền của anh.”
Willard ký tên. Ozzie bấm chiếc nút đỏ trên một trong các máy ghi âm.
“Ông biết máy ghi âm đã được bật rồi chứ?”
“Ờờờờ.”
“Và hôm nay là thứ hai ngày 15 tháng Năm, lúc tám giờ bốn mươi ba phút sáng.”
“Ông nói thế thì tôi biết thế.”
“Tên họ đầy đủ của ông là gì?”
“James Louis Willard.”
“Biệt danh?”
“Pete. Pete Willard.”
“Địa chỉ?”
“Lộ 6, lô 14. Hồ Village, Mississippi.”
“Đường nào?”
“Đường Bethel.”
“Ông sống với ai?”
“Với mẹ tôi. Earnestine Willard. Tôi đã ly hôn.”
“Ông biết Billy Ray Cobb chứ?”
Willard lưỡng lự nhìn xuống chân. Giày của hắn ở trong buồng giam. Đôi vớ trắng trông bẩn thỉu và không che giấu được những ngón chân to dùng. Câu hỏi này an toàn, hắn nghĩ.
“Phải. Tôi biết nó.”
“Hôm qua ông đi với hắn phải không?”
“Ờờờờ.”
“Hai người ở đâu?”
“Ra miệt hồ.”
“Các người đi vào lúc mấy giờ?”
“Khoảng ba giờ.”
“Các người lái xe gì?”
“Tôi không lái.”
“Các người ngồi xe gì?”
Ngập ngừng. Hắn chăm chú nhìn các ngón chân. “Tôi không muốn nói nữa.”
Ozzie nhấn một nút khác và máy ghi âm dừng lại.
Ông hít một hơi sâu, nhìn Willard. “Anh đã từng đến Pachman chưa?”
Willard lắc đầu.
“Anh biết có bao nhiêu người da đen ở Pachman không?” Willard lắc đầu.
“Chừng năm ngàn. Anh biết có bao nhiêu thanh niên da trắng ở đó không?”.
“Không.”
“Chừng một ngàn.”
Willard vục cằm xuống ngực. Ozzie để hắn nghĩ một phút rồi nháy mắt với trung úy Griffin. “Anh có hình dung được những người da đen này sẽ làm gì với một gã da trắng cưỡng hiếp một cô bé da đen không?”
Không trả lời.
“Trung úy Griffin, hãy cho ông Willard đây biết các thanh niên da trắng bị xử như thế nào ở Pachman."
Griffin bước đến bàn của Ozzie rồi ngồi lên mép. Ông nhìn xuống Willard.
“Khoảng năm năm về trước có một gã da trắng ở vùng đồng bằng hạt Helena đã cưỡng hiếp một cô bé da đen. Cô bé này mười hai tuổi. Họ biết hắn đang được chuyển đến Pachman nên đón lõng hắn ở đó. Đêm đầu tiên, chừng ba mươi người da đen đã trói hắn vào một chiếc trống hơn 200 lít rồi leo lên đó. Các cai ngục chỉ đứng nhìn và cười. Chẳng ai ưa mấy đứa hiếp dâm cả. Họ hành hắn hàng đêm trong suốt ba tháng trời, rồi khử hắn luôn. Người ta phát hiện hắn bị thiến, bị nhồi vào trong trống.”
Willard co rúm lại rồi ngửa đầu ra sau, nhìn trần nhà thở dốc.
“Coi nào, Pete,” Ozzie nói, “chúng tôi không truy anh. Chúng tôi muốn gã Cobb. Tôi đã để mắt đến hắn kể từ hồi hắn rời khỏi Pachman. Tôi rất muốn tóm hắn. Anh giúp chúng tôi tóm Cobb, chúng tôi sẽ giúp anh tối đa. Tôi không hứa hẹn gì cả, nhưng tôi và bên D.A. có quan hệ mật thiết với nhau. Anh giúp tôi tóm Cobb, tôi sẽ giúp anh đối phó bên D.A . Chỉ cần cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra.”
“Tôi muốn có luật sư,” Willard nói.
Ozzie gục đầu xuống, rên rỉ. “Luật sư thì làm được cái quái gì, hả Pete? Có cứu anh khỏi đám da đen được không? Tôi đang tìm cách giúp anh mà anh cứ ngoan cố.”
“Cậu phải nghe lời cảnh sát trưởng, con trai ạ. Ông ấy đang cố cứu mạng cậu đấy,” Griffin phụ họa.
“Nếu may mắn thì cậu sẽ chỉ phải ngồi vài năm trong nhà giam tại đây,” Rady nói.
“An toàn hơn nhiều so với ở Pachman,” Prather nói.
“Tùy anh lựa chọn thôi, Pete,” Ozzie nói. “Anh có thể chết ở Pachman hay ở lại đây. Tôi thậm chí sẽ cân nhắc cho anh làm tù
nhân tin cậy nếu anh cư xử tốt.”
Willard gục đầu xuống, chà xát hai thái dương.
“Được rồi, được rồi.” Ozzy bấm chiếc nút đỏ.
“Các người phát hiện con bé ở đâu?”
“Trên con đường sỏi nào đó.”
“Đường nào?”
“Tôi không biết, tôi đã uống xỉn rồi.”
“Các người tóm con bé ở đâu?”
“Tôi không biết.”
“Chỉ có ông và Cobb thôi hả?”
“Vâng.”
“Ai hãm hiếp nó?”
“Cả hai chúng tôi. Billy Ray đầu tiên.”
“Bao nhiêu lần?”
“Tôi không nhớ. Tôi đã hút cỏ và uống bia.”
“Cả hai người đã hãm hiếp nó?”
“Vâng.”
“Các người vứt nó ở đâu?”
“Không nhớ. Tôi thề là tôi không nhớ mà.” Ozzie nhấn vào chiếc nút khác. “Chúng tôi sẽ gõ những lời này ra để anh ký tên vào.”
Willard lắc đầu. “Xin đừng nói cho Billy Ray biết.”
“Chúng tôi không nói đâu,” ông cảnh sát trưởng hứa.
4
Trong phòng thẩm phán, ở mặt sau tòa án, nơi một đám đông tụ tập để nghe ngóng vụ hiếp dâm, Percy Bullard ngồi bồn chồn trên chiếc ghế da sau chiếc bàn làm việc đồ sộ bằng gỗ sồi đã mòn vẹt. Trong căn phòng nhỏ kế bên, các luật sư đang tụ tập bên máy pha cà phê, bàn tán về vụ việc.
Chiếc váy đen nhỏ nhắn của Bullard treo trong góc, gần cánh cửa sổ trông ra hướng bắc, về phía đường Washington. Đôi chân cỡ sáu đang xỏ giày chạy bộ của ông chỉ hơi khẽ chạm sàn. Ông là một người nhỏ thó, nóng nảy, luôn lo lắng trước các phiên tòa sơ bộ và trước từng phiên xử lặt vặt khác. Sau mười ba năm ngồi trên ghế thẩm phán, ông chưa bao giờ học được cách thư giãn. May mắn thay, chẳng ai bắt ông phải xử những vụ lớn, vốn dành cho thẩm phán Tòa Lưu động. Bullard chỉ là thẩm phán hạt mà thôi, và ông đã lên đến hết đỉnh cao mất rồi.
Ông Pate, viên cảnh sát kỳ cựu của phòng xử, gõ cửa. “Vào đi!” Bullard nói.
“Chào thẩm phán.”
“Ngoài kia có bao nhiêu người da đen vậy?” Bullard đột ngột hỏi. ”
“Một nửa phòng xử.”
“Vậy là cả trăm người! Một phiên xử giết người cũng chẳng thu hút nhiều người xem đến thế. Họ muốn gì vậy?”
Ông Pate lắc đầu.
“Họ tưởng chúng ta xử mấy gã đó hôm nay chắc.”
“Tôi nghĩ họ chỉ quan tâm thôi,” ông Pate nhẹ nhàng nói.
“Quan tâm cái gì? Tôi có thả chúng đâu. Đây mới là phiên sơ bộ thôi mà.” Ông dịu xuống rồi nhìn ra cửa sổ. “Gia đình có ngoài đó không?”
“Tôi nghĩ là có. Tôi nhận ra vài người họ, nhưng tôi không biết cha mẹ con bé.”
“An ninh sao rồi?”
“Cảnh sát trưởng đã điều cảnh sát và dự bị đến canh gác chặt phòng xử. Chúng tôi đã khám xét từng người ở cửa vào.”
“Có tìm thấy gì không?”
“Không, thưa ông.”
“Mấy gã kia ở đâu?”
“Cảnh sát trưởng đã đưa họ đến. Một phút nữa họ sẽ ở đây.” Vị thẩm phán có vẻ hài lòng. Ông Pate đặt tờ giấy viết tay lên bàn. “Cái gì đây?”
Ông Pate hít một hơi sâu. “Đó là yêu cầu của tổ truyền hình Memphis xin được quay phim phiên xử.”
“Cái gì!” Khuôn mặt Bullard đỏ tía lên. Ông cáu kỉnh đong đưa chiếc ghế xoay. “Quay phim trong phòng xử của tôi ư?” ông quát lên rồi xé toang tờ giấy, vứt các mảnh về phía chiếc thùng rác. “Họ đang ở đâu?”
“Đang ở phòng tròn.”
“Ra lệnh cho họ xéo ngay khỏi tòa án.”
Ông Pate mau mắn rời đi.
Carl Lee Hailey ngồi ở hàng ghế áp chót. Hàng chục bà con và bằng hữu bao quanh ông trên những băng ghế bọc đệm phía bên phải phòng xử. Các cảnh sát vũ trang dè dặt đi lởn vởn, lo lắng quan
sát nhóm da đen, đặc biệt là Carl Lee, người đang ngồi khom mình về phía trước, cùi chỏ chống đầu gối, lơ láo nhìn xuống sàn.
Qua cửa sổ, Jake nhìn sang mặt hậu của tòa án phía bên kia quảng trường, vốn quay mặt về hướng nam. Lúc này đã là một giờ chiều. Anh đã bỏ bữa trưa, như thường lệ, và không có công việc gì ở phía bên kia đường. Nhưng anh cần chút không khí trong lành. Anh đã ở lì trong tòa nhà suốt cả ngày, và mặc dù không muốn nghe chi tiết vụ hiếp dâm, anh không muốn bỏ lỡ phiên tòa này. Hẳn phải có một đám đông trong phòng xử vì quanh quảng trường chẳng còn chỗ nào trống để đậu xe. Một nhóm phóng viên và người chụp ảnh đang sốt ruột đứng chờ bên những cánh cửa gỗ ở mặt hậu của tòa án, nơi Cobb và Willard sẽ đi vào.
Nhà giam nằm ở mạn nam, cách quảng trường hai dãy nhà, xuôi theo cao tốc. Ozzie lái xe chở theo Cobb và Willard ở băng ghế sau. Với một xe cảnh sát đi trước và một xe bọc hậu, đoàn diễu hành rẽ khỏi đường Washington, đi vào một con đường ngắn dẫn đến hàng hiên của tòa án. Sáu cảnh sát hộ tống các bị cáo vượt qua đám
phóng viên, băng qua cửa, rồi lên cầu thang hậu để vào căn phòng nhỏ ngay bên ngoài phòng xử.
Jake chộp chiếc áo khoác, phớt lờ Ethel, ù chạy sang bên kia đường. Anh chạy lên cầu thang hậu, băng qua một hành lang nhỏ bên ngoài phòng bồi thẩm, rồi vào phòng xử bằng cửa hông, vừa lúc ông Pate đưa Ngài của ông ta ra ghế thẩm phán.
“Tất cả đứng dậy chào tòa,” ông Pate hô lớn. Mọi người đứng dậy. Bullard bước đến ghế thẩm phán và ngồi xuống.
“An tọa,” ông quát lớn. “Các bị cáo ở đâu? Ở đâu? Đưa họ vào đây ngay.”
Hai tay bị cùm, Cobb và Willard được dẫn vào phòng xử từ một phòng chờ nhỏ. Chúng không cạo râu, trông bệ rạc, bẩn thỉu, bối rối. Willard nhìn nhóm người da đen đông đúc còn Cobb thì quay lưng lại họ. Looney tháo còng, cho chúng ngồi xuống cạnh Drew Jack Tyndale, viên luật sư bào chữa công cộng, tại chiếc bàn dài của
bên bị. Cạnh đó là một chiếc bàn dài nữa, nơi công tố viên Rocky Childers đang ngồi ghi chép, trông có vẻ long trọng.
Willard ngoái đầu ra sau, một lần nữa dò xét những người da đen. Ở hàng ghế đầu, ngay phía sau hắn, là mẹ của hắn và mẹ của Cobb, mỗi bà đều được một cảnh sát bảo vệ. Với tất cả các viên cảnh sát đó, Willard cảm thấy an toàn. Cobb thì vẫn từ chối quay lưng lại.
Từ hàng ghế sau cách đó chừng hai mươi lăm mét, Carl Lee ngẩng đầu lên nhìn vào lưng hai gã đã hãm hiếp con gái ông. Chúng là những kẻ lạ, trông nhếch nhác, bờm xờm, bẩn thỉu. Ông che mặt rồi khom mình xuống. Phía sau ông, các cảnh sát đứng dựa tường, quan sát từng động thái.
“Nghe đây,” Bullard lớn tiếng mở lời, “Đây chỉ là phiên sơ bộ, không phải là phiên xét xử. Mục đích của phiên sơ bộ là xác định liệu có đủ bằng chứng rằng tội ác đã được tiến hành hay không, nhằm ràng buộc bị cáo với đại bồi thẩm đoàn. Các bị cáo thậm chí có thể khước từ phiên này nếu muốn.”
Tyndale đứng dậy, “Không, thưa Ngài, chúng tôi muốn xúc tiến phiên này.”
“Rất tốt. Tôi có các bản khai của cảnh sát trưởng Walls cáo buộc cả hai bị cáo về tội cưỡng hiếp một người nữ dưới tuổi mười hai, tội bắt cóc và hành hung nghiêm trọng. Ông Childers, ông mời nhân chứng đầu tiên của ông được rồi đấy.”
“Vâng thưa Ngài, xin mời cảnh sát trưởng Ozzie Walls."
Jake ngồi trong khoang bồi thẩm cùng nhiều luật sư khác, tất cả đều giả tảng như đang bận đọc những tài liệu quan trọng. Ozzie tuyên thệ rồi ngồi vào ghế nhân chứng phía bên phải Bullard, cách khoang bồi thẩm tầm một mét.
“Xin ông vui lòng cho biết tên?”
“Cảnh sát trưởng Ozzie Walls.”
“Ông là cảnh sát trưởng của hạt Ford?”
“Vâng.”
“Tôi biết ông là ai rồi,” Bullard làu bàu trong khi lần giở tập hồ sơ.
“Thưa cảnh sát trưởng, chiều hôm qua văn phòng của ông có nhận được cuộc gọi nào báo tin một đứa bé mất tích không?”
“Có, vào khoảng bốn giờ ba mươi.”
“Văn phòng của ông làm gì?”
“Cảnh sát Willie Hastings được phái đến tư gia của ông bà Gwen và Carl Lee Hailey, cha mẹ của cô bé.”
“Nó nằm ở đâu vậy?”
“Phía dưới đường Craft, sau tiệm tạp hóa Bates.”
“Ông ta phát hiện gì?”
“Ông ta tìm thấy mẹ của cô bé, người đã gọi điện báo. Rồi ông ta chạy xe vòng vòng để tìm cô bé.”
“Ông ta có tìm ra không?”
“Không. Khi ông ta trở về thì cô bé đã ở đó. Cô bé được tìm thấy bởi đám người câu cá, rồi họ đưa cô bé về nhà.”
“Tình trạng cô bé thế nào?”
“Cô bé bị cưỡng hiếp và đánh đập.”
“Cô bé có tỉnh không?”
“Có. Cô bé nói được hay thì thào được đôi chút.”
“Cô bé nói gì vậy?”
Tyndale đứng bật dậy. “Thưa Ngài, tôi biết tin truyền miệng được chấp nhận trong phiên xử như thế này, nhưng đây là gấp ba lần tin truyền miệng.”
“Bác bỏ phản đối. Im đi. Ngồi xuống. Hỏi tiếp đi, ông Childers.” “Cô bé nói gì?”
“Kể với mẹ đó là hai gã da trắng đi trên chiếc bán tải màu vàng với lá cờ của Liên minh Miền Nam ở cửa sổ. Chỉ chừng đó thôi. Cô bé không nói được nhiều. Hai quai hàm của cô bé đã bị vỡ và khuôn mặt thì bị đá.”
“Chuyện gì diễn ra sau đó?”
“Cảnh sát gọi cứu thương và cô bé được đưa đến bệnh viện.” “Cô bé thế nào?”
“Họ nói cô bé đang nguy kịch.”
“Chuyện gì diễn ra sau đó?”
“Căn cứ trên những gì tôi biết đến lúc đó, trong đầu tôi đã nẩy ra một nghi phạm.”
“Vậy ông làm gì?”
“Tôi tìm một người chỉ điểm, một người chỉ điểm đáng tin cậy. Rồi gài hắn vào quán bia ở cuối hồ.”
Childers không phải là loại người thích hay sa đà vào chi tiết, đặc biệt là trước mặt Bullard. Jake biết điều đó, và Tyndale cũng biết. Bullard gửi mọi vụ án lên bồi thẩm đoàn, cho nên mọi phiên sơ bộ chỉ là hình thức mà thôi. Bất kể vụ án nào, dữ kiện nào, bằng chứng nào, bất kể mọi thứ. Bullard sẽ ràng buộc bị cáo với bồi thẩm đoàn. Nếu không có đủ bằng chứng, thì cứ để đại bồi thẩm đoàn thả họ ra, chứ Bullard thì không đời nào. Ông cần được bầu lại, chứ đại bồi thẩm đoàn thì có cần được bầu lại đâu. Cử tri luôn tức giận khi những tên tội phạm được trả tự do. Phần lớn các luật sư bào chữa ở hạt đều khước từ phiên sơ bộ trước Bullard. Jake thì không. Anh xem những phiên này là cách tốt nhất và nhanh nhất để tìm kiếm việc khởi tố. Tyndale thì hiếm khi khước từ phiên sơ bộ.
“Quán bia nào?”
“Huey’s.”
“Anh ta phát hiện gì?”
“Anh ta nói có nghe thấy Cobb và Willard, hai bị cáo ở đây, khoác lác về việc hiếp dâm một cô bé da đen.”
Cobb và Willard đưa mắt nhìn nhau. Ai là chỉ điểm vậy. Chúng chẳng nhớ mấy ai ở quán Huey’s.
“Các ông phát hiện gì ở Huey’s?”
“Chúng tôi bắt giữ Cobb và Willard, rồi khám xét chiếc bán tải đăng ký tên Billy Ray Cobb.”
“Các ông phát hiện gì?”
“Chúng tôi kéo nó đi và mới vừa kiểm tra sáng nay. Có rất nhiều vết máu.”
“Còn gì khác không?”
“Chúng tôi phát hiện một chiếc áo thun vấy máu.”
“Áo thun của ai?”
“Nó thuộc về Tonya Hailey, cô bé bị cưỡng hiếp. Cha cô bé, Carl Lee Hailey, đã xác nhận chiếc áo này sáng nay.”
Carl Lee nghe thấy nhắc đến mình bèn ngồi thẳng lưng lên. Ozzie nhìn thẳng vào ông. Jake quay lại và lần đầu tiên thấy Carl Lee.
“Ông mô tả chiếc xe thử xem.
“Đó là một chiếc bán tải mới, hiệu Ford. Bánh xe mạ crôm với lốp đi bùn. Có lá cờ của Liên minh Miền Nam treo ở cửa sổ hậu.”
“Ai sở hữu nó?”
Ozzie trỏ về phía các bị cáo. “Billy Ray Cobb.”
“Nó có khớp với mô tả của cô bé không?”
“Có.”
Childers dừng lại để rà soát các ghi chép của ông.
“Ông cảnh sát trưởng, ông còn có chứng cớ nào khác chống lại các bị cáo không?”
“Sáng nay chúng tôi đã nói chuyện với Pete Willard ở nhà giam. Ông ta đã ký tên nhận tội.”
“Mày làm gì vậy!” Cobb thốt lên. Willard co rúm người, tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Trật tự! Trật tự!” Bullard vừa quát vừa nện cây búa của ông. Tyndale thì lo tách hai thân chủ của ông.
“Ông đã tư vấn cho ông Willard về các quyền của ông ta chưa?” “Đã.”
“Ông ta có hiểu chúng không?”
“Có.”
“Ông ta có ký tuyên bố về chuyện đó không?”
“Có.”
“Có những ai hiện diện khi ông Willard khai báo?”
“Có tôi, hai cảnh sát, thanh tra của tôi, Rady, và trung úy Griffin của đội Tuần tra Cao tốc.”
“Các ông đã có bản nhận tội rồi chứ?”
“Đã”
“Xin ông vui lòng đọc nó ra.”
Phòng xử lặng như tờ khi Ozzie đọc bản nhận tội ngắn. Carl Lee thờ thẫn nhìn hai bị cáo. Cobb trừng mắt nhìn Willard, kẻ lúc này đang phủi bụi chiếc giày ống.
“Cảm ơn cảnh sát trưởng," Childers nói khi Ozzie dứt lời. “Ông Willard có ký nhận tội không?”
“Có, trước mặt ba nhân chứng.”
“Công tố không còn gì để hỏi thêm, thưa Ngài.”
Bullard lớn giọng, “Ông có thể thẩm vấn chéo được rồi đấy, ông Tyndale.”
“Tôi tạm thời không có gì để hỏi, thưa Ngài.”
Một nước cờ cao, Jake nghĩ. Về mặt chiến lược mà nói, đối với bên bị, cách tốt nhất là nên giữ im lặng tại phiên sơ bộ. Chỉ lắng nghe, ghi chép, để cho phóng viên tòa án ghi lại lời khai, và giữ im lặng. Đằng nào thì đại bồi thẩm đoàn cũng xem xét vụ việc, cớ gì phải bận tâm. Và chớ bao giờ để cho các bị cáo khai. Lời khai của họ chẳng phục vụ cho mục đích gì, mà sẽ còn ám họ ở phiên xét xử. Jake biết họ sẽ không tuyên thệ gì cả vì anh hiểu Tyndale.
“Mời nhân chứng kế tiếp của ông đi,” vị thẩm phán yêu cầu. “Chúng tôi không có ai thêm nữa, thưa Ngài.”
“Tốt. Ngồi xuống đi, ông Tyndale, ông có nhân chứng nào không?”
“Không, thưa Ngài.”
“Tốt. Tòa nhận thấy có đủ bằng chứng rằng nhiều tội ác đã được các bị cáo này thực hiện, và tòa lệnh cho ông Cobb và ông Willard phải chịu sự câu lưu để chờ hành động của đại bồi thẩm đoàn hạt Ford, dự kiến sẽ nhóm họp vào thứ Hai ngày 27 tháng Năm. Còn câu hỏi nào khác không?”
Tyndale chậm rãi đứng dậy. “Có, thưa Ngài, chúng tôi yêu cầu tòa ban hành một khoản bảo lãnh tại ngoại hợp lý cho các bị…”
“Quên điều đó đi,” Bullard nạt. “Việc bảo lãnh tại ngoại vào lúc này bị từ chối. Theo như tôi hiểu, cô bé đó đang trong tình trạng nguy kịch. Nếu cô bé chết, dĩ nhiên sẽ có những cáo trạng kiểu khác.”
“Tốt lắm, thưa Ngài, trong trường hợp đó tôi xin yêu cầu một phiên tại ngoại trong vài ngày tới, với hy vọng tình trạng của cô bé được cải thiện.”
Bullard dò xét nhìn Tyndale. Ý hay đấy, ông nghĩ. “Cho phép. Phiên tại ngoại sẽ được lập vào thứ Hai tuần sau, ngày 20 tháng Năm, ngay tại phòng xử này. Từ đây đến đó, các bị cáo sẽ bị câu lưu bởi cảnh sát trưởng hạt Ford. Bãi tòa.”
Bullard nện búa rồi biến mất. Cảnh sát bu đến các bị cáo, còng tay họ lại, rồi tất cả biến mất khỏi phòng xử. Họ vào phòng chờ rồi xuống cầu thang hậu, vượt qua các phóng viên và leo vào các xe cảnh sát.
Phiên sơ bộ mang phong cách tiêu biểu của Bullard—chưa đầy hai mươi phút. Công lý có thể rất lẹ làng trong phòng xử của ông. Jake trò chuyện với các luật sư khác, nhìn đám đông im lìm đi qua những cánh cửa gỗ đồ sộ cuối phòng xử. Carl Lee vội đi ra và ra hiệu cho Jake đi theo ông. Họ gặp nhau ở phòng tròn. Carl Lee muốn nói chuyện. Ông xin lỗi đám đông và hứa gặp lại họ ở bệnh viện. Ông cùng Jake xuống tầng trệt theo chiếc cầu thang xoắn.
“Tôi thực sự rất tiếc, Carl Lee ạ” Jake nói.
“Vâng, cả tôi cũng vậy.”
“Con bé thế nào rồi?”
“Nó sẽ qua thôi.”
“Gwen ổn không?”
“Ổn, tôi nghĩ vậy””
“Còn anh thì sao?”
Họ đi chầm chậm dọc hành lang, hướng ra cửa hậu của tòa án. “Tôi vẫn chưa hoàn hồn. Ý tôi là, mới hai mươi bốn giờ trước đây thôi mọi thứ vẫn đang ổn. Giờ thì xem chúng tôi kìa. Con gái bé bỏng của tôi đang nằm viện với ống iếc cắm đầy mình. Vợ tôi muốn nổi điên còn mấy đứa con trai thì sợ chết khiếp, và tôi thì chỉ nghĩ đến việc trừng trị mấy thằng con hoang đó mà thôi.”
“Tôi ước có thể làm được gì, Carl Lee ạ.”
“Tất cả những gì anh có thể làm là cầu nguyện cho con bé, cầu nguyện cho chúng tôi.”
“Tôi biết chuyện đó rất đau lòng.”
“Anh cũng có con gái nhỏ mà, đúng không?”
“Vâng.”
Carl Lee không nói năng gì khi họ sánh bước trong im lặng. Jake đổi chủ đề. “Lester đang ở đâu?”
“Ở Chicago.”
“Cậu ấy đang làm gì vậy?”
“Làm cho một công ty thép. Công việc tốt. Đã lập gia đình.” “Anh đùa à? Lester mà lập gia đình?”
“Phải, nó cưới một cô nàng da trắng.”
“Một cô nàng da trắng! Chú ấy muốn gì ở một cô nàng da trắng cơ chứ?”
“Xời, anh biết Lester mà. Mãi mãi là một gã mọi đen xấc láo. Chú ấy hiện đang trên đường về. Sẽ đến vào tối muộn.”
“Chi vậy?”
Họ dừng lại ở cửa hậu. Jake lặp lại câu hỏi:
“Lester về đây làm gì?”
“Chuyện gia đình ấy mà.”
“Các người đang có kế hoạch gì phải không?”
“Đâu có đâu. Chú ấy muốn thăm cháu gái thôi mà.” “Các người chớ có kích động đấy nhé.”
“Anh nói thì dễ lắm, Jake.”
“Tôi biết.”
“Kế hoạch của anh là sao, Jake?”
“Ý anh nói gì?”
“Anh có một bé gái nhỏ. Giả sử nó nằm bệnh viện, bị đánh, bị hãm hiếp. Anh sẽ làm gì đây?”
Jake nhìn qua ô cửa và không thể trả lời. Carl Lee chờ đợi. “Đừng làm gì ngốc nghếch đấy nhé, Carl Lee.”
“Trả lời câu hỏi của tôi đi. Anh sẽ làm gì?”
“Tôi không biết. Tôi không biết phải làm gì cả.”
“Để tôi hỏi anh điều này. Nếu đó là cô con gái bé bỏng của anh, và nếu đó là hai gã mọi đen, và anh không thể trừng phạt được chúng, vậy anh sẽ làm gì?”
“Giết chúng.”
Carl Lee nhoẻn cười, rồi chợt cười phá lên. “Chắc chắn anh sẽ làm vậy, Jake, chắc chắn anh làm vậy. Rồi anh thuê một luật sư giỏi để nói rằng anh bị điên, y như cách anh đã làm trong vụ của Lester vậy.”
“Chúng tôi đâu có nói Lester điên. Chúng tôi chỉ nói Bowie đáng chết thôi mà.”
“Anh đã cãi thắng cho chú ấy, đúng không?”
“Thì đó.”
Carl Lee bước đến cầu thang rồi nhìn lên. “Đó là cách chúng lên phòng xử phải không?” ông hỏi mà không nhìn Jake.
“Ai cơ?”
“Mấy gã đó.”
“Phải. Hầu hết trường hợp, họ giải chúng lên trên theo chiếc cầu thang này. Nó nhanh và an toàn hơn. Họ có thể đậu xe ngay ngoài cửa, rồi áp tải chúng lên cầu thang.”
Carl Lee bước đến cánh cửa hậu, nhìn hàng hiên qua ô cửa. “Anh cãi bao nhiêu vụ giết người rồi, Jake?”
“Ba vụ. Vụ Lester và hai vụ nữa.”
“Bao nhiều vụ xử người da đen?”
“Cå ba.”
“Anh rất giỏi các vụ mọi đen bắn người, đúng không?” “Tôi nghĩ thế.”
“Anh có sẵn sàng cãi thêm một vụ nữa không?”
“Đừng làm vậy, Carl Lee. Không đáng đâu. Ngộ nhỡ anh bị xử tử, bị vào phòng hơi ngạt thì sao đây? Mấy đứa nhóc nhà anh sẽ thế nào? Ai nuôi dạy chúng đây? Không đáng vì mấy thằng côn đồ ấy đâu.”
“Anh vừa nói với tôi rằng anh sẽ làm vậy.”
Jake bước đến chiếc cửa, đứng cạnh Carl Lee. “Tôi thì khác. Tôi có thể thoát tội.”
“Bằng cách nào?”
“Tôi là người da trắng, và đây là một hạt da trắng. Với chút may mắn, có thể tôi sẽ có một bồi thẩm đoàn toàn da trắng mà lẽ đương nhiên sẽ thiện cảm với tôi. Đây đâu phải là New York hay California. Một người đàn ông được cho là bảo vệ gia đình mình. Bồi thẩm đoàn sẽ ăn bà điều đó.”
“Còn tôi thì sao?”
“Như tôi nói, đây đâu phải là New York hay California. Một số ít dân da trắng sẽ ngưỡng mộ anh, nhưng phần đông sẽ muốn thấy anh bị treo cổ. Sẽ khó hơn rất nhiều để được tha bổng.”
“Nhưng anh làm được mà, phải không Jake?”
“Đừng làm vậy, Carl Lee.”
“Tôi không có lựa chọn nào cả, Jake ạ. Chừng nào mấy thằng con hoang đó còn chưa chết thì tôi không bao giờ ngủ yên. Tôi sẽ mắc nợ con gái bé bỏng của tôi, tôi sẽ mắc nợ chính mình, tôi sẽ mắc nợ dân da đen chúng tôi. Điều đó sẽ phải thực hiện.”
Họ mở cửa, đi dưới mái hiên dọc theo lối xe đi rồi ra đường Washington phía bên kia văn phòng của Jake. Họ bắt tay nhau. Jake hứa sẽ ghé qua bệnh viện ngày mai để thăm Gwen và gia đình.
“Còn điều này nữa, Jake. Anh sẽ vào nhà giam gặp tôi khi họ bắt tôi chứ?”
Jake gật đầu trước khi kịp suy nghĩ. Carl Lee mỉm cười rồi đi xuôi theo vỉa hè đến chiếc xe của ông.
5
Lester Hailey kết hôn với một cô nàng Thụy Điển đến từ Wisconsin, và mặc dù cô luôn nói yêu anh, Lester vẫn ngờ rằng sự khác lạ từ màu da của anh đang bắt đầu phai nhòa. Cô khiếp hãi Mississippi, và thẳng thừng từ chối xuống phương nam dù anh đã đảm bảo cô sẽ được an toàn. Cô chưa từng gặp gia đình anh. Chẳng phải vì những người da đen trong gia đình anh ngại gặp cô—họ không hề. Chẳng có điều gì bất thường khi người da đen phương nam đi lên miền bắc rồi kết hôn với các cô nàng da trắng, nhưng nhà Hailey chưa từng có lai tạp. Có rất nhiều Hailey ở Chicago, hầu hết là bà con với nhau, và tất cả đều kết hôn với người da đen. Gia đình không được ưng ý lắm với cô vợ tóc vàng của Lester. Anh phải tự lái chiếc Cadillac của anh đến Clanton.
Anh đến bệnh viện vào đêm muộn ngày thứ Tư và thấy vài người anh em họ đang ngồi đọc tạp chí trong phòng đợi ở tầng hai. Anh ôm Carl Lee. Họ đã không gặp nhau kể từ lễ Giáng sinh, khi nửa số dân da đen ở Chicago lũ lượt kéo về nhà, ở Mississippi, ở Alabama.
Họ bước vào hành lang, tách khỏi những người bà con khác. “Con bé thế nào rồi?” Lester hỏi.
“Đỡ hơn rồi. Đỡ nhiều. Có thể về cuối tuần này.”
Lester nhẹ nhõm. Khi anh rời Chicago cách đây mười một giờ, con bé còn đang ở ngưỡng của cái chết, theo như lời người em họ đã gọi điện cho anh và hù anh đến mức phải bật dậy khỏi giường. Anh châm một điếu Kool ngay dưới tấm bảng ghi chữ CẤM HÚT THUỐC, rồi chăm chú nhìn anh trai. “Anh ổn chứ?” Carl Lee gật đầu, liếc mắt về cuối sảnh.
“Gwen sao rồi?”
“Điên khùng hơn mọi khi, chị ấy là mẹ của nó mà. Chú đi một mình à?”
“Vâng,” Lester phòng thủ đáp.
“Tốt.”
“Đừng dạy đời. Em không lái xe suốt cả ngày để nghe mấy chuyện tào lao về cô vợ của em đâu đấy.”
“Được rồi, được rồi. Mà chú có còn bị đầy hơi không đấy?”
Lester cười khúc khích. Bệnh đầy hơi đã hành anh kể từ khi anh lấy cô nàng Thụy Điển. Cô nấu những món mà anh chẳng đọc nổi tên, và hệ thống của anh đã phản ứng dữ dội. Anh nhớ cải lá, đậu Hà Lan, mướp tây, gà rán, thịt heo nướng, và thịt mỡ muối.
Họ tìm ra một căn phòng nhỏ ở tầng ba có ghế xếp và bàn chơi bài. Lester mua hai tách cà phê đậm từ một máy tự động rồi khuấy bột kem bằng ngón tay. Anh chăm chú nghe Carl Lee kể chi tiết vụ hãm hiếp, cuộc bắt giữ và phiên tòa sơ bộ. Lester tìm vài tấm trải bàn rồi vẽ sơ đồ tòa án và nhà giam. Đã bốn năm trôi qua kể từ sau phiên tòa xử anh tội giết người, và anh đã gặp khó trong việc thể hiện lại. Anh chỉ ngồi tù có một tuần trước khi được tại ngoại, và đã không viếng thăm nơi này kể từ lúc được tha bổng. Thật ra, anh đã trốn đi Chicago không bao lâu sau phiên tòa. Nạn nhân có những người bà con ở đây.
Họ lập ra rồi vứt bỏ các kế hoạch, vẽ vời cho đến quá nửa đêm.
Trưa thứ Năm, Tonya được rút khỏi diện chăm sóc đặc biệt và được đưa vào một căn phòng riêng. Tình trạng của bé được đánh giá ổn định. Các bác sĩ nhẹ nhõm, còn gia đình bé thì mang đến nào kẹo, nào đồ chơi, nào hoa. Với hai chiếc hàm gãy và miệng đầy dây dợ, bé chỉ biết nhìn các thanh kẹo. Các anh của bé ăn hầu hết. Chúng bám vào giường bé, nắm tay bé như để bảo vệ và trấn an. Căn phòng đầy ắp những bạn bè và người lạ, tất cả đều dịu dàng vỗ về, khen bé thật dễ thương, tất cả đều đối xử với bé như ai đó rất đặc biệt, ai đó đã trải qua những chuyện kinh khủng ngần ấy. Đám
đông luân phiên đổi ca, từ ngoài sảnh vào phòng của bé, rồi trở ra sảnh, nơi các cô y tá luôn canh chừng nghiêm ngặt.
Các vết thương gây đau đớn, và đôi khi bé khóc. Mỗi giờ, các cô y tá lại len lỏi qua những người thăm viếng để đem đến cho bệnh nhân một liều thuốc giảm đau.
Đêm hôm đó, trong phòng của cô bé, đám đông đã nín lặng khi đài truyền hình Memphis đưa tin về vụ cưỡng dâm. Truyền hình phát hình ảnh hai gã da trắng, nhưng cô bé không nhìn được rõ lắm.
Toàn án hạt Ford mở cửa lúc tám giờ sáng và đóng cửa lúc năm giờ chiều mỗi ngày, trừ thứ Sáu là đóng cửa vào lúc bốn giờ ba mươi. Bốn giờ ba mươi ngày thứ Sáu, lúc người ta khóa cửa tòa án thì Carl Lee đã nấp trong phòng vệ sinh ở tầng trệt. Ông ngồi trên bồn cầu, im lặng nghe ngóng suốt một giờ. Không thấy nhân viên vệ sinh. Không thấy ai cả. Im lặng. Ông đi qua hành lang rộng tranh tối tranh sáng để đến các cửa hậu và nhìn qua cửa sổ. Không thấy bóng dáng ai. Ông nghe ngóng một lúc. Tòa án đã trống trơn. Ông quay lại, nhìn xuống hành lang dài băng qua nhà tròn, rồi ra các cửa chính ở cách xa hơn sáu mươi mét.
Ông nghiên cứu tòa nhà. Hai cặp cửa hậu mở vào trong dẫn đến khu vực vào rộng lớn hình chữ nhật. Ở đầu xa bên phải có một cầu thang, và bên trái cũng có một cầu thang tương tự. Khu vực mở thu hẹp lại, dẫn vào hành lang. Carl Lee đóng giả như ông bị đưa ra tòa. Ông nắm hai tay ở phía sau, lưng chạm vào cửa hậu. Ông bước sang phải chín mét, hướng đến chiếc cầu thang; lên gác, ba mét, rồi đến chiếu nghỉ, rồi xoay chín mươi độ sang trái, đúng như Lester dặn; thêm mười bước nữa đến là phòng chờ. Đó là một căn phòng nhỏ, khoảng 4,5 x 4,5 mét, bên trong chẳng có gì ngoài cửa sổ và hai cánh cửa. Ông mở một cánh rồi bước vào phòng xử lớn, đến trước các dãy ghế dài bọc nệm. Ông bước vào lối đi rồi ngồi xuống dãy ghế đầu. Quan sát căn phòng, ông để ý thấy có một hàng rào, “rào chắn” như cách Lester gọi. Nó ngăn cách công chúng với khu vực nơi thẩm phán, bồi thẩm đoàn, các nhân chứng, luật sư, bị can, lục sự ngồi làm việc.
Ông bước đến lối đi dẫn ra cửa hậu rồi quan sát chi li phòng xử án. Nó trông rất khác hôm thứ Tư. Đi hết lối đi, ông quay lại phòng chờ rồi thử cánh cửa kia. Nó dẫn đến khu vực sau rào chắn, nơi diễn ra hoạt động xét xử. Ông ngồi vào chiếc bàn dài, nơi Lester, Cobb và Willard đã từng ngồi. Bên phải là một chiếc bàn dài khác, nơi công tố viên ngồi. Sau các bàn là một hàng ghế gỗ, rồi đến cái rào chắn có cửa xoay hai chiều. Thẩm phán ngồi ngất ngưởng và đường bệ sau chiếc bàn được nâng cao, đâu lưng vào bức tường mà phía trên có treo bức chân dung phai mờ của Jefferson Davis đang chau mày với tất cả mọi người trong phòng. Khoang thẩm phán đâu lưng vào bức tường ở bên phải Carl Lee, tức bên trái của thẩm phán, phía trên có treo những bức chân dung úa vàng của các người hùng bị quên lãng khác thuộc chính phủ liên minh. Bục nhân chứng ở gần bàn thẩm phán, nhưng thấp hơn, dĩ nhiên, và ở phía trước bồi thẩm đoàn. Bên trái Carl Lee, đối diện với khoang bồi thẩm, là một chiếc bàn dài, trên đó chất đầy những cuốn sách ghi án lớn màu đỏ. Các lục sự và luật sư thường đi vòng quanh chiếc bàn này trong quá trình xét xử. Sau chiếc bàn, xuyên qua tường, là phòng chờ.
Carl Lee đứng dậy. Vẫn làm như thể bị còng tay, ông chậm rãi bước qua cánh cửa xoay nhỏ của rào chắn, rồi đi qua cánh cửa đầu vào phòng chờ. Rồi ông bước xuống chiếc cầu thang hẹp và tù mù.
Tất cả là mười bậc, ông dừng lại. Từ chiếu nghỉ ở lưng chừng cầu thang, ông có thể thấy các cánh cửa hậu của tòa án và phần lớn khu vực vào giữa các cánh cửa và sảnh tòa. Ở chân cầu thang, phía bên phải, có một cánh cửa mà khi mở ra ông mới phát hiện đó là một phòng lao công chật cứng những món đồ linh tinh của nhân viên vệ sinh. Ông đóng cánh cửa lại rồi xem xét căn phòng nhỏ này. Nó uốn vòng theo gầm cầu thang. Căn phòng đó tối thui, bụi bặm, chứa đầy những xô chổi, và hiếm khi được dùng đến. Ông mở hé cánh cửa và nhìn lên cầu thang.
Ông đi lang thang trong tòa án thêm một giờ nữa. Cầu thang sau phía bên kia dẫn đến một phòng chờ khác ngay phía sau khoang bồi thẩm. Các cầu thang tiếp tục dẫn lên tầng ba, nơi ông thấy có thư viện luật của hạt và hai phòng nhân chứng, đúng như Lester nói.
Lên rồi xuống, xuống rồi lên, ông lặp lại mọi chuyển động dự kiến của những kẻ đã hãm hiếp con ông. Ông ngồi vào ghế thẩm phán, ngắm nghía giang sơn của ông ta. Ông ngồi vào khoang bồi thẩm, đá vào một trong những chiếc ghế tiện nghi. Ông ngồi lên ghế nhân chứng, thổi thổi vào micro. Cuối cùng, vào lúc bảy giờ, khi trời đã tối mịt, Carl Lee nâng cửa sổ phòng vệ sinh bên cạnh phòng lao công rồi chui qua, lặng lẽ lách vào các bụi cây tăm tối.
“Anh sẽ trình báo chuyện này cho ai?” Carla hỏi khi đóng chiếc hộp pizza ba mươi lăm centimet rồi rót thêm ít nước chanh. Jake khẽ đong đưa trên chiếc xích đu bằng gỗ liễu gai ở hàng hiên phía trước, canh chừng Hanna đang nhảy dây trên vỉa hè bên đường.
“Anh có nghe không đấy?” cô hỏi
“Không.”
“Anh sẽ trình báo chuyện này cho ai?”
“Anh không định trình báo chuyện đó,” anh nói.
“Em nghĩ anh phải báo.”
“Anh nghĩ anh không nên báo.”
“Tại sao lại không?”
Nhịp đong đưa của anh tăng tốc. Anh nhấp nước chanh, chậm rãi nói.
“Trước hết, anh không biết chắc một tội ác có đang được lên kế hoạch hay không. Ông ta nói điều mà mọi người cha sẽ nói, và anh tin chắc ông ta cũng có những ý nghĩ như mọi người cha khác. Nhưng đi xa đến mức lên kế hoạch gây án thì anh không nghĩ vậy. Thứ hai, những gì ông ta nói với anh là ông ta nói trong tin cậy, như thể ông ta là thân chủ vậy. Mà thật, có lẽ ông ta nghĩ anh là luật sư của ông ta không chừng.”
“Nhưng dù anh có là luật sư của ông ta đi nữa, nếu anh biết ông ta đang lên kế hoạch gây tội ác thì anh phải trình báo chứ, đúng không nào?”
“Phải. Nếu anh biết chắc các kế hoạch của ông ta. Nhưng anh có biết đâu.”
Cô không thỏa mãn. “Em nghĩ anh cần phải trình báo.” Jake không trả lời. Chẳng quan trọng gì đâu. Anh ăn nốt khoanh bánh mì khô và tìm cách phớt lờ vợ.
“Anh muốn Carl Lee làm vậy phải không?”
“Làm gì cơ?”
“Giết mấy gã đó.”
“Không, anh không muốn.” Anh cảm thấy mình không quả quyết lắm. “Nhưng nếu ông ta làm thì anh cũng không trách cứ ông ta vì nếu là anh thì anh cũng làm y như thế.”
“Đừng vậy nữa chứ.”
“Anh nói nghiêm túc đấy, em biết mà. Anh sẽ làm như vậy.” “Jake, anh không thể nào giết người.”
“Được rồi. Sao cũng được. Anh không tranh cãi nữa đâu. Chúng mình đã từng cãi lộn trước đây rồi.”
Carla hét gọi Hanna ra khỏi đường.
Cô ngồi xuống cạnh anh trên xích đu, khua khua những viên đá. “Anh sẽ cãi cho ông ta chứ?”
“Anh hy vọng là thế.”
“Bồi thẩm đoàn liệu có kết án ông ta không?”
“Là em thì em có kết án không?”
“Em không biết.”
“Này nhé, hãy nghĩ về Hanna. Hãy nhìn con bé xinh xắn thơ ngây đang nhảy dây ngoài kia, em là người mẹ. Giờ thì hãy nghĩ đến cô con gái bé bỏng của Hailey đang nằm đó, tơi tả, máu me, van xin được gặp cha mẹ.”
“Im đi, Jake.”
Anh mỉm cười. “Trả lời câu hỏi của anh đi. Em ở trong bồi thẩm đoàn, liệu em có biểu quyết kết án người cha không?”
Cô đặt cặp kính lên bậu cửa sổ và đột nhiên quan tâm đến các móng tay. Jake ngửi được mùi chiến thắng.
“Em vẫn luôn ở trong bồi thẩm đoàn nơi đây. Hoặc là vậy, hoặc là em được hỏi ý kiến.”
“Nói đi, em ở trong bồi thẩm đoàn. Kết tội hay tha bổng?” “Kết tội hay tha bổng?”
Cô lườm anh. “Sẽ khó mà kết tội được.”
Anh nhăn mặt rồi thôi chất vấn.
“Nhưng em không thấy bằng cách nào ông ta có thể giết chúng nếu như chúng đang ngồi tù.”
“Dễ ẹc. Chúng đâu phải lúc nào cũng ở trong tù. Chúng đến tòa án rồi được chở đi đây đó. Nhớ Oswald và Jack Ruby không? Ngoài ra chúng có thể ra ngoài nếu trả được tiền bảo lãnh tại ngoại.”
“Khi nào chúng có thể làm vậy?”
“Việc bảo lãnh tại ngoại sẽ được định vào thứ Hai. Nếu đóng tiền tại ngoại, chúng sẽ được thả.”
“Còn nếu không đóng được thì sao?”
“Chúng sẽ ở lại nhà giam cho đến khi xét xử
“Khi nào thì xét xử?”
“Có lẽ vào cuối hè.”
“Em nghĩ anh phải đi trình báo.”
Jake nhảy ra khỏi xích đu, đến chơi với Hanna.
6
K T. Bruster, hay Cat Bruster, nổi tiếng là triệu phú da đen chột mắt duy nhất ở Memphis. Ông sở hữu một dây chuyền các quán da đen biểu diễn khỏa thân ở thị trấn, tất cả đều vận hành hợp pháp. Ông sở hữu nhiều dãy nhà cho thuê, được vận hành hợp pháp. Và ông sở
hữu hai nhà thờ ở nam Memphis, cũng được vận hành hợp pháp nốt. Ông là người bảo trợ cho các lẽ phải của người da đen, là người bạn của các chính trị gia, người hùng của dân da đen của ông.
Việc được cộng đồng yêu mến là điều quan trọng với Cat vì ông sẽ lại bị truy tố, sẽ lại bị xét xử và xem chừng sẽ lại được tha bổng nhờ những người đồng bào mà phân nửa là da đen. Chính quyền nhận thấy không thể nào buộc cho Cat tội giết người hay buôn bán những thứ như phụ nữ, ma túy, hàng trộm cắp, thẻ tín dụng, tem lương thực, rượu lậu, súng ống, và pháo hạng nhẹ.
Ông chỉ còn một con mắt. Mắt bên kia đã nằm đâu đó trên đồng ruộng Việt Nam. Ông mất nó vào cùng cái ngày năm 1971 mà người đồng đội Carl Lee Hailey của ông bị bắn trúng chân. Carl Lee dìu ông trong hai giờ, đến khi họ tìm được cứu viện. Sau chiến tranh, ông trở về Memphis, mang theo gần một ký thuốc lá chế bằng lá thuốc non và đọt gai dầu. Hoa lợi được ông dùng để tậu một quán rượu nhỏ ở South Main, và ông đã hầu như chết đói trước khi thắng được một cô gái điếm trong một ván poker với một gã ma cô. Ông hứa với cô nàng này rằng cô có thể thôi làm điểm nếu chịu lột quần áo và khiêu vũ trên bàn. Trong một sớm một chiều, ông đã ăn nên làm ra vượt hơn cả mong đợi, cho nên ông tậu thêm một quán rượu nữa
và thuê thêm nhiều vũ nữ. Ông đã tìm ra cái thị trường ngách của mình, và chỉ sau hai năm ông đã là một người rất giàu có.
Văn phòng của ông đặt trên gác một trong những câu lạc bộ do ông sở hữu, tọa lạc ngay bên ngoài South Main, giữa Vance và Beale, thuộc phần thô nháp nhất của Memphis. Tấm bảng hiệu treo bên vỉa hè quảng cáo cho Bud và vú, nhưng ở đó có nhiều thứ để mua bán hơn đằng sau những chiếc cửa sổ sơn đen.
Carl Lee và Lester tìm ra cái quán có tên là Brown Sugar, vào khoảng trưa ngày thứ Bảy. Họ ngồi trong quán, gọi Bud và ngắm vú.
“Cat có trong đó không?” Carl Lee hỏi gã phục vụ quầy khi gã này vượt qua họ từ phía sau. Gã làu nhàu rồi quay lại bồn rửa, nơi gã tiếp tục làm cái việc rửa ly bia của gã. Carl Lee liếc nhìn gã giữa những ngụm bia và màn khiêu vũ thông lệ.
“Cho một bia nữa!” Lester nói lớn, mắt không rời các vũ nữ.
“Cat Bruster có đây không?” Carl Lee hỏi chắc nịch khi gã phục vụ quầy mang bia đến.
“Ai hỏi vậy?”
“Tôi.”
“Để chi?”
“Tôi và Cat là bạn thân. Cùng đi lính ở Việt Nam.”
“Tên?”
“Hailey. Carl Lee Hailey. Từ Mississippi.”
Gã phục vụ quầy biến mất, một phút sau tái xuất hiện giữa hai chiếc gương sau quầy rượu. Gã ra dấu cho Hailey, và ông đi theo gã qua một cánh cửa nhỏ, vượt qua các phòng vệ sinh, đi đến một cánh cửa đóng kín ở phía trên cầu thang. Văn phòng vừa tối tăm song vừa lòe loẹt. Thảm sàn thì màu vàng, vách tường màu đó, trần nhà thì xanh lục. Một trần nhà xanh lục bị tróc lở. Những chấn thưa bằng thép chắn hai chiếc cửa sổ đen xỉn. Và để cường điệu thêm, một mớ cờ xí nặng trịch, bụi bặm và đỏ tía được treo lơ lửng từ trần xuống tận sàn như để tóm bắt hết những tia nắng đủ khỏe để đột
nhập qua được mấy tấm kính sơn phết. Ở giữa phòng, một chiếc đèn trần nhỏ mạ crôm kém công năng đang chầm chậm xoay cùng với những tấm gương, chỉ cao hơn đầu họ chút đỉnh.
Hai vệ sĩ vạm vỡ mặc vest đen bó sát ra đuổi gã phục vụ quầy, đưa Lester và Carl Lee vào chỗ ngồi rồi đứng sau lưng họ.
Hai anh em trầm trồ trước những món đồ gỗ. “Đẹp nhỉ?” Lester nói. B.B. King đang rên rỉ khóc thương trên chiếc máy stereo ẩn giấu.
Bất chợt, Cat bước vào từ cánh cửa ngâm sau chiếc bàn làm việc bằng cẩm thạch và thủy tinh. Ông lao đến Carl Lee. “Bạn tôi! Ông bạn của tôi! Carl Lee Hailey!” Ông la lớn, vồ vập lấy Carl Lee.
“Gặp lại anh tôi vui quá, Carl Lee! Vui quá đi mất thôi!”
Carl Lee đứng dậy, cả hai ôm choàng nhau. “Sao rối, bạn của tôi?” Cat hỏi.
“Tôi ổn, Cat ạ, tôi ổn mà. Còn anh?”
“Tuyệt! Rất tuyệt! Cậu này là ai?” Ông quay sang Lester, chìa tay trước ngực anh. Lester lắc nó thật mãnh liệt.
“Đây là em trai tôi, Lester,” Carl Lee nói. “Nó từ Chicago đến.”
“Lester, rất vui được làm quen với chú. Tôi và gã đô con kia rất khắng khít với nhau. Rất chi là khắng khít.”
“Anh ấy kể về ông suốt,” Lester nói. Cat ngắm nghía Carl Lee.
“Carl Lee ơi, Carl Lee. Anh trông khá lắm đấy. Cái chân ra sao rồi?”
“Nó ổn, Cat ạ. Khi trời mưa đôi lúc nó cũng buốt, nhưng không sao cả.”
“Chúng ta rất khắng khít với nhau, đúng không?”
Carl Lee mỉm cười, gật đầu. Cat buông ông ra. “Uống chút gì nhé, các bồ tèo?”
“Không, cảm ơn.”
“Cho tôi một bia,” Lester nói. Cat búng ngón tay và một gã vệ sĩ biến mất. Carl Lee ngả lưng ra ghế, còn Cat thì ngồi trên mép bàn làm việc của ông, chân đong đưa và lắc lư như một thằng nhóc ngồi ở cầu tàu. Ông toét miệng cười với Carl Lee, người đang co rúm trước những lời khen ngợi.
“Sao anh không đến Memphis làm việc cho tôi nhỉ?” Cat nói. Carl Lee biết thế nào câu đó cũng sẽ đến. Cat đã mời ông làm việc cho ông ta suốt từ mười năm qua.
“Không, Cat ạ, cảm ơn anh. Tôi sống vậy cũng vui rồi.”
“Anh thấy vui thì tôi cũng vui. Mà trong đầu anh đang nghĩ gì vậy?”
Carl Lee há miệng, ngập ngừng, bắt chéo chân, chau mày. Cuối cùng, ông gật đầu, nói, “Tôi xin anh một ân huệ, Cat ạ. Chỉ là một ân huệ nhỏ thôi.”
Cat dang rộng hai tay, “Bất cứ điều gì, huynh ạ. Bất cứ điều gì anh muốn.”
“Anh có nhớ khẩu M-16 chúng ta dùng ở Việt Nam không? Tôi cần một khẩu như thế, càng sớm càng tốt.”
Cat thu hai tay lại, khoanh chúng ở trước ngực. Ông dò xét nhìn bạn. “Đó là một khẩu rất khủng. Anh muốn săn loại sóc nào vậy hả?”
“Tôi không định săn sóc.”
Cat đã xét đoán cả hai anh em. Ông biết tốt nhất là đừng hỏi lý do. Chuyện này nghiêm trọng đấy, nếu không thì Carl Lee đã chẳng đến. “Một khẩu Semi nhé?”
“Không. Tôi muốn thứ thiệt.”
“Sẽ bộn tiền đấy.”
“Bao nhiêu?”
“Thứ quỷ đó bị cấm ngặt lắm đấy, anh có biết không hả?” “Nếu tôi mua được nó ở Sears thì đã chẳng đến đây.”
Cat lại cười toét. “Khi nào anh cần nó.”
“Hôm nay.”
Bia đã đến và được phục vụ cho Lester. Cat di chuyển ra sau bàn, bước đến chiếc ghế bành bằng nhựa vinyl của ông. “Một ngàn bạc.”
“Tôi có.”
Cat hơi ngạc nhiên, nhưng không để lộ ra. Anh chàng da đen mộc mạc ở cái thị trấn nhỏ của Mississippi này đào đâu ra một ngàn đô la? Hẳn là phải vay cậu em.
“Một ngàn là với người khác chứ không phải với anh, huynh ạ.” “Thì là bao nhiêu?”
“Không đồng nào hết. Tôi nợ anh những thứ còn hơn cả tiền bạc rất nhiều.”
“Tôi sẽ rất vui nếu được trả tiền.”
“Không. Tôi không nghe đâu. Khẩu súng là của anh." “Anh tử tế quá, Cat ạ.”
“Tôi phải đưa cho anh năm mươi khẩu mới phải.”
“Tôi chỉ cần một thôi. Khi nào thì có?”
“Để kiểm tra xem nhé.” Cat gọi điện cho ai đó rồi lầm bầm vài câu vào ống nghe. Đặt hàng xong, ông gác điện thoại rồi cho biết phải mất chừng một tiếng nữa.
“Chúng tôi có thể chờ,” Carl Lee nói.
Cat tháo miếng bịt khỏi mắt trái, lấy khăn tay lau chùi hốc mắt rỗng tuếch. “Tôi có ý này hay hơn. Ông cất giọng, nói với mấy gã vệ sĩ,”Điều xe cho tao. Bọn tao tự đi lấy.”
Họ đi theo Cat qua cánh cửa ngầm, bước ra một hành lang. “Tôi sống ở đây, anh biết đấy,” ông trỏ ngón tay. “Sau cánh cửa này là chỗ tôi ở. Thường nuôi mấy cô em khỏa thân trong đó.”
“Giá mà thấy được nhỉ," Lester khấp khởi.
“Bình thường mà,” Carl Lee nói.
Xa hơn, Cat trỏ vào một cánh cửa sắt dày, đen, sáng loáng ở cuối hành lang. Ông dừng lại như để chiêm ngưỡng nó. “Đây là nơi tôi cất tiền. Tôi bố trí một người canh gác ở trỏng suốt cả ngày lẫn đêm."
“Bao nhiêu tiền vậy?” Lester nhấp một ngụm bia, hỏi.
Cat tiếp tục đi xuôi hành lang. Carl Lee lừ mắt, lắc đầu với cậu em. Đến hết hành lang, họ leo một cầu thang hẹp đi lên tầng bốn. Nơi đây tối hơn, và đâu đó trong bóng tối Cat tìm ra nút bấm trên tường. Họ im lặng chờ đợi một giây, cho đến khi bức tường mở ra, để lộ một thang máy sáng trưng trải thảm đỏ có gắn tấm biển CẤM HÚT THUỐC. Cat nhấn một nút khác.
“Anh phải leo thang bộ mới bắt được thang máy để đi xuống” ông khoái chí nói. “Lý do an ninh ấy mà.” Họ gật đầu tán thưởng đầy ngưỡng mộ.
Thang máy đi xuống tầng hầm. Một trong các vệ sĩ đứng chờ bên cánh cửa mở sẵn của chiếc Limo. Cat mời các vị khách của ông vào xe đi một vòng. Họ đi chầm chậm, vượt qua một dãy Fleetwood, thêm nhiều chiếc Limo nữa, một chiếc Rolls, và đủ các loại xe hạng sang của châu Âu, “Của tôi hết thảy đấy,” ông hãnh diện nói. Gã lái xe bóp còi và một cánh cửa nặng được cuốn lên, để lộ một con đường một chiều. “Lái chậm thôi,” Cat quát gã lái xe và gã vệ sĩ ngồi ở băng trước. “Tôi muốn đưa các bồ đi một vòng tham quan.”
Carl Lee đã từng thụ hưởng tua tham quan này vài năm trước, trong lần cuối ông ghé thăm Cat. Có một dãy nhà ọp ẹp, không sơn phết mà người đàn ông vĩ đại này gọi là tài sản cho thuê. Có những nhà kho cổ xây bằng gạch đỏ, với những cửa sổ xỉn đen bít ván, và không có manh mối nào cho thấy chúng chứa chấp gì bên trong. Có một nhà thờ, một nhà thờ hưng thịnh, và cách đó vài dãy nhà lại có
thêm một nhà thờ nữa. Cả đến các mục sư ông cũng sở hữu nốt, ông nói vậy. Có hàng chục quán rượu góc phố với những cánh cửa để ngỏ và những nhóm thanh niên da đen ngồi trên những băng ghế bên ngoài, uống những chai Stag gần một lít. Ông hãnh diện trỏ
một tòa nhà bị cháy gần Beale, sôi nổi kể câu chuyện về một đối thủ toan cạnh tranh giành chỗ đứng trong ngành kinh doanh khỏa thân. Ông làm gì có đối thủ cạnh tranh nào, ông nói vậy. Rồi đến những câu lạc bộ mang những cái tên như Angels, Cat’s House, Black Paradise, những nơi mà cánh đàn ông có thể đến thưởng lãm rượu ngon, thức ăn ngon, nhạc hay, gái khỏa thân, và có thể nhiều thứ khác nữa, ông nói. Các câu lạc bộ đã biến ông thành một người rất giàu có. Cả thảy đến tám cái.
Họ được giới thiệu cả tám. Cộng thêm với một cái trông giống như hầu hết các bất động sản ở Memphis. Ở tận cùng một con đường không tên gần bờ sông, gã lái xe rẽ ngoặt vào giữa hai trong số các nhà kho gạch đỏ, rồi đưa xe vào một lối hẹp cho đến khi một cánh cổng mở ra ở bên phải. Qua cổng, một cánh cửa mở ra cạnh một bãi tàu và chiếc Limo biến vào trong tòa nhà. Nó dừng lại, và gã vệ sĩ bước ra.
“Cứ ngồi yên đi,” Cat nói.
Chiếc rương được mở ra rồi đóng lại. Trong chưa đầy một phút, chiếc Limo lại lăn bánh trên đường phố Memphis.
“Ăn trưa nhé?” Cat hỏi. Trước khi họ kịp trả lời ông đã quát gã lái xe, “Black Paradise. Gọi cho chúng, báo rằng tao đang tới dùng bữa trưa.”
“Ta sẽ ăn món thịt lưng ngon nhất Memphis ở ngay đây, tại một trong câu lạc bộ của tôi. Dĩ nhiên, anh không đọc thấy phần giới thiệu món này trên báo Chủ nhật đâu. Tôi đã bị tẩy chay bởi đám người chỉ trích. Anh tưởng tượng nổi không?”
“Nghe có mùi kỳ thị nhỉ," Lester nói.
“Thì đó. Là nó chứ còn gì nữa. Nhưng khi nào còn chưa bị truy tố thì tôi chưa động đến nó.”
“Gần đây chúng tôi không đọc thấy có ai nói gì về anh cả, Cat a,” Carl Lee nói.
“Lần cuối cùng tôi bị ra tòa đã cách đây ba năm rồi. Tội trốn thuế."
"""