"
Đếm Sao - Lois Lowry PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đếm Sao - Lois Lowry PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ĐẾM SAO
Tựa gốc: Number the Stars Tác giả: Lois Lowry
Người dịch: Sao Mai
Nhà xuất bản Phụ Nữ 06/2019 —★—
ebook©vctvegroup
Dành tặng bạn Annelise Platt của tôi [1]
Tusind tak
Lời giới thiệu
T
hật khó mà tin được tôi viết Number the Stars - Đếm sao cách đây đã hơn hai mươi năm. Dường như buổi sáng tháng Giêng tuyết rơi trắng trời ấy mới xảy ra ngày hôm qua đây thôi, sáng đó tôi bắt điện thoại và nhận được tin Number the Stars đã được trao Huy chương Newbery năm 1990.
Hầu hết các cuốn sách được xuất bản nhiều năm trước đã bạc màu thời gian, yên vị trên những kệ sách trong thư viện bụi bặm, gần như không ai lấy xuống hay lật mở ra xem, hoặc thi thoảng trở thành một đề tài cho một bản tham luận có tính nghiên cứu. Nhưng dường như Number the Stars có được tuổi thọ dài và sức sống căng tràn của riêng mình; không ngày nào trôi qua mà tôi không nghe thấy có một bạn mê đọc sách nào đó nhắc tới nó - trong số ấy có vài người là những bậc cha mẹ được con cái mình nhắc nhớ lại và đang đọc cho chúng nghe.
Tôi đoán rằng các bạn đọc ở mọi lứa tuổi hay đặt mình vào vai các nhân vật chính trong những cuốn sách mình yêu thích. Mình làm giống như thế chứ? Họ tự hỏi trong lúc theo dõi nhân vật từ đầu đến cuối câu chuyện. Đâu sẽ là cách mình chọn?
Và mười tuổi - lứa tuổi của Annemarie trong Number the Stars, tầm tuổi của hầu hết độc giả của cuốn sách này - là độ tuổi các em bắt đầu phát triển khuynh hướng đạo đức cá nhân rất mạnh mẽ: muốn thành người chính trực, muốn làm việc tốt, việc thiện. Và các em bắt đầu nhận ra rằng thế giới mình đang sống là nơi mà việc tốt thường khó khăn, đôi khi nguy hiểm và thường xuyên không dễ thấy.
Do vậy, các em mới dõi theo câu chuyện về cô bé cùng độ tuổi, tình cờ rơi vào một tình huống khủng khiếp, buộc phải đưa ra quyết định của mình. Em có thể chọn cách dễ dàng là quay trở ra. Em có
thể quay lưng lại với bạn của mình (khi các độc giả của Number the Stars trưởng thành hơn và đọc những tác phẩm văn học khác về nạn tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc xã, họ sẽ phát hiện ra rằng có nhiều người ở những đất nước khác, không phải Đan Mạch, cũng hành động đúng như thế). Những bạn đọc trẻ tuổi thấy thích thú khi Annemarie hít một hơi thở sâu, bước chân vào trong rừng, đối mặt với nỗi hiểm nguy, chống lại kẻ thù và chiến thắng.
Khi cuốn sách mới được phát hành, nó tìm được cách của riêng mình đến được tay và đi vào trong-trái tim của các cô bé cậu bé chưa từng trải qua những ngày tháng chiến tranh nhưng đã dõi mắt đọc từ đầu đến cuối truyện. Giờ đây, thật đáng buồn, tôi được biết có nhiều bạn đọc trẻ tuổi đã bị mất đi cha hoặc anh ở Iraq hay ở Afghanistan. Tất cả chúng ta đều biết chỉ trích lên án và căm ghét dễ dàng và vô ích như thế nào.
Tôi cho rằng những sự việc xảy ra ở Đan Mạch đã dạy cho tất cả chúng ta rất nhiều điều.
Hiện nay, cuốn sách đã được phát hành ở nhiều nước trên thế giới, được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Hungary cho tới tiếng Do Thái. Trẻ em ở khắp mọi nơi vẫn còn đọc về sự vẹn toàn đã được một cộng đồng dân cư nhỏ bé người Scandinavia thể hiện cách đây gần bảy mươi năm. Sách làm thay đổi cuộc đời, tôi biết; và nhiều bạn đọc đã nói với tôi rằng Number the Stars đã thay đổi cuộc đời họ khi họ còn trẻ tuổi, nó khiến họ suy ngẫm cả về tính hung tàn lẫn lòng dũng cảm. “Cuốn sách đã định hình suy nghĩ của tôi về con người nên được đối xử như thế nào,” là lời thư gửi cho tôi từ một bạn đọc giờ đã là một thiếu phụ hồi tưởng lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình khi đọc truyện hồi cô học lớp bốn.
Người bạn Đan Mạch đã kể cho tôi nghe câu chuyện thời thơ ấu của chính mình ở Copenhagen năm 1943, người đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Annemarie hư cấu trong Number the Stars, hiện đã là một bà lão. Tôi cũng thế. Cả hai chúng tôi đều thích nghĩ về những đứa trẻ giờ đây đang đọc truyện lần đầu tiên, và nhận thức được rằng có một thời, trong một quãng thời gian ngắn ngủi, ở một vùng đất nhỏ bé, có một nhóm người đã công khai
thể hiện nhân tính với những người khác mà không hề có chút thành kiến nào.
LOIS LOWRY
1
Tại sao chúng mày chạy?
“E
llen ơi, tớ sẽ chạy đua với ấy tới góc phố nhé!” Annemarie xốc lại cái cặp da to kềnh trên lưng cho sách vở được san đều. “Sẵn sàng chưa?” Em nhìn cô bạn thân nhất của mình.
Ellen nhăn mặt. “Không đâu,” em vừa cười vừa nói. “Ấy biết là tớ không thắng được ấy mà - chân tớ không dài bằng chân ấy. Chúng mình không thể cứ đi bộ như những người văn minh sao?” Ellen mười tuổi, người thấp đậm, không cao và gầy lêu nghêu như Annemarie.
“Chúng mình phải luyện tập cho cuộc thi điền kinh vào thứ Sáu tới - tớ biết tuần này tớ sẽ thắng cuộc đua dành cho nữ. Tuần trước tớ về nhì, nhưng tớ đã tập luyện mỗi ngày. Đi mà, Ellen,” Annemarie nài nỉ, quan sát khoảng cách từ đó tới góc phố kế tiếp trên đường Copenhagen. “Nhé?”
Ellen ngần ngừ, rồi gật đầu và nhấc cặp sách của mình đeo lên vai. “Ờ, thôi được. Sẵn sàng,” em nói.
“Xuất phát!” Annemarie hô lớn và hai cô bé bắt đầu chạy đua dọc theo vỉa hè khu dân cư. Mái tóc hoe vàng óng ánh của Annemarie bay phất phơ về phía sau, còn hai bím tóc sẫm màu của Ellen nảy tưng tưng trên vai em.
“Đợi em với!” bé Kirsti bị bỏ lại phía sau, kêu khóc rền rĩ, nhưng hai cô chị không nghe thấy.
Annemarie nhanh chóng tạo khoảng cách với cô bạn thân, mặc dù một chiếc giày của em đã bị tuột dây trong lúc em tăng tốc chạy dọc con phố Osterbrogade, ngang qua các cửa hiệu và mấy quán cà phê nhỏ xinh trong khu dân cư gần nhà em ở phía đông bắc thủ đô Copenhagen. Em vừa cười vang vừa chạy sượt ngang qua một bác
cao niên mặc đồ đen, tay xách túi đi chợ bện bằng dây thừng. Một thiếu phụ đang đẩy xe nôi dịch sang bên tránh đường cho em chạy. Góc phố đã ở ngay phía trước mặt.
Ngay khi chạm chân tới đích, Annemarie vừa thở hổn hển vừa ngước mắt nhìn lên. Tiếng cười của em tắt ngấm. Tim em như bị hẫng mất một nhịp.
“Halte!”[2] Tên lính ra lệnh, giọng lạnh tanh.
Từ tiếng Đức ấy quen thuộc với em hệt như nỗi kinh hoàng nó mang lại. Hồi trước, Annemarie nghe thấy từ này khá thường xuyên nhưng cho đến giờ, chưa từng có lần nào nó nhắm trực tiếp vào em cả.
Đằng sau Annemarie, Ellen cũng giảm tốc và dừng lại. Xa hơn phía sau, bé Kirsti đang chậm chạp lê bước, vẻ mặt hờn dỗi bởi hai cô chị không chịu chờ mình.
Annemarie ngước mắt nhìn chăm chú. Có hai tên lính. Nghĩa là có hai cái mũ sắt và hai cặp mắt lạnh lùng đang nhìn em trừng trừng cùng với bốn chiếc giày bốt cao bóng láng đóng cọc xuống vỉa hè đang chặn ngang lối về của em.
Và thế cũng nghĩa là có hai khẩu súng trường được hai tên lính kẹp chặt trong tay. Em nhìn chằm chằm hai khẩu súng trước nhất. Rồi cuối cùng em mới nhìn vào mặt tên lính đã ra lệnh cho em đứng nghiêm.
“Tại sao chúng mày chạy?” Hắn hỏi bằng cái giọng cục cằn. Tiếng Đan Mạch của hắn thật tệ. Ba năm, Annemarie thầm nghĩ một cách khinh miệt. Bọn chúng đã ở trên quê hương mình ba năm thế mà vẫn không nói được tiếng nước mình.
“Cháu đang chạy đua với bạn cháu,” em lễ độ trả lời. “Thứ Sáu hằng tuần, ở trường chúng cháu có thi chạy, và cháu muốn thi tốt, nên cháu...” Em kéo dài giọng, bỏ lửng câu nói. Đừng nói quá nhiều, em tự nhủ. Chỉ trả lời chúng, thế thôi.
Annemarie liếc mắt nhìn ra sau. Cách em chừng vài mét, Ellen đang đứng bất động trên hè đường. Xa hơn phía sau, Kirsti vẫn đang tỏ vẻ hờn dỗi, chậm chạp bước từng bước về phía góc phố.
Gần đó, có một phụ nữ đã đi đến chỗ cửa ra vào một cửa hiệu, lặng lẽ đứng quan sát.
Một trong hai tên lính, tên cao hơn, tiến lại gần em. Annemarie nhận ra hắn là tên lính mà em và Ellen hay thầm thì gọi là “Hươu cao cổ” bởi hắn cao lênh khênh và có cái cổ dài ngoằng lộ ra bên trên cổ áo hổ cứng. Hắn và đồng đội của hắn thường đứng ở góc phố này.
Hắn thúc báng súng vào góc cặp sách của em. Annemarie rùng mình. “Trong đây là gì?” Hắn lớn giọng hỏi. Qua khóe mắt, em thấy bà chủ cửa hiệu lặng lẽ lùi vào chỗ tối bên trong khung cửa. “Sách giáo khoa,” em thành thật trả lời.
“Mày có phải là học sinh ngoan không?” Tên lính hỏi. Có vẻ như hắn đang hỏi nhạo em.
“Phải.”
“Mày tên gì?”
“Annemarie Johansen.”
“Bạn mày... cũng là học sinh ngoan chứ?” Hắn đang nhìn ra sau lưng em, về phía Ellen đã đứng im không nhúc nhích nãy giờ. Annemarie cũng ngoái đầu nhìn lại và thấy gương mặt với hai gò má thường xuyên ửng hồng của Ellen giờ đang tái nhợt, cặp mắt đen mở to.
Annemarie gật đầu với tên lính. “Ngoan hơn cháu,” em nói. “Tên nó là gì?”
“Ellen.”
“Thế đây là ai?” Hắn hỏi, mắt nhìn sang bên cạnh Annemarie. Kirsti đã thình lình xuất hiện ở đó, mặt mày cau có.
“Em gái cháu.” Em với tay nắm lấy tay Kirsti, nhưng con bé; lúc nào cũng bướng bỉnh, không chịu, nó rụt tay lại chống nạnh vẻ thách thức.
Tên lính vươn tay xoa mái tóc ngắn xoăn tít, rối bù của Kirsti. Đứng yên nào, Kirsti, Annemarie vừa khẽ ra lệnh vừa cầu mong con bé năm tuổi ương bướng ấy vâng lời.
Nhưng Kirsti giơ tay lên hẩy tay tên lính ra. “Đừng mà,” con bé nói to.
Cả hai tên lính đều bật cười. Chúng nói với nhau bằng tiếng Đức nhanh đến mức Annemarie không tài nào hiểu nổi.
“Cô bé xinh quá, giống như đứa con gái nhỏ của tao,” tên lính cao kều nói bằng cái giọng dễ nghe hơn.
Annemarie cố mỉm cười lễ độ.
“Về nhà đi, tất cả mấy đứa. Về học bài. Và đừng có chạy. Lúc tụi mày chạy, trông như đám du côn ấy.”
Hai tên lính quay đi. Nhanh chóng, Annemarie lại với tay tóm chặt tay em gái trước khi nó kịp kháng cự. Dắt tay em, Annemarie vội vã vòng qua góc phố. Một phút sau, Ellen đã đến bên bạn. Hai em dắt Kirsti ở giữa, rảo bước, không nói năng gì, hướng về phía tòa chung cư nơi nhà cả hai đang sống.
Gần tới nhà, Ellen đột ngột khẽ nói, “Tớ sợ quá đi mất.” “Tớ cũng thế,” Annemarie thì thầm đáp lại.
Khi tới lối vào chung cư, cả Annemarie lẫn Ellen đều nhìn thẳng về phía cửa ra vào. Hai em cố tình làm vậy cốt để không bị hai tên lính lăm lăm súng khác đang đứng ở góc phố này để ý tới. Kirsti chạy vụt lên trước, ào qua cửa, miệng líu lo về bức tranh nó mang từ lớp mẫu giáo về khoe mẹ. Với Kirsti, bọn lính đơn giản chỉ là một phần của cảnh quan, là thứ lúc nào cũng hiện diện tại mỗi góc phố, giống như cột đèn giao thông, chẳng chút đáng kể nào trong suốt cuộc đời đáng nhớ của con bé.
“Ấy có định kể cho mẹ ấy nghe không?” Ellen hỏi Annemarie trong lúc hai đứa cùng nhau bước chậm chạp lên cầu thang. “Không. Mẹ tớ sẽ lo.”
“Ừ, tớ cũng không kể. Chắc chắn mẹ sẽ mắng tớ vì tội chạy ngoài phố.”
Đến tầng hai, tầng có căn hộ nhà Ellen, Annemarie chào tạm biệt bạn và tiếp tục leo lên tầng ba, nhẩm tập lại trong đầu bộ dạng chào hớn hở khi gặp mẹ: cười tươi, kể mẹ nghe về bài kiểm tra viết chính tả mà em đã làm rất tốt hôm nay.
Nhưng quá muộn rồi. Kirsti đã về tới nhà trước em.
“Và hắn thúc súng vào cặp sách của chị Annemarie, rồi hắn xoa đầu con!” Kirsti đang đứng ở góc phòng khách, vừa cởi áo len vừa liến thoắng. “Nhưng con không sợ. Chị Annemarie sợ, chị Ellen cũng sợ. Nhưng con thì không!”
Đang ngồi trong chiếc ghế bành kê bên cửa sổ, mẹ Annemarie, cô Johansen, nhỏm nhanh dậy. Cô Rosen, mẹ của Ellen, cũng đang ngồi đó, trong chiếc ghế bành đối diện. Giống như nhiều buổi chiều khác, họ đang uống cà phê cùng nhau. Dĩ nhiên, đấy không phải là cà phê thật, mặc dù hai bà mẹ vẫn hay gọi đó là “uống cà phê.” Kể từ ngày bọn Đức Quốc xã chiếm đóng Copenhagen, chẳng còn cà phê thật nữa. Ngay cả trà thật cũng không. Thứ hai người họ đang nhấp từng ngụm là nước nóng có hương thảo mộc.
“Annemarie, có chuyện gì thế con? Kirsti đang nói gì thế?” Mẹ em lo lắng hỏi.
“Ellen đâu cháu?” Ánh mắt cô Rosen tỏ vẻ hoảng hốt. “Ellen về nhà rồi ạ. Bạn ấy không biết cô đang ở đây,” Annemarie giải thích. “Đừng lo mẹ và cô ạ. Chẳng có gì đâu. Là hai tên lính đứng ở góc phố 0sterbrogade - mẹ đã từng nhìn thấy chúng rồi đấy; mẹ biết tên lính cao lênh khênh có cái cổ dài, tên lính trông giống như một con hươu cao cổ ngờ nghệch không?”. Em kể cho mẹ em và cô Rosen nghe chuyện xảy ra, gắng làm cho chuyện nghe có vẻ hài hước và chẳng có gì đáng phải bận tâm cả. Nhưng ánh mắt lo lắng của hai người lớn vẫn không hề biến chuyển.
“Con đập tay hắn và quát hắn,” Kirsti nói bằng cái giọng ra vẻ ta đây.
“Không, nó không làm thế đâu, mẹ ơi,” Annemarie trấn an mẹ. “Nó đang cường điệu đấy, lúc nào nó cũng thế mà mẹ.” Cô Johansen lại gần bên cửa sổ và nhìn xuống con phố bên dưới. Khu dân cư Copenhagen kế bên yên ả; trông hệt như mọi khi: người người vào ra các cửa hiệu, trẻ con chơi đùa, đám lính đứng nơi góc phố.
Mẹ Annemarie hạ giọng nói với mẹ Ellen. “Chúng ắt hẳn đang bực mình bởi những sự vụ gần đầy của Quân Kháng chiến. Chị có
đọc tin về mấy vụ ném bom ở Hillerod[3] và Norrebro[4] trên tờ De [5]
Frie Danske
không?”
Annemarie lắng nghe mẹ nói; dù em đang giả bộ chú tâm vào việc bỏ sách vở ra khỏi cặp, và em biết mẹ mình đang nhắc đến chuyện gì. De Frie Danske - Người Đan Mạch tự do - là một tờ báo bất hợp pháp; thỉnh thoảng anh Peter Neilsen mang đến cho nhà em, cẩn thận gấp gọn giấu giữa những cuốn sách và mấy tờ báo thông thường, và mẹ luôn đốt bỏ sau khi mẹ và bố đã đọc xong. Nhưng thỉnh thoảng Annemarie nghe bố mẹ trao đổi lúc đêm khuya về những tin tức họ đọc được trên tờ báo đó: tin tức về việc ngầm phá hoại chống lại bọn Đức Quốc xã, về những vụ đánh bom ngầm và gây nổ trong những nhà máy sản xuất vật dụng phục vụ chiến tranh và về những tuyến đường sắt công nghiệp bị phá hủy để hàng hóa không thể vận chuyển đi đâu được.
Và em biết Quân Kháng chiến nghĩa là thế nào. Bố đã giải thích khi em nghe lỏm được ba từ đó và mang ra hỏi. Các thành viên Quân Kháng chiến là những người Đan Mạch - không ai biết họ là ai bởi họ vô cùng bí mật - họ quyết tâm gây tổn thất cho bọn Đức Quốc xã bằng bất cứ cách nào họ có thể thực hiện được. Họ phá hỏng xe tải, ô tô của bọn Đức và đánh bom các nhà máy của chúng. Họ rất can trường. Thỉnh thoảng họ bị bắt và bị xử tử hình.
“Tôi phải đi nói chuyện với Ellen mới được,” cô Rosen vừa nói vừa bước ra phía cửa. “Ngày mai hai đứa đi đường khác đến trường nhé. Hứa với cô đi Annemarie. Và Ellen nữa, cũng sẽ phải hứa như thế.”
“Chúng cháu hứa, thưa cô Rosen. Nhưng điều ấy có quan trọng không ạ? Góc tốt nhất phố nào cũng có lính Đức.”
“Chúng sẽ nhớ mặt hai đứa,” cô Rosen nói, quay người đi ra cửa hướng về phía hành lang. “Lẫn trong đám đông là điều nên làm, luôn luôn là như vậy. Hãy là một người trong đám đông. Đảm bảo rằng bọn chúng không bao giờ có lý do gì để nhớ mặt các cháu.” Cô đóng cửa và khuất dạng ngoài hành lang.
“Hắn sẽ nhớ mặt của con, mẹ ạ,” Kirsti hớn hở nói, “bởi hắn bảo trông con giống con gái của hắn. Hắn bảo con xinh.”
“Nếu hắn có một đứa con gái nhỏ xinh xắn như con, sao hắn không về với con hắn như một người cha tốt chứ?”. Cô Johansen vừa lẩm bẩm vừa vuốt má Kirsti. “Sao hắn không quay về nước của hắn chứ?”
“Mẹ ơi, có gì ăn không ạ?” Annemarie hỏi, hy vọng kéo mẹ mình dứt khỏi suy nghĩ về đám lính.
“Ăn bánh mì đi con. Và mang cho em con một miếng.” “Với bơ ạ?” Kirsti hỏi, giọng đầy hy vọng.
“Không có bơ,” mẹ em đáp. “Con biết mà.”
Kirsti thở dài trong lúc Annemarie tiến lại chỗ hộp bánh trong bếp. “Con ước được ăn bánh nướng,” Kirsti nói. “Một cái bánh nướng lớn vàng ươm phủ kem màu hồng.”
Mẹ em bật cười. “Xét từ góc độ một em bé, thì con có trí nhớ dai đấy,” mẹ nói với Kirsti. “Đã từ rất lâu, ít nhất là một năm rồi chúng ta không có chút bơ, chút đường nào để làm bánh nướng cả, con yêu.”
“Khi nào sẽ lại có bánh nướng ạ?”
“Khi chiến tranh kết thúc,” cô Johansen đáp. Cô liếc mắt nhìn qua cửa sổ xuống góc phố bên dưới nơi có hai tên lính đang đứng, khuôn mặt chúng vô cảm bên dưới hai cái mũ sắt. “Khi bọn lính rời khỏi đây.”
2
Người đàn ông cưỡi ngựa là ai? “K
ể chuyện em nghe đi chị Annemarie,” trên chiếc giường lớn hai chị em ngủ chung, Kirsti nằm sát vào người chị, nài nỉ. “Kể chuyện cổ tích ý.”
Annemarie mỉm cười và choàng tay ôm em gái trong bóng đêm. Tất cả trẻ em Đan Mạch lớn lên đều quen thuộc với những câu chuyện cổ tích. Hans Christian Andersen, một trong những người kể chuyện cổ tích nổi tiếng nhất, chính là người Đan Mạch.
“Em có muốn nghe chuyện về nàng tiên cá bé nhỏ không?”. Đây luôn là câu chuyện yêu thích của Annemarie.
Nhưng Kirsti đáp không. “Hãy kể em nghe chuyện bắt đầu bằng có một ông vua và một bà hoàng hậu đi. Rồi là họ có một cô con gái xinh đẹp ý.”
“Được rồi. Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua,” Annemarie bắt đầu kể.
“Và một bà hoàng hậu,” Kirsti thì thầm. “Đừng quên bà hoàng hậu chứ.”
“Và một bà hoàng hậu. Họ chung sống trong một cung điện đẹp tuyệt trần, và...”
“Cung điện ấy có tên là Amalienborg[6] phải không chị?” Kirsti hỏi giọng buồn ngủ.
“Suỵt. Đừng có liên tục ngắt lời chị thế, không là chị sẽ chẳng bao giờ kể xong truyện. Không, không phải là Amalienborg. Đó là một cung điện tưởng tượng.”
Annemarie tiếp tục kể, sáng tác ra câu chuyện về một ông vua và một bà hoàng hậu cùng với cô con gái xinh đẹp, công chúa
Kirsten; chen vào đó những buổi khiêu vũ trang trọng, những bộ váy dài có diềm dát vàng rực rỡ và những yến tiệc có bánh nướng phủ lớp kem màu hồng, cho tới khi hơi thở đều và sâu của Kirsti cho Annemarie biết Kirsti bé bỏng đã chìm vào giấc ngủ.
Em ngừng kể, chờ một chốc, nửa những mong Kirsti lẩm bẩm “Rồi sao nữa?” Nhưng Kirsti im phắc. Ý nghĩ của Annemarie quay trở lại với vị vua ngoài đời thực, Đức Vua Christian đệ Thập và cung điện Amalienborg có thật tọa lạc ngay trung tâm Copenhagen, nơi Ngài đang cư ngụ.
Người dân Đan Mạch yêu quý Vua Christian biết bao! Ngài không giống như những vị vua trong truyện cổ tích, dường như chỉ toàn đứng trên thềm cao ban lệnh cho các thần dân hoặc ngồi trên ngai vàng triệu đòi những trò tiêu khiển và tìm kiếm phò mã xứng tầm với con gái mình. Vua Christian là một con người thực sự, một người có gương mặt đôn hậu và nghiêm trang. Khi còn nhỏ, em thường hay trông thấy Ngài. Mỗi sáng, ngồi trên lưng chú ngựa Jubilee của mình, Ngài một mình vi hành qua khắp các con phố ở Copenhagen, chào hỏi thần dân. Thỉnh thoảng, hồi Annemarie còn bé tẹo, chị gái Lise dắt em ra đứng trên lề đường để em có thể vẫy tay chào Vua Christian. Có đôi lần Ngài mỉm cười, vẫy tay chào lại cả hai chị em. “Giờ thì em mãi mãi là cô bé đặc biệt rồi nhé,” có một lần chị Lise nói với em, “bởi em đã được hẳn một vị vua chào.”
Nằm trên gối, Annemarie xoay đầu chăm chú nhìn ra bầu trời đêm tháng Chín mờ ảo bên ngoài qua khoảng hở giữa hai tấm rèm khép nửa chừng. Nghĩ tới người chị Lise đáng yêu, nhỏ nhẹ của mình lúc nào cũng khiến em thấy buồn.
Thế nên, em lại chuyển ý nghĩ của mình về với Đức Vua, người vẫn còn sống trong khi chị Lise thì không. Em nhớ tới câu chuyện mà bố đã kể em nghe, sau khi chiến tranh bùng nổ không bao lâu, Đan Mạch đầu hàng và trong nội có một đêm quân Đức đã tràn vào chiếm cứ các góc phố.
Một tối, bố kể em nghe chuyện sớm hôm đó lúc bố đang đứng nơi góc phố chờ qua đường để đi lo mấy việc lặt vặt gần chỗ làm thì Vua Christian cưỡi ngựa ngang qua: Ngài đang trong chuyến vi hành
sáng của mình. Một tên lính Đức bất thình lình quay sang cậu thiếu niên đang đứng gần hắn và hỏi:
“Người đàn ông cưỡi ngựa đi ngang qua đây mỗi sáng là ai thế?” Bố nói bố đã cười thầm, thích thú vì tên lính Đức ấy không biết. Bố lắng nghe câu trả lời của cậu thiếu niên.
“Ngài là Vua của chúng tôi,” cậu nói với tên lính. “Ngài là Vua nước Đan Mạch.”
“Cận vệ của ông ấy đâu?” Tên lính hỏi.
“Và con có biết cậu ấy đáp lại thế nào không?” Bố hỏi Annemarie. Em đang ngồi trong lòng bố. Hồi ấy, em còn nhỏ, mới chỉ có bảy tuổi. Em lắc đầu, chờ nghe câu trả lời.
“Cậu thiếu niên nhìn thẳng vào tên lính và nói. ‘Tất cả thần dân Đan Mạch là cận vệ của ngài.’”
Lúc ấy, Annemarie đã rùng mình. Nghe giống như một câu trả lời hết sức gan dạ. “Thật không bố?” Em hỏi. “Lời anh ấy nói ý?” Bố suy nghĩ một lúc. Bố em luôn cân nhắc rất kỹ càng những câu hỏi trước khi trả lời. “Thật,” cuối cùng bố cất giọng. “Là thật đấy. Bất cứ người dân Đan Mạch nào cũng sẽ vì Vua Christian mà hy sinh tính mạng để bảo vệ Ngài.”
“Bố cũng thế ạ?”
“Ừ.”
“Còn mẹ?”
“Mẹ cũng thế.”
Annemarie lại rùng mình. “Vậy thì con cũng sẽ thế, bố ạ. Nếu như con buộc phải hy sinh.”
Hai bố con ngồi im lặng một lúc. Ở đầu phòng đằng kia, mẹ quan sát Annemarie và bố rồi mỉm cười. Buổi tối ấy đã cách đây ba năm, khi đó mẹ em đang ngồi móc viền ren áo gối, một trong những món đồ hồi môn của chị Lise. Các ngón tay của mẹ di chuyển thoăn thoắt, móc sợi chỉ mảnh màu trắng thành đường diềm hẹp với hoa văn phức tạp. Năm đó, chị Lise đã là một thiếu nữ mười tám tuổi, chuẩn bị kết hôn với anh Peter Neilsen. Khi chị Lise và anh Peter kết
hôn, mẹ em bảo, lần đầu tiên trong đời Annemarie và Kirsti sẽ có một người anh trai.
“Bố ơi,” sau một hồi yên lặng, rốt cục Annemarie cất tiếng, “thỉnh thoảng con tự hỏi tại sao Đức Vua không thể bảo vệ được chúng ta. Tại sao Ngài không chiến đấu với bọn Đức Quốc xã để chúng không bước chân vào trong đất Đan Mạch cùng với súng ống của chúng ạ?”
Bố thở dài. “Nước chúng ta nhỏ tẹo như thế,” bố em đáp. “Mà nước Đức lại là một kẻ thù mạnh đến vậy. Đức Vua của chúng ta là người sáng suốt. Ngài biết Đan Mạch có ít binh lính như thế nào. Ngài biết có nhiều, rất nhiều người dân Đan Mạch sẽ thiệt mạng nếu chúng ta chiến đấu.”
“Ở Na Uy, họ chiến đấu đấy,” Annemarie nói.
Bố em gật đầu. “Ở Na Uy họ chiến đấu rất ác liệt. Nước họ có những dãy núi hùng vĩ cho binh lính Na Uy ẩn nấp. Cho dù vậy, Na Uy vẫn bị nghiền nát.”
Annemaire đã hình dung ra Na Uy trong đầu, dựa theo trí nhớ của em về tấm bản đồ treo trong trường, Na Uy nằm bên trên Đan Mạch. Trên bản đồ trong trường em, Na Uy có màu hồng. Em tưởng tượng ra dải đất Na Uy màu hồng ấy bị một quả đấm nghiền nát.
“Bây giờ lính Đức cũng hiện diện ở Na Uy, hệt như ở đây ạ?” “Ừ,” bố đáp.
“Ở Hà Lan cũng vậy,” từ đầu kia căn phòng, mẹ bổ sung, “cả Bỉ và Pháp nữa.”
“Nhưng ở Thụy Điển thì không!” Annemarie thông báo, tự hào rằng mình biết về thế giới thật nhiều. Trên bản đồ, Thụy Điển có màu xanh dương, và em đã trông thấy Thụy Điển, dẫu rằng em chưa từng đặt chân đến đó. Đứng đằng sau nhà bác Henrik, nằm ở phía bắc Copenhagen, em đã nhìn vượt qua biển - vùng biển thuộc Bắc Hải có tên là Kattegat[7] - sang dải đất liền phía bờ bên kia. “Cháu đang trông thấy Thụy Điển,” bác Henrik bảo. “Cháu đang nhìn sang một nước khác đấy.”
“Đúng thế.” Bố nói. “Thụy Điển vẫn đang tự do.”
Và giờ đây, sau ba năm, điều ấy vẫn đúng. Nhưng có nhiều điều khác đã đổi thay. Vua Christian mỗi năm lại thêm già nua và hồi năm ngoái, Ngài đã bị trọng thương sau cú ngã từ trên lưng chú ngựa già Jubilee trung thành xuống đất, con vật đã cõng Ngài trên lưng đi vòng quanh Copenhagen biết bao nhiêu buổi sáng mai. Trong nhiều ngày, mọi người cứ tưởng Ngài sẽ băng hà và toàn thể thần dân Đan Mạch đã khóc than khôn nguôi.
Nhưng Ngài đã không băng hà. Đức Vua Christian đệ Thập vẫn còn tại thế.
Chị Lise mới là người không còn trên cõi đời. Người chị xinh đẹp, dong dỏng cao của em đã chết trong một tai nạn xảy ra trước hôn lễ hai tuần. Trong chiếc rương chạm trổ màu xanh dương đặt ở góc buồng ngủ này - Annemarie có thể nhìn thấy hình dạng của nó ngay cả trong bóng tối - là cặp áo gối viền ren móc của chị Lise được gấp gọn gàng, bộ váy cưới chưa bận đến một lần với đường viền cổ áo thêu tay và chiếc váy màu vàng mà chị đã mặc khiêu vũ trong tiệc mừng lễ đính hôn của chị với anh Peter, tà váy tung bay theo từng bước nhảy của chị.
Bố mẹ không bao giờ nói về chị Lise, cũng chưa từng mở cái rương đó ra. Nhưng Annemarie thì rồi, hết lần này tới lần khác, những khi em ở nhà một mình; em chạm nhẹ tay trên mọi đồ vật của chị Lise, tưởng nhớ đến người chị trầm lặng, nói năng nhỏ nhẹ của mình, người chị đã mong đợi ngày cưới và những đứa con của riêng mình xiết bao.
Anh Peter tóc đỏ, hôn phu của chị Lise, kể từ sau cái chết của chị, không hề kết hôn với bất cứ ai. Anh đã thay đổi vô cùng nhiều. Có một thời, anh giống như một người anh vui nhộn đáng yêu của Annemarie và Kirsti, lúc nào cũng là kẻ đầu têu những trò đùa tinh nghịch, ngốc nghếch. Giờ đây, anh vẫn thường xuyên ghé nhà, vẫn mỉm cười và chào hỏi thân thiện với hai chị em nhưng anh luôn vội vã, trao đổi chớp nhoáng với bố mẹ những chuyện mà Annemarie không hiểu. Anh không còn hát những bài hát vô nghĩa một thời đã khiến cho Annemarie và Kirsti cười ngặt nghẽo nữa. Và anh không còn nán lại nhà em lâu như trước nữa.
Bố cũng đã chẳng còn như xưa. Dường như bố già đi rất nhiều và hết sức mệt mỏi, chẳng có tí niềm hy vọng nào.
Toàn bộ thế giới đã thay đổi, chỉ có những câu chuyện cổ tích là vẫn y nguyên.
“Và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau,” Annemarie thầm thì trong bóng đêm, khép lại câu chuyện kể dành cho em gái, con bé đã thiếp ngủ bên cạnh em, ngón tay cái ngậm trong miệng.
3
Cô Hirsch đâu rồi?
T
háng Chín trôi qua, ngày nối ngày, hầu như giống hệt nhau. Annemarie với Ellen lại cùng nhau đến trường và về nhà, giờ hai em đi đường xa hơn, tránh không đụng mặt với “Hươu cao cổ” và đồng đội của hắn. Kirsti nhẩn nha ngay phía sau hoặc chạy vụt lên phía trước hai chị, không bao giờ lọt ra ngoài tầm nhìn của các cô chị.
Hai bà mẹ vẫn cùng nhau uống “cà phê” chiều. Họ bắt đầu đan găng tay bởi ban ngày đã trở nên ngắn hơn và những chiếc lá đầu tiên đã bắt đầu rụng, một mùa đông nữa sắp sửa tới. Mọi người ai cũng nhớ đến mùa đông năm ngoái. Năm nay, các căn nhà và căn hộ ở Copenhagen chẳng hề có chất đốt mà đêm mùa đông thì lạnh khủng khiếp.
Giống như các gia đình khác trong khu chung cư, gia đình Johansen cũng đã thông ống khói cũ và lắp đặt một cái bếp lò nho nhỏ dùng để sưởi ấm mỗi khi có thể tìm thấy than đốt. Thỉnh thoảng mẹ cũng dùng bếp lò để nấu nướng bởi giờ đây điện được cấp theo khẩu phần. Đêm về, họ dùng nến để thắp sáng. Thỉnh thoảng bố của Ellen, là một thầy giáo, than phiền trong nỗi chán chường rằng với ánh sáng tù mù ấy, chú không nhìn thấy gì cả nên chẳng thể chấm bài cho học trò được.
“Chắc bố mẹ sẽ phải sớm kiếm thêm cho hai chị em con một cái chăn nữa,” một sáng nọ, mẹ nói với Annemarie trong lúc hai mẹ con dọn dẹp phòng ngủ.
“Kirsti và con thật may mắn vì có nhau để ủ ấm trong mùa đông,” Annemarie nói. “Tội nghiệp Ellen, không có chị em gái.” “Bạn ấy sẽ phải nằm rúc vào bố mẹ khi trời trở lạnh,” mẹ cười và nói.
“Con nhớ hồi Kirsti nằm ngủ giữa bố và mẹ. Nó cứ tưởng mình nằm trong nôi, đến nửa đêm, trèo ra và chui sang nằm với bố mẹ,” Annemarie nói trong lúc vuốt phẳng mấy cái gối trên giường. Rồi
em ngập ngừng, liếc nhìn mẹ, sợ rằng mình đã nói lời không phải, những lời sẽ khiến gương mặt mẹ ánh vẻ đau đớn. Những ngày bé Kirsti ngủ bên phòng bố mẹ là những ngày chị Lise và Annemarie ngủ chung trên chiếc giường này.
Nhưng mẹ đang cười một cách bình lặng. “Mẹ cũng nhớ chuyện ấy. Có mấy lần, giữa đêm nó đái dầm nữa chứ!”
“Con không có!” Kirsti đứng ở ngưỡng cửa phòng nói vọng vào bằng cái giọng rất ra vẻ ta đây. “Con không bao giờ, chưa bao giờ đái dầm!”
Mẹ, vẫn đang cười, quỳ xuống hôn lên má Kirsti. “Đến giờ đi học rồi các con,” mẹ nói. Mẹ bắt đầu cài khuy áo khoác cho Kirsti. “Ôi, trời ơi,” đột nhiên mẹ kêu lên. “Nhìn này. Chiếc khuy này bị vỡ đôi rồi. Annemarie ơi, tan học, con dắt Kirsti theo tới cửa hiệu bán chỉ và khuy của cô Hirsch. Xem thử xem con có thể mua được chỉ một cái khuy tiệp với mấy cái còn lại không nhé. Mẹ sẽ đưa cho con vài krone[8], chắc không đắt lắm đâu.”
Nhưng sau khi tan học, khi ba chị em dừng chân ở trước cửa hiệu - nó đã nằm suốt ở vị trí ấy từ hồi Annemarie biết nhớ - ba đứa trẻ phát hiện ra cửa hiệu đóng cửa. Có một cái khóa móc mới tinh và một tấm biển. Nhưng chữ trên biển viết bằng tiếng Đức. Ba chị em không đọc được.
“Tớ tự hỏi liệu có phải cô Hirsch bị ốm không nhỉ” Annemarie nói khi ba chị em rời khỏi đó.
“Hôm thứ Bảy tớ trông thấy cô Hirsch,” Ellen nói. “Cô ấy đi cùng chồng và con trai. Cả ba người họ trông rất mạnh khỏe. Hoặc ít ra thì ông bố bà mẹ trông rất khỏe, còn cậu con nhìn lúc nào cũng giống như một đứa dở người.” Ellen cười khúc khích.
Annemarie nhăn mặt. Gia đình cô chú Hirsch sống ở khu kế bên, vậy nên hai em thường gặp Samuel, con trai họ. Samuel là một thiếu niên người dong dỏng, đeo cặp mắt kính dày, tướng đi khom khom và mái tóc không chịu vào nếp. Anh ấy đạp xe đến trường,
người chúi về phía trước và mắt thì nheo nheo, anh thường nhăn mũi để đẩy nhẹ cặp kính lên cho đúng chỗ. Xe đạp của anh có hai bánh bằng gỗ, bởi vì bây giờ không kiếm đâu ra được lốp cao su, và khi chạy trên đường nó kêu lóc cóc, cọt kẹt.
“Em nghĩ cả nhà cô Hirsch ra biển nghỉ mát rồi,” Kirsti nói. “Và chị đoán họ mang theo một giỏ bánh nướng phủ kem màu hồng,” Annemarie nhạo cô em gái.
“Vâng, em cũng đoán thế,” Kirsti đáp.
Annemarie và Ellen trao đổi với nhau những cái nhìn mang nghĩa: Kirsti ngốc quá đi mất. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, chẳng ai ở Copenhagen đi nghỉ mát ngoài biển nữa. Cũng không hề có bánh nướng phủ kem màu hồng; đã hàng bao tháng nay chẳng thấy bóng dáng rồi.
Thế nhưng, Annemarie thầm nghĩ trong lúc ngoái lại nhìn cửa hiệu trước khi ba chị em rẽ sang phố khác, cô Hirsch đâu rồi? Gia đình cô Hirsch đã đi đến đâu đó. Họ đóng cửa hiệu còn vì lý do nào khác nữa không nhỉ?
Mẹ tỏ ra bất an khi nghe chuyện. “Con có chắc không?” Mẹ hỏi đến mấy lần.
“Chúng con có thể tìm ra một chiếc khuy khác ở một cửa hiệu nào đó,” Annemarie trấn an mẹ. “Hoặc chúng ta tháo cái khuy dưới cùng đem đơm vào chỗ đứt. Sẽ không bị lộ lắm đâu mẹ ạ.”
Nhưng dường như không phải chuyện cái áo khoác khiến mẹ lo lắng. “Con có chắc tấm biển ấy viết bằng tiếng Đức không?” Mẹ hỏi. “Rất có thể con nhìn không kỹ.”
“Mẹ à, có dấu thập ngoặc trên đó mà.”
Mẹ em quay mặt đi, ánh mắt thất thần. “Annemarie, trông chừng em mấy phút nhé. Và bắt đầu gọt khoai chuẩn bị bữa tối đi. Mẹ sẽ về ngay.”
“Mẹ đi đâu thế ạ?” Annemarie hỏi khi thấy mẹ mình dợm bước ra cửa.
“Mẹ cần nói chuyện với cô Rosen.”
Bối rối, Annemarie dõi nhìn mẹ em rời khỏi căn hộ. Em vào bếp, mở cửa chạn nơi cất khoai tây. Giờ đây, hình như bữa tối nào nhà em cũng ăn khoai. Và có cực ít loại thức ăn khác.
Annemarie sắp ngủ tới nơi thì thấy một đốm sáng le lói ngoài cửa phòng ngủ của em. Ánh nến xuất hiện cùng lúc cửa mở, rồi mẹ em bước vào.
“Con ngủ chưa, Annemarie?”
“Chưa ạ. Sao thế mẹ? Có chuyện gì không ổn hả mẹ? “Không có gì không ổn cả. Nhưng mẹ muốn con dậy và ra ngoài phòng khách. Anh Peter đang ở đây. Bố mẹ muốn nói chuyện với con.”
Annemarie nhảy ra khỏi giường; Kirsti làu bàu trong giấc ngủ. Anh Peter! Đã lâu rồi Annemarie không gặp anh. Chuyện anh ở đây vào giấc đêm như thế này có gì đó khiến em sợ hãi. Copenhagen có lệnh giới nghiêm; không cư dân nào được phép ra ngoài đường sau tám giờ tối. Anh Peter tới nhà em giờ này là vô cùng nguy hiểm; em biết. Nhưng em rất mừng khi anh đang ở đây. Mặc dầu lần nào anh đến thăm cũng đều vội vã - bố mẹ và anh; không biết vì sao, hầu như luôn bí mật theo một cách mà em không thể nào xác định được rõ ràng - tuy nhiên, được gặp anh Peter thật là một niềm vui sướng. Nó mang lại cho em ký ức về những lần hạnh phúc hơn. Và bố mẹ em cũng yêu quý anh Peter. Hai người nói anh giống như một đứa con trai vậy.
Chân trần; em chạy ra phòng khách và nhào vào vòng tay của anh Peter. Anh cười toét miệng; hôn má em và vò rối tung cả mái tóc dài của em.
“Em đã cao hơn kể từ hôm anh gặp lần gần đây nhất đấy”; anh Peter nói với em. “Nhìn em chỉ thấy toàn chân với cẳng!” Annemarie bật cười khanh khách. “Thứ Sáu rồi; em thắng cuộc thi đi bộ của nữ ở trường đấy”; em tự hào kể. “Anh đã ở đâu thế? Tụi em nhớ anh lắm!”
“Công việc của anh bắt anh đi khắp nơi,” anh Peter giải thích. “Xem này, anh mang cho em một thứ. Kirsti cũng có phần.” Anh lấy
từ trong túi áo ra hai cái vỏ ốc và đưa cho em.
Annemarie đặt cái vỏ ốc nhỏ hơn dành cho Kirsti lên bàn. Em cầm cái kia bằng cả hai tay, xoay xoay dưới ánh nến, ngắm nghía bề mặt hằn gợn và sáng như ngọc trai của nó. Rất đúng kiểu anh Peter, mang đến đúng món quà em thích.
“Còn bố mẹ em, anh mang đến cho hai người một món thiết thực hơn. Là hai chai bia!”
Bố mẹ mỉm cười và nâng cao cốc. Bố nhấp một ngụm rồi chùi bọt bia dính ở môi trên. Khuôn mặt bố em trở nên nghiêm nghị hơn. “Annemarie này,” bố nói, “Peter nói với bố mẹ rằng bọn lính Đức đã ban hành lệnh đóng cửa nhiều cửa hiệu do người Do Thái quản lý.”
“Người Do Thái?” Annemarie lặp lại, “Cô Hirsch là người Do Thái ạ? Đó là lý do cửa hiệu bán khuy đóng cửa sao? Tại sao bọn chúng lại làm thế ạ?”
Anh Peter nhoài người về phía trước. “Đó là cách hành hạ của bọn chúng. Vì lý do nào đó, bọn chúng muốn hành hạ người Do Thái. Chuyện này xảy ra ở những nước khác nữa. Chúng đã mất nhiều thời gian ở đây - để cho chúng ta thoải mái một tí. Nhưng hiện giờ có vẻ như việc này đã bắt đầu rồi.”
“Nhưng tại sao lại là cửa hiệu bán khuy chứ? Một cửa hiệu bán khuy có gây hại gì đâu? Cô Hirsch là một người dễ mến đến thế cơ mà. Ngay cả Samuel nữa - anh ấy ngốc thật, nhưng sẽ chẳng bao giờ làm hại bất cứ ai. Làm sao anh ấy có thể chứ - với cặp mắt kính dày cộp ấy, ngay cả nhìn anh ấy còn chả thấy được gì!”
Rồi Annemarie nghĩ tới một điều khác. “Nếu không được bán khuy họ sẽ kiếm sống bằng cách nào?”
“Bạn bè sẽ cưu mang họ,” mẹ nói dịu dàng. “Đó là việc bạn bè làm cho nhau mà.”
Annemarie gật đầu. Dĩ nhiên là mẹ nói đúng. Bạn bè và hàng xóm láng giềng sẽ đến nhà cô chú Hirsch, mang đến cho họ cá, khoai tây, bánh mì và thảo mộc để pha trà. Thậm chí có khi anh Peter còn mang cả bia đến cho họ nữa ấy chứ. Họ sẽ không phải lo lắng gì cho đến khi cửa hiệu của họ được phép mở lại.
Rồi, đột nhiên, em ngồi thẳng người lên, mắt mở lớn. “Mẹ ơi!” Em gọi. “Bố ơi! Nhà cô Rosen cũng là người Do Thái!” Bố mẹ em gật đầu, gương mặt cả hai nghiêm trang và buồn rầu. “Mẹ đã nói chuyện với cô Sophy Rosen chiều nay sau khi con kể mẹ nghe về cửa hiệu bán khuy,” mẹ nói. “Cô ấy biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng cô ấy cho rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến nhà mình.” Annemarie suy nghĩ và hiểu ra. Em cảm thấy nhẹ nhõm. “Chú Rosen không có cửa hàng. Chú ấy là thầy giáo. Chúng không thể đóng cửa cả một trường học!” Em nhìn anh Peter bằng ánh mắt hoài nghi. “Phải không ạ?”
“Anh nghĩ cô chú Rosen sẽ không sao,” anh Peter nói. “Nhưng em hãy trông chừng cô bạn Ellen của em. Và hãy tránh xa đám lính. Mẹ em kể anh nghe chuyện xảy ra trên phố Osterbrogade rồi.”
Annemarie nhún vai. Em đã gần như quên sự việc diễn ra ngày hôm ấy. “Chuyện đó không có gì đâu. Chỉ là bọn chúng thấy chán và kiếm người nói chuyện thôi, em nghĩ vậy đấy.”
Em quay qua bố. “Bố ơi, bố có nhớ lời anh thiếu niên nói với tên lính mà bố nghe thấy không? Rằng tất cả thần dân Đan Mạch đều sẽ là cận vệ của Đức Vua ý?”
Bố em mỉm cười. “Bố không bao giờ quên câu trả lời đó.” “Vâng,” Annemarie nói chậm rãi, “giờ con nghĩ rằng tất cả người dân Đan Mạch cũng sẽ phải là vệ sĩ cho người Do Thái.” “Chúng ta sẽ làm thế,” bố trả lời.
Anh Peter đứng lên. “Cháu phải đi rồi,” anh nói. “Còn em, Chân Dài, đã quá giờ đi ngủ của em rồi đấy.” Anh ôm Annemarie lần nữa. Sau đó, khi đã lên giường nằm cạnh cô em gái cuộn tròn tỏa hơi ấm áp, một lần nữa, Annemarie nhớ lại lời bố em nói, cách đây ba năm, rằng bố sẽ hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Vua. Mẹ cũng sẽ làm vậy. Và Annemarie, khi ấy lên bảy, cũng đã tự hào tuyên bố rằng em cũng sẽ làm như thế.
Giờ đây, em mười tuổi với cặp chân lêu đêu, đã không còn có giấc mơ ngớ ngẩn về những chiếc bánh nướng phủ kem màu hồng nữa. Và hiện giờ em - và tất cả người dân Đan Mạch - trở thành vệ
sĩ cho Ellen, bố mẹ bạn ấy và tất cả những người Đan Mạch gốc Do Thái.
Em sẽ hy sinh tính mạng để bảo vệ họ chứ? Có thật thế không? Trong bóng đêm, Annemarie đủ trung thực để tự thú nhận rằng em không dám chắc.
Trong phút chốc, em thấy hoảng sợ. Nhưng em kéo chăn lên cằm và thả lỏng mình. Dù sao, đó chỉ toàn là điều tưởng tượng - không phải là thật. Chỉ trong chuyện cổ tích mới có những người phải thật dũng cảm, phải chết vì người khác. Chứ ngoài đời thực trên đất Đan Mạch thì không có. Ờ, có bọn lính; điều đó là thật. Và những người lãnh đạo Quân Kháng chiến, thỉnh thoảng cũng bị mất mạng; điều ấy cũng là thật.
Nhưng những người bình thường, giống như gia đình nhà cô Rosen hay nhà Johansen mình thì sao? Nằm cuộn chặt người trong đêm tối tĩnh lặng, Annemarie tự thừa nhận rằng em thấy vui vì mình là một người bình thường, sẽ không bao giờ bị buộc phải can đảm.
4
Sẽ là một đêm dài
M
ẹ và Kirsti đi chợ, chỉ có Annemarie và Ellen ở nhà, hai em nằm bò trên sàn phòng khách chơi búp bê giấy. Hai em đã cắt hình mấy con búp bê từ mấy cuốn họa báo cũ mà mẹ đã lưu cất trong nhiều năm. Các nàng tiểu thư bằng giấy có kiểu tóc và trang phục lỗi mốt và hai em đã đặt tên cho chúng theo những nhân vật trong cuốn sách yêu thích của mẹ. Mẹ đã kể cho Annemarie và Ellen toàn bộ truyện Cuốn theo chiếu gió, và hai em cho rằng truyện này hay hơn, lãng mạn hơn rất nhiều so với những câu chuyện cổ tích về vua-và-hoàng-hậu mà Kirsti mê mẩn.
“Đi nào, Melanie,” Annemarie vừa nói vừa cho búp bê của em đi bộ từ rìa bên này sang đến rìa bên kia tấm thảm. “Chúng ta hãy thay trang phục để tham dự vũ hội nào.”
“Được, Scarlett, tôi tới đây,” Ellen đáp bằng một chất giọng cầu kỳ. Ellen là một diễn viên tài năng; em thường đóng vai chính trong các vở kịch ở trường. Với Ellen, tưởng tượng trong khi diễn kịch lúc nào cũng là trò vui.
Cửa mở, Kirsti vào nhà, chân giậm đùng đùng, ánh mắt giận dỗi, trên gương mặt nó còn hoen nước mắt. Mẹ đi theo sau với vẻ tức bực. Mẹ đặt một gói đồ xuống mặt bàn.
“Con không đi!” Kirsti lắp bắp. “Con sẽ không khi nào, không đời nào đi chúng! Sẽ không đi cả khi mẹ xích con trong tù và lấy gậy đánh con!”
Annemarie cười khúc khích và nhìn mẹ với ý hỏi có chuyện gì. Mẹ thở dài. “Mẹ mua cho Kirsti đôi giày mới,” mẹ em giải thích. “Đôi cũ chật rồi.”
“Trời ơi, Kirsti ơi,” Ellen nói, “chị ước ao mẹ chị kiếm được cho chị đôi giày mới. Chị thích đồ mới lắm, mà thật là khó để tìm được chúng trong các cửa hàng.”
“Không khó nếu chị đến cửa hàng cá!” Kirsti rống lên. “Nhưng hầu hết các bà mẹ sẽ không bắt con gái mình đi mấy đôi giày cá xấu xí đâu.”
“Kirsti à,” giọng mẹ dỗ dành, “con biết đấy không phải là cửa hàng cá mà. Và mẹ con mình vô cùng may mắn khi tìm thấy giày.” Kirsti khịt mũi. “Mẹ bày chúng ra đi,” con bé đòi. “Mẹ bày ra cho chị Annemarie và chị Ellen xem chúng xấu như thế nào đi.” Mẹ mở gói đồ, lấy ra một đôi giày dành cho bé gái. Mẹ giơ cao đôi giày lên còn Kirsti ngoảnh đi với vẻ ghê tởm.
“Con biết là chẳng đâu còn da thuộc nữa mà,” mẹ giải thích. “Nhưng người ta đã tìm được cách làm giày từ da cá. Mẹ nghĩ đôi giày này không đến nỗi quá xấu.”
Annemarie và Ellen nhìn đôi giày da cá. Annemarie cầm một chiếc giày lên săm soi. Nom nó thật kỳ quặc, lớp vảy cá trông thấy rõ. Nhưng đó là một chiếc giày và em gái em cần giày.
“Không quá xấu đâu Kirsti,” em nói, có chút không thật lòng. Ellen lật qua lật lại chiếc giày kia trong tay. “Kirsti này,” Ellen nói, “chỉ mỗi màu là xấu thôi.”
“Xanh lá cây!” Kirsti khóc gào lên, “Em sẽ không bao giờ, không khi nào đi giày màu xanh lá cây!”
“Dưới nhà chị,” Ellen nói với Kirsti, “bố chị có một lọ mực đen, đen cực. Em có thấy thích đôi giày này hơn nếu chúng có màu đen không?”
Kirsti chau mày. “Rất có thể,” cuối cùng nó trả lời.
“Được rồi, thế thì,” Ellen nói, “tối nay, nếu mẹ em bằng lòng, chị sẽ mang đôi giày này về nhà và nhờ bố chị dùng mực của bố làm cho chúng thành màu đen.”
Mẹ cười thành tiếng. “Cô nghĩ đó chắc chắn sẽ là một sáng kiến tuyệt vời đấy. Con nghĩ sao hả Kirsti?”
Kirsti ngẫm nghĩ. “Bố chị có thể làm cho chúng sáng bóng không?” Nó hỏi. “Em muốn chúng bóng loáng.”
Ellen gật đầu. “Chị đoán là bố chị có thể làm được. Chị nghĩ đôi giày sẽ vô cùng dễ thương, màu đen và sáng bóng.” Kirsti gật gù. “Thế thì được,” nó nói. “Nhưng chị không được nói với bất cứ ai rằng chúng là cá đấy nhé. Em không muốn bất cứ ai biết điều này hết.” Con bé khinh khỉnh cầm đôi giày mới đặt lên trên mặt một chiếc ghế. Rồi nó thích thú ngắm nghía mấy con búp bê giấy.
“Em chơi cùng với, nhé?” Kirsti hỏi. “Cho em một con búp bê được không?” Nó ngồi xổm cạnh Annemaire còn Ellen ngồi bệt trên sàn nhà.
Thỉnh thoảng, Annemarie thầm nghĩ, Kirsti là đứa phá quấy cực kỳ, luôn xía vào chuyện của người khác. Nhưng căn hộ quá nhỏ. Không có chỗ cho Kirsti chơi đùa. Với lại, nếu em và Ellen kêu Kirsti đi ra chỗ khác thể nào cũng bị mẹ mắng.
“Đây,” Ammemarie nói và đưa cho Kirsti một búp bê bé gái cắt ra từ họa báo. “Tụi chị đang diễn Cuốn theo chiều gió. Melanie và Scarlett chuẩn bị tới vũ hội. Em làm Bonnie nhé. Bonnie là con gái của Scarlett.”
Kirsti cho con búp bê của mình nhảy múa tới lui một cách hớn hở. “Con chuẩn bị tới vũ hội!” Nó giả giọng phấn khởi thông báo. Ellen cười khúc khích. “Trẻ con không được đến vũ hội. Chúng ta hãy đưa chúng tới một nơi nào đó khác nhé. Cho chúng tới Tivoli đi!”
“Tivoli!” Annemarie phá ra cười khanh khách. “Nơi đó là ở Copenhagen! Cuốn theo chiều gió ở Mỹ mà!”
“Tivoli, Tivoli, Tivoli,” bé Kirsti xoay nhanh búp bê của mình theo một đường tròn.
“Chả sao cả, bởi dù sao đây cũng chỉ là trò chơi thôi mà,” Ellen giải thích. “Tivoli có thể ở đằng kia, cạnh cái ghế ấy. ‘Đi nào, Scarlett,’” em nói bằng giọng nhân vật của mình, “chúng ta sẽ tới Tivoli khiêu vũ và xem bắn pháo hoa và rất có thể ở đó sẽ có vài
anh chàng đẹp trai! Hãy đưa cô con gái Bonnie khờ dại của chị theo, con bé có thể chơi đu quay.”
Annemarie cười toe toét và cho búp bê Scarlett của em đi bộ tới chỗ chiếc ghế mà Ellen đã chỉ định là Tivoli. Em rất thích Vườn Tivoli, nằm ở trung tâm Copenhagen; bố mẹ em thường đưa em tới đó hồi em còn nhỏ. Em nhớ tiếng nhạc cử và những bóng đèn đủ màu rực rỡ, đu quay, kem ăn và nhất là những màn pháo hoa lộng lẫy vào buổi tối: những chùm sáng vỡ tung và bắn ra thành những vệt màu đủ sắc trên bầu trời đêm.
“Tớ nhớ nhất là màn bắn pháo hoa,” em nói với Ellen. “Em cũng thế,” Kirsti nói. “Em nhớ pháo hoa.”
“Bé ngốc,” Annemarie giễu em. “Em chưa từng bao giờ thấy pháo hoa.” Vườn Tivoli giờ đã đóng rồi. Quân Đức chiếm đóng đã đốt trụi một phần vườn, có lẽ là một cách trừng phạt người dân Đan Mạch biết hưởng thụ cuộc sống vì niềm vui vô tư của họ.
Kirsti đứng thẳng ngay, đôi vai nhỏ bé của nó căng cứng. “Em cũng có nhớ mà,” nó nói với giọng muốn gây sự. “Hôm ấy là sinh nhật em. Em tỉnh dậy giữa đêm và em nghe thấy tiếng bùm bùm. Và các chùm sáng xuất hiện trên bầu trời. Mẹ bảo đó là pháo hoa mừng sinh nhật em.”
Đến lúc ấy, Annemarie nhớ ra, sinh nhật Kirsti là vào cuối tháng Tám. Và vào đêm đó, chỉ mới tháng trước, em cũng đã tỉnh giấc và hoảng hốt bởi những tiếng nổ lớn. Kirsti nói đúng - bầu trời phía đông nam sáng rực và mẹ đã dỗ dành con bé bằng cách gọi đó là sự kiện mừng sinh nhật. “Hãy tượng tượng mà xem, màn bắn pháo hoa đó là dành cho một bé gái năm tuổi đấy!” Mẹ đã nói như thế trong lúc ngồi trên giường hai chị em, tay mẹ em vén tấm màn cửa sẫm màu sang bên để hai chị em nhìn ra ngoài cửa sổ lên bầu trời rực sáng.
Báo ra tối hôm sau đã đưa tin buồn. Người Đan Mạch đã phá hủy hạm đội hải quân của mình, cho nổ tung từng chiến hạm một khi quân Đức tiến tới chiếm tàu để sử dụng vào mục đích riêng của chúng.
“Đức Vua hẳn là buồn lắm,” Annemarie nghe thấy mẹ nói với bố như thế khi hai người họ đọc báo.
“Đáng tự hào biết bao,” bố đáp lại lời mẹ.
Sự kiện ấy đã khiến Annemarie cảm thấy buồn nhưng cũng tự hào khi tưởng tượng ra hình ảnh Đức Vua lớn tuổi, vóc người dong dỏng với đôi mắt xanh có lẽ đang nước mắt lưng tròng khi Ngài nhìn tàn tích toàn bộ các chiến hạm ít ỏi của vương quốc vỡ tan tành, nửa nổi nửa chìm ngoài cảng.
“Ellen à, tớ không muốn chơi nữa,” em đột nhiên nói rồi đặt con búp bê giấy của mình lên bàn.
“Đằng nào tớ cũng phải về rồi,” Ellen đáp. “Tớ phải về giúp mẹ lau chùi nhà cửa, thứ Năm này là Năm Mới của nhà tớ. Ấy có biết không?”
“Tại sao lại là của nhà chị?” Kirsti hỏi. “Không phải là Năm Mới của chúng ta sao?”
“Không. Đây là Năm Mới của người Do Thái. Chỉ dành cho người Do Thái tụi chị thôi. Nhưng nếu em muốn, Kirsti à, đêm đó em có thể xuống nhà chị và xem mẹ chị thắp nến.”
Annemarie và Kirsti vẫn thường được mời đến xem cô Rosen thắp nến trong ngày Sabbath vào tối thứ Sáu hằng tuần. Cô trùm đầu bằng một tấm vải và đọc bài kinh cầu đặc biệt bằng tiếng Do Thái như cô vẫn thường làm. Annemarie lúc nào cũng đứng yên lặng, thành kính quan sát; ngay cả Kirsti, thường xuyên liến thoắng, trong những lúc ấy cũng luôn lặng như tờ. Hai chị em không hiểu lời cầu nguyện cũng như ý nghĩa của nó, nhưng chúng có thể cảm nhận được đó là khoảng thời gian đặc biệt đến cỡ nào đối với gia đình cô Rosen.
“Vâng ạ,” Kirsti phấn khởi gật đầu. “Em sẽ đến xem mẹ chị thắp nến và em sẽ đi đôi giày mới màu đen của mình.”
Nhưng lần này thì khác. Sáng sớm thứ Năm, lúc cùng Kirsti rời nhà đi học, Annemarie trông thấy nhà cô chú Rosen, đang mặc trang phục đẹp nhất của họ, đi bộ đến giáo đường. Em vẫy tay chào Ellen, bạn em vui vẻ vẫy tay chào lại.
“Ellen thật may mắn,” Annemarie nói với Kirsti. “Hôm nay chị ấy không phải đi học.”
“Nhưng chắc chắn chị ấy phải ngồi hết sức, hết sức yên lặng, y như chúng ta khi đi lễ nhà thờ,” Kirsti nhận xét. “Thế thì chẳng vui tí nào.”
Chiều hôm ấy, cô Rosen gõ cửa nhà Annemarie nhưng không vào trong. Thay vào đó, cô nói chuyện với mẹ em rất lâu ngoài hành lang bằng một giọng nhanh và căng thẳng. Khi mẹ quay vào, gương mặt mẹ thể hiện nỗi lo lắng, nhưng giọng mẹ vui vẻ.
“Các con ơi,” mẹ em gọi, “chúng ta có một bất ngờ đáng yêu đây. Tối nay Ellen sẽ ngủ ở nhà mình và sẽ làm khách nhà mình trong vài ngày! Chả mấy khi chúng ta có khách.”
Kirsti vỗ tay khoái chí.
“Nhưng mẹ ơi,” Annemarie nói giọng lo sợ, “hôm nay là Năm Mới bên đạo của bạn ấy. Họ sẽ có buổi lễ mừng ở nhà! Ellen nói với con rằng mẹ bạn ấy đã tìm mua được một con gà và cô ấy sẽ làm món gà quay - món gà quay đầu tiên sau cả một năm hoặc lâu hơn thế!”
“Cô chú ấy đã thay đổi kế hoạch,” mẹ trả lời không cần suy nghĩ. “Cô chú Rosen được gọi đến thăm nhà bà con. Nên Ellen sẽ ở nhà chúng ta. Nào, nhấc tay nhấc chân lên con, trải ga mới cho giường mình đi con. Kirsti ơi, đêm nay con được ngủ với bố mẹ, chúng ta sẽ để cho hai chị cười rúc rích với nhau.”
Kirsti trề môi, và biểu hiện ấy rõ ràng là nó chuẩn bị phản đối. “Tối nay mẹ sẽ kể con nghe một câu chuyện đặc biệt,” mẹ em nói. “Chuyện chỉ dành riêng cho con thôi.”
“Về một ông vua ạ?” Kirsti hỏi giọng hoài nghi.
“Về một ông vua, nếu con muốn,” mẹ trả lời.
“Thế thì được. Nhưng cũng phải có một bà hoàng hậu nhé mẹ,” Kirsti nói thêm.
Mặc dầu cô Rosen đã gửi con gà mình mua được cho nhà Johansen, và mẹ đã làm một bữa tối thịnh soạn đủ cho mỗi người được tiếp món đến hai lần, nhưng đấy không phải là một buổi tối đầy ắp tiếng cười và giọng nói. Trong bữa tối, Ellen im lặng. Bạn ấy
nom hoảng hốt. Mẹ và bố cố nói những điều vui vẻ, nhưng rõ ràng là hai người họ đang lo lắng, và điều ấy cũng làm cho Annemarie lo theo. Chỉ có mỗi Kirsti là không nhận thức được không khí căng thẳng ngấm ngầm trong phòng. Nhún nhảy trong đôi giày mới được nhuộm đen và bóng loáng, con bé líu lo, cười khúc kha khúc khích suốt bữa.
Sau khi dọn rửa bát đĩa xong xuôi, mẹ gọi Kirsti. “Tối nay lên giường sớm nhé cô gái bé bỏng. Chúng ta cần thêm thời gian cho một câu chuyện dài mà mẹ đã hứa kể con nghe, về một ông vua và một bà hoàng hậu.” Mẹ và Kirsti khuất dạng sau cánh cửa phòng ngủ.
“Chuyện gì đang xảy ra thế ạ?” Annemarie hỏi bố khi chỉ còn lại em và Ellen và bố trong phòng khách. “Có gì đó không ổn. Là chuyện gì thế ạ?”
Gương mặt bố phiền não. “Bố ước rằng bố có thể bảo vệ các con để các con không cần phải biết đến chuyện này,” bố khẽ nói. “Ellen này, cháu đã biết chuyện rồi. Giờ chúng ta phải nói cho Annemarie biết thôi.”
Bố xoay người về phía Annemarie và giơ tay dịu dàng vuốt tóc em. “Sáng nay, tại giáo đường, vị giáo trưởng Do Thái nói với các giáo dân rằng bọn Đức Quốc xã đã lấy đi danh sách tất cả những người theo đạo Do Thái. Tên tuổi, nơi ở. Dĩ nhiên là nhà cô chú Rosen cũng nằm trong danh sách ấy, cùng với nhiều gia đình khác.”
“Tại sao ạ? Tại sao chúng lại muốn những cái tên đó?” “Bọn chúng dự định bắt hết tất cả người Đan Mạch gốc Do Thái. Bọn chúng có kế hoạch đưa họ đi. Và chúng ta đã được cho biết rằng rất có thể chuyện bắt bớ ấy sẽ diễn ra vào đêm nay.” “Con không hiểu! Đưa họ đi đâu ạ?”
Bố em lắc đầu. “Chúng ta không biết họ bị đưa đi đâu, và chúng ta thực sự không biết lý do. Bọn chúng gọi đó là ‘tái bố trí.’ Chúng ta thậm chí còn không biết thế nghĩa là sao nữa. Chúng ta chỉ biết rằng đó là việc sai trái, nguy hiểm và chúng ta phải trợ giúp.”
Annemarie sững người. Em nhìn Ellen và thấy cô bạn thân của mình đang khóc không thành tiếng.
“Bố mẹ Ellen đang ở đâu ạ? Chúng ta cũng cần phải giúp cô chú ấy!”
“Chúng ta không thể lo cho cả ba người được. Nếu lính Đức tới khám nhà chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng cả nhà Rosen đang ở đây. Chúng ta chỉ có thể giấu được một người. Không giấu được ba người. Vì vậy, anh Peter đã giúp bố mẹ của Ellen đến lánh ở một nơi khác. Bố mẹ không biết là ở đâu. Ellen cũng không biết. Nhưng cô chú ấy an toàn.”
Ellen thút thít thành tiếng, úp mặt vào trong lòng hai bàn tay. Bố choàng tay ôm Ellen. “Bố mẹ con an toàn, Ellen à. Chú hứa với con điều ấy. Con sẽ gặp lại bố mẹ, rất nhanh thôi. Con có thể gắng tin lời hứa của chú được không?”
Ellen ngần ngừ, gật đầu và lấy tay quệt nước mắt.
“Nhưng bố ơi,” Annemarie vừa nói vừa nhìn quanh căn hộ bé nhỏ với vài món đồ đạc: bộ xô pha nhồi bông căng phồng, cái bàn và mấy cái ghế, cái tủ sách tựa vào tường. “Bố nói rằng chúng ta sẽ giấu bạn ấy. Sao chúng ta làm được ạ? Bạn ấy sẽ trốn ở đâu?”
Bố mỉm cười. “Chuyện ấy thì dễ. Sẽ như lời mẹ con nói: hai con sẽ cùng ngủ trong phòng của con, các con có thể rúc rích và nói cho nhau nghe những điều bí mật. Và nếu bất cứ ai tới...”
Ellen ngắt lời bố. “Có thể là ai tới ạ? Là bọn lính ạ? Giống mấy tên đứng ở góc phố ấy ạ?”
Annemarie nhớ đến bộ dạng hoảng hốt của Ellen hôm tên lính hạch sách hai em ở góc đường.
“Chú nghĩ sẽ chẳng có ai tới hết. Nhưng chuẩn bị trước chẳng tổn hại gì. Nếu có ai tới, kể cả là bọn lính, hai con sẽ là hai chị em. Hai con ở cùng nhau suốt, hai con giả vờ là chị em của nhau rất dễ dàng.”
Bố nhỏm dậy và đi về phía cửa sổ. Bố kéo dây cho rèm cửa chạy sang bên và nhìn xuống dưới đường. Bên ngoài trời bắt đầu đổ tối. Chẳng mấy chốc họ sẽ phải kéo tấm màn cửa màu đen lại, loại màn cửa mà tất cả người dân Đan Mạch lắp cho cửa sổ nhà mình; toàn thành phố phải hoàn toàn tối đen vào ban đêm. Có một chú chim
đang hót trên cái cây gần đó; còn lại thì hoàn toàn yên tĩnh. Đó là đêm cuối cùng của tháng Chín.
“Đi nào, thay váy ngủ đi các con. Sẽ là một đêm dài đấy.” Annemarie và Ellen đứng dậy. Bố đột ngột đi ngang phòng tới choàng tay ôm cả hai. Bố hôn lên đỉnh đầu hai em: Annemarie tóc vàng cao ngang vai bố mình và Ellen với mái tóc xoăn đen lúc nào cũng được thắt thành hai bím dày.
“Đừng sợ,” bố em dịu dàng nói. “Bố đã từng có ba cô con gái. Đêm nay, bố tự hào rằng một lần nữa mình lại có ba cô con gái.”
5
Đứa trẻ tóc đen là ai?
“Ấ
y có thực sự cho rằng sẽ có người tới không?”. Trong phòng ngủ, Ellen vừa quay qua bạn vừa hỏi với giọng bất an. “Bố ấy không nghĩ vậy.”
“Đương nhiên là không rồi. Người lớn lúc nào cũng dọa. Họ cứ thích khiến mọi người sợ hãi.” Annemarie lấy cái váy ngủ của em đang treo trên mắc áo trong tủ ra.
“Dù sao thì, nếu có người tới, tớ sẽ có dịp thực hành diễn xuất. Tớ chỉ việc giả vờ là Lise. Tuy nhiên, tớ ước gì mình cao hơn.” Ellen đứng kiễng trên đầu ngón chân, cố làm cho mình cao. Em tự cười bản thân và giọng em trở nên bình tĩnh hơn.
“Trong vở kịch diễn ở trường hồi năm ngoái, ấy đóng vai Nữ hoàng Hắc ám thật tuyệt,” Annemarie nói với bạn. “Lớn lên ấy nên trở thành diễn viên.”
“Bố tớ muốn tớ làm cô giáo. Bố muốn tất cả mọi người đều là thầy cô giáo, như bố. Nhưng rất có thể tớ thuyết phục được bố rằng tớ nên vào học trường diễn xuất.” Ellen lại kiễng chân và đưa tay lên làm điệu bộ hống hách. “Ta là Nữ hoàng Hắc ám,” giọng của em đầy chất kịch. “Ta đến để chế ngự bóng đêm!”
“Ấy nên thử nói câu, ‘Tôi là Lise Johansen!’” Annemarie vừa cười ngoác miệng vừa nói. “Nếu ấy nói với bọn Đức Quốc xã ấy là Nữ hoàng Hắc ám, chúng sẽ lôi ấy vào nhà thương điên.”
Ellen thôi không diễn nữa và ngồi xuống giường, chân em gập ra sau. “Chúng sẽ thực sự không tới, phải không Annemarie?” Ellen lại hỏi.
Annemarie lắc đầu. “Cả triệu năm nữa cũng không.” Em nhặt cái lược lên chải đầu.
Khi đã sẵn sàng đi ngủ, hai cô bé thấy mình đang thì thầm. Hoàn toàn không cần phải nói thầm, thực sự là như thế, bởi rốt cuộc thì hai em cứ tưởng tượng chúng là hai chị em, và bố đã bảo chúng có thể cười và trò chuyện. Cửa phòng ngủ đóng rồi.
Nhưng kiểu gì thì kiểu, đêm ấy không giống như một đêm bình thường. Vì vậy, hai em nói khẽ.
“Làm sao chị ấy chết hả Annemarie?” Đột nhiên Ellen hỏi. “Tớ nhớ hôm xảy ra chuyện. Và tớ nhớ lễ tang - đó là lần duy nhất tớ bước chân vào một nhà thờ Cơ đốc giáo. Nhưng tớ chưa bao giờ được biết chuyện xảy ra thế nào.”
“Tớ không biết đích xác,” Annemarie thú nhận. “Chị Lise và anh Peter đang cùng nhau đi chơi đâu đó, và rồi có một cú điện thoại gọi đến báo đã có tai nạn. Bố mẹ tớ chạy vội đến bệnh viện - ấy có nhớ, mẹ ấy lên ở cùng với tớ và Kirsti không? Kirsti lúc ấy đã ngủ rồi và nó ngủ một mạch không biết gì, hồi đó nó còn nhỏ xíu. Nhưng tớ thì dậy và ngồi cùng với mẹ ấy ngoài phòng khách đến tận nửa đêm khi bố mẹ tớ về. Và họ bảo với tớ rằng chị Lise đã chết.”
“Tớ nhớ đêm ấy trời mưa,” Ellen buồn bã nói. “Trời còn mưa suốt cả sáng ngày hôm sau lúc mẹ tớ kể cho tớ nghe chuyện. Mẹ tớ khóc và trời mưa làm như thể cả thế giới đang khóc thương.”
Annemarie đã chải suôn mái tóc dài của em xong và đưa lược cho bạn. Ellen tháo dây buộc tóc, rút hai bím tóc đen của mình lên ra ngoài sợi dây chuyền bằng vàng mỏng mảnh mà em đang đeo trên cổ - lồng trong sợi dây đó là Ngôi sao David[9] - và bắt đầu chải mái tóc xoăn dày của mình.
“Tớ nghĩ một phần là do trời mưa. Nghe nói, chị ấy bị một chiếc ô tô đâm phải. Tớ đoán rằng đường trơn mà trời thì tối, và có thể là tài xế không trông thấy gì,” Annemarie tiếp tục nói trong lúc nhớ lại ký ức đêm hôm ấy. “Bố tớ trông cực kỳ giận dữ. Bố nắm chặt một bàn tay và cứ liên tục đấm vào tay kia. Tớ nhớ âm thanh của nó: thịch, thịch, thịch.”
Hai cô bạn cùng nhau trèo lên chiếc giường rộng và kéo tấm phủ. Annemarie thổi tắt nến rồi kéo tấm màn cửa màu sẫm sang bên để không khí bên ngoài lọt vào qua ô cửa sổ để ngỏ. “Ấy có
trông thấy cái rương màu xanh nằm trong góc không?” Trong bóng tối, em vừa hỏi vừa chỉ tay. “Có rất nhiều đồ của chị Lise ở trong đó. Cả váy cưới của chị ấy nữa. Bố mẹ tớ không bao giờ mở ra xem những món đồ ấy kể từ ngày hai người cất chúng vào trong rương.”
Ellen thở dài. “Chị ấy mặc váy cưới chắc hẳn trông rất đẹp. Chị ấy có nụ cười thật xinh. Tớ cũng đã từng giả vờ chị ấy là chị gái của tớ.”
“Chị Lise chắc chắn sẽ thích điều ấy,” Annemarie nói với bạn. “Chị Lise yêu ấy.”
“Đó là điều tệ hại nhất trên đời,” Ellen thầm thì. “Chết khi còn quá trẻ. Tớ không muốn bọn Đức đưa gia đình tớ đi - bắt nhà tớ phải sống ở nơi khác. Nhưng điều ấy không tệ bằng bị chết.”
Annemarie nghiêng người qua ôm bạn. “Bọn chúng sẽ không đưa ấy đi đâu hết,” em nói. “Cả bố mẹ ấy cũng không. Bố tớ đã hứa rằng họ được an toàn, và bố luôn giữ lời. Và ấy sẽ cực kỳ an toàn khi ở đây cùng gia đình tớ.”
Hai em tiếp tục rì rầm thêm một lúc nữa trong bóng tối, nhưng tiếng rì rầm bị tiếng ngáp cắt ngang. Rồi giọng Ellen ngừng hẳn, em xoay lưng về phía bạn và trong phút chốc, hơi thở em chậm rãi, khẽ khàng.
Annemarie nhìn chăm chú ra ngoài bầu trời được đóng khung trong ô cửa sổ, một nhánh cây lay nhẹ trong cơn gió thoảng. Mọi thứ trông đều rất quen thuộc, vô cùng dễ chịu. Nỗi hiểm nguy chỉ là những điều tưởng tượng kỳ quặc, giống như những câu chuyện ma mà đám trẻ con hay dựng lên mang ra dọa nhau: chắc sẽ không xảy ra chuyện gì đâu. Annemarie cảm thấy hoàn toàn an tâm khi ở trong nhà mình cùng với bố mẹ ở phòng bên và cô bạn thân nhất nằm ngủ bên cạnh. Em ngáp một cách thư thái và nhắm mắt.
Mấy tiếng sau, ngoài trời vẫn còn tối, em thình lình bị đánh thức bởi tiếng đập cửa rầm rầm.
Annemarie khẽ mở cửa phòng ngủ, hé mỗi một tẹo và ngó ra ngoài. Ellen ngồi sau lưng em, hai mắt mở lớn.
Em trông thấy mẹ và bố mặc quần áo ngủ, đi vòng quanh. Mẹ cầm một ngọn nến đã châm nhưng như Annemarie quan sát thấy, mẹ lại chỗ đèn điện và bật công tắc. Sau một khoảng thời gian rất lâu không dám sử dụng phần điện được phân theo khẩu phần cực kỳ nghiêm ngặt, ánh sáng đèn trong phòng khiến Annemarie giật nảy mình, em quan sát qua khe cửa phòng ngủ mở he hé. Em thấy mẹ mình tự động nhìn mấy tấm rèm cửa màu đen xem chúng đã được kéo kín chưa.
Bố mở cửa cho mấy tên lính.
“Đây là căn hộ của nhà Johansen phải không?” Một giọng trầm cất lên hỏi oang oang bằng thứ tiếng Đan Mạch nghe thật khủng khiếp.
“Tên của chúng tôi có ghi ngoài cửa, và tôi thấy ông có đèn pin,” bố trả lời. “Các ông cần gì? Có chuyện gì không ổn à?” “Tôi nắm được cô Johansen là một người bạn của gia đình Rosen hàng xóm,” giọng tên lính nghe bực tức.
“Sophy Rosen là bạn tôi, đúng vậy,” mẹ khẽ nói. “Mấy ông có thể làm ơn nói khẽ một chút được không? Các con tôi đang ngủ.” “Thế thì cô sẽ là người rất tử tế nếu cô nói cho tôi biết gia đình Rosen đang ở đâu.” Gã không hề có ý hạ giọng.
“Tôi đoán họ ở nhà, đang ngủ. Giờ là bốn giờ sáng, suy cho cùng là vậy,” mẹ nói.
Annemarie nghe thấy tiếng chân bước nghênh ngang đi từ đầu này qua đến đầu kia phòng khách, hướng vào bếp. Từ chỗ nấp, em có thể trông thấy qua khe cửa hẹp một gã người chắc nịch mặc quân phục, bên hông đeo một khẩu súng lục bỏ trong bao, đang đứng ở cửa bếp, nhìn chăm chú về phía chậu rửa.
Một giọng Đức khác cất lên, “Căn hộ nhà Rosen trống không. Chúng tôi thắc mắc liệu họ có đang đến thăm gia đình người bạn thân thiết Johansen hay không.”
“Đấy,” bố vừa nói vừa hơi xích lại đứng ngay trước cửa phòng ngủ của Annemarie, nên em không trông thấy gì nữa ngoài bóng đen mờ của lưng bố, “như các ông thấy đấy, các ông nhầm rồi. Chẳng có ai ở đây ngoài gia đình chúng tôi cả.”
“Anh sẽ không phản đối nếu chúng tôi ngó quanh chứ,” giọng nói nghe khàn khàn và đó không phải là một câu hỏi.
“Có vẻ như chúng tôi không được chọn lựa,” bố đáp lại. “Làm ơn đừng đánh thức các con tôi,” mẹ lại đề nghị. “Không việc gì phải khiến cho lũ trẻ ấy hoảng hốt cả.”
Tiếng giày bốt nặng nề lại bước ngang qua gian phòng và vào trong phòng ngủ của bố mẹ. Cửa tủ được kéo mở ra rồi đóng lại bằng một tiếng rầm.
Annemarie khẽ khàng đóng cửa phòng mình lại. Em loạng choạng bước về giường trong bóng tối.
“Ellen ơi,” em khẽ gọi giọng khẩn cấp, “cởi sợi dây đeo trên cổ ấy ra đi!”
Hai tay Ellen vụt ngay lên cổ. Em bắt đầu cố tháo cái móc gài nhỏ xíu một cách tuyệt vọng. Bên ngoài cửa phòng hai em, giọng nói cục cằn và những tiếng bước chân nặng nề tiếp tục vang lên.
“Tớ không thể mở được móc!” Ellen nói giọng hốt hoảng. “Tớ chưa từng tháo nó ra khỏi cổ - Tớ thậm chí còn không nhớ cách mở nữa!”
Annemarie nghe thấy một giọng nói vang lên ngay ngoài cửa. “Đây là gì?”
“Suỵt,” mẹ em trả lời. “Phòng ngủ của hai con gái tôi. Nghe chừng chúng ngủ rồi.”
“Giữ yên lặng nhé,” Annemarie ra lệnh. “Sẽ đau đấy.” Em nắm chặt sợi dây vàng mỏng mảnh, giật mạnh hết sức mình, và dứt đứt nó. Khi cánh cửa bật mở và ánh sáng tràn vào trong phòng, em dồn sợi dây vào trong lòng bàn tay và nắm các ngón tay lại thật chặt.
Hết hồn, hai cô bé ngẩng lên nhìn ba gã sĩ quan Đức Quốc xã vừa bước vào phòng.
Một gã rọi đèn pin quanh phòng. Gã lại gần tủ quần áo và nhìn vào bên trong. Rồi bằng một cái khoát tay, gã hẩy mấy cái áo khoác và cái áo choàng tắm đang treo trên móc tường xuống đất.
Trong phòng chẳng có đồ đạc gì ngoài một cái tủ ngăn kéo, cái rương có hoa văn màu xanh nằm trong góc và một đống búp bê của
Kirsti chất trên cái ghế bập bênh nhỏ. Ánh đèn pin soi rọi lần lượt từng đồ vật một. Tức tối, gã sĩ quan quay về phía giường. “Dậy!” Gã ra lệnh. “Ra ngoài đây!”
Run rẩy, hai cô bé ngồi dậy ra khỏi giường và theo sau gã, sượt ngang qua hai gã sĩ quan kia đang đứng trên lối đi ra phòng khách. Annemarie nhìn quanh. Ba gã mặc quân phục này khác với đám đứng nơi góc phố. Lính đứng đường thường trẻ, thỉnh thoảng khó chịu, và Annemarie nhớ tới Hươu cao cổ, hắn đã, trong thoáng chốc, buông trôi điệu bộ hà khắc và mỉm cười với Kirsti.
Nhưng ba gã này già hơn và gương mặt chúng đầy nộ khí. Bố mẹ em đang đứng cạnh nhau, mặt trông căng thẳng, nhưng Kirsti thì không thấy đâu. Ơn trời Kirsti được cái hầu như chẳng có chuyện gì dứt được nó ra khỏi giấc ngủ. Nếu bọn chúng đánh thức Kirsti dậy, con bé sẽ khóc lóc rên rỉ, hoặc còn tệ hơn, nó sẽ bực bội và khua tay đấm lung tung.
“Tên mày?” Gã sĩ quan quát.
“Annemarie Johansen. Còn đây là chị gái...”
“Im! Để nó tự nói. Tên mày?” Gã trừng mắt nhìn Ellen. Ellen nuốt nước bọt. “Lise,” em nói rồi hắng giọng. “Lise Johansen.”
Gã sĩ quan chằm chằm nhìn hai em.
“Giờ thì,” mẹ nói bằng một giọng đanh thép, “mấy ông đã thấy chúng tôi không giấu giếm gì cả rồi. Các con tôi có thể quay về giường ngủ được chưa?”
Gã sĩ quan phớt lờ mẹ. Bất thình lình gã túm tóc Ellen. Ellen nhăn mặt vì đau.
Gã cười miệt thị. “Mày có một đứa con tóc vàng đang ngủ trong phòng. Và có một đứa con gái tóc vàng này...” Gã hất đầu về phía Annemarie. “Ở đâu ra mà mày có được đứa con tóc đen đó?” Gã xoắn chặt tóc Ellen. “Một thằng bố khác hả? Thằng giao sữa hả?”
Bố dấn lên một bước. “Không được nói với vợ tôi bằng cái kiểu ấy. Thả con tôi ra nếu không tôi sẽ báo cáo về cách cư xử của ông.”
“Hoặc rất có thể mày kiếm được nó từ một nhà nào đó khác?” Gã sĩ quan tiếp tục nói, vừa nói vừa bĩu môi. “Từ nhà Rosen hả?” Trong phút chốc không ai nói một lời. Rồi Annemarie trông thấy bố em với vẻ đau khổ, xoay người bước đến cái tủ sách nhỏ và lấy ra một cuốn sổ. Em thấy bố đang cầm trong tay cuốn album hình chụp gia đình. Rất nhanh nhẹn, bố lật các trang sổ, tìm thấy thứ cần tìm và giật bung ra ba bức ảnh ở ba trang khác nhau. Bố đưa cho gã sĩ quan Đức, gã buông tay nắm tóc Ellen. “Ông sẽ thấy các con của tôi với tên của từng đứa viết trên mỗi bức ảnh,” bố nói.
Annemarie biết ngay lập tức bố đã chọn những tấm nào. Trong album có nhiều ảnh chụp - toàn là ảnh chụp các sự kiện trong trường học và các bữa tiệc sinh nhật, và gần như không được lấy tâm. Nhưng trong đó cũng có ảnh chụp chân dung ba chị em, do thợ ảnh chụp, mỗi đứa một tấm hồi sơ sinh. Mẹ đã viết, bằng nét chữ thanh tú của mình, tên từng đứa con dưới chân mỗi tấm ảnh.
Với cảm giác lạnh buốt, em cũng nhận ra tại sao bố đã giật bung ảnh ra khỏi cuốn album. Bởi vì dưới chân mỗi trang sổ, bên dưới các bức hình, có ghi ngày tháng. Mà Lise Johansen thật đã ra đời cách đây hai mươi mốt năm.
“Kristen Elisabeth,” gã sĩ quan vừa đọc vừa nhìn hình chụp Kirsti. Gã thả cho tấm ảnh rơi xuống sàn.
“Annemarie,” gã đọc tiếp, liếc nhìn em và thả rơi bức ảnh chụp thứ hai.
“Lise Margrete,” gã đọc tấm cuối cùng, và chăm chăm nhìn Ellen một lúc lâu, ánh mắt không biến đổi. Trong tâm trí Annemarie hiện ra bức ảnh chụp mà gã đang cầm trong tay: một bé gái, mắt mở to, gối đầu trên một cái gối, tay cầm một cái vòng màu bạc dành cho trẻ con cắn lúc mọc răng, hai bàn chân trần lộ ra bên dưới cái váy thêu tay. Tóc xoăn lưa thưa. Màu đen.
Gã sĩ quan xé đôi tấm ảnh và thả rơi hai mảnh xuống sàn. Sau đó gã quay người, hai gót giày ống bóng loáng của gã di di trên mấy tấm ảnh chụp rồi rời khỏi căn hộ. Không nói một lời, hai tên sĩ quan kia theo chân gã. Bố bước tới đóng cửa lại.
Annemarie thả lỏng các ngón tay bên tay phải vẫn đang nắm chặt sợi dây của Ellen. Em nhìn xuống, thấy lòng bàn tay mình đã hằn hình Ngôi Sao David.
6
Thời tiết có thuận lợi để đi đánh cá không?
“C
húng ta cần nghĩ xem phải làm gì,” bố nói. “Hiện, chúng nghi ngờ rồi. Thật lòng mà nói, anh cứ tưởng bọn chúng nếu có tới đây gây rối - mà anh hy vọng là chúng sẽ không tới - chúng sẽ chỉ liếc quanh, thấy chúng ta chẳng có chỗ nào giấu người rồi bỏ đi thôi.”
“Cháu xin lỗi vì có tóc màu đen,” Ellen lí nhí. “Nó khiến bọn chúng nghi ngờ.”
Mẹ nhanh chóng với tay nắm lấy tay Ellen. “Con có mái tóc đẹp Ellen à; giống y mẹ con. Đừng bao giờ thấy có lỗi vì chuyện ấy. Chúng ta không may mắn sao khi mà bố nhanh trí đi tìm mấy bức ảnh chụp? Chúng ta không may mắn sao khi mà Lise lúc mới sinh có tóc màu đen? Về sau, lúc tầm hai tháng tuổi, tóc chị con mới chuyển sang màu vàng.”
“Khi tóc chuyển màu,” bố bổ sung, “đầu Lise trọc lốc mất một thời gian!”
Cả Ellen lẫn Annemarie đều cười, nhưng vẫn còn e dè. Trong thoáng chốc, nỗi sợ của hai em đã vơi đi.
Annemarie đột nhiên nhận ra đêm nay là lần đầu tiên bố mẹ nói tới chị Lise. Lần đầu tiên trong ba năm qua.
Bên ngoài, trời bắt đầu rạng. Cô Johansen vào bếp và bắt tay pha trà.
“Con chưa bao giờ dậy sớm như thế này,” Annemarie nói. “Hôm nay chắc Ellen và con sẽ ngủ gật trong lớp mất!”
Bố xoa cằm ngẫm nghĩ một lúc. “Bố cho rằng chúng ta không được liều cho hai con đến trường hôm nay,” ông nói. “Có thể chúng sẽ đến trường tìm kiếm những đứa trẻ Do Thái.”
“Không đi học á?” Ellen ngạc nhiên hỏi. “Bố mẹ cháu lúc nào cũng bảo cháu rằng việc học là điều quan trọng nhất. Bất kể có chuyện gì xảy ra đi nữa, cháu cũng phải tiếp thu được kiến thức.”
“Đây chỉ là một kỳ nghỉ thôi, Ellen à. Lúc này, sự an toàn của con là điều quan trọng nhất. Chú dám chắc bố mẹ con cũng sẽ đồng ý như vậy. Inge ơi?” Bố gọi mẹ đang đứng trong bếp, mẹ bước ra ngoài lối đi tay cầm tách trà, nét mặt mẹ biểu hiện ý hỏi có chuyện gì.
“Dạ?”
“Chúng ta cần phải đưa hai đứa đến nhà anh Henrik. Em nhớ Peter bảo chúng ta thế nào rồi đấy. Anh nghĩ hôm nay là ngày đến nhà anh trai em.”
Cô Johansen gật đầu. “Em nghĩ anh nói đúng. Nhưng em sẽ đưa các con đi. Anh phải ở lại đây.”
“Ở lại đây và để em đi một mình sao? Đương nhiên là không rồi. Anh sẽ không để em đi một mình, chịu nguy hiểm như thế đâu.” Mẹ đặt tay mình lên cánh tay bố. “Sẽ an toàn hơn nếu chỉ mình em đi cùng các con. Bọn chúng chắc chắn sẽ không nghi ngờ một phụ nữ đi cùng với các con mình. Nhưng nếu bọn chúng đang theo dõi chúng ta - nếu chúng thấy cả nhà chúng ta rời đi thì sao? Nếu chúng nhận thấy rằng không còn ai trong căn hộ, rằng hôm nay anh không đến sở làm thì sao? Lúc ấy chúng sẽ biết. Và thế sẽ thành nguy hiểm. Em không sợ đi một mình đâu.”
Rất hiếm khi mẹ bất đồng quan điểm với bố. Annemarie quan sát gương mặt bố và biết rằng bố em đang đấu tranh tư tưởng để đưa ra quyết định. Cuối cùng, bố miễn cưỡng gật đầu.
“Em sẽ đóng một ít đồ,” mẹ nói. “Mấy giờ rồi anh?” Bố nhìn đồng hồ đeo tay. “Gần năm giờ,” bố đáp.
“Henrik chắc vẫn còn ở nhà. Anh ấy thường rời đi vào khoảng năm giờ. Sao anh không gọi cho anh ấy nhỉ?”
Bố đến chỗ để điện thoại. Ellen ngơ ngác. “Henrik là ai ạ? Chú ấy đi đâu vào lúc năm giờ sáng?” Em hỏi.
Annemarie bật cười. “Đó là bác tớ - anh trai của mẹ. Bác ấy là ngư dân. Họ thường rời nhà sớm, tất cả các ngư dân ý, ngày nào
cũng thế - thuyền của họ ra khơi lúc bình minh.”
“Ôi, Ellen ơi,” Annemarie tiếp tục. “Ấy sẽ thích nơi đó. Đấy là nơi ông bà ngoại tớ sống, nơi mẹ và bác Henrik lớn lên. Nó đẹp cực kỳ - nằm ngay trên biển. Ấy có thể đứng ở rìa đồng cỏ và nhìn sang nước Thụy Điển!”
Annemarie lắng nghe bố nói chuyện điện thoại với bác Henrik, bố nói với bác rằng mẹ và mấy đứa trẻ sẽ đến thăm bác. Ellen đã vào nhà vệ sinh và đóng cửa lại; mẹ vẫn còn ở trong bếp. Thế nên chỉ có mình Annemarie lắng nghe.
Đó là một cuộc đối thoại khó hiểu.
“Vậy là, thời tiết có thuận để đi đánh cá không anh Henrik?” Bố hỏi giọng hồ hởi rồi ngưng một khoảng ngắn để lắng nghe. Sau đó bố tiếp tục, “hôm nay em sẽ cho Inge và các cháu đến chỗ anh, cô ấy sẽ mang cho anh một tút thuốc lá.”
“Vâng, chỉ một thôi,” bố nói sau một phút ngưng. Annemarie không nghe được lời của bác Henrik. “Nhưng hiện ở Copenhagen có thể mua được rất nhiều thuốc lá, nếu biết chỗ,” ông nói tiếp, “và vậy là sẽ có nhiều tút thuốc khác nữa được gửi đến chỗ anh, em chắc chắn đấy.”
Nhưng không phải thế. Annemarie hoàn toàn chắc chắn rằng điều bố nói không phải sự thật. Thuốc lá là thứ mà bố không có để hút, giống như mẹ không có cà phê để uống. Bố thường xuyên than phiền - vừa mới hôm qua đây thôi - rằng trong các cửa hàng chẳng có điếu thuốc nào. Đàn ông trong sở của bố, bố vừa nói vừa nhăn mặt, hút gần như bất cứ thứ gì: thỉnh thoảng là lá cỏ khô cuộn bên trong giấy, mùi của nó thật khủng khiếp.
Tại sao bố lại nói kiểu ấy, cứ như thể bố đang nói bằng ám hiệu ý. Bố đang thực sự nói gì với bác Henrik nhỉ?
Thế rồi em hiểu ra. Là Ellen.
***
Đoàn tàu chạy về hướng bắc dọc theo đường duyên hải tuyệt đẹp của Đan Mạch. Qua ô cửa sổ, mấy mẹ con hết lần này tới lần
khác trông thấy biển. Annemarie vẫn thường xuyên đáp tàu đến thăm ông bà ngoại hồi ông bà còn sống, và sau đó, khi họ đã qua đời thì em đến thăm người bác độc thân vui tính có làn da rám nắng mà em yêu quý.
Nhưng với Ellen, chuyến đi này vô cùng mới mẻ, em ngồi cạnh cửa sổ mặt dán vào ô kính, quan sát những ngôi nhà đáng yêu dọc bờ biển, ngắm làng mạc và những nông trại nhỏ.
“Nhìn kìa!” Annemarie reo lên chỉ tay về bên đối diện. “Đó là Klampenborg[10] và Công viên Hươu! Ôi, con ước mình có thể được ngừng lại đây dù chỉ một chốc thôi!”
Mẹ lắc đầu. “Không phải hôm nay,” mẹ nói. Đoàn tàu có dừng lại ở ga xép Klampenborg nhưng trong số ít ỏi các hành khách trên tàu, không ai xuống cả. “Con đã từng tới đây bao giờ chưa Ellen?” Mẹ hỏi và Ellen trả lời chưa.
“Được, một ngày nào đó, con sẽ tới. Một ngày nào đó, con sẽ đi bộ trong công viên và con sẽ trông thấy hàng trăm con hươu con nai, đã thuần hóa và không bị nhốt trong chuồng.”
Kirsti lách người leo lên đầu gối mẹ và ngó chăm chú qua ô cửa sổ. “Con chẳng thấy con hươu nào cả!” Nó than.
“Chúng ở đó, mẹ bảo đảm,” mẹ nói với Kirsti. “Chúng ẩn mình trong rừng.”
Đoàn tàu lại bắt đầu chạy. Cánh cửa cuối toa mở và hai tên lính Đức xuất hiện. Annemarie cứng người. Không phải ở đây, trên tàu này chứ? Chúng có mặt ở khắp mọi nơi.
Cùng nhau, hai tên lính dạo bước từ đầu này đến đầu kia của toa, mắt liếc nhìn các hành khách, chốc chốc dừng lại hỏi một câu. Một trong hai tên bị vướng cái gì đó trong răng bởi hắn cứ dùng lưỡi lục lạo qua lại khiến cho cái mặt hắn xô lệch. Annemarie quan sát chăm chú có phần sợ hãi khi chúng tiến tới gần.
Một trong hai tên cúi nhìn xuống, trên mặt hắn hiện nét chán chường. “Mấy người đi đâu?” Hắn hỏi.
“Gilleleje,” mẹ bình thản trả lời. “Anh trai tôi sống ở đó. Bốn mẹ con tôi đến thăm anh ấy.”
Tên lính quay đi và Annemarie thở phào. Rồi, không hề báo trước, hắn quay lại, đột ngột hỏi. “Mấy người đến thăm anh trai để đón năm mới à?”
Mẹ nhìn hắn chăm chăm, ánh mắt ngơ ngác. “Năm mới á?” Mẹ hỏi. “Mới có tháng Mười mà.”
“Và đoán thử xem!” Kirsti bất thình lình la lớn, giọng lanh lảnh, mắt nhìn tên lính.
Tim của Annemarie chùng xuống và em nhìn mẹ. Ánh mắt mẹ hoảng hốt. “Khẽ nào, Kirsti,” Mẹ nói. “Đừng có huyên thuyên như thế.”
Nhưng Kirsti chẳng hề nghe theo lời mẹ, như thường lệ. Nó phấn khởi nhìn tên lính và Annemarie biết điều con bé sắp nói: Đây là chị Ellen bạn của tụi cháu và đó là Năm Mới của chị ấy!
Nhưng không phải. Thay vào đó, Kirsti chỉ xuống chân mình. “Cháu sắp đến thăm bác Henrik,” con bé ríu rít, “và cháu đang đi đôi giày đen bóng mới tinh của mình.”
Tên lính cười lục khục và bước đi.
Annemarie lại nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ. Cây cối, biển Baltic và bầu trời tháng Mười đầy mây trôi nhòa nhòa ngang qua khi đoàn tàu tiếp tục tiến về phía bắc dọc theo đường bờ biển.
“Hãy hít thở không khí đi,” mẹ nói khi bốn người họ bước xuống tàu và tiến về con đường trải nhựa hẹp. “Thật trong lành và mùi hương thật dễ chịu phải không? Nó luôn khiến mẹ nhớ về ngày xưa.”
Không khí lạnh và thoảng hơi gió, mang theo mùi muối và cá biển nồng nặc nhưng không hề khó ngửi. Trên cao, in hình lên nền mây trắng, những chú chim hải âu chao liệng và kêu váng như chúng đang than khóc vậy.
Mẹ nhìn đồng hồ đeo tay. “Mẹ tự hỏi không biết bác Henrik về chưa. Nhưng chẳng sao. Nhà lúc nào cũng không khóa. Nào, các cô gái, chúng ta sẽ đi bộ. Không xa đâu, chỉ gần hai dặm thôi. Vả lại hôm nay đẹp trời. Chúng ta sẽ đi xuyên rừng thay vì đi theo đường cái. Xa hơn một tí nhưng đẹp vô cùng.”
“Chị có thích tòa lâu đài lúc chúng ta đi ngang qua Helsingør[11] không chị Ellen?” Kirsti hỏi. Con bé đã nói về lâu đài Kronborg - tòa lâu đài cổ xưa, rộng mênh mông nằm trải dài bên bờ biển - suốt từ lúc họ trông thấy nó từ trên tàu. “Em ước chúng mình có thể dừng lại đó để tham quan lâu đài. Có các ông vua sống ở đó. Và các bà hoàng hậu.”
Annemarie thở dài, bực bội với cô em gái. “Họ không sống ở đó,” em nói. “Ngày xửa ngày xưa thì có. Nhưng giờ chẳng còn ông vua nào ở đó hết. Nói gì thì nói, Đan Mạch chỉ có một Đức Vua thôi. Và Ngài đang sống ở Copenhagen.”
Nhưng Kirsti đã vênh mặt ngoảnh đi, nhảy chân sáo dọc theo lề đường. “Các ông vua và các bà hoàng,” nó hứng khởi hát. “Các ông vua và các bà hoàng.”
Mẹ nhún vai, mỉm cười. “Cứ để em nó mơ mộng đi con, Annemarie. Ngày xưa lúc bằng tuổi nó, mẹ cũng thế.” Mẹ rẽ sang lối đi dọc theo một con đường nhựa bé tẹo, ngoằn ngoèo, dẫn tới khu vực bên ngoài của ngôi làng. “Mọi thứ ở đây chẳng thay đổi gì mấy so với thuở mẹ còn con gái,” mẹ nói. “Dì Gitte của mẹ từng sống ở đằng kia, trong ngôi nhà đó,” - mẹ giơ tay chỉ - “và bà dì đã qua đời nhiều năm nay rồi. Nhưng căn nhà ấy vẫn y nguyên. Lúc nào trong vườn của bà cũng có những bông hoa đẹp tuyệt.” Mẹ nhìn chăm chú qua bức tường đá thấp ngắm nghía vài bụi hoa khi bốn mẹ con bước ngang qua nhà bà dì. “Có lẽ họ vẫn trồng hoa, nhưng giờ đang trái mùa - chỉ còn có cúc đại đóa mà thôi.” “Nữa kìa, ở đằng kia kìa, thấy không?” Mẹ lại chỉ tay. “Bạn thân nhất của mẹ - cô ấy tên là Helena - từng sống ở ngôi nhà đó. Thỉnh thoảng mẹ sang ngủ cùng cô ấy. Nhưng cô ấy thường qua nhà mình hơn, vào những dịp cuối tuần. Thật đúng là sống ở dưới quê vui hơn.”
“Thế nhưng bác Henrik lúc nào cũng trêu mẹ với cô Helena,” mẹ tiếp tục kể, miệng cười tủm tỉm. “Bác ấy kể cho hai cô em nghe truyện ma và dọa hai đứa sợ gần chết.”
Hết lối đi trải nhựa, mẹ rẽ vào một con đường đất, hai hàng cây mọc dọc hai ven đường. “Mỗi sáng, lúc mẹ đi bộ vào thị trấn để đến
trường,” mẹ nhớ lại, “chú chó của mẹ theo sau mẹ cách bằng chừng này này. Đưa mẹ đến cuối đường, nó quay về nhà. Mẹ đoán nó là một chú chó làng nên không thích phố thị.”
“Và các con biết gì không?” Mẹ mỉm cười, tiếp tục kể. “Mẹ đã đặt tên cho nó là Trofast - Trung Thành. Và cái tên đó dành cho nó là vô cùng chí phải, bởi Trofast quả thực là một chú chó vô cùng trung thành! Chiều nào nó cũng có mặt ở ngay đây, chờ mẹ quay về. Không hiểu vì sao mà nó biết đích xác giờ. Thỉnh thoảng khi mẹ đi quành qua lối rẽ này, kể cả hôm nay, mẹ có cảm giác như biết đâu mình sẽ chợt trông thấy Trofast vẫn đang chờ với cái đuôi ngoe nguẩy.”
Nhưng hôm nay con đường đất vắng tanh. Không có một ai. Không có chú chó trung thành nào. Mẹ chuyển cái túi xách từ tay này sang tay kia và bốn mẹ con cùng bước qua cánh rừng tới một đồng cỏ thoáng đãng, lác đác vài con bò. Đến đây, con đường men theo rìa đồng, chạy dọc một bờ rào và vượt xa phía bên kia cánh đồng, bốn mẹ con có thể trông thấy mặt biển màu xám sóng gợn lăn tăn. Gió nhẹ lay động những ngọn cỏ cao.
Qua khỏi đồng cỏ, họ lại vào rừng và Annemarie biết họ sắp tới nơi rồi. Nhà bác Henrik ở trên một khoảnh rừng thưa nằm sau khu rừng rậm này.
“Mẹ có đồng ý cho con chạy tới trước không?” Đột nhiên em hỏi. “Con muốn là người đầu tiên trông thấy ngôi nhà!”
“Chạy đi con,” mẹ trả lời. “Chạy tới trước và nói với ngôi nhà rằng chúng ta đã về.”
Rồi, mẹ choàng tay ôm hai vai Ellen và nói thêm, “Hãy nói rằng chúng ta mang theo một người bạn.”
7
Ngôi nhà ven biển
“Ô
i chao, Annemarie ơi,” Ellen thốt lên bằng một giọng đầy ngưỡng mộ, “đẹp quá.”
Annemarie nhìn quanh và gật đầu tán thành. Ngôi nhà với những đồng cỏ bao quanh nhà là phần lớn quãng đời thơ ấu của em, một phần đời mà em ít khi ngắm nhìn bằng ánh mắt tinh khôi. Nhưng giờ đây, trông thấy niềm vui thích của Ellen, em đã ngắm nhìn bằng ánh mắt ấy. Và quả thật, chúng đẹp vô cùng.
Ngôi nhà ngói đỏ xinh xắn dựng theo kiểu nông trại đã cũ kỹ lắm rồi, ống khói cong vẹo và ngay cả mấy ô cửa sổ nhỏ gắn lá chớp cũng bị lật nghiêng một góc. Có một tổ chim kết từ những cọng rơm mỏng mảnh nằm ngấp nghé nơi góc mái nhà tiếp giáp với tường phía bên trên cửa sổ phòng ngủ. Gần đó, trên cây táo có thân vặn vẹo vẫn còn lốm đốm vài quả chín nẫu.
Mẹ cùng Kirsti đã vào trong nhà, nhưng Annemarie và Ellen vẫn còn chạy ngang cánh đồng cỏ mọc cao, xuyên qua những khóm hoa dại nở muộn. Một nhóc mèo mướp không hiểu từ đâu xuất hiện chạy cạnh hai em, thỉnh thoảng nhảy vồ những chú chuột tưởng tượng, dừng lại liếm móng vuốt rồi sau đó lại phóng vụt về phía trước. Con mèo giả vờ không để ý đến hai cô gái, nhưng thường xuyên ngó lại sau để bảo đảm rằng hai em vẫn còn ở đó, như thể nó rất hài lòng khi có hai cô bạn chơi cùng vậy.
Đồng cỏ chạy dài ra tận sát biển, ngăn cách với biển bằng những tảng đá trơ nhẵn phẳng lì, mặt nước xám dềnh ướt vạt cỏ nâu bị gió thổi rạp sát mặt đất.
“Tớ chưa bao giờ ở gần biển như thế này,” Ellen nói.
“Hiển nhiên là ấy đã từng rồi. Ấy đã đến cảng biển ở Copenhagen hàng triệu lần rồi còn gì.”
Ellen cười khanh khách. “Ý tớ là biển thật cơ, kiểu như ở đây này. Rộng mở như thế này này - xung quanh chỉ toàn là nước”. Annemarie lắc đầu ngạc nhiên. Sống ở Đan Mạch, một đất nước có bốn mặt giáp biển mà chưa từng đứng nơi mép nước ư? “Bố mẹ ấy là dân thành thị chính cống à?”
Ellen gật đầu. “Mẹ tớ sợ biển,” Ellen vừa nói vừa cười thành tiếng. “Mẹ tớ bảo biển quá lớn đối với mẹ. Và quá lạnh.” Hai em ngồi trên một tảng đá, cởi bỏ giày và tất, rồi nhón gót đi qua những tảng đá ẩm ướt, mặc cho nước làm ướt bàn chân. Lạnh ngắt. Hai em cười khúc khích và bước quay trở lại.
Annemarie cúi xuống nhặt một chiếc lá màu nâu đang nổi dập dềnh theo chuyển động của nước.
“Nhìn này,” em gọi bạn. “Chiếc lá này rất có thể thuộc về một cái cây nào đó bên Thụy Điển. Có thể nó bị thổi bay khỏi cây rơi xuống biển rồi trôi băng qua biển sang đây. Thấy ở đằng đó không?” Em vừa nói vừa chỉ tay. “Ấy có thấy đất liền không? Dải đất ở đằng đó đó? Là Thụy Điển đấy.”
Ellen khum tay che mắt và nhìn vượt qua mặt biển về phía rìa đất của một nước khác mờ mờ trong sương mù. “Không xa lắm,” em nói.
“Biết đâu,” Annemarie nói, “ở bên đó có hai cô bé chỉ trạc tuổi chúng mình cũng đang đứng nhìn vượt qua bên đây và nói, ‘Đó là nước Đan Mạch!’ nhỉ.”
Hai em nheo mắt nhìn vào khoảng không gian sương phủ mờ mịt nằm giữa hai dải đất, cứ như có thể trông thấy hai bạn gái Thụy Điển đang đứng đó và nhìn về phía mình. Nhưng xa quá. Hai em chỉ có thể trông thấy dải đất mờ mờ cùng hai con thuyền nhỏ đang bập bềnh trên mặt biển xám phân cách hai đất nước.
“Tớ tự hỏi liệu một trong hai chiếc thuyền kia có phải là của bác Henrik không,” Ellen nói.
“Rất có thể. Tớ chịu, không biết được. Chúng ở xa quá. Thuyền của bác Henrik có tên là Ingeborg,” em nói với Ellen, “dành tặng mẹ
tớ.”
Ellen nhìn quanh. “Bác ấy neo thuyền ở ngay đây à? Có phải bác ấy buộc dây giữ cho nó không bị trôi đi không?”
Annemarie cười khanh khách. “Ôi, không. Đậu trong thị trấn, ở cảng ý, có một cái cầu tàu lớn, và tất cả thuyền đánh cá đều về đấy và ra biển cũng từ đấy. Đó là nơi các ngư dân dỡ cá xuống. Cậu nên hít mùi của nó! Ban đêm, tất cả thuyền đều nằm ở đó, neo trong bến cảng.”
“Annemarie ơi! Ellen ơi!” Tiếng mẹ em gọi từ phía đầu kia đồng cỏ. Hai cô bé nhìn quanh và trông thấy mẹ mình đang vẫy gọi. Hai em quay lại, nhặt giày lên rồi bước về phía ngôi nhà. Chú mèo con, nãy giờ thư thái yên vị trên bãi đá, ngay lập tức nhỏm dậy theo sau hai em.
“Con đưa Ellen xuống xem biển,” Annemarie giải thích với mẹ khi hai em về tới chỗ mẹ đứng chờ. “Bạn ấy chưa bao giờ ở gần biển! Chúng con đã định lội rồi, nhưng nước lạnh quá. Con ước mình tới đây vào mùa hè để chúng con có thể bơi được.”
“Ngay cả mùa hè nước cũng lạnh,” mẹ em nói và nhìn quanh. “Các con không nhìn thấy ai hết, phải không? Các con không nói chuyện với bất cứ ai hết, phải không?”
Annemarie lắc đầu. “Chỉ có chú mèo con.” Ellen đã nhấc con mèo lên và giờ nó đang nằm trên tay em, miệng rên grừ grừ khi Ellen vuốt ve cái đầu nhỏ xinh của nó và nói chuyện khe khẽ với nó.
“Mẹ muốn nhắc nhở các con. Các con cần phải tránh xa mọi người trong lúc nhà mình ở đây.”
“Nhưng quanh đây chẳng có ai cả mẹ ạ,” Annemarie nói. “Ngay cả thế. Nếu các con trông thấy bất cứ ai - ngay cả là người con quen biết, một người bạn của bác Henrik chẳng hạn - các con đi vào trong nhà thì hơn. Vô cùng khó - thậm chí có khi còn là nguy hiểm - để giải thích Ellen là ai.”
Ellen ngẩng đầu lên, cắn môi. “Ở đây không có quân lính, đúng không ạ?” Em hỏi.
Cô Johansen thở dài. “Mẹ e là bọn lính có mặt khắp mọi nơi. Nhất là hiện giờ. Thời gian này là quãng thời gian không được vui.
Giờ thì vào nhà và giúp mẹ chuẩn bị bữa khuya nào. Bác Henrik chẳng mấy chốc sẽ về tới. Coi chừng cái bậc thang ấy; nó bị long rồi. Các con có biết mẹ đã làm gì không? Mẹ tìm thấy mấy quả táo đủ để làm món sốt táo. Dù chẳng có tí đường nào, nhưng táo ngọt lắm. Bác Henrik sẽ mang một ít cá về và có củi đốt lửa, thế nên đêm nay chúng ta sẽ ấm áp, no nê.”
“Thế thì không phải là quãng thời gian không vui,” Annemarie nói với mẹ. “khi mà chúng ta có sốt táo, mẹ ạ.”
Ellen hôn đầu con mèo rồi thả cho nó nhảy khỏi tay em xuống đất. Con mèo chạy vụt đi khuất dạng sau những ngọn cỏ cao. Hai em theo chân mẹ vào trong nhà.
Đêm hôm ấy, hai em ngủ chung trong phòng ngủ từng là của mẹ hồi nhỏ ở trên gác. Trong phòng đối diện phía bên kia hành lang, Kirsti say ngủ trên chiếc giường rộng thênh một thời thuộc về ông bà ngoại.
Sau khi tròng vào người cái váy ngủ thêu hoa của Annemarie mà cô Johansen đã mang theo, Ellen sờ tay lên cổ mình, hỏi bạn. “Dây chuyền của tớ đâu? Ấy đã làm gì với nó rồi?”
“Tớ giấu nó ở một nơi an toàn,” Annemarie trả lời. “Một nơi cực kỳ bí mật, sẽ không ai tìm thấy. Và tớ sẽ giữ nó ở đấy cho tới lúc ấy được an toàn khi đeo nó.”
Ellen gật đầu. “Bố tớ cho tớ sợi dây ấy khi tớ còn rất nhỏ,” em giải thích.
Em ngồi xuống mép chiếc giường cũ, mấy ngón tay lần rờ dọc theo tấm chăn may tay đang trải phủ trên giường. Hoa lá và chim muông, giờ đã bạc màu, được cụ ngoại của Annemarie khâu áp vải vào chăn từ rất nhiều năm trước.
“Tớ ước tớ biết được bố mẹ mình đang ở đâu,” Ellen khẽ nói trong lúc ngón tay em lần theo đường viền của một con chim may áp vải.
Annemarie không có câu trả lời cho bạn. Em vỗ nhẹ bàn tay Ellen và hai em cùng ngồi yên lặng. Qua ô cửa sổ, hai em trông thấy một mảnh trăng tròn mong manh lấp ló sau những đám mây, in hình trên bầu trời xám nhờ. Đêm ở xứ Scandinavi vẫn chưa thật tối, mặc
dù, chẳng bao lâu nữa, khi đông về, đêm sẽ không chỉ tối đen mà còn rất dài, trời ban đêm sẽ bắt đầu từ lúc chiều muộn và kéo dài suốt đến tận sáng hôm sau.
Hai em nghe thấy dưới gác tiếng của mẹ và của bác Henrik đang nói chuyện, hai người lớn trao đổi tin tức cho nhau nghe. Lâu rồi mẹ không gặp anh trai nên rất nhớ bác, Annemarie biết điều ấy. Hai người rất thân thiết. Mẹ luôn dịu dàng chòng ghẹo bác vì lẽ không kết hôn; những lúc hai người họ ở cùng nhau, mẹ vừa cười vừa hỏi bác đã tìm thấy một cô vợ hiền nào chưa, một người có thể giữ cho ngôi nhà được ngăn nắp hơn. Bác Henrik ghẹo ngược lại mẹ, bảo rằng mẹ nên lại đến sống ở Gilleleje để bác không phải tự tay làm tất cả mấy việc vặt trong nhà.
Trong thoáng chốc, khi lắng nghe, Annemarie thấy chuyện có vẻ giống như tất cả những lần trước, những cuộc viếng thăm nông trại vui vẻ với ánh sáng ngày hè kéo dài đến tận giờ lên giường; đám trẻ con rúc riêng vào buồng ngủ còn người lớn ngồi dưới nhà trò chuyện.
Nhưng khác đấy. Những lần trước, lúc nào em cũng nghe thấy tiếng cười vọng lên. Đêm nay tuyệt nhiên không có một tiếng cười nào.
8
Cái chết đã xảy tới
T
rong giấc ngủ mơ màng, lúc trời vừa rạng, Annemarie nghe thấy tiếng bác Henrik trở dậy và rời nhà đi về phía chuồng gia súc cùng với cái xô vắt sữa. Đến khi em tỉnh giấc lần nữa, trời đã sáng bảnh. Em nghe thấy tiếng chim hót ngoài nhà, có một con đậu trên cây táo ngay gần cửa sổ; và em nghe thấy tiếng mẹ ở dưới nhà, trong bếp, đang nói chuyện với Kirsti.
Ellen vẫn còn say ngủ. Đêm hôm trước, đêm mà đám lính đến căn hộ nhà em ở Copenhagen, dường như đã xảy ra lâu lắm rồi. Annemarie ngồi dậy thật khẽ để bạn mình không bị đánh thức. Em mặc thêm quần áo rồi bước xuống lối cầu thang hẹp uốn cong, thấy em gái mình đang quỳ trên sàn bếp cố cho con mèo mướp uống nước trong một cái bát.
“Đồ ngốc,” em nói. “Mèo con thích sữa, không thích nước.” “Em đang dạy con này thói quen mới,” Kirsti giải thích vẻ nghiêm trọng. “Và em đã đặt tên cho nó là Thor, Thần Sấm.” Annemarie phá ra cười ngặt nghẽo. Em nhìn con mèo con bé xíu đang lắc lắc cái đầu bực bội vì mấy cọng râu của nó bị ướt bởi Kirsti cứ cố dúi cái mặt của nó vào bát nước. “Thần Sấm á?” Annemarie nói. “Trông bộ dạng nó có mà sẽ chạy trốn khi có tiếng sấm ý!” “Mẹ đoán, con mèo này có mẹ ở đâu đó, mèo mẹ sẽ vỗ về con mình,” mẹ em nói. “Và khi chú mèo này muốn uống sữa, nó sẽ đi tìm mẹ.”
“Hoặc nó có thể đến chỗ con bò sữa,” Kirsti nói.
Mặc dầu bác Henrik không còn trồng hoa màu như lúc ông bà ngoại còn sống nữa, nhưng bác vẫn giữ lại một con bò sữa, nó vui sướng trệu trạo gặm cỏ trên đồng và mỗi ngày cho bác một ít sữa
đáp lại. Thỉnh thoảng bác gửi phô mai lên Copenhagen cho cô em gái. Sáng nay, Annemarie hân hoan khi để ý thấy mẹ đã nấu món cháo bột yến mạch và trên bàn có một bình kem sữa. Lâu lắm lắm rồi em chưa được nếm món kem sữa. Ở nhà em sáng nào cũng ăn bánh mì với uống trà.
Mẹ nhìn theo ánh mắt của Annemarie về phía cái bình. “Kem tươi nhờ Blossom,” mẹ nói. “Bác Henrik vắt sữa Blossom mỗi sáng trước khi ra thuyền”.
“Và,” mẹ nói thêm, “cũng có bơ nữa. Thường thì ngay cả bác Henrik cũng không có bơ đâu, nhưng bác ấy đã xoay sở để dành được một ít cho dịp này.”
“Để dành một ít từ cái gì ạ?” Annemarie hỏi khi em đang dùng thìa múc cháo yến mạch vào một cái bát in hoa. “Đừng có nói với con rằng bọn lính cũng cố gắng - từ gì ấy nhỉ? - di chuyển cả bơ đi nhé.” Em tự cười câu nói đùa của mình.
Tuy nhiên lời em nói không hề là đùa, mặc dầu mẹ cũng cười một cách rầu rĩ. “Chúng có làm,” mẹ nói. “Chúng chuyển tất cả bơ của nông dân vào thẳng dạ dày quân đội của chúng! Mẹ đoán nếu chúng biết bác Henrik đã giữ lại miếng bơ tí tẹo này, chúng sẽ mang theo súng ống tới đây giải miếng bơ đi, theo con đường đất ấy!”
Kirsti cười phụ họa khi ba mẹ con hình dung ra cảnh một ụ bơ nhỏ dáng vẻ sợ hãi bị quân đội bắt giữ. Nhân lúc Kirsti xao nhãng, con mèo con chạy vụt đi và yên vị trên bậu cửa sổ. Đột nhiên, ở nơi đây trong căn bếp ngập nắng này, với bình kem tươi trên bàn ăn và chú chim trên cây táo mọc kề bên cửa - và ở ngoài biển Kattegat kia, nơi bác Henrik đang kéo những mẻ lưới ăm ắp cá vảy óng ánh bạc giữa sắc trời xanh tươi sáng - nỗi kinh hoàng bởi đám lính mặt mũi nham hiểm cùng với súng ống của chúng dường như chỉ còn là một câu chuyện ma, một câu chuyện đáng cười dùng để hù dọa trẻ nít trong bóng tối.
Ellen xuất hiện nơi cửa bếp, miệng nhoẻn cười ngái ngủ, và mẹ đặt lên chiếc bàn gỗ cũ kỹ thêm một cái bát in hoa đựng cháo bột yến mạch nghi ngút khói.
“Kem tươi,” Annemarie vừa nói vừa hất mặt về phía bình kem với nụ cười toét miệng.
Suốt cả ngày ba chị em chơi đùa bên ngoài nhà, dưới ánh nắng rực rỡ và bầu trời trong veo. Annemarie đưa Ellen tới bãi cỏ phía bên kia chuồng gia súc, giới thiệu bạn mình với Blossom; khi Ellen rụt rè đưa tay ra, cô bò trễ nải liếm lòng bàn tay em bằng cái lưỡi thô ráp. Hai em hái hai ôm hoa dại đã chuyển thành màu nâu bởi cái lạnh chớm đông và cắm chúng vào trong lọ và bình cho tới khi mấy cái bệ cao phía trên bàn ken đầy hoa.
Trong nhà, mẹ vừa chà rửa vừa lau bụi, vừa tỏ vẻ thất vọng với việc dọn dẹp ngôi nhà bừa bộn của bác Henrik. Mẹ mang mấy tấm thảm ra ngoài dây phơi rồi lấy gậy đập cho sạch bụi, bụi bay bắn tung tóe.
“Bác Henrik cần có một người vợ,” mẹ vừa lắc đầu vừa nói, rồi lấy chổi quét sạch sàn gỗ cũ kỹ trong lúc thảm được phơi phóng. “Cứ nhìn vào đây này,” mẹ nói trong lúc mở cánh cửa phòng khách chẳng mấy khi được dùng đến, trong đó kê mấy món đồ gỗ đã lỗi thời. “Bác ấy không bao giờ quét tước lau chùi.” Và mẹ nhặt mấy cái giẻ lau lên.
“Và Kirsti ơi,” mẹ gọi, “con Thần Sấm ‘phun mưa’ thành một bãi nho nhỏ trên sàn ở góc bếp. Con để mắt đến nó nhé.” Chiều muộn, bác Henrik về, cười rộng đến tận mang tai khi trông thấy ngôi nhà bóng loáng và sạch sẽ tinh tươm, hai cánh cửa dẫn vào phòng khách mở toang, thảm trải được phơi phóng và các ô cửa sổ đều được lau chùi.
“Anh Henrik à, anh cần một cô vợ,” mẹ quở.
Bác Henrik cười ha hả rồi đến đứng cùng mẹ trên bậc tam cấp gần cửa bếp. “Tại sao anh lại cần một cô vợ khi mà anh đã có một cô em gái rồi chứ?”. Giọng bác như lệnh vỡ.
Mẹ thở dài nhưng mắt mẹ long lanh. “Với lại anh cần ở nhà thường xuyên hơn để chăm nom nhà cửa. Bậc thang này gãy rồi và cái vòi nước trong bếp bị rỉ nước. Và...”
Bác Henrik ngoác miệng cười với cô em gái, lắc lắc đầu giả bộ thất thần. “Và có chuột trên tầng áp mái, rồi là cái áo len màu nâu của anh có một lỗ thủng to tướng ở ống tay, rồi là nếu anh không lau các ô cửa sổ thì chẳng mấy chốc...”
Hai anh em cùng nhau cười giòn giã.
“Dù sao thì,” mẹ nói, “Em đã mở tất cả các ô cửa sổ ra rồi anh Henrik ạ, để cho không khí cùng với ánh nắng mặt trời tràn vào nhà. Ơn Chúa, trời hôm nay thật đẹp.”
“Ngày mai sẽ là ngày để đánh bắt cá,” bác Henrik không còn cười nữa, nói.
Đang lắng nghe hai người trò chuyện, Annemarie nhận ra cụm từ kỳ lạ. Bố đã nói những lời tương tự như vậy trên điện thoại. “Thời tiết có thuận để đánh cá không anh Henrik?”. Nhưng thế nghĩa là gì? Bác Henrik đi đánh cá mỗi ngày nắng hay mưa cũng đi. Những ngư dân Đan Mạch không chờ tới ngày nắng mới dong thuyền ra khơi quăng lưới. Annemarie không nói lời nào, ngồi cạnh Ellen dưới gốc táo, quan sát bác em.
Mẹ nhìn bác, hỏi: “Thời tiết có thuận không?”
Bác Henrik gật đầu và nhìn trời. Bác mỉm cười với khoảng không. “Đêm nay sau bữa khuya, anh sẽ quay lại thuyền. Sáng mai chúng ta rời bến rất sớm. Anh sẽ ở ngoài thuyền cả đêm.”
Annemarie tự hỏi ở trên thuyền cả đêm sẽ như thế nào. Nằm chỗ mỏ neo, lắng nghe tiếng biển vỗ vào hai bên mạn thuyền. Từ nơi mình nằm ngoài biển ngắm nhìn các vì sao.
“Em đã sửa soạn phòng khách chưa?”. Đột nhiên bác Henrik hỏi. Mẹ gật đầu. “Phòng sạch sẽ rồi, và em dẹp đồ lại cho rộng chỗ hơn một chút.”
“Mà anh trông thấy chỗ hoa rồi đấy,” mẹ nói thêm. “Em đã không nghĩ đến hoa, nhưng ba đứa trẻ đã hái hoa khô ngoài đồng cỏ về.” “Sửa soạn phòng khách để làm gì ạ?”. Annemarie hỏi. “Sao lại dẹp đồ đạc ạ?”
Mẹ nhìn bác Henrik. Bác đã vươn tay bế chú mèo con lên lúc nó đang chạy lướt qua, và giờ bác ôm nó sát ngực, dịu dàng gãi gãi cái
cằm của nó. Con mèo võng cái lưng nhỏ nhắn của mình xuống với vẻ thích thú.
“Được rồi, các cháu gái,” bác nói. “Đó là một sự việc buồn, nhưng không quá buồn, thật đấy, bởi bà ấy đã già lắm lắm rồi. Cái chết đã xảy tới, và đêm nay, bà cụ cố Birte của các cháu sẽ yên nghỉ trong quan tài đặt trong phòng khách trước khi cụ được chôn cất vào ngày mai. Đó là một phong tục xưa cũ, cháu à, để người quá cố nằm yên nghỉ tại nhà và những người thương yêu sẽ ở bên người ấy trước khi đem chôn.”
Kirsti lắng nghe, mắt ngời phấn khích. “Ngay ở đây ạ?”. Nó hỏi. “Một người chết ở ngay đây ạ?”
Annemarie không nói gì. Em thấy bối rối. Đây là lần đầu tiên em nghe về cái chết của một người trong gia đình. Không một ai điện thoại lên Copenhagen báo rằng có người đã qua đời. Dường như không một ai tỏ vẻ buồn thương.
Và - khó hiểu hơn cả - em chưa từng nghe thấy cái tên đó bao giờ. Cụ bà Birte. Chắc chắn rằng em đã biết nếu như em có một người bà con có tên như vậy. Kirsti có thể không biết; nó còn nhỏ và không để ý mấy chuyện như thế.
Nhưng Annemaire thì biết. Em lúc nào cũng thấy thích thú với những câu chuyện mẹ em kể về thời thơ ấu của mẹ. Mẹ nhớ tên của tất cả các anh chị em họ, các cụ bà, các bác các chú, những người đã từng trêu chọc, những người đã từng gắt gỏng, những người đã từng mắng mỏ đến nỗi chồng của mẹ cuối cùng phải chuyển đến một căn nhà khác, mặc dầu hai người họ vẫn ăn tối chung mỗi ngày. Thật quả là những câu chuyện hấp dẫn vô cùng, ngập tràn những tính cách đặc trưng của bà con họ hàng bên ngoại.
Và dù không nói lời nào, nhưng Annemarie hoàn toàn, một mực chắc chắn, rằng không hề có cụ bà Birte nào cả. Cụ bà Birte không tồn tại.
9
Tại sao bác nói dối cháu
S
au bữa tối, Annemarie ra ngoài một mình. Qua cửa sổ bếp để ngỏ, em nghe thấy mẹ và Ellen đang vừa rửa bát đĩa vừa trò chuyện với nhau; Kirsti, em biết, đang mải mê ngồi dưới sàn, chơi với mấy con búp bê cũ mà nó tìm thấy trên gác, những con búp bê từng thuộc về mẹ một thời, hồi xưa lắm rồi. Chú mèo con đã lỉnh đi khi Kirsti cố mặc đồ cho nó, và mất dạng.
Em lững thững đi tới chuồng bò, nơi bác Henrik đang vắt sữa con Blossom. Bác đang quỳ trên sàn phủ đầy rơm bên cạnh cô bò. Vai bác tựa vào cái hông nặng nề của nó, hai bàn tay rám nắng mạnh mẽ của bác đang khẩn trương, nhịp nhàng vắt sữa vào chiếc xô sạch. Con Thần Sấm ngồi yên bên cạnh, chăm chú quan sát.
Blossom ngước cặp mắt nâu lớn lên nhìn Annemarie, và cử động cái miệng nhăn nheo của nó giống như một bà lão đang chỉnh lại hàm răng giả.
Annemarie nghiêng người tựa vào vách gỗ lâu đời giờ đã bong tróc của chuồng bò, lắng nghe tiếng đồm độp đanh gọn của dòng sữa chảy khi nó đụng phải thành xô. Bác Henrik liếc nhìn cô cháu gái, mỉm cười mà không ngừng nhịp vắt. Bác không nói lời nào.
Qua ô cửa sổ chuồng bò, ánh hoàng hôn màu hồng nhạt đổ lên đụn cỏ khô tạo thành những hình thù kỳ lạ. Những hạt bụi và vụn rơm li ti bồng bềnh trong tia nắng quái.
“Bác Henrik ơi,” Annemarie đột nhiên gọi, giọng em không chút hồ hởi, “bác đang nói dối cháu. Bác và cả mẹ nữa.”
Hai bàn tay mạnh mẽ của bác vẫn tiếp tục vắt sữa, khéo léo bóp theo nhịp. Dòng sữa vẫn tiếp tục chảy đều. Bác lại nhìn em, cặp mắt
xanh sâu thẳm của bác hiền dịu và lộ vẻ thắc mắc. “Cháu đang giận,” bác nói.
“Vâng ạ. Trước giờ mẹ cháu không bao giờ nói dối cháu. Không bao giờ. Nhưng cháu biết không hề có cụ cố Birte nào cả. Chưa từng bao giờ, trong tất cả các câu chuyện cháu đã từng nghe kể, trong tất cả các tấm hình cũ cháu đã từng xem, có một cụ bà Birte.”
Bác Henrik thở dài. Blossom ngoái đầu nhìn bác, như thể muốn nói “Gần xong rồi,” và, quả thật, dòng sữa chảy nhỏ dần và chậm lại.
Bác kéo mạnh vú Bolossom một cách dịu dàng nhưng dứt khoát, vuốt xuống những giọt sữa cuối cùng. Chiếc xô đầy phân nửa, bề mặt sủi bọt. Xong xuôi, bác đặt xô sữa sang bên cạnh, lấy khăn ấm lau sạch vú Blossom. Sau đó bác nhấc xô sữa để lên kệ và đậy lại. Bác âu yếm xoa cổ cô bò. Cuối cùng, bác quay về phía Annemarie trong lúc chùi sạch tay bằng cái khăn lau cho Blossom khi nãy.
“Cháu dũng cảm cỡ nào hả Annemarie bé bỏng?”. Bất thình lình bác cất tiếng hỏi.
Em giật mình. Và hoảng hốt. Đó là câu hỏi mà em không muốn bị người khác hỏi. Lần em tự đặt cho chính mình câu hỏi ấy, em không thích câu trả lời của em.
“Không nhiều lắm ạ,” em bối rối, mắt cắm xuống sàn chuồng bò. Bác Henrik cao lớn quỳ xuống trước mặt em để gương mặt hai bác cháu ngang tầm với nhau. Sau lưng bác, Blossom cúi đầu, ngoạm một miệng cỏ rồi dùng lưỡi đẩy cỏ vào trong. Chú mèo con nghểnh cổ, chờ đợi, hóng sữa bị rớt ra ngoài.
“Bác cho rằng câu trả lời ấy không đúng,” bác Henrik nói. “Bác nghĩ cháu giống mẹ cháu, giống bố cháu và giống cả bác nữa. Sợ, nhưng quả quyết, và nếu đến lúc cần phải dũng cảm, bác hoàn toàn chắc chắn rằng cháu sẽ hết sức, hết sức dũng cảm.”
“Nhưng,” bác nói tiếp, “sẽ dễ dàng dũng cảm hơn nhiều nếu như ta không biết hết mọi chuyện. Và mẹ cháu cũng thế, không biết mọi chuyện. Bác cũng vậy. Chúng ta chỉ biết những gì cần biết thôi.”
“Cháu có hiểu lời bác nói không?”. Bác vừa nhìn thẳng vào mắt em vừa hỏi.
Annemarie nhíu mày. Em không chắc. Lòng dũng cảm nghĩa là gì? Ngày hôm ấy - cách đây chưa lâu, mặc dầu bây giờ có vẻ như nó đã xảy ra từ bao giở bao giờ trong quá khứ rồi - em đã rất sợ hãi khi tên lính ấy chặn em lại trên đường và hạch sách em bằng cái giọng khó nghe của hắn.
Và lúc ấy, em không biết hết mọi chuyện. Em không biết rằng quân Đức sắp sửa bắt người Do Thái đi. Và vì thế, ngày hôm ấy, lúc tên lính vừa nhìn Ellen vừa hỏi “Bạn mày tên gì?” em đã có thể cất giọng trả lời hắn được, cho dù em đang khiếp sợ. Nếu như em đã biết hết mọi chuyện rồi, chắc chắn sẽ không dễ gì mà dũng cảm được đến thế.
Em bắt đầu hiểu ra, chỉ một chút xíu thôi. “Có ạ,” em nói với bác Henrik, “cháu cho là cháu hiểu ạ.”
“Cháu đoán đúng,” bác bảo em. “Không có và chưa từng có cụ bà-Birte nào cả, mẹ cháu nói dối cháu, bác cũng nói dối cháu.” “Bác và mẹ cháu làm vậy,” bác giải thích, “để giúp cháu can đảm, bởi lẽ chúng ta yêu thương cháu. Cháu có tha thứ cho mẹ và bác không?”.
Annemarie gật đầu. Em bỗng cảm thấy mình già dặn hơn. “Và bác sẽ không nói thêm gì với cháu hết, không phải lúc này, với cùng lý do trên. Cháu hiểu không?”.
Annemarie lại gật đầu. Đột nhiên có tiếng động ở bên ngoài. Hai vai bác Henrik căng cứng. Bác bật đứng nhỏm dậy, lại gần cửa sổ chuồng bò, đứng trong chỗ tối nhìn ra ngoài. Sau đó, bác quay người lại phía Annemarie.
“Là xe chở quan tài,” bác nói. “Là cụ Birte, người chưa từng tồn tại.” Bác mỉm cười lo âu. “Vậy là, cô bạn bé bỏng của bác, đã tới lúc bắt đầu đêm khóc than rồi. Cháu sẵn sàng chưa?”.
Annemarie nắm lấy tay bác mình và bác Henrik dẫn em rời khỏi chuồng gia súc.
***
Chiếc quan tài bằng gỗ sáng bóng nằm trên kệ đỡ đặt giữa phòng khách và được phủ quanh bằng những đóa hoa mỏng tang ngạt ngào hương mà Annemarie và Ellen hái về hồi chiều. Nến đã châm cắm trong các giá đặt trên bàn tỏa ra một thứ ánh sáng bập bùng, dìu dịu. Chiếc xe tang đã rời khỏi, và mấy người mặt mũi trang nghiêm khênh quan tài vào trong nhà cũng đã đi theo xe sau khi thì thầm gì đó với bác Henrik.
Kirsti đã miễn cưỡng lên phòng ngủ, kêu nài rằng nó muốn thức cùng những người khác, rằng nó đã đủ lớn, rằng nó chưa từng bao giờ trông thấy một người chết nào nằm trong một cái hộp đậy kín, rằng như thế là không công bằng. Nhưng mẹ đã quyết, và cuối cùng Kirsti, với vẻ hờn dỗi, phải lê bước leo lên gác, mấy con búp bê kẹp dưới một bên nách và chú mèo con kẹp dưới nách bên kia.
Ellen im lặng, vẻ mặt buồn thảm. “Cháu rất lấy làm buồn khi bà cố Birte của cô qua đời,” Annemarie nghe thấy Ellen nói với mẹ em, mẹ cười buồn rồi cảm ơn Ellen.
Annemarie đã nghe thấy và không nói gì. Vậy là giờ đây, mình cũng đang nói dối, em nghĩ, cô bạn thân nhất của mình. Mình có thể nói với Ellen rằng không phải thế đâu, rằng chẳng hề có cụ Birte nào cả. Mình có thể kéo Ellen sang bên, thì thầm với bạn ấy về bí mật đó để Ellen không phải cảm thấy buồn rầu.
Nhưng em không làm thế. Em hiểu rằng em đang bảo vệ Ellen theo cách mà mẹ em đang bảo vệ em. Cho dù em không biết đang diễn ra chuyện gì hay tại sao cái quan tài kia lại nằm đó - hay thực ra là ai đang nằm trong đó - nhưng em biết sẽ là tốt hơn, là an toàn hơn, cho Ellen khi bạn ấy tin rằng có cụ-bà-Birte. Vì vậy, em không nói gì.
Người đến viếng lúc bầu trời đêm tối thẫm. Có một chú và một cô, cả hai cùng bận đồ sẫm màu, cô này ẵm một đứa trẻ đang ngủ, xuất hiện nơi ngưỡng cửa, và bác Henrik ra hiệu cho họ bước vào. Họ gật đầu chào mẹ và hai em. Họ theo chân bác Henrik vào phòng khách và khẽ khàng ngồi xuống.
“Người quen của cụ Birte,” mẹ khẽ đáp lại ánh mắt dò hỏi của Annemarie. Annemarie biết mẹ lại đang nói dối, và em có thể thấy được mẹ biết em biết. Hai mẹ con nhìn nhau một lúc lâu và không
nói một lời nào. Trong thời khắc ấy, với cái nhìn ấy, hai mẹ con trở nên ngang hàng.
Trong phòng khách vọng ra một tiếng thét thình lình của đứa trẻ đang ngủ. Annemarie liếc nhìn qua cửa phòng khách thấy người phụ nữ cởi áo và bắt đầu cho đứa trẻ, lúc này đã yên lặng, bú.
Có một người khác tới: một bác lớn tuổi để râu. Lặng lẽ, bác ấy bước vào phòng khách và ngồi xuống, không nói với ai lời nào, những người kia liếc nhìn bác. Người thiếu phụ nâng cái chăn của đứa con lên che mặt đứa bé và ngực mình. Bác lớn tuổi chúi đầu về phía trước và nhắm mắt, như đang cầu nguyện. Miệng bác ấy mấp máy, nói những lời mà không một ai nghe thấy được.
Annemarie đứng nơi ngưỡng cửa, quan sát những người đến chia buồn ngồi trong gian phòng thắp sáng bằng nến. Sau đó em trở về bếp, bắt đầu giúp Ellen và mẹ chuẩn bị đồ ăn.
Ở Copenhagen, em nhớ, hồi chị Lise chết, tối nào nhà em cũng có bạn bè đến thăm. Tất cả họ đều mang theo đồ ăn nên mẹ sẽ không phải nấu nướng gì.
Tại sao những người này không mang theo thức ăn? Tại sao họ không trò chuyện? Ở Copenhagen, cho dù các câu chuyện đều buồn, nhưng mọi người vẫn nói khe khẽ với nhau và với bố mẹ em. Họ nói về chị Lise, nhắc đến những khoảng thời gian vui vẻ.
Nghĩ đến chuyện ấy trong lúc xắt mỏng phô mai dưới bếp, Annemarie nhận ra rằng những người này chẳng có gì để nói. Họ không thể nhắc đến những khoảng thời gian vui vẻ cùng với cụ Birte được khi mà chẳng hề tồn tại một cụ Birte nào cả.
Bác Henrik vào bếp. Bác liếc nhìn đồng hồ rồi nhìn mẹ. “Khuya rồi,” bác nói, “anh phải ra ngoài thuyền đây.” Trông bác có vẻ lo lắng. Bác thổi tắt hết nến để trong phòng không còn tí ánh sáng nào rồi mở cửa. Bác chăm chú nhìn vào bóng đêm xa xa sau cây táo khoằm.
“Tốt rồi. Họ tới rồi,” giọng bác trầm xuống, không còn căng thẳng. “Ellen ơi, đi cùng bác.”
Ellen nhìn mẹ thắc mắc, mẹ gật đầu. “Con đi cùng bác Henrik đi,” mẹ nói.
Tay vẫn đang cầm miếng phô mai hình chữ V, Annemarie nhìn Ellen theo chân bác Henrik đi ra sân. Em nghe thấy một tiếng ré khẽ, đột ngột của Ellen và rồi tiếng người thì thào.
Một thoáng sau, bác Henrik quay trở lại. Đi cùng với bác là anh Peter Neilsen.
Đêm nay, anh Peter tới chỗ mẹ đầu tiên và ôm mẹ. Sau đó anh ôm Annemarie rồi hôn má em. Nhưng không nói lời nào. Cử chỉ âu yếm của anh đêm nay không hề có chút vui nhộn nào, chỉ có cảm giác hối hả, lo âu. Anh đi thẳng ngay vào phòng khách, nhìn xung quanh và lặng lẽ gật đầu chào mọi người trong đó.
Ellen vẫn ở bên ngoài. Nhưng một chốc sau, cửa mở và em quay lại - được ôm chặt giống như một em bé nhỏ, đôi chân trần của em đong đưa, trước ngực bố. Mẹ em đi bên cạnh hai cha con.
10
Hãy để chúng tao mở nắp quan tài “G
iờ mọi người có mặt đông đủ ở đây cả rồi,” bác Henrik vừa nói vừa nhìn quanh phòng khách. “Tôi phải đi đây.”
Đứng ngoài hành lang nơi ngưỡng cửa, Annemarie nhìn vào trong phòng. Lúc này đứa trẻ đã ngủ, mẹ của nó nom mệt mỏi. Người chồng ngồi bên cạnh, tay choàng vai vợ. Đầu bác lớn tuổi vẫn cúi gằm.
Anh Peter ngồi một mình một chỗ, chúi người về phía trước, hai khuỷu tay chống gối. Rõ ràng rằng anh đang mải suy ngẫm. Trên trường kỷ, Ellen ngồi giữa bố mẹ mình, một tay em đan chặt tay mẹ. Ellen ngẩng lên nhìn Annemarie nhưng không cười. Annemarie cảm thấy nỗi buồn dâng lên trong lòng; tình bạn thân thiết của hai em không bị tan vỡ nhưng dường như giờ đây Ellen đã chuyển đến một thế giới khác, đến thế giới của riêng gia đình mình, chẳng quản chuyện gì phía trước.
Khi bác Henrik chuẩn bị đi thì bác lớn tuổi để râu đột nhiên ngẩng lên. “Chúa che chở cho anh được bình an,” bác ấy nói bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng cương quyết.
Bác Henrik gật đầu. “Chúa che chở cho tất cả chúng ta được bình an,” bác đáp lại, rồi quay người rời khỏi phòng. Một lát sau, Annemarie nghe thấy tiếng bác rời nhà.
Mẹ mang từ bếp lên bình trà cùng với một khay tách. Annemarie giúp mẹ chuyền tách quanh phòng. Không một ai hé miệng. “Annemarie ơi,” từ ngoài hành lang mẹ khẽ gọi, “con có thể đi ngủ nếu muốn nhé. Khuya lắm rồi.”
Annemarie lắc đầu. Nhưng em mệt. Em thấy Ellen cũng mệt; đầu của bạn em đang ngả tựa vào vai mẹ bạn ấy, và mắt Ellen chốc chốc
lại nhắm lại.
Sau cùng, Annemarie tới chỗ chiếc ghế bập bênh kê ở góc phòng khách không ai ngồi rồi cuộn mình trên ghế, tựa đầu vào lưng ghế độn bông mềm mại. Em lơ mơ ngủ.
Em choàng tỉnh khỏi giấc ngủ chập chờn bởi ánh sáng đột ngột phát ra từ mấy cái đèn pha ô tô xịch đỗ bên ngoài, xuyên qua mấy tấm rèm mỏng, quét ngang phòng. Cửa xe dập rầm rầm. Mọi người trong phòng đều căng thẳng, nhưng không ai nói tiếng nào.
Em nghe thấy - như thể trong một cơn ác mộng tái diễn - tiếng đập cửa uỳnh uỳnh, rồi đến tiếng giày bốt nện ngắt quãng trên sàn bếp, quen thuộc một cách đáng sợ. Người phụ nữ bế con thở hổn hển và rồi, đột nhiên, bật khóc.
Tiếng đàn ông, giọng lơ lớ từ dưới bếp vang lên. “Chúng tao đã quan sát,” hắn nói, “thấy tối nay có một số lượng người nhiều bất thường đến tụ tập ở căn nhà này. Hãy giải trình coi.”
“Có người qua đời,” mẹ trả lời, giọng điềm tĩnh. “Phong tục của chúng tôi là luôn tập họp nhau lại bày tỏ lòng kính trọng khi có người thân trong gia đình qua đời. Tôi đoan chắc ông biết rõ phong tục của chúng tôi.”
Một tên trong đám sĩ quan đẩy mẹ đi trước và cùng bước từ dưới bếp lên phòng khách. Những tên khác theo sau hắn. Chúng lấp đầy ô cửa rộng. Vẫn y như mọi khi, những đôi bốt của chúng sáng lóa. Rồi là súng. Là mũ sắt. Tất thảy bọn chúng lập lòe trong ánh nến.
Annemarie quan sát ánh mắt của tay sĩ quan đảo quanh phòng. Hắn nhìn quan tài một lúc lâu. Sau đó, hắn chuyển ánh nhìn chăm chú của hắn đến từng người một. Khi mắt hắn chạm đến em, em bình tĩnh nhìn đáp trả.
“Ai chết?”. Hắn cục cằn hỏi.
Không ai trả lời. Mọi người nhìn Annemarie và em nhận ra gã sĩ quan đang hỏi em.
Giờ thì em chắc chắn đã hiểu lời bác Henrik nói lúc ở trong chuồng bò. Sự can đảm sẽ tới dễ dàng hơn nếu ta không biết gì cả. Em nuốt nước bọt. “Cụ cố Birte của cháu,” em nói dối không hề run rẩy.
Đột nhiên, tên sĩ quan tiến bước, ngang qua gian phòng, đến gần quan tài. Hắn đặt một tay đeo găng lên trên nắp quan tài. “Tội nghiệp cụ cố Birte,” hắn nói, giọng nhỏ dần.
“Tao biết phong tục của các ngươi chứ,” hắn vừa nói vừa chuyển ánh nhìn chằm chằm sang phía mẹ, mẹ vẫn đứng nơi ngưỡng cửa. “Và tao biết phong tục bày tỏ lòng kính trọng bằng cách nhìn mặt người thân yêu của mình. Tao thấy lạ rằng các ngươi đóng nắp quan tài sao mà chặt thế.” Tay hắn thu lại thành nắm đấm, rồi di ngang rìa nắp quan tài bóng nước sơn.
“Tại sao nắp quan tài không mở?”. Hắn hạch sách. “Để chúng tao mở nắp và nhìn cụ cố Birte lần cuối nào!”.
Annemarie nhìn anh Peter đang ngồi cứng người trong chiếc ghế bành bên kia gian phòng, anh ngẩng đầu, từ từ đưa một tay lên hông.
Mẹ nhanh chóng bước ngang qua phòng, đến thẳng chỗ quan tài, thẳng tới chỗ tay sĩ quan. “Ông nói đúng,” mẹ trả lời. “Bác sĩ bảo nên đóng nắp quan tài bởi cô Birtie chết vì sốt phát ban, và ông ấy bảo có khả năng vi trùng vẫn còn sống, vẫn còn nguy hiểm. Nhưng ông ấy - chỉ là một ông thầy lang, một ông già - thì biết gì về bệnh ấy cơ chứ? Chắc chắn rằng vi trùng sốt phát ban không còn luẩn quẩn bên trong người chết! Và cô Birte yêu quý ơi, đã lâu lắm rồi cháu không thấy mặt cô, không được hôn từ biệt cô. Tất nhiên, chúng tôi sẽ mở nắp quan tài! Tôi rất mừng vì có lời yêu cầu của ông...”
Nhanh như chớp, tên sĩ quan Đức Quốc xã giáng cho mẹ một cái bạt tai. Mẹ loạng choạng người ngửa ra sau, trên má mẹ, dấu tát màu trắng dần sậm lại.
“Con đàn bà ngu ngốc,” hắn nạt. “Tưởng chúng tao hứng thú nhìn xác bà cô yêu quý của nhà ngươi lắm chắc! Đợi chúng tao đi rồi hẵng mở.”
Ngón tay cái đi găng của hắn nhấn tắt ngọn nến đang cháy. Sáp chảy vung vãi trên bàn. “Tắt hết mấy ngọn nến này đi,” hắn nói, “hoặc kéo màn xuống.”
Nói rồi, hắn rảo bước ra cửa và rời khỏi phòng. Bất động, im lặng, một tay ôm má, mẹ lắng nghe - tất cả những người trong phòng đều lắng nghe - đám lính mặc quân phục rời khỏi ngôi nhà. Một chốc sau, họ nghe thấy tiếng cửa xe ô tô, tiếng máy nổ và cuối cùng, họ nghe thấy tiếng xe chạy đi.
“Mẹ ơi!” Annemarie gọi.
Mẹ em vội lắc đầu, rồi liếc nhìn ô cửa sổ để ngỏ chỉ được che bằng mỗi một tấm màn mỏng. Annemarie hiểu ý mẹ. Rất có thể bọn lính vẫn còn ở ngoài đó, quan sát, lắng nghe.
Anh Peter đứng dậy, kéo màn che cửa sổ. Anh thắp lại ngọn nến bị dập tắt. Sau đó, anh với tay lấy cuốn Kinh Thánh cũ luôn để sẵn trên bệ bếp lò. Anh nhanh chóng lật mở và nói, “Cháu sẽ đọc một bài kinh tụng.”
Mắt nhìn vào trang sách được lật ngẫu nhiên, anh bắt đầu đọc, giọng anh mạnh mẽ.
Ngợi ca Đức Chúa
Thật tốt đẹp biết bao khi ca bài tụng dâng lên Chúa! Thật thư thái biết bao khi ngợi ca Ngài!
Đức Ngài đang tái dựng Jerusalem;
Ngài tập hợp những đứa con tản mát ở Israel.
Chính là Ngài đã chữa lành những tâm hồn tan vỡ
Và hàn gắn những vết thương
Chính là Ngài đã đếm những vì sao, từng ngôi từng ngôi một...
Mẹ ngồi xuống và lắng nghe. Dần dần, từng người từng người bắt đầu thư giãn. Annemarie có thể trông thấy bác lớn tuổi ở cuối phòng đang mấp máy môi trong lúc anh Peter đọc; bác ấy thuộc lòng bài tụng ca cổ xưa ấy.
Annemarie thì không. Em không biết lời bài tụng, và em cố lắng nghe, cố hiểu, cố quên đi cuộc chiến với bọn Quốc xã, cố không khóc, cố can trường. Làn gió nhẹ buổi đêm làm lay động những tấm màn màu tối kéo che các ô cửa sổ mở. Ở bên ngoài, em biết, bầu trời đã lấm tấm các vì sao. Làm sao mà có ai đếm được chúng, từng
ngôi từng ngôi một, như lời bài tụng? Sao thì quá nhiều. Bầu trời thì quá rộng.
Ellen từng nói rằng mẹ bạn ấy sợ biển, rằng biển quá lạnh và quá lớn.
Bầu trời cũng vậy, Annemarie nghĩ. Cả thế giới cũng vậy: quá lạnh, quá lớn rộng. Và quá hung tàn.
Anh Peter vẫn đọc, giọng anh mạnh mẽ, mặc dù rõ ràng rằng anh đang mệt. Nhiều phút dài trôi qua. Tưởng như cả nhiều giờ đồng hồ.
Cuối cùng, anh lặng lẽ di chuyển đến gần cửa sổ trong lúc miệng vẫn đọc kinh. Anh gập cuốn Kinh Thánh lại và lắng nghe tiếng đêm yên tĩnh. Rồi anh nhìn quanh phòng. “Đến giờ rồi,” anh nói.
Việc đầu tiên anh làm là đóng cửa sổ. Sau đó, anh tiến lại chỗ quan tài rồi mở nắp.
11
Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau chứ, anh Peter?
A
nnemarie chớp chớp mắt. Xuyên qua bóng tối, em thấy Ellen cũng đang chăm chú nhìn vào bên trong cái hòm gỗ với vẻ ngạc nhiên.
Chẳng có ai nằm trong quan tài cả. Mà thay vào đó, dường như, nó được nhét đầy những cái chăn gấp gọn cùng với quần áo các loại.
Anh Peter bắt đầu nhấc mọi thứ ra khỏi quan tài và phát cho những người trong phòng, không ai nói tiếng nào. Anh đưa hai cái áo bành tô dày nặng cho cặp vợ chồng, một cái nữa cho bác lớn tuổi có râu.
“Sẽ lạnh lắm đấy,” anh nói nhỏ. “Mặc vào đi.” Anh tìm thấy một cái áo len dày cho cô Rosen và một cái áo khoác len sát nách cho chú Rosen. Sau một hồi lục lọi các món đồ được gấp chất trong quan tài, anh tìm thấy một cái áo khoác mùa đông nhỏ hơn đưa cho Ellen.
Annemarie quan sát bạn mình xỏ tay vào chiếc áo khoác và ngắm nhìn nó. Cái áo đã sờn và có mấy miếng vá. Trên thực tế, trong những năm gần đây, ai cũng chỉ có được vài món quần áo mới; nhưng mặc dù vậy, mẹ của Ellen đã luôn xoay xở tìm được cách may áo quần cho con gái, cô thường dùng quần áo cũ, phá ra, tạo mẫu mới và may lại để trông chúng giống như quần áo mới tinh. Chưa bao giờ Ellen phải mặc áo cũ, sờn và xoàng xĩnh đến vậy.
Nhưng Ellen vẫn xỏ tay vào, kéo áo choàng quanh người, cài mấy cái khuy áo đơm cọc cạch.
Anh Peter, tay ôm đầy những món quần áo dư ra, mắt nhìn về phía cặp vợ chồng có con nhỏ. “Tôi xin lỗi,” anh nói với họ. “Chẳng
có cái nào cho em bé cả.”
“Để cô tìm,” mẹ mau mắn nói. “Đứa trẻ cần phải được ấm.” Mẹ rời phòng và sau một phút, mẹ quay lại cùng với cái áo len dày màu đỏ của Kirsti.
“Đây,” mẹ dịu dàng nói với người mẹ trẻ. “Nó quá lớn, nhưng sẽ giúp thằng bé được ấm hơn.”
Người phụ nữ lần đầu tiên cất tiếng. “Con bé,” cô thì thầm. “Nó là con gái. Cháu tên là Rachel.”
Mẹ mỉm cười và giúp cô xỏ tay đứa trẻ vào tay áo len. Cả hai cùng nhau cài những chiếc khuy hình trái tim lại - Kirsti thích cái áo len có những chiếc khuy hình tim ấy xiết bao! - cho tới lúc đứa bé nhỏ xíu được bọc kín trong chiếc áo len đỏ ấm áp. Hai mí mắt nó mấp máy nhưng nó không tỉnh giấc.
Anh Peter thò tay vào túi quần và rút ra một vật. Anh tiến lại gần chỗ cặp bố mẹ trẻ và khom người về phía đứa trẻ. Anh mở nắp cái chai nhỏ cầm trong tay.
“Con bé nặng bao nhiêu cân?” Anh Peter hỏi.
“Nó được ba cân hai lúc mới sinh,” người mẹ trả lời. “Nó có tăng được một ít nhưng không bao nhiêu. Chắc giờ được khoảng chừng ba cân sáu, không hơn.”
“Thế thì, một vài giọt là đủ. Nó không có vị gì. Thậm chí, cô bé sẽ không cảm nhận thấy gì luôn.”
Người mẹ ôm chặt đứa con trong tay, ngước nhìn anh Peter van vỉ. “Làm ơn đừng,” cô nói. “Nó lúc nào cũng ngủ thẳng một giấc suốt đêm. Làm ơn, nó không cần đến thứ thuốc ấy đâu, tôi hứa. Nó sẽ không khóc.”
Giọng anh Peter kiên định. “Chúng ta không thể liều được,” anh nói. Anh tì ống đếm giọt lên miệng nhỏ xinh của đứa trẻ và bóp rỏ vài giọt lên lưỡi nó. Đứa trẻ há miệng ngáp và nuốt. Người mẹ nhắm mắt; người chồng nắm chặt vai vợ.
Kế đến, anh Peter dỡ mấy cái chăn ra khỏi quan tài, từng cái một và phân phát quanh phòng. “Hãy mang theo bên mình,” anh nói. “Sau này, mọi người sẽ cần đến chúng, để giữ ấm.”
Mẹ Annemarie di chuyển quanh phòng, đưa cho mỗi người một gói thức ăn nhỏ, gồm có: phô mai, bánh mì và táo, những thứ mà Annemarie đã phụ mẹ chuẩn bị trong bếp lúc trước.
Cuối cùng, anh Peter rút từ trong túi áo của mình ra một gói nhỏ được bọc giấy kín. Anh nhìn quanh phòng, nhìn những người giờ đã ấm áp bên trong mấy cái áo lạnh to sụ, rồi anh đi tới chỗ chú Rosen, chú theo anh ra ngoài hành lang.
Annemarie có thể nghe thấy tiếng hai người nói chuyện. “Chú Rosen,” anh Peter nói, “cháu phải đưa vật này cho bác Henrik. Nhưng rất có thể cháu không gặp được bác ấy. Cháu sẽ dẫn những người kia đi nhưng chỉ đến cảng thôi, còn họ sẽ phải tự lên tàu. Cháu muốn chú chuyển vật này giúp cháu. Phải chuyển bằng được. Nó cực kỳ quan trọng chú ạ.”
Một phút im lặng, và Annemarie biết chắc chắn đó là lúc anh Peter đang đưa gói giấy cho chú Rosen.
Annemarie trông thấy cái gói thò ra ngoài túi chú Rosen khi chú quay lại phòng và ngồi xuống. Em cũng trông thấy trong mắt chú Rosen có nét thắc mắc. Chú không biết gói đó chứa gì. Chú không hỏi.
Một lần nữa, Annemarie nhận thức được rằng, họ bảo vệ nhau bằng cách không nói gì. Nếu chú Rosen biết, rất có thể chú sẽ hoảng sợ. Nếu chú Rosen biết, rất có thể chú sẽ bị nguy hiểm. Vì vậy, chú đã không hỏi. Và anh Peter đã không giải thích.
“Giờ thì,” anh Peter vừa nói vừa nhìn đồng hồ, “tôi sẽ dẫn nhóm thứ nhất đi. Chú, và anh, và chị.” Anh ra hiệu cho bác lớn tuổi và cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ.
“Cô Inge,” anh nói. Annemarie nhận ra đây là lần đầu tiên em nghe thấy anh Peter Neilsen gọi mẹ em bằng tên riêng; hồi trước, lúc nào cũng là “cô Johansen”; hoặc, hồi xưa nữa, trong khoảng thời gian đính hôn với chị Lise đầy vui vẻ, phấn khởi, thỉnh thoảng, anh gọi “Mẹ”. Giờ đây, anh gọi cô Inge. Cứ như anh đã vượt qua khỏi tuổi thanh niên của mình và đặt chân vào thế giới của người lớn. Mẹ em gật đầu chờ lời chỉ dẫn của anh.
“Cô chờ hai mươi phút, rồi đưa nhà cô chú Rosen đi. Đừng đi sớm hơn. Chúng ta cần phải tách biệt nhau trên đường để giảm nguy cơ bị trông thấy.”
Cô Johansen lại gật đầu.
“Cô hãy quay thẳng về nhà sau khi đã thấy nhà cô chú Rosen đến chỗ bác Henrik an toàn. Hãy ở trong tối và đi bằng cửa hậu - đương nhiên là cô biết điều ấy.
“Lúc cô đưa được nhà cô chú Rosen lên tàu,” Peter tiếp tục nói, “cháu sẽ rời đi. Ngay khi cháu bàn giao nhóm của mình, cháu phải đi tiếp. Đêm nay có việc khác cần phải hoàn thành.”
Anh quay người về phía Annemarie. “Vậy, giờ là lúc anh nói lời tạm biệt với em.”
Annemarie tiến lại gần và ôm anh. “Nhưng chúng em sẽ sớm gặp lại anh chứ ạ?”. Em hỏi.
“Anh hy vọng vậy,” Peter đáp. “Rất sớm thôi. Đừng lớn thêm nhiều quá nhé kẻo em sẽ cao hơn anh đấy, Chân Dài bé nhỏ!”. Annemarie mỉm cười, nhưng lời bình phẩm của anh Peter không còn hài hước một cách vô tư lự như ngày xưa nữa. Nó chỉ là một sự níu kéo vớt vát lại điều đã mất rồi mà thôi.
Peter hôn Annemarie, không nói lời nào. Sau đó, anh chúc ba người nhà cô chú Rosen may mắn rồi dẫn ba người kia bước ra ngoài.
Mẹ, Annemarie, cô chú Rosen và Ellen ngồi yên lặng. Có một tiếng động nhỏ bên ngoài cửa, mẹ nhanh chóng bước ra xem có chuyện gì. Một chốc sau mẹ quay lại.
“Mọi chuyện đều ổn,” mẹ nói, đáp lại ánh nhìn thắc mắc của mọi người. “Bác lớn tuổi bị vấp. Nhưng Peter đã giúp bác ấy đứng dậy. Có vẻ như bác ấy không bị đau. Có lẽ chỉ vì bác ấy kiêu hãnh,” mẹ vừa nói thêm vừa cười nhẹ.
Kiêu hãnh là một từ kỳ lạ. Annemarie nhìn ba người nhà Rosen đang ngồi đó, khoác trên mình những cái áo rộng thùng thình, xộc xệch, tay ôm mấy cái chăn gấp gọn, gương mặt đầy mệt mỏi, u buồn. Em nhớ lại thời gian trước đó, những chuỗi ngày hạnh phúc vui vẻ: cô Rosen với mái tóc được chải gọn và trùm kín đang thắp
nến trong lễ Sabbath, đọc những lời cầu nguyện cổ xưa. Và chú Rosen, ngồi trong chiếc ghế bành to đùng kê trong phòng khách, nghiền ngẫm mấy cuốn sách dày cộp, chấm bài, chỉnh kính đeo mắt, thỉnh thoảng ngước lên than phiền một cách hiền hậu về tình trạng ánh sáng thiếu sáng. Em nhớ Ellen trong buổi diễn kịch ở trường, di chuyển tự tin trên sân khấu, điệu bộ dứt khoát, giọng nói rõ ràng.
Tất cả những thứ khơi nguồn cho niềm kiêu hãnh - giá đỡ nến, sách vở, những giấc mơ về nhà hát - đã bị bỏ lại đằng sau, ở Copenhagen. Gia đình họ giờ đây không còn mang theo mình bất cứ thứ gì ngoài quần áo của những người không quen biết để mặc cho ấm, thức ăn có được từ nông trại của bác Henrik để sinh tồn và con đường mờ tối phía trước, băng xuyên qua rừng đến với tự do.
Annemarie nhận ra, dù không ai nói với em, rằng bác Henrik sẽ là người tiếp nhận họ lên tàu của bác, vượt biển sang đất Thụy Điển. Em biết cô Rosen sợ biển đến cỡ nào: biển rộng, sâu và rất lạnh. Em biết Ellen ớn tụi lính Đức tay cầm súng, chân đi giày bốt nhiều ra sao, bọn chúng đương nhiên là đang kiếm tìm họ. Và em biết hẳn cả ba người trong gia đình bạn mình lo sợ cho tương lai phía trước tới mức nào.
Nhưng hai vai họ vẫn vươn thẳng như ngày trước: lúc trong lớp học, trên sân khấu, trước bàn làm lễ Sabbath. Vậy nên, vẫn còn có những thứ khác nữa tạo nên niềm kiêu hãnh và không phải họ bỏ lại tất thảy mọi thứ phía sau.
12
Mẹ đâu rồi?
C
hú Rosen vấp chân ở bậc thang bị long phía ngoài cửa bếp. Cô Rosen túm cánh tay chú và chú lấy lại được thăng bằng. “Trời tối lắm,” mẹ thì thầm lúc bốn người họ đứng trong sân, tay ôm chăn và mấy túi thực phẩm, “mà chúng ta không thể dùng bất cứ phương tiện phát sáng nào. Tôi sẽ đi trước - tôi biết rất rõ đường đi lối lại - còn anh chị và cháu theo sau. Cố gắng đừng bị vấp phải rễ cây trên đường đi. Hãy cẩn trọng bám chân mình xuống đường nhé. Đường không bằng phẳng đâu.”
“Và phải hết sức, hết sức yên lặng,” mẹ nói thêm, một cách không cần thiết.
Đêm cũng yên tĩnh. Một làn gió nhẹ thoảng trên các ngọn cây và từ đầu kia đồng cỏ vọng đến tiếng sóng biển, thứ âm thanh bất biến ở chốn đây. Nhưng lúc này, trong đêm tối, không có tiếng chim hót hay gọi nhau. Cô bò đang ngủ yên lành trong chuồng cỏ và chú mèo con đang ngủ trên gác trong vòng tay ôm của Kirsti.
Trên trời, giữa những áng mây mỏng manh, lác đác các chấm sao, nhưng không có trăng. Annemarie đứng dưới chân bậc tam cấp, rùng mình.
“Đi nào,” mẹ lẩm bẩm rồi rời nhà.
Lần lượt từng người nhà Rosen xoay người ôm Annemarie trong yên lặng. Ellen là người cuối cùng, hai cô bé ôm nhau. “Tớ sẽ trở lại,” Ellen khẽ nói, giọng dứt khoát. “Tớ hứa đấy.” “Tớ biết,” Annemarie thì thầm đáp lời bạn trong lúc ôm bạn thật chặt.
Sau đó, bốn người đi khỏi, mẹ và cả nhà Rosen. Annemarie còn lại một mình. Em bước vào trong nhà, khóc thầm, đóng cửa chặn màn đêm ở bên ngoài.
Nắp quan tài đã lại được đóng lại. Lúc này căn phòng vắng tanh; không có một dấu hiệu nào cho thấy trước đó từng có người ngồi trong phòng hàng bao nhiêu giờ đồng hồ. Annemarie lấy mu bàn tay dụi mắt. Em kéo màn cửa màu đen và mở cửa sổ, lại cuộn mình trên ghế bập bênh cố thư giãn; em hình dung trong óc đường đi của bốn người. Em cũng biết lối mòn cũ - không rõ bằng mẹ, mẹ em đã đi trên con đường đó gần như mỗi ngày suốt thời thơ ấu cùng với chú chó chạy tung tăng theo sau. Nhưng Annemarie đã từng thường đi trên con đường ấy để vào thị trấn và trở về và em nhớ các chỗ rẽ, những thân cây xoắn vặn cùng những nhánh rễ trồi lên mặt đất tạo thành các khối gồ ghề, và em nhớ những bụi rậm thường trổ hoa lúc mới vào hạ.
Em tưởng tượng đang bước cùng bốn người, cảm nhận được đường đi xuyên qua đêm tối. Họ sẽ mất, em nghĩ, nửa giờ để đến địa điểm bác Henrik đang đậu thuyền chờ. Ở đó mẹ em sẽ chia tay họ - dừng lại một phút, không lâu hơn, để ôm nhau lần cuối - và rồi mẹ em sẽ quay về nhà. Mẹ đi một mình sẽ nhanh hơn vì không phải chờ ba người nhà cô chú Rosen, họ không quen đường nên đi chậm. Mẹ sẽ hối hả, bước phăm phăm, về với hai cô con gái.
Đồng hồ trong hành lang lại gõ; đã hai giờ rưỡi sáng. Mẹ em sẽ về tới trong vòng một tiếng nữa, em đoán chắc. Em đẩy mình bập bênh trong chiếc ghế cũ. Mẹ sẽ về tới nhà trước ba giờ rưỡi.
Em nghĩ tới bố, ở lại Copenhagen một mình. Chắc chắn bố em cũng thức. Chắc bố em đang ước mình đã có thể tới đây được, nhưng bố em cũng biết rằng mình phải tới cửa hàng nơi góc phố mua báo rồi đến chỗ làm mỗi sáng như thường lệ. Giờ đây chắc bố đang lo lắng cho mẹ con em, đang xem đồng hồ, chờ thông báo rằng gia đình cô chú Rosen đã an toàn, rằng vợ và hai đứa con gái đang ở đây nơi nông trại, bắt đầu một ngày mới với ánh nắng ban mai rọi qua cửa sổ bếp và với món cháo yến mạch phủ kem.
Người đang chờ đợi sẽ thấy khó chịu hơn, Annemarie biết điều ấy. Ít hiểm nguy hơn, có thể, nhưng lo sợ hơn.
Em ngáp và đầu em gật gà gật gù. Em ngủ và đó là một giấc ngủ mỏng tang như các áng mây đêm, những giấc mơ loáng thoáng đến rồi đi tựa như những vì sao.
Ánh sáng đánh thức em. Nhưng trời chưa sáng hẳn, vẫn chưa. Mới chỉ là tia sáng nhẹ đầu tiên nhất báo hiệu bầu trời đang sáng dần: một tia sáng yếu ớt phía rìa đồng cỏ, một dấu hiệu ở đâu đó xa tít đằng đông, nơi nước Thụy Điển vẫn còn say ngủ, chẳng mấy chốc nữa trời sẽ sáng. Bình minh bắt đầu dần trườn ngang qua vùng đất canh tác và miền duyên hải Thụy Điển; sau đó sẽ tỏa sáng Đan Mạch nhỏ bé rồi di chuyển ngang qua biển Bắc đánh thức Na Uy.
Annemarie hấp háy mắt, hoang mang trong lòng, em ngồi dậy, mất một lúc để nhớ xem mình đang ở đâu và tại sao lại ở đó. Nhưng không đúng, ánh sáng yếu phía chân trời - lẽ ra trời vẫn phải còn tối chứ. Lẽ ra vẫn phải còn là đêm chứ.
Em gượng đứng dậy, duỗi hai cẳng chân và bước ra hành lang xem đồng hồ. Đã bốn giờ kém.
Mẹ đâu rồi?
Có lẽ mẹ em đã về nhà, không muốn đánh thức em và đã lên giường ngủ. Chắc chắn là như vậy rồi. Mẹ hẳn là đã kiệt sức bởi mẹ đã thức cả đêm, đã phải thực hiện một chuyến đi nguy hiểm đến nơi thuyền đậu rồi xuyên qua rừng tối quay về, chỉ muốn ngủ.
Annemarie nhanh chóng leo lên gác. Cánh cửa phòng nơi em ngủ cùng Ellen lúc trước mở toang. Chăn gối trên hai cái giường nhỏ bên trong được gấp gọn gàng, chăn phủ bên trên và không có ai.
Bên cạnh, cửa phòng ngủ của bác Henrik cũng mở, và giường của bác cũng còn y nguyên, và không có ai. Cho dù trong lòng lo lắng, Annemarie không khỏi không mỉm cười khi em trông thấy mấy cái áo quần của bác Henrik nằm nhàu nhĩ trên ghế cùng một đôi giày phủ đầy đất của sân nuôi quanh chuồng bò nằm trên sàn.
Bác ấy cần một người vợ, em bắt chước mẹ em, nhủ thầm. Cánh cửa phòng ngủ còn lại, nơi mẹ và Kirsti ngủ chung, thì đóng. Không muốn đánh thức mẹ và em gái, Annemarie khẽ khàng đẩy cửa.
Hai tai của chú mèo con ngọ nguậy, dựng đứng; đôi mắt nó mở to, rồi nó ngỏng đầu lên ngáp. Mèo ta chuồi mình khỏi vòng tay của Kirsti, vươn duỗi mình và rồi nhẹ nhàng nhảy xuống đất, tiến lại chỗ Annemarie. Nó cọ mình vào chân em, rên grừ grừ.
Kirsti thở dài rồi ngủ trở lại; một cánh tay con bé, giờ không còn bận ôm chú mèo mềm mại và ấm áp, gác ngang gối. Không có ai ngoài Kirsti nằm trên cái giường rộng thênh ấy cả. Annemarie bước nhanh lại gần cửa sổ, từ đó em có thể nhìn thấy rõ con đường dẫn vào cửa trước nhà. Bên ngoài trời vẫn còn mờ tối, và em dõi mắt qua màn đêm, cố gắng nhìn, kiếm tìm trong khoảng rừng thưa kia nơi khởi đầu con đường, tìm dáng mẹ đang hối hả về nhà.
Chẳng mấy chốc, em nhìn thấy một bóng dáng mờ mờ trên đường: một hình thù không quen thuộc, một thứ mà hôm qua chưa từng có ở đó. Một hình thù sậm màu, một khối đen nhòa mờ ở ngay đầu đường. Annemarie nheo mắt, tập trung thị lực để biết, vừa cần phải biết, vừa không muốn biết đó là gì.
Hình thù đó chuyển động. Và giờ em đã biết. Đó là mẹ em, đang nằm trên đường.
"""