" Deep Work: Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Deep Work: Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo lam-ra-lam Mục lục 1. Lời giới thiệu 2. Lời mở đầu 3. PHẦN 1: Ý TƯỞNG 4. Chương một: Làm việc sâu thật đáng giá 5. Chương hai: Trạng thái làm việc sâu rất ít khi xuất hiện 6. Chương ba: Làm việc sâu có ý nghĩa 7. PHẦN 2: CÁC QUY TẮC 8. Quy tắc số 1: Làm việc sâu 9. Quy tắc số 2: Tận dụng sự buồn chán 10. Quy tắc số 3: Thoát khỏi truyền thông xã hội 11. Quy tắc số 4: Loại bỏ những thứ hời hợt 12. Kết luận LỜI GIỚI THIỆU “Thành công không phải là phép màu nhiệm hay sự lừa gạt, nó chỉ đơn giản là học cách tập trung.” — Jack Canfield Đã bao giờ bạn ngồi xuống để làm việc và sau đó, không hề nhận ra mình lại kết thúc bằng việc dành một (vài) tiếng đồng hồ lướt Youtube, Facebook và tin tức? Tất cả chúng ta đều từng làm vậy. Có vẻ như có quá nhiều thứ lôi kéo sự chú ý của chúng ta trong thời đại này, nên rất khó để thậm chí đạt đến trạng thái tinh thần giúp hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Trong Làm ra làm chơi ra chơi, tác giả Cal Newport nhấn mạnh chủ đề “làm việc sâu” (deep work) đang ngày càng được chú trọng. Học cách làm thế nào để làm việc sâu – khả năng tập trung vào một nhiệm vụ khó nhằn mà không hề bị sao lãng – là chìa khóa để tạo ra những kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn. Newport không hề đưa ra những lời khuyên xáo rỗng, mang tính lý thuyết hay giáo điều. Ông đề nghị chúng ta nên học cách làm quen với sự hời hợt và từ bỏ các công cụ truyền thông xã hội như Facebook, Instagram,... (Thậm chí, nếu bạn không muốn làm vậy thì lý lẽ của ông cũng rất đáng đọc). Nếu bạn đã từng dành một ngày làm việc trong tình trạng bị sao lãng bởi đám email và thông báo hiện lên liên tục rồi băn khoăn bạn đã làm gì cả ngày thì đây chính là cuốn sách dành cho bạn. Trân trọng giới thiệu đến bạn cuốn sách vô cùng hữu ích này! ALPHA BOOKS LỜI MỞ ĐẦU Làng Bollingen thuộc bang St. Gallen của Thụy Sĩ, nằm gần bờ bắc Hồ Zurich. Năm 1922, bác sĩ tâm thần học Carl Jung đã lựa chọn địa điểm này để xây dựng nơi ông sẽ lui về ở ẩn. Ông bắt đầu với ngôi nhà có hai gác chính mà ông gọi là Tòa tháp. Sau khi trở về từ Ấn Độ, nơi ông nhận thấy mỗi ngôi nhà đều có một căn phòng để hành thiền, ông đã mở rộng khu nhà để có một văn phòng riêng. Nhận xét về không gian đó, Jung cho rằng: “Trong căn phòng đó, tôi được là chính mình. Tôi luôn mang theo chìa khóa phòng và không ai được bước vào khi chưa có sự cho phép của tôi.” Trong cuốn Daily Rituals (tạm dịch: Nghi lễ hằng ngày), qua nhiều nguồn khác nhau từ Jung, nhà báo Mason Currey đã phân loại để mô phỏng những thói quen làm việc của một nhà thần kinh học tại Tòa tháp. Currey ghi lại rằng Jung thường thức dậy lúc 7 giờ sáng và sau khi thưởng thức bữa sáng thịnh soạn, ông sẽ dành hai giờ chuyên tâm ngồi viết trong văn phòng riêng. Buổi chiều, ông thường hành thiền hoặc dành thời gian đi bộ ở vùng ngoại ô quanh đó. Tòa tháp không có điện, do đó khi màn đêm buông xuống, nguồn ánh sáng chính là chiếc đèn dầu và nhiệt độ chủ yếu tỏa ra từ lò sưởi. Jung sẽ bắt đầu nghỉ ngơi rồi đi ngủ lúc 10 giờ tối. Ông cho biết: “Ngay từ đầu, tôi đã có cảm giác mãnh liệt khi được nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng làm việc khi ở trong tòa tháp này.” Dù thật hấp dẫn khi nghĩ về Tòa tháp Bollingen như một căn nhà nghỉ dưỡng, nhưng nếu chúng ta đặt nó trong bối cảnh sự nghiệp của Jung vào thời điểm này thì rõ ràng, sự ẩn dật ven hồ không phải nhằm mục đích thoát khỏi công việc. Năm 1922, khi xây dựng ngôi nhà này, Jung đã không còn đủ tiền để đi đâu nghỉ ngơi. Chỉ một năm trước đó, ông đã xuất bản cuốn Psychological Types (tạm dịch: Các kiểu hình tâm lý), cuốn sách tiền đề củng cố sự khác biệt bấy lâu giữa tư duy của Jung và những ý tưởng của người bạn đồng thời cũng là người thầy của ông, Sigmund Freud. Phản bác lại Freud trong thập niên 1920 là một hành động táo bạo. Để hỗ trợ cuốn sách của mình, Jung cần phải nhạy bén và cho ra mắt hàng loạt bài báo cùng những cuốn sách thông minh nhằm thiết lập và củng cố thêm về tâm lý học phân tích(analytical psychology) – tên gọi trường phái tư tưởng mới của ông. Các bài giảng và buổi tư vấn khiến Jung trở nên bận rộn khi ở Zurich, hẳn rồi. Nhưng ông không hài lòng với sự bận rộn đơn độc này. Ông muốn thay đổi cách hiểu của con người về sự vô thức và mục tiêu này đòi hỏi ông phải tư duy sâu sắc hơn, cẩn trọng hơn. Ông lui về Bollingen không phải để thoát khỏi cuộc sống chuyên môn mà là để tiến lên. Carl Jung tiếp tục trở thành một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Dĩ nhiên, có rất nhiều lý do dẫn đến thành công đó. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi chỉ quan tâm đến cam kết của ông đối với các kỹ năng quan trọng góp phần tạo nên những thành tựu mà ông đã đạt được: Làm việc sâu: Các hoạt động chuyên môn được thực hiện ở trạng thái tập trung – không bị phân tán tư tưởng nhằm thúc đẩy khả năng nhận thức đi đến điểm giới hạn. Những nỗ lực này tạo ra giá trị mới, cải thiện kỹ năng và rất khó để sao chép. Làm việc sâu là hoạt động rất cần thiết để vắt kiệt từng giọt giá trị cuối cùng từ năng lực trí tuệ hiện tại của bạn. Từ nhiều thập kỷ nay, thông qua các nghiên cứu trong tâm lý học và khoa học thần kinh, chúng ta biết được rằng tình trạng căng thẳng về tinh thần đi kèm với làm việc sâu cũng là yếu tố cần thiết để cải thiện khả năng. Nói cách khác, làm việc sâu chính xác là nỗ lực quan trọng để đứng vững trong một lĩnh vực có liên quan đến nhận thức như tâm thần học vào đầu thế kỷ XX. Thuật ngữ “làm việc sâu” (deep work) là do tôi tự nghĩ ra và chưa từng được Carl Jung sử dụng, nhưng những động thái của ông trong giai đoạn này vẫn được nhiều người ngầm hiểu theo ý nghĩa như vậy. Jung đã xây dựng một tòa tháp bằng đá trong rừng để thúc đẩy khả năng làm việc sâu chuyên môn – một nhiệm vụ đòi hỏi thời gian, sức lực và tiền bạc. Nó đã đưa ông đến với những mục tiêu xa hơn. Như Mason Currey đã viết, những đợt Jung thường xuyên lui về Bollingen làm giảm thời gian ông dành cho công việc lâm sàng: “Dù còn nhiều bệnh nhân đang trông cậy vào mình, Jung vẫn không ngần ngại trút bỏ thời gian.” Làm việc sâu cực kỳ quan trọng đối với mục tiêu thay đổi thế giới của ông. Thực ra, nếu bạn nghiên cứu về cuộc đời của những nhân vật có tầm ảnh hưởng khác từ trước đến nay, bạn sẽ nhận thấy họ đều có điểm chung là làm việc sâu. Ví dụ, nhà lý luận Michel de Montaigne ở thế kỷ XVI từng làm việc trong một thư viện riêng được ông xây dựng ở tòa tháp phía nam, nơi có các bức tường đá của lâu đài Pháp bao quanh, trong khi đó, Mark Twain cũng đã viết phần lớn cuốn The Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer) tại một nhà kho ở Quarry Farm, New York. Twain say mê viết sách tới mức tự cô lập bản thân, gia đình ông phải thổi tù và gọi ông về khi đến giờ cơm. Theo dòng lịch sử, hãy cùng xem xét trường hợp của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Woody Allen. Trong suốt 44 năm, từ năm 1969 đến năm 2013, Woody Allen đã viết và đạo diễn 44 bộ phim, nhận được 23 đề cử cho giải Oscar – một tỷ lệ phản ánh năng suất lao động nghệ thuật đáng ngưỡng mộ. Trong suốt thời gian này, Allen chưa từng sở hữu một chiếc máy tính nào; thay vì đánh máy tất cả các tác phẩm của mình và để tránh bị các thiết bị điện tử gây sao lãng, ông đã dùng chiếc máy đánh chữ thủ công kiểu Olympia SM3 do Đức sản xuất. Ngoài ra còn có Peter Higgs, nhà vật lý lý thuyết, cũng từ chối máy tính và làm việc bằng cách ngắt hết tất cả kết nối để cánh báo chí không thể tìm được ông sau khi biết ông đoạt giải Nobel. Ngược lại, J. K. Rowling dù vẫn sử dụng máy tính, nhưng bà lại tránh xa các phương tiện truyền thông xã hội trong suốt thời gian viết bộ tiểu thuyết Harry Potter – dù ở giai đoạn này, công nghệ đang nổi lên và rất phổ biến trong giới truyền thông. Cuối cùng, đội ngũ nhân viên của Rowling cũng lập một tài khoản Twitter dưới tên bà vào mùa thu năm 2009, khi bà đang viết cuốn The Casual Vacancy (Khoảng trống) và trong một năm rưỡi đầu tiên, dòng tweet1 duy nhất bà đăng là: “Đây thực sự là tôi, nhưng tôi e rằng các bạn sẽ không nghe ngóng được gì từ tôi đâu, vì giấy bút mới là ưu tiên của tôi lúc này.” 1 Các dòng chia sẻ trạng thái trên mạng xã hội Twitter. (BTV) Tất nhiên, làm việc sâu không hề bị giới hạn về lịch sử hay kỹ thuật. Bill Gates, Giám đốc Điều hành (CEO) của Microsoft, đã tiến hành “Tuần Suy nghĩ” hai lần mỗi năm và trong khoảng thời gian này, ông sẽ tự cô lập bản thân (thường là trong một ngôi nhà ven hồ), không làm gì khác ngoài việc đọc và suy nghĩ về những ý tưởng lớn. Trong Tuần Suy nghĩ năm 1995, Gates đã viết bản ghi chú “Internet Tidal Wave” (tạm dịch: Cơn sóng thần mang tên Internet). Chính bản ghi chú nổi tiếng này đã hướng sự chú ý của Microsoft tới một công ty mới nổi có tên Netscape Communications. Neal Stephenson là tác giả cyberpunk2 nổi tiếng, người đã góp phần hình thành nên quan niệm phổ biến của chúng ta về thời đại Internet. Với bản tính lập dị, hoài nghi của ông, người ta gần như không thể tiếp cận với ông qua hệ thống điện tử. Trang web của ông không cung cấp địa chỉ e-mail mà lại đăng một bài viết giải thích lý do tại sao ông lại cố tình không sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Ông từng giải thích về sự thiếu sót này rằng: “Nếu tôi tổ chức cuộc sống của mình để có được những quãng thời gian liên tục, không bị gián đoạn, thì tôi có thể viết được nhiều tiểu thuyết hơn. [Nếu thay vào đó tôi thường xuyên bị gián đoạn] thì sao? Thay vì một cuốn tiểu thuyết sẽ trường tồn… thì lại có một loạt các e-mail mà tôi phải gửi cho từng người một.” 2 Một nhánh phụ thuộc dòng khoa học viễn tưởng chuyên viết về công nghệ tân tiến như trí thông minh nhân tạo, rô-bốt, mạng viễn thông… và cách chúng khiến tôn ty trật tự thế giới bị đảo lộn hoặc xã hội trở nên suy tàn, tha hóa. (BTV) Sự phổ biến của làm việc sâu ở các cá nhân có tầm ảnh hưởng là điều quan trọng cần nhấn mạnh bởi nó tương phản với thái độ làm việc của đa số người lao động trí óc hiện đại – nhóm người đã sớm quên đi giá trị của việc này. Lý do được đưa ra rất thuyết phục: do các công cụ mạng. Đây là tập hợp lớn, bao gồm các dịch vụ truyền thông như e-mail và SMS, các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter và Facebook, cùng các trang thông tin giải trí như BuzzFeed và Reddit. Nhìn chung, sự trỗi dậy của những công cụ này kết hợp với khả năng tiếp cận chúng ở mọi nơi thông qua điện thoại thông minh và máy tính có kết nối mạng, đã làm phân tán sự chú ý của hầu hết lao động trí óc. Một nghiên cứu của McKinsey năm 2012 cho thấy những người lao động trí óc ở mức trung bình đang sử dụng hơn 60% tuần làm việc để giao tiếp điện tử và tìm kiếm trên Internet, với gần 30% thời gian dành cho việc đọc và trả lời e-mail. Tình trạng phân mảnh tập trung này không thể đáp ứng được công việc chuyên sâu vốn đòi hỏi tư duy liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, những lao động trí óc hiện đại không hẳn đang lãng phí thời gian của họ. Trên thực tế, họ cũng thấy mình đang bận rộn hơn bao giờ hết. Vậy thì đâu là lời giải thích thỏa đáng cho sự không nhất quán này? Chúng ta có thể giải thích bằng một loại nỗ lực khác đối nghịch với ý tưởng về làm việc sâu: Làm việc hời hợt: Công việc không yêu cầu quá cao về nhận thức, thuộc dạng công việc hậu cần, thường được thực hiện khi bị phân tâm. Những nỗ lực này thường có xu hướng không tạo ra nhiều giá trị mới và dễ bị sao chép. Nói cách khác, trong kỷ nguyên của các công cụ mạng như hiện nay, những người lao động trí óc đang dần có xu hướng thay thế làm việc sâu bằng làm việc hời hợt – liên tục gửi và nhận e-mail, thường xuyên bị đứt mạch làm việc vì những mối phân tâm tức thời. Tư duy sâu sẽ mang lại những nỗ lực lớn lao hơn, chẳng hạn như hình thành một chiến lược kinh doanh mới hay viết đơn xin trợ cấp nghiên cứu quan trọng, còn sự phân tâm sẽ chỉ tạo ra thành quả có chất lượng mờ nhạt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự dịch chuyển về phía công việc hời hợt không phải là lựa chọn có thể dễ dàng đảo ngược. Nếu tốn nhiều thời gian trong tình trạng làm việc hời hợt, bạn sẽ vĩnh viễn làm thui chột khả năng làm việc sâu của mình. Nhà báo Nicholas Carr thừa nhận trong một bài viết trên tờ Atlantic năm 2008 rằng: “Có vẻ Internet đang làm mai một khả năng tập trung và tư duy chuyên sâu của tôi. [Và] tôi không phải là người duy nhất.” Carr đã mở rộng lập luận này thành cuốn sách có tựa đề The Shallows (tạm dịch: Những việc tầm phào), cuốn sách giúp anh giành được giải thưởng Pulitzer3. Để có môi trường thích hợp viết cuốn The Shallows, Carr đã chuyển đến một khu văn phòng và ngắt hết kết nối với bên ngoài. 3 Giải thưởng của Mỹ trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là báo chí và văn học. (ND) Quan điểm cho rằng các công cụ mạng đang khiến chúng ta đi từ làm việc sâu đến làm việc hời hợt không còn mới mẻ. The Shallows chỉ là cuốn sách đầu tiên trong một loạt các cuốn sách gần đây kiểm chứng sức ảnh hưởng của Internet tới não bộ và thói quen làm việc của chúng ta mà thôi. Những cuốn sách cùng chủ đề bao gồm: Hamlet’s BlackBerry(tạm dịch: Chiếc BlackBerry của Hamlet) của William Powers, The Tyranny of E-mail (tạm dịch: Sự thống trị của e-mail) của John Freeman và The Distraction Addiction (tạm dịch: Vòng xoáy sao lãng) của Alex Soojung-Kin Pang – tất cả các tác giả ít nhiều đều nhất trí rằng các công cụ mạng đang khiến chúng ta bị phân tán tư tưởng, đồng thời cũng làm suy giảm khả năng duy trì sự tập trung của chúng ta. Trước những bằng chứng rõ ràng kể trên, tôi sẽ không dành nhiều thời gian để cố gắng thiết lập luận điểm này. Tôi hy vọng chúng ta có thể ước định rằng các công cụ mạng đang tác động tiêu cực đến làm việc sâu. Tôi cũng sẽ tránh bất kỳ lập luận gay gắt nào về hậu quả lâu dài của sự thay đổi này đối với xã hội, vì những lập luận như vậy có xu hướng mở ra những bất đồng không thể hóa giải. Một bên của cuộc tranh luận là những người theo chủ nghĩa hoài nghi như Jaron Lanier và John Freeman, họ nghi ngờ rằng phần nhiều các công cụ này, ít nhất là trong trạng thái hiện tại, sẽ gây nguy hại cho xã hội, trong khi những người theo chủ nghĩa lạc quan khác như Clive Thompson lại cho rằng chắc chắn chúng đang thay đổi xã hội nhưng theo hướng khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Ví dụ, Google có thể làm giảm trí nhớ của chúng ta, nhưng chúng ta không còn cần phải nhớ quá nhiều nữa vì giờ đây chúng ta có thể tìm kiếm bất cứ điều gì cần biết. Tôi không đứng về bên nào trong cuộc tranh luận mang tính triết học này. Thay vào đó, tôi quan tâm tới một bài báo về hứng thú cá nhân và thực dụng hơn: văn hóa công việc chuyển hướng sang sự hời hợt (dù bạn nghĩ nó là tốt hay xấu về mặt triết học) đang tạo ra cơ hội kinh tế mang tính cá nhân cho những người nhận ra tiềm năng khi đi ngược lại với xu hướng này và ưu tiên mức độ làm việc sâu – một cơ hội đã được nhà tư vấn trẻ tuổi Jason Benn đến từ Virginia thừa nhận cách đây không lâu. Có nhiều cách để nhận ra chúng ta không có giá trị gì trong nền kinh tế. Jason Benn đã hiểu rõ vấn đề không lâu sau khi đảm nhận công việc tư vấn tài chính. Phần lớn trách nhiệm công việc của anh có thể được tự động hóa nhờ một lệnh Excel “chắp vá với nhau”. Công ty thuê Benn lập báo cáo cho các ngân hàng có liên quan đến những giao dịch phức tạp. (Benn nói đùa trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi rằng: “Nó có vẻ thú vị như tên gọi của nó vậy.”) Quá trình lập báo cáo đòi hỏi nhiều giờ làm việc thủ công với dữ liệu trong một loạt bảng tính Excel. Khi mới đến, anh phải mất sáu tiếng để hoàn thành mỗi báo cáo cho giai đoạn này (những người kỳ cựu làm việc hiệu quả nhất công ty có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong ba tiếng). Với Benn, chuyện này có vẻ không ổn cho lắm. Benn nhớ lại: “Theo cách tôi được truyền đạt thì quá trình này có vẻ rườm rà phức tạp và thủ công.” Anh biết rằng Excel có một tính năng được gọi là macro4 cho phép người dùng tự động hóa các tác vụ phổ biến. Benn đã đọc các bài báo về chủ đề này và nhanh chóng tổng hợp một trang tính mới, kết nối với một loạt macro có thể thực hiện quy trình xử lý dữ liệu thủ công trong sáu tiếng và thay thế nó chỉ bằng một cú nhấp chuột. Quá trình viết báo cáo mà lúc đầu anh phải mất một ngày làm việc giờ chỉ tốn chưa đến một tiếng. 4 Một lệnh riêng rẽ bằng ngôn ngữ lập trình mà kết quả là một chuỗi lệnh bằng ngôn ngữ máy tính. (ND) Benn là anh chàng thông minh, tốt nghiệp từ một trường ưu tú (Đại học Virginia) với tấm bằng Kinh tế và giống như nhiều người cùng hoàn cảnh khác, anh cũng có tham vọng cho sự nghiệp của bản thân. Anh không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng những tham vọng này có thể sẽ bị cản trở chừng nào những kỹ năng chuyên môn chính của anh còn có thể được xử lý bằng một macro Excel. Do đó, anh quyết định phải gia tăng giá trị của mình với thế giới. Sau một thời gian nghiên cứu, Benn đi đến kết luận: Anh sẽ thông báo với gia đình về việc từ bỏ công việc hiện tại và trở thành lập trình viên máy tính. Tuy hào hứng với kế hoạch lớn đó, nhưng Ben đã vấp phải một rào cản khác: Anh không biết viết mã. Với tư cách là một nhà khoa học máy tính, tôi có thể chắc chắn một điều rõ ràng rằng: lập trình máy tính là công việc khó khăn. Hầu hết các nhà lập trình mới đều phải mất bốn năm nghiên cứu ở đại học để trau dồi kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu công việc. Thậm chí sau đó, cuộc cạnh tranh cho những vị trí tốt nhất cũng rất khốc liệt. Jason Benn lại chưa hề trải qua giai đoạn này. Sau những trải nghiệm giúp anh thông hiểu hơn về Excel, anh bỏ việc tại công ty tài chính và chuyển về nhà để chuẩn bị cho bước tiếp theo của mình. Cha mẹ anh rất vui vì anh đã có kế hoạch, nhưng họ không hài lòng khi biết rằng lần trở về này anh có thể sẽ ở nhà lâu dài. Benn cần học một kỹ năng cứng và phải học thật nhanh. Chính tại nhà mình, Benn đã đào sâu vào một vấn đề mà nhiều lao động trí óc gặp phải trên con đường hướng tới quỹ đạo nghề nghiệp đang ngày càng bùng nổ. Việc học một thứ gì đó phức tạp như lập trình máy tính đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ – một kiểu tập trung đã khiến Carl Jung quyết định vào khu rừng bao quanh hồ Zurich. Nói cách khác, nhiệm vụ này là một trạng thái hành động của làm việc sâu. Tuy nhiên, hầu hết những người lao động trí óc, như tôi đã nêu trong phần giới thiệu, lại đánh mất khả năng này. Và Benn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi mô tả bản thân trong khoảng thời gian dẫn đến quyết định từ bỏ công việc tài chính của mình, Benn nhận định: “Tôi bị thôi thúc phải truy cập Internet và kiểm tra e-mail liên tục; tôi không thể dừng bản thân lại.” Để nhấn mạnh những khó khăn khi làm việc sâu, Benn đã kể cho tôi nghe về một dự án mà một giám sát viên tại công ty tài chính từng giới thiệu cho anh. Anh giải thích: “Họ muốn tôi lập kế hoạch kinh doanh.” Benn không biết cách lập kế hoạch kinh doanh, vì vậy, anh quyết định sẽ tìm đọc năm kế hoạch hiện có – so sánh và đối chiếu chúng để hiểu được những gì cần làm. Đây là một ý kiến hay, nhưng Benn lại gặp phải một vấn đề: “Tôi không thể tập trung được.” Anh thừa nhận, thời gian đó, có những hôm anh dành gần như từng phút một (“98% thời gian của tôi”) để lướt web. Dự định lập kế hoạch kinh doanh – cơ hội để khẳng định bản thân trong sự nghiệp – đã bị gạt sang một bên. Đến khi bỏ cuộc, Benn mới nhận thức rõ ràng về những khó khăn khi phải làm việc sâu, vì vậy trong lúc tận tâm tận lực học viết mã, anh biết mình cũng phải đồng thời rèn luyện tư duy làm việc sâu. Phương pháp của anh tuy quyết liệt mà hiệu quả. “Tôi đã khóa mình trong một căn phòng không có máy tính, chỉ có sách, bảng ghi chép và một cây bút đánh dấu.” Anh sẽ đánh dấu những cuốn sách giáo khoa về lập trình máy tính, chuyển ý tưởng sang bảng ghi chép và đọc to chúng lên. Tuy việc tránh bị sao lãng bởi các thiết bị điện tử lúc đầu tưởng chừng rất khó khăn, nhưng Benn không còn lựa chọn nào khác: Anh phải nghiên cứu những tài liệu này và đảm bảo rằng không có đối tượng nào khác trong căn phòng có thể khiến anh phân tâm. Dần dần anh đã tập trung tốt hơn và cuối cùng cũng đạt đến độ thường xuyên làm việc trong năm tiếng hoặc hơn mỗi ngày, tập trung cao độ mà không bị phân tâm khi trau dồi kỹ năng mới. Anh nhớ lại: “Có lẽ tôi đã đọc được chừng 18 cuốn sách về chủ đề này tính đến lúc tôi hoàn thành.” Sau hai tháng nhốt mình để nghiền ngẫm, Benn đã tham dự Dev Bootcamp, một khóa học cấp tốc kéo dài 100 giờ mỗi tuần về lập trình ứng dụng web. (Trong quá trình nghiên cứu chương trình, Benn phát hiện ra một thạc sĩ tốt nghiệp trường Princeton từng mô tả Dev là “điều khó khăn nhất tôi từng làm trong đời mình”.) Nhờ sự chuẩn bị và khả năng về làm việc sâu, Benn đã thể hiện rất xuất sắc. Anh nói: “Một số người đến mà chưa có sự chuẩn bị. Họ không thể tập trung và học hỏi một cách nhanh chóng.” Chỉ một nửa số học viên tham gia cùng Benn lúc đầu tốt nghiệp đúng hạn. Benn không chỉ tốt nghiệp, mà còn là học viên giỏi nhất lớp. Làm việc sâu đã được đền đáp. Benn nhanh chóng tìm được việc, trở thành nhà phát triển tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở San Francisco. Nửa năm trước, khi từ bỏ công việc tư vấn tài chính, anh đang kiếm được 40.000 đô-la một năm. Còn giờ đây, công việc mới đang mang lại cho anh 100.000 đô-la – số tiền này cùng mức kỹ năng của anh vẫn có thể tiếp tục tăng, về cơ bản là không giới hạn, tại thị trường Thung lũng Silicon. Lần cuối tôi gặp Benn là khi anh đang nỗ lực cho vị trí mới. Là một tín đồ của phong cách làm việc sâu, anh đã thuê một căn hộ cạnh văn phòng để có thể đến sớm vào mỗi sáng trước khi các nhân viên khác đến và làm việc mà không bị mất tập trung. “Vào những ngày đẹp trời, tôi có thể tập trung trong bốn tiếng trước khi có cuộc họp đầu tiên,” anh nói. “Sau đó, tôi có thể làm thêm ba đến bốn tiếng nữa vào buổi chiều. Ý tôi là ‘tập trung’” thực sự: không e-mail, không Hacker News5, chỉ có lập trình mà thôi.” Đối với một người từng thừa nhận có lúc đã dành đến 98% thời gian trong công việc chỉ để lướt web, thì sự chuyển biến của Jason Benn quả là đáng ngạc nhiên. 5 Trang web nổi tiếng chuyên về các loại hình công nghệ. (TG) Câu chuyện của Jason Benn đã nhấn mạnh một bài học quan trọng: Làm việc sâu không phải là kiểu ra vẻ hoài cổ của các nhà văn và các triết gia hồi đầu thế kỷ XX. Thay vào đó, nó là kỹ năng có giá trị lớn ngày nay. Có hai lý do cho điều này. Lý do đầu tiên phải kể đến việc học tập. Chúng ta có một nền kinh tế thông tin phụ thuộc vào các hệ thống phức tạp đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, một số ngôn ngữ máy tính Benn được học không tồn tại cách đây 10 năm và có thể sẽ lỗi thời sau 10 năm nữa kể từ giờ phút này. Tương tự như vậy, một người sắp bước chân vào lĩnh vực marketing ở thập niên 1990 sẽ không thể biết được ngày nay, họ cần làm chủ kỹ năng phân tích kỹ thuật số. Do đó, để duy trì giá trị trong nền kinh tế, bạn phải nắm vững nghệ thuật học hỏi nhanh chóng những điều phức tạp. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải làm việc sâu. Nếu không tôi luyện khả năng này, bạn có thể sẽ bị tụt hậu trước những tiến bộ kỹ thuật. Lý do thứ hai là bởi tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm giảm rất nhiều yêu cầu về các nguồn lực. Nếu bạn có thể tạo ra giá trị nào đó hữu ích, thì đối tượng có thể tiếp cận chúng (ví dụ, các nhà tuyển dụng hoặc khách hàng) về cơ bản là vô hạn – đó sẽ là phần thưởng hậu hĩnh dành cho bạn. Mặt khác, nếu những gì bạn đang tạo ra thật tầm thường, bạn sẽ gặp rắc rối, vì các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận chúng để tìm ra giải pháp thay thế trực tuyến tốt hơn. Dù bạn là một lập trình viên, nhà văn, chuyên viên marketing, chuyên gia tư vấn hay doanh nhân, thì bạn cũng đang ở trong hoàn cảnh giống như Jung khi cố gắng vượt qua Freud, hoặc Jason Benn khi cố gắng tạo cho riêng mình một khởi đầu ấn tượng: Để thành công, bạn cần phải tạo ra những thứ tuyệt vời nhất có thể – một nhiệm vụ đòi hỏi sự chuyên sâu. Tính cấp thiết của làm việc sâu là một vấn đề còn tương đối mới mẻ. Trong nền kinh tế công nghiệp, chỉ có một số ít lao động chân tay và tầng lớp có chuyên môn cao coi làm việc sâu là vấn đề quan trọng, còn đa số những người khác chỉ có thể làm tốt, họ chưa bao giờ chịu tôi luyện khả năng tập trung mà không bị phân tâm. Họ được trả lương để lắp ráp các linh kiện – và công việc của họ cũng sẽ chẳng thay đổi gì trong vài thập kỷ nếu họ vẫn giữ nguyên như vậy. Nhưng khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thông tin với ngày càng nhiều người lao động trí óc, làm việc sâu sẽ trở thành một yêu cầu then chốt – dù hầu hết mọi người đều chưa ý thức được thực tế này. Nói cách khác, làm việc sâu không phải là một kỹ năng lỗi thời không còn được áp dụng. Thay vào đó, nó là một khả năng quan trọng đối với bất kỳ ai muốn tiến lên trong nền kinh tế thông tin cạnh tranh toàn cầu có xu hướng đào thải những người không thể duy trì được sự tập trung. Phần thưởng thực sự không dành cho những ai cảm thấy thoải mái khi lướt Facebook (một nhiệm vụ tầm phào dễ làm và dễ bắt chước), mà dành cho những người có thể xây dựng các hệ thống phân tán đổi mới triển khai dịch vụ (một nhiệm vụ phức tạp và có chiều sâu, khó sao chép). Làm việc sâu quan trọng đến nỗi chúng ta có thể dùng cách mô tả của nhà văn chuyên viết về kinh doanh Eric Barker là “sức mạnh siêu phàm của thế kỷ XXI”. Giờ chúng ta đã thấy hai luồng tư tưởng – một là nguồn nhân lực làm việc sâu đang ngày càng khan hiếm và hai là giá trị gia tăng của nó – những gì chúng ta có thể kết hợp thành ý tưởng, cung cấp nền tảng cho mọi thứ được trình bày trong cuốn sách này: Giả thuyết làm việc sâu: Năng lực làm việc sâu ngày càng trở nên hiếm hoi vào đúng lúc nó đang dần trở nên giá trị đối với nền kinh tế. Kết quả là, chỉ có một số ít người tôi luyện được kỹ năng này, rồi biến nó thành giá trị cốt lõi trong sự nghiệp, mới có thể phát triển mạnh mẽ. Cuốn sách này nhắm đến hai mục tiêu, được trình bày trong hai phần. Mục tiêu đầu tiên, được giải quyết trong Phần 1, nhằm thuyết phục bạn rằng giả thuyết làm việc sâu là đúng. Mục tiêu thứ hai, được giải quyết trong Phần 2, hướng dẫn bạn cách tận dụng lợi thế của sự thật này bằng cách rèn luyện bộ não và biến thói quen làm việc sâu trở thành kỹ năng. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào chi tiết, tôi muốn dành một chút thời gian để giải thích cách tôi trở thành một tín đồ làm việc sâu. Tôi đã dành cả thập kỷ qua để rèn luyện khả năng tập trung vào những điều khó khăn. Hiểu được nguồn gốc của sự thích thú này giúp tôi biết rằng tôi là nhà khoa học máy tính lý thuyết đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ trong nhóm Lý thuyết Điện toán danh tiếng của MIT – một môi trường chuyên nghiệp mà ở đó khả năng làm việc sâu được coi là một kỹ năng chuyên môn quan trọng. Trong suốt những năm qua, tôi đã chia sẻ với các sinh viên về một người từng giành giải thưởng “Thiên tài” trong Chương trình nghiên cứu sinh MacArthur6 – một giáo sư được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thuê làm việc trước khi đủ tuổi uống rượu hợp pháp7. Không lấy gì làm lạ khi thấy nhà học thuyết này đang ngồi tại một nơi công cộng, nhìn chằm chằm vào những ký hiệu trên bảng trắng, cùng một nhóm các học giả xung quanh ông cũng lặng lẽ ngồi nhìn chằm chằm. Điều này có thể tiếp diễn nhiều giờ liền. Tôi đi ăn trưa rồi trở lại và vẫn thấy họ ngồi ở tư thế đó. Vị giáo sư đặc biệt này rất khó tiếp cận. Ông không xuất hiện trên Twitter và nếu không biết bạn là ai, ông sẽ không bao giờ trả lời e-mail của bạn. Năm ngoái, ông đã công bố 16 bài viết. 6 Chương trình nghiên cứu sinh Mac Arthur, hay còn gọi là Mac Arthur Fellowship là giải thưởng hằng năm dành cho những người “thể hiện đóng góp đặc biệt cũng như hứa hẹn tiếp tục và tăng cường công việc sáng tạo”. Đây được coi là một trong những giải thưởng cao quý, đồng thời còn là một học bổng danh giá của Mỹ. (BTV) 7 Ở Mỹ, chỉ có công dân từ 21 tuổi trở lên mới được phép uống rượu. (BTV) Đây là loại hình tập trung mạnh mẽ từng được tôi áp dụng trong suốt quãng thời gian đi học. Không hề ngạc nhiên khi tôi cũng sớm trở nên gắn bó với kỹ năng làm việc sâu. Việc tôi chưa từng có tài khoản Facebook, Twitter hoặc bất kỳ tài khoản nào trên các phương tiện truyền thông xã hội ngoài blog đã từng khiến bạn bè lẫn các nhà báo mà tôi từng làm việc cùng phải thất vọng. Tôi không lướt web mà xem hầu hết tin tức trên tờ Washington Post và nghe Đài phát thanh quốc gia. Tôi cũng là người thuộc típ khó tiếp cận: Trang web tác giả của tôi không cung cấp địa chỉ e-mail cá nhân và tôi cũng không sở hữu chiếc điện thoại thông minh nào mãi đến năm 2012 (khi người vợ đang mang thai của tôi đưa ra tối hậu thư – “anh phải mang theo chiếc điện thoại di động bên mình trước khi con trai chúng ta chào đời”). Mặt khác, cam kết làm việc sâu cũng mang lại nhiều phần thưởng cho tôi. Trong khoảng 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xuất bản bốn cuốn sách, lấy được bằng tiến sĩ, công bố các tài liệu học thuật được giới chuyên môn đánh giá cao và được thuê làm giáo sư theo nhiệm kỳ tại Đại học Georgetown. Tôi duy trì lượng bài viết đồ sộ này trong khi rất hiếm khi làm việc quá 5 hay 6 giờ chiều các ngày trong tuần. Lịch trình tinh gọn này khá khả thi bởi tôi đã dành nhiều nỗ lực để cắt giảm những hoạt động tầm phào hời hợt trong cuộc sống của mình mà vẫn đảm bảo tận dụng tối đa thời gian thư giãn. Tôi sắp xếp ngày làm việc của mình chủ yếu xoay quanh quá trình làm việc sâu được lựa chọn kỹ lưỡng, còn với các hoạt động hời hợt bề nổi, tôi khó có thể tránh khỏi việc bị chia thành những gánh nặng nhỏ hơn bủa vây lấy lịch trình của tôi. Chúng ta có thể dành ra ba đến bốn giờ một ngày, năm ngày một tuần để tập trung cao độ và tạo ra nhiều giá trị. Cam kết làm việc sâu cũng mang lại cho tôi những lợi ích không mang tính chuyên môn trong công việc. Trong khoảng thời gian từ lúc đi làm về cho đến sáng hôm sau khi bắt đầu ngày làm việc mới, tôi hầu như không chạm vào máy tính ngoại trừ các bài blog tôi thích viết sau khi con ngủ). Khả năng ngắt kết nối hoàn toàn này, chẳng hạn như không vội vàng kiểm tra e-mail công việc, hoặc thường xuyên lang thang trên các phương tiện truyền thông xã hội, đã tạo điều kiện cho tôi quây quần cùng vợ và hai con trai vào buổi tối cũng như đọc những cuốn sách thú vị khi là một người cha bận rộn. Nhìn chung, tránh bị sao lãng khỏi những việc hời hợt giúp làm giảm căng thẳng tinh thần – tác nhân gây nhiễu dường như đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống hằng ngày của con người. Tôi vẫn thấy thoải mái khi trong trạng thái hời hợt và đây là một kỹ năng quý đến mức đáng kinh ngạc – đặc biệt là vào một đêm hè lười biếng tại Washington khi đang lắng nghe một chương trình phát thanh. Qua cuốn sách này, tôi đang cố gắng chính thức hóa và giải thích sức hấp dẫn của làm việc sâu so với làm việc hời hợt, và đưa ra chi tiết các loại chiến lược để làm việc sâu. Tôi đã gắn kết tư duy này với từng câu chữ trong các phần để giúp bạn có thể đi theo sự dẫn dắt của tôi, từ đó tái thiết cuộc sống xung quanh làm việc sâu – nhưng đây chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Tôi còn muốn làm sáng tỏ dần những suy nghĩ này để phát triển thêm khả năng thực hành của bản thân. Tuy việc biết đến giả thuyết làm việc sâu đã giúp tôi phát triển, nhưng tôi tin mình vẫn chưa đạt tới tiềm năng tối đa trong việc tạo ra giá trị. Khi bạn nỗ lực đấu tranh và giành được thắng lợi nhờ những ý tưởng và quy tắc được trình bày trong cuốn sách, bạn có thể tin rằng tôi cũng đang không ngừng tinh lọc những công việc tầm phào và miệt mài rèn luyện mức độ chuyên sâu của mình. (Bạn sẽ học được cách này trong phần kết luận của cuốn sách.) Khi Carl Jung muốn cách mạng hóa lĩnh vực tâm thần học, ông đã xây một nơi ẩn dật trong rừng. Tháp Bollingen của Jung đã trở thành nơi ông có thể duy trì khả năng tư duy sâu và áp dụng kỹ năng đó để tạo ra tác phẩm mang tính độc đáo tuyệt vời làm thay đổi cả thế giới. Trong các trang sau, tôi sẽ cố gắng thuyết phục bạn tham gia cùng tôi vào nỗ lực xây dựng Tòa tháp Bollingen của riêng mình; nuôi dưỡng khả năng tạo ra giá trị thực trong một thế giới đầy rẫy yếu tố gây sao lãng; và nhận ra một chân lý được đúc rút từ những vĩ nhân đi trước: Một cuộc sống làm việc sâu là một cuộc sống tốt đẹp. Phần 1Ý tưởng Chương mộtLàm việc sâu thật đáng giá Khi Ngày Bầu cử phủ bóng đen lên cả nước Mỹ vào năm 2012, lượng truy cập trang web của tờ New York Times đột ngột tăng vọt, chuyện thường thấy ở những thời khắc quan trọng của quốc gia. Nhưng lần này có điều gì đó khác biệt so với những lần trước. Theo một số báo cáo, có hơn 70% – một tỷ lệ vô cùng thiếu cân đối – lượng truy cập ghé thăm một trang web. Đó không phải là một tin giật gân trên trang nhất tờ báo, cũng không phải là bài bình luận từ một trong những người phụ trách chuyên mục giành Giải Putlitzer; mà là một trang blog dự đoán kết quả bầu cử do một gã cuồng số liệu bóng chày tên là Nate Silver nghĩ ra. Trong chưa đầy một năm, cả hai trang tin ESPN và ABC News đều lôi kéo Silver rời Times (bên này đang cố gắng giữ anh lại bằng lời hứa sẽ huy động một tá người viết bài) trong một cuộc đàm phán quan trọng, theo đó Silver sẽ hoạt động trong tất cả lĩnh vực, từ thể thao, thời tiết, các phân mục tin tức mạng cho tới chương trình truyền hình trao giải của Viện Hàn lâm... Dù đã nổ ra tranh cãi về tính chặt chẽ trong phương pháp của các mô hình điều chỉnh thủ công của Silver, nhưng hầu như không ai có thể phủ nhận rằng, vào năm 2012, cao thủ dữ liệu 35 tuổi này chính là người chiến thắng trong nền kinh tế của chúng ta. Một trường hợp khác là David Heinemeir Hansson, ngôi sao lập trình máy tính, tác giả của khung phát triển trang web Ruby on Rails, nơi cung cấp nền tảng cho một số phương tiện truyền thông xã hội được yêu thích nhất, trong đó có Twitter và Hulu. Hansson là đối tác của Basecamp, công ty phát triển có sức ảnh hưởng rất lớn. Tuy anh không công khai số tiền có được từ phần chia lãi của Basecamp hay các nguồn doanh thu khác của mình, nhưng chúng ta có thể coi như chúng vẫn sinh lời, với điều kiện Hansson phân chia thời gian của anh cho Chicago, Malibu và Marbella, Tây Ban Nha, nơi anh thường đắm chìm trong những chặng đua xe công thức. Ví dụ thứ ba và cũng là cuối cùng là John Doerr, một đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byers tại Thung lũng Silicon danh vọng. Doerr đã giúp quỹ đầu tư này và nhiều ông lớn trong ngành công nghệ tạo nên cuộc cách mạng hiện nay, trong đó có Twitter, Google, Amazon, Netscape và Sun Microsystems. Lợi nhuận thu về từ các khoản đầu tư này vô cùng khổng lồ: Tài sản ròng của Doerr cho đến thời điểm viết cuốn sách này là hơn 3 tỷ đô la. Vì sao Silver, Hansson và Doerr lại làm tốt đến vậy? Có hai kiểu câu trả lời cho câu hỏi này. Kiểu đầu tiên mang tínhvi mô, tập trung vào đặc điểm tính cách cũng như những chiến lược giúp chi phối sự trỗi dậy của bộ ba này. Kiểu thứ hai vĩ mô hơn, họ không tập trung nhiều vào cá nhân và chuyển sự chú ý sang loại công việc mà họ đại diện. Dù cả hai cách tiếp cận đều quan trọng, nhưng câu trả lời vĩ mô lại liên quan nhiều hơn đến chủ đề mà chúng ta đang thảo luận bởi chúng sẽ làm sáng tỏ được nhiều điều về những gì mà nền kinh tế hiện nay mang lại cho chúng ta. Để khám phá quan điểm vĩ mô, chúng ta hãy hướng tới hai nhà kinh tế học của MIT, Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee, tác giả của cuốn sách đầy sức ảnh hưởng năm 2011, Race Against the Machine (tạm dịch: Cuộc chạy đua với máy móc). Cuốn sách đã đề cập tới một trường hợp thuyết phục. Đó là sự trỗi dậy của công nghệ số, thứ đã làm biến chuyển thị trường lao động theo cách bất ngờ. Brynjolfsson và McAfee từng giải thích trong cuốn sách của họ như sau: “Chúng ta đang sống trong sự khổ sở của cuộc Tái cơ cấu Vĩ đại. Công nghệ thì đi trước, còn kỹ năng và tổ chức lại lê lết theo sau.” Với nhiều người lao động, sự lê lết này ẩn chứa những tin xấu. Khi máy móc thông minh được cải tiến, khoảng cách giữa máy móc và khả năng con người rút ngắn lại, các chủ doanh nghiệp sẽ ngày càng có xu hướng thuê “máy móc mới” thay vì “người mới”. Khi đó, những cải tiến trong công nghệ liên lạc và phối hợp sẽ khiến làm việc trực tuyến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tạo động lực cho các công ty thuê ngoài những ngôi sao đóng vai trò then chốt – bỏ lại đằng sau một lượng lớn nhân tài trong công ty đang làm những công việc dưới sức. Tuy nhiên, hiện thực không nghiệt ngã đến vậy. Như Brynjolfsson và McAfee phân tích, cuộc Tái cơ cấu Vĩ đại này không làm giảm công việc mà thay vào đó là phân chia chúng. Dù số người thất bại trong nền kinh tế mới đang ngày càng tăng khi kỹ năng của họ đã được tự động hóa hoặc có thể thuê ngoài dễ dàng, thì vẫn có những người khác không chỉ sống sót mà còn vươn mình lớn mạnh – trở nên giá trị hơn (và nhờ đó được tưởng thưởng nhiều hơn) trước đây. Brynjolfsson và McAfee không phải là những người duy nhất đưa ra quỹ đạo lưỡng cực này cho nền kinh tế. Chẳng hạn, năm 2013, nhà kinh tế học của George Mason là Tyler Cowen đã xuất bản cuốn sách Average is Over (tạm dịch: Sự chấm hết của trung bình), để trình bày luận điểm tương tự về hố ngăn cách số8. Nhưng điều khiến phân tích của Brynjolfsson và McAfee đặc biệt hữu dụng nằm ở chỗ họ đã tiến hành nhận diện ba nhóm cụ thể, tập trung theo hướng có lời của sự phân chia này và thu được một số lợi ích bất đối xứng trong Kỷ nguyên Máy móc Thông minh. Không có gì ngạc nhiên, Silver, Hansson và Doerr cũng thuộc ba nhóm này. Hãy cùng đề cập lần lượt mỗi nhóm để hiểu rõ hơn vì sao đột nhiên họ lại có giá trị đến vậy. 8 Hố ngăn cách số, hay còn gọi là khoảng cách số, phân chia kỹ thuật số (digital devide): Tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội trong khả năng truy cập và sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông. (BTV) Người lao động có tay nghề cao Brynjolfsson và McAfee gọi nhóm người do Nate Silver đại diện là những người lao động “có tay nghề cao”. Những tiến bộ như công nghệ rô-bốt và nhận biết giọng nói đang tự động hóa nhiều vị trí không đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhưng như các nhà kinh tế học này nhấn mạnh, “các công nghệ khác như hiển thị dữ liệu, phân tích, liên lạc tốc độ cao và tạo mẫu nhanh đã mang lại nhiều đóng góp cho những lập luận trừu tượng theo định hướng dữ liệu hơn, làm tăng giá trị của những công việc này”. Nói cách khác, những người có khả năng làm việc cùng công nghệ và tạo ra thành quả có giá trị từ những máy móc ngày càng phức tạp sẽ có cơ hội được phát triển. Tyler Cowen đã tóm lược thực tế này một cách thẳng thắn: “Câu hỏi then chốt sẽ là: Bạn có giỏi làm việc với máy móc thông minh hay không?” Dĩ nhiên, Nate Silver chính là hình mẫu điển hình của người lao có tay nghề cao. Những cỗ máy thông minh không phải là trở ngại cho thành công của anh mà ngược lại, là thành phần hỗ trợ tôn lên thành công ấy. Siêu sao Lập trình viên David Heinemeir Hansson là ví dụ về nhóm thứ hai mà Brynjolfsson và McAfee tiên đoán sẽ vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế mới: “những siêu sao”. Các mạng lưới dữ liệu tốc độ cao và các công cụ phối hợp như e-mail và phần mềm họp giả lập đã phá hủy chủ nghĩa địa phương trong nhiều lĩnh vực thuộc về tri thức. Chẳng hạn như, thay vì thuê lập trình viên toàn thời gian và đối mặt với các vấn đề về không gian văn phòng rồi chi trả các loại trợ cấp, bạn có thể thuê một trong những lập trình viên giỏi nhất thế giới, như Hansson, chỉ trong khoảng thời gian đủ để hoàn thành dự án. Trong tình huống này, bạn có thể nhận được một kết quả tốt hơn với ít chi phí hơn, trong khi Hansson sẽ phục vụ được nhiều khách hàng hơn mỗi năm, và nhờ đó mọi chuyện đều kết thúc tốt đẹp. Việc Hansson có thể làm việc từ xa ở Marbella, Tây Ban Nha trong khi văn phòng của bạn thì ở Des Moines, Iowa, cũng không thành vấn đề với công ty bạn, giống như những cải tiến của công nghệ liên lạc và phối hợp đã biến các quy trình trở nên gần như hoàn hảo. (Tuy nhiên, thực tế này lại có vấn đề với những lập trình viên bản địa có tay nghề thấp hơn sinh sống tại Des Moines và cần một nguồn thu nhập ổn định.) Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực mà công nghệ đã giúp làm việc từ xa trở nên hiệu quả và năng suất – như tư vấn, marketing, viết lách, thiết kế… Khi thị trường nhân tài trở nên dễ dàng tiếp cận, thì những người ở trên đỉnh chóp thị trường sẽ tha hồ phát triển trong khi số còn lại phải chịu thiệt thòi. Trong một nghiên cứu tiền đề cho hội thảo năm 1981, nhà kinh tế học Sherwin Rosen đã tìm ra công thức đằng sau những thị trường “người thắng ăn cả” này. Một trong những thành phần then chốt để tạo nên hình mẫu tài năng của ông – được gán ngẫu nhiên cho biến số q trong công thức – là một thừa số có “tính thay thế không hoàn hảo”, mà theo Rosen giải thích: “Nghe một loạt ca sĩ hạng xoàng hát cũng không bằng nghe một nghệ sĩ xuất sắc trình diễn.” Nói cách khác, tài năng không phải là một món hàng bạn có thể mua theo số lượng lớn và kết hợp lại để đạt đến các cấp độ cần thiết: Phần thưởng chỉ dành cho người giỏi nhất. Vì vậy, nếu đang ở giữa chợ, nơi người mua có quyền tiếp cận mọi người bán và giá trị q của mọi người đều rõ ràng, người mua sẽ chọn thứ tốt nhất. Ngay cả khi lợi thế tài năng của người tốt nhất cũng chỉ nhỉnh hơn một chút, thì những siêu sao vẫn sẽ giành được lợi thế lớn trên thị trường. Vào những năm 1980, khi nghiên cứu hiệu ứng này, Rosen tập trung chủ yếu vào các ngôi sao điện ảnh hay ngôi sao ca nhạc, nơi đã sẵn có thị trường rõ ràng, chẳng hạn như các cửa hàng âm nhạc và rạp chiếu phim, tại đó khán giả được tiếp cận những nghệ sĩ khác nhau và có thể ước lượng chính xác tài năng của họ trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông và phối hợp đã biến nhiều thị trường bản địa thành một khu chợ toàn cầu. Công ty nhỏ tìm kiếm một lập trình viên máy tính hay một tư vấn viên quan hệ công chúng giờ đây đã có thể tiếp cận thị trường quốc tế bạt ngàn tài năng theo cách thức tương tự như người hâm mộ âm nhạc tại các thị trấn nhỏ lờ đi những nghệ sĩ chơi nhạc địa phương để đến cửa hàng đĩa mua album từ những ban nhạc đỉnh nhất thế giới. Nói cách khác, hiệu ứng siêu sao ngày nay có tầm ảnh hưởng rộng rãi hơn so với những gì Rosen tiên đoán từ 30 năm trước. Chủ sở hữu Nhóm cuối cùng và cũng là nhóm phát triển rực rỡ trong nền kinh tế mới của chúng ta – do John Doerr đại diện – bao gồm những người có vốn đầu tư vào các công nghệ mới đang chi phối cuộc Tái cơ cấu Vĩ đại. Như chúng ta đã biết từ thời Marx, quyền tiếp cận vốn tư bản đã mang lại những lợi thế khổng lồ. Tuy nhiên, một số thời kỳ sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi thế hơn những thời kỳ khác. Như Brynjolfsson và McAfee đã chỉ ra, châu Âu thời hậu chiến là ví dụ điển hình về thời điểm xấu khi ngồi trên một núi tiền, cũng như sự kết hợp giữa lạm phát tăng nhanh và áp thuế gay gắt đã xóa bỏ những vận may cũ bằng tốc độ đáng kinh ngạc (chúng ta có thể gọi đây là “hiệu ứng Downton Abbey”). Cuộc Tái cơ cấu Vĩ đại, không giống như giai đoạn hậu chiến, là thời điểm vàng để tiếp cận vốn. Để hiểu vì sao, trước hết chúng ta hãy ôn lại lý thuyết thương lượng, yếu tố chủ chốt trong tư duy kinh tế tiêu chuẩn. Lý thuyết này lập luận rằng, khi người ta có thể kiếm được tiền thông qua sự kết hợp của đầu tư vốn và nhân công, thì họ sẽ thu được thành quả đại khái là cân đối với đầu vào. Do công nghệ số đã làm giảm nhu cầu lao động trong nhiều ngành nghề, nên tỷ lệ thành quả thu được của những người sở hữu máy móc thông minh lại ngày càng tăng. Một nhà đầu tư mạo hiểm trong nền kinh tế hiện nay có thể góp vốn vào Instagram, công ty đã được bán với giá 1 tỷ đô-la trong khi chỉ thuê13 người. Liệu còn giai đoạn nào trong lịch sử từng chứng kiến một lượng nhỏ nhân công lại tạo ra giá trị lớn đến thế không? Với đầu vào nhân công ít như vậy, tỷ lệ tài sản hoàn lại cho chủ sở hữu máy móc – trong trường hợp này là các nhà đầu tư mạo hiểm – lại không hề có tiền lệ. Chẳng lạ gì khi một nhà đầu tư mạo hiểm mà tôi phỏng vấn trong cuốn sách mới nhất đã thừa nhận với tôi kèm theo sự quan ngại nào đó rằng: “Ai cũng thèm muốn công việc của tôi.” Ta hãy tổng kết các chủ đề đã bàn đến thời điểm này: Như tôi đã khảo sát, tư duy kinh tế hiện đại lập luận rằng sự phát triển chưa có tiền lệ và tác động của công nghệ đang tạo nên một cuộc tái cơ cấu hàng loạt trong nền kinh tế. Trong nền kinh tế mới mở đó, ba nhóm sau đây sẽ có lợi thế đặc biệt: những người có thể làm tốt và sáng tạo cùng máy móc thông minh, những người làm tốt nhất trong lĩnh vực của mình và những người có thể tiếp cận vốn. Rõ ràng, cuộc Tái cơ cấu Vĩ đại do các nhà kinh tế học như Brynjolfsson, McAfee và Cowen nhận định không phải là xu hướng kinh tế duy nhất quan trọng lúc này và ba nhóm được đề cập ở trên không phải là những nhóm duy nhất sẽ làm tốt, nhưng điều cốt yếu là những xu hướng này dù không phải là duy nhất nhưng lại rất quan trọng, nên những nhóm này vẫn sẽ tồn tại và phát triển. Vì thế, nếu có thể gia nhập bất kỳ nhóm nào trong số đó, bạn sẽ làm tốt. Nếu không, dù có thể vẫn làm tốt nhưng vị trí của bạn sẽ bấp bênh hơn. Câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt lúc này rõ ràng là: Làm thế nào để có thể gia nhập vào nhóm những người chiến thắng? Dù điều này có thể sẽ dập tắt nhiệt huyết đang dâng trào trong bạn, nhưng tôi vẫn phải thú nhận rằng chẳng có bí mật nào có thể giúp bạn nhanh chóng tích lũy vốn và trở thành John Doerr tiếp theo. (Nếu có, làm gì có chuyện tôi chia sẻ chúng trong một cuốn sách.) Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tiếp cận hai nhóm chiến thắng kia. Mục tiêu tiếp theo của chúng ta chính là tiếp cận chúng. Làm thế nào để trở thành người chiến thắng trong nền kinh tế mới? Tôi đã xác định được hai nhóm có khả năng phát triển lớn mạnh: những người có thể làm việc sáng tạo với máy móc thông minh và những người đang là ngôi sao sáng trong lĩnh vực của mình. Đâu là bí quyết tạo ra những lĩnh vực sinh lời có hố ngăn cách số ngày càng rộng? Tôi cho rằng đó là nhờ hai khả năng cốt lõi sau đây. Hai khả năng cốt lõi giúp phát triển trong nền kinh tế mới 1. Khả năng nhanh chóng nắm bắt những vấn đề khó. 2. Khả năng tạo ra sản phẩm ở mức độ cao cấp, xét về cả chất lượng và tốc độ. Hãy bắt đầu từ khả năng đầu tiên. Cần nhớ rằng chúng ta vẫn thường bị lôi kéo bởi trực giác và trải nghiệm người dùng đến từ các loại công nghệ hướng đến người dùng như Twitter và iPhone. Dù vậy, những ví dụ này chỉ là các sản phẩm dành cho người dùng, chứ không phải là những công cụ nghiêm túc: Hầu hết máy móc thông minh đang chi phối cuộc Tái cơ cấu Vĩ đại đều phức tạp, khó hiểu rõ và khó nắm bắt hơn. Hãy xem xét trường hợp của Nate Silver, ví dụ dễ thấy về một cá nhân đã thăng hoa nhờ phối hợp tốt với công nghệ phức tạp. Nếu phân tích sâu hơn phương pháp luận của anh, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng việc đưa ra các dự báo bầu cử dựa trên dữ liệu không dễ như gõ dòng “Ai sẽ giành được nhiều phiếu bầu hơn?” trong hộp thoại tìm kiếm. Thay vào đó, anh duy trì một cơ sở dữ liệu lớn về kết quả thăm dò (hàng nghìn cuộc thăm dò từ hơn 250 đơn vị thăm dò) để nhập vào Stata, hệ thống phân tích thống kê phổ biến do hãng StataCorp sản xuất. Đây không phải là những công cụ dễ thành thạo. Ví dụ, đây là câu lệnh mà bạn cần hiểu để tiến hành công việc với cơ sở dữ liệu hiện đại như Silver dùng: CREATE VIEW cities AS SELECT name, population, altitude FROM capitals UNION SELECT name, population, altitude FROM non_capitals; Cơ sở dữ liệu loại này được tra vấn bằng ngôn ngữ SQL9. Bạn gửi cho chúng các dòng lệnh như trên để tương tác với thông tin được lưu trữ. Hiểu rõ cách sử dụng các cơ sở dữ liệu này là việc vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, dòng lệnh ở ví dụ trên tạo ra một “hiển thị” (view): Một bảng cơ sở dữ liệu giả lập gom các dữ liệu từ nhiều bảng có sẵn về cùng một chỗ, sau đó, bảng có thể được xử lý bằng các lệnh SQL giống như một bảng tiêu chuẩn. Khi nào thì tạo ra các hiển thị và làm sao để làm được như vậy là câu hỏi không hề đơn giản, một trong số các câu trả lời là bạn phải hiểu và thành thạo cách tạo ra những kết quả hợp lý từ những cơ sở dữ liệu trong thế giới thực. 9 Ngôn ngữ SQL (Structured Query Language), hay ngôn ngữ truy vấn mang tính cấu trúc, là một loại ngôn ngữ máy tính phổ biến để tạo, sửa và lấy dữ liệu từ một hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ. (BTV) Quay trở lại với anh chàng Nate Silver của chúng ta, hãy xét đến công nghệ còn lại mà anh dựa vào: Stata. Đây là một công cụ mạnh mẽ và chắc chắn không phải là thứ gì đó bạn có thể học được bằng cách tìm tòi sơ lược qua loa. Ví dụ, đây là mô tả những tính năng bổ sung cho phiên bản mới nhất của phần mềm này: “Stata 13 bổ sung nhiều tính năng mới như hiệu ứng xử lý, GLM đa cấp, nguồn điện và kích cỡ mẫu, SEM khái quát hóa, dự báo, kích cỡ hiệu ứng, quản lý dự án, chuỗi dài và BLOBs...” Silver sử dụng phần mềm phức tạp này – cùng với SEM và BLOBs khái quát hóa – để xây dựng các mô hình phức tạp với các bộ phận lồng ghép vào nhau: nhiều lần hồi quy, được tiến hành trên các thông số tùy chỉnh, sau đó được tham chiếu dưới dạng trọng số tùy chỉnh được sử dụng trong các biểu thức xác suất, v.v… Chúng tôi cung cấp những chi tiết này nhằm nhấn mạnh rằng máy móc thông minh rất phức tạp và khó có thể thành thạo được.10 Do đó, để gia nhập nhóm có thể làm việc tốt cùng những máy móc này, bạn bắt buộc phải trau dồi khả năng để nắm được những điều hóc búa. Chưa kể vì những công nghệ này luôn thay đổi nhanh chóng, nên quá trình nắm bắt này sẽ không bao giờ kết thúc: Bạn phải có khả năng làm điều đó một cách nhanh chóng và lặp đi lặp lại. 10 Thực tế công nghệ phức tạp mà các công ty tận dụng để thành công nhấn mạnh vào sự phi lý của quan niệm phổ biến hiện nay là tìm ra các sản phẩm đơn giản, hướng đến người dùng – đặc biệt là tại các trường học – bằng cách trang bị cho sinh viên những công cụ để đạt đến thành công trong nền kinh tế công nghệ cao. Việc cho phép họ sử dụng iPad hoặc ghi hình bài tập về nhà rồi đăng trên YouTube giúp họ có thể sẵn sàng cho nền kinh tế mới như khi chơi trò Hot Wheels (một trò chơi đua xe vượt chướng ngại vật – BTV) sẽ giúp phát triển mạnh khả năng trong lĩnh vực cơ học tự động. (TG) Dĩ nhiên, khả năng học hỏi nhanh chóng này không chỉ cần thiết khi bạn thao tác cùng các máy móc thông minh; nó còn đóng vai trò then chốt trong nỗ lực giúp bạn trở thành siêu sao trong bất kỳ lĩnh vực nào – kể cả khi chuyên môn của bạn không mấy liên quan tới công nghệ. Ví dụ, trở thành một giáo viên yoga đẳng cấp thế giới đòi hỏi bạn phải thành thạo bộ kỹ năng thể chất ngày càng phức tạp. Một ví dụ khác, nếu muốn vượt trội trong một lĩnh vực y tế cụ thể, bạn phải có khả năng nhanh chóng nắm được nghiên cứu mới nhất về các thủ tục có liên quan. Nói một cách ngắn gọn thì: Nếu không thể học hỏi, bạn sẽ không thể lớn mạnh. Giờ hãy xét đến khả năng cốt lõi thứ hai trong danh sách trên: tạo ra sản phẩm ở mức độ cao cấp. Nếu bạn muốn trở thành một siêu sao, thì việc thuần thục những kỹ năng có liên quan là yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Bạn còn phải biết chuyển đổi tiềm năng thành những kết quả hữu hình mà người khác có thể định giá được. Ví dụ, nhiều nhà phát triển có thể lập trình máy tính rất giỏi, nhưng David Hansson, siêu sao trong ví dụ mà chúng ta từng đề cập, đã tận dụng năng lực của mình để tạo ra Ruby on Rails, dự án làm nên tên tuổi của anh. Ruby on Rails đòi hỏi Hansson phải đẩy kỹ năng hiện tại của mình tới giới hạn, tạo ra những kết quả có giá trị cụ thể và đáng giá. Khả năng tạo ra sản phẩm cũng áp dụng cho những người mong muốn hiểu rõ các máy móc thông minh. Đối với Nate Silver, sẽ là không đủ nếu anh chỉ học cách vận dụng những bộ dữ liệu lớn rồi chạy phân tích thống kê; anh còn cần phải chứng minh rằng mình có thể sử dụng kỹ năng này để thu được thông tin từ những cỗ máy thu hút được nhiều sự quan tâm. Silver đã làm việc cùng nhiều chuyên gia thống kê trong suốt quãng thời gian ở công ty Baseball Prospectus11, nhưng chỉ có mình anh nỗ lực khiến những kỹ năng này thích ứng với lĩnh vực dự đoán bầu cử mới mẻ và có khả năng sinh lời tốt hơn. Điều này mang đến một cái nhìn tổng quan khác đối với việc gia nhập bảng xếp hạng những người chiến thắng trong nền kinh tế: Nếu không vận động, bạn sẽ không thể lớn mạnh – dù bạn có kỹ năng tốt hay tài năng đến đâu đi nữa. 11 Công ty chuyên cung cấp các dữ liệu thống kê có liên quan đến bộ môn bóng chày. (BTV) Sau khi thiết lập hai khả năng căn bản để đạt được thành công trong thế giới mới đang bị công nghệ làm gián đoạn, giờ đây chúng ta có thể đến với câu hỏi tiếp theo: Chúng ta phải làm gì để tôi rèn những khả năng cốt lõi này? Điều này lại dẫn chúng ta đến với luận điểm chính của cuốn sách: Hai khả năng cốt lõi vừa được mô tả đều phụ thuộc vào khả năng làm việc sâu của bạn. Nếu chưa thuần thục kỹ năng cơ bản này, bạn sẽ phải chật vật để học được những điều hóc búa hay tạo ra sản phẩm cao cấp. Sự phụ thuộc đó không rõ ràng ngay lập tức; nó đòi hỏi sự khoa học trong quá trình học hỏi, tập trung và năng suất. Các phần tiếp theo của cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn rõ hơn. Làm việc sâu giúp bạn nhanh chóng học được những điều hóc búa “Hãy để tâm trí bạn biến thành thấu kính nhờ tia hội tụ chú ý; hãy để linh hồn bạn tràn đầy hứng thú với một ý tưởng chủ đạo, choán hết tâm trí bạn.” Lời khuyên này đến từ Antonin-Dalmace Sertillanges, một thầy tu kiêm giáo sư môn triết học đạo đức người Dominica, người đã viết nên cuốn sách mỏng nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong suốt những năm đầu thế kỷ XX, The Intellectual Life (tạm dịch: Cuộc sống tri thức). Sertillanges đã viết cuốn sách dưới dạng cẩm nang đề cập đến “quá trình phát triển và đào sâu của tâm trí” dành cho những ai đang sống trong thế giới của những ý tưởng. Thông qua The Intellectual Life, Sertillanges nhận ra sự cần thiết của việc thành thạo những yếu tố phức tạp và giúp người đọc sẵn sàng đương đầu với thách thức này. Qua đó, cuốn sách của ông đã chứng minh được sự hữu ích của nó trong việc giúp con người nhanh chóng nắm bắt được những kỹ năng (nhận thức) khó học. Để hiểu được lời khuyên của Sertillanges, chúng ta hãy cùng xem lại lời trích dẫn ở trên. Lời trích này được diễn đạt lại dưới nhiều hình thức trong cuốn The Intellectual Life, theo đó Sertillanges lập luận rằng để nâng cao tầm hiểu biết trong lĩnh vực của mình, bạn phải nắm được những chủ đề có liên quan một cách có hệ thống, cho phép “tia hội tụ chú ý” khám phá ra sự thật ẩn sâu trong mỗi chủ đề. Nói cách khác, ông cho rằng: Bạn phải tập trung sâu sắc khi muốn học hỏi. Ý tưởng này hóa ra lại đi trước thời đại. Trong quá trình suy ngẫm về hành trình của tâm trí vào thập niên 1920, Sertillanges đã khám phá ra sự thật về việc thành thạo các công việc đòi hỏi nhận thức, những công việc sẽ khiến giới học thuật phải mất thêm bảy thập kỷ nữa để hình thức hóa. Công việc hình thức hóa này chính thức bắt đầu từ thập niên 1970, khi một nhánh của tâm lý học, đôi khi được gọi là tâm lý hiệu suất, bắt đầu khám phá một cách có hệ thống về những điều làm nên sự khác biệt giữa các chuyên gia (trong nhiều lĩnh vực khác nhau) với những người khác. Đầu thập niên 1990, K. Anders Ericsson, một giáo sư tại Đại học Bang Florida, đã tập hợp các manh mối để tạo nên một câu trả lời chặt chẽ, phù hợp với những ấn phẩm nghiên cứu đang xuất hiện ngày càng nhiều, và đặt cho nó một cái tên thuyết phục: thực hành có chủ đích. Ericsson đã mở đầu bài luận về chủ đề mới mẻ này bằng một lời khẳng định mạnh mẽ: “Chúng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng những khác biệt này [giữa chuyên gia và người thường] là bất khả biến… Thay vào đó, chúng tôi đi đến kết luận rằng những khác biệt giữa chuyên gia và người thường phản ánh nỗ lực có chủ đích suốt cả đời nhằm nâng cao hiệu suất trong một lĩnh vực cụ thể.” Đặc biệt, văn hóa Mỹ rất thích các tình tiết phi thường (“Các anh có biết điều này dễ đến mức nào không?” Nhân vật của Matt Damon trong bộ phim Good Will Hunting (tạm dịch: Chàng Will tốt bụng) đã dở khóc dở cười khi anh nhanh chóng giải được bài toán khó từng khiến nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới bối rối). Ericsson đã đề xướng ngành nghiên cứu này, và đến giờ nó đã được chấp nhận rộng rãi (trước dự tính12), khiến những câu chuyện viển vông đó không còn được ưa chuộng. Muốn thành thạo một công việc đòi hỏi về nhận thức thì bắt buộc phải có dạng thực hành đặc trưng này – tuy nhiên, vẫn có một vài ngoại lệ đối với những thiên tài bẩm sinh. (Cũng theo điểm này, Sertillanges có vẻ đã đi trước thời đại khi trình bày lập luận trong cuốn The Intellectual Life: “Các thiên tài, bản thân họ xuất sắc là vì họ đã đem tất cả năng lực của mình ra để dồn vào những gì họ quyết định sẽ thể hiện hết sức.” Ericsson không thể nói hay hơn thế.) 12 Sau khi Malcolm Gladwell truyền bá ý tưởng về thực hành có chủ đích trong cuốn sách bán chạy năm 2008 của mình có tựa đề Outliers: The Story of Success (Những kẻ xuất chúng), ý tưởng này đã trở thành xu hướng trong giới tâm lý (nhóm người nhìn chung luôn hoài nghi tất cả những gì Gladwell đề xuất). Nhiều người đã chọc ngoáy giả thiết về thực hành có chủ đích. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu này đều không phủ nhận tính cần thiết của thực hành có chủ đích, mà thay vào đó, chúng lại cố gắng chứng minh rằng các yếu tố khác cũng đóng vai trò trong hiệu suất làm việc của cấp chuyên gia. Trong một bài báo có tựa đề: “Vì sao hiệu suất làm việc của các chuyên gia lại đặc biệt và không thể ngoại suy từ các nghiên cứu về hiệu suất của người thường: Câu trả lời cho những lời chỉ trích” được xuất bản trên tạp chí Intelligence 45 (2014): 81-103, Ericsson đã phủ nhận nhiều nghiên cứu kiểu này. Trong bài báo, giữa nhiều luận điểm khác, Ericsson lập luận rằng bản phác thảo thực nghiệm của các bài phê bình này thường không hoàn thiện, bởi họ thường giả định rằng bạn có thể ngoại suy sự khác nhau giữa những người bình thường và những người trên mức bình thường trong một lĩnh vực cho trước thành sự khác nhau giữa các chuyên gia và những người không phải là chuyên gia. (TG) Điều này đưa chúng ta tới câu hỏi rốt cuộc thực hành có chủ đích đòi hỏi điều gì. Người ta thường nhận biết các yếu tố cốt lõi của nó theo cách sau: (1) toàn tâm toàn ý dồn sức vào một kỹ năng cụ thể mà bạn đang cố gắng nâng cao hoặc một ý tưởng mà bạn đang cố gắng nắm bắt; (2) đón nhận phản hồi để có thể sửa đổi phương pháp của mình nhằm duy trì sự chú ý và chính xác tới những điểm có năng suất cao nhất. Yếu tố đầu tiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với nội dung thảo luận của chúng ta, nó nhấn mạnh rằng thực hành có chủ đích không thể tồn tại song song với sự phân tâm, thay vào đó, nó đòi hỏi sự tập trung không gián đoạn. Như Ericsson nhấn mạnh: “Sự chú ý bị phân tán gần như đối nghịch với sự chú ý tập trung mà thực hành có chủ đích đòi hỏi”. Theo các nhà tâm lý, Ericsson và những nhà nghiên cứu khác cùng lĩnh vực không hứng thú với câu hỏi vì sao thực hành có chủ đích lại hiệu quả; họ chỉ coi nó như một hành vi hiệu quả mà thôi. Tuy nhiên, sau nghiên cứu quan trọng đầu tiên của Ericsson về chủ đề này, các nhà khoa học thần kinh đã khám phá ra các cơ chế vật lý chi phối sự tiến bộ của con người trong những nhiệm vụ khó khăn. Theo khảo sát của nhà báo Daniel Coyle trong cuốn sách The Talent Code(Mật mã tài năng) ra mắt năm 2009, các nhà khoa học ngày càng tin tưởng rằng câu trả lời nằm ở myelin – một lớp mô mỡ phát triển quanh các nơ-ron, hoạt động như một lớp cách nhiệt cho phép các tế bào đốt cháy nhanh hơn và sạch hơn. Để hiểu được vai trò của myelin trong quá trình tiến bộ, hãy nhớ rằng các kỹ năng, dù là trí tuệ hay thể chất, cuối cùng cũng sẽ quy về mạch não. Ngành khoa học hiệu suất còn mới mẻ này lập luận rằng khi trau dồi một kỹ năng, bạn cũng đồng thời sản sinh thêm nhiều myelin quanh các nơ-ron liên quan, cho phép mạch tương ứng đốt cháy dễ dàng và hiệu quả hơn. Hiểu biết này rất quan trọng, bởi nó được dựa trên nền tảng thần kinh giải thích vì sao thực hành có chủ đích lại hiệu quả. Thông qua việc tập trung cao độ vào một kỹ năng cụ thể, bạn sẽ thúc đẩy quá trình đốt cháy ở mạch liên quan và quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lớp bao ngăn cách. Việc sử dụng liên tục các tế bào kích hoạt mạch cụ thể này sẽ hình thành nên tế bào thần kinh đệm ít gai (oligodendrocyte) để bắt đầu bao bọc các lớp myelin quanh các nơ-ron trong mạch – giúp củng cố hiệu quả kỹ năng. Do đó, tầm quan trọng của việc tập trung cao độ vào nhiệm vụ trước mắt, tránh phân tâm nằm ở chỗ đây là cách duy nhất để cô lập mạch thần kinh có liên quan đủ để kích hoạt quá trình sản sinh myelin có ích. Ngược lại, nếu bạn cứ cố học một kỹ năng mới phức tạp (quản lý cơ sở dữ liệu SQL chẳng hạn) trong tình trạng kém tập trung (có thể là do bảng tin của Facebook), bạn sẽ đốt cháy quá nhiều mạch cùng lúc và bừa bãi để cô lập nhóm nơ-ron mà bạn thực sự muốn tăng cường. Trong suốt một thế kỷ kể từ khi Antonin-Dalmace Sertillanges lần đầu viết về việc sử dụng tâm trí như một thấu kính của tia hội tụ chú ý, chúng ta đã đi từ phép ẩn dụ nâng cao này tới lời giải thích tuy ít thi vị nhưng rõ ràng hơn, được biểu hiện qua các tế bào thần kinh đệm ít gai. Đồng thời, điều này cũng đưa đến một kết luận khó tránh khỏi: Để nhanh chóng học hỏi những vấn đề hóc búa, bạn phải tập trung cao độ và không được phân tâm. Nói cách khác, học hỏi là một hành động của làm việc sâu. Nếu cảm thấy thoải mái khi chuyên tâm, bạn cũng sẽ thoải mái khi thành thạo các hệ thống và kỹ năng ngày càng phức tạp nhưng cần thiết để tiến xa hơn trong nền kinh tế. Ngược lại, nếu bạn luôn cảm thấy khó chịu và phân tâm ở khắp nơi, đừng hy vọng những hệ thống và kỹ năng này sẽ dễ dàng đến với bạn. Làm việc sâu sẽ giúp bạn tạo ra sản phẩm xuất sắc Adam Grant đã lao động ở cấp độ xuất sắc. Khi tôi gặp Grant năm 2013, anh là giáo sư trẻ nhất được bổ nhiệm tại Trường Kinh doanh Wharton ở Pennsylvania. Một năm sau, khi tôi bắt đầu viết chương này (và chỉ mới bắt đầu nghĩ đến quy trình bổ nhiệm của mình), thì nghe được tin: Giờ thì Grant là giáo sư13 trẻ nhất tại Wharton. 13 Ở Mỹ có ba bậc giáo sư: trợ lý giáo sư (assistant), phó giáo sư (associate) và giáo sư (full professor). Theo quy trình, bạn sẽ được thuê làm trợ lý giáo sư và được thăng chức lên phó giáo sư sau khi được bổ nhiệm. Giáo sư là học hàm thường đòi hỏi nhiều năm thành tựu và có những đóng góp đáng kể trong một lĩnh vực. (BTV) Lý do Grant thăng tiến nhanh như vậy trong lĩnh vực học thuật hết sức đơn giản: Anh lao động. Năm 2012, Grant công bố bảy bài báo – tất cả đều xuất hiện trên các tạp chí lớn. Đây là một tỷ lệ cao đến phi lý trong lĩnh vực của anh (các giáo sư thường có xu hướng làm việc một mình hoặc trong một nhóm hợp tác nho nhỏ, không có các nhóm lớn sinh viên hay thực tập sau tiến sĩ hỗ trợ nghiên cứu của họ). Năm 2013, con số này giảm xuống còn năm. Đây vẫn là một tỷ lệ cao đến phi lý dù nó chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của anh. Tuy nhiên, anh cũng có thể đưa ra lý do rằng cùng năm đó, anh đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề Give and Take (Cho khế nhận vàng), tác phẩm đã góp phần quảng bá một số nghiên cứu của anh về mối quan hệ trong kinh doanh. Nói cuốn sách này thành công thôi là chưa đủ. Nó còn được vinh danh trên trang bìa New York Times Magazine và tiếp tục trở thành một tác phẩm bán chạy trên diện rộng. Khi Grant được trao học hàm giáo sư năm 2014, ngoài cuốn sách này, anh đã viết hơn 60 bài bình duyệt. Không lâu sau khi gặp Grant, khi trong đầu vẫn còn canh cánh về sự nghiệp học thuật của mình, tôi không thể không hỏi anh về hiệu suất làm việc phi thường đó. May cho tôi là anh đã vui vẻ chia sẻ suy nghĩ của mình về chủ đề này. Thì ra Grant nghĩ rất nhiều về cách thức tạo ra sản phẩm ở mức xuất sắc. Ví dụ, anh gửi cho tôi một bộ slide PowerPoint của một hội thảo mà anh đã tham dự cùng một số giáo sư khác trong lĩnh vực. Sự kiện tập trung vào việc quan sát dựa trên dữ liệu về cách tạo ra các bài viết học thuật ở mức tối ưu. Các slide bao gồm biểu đồ tròn nêu chi tiết việc phân bổ thời gian cho mỗi mùa, một lưu đồ ghi lại sự phát triển trong mối quan hệ với các đồng tác giả, và danh sách gợi ý đọc với hơn 20 đề mục. Những giáo sư kinh doanh này không sống trong sự rập khuôn của thứ học thuật lơ đãng và lạc lõng trong những cuốn sách, và thỉnh thoảng họ sẽ tình cờ nghĩ ra một ý tưởng lớn. Họ coi hiệu suất như một vấn đề khoa học cần giải quyết một cách có hệ thống – mục tiêu mà Adam Grant có vẻ đã đạt được. Dù hiệu suất của Grant còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố đặc biệt có vẻ là tâm điểm trong phương pháp của anh: tổ chức những công việc trí tuệ khó khăn nhưng quan trọng thành một mạch dài, không gián đoạn. Grant thực hiện việc tập hợp này ở nhiều cấp độ. Trong năm, anh bố trí công việc giảng dạy vào kỳ học mùa thu, trong suốt thời gian đó, anh có thể dồn toàn bộ sự chú ý vào công tác giảng dạy và luôn sẵn sàng vì sinh viên. (Phương pháp này có vẻ hiệu quả, khi Grant hiện là giảng viên được đánh giá cao nhất tại Wharton, và là người giành được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực giảng dạy.) Thông qua việc dồn lực cho hoạt động giảng dạy vào mùa thu, Grant có thể hướng toàn bộ sự chú ý cho công tác nghiên cứu vào mùa xuân và hè, mà ít bị phân tâm hơn. Grant cũng dồn sự chú ý theo phạm vi thời gian nhỏ hơn. Trong kỳ học mang tính nghiên cứu, anh cũng xen kẽ các giai đoạn, khi thì để ngỏ cửa văn phòng để tiếp các sinh viên và đồng nghiệp, khi thì cô lập mình để hoàn toàn tập trung và tránh sao lãng khi nghiên cứu. (Về căn bản, anh phân chia việc nghiên cứu học thuật thành ba nhiệm vụ riêng rẽ: phân tích dữ liệu, viết bản thảo đầy đủ và chỉnh sửa bản thảo thành tác phẩm chính thức.) Trong suốt giai đoạn có thể kéo dài tới ba, bốn ngày này, anh thường cài đặt trình trả lời tự động không-ở-văn-phòng trên e-mail để người gửi đừng chờ hồi âm. Anh nói với tôi: “Đôi khi việc đó khiến các đồng nghiệp của tôi bối rối. Họ nói: ‘Anh có ra ngoài đâu, tôi thấy anh đang ở trong văn phòng còn gì!’” Nhưng với Grant, áp đặt nghiêm khắc sự cách ly cho đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ mới là điều quan trọng. Tôi đoán rằng thực chất Adam Grant không làm nhiều giờ hơn giáo sư ở các viện nghiên cứu hàng đầu (nhìn chung, đây là nhóm người có thiên hướng nghiện công việc), nhưng anh vẫn thu xếp để tạo ra nhiều sản phẩm hơn bất kỳ ai cùng lĩnh vực. Tôi cho rằng chính phương pháp tập hợp công việc đã giải thích cho nghịch lý này. Cụ thể, bằng cách tập hợp công việc thành các mạch có cường độ cao và không đứt quãng, anh tận dụng quy luật hiệu suất sau: Thành quả của công việc có chất lượng cao = (Thời gian bỏ ra) × (Cường độ tập trung) Nếu tin vào công thức này, bạn sẽ thấy những thói quen của Grant rất có ý nghĩa: Thông qua việc tối đa hóa cường độ làm việc, anh đã tối đa hóa được những thành quả mà anh tạo ra trên mỗi đơn vị thời gian làm việc. Đây không phải là lần đầu tôi bắt gặp khái niệm hiệu suất được viết dưới dạng công thức này. Lần đầu là khi tôi đang nghiên cứu cuốn sách thứ hai của mình: How to Become a Straight-A Student (tạm dịch: Làm sao để trở thành một sinh viên điểm A toàn diện) nhiều năm trước. Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã phỏng vấn khoảng 50 sinh viên đại học có điểm rất tốt đến từ một trong những trường có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất nước Mỹ. Điều tôi nhận ra từ các cuộc phỏng vấn này là những sinh viên giỏi nhất thường học ít hơn những sinh viên có điểm GPA14 thấp hơn họ. Một trong những lời giải thích cho hiện tượng này hóa ra chính là công thức đã nêu ở trên: Những sinh viên giỏi nhất hiểu được vai trò của cường độ học tập đối với hiệu suất và vì vậy, họ đã làm mọi cách để tối đa hóa sự tập trung – giảm đáng kể thời gian bắt buộc để chuẩn bị cho các bài kiểm tra hay viết bài nghiên cứu, mà không làm giảm bớt chất lượng kết quả của mình. 14 GPA (Grade Point Average): Điểm trung bình đánh giá sinh viên theo hệ thống giáo dục Mỹ. (BTV) Ví dụ về Adam Grant cho thấy công thức về cường độ này còn áp dụng cho cả điểm GPA và những thứ có liên quan tới các công việc đòi hỏi nhận thức khác. Nhưng tại sao lại thế? Sophie Leroy, Giáo sư chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Minnesota, đã đưa ra một lời giải thích thú vị. Trong một nghiên cứu năm 2009 có tựa đề gây tò mò: “Why Is It So Hard to Do My Work?” (tạm dịch: Vì sao làm việc của mình lại khó như vậy?), Leroy đã đưa ra một khái niệm mà bà gọi là thặng dư chú ý. Ở phần mở đầu bài nghiên cứu, bà nhấn mạnh rằng những nhà nghiên cứu khác đã nghiên cứu tác động của sự đa nhiệm – nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ một lúc – đối với hiệu suất. Tuy nhiên, bà cho rằng, trong môi trường văn phòng với những trí thức hiện đại, một khi bạn đã đạt đến trình độ đủ cao, thì việc tìm được ai đó làm nhiều dự án liên tiếp cũng trở nên thường gặp hơn: “Đi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, bắt đầu dự án này rồi lại nhanh chóng phải chuyển sang dự án khác chỉ là một phần cuộc sống trong các tổ chức,” Leroy lý giải. Vấn đề đối với chiến lược đa nhiệm này là khi bạn chuyển từ Nhiệm vụ A nào đó sang Nhiệm vụ B, bạn sẽ không ngay lập tức chú ý đến nhiệm vụ mới – mà phần thặng dư chú ý đó vẫn còn mắc kẹt trong tư duy về nhiệm vụ lúc đầu. Phần thặng dư này sẽ đặc biệt tăng lên nếu công việc của bạn ở Nhiệm vụ A vẫn còn để ngỏ và ở cường độ thấp trước khi bạn chuyển hướng, nhưng ngay cả trong trường hợp bạn đã hoàn thành Nhiệm vụ A trước khi rời đi, thì sự chú ý của bạn vẫn sẽ bị phân mảnh mất một khoảng thời gian. Leroy đã nghiên cứu ảnh hưởng của phần thặng dư chú ý này đối với hiệu suất bằng cách ép buộc chuyển đổi nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm. Ví dụ, trong một thí nghiệm tương tự, bà bắt đầu cho các đối tượng tham gia làm một bộ các câu đố chữ. Ở một số lần thử, bà sẽ làm gián đoạn và nói với họ rằng họ cần tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ mới và đầy thách thức, trong trường hợp này là đọc sơ yếu lý lịch và đưa ra những quyết định tuyển dụng giả định. Trong những lần thử khác, bà để cho các đối tượng giải xong các ô chữ trước khi giao cho họ nhiệm vụ mới. Giữa lúc giải đố và tuyển dụng, bà cho họ chơi trò chơi chọn từ vựng nhanh để định lượng phần thặng dư chú ý còn lại sau nhiệm vụ đầu tiên.15 Kết quả của thí nghiệm này cùng những nghiên cứu tương tự của bà cho thấy rõ: “Những người trải nghiệm thặng dư chú ý sau khi chuyển đổi nhiệm vụ có hiệu suất thấp hơn ở nhiệm vụ tiếp theo,” và phần thặng dư càng nhiều thì hiệu suất càng thấp. 15 Trò chơi chọn từ vựng nhanh sẽ chiếu chớp nhoáng các chuỗi chữ cái trên màn hình; một số tạo thành từ thật, một số không. Người chơi phải quyết định càng nhanh càng tốt là từ đó có nghĩa hay không, rồi nhấn nút để chọn “thật” và nút khác để chọn “không thật”. Những bài kiểm tra này cho phép bạn định lượng mức độ từ khóa nhất định đang được “kích hoạt” trong đầu người chơi, bởi sự kích hoạt sẽ khiến người chơi nhấn nút “thật” nhanh hơn khi họ nhìn thấy nó chớp lên trên màn hình. (TG) Khái niệm thặng dư chú ý giúp giải thích vì sao công thức cường độ lại đúng, đồng thời nó còn giải thích được hiệu suất của Grant. Thông qua việc thực hiện một nhiệm vụ khó trong một khoảng thời gian dài mà không chuyển đổi, Grant đã giảm bớt tác động tiêu cực của thặng dư chú ý xuống mức tối thiểu, và cho phép anh tối đa hóa hiệu suất cho nhiệm vụ đơn lẻ này. Nói cách khác, khi Grant tự cô lập bản thân trong nhiều ngày để tập trung vào bài luận, mức độ hiệu quả công việc của anh sẽ cao hơn so với giáo sư chuẩn mực thường đi theo chiến lược dễ phân tâm hơn, khiến công việc bị gián đoạn liên tục bởi rất nhiều khoản thặng dư. Ngay cả khi bạn không thể tái hiện hoàn toàn quá trình cách ly cực đoan của Grant (chúng ta sẽ đi sâu vào những chiến lược khác nhau để lên kế hoạch làm việc sâu trong Phần 2), thì khái niệm thặng dư chú ý vẫn cho thấy sự hiệu quả, bởi nó đã chỉ ra rằng thói quen làm việc thông thường trong trạng thái bán phân tâm có khả năng phá hoại hiệu suất làm việc của bạn. Cứ 10 phút một lần ngó qua hộp thư đến nghe có vẻ vô hại. Thật vậy, nhiều người biện hộ rằng hành vi này còn tốt chán so với thói quen để hộp thư mở suốt trên màn hình (một thói quen nhảm nhí mà không mấy ai còn làm). Nhưng Leroy đã chỉ cho chúng ta thấy, thực tế đây chẳng phải là một tiến bộ gì cho cam. Việc ngó qua đó sẽ đưa bạn đến với mục tiêu chú ý mới. Tệ hơn, việc nhìn thấy những tin nhắn mà bạn không thể xử lý ở thời điểm đó (đây là trường hợp khá phổ biến), bạn sẽ bị ép phải quay trở lại nhiệm vụ ban đầu trong khi nhiệm vụ thứ hai vẫn dang dở. Phần thặng dư chú ý còn lại do chuyển đổi nửa vời sẽ làm giảm hiệu suất của bạn. Khi lùi lại một bước để đánh giá sự việc dưới góc nhìn cá nhân, chúng ta sẽ thấy một lập luận rõ ràng: Để tạo ra sản phẩm ở mức xuất sắc, bạn cần dồn toàn bộ sự tập trung vào một nhiệm vụ và không được phân tâm trong một thời gian dài. Nói cách khác, hình thức làm việc có thể tối ưu hóa hiệu suất của bạn chính là làm việc sâu. Nếu không thấy thoải mái khi chìm đắm trong công việc suốt một thời gian dài, bạn sẽ khó có thể đạt được mức hiệu suất cao nhất để tăng cường chuyên môn. Nếu tài năng và kỹ năng của bạn không lấn át hẳn đối thủ cạnh tranh, những người làm việc sâu trong số họ sẽ vượt qua bạn. Thế còn Jack Dorsey thì sao? Tôi vừa đưa ra lập luận về lý do vì sao làm việc sâu lại hỗ trợ cho những khả năng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế. Thế nhưng, trước khi chấp nhận kết luận này, chúng ta còn phải đối mặt với một kiểu câu hỏi mà tôi vẫn thường hay bắt gặp khi thảo luận về chủ đề này: Thế còn Jack Dorsey thì sao? Jack Dorsey đã giúp sáng lập ra Twitter. Sau khi từ bỏ vị trí CEO, anh tiếp tục thành lập công ty xử lý thanh toán Square. Theo hồ sơ trên Forbes: “Anh là người chuyên làm gián đoạn trên diện rộng và là kẻ phạm tội liên tục.” Anh cũng là người không dành nhiều thời gian cho trạng thái làm việc sâu. Dorsey không có thú vui xa xỉ dành cho việc tư duy liên tục trong một thời gian dài, vì vào thời điểm hồ sơ trên Forbes được thành lập, anh đang chịu trách nhiệm quản lý cả Twitter (tại đây anh vẫn là Chủ tịch) và Square, dẫn đến thời gian biểu chật kín công việc nhằm đảm bảo rằng các công ty đều có “nhịp độ hằng tuần” dễ đoán (và nó cũng đảm bảo rằng thời gian và sự chú ý của Dorsey được phân chia kỹ càng). Ví dụ, Dorsey báo cáo rằng anh thường kết thúc một ngày bình thường với 30-40 ghi chú trong cuộc họp mà anh cần xem lại và sàng lọc vào buổi tối. Trong những khoảng trống nho nhỏ giữa các cuộc họp này, anh tin tưởng vào sự sẵn sàng ngẫu nhiên. “Tôi giải quyết khá nhiều việc bên những chiếc bàn đứng, nơi bất kỳ ai cũng có thể đi tới,” Dorsey nói. “Thành ra tôi nghe được mọi chuyện ở khắp công ty.” Phong cách làm việc này không chuyên sâu. Theo thuật ngữ đã đề cập ở phần trước, phần thặng dư chú ý của Dorsey hẳn là vô cùng lớn khi anh cứ lao từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, cho phép mọi người thoải mái khiến mình bị gián đoạn trong những khoảng thời gian giao thoa ngắn ngủi xen giữa. Chúng ta không thể nói rằng công việc của Dorsey rất hời hợt, bởi làm việc hời hợt, theo định nghĩa trong phần giới thiệu, có giá trị rất thấp và dễ bị bắt chước, trong khi những gì Jack Dorsey làm lại đáng giá không ngờ và được tưởng thưởng cao trong nền kinh tế của chúng ta (cho đến thời điểm viết cuốn sách này, anh đã nằm trong top 1.000 người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng trên 1,1 tỷ đô-la). Jack Dorsey rất quan trọng với nội dung thảo luận của chúng ta bởi anh là một hình mẫu tiêu biểu của một nhóm người mà chúng ta không thể bỏ qua: những cá nhân có thể thành công mà không cần sự chuyên sâu. Khi đặt tựa cho câu hỏi tạo động lực của phần này “Thế còn Jack Dorsey thì sao?”, tôi muốn đưa ra một ví dụ cụ thể cho câu hỏi khái quát hơn: Nếu làm việc sâu quan trọng đến thế, tại sao vẫn có những người bị phân tâm khi làm tốt công việc? Để đi đến kết luận chương này, tôi muốn giải đáp câu hỏi đó để bạn không còn canh cánh trong lòng về điều đó khi chúng ta bàn sâu hơn tới chủ đề chuyên sâu trong những phần tiếp theo. Để bắt đầu, trước hết chúng ta cần lưu ý rằng Jack Dorsey là lãnh đạo cấp cao của một công ty lớn (thực ra là hai công ty). Các cá nhân đứng ở những vị trí cao đều có vai trò quan trọng đối với những người có thể phát triển vượt bậc mà không cần chuyên sâu, bởi phong cách sống của những nhà lãnh đạo như vậy thường khó tránh khỏi bị phân tâm. Dưới đây là câu trả lời của Kerry Trainor, CEO Vimeo, khi được hỏi: Anh có thể chịu được tình trạng không có-e-mail trong bao lâu: “Tôi có thể trải qua một ngày thứ Bảy tuyệt vời và tốt lành mà không cần, không cần… à, hầu hết thời gian trong ngày mà không có nó… Ý tôi là, tôi sẽ kiểm tra e-mail, nhưng tôi không nhất thiết phải trả lời.” Dĩ nhiên, cùng lúc đó, những vị lãnh đạo này cũng được hậu đãi tốt hơn và trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế Mỹ hiện nay hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Thành công không có sự chuyên sâu của Jack Dorsey là điều thường gặp ở cấp quản lý tinh hoa này. Một khi đã quy định thực tế này, ta phải lùi lại để nhắc nhở bản thân rằng điều đó sẽ không làm xói mòn giá trị chung của chuyên sâu. Đó là bởi tính cần thiết của sự phân tâm trong công việc của các nhà lãnh đạo cấp cao này có liên quan hết sức cụ thể tới công việc đặc thù của họ. Một nhà điều hành tốt về căn bản là một cỗ máy đưa ra quyết định khó-mà-tự-động-hóa, không như hệ thống Watson chơi trò Jeopardy!16 của IBM. Họ đã xây dựng một kho lưu trữ kinh nghiệm khó có được, đồng thời mài giũa cũng như chứng minh khả năng của họ trước thị trường. Họ phải liên tục xử lý và tiến hành công việc suốt cả ngày – dưới dạng e-mail, cuộc họp, khảo sát hiện trường, hay tương tự như vậy. Sẽ thật lãng phí nếu yêu cầu một vị CEO dành bốn giờ để tư duy sâu một vấn đề nếu so với những gì khiến họ trở nên có giá trị. Tốt hơn là hãy thuê ba nhân viên cấp dưới tư duy sâu về vấn đề đó rồi để họ đưa ra giải pháp cho lãnh đạo, từ đó vị lãnh đạo này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. 16 Jeopardy! là một chương trình đố vui trên truyền hình tại Mỹ với các câu đố trải dài trong nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn học, nghệ thuật, khoa học... Chương trình có dạng câu trả lời-và-câu hỏi duy nhất, trong đó người chơi được cho biết manh mối dưới hình thức câu trả lời, và phải tạo ra lời giải dưới hình thức câu hỏi. (BTV) Điều đặc trưng này rất quan trọng bởi nó cho chúng ta thấy, nếu bạn là một lãnh đạo cấp cao ở một công ty lớn, có lẽ bạn sẽ không cần đến lời khuyên ở những trang sau. Mặt khác, nó cũng cho chúng ta biết rằng bạn không thể đánh đồng phương pháp của những nhà lãnh đạo này với những công việc khác. Sự thật là việc Dorsey luôn đón nhận sự gián đoạn hay Kerry Trainor liên tục kiểm tra e-mail không nói lên được rằng bạn sẽ thành công nếu bắt chước giống họ: Hành vi của họ đều mang nét đặc trưng trong những vai trò cụ thể với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp. Quy tắc đặc trưng này nên được áp dụng cho những ví dụ đối ứng tương tự xuất hiện trong đầu bạn khi đọc phần còn lại của cuốn sách này. Chúng ta phải liên tục “nằm lòng” rằng, nền kinh tế vẫn tồn tại những góc khuất nhất định nơi sự chuyên sâu không được trân trọng. Ngoài các nhà lãnh đạo, chúng ta còn có thể kể đến những người làm kinh doanh và vận động hành lang, những người đặc biệt coi trọng sự kết nối liên tục. Thậm chí còn có cả những người vẫn luôn cố gắng chắt góp thành công dù bị phân tâm trong những lĩnh vực rất cần sự chuyên sâu. Nhưng cùng lúc đó, bạn cũng đừng quá hấp tấp khi dán nhãn cho công việc của mình là không cần thiết phải chuyên sâu. Những thói quen hiện tại khiến làm việc sâu trở nên khó khăn không có nghĩa là sự thiếu chuyên sâu này có thể trở thành nền tảng cơ bản để làm tốt công việc. Ví dụ như, trong chương tiếp theo, tôi sẽ kể một câu chuyện về nhóm cố vấn quản trị có năng lực cao, những người luôn tin rằng kết nối e-mail liên tục là điều cần thiết để phục vụ khách hàng của mình. Khi một vị giáo sư trường Harvard buộc họ phải ngắt kết nối thường xuyên hơn (như một phần trong một nghiên cứu), họ mới ngỡ ngàng nhận ra rằng sự kết nối này không quan trọng như họ từng nghĩ. Không phải lúc nào khách hàng cũng thực sự cần liên lạc với họ và hiệu suất của họ đã được cải thiện ngay khi sự chú ý của họ bớt bị phân tán. Tương tự như vậy, một số nhà quản lý mà tôi biết đã cố gắng thuyết phục tôi rằng giá trị của họ được thể hiện qua việc họ có thể phản hồi nhanh chóng các vấn đề của đội nhóm, giúp ngăn chặn sự đình trệ của dự án. Họ coi vai trò của họ như động lực để kích hoạt năng suất của những người khác chứ không nhất thiết là bảo vệ chính mình. Thế nhưng, những cuộc trao đổi theo đó lại sớm hé lộ rằng mục tiêu này không thực sự đòi hỏi kết nối làm phân tán sự chú ý. Quả là như vậy, nhiều công ty phần mềm hiện nay đã triển khai phương pháp quản lý dự án Scrum,17 giúp thay thế việc nhắn tin tình thế này bằng những cuộc họp được tổ chức kỹ lưỡng và có hiệu quả ngay (những cuộc họp nhanh tại chỗ để giảm thiểu việc phải trình bày trang trọng). Cách tiếp cận này giúp giải phóng thời gian làm công tác quản lý để tư duy sâu về những vấn đề mà đội nhóm đang phải xử trí, giúp nâng cao giá trị tổng thể cho những sản phẩm mà họ tạo ra. 17 Scrum là khung làm việc trong đó con người có thể xác định các vấn đề thích nghi phức hợp, trong khi vẫn giữ được năng suất và sáng tạo để chuyển giao các sản phẩm có giá trị cao nhất. (BTV) Nói theo cách khác: Làm việc sâu không phải là kỹ năng duy nhất đáng giá trong nền kinh tế, và chúng ta có thể làm tốt việc này mà không phải bồi dưỡng khả năng, nhưng nơi thích hợp với điều này đang ngày càng hiếm. Theo những lý do được lập luận ở phần đầu chương, trừ khi bạn có bằng chứng rõ ràng cho thấy sự phân tâm rất quan trọng đối với một công việc cụ thể, còn không, bạn sẽ thu được thành quả tốt nhất nhờ xem xét nghiêm túc sự chuyên sâu. Chương haiTrạng thái làm việc sâu rất ít khi xuất hiện Năm 2012, Facebook đã tiết lộ kế hoạch xây dựng trụ sở chính do Frank Gehry thiết kế. Trung tâm của tòa nhà mới này được CEO Mark Zuckerberg gọi là “dự án mặt sàn mở lớn nhất thế giới”: Hơn 3.000 nhân viên sẽ làm việc trên bàn ghế di động trải rộng khắp không gian hơn 4 héc-ta. Dĩ nhiên, Facebook không phải là gã khổng lồ duy nhất của Thung lũng Silicon đi theo khái niệm văn phòng mở. Khi Jack Dorsey, anh chàng chúng ta đã gặp ở cuối chương trước, mua lại tòa nhà San Francisco Chronicle cũ kỹ để thành lập Square, anh đã định hình lại không gian để các nhân viên phát triển làm việc trong không gian chung bên những chiếc bàn dài. “Chúng tôi khuyến khích mọi người ngồi ở không gian mở bởi chúng tôi tin vào sự ngẫu nhiên – người ta đi bên nhau và dạy nhau những điều mới mẻ,” Dorsey giải thích. Một xu thế kinh doanh khác đang phát triển trong những năm gần đây là sự bùng phát của tin nhắn nhanh (Instant Message – IM). Một bài báo trên tờ Time đã chỉ ra rằng, công nghệ này không còn là “lãnh địa riêng của giới thanh thiếu niên ưa buôn dưa lê” mà giờ đây, nó đang giúp các công ty thu lời từ việc “đạt được năng suất mới và cải thiện thời gian phản hồi khách hàng”. Một nhà quản lý sản phẩm cấp cao của IBM đã tự hào nói rằng: “Mỗi ngày chúng tôi gửi 2,5 triệu tin nhắn phản hồi ngay chỉ trong phạm vi IBM.” Một trong những người mới gia nhập thành công vào không gian IM kinh doanh gần đây là Hall, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã giúp nhân viên tiến xa hơn trong việc trò chuyện đơn thuần và đi sâu vào “hợp tác thời gian thực”. Một nhân viên phát triển người San Francisco mà tôi quen đã mô tả với tôi rằng, cảm giác giống như thể làm việc tại một công ty sử dụng Hall vậy. Anh giải thích, những nhân viên “hiệu suất cao” nhất đều cài đặt trình chỉnh sửa văn bản để mỗi khi có câu hỏi hay bình luận mới được đăng lên tài khoản Hall của công ty sẽ có một thông báo được hiển thị ngay lập tức trên màn hình. Khi đó, chỉ bằng một chuỗi các tổ hợp phím chuyên dụng, họ có thể đi ngay tới Hall, gõ ý tưởng, rồi lại nhanh chóng quay trở về với việc viết mã mà gần như không bị gián đoạn công việc. Anh bạn tôi có vẻ bị ấn tượng mạnh khi mô tả tốc độ của họ. Xu hướng thứ ba là bước nhảy vọt cho các nhà sản xuất nội dung trên mọi lĩnh vực để duy trì sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tờ New York Times, pháo đài của những giá trị truyền thông trong thời đại cũ, hiện đang khuyến khích nhân viên tweet18 – lời gợi ý đang được áp dụng bởi hơn 800 người viết bài, biên tập viên và phóng viên ảnh của tờ báo, và bản thân tờ báo giờ đây cũng đang duy trì một tài khoản Twitter. Đây không phải là chơi trội mà là một việc hết sức bình thường. Khi tiểu thuyết gia Jonathan Franzen viết bài cho tờ Guardian có gọi Twitter là “sự phát triển mang tính ép buộc” trong giới văn chương, ông đã bị chế nhạo là kẻ không thức thời. Tạp chí trực tuyến Slategọi lời phàn nàn của Franzen là “cuộc chiến đơn thương độc mã trên mạng Internet”, và Jennifer Weiner, một tiểu thuyết gia khác, đã viết một bài phản hồi trên The New Republic, trong đó bà chỉ trích: “Franzen là người một mình một kiểu, chuyên đưa ra những chỉ dụ uy quyền chỉ có thể áp dụng được cho mình ông ta.” Hashtag châm biếm #JonathanFranzenhates19 sớm trở thành một làn sóng. 18 Hành động đăng một thông tin gì đó lên trang cá nhân của mình trên Twitter. (BTV) 19 Nghĩa là “Jonathan Franzen ghét bỏ”. (ND) Tôi đề cập đến ba xu hướng vận hành kinh doanh này bởi chúng đều nêu bật lên một nghịch lý. Trong chương trước, tôi đã chỉ trích rằng trong nền kinh tế hiện nay, làm việc sâu đáng giá hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu đúng là vậy, bạn hẳn sẽ thấy kỹ năng này được thúc đẩy bởi các cá nhân có tham vọng và những tổ chức hy vọng sẽ tận dụng được tối đa nhân viên của mình. Như những ví dụ trước đó nhấn mạnh, điều này sẽ không xảy ra. Trong giới kinh doanh, nhiều ý tưởng khác đang được ưu tiên ở vị trí quan trọng hơn là làm việc sâu, trong đó bao gồm sự phối hợp ngẫu hứng, trao đổi thông tin nhanh chóng, và sự hiện diện tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Có quá nhiều xu hướng được ưu tiên hơn làm việc sâu đã đủ tệ rồi, việc nhiều xu hướng trong đó tích cực làm giảmkhả năng tập trung chuyên sâu còn góp phần khiến mọi việc tệ hơn. Ví dụ, những văn phòng mở có thể tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác20, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với sự “mất tập trung hàng loạt”, như trích dẫn từ kết quả thực nghiệm được tiến hành trong một chương trình đặc biệt có tên The Secret Life of Office Buildings (tạm dịch: Phía sau bức rèm của các tòa nhà văn phòng) của British TV. “Nếu bạn chỉ đơn thuần đang làm công việc gì đó và điện thoại đổ chuông, nó sẽ phá hỏng sự tập trung của bạn,” nhà khoa học thần kinh đã tiến hành thí nghiệm cho chương trình tiết lộ. “Dù lúc đó bạn không nhận ra, nhưng não bộ cũng phản ứng với sự sao lãng.” 20 Trong Phần 2, tôi sẽ đi vào cụ thể từng lý do vì sao điều này lại không nhất thiết phải đúng. (TG) Những vấn đề tương tự cũng xảy ra với sự bùng nổ của nhắn tin thời gian thực. Về lý thuyết, những hộp thư đến chứa e-mail chỉ có thể khiến bạn sao lãng khi chọn mở hộp thư, trong khi hệ thống truyền tin tức lại luôn hoạt động – phóng đại tác động của sự gián đoạn. Gloria Mark, Giáo sư ngành Thông tin thuộc Đại học California, Irvine, là một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học phân mảnh chú ý. Trong một nghiên cứu được trích dẫn có căn cứ, Mark và các đồng tác giả đã quan sát những người lao động trí óc tại các văn phòng thực tế và phát hiện ra rằng, chỉ một sự phân tâm, dù là nhỏ nhất, cũng trì hoãn tổng thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ với một tỷ lệ đáng kể. “Việc này đã được chứng minh là vô cùng nguy hại,” bà tổng kết bằng lối nói giảm nói tránh mang tính học thuật điển hình. Việc dồn ép những nhà sản xuất nội dung phải tham gia các phương tiện truyền thông xã hội cũng gây ra những tác dụng tiêu cực về khả năng tập trung. Chẳng hạn, những nhà báo chân chính cần tập trung thực hiện công tác báo chí một cách nghiêm túc – phân loại các nguồn tin phức tạp, tìm ra mạch truyện liên kết, viết nên những tác phẩm mang tính thuyết phục – vì vậy, việc đòi hỏi họ phải ngắt quãng quá trình tư duy sâu suốt cả ngày để tham gia vào những cuộc trò chuyện trực tuyến phù phiếm qua lại có vẻ không thỏa đáng (có phần làm mất giá trị), thậm chí tệ hơn là gây mất tập trung nghiêm trọng. George Packer, cây viết của tờ New Yorker danh giá, đã bắt trọn nỗi sợ hãi này trong một bài luận trình bày lý do vì sao anh không tweet: “Twitter là một sản phẩm xuất sắc dành cho những con nghiện truyền thông. Nó khiến tôi hoảng sợ, không phải vì tôi vượt trội hơn nó về mặt đạo đức, mà bởi tôi không nghĩ mình có thể kiểm soát được nó. Tôi lo cứ thế rồi mình sẽ bỏ đói đứa con tinh thần mất.” Khi viết bài này, Packer đang bận rộn với việc viết cuốn The Unwinding (tạm dịch: Bóc dỡ), cuốn sách ra đời không lâu sau đó và nhanh chóng đoạt giải Sách hay cấp Quốc gia – dẫu cho (hoặc có thể là nhờ) anh đã không sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Tóm lại, những xu hướng có tác động lớn trong kinh doanh ngày nay đều làm suy giảm khả năng làm việc sâu của con người, dù những lợi ích mà các xu hướng này hứa hẹn mang lại (như gia tăng khả năng ăn may, phản hồi các yêu cầu nhanh chóng hơn, và phô bày nhiều hơn) không đáng kể so với những lợi ích từ việc tập trung vào công việc (chẳng hạn như khả năng nhanh chóng học hỏi những điều khó và đạt đến trình độ xuất sắc). Mục đích của chương này là để giải thích nghịch lý đó. Tôi sẽ trình bày những lý lẽ để chứng minh sự khan hiếm của làm việc sâu không xuất phát từ điểm yếu căn bản nào đó của thói quen. Khi quan sát kỹ hơn lý do vì sao chúng ta trân trọng sự sao lãng tại nơi làm việc, ta sẽ thấy những lý do có phần tùy ý hơn mình từng nghĩ – dựa trên tư duy không hoàn mỹ, kết hợp với sự mù mờ và bối rối vốn là bản chất của công việc tri thức. Mục tiêu của tôi là thuyết phục bạn rằng, dù việc sao lãng như hiện tại của chúng ta là một hiện tượng có thực, nhưng nó lại được xây dựng trên một nền tảng không vững chắc và có thể dễ dàng bị gạt bỏ ngay khi bạn quyết định trau dồi kỹ năng làm việc sâu đúng cách. Hố đen đo lường Mùa thu năm 2012, Tom Cochran, Trưởng phòng Công nghệ của Atlantic Media, đã giật mình khi biết lượng thời gian mà mình có vẻ đã tiêu tốn cho e-mail. Vì thế, giống như những chuyên gia có trách nhiệm khác, anh quyết định số liệu hóa sự bất ổn này. Thử quan sát hành vi của chính mình, Cochran đo được chỉ trong một tuần, anh đã nhận được 511 e-mail và gửi đi 284 cái. Vậy là trong 5 ngày làm việc, trung bình mỗi ngày anh giải quyết đến 160 e-mail. Chi tiết hơn, Cochran chú ý thấy ngay cả khi anh xoay xở để chỉ dành trung bình 30 giây cho mỗi e-mail, thì tính ra anh vẫn mất gần một tiếng rưỡi mỗi ngày chỉ để chuyển thông tin như thể một bộ định tuyến bằng xương bằng thịt. Có vẻ anh đã dành quá nhiều thời gian cho thứ không phải là ưu tiên trong mô tả công việc. Cochran đã nhắc lại điều này trong một bài đăng trên blog, viết về thử nghiệm của mình cho tạp chí Harvard Business Review, những thống kê đơn giản này khiến anh phải suy nghĩ về phần còn lại của công ty. Những nhân viên của Atlantic Media tốn bao nhiêu thời gian để chuyển thông tin qua lại thay vì tập trung vào công tác chuyên môn đúng như mục đích họ được thuê vào làm? Quyết tâm phải trả lời được câu hỏi này, Cochran tập hợp số liệu trong toàn công ty về số lượng e-mail gửi đi mỗi ngày và số từ trong mỗi e-mail. Sau đó, anh kết hợp những con số này với tốc độ gõ phím trung bình của các nhân viên, tốc độ đọc thư và mức lương. Kết quả là, anh khám phá ra rằng Atlantic Media đã tiêu hơn 1 triệu đô-la mỗi năm để trả tiền cho các nhân viên xử lý e-mail, mỗi thông điệp gửi đi hoặc nhận được lại bòn rút của công ty khoảng 95 xu chi phí nhân công. Cochran tổng kết: “Một phương pháp liên lạc ‘miễn phí, không va chạm’ cũng có những chi phí mềm tương đương với việc điều hành một công ty nhỏ như Learjet.” Thực nghiệm của Tom Cochran đã mang lại kết quả thú vị về chi phí theo nghĩa đen của một hành vi tưởng chừng vô hại. Nhưng tầm quan trọng thực sự của câu chuyện này chính là bản thân thực nghiệm đó, và cụ thể là mức độ phức tạp của nó. Hóa ra, đúng là khó có thể trả lời một câu hỏi đơn giản kiểu như: Tác động tối thiểu từ thói quen sử dụng e-mail hiện tại của chúng ta là gì? Cochran đã tiến hành khảo sát toàn công ty và tập hợp số liệu thống kê từ hạ tầng công nghệ thông tin. Anh cũng thu thập dữ liệu tiền lương và thông tin về tốc độ gõ phím, tốc độ đọc thư, rồi triển khai toàn bộ quá trình thông qua một mẫu thống kê để đưa ra kết quả cuối cùng. Dù thế, kết quả khảo sát vẫn có thể thay đổi, và vì nó không thể rạch ròi, chẳng hạn như có bao nhiêu giá trị được sản sinh thông qua việc sử dụng e-mail thường xuyên, gây tốn kém và có thể thu lại một phần chi phí của nó. Ví dụ này đã khái quát hóa những hành vi phổ biến nhất có khả năng cản trở hoặc củng cố làm việc sâu. Dù chúng ta khó có thể chấp nhận được rằng sự phân tâm cũng tạo ra chi phí và sự chuyên sâu cũng làm nên giá trị, nhưng như Tom Cochran đã khám phá ra, những tác động này rất khó đo lường. Đây không phải là đặc điểm nổi bật riêng biệt đối với những thói quen có liên quan tới sự phân tâm và chuyên sâu: Nói chung, khi các công việc tri thức đặt ra những nhu cầu phức tạp hơn đối với lực lượng lao động, việc đo lường giá trị nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Thomas Piketty, nhà kinh tế người Pháp, đã trình bày quan điểm này trong nghiên cứu về sự gia tăng mức lương đột biến của giới lãnh đạo. Giả định chi phối lập luận của ông là: “Xét một cách khách quan, khó có thể đo đếm được những đóng góp của một cá nhân vào thành quả của cả một doanh nghiệp”. Việc không có các công cụ đo lường có thể dẫn đến những kết quả bất hợp lý, chẳng hạn như mức lương của tầng lớp lãnh đạo không tương xứng với năng suất biên của họ. Dù một số chi tiết trong lý thuyết của Piketty còn gây tranh cãi, nhưng nhìn chung nó đã đưa ra được giả thiết cơ bản rằng việc đo lường đóng góp của các cá nhân đang ngày càng khó khăn hơn, mà theo lời Piketty là “rõ ràng đúng”. Do đó, chúng ta không nên hy vọng sẽ dễ dàng phát hiện được tác động mấu chốt của những hành vi phá hoại sự chuyên tâm. Theo Tom Cochran, những số liệu đo lường này đã rơi vào vùng hỗn độn khó có thể đo lường dễ dàng – tôi gọi đó là hố đen đo lường. Dĩ nhiên, dù rất khó đo lường những đại lượng liên quan tới làm việc sâu nhưng điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ bỏ qua nó. Chúng ta có rất nhiều ví dụ về các hành vi khó đo lường tác động tới mục tiêu vô cùng quan trọng nhưng lại phổ biến trong văn hóa doanh nghiệp; chẳng hạn như ba xu hướng đã được giới thiệu ở phần đầu chương, hay mức lương lãnh đạo thuộc hàng “khủng” đã khiến Thomas Piketty phải đau đầu. Nhưng nếu không có những phép đo rõ ràng bổ trợ, thì bất kỳ hành vi kinh doanh nào cũng sẽ dễ bị tổn thương trước những ý tưởng bất ổn và những nguồn lực chuyển dịch, và trong tình trạng hỗn độn bất ổn này, chúng ta khó có thể làm việc sâu. Thực tế của hố đen đo lường chính là cơ sở cho những tranh luận tiếp theo trong chương này. Trong các phần tới, tôi sẽ mô tả những tư duy và thiên kiến khác nhau đã đẩy công việc kinh doanh rời xa khỏi hình thức làm việc sâu và nghiêng về những phương án thay thế gây phân tâm hơn. Không một hành vi nào trong số đó có thể tồn tại lâu dài nếu việc chúng gây hại tới mục tiêu vô cùng quan trọng trở nên rõ ràng, nhưng hố đen đo lường sẽ ngăn cản sự rõ ràng đó, đồng thời cho phép chúng ta hướng tới sự phân tâm đang ngày càng lớn trong công việc. Nguyên tắc ít kháng cự nhất Nhắc đến những hành vi mất tập trung được chấp nhận ở nơi làm việc, chúng ta phải kể đến văn hóa kết nối đang đầy rẫy hiện nay, nơi mọi người đều cho rằng họ phải nhanh chóng đọc và phản hồi các e-mail (cùng những hình thức trao đổi liên quan). Trong quá trình nghiên cứu về chủ đề này, Giáo sư Leslie Perlow thuộc Đại học Kinh doanh Harvard đã phát hiện ra rằng, những chuyên gia mà bà khảo sát thường dành khoảng 20-25 giờ mỗi tuần bên ngoài văn phòngđể kiểm tra e-mail – tin rằng việc trả lời bất kỳ e-mail nào (nội bộ hay đối ngoại) trong vòng một giờ kể từ khi thư đến rất quan trọng. Như nhiều người khác, bạn có thể sẽ tranh luận rằng, đây là hành vi rất cần thiết trong nhiều ngành kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Nhưng đây chính là điểm khiến mọi việc trở nên thú vị: Perlow đã tiến hành kiểm chứng tuyên bố này. Cụ thể hơn, bà đã thuyết phục các nhà lãnh đạo tại Boston Consulting Group, một doanh nghiệp tư vấn quản lý áp lực cao có văn hóa kết nối vững chắc, cho phép bà được thử nghiệm thói quen làm việc của một nhóm trong công ty. Bà muốn đưa ra một câu hỏi đơn giản: Liệu việc đó có thực sự giúp công việc của bạn được kết nối liên tục hay không? Để làm vậy, bà đã thực hiện một việc khá cực đoan: Bà buộc mỗi thành viên trong nhóm phải chọn một ngày trong tuần làm việc để nghỉ ngơi hoàn toàn – không được kết nối với bất kỳ ai trong hoặc ngoài công ty. Bà nhớ lại: “Ban đầu, nhóm còn ngần ngại thực hiện thử nghiệm. Người phụ trách vốn rất ủng hộ ý tưởng chung này bỗng lo lắng không biết phải nói sao với khách hàng về việc mỗi thành viên trong nhóm sẽ nghỉ một ngày trong tuần.” Các tư vấn viên cũng căng thẳng không kém, họ lo rằng mình sẽ “đặt công việc vào vòng nguy hiểm”. Nhưng rồi nhóm không mất khách hàng, còn các thành viên cũng không mất việc. Thay vào đó, các tư vấn viên tìm thấy nhiều cách tận hưởng công việc hơn, giao tiếp với nhau tốt hơn, học được nhiều điều hơn (như chúng ta đoán định, đó là sự kết nối giữa phát triển chiều sâu và kỹ năng được nhấn mạnh trong chương trước), và điều quan trọng nhất có lẽ là “mang lại sản phẩm tốt hơn cho khách hàng”. Điều này đã làm nảy sinh một câu hỏi thú vị: Tại sao lại có nhiều người đi theo sự dẫn dắt của Boston Consulting Group và củng cố văn hóa kết nối này, dù Perlow đã khám phá trong nghiên cứu của mình rằng, điều đó sẽ phương hại tới niềm hạnh phúc và năng suất của nhân viên, và có thể không giúp gì cho mục tiêu vô cùng quan trọng? Tôi nghĩ chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong thực tế của hành vi tại nơi làm việc dưới đây. Nguyên tắc ít kháng cự nhất: Trong môi trường kinh doanh, nếu không có phản hồi rõ ràng về tác động của những hành vi khác nhau tới mục tiêu vô cùng quan trọng, chúng ta sẽ có xu hướng nghiêng về những hành vi dễ thực hiện nhất ở thời điểm đó. Quay lại với câu hỏi về lý do tại sao văn hóa kết nối lại tồn tại lâu dài, dựa theo nguyên tắc của chúng ta, câu trả lời chính là bởi nó dễ dàng hơn. Có ít nhất hai lý do lớn giải thích vì sao điều này là đúng. Lý do thứ nhất liên quan tới mức độ phản hồi đối với những nhu cầu của bạn. Nếu bạn làm việc trong một môi trường có thể nhận được câu trả lời cho một câu hỏi hay một đoạn thông tin cụ thể ngay sau khi nhu cầu phát sinh, điều đó sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn – ít nhất là vào thời điểm đó. Nếu không thể tin tưởng vào thời gian phản hồi nhanh chóng này, bạn sẽ phải lên kế hoạch trước cho công việc của mình, phải tổ chức hợp lý hơn và sẵn sàng gạt bỏ nhiều thứ sang một bên trong một khoảng thời gian, rồi hướng sự chú ý sang việc khác trong khi chờ đợi điều bạn đã yêu cầu. Tất cả những điều này sẽ khiến mỗi ngày làm việc của bạn thêm khó khăn hơn (ngay cả khi nó mang lại sự thỏa mãn lớn hơn và kết quả tốt đẹp hơn về lâu dài). Ta có thể thấy sự bùng phát của tin nhắn tức thời chuyên nghiệp được nhắc đến ở đầu chương này là một tư duy được đẩy sang hướng cực đoan. Nếu việc nhận được e-mail phản hồi trong vòng một giờ khiến một ngày của bạn trở nên dễ dàng hơn, vậy thì việc nhận được câu trả lời qua tin nhắn nhanh “trong vòng một nốt nhạc” còn củng cố thêm kết quả này lên một tầm cao nữa. Lý do thứ hai về việc văn hóa kết nối khiến cuộc sống thêm phần dễ dàng hơn nằm ở chỗ nó tạo ra một môi trường mà trong đó, việc dành cả ngày để xử lý hộp thư đến được chấp nhận – việc sốt sắng phản hồi e-mail mới nhất trong khi những e-mail khác vẫn chất đống đằng sau khiến quá trình này mang lại cảm giác thỏa mãn về năng suất (và sẽ còn tiếp tục). Nếu tạm bỏ qua số e-mail kia, bạn sẽ buộc phải triển khai cách tiếp cận thấu đáo hơn để nghiệm ra mình phải làm gì và làm trong bao lâu. Việc lên kế hoạch này khá khó khăn. Hãy thử xem xét phương pháp quản lý tác vụ trong cuốn Getting Things Done (Hoàn thành mọi việc không hề khó)21 của David Allen chẳng hạn. Đó là một hệ thống đáng nể nhằm quản lý một cách thông minh sự tuân thủ trong môi trường làm việc đầy tính cạnh tranh. Hệ thống này đề xuất một biểu đồ tiến trình gồm 15 yếu tố để đưa ra quyết định về việc làm gì tiếp theo. Chỉ đơn giản chọn lấy một e-mail gửi kèm mới nhất hẳn sẽ dễ dàng hơn đáng kể. 21 Sách đã được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2010. (BTV) Tôi đang chọn kết nối liên tục làm nghiên cứu tình huống trong thảo luận này, nhưng đó chỉ là một trong số nhiều ví dụ về hành vi kinh doanh đi ngược lại với chiều sâu và có khả năng làm giảm giá trị cốt lõi do công ty tạo ra, song vẫn được phát triển mạnh bởi nếu thiếu vắng các số liệu đo lường, hầu hết mọi người sẽ quay lại với những điều dễ làm nhất. Một ví dụ khác, hãy xem xét thực tế vốn nhan nhản về việc tổ chức các cuộc họp thường xuyên cho các dự án. Các cuộc họp này thường có xu hướng chồng chất và làm gián đoạn những kế hoạch liên quan, khiến việc tập trung liên tục suốt cả ngày trở nên bất khả thi. Nhưng tại sao chúng vẫn trường tồn với thời gian? Là vì chúng dễ dàng hơn. Đối với nhiều người, những cuộc họp thường trực này đã trở thành một hình thức tổ chức cá nhân đơn giản (mà đần độn). Thay vì cố gắng tự quản lý thời gian và nghĩa vụ của mình, họ lại để những cuộc họp đó thúc ép bản thân thực hiện hành động nào đó cho dự án và chung chung hơn là mang lại một hình ảnh dễ hình dung về tiến độ. Hãy xem xét thực tiễn chán ngán của việc chuyển tiếp e-mail tới một hay nhiều đồng nghiệp khác kèm theo một câu hỏi kết thúc mở ngắn gọn, chẳng hạn như: “Anh nghĩ sao?” Những e-mail này chỉ tiêu tốn vài giây gõ phím của người gửi nhưng lại khiến người nhận phải dành nhiều thời gian và sự tập trung để tìm ra một câu trả lời mạch lạc. Người gửi chỉ cần có ý hơn một chút khi viết e-mail thì có thể giảm đáng kể thời gian tiêu tốn của các bên. Vậy tại sao những e-mail dễ tránh và mất thì giờ này lại phổ biến đến vậy? Đó là bởi từ góc độ của người gửi chúng dễ dàng hơn. Đó là một cách để họ dọn dẹp thứ gì đó khỏi hộp thư đến của mình – ít nhất là vào lúc đó – mà ít tiêu tốn năng lượng nhất. Nguyên tắc ít kháng cự nhất, do những hố đen đo lường dựng lên, đã bổ trợ cho văn hóa công việc giúp chúng ta tránh được sự khó chịu ngắn hạn khi phải tập trung và lên kế hoạch, trong khi hy sinh sự thỏa mãn và tạo ra giá trị thực dài hạn. Bằng cách đó, nguyên tắc này hướng chúng ta tới việc lao động hời hợt trong một nền kinh tế đang ngày càng ưu tiên cho sự chuyên sâu. Tuy nhiên, đó không phải là xu hướng duy nhất tận dụng hố đen đo lường để làm giảm sự chuyên sâu. Chúng ta cũng phải xét đến “hiệu suất”, thứ nhu cầu đã, đang và sẽ luôn thu hút sự chú ý, sẽ được trình bày trong phần tiếp theo. Sự bận rộn đại diện cho hiệu suất Bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn trở thành giáo sư tại một trường đại học chuyên về nghiên cứu. Nhưng công việc này sẽ mang tới cho bạn sự rõ ràng. Việc trở thành một nhà nghiên cứu học thuật tốt hay dở được đúc rút ngắn gọn thành câu hỏi đơn giản: Anh đã cho ra mắt được nghiên cứu quan trọng nào chưa? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể được định lượng bằng một con số duy nhất, chẳng hạn như chỉ số h. Công thức này được đặt tên theo người phát minh ra nó, Jorge Hirsch, nhằm xử lý số lượng công trình xuất bản và trích dẫn thành một giá trị duy nhất phản ánh tác động của người viết đối với lĩnh vực họ nghiên cứu. Ví dụ, trong lĩnh vực khoa học máy tính, người ta khó có thể đạt được chỉ số h trên 40, nhưng khi đã vượt qua được cột mốc này thì đó chính là dấu ấn của một sự nghiệp dài hơi mạnh mẽ. Ngược lại, nếu chỉ số h của bạn chỉ ở mức một con số khi bạn đang ở giai đoạn giữa của sự nghiệp, thì có lẽ bạn đang gặp vấn đề. Google Scholar là một công cụ phổ biến trong số nhiều công cụ học thuật giúp tìm kiếm các bài nghiên cứu, thậm chí nó còn tự động tính toán chỉ số h cho bạn, để đôi ba lần mỗi tuần, bạn được nhắc nhở xem chính xác thì mình đang ở vị trí nào. (Trong trường hợp bạn vẫn còn chưa rõ, thì tính tới buổi sáng khi viết chương này, chỉ số h của tôi là 21.) Sự rõ ràng này đã đơn giản hóa các quyết định về thói quen làm việc mà một giáo sư chấp nhận hoặc từ bỏ. Ví dụ, trong một buổi phỏng vấn, Richard Feynman, nhà vật lý từng giành giải Nobel mới đây, đã giải thích về các chiến lược hiệu suất ít chính thống hơn của ông như sau: Để cho ra đời các công trình nghiên cứu vật lý có giá trị thực sự, bạn sẽ cần đến những khoảng thời gian liên tục đến tuyệt đối… việc này đòi hỏi rất nhiều sự tập trung… nếu phải giải quyết bất kỳ công việc giấy tờ nào, bạn sẽ không còn thời gian nữa. Vì vậy, tôi đã phát minh ra một lý thuyết khác cho riêng mình: rằng tôi chính là một kẻ vô trách nhiệm. Tôi chủ động vô trách nhiệm. Tôi nói với mọi người rằng tôi không làm gì đâu. Nếu ai đó đề nghị kết nạp tôi vào hội đồng, tôi sẽ nói “Không”. Tôi là kẻ vô trách nhiệm mà. Feynman đã kiên quyết lảng tránh các nhiệm vụ bàn giấy bởi ông biết chúng chỉ làm giảm khả năng thực hiện điều quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông: “cho ra đời những công trình nghiên cứu vật lý có giá trị thực sự”. Giả sử, Feynman có thể hơi kém ở khoản phản hồi e-mail và sẽ chuyển trường đại học nếu bạn cố đưa ông vào một văn phòng mở hay yêu cầu ông phải tweet. Nhận thức rõ ràng về điều quan trọng sẽ giúp bạn rõ ràng về những điều không quan trọng. Tôi đã đề cập tới các vị giáo sư trong ví dụ bởi trong số nhiều người lao động trí óc, họ là những trường hợp ngoại lệ, phần lớn họ đều không chia sẻ công khai với người ngoài về việc họ đang làm tốt công việc của mình ra sao. Đây là mô tả của nhà phê bình xã hội Matthew Crawford về sự không chắc chắn này: “Bản thân các nhà quản lý cũng đang trải qua tình trạng hoang mang bất ổn, và những mệnh lệnh mơ hồ họ phải trả lời đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.” Dù Crawford đang nói cụ thể đến tình hình của những nhà quản lý tầm trung làm công việc tri thức, nhưng “tình trạng hoang mang bất ổn” mà ông đề cập đến lại áp dụng cho nhiều vị trí khác nhau trong ngành này. Theo Crawford mô tả trong bài thơ ca ngợi về nghề nghiệp của mình năm 2009 có tên Shop Class as Soulcraft (tạm dịch: Mua sắm đẳng cấp như Soulcraft), ông đã từ bỏ vị trí Giám đốc nhóm cố vấn thương mại ở Washington D.C. để mở một cửa hàng sửa chữa xe gắn máy nhằm thoát khỏi sự hoang mang này. Cảm giác khi nhận được một chiếc xe hỏng máy, đánh vật với nó, để rồi được mục sở thị thành công của mình (chiếc xe từ trong cửa hàng đi ra ngoài) mang lại cảm giác thành tựu cụ thể mà ông phải cố gắng lắm mới có được, khi trải qua một ngày dài với các loại báo cáo và chiến lược truyền thông mơ hồ. Thực tế tương tự cũng tạo ra các trở ngại cho những người lao động trí óc. Họ muốn chứng minh mình là thành viên có hiệu suất cao trong nhóm và họ đang cố gắng duy trì điều đó. Tuy nhiên, họ lại không hoàn toàn nắm rõ được mục tiêu này sẽ tạo ra điều gì. Họ không có chỉ số h hay giá đỡ của chiếc xe gắn máy đã được sửa để chấm điểm giá trị công sức của mình. Để bù đắp thiếu sót này, nhiều người có vẻ đã tìm cách quay lại thời kỳ công nghiệp, khi năng suất lao động được thể hiện rõ trên quy mô toàn cầu. Để hiểu được điều này, hãy nhớ lại sự nổi lên của những dây chuyền sản xuất đi kèm với sự trỗi dậy của Phong trào Hiệu quả do Frederic Taylor khởi xướng, người đã nổi danh nhờ dùng chiếc đồng hồ bấm giờ kiểm soát hiệu quả các bước di chuyển của công nhân nhằm tìm ra cách thức nâng cao tốc độ để hoàn thành nhiệm vụ. Trong kỷ nguyên của Taylor, năng suất là khái niệm hết sức rõ ràng: số công cụ được tạo ra trong một đơn vị thời gian. Dường như trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, nhiều người lao động trí óc đã bỏ qua những ý tưởng khác và quay lại với cách định nghĩa cũ về năng suất khi nỗ lực củng cố giá trị của mình trong khi tình trạng công việc đang gây hoang mang. (Ví dụ, David Allen thậm chí còn dùng cụm từ “công cụ quay tay” để mô tả dòng công việc năng suất.) Tôi cho rằng, rõ ràng những người lao động trí óc ngày càng chạy theo sự bận rộn nhiều hơn bởi họ không còn cách nào tốt hơn để bộc lộ giá trị của mình. Chúng ta hãy nghĩ cho xu hướng này một cái tên dần đi thôi. Sự bận rộn đại diện cho hiệu suất: Khi không có những chỉ báo rõ ràng cho biết năng suất và giá trị trong công việc, nhiều người lao động trí óc lại quay lại với chỉ báo năng suất trong ngành công nghiệp: làm thật nhiều việc dễ thấy. Tư duy này mang đến một lời giải thích khác cho sự phổ biến của các hành vi phá hoại chiều sâu. Nếu bạn gửi và trả lời e-mail cả ngày, nếu bạn liên tục đặt lịch trình và tham dự họp hành, nếu bạn cân nhắc các hệ thống tin nhắn phản hồi ngay (giống như của Hall) trong vòng vài giây sau khi ai đó đăng tải câu hỏi, hoặc nếu bạn lang thang khắp văn phòng mở, nêu ý tưởng với bất kỳ ai mà bạn gặp – tất cả những hành vi này đều khiến bạn có vẻ bận rộn trước bàn dân thiên hạ. Nếu bạn sử dụng sự bận rộn như một thước đo cho hiệu suất, những hành vi này sẽ góp phần khiến bạn thuyết phục chính mình và những người khác là bạn đang làm tốt công việc của mình. Tư duy này cũng không hẳn là vô lý. Với một số người, công việc thực sự phụ thuộc vào hành vi như thế. Chẳng hạn, vào năm 2013, CEO mới của Yahoo, Marissa Mayer, đã cấm nhân viên làm việc tại nhà. Bà đưa ra quyết định này sau khi kiểm tra nhật ký máy chủ dùng cho mạng riêng tư ảo mà các nhân viên của Yahoo sử dụng để đăng nhập vào máy chủ công ty từ xa. Mayer thất vọng khi thấy các nhân viên làm việc tại nhà không đăng nhập đủ nhiều trong ngày. Theo một khía cạnh nào đó, bà đã phạt nhân viên vì không dành nhiều thời gian hơn để kiểm tra e-mail (một trong những lý do chính để đăng nhập vào máy chủ). Bà cảnh báo: “Nếu các bạn không bận rộn thấy rõ, tôi sẽ cho rằng các bạn làm việc không năng suất.” Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan thì quan niệm này đã lỗi thời. Công việc tri thức không phải là một dây chuyền lắp ráp, và việc tách giá trị khỏi thông tin là một hoạt động thường mâu thuẫn với sự bận rộn. Hãy nhớ lại ví dụ về Adam Grant, học giả được nhắc đến ở chương trước, người đã trở thành giáo sư toàn thời gian trẻ nhất của Đại học Wharton nhờ liên tục nhốt mình tách biệt khỏi thế giới bên ngoài để tập trung viết lách. Hành vi đó đối lập với việc bận rộn công khai. Nếu Grant làm việc cho Yahoo!, chắc hẳn Marissa Mayer đã sa thải anh. Nhưng chiến lược chuyên sâu này hóa ra lại mang lại giá trị to lớn. Tất nhiên, chúng ta có thể loại bỏ sự ràng buộc đã lỗi thời này nếu có thể dễ dàng chứng minh tác động tiêu cực của nó đối với những điều quan trọng, nhưng nếu làm vậy, chúng ta sẽ gặp lại hố đen đo lường và điều này sẽ ngăn cản chúng ta nhận thức được sự rõ ràng. Sự kết hợp mạnh mẽ giữa sự mập mờ trong công việc và việc thiếu số liệu để đo lường tính hiệu quả của những chiến lược khác nhau đã dẫn đến những hành vi có vẻ buồn cười khi được xem xét một cách khách quan nhằm phát triển trong bối cảnh tâm lý hoang mang đang gia tăng trong công việc hằng ngày của chúng ta. Dù vậy, trong phần tới, chúng ta sẽ thấy rằng, ngay cả những người đã hiểu tường tận cách thức để thành công trong công việc tri thức vẫn có thể đánh mất sự tập trung sâu. Cách duy nhất để thuyết phục bạn loại bỏ lối tư duy thông thường chính là một tư tưởng hấp dẫn. Sự tôn sùng Internet Alissa Rubin là Giám đốc văn phòng New York Times tại Paris. Trước đó, bà là Giám đốc văn phòng tại Kabul, Afghanistan để đưa tin từ tiền tuyến về tình hình tái thiết sau chiến tranh. Cũng vào khoảng thời gian tôi viết chương này, bà đang xuất bản một loạt các bài báo sâu cay nhằm đả kích sự đồng lõa của Chính phủ Pháp trong vụ thảm sát người Rwanda. Nói cách khác, Rubin là một nhà báo có tâm và có tầm trong nghề. Bà cũng tweet, và tôi chỉ có thể đoán đó hẳn là do sự thúc ép từ sếp của bà. Trang cá nhân trên Twitter của Rubin có phần nhàm chán và rời rạc, cứ hai đến bốn ngày lại có một bài đăng, như thể bà đang nhận được thông báo đều đặn từ phòng truyền thông xã hội của Times (một bộ phận có thật) nhắc nhở bà hãy chiều lòng những người theo dõi. Trừ một số ít ngoại lệ, những bài tweet chỉ đơn giản đề cập đến một bài báo mà bà đọc và thích gần đây. Rubin là một nhà báo, không phải là nhân vật truyền thông. Giá trị của bà nằm ở khả năng khai thác các nguồn tin quan trọng, liên kết các sự kiện với nhau, và viết nên những bài báo gây được sự chú ý. Đó là Alissa Rubin trong lĩnh vực đã mang lại danh tiếng cho tờ Times, và cũng chính danh tiếng này đã xây dựng nên nền tảng cho thành công về mặt thương mại của tờ báo trong thời đại click-bait22 rất phổ biến và dễ gây nghiện. Vậy tại sao Alissa Rubin lại bị thúc giục phải thường xuyên ngắt quãng công việc cần đến làm việc sâu này để đưa những nội dung nông cạn, vô thưởng vô phạt cho một dịch vụ được vận hành bởi một công ty truyền thông không liên quan gì có trụ sở ở tận Thung lũng Silicon? Và có lẽ còn quan trọng hơn, tại sao hành động này lại có vẻ hết sức bình thường đến vậy với hầu hết mọi người? Nếu có thể trả lời những câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu hơn về xu hướng cuối cùng mà tôi muốn trao đổi. Xu hướng đó có liên quan tới câu hỏi tại sao làm việc sâu lại trở nên hiếm gặp đến ngược đời như vậy. 22 Click-bait: Đường dẫn tới website thương mại, bán sản phẩm cần quảng cáo, thường ở dạng hình ảnh hoặc tít bài gây tò mò. (ND) Ý chính của câu trả lời có thể nằm ở lời cảnh báo của Neil Postman, nhà lý luận truyền thông kiêm Giáo sư thuộc Đại học New York. Đầu những năm 1990, khi cuộc cách mạng máy tính cá nhân lần thứ nhất bùng nổ, Postman lập luận rằng xã hội của chúng ta đang trượt dài trong mối quan hệ phiền toái với công nghệ. Ông nhấn mạnh, chúng ta không còn thảo luận về việc cân nhắc lựa chọn những công nghệ mới hay cân bằng hiệu quả mới trước những vấn đề mới phát sinh. Thay vào đó, chúng ta bắt đầu giả định rằng, mọi thứ liên quan đến công nghệ cao đều tốt đẹp. Vậy là vấn đề đã được giải quyết xong. Ông gọi thứ văn hóa đó là một công nghệ chính trị (technopoly), và ông cũng không đề cập thẳng đến vấn đề đó trong cảnh báo chống lại nó. “Công nghệ chính trị loại bỏ những phương án thay thế chính nó theo y như cách mà Aldous Huxley đã phác thảo trong cuốn Brave New World (tạm dịch: Thế giới mới tươi đẹp),” ông kết luận trong cuốn sách ra mắt năm 1993 với cùng chủ đề. “Nó không biến những phương án thay thế trở nên bất hợp pháp. Nó cũng không làm chúng trở nên vô đạo đức hay thậm chí kém phổ biến đi. Nó chỉ làm chúng vô hình và cứ thế trở nên không liên quan mà thôi.” Postman qua đời năm 2003, nhưng nếu vẫn còn sống, có lẽ ông sẽ phải bàng hoàng không ngờ nỗi sợ của mình từ những năm 1990 lại nhanh chóng trở thành hiện thực đến thế – sự trỗi dậy bất ngờ và khó lường trước của Internet đã dẫn đến cú trượt được cảnh báo trước. Thật may mắn, Postman vẫn còn một người kế tục thông thái để tiếp tục xây dựng lập luận này trong Kỷ nguyên Internet: nhà phê bình xã hội Evgeny Morozov. Trong cuốn sách To Save Everything, Click Here (tạm dịch: Để lưu mọi thứ, hãy nhấp vào đây) ra mắt năm 2013, Morozov đã cố gắng vạch trần nỗi ám ảnh công nghệ chính trị của chúng ta với “mạng Internet” (thuật ngữ mà ông chủ đích đặt trong ngoặc kép để nhấn mạnh vai trò hệ tư tưởng của nó), với câu nói: “Chính khuynh hướng coi ‘mạng Internet’ là nguồn tri thức kiêm cố vấn chính sách đã biến nó từ một bộ dây cáp và bộ định tuyến mạng chẳng có gì thú vị thành một hệ tư tưởng hấp dẫn và hay ho – có khi còn là hệ tư tưởng tối cao của ngày nay.” Trong bài phê phán của Morozov, chúng ta đã thấy “mạng Internet” cũng đồng nghĩa với tương lai mang tính cách mạng của ngành kinh doanh và chính phủ. Biến công ty của bạn trở nên giống “Internet” hơn chính là xu hướng thời đại, và lảng tránh xu hướng này chẳng khác nào làm người đánh xe ngựa trong thời đại ô tô. Chúng ta không còn coi những công cụ Internet như những sản phẩm được phát hành bởi các công ty mang mục đích thương mại, được cấp vốn bởi những nhà đầu tư ôm hy vọng kiếm lời và được điều hành bởi những chú ngựa non háu đá thích làm rùm beng mọi việc. Thay vào đó, chúng ta nhanh chóng thần tượng hóa những xảo thuật kỹ thuật số như một dấu hiệu của sự tiến bộ và biểu trưng của thế giới mới (mà tôi đoán chắc là tươi đẹp). Chủ trương ôn hòa với mạng Internet (một thuật ngữ khác của Morozov) cũng có nhiều nét giống với công nghệ chính trị ngày nay. Quan trọng là chúng ta phải nhận ra thực tế này, bởi nó chính là lời giải đáp cho câu hỏi mở đầu phần này. Tờ New York Times vẫn duy trì tổ truyền thông xã hội và gây sức ép lên những nhà báo của mình, như Alissa Rubin, yêu cầu họ phải hướng tới hành vi mất tập trung, bởi trong thời đại công nghệ chính trị lấy Internet làm trung tâm, thì hành vi như vậy không được đưa ra thảo luận. Những phương án thay thế, không bao gồm Internet vạn vật, như Postman nói là “vô hình và cứ thế trở nên không liên quan”. Sự vô hình này đã giải thích cho cơn chấn động được nhắc đến ở trên, khi Jonathan Franzen mạnh mẽ đề xuất rằng các tiểu thuyết gia không nên tweet. Nó khiến người ta phát cáu không phải vì họ đã quá giỏi marketing sách và không tán thành với kết luận của Franzen, mà bởi nó khiến họ ngạc nhiên khi có người nào đó lại nghiêm túc đề nghị việc không sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Trong thời đại công nghệ chính trị lấy Internet làm trung tâm, tuyên bố đó chẳng khác nào một hành vi đi ngược lại lẽ thường – một sự báng bổ, chứ không còn là một đề tài tranh luận. Có thể phạm vi tiếp cận phổ biến của tư duy này lại được tôi nắm bắt tốt nhất khi đang trên đường tới khuôn viên trường Georgetown, nơi tôi làm việc. Trong lúc đợi đèn giao thông để có thể băng qua đại lộ Connecticut, tôi đứng chờ đằng sau một chiếc xe tải của một công ty chuyên vận chuyển hàng đông lạnh. Vận chuyển hàng đông lạnh là một ngành kinh doanh phức tạp và mang tính cạnh tranh, đòi hỏi phải đáp ứng được kỹ năng quản lý nghiệp đoàn và lập lịch trình tuyến đường. Đó là ngành công nghiệp truyền thống, sơ đẳng, và xét trên nhiều mặt, là sự đối lập của những công ty khởi nghiệp công nghệ tiếp cận trực tiếp khách hàng hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm chú ý. Tuy nhiên, điều khiến tôi choáng váng không phải là độ phức tạp hay quy mô của công ty này, mà là một bức tranh hẳn rất tốn kém được đặt làm và dán lên mặt sau toàn bộ thùng xe tải. Trên đó có viết: “Hãy Thích (Like) chúng tôi trên Facebook.” Làm việc sâu có một bất lợi vô cùng lớn trong thời đại công nghệ chính trị bởi nó được xây dựng dựa trên những giá trị như chất lượng, tay nghề, ưu thế của logic phi công nghệ và lỗi thời rõ rệt. Thậm chí tệ hơn, làm việc sâu thường đòi hỏi người ta phải từ chối nhiều thứ mới mẻ và những công nghệ cao. Làm việc sâu khiến chúng ta phải tách biệt khỏi những hành vi công nghệ cao gây sao lãng nhiều hơn, như việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội theo cách chuyên nghiệp. Quả thực, nếu chúng ta có những phương pháp đo lường rõ ràng liên quan tới tác động của những hành vi này đối với các vấn đề quan trọng, bối cảnh công nghệ chính trị hiện tại của chúng ta sẽ bị phá hủy. Nhưng hố đen đo lường đã chặn mất sự rõ ràng đó, thay vào đấy, nó cho phép chúng ta nâng Internet vạn vật lên thành “hệ tư tưởng thượng đẳng” mà Morozov đã e sợ. Trong nền văn hóa đó, chúng ta không cần phải ngạc nhiên khi thấy cuộc đấu tranh làm việc sâu để cưỡng lại âm thanh chói tai của những bài tweet, những nút Thích, những bức ảnh được đánh dấu, tường, bài đăng và tất cả những hành vi mà giờ đây chúng ta được dạy là cần thiết, không vì điều gì khác ngoài lý do tồn tại của chúng. Điều đó không tốt cho kinh doanh mà còn tốt cho chính bạn Làm việc sâu nên là một ưu tiên trong bối cảnh kinh doanh ngày nay. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Tôi đã tóm tắt những lời giải thích khác nhau cho nghịch lý này. Trong số đó, có những thực tế cho thấy làm việc sâu thì khó, còn làm việc hời hợt lại dễ hơn nhiều, và khi không có những mục tiêu rõ ràng trong công việc, sự bận rộn dễ thấy vốn luôn bủa vây những công việc hời hợt lại trở thành bản năng tự bảo toàn. Văn hóa của chúng ta cũng hun đúc nên niềm tin rằng, đã là hành vi liên quan tới “mạng Internet” thì nhất định là tốt – bất kể tác động của nó lên khả năng tạo ra những điều có giá trị của chúng ta. Tất cả các xu hướng này sẽ được kích hoạt nhờ những khó khăn trong việc trực tiếp đo lường giá trị của làm việc sâu hay cái giá của việc phớt lờ nó. Nếu bạn tin vào giá trị của chiều sâu, thực tế này chính là tin xấu dành cho các doanh nghiệp nói chung, bởi nó có thể khiến họ để vuột mất cơ hội tăng trưởng hàng loạt đầy triển vọng trong công cuộc tạo dựng giá trị. Nhưng đối với bạn, xét về vai trò cá nhân, trong cái rủi lại có cái may. Giả sử những xu hướng liệt kê ở đây vẫn tiếp diễn, làm việc sâu sẽ ngày càng trở thành hoạt động hiếm hoi và vì thế, giá trị của nó sẽ ngày càng lớn hơn. Khi đó, bạn chỉ cần tiếp tục tin tưởng vào mục tiêu cơ bản của cuốn sách này: Đó là phát triển khả năng cá nhân của bạn một cách hệ thống để có thể chuyên tâm – và nhờ đó gặt hái được những phần thưởng tuyệt vời. Chương baLàm việc sâu có ý nghĩa Ric Furrer là một thợ rèn. Ông rất giỏi các kỹ thuật luyện kim cổ đại và thời Trung cổ, những hiện vật được ông cẩn trọng tái tạo tại cửa tiệm của mình có tên là Door County Forgeworks. “Tôi làm thủ công mọi thứ và sử dụng các công cụ giúp gia tăng sức lực mà không hạn chế khả năng sáng tạo hay sự tương tác của tôi với vật liệu,” ông giải thích trong tuyên ngôn nghệ thuật23 của mình. “Có khi tôi phải đóng đến 100 nhát búa mới hoàn thành xong một đồ vật, nhưng nếu dùng một chiếc máy rèn cỡ lớn thì chỉ một phát là xong. Đây chính là sự đối lập trong mục tiêu của tôi và toàn bộ công việc của tôi là bằng chứng cho thấy chính đôi bàn tay này đã làm nên điều đó.” 23 Tuyên ngôn nghệ thuật (artist’s statement): Bài giới thiệu đơn giản của người nghệ sĩ để công chúng biết đến tác phẩm của mình. (BTV) Công việc của Furrer đã được nhắc đến trong một bộ phim tài liệu năm 2012 của hãng PBS. Theo đó, ông làm việc trong một nhà kho đã được chuyển đổi công năng ở vùng nông trang Wisconsin, cách Vịnh Sturgeon ở Hồ Michigan không xa. Furrer thường để ngỏ cửa trang trại (có thể là để thoát hơi nóng từ lò rèn), những cánh đồng trang trại kéo dài tới tận chân trời chính là minh chứng cho thành quả nỗ lực của ông. Tuy có khung cảnh thơ mộng nhưng công việc của ông thoạt trông lại có vẻ dữ dội. Bộ phim tài liệu đã ghi lại cảnh Furrer đang cố gắng tái tạo một thanh gươm thời Viking. Ông bắt đầu bằng việc áp dụng một kỹ thuật nấu chảy thép trong nồi nấu kim loại xuất hiện từ 500 năm trước để rèn một khối kim loại tinh khiết hiếm có. Kết quả là một khối phôi thép cỡ ba hay bốn chiếc điện thoại thông minh xếp chồng lên nhau. Khối phôi dày và đặc này sau đó được tạo hình và đánh bóng thành một thanh kiếm dài tinh tế. “Phần này, cú nện đầu tiên ấy, quá tồi,” Furrer nói với ống kính máy quay khi nung nóng khối thép một cách bài bản, sau đó giáng búa, lật khối thép, giáng búa, rồi đưa nó trở lại ngọn lửa để bắt đầu rèn lại từ đầu. Người dẫn chuyện tiết lộ phải mất tám tiếng để công việc đóng búa này hoàn tất quá trình tạo hình. Tuy nhiên, khi chứng kiến Furrer làm việc, bạn sẽ cảm nhận được sự biến đổi trong quá trình lao động. Rõ ràng là ông không vất vả đóng kim loại như thợ mỏ cầm cuốc: Mỗi cú giáng tuy có lực song lại được kiểm soát cẩn thận. Ông nhìn chăm chú vào khối phôi qua cặp kính gọng mảnh (có vẻ lạc lõng với bộ râu rậm và bờ vai rộng của ông), thực hiện mỗi cú giáng búa một cách gọn lẹ. Ông giải thích: “Anh phải thật nhẹ nhàng với nó, nếu không nó sẽ nứt đấy.” Sau vài cú giáng nữa, ông nói thêm: “Anh phải thúc bằng khuỷu tay; từ từ định hình nó; rồi bắt đầu tận hưởng thành quả.” Sau một nửa quá trình đúc kiếm, khi Furrer đã rèn khối phôi thành hình dạng mong muốn, ông bắt đầu xoay cẩn thận khối kim loại trong một cái máng hẹp chứa đầy than đang cháy. Khi ông nhìn chằm chằm vào thanh gươm, có gì đó kêu lách tách như báo hiệu: “Xong rồi!” Ông nâng thanh gươm được nhuộm đỏ vì nhiệt nung, giữ nó cách xa thân mình đồng thời sải bước mau lẹ về phía đường ống dầu và nhúng ngập lưỡi gươm trong đó để làm mát. Sau khi thở phào nhẹ nhõm vì lưỡi gươm không bị gãy thành từng mảnh – hiện tượng thường gặp ở bước này – Furrer nhấc nó ra khỏi ống dầu. Sức nóng còn sót lại của thanh kim loại khiến lớp dầu bùng cháy, cả thanh gươm được bọc trong ngọn lửa màu vàng. Furrer giơ thanh gươm đang rực cháy lên cao quá đầu và nhìn chăm chú một lúc trước khi thổi tắt ngọn lửa. Trong suốt quãng dừng ngắn ngủi này, sự xúc động hiện rõ trên gương mặt đang được ngọn lửa soi sáng. Furrer giải thích: “Thực hiện đúng các công đoạn này là điều phức tạp nhất mà tôi biết. Chính cảm giác thử thách đó đã chi phối tôi. Tôi đâu cần một thanh gươm. Nhưng tôi phải đúc ra nó.” Ric Furrer là một thợ thủ công bậc thầy, các tác phẩm đòi hỏi ông phải dành gần như cả ngày trong trạng thái chuyên sâu – chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình tập trung cũng có thể phá hỏng hàng chục giờ nỗ lực. Ông cũng tìm ra ý nghĩa lớn lao trong công việc. Làm việc sâu và một cuộc sống tốt đẹp có mối liên hệ hết sức mật thiết và được chấp nhận rộng rãi khi người ta quan sát thế giới của những người thợ thủ công. Matthew Crawford giải thích: “Sự hài lòng khi được bộc lộ bản thân thông qua năng lực thủ công là thứ giúp con người trở nên an yên và dễ chịu”. Và chúng ta nên tin ông. Nhưng khi chúng ta dời sự chú ý sang công việc tri thức, thì mối liên hệ này lại trở nên mơ hồ. Một phần của vấn đề nằm ở sự rõ ràng. Những người thợ thủ công như Furrer thường phải đối mặt với những thử thách trong nghề tuy dễ định nghĩa nhưng lại khó thực hiện. Còn công việc tri thức lại đổi sự rõ ràng để lấy sự mơ hồ. Chúng ta khó có thể phân định rạch ròi những người lao động trí óc làm công việc gì và nó khác biệt như thế nào so với những công việc còn lại: Vào những ngày tệ nhất, có thể tất cả công việc tri thức đều quy về mớ e-mail và PowerPoint mệt mỏi, chỉ có bảng biểu dùng trong slide là giúp chúng ta phân biệt được công việc này với những công việc khác. Chính Furrer đã nhận ra sự nhạt nhẽo này khi ông viết: “Thế giới của siêu xa lộ thông tin và không gian mạng khiến tôi thấy nguội lạnh và chán ngán.” Một vấn đề khác cũng khiến mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa trong công việc tri thức trở nên mờ nhạt là sự không hòa hợp trong việc cố gắng thuyết phục những người lao động trí óc dành thêm thời gian cho các hoạt động hời hợt. Như đã trình bày tỉ mỉ trong chương trước, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên, nơi mọi thứ có liên quan tới mạng Internet đều mặc định được hiểu là tân tiến và cần thiết. Những hành vi phá vỡ chiều sâu như trả lời e-mail tức thì và sự hiện diện tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội lại được tán dương, trong khi tránh né những xu hướng này lại tạo ra sự ngờ vực. Sẽ chẳng ai đổ lỗi cho Ric Furrer vì không dùng Facebook, nhưng nếu một người lao động trí óc đưa ra quyết định tương tự, anh ta sẽ bị gắn mác là kẻ lập dị (theo kinh nghiệm của bản thân tôi). Tuy mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa trong công việc tri thức không rõ ràng nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Tôi viết chương này nhằm thuyết phục bạn rằng làm việc sâu cũng có thể tạo ra sự hài lòng trong nền kinh tế thông tin giống như cách nó đã làm được trong nền kinh tế thủ công. Trong những phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra ba lập luận để củng cố ý kiến này. Nhìn chung, những lập luận này đều đi theo quỹ đạo từ khái niệm hẹp đến rộng: bắt đầu từ quan điểm thần kinh, chuyển sang quan điểm tâm lý và kết thúc bằng quan điểm triết học. Tôi sẽ chứng minh rằng, dù tiếp cận vấn đề về chiều sâu và công việc tri thức từ góc độ nào, bạn vẫn có thể chạm đến mạch ý nghĩa giống nhau đã chi phối những người thợ thủ công như Ric Furrer bằng cách coi trọng sự chuyên sâu hơn là hời hợt. Vì vậy, luận điểm trong chương cuối của Phần 1 chính là: Một cuộc đời có chiều sâu không chỉ có lợi về mặt kinh tế, mà còn là một cuộc đời đáng sống. Lập luận dựa trên quan điểm thần kinh học về chiều sâu Cây bút chuyên viết về đề tài khoa học, Winifred Gallagher, đã đề cập tới mối liên hệ giữa sự chú ý và niềm hạnh phúc sau một sự kiện bất ngờ có phần đáng sợ: Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư – “không chỉ là ung thư, mà còn là một dạng đặc biệt khó chữa và tương đối hiếm gặp”. Bà nhắc lại trong cuốn Rapt (tạm dịch: Say mê) xuất bản năm 2009 của mình, trong lúc đi ra khỏi bệnh viện sau khi được chẩn đoán, bà đã có một linh cảm đột ngột và mạnh mẽ: “Căn bệnh này muốn độc chiếm sự chú ý của tôi, nhưng thay vì thế, tôi sẽ tập trung vào cuộc sống của mình nhiều nhất có thể.” Việc điều trị ung thư sau đó rất mệt mỏi và tồi tệ, nhưng Gallagher không thể không nhận ra trong ngóc ngách nào đó của tâm trí được hun đắp bởi sự nghiệp viết truyện phi hư cấu của bà là cam kết tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống như “phim ảnh, đi bộ và một ly martini lúc 6 giờ 30 phút tối” lại có tác dụng đáng kinh ngạc. Cuộc sống của bà trong suốt giai đoạn này có thể đã chìm trong sợ hãi và khốn khổ, nhưng không, nó thường là niềm hứng khởi, như bà đã ghi lại. Nó khơi gợi trí tò mò của bà, Gallagher bắt đầu hiểu rõ hơn vai trò của sự chú ý, chú ý lựa chọn tập trung vào đâu và bỏ qua điều gì, trong việc định nghĩa chất lượng cuộc sống của con người. Sau năm năm thực hiện các báo cáo khoa học, bà đã đi đến kết luận rằng bản thân bà chính là nhân chứng cho “lý thuyết hợp nhất quan trọng” của tâm trí: Giống như những ngón tay trỏ vào mặt trăng, những môn học đa dạng, từ nhân chủng học, giáo dục, kinh tế học hành vi cho tới tư vấn gia đình, đều gợi ý rằng việc khéo léo quản lý sự chú ý là điều kiện tiên quyết để có một cuộc sống tốt đẹp, và đó cũng là chìa khóa để thực sự cải thiện mọi khía cạnh trải nghiệm của bạn. Khái niệm này đã làm đảo lộn cách hầu hết mọi người vẫn nghĩ về trải nghiệm chủ quan trong cuộc sống. Chúng ta có khuynh hướng chú trọng đến hoàn cảnh của bản thân, đặt giả thiết rằng những gì xảy ra (hoặc không xảy ra) sẽ quyết định cảm giác của chúng ta. Từ góc độ này, những chi tiết ở quy mô nhỏ về cách bạn trải qua một ngày không còn quan trọng đến thế, bởi điều quan trọng là kết quả ở quy mô lớn, chẳng hạn như việc bạn có được thăng chức hay chuyển tới một căn hộ đẹp hơn không. Theo Gallagher, hàng thập kỷ nghiên cứu trước đây đã đi ngược lại với sự hiểu biết này. Thay vào đó, não bộ của chúng ta lại xây dựng thế giới quan dựa trên những điều ta chú ý. Nếu tập trung vào kết quả chẩn đoán ung thư, bạn và cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất hạnh và tăm tối, nhưng ngược lại, nếu tập trung vào một ly martini buổi tối sẽ khiến bạn và cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn – dù hoàn cảnh trong cả hai trường hợp là như nhau. Theo Gallagher tổng kết: “Việc bạn là ai, bạn nghĩ gì, cảm thấy gì, làm gì và yêu thích điều gì chính là tổng hòa của những gì bạn tập trung.” Trong Rapt, Gallagher đã tiến hành nghiên cứu khảo sát nhằm bổ trợ cho hiểu biết này về tâm trí. Ví dụ, bà trích lời của nhà tâm lý Barbara Fredrickson thuộc Đại học North Carolina, nhà nghiên cứu chuyên đánh giá nhận thức về cảm xúc. Nghiên cứu của Fredrickson cho thấy, sau khi trải qua một sự cố tồi tệ hay mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, bạn thường chọn tập trung vào những thứ có thể tạo thành đòn bẩy đáng kể nhằm thúc đẩy thái độ của chính mình. Những lựa chọn đơn giản này có thể mang lại “nút khôi phục” cho cảm xúc của bạn. Bà đưa ra ví dụ về cặp đôi thường cãi cọ về chuyện phân chia việc nhà không công bằng. Bà gợi ý: “Thay vì tiếp tục chăm chăm chú ý tới sự ích kỷ và lười biếng của đối phương, bạn có thể tập trung vào sự thật rằng ít ra xung đột âm ỉ này cũng đã được phát tiết, đó là bước đầu để giải quyết vấn đề và tiến tới cải thiện tâm trạng.” Điều này có vẻ giống lời hô hào đơn giản hãy nhìn vào mặt tích cực, nhưng Fredrickson thấy rằng, việc sử dụng khéo léo những “đòn bẩy” cảm xúc này có thể tạo ra kết quả khả quan đáng kể sau những sự kiện tiêu cực. Các nhà khoa học có thể quan sát tác động rồi đánh giá chúng dựa trên quan điểm thần kinh học. Nhà tâm lý thuộc Đại học Stanford, Laura Carstensen, là một ví dụ. Bà đã sử dụng máy quét fMRI để nghiên cứu hành vi của não bộ lên các đối tượng được biểu hiện dưới dạng ảnh ảo tích cực và tiêu cực, và khám phá ra rằng, ở những người trẻ, hạch hạnh nhân của họ (trung tâm của cảm xúc) được đốt cháy bằng hoạt động ở cả hai loại ảnh ảo; trong khi ở những người lớn tuổi, hạch hạnh nhân chỉ được đốt cháy nhờ những hình ảnh tích cực. Carstensen đưa ra giả thuyết rằng, những đối tượng lớn tuổi đã rèn luyện lớp vỏ não trước trán để nó có thể ức chế hạch hạnh nhân khi có tác động tiêu cực. Những người này không hạnh phúc hơn vì điều kiện sống của họ tốt hơn những người trẻ; mà là do họ đã tổ chức lại não bộ để bỏ qua sự tiêu cực và tận hưởng sự tích cực. Nhờ khéo léo quản lý sự chú ý của bản thân, họ đã cải thiện thế giới của mình mà không cần thay đổi bất kỳ điều gì cụ thể. Giờ thì chúng ta có thể quay lại và sử dụng lý thuyết quan trọng của Gallagher để hiểu rõ hơn về vai trò của làm việc sâu trong quá trình tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Lý thuyết này nói rằng thế giới chính là kết quả được vun đắp từ những gì bạn chú ý, vì vậy, hãy thử nghĩ xem thế giới tinh thần của bạn sẽ ra sao khi bạn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình. Làm việc sâu luôn có sức hấp dẫn và tầm quan trọng cố hữu – cho dù bạn là Ric Furrer đang rèn thanh gươm hay một lập trình viên máy tính đang tối ưu hóa một thuật toán. Do đó, lý thuyết của Gallagher dự đoán rằng nếu bạn dành đủ thời gian cho làm việc sâu, bạn sẽ biết rằng thế giới rất giàu ý nghĩa và quan trọng. Tuy nhiên, còn có một lợi ích tiềm ẩn khác cũng không kém phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sự tập trung suốt một ngày làm việc: Sự tập trung sẽ chặn đứng sự hời hợt và ngăn không cho bạn để tâm đến những điều nhỏ nhặt và không vui – những thứ luôn đeo bám và không ngừng xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. (Nhà tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi, người mà chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong phần tiếp theo, đã nhận ra điều này khi ông nhấn mạnh lợi ích của việc rèn luyện “tập trung cao độ tới mức bạn không còn chú ý đến bất kỳ điều gì không liên quan hay lo lắng về vấn đề nào khác”.) Để giúp bạn hiểu rõ nhận xét này hơn, tôi sẽ lấy bản thân làm ví dụ. Hãy xem xét năm e-mail cuối cùng tôi đã gửi trước khi bắt đầu viết bản thảo đầu tiên của chương này. Dưới đây là những chủ đề của e mail và tóm tắt nội dung của chúng: Trả lời: KHẨN CẤP: Xác nhận Đăng ký Thương hiệu calnewport. E-mail này là lời phản bác một trò lừa đảo tầm thường: Một công ty đang cố gắng lừa các chủ sở hữu trang web đăng ký tên miền của họ ở Trung Quốc. Tôi rất bực mình khi phải nhận thư rác liên tục, vì thế, tôi đã hơi mất bình tĩnh và trả lời họ (dĩ nhiên, đây là việc thật vô nghĩa) rằng chiêu lừa đảo này sẽ thuyết phục hơn nếu họ viết đúng chính tả từ “trang web”. Trả lời: S R. E-mail này là cuộc trò chuyện với một thành viên trong gia đình về một bài báo mà ông đã thấy trên tờ Wall Street Journal. Trả lời: Lời khuyên quan trọng. E-mail này là cuộc trò chuyện về chiến lược đầu tư hưu trí tối ưu. Trả lời: Chuyển tiếp: Study Hacks24. E-mail này là cuộc trao đổi về thời gian gặp gỡ một người bạn sẽ ghé thăm thành phố nơi tôi ở. Chúng tôi phải trao đổi qua lại nhiều lần để chốt thời gian vì lịch trình của anh ấy rất bận rộn. Trả lời: Tò mò chút thôi! E-mail “tám chuyện” giữa tôi và đồng nghiệp về một số vấn đề tranh chấp khó chịu nơi công sở (những vấn đề thường xuyên và quá quen thuộc trong các lĩnh vực học thuật). 24 Study Hacks: Một trang blog của tác giả, chuyên viết về những phương pháp tăng cường sự tập trung và hiệu quả trong học tập, làm việc và giải mã con đường hướng tới thành công. (ND) Những e-mail này đã cho chúng ta thấy một nghiên cứu tình huống điển hình về những mối quan tâm hời hợt làm phân tán sự chú ý của bạn trong môi trường làm việc tri thức. Một số vấn đề được trình bày trong các e-mail mẫu này khá vô hại, chẳng hạn như thảo luận về một bài báo thú vị. Nhưng một số e-mail lại có vẻ hơi căng thẳng và nghiêm trọng, chẳng hạn như cuộc trò chuyện về chiến lược tiết kiệm khi về hưu (đây là loại trò chuyện luôn kết thúc theo kiểu: Anh làm thế là không hay đâu). Còn một số tình huống khác lại khiến bạn chán nản, thất vọng, như cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn trong một lịch trình bận rộn. Và một số e-mail lại rất tiêu cực, chẳng hạn như phản ứng giận dữ với kẻ lừa đảo hoặc những cuộc thảo luận phiền phức về tranh chấp nơi công sở. Nhiều người lao động trí óc dành hầu hết thời gian làm việc để tương tác, phản ứng với những mối quan tâm hời hợt này. Ngay cả khi họ được yêu cầu hoàn thành một việc đòi hỏi sự chú ý cao độ thì thói quen thường xuyên kiểm tra hộp thư đến cũng cho thấy chúng vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của họ. Gallagher đã chỉ ra rằng đây là cách sử dụng thời gian mỗi ngày vô cùng ngu ngốc, khiến tầm nhìn về quá trình làm việc bị sự căng thẳng, kích thích, thất vọng và tầm thường chi phối. Nói cách khác, cả thế giới sẽ được thu bé lại trong hộp thư đến của bạn, mà đó lại không phải là một nơi dễ sống. Nếu cứ để cho sự chú ý trôi dạt trong chốn bồng lai của sự hời hợt, ngay cả khi các đồng nghiệp của bạn đều là thiên tài cũng như phản ứng của bạn luôn lạc quan và tích cực, bạn vẫn có nguy cơ rơi vào một cái bẫy thần kinh khác mà Gallagher đã chỉ ra: “Năm năm nghiên cứu về sự chú ý đã giúp tôi xác nhận một số sự thật không dễ chấp nhận [trong đó, có khái niệm] “nhàn cư vi bất thiện”... Khi bạn mất tập trung, hoặc quá nhàn rỗi, tâm trí của bạn có xu hướng làm những điều sai trái thay vì những điều đúng đắn.” Một ngày làm việc xoay quanh sự tập trung hời hợt có thể là một ngày lộn xộn và mệt mỏi, ngay cả khi hầu hết những điều hời hợt thu hút sự chú ý của bạn có vẻ vô hại, hoặc thậm chí là vui vẻ. Những phát hiện này cho thấy một ý nghĩa rất rõ ràng. Trong công việc (và đặc biệt là những công việc có liên quan đến tri thức), để tăng thời gian tập trung cao độ, bạn cần tận dụng bộ máy phức tạp trong não bộ của con người, theo cách mà một vài nguyên nhân có liên quan đến thần kinh khác nhau sẽ tối đa hóa ý nghĩa và sự hài lòng trong công việc của bạn. Gallagher đã kết luận trong cuốn sách của bà rằng: “Sau khi vượt qua những trải nghiệm khó khăn [với căn bệnh ung thư]…, tôi đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho phần đời còn lại. Tôi thận trọng chọn mục tiêu… rồi dành toàn bộ sự chú ý cho những điều đó. Tóm lại, tôi sẽ sống một cuộc sống thật tập trung, bởi đó là cuộc sống tuyệt nhất.” Tốt hơn hết là chúng ta hãy nghe theo lời khuyên đó. Lập luận dựa trên quan điểm tâm lý học về chiều sâu Lập luận thứ hai về lý do tại sao chiều sâu lại tạo ra ý nghĩa xuất phát từ công việc của một trong những nhà tâm lý nổi tiếng nhất (và cũng sở hữu cái tên khó đọc nhất) thế giới, Mihaly Csikszentmihalyi. Vào đầu những năm 1980, Csikszentmihalyi làm việc cùng Reed Larson, một đồng nghiệp trẻ tuổi tại Đại học Chicago, để tìm ra một kỹ thuật mới nhằm thấu hiểu mức độ ảnh hưởng của tâm lý học đối với các hành vi thường ngày. Vào thời điểm đó, rất khó để đo lường chính xác tác động tâm lý của các hoạt động khác nhau. Nếu bạn đưa ai đó vào phòng thí nghiệm và yêu cầu người đó nhớ lại cảm giác của mình tại một thời điểm cụ thể cách đó nhiều giờ, họ sẽ không thể nhớ lại. Nhưng nếu bạn trao cho họ một cuốn nhật ký và yêu cầu họ ghi lại cảm xúc trong suốt cả ngày, có vẻ họ sẽ không thể theo dõi tất cả sự việc được – đơn giản là vì có quá nhiều việc xảy ra. Csikszentmihalyi và Larson đã tạo ra bước đột phá trong việc tận dụng công nghệ mới (ở thời điểm đó) để đưa ra câu hỏi về sự việc ngay khi nó xảy xa. Cụ thể hơn, họ đã trang bị máy nhắn tin cho các đối tượng thử nghiệm. Những chiếc máy nhắn tin này sẽ kêu bíp bíp trong khoảng thời gian được chọn ngẫu nhiên (còn ở thời điểm hiện tại, các ứng dụng điện thoại thông minh giữ vai trò này). Khi tiếng bíp ngừng kêu, các đối tượng sẽ ghi lại những gì họ đang làm và cảm nhận của họ tại đúng thời điểm đó. Trong một số trường hợp, họ sẽ được cấp một cuốn sổ để ghi lại những thông tin này, trong khi những người khác sẽ được cấp điện thoại để gọi và trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Vì máy nhắn tin thỉnh thoảng mới kêu nhưng lại rất khó để lờ đi, nên các đối tượng có khả năng sẽ tuân theo quy trình thử nghiệm. Nhờ phản hồi về hoạt động được ghi lại vào đúng thời điểm đang diễn ra, nên các câu trả lời sẽ chính xác hơn. Csikszentmihalyi và Larson gọi phương pháp này là lấy mẫu kinh nghiệm (Experience Sampling Method – ESM). ESM mang lại cái nhìn sâu sắc chưa từng có về cách chúng ta thực sự cảm nhận nhịp đập của cuộc sống hằng ngày. Công trình ESM của Csikszentmihalyi đã giúp ông củng cố lý thuyết được phát triển trước đây: “Những khoảnh khắc đẹp nhất thường xảy ra khi cơ thể hoặc tâm trí của một người bị đẩy tới giới hạn, trong nỗ lực tự nguyện nhằm đạt được những điều vừa khó khăn vừa đáng giá.” Csikszentmihalyi gọi nó là dòng chảy (flow) (một thuật ngữ được ông phổ biến trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1990). Vào thời điểm đó, phát hiện này đi ngược lại những hiểu biết thông thường. Hầu hết mọi người đều giả sử (và họ vẫn làm vậy) rằng sự thoải mái đó khiến họ hạnh phúc. Chúng ta muốn làm ít hưởng nhiều. Nhưng kết quả từ các nghiên cứu ESM của Csikszentmihalyi cho thấy hầu hết mọi người đều đã sai: Trớ trêu thay, làm việc thực sự lại dễ chịu và vui vẻ hơn là ở không, bởi các hoạt động dòng chảy có mục tiêu, quy tắc phản hồi và thử thách đều khuyến khích chúng ta gắn bó với công việc, tập trung và đắm mình trong đó. Mặt khác, nhàn rỗi và ở không đều là những việc không có cấu trúc rõ ràng, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để hình thành thứ gì đó có thể đem lại niềm vui. Khi được đo lường theo trải nghiệm, mọi người thường hạnh phúc hơn trong công việc, ngược lại, họ cảm thấy chán nản khi ở không. Theo các nghiên cứu ESM đã được xác nhận, trong một tuần, các trải nghiệm dòng chảy xảy ra càng nhiều thì sự hài lòng về cuộc sống của chủ thể càng cao. Có vẻ như, con người sẽ trở nên tốt đẹp nhất khi họ đắm mình trong thứ gì đó đầy thử thách. Tất nhiên, vẫn có sự chồng chéo giữa lý thuyết dòng chảy và những tư tưởng của Winifred Gallagher được nêu bật trong phần cuối chương. Cả hai đều hướng tới tầm quan trọng của chiều sâu hơn là sự nông cạn, hời hợt, nhưng họ lại chỉ tập trung vào hai cách giải thích khác nhau. Bài viết của Gallagher nhấn mạnh: Nội dung của những gì chúng ta tập trung mới quan trọng. Nếu tập trung cao độ vào những điều quan trọng, những điều hời hợt tiêu cực sẽ bị bỏ qua, cùng với đó, chúng ta sẽ được trải nghiệm quá trình làm việc lạc quan và ý nghĩa hơn. Ngược lại, lý thuyết dòng chảy của Csikszentmihalyi dường như không liên quan tới nội dung của những thứ chúng ta chú ý. Dù ông có thể đồng tình với nghiên cứu được Gallagher trích dẫn, nhưng lý thuyết của ông lại cho thấy cảm giác sâu sắc đó mới chính là điều bổ ích. Bất kể thử thách đó là gì, thì tâm trí của chúng ta vẫn thích thử thách đó. Mối liên hệ giữa làm việc sâu và dòng chảy cần phải rõ ràng: Làm việc sâu là hoạt động phù hợp để tạo ra trạng thái dòng chảy (Csikszentmihalyi mô tả những gì tạo ra dòng chảy bao gồm: các khái niệm về việc đẩy tâm trí đi tới giới hạn, tập trung và đắm mình vào hoạt động đó). Như chúng ta vừa tìm hiểu, dòng chảy tạo ra hạnh phúc. Kết hợp hai ý tưởng này, chúng ta có được một lập luận vững chắc về chiều sâu xét trên quan điểm tâm lý học. Xuất phát từ các thử nghiệm ESM ban đầu của Csikszentmihalyi, hàng thập kỷ nghiên cứu đã xác nhận rằng hành động chăm chú, tập trung cao độ sẽ ra lệnh cho ý thức theo cách có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Csikszentmihalyi thậm chí còn tranh luận rằng các công ty hiện đại nên nắm bắt thực tế này và gợi ý: “các công việc cần được thiết kế lại sao cho chúng có thể tạo ra hoạt động dòng chảy”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, thiết kế lại công việc sẽ khá khó khăn và lộn xộn (ví dụ, hãy xem lập luận của tôi trong chương trước), Csikszentmihalyi giải thích rằng điều quan trọng hơn là các cá nhân nên tìm kiếm cơ hội cho dòng chảy. Đây cũng là bài học rút ra sau quá trình đi sâu vào nghiên cứu ngành tâm lý học thực nghiệm: Xây dựng quá trình làm việc xoay quanh trải nghiệm dòng chảy được tạo ra từ làm việc sâu là phương thức đúng đắn để có được sự hài lòng sâu sắc. Lập luận dựa trên quan điểm triết học về chiều sâu Lập luận cuối cùng về mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa đòi hỏi chúng ta phải tạm thời bỏ qua quan điểm về khoa học thần kinh và tâm lý học, thay vào đó là áp dụng quan điểm triết học. Tôi sẽ giới thiệu hai vị học giả rất am tường về chủ đề này: Hubert Dreyfus, Giáo sư Triết học tại Berkeley trong hơn bốn thập kỷ qua và Sean Dorrance Kelly, Trưởng khoa đương nhiệm bộ môn Triết học tại Đại học Harvard. Năm 2011, Dreyfus và Kelly đã cùng xuất bản một cuốn sách mang tên All Things Shining (tạm dịch: Mọi thứ đều tỏa sáng). Cuốn sách chia sẻ về hành trình biến đổi của các khái niệm về sự thiêng liêng và ý nghĩa trong suốt lịch sử văn hóa nhân loại. Các tác giả muốn tái tạo lịch sử này bởi lo ngại khái niệm đó sẽ mãi mãi biến mất trong thời đại của chúng ta. Dreyfus và Kelly đã giải thích trong cuốn sách: “Thế giới này từng là nơi của những điều thiêng liêng và tỏa sáng dưới nhiều hình thức khác nhau. Giờ đây, những điều rực rỡ này dường như đang ngày càng lụi tàn.” Điều gì đã xảy ra tại thời đó và bây giờ? Các tác giả cho rằng đó chính là vì Descartes25. Chủ nghĩa hoài nghi của Descartes đã gợi lên niềm tin sâu sắc rằng: Những cá nhân tìm kiếm sự tất định đã dựng lên câu chuyện về một vị Chúa trời hay một nhà vua tôn sùng sự thật. Tất nhiên, Thời đại Khai sáng26 đã mang đến khái niệm về nhân quyền và giải phóng con người khỏi sự áp bức. Tuy nhiên, như Dreyfus và Kelly nhấn mạnh, do lợi ích chính trị, chính lối tư duy này đã tước đi những điều cần thiết để tạo ra ý nghĩa ở thế giới của tôn ti trật tự và sự thiêng liêng trong lĩnh vực siêu hình. Trong thế giới hậu Thời đại Khai sáng, chúng ta phải tự xác định đâu là những điều có ý nghĩa, một nhiệm vụ có vẻ tùy hứng và dần tạo ra thuyết hư vô. Dreyfus và Kelly lo lắng rằng: “Thuyết siêu hình của Thời đại Khai sáng với những cá nhân tự trị không chỉ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, mà chắc chắn còn dẫn đến một cuộc sống khó chịu.” 25 Descartes: Nhà triết học, khoa học và toán học người Pháp. (ND) 26 Thời đại Khai sáng (Enlightenment) ý chỉ thế kỷ XVIII, khi khoa học bắt đầu phát triển. (ND) Lúc đầu, vấn đề này có vẻ không được chúng ta quan tâm, nhưng một khi đã thực hiện giải pháp của Dreyfus và Kelly, chúng ta sẽ khám phá thêm nhiều điều sâu sắc và mới mẻ về nguồn gốc của ý nghĩa. Mối liên hệ này có thể khiến bạn không quá bất ngờ khi biết rằng, phản ứng của Dreyfus và Kelly đối với chủ nghĩa hư vô hiện đại được xây dựng dựa trên chủ đề mở đầu của chương này: những thợ thủ công. Dreyfus và Kelly đã tranh luận trong phần cuối của cuốn sách rằng: Sự khéo léo chính là chìa khóa khơi dậy cảm giác thiêng liêng theo cách có trách nhiệm. Để minh chứng cho tuyên bố này, họ lấy ví dụ về tính tổ chức thông qua việc phân tích một người thợ chuyên làm và sửa chữa bánh xe bằng gỗ khéo léo – giờ đây, nghề này đã thất truyền. “Bởi mỗi mảnh gỗ là một sự khác biệt và có tính chất riêng,” họ viết sau một đoạn văn mô tả chi tiết về nghề làm và sửa chữa bánh xe thủ công. “Người thợ mộc có mối liên hệ mật thiết với những tấm gỗ mà anh ta thao tác. Những điểm tinh tế này cần được chú ý và củng cố thêm.” Khi đề cao “những điểm tinh tế” trong cách thức làm việc của người thợ mộc, họ nhận ra anh ta đã tình cờ chạm đến một thứ rất quan trọng trong thế giới hậu Thời đại Khai sáng: nguồn ý nghĩa nằm bên ngoài mỗi cá nhân. Người thợ chuyên làm và sửa chữa bánh xe này không hề tự ý đưa ra quyết định xem điểm nào của tấm gỗ có giá trị và điểm nào không; đây là những giá trị vốn có của tấm gỗ và là công dụng của nó. Dreyfus và Kelly giải thích rằng sự thiêng liêng là điều hay gặp trong nghề thủ công. Họ kết luận rằng nhiệm vụ của một người thợ thủ công “không phải là tạo ra ý nghĩa, mà đúng hơn là rèn luyện kỹ năng để nhận ra những ý nghĩa đã có sẵn trong con người họ”. Điều này giúp giải phóng những nghệ nhân của chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa cá nhân tự trị, mang lại một thế giới ý nghĩa có trật tự. Đồng thời, ý nghĩa này có vẻ an toàn hơn so với các nguồn ý nghĩa được trích dẫn trong các thời kỳ trước. Quay trở lại với câu hỏi về sự hài lòng trong công việc, cách diễn giải của Dreyfus và Kelly về sự khéo léo trong lĩnh vực thủ công cũng giống như con đường dẫn đến ý nghĩa, nó mang lại hiểu biết tường tận về lý do tại sao công việc của những người như Ric Furrer lại ảnh hưởng tới rất nhiều người. Những triết gia này kết luận rằng: Vẻ hài lòng trên khuôn mặt của Furrer khi ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ kim loại thô là cái nhìn thể hiện sự đánh giá cao về những thứ khó nắm bắt và có giá trị trong thời hiện đại. Chúng là những ý niệm mơ hồ về sự thiêng liêng. Một khi đã hiểu, chúng ta có thể liên kết sự thiêng liêng vốn có trong lĩnh vực thủ công truyền thống với những ngành nghề tri thức. Để làm vậy, trước tiên chúng ta phải thực hiện được hai việc quan trọng. Điều đầu tiên có thể đã rõ ràng nhưng tôi vẫn cần nhấn mạnh: Các ngành nghề thủ công không có giá trị nội hàm để tạo ra nguồn ý nghĩa đặc biệt này. Bất kỳ sự theo đuổi nghề nghiệp nào – về thể chất hay nhận thức – nhằm nâng cao kỹ năng cũng có thể tạo ra cảm giác thiêng liêng. """