🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Để tôi đọc lại
Ebooks
Nhóm Zalo
ĐỂ TÔI ĐỌC LẠI
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Nhà xuất bản: Văn học (2001)
Kích thước: 13x19 cm
Số trang: 239
MỤC LỤC
Lời nhà xuất bản
Lời nói đầu
TỰA CUỐN CHÍ SĨ NGUYỄN QUANG DIÊU của Nguyễn Văn Hầu
LƯƠNG TÂM NHÂN LOẠI
LÀM CON NÊN NHỚ
NHÀ CẦM QUYỀN VÀ DƯ LUẬN
THẦYHỌC TÔI: CỤ DƯƠNG QUẢNG HÀM
Ý NGHĨA CÁI CHẾT CỦA GIÁO SƯ TRẦN VINH ANH
CỤ PHAN (BỘI CHÂU) VÀ LÒNG DÂN NGUIỄN HỮU NGƯ VÀ TẬP QÊ HƯƠNG KHÓC BÁC ĐÔNG HỒ
TỰA ÚC VIÊN THI THOẠI CỦA ĐÔNG HỒ TÔI DỊCH CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC
NHÀ CÁCH MẠNG TRẦN QUÍ CÁP
THI SĨ QUÁCH TẤN VÀ XỨ TRẦM HƯƠNG CON ĐƯỜNG HÒA BÌNH
TỪ PHƯƠNG KHÊ LÊN NÚI HÙNG
MỐI TÌNH NGHỆ SĨ
TỰA TUYỂN TẬP THƠ HÁN VIỆT của Đông Xuyên NGUYCƠ XUẤT NÃO
HƯ CHU NGUYỄN KÌ THUỴ
TỰA ĐẤT NƯỚC QUÊ HƯƠNG
CHÁU BÀ NỘI TỘI BÀ NGOẠI
CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?
Lời nhà xuất bản
Từ vài ba bốn chục năm gần đây bạn đọc nước ta, nhất là các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, đã từng quen biết Nguyễn Hiến Lê. Người ta không chỉ hoan nghênh và thẳng thắn trao đổi cùng ông về những ý kiến do ông đưa ra về nhiều vấn đề học thuật hay quốc kế dân sinh, mà người ta còn ghi nhận ở ông - một trí thức cần cù, luôn có khát vọng đóng góp công sức khảo cứu của mình vào việc xây dựng một nền văn hoá – giáo dục Việt Nam thích hợp, lành mạnh, phát triển.
Tập Để tôi đọc lại của ông đã phản ánh một phần tư tưởng khoa học của ông, tấm lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của ông.
Như là một tập bút kí, ghi chép, giới thiệu văn chương – văn học – văn hoá và một số vấn đề liên quan, được viết ra từ cách đây vài ba chục năm, Để tôi đọc lại được xuất bản vào thời điểm này, cũng sẽ giúp bạn đọc có thêm một tài liệu tham khảo bổ ích. Chúng ta sẽ gặp lại ở đây những ý nghĩ, những kiến giải… của Nguyễn Hiến Lê mà chúng ta từng tán thành, từng thấy là chúng đang được thực hiện; chúng ta cũng sẽ thấy là trong tập sách
này cũng còn một số ý kiến cần được trao đổi thêm, nhiều số liệu và sự việc đã không còn cập nhật nữa.
Thiết nghĩ, đó đều là những việc có thể coi là bình thường trên diễn đàn học thuật lâu nay.
Nhà xuất bản Văn học trân trọng giới thiệu tập Để tôi đọc lại của Nguyễn Hiến Lê cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Văn học
Lời nói đầu
Đây không phải là một tuyển tập theo nghĩa chúng ta thường hiểu. Vì không có ý chỉ gom toàn những bài và hết thảy những bài tôi lấy làm đắc ý, mà còn thu thập một số bài tôi muốn đọc lại vì nhiều lí do: có bài chép một hồi kí về người thân, bạn thân, bản thân của tôi, hoặc gợi lại cho tôi những cảnh đẹp tôi đã được thấy trong những phút rất ngắn ngủi nhưng thần tiên; có bài đánh dấu những suy tư của tôi về nhân sinh, về nghề cầm bút, những thí nghiệm của tôi về một bút pháp, có bài ghi lại những niềm ân hận, bất bình của tôi trong một xã hội, một thế giới đương trải qua một thời đại cực kì bất ổn, hỗn loạn.
Khi thu thập tôi không có thì giờ đọc lại hết một trăm tác phẩm (cả biên khảo lẫn dịch thuật) tôi đã xuất bản, với mười lăm tác phẩm nữa viết rồi mà chưa in, và những bài đăng trong năm trăm số báo mà khoảng một nửa chưa vô tập nào; cứ nhớ tới đâu tôi mới lục ra mà chép ra tới đấy. Sau này, nếu nhớ thêm tôi có thể sẽ thu thập một số bài khác, hoặc bỏ bớt một số bài đã ở đây. Tình cảm và tư tưởng của chúng ta vẫn thường thay đổi
tuỳ tuổi và tuỳ hoàn cảnh bên ngoài.
Khi chép lại, tôi thuận tay sửa đôi vài chữ (rất ít), bỏ hay thêm vài câu mà tôi đã đánh dấu hoặc cước chú để dễ nhận ra. Tôi rán ghi xuất xứ mỗi bài, nhưng có vài ba bài tôi chỉ nhớ mài mại đăng ở báo này năm nào thôi, vì không kiếm ra những số báo đó.
Tôi sắp đặt theo thứ tự thời gian, từng năm, chứ không từng tháng: có những bài cách nhau nhiều tháng mà tôi đặt liền nhau, vì cùng một thể văn, cùng một đề tài, hoặc cùng viết về một người. Nhưng ở sau bảng mục lục tôi đã làm một bảng phân loại sơ sài để dễ tìm[1].
Tập này chép làm ba bản; chỉ bản I, II là chép đủ các bài còn bản III chỉ chép những bài hơi khó khăn vì không có trong các tác phẩm của tôi đã xuất bản.
Sài Gòn ngày 1 – 1 – 1978
Nguyễn Hiến Lê
TỰA CUỐN CHÍ SĨ NGUYỄN QUANG DIÊU
của Nguyễn Văn Hầu (Xây Dựng, 1961)
Lần đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, tôi ngán “Hòn ngọc Viễn Đông” này quá. Đủ mọi giống người hỗn tạp, đa số là con buôn; trong bụi và ồn; muốn kiếm một chỗ thanh tịnh có chút di tích để ôn lại dĩ vãng thì không biết kiếm ở đâu, và suốt ngày thâu đêm chỉ thấy người ta ăn uống, đánh tứ sắc và ca vọng cổ.
Cũng may, lần ấy tôi chỉ ở Sài Gòn có nửa tháng rồi được phái ngay xuống Lục tỉnh. Trong hai năm liền, tôi đi khắp miền Tây, tới đâu cũng nhận xét dân tình và tôi mừng rằng sinh lực của miền Nam này còn mạnh lắm. Nó không hiển hiện ở các đô thị như Sài Gòn Chợ Lớn mà dào dạt, cuồn cuộn ở thôn quê, trên bờ nương con rạch mát rượi bóng dừa, trên những cánh đồng bát ngát bông
sen và bông súng. Dù ở Cần Thơ, Rạch Giá hay Sa Đéc, đâu đâu tôi cũng thấy dân quê chất phác và đôn hậu, giữ được truyền thống của tổ tiên hơn cả dân quê miền Bắc.
Lạ lùng thật, Nam Việt là đất mới, lại chịu ảnh hưởng của Pháp sớm hơn Bắc Việt mà cổ tục ở đây được bảo tồn hơn ở ngoài kia. Cơ hồ nông dân nào cũng nhớ được nhiều tích cũ, thuộc được ít câu trong Minh tâm bửu giám, họ hiếu đễ, biết kính trọng nhà Nho, mà nhà Nho ở đây cũng đáng cho họ trọng: có lễ độ, có tâm hồn, một số có khí phách nữa. Tôi đã vào những nhà sàn ba gian lợp ngói hay lá, thấp lè tè, tối om om và thấy nhà nào căn đẹp nhất cũng dành cho việc thờ phụng tổ tiên, mà những chỗ trang hoàng đẹp nhất cũng là những chỗ để thờ; bên cạnh ban thờ tôi lại thấy treo hình các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Chủ nhân luôn luôn nhã nhặn tiếp đón tôi, và khi thấy tôi chăm chú nhìn các đôi câu đối, đoán rằng tôi biết chút ít chữ Hán thì không e dè gì cả, đọc cho tôi nghe thơ văn của các nhà cách mạng hoặc hỏi tôi còn nhớ truyện Ma Chí Ni, Gia Lý Ba Địch[2]trong bộ Ẩm Băng của Lương Khải Siêu không. Các nhà nho đó rất nghiêm khắc: con đã đi tri huyện rồi, các cụ cũng nọc ra mà đánh, đậu kĩ sư rồi, các cụ cũng bắt đi chăn trâu trong khi đợi bố; và khi các cụ khuyên bảo điều gì thì dân làng răm rắp tuân theo hơn là tuân lệnh chủ quận.
Sinh lực của miền Nam là ở đó: hạng cựu học vẫn
giữ được phong độ, được dân chúng kính mến và tin tưởng; nhờ vậy hạng tân trí thức chưa đến nỗi vong bản, và giữa các giới có một tinh thần đoàn kết ngấm ngầm chống lại Pháp; thành thử sau tám chục năm cai trị, ảnh hưởng của Pháp ở đây chỉ như một lớp sơn, chưa ăn sâu được vào quần chúng. Khắp mấy tỉnh phía tây, tôi mến nhất miền từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh, một phần vì tôi biết rõ miền này hơn hết[3].
Từ Hồng Ngự, xuôi dòng Tiền Giang lần lượt hiện ra những bụi tre rậm rạp, những vườn gòn lưa thưa, những cồn cát đìu hiu, những ruộng dâu xanh mướt, những hàng sao nghiêm trang sau những hàng dừa yểu điệu, và bất giác ta ngâm lên những vần thơ của Thôi Hạo trong bài Hoàng hạc lâu, và của Huy Cận trong bài Tràng Giang.
Tới Tân Thuận và Cao Lãnh, ta được cảnh vật tưng bừng tiếp đón: dưới rạch ghe xuồng chen chúc mà trên bờ nhà cửa san sát, mận xoà trên mặt nước, xoài rủ ở trên đầu, quít thì đỏ ối mà nước thì trong xanh; con gái đã đẹp, nổi tiếng nữ công nữ hạnh mà con trai thì hay chữ mà có chí khí.
Cảnh chẳng những đẹp mà còn hùng. Con sông Tiền Giang ở những chỗ đầu cồn và cuối cồn, rộng có tới hai ba cây số, gặp mùa lụt lớn như vừa rồi, nước băng băng chảy, ngập cả vườn tược, đồng ruộng trên phi cơ nhìn
xuống người ta chỉ thấy một biển nước bao la trải ra từ biên giới Cao Miên tới vịnh Thái Lan, trên đó ló lên những ngọn cây và mái nhà. Mùa nắng nếu ta ghé vào tả ngạn, từ Hồng Ngự tới Phong Mĩ, bất cứ nơi nào, đi sâu vô ba cây số là gặp một cảnh hoang vu đáng làm đầu đề ngâm vịnh cho phái biên tái đời Đường: một khu rộng mấy chục cây số toàn lau, sậy, bàng, lát, trên là ánh nắng gay gắt, dưới là bùn lầy, không có một bóng người, nhưng vô số rùa, rắn, đỉa, muỗi... Xưa kia đây là đất dụng võ của Thiên Hộ Dương, mà gần đây nó vẫn là đất tung hoành của nhiều trang hảo hán. Thực dân Pháp ít khi phái lính vô, nhưng luôn luôn gờm miền này, nên đặt nhiều trạm do thám bao vây, riêng tôi biết được ba trạm ở Cao Lãnh, Chợ Thủ và Chợ Mới.
Biết rõ địa lí miền Hồng - Cao rồi, độc giả sẽ hiểu tại sao nó là nơi phát sinh nhiều nhà cách mạng. Nhờ có những khu phì nhiêu mà sự học mới phát đạt, và Cao Lãnh từ xưa vẫn nổi tiếng là đất văn vật. Hán học thịnh, gây được một truyền thống đạo nghĩa, ái quốc; truyền thống đó dễ giữ vì miền này hẻo lánh, ảnh hưởng của Pháp khó tới (hồi xưa, chưa có ca nô, xe hơi, phải chèo xuồng từ Đốc Vàng qua Long Xuyên mất một ngày, lên Sài Gòn mất một tuần; rồi lại nhờ cảnh thiên nhiên hoang vu hùng vĩ, người ta phải phấn đấu, quen xông pha, biết đoàn kết, sau cùng nhờ có cánh đồng Tháp ở ngay sau
nền nhà[4], người ta muốn trốn lúc nào cũng được, nên tinh thần chống Pháp càng mạnh. Vì vậy vào khoảng 1907-1908, khi phong trào Đông du nổi lên ở Nam Việt thì miền Cao Lãnh hưởng ứng liền. Ít năm sau Pháp bắt cụ Dương Bá Trạc an trí ở Long Xuyên, cụ Võ Hoành an trí ở Sa Đéc, rồi do một sự tình cờ cụ Phương Sơn cũng trong Đông Kinh nghĩa thục, lựa ngay miền Đốc Vàng để ẩn náu; và các nhà Nho có tâm huyết ở miền Hồng - Cao ngẫu nhiên mà được gần một số đàn anh đất Bắc, tinh thần càng thêm phấn khởi. Từ Cao Lãnh tới Hồng Ngự, không làng nào không có một vài nhà cách mạng bị Pháp tróc nã, hoặc ghi tên vào sổ đen. Riêng làng Đốc Vàng Thượng tôi đã biết bốn năm nhà; ở Cao Lãnh chắc còn nhiều hơn. Những hoạt động của các nhà đó, dân chúng đều biết, các hương chức còn biết rõ hơn nữa, nhưng tôi đã nói, dân ở đây biết đoàn kết, biết trọng truyền thống, nên kẻ nào dù không tán đồng cũng không mặt mũi nào tố cáo và Pháp hay được mà ra tay thì thường là đã muộn.
Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu
(Nguồn: mrkentran.edutender.org)[5]
Kiệt hiệt nhất trong số đó là cụ Nguyễn Quang Diêu. Lần đầu tiên được nghe một ông bác kể chuyện cụ, tôi thán phục nhà cách mạng ở Cao Lãnh đó. Hôm nay đọc tác phẩm của ông Nguyễn Văn Hầu, tôi càng ngưỡng mộ cụ. Năm 1913 cụ cầm đầu một phái đoàn, đi lén cách nào không biết, qua Hương Cảng, chưa kịp hoạt động thì bị Pháp bắt, đưa về giam ở khám lớn Hà Nội rồi đày qua Guyane (Nam Mĩ). Vài năm sau cụ vượt ngục trốn qua
đảo Trinidad của Anh. Cuối năm 1920, trở về Hương Cảng, tìm cách tiếp xúc với Nguyễn Hải Thần, năm 1926 tình nguyện trở về hoạt động ngay ở trong nước.
Về tới Sa Đéc, cụ lại thăm cụ Võ Hoành. Cụ Võ sai người đưa vợ con cụ Nguyễn ở Cao Lãnh tới để gia đình gặp mặt nhau. Sau mười mấy năm xa cách, ai trong cảnh mà chẳng cảm động, quyến luyến. Vậy mà cụ chỉ khảng khái khuyên cụ bà một câu:
“Tôi tưởng bỏ thân nơi đất lạ, nay may mà được về đây, mừng rỡ gặp nhau như vầy cũng là quí lắm. Thôi bà trở về lo lắng nuôi con, còn phần tôi bao giờ việc nước chưa xong thì chắc tôi chưa sum vầy với gia đình được”.
Sao mà tinh thần cụ giống tinh thần cụ Phan Bội Châu đến thế!
Rồi cụ hoạt động ngay ở quê nhà mới là gan cho chớ. Suốt mười năm sau luôn cho tới khi mất, khi nằm dưới ghe, khi trọ ở chùa, cụ liên kết các đồng chí, tuyên truyền trong đám thanh niên nhất là đám nông dân ở các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Tân An, Trà Vinh, Bến Tre... nhưng khu vực chính vẫn là miền Hồng Cao, vì miền này từ địa thế đến dân tình đều thuận tiện cho công việc cách mạng như tôi đã nói. Thành thử miền Hồng Cao giữ một địa vị đặc biệt trong đời cụ: Cụ sinh ở phía Nam miền đó, làng Tân Thuận, hoạt động khắp miền đó rồi qui tiên ở
phía Bắc miền đó, làng Vĩnh Hoà, tại biên giới Việt - Miên. Ta ít thấy nhà cách mạng nào mà đời sống mật thiết với quê hương như vậy.
Cụ mất 5 năm rồi, tung tích mới bị lộ và viên chủ tỉnh Châu Đốc nổi giận, hạ lệnh ngưng chức một lúc ba người trong ban hội tề làng Vĩnh Hoà. Tinh thần dân miền Hồng Cao đáng quí thật. Mà cụ không phụ lòng của họ, suốt đời khí tiết không đổi. Cũng như các đồng chí của cụ thời đó, cụ đã thất bại. Nhiệt huyết và can tràng thì có dư mà kĩ thuật cách mạng thì còn thiếu. Mà thời cơ lại không thuận tiện. Nhưng xét về phương diện kế vãng khai lai thì cụ đã thành công. Tôi chắc những bài thơ cách mạng của cụ đã nung chí nhiều người, và tôi cũng chắc rằng trong số môn đồ của cụ thế nào chẳng có một số đã hăng hái vác tầm vông đuổi Pháp khi Pháp được Mỹ ngầm giúp, theo gót Anh, đổ bộ lên đây để toan chiếm lại nước mình.
Đời cách mạng của cụ gồm một phần tư thế kỉ mạo hiểm và hi sinh; thơ của cụ Nôm có, Hán có, giọng rất nồng nàn; mà danh của cụ thì ngoài miền Hồng - Cao, ít ai được biết. Trong những sách biên khảo về phong trào cách mạng ở miền Nam, tôi chưa thấy cuốn nào ghi tên cụ. Cụ chẳng cần người sau biết cụ, nhưng chúng ta là người sau có bổn phận ghi chép tiểu sử của cụ để lưu lại một tấm gương cho người sau nữa. Chúng ta nên hàm ơn ông Nguyễn Văn Hầu đã làm công việc ấy thay chúng ta.
Bìa cuốn Nguyễn Quang Diêu – Hương Sen tái bản (Sài Gòn 1974)
(Nguồn: sachxua.net)
Ông Hầu quê ở Cù lao Giêng, khoảng giữa miền Hồng - Cao, hồi nhỏ có lần nuôi cái mộng được làm học trò của cụ, lớn lên luôn luôn tưởng niệm cụ, gần đây bỏ ra mấy năm điều tra, phỏng vấn rồi thu thập tài liệu về đời cụ cùng thi văn của cụ mà soạn nên cuốn này.
Phần tiểu sử đầy đủ và đáng tin: ông thận trọng so sánh, cân nhắc kiểm soát tài liệu, rồi trung thực ghi lại, không tiểu thuyết hoá, chỗ nào có nhiều thuyết khác nhau thì tồn nghi.
Phần thi văn cũng đáng quí: thi văn của cụ đồn rằng rất nhiều, nay còn lại khoảng trăm bài, đều có giọng kí thác, lời tuy không chuốt - nhà cách mạng, chí đâu ở làm thơ - nhưng một số bài có giá trị về sử liệu (như bài Hà Thành lâm nạn...) hoặc khéo dụng những từ ngữ đặc biệt của miền Nam (như bài Văn tế đức Giáo tông Cao Đài) gây được một âm hưởng riêng, lại có thể giúp được nhiều cho những ai muốn khảo về Việt ngữ.
(Bỏ đoạn cuối khoảng 2 trang đưa một đề nghị với Viện khảo cổ Sài Gòn về việc thu thập các tài liệu, di tích về sử)
Long Xuyên ngày 30 - 11 - 1966.
LƯƠNG TÂM NHÂN LOẠI
Nhiều nhà bác học trên thế giới đã lên tiếng từ hai chục năm nay rằng các nước giàu phải giúp các xứ nghèo phát triển để lấp dần cái hố giữa giàu nghèo đi.
Ông Piatier trong cuốn Vie internationale Conflits (Larousse) khuyên các nước tiên tiến bớt ích kỉ đừng nắm trọn quyền sản xuất hoá phẩm mà phải mở rộng luồng xuất cảng theo cả hai chiều, nghĩa là cho các xứ kém phát
triển được đủ phương tiện xuất cảng chẳng riêng nguyên liệu mà cả hoá phẩm nữa; muốn vậy, phải giúp kĩ nghệ của họ tiến bộ lên chứ đừng bóp nghẹt nó; ông lại khuyên tất cả các dân tộc phải vượt lên trên cái thói cạnh tranh, chiến đấu với nhau, hợp tác với nhau theo nhưng mẫu hợp đồng mới, phải tạo một ý thức hệ mới cho nhân loại, nếu không thì “sự hỗn loạn và những cuộc bạo động sẽ nhất định xảy ra, chúng ta chỉ chưa biết được là xảy ra làm sao, lúc nào và ở đâu đấy thôi.”
Ông Fourastié trong cuốn Histoire de Demain cũng bảo các nước giàu và nghèo phải thay đổi thái độ với nhau; các nước giàu phải giúp đỡ các nước nghèo một
cách tích cực hơn: trong thời đói kém, phải giúp đỡ vật chất bằng tặng phẩm; trong thời bình thường phải giúp vốn bằng dụng cụ, kĩ thuật và chuyên viên. Tất cả những sự giúp đỡ đó không nên trực tiếp từ nước này qua nước nọ mà nên chuyển qua Liên Hiệp Quốc làm trung gian, có vậy mới tránh được sự lợi dụng, những ảnh hưởng không tốt về chính trị thế giới, nguồn gốc của mọi sự xung đột. (Đó cũng là ý kiến của Max Pietsch trong La révolution Industrielle - Pagot - 1961). Và cũng như Piatier, ông nhấn mạnh rằng các nước giàu phải mua giúp sản phẩm của các nước nghèo, đừng cạnh tranh với họ, đừng dùng quan thuế để che chở sản phẩm của mình, như vậy để các nước nghèo sống được. Tóm lại, phải có một sự phân công trên phương diện quốc tế và Liên Hiệp Quốc phải lập những kế hoạch dài hạn cho toàn thế giới. Kí giả Mĩ Edgar Snow trong cuốn The other side of the River cũng nhận định như vậy: “Trong một thế giới đói mà Mĩ trợ cấp cho các điền chủ để họ bỏ hoang ruộng đất và mỗi ngày tiêu phí hai triệu Mĩ kim để trữ những nông phẩm dư xài thì quả là tinh thần còn ấu trĩ. Phải giúp các xứ kém phát triển những phương tiện sản xuất và phương tiện trao đổi về thương mại một cách bình đẳng”.
Ông Alfred Sauvy còn quả quyết rằng “lương tâm nhân loại đã thức tỉnh” rằng các nước giàu sẽ phải chia ăn với các nước nghèo, có lẽ còn phải cho dân nghèo di cư vô nữa vì không có gì đáng thương tâm bằng đất để hoang
trong khi nhiều dân tộc không đủ đất cày cấy! (Théorie générale de la population). Lời cảnh cáo của Marc Paillet trong cuốn Gauche année zéro (Gallimand - 1964) còn gay gắt hơn: phải rất đỗi điên khùng mới nghĩ rằng hiện trạng của thế giới có thế kéo dài rất lâu mà các dân tộc nghèo sẽ không dùng đến một giải pháp bi thảm. Kẻ sống trong cảnh thiếu thốn cực khổ thế nào rồi cũng tới lúc chỉ chết trong cảnh chiến đấu chứ không chịu khoanh tay mà chết dần chết mòn... Cái thế giới đói kia đã tổ chức lại rồi đấy. Nó đã đặt điều kiện rồi đấy. Rồi đây nó sẽ đòi cho được cái quyền của nó. Lúc đó sẽ không còn luân lí, công bằng gì ráo; chỉ có một mặt trận mà bên này là những kẻ túng thiếu, bên kia là những kẻ dư dả. Lúc đó có đưa ra lí lẽ này nọ thì cũng chẳng ai nghe.”
Và theo ông, chỉ trong 10 - 20 năm nữa, nhiều dân tộc nghèo sẽ có bom nguyên tử, mà trong tay kẻ nghèo, một trái bom nguyên tử sẽ là một mối đe doạ kinh khủng gấp trăm trong tay kẻ giàu. Cuối cùng ông dẫn lời của René Dumont trong cuốn L’Afrique noire est mal partie : Sự mất thăng bằng giữa các nước giàu và các nước nghèo đã nghiêm trọng quá rồi. Viện trợ nào cứ tăng theo một mức chậm chạp như mấy năm nay thì không thể nào gây lại thế thăng bằng được. Phải viện trợ thật mạnh đi (...) mà như vậy dù sao cũng không tốn bằng số vũ khí người ta chế tạo mỗi năm (...) Phải có một kế hoạch chung cho thế giới, phải dần dần tiến tới một Chính phủ liên hiệp
của toàn thế giới (…) nếu không thì vào khoảng năm 2.000 nhân loại sẽ lâm nguy vì nạn đói.
Chỉ trong một năm nay, đọc được trên hai chục cuốn về kinh tế, chính trị, tôi thấy tác giả nào cũng gióng lên những lời thiết tha kêu gọi các nước giàu phải xét lại chính sách của họ với các nước nghèo. Ngay đến bác sĩ Karin Roon trong một cuốn dạy chúng ta cách nghỉ ngơi (The new way to relax) cũng thấy cần phải thay đổi nhân sinh quan cho hợp với thời đại: “Trong mười năm gần đây, những giá trị của chúng ta cũng thay đổi mau hơn là các thời trước. Khi cơn dông tàn phá châu Âu mới bặt tiếng gầm thét thì chúng ta đã biết ngay rằng phải nhìn tương lai theo một quan niệm khác. Cái mà xưa kia chúng ta gọi là sự an toàn đã không còn nữa: phải tìm nó ở ngay trong bản thân chúng ta. Những gia tài đồ sộ sụp đổ trong sớm tối. Ở cái thế giới có hằng trăm triệu kẻ đói rét, vô gia cư này mà súc tích tiền bạc và bảo vật thì chẳng đáng khen chút nào cả.”
Bìa cuốn Một niềm tin – Nxb Nguyễn Hiến Lê in năm 1965
(Nguồn: sachxua.net)
Các nhà bác học chân chính thường dễ thương. Họ trọng sự công bằng, ít có thành kiến, nhiều khi tư tưởng rộng rãi, vì họ chỉ yêu sự thực, và chỉ nghĩ tới nhân loại.
Nhưng họ chẳng có quyền hành gì cả - giả sử có thì trong thời này cũng chưa chắc họ đã làm nên việc, họ chỉ có thể đánh thức lương tâm của nhân loại thôi, gợi lên một ý thức mới, một nhân sinh quan mới để khuyên nhủ các nhà cầm quyền thôi, mà các nhà này, vì địa vị, vì trách nhiệm, chỉ lo giải quyết những việc trước mắt, chỉ lo bảo vệ quyền lợi trước mắt của dân tộc họ[6], quyền lợi đó nhiều khi tương phản với quyền lợi các dân tộc khác và có thể tương phản với quyền lợi sau này của dân tộc họ nữa. Không một nước nào có chính sách nhìn xa cả. Năm 1947 hay 1948, ông Fellereau nói với Staline và Truman đại ý như sau: “Tôi cần một tỉ Mĩ kim để diệt bệnh cùi trên khắp thế giới. Phi cơ của các ông có kiểu tốn 500 triệu Mĩ kim. Trong kế hoạch chế tạo của các ông, mỗi ông chịu bỏ đi một kiểu thôi thì lực lượng của các ông vẫn không chênh lệch nhau, mà tôi có tiền trị được hết bệnh cùi cho nhân loại”.
Staline và Truman đều làm thinh.
Mười lăm năm sau, A. Sauvy trong cuốn Malthus est les deux Marx (De noel) dẫn lời đó của Fellereau rồi kết luận: “Các ông giàu có, chiếm ba phần tư tài nguyên trên địa cầu kia, các ông phung phí tài nguyên đó là mang tội đấy. Các xung đột giữa các ông với nhau dù có quan trọng tới đâu đi nữa, so với sự sống của trên một tỉ người thì cũng không đáng kể gì. Thế hệ trước, các ông đã so
sánh bơ và đại bác và các ông đã lựa đại bác [nghĩa là bắt dân nhịn để có tiền chế tạo đại bác]. Bây giờ đây phải lựa chọn giữa đại bác của các ông và bơ của chúng tôi [của các nước nghèo], đúng hơn là giữa hoả tiễn của các ông và cơm của chúng tôi. Vì các ông phí phạm cơm hôm nay của chúng tôi, và tệ hơn, cả phần cơm có thể có được của chúng tôi sau này nữa... (không có gì tội nặng bằng dùng những thứ có thể nuôi sống người này để giết người khác). Sao Sauvy không nói: dùng những thứ có thể nuôi sống người để giết người? Câu đó làm cho tôi nhớ câu của Mạnh tử trong Li Lâu thượng: “Suất thổ địa nhi thực nhân nhục, tội bất dung ư tử”. (Vì tranh đất mà gây chiến, làm cho dân chết thì không khác gì cho đất đã ăn thịt dân, tội đó không tha chết được). Hoàn cảnh có khác nhưng lời kết tội cũng gắt như nhau[7].
Trong cuốn Le empire arabe, troisième grand? (Au fil d’Ariane - 1963) Henri Jego cho rằng Âu Mĩ ngày nay đã gần như chịu thua Nga ở châu Á, chỉ còn lo đối phó ở Ả Rập, Phi Châu, Nam Mĩ, và ông tự hỏi đế quốc Ả Rập sau này có thể thành khối thứ ba trên thế giới được không. Tôi nghĩ rằng trên thế giới không có ba khối mà chỉ có hai khối: Giàu và Nghèo. Âu Mĩ, cả Nga nữa thuộc vào khối giàu; khối nghèo gồm tất cả các nước kém phát triển và tới cuối thế kỉ, khối này sẽ chiếm 4 phần 5 dân số thế giới. Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ người ta
có thể dùng sức mạnh mà diệt được hết kẻ nghèo, vì họ đông quá; chỉ có cách cải thiện đời sống của kẻ nghèo, làm cho họ đỡ khổ cực, điêu đứng là giảm được sức mạnh của họ thôi. Mà không thể chỉ dùng ý thức hệ mà cải thiện được đời sống con người. Người nghèo khổ không cần biết mà cũng không thể hiểu nỗi những ý thức hệ cao đẹp của khối này hay khối khác, họ chỉ muốn được trông thấy kết quả cụ thể của mỗi ý thức hệ, ý thức hệ nào nâng cao đời sống, nhân phẩm của họ được mau là họ trọng, là họ theo. Các nước tiên tiến muốn ganh đua nhau thì chỉ nên ganh đua về phương diện đó.
Nhà tư tưởng nào truyền bá được trong nhân loại sự tương thân, tương trợ, nhà cầm quyền ở các nước phát triển nào giảng cho dân chúng, nhận chân được rằng mình sống sung sướng gấp cả chục lần dân tộc khác thì nên nhịn tiêu xài một chút để giúp đỡ xứ nghèo mà chẳng đòi hỏi gì cả, những nhà đó sẽ là ân nhân của chúng ta[8], vì trong mỗi nước mới chỉ được vài ngàn hay vài vạn người biết nhìn xa mà thấy được cái hướng tiến của thế giới thì lương tâm thế giới chưa thể gọi là thức tỉnh được.
Năm 1835, Alexit de Tocqueville trong cuốn De la démocratie en Amérique, và năm 1961, Eisenhower khi mãn nhiệm kì tổng thống, đều cảnh cáo các nhà cầm quyền rằng phải đề phòng bọn quân phiệt - thời này họ càng mạnh vì liên kết với bọn kĩ phiệt (technocrate) và tài
phiệt, đừng để họ phá hoại tự do và hòa bình. Chỉ khi nào già nửa dân chúng trong mỗi nước giác ngộ và đả đảo bọn “phiệt” đó thì nhân loại mới có thể hòa bình, mà các dân tộc mới giúp đỡ nhau như anh em được, các nước kém phát triển mới được bình đẳng với các nước tiên tiến về phương diện sử dụng tài nguyên thế giới và phương diện trao đổi sản phẩm đúng như lời cam kết trong Hiến Chương Đại Tây Dương.[9]
Đả đảo bọn quân phiệt rồi nhân loại mới có thế tiến tới hòa bình được. Chế tạo mỗi khẩu súng đại bác, mỗi phi cơ khu trục, mỗi chiến hạm là cướp đi bao nhiêu cơm áo của người nghèo, bao nhiêu mồ hôi của thợ thuyền. Số tiền Nga và Mĩ dùng để chế tạo vũ khí, nếu chia đều cho các dân nghèo trên thế giới thì mỗi người được cả vạn đồng mỗi năm, xây được biết bao trường học và dưỡng đường. Ai cũng biết vậy mà không ai giải được cái nạn chiến tranh cho nhân loại. Loài người săn tìm được cách lên cung trăng mà bao giờ mới tìm được cách sống yên ổn với nhau trên địa cầu này? Không thể sống yên ổn với nhau trên địa cầu thì lên cung trăng làm gì? Cái bi kịch vạn đại của nhân loại ở đó: chinh phục được thiên nhiên mà không thắng được lòng mình, không tạo được hạnh phúc cho mình.
(Trích trong Một niềm tin, 160-165, viết năm 1964, xuất bản năm 1965)
LÀM CON NÊN NHỚ
Hôm nay tôi đọc lại không biết là lần thứ mấy bức thư của Livingstone Larnod nhan đề là Làm cha nên nhớ mà Dale Carnegie đã trích dẫn trong cuốn Đắc nhân tâm, bức thư mở đầu như vầy: “Con ơi, con ngủ, má đỏ kề bên tay, tóc mây dính trên trán...”
Trong cái kho tàng văn học Đông, Tây tôi chỉ mới thấy được bốn năm bài cảm động như bức thư ấy. Lần nào đọc lại tôi cùng rưng rưng nước mắt mà hối hận rằng, đã nhiều lần, y như ông Livingstone Larnod, đôi khi tôi tỏ ra gắt gỏng quá, nghiêm khắc quá với con tôi, bất công với nó nữa. Nhưng hôm nay đọc lại, tôi còn cảm động hơn tất cả các lần trước, tôi đã sụt sùi vì chẳng những tôi đã nghĩ đến con tôi mà còn nghĩ tới ba tôi nữa.
Lạ thật! Bức thư đó chỉ là lời sám hối của một người cha mà sao hôm nay nó lại gợi cho tôi lòng sám hối của một người con, là tôi.
Bìa cuốn Làm con nên nhớ[10]
(Nguồn: sachxua.net)
Hồi đó tôi mới đúng năm tuổi, vừa thuộc vần quốc ngữ. Ba tôi chỉ bài cho tôi rồi đi thăm một người bạn; trước khi đi dặn kỹ tôi ở nhà phải học bài cho thuộc đã rồi hãy chơi để khi người về thì trả bài. Nhưng ba tôi vừa mới ra khỏi cửa thì một đứa trẻ bên hàng xóm qua rủ tôi đánh bi và tôi đã quên lời dặn của ba tôi, vui vẻ đánh bi. Vài giờ sau ba tôi về, bài không thuộc và tôi bị nọc ra đánh. Tôi không còn nhớ trận đòn đó dữ ra sao, chỉ nhớ
rằng bà ngoại tôi phải xin giùm cho tôi.
Tối hôm đó, ăn cơm xong tôi vẫn còn len lét, tính mở sách ra học thì ba tôi bảo: “Tối nay cho con nghỉ học; thay quần áo rồi đi chơi với cậu”. Tôi mừng quýnh. Ba tôi thuê xe lại đường Paul Bert, dắt tôi vào tiệm rực rỡ ánh đèn, mua cho tôi một gói kẹo tây, rồi hai cha con nắm tay nhau thủng thẳng đi lại hồ Hoàn Kiếm, phía đối diện với Tháp Bút, ngồi hóng mát và thưởng sen bên bờ nước. Ba tôi giấu gói kẹo, bảo tôi kiếm, đùa giỡn với tôi bên bãi cỏ. Chỗ đó vắng người và ít ánh đèn. Bình thường ba tôi rất nghiêm khắc mà lúc đó thật âu yếm.
Chuyện đó có gì lạ đâu, mà sao đã gần nửa thế kỷ, hôm nay tôi vẫn còn nhớ rành mạch, nhớ từ nếp khăn ba tôi chít tới những đám sen trên mặt hồ. Hồi đó tôi chỉ cảm được lòng thương của ba tôi chứ nhất định là chưa phân tích được tâm lí của người, nhưng hôm nay tôi đã hiểu tâm lý đó.
Tâm lí đó cũng y như tâm lí của tôi cách đây mười sáu năm, hồi con tôi mười một tuổi. Một lần nó vô ý mắc nhiều lỗi nặng khi làm bài; tôi đánh nó mấy roi; mươi, mười lăm phút sau, qua cơn giận, tôi thấy tôi vô lí, tôi hối hận, vắt cho nó một li nước cam, đưa lên kề môi cho nó uống và trong khi nó uống thì nước mắt của chúng tôi rớt trên tập vở của nó, làm nhòe mất mấy chữ. Chiều đó tôi cho nó nghỉ học sớm, rủ nó ra sân đánh bi. Và tôi để
cho nó thắng. Thắng được tôi, nó thích lắm. Hôm nay nó còn nhớ trận đòn đó không (tôi mong rằng không), nhưng tôi thì không quên.
Một nỗi thương tâm chung cho loài người là khi hiểu được tình của cha mẹ thì cha mẹ thường đã khuất bóng. Sau cái đêm trên bờ hồ Hoàn Kiếm, ba tôi chỉ sống thêm được khoảng hai năm. Bây giờ đây tôi biết đổi cái gì cho ba tôi sống lại được, dù chỉ trong mười phút, để nghe lời sám hối của tôi, đọc bức thư này của tôi!
Tôi biết rằng một đứa trẻ mới năm tuổi thì chưa thể tự chủ được, chưa hiểu được thế nào là bổn phận, việc nào là phải làm, vậy thì tuổi đó tôi ham chơi, không học bài, đâu phải là có lỗi. Nhưng hôm nay tôi vẫn sám hối. Vì tôi đã gây khổ cho ba tôi, dù chỉ là vô tình. Đêm hôm đó chắc ba tôi đã bứt rứt, hối hận lắm, nên mới âu yếm với tôi như vậy. Xin vong linh cậu tha lỗi cho con. Hôm nay lòng con cũng nát như lòng cậu đêm đó vậy.
Phải có con rồi mới hiểu được nỗi lòng của cha. Trong một trăm gia đình, dù giàu dù nghèo, đã sang dù hèn, tôi không chắc có được một gia đình nào mà cha mẹ không buồn khổ ít nhiều vì con cái. Chúng ngu đần thì nhất định là cha mẹ buồn rồi, mà chúng thông minh thì nhiều khi cha mẹ cũng bực mình; chúng khó dạy thì nhất định là cha mẹ khổ rồi, mà chúng dễ dạy thì cha mẹ chưa chắc đã khỏi khổ. Hồi nhỏ tôi thường được khen là ngoan
mà nay nhớ lại đã bao lần làm cho cha mẹ tôi rầu rĩ. Rồi còn biết bao gia đình trẻ mắng lại cha mẹ, từ bỏ cha mẹ mới là đứt ruột cho chứ! Nếu không vậy thì lại là những đứa chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến cha mẹ. Hai mươi lăm tuổi đầu, tư chất kém, thi hoài Tú tài 1 mà không đậu, mà vẫn không chịu kiếm một nghề để giúp nhà, vẫn bắt cha già bảy chục tuổi lọm cọm kiếm từng đồng một để đóng tiền cơm, tiền học cả ngàn đồng mỗi tháng. Những cảnh thương tâm đó nhan nhản trong xã hội.
Thời nay nhà giáo dục nào cũng bênh vực quyền lợi của trẻ, điều đó rất chính đáng. Người lớn chúng ta nhiều khi bất công thật, có kẻ tàn nhẫn nữa, cho nên lời của Livingstone Larnod mới làm cảm động lòng ta như vậy, mới được dịch ra mười bốn thứ tiếng, đăng trên hàng trăm tờ báo, đọc trên hàng chục đài phát thanh. Nhưng có ai lưu tâm chỉ một chút thôi, tới nỗi lòng của cha mẹ không? Trong mấy chục năm nay tôi chưa được đọc một cuốn nào, một bài nào kể những nỗi khổ tâm của người cha đấy. Không dạy trẻ thì có tội bỏ bê chúng, mà dạy chúng thì làm sao chẳng có lúc nghiêm khắc mà phải chuốc lấy lời trách oán của các nhà giáo dục kia?
Má tôi ít học, nhưng có tình thương con thì là có lương tri, mà có lương tri thì còn hơn là có tiền: người đã để tôi tự ý định đoạt lấy cuộc đời của tôi, không can
thiệp vào sự lựa nghề, sự lập gia đình của tôi. Hồi trẻ tôi cho vậy là tự nhiên; phải đợi tới ngày nay, hai thứ tóc rồi, tôi mới hiểu rằng người đã hi sinh cho tôi. Không hi sinh mà tôi là con trưởng lại để tôi sống xa người tới hai ngàn cây số! Không hi sinh, mà nhà tôi trước sau làm dâu không đầy một tháng! Không hi sinh, mà người phải đi về bốn ngàn cây số để bồng cháu nội của người trong có bảy ngày!
Nhưng giả sử hồi đó người có “can thiệp” vào đời sống của tôi thì bây giờ tôi cũng hiểu được rằng người không phải là ích kỉ. Người chỉ tìm hạnh phúc cho con người theo quan niệm, kinh nghiệm của người thì thôi. Người làm sao có thể hành động khác được vì con của người chẳng phải là một phần của người, là tất cả hi vọng, là lẽ sống của người ư? Khi quan niệm của cha mẹ không hợp với nguyện vọng của ta thì ta bảo rằng cha mẹ không sáng suốt! Lạ thật!
Chí lí nước chảy xuôi chứ không bao giờ chạy ngược như tục ngữ đã nói. Tình thương của cha mẹ tự nhiên như nước chảy xuôi mà lòng hiếu của con phải nhờ giáo dục, nhờ kinh nghiệm rồi mới có.
Không, tôi không tin cha mẹ mà lại ích kỉ bao giờ. Ích kỉ là chỉ nghĩ tới mình, phân biệt ta và người, mà cha mẹ thì không phân biệt mình và con. Không ai nuôi con để mong chúng sau này đền đáp mình cả. Má tôi về già
vẫn làm lụng vất vả từ sáng tới khuya để tự túc mà khỏi trông cậy vào chúng tôi. Mà những cha mẹ nào bất đắc dĩ phải trông cậy vào con cái thì luôn luôn ân hận rằng chẳng giúp chúng được gì cả. Ôi! Nuôi chúng cả một đời về già chúng có đáp lại trong ít năm - mà đáp lại cách nào - thì vẫn ân hận rằng chẳng giúp được gì cả! Nước chảy xuôi hoài cho tới khi cạn. Cha mẹ cứ muốn giúp con hoài cho tới khi chết. Vậy mà người ta còn bảo rằng cha mẹ ích kỉ trong cái trào lưu sinh hoạt vĩnh viễn bất tuyệt của loài người, nước đã chảy đi thì không bao giờ trở lại về nguồn. Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt đầu rời suối, các bạn nên ngừng bước lại một chút, quay lại nhìn nguồn đề hiểu nguồn thì trên đường đời các bạn sẽ đỡ phải ân hận, đỡ phải sám hối như hôm nay tôi sám hối trên bàn viết, trước mặt bàn thờ ba má tôi mà lư trầm đương lặng lẽ tỏa hương.
(Bách Khoa số 207 ngày 15 - 8 - 1965)[11]
Phật lịch 2509
NHÀ CẦM QUYỀN VÀ DƯ LUẬN
Chính phủ nào cũng cần có một sự chỉ trích không ngừng, dù sự chí trích đó đôi khi bất công, có vậy mới khỏi mắc cái tật làm biếng và tham nhũng.
David Cushman Doyle.
(Bài này mới đầu đăng trên tạp chí Bách Khoa số 226 ngày 1-6-66, nhưng bị đục bỏ nhiều quá, ý nghĩa rời rạc. Ông Trần Thúc Linh tiếc, chép lại bản thảo của tôi giới thiệu với Nhật báo Thần Chung. Báo này sắp chữ xong, định in vào số 5-6 – 66, nhưng Đinh Trịnh Chính - Bộ trưởng Thông tin[12]- bỏ trọn bài.
Trên ba năm sau, ngày 7-10-69, tôi sửa lại, đưa cho Phổ Đức in trong tuyển tập văn nghệ (Thơ văn Đông - Xuân 1969–1970, ngày 12-12-69)
Mới từ cuộc đảo chánh 1-11-1963 tới nay, đã hai lần rồi, người ta nghiệm thấy hễ một nội các khinh thị các nhà báo thì chỉ ít lâu sau, nội các đó phải nhường chỗ cho một nội các khác.
Không phải tại các nhà báo đủ sức mạnh để lật đổ
nội các. Lật đổ nội các chính là nhân dân. Dân đã sẵn bất mãn với chính quyền rồi, tới khi thấy thái độ bất nhã của nhà cầm quyền đối với các nhà báo thì sự bất mãn biến thành sự bất bình, sự kiện ấy hình như ít nhà cầm quyền nhận ra được. Nếu họ chịu khó lưu ý tới dư luận thì sẽ thấy rằng sự bất nhã của họ đối với nhà báo luôn luôn gây lòng phẫn uất trong đại chúng. Giới ngôn luận ở nước ta cũng như ở các nước Âu, Mĩ, không phải là không có những người thiếu tư cách, giới nào khác mà chẳng vậy? Nhưng nếu có khi họ không phản ánh đúng dư luận, không dám dùng ngọn bút chiến đấu cho quyền lợi dân chúng thì họ cũng mang cái danh hiệu là “tiếng nói của dân chúng”. Và với tư cách đó, họ phải được nhà cầm quyền tôn trọng. Tôn trọng họ là tôn trọng cái nhiệm vụ của họ, như ta tôn trọng nhiệm vụ của ông thẩm phán, của thầy cảnh sát còn cá nhân họ lại là chuyện khác. Nhà cầm quyền mà tỏ vẻ bất nhã với họ, dọa dẫm họ khi họ làm nhiệm vụ thì dù họ lầm lẫn chăng nữa dân chúng cũng bất bình, thấy như chính mình bị miệt thị. Do đó, sức phản ứng của dân chúng tăng lên cho tới khi nhà cầm quyền rút lui mới thôi. Mà khi đã bất bình thì đại chúng còn hơn cá nhân nữa, không hành động theo lí trí, chỉ theo tình cảm. Nhà cầm quyền dù có lí, đại chúng cũng không xét tới, huống hồ nhà cầm quyền lại mắc những lỗi lầm mỗi ngày một nặng thêm vì thiếu tự tin, thiếu tự chủ.
Vậy miệt thị nhà báo là miệt thị dư luận, miệt thị
dân chúng. Trong chính trường không có lỗi nào nặng hơn lỗi đó. Dân chúng có thể chấp nhận một thủ lãnh bất tài nếu biết phục thiện; nhưng dân chúng không thể chấp nhận một người miệt thị tiếng nói của dân. Đức bình tĩnh là đức cần nhất của nhà cầm quyền. Dân chúng có quyền mạt sát một nhà báo, nhà cầm quyền thì không.
*
Một thái độ nữa cũng gây bất bình trong dân chúng là thái độ “khớp mỏ dư luận”. Tôi nhận thấy nhiều người khi chưa vô chính quyền thì tư tưởng rất tự do dân chủ, mà khi vô rồi thì chỉ trong ít tuần là bắt đầu bóp nghẹt dư luận. Hình như có một lằn ranh giữa chính quyền và nhân dân; còn ở bên đây thì người ta theo nhân dân; nhảy qua bên kia rồi thì thái độ người ta ngược hẳn lại, cơ hồ như quan niệm rằng chính quyền và nhân dân là hai sức chống đối nhau.
Sau cuộc đảo chánh 11-1963, từ nhà báo tới độc giả, ai chẳng tin rằng từ nay được dễ thở hơn, không được nói cho hả lòng thì ít nhất cũng được trình bày sự thực. Ấy vậy mà chỉ hai năm sau, dư luận còn bị bóp nghẹt hơn thời thực dân Pháp, hơn cả thời độc tài Diệm nữa, bóp nghẹt một cách bừa bãi, vô trách nhiệm, không theo một tiêu chuẩn nào cả: tin này đăng ở báo này được mà đăng ở báo khác thì báo bị đóng cửa; bài bình luận nọ hôm trước không đăng được mà hôm sau lại cho qua, đến nỗi hồi đó
các nhà báo phải cất lên tiếng kêu ai oán: thà chết chứ không chịu sống nhục, so sánh cái nhục phải chịu với cái nhục thời Diệm rồi cùng nhau đưa một kiến nghị lên nhà cầm quyền đòi xét lại những tiên chuẩn kiểm duyệt; nhưng tới nay vẫn chẳng ai biết tiêu chuẩn kiểm duyệt ra sao. Ai cũng biết rằng không có tự do ngôn luận thì không có dân chủ mà nội các nào cũng tuyên bố chính quyền là của dân, do dân, vì dân. Nhưng hai mươi lăm năm nay dân đã phải đổ biết bao nhiêu máu để giành lại độc lập và tự do mà ngay đến tự do cần bàn là tự do ngôn luận vẫn còn như vậy. Lạ thật! Đã có nhiều người thông minh giữ bộ Thông tin rồi chứ, mà sao trong cả chục trào Thông tin từ 1946 đến nay, không một người nào có được chút sáng kiến, cứ “cóp” trúng chính sách của thực dân, rồi đến lúc thi hành thì lại thi hành bậy. Có thời người ta cấm dùng tiếng chủ tịch, có thời người ta lại cấm cả những địa danh Bắc Việt trong các bài toán; như vậy chưa lạ lùng bằng những hàng như vậy mà cũng bị đục:
“Người Mĩ dám liệng ra một Mĩ kim để mua một trái dừa Tam Quan; hoặc trả 10.000$ để mướn một căn phòng 4 x 4 mét ở Sài Gòn; “lửa bập bùng nung chí tự do”; “mong ước sao cho nhân loại hòa bình”...
Đáng buồn hơn nếu là câu chuyện dưới đây. Một nhân viên kiểm duyệt đòi bỏ nhiều đoạn trong một bản dịch nọ. Dịch giả đáp: Tôi chỉ là người dịch, ông muốn bỏ
thì xin ông hỏi ông X hay ông Y vì ông ấy mới là người xuất bản. Thế là mấy đoạn đó đều được giữ trọn vì ông X là một người có uy quyền. Như vậy là kiểm duyệt theo tiêu chuẩn nào?
Nhà cầm quyền có thể có ba thái độ với người cầm bút. Một là coi người cầm bút đủ tư cách để tự lãnh lấy trách nhiệm, như vậy để họ tự do lựa tin tức, phát biểu ý kiến, rồi nếu họ có hành động nào vô trách nhiệm thì để Tòa án xét xử. Hai là coi họ chưa đủ tư cách cầm viết thì phải hướng dẫn họ, nhưng muốn hướng dẫn họ thì phải nhân viên kiểm duyệt nào cũng phải có một tư cách đàng hoàng, một tâm hồn khoáng đạt, một kiến thức rộng và vững. Ba là coi một số như đối thủ của chính quyền, một hạng đối thủ bất trị, còn một số nữa như bọn tay sai của mình. Trong ba chính sách đó, từ trước tới nay người ta chỉ chuyên dùng chính sách thứ ba.
Chúng ta đã tự đứng vào mặt trận của khối Dân chủ thì không thể nào chấp nhận thái độ thứ ba đó nữa. Hiến pháp đã long trọng tuyên bố một lần nữa quyền tự do ngôn luận rồi thì lập pháp và tư pháp phải bảo đảm sự tự do ngôn luận cho quốc dân. Nếu vì hoàn cảnh chiến tranh, cần có một thời gian chuyển tiếp, bắt buộc phải hạn chế sự tự do đó, duy trì sự kiểm duyệt trong một thời gian nào, trong một ngành nào thì phải định những nguyên tắc có thí dụ cụ thể (như cơ mật quốc phòng),
chứ nhất định không được đưa ra những tiêu chuẩn tổng quát mơ hồ, như “Có lợi cho địch, mất lòng đồng minh, gây hoang mang, chia rẽ”. Phải có những bảo đảm cụ thể và chắc chắn, không để một khe hở nào cho những kẻ có manh tâm sau này có thể lợi dụng để bóp nghẹt dư luận nữa. Người cầm bút sẵn sàng tạm nhận một số hạn chế miễn là hợp lí và theo một đường lối rõ rệt.
Những dù có được những bảo đảm đó thì sự tranh đấu của người cầm bút vẫn chưa thể gọi là xong được; vẫn phải đề phòng từng ngày luôn trong vài chục năm cho thành một cái nếp mới; một truyền thống mới. Nhất là đừng ham mồi mà rồi bị lung lạc; phải nhận thấy giá trị, trách nhiệm, quyền hạn của mình có một thái độ đứng đắn, thận trọng, thắng thắn, không dùng những “đòn” những thuật để mỉa mai bóng gió nhà cầm quyền; được vậy thì sự tranh đấu mới có hiệu quả, có lợi cho quốc dân và cả cho nhà cầm quyền nữa.
*
Đối với quốc dân, nhà cầm quyền còn có một thái độ thứ ba: Thái độ mị dân, thái độ này khả ố hơn hết mà cũng tai hại hơn hết. Ta khinh những nhà giáo mị học sinh ra sao thì cũng khinh những nhà cầm quyền mị dân như vậy. Ta khinh họ vì chính họ tự khinh họ. Họ tự thấy không có gì cho quốc dân trọng hoặc mến nên mới phải dùng chính sách mị dân, cần được sự hoan hô của đại
chúng trong một giờ hay mười phút. Khi cao hứng lên, họ hứa đủ thứ với dân, hứa cả những điều mà ai có chút lương tri nghe rồi cũng phải bực mình. Chẳng hạn hứa san phẳng được sự bất công trong hai năm, hứa tặng cho các người nghèo đủ cơm áo nhà cửa trong một năm, hứa diệt được chợ đen và tham nhũng trong vài tháng, có khi chỉ vài tuần, hứa thành lập ngay được một chế độ bảo hiểm và an ninh xã hội như bên Anh... Tới khi đã lỡ hứa rồi, họ phải ráng giữ lời, và để giữ lời, họ đành phải làm càn chẳng hạn ra một nghị định tăng lương cho công chức mà chẳng nghiên cứu hậu quả của biện pháp ấy, cũng chẳng đối phó với hậu quả, thành thử tăng lương một thì vật giá tăng một ruỡi, rốt cuộc tăng mà hóa giảm, mà ngân sách thêm thâm thủng...
Lẽ nào người ta không biết trước những hậu quả đó, nhưng “sau ta, trời có sụp cũng mặc”. Kẻ tối cao có lúng túng vì hậu quả chính sách mị dân của người ta thì người ta càng khoái, còn dân đen có cực khổ hơn thì ráng mà chịu.
Thái độ mị dân đó khả ố hơn hai thái độ trên ở chỗ nhiều người không nhận ngay được những tai hại về sau của nó, dư luận bị ru ngủ, tới khi tỉnh giấc thì quá trễ, tình thế cứ mỗi lúc một sa lầy thêm. Không dám nói sự thực: “chẳng hạn ta chỉ thắng mà địch chỉ thua”, “ta đã đề phòng kĩ lưỡng, địch đã kiệt quệ”, “giá sinh hoạt so với
ba năm trước chỉ tăng có 12%”, trong khi nó tăng lên 50%, 100%... là gạt dân cho dân đỡ bất bình, cũng là một hình thức mị dân nữa. Chính hình thức này là động cơ chính của chế độ khớp mỏ ngôn luận. Cho nên ở nước nào ngôn luận thực sự tự do như bên Anh, người dân mới được biết sự thực. Trong thế chiến vừa rồi, ngay khi Anh lâm nguy nhất, phải vội vã rút quân ở Tây Âu về, rồi chịu cảnh dội bom của Đức, mà tin tức chiến sự cũng không bị kiểm duyệt. Khắp thế giới phục Churchill ở điểm đó. Có lẽ chính nhờ được biết sự thực mà dân chúng càng sát cánh với Churchill, càng gắng sức để tự cứu lấy mình.
Trong gia đình, vợ chồng, con cái không tin nhau thì không thể có sự đoàn kết được; trong quốc gia, nhà cầm quyền và quốc dân không tin nhau thì cũng không thể có sự đoàn kết được. Đoàn kết khi chỉ có một triệu dân như Israel năm 1949 cũng hóa mạnh; không đoàn kết thì có năm bảy trăm triệu dân như Trung Hoa Dân Quốc năm 1949 cũng hóa yếu. Mà muốn đoàn kết thì trước hết phải cho dân tự do đưa ý kiến, nghĩa là đừng miệt thị dư luận, đừng khớp mỏ dư luận và đừng mị dân, gạt dân. Tại một nước tiến bộ như Anh, tự do ngôn luận chẳng phải chỉ là căn bản của chế độ dân chủ mà còn là điều kiện của sự thịnh vượng. Dân tộc ta chưa được tiến bộ như Anh, nhưng nhiệm vụ của chính quyền là hướng dẫn dân tới sự tiến bộ. Có lẽ nào sau hai mươi lăm năm chiến tranh,
chúng ta chẳng tiến mà còn thụt lùi hơn hồi trước chiến tranh nữa?
THẦYHỌC TÔI: CỤ DƯƠNG QUẢNG HÀM
Ngày tựu trường niên khóa 1929 - 1930, tôi lên năm thứ ba. Mới vô tới giữa sân trường Bưởi thì anh Phạm TrọngBào đã tươi cười chạy lại, khoác tay tôi, bảo:
- Năm nay chúng mình ngồi chung với nhau nhé. Chúng mình được học “Français”[13]cụ Hàm.
Anh là học sinh nội trú nên biết những sắp đặt trong trường trước tôi. Rồi anh khoe:
- Tụi Tây nó cũng phải phục Français của cụ. Văn cụ phảng phất như văn của Taine. Cụ dùng “temps”[14] thì đúng phép, Grammaire de l’Acadêmie[15]không bao giờ sai.
Tôi chưa được đọc Taine, mà Pháp văn của cụ, tôi cũng chỉ mới đọc cuốn Abrégé d’histoire d’annam[16]viết cho học sinh Trung học; nhưng phục cụ thì tôi vẫn phục mà có lẽ tất cả các học sinh trường Bưởi không ai không
phục.
Dương Quảng Hàm (1898-1946)
(Nguồn: Wikipedia)
Mấy năm trước, những khi thấy cụ đi qua sân trường, tôi thường để ý: cụ đi bộ, lúc nào cũng rảo bước, cụ thấp bé mà bước những bước dài, nhón gót (người ta bảo là tướng yểu), như lúc nào cũng vội vàng - cụ có bao
giờ biết thơ thẩn, mơ mộng không nhỉ? - mà ngồi xe đạp thì trái lại, cụ đạp rất chậm, tốc độ đều đều, chỉ độ mười cây số một giờ, tới cửa lớp, cụ thận trọng hãm lại, cho xe nghiêng qua một bên, khoan thai bước xuống, gác xe, gỡ cài kẹp ống quần ra, tháo chiếc cặp phồng những sách vở rồi ôm cặp tiến vô lớp. Gặp bạn đồng sự cụ niềm nở bắt tay, nhưng ít khi đứng lại để trò chuyện; cụ tới lớp không khi nào trễ: nhưng cũng không khi nào quá sớm, chỉ dăm ba phút là cùng, như vậy thì đâu có thì giờ để trò chuyện. Tôi có cảm tưởng cụ là một chiếc đồng hồ mà thì giờ của cụ đã tính trước đâu vào đấy hết. Chúng tôi phục cụ ở điểm đó.
Cụ sống rất giản dị. Từ nhà ở giữa phố Hàng Bông lên trường, đường dài khoảng ba cây số, mà quanh năm, hè cũng như đông, mưa cũng như nắng, ngày nào cụ cũng chầm chậm đạp một chiếc xe cũ; suốt hai năm học cụ, tôi nhớ chỉ một hai lần cụ đi xe kéo vì mưa gió lớn quá hoặc vì trong mình khó ở. Có lần chúng “thổi” mất chiếc xe của cụ và bọn chúng tôi được một dịp cười: con người cẩn thận như vậy mà cũng để mất xe ư? Và chiếc xe “tàng” như vậy mà chúng cũng “thổi” ư?
Y phục của cụ hình như chỉ có vài bộ, mốt cổ lỗ, nhưng lúc nào cũng sạch và có nếp. Tóc thì chắc chắn một tháng cụ mới húi một lần và chỉ khi nào húi cụ mới cạo râu, vì vậy râu cụ đã thưa lại lờm chờm, trông y như
limailles de fer[17]và chúng tôi dùng danh từ Pháp đó để đặt biệt hiệu cho cụ.
Cụ có tật nhiều đàm. Không biết từ hồi nào, một học sinh tai quái đã bắt chước bài thuyết hậu Anh nghiện rượu trong cuốn Quốc văn cụ thể của cụ Bùi Kỉ:
Sống ở nhân gian đánh chén phè
Thác về âm phủ dắt kè kè
Diêm vương phán hỏi: mang gì đó?
- Be!
rồi sửa đổi ít chữ để giễu tật trên của cụ.
Lối giễu đó không có gì độc ác vì chúng tôi rất quí cụ. Tôi chưa thấy một bạn học nào tỏ một vẻ gì là oán cụ, hoặc ghét cụ. Ngay những bạn biếng học nhất, nghịch ngợm nhất cũng ngưỡng mộ cụ, coi cụ là một nhà mô phạm kiểu mẫu; một số trong đó có anh Phạm Trọng Bào và tôi coi cụ như cha nữa. Cụ nghiêm trang mà hiền hòa, và tôi chắc cụ không thù ai, ghét ai được, đôi khi thấy chúng tôi nghịch quá thì chỉ cau mày, rầy một câu rồi bỏ qua, mà nụ cười rất hồn nhiên của cụ lại nở trên môi, để hở mấy chiếc răng vàng vàng hơi đóng đen trên một khuôn mặt có thể gọi là xấu: trán dô, mũi gãy, chỉ được cặp mắt là sáng, hiền từ và vui nhờ mấy nét nhăn ở đuôi mắt, người Pháp gọi là pattes d’oie[18].
Cụ dạy Pháp văn và Việt văn cho chúng tôi hai năm liền, năm thứ 3 và thứ 4. Mới vào lớp, cụ nở ngay một nụ cười, cho phép chúng tôi ngồi xuống, rồi chậm rãi bước lên bục, chậm rãi lấy chiếc đồng hồ quả quít ra đặt trên bàn, mở chiếc cặp, lấy sổ sách, cây viết ra, đặt thứ nào vào chỗ nấy rồi mới thủng thẳng giảng bài.
Cụ luôn luôn có hai cây viết: một cây viết máy ngòi vặn vô được (kiểu plume rentrante ngày nay không ai dùng nữa) để viết vô sổ của trường, và một cây viết chì tím, ngắn, nhỏ bằng nửa đầu đũa để viết vô sổ riêng của cụ. Và cụ có một sổ tay nhỏ hơn tấm bưu thiếp trong đó cụ chép tên tất cả các học sinh những lớp cụ dạy. Mỗi khi cụ muốn gọi một trò nào đọc bài hoặc trả bài, cụ mở cuốn đó ra coi chứ không coi trong sổ lớn của trường; như vậy để biết học sinh nào đã có điểm rồi và để học sinh trong lớp được hỏi đều hết. Không bao giờ cụ “truy” riêng một trò nào mà hỏi trò đó nhiều hơn những trò khác. Lối đó rất công bằng, nhưng một số học sinh lần này trả bài rồi thì có thể chắc chắn lần sau khỏi phải trả mà không cần học bài. Chắc cụ cũng biết vậy.
Khi cho điểm, cụ dùng viết máy ghi vào sổ của trường rồi dùng viết chì ghi vào sổ của cụ. Tới cuối năm cụ coi lại sổ tay rồi mới phê trong học bạ. Cụ làm việc có qui củ, rất cẩn thận và công bằng. Tôi không bao giờ thấy cụ viết tháu.
Lối dạy học của cụ rất đúng qui tắc sư phạm: theo sát chương trình, không nhấn mạnh vào phần nào mà lướt qua một phần khác, cũng không giảng ra ngoài chương trình. Cụ theo trình độ của học sinh trung bình trong lớp mà giảng rất rành mạch. Như vậy có lợi cho đa số học sinh mà không có lợi mấy cho hạng học sinh giỏi. Bọn này không cần gắng sức, chú ý, mà tôi cũng chưa bao giờ thấy cụ thúc đẩy, khuyến khích một học sinh giỏi.
Học cụ, chúng tôi thấy “khỏe lắm”, nhiều lúc còn hơi chán nữa. Chúng tôi muốn được học nhiều về văn học sử. Phần vì trong bọn chúng tôi, có vài người muốn dự bị thi tú tài Pháp mà cụ không bao giờ giảng ra ngoài cuốn Textes choisis cửa Desgranges; cho nên có lần tôi ước ao được học Pháp văn với cụ Foulon, một giáo sư dạy môn luân lí cho học sinh năm thứ tư, giảng bài nghe rất thích.
Cụ chấm bài luận Pháp văn kĩ, nhưng chú trọng đến những lỗi về ngữ pháp hơn cả, chứ không chỉ cho chúng tôi cách viết sao cho hay, không giảng cho chúng tôi về mĩ từ pháp. Lối phê điểm của cụ cũng rất “trung dung”, ít khi cho đến 14 điểm trên 20, mà cũng ít khi cho dưới 6 trên 20. Tính tình và cách dạy của cụ trái hẳn cụ Foulon. Cụ Foulon bắt học sinh gắng sức nhiều, giảng cao hơn chương trình, rất gắt với học sinh kém, nhưng rất thân với học sinh giỏi, tôi còn nhớ hồi sắp về nghỉ bên Pháp, trước giờ học buổi chiều, cụ lại trường từ biệt các học sinh,
thấy tôi chưa tới, nhắc các bạn tôi rằng cụ gởi lời thăm và ân hận vì bận nhiều việc không thể đợi để gặp mặt tôi được. Cụ Dương thì không tỏ vẻ yêu ghét ra mặt, đối với học sinh nào cũng như nhau. Cụ dạy Việt văn cũng vậy, cứ mở cuốn Quốc văn trích diễm do cụ soạn, chỉ một bài nào đó, bảo đọc rồi hỏi hết những câu hỏi in ở cuối bài, thế thôi. Cho nên về tiểu sử, bút pháp mỗi tác giả, nhất là về văn trào mới thời đại, chúng tôi chẳng biết thêm được gì. Điều đó làm cho chúng tôi hơi thất vọng: cụ nhất định là biết nhiều về văn học sử của mình mà sao cụ không truyền những hiểu biết đó cho chúng tôi. Cụ theo quá sát chương trình. Suốt hai năm học chỉ có mỗi một lần tôi thích giờ Việt văn của cụ. Lần đó cụ cho đọc bài Cuộc Nam tiến của dân tộc ta của Phạm Quỳnh. Tôi còn nhớ rõ là một buổi chiều có nắng, có lẽ vào mùa hè. Cụ cho treo bản đồ Đông Dương lên chiếc bảng đen, rồi trong khoảng 40 phút, cụ cầm cây thước, chỉ cho chúng tôi các giai đoạn trong cuộc Nam tiến: đời Lí, đời Trần tiến tới đâu, đời Lê, đời Nguyễn tới đâu (sau đó tôi mới thực hiểu nghĩa chữ tâm thực); bằng những phương tiện, thủ đoạn nào: Khi thì dùng quân lực, khi thì dùng ngoại giao, khi thì dùng cả hai, công việc di dân, lập ấp, khai hoang tổ chức, tiến hành ra sao; sự bảo vệ những đất đó gặp khó khăn ra sao, nhờ những di dân Trung Hoa như họ Mạc ở Hà Tiên ra sao.
Hôm đó giọng cụ hùng hồn, bài giảng rất sáng sủa mà
hấp dẫn, gợi cho chúng tôi lòng tự hào về tổ tiên. Từ trước tôi vẫn biết cụ là em ruột cụ cử Dương Bá Trạc, một nhà cách mạng trong Đông Kinh Nghĩa thục, đồng chí với mấy ông bác của tôi, nhưng trong khi dạy học, cụ không bao giờ nói về chính trị, cho nên mãi hôm đó tôi mới thấy rõ cụ nồng nàn yêu nước.
Luận Quốc văn ít khi cụ đem về nhà chấm, thường gọi một trò lên nộp bài, cụ đọc lớn tiếng cho cả lớp nghe rồi thấy lỗi nào cũng giảng luôn cho cả lớp.
Mỗi giờ cụ chấm như vậy được độ năm bài, phê điểm cũng từ 7 - 8 lên tới 13 - 14 trên 20 là cùng. Gần hết giờ cụ mới ra đề mới để về nhà làm. Hình như không bao giờ cụ giảng cho cách làm. Cụ cũng ít khi khuyến khích học sinh đọc thêm sách. Chỉ có một lần, gần tới kì thi bằngCao đẳng tiểu học, cụ bảo chúng tôi ra thư viện kiếm những cuốn Pour les petits et les grands, A travers les êtes et les choses của Charles Wagner mà đọc. Tôi nghe lời cụ và thấy lối cảo luận của tác giả đó hợp với tuổi chúng tôi, sáng sủa, bình dị, vui tươi, tư tưởng không thực sâu sắc nhưng xác đáng, đôi khi mới mẻ, cao nhã.
Tóm lại học sinh của cụ dễ đậu, nhưng người nào không chịu tự học thêm thì khó xuất sắc được.
*
Thấy cụ dễ dãi - trong hai năm cụ chỉ nổi giận một
lần, cũng chỉ phạt nhẹ thôi - anh em chúng tôi thỉnh thoảng muốn trêu cụ.
Giờ Pháp văn hôm đó anh Thiền - sau này hi sinh cho Tổ quốc trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng - đọc một đoạn kịch của Molière, tới chữ “Ouaisi” anh đọc là “ủa!”. Cả lớp cười ồ lên, mà mặt anh cứ thản nhiên, làm bộ bơ bơ, coi càng thêm tức cười. Cụ cũng cười, cười rất hồn nhiên, cơ hồ như đồng tình với chúng tôi. Đợi hết trận cười rồi, anh Thiền lại tiếp tục đọc nốt. Tôi không bao giờ có ý đùa cụ, nhưng đã có lần dò ý cụ. Tôi vẫn ghét cái giọng ái quốc của Hoàng Cao Khải trong bài Trưng Vương tuyển trong Quốc văn trích diễm. Khải không đáng được ghi tên trong Văn học sử Việt Nam. Kẻ bán nước thì đừng nên nhắc tới sự nghiệp các vị anh hùng của dân tộc. Tôi kiếm cách nói tới Khải trong một bài luận Quốc văn và gọi Khải là “hắn” để xem phản ứng của cụ ra sao. Mà đúng lần đó, cụ bảo tôi đem bài lên chấm. Tới chỗ tôi gọi Khải là “hắn”, cụ cứ thản nhiên đọc không phê bình gì cả, rồi cũng cho điểm đạt khá như các bài trước của tôi. Do đó tôi đoán rằng cụ không ưa gì bọn Hoàng Cao Khải, và trong Quốc văn trích diễm, bất đắc dĩ phải trích bài của Khải đấy thôi.
Cảm động nhất và làm cho chúng tôi phục cụ nhất là chuyện dưới đây.
Hồi ấy, không hiểu vì lẽ gì, nha Học chánh Đông
Đương lại thay đổi chương trình, bắt học sinh các trường Bảo hộ học các tác giả Pháp viết về thuộc địa mà họ gọi là “auteurs coloniaux”[19]và chúng tôi gọi là tác giả “cô lô nhân”. Giáo sư Pujarniscle dạy Pháp văn ban “tú tài bản xứ” (baccalauréat local - người ta chế nhau gọi là tú tài lọ cổ) ở trường Bưởi soạn một cuốn văn tuyển của các tác giả viết về Đông Dương như Jean d’Esme, Roland Dorgelès, Jules Boissière... cho chúng tôi học. Nhưng chúng tôi rất ghét bọn “cô lô nhân” đó, cho họ có óc thực dân, chỉ tiếp xúc với bọn hạ lưu Việt Nam (trong giới các quan lớn cũng không thiếu gì bọn hạ lưu), không hiểu gì về phong tục Việt Nam, mà lại có óc khinh thị người Việt, chép toàn nhưng việc bậy bạ, tưởng vậy là ghi đúng tính tình, tâm lí dân tộc Việt. Chúng tôi ghét nhất cái thói xen những tiếng Việt “pháp hóa” vô cho truyện thêm màu sắc địa phương và tỏ rằng mình biết rõ về Việt Nam. Người dân quê Việt Nam họ không gọi là paysan mà gọi là “nha que”, chị Sen không gọi là bonne mà gọi là “la congai”, rồi còn nhiều danh từ khác nữa như “le cai nha”, “le cai ao”..., chúng tôi thấy chướng mắt, chỉ muốn xé toạc đi. Ghét họ thì ghét luôn lối hành văn của họ mà chúng tôi cho là cầu kì, màu mè, thậm chí ghét luôn cả ông “nghè” Nguyễn Mạnh Tường vì ông đã trình một luận án văn chương về Jules Boissière, cây bút thực dân hạng nặng mà chúng tôi đọc trạnh đi, thành một biệt hiệu B... C... rất tục, không thể chép lại đây được. Lần đó cụ Dương cho
chúng tôi học bài Le grand lac của J. Boissière, bài đó chỉ dài độ 15 - 20 hàng tả cảnh Hồ Tây ở Hà Nội, văn trúc trắc chúng tôi không thấy hay ở đâu cả. Có lẽ vì ghét cho nên không muốn học, thấy lâu thuộc. Tới hôm trả bài, bọn chúng tôi 5 - 6 anh em đứng ở cửa hông trường tức cửa nhìn sang vườn Bách Thảo, hỏi nhau. Mày có thuộc bài récitation[20]không? Tao ghét thằng B... C... đó quá, không học được. Ai cũng nhận rằng bài đó khó học và không thuộc kĩ. Rồi chúng tôi hùa nhau mổ xẻ Boissière, vạch tất cả những “tội” của hắn ra. Sau cùng một anh bạn tôi, nhớ đâu như anh Hiệp thì phải, hồi đó chúng tôi gọi là “Hiệp tẩy” vì có thái độ hung hăng, như bọn lính tẩy - hô hào anh em phản kháng cụ Dương: cụ gọi trả bài thì dù thuộc cũng thưa là không thuộc, cụ hỏi tại sao thì đáp lại ghét tác giả thuộc địa đó.
Đối với một giáo sư khác thì có lẽ chúng tôi không dám làm “reo” như vậy đâu; vì biết cụ hiền, có gì cũng chỉ cho zêro, cùng lắm là nửa “consigne”[21]nên chúng tôi tán đồng ngay đề nghị của anh bạn. Vô sân trường, chúng tôi thuyết phục các bạn nội trú và họ cũng bằng lòng.
Mặc dầu đã quyết tâm rồi, tới lúc cụ sắp gọi trả bài, chúng tôi cũng hồi hộp.
Theo lệ, cụ mở cuốn sổ tay ra chấm tên một học sinh vào hạng trung bình. Anh này chắc cũng chỉ thuộc
lõm bõm, trả được một vài câu rồi ngừng, thú rằng không thuộc. Cụ gọi thêm một anh khác, cũng không thuộc nữa. Cụ ngạc nhiên, hỏi tại sao. Một anh bạo dạn đứng lên thưa rằng chúng tôi không ai thuộc cả vì không ưa Jules Boissière, một tên thực dân không có cảm tình với dân tộc mình. Rồi chúng tôi trình với cụ tất cả những điều chúng tôi trách hắn. Cả lớp chờ sự phản ứng của cụ.
Cụ làm thinh một vài phút rồi bỗng nhiên tôi thấy hai giọt nước mắt lăn trên má cụ. Cụ vẫn ngồi yên nhìn xuống phía cuối lớp, cũng không lấy chiếc khăn tay nhỏ xíu bằng vải trắng để lau nước mắt nữa, mặc cho nó rơi xuống mặt bàn và tự khô trên má. Chúng tôi im phăng phắc, kẻ cúi đầu xuống, kẻ nhìn vào mặt cụ. Tôi muốn đứng lên xin lỗi cụ.
Nhưng tôi không thốt lên được một lời - cả lớp cũng không ai thốt lên được một lời - mà cứ ngồi trân trân. Có lẽ khi cảm xúc mạnh quá thì sự yên lặng là thái độ tự nhiên nhất. Giá lúc đó tôi đứng lên nói thì thế nào tôi cũng nghẹn ngào mà nước mắt cũng ròng ròng trên má.
Cụ và chúng tôi ngồi im như vậy không biết mấy phút, chỉ nhớ là lâu lắm, rồi cụ bảo chúng tôi mở bài Le grand lac ra, cụ giảng lại cho, để về nhà học lại. Hôm đó cụ không cho điểm ai cả.
Tan buổi học, chúng tôi không ai bảo ai, đồng tình
không nhắc lại việc đó nữa. Chúng tôi đều ân hận về hành động của mình, và tuần sau khi trả bài thì ai cũng thuộc. Mà lần này cụ cũng chỉ gọi vài người trả thôi, không có một lời nào gợi lại chuyện cũ.
Nếu phải là một giáo sư khác thì chúng tôi cũng được 5 - 6 con zêro hoặc ít nhất cũng bị rầy một hồi. Có thể một vài vị còn gắt gao “truy” chúng tôi nữa, bắt cả lớp tuần tự lên trả bài, lần trước cũng như lần sau. Cụ thực quảng đại, đau lòng trước sự phản kháng của chúng tôi mà không hề giận, tha thứ cho cả. Những giọt nước mắt của cụ hôm đó chứa biết bao tâm sự.
Trong đời học sinh dài 15 năm của tôi, tôi đã gặp được vài ba thầy học có tư cách mà tôi kính trọng, nhưng cụ Dương vẫn là người tôi kính mến nhất. Tôi cho rằng chúng tôi có phúc mới được sống một giờ học vô cùng cảm động như hôm đó, mới được thấy cụ khóc trước mặt chúng tôi như vậy, mới được nhận một bài học lặng lẽ cao thượng như vậy. Cha mẹ mà lặng lẽ đau khổ vì hành động của con, thì đó là chuyện thường; nhưng thầy học đau khổ vì hành động của trò thì từ xưa đến nay đã có một trường hợp nào như vậy không?
Đầu thu năm đó, anh Phạm Trọng Bào và tôi, một buổi tối rủ nhau lại phố Hàng Bông thăm cụ và cám ơn cụ đã dạy bảo chúng tôi. Nhà cụ có gác, căn dưới là cửa hàng bán bông. Chúng tôi xưng tên, đứng đợi một lúc rồi có
người bảo chúng tôi lên gác. Thang dốc và bằng gỗ. Ánh đèn lù mù, tôi không nhớ là đèn điện hay đèn dầu. Vừa lên hết cầu thang thì cụ ở phòng trong bước ra.
Chúng tôi chào cụ, tỏ lòng cảm ơn cụ. Cụ không bảo chúng tôi ngồi mặc dầu trong phòng có bàn ghế, cụ đứng cách chúng tôi khoảng một thước, mà tiếp chuyện, mừng chúng tôi thi đậu và hỏi chúng tôi sẽ tiếp tục học nữa không. Vẫn nụ cười hồn nhiên, niềm nở đó. Anh Bào bảo sẽ lên ban Tú tài Bản xứ và sẽ được cụ dạy dỗ cho nữa. Tôi thưa vì nhà nghèo, phải vô trường Cao đẳng Công chánh để có học bổng. (Thời đó vào năm 1931, kinh tế khủng hoảng nặng). Nhưng chúng tôi thấy hình như cụ mắc việc nên chỉ đứng vài phút tôi chào cụ ra về.
Từ đó tôi không có dịp gặp lại cụ nữa. Nay muốn gặp lại thì cụ đã thành người thiên cổ. Khoảng mười lăm năm trước, khi hay cụ đã soạn bộ Việt Nam văn học sử yếu, tôi nhờ một anh bạn mua từ Hà Nội gởi vào. Bộ đó tôi thuê đóng bìa dày, và tôi coi là một bộ quí nhất trong tủ sách của tôi.
Tháng 10 năm 1996
(Bách Khoa số 1 - 11 - 1966)
Ý NGHĨA CÁI CHẾT CỦAGIÁO SƯ TRẦN VINH ANH
Mùa thi năm 1954, có tin đồn đề Chánh tả Pháp văn trong kì thi Brevet d’Etudes du premier cycle (Trung học đệ nhất cấp)[22]bị tiết lậu, nhưng rồi không rõ là kẻ nào đó đã phao bậy hoặc chính quyền đã kịp đổi đề thi, mà tin đó hóa sai. Chỉ biết là hơn một tháng sau, Hiệp định Genève kí kết và Pháp sửa soạn để cuốn gói.
Sáu bảy tám năm sau, cái nạn tiết lậu đề thi mới thực sự xuất hiện, mới đầu còn rụt rè, kín đáo rồi mỗi năm một bạo dạn, lộ liễu và tới mùa thi 1963 thì thật là trâng tráo: đề thi Trung học Đệ nhất cấp quay Ronéo bán ở khắp Sài Gòn và tại hầu hết các tỉnh, giá mỗi ngày một sụt, tới ngày cuối chỉ còn có 50đ một đề kèm với bài giảng đàng hoàng! Chế độ nhà Ngô - Đình đã lưu lại một vết nhọ to tướng, một vết nhọ không tiền mà có lẽ cũng khoáng hậu nữa, trên lịch sử khoa cử Việt Nam. Quốc dân sôi nổi, báo chí nhắc khéo ông Bộ trưởng Giáo dục thời đó nên từ chức đi như một ông Bộ trưởng Giao thông nào đó ở Nhật, nhưng ông Bộ trưởng Việt Nam
khôn hơn ông Bộ trưởng Nhật, cứ ung dung, chễm chệ ngồi hưởng nốt vinh quang, bổng lộc cho tới cùng, sớm một ngày cũng không đi. Và bốn năm tháng sau, chế độ Ngô Đình bị lật đổ.
Tất nhiên cái chính phủ “Cách mạng” phải diệt cái tình trạng trường thi thành chợ buôn lậu đó và người ta đã diệt được. Nhưng diệt được cái tệ đó thì một cái tệ khác lại xuất hiện, tệ vô kỉ luật trong trường thi. Thực ra cái tệ này đã có từ khoảng 1952, 1953 nhưng hồi đó thí sinh chỉ đánh phép, quay phim lén lút thôi. Từ 1964 họ mới ngang nhiên, bất chấp giám thị rồi lần lần trâng tráo, hoặc mỉm cười “xin giám thị chút huyết”, hoặc đặt súng trên bàn mà thách giám thị “chơi thì chơi”. Mà họ chơi thật: năm ngoái, một giám khảo bị đánh gẫy tay, bể đầu, Bộ Giáo Dục phải tuyên bố sẵn sàng cho nạn nhân “trốn” (sic) lên Sài Gòn, nếu muốn; và năm nay thì họ giết Giáo sư Trần Vinh Anh, hiệu trưởng trường Trung học Phan Châu Trinh, kiêm thanh tra Trung học Tư thục và Bán công Đà Nẵng, trong khi ông thi hành nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Tú tài I tại Nha Trang: Sáu tên thí sinh trên dưới hai mươi tuổi đầu đâm, chém ông túi bụi, ở trước một quán ăn, hồi 18 giờ rưỡi ngày 15/7. Không rõ cảnh sát lúc đó ở đâu.
Lần này thì không phải một vết nhọ, mà là một vết máu kinh khủng cũng không tiền trong lịch sử khoa cử
Việt Nam, không rõ ông Đoàn Thêm[23]đã ghi vào tập biên niên của ông chưa, và nếu ghi thì thêm tên các vị trưởng ti X cảnh sát X, tỉnh trưởng Y, bộ trưởng X... không?
Lần này quốc dân sôi nổi còn hơn lần trước: báo nào cũng loan tin liên tiếp trong một tuần, các Hội đồng Giám khảo toàn quốc ngưng chấm thi; ngày 19 trong khi ở Đà Nẵng, đám tang Giáo sư Trần Vinh Anh dài hơn một cây số trầm lặng cử hành thì ở Sài Gòn, tại trường Nữ Trung học Gia Long[24], năm trăm giáo sư làm lễ truy điệu vị chiến sĩ của họ; rất nhiều đoàn thể chia buồn với tang quyến. Ngày 21, sáu tên hung thủ bị Tòa án mặt trận xử. Và Chính quyền đã truy tặng Đệ nhị đẳng cho người quá cố.
*
Tôi nghe nói trước khi tắt thở, Giáo sư Trần Vinh Anh ân hận rằng chưa làm được gì cho đất nước. Tôi chưa có hân hạnh được biết ông, nhưng dám chắc hồi sinh tiền ông đã làm được nhiều việc cho nước rồi, cho nên mới thốt được lời cảm động đó. Và tôi còn chắc rằng sau khi chết, ông sẽ còn làm được rất nhiều cho nước Việt Nam của ông, của chúng ta nữa.
Ông vừa nằm xuống thì cả giới Giáo sư toàn quốc
mà từ trước tới nay ai cũng nhận là rất rời rạc, đã đoàn kết nhau lại rồi đấy. Các vị ấy đã nhận thấy rõ ràng nhiệm vụ chiến sĩ của mình, và quốc dân cũng nhận thấy nhiệm vụ chiến sĩ của các vị đó. Kẻ khác chiến đấu ở tiền tuyến có khí giới để hộ thân, lại được yểm trợ, còn các vị đó chiến đấu ở hậu phương, không một tấc sắt trong tay, lại không được chính quyền và ngay quốc dân nữa bảo vệ. Mà cuộc chiến đấu của các vị đó mới quan trọng nhất: Chiến đấu để bảo toàn “linh hồn” Việt Nam. (Tôi mượn danh từ của ông Nguyễn Văn Cấn trong cuốn Việt Nam, prents garde de te perte corps et âme - Paris, 1967). Trong sự tan rã kinh khủng của Việt Nam lúc này, nếu còn được một số người trong sạch tiết tháo thì chính là Giáo sư Trần Vinh Anh và chiến hữu của ông chứ ai đâu, ai đâu bây giờ? Sau chiến tranh này nếu thanh niên Việt Nam mà còn được một số người có tâm huyết thì cũng là do công đào tạo của các vị đó chứ công của ai. Chết rồi, Giáo sư Trần Vinh Anh mới thức tỉnh được lương tâm của bạn đồng nghiệp, của quốc dân, công của ông ở đó, và theo tôi, trong hai mươi lăm năm nay, chưa có công nào lớn hơn. Năm trăm giáo sư làm lễ truy điệu ông ở trường Gia Long, và hàng vạn Giáo sư trong nước tất đương có nhiều thắc mắc và suy tư, đương vấn tâm và xét lại thái độ của mình, mà tự hỏi “Vì đâu nên nỗi?”. Và hết thảy chúng ta cũng vấn tâm, tự xét lại thái độ của mình đối với các Giáo sư, đối với con em, mà tự hỏi: “Vì đâu nên
nỗi?”. Vì đâu mà cái “tuổi đôi mươi” dám chửi, đánh, giết thầy học họ, những người có nhiệt tâm nhất trong nước muốn bảo toàn linh hồn của dân tộc, bênh vực sự công bằng, sự chính trực, mà diệt sự gian dối, sa đọa.
Tôi dám chắc từ mùa thi sau sẽ không còn cái nạn hành hung giám khảo nữa, nếu còn thì giáo dục Việt Nam sẽ không còn. Trừ được cái nạn đó là việc rất dễ, bất kì chính quyền nào cũng dư sức, nếu người ta thực tâm. Chỉ cần định trách nhiệm minh bạch và dám thưởng phạt cho công minh.
Nhưng đó mới chỉ là từ ngọn. Nếu chỉ trị ngọn thì cái ngọn đó lụi rồi, tất đâm cái ngọn khác (như năm 1964) nên phải trị tận gốc. Vấn đề hành hung giám khảo nằm trong vấn đề kỷ luật tại trường thi, nếu trường thi này “dễ” hơn trường thi khác, phòng thi này “dễ” hơn phòng thi khác, giám khảo này “dễ” hơn giám khảo khác thì dù người ta có ngăn cản được sự hành hung giám khảo, thí sinh vẫn căm thù những vị như Giáo sư Trần Vinh Anh.
Vấn đề kỉ luật tại trường thi lại nằm trong vấn đề kỉ luật học đường. Làm sao thí sinh khỏi tìm cách đánh phép, quay phim và biết tôn trọng giám khảo nếu suốt sáu bảy năm ở trường họ được giáo sư cho thả cửa đánh phép và quay phim, nếu họ chẳng cần học mà điểm thi vẫn cứ từ 14 đến 18 trên 20; nếu cả năm họ chỉ học độ dăm chục buổi mà trên học bạ vẫn được ghi là không nghỉ
buổi nào. Cái tai hại vô cùng cho nền giáo dục Việt Nam là người ta cho phép các trường cấp chứng chỉ để tự cho học sinh một chứng chỉ thay thế bằng Trung học đệ nhất cấp, trong khi người ta biết chắc rằng 100 học sinh đệ tứ các trường tư sẽ được cấp chứng chỉ đó cho cả 100.
Vấn đề kỉ luật trong học đường lại nằm trong vấn đề giáo dục gia đình và trật tự trong xã hội. Học đường làm sao có thể nghiêm khắc trong vấn đề kỉ luật được, nếu có những ông lớn ông nhỏ gửi gắm chạy chọt, có khi dùng uy lực hăm doạ nữa để con em được lên lớp, được tuyển được đậu cao, nếu cha mẹ không biết dạy dỗ con, ngăn cấm con, có khi còn khuyến khích chúng dùng mọi cách bất lương để trốn tránh bổn phận, ăn cắp, ăn cướp, và nếu trong xã hội những phim cao bồi, những sách khiêu dâm, những hộp đêm, ổ điếm vẫn thịnh hành; những bài ca vở tuồng lời lẽ rất thô tục vẫn được phát, được truyền cho dân chúng nghe và xem; mà những kẻ có tội rất lớn với quốc dân thì được mời đi du lịch ngoại quốc với một số tiền hằng trăm triệu?
Không một vấn đề nào có thể tách rời mà xét riêng được và càng truy nguyên càng thấy nó bao quát, liên quan cả tới những đồng đô la xanh, đô la đỏ... Tất nhiên diệt tận gốc những tệ đoan trong xã hội là nhiệm vụ của nhà cầm quyền, vì chỉ nhà cầm quyền mới đủ phương tiện và đủ quyền. Nhiệm vụ của thường dân chúng ta là
cảnh cáo nhà cầm quyền, góp ý với nhà cầm quyền và làm hết phận sự trong phạm vi của mình.
Giáo sư Trần Vinh Anh khi sống đã làm hết phận sự, lại đem cái chết ra cảnh cáo các nhà cầm quyền, các nhà giáo, nhà báo khi đưa đề nghị này đề nghị khác là đã góp ý với nhà cầm quyền. Bây giờ chúng ta chờ xem nhà cầm quyền thi hành nhiệm vụ của mình ra sao.
Sài Gòn ngày 23 - 7 - 67
(Bách Khoa số 254 ngày 1 - 8 - 67)
CỤ PHAN (BỘI CHÂU) VÀ LÒNG DÂN
Vào khoảng 1925, làng tôi - làng Phương Khê - tỉnh Sơn Tây còn là một nơi lạc hậu nhất miền Trung du Bắc Việt. Không có lấy một trường sơ học. Cả làng chỉ có mấy anh em tôi nhờ tổ tiên có nhà ở Hà Nội nên được học chữ Pháp, còn thì đều học trường các cụ đó trong làng. May lắm được độ mươi ông tổng lí biết đọc chữ Quốc ngữ, chứ chưa chắc đã biết viết, mà đọc thì chắc cũng chậm lắm, nếu không phải đành vần từng chữ và nếu có lục khắp làng thì cũng chỉ được vài cuốn Kiều, Nhị độ mai của nhà in Xuân Lan. Tôi không hiểu họ học vần Quốc ngữ ở đâu, vì trường các cụ đó không dạy mà cũng chẳng có một cuốn vần nào cả. Chắc họ cho cái chữ đó không cần phải học - văn tự hay gia phả đều dùng chữ Nho hết - và ai có muốn học chơi cho biết thì hỏi những người đã biết rồi, mỗi ngày một chút, mò riết rồi cũng ra.
Tôi sở dĩ kể dài dòng như vậy để các bạn biết rằng dân làng tôi hồi đó quanh năm tuyệt nhiên không được đọc một tờ báo. Thấy thì họ có thấy: nhưng khi tôi ở Hà Nội về vẫn thường dùng báo cũ đế gói đồ, nhưng chẳng ai
đọc cả; mà cũng chẳng bao giờ có ai nhắn đem báo cũ về cho coi, có nhắn thì chỉ nhắn mua những thỏi mực Tàu và những ngọn bút lông thỏ ở các tiệm Trung Hoa phố hàng Ngang hay hàng Đào.
Vậy mà Tết năm đó vào tháng giêng hay tháng hai dương lịch 1926, tin “cụ Phan” bị bắt ở Trung Hoa, giải về giam ở Hỏa Lò Hà Nội rồi bị kết án tử hình, rồi toàn dân sôi nổi đòi ân xá cho cụ, v.v... dân làng tôi đều biết hết. Chắc chắn họ không đọc báo, có người nào đó xuống phủ, xuống tỉnh nghe đồn rồi về làng kể lại. Điều đó không có gì lạ. Điểm thích thú là trong mấy ngày Tết, lại nhà nào cũng nghe tiếng la lớn: “Cụ Phan?” rồi tiếp theo là một tràng những tiếng cười ròn ra như tiếng pháo. Từ xóm Đình tới xóm Chùa, xóm Giếng tới xóm Đồng đỏ, đâu đâu cũng vang lên hai tiếng “Cụ Phan”.
Có gì đâu. Tết thì nhà nào ở quê Bắc chẳng đánh tam cúc như trong này đánh tứ sắc, và năm đó dân làng tôi gọi quân tướng điều là “Cụ Phan”. Một vài nhà hơi có học phân biệt tướng điều là cụ Phan Bội Châu, tướng đen là cụ Phan Châu Trinh, nhưng đại đa số chỉ gọi tướng điều là Cụ Phan.
Tôi không biết mấy làng bên cạnh có gọi như vậy không, cũng không nhớ ở Hà Nội có gọi như vậy không, vì khi tôi xuôi Hà Nội học thì đã qua Tết rồi, không còn ai chơi tam cúc hoa. Nhưng tôi đoán rằng đó không phải
là sáng kiến của riêng dân làng tôi; chắc nó phải đồng thời xuất hiện ở nhiều nơi trong nước, vì còn gì tự nhiên cho bằng đùng quân bài quí nhất, vô địch trong cỗ tam cúc để trỏ cụ Phan. Nó tự nhiên quá nên rất phổ biến, tới nỗi ngay các tổng lí - tôi không chê gì bà con của tôi, nhưng sự thực tôi phải nhận rằng họ chẳng hơn gì các ôngChánh ông Phó trong các truyện Việc làng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố là bao - cũng vui vẻ, hãnh diện có được một “Cụ Phan”. Và tôi nghĩ hồi đó giá có một tên “trành” nào bàn nước mà ngồi vào chiếu tam cúc, khi hạ quân tướng điều xuống chiếu thì cũng vỗ đùi đến đét một cái mà cười ha hả: “Cụ Phan”.
Những ván bài tam cúc Tết đó quả là vui, vui nhất trong đời sống dân làng tôi.
*
Những năm 1920 - 1925 có thể nói là thời mà quyền lực của thực dân Pháp ở nước ta vững nhất, triều đình Huế thì nhu thuận, Khải Định chết tháng 11 - 1925, Bảo Đại còn nhỏ ở Pháp; mà trong dân chúng không có một cuộc nổi dậy nào, Pháp lại mới thắng Đức, nên dám cho cụ Phan Châu Trinh về nước (Tháng 3 - 1926 cụ mới mất). Kinh tế thì chưa khủng hoảng và bộ máy hành chánh của họ sau nửa thế kỉ tổ chức và cải thiện, lúc này chạy đều hơn bao giờ hết. Tình hình thật phẳng lặng như mặt hồ thu. Ấy vậy mà cụ Phan đã làm khuấy động toàn
dân. Những nông dân tại những miền lạc hậu mà bọn thực dân vẫn khinh bi là ngu dốt, nhút nhát, bấy giờ đã ngàn người như một, tỏ rõ thái độ trong ván bài tam cúc. Họ vẫn tiêu tiền Khải Định, trên văn tự hay đơn từ họ vẫn đề “Khải Định đệ... niên”. nhưng Khải Định không phải là tướng điều tướng đen, cũng chẳng được làm tốt đen tốt đỏ nữa vì tướng thế kia đâu có dùng cái hàng tốt này. Họ không biết Khải Định. Không có Khải Định trong cỗ bài tam cúc.
Thực dân dùng sức mạnh đàn áp họ thì tạm thời họ chịu khuất phục, nhưng đời cha tới đời con, chẳng ai bảo ai, trong thâm tâm, trong từng thớ thịt, sợi tóc, giọt máu của họ, họ vào hướng về những vị tướng điều, tướng đen, vẫn mong có những tướng điều, tướng đen đuổi xâm lăng cho họ, và chỉ những vị nào lãnh sứ mạng đó thì họ mới gọi là tướng. Dù bị đô hộ một trăm, một ngàn năm, dân Việt Nam vẫn còn tinh thần Việt Nam, trong thâm tâm vẫn không chịu thừa nhận chính quyền ngoại nhân. Chính quyền ngoại nhân bao giờ cũng như một miếng da cấy vào một cơ thể khác, thế nào rồi cũng bị đẩy ra. Có thể nói dân tộc Việt Nam “allergique”[25]với mọi chính quyền ngoại lai. Tôi không rõ đó có phải là tính tự nhiên chung của các dân tộc thuộc địa không, nhưng nhất định là tính tự nhiên của dân tộc ta. Cứ xét các ông vua triều Nguyễn được Pháp đưa lên thì biết. Ông nào tư cách thì cũng chỉ
ít tháng là chống lại họ, còn ông nào ngồi lâu được thì đều không đáng làm tốt đen, dân không thèm biết tới.
Người Pháp năm 1925 chắc chắn là biết lòng dân Việt Nam ngưỡng mộ cụ Phan ra sao, nhưng họ không rút ra được một bài học, để đến nỗi năm 1945 lại sa vào lối trước, thí nghiệm hết với Hoạch, với Hữu, với Bảo Đại, với Tâm[26]… cứ đưa những bọn không đáng làm tốt đen mà đòi mong được dân Việt Nam coi là tướng điều, cho nên mới phải chịu nhục ở Điện Biên Phủ.
Tại họ tham đã đành rồi, nhưng một phần cũng tại họ có tài phân tích xã hội, lịch sử... một cách thông thái quá. Mười mấy năm trước, tôi được đọc một cuốn trong đó tác giả (tôi quên mất tên) phân tích, lí luận, chứng minh một cách rất khoa học rằng các dân tộc phương Đông trước khi chịu ảnh hưởng của phương Tây, không có tinh thần ái quốc mà chỉ biết trung quân, mà quan niệm về quốc gia, dân tộc là do phương Tây mang lại. Gần đây tôi lại thấy một nhà cầm bút Việt Nam lặp lại y hệt. Tôi tự hỏi năm 1925 dân làng Phương Khê chúng tôi không đọc sách báo Việt, chứ đừng nói là Pháp, thì được ai tiêm cho tinh thần quốc gia, dân tộc mà sao chúng tôi không “trung” với Khải Định, lại ngưỡng mộ cụ Phan như vậy?
Nhưng nào phải chỉ có Pháp mới ngốc.
13 - 10 - 1967.
(Trích trong tập Kỉ niệm 100 năm năm sinh Phan Bội Châu
– Trình Bày – XB tháng 12 – 1967)
NGUIỄN HỮU NGƯ VÀ TẬPQÊ HƯƠNG
(Bài Tựa tập Qê Hương[27])
Trưa hôm đó, khi người nhà đem lên cho tôi một tấm bìa màu cánh sen đậm, ngoài đề hai chữ: “... Qê hương...” trong chứa một xấp giấy rời xếp ngang xếp dọc, lớn nhỏ đủ cỡ, tờ cắt trong báo, tờ in Ronéo, tờ viết tay, tờ đánh máy, tôi nghĩ bụng: “Sao không đợi chép lại cho xong, đóng lại thành tập đã? Gì mà gấp vậy?”.
Rồi tới khi lật coi sơ sơ nội dung, tôi đâm hoảng: đủ các thể văn, từ truyện ngắn tới một chương truyện dài, từ thơ luật, tới thơ lục bát, thơ mới cả tùy bút và kịch nhạc nữa, và đủ thứ tài liệu từ hồi kí, tiểu sử tới di chúc, từ bài thơ của một nữ sinh gởi cho thầy tới bức thư giới thiệu một ứng cử viên hạ viện, một bức thư cám ơn cử tri, rồi lại cả một bản sao một văn bằng tuyển sinh. Thế này thì biết viết cái gì đây? Biết giới thiệu ra sao đây. Giới thiệu tác phẩm hay tác giả? Nếu giới thiệu tác phẩm thì đặt nó vào loại nào? Vì không thể gọi nó là một tuyển tập được; còn giới thiệu tác giả thì trong tập có cả chục tác giả, biết
giới thiệu ai và không giới thiệu ai, nhất là đa số tác giả đều xa lạ với mình? Mà đã trót hứa rồi, thế nào cũng phải có một bài giới thiệu.
Nguyễn Hữu Ngư ( 1921-1979)
(Nguồn: Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc)
Biết cố dỗ giấc ngủ cũng vô ích, tới mở tập ra đọc từng bài một và khi đọc xong, tôi tự nhủ: “Thật là một kì thư. Không khi nào mình có cơ hội tốt hơn để giới thiệu anh ấy với độc giả như lần này nữa. Tâm hồn anh ấy thật là hiện rõ trong tập này.”
Rồi tôi nằm miên man ôn lại những hồi kí về anh Nguiễn Hữu Ngư: nhớ lại buổi tối đầu tiên anh lại thăm tôi ở xóm Hàng Sáo, hồi tôi mới lên Sài Gòn, nhớ lại lần anh ôm cặp da lại kiếm tôi ở Long Xuyên, khi ở thánh địa Hòa Hảo về; nhớ lại nhưng buổi trưa anh gò lưng đạp chiếc xe đạp cũ kĩ, chạy khắp Sài Gòn để tặng bằng hữu sách hoặc báo, quần áo luôn luôn xốc xếch, bụi bặm, mà nụ cười hồn nhiên luôn luôn nở trên môi.
Tôi nhớ là một buổi sáng đầu đông. Tôi mới ngồi vào bàn viết thì anh ôm một chồng sách, loạng choạng bước vào, lưng khom khom, đầu đưa ra phía trước. Anh đặt chồng sách lên mặt bàn, kéo ghế ngồi, móc túi lấy ra một gói thuốc rê, xé một mảnh giấy quyến, lặng thinh quấn. Tôi biết rồi, dẹp tất cả công việc lại, sẵn sàng ngồi nghe anh. Trông chiếc sơ mi nhàu nát, cả tuần chưa thay kia, tôi đoán anh mới ở Châu Đốc, Hà Tiên, Tây Ninh, Chợ Giữa hay Hàm Tân về, chưa biết chừng mới được một ti cảnh sát ở đâu đó thả ra hôm trước nữa. Anh vừa hút thuốc luôn miệng, bình thường anh không hút, vừa kể chuyện. Đủ thứ chuyện. Từ những mộng hồi thanh xuân tới những mộng hiện thời (anh cho hay muốn vượt biên giới để qua Miên hoặc trở về Hàm Tân thăm mộ song thân và em gái rồi đi luôn, đi đâu chưa biết), từ chuyện nhà đến chuyện nước, từ chuyện văn thơ tới chuyện chính trị, rồi chuyện bạn thân, bạn sơ, bạn trai, bạn gái, chuyện em chuyện cháu, chuyện hồi kháng chiến, chuyện
bị an trí trong bưng, chuyện bị giam ở trại cải huấn Biên Hòa... Hết thảy là những chuyện tôi được nghe anh kể nhiều lần rồi, mà lần này nghe lại, tôi vẫn thấy buồn vô hạn. Tôi gần như không xen vô một lời nào cả, mặc anh thao thao để anh trút bớt nỗi bất bình, nỗi căm phẫn của anh đi. Anh căm phẫn xã hội, anh căm phẫn thời đại, anh căm phẫn mọi người. Anh nhiều lí tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh. Có lúc anh nghiến răng, nắm chặt tay vung ra như muốn thoi tôi; có lúc anh mếu máo muốn khóc, rồi bỗng chồm lên, chua chát, cay độc mạt sát phũ phàng người bạn già mà anh quí nhất. Lúc đó tôi chán đời biết bao! Có lúc anh cười gằn ghê rợn rồi ngâm thơ, những bài thơ lục bát hay thất ngôn, ngũ ngôn, thường là bốn câu anh làm rất mau, chưa bao giờ in vì lẽ nó khác với thơ thế tục nhiều lắm. Có lẽ anh là người duy nhất ở nước mình dám lớn tiếng giữa công chúng chửi họ Ngô Đình và mạt sát cả một vị thượng toạ được hằng triệu tín đồ tôn sùng nhất trong nước.
Hôm đó ngồi nghe anh suốt hai giờ, tôi thấy buồn lạ lùng, không phải chỉ buồn cho anh, mà còn buồn cho chính tôi, cho tất cả loài người. Hết thảy chúng ta bề ngoài đều rất nhã nhặn, lễ độ, nhiều khi vui vẻ thỏa mãn nữa, nhưng trong đáy lòng vẫn có những khát vọng cao cả lẫn thấp hèn bị dồn ép hằng mấy chục năm, và có thể một
sớm một tối phát ra mà không sao ngăn lại được. Y như một mặt hồ trong trẻo, phẳng lặng, dưới đáy có một lớp bùn lâu lâu bốc hơi lên thành những bong bóng lớn nhỏ sôi cả lòng hồ và gợn sóng cả mặt hồ. Ai cũng như ai, chỉ khác ở mức độ và bản chất những cái bị dồn ép thôi. Chưa lần nào tôi được thấy rõ ở anh cái mức độ ấy cao và cái bản chất ấy đẹp như lần ấy. Con người của anh hoàn toàn là tình cảm: tình nước, tình nhà, tình bạn bè tình vợ con, tình thầy trò, tình người, mà văn thơ anh cũng chứa chan những tình đó.
Bìa cuốn Qê Hương[28]
(Nguồn: sachxua.net)
Tôi đã đưa anh ra tới cổng mà anh còn bịn rịn đứng lại một hồi lâu, và khi cái bóng gây gò, khom khom, lắc lư của anh đã khuất ở đầu ngõ tôi mới trở vào, lòng bâng khuâng suốt cả buổi. Tối đó anh sẽ ngủ ở đâu? Ở Cần
Thơ hay Biên Hòa? Ở phòng ngủ hay trong ti cảnh sát? Tôi nhớ lại bài Từ Vân Trường truyện của Viên Hoàng Đạo. Con người đó quả thực là “vô chi nhi bất kì”, cho nên “vô chi nhi bất kì”: năm sáu lần bị bắt giam, mấy lần suýt chết, suốt một đời vất vưởng trôi nổi, lang thang. Mà cuốn độc giả sắp đọc đây cũng là một trong những cái “kì” của anh.
Chúng ta có thói quen đọc sách chỉ để hiểu một truyện hay một hệ thống tư tưởng, ít khi tìm hiểu tấm lòng của tác giả. Tôi không chắc rằng có nhiều độc giả thích cuốn Qê hương này, nhưng riêng tôi cho nó là một kì thư, chưa hề thấy trong văn học Việt Nam, và tất cả những bạn của anh Nguiễn Hữu Ngư tất đều phải nhận như tôi rằng cuốn này biểu lộ rõ nhất - tuy chưa hết – tâm hồn khả ái và cái tình dào dạt của anh. Người sau có muốn chép lại đời anh - một đời đau khổ nhất mà cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại - tất phải dùng nó làm tài liệu chính...
Long Xuyên ngày 22 - 11 – 1967
KHÓC BÁC ĐÔNG HỒ
Hay tin Bác mất, tôi sửng sốt!
Mới hăm ba tháng chạp, thấy tinh thần Bác có phần thanh sảng hơn trước, tôi mừng, nghĩ bụng thế nào Bác cũng được hưởng thêm năm mười năm nữa là ít, cho nên hẹn với Bác thái bình trở lại, bọn mình họp nhau một bữa rồi ai về thăm quê nấy, Bác về Hà Tiên, tôi về Sơn Tây. Nào có dè đâu!
Đông Hồ Nguyễn Tấn Phát (1906-1969)
(Nguồn: Wikipedia)
Lúc sáng nay[29]lật tấm lụa đỏ, nhìn nét mặt Bác lần cuối cùng, thấy thật bình thản. Nghe bác Mộng Tuyết nói, khi mới tắt thở, Bác như mỉm cười, mặt còn đẹp hơn nhiều.
Phải lắm. Bác có gì ân hận đâu? Suốt đời chỉ yêu đất Việt và tiếng Việt thì Bác đã đi khắp giang san Việt, đã
phụng sự tiếng Việt, trứ tác và dạy học non nửa thế kỉ, từ tuổi chưa đầy hai mươi cho tới nay. Còn có cuộc đời nào đẹp hơn vậy nữa?
Bác nổi danh sớm hơn ai hết, giữ được danh lâu hơn ai hết và cũng sẽ lưu danh không kém ai hết. Sau này nhắc tới Hà Tiên, người ta phải nhớ tới Chiêu Anh Các và tới Bác.
Còn bốn năm tác phẩm Bác chưa kịp in ư? Nhưng như vậy chính là vì Bác đã làm việc tới ngày cuối cùng. Người thân của Bác, bạn bè, môn đệ của Bác sẽ làm nốt công việc cửa Bác.
Bác chưa kịp về thăm núi Tô Châu và hồ Đông ư? Nhưng trong cơn binh lửa này, những bạn đã khuất của Bác như Nhất Linh, Đinh Hùng, ai đã được về thăm quê nhà, và những bạn còn sống của Bác như chúng tôi đây, ai dám chắc sẽ được về thăm quê nhà?
Không, tôi nghĩ Bác không có gì đáng hận cả: Bác đã sống một cuộc đời đầy đủ hơn cả các bạn khác. Bác đã lưu lại một tình cảm nửa kính nửa yêu trong lòng các bạn của Bác. Bọn tôi đây, ai cũng nhận rằng tình của Bác thật nhã, nhã như nét mặt Bác, ngôn ngữ Bác, văn thơ Bác. Tôi nhớ lần nào lại thăm Bác cũng có cảm giác được hít lại cái không khí cổ kính, thanh cao của nửa thế kỉ trước và lần nào Bác lại thăm tôi cũng thắp một nén nhang trên
bàn thờ Ba Má tôi, làm cho tôi xúc động tới ứa lệ. Cái đức của Bác, tôi không theo kịp, Bác ạ.
Nhớ những lúc đó, lòng tôi bỗng thấm thía thấy mất Bác, không phải chỉ là mất một người bạn, một nhà thơ, một nhà văn, một nhà mô phạm mà còn mất đi một chút truyền thống của dân tộc. Lẽ tự nhiên, người lớp trước khuất đi thì có người lớp sau, nhưng người lớp sau vẫn chỉ là người lớp sau. Tôi có dè đâu Bác lại sớm đi như vậy!
Kính bái
Nguyễn Hiến Lê
Sài gòn 15 giờ ngày 26. 3. 69
Mùng 9 tháng 2 năm Kỉ Dậu