🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Để Làm Nên Sự Nghiệp - 400 Điều Bạn Không Được Học Ở Trường Ebooks Nhóm Zalo “Cuốn sách Để làm nên sự nghiệp cần thiết cho tất cả các bạn trẻ – những người bắt đầu bước chân vào cuộc sống, những người đang hoang mang tìm cho mình một lối đi. Tất cả mọi người sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích cho mình ở đây. Hãy học theo, hãy rèn luyện, hãy kiên trì, chắc chắn bạn sẽ làm nên.” NGUYỄN CẢNH BÌNH Giám đốc Alpha Books CON ĐƯỜNG ĐỂ CHÚNG TA LÀM NÊN… T háng 9 năm 1989, tôi bước chân vào giảng đường đại học. Cả một bầu trời tri thức, cả một thế giới với những điều mới lạ, cũng như đầy khó khăn mở ra trước mắt tôi. Tôi không còn là cậu học sinh phổ thông luôn phải làm theo những gì thầy cô giảng, mà tôi biết thành công của mình được quyết định bởi cách tôi học và những gì tôi học. Sau này, tôi hiểu rằng học đại học và xa hơn, cách học trong cuộc đời, có nghĩa là bạn phải biết tự học, nên học gì và quan trọng nhất phải biết bỏ qua những gì không cần học. 15 – 17 tuổi chính là khoảng thời gian bắt đầu định hình tính cách, thói quen cũng như cá tính ở mỗi người. Thế nhưng, những năm tháng sinh viên đầu đời, hầu như không có sách nào nói cho tôi biết những điều đó. Có đến 99% những gì chúng tôi tiếp nhận được chỉ là những lời khuyên một chiều, kiểu như hãy học hành chăm chỉ, hãy làm tất cả các bài tập, hãy đọc sách mà không ai dạy cho chúng tôi biết rằng “thời giờ quý nhất trong đời là những giờ nhàn rỗi. Tương lai của bạn tùy thuộc vào cách bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi ấy hơn là những gì bạn làm trong giờ làm việc” (Lời khuyên số 7). Tôi và những người bạn cứ phải mò mẫm, cứ phải tự tìm cho mình những điều như vậy. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi đã thiệt thòi rất nhiều, đã lãng phí nhiều thời gian và công sức mà những thứ thu nhặt được lại chẳng giúp mình được mấy sau này. Tôi thành thực thú nhận rằng trong những tháng ngày ngồi trên giảng đường, tôi đã không quá chú tâm vào việc học, thậm chí có thể nói là rất sao nhãng. Tôi không học chăm chỉ như đám bạn. Mặc dù rất nhiều lần tôi cảm thấy hoang mang không biết liệu cách học và cách sống như vậy có đúng hay không, nhưng tôi thấy nhiều điều phải học ở trường, ở sách vở thông thường, chính thống thực sự ít có giá trị. Những thông tin kiến thức tôi thu lượm ở trường đại học không nhiều. Tôi không hình dung được những điều đó hữu ích như thế nào đối với tôi sau này. Năm tháng sinh viên qua đi, tôi chập chững bước vào đời cùng với những biến chuyển vô cùng lớn lao của nền kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân xuất hiện, mọi người bắt đầu phải lo nghĩ đến chuyện kiếm tiền, cũng như mình sẽ làm gì trong cuộc sống. Đồng tiền trở nên quan trọng hơn nhiều. Cách sống và các giá trị cũ dần dần thay đổi, các giá trị mới, cách sống mới, kiến thức và kỹ năng mới xuất hiện. Năm 1995, tôi tình cờ mua được cuốn sách Để làm nên sự nghiệp. Tôi đã mê mải đọc nó chỉ trong một ngày. Để làm nên sự nghiệp đã trở thành sách gối đầu giường của tôi thời đó. Tôi đã đọc được ở đây những lời khuyên vô cùng giá trị và hữu ích mà không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Đọc xong nó, tôi tự tin hơn với những suy nghĩ có phần “lệch lạc” của mình so với lối suy nghĩ thông thường, so với những gì tôi thường được dạy. Tôi bắt đầu thay đổi cách dùng thời gian rảnh rỗi của mình. Tôi bớt đi cà phê, tụ tập với đám bạn mà tìm kiếm những việc hữu ích cho mình, đó là đọc sách và suy ngẫm, gặp gỡ những người giỏi hơn mình để trò chuyện, trao đổi… Một trong những lời khuyên tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách là Lời khuyên số 15: “Lỗi thông thường của bạn trẻ là thích làm những công việc dễ dàng.” Ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi đã luôn chọn cho mình những việc khó nhất. Học trên lớp cũng như khi làm bài tập, tôi luôn lựa những bài khó nhất. Các bài kiểm tra thường có năm câu từ dễ đến khó, đám bạn thích làm câu dễ trước khó sau còn tôi thì ngược lại. Đến khi đi làm, tôi muốn chọn công việc khó khăn nhất, ít người dám làm nhất. Càng ít người dám làm, tôi lại càng hăng hái đảm trách, càng nhiều khó khăn, càng nhiều thách thức, tôi càng thấy hấp dẫn và lôi cuốn… Tôi tập làm những việc khác với thông thường, thử nghiệm những cách làm việc mới, cách tư duy mới khác với cách mọi người hay làm. Bây giờ, tôi tin rằng chính những thử thách đầu đời đó đã giúp tôi trở nên bản lĩnh hơn, dám làm những việc mà đám bạn cùng trang lứa né tránh, dám đi và dám làm những việc ngoài khuôn khổ… Những người xung quanh không hiểu vì sao tôi lại chọn những việc khó, trong khi hầu hết mọi người chọn việc dễ dàng. Một cô em họ khi đó cứ thắc mắc và chê bai tôi: “Tại sao anh cứ chọn việc khó nhỉ, em chỉ thích công việc nhàn hạ. Anh làm việc khó hơn nhưng có được nhiều tiền hơn đâu.” Bây giờ, nhìn lại 15 – 20 năm trước, tôi thấy mình đã đúng và tôi cũng thật may mắn khi đọc được cuốn sách này. Nhờ chọn làm những việc khó, tôi đã trưởng thành rất nhanh, thành công hơn hẳn những người chọn việc dễ dàng. Việc xử lý những vấn đề phức tạp ngay từ khi còn trẻ đã mang lại cho tôi nhiều kỹ năng hữu ích: giúp tôi học cách chịu áp lực lớn, giúp tôi trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin để dám làm những công việc khó hơn sau này. Kể từ năm 1995 đến những năm 2000 – 2001, tôi vẫn thường lật lại những trang sách này để nhớ lại những lời khuyên của H. Casson, để chiêm nghiệm những việc mình đã làm, để có động lực hơn, kiên trì hơn cho công việc sắp tới. Tôi cũng thường ghi chép, đánh dấu những lời khuyên mà tôi thấy hữu ích nhất và cuốn sách đầy những chỗ bôi đỏ, bôi xanh, những chữ nguệch ngoạc bên lề ghi lại suy nghĩ bất chợt hiện ra của tôi. Sau này, trong các buổi nói chuyện với sinh viên, khi các bạn trẻ hỏi tôi nên đọc cuốn sách nào, tôi đều khuyên tìm đọc Để làm nên sự nghiệp của H. Casson. Tuy nhiên, do cuốn sách xuất bản quá lâu và không được tái bản nên ngày nay các bạn trẻ khó có cơ hội tiếp cận. Hơn nữa, bản dịch của Phạm Cao Tùng cũng chưa được chau chuốt, nhiều lỗi,… vì thế chúng tôi đã tiến hành hiệu đính, biên tập cho phù hợp với văn phong hiện đại. Cuốn sách Để làm nên sự nghiệp cần thiết cho tất cả các bạn trẻ – những người bắt đầu bước chân vào cuộc sống, những người đang hoang mang tìm cho mình một lối đi. Tất cả mọi người sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích cho mình ở đây. Hãy học theo, hãy rèn luyện, hãy kiên trì, chắc chắn bạn sẽ thành công. Đây là cuốn đầu tiên dạy tôi làm thế nào để thành công trong cuộc sống, tôi đã làm theo và tôi đã làm được một số việc mà tôi muốn làm. Vì thế, tôi tin rằng các bạn trẻ cũng sẽ làm nên được điều gì đó cho mình khi đọc cuốn sách này. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn cuốn sách đã theo tôi suốt những năm tháng thanh niên này! Tháng 1/2012 NGUYỄN CẢNH BÌNH 1 CON NGƯỜI 1. Với bạn, trên đời này không có gì quan trọng bằng chính con người bạn. Bạn là người thế nào? Bạn sẽ ra sao? Bạn có thể làm gì? Đó là những điều quan trọng hơn hết. Rất có thể, bạn không thấy những tật xấu của bản thân, cũng có thể suốt đời bạn không tìm được đâu là những khả năng đặc biệt của chính mình. Sống theo câu nói “Hãy tự biết mình” thật khó. Nhưng dù thế nào, bạn cũng không được thụ động cam chịu bản tính trời sinh. Bạn có thể tự tạo một cá tính mới theo kế hoạch riêng. Nhiều người đã thành đạt nhờ làm vậy. 2. Phải biết quý trọng con người bạn hơn hết mọi sự. Trở thành ông chủ đất hay sở hữu một hai ngôi nhà thì chưa có gì đáng nói. Một người có tiền cũng chỉ như một anh hề. Việc phát triển tài sản phải đi đôi với phát triển cá tính. Khi đã giàu có, bạn phải biết dùng một phần tiền của để phát triển bản thân. Bạn hãy đi du lịch, hãy đọc những tác phẩm văn chương, hãy giao du với những nhân vật trọng yếu, hãy dành nhiều thời gian để học hỏi, để tư duy, để suy nghĩ,... Chớ để của cải và tiền bạc chi phối và sai khiến con người bạn. 3. Bạn không phải là một món đồ trong thế giới vật chất. Bạn là một tinh thần trong thế giới tinh thần. Mỗi công việc kinh doanh đều nảy sinh từ khối óc và khối óc là trụ sở của tinh thần. Tư tưởng ở trên hết mọi sự. Con người là tư tưởng hoá thân. Tất cả phát minh đều bắt đầu từ những ý tưởng thuần tuý. Chúng ta đều là những tinh thần chứa đựng trong cái xác phàm. Tất cả chúng ta đều là những mảnh vụn của một khối tư tưởng lớn. Nhờ khoa học, chúng ta được biết điều đó. Trong chúng ta luôn có gốc rễ của một nguồn lực sáng tạo. Bạn nên biết quý trọng con người mình. Bạn là một phần của tạo hoá. 4. Những thế kỷ gần đây, chúng ta đã nghiên cứu, học hỏi về tất cả mọi điều trừ việc nghiên cứu con người, chúng ta đã khảo sát bản thể của mọi vật chỉ trừ bản thể của con người. Ở thế giới bên ngoài, chúng ta đã có nhiều phát minh kỳ lạ nhưng đối với đời sống bên trong của mỗi người, chúng ta không hơn những người sống vào thời nguyên thủy. Chúng ta không hiểu những gì đã xảy ra trong tinh thần cũng như cơ thể. Chúng ta biết rất ít về nghệ thuật phát triển cá tính, về nghệ thuật ứng xử của con người. Kết quả là chúng ta đã chế tạo những máy móc, khai thác nhiều nguồn lực mà chúng ta chưa chế ngự được. 5. Phải phát triển con người bạn đến tột độ. Phải đặt việc phát triển cá tính bạn lên trên hết. Con người bạn tràn trề khả năng. Lúc thiếu thời, không ai biết rõ bản tính của mình. Bạn phải phát triển nó, không nên phí thời giờ làm một công việc dễ dàng. Làm việc theo cách hủ bại là kẻ thù nguy hiểm nhất với chính bạn bơi nó cản trở và kìm hãm sự phát triển con người bạn. Khối óc không phát triển là một sự phí phạm. Phí phạm đó còn nguy hại hơn mọi sự phí phạm khác. Bạn phải biết dẹp bỏ mọi chướng ngại vật trên đường tiến. Trong mắt bạn, không có gì quan trọng bằng cá tính của chính mình. 6. Phát triển cá tính của bạn cũng là một cách phụng sự nước nhà. Nếu thiếu năng lực, thiếu những tri thức chuyên môn, bạn không thể đóng góp cho quốc gia. Một cánh rừng to là nhờ những cây đại thụ, đâu phải nhờ những cọng sậy, những bụi cây. Một đất nước cường thịnh không phải do dân số đông mà do giá trị của những cá nhân lỗi lạc. Một quốc gia giàu mạnh là một quốc gia có nhiều con người tài năng. Đối với nước nhà, bạn có bổn phận phát triển tận độ những khả năng của chính mình. 7. Khoảnh khắc quý nhất trong cuộc đời bạn là những thời giờ nhàn rỗi. Tương lai tuỳ thuộc cách sử dụng thời giờ nhàn rỗi hơn là những gì bạn làm trong giờ làm việc. Đó cũng là một cách thử nghiệm xem bạn có thật sự quyết tâm xây dựng một tương lai xán lạn cho mình hay không? Một quy tắc ý nghĩa là: dùng một nửa thời giờ nhàn rỗi để giải trí, để nghỉ ngơi, còn một nửa để phát triển cá tính của mình. Bạn có thể cải thiện bản thân, có thể tập luyện những kỹ năng để thăng tiến nếu biết sử dụng khôn ngoan khoảng thời gian rảnh rỗi vào buổi tối và trong những ngày nghỉ. 8. Bạn nên dùng một nửa thời giờ nhàn rỗi để học hỏi, hoàn thiện con người bạn, còn một nửa để giải trí và tham gia đời sống xã hội. Cùng lúc, bạn phải phát triển những khả năng tinh thần và xã hội. Sau này, địa vị xã hội của bạn sẽ tuỳ thuộc phần lớn vào cách sử dụng thời gian rảnh rỗi ấy. Những gì bạn thực hiện trong lúc hoàn toàn làm chủ sẽ chứng minh giá trị con người bạn. Nếu dùng thời gian tự do này để chơi bời, hoặc để ăn không ngồi rồi thì bạn sẽ chìm đắm vào đám đông xoàng xĩnh. Bạn phải có một “thú vui” riêng, làm một công việc nào đó, điều đó sẽ bắt buộc khối óc bạn phải hoạt động. 9. Bạn nên có thói quen tự đánh giá mình. Bạn có tài trong lĩnh vực nào? Bạn đã thất bại trong những việc gì? Học vấn bạn ra sao? Và quan trọng hơn: cách bạn thi thố trên “sân vận động” thế nào? Cách bạn đối xử với bạn bè ra sao? Bạn thích làm công việc gì? Bạn có “thú vui riêng” nào? Bạn điều khiển cuộc đời hay thả nó trôi theo dòng nước? Những cố gắng của bạn nhằm mục đích gì? Bạn có biết những tật xấu, khí chất và tính tình bạn không? Bạn có thể nổi tiếng trong lĩnh vực nào? 10. Bạn phải biết tận dụng tất cả những lợi thế của mình. Những lợi thế ấy có thể là: hoàn cảnh, nguồn gốc, thân thế, gia cảnh, cá tính, những hiểu biết chuyên môn, tính khí, tinh thần đắc lực, bề giao du,... Mọi người đều có đối thủ nhưng bất kể chuyện gì bạn cũng nên cố gắng làm tốt hơn người khác, nhất là trong công việc kinh doanh. Bạn phải hơn người khác ít ra ở một điểm nào đó. Trong kinh doanh, bạn phải trội hơn đối phương ở một vài khía cạnh. Muốn được vậy, bạn phải luôn luôn tự hỏi: “Có cách nào để cải thiện công việc kinh doanh của tôi không?” Bạn phải biết dùng tất cả vốn liếng: tiền bạc, hàng hoá, tài sản, bạn bè, khả năng, tri thức và kinh nghiệm. 11. Nếu bạn có một điểm gì độc đáo hơn người, phải tìm mọi cách làm nó nảy nở. Mọi tiến bộ đều do một số ít người độc đáo tạo ra. Một thiên tài có óc sáng tạo giúp ích cho nước nhà nhiều hơn một ngàn “người máy”. Một người có khối óc hoạt động phải thể hiện được nhiều điểm độc đáo. Họ phải phát huy tư tưởng và điều khiển mọi hoạt động của mình. Mọi tiến bộ trong xã hội đều bắt đầu từ đó. 12. Đâu là ưu điểm của anh? Bạn giỏi về việc gì? Bạn học môn nào dễ dàng nhất? Bạn tự thấy mình có tài cán khi làm công việc gì? Thông thường, các bạn trẻ không thích ứng với nghề đầu tiên họ chọn. Họ vào nghề do một sự tình cờ, họ chưa biết rõ chính bản thân mình. Đến lúc nào đó nhiều bạn trẻ tự nhiên sẽ nhận thấy mình thiên về một công việc nào đó. Họ phải tự đánh giá, phân tích những thành công, thất bại của mình cho đến khi tìm được công việc thích hợp nhất. 13. Bạn phải biết tập trung vào một điểm chính. Cuộc đời sẽ tiêu tan nếu bạn mãi chạy theo một nghề thích hợp nhưng hão huyền. Bạn phải luôn luôn đi tìm tất cả những gì có thể giúp bản thân thể hiện hết khả năng. Nếu không quan tâm đến công việc, bạn sẽ thất bại và khốn đốn. Có thể ví bạn như một quân cờ. Bạn phải biết tìm chỗ nào thích ứng để đặt mình vào đó. Phải nghiên cứu tính cách cũng như con người của bạn rồi chọn lựa kỹ lưỡng công việc thích hợp. 14. Bạn không nên xem thường khả năng tiềm tàng của bản thân. Ít người biết tận dụng những tài nguyên tinh thần và khai thác triệt để nó. Hãy xem sự cách biệt giữa nước ao tù và nước sôi. Lấy một ly 200ml nước đem đun sôi sẽ biến thành hơi nước, đám hơi nước đó có sức mạnh của một phần sáu mã lực. Lửa làm cho nguồn lực tiềm tàng biến thành nguồn lực thực sự. Tất cả những nguồn lực tiềm tàng của bạn có thể biến thành hành động nếu bạn có ngọn lửa thiêng tức là lòng hăng hái và can đảm. 15. Lúc còn trẻ, bạn nên cố gắng tránh những lỗi lầm thông thường của tuổi trẻ, và khi có tuổi, cố gắng đừng phạm những lỗi lầm thường thấy của tuổi già. Lỗi thông thường của những bạn trẻ là ưa thích làm những việc dễ dàng. Lỗi thường gặp ở những người có tuổi là tính tự mãn. Khi còn trẻ, bạn thích vui chơi hơn làm việc, không cầu tiến, về sau bạn sẽ thất bại. Lúc già cũng như khi còn trẻ, bạn đừng để tuổi tác cản trở mình. 16. Những thói quen tốt sẽ trợ giúp rất nhiều nếu bạn chịu khó tập luyện. Đó cũng là cách để tránh những thói xấu. Trong phòng ngủ của bạn, mọi vật đều phải có một chỗ nhất định. Phải có trật tự. Không nên để trong túi những vật vô ích. Một vật nào đó phải luôn nằm ở một túi áo cố định, khỏi mất công tìm kiếm. Nếu xung quanh thiếu ngăn nắp thì đầu óc bạn chẳng khác gì trong sương mù. Phải xếp đặt những món đồ vật, tài liệu, đồ dùng theo cách nào đó để bạn đỡ mất thời giờ tìm kiếm. 17. Không gì có thể giúp một người làm công ăn lương mau tăng lương tiến chức bằng sự cố gắng, nỗ lực để trở nên hữu dụng. Thật ra, mỗi người làm công đều ăn lương theo kết quả họ làm được, tuy rằng họ lĩnh lương tháng. Cái mà chúng tôi gọi là đồng lương tháng chỉ là phương tiện định kết quả làm việc một cách đơn giản. Thật ra, người công nhân nào cũng được hưởng một phần lợi nhuận của công ty, vì vậy, họ phải hành động như một người hùn hạp, góp vốn để ráng sức làm cho công ty có thêm lợi nhuận. Nếu bạn muốn sếp lưu ý đến, bạn phải ghi nhớ đến quan điểm của họ, phải lưu ý và tìm cách tăng lợi nhuận cho họ. 18. Dù làm việc gì, cũng phải cố gắng làm hơn điều mà người ta mong chờ ở bạn. Đó là bước đầu để tiến đến một sự nghiệp lớn. Đó là một cách hay nhất làm cho người ta chú ý, để mau thăng tiến, để tỏ ra bạn đủ sức làm công việc được giao phó. Bạn phải biết làm tốt hơn nhiệm vụ mà người khác giao phó. Không nên thu nhỏ nhiệm vụ được giao mà ngược lại phải mở rộng ra, phát triển nó. Phải làm việc như một người tự do, có nhiều cao vọng, đừng làm việc như một kẻ nô lệ. Phải biết “cho” nhiều hơn “nhận”. 19. Giúp việc cho chủ, bạn không nên nghĩ rằng mình chỉ là một người làm công ăn lương, hãy tìm cách suy nghĩ và hành động như một cộng sự của họ. Bạn phải tự kiểm soát bản thân để khỏi bị người ngoài kiểm soát, phải đem hết tâm lực để làm lợi cho công ty đã thuê bạn. Bạn phải làm nhiều hơn giá trị đồng tiền được hưởng. Phần việc phụ trội này sẽ đền bù cho những người đã bỏ vốn và những người quản lý công ty. Hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể về công ty. Bạn phải quan tâm đến công ty như một người có cổ phần trong đó. Đó là bí quyết cơ bản để thăng tiến. 20. Đến khi có dịp dùng người, khi trở thành quản lý, bạn phải học bổn phận của người chủ. Bạn phải luôn luôn tỏ ra chính trực đối với những người lĩnh lương, phải biết gây dựng thiện cảm và sự tận tâm của họ. Trả lương không chưa đủ. Phải làm thế nào để họ có thể giúp việc cho bạn trong những điều kiện thuận lợi. Không được làm họ sợ. Nên đối xử với họ một cách công bằng, chớ tư vị. Tăng lương, thăng chức cho họ theo công việc, theo kết quả làm được, không vì tình cảm. Hãy chú ý đến đời sống của những người dưới quyền. Hãy chăm lo đến hạnh phúc và quyền lợi của những người đang giúp đỡ bạn. 21. Bạn phải tìm ra công việc phù hợp nhất với mình. Nhiều bạn trẻ làm những nghề không thích hợp với họ bởi họ chưa biết rõ khả năng bản thân. Có người gần đến 40 tuổi cũng chưa tìm ra công việc phù hợp với khả năng. Thật là phí phạm thời giờ. Nhưng điều quan trọng hơn nữa đối với một người mới bắt đầu đi làm là tìm một người chủ hay người quản lý giỏi, biết quan tâm đến mình. Khi nhận thấy công ty mình đang làm không có người quản lý giỏi, bạn nên tìm việc ở nơi khác. Vì ở trong một xưởng hoặc một văn phòng sa lầy vào lề lối làm việc cũ kỹ, cổ hủ, bạn sẽ không học hỏi được gì. Bạn phải tìm việc ở nơi nào mà bạn có thể học hỏi, có thể thăng tiến và trưởng thành. Bạn nên từ bỏ một công việc không có tương lai. 22. Bạn phải nghiêm khắc với bản thân và tự buộc mình làm việc. Có thể chia loài người làm hai hạng: hạng cam chịu để người khác dẫn dắt và hạng biết tự mình tiến tới. Rất nhiều người cứ chờ đợi người khác thúc giục mới chịu làm việc. Họ phải làm vì không muốn bị đói. Lý tưởng của họ là ăn có người phải ngồi không ngồi rồi nên khi họ làm việc, phải canh chừng. Và bởi phải mất công canh chừng, nên người ta không thể trả lương thêm. Trái lại, những người leo nhanh trên nấc thang xã hội là những người biết tự đi tới. Họ không thể ngồi không. Khi đã có sự nghiệp, họ vẫn hăng hái làm việc. 23. Thách thức lớn nhất đối với bạn là làm thế nào để nâng cao mình lên, nhưng phải tiến lên một cách khôn ngoan. Nhiều người không bao giờ tiến bước vì họ không làm gì để tiến tới cả. Họ chưa làm việc gì mang lại giá trị. Nhiều người có tiến thật nhưng thiếu khôn ngoan, những cố gắng của họ đáp lại bằng thất bại. Còn nhiều người tiến nhưng bằng cách phá hoại. Họ là những tay trục lợi gian dối và ác độc. Nhưng vẫn có một số ít người tiến lên với một mục đích cao đẹp. Họ có óc sáng tạo, có lòng nhân ái, biết giúp đỡ người khác. Họ là những người đắc lực. Họ tạo ra sự sung túc, sự hiểu biết, sự tinh tế và hạnh phúc. Họ dẫn dắt người khác đi tới. Họ vạch cho người khác con đường tiến bộ. 24. Khi phải chọn một lý tưởng, bạn nên chọn một lý tưởng có thể đạt được. Phải biết sử dụng trí tưởng tượng nhưng phải hợp với khả năng. Một lý tưởng có thể là một liều thuốc bổ nhưng cũng có thể là một mũi thuốc tê. Các công trình phát minh của những nhà sáng chế thường bắt đầu từ mơ ước nhưng “thiên đường” của những tay nghiện thuốc phiện cũng bắt đầu từ mơ mộng. Trong đời, chúng ta có nhiều lý tưởng liên tiếp, có một lý tưởng chọn thêm một lý tưởng mới. Những lý tưởng của bạn giống như những nấc thang, thấp rồi đến cao. 25. Bạn phải có nhiều cao vọng, phải biết sử dụng hết khả năng vốn có của mình. Đã làm người, bạn không thể sống như con thỏ, nhất định phải sống tận lực, sống 100%, không phải chỉ sống 20%. Khi được hưởng một món quà vô giá là “cuộc sống”, tại sao bạn không biết tận dụng? Tại sao một người có khối óc mà chỉ biết sống như kẻ chỉ có thể xác. Bạn cần nuôi nhiều cao vọng, chẳng những vì ích lợi riêng mà còn vì lợi ích của người khác. 26. Mặc dầu tính ích kỷ bị các nhà luân lý lên án nhưng sự thật bạn phải luôn luôn suy nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Bạn phải để tâm đến cách sử dụng quyền lợi của bạn, chớ để người khác lợi dụng. Vì công sức khó nhọc của bạn phải được đền bù xứng đáng. Nhưng nhiều người được hưởng lợi rất lớn mà công sức bỏ ra lại rất ít và ngược lại. Có nhiều người giàu không xứng đáng giàu, có nhiều người nghèo đáng được hưởng nhiều hơn. Bạn phải hết sức chú ý để thụ hưởng những gì đáng được hưởng; như thế là bạn đã bảo vệ sự tự lập và đức tự trọng. 27. Bạn phải phát triển quan điểm riêng, bảo vệ quyền lợi bản thân. Không được để ai lấn át mình, không cam chịu bị xỏ mũi. Bạn không nên nô lệ hoá người khác nhưng cũng không cam chịu làm con lừa cho người khác cưỡi. Bạn hãy tự thảo ra “Bản tuyên ngôn độc lập” của mình, hợp tác với mọi người nhưng đừng để họ chi phối. Làm vật hy sinh không phải là một đức tính. Có thể người ta cho rằng bạn là một kẻ ích kỷ nhưng không ai dám bảo bạn là một tên ngốc. Càng mạnh mẽ, càng giàu có, bạn càng có nhiều phương tiện để giúp ích kẻ khác. 28. Bạn không được nhụt chí vì lời phê bình hoặc phản đối của những kẻ ngốc. Bởi bạn có tài trí nên mới có người chống đối. Bạn không nên khinh miệt đồng loại nhưng cũng không nên chịu ảnh hưởng từ họ quá nhiều. Đám đông trong xã hội nào cũng thế, đều có những ấu trĩ. 29. Bạn phải giữ vững lập trường. Trong tình trạng hỗn độn của cuộc sống, bạn cần biết tự bảo vệ mình. Bạn không được để cho kẻ khác dẫn đi lạc đường hoặc tạo áp lực vì những mục tiêu ích kỷ. Đồng thời, bạn không được quên quyền lợi và quan điểm riêng của bản thân. Không được để người ta dắt bạn như một con cừu. Phải phụng sự mục tiêu của bạn, chứ không phải của người khác. Nếu có thể được phải cố gắng ráng sức làm những gì bạn định làm. Hãy đứng lên để làm việc. 30. Nếu phải chọn giữa hai lối sống mạo hiểm và ẩn dật bạn nên chọn lối sống mạo hiểm. Sự phục tùng và tính khiêm nhường là đức tính của những kẻ nô lệ, bạn cần phải tin tưởng bản thân. Khi đã tìm thấy những khả năng của mình, bạn nên tỏ ra cho người đời biết. Hãy tiến lên trước, đòi hỏi những gì bạn đáng được hưởng. Sự phung phí tai hại nhất là phung phí tài sức của con người. Bạn nên vượt lên và nhắm tận chót đỉnh. Không hoài nghi. Phải biết mạo hiểm. Phải bước tới. 31. Bạn phải sống cuộc sống của bản thân nhưng cũng chớ quên bổn phận đối với kẻ khác, và làm theo cách riêng của bạn. Hãy phát triển những khả năng của bản thân và sử dụng tất cả những đức tính và tài năng sẵn có của bạn. Nếu công việc hàng ngày khiến bạn làm việc như cái máy, thì bạn phải biết dùng thời giờ nhàn rỗi để cá tính khỏi bị chôn vùi. Nếu bạn có một điểm độc đáo đặc sắc nào đó, phải tìm mọi cách phát huy, không bao giờ được cam chịu làm một người tầm thường, một người bị đúc khuôn. 32. Bạn phải chăm sóc quyền lợi bản thân. Mỗi quyền lợi bạn được hưởng ngày hôm nay là kết quả của bao cuộc đấu tranh từ những thế hệ trước. Không biết dùng những quyền mình có, cuộc đời bạn sẽ tiêu tan. Sống là tranh đấu không ngừng. 33. Bạn nên chọn lối sống tự do. Tự do là tiến bộ. Chế độ cũ đã tiêu diệt sáng kiến cá nhân, không giúp cho nhân loại tiến thêm một bước nào. Tự do làm nảy nở nhiều sáng kiến, sáng kiến tạo nên giàu có, thịnh vượng. Không được bán rẻ tự do của bạn để đổi lấy một chén cơm của kẻ khác. 34. Bạn là con người, không phải là một cái máy, bạn không được cam chịu là một món đồ hoặc một người máy. Nền độc lập của một dân tộc bắt đầu từ sự độc lập của mỗi cá nhân. 35. Suốt đời, bạn nên trông cậy vào tài sức của bản thân. Cha mẹ có tài sản là một lợi thế nhưng đôi khi cũng là bất lợi khiến bạn ỷ lại. Dù thế nào thì bạn cũng nên trông cậy vào chính mình để làm nên với đời. Người tự trọng luôn luôn tin tưởng vào chính mình. Muốn phát triển cá tính, bạn phải biết tin tưởng nơi mình. Khi một người thiếu tự tin, họ bắt đầu sống theo lối ký sinh và đánh mất giá trị của mình. Dù họ là gì chăng nữa, họ cũng chỉ là một kẻ ăn mày. Họ không thể ngóc đầu ngang hàng với những người biết giúp ích cho người khác. Điều cần là phải biết trông cậy vào chính mình trước đã. 36. Bạn không thể sống buông thả, vô kỷ luật. Hoặc bạn tự buộc mình phải tuân theo kỷ luật, hoặc bạn sẽ bị kẻ khác bắt phải tuân theo kỷ luật. Bạn phải chịu kỷ luật từ những người có quyền thế, từ dư luận quần chúng, từ pháp luật. Nếu bạn vượt qua luật pháp, đã có sẵn nhà tù. Bạn phải suy nghĩ, kiềm chế tình cảm, đừng làm điều gì trái với lương tri, hãy kiểm soát hành vi và giữ trọn thanh danh. Hãy làm chủ bản thân để đạt tới thành công, hạnh phúc. 37. Bạn phải tập đức tự chủ khi bắt đầu điều khiển một công việc kinh doanh hoặc điều khiển kẻ khác, điều cần học trước tiên là cách làm chủ chính mình. Bạn phải làm chủ được khát vọng và cả những nỗi sợ sệt, những thói quen của bạn. Với nỗ lực của ý chí, một người có thể thắng những bản năng yếu đuối nhất, thấp hèn nhất. Họ có thể thay đổi hẳn bản tính. Họ có thể trở nên hoạt động giỏi giang hơn, nhanh nhẹn hơn. Họ có thể uốn nắn con người của họ theo ý muốn. Họ có thể sửa đổi và bù đắp những khiếm khuyết do trời sinh. Một khi thấy nản lòng, họ phải biết tự nhủ: “Điều gì tôi định làm, đáng làm, tôi phải làm cho kỳ được.” 38. Bạn phải kiểm soát tiềm thức bản thân. Nó có thể làm bạn trở thành một con người hoặc một con vật. Có thể so sánh tiềm thức và ý thức con người như một người cưỡi ngựa. Phần ý thức là người cưỡi ngựa và tiềm thức là con ngựa. Nếu người đi ngựa không làm chủ nổi con ngựa thì có thể bị hất ngã mà chết. Tương tự thế, người không kiềm chế được tiềm thức sẽ trở thành con vật. Tiềm thức không được kiềm chế còn độc hại hơn những thói xấu như oán thù, ghen tỵ, bất nhân, vô liêm sỉ, còn nguy hại hơn rượu độc. Ý thức được bồi bổ bởi đức tự chủ, đức ôn hoà, đức liêm khiết, bởi lòng nhân ái, bởi óc khôn ngoan. Trong mỗi con người đều có một con hổ đang thiêm thiếp ngủ, không nên đánh thức nó. 39. Dù có gặp phải cảnh ngộ bi đát đến đâu, bạn cũng không được than thân, trách phận. Tật “than thân” khiến chúng ta dần dần trở nên bất lực. Nó làm chúng ta nhu nhược, không còn tin cậy vào tài lực của chính mình. Người có tật “than thân” khởi đầu bằng cách ghi vào tâm trí tất cả những lỗi lầm, những mối lo. Theo đà ấy, con người có thể mắc bệnh thần kinh, có thể bị cuồng trí. Bệnh “than thân trách phận” là bước khởi đầu đi đến sự sụp đổ của tinh thần. Có cách hay nhất để vượt khỏi tình trạng suy đốn này là hoạt động, hoạt động để tiến đến một cuộc sống khá giả hơn, tiến đến hạnh phúc. 40. Dù làm nên hay thất bại, bạn cũng không nên cho rằng đó là định mệnh. Thứ định mệnh mà nhiều người tin rằng đã tạo nên cuộc đời của người này hay người khác chẳng bao giờ có. Tất cả những gì xảy ra, hoặc may hoặc rủi đều do hành động của chúng ta và thêm vào đó một chút may mắn. Không có một cuộc đời nào hoàn toàn may mắn và cũng không có một cuộc đời nào hoàn toàn xui xẻo. Trong sòng bạc, chẳng có người nào được mãi hoặc thua mãi. Thế thì, tốt hơn chúng ta chỉ nên trông cậy vào chính mình và không nên trông cậy vào vận mệnh. 41. Bạn nên nhớ, con người chúng ta được điều khiển bởi hệ thần kinh. Khối óc giúp ta suy luận còn thân xác chỉ là một người máy. Chúng ta chẳng cần suy nghĩ cũng có thể hô hấp và máu vẫn có thể lưu thông. Thân xác chúng ta làm việc như một bộ máy để khối óc chúng ta tự do suy nghĩ. Giá trị con người là do sự hoạt động của khối óc. 42. Nếu muốn sống một cuộc sống hài hoà, hạnh phúc, bạn nên nghĩ đến sáu hoạt động rất thông thường của con người: “Cho, nhận, giúp đỡ, học hỏi, giải trí và yêu thương”. Biết thực hiện điều hoà sáu hoạt động này, bạn sẽ nếm được “thú vui của cuộc sống”, sẽ phát triển hài hoà con người bạn. Nếu thiếu đi một trong sáu hoạt động nói trên, bạn chưa phải là người hoàn thiện. Nếu tập trung hết tâm lực để phát triển một trong sáu hoạt động này, bạn có thể làm giàu hoặc nổi danh, song muốn đạt đến hạnh phúc, bạn phải biết phát triển đầy đủ sáu hoạt động nói trên. Hãy ghi nhớ, bạn là một sinh vật gồm có sáu yếu tố. 43. Bạn chịu ảnh hưởng bởi tập quán và truyền thống nhiều hơn là bạn tưởng. Tập quán là một tín ngưỡng hay một thói quen vẫn tồn tại, tuy rằng nó không còn hữu ích. Ít ai khờ dại để nhận rằng mình chịu ảnh hưởng bởi tập quán và truyền thống. Song nếu quan sát bạn sẽ thấy trong phương pháp làm việc vẫn còn nhiều tín ngưỡng, nhiều thói quen là hủ tục lạc hậu. Ngay trong giới kinh doanh và khoa học, chúng ta thấy tập quán đáng lý phải bị dẹp đi từ lâu. Thói thường, chúng ta nên ngờ vực giá trị của một tín ngưỡng hoặc một phương pháp nào đó chúng ta mới gặp. Trước khi tin dùng, chúng ta phải nghiên cứu kỹ, phải xét xem nó có mang đến ích lợi nào không hay chỉ là thói quen. Nhất là đừng bám chặt vào một phương pháp nào đó chỉ vì nó đã có từ lâu. 44. Bạn có thể hoán cải bản thân, bài trừ một vài thói xấu, bởi nó ngăn chặn bước tiến của bạn. Không có người nào là không thể thay đổi. Người nhu nhược có thể trở thành can đảm. Kẻ rụt rè có thể thêm tự tin. Người tính lơ đãng có thể trở nên được tin cậy. Người ăn nói thô lỗ có thể trở nên mềm dịu. Phần đông ai cũng có thể thay đổi bản tính của mình và loại trừ những tật xấu nhỏ. 45. Trong đời, rất có thể một lúc nào đó bạn phải hết lòng tin tưởng bản thân. Có nhiều lúc, bạn phải nghe theo tiếng nói của thâm tâm, chứ không phải những lời bàn tán bên ngoài. Hỏi ý kiến của kẻ khác là tốt, song chỉ trong một giới hạn nào đó. Khi định làm một công việc mà bạn tin rằng mình sẽ làm nên và biết rằng mình đủ sức thì đừng nghe lời dèm pha của người ngoài cuộc. Hãy cứ làm đi. Phải tin tưởng vào chính mình đầu tiên. 2 SỨC KHỎE 46. Bạn cần chăm sóc thân thể, cũng giống như chăm sóc ô tô, xe máy của mình vậy. Thân thể là một bộ máy, một bộ máy sống. Nhiều người khỏe mạnh nhưng rồi cuối cuối cùng lại mất sớm vì bệnh tật là vì ít chăm sóc thân thể một cách khoa học. Nếu bạn chịu nghiên cứu những quy luật của sức khoẻ và tuân theo, rất có thể bạn sẽ kéo dài tuổi thọ của mình thêm 20 năm. Có nhiều bệnh chúng ta có thể tránh. Bạn phải biết sơ qua hoạt động của bộ máy tiêu hoá, hô hấp, bài tiết… Đừng hành hạ thân thể bạn. 47. Sức khoẻ là một diễn tiến không ngừng trong cơ thể, mà bạn không biết rõ hoặc ít, do cách làm việc của những cơ quan trong cơ thể như phổi, dạ dày, lá gan, thận, ruột... Có thể sánh sự sống với một lò lửa, chúng ta cần cho thêm vào lò những than củi, tức là dưỡng khí, cần biết gạt bỏ những tro tàn, tức là những chất độc. Nếu chúng ta biết nhen nhóm và chăm sóc, lò lửa con người có thể tồn tại trên trăm năm. Bộ máy người cần hoạt động hài hoà, không thể ngưng. Ngưng tức là chết. 48. Mỗi khi lâm bệnh, bạn nên xem đó là sự trừng phạt. Bạn đã làm một việc rồ dại hoặc phạm một lỗi nào đó. Bệnh nào cũng có nguyên do và nếu biết trước, chúng ta có thể tránh và phòng ngừa. Nếu biết phòng ngừa chúng, bạn có thể tránh nhiều bệnh tật. Hàng năm, loài người đã hao tốn bao nhiêu sinh mạng vì bệnh tật. Mỗi khi đau yếu, bạn phải tìm ra nguyên do. Nếu đó là sự rồ dại của mình, phải chấm dứt ngay. Phải tự quở phạt mình, nếu đúng là bạn đáng bị quở phạt. 49. Thân thể bạn là một kho năng lượng giống như một bình điện chứa đựng một sinh lực có giới hạn. Bạn không thể bắt nó phát ra nhiều sinh lực hơn sức chứa. Mỗi ngày vì làm lụng, sinh lực trong người bạn yếu đi. Khi ngủ, bạn mới nạp năng lượng. Nếu bạn tích trữ nhiều sinh lực mà bạn không dùng đến, thân thể cũng sẽ hư. Nếu sinh lực trong người gần cạn mà vẫn tiêu xài, bạn cũng sẽ bị đau yếu, giống như bạn dùng một bình điện đã hết. Bí quyết của sức khoẻ ở nhịp điệu: biết tích nạp sinh lực và biết dùng sinh lực cũng như câu điện vào, phát điện ra ở bình điện vậy. 50. Nếu may mắn sinh ra với một thân thể lành mạnh, không bệnh tật, muốn được hưởng một sức khoẻ lâu bền bạn phải tuân giữ những quy tắc sau đây: − Ăn vừa phải, nhai thật kỹ. − Thở mạnh và dài hơi, chỉ thở không khí trong lành. − Ngủ tám tiếng mỗi ngày, mở cửa sổ cho thoáng khí. − Không được vừa bước lên cầu thang vừa chạy, tim sẽ mệt. − Phải bài tiết cặn bã mỗi ngày. − Tránh dùng những chất kích thích có hại (rượu, thuốc lá,...). − Mỗi ngày phải dành một thời giờ nhất định để giải trí. − Nhìn đời với bộ mặt tươi đẹp nhất, tức là phải lạc quan. 51. Mỗi ngày nên đi bộ vài cây số. Giữa hai buổi ăn nên đi bộ một chập. Trừ phi đau yếu, ngày nào chúng ta cũng phải bước chân ra khỏi nhà để hít thở nhiều khí. Cơ thể chúng ta cần phải vận động và hít thở nhiều không khí khoáng đạt. 52. Điều cần biết trong ăn uống là thức ăn cần phải nhai kỹ hãy nuốt, không nuốt ngay. Sự tiêu hoá bắt đầu từ miệng. Thức ăn thường gần giống nhau và không quan trọng bằng cách ăn. Người Ả Rập ăn trái chà là, người Trung Hoa ăn cơm, người Eskimo ăn mỡ cá voi và có những người giống dân bán khai chỉ ăn trái cây. Vậy không nên bắt chước nhiều người mà quá chú trọng vào thức ăn. Phần nhiều mắc phải tật ăn nhiều và nhanh quá. 53. Thân thể cần được nuôi dưỡng bởi thứ máu trong sạch. Máu có sạch, chúng ta mới khoẻ mạnh. Muốn máu sạch, phải đem nhiều khí trời trong vào phổi và phải làm cho máu vận chuyển mạnh bằng cách vận động. Máu giúp thân thể bồi bổ lại những tế bào hư hỏng. Người bị thương, nếu có máu tốt thì vết thương sẽ mau lành hơn người có máu xấu. Vì thế, chúng ta cần giữ gìn máu trong sạch và cần làm cho máu lưu chuyển tốt. 54. Khi có tuổi, ta phải tránh vận động quá sức. Không nên vừa chạy vừa bước lên cầu thang làm tim mỏi mệt. Không được làm việc khi chân tay rã rời. Nếu chúng ta làm việc mà chân tay mệt mỏi thì những thớ thịt bé nhỏ nhất cũng bị mệt theo. Làm việc nên giữ sức. Dù là một bộ máy khỏe nhưng nếu chúng ta bắt nó tốn sức một cách vô ích thì nó cũng bị suy yếu nhanh, thân thể con người cũng thế. Sau thời gian làm việc bốn tiếng đồng hồ, dù làm việc bằng đầu óc hay tay chân, chúng ta cũng phải dành chút thời gian nghỉ ngơi. 55. Nếu làm một công việc cần nhiều sáng tạo, bạn phải biết dùng “Phương pháp quả lắc” nghĩa là đi từ sự gắng sức, sự tập trung tư tưởng đến sự bớt căng thẳng, sự ngơi nghỉ. Đó là một phương cách thư giãn trí não và thần kinh. Ngoài ra, nó còn tăng sức làm việc của bạn. Có người luôn luôn gò ép sức. Lúc ăn không thư thái, lúc ngủ không yên giấc, căng thẳng mãi như thế không ích lợi gì. Người ta thí nghiệm thấy trong những xưởng mà người thợ ngơi nghỉ nhiều lượt, việc sản xuất gia tăng rất nhanh. Nhưng ăn không ngồi rồi cũng hại như làm việc quá sức. 56. Biết dành thời gian nghỉ ngơi là một cách phòng ngừa sự suy yếu về thể xác cũng như về tinh thần. Làm việc điều hoà thì không có lý do gì để thể xác hoặc trí não bị kiệt quệ. Có hai cách để làm việc ít bị mệt là: thay đổi công việc và để giờ nghỉ ngơi giữa hai buổi làm việc. Luôn luôn chăm chú vào một việc cũng khiến chúng ta mau chóng mệt mỏi. Không một ai có thể gắng sức mãi mãi, phải dành thời gian để ngơi nghỉ. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những trò chơi và sự vui đùa cũng là những phương thuốc có thể trị bệnh. Nó giúp thân thể và trí não phục hồi. 57. Bạn nên tin tưởng vào khả năng phục hồi của thân thể chứ không nên quá tin vào những lời tiên đoán nghiêm trọng của thầy thuốc. Trong nhiều trường hợp, thân thể bạn có đủ sức để tự hàn lại những vết thương vì nó đã được cấu tạo để chống chọi lại với bệnh tật. Khi đau ốm, điều quan trọng hơn hết là bạn phải quyết tâm chiến thắng bệnh tật. Khi sức khỏe phục hồi, bạn có thể tăng tuổi thọ thêm ba bốn chục năm nữa Sức mạnh của ý chí có thể ảnh hưởng đến cơ thể và giúp bạn khỏe mạnh hơn. 58. Điều khiển công việc kinh doanh cũng như chiến đấu với bệnh tật, sự thành công tuỳ thuộc thái độ và tinh thần của bạn. Nên trông cậy vào sự may mắn hơn là lo sợ những rủi ro. Không nên giữ thái độ của kẻ bại trận. Sợ sệt sẽ làm suy yếu thân thể lẫn tinh thần. Người lạc quan thường sống thọ hơn người bi quan. Suy nhược và bi quan là một thứ thuốc độc. Khi đau yếu, bạn phải tha thiết muốn sống. Khi công việc kinh doanh bị đình đốn, bạn nên tin rằng đó chỉ là sự ngưng trệ và khó khăn tạm thời. 59. Sức khoẻ tuỳ thuộc vào bạn hơn là các bác sĩ. Bạn phải biết rằng bác sĩ cũng không sống lâu hơn những người khác. Ít có thứ thuốc nào chữa bách bệnh mà đôi khi thuốc men còn gây thêm nhiều bệnh tật hơn, bác sĩ chỉ là một khán giả chuyên nghiệp để theo dõi căn bệnh. Mỗi căn bệnh phải trải qua một sự tuần hoàn. Có thuốc ngừa bệnh, có thuốc làm dịu bớt đau, nhưng có rất ít thuốc chữa khỏi bệnh. Khi phải cậy nhờ đến y bác sĩ, bạn nên nhờ người có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh và am hiểu y học. Nhưng chớ quên sức khoẻ của bạn phần lớn tuỳ thuộc vào lối sống, những thói quen của bạn, chứ không phải ở bác sĩ. 60. Ham sống yêu đời, yêu thích công việc mình làm, đó cũng là cách để giữ gìn sức khoẻ. Nhiều khi chúng ta tự gán cho mình những chứng bệnh tưởng tượng. Nếu một người quan tâm đến cơ thể của họ một cách thái quá, tự nhiên họ có ảo tưởng rằng họ mắc bệnh. Nhiều người đến gặp bác sĩ chỉ vì họ mắc “bệnh tâm lý”. Ta để ý thấy những người ăn không ngồi rồi thường đau yếu hoặc họ tưởng tượng bị đau yếu. Khi giữ được một khối óc hoạt động và có một ý chí cương quyết muốn sống khoẻ mạnh thì bạn sẽ ít thấy mình đau yếu. 61. Trong việc gì cũng vậy, bạn phải nhằm cái mà người ta gọi là “trung dung”. Phải biết giữ điều độ. Muốn vậy, bạn cần biết tự chủ và biết suy nghĩ. Điều độ làm nên sự sung túc, là thuốc phòng ngừa những bệnh tật, những cãi vã, những kiện cáo, những thua thiệt về tiền bạc. Phải tập thói quen giữ điều độ. Không nên ăn quá nhiều. Không vui chơi quá trớn, cũng đừng làm việc không ngừng. Không tiêu xài quá nhiều, lại càng không nên tiết kiệm thái quá. Nên tránh hai cực điểm và cố gắng thực hiện một cuộc sống hài hoà. 62. Nếu định sống trên 80 tuổi, bạn nên nhìn thẳng phía trước, không nên nhìn về sau. Phải cố gắng tạo nên một đời sống hữu ích. Có khi đến thất tuần, bạn lại làm nên những điều mà trước đó chưa làm được. Bạn đã thu thập được một số vốn kinh nghiệm cần dùng. Chớ vội về hưu. Nếu luôn luôn nuôi dưỡng trong đầu những dự tính. Rất có thể năm cuối cùng trong đời là những năm bạn có dịp chứng tỏ ảnh hưởng của mình. Cuộc đời ngắn ngủi quá, bạn nên tận dụng những năm chót. Càng hoạt động, bạn càng sống lâu. Không nên bỏ cuộc, hãy tiếp tục để thực hiện khúc khải hoàn. 3 CÁ TÍNH 63.Cá tính có thể là một lợi thế nhưng cũng có thể là bất lợi với bạn. Mỗi khi tiếp xúc với ai đó, hoặc trình bày một công việc gì, bạn đều để lại dấu ấn. Dấu ấn này có thể nhanh chóng lu mờ hoặc sâu sắc lâu dài. Dấu ấn đó có thể làm cho người khác thấy vui thích hay bất bình. Đôi khi nó rạch thành những vết thương hay để lại những vết sẹo. Ý nghĩa của cá tính là thế. Cá tính là ấn tượng bạn gây ra đối với người khác. Nó có thể phát lộ tính tình của bạn hoặc cũng có thể không. 64. Bạn tìm mọi cách để cho người khác chú ý đến bạn. Lúc mới sinh, bạn đã biết kêu “oa, oa, oa” để cho người ta chú ý. Và suốt đời cũng cần chứng tỏ cho người ta thấy sự hiện diện của bạn. Đừng để bản thân chìm đắm trong lãng quên. Chớ cam chịu cảnh của nhiều người “sống không ai biết, chết cũng không ai hay”. Thành công và hạnh phúc có thể gia tăng nếu bạn có được thiện cảm của nhiều người. 65. Các yếu tố thiên bẩm của bạn là những lợi điểm quan trọng. Nếu biết sử dụng trí não khôn ngoan, các thiên bẩm này có thể giúp đỡ bạn một cách đắc lực. Nhiều người thất bại chỉ vì vẻ lạnh lùng của mình. Bạn cần biết chia sẻ, giao du, không nên sống cô quạnh. Nếu có tài thu phục nhân tâm và giữ được tình bè bạn, bạn sẽ thấy đó là một đức tính rất quý. Bè bạn tự thân đã là một thứ tài sản. Có một số ít người nổi tiếng hoặc giàu có nhưng cô đơn, họ đã mua tiếng tăm và sự nghiệp bằng một giá quá đắt. Họ chưa đạt đến hạnh phúc đích thực. 66. Phải cố tránh những tật xấu nào đó khiến bạn làm mất lòng người khác. Nếu người ta yêu bạn là do tính tình dễ thương, không phải do khối óc hoặc sự nghiệp của bạn. Ai cũng có thể sửa đổi tính tình. Nếu nhận thấy mình không được khả ái, bạn nên cư xử thuần thục hơn, không được có những thái độ mà kẻ khác rất ớn. Sự hoà nhã, tính nhã nhặn giúp chúng ta tránh được biết bao xích mích, đau khổ. Tính nhã nhặn do trời sinh cũng có mà do chúng ta tập luyện cũng có. 67. Bạn phải chăm sóc tính tình và tài trí bản thân nhưng chớ mượn vẻ giả tạo hoặc kiểu cách của người khác. Muốn trá hình cá tính của mình là một điều rồ dại, bạn sẽ bị coi là thiếu thành thực và bị thua thiệt. Bạn phải cố gắng tạo ra một con người để được yêu thương, không nên để mọi người thất vọng. Làm cho kẻ khác có một cảm nhận tốt về mình chưa đủ, đó chỉ là mục đích của bọn gian thương hoặc các tay chính trị mị dân, bạn cần phát khởi ra những gì khả dĩ nhất của cá tính. Bạn phải là bạn. 68. Nếu do bản tính tự nhiên mà bạn nhút nhát thì đó là một điều bất lợi lớn. Tính nhút nhát làm bạn không dám giao du, kết bạn và khó thăng tiến. Nhiều bạn trẻ vì quá nhút nhát mà phải cam chịu làm nhân viên trong nhiều năm. Người nhút nhát cũng giống như người vô hình. Họ không thể làm cho một ai đó chú ý đến họ. Người nhút nhát có thể cố gắng để loại bỏ tật xấu ấy. Họ nên tham dự các câu lạc bộ, những buổi nói chuyện, gia nhập một hội thể thao. Họ nên tìm cơ hội để tiếp xúc, trao đổi với người xung quanh. 69. Tính cách thất thường cũng có thể gây nên những thất bại lớn. Người ta chỉ có thể chấp nhận thứ tính cách thất thường ở các nghệ sĩ như thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, họa sĩ nhưng cũng chỉ ở chừng mực nào đó mà thôi. Còn trong môi trường kinh doanh cần phải có bộ óc quả quyết, óc phán đoán và sự chắc chắn, ổn định. Người thất thường lúc thì quá hăng hái lúc lại suy nhược, không kiềm chế nổi tình cảm của mình. Tật xấu này có thể chữa được nếu biết rèn tập đức tự chủ. 70. Bạn nên tránh tất cả những thói xấu, sự nhu nhược, bất thường, như không xem những cuốn truyện, những bộ phim, vở kịch có tính chất rùng rợn. Chớ đánh thức những dục vọng đang nằm yên trong tiềm thức. Trong thâm tâm, bạn có một kho dự trữ điều “thiện” và cả “ác”. Vì thế, nếu bạn gieo sự sợ sệt, oán thù trong lòng thì rất nguy hiểm vì nó có thể làm rối loạn tâm trí. Bạn nên áp dụng một quy tắc: chỉ chú ý đến những gì phải lẽ, hợp lý và hữu ích. Chỉ lôi kéo tư tưởng, không nên động đến tiềm thức của bạn. 71. Bạn chỉ nên chua cay khi bỡn cợt. Đối với kẻ dưới tay, bạn chớ làm cho họ phải chua xót. Tật “móc máy” kẻ khác là một đại tật. Không nên nghĩ rằng người khác không giống bạn tức là họ kém bạn. Khi một người có tính cách chua cay và khinh người, họ sẽ diệt mất cảm tình của kẻ khác. Ảnh hưởng của họ bị giảm đi và người khác sẽ xa lánh họ. 72. Bạn chớ nên nóng giận vì những chuyện không đâu. Nếu không biết “nổi nóng”, người ta có thể coi bạn như hình nộm và người ta có thể giày xéo lên quyền lợi bạn, chèn ép hoặc giễu cợt bạn. Nhưng nếu bạn “nổi nóng” quá mức thì sự “nóng” ấy không còn ích lợi nữa. Chỉ nên “nổi nóng” ở một vài trường hợp đặc biệt, khi mà không còn cách nào khác. Chỉ cần cho những người khác biết rằng bạn có một kho dự trữ thuốc nổ nhưng bạn không thích dùng thứ ấy. 73. Bạn có thể làm nên việc lớn nếu có thiên tư lỗi lạc, nhưng dù thiếu thiên tư cũng vẫn có thể làm nên sự nghiệp miễn là bạn biết kiên tâm bền chí. Thường thì đức kiên tâm còn giúp ta đi xa hơn là tài năng. Đức kiên tâm là chứng chỉ một tâm hồn cứng rắn, giàu nghị lực. Người kiên tâm không quá khổ sở vì thất vọng mỗi khi gặp thất bại. Khởi công một công việc rồi bỏ dở trước khi hoàn tất là chứng tỏ tâm hồn suy nhược. Dù không còn hứng thú tiếp tục, bạn cũng cương quyết làm cho xong công việc đang làm. Ráng sức làm để hoàn tất, sau đó mới chuyển sang việc khác. 74. Nếu bạn vẫn có thể giữ được tinh thần lạc quan, cho dù gặp phải nhiều trở ngại, thì đó là một lợi điểm to lớn. Mặc dù phải bận tâm, mệt trí vì việc kinh doanh hay sự nghiệp nhưng vẫn vui vẻ, giữ tâm hồn thư thái, bạn sẽ tránh được chứng bệnh tinh thần và lúc về già bạn chỉ còn lưu giữ những kỷ niệm êm đẹp. Xét kỹ ra, người lớn chỉ là những đứa trẻ lớn lên. Không ai hoàn toàn ngoan ngoãn. Trong chúng ta, có mấy người trở thành nhân vật trọng yếu? Người khôn ngoan nhất là những người giản dị nhất và vui tính nhất. 75. Bạn nên tập thói quen vui cười. Đời đã quá trang nghiêm, vậy tại sao chúng ta phải làm cho nó thêm nghiêm trang. Bạn cần biết cười đùa làm thư giãn tinh thần và khuây khoả trí não. Nụ cười sẽ diệt tan những mâu thuẫn và hiềm khích. Nó làm cho người ta dễ có thiện chí với mình. Thực ra, ít người nhận thấy giá trị của sự hài hước. Thái độ hài hước còn ích lợi hơn thái độ trang nghiêm. Giữ bộ mặt vui vẻ là cách khôn ngoan nhất. Chớ giả bộ kiêu kỳ. Không gì vụng về và đáng tức cười bằng một người kiêu kỳ và hãnh diện. Cho mình là một siêu nhân thì không gì vô lý bằng. Là con người, bạn cần phải biết cười hoặc ít ra phải biết mỉm cười để có thể nói rằng: đời thực sự đáng sống. 76. Hàng ngày, bạn cố gắng mở mắt chào bình minh với một nụ cười trên môi. Làm việc cau có thì khó thành. Tôi có quen một người: mỗi buổi sáng bắt tay vào việc, y giận dỗi hung hăng như một con chó dữ, đến trưa y dịu dàng và đến tối y mới bình tĩnh hẳn. Y mất khi chưa đầy 60 tuổi. Công việc kinh doanh của y sau trở nên thịnh vượng nhờ người khác quản lý khôn khéo hơn. Hãy cố gắng khởi đầu mỗi ngày một cách vui vẻ, như thế bạn sẽ ít gặp khó khăn hơn. 77. Nên giữ mãi một tinh thần trẻ trung, đó là ân huệ của tuổi trẻ. Tinh thần trẻ trung cũng có giá trị như kinh nghiệm, nó là động lực đưa con người đi tới. Người có đôi mắt đăm chiêu, mặt mày thiểu não không bao giờ làm nên. Dù gì đi nữa, chúng ta cũng phải giữ sao cho “ngọn lửa trong tâm” cháy mãi suốt đời như nó rực cháy trong tâm hồn những trẻ thơ. Nhiều người mất niềm ham sống khi họ khó tìm thấy niềm thích thú để sống. Có thể sánh họ như chiếc ô tô chạy đường bằng thì khá nhưng khi phải leo dốc thì đuối sức ngay. Bộ máy bên trong của bạn phải là một cỗ máy khoẻ, có tài leo dốc. 78. Bạn cũng chớ để mất sự yêu đời, mất cảm giác sung sướng khi được sống. Bao giờ còn biết thưởng thức cuộc sống, còn tràn trề hy vọng, bạn sẽ còn tiến mãi. Trong bạn luôn có ngọn lửa đang cháy, đó là cao vọng, là mục đích theo đuổi. Nếu bạn tỏ ra chán nản thì ngọn lửa ấy dịu dần, thậm chí có thể tắt hẳn. Bạn cần nung sôi bầu nhiệt huyết. Gạt bỏ mớ tro tàn mang tên: chán nản, ngã lòng. Bạn phải giữ mãi thú yêu đời. 79. Bạn phải vượt lên sự suy nhược bởi nó sẽ dẫn đến chứng bệnh “mất máu” tinh thần mà chúng ta gọi là tính “bi quan”. Bao giờ cũng có những người bi quan. Tinh thần chủ bại là một loại tai hoạ và một điều lầm lạc về tinh thần vì sự chán nản rất dễ lây nhiễm. Dù gặp gian khổ đến đâu, bạn hãy hy vọng. Những tư tưởng lạc quan bao giờ cũng làm lợi cho chúng ta hơn những tư tưởng bi quan. Người bi quan tưởng rằng mình khôn ngoan nhưng thực ra họ rất khổ. Bởi tin tưởng ở quyền lực của điều “thiện” bao giờ cũng hơn là tin tưởng ở quyền lực của điều “ác”. 80. Chúng ta cũng cần có nhiệt tâm. Có nhiệt tâm là có vui vẻ và hơn nữa là có tinh thần đắc lực. Nó gieo ánh sáng vào cuộc sống chúng ta và đồng thời giúp chúng ta thêm nghị lực, hăng hái. Nó giúp chúng ta khỏi bị “chết khô”. Nó ban cho chúng ta tư chất để điều khiển, để làm chủ cuộc đời. Người thiếu nhiệt tâm là người sống dở chết dở. Họ sống như không sống. Dù làm việc hay vui chơi bạn cũng cần phải nhiệt tâm, nhưng cũng nên nhiệt tâm một cách vừa phải. 81. Không nên để cho người khác thấy vẻ mặt chán nản thẫn thờ của mình. Rất có thể bạn gặp phải chán nản nhưng chớ bộc lộ ra ngoài. Đó là vì lợi ích riêng của bạn và cũng vì không nên để những người xung quanh bị lung lay theo. Bao giờ bạn cũng phải tỏ ra đầy hăm hở, đầy tin tưởng. Một cách tránh những tư tưởng hắc ám là xua đuổi nó đi. Dù có buồn rầu hay giận dữ đến đâu, khi gặp người khác bạn vẫn phải giữ bộ mặt tươi tỉnh. Đó là một bổn phận tinh thần. 82. Trong đời, chắc chắn có nhiều dịp bạn cần đến lòng can đảm và sự tinh khôn. Một tai hoạ bất ngờ hoặc một dịp may nào đó có thể đến bất thình lình. Bạn phải đủ can đảm để sẵn sàng gánh vác những trách nhiệm nặng nề ấy. Cũng rất có thể vì gặp một trở ngại nào đó trong công việc kinh doanh, bạn cần phải tiếp xúc với một nhân vật trọng yếu. Một cuộc khủng hoảng trong công việc kinh doanh có thể là may mắn để bạn vượt lên hàng đầu. Nếu đủ bình tĩnh và sáng suốt, bạn sẽ không bị thời cuộc đè bẹp. Trái lại, bạn có thể lợi dụng những bước khó khăn để tiến tới. 83. Mỗi khi gặp nguy hiểm, bạn phải dám đương đầu với nó. Thái độ ấy chứng tỏ một tâm hồn can đảm. Nếu có ai hăm doạ, bạn nên tìm gặp họ, không được khiếp sợ trước bất kỳ ai. Sự hèn nhát làm cho chúng ta bất lực. Thà mang tiếng liều lĩnh hơn là hèn nhát. Nhờ sức mạnh của ý chí, bạn có thể diệt trừ tính hèn nhát và trở nên can đảm. Để chứng tỏ giá trị của mình, bạn phải biết đương đầu với những nguy hiểm. Hãy cắn răng để tiến tới. 84. Không nên có thái độ kiểu cách và trang nghiêm. Chớ để mang tiếng mình là một ông kẹ ít ai dám gần. Xua đuổi kẻ khác là có hại cho ta. Trang nghiêm thái quá là một tật xấu, không phải là một đức tính. Tật ấy khó chịu cũng như tật say sưa. Lúc nào cũng nên bình dị, chân thành để giao thiệp, dù bạn có địa vị cao sang đến đâu. 85. Người biết tự trọng không bắt chước thái độ bọn lính hầu, xấc xược với kẻ dưới và luồn cúi trước người trên. Thói kiêu căng đã xô ngã nhiều người xuống vực thẳm. Thái độ độc đoán không thích hợp trong trường chính trị, trong giới doanh nghiệp và ngay trong đời sống xã hội. 86. Chớ xem rẻ hoặc miệt thị những người bình dân. Dù có tài ba lỗi lạc đến đâu, bạn cũng nên gần gũi họ. Nếu thấy rằng thói tự tôn mặc cảm có thể giúp ích cho bạn thì đó cũng là điều may nhưng không nên để cho người khác thấy. Những người chỉ thích giao du với những kẻ đồng hương đồng sàng thì khó mà thành công. 87. Nếu bản tính vốn độc lập lại thêm thói tự tôn mặc cảm, bạn phải khéo tập đức mẫn tiệp là người biết để ý đến ý kiến và tình cảm của kẻ khác. Nó giúp bạn tránh những cuộc xích mích rầy rà. Nếu đức mẫn tiệp lại được sự hiểu biết hỗ trợ, nó sẽ trở thành tính thành thực. Nếu tỏ ra thiện cảm với những người bạn giao tiếp, họ sẽ chú ý đến bạn một cảm xúc tích cực. Đường đời sẽ bớt chông gai nếu bạn biết cư xử một cách mẫn tiệp. 88. Không nên khoe khoang hoặc chỉ nên khoe khoang với “bà xã” của mình. Thói khoe khoang làm cho người khác nhận thấy tính tự tôn tự tại và như thế bạn sẽ bị mất thiện cảm. Dù bạn có muốn quảng cáo một món hàng đi nữa thì cũng chớ khoe khoang thái quá. Nếu bạn kinh doanh thật khá, có ai hỏi thì chỉ nên đáp: “Cũng kha khá vậy”. Tóm lại, trong địa hạt nào ta cũng không nên khoe khoang thái quá. Không ai ưa những người khoe khoang. 89. Bạn phải biết nghệ thuật giao du. Đó là thứ nghệ thuật đáng quý. Nó mang hạnh phúc cho ta và có thể giúp ta nhiều cách. Chớ để mang tiếng là người “cau có”. Không nên sống cô độc cũng chớ làm cho người khác ít dám gần mình. Cuộc sống là những cuộc tiếp xúc liên miên. Trong giao tiếp, không được phép làm người khác bị tổn thương. Không phải chỉ tử tế với bạn bè (người man rợ cũng biết cư xử như thế) mà phải đối đãi tử tế với tất cả mọi người, dù là người ở địa vị thấp kém. Những cuộc đàm đạo bao giờ cũng có lợi ích, nó mở mang sự hiểu biết của ta và có thể mang lại tình thân mật. Biết giao du là một điểm lợi trong kinh doanh và cả trong nhiều lĩnh vực khác. 90. Muốn tạo uy tín với người khác, trước hết bạn cần biết mến họ, kính nể phẩm giá của họ. Trong khi giao tiếp, bạn phải dùng lời lẽ ôn tồn, kính cẩn. Trong thực tế, ai cũng có tính tự trọng. Một người vừa làm được chút công việc gì đó cũng có thể tưởng tượng rằng họ là một nhân vật. Nếu muốn lấy thiện cảm của họ thì khi mới tiếp xúc lần đầu bạn phải nhìn nhận cái giá trị mà họ nghĩ rằng họ có. Như thế không phải là nịnh bợ mà là vì lẽ phải và cũng vì phép xã giao. 91. Giao tiếp là một nghệ thuật quan trọng. Xét ra, chính sự của các nước trên thế giới đều chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật ăn nói. Có thể chỉ là một câu chuyện phiếm, nhưng cũng có thể là một sự hợp tác giữa hai khối óc cao cả để thay đổi cục diện thế giới. Bạn phải tập nó một cách “đắc lực”, nghĩa là trước khi nói phải biết mình muốn nói gì. Hãy tập nói về những vấn đề gì mình biết rõ. Trong buổi nói chuyện, càng ít nói chuyện riêng tư của mình càng hay. Cần biết nghe cũng như cần biết nói. 92. Khi đàm luận với một ai đó, bạn phải hết sức chăm chú nghe họ. Như thế là nhã nhặn, như thế là tạo cho người đó ấn tượng tốt về bạn. Đó cũng là một cách để thu phục nhân tâm. Nếu không biết lưu tâm đến người khác thì cũng không ai lưu tâm đến bạn. Không phải lưu tâm một cách giả dối theo lối các nhà chính trị mà bạn phải biết lưu tâm đến ý kiến, đến hạnh phúc của kẻ khác một cách chân thành. Đó là một trong những bí quyết để được mọi người yêu mến. 93. Đối với kẻ yếu, người bạc phúc hơn mình, bạn phải tỏ ra thiện cảm với họ, biết thương xót họ. Chính chúng ta đã bãi bỏ chế độ nô lệ và đặt ra quy chế đối đãi một cách nhân đạo với tù nhân, với súc vật. Chúng ta đã tỏ ra rất khoan hồng. Làm cho người khác phải khổ sở một cách quá đáng là một lỗi lầm không thể tha thứ. 94. Dù đã tiến đến một địa vị khá cao, bạn cũng chớ vội kiêu căng. Phải tỏ ra rằng bạn đã đủ sự chuẩn bị để đạt đến địa vị ấy. Tiến tới không có nghĩa là đạp lên đầu lên cổ kẻ khác. Tiến tới có nghĩa là bạn đã được giao tiếp với nhiều người. Không nên miệt thị người dân bình dị và không có cao vọng. Dù sao, chúng ta cũng ở trong đám dân chúng, đang ở trong cái nhân loại đang quay cuồng trên quả cầu bé nhỏ này và chỉ có những gì mà chúng ta cùng chung sức làm ra mới có thể tạo nên thành công và hạnh phúc. 4 TRI THỨC 95.Nếu không biết phát triển khả năng cũng như thu thập tri thức chuyên môn, bạn mãi chỉ là một lao động giản đơn. Bạn không thể trở nên giỏi giang và chưa xứng đáng đảm nhận một trách nhiệm quan trọng. Nếu ỷ lại vào người chủ để họ rèn luyện bạn trở thành giỏi giang, bạn cũng phải tốn tiền và như thế bạn phải nhận giúp việc cho họ với một mức lương rất thấp. Bất luận người nào muốn hưởng lương cao cũng phải biết phát triển tài năng và tri thức của mình. 96. Bạn phải biết thu thập, tích trữ những “giá trị” bản thân. Đó là mục đích của một cuộc sống lao động hiệu quả. Những “giá trị” đó là tài năng, là những tri thức có thể dùng, có thể đem bán. Giữa người này với người kia thường tồn tại một sự cách biệt to lớn. Bởi chỉ có một vài người biết thu thập những “giá trị” vô giá, còn rất nhiều người khác lại không đáng giá một xu. Đồng lương chúng ta nhận sẽ tuỳ thuộc yếu tố quan trọng này, đó là công việc mà chúng ta đang làm có nhiều người khác làm được không? Bạn sẽ được trả giá cao hơn nếu công việc đang tiến hành ít người có thể làm được. Đó là lý lẽ thực tiễn để chúng ta thấy cần phải phát triển tài nghệ và tri thức. Bạn phải trở nên có “giá trị”. 97. Cần phải nhắc bạn một điều là có nhiều lương tri và đạo đức thì vẫn chưa đủ. Nó phải là một nền tảng, trên đó người ta có thể phát triển và thành đạt. Dù khả năng đến bậc nào, nếu thiếu lương tri bạn có thể làm hỏng cuộc đời. Tuy thế, trong môi trường doanh nghiệp, trong địa hạt khoa học hay mỹ thuật cũng thế, chỉ có lương tri thôi chưa đủ. Lương tri không thể thay thế những tri thức chuyên môn. Nó chỉ là một cớ rất tiện lợi để cho những người không làm nên trò trống viện dẫn, tự bào chữa cho sự bất lực của họ. Bạn cần có lương tri nhưng cũng cần có nhiều tri thức và tài năng. 98. Có một quy tắc mà những người dưới ba mươi tuổi nên áp dụng là dành nửa thời giờ của mình để học và một nửa để giải trí. Ai cũng cần học, nhưng ai cũng cần giải trí. Giải trí cần thiết nhưng học cũng cần không kém. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng có sách vở và những lớp học. Bạn nên đi học, nên đọc sách, nên tìm hiểu, nên trưởng thành, vừa học vừa chơi. 99. Công việc bạn làm không quan trọng bằng cách bạn làm. Dù làm một công việc gì bạn cũng phải nghiên cứu trước. Bạn phải làm cho đàng hoàng và làm đến cùng. Một công việc dù đơn giản đến mấy cũng có thể làm khéo léo hay vụng về, làm theo cách khôn ngoan hay ngờ nghệch. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi ít nhiều sự khéo léo. Luôn luôn có một cách hay hơn nữa để làm một công việc. Chỗ kinh doanh hiện giờ sẽ trở nên thành công hơn nếu bạn biết cách làm việc và làm hiệu quả. Nó là bàn đạp để bạn tiến lên một công việc, một chức vụ lớn lao hơn. Hiện giờ, người ta thử bạn, coi có xứng đáng tiến lên cấp trên chăng. Người chủ luôn cho cơ hội để bạn chứng tỏ rằng mình là một người tài giỏi. 100. Bạn chưa nghiên cứu kỹ công việc mình làm tức là chưa học được kỹ thuật và công nghệ của nó. Lúc đó, bạn chỉ được coi như một “tay mơ” hoặc một người máy. Làm việc một cách “tài tử” trong nghề bao giờ cũng hỏng việc, còn người máy chỉ biết làm việc như cái máy, không chút suy nghĩ. Bạn phải nỗ lực để trở nên một người chuyên nghiệp, một tay nhà nghề, sành sỏi. Bạn có thể giữ chỗ làm hiện giờ với đôi chút cố gắng song bạn phải cố gắng làm công việc ấy theo cách hay hơn những người khác đã làm. Đó là cách khôn ngoan để bước chân vào nghề. Đó cũng là cách nâng từ bậc nghiệp dư lên thành người chuyên nghiệp. 101. Bạn nên nhớ kỹ điều này, bất luận trong công việc gì dù nhỏ hay lớn cũng có phần kỹ thuật của nó. Trong mỗi công việc ít ra có ba mươi sáu cách làm vụng về và chỉ có một cách làm hay và khôn ngoan. Trong mỗi bài toán thường chỉ có một lời giải đúng. Chỉ có một cách đánh bản nhạc cho đúng, chỉ có một lối gói hàng cho khéo cũng như chỉ có một lối phục vụ khách hàng hiệu quả. Muốn tìm ra cách đó, bạn phải nghiên cứu công việc mình làm và lắng nghe lời chỉ bảo của những nhà chuyên môn. Bấy luận công việc bạn làm hiện giờ là công việc gì, nó cũng đòi hỏi sự khéo léo. Chỉ khéo vừa vừa chưa phải là khéo. Muốn làm việc hiệu quả, trước hết bạn phải tìm cách làm việc để đạt được nhiều kết quả mà ít hao tốn công sức và thời gian. 102. Bạn phải học hỏi từ những người đã làm nên. Chơi thể thao hay kinh doanh cũng vậy. Giá trị của những lời chỉ bảo còn phải tuỳ ở người cho ta những lời khuyên ấy. Về thể thao, chúng ta nên học hỏi từ những tay vô địch. Về kinh doanh chúng ta nên học hỏi từ những người đã thành công. Không ai có thể dạy ta chơi thể thao hoặc kinh doanh nếu họ chỉ hiểu biết qua sách vở hoặc chẳng làm đến nơi đến chốn. Một giáo sư phải vừa có kiến thức uyên bác vừa có kinh nghiệm thực tiễn thì lời dạy của ông mới có giá trị. 103. Một lỗi lầm thông thường là chúng ta có thói quen hay đánh giá quá cao kinh nghiệm của bản thân. Kinh nghiệm là con dao hai lưỡi, nó vừa giúp nhưng cũng vừa cản trở sự sáng tạo của bạn. Những kinh nghiệm ấy có những khi không giá trị gì cả và lại là những chướng ngại vật, ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta. Giá trị những kinh nghiệm của bạn còn tuỳ nguồn gốc của nó. Nếu bạn chỉ biết một cách mù quáng ý kiến hoặc phương pháp làm việc của đồng nghiệp, thì những kinh nghiệm ấy chỉ làm hại hơn là giúp ích. Khư khư bám víu theo mớ kinh nghiệm, chúng ta không thể giúp mình cải cách hoặc sáng tạo. Biết khai thác những kinh nghiệm nhưng không quá lệ thuộc vào nó, bạn mới có những tiến bộ và sáng tạo. 104. Những kinh nghiệm của bạn vị tất đã có giá trị. Nó có thể gây thiệt thòi và cản trở bạn hơn là mối lợi. Giá trị của nó còn tuỳ khả năng hấp thụ của bạn, tuỳ tri thức và tài giỏi từ những ông thầy dạy bạn. Có người suốt đời lăn lộn trong thương trường mà chẳng bao giờ học được thuật kinh doanh. Những ý tưởng mới mẻ, những phương pháp, những sáng chế mới liên tục ra đời nên kinh nghiệm dễ thành cổ hủ và lạc hậu. Trong thế giới biến chuyển rất nhanh hiện nay, không ai có thể tự hào rằng mình đã có đủ kinh nghiệm. Mọi người đều phải cập nhật cho mớ kinh nghiệm ấy kịp với thời đại. 105. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải học lại cách thực hiện một công việc mà chúng ta đã từng làm. Khi bạn đã tìm thấy một lối làm việc hay hơn, hãy vứt bỏ lề lối cũ. Giới công nghệ đã từng bị đảo lộn bởi phương pháp sản xuất dây chuyền của Henry Ford. Phương pháp sản xuất trước đó vừa tốn kém, vừa chậm, chất lượng kém và hiệu suất thấp. Kể từ đó, giới khoa học công nghệ đã sáng chế ra nhiều sản phẩm mới lạ. Rồi đây, tương lai người ta chưa biết những nhà sáng chế còn tạo ra những gì nữa. Bởi thế, bạn phải luôn luôn sẵn sàng để áp dụng những sáng tạo mới, để nghiên cứu những phương pháp mới. 106. Bạn phải giữ sao cho mớ kinh nghiệm bản thân luôn mới để theo kịp thời đại. Đó là một quy tắc quan trọng nên nhớ, nhất là khi bạn có tuổi. Trong thế giới luôn luôn biến chuyển, một phần lớn kinh nghiệm của ta sẽ biến thành vô dụng và nó làm hại hơn là giúp ta. Có những thứ được xem là hữu ích 10 năm trước thì giờ đây có thể trở nên vô dụng. Thường thì kinh nghiệm dễ trở thành bức rào ngăn cản sự tiến bộ và cải cách. Xét kỹ, nó chỉ là một mớ kiến thức của thời đại đã qua. Nó thuộc về lịch sử và ít có giá trị. Muốn kinh nghiệm giúp ích cho mình, bạn nên thường xuyên kiểm soát và làm mới nó. 107. Không nên nuôi ảo vọng điên cuồng: con người hoặc doanh nghiệp của bạn là độc nhất vô nhị. Ảo vọng này sẽ gây tai hại không nhỏ. Nó làm cho chúng ta không còn tha thiết nghiên cứu về người khác, những doanh nghiệp khác. Thật ra, tuy một vài doanh nghiệp có những đặc điểm riêng biệt không giống với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng ít ra 80% doanh nghiệp đều tương tự nhau. Phần đông các doanh nghiệp thường có những nhân viên làng nhàng, những máy móc làng nhàng, những sản phẩm làng nhàng. Cũng như “quy luật của sức khỏe” có thể áp dụng với bất kể người nào thì “tinh thần đắc lực” cũng có thể áp dụng cho bất cứ một doanh nghiệp nào. 108. Dù làm bất cứ ngành nghề nào, người thành công phải là người có khao khát, đam mê và ham học hỏi. Chiến thắng không đồng hành cùng sự nhanh nhẹn (như trong câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ), chiến thắng không phải lúc nào cũng song hành với sức mạnh (như truyện David và Goliath) và chiến thắng cũng không phải là vì mức giá thấp nhất (như sự chênh giá giữa xe Yugo và xe Mercedes). Chiến thắng nằm ở chính sự tự tin, có trách nhiệm và quan trọng nhất là tinh thần tự học hỏi. Bí quyết này không quá phức tạp nhưng không phải ai cũng nỗ lực và thực hiện được. Khi mắc sai lầm, chúng ta thường đổ lỗi cho người khác. Tại sao chúng ta không tập thói quen học hỏi từ thất bại. Thất bại dù lớn hay nhỏ đều không thể tránh khỏi, vì thế, hãy chuyển cụm từ “Tôi thất bại” thành “Tôi học được rằng đừng bao giờ lặp lại điều ấy” – đó quả là một sự khác biệt lớn lao. 109. Bạn luôn luôn phải để tâm nghiên cứu doanh nghiệp của mình. Kẻ nào tự hào rằng đã biết rõ doanh nghiệp của mình từ chân tơ đến kẽ tóc, kẻ đó đã phạm một lỗi lầm rất đắt giá. Từ thiết bị, nhân sự đến chiến lược, quản lý doanh nghiệp, có biết bao điều cần biết cho nên không ai có thể hiểu biết rành rẽ tất cả. Thường có khi phải nhờ một người ngoài cuộc chỉ bảo, chúng ta mới thấy một điểm nào đó hiện sờ sờ trước mắt nhưng vì thói quen chúng ta đã không nhìn thấy. Sự hiểu biết quý giá hơn hết là sự hiểu biết về công việc kinh doanh của mình. 110. Bạn phải nghiên cứu những mặt hàng kinh doanh. Dù sản xuất hoặc bán bất kỳ sản phẩm nào, bạn phải nghiên cứu nó. Bạn nên mua nhiều sách vở nói về nó, bạn có thể học hỏi từ những người từng trải. Bạn phải sẵn sàng để có thể trả lời một câu hỏi về sản phẩm ấy, để khi bị ai vặn hỏi, bạn không phải trả lời bằng một câu vô vị “Tôi không biết”. Những sản phẩm bạn bán đều phải có những ưu điểm. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi ít nhiều tri thức chuyên môn. 111. Trước khi đảm nhận một chức vụ mới hoặc bắt tay vào một công việc kinh doanh mới, bạn phải khởi sự bằng cách học lấy những gì cần thiết. Không được phép khởi nghiệp một cách tài tử. Nhưng cũng chớ học hỏi bằng phương pháp vừa lâu lắc vừa tốn kém là: cứ thử làm, nếu hỏng sẽ rút kinh nghiệm. Lối học đắt đỏ nhất là: lỗi lầm. Lối học nhanh chóng nhất và rẻ tiền nhất là học bằng cách xem sách hoặc theo học những lớp chuyên nghiệp. Phải biết tiếp thu kinh nghiệm của kẻ khác. Đọc hết năm cuốn sách, có thể biết nhiều hơn năm năm bạn trải qua để tự đúc rút lấy kinh nghiệm. 112. Khi xét một báo cáo kinh doanh, bạn nên phân biệt những “sự thật” ẩn sau những con số. Sau mỗi báo cáo kế toán là nhân viên, là bộ máy, là con người, là quy trình trong công ty bạn. Những con số sẽ chỉ cho bạn thấy những nhân viên nào đáng khen thưởng, những nhân viên nào cần phải cải thiện hoặc sa thải. Trong nguyên tắc chỉ huy một doanh nghiệp: chỉ để ý đến những con số mà không đếm xỉa đến vấn đề “con người” thì chưa đạt. Những con số chỉ là dấu hiệu để hướng dẫn chúng ta trong lối dụng người. 113. Trước khi quyết định một việc quan trọng, bạn phải tự hỏi mình: “Tôi đã có những chỉ dẫn cho việc này chưa? Tôi đã học những điều tôi cần chưa?” Nhiều người đã quyết định theo ý kiến của người khác hoặc theo sở thích riêng. Cách quyết định đúng đắn là phải xem xét sự kiện và con số. Đứng trước một vấn đề quan trọng, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ càng rồi hãy quyết định. Cũng có thể đôi khi chúng ta quyết định một cách may rủi mà cũng nên việc, song nếu quyết định theo cách đó, chúng ta thường chỉ chuốc hận. 114. Bạn không nên hành động bằng cách dựa vào những ý tưởng hoặc những linh cảm chưa được chứng thực. Nếu vì lo sợ mà hành động, chắc chắn bạn sẽ thua lỗ. Nỗi lo sợ là một cố vấn vụng về. Nếu một người vì hoảng sợ mà phải bán lại doanh nghiệp của họ, thì chắc chắn họ phải bán rẻ như bèo. Thà mang tiếng đa nghi còn hơn là mê tín. Không nên tin hay hành động gì nếu bạn chưa có một bằng chứng chắc chắn về vấn đề đó. Hành động mà cầu mong may mắn thì rất bấp bênh. Bạn chỉ nên quyết định theo những gì đã biết và hiểu rõ, chớ căn cứ trên những gì bạn chỉ cảm thấy hoặc tin vậy. 115. Bạn chỉ nên quyết định bằng cách dựa theo những sự kiện, không nên dựa theo dư luận hoặc võ đoán. Một dư luận không chắc thì không nên tin theo. Lần lượt nhiều tín ngưỡng và niềm tin của quá khứ bị bác bỏ. Khoa học đã dạy chúng ta điều khiển cuộc sống bằng cách dựa vào những sự kiện. Những quyết định khôn ngoan là những quyết định dựa vào sự hiểu biết của bạn, không phải võ đoán. 116. Trước khi đưa ra một quyết định quan trọng, bạn nên kiểm tra lại những thông tin đã có. Phải điều tra, nghiên cứu những sự kiện và số liệu. Việc tranh cãi không có ý nghĩa bằng việc điều tra. Không phải có 5, 6 người nào đó có ý kiến giống nhau mà có thể cho rằng họ đúng lý hơn là ý kiến của một người. Một công cuộc kinh doanh cần phải được quyết định theo sự kiện và con số, không phải theo những cuộc bàn cãi. Giá trị của một ý kiến còn tuỳ theo những hiểu biết của người đã phát biểu ý kiến ấy. Không nên quyết định chỉ vì bạn có quyền quyết định hoặc chỉ vì nó hợp với sở thích. Trước hết, bạn phải tìm ra những nhận xét về các sự kiện và dữ liệu có được. 117. Chớ vội nói: “Tôi không có thời giờ để xem sách”, như thế chẳng khác nào bạn nói: “Tôi không có thời giờ để ăn”. Trí não bạn cũng như thể xác, đều cần được nuôi dưỡng. Muốn mở mang trí óc mà chỉ đọc những báo chí giải trí hay thứ văn học tình cảm lãng mạn là không đủ. Những ý kiến hữu ích nhất thường chứa đựng trong một cuốn sách và giá tiền một quyển sách đâu có đắt hơn giá tiền một chỗ ngồi trong rạp hát. Ít ra mỗi tuần bạn phải mua một cuốn sách bổ ích, đó là một thói quen tốt. Bạn cần thường xuyên tiếp tế cho khối óc những nguyên liệu cần thiết. 118. Đọc nhiều vẫn chưa đủ. Trí tuệ và kiến thức còn tuỳ vào những gì bạn đọc. Nếu chỉ đọc những báo chí, hoặc tạp chí vô bổ, thì bạn chưa được gọi là người biết đọc sách. Bạn cần đọc cả những sách, báo khảo cứu, hay về lịch sử, địa lý. Rất nhiều người nhờ đọc một cuốn sách mà làm nên sự nghiệp. Qua bao nhiêu thế kỷ, có bao nhiêu người gom nhặt những tri thức của họ để giãi bày trong sách vở. Cả một kho tàng khoa học mở cửa sẵn, nếu bạn biết đọc những sách tốt. Nếu chưa biết đọc sách đúng đắn, bạn chưa thể tiến bộ, cũng chưa thể cho rằng mình có văn hoá. 119. Nên đọc những sách hữu ích. Dù làm nghề gì đi chăng nữa, cũng có hàng tá sách vở có thể giúp bạn học hỏi. Học bằng cách tự mình rút lấy kinh nghiệm thì vừa lâu lắc, vừa đắt đỏ. Cuộc sống quá ngắn ngủi, chúng ta cần đọc sách để thu lấy kinh nghiệm của kẻ khác. Ở nhà trường, người ta chỉ mở ra cho con đường học vấn nên khi ra trường, bạn còn phải tiếp tục học hỏi bằng cách xem sách, báo. Người chỉ đọc những báo chí vui cười chưa phải là người biết đọc. Đôi mắt phải mang đến cho họ những tri thức. Trí nhớ của họ phải chất chứa những hiểu biết có xếp đặc lớp lang, không phải những tri thức phôi phai, nông cạn. 120. Sách hữu ích có nhiều loại, bạn đều có thể xem nhưng trước hết cần phải có cái nhìn tổng thể. Loại sách ấy cho chúng ta thêm phấn khởi, thêm kiến thức. Nó ghi lại những công trình vĩ đại, nó vạch rõ cho ta thấy: những gì mà sức một người có thể làm. Nó làm chúng ta thêm hăng hái và quyết tâm. 121. Trong khi xem sách, bạn có thể bỏ qua những sách bàn về triết học, huyền bí học. Chưa chắc bạn khôn ngoan hơn khi nghiên cứu những vấn đề mà các triết gia như Kant, Hegel hoặc Shopenhauer đã viết. Triết học siêu hình là một môn học khó khăn và vô bổ. Các nhà triết học viết để cho những triết gia xem thì được, nhưng bạn không nên để đầu óc bị những triết thuyết mù mờ bao phủ. 122. Bạn nên đọc sách một cách đắc lực. Trong khi đọc, nếu gặp một ý tưởng làm bạn chú ý, nên ghi chép và đánh dấu lại, hoặc chép lại các đoạn hay vào một cuốn sổ tay. Nếu sách đó là của riêng, bạn có thể gạch chân hoặc đánh dấu những đoạn cần nhớ. Nếu có đoạn nào gợi cho bạn những hành động, nên xếp sách lại trong đôi phút để suy nghĩ, rồi ghi ra những gì bạn định làm. Phải biết dùng một cuốn sách hữu ích như một người cố vấn. Nếu nó nêu ra những điều hữu ích, bạn phải tự hỏi: “Tôi có thể dùng điều ấy để phát triển công cuộc kinh doanh của tôi, để củng cố sự nghiệp của tôi không?” Phải có mục đích trong khi đọc sách. 123. Vì lợi ích chung mà cũng vì lợi ích riêng, bạn phải biết vừa làm một người học trò vừa làm một ông thầy. Bạn đã từng học hỏi với người thầy thì bạn cũng có một trách nhiệm tinh thần là chỉ bảo lại cho người khác những gì đã học hỏi. Bất luận cuộc kinh doanh nào được tồn tại, đều nhờ người chủ biết luôn luôn nghiên cứu, học hỏi và chỉ bảo nhân viên. Biết chỉ huy không phải là dùng quyền hành của mình, biết chỉ huy còn có nghĩa là biết chỉ bảo và dạy dỗ. Nếu chỉ biết dạy dỗ, bạn chưa phải là một người chỉ huy giỏi. Trong khi dạy dỗ, chúng ta cũng vừa học hỏi. 124. Học từ những người tài giỏi hơn ta, và dạy dỗ lại cho những người kém hơn ta. Đó là sự tương tác phải có giữa các tầng lớp xã hội. Người nào có thể dạy dỗ ta một điều gì, đương nhiên họ đã trên ta một bậc trong lĩnh vực ấy. Giá trị của mỗi người là ở trình độ tri thức, không phải ở huyết thống cũng không phải ở địa vị xã hội của họ. Một người thợ máy có thể dạy bạn cách sử dụng chiếc máy và như thế người thợ ấy đã trên bạn một bậc trong lĩnh vực đó. Khi bạn biết học từ những người giỏi hơn và biết dạy bảo lại kẻ khác, bạn đã đóng một vai trong sự phát triển của cuộc sống. 125. Muốn giải quyết nhiều vấn đề, bạn phải nỗ lực tìm tòi. Phải biết dùng hai câu hỏi “Tại sao?”,“Bằng cách nào?”. Khi nghiên cứu, bất luận về vấn đề nào, bạn cũng nhận thấy rằng mình cần phải hiểu biết rõ hơn. Và suốt đời, bạn cũng vẫn thấy mình chưa biết rõ, cần học hỏi thêm. Có thể sánh bạn như một điều tra viên, điều cần biết không tự nhiên đến, bạn phải đi tìm. 126. Trong khi nghiên cứu học hỏi, bạn nên dùng phương pháp của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate: luôn luôn đặt ra nhiều câu hỏi. Cách đây 24 thế kỷ, Socrate đã biết đặt ra những câu hỏi và ông đã nổi tiếng là người khôn ngoan nhất trong thời ấy. Nhưng ở thời ông cũng như thời bây giờ, người ta thường có quan niệm rất sai lầm về đức khôn ngoan. Ông chính là một bậc đại sư và chỉ giảng dạy bằng cách đặt ra những câu hỏi. Ông thu thập nhiều kiến thức qua những câu đáp của các môn sinh, và ông đã tập cho dân chúng thói quen nghiên cứu những sự kiện, nhờ đó dân chúng bớt tin những lời đồn nhảm. 127. Khi nghiên cứu một điều gì đó, bạn phải nghiên cứu từ nguyên nhân đến kết quả. Nhà bác học Darwin đã làm như thế và tìm ra nguyên tắc của sự tiến hoá. Ông đã đặt nền móng cho một khoa học và mang lại cho chúng ta chân lý để thay thế những truyện thần bí. Biết xét từ “nhân” đến “quả” của một việc tức là biết dùng phương pháp khoa học. Tức là biết dẹp những thành kiến, những lối làm việc mù quáng qua bên để tìm những sự kiện. Trong việc tư duy, cũng có thể áp dụng phương pháp này và kết quả bạn thu nhận được sẽ vượt trên sức tưởng tượng. 128. Khi bước chân vào một lĩnh vực nào đó, bạn nên tìm một người thật tài ba để học hỏi hoặc đọc sách vở họ đã soạn. Giá trị những hiểu biết của bạn tuỳ thuộc giá trị người thầy dạy bạn. Trước tiên, bạn phải học hỏi với những nhân vật trọng yếu trong ngành, nếu bạn muốn sau đó có đủ tư cách để lãnh đạo kẻ khác. Đó là một nguyên tắc của khoa học đắc lực: nguyên tắc nhờ những cố vấn lành nghề. 129. Trên đời này, chỉ có nhà khoa học là người có đầu óc thực tiễn, sáng tạo và giúp ích cho nhân loại nhiều nhất. Hiện nay, những công nghệ tối tân đều phát sinh từ phòng thí nghiệm. Những nhà hoá học kỹ nghệ đã chế tạo ra rất nhiều chất mới. Họ đã đảo lộn lối chế tạo truyền thống. Chưa ai biết rõ những năm tới đây họ sẽ còn công bố những gì mới mẻ nữa. Họ đã mang đến cho chúng ta nhiều tri thức mới, nhiều khả năng mới. Chính những nhà khoa học này đã giải quyết vấn đề và đem lại cho chúng ta một ngày mai tốt đẹp hơn. 130. Bạn nên luôn mang theo mình một cuốn lịch nhỏ và một cuốn sổ tay. Cuốn lịch không đủ chỗ để ghi chép những “ý tưởng và nhận xét” nên bạn cần có thêm cuốn sổ tay. Bạn có thể cắt những bài báo cần giữ lại rồi dán chúng vào những bài ấy vào một tập sách. Nếu tự mình dán lấy thì tập sách ấy sẽ rất đắt giá. Nên giữ hoặc ghi lại tất cả những gì có thể giúp cho bạn sau này. 131. Bạn hãy cảm ơn những người đã cho bạn cơ hội được sống trong một nước mà mỗi người đều được tự do học hỏi. Thời xưa người ta bị chế ngự bởi tín ngưỡng mà hiện giờ khoa học đã chỉ rõ sự sai lầm cho những người thuộc ba bốn thế hệ gần đây. Ngày nay, bạn được hoàn toàn tự do học hỏi. Bạn nên khôn ngoan sử dụng ân huệ ấy. 132. Bạn cần phải học và phát triển con người bạn suốt đời. Không bao giờ nói: “Tôi đã biết đủ rồi, không cần học nữa.” Luôn luôn còn những ý tưởng mới, những sự kiện mới để bạn học hỏi. Thiếu một phần tri thức, bạn sẽ bị lỡ thời. Đến ngày cuối cùng trong đời, bạn vẫn phải mở rộng những cánh cửa sổ của trí óc. Khi có tuổi, bạn cũng cần biết thụ cảm. Cuộc sống ngắn ngủi quá mà chúng ta còn quá nhiều điều phải học. 133. Những gì bạn đã biết so sánh với những gì chưa biết thì không thấm vào đâu. Hãy nhớ điều này để đừng bao giờ ngưng việc học hỏi. Nếu bạn biết rõ những gì bạn chưa biết, bạn sẽ là người khôn ngoan nhất đời. Ngôn ngữ của một nước tiến bộ gồm có ít nhất là 400.000 từ, nhưng có bao nhiêu người hiểu rõ được 20.000 từ? Hiện giờ, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ hơn xưa đôi chút, song những gì mà chúng ta cần hiểu biết thì gia tăng quá nhiều. Bao nhiêu thế hệ nhà tư tưởng đã thu thập, gom góp tri thức, chúng ta không đủ thời giờ để học hỏi. Người điên nhất là người không chịu học hỏi. 5 TƯ TƯỞNG 134.Chớ quên rằng: phần quý nhất trong con người là khối óc. Bạn được hưởng quyền tư duy, không ai có thể truất quyền ấy. Khối óc của bạn phải được đặt dưới sự kiểm soát của ý chí và trí nhớ. Không nên tư duy máy móc theo một lối cổ truyền lỗi thời. Nhiều điều người ta chỉ dạy là chưa hoàn hảo. Nếu quyết tâm tìm chân lý, bạn sẽ thoát khỏi những điệp khúc cũ mèm từng làm hại nhân loại. Bạn có thể làm nhiều việc nhưng có một việc bạn không thể bỏ qua: Biết Tư Duy. 135. Loài vật chỉ có thân xác, chỉ có những cảm giác, nhưng bạn có được một khối óc. Nếu bạn không biết dùng nó thì bạn hơn gì loài vật? Chính nhờ biết tư duy mà bạn trở thành một con người. Khối óc bạn phải kiểm soát tình cảm và thân xác bạn, nó bắt buộc ý chí bạn làm việc. Địa vị của bạn, thành công của bạn, sức khoẻ của bạn và cá tính của bạn đều tuỳ thuộc cách bạn điều khiển khối óc. Một người tư duy như thế nào thì họ trở thành thế ấy. 136. Quyền lực tư duy tuỳ thuộc một phần khối óc bạn được hưởng khi chào đời nhưng hầu hết là do nỗ lực của bản thân trong suốt cuộc đời. Bạn phải tự buộc mình cách tư duy. Tư duy là một công việc nặng nhọc, chỉ học hỏi và ghi nhớ chưa phải là biết tư duy. Tư duy cũng không phải là mơ mộng hoặc thả hồn đi từ vấn đề này sang vấn đề khác. Tư duy phải có tính cách sáng tạo. Khi quyết định làm một công việc gì đó, bạn phải tư duy. Khi soạn một cuốn sách, sáng chế một cỗ máy, hay tổ chức một công cuộc kinh doanh, bạn đã vận dụng cách tư duy. Người ta tư duy nhiều hơn khi phải giải quyết các vấn đề trong cuộc đời. 137. Bạn luôn luôn phải bắt khối óc hoạt động. Chớ vội thu hẹp tư duy của mình. Nó là tài sản riêng thuộc về bạn. Bạn có thể bắt khối óc hoạt động bằng cách quan sát hoặc bằng cách đọc những cuốn sách có ích cho sự học hỏi. Phải biết nghĩ đến những gì thú vị hơn là ăn uống, hát hò hoặc hút thuốc lá. Người chỉ nghĩ đến miếng cơm, manh áo và nhà ở chỉ là một người tầm thường. Những mục đích nhằm đến sẽ thành công hay thất bại tuỳ thuộc vào tư duy của bạn, tùy thuộc bạn có đủ ý chí để bắt khối óc hoạt động, phát triển và buộc nó quyết định thi hành hay không. 138. Bạn cần phải phát triển khối óc. Nó có thể thụ động như một cái đĩa hát hoặc hoạt động như một con chíp điện tử. Khối óc của nhiều người thường bị tê liệt. Người ta nhận thấy khối óc của nhiều người chỉ được sử dụng trung bình 10%. Khối óc bạn chỉ hoạt động khi quan sát, khi bạn biết nghiên cứu, suy nghĩ về các sự kiện, ý tưởng, khi tìm cách giải quyết các vấn đề, hay đọc những sách bổ ích, khi thử tìm cách cải thiện một điều gì, một việc gì đó,... 139. Bạn nên tập thói quen kích thích khối óc, không được để tê liệt. Nếu thỉnh thoảng bạn không biết rồ máy, một chặp sau nó sẽ hết cựa quậy. Món thuốc rất hay để kích thích khối óc là: Phải đặt ra một mục đích cao quý nào đó để bạn đeo đuổi. Phải có một cái bia để nhắm. Cao vọng giúp khối óc hoạt động, cũng như những cuộc đàm luận với hạng người khôn ngoan, cũng như việc nghiền ngẫm những sách vở tốt, cũng như việc làm một công việc khó khăn hoặc giải quyết một vấn đề mắc mỏ. Thuốc phiện và rượu làm tê liệt khối óc. Những món thuốc độc đó cho ta một cảm giác khoan khoái nhưng sau đó làm lu mờ tư tưởng của chúng ta. 140. Mỗi ngày, bạn nên làm một công việc gì đó có tính chất sáng tạo. Đó cũng là một dịp để bạn khỏi mất thời giờ làm những công việc rập khuôn hoặc chơi bời. Ghi trên giấy một ý nào mới mẻ, đó là một công việc sáng tạo. Tìm ra những sự kiện mới, đó cũng là một công việc sáng tạo. Ví dụ, bạn dành nửa giờ để huấn luyện người cộng sự, hay suy nghĩ về chương trình cải tổ công việc kinh doanh của mình, đó cũng là biết làm việc sáng tạo. Như thế mới có thể nói bạn đã không phí thời gian trong ngày. 141. Bạn phải gia tăng ý tưởng. Điều quan trọng là những ý tưởng phát ra từ khối óc của bạn chứ không chỉ là những ý tưởng bạn thu vào. Phải biết sử dụng thích đáng những tri thức của mình. Khối óc cứng đơ của vị giáo sư uyên thâm không hữu dụng bằng khối óc hoạt động của một người thợ máy. Giá trị của một xưởng máy tuỳ thuộc sản phẩm nó sản xuất ra hơn là những nguyên liệu đầu vào để chất đống. 142. Nên làm cho người ta nhận thấy bạn là người có nhiều “ý tưởng” mới. Nếu là công nhân, bạn có thể làm cho ông chủ để ý đến bằng cách đưa ra những “sáng kiến” hay để cải tiến công việc đang làm. Nếu làm chủ, bạn sẽ làm cho khách hàng và đối tác chú ý đến công việc kinh doanh bằng cách áp dụng những ý tưởng mới. Khi được mọi người biết đến như một nhà tư tưởng, bạn sẽ vượt lên nhiều bậc. Trong các công ty quảng cáo, luôn có những người nghĩ ra các ý tưởng nên họ lĩnh lương rất cao. Những nỗ lực liên tiếp sẽ đem lại cho bạn thói quen tư duy và có nhiều ý tưởng. 143. Cơ hội không phải là một món quà người ta mang đến tặng bạn. Đó là một ý tưởng phát sinh từ nơi trí óc của bạn. Đó là một hiện tượng thuộc về tâm trí. Luôn luôn có những cơ hội trong cuộc sống, nhưng chỉ có những người mà khối óc đã được chuẩn bị mới nhìn ra. Nhiều người bị một lớp sương mù bao phủ không cho họ thấy cơ hội. Chỉ có những người biết quan sát, biết suy nghĩ, biết hành động mới tìm thấy nó, đó là tuỳ công việc của mình và tuỳ theo mình có biết sử dụng nó hay không. Mỗi người phải tìm ra những cơ hội xứng đáng với cao vọng của mình. 144. Chính sự làm việc bằng trí não giúp bạn làm nên, không phải những hoạt động bằng tay chân. Không ít thì nhiều, ai cũng bị bắt buộc làm những công việc tẻ nhạt, nhưng nên tránh những việc tẻ nhạt ấy. Ở đâu cũng thế, những công việc bằng tay chân thường được trả công thấp, trừ phi đó là những công việc đòi hỏi khả năng đặc biệt. Cần cù siêng năng là tốt nhưng chỉ làm việc bằng cơ bắp thì chưa đủ, bạn phải biết làm việc bằng tư duy, bằng hiểu biết, bằng kiến thức. Địa vị trọng yếu thường nằm trong tay những người biết hoạt động trí óc. Địa vị càng lên cao, bạn càng ít làm việc bằng cơ bắp. Nên vận dụng thân thể để giữ gìn sức khoẻ, nhưng chớ lấy đó làm kế sinh nhai. 145. Bạn không thể tránh những mối lo âu song có thể lợi dụng nó. Gặp phải một mối lo nếu biết đặt liền câu hỏi “Tôi có thể làm gì?”, nó không còn là một chướng ngại vật, trái lại nó có thể giúp bạn. Không nên để những mối lo làm bạn chán nản. Phải nhận lấy những mối lo như một sự tất yếu và hãy lo tìm ra những nguyên nhân của nó. Có những mối lo không phương pháp giải quyết. Gặp trường hợp ấy chúng ta chỉ còn một cách là ra sức chịu đựng. Song trường hợp này rất hiếm. Thường thì một mối lo có thể là một mối lợi vì nó buộc ta phải hoạt động. 146. Chúng ta phải biết xem thường những lo âu vặt vãnh, đó là vết chích của loài muỗi mòng, chớ vội để ý, nó không thể làm hại bạn. Nhưng nếu ta gãi, vết chích ấy có thể sưng lên. Chớ nên cầu mong sự suôn sẻ hoàn toàn trong tất cả những gì bạn làm, cũng như trong mua bán. Bạn nên dự phòng ít ra có khoảng 10% khó khăn. Phần này không đáng là bao, tốt hơn là bỏ qua. Có ai tránh khỏi đâu. 147. Nên giữ sao cho công việc kinh doanh của bạn được phát triển liên tục bằng cách cải thiện hoặc thêm vào đó những hoạt động mới. Một công việc bị đình trệ khi nó chỉ gồm toàn những phần việc theo lề lối cũ. Một công việc kinh doanh phát đạt, lúc phát sinh cũng có một phần việc cổ hủ song nó được cải tiến. Trong công việc kinh doanh đắc lực, tư duy luôn luôn được vận dụng. Không ai có thể nghĩ đã đến mức tột bậc của nó. Luôn luôn có thể thêm bớt một cái gì. Luôn luôn có một cuộc thí nghiệm nào đó. Khi một công việc kinh doanh không có phần sáng kiến, nó sẽ sa lầy và vũng sình lầy nhỏ đó có thể biến thành vực sâu. Khi ngừng tư duy, công việc kinh doanh của bạn cũng ngừng lại, không tiến nữa. 148. Nếu công việc hàng ngày không bắt khối óc làm việc, bạn nên tìm thêm một công việc giải trí theo sở thích riêng nhưng phải có tính chất sáng tạo. Bạn có thể lập một xưởng mộc nhỏ để có dịp đục đẽo, mở một phòng thí nghiệm hoặc soạn sách. Âm nhạc cũng là một việc giải trí có tính sáng tạo nếu bạn học. Chơi cờ tướng cũng có tính sáng tạo. Bạn nên dùng một phần thời giờ để giải trí, để làm nổi bật phần độc đáo trong con người bạn. Bạn nên giữ trí óc minh mẫn bằng cách buộc nó phải làm một công việc gì có tính sáng tạo. 149. Bạn cũng có thể tập cho khối óc quen vận động bằng cách chơi những trò giải trí như thách đố, toán đố. Định một thời hạn nào đó để giải quyết cho xong một bài toán đố chữ. Những bài đố bổ ích cho trí não cũng như những động tác thể dục giúp cho thể xác. Tự những trò chơi giải trí ấy không giá trị gì nhưng nó giúp cho trí óc ta khỏi tê liệt. Nếu chỉ gặp những trò chơi giải trí không đủ hứng thú, bạn có thể tự đặt ra vài trò chơi khác. Bạn sẽ thấy rằng, đó không phải là việc dễ. Tập giải đáp những trò giải trí cũng là một cách rèn mình đương đầu với những bài toán khó cũng như trong việc điều hành công việc kinh doanh. 150. Bạn nên phát triển tư duy sáng tạo bằng cách tập cho mình nghĩ đến cách sửa chữa những khuyết điểm trong mọi công việc. Chúng ta rất cần những nhà sáng chế, cũng như cần những người biết thực thi. Một kỹ sư phát minh ra điều gì đó mới mẻ là một giá trị vô giá cho đất nước. Người nào có thể tư duy hoặc sáng chế ra điều gì mới mẻ là một nhà tư tưởng sáng tạo. Họ làm ra những gì mới mẻ, khác thường. Có những người trời sinh ra đã có bộ óc sáng chế, nhưng cũng có nhiều người biết sáng chế là nhờ vào quan sát và biết tư duy. Trong đời, bạn luôn luôn phải nhờ đến óc sáng chế để giải quyết khi vấp phải những khó khăn. 151. Một câu nói có thể giúp ích cho bạn rất nhiều là câu “giả sử”. Nhà bác học trứ danh Thomas Edison có trên 1.000 bằng sáng chế chỉ nhờ ông biết cách thí nghiệm liên tục. Ông tự nhủ rằng: “Giả sử tôi sẽ làm như thế này”. Rồi ông thử làm cách khác để tu bổ công trình sáng chế ấy cho đến khi nó hoàn thiện. Câu “giả sử” này kích thích trí tưởng tượng của ta, nó đốc thúc ta tìm những chương trình hoạt động mới. Khi nói: “Nếu tôi sẽ làm như thế này thì sự thể ra sao?” tức bạn đã buộc mình phải tìm tòi để sáng tạo ra một cái gì mới. 152. Bạn nên có hai bàn làm việc, một cái ở văn phòng và một ở nhà để khi về bạn có thể tiếp tục theo đuổi những công việc đã xếp sẵn. Một buổi chiều trước khi ra về bạn phải làm cho xong và dọn dẹp tài liệu thuộc về phần việc kinh doanh. Bàn giấy ở nhà là nơi bạn dành riêng để làm những công việc có tính sáng tạo, để bạn dự tính những chương trình hành động, để bạn giải quyết những vấn đề cần nhiều suy nghĩ. Phải ngăn một tấm vách để phân biệt đâu là những công việc đúc sẵn, đâu là những công việc sáng tạo. Bằng không bạn sẽ quên làm những việc sáng tạo. 153. Có cả một phương pháp để làm công việc sáng tạo. Trước tiên, bạn phải gom góp tất cả những thông tin, dữ liệu về việc cần xem xét. Sau đó là nghiên cứu và suy tính. Trong óc bạn luôn luôn nhớ đến nó. Một ngày kia, bạn sẽ thấy “ý tưởng” xuất hiện như tia chớp. Tôi không thể nói do đâu có hiện tượng ấy. Chưa ai biết rõ nguồn gốc của ý tưởng. Nhưng người ta có thể nhận thấy: khi chúng ta đã gom góp đủ dữ liệu và kiên tâm tìm tòi, tự nhiên “ý tưởng” sẽ hiện ra. 154. Có một cách rất hay để giải quyết vấn đề phức tạp khiến bạn bối rối là việc ghi ra giấy tất cả những dữ liệu, thông tin của vấn đề cần xét. Nên sử dụng bản đồ tư duy để làm việc. Dùng phương pháp này, những khó khăn của vấn đề sẽ nổi bật lên và hiện nguyên hình trên giấy. Lúc bấy giờ, bạn sẽ lấy từng nhánh để nghiên cứu phân giải từng yếu tố một. Chỉ ghi lại những yếu tố quan trọng nhất và bạn sẽ thấy rằng có thể loại bớt nhiều yếu tố không quan trọng. Đó là một lối hay để quyết định khỏi mắc phải sai lầm. 155. Phải biết tập trung tư duy. Hiện giờ vì xã hội có nhiều thú vui, vì cuộc sống chúng ta phải luôn luôn di chuyển, vì có nhiều biến cố làm đầu óc của nhiều người bị kích động, nên tâm trí họ quay cuồng như chong chóng, nên ít người biết tập trung tư duy. Đầu óc chúng ta hoạt động nhiều nhưng ít được kiểm soát. Ngay trong giới doanh nhân cũng ít người biết hoạt động hiệu quả. Phung phí nghị lực là một tai họa. Chúng ta cần suy nghĩ thật chín về mỗi vấn đề. Phải tập trung tất cả tư duy của mình về vấn đề đó cho đến khi tìm ra cách giải quyết. 156. Nếu trí óc có thói quen lan man từ việc này sang việc khác, thì bạn nên dùng những cách rèn tập giản dị như sau để tập trung tư duy: đọc một trang sách nhưng đọc ngược lại, nghĩa là bắt đầu từ dưới đọc lên. Hoặc tập làm toán nhẩm. Lúc ngồi trên xe buýt, hoặc xe lửa, buộc mình nhớ đến một câu tư tưởng hay một câu châm ngôn nào đó. Hoặc buộc mình ngồi yên trong nửa tiếng đồng hồ để suy nghĩ và ghi lại trên giấy những ý tưởng hiện ra về một vấn đề khúc mắc nào đó. Phải biết tập trung tư duy. 157. Bạn phải biết quan tâm đến những trào lưu của tư tưởng và tình cảm. Trong thế giới luôn luôn biến chuyển, chúng ta phải theo dõi những trào lưu. Muốn quyết định mà không bị lầm lạc, bạn phải có óc tiến bộ. Bạn không cần thu nhận tất cả những gì mới. Một trào lưu mang lại những dịp may. Một khuynh hướng có thể đảo lộn vài ý kiến, một vài phương pháp và một vài sản phẩm. Biết quan sát trào lưu để dự đoán tương lai là một lợi thế. Hãy rèn luyện thói quen nhìn phía trước. 158. Riêng về tương lai, bạn có thể chuẩn bị và tiên đoán. Cấu trúc vĩ đại của ngành bảo hiểm đều căn cứ trên sự tiên đoán, một nhân viên kế toán cũng là một nhà tiên tri, ông ta dựa vào những bản thống kê để tiên đoán. Bạn chớ vất vưởng trên đường đời, để mặc sự việc đến một cách đột ngột, nó sẽ lật nhào bạn. Chưa ai thử tính kỹ xem sự thiếu chuẩn bị đã làm hao tài tốn của chúng ta bao nhiêu, nhưng ai cũng nhận thấy nó đã cho chúng ta những vố thật đau. Nên tập thói quen nhìn xa ở tương lai và trù liệu để tiếp đón những biến cố sẽ xảy ra. 159. Trí óc sẽ không bị cùn, bị rỉ mà sẽ thêm rắn rỏi nếu bạn biết quan tâm đến quyền lợi kẻ khác, quan tâm đến những gì bạn làm. Người có giá trị là người đã sống cuộc đời nhiều sáng tạo, đến 50 - 60 tuổi và sau đó vẫn còn tò mò, vẫn còn ham học, vẫn còn thích hoạt động. Một khuyết điểm thường thấy ở nhiều người là họ già quá sớm. Giai đoạn quý nhất trong đời có thể là sau khi bạn đã quá 50 tuổi. Bạn có thể giữ tâm trí được trẻ trung mãi cho đến ngày cuối cùng. Giai đoạn đầu đời của bạn rất có thể chỉ là một giai đoạn chuẩn bị. 6 ĐỘNG CƠ TINH THẦN 160. Bạn nên trang bị cho “cỗ máy” tinh thần. Não là phần tư duy trong thể xác bạn, đó là cả một nhà máy. Nó sản xuất những ý kiến, những chương trình, những phương pháp, song nó cũng cần bổ sung những yếu tố thích đáng. Nếu bạn cung cấp cho nó những nguyên liệu tầm thường, nó chỉ sản xuất ra những sản phẩm tầm thường. Bạn phải cung cấp cho nó ý tưởng của những nhân vật quan trọng, những con người thành công, những sự kiện thu nhặt trong khi du lịch, trong khi đọc sách hoặc do kinh nghiệm riêng. Bạn phải đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất ý tưởng. Tất cả những gì tốt đẹp hoặc hữu ích của nền văn minh hiện đại đều được thai nghén trong “xưởng máy tinh thần”. 161. Bạn là một người thực tế, không phải là lý thuyết gia nên có thể dùng trí tưởng tượng vẽ cho bạn thấy trong tâm trí những gì chưa có, hoặc có thể xảy ra. Nếu có được trí thông minh biết kiểm soát, nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Một kiến trúc sư “thấy” trước trong trí óc ngôi nhà họ sẽ xây dựng. Một nhà phát minh “thấy” trước trong trí óc bộ máy họ sẽ chế ra. Ai cũng có ít nhiều tưởng tượng, song ít người nhận thấy nó có thể giúp ích cho họ bằng cách nào. Họ không biết đó là cả một vốn tinh thần, mặc dù trí tưởng tượng đã từng mở đường cho bao nhiêu sự nghiệp, đã từng tạo ra bao nhiêu kỹ nghệ. Nhưng nó cần được kiểm soát. 162. Phải kiểm soát trí tưởng tượng và trí nhớ. Trí tưởng tượng kiểm soát bộ phim hiện ra trong tâm trí bạn, những gì có thể có được, còn trí nhớ thì diễn lại những gì đã có. Trí tưởng tượng giúp con người tìm những cách cải tiến và sáng tạo. Trí tưởng tượng và trí nhớ là hai động lực thúc đẩy nhân loại tiến bộ. Đó là một bộ máy gồm chiếc xe và bộ phanh của xe, và bạn đều cần dùng đến cả hai. Nếu chỉ có trí tưởng tượng bạn sẽ đâm ra mơ mộng một cách vô ích. Nếu chỉ có trí nhớ bạn sẽ chỉ là người máy. Để đạt những kết quả tốt đẹp, bạn cần phải pha trộn cái cũ và cái mới. 163. Về trí nhớ, bạn cũng có thể phát triển và kiểm soát nó. Đó là kho chứa hàng của khối óc. Kho hàng ấy có thể chứa những bảo vật cũng như có thể chứa những món đồ xoàng xĩnh. Trí nhớ không biết sáng tạo. Giá trị của nó tùy thuộc những gì nó chứa chất và tùy thuộc sự kiểm soát của bạn. Nó chỉ đáng xếp sau một khối óc hoạt động. Khi một người hoặc một đất nước chỉ biết “nhớ” mà không biết “tư duy” thì cả hai đều sụp đổ. Bạn phải có một trí nhớ được tuyển lọc, chỉ nên nhớ những gì có ích và quên những gì vô ích. 164. Khi trí nhớ của bạn không được kiềm chế, nó sẽ biến thành một kẻ thù địch, không còn biết cảm thụ, không còn biết học hỏi. Bạn chỉ biết bám vào những tín ngưỡng, những tập tục, bạn chỉ níu lấy những thói quen cũ. Trí nhớ vì thế sẽ là cái phanh hãm bánh xe tiến bộ. Nó có thể làm sụp đổ cả một quốc gia. Một sai lầm của nền giáo dục hiện đại là chỉ nhồi nhét vào trí nhớ bạn trẻ những ý kiến, những tư tưởng của thời xưa mà không biết khuyến khích họ tư duy một cách sáng tạo. Phát huy tư duy mới là điều chính, còn trí nhớ, ta chỉ nên đặt nó ở địa vị đáng có. 165. Làm sao kiểm soát trí nhớ? Bạn nên biểu diễn lại một cách linh hoạt những gì muốn nhớ và lờ đi những gì muốn quên. Muốn nhớ kỹ một điều gì, bạn cần lặp đi lặp lại nhiều lần, tưởng nhớ đến nó, liên tưởng đến những hình ảnh khác có liên quan đến nó. Ghi rõ trên giấy một ấn tượng đang in sâu vào trí nhớ bạn một cách linh động, khó phai mờ. Còn ngược lại, nếu muốn quên một điều gì, bạn không nên tưởng nhớ, chớ nên nghiền ngẫm nó, để ấn tượng ấy phai mờ dần dần. 166. Trí nhớ bạn cũng như ngọn lửa. Nó là một người đầy tớ tốt nhưng lại là một người chủ xấu. Nó phải lệ thuộc ý chí bạn. Nó phải phụng sự bạn, chớ để nó làm khổ bạn. Gặp một việc gì khó, nếu nghiền ngẫm và dằn vặt mãi, nó sẽ trở thành một mối lo có thể ám ảnh bạn, tâm trí bạn sẽ mất thăng bằng. Bị một việc ở tương lai ám ảnh đôi khi còn có ích, bị ám ảnh về một việc đã qua thì luôn luôn vô ích và có hại. Bị một việc xấu ám ảnh mãi có thể khiến bạn loạn óc. 167. Bạn phải biết làm nảy nở sức mạnh của ý chí để đủ sức vượt qua mọi khó khăn, để khỏi bị đánh bại. Có một cách hay để luyện chí là phải thích thú với công việc mình làm, nếu đó là một việc đáng làm. Phải đặt cho mình một mục tiêu. Bạn chỉ cần tiến thẳng theo hướng đã nhắm. Không một người nào đạt đến địa vị cao sang trong xã hội này mà khi xuất thân lại không đặt mục tiêu trong cuộc đời. Khi đã thành công phần nào, ý chí bạn càng thêm mạnh. 168. Bạn nên lập óc phán đoán cho thích đáng. Có những người không bao giờ biết phán đoán. Óc phán đoán tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm và sự khôn ngoan của bạn. Ít ra, người ta có thể thu thập tri thức và kinh nghiệm. Nhờ óc phán đoán chúng ta mới nhận định giá trị con người và sự việc một cách xác đáng, không sai lầm. Nó giúp ta hành động bằng cách dựa vào những sự kiện, không theo dư luận, cảm tình hoặc tập tục. Bạn cần biết phán đoán để nhận thấy trong mỗi việc đâu là điểm cốt yếu. 169. Phải phát triển những phương tiện để diễn đạt ý của mình. Có nhiều người ít kinh nghiệm song có tài ăn nói,