🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Để giúp trẻ em chơi
Ebooks
Nhóm Zalo
Để giúp trẻ em chơi
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ & CÔNG TY VĂN HÓA PHƯƠNG NAM PHỐI HỢP THỰC HIỆN
MỞ ÐẦU
Một em nhỏ đang chơi.
Em lặp lại một số động tác, có kèm theo một đồ vật hoặc không.
Em hoạt động một mình hoặc cùng với các em khác, chơi một cách hồn nhiên hoặc theo một luật chơi.
Em bắt chước những cách thao tác hoặc những người nào đó, hoặc giả vờ như đang làm gì đó.
Em thực hiện: em làm, em hiểu...
Tùy theo độ tuổi, tùy từng lúc, từng dịp nào đó, trẻ đi vào nhiều dạng hoạt động rất đa dạng; tuy nhiên người lớn biết là trẻ đang chơi. Đứa trẻ đi vào trò chơi như đi vào một thế giới ở khoảng giữa cái thực tại có ràng buộc và cái tưởng tượng không có giới hạn.
Tuy nhiên, khi muốn đi vào thế giới đa dạng này, trẻ cần có một “hành trang”:
- Phần hành trang sẵn có của bản thân với những phương tiện có được do kết quả phát triển tâm - vận động.
- Phần hành trang thuộc về môi trường xung quanh do người lớn tạo ra khi quan tâm đến trẻ, mong muốn được nhìn thấy trẻ phát triển và tiếp xúc với trẻ.
- Phần hành trang thuộc về môi trường: những vật cần phát hiện ra, tác động vào và dùng để thực hiện một “công trình” gì đó, tức là làm và hiểu.
Tất cả những điều này có vẻ như hiển nhiên, đơn giản.
Tuy nhiên, tạo cơ hội cho trẻ chơi không phải là bao giờ cũng đơn giản và hiển nhiên như vậy.
Tập tài liệu này nhằm giúp những người lớn có nhiệm vụ bày ra trò chơi cho trẻ - các
bậc cha mẹ trẻ tuổi hoặc chuyên trông nom trẻ - có thể xây dựng cho mình những căn cứ riêng kết hợp các nhu cầu, các khả năng của trẻ với những phương tiện có thể vận dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ chơi.
Vấn đề là xem xét có thể đưa ra cho trẻ những đồ chơi nào, những trò chơi nào, tùy theo:
- Mức độ phát triển của trẻ về khả năng vận động và hoạt động.
- Mức độ ham thích mà trẻ thể hiện.
Cách tiến hành này đối với bất kỳ một trẻ em nào cũng là quan trọng và đối với những trẻ phát triển không bình thường lại càng quan trọng hơn.
Rất nhiều trẻ dễ dàng tìm ra được các thứ để chơi. Có những trẻ bị hạn chế về mặt vận động nên không tận dụng được những thứ mà chúng thích chơi. Và còn có một số trẻ lại không ham thích gì mấy, ít hoạt động hoặc ít thể hiện nét đa dạng.
Do đó, chúng tôi thấy một mặt là cần phân tích về các giai đoạn phát triển vận động của trẻ và mặt khác phân tích các mức độ ham thích để có thể kết hợp lại với nhau.
Việc kết hợp này nhằm mục đích đưa ra những đồ chơi phù hợp với khả năng vận động và mức độ phát triển tâm trí của trẻ. Qua việc kết hợp này có thể đưa ra được những cách sử dụng đồ chơi thích hợp với các trẻ nhỏ rất khác nhau.
Tài liệu này phỏng theo nội dung một tài liệu của Ban Nghiên cứu Trò chơi trẻ nhỏ của Ý, xuất bản năm 1974, đã nghiên cứu nhiều năm về vấn đề trò chơi của trẻ em và phương pháp hội nhập các trẻ, dù có khuyết tật nặng, vào các trò chơi chung. [1]
Chúng tôi đã theo đúng tinh thần xây dựng các bảng trong nguyên bản, nhằm vào một số vấn đề trong bối cảnh hiện thực hóa, nhằm vào:
- Các vật dụng trò chơi, đồ chơi, để có thể đổi mới và đa dạng hóa.
- Cách tiếp cận để phát triển trò chơi dựa vào các đóng góp mới về thực hành và về nghiên cứu của tổ chức Ủy ban Quốc tế về đồ chơi của trẻ em (ICCP) và của Ngân hàng
Đồ chơi kết hợp với tổ chức Nghiên cứu Đồ chơi trẻ em (AFEJ) của Pháp.
[1] Đầu đề của nguyên bản là “Giúp đỡ các trẻ em có khó khăn khi chơi” nhưng trong nội dung cũng có đề cập tới các trẻ em bình thường, vì vậy đã lấy đầu đề cho bản dịch là “Để giúp trẻ em chơi”.
Về các loại đồ chơi để chọn, đã lược bớt những thứ hiện nay chưa phổ cập trong nước ta, theo nội dung hướng dẫn trong tài liệu, có thể tìm chọn trong các loại “hiện có” để sử dụng. (N.D.)
MỘT SỐ ÐIỀU CHỈ DẪN CHUNG TRONG VIỆC CHỌN ÐỒ CHƠI CHO TRẺ
Chọn đồ chơi cho trẻ là tạo cho trẻ những cơ hội thể hiện mức phát triển của toàn bộ con người của trẻ, thực hiện đầy đủ những thử nghiệm và phát hiện.
Muốn đạt được mục tiêu rộng lớn đó, trong việc chọn đồ chơi và khung cảnh chơi phải xét tới những nhu cầu gắn liền với đà phát triển của trẻ.
Ủy ban Quốc tế Đồ chơi trẻ em (ICCP) đã xây dựng những tiêu chí dùng làm căn cứ để chọn các trò chơi, trong đó đã xem xét kỹ toàn bộ động thái phát triển về các mặt:
- Giá trị về chức năng.
- Giá trị về thể nghiệm.
- Giá trị về quan hệ.
- Giá trị về cấu trúc.
Giá trị về chức năng của đồ chơi
Tính thích hợp về chức năng của một thứ đồ chơi là chất lượng của đồ chơi khi xét về tính cách đồ vật và về mức thích hợp với đứa trẻ về độ tuổi, về tầm vóc và về những khó khăn riêng của trẻ, nếu có. Những điểm trên đây là điều kiện “cần” để đồ chơi có thể có các giá trị khác về mặt phát triển.
Giá trị về thể nghiệm của đồ chơi
Giá trị này bao gồm những gì mà thứ đồ chơi đó giúp được cho việc xây dựng tư duy của trẻ.
Giá trị này bao gồm toàn bộ các kích thích giác - động của đồ chơi, những kích thích này dần dần sẽ trở thành một tập hợp các căn cứ để trẻ khám phá đi sâu hơn vào môi trường và cũng là những dịp mở mang kiến thức cho trẻ.
Tùy theo trình độ phát triển của trẻ, giá trị này tương ứng với kết quả: - Làm phong phú thêm phạm vi cảm giác và cách phối hợp các cảm giác.
- Tạo khả năng thể nghiệm một cách chủ động những quan hệ nhân quả, các quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng...
- Tạo cơ hội xếp loại, phân tích, suy nghĩ, kết hợp và kiểm tra các giả thiết... - Có dịp mở rộng kiến thức và biết cách vận dụng.
- Hiểu biết thêm về thế giới, về văn hóa.
Giá trị thể nghiệm kích thích quá trình phát triển nhận thức.
Giá trị về quan hệ của đồ chơi
Giá trị về quan hệ là phần đóng góp của đồ chơi vào quá trình xã hội hóa, từ những trò chơi đầu tiên chơi cùng với người lớn cho tới những trò chơi có yêu cầu đặt mình như là một thành viên trong cộng đồng xã hội.
Giá trị này sẽ diễn biến theo đà phát triển của trẻ trong:
- Những dịp mà người lớn tiếp thu lại những gì mà trẻ thể hiện và sau đó, đưa thêm những biến đổi vào.
- Những hoạt động của trẻ diễn ra với các bạn chơi cùng độ tuổi, theo những quy tắc tạm thời hoặc đã được truyền đạt.
- Những trò chơi thực hiện các quan hệ với những bạn khác, giữa những bạn khác, từ trong thế giới gia đình tới môi trường xã hội mở rộng.
- Những trò chơi trong đó trẻ dần dần tiếp nhận nền văn hóa xung quanh.
Giá trị về quan hệ tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập vào các nhóm xã hội. Giá trị về cấu trúc của đồ chơi
Giá trị này tập hợp những gì mà đồ chơi đóng góp với quá trình phát triển nhân cách, phát triển cá tính, từ trạng thái cộng hưởng của các cảm giác cho tới cách thể hiện cá tính của trẻ.
Giá trị này phải có được ngay từ các trò chơi đầu tiên và cả mãi về sau, để có thể:
- Tạo dựng một căn cứ về cảm xúc trên cơ sở tương đồng với những gì mà cơ thể của trẻ đã cảm nhận được.
- Tạo điều kiện biệt hóa các dạng cảm xúc, tình cảm.
- Phát triển các khả năng biểu hiện cuộc sống nội tâm.
Giá trị về cấu trúc của đồ chơi là ở chỗ có thể dùng làm phương tiện để đầu tư cảm xúc bằng những phương thức khác nhau.
Bốn giá trị kể trên tương ứng với những phương hướng tác dụng của đồ chơi, khi đưa ra đồ chơi cho trẻ không thể bỏ qua một giá trị nào. Ít có những thứ đồ chơi có được những giá trị này ở mức độ đồng đều để đáp ứng các nhu cầu chơi và phát triển của trẻ. Nhưng do đồ chơi khá đa dạng nên vẫn có thể tạo điều kiện nhằm vào bốn giá trị này.
Trong các bảng (ở cuối tài liệu này) có giới thiệu một số đồ chơi làm thí dụ theo phương hướng nói trên.
Đối với mọi trẻ, không nên giới hạn các trò chơi đưa ra, các trẻ có khó khăn khi chơi lại càng nên đề xuất nhiều hơn. Với các trẻ này, có nhiều vấn đề trong giá trị về chức năng của đồ chơi và cần theo những chỉ dẫn riêng cho từng trường hợp.
CÁ TÍNH CỦA TRẺ TRONG TRÒ CHƠI
Những trẻ nhỏ ở cùng một độ tuổi không nhất thiết là phải chơi một cách giống nhau:
- Có trẻ thể hiện vẻ thích thú nhiều hơn.
- Có trẻ thích chơi những trò chơi khác nhau.
- Lại có trẻ có ý tránh né không muốn chơi những thứ nào đó.
- Có trẻ chăm chú chơi một trò chơi khá lâu và có trẻ ưa thay đổi trò này trò khác.
Những điểm khác biệt ở từng trẻ, tương ứng với vẻ phong phú về tính cách đòi hỏi phải đưa được ra cho mỗi trẻ thứ trò chơi thích hợp. Do đó, cần tạo điều kiện cho những hoạt động mà trẻ không tự nhiên tìm ra, nhằm cho trẻ phát triển tới mức cao nhất tiềm năng vui chơi trong mối liên quan với tiềm năng phát triển chung.
Những điểm khác biệt ở từng trẻ chỉ thấy ra được khi đối chiếu với quá trình diễn biến thông thường của trò chơi trên những nét lớn. Quan sát những gì diễn ra trong các hoạt động vui chơi của trẻ không nhất thiết phải có một định nghĩa trước thế nào là trò chơi. Có định nghĩa nào bao quát được toàn bộ cái thực tại sống động của trò chơi và của đám trẻ đang chơi?
Trò chơi tự hình thành như thế nào?
Chúng ta hãy nhìn xem...
Đứa trẻ bé tí chú ý đến tất cả những gì đụng chạm đến con người nó, những cảm giác khi tiếp xúc với người lớn, chú ý đến mọi đồ vật quanh mình và đến những động tác của chính mình. Đứa bé rất mau biết cách lập lại những hoạt động nhằm “hưởng thụ” những cái đó, nó sẽ quan tâm đến các đồ vật, sử dụng các khả năng của
nó ở thời điểm đó để nắm lấy và khi đó, đi vào trong thế giới trò chơi cùng với người lớn đang thích thú nhại lại những hoạt động của nó.
Như vậy là đứa bé đang chuẩn bị để đi vào một chiều hướng khác của trò chơi trong đó nó sẽ lặp lại một trong những hoạt động này ở ngoài bối cảnh ban đầu.
Tiếp đó, nó tự tìm cách xây dựng những mối liên hệ đầu tiên giữa các đồ vật, giữa các tình huống mà nó bắt đầu làm chủ được.
Đứa bé dần mở rộng các trò chơi bắt chước của nó trong môi trường sống động (người, con vật, đồ vật...), nó chăm chú tìm kiếm những kết quả mà nó đã làm ra, đã nhìn thấy... Ở đứa trẻ đã có nhiều diễn biến nhưng rồi bỗng nhiên người lớn thấy đứa trẻ đã biết thật là nhiều cái:
- Đứa trẻ ghép được cái này với cái kia và gọi cái nó vừa tạo ra bằng một cái tên. - Nó có thể cùng chơi với các trẻ khác.
- Nó bắt đầu biết là các đồ vật có những quy luật như thế nào đó, nó chọn lựa, phân loại các thứ...
- Nó vẽ, nặn, chồng ghép... và gán cho mỗi “tác phẩm” một ý nghĩa. - Nó sử dụng những từ ngữ coi như những công cụ để diễn đạt điều nó nghĩ ra.
- Nó đi vào những trò chơi có chuyển động với các vật dụng to hơn, những thứ đồ dùng vừa tầm cỡ nó.
- Nó biểu hiện trí tưởng tượng qua những trò chơi sắm vai, chơi một mình hoặc cùng với bạn chơi (người hoặc đồ vật) có mặt hoặc không.
Trong bước phát triển lan tràn này, có một sự biến đổi lớn: giờ đây đứa trẻ chơi cùng với các trẻ khác, nó cần phải đặt ra những luật lệ sẽ có thể thay đổi trong quá trình chơi - tuy nhiên chẳng phải là dễ dàng mà thay đổi được ngay.
Sau đó, đứa trẻ sẽ tiến thêm một bước: giờ đây, nó có thể đi vào những trò chơi với các luật chơi đã định trước. Đồng thời, nó đã tự đặt ra được cho mình một quy tắc khi chơi các trò lắp ghép: nó có ý đồ từ trước là tạo ra cái gì để thể hiện cái gì. Về mặt các trò chơi vận động, đứa trẻ đã làm chủ được cách suy nghĩ: nó chú ý đến những thành phần trong mỗi động tác hoặc biết kết hợp các động tác mà nó thực hiện.
Chúng ta hãy để cho đứa trẻ lớn lên thêm chút nữa...
Nó đã biết tuân theo luật chơi đã quy định, truyền đạt. Dựa vào những gì đã học được trong các quy tắc “giao hẹn” trước, nó cũng có thể nghĩ ra những trò chơi tưởng tượng khác, trò chơi giả vờ như thật: nó sẽ bày ra những trò chơi sắm vai, dù là tưởng tượng nhưng vẫn diễn ra đúng như trong thực tế, với những “đạo cụ” như thật...
Đứa trẻ đi vào những trò chơi trong đó các kỹ năng tư duy và các kiến thức được thể hiện và nâng cao dần: đứa trẻ trở thành “nhà sưu tầm”, không cần đến các đồ vật thật để tạo dựng các mối liên hệ và có khi còn thử nghiệm để đi tới nguyên nhân của các hiện tượng, để kiểm tra các giả thiết.
Có thể ngạc nhiên chăng khi giờ đây các trò chơi lắp ghép, xây dựng của trẻ đã nhằm mục tiêu hiện thực: công trình làm ra phải vận hành được như trong thực tế hoặc là phải sử dụng được vào thực tế.
Dần dần, các trò chơi vận động của trẻ hướng vào mục tiêu đạt thành tích: nó
thích thú với những gì mà nó dùng thân thể để đạt được, nó có thể tìm cách phát triển các mặt khéo tay, tốc độ, sức mạnh...
Từ lúc đó, các trò chơi thi đấu đã có một ý nghĩa: dù là trò chơi thể thao hoặc trò chơi nhóm, đứa trẻ đã đặt mình vào trong đám trẻ cùng chơi.
NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA TỪNG TRẺ TRONG KHI CHƠI
Trình tự diễn biến các quá trình trong trò chơi coi như một thể liên tục phức hợp trong đó các quá trình không chỉ tiếp nối nhau mà còn tác động lẫn nhau. Trong phần trình bày ngắn gọn trên đây về động thái phát triển các hoạt động trò chơi, chúng tôi đã cố gắng bám sát một thực tế trong đó mọi cái đều khớp với nhau, kết hợp với nhau và trở thành đa dạng.
Để chuyển từ quá trình phát triển trò chơi của trẻ tới cách chơi theo cá tính của mỗi trẻ, liên quan tới tiền sử của trẻ, cần tách riêng các quá trình phát triển; mỗi quá trình tương ứng với một kiểu sắp xếp nào đó trong mối quan hệ mà đứa trẻ đã tạo dựng với bản thân, với mọi người khác, với các đồ vật. Trong thực tế, các quá trình này không phải là tác động đồng đều như nhau.
Cách xử sự của từng trẻ thể hiện những khuynh hướng riêng ở mức độ nào đó, thường là ngày càng rõ rệt, lấn át các khả năng khác: không có gì là đáng ngại nếu như tình trạng dao động giữa hai vị trí cực đoan của trò chơi, của cuộc sống không bị cố định hẳn về một phía.
Hoạt động của cá nhân nhất thiết dựa vào những gì do hoàn cảnh mang lại: những cơ hội và điều kiện do người lớn tạo ra, những vật dụng có được (đồ chơi, đồ vật), không gian, thời gian dành cho trò chơi...
Trong việc liên kết tất cả các yếu tố: đứa trẻ và môi trường, sẽ thấy có nhiều trường hợp khác nhau về thái độ, về cách chơi ít nhiều mang nét điển hình, mỗi trường hợp đòi hỏi người lớn phải đáp ứng bằng những đề xuất và những vật dụng thích hợp cho trẻ chơi.
Tùy theo từng lúc, cũng là đứa trẻ ấy, thích chơi theo nhiều cách:
- Chơi một mình.
- Chơi với người lớn.
- Chơi với các trẻ khác.
- Cử động chân tay.
- Không cần đồ chơi.
- Theo ý thích của mình.
- Để học.
- Để giả vờ làm việc gì đó.
- Theo luật lệ chơi.
- Ngó nhìn, nghĩ vẩn vơ.
- Chơi một trò chơi nào đó.
- Thay đổi trò chơi.
Đứa trẻ cần có các vật dụng và hoàn cảnh để có thể chơi theo tất cả các cách đó.
Nhưng nếu ở những lúc nào đó, đứa trẻ luôn thích chơi theo cách này hay cách nọ, người lớn phải lái kiểu chơi quá “một chiều” này để trẻ đổi hướng sang những hình thức khác, những phương tiện khác.
Đứa trẻ không cần chơi cùng các trẻ khác
Đứa trẻ này không cần tìm bạn để cùng chơi, nó chơi một mình; có thể là nó chỉ quan tâm đến những gì có liên quan trực tiếp tới nó, hoặc nó ngại tiếp xúc với các trẻ khác. Có thể là khó bày ra các quá trình chơi cho nó, vì lúc nào cũng chỉ chơi một mình, phạm vi trải nghiệm của nó có thể bị thu hẹp.
Hiện tượng này ảnh hưởng nhiều nhất đến dạng trò chơi xã hội hóa nhưng cũng hạn chế những gì mà các trò chơi khác có thể vận dụng từ trò chơi xã hội hóa; tùy theo độ tuổi của đứa trẻ, cần có cách khuyến khích đặc biệt.
Đứa trẻ còn bé tí, chỉ chơi với thân thể của mình, với đồ vật
Nó không làm cho người lớn phải chú ý đến nó, người lớn có thể quên lãng nó.
Tuy nhiên, ngoài những vấn đề chăm sóc cần phải có, nó rất cần đến sự chú ý của người lớn. Người lớn phải quan tâm đến thân thể đứa trẻ, vừa làm cho nó cử động chân tay vừa hát những bài hát đồng dao, bắt chước làm như nó để tạo ra trò chơi bắt chước lẫn nhau.
Người lớn cũng cần quan sát xem đứa trẻ chơi với các đồ vật như thế nào và sau đó mới dạy cho trẻ cách sử dụng và cách chơi các đồ chơi khác.
Như vậy, đứa trẻ bé được người lớn chấp nhận cùng chơi sẽ có thể hiểu biết thêm
nhiều.
Đứa trẻ chỉ ngồi một xó mà chơi
Đứa trẻ này tự trông lấy mình, không tới gần người lớn và có vẻ như không biết đến các trò chơi và ngay cả các đồ chơi của các trẻ ở bên cạnh.
Về phía người lớn, trước hết phải tự hỏi xem mình quan tâm đến cách chơi của nó như thế nào: người lớn có thể có vai trò khán giả hiền từ, thỉnh thoảng tỏ ý tán thành, thấy trẻ có khó khăn, chững lại thì sẽ gợi ý hoặc sẽ tham gia nếu trẻ rủ cùng chơi.
Làm như vậy, đứa trẻ sẽ coi người lớn đó là bạn có thể cùng chơi mà không phải là một người lớn không chú ý gì đến cái nó đang chơi.
Còn các trẻ khác cùng độ tuổi thì thường là chơi bên cạnh nhau, cùng lắm là có chú ý đến các đồ chơi của bạn nhưng không muốn cho bạn mượn đồ chơi của mình, như vậy chỉ cần tạo điều kiện cho các trẻ chơi gần nhau để rồi đây, có thể cùng chơi với nhau.
Đứa trẻ không tham gia trò chơi với các trẻ khác
Trong khi các trẻ khác cùng độ tuổi có vẻ thích đến với nhau để cùng chơi thì đứa bé này ngồi một mình, chơi một mình.
Có thể là khi chơi gần nhau, đứa trẻ này không mấy khi tiếp xúc với các trẻ khác, cần phải làm cho các bạn quen với mình. Có thể là em này có tính nhút nhát, không dám tới cùng chơi với các trẻ khác. Cũng có thể đó là đứa trẻ chưa phát triển được lòng tự tin do đó, ngại sự so sánh mình với các trẻ khác. Cũng có thể là em này khi lân la tới chơi với các trẻ khác, đã bị chúng hắt hủi, bắt nạt hoặc cảm thấy là bị chúng bắt nạt.
Trong trường hợp thứ nhất, người lớn có thể giúp em này làm quen với các bạn, bảo em mang các đồ chơi tới, bày cách cùng chơi.
Đối với đứa trẻ nhút nhát hoặc thiếu tự tin, người lớn cần tìm xem trò chơi nào
nó thấy thoải mái nhất và khuyến khích nó tham gia vào nhóm trẻ đang chơi trò đó. Chơi trò cùng nhau giả vờ không chỉ là dịp làm cho cách chơi của trẻ thêm phong phú mà còn tạo điều kiện đi vào các luật lệ để dễ chơi cùng với các trẻ khác.
Đứa trẻ nhút nhát, hay e sợ không thích các trò chơi có luật lệ, thường tránh né các trẻ khác nhưng chính các luật chơi lại có thể bảo đảm cho trẻ chơi với nhau được yên ổn.
Với đứa trẻ cảm thấy bị bắt nạt, cách giúp đỡ cũng tương tự như trên. Đối với đứa trẻ hung hăng bị các bạn hắt hủi không cho chơi, người lớn cần giúp đỡ trước hết là giảm bớt tính xung động trong khi chơi: các đồ chơi để chơi trò giả vờ có thể khống chế tính hung hăng bình thường mà không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa các trẻ với nhau.
Những trò chơi có luật chơi tạo điều kiện hãm bớt tính xung động. Dựng lên rồi phá đi, dựng lại sẽ có tác động tích cực đối với thái độ hung tính.
Đứa trẻ lúc nào cũng phải có người lớn để cùng chơi
Khi chỉ có một mình, đứa trẻ này thấy chán, không biết làm gì, nó luôn tìm cách làm cho người lớn phải chú ý đến nó, hỏi han đến nó. Có vẻ như nó không thể tồn tại nếu thiếu sự hiện diện của người lớn.
Người lớn chơi với nó, phải đưa ra những trò chơi đơn giản để nó dần dần biết chơi, biết các cách sử dụng, từ đó, nó sẽ có thể chơi một mình với thứ đồ chơi đó, lúc đầu là trong dăm ba phút và về sau sẽ lâu hơn, khi nó đã biết được các cách thao
tác.
Tất nhiên cần có sự cân đối hài hòa giữa những lúc người lớn đáp ứng yêu cầu của nó, cùng chơi với nó và những lúc để nó chơi một mình, tự khai thác những gì đã nắm được khi chơi cùng người lớn. Đương nhiên là nên chọn thứ đồ chơi nào để đứa trẻ có thể cảm thấy thích thú là vì chính nó đã làm được cái nó muốn làm.
Đứa trẻ lúc nào cũng náo động
Đứa trẻ này luôn chân luôn tay, không chịu ngồi yên một chỗ, chạy chỗ này, chỗ kia, bắt đầu chơi một trò chơi lại bỏ liền, chơi trò khác; rõ ràng là nó thích các trò chạy nhảy vận động, hoạt động toàn thân hơn là những trò chơi bằng hai tay hay là phải suy nghĩ, nó không ưa các đồ chơi, các trò chơi yên tĩnh.
Khi ở gần nó, người lớn có thể cảm thấy “hết kiên nhẫn” và không biết nên bày trò gì cho nó chơi. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu vận động khá nhốn nháo này, cũng có cách đưa ra cho nó những đồ chơi, trò chơi có thể uốn nắn dần các nhu cầu đó. Thí dụ: những trò chơi lăn, ném, đu đưa... trong đó vẫn giữ được yếu tố vận động nhưng có bố trí người cùng chơi, nhờ đó có thể thay đổi một số điểm: muốn tiếp tục chơi, đứa trẻ phải hãm bớt ý thích chạy nhảy của mình để đáp ứng với cách chơi của bên kia.
Đứa trẻ chơi không cần đồ chơi
Đứa trẻ này chơi những cái vớ vẩn, chơi với chính mình hoặc với bất kỳ đồ vật
nào ở gần nó nhưng không ngó tới các đồ chơi. Như vậy, người lớn sẽ phân vân vì thấy là cái gì nó cũng tìm ra cách chơi, như vậy cũng hay, nhưng cũng thất vọng vì không làm thế nào cho nó chú ý đến các đồ chơi.
Đồ chơi có tác dụng như những đồ vật trung gian giữa trẻ nhỏ và người lớn, giữa đứa trẻ và thế giới. Tuy nhiên, dù đồ chơi đã thích hợp với giai đoạn phát triển của đứa trẻ, tác dụng của đồ chơi không phải là như nhau trong mọi lúc:
- Có những lúc đứa trẻ phát hiện thân thể mình nhiều hơn là chú ý đến đồ chơi: các đồ chơi đòi hỏi vận dụng bàn tay, mắt nhìn... Sau đó, khi đã có những khả năng mới phát huy từ bản thân, trẻ quay lại với đồ chơi.
- Cũng có những lúc trẻ cảm thấy cần vận dụng không gian với toàn bộ con người mình hơn là chỉ vận dụng một phần cơ thể và ý nghĩ, các trải nghiệm này sẽ được chuyển di, sắp xếp trong các hoạt động thao tác.
- Cũng có khi, các đồ vật của người lớn dùng trong đời sống hấp dẫn trẻ nhỏ hơn là những đồ vật đã làm ra dành cho thế giới trẻ nhỏ, đây cũng là thế giới những trải nghiệm sau đó sẽ chuyển dịch vào các đồ chơi thể hiện môi trường thực mà trẻ vừa thăm dò.
Tuy nhiên có những đứa trẻ, ngoài những lúc này, không chú ý đến những đồ chơi đã đưa cho chúng, dù là đồ chơi thích hợp. Có thể là chúng không thấy rõ các đồ chơi đó thể hiện những gì, hoặc không thích nghi được với những yêu cầu của đồ chơi, không thao tác được theo các đặc điểm trong cấu trúc của đồ chơi.
Những khó khăn của trẻ cũng có thể do thứ đồ chơi đó tương ứng với một mô
hình xã hội, văn hóa không giống với thế giới riêng của chúng.
Trong những trường hợp trên đây, trước hết người lớn cần tìm hiểu về các khó khăn đa dạng này, là có tính cách tổng thể hay chỉ ở một số điểm trong việc sử dụng thứ đồ chơi đã đưa ra cho trẻ; sau đó sẽ thấy được nên làm thế nào để giúp cho từng trẻ nắm vững được thứ đồ chơi đó.
Đứa trẻ chỉ thích nhìn, mơ mộng
Đứa trẻ này ngồi đó mà như đang ở đâu đâu: có lẽ là đang ở trên một đám mây hay trên một hành tinh khác, ánh mắt bị cuốn hút bởi những bóng sáng hơn là nhìn vào các đồ vật, đôi tai nhạy cảm với tiếng nhạc, tiếng vang hơn là với những lời nói của mọi người xung quanh.
Trừ phi cũng ở trong trạng thái xa vắng như thế, người lớn sẽ thắc mắc và có thể là lo ngại không hiểu vì sao đứa trẻ này có biểu hiện ít chú ý đến cái thực tại như vậy.
Đây không phải là trường hợp đứa trẻ ngồi trước máy thu hình, tuy vậy chúng ta cũng bàn về trường hợp này, hay nói đúng hơn, về cái máy thu hình nó cuốn hút đứa trẻ.
Trước hết, kiểu trẻ bị cuốn hút như vậy cũng tiện cho người lớn: nó ngồi yên, chăm chú, không quấy rối, không đòi gì. Nếu không điều hòa số lượng những hình ảnh sống động, có cả âm thanh, đứa bé sẽ hình thành một dạng thụ động đối với các
trò chơi. Thời gian ngồi xem truyền hình làm mất hết thời gian chơi: người lớn phải khơi dậy cho nó nhu cầu hoạt động trong trò chơi, có khi phải sử dụng những đề tài trong các chương trình nó ưa thích để làm đề tài cho các trò chơi.
Ta hãy quay trở lại với đứa trẻ mơ mộng:
Tuy rằng có thể coi như đứa trẻ này vui chơi trong đầu bằng những hình ảnh, những từ ngữ mà nó không nói ra, vẫn cần phải giúp cho nó thể hiện những gì nó tưởng tượng ra, bằng hành động, với các đồ vật, các trẻ khác. Đứa trẻ mơ mộng coi nhẹ các luật lệ: tuy vậy, cần làm cho nó quen dần để đầu óc tưởng tượng của nó không tách rời nó với những gì mà cuộc sống của những người khác mang lại cho cuộc sống của bản thân nó. Trước hết, nên bảo nó chơi những trò mà nó tưởng tượng, chơi trò đó cùng với các bạn. Trong số những trò chơi có luật chơi, nên chọn những trò chơi nào có chủ đề hướng vào thế giới bên trong của nó, để nó dễ tham gia.
Cũng cần giúp nó sống với thân thể của nó, gắn liền với thân thể, không nhất thiết phải cho nó tham gia một câu lạc bộ thể thao mà cần hướng dẫn cho nó biết dùng thân thể mình làm phương tiện diễn đạt những gì tưởng tượng ra và “sống” những cái đó cùng với các trẻ khác.
Đứa trẻ xấu chơi
Đứa trẻ này tham gia các trò chơi có luật lệ, thích tham gia nhưng khi thấy không thể thắng hoặc không chiếm được vai trò cầm đầu thì bỏ liền. Nó không chịu được khi thua và muốn phá cuộc, làm trò chơi đứt đoạn.
Khi chơi các trò chơi nhóm với đứa trẻ như thế, người lớn thường không biết nên nhường cho nó thắng hoặc bỏ dở, không chơi nữa.
Khi đứa trẻ này chơi với những trẻ cùng độ tuổi, người lớn không biết nên làm thế nào để tránh tình trạng vẫn diễn ra như mọi khi: chỉ ham chơi được một lúc rồi đến cuối ván chơi, lại bị loại ra.
Xét theo khía cạnh nào đó, đứa trẻ “xấu chơi” là đứa không biết chơi, nó biết cách chơi nhưng không thấy là được thua cũng chỉ là “chơi” mà lại coi là “thật”. Nó cần chơi những trò không có được, thua, không phân chia hai bên một cách rõ rệt.
Ta cần hướng đứa trẻ này vào những “trò vui” trong đó, cái “được” là được vui cười một lúc với nhau. Cái được ở đây cũng còn là không còn có khoảng cách với nhau và tính cách mềm dẻo cần thiết để trò chơi diễn ra ở giữa khoảng cái thực và cái tưởng tượng.
Còn có một kiểu trẻ “xấu chơi” khác, đó là đứa “ăn gian”. Đây cũng là một cách chơi hơn là cách tránh bị thua... Nhưng cách chơi này phá rối trò chơi, không thật thà, là một kiểu lừa bịp mà các bạn khác không ưa...
Đứa trẻ chỉ thích chơi trò giả vờ
Đứa trẻ này hoạt động hơn đứa trẻ mơ mộng nhưng thế giới tưởng tượng của nó vẫn đưa nó vào các trò chơi có gắn liền với những mặt của thực tế. Hướng cảm xúc trong các trò chơi này thiên về cuộc sống xã hội, thế giới kiến thức và hoạt động thể lực, như thể đứa trẻ muốn các yếu tố thực tế phải theo quy luật nó đặt ra, muốn sửa các yếu tố đó theo ý mình hoặc tránh né những ràng buộc của các yếu tố đó.
Người lớn thường bị loại trừ khỏi các trò chơi này. Người lớn cảm thấy là đứa trẻ không phát triển tất cả mọi khía cạnh của đời sống của nó trong kiểu chơi rất cá biệt hóa này.
Tuy vậy, nên xuất phát từ trò chơi mà nó ưa thích, khuyến khích nó chơi cùng các trẻ khác, tạo cơ hội giao tiếp cần thiết, để nó phát hiện ra những quy tắc làm trò “giả vờ” cùng với các trẻ khác, thể nghiệm những quy tắc đó, dùng làm một phương tiện mới để hình thành và làm phong phú thêm thế giới của riêng mình.
Đứa trẻ chỉ chơi những trò chơi nghiêm túc
Tùy theo độ tuổi, đứa trẻ có vẻ ham thích những trò chơi giáo dục, trò chơi nhóm, trò chơi khoa học hoặc kỹ thuật. Nó cũng có khi chơi các trò chơi vận động và thể thao có luật chơi nhưng không đi vào các trò chơi tưởng tượng. Kiểu chơi nghiêm túc này làm cho người lớn yên tâm về kết quả học tập mà họ thường quan tâm nhưng tuy vậy, còn thiếu một điều ít nhiều dễ thấy: thiếu cái vui nhộn thường gắn liền với các trò chơi.
Ta cần khuyến khích đứa trẻ này chơi cùng các bạn cùng lứa tuổi, cũng “thú vị” như với các bạn lớn tuổi hơn mà nó thường tìm đến.
Đứa trẻ này cũng cần phát triển về mặt tưởng tượng, khiếu hài hước: đó không phải là sút kém về mặt trí tuệ mà trái lại là một lối chơi khác với tư duy, với kiến thức, mở rộng các khả năng này một cách mềm dẻo hơn, bớt nghiêm túc, gò bó để trở thành chan hòa, cởi mở hơn.
Ta cũng cần khuyến khích đứa trẻ này chơi các trò liên quan tới cảm xúc và tình cảm để tạo được các sắc thái trong các yếu tố này. Các trò chơi tượng trưng tạo khả năng diễn đạt, giao tiếp, trao đổi theo hướng thích nghi tốt hơn về cảm xúc.
Đứa trẻ e dè
Đứa trẻ này không hẳn là nhút nhát, nhưng nó không ham chơi mấy dù là chơi một mình hay cùng với các trẻ khác. Nó không thiết chơi. Nó chỉ đứng bên lề.
Thái độ này thể hiện trong các trò chơi vận động, trò chơi hư cấu, trò chơi có luật chơi cũng như trong các trò chơi phải suy nghĩ. Dù là trò chơi theo hướng nào, đứa trẻ này cũng có vẻ chán ngán.
Có thể là các trò chơi hiện có không tương ứng với những gì nó quan tâm và nó không nói được lên điều đó. Ta cần tìm xem nó thường hoạt động hơn trong các loại trò chơi nào để có thể tìm ra cho nó những hướng mới.
Đứa trẻ lúc nào cũng chơi
Đứa trẻ này tích cực chơi, chơi rất hăng say nhưng không còn chú ý gì đến việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Hoạt động trong khi chơi làm cho nó khỏi phải diễn đạt bằng lời những gì diễn ra trong con người nó.
Đứa trẻ này thường chỉ làm cho người lớn lo ngại khi nó quá mải chơi mà sao nhãng việc học tập nhưng thực tế, người lớn cũng có thể nhận thấy là những hoạt động của nó khi chơi phần lớn cũng gắn liền với các dạng vận động chung hoặc các động tác thao tác.
Khi chú ý đến hoạt động của nó, hoặc cùng tham gia với nó, người lớn có thể tạo điều kiện cho nó chơi các đồ chơi một cách khác, dùng ngôn ngữ để phát triển trò chơi và sau đó, làm phương tiện đi vào quan hệ với các trẻ khác.
Cũng có thể đề xuất ra cho nó những trò chơi giả vờ, những trò chơi có luật lệ đơn giản hoặc phức tạp hơn để tạo thuận lợi và đa dạng hóa các tương tác với những trẻ khác.
Đứa trẻ luôn thay đổi trò chơi
Đứa trẻ này tận dụng các đồ chơi và các dịp có thể chơi, với một vẻ thèm khát nhưng chỉ trong chốc lát mà thôi, ít khi chơi hẳn hoi một thứ. Nó luôn bỏ cái này chơi cái nọ không chơi hẳn một thứ nào.
Người lớn thường cũng không thấy e ngại về cách chơi này vì thấy đứa trẻ có vẻ ham chơi, không để ý tới kiểu tản mạn trong đó. Ngược lại, có thể là đứa trẻ luôn đòi hỏi những đồ chơi khác, quấy rầy người lớn và bày ra lộn xộn đủ các thứ.
Để giúp đứa trẻ này biết sắp xếp và tiến bộ hơn trong cách chơi, người lớn nên hướng dẫn dần từng bước, hướng trò chơi vào những “mục tiêu”, phân chia các trò chơi chung chung thành từng phần nhỏ để trẻ có thể cảm nhận được thú vui khi làm được những gì đã định làm.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LỚN TRONG TRÒ CHƠI
Tùy theo cá tính của trẻ nhỏ đang chơi, người lớn có thể tham gia vào một cách trực tiếp, chủ động hoặc để yên cho chúng chơi.
Tùy từng lúc, người lớn có thể cung cấp phương tiện, tạo hoàn cảnh, tìm trẻ khác cho cùng chơi, tổ chức các trò chơi cùng với các trẻ khác hoặc chỉ để ý theo dõi chúng chơi một cách tự nhiên.
Vai trò của người lớn còn có những mặt khác gắn liền với cách chơi đùa của mình khi còn nhỏ, theo các khuynh hướng riêng, trong một bối cảnh nào đó. Nhớ lại thời đó, người lớn sẽ có một cách nhìn riêng về trò chơi của trẻ, như vậy sẽ có sự tương tác giữa các kiểu vui chơi khác nhau.
Người lớn sẽ không luôn luôn nghĩ lại tới cách mình chơi khi trước mà nên ý thức được là mình cần định hướng các trò chơi của trẻ tùy theo cá tính của chúng và của bản thân: xuất phát từ đó, có thể phát triển và đa dạng hóa ý thích vui chơi của mình qua những trò chơi đề xuất cho trẻ.
Ở người lớn, ý thích vui chơi của bản thân có thể thúc đẩy sự chú ý nhằm thỏa mãn các nhu cầu và các khả năng vui chơi của trẻ nhỏ. Người lớn thấy lại cái thích vui chơi, sẽ cảm nhận được các sắc thái, các khuynh hướng trong trò chơi đang triển khai, sắp xếp. Có thể nói là người lớn phải khống chế ý thích của mình để không xâm phạm vào thế giới trò chơi của trẻ. Như vậy, rõ ràng là chỉ có thể phát triển được cách vui chơi của trẻ nếu người lớn tạo ra cơ hội cho trẻ chơi, tôn trọng tự do của trẻ trong quan hệ với chúng.
Tuy nhiên,... khi cho rằng chơi tự do có một giá trị duy nhất là nhằm cho trẻ phát triển, ta cũng nhận thấy là không phải trò chơi “tự nhiên” nào cũng có tác dụng “giáo dục”, do chính nội dung của trò chơi.
Trò chơi giúp các trẻ nhỏ thăng bằng tâm trí, có thể nắm được các mặt đa dạng trong nền văn hóa của chúng ta, trong các cách ứng xử, phát triển được các năng khiếu về trí tuệ và cảm xúc nhưng đối với những trẻ có khó khăn thì không phải là như vậy.
Bất kỳ trò chơi nào, có dùng đồ chơi hay không đều ít nhiều hướng vào hai mặt bổ sung nhau nhưng có thể trở thành đối kháng với nhau: khả năng tưởng tượng và thái độ tuân thủ quy tắc luật lệ.
Có những trẻ nhỏ ưa kiểu ứng xử tản mạn, theo ý mình chỉ đi vào những trò chơi thiên về tưởng tượng và từ chối hoặc coi thường những trò chơi có luật lệ tuy rằng các trò chơi này có tác dụng hữu ích là rèn luyện cho trẻ về mặt ứng xử xã hội.
Ngược lại, ta cũng đã thấy có những trẻ khác không thích những trò chơi diễn đạt mà chỉ cắm cúi chơi những trò chơi có luật lệ chặt chẽ. Những trò chơi loại này tạo ra cho chúng một khung cảnh trong khuôn khổ tạo cảm giác yên tâm coi như làm cho chúng đỡ nhút nhát, e ngại, tuy chơi các trò chơi tưởng tượng có tác dụng tạo đà phát triển nhưng do cá tính, chúng không tự nguyện tham gia.
Vậy phải làm thế nào? Đối với các trẻ mà khi cho chơi tự do không tạo ra được trạng thái thăng bằng tâm trí mà trái lại nếu trò chơi tự do có những mặt không thích hợp hoặc chỉ là những khuynh hướng mà ta cần đề phòng để khỏi “củng cố” thêm kiểu ứng xử sẵn có của chúng. Cần làm như chúng tôi đã gợi ý: cung cấp cho chúng những đồ chơi đa dạng hóa, những tình huống vui chơi khác nhau, khuyến khích chúng bằng cách tham gia với chúng. Xin nhắc lại một lần nữa rằng những gì
trẻ thể nghiệm có thể gợi ra trong trò chơi mà không bao giờ mang áp đặt vì như vậy đâu còn là trò chơi!
NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ TRONG CÁC NHU CẦU VỀ ĐỒ CHƠI CỦA TRẺ CÓ KHUYẾT TẬT
Cá tính của đứa trẻ trong khi chơi có thể nổi rõ hơn nếu có những nhân tố hạn chế hiệu năng trò chơi: các khuyết tật nào đó có thể hạn chế ít nhiều những trải nghiệm khi vui chơi cũng như trong đời sống hàng ngày.
Có những trẻ bị hạn chế ít nhiều về khả năng vận động nên không sử dụng được các đồ chơi, tham gia trò chơi một cách bình thường.
Có những trẻ không thể hiện vẻ sôi nổi, vẻ đa dạng thường thấy ở trẻ khi vui chơi.
Cũng có những trẻ có cả hai loại trở ngại trên nên không sử dụng được đầy đủ các phương tiện vui chơi.
Vì đứa trẻ thể hiện kém hoạt động, cần có các trò chơi đặc thù. Hoạt động vui chơi thấp hơn mức trung bình, có thể do hai dạng khó khăn:
- Thiểu năng về công cụ (vận động, nghe, nhìn).
- Thiểu năng về trí lực.
Thực vậy, dạng thiểu năng nào cũng gây ít nhiều trở ngại, khả năng hoạt động tương đối bị giảm sút. Như vậy có nghĩa là trong trò chơi cần xét tới nhược điểm này để bố trí hoàn cảnh vui chơi: phương tiện, chỗ chơi, các quan hệ, sao cho dù trẻ có khuyết tật khá nặng vẫn có thể có được những trải nghiệm đa dạng và bổ ích.
Một số điều hướng dẫn đặc biệt trong việc chọn trò chơi
Trong việc đưa ra các trò chơi như thế nào cho trẻ có khuyết tật, có nhiều vấn đề
thường là cần phải bổ sung sửa đổi các phương tiện, chỗ chơi và cách đưa ra cho trẻ chơi.
Có một số điểm cần tham khảo để chọn đồ chơi và sửa đổi cách chơi. Trước đó, cần xem xét khuyết tật của trẻ có ảnh hưởng như thế nào đến các chiều hướng trong cách chơi: chơi một mình, chơi với các đồ vật để thao tác, không gian chơi, chơi với các trẻ khác, trò chơi tượng trưng. Tất cả những điều này không thấy rõ ngay được từ các khó khăn tức thời hoặc thứ phát do khuyết tật gây ra. Khi chọn các đồ chơi không chỉ nhằm vào các tác dụng sẵn có của trò chơi mà cũng cần xét tới những trục trặc ít nhiều sẽ xảy ra khi trẻ chơi các trò chơi đó.
Tác động của người lớn trong trò chơi của trẻ khuyết tật
Có những kiểu tập dượt mà đối với những trẻ bình thường, ta không gọi là trò chơi nhưng đối với một số trẻ thì lại có tính cách như trò chơi vì đối với chúng, chơi không phải là một hoạt động tự phát vì các khuyết tật đã dựng lên tấm rào chắn giữa chúng với môi trường.
Đối với những trẻ này, thường cần phải học để biết chơi, với sự hướng dẫn và khuyến khích của người lớn. Các công trình nghiên cứu về trò chơi của trẻ khuyết tật cho thấy có khả năng tiến hành nhiều cách tiếp cận khác nhau, dựa trên ba điều kiện chính yếu:
- Sự tác động của người lớn.
- Hiểu biết về các phương tiện và các mục tiêu của trò chơi.
- Hiểu biết rõ về từng trẻ có khuyết tật.
Căn cứ vào các tài liệu chuyên môn và kết quả nghiên cứu về các chiến lược cần tiến hành, chúng tôi sẽ chỉ vạch ra một số nét lớn.
Tác động của người lớn, muốn đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có “niềm lạc quan sư phạm”, không phải là theo hướng lý tưởng hóa mà là đối lập với cách tiếp cận chịu thua thiệt “thường đứa trẻ khuyết tật nặng hay thực hiện một cách tự phát vì nó sợ thất bại mà không đưa hết khả năng đích thực của mình vào trò chơi hoặc cha mẹ
hay người giáo dục nó cũng làm như vậy vì những lý do đã nêu. Tinh thần “lạc quan sư phạm” đòi hỏi một quan hệ tốt về cảm xúc, cần chấp nhận đứa trẻ một cách trọn vẹn, đề xuất gợi ý cho trẻ và tham gia với trẻ một cách quan tâm. Trong khung cảnh này, nên đánh giá “mức khó khăn chấp nhận được” đối với đứa trẻ, là điều kiện cần để trẻ tiến hành trò chơi đạt hiệu quả đầy đủ.
Thực vậy, khi triển khai trò chơi nếu cần người lớn tham gia thì cần hiểu biết các quá trình trong trò chơi, những thứ cần dùng (trong đó có các đồ chơi) và quá trình diễn biến như thế nào, các dịp đánh giá có thể có. Cũng cần hiểu rất rõ về đứa trẻ để định ra mức khó khăn chấp nhận được nếu không trẻ sẽ không chịu chơi nếu không có được thua, hơn kém và nó sẽ thoái lui nếu những yêu cầu đề ra để nó đạt dần từng điểm, đã không được cân nhắc cho đúng mức, không bỏ qua một giai đoạn nào. Nếu thiếu hiểu biết về một số điểm nào đó đã nêu trên đây, sẽ gây ra những bước đi quá khó kết quả là đứa trẻ sẽ bị thụt lùi, có những thiếu sót không vượt qua được. Tình trạng này là do thiếu tinh thần “lạc quan sư phạm” hoặc quá lạc quan hoặc chưa xem xét cách tiếp cận trò chơi theo mức khả năng của đứa trẻ. Đánh giá quá thấp hoặc quá cao về khả năng của trẻ cũng như không thấy hết một số khía cạnh về tính khí của trẻ chỉ có thể dẫn tới thất bại.
Nhưng nếu người lớn có sự giúp đỡ có hiệu quả vào trò chơi của các trẻ có khó khăn to lớn, có thể tạo được cơ sở để trẻ phát triển tốt một cách không ngờ.
NHỮNG KHÓ KHĂN VỀ CÔNG CỤ
Đứa trẻ bị giới hạn về các hoạt động vui chơi do có khuyết tật về giác quan hoặc về vận động.
Đứa trẻ chỉ tiếp thu được một phần thông tin
Khi đứa trẻ bị hạn chế phần nào về mắt nhìn, tai nghe, nó sẽ không tiếp nhận được một số dạng kích thích của môi trường xung quanh.
Tuy có được sự bù trừ do các giác quan khác được phát triển hơn, quá trình tri giác vẫn theo dạng thông tin có thiếu sót và hoạt động của đứa trẻ đó chỉ dựa vào một số dữ liệu nào đó.
Đứa trẻ bị kém về giác quan không phải là cũng kém về tư duy và về vận động; tuy nhiên, vì không nắm được một số tính chất của môi trường nên cách hình dung ra hình ảnh của môi trường cũng khác và không thấy nhu cầu phải vận dụng thân thể và hai tay như thế nào.
Đứa trẻ có trở ngại về vận động
Khuyết tật về vận động gây trở ngại cho việc thao tác nhưng nếu có khó khăn khi huy động một phần hoặc toàn bộ thân thể sẽ không đi tới được các nguồn thông tin để xem xét, tìm hiểu. Những gì cảm nhận được từ môi trường được sắp xếp theo một kiểu riêng và bó hẹp, dù là não không bị tổn thương.
Tình trạng đi lại khó khăn không chỉ ảnh hưởng tới việc thăm dò không gian mà thân thể vận dụng một cách khó khăn nhưng cũng còn ảnh hưởng tới hình ảnh thân thể không đáp ứng với môi trường và không tiếp nhận được những cảm giác gắn liền với quá trình tiến dần tới khả năng tự chủ về thể chất.
Như vậy, đứa trẻ có khuyết tật bị trở ngại trong việc nhận thức về con người mình và về dạng sắp xếp mọi thứ trong môi trường.
Đứa trẻ kém mắt
Ngay từ khi còn nằm trong nôi, đứa bé này kém về cảm giác nên có khó khăn khi chơi: nó không luyện tập được chân tay để tạo thành những “công cụ” tự thân chúng đã nhiều công dụng, hoặc nối dài thêm con người bằng cách cầm nắm các đồ vật. Đứa trẻ cảm nhận thân thể mình qua những đụng chạm bất ngờ, không làm chủ được, xảy tới từ môi trường vật chất hoặc người xung quanh.
Ngay khi đó, người lớn phải dùng tiếng nói để “báo hiệu” là mình đã đi tới với nó trước khi tiếp xúc trực tiếp. Người lớn cũng cần chú ý rất sớm đến việc làm cho đứa trẻ trông không rõ hoặc không trông thấy, có thể biết cách đụng chạm vào người khác hoặc mó vào các đồ vật. Trong thời kỳ mà đứa trẻ chưa phân biệt được rõ rệt giữa bản thân nó và môi trường, đó là thời kỳ đặc biệt quan trọng để tạo điều kiện cho nó sau này dễ nắm bắt được mọi thứ quanh mình. Ở giai đoạn phát triển này, đứa trẻ cảm nhận các chuyện đụng chạm một cách không phân biệt, còn sau này, nếu có cái gì từ bên ngoài đụng chạm tới nó sẽ gây ra một phản ứng tự vệ chống lại cái bất ngờ. Tình trạng không phân biệt này còn đi đôi với một khả năng vận động chưa rõ hướng, chưa biết gọi người lớn tới giúp đỡ, sau này mới biết dùng những động tác rõ rệt hơn để gọi. Tuy vậy, ngay từ thời kỳ này, trong những lúc đứa trẻ thức, nên tập cho nó cựa quậy, cảm nhận để khỏi hình thành những kiểu tránh né tiếp xúc thường tồn tại khá lâu.
Về việc chọn thứ đồ chơi nào, đối với đứa trẻ nhìn không rõ và đứa trẻ không nhìn thấy gì, có khác nhau đôi chút.
Đối với đứa trẻ mắt kém, phải chọn các thứ đồ chơi khá to, hình dáng rõ rệt, màu sắc phản chiếu ánh sáng rõ hơn. Các yêu cầu về các cảm giác khác sẽ có tác dụng củng cố và phân biệt rõ hơn các dấu hiệu đã nhận thấy bằng mắt.
Đối với đứa trẻ không nhìn thấy gì, cần vận dụng những đặc điểm thuộc các giác quan khác, như mùi vị, cấu tạo, độ cứng mềm, hình nổi, hình dạng chung, tiếng động, rung động...
* Trong số các đồ chơi đầu tiên các hộp nhạc có thể dùng rất tốt nhưng những thứ “lúc lắc” có tiếng kêu treo vừa tầm tay, các loại lục lạc (như nhạc ngựa) mắc vào vòng đeo tay còn có tác dụng luyện cử động và hoạt động theo ý muốn cho đứa trẻ mắt kém. Những thứ đồ chơi cầm tay, với hình dáng, vật liệu đa dạng cũng có thể giúp trẻ mở rộng phạm vi thăm dò nhận biết ban đầu.
* Đồ chơi bằng lông (như thỏ, gấu lông) trước hết là đồ chơi để nâng niu, vuốt ve cũng có thể dùng để cho trẻ biết các cảm giác khác. Các loại đồ chơi “cảm xúc” bằng lông có nhiều dạng cấu tạo và mức độ rắn mềm khác nhau, tùy theo khối lượng chất nhồi bên trong và trên cùng một con vật bằng “lông” có thể có những phần cấu tạo khác nhau... Cũng có thứ khi chạm vào hay bóp nhẹ sẽ phát ra tiếng kêu, rất thích hợp để tạo tương tác giữa đứa trẻ kém mắt và đồ chơi. Có thứ có ống giác ở chân con vật, đặt ở bên đứa trẻ, có chạm phải cũng không rơi ra.
* Các loại bảng trò chơi, khi trẻ thao tác sẽ phát ra những thanh âm khác nhau, nên chọn loại có những thanh âm dễ phân biệt.
Có thể dùng một cái hộp trong đó bỏ các đồ chơi hoặc một số đồ vật khác cũng khá gọn và tạo nhiều khả năng cho trẻ tập sờ mó, cầm, nắm.
Có thể dùng một cái hộp tròn trong đó vài ba đồ vật nhỏ, khi cầm lắc hoặc bỏ vào sẽ tạo ra những thanh âm khác nhau.
* Những con “lật đật” khi chạm vào hoặc lay động sẽ phát ra một thanh âm, đứa trẻ kém mắt có thể tìm ra mối liên hệ giữa động tác của mình với các âm phát ra do
con lắc dao động.
* Những đồ chơi bằng cao su “biết kêu” cũng tập cho trẻ thể nghiệm quan hệ nhân quả nhưng còn kèm theo những thông tin về xúc giác, độ đàn hồi của vật liệu khi bóp vào, buông ra lại phình lên như cũ, tia không khí xì ra, hút vào khi bóp vào, nhả ra.
* Thao tác xếp các cốc nhựa nhỏ lồng vào nhau, xâu các vòng vào một trụ tròn đòi hỏi trẻ đưa hai bàn tay lại gần nhau. Vì trẻ không nhìn thấy được, nên để cho trẻ ngồi trên đầu gối người lớn để dễ đưa hai tay lại gần nhau, mỗi tay cầm một thứ để lắp vào nhau.
Khi đó có thể dùng một chiếc khay có gờ xung quanh để trẻ khỏi đánh rơi các thứ, làm gián đoạn trò chơi.
* Tắm cho trẻ cũng là một cơ hội cho trẻ chơi, tuy phần lớn các đồ chơi thả vào nước là để nhìn, xem. Thân thể của trẻ sẽ cảm nhận được là đồ chơi nổi trên mặt nước, nổi lơ lửng hoặc chìm xuống dưới đáy. Các thứ đồ chơi chạy trên mặt nước phát ra âm thanh trẻ có thể tìm xem nó đang ở đâu và quờ nắm lấy.
...
* Những trò chơi bập bênh không có vấn đề gì đặc biệt, ngược lại, còn tập cho trẻ giữ tư thế ngồi cho vững khi mắt không nhìn rõ.
Trẻ có khuyết tật về mắt nhìn, cũng như những trẻ khác cần những đồ chơi giúp trẻ vận dụng không gian, khi trẻ bắt đầu biết lẫy, biết bò, có thể cho chơi thêm các
đồ chơi lăn, kéo, đẩy. Đồ chơi chạy hoặc lăn đi phải có kèm theo tiếng động để trẻ theo dõi được. Khi đồ chơi chạy xa vướng vật gì dừng lại vẫn phải có tiếng động để trẻ tìm thấy được. Khi bắt đầu cho trẻ chơi các quả bóng cũng phải chú ý điều này. Ban đầu, phải cho chơi ở một khoảng tương đối hẹp để trẻ được thoải mái và có thể mò mẫm tìm đồ chơi.
* Cho trẻ đi các loại xe không bàn đạp trong một khoảng trẻ đã quen thuộc là một cách có hiệu quả và tương đối an toàn cho trẻ vì có vướng vào đâu thì đụng chạm vào xe trước, cần nói lên và tả cho trẻ biết đó là cái gì.
Xe đạp ba bánh và các loại xe có bàn đạp phát triển được khả năng đi lại và độ dài quãng đường đi, với điều kiện là đứa trẻ phải nắm được các “mốc” trên đường đi. Dùng bàn đạp sẽ không còn dò được bằng chân như khi đi các xe không bàn đạp (thường là trẻ cần đi loại xe này khá lâu).
* Trẻ chơi các trò đổ đầy nước, trút đi trút lại (hoặc đổ cát, các vật nhỏ) phải bày các vật dụng đó sao cho trẻ sờ thấy hay nghe tiếng động có thể biết ở chỗ nào để lấy mà chơi.
Cần có những thứ đồ chơi có khả năng tập cho trẻ thấy các mối liên quan cụ thể giữa các đồ vật và căn cứ vào các đặc điểm của đồ vật để sử dụng được tốt nhất.
* Ban đầu, phải cho trẻ lắp ghép những vật khá to và dễ ổn định. Các loại cốc to nhỏ lồng vào nhau, đáy có gờ để dễ nhận biết hướng lắp thành hình tháp. Cần chuẩn bị trước bằng trò chơi xâu vào trụ tròn. Với các trẻ kém mắt, trò chơi lắp các
hình khối vào lỗ tương ứng có hai ưu điểm: dựa theo các chỗ lồi lõm để lắp và khi mò mẫm không làm hỏng những phần đã lắp được rồi.
Các loại hộp xếp theo hình dáng và các khối lắp vào lỗ giúp trẻ sờ tay biết được các hình khối. Cần khuyến khích động tác này để trẻ tập theo hai cách thăm dò: sờ nắn hình khối đặc, và sờ nắn hình khối rỗng để lắp khối đặc vào. Ban đầu, nên cho lắp các khối nhô cao hơn miệng lỗ cho dễ.
* Các loại đồ chơi để gõ, nện, đàn gõ, trống thường cần dùng cả mắt và tay phối hợp. Trẻ sẽ dùng tay để dò tìm và điều chỉnh các động tác. Trước đó, có thể cho chơi các đồ chơi gõ bằng tay không, gõ với nhau, gẩy bằng ngón tay hoặc cọ xát vào nhau. Các chỗ gồ ghề lồi lõm của đồ chơi cọ vào nhau tạo ra thanh âm, thay đổi cường độ, nhịp và có rung động kèm theo. Ngay cả một quả bóng nẩy lên cũng có thể cảm nhận thấy khi sờ tay vào mặt phẳng trên đó quả bóng rơi xuống.
* Các chỗ lồi lõm trên đồ chơi là những dấu mốc quan trọng. Do đó, các đồ chơi
ghép hình với những miếng dày mỏng khác nhau sẽ giúp trẻ dễ ghép hơn.
Các loại quân đôminô, lôtô có loại cấu tạo có dấu mốc và có hình nổi để trẻ dễ phân biệt. Với các trẻ mắt kém, phải dùng hình vẽ rõ, màu nổi rõ. Có thể có những thay đổi cho thích hợp hơn thường là đơn giản, như trong phần hướng dẫn chung.
* Những vật dụng dùng trong các trò chơi mô phỏng nên làm theo tỷ lệ thu nhỏ lại, trẻ sờ vào sẽ nhận biết ngay. Như vậy cũng có thể bố trí dễ dàng trong một khoảng hẹp thích hợp với tầm tay thành một thế giới nhỏ cho trẻ chơi.
Tuy vậy, khi trẻ có nhu cầu hoạt động thật hơn là “dàn cảnh”, cũng cần có những vật dụng thích hợp với tầm vóc của trẻ. Trong phạm vi này, có thể sử dụng các loại búp bê, các nhân vật, con vật, xe cộ, bộ đồ ăn, dụng cụ gia đình, nhà để xe, điện thoại, máy bộ đàm... v.v...
Với các “nhân vật” đồ chơi, có các khớp giống như người thật, trẻ có thể dùng tay mà hình dung ra các tư thế của thân mình, tạo ra các tư thế và cảm nhận được.
Các đồ chơi mô phỏng tạo điều kiện cho trẻ biết xếp đặt, tái tạo những cảnh tượng và tình huống trong đời sống hàng ngày, cũng có sự tham gia của tư duy đồng thời phát triển được các mặt cảm xúc và xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần có các trò chơi khác nữa để định hướng và nuôi dưỡng đà phát triển và tư duy.
* Những thứ trò chơi lắp ghép bằng mộng hoặc lồng chặt vào nhau giữ được vị trí đã lắp, không bị tung ra, trẻ có thể lắp dần từng bước. Các loại “hộp” gồm từng
miếng lắp với nhau thành hình khối trẻ có thể chơi khi đã nắm được cách lắp, biết xiết vít, lắp trượt trong rãnh.
Những thứ đồ chơi lắp ghép loại lớn phải có chỗ rộng hơn là những thứ chỉ cần ghép bằng hai tay. Đứa trẻ không nhìn thấy chỉ sử dụng được những thứ này khi đã biết lắp những thứ dễ hơn. Trái lại, đối với đứa trẻ mắt kém lại nên cho tập lắp những thứ này.
* Trò chơi lắp ghép cũng có thể đi vào những hoạt động thủ công có tính sáng tạo nếu các trẻ không nhìn thấy hoặc mắt kém đã nắm được các kỹ thuật lắp ghép. Tuy nhiên cần chú ý là kết quả tạo ra phải có thể làm cho trẻ thích thú.
Các loại ghép miếng có chốt nên có cấu tạo khác nhau để trẻ dễ nhận biết bằng tay, các bộ chắp hình bằng gỗ nên làm các miếng có độ dày khác nhau để trẻ dễ ghép thành một bức tranh nổi...
Những thứ đồ chơi xiết vít có tác dụng cho trẻ làm quen với các thứ vít, bulông, đai ốc, rất dễ sử dụng để sau này có thể cho trẻ lắp các loại mô hình.
* Các loại trò chơi điện tử, trò chơi kỹ thuật, khoa học cần có sửa đổi bổ sung (dùng thêm tiếng nói, chữ nổi Braille) cho thích hợp.
Các trò chơi nhóm cũng cần được sửa đổi, bổ sung như trên để các trẻ có khuyết tật thị giác có thể chơi được.
....
* Một số trò chơi tạo hình như nặn, lắp ghép, làm đồ gốm trẻ dễ thực hiện bằng cách sờ, nắn, có thể dùng nước, cát, đất nhão để trẻ cảm nhận được các chất ướt, nhão là như thế nào.
...
* Các nhạc cụ đồ chơi khá đa dạng, giúp trẻ biết thể hiện, sáng tác cá nhân hoặc chơi theo nhóm. Với cách bố trí thích hợp, các trẻ mắt kém hoặc không nhìn thấy cũng có thể chơi các trò chơi diễn xuất bằng con rối.
Các trò chơi thể thao, có những trò luyện động tác di chuyển (xe đạp, ô tô đạp chân) cần có chỗ rộng mà trẻ đã quen thuộc, không có những vật chướng ngại bất ngờ. Sau này, có thể cho ngồi xe đạp đôi với các trẻ bình thường, cho đi chơi trong các vườn có mùi để nhận biết các loại mùi và nơi phát ra.
Trẻ có khuyết tật thị giác cũng có thể cho chơi trong bể bơi nhưng cần chú ý là những dấu hiệu bằng âm thanh trong môi trường này bị khác đi. Nên cho trẻ chơi trong các bể bơi nhỏ, không có lẫn các trẻ bình thường.
Đứa trẻ thiểu năng thính giác
Khi còn nằm trong nôi, đứa trẻ này có thể chơi với thân thể mình, với hai bàn tay, đôi mắt. Có khi nó còn chơi với tiếng nó phát ra nhưng các cảm giác không được củng cố bằng tai nghe nên rồi nó sẽ chỉ chơi các trò trong đó các thông tin bằng âm thanh được bù lại bằng các dạng kích thích khác.
Có thể dùng các trò chơi bắt chước lẫn nhau để giúp trẻ tiếp tục phát tiếng à, ơ... người lớn phải dùng mắt nhìn khi tiếp xúc với nó để cho nó nhìn môi mình mấp máy khi bắt chước những âm nó phát ra.
Không nhất thiết là trong các trò chơi với các trẻ này cứ phải lặng yên, khi chơi trò ru em nó có thể cảm nhận được các rung động và nhịp của các âm người lớn phát ra. Nên chọn các thứ đồ chơi có nhiều màu, hình thù rõ nét, kết cấu nổi rõ, có chuyển động, có mùi, trẻ mó tay vào cảm nhận được các rung động.
Các cảm giác do rung động mà đồ chơi tạo ra thực sự chưa được khai thác mà chỉ là ngẫu nhiên, do vật liệu và cấu tạo của đồ chơi, có thể xử lý thêm để giúp trẻ có được những dấu mốc chắc chắn hơn.
Đối với trẻ khuyết tật thính giác, việc chọn đồ chơi ban đầu hoặc thuộc các loại cảm xúÔc, bắt chước, sáng tạo cũng tương đối ít vấn đề.
* Những trò chơi chọn lựa, sắp xếp, phân loại là một bước tiến so với các trò chơi đơn giản, có tác dụng sắp xếp lại các trải nghiệm trực tiếp và chuẩn bị cho trẻ tập nói.
Trong lĩnh vực này, điều đặc biệt quan trọng là phải cho trẻ có những đồ chơi minh họa được các quan hệ đa dạng giữa các đồ vật, các tình huống. Những trò chơi có chia lớp, đoạn rất cần cho đứa trẻ chưa nói sõi để nó xây dựng được những mốc thời gian. Ngoài những trò chơi cần sắp xếp thứ tự, nên tìm những trò chơi kể chuyện: qua các hình ảnh sắp xếp tự do, trẻ có thể nối kết lại trong đầu óc.
Gần đây, đã có những thứ trò chơi phát triển giao tiếp, có những quân vẽ hình
những khuôn mặt thể hiện cảm xúc tương ứng với những câu chuyện diễn ra hàng ngày, giúp trẻ nhận biết những gì đã trải nghiệm và nhìn thấy trong các phản ứng của người xung quanh trước khi biết gọi tên các cảm xúc đó.
...
Tuy nhiên, nếu khi đã cho trẻ chơi theo nhóm và có sự cần thiết phải nói năng trong hoạt động vui chơi, cần thực hiện một số biện pháp sắp xếp hoặc đề phòng.
* Trong các trò chơi giả vờ có nhiều trẻ cùng chơi, phải có những “đạo cụ” hiện thực để thể hiện rõ ý nghĩa trong động tác của trẻ. Tạo điều kiện chơi loại trò này sẽ giúp cho khả năng diễn đạt và giao tiếp của trẻ.
* Đối với những trò chơi có luật lệ, nhằm khơi dậy tư duy, thêm kiến thức, chơi theo nhóm hoặc chơi thể thao, việc truyền đạt luật chơi thường là cả một vấn đề.
Đối với các trò chơi có động tác, có thể nêu quy tắc chơi bằng cách đưa dần ra từng động tác, từng tình huống. Cách này có thể vận dụng đối với các loại trò chơi khác nhưng khó khăn hơn vì không phải là thân thể tham gia vào hoạt động chơi. Trong các trò chơi nhóm, việc giao tiếp đã đi vào phạm vi biểu tượng, là bộ mã xã hội hóa bằng lời nói.
Đối với đứa trẻ khuyết tật thính giác, những luật lệ viết thường cũng có những câu khó hiểu về ngữ pháp, cần đơn giản hóa cho vừa mức hiểu của trẻ.
* Những trò chơi hiểu biết thường dựa trên những hoạt động cụ thể, như vậy dễ phân tích và tách rời bộ phận (đồ chơi ghép hình, quay, vặn xiết, lắp ghép, hộp đồ thực nghiệm khoa học kỹ thuật) Có thể cho trẻ dùng những loại trò chơi “hỏi đáp” “điện tử” đơn giản có báo hiệu đúng sai bằng ánh sáng...
Đứa trẻ khuyết tật về vận động
Các khuyết tật vận động rất đa dạng về hình thái và mức độ, tạo ra những dạng hạn chế khác nhau hoặc không còn khả năng hoạt động trong lĩnh vực trải nghiệm của trò chơi.
Đứa trẻ không điều khiển được thân thể mình, phụ thuộc vào người lớn để thay đổi “góc độ” nhìn vào môi trường; khi lớn dần, sẽ không có thể đi tới chỗ có đồ vật nó muốn lấy và sẽ chỉ ở yên một xó khi mà có bao nhiêu cái hay hay diễn ra ở các chỗ khác: những hoạt động của người lớn và của các trẻ nhỏ khác. Rõ ràng là những lúc ấy, nó không thể dùng thân thể mình để chơi và chơi bằng thân thể mình.
Những trò chơi vận động đương nhiên là bị hạn chế hoặc đôi khi không thể chơi được, những loại trò chơi khác cũng bị hạn chế do không thao tác được bình thường, cái thích thú đối với môi trường người và vật không có hiệu quả cao về mặt trải nghiệm để chuẩn bị đi vào các loại trò chơi tượng trưng cũng như các loại trò chơi với các đồ vật để sắp xếp với nhau. Khuyết tật vận động cũng ảnh hưởng đến trò chơi “theo nhóm”: đứa trẻ không đi lại được chỉ có thể chơi lâu với một người lớn chăm nom nó, ít có dịp chơi cùng hoặc chơi với các trẻ khác.
Không sử dụng hai bàn tay được dễ dàng, tức là không thể tìm hiểu được hai tay của mình bằng cách đưa lên miệng hoặc sờ mó vào các đồ vật và sẽ không biết các đồ vật là như thế nào để có thể biết sử dụng sau này. Việc sử dụng các đồ vật đó không theo chức năng bình thường, mà để chơi “giả vờ” không mấy khi thực hiện được. Những trò chơi bắt chước lẫn nhau với người lớn có thể dựa vào các tiếng à, ơ của đứa trẻ nhưng khó có thể phát triển thành các trò chơi “trông em bé”, ru em... Chơi với các trẻ khác cũng có nhiều trở ngại khó có thể vượt qua và chỉ có chơi được với người lớn.
Chúng ta cũng xem xét tình trạng không điều khiển được đầu, cổ, mắt nhìn, yếu sức, dễ mỏi mệt, không nói lên được... ảnh hưởng tới trò chơi của đứa trẻ tới mức nào... Cùng với những khó khăn khác, các khó khăn trên đây thường ít khi xuất hiện riêng rẽ, mỗi khó khăn đều tác động đến trò chơi và kết hợp lại sẽ không phải là chỉ cộng với nhau mà là nhân lên nhiều lần.
Như vậy, một điều rất quan trọng trong suốt quá trình phát triển của đứa trẻ có khuyết tật vận động là phải tìm ra xem có khó khăn ở những chỗ nào để tìm cách giải quyết để trẻ có thể chơi được các trò chơi, có khi cần thay đổi các trò chơi để các trẻ này có thể chơi theo đúng nội dung.
Khi trẻ đã tới giai đoạn giác - động sẽ sử dụng các đồ chơi được dễ dàng hơn.
* Những thứ “lúc lắc”, vòng ngậm (khi mọc răng) thường dễ rơi khỏi tay trẻ và dù trẻ vẫn cầm nhưng chưa chắc đã để mắt tới. Khi đó, người lớn có thể đặt đứa trẻ ở tư thế dễ nhìn thấy tay nó đang cầm đồ vật gì, đối với các thứ đồ chơi khác sau này cũng nên làm như vậy.
Khi đứa trẻ ở một mình, nên treo các thứ đồ chơi này ở vừa tầm các động tác với tay, đá chân, dù là trẻ không cố ý, như vậy, tạo cho trẻ cái thích thú là tự mình tạo ra được tiếng động.
Thay đổi kết cấu, độ cứng mềm của vật liệu giúp trẻ luyện thêm khả năng vận động đã bị hạn chế. Ngoài hai điểm nói trên, đương nhiên còn cần chú ý đến chất lượng và tính đa dạng của những thông tin do đồ chơi mang lại: màu sắc, âm thanh, cấu tạo mặt ngoài... và càng cần chú ý nhiều hơn khi thấy trẻ nắm, với một cách khó khăn. Đối với các dàn đồ chơi treo trên nôi, những con vật bằng lông và những con búp bê mới cho chơi lần đầu cũng nên treo như vậy...
* Những vật bằng cao su có hình dáng và độ cứng khác nhau có thể chọn thứ thích hợp với khả năng hoạt động của trẻ. Những thứ mềm là để dùng cho những trẻ yếu tay..., khẽ bóp hay lắc đi lắc lại đã phát ra tiếng kêu.
* Với những thứ đồ chơi khi tắm cần đặt trước đứa trẻ vào ở tư thế thoải mái và người lớn có thể buông tay ra (xem phụ lục): có những loại đệm mút giữ cho thân thể đứa bé duỗi dài, những loại đệm mặt dốc để nâng cao phần ngực, những vòng có chân gắn ống giác bảo đảm tương đối an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi chưa vững.
Những thứ đồ chơi thả vào bồn nước giúp trẻ có được những cảm giác khi nước xáo động, trẻ tác động vào nước để xem và đưa đẩy các đồ chơi nổi trên mặt nước
hoặc chìm xuống... Người lớn có được hai tay tự do để đưa đẩy các đồ chơi thả dưới nước.
* Ngoài lúc tắm, khi để trẻ ngồi hay nằm thoải mái, có thể cho chơi những con lật đật trẻ khẽ gạt tay cũng làm cho nó dao động, phát ra tiếng kêu.
Loại đồ chơi này dùng được cho đứa trẻ nằm mà chơi và rất thích hợp với đứa trẻ ngồi hoặc được chặn, giữ ở ngực. Tùy theo nhu cầu, cần có những gối kê đệm, bàn có gờ hoặc ghế ngồi thích hợp (xem phụ lục)... để trẻ dễ cử động hai cánh tay và bàn tay.
* Những đồ chơi: bàn thợ, đồ chơi gõ đập luyện động tác có định hướng, phối hợp động tác, mắt và tay khi trẻ đã bước đầu biết cách phối hợp. Trước khi cho trẻ tập luyện các thao tác tương đối là khó này, có thể cho trẻ dùng tay không hoặc cầm một vật gì đó để gõ đập cho quen tay. Các bàn thợ thường có những bộ phận để xiết vặn ren ốc. Nếu trẻ chưa quen, nên cho tập bằng một trục tròn có ren rất to để trẻ vặn đai ốc vào (vì tay trẻ vặn chưa chính xác), khi đã biết vặn hoặc nếu các động tác bị hạn chế, nên dùng cỡ nhỏ hơn.
Ngoài những vấn đề nói trên, với những thứ đồ chơi này, đã đưa vào một khái niệm mới, khái niệm về công cụ, là phương tiện trung gian để tác động.
Các chuôi vồ, cán búa, vặn vít, lắc lê thường làm vừa tay trẻ nhỏ, có thể sửa đổi thêm cho trẻ dễ thao tác hơn (xem phụ lục).
* Những loại đồ chơi có máy: con vật cử động, con rối, hộp đàn có nhiều kiểu điều khiển, cần chọn cho thích hợp với đứa trẻ (kéo, ấn, đẩy...)
Có những loại đồ chơi khác luyện cho đứa trẻ một hoạt động tương đối khác, phải sử dụng toàn thân.
* Những đồ chơi kéo, đẩy là những loại đồ chơi ở giữa khoảng những thứ dùng hai tay nhiều hơn và những thứ trẻ phải tự đi lại được để chơi. Thực vậy, nếu đứa trẻ không đi lại được, nó có thể dùng tay để gạt, đẩy để cho các xe đồ chơi chạy ở khoảng hẹp trước mặt hoặc dùng các bộ phận điều khiển từ xa, cho chạy trong một khoảng rộng hơn (bấm nút, dùng tiếng nói, ...). Có thể nối dài cán để đứa trẻ bất động có thể đẩy được xa hơn. Cũng như mọi thứ đồ chơi có chuyển động các loại đồ chơi này tạo điều kiện cho các tương tác ban đầu và thói quen giao tiếp.
* Các loại bóng to nhỏ rất thích hợp với các quan hệ nói trên, trẻ có thể cho lăn trên nền, ném hoặc khi treo lên, gạt cho nó đu đưa qua lại. Các loại bóng còn cho trẻ điều khiển được lực tác động, biết là nó nẩy và đi lệch đi khi vướng các đồ vật như thế nào. Có thể chọn đủ loại bóng lông, bóng mút, bóng cao su... có nhiều cỡ và trọng lượng khác nhau cho thích hợp với khả năng của trẻ.
* Những loại trò chơi đu đưa đòi hỏi trẻ phải ngồi vững chắc, dù là có tay vịn hai bên và tựa lưng. Trước khi trẻ ngồi được vững giữ được thân mình ngay ngắn, cần cho trẻ tập quen với cảm giác đu đưa tự gây ra ở mức nào đó; có thể cho ngồi võng hoặc ngồi trên đệm hơi không bơm căng, ngồi, nằm trong loại nôi có thể đu đưa... Cũng có những loại lẵng treo và nhiều dạng “ghế đu” khác.
Những loại xe không bàn đạp đòi hỏi đứa trẻ phải ngồi thật vững hơn là khi ngồi các đồ chơi đu đưa. Đứa trẻ phải dùng chân tì mạnh hơn để đẩy cho xe đi bằng những động tác đối xứng hoặc lần lượt từng chân. Các loại xe nằm có những bánh nhỏ lái được, cơ động hơn những loại xe đẩy cho lăn đi bằng cách đẩy bằng chân, bò bằng tay.
Đối với những trẻ không đi lại được một mình, nếu càng khó khăn, người lớn cần giúp nó cử động, có thể đặt nó trên các loại phao để đỡ nó nằm trên mặt nước.
Những loại đồ chơi lắp ghép đòi hỏi đứa trẻ thao tác hai bàn tay chính xác, thường trẻ bị yếu về mặt này, cần sửa đổi, bố trí cho thuận lợi.
* Trò chơi “chồng xếp” thể là dạng lắp ghép đơn giản nhất, nhưng nếu đứa trẻ có khó khăn khi cử động hai bàn tay thường kết quả chỉ là “hú họa” và thường bị thất bại nhiều hơn. Trong trường hợp này, nên thay các khối và các hình xếp chồng bằng cách cho ghép những miếng đặt trên mặt phẳng ngang, đứa trẻ có thể cầm lấy, đẩy
qua lại và buông tay ra, như vậy có thể thực hiện được một số kiểu sắp xếp và có thể đặt được cho các miếng thẳng hàng với nhau nữa.
Những kiểu lắp ghép khác đòi hỏi trẻ phải có khả năng thao tác: cầm, đặt, buông tay ra và có những thứ phải lồng ghép, ấn tay vào mới lắp được. Như vậy, thường trẻ phải dùng cả hai tay: một tay giữ và một tay lắp. Có thể dùng các loại thảm không trượt để giữ các thứ ở vị trí ổn định hoặc sửa mặt nền, mặt bàn cho thích hợp.
Qua những trò chơi lắp ghép và cách bố trí như trên, đứa trẻ có thể dễ dàng đi vào các kiểu lắp ghép ba chiều.
Gần đây, có những loại đồ chơi lắp ghép, xếp hình dùng nam châm hoặc có các “răng” bằng nhựa cài miếng nọ vào miếng kia rất dễ tạo điều kiện cho trẻ tập lắp ghép.
Với đứa trẻ chỉ có thể hoạt động trong một khoảng hẹp, các miếng lắp ghép phải nhỏ để dễ lắp được thành nhiều kiểu và thích hợp với khả năng xòe mở bàn tay của trẻ.
Với các trẻ cầm nắm kém chính xác nên dùng các miếng cỡ to hơn cho trẻ dễ với tới và thao tác. Dùng các miếng nặng hoặc có độn cho nặng bảo đảm được mức ổn định cần thiết để tiếp tục lắp.
* Những điều trên đây cần vận dụng cho các khối vuông, các miếng chồng xếp, các hạt để xâu lại và các vòng lồng vào một thanh tròn, cũng như với các hộp lắp ghép đã có sẵn quy tắc liên hệ khối nào vào lỗ ấy.
Ngược lại, trong một số đồ chơi ghép hình vào lỗ hõm, có chọn màu hoặc không, cần dùng các khối khá dầy cho dễ định vị vào các lỗ hõm. Đối với những trẻ ít nhiều có khó khăn về tổ chức không gian, cần dùng những thứ khó dần và thích hợp với từng trẻ. Điều này thấy rõ khi trẻ bé mò mẫm mà các miếng để lộn xộn sẽ gây khó khăn, nhiều khi không làm nổi nữa.
Ở đây có một điểm cần chú ý: người lớn phải phân tích xem đứa trẻ có khó khăn nhất ở những hoạt động nào và đưa ra cho trẻ những thứ có tác dụng trực tiếp để giải quyết.
Tuy nhiên có thể bày ra cho từng trẻ một quá trình đi từ trò lắp vào lỗ hõm đến lắp ghép tranh để đứa trẻ có thể hoạt động theo những hướng khác, hoạt động thao tác, sắp xếp không gian chỉ là một yếu tố trong số các yếu tố khác, trong đó có trí tưởng tượng...
Cũng nên cho trẻ hướng vào một kiểu trò chơi lắp vào lỗ hõm với một số tác động cơ học đơn giản, tập cho trẻ một hướng chơi mới.
Khi đứa trẻ khó đi lại và còn hạn chế về mặt cử động, có thể cho chơi các loại đồ chơi chạy pin, điều khiển từ xa, cho chạy trong một khoảng hẹp có để vài ba vật “chướng ngại” (để tránh), có nhiều loại thích hợp với trẻ nhỏ (xem phụ lục).
Các loại trò chơi gợi mở và tìm hiểu, ngoài các thứ trò chơi ghép khối vào lỗ và lắp ghép, còn có những trò chơi ghép tranh, với những miếng ghép bằng gỗ tốt hơn là bằng cáctông, dù dầy. Cho trẻ lắp vào một cái khung có thể dễ lắp hơn và giữ được các miếng đã lắp khỏi bị sai vị trí.
Các miếng lắp làm bằng mút hay chất dẻo mềm, trẻ dễ thao tác hơn và thích hợp với các trẻ không cầm được các vật cứng. Những miếng lắp ghép có loại có núm cho dễ cầm, dễ lắp nhưng núm phải nhỏ, không làm cho trẻ khó nhận biết miếng đó lắp vào chỗ nào.
Các tranh ghép cỡ lớn gồm những miếng lớn, dễ đẩy đi và dễ cầm nhưng trẻ cần có khả năng đưa đẩy được xa và có khi còn phải thay đổi tư thế, xê dịch, mới có thể lắp được một mình. Có thể tránh được điều khó khăn này nếu cho một nhóm dăm ba trẻ cùng lắp với nhau.
Những mẫu tranh ghép này khá dễ tìm cho các trẻ nhỏ cũng vẫn cần cho những
trẻ lớn tuổi hơn nhưng có khuyết tật về vận động. Có những cách giúp trẻ dễ cầm, nắm (xem phụ lục), đồng thời số miếng không nhiều, trẻ có khó khăn về khả năng cấu trúc không gian và dễ mệt vẫn có thể sử dụng được. Hình vẽ của các trò chơi này thường có một vấn đề: việc luyện khả năng thao tác không trùng hợp với mức tiến triển về sự ưa thích của những trẻ khuyết tật về vận động. Thường thường, có thể giải quyết vấn đề này bằng cách dán lên trên các miếng ghép đơn giản, ít miếng, một bức tranh, một bức ảnh có hình thức và nội dung phù hợp với ý thích của trẻ, đã phát triển cao hơn khả năng vận động. Đối với các khối vuông ghép tranh vẽ đặt trong hộp (để chèn chặt khi ghép với nhau) cũng có thể giải quyết như trên.
Các đồ chơi lắp mô hình, các hộp làm thí nghiệm khoa học kỹ thuật đòi hỏi thao tác chính xác hơn, không phù hợp với khả năng sử dụng hai tay của các trẻ này.
* Trái lại, các trò chơi hỏi - đáp có thể sử dụng được khá thích hợp với những trẻ cầm, nắm khó khăn.
Các trò chơi có bàn phím bấm bằng ngón tay có thể sửa đổi phần nào như các phím máy chữ, máy tính (xem phụ lục) để bấm được nhẹ hơn là bấm bằng các ngón tay trực tiếp.
* Những trò chơi quan sát và suy nghĩ gồm có các loại lôtô, đôminô, bộ bài để phân loại và đồ thí nghiệm. Các thứ lôtô, đôminô sẽ nói tới trong mục đồ chơi cho nhóm trẻ. Các đồ thí nghiệm phải thích hợp với khả năng cử động của trẻ. Ngay cả khi trẻ không thao tác được nhưng có người lớn làm cho xem cũng có dịp quan sát và phân tích hiện tượng (nam châm, lò xo, các chuyển động, ...). Cần chú ý là trẻ em có thực sự tham gia bằng cách quan sát và tìm ra những thao tác nào trẻ có thể thực hiện được.
Những trò chơi “nát óc” thường đặt ra một số bài toán về lôgich. Các bộ phận làm bằng gỗ thường khá lớn. Khi ghép các mặt cũng giống như ghép tranh. Khi ghép khối cần biết sắp xếp và thao tác chính xác hơn. Các trò chơi có bộ quân bài nên sửa đổi một chút cho dễ cầm, nắm (có giá đỡ, làm dầy hơn).
* Những năm gần đây, đã có nhiều loại trò chơi trên máy tính, rất thích hợp với
các trẻ bị hạn chế về vận động. Các trò chơi này dễ thao tác và có những bộ phận điều khiển thích hợp với những trẻ yếu về vận động.
Những phần mềm sử dụng trong các trò chơi này nhằm tập luyện cho trẻ về cấu trúc không gian, phối hợp các phản xạ, quan sát, suy nghĩ. Tuy vậy, cần chú ý là chỉ sau khi đã trải nghiệm cụ thể về các quan hệ đa dạng, trẻ nhỏ mới đi vào các trò chơi quan sát và suy nghĩ. Đứa trẻ yếu về thao tác, nếu muốn chơi các loại trò chơi này phải khắc phục được khoảng cách khá lớn giữa hoạt động bị giới hạn, có khi không thực hiện được, và hoạt động thể hiện trên hình vẽ và tách rời nhau. Cần có một giai đoạn thao tác trung gian, điều khiển các vật thực từ xa. Có thể lấy một số thí dụ:
Cho trẻ điều khiển một chiếc xe đồ chơi, cho chạy trong một địa điểm phong cảnh hoặc đường làng, bằng công tắc điều khiển từ xa. Khi đã biết điều khiển trên vật thực, sẽ có thể chơi trò chơi hư cấu, tự cấu trúc không gian và những động tác điều khiển. Có thể dùng lời hướng dẫn kết hợp với chuyện kể để giúp trẻ thăm dò, hướng vào các khái niệm về không gian.
Cũng tương tự như vậy, có thể dùng các phương tiện hỗ trợ bằng kỹ thuật như cần trục điều khiển từ xa, rôbôt biết đi, biết cầm các đồ vật hoặc những phương tiện thao tác qua trung gian nhưng vẫn là cụ thể. Có thể dùng những bộ điều khiển thích hợp cho từng trường hợp như trong các trò chơi trên máy tính...
Đứa trẻ khuyết tật vận động không chỉ cần có những thứ đồ chơi giúp phát triển về mặt giác động và hiểu biết mà còn cần có những cơ hội để phát triển con người, trong quan hệ với mọi người.
* Các con vật bằng lông có đủ các cỡ lớn nhỏ, nặng nhẹ, cứng mềm khá đa dạng có thể tìm được con thích hợp để vuốt ve, bế ẵm. Từ những con lớn ôm bằng hai tay tới cỡ nhỏ tí để vào lòng bàn tay, có thể chọn con vừa với khả năng đứa trẻ bị yếu về cử động đôi tay. Sẽ có khó khăn hơn khi đứa trẻ lại có nhu cầu chơi “giả vờ” làm những công việc nào đó.
* Do có khuyết tật vận động, đứa trẻ không khai thác được hết các trò chơi như búp bê, dụng cụ gia đình, nông trại, nhà để xe... và các dạng đồ chơi thể hiện môi trường hoặc tạo ra một thế giới tưởng tượng, người lớn cần làm giúp những việc mà đứa trẻ yêu cầu. Như vậy là trong mọi lúc trẻ chơi phải có sự giao tiếp và phải biết những khi nào trẻ hoạt động được tốt hơn trong trò chơi nó bày ra. Với cách cho trẻ chơi như vậy, vẫn cần tìm thêm những đồ vật phụ thích hợp với các động tác bị hạn chế của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ yếu tay nhưng cử động chính xác, khi nó không đưa các thứ vào mồm để gặm nữa, cần cho chơi các thứ đồ vật thu nhỏ. Nếu có đứa chỉ cầm được các vật lớn, có thể không dùng các đồ chơi mà cho chơi ngay các đồ vật thật trong cuộc sống hàng ngày.
Nhiều trẻ khuyết tật vận động còn bị hạn chế ít nhiều trong việc giao tiếp bằng lời, như vậy có ảnh hưởng tới hoạt động vui chơi. Trong các trò chơi bắt chước, giả vờ, hư cấu nếu trẻ cử động thân thể khó khăn, không giao tiếp được bằng lời là có thêm một trở ngại, không diễn xuất được đầy đủ chủ đề của trò chơi.
Đối với những trẻ đã sử dụng được máy tính, những phần mềm hư cấu mở ra kiểu trò chơi tượng trưng thể hiện đời sống thường ngày hoặc tưởng tượng.
Loại trò chơi thể hiện các thứ trong môi trường có thể phần nào sửa đổi cho phù hợp với trẻ:
* Các xe cộ chạy pin có thể thay đổi tay nắm điều khiển bằng các kiểu công tắc đặc biệt, tuy nhiên thường là trẻ ít tự chủ được khi chơi.
* Các xe cộ đồ chơi điều khiển từ xa mở rộng phạm vi hoạt động vì không chạy trên đường ray hoặc đường riêng. Ngược lại, khó thay đổi bộ phận điều khiển và thường là trẻ không sử dụng được hết các chức năng.
* Điện thoại di động cũng có những khó khăn trong thao tác, có thể dùng các máy thật cho trẻ chơi. Có loại “mũ bộ đàm” bật máy bằng tiếng nói khi đội vào không phải thao tác gì.
Giao tiếp cũng có thể thực hiện qua các trò chơi sáng tác: nắm được kỹ thuật sẽ có được phương tiện diễn đạt.
* Những đồ chơi ghép cảnh có nhiều loại, nhiều cỡ, có loại đặt các chi tiết lên thảm nền không trượt và có khung bao quanh. Các chi tiết dạng nấm để cắm vào lưới nền có đầu to nhỏ và làm phồng lên một chút, có loại chi tiết ghép vào nền bằng cách ấn tay, hình dáng có góc cạnh, có các nét hình học hoặc thể hiện các hình tượng khác. Có cả các loại dùng nam châm, khá đa dạng. Với các kiểu đồ chơi ghép cảnh này và kết hợp với các phương tiện giữ ổn định, có thể chọn được thứ thích hợp với khả năng thao tác của đứa trẻ.
* Những “con dấu” in hình dễ sửa thêm cho trẻ dễ cầm nắm. Với các trẻ không sử dụng được các công cụ đồ họa thông thường cho chơi các con dấu in hình có thể tạo thành những bức tranh. Trẻ có thể in ghép các hình để sáng tác nhưng các con dấu này phải khá chính xác để có thể đạt được ý đồ thể hiện.
* Các trò chơi đồ họa có bàn, thước chèn và các phụ kiện đa dạng để thực hiện động tác vẽ. Dùng đĩa dao động và bút chì (đứng yên) có thể vẽ thành các đường cong bằng động tác đẩy cho đĩa xoay đi, bóp ống màu trên tờ giấy đang xoay cũng có được các nét vẽ màu...
* Dùng ngón tay (hoặc chân) cũng có thể vẽ được khi bố trí giấy vẽ ở vị trí thích hợp sao cho dù động tác của trẻ có vụng về cũng vẽ được thành nét.
Các trò chơi nặn, đúc khuôn có thể chơi bằng cách ấn bàn tay hay một vật để tạo thành hình lõm, nếu như trẻ không cử động được hai tay để nhào nặn, ép khuôn. Các khuôn hình kèm theo bột nặn tạo điều kiện cho trẻ thể hiện được gần đúng ý đồ của mình khi muốn thể hiện giống thực tế.
Có những bộ đồ nặn đa dạng điều khiển bằng cách xoay, ấn, dễ thao tác, dùng sức mạnh yếu tùy theo độ nhão của bột nặn.
* Các hoạt động bện, đan, dệt thảm cũng là những hoạt động giải trí và phục hồi chức năng cần có sự hỗ trợ thêm.
* Các nhạc cụ gõ (trống, thanh la, đàn gỗ, chuông...) rất đa dạng, tạo ra âm thanh tùy theo khả năng thao tác.
Có những cơ sở để thử nghiệm khai tâm về âm nhạc cho những trẻ khuyết tật vận động nhưng đây đã là lĩnh vực học tập tuy cũng mang lại cho trẻ sự thích thú như trò chơi vậy.
* Các con rối có nhiều dạng khác nhau:
- Loại con rối cổ điển kiểu bao tay đòi hỏi các động tác của cổ tay và các ngón tay phải rất linh hoạt. Loại con rối lồng vào ngón tay có thể dùng để thể hiện nhiều nhân vật mà các động tác của ngón tay chỉ cần mềm dẻo ở mức nào đó. Loại con rối thân bồ đài đòi hỏi phải sử dụng cả hai bàn tay (trừ khi dùng giá đỡ thích hợp).
Loại con rối giật dây kiểu cổ truyền không chỉ đòi hỏi hai tay cử động mềm dẻo mà còn cần phối hợp tốt. Loại con rối điều khiển bằng cần điều khiển hình chữ T không đòi hỏi động tác chính xác và phối hợp khéo mà vẫn rất sống động.
Các loại trò chơi thể thao đòi hỏi khả năng vận động toàn thân khá cao thường có khó khăn đối với trẻ khuyết tật vận động.
* Đối với các trẻ nhỏ ngồi khá vững, nếu không dùng được những loại xe có bàn
đạp, có thể dùng kiểu xe chạy bằng ắc quy để trẻ có thể hiểu biết được về môi trường xung quanh và những người, vật hoạt động trong đó.
Nếu trẻ không thể đạp chân được, không dùng được các kiểu xe đạp có bánh đỡ thông thường, nên dùng loại xe ba bánh đặc biệt để trẻ có thể sử dụng nhiều cách theo nhu cầu về chuyển động, về tốc độ.
* Các loại xe cho chạy bằng hai chi trên và lái bằng chân thích hợp với những trẻ yếu chân. Các loại xe bốn bánh đạp chân là thứ đồ chơi di chuyển rất ổn định.
Có những loại xe đạp đi đạp lại mà không đạp cả vòng, dễ sử dụng hơn đối với một số trẻ.
Khi các loại đồ chơi trên đây không thích hợp, có thể dùng các loại xe có động cơ điện, không đòi hỏi hai chân phải dùng nhiều sức, tuy nhiên cũng phải đạp bàn đạp khởi động, nhấc bàn chân lên và điều khiển tiến - lùi hoặc dùng tay thao tác hộp điều khiển cần có khả năng thực hiện những động tác chính xác.
Đối với mọi loại đồ chơi nói trên đều có cách sửa đổi thích hợp để trẻ dễ điều khiển hoặc ngồi ở tư thế cần thiết (xem phụ lục).
* Bể bơi mở ra một không gian chơi vận động đặc biệt phong phú khi trẻ đã quen với môi trường nước. Các loại phao, vòng nổi, áo cộc tay bơm nước, thắt lưng có lắp những khối “mút” hoặc phao dẹt có lỗ dùng để đỡ đầu trẻ thường rất chắc chắn. Tuy nhiên các phương tiện này cũng hạn chế cảm giác đứng bập bềnh trong nước, là môi trường chuyển động nâng thân mình lên, có thể cảm thấy khi dùng
một số phương tiện khác.
* Một số trẻ có thể không chơi được những trò chơi ném, tuy nhiên có thể để người lớn bế lên và đu đưa để sút bóng hoặc treo một quả bóng mút hoặc bóng cao su lên cho trẻ chơi bóng chuyền. Có thể dùng một quả bóng nhẹ buộc bằng sợi dây chun, một đầu buộc vào cái vợt cho trẻ tập chơi một mình cũng là một trong nhiều cách làm cho trẻ có được cảm giác thích thú khi đánh bóng.
Đã nhiều năm, nhiều tổ chức, đoàn thể quan tâm đến những hoạt động thể thao thích hợp với trẻ khuyết tật vận động, có khả năng cung cấp những thông tin với chủ đề vượt quá giới hạn trò chơi. Tuy nhiên, trẻ ngồi xe lăn vẫn có thể chơi bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, ném bóng trong trò chơi “ki”, phóng phi tiêu...
Với những trẻ khuyết tật vận động mà còn nhỏ hầu như không hoạt động thể chất được, có thể bù lại bằng cách chuyển đổi các trò chơi thể dục thành các trò chơi trên bàn và cũng có những cấu trúc thích hợp để đứa trẻ tuy không tự thân vận động mà vẫn có được những cảm giác gắn liền với chuyển động. Khi không làm được những động tác tầm rộng, trẻ khó cảm thấy cảm giác chuyển động là như thế nào. Nếu đứa trẻ còn bé, người lớn có thể tạo cho nó những cảm giác đó bằng các trò đu đưa, đánh võng, ... không cần dụng cụ đặc biệt, tuy nhiên cần chú ý xem đứa trẻ có khó khăn về vận động, có “sợ” các trò chơi này không.
* Người lớn có thể dùng tấm bạt dầy căng vào khung bằng lò xo, để tạo cho trẻ cảm giác khi người mình nẩy lên. Có thể cho trẻ trượt trên một tấm đệm dốc trong nhồi các hạt nhựa tròn để tập cho trẻ sau này trượt trên cần trượt. Cho trẻ nằm thu
hình trong một cái đĩa xoay để thấy được các vật xung quanh chao lộn như thế nào. Có thể dùng cả thùng lăn để cho trẻ biết được những cảm giác khác nữa.
Những cấu trúc bơm hơi như loại nệm hơi không bơm căng hẳn, khi trẻ nằm lên và cử động sẽ cảm nhận được thân thể mình hoặc khi có những trẻ khác có khả năng vận động khá hơn lay động tấm nệm đó.
Các dạng trò chơi trên máy tính, mô phỏng các trò chơi thể thao cũng giải quyết được một số mặt như các trò chơi quan sát và suy nghĩ.
Đối với các trò chơi nhóm, cần xem xét các giá đỡ sao cho thích hợp với mức khả năng thao tác của trẻ để thực hiện dễ dàng hơn những thao tác cần thiết.
Những quân bài lôtô và đôminô có hình minh họa, làm bằng cáctông, nếu làm bằng gỗ hay chất dẻo, trẻ dễ cầm hơn dù cử động kém chính xác. Quân bài đôminô cỡ lớn 5 ( 10 cm ngày càng dùng nhiều hơn. Những bộ bài lôtô và đồ chơi xếp hạng làm bằng chất dẻo, trẻ xếp trong các khung để giữ cho khỏi xô lệch. Một số kiểu còn có các lỗ hõm để trẻ có vụng về hai tay cũng xếp được.
Các loại bài lá có ngăn đỡ trẻ phải xòe nắm chính xác bàn tay mới cầm được,
phải có thêm các bộ phận đỡ bộ bài, chia bài, trang bài. Ngày nay thường được kèm theo bộ bài lá...
Qua từng năm, sản xuất các loại trò chơi có chủ đề, thao tác đơn giản ngày càng nhiều hơn, trên thị trường, khó phân loại cho hết.
Thực tế, nếu nắm được khả năng hoạt động của trẻ được tới mức nào, sẽ tương đối tìm được thứ đồ chơi có thể cho trẻ sử dụng được phần nào không sợ là trẻ không chơi được. Chỉ cần nhận xét xem thứ đồ chơi đó cần phải gõ, ấn, xoay hay bập bênh, lúc lắc v.v... dùng tay không hay phải có “đồ dùng”? Trò chơi đó yêu cầu trẻ phải khỏe tay, thao tác nhanh hay chỉ cần nhẹ nhàng, mềm dẻo?
Chủ đề của các trò chơi này rất đa dạng, cách chơi phải khá khéo tay, như câu cá, phá tảng băng mà không làm đổ nhân vật đứng trên đó... treo các con khỉ có nam châm hút với nhau mà không làm cho chúng bị rơi xa, xây dựng tháp dễ đổ...
Phải sửa đổi cách chơi và thường phải thay đổi luật lệ chơi một phần nào để khuyết tật vận động của trẻ không còn là một mặt hạn chế mà có thể thành một “ưu thế”.
Những trò chơi này thường có ưu điểm là không mất nhiều thời gian, điều này khá quan trọng đối với các trẻ dễ mệt mỏi, các quy tắc chơi cũng khá đơn giản, dễ cho các trẻ cùng chơi với nhau một, hai cuộc.
Các trò chơi nhóm kiểu cổ truyền thường có bàn (như bàn cờ) và một số các “phụ tùng” nữa, có những loại tạo điều kiện dễ thực hiện những động tác cần thiết (bàn có nam châm, có lỗ, có rãnh, hoặc có chốt để đặt các quân rỗng vào).
Các trò chơi cỡ nhỏ dùng cho các trẻ cử động yếu ớt nhưng khá chính xác, cỡ lớn
dùng cho các trẻ khuyết tật vận động.
Có những loại bàn cờ dùng cho các trẻ vụng tay, kém mắt. Những loại đồ chơi theo hệ thống môđun có thể sử dụng cho trẻ chơi theo nhiều cách. Những thứ đồ chơi kích thước lớn, ban đầu dùng cho những trẻ yếu chân tay, sau này có thể mang dùng trong các buổi vui chơi có đông trẻ tham gia. [1]
[1] Phần cuối này chỉ lược dịch (N.D.)
CÁC DẠNG THIỂU NĂNG TÂM TRÍ
Tuy trước đó không có những biểu hiện rõ rệt về khuyết tật vận động hoặc cảm giác, đứa trẻ thể hiện thái độ phản ứng khá yếu ớt đối với môi trường. Kiểu ứng xử nghèo nàn này cho thấy là trong việc tạo dựng các quan hệ với người và sự vật đã diễn ra hai quá trình:
- Quá trình nhận biết thực tại bị hạn chế về khả năng, phương tiện. - Đứa trẻ chối bỏ cái thực tại đó.
Quá trình thứ nhất cho thấy những dạng thiểu năng về tâm trí, quá trình thứ hai có liên quan tới những dạng rối nhiễu sâu xa trong nhân cách.
Đứa trẻ yếu kém về hoạt động tâm trí
Đứa trẻ này thể hiện nhược điểm không chú ý được lâu vào môi trường tuy các giác quan không bị tổn thương. Nếu nó cử động chân tay vụng về thì cũng chưa hẳn là do bị thiểu năng về vận động.
Hoạt động tâm trí của đứa trẻ này không đủ mạnh mẽ để cảm nhận có hệ thống những cảm giác từ môi trường và để có hành động thích hợp.
Đầu óc muốn tìm hiểu của nó quá yếu hoặc quá phân tán do đó nó không thấy thích thăm dò các nguồn thông tin. Mặt khác, nó khó liên hệ được những gì nó làm với các kết quả sẽ như thế nào, như vậy là nó không nắm được hết các thông tin và cũng sẽ không có dịp để tập luyện những khả năng vận động của mình khi tiếp xúc với các đồ vật và khi hoạt động trong không gian đang sống.
Đứa trẻ tự tỏa (một dạng hoạt động tâm trí đặc biệt)
Đứa trẻ này không quan tâm mấy tới môi trường, có những đặc điểm rõ rệt: không chỉ do thiếu khả năng chăm chú, thiếu thích thú, yếu ớt mà chủ yếu là phạm vi chú ý của nó bị thu hẹp một cách đặc thù. Hầu như nó chỉ nhận thức được một số
mặt hoặc một số nét của môi trường, trong cơ chế nhận thức của nó hình như có một số “bộ lọc” giảm bớt những cảm giác đa dạng. Ngay từ bước chọn lựa thông tin, nó cũng đã khác, hoạt động của nó nhằm đặt ra những hàng rào ngăn cách với môi trường mà không nhằm đi vào môi trường để nắm lấy một cách hài hòa.
Đứa trẻ thiểu năng tâm trí
Nó bắt đầu biết chơi chậm hơn các trẻ khác và các trò chơi của nó không đa dạng. Như vậy, tình trạng chậm biết nói chung trong cách sử dụng đồ chơi gắn liền với mức chậm tiến triển về tâm trí.
Tuy nhiên, nếu tình trạng thiểu năng chưa đến nỗi quá nặng, khi trẻ lớn hơn một chút, có thể cho chơi những thứ đồ chơi “gợi mở” của trẻ bình thường ở tuổi nhỏ hơn; nên chọn những thứ có màu sắc tương phản rõ ràng và kết hợp nhiều dạng kích thích cảm giác, xúc giác, thị giác, thính giác... Nếu trẻ khuyết tật nặng, càng cần tìm kiếm thứ đồ chơi gây phản ứng mạnh, dù là chỉ trong phút chốc, phù hợp với ý thích của trẻ mà ta đã nhận xét thấy.
Đứa trẻ thiểu năng trí tuệ thường cử động vụng về cần cho chơi những thứ đồ chơi của trẻ bé trong một thời gian dài hơn để trẻ có thể biết chơi những đồ chơi vận động, nhất là những thứ phải chơi bằng hai tay.
Có thể cho trẻ chơi các đồ chơi vận động trước khi cho tập di chuyển đi lại:
* Những lúc thay quần áo, tắm rửa cho trẻ là dịp tập cho trẻ cử động, áp thân mình vào người lớn, bằng những vật dụng như nước tắm, bọt biển, những đồ chơi thả trên mặt nước. Cần luyện cho trẻ thao tác để tạo cảm giác nội tâm bằng những
động tác chân tay, đu đưa, giữ thăng bằng ở nước mà trẻ không đến nỗi sợ.
* Có thể cho trẻ chơi các trò chơi thao tác, các cỡ bóng to nhỏ, các thùng lăn, chui, các trò chơi bập bênh.
* Khi trẻ đã biết phối hợp động tác (dù là chưa biết đi) có thể cho chơi các thứ xe đi. Các loại xe bình thường có thể quá nhỏ so với tầm vóc của trẻ, cần tìm những kiểu đặc biệt hoặc dùng xe ba bánh loại thường nhưng lúc đầu nên tháo bỏ bàn đạp ra. Những thứ đồ chơi chơi bằng hai tay nên chọn thứ dễ cầm và thao tác đơn giản. Những trò chơi giác - động là những thứ trò chơi giáo dục đầu tiên, dựa vào các dấu hiệu cảm giác, làm bằng gỗ có sơn màu hoặc bằng chất dẻo, hình dáng đơn giản và khá to thường dùng cho các trẻ bé, cũng có thể dùng cho các trẻ lớn hơn mà chậm không vì vẫn thích hợp với chúng. Các trò chơi này là các kiểu chơi lắp vào lỗ, chắp vào nhau, xếp hình, xâu hạt.
Đứa trẻ chậm khôn phải qua nhiều giai đoạn mới có thể nhận ra nét tương ứng giữa hai vật lắp vào nhau, so với trẻ bình thường thì lâu mới nhận biết khi phải thao tác để đáp ứng yêu cầu xếp, lắp, phải tìm hiểu lâu hơn, chưa nói đến là phải cho khớp nhau về hình học.
Như vậy nên cho lắp các vật vào lòng khuôn rộng hơn, không phải ướm, lựa, có thể dùng trước hết là các “hộp thư” nắp có lỗ khá rộng bỏ đồ vật hình gì vào cũng được (hình hình học, đồ chơi nhỏ, tượng nhỏ...), các đồ chơi này rất dễ làm.
* Đứa trẻ có thể chơi rất lâu các thứ trò thăm dò “địa hình” như chui ra chui vào một “đường hầm”, một cái lều vải, một cái hòm cáctông to, xem xét bên ngoài và bên trong các đồ vật và đồ chơi rỗng, đổ đi đổ lại các hạt, nước từ bình này sang bình khác.
Trẻ chậm khôn khó nắm được các đặc điểm của các đồ vật, các hiện tượng, các hoạt động. Cần có nhiều thứ để cho nó chú ý và gợi cho nó ý muốn tìm hiểu các nguồn kích thích, có nhiều thứ đồ chơi đạt được yêu cầu đó. Đứa trẻ này thường vừa ham thích, vừa tản mạn bỏ cái này, lấy cái kia, cần chọn những thứ hấp dẫn nó nhiều nhưng không lâu. Nếu nó tỏ ra có ý hướng riêng vào một số thứ, cần chiều theo ý nó nhưng cũng gợi cho nó chơi các thứ khác nữa.
Để cho trẻ chú ý, có thể dùng các thứ đồ chơi tạo nhiều loại cảm giác và luyện tập nhiều động tác, tạo điều kiện quan sát nhưng có lúc cũng nên cho chơi một thứ đồ chơi cần xem xét có hệ thống hơn, chọn thứ đồ chơi có thể “phân tích” để giúp trẻ tìm hiểu đến nơi đến chốn, để nắm được tính chất của các hiện tượng riêng lẻ và tập làm thử, sắp xếp.
Tuy nhiên không nên tạo cho trẻ cảm giác là kỹ năng đã luyện được là chỉ dùng trong thứ đồ chơi đó mà cần tạo cho trẻ khả năng phát hiện để vận dụng kỹ năng đó vào các thứ đồ chơi khác nữa.
Cần tìm loại đồ chơi “tổng thể” không làm cho trẻ bị phân tán quá khi tập phát hiện, cũng cần thiết khi muốn tạo cho trẻ cơ hội vận dụng kỹ năng đó vào các đồ chơi khác hoặc mang các kỹ năng đã nắm được riêng rẽ, kết hợp lại với nhau.
Cần có những sửa đổi thích hợp để bù vào mức chênh lệch về tuổi và nhằm vào những ý thích riêng của trẻ. Thí dụ: một đứa trẻ chậm khôn 12 tuổi chỉ ghép được tranh cắt thành dăm ba miếng thì đối với nó, hình vẽ trên tranh dùng cho trẻ còn rất nhỏ sẽ không thích hợp vì nó cũng đã biết chú ý đến những gì ở xung quanh mình. Như vậy, nên thay bằng tranh vẽ ngày hội, cuộc đua xe, hoặc bức ảnh chụp ngôi nhà nó ở, chân dung một người thân của nó, v.v...
Đứa trẻ thiểu năng trí tuệ nhận biết và phân loại các tính chất của mọi thứ một cách khó khăn và cũng chậm ý thức được mình có thể sử dụng hoặc tác động lên các đồ vật như thế nào.
* Một số thứ đồ chơi có thể giúp đứa trẻ nhận biết kết quả việc mình đã làm, thấy thích thú vì đã làm được như vậy: ném bóng, kéo đẩy các xe nhỏ, chơi các đồ chơi có máy móc trông rõ như các máng bỏ bi, bánh xe răng, nặn đất, bột... các đồ chơi phát tiếng kêu: đàn gỗ, trống... hoặc các thứ hộp có chứa các vật phát âm thanh (lục lạc) hoặc các thứ đồ chơi điện tử phát tiếng động, ánh sáng, v.v...
* Có những loại đồ chơi tập xếp theo một chuẩn nào đó (hình dáng, màu, độ lớn) các đồ chơi phân loại theo độ lớn nên đưa trước cho trẻ những cỡ lớn nhất và nhỏ nhất, sau đó đưa tiếp những cỡ trung gian.
Khi cho trẻ chơi các đồ chơi chọn lựa, xếp loại, xếp theo nhóm sở hữu, ... và tập phân chia từng loại cũng cần chia ra từng bước và có thể cho trẻ tập nhận ra các mối liên quan nhằm vào một hoặc nhiều tiêu chuẩn: bảng có hàng, cột, biểu đồ v.v...
* Khi cho chơi những trò chơi sáng tạo sẽ thấy rõ là đứa trẻ chậm khôn có khó khăn tới mức nào khi phải liên hệ giữa vật làm hoàn thành với toàn bộ quá trình cần thiết để làm ra, như vậy cần có được những dự kiến tự nghĩ ra hoặc theo lời hướng dẫn và thực hiện được có kết quả.
Ban đầu có thể cho trẻ tô màu, tập vẽ, tập lắp ghép (chồng lên, dán) hoặc dùng
tay hoặc bằng các trò chơi điện tử dễ thao tác hơn. Đồng thời cũng cho chơi các loại hình ghép, các khối ghép hình hình học để ghép theo mẫu hoặc ghép theo nhiều cách khác nhau.
* Những loại đồ chơi dựng hình rất cần để phát triển đầu óc tư duy, có chỗ khó đối với trẻ chậm khôn là phải hình dung được mối liên hệ giữa đồ vật hoàn thành và các bộ phận dùng để ghép thành đồ vật đó. Cần chia ra từng bước, bắt chước mẫu mà người lớn ghép cho xem sau đó tập ghép lại để tiến tới ghép theo mẫu trên hình vẽ. Cần có nhiều hình vẽ cho từng bước sau đó mới có thể dùng những hình chỉ dẫn ngắn gọn hơn vì vậy, các đồ chơi mua về cần bổ sung thêm các hình hướng dẫn.
Trong lĩnh vực các trò chơi có luật chơi (thể thao, trò chơi nhóm) cũng có vấn đề khó khăn cơ bản như trên: phải phân tích rõ các yếu tố trong từng tình huống.
Đứa trẻ chậm khôn còn có một vướng mắc khác nữa là khó thể hiện đầy đủ con người mình như các trẻ khác mà trong một thời kỳ nào đó còn có thái độ duy kỷ, không hiểu được tính chất xã hội trong những luật chơi đơn giản nhất như “đến lần ai” chẳng hạn.
* Các trò chơi thể thao, chơi tập thể giúp trẻ hòa nhập được tương đối dễ và chóng tiến bộ dù rằng đòi hỏi ở đứa trẻ phải hiểu vai trò của mình, hiểu và chấp nhận vai trò của các bạn khác, trong khi chơi không chỉ nghĩ về mình, chỉ muốn mình “thắng” luôn luôn. Điều quan trọng là cũng cần giải thích cho các trẻ cùng chơi về mức chênh lệch giữa chúng và đứa bạn còn chưa được phát triển như chúng.
Các trò chơi nhóm, dù đơn giản nhất, cũng có những vấn đề tương tự nhưng áp dụng vào các tình huống đã tượng trưng hóa, kém cụ thể, nên thành quy tắc chơi.
Trong mọi trường hợp cần phân chia quy tắc chơi ra nhiều quy tắc nhỏ cho trẻ luyện tập quen rồi mới đi vào kết hợp các yếu tố đã nắm được. Nếu chỉ nói miệng thường ít có kết quả, cần phải thao tác mẫu và nhất là có người lớn cùng chơi.
Cách chơi này dựa vào kiểu chia nhỏ thao tác, luyện tập bằng cách rút kinh nghiện đúng/ sai, ít khi áp dụng được vào các trò chơi chiến lược, đòi hỏi phải biết suy luận, nói chung, cần đến tư duy lôgic, tuy rằng ngày nay cũng đã đưa ra các loại
trò chơi này cho các trẻ nhỏ.
Có thể sử dụng những trò chơi nhóm có luật chơi đơn giản.
* Những trò chơi cảm xúc như búp bê, gấu lông... không cần có thêm các đồ chơi khác nhưng người lớn cần chọn sao cho trẻ có thể nhận thức được khá gần với thực tế.
* Những trò chơi bắt chước và trò chơi tưởng tượng đòi hỏi khả năng tượng trưng hóa, cần phải nâng dần từng mức vượt dần lên trên thực tế.
Có thể tập cho đứa trẻ chậm khôn lặp lại những hoạt động trong đời sống hàng ngày, cần có những đồ vật rất hiện thực, dùng trong đời sống thực hoặc sau này mô phỏng cho giống. Thí dụ không cần cho chơi một hộp các đồ bách hóa thu nhỏ mà nên cho chơi những hộp không trước đó đựng các thứ dùng trong nhà bếp hoặc trẻ đã trông thấy khi cha mẹ dắt đi mua bán. Các vật trong môi trường như xe cộ, nhà cửa, đồ đạc, người vật, trang trại, v.v... nên chọn các mẫu thu nhỏ giống như thật.
Đứa trẻ chậm khôn thường còn “bám chặt” rất lâu vào cái cụ thể và khả năng tượng chỉ ở mức nào đó. Các đồ chơi là hình ảnh của những gì cụ thể cũng đã có một khoảng cách, là một giai đoạn quan trọng để đứa trẻ phát triển về nhận thức.
Đứa trẻ tự tỏa
Nếu ta quan sát bên ngoài thì thấy là một đứa trẻ loạn tâm hay tự tỏa, có những rối nhiễu sâu xa về nhân cách, cũng giống như đứa trẻ chậm khôn, ít hoạt động và hoạt động kém đa dạng so với các trẻ khác: không ngó nhìn mọi người mọi vật, hai tay ít hoạt động.
Tuy nhiên, trong cách hoạt động lờ đờ đó cũng có những điểm khác biệt: có thể là đứa trẻ này cũng chú ý đến một cái gì đó nhưng là do tác động của người khác hoặc do cái đó có một đặc điểm nhất định. Đứa trẻ chọn lấy vật đó, không thăm dò tìm hiểu mà bao giờ cũng chỉ chơi bằng cùng một cách, đôi khi rất khéo léo mà nó ít thể hiện ra ở mọi lúc khác và lúc nào cũng chỉ chơi như thế: cọ xát, đu đưa, xoay vần luôn lặp lại một kiểu. Thực ra, đồ vật mà đứa trẻ mân mê không phải là coi như đồ chơi, là phương tiện để nắm hiểu “thế giới” mà coi nó như một hàng rào ngăn cách mình với môi trường xung quanh mà không phải là nhằm đi vào một quan hệ tích cực với môi trường đó.
Trong những trường hợp nặng hơn, đứa trẻ này không thể nắm được thực tế hoặc chỉ nắm được một số mặt vụn vặt và do đó không thể chơi thực sự với các đồ vật đó.
Về trí lực, không thể cho là nó không có trí khôn hoặc thiểu năng, chậm khôn như những trẻ thiểu năng trí tuệ: nó không vận dụng các khả năng này hoặc đôi khi chỉ vận dụng tùy lúc, không phát triển được và cuối cùng sẽ trở thành quá yếu kém tới mức giống như đứa trẻ thiểu năng nghiêm trọng.
Các trẻ bình thường thích những vật mềm (vải, gấu lông) gọi cảm giác tiếp xúc, thân thương. Theo lý giải phân tâm học, vật đó tượng trưng cho người mẹ và tuy vắng mặt, coi như tiếp tục có mặt ở đó nó là cái cầu giữa trạng thái cộng sinh với người mẹ và thế giới bên ngoài. Winnicott đã gọi đó là vật chuyển giai đoạn; Gutton gọi là đồ chơi chuyển giai đoạn và có trước mọi thứ đồ chơi khác.
Đứa trẻ tự tỏa không có đồ chơi chuyển giai đoạn. Một số trẻ có một vật cứng rắn (bằng nhựa, kim loại) hình như không có vai trò nói trên mà trái lại, chỉ hình thành những động tác rập khuôn để đứa trẻ thu mình vào trong đó, gắn liền bản thân với các động tác đó. Vật đó (cũng có thể là một cái đồ chơi nhỏ) đã được gọi tên là vật tự tỏa.
Trong các điều kiện này, khó mà nghĩ đến việc làm cho nó vui chơi vì rằng nếu người lớn can thiệp vào nó sẽ lẩn trốn hoặc chống lại, người lớn vấp phải thái độ thờ ơ và cảm thấy rõ nhất là không làm cho đứa trẻ khá hơn lên.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vẫn có khả năng giải quyết. Điều kiện đầu tiên là người lớn phải chấp nhận cách ứng xử kỳ dị và gây “khó chịu” đó và phải hiểu là trong quan hệ con người và trong vui chơi sẽ luôn luôn có những lúc dao động giữa các thái độ tham gia và co mình lại, chơi và không chịu chơi.
Khi chọn đồ chơi cho trẻ tự tỏa, trước hết phải có sự ướm thử nhằm mục tiêu đầu tiên là làm quen, gây tin tưởng phần nào, tạo mức quan hệ tối thiểu qua mắt nhìn. Xuất phát từ hoạt động tự phát của trẻ, dù là kỳ lạ, ta cần tìm cách tạo dựng quan hệ bắt chước sau đó sẽ mở rộng thêm, đưa các đồ chơi mà rồi trẻ cũng sẽ chỉ chơi tới
mức nào đó.
* Hoạt động của chính thân thể của trẻ cũng cần có sự chuyển tiếp, dù là tạo ra của các đồ vật đã tác động vào và phải có “dư âm” của những trò chơi nhóm đầu tiên trong đó qua kiểu bắt chước lẫn nhau, trẻ thấy thích cùng chơi, nhằm làm cho trẻ quen với cái “thú đã làm được” cái gì đó.
Hoạt động của trẻ không phải chỉ cần cử động chân tay mà phải có các đối tượng vật chất để đứa trẻ tập tác động vào để làm chủ và phải có một môi trường sống động dù là rất hẹp (có người thân, có bạn khác).
Cho trẻ tự tỏa chơi các đồ vật không phải theo chức năng thông thường (của đồ vật đó) cần phải khuyến khích bằng các chơi trò bắt chước, lúc đầu là đúng hệt và sau đó có thay đổi chút ít.
* Về mặt nói năng, dù ngôn ngữ của đứa trẻ nghèo nàn và hay lặp lại, cũng còn là một thứ trò chơi để người lớn cũng nhắc lại đúng như trẻ nói và sau đó, thay đổi tùy ý. Trước khi thử làm giầu thêm vốn ngôn từ của trẻ, ta nên coi đó là một công cụ mà đứa trẻ tập làm chủ và nó có thể dùng lời nói để đùa vui hơn, dễ dàng hơn là theo ý muốn trao đổi về một điều gì.
* Những trò chơi xã hội hóa đầu tiên, như đã nêu trên, có nhiều khó khăn cần vượt qua, mở ra thế giới xung quanh, đi vào trò chơi của các trẻ khác. Điều này cần qua một thời gian tập dượt khá dài để đứa trẻ có thể đi từ chỗ chỉ đứng xem, có vẻ như thờ ơ đến chỗ rụt rè bước vào tham gia trò chơi của các trẻ khác.
* Những trò chơi có luật lệ, sau khi trẻ đã biết luật, có thể trở thành những bức tường ngăn cách khác.
Luật chơi tạo điều kiện tương tác dễ dàng hơn và cũng ngăn chặn những điều bất ngờ trong quan hệ với trẻ khác. Nhờ có luật chơi, đứa trẻ không cần tự mình sắp xếp cái thực tại và tránh cho trẻ khỏi gặp những diễn biến không ổn định trong trò chơi sống động.
*
Việc lập ra một chương trình luyện tập cho đứa trẻ tự tỏa biết chơi là một công cụ rất cần thiết để giúp trẻ mở mang thêm phạm vi hoạt động, phát hiện nhằm đạt mức biết tượng trưng hóa, là cách chơi đích thực. Trong bảng dưới đây, các cột mốc để theo đó quan sát và tiến hành việc tập luyện cho trẻ, chia thành ba cột:
- Cột thứ nhất là những gì quan sát được ở đứa trẻ không có vấn đề.
- Cột thứ hai dùng để ghi những đặc điểm của hoạt động của đứa trẻ bị rối nhiễu.
- Cột thứ ba ghi những điều rút ra được từ hai cột đầu, những cách kích thích đặc biệt sẽ là nội dung của chương trình luyện tập.
Trong thí dụ này, chỉ nêu những dữ liệu chung, cần được cá biệt hóa đối với từng trẻ. Cách làm này có thể áp dụng vào các dạng hoạt động khác. Bảng này quan trọng ở chỗ là có thể dùng để theo dõi một hướng tiến hành hỗ trợ (có điều chỉnh khi thực hiện) hoạt động chơi có những mặt không thống nhất và chọn trong các thứ đồ chơi hiện có, những thứ nào có thể chấp nhận, để khơi dậy cái hứng thú của đứa trẻ tự tỏa.
ĐỨA TRẺ KHUYẾT TẬT NHIỀU MẶT
Từ ngữ khuyết tật nhiều mặt thường dùng để chỉ những đối tượng chậm khôn nặng đồng thời cũng có những khuyết tật về giác quan hoặc vận động.
* Đối với các trẻ khuyết tật nhiều mặt
Muốn khơi dậy hứng thú chơi cho các trẻ này, trước hết phải có cách khuyến khích như sẽ nói trong phần sau (tiếp xúc với người khác, gây cảm giác) và cần có nhiều thứ đồ chơi.
Trong các bảng cuối chương này sẽ nêu những đặc điểm thể hiện mối liên quan giữa khuyết tật về trí tuệ và khuyết tật vận động nhằm vào các mặt khác nhau của khả năng vận động chung, phối hợp hai tay và động tác cầm, nắm liên quan với những mức chậm khôn nặng nhẹ, đề xuất cách chọn đồ chơi thích hợp.
* Đứa trẻ khuyết tật nhiều mặt và thiểu năng nặng về nghe nhìn
Khó có thể làm cho đứa trẻ này thích chơi: nó ít phản ứng (hoặc không phản ứng) với tiếng động, không nhìn đến cái gì, không nhìn vào mắt người lớn. Khó làm cho nó để ý đến mọi cái quanh mình, tuy nhiên nếu nó vẫn biết cử động, cảm thấy được khi tiếp xúc với người, vật thì vẫn có thể giải quyết được. Nó có các giác quan (ngửi, nếm, sờ mó) rất gắn liền với khả năng cảm xúc. Trong những lúc cho ăn, tắm rửa có thể tạo ra những hoạt động cho nó cảm thấy thích thú. Trước khi dùng tới các thứ đồ chơi, tập cho đứa trẻ cử động chân tay để có được những cảm giác gắn liền với các động tác. Cũng cần cho trẻ ngửi các mùi, nếm các thứ, sờ mó những vật nhẵn, mềm, xù xì, nóng, lạnh làm bằng những chất liệu khác nhau, có hình dạng tròn trĩnh hoặc có góc cạnh...