"
Dạy Con Trong Hoang Mang Tập 2 PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dạy Con Trong Hoang Mang Tập 2 PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
THƯ BAN BIÊN TẬP
G
ần 60 bài báo và phóng sự truyền hình, hơn 200.000 lượt người tiếp cận các bài nói chuyện, hơn 1000 bài đăng trên Facebook, hàng trăm ảnh chụp gửi về, hàng trăm lời cảm ơn, hàng trăm đề nghị viết Dạy con trong hoang mang” 2 từ fanpage Dạy con lối nào và Facebook của ekip thực hiện.
Sự yêu quý và chia sẻ của độc giả là niềm hạnh phúc của ekip, nhưng cũng là áp lực lớn về mặt thời gian sản xuất cho Dạy con trong “hoang mang” 2. Nhưng rồi “thuận duyên thì tới”, sách cũng đã có thể đến tay quý bạn đọc vào những ngày cuối năm 2017.
Ban Biên tập Anbooks mến gửi lời cảm ơn sâu sắc đến quý bạn đọc, những anh chị chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, đã chia sẻ, giới thiệu để cuốn sách lan xa đến bạn đọc trên khắp cả nước. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn anh Nguyễn Quang Thạch, người đã kết nối tác giả Lê Nguyên Phương với Anbooks, ủng hộ rất nhiều cho cuốn sách này. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn đến các anh chị trong nhóm Sách Hóa Nông Thôn đã mua sách với số lượng lớn, tặng cho hàng trăm độc giả, và ghi nhận lại những phản hồi xúc động của người được tặng. Chúng tôi cũng đặc biệt cảm ơn đến tất cả độc giả, bằng những cách thật đẹp, các anh chị đã mang thông điệp Chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ lan ra khắp nơi, như cánh bồ công anh tri thức nhẹ nhàng tỏa lan khắp Việt Nam.
Chúng tôi biết ơn từng bài đăng trên Facebook, từng tấm ảnh, từng nút chia sẻ của quý bạn đọc trên fanpage Anbooks – Tri thức không biên giới, Dạy con lối nào và Facebook cá nhân của tác giả Lê Nguyên Phương cũng như của ekip. Chúng tôi thật sự hạnh phúc vì có được những độc giả đáng quý, những tình cảm đáng quý này.
Chúng tôi cảm ơn các anh chị phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đã chia sẻ tinh thần và động viên ekip rất nhiều!
Một công ty sách còn non trẻ và ít nhân sự, chúng tôi không tránh khỏi thiếu sót, chưa hoàn thiện trong quá trình sản xuất hay tương tác với quý độc giả. Chúng tôi rất mong nhận được phản hồi, đóng góp của quý bạn đọc để có thể làm tốt hơn trong những lần kế tiếp.
Trong cảm xúc bồi hồi nhưng hân hoan của những ngày cuối năm này, chúng tôi trân trọng và thương mến gửi đến quý độc giả một nỗ lực của tác giả Lê Nguyên Phương, một thông điệp về hành trình chuyển hóa chính mình, để cùng con lớn lên một cách trọn vẹn, hạnh phúc.
Đó là cách mà chúng tôi gửi thương yêu đến các mái ấm Việt Nam, dù đơn lẻ hay đủ đầy, dù thành thị hay nông thôn, dù hai, ba hay nhiều thế hệ cùng chung sống.
Một lần nữa, cảm ơn quý độc giả thật nhiều!
Ban Biên tập Anbooks
VỀ TÁC GIẢ
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận bằng Thạc sĩ Tâm lý Giáo dục và chứng chỉ hành nghề Tâm lý Học đường tại Đại học California State Long Beach (CSULB) và bằng Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California (USC). Tiến sĩ cũng đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp Chánh niệm Nhận thức [Mindfulness-Based Cognitive Therapy và chứng chỉ cao cấp liệu pháp Thân nghiệm [Somatic Experiencing].
Hiện nay, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là Chuyên gia Tâm lý Học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm lý Học đường tại Đại học Chapman. Trước đây, Tiến sĩ là giảng viên bộ môn này tại Đại học California State Long Beach (CSULB). Tiến sĩ đã dạy các lớp lý thuyết về học tập và động lực học tập, can thiệp và tham vấn trong môi trường đa văn hóa, và giám sát thực tập sinh viên ngành Tâm lý Học đường.
Tiến sĩ Lê Nguyễn Phương đã hành nghề Tâm lý Học đường từ năm 2002 tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học. Tại các trường này ngoài việc phục vụ học sinh trong chương trình giáo dục đặc biệt dành cho học sinh tự kỷ, chậm trí, có rối loạn về cảm xúc, và khuyết tật khả năng học tập, Tiến sĩ còn chịu trách nhiệm điều hành các chương trình tham vấn nhóm, tổ chức tổ can thiệp khủng hoảng, và cung cấp dịch vụ tham vấn cá nhân cho nhiều học sinh với nhiều rối loạn và mức học lực khác nhau bằng các liệu pháp Nhận thức Hành vi, Giải pháp Tập trung, Thân nghiệm, và Chánh niệm.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương từng là thành viên của Hội đồng điều hành của Hội Tâm lý Học đường Long Beach [Greater Long Beach
Association of School Psychologists] và của Ủy ban Xét duyệt Nghiên cứu cho Giải thưởng Kỷ niệm Michael Goodman, thuộc Hiệp Hội Tâm lý Học đường California [California Association of School Psychologists].
Năm 2011, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã vinh dự là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế Kiệt xuất [Outstanding International School Psychology Practice] của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) (tham khảo http://www.ispaweb.org/about-ispa/ispa-awards/ và http://www.ispaweb.org/about-ispa/ispa-awards/the-ispa-award-for
outstanding-international-schoolpsychology-practice/)
Trong các năm qua, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã về Việt Nam nhiều lần để tham gia các hội thảo chuyên ngành, cũng như giảng dạy trong các khóa tập huấn các kỹ năng Tâm lý Học đường cho giảng viên các trường đại học và chuyên viên hành nghề. Năm 2012, Tiến sĩ được mời về dạy lớp Tổng quan Tâm lý học bằng Anh ngữ cho sinh viên trong chương trình điều dưỡng tiên tiến của Đại học Y Hà Nội. Năm 2014, Tiến sĩ đã về làm việc tại Đại học Sư phạm Huế với tư cách chuyên gia Fulbright do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ trong hai đề án Cẩm nang Hoạt động Trung tâm Tham vấn & Dịch vụ Giáo dục Đặc biệt và Mô hình Nhận diện Khuyết tật Khả năng Học tập. Ngoài Việt Nam, Tiến sĩ cũng đã tham gia các hội thảo ở Hoa Kỳ và các nước với các tham luận về xây dựng ngành Tâm lý Học đường trên thế giới và liệu pháp Chánh niệm Nhận thức trong điều trị chứng trầm cảm.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam [Consortium to Advance School Psychology in Vietnam - CASP-V] vào năm 2009. Tổ chức này hiện nay là một tổ chức bất vụ lợi có đăng ký tại bang California, Hoa Kỳ cho hoạt động quốc tế của mình với tên mới là Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường - Quốc tế [Consortium to Advance School Psychology-International, CASP-I]. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương
đã đảm nhiệm lãnh đạo tổ chức này với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong nhiệm kỳ 2015 – 2016.
Tháng 6-2017, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương ra mắt Dạy con trong “hoang mang”, sách do Anbooks và Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
LỜI MỞ ĐẦU
Bạn đang cầm trên tay cuốn Dạy con trong “hoang mang” 2. Cuốn 2 ra đời chỉ sau cuốn 1 trong vòng nửa năm, một phần vì còn có nhiều đề tài mà tôi đã không có cơ hội đề cập trong cuốn 1, phần nữa vì có yêu cầu của nhiều bạn về các vấn đề khác trong việc nuôi dạy con trẻ.
Nhiều tác giả nghĩ cuốn sách là tài sản, là đứa con tinh thần của riêng mình. Sau nhiều cơ hội tiếp xúc với độc giả, tôi lại thấy tác phẩm của mình thật sự là đứa con của cả mình và độc giả. Có nhiều bài trong cuốn 2 này lại là những vấn đề do các bạn độc giả đặt ra, chẳng hạn bài Thiên đàng đổ vỡ, Sau lời chia tay, Trong nỗi cô đơn, hay Áp lực phục tùng chẳng hạn. Nếu không có sự đón nhận nồng nhiệt của các bạn - Anbooks cho biết đã in 12 ngàn bản trong vòng 2 tháng, và đặc biệt là những phản hồi cho thấy cuốn sách đang được trở thành một phần tâm thức cá nhân và gia đình của các bạn, chắc chắn tôi cũng sẽ ngần ngại khi đặt bút thảo cuốn 2 này.
Trong cuốn 2 này, có một số chủ đề, tôi lại tình cờ viết đến 2-3 bài. Có lẽ vì quá nhiều điều cần nói mà một bài không đủ hay những chủ đề đó vẫn còn là nỗi ám ảnh của người viết về quá khứ và những người thân của mình. Trong bài Áp lực phục tùng và Lạc lõng giữa sân trường, tôi viết về quan hệ của con trẻ với bạn bè. Loạt 4 bài Buồn ơi chào mi, Trong nỗi cô đơn, Đối diện quỷ dữ, và Những vết thương lòng viết về những cảm xúc hay sức khỏe tâm thần của tuổi trẻ gồm trầm cảm, cô độc/cô đơn, giận dữ, và chấn thương tâm lý. Đặc biệt bài Sư nhỏ đứng dậy cũng nói về cảm xúc nhưng giới thiệu một thái độ đối diện cảm xúc đặc trưng của tinh thần bình thản trải nghiệm để vượt khó, một đặc tính trong tinh thần Á Đông. Riêng bộ ba Mẹ là Thượng đế, Con là chân sư và Cha, người dẫn đường đặt lại vai trò và ý nghĩa của cha mẹ đối với con cái và ngược lại.
Khi viết bộ Dạy con trong “hoang mang”, điều mong muốn duy nhất của tôi là thế hệ con cháu của chúng ta không phải gánh chịu những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Khổ đau đó một phần vì những vô minh của thế hệ đi trước, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”, nó cũng là hậu quả của những vô minh của chúng ta, những di sản mà với tinh thần trách nhiệm, chúng ta phải thừa nhận và cùng bắt tay nhau để giải quyết. Và chúng ta chỉ có thể giải quyết những di sản đó khi thân tâm chúng ta được chuyển hóa để có thể sống mỗi ngày mỗi “sáng suốt, định tĩnh, và trong lành” hơn.
Có một câu thơ của thế hệ cũ đã ám ảnh tôi 35 năm nay: “Đường hy vọng nếu ta về quá chậm/ Đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ”. Nhìn lại để hóa giải những nội kết và chấn thương của đời mình chắc hẳn không dễ dàng gì vì cũng đau đớn lắm, nhưng nỗi đớn đau sẽ còn lớn hơn khi chúng ta thấy con cháu của mình lại tiếp tục gánh chịu hậu quả của những vô minh này. Quả thật những chương sách của tôi có vẻ mang đầy nỗi khổ đau, nhưng tôi tin rằng nó cũng chính là con đường hy vọng để chúng ta và con trẻ chứng nghiệm hạnh phúc của cõi nhân sinh này.
Cám ơn các bạn đã đồng hành cùng tôi qua Dạy con trong “hoang mang” và nay là Dạy con trong “hoang mang” 2. Mong cuốn sách này sẽ chữa lành cho cả tôi lẫn các bạn.
Lê Nguyên Phương
MẸ LÀ THƯỢNG ĐẾ
B
uổi chiều, ngoài công viên không thiếu những bố mẹ chơi đùa cùng con nhỏ, những bé trai bé gái trong quần áo đủ màu sắc. Mấy đứa lớn thì leo trèo đu trượt nơi bộ đồ chơi giữa sân cát. Mấy đứa nhỏ thì chập chững tập đi bên cạnh mẹ, miệng bi bộ. Ngay cả những đứa đang ngồi trong lòng mẹ cũng huơ tay múa may chỉ trỏ. Một chú mèo hoang đang uốn éo trên thảm nắng vàng cuối ngày trải dài cạnh những hàng cây không xa. Con bé ngồi với mẹ ở băng ghế bên cạnh tôi nhảy chồm chồm lên chỉ vào con vật: “Chó, chó”. Bà mẹ cười lớn cúi xuống hôn vào tóc con bé rồi nói: “Không, không phải chó, con mèo, mèo. Chó kêu gâu gâu; mèo kêu meo meo. Mèo dễ thương”. Con bé thoáng ngước nhìn mặt mẹ rồi quay lại nhìn con mèo la lớn: “Mèo, mèo”. Quả thật rất thú vị khi quan sát tương quan giữa bà mẹ và đứa con trong tiến trình khai mở tri thức của một con người đang chuẩn bị bước vào cuộc sống.
Mẹ quả là người khai tâm đầu tiên cho con, giúp con phân biệt vạn vật chung quanh. Theo Jean Piaget, nhà Tâm lý học Thiếu nhi người Thụy Sĩ, khi nhìn thấy và được mẹ dạy tên gọi con mèo, con trẻ cũng sẽ gọi “con mèo” khi thấy con chó lần đầu tiên. Trẻ chỉ biết điều chỉnh cách gọi khi được mẹ giúp phân biệt giữa hai con vật cùng có nhiều lông, có đuôi, tai và bốn chân này. Khi gọi con mèo bằng danh từ “chó” đã được học, con đã “đồng hóa” [assimilate] thông tin về con vật mới vào cơ cấu nhận thức [schema] cũ đã học được từ mẹ. Khi được cung cấp một danh xưng mới và được giúp nhận diện những đặc tính của con vật mới, con sẽ “điều chỉnh” [accommodate] cơ cấu nhận thức sẵn có để dung nạp những thông tin này. Cả hai động tác “đồng hóa” và “điều chỉnh” này đều nằm trong sự vận hành “thích nghi” [adaptation] trong tri thức của con. Đây là một nhu cầu tìm kiếm sự quân bình và giải quyết những mâu thuẫn trong tri thức, phát xuất từ sự khác biệt giữa vốn tri thức sẵn có và hiện thực mới mẻ tiếp tục phơi bày. Trong những năm tháng đầu đời, cha mẹ chính là người “khai tâm”, “khai trí” cho con khi
định danh vạn vật chung quanh, cung cấp những cơ cấu nhận thức đầu tiên và điều chỉnh nhận thức của con về thế giới.
Thế giới của trẻ sơ sinh theo Sigmund Freud, ông tổ ngành Phân tâm học, và sau này là Margaret Mahler, bác sĩ Tâm thần Hungary, thoạt đầu là một thế giới cộng sinh giữa mẹ và con. Quan hệ cộng sinh này mang đặc điểm của một cảm thức hòa quyện và thống nhất tuyệt đối giữa hai cá thể. Bác sĩ Margaret Mahler cho rằng đây là kinh nghiệm của trẻ khi chúng chưa có khả năng phân biệt mình với vạn vật chung quanh. Đối với trẻ trong giai đoạn này, những biểu hiện tâm lý, cảm giác thân thể và ngoại cảnh là một thể thống nhất. Giai đoạn cộng sinh trong tiến trình phát triển của trẻ tương ứng với nhu cầu của chúng trong giai đoạn chưa có phương tiện để tự nuôi dưỡng và bảo vệ mình.
Toàn bộ tâm sinh lý của mẹ cũng chuyển biến tương ứng để hoàn thành thiên chức của mình, hòa nhịp cùng sự phát triển của con ngay từ ngày con còn trong bào thai. Nghiên cứu cho thấy hạch Hạnh nhân của các bà mẹ trẻ gia tăng kích thước khiến các mẹ trở nên cực kỳ nhạy cảm với các nhu cầu của trẻ trong những năm đầu, một sự nhạy cảm thậm chí tương tự như những người bị Rối loạn Ám ảnh Cưỡng bức [Obsessive-Compulsive Disorder]. Một cái cựa mình hay một hơi thở gấp của con cũng làm mẹ căng thẳng trong sự chú ý, lo lắng và quan tâm trong yêu thương. Trong giai đoạn này, những chất dẫn truyền thần kinh trong não của mẹ cũng gia cố cho động lực chăm sóc con của mẹ. Chỉ cần ngắm đứa con mình, năng lượng từ những chất dẫn truyền đã khiến những trung tâm tưởng thưởng trong não của mẹ sáng lên rực rỡ... như đèn trong đêm Giáng sinh. Giáo sư Ruth Feldman, ngành Tâm lý học và Khoa học Thần kinh - Đại học UCI [University of California Invine], cho biết lượng Oxytocin trong người mẹ gia tăng đáng kể trong thời gian mang bầu và sau khi sanh. Khi đứa con đã ra đời, người mẹ càng chăm sóc con nhiều hơn thì lượng chất dẫn truyền này lại gia tăng nhiều hơn. Chất Oxytocin vốn chịu trách nhiệm điều tiết những giao tiếp xã hội và sinh sản, từ cảm giác cực đỉnh trong tình dục, mối nối kết giữa mẹ và con trong tình mẫu tử, cho đến sự cảm thông và yêu
thương giữa người và người. Không phải nói ngoa khi các bà mẹ dùng từ “phải lòng” để chỉ cảm xúc lần đầu nhìn vào mắt đứa con mới sinh của mình. Trong những năm tháng đầu tiên, mẹ và con là “một” trong tình yêu vi diệu này.
Thế nhưng sẽ đến lúc đất trời, ánh sáng và bóng tối cần chia đôi để trẻ tự phát triển như một chủ thể độc lập. Một trong những nhiệm vụ phát triển quan trọng của trẻ trong những năm đầu đời là khả năng tự hoạt động như một cá thể độc lập và riêng biệt với mẹ. Đứa trẻ dần thoát ra khỏi quan hệ cộng sinh về sinh lý lẫn tâm lý với mẹ để bắt đầu thám hiểm và tương tác với thế giới chung quanh. Bắt đầu bằng cách chủ động ngọ nguậy đôi bàn chân, nắm mở hai bàn tay, cho đến việc bò ra xa rồi trở lại với cha mẹ, đứa trẻ cần người mẹ thể hiện sự bình an trong ánh mắt nụ cười lẫn nét mặt cử chỉ khi nó “mạo hiểm” khám phá thế giới chung quanh. Điều đó giúp con từ sự vận động rời xa mẹ đến sự phát triển tri thức về thế giới. Người mẹ trong giai đoạn này lại đáp ứng nhu cầu phát triển của con, bắt đầu giúp con phân biệt vạn vật trong thế giới, không chỉ đến bằng việc định danh mà còn cả bằng việc mô tả những tính chất của sự vật.
Trong giai đoạn này, người mẹ lại giúp con hình thành một yếu tố quan trọng trong trí tuệ của con, đó là việc giúp con xây dựng cơ cấu nhận thức [cognitive schema]. Cơ cấu nhận thức có thể được hình dung đơn giản là một cái khung để chúng ta có thể xếp loại và ghi nhớ những gì tiếp nhận qua giác quan và từ đó biểu hiện thông qua ngôn ngữ, cảm xúc và hành vi. Cơ cấu nhận thức còn có chức năng tinh giản tiến trình xử lý thông tin. Thay vì phải liệt kê tất cả sự kiện về một hiện tượng mỗi khi gặp lại hiện tượng đó, trẻ được cha mẹ cung cấp nhiều dạng cơ cấu nhận thức khác nhau để định danh, định tính và định loại các hiện tượng này. Để rồi sau đó với chỉ một tên gọi, muôn vàn thông tin nối kết với tên gọi này trong cơ cấu nhận thức lại hiện ra cho trẻ sử dụng. Xây dựng những tri thức đầu tiên về thế giới dựa trên các cơ cấu nhận thức do cha mẹ trao truyền, dần dần trẻ sẽ sử dụng được các chiến lược xử lý thông tin
khác dựa trên nhiều cơ cấu mới học được từ cha mẹ, thầy cô, và cả những trải nghiệm của riêng mình.
Vai trò của những cơ cấu nhận thức này không chỉ quan trọng trong việc hình thành nhân sinh quan và thế giới quan mà còn cả cho cá tính và bản sắc của trẻ. Những thành kiến và tín niệm của các thành viên trong gia đình khi tương tác lẫn nhau một cách năng động sẽ hình thành các cơ cấu nhận thức độc đáo riêng của gia đình đó. Tiến sĩ Frank Dattilio của Khoa Tâm thần học thuộc Trường Y khoa, Đại học Harvard đã mô tả cơ cấu nhận thức của gia đình là “tín niệm chung về những hiện tượng xảy ra trong gia đình, chẳng hạn các nan đề và sự tương tác hàng ngày của các thành viên trong gia đình với nhau và với thế giới”. Các chuyên gia về Liệu pháp Nhận thức và Hành vi đặc biệt là trường phái Schema Psychotherapy biết rõ điều này và thường chú ý đến những cơ cấu nhận thức nguyên thủy phát xuất từ gia đình [family-oforigin schema] của thân chủ. Tương tự, Chuyên gia Liệu pháp Gia đình Salvador Minuchin và Charles Fishman còn cho rằng mỗi gia đình đều có một hình ảnh tự tạo xuất phát từ tiểu sử của gia đình đó và hình ảnh này giúp định hình cá tính và bản sắc của toàn thể thành viên gia đình như một cơ cấu tổ chức hay đơn vị xã hội. Chúng ta có thể hình dung mỗi gia đình là một vũ trụ mà cha mẹ là người tạo dựng đặc tính, danh xưng và sự vận hành của nó.
Tương tác chính của mẹ và con khi con đã biết nói còn là việc chia sẻ với nhau những câu chuyện kể, những cơ cấu nhận thức được sắp xếp dưới dạng trần thuật. Người mẹ kể cho con nghe các câu chuyện về kinh nghiệm quá khứ lẫn hiện tại của mình và khuyến khích con chia sẻ kinh nghiệm của con. Vì thế chuyện kể đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại kinh nghiệm đời sống; qua đó những hình ảnh, ý tưởng, ý nghĩa và thậm chí cảm xúc trở nên mạch lạc liên kết với nhau theo một trật tự hợp lý do người mẹ hướng dẫn qua câu chuyện của mình. Mỗi hoạt động của trẻ trong đời sống, đặc biệt là các tương tác của chúng với mọi người, được kết tinh thành từng mẩu chuyện mà mỗi câu chuyện lại tiêu biểu cho những cảm xúc mà chúng xem là quan trọng. Khi kể câu chuyện với
mẹ mình, ngoài việc chia sẻ thông tin, mối quan tâm và ý nghĩa riêng tư của mình thì chúng còn cùng với mẹ xây dựng lại nhiều tầng ý nghĩa cũng như nhiều cấu trúc mới cho cả hai. Nghiên cứu cho thấy một người mẹ với tâm thần không ổn định sẽ khiến cho trẻ không kể lại được câu chuyện một cách mạch lạc và có ý nghĩa. Các chuyên viên Tâm lý Lâm sàng từ lâu đã biết một thân chủ mạnh khỏe là người có thể kết hợp toàn bộ kinh nghiệm sống của mình thành một câu chuyện mạch lạc và hợp lý. Và mẹ là người đầu tiên ban cho con trật tự qua ngôn ngữ và cùng con phát triển ngôn ngữ.
Không chỉ giới hạn trong sự phát triển nhận thức, mẹ còn đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành lương tâm của trẻ. Nghiên cứu của Giáo sư Grazyna Kochanska và đồng sự cho thấy việc hình thành lương tâm của trẻ không phải thuần túy phát xuất từ những lời giáo huấn hay quyền uy áp đặt của mẹ về cách đối nhân xử thế. Theo Giáo sư Kochanska, sự tương tác giữa mẹ và con hình thành một mối quan hệ gần gũi, nối kết, đáp ứng và tích cực mà ông ta gọi là Định hướng Đáp ứng Hỗ tương [Mutually Responsive Orientation - MRO]. Quan hệ này với hai đặc điểm chính, đáp ứng hỗ tương và tình cảm tích cực, là nguyên tố chủ yếu trong việc hình thành lương tâm của con trẻ bằng cách khuyến khích niềm vui thú của trẻ khi tương tác với mẹ và gia tăng quyết tâm và khả năng tự điều hòa việc phục tùng ý muốn của mẹ. Lòng tin yêu của con đối với mẹ qua MRO, ngay từ 14 tháng tuổi, đã khiến con dễ dàng đón nhận lẫn hăng hái chấp nhận cách đối nhân xử thế mà mẹ truyền đạt. Những đứa trẻ lớn lên được cha mẹ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu phát triển và mọi giao tiếp trong gia đình đều tràn đầy yêu thương hạnh phúc, đứa trẻ ấy sẽ sẵn sàng có một thái độ chấp nhận ảnh hưởng của cha mẹ và trở nên hăng hái chấp nhận những giá trị và tiêu chuẩn của cha mẹ về hành vi xã hội của mình.
Khi đọc lý thuyết của Jean Piaget về sự phát triển nhận thức và Grazyna Kochanska về sự phát triển lương tâm của trẻ, tôi không thể không nhớ đến chương đầu trong sách Sáng thế ký của Thánh Kinh Thiên Chúa giáo, “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm. Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng” Liền có
ánh sáng... Thiên Chúa phân chia ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”... Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra”. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”.” Và tôi cũng nhớ những lời thơ của Phạm Thiên Thư trong bài Đạo ca 6, Lời ru bú mớm nâng niu do Phạm Duy phổ nhạc, “Con ơi! Mẹ là Thượng đế, cho con tâm lý nguyên sơ. Câu ru và dòng sữa quý, cho con nguyên lý diệu vời”.
Hiểu về Tâm lý học Phát triển, Nhận thức và Thần kinh lại càng thấy những ca từ tưởng chừng chỉ là những lời ca tụng lòng mẹ thuần túy lại hàm chứa nhiều trực cảm về tương quan tâm lý và thần kinh giữa mẹ và con. Mẹ quả là Thượng đế giúp con định hình, định danh vạn vật và xây dựng những nguyên lý cơ bản làm hành trang đầu đời.
Thế nhưng sẽ đến lúc đất trời, ánh sáng và bóng tối cần chia đôi để trẻ tự phát triển như một chủ thể độc lập. Một trong những nhiệm vụ phát triển quan trọng của trẻ trong những năm đầu đời là khả năng tự hoạt động như một cá thể độc lập và riêng biệt với mẹ. Đứa trẻ dần thoát ra khỏi quan hệ cộng sinh về sinh lý lẫn tâm lý với mẹ để bắt đầu thám hiểm và tương tác với thế giới chung quanh. Bắt đầu bằng cách chủ động ngọ nguậy đôi bàn chân, nắm mở hai bàn tay, cho đến việc bò ra xa rồi trở lại với cha mẹ, đứa trẻ cần người mẹ thể hiện sự bình an trong ánh mắt nụ cười lẫn nét mặt cử chỉ khi nó “mạo hiểm” khám phá thế giới chung quanh. Điều đó giúp con từ sự vận động rời xa mẹ đến sự phát triển tri thức về thế giới. Người mẹ trong giai đoạn này lại đáp ứng nhu cầu phát triển của con, bắt đầu giúp con phân biệt vạn vật trong thế giới, không chỉ đến bằng việc định danh mà còn cả bằng việc mô tả những tính chất của sự vật.
CHE KHUẤT BẦU TRỜI
T
ôi hẹn với em ăn trưa vì đã quá lâu không gặp. từng làm việc với tôi cùng một trường cách đây đã gần năm năm. Lâu lâu chúng tôi vẫn trao đổi qua vài cú điện thoại ngắn, nhưng chẳng có dịp ngồi xuống hàn huyên. Lúc mới nhận công việc ở trường mới, em vui mừng báo cho tôi vừa được ông chồng mua cho ngôi nhà gần cả triệu đô-la và em muốn mời tôi đến nhà chơi. Thế mà gần đây, em lại nói đến chuyện chia tay với chồng và em sẽ đi ra khỏi ngôi nhà kia trước khi tôi có dịp ghé lại. Tôi quen em khi thằng con duy nhất của em mới bước vào lớp Một, không gặp em kể từ khi thằng nhỏ vào lớp Năm. Quả thật, tôi bất ngờ khi thấy nó đi cùng với em bước vào quán ăn. Thằng nhỏ lớn hẳn khi bước vào Trung học, tay chân dài lòng khòng như thừa thãi. Em nói vài câu xin lỗi vì phải đem thằng nhỏ theo trong cuộc hẹn này. Thế là suốt buổi ăn trưa, em cứ nhìn chằm chằm thằng nhỏ, chỉnh sửa nó từng câu chữ, từng thế ngồi, từng nét mặt. Thằng nhỏ từ ngượng ngùng, đến khó chịu rồi đến cuối buổi là cam chịu. Còn em, trong mắt em, tôi thấy hiện lên cả nỗi lo sợ lẫn chiếm hữu. Tôi hiểu em sắp sửa mất mát nhiều thứ trong cuộc đời, không chỉ nhà cửa, một ông chồng, mà cả lòng tự tin vào dung nhan và sự tận tụy cho chồng con của em. Trước kia khi làm cùng một trường, em lúc nào cũng sẵn sàng để gánh vác nhiệm vụ mới. Em luôn là người đầu tiên được chọn để điều phối và tổ chức mọi sự kiện. Mọi chuyện vào tay em sẽ đều nhịp trên chiếc đường ray đã định sẵn từ đầu. Thế nhưng chuyện ly dị sắp xảy ra; chuyện ngôi nhà sắp mất; chuyện đứa con ngày một trở nên khó chịu chỉ muốn xa lánh mẹ; tất cả đều đã trật đường ray, không như em dự đoán, không như em sắp đặt, và chắc chắn không như em mong muốn. Nay em lại mất thêm lòng tin vào khả năng kiểm soát cuộc đời. Và chỉ còn đứa con để em bù đắp... hay bám víu?
Tới bao giờ cha mẹ mới ngưng tưởng mình là bóng mát mà thật ra là bóng tối che khuất cả bầu trời của con? Tới bao giờ cha mẹ mới biết lùi lại và buông xuống cho con được lớn? Không phải chỉ trong
các gia đình tan vỡ mà ngay cả khi còn cả đôi, cha hoặc mẹ nhiều khi vẫn luôn làm con khổ đau với những thói lề khắc nghiệt hay làm con ngộp thở với những chăm sóc vồ vập. Nhiều khi áp lực không đến từ lời nói mà từ ánh mắt buồn bã, cái nhún vai khinh miệt, hay tiếng thở dài chán nản mà đứa con nghẹn ngào không muốn nhớ tới, vì có nỗi khổ sở nào cho con hơn khi làm cho cha mẹ thất vọng buồn phiền.
Trong khi trẻ cần sự chủ động và tự quyết trong đời sống, mức độ tăng dần khi chúng nỗ lực trở nên người trưởng thành thì nhiều bậc cha mẹ không biết tự điều chỉnh mức độ hỗ trợ hay kiểm soát mà vẫn tiếp tục dạy con theo kiểu... máy bay trực thăng [helicopter parents]. Từ này do các em vị thành niên tại Hoa Kỳ dùng để mô tả việc cha mẹ kiểm soát như trực thăng bay vần vũ trên đầu và được ghi lại đầu tiên bởi Tiến sĩ Haim Ginott trong cuốn Cha mẹ và trẻ vị thành niên xuất bản năm 1969. Nó phổ biến đến nỗi đã được đưa vào từ điển vào năm 2011. Tiến sĩ Carolyn Daitch, Trưởng Trung tâm Điều trị Rối loạn Lo âu cho biết loại cha mẹ này tự gánh quá nhiều trách nhiệm cho sự trải nghiệm của con cái, đặc biệt là sự thành công và thất bại của chúng. Theo Tiến sĩ Ann Dunewold, Chuyên gia Tâm lý Lâm sàng, gọi đó là việc chăm con thái quá [overparenting], kiểm soát thái quá [overcontrolling], bảo vệ thái quá [overprotecting] và cầu toàn thái quá [overperfecting] vượt quá trách nhiệm thực tế của cha mẹ.
Ở mỗi lứa tuổi, loại “trực thăng” này lại biểu hiện khác nhau. Nếu trẻ còn ở tuổi nhà trẻ, cha mẹ loại này lúc nào cũng bám sát con, điều khiển mọi hành vi và không bao giờ để con tự chơi một mình thì ở tuổi cấp 1, họ muốn chọn lựa thầy cô cho con theo ý của mình, bắt con chơi với bạn này mà không chơi với bạn khác, làm chuyện này chuyện kia và gần như thay con làm mọi bài tập ở trường. Ở trung học, thì lên lịch “sinh hoạt ngoại khóa” học hành - tập luyện - thi đấu cho con dày đặc đến nỗi đứa con chỉ có một ao ước lớn lao nhất là... được ngủ. Còn ở đại học, thậm chí có bà mẹ còn đến tận trường đại học của con để “dự giờ”, đánh giá không chỉ bạn bè mà
còn cả giáo sư của con. Họ không biết là mình đang “quạt cánh” vần vũ xé nát bầu trời cao rộng của con.
Chưa biết những đứa con của các bậc cha mẹ muốn kiểm soát từng li từng tí có thể thành công ít nhiều trong cuộc đời hay không, nhưng chắc chắn “cái quả” mà chúng nhận được là cả cuộc đời trầm cảm, lo âu và bất mãn. Không những thế, chúng kém năng lực để xoay xở giữa cuộc đời với những thách thức căng thẳng thường xuyên. Giáo sư Holly Schiffrin và đồng sự tại Đại học Mary Washington qua nghiên cứu của mình đã thấy trẻ vào đại học thường có mức trầm cảm và lo âu cao hơn nếu cha mẹ của trẻ có thái độ và hành vi kiểm soát quá chặt chẽ. Không chỉ là một vài cơn trầm cảm hay lo âu ngắn hạn, việc “can thiệp thô bạo” của cha mẹ vào đời sống của con cái, nhất là khi chúng đã bước vào giai đoạn cần hiển lộ và học hỏi sự tự chủ có thể làm con suốt đời bị tổn thương tâm lý, như một nghiên cứu kéo dài từ năm 1940 đến nay cho thấy. Bác sĩ Mai Stafford của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa về Sức khỏe và Tuổi già tại Đại học London cho biết, việc can thiệp vào sự riêng tư và tự chủ của con cái không những chỉ giới hạn sự độc lập của chúng mà còn làm chúng kém khả năng điều chỉnh hành vi. Những người được nghiên cứu qua các độ tuổi trải dài từ thiếu niên đến trên 60 đạt mức điểm thấp trên thang đo hạnh phúc lẫn sức khỏe tinh thần nếu lúc nhỏ bị cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư của mình, ngăn cản không cho có quyền quyết định, và dung dưỡng sự lệ thuộc vào cha hay mẹ.
Thế nhưng tác hại không chỉ xảy ra về phía đứa con. Nghiên cứu của Giáo sư Kathryn Rizzo và đồng sự thuộc Đại học Mary Washington cho thấy không phải việc chăm sóc con cái thuần túy của các bà mẹ mà thái độ chăm sóc quá mức mới liên quan đến sự căng thẳng, trầm cảm và bất mãn với đời sống. Đa số các bà mẹ gặp những khó khăn về sức khỏe tinh thần này có niềm tin là chăm con khó hơn đi làm; giữa cha mẹ thì mẹ cần thiết và có khả năng chăm con hơn; niềm hạnh phúc của cha mẹ chủ yếu từ con cái; cha mẹ phải luôn tạo các hoạt động kích thích sự phát triển của con; và cha mẹ phải luôn hy sinh nhu cầu của mình cho con. Những bà mẹ
không dám để con cho ai chăm thường là những bà mẹ kém hài lòng về cuộc sống nhất, còn các bà mẹ cho rằng việc dạy con quá đỗi khó khăn phải cần đến những kỹ năng và kiến thức chuyên gia thì lại dễ căng thẳng và trầm cảm. Mà càng cố chăm sóc lại càng mang cảm giác tội lỗi là chăm sóc chưa đủ.
Nếu kết quả tiêu cực như thế thì tại sao các bà mẹ vẫn “điên cuồng” can thiệp và kiểm soát con cái? Tác giả của đề tài nghiên cứu đặt giả thuyết là các bà mẹ tin rằng với thái độ và hành động thái quá này, họ mới là những bà mẹ tốt. Vì thế họ sẵn sàng hy sinh sức khỏe tinh thần của mình để hy vọng con đạt được những kết quả trong lãnh vực trí tuệ, xã hội và cảm xúc. Thế nhưng, như chúng ta đã biết qua những thí nghiệm kể trên, việc làm “cây cao bóng cả” che khuất ánh nắng của con lại làm con trầm cảm và bất mãn suốt đời. Có thể nào một bà mẹ không hạnh phúc, căng thẳng và trầm cảm lại có một đứa con hạnh phúc, thoải mái và hưng phấn?
Ẩn tàng dưới thái độ này của cha mẹ là nỗi sợ hãi về tương lai, những chấn thương trong quá khứ, tính ganh đua háo thắng. Có thể họ đã từng bị cha mẹ của mình bỏ rơi, lơ là, ngược đãi trong quá khứ, cho nên họ cố gắng bù đắp cho con bằng sự chiều chuộng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Một số khác lại lo sợ về tương lai của con, sợ con buồn tủi, lo con vất vả, ngại con thua kém, e con tổn thương, v.v... nên làm giúp làm thay, hết đay nghiến lại đến cằn nhằn mà không để ý những hành động của mình lại làm con mất hết động lực, lại ngăn cản con nhận lãnh những nhân quả tự nhiên cho trách nhiệm và suy nghĩ của chính mình. Số còn lại có thể vốn tính ghen tỵ và kèn cựa với bà con bạn bè; thấy con người ta đứng đầu lớp thì con mình phải đứng đầu trường, con bạn mình biết đàn piano thì con mình phải chơi ba loại nhạc khí, con bà dì hát nhạc Trịnh thì con mình phải biểu diễn Mozart cho nó sang. Một điều nữa cần chú ý và khá thú vị tìm thấy trong những nghiên cứu trên thế giới là những suy nghĩ cầu toàn và thái quá này lại tồn tại điển hình ở các bậc cha mẹ thuộc thành phần trung lưu.
Mấy tháng trước tôi nhận được một cuộc điện thoại lúc ba giờ sáng. Một bà mẹ sắp đưa con qua Mỹ vào trường đại học muốn tôi tư vấn. Ở Việt Nam, bà đã là “cây đại thụ” suốt 18 năm không chỉ của đứa con mà cả gia đình, kể luôn ông chồng. Nay việc đứa con sắp đi xa, sắp rời khỏi quỹ đạo của bà, dầu rằng việc đi du học cũng vốn do bà sắp xếp, làm bà khá hoảng loạn. Khi nói chuyện, bà gọi đó là lòng mẹ. Tôi nhìn cô em sắp ly dị đang ngồi ăn trưa trước mặt tôi mà lại nghĩ đến bà. Lòng mẹ trong những gia đình này không phải là “biển Thái Bình dạt dào” như một bài hát ca tụng tình mẫu tử nào đó, mà lại là những tàn lá rậm rạp ngăn che con hướng đến nắng gió trên cao.
Tới bao giờ cha mẹ mới ngưng tưởng mình là bóng mát mà thật ra là bóng tối che khuất cả bầu trời của con? Tới bao giờ cha mẹ mới biết lùi lại và buông xuống cho con được lớn? Không phải chỉ trong các gia đình tan vỡ mà ngay cả khi còn cả đội, cha hoặc mẹ nhiều khi vẫn luôn làm con khổ đau với những thói lề khắc nghiệt hay làm con ngộp thở với những chăm sóc vồ vập. Nhiều khi áp lực không đến từ lời nói mà từ ánh mắt buồn bã, cái nhún vai khinh miệt, hay tiếng thở dài chán nản mà đứa con nghẹn ngào không muốn nhớ tới, vì có nỗi khổ sở nào cho con hơn khi làm cho cha mẹ thất vọng buồn phiền.
O TRÒN NHƯ QUẢ TRỨNG GÀ T
ôi biết đọc lúc khoảng 4-5 tuổi gì đó nhờ mẹ tôi là người khai tâm, bắt đầu dạy tôi tập đọc rất sớm. Tôi còn nhớ bài học đầu đời với những chữ O, chữ Ơ như trong những câu vè mà nhà giáo dục Hoàng Xuân Hãn đã đặt ra trong thời kỳ đầu của nền giáo dục Việt Nam: “O tròn như quả trứng gà, ô thì đội nón, ơ thì thêm râu” hay “I, t (tờ) có móc cả hai, i - ngắn có chấm; t (tờ) dài có ngang”. Tôi cũng còn nhớ hình ảnh thằng nhỏ tôi ngồi trong bếp khi buổi ăn trưa gần tới, cố gắng đọc những vần khó cuối cuốn sách, như “oặc”, “uych”, “uyu” trong khi mẹ tôi vừa làm bếp vừa sửa sai cho. Mùi đồ ăn lẫn mùi cơm vừa chín tới thế là trộn lẫn với “Tí chạy huỳnh huych” hay “đường đèo khúc khuỷu”.
Thế là sau đó không lâu, mấy cuốn truyện trong Tủ Sách Hồng của nhóm Tự Lực văn đoàn như Dế Mèn phiêu lưu ký và O Chuột của Tô Hoài; Cái ấm đất, Ông đồ bể, Cây tre trăm đốt, Quyển sách ước và Bông cúc đen của Khái Hưng đã bị thằng nhỏ ngấu nghiến ngày đêm. Nhờ Cái ấm đất mà tôi biết nước vối trước khi biết nước xá xị. Nhờ Ông đồ bể mới biết qua nơi thiêng liêng phải xuống ngựa cúi đầu. Hay sớm nổi máu phiêu lưu anh hùng, dẹp tình nhà lên đường dấn thân như bạn Dế Mèn cho một ngày “các loài bây giờ đã thành anh em”. Đọc một lúc nên nhiều khi thế giới trong cuốn sách này lại đan xen vào với thế giới của cuốn truyện kia. Ông đồ bể lại uống nước vối trong Cái ấm đất, hay anh nông dân trong Cây tre trăm đốt lại nhặt được Cuốn sách ước. Không biết đến bây giờ đã quá nửa đời người, có biết bao nhiêu sở thích, kiến thức và bao nhiêu thế giới mà mình đã phiêu du là đến từ sách vở đã đọc.
Thầy thích dạy thì dạy và tôi thích học thì học, chứ mẹ tôi chắc cũng chẳng nghĩ đến chuyện muốn “đi tắt đón đầu” hay gia nhập phong trào “giáo dục sớm”. Vào thời tôi còn nhỏ thì kiến thức về sự phát triển của trí thông minh hay khả năng học tập của trẻ em ngay tại Hoa Kỳ cũng còn giới hạn, nói chi đến Việt Nam, nơi giáo dục tại
gia chỉ là “mẹ truyền con nối”, đời trước làm sao thì đời sau... ráng hơn một chút. Động lực tập đọc của tôi ư? Mẹ tôi chỉ đơn giản bảo tôi nếu thích nghe kể chuyện thì ráng học chữ để đọc truyện. Cũng không cần phải sách in giấy láng nhiều màu đẹp đẽ hay hình ảnh minh họa hấp dẫn vì trí tưởng tượng của thằng nhỏ không chỉ đủ sức lấp đầy những trang giấy mà còn đưa những nhân vật trong sách vở vào cả cuộc sống của mình. Chẳng phải đứa con nít nào cũng như thế sao?
Bây giờ nhìn quanh lại thấy sao chuyện tập đọc có vẻ vất vả quá. Cha mẹ bây giờ thường ám ảnh bởi những câu hỏi: Tại sao chúng đọc chậm vậy? Tại sao chúng phát âm không chuẩn vậy? Tại sao chúng cứ đọc đi đọc lại hoài một cuốn sách vậy? Và có một câu hỏi nặng nề nhất: Không biết khả năng tập đọc của con mình có bị chậm so với chúng bạn không? Nặng nề nhất vì câu hỏi này đôi khi không xuất phát từ sự quan tâm và thương yêu đối với sự phát triển lành mạnh của đứa trẻ mà lại xuất phát từ tính sĩ diện và tính háo thắng của cha mẹ. Và thế là để con của mình “bằng con người ta”, trẻ bị bắt học đọc và tập đọc để rồi sau này chúng phát sợ mỗi khi nhìn đến cuốn sách đầy chữ. Và thói quen đọc của chúng chỉ dừng lại ở truyện tranh và... vài cái bài ngắn đăng trên Facebook.
Ít ai để ý rằng khả năng đọc của trẻ bắt đầu từ lúc chào đời qua tương tác với cha mẹ. Kể từ lúc cha mẹ bồng con ra khỏi nôi để âu yếm nói với con những lời thương yêu, con đã bắt đầu học những âm đầu tiên, sự đối đáp qua lại trong đối thoại và niềm vui trong giao tiếp qua ngôn ngữ với tha nhân. Đây là những động lực đầu tiên để trẻ yêu thích ngôn ngữ. Khi trẻ bắt đầu phát triển khả năng nghe và nói, ban đầu là sự kết hợp giữa cử chỉ và bập bẹ, nói từ đầu tiên rồi thêm vào các từ khác để tạo thành các nhóm từ hay câu nguyên vẹn. Trẻ được sống trong một môi trường có người thân thường xuyên trao đổi không chỉ với trẻ mà còn trao đổi lẫn nhau sẽ giúp cho trẻ nói nghe thông thạo lúc khoảng 3 tuổi mà không cần ý thức và chủ định bất kể khả năng thông minh của chúng. Để rồi sau đó, trẻ bắt đầu hiểu được tương quan của chữ viết như là những dấu hiệu tượng trưng cho những từ đã nghe đã nói. Đây là giai đoạn
trẻ giải mã [decode] từ các dấu hiệu con chữ trên mặt giấy thành các âm, các từ mà trẻ đã nghe và nói từ lúc biết trao đổi với môi trường chung quanh bằng ngôn ngữ để từ đó bắt đầu nhận diện được ý nghĩa, hay đọc hiểu [reading comprehension] của các từ trên mặt giấy.
Khả năng ngữ văn, chúng ta tạm dùng chữ này để chỉ tất cả hoạt động đọc, đọc hiểu và thưởng thức văn bản, không phải tự nhiên mà có. Nó là một khả năng cần thời gian để xây dựng và phát triển. Tôi đồng ý với nhiều nhà nghiên cứu, điều quan trọng nhất là cảm hứng để đọc. Đây là tương quan hai chiều, đọc thì mới có cảm hứng, và có cảm hứng mới đọc. Nhưng khởi đầu khi việc đọc của trẻ vẫn còn vất vả với những từ vựng và cấu trúc câu vượt sức của mình, thì nội dung cuốn truyện với những chân trời mộng tưởng mở ra trước mặt mới là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy trẻ cầm cuốn sách lên để bắt đầu cuộc phiêu du của mình. Sách không chỉ là tài liệu chuyển tải thông tin về một dịch vụ cho đến một hiện tượng trong đời sống, mà còn là một cánh cửa mở vào thế giới của biểu tượng, của hình ảnh, của âm thanh mà hàng ngàn tỷ [trillion] mối nối thần kinh được hình thành lẫn tỉa tót từ lúc lọt lòng để giúp trẻ có một cấu trúc nhận thức về thế giới ngoại cảnh lẫn nội tâm.
Sự phát triển này cần có thời gian và trong giai đoạn đầu cần tập trung vào việc thực tập. Khi có cảm hứng với việc đọc sách, việc dành thời gian mỗi ngày để đọc, để hiểu biết và thưởng thức không phải là việc quá khó. Thực tập trong lãnh vực hay bộ môn này không phải là bắt trẻ phải đọc những bài học nhàm chán. Theo Giáo sư Tâm lý học Daniel T. Willingham của Đại học Virginia, tác giả của cuốn Dạy trẻ biết đọc [Raising Kids Who Read], thì không có chứng cứ nào cho việc dạy chữ cái sớm sẽ giúp trẻ biết và thích đọc, cũng như việc dạy trẻ tập đọc sớm không bảo đảm chúng có ưu thế về khả năng đọc hiểu so với trẻ khác. Một đứa trẻ có thể đọc làu làu, phát âm thật chuẩn nhưng có thể không hiểu gì cả những gì đang đọc. Chính việc nắm rõ nội dung của văn bản mới làm trẻ thích thú với việc đọc sách và gắn bó với sách vở lâu dài.
Theo Giáo sư Lee Galda thuộc Đại học Minnesota thì việc đầu tiên giúp con thích đọc là phải cho chúng thấy chúng ta thường đọc và thích đọc. Nếu nhìn chung quanh từ gia đình, học đường và xã hội mà trẻ không thấy ai đọc và thích đọc, sách vở trong nhà trường từ Sử, Địa đến Văn học khi đó đối với trẻ chỉ là những món ăn vô vị phải ráng nuốt để lên lớp. Chúng ta có thể bày tỏ sự quan tâm và thích thú của việc đọc sách bằng cách chia sẻ những suy nghĩ của chúng ta về những chủ đề, nhân vật, ngôn ngữ, từ vựng, hình ảnh trong cuốn sách mà chúng ta đang đọc phù hợp với sự hiểu biết và quan tâm của trẻ. Khi có một đoạn văn thích hợp hay một cuốn sách thích hợp, chúng ta có thể cùng đọc với trẻ, thay phiên nhau đọc, đọc cho trẻ nghe và nghe trẻ đọc, để sau đó cùng bàn luận những câu chuyện trong sách.
Chúng ta cần làm cho sách không chỉ chiếm một phần tâm trí, một phần cuộc sống mà cả một phần không gian của trẻ qua hình thức một thư viện nhỏ ở nhà hay một tủ sách ở trường học. Và mỗi gia đình nên có một góc đọc thú vị trong nhà để mỗi lần có thời gian đọc sách là một niềm hạnh phúc cho trẻ. Đó là nơi mà mẹ và con, cha và con, hay cả gia đình sẽ quây quần mỗi tối để chia sẻ một đoạn văn về một câu chuyện thú vị. Góc đọc sẽ là trạm viễn vận [teleportation] đưa cả gia đình vào những không gian và thời gian xa xôi và đẹp đẽ, nơi cái thiện luôn thắng cái ác, nơi cần cù và lương thiện được bù đắp, và nơi mọi ý chí đều có thể thành hiện thực.
Một điều không kém phần quan trọng là hãy để trẻ đến với sách bằng tình yêu chứ đừng biến sách thành công cụ “giáo dục tuyên truyền” Việc chọn sách cho con đọc là cần thiết nhưng cha mẹ cũng cần tự kiềm chế trong việc cứng nhắc đóng vai nhà độc tài chỉ muốn con đọc những tác phẩm mà chúng ta cho rằng có một nội dung giáo dục tích cực nào đó. Ở tuổi nhỏ, nếu học tập được thực hiện qua chơi đùa thì giáo dục cũng có thể tiến hành qua giải trí. Có những cuốn sách đọc lên tưởng chỉ để chơi đùa như Alice ở xứ sở thần tiên [Alice in Wonderland] lại mang những ý nghĩa triết lý sâu sắc mà có thể cả cuộc đời chúng ta chưa chắc đã giải mã hết. Chúng ta cần giúp trẻ xây dựng bảng giá trị của chúng dựa trên những giá
trị của gia đình thay vì bắt chúng phải hoàn toàn phục tùng bảng giá trị của gia đình.
Mỗi đứa trẻ là một thành phần của gia đình và mỗi gia đình sẽ có một sở thích và quan tâm riêng nên Giáo sư Lee Galda cũng khuyến khích hãy chọn sách cho phù hợp với điều kiện môi trường này để trẻ dễ tiếp cận. Và cũng tương tự như sự độc đáo về sở thích của mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ cũng có lối nhìn nhận và diễn giải cuốn sách theo lối riêng của mình. Hãy tôn trọng điều này và để trẻ tận dụng khả năng sáng tạo của mình trong việc khám phá và nhận thức về cuốn sách. Qua cái nhìn của trẻ, một tờ giấy trắng có thể là cánh buồm lộng gió đưa chúng qua bảy vùng biển động nhưng nhìn ông vua ở truồng vẫn chỉ là ông vua ở truồng. Chưa chắc chúng ta đã có cái nhìn vừa sáng tạo lại vừa chân thực như cái nhìn của trẻ khi cả cuộc đời chúng ta đã bị ràng buộc bởi biết bao khuôn phép và nhét nhồi bởi biết bao ảo thuyết.
Nhà Vật lý học Hugh Everett đã đề ra diễn dịch Đa Thế giới [Multi-World Interpretation] khi cho rằng mỗi kết quả lượng tử sẽ cho ra một thế giới hay vũ trụ cùng tồn tại song song với thế giới mà chúng ta cho là hiện hữu duy nhất trước mặt. Qua cái nhìn cơ học lượng tử này, tất cả lịch sử và tương lai khả dĩ đều có thực để một biến cố không xảy ra trong thế giới này đã có thể xảy ra trong một thế giới khác. Hãy để chữ O đầu tiên trong đời của trẻ là cánh cửa của trạm viễn vận đưa trẻ vào muôn ngàn thế giới mới.
Một điều không kém phần quan trọng là hãy để trẻ đến với sách bằng tình yêu chứ đừng biến sách thành công cụ “giáo dục tuyên truyền”. Việc chọn sách cho con đọc là cần thiết nhưng cha mẹ cũng cần tự kiềm chế trong việc cứng nhắc đóng vai nhà độc tài chỉ muốn con đọc những tác phẩm mà chúng ta cho rằng có một nội dung giáo dục tích cực nào đó. Ở tuổi nhỏ, nếu học tập được thực hiện qua chơi đùa thì giáo dục cũng có thể tiến hành qua giải trí. Có những cuốn
sách đọc lên tưởng chỉ để chơi đùa như Alice ở xứ sở thần tiên [Alice in Wonderland] lại mang những ý nghĩa triết lý sâu sắc mà có thể cả cuộc đời chúng ta chưa chắc đã giải mã hết. Chúng ta cần giúp trẻ xây dựng bảng giá trị của chúng dựa trên những giá trị của gia đình thay vì bắt chúng phải hoàn toàn phục tùng bảng giá trị của gia đình.
“ĐÀN BÀ BIẾT GÌ!”
T
ại nhiều ngôi chùa Phật giáo ở Việt Nam cũng như ở các cộng đồng Việt hải ngoại, các ni phải làm công việc phục dịch các tăng. Khi hỏi, thường các tăng cũng như các ni đều cho rằng đàn bà nghiệp nặng khó thành Phật hơn đàn ông nên phải “lao động” công quả để bớt nghiệp. Vì thế trong chùa, mọi chuyện nấu nướng, rửa chén, quét dọn đều là công việc cho các bà trả nghiệp. Còn các ông thì chỉ chịu trách nhiệm đọc kinh và ngồi thiền.
Cuối tuần vừa rồi ghé thăm cha mẹ, tôi thấy cuốn Tâm bất sinh tập hợp những bài giảng của Thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác mà mẹ tôi đang đọc dở, có đoạn nói về khả năng tu tập và giác ngộ của người phụ nữ: “Tôi (Bàn Khuê) có thể nói cho quý vị vài điều về Tâm Phật nơi phụ nữ. Theo tôi hiểu, phụ nữ thường rất buồn khi nghe nói họ không thể thành Phật. Nhưng sự thực không phải vậy. Có gì khác nhau giữa nam và nữ? Thân nam cũng là thân Phật; thân nữ cũng là thân Phật. Quý vị không nên nghi ngờ gì về điểm này... Vậy quý vị nữ giới trong đây hãy nghe cho kỹ. Về phương diện hình thể, rõ ràng là nam nữ khác nhau, nhưng về phương diện Tâm Phật thì không có khác gì. Quý vị đừng vì tướng bề ngoài làm cho lầm lạc. Tâm Phật vẫn giống nhau, không có khác biệt nào giữa nam và nữ.”
Về tính tương đối giữa tướng nam và nữ, theo tôi thú vị nhất là đoạn đối đáp giữa ngài Xá Lợi Phất, đại đệ tử của Phật, và một thiên nữ trong kinh Duy Ma Cật, một kiệt tác trong văn học Phật giáo. Khi phái đoàn đệ tử Phật đi thăm bệnh ngài Duy Ma Cật, Xá Lợi Phất bị một Thiên nữ chinh phục bởi khả năng đối đáp sâu sắc đầy thiền vị chứng tỏ trình độ tu chứng thâm sâu. Sau khi bị hớp hồn, cũng như bao nhiêu đấng mày râu khác thời nay, Xá Lợi Phất đã hỏi một câu rất ngớ ngẩn, ý là tại sao em chứng ngộ cao vậy và pháp thuật giỏi vậy mà lại phải mang thân đàn bà. Câu hỏi mang nặng tính phân biệt nam nữ [sexism] của chàng đã bị Thiên nữ “lên lớp” dạy lại Phật pháp.
“Ngài Xá Lợi Phất nói:
- Vì sao người không chuyển thân nữ kia đi?
Thiên nữ nói:
- Mười hai năm nay tìm kiếm mãi cái tướng nữ nhân vẫn không có, thì phải chuyển đổi cái gì? Ví như có một nhà ảo thuật hóa ra một người nữ giả, rồi có một người hỏi rằng: Sao không chuyển thân nữ đó đi? Vậy người hỏi đó có đúng chăng?
Ngài Xá Lợi Phất nói:
- Không đúng. Huyễn hóa không có tướng nhứt định còn phải chuyển đổi gì nữa.
Thiên nữ nói:
- Tất cả pháp cũng như thế, không có tướng nhất định, tại sao lại hỏi “không chuyển thân nữ”?
Tức thời Thiên nữ dùng sức thần thông biến ngài Xá Lợi Phất thành ra Thiên nữ. Thiên nữ lại tự hóa mình thành ngài Xá Lợi Phất rồi hỏi rằng: Tại sao ngài không chuyển thân nữ đi?
Ngài Xá Lợi Phất trong hình tướng thân nữ đáp rằng: Ta nay không biết tại sao lại biến thành thân đàn bà này?
Thiên nữ nói: Thưa ngài Xá Lợi Phất, nếu ngài chuyển được thân đàn bà đó, thời tất cả người nữ cũng sẽ chuyển được. Như ngài không phải người nữ mà hiện thân nữ, thời tất cả người nữ cũng như thế, tuy hiện thân nữ mà không phải người nữ đâu. Vì thế, Phật nói: tất cả các pháp không phải đàn ông cũng không phải đàn bà”.
Ngài Xá Lợi Phất là một trong những đại đệ tử của đức Phật mà còn phân biệt giới tính như vậy huống gì là chúng ta vốn sống trong
chế độ phụ hệ bao lâu mà câu “đàn bà biết gì” cho đến “phụ nhân nan hóa” [đàn bà khó dạy] vẫn phải nghe hàng ngày. Khổ nỗi phụ nữ không chỉ là bồ, là vợ, mà còn là chị, là mẹ chúng ta. Chúng ta chắc không có ý định rời bỏ sớm đời sống thế tục để vào một tu viện của một tôn giáo chủ trương diệt dục nào đó và chỉ giao tiếp với nam giới mà thôi nên việc đối xử với phụ nữ trong cuộc sống vẫn là một điều cần để học.
Bạn là cha mẹ đang dạy dỗ một đứa con trai và bạn muốn con trai của bạn lớn lên sẽ đối xử với những người phụ nữ trong đời của nó như thế nào? Trẻ trai học hỏi về thái độ và cách cư xử với phụ nữ nhiều nhất từ những người đàn ông chung quanh, từ trải nghiệm trong giao thiệp với những người phụ nữ chúng gặp suốt cuộc đời, và cuối cùng là từ sách báo truyền thông. Việc giáo dục con trai về mặt này phải được xem như một trong nội dung phát triển nhân cách của trẻ, đồng thời là một kỹ năng sống thiết yếu có liên quan đến sự thành công trong sinh hoạt tập thể mà quan trọng nhất là trong hạnh phúc lứa đôi và gia đình sau này. Đây cũng chính là một nội dung cơ bản trong mảng chủ đề tôn trọng sự đa dạng và đa nguyên của cá nhân và của xã hội. Phụ nữ chính là một phần trong tập thể tha nhân mà mỗi cá nhân phải học tập để cùng sống hài hòa.
Ở một bình diện thâm sâu hơn, khả năng giao tiếp với phụ nữ trong đời sống cũng chính là sự thể hiện khả năng tiếp cận và giao hòa với mặt nữ tính trong vô thức của một người nam. Tâm lý gia Carl Jung gọi hình ảnh vô thức nam tính là “animus” nữ tính là “anima”. Trong bài Hôn nhân như là một quan hệ tâm lý [Marriage as a Psychological Relationship] của cuốn Sự phát triển nhân cách [The Development of Personality], Carl Jung thậm chí còn cho rằng những gì người nam gán ghép về dục tính và cảm tính của phụ nữ thực ra vốn phát xuất từ sự phóng chiếu của phần nữ tính trong vô thức của người nam lên đối tượng. Theo Carl Jung, một cá nhân sẽ không đạt được sự hoàn thiện toàn mãn trong tiến trình chuyển hóa mà ông gọi là “individuation” khi chưa đem tất cả vùng vô thức cá nhân và tập thể này ra ý thức và tổng hợp chúng trong tâm lý của
mình, trong đó có cả “anima” và “animus” thành một thể thống nhất.
Cha mẹ có trách nhiệm dạy con trẻ về đề tài này tùy theo lứa tuổi, cụ thể là tùy theo trình độ phát triển trí tuệ và ngôn ngữ của chúng. Về nội dung, chúng là nên đưa ra những thông điệp rõ ràng từ tổng quát đến cụ thể như sau:
* Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau vì thế không có lý do gì để phân biệt trong suy nghĩ, thái độ và hành vi đối với phụ nữ trong quan hệ cá nhân cũng như trong định chế xã hội.
* Một con người không phải là vật sở hữu hay công cụ của một cá nhân khác, vì thế phụ nữ cũng không phải là vật sở hữu hay công cụ để bóc lột hoặc thỏa mãn ý muốn của một nam nhân.
* Mỗi giới tính đều có những điều kiện thể chất và tâm lý khác nhau, có khi do tự nhiên cũng có khi do ảnh hưởng của một nền văn hóa trong một giai đoạn nhất định. Phụ nữ có những điều kiện tâm sinh lý đặc thù như vậy. Sự khác biệt này không phải là sự khiếm khuyết hay ưu việt và vì thế không thể dùng để biện minh cho bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
* Mỗi giới tính đều có trách nhiệm phải học hỏi để có những kiến thức về sự khác biệt trong tâm sinh lý của nhau, để có thái độ tôn trọng với nhau, đồng thời để đối xử với nhau một cách bình đẳng và thân ái. Trong những xã hội và văn hóa mà lâu nay tập quán và quan niệm trọng nam khinh nữ còn tồn tại, trách nhiệm này còn quan trọng và khẩn thiết hơn trong tiến trình hội nhập toàn cầu.
* Hạnh phúc và thành công của mỗi cá nhân trong xã hội đều tùy thuộc vào quan hệ với tha nhân, vì vậy học hỏi để sống hạnh phúc với tha nhân cũng chính là để cho chính mình được hạnh phúc. Trong quan hệ lứa đôi và gia đình của mỗi nam nhân, việc học hỏi để sống với một người phụ nữ là mẹ, là chị em, hoặc là vợ lại càng
cực kỳ quan trọng để bảo đảm hòa thuận và hạnh phúc trong môi trường của mình.
Để truyền đạt những nội dung đó, dĩ nhiên trước tiên cha mẹ phải chuyển hóa chính mình để thực tâm tin tưởng vào những điều mình truyền đạt và từ đó thoát ly dần những thói quen và hành vi phân biệt đối xử. Những việc cần làm sau đây cũng có thể áp dụng cho cả mọi giới và tùy thuộc với mức độ phát triển của trẻ:
* Làm gương cho con bằng cách không dùng những ngôn ngữ, những thái độ, cử chỉ và hành động chế giễu, nhục mạ, tục tĩu, đe dọa hay bạo hành đối với bất cứ phụ nữ nào hay đúng hơn là bất cứ người nào. Bảo đảm sự nhất quán trong hành động để trẻ không có quan niệm sai lầm là một số ngôn ngữ và thái độ tiêu cực đối với phụ nữ có thể chấp nhận được trong một số môi trường chỉ có đàn ông với nhau như trên bàn nhậu, phòng thay đồ thể dục, v.v...
* Tránh dạy con những suy nghĩ phân biệt phụ nữ [sexism] bằng cách mặc nhiên quy định cá tính, vai trò, khả năng, môi trường,... của phụ nữ qua những phát biểu như “Chuyện đàn ông, đàn bà biết gì mà nói”, “Việc của đàn bà là trong bếp”, “Con gái chỉ giỏi thơ văn chứ toán lý là của con trai”, “Con gái mau nước mắt”, v.v... Thậm chí những câu nói mang tính hào hùng ca tụng nam giới trong văn hóa Á châu nhưng hàm ý phân biệt nam nữ cũng phải được xét lại, như câu “Nam nhi chí tại bốn phương”. Thực tế cho thấy phụ nữ ngày nay “chí tại bốn phương” không ít và nếu ít thì chỉ là do di sản văn hóa chứ không phải là do khả năng hay thiên bẩm.
* Dạy con về tình yêu và tình dục một cách khách quan và khoa học, với tinh thần dân chủ, nhân bản và không qua lăng kính những giá trị hay thái độ mang tính kỳ thị, khinh miệt từ tập tục, tôn giáo, hay văn hóa. Về tình yêu, chẳng hạn không xem phụ nữ như một chiến lợi phẩm. Không có gì khôi hài hơn việc một người mẹ chủ trương nữ quyền mà khoe với bạn bè hay bà con là “Con trai tôi hào hoa lắm, con gái theo hàng đàn chết mê chết mệt” hay một người cha chủ trương tôn trọng phụ nữ lại bảo cậu con trai “Con ơi, yêu gì
cái con nhỏ xấu xí quê mùa đó. Con kia mới xứng đáng với con hơn”. Những ngôn ngữ như vậy đã “vật hóa” [objectify] phụ nữ, biến phụ nữ thành một đồ vật có giá trị ở từng cấp mà người đàn ông có khả năng sở hữu tùy theo dung mạo, hình thể, bằng cấp hay tài sản của mình. Về tình dục, chẳng hạn không xem hôn nhân như là hợp đồng tình dục cưỡng bách. Tình dục phải là sự đồng thuận mang tính riêng tư giữa cá nhân hai người trong hay ngoài hôn nhân, vì thế không thể dạy con tôn trọng phụ nữ khi lại bảo “lấy vợ đi để khỏi tốn tiền đi chơi bời”. Thực hiện tinh thần dân chủ còn có nghĩa là bất cứ quan hệ tình yêu hay tình dục nào cũng phải đi kèm với sự đồng ý của cả hai bên. Dạy con trai bỏ những suy nghĩ như kiểu mình yêu và chăm sóc chiều chuộng người ta như vậy thì người ta phải yêu lại, hay đã là bồ bịch thì người con gái phải chấp nhận việc thỏa mãn những nhu cầu tình dục của con trai.
Nếu đọc đến đây, các bạn vẫn còn kỳ thị phụ nữ hay “nhẹ nhàng” hơn chỉ muốn tìm một lý giải tâm lý hay xã hội học nào đó cho sự khác biệt giữa nam và nữ trong việc có Tâm Phật hay không thì mẩu đối thoại sau giữa Bàn Khuê và một phụ nữ sẽ cho bạn lý giải đó: “Một người đàn bà hỏi: “Con nghe nói phụ nữ nghiệp nặng không thể nào thành Phật, có đúng không?”. Sư hỏi: “Bà trở thành phụ nữ từ hồi nào vậy?”.”
Ở một bình diện thâm sâu hơn, khả năng giao tiếp với phụ nữ trong đời sống cũng chính là sự thể hiện khả năng tiếp cận và giao hòa với mặt nữ tính trong vô thức của một người nam. Tâm lý gia Carl Jung gọi hình ảnh vô thức nam tính là “animus” và nữ tính là “anima”. Trong bài Hôn nhân như là một quan hệ tâm lý [Marriage as a Psychological Relationship] của cuốn Sự phát triển nhân cách [The Development of Personality], Carl Jung thậm chí còn cho rằng những gì người nam gán ghép về dục tính và cảm tính của phụ nữ thực ra vốn phát xuất từ sự phóng chiếu của phần nữ tính trong vô thức của người nam lên đối tượng.
Theo Carl Jung, một cá nhân sẽ không đạt được sự hoàn thiện toàn mãn trong tiến trình chuyển hóa mà ông gọi là “individuation” khi chưa đem tất cả vùng vô thức cá nhân và tập thể này ra ý thức và tổng hợp chúng trong tâm lý của mình, trong đó có cả “anima” và “animus” thành một thể thống nhất.
TRONG NỖI CÔ ĐƠN
T
hỉnh thoảng em đến tìm tôi vào giờ ăn trưa. Vốn mang hai dòng máu, Tây Ban Nha và Philippines, nên em rất xinh đẹp. Lúc nào gặp trong trường, tôi cũng thấy em đi giữa đám bạn có khi là đám bạn trai mến mộ em hay có khi là đám bạn nữ trong nhóm múa ủng hộ đội banh [cheerleaders] của trường. Thế nhưng em đến tìm tôi vì muốn tôi giúp cho em chấm dứt nỗi cô độc. Em bảo dù nhiều bạn cả online lẫn offline, dù trao đổi với bạn hầu như mỗi phút, em vẫn thấy cô độc. Mỗi người là một thế giới xa lạ mà ngôn ngữ không thể bắt được nổi nhịp cầu giao cảm. Em thấy các bạn dường như chỉ muốn lấy lòng em để đạt được một cái gì đó. Sau mỗi lúc tán gẫu cười đùa, còn lại là em một mình với những suy nghĩ và ám ảnh của một thế giới riêng mà dường không ai bước vào được, dù là gia đình, bạn bè hay thậm chí người yêu.
Tôi biết nói gì với em chỉ trong nửa tiếng tham vấn ngắn ngủi cho một vấn đề không chỉ là vấn nạn cho người lớn mà còn trẻ con, không chỉ đơn lẻ trong xã hội nào đó mà còn là vấn đề của thân phận con người, và không chỉ là vấn đề của khoa học tâm lý mà còn của văn chương và triết học. Cô độc không phải chỉ là tưởng tượng của những nhà thơ “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, mà nó đã gõ cửa văn phòng tham vấn. Năm vừa rồi, tổ chức Childline ở Anh Quốc đã thực hiện hơn 4000 buổi tham vấn cho trẻ sợ hãi nỗi cô độc. Thân chủ của Childline có cả những em chỉ mới 6 tuổi, những đứa trẻ đang lớn lên trong một xã hội ngày càng văn minh và tân tiến, nơi mỗi người có thể kết nối được với hàng ngàn người khác khắp nơi trên thế giới chỉ bằng vài nút bấm. Thế nhưng nỗi cô độc của các em không thu nhỏ lại mà dường như cũng trải rộng ra trên toàn thế giới. Và không nút bấm nào có thể tắt được nỗi cô độc của các em.
Theo một nghiên cứu của Martin Pinquart, Giáo sư Đại học Phillips ở Marburg, và Sylvia Sorensen, Giáo sư Đại học Y Manchester, thì có
đến 80% người trẻ dưới 18 tuổi và 40% người trên 60 tuổi đã từng trải nghiệm trạng thái tâm lý này. Theo nghiên cứu của Giáo sư Janis Bullock thuộc Đại học bang Montana, ngay cả trẻ mẫu giáo và lớp Một đã có thể hiểu được khái niệm cô độc và trả lời chính xác những câu hỏi về cảm nghiệm này, với những trình tự không khác của trẻ lớn hơn hay thậm chí người lớn tuổi. Thế giới càng ngày càng nhỏ lại không chỉ với những phương tiện di chuyển mà còn cả với phương tiện truyền thông, thế nhưng nỗi cô độc vẫn còn đó như vài trăm năm trước. Với tình trạng gia đình một con và sự lệ thuộc vào truyền thông xã hội, các chuyên gia cảnh báo con số trẻ em khổ sở về nỗi cô độc này sẽ ngày một gia tăng.
Nếu cô độc ít khi là đối tượng than vãn của tuổi trung niên thì nó lại đến thăm cuộc đời chúng ta rất sớm rồi trở lại trong những tháng ngày cuối đời. Riêng đối với trẻ em, cô độc là một vấn nạn gây nhiều hậu quả tai hại cấp thời lẫn lâu dài cho trẻ. Trẻ có cảm nghiệm cô đọc thường cảm thấy bị ruồng rẫy, hắt hủi, lạnh nhạt thậm chí tẩy chay bởi những bạn đồng lứa tuổi và hậu quả là nỗi buồn chán, xa lạ, vô nghĩa trong tất cả mọi quan hệ với bạn bè. Cảm nghiệm cô độc thường trực đối với trẻ em thường dẫn đến ảnh hưởng tai hại lên trí năng, khả năng tập trung, cảm nghiệm và hành vi rồi dần dà ảnh hưởng đến những yếu tố di truyền, thần kinh và tuyến nội tiết của trẻ. Nhiều yếu tố dẫn đến nỗi cô độc của trẻ: mâu thuẫn với gia đình, mất mát người thân hay bạn bè hay kém khả năng giao tiếp. Nhiều khi cảm nghiệm này lại đến vì một hiện tượng xã hội; trẻ học mẫu giáo bị bắt nạt cho biết chúng không chỉ ghét bỏ nhà trường mà còn căng thẳng và cô độc. Trẻ em và chúng ta cảm nhận nỗi cô độc khi những cơ hội giao tiếp và quan hệ trong xã hội vẫn có đó nhưng chúng ta không có khả năng nối kết với người khác. Và hậu quả lâu dài là chứng trầm cảm nhiều khi kéo dài cả cuộc đời.
Nhìn từ góc cạnh triết học, có lẽ không ai có thể nói ngắn gọn hơn về cảm nghiệm cô độc bằng Erich Fromm, nhà Tâm lý học Xã hội, trong cuốn Nghệ thuật Luyến ái [The Art of Love], “Con người có phủ bẩm của lý tính, người là sự sống ý thức về chính mình. Ý thức về chính nó và đồng loại. Sự thức tỉnh về chính mình ấy, mình
như một thực thể ly cách, sự thức tỉnh về đời sống ngắn ngủi trong khoảnh khắc của chính mình, về sự kiện rằng mình sinh ra không do ý chí của mình và chết đi cũng nghịch ý chí mình. Và mình chết trước những người mình yêu hay họ chết trước mình, sự thức tỉnh về nỗi cô độc và ly cách của mình, về nỗi vô vọng của mình trước thiên nhiên và xã hội. Tất cả những điều này tạo nên sự hiện hữu ly cách và phân rẽ của mình thành một ngục tù không thể chịu đựng được”.
Nhưng từ giác độ của một nhà Tâm lý, Erich Fromm đã theo bước chân của Sigmund Freud khi cho rằng nỗi cô độc phát xuất từ ý thức của đứa con đã đánh mất trạng thái cộng sinh với mẹ, “Khi còn sơ sinh, cái ngã chưa hoàn toàn phát triển; nó cảm thấy với mẹ là một, không hề cảm thấy bị ly cách khi nào mẹ nó còn ở đó. Cảm nghiệm mình của nó được chữa trị bằng sự hiện diện thể xác của mẹ, bầu vú, làn da” Theo Sigmund Freud, mỗi khi cần bú, bầu sữa đã có sẵn nên đứa trẻ không thể nào phân biệt được đâu là tự ngã của nó và đâu là biên giới giữa nó và môi trường bên ngoài. Nhưng khi lớn lên và đã bắt đầu xây dựng ý thức về tự ngã của mình, sự hiện diện của người mẹ đã không còn làm cho đứa trẻ cảm thấy đầy đủ để bù đắp vào lỗ hổng ly cách giữa mình và tha nhân.
Và cũng theo Erich Fromm trong cuốn Chạy trốn tự do [Escape from Freedom], nhiều người trong chúng ta đã bỏ cả cuộc đời để nỗ lực đi tìm cái gì đó nhằm bù đắp vào nỗi ly cách đó, và nó chính là một phần nền tảng của văn hóa. Những nghi lễ tế tự, những ngày hội tập thể, v.v... là những nỗ lực để lấp trống nỗi cô độc. Đó cũng là cảm giác cô độc khiến những đứa trẻ phải tìm đến với sự chấp nhận của bạn bè và thầy cô, của tình yêu và tình dục trai gái; tìm đến lãng quên trong rượu chè hay ma túy; hay tìm đến những cơn lên đồng về một đội bóng hay một ca sĩ của tập thể fan cuồng. Và nay thêm vào danh sách này của thời hiện đại, chúng ta có thể kể thêm videogame và facebook. Nói một cách văn chương thì biểu hiện của nhiều hình thái văn hóa là nỗ lực tuyệt vọng của con người để tìm về bầu sữa mẹ. Nhưng rồi, càng chạy trốn để hy vọng có thể
hòa tan vào một người, một tập thể, một chủ nghĩa, một tôn giáo, vv... thì nỗi cách ly và cô độc vẫn còn đó một cách mạnh mẽ hơn.
Nhưng có phải cảm nghiệm “một mình” trong thế giới này có luôn luôn và hoàn toàn tiêu cực? Câu trả lời là không, và đó là sự khác biệt giữa cô độc [loneliness] và cô đơn [solitude]. Cùng là cảm nghiệm về sự cách ly của mình đối với những người chung quanh, trong khi cô độc là sự thất bại trong nỗ lực nối kết với tha nhân thì cô đơn là ý thức trọn vẹn về sự độc lập của mình như một chủ thể trong thế giới. Nếu cô độc có thể được chữa lành bởi những phương pháp và kỹ năng thì cô đơn lại không thể là kết quả đến từ sự luyện tập. Nếu cô độc tiếp tục tìm kiếm để trở về thì cô đơn ở lại với hiện thực và tự đầy đủ trong chính mình. Trong khi cô độc là một bệnh thái thì cô đơn là một trạng thái trưởng thành của tâm thức.
Cao Hành Kiện trong bài phát biểu Sự cần thiết của cô đơn đã chỉ rõ vai trò của cảm nghiệm tích cực này: “Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành một người lớn; và chỉ khi một con người đối diện với cô đơn, y mới trưởng thành. Cô đơn thì rất cần thiết cho người đến tuổi thành niên. Nó khuyến khích sự độc lập, và tất nhiên, để làm tăng sức mạnh nhân cách trong những hoàn cảnh xã hội thì khả năng chịu đựng cô đơn là điều không thể thiếu... Trong cái thế giới ồn ào hối hả hôm nay, sự tuyên truyền qua phương tiện truyền thông đại chúng đang lan rộng khắp mọi nơi, thì nếu đôi khi một cá nhân muốn lắng nghe tiếng nói của trái tim mình, y sẽ cần sự hỗ trợ của cảm nghiệm cô đơn. Cho đến khi nào cô đơn không biến thành một thứ bệnh, nó là điều cần thiết cho mỗi cá nhân để xác lập chính mình và để đạt đến những thành tựu”.
Có lẽ bạn lại đang mỉm cười chế giễu. Chỉ có thi sĩ mới tưởng tượng về nỗi cô độc, và nay lại chỉ có nhà văn mới lại ca tụng nỗi cô đơn. Có lẽ cả hai chỉ tồn tại trong ảo giới và hoàn toàn không có gì khoa học. Nhưng, thật ra cả hai đều có thực. Nếu cô độc là gánh nặng bệnh thái của con người trong thời hiện đại thì cô đơn như là một cảm nghiệm tích cực, đã được nói nhiều bởi những triết gia từ thời xa xưa. Jenny de Jong Gierveld, Giáo sư Đại học Tự do
Amsterdam, đã đề cập đến đề tài này trong nhiều công trình nghiên cứu về cô độc và cô đơn của mình. Theo bà, loại cô đơn tích cực mà trong văn học Đức trước năm 1945 gọi là “Einsamkeit” này được xem như là một hành động thoái ẩn tự nguyện khỏi những rối rắm ràng buộc của đời sống để tập trung vào những mục tiêu cao xa hơn, chẳng hạn như trầm tư, thiền định hay giao cảm với Thượng đế.
Chúng ta có thể làm gì để con cái chúng ta lớn lên không còn cô độc? Hãy là người đồng hành nhưng không phải là kẻ áp giải. Có mặt bên cạnh con trong tình thương yêu nhưng không phải là nỗi ám ảnh của con về những tín điều mà chính chúng ta cũng nghi ngờ. Hãy cung cấp cho trẻ những kỹ năng giao tiếp xã hội để khi chúng cần, chúng có thể đến với mọi người. Thế rồi, khi không phải là những thiếu sót trong kỹ năng hay lòng tự tin, trẻ dần tự trải nghiệm nỗi cô đơn, thứ cô đơn tích cực, để hiểu rằng chúng phải đứng vững trên đôi chân của mình để tự xây cho mình một bảng giá trị, những tín lý, một hiện thực mà tha nhân chỉ có thể dự phần chứ không thể làm thay, cùng đồng hành nhưng không thể hòa tan, thì hãy khuyến khích trẻ phát hùng tâm trên con đường này.
Chỉ khi nào chúng có thể chấp nhận thực trạng cách ly của mình để sống trọn vẹn với thực tại thì một nghịch lý sẽ xảy ra: Chúng sẽ không còn cô độc mà chỉ còn cô đơn và trong chính nỗi cô đơn này, sự ly cách với vạn vật sẽ không còn nữa. Nó là cảm nghiệm trở thành “một với vũ trụ” mà Romain Rolland trong thư trao đổi với Sigmund Freud đã đề cập. Và nó không phải là một cảm nghiệm huyền bí phi khoa học. Cảm nghiệm này theo Arthur Deikman, Giáo sư Đại học UC San Francisco, từ góc nhìn Tâm thần học, cho rằng đó là một trạng thái ý thức mới, lúc việc “giải tự động hóa” [de automatization] các cấu trúc của tri thức được thực hiện để phá vỡ mọi biên giới ngã-tha. Hay giải thích như nhà Thần kinh học Frank Vollenweider của Đại học Zurich, cảm nghiệm triệt tiêu sự cách ly với vạn vật xảy ra khi có sự giảm hoạt động của hạch Hạnh nhân [amygdala] và sự kích thích cao độ tại Trung khu Thần kinh Lãnh đạo [Central Neural Authority], hệ thống các khu vực ở vùng thùy
tiền đỉnh [frontoparietal lobe] vốn chịu trách nhiệm về ý thức của một bản ngã trong thời gian và không gian.
Dù được giải thích như thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ đồng hành cùng con đi suốt cuộc hành trình cô độc - cô đơn này, một tiến trình biện chứng mà mỗi người cần trải qua để trọn vẹn cuộc nhân sinh của mình.
Chúng ta có thể làm gì để con cái chúng ta lớn lên không còn cô độc? Hãy là người đồng hành nhưng không phải là kẻ áp giải. Có mặt bên cạnh con trong tình thương yêu nhưng không phải là nỗi ám ảnh của con về những tín điều mà chính chúng ta cũng nghi ngờ. Hãy cung cấp cho trẻ những kỹ năng giao tiếp xã hội để khi chúng cần, chúng có thể đến với mọi người. Thế rồi, khi không phải là những thiếu sót trong kỹ năng hay lòng tự tin, trẻ dần tự trải nghiệm nỗi cô đơn, thứ cô đơn tích cực, để hiểu rằng chúng phải đứng vững trên đôi chân của mình để tự xây cho mình một bảng giá trị, những tín lý, một hiện thực mà tha nhân chỉ có thể dự phần chứ không thể làm thay, cùng đồng hành nhưng không thể hòa tan, thì hãy khuyến khích trẻ phát hùng tâm trên con đường này.
SƯ NHỎ ĐỨNG DẬY
Nhiều nước có một món đồ chơi mà người Việt Nam gọi là con lật đật. Các con lật đật thường làm bằng giấy bồi, hình tròn, trong rỗng, phần dưới nặng để chúng có thể bật đứng dậy bất cứ khi nào bị đẩy té. Ở Nga thì có hình búp bê gọi là Vanka-Vstanka. Ở Mỹ là con Roly Poly. Ở Trung Quốc là Bất Đảo Ông. Ở Nhật là Okiagari. Con Okiagarikoboshi ở Nhật thường là mang hình dáng nhà sư Daruma, chính là tên tiếng Nhật của Bồ Đề Đạt Ma, và Okiagari-koboshi có nghĩa là “thăng khởi tiểu tăng – nhà sư nhỏ đứng dậy”.
So sánh cách gọi tên món đồ chơi này tại các nước cũng thú vị. Trong tiếng Anh, roly poly chỉ có nghĩa là tròn trĩnh bầu bĩnh mô tả hình dạng, trong tiếng Hoa, Bất Đảo Ông diễn tả tính chất “không thể lộn ngược” của con búp bê này, nhấn mạnh đến một đức tính lý tưởng. Còn trong tiếng Nhật thì nhấn mạnh hành động “đứng dậy” của “nhà sư nhỏ” sau khi bị đẩy té. Hình ảnh con búp bê Bồ Đề Đạt Ma thường có dòng chữ “nanakorobi yaoki” đi kèm, nghĩa là “7 lần ngã, 8 lần dậy”. Riêng tiếng Việt thì mô tả trạng thái lắc lư của món đồ chơi và gán cho nó một tính cách là “lật đật”. Xem chừng chuyện đặt tên cho một món đồ chơi nhỏ bé cũng biểu hiện triết lý của một dân tộc.
Cách đây hơn 15 năm, khi tôi ra trường và thực tập tâm lý học đường với sự giám sát của một người bạn Mỹ gốc Ba Lan, anh chàng khoe với tôi là anh ta đang thực hành đạo Phật cùng với ông bạn hàng xóm người Mỹ gốc Đức. Điều cả hai cổ võ là việc tìm sự an lạc với bất cứ lúc nào, chỗ nào trong cuộc sống, nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Một mặt thì thấy vui vui vì có người tìm hiểu và tự nhận là tín đồ đạo Phật. Và cũng vui khi thấy hai anh chàng có vẻ hạnh phúc, lúc nào cũng cười đùa vui vẻ. Nhưng mặt khác, tôi vẫn thấy việc theo đạo Phật của hai anh chàng này có cái gì chưa đúng hẳn, nói theo kiểu thời thượng ở Việt Nam là “có gì sai sai”. Cả hai chỉ thích tìm những môi trường và giao tiếp với những ai vui vẻ hay
an bình, mỗi ngày và nhất là cuối tuần đều có những cuộc vui. Tôi bị vướng mắc với câu hỏi đó một thời gian dài, vì có quá nhiều thiền sư thời hiện đại có tên tuổi cũng cổ võ cho việc tìm kiếm sự an lạc trong hiện tại.
Câu trả lời có được cho đến khi tôi đọc chuyện kể về phản ứng cảm xúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong một buổi thảo luận về thần kinh học và các trạng thái cảm xúc gọi là tiêu cực với những nhà nghiên cứu phương Tây nổi tiếng, khi nghe đến thảm cảnh những em nhỏ bị bạo hành và từ đó có những chấn thương tâm lý, một nhà nghiên cứu đã thấy khuôn mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma biểu lộ nỗi buồn và thông cảm sâu sắc nhưng sau đó khi câu chuyện tiếp tục thì ngài đã biểu lộ sự bình an và tĩnh lặng (nếu tôi nhớ không Iầm thì đó là cuốn Destructive Emotions: A Scientific Dialogue with the Dalai Lama của Daniel Goleman).
Đọc câu chuyện này khiến tôi nghĩ đến khái niệm “khả năng tự phục hồi cảm xúc” [emotional resilience]. Dĩ nhiên không thể úp chụp khái niệm này để giải thích cũng như mô tả chính xác được thái độ hay biểu cảm của Đức Đạt Lai Lạt Ma và trạng thái tâm của hành giả đạo Phật. Vì khả năng tự phục hồi cảm xúc trong khái niệm nghiên cứu của Tây phương thường đặt vấn đề kỹ năng để đạt được điều đấy, có thể do tự trấn tĩnh, tự làm ngơ, hay chú ý chuyện khác cho quên đi. Trong khi đó trạng thái tâm tĩnh lặng của Phật giáo là do trọn vẹn với thực tại và vì thế mà xả ly, ít nhất là không bám víu nắm giữ quá khứ, dù quá khứ đó là một phút trước.
Và đây là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn. Thời gian vừa qua, nhiều phong trào dạy con trong nước đã nhấn mạnh đến việc người mẹ cần có một tâm bình an. Điều này là một bước tiến bộ rõ rệt so với việc dạy con trong giận dữ, bi ai, tham lam,... Tuy nhiên một số phụ huynh đã hiểu lầm việc này, nên cứ muốn giữ tâm ở một trạng thái bình an liên tục và khổ sở khi không đạt được nó. Tham muốn đó cũng xảy ra với những người mới thực hành thiền tập. Nếu lúc trước chỉ “phiền não” vì ngoại cảnh thì nay lại thêm một tầng phiền não vì mình đã phiền não vì ngoại cảnh. Phiền não về phiền não.
An nhiên trong tinh thần thực hành của đạo Phật không phải là sự liên tục tìm kiếm và thèm khát để giữ lấy sự thanh thản trong tâm hồn. Khi cố giữ một trạng thái nào đó trong cuộc sống, dù là ngoại cảnh hay nội tâm, bạn đang chuẩn bị đón tiếp đau khổ vì thực tại bao gồm tâm hồn, thể xác và ngoại cảnh trong truy nhận của bạn đều đang thay đổi. Việc bám víu và cố lưu giữ mãi một cảm thọ chỉ dẫn đến ba nguy cơ: đang hưởng thì sợ mất, hưởng hoài thì nhàm chán, và mất rồi thì đau khổ. An nhiên thực sự chỉ đến khi không mong cầu tương lai hay thực tại sẽ theo một ý tưởng nào đó của mình cho dù là ý tưởng có vẻ thánh thiện nhất; hay vì níu kéo một kỷ niệm gồm hình ảnh và cảm thọ của mình cho dù chúng có đẹp đẽ và khoái lạc nhất.
Cho nên té thì cứ té thôi, cho dù dập mặt sứt môi rồi cũng sẽ đứng dậy. Bảy lần ngã, tám lần đứng dậy. Vì như thế mình biết mình thực sự đang ở đâu trên đường tâm linh, trung thực với những giới hạn của chính mình. Còn cứ giữ cho không ngã thì thường cứ tưởng bở mình đã lên hàng “tâm linh cao cấp” mà không tự biết mình thì đường quả còn rất xa. À mà cũng không lo, cuộc đời hay pháp giới có cái tinh nghịch là đợi lúc mình tự mãn nhất thì lén đến đẩy cho một cái ngã chổng kềnh, cho biết mình biết ta.
Trong chuyện dạy con, thì trẻ con sẽ học nhiều ở cách bố mẹ đứng dậy từ nghịch cảnh hơn là từ một ông bố bà mẹ lúc nào cũng mang vẻ bình thản. Ý nghĩa của điều hòa hỗ tương [mutual regulation] giữa mẹ và con mà tôi đề cập đến ở chương Lòng mẹ trùng dương trong cuốn Dạy con trong “hoang mang” cũng vậy. Trẻ không chỉ học được từ “ngôn giáo” hay “thân giáo” của cha mẹ, mà còn từ sự cảm nhận và tương tác giữa hai hệ thần kinh một cách vô thức giữa hai bên, một món quà tuyệt vời của mấy ngàn năm tiến hóa.
“Thăng khởi tiểu tăng” Chúc các nhà sư nhỏ đều đứng dậy sau khi bị pháp xô ngã.
Cho nên té thì cứ té thôi, cho dù dập mặt sứt môi rồi cũng sẽ đứng dậy. Bảy lần ngã, tám lần đứng dậy. Vì như thế mình biết mình thực sự đang ở đâu trên đường tâm linh, trung thực với những giới hạn của chính mình. Còn cứ giữ cho không ngã thì thường cứ tưởng bở mình đã lên hàng “tâm linh cao cấp”, mà không tự biết mình thì đường quả còn rất xa. À mà cũng không lo, cuộc đời hay pháp giới có cái tinh nghịch là đợi lúc mình tự mãn nhất thì lén đến đẩy cho một cái ngã chồng kềnh, cho biết mình biết ta.
TRẺ CẦN VÀ TRẺ MUỐN
C
ác bậc phụ huynh Việt hiện nay đã bắt đầu quan tâm đến ý muốn của con cái thay vì chi áp đặt những chủ định của mình đối với chúng trong đời sống hàng ngày của gia đình. Thông thường những chủ định này của phụ huynh đa số phát xuất từ những thông tin sai lệch về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, những yêu cầu mang tính ép buộc phục tùng của xã hội, hoặc những tín niệm từ một hệ thống văn hóa hay tín ngưỡng nào đó. Việc quan tâm tới ý muốn của con cái là một điều đáng khích lệ vì nó thể hiện ngày một sâu sắc hơn tính nhân bản cần thiết trong tương tác giữa cha mẹ và con cái nói riêng và giữa người với người trong xã hội nói chung Con cái chúng ta không phải là một con ốc trong xã hội để việc phục tùng xã hội là mệnh lệnh tối thượng. Con cái chúng ta cũng không phải là một tín đồ thuần thành để việc sống theo kinh sách là một đức hạnh cao quý nhất. Chúng phải là một cá nhân với những đặc tính độc đáo của nó mà chúng ta chỉ có thể tạo các điều kiện để những đặc tính này phát triển hài hòa và khỏe mạnh trong thân tâm của chúng trước rồi đến trong tương quan giữa chúng và môi trường chung quanh. Chúng ta có thể gọi cách tiếp cận này là tập trung vào con cái [child-focused] hay “đặt con cái vào trung tâm của việc dưỡng dục trong gia đình”.
Tuy nhiên khi đặt câu hỏi “trẻ muốn gì” hay “trẻ thích gì” để đặt ý muốn của trẻ làm nền tảng cho tương tác giữa ta và trẻ, chúng ta cũng sẽ đối mặt với nguy cơ là điều mà trẻ muốn hay thích chưa chắc sẽ tạo ra những điều kiện tích cực cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ và nhất là chưa chắc sẽ đem lại trí tuệ, hạnh phúc và an toàn cho trẻ. Khi thay đổi thái độ của chúng ta từ việc thỏa mãn những điều chúng ta muốn, hay nghĩ rằng sẽ mang lại ích lợi cho trẻ, sang việc thỏa mãn những điều trẻ muốn, chúng ta cần tránh thái độ cực đoan trắng đen, thái quá hay bất cập, cụ thể là trước kia chỉ làm điều chúng ta thích thì nay chỉ làm điều gì trẻ thích. Tránh hai thái cực “thái quá” và “bất cập” cũng không phải là cân đo đong
đếm để tìm điểm giữa, cũng không phải là pha chế bằng cách sử dụng mỗi đầu một ít, mà thực sự nó là thái độ thấy rõ ràng minh bạch trẻ cần gì ngay tại thời điểm đó để giúp cho sự phát triển của trẻ.
Khi nghĩ rằng những gì trẻ truy cầu sẽ đem lại những điều kiện tối ưu để giúp trẻ phát triển, chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm “cần” và “thích/muốn”. Trong khi ở trẻ dưới 2 tuổi, những điều chúng thích cũng có thể là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ thì ý thích của trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ hay tiểu học đã không còn mang tính chất tinh tuyển từ những vận động phát triển tự nhiên của thân thể và tâm lý. Nhưng ý thích của trẻ ở lứa tuổi này đã có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh, gia đình, anh chị em, thầy cô, bạn bè, hay thậm chí các mẩu quảng cáo tiền các phương tiện truyền thông.
Khi một đứa trẻ dưới 2 tuổi thích được mẹ ôm ấp, thích cầm cái muỗng đập vào các vật chung quanh mình để nghe các tiếng khác nhau, thích với tay đến một cái ghế xa mình để vịn vào thám hiểm một không gian mới, điều chúng thích cũng là điều chúng cần, cần cho sự phát triển thần kinh lẫn các khả năng căn bán của đời sống. Trái lại, khi trẻ muốn có một cái IPad, một bộ áo quần hay món đồ chơi đắt tiền chẳng hạn, trong khi các đồ vật khác vẫn có thể phục vụ trẻ với những chức năng tương tự, trẻ đang muốn thỏa mãn những nhu cầu giả tạo hơn là nhu cầu thực sự của mình. Chúng ta chắc hẳn không quên thời thơ du với những buổi trưa lang thang trong vườn mê mẩn lắng nghe tiếng chim cu cúc cù hay tiếng ve râm van, chăm chăm nhìn đàn kiến xúm xít cõng mồi về tổ hay mấy con giun ngo ngoe trong tảng rêu dưới chậu cây. Thế giới đó có thể bây giờ đã biến mất, đặc biệt đối với trẻ con thành thị với xe cộ và máy móc chung quanh. Nhưng thay vì đáp ứng những nhu cầu thật sự trong thời đại và khung cảnh đã thay đổi, chính chúng ta lẫn con trẻ đều truy cầu những nhu cầu được khôn khéo đặt để vào đầu của chúng ta từ những mẩu quảng cáo liên tục trên mọi phương tiện truyền thông hay từ sự so sánh trong ghen tức và thèm khát những gì bạn bè chúng ta và con trẻ đang sở hữu.
Thế thì điều gì trẻ thực sự cần? Dựa theo các nghiên cứu của tác giả Bonnie Benard thuộc Trung tâm Nghiên cứu WestEd tại bang California Hoa Kỳ, những nhu cầu này gồm có:
* Muốn được an toàn;
* Muốn mình được yêu thương và yêu thương người khác;
* Muốn mình là một thành viên trong những tập thể mình có mặt chứ không phải người ngoài cuộc;
* Muốn được người chung quanh tôn trọng
* Muốn làm chủ kiến thức, vận mệnh, quyết định của mình;
* Muốn gặp những thách thức trong hoàn cảnh thay vì quá dễ dàng, thuận lợi;
* Muốn có quyền quyết định vấn đề;
* Và muốn đời sống mình có ý nghĩa.
Đây là những nhu cầu đồng thời cũng là những điều kiện thiết yếu cho sự phát triển các khả năng xã hội, cảm xúc, thể chất, đạo đức, trí tuệ và cả tâm linh của trẻ.
Có một chìa khóa cho việc nhận diện rõ những nhu cầu giả tạo cũng như việc quân bình giữa điều trẻ cần và điều trẻ muốn. Đó là chúng ta có thể thỏa mãn ý muốn của trẻ khi những ý muốn này thuộc về tám nhu cầu cần thiết cho sự phát triển toàn diện của chúng đã được nêu trên. Chúng ta có thể an tâm với trẻ nhỏ vì khi càng nhỏ, nhu cầu và ý muốn của trẻ thường là một. Đối với trẻ lớn hơn, khi ý muốn của chúng không nằm trong các nhu cầu kể trên, chúng ta có thể trò chuyện giúp trẻ chú tâm và quan sát các ý muốn của mình và các cảm xúc đi kèm, xem chúng đến từ đâu, chúng có ảnh hưởng gì đến đời sống của trẻ và người chung quanh, không có
chúng thì trẻ có vượt qua được cảm xúc khó chịu không, v.v... Qua đó, chúng ta lại giúp trẻ khám phá tương quan giữa ý nghĩ, cảm xúc cũng như các nguyên nhân và kết quả của những cảm xúc đó. Hơn nữa, chúng ta lại giúp trẻ tập được khả năng trì hoãn các tham muốn [delayed gratication]. Sau đó, chúng ta có thể chọn lựa việc đáp ứng ý muốn của trẻ hay không nhưng vẫn phải tiếp tục giúp trẻ nhận diện và phân biệt được những nhu cầu chân thật với những ý muốn phù phiếm nhất thời qua việc chú tâm quan sát chính mình. Khi trẻ quăng bỏ một món đồ chơi chỉ trong vài lần sử dụng mà trước đó chúng đã kêu gào đòi mua, chúng ta có thể nhẹ nhàng giải thích cho chúng thấy tính chất ngắn ngủi của những tham muốn và việc cứ nô lệ vào những tham muốn đó sẽ làm cảm xúc chúng ta chìm nổi bất thường như thế nào.
Vậy thì trong một trường hợp hết sức cụ thể, làm sao chúng ta có thể nhận diện được nhu cầu của trẻ? Chiều Chủ nhật vừa qua, tôi ngồi nghỉ trong khi đi mua sắm ở một phố chợ đông đúc trong khu The Grove của thành phố Los Angeles. Ngồi bên cạnh tôi là ba thế hệ trong một gia đình Mỹ gốc Phi châu, mà thế hệ thứ ba là bé Naomi đang vịn cái bàn chập chững tập đi. Khi thấy một chiếc ghế trống, Naomi với tay ra muốn vịn vào để bước qua nhưng bà mẹ liền can thiệp đẩy chiếc ghế ra xa hơn và nói chỉ muốn bé đi chung quanh cái bàn. Naomi “cam phận” tiếp tục bước quanh bàn. Tôi quan sát một hồi rồi bắt chuyện chào hỏi và khen đứa trẻ xinh xắn. Khi thấy bà ngoại và mẹ của Naomi đã thoải mái với câu chuyện, tôi nhỏ nhẹ chia sẻ quan sát của mình và cho biết ngoài việc tập đi, trẻ cũng cần phát triển tính cách bằng cách được thử thách bởi những mục tiêu tuy khó khăn nhưng vừa phải trong cuộc đời. Bà mẹ nghe vậy liền đứng dậy đẩy cái ghế lại thật gần cho Naomi vịn vào bước qua. Nhưng ngay sau đó chính bà ngoại của bé lại hiểu tôi hơn, bà chồm tới đẩy cái ghế ra xa hơn một chút, vừa tầm đủ để bé phải mạo hiểm bỏ tay vịn vào chiếc bàn bên này nhưng chỉ cần nửa bước nữa là bé đặt tay được vào chiếc ghế bên kia.
Tôi mong mỗi đứa trẻ đều có một bà ngoại như vậy.
Thế thì điều gì trẻ thực sự cần? Dựa theo các nghiên cứu của tác giả Bonnie Benard thuộc Trung tâm Nghiên cứu WestEd tại bang California Hoa Kỳ, những nhu cầu này gồm có:
* Muốn được an toàn;
* Muốn mình được yêu thương và yêu thương người khác;
* Muốn mình là một thành viên trong những tập thể mình có mặt chứ không phải người ngoài cuộc;
* Muốn được người chung quanh tôn trọng;
* Muốn làm chủ kiến thức, vận mệnh, quyết định của mình;
* Muốn gặp những thách thức trong hoàn cảnh thay vì quá dễ dàng, thuận lợi;
* Muốn có quyền quyết định vấn đề;
* Và muốn đời sống mình có ý nghĩa.
Đây là những nhu cầu đồng thời cũng là những điều kiện thiết yếu cho sự phát triển các khả năng xã hội, cảm xúc, thể chất, đạo đức, trí tuệ và cả tâm linh của trẻ.
NUÔI CON VƯỢT KHÓ
Hầu như năm nào trên các phương tiện truyền thông cũng không thiếu những tấm gương vượt khó, cả trên thế giới lẫn Việt Nam. Các gương vượt khó của giới trẻ Việt Nam bao giờ cũng đi đôi với việc thành công trong học tập. Chẳng hạn Nguyễn Ngọc Tuấn ở Hà Nội sống trong một gia đình có cha bị bệnh tâm thần, có mẹ bị bệnh thiếu máu, còn em bị hở van tim. Thế mà Tuấn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 11 năm liền, lại giành giải Nhì trong kỳ thi Hóa lớp 12 do thành phố Hà Nội tổ chức. Hay như em Nguyễn Thị Thao ở Thanh Hóa, học sinh giỏi toàn diện 4 năm liền ở Trung học cơ sở, đoạt giải Ba trong kỳ thi tiếng Anh cấp huyện, và thi vào lớp 10 với tổng số điểm là 40,8 cho ba môn (trong đó có 2 môn hệ số 2). Ba Thao mất sớm, mẹ tần tảo làm thuê nuôi con và chính Thao cũng đã thạo việc nhà từ năm lớp 5, đi rửa chén thuê từ năm lớp 6, và nay là lao động chính trong gia đình. Thao chỉ biết học và làm việc, không một ngày nghỉ và chơi đùa như bạn bè đồng lứa. Đó là những tấm gương vượt khó với hoàn cảnh bên ngoài. Trong xã hội, còn có những em ngay từ nhỏ đã bị khuyết tật nhưng vẫn cố gắng vươn lên trở thành người hữu dụng. Chẳng hạn, em Cao Thị Út ở Ninh Bình, đang trong giai đoạn phát triển cơ thể thì các cơ của em bị thoái hóa, chân tay teo tóp, nên đến nay đã 28 tuổi mà chỉ cao chưa đầy một thước và cân nặng chỉ 18 ký. Thế mà em vẫn cố gắng học tập đọc, sử dụng máy tính và vẽ tranh bán để phụ giúp gia đình.
Những điều kiện gì trong cuộc sống đã hun đúc ý chí và nghị lực cho các em vượt khó? Tại sao một số trẻ trải qua biết bao nghịch cảnh, thậm chí có khi còn mang yếu tố di truyền những căn bệnh tâm thần từ cha mẹ, lại có thể vượt qua tất cả để không chỉ có một tâm trí lành mạnh mà còn thành đạt trong cuộc sống. Trong khi đó một số trẻ khác cùng hoàn cảnh hay thậm chí có một số điều kiện ưu đãi từ gia đình và di truyền, lại không vượt qua nổi được những thách thức trong cuộc sống của mình. Chúng ta có muốn để cho con cái sau này một sản nghiệp để rồi chúng ta không chắc chúng sẽ
phát triển hay phát tán? Hay chúng ta muốn để lại một di sản tinh thần để chúng làm hành trang vào cuộc sống, dù cuộc sống này với biết bao trái ngang, biết bao khó khăn và thách thức?
Trong tâm lý học, khái niệm vượt khó xuất hiện như một phản đề cho mô hình “khiếm khuyết” trong sự phát triển của trẻ em. Theo mô hình “khiếm khuyết”, sự phát triển của trẻ em là một tiến trình trực tuyến (linear process); những phát triển không nằm trên đường thẳng này đều được xem như sự lệch chuẩn dẫn đến những khuyết tật. Mô hình này nhận diện một số nguy cơ trong môi trường phát triển của trẻ em và cố gắng loại trừ, ngăn chặn hay giảm thiểu chúng. Những trẻ em tuy sống cùng trong môi trường có các nguy cơ tương tự nhưng vẫn phát triển tích cực được xem như những ngoại lệ và ít khi được nghiên cứu. Nhưng dần hồi các nhà nghiên cứu đã nhận diện được sự tương quan của các trẻ em có khả năng vượt khó – không bị hay ít bị những khiếm khuyết khi trưởng thành - và sinh hoạt trong gia đình, môi trường học đường, và các dịch vụ trong cộng đồng. Thay vì chỉ nhận diện các nguy cơ gây ra khiếm khuyết, các nghiên cứu khả năng vượt khó còn nhận diện cả những yếu tố bảo vệ, những yếu tố giúp trẻ tuy phải gặp những nghịch cảnh nhưng vẫn vượt qua được để phát triển khỏe mạnh.
Lúc đầu các nghiên cứu chỉ tập trung vào các phẩm chất tự thân của trẻ có khả năng vượt khó. Sau đó các nhà nghiên cứu nhận thấy yếu tố vượt khó còn được hình thành nơi trẻ nhờ vào những yếu tố ngoại tại. Theo Giáo sư Ann Masten và Giáo sư Norman Garmezy ở Đại học Minnesota cũng như Giáo sư Emmy Werner ở Đại học UC Davis và Ruth Smith, chuyên gia tâm lý ở Hawaii thì những yếu tố giúp trẻ xây dựng tinh thần vượt khó có ba nhóm chính: (a) Những phẩm chất tự thân của trẻ, (b) Những yếu tố trong gia đình của trẻ, và (c) Những yếu tố trong môi trường xã hội. Làm cha mẹ, chúng ta có thể tạo dựng một mái ấm như thế nào để giúp trẻ có khả năng quý giá này trong cuộc sống?
Đối với trẻ sống trong gia đình, cha mẹ và anh chị em đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành khả năng vượt khó. Cho
dù cuộc sống của gia đình nghèo khó hay nhiều căng thẳng thì cha mẹ vẫn có nhiều phương cách để tác động và giúp con em mình xây dựng được khả năng quý báu này. Đầu tiên là mối liên hệ chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái bắt đầu từ khi chúng sinh ra qua việc ôm ấp, nâng niu, bú mớm và gần gũi trẻ. Để tạo sự tin tưởng của trẻ vào môi trường và những người chung quanh, cha mẹ cần đáp ứng kịp thời những nhu cầu căn bản của trẻ như cho ăn, ôm ấp, bài tiết, trò chuyện, giao tiếp, v.v... Trẻ cần những kích thích từ môi trường thông qua mắt thấy, tai nghe, da chạm, lưỡi nếm, mũi ngửi và những tương tác xã hội căn bản để phát triển và học tập, học để lớn và lớn để học được nhiều thêm. Nghiên cứu cho thấy trẻ có cha mẹ tạo những sinh hoạt phong phú bổ ích như đi du ngoạn, vào nhà sách, đi thư viện, thăm viện bảo tàng, xem triển lãm, v.v... sẽ giúp trẻ vượt qua được những hậu quả do môi trường thiếu thuận lợi chẳng hạn như nghèo đói... Những sinh hoạt này có thể không tốn kém nhiều nếu cha mẹ chú tâm tìm kiếm những dịch vụ miễn phí trong xã hội, nhưng chúng lại có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển trí tuệ của con.
Họ hàng thân thuộc hay bạn bè của cha mẹ cũng quan trọng không kém trong việc giúp trẻ phát triển năng lực và hình thành khả năng vượt khó. Họ có thể thay thế vai trò của cha mẹ trong những trường hợp cần thiết để làm gương về mối liên hệ yêu thương qua lại giữa những thành viên trong gia tộc hay thân hữu. Câu tục ngữ của Việt Nam “Mất cha còn chủ, mất mẹ bám vú dì” tiêu biểu cho một xã hội mà hệ thống hỗ trợ trong gia tộc phát triển khi các hệ thống hỗ trợ xã hội khác chẳng hạn công quyền còn thiếu sót. Cha … có thể cùng trẻ thăm viếng họ hàng thân hữu, liên lục bằng điện thoại hay thư tín và giữ một mối liên hệ lãnh mạnh tích cực, tin tưởng đối với họ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho trẻ thấy sức mạnh của mình không chỉ qua tập thể mà còn qua truyền thống gia tộc.
Đối thoại là một yếu tố thiết yếu trong mọi gia đình, đặc biệt là những gia đình đang gặp các tình huống khó khăn căng thẳng. Mọi thành viên trong gia đình cần đối thoại, cả nói lẫn lắng nghe, thường xuyên với nhau. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ chia sẻ, tâm tình, bày
tỏ cảm xúc, suy nghĩ và ý tưởng với mình và biết lắng nghe trẻ với thái độ hiểu biết, thông cảm và khích lệ. Khi trẻ được nói và được nghe ngay từ nhỏ, điều đó sẽ tạo dựng được niềm tin vào cha mẹ và sẵn lòng thảo luận với cha mẹ về những khó khăn mà chúng gặp phải. Đó là chưa nói tới những cá nhân có khả năng biểu đạt cảm xúc của mình với người khác sẽ nhận được sự hỗ trợ tâm lý nhiều hơn, và chính hành động trao đổi và chia sẻ đó cũng giúp trẻ nhận diện được cảm xúc của chính mình rõ hơn, cũng như thiết lập được mối quan hệ thân hữu bền chắc hơn.
Một yếu tố nữa là nề nếp và kỷ luật trong gia đình. Trẻ cần nề nếp và giới hạn hợp lý trong khuôn khổ kỷ luật gia đình vì đó là chỗ tựa đầu đời trong nhận thức của trẻ về trật tự của cuộc sống. Mỗi gia đình cần có một bảng quy định dù bất thành văn. Quy định không chỉ đơn thuần là việc trẻ không được làm mà là việc cả gia đình cùng nên làm. Các quy định này khi thực hiện lâu ngày sẽ trở thành một truyền thống mà trẻ sẽ tự hào. Chẳng hạn không dùng các từ thô lỗ khi nói về người khác, sử dụng các bao bì không phá hoại môi trường, quây quần ăn cơm tối mỗi ngày, đóng góp áo quần hay đồ chơi cũ để giúp trẻ vùng cao, hay họp gia đình mỗi cuối tuần để khen thưởng sự cố gắng của trẻ trong tuần qua và hoạch định chương trình làm việc cho tuần sau. Khi đặt ra những giới hạn, cha mẹ cần phải giải thích cho trẻ rõ lý do bằng ngôn ngữ dễ hiểu và cho thấy lợi ích của chính trẻ. Nếu trẻ gặp khó khăn tuân thủ những quy định trong gia đình, cha mẹ cần làm mẫu, thực tập cùng và hỗ trợ trẻ dần dần đến khi trẻ đạt được những khả năng này. Cần phải bắt đầu kỷ luật trẻ ngay khi trẻ mới đi chập chững, phải hợp lý và nhất quán trong cách kỷ luật, thưởng phạt, mọi lúc và mọi nơi. Không gì thất sách hơn khi cha mẹ mỗi người một ý và mỗi người một cách về quy định và mức độ kỷ luật con cái.
Vai trò của một lịch trình đều đặn trong ngày và trong tuần của trẻ cũng rất quan trọng và cần được thiết lập cho trẻ càng sớm càng tốt và cố giữ nó trong suốt giai đoạn phát triển của trẻ. Mặc dầu lịch trình này cần linh động để có thể đáp ứng với những tình huống khẩn cấp hay bất ngờ, cha mẹ nên giữ những sinh hoạt đều đặn
như cùng nhau đi ngủ và thức dậy đúng giờ, cùng chia sẻ bữa cơm gia đình mỗi tối, cùng nhau quét dọn lau chùi nhà cửa mỗi tuần hay mỗi tháng. Thậm chí mỗi gia đình có thể có một buổi họp mặt cuối tuần, chỉ để mọi người cùng hàn huyên kể chuyện trong tuần tách trà và bánh ngọt. Những lịch trình này cũng có thể trở thành những truyền thống mà trẻ tự hào. Tất cả những sinh hoạt theo một lịch trình đều đặn như vậy giúp trẻ tự xây dựng một tinh thần kỷ luật tự thân, sự ổn định về cảm xúc, niềm tin và niềm vui hoạt động tập thể, để từ đó góp phần giúp trẻ xây dựng khả năng vượt khó.
Có một thời, “lao động” đã trở thành nỗi ám ảnh và nỗi sợ với nhiều người đến nỗi có câu giễu “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”. Thật ra lao động, hay nói cho nhẹ nhàng hơn là làm việc, cũng không kém phần quan trọng trong việc hình thành khả năng vượt khó cho trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ tập làm việc nhà và có những việc liên quan đến thú tiêu khiển của trẻ. Điều cần chú ý là chúng ta không nên bị giới hạn về giới tính trong công việc. Một bé trai có thể tập nấu ăn và bé gái có thể tập sửa chữa vật dụng trong nhà. Công việc này giúp trẻ có một kỹ năng sống đồng thời có tinh thần trách nhiệm trong gia đình hiện tại lẫn tương lai của chúng. Khi chăm chỉ việc nhà, cha mẹ đã làm gương cho trẻ trong việc làm với ý chí, nghị lực và chuyên cần của mình. Những đức tính này sẽ giúp trẻ xây dựng đạo đức làm việc, tạo quan hệ tốt với bạn đồng nghiệp, tôn trọng vai trò và chức vụ của mỗi người trong tập thể. Nhiều cha mẹ không nhất thiết có thể biết hết và làm được những gì con cái phải học tập trong trường học hay sở làm, thí dụ một cha mẹ làm nông có con là học sinh chuyên toán, nhưng các bậc cha mẹ này vẫn có thể làm gương cho con về đạo đức lao động, chẳng hạn như thái độ kiên trì không bỏ cuộc, thức khuya dậy sớm để hoàn tất công việc, và thái độ vui vẻ lạc quan ngay cả khi kết quả không như ý muốn. Quan sát và tập nhiễm những thói quen tốt này, trẻ sẽ thành công trong hầu hết công việc trong đời sống của mình mà không cần phải mua một cuốn sách viết về gương thành công nào hay đi nghe diễn thuyết của một ông triệu phú nào.
Thú tiêu khiển hay như làm việc nhà cũng đóng góp vào việc xây dựng khả năng vượt khó cho trẻ, nhất là khi được áp dụng cho trẻ đang trong tuổi chuyển tiếp từ tiểu học qua trung học. Gia đình cần có những sinh hoạt chung như đi công viên, du ngoạn, thăm sở thú, viện bảo tàng, thư viện, v.v... Những chuyến đi chung như thế này giúp trẻ khám phá được những vai trò và tính cách mới mẻ của cha mẹ, tạo điều kiện cho trẻ phát huy những thế mạnh của mình chẳng hạn những kiến thức về một lãnh vực nào mà cha mẹ không có. Điều đó giúp trẻ thấy quan hệ giữa con cái và cha mẹ không chỉ là sai bảo hay việc nhà mà còn là những giờ phút thư giãn, cùng học cùng chơi bên nhau.
Gia đình muốn trẻ có khả năng vượt khó cũng cần thấy rõ và tôn trọng giá trị của việc học tập và giáo dục. Khi cha mẹ đề cao giá trị của giáo dục không chỉ như phương tiện dẫn đến thành đạt mà quan trọng hơn là việc trở thành một con người với trí tuệ và hạnh phúc. Việc đề cao này sẽ gieo vào tâm hồn trẻ niềm vui của nỗ lực học tập, cũng như sự tôn trọng và yêu mến thầy cô. Cha mẹ có thể làm việc này bằng cách đi họp phụ huynh, kiểm soát và giúp trẻ làm bài tập, đưa ra các tiêu chuẩn về học lực, v.v... Cha mẹ cũng có thể làm gương bằng cách chính mình đi học thêm hay học lên.
Cuối cùng và có lẽ quan trọng không kém là việc xây dựng cho trẻ những niềm tin và quan niệm sống tích cực. Có lẽ ít người nghĩ đến là trẻ cần một đời sống có lý tưởng, tâm linh hay tôn giáo, đặc biệt trong những giai đoạn khủng hoảng và căng thẳng của đời người. Những tín lý này giúp trẻ tìm được ý nghĩa, mục đích, sự vững chãi và thái độ tích cực trong cuộc sống. Điều này không nhất thiết có nghĩa phải theo một tôn giáo có tổ chức [organized religion], trẻ phải đi chùa hay nhà thờ, lễ lạy và làm theo những giáo điều đặt ra. Điều trẻ cần là một cái nhìn về cuộc sống không chỉ giới hạn trong chuyện mưu sinh, những mưu toan và cạnh tranh vụn vặt. Để trẻ trong những lúc rối bời khổ sở nhất có thể bước lùi một bước, để thấy những chuyện đang lo lắng chỉ là chuyện nhỏ nhặt và vô thường. Nói theo cổ nhân là “Lùi một bước biển rộng trời cao” - câu
châm ngôn không chỉ nói về vấn đề nhường nhịn mà còn có ý nghĩa về cái nhìn toàn diện đối với mỗi biến cố trong cuộc sống.
Nói tới đời sống tâm linh cũng không có nghĩa là trẻ phải có một thái độ và một đời sống cam phận, thụ động, đớn hèn. Những yếu tố tự thân giúp trẻ vượt khó còn là tính tự lập [autonomy]. Nó là khả năng và mong muốn hoàn tất công việc bằng chính nỗ lực của riêng mình, điều rất cần thiết trong việc xây dựng tính cách và phát triển xã hội cũng cần được xây dựng ngay từ thuở ấu thơ. Thứ hai là tự chủ [internal locus of control]. Nó là sự tin tưởng vào khả năng tự làm chủ vận mệnh của mình, kiểm soát được những gì xảy ra cho chúng trong cuộc đời. Ngược lại, trẻ không có tinh thần tự chủ chỉ tin vào những thế lực hay người ngoài xoay chuyển vận mệnh và cuộc đời của chúng.
Quả thực là không trẻ nào sinh ra với khả năng vượt khó sẵn có mà chúng được hình thành qua tác động qua lại với môi trường chung quanh. Gia đình là mỗi trường đầu tiên mà trẻ sinh hoạt khi chào đời. Vì thế gia đình là trợ duyên đầu tiên và quan trọng để hình thành tính cách này nơi trẻ. Hãy là người trợ duyên để chúng ta có những đứa trẻ với ý chí và nghị lực kiên cường trước những thách thức của cuộc đời.
Những điều kiện gì trong cuộc sống đã hun đúc y chí và nghị lực cho các em vượt khó? Tại sao một số trẻ trải qua biết bao nghịch cảnh, thậm chí đó khi còn mang yếu tố di truyền những căn bệnh tâm thần từ cha mẹ, lại có thể vượt qua tất cả để không chỉ có một tâm trí lành mạnh mà còn thành đạt trong cuộc sống. Trong khi đó một số trẻ khác cùng hoàn cảnh hay thậm chí có một số điều kiện ưu đãi từ gia đình và di truyền, lại không vượt qua nổi được những thách thức trong cuộc sống của mình. Chúng ta có muốn để cho con cái sau này một sản nghiệp để rồi chúng ta không chắc chúng sẽ phát triển hay phát tán? Hay chúng ta muốn
để lại một di sản tinh thần để chúng làm hành trang vào cuộc sống, dù cuộc sống này với biết bao trái ngang, biết bao khó khăn và thách thức?
MUỐI CỦA ĐẤT CÔNG CHÍNH C
ó một lần tôi đang đứng trước một khách sạn gần chợ Bến Thành thì có một em gái nhỏ ôm một chồng sách cao nghều nghệu gần bằng chiều cao của em đến mời. Qua câu chuyện tôi biết em người Nghệ An đã vào thành phố nửa năm nay làm nghề bán sách dạo để sống qua ngày. Mặc dù em đã 15 tuổi nhưng trông em nhỏ bé như trẻ mới tuổi 11, 12. Còn nếu so sánh vóc dáng của em với học sinh tại Mỹ thì tôi sẽ đoán sai và cho rằng em mới chỉ ở lứa tuổi tiểu học. Tôi định mua một cuốn sách nấu ăn món Việt trong chồng sách của em với giá khoảng 120 ngàn nhưng quen miệng mặc cả nên cuối cùng em đồng ý bán giá 100 ngàn. Khi đưa tiền, tôi trả cho em luôn gấp đôi. Khi thấy số tiền tôi trao, em nằng nặc bắt tôi phải lấy một cuốn sách nấu ăn khác giá 180 ngàn thay vì cuốn mỏng và giá rẻ ban đầu, rồi còn nhất quyết thối lại cho tôi 20 ngàn. Tôi ngạc nhiên hỏi lý do, em cho rằng tôi phải nhận được món hàng xứng với đồng tiền tôi bỏ ra, bỏ tiền nhiều hơn thì phải lấy cuốn giá cao hơn. Em nói điều này một cách giản dị, vui mừng vì bán được một cuốn sách và không tự ái khi có người muốn cho em tiền.
Chỉ một cuộc gặp gỡ bình thường với em trên đường phố cũng đủ khơi dậy trong tôi bao điều suy nghĩ về nhân cách trong bối cảnh thông tin về sự xuống cấp đạo đức của phần lớn xã hội. Thật ra, đạo đức, luân lý và nhân cách vốn là chủ đề của triết học chứ không phải của khoa học mãi cho đến thế kỷ trước. Các triết gia người Hy Lạp là những người đầu tiên để lại tên tuổi khi thảo luận về các vấn đề này, mặc dù nhiều tài liệu đã nói đến những nguyên lý đạo đức vốn xuất hiện ở Hy Lạp khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên. Nổi bật nhất trong nền văn minh Tây phương là Plato với lý thuyết cho rằng phần lý trí [rational] trong mỗi người chính là tay xà ích để điều khiển hai con ngựa tham dục [appetitive] và sân hận [spirited]. Đa số các triết gia Hy tin rằng, nếu chúng ta có lý trí, và dĩ nhiên sống theo lý trí, chúng ta sẽ sống tốt đẹp và hạnh phúc, và đó chính là mục đích tối hậu của cuộc sống. Nói cách khác, một cuộc sống chỉ
đạt mục đích của nó khi nó thuận theo lý trí để có một cuộc sống đức hạnh đáng được người khác noi gương và ngưỡng mộ.
Mãi đến thập niên 60 của thế kỷ trước, các nhà tâm lý học mới mon men đưa ra các mô hình và lý thuyết về nội dung này. Xây dựng trên mô hình phát triển nhận thức của Jean Piaget và nhấn mạnh vai trò của lý trí như các triết gia Hy Lạp, Lawrence Kohlberg, Giáo sư Đại học Chicago cũng như Đại học Harvard, cho rằng luân lý của mỗi người được phát triển qua 3 giai đoạn chính: Tiền Quy ước, Quy ước và Hậu Quy ước. Tiến trình phát triển xuyên suốt đời người này đặc biệt liên quan đến ý thức về công lý. Ở giai đoạn Tiền Quy ước, tư duy luân lý đặt trên nền tảng quyền lợi cá nhân. Theo Lawrence Kohlberg, tư duy luân lý của trẻ nhỏ chủ yếu ở giai đoạn này. Người có mức độ phát triển luân lý ở giai đoạn này đặt câu hỏi, “làm thiện tránh ác có lợi hại gì cho cá nhân không và có được tưởng thưởng hay trừng phạt hay không?” Thưởng phạt này theo tương quan của đứa trẻ với môi trường chung quanh có thể đến từ cha mẹ, thầy cô, hay chính quyền. Ngay cả tâm lý làm lành lánh ác vì sợ Thượng đế hay nghiệp báo trừng phạt và tưởng thưởng cũng biểu hiện sự giới hạn mức độ phát triển ở giai đoạn này.
Giai đoạn Quy ước mà Lawrence Kohlberg cho rằng chủ yếu là lối tư duy của trẻ vị thành niên và trưởng thành, có nền tảng dựa trên những quy ước chung của xã hội. Dù không bị trừng phạt hay khen thưởng trực tiếp, một cá nhân trong giai đoạn này vẫn chủ trương phải tuân thủ các nguyên tắc luân lý để bảo đảm quan hệ tốt đẹp với xã hội và từ đó giữ được trật tự trong xã hội. Lúc đầu ở giai đoạn này, cá nhân còn quan tâm đến sự chấp nhận hay tán thưởng của người khác trong quyết định luân lý của mình trong khi nếu trưởng thành hơn, việc tuân thủ của cá nhân với những quy tắc luân lý là để giữ vững nền tảng và chức năng của xã hội.
Ở giai đoạn Hậu Quy ước, ý thức về quyền cá nhân trong một xã hội bình đẳng và dân chủ chiếm vai trò trọng yếu. Những cá nhân ở giai đoạn này ý thức rằng những nguyên tắc luân lý mà xã hội đề ra chỉ là những khế ước hữu dụng nhưng tương đối để bảo vệ con
người và trật tự xã hội, vì thế chúng có thể cần thay đổi nếu không còn thích hợp với những nguyên lý đạo đức chính yếu của cá nhân như quyền sống, tự do và công lý. Hành động đạo đức vì thế không còn là một phương tiện để đón nhận sự thưởng phạt hay duy trì một trật tự ở ngoài mà nó chính là cứu cánh, là sự thể hiện nhân cách và đạo đức của một cá nhân - những giá trị mà cá nhân đó tự xây dựng cho mình qua trải nghiệm, cho dù có đi ngược lại luật lệ hay quy ước của một xã hội trong một thời điểm nào đó. Nhiều lý thuyết gia trong ngành Tâm lý tin rằng chỉ có một số người trên thế giới mới đạt được giai đoạn phát triển luân lý này, điển hình như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, hay Nelson Mandela.
Với sự phát triển của ngành Khoa học Thần kinh trong thập niên qua, càng ngày các phương tiện kỹ thuật quét não lại cung cấp thông tin cho chúng ta về lãnh vực tưởng như trước kia là độc quyền của triết học này. Giáo sư Molly Crocket thuộc Đại học Oxford qua nghiên cứu của mình mới cho rằng có một nguyên lý phổ quát trong giá trị luân lý của loài người là việc không được làm hại người khác để mưu lợi cho mình. So với các loài động vật khác, nhân loại tránh việc làm hại người khác thậm chí đến mức có khi hy sinh những lợi ích của chính mình để giảm bớt nỗi khổ đau của người khác. Nghiên cứu cho thấy những lợi lộc “bất chính” - trong thí nghiệm là làm đau mình hay đau người để được thưởng tiền - không đem lại sự kích thích tương ứng trong não bằng lợi lộc “chính đáng” Một giả thuyết thú vị là có lẽ nhìn thấy nỗi đau của người khác làm khó chịu hơn cảm giác trải nghiệm nỗi đau của chúng ta, hay cũng có thể lợi lộc kiếm được từ việc làm hại người khác không có giá bằng việc chúng ta phải vất vả để đạt được chúng. Nhiều thí nghiệm lâm sàng và thực tế cho thấy con người sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình để bảo vệ sự trung thực của chính mình, cho dù không bị sự đe dọa của trừng phạt hay hứa hẹn của tưởng thưởng. Vùng não có liên hệ trực tiếp đến khả năng trung thực này nằm ở vùng tiền ngạch [prefrontal cortices], đặc biệt là hai vùng hậu biên tiền ngạch [dorsolateral prefrontal-DLPFC] và vùng nhãn ngạch [orbitofrontal OFC]. Đây là vùng phát triển trễ nhất trong việc tiến hóa của loài người.
Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ có ý thức về công chính rất sớm. Trẻ ngay từ 6-7 tuổi đã bắt đầu cho rằng người bỏ nhiều công sức hơn phải được phần nhiều hơn. Cũng trong lứa tuổi tiền tiểu học nay, trẻ đã bắt đầu hiểu rõ sự khác biệt giữa điều luật luân lý và tập tục xã hội. Chẳng hạn, lúc 5 tuổi trẻ đã hiểu luân lý là nhằm phòng ngừa những hành vi “xấu xa” có thể làm tổn thương hay mất mát cho người khác. Trong khi đó, tập tục xã hội là những quy định về hành vi đúng sai mà việc vi phạm không nhất thiết phải tổn thương ai. Chẳng hạn ăn cắp đồ của bạn là vi phạm luân lý, trong khi vừa ăn vừa nói ngồm ngoàm chỉ là vi phạm tập tục xã hội. Chỉ 1-2 tuổi nữa, trẻ đã bắt đầu có tri thức chính xác hơn về sự khác biệt này và bắt đầu áp dụng rành rẽ hơn vào các trường hợp khác nhau, như không chép bài của bạn dù việc không học bài của mình là có lý do, không la hét cười đùa chốn tôn nghiêm không có ai trừng phạt. Trong giai đoạn này, điều quan trọng nhất là trẻ bắt đầu hiểu được mình là một chủ thể có sự lựa chọn, dù sự lựa chọn đó đi nghịch với ý muốn của người chung quanh hay nghịch với sự ham muốn của chính mình trong một hoàn cảnh đầy cám dỗ. Chỉ khi trẻ biết rằng mình vốn tự do để chọn lựa, và không phải nô lệ của dục vọng ở trong hay hoàn cảnh ở ngoài, thì khi đó trẻ mới phát triển khả năng tự chế ngự và làm chủ chính mình.
Mặc dầu có những yếu tố ở trong như tính khí hay di truyền, sự phát triển đạo đức, luân lý và nhân cách của trẻ được hình thành chủ yếu từ môi trường bên ngoài. Các nghiên cứu về nhân cách và luân lý của trẻ em cho thấy kinh nghiệm thời thơ ấu, giá trị và tín niệm trong gia đình, tấm gương của anh chị và cha mẹ, ảnh hưởng bạn đồng lứa, môi trường xã hội vật thể và phi vật thể, giáo dục học đường hay từ các định chế khác, v.v... đóng vai trò hết sức quan trọng trong suốt đời sống của một cá nhân. Và những hành vi đạo đức của trẻ được học từ việc quan sát trực tiếp hành vi của những người chung quanh, hay gián tiếp từ những câu chuyện kể mà trẻ được nghe, được đọc. Làm cha mẹ, chúng ta đã “thân giáo”, giáo dục con qua hành động làm gương như thế nào?
Hành động của em bé bán sách đã biểu lộ tri thức và giá trị công chính của em, và đó là bài học lớn cho tôi. Em đã hành động với sự lựa chọn từ góc độ của một chủ thể độc lập, vượt qua được nhu cầu về hoàn cảnh của em chắc chắn không phải là khá giả và cả sự tham muốn cũng rất đỗi bình thường cho một món hàng may mắn được lãi nhiều. Việc nhận tiền của tôi cho thêm cũng không vi phạm điều lệ luân lý lẫn tập tục xã hội nào mà em vẫn từ chối, mặc dầu nhiều khi em chỉ cần nhận và nói một câu cám ơn là đã đủ để thỏa mãn cả hai yếu tố đó. Nếu nói theo Lawrence Kohlberg, mức độ phát triển luân lý của em đã ở giai đoạn Hậu Quy ước, khi hành động của em tự thân là sự thể hiện nhân cách và đạo đức của em - những giá trị mà cá nhân em tự xây dựng cho mình qua trải nghiệm.
Cuốn sách nấu ăn vẫn còn nằm trên chồng sách trong phòng làm việc của tôi và tôi vẫn chưa nấu món nào theo những chỉ dẫn trong cuốn sách đó. Nó nằm đó không chỉ như một kỷ niệm của chuyến đi hay của lần gặp em hôm đó. Nó nằm đó như sự nhắc nhở về lòng công chính và tính thiện lương của con người, và đặc biệt là con người Việt Nam không phân biệt vùng miền mà bao thăng trầm của xã hội cứ lăm le muốn hủy hoại nó vẫn thất bại. Những con người Việt Nam mà triết gia Lý Đông A gọi là “bố cu mẹ đĩ”, là đất, là muối của quê hương này. Tôi cám ơn em đã dạy tôi bài học về đạo đức và nuôi dưỡng cho tôi lòng tin sâu sắc vào con người.
Mặc dầu có những yếu tố ở trong như tính khí hay di truyền, sự phát triển đạo đức, luân lý và nhân cách của trẻ được hình thành chủ yếu từ môi trường bên ngoài. Các nghiên cứu về nhân cách và luân lý của trẻ em cho thấy kinh nghiệm thời thơ ấu, giá trị và tín niệm trong gia đình, tấm gương của anh chị và cha mẹ, ảnh hưởng bạn đồng lứa, môi trường xã hội vật thể và phi vật thể, giáo dục học đường hay từ các định chế khác, v.v... đóng vai trò hết sức quan trọng trong suốt đời sống của một cá nhân. Và những hành vi đạo đức của trẻ được học từ việc quan sát trực tiếp hành vi của
những người chung quanh, hay gián tiếp từ những câu chuyện kể mà trẻ được nghe, được đọc. Làm cha mẹ, chúng ta đã “thân giáo”, giáo dục con qua hành động làm gương như thế nào?
CÔNG ƠN DƯỠNG DỤC
C
hương trình Sinh tồn [Survivor] trên ti vi mùa 32 chấm dứt với nhiều điều thú vị. Lần đầu tiên một thí sinh người Mỹ gốc Việt đã 51 tuổi vào đến vòng chung kết. Mặc dầu không được phiếu nào của “hội đồng bộ lạc” để giành giải chung kết 1 triệu đô-la, nhưng thí sinh Trang Tài người Mỹ gốc Việt đã được nhiều khán giả của chương trình hâm mộ và thậm chí được nữ ca sĩ - nhạc sĩ Sia tặng 50 ngàn đô-la cho Tài và 50 ngàn đô-la khác để Tài làm từ thiện vì “sự quan tâm tới loài vật của anh đã thật sự gây niềm cảm hứng” cho cô ca sĩ và “đã cho nước Mỹ thấy phải tử tế với loài vật như thế nào”. Trong chương trình, khi bộ lạc của Tài nhận được mấy con gà để làm thịt, Tài đã hy sinh làm mọi chuyện vặt trong trại để khẩn khoản xin các thành viên khác chừa lại một chú gà, sau đó được gọi tên là Mark. Mark quanh quẩn bên Tài thậm chí leo lên đậu trên vai Tài và cả hai rù rì như đôi bạn thân.
Nghề nghiệp của Tài là làm vườn. Trong 13 năm qua, Tài đã tham gia chương trình từ thiện AIDS Life Cycle đạp xe đạp 545 dặm từ San Francisco đến Los Angeles trong vòng 7 ngày để gây quỹ cho bệnh nhân nhiễm HIV và AIDS. Khi nhận được quà tặng của Sia ngay buổi phát hình cuối cùng, Tài đã nói với Sia: “Tôi chân thành cảm ơn cô đã nâng cao ý thức (bảo vệ) loài vật... không chỉ loài vật mà còn cả mỗi sinh vật trên hành tinh này. Chúng ta không thể “vị nhân” [humancentric] vì không có những thứ khác, cả hệ thống sinh thái, chúng ta sẽ bị diệt vong nhanh hơn tưởng tượng. Chúng ta sẽ bị diệt vong”.
Tài chắc chắn không phải là nhà môi trường học và cũng chưa phải là nhà vận động cho môi trường. Nhưng nếu dùng sự phân loại của triết gia Ken Wilber để đánh giá sự trưởng thành về nhận thức và đạo đức của Tài thì anh đã vượt qua tầng Vị Thế giới [worldcentric]. Trong khi tầng Vị Bản ngã [ego-centric] chỉ nghĩ đến mình, Vị Chủng tộc [ethno-centric] chỉ nghĩ đến dân tộc của mình, Vị
Thế giới [world-centric] nghĩ đến nhân loại, thì thế giới quan của Tài rất gần với Vị Pháp giới [kosmo-centric] quan tâm đến toàn thể mọi hiện tượng trong cuộc sống của chúng ta từ con người, thú vật đến cỏ cây. Trình độ nhận thức thấu đáo đến toàn hệ sinh thái và sự tương quan mật thiết của nó với con người, không phải chỉ các loài có ý thức mà còn cả các loại cây cỏ đất đai này đã vượt sự cảm nhận và tri thức của nhiều người trong chúng ta. Đó chính là ý thức vạn vật tương liên, vạn pháp trùng trùng duyên khởi chính thực của Kinh Hoa Nghiêm.
Nghe phát biểu của Tài, tôi không khỏi nghĩ đến tương lai của trẻ Việt Nam nói riêng và trẻ trên thế giới nói chung. Ô nhiễm môi trường vốn dĩ không phân biệt biên giới, văn hóa, vùng đất vùng trời. Nếu cánh bướm nhẹ đập ở vùng biển này có thể làm bão 10 ở vùng biển khác nghe còn có vẻ xa vời, thì hiểm họa ô nhiễm môi trường đặc biệt là nhiễm độc kim loại nặng là một thực tế kinh hoàng của mọi người trên trái đất này, nhất là tại các quốc gia đang hy sinh môi trường và nhân dân của mình cho sự phát triển kinh tế theo kiểu rẻ tiền khi sử dụng kỹ thuật lạc hậu, hạ thấp tiêu chuẩn môi trường để mời gọi đầu tư, giảm chi phí an toàn trong quy trình sản xuất, v.v... Nếu những quốc gia đất rộng có thể lạnh lùng phá hoại môi trường ở những vùng sâu trong lục địa với ảo tưởng tác hại sẽ chỉ ảnh hưởng đến các sắc dân thiểu số vốn vẫn ngụ cư ở những vùng “khỉ ho cò gáy” này, thì với các quốc gia nhỏ bé đất chật người đông chắc chắn sẽ không có sắc tộc nào sẽ thoát khỏi thảm họa gây ra bởi sự hám lợi và vô tri, khi trời đất, rừng biển, núi sông đều bị đầu độc dần chết.
Yêu trẻ thơ, chúng ta mong muốn các em được lớn lên trong những môi trường gia đình hạnh phúc, đầy tình thương yêu, giáo dục lành mạnh và hiệu quả, xã hội an ninh và tương trợ. Nhưng nếu cả trời, đất, nước đều nhiễm độc thì ngay sự phát triển thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng tai hại, từ nội tạng cho đến não bộ, có khi còn cả mạng sống. Những tác hại của ô nhiễm môi trường bởi kim loại nặng, chẳng hạn, ảnh hưởng tất cả mọi người nhưng nặng nề nhất là đối với trẻ em, đặc biệt đến sự phát triển não bộ và hệ thần
kinh của chúng. Trẻ dễ bị tác hại từ môi trường chủ yếu vì chúng nhẹ cân hơn, ăn uống nhiều hơn so với tỉ lệ cơ thể, hấp thụ dinh dưỡng của hệ tiêu hóa cao hơn, khả năng đào thải chất độc qua bài tiết thấp hơn, và chức năng ngăn độc giữa não và máu tuần hoàn thấp hơn. Chỉ cần lướt qua hàng ngàn bài báo khoa học trên thế giới trong thập niên vừa qua với các từ khóa nhiễm độc môi trường, kim loại nặng, trẻ em, v.v... cũng đủ kinh hoàng. Có trên 20 kim loại được dùng trong đồ gia dụng và công nghiệp có thể gây tác hại đến thể xác và trí tuệ của trẻ em ở các liều lượng khác nhau. Nhiều kim loại như kẽm, đồng, sắt, mangan [manganese] vốn cần thiết cho sự phát triển của trẻ em, nhưng lại gây ra những tổn thương nghiêm trọng nếu chúng tích lũy với lượng lớn trong cơ thể. Riêng những kim loại khác thì chỉ với một lượng nhỏ thì cũng đã gây ra hậu quả tai hại, như chì [lead], thủy ngân [mercury], thạch tín [arsenic], cadimi [cadmium], v.v...
Nhìn từ góc độ tâm lý thần kinh của trẻ em, mối lo còn đáng sợ hơn. Nhiễm độc kim loại nặng có những triệu chứng tổng quát như đau gân cơ mãn tính, suy nhược mãn tính, suy nhược thần kinh, viêm mãn tính, rối loạn hệ thống tiêu hóa, dị ứng với thức ăn, chóng mặt nhức đầu, rối loạn thị giác, rối loạn cảm xúc như trầm cảm và lo âu, rối loạn hệ thần kinh như tay chân hay toàn thân tê liệt. Cụ thể từng loại kim loại nặng lại gây ra những triệu chứng khác nhau. Nếu chú ý vào các hậu quả liên quan đến trí tuệ trẻ em thì thạch tín, chì, đồng, thủy ngân, nhôm, thallium gây ra phù não, chậm phát triển trí tuệ [mental growth retarded], chỉ số thông minh thấp ở trẻ sơ sinh, rối loạn phát triển của hệ thần kinh và thậm chí các chứng điên loạn [psychosis]. Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù khả năng truyền qua sữa mẹ rất ít, kim loại nặng xuất hiện khá cao trong mẫu tóc của trẻ sơ sinh khi cơ thể người mẹ tìm cách tống xuất những chất độc này ra khỏi cơ thể của chính mình. Có những chất như chì thường bám vào các tế bào hồng huyết cầu, vì thế dễ truyền từ máu sản phụ qua màng nhau đến bào thai, ngay từ tuần lễ mang thai thứ 12.
Còn với rác không tiêu hủy được như nhựa dẻo [plastic] thì các nước vùng Đông Nam Á của chúng ta chiếm hết phân nửa danh
sách 10 nước trên thế giới chịu trách nhiệm về rác thải nhựa dẻo theo báo cáo của Liên hiệp quốc. Trong danh sách đó, đầu tiên là Trung Quốc chiếm 2,22 tấn, thứ 2 là Indonesia 1,29 tấn, đứng thứ { là Philippines, Thái Lan đứng thứ 6, Malaysia đứng thứ 8. Còn Việt Nam thì “vinh hạnh” đứng hàng thứ 4, chỉ thua Trung Quốc, Indonesia và Phillippines. Tính trên toàn thế giới, theo nghiên cứu của Viện Gyres thực hiện trong sáu năm thì trên mặt biển của hành tinh chúng ta đang cư ngụ đã có 5,25 ngàn tỷ vật thể bằng nhựa dẻo với trọng lượng là 269.000 tấn. Mặc dầu những nghiên cứu về tác động của các chất nhựa dẻo lên cơ thể con người còn giới hạn, nhà nghiên cứu về độc tố trong môi trường tại Đại học Amsterdam, Heather Leslie cho biết những hạt nhựa dẻo cực nhỏ [microplastics] có thể gây ra những phản ứng miễn nhiễm độc tố, thay đổi gen di truyền, làm chết các tế bào, v.v... vì không chỉ cơ thể của chúng ta phản ứng với chất độc đi theo nhựa dẻo mà cả với chính các hạt nhựa dẻo ấy nữa.
Có lẽ không cần nói gì về những chuyện ở tầm mức quốc gia vĩ mô hay nói gì tới nhiễm độc kim loại nặng hay hạt nhựa dẻo. Về Việt Nam nhiều lần, đến bây giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên và thậm chí kinh hoàng khi thấy nhiều gia đình khá giả nuôi chó, quét phân và nước tiểu chó ra ngoài đường. Chỉ vài thau nước và vài nhát chổi, cái nhơ bẩn trong sân nhà mình được quét thẳng ra ngoài đường, mà con đường trước cổng nhiều khi chỉ là con ngõ hẹp vừa đủ một xe hơi đi qua. Đó là chưa kể tật phóng uế kể cả khạc nhổ ngoài đường. Cả người lớn chứ đừng nói gì đến trẻ con. Cứ như một góc vắng phố phường nào đó sẽ được đóng kín lại, ngăn cách lại với môi trường chung quanh. Với cái nắng gió của thành phố, chắc chắn không chỉ mùi hôi mà còn là vi trùng và ký sinh trùng được đưa thẳng đến phổi hay qua miếng ăn vào dạ dày của mọi người, hàng xóm và kể cả gia chủ, khi những bãi nước tiểu, bãi đàm, bãi phân, v.v... khô và “bay đi lang thang”.
Từ xưa, nhiều sắc dân và nền văn hóa đã xem trái địa cầu này là một sinh vật. Mỗi cái cây, hòn đá, trái núi, dòng sông là một sinh thể với linh khí của đất trời. Thần Đạo [Shinto] với “kami” [linh hồn]
trong mỗi hiện tượng và sự vật thiên nhiên của nền văn hóa Nhật Bản. Thần linh hiện diện trong từng con thú và núi rừng của người da đỏ [Native Americans]. Người Việt sống hài hòa với thiên nhiên trong đạo Nội, tôn sùng liệt Mẫu (mẹ) với các Mẫu Thượng Thiên (trời), Mẫu Thượng Ngàn (rừng núi), Mẫu Thoải (sông nước) và Địa Mẫu (đất). Và nguyên lý Gaia được giới ủng hộ môi trường dựa vào hình ảnh mẹ Gaia trong thần thoại Hy Lạp: trên trái đất, mọi sinh vật tương tác với môi trường vô cơ để hình thành một hệ thống tổng hợp, phức hợp, tự điều chỉnh, nhằm duy trì và kéo dài nhưng điều kiện sống của hành tinh này.
Khoa học dường như đã bắt đầu công nhận nguyên lý cộng sinh của toàn thể vạn vật trong vũ trụ được trình bày sơ khai trong nhiều nền văn hóa và truyền thống. Theo nghiên cứu về mạng lưới nấm trong các khu rừng, Giáo sư Suzanne Simard, nhà Sinh thái học tại Đại học British Columbia nhận thấy mạng nấm này đã chuyển vận nước, carbon, nitrogen và các chất dinh dưỡng khác qua lại giữa các chủng loại động thực vật tạo thành một mạng lưới cộng sinh phức tạp chung quanh một trung khu thực vật, mà bà ta đã gọi là “nhóm cây mẹ” [mother trees]. Mạng lưới này giống như đã bắt chước hệ thống xã hội cũng như thần kinh của chúng ta. Trái đất này quả là một sinh thể mà con người đã giết Mẹ và nguồn sữa của chính mình với mỗi hành động tàn phá thiên nhiên.
Một bài thơ của Hòa thượng Nhất Hạnh do Phạm Duy phổ nhạc nói về chiến tranh Việt Nam có câu “Giết người đi thì ta ở với ai”. Nếu hy sinh môi trường và con người cho mục tiêu phát triển vô trách nhiệm thì có lẽ mỗi người trên hành tinh của chúng ta bây giờ cũng nên tự hỏi “Nhân loại này chết hết rồi thì phát triển với ai?”. Nhưng chúng ta đã tự dối mình như thế nào khi làm ngơ với sự phá hoại môi trường? Chúng ta xem chuyện các làng ung thư chỉ là sự bất hạnh bởi số mệnh riêng của người dân nghèo vùng đó. Chúng ta bảo nhau người này người kia sinh ra với dị tật là do kiếp trước cha mẹ làm ác. Chúng ta cho những rối loạn tâm thần là do vong nhập. Chúng ta đổ lỗi cho một thế lực thần quyền hay quy vào một định mệnh nào đó từ trên trời hay từ kiếp trước gởi đến. Bởi vì, thật là
bất lực và nhục nhã khi chúng ta tự thú rằng đó là những chuyện của thế giới nơi chúng ta đang sống mà chúng ta không thể hay không muốn làm gì cả.
Lòng hiếu thảo và tri ân công lao dưỡng dục của đấng sinh thành có lẽ cần bao gồm luôn cả Mẹ Đất, Mẹ Trời, Mẹ Nước, Mẹ Rừng, những người đã dưỡng dục cả vạn chủng loài trên hành tinh này của chúng ta.
Tài chắc chắn không phải là nhà môi trường học và cũng chưa phải là nhà vận động cho môi trường. Nhưng nếu dùng sự phân loại của triết gia Ken Wllber để đánh giá sự trưởng thành về nhận thức và đạo đức của Tài thì anh đã vượt qua tầng Vị Thế giới [world-centric]. Trong khi tầng Vị Bản ngã [egocentric] chỉ nghĩ đến mình, Vị Chủng tộc [ethnocentric] chỉ nghĩ đến dân tộc của mình, Vị Thế giới [world-centric] nghĩ đến nhân loại, thì thế giới quan của Tài rất gần với Vị Pháp giới [kosmo-centric] quan tâm đến toàn thể mọi hiện tượng trong cuộc sống của chúng ta từ con người, thú vật đến cỏ cây. Trình độ nhận thức thấu đáo đến toàn hệ sinh thái và sự tương quan mật thiết của nó với con người, không phải chỉ các loài có ý thức mà còn cả các loại cây cỏ đất đai này đã vượt sự cảm nhận và tri thức của nhiều người trong chúng ta. Đó chính là ý thức vạn vật tương liên, vạn pháp trùng trùng duyên khởi chính thực của Kinh Hoa Nghiêm.
THIÊN ĐÀNG ĐỔ VỠ
T
iếng đổ vỡ và la hét nửa đêm đánh thức đứa nhỏ thức dậy giữa cơn mê ngủ. Thoạt đầu nó tưởng đó chỉ là dư âm của cơn ác mộng đầu hôm mà nó mới trải qua. Nhưng rồi tiếng gầm gừ chửi bới tục tằn của cha cùng với tiếng than khóc rền rĩ của mẹ làm cho nó tỉnh hẳn cả ngủ, kinh hoàng chợt nhớ cơn ác mộng mỗi đêm trong gia đình mà cả mẹ, nó và em nó đều là nạn nhân. Đứa em nằm bên cạnh cũng vừa thức dậy, nghẹn ngào không khóc ra tiếng, cả người run cầm cập và bàn tay nhỏ bé đang giằng chặt lấy cánh tay áo của nó. Mái tóc dài mượt của mẹ nó rối tung bù xù che khuất cả khuôn mặt, với một dòng chất lỏng sẫm màu chảy dài, nhỏ loang lỗ trên sàn gạch và tung tóe trên tường, chỗ cha nó đã quấn tóc mẹ trong tay và đập đầu mẹ nó. Nó vội che mặt con em và ngoảnh mặt đi không dám nhìn, khi cha một lần nữa rống lên rồi lao vào mẹ nó. Có lần nó đã kéo con em chạy trốn vào cầu tiêu để khóc nhưng lại bị cha lôi ra đánh nên nay chúng chỉ dám nằm nhắm mắt bịt tai chịu trận, cầu khẩn trời Phật cho nó mau thoát khỏi cơn ác mộng này.
Người đàn ông kể cho tôi nghe câu chuyện khi tuổi đã gần tám mươi. Dù tóc đã bạc trắng, không biết bao nhiêu năm dài đã trôi qua, mỗi lần hồi tưởng để kể lại, giọng ông vẫn nghẹn đứt và trong ánh mắt chất chứa vừa là nỗi thống khổ vừa là nỗi cam chịu đã trải dài suốt đời. Thân hình dường như vẫn co rút lại để tránh những ngọn roi của quá khứ vẫn tiếp tục đánh xuống thân thể của mình, ông nói ông đã tha thứ cho cha khi hiểu rõ những khó khăn trong sinh kế, bức bách của hoàn cảnh đại gia đình đông đúc. Và nhất là khi ông đã chứng kiến những ngày tháng tuổi già của cha mình, lụm cụm đi lại hay vật vã với những bệnh hoạn cuối đời. Thế nhưng trong mắt ông vẫn còn nỗi ám ảnh về những tháng ngày buồn thảm.
Ngay cả tại Hoa Kỳ, nơi có hệ thống luật pháp và hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình, nơi luật pháp luôn bênh vực đàn bà và trẻ con, những thảm kịch bạo hành trong
gia đình vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội và để lại những chấn thương nặng nề cho con trẻ. Thống kê cho thấy mỗi năm từ 4 đến 5 triệu trẻ em từ 3 đến 17 tuổi ở Mỹ phải chứng kiến bạo hành trong gia đình. Hơn 40 triệu người trưởng thành đã lớn lên trong gia đình có bạo hành. Thông tin từ chính phủ cho thấy 95% những vụ bạo hành loại này có nạn nhân là phụ nữ và con cái của họ phải chứng kiến cơn ác mộng như thế. Con cái trong những gia đình này thường bị bỏ bê hay thậm chí bị đánh đập với tỉ lệ cao hơn mức trung bình 15 lần.
Khi nói đến việc trẻ phải chứng kiến bạo hành, chúng ta chỉ nghĩ đến trẻ phải nhìn thấy bằng mắt trực tiếp. Thật ra nó còn có nghĩa một đứa trẻ phải vùi đầu dưới mền, khổ sở bịt tai để khỏi nghe những tiếng chửi bới, hăm dọa, đánh đập của cha mẹ vọng lại từ phòng bên cạnh. Nó cũng còn có nghĩa trẻ phải thấy những giọt lệ, những vệt máu, những vết bầm tím, những mảnh áo quần bị xé nát trên thân thể của mẹ. Và thậm chí nó còn có nghĩa đứa trẻ phải thấy khuôn mặt rúm ró tay chân run rẩy vì sợ hãi của mẹ khi nghe tiếng cha về trước ngõ hay tiếng đồng hồ điểm chuông báo hiệu giờ về nhà của cha.
Những thiên thần bé nhỏ trong gia đình bạo hành nay đã không khác gì những con chim run rẩy trong mưa lạnh. Chúng đầy lo âu và sợ hãi, giật bắn mình lên mỗi khi nghe một tiếng la hét, một tiếng đổ vỡ, chỉ e rằng những xô xát lại xảy ra. Nỗi bất an như đám mây đen vây kín bầu trời chẳng biết khi nào giông tố lại giáng xuống mái đầu chúng khi ngày này qua tháng khác chúng phải chứng kiến những cơn tức giận và hành hung vô cớ của cha mình với mẹ. Đôi khi chúng tự trách mình, không biết đã làm cái gì, nói câu gì khiến cho cha lại đánh mẹ. Đôi khi chúng lại oán hận cả mẹ mình, không biết tại sao mẹ lại làm cha nổi giận. Tuyệt vọng và bất lực, chúng không còn biết cách làm gì để bảo vệ chính mình, bảo vệ cho mẹ và đàn em. Và trong tâm hồn chúng tràn đầy những cảm xúc hỗn độn, giận dữ, sợ hãi lẫn nhục nhã. Nỗi bất hạnh của gia đình này, chúng phải cố gắng giấu giếm với bạn bè và bà con, vừa kinh hãi vừa tức giận khi có ai nhắc nhở đến nó. Ngoài sự cô độc trong bí mật gia
đình và bạn bè, chúng còn cô độc hơn nữa giữa sự lãng quên, ruồng rẫy hay hắt hủi của cha mẹ. Mẹ vẫn còn đang cố gượng để thức dậy từng ngày, quằn quại với nỗi đau thể xác và tâm hồn của mình. Cha vẫn còn mê mải trong cơn bực bội, cuồng nộ với mọi điều bất ưng ý của cuộc đời. Cả hai đều đang vắng mặt, nên những đứa trẻ bị bỏ rơi trong đống hoang tàn gọi là gia đình này luôn thèm khát một ánh mắt chú ý, một bàn tay trìu mến, hay một nụ cười khích lệ. Những thứ giản dị biết bao mà sao đối với chúng thật xa vời.
Những gì chúng chứng kiến không chỉ là những lần roi quất vụt làm bật máu tâm hồn mà còn để dấu hằn lên hành vi của chúng. Thường trẻ trai sẽ bắt đầu đập phá, bướng bỉnh, sa sút trong học tập, gây hấn với bạn bè. Trẻ gái thì thường tách biệt mình với xã hội, tự cắt mình [self-mutilation] để làm nhẹ bớt nỗi đau cơ thể. Cả hai giới có thể trở nên bạc nhược, không dám khẳng định chính mình, lo lắng sợ làm phiền hay chăm chăm vuốt ve lấy lòng người khác. Không chỉ sức học đi xuống vì ký ức và sức chú tâm kém dần vì những chứng bệnh tâm thể, chúng còn có thể bị chậm nói, chậm đi hay chậm trí. Ảnh hưởng lên não bộ của trẻ bị bủa vây trong bạo lực gia đình không khác gì cựu chiến binh bị chấn thương qua lửa đạn. Chúng già đi trước tuổi, cả 7 năm hay 10 năm, không chỉ trong tâm lý mà còn trong cả DNA. Và có thể chúng sẽ tìm đến ma túy, rượu bia và cả cái chết trước khi kịp già. Tỉ lệ trẻ tự tử trong gia đình bạo hành cao gấp 6 lần, phạm vào tội ác nhiều hơn 74%, nghiện ngập nhiều hơn 50%.
Nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng con cái sẽ nhanh chóng lãng quên khi lớn lên. Vâng, chúng rồi cũng sẽ lớn, có thể rồi cũng quên ít nhiều chi tiết của những cơn ác mộng hằng đêm. Nhưng cuộc đời của chúng là minh chứng cho hậu quả của một môi trường độc hại như thế. Chúng không còn biết một gia đình hạnh phúc bình thường là như thế nào, có chăng chỉ là những mình vụn hạnh phúc của gia đình người khác kể vắn tắt qua câu chuyện của bạn, thoáng nhanh qua phim ảnh, hay trộm hưởng khi ghé chơi nhà một người quen. Những tấm gương trong gia đình nay trở nên méo mó dị thường như trong nhà kính của một hội thợ [fun mirror house], nhưng
không có gì là vui lạ mà lại què quặt và bệnh hoạn. Những đứa con gái lớn lớn lại có thể tìm những ông chồng lỗ mãng, ồn ào, tàn bạo như cha mình vì không quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông dịu dàng, ôn tồn và nhỏ nhẹ. Những đứa con trai lớn lên có thể lại đe nẹt, dọa dẫm và hành hung vợ mình, không ưa thích những người đàn bà cứng cỏi, độc lập và mạnh mẽ. Mặc cảm vì là phụ nữ, trẻ gái lớn lên lại chịu đựng chồng bạo hành vì nghĩ mình cũng “ngu dại” như cha mình đã từng mắng nhiếc mẹ mình. Tự kiêu là đàn ông, trẻ nam lớn lên lại chứng tỏ bằng cách trừng mắt, nạt nộ, tát đá như cha mình đã đối xử với mẹ mình. Quan hệ thân mật giữa vợ chồng dường như chỉ chứa đựng bạo lực và trấn áp để đạt được những gì mà đáng lẽ ra một yêu cầu dịu dàng cũng đã được cung ứng.
Chúng ta, những người còn quan tâm đến trẻ em có thể làm gì để chữa lành những vết thương của chúng? Trong khi phải tiếp tục phấn đấu cho một khung luật pháp rõ ràng và thực thi nghiêm chỉnh, những dịch vụ hỗ trợ toàn diện và chuyên nghiệp, chúng ta vẫn có thể bắt đầu với những việc đơn giản. Trước tiên cần ghi nhớ rằng trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ; chúng có cách tiếp nhận và lý giải những bạo hành trong gia đình mà chúng ta cần lắng nghe để thông hiểu, cảm thông và từ đó mới có thể can thiệp hiệu quả. Thái độ lắng nghe ân cần của chúng ta phải đi đôi bằng giọng nói nhẹ nhàng chậm rãi, trấn an chúng, đặc biệt khi trận bạo hành vừa xảy ra. Cho phép trẻ kể chuyện, chơi đùa, viết luận, để chúng có thể tự chữa lành và điều hòa cảm xúc, nhưng đồng thời phải nhắc chúng những gì xảy ra trong gia đình không phải lỗi của chúng, và cũng không phải trách nhiệm của chúng là ngăn chặn, can thiệp hay hòa giải cha mẹ chúng. Vì vậy điều đầu tiên và quan trọng nhất là bảo đảm chúng không phải là nạn nhân trực tiếp của bạo hành, không đón nhận sự tấn công trực tiếp của cha mẹ chúng.
Những hướng tiếp cận thành công trong điều trị và hỗ trợ tâm lý cho những gia đình bạo hành thường là việc giúp ổn định môi trường cho trẻ và gia đình. Đôi khi cha mẹ không hiểu biết hoặc đong lường được hết những tổn thương do chính họ gây ra trong
việc xung đột với nhau. Bản thân cha mẹ cũng cần phải được điều trị chữa lành những chấn thương và nội kết ấy. Chính người cha phải tự hóa giải những bất mãn với công việc, xã hội và đời sống của mình để từ đó làm hòa với vợ con và ngay cả với bản thân. Những ấn tượng bạo hành từ trong gia đình của người cha ở nhiều trường hợp là nguyên nhân trực tiếp nhất cho việc tái diễn bạo hành ở thế hệ kế tiếp. Riêng đối với người mẹ, chính người mẹ phải được chữa lành đồng thời cung cấp những kỹ năng tự vệ cho mình và con cái. Lo cho người mẹ được ổn định tinh thần để họ có thể chăm sóc con cái là việc cần thiết. Cả hai cha mẹ đừng vội vã vì mê tín mà tìm kiếm những nguyên nhân từ kiếp trước. Hãy nhìn vào những trải nghiệm từ nhỏ của mỗi người trong gia đình riêng của mình là xem đâu là nguyên nhân của những cuồng nộ và tàn bạo, những bạc nhược và cam chịu trong hành vi và lời nói của mình. Tại Âu Mỹ, việc tham gia những nhóm tham vấn có tác dụng hỗ trợ tích cực và chúng thường giúp người mẹ có điều kiện chia sẻ cảm xúc đồng thời học hỏi kinh nghiệm giải quyết vấn đề trong gia đình. Tương tự trẻ trong các nhóm tham vấn sẽ được học để điều chỉnh những nhận thức và anh giá sai lạc của chúng về quan hệ cha mẹ và con cái, nam và nữ, vợ và chồng, vốn có thể tồn tại do chứng kiến những bạo hành và lớn lên trong một gia đình rối loạn chức năng. Nếu thực sự qua bao nhiêu nỗ lực mà không hòa giải được, sự chia tay nhiều khi xin tốt cho con cái hơn là việc chúng phải tiếp tục “ông trong cơn ác mộng bạo hành từ ngày này qua ngày khác. Mặc dầu trong trường hợp này, trẻ vẫn có thể rủi ro gặp phải những khó khăn khác như việc chỉ trích hay lăng mạ sau lưng của người này đối với người kia, việc thiếu sự chăm sóc hay hỗ trợ tài chánh của một bên, việc phải di chuyển từ nhà này qua nhà họ mỗi tuần, và mặc cảm mình có một gia đình bất toàn không như bạn bè, nếu người mẹ biết cách bù đắp và xây dựng lại tinh thần, giá trị, quan điểm của trẻ, chúng vẫn còn cơ may có một đời sống với sức khỏe tinh thần tốt đẹp hơn là phải mòn mỏi trong Thiên đàng đã biến thành địa ngục.
Ánh mắt buồn thảm cùng với dáng vẻ rụt rè hoảng sợ của những em nhỏ và những cô gái trẻ bị cha và chồng bạo hành có lẽ là nỗi ám ảnh thường trực của tôi trong những ngày về Việt Nam. Trong
một buổi ra mắt sách, một người mẹ trẻ vờ mượn cớ hỏi giùm người bạn để hỏi tôi có thể làm gì nhằm giúp trẻ khi chúng chứng kiến mẹ bị cha chửi mắng đánh đập; nhưng rồi chưa tới cuối câu hỏi, cô ấy đã ràn rụa nước mắt, vô tình lộ ra cô ấy chính là người bị bạo hành. Chúng ta, những người đàn ông, có thể làm gì để vợ mình, chị em mình và mẹ mình không còn khóc trong sợ hãi nữa?
Những gì chúng chứng kiến không chỉ là những lằn roi quất vụt làm bật máu tâm hồn mà còn để dấu hằn lên hành vi của chúng. Thường trẻ trai sẽ bắt đầu đập phá, bướng bỉnh, sa sút trong học tập, gây hấn với bạn bè. Trẻ gái thì thường tách biệt mình với xã hội, tự cắt mình [self mutilation] để làm nhẹ bớt nỗi đau cơ thể. Cả hai giới có thể trở nên bạc nhược, không dám khẳng định chính mình, lo lắng sợ làm phiền hay chăm chăm vuốt ve lấy lòng người khác. Không chỉ sức học đi xuống vì ký ức và sức chú tâm
kém dần vì những chứng bệnh tâm thể, chúng còn có thể bị chậm nói, chậm đi hay chậm trí. Ảnh hưởng lên não bộ của trẻ bị bủa vây trong bạo lực gia đình không khác gì cựu chiến binh bị chấn thương qua lửa đạn. Chúng già đi trước tuổi, cả 7 năm hay 10 năm, không chỉ trong tâm lý mà còn trong cả DNA. Và có thể chúng sẽ tìm đến ma túy, rượu bia và cả cái chết trước khi kịp già. Tỉ lệ trẻ tự tử trong gia đình bạo hành cao gấp 6 lần, phạm vào tội ác nhiều hơn 74%, nghiện ngập nhiều hơn 50%.
SAU LỜI CHIA TAY
A
nh hỏi tôi nếu anh và chị ly dị thì con cái sẽ bị ảnh hưởng gì không. Đã bao nhiêu năm anh đã không còn thấy hạnh phúc khi chị gần như dửng dưng với tình trạng sức khỏe cũng như tinh thần của anh. Sự khác biệt về cá tính, nếu trong thời gian đầu mới quen nhau đã là sự hấp dẫn và thú vị thì nay chỉ còn lại sự căng thẳng thường trực vì những mâu thuẫn không hòa giải được thường xuyên phát tiết thành những tranh cãi trong giờ cơm chiều hay thậm chí trước giờ con cái lên giường. Cả hai đều đã không chọn giải pháp tham vấn hôn nhân vì cảm thấy không còn thiết tha gì để tiếp tục một mối quan hệ khi tình yêu và cả sự kính trọng cũng không còn. Ngoài ra, cả hai đều e ngại phải mở lại những vết thương lòng mà trong suốt mấy năm qua chúng đã đóng vảy cho dù ở dưới vẫn còn mưng mủ. Một quyết định mà theo anh là chẳng đặng đừng, còn hơn con cái của anh chị phải tiếp tục sống trong sự căng thẳng thường trực và một gia đình lạnh lùng không yêu thương. Và với anh, anh cũng không muốn hai người phải tiếp tục sống những tháng ngày không hạnh phúc, gượng cười bên nhau mà trong lòng cô độc.
Trả lời câu hỏi của anh không phải là việc dễ dàng vì quá nhiều biến cố ảnh hưởng đến con cái trong những gia đình có cha mẹ ly dị. Biến cố này là cả một cuộc đổi đời của con cái. Chứng kiến tình yêu giữa hai người yêu thương nhất của mình chia tay, mọi đứa con trong gia đình dù ở độ tuổi nào đều bị ảnh hưởng. Sự vắng mặt thường xuyên trong gia đình của một người, chỉ được gặp lại mỗi cuối tuần hay thậm chí trong nhiều trường hợp một trong hai người bỏ luôn quyền chăm sóc, thăm viếng hoặc sống nơi khác thì thời gian gặp lại là nhiều tháng hay nhiều năm. Đó là một thay đổi không dễ gì chịu đựng và thích ứng của những đứa con nhỏ khi chúng không có sự chuẩn bị tinh thần trước. Đặc biệt khi người kia lại có ngay một gia đình riêng, có những đứa con cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với những đứa con bỏ lại. Đứa con ở lại với mẹ
hay với cha lập tức phải thích ứng với anh chị em mới, trong đó đôi khi ngầm có sự ghen tức lẫn đắng cay.
Sau lời chia tay giữa hai vợ chồng là những phản ứng tiêu cực của những đứa con mà cả hai phải sẵn sàng đón chịu, dù trong đa số trường hợp, những phản ứng này vốn ngắn hạn, kéo dài chỉ khoảng hai năm theo các nghiên cứu. Phản ứng khác biệt của con cái khi cha mẹ ly dị bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài những yếu tố xác định như tuổi tác, giới tính, thu nhập và trình độ học vấn của cha mẹ, quan hệ tình cảm và cách đối xử với nhau trước và sau khi ly dị cũng là những vấn đề cần tham khảo khi dự báo trước các phản ứng tiêu cực hay tích cực của những đứa con. Về tuổi tác, nếu trẻ ở tuổi nhỏ trở nên bám víu lệ thuộc nhiều hơn vào cha hay mẹ thì trẻ lớn tuổi lại có khuynh hướng độc lập rời xa; nếu trẻ nhỏ tuổi dễ có khuynh hướng thoái hóa trong sự phát triển thì trẻ lớn tuổi lại trở nên thù nghịch hiếu chiến với cha mẹ nhiều hơn. Sự khác biệt trong khuynh hướng ứng phó với hoàn cảnh ly dị của cha mẹ phát xuất từ sự khác biệt trong quan hệ trước đó của hai lứa tuổi với cha mẹ. Trẻ nhỏ vốn đang cần nương tựa chặt chẽ về tinh thần lẫn vật chất, từ sự chăm sóc đến tâm sự nên gia đình là điểm chính yếu trong cuộc sống. Trẻ lớn thì bạn bè là đối tượng chủ yếu để tâm sự thậm chí nương tựa tinh thần nên đời sống xã hội là chính chứ không phải gia đình. Lứa tuổi vị thành niên cũng là lúc con cái xa rời sự nương tựa tinh thần vào cha mẹ, tự xây dựng cho mình quan niệm sống độc lập nên ảnh hưởng của việc ly dị cũng khác so với trẻ nhỏ.
Sau ly dị, ngoài việc phải sống hai thế giới khác nhau của cha và mẹ, với những kỳ vọng, luật lệ, tập quán khác nhau, trẻ nhỏ vẫn bám vào hy vọng một ngày cha mẹ sẽ chung sống trở lại song song với sự lo sợ về việc sẽ mất mát không chỉ tình yêu, sự chăm sóc, mà còn cả sự vắng mặt của cả hai người trong đời sống của mình. Khủng hoảng với nỗi ám ảnh thường trực bởi những suy nghĩ như thế, trẻ nhỏ có thể thoái hóa về mặt phát triển, như một nỗ lực tiềm thức để đòi hỏi và khẳng định vị trí của mình trong đời sống của cha mẹ. Chúng có thể dễ dàng nổi cơn giận dữ, rên rỉ, đeo bám, khóc
mỗi tối, đái dầm, ỉa đùn và mất một số kỹ năng tự chăm sóc chính mình dù trước kia chúng đã học được.
Trẻ lớn thì trở nên bất mãn, tức giận, chống báng mọi kỷ luật và nỗ lực chăm sóc đến từ phía cha mẹ. Chúng có thể lên án cha mẹ đã không giữ được hứa hẹn chung sống và chăm sóc chúng như là ưu tiên trong nghĩa vụ làm cha mẹ, và xem đó như là lý do chúng từ chối tuân lời và chủ động làm tổn thương cha mẹ. Chúng hung hãn và bướng bỉnh, thách thức uy quyền của cha mẹ và tập trung vào cuộc sống riêng tư của mình.
Có một số ít các trẻ phải chịu nhiều tổn hại về tâm lý, học lực và thành đạt trong đời sống đến từ những gia đình mà sự xung đột thậm chí bạo lực của cha mẹ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc chăm sóc và thương yêu con cái trong những ngày tháng dẫn đến việc ly dị. Ngoài ra, việc ly dị có thể đã làm một số cha mẹ trở nên lo âu, trầm cảm hay nghiện ngập trước và sau khi ly dị khiến việc chăm sóc con cái bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần này đã làm cho việc công ăn việc làm của cha mẹ bị ảnh hưởng nặng nề khiến cho điều kiện của việc chăm sóc cũng bị ảnh hưởng.
Đa số con cái trong những gia đình khác thì tương đối may mắn hơn vì đã tự hồi phục được trong một thời gian không quá hai năm. Nghiên cứu của Giáo sư Mavis Hetherington của Đại học Virginia cho thấy chúng chỉ trải qua những cảm xúc lo âu, tức giận, kinh hoảng trong một thời gian ngắn. Một nghiên cứu khác nhà Xã hội học Paul Amato tại Đại học Tiểu bang Pennsylvania lại cho thấy khi so sánh con cái từ các gia đình đổ vỡ với con cái từ các gia đình bình thường từ tuổi nhỏ đến cuối tuổi vị thành niên, lọc lực, vấn đề cảm xúc và hành vi, phạm pháp, đánh lãi bản thân và quan hệ của hai nhóm có sự khác biệt nhưng không quá lớn. Khi theo dõi trẻ có cha mẹ ly dị trong suốt 25 năm từ khi chúng còn nhỏ đến khi đã trưởng thành, Giáo sư Mavis Hetherington thấy chỉ có 25% trong số này gặp phải những vấn đề trầm trọng về tâm lý, cảm xúc và xã hội; trong khi đã có đến 10% trẻ trong các gia đình không ly dị gặp các vấn đề này.
Cho dù đây là một chỉ dấu cho thấy sự tác hại của việc ly dị đối với trẻ là giới hạn và thiểu số, nó cũng không phải là hoàn toàn tích cực khi chúng ta thấy con số 15% chênh lệch nêu trên. Mặc dầu đa số trẻ không gặp khó khăn về các lãnh vực đã nêu sau khi cha mẹ ly dị, chúng lại gặp phải rắc rối trong quan hệ hôn nhân sau này trong đời. Theo chuyên gia Tâm lý Joan B. Kelly và Giáo sư Robert E. Emery của Đại học Virginia, những đứa trẻ này khi lớn lên thường gặp khó khăn xây dựng và duy trì quan hệ tình cảm ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, bất mãn với hôn nhân của họ nhiều hơn, có tỉ lệ ly dị cao hơn.
Một yếu tố có liên quan đến việc trẻ không hồi phục được về mặt tâm lý sau khi cha mẹ ly dị là mức độ xung đột trong suốt thời gian chuẩn bị ly dị và sau đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ trong gia đình có xung đột công khai giữa cha mẹ trước khi ly dị lại thích nghi với cuộc sống sau đó tốt hơn trẻ trong những gia đình mà sự xung đột xảy ra ngấm ngầm. Có một giả thuyết là những đứa trẻ này khi chứng kiến việc xung đột công khai giữa cha mẹ đã có sự tiên đoán và từ đó dẫn đến sự chuẩn bị tinh thần trước. Việc chia tay của cha mẹ do đó được xem như là tất yếu và trong nhiều trường hợp lại là một điều đáng mong đợi để chấm dứt tình trạng thường xuyên gấu ó hay ẩu đả của cha mẹ, một căng thẳng thường xuyên trong gia đình mà con cái phải gánh chịu. Trong lúc đó, khi cha mẹ giấu kín những xung đột rồi sau đó công khai quyết định ly dị, trẻ nhận tin này một cách bất ngờ, thậm chí kinh hoảng và chắc chắn không có sự chuẩn bị tinh thần nào cho việc thích nghi với hoàn cảnh mới.
Khi đã đi đến quyết định chẳng đặng đừng phải chia tay nhau, chấm dứt mọi hy vọng hòa giải để chọn cuộc sống riêng biệt, những cặp vợ chồng ly dị cần chuẩn bị tinh thần cho con cái trước khi chia tay thật tốt để giảm thiểu những hậu quả tai hại về tâm lý của trẻ. Mặc dầu với những đứa trẻ tâm tính dễ chịu, có khả năng vượt khó và giải quyết vấn đề, tìm được sự hỗ trợ trong người thân hay thầy cô, và không chạy trốn vấn đề thì sẽ hồi phục và thích nghi nhanh hơn, nhưng những đứa trẻ không có những kỹ năng và đức tính trên
"""