" David Copperfield - Charles Dickens & Nhữ Thành (dịch) full prc, pdf, epub [Sách Hay] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook David Copperfield - Charles Dickens & Nhữ Thành (dịch) full prc, pdf, epub [Sách Hay] Ebooks Nhóm Zalo DAVID COPPERFIELD —★— Tác giả: Charles Dickens Người dịch: Nhữ Thành Nhà xuất bản Văn Học - 01/2001 ebook♥vctvegroup 26-09-2018 LỜI GIỚI THIỆU Charles Dickens sinh ở Portsea, một thành phố nhỏ trên bờ biển thuộc khu vực Portsmouth, ngày 7 tháng 2 năm 1812. Người cha, John Dickens, là một viên chức thấp ở Sở kho bạc của Bộ Hải quân, ông làm ở Portsea đến năm 1814, sau đó chuyển sang London rồi sang Chatham và đến năm 1822 lại trở về London, và những thành phố này sẽ hiện lên làm thành gần như toàn bộ khung cảnh của sự nghiệp văn học của Charles. Thu nhập đã ít, hai vợ chồng lại vô tư, ăn tiêu quá mức, cho nên cậu Charles từ bé đến lớn chỉ thấy gia đình loay hoay vật lộn trong cảnh nghèo đói, tủi nhục, nợ nần. Ấn tượng về một tuổi thơ bị hắt hủi, vùi dập, với những mơ ước tan vỡ phũ phàng và cái hiện thực cơ cực đắng cay sau này sẽ trở thành điệp khúc của bản giao hưởng mới mà Charles Dickens đưa vào văn học thế giới. Charles tự nhận xét về mình trong David Copperfield: là đứa trẻ có nhiều năng lực, có óc quan sát tốt, nhanh nhẹn, nhiệt tình, dễ cảm, dễ bị thương tổn về thể xác và tinh thần. Nhận xét ấy là đúng từng chữ một. Charles không được học hành gì, suốt ngày lang thang trong tất cả những xó xỉnh nghèo đói cực khổ nhất của London. Tình hình sinh hoạt của gia đình ngày càng sa sút, mười hai tuổi Charles bước vào trường đời. Cậu bé làm công ở hiệu làm xi đánh giày Oaren với số lương ít ỏi mỗi tuần là sáu hay bảy si-linh. Sau đó hai tuần, ông John Dickens bị giam vào nhà tù Marshalsea vì không trả được nợ, bà vợ và các con cũng vào sống trong tù. Cảnh sống quen thuộc với những người mắc nợ, những chủ nợ, những nhà tù nợ sẽ là đề tài sinh động không những của David Copperfield mà cả trong Pickwick và Cô bé Dorrit. Bà mẹ của ông John chết đi, để lại một ít tiền nên ông John được ra khỏi tù, đó là năm 1824. Sau đó vào tháng 6, do sự xung đột giữa ông chủ xưởng làm xi và cha cậu, Charles rời khỏi xưởng và suốt đời mình, Dickens sẽ nhớ mãi cái ấn tượng tàn nhẫn nhục nhã này. Dickens được đi học trước sau chỉ vỏn vẹn ba năm, trong lúc này, ông John bị Bộ Hải quân thải (vì Bộ không thể chấp nhận một viên chức đã vào tù) nhưng vẫn cấp cho ông một số tiền trợ cấp nhỏ. Tuy thời gian học ít ỏi, nhưng nhờ có sẵn một nghị lực lao động phi thường nên đến năm mười sáu tuổi ông đã là nhân viên giúp việc cho các biện hộ sỹ. Ông học tốc ký và trở thành một người tốc ký vô địch (theo lời các bạn đồng nghiệp) làm phóng viên cho một tờ báo, ghi lại những buổi tranh luận ở Quốc hội. Đó là năm 1828. Cũng vào năm ấy, Dickens yêu Maria Beadnell, con gái ông chủ ngân hàng. Hai người hứa hôn với nhau được hai năm nhưng mối tình tan vỡ: ông chủ ngân hàng không thể nào chấp nhận một kẻ hạ lưu làm con rể của mình. Đó là lần tủi nhục thứ hai. Năm 1830, Dickens mười tám tuổi có được một thẻ thư viện để vào Thư viện Anh, bấy giờ lớn nhất thế giới, ông vùi đầu vào sách với một nghị lực hung bạo - như ông vẫn nói - để bổ sung những kiến thức của mình. Đồng thời, ông vẫn có đủ thì giờ để lượn phố, quan sát cuộc sống, nhìn tận mắt mọi giới, mọi hạng người, mọi hoạt động, xem mọi vở kịch - ông rất mê kịch - và làm việc say sưa! Năng lực làm việc kỳ diệu ấy kết hợp với cách làm việc có phương pháp đã đưa ông đến mọi thành công. Năm 20 tuổi, ông là phóng viên tốc ký chính thức ở Quốc hội cho tờ Tấm gương Quốc hội. Nhưng ông không thích Quốc hội. Cho đến hết đời mình, bao giờ ông cũng giữ thái độ khinh miệt đối với những bài diễn văn ồn ào nhưng rỗng tuếch, phù phiếm, không ích lợi gì cho xã hội. Ông tìm một diễn đàn khác. Vào tháng 12 năm 1833, Tạp chí Nguyệt san xuất bản một truyện ngắn dí dỏm mang tên Bữa ăn ở Poplar Walk, và sáu tháng sau người ta bắt đầu thấy xuất hiện một bút danh mới là Barrow trên các tờ Tin tức buổi sáng và Tin tức buổi chiều với những bài Những phác họa ngoài phố và Những phác họa về London. Dickens phác họa những cảnh sinh hoạt mà suốt đời ông đã nhìn với con mắt tò mò nghịch ngợm nhưng trào lộng, chua chát. Dickens đang tìm đường đi cho cái thiên tài khắc họa vô song của mình. Ông đã tìm được nó vào năm 1836. Nhà họa sĩ Robert Seymour muốn xuất bản một loạt tranh hài hước miêu tả những cảnh săn bắn, thể thao, cưỡi ngựa. Bức tranh có kèm theo một văn bản. Người ta đề nghị Barrow viết. Barrow (bút danh của Dickens lúc này) nhận, nhưng đề nghị thay đổi vài điểm: đề tài sẽ do nhà văn chọn và đó là những cuộc du lịch của một câu lạc bộ; sẽ có hai mươi bốn trang văn bản với bốn trang họa và các tập sẽ ra hàng tháng kế tiếp nhau thành một truyện dài mỗi tập giá một si-linh. Quy chế này sau đó có thay đổi đôi chút: số tranh chỉ chiếm hai trang, trái lại số trang văn bản tăng lên ba mươi hai trang. Nhưng nói chung, phần lớn sự nghiệp văn học của Dickens, không chỉ Pickwick và David Copperfield mà cả Nicholas Nickleby, Cô bé Dorrit, Cha con Dombey, Ngôi nhà lạnh lẽo v.v… đã ra đời với bạn đọc dưới hình thức này. Quyển David Copperfield chẳng hạn, số 1 ra ngày 1 tháng 5 năm 1849 gồm 3 chương 1, 2, 3; số 2 ra ngày 1 tháng 5 năm 1849 gồm 3 chương 4, 5, 6 v.v… và ngày 1 tháng 11 năm 1850 hai số cuối là số 19 và 20 ra mắt gồm các chương từ 58 đến 64. Kỷ luật khe khắt ấy bắt tác giả phải viết làm cho số nào cũng dài như nhau. Tác giả thường phải viết dài hơn quy định để khi in lên cắt bớt một số câu cho vừa. Trái lại có trường hợp viết ngắn hơn quy định, tác giả phải đi từ Paris về London để bổ sung như trong số 6 của Cha con Dombey. Tác phẩm Pickwick ra đời thành công to lớn. Số đầu ra 400 bản, số 15 tăng lên đúng 100 lần là 4 vạn bản. Dickens từ nay có thể rời bỏ cái nghề phóng viên tốc ký trở thành nhà văn chuyên nghiệp, ông lấy Catherine Hogarth, con gái ông chủ bút tờ Tin tức buổi chiều, một người rất thán phục ông. Ông trở thành nhà văn lớn nhất nước Anh. Lúc này, Dickens 24 tuổi. Cuộc đời của Dickens từ đó là cuộc đời sáng tác văn học phong phú và rực rỡ. Với tiểu thuyết “Những cuộc phiêu lưu của Oliver Twist” (1838), Dickens bước hẳn sang chủ nghĩa hiện thực phê phán, ông phác họa cuộc đời của một cậu bé bị xã hội ruồng bỏ phải sống với bọn trộm cắp, và qua đó cuộc sống những người “hạ lưu” của London được vẽ lên với thái độ tố cáo xã hội. Trong tiểu thuyết “Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu của Nicholas Nickleby” (1839) ông miêu tả những phương pháp giáo dục học sinh man rợ và vạch trần thế lực của đồng tiền. Trong “Martin Chuzzlewit” (1844), viết sau khi sang Mỹ lần đầu, ông phê phán xã hội Anh và Mỹ. Từ 1843 đến 1848 xuất hiện những Chuyện kể ngày Chúa giáng sinh, ở đây, lần đầu tiên yếu tố cổ tích xen vào và ông kêu gọi lòng nhân từ, bác ái trong khung cảnh tàn nhẫn của chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Năm 1848, “Cha con Dombey” ra đời, bóc trần những tội lỗi của đồng tiền tư bản. Tài năng của ông đang lên đến độ trưởng thành cao nhất. Cuộc đời nghèo khổ đã lùi lại phía sau. Nhà văn danh tiếng, giàu có và tự tin nhìn lại quá khứ và viết tiểu thuyết tự truyện về mình trong một kiệt tác. Đó là “David Copperfield” (1849-1850). Những thất bại của phong trào hiến chương ở Anh, những kết quả nửa vời của cuộc cách mạng 1848 ở lục địa châu Âu, cảnh nghèo khổ đã cơ cực ngày càng cơ cực của những người công nhân, những người lao động bình thường mà ông tin chắc là đạo đức hơn, cao quý hơn bọn quý tộc và giàu có đã thúc đẩy ông từ bỏ lối tiểu thuyết phiêu lưu, vui nhộn để bước sang tiểu thuyết luận đề - xã hội. “Ngôi nhà lạnh lẽo” (1853) tố cáo chế độ luật pháp, “Thời gian khổ” tố cáo bọn tư bản công nghiệp. “Cô bé Dorrit” tố cáo cuộc sống tù ngục. Thái độ trào lộng nhường chỗ cho châm biếm chua chát. Thiện cảm của ông hoàn toàn dành cho những người bị chà đạp, bị khinh rẻ. Nhưng cho đến cuối đời, ông cũng vẫn không sao hiểu được cái công lý của một cuộc cách mạng của giai cấp công nhân. Những ảo tưởng mà ông tin với thái độ chân thành tội nghiệp bắt ông phải tự phác họa cho các tiểu thuyết của ông một kết thúc tươi sáng, xuất hiện dưới hình thức những nhà giàu nhân từ (!) như trong Oliver Twist, Nicholas Nickleby, một thuyết bác ái toàn nhân loại, như trong Những chuyện kể ngày Chúa giáng sinh hay những cuộc phiêu lưu may mắn ở… bên kia đại dương như trong David Copperfield. Nhưng những lầm lẫn ấy là dễ hiểu và dễ tha thứ vì con người Dickens là con người của thời đại nữ hoàng Victoria, cái thời đại tư bản Anh hãy còn phát đạt, còn đủ sức chinh phục thế giới (“mặt trời không lặn trên đế quốc Anh”) và do đó, hòa hoãn nhất thời những mâu thuẫn nội bộ và đánh lừa con người ngây thơ, dễ cảm như Dickens. Nhưng cuộc sống văn học không phải là cuộc sống duy nhất của ông. Bản tính hoạt động, say mê nhiều việc cùng một lúc, ông làm chủ một tờ tuần báo, hoạt động chính trị, diễn kịch, làm việc từ thiện, đi du lịch. Ngoài ra, từ năm 1858 Dickens còn đọc những tác phẩm mình cho công chúng nghe để lấy tiền làm việc thiện. Từ đó, những việc đọc này trở thành bộ phận thường xuyên trong đời sống, nó làm cử tọa ngây ngất, làm ông càng gần với quần chúng nhưng cũng đồng thời làm cho sức khỏe của ông, vốn dĩ đã kém, lại càng sa sút nhanh chóng. Và tất cả những hoạt động ấy diễn ra trong một hoàn cảnh gia đình lục đục, vì trái ngược với David, Dickens hoàn toàn không thấy sự yên tĩnh trong gia đình. Sau hai mươi năm sống chung trong tình trạng cãi cọ thường xuyên, vợ chồng mỗi người ở một nơi, các con cũng chia đôi (Dickens có mười đứa con) và Dickens phải để các con đi ra nước ngoài, đứa thì đi Úc, đứa thì đi Trung quốc, đứa thì đi lênh đênh trên đại dương để khỏi sống cuộc đời ngồi không ăn bám. Cuộc sống ấy chỉ có thể làm cho ông kiệt sức. Ông chết ngày 9 tháng 5 năm 1870 trong khi đang viết dở quyển tiểu thuyết “Bí mật của Edwin Drood”. Dickens có viết trong tờ di chúc của mình xin đừng dựng cho ông một đài kỷ niệm nào hết. Ông tin rằng mình sẽ sống trong con tim người đọc và đó là muôn vạn đài kỷ niệm. Không có gì đúng hơn. Trong văn học Anh, không có ai dân tộc hơn, quần chúng hơn Dickens. Không có ai mà tác phẩm được chờ đợi say sưa háo hức đến thế. Một giáo sĩ kể chuyện một người bệnh được rửa tội trước khi chết, khi chép miệng lắc đầu mà nói: “Lạy Chúa! Dù sao thì ngày mai chuyện Pickwick vẫn cứ được đăng tiếp! Thực tiếc không được đọc nó”. Ngay khi mới được tạo ra nhân vật của ông đã được nhận ra ngay ở trong đám đông và người xem trao đổi, thư từ với ông về nhân vật. Cô Mowcher mà chúng ta bắt gặp ở chương XXII chẳng hạn là một nhân vật có thực. Ngay sau khi được miêu tả, mọi người đều nhận ra cô, đến nỗi cô phải viết thơ cho Dickens yêu cầu ông miêu tả cô ta kha khá một chút và cấp cho cô một kết thúc tốt. Và như ta thấy, Dickens đã làm cô vừa lòng. G. K. Chesterton nói “Nghệ thuật của Dickens là nghệ thuật tuyệt mỹ nhất; đó là cái nghệ thuật làm mọi người thích thú”. Tất cả mọi người từ em bé đến ông già đều thích Dickens, và đều hiểu được Dickens, đều tìm thấy ở những tác phẩm của ông những người bạn mà người ta có thể tin cậy và yêu mến. Đánh giá Dickens, L. Cadamian nói: “Trong số các nhà tiểu thuyết Anh, Dickens không phải là con người nghệ sĩ nhất, nhà tâm lý học tinh vi nhất, nhà hiện thực hoàn mỹ nhất, người kể chuyện quyến rũ nhất; nhưng rõ ràng ông là người dân tộc nhất, điển hình nhất và lớn nhất”. Đúng thế, những người trí thức có thể thích một nhà tiểu thuyết khác hơn tùy theo sở thích riêng của họ về nghệ thuật, về tâm lý, về hiện thực hay về tài kể chuyện, nhưng nhân dân Anh hơn trăm năm nay trước sau vẫn chọn Dickens vì ông là “dân tộc nhất, điển hình nhất và lớn nhất”. Và cần phải nói thêm cái tính dân tộc ấy không phải chỉ dành riêng cho nước Anh. Ở Liên Xô, ở Pháp, ở Đức, đâu đâu tác phẩm của ông cũng được ưa thích. Chỉ nói riêng quyển “David Copperfield” thôi đã khiến cho nhiều tác giả viết hàng chục tiểu thuyết về tuổi thơ bị hắt hủi, về những cuộc phiêu lưu của một đứa bé. Những chuyện này ít nhiều đều dựa vào khuôn mẫu của David. Nó đã mở đầu cho một trào lưu văn học về thiếu niên. Nếu tham vọng lớn nhất của một nhà văn là được tin và được yêu thì trong tất cả các nhà văn, Dickens là người đã thực hiện cái tham vọng ấy đến mức độ đầy đủ nhất. Trong bài Tựa của David Copperfield, Dickens viết: “không ai đọc truyện này mà có thể tin nó hơn tôi đã tin khi viết nó ra”. Với tư cách một nhà văn mà những tác phẩm đã chinh phục không phải chỉ nước Anh, mà cả châu Âu và nước Mỹ, ông thú nhận: “Trong tất cả những quyển sách của tôi, đây là quyển tôi yêu quý nhất”, ông gọi David Copperfield là “đứa con cưng”. Và hậu thế đã xác nhận nhận định ấy. Pickwick có thể làm người ta thán phục hơn về tài trào lộng, Oliver Twist, Người bạn chung có thể làm người ta bị lôi cuốn hơn vì câu chuyện có một kết cấu tài tình. Cô bé Dorrit, Thời gian khổ[1], Chuyện kể ngày lễ giáng sinh có thể làm người ta thích hơn vì giá trị xã hội; Cha con Dombey, Những niềm hy vọng lớn có thể làm người ta cảm động hơn v.v… Nhưng cái đỉnh cao nhất của sự nghiệp văn học của ông, tác phẩm chân thực nhất, con cưng của nền văn học Anh, đó là David Copperfield. Dickens đã làm thế nào để đạt được cái kết quả kỳ diệu ấy? David Copperfield chinh phục con người bằng tính chân thực đáng tin của nó. Cố nhiên, đây không phải một quyển tự truyện đơn thuần, một quyển hồi ký đơn thuần mà là một quyển tiểu thuyết trong đó yếu tố hư cấu là chủ đạo xen lẫn với những sự thực rút ra từ cuộc đời của bản thân tác giả. Nhưng tác giả đã khéo kết hợp cái hư với cái thực và đưa vào đấy một sự phân tích nội tâm sâu sắc và triệt để, phanh phui tất cả những tâm trạng, những ý nghĩ của mình một cách công phu, và có thể nói tàn nhẫn, làm cho người ta thấy đây đúng là sự sống kết tinh lại, đây chính là con người Dickens. Phần hư cấu và phần tự truyện đều biểu hiện rất rõ qua tiểu sử Dickens. Cố nhiên Dickens không hề mồ côi cha mẹ, không hề có bà cô mẫu nào như bà Betsey, không hề được học hành chu đáo như David, không hề có chị bảo mẫu trung thành nào như Peggotty, không hề lấy bà vợ trẻ con như Dora v.v… Những chi tiết tự truyện có thể thu hẹp trong bốn việc: cuộc đời của David làm lao công ở Công ty Murdstone và Grinby là sao lại mấy tháng Charles sống ở xưởng làm xi; cuộc sống của ông bà Micawber là cuộc sống của cha mẹ chàng, tình yêu say đắm của David đối với Dora là tình yêu của Charles đối với Maria Beadnell. Đặc biệt cái nghị lực hung bạo của David trong việc học làm biện lý - biện hộ sỹ, học tốc ký, viết báo, viết văn nói lên quyết tâm phấn đấu và con đường văn học của Charles. Về một số điểm khác các nhà nghiên cứu vẫn không nhất trí. Ai là Agnes, cô em gái, nàng tiên và sau này là vợ David? Phải chăng đây chỉ là một ước mơ vì Dickens không tìm được hạnh phúc trong gia đình? Phải chăng nó ám chỉ cô em vợ là Georgina Hogarth? Ai là Traddles? Phải chăng nó nhắc gợi bóng gió tới John Forster, người bạn trung thành nhất, người xuất bản các tác phẩm của ông và sau này là người viết quyển tiểu sử có uy tín nhất về ông: Cuộc đời của Charles Dickens? Về những chi tiết này và những điều tương tự, đó là công việc của các nhà nghiên cứu. Đối với chúng ta, những độc giả của Dickens chỉ có một điều quan trọng mà thôi: qua nhân vật David, Dickens đã bóc trần tâm hồn mình và tính chân thực của David Copperfield là tính chân thực của tâm hồn tác giả. Và đây là điểm mới tác giả đã đem đến cho nghệ thuật của mình. Thực vậy, trước David Copperfield ta có một Dickens khác. Dickens tiền-David là Dickens của những bức khắc họa vô song. Hình ảnh của Micawber chẳng hạn là một thí dụ của lối khắc họa ấy. Lần nào ta bắt gặp ông, lập tức ta thấy cái cổ giả, cái kính tay, cái giọng nói bề trên, cái ngôn ngữ khách khí (thế nào cũng có chữ “tóm lại, nói chung”…), cái bệnh viết thư, cái thái độ chuyển nhanh chóng từ vui sang buồn, cái tâm trạng lạc quan và cả cốc rượu ngũ vị của ông ta nữa! Và không phải chỉ có ông Micawber. Bà Micawber, Uriah Heep, Traddles, chị Peggotty, cô Murdstone v.v… tất cả các nhân vật của Dickens đều thế cả. Con người của Dickens là con người của những tập quán, những cử chỉ, những lời nói điển hình. Nghệ thuật tiền-David là nghệ thuật trào lộng. Nó bắt người ta cười khi nước mắt chảy, và bắt ta buồn thắt ruột nhưng vẫn phải cười. Muốn thí nghiệm điều đó ta chỉ cần đọc bất cứ chương nào, chương XIV chẳng hạn. Nghệ thuật tiền-David là nghệ thuật bố trí sự việc dồn dập, tình tiết căng thẳng, ngôn ngữ đối chọi và làm sao cho bất cứ chi tiết nào nhỏ nhất trong một chương cũng đều có quy luật nhân quả với các chương khác làm thành một cấu trúc thực chặt chẽ như một vở kịch. Chính những ưu điểm ấy đã làm cho các tác phẩm của Dickens lôi cuốn mọi người bắt họ phải say mê như điên như dại. Nhưng những ưu điểm ấy cũng có nhược điểm của nó. Sự khắc họa dễ thành biếm họa, khi những đường viền quá đậm, con người quá rõ thì cái mập mờ huyền ảo cũng mất đi. Khi cái tính máy móc của cuộc sống hiện ra với trình độ chính xác của cái đèn kéo quân thì cái chiều sâu, cái con người lưu chuyển và đa dạng, cái thế giới nội tâm khó lòng khỏi bị thương tổn. Chính vì vậy mà khi Thackeray xuất hiện với Hội chợ phù hoa (1747- 1848)[2] với một phương pháp miêu tả mới, bỏ bề ngoài, đi vào nội tâm thì cái uy tín của Dickens tuy vẫn lừng lẫy nhưng không còn là uy tín độc nhất nữa. Không những thế, ngay lúc David Copperfield ra từng số một, thì Thackeray cũng cho ra từng số một quyển tiểu thuyết tự truyện của mình là Pendennis. Chính trong hoàn cảnh đua tài ấy, nghệ thuật của Dickens đã bước sang một bước chuyển quyết định. Trong khi vẫn giữ biện pháp khắc họa đối với những nhân vật mà ông căm ghét như Cô Murdstone, Uriah Heep, hay đối với những con người của một động cơ duy nhất, dù động cơ đó là cô con gái yêu (ông Wickfield), mẹ con bà chủ (chị Peggotty), đứa cháu gái (ông Peggotty), một dịp may hiếm có (ông Micawber) v.v… - nhưng ở đây, tất cả đều chan chứa cái vẻ trữ tình tươi mát ngây thơ làm cho họ trở thành đáng yêu hết sức - ông đã đưa ra những con người khác, uyển chuyển, đa dạng, mâu thuẫn đến khó hiểu, đó là cô Dartle, Steerforth, Emily và nhất là David. Cô Dartle - con người đã từng được yêu chuộng, nâng niu rồi bị vứt bỏ, hắt hủi - tha thiết sống bằng một cuộc sống nội tâm bị dồn ép, bị kiềm chế gắt gao, nhưng chỉ chờ một dịp nhỏ để bùng nổ. Steerforth, con người tài hoa, có thừa mọi khả năng để thành đạt, để có được danh vọng, nhưng lại vứt bỏ tất cả để chạy theo những ham thích mới, đi đến chỗ phá hoại hạnh phúc của người khác, làm những hành động bỉ ổi, hèn hạ nhưng vẫn là một con quái vật hấp dẫn. Câu chuyện về Emily, cô gái hồn nhiên, trong trắng, tươi mát trong tuổi thơ ngây, rồi bị quyến rũ, sa ngã và được cứu, bộc lộ một tài năng phân tích hiếm có. Nhưng Dickens chưa bao giờ biểu hiện cái thiên tài phân tích nội tâm cho bằng khi ông tự bộc lộ mình. Cũng như Dickens, David là một cậu bé quan sát tinh tế, có trí nhớ thực tốt, dễ cảm, dễ bị tổn thương về tình cảm. Dickens nhận thức sâu sắc nỗi đau khổ của một tâm hồn thơ ấu bị hắt hủi, khinh bỉ. David có nhiều mơ ước, có nhiều tham vọng cho nên càng đau đớn âm thầm khi những mơ ước ấy bị chà đạp. David là một người bạn tốt nhưng có phần ích kỷ, say mê bồng bột trong tình yêu, phần nào mù quáng trong tình bạn. Sự phân tích của Dickens và Steerforth, giữa Steerforth và Dartle, cũng như giữa David và Dora. Đó là một sự phân tích tàn nhẫn nhưng rất hiện thực, nó làm cho ta thấy tâm hồn của Dickens. Nhưng tính chất chân thực, đáng tin chỉ mới là một mặt. Quan trọng hơn, tác phẩm của Dickens bao giờ cũng rất đáng yêu và David Copperfield là con cưng của bạn đọc cũng là vì thế. Nó đáng yêu trước hết bởi cái chủ đề của tác phẩm: tuổi thơ ấu của những đứa trẻ mồ côi, và nhiệm vụ của xã hội đối với họ. Cố nhiên các đứa trẻ mồ côi chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của Dickens. Nhưng không ở đâu ta thấy có nhiều trẻ em mồ côi như ở đây. Có những đứa mồ côi cha (như Uriah Heep, Steerforth), có những đứa mồ côi mẹ (như Dora, Agnes), có những đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ (như Traddles, Emily, Ham, Dartle, David). Và điều đó cho phép ông nhìn vấn đề giáo dục, nghiên cứu hoàn cảnh sống của các em, đi sâu vào chủ đề gia đình ở mọi khía cạnh, mọi phương diện. Có những đứa trẻ vì được nâng niu chiều chuộng cho nên lớn lên hoặc không làm gì được (Dora) hoặc trở thành phóng túng, liều lĩnh đi đến những hành động bỉ ổi phá tan hạnh phúc gia đình người khác cũng như hạnh phúc gia đình của mình (Steerforth). Có những đứa trẻ vì được giáo dục theo cái lối giả dối, đạo đức giả nên lớn lên thành những tên lừa bịp, đểu cáng (Uriah Heep), ông mơ ước có một bà mẹ dịu dàng như bà Copperfield, nhưng ông muốn có một người đỡ đầu thân ái dù bên ngoài có phần nào nghiêm nghị, như Cô Betsey. Đó cũng là ý kiến của Steerforth khi nói “Davy ạ, giá hai mươi năm nay trời cho mình một người cha nghiêm nghị thì tốt quá!” (Chương XXI). Ông căm ghét lối giáo dục gia đình “cứng rắn”, tàn nhẫn, lạnh lùng, mà ông gọi là “tôn giáo” của chị em ông Murdstone, ông đòi hỏi đứa trẻ phải được đối xử “âu yếm”, phải được thông cảm: “Một lời khuyến khích và giải thích cho tôi, thông cảm với sự dại dột trẻ con của tôi” (Chương II). Cũng vì vậy, ông đòi hỏi một trường học ở đây “trong mọi việc người ta đều đòi hỏi đến lòng trung thực và trọng danh dự của học sinh với ý nghĩ rõ ràng rằng người ta tin vào những đức tính ấy của học sinh hễ học sinh tỏ ra xứng đáng với lòng tin” (Chương XVI). Hình ảnh lý tưởng của nó là trường của Bác sĩ Strong, đối lập với trường học chỉ dùng roi vọt của ông Creakle trong đó ông hiệu trưởng là một thứ “ôn thần” đối với các học sinh ngây thơ, vô tội. Vì yêu cầu trẻ em phải được yêu quí, tin yêu và người ta phải tìm mọi cách đảm bảo cho chúng lớn lên thành những con người hữu ích, phát huy những năng khiếu của mình cho nên Dickens đòi hỏi nhiều ở các bậc cha mẹ. Nếu ông không chấp nhận những bà mẹ chỉ lo nuông chiều con, làm hư con như bà Steerforth, hay những ông bố yêu con một cách bệnh hoạn, nhưng không nghĩ đến tương lai của con, suýt nữa làm hỏng cả đời con như ông Wickfield, thì ông lại càng không chấp nhận những bậc cha mẹ vô trách nhiệm đối với con cái. Cuộc sống ấu thơ thiếu sự săn sóc, thiếu tình yêu của ông thường xuất hiện trong các tác phẩm. Nhưng nếu như trong Nicholas Nickleby ông phê phán bà mẹ chỉ biết nói thao thao bất tuyệt mà không biết lo đến con cái, hay trong Cô bé Dorrit ông phơi bày tâm trạng ích kỷ của người cha, thì không bao giờ sự phê phán ấy lại nghiêm khắc nhưng lại trìu mến cho bằng lúc ông dựng lên hình ảnh ông bà Micawber. Chính phương pháp tự sự này là thành tựu cao nhất của thái độ hóm hỉnh Anh, mặc dầu nền văn học ấy đã có Jack London và Jonathan Swift. Sự chế nhạo xen lẫn với sự ái ngại, sự ghét bỏ xen lẫn với lòng thương. Người ta có thể đề phòng họ, sợ họ vay tiền hay mượn tên mình để vay nợ, nhưng họ là những người đáng yêu và hấp dẫn. Thackeray gọi Micawber “Anh chàng trọn vẹn kia, hưởng lạc, bẩn thỉu và thú tuyệt”. Chính cái thái độ vừa dịu dàng trìu mến, lại vừa sắc sảo và khách quan làm cơ sở cho phong cách hóm hỉnh Anh đã cho phép Dickens khắc họa thành công cả một loạt nhân vật từ Cô Betsey, anh Barkis đến anh bạn tốt là Thomas Traddles. Tất cả thiện cảm, tất cả sự thán phục của ông là dành cho những con người lao động bình thường, cho chị bảo mẫu Peggotty, cho Ham người công nhân đóng thuyền, nhất là cho ông Peggotty người đánh cá. Chị Peggotty là hình ảnh lý tưởng của một chị đầy tớ trung thành, tận tụy, vô tư. David xem chị như bà mẹ của mình và chị chỉ sống để chăm lo cho Davy, đứa con của chị. Đó là một bản tính đẹp đẽ ở chỗ quên mình. Chị quên mình vì người khác, vì mẹ David, vì David, vì Barkis; ở chị lòng thương, sự tận tụy hy sinh, thái độ quên mình trở thành bản tính. Ham và ông Peggotty xứng đáng với lời khen của Emily “Khi em nghĩ Chúa như thế nào, thì em nghĩ Chúa như anh Ham và như cậu (Peggotty)”. Đó là những con người giản dị, chất phác, chân thật, nhưng vô cùng cao quý. Họ cao quý trong cuộc sống, cao quý trong tình yêu, cao quý trong sự hy sinh. Ham chết để cứu những người bị đắm tàu trong đó có Steerforth. Ông Peggotty suốt đời sống vì người khác. Là một người đánh cá, mình đầy “nước mặn” ông sống để giúp đỡ cưu mang những người nghèo khác như bà Gummidge, và những đứa cháu của ông. Tâm hồn ông cởi mở, đẹp đẽ, vui sướng vì hạnh phúc của hai cháu, cho đến khi lòng ông tan nát, ông lang thang trên địa lục châu Âu “để tìm con cháu và đem nó về”. Nhiều nhà phê bình đã chê trách Dickens về điểm này, cho rằng ông đã biến ông Peggotty thành một thứ Chúa cứu thế và như thế là quá đáng. Nhưng chúng tôi nghĩ chính đó là ưu điểm. Đành rằng hình ảnh ông Peggotty có mang màu sắc Kinh thánh, nhưng ai sẽ cứu vớt cả nhân loại hiện tại nếu đó không phải là cái giai cấp của Ham và ông Peggotty, cái giai cấp mà lòng tận tụy hy sinh, quên mình cho kẻ khác là bản tính? Khi nói đến những con người mà xã hội coi thường bao giờ ông cũng biểu lộ thái độ thán phục không úp mở. Ông nói “nếu như xưa nay tôi có kính trọng thán phục một người, thì người đó là ông Peggotty”, ông thừa nhận bà Gummidge, cái bà hay rên rỉ, đã “cho tôi một bài học” về lòng tận tụy. Ngay cả đối với Martha, “một con giun tội nghiệp đã bị tất cả thành phố giẫm lên từ đầu phố đến cuối phố” cũng là một người đáng trọng vì chính cô đã cứu Emily khi nàng sắp rơi xuống “một nơi còn kinh khủng hơn là địa ngục”. Và tất cả những con người bình thường ấy đẹp đẽ cao quý biết bao so với những bọn giàu có, sang trọng nhưng ích kỷ, hèn hạ như mẹ con Steerforth! Và cái tốt, cái xấu, phân biệt rõ rệt, yêu, ghét phân minh là đặc điểm bất biến của tiểu thuyết Dickens, nó đã khiến cho những tác phẩm của ông tuy nói về hiện tại nhưng bao giờ cũng có cái hương vị của cổ tích. David Copperfield là một tiểu thuyết với một tình thương trìu mến. Ở đây, lần đầu tiên nhà văn tự xưng “tôi” với bạn đọc. Ở đây chỉ có kỷ niệm và những bóng hình của quá khứ. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tìm một hình thức kể sao cho ăn khớp, sao cho người đọc tin yêu, và chính ở đây Dickens đã đạt đến tột đỉnh của thiên tài của mình. Hơn một trăm năm nay các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu tại sao mười bốn chương đầu của quyển truyện lại có thể tươi mát, trẻ trung đến thế? Tác giả đã vận dụng nghệ thuật gì để khiến cho toàn bộ tác phẩm mãi đến ngày nay cứ lôi cuốn chúng ta, bắt chúng ta cứ hồi hộp chờ đợi rồi được hài lòng, nhưng lại khao khát mặc dù chúng ta đã đọc nó hàng chục lần chứ không phải như những độc giả đương thời phải sắp hàng từng dãy để đón mua từng số? Phải chăng đó là nhờ chỗ tác giả biết kéo chúng ta vào những hồi tưởng của mình bằng cách trình bày cái logic câu chuyện theo cái logic của sự hồi tưởng. Dickens nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần những chữ “hiện nay tôi còn thấy”, “tôi hồi tưởng lại”, “ngay bây giờ tôi còn nhớ”, những chữ ấy lặp đi lặp lại suốt quyển truyện làm cho chúng ta tưởng chừng như gặp lại quá khứ của mình. Ta gặp chị Peggotty lần đầu với hộp đồ may trên vẽ nhà thờ St. Paul, và lập tức chị là bạn quen biết của ta. Gặp lần thứ hai, hộp đồ may thành vật kỷ niệm, và mỗi lần nhớ đến chị, gặp chị, tự nhiên ta lại nhớ đến hộp đồ may. Và cứ như vậy, kỷ niệm của David biến thành kỷ niệm của ta, dường như chính ta nhắc David yêu cầu anh ta cho ta biết: “Thế nào, hộp đồ may ra sao?”. Và cứ như thế cái bàn tay lạnh buốt, thân hình uốn éo của Uriah, cái tính ghét lừa của Cô Betsey, cái vẻ cứng rắn của Cô Murdstone. Những lời nói cũng vậy, trở thành kỷ niệm: hình như Barkis chỉ sống để nói “Barkis muốn”, ông Wickfield sống để nói “động cơ”, và Uriah xuất hiện là để nói “tôi rất hèn kém”. Một điều đáng chú ý trong khi vận dụng rất thành thạo nghệ thuật khắc họa của mình, ở đây Dickens vẫn sử dụng nó rất vừa phải, tất cả những nét khắc họa cũng như mọi hình ảnh quá khứ đều dịu đi do chỗ xen lẫn với những cảm nghĩ của nhân vật chính. Chỉ thỉnh thoảng ông mới dùng đến lối khắc họa đậm nét như một bức phù điêu, cảnh ông Micawber vạch trần những mưu mô dối trá của Uriah Heep (chương LII) chẳng hạn sánh ngang với hài kịch Shakespeare, và cái cảnh đắm tàu ở chương LV đã được xem là không kém Homerơ trong Iliat. Nhưng đó là ngoại lệ, còn thường thường sự vật khách quan bao lần cũng xen lẫn với cảm nghĩ chủ quan như sự hồi tưởng yêu cầu. Lại còn những cảnh lặp đi lặp lại của những người khác nhau. Phải chăng cần nhắc đến con số? Có bốn cảnh chết miêu tả tỉ mỉ, có hai mươi sáu cảnh khóc trong đó người khóc là người lớn, và nhất là bốn chương dành cho việc hồi tưởng quá khứ xuất hiện hài hòa sau những chặng đường quan trọng của cuộc đời Davy. Phương pháp này có thể nói là vô cùng phù hợp với sự diễn biến nội tâm. Nếu như cái dòng nội tâm của chúng ta là một bản nhạc với những chủ đề đi về, với những giai điệu, những hòa âm lặp đi lặp lại, thì ở đây cũng vậy, Dickens đưa chúng ta vào cái thế giới giao hưởng của nội cảm. Một hình ảnh hiện lên trong quá khứ, hình ảnh Steerforth chết “gối đầu lên cánh tay” chẳng hạn. Lập tức hình ảnh ấy lại nhắc đến một hình ảnh khác cũng ở quá khứ, nhưng ở một quá khứ xa hơn: hình ảnh Steerforth ngủ ở trường học, khi còn bé “gối đầu lên cánh tay”. Rồi cái chết ấy, hình ảnh ấy lại quyện vào hiện tại: tác giả nhắc đến bạn trong khi cầm bút. Và lát sau dòng tư tưởng lại quay về quá khứ, chúng ta thấy David ngồi trên chiếc xe đưa thi hài bạn về nhà bà Steerforth. Và cứ như vậy, quá khứ, hiện tại, hiện thực, tâm tư xô đẩy nhau, quyện vào nhau để rồi cùng biến mất nhường chỗ cho một đợt sóng mới. Phải chăng chính vì thế mà tâm tư David, kỷ niệm David, biến thành tâm tư, kỷ niệm của ta, và cái giao hưởng vang lên trong tác phẩm nghe như bản giao hưởng của cuộc đời thơ ấu và thanh xuân của chính chúng ta? Nghệ thuật của Dickens là nghệ thuật của sự tính toán công phu. Không muốn làm bạn đọc bực mình, chúng tôi không trình bày con số các bức thư ông Micawber, con số các lần bà Micawber nhắc đến ông cụ thân sinh v.v... Dickens chu đáo vô cùng ở trong ngôn ngữ của mình[3]. Hân hạnh là người dịch David Copperfield chúng tôi thấy được rằng mỗi nhân vật đều có một tiếng địa phương riêng, có những chữ riêng, cách tự sự của David dựng trên một số chìa khóa như little “nhỏ” old “cũ” v.v…, và rất nhiều điều tính toán công phu khác. Dickens chú ý tới số phận của từng nhân vật, có thể nói của ngay cả số phận một con chó, không bao giờ ông bỏ sót một cái gì. Quả thực ông là “một ông cha trìu mến đối với những đứa con của óc tưởng tượng của mình” như ông nói trong lời Tựa. Như những bức thư của ông gửi cho người bạn thân nhất là Forster cho ta biết ông đã để hết tâm lực vào tác phẩm, viết xong chương về Ham và Steerforth “tôi hoàn toàn kiệt sức, và nó đã làm tôi tê liệt hoàn toàn”. Nghiên cứu chi ly từng câu, từng chữ, thấy tất cả cái công phu bố trí sắp xếp ấy, người ta sẽ ngơ ngác không thể hiểu được khi xét đến cách làm việc của Dickens. Dickens không phải là một nghệ sĩ như Tolstoy trau chuốt tác phẩm của mình cho xong toàn bộ, dù phải viết lại đến lần thứ năm mươi. Tác phẩm ông viết từng đợt theo từng số một, viết một hơi xong một số, không xóa bỏ một chữ (không kể những xóa bỏ vì phải rút lại cho vừa số trang) và toàn bộ tác phẩm là chỉ nằm trong đầu óc của ông chứ trên trang giấy thì Dickens không có hơn độc giả lấy một trang! Chúng ta chỉ biết sự thực là thế. Còn tại sao nó lại có thể như thế được thì chỉ có thể nói đó là cái khả năng kỳ diệu của đầu óc con người. Một điều khác cũng rất thú vị đối với những người đã đọc toàn bộ Dickens. Bị thu hút bởi đối tượng, gần như đây là lần duy nhất tác giả quên đưa ra quan điểm của mình để cải thiện thế giới. Những ý kiến mà người ta rút ra về giáo dục, về xã hội là do hiện thực khách quan đưa đến hay là những ý nghĩ kín đáo của bản thân nhân vật, chứ Dickens không đứng ra lên tiếng như ở các tác phẩm khác của ông. Nhưng cũng chính nhờ thế mà người đọc đời sau không phải thấy tình trạng mâu thuẫn giữa cái hiện thực xã hội mà tác giả miêu tả với cái tư tưởng cải lương ngây thơ mà tác giả đề xướng. Tác giả có đưa ông Peggotty, Emily, bà Gummidge, Martha và ông bà Micawber qua bên kia đại dương, sang Úc, cũng như đưa ông thầy học cũ của mình sang đấy chẳng qua cũng chỉ là tìm một thứ kết luận “đại đoàn viên” trong đó mọi người sung sướng để vừa lòng bạn đọc mà thôi, chứ không có tham vọng đưa ra một lý thuyết xã hội nào. Tác giả có mỉa mai Quốc hội, tòa án thì cũng chỉ là nêu lên cái tính chất cổ hủ, lỗi thời của nó chứ không chủ trương phải thay đổi nó như thế nào. Chắc tác giả thấy rằng đây chỉ là kỷ niệm, chỉ là nơi tâm sự, chứ không phải là diễn đàn nên đã kiềm chế được cái tham vọng làm một hộ dân quan. Nhờ vậy khuynh hướng toát ra từ hiện thực và thời đại sau tìm được cái kết luận thích hợp mà tác giả không thể nào có được vì chưa nắm được cái khoa học duy nhất đúng đắn để phân tích xã hội là chủ nghĩa xã hội khoa học. Và như bạn đọc có thể nhận thấy, David Copperfield không phải vì thế mà bớt hấp dẫn. Các thế hệ qua đi, nhưng tuổi trẻ còn lại. Tuổi trẻ mơ ước, tin yêu, nó bồng bột, dễ cảm, khao khát tình bạn, mong muốn một sự hướng dẫn đúng đắn. Nó dễ vui, dễ buồn, nó giàu tưởng tượng và tin những tác phẩm nghệ thuật thỏa mãn những nhu cầu trên của nó. Và hễ tuổi trẻ còn như thế thì nó còn tìm thấy ở David Copperfield một người bạn, và David Copperfield còn sẽ được tuổi trẻ tin và đối xử trìu mến. Nhà văn André Morell có kể lại câu chuyện: “Năm 1870 khi Dickens mất và trong tất cả các gia đình ở Anh, ở Úc, ở Canada, ở Mỹ người ta báo cái tin chết của ông cho cả các em nhỏ như một cái tang trong gia đình, người ta kể lại rằng có một cậu bé hỏi: “Bác Dickens chết à? Thế ông già Noel cũng sẽ chết sao?”[4] Giới thiệu nhà tiểu thuyết “dân tộc nhất, điển hình nhất, lớn nhất” của văn học Anh với bạn đọc qua tác phẩm hoàn mỹ nhất của ông, người giới thiệu và người dịch tin rằng chắc chắn bạn đọc Việt nam sẽ thấy Dickens gần gũi mình chẳng khác gì ông già Noel gần trẻ em Anh, và ông già Noel ấy bất tử. NHỮ THÀNH LỜI TỰA Trong bài tựa thứ nhất tôi đã nói rằng vì lòng tôi hãy còn tràn ngập những cảm xúc khi vừa viết xong nên tôi cảm thấy khó khăn không thể tách rời ra khỏi tác phẩm để nói đến nó với tất cả thái độ bình thản mà cái danh từ trang trọng “Lời tựa” đòi hỏi. Sự quan tâm của tôi lúc bấy giờ hãy còn mới mẻ và mãnh liệt, đầu óc tôi còn bị chia sẻ giữa vui và tiếc - vui vì đã hoàn thành một công việc dài hơi, tiếc vì phải từ biệt bao người bạn đường - đến nỗi tôi sẽ làm bạn đọc bực mình nếu đưa ra những lời tâm sự riêng tây và thổ lộ những cảm xúc thầm kín. Tôi lại biết rằng tất cả những gì tôi có thể viết về chuyện này, tôi đã cố gắng nói ở trong câu chuyện. Chắc hẳn bạn đọc không cần biết người ta khổ tâm như thế nào khi đặt bút xuống kết thúc một công trình tưởng tượng mình đã theo đuổi hai năm trời. Bạn đọc cũng không cần biết tác giả có cảm tưởng gì trong việc vội vàng đưa một phần của mình vào cõi chết, khi anh ta thấy những đứa con của mình do óc mình sáng tạo ra, vĩnh biệt mình. Tuy vậy, tôi không còn điều gì để nói, ngoài việc thú nhận rằng, - thực ra điều này lại càng không có gì quan trọng - không ai đọc truyện này mà có thể tin nó hơn tôi đã tin khi viết nó ra. Những lời thú nhận này, đến nay vẫn đúng, cho nên tôi chỉ cần thổ lộ thêm một lời tâm sự với bạn đọc. Trong tất cả những quyển sách của tôi, đây là quyển tôi yêu quý nhất. Người ta sẽ dễ dàng chấp nhận nếu tôi bảo rằng tôi là một người cha trìu mến đối với tất cả những đứa con do trí tưởng tượng của tôi tạo nên. Nhưng cũng như nhiều người cha trìu mến khác, trong đáy lòng tôi có một đứa con cưng. Nó tên là David Copperfield. Chương I TÔI RA ĐỜI Tôi có trở thành nhân vật chính của đời mình không hay một người khác sẽ chiếm mất địa vị ấy, những trang sách này sẽ có nhiệm vụ nói rõ điều đó. Để bắt đầu kể đời mình từ lúc nó bắt đầu, tôi ghi rằng tôi sinh vào ngày thứ sáu, lúc mười hai giờ đêm (người ta bảo tôi thế và tôi cũng tin thế). Người ta nói đồng hồ mới bắt đầu đánh boong boong thì cùng lúc đó tôi oe oe tiếng khóc. Chị bảo mẫu và mấy bà hàng xóm thông thái vốn chú ý nhiều đến tôi hàng tháng trước khi chúng tôi có thể quen biết nhau thực sự, xem ngày sinh tháng đẻ của tôi, rồi đoán thế này: thứ nhất, số tôi thế nào cũng đen đủi: thứ hai, tôi sẽ có nhiều dịp thấy ma. Họ bảo bọn con trai con gái xấu số sinh vào lúc nửa đêm ngày thứ sáu thế nào cũng được trời phú cho hai đặc tính này. Ở đây, bất tất phải nói về điểm thứ nhất, vì chẳng có gì chứng minh lời tiên đoán trên của họ là đúng hay sai sự thực hơn câu chuyện kể của tôi. Còn về lời tiên đoán thứ hai, tôi chỉ xin lưu ý rằng không biết thời tấm bé tôi đã tiêu phí hết phần di sản ấy rồi hay sao, chứ sau này tôi chẳng hề thấy ma thấy quỷ gì cả. Tuy vậy, tôi vẫn không hề phàn nàn gì về chỗ mình không được hưởng đặc quyền ấy, và hiện nay nếu có ai được hưởng ân huệ đó thì tôi cũng vui lòng xin họ cứ việc giữ lấy cái của nợ ấy cho. Khi sinh, tôi có tràng hoa quấn cổ, và tràng hoa này được quảng cáo trên báo với một giá rẻ là mười lăm “Ghi-ni”. Không hiểu lúc đó dân đi biển thiếu tiền, hay thiếu tin tưởng, nên thích thứ phao làm bằng nút chai hay sao, về điểm đó tôi không được rõ. Tôi chỉ biết một điều: chỉ độc có một người hỏi mua. Đó là ông biện hộ sỹ kiêm nghề cho vay. Ông chỉ đưa ra hai “bảng” tiền mặt, còn bao nhiêu thì giả bằng rượu anh đào chứ nhất định không giả thêm đồng nào nữa để được đảm bảo khỏi chết đuối. Kết quả là, lời rao hàng trên báo phải rút đi và thế là mất toi tiền. Bởi vì về khoản rượu anh đào, thì lúc ấy ngay cả rượu anh đào của bà mẹ yêu quý và tội nghiệp của tôi cũng còn phải đem bán… Thế rồi, mười năm sau, cái tràng hoa của tôi được treo làm giải thưởng trong một cuộc xổ số ở địa phương, có năm mươi người tham dự, mỗi người nộp một đồng “nửa Cơ rao” còn người nào trúng số lại phải giả thêm năm đồng “si-linh” nữa. Lúc ấy tôi cũng có mặt ở đấy, và tôi nhớ rằng tôi khó chịu và ngượng vô kể khi thấy một bộ phận trong người mình bị đưa ra làm cái trò ấy. Tôi nhớ tràng hoa ấy về tay một bà cụ xách rổ. Bà này uể oải lấy ở rổ ra số tiền năm “si-linh” như đã quy định, giả toàn bằng đồng “nửa pen-ni”. Cuối cùng đếm thấy thiếu hai “pen-ni” rưỡi. Người ta phải hao hơi tốn sức tính đi tính lại cho bà cụ thấy chỗ thiếu, nhưng vẫn chẳng ăn thua. Quả nhiên, bà cụ này không chết đuối bao giờ. Người địa phương sẽ còn nhớ mãi điều ấy, cho đó là một sự kiện đặc biệt vì bà cụ từ trần oanh liệt trên giường, hưởng thọ chín mươi hai tuổi. Tôi nghe nói: cho đến phút cuối cùng, điều làm bà kiêu hãnh nhất là suốt đời bà chưa hề ở trên mặt nước, (không kể trường hợp đứng trên cầu); và mỗi khi uống trà (bà cụ mê nhất khoản này) bao giờ bà cụ cũng tỏ ra bực tức về bọn thủy thủ vô đạo và những bọn khác dám cả gan “lang thang” trên thế giới. Không tài nào làm bà cụ hiểu rằng sở dĩ có một số lạc thú trên đời, trong đó có cả thú uống trà, chính là do cái việc làm đáng trách đó. Lúc nào bà cụ cũng đáp lại giọng càng kiên quyết và tin tưởng hồn nhiên vào sức mạnh của câu trả lời của mình: “Thôi xin miễn chuyện lang thang cho”. Và bây giờ về phần tôi, để khỏi nói “lan man”, tôi xin trở lại chuyện tôi ra đời. Tôi sinh ở Blunderstone thuộc xứ Suffolk, hay như dân Scotland thường nói: “ở loanh quanh đâu đấy”. Chưa ra đời, tôi đã là đứa trẻ không cha. Mắt cha tôi đã nhắm lại từ giã ánh sáng cõi đời này sáu tháng trước khi tôi mở mắt chào đời. Mãi đến nay, mỗi khi nghĩ đến tình trạng cha tôi chưa bao giờ thấy mặt tôi, tôi vẫn cảm thấy là lạ thế nào. Và cái cảm giác lạ lùng này càng tăng thêm mỗi khi tôi bâng khuâng nhớ lại những cảm nghĩ ngây thơ đầu tiên về tấm bia đá trắng trên mộ cha tôi nằm ngoài nghĩa địa. Tôi nhớ tôi thường xúc động một nỗi cảm thương khó tả, khi thấy nó trằm trơ trọi ở đấy giữa đêm tối, trong lúc phòng khách nhỏ chúng tôi có đèn có lửa, ấm áp, sáng trưng, đã thế lại cửa đóng then cài chặt chẽ. Đôi khi tôi có cảm tưởng là đóng chặt chẽ đến tàn nhẫn. Một người cô của cha tôi, và như vậy là bà cô mẫu của tôi[5] mà sau này tôi sẽ có dịp nói đến nhiều, là nhân vật quyền hành nhất trong gia đình chúng tôi. Cô là cô Trotwood hay cô Betsey như bà mẹ tội nghiệp của tôi thường gọi khi nào mẹ tôi có đủ can đảm thắng được sự sợ hãi đối với nhân vật dễ sợ này (việc này cũng họa hoằn lắm). Cô trước lấy một ông chồng trẻ hơn mình và rất đẹp trai, nhưng lại không phải “Hễ ai đẹp trai là đẹp nết” như tục ngữ thường nói, bởi vì người ta ngỡ rằng ông hay đánh đập cô Betsey, thậm chí có một lần vì cãi nhau về chuyện tiền nong, ông vội vã và quyết liệt suýt nữa ném cô qua cửa sổ, từ tầng gác ba xuống đất. Cái tính khí xung khắc như vậy bắt buộc cô Betsey đã phải cho đức lang quân một món tiền để tống khứ và thu xếp chuyện ly dị với sự ưng thuận của cả hai bên. Ông chồng mang vốn liếng sang Ấn Độ; và theo một câu chuyện đồn đại trong gia đình chúng tôi, có lần người ta thấy ông cưỡi voi cùng với một con hầu, nhưng tôi đoán đấy là một hầu[6] tước hay một hoàng hậu Ấn Độ. Dẫu sao, non mười năm sau, cũng có tin từ Ấn Độ về báo tin rằng ông ta đã chết. Chẳng ai biết tin ấy làm cô tôi xúc động ra sao; bởi vì ngay sau khi ly dị, cô đã lấy lại cái tên hồi con gái, mua một ngôi nhà ở một thôn xóm rất xa, bên bờ biển, sống độc thân ở đó cùng với một người đầy tớ gái, và từ đấy kiên quyết sống cuộc đời ẩn dật xa cách mọi người. Nghe đâu cha tôi trước kia đã có lần được cô nuông chiều lắm, nhưng cô tôi giận dữ vô cùng về câu chuyện hôn nhân của cha tôi vì cô bảo mẹ tôi chỉ là một con búp bê bằng sáp[7]. Cô chưa hề gặp mẹ tôi, nhưng cô biết rằng mẹ tôi chưa đến hai mươi. Từ đó, cha tôi và cô Betsey không bao giờ gặp nhau lại. Lúc lấy mẹ tôi, tuổi cha tôi gấp đôi tuổi mẹ tôi, và tạng người yếu đuối. Một năm sau, cha tôi mất, và như tôi đã nói, sáu tháng trước khi tôi ra đời. Đấy là tình hình buổi chiều cái ngày mà tôi xin mạn phép gọi là ngày thứ sáu quan trọng và lắm việc. Dẫu sao, tôi cũng không dám khẳng định lúc đó tôi biết sự việc xảy ra như thế nào hay có nhớ được điều gì mắt thấy tai nghe về câu chuyện sau đây. Mẹ tôi đang ngồi bên ngọn lửa, người mệt nhọc, tinh thần rất buồn nản, nhìn ánh lửa rưng rưng nước mắt, lo lắng băn khoăn cho số phận của mình và của đứa bé lạ mặt không cha: chỉ có mấy tá kim băng trong ngăn kéo tủ trên gác đón chào nó ra đời mà thôi, còn cuộc đời vẫn dửng dưng không quan tâm gì đến nó. Như tôi vừa nói, mẹ tôi đang ngồi bên ngọn lửa, buổi chiều tháng ba sáng sủa, lộng gió ấy, lòng lo lắng buồn bã không biết có vượt qua cơn thử thách trước mắt không. Bỗng ngẩng đầu lau nước mắt, nhìn cửa sổ đối diện, mẹ tôi chợt thấy một bà lạ mặt ở ngoài vườn xăm xăm bước vào. Chỉ liếc nhìn lần thứ hai linh tính đã báo ngay cho mẹ tôi biết đó nhất định là cô Betsey. Ánh trời chiếu rọi qua hàng rào ngoài vườn hắt vào cái bà kỳ dị. Bà ta bệ vệ bước đến cửa lớn với cái dáng điệu cứng cỏi, cái gương mặt lạnh lùng, mà ngoài Cô Betsey ra trên thế gian này không ai có thể có được. Vừa bước tới nhà, cô đã có một cử chỉ khác chứng tỏ đây đúng là Cô Betsey. Cha tôi trước đây vẫn thường nói cô chẳng mấy khi đứng như một người công giáo bình thường. Lúc này, đáng lý phải rung chuông, thì cô lại nhằm cửa sổ mà nhòm vào và ấn đầu mũi vào cửa kính mạnh đến nỗi bà mẹ yêu quý tội nghiệp của tôi thường kể lại là mũi cô bẹp dí và trắng bệch đi một lúc. Cô đã làm mẹ tôi sợ hãi đến nỗi xưa nay tôi vẫn tin chắc rằng tôi ra đời vào ngày thứ sáu chẳng qua là tại cái Cô Betsey kia cả. Mẹ tôi bối rối đứng dậy, đứng đằng sau ghế ở góc nhà. Cô Betsey đưa mắt chậm rãi và xoi mói nhìn khắp gian phòng một lượt, chẳng khác gì cái đầu người Hồi giáo trong chiếc đồng hồ Hà Lan, cặp mắt cô bắt đầu từ phía trước mặt rồi cứ từ từ đưa quanh một vòng cho đến lúc bắt gặp mẹ tôi. Cô cau mày một cái, rồi ra hiệu cho mẹ tôi mở cửa như một người vẫn quen thói sai phái người khác. Mẹ tôi đi ra mở. “Bà là bà David Copperfield có phải không ạ?” Cô Betsey nói, nhấn mạnh vào những chữ sau, có lẽ muốn nói đến bộ đồ tang và tình trạng bụng mang dạ chửa của mẹ tôi. “Vâng ạ” mẹ tôi đáp, giọng yếu ớt. “Tôi là Cô Betsey”, bà khách nói, “Chị đã nghe nói đến cô ta chứ?” Mẹ tôi đáp rằng đã được cái hân hạnh đó. Nhưng mẹ tôi cảm thấy bực bội vì không sao tỏ được rằng đó là một hân hạnh to lớn. “Bây giờ chị gặp cô ta đấy”. Cô Betsey nói. Mẹ tôi cúi chào mời cô vào. Hai người bước vào cái phòng khách nhỏ mẹ tôi vừa ngồi vì phòng khách lớn bên kia hành lang không đốt lửa, phòng này không đốt lửa kể từ ngày đám tang cha tôi. Cả hai người ngồi xuống ghế và Cô Betsey không nói nửa lời. Mẹ tôi tự kiềm chế không nổi khóc òa lên. “Ấy chết! Ấy chết!” Cô Betsey vội vàng bảo - “Đừng làm thế! Thôi nín đi”. Nhưng mẹ tôi vẫn không sao cầm được nước mắt, cứ khóc mãi cho đến hết cơn. Cô Betsey bảo: “Bỏ mũ ra cô bé, cho tôi ngắm cô nào” Mẹ tôi sợ cô ta quá, nên không dám từ chối yêu cầu kỳ quặc ấy, dù có muốn từ chối đi nữa. Mẹ tôi nghe theo, cất mũ, tay run lập cập đến nỗi làm tóc xõa cả xuống mặt (tóc mẹ tôi dày và đẹp lắm!). Cô Betsey kêu lên. “Trời ơi! Chỉ là một con bé con thôi”. Rõ ràng là mẹ tôi trẻ lắm, trẻ hơn cả tuổi của mình. Mẹ tôi cúi gầm mặt, như đó là lỗi của mình, thực tội nghiệp. Rồi mẹ tôi khóc nói rằng mẹ tôi rất sợ vì mình chỉ là một quả phụ trẻ con và sẽ chỉ là một bà mẹ trẻ con nếu như sống sót. Tiếp đó, là một lúc im lặng và mẹ tôi tưởng tượng rằng Cô Betsey đưa bàn tay dịu dàng lên vuốt mái tóc của mình, nhưng khi rụt rè nhìn lên, lòng đầy hy vọng, mẹ tôi chỉ thấy cô vẫn ngồi im lặng, gấu áo lật lên, hai tay chắp lại để trên đầu gối, chân gác trên giá để củi trước lò sưởi, cau mày nhìn ngọn lửa. Bỗng Cô Betsey nói: “Trời ơi! Sao lại đặt tên là Rookery[8] nhỉ?” “Cô hỏi về tên nhà, phải không ạ?” Mẹ tôi hỏi! “Sao lại gọi là Rookery nhỉ” Cô Betsey nói. “Gọi là Cookery[9] có phải hợp hơn không? Nếu một trong hai anh chị có đầu óc thực tế một chút”. “Tên đó là do anh Copperfield chọn đấy ạ”, mẹ tôi đáp - “Khi mua nhà, anh ấy thích tưởng tượng rằng có nhiều quạ ở chung quanh”. Vừa lúc ấy, gió chiều thổi rào rào vào mấy cây du cao lớn và già cỗi ở cuối vườn, làm mẹ tôi và Cô Betsey phải quay lại nhìn. Mấy cây du chạm đầu vào nhau, như những người khổng lồ đang ghé tai thầm thì những điều bí mật; và sau vài giây im lặng chúng bỗng rung chuyển dữ dội những cánh tay hung tợn, dường như những điều chúng vừa tâm sự với nhau nó kinh khủng quá làm chúng hoảng hốt. Mấy tổ quạ đã lâu đời gió mưa làm xơ xác tả tơi, ở trên cành cao chĩu xuống đu đưa như những mảnh tầu đắm trôi dạt trên mặt biển nổi giông. “Chim chóc đâu cả rồi?” Cô Betsey hỏi. “Thưa con… gì ạ?” mẹ tôi đã nghĩ sang chuyện khác. “Quạ kiếc ấy mà, chúng ra sao rồi?” Cô Betsey hỏi lại. “Từ khi chúng cháu đến đây thì chẳng có quạ kiếc gì hết.” Mẹ tôi nói “Chúng cháu tưởng…, à… anh Copperfield tưởng ở đây có rất nhiều quạ. Nhưng tổ chim thì đã lâu đời lắm, còn chim chóc thì đã bỏ tổ đi từ đời nảo đời nào.” “Đúng là David Copperfield!” Cô Betsey kêu lên, “David Copperfield không chệch đi đâu được. Phải là David Copperfield mới đặt tên nhà là “Rookery” trong khi chẳng có mống chim nào quanh đấy, và yên trí là có chim, chỉ vì trông thấy tổ!” “Anh Copperfield đã mất” mẹ tôi nói. “Cô lại nói, với cháu về anh ấy nặng lời như vậy…” Tôi đoán lúc đó mẹ tôi trong phút chốc có ý tấn công cô Betsey, con người chỉ cần một tay thôi, cũng đủ áp đảo mẹ tôi dễ dàng dù mẹ tôi có được chuẩn bị chu đáo hơn là buổi chạm trán chiều hôm đó. Nhưng ý ấy biến mất thì mẹ tôi đứng dậy và mẹ tôi lại nem nép ngồi xuống, và ngất đi. Khi mẹ tôi tỉnh lại, hay khi Cô Betsey đã làm mẹ tôi hồi tỉnh (đằng nào thì cũng là khi đó), mẹ tôi thấy cô đang đứng cạnh cửa sổ. Hoàng hôn tối dần, hai người chỉ còn thấy nhau mờ mờ, nhưng đó là nhờ ánh lửa ở lò sưởi. Cô Betsey trở lại ghế ngồi dường như chỉ tình cờ ra ngắm cảnh một lát, và hỏi: “Thế nào? Chị thấy bao giờ thì…?” “Cháu sợ lắm”, mẹ tôi lắp bắp, “cháu không biết rồi sẽ ra sao, cháu chết mất thôi, cháu chắc thế!” “Không sao, không sao đâu. Chị uống nước trà nhé.” “Trời ơi, trời ơi! Cô bảo uống nước trà mà đỡ mệt sao?” mẹ tôi kêu lên tuyệt vọng. “Đỡ chứ lị” Cô Betsey nói. “Toàn là tưởng tượng cả thôi… chị gọi con bé của chị là gì?” “Cô ạ, cháu không chắc có phải là gái không” mẹ tôi trả lời, ngây thơ. “Chúa phù hộ đứa bé!” Cô Betsey thốt lên, bất giác nhắc đúng câu thứ hai viết trên gói kim băng để trong ngăn kéo tủ trên gác, nhưng cô lại dùng câu này để chỉ mẹ tôi chứ không phải để chỉ tôi. “Tôi không hỏi tên cháu bé đâu. Tôi hỏi tên người ở gái của chị cơ!” “Peggotty”, mẹ tôi nói. “Peggotty à?” Cô Betsey nhắc lại hơi bực tức. “Chị rõ thực trẻ con, đời thuở nhà ai bước vào nhà thờ đạo thiên chúa mà lại mang tên là Peggotty?”[10] “Đấy là họ của chị ấy” mẹ tôi nói khẽ. “Anh Copperfield gọi chị ấy bằng họ, vì tên chị lại trùng với tên cháu”. Cô Betsey mở cửa phòng khách nhỏ gọi: “Chị Peggotty đâu? Bưng trà lên đây, bà chủ hơi khó ở!… Đừng có dềnh dàng đấy!” Sau ra lệnh này, giọng hách dịch như cô là một uy quyền được thừa nhận từ khi nhà này mới được xây dựng lên; và sau khi thò cổ ra để giáp mặt với chị Peggotty đang cầm đèn nến ở đầu hành lang đi lại, sửng sốt nghe giọng người lạ gọi, Cô Betsey lại đóng cửa lại rồi ngồi xuống như ban nãy, chân gác trên giá để củi trước lò sưởi, gấu váy lật lên, và hai tay chắp lại đặt trên một đầu gối. “Chị vừa bảo không biết nó có là con gái hay không”. Cô Betsey nói. “Tôi thì chắc chắn là gái đấy. Tôi có linh cảm nhất định là con gái. Cho nên ngay từ lúc con bé này ra đời…” “Biết đâu là con giai…” mẹ tôi đánh bạo nói xen. “Tôi đã bảo chị tôi có linh cảm nhất định phải là con gái kia mà!” Cô Betsey bảo. “Đừng nói trái ý tôi… Này cô bé ạ, ngay từ lúc đứa cháu gái này ra đời tôi có ý định giúp đỡ nó, làm mẹ đỡ đầu cho nó, và tôi đề nghị đặt tên nó là Betsey Trotwood Copperfield… Không thể để cho đời con bé tội nghiệp này có những điều dại dột về tình cảm. Phải giáo dục nó cẩn thận, và giữ cho nó đừng dại dột tin những kẻ không đáng tin. Thế nào tôi cũng phải quan tâm đến việc đó”. Sau mỗi câu như thế, Cô Betsey lại quay đầu một cái, dường như nỗi đau khổ ngày xưa đang dày vò cô, và cô đang cố sức tự kìm hãm để đừng nhắc rõ hơn nữa. Hay ít nhất đó là như mẹ tôi đoán, khi quan sát cô dưới ánh lửa leo lét chập chờn, phần thì sợ Cô Betsey quá, phần thì trong người rất khó thở, đã thế lại vừa phục tùng vừa hoảng hốt, nên không thể quan sát cho rõ ràng hay nói thế nào cho đúng. Sau vài phút yên lặng và cái đầu cũng dần dần ngừng quay, Cô Betsey hỏi: “David có tốt với chị không? Vợ chồng ăn ở hòa thuận chứ?” “Chúng cháu sống hạnh phúc lắm, anh Copperfield yêu cháu lắm” mẹ tôi đáp. “Chắc anh nuông chị lắm phải không?” Cô hỏi lại. Mẹ tôi vừa nói vừa nức nở: “Vâng. Cháu sợ anh ấy đã quá nuông cháu vì anh thấy cháu cô độc, tứ cố vô thân trong cuộc đời tàn nhẫn này”. “Thôi đừng khóc nữa”, Cô Betsey bảo, “Hai người lấy nhau thật không vừa đôi phải lứa… (vả lại làm gì có cặp vợ chồng vừa đôi phải lứa kia chứ?) Vì thế nên tôi mới hỏi chị câu hỏi hồi nãy. Chị mồ côi phải không?” “Vâng ạ.” “Và làm nghề dạy trẻ phải không?” “Vâng, cháu dạy trẻ ở một gia đình anh Copperfield hay đến chơi. Anh Copperfield đối với cháu rất tốt, rất chú ý đến cháu, rất săn sóc cháu, cuối cùng ngỏ ý muốn lấy cháu. Cháu nhận lời. Thế là chúng cháu lấy nhau”, mẹ tôi trả lời giản dị. Cô Betsey vẫn cau mày cúi nhìn ngọn lửa, nói mơ màng: “Tội nghiệp con bé!… Này, thế chị có biết làm gì không?” “Xin lỗi cô, làm gì cơ?” Mẹ tôi ấp úng. “Coi công việc gia đình.” “Cháu sợ làm không được khá lắm”, mẹ tôi đáp… “Không khá như cháu muốn. Nhưng anh Copperfield đã bắt đầu dạy cháu”… (“Nó thì biết cái gì?” Cô Betsey lẩm bẩm). “Và cháu cũng hy vọng sẽ tiến bộ vì cháu rất chăm học và anh ấy lại rất chịu khó dạy, nếu anh ấy không bất hạnh mất đi…” Đến đây mẹ tôi nghẹn ngào không nói được nữa. “Thế rồi sao, thế rồi sao?” Cô Betsey nói. “Cháu ghi sổ chi tiêu đều đặn, và tối nào cũng tính toán với anh Copperfield” Mẹ tôi lại nghẹn lời, nức nở đau xót. “Thế rồi sao, thế rồi sao? Đừng khóc nữa chứ”. Cô Betsey nói. “Và chắc chắn là chúng cháu không có lúc nào cãi cọ nhau về chuyện này, không kể khi anh Copperfield chê cháu viết những con 3 và con 5 giống nhau quá, hoặc những con 7 và con 9 đuôi loằng ngoằng”, mẹ tôi nói tiếp, nhưng lại ngưng lại nức nở khóc. “Chị làm thế thì ốm mất đấy”. Cô Betsey nói, “Chị nên biết khóc như thế không lợi cho chị và cả đứa con gái đỡ đầu của tôi. Thôi đừng khóc nữa!” Lý lẽ này làm mẹ tôi dịu lại một phần, nhưng chủ yếu có lẽ vì mẹ tôi thấy ngày càng khó ở. Sau đó là một lúc im lặng, chỉ thỉnh thoảng nghe Cô Betsey thốt ra tiếng “Hừm” trong khi ngồi gác chân trên giá để củi trước lò sưởi. Sau đó Cô Betsey hỏi: “Tôi biết David Copperfield có gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi. Thế anh ấy có làm gì cho chị không?”. “Anh Copperfield đã chú ý và có lòng tốt bảo đảm cho cháu được lĩnh một phần số tiền ấy”, mẹ tôi trả lời hơi ngập ngừng. “Bao nhiêu?” Cô Betsey hỏi. “Dạ, mỗi năm là một trăm linh năm bảng”, mẹ tôi trả lời. “Lẽ ra nó đã đối xử tệ hơn”. Cô Betsey nói. Câu này nói ra đúng lúc quá: mẹ tôi thấy sức khỏe trong người kém sút đến nỗi khi chị Peggotty bưng khay trà và đèn nến vào, chỉ thoáng nhìn, chị đã thấy mẹ tôi ở trong tình trạng nguy kịch. Cô Betsey đã có thể thấy điều này từ trước nếu trong phòng có đủ ánh sáng. Chị Peggotty vội vã mang mẹ tôi lên phòng riêng trên gác, rồi lập tức sai người cháu của chị là Ham Peggotty gọi chị hộ lý và bác sĩ. (Anh Ham được chị Peggotty giấu ở trong nhà đã mấy hôm không cho mẹ tôi biết để làm liên lạc viên đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp). Bác sĩ và chị hộ lý đến, cách nhau vài phút. Hai lực lượng liên minh này rất sửng sốt khi thấy một bà lạ mặt, vẻ oai vệ ngồi trước lò sưởi, mũ buộc đằng quai vào cánh tay trái, đang lấy bông nút lỗ tai. Vì chị Peggotty không biết tí gì về Cô Betsey, và mẹ tôi cũng chưa hề cho biết gì về cô, nên việc cô ngồi trong phòng khách là một điều hoàn toàn bí mật, và mặc dầu cô có cả một kho bông trong túi, cứ ngồi nhét bông vào lỗ tai như thế, cái vẻ trang nghiêm của cô cũng không giảm bớt đi chút nào. Bác sĩ lên gác thăm rồi lại bước xuống. Tôi chắc ông thấy mình và bà lạ mặt xem ra phải ngồi đối diện nhau hàng giờ, nên ông cố sức tỏ ra lịch sự và nhã nhặn, ông là người hiền lành nhất trong giới nam nhi, mềm mỏng nhất trong những người nhỏ bé. Ông len lén đi ra đi vào, để choán càng ít chỗ càng hay. Ông bước cũng nhẹ nhàng, như cái hồn ma trong kịch Hamlet và còn chậm hơn cả hồn ma này nữa. Ông nghiêng cái đầu sang một bên, một phần để khiêm tốn thu nhỏ mình lại, một phần để gây cảm tình với mọi người. Nói rằng ông không thể văng tục chửi một con chó cũng vẫn chưa đủ. Ngay đối với một con chó cũng không thể văng tục chửi mắng nó nữa kia. Ông có thể nhã nhặn nói một câu, hoặc nửa câu hoặc một lời thôi… vì ông nói cũng chậm chạp như ông đi, nhưng dẫu sao ông cũng không muốn đối xử thô bạo với nó, và không một lý do nào trên đời có thể làm ông giận nó được. Ông Chillip nghiêng nghiêng đầu về một bên, nhìn cô tôi một cách dịu dàng, khẽ cúi mình chào, vừa nói vừa khẽ sờ lên tai trái của mình ý muốn hỏi tại sao cô lại nhét bông vào tai: “Thưa bà, bà bị nhức gì ở đấy phải không ạ?” “Cái gì?” cô tôi hỏi lại, và rút bật cục bông ra khỏi một lỗ tai, như người ta rút cái nút chai. Ông Chillip hoảng hốt trước cử chỉ sỗ sàng ấy của cô tôi (như ông kể lại cho mẹ tôi sau này) đến nỗi ông không mất bình tĩnh kể cũng là phúc, ông dịu dàng nhắc lại: “Thưa bà, bà bị nhức gì phải không ạ?” “Nói bậy!” cô tôi trả lời, và lập tức đút nút lỗ tai lại. Sau việc đó, ông Chillip không còn biết làm gì hơn là ngồi xuống ghế và khẽ nhìn cô, trong khi cô cũng ngồi, mắt ngắm nhìn ngọn lửa, cho đến khi người ta lại gọi ông lên gác. Sau khi vắng mặt độ mười lăm phút, ông lại xuống. Cô tôi rút bông ra khỏi cái tai gần phía ông, hỏi: “Thế nào?”. “Thưa bà”, ông Chillip trả lời. “Công việc vẫn… vẫn… tiến triển từ từ đấy ạ!” “Hừ… ừm!” cô tôi nói một cách khinh bỉ, lắc đầu một cái rồi lại nhét bông vào tai như cũ. Thực là quá đáng… quá đáng (ông Chillip nói lại với mẹ tôi sau này như vậy), ông suýt phát cáu, nói riêng về mặt thầy thuốc mà thôi, cũng đã suýt phát cáu rồi. Tuy vậy, ông lại ngồi và nhìn cô tôi trong gần hai giờ, trong khi cô vẫn ngồi nhìn ngọn lửa, mãi cho đến lúc người ta lại gọi ông lên gác. Sau khi vắng mặt lần nữa, ông lại trở xuống. “Thế nào?” cô lại rút cục bông ra ở phía hồi nãy và hỏi. “Thưa tốt ạ!”, ông Chillip trả lời, “công việc… vẫn tiến triển từ từ đấy ạ!” “Ôi giời ôi!” Cô Betsey càu nhàu khó chịu đến nỗi ông Chillip không tài nào chịu được nữa. Nhưng về sau ông ta nói: quả là bà ấy cố tình làm ông ta phát rồ lên. Ông đành đi ra, ngồi ở bậc thang, trong bóng tối, giữa ngọn gió lùa, cho đến khi người ta mời ông lên. Ham Peggotty người đã theo học ở trường quốc lập và là học sinh xuất sắc về môn giáo lý, cho nên có thể xem là một nhân chứng đáng tin cậy, hôm sau có kể lại: sau đó một giờ, anh vô tình nhòm qua cửa phòng khách thì bị Cô Betsey đang đi đi lại lại rất bồn chồn bắt gặp, cô ta đã vồ lấy anh không để anh kịp trốn chạy - Lúc ấy trên gác thỉnh thoảng lại có tiếng bước chân và tiếng nói, mà anh chắc đã lọt vào tai cô dù tai cô nút bông. Chứng cớ rõ ràng là anh đã bị cô tóm làm nạn nhân và trút sự nôn nóng lên đầu anh mỗi khi tiếng động lên cao nhất. Lúc bấy giờ, cô túm cổ áo anh lôi đi xềnh xệch tưởng chừng như anh đã uống quá nhiều thuốc mê. Cô lắc cổ anh, xoa tóc rối bù, vò nát áo anh, bịt tai anh lại hình như cô đã lầm tai anh là tai cô, và xô đẩy, hành hạ anh đủ cách. Điều này một phần lại được chị Peggotty xác nhận, chị thấy anh khi mười hai giờ rưỡi đêm ngay sau khi thoát nạn, và đã khẳng định rằng khi ấy trông anh cũng đỏ hon hỏn như tôi vậy. Ông Chillip bản tính hiền lành cố nhiên không thể nào có ác ý với ai trong tình cảnh ấy nếu như trong một lúc nào khác ông có thể chơi khăm, ông len lén đi vào phòng khách, ngay sau khi đã rảnh tay, và nói với cô tôi giọng hết sức nhã nhặn. “Thưa bà, tôi sung sướng được chúc mừng bà.” “Mừng cái gì?” cô tôi bốp chát. Ông Chillip lại luống cuống trước thái độ quá nghiêm khắc của cô tôi cho nên ông khẽ cúi chào và nhích mép cười với cô để xoa dịu. Cô tôi sốt ruột kêu lên. “Rõ khổ cho cái ông này! Ông sao vậy? Ông câm à?” Ông Chillip hết sức dịu dàng nói: “Thưa bà, xin bà bình tĩnh. Thưa bà, không có gì đáng ngại nữa. Xin bà bình tĩnh”. Cho đến nay, người ta vẫn thấy quả thật sao cô tôi lại không túm lấy ông mà lắc, và khi cái điều ông muốn nói phải bật ra. Cô nhìn ông, nhưng cách nhìn này cũng đủ làm bẩy. Ông Chillip thu tất cả can đảm, nói tiếp: “Thưa bà, tôi sung sướng được chúc mừng bà. Thưa bà, công việc đã xong xuôi, và mẹ tròn con vuông ạ.” Trong khoảng trên dưới năm phút đồng hồ ông Chillip ậm à ậm ừ nói được câu đó, thì cô tôi cứ nhìn ông chằm chằm. Cô tôi khoanh tay lại, mũ vẫn buộc ở cánh tay, hỏi giọng hơi xẵng: “Con bé có khỏe không?” “Thưa bà,” ông Chillip trả lời “tôi mong rằng bà ấy sẽ chóng bình phục… rất chóng bình phục như ta có thể mong đợi ở một người mẹ còn trẻ hiện lâm vào cảnh ngộ gia đình buồn phiền như thế này… Thưa bà, tôi thấy bà có thể vào thăm bà ấy ngay, không có gì trở ngại hết. Như thế lại tốt cho bà ấy.” “Nhưng còn “Con bé”, con bé thì ra sao?” Cô Betsey giật giọng hỏi. Ông Chillip nghiêng nghiêng thêm cái đầu về một bên cô, trông giống như con chim ngoan ngoãn. “Con bé mới sinh ấy mà, nó có khỏe không?” Cô tôi hỏi. Ông Chillip trả lời: “Thưa bà, tôi tưởng bà đã biết rồi: cháu giai đấy ạ!” Cô tôi chẳng nói chẳng rằng, cầm lấy mũ dương quai mũ về phía ông Chillip như người bắn súng cao su; rồi đội chụp cái mũ dúm đó lên đầu, bước ra và không bao giờ trở lại. Cô biến đi như một bà tiên phật ý hoặc như một thứ ma quỷ gì đó mà theo ức thuyết của nhân dân thì tôi có đặc quyền được trông thấy: và mãi mãi không bao giờ cô ta trở lại. Vâng, không bao giờ nữa! Tôi nằm trong nôi, mẹ tôi nằm trên giường; còn cô Betsey Trotwood Copperfield thì mãi mãi sẽ ở trong cái thế giới mộng ảo, mịt mù, cái thế giới ghê sợ mà tôi vừa từ giã. Và ở ngoài cửa sổ căn phòng chúng tôi, ánh sáng chiếu trên mặt đất, cái đích của những người du khách như tôi, và chiếu trên nắm đất che phủ mớ tro tàn của con người mà nếu không có ông ta tôi chẳng bao giờ có thể có mặt trên đời. Chương II TÔI QUAN SÁT Những hình ảnh đầu tiên hiện lên rõ rệt trước mắt tôi, khi tôi quay nhìn về quá khứ, về cái khoảng thời thơ ấu mịt mờ, đó là mẹ tôi, với bộ tóc óng ả, vóc người trẻ trung, và chị Peggotty, chị không có vóc dáng gì nhưng có đôi mắt đen lay láy làm phần chung quanh trên gương mặt tối lại, có đôi má và đôi cánh tay chắc nịch và đỏ đến nỗi tôi lấy làm lạ tại sao chim chóc lại không đến mổ vào chị chẳng hơn sao cần gì phải mổ vào táo? Tôi có cảm tưởng rằng tôi có thể nhớ hai người đứng cách nhau một quãng ngắn, tôi thấy họ nhỏ lại vì đang cúi mình hoặc quỳ trên sàn, còn tôi thì đang chập chững bước từ người này đến người kia. Trong trí óc tôi vẫn còn một cảm giác (mà tôi không thể nào phân biệt được với một ký ức xác thực) về ngón tay trỏ chị Peggotty khi chìa nó ra cho tôi nắm: ngón tay bị công việc may vá làm cho nó ram ráp giống như cái bàn mài bỏ túi dùng để mài hột đậu khấu. Điều này có thể là do tôi tưởng tượng ra cũng nên, mặc dầu tôi tin rằng trí nhớ phần đông chúng ta có thể nhớ được những thời xa xôi hơn là người ta vẫn tưởng, cũng như tôi cho rằng có trẻ em có biệt tài kỳ lạ về năng lực quan sát chính xác và tinh tế. Thực tế, tôi cho rằng phần nhiều những người lớn giỏi về mặt này, chẳng qua chỉ là đã không bỏ mất năng khiếu ấy, chứ không phải là đã nhờ tập dượt mà có được. Hơn nữa, tôi thường thấy những người này phần nào còn giữ được cái vẻ dịu dàng tươi mát, dễ vui, những đặc điểm này cũng là di sản từ tuổi thơ vẫn còn giữ được. Khi dừng lại để nói điều này, tôi sợ có thể mang tiếng “lan man”; nhưng do đó, tôi có thể nói rằng một phần những kết luận này là dựa vào những kinh nghiệm riêng của tôi. Những điều kể ở đây sẽ làm người ta thấy rằng tôi là một đứa trẻ có óc quan sát sắc bén và khi lớn lên, lại có trí nhớ rạch ròi về thời thơ ấu của mình, và tôi dám khoe là tôi có hai đặc tính đó. Như tôi đã nói, khi quay nhìn lại cái thời thơ ấu mịt mờ, những hình ảnh đầu tiên tôi nhớ được, nổi bật ra khỏi mớ sự vật hỗn độn, đó là mẹ tôi, và chị Peggotty. Tôi còn nhớ gì nữa không? Thử hồi tưởng xem. Hình ảnh hiện lên nổi khỏi đám mây mù là ngôi nhà chúng tôi,… nó không mới lạ gì đối với tôi; trái lại rất là quen thuộc, thuộc vào số những kỷ niệm xưa nhất, ở tầng dưới cùng là nhà bếp của chị Peggotty, nhìn ra sân sau. Giữa sân là cái chuồng bồ câu dựng trên một cái cột, trong chuồng không có mống bồ câu nào; một chuồng chó lớn ở một góc nhưng không có chó; và một đàn gà vịt (tôi thấy chúng cao lớn phát khiếp) đi tung tăng, có vẻ dễ sợ, hung tợn lắm. Có một con gà trống đậu trên một cái cọc để gáy; và đôi khi tôi nhìn nó qua cửa sổ nhà bếp, thì hình như nó đặc biệt chú ý đến tôi, làm tôi run sợ, vì nó hung dữ quá chừng. Còn những con ngỗng ở ngoài hàng rào, thì mỗi khi tôi đến đó chúng lại lạch bạch chạy theo, cổ vươn dài làm tôi ban đêm cũng nằm mơ thấy chúng, chẳng khác gì một người đã bị ác thú vây quanh vẫn nằm mơ thấy sư tử vây mình. Đây là một hành lang dài (tôi thấy nó dài dằng dặc) chạy từ nhà bếp của chị Peggotty đến cửa ra vào. Cửa buồng kho tối om thông ra hành lang, đó là nơi ban tối đi qua thì phải chạy cho mau; vì không lường được sẽ có cái gì giữa những chậu, những chum vại, những hòm chè cũ, khi không có ai cầm một ngọn đèn leo lét đứng ở đó. Từ cửa phòng hắt ra một luồng không khí mông mốc trong đó có mùi xà phòng, mùi dưa chua, mùi hồ, mùi nến và mùi cà phê lẫn lộn. Rồi đến hai phòng khách: cái phòng khách nhỏ mà tối nào mẹ tôi và tôi cũng ngồi chơi, và chị Peggotty khi nào chị đã làm xong công việc, và chúng tôi ngồi một mình thì chị ngồi với chúng tôi; và cái phòng khách lớn chúng tôi ngồi vào những ngày chủ nhật. Nó tráng lệ hơn, nhưng không ấm cúng bằng. Tôi thấy phòng này có vẻ buồn thảm thế nào ấy vì chị Peggotty đã kể với tôi (tôi không nhớ là từ lúc nào, nhưng tôi có cảm tưởng như từ bao thế kỷ rồi) về chuyện đám tang cha tôi và chuyện những người mặc áo choàng đen, đến đó để đưa đám. Một buổi tối chủ nhật ở phòng ấy, mẹ tôi đọc cho chị Peggotty và tôi nghe chuyện ông Lazaru[11] đã chết rồi được cứu sống lại. Tôi sợ quá, đến nỗi sau đó người ta phải bế tôi ra khỏi giường, chỉ cho tôi nhìn qua cửa sổ buồng ngủ thấy cái nghĩa địa tĩnh mịch ở đó những người chết đều yên nghỉ dưới mồ, dưới ánh trăng trang trọng. Tôi không biết ở bất cứ đâu, có thể xanh tươi như bãi cỏ ở nghĩa địa này, râm mát như cây cối của nó, yên tĩnh như những tấm mộ chí ở đây. Cừu gặm cỏ ở đấy những sáng sớm tinh mơ khi tôi dậy, quỳ trên chiếc giường nhỏ ở chiếc phòng xép trong buồng mẹ tôi để nhìn ra, ngắm cảnh. Tôi nhìn ánh mặt trời đỏ chiếu trên mặt nhật quỹ, và tôi nghĩ thầm: “Không biết nhật quỹ có vui sướng vì nó lại chỉ được giờ không nhỉ?” Và đây là chiếc ghế dài của chúng tôi ở nhà thờ. Chỗ tựa lưng của nó cao ơi là cao! Gần đấy là cửa sổ, nhìn qua cửa là thấy được nhà chúng tôi, và chị Peggotty trong khi dự lễ buổi sớm, cứ chốc chốc lại liếc nhìn về nhà để có thể yên trí rằng không ai vào ăn trộm và không xảy ra cháy nhà. Mắt chị Peggotty cứ nhìn quanh nhìn quất, nhưng chị lại bực mình nếu mắt tôi cũng nhìn quanh nhìn quất như vậy, và chị cau mày lườm tôi trong khi tôi đứng trên ghế. Chị ra hiệu cho tôi phải nhìn vào ông mục sư nhưng tôi không nhìn ông ấy mãi được; tôi đã biết ông ta, lúc ông không mang cái vật trắng trắng ở mình; và tôi sợ ông sẽ lấy làm lạ tại sao tôi cứ giương mắt ra mà nhìn như thế, và có thể dừng lễ lại để hỏi, và lúc đó thì tôi sẽ phải làm thế nào? Ngáp là một điều rất xấu, nhưng tôi phải làm cái gì mới được chứ! Tôi nhìn mẹ tôi, nhưng mẹ tôi vờ làm như không trông thấy tôi. Tôi nhìn thằng bé ở gian bên cạnh, thì nó nheo mắt lại, trêu tôi. Tôi nhìn ánh nắng hắt qua cửa mở lọt vào cổng lớn và tôi thấy một “con chiên lạc đường” (tôi không nói “kẻ có tội” đâu, mà nói “con cừu non”) đang do dự, không biết có nên vào nhà thờ không. Tôi cảm thấy nếu nhìn nó lâu thêm chút nữa, thì tôi phải nói to lên một lời gì, và lúc đó tôi sẽ ra sao? Tôi ngước nhìn những tấm bài vị trên tường, và cố nhớ đến ông Bodgers đã qua đời ở địa phận này, cố đoán xem tình cảm của bà Bodgers ra sao, khi ông Bodgers phải kéo dài tình trạng bệnh hoạn đau đớn không sao tả xiết còn các thày thuốc đều chịu không chữa nổi. Tôi tự hỏi ông Chillip có được mời đến chữa không, ông ta có chịu bó tay không, và như vậy thì ông có thích không khi mỗi tuần một lần người ta nhắc nhở việc ấy cho ông? Mắt tôi chạy từ ông Chillip cổ đeo cà vạt diêm dúa đang nhìn lên bục giảng. Và tôi nghĩ rằng đùa nghịch ở chỗ đó thì thú quá: nó sẽ là một tòa thành trì rất tuyệt khi một thằng bé khác xông lên cầu thang để tấn công, và sẽ bị chiếc gối nhung có tua phang vào đầu. Rồi dần dần mắt tôi nhắm lại. Và sau khi có cảm tưởng nghe ông mục sư hát một bài hát ngái ngủ trong bầu không khí nóng nực, tôi không nghe thấy gì nữa, cho đến khi tôi ngã lăn xuống đất, đánh huỵch một cái, được chị Peggotty bế thốc ra bán sống bán chết. Và bây giờ tôi lại thấy bề ngoài nhà chúng tôi với những cửa sổ để ngỏ có rèm đan mắt cáo, mở toang cho không khí thơm ngát lọt vào, và những tổ quạ đã lâu đời, tả tơi, đu đưa trên những cây du ở cuối vườn trước. Bây giờ tôi đang ở vườn sau nhà, cách cái sân có chuồng bồ câu và chuồng chó trống không. Trong trí nhớ tôi, vườn ấy là cả một kho bươm bướm có hàng rào cao chung quanh, có cổng và ổ khóa, ở đây, trên cây quả mọc hàng chùm, chín mọng và ngon ngọt hơn mọi thứ quả từ xưa đến nay trong bất kỳ vườn nào, và mẹ tôi đang hái quả bỏ vào một cái lẵng, trong khi đó tôi đứng bên cạnh, len lén nuốt chửng vài quả dương mai và cố làm ra vẻ thản nhiên. Một trận gió lớn nổi dậy, và mùa hạ bỗng tan đi trong khoảnh khắc. Khi đã mệt nhoài, tôi ngồi nghỉ trên ghế bành, tôi thấy mẹ tôi vào và dướn người lên, ngón tay quấn quấn những món tóc quăn óng ả, và không ai biết rõ hơn tôi rằng mẹ tôi hài lòng về vẻ xinh xắn của mình và tự hào vì thấy mình xinh đẹp như vậy. Đó là những ấn tượng thuộc loại đầu tiên. Ngoài ra, tôi có cảm tưởng rằng cả hai chúng tôi đều hơi gờm chị Peggotty và chịu sự điều khiển của chị về hầu hết mọi việc. Hai điều này thuộc vào số những ý kiến đầu tiên (nếu như có thể nói thế) mà tôi đã rút ra căn cứ vào những điều tôi trông thấy. Một buổi tối chỉ có chị Peggotty và tôi ngồi cạnh lò sưởi trong phòng khách. Tôi đọc cho chị Peggotty nghe chuyện cá sấu. Chắc hẳn tôi đã đọc rành mạch quá, hay cái tâm hồn tội nghiệp ấy đã quá say mê câu chuyện, cho nên sau đó, tôi còn nhớ rằng chị chỉ hiểu mang máng đó là một thứ rau cỏ gì đấy. Tôi chán không muốn đọc nữa, và buồn ngủ đến chết đi được. Nhưng vì tôi đã được phép (như một ân huệ đặc biệt) ngồi chờ cho đến khi mẹ tôi đi chơi buổi chiều ở nhà người láng giềng về, nên thà tôi chết gục tại vị trí chiến đấu, chứ không chịu vào giường ngủ. Tôi đã ở trạng thái mơ mơ màng màng, thấy chị Peggotty phồng lên, trở thành to tướng. Tôi lấy hai ngón trỏ banh mí mắt ra, và cố kiên gan ngắm chị ngồi khâu, ngắm mẩu nến nhỏ chị dùng để chuốt chỉ (nó có vẻ cũ kỹ và tứ phía đều nhăn nheo) ngắm bao đựng thước đo giống như cái nhà tranh nho nhỏ, ngắm hộp đồ khâu có nắp rút ra rút vào, trên vẽ nhà thờ St. Paul (có cái nóc tròn màu hồng), ngắm cái “đê” bằng đồng ở ngón tay chị, ngắm người chị mà tôi thấy thật là đáng yêu. Tôi buồn ngủ quá, đến nỗi tôi biết chỉ cần chớp mắt một cái là ngủ mất. Bỗng tôi nói “Chị Peggotty ơi, chị đã bao giờ lấy chồng chưa?” “Trời ơi em Davy!” Chị Peggotty nói. “Tại sao em lại nghĩ đến chuyện vợ chồng như thế?” Chị trả lời giật bắn người lên làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Chị nhìn tôi, tay ngừng khâu, cái kim vẫn nằm nghiêng ở đầu sợi chỉ căng dài. “Chị đã bao giờ lấy chồng chưa? Chị là một người rất đẹp có phải không?” tôi hỏi. Dĩ nhiên là tôi thấy chị đẹp theo một kiểu khác mẹ tôi, nhưng tôi vẫn coi chị là mẫu mực hoàn toàn của một trường phái đẹp khác. Trong phòng khách lớn có cái ghế đẩu bọc nhung đỏ, trên đó mẹ tôi có vẽ một bó hoa. Đối với tôi thì nền ghế đẩu và màu da chị Peggotty chỉ là một. Ghế thì nhẵn nhụi, da chị Peggotty thì sần sùi, nhưng cũng chẳng sao. “Chị mà đẹp à, em Davy? Em ngoan quá!… không phải đâu, em ạ!… nhưng cái gì làm em nghĩ đến chuyện vợ chồng thế kia?” chị Peggotty nói. “Em không biết!… Này chị Peggotty, có phải người ta không được lấy nhiều chồng một lúc có phải không?” “Nhất định là không được!” chị Peggotty vội vàng nói, giọng quả quyết. “Nhưng nếu mình lấy một người, mà người ấy chết rồi, thì có thể lấy một người khác nữa, phải không chị Peggotty?” “Có thể được, nếu mình muốn. Đó là tùy ý mình thôi” Chị Peggotty đáp. “Nhưng chị Peggotty, ý chị thì thế nào chứ?” tôi hỏi và tò mò nhìn chị, vì chị cũng đang nhìn tôi một cách tò mò thế nào ấy. “Ý chị thì…” chị Peggotty nói, mắt lảng đi không nhìn tôi nữa, và sau khi lưỡng lự một lát, chị lại tiếp tục khâu “chị chưa bao giờ lấy chồng, và chị cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng, em Davy ạ. Về chuyện này thì chị chỉ biết có thế thôi!” Tôi tưởng chị giận vì chị nói với tôi giọng cộc lốc, nhưng tôi đã lầm to: chị bỏ đồ khâu xuống một bên (đó là chiếc bít tất của chị), rồi giang rộng hai cánh tay ra, ôm chầm lấy cái đầu tóc quăn của tôi, và ghì thật mạnh. Tôi biết chị ghì thật mạnh vì chị mập lắm, nên mỗi khi đã ăn mặc rồi mà phải cử đông một tí là vài chiếc cúc ở lưng áo đứt phựt. Và tôi nhớ trong lúc chị ôm ghì lấy tôi có hai chiếc cúc đã bắn sang đầu bên kia phòng khách. “Nào, bây giờ em đọc cho chị nghe thêm về chuyện “Cá sấu” nữa đi” chị Peggotty nói, vẫn chưa nhớ đúng tên cá “chị mới nghe được nửa chừng thôi.” Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao chị Peggotty lại có vẻ ngộ nghĩnh như vậy, hay tại sao chị lại vội vã quay về câu chuyện cá sấu như vậy. Dù sao thì chúng tôi cũng trở lại chuyện những con quái vật ấy, và tôi lại tỉnh táo… “Và người ta trốn chạy, làm chúng lúng túng bằng cách chạy quanh co, điều mà chúng không làm được vì thân hình chúng nặng nề. Và người ta lội xuống nước, đuổi theo chúng như những người thổ dân, và tương vào họng chúng những mảnh gỗ nhỏ.” Tóm lại, chúng tôi đã đọc hết cả chuyện cá sấu từ đầu đến cuối. Ít ra, thì tôi cũng đã làm thế. Còn về chị Peggotty thì tôi nghi lắm, vì suốt thời gian ấy chị cứ chọc chọc cái kim vào mặt, vào tay, có vẻ nghĩ ngợi. Chúng tôi đã đọc hết chuyện cá sấu và bắt đầu sang chuyện ngạc ngư, bỗng chuông ngoài vườn rung lên. Chúng tôi ra cửa thì thấy mẹ tôi đẹp hơn hẳn ngày thường, bên cạnh là một ông khách có bộ tóc đẹp và bộ ria đen nhánh, đó là người hôm chủ nhật vừa rồi đã ở nhà thờ cùng với chúng tôi. Khi mẹ tôi cúi xuống ở ngưỡng cửa để bế tôi lên hôn, ông ta bảo rằng tôi là cậu bé được cưng chiều hơn cả một ông vua… hoặc nói một câu gì na ná như vậy, vì tôi biết rằng ở đây những hiểu biết sau này của tôi giúp tôi hiểu biết điều đó. Tôi nhìn qua vai mẹ tôi mà hỏi: “Thế là thế nào hở mẹ?” Ông vỗ vỗ lên đầu tôi, nhưng chẳng hiểu sao tôi chẳng thích ông và chẳng ưa giọng nói trầm trầm của ông, và tôi lấy làm tức tối sợ rằng tay ông khi sờ vào tôi, lại sờ sang tay mẹ tôi, và điều này thực tế đã xảy ra. Tôi cố ẩy tay ông ra xa. Mẹ tôi trách: “Ồ, Davy!” “Chú bé ngoan lắm!” ông khách nói. “Nó tôn thờ mẹ nó thế cũng chẳng có gì lạ”. Chưa bao giờ tôi thấy sắc mặt mẹ tôi ửng đẹp bằng lúc này. Mẹ tôi mắng yêu tôi về tội vô phép, đoạn ôm tôi sát vào khăn quàng, và quay lại cám ơn ông khách đã chịu khó đưa mẹ tôi về đến nhà. Vừa nói, mẹ tôi vừa đưa tay ra, và khi ông ta nắm lấy, tôi cảm thấy hình như mẹ tôi đưa mắt nhìn tôi. Sau khi cúi xuống hôn (tôi thấy rõ lắm mà) bàn tay đeo găng nho nhỏ của mẹ tôi, ông khách bảo tôi: “Nào chú bé xinh xắn, chúng ta tạm biệt nhau nào!” “Chào ông” tôi nói. “Nào chúng ta hãy trở thành những người bạn thân nhất trên đời đi”, ông khách cười bảo: “Bắt tay tôi đi”. Vì tay trái mẹ tôi đang nắm bàn tay phải tôi, nên tôi đưa tay kia ra. “Nhưng… tay này không đúng, Davy ạ” ông khách cười. Mẹ tôi kéo tay phải, đưa ra đằng trước, nhưng vì lý do đã nói trên, tôi nhất định không giơ tay phải ra. Tôi cứ chìa tay trái, và ông ta thân mật bắt tay tôi, nói rằng tôi là chú bé “ngoan”, rồi đi. Trong phút này, trước khi cánh cửa đóng lại, tôi còn trông thấy ông ta ngoái lại ở giữa vườn nhìn chúng tôi một lần cuối, với cặp mắt đen chứa đựng một điềm chẳng lành. Chị Peggotty đứng sừng sững ở chính giữa phòng như cái thùng ton-nô, tay cầm cây đèn nến, hỏi: “Thưa mợ, chắc mợ vừa đi chơi tối vui lắm phải không ạ?” “Cám ơn chị Peggotty. Tối nay tôi đi chơi vui lắm”, mẹ tôi trả lời giọng vui vẻ. Chị Peggotty nói bóng gió: “Một người là lạ thì cũng là một sự thay đổi hay hay.” “Đúng thế. Một sự thay đổi thật là hay” mẹ tôi nói lại. Chị Peggotty vẫn đứng im ở giữa phòng không nhúc nhích và mẹ tôi lại tiếp tục hát, và tôi thiếp đi, nhưng ngủ không say lắm, vì tôi vẫn nghe tiếng hai người lầm rầm, nhưng không nghe ra là nói gì. Khi tôi hơi tỉnh dậy, sau giấc ngủ mệt mỏi ấy, tôi thấy chị Peggotty và mẹ tôi đều khóc và đang nói với nhau. “Người như thế không được đâu!” chị Peggotty bảo. “Ông Copperfield không thể nào thích con người như thế. Tôi nói thế đấy và tôi thề như thế.” “Trời ơi! Chị làm tôi phát điên mất… có bao giờ lại có người con gái đáng thương, bị đầy tớ hành hạ như tôi không?”… mẹ tôi kêu lên - “Nhưng tại sao tôi lại vô lý tự gọi mình là một người “con gái”? Tôi đã lấy chồng rồi kia mà, phải không chị Peggotty?” “Thưa mợ, trời chứng giám cho mợ là đã có chồng rồi”, chị Peggotty trả lời. “Thế sao chị lại dám…” mẹ tôi nói, “chị Peggotty, chị nên biết là tôi không nói “dám” đâu nhé…, sao chị lại tàn nhẫn nỡ làm khổ tôi, nói những lời đay nghiến tôi như thế, trong khi chị biết rõ rằng ngoài những người trong nhà này ra tôi chẳng còn ai là bạn bè để trông mong cả!” “Vì vậy tôi lại càng phải nói rằng ông ấy thì không được” chị Peggotty nói “Không! Không thể được. Không, với bất cứ giá nào, cũng không được. Không được!” vừa nói, chị Peggotty vừa khua vung cây đèn nến. Chị hăng hái quá, làm tôi tưởng chị suýt ném nó xuống đất. Mẹ tôi càng khóc già và nói: “Sao chị lại nặng lời với tôi vô lý như thế! Sao chị lại nói cứ như là câu chuyện đã định đoạt xong xuôi cả rồi? Trong khi tôi đã nói đi nói lại với cái đồ ác nghiệt là chị ấy, rằng ngoài việc chào hỏi nhau rất bình thường chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Chị bảo người ta mê tôi à! Thế thì tôi phải làm gì nào? Nếu có người đã dại dột say mê tôi, thì lỗi tại tôi à? Tôi hỏi chị, thế thì tôi phải làm gì nào? Hay là chị muốn tôi cạo trọc đầu, bôi đen mặt mũi, hay là đem vạc mặt đi, đốt lửa vào nhé, dội nước sôi vào nhé, hoặc làm cách gì tương tự như thế nhé? Chị Peggotty, tôi dám chắc là chị muốn vậy đấy! Tôi dám chắc là như vậy chị mới hả lòng mát ruột!” Tôi thấy chị Peggotty có vẻ rất khổ tâm vì những lời vu vạ đó. Mẹ tôi đi đến chỗ tôi ngồi, vuốt ve tôi, và kêu: “Con cưng của mẹ, con Davy bé bỏng của mẹ! Có phải người ta đã nói bóng gió trước mặt mẹ là mẹ không còn yêu hòn ngọc của mẹ, thằng bé thân yêu nhất trần đời này không?” “Nào có ai nói bóng nói gió thế đâu?” Chị Peggotty nói. “Có, chị nói đấy!” mẹ tôi nói. “Chị Peggotty ạ! Chị thừa biết chính là chị đấy! Qua lời chị vừa nói, thì còn kết luận nào khác được, cái chị tàn ác kia? Trong khi chị cũng biết rành rành như tôi rằng vì nó mà ba tháng qua tôi đành chịu không dám mua chiếc ô mới, mặc dầu chiếc ô xanh cũ của tôi đã xác xơ cả đầu đuôi, viền xung quanh thì rách mướp ra. Chị biết rõ đấy chứ, chị Peggotty? Nào, có chối được không nào?” Đoạn mẹ tôi âu yếm quay lại tôi, áp má vào má tôi nói: “Mẹ có là bà mẹ hư hỏng đối với con không, hở Davy? Mẹ có là bà mẹ tai quái, độc ác, ích kỷ, xấu xa không? nói thế đi con! cứ ừ đi một tiếng, con yêu quý ơi, rồi chị Peggotty sẽ yêu con đấy. Và chị Peggotty yêu con còn giá trị hơn gấp vạn lần mẹ yêu con đấy, Davy ạ! Mẹ chả yêu con gì cả, phải không?” Đến đây, chúng tôi đều òa lên khóc. Tôi thấy hình như tôi khóc to nhất đám thì phải, và tôi chắc chắn là chúng tôi đều khóc chân tình cả. Tôi đứt cả ruột gan, và trong khi tình cảm bị thương tổn, tôi sợ tôi đã rủa chị Peggotty là “Đồ súc vật”. Tôi nhớ rằng con người chung thủy ấy đã rất khổ tâm, và trong dịp này đã mất tiệt cả cúc áo, vì người ta nghe cả một tràng cúc nổ tung bay đi như loạt đạn khi chị quỳ xuống bên ghế bành để làm lành với tôi sau khi đã làm lành với mẹ tôi. Chúng tôi đi ngủ lòng buồn rười rượi. Tôi cứ nấc mãi thao thức hồi lâu không ngủ được, và khi một cái nấc rất mạnh làm tôi giật bắn lên ở trên giường, thì tôi thấy mẹ tôi ngồi trên cái chăn đắp chân đang cúi xuống nhìn tôi. Sau đó, tôi ngủ trong tay mẹ tôi, và thiếp đi. Không biết ngày chủ nhật sau tôi lại trông thấy ông khách, hay là cách đó một thời gian dài hơn, ông ta mới lại xuất hiện, tôi không nhớ. Về vấn đề thời gian tôi không có những khái niệm chính xác, chỉ biết là ông có mặt ở nhà thờ, rồi sau đó lại đưa chúng tôi về nhà. Hơn nữa, ông còn vào trong nhà để ngắm cây phong lan trứ danh của chúng tôi ở cửa sổ phòng khách. Tôi thấy hình như ông không chú ý đến nó cho lắm, nhưng trước khi ra về, ông xin mẹ tôi một bông hoa. Mẹ tôi bảo ông cứ việc chọn mà ngắt lấy, nhưng ông không chịu (tôi cũng không thể hiểu tại sao). Vì thế, mẹ tôi phải hái một bông, và đặt vào tay ông. Ông tuyên bố sẽ không bao giờ rời bỏ bông hoa ấy, và tôi nghĩ sao ông này lại đần độn đến nỗi không biết rằng chỉ một hai ngày là hoa sẽ tàn rụng hết. Chị Peggotty bắt đầu không ở cạnh chúng tôi vào buổi tối như trước nữa. Mẹ tôi rất nể chị, (tôi thấy còn nể hơn trước nhiều); và ba chúng tôi vẫn tử tế với nhau, nhưng chúng tôi vẫn có cái gì khang khác trước, và không thông cảm với nhau như trước nữa. Thỉnh thoảng, tôi có cảm tưởng thấy chị Peggotty phản đối việc mẹ tôi diện những áo đẹp để trong ngăn kéo tủ, hoặc sang chơi luôn nhà người bạn láng giềng kia, nhưng dù tôi muốn, tôi vẫn không có cách nào biết được việc đó xảy ra như thế nào. Dần dần, tôi quen nhìn ông khách ria đen. Tôi vẫn không ưa ông hơn lần đầu và vẫn ghen tức với ông như trước. Và nếu như đó là vì một lý do nào khác ngoài ác cảm bản năng của trẻ con, ngoài cái ý nghĩ mơ hồ rằng chị Peggotty và tôi không cần có ông ta giúp vẫn có thể hiểu giá trị của mẹ tôi, và nếu lớn tuổi hơn tôi đã có thể thấy rằng đó không phải là lý do thực sự. Óc tôi không hề nghĩ ra lý do ấy, hay một lý do tưởng tượng. Có thể nói là tôi chỉ biết nhận xét, từng mảnh một; còn ghép những mảnh lại thành ra một màng lưới để bắt ai, thì việc ấy lúc này, còn ở ngoài khả năng của tôi. Một buổi sáng mùa thu, tôi đang cùng với mẹ tôi ở vườn trước bỗng ông Murdstone (bây giờ tôi biết tên ông ta là Murdstone) đi ngựa đến. Ông dừng ngựa chào mẹ tôi, và nói ông đến Lowestoft thăm mấy người bạn đang chơi du thuyền ở đó, rồi lại vui vẻ đề nghị đèo tôi ngồi lên yên, ở đằng trước ông, nếu tôi thích đi chơi. Không khí hôm ấy trong trẻo, thú vị quá, và con ngựa đứng ở hàng rào, giẫm chân, thở phì phì nhưng cũng rất thú vị về cuộc đi chơi mà tôi đang khao khát. Tôi được dẫn lên gác để chị Peggotty làm dáng cho. Và trong khi chờ đợi, ông Murdstone xuống ngựa, tay khoác giây cương; đi đi lại lại khoan thai ở phía ngoài hàng rào dã tường vi, còn mẹ tôi cũng khoan thai đi đi lại lại ở phía trong, để tiếp chuyện ông. Tôi còn nhớ chị Peggotty và tôi có nhìn trộm hai người qua cửa sổ nhỏ của phòng tôi. Tôi nhớ rằng trong khi đi bách bộ, họ giống như là đang ngắm nhìn hàng rào dã tường vi ngăn cách giữa hai người, và chị Peggotty, con người tính tình hết sức phúc hậu bỗng nổi cáu và chải ngược tóc tôi hết sức mạnh. Lát sau ông Murdstone và tôi ra đi, và chúng tôi phi nước kiệu trên cỏ xanh bên bờ đường. Một tay ông êm ái đỡ lấy tôi: bình thường tôi không nghĩ tôi là đứa trẻ hiếu động; thế mà tôi không thể nào yên trí ngồi yên ở đằng trước, trái lại chốc chốc lại quay đầu, ngước nhìn lên mặt ông. Ông có một thứ mắt đen, nhưng cạn (tôi không có danh từ nào hơn để gọi một con mắt, nhìn vào không thấy gì là sâu cả), khi nào nó lơ đãng thì ánh lên một cách đặc biệt thành ra lệch hẳn đi, trông như là lác. Nhiều lần liếc nhìn ông, tôi nhận thấy vẻ mặt như thế mà hoảng sợ và lấy làm lạ không biết ông nghĩ ngợi gì mà trầm ngâm dữ thế. Nhìn gần thì tóc và ria ông còn đen và rậm hơn tôi đã tưởng. Mặt phía dưới bạnh vuông, lấm chấm đen, chứng tỏ ông có bộ râu cằm rất rậm, hàng ngày được cạo nhẵn thín, và làm tôi nhớ đến cái nghề nặn hình nhân bằng sáp đã từng được đưa vào miền phụ cận của tôi độ nửa năm trước đây. Những đặc điểm ấy cùng với cặp lông mày đều đặn, và nước da trắng đen, nâu (da với dẻ! Kỷ niệm ấy sao mà khó chịu thế!) bắt tôi phải nhận rằng ông là người rất bảnh trai mặc dầu tôi có ác cảm với ông. Tôi chắc bà mẹ yêu quý và tội nghiệp của tôi cũng nghĩ như tôi thôi. Chúng tôi đến một khách sạn ở bờ biển, ở đó chỉ có hai người đang hút xì gà trong phòng. Mỗi người nằm dài trên ít nhất là bốn cái ghế tựa và đều mặc áo chẽn vải thô. Ở góc phòng có một đống áo vét tông, áo đi thuyền, và một cái cờ, tất cả buộc thành một bó. Khi chúng tôi vào, họ lồm cồm đứng dậy, và nói: “Thế nào, Murdstone! chúng tôi tưởng anh chết rồi!”. “Chưa đâu”, ông Murdstone nói. “Chú bé nào thế này?” một người nắm tôi hỏi. “Davy đấy” ông Murdstone trả lời. “Davy gì kia chứ…?” người ấy lại hỏi. “Copperfield”, ông Murdstone nói. “Sao, cái của nợ của bà Copperfield mê hồn đấy à?” người ấy kêu lên, “của cái bà quả phụ trẻ măng và xinh đẹp đấy à?” “Anh Quinion, anh cẩn thận cho”, ông Murdstone bảo. “Có người tinh ranh lắm đấy!” “Ai thế?” người ấy cười hỏi. Tôi vội nhìn lên, tò mò muốn biết xem đó là ai. “À! Anh chàng Brooks ở Sheffield đấy mà!” ông Murdstone nói. Tôi nhẹ hẳn mình khi biết đó chỉ là anh chàng Brooks ở Sheffield, vì lúc đầu tôi cứ ngỡ là tôi cơ đấy. Hình như cái ông Brooks ở Sheffield kia là một nhân vật rất buồn cười, nên khi nghe nói đến thì hai người cười rộ lên, và ông Murdstone cũng có vẻ khoái trá lắm. Sau khi cười một lúc, cái ông tên là Quinion hỏi: “Thế ý kiến của anh chàng Brooks ở Sheffield đối với kế hoạch đang dự tính thế nào?” “Tôi thấy Brooks hiện chưa hiểu gì về vấn đề này”, ông Murdstone trả lời “Nhưng nói chung, thái độ hắn là không tán thành”. Đến đây, họ lại cười ầm lên, và ông Quinion bảo: “Phải bấm chuông gọi mang rượu anh đào lên để uống chúc sức khỏe anh chàng Brooks.” Và ông ta thực hiện ngay. Khi rượu mang lên, ông cho tôi uống một chút với một chiếc bánh bích quy và trước khi tôi uống thì ông đứng dậy nói: “Chúc cho anh chàng Brooks ở Sheffield được một dịp bẽ mặt”. Mọi người cạn chén vỗ tay hưởng ứng ầm ĩ và cười khoái trá làm tôi cũng phải bật cười. Thấy thế, họ lại càng cười già. Tóm lại chúng tôi rất là hoan hỉ. Sau đó, chúng tôi dạo trên núi đá ven bờ biển, và ngồi chơi trên cỏ, lấy ống nhòm để nhìn cảnh vật (riêng tôi thì khi để ống nhòm vào mắt, tôi chẳng nhìn thấy gì, nhưng tôi cứ làm ra vẻ thấy, rồi chúng tôi lại trở về khách sạn để ăn trước cho sớm. Trong khi đi chơi, hai người đàn ông cứ hút thuốc liên miên (tôi nghĩ nếu căn cứ vào cái mùi toát ra từ hai cái áo vải thô của họ mà xét, thì chắc hẳn họ đã hút từ lúc lấy áo ở hiệu thợ may về”. Và cũng không nên quên kể lại rằng chúng tôi đã lên chơi trên một chiếc du thuyền, cả ba người kia đều xuống khoang và loay hoay với một số giấy tờ. Khi nhìn xuống qua cửa sổ bỏ ngỏ ở nóc buồng, tôi thấy họ rất bận rộn. Trong thời gian này, họ để tôi ở trên với một người rất tử tế, có cái đầu rất to tóc đỏ, đội một cái mũ tí xíu óng ánh, mặc áo lót hay áo gi-lê có vằn, ngang trên ngực có chữ “Sơn ca” viết hoa. Tôi tưởng đó là tên bác, và vì bác ở trên tầu, không có cửa nhà quay ra phố để đề tên, nên đã phải đề tên trên ngực. Nhưng khi tôi gọi bác là ông “Sơn ca” thì bác bảo đó là tên chiếc thuyền. Suốt ngày, tôi thấy ông Murdstone có vẻ trầm lặng và đúng mực hơn hai người kia. Hai người kia rất vui vẻ và vô tư. Họ nói đùa với nhau thoải mái, nhưng rất ít đùa với ông Murdstone. Ông ta có vẻ thành thạo và lạnh lùng hơn họ, và đối với ông ta họ cũng phần nào nể sợ, như tôi đối với ông ta vậy. Tôi nhận thấy một hai lần, khi đang nói, ông Quinion nhìn trộm ông Murdstone để xem ông ta có phật ý không; và một lần khi ông Passnidge (tức là ông kia) vui quá trớn thì ông này đạp vào chân, nháy ông phải coi chừng ông Murdstone đang ngồi nghiêm nghị lặng yên. Suốt hôm ấy, tôi nhớ rằng ông Murdstone không cười lần nào, trừ lúc pha trò về anh chàng Sheffield, và chính đó lại là câu nói đùa của ông. Chiều đến, chúng tôi trở về nhà sớm. Đó là một buổi chiều rất đẹp. Và mẹ tôi lại cùng ông Murdstone đi dạo bên hàng rào dã tường vi trong khi tôi phải vào nhà để uống trà. Khi ông đã về, mẹ tôi hỏi lại tôi về tất cả cuộc đi chơi ban ngày của tôi, về những điều mà các ông ấy đã nói và đã làm. Tôi nhắc lại những câu họ nói về mẹ tôi, và mẹ tôi cười, bảo họ là người trơ trẽn ăn nói bậy bạ, nhưng tôi biết là mẹ tôi thích lắm. Tôi hiểu điều đó rõ như là giờ đây tôi đang hiểu. Nhân dịp này, tôi hỏi xem mẹ tôi có quen ông Brooks ở Sheffield không, nhưng mẹ tôi bảo không, và đoán có lẽ đó là một nhà sản xuất dao và nĩa. Làm sao tôi có thể nói rằng gương mặt mẹ tôi đã phai mờ (mặc dầu tôi có lý do để nhớ rằng nó đã thay đổi, và tôi biết hiện nay đã biến mất), khi ngay giờ đây nó vẫn hiện ra trước mắt rõ ràng như bất cứ mặt người nào mà tôi nhìn ở ngoài đường phố đông đúc? Làm sao tôi có thể nói rằng vẻ đẹp ngây thơ và tươi trẻ của mẹ tôi đã tàn tạ và không còn nữa, trong khi giờ đây tôi vẫn cảm thấy hơi thở của gương mặt ấy trên má tôi, như là tôi đã thấy buổi chiều hôm đó? Làm sao tôi có thể nói rằng mẹ tôi đã thay đổi, khi ký ức tôi đã làm mẹ tôi sống lại in hệt như xưa; đã thế lại còn giống cái tuổi thanh xuân tình tứ hơn tôi cũng như bất kỳ người nào khác vẫn còn giữ được cái mà họ yêu quý. Tôi tả mẹ tôi đúng như là lúc mẹ tôi đến chúc tôi ngủ ngon sau khi chúng tôi nói chuyện với nhau và tôi đã lên giường ngủ. Mẹ tôi vui vẻ quỳ bên giường, tay đỡ lấy cằm, cười và nói: “Davy, các ông ấy nói gì thế? Nhắc lại mẹ nghe! Mẹ không tin thế đâu.” “… Mê hồn…” tôi nói. Mẹ tôi lấy tay bịt môi tôi, không cho nói. Mẹ tôi cười bảo: “Không phải mê hồn đâu, không thể nào là mê hồn được, Davy ạ. Mẹ biết đúng là không phải thế.” Tôi nhắc lại quả quyết: “Đúng thế mà!… Bà Copperfield mê hồn…, … và xinh đẹp” nữa. Mẹ tôi lại lấy tay bịt môi tôi, cãi: “Không, không phải là “xinh đẹp” đâu! Không “xinh đẹp” đâu!” Đúng thế mà! “Bà quả phụ trẻ măng và xinh đẹp!” Mẹ tôi che mặt cười, kêu lên: “Người đâu mà rồ dại và trơ trẽn!… Các ông ấy lố bịch lắm phải không Davy?” “Thưa mẹ, vâng ạ.” “Đừng nói cho chị Peggotty biết nhé! Chị ấy có thể giận các ông ấy đấy. Chính mẹ cũng giận các ông ấy ghê lắm; nhưng mẹ thấy không nên cho chị Peggotty biết thì hơn.” Dĩ nhiên là tôi hứa điều đó, rồi chúng tôi ôm nhau hôn đi hôn lại mãi, và chẳng mấy chốc tôi ngủ say. Bây giờ hồi tưởng lại hồi xưa, tôi nhớ đâu việc này xảy ra cách hôm ấy một hôm, nhưng kỳ thực có lẽ vào khoảng hai tháng sau. Một hôm chị Peggotty đề nghị với tôi một việc rất mạo hiểm và bất ngờ mà tôi kể sau đây. Một buổi tối, chúng tôi vẫn ngồi với nhau như mọi ngày (trong khi mẹ tôi cũng đi chơi vắng như mọi ngày) cùng với chiếc bít tất, cái thước đo, và cái hộp trên nắp có cảnh nhà thờ St. Paul, và quyển truyện cá sấu. Chị Peggotty cứ nhìn tôi hoài mồm há ra như muốn bảo gì nhưng rồi lại thôi (tôi cứ ngỡ là chị ngáp, nếu không thì đã hoảng lên.. Bỗng chị nói, giọng dỗ dành: “Em Davy, em có muốn đi chơi độ nửa tháng với chị ở nhà người anh ruột của chị, ở Yarmouth không? Em có thích thế không?” “Anh của chị có vui tính không chị Peggotty” tôi hỏi dò. Chị Peggotty giơ tay lên, nói: “Ồ, vui tính lắm chứ!… Rồi lại có biển nữa, có thuyền, có tầu, có người đánh cá, có bãi biển… và có thằng Am nó chơi với em nữa…” Chị Peggotty muốn nói đến cháu Ham của chị mà tôi đã kể ở chương thứ nhất, nhưng chị biến “Ham” thành “am” là một động từ trong tiếng Anh. Nghe chị kể những thú vui này tôi sướng mê đi được, và trả lời đi thì thích lắm, nhưng không biết mẹ tôi có cho phép không. Chị Peggotty nhìn chằm chặp vào mặt tôi mà nói: “Ồ, chị đánh cuộc với em một đồng “Ghi-ni” đấy, thế nào mẹ cũng cho chúng ta đi chơi. Nếu em đồng ý chị sẽ xin phép cho, ngay khi mẹ về,… Được chứ?” “Thế nhưng trong khi chúng mình đi chơi thì mẹ làm gì? tôi nói và chống đôi khuỷu tay nhỏ xíu xuống bàn để thảo luận về điểm này,… Mẹ không thể sống một mình được.” Chị Peggotty bỗng cúi xuống tìm tòi một cái lỗ thủng nào đó ở gót bít-tất, lỗ thủng này chắc là phải nhỏ lắm, không bõ công mạng. “Này chị Peggotty, chị biết đấy, mẹ không thể ở một mình được.” Cuối cùng chị Peggotty lại nhìn tôi, nói: “Trời ơi!… Em không biết à? Mẹ sắp sang chơi độ nửa tháng ở nhà bà Grayper; ở nhà bà Grayper sắp có đông khách lắm đấy!” Ồ! Nếu thế tôi sẵn lòng đi chơi lắm. Tôi rất sốt ruột ngồi đợi cho đến lúc mẹ tôi chơi ở nhà bà Grayper về (vì mẹ tôi vừa đến chơi nhà bà này) để xem chúng tôi có được phép thực hiện dự kiến lớn lao của chúng tôi không. Mẹ tôi chấp thuận ngay tức khắc, không hề tỏ ra ngạc nhiên như tôi đã tưởng. Ngay tối hôm đó, mọi việc được thu xếp xong, cả tiền ăn ở của tôi trong thời gian đi chơi. Thấm thoát ngày chúng tôi ra đi đã đến. Nó không lâu la gì, nên đến nhanh lắm, ngay cả đối với tôi là người sốt ruột chờ đợi nó; cứ lo lắng sợ một cuộc động đất, hoặc một cái núi lửa, hoặc một sự đảo lộn nào khác của vũ trụ có thể làm ngừng cuộc đi chơi. Chúng tôi sẽ đi bằng xe ngựa của anh xà ích, khởi hành vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm. Tôi sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cũng được để được phép mặc quần áo ngay từ tối hôm trước và cứ để nguyên cả mũ giầy để đi ngủ. Giờ đây, mặc dầu nói đến chuyện này một cách coi thường tôi vẫn thấy cảm động khi nhớ rằng tôi đã hăm hở rời khỏi cái gia đình êm ấm, và nghĩ rằng lúc đó tôi không ngờ chút nào rằng mình sẽ rời nó mãi mãi. Tôi sung sướng nhớ lại rằng khi chiếc xe anh xà ích đỗ ở cổng và mẹ tôi đứng ở đấy để hôn tôi, thì tôi thấy tràn ngập tình yêu thương cảm kích đối với mẹ tôi, đối với cái căn nhà quen thuộc mà tôi chưa rời khỏi bao giờ, nên đã òa khóc lên. Tôi sung sướng biết rằng mẹ tôi cũng khóc, và tim mẹ tôi đập sát tim tôi. Tôi sung sướng nhớ lại khi chiếc xe của anh xà ích bắt đầu chuyển bánh, thì mẹ tôi bỗng lại chạy ra khỏi cổng, gọi anh dừng lại để hôn tôi một lần nữa. Tôi sung sướng khi nghĩ đến tình thương yêu thắm thiết của mẹ tôi lúc mẹ tôi ngẩng mặt lên để hôn tôi. Khi chúng tôi đi rồi, bỏ lại mẹ tôi đứng ở giữa đường, thì ông Murdstone tiến tới chỗ mẹ tôi và có dáng điệu như trách mẹ tôi sao lại quá xúc động như vậy. Tôi thò đầu vòng quanh tấm vải bạt đằng sau xe, và tự hỏi việc gì đến ông ta kia chứ. Chị Peggotty cũng đang ngoái lại nhìn ở phía bên kia, rồi rút đầu vào trong xe vẻ mặt hình như không bằng lòng. Tôi ngồi nhìn chị Peggotty một lúc, mơ màng nghĩ đến trường hợp giả thiết như sau: nếu chị có nhiệm vụ đem tôi đi để vất bỏ như đứa bé con trong chuyện cổ tích, thì tôi có thể tìm ra đường về nhà bằng cách lần theo những chiếc cúc chị để rơi ở suốt dọc đường không? Chương III MỘT SỰ THAY ĐỔI ĐỐI VỚI TÔI Con ngựa của anh xà ích xem chừng lười nhất trên đời: Nó lê chân đi, đầu gục xuống tựa hồ như nó thích bắt những người nhận bưu điện phải mỏi mắt trông chờ. Thực vậy, thỉnh thoảng tôi có cảm tưởng rằng nó đang nghĩ như thế và cười khúc khích; nhưng anh xà ích lại bảo là nó mắc bệnh ho đấy thôi. Anh xà ích cũng có một cách gục đầu riêng cũng như con ngựa của anh; và hai tay đặt trên hai đầu gối, anh ngả người ra đằng trước ngủ và ngủ gật trong khi vẫn đánh xe. Tôi nói là “đánh xe”, nhưng tôi nẩy ra ý nghĩ rằng cỗ xe có thể đến Yarmouth hoàn toàn không cần có anh, vì đã có con ngựa làm tất cả. Còn về khoản trò chuyện thì anh chẳng biết tí gì, chỉ biết huýt sáo mà thôi. Chị Peggotty đặt trên đầu gối một lẵng thức ăn nhiều đến nỗi dù có đến London bằng thứ phương tiện vận tải này cũng không ăn hết. Chúng tôi ăn nhiều, và ngủ cũng nhiều. Chị Peggotty cứ một mực ngủ rền, tì cằm trên quai lẵng mà chị nắm khư khư, và nếu không nghe tiếng chị ngáy khò khò thì tôi sẽ không thể tin được rằng một người đàn bà chân yếu tay mềm lại có thể ngáy to đến thế. Chúng tôi đi ngoắt ngoéo quanh co hết lên lại xuống trên những con đường nhỏ và đã phải mất nhiều thì giờ để giao một cái giát giường cho một quán rượu và đỗ lại ở nhiều nơi, đến nỗi tôi mệt phờ ra và mừng quýnh khi trông thấy Yarmouth. Nơi này xem ra có vẻ ẩm ướt và lầy lội khi tôi đưa mắt nhìn cái bãi vắng mênh mông, ảm đạm ở bên kia sông; và tôi không khỏi tự hỏi thầm rằng nếu quả đất là tròn như trong sách địa lý của tôi nói thì tại sao có chỗ lại bẹt đến thế này. Nhưng tôi lại nghĩ Yarmouth có thể là ở một trong hai cực và luận điểm này có thể giải thích được điều trên. Khi chúng tôi đến gần hơn nữa, và nhìn thấy tất cả dải đất bên cạnh chạy thành một đường thẳng dài, dưới bầu trời, tôi bảo chị Peggotty rằng nếu vài quả đồi nhô lên nữa thì phong cảnh sẽ đẹp hơn và nếu đất được tách rời khỏi biển hơn nữa và thành phố và sóng biển không lẫn lộn với nhau như bánh mì khô giầm nước, thì có lẽ sẽ đẹp hơn nhiều. Nhưng chị Peggotty nói, giọng kiên quyết hơn mọi khi, rằng “Sự vật như thế nào thì phải bằng lòng như thế”, và riêng về phần chị, chị rất kiêu hãnh được gọi là “Con cá mòi khô ở Yarmouth.” Khi vào đến đường phố (mà tôi thấy thực kỳ lạ), và ngửi thấy mùi cá, mùi nhựa thông, mùi giây gai, mùi hắc ín, nhìn thấy các thủy thủ đi qua đi lại, và những chiếc xe bò lăn lạch cạch trên đường đá, tôi cảm thấy rằng tôi đã nhận xét oan về một nơi náo nhiệt như thế này; và tôi nói thế với chị Peggotty. Chị cũng rất hả dạ khi nghe tôi tỏ vẻ thích thú; và chị bảo tôi rằng nhìn chung Yarmouth nổi tiếng (tôi đoán là nổi tiếng đối với những người có số phận may mắn sinh ra là “Cá mòi khô”) là nơi xinh đẹp nhất trên thế giới. “Kìa thằng Am!” chị Peggotty kêu lên, “… Lớn trông lạ hẳn đi!” Đúng thế, Ham đang đứng ở tiệm rượu chờ chúng tôi; anh hỏi thăm sức khỏe của tôi, như một người bạn cũ. Lúc đầu tôi có cảm tưởng không quen biết anh như anh quen biết tôi, vì anh chẳng đến nhà tôi lần nào nữa từ đêm tôi ra đời, và cố nhiên như thế là anh có ưu thế hơn tôi. Nhưng lúc anh cõng tôi lên lưng để đưa về nhà thì sự thân mật giữa chúng tôi tăng lên nhiều. Bây giờ anh là một chàng trai to lớn, khỏe mạnh, cao thước chín, to ngang, vai tròn, nhưng vẻ mặt lại nũng nịu như trẻ con và tóc hung vàng loăn xoăn làm anh trông giống hệt con cừu. Anh mặc áo vải gai, và cái quần cứng đờ đờ, đến nỗi không cần có đôi chân ở trong ống, nó cũng có thể đứng một mình. Và người ta không thể bảo rằng anh đang đội mũ; vì trông anh giống như một tòa nhà cũ trên chóp che bằng một thứ gì đen đen như nhựa vậy. Anh Ham vừa cõng tôi vừa cắp ở tay chiếc hòm nhỏ của chúng tôi, trong khi chị Peggotty cũng mang một hòm nhỏ khác; và chúng tôi đi vào những con đường ngổn ngang những vỏ bào, những đống cát nho nhỏ, qua những xưởng chạy bằng hơi than, những xưởng làm thừng chão, những công trường đóng thuyền, đóng tầu, những công trường tháo tầu, sơn tầu, trang bị dụng cụ cho tầu, những lò rèn…, và vô số những nơi tương tự như vậy, cho đến khi đến cái bãi vắng ảm đạm mà tôi đã thấy từ xa. Đến đây anh Ham nói: “Này cậu Davy, nhà ta kia kìa!” Tôi nhìn khắp tứ phía, trố mắt nhìn cái bãi hoang vắng, hết về phía biển lại về phía sông, nhưng chẳng nhận ra nhà cửa đâu cả. Cách đó không xa có một chiếc thuyền gỗ đen đen hay một thứ tầu nhỏ gì đó bị bỏ, đã được kéo lên cạn, với một cái ống khói bằng sắt nhô lên, thay cho ống khói lò sưởi và đang tỏa khói một cách bình yên; ngoài ra tuyệt nhiên tôi chẳng thấy có nhà cửa gì cả. “Cái giông giống cái tầu kia, có phải nhà ta đấy không?” tôi hỏi. “Phải đấy cậu Davy ạ”, anh Ham trả lời. Dù có là lâu đài của Aladdin hay trứng chim đại bàng, hoặc là bất kỳ cái gì, cũng không thể làm tôi say mê hơn cái ý nghĩ lãng mạn là sẽ được sống ở đó. Một cửa xinh xắn được đục ở thành tầu, và tầu có một cái mái với những cửa sổ tí xíu; nhưng sức hấp dẫn kỳ diệu của nó là ở chỗ nó chính là một cái tầu thật, nhất định đã từng lênh đênh trên mặt biển hàng trăm lần rồi, và trước đấy không bao giờ người ta nghĩ đến việc dùng nó làm nhà ở trên cạn. Đó là điều làm tôi ngây ngất. Nếu nó được đóng ra để làm nhà thì có thể tôi thấy là nó bé, bất tiện, trơ trọi; nhưng vì nó không phải đóng để dùng vào việc ấy, nên nó trở thành một chỗ ở tuyệt diệu. Bên trong, sạch bóng như chùi, và hết sức ngăn nắp. Có một cái bàn, một chiếc đồng hồ Hà Lan, một cái tủ có ngăn kéo trên tủ đặt một khay trà trên vẽ một bà cầm ô đi chơi với một cậu bé có dáng điệu nhà binh, đang đánh vòng. Một quyển Kinh Thánh đỡ cho khay khỏi đổ; vì thế khay đổ xuống thì sẽ làm tan tành bao nhiêu là tách, đĩa và một cái ấm để ở chung quanh quyển Kinh Thánh. Trên tường có vài bức tranh màu thông thường, đóng khung lồng kính, đề tài lấy trong Kinh Thánh. Từ lúc ấy, mỗi khi trông thấy những bức tranh này ở tay người bán hàng rong tôi lại thấy hiện ngay ra trước mắt toàn bộ cảnh nhà của người anh của chị Peggotty: Abraham[12] màu đỏ sắp sửa giết Isaac để tế thượng đế và Daniel màu vàng bị ném vào hang sư tử màu xanh, là những bức nổi nhất trong những tranh đó. Trên cái giá lò sưởi nhỏ là bức tranh vẽ tầu Sarah Jane đóng ở Sunderland với một cái đuôi tầu tí xíu làm bằng gỗ và đính vào đấy, một công trình mỹ thuật đã kết hợp được nghệ thuật với nghề mộc, mà tôi coi như một tài sản quý báu nhất trên đời có thể có. Có vài cái móc trên xà nhà mà tôi chưa đoán ra là dùng làm gì, và vài cái hòm, vài cái hộc với những vật tiện lợi kiểu tương tự dùng làm chỗ ngồi và bổ sung thêm vào số ghế. Tất cả những cái đó, chỉ liếc nhìn một cái là tôi thấy ngay, sau khi đã bước qua ngưỡng cửa (theo tôi nghĩ đối với trẻ con cái đó là tự nhiên). Đoạn chị Peggotty mở một cái cửa nhỏ, dẫn tôi vào buồng ngủ của tôi. Thật là một cái buồng đầy đủ nhất, thú nhất, chưa từng thấy bao giờ. Nó ở đuôi tầu, có một cửa sổ xinh xinh trước kia là chỗ bánh lái, một cái gương soi nhỏ nhắn vừa đúng tầm cao của tôi, đóng vào tường, khung của nó làm bằng vỏ hàu và một cái giường tí xíu vừa vặn đủ chỗ để tôi nằm duỗi ở đấy; và một chùm rong biển cắm trong cái bình xanh để trên bàn. Tường quét vôi, trắng bong như sữa, và chăn đắp chân sặc sỡ làm tôi hoa cả mắt vì màu lòe loẹt. Tôi nhận ra trong cái nhà thú vị này có một điều đặc biệt là mùi cá: nó thấm vào tất cả đến nỗi khi rút khăn tay ra chùi mũi thì tôi ngửi thấy y như là nó đã gói một con tôm hùm. Khi tôi bảo nhỏ cho chị Peggotty biết điều khám phá này, chị bảo tôi rằng anh ruột chị làm nghề bán tôm hùm, cua bể, và tôm he. Và sau đó, trong một cái chái nhỏ bằng gỗ để nồi và ấm, tôi đã thấy một đống tướng những con vật này quấn quít lấy nhau một cách kỳ lạ và luôn luôn thò càng ra cặp bất cứ cái gì chúng vớ được. Chúng tôi được một bà rất lễ độ mặc tạp dề trắng, ra đón. Ở trên lưng anh Ham cách đây độ một phần tư dặm, tôi đã thấy bà ra đứng ở cửa, cúi chào chúng tôi. Đồng thời, lại có một cô bé hết sức xinh (ít nhất tôi cho là như thế), cổ đeo chuỗi hạt trai xanh xanh, cô ta không chịu cho tôi hôn và chạy trốn. Sau đó, khi chúng tôi đã ăn xong bữa ăn thịnh soạn có cá bơn luộc, bơ nước và khoai tây, với một miếng sườn cho riêng tôi, thì một ông lông lá, vẻ mặt hiền hậu bước vào. Vì ông gọi chị Peggotty là “cô bé” và hôn chụt trên má chị một cái một cách thân thiết, nên tôi không do dự gì kết luận rằng (căn cứ vào tư cách xưa nay đứng đắn của chị Peggotty) đó là anh ruột chị; và quả nhiên người ta giới thiệu cho tôi ông ấy là ông Peggotty, chủ của ngôi nhà này. “Chào cậu”, ông Peggotty nói: “được gặp cậu tôi thật mừng nắm[13]! Chúng tôi thì cục mịch nhưng rất sốt sắng, cậu ạ.” Tôi cám ơn ông và trả lời rằng tôi tin chắc là sẽ vui sướng được ở một nơi thú vị như thế này. “Mẹ cậu thế lào?” ông Peggotty hỏi “Bà có được vui vẻ khỏe mạnh khi cậu ra đi không?” Tôi cho ông biết rằng mẹ tôi hết sức vui vẻ khỏe mạnh, và có gửi lời chào… Đây chỉ là một sự bịa đặt lịch sự của tôi thôi. “Lói để cậu biết nà tôi xin đa tạ bà” ông Peggotty nói - “Lày cậu, lếu cậu có thể thu xếp ở đây độ nửa tháng với em nó (ông hất hàm về phía em gái), Ham và bé Emily, thì chúng tôi sẽ rất hân hạnh.” Sau khi tiếp khách niềm nở như vậy, ông Peggotty ra rửa ráy với cả một nồi nước nóng, tuyên bố rằng “Lước nạnh không thể lào cho bở ghét của ông được”, ông ta quay vào mặt mũi sáng sủa hẳn lên, nhưng đỏ gay đến nỗi tôi không khỏi nghĩ rằng mặt ông có chỗ giống như tôm hùm, cua bể và tôm he! Khi dúng vào nước nóng thì chúng đen sì, khi ra khỏi nước nóng thì chúng đỏ chói. Sau bữa trà, lúc cửa đã đóng và mọi vật đều ấm áp (lúc này đêm lạnh và nhiều sương), thì đối với tôi đây là một nơi ở ấm cúng nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Thật là mê hồn khi nghe tiếng gió nổi dậy ngoài khơi, khi biết sương mù đang lan tràn trên khắp bãi vắng phẳng lì và thê lương, và khi nghĩ rằng gần đây không có một ngôi nhà nào ngoài ngôi nhà này, và ngôi nhà này lại là một cái tầu. Bé Emily đã thắng được sự e thẹn, cô ngồi cạnh tôi trên cái hòm nhỏ nhất và thấp nhất, vừa đủ chỗ cho hai chúng tôi, và kê vừa khít vào góc lò sưởi. Bà Gummidge mặc tạp dề trắng, đang đan ở phía đối diện lò sưởi. Chị Peggotty thì bận khâu, vẫn rất thoải mái điềm nhiên với cái hộp vẽ nhà thờ St. Paul và mẩu sáp, dường như những thứ này xưa nay chưa hề ở khác chỗ. Anh Ham sau khi đã dạy tôi bài học đầu tiên về đánh bài “Các-tê”, đang thử nhớ lại một cách bói bài với những quân bài bẩn, và mỗi khi anh vật bài thì ngón tay cái nhờn cá của anh lại in vào các con bài. Ông Peggotty đang ngồi hút tẩu. Tôi cảm thấy đây là giờ chuyện trò và tâm sự. “Ông Peggotty!” tôi gọi. “Cái gì thế cậu?” ông Peggotty hỏi. “Có phải ông đặt tên con ông là Ham vì ông sống trong một cái thuyền không?”[14]. Ông Peggotty có vẻ cho đó là một ý kiến sâu sắc, nhưng ông trả lời: “Không cậu ạ! Tôi có đặt tên cho ló bao giờ đâu?” “Thế ai đặt tên cho anh ấy?” tôi hỏi ông Peggotty câu hỏi số hai của sách đạo[15]. “Cha ló đặt cho ló chứ còn ai lữa!” ông Peggotty bảo. “Cháu cứ tưởng ông là cha anh ấy!” “Anh ruột tôi nà Joe mới nà cha ló”, ông Peggotty nói. Sau một lúc ngừng lại kính cẩn, tôi gợi: “Ông ấy chết rồi à, có phải không ông Peggotty?” “Chết đuối!” ông Peggotty nói. Tôi rất ngạc nhiên về chỗ ông Peggotty không phải là cha anh Ham, và bắt đầu tự hỏi không biết mình có lầm về quan hệ của ông với những người khác không. Tôi rất tò mò muốn biết và định hỏi ông Peggotty cho ra đầu đuôi. “Còn bé Emily” tôi nói, liếc nhìn cô bé “… Em ấy có phải là con gái ông không, ông Peggotty?” “Không cậu ạ. Anh rể tôi nà Tom mới nà cha ló!” Tôi không nhịn được nữa. Sau khi im lặng kính cẩn một lần nữa, tôi lại hỏi gợi: “Ông ấy chết rồi à, có phải không ông Peggotty?”. “Chết đuối”, ông Peggotty nói. Tôi cảm thấy thật khó lòng tiếp tục câu chuyện nhưng vẫn chưa ra manh mối nên tôi phải hỏi cho kỳ được bất kỳ bằng cách nào. Vì thế tôi lại nói: “Ông có con không ông Peggotty?” “Không cậu ạ, tôi độc thân”, ông Peggotty cười bảo. “Độc thân à?”…, tôi sửng sốt hỏi. “Thế ai đấy ông Peggotty?” tôi trỏ vào cái bà mặc tạp dề đang ngồi đan. “Đó nà bà Gummidge!” ông Peggotty bảo. “Bà Gummidge à, ông Peggotty?” Nhưng đến đây thì Peggotty (tôi muốn nói là chị Peggotty của tôi) ra hiệu ráo riết cho tôi bảo đừng hỏi thêm gì nữa, nên tôi đành ngồi nhìn cả nhà đang ngồi im lặng, cho đến giờ đi ngủ. Lúc đó, ở trong buồng riêng, chị bảo cho tôi biết rằng Ham và Emily là cháu giai và cháu gái mồ côi mà ông chủ nhà của tôi đã lần lượt mang về nuôi, từ khi còn bé không nơi nương tựa, còn bà Gummidge là vợ góa một người bạn chài đã chết trong tình cảnh rất nghèo túng. Chị Peggotty bảo ông Peggotty tuy nghèo, nhưng “lòng vàng dạ ngọc, thật như đếm” (đó là những ẩn dụ của chị). Chị bảo tôi biết điều duy nhất làm ông nổi khùng đến nỗi cất lời chửi rủa, chính lại là khi người ta nhắc đến lòng tốt của ông. Hễ ai nhắc đến lòng tốt của ông thì ông đấm mạnh tay phải xuống bàn (có một lần ông đã đấm toác cả bàn) và chửi một câu khủng khiếp, thề rằng ai mà còn nói đến nữa thì ông sẽ đi thẳng, nếu không sẽ bị trời “đì”. Khi tôi hỏi vặn thì hình như không có ai có một khái niệm gì về nguồn gốc của động từ “đì” ấy, nhưng họ đều cho đó là một tiếng chửi rất là nặng nề. Tôi rất cảm kích lòng tốt của ông chủ nhà, và trong khi người khoan khoái lại thêm buồn ngủ, tôi nghe tiếng chân đàn bà đang đi ngủ trong cái buồng giống buồng của tôi nhưng ở đầu bên kia tầu, và ông Peggotty và anh Ham đang treo hai cái võng của họ vào những móc tôi đã thấy trên xà. Trong lúc thiêm thiếp ngủ, tôi nghe tiếng gió ù ù ngoài khơi và thổi trên bãi vắng hết sức dữ dội, làm tôi ngài ngại sợ rằng đang đêm nước sẽ dâng lên. Nhưng tôi tự nhủ dẫu sao tôi cũng đang ở trong một cái tầu, và nếu xảy ra việc gì thì có một người như ông Peggotty trên tầu cũng không phải là vô ích. Nhưng đêm ấy cũng như sáng hôm sau vẫn bình yên vô sự. Ánh mặt trời vừa lấp lánh trên cái gương có khung vỏ hàu của tôi thì tôi đã dậy đi với bé Emily ra bờ biển nhặt đá và sỏi. “Cậu là dân thủy thủ chính cống phải không?” tôi bảo Emily. Thực ra, tôi biết tôi không hề có ý nghĩ như vậy, nhưng để tỏ ra lịch sự tôi phải nói điều gì chứ, và vì ngay lúc ấy một chiếc buồm trắng xóa gần chúng tôi phản chiếu trong mắt long lanh của cô bé làm thành một hình ảnh rất xinh đẹp, nên tôi nghĩ đến điều đó. “Không đâu!… Mình sợ biển lắm”. Emily lắc đầu trả lời. Tôi ra vẻ can đảm ngạo nghễ nhìn ra biển bảo: “Sợ gì! Mình thì chẳng sợ đâu.” “Ờ! Nhưng biển độc ác lắm”, Emily nói. “Mình đã thấy nó rất độc ác với một số người ở đây. Mình đã thấy nó đánh một chiếc thuyền to bằng ngôi nhà chúng ta tan ra từng mảnh”. “Chắc không phải là chiếc thuyền mà…”. “Cậu bảo cha mình chết đuối ở đó phải không?” Emily nói. “Không phải… Không phải chiếc thuyền ấy… Mình không thấy chiếc ấy bao giờ.” “Cậu cũng không thấy cha à?” “Mình cũng chẳng nhớ nữa”, bé Emily lắc đầu. Quả là một sự giống nhau tình cờ! Tôi liền kể cho cô bé biết rằng tôi cũng thế, tôi không được thấy cha tôi. Mẹ tôi và tôi đã sống một mình, trong cảnh hạnh phúc tuyệt trần, chúng tôi hiện nay còn sống như thế, và định sống thế mãi, tôi kể rằng mộ cha tôi ở nghĩa địa, gần nhà chúng tôi, dưới bóng mát của một cái cây, nhiều buổi sáng đẹp trời tôi đã đi dạo chơi dưới cây này, nghe chim hót. Nhưng tôi cảm thấy giữa cảnh côi cút của Emily và của tôi có điểm hơi khác nhau: Cô mồ côi mẹ trước khi mồ côi cha; và không ai biết mộ cha cô ở đâu cả, chỉ biết rằng nó ở đâu đó dưới đáy biển sâu. Trong khi đưa mắt tìm vỏ hàu và đá sỏi, Emily nói: “Vả lại, cha cậu là một người sang trọng, mẹ cậu cũng là một người sang trọng còn cha mình là một người đánh cá, và mẹ mình là con gái một người đánh cá và cậu Dan[16] cũng là một người đánh cá!” “Dan là ông Peggotty, có phải không?” tôi hỏi. “Cậu Dan ở đằng kia kìa”, Emily đáp, hất hàm về phía chiếc tàu. “Mình hiểu rồi. Cậu ấy phải rất tốt nhỉ?” “Tốt lắm”, Emily nói. “Nếu mình là một người sang trọng mình sẽ biếu cậu một cái áo màu xanh da trời có cúc kim cương, một cái quần bằng lụa Trung Quốc, một cái áo khoác nhung đỏ, một cái mũ có hai góc, một chiếc đồng hồ vàng to tướng, một cái tẩu hút thuốc bằng bạc, và một két đầy tiền”. Tôi bảo tôi tin chắc ông Peggotty rất xứng đáng được nhận những của quý đó. Nhưng phải công nhận rằng tôi khó mà hình dung ông được thoải mái trong bộ đồ cô cháu gái nhỏ biết ơn định biếu ông, và đặc biệt tôi rất ngại về khoản chiếc mũ có hai góc; nhưng tôi giữ kín những cảm nghĩ này. Bé Emily đứng lại, ngước mắt nhìn lên bầu trời khi kể về các vật đó, tưởng chừng như đó là một hình ảnh huy hoàng. Chúng tôi lại tiếp tục đi, nhặt vỏ trai và đá sỏi. “Cậu có thích trở thành một bà sang trọng không?” Tôi hỏi. Emily nhìn tôi cười, gật đầu: “Thích lắm chứ!… Lúc đó chúng mình sẽ trở thành những người lịch sự: Mình này, và cậu mình này, và anh Ham, và bà Gummidge. Khi trời giông bão, chúng mình không phải lo nữa… Mình nói là không phải lo cho mình nữa; còn cố nhiên là mình vẫn lo cho những người đánh cá tội nghiệp… và chúng mình sẽ giúp tiền cho họ, nếu họ gặp nạn…” Tôi thấy đó là một cảnh tượng hết sức thích đáng và không phải không thể thực hiện được. Tôi tỏ ý thích ngắm nhìn cảnh tượng. Và bé Emily đánh bạo hỏi tôi một cách rụt rè: “Thế bây giờ cậu có sợ biển không nào?” Lúc đó biển rất phẳng lặng làm tôi yên tâm nhưng tôi chắc là nếu có một ngọn sóng vừa vừa xô vào, thì tôi sẽ ba chân bốn cẳng bỏ chạy và kinh hoàng nhớ đến những người thân thích của cô bé chết đuối. Nhưng tôi vẫn trả lời: “Mình không sợ…”, và nói thêm: “Cậu bảo sợ, nhưng cậu chẳng có vẻ sợ hãi gì cả”. Vì khi ấy chúng tôi đang dạo chơi trên bờ đê hay con chạch bằng gỗ và cô lại đi sát bờ nên tôi sợ cô bị ngã hụt ra ngoài. “Thế này thì mình không sợ” Bé Emily nói. “Nhưng lúc có gió to thì mình thức dậy và run sợ, nghĩ đến cậu Dan và anh Ham, mình tưởng như nghe tiếng họ kêu cứu. Vì thế mình rất muốn trở thành một người sang trọng… Nhưng đi thế này thì mình không sợ,… chẳng sợ tí nào, cậu xem này…” Cô liền bỏ tôi, chạy dọc trên một phiến gỗ lồi ra ở chỗ chúng tôi đang đứng, lơ lửng một quãng cao trên vực nước và không có gì để bấu víu. Hình ảnh này in sâu vào ký ức tôi: Nếu tôi là họa sĩ giỏi chắc chắn bây giờ tôi cũng vẽ lại được cảnh đó giống y như hôm ấy, bé Emily đang lao mình ra phía trước, vào cõi chết (tôi nghĩ thế) mắt đăm đăm nhìn ra ngoài khơi, với cái nhìn tôi không bao giờ quên được. Bóng người mảnh dẻ, nhẹ nhàng, táo bạo, nhanh nhẹn ấy quay lại và bình yên trở về chỗ tôi đứng. Tôi thật buồn cười về chỗ tôi đã hoảng sợ và kêu to lên một tiếng (kêu thế chỉ vô ích vì gần đấy chắng có ai). Sau này, khi đã lớn, tôi đã nhiều lần nghĩ thầm: phải chăng trong cái hành động liều lĩnh đột ngột của tuổi thơ, trong cái nhìn dài dại, xa xăm của cô, đã có một cái gì huyền bí lôi cuốn cô một cách phũ phàng vào cảnh hiểm nguy? Phải chăng người cha cô đã chết xui cô làm thế để cho số phận cô có thể kết liễu trong ngày hôm ấy? Sau này, có một lần tôi đã tự hỏi: Nếu lúc đó cuộc đời sau này của cô hiện ra trước mắt tôi và hiện ra rõ rệt để cho một đứa trẻ có thể hiểu nó toàn vẹn và nếu sự sống của cô chỉ lệ thuộc vào một cử động của tay tôi, thì tôi có nên giơ tay ra để cứu cô không? Sau này có một lần (việc này không phải kéo dài nhưng đã có một lần xảy ra), tôi đã đặt cho tôi câu hỏi sau đây: Nếu buổi sáng hôm ấy, đầu bé Emily đã chìm nghỉm trong sóng nước trước mắt tôi, thì như thế có phải tốt hơn đối với Emily không? và tôi đã tự trả lời: phải đấy như thế còn hơn! Nói điều này sợ quá sớm. Có lẽ tôi đã quá vội viết điều này ở đây. Nhưng thôi đã trót viết mất rồi! Chúng tôi đi tha thẩn đã xa, mang tất cả những cái gì thấy hay hay, và thả xuống biển cẩn thận mấy con sao biển bị dạt lên bờ (đến nay tôi vẫn chưa hiểu rõ về giống này nên không biết nó nên biết ơn chúng tôi hay là ngược lại), sau đó chúng tôi trở về nhà ông Peggotty. Chúng tôi dừng lại hôn nhau một cách ngây thơ, dưới mái hiên của khoang để tôm hùm, rồi mới bước vào nhà để ăn cơm, người trông hồng hào, hớn hở. Ông Peggotty bảo: “Thật như hai “con mi” vậy!” tôi hiểu rằng theo tiếng địa phương nói như thế có nghĩa là giống như “hai con họa mi”, và tôi xem đó là một lời khen ngợi. Dĩ nhiên là tôi mê bé Emily. Tôi tin chắc rằng tôi đã yêu cô bé ấy cũng chân thành, tha thiết lại còn trong trắng vô tư hơn cả tình yêu đẹp nhất của đời tôi sau này, mặc dù nó rất cao thượng, thanh khiết. Tôi tin chắc là trí tưởng tượng của tôi đã dựng nên một cái gì cao quý xung quanh cô bé tí xíu có đôi mắt biếc ấy, làm cho cô thanh cao thành một đấng thiên thần. Nếu một sớm mai nắng vàng, cô bỗng mọc đôi cánh bay đi trước mắt tôi thì tôi cũng cho đó không phải là một điều quá kỳ lạ. Chúng tôi thường cùng nhau đi dạo như một cặp tình nhân hàng giờ trên bãi cát vắng bằng phẳng, ảm đạm, thân thuộc ở Yarmouth. Ngày nhởn nhơ trôi qua bên chúng tôi, hình như chính cả thời gian cũng không già đi mà cũng là một đứa trẻ con, lúc nào cũng nô đùa. Tôi bảo Emily rằng tôi yêu cô, tôi bảo nếu cô không nói rằng cô cũng yêu tôi thì tôi sẽ phải lấy kiếm tự tử. Cô bé trả lời rằng cô cũng yêu tôi, và tôi tin chắc là thế. Bé Emily và tôi chẳng bận tâm gì về vấn đề địa vị chênh lệch, hay tuổi quá trẻ, hoặc một trở ngại gì khác trên đường đời chúng tôi, vì đối với chúng tôi thì không có ngày mai. Chúng tôi cũng chẳng bận tâm nghĩ rằng mình sẽ già đi hay sẽ trẻ lại. Chúng tôi làm bà Gummidge và chị Peggotty trầm trồ. Buổi tối khi chúng tôi thân yêu ngồi sát cánh nhau trên cái hòm con của chúng tôi, thì họ thường thì thào: “Trời ơi! Xinh quá là xinh!” Ông Peggotty mỉm cười với chúng tôi miệng ngậm cái tẩu và anh Ham chẳng làm gì cả, cứ ngồi nhăn răng cười. Tôi chắc là họ cảm thấy vui vui khi nhìn chúng tôi, như nhìn một thứ đồ chơi đẹp hoặc cái mô hình đại hý viện nhỏ xíu của La mã. Chẳng bao lâu tôi nhận thấy bà Gummidge do hoàn cảnh phải sống nhờ nhà ông Peggotty nên không phải vui vẻ như người ta tưởng. Bà hay phiền muộn và thỉnh thoảng lại than thở, làm cho người khác phải khó chịu, nhất là ở trong một cái nhà nhỏ bé như thế này. Tôi cũng rất lấy làm tiếc cho bà; nhưng có những lúc tôi nghĩ giá có một buồng kín riêng để bà rút lui vào đó cho đến khi bà trở lại vui vẻ thì có lẽ sẽ dễ chịu hơn. Đôi khi ông Peggotty la cà đến một tiệm rượu gọi là “Quán người hảo tâm.” Tôi khám phá ra điều này khi ông bỏ đi một lúc vào tối thứ hai hay thứ ba gì đó từ hôm tôi đến đấy. Bà Gummidge cứ ngước mắt nhìn cái đồng hồ Hà Lan, giữa khoảng tám và chín giờ, phàn nàn rằng ông đã đến “đấy” rồi, và bà đã biết ngay từ buổi sáng là ông ta sẽ đến “đấy”. Bà Gummidge buồn rũ rượi suốt cả ngày, và buổi sáng bà đã khóc òa lúc bếp bắt đầu um khói. Mỗi khi xảy ra chuyện phiền này thì bà lại nói: “Tôi là con người cô độc, khốn khổ - cái gì cũng làm tôi khổ”. Chị Peggotty (đây là chị Peggotty của tôi) nói: “Rồi thì anh ấy sẽ bỏ… vả lại bà nên biết là chúng tôi cũng khổ tâm về chuyện này”. “Tôi còn khổ tâm hơn”, bà Gummidge nói. Ngày hôm ấy rất lạnh, với những cơn gió rét như cắt thịt. Cái góc dành riêng cho bà Gummidge sát lò sưởi là nơi ấm nhất, dễ chịu nhất trong nhà, và chỗ ngồi của bà chắc hẳn là chỗ tốt nhất, thế nhưng hôm đó bà chẳng thấy vừa lòng chút nào. Bà cứ phàn nàn là rét, và rét đến nỗi lưng bà bị cái chứng mà bà gọi là “nổi gai ốc”. Cuối cùng bà lại nhỏ nước mắt về chuyện kia, và lại than thở rằng bà là “con người cô độc, khốn khổ, cái gì cũng làm bà khổ…”. “Tất nhiên là rét lắm”, chị Peggotty nói, “nhưng ai thì cũng rét cả”. “Tôi còn thấy rét hơn”, Bà Gummidge bảo. Đến bữa ăn cũng thế; bà Gummidge là người được lấy thức ăn ngay sau tôi (trước kia bà lấy đầu tiên, nhưng khi có tôi thì tôi lấy trước vì được coi là khách quý). Cá thì nhỏ và lắm xương, khoai tây thì hơi bị cháy. Tất cả chúng tôi đều công nhận rằng điều này làm chúng tôi thất vọng, nhưng bà bảo bà còn cảm thấy thế hơn chúng tôi, lại nhỏ nước mắt và lại nói câu này một cách rất chua chát. """