🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đất bên ngoài Tổ quốc Ebooks Nhóm Zalo Nguồn text: https://leminhquoc.vn/tho/tap-tho/643-dat-ben-ngoai-to quoc.html Lời thưa Tập thơ này được ra đời khi tôi ra Hà Nội gặp lại đồng đội cũ của một thời chiến tranh. Góp nhặt lại những gì đã viết còn rơi rớt trong sổ tay. Tập thơ in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 12.1997. Toàn bộ tiền thưởng của tôi trong cuộc thi thơ về hình tượng con cọp do báo Văn nghệ TP.HCM tổ chức, chuyển ra Hà Nội để Đoàn Tuấn lo in ấn. Bìa là tượng điêu khắc của Điềm Phùng Thị. Sau này tập thơ được NXB Trẻ tái bản. Đọc lại và còn thương lấy thời tuổi trẻ của mình. Một vết sẹo đã hằn qua năm tháng… Nay tôi post lại bài trả lời phóng vấn của báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 22.12.1999 như lời tự sự về năm tháng đó: Lê Minh Quốc: Thời gian ở chiến trường là những ngày đẹp nhất Năm mười tám tuổi, tôi đi bộ đội. Khoảng thời gian 6 năm ở chiến trường với tôi là những tháng ngày đẹp nhất không còn trở lại nữa của tuổi thanh xuân. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ về kỷ niệm rất gian khổ. Lúc đó, chúng tôi đã làm thơ để chuyền tay nhau đọc. Tôi còn nhớ những bài thơ của Đoàn Minh Tuấn (giải A cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ Quân đội năm 1986) cũng bắt đầu từ năm tháng đó. Có điều là một người từng cầm súng chiến đấu ở đất nước Ăng-ko - nhưng tôi nhận thấy: Chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm thơ xứng đáng với tầm vóc của người chiến sĩ quân tình nguyện. Chắc chắn không phải vì tài năng của người cầm bút - mà vì một điều gì đó tôi không lý giải được. Những năm tháng ở Campuchia, Lào, ở biên giới Thái Lan - với tôi vẫn còn đậm tình đồng đội và sự hy sinh rất lớn… Chẳng bao giờ tôi quên được những buổi chiều vàng vọt ở các nghĩa trang Đức Cơ (đường 19B), An Lung Veng, Kulen… nơi an nghỉ của những đồng đội. Chẳng quên được những cánh rừng trong mùa khô, mùa mưa mà mìn KP2, K63, 65.2A, 45.2A,… rải đầy như lá. Đối đầu với biết bao sự gian khổ rất khắc nghiệt, chúng tôi sống và làm thơ. Những bài thơ của tôi sau này được in trên báo chí, trong những tập thơ - đã được ra đời như vậy. Bây giờ lùi vào quá khứ để nhìn lại cuộc chiến tranh, tôi thấy mình đã ít nhiều thi vị hóa, thậm chí đã tránh né khi viết về sự hy sinh mất mát. Liệu có nên như vậy không? Bây giờ đã rời đội ngũ, vật lộn với cơm áo đời thường làm tôi thấm thía những tháng năm tuổi trẻ cầm súng lúc đó, không ai đòi hỏi chúng tôi về chuyện… hộ khẩu bao giờ! Bây giờ trở về, trường đại học, rồi đi viết báo kiếm sống, với tôi hộ khẩu lại vẫn là chuyện canh cánh bên lòng. Có phải đây là một đòi hỏi quá lớn đối với một người lính trở về? Những đời thường như vậy thơ ca của tôi đành bất lực. Dù sao, xin ghi nhớ sự cưu mang của đơn vị C7, D8, F29 (307) đã nuôi dưỡng thơ tôi và tôi trưởng thành. VI.2012 LÊ MINH QUỐC Thơ ĐOÀN TUẤN Tuấn ơi! Tuổi trẻ của chúng mình… (Lê Minh Quốc giới thiệu) I Những tháng ngày này, 7.1997, tình hình chiến sự ở Campuchia đã kích động tôi dữ dội. Kỷ niệm cũ tưởng đã quên, nay bỗng sực nhớ, nó như đốm lửa cháy bập bùng trong ý thức lãng quên. Những bài thơ của một thời trên quê hương Chùa Tháp trong sổ tay nhem nhuốc, được viết dưới ánh sáng của dầu khộp khi nằm trong hầm thùng Anlungveng, được viết sau những giây phút hiếm hoi nghỉ giải lao trên chặng đường truy kích, được viết bâng quơ đâu đó… nay bỗng vọng về như một lời thầm nhắc về tuổi trẻ của mình. Tuổi trẻ đã đi qua. Những sợi tóc đã bạc. Những kinh nghiệm của cuộc đời đã cày từng nếp nhăn trên gương mặt. Tôi sực nhớ đến những liệt sĩ có nụ cười tinh khôi như nắng mới. Môi hồng hào như chưa một lần sốt rét. Thịt da thơm tho như chưa bao giờ hứng trọn quả B.40 giữa lồng ngực. Tôi gọi đó là những liệt sĩ trinh tiết. Những linh hồn ấy dường như còn bay vất vưởng, lượn lờ đâu đó trên mỗi bước chân tôi đi trong dòng đời xuôi ngược. Những linh hồn ấy còn nằm trong sổ tay: “Huỳnh Lộc 15-6-1980, Đỗ Nhờ 16-7- 1980, Nguyễn Tiếp 21-7-1980, Nguyễn Luôn 13-8-1980, Lý Văn Nga 18-8-1980, Mai Công Ngói 15-6-1980, Lê Văn Lâm 21- 6-1980, Phạm Hữu Phước 17-6-1980, Trần Thanh Biện 25-11- 1980, Lưu Thanh Sơn 25-11-1980, Hoàng An 28-12-1980, Huỳnh Hoan 13-12-1980, Trần Lợi 13-12-1980…” Ấn tượng dữ dội nhất của tôi trong nỗi nhớ về Campuchia vẫn là nghĩa trang Anlungveng - nằm trên khu Đông Bắc - nơi ấy, cỏ lau ngút ngàn, những ngày mưa lội bì bõm đi chôn đồng đội của mình. Giọt nước mắt không còn để ứa ra. Những nụ cười tắt ngúm. Những căm thù bủa vây. Và từ bên kia ngọn Đănrek những loạt pháo gầm thét ngày đêm. Trời rực lửa. Chúng tôi đã sống dưới lòng chiến hào. Đôi lúc ngước mắt nhìn sao trời xa xăm trên đỉnh trời lạnh lẽo. II Lại nhớ đến những lần luồn rừng để tìm rau rừng. Hãy đọc lại một đoạn trong tiểu thuyết Thời của mỗi người (Lê Minh Quốc -NXB Trẻ - 1991) mà tôi đã viết: “Bước luồn qua những bụi gai nhọn hoắt, bóng tối nhập nhoạng. Như một linh tính đã báo trước, tao chợt cúi rập người xuống để né cành cây ngang tầm mắt thì đó cũng là lúc một tiếng nổ dữ dội gầm lên. Tiếng gầm khủng khiếp. Cái chết đã đến. Trung đội trưởng ngã vật người ra phía sau với tiếng thét rợn người. Một quả mìn KP.2 đã cắt ngang nửa người anh ấy. Trái mìn không chôn dưới đất mà nó được nối vào dây kim hỏa - sợi dây ấy như màng nhện giăng là đà dưới mặt đất. Trung đội trưởng đã vướng dây mìn. Kim hỏa bị kéo tụt ra và phóng chính xác vào hạt nổ. Cả đất trời tối sầm lại.” Vậy đó, làm sao quên? Lật lại quyển sổ tay, thấy còn ghi: “Sáng: 7 ký bột, trưa: 8 ký gạo; chiều: 5 ký bột cộng 4 ký gạo”. Đố Tuấn nhớ được là lúc ấy, năm 1979, quân số của đại đội mình là bao nhiêu người? Xin trả lời; chỉ còn vỏn vẹn 35 người. Khẩu phần buổi tối nhiều hơn, vì còn phải vắt thêm những cục cơm cho những thằng đi phục kích đến mười giờ sáng mai mới về lại hậu cứ. Thời gian ấy chúng ta trú quân trên ngọn đồi. Suốt ngày chỉ ăn măng tươi. Ăn đến phát nôn. Còn nhớ mình với Nguyễn Đình Huần nửa khuya thèm thuốc, lội vào rẫy. Hai thằng đã phát hiện được một rẫy thuốc lá còn xanh mơn mởn. Hai thằng vặt sạch lá. Đem về. Dùng dao cắt nhỏ. Bỏ vào soong rang khô để hút dần. Lại nhớ, có lần cả đơn vị nhốn nháo cả lên. Thằng nào cũng vật vờ vật vưởng. Hút lầm lá… cần sa. Bố khỉ! Lại nhớ Hồ Bi, thiện xạ vác B.41, nói tiếng Miên thật tuyệt: Me ơi me miên ây đô Ao ni xà át kho này thơ mây Me sơi me xốc xờ bay Oi con xum tít ớt cay, bụi hành Tuấn còn nhớ là bọn mình đã “dân vận” như thế nào đó không? Còn nữa, đây là ngôn ngữ của Hà móm, của Dân lác, của Trần Tuấn Bảo và của tất cả chúng ta: Me ơi sờ lanh côn tê? Oi con xì cọ mang về me ơi! Me ơi vào nói với âu Con mượn cái liềm cắt cỏ cho bò hốp bai Me ơi con tốp lò o Thơ man con hốp sơ nganh chờ rờn Những kỷ niệm còn tươi rói trong trí nhờ. Nhớ những ngày đem quân phục vào phum đổi chó? Chúng mình leo lên nhà sàn, ngồi uống rượu. Ném những cục cơm xuống dưới đất để nhử chó, những con chó háu ăn vừa lao tới thì lập tức một loạt đạn vang lên… Bởi khi ấy nòng súng A.K đã chĩa xuống. Bắn chính xác. Cột bốn chân của xác con chó lại. Xuyên qua một thanh tre. Chúng ta đã hào hứng khiêng chó về hậu cứ. Đó là những ngày hội tươi đẹp của một thời tuổi trẻ. Lại nhớ một kỷ niệm cùng Dũng B.40. Đêm. Trăng sáng. Trên đường từ phum Choangs’re, có một chiếc xe bò chở theo một con bò đã chết lọc cọc đi vào rừng. Quốc và Dũng bí mật bám theo. Trong rừng, những nông dân Campuchia đã đào một cái hố lớn để chôn con vật xấu số. Sau khi họ bỏ đi, hai đứa vội vã đào lên, rồi dùng liềm cắt những miếng thịt tươi roi rói đem về, trong bụng khấp khởi mừng vì đêm nay sẽ có một bửa liên hoan ra trò. Khi về hậu cứ không dám đi vào đường chính, vì sợ đại đội phát hiện, hai đứa phải cắt rừng, không ngờ lại lọt vào ngay hướng của đơn vị! Tưởng bọn mình là địch mò vào căn cứ, thế là một loạt đạn đinh tai nhức óc, cả hai thằng kêu toáng lên. May mà không “tiêu” đời một cách lãng xẹt như thế. Hình như Huần rời khỏi chúng ta vào ngày 27.8.1980? Quốc lật trang nhật ký thì trong ngày hôm đó có ghi bài thơ tặng Nguyễn Đình Huần: Im nghe từng giọt mưa đêm Như từng giọt máu rơi trên hình hài Tình yêu bầm tím hai vai Phố xưa hoang vắng trong ngày Prech-vihear Im nghe trăm mảnh trăng khuya Tan trong dĩ vãng đầm đìa thương yêu Sao nghe từng nỗi quạnh hiu Sầu ngông vật vã tim yêu ngỡ ngàng Nhớ về ngày cũ miên man Từ Liêm (Hà Nội) bàng hoàng mộng du… Lại nhớ về Lê Văn Lâm (Lâm lùn - Hải Phòng) ngày mà anh Lâm trung đội trưởng vĩnh viễn từ bỏ trần gian này, trong nhật ký còn ghi ngày 1.6.1980: Thèm miếng thịt hộp Sáu mươi người ăn chung một lon Ngày đi phục tối gác sáng đêm Cối 60 địch bắn dập dồn III Trên cung đường 19B. Trung đoàn 29 vào thay cho E.95. Tôi đang nằm đung đưa trên võng trong căn hầm thùng. Bỗng có tiếng nói: “-Báo cáo hạ sĩ…” Tôi ngước mắt lên nhìn. Một chân dung trắng trẻo, môi đỏ, giọng nói Hà Nội. Quân phục còn mới. Thoạt nhìn hắn, tôi có cảm tình ngay. Hắn là một trong những tân binh được bổ sung khi chuẩn bị mở màn chiến dịch. Lúc ấy, tháng 12.1978. Trời thường mưa. Mỗi sáng được ăn những cục mì đen đúa và cứng như đá. Hắn cùng tôi, sau đó, trở nên như hình với bóng. Hai thằng đã đi hết một chặng đường chiến binh. Hắn có một quyển sổ nhỏ. Thường giấu ở túi áo, mỗi lần tìm được một câu thơ hay, hắn ghi vào đó. Tính tình của hắn hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ như con gái. Hắn chơi thân với Trần Đào Hiền Nhân, Hoàng An, Nguyễn Đình Huần, Hạm, Tuấn quản, Hà móm, Dân lác, Trung đen… một phần vì đồng hương Hà Nội với nhau. Tôi thân với Trần Tuấn Bảo, Nguyễn Đăng Lâm, Võ Đình Chiến, Mai đù, Huỳnh Lộc… một phần vì đồng hương Đà Nẵng. Rồi bạn bè tụ, tán. Tôi ở lại với bộ binh. Hắn làm lính thông tin. Rồi gặp nhau. Đọc thơ cho nhau nghe. Những bài thơ trong sổ tay. Rồi những giải thưởng thơ trao cho hắn. Hắn chỉ cười. Rồi hắn sang Mạc Tư Khoa học nghề đạo diễn biên kịch gì đó. Bây giờ, đọc lại những bài thơ của hắn viết thời gian ở Campuchia, tôi vẫn còn xúc động, rất xúc động. Quái lạ! Sau này, khi rời bỏ quê hương Chùa Tháp thì hắn không còn giữ được mạch cảm xúc tuyệt vời ấy nữa. Tại sao? Tôi chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ đặt câu hỏi đó với hắn cả. Ngày tôi rời mặt trận Vừa đặt chân về đến Hà Nội Dốc hết tiền Mua một chiếc đồng hồ đeo tay… (Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn) IV Kỷ niệm tròn 20 năm, ngày đặt chân vào quân ngũ. Một tập thơ ra đời. Hai thằng từng đứng chung một chiến hào nay lại đứng chung trong một tập thơ. Đời sống có gì vui? Những bài thơ này hầu hết được viết trước năm 1982, nay tìm lại được trong nhật ký, trong trí nhớ hoặc trong sổ tay của bạn bè cũ. Bên cạnh đó cũng có những bài thơ được viết sau này, nhưng thật ra nó cũng nằm trong mạch cảm xúc binh nhất, binh nhì của thời trai trẻ hoa niên còn quá nhiều mơ mộng: Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi hào phóng như trời xanh tính thẳng như nòng súng ăn cơm cục uống nước đục hồn như sông in mây trắng vô tư (Ankung năm 81 - Đoàn Tuấn) Một tập thơ ra đời, không dám mong sẽ được nhiều công chúng đón nhận khi nó bày bán trên kệ sách. Chỉ mong đồng đội cũ đọc và nhớ đến những ngày tươi đẹp đã qua mau. Không dễ ai lại đem đổi bán những kỷ niệm và niềm tin của chính mình. Tuấn ạ! Thời ấy chúng ta còn trẻ quá. Mắt còn biếc. Môi còn tươi. Dòng máu trong tim còn sôi nóng. Chính vì thế, đôi lúc, tôi thương tuổi trẻ của chúng tôi quá! Bao giờ quay lui lại dĩ vãng, tôi cũng thấy một gương mặt tân binh non choẹt: Vẫn nói cười, vẫn thổi mắt cho nhau, ôm súng xông lên và những loạt Đ.K dập xuống Bạn bè tôi hóa trăm mảnh sao trời (Tìm bạn - Đoàn Tuấn) Một tập thơ ra đời để tặng cho đồng đội Hòm thư 5A 2106 Pleiku (Đoàn 330 chuyển), tặng những liệt sĩ - như trong nhật ký ngày 29-12-1980, tôi viết cho Huỳnh Lộc và Lý Văn Nga: Về đâu khi tóc còn xanh? Ai chờ ta giữa nội thành mùa xuân Ngủ quên trong một mùa trăng Sao mắt không nhắm? Còn bâng khuâng gì? Cười lên đi! Khóc lên đi! và: Còn lại bao nấm mồ, hài cốt Đồng đội tôi giá lạnh giữa rừng hoang (Kính gửi Sư đoàn 307 - Đoàn Tuấn) Câu hỏi ấy mãi còn vang vọng trong nỗi khắc khoải. Đời sống có gì vui? Tôi sực nhớ đến phum Choams're của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khmer gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. Mười tám tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Khẩu súng A.K chếch lên vai. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng, nàng nhỏ nhẹ: “-Contốp ơi! Boong ơi! Oi on sum tích xàbu, giúp ní cà xọ”. Nàng xin tôi một ít xà phòng để tối nay gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên Trần Thanh Chương (quê ở Nam Đàn, Nghệ An) ăn cắp một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó, chẳng bao giờ, tôi còn gặp nàng nữa. Hỡi Maní Chàm, bây giờ em ở đâu? Đời sống có quá nhiều xáo trộn. Mới đó, ngoảnh lại đã 20 năm. Có người đã kết thúc cuộc đời. Có người đang loạng choạng đi về phía hoàng hôn. Tuấn ạ! Tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc hôm nay đến tay bạn đọc. Ai còn nhớ? Ai sẽ quên? Duy nhất một điều mà chúng ta thầm mong: Những linh hồn vất vưởng đâu đó sẽ đọc được trong mịt mù âm dương cát bụi. Trong nhật ký ngày 30.12.1980, tôi viết: Ta viết từ nghĩa trang Bằng máu người đã chết Ta chưa hề biết khóc Sao thấy lạnh môi cười Ngồi buồn ôm rách nát Bia mộ tuổi hai mươi Ngày từng ngày xanh rêu Tiếng chim rơi buồn bã Giữa hoang vu đất lạ Máu thịt tặng cho đời Bạn ngàn năm yên ngủ Linh hồn vật vờ bay Bạn không còn chân tay Sao về nơi yêu dấu? Ta tặng người giọt máu Ướt đẫm sỏi Angkor Một mùa khô nóng bỏng Đầu môi cười ngây thơ? Ngày từng ngày súng nổ Quên lãng mộ bia hoang Bạn nằm cùng cây cỏ Chiến trường xa điêu tàn Ta đốt lên điếu thuốc Nằm ngủ ngoài nghĩa trang Lửa bập bùng cháy sáng Thấy bạn về mênh mang… Điều ấy đã được bạn bè của sư đoàn 307 cùng tâm niệm như thế chăng? Bây giờ, tháng 7.1997. Lật lại tấm bản đồ và nhìn lại những địa danh quen thuộc nơi tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua, bỗng dưng lòng như muốn khóc. Tuấn ơi! đời sống có gì vui? Sài Gòn 14.7.1997 LÊ MINH QUỐC Tuổi 18 (Tặng Lê Minh Quốc) Nếu con gái có thuở vầng trăng khuyết Tuổi mười lăm kín đáo ở góc trời Thì con trai cũng một thời tuyệt đẹp Vầng mặt trời mười tám tuổi đỏ tươi Tuổi 18 đẹp như buổi sáng cơn bão nằm trong cánh tay ước mơ như gương mặt người yêu ngắm hoài không chán bỗng trổ trên tay ngày nhập ngũ của mình trổ trên bả vai cánh buồm giữa biển quân hàm một sao hồn nhiên sáng nụ cười Tuổi 18 gương mặt ấm áp như mặt trời đùi ếch ngực dơi tay cử tạ để ngỏ trái tim dạt dào như bọt tan trong cốc rượu Tuổi 18 có thể chưa có người yêu nhưng giàu vì bạn làm quen chỉ cần điếu thuốc gặp nhau bắt tay rất chặt chia tay cho nhau ngay địa chỉ Tuổi 18 nốt nhạc nằm ngoài khuông nhạc bài hát không nằm trong giai điệu tỉ phú thời gian khao khát không gian đôi cánh Tuổi 18 rời mái trường trở thành người lính mang lên rừng chuông xe điện vang ngân mang lên rừng tiếng chim cu gáy để lại cho người tình bé nhỏ môi hôn Tuổi 18 cười nụ cười hết cỡ đánh “tiến lên” hò reo vang dậy một góc rừng những đêm đế dép đốt sáng trưng gõ thùng hát đồng ca: “Ở đây chúng tôi ăn lương khô và xúc xích!” Tuổi 18 bị thương không khóc nhưng lại rơi nước mắt khi bạn bè bị thương Tuổi 18 để đầu trần trong cơn khát ngửa cổ dốc bi đông tu một nụ hôn dài Tuổi 18 nói một lời yêu cũng vội yêu một tình yêu không nhiều lần hò hẹn Tuổi 18 như rượu của đời xin mời nâng lên hạ xuống Tuổi 18 lên núi núi vọng xuống sông sông rền Tuổi 18 trắng trong nhưbạntôi An“bột” chết trong tiếng nổ ngàyhôm sau mãi mãi lặng im CònnhớAnlongviêng,nhớ Hoàng Ankhông Quốc? Ngàyấychúng talặng im Bây giờ mới nói được. Đoàn Tuấn Mẹ và hòm thư con (Tưởng nhớ Nhật Minh) Với một chiếc ba lô Chúng con có ngôi nhà Hòm thư là biển số Sáng hai mùa nắng mưa Chùm chữ số đơn sơ Như mắt con nhìn mẹ Con ở xa là thế Đôi mắt nhìn bình yên Giọng con trầm như đêm Dù giữa nơi mặt trận Tên hòm thư mẹ khắc Tên cột mốc biên cương Gập ghềnh bao núi non Bóng con đi nhỏ bé Con nhìn nét chữ mẹ Bao giờ được thảnh thơi Con biết dáng mẹ ngồi Mong lá thư biên giới Con biết mắt mẹ mỏi Ngóng từng cánh chim qua Dòng chữ số rất xa Bé như là con kiến Bò từng mi-li-mét Trên đường về quê hương Mẹnhìntheodáng con Innhững dòng chữnhỏ Cònnhững dòng chữđó Cònxa mẹ, mẹơi… Lúcnàyconđang ngồi Nghĩ láthư gửi mẹ Giấybútconkhông có Hìnhdung trong nỗi nhớ Không có gương mặtnào Đầychịuđựng khổđau Nhưlà gương mặt mẹ Không cóđịachỉ nào Làm mẹluônlolắng Địachỉ hòm thưcon Đoàn Tuấn Tôllê Sáp đêm 5 tháng Một năm 1979 Dòng sông đen loang loang nhòa trong đêm Chúng tôi vội hít căng lồng ngực Bên kia sông mịt mù phòng tuyến giặc Mười phút vượt sông hai đại đội tăng cường Lính bộ binh dùng chèo bơi xuồng máy Con sóng lao xao, ý nghĩ chập chờn Đêm không lời những người câm không nói Ra giữa dòng hơi thở gấp hơn Bỗng tất cả cùng lấy khăn nhúng nước Tất cả cùng rửa mặt giữa dòng sông Dù thời gian chỉ còn bốn phút Dăm mét nữa thôi trận đánh bắt đầu Tôi cảm thấy gương mặt mình nhẹ nhõm Gió thấm vào từng hạt nước li ti Bước lên bờ lòng tôi thanh thản Trận đánh này có thể sẽ ra đi… Đoàn Tuấn Đất bên ngoài tổ quốc Hồn tôi mang là tâm hồn Tổ quốc Sự dịu dàng người phụ nữ tôi yêu Gương mặt bạn, gương mặt tôi - Đất Nước Người đàn ông ra trận mới trở về Tôi luôn nhớ đồng đội tôi hóa Đất Đất bên ngoài Tổ quốc… phía xa kia… Lòng tôi mãi thuộc địa hình nơi đó Ngầm Sa-em, đền Prếch Vi-hia Sườn Đăng-rếch, những con đường xe đổ… Đồng đội tôi tình nguyện nằm xuống đó Để Đất mang gương mặt Con Người Đất mang tên Nhật Minh Mang tên Hoàng An, mang tên Dương Công Hạm Campuchia ơi, đồng đội tôi ngã xuống Chẳng mộ bia ghi lại tuổi tên Để tên Người cũng ấm áp thiêng liêng Như Trường Sơn, Cà Mau, Đồng Tháp Đi giúp bạn cũng vì đất nước Một tấm bằng Tổ quốc ghi công Dù mùa mưa hay mùa khô Chỗ đất ấy đào lên đều tóe lửa Mỗi lần đặt đồng đội tôi xuống đó Chiếc quan tài đặt trĩu trái tim tôi Tôi nhói lòng chịu mũi kim đau buốt Tiếng viên đất đầu tiên rơi xuống nắp quan tài. Ngày tiểu đoàn rút đi, nghĩa trang nằm lại Số phận nấm mồ kia? - Bọn địch sẽ giật mìn Chúng tôi đi chặt cành cây phủ xuống Người sống và người chết không yên Ở trong đất lặng im bao mơ ước Vọng mãi về ngôi nhà thuở ra đi Và đêm đêm mỗi ngôi nhà bên Nước Kỷ niệm thương nhớ Đất thầm thì. Lâu ngày sống trong rừng sâu đất bạn Đồng đội nhớ nhau, ngỡ như đất quê nhà Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi Tôi mới thấy xót xa thương bạn Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi Tôi không thể sống thiếu người đã mất Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi! Có phải một mảnh đời tôi ở đó Một mảnh đời ý nghĩa nhất của tôi? Tổ quốc - nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng bạn Đất của đời tôi lại chính đất bên ngoài Dẫu nghĩa trang đã chuyển về Tổ quốc Đất muôn năm vẫn ở lại nơi này Ở lại nơi lần đầu tiên nằm xuống Hơi thở cuối cùng lẫn xứ lạ cỏ cây Tôi chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi Một mảnh đất con con như số phận của mình Có nhiều lúc tự nhiên tôi không hiểu Mình đang ở đây hay đã trở về Đồng đội ơi lúc nào tôi cũng nhớ Đất bên ngoài Tổ quốc, cả trong mơ Làm thế nào cho nguôi nỗi thương người đã mất? Đất nơi nào nặng hơn đất nghĩa trang? Trong trái tim hôm nay tôi đang sống Còn luân hồi một trái đất của tôi… Đoàn Tuấn (Giải thưởng thơ Văn nghệ Quân đội năm 1990-1991) Lính tráng (Tặng Lê Quỳnh Lang) Đã là lính còn phải là tráng nữa Văng tục một câu cho nó nhẹ người Bị thương rồi chẳng còn mơ mộng nữa Nghĩ ngày về mình sống thế nào thôi! Đoàn Tuấn Lá mục (Gửi Huỳnh Đức Thuận) Đêm ấy trong rừng Miên tao nhớ Mày nhặt ánh lân tinh ép trong vở học trò Sáng mở ra: một manh lá mục Mày vứt đi… Tao tiếc mãi đến giờ! Đoàn Tuấn Hoàng hôn Đức Lập Xe đang chạy. Bỗng sững người dừng lại Ngắm nghĩa trang xa tít tận chân trời Cả thân hình chợt nóng bừng tê dại Hóa khối trầm nghi ngút mãi khôn nguôi… Đoàn Tuấn Đường lính Không cần vé vẫn lên tàu đi B Sang K, C cũng chẳng cần hộ chiếu Những con đường chiến tranh đơn điệu Lính chỉ mong: một lối trở về! Đoàn Tuấn Sau màu xanh lá (Tưởng nhớ Hạm thân yêu) Cứ độ này nhớ bạn lắm bạn ơi Trời xanh như câu thơ thu hoài cổ Nghe đâu đây bài lá xanh lá đỏ Biển trên trời mà lòng nặng quá thôi Ôi có phải màu xanh của lá Bay lên… bay lên dệt sắc trời… Nhớ mùa hè từ giã, mái trường ơi Màu hoa phượng cháy đỏ niềm khao khát Chúng mình đi dưới khung trời tình bạn Xanh thơm màu quân phục tân binh Như gọi về những mùa khô Choăm-san Rừng khộp cháy cong trời rừng rực Dưới bóng râm núi lửa Đơn vị mình truy quét dọc biên cương Mùa sốt An-lung hai đứa một giường Đồng đội về phum xin lá chanh lá sả Ôi lòng mẹ lặng thầm hương thơm lá Bạn đi rồi… gửi hương lại cho ai? Những đêm mưa chúng mình ước nghe đài Sóng lân tinh vỗ dập dờn cánh võng Mưa thánh thót đọc trên trang lá trắng Truyện cổ về cô gái thảo thơm Đêm hành quân mưa rừng lạnh thấu xương Ta cài ánh lân tinh trên ba lô nhỏ bé Chúng mình là những ngôi sao chiến sĩ Đi băng lên lội qua dải Ngân hà Mang tuổi xuân trái tim đẹp như hoa Cứu cánh rừng thốt nốt đang cụt ngọn Trong bão lửa chiếc lá xanh rơi xuống Hóa sao trời về xứ sở quê hương Trước lúc hy sinh cháy ngọn lửa bình thường Sau ngọn lửa là phù sa của đất Cho mùa xuân Campuchia dâng mật Như vẫn còn xanh mãi một ước mơ Mùa khô này mình xin viếng bài thơ Làm bóng mát bên nấm mồ của bạn Tổ quốc mình đang đón xuân Nguyên đán Đất bạn đây thơm dịu mát hoa xoài Bạn thân yêu nghĩ đến một ngày mai Cầm tay người yêu đi trong vườn bách thảo Gió Hồ Tây hương thơm đầy vạt áo Tay chúng mình đan nhau như cặp lá Bạn như là chiếc búp mãi xanh non… 1982 Đoàn Tuấn Vận ơi! (Tưởng nhớ Hoàng An thân yêu) Chúng mình chôn Vận xuống Tử thi còn thiếu một chân Máu thấm ống quần héo như tàu chuối rụng Máu tuổi hăm hai gửi cho cỏ cho trời Đại liên ghìm yểm hộ Đạn bay như đàn rết bám trên đầu Lựu đạn địch quăng Bất ngờ đêm trái rụng Phải cõng thêm hai đứa quay về Ơi gió rừng biết chân Vận đâu không… Hy sinh thiếu một chân Vẫn trọn đời chiến sĩ Ôi máu thịt muôn đời là máu thịt Chúng mình tìm cho chúng mình Những người đang sống Những người đang cầm súng Nếu hy sinh được chôn cất đủ đầy Một trăm đứa thương Thương Vận đến cháy lòng Nhưng không đứa nào hình dung được nỗi đau của mẹ Nếu mẹ biết trong gia tài nhỏ bé Còn ít tiền thương mẹ thiếu áo bông Ước gì Vận vẫn nằm đội điều trị tiền phương Như dạo nọ Chúng mình chạy về thăm Được cởi trần tung tăng trên trảng cỏ Tuổi thơ nào mây trắng trời xanh Hay như bạn bè mang khuyết tật chiến tranh Chống nạng bước vào trường đại học Dấu chân in những vạt rừng mưa nắng Dấu nạng in dấu chấm lửng trên đường An-lung-viêng mùa khô biên cương Rừng khộp cháy bùng lên ngọn đuốc Như ngọn tháp ngang trời ngùn ngụt Vận chết rồi vẫn không được đến thăm (Mà dấu chân năm tháng hành quân Gấp mấy lần đường đến ngôi đền cổ) Hai phòng tuyến căng ra bàn chân Vận nằm giữa Và khói mìn như đang cuộn bốc lên Lòng chúng mình cháy cồn cào ngọn lửa Đứng bồn chồn mong đêm xuống Vận ơi! Đoàn Tuấn An-lung năm 1981 Những dãy núi con đường và vị trí các C Như đồ vật trong nhà, tôi nhớ Bao đồng đội thành cây rừng ở đó Mỗi gương mặt bạn bè một địa chỉ không quên Dũng đi phục mùa mưa xé túi quần hun muỗi Cởi áo ra mình đắp chóng sáng hơn Mạc Văn Tướng trèo cây bắn B41 Mười hai giờ đêm ăn cháo khỉ xì xòm Lính 71 đào hầm, lính 80 nạp đạn Có điều gì tin cậy chở che nhau Bên cửa hầm dáng bạn ngồi đan rổ Lá lồ ô vàng thơm sắc rơm phơi Mùa khô ấy áo bạc theo suối cạn Ai nhắc mình vò áo nhẹ tay thôi Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi Hào phóng như trời xanh Tính thẳng như nòng súng Ăn cơm cục Uống nước đục Hồn như sông in mây trắng vô tư Chúng tôi ngủ Như chim nằm trên lá Chúng tôi đi Sông suối ngẩn ngơ nhìn Tên chúng tôi chỉ cỏ cây nhớ nhất Mỗi tuổi quân sống gấp mấy tuổi đời Ôi mảnh đất An-lung không một người dân ở Đôi dép này nguyện in tiếp hoa văn… Những trận đánh chim không còn chỗ ở Chúng tôi mấy ai bị đạn thẳng bao giờ Nhưng vết thương giữa địa hình nhức nhối Đồng đội tôi ngã xuống chỉ vấp mìn Địch buộc vào thân cây dây mảnh tơ ngang ngực Lưng ống chân lá cỏ xùm xòa Trái mìn vấp nẩy ngang người mới nổ Hoa sâm cỏ bên đường gục xuống hạt máu khô Nai bị thương càng giãy mìn càng nổ Bạn tôi bị nhiễm trùng nhựa hóa học, cao su… Nắng bóc da như thân cây bóc vỏ Chân dầm mưa sáu tháng tổ ong tàng Chúng tôi giữ con đường thở cuồn lên bụi đỏ Ai nghĩ chiếc cần câu để phát hiện dây mìn Đoàn xe phóng gió vít cong cành lá Hai ngón tay đưa lên miệng vội vàng Thương bạn bè mà không dám đỗ Giữa mịt mùng ném xuống nắm thuốc rê Hoàng hôn kéo con đường dài hun hút Nằm mơ màng khói thuốc thảnh thơi bay Gió mơn man những dấu chân tin cậy Một dòng sông đâu đó hát trong lòng Ơi con suối Anh-cheng Giống ngõ nhà mình quá Những đêm mưa Đồi Đá Mơ một chỗ nằm thôi Có buổi hoàng hôn úp mặt vào trảng cỏ Không dám nhìn đường uốn ngọn khói phum Đêm gài màn cứ ngoảnh qua ngoảnh lại Ngỡ mẹ ngồi đập muỗi đâu đây Chiều qua phum hỏi đùa xin đứa trẻ Đèo ba lô lên núi sống với mình Thằng bạn cùng trường Nhận được tin nó vừa cưới vợ Bao cuộc đời bình thường trên điểm tựa Chưa mảnh tình vắt vai Chị xóm giềng khát khao làm mẹ Em đứng đó một mình mùa xuân đến Ai dám bảo em xinh hơn trúc bên đình Càng yêu em Con đường càng ngắn Ba lô bớt nặng Đêm dài như sông Sự đợi chờ ân nghĩa Sự đợi chờ máu xương Anh nguyện sống vẹn nguyên lòng chung thủy Dẫu bắt đầu hạnh phúc tuổi ba mươi Em gái văn công lên điểm tựa Như con chim khách Bay tìm lòng người Trái thị vàng rơi Bàn tay mong đợi Nếu thương mến hóa thành bông hoa đẹp Cả sư đoàn dành em hái đầu tiên Đỉnh 600 tháo dép cùng ngồi Quên băng đạn cắm vào sườn đau nhói Chúng tôi nghe em hát đêm nay Dải Ngân hà tràn sao lăn trên má Ngôi nhà không cửa giả Trưa mẹ về thoáng qua Em đạp xe đến trường Nét mặt người đứng tuổi Con đường bến sông cơn mưa buổi dạ hội Nhàn nhạt lung linh nắng thu Mỗi đứa chúng tôi nhận một trăm phong thư Đất nước mượt mà giọng hát người con gái Chiếc nón trắng như cánh buồm gửi lại Thả neo hoài trong mắt đêm thâu… Năm 79 phum Giềng hái bông gòn nấu cháo Các cô gái đánh răng bằng cát Ruột bí đao vắt lấy bọt giặt quần Giữa lúc ấy Tỉnh ủy Prếch-vihia gửi chúng tôi phong bì giấy trắng Người khóc lúc viết thư Người để nguyên kỷ niệm Điếu thuốc rê nắm ớt Em Thíp dúi vào tay Tấm mụn vá ở vai Ấm như bàn tay mẹ Những con suối tan tành trên đá Về đồng bằng hiền hậu nuôi ta Người lính bạn hy sinh Một địa chỉ báo tin không còn nữa Cả sư đoàn đưa tin về Tổ quốc Hàng nghìn lá thư theo gió tỏa khắp trời Suốt đêm múa phum Bê toàn phụ nữ Cả phum ngủ không màn đất nước mình ơi! Địa chỉ hòm thư con Đôi mắt bồ câu trắng Chùm Tua rua trong sân Riêng điểm tựa An-lung Không thể hình dung nổi Mẹ buông rèm chong mắt trông con Mẹ như cánh buồm Con thuyền đất nước Chúng con sống bằng giờ bằng phút Càng khát khao hạnh phúc lúc trở về Làm người Khơme lúc đi lúc đứng Lúc ta nằm về thăm mẹ phút giây Máu chúng con đổ bên ngoài Tổ quốc Cho mai sau sông núi thở dịu dàng Ôi đất nước võng giăng thành biên giới Con trai nằm gấp khúc dáng đường biên Ôi những tâm hồn như đáy giếng trong veo Tổ quốc in vào vầng trăng tình nguyện Có bóng đa như cuộc đời của mẹ Gửi sang đây những ngọn gió mát lành… Đoàn Tuấn Điếu thuốc Mỗi lần cầm điếu thuốc Lòng tao lại ngượng thầm Làn khói xanh lãng đãng Gợi lại thời An-lung Bây giờ mày ở đâu? Có về quê Bình Định Châu ơi, mày biết chuyện Tha lỗi lầm cho tao! Chiều ấy trong chiến hào Mày hỏi tao: còn thuốc? Còn một điếu duy nhất Tao nói dối: hết rồi Chừng sau đó nửa giờ Mày bị thương đi viện Tao cầm điếu thuốc bẹp Trắng lạnh lòng bàn tay Đang thanh thản hàng ngày Tao bỗng thành im lặng Như người vừa ốm dậy Nghe hơi thuốc đắng lòng Tao xé vứt ra rừng Vẫn lộn về giấc ngủ Chiến trường - nơi máu đổ Nhận lỗi đâu dễ dàng… Đôi khi bạn bè mời Taonhưngười tậphút Lặng im nhìnkhói thuốc Rítvài hơi,dụi tàn Châuơi,dù mai sau Lòng taocònânhận Tao một mìnhxấuhổ Suốtbaonăm một mình Châuơi, giờởđâu? Màycóvềquêcũ? Châuơi, màythathứ Bao giờtaogặp mày? Đoàn Tuấn Cơn khát và tiếng gà rừng Chúng tôi đi dưới nắng mắt đổ sao Chói trên đầu mầu trời xanh khao khát Môi cong như cánh hoa khộp khô ráp Nước mắt tràn và bên tai ong ong Tảng ba lô nằm nặng ỳ trên lưng Khẩu tiểu liên trên mình luôn đổi chỗ Treo vào cây chiếc áo trấn thủ Riêng quyển Kiều rách nát vẫn nâng niu Vết thú rừng đi kiếm nước lần theo Hồ nứt nẻ suối khô cằn sỏi đá Bên ụ mối đồng đội nằm mệt lả Bi đông va vào nhau khô khốc tiếng mõ trâu Tiếng mõ trâu gợi chiều phum phía sau Có giếng nước xanh tròn vòm thốt-nốt Có cô gái gánh đôi cờ-ru nước Múc cho chúng tôi từng bát ngọt lành Chiều mắc võng nghỉ bên bờ suối cạn Cát rào rào rơi trên lá khô Ai cũng dễ nổi cáu trong cơn khát Cái bẳn tính cồn lên ráng đỏ phía chân trời Tiếng rừng cháy càng bứt rứt trong người Khói đùn lên luồng mây dông vần vụ Chim dáo dát bay lẫn trong tàn lửa Không gian rung lên gió nóng quấn quanh mình Mảnh trăng treo đầu cành Úa vàng khô chiếc lá Trăng lên giữa trời không ai buồn ngủ Miệng khô tròn quầng trăng Sắc trời xanh chợt thấm dịu trong lòng Ơi sắc trời đang mênh mang Chùa Tháp Bốn triệu người vừa trải qua cơn khát Cơn khát nào bằng cơn khát Tự do? Chúng tôi mơ đang bơi giữa dòng sông Tắm cho nhau bọt trắng tung ghềnh đá Đồng đội tung tăng như đàn cá Tiếng cười như sóng vỗ âm vang Chợt thức giấc thảng thốt bàng hoàng Giơ cánh tay choàng giấc mơ chới với Sương mỏng tang mềm mại Như bàn tay xoa cơn khát dịu dàng Đêm dài nỗi mong chờ thời gian Võng lửng lơ giữa trời khao khát Đau đáu nhìn một ngôi sao dần nhạt Nghĩ đường ngày mai lên cơn sốt rưng rưng Đột ngột tiếng gà gáy xa rung Vút lên uốn xuống tắt giữa chừng Xanh một viên pháo hiệu! Mắt chợt sáng nhìn nhau sửng sốt Bật dậy reo lên tay chỉ phía tiếng gà Lại một tiếng gà gáy nữa ngân xa Như tiếng vọng từ ngôi nhà cổ tích Mà cầm được trong tay có dáng hình kích thước Tiếng gà bay vào lòng xua cơn khát tan đi Chúng tôi hăm hở cuốn võng sâu kèn Hành quân về phía tiếng gà phơi phới Ơi tiếng gáy từ xa xăm vời vợi Trong lòng ai cũng sáng một âm thanh Sao Mai cười trong mắt long lanh Tiếng gà rừng tượng hình một con suối Chảy rì rào xanh mát giữa bình minh… Đoàn Tuấn Đêm ấy chúng tôi nghe lời ru bỗng sợ Chúng tôi hành quân đến đồi 104 Cây đã buông lá xuống mệt rồi Dưới chân đồi có con suối lượn Phun Tờ-nà-coong ngủ sớm dưới mưa rơi Đêm đã khuya chúng tôi nằm trên võng Như mọi đêm chờ giấc nhọc nhằn Bỗng nghe từ dưới phum văng vẳng Tiếng ru con vọng đến não nề Ôi tiếng ru như vọng từ âm phủ Người hay ma? Sao ai oán, rã rời Tôi co mình, cảm thấy người ớn lạnh Mở mắt nhìn. Đêm thăm thẳm quanh tôi… Bỗng Hồ Bi, người Nghĩa Bình cao lớn Chạy đến Nhân Hải Phòng, giọng hớt hải, run run Nhân gọi Bùi Văn Rét người Mường, lì lợm Rét cũng đang thao thức bồn chồn Cả trung đội lính mới và lính cũ Ngoài Bắc trong Nam bò lại quây quần Muốn đốt lửa, sợ kẻ thù bắn lén Ngồi bên nhau hồi hộp sợ âm thầm Tiếng ru người Khơ-me không thành lời hát Cứ ư… a… giai điệu kéo dài Mưa vẫn rơi, dưới phum đen thẫm Bó gối ngồi chẳng ai dám hỏi ai Tiếng ru mảnh như tơ chùng bên suối Mang gương mặt âm hồn của đất nước khổ đau? Sao lại sợ tiếng ru? Chúng tôi không hiểu nổi? Đêm 27.5.1979 Đoàn Tuấn Mưa Những hạt mưa bao vây và chia cắt chúng tôi Mỗi người lính khoanh vùng nằm một võng Mưa ru ngủ trên mái tăng nhịp trống Mỗi chiếc võng im lìm trĩu nặng những tâm tư Những ngả đường vội vã đi qua Có bao điều quên đi, rơi vãi Mưa như người nhặt nhạnh gom góp lại Đến trả ân cần rồi lặng lẽ ra đi Một kỷ niệm xưa chẳng có ý nghĩa gì Một cơ hội vô tình tiếc mãi Một lỗi lầm không bao giờ chuộc lại Một ấn tượng lạ kỳ có thật đến không tin… Trong cơn mưa tất cả hiện lên Tất cả hiện lên trong chiếc sàng tinh khiết Hồn tôi rung như lá rừng xanh biếc Mưa của trời lọc sạch bụi hồn tôi Tôi lắng nghe mình trong lắng tiếng mưa rơi Trong tiếng mưa rơi có điều gì vọng lại Trong tiếng mưa rơi có hàng nghìn câu hỏi Tôi không muốn lặng im cũng chẳng muốn trả lời Cậu bé nào đi trong tiếng mưa rơi Cậu bé ấy là tôi - hai mươi năm về trước Hai đứa tôi giờ vẫn chung mơ ước Hai giọt ước mơ còn đọng lại một nỗi niềm Không thể nghĩ về tương lai trong tiếng mưa rơi Hiện tại bỗng quên đi gợi nhớ về kỷ niệm Khi biết lắng nghe mưa, tôi đã già, tôi hiểu Trong mưa lắng nghe mình, tôi như nắng sau mưa… Đoàn Tuấn Đêm ở rừng nghe thơ Đêm ở rừng Choăm Kh’san nghe thơ Tiếng vọng quê hương qua đường biên giới Những người lính ban ngày sôi nổi Đêm trở về trầm lắng đợi tiếng thơ Tóc khét nắng thấm sương khuya mềm tơ Áo dày bụi mùi mồ hôi mặn ấm Ngồi dựa cây rừng, hai người nằm chung võng Nhìn sao trời đang chở tiếng thơ qua Đêm ở rừng cứ thăm thẳm đậm đà Nên tiếng thơ đi một mình cao vút Vòm lá xanh lọc tiếng thơ trong suốt Tiếng tơ vàng bện ổ ngọt hồn ta Tán lá rừng bỗng đầm ấm mái nhà Bóng đồng đội im lặng nguyên bên lửa Cái đống lửa như hiển nhiên phải có Than rực hồng mà không thấy, mà quên Tiếng thơ mượt mà uyển chuyển trong đêm Như những nét hoa văn bay lên từ mặt trống Khi nghe thơ hồn là sân cỏ rộng Tiếng xuân về chim hót giữa đồng hoa Đất chiến trường - đất nảy mầm thi ca Người lính đến hái dạt dào thơ mộng Nhặt nắng trời, phù sa cho cuộc sống Đất nước là tình, người lính là thơ Đêm chiến trường có nhiều phút riêng tư Ngồi nghe thơ như ngồi bên Tổ quốc Tiếng sóng thơ đẩy thuyền trăng bát ngát Nằm nghiêng nhìn trăng chở tiếng thơ đi 3.11.1981 Đoàn Tuấn Một nét làng Ở nơi ấy có một làng quê cổ Cứ chiều chiều lững thững khói bay lên Ở nơi ấy có một dòng sông nhỏ Giữa đôi bờ thoai thoải êm êm Tôi đã thấy em ra sông gánh nước Bắp chân trần hắt lửa sáng dòng sông Từng bậc cao dáng em nghiêng nghiêng bước Vai nghiêng cùng đòn gánh cong cong Đơn vị tôi qua đây dừng chân lại Chỉ một đêm mắc võng trước sân nhà Tôi đã yêu được người con gái Uống hương đồng gió nội đẫm trong da Thành kỷ niệm suốt những năm phiêu bạt Nghĩ thương làng! Thương lắm gái thơ ơi! Cỏ vẫn ướt đầm đìa trăng sáng Lửa thời trai còn xấu hổ đến giờ… Đoàn Tuấn Tiếng ngày mới bình yên Trên cây rơm có chú gà trống đỏ Đôi cánh đập rạn trời vươn cổ gáy o… o… Con gà mái hoa mơ lim dim ngủ Dưới bóng vườn - ai cũng có bức tranh Ở nơi người lính thức tàn canh Ba trăm sáu nhăm ngày đều đặn Mặt trời ngủ đẫy mắt Sáng dậy với tiếng gà Chiếc cầu vồng âm thanh ngân xa Bắc qua năm nhịp đêm nối vào đầu bờ nắng Mỗi ban mai kéo lá cờ ánh sáng Kẻ thù nghe tức tối dập pháo bầy Có lẽ nào tiếng đầu tiên trong ngày Lại phải nhốt trong chiếc lồng chật hẹp? Chúng tôi xa quê hương Yêu quý lắm tiếng sinh sôi trên chốt Ngày mới đến sẽ âm thầm tẻ nhạt Nếu bình minh hôm ấy thiếu tiếng gà Chỉ một khoảng lặng im giữa hai tiếng nổ Đất căng ra trống trải chẳng dám nhìn Buổi giao ban bàn giữ gìn che chở Tín hiệu ngày - cột mốc của thời gian Ngày qua ngày tiếng gáy vẫn âm vang Bay vút lên dệt thành con sóng đỏ Mặt trời ơi! Tiếng gọi người bừng lên rực rỡ Không phải ở trên cây, từ chính những căn hầm Lòng đất thâm trầm vùi ngọn lửa thân yêu Như tiếng gọi đò ơi, như tiếng trống giục chèo Từ những dây cung xanh chúng tôi bật ra thành hoa trên mặt đất Để mắt ngay vào hướng tuần, hướng phục Trong sân nhà gà bới đất bình yên… Đoàn Tuấn Tối thứ bảy Tối hôm nay là thứ Bảy rồi!… Suốt ngày hầu như ai cũng nhắc Trung đội trưởng cả ngày lo cắt gác Gà lên chuồng Lính ngồi vấn thuốc rê Suốt cả tuần ngủ võng ướt sương khuya Suốt cả tuần ăn muối hầm cơm vắt Suốt cả tuần bàn chân bỏng rát Tối thứ Bảy hôm nay đoàn du mục hạ lều Chiếc đài như phong thư của người yêu Cõng khối pin cồng kềnh chảy nước Lính tráng ngồi quây quần trong căn hầm đại trưởng Chuyện tiếu lâm hóp má rít thuốc lào Đồng đội ơi đáng nhớ biết bao Giữa những năm 80 mà chúng mình thèm nghe đài đến thế Mai trở về quê hương, kẻ lên rừng xuống bể Sẽ chẳng được cùng nhau chụm lại nghe đài! Đoàn Tuấn Chiếc khăn rằn Khơ-me Bàn tay anh nâng trước ngực dải khăn Anh đi bên bức phù điêu vũ nữ Có phải mẹ Khơ-me nghèo khổ Sinh Đê-vê-ta trên tấm thảm khăn rằn? Mẹ bồng em trong chiếc nôi xanh Chiếc nôi xanh ôm hình hài đất nước Em lớn lên như mầm xanh thốt nốt Võng khăn rằn ru giấc ngủ tuổi thơ Em dệt vào khăn lộng lẫy tháp Ăng-ko Hương rùm-đuôn và bóng xoài xanh mát Dải khăn rằn trải tâm hồn đất nước Như Biển Hồ đựng hành lý đời em Em đi cấy mưa ướt dải khăn duyên Bông hoa rừng đội trên đầu hé nở Dải khăn rằn em vắt trên vai nhỏ Như vầng mây trôi giữa mảnh trăng liềm Dải khăn rằn nâng đôi cánh tay em Như ngọn gió em quàng trong hội múa Đêm răm-vông sẫm dần trên đồng lúa Dải khăn rằn gieo chi chít sao đêm Em đến tắm dòng sông soi bóng em Soi điệu răm-vông soi bóng cây thốt-nốt Em lấp lánh như dòng sông đầy nắng Dải khăn rằn gợn sóng tấm thân em Là khoảng trời xanh nỗi nhớ trái tim Mái tóc mầu đêm dệt niềm chung thủy Là bàn tay băng vết thương chiến sĩ Là mùa màng gieo xanh lại quê hương Khăn phập phồng mái tăng ở biên cương Làn khói lam suy tư nơi đầu võng Khăn mẹ đội cứ mỗi ngày thêm rộng Hương tóc em thơm ngát dải khăn rằn Cô gái nào cũng quàng dải sông Ngân Bức chân dung trên quê hương Chùa Tháp Trong mưa rét khăn gợi niềm ấm áp Là tâm tình cô gái Khơ-me Đoàn Tuấn Khúc dân ca trên điểm tựa (Tặng vũ nữ Fôn-keo Khám-khiên, người biểu diễn khúc dân ca Khơ-me “Hoa đu đủ”) Anh trồng trên điểm tựa khúc dân ca Của quê em, ơi quê hương tình nguyện Điểm tựa như chùm đảo xa nước hiếm Khúc dân ca như con suối đầu nguồn Thật lạ lùng sau đêm múa răm-thôn Khúc dân ca như một người con gái Hồn nhiên đến rồi dịu dàng ở lại Thành quả chuông thánh thót giữa lòng người Câu hát dắt anh về phum sóc em ơi “Pờca-lơhông”(1) nở ngay đầu lối mát Có em về rung rinh trong câu hát Vòm lá xanh chao tiếng hát dập dìu Anh cắt rừng đi từ sáng đến chiều Lấy lục bình về phủ xung quanh gốc Hoa đu đủ nở dịu hiền ánh mắt Con bướm vàng thơ thẩn nỗi bâng quơ Nắng nơi nào như rừng khộp mùa khô Con ve sầu bỏ sang rừng xanh hát Trái đu đủ đeo suốt mùa cơn khát Chụm mái đầu uống dòng sữa dân ca Pháo giặc băm loang lổ góc vườn nhà Tổ dế mèn đất vẫn hồng mỗi sáng Câu hát vẫn xòe ô xanh vươn thẳng Đón mặt trời gần lại mỗi bình minh Câu hát hình tròn em đi vòng quanh Câu xanh biếc lăn tăn trong ánh mắt Đồng đội anh buộc võng vào câu hát Nên thân cây in dấu nghĩa dấu tình Em đi rồi bóng mát tỏa lòng anh Đêm tán lá thầm thì tay em múa Nghe vọng lại như nỗi niềm ngọn lửa Mà chim từ quy khắc khoải hai đầu Đồng đội anh tìm thấy phép nhiệm màu Trong bình dị khúc dân ca tình nguyện Cứ nhìn vào cây đu đủ mà viết Có bao điều xanh thắm lá thư xanh… 1982 Đoàn Tuấn Miếng trầu phum Choămsre Chiều mắc võng vào cây vỏ chay Con chợt nhớ miếng trầu của mẹ Mẹ ơi, Choămsre đẹp thế Mà miếng trầu day dứt lòng con Dây trầu không vườn mẹ xanh rờn Bóng cau lẫn bóng hàng thốt-nốt Khúc vỏ chay quánh khô mẹ gọt Bàn tay gầy run run Cả phum không một mẩu vôi non Mẹ cặm cụi mò trai dưới suối Lửa mẹ đốt vỏ trai hồng đêm tối Để sáng mai có vôi trắng ăn trầu… Ôi ước chi có được phép nhiệm màu Con sẽ mời mẹ ăn miếng trầu cô Tấm Con sẽ hóa thành hòn đá trắng Mọc bên suối trong cho trầu mẹ đầm nồng Cây vỏ chay đứng trầm ngâm trong rừng Giấu dưới đất ngọn lửa hồng âm ỉ Và tán lá ken dày ý nghĩ Đêm trăng này mẹ đốt vỏ trai không? Con mới đi chưa hết một cánh rừng Mới giúp mẹ trồng được mùa lúa chín Những đỉnh núi mây mù con sẽ đến Để mẹ ăn trầu với hoa trắng quê hương(2) Đoàn Tuấn Hết nước cấm nhìn Thùng phuy nước ở chốt ngã ba Ai đã viết dòng chữ than to tướng HẾT NƯỚC CẤM NHÌN Bởi ngày đêm Ai qua đây cũng ghé tìm ngụm nước Tranh thủ lấy chiếc khăn nhúng ướt Thậm chí còn đóng đầy bi-đông Mà quanh đây chẳng tìm đâu ra suối ra sông Khiến lắm phen nước nấu cơm không có Nhiều khi bắn được con thú Không có nước mà làm Được đi tắm là một nỗi hân hoan Dù phải hành quân cắt rừng mười cây số Và áo quần phải giặt giùm chục bộ Mỗi lần được cấp nước Í ới gọi nhau vui không giấu được Đựng đầy xoong đầy bát đầy ca HẾT NƯỚC CẤM NHÌN - dòng chữ đọc qua Khách cứ nghĩ cậu nào đùa tinh nghịch Khoác cả ba lô xăm xăm bước đến Chỉ thấy nóng ran tiếng gió xát đáy thùng Đứng lặng một mình Bỗng từ trong hầm bật ra chuỗi cười trêu tức Khách cũng bật cười Cơn khát bỗng nguôi quên HẾTNƯỚCCẤM NHÌN Dòng chữvẫnynguyên Đoàn Tuấn Dải đồng bằng thương nhớ Những cái huyệt tôi đào trong rừng sâu Giờ hóa thành dòng sông yên ả Những nấm mộ đắp đêm mưa tầm tã Thành triền núi cao không lên được bao giờ Nơi đồng đội căng tăng và mắc võng Thành những làng quê xa phủ sương mờ Ơi chiến trường xưa Đã trở thành miền quê thiêng thanh khiết Trời và đất Núi và sông Xanh mênh mang bất diệt Bao nặng nhọc máu xương để xanh thẳm dịu dàng Tôi sẽ về, sẽ về lại mùa xuân Dải đồng bằng suốt đời tôi thương nhớ Đoàn Tuấn Giấc ngủ Chỉ còn ba mươi cây số nữa thôi Về đến phum Giềng tha hồ mà ngủ Mười lăm ngày truy quét Mắt thâm quầng như vũng suối mùa khô Chúng tôi ngồi trên bờ hút lá hà thủ ô Vừa kể chuyện vừa mơ về giấc ngủ Những năm tháng cầm tinh con ngựa Không cần ngủ lâu Chỉ cần ngủ sâu Mình tặng cho mình Ta tặng cho nhau Giấc ngủ Cốc rượu thơm cao quý trong ngày Không đủ ngón tay Để mà đếm bao nhiêu kiểu ngủ Sốt rét nằm co Ngủ hầm lưng đau nhức Có giấc ngủ lưng chừng đỉnh dốc Chân quặp vào hòn đá khỏi lăn Ngủ cho quần áo khô Ngủ cho qua cơn đói Giấc ngủ chông chênh đứt rồi lại nối Mắt suối mắt đèo trũng xuống đêm đêm… Nhìn đồng đội nằm thêm yêu thêm thương Người còn đeo ba lô, người còn mang dây lưng có bi đông, lựu đạn Sau bao ngày căng thẳng Lúc đi nằm dáng ngủ cũng cong queo Ăn cơm khô Đi đường tắt Tắm tranh thủ Ngủ khẩn trương Hình như trong giấc ngủ chập chờn Đồng đội tôi có điều gì thảng thốt Bạn vào gọi tôi ra thay phiên gác Chân nhẹ như sương thấm xuống lá rừng Tôi khoác súng vin cành lần bước Giữa vòm trời xanh ngát ngọn sao Mai… 1981 Đoàn Tuấn Bài thơ không viết nháp Bạn ơi có nghe chăng Bài ca biển xanh hát Lời ca như ánh sáng Người lính là bài thơ Nếu chúng tôi là thơ Bài thơ không viết nháp Câu chữ còn thô ráp Hồn nhiên bước vào đời Một ngôi sao sáng tươi Bao niềm thương mến gọi Một địa chỉ xa xôi Gợi lên đầy rắn rỏi Câu thơ từ lửa khói Không đăng báo bao giờ Lính viết và lính đọc Chói ngời qua nắng mưa Chỉ có thiếu và thừa Không bao giờ lính đủ Chiếc ba lô càng cũ Càng chẳng có gì riêng Yêu thương nào hồn nhiên Bằng lá thư tọa độ Cơn mưa nào cồn lên Thoảng nhanh bằng nỗi nhớ Một chiếc khăn mặt nhỏ Nấuđượcnồi cơm ngon Mộtcondaongọnlửa Đi khắpcùng núi non Bữaănquâyvòng tròn Quanh mâm xanhthảm cỏ Lácànhlàm bátđũa Khúckhíchcười khenngon Vụng vềtrướclànhương Thíchđượcchiềuđượctrách Tỏtìnhđếndễthương Toàn giọng connhàlính Đêm cánh rừng trầm tĩnh Nhớdòng sông bìnhyên Đêm bạn mìnhngãxuống Đêm gọi mặttrời lên Giặctrước mặtchúng tôi Saulưng làhạnhphúc Sống chếttừng khoảnhkhắc Mắt mẹnhìnthiêng liêng Quavùng rừng mưađêm Quangànngàynắng gió Nâng bướcchânánhlửa Đi vềphíaNgày Mai Đoàn Tuấn Tìm bạn Chiến dịch kết thúc rồi tôi quay về biên giới Tìm xác bạn bè trên chốt cũ yêu thương Hơn hai mươi con người, một trung đội tăng cường, hơn hai mươi tay súng Sống lại cùng tôi những bạn đường Không thể tìm ra đầy đủ một bộ xương Đất cháy đen xỉ than Xương cánh tay lẫn cành khô rơi vãi Tấm bản đồ không mang lại một điều gì mới Vệt máu động rỉ ra nhức nhối mắt nhìn Từng khoảng thời gian, từng trận đánh, từng người một, cứ nhớ thế mà tìm Đồi 328, chốt X.B… chỗ nào cũng gặp bạn bè đang sống Vẫn nói cười, vẫn thổi mắt cho nhau, ôm súng xông lên và những loạt Đ.K dập xuống Bạn bè tôi hóa trăm mảnh sao trời… Lòng tôi đau một nỗi khổ không nguôi Đâu cũng gặp mà tìm không thấy Đêm ngủ trong những căn hầm còn lại Nham nhở những mảnh trăng hình phễu hứng sương trời… Hơn hai mươi chiếc túi mang theo dồn một túi không đầy Chiếc gùi nhẹ trên vai bao cuộc đời sông núi Đồng đội tôi nằm đây chưa thể nào ngủ nổi Những mảnh pháo mảnh mìn đau cấn lắm dưới lưng Cây cháy vẫn đen thui, chim chưa trở lại rừng Đi tìm suốt mấy ngày bỗng sáng nay gặp một bông hoa dại Ánh mặt trời đọng sáng những hạt sương Những người nằm xuống rồi đều có chung một gương mặt tươi sáng lạ thường Tôi bỗng dốc bi đông tưới cho bông hoa nhỏ Bông hoa nhìn theo mỗi bước tôi đi… 1979-1985 Đoàn Tuấn Ngày tôi rời mặt trận Tôi nhập ngũ ngày Hăm mốt tháng Tám Nhưng không bao giờ quên ngày từ giã chiến trường Ngày tôi rời mặt trận Tôi - thượng sĩ Đoàn Tuấn Cao một mét sáu mươi nặng bốn mươi lăm ký Trong người mang vi trùng sốt rét Mấy vết thương không cần giám định Ngày tôi rời mặt trận Bạn bè đứng tiễn rất đông Nhưng tôi không dám nói lời từ biệt Trên đường về nước Có thể hy sinh như đứa bạn gần nhà Ngày tôi rời mặt trận Mang theo hình ảnh anh Nguyễn Mạnh Hùng (Người thẩm tra lý lịch tôi vào Đảng) Anh hy sinh. Bị bọn địch chặt đầu Trong trí nhớ tôi vệt lưỡi mai còn cắm Đọng máu đầy khô đen Ngày tôi rời mặt trận Mang theo hình ảnh Lê Thanh Vinh, đứa bạn cùng trường Hôm ấy tôi được phân công đi đầu dẫn tiểu đoàn gùi gạo Trên con đường mìn nhiều. Chắc chắn sẽ hy sinh! Và đêm. Vinh khoác súng sang hầm tôi, lặng im rồi nói: “Để mai tao đi đầu. Tao chết đỡ phí hơn vì mày có người yêu ở nhà đang đợi!” Ngày tôi rời mặt trận Bâng khuâng đi qua Kầm-prạ, phum Giềng Choăm Ka-an, Ku-len, An-lung-viêng, Đăng-rếch… Những địa danh không còn nghe trúc trắc Bao thân thương máu thịt một thời Ngày tôi rời mặt trận Đưa thi hài đồng đội trở về Chiếc GMC phóng như bay qua rừng cây báng súng Đến biên giới trời vừa tối Không nghỉ lại dù đói Chúng tôi lao ngay về Đức Lập Đêm cao nguyên mưa xối Người gác nghĩa trang hẹn mai sáng sẽ làm Cả đêm ấy chúng tôi không thấy mệt Khiêng quan tài xếp ngoài cổng nghĩa trang Ngày tôi rời mặt trận Về Diêu Trì truy lĩnh 5 năm phụ cấp Một tạ gạo ăn trong sáu tháng kiếm việc làm Bán luôn cho thủ kho lấy tiền tiêu vặt Biếu mẹ làm quà hai mét vải phin! Ngày tôi rời mặt trận Không dám một mình đến nhà những người bạn hy sinh Cảm thấy mình như người có lỗi Tôi sợ nhìn nước mắt mẹ bạn tôi Ngày tôi rời mặt trận Gian khổ tạc cho tôi gương mặt người lính Những trận đánh rèn cho tôi đôi mắt mở to, cái nhìn điềm tĩnh Và thời gian tặng cho tôi bản lĩnh… Ngày tôi rời mặt trận Vừa đặt chân về đến Hà Nội Dốc hết tiền Mua một chiếc đồng hồ đeo tay… 1984 Đoàn Tuấn Kính gửi Sư đoàn 307 Sư đoàn tôi đã trở về Tổ quốc Giữa Matxcơva tôi xúc động nhìn Trên màn hình đồng đội tôi đang bước Tôi trở về ngược lại cánh rừng Miên Sư đoàn tôi đã trở về Tổ quốc! Nhưng không đủ đâu, không đủ cả Sư đoàn! Còn lại bao nấm mồ, hài cốt Đồng đội tôi giá lạnh giữa rừng hoang? Ôi tôi nhớ mùa mưa năm 81 Dân “lùn” dặn tôi duy nhất một điều: “Nếu mình chết, đồng hương nhớ chôn mình đầu quay về Tổ quốc!” Tôi cũng thầm dặn lại bấy nhiêu Tôi đã chôn bao nhiêu đồng đội Đã bốc mồ tận nghĩa địa An-lung Quần nát rừng tìm xác trên biên giới Nhìn Sư đoàn về nước rưng rưng Tôi đã về hậu phương báo tử Bao bà mẹ hỏi tôi: Xác con mẹ nơi nào? Tôi trao mẹ vài di vật cũ Còn sống trở về tôi có lỗi biết bao! Sư đoàn tôi đã trở về Tổ quốc! Đồng đội tôi không có việc gì làm Đi tay trắng trở về hoàn tay trắng Huân chương nào trao được trước xe lam? Sư đoàn tôi đã trở về Tổ quốc! Nhưng muôn năm vẫn đóng ở núi rừng Tôi như thả hồn mình về nước Cùng sư đoàn bình yên một giấc chung Đoàn Tuấn Trời sao Những ngôi sao chi chít giữa bầu trời Tôi căng mắt nhìn. Làm sao đếm hết? Như trong tôi dày đặc bao kỷ niệm Nhũng chuyện vui buồn năm tháng chiến tranh Trong ngàn vạn người lính sư đoàn Mấy ai trở về sống bằng nghề viết? Chỉ chuyện mình thôi, làm sao kể xiết Còn nói chi đến tiểu đội, trung đoàn? Sáu năm lính của tôi - khoảng rất nhỏ thời gian Nếu so với bao người trong đơn vị Sao so với dân tộc tôi bền bỉ Suốt thế kỷ qua kháng chiến trường kỳ Cả dảy Ngân hà lộng lẫy trên kia Có sáng đẹp bằng sử thi đất nước? Có nhiều bằng những điều chưa kể được Của những người đã sống, đã hy sinh? Và trời sao mãi mãi lung linh Vẻ đẹp ấy có thể nào nắm bắt Ta tuyệt vọng nhìn sao hay khao khát Trước từng trang giấy trắng đợi hằng ngày? Đoàn Tuấn Kỷ niệm ngày nhập ngũ Đồng đội ơi! Kỷ niệm ngày nhập ngủ Gặp nhau sau bao năm tháng thăng trầm Xin ôm chặt cựu binh chiến hữu Từ núi rừng phi xuống, đất biển lên… Giờ tất cả đầu đã hai thứ tóc Mà tưởng như ngày ấy tuổi thanh xuân Đói khát, ốm đau, pháo, mìn, chết chóc Lũ chúng ta thành kỷ niệm tuyệt trần Nào uống cạn! Trong lung linh ánh mắt Giữa chúng ta hiển hiện những bóng hình Những cánh rừng, những mùa khô, phum sóc Cả mối tình tuyệt vọng dọc trường chinh Nào uống cạn! Giữa chuỗi cười hạnh phúc Mắt bỗng cay bao đồng đội không về Những bàn chân, những cánh tay bị mất Trọn đời ta còn giữ mãi lời thề Nào uống cạn! Uống thay ngày xuất ngủ Mừng chúng ta còn nguyên vẹn thân hình Sau ta, sau ta mong đừng ai nữa Biết thế nào là một cuộc chiến tranh Đoàn Tuấn Thơ LÊ MINH QUỐC Trên những nẻo đường chiến tranh (Đoàn Tuấn giới thiệu) Tôi nhớ mãi một buổi chiều trung tuần tháng 12 năm 1978. Tôi đang nằm trong một căn hầm giữa rừng lồ ô trên biên giới Việt Nam - Campuchia thì nghe ngoài cửa hầm có tiếng nói chuyện giữa Lê Quỳnh Lang, trung đội trưởng thông tin của tôi với một người nữa. Người này có giọng to và sảng, dứt khoát. Anh đòi mượn tập thơ Việt Nam mà tôi mang vào chiến trường. Lang dùng dằng, nói là của người khác. Nhưng anh ta cứ đòi, cứ giằng lấy. Cuối cùng, Lang phải gọi tôi ra. Tôi chui lên. Trước mặt tôi là một chàng thanh niên không có vẻ gì là lính nhưng mặc quần áo lính rất xịn, vai vắt chiếc khăn mặt xanh. Anh để tóc dài. Gương mặt vuông vắn, trắng trẻo, đẹp trai. Tôi chưa kịp nói gì, anh ta đã bắn liên thanh phủ đầu: - Ông cho tôi mượn tập sách này nghe. Tôi hứa là sẽ giữ cho ông thiệt cẩn thận. Thôi, tôi về nghe! Tôi chưa kịp nói gì, đành nở nụ cười nhũn nhặn. Tôi đang mệt mỏi, vừa trải qua trận sốt rét kinh người. Cứ đúng 5 giờ chiều lại gây gây lên cơn. Được thôi. Tập thơ ấy, tôi đã đọc. Và ở chiến trường có một người cướp thơ như thế, còn gì quý hơn. Tôi nhìn theo dáng đi kềnh càng như giữa chốn không người của anh ta. Anh đi băng băng về đơn vị như con hổ vừa vồ được chú thỏ non. Tôi hỏi Lang: - Ai đấy? - À, đó là Quốc. Lê Minh Quốc, quản lý đại đội 7. Dạo đó đơn vị tôi, tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307 đang phải đánh nhau với Pôl Pốt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa phận tỉnh Gia Lai - Công Tum. Các đại đội vào chốt thay nhau, lại phải rải quân dài mấy chục kilômét nên lính tráng, tuy cùng đơn vị, nhưng ít gặp nhau. Trong mắt tôi, người quản lý đại đội là người cân đo đong đếm từng hạt gạo hạt muối cho 50 người mỗi ngày - mà yêu thơ thì quả là lạ. Nhưng về sau, tôi nghe Trần Đào Hiền Nhân, đồng hương tôi ở đại đội 7 khoe rằng, ở đó, lính ăn khá nhất vì Quốc cho ăn thả cửa! Thảo nào sau này, khoảng năm 1981, Quốc mất chức quản lý, trở thành lính chiến đấu trực tiếp. Ít lâu sau, tôi tình cờ gặp lại Quốc trên đường chiến dịch, ở tỉnh Công Pông Thom. Quốc nhìn tôi, cười nhận lỗi: - Tập sách của ông, tôi cố gắng giữ nhưng nhiều thằng đòi đọc quá. Mỗi thằng xé trộm một bài. Giờ nằm rải rác khắp nơi. Tôi rất cố gắng nhưng vẫn không thể nào lượm lại được. Giọng Quảng Nam của Quốc cùng cách nói phân bua bằng tay một cách trung thực khiến tôi tin ngay. Tôi mỉm cười. Thậm chí thấy vui vì nghĩ đến hình ảnh tập thơ được xé lẻ, mỗi người giữ một vài bài. Chi tiết này có thể viết được một câu chuyện hay. Tôi là lính thông tin tiểu đoàn. Được trực ở Tiểu đoàn bộ trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Nhẽ ra, cả tiểu đoàn tôi đã hy sinh khi đánh đồi 328, điểm cao X.B, vào ngày 23.12.1978 rồi. Bởi sau này, tôi được một thằng bạn ở Sư đoàn tiết lộ rằng, Sư đoàn quyết định “tung” tiểu đoàn tôi để đột phá cửa mở chiến dịch, nếu gặp địch kháng cự mạnh! Nhưng sáng sớm ngày 23.12, mới bắn pháo và đại bác lên đồi 328 và X.B, chừng hơn 1.000 quả, địch đã rút. Đơn vị tôi chiếm được quả đồi khi trời còn chưa tan sương. Nếu không may, tôi và Quốc cùng hàng ngàn đồng đội đã thành đất ở đó ngay từ những ngày mới quen nhau. Nghĩ lại, vừa mỉm cười, vừa rùng mình. Sau đó tôi được cử đi phối thuộc với các đơn vị khác. Đến tháng 5.1979, tôi mới được phân công đi theo C7, tức đơn vị Quốc. Dạo đó, đơn vị Quốc nhận nhiệm vụ đón 5 vạn dân tị nạn từ Thái Lan trở về. Đại đội có chừng 40 người nhưng phải rải ra trên quãng đường dài 60 kilômét. Tôi đặt máy thông tin Silic 71 của Trung Quốc trong trường học cũ, dưới mái nhà tôn. Đối diện bên kia, qua sân rộng, là nhà của y tá Nguyễn Quốc Vương, mấy anh nuôi và quản lý Quốc. Được gần nhau, chúng tôi toàn nói chuyện văn chương. Lúc ấy coi như hai đứa từ hai nền văn hóa, hai nền giáo dục khác nhau, kẻ Bắc người Nam, giờ cùng là lính, chuyện trò thật hấp dẫn. Tôi kinh ngạc vì Quốc đọc nhiều, thuộc nhiều và làm rất nhiều thơ. Dạo đón dân tị nạn, tôi và Quốc cũng như nhiều anh em C7 được dân tị nạn, hầu như là người Hoa tất, cho rất nhiều vàng, bạc, kim cương nhưng hầu như không ai dám lấy. Buổi chiều mùa mưa, tôi chỉ căng giúp một người phụ nữ có con nhỏ tấm vải mưa thành cái lều thôi, chị ta cũng cho tôi cả một cái hộp có 12 hạt xoàn, nhưng tôi vội từ chối ngay. Chị lại mời uống cà phê với lạc, tôi cũng không dám. Nhớ một buổi trưa, tôi ngồi chỗ Quốc, có cả y tá Vương, người Tam Kỳ, nói chuyện tào lao. Bỗng ngoài cửa, xuất hiện ông già Khơme trong đoàn tị nạn. Ông vừa thấy chúng tôi, vội quỳ ngay xuống đất ướt, vái lấy vái để “xin bộ đội Việt Nam đôi giày”. Tôi nhìn bàn chân phồng rộp, rướm máu của ông mà lạnh người. Thật khó cho chúng tôi vì chúng tôi cũng rất thiếu thốn. Ăn cơm độn ngô, đi giày thủng. Quốc mò vào chỗ để gạo, tìm được đôi giày rách nhưng khô ráo, mang cho ông già. Quá cảm động, ông già lấy từ trong túi ra một nắm những thỏi vàng cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi vừa xua tay vừa nói bằng tiếng Khơme: “Không lấy đâu”. Ông lại hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt, xin ít muối. Quốc xúc cho ông một muôi. Sợ chúng tôi nghĩ lấy vàng là độc, ông già lại cho chúng tôi nắm bạc. Nhưng chúng tôi kiên quyết không lấy một thứ gì. Chúng tôi thừa hiểu giá trị của vàng bạc nhưng không lấy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều: lúc đi lính, mình không có vàng. Nhớ mình lấy, đêm chết, đơn vị kiểm tra di vật tử sĩ, thấy có vàng trong ba lô, không những mình không ra cái gì mà gia đình mình ở phía sau cũng không được anh em tôn trọng. Những ngày đó, tôi và Quốc cùng Nhân “mù” và An “bột” thường lội qua suối, sang phum bên, đến chơi nhà “bà má Hậu Giang” - một bà má Việt kiều, nhờ vá áo và mò vào các vườn nhà dân bỏ trống, hái trộm xoài ăn. Vậy thôi. Còn rất nhiều chuyện không tham vàng của Quốc mà tôi không biết. Chỉ biết sau này Quốc được đơn vị đề nghị Trung đoàn thưởng Giấy khen vì thành tích “không tham của lạ, giữ vững danh hiệu Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đầu năm 1980, tôi phải chia tay đơn vị Quốc. Tôi được cử đi với đại đội 5, lên đóng quân ở phum Kầmprạ, một phum heo hút nhất của tỉnh Prếch-vihia nằm tít tận biên giới Campuchia - Thái Lan. Ở đó tôi đã sống những ngày rất vui nhưng cũng đầy đạn, đầy mìn, đầy thương vong, hy sinh của anh em trong đơn vị. Đến đầu mùa mưa năm 1981, khoảng tháng 6, cả Tiểu đoàn tôi được lệnh chuyển lên khu vực An-lung-viêng để chặn đường vận chuyển lương thực, đạn dược từ Thái Lan về của địch. Thời gian này Quốc thôi chức quản lý, phải làm lính trơn. Vì nghe đâu, được giao chức tiểu đội trưởng, Quốc không nhận. Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xuống xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được. Chính dạo ác liệt đó, tôi được chuyển từ thông tin lên thay anh Nguyễn Văn Cúc, người Nghĩa Bình, làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn. Anh Cúc về làm phó Đại đội trưởng C6. Quân số hy sinh quá nhiều. Lúc đầu còn có máy bay lên thẳng HU-IA đến chở đi hoặc chuyển lên Sư đoàn bằng cách khiêng bộ. Sau máy bay không có nữa. Khiêng bộ thì tốn kém. Hai trung đội dải đường dài 16 kilômét từ đơn vị đến phum Camtuất, cộng một tiểu đội dẫn đường, lại thêm mấy người thay nhau khiêng một ca. Mà vẫn bị phục, vẫn bị mìn clâymo quạt. Thêm bao nhiêu người hy sinh. Người chết rồi bị chết thêm lần nữa. Cuối cùng Sư đoàn quyết định làm một nghĩa trang ở ngay giữa Tiểu đoàn tôi. Cử thêm một trung đội vận tải xuống chuyên cưa cây, xẻ gỗ, đóng quan tài. Nghĩa trang được làm nằm giữa Tiểu đoàn bộ và đơn vị Quốc. Tôi biết Quốc phải đi tuần, đi phục liên tục. Rất dễ hy sinh. Mà tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giữ di vật tử sĩ và tổ chức chôn liệt sĩ cho chu đáo. Chính trị viên Nguyên Văn Vẳng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: “Chôn vì người sống chứ không chỉ vì người chết. Làm sao để anh em đang sống, nhìn vào, biết được rằng, khi họ hy sinh, cũng được đối đãi tử tế như thế!” Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức “oách” theo kiểu nhà binh. Tôi cũng chôn cất nhiều người của đơn vị Quốc. Một buổi chiều, đi gùi đạn, về qua đơn vị Quốc, tôi thấy một căn hầm lạnh tanh, mốc, trống trơn. Tôi thoáng rùng mình. Anh em trong hầm đã hy sinh cả. Tôi không thể nghĩ đến số phận Quốc thế nào. Thỉnh thoảng, anh Lâm Xuân Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, lại rủ tôi sang chỗ Quốc uống rượu. Đi uống rượu nào có an toàn. Khoác AK, đội mũ cối, mặc trời mưa, phải bò qua hai vọng gác, bò qua nghĩa trang. Khi qua đó, tôi thấy anh Liễm lại lầm rầm khấn anh em phù hộ cho mình được sống. Tôi cũng thầm khấn theo. Chính những ngày ác liệt đó, tôi biết Quốc làm thơ, ghi nhật ký nhiều. Tôi nhớ một lần Quốc vừa cười vừa khoe đơn vị Quốc chuẩn bị làm báo tường và Quốc đóng góp một bài thơ có tên là “Tường Vi”. Những bài thơ của Quốc ở An-lung-viêng rất lãng mạn, mơ về cuộc sống thanh bình, có những buổi chiều vàng,