"
Danh Nhân Sinh Học - Nguyên Trường full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Danh Nhân Sinh Học - Nguyên Trường full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
DANH NHÂN SINH HỌC ---❊ ❖ ❊---
Biên soạn: Nguyễn Trường Thể loại: Nhân vật
Phát hành: Triducbooks
Nhà xuất bản: Hồng Đức Đóng gói: @nguyenthanh-cuibap
NGƯỜI ĐẶT CƠ SỞ CHO NHIỀU MÔN KHOA HỌC A
ristoteles sinh năm 384 trước Công nguyên tại Stagira, Hy Lạp, trên bán đảo Chalcidice, nay thuộc Stavros, gần vịnh Strymonic, Tây Bắc bờ biển Aegea, trong gia đình trí thức. Cha ông - Nicomachus là một thầy thuốc Hy Lạp nổi tiếng thuộc trường phái Asclepiad (theo truyền thuyết, Asclepiados là vị thần y học) Nichomachus là bạn đồng thời là thầy thuốc riêng của vua Amyntas III, tại Pella, thủ đô Macedonia. Từ nhỏ, Aristoteles thường đi theo cha để học hỏi cách băng bó vết thương và nghe giảng giải về các loại cây lá chữa bệnh.
Sau khi cha mẹ ông qua đời, nhờ sự giúp đỡ của Proxenus, một người thân của gia đình, cuộc sống của Aristoteles bình lặng trôi qua ở vùng Atarnea. Năm 17 tuổi, Aristoteles đến Athene theo học trường Academia (Hàn lâm) dưới sự hướng dẫn của các thầy Plato và Socrtes, những nhà triết học nổi tiếng.
Sau đó, ông làm việc tại đây, truyền bá những quan điểm triết học đến khắp nơi trong vùng. Ông say mê học hỏi, giảng dạy, nghiên cứu đến mức được các thầy cô và bạn bè gọi là “linh hồn của Academia”. Thời gian này, ông đã soạn thảo các tác phẩm về lôgíc học, triết học qua các đoạn đối thoại, về sau được tập hợp thành các tác phẩm như “Về tinh thần”, “Về công lý”...
Sau khi người thầy của ông - Plato qua đời, Aristoteles rời Athene đến Hoàng gia Hermias, vị quan cầm quyền của Assus, một thị trấn nhỏ của vùng Mysia thuộc Tây Bắc Tiểu Á, trên bờ biển Địa Trung Hải (đối diện với đảo Lebos, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Trong thời gian ở đây,
ông đã nghiên cứu triết học với chính trị, viết 12 chương đầu tiên của tập 7 trong bộ sách “Chính trị”. Trong thời gian ở Assus, ông viết tác phẩm “Về triết học” với văn phong nhẹ nhàng, dễ hiểu, được giới khoa học thời đó rất hâm mộ. Cùng với Theophrastus ở Eresus, người bạn năm xưa tại Academia, ông giảng dạy và nghiên cứu sinh học biển tại Mytilene, một thành phố cảng trên đảo Lebos trong hai năm (345 - 343).
Năm 342 trước Công nguyên, hoàng tử của vua Amyntas III - Philip II mời Aistoteteles trở về Macedonia làm thầy dạy cho tiểu hoàng tử Alexander. Ông đã truyền dạy mọi kiến thức và đào tạo tiểu hoàng tử sau này trở thành một danh nhân vĩ đại của lịch sử: đó là Alexander Đại đế. Sau khi lên ngôi trị vì đất nước, Alexander đã cho xây dựng lại Stagira, thành phố quê hương của Aristoteles đồng thời cho tạc tượng thầy để ghi nhận công ơn dạy dỗ của thầy.
Mặc dù nhiều năm làm việc ở Hoàng cung Macedonia, nhưng Aristoteles vẫn không quen với cuộc sống vương giả nơi cung đình, đặc biệt ông không tán thành những cuộc chinh chiến xâm lược của vị vua trẻ tuổi và chỉ có ước nguyện theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học. Biết ý định của thầy, Alexander Đại đế đã cung cấp tiền bạc, đất đai để Aristoteles mở ngay một khu trường mới tiếp tục sự nghiệp giáo dục đào tạo. Khu trường có tên gọi “Lyceum” nhanh chóng nổi danh khắp vùng. Lúc này Aristoteles đã 50 tuổi, ông bắt tay thực hiện ngay công việc đầu tiên, đó là thành lập một thư viện đầy đủ sách và một nhà bảo tàng khoa học tự nhiên để lưu trữ các bản đồ, những vật liệu cần thiết cho việc dạy học.
Phong cách dạy học của ông thật lạ lùng: Buổi sáng, ông dẫn học trò vào khu vườn cây nhỏ, vừa đi vừa đặt câu hỏi để học trò thảo luận. Học trò buộc phải ngắm nhìn quan sát mọi hiện tượng trong thiên nhiên, rồi tất
cả cùng tranh luận sau đó Aristoteles sẽ giảng giải và kết luận. Chính hình ảnh lạ kỳ, thầy giáo vừa đi vừa dạy học trò, đã làm dân chúng ở đây ngạc nhiên và họ gọi tên trường là Peripatos (có nghĩa là “rong chơi”) Lyceum. Buổi chiều, ông cùng học trò lại họp nhau trong phòng để phẫu tích các động vật và côn trùng. Ông luôn nhắc nhở học trò: “Phải quan sát, quan sát kỹ hơn nữa, đấy là bước đi đầu tiên của mọi khoa học...”.
Khu trường là nơi tập hợp các trợ lý và học trò dưới sự hướng dẫn của Aristoteles để hoạt động nghiên cứu khoa học và triết học trong tinh thần vừa độc lập suy nghĩ vừa cộng tác chặt chẽ. 12 năm liền, hoạt động của Peripatos Lyceum đã đem lại những kết quả to lớn. Thời gian này, Aristoteles viết nhiều tài liệu dùng trong giảng dạy và giúp các học trò đọc, suy ngẫm rồi thảo luận, do vậy các tài liệu đó thường đầy rẫy những chữ viết tắt, không được giải thích nên thật khó hiểu cho các dịch giả sau này muốn xuất bản các tác phẩm của ông. Các trợ lý và học trò của Aristoteles, sau khi đi theo các cuộc chiến chinh của Alexander Đại đế qua Ba Tư và Ấn Độ đã mang về cho Lyceum rất nhiều tài liệu và mẫu vật quý giá. Nhờ vậy, Aristoteles và trường phái của ông đã thực hiện được nhiều phát hiện và nhận xét quan trọng đặt nền tảng cho những hiểu biết và sự phát triển của nhiều ngành khoa học, đặc biệt là sinh học và lịch sử, cho thời đó và cả nhiều thế kỷ sau.
Nhờ sự cộng tác, hỗ trợ quý giá của Thephrastus (về thực vật học), Meno (về y học), mà phần lớn các công trình nghiên cứu và tác phẩm của Aristoteles đều được thực hiện tại Lyceum, trong đó có khoảng 158 bài viết về các hệ thống chính trị (được tìm thấy trên các bản giấy papyrus, vào năm 1890). Trên nhiều lĩnh vực, ông đã tiến xa hơn cả Plato.
Năm 323, Alexander Đại đế qua đời, những cuộc bạo loạn chống Macedonia bùng nổ lan rộng khắp Athene và nhiều thành phố khác.
Những nhóm cuồng tín kết án Aristoteles vào tội nghịch đạo và thân Macedonia. Để thoát khỏi kết cục bi thảm như Socrates, ông vội vàng rời thủ đô đến Chalcis (nay là Khalkis), trên đảo Euboea, vùng eo biển Evripos, ở phía bắc Athene. Năm 322 trước Công nguyên, ông qua đời tại đây sau một cơn đau dạ dày bột phát, hưởng thọ 62 tuổi.
Sau khi Aristoteles qua đời, trường Lyceum nổi tiếng một thời vẫn còn tồn tại khoảng gần ba thế kỷ dưới sự dẫn dắt của Theophratus và những học trò theo trường phái của ông. Tuy nhiên, các tác phẩm của Aristoteles lại phải trải qua nhiều cuộc thăng trầm. Năm 287 trước Công nguyên, khi Theophratus qua đời, toàn bộ thư viện của trường bao gồm các tác phẩm của Aristoteles được chuyển giao cho gia đình Neleus ở Scepsis, Troad. Đến những năm đầu của thế kỷ I trước Công nguyên, số sách này được bán cho nhà sưu tập sách Apellicon ở Teos. Khi nhà sưu tập mất (khoảng năm 84 trước Công nguyên), vị tướng La Mã L. Cornelius Sulla, trong cuộc chiến chinh đến Athene, đã mang các tác phẩm quý giá đó về Roma. Một nhà nghiên cứu ngữ pháp tại thủ đô Italia là Tyrannion đã tìm cách mua lại, nhờ đó tạo điều kiện để Andronicus ở Rhodes với sự trợ giúp của người học trò là Strabo, xuất bản các tác phẩm của Aristoteles vào khoảng những năm 43 - 20 trước Công nguyên.
Phần lớn trong số 400 công trình nghiên cứu của Aristoteles đều bị thất lạc hoặc hủy hoại. Mãi tới thế kỷ XIII, khoảng 50 tài liệu còn lưu trữ mới được chuyển từ Constantinople và Tây Ban Nha đến Tây Âu, được dịch sang tiếng Latinh. Nhìn tổng quát, có thể chia các tác phẩm của Aristoteles thành 4 nhóm lớn:
1. Các tác phẩm bàn luận về triết học.
2. Các bài viết về lịch sử tự nhiên và khoa học, trong đó quan trọng nhất là các tập “Lịch sử động vật”, “Bàn về các bộ phận của động vật”,
“Về sự tiến triển của động vật” (đề cập đến bản chất và nguyên nhân các sinh thái), “Hoạt động của giới động vật”, “Quá trình tái tạo của động vật” (bàn về các chức năng chung của cơ thể và linh hồn). Cuốn “Nghiên cứu động vật” là một tập hợp những dữ kiện về đời sống các loài vật. Ông đã mô tả khoảng 500 loài động vật (phần lớn thu thập từ đảo Lebos). Chính Aristoteles đã đặt ra nhiều thuật ngữ “giải phẫu học” như: “aorta” (động mạch, để chỉ một động mạch xuất phát từ tim), “rectum” (trực tràng, để chỉ đoạn ruột đi thẳng xuống hậu môn). Aristoteles cũng phân biệt các loại mô khác nhau (như mỡ, xương, limphô...) và nhiều cấu trúc giải phẫu học (như thực quản, khí quản, xoang mũi, đại tràng, manh tràng...).
3. Các bàn luận được gộp chung trong tác phẩm “Siêu hình học”, tiêu đề này được đặt tên là “Triết học đầu tiên”. Đây là phần tập hợp các bài giảng của ông viết trong giai đoạn giảng dạy cuối cùng ở Lyceum tại Athene, nội dung đề cập đến trái đất trong mối liên quan với các thiên thể, khí hậu, các điều kiện sinh tồn.
4. Các tác phẩm về chính trị và đạo đức học, trong đó bao gồm cả thi ca và tu từ học.
Mặc dù, nhiều tác phẩm của ông đã bị thất lạc nhưng căn cứ vào các tác phẩm còn lại, các nhà khoa học đều khẳng định Aristoteles đã có những đóng góp to lớn trong việc định nghĩa, phân loại tri thức của con người trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt trong phạm vi sinh học, có thể coi Aristoteles là người mở đường cho ngành khoa học này.
Đặc điểm nổi trội nhất trong toàn bộ công trình nghiên cứu sinh học của ông là khối lượng to lớn những nhận xét phong phú khi mô tả giới động vật. Trong khối lượng đó, các nhà khoa học của thế kỷ XX vẫn hứng thú vì tìm thấy những dữ kiện về đời sống động vật, những nguyên nhân tạo ra các hình thái sống, các chức năng chung của cơ thể.
Trong suốt quá trình nghiên cứu sinh học, Aristoteles đã phát hiện ra chu trình biến đổi của thiên nhiên: động vật luôn luôn là những cá thể không vĩnh cửu nên chúng cũng phải tuân theo một chu trình sống và chết, hình thái liên tục này giống như bản sao chép vòng quay của vật chất. Kết quả đó là hiện tượng đến để tồn tại rồi qua đi, liên tục và không ngưng nghỉ. Như vậy hình thành và hủy hoại là những bậc thang của mọi giống loài. Người sinh ra người và cây sồi lại tạo ra cây sồi. Quan niệm này có lẽ phần nào đã loại bỏ mọi quá trình tiến hóa của các loài.
Các nhà khoa học ngày nay cũng nhận thấy Aristoteles luôn nhấn mạnh đến tính liên tục giữa sinh học và vật lý học khi ông đề xuất luận thuyết về bốn yếu tố tự nhiên. Các yếu tố này đều có vị trí trong thiên nhiên: đất ở trung tâm vũ trụ (theo cách hiểu của thời đó), còn nước, không khí và lửa cũng như con người đều di chuyển bên ngoài. Các yếu tố đó là những thành phần cấu tạo nên vật thể, giản đơn hoặc phức tạp, chúng đều không vĩnh cửu nhưng có thể chuyển đổi từ cái này sang cái kia để tạo nên những hỗn hợp khác nhau. Chính hoạt động di chuyển đến gần hoặc lùi xa của mặt trời đã trở thành nguyên nhân tạo nên sự chuyển dạng không ngừng của các yếu tố đó. Điều này cũng giải thích lý do vì sao các yếu tố trên không hiện diện mãi ở đúng vị trí của chúng. Bên trong các yếu tố đó là vật chất nguyên thủy, nhưng chất này không tồn tại riêng biệt. Một số đặc tính cơ bản đối kháng cũng hiện diện ở ngay bên trong các yếu tố (như lạnh và khô ở đất, nóng và ẩm ở không khí) nhưng cũng không tách biệt. Nóng và lạnh là những đặc tính chủ động, còn khô và lỏng là thụ động. Hiệu quả của sức nóng là tạo dựng, đây cũng là nguyên lý của sự sống và quá trình phát triển, còn lạnh ở bên trong kết hợp với nóng ở bên ngoài sẽ gây hủy hoại thối rữa.
Như vậy, các yếu tố cơ bản và các dạng kết hợp đều thuộc lĩnh vực của những chất không sống, vốn chỉ hoạt động do những tác nhân bên ngoài. Rồi đến các hình thái sống, trước tiên là cây cỏ, với những thành phần cấu tạo khác biệt, có thể tác động tương hỗ lẫn nhau. Do đó, cây cỏ không phát triển và tái sinh do những nguyên nhân bên ngoài, mà tự thân chúng còn tăng trưởng và tái tạo. Các động vật cũng có những chức năng thực vật như thế, nhưng lại được thiên phú thêm những cơ quan cảm thụ, vì vậy chúng có khả năng nhận biết các sự vật trong môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh tồn của chúng cũng như né tránh những điều bất lợi và nguy hại đối với chúng. Các vật thể cấp cao đều được tạo dựng từ những vật thể cấp thấp và có lẽ hình thành từ đó qua một quá trình biến đổi tiệm tiến, mặc dù về mặt này, quan điểm của Aristoteles không thật rõ ràng.
Ở cấp cao nhất trong các hình thái sống trên mặt đất là con người, đây cũng là nội dung Aristoteles đã nghiên cứu và trình bày trong tác phẩm “Về động vật”. Với quan điểm tâm lý là một dạng biểu hiện của sinh thái nên Aristoteles khẳng định tâm lý học và sinh học là hai lĩnh vực không thể tách rời. Chính vì vậy, ông ghi nhận rằng mặc dù con người cũng là một vật thể nhưng là một vật thể hoàn toàn khác biệt trong thiên nhiên. Cũng như mọi hình thái tự nhiên khác, con người bao gồm chất liệu nền, cơ thể người, và một dạng tạo sinh lực cho chất liệu ấy: đó là linh hồn người. Nhưng khác với quan điểm của Plato mà xưa kia ông từng thụ giáo, Aristoteles không chấp nhận linh hồn là một thực thể tâm linh độc lập. Cả hai thành phần cấu tạo trên đều không được đơn thuần xếp đặt kề bên nhau mà là hai thực thể cơ bản tương hỗ, cái này tồn tại nhờ vào ưu thế của cái kia, trong một cá thể kết hợp hoàn chỉnh. Như thế, cơ thể người và linh hồn là hai động lực tự thân tạo nên một vật thể tự nhiên: cá thể người. Aristoteles cho rằng cá thể đó được cấu tạo từ ba phần
thống nhất. Trước tiên, đó là phần thực vật có vai trò giúp cá thể tự nuôi dưỡng để phát triển và để tái tạo giống loài. Rồi đến phần động vật giúp cá thể cảm thụ, ham muốn những thực thể đã gây cảm xúc di chuyển từ nơi này đến nơi kia như mọi động vật khác. Và cuối cùng là phần đặt con người vào vị trí cao nhất trong bậc thang các hình thái sống trong thiên nhiên: phần lý trí. Chính nhờ phần này mà con người có khả năng thực hiện được những chức năng tinh tế thật kỳ lạ để trở thành một sinh thái hoàn toàn khác biệt với mọi hình thái sống. Mỗi một phần thuộc ba phần trên nhất thiết phải phát triển đầy đủ các khả năng cần có để tự thân hoạt động. Do vậy, phần thực vật chịu trách nhiệm về các tạng và các chức năng nuôi dưỡng, tăng trưởng và tái tạo; phần động vật chịu trách nhiệm về các tạng và các chức năng cảm nhận di chuyển; còn phần lý trí chịu trách nhiệm về các khả năng phi vật chất như hoạt động tinh thần, chọn lựa có suy nghĩ và nghị lực thực hành. Thông qua hoạt động chức năng của linh hồn, các khía cạnh đạo đức và trí tuệ của con người đã được phát triển, và theo cách hiểu đó, linh hồn tạo cầu nối giữa cơ thể và đạo đức biểu hiện qua các hành vi và ứng xử.
Khi bàn về linh hồn cũng như về bốn hoạt động chức năng cơ thể - tăng trưởng, cảm thụ, di chuyển và suy nghĩ - Aristoteles luôn khẳng định sự khác biệt giữa người và các loài động vật cấp thấp. Các loài này có phản ứng với những cảm thụ, rồi những cảm thụ ảnh hưởng đến hoạt động trí não và có thể lưu trữ trong ký ức. Còn con người lại thể hiện sự khác biệt rõ rệt nhất: Con người có khả năng xét đoán dựa trên kinh nghiệm và hoạt động xét đoán này biểu hiện quá trình tác động mạnh của những cảm thụ trên lý trí để định hướng cho sự sống. Khi kết hợp linh hồn con người với vật thể con người, Aristoteles đã đóng góp ba điểm nổi trội về tâm lý học cho lịch sử khoa học. Ông đã loại bỏ rất nhiều điều thần bí liên quan đến linh hồn và các hoạt động tâm linh vốn đầy rẫy trong
khoa học Hy Lạp, đưa ra một phương pháp nghiên cứu cho mọi lĩnh vực khoa học và đặt nền tảng cho tư duy lôgíc qua việc thu thập các dữ kiện nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất đồng thời sáng tạo cách tiếp cận đối chiếu tâm linh - vật thể.
Aristoteles cho rằng nguồn gốc sâu thẳm mọi hoạt động ở các hình thái sống chính là sức nóng mà ông thường gọi là “nhiệt nội sinh” hoặc “thở hít”, đây cũng là “dụng cụ” của linh hồn tác động bằng cách đẩy và kéo những bộ phận khác nhau của cơ thể nhằm tạo hiệu quả phục vụ cho những ham muốn của linh hồn. Quan điểm này là nội dung chính của luận thuyết “khí hợp sinh” nổi tiếng của ông.
Có thể nói, Aristoteles là nhà khoa học đầu tiên đã phân loại động vật thành hai hệ thống lớn: hệ có máu (nghĩa là máu đỏ) và hệ không máu, đây là cách xếp loại dựa trên nội dung “nhiệt” và là đặc điểm đầu tiên của cách phân loại động vật. Cách phân loại này tương tự như kiểu xếp loại thành hai hệ động vật: có xương sống và không xương sống, tuy cách đó không hoàn toàn phù hợp vì một vài động vật không xương sống cũng có máu đỏ. Trong hệ động vật có máu, Aristoteles đã ghi: con người, các động vật bốn chân đẻ con và đẻ trứng, rắn, lưỡng cư, chim và cá. Còn hệ động vật không máu gồm: giáp xác (tôm cua), chân đầu (thân mềm), côn trùng và vỏ cứng. Nhóm cuối là dạng trung gian giữa động vật và thực vật.
Một đặc điểm trong cách phân loại động vật của Aristoteles là dựa vào phương thức tái tạo: giống đực cung cấp hình thái (nghĩa là linh hồn) còn giống cái cung cấp vật liệu (nghĩa là các bộ phận cơ thể, nơi tiếp nhận sự sống từ linh hồn). Cách phân loại này cũng liên quan đến nhiệt: các thế hệ sau, các con, cháu sẽ có những đặc điểm giống cha, ông nhiều hơn khi những thế hệ trước chứa đựng nhiều “nhiệt sinh lực” nhất. Xếp hàng đầu trong hệ phân loại này là các động vật đẻ con (như người). Tiếp sau đó là
những động vật (như chim) đẻ ra trứng hoàn chỉnh (nghĩa là trứng không tăng kích thước sau lúc lọt lòng). Rồi đến động vật đẻ trứng lẫn con (như cá Selachii, loại cá có sụn như cá mập, cá tia vây, cá đuối...), nghĩa là hình thành trứng không hoàn chỉnh (gồm cá, thân mềm và thân giáp) rồi đến động vật đẻ ấu trùng (gồm côn trùng) và cuối cùng là những hình thái được sản sinh qua nẩy chồi và tự tạo sinh trong đám vật chất thối rữa và bùn nhớt sủi bọt.
Khi nghiên cứu quá trình tái tạo các loài, Aristoteles không chỉ quan tâm đến giới và tính di truyền, mà ông còn chú ý cả đến những yếu tố môi trường, quá trình đấu tranh để tồn tại, do vậy ông đã phân tích các chức năng khác nhau và cách phản ứng của từng tạng và bộ phận cơ thể. Ông luôn chú ý đến mục đích cuối cùng của sự sống cũng như của mọi hoạt động tái tạo và sinh tồn. Theo Aristoteles, đây cũng là trách nhiệm của nhà sinh học trong quá trình nghiên cứu sự sống hữu cơ. Trong cách phân loại dựa trên phương thức tái tạo, mặc dù nhận thấy có những điểm chồng chéo nhau giữa các giống loài nhưng Aristoteles vẫn chưa tìm được cách sắp xếp hợp lý hơn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm của Aristoteles bàn về sinh học, các nhà khoa học hiện nay vẫn phải thừa nhận, cách phân loại các hình thái sống như vậy đã đặt nền tảng cho những “bậc thang thiên nhiên”, giống như một kiểu mẫu quy ước cho các nhà động vật học suốt nhiều thế kỷ về sau.
Aristoteles là một nhà bác học nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ là nhà triết học, đại diện cho trường phái duy vật mà ông còn là người đặt cơ sở cho nhiều môn khoa học, trong đó có sinh học. Nhận xét về ông, nhà nghiên cứu tự nhiên Charles Darwin đã viết: “... Linnaeus và Cuvier đều là thần tượng của tôi, theo những cách hiểu khác nhau, nhưng cả hai người đó đều chỉ là những học trò nhỏ nếu so sánh với người thầy vĩ đại Aristoteles”.
LỜI THỀ HIPPOCRATE
H
ippocrate sinh ở đảo Cos vùng biển Kgée, Hy Lạp năm 460 trước Công nguyên. Ở phương Tây, ông được suy tôn là tổ sư của y học. Truyền thuyết cho rằng Hippocrate là con một người làm thầy lang được cha truyền cho những kiến thức y học. Sau khi học hết chương trình, ông tiếp tục học ở Athènes và đi du học nhiều nơi: đến Thrace, Thessalie, Macedonia...
Hippocrate sống và hành nghề nhiều nằm trên đảo Cos. Trường phái y học do ông sáng lập gọi là “trường phái Cos”. Tương truyền, Hippocrate thường ngồi dưới cây phong lớn để giảng bài cho các môn đồ.
Ngay từ thời ấy, Hippocrate đã đưa ra nhiều quan điểm mới và tiến bộ; ông đã tách rời tôn giáo với y học, xây dựng y học trên cơ sở vật chất, dựa vào quan sát lâm sàng cụ thể tỉ mỉ và căn cứ vào các dấu hiệu triệu chứng của bệnh để chữa trị. Ông luôn nhấn mạnh bệnh tật là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể, không phải do ma lực huyền bí gì gây nên như các thầy phù thủy, lang băm tuyên truyền.
Có thể nói, Hippocrate đã mở ra một kỷ nguyên mới cho y học, kỷ nguyên các thầy thuốc lâm sàng, quan sát theo dõi bệnh tật như một hiện tượng thiên nhiên.
Hippocrate đã nêu lên một số nguyên tắc chữa bệnh cơ bản: chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, tránh những gì cản trở khả năng tự điều chỉnh, tự chữa đem lại sức khỏe tự nhiên của cơ thể. Ông hết sức chú ý đến các biện pháp làm cho cơ thể mạnh khỏe hơn là chỉ chăm
chú dùng nhiều vị thuốc đơn thuốc, ví như chú ý tới cách sinh hoạt ăn uống, ngủ - thức, tắm ngâm mình ở các suối khoáng... chỉ dùng phép tẩy, lợi tiểu khi thật cần thiết. Khi bệnh nhân ở thời kỳ đang hồi phục, ông khuyên nên thay đổi không khí môi trường và tính toán số lượng chất lượng thức ăn cần thiết đúng mức, bởi thế người ta gọi cách chữa bệnh của ông là y học tự nhiên.
Hệ thống y học nổi tiếng của ông dựa trên sự thay đổi các khí chất với quan niệm cơ thể con người gồm có 4 thể dịch cơ bản quyết định sức khỏe và bệnh tật là mật vàng, mắt đen, máu và đờm (niêm dịch) và bởi sự nung nấu nhờ nhiệt tự nhiên mà làm biến đổi khí chất loại này sang loại khác. Hippocrate nêu cao nguyên tắc “không chỉ điều trị bệnh mà phải điều trị người bệnh”.
Trường phái Cos của Hippocrate khá nổi tiếng trong điều trị một số lĩnh vực ngoại khoa như điều trị gãy xương, sai khớp... Hippocrate đã chỉ trích trường phái Cnide, xuất hiện trước đó, thiên về chủ nghĩa duy lý, đã quá phân cắt nhỏ các bệnh,... coi thường kinh nghiệm và quan sát. Tuy nhiên, hạn chế của y học Hippocrate là chưa nắm được hệ tuần hoàn máu, tưởng các động mạch chứa đầy khí, chưa biết chức năng của hệ thần kinh.
Ngày nay, nói đến Hippocrate trước tiên là phải nói đến đạo đức y học, đến lời thề Hippocrate nổi danh mà các thầy thuốc trước đây tuyên đọc khi ra trường. Đại ý lời thề đó là: “Tôi xin thề trước Apollon - Thần chữa bệnh, trước Esculape - Thần y học, trước Thần Hygie và Panaceé và trước sự chứng giám của tất cả nam, nữ Thiên thần, sẽ đem hết sức lực và khả năng làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
1 - Tôi sẽ coi thầy học của tôi ngang hàng với cha, mẹ, sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, coi con thầy như em ruột mình, hết sức truyền
nghề cho họ không giấu nghề, không lấy tiền công như cho con tôi và các môn đệ...
2 - Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh... sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
3 - Sẽ không trao thuốc độc cho bất cứ ai, dù họ yêu cầu cũng không gợi ý cho họ. Sẽ không trao cho bất cứ phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai...
4 - Sẽ suốt đời hành nghề trong vô tư và thân thiết...
5 - Sẽ không làm phẫu thuật có thể gây biến chứng vô sinh, mà để những công việc đó cho người chuyên khoa.
6 - Vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý, đồi bại, nhất là tránh cám dỗ phụ nữ, thiếu niên tự do hay nô lệ.
7 - Dù nhìn hoặc nghe thấy gì trong và cả ngoài lúc hành nghề, tôi sẽ giữ im lặng trước những điều không cần để lộ ra, coi sự giữ kín đó như một nghĩa vụ...
Hippocrate là người có đạo đức, nhân cách cao quý, ông từ chối những quà tặng lớn lao. Thời ấy lưu truyền một câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Hippocrate nói phải” còn Galien thì nói: “không” để nói lên sự đối lập giữa hai trường phái của hai danh y. Đó là câu châm biếm nói chung về sự đối lập của các ý kiến trong y học.
Có thể nói y học Hippocrate là nền y học cổ truyền có tính tổng hợp và biện chứng. Nó quan niệm: “Con người như một tiểu vũ trụ nhỏ nằm trong vũ trụ lớn, một thể thống nhất giữa tinh thần và thể chất, có sức chống bệnh tự nhiên và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài. Y học Hippocrate còn có những quan điểm có giá trị, ảnh hưởng lớn đến
ngày nay khi đưa ra cách chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên, bằng cách sửa chữa những sai lầm trong sinh hóa vật chất, cho rằng đời sống tinh thần là biện pháp tốt nhất, căn bản nhất giúp chữa bệnh và phòng bệnh…
NGƯỜI CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Y HỌC PHƯƠNG TÂY C
laudius Galen, sinh khoảng năm 130 tại thành phố Pergamum của Hy Lạp. Cha ông là Nicon, một kiến trúc sư uyên thâm giàu có. Năm 15 tuổi, Galen bắt đầu học logic học và triết học tại thành phố nơi ông sinh ra. Tương truyền, cha ông mơ thấy một giấc mơ lạ kỳ, trong giấc mơ đó, ông thấy Galen trở thành một thầy thuốc đại tài. Từ đó, Nicon hướng Galen theo con đường đó vì ông nghĩ trở thành một thầy thuốc đối với Galen xem như đã được định trước.
Sau khi cha mất, Galen quyết định rời Pergamum để du học. Ông tới Smyrne ở Corinthe và Alexandrie. Sau đó ông tới Cilicie, Phénicie, Palestine, Scyros, các đảo Crête và Chypre. Trong thời gian này, ông đã học hỏi kinh nghiệm của các thầy thuốc nổi tiếng nhất vùng Địa Trung Hải. Năm 29 tuổi, Galen trở về Pergamum, làm thầy thuốc cho trường dạy các võ sĩ giác đấu. Tại đây ông đã hoàn thiện kiến thức về giải phẫu và tìm cách điều trị những tổn thương thần kinh.
Nhận thấy cần phải nghiên cứu sâu thêm, Galen quyết định đến Rome, nơi có nhiều triển vọng. Tại đây ông nổi danh nhờ biệt tài chẩn đoán bệnh. Có chuyện kể, một người đàn bà La Mã đến khám bệnh, ông biết ngay bà ta chẳng có bệnh nào trừ bệnh si tình một anh chàng hát rong. Người thời đó ca tụng sự hiểu biết về cơ thể học của ông. Ông có cách giải độc cho bệnh nhân mà những thầy thuốc đồng thời không biết đến. Ông chữa trị cho vợ của Flavius Boethus, một nhân vật rất có quyền uy trong chính quyền La Mã, trở thành bạn của Boethus và được Boethus bảo trợ.
Galen sau trở thành bác sĩ riêng cho các hoàng đế La Mã, ông là tác giả của hơn 400 công trình khoa học (hiện nay mới tìm được hơn 100 tác phẩm, viết bằng tiếng Syria hay Arab). Trong các tác phẩm của ông, có các nghiên cứu về dịch bệnh, chẩn đoán và dùng thuốc. Những công trình của Galen giống như thuyết minh về các đề tài mà Hippocrates từng nghiên cứu vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên.
Galen trình bày đạo đức của người thầy thuốc, với yếu tố tiên quyết là cứu người bệnh tích cực nhất, không để tiền bạc chi phối tri thức của một lương y. Điều lệ này sau trở thành lời thề trước Hippocrates. Khi chữa trị bệnh, ông theo truyền thống Hippocrates, nhưng về cơ thể học hay sinh lý học thì ông nghiêng về cách chữa của Aristoteles.
Ngoài sinh lý học là đề tài ông ham thích nhất, ông còn khảo cứu về lĩnh vực vệ sinh và dược phẩm (những cây thuốc). Nhưng căn bản của y học đối với ông vẫn là cơ thể học. Ông làm phẫu thuật trên động vật (thường là khỉ) vì giải phẫu và khám nghiệm người chết lúc bấy giờ bị cấm. Chính vì vậy mà có những kết luận về cơ thể học của ông bị sai. Tuy nhiên, Galen lại có những nghiên cứu quan trọng về cơ bắp và hệ thống thần kinh. Ông miêu tả rất chính xác hành trình của luồng thần kinh từ não bộ và nghiên cứu ảnh hưởng của sợi thần kinh trên cử động bắp thịt. Ông còn tả sự khác biệt giữa máu của động mạch và tĩnh mạch nhưng ông nhầm lẫn về chức năng của gan và tim, cho rằng gan là trung tâm của tuần hoàn.
Sơ đồ sinh lý học của ông dựa trên học thuyết 4 yếu tố (nước, khí, đất, lửa) kết hợp với 4 tính chất vật lý (nóng, lạnh, ẩm, khô) ảnh hưởng trên 4 thể dịch (máu, mật, nước dãi, mật đen) gây cho con người sự trầm uất. Galen phát triển học thuyết Hippocrate và bổ sung thêm 4 tính khí con người nhiệt tình, lạnh lùng, buồn bã, nóng giận.
Dựa trên căn bản học thuyết của Aristote, Galen quy các hiện tượng sinh lý cho các thế lực huyền bí tác động dưới ảnh hưởng của cái gọi là pneuma. Có 3 dạng pneuma được tạo thành trong tim, trong động mạch và các pneuma tự nhiên do bản năng, được tạo thành trong não bộ. Sơ đồ sinh lý này là căn bản cho tất cả nền y học thời Trung cổ.
Tuy nhiên, Galen không khiêm nhường như Hippocrate. Dù có tài năng, thông thái và thành công, song ông vẫn say mê phô trương bản thân nên những thầy thuốc đương thời ganh tị và oán hận ông. Họ cho ông là “thầy thuốc huênh hoang”, “kẻ nói những nghịch biện”.
Trước sự đối nghịch ngày càng tăng, Galen quyết định rời khỏi Rome năm 167. Sự ra đi của ông trùng hợp với thời điểm bệnh dịch hạch bùng phát là cơ hội cho những kẻ gièm pha kết tội ông hèn nhát. Song, Galen bất chấp mọi dị nghị, vẫn đi du lịch một thời gian trước khi trở về Rome. Lúc này, Marc Aurèle mời ông về chăm sóc sức khỏe cho hai con trai ông ta. Từ đó, Galen trở lại dạy học và viết các tác phẩm cho đến ngày mất, có lẽ là năm 201 tại Rome hay Sicile.
Tác phẩm của Galen đặc biệt phong phú, gồm khoảng 500 bài tiểu luận về y khoa, triết lý và đạo đức trong đó nhiều bài bị thiêu hủy vì đền Hòa Bình bị cháy năm 192. Nhưng có những bài còn lưu lại đến nay nhờ các bản dịch về y khoa do các nhà trí thức Arập thời Trung cổ dịch.
Ảnh hưởng của các bài viết của Galen rất lớn, từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ XV, chúng được dùng làm tài liệu tham khảo về y khoa và chỉ bị bài bác rất muộn sau này một cách dè dặt vì ảnh hưởng quá lớn của nó đối với nhà thờ cho đến thời Phục Hưng. Bản thân Galen tin rằng có sự hiện hữu của Chúa, duy nhất, sáng tạo ra cơ thể con người và vì điều này, ông được nhà thờ chấp nhận nên cả một thời gian dài không ai dám chống lại Galen vì chống Galen tức là chống lại nhà thờ.
Có thể nói, Galen là thầy thuốc, nhà triết học, đồng thời là nhà nghiên cứu y học tài ba nhất thời La Mã. Các học thuyết của ông đã chi phối và ảnh hưởng đến y học phương Tây hơn một thiên niên kỷ.
Giải thích của Galen về y học giải phẫu thực hiện trên khỉ do việc giải phẫu người không được phép thực hiện thời đó, không được chú ý nhiều cho đến khi những bản in miêu tả và minh họa về giải phẫu người do Andreas Vesalius xuất bản năm 1543.
Giải thích của Galen về các hoạt động của tim, động mạch và tĩnh mạch chiếm ưu thế một thời gian dài cho đến khi William Harvey đưa ra kết luận năm 1628 rằng máu tuần hoàn trong cơ thể với tim hoạt động như một máy bơm.
Trong thế kỷ XIX, các sinh viên y học vẫn tìm hiểu về Galen để học tập một số quan điểm của ông. Galen đã thực hiện một số thí nghiệm thắt dây thần kinh để lý giải cho học thuyết rằng não điều khiển mọi chuyển động của cơ liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên và sọ. Galen đã viết một công trình mang tên Thầy thuốc giỏi cũng là một nhà triết học. Cuốn sách cũng thể hiện chính ông là một thầy thuốc, một nhà nghiên cứu, thực hành y học dựa trên những lý thuyết và hiểu biết về triết học.
Galen rất thích tranh luận về y học giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm, ông sử dụng kinh nghiệm của mình từ việc quan sát, giải phẫu để dạy về y học và thực hành y học.
ÔNG TỔ GIẢI PHẪU HỌC
A
ndreas Vesalius sinh ngày 31 tháng 12 năm 1514 ở Bruxelles (Bỉ). Từ bên trong bức tường thành phố Bruxelles, ngôi nhà ông ở có thể nhìn thấy quả đồi nơi các kẻ tử tù bị tra tấn và hành quyết. Hồi còn bé, ông từng nhìn thấy những thi thể bị bỏ lại trên đồi cho diều hâu rỉa thịt.
Cha của ông làm thái y cho vua Charles V và gia đình ông nổi tiếng về nghề thuốc. Thuở nhỏ chịu ảnh hưởng của cha, Vesalius rất thích nghiên cứu tự nhiên, nhất là nghiên cứu động vật nhỏ. Ông thường theo cha học cách phẫu thuật chó, thỏ, chim, chuột... nên đã học được nhiều tri thức và kỹ năng thuộc lĩnh vực giải phẫu. Ông học ở Hà Lan theo truyền thống nghiêm khắc của trường phái Galen. Ông luôn luôn giữ cho mình một tình cảm tôn kính sâu sắc với Galen.
Ông đậu trung học ở Đại học Louvain năm 1530, rồi đi học ở Đại học Paris. Ở đây ông thụ giáo với giáo sư Sylvius, người theo học thuyết của Galen. Khi chiến tranh giữa Pháp và đế quốc Rôma bùng nổ, Vesalius vì là dân của nước thù địch, nên bị trục xuất khỏi Paris. Trở về Louvain, ông đậu bằng cử nhân y khoa năm 1537, rồi đến Padua, là trường y khoa nổi tiếng nhất châu Âu. Tại đây ông dự khóa thi hai ngày và đậu bằng tiến sĩ y khoa hạng giỏi.
Vào thời đó tôn giáo thần học còn chiếm địa vị tuyệt đối. Giáo hội thời kỳ này cấm giải phẫu thi thể người, cho rằng giải phẫu thi thể người là mạo phạm thần linh, là đại nghịch, vô đạo. Quan niệm này gây trở ngại nghiêm trọng tới sự phát triển của khoa học. Vì lệnh cấm này, Vesalius dù
rất muốn nghiên cứu cơ thể người nhưng phải giấu giếm việc giải phẫu thi thể, tìm trăm phương ngàn kế trốn tránh sự chú ý của giáo hội.
Lòng mong mỏi cầu học mãnh liệt, cộng với sự hiếu kỳ, khiến ông quên nỗi lo sợ nguy hiểm tới tính mạng, nhiều lần nấp trốn cảnh vệ, trong những đêm trời tối đen như mực, mò tới các bãi hành hình, bãi tha ma, vượt qua hàng đàn chó đói, lấy trộm thi thể, mang về nhà tiến hành giải phẫu suốt đêm. Cứ như thế Vesalius đã lấy trộm không biết bao nhiêu thi thể và thức trắng bao nhiêu đêm để bí mật giải phẫu. Do đó, ông đã nắm vững chính xác rất nhiều tri thức giải phẫu cơ thể người không hề ghi trong sách vở đến mức nhắm mắt ông cũng có thể rất nhanh nhận ra loại xương nào mà người ta đặt vào bàn tay ông. Cấu tạo các bộ phận nội tạng, bắp thịt, thần kinh, huyết quản, ông cũng rất quen thuộc.
Sau một thời gian nghiên cứu, Vesalius bắt đầu có ý thức phê phán lý luận của Galen. Thời đó, ở các viện y học, người ta dạy giải phẫu học về chó, về lợn, mà không phải là dạy giải phẫu học về người. Ai cũng biết đối tượng nghiên cứu y học là người; còn thú y mới nghiên cứu chó, lợn... nhưng vào thời đó, một số người vẫn quan niệm sai lầm rằng cấu tạo của người, chó và lợn là không sai khác bao nhiêu. Vì thế, ở viện y học rất hiếm khi sinh viên được giải phẫu thi thể; khi giải phẫu các giáo sư thường không cho sinh viên nhìn rõ. Nếu phát hiện chỗ nào không giống với lý luận mà Galen đã viết thì họ cố ý lập lờ, không dám nói rõ, sợ nói ngược với quan điểm truyền thống.
Trong khi đó, Vesalius không quá chú trọng tới quyền uy và sách vở, ông chỉ xem trọng thực tiễn. Vì thế, năm 28 tuổi, ông đã cho xuất bản cuốn sách “Bàn về cấu tạo cơ thể người”. Trong cuốn sách này, ông chỉ ra những sai lầm trong sách của Galen. Khi đó, trên giảng đường đại học, ông thường vừa giảng, vừa giải phẫu thi thể người khi giảng về cấu tạo
cơ thể người, làm sinh viên nhận ra đâu là thật đâu là giả. Do đó các buổi lên lớp của ông thường có tới 400 - 500 người tham dự, ngồi chật cả giảng đường.
Năm 23 tuổi, là giáo sư và trưởng khoa giải phẫu học, ông đã đem đến cho khoa giải phẫu một ý nghĩa mới. Vì ông không còn coi nhiệm vụ chính là giảng các sách giáo khoa của Galen nữa nên khi dạy môn giải phẫu, ông đã thay đổi phương pháp mà các giáo sư khác vẫn dùng. Không giống các giáo sư trước đó, ông không đứng cao trên bục giảng để chứng kiến một nhà phẫu thuật với bàn tay vấy máu đang moi những bộ phận ra khỏi thi thể. Ngược lại, chính Vesalius tự tay mổ xẻ thi thể và lấy các cơ quan ra. Để giúp các sinh viên, ông chuẩn bị một số trợ giúp giảng dạy gồm bốn bức vẽ giải phẫu lớn, khá chi tiết để cho sinh viên thấy cấu trúc của thân thể khi không có sẵn thi thể trước mắt. Mỗi bộ phận được dán nhãn tên kỹ thuật riêng. Thêm vào đó là một bộ từ vựng liệt kê tên của các bộ phận bằng tiếng Hi Lạp, Latinh, Ảrập và Hípri.
Chỉ nguyên việc sử dụng các minh họa cũng đã là điều mới mẻ vào thời ấy rồi. Vào thế kỷ XVI, những sách giáo khoa của Galen tuy đã được hiệu đính và biên tập kỹ lưỡng, nhưng vẫn không có hình vẽ. Một số giáo sư giải phẫu hàng đầu thậm chí còn cấm sinh viên sử dụng các hình vẽ, vì họ cho rằng đó không phải những tài liệu chính truyền của Galen. Vì thế bản giải phẫu của Vesalius là cố gắng đầu tiên để tạo cho những bài giảng dưới một hình thức cụ thể. Trong nhiều thế kỷ, cả trong những trường y khoa danh tiếng nhất châu Âu mà có môn giải phẫu, thì cơ hội được nhìn thấy các cơ quan bên trong cơ thể con người vẫn rất hiếm hoi do đó bản Giải phẫu của Vesalius là bước nhảy vọt từ giải phẫu động vật sang giải phẫu người. Những bảng giải phẫu này cho thấy một “mạng lưới kỳ diệu”, ở hạ não của con người.
Vesalius đã lợi dụng mọi cơ hội, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, để có thể thu thập những mẫu cơ thể người giúp cho việc giải phẫu. Bằng nhiều cách, ông đã có được một bộ xương người ở Louvain. Về sau, ông làm quen với một thẩm phán ở tòa đại hình quan tâm tới công trình nghiên cứu của ông, vị thẩm phán này đã cho phép ông sử dụng xác của những tử tội bị hành quyết. Không những thế, ông ta còn có thể hoãn giờ hành quyết để Vesalius sẵn sàng khi hành quyết xong là có ngay xác để mổ lúc còn tươi.
Trong khi giảng giải theo sách giáo khoa của Galen, Vesalius đã nhận thấy quá nhiều chỗ Galen mô tả về cơ thể người nhưng thực ra là cơ thể động vật. Ông dễ dàng đi đến kết luận là khoa giải phẫu “người” của Galen thực ra chỉ là một tổng hợp các phát biểu của Galen về động vật nói chung. Vesalius viết vào năm 1539: “Tôi nghiêm túc suy nghĩ tới khả năng việc phẫu thuật có thể được dùng để kiểm chứng lý thuyết”. Thế là ông quyết định soạn một bộ sách giải phẫu mới hoàn toàn dựa trên những quan sát của ông về cơ thể người.
Những nghiên cứu giải phẫu học của ông đạt tới đỉnh điểm trong cuốn sách đã mang lại danh tiếng cho ông trên khắp châu Âu. Đó là cuốn “Cấu trúc cơ thể người” thường được gọi tắt là Fabrica, một cuốn sách in khổ lớn rất đẹp dày 663 trang, xuất bản tháng 8 năm 1543, cùng năm với cuốn “De Revolutionibus” của Copernic.
Vì việc làm này, Vesalius bị thế lực giáo hội công kích kịch liệt. Giáo hội dứt khoát không dung tha ông, xem ông là kẻ báng bổ thần thánh, thậm chí cả thầy giáo của Vesalius cũng phản đối ông. Theo Thánh kinh, Thượng đế sáng tạo ra trời, đất, ngày và đêm, mặt trăng, mặt trời và các vì sao,và sáng tạo ra động vật, thực vật. Cuối cùng Thượng đế dùng đất bùn tạo ra con người, đầu tiên tạo ra một người nam là Adam, sau đó từ
chiếc xương sườn của Adam tạo ra một người nữ là Eva để làm vợ Adam, và con cháu họ... ra đời, thành loài người. Theo cách thuyết giáo như vậy thì xương của nam giới phải kém nữ giới một xương. Còn theo thực tiễn giải phẫu của Vesalius, sự thực đã chứng minh, số xương của nam và nữ là như nhau, đều là 26 chiếc. Sự thực hùng hồn này đã giáng một đòn chí mạng vào Thánh kinh của tôn giáo.
Sau khi xuất bản cuốn sách đó, Vesalius lâm vào tình cảnh bất hạnh. Vesalius vốn trông đợi sự đồng tình ủng hộ của giới y học đương thời, nhưng sự thật đã ngược lại với mong muốn đó. Nhiều bác sĩ phản đối ông kịch liệt, ủng hộ uy quyền của Galen dựng lên từ thời cổ đại. Thầy giáo của ông gọi ông là kẻ dị giáo, loạn thần kinh và thể hiện sự căm phẫn với ông đến cùng. Sự công kích từ mọi phía gây khó khăn cho ông càng lúc càng nghiêm trọng, khiến ông tuyệt vọng, phẫn chí tới mức hủy hết những tư liệu nghiên cứu đã bỏ ra bao tâm huyết tích lũy nhiều năm, và rời bỏ chức vị giáo sư đại học. Từ đấy, ông trở nên trầm tư, khổ não, không quan tâm gì đến sự nghiệp nữa...
Cho dù tình cảnh của ông đã bi đát như thế, nhưng những kẻ phản đối ông trong giới khoa học và tôn giáo quyền uy vẫn không chịu buông tha ông. Ông bị thu thập tài liệu, luận tội trạng, và năm 1563 bị lôi ra tòa án tôn giáo kết án ông tử hình.
Tuy nhiên thực tế sau này cho thấy, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, giải phẫu học của Vesalius đã chiếm ưu thế tại các trường y khoa ở châu Âu. Việc nghiên cứu giải phẫu học ở phương Tây sẽ không bao giờ còn như cũ nữa. Những gì ông nói về quả tim hay bộ não không quan trọng bằng con đường mà ông đã mở ra cho các sinh viên tương lai để họ nghiên cứu về mọi cơ quan của cơ thể con người. Phê bình Galen thôi không đủ. Cần phải có sự say mê mới trong việc thực hành giải phẫu so sánh thật nhiều.
Không có cách nào khác để người thầy thuốc có thể chắc chắn mình không mô tả những điều bất bình thường.
Do những công lao đóng góp của Vesalius đối với y học, ông được người đời sau tôn vinh là ông tổ giải phẫu học.
ÔNG TỔ DI TRUYỀN HỌC
G
regor Mendel (Johann Mendel) sinh ngày 20 tháng 7 năm 1822 trong một gia đình nói tiếng Đức ở Hynčice thuộc Đế quốc Áo (nay là Cộng hòa Séc). Ông là con trai của Anton và Rosine Mendel. Họ sinh sống và làm việc trong một nông trại vốn đã được gia tộc Mendel sở hữu suốt 130 năm. Xuất thân trong một gia đình nông dân, Mendel làm việc như một thợ làm vườn, nghiên cứu về cách nuôi ong. Thuở bé, ông tỏ ra rất thông minh do đó một giáo sĩ cùng quê đã để mắt đến ông và cho phép ông được đi học tiếp. Tuy nhiên, ngoài việc học Mendel phải làm việc để kiếm sống vì số tiền cha mẹ cung cấp cho không được bao nhiêu. Nhờ sự tiến cử của giáo viên dạy vật lý - Friedrich Franz, ông được nhận vào học tại một tu viện ở Brno năm 1843. Với sự hỗ trợ của cha cố Napp, năm 1851 ông được gửi tới Đại học Tổng hợp Viên để nghiên cứu, ở đây ông nghiên cứu về toán học và khoa học. Năm 1853, Mendel hoàn tất việc học tại Viên, và quay về tu viện.
Trong tu viện, Mendel vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Suốt 7 năm từ 1856 đến 1863 ông đã tiến hành các thí nghiệm lai trên đậu Hà Lan trong một mảnh vườn nhỏ của tu viện. Với quá trình quan sát khoảng 37 ngàn cây đậu và 300 ngàn hạt đậu, Mendel đã chứng minh sự di truyền do các nhân tố di truyền. Ông phát hiện thấy cây đậu bố mẹ có thể truyền lại cho con cái những nhân tố di truyền riêng rẽ và nhấn mạnh rằng các nhân tố di truyền (ngày nay gọi là gene) duy trì được các tính chất cá biệt của chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thực nghiệm của ông vừa mang tính chất thực nghiệm vừa mang tính chính xác toán học. Ông đã sử
dụng 7 cặp tính trạng khi tiến hành lai tạo: Hoa tía - Hoa trắng, Hoa mọc nách - Hoa mọc ngọn, Hạt vàng - Hạt xanh, Hạt trơn - Hạt nhăn, Quả trơn - Quả nhăn, Quả xanh - Quả vàng, Cây cao - Cây thấp. Các thí nghiệm của ông hết sức phong phú và chính xác.
Mendel đã quan sát và lựa chọn những cặp tính trạng chất lượng của đậu Hà Lan có sự tương phản rõ ràng, dễ quan sát cho các phép lai đơn tính. Trong các thí nghiệm ông đã sử dụng các vật liệu thuần chủng (biết rõ nguồn gốc và qua các đời tự thụ phấn); theo dõi riêng từng cặp tính trạng qua nhiều thế hệ; đánh giá khách quan các kết quả quan sát; sử dụng cách biểu thị kết quả đơn giản, dễ hiểu. Các khái niệm về tính trội - lặn đã được ông đưa ra và trình bày trước Hội các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên vào năm 1865 tại Brno nhưng các kết quả thực nghiệm của ông không được ai chú ý. Một năm sau các kết quả nghiên cứu này được công bố trên tập san của Hiệp hội và gửi cho các cơ quan khoa học trên thế giới nhưng các nhà khoa học lúc bấy giờ chưa sẵn sàng để công nhận điều quan trọng của những kết quả mà Mendel đã tìm ra.
Có thể nói, trong vô vàn hiện tượng phức tạp của sinh vật, Mendel đã tách ra được các tính trạng riêng rẽ và cho thấy chúng do các nhân tố bên trong chi phối (sau này các nhân tố đó được xác định là các gene). Một điều kỳ lạ trong các phát minh của Mendel là lúc đó chưa có khái niệm nhiễm sắc thể, liên kết gene nhưng có lẽ với tư duy, suy luận chính xác của một nhà toán học, nhà vật lý học, ông đã lựa chọn được 7 cặp tính trạng, sau này các gene xác định các tính trạng đó được xác định chỉ nằm trên 4 cặp nhiễm sắc thể trong đó một số gene chỉ thuộc hai nhóm liên kết nhưng chúng nằm cách xa đến nỗi các kết quả thu được hầu như không có biểu hiện về ảnh hưởng của liên kết gene.
Dù không được giới khoa học biết đến, Mendel vẫn miệt mài vừa dạy học, vừa truyền đạo và vừa tiếp tục làm thực nghiệm trong vườn của tu viện. Năm 1868 ông được phong chức Tổng Giám mục. Ngoài ra, ông còn là người sáng lập ra Hội nghiên cứu Thiên nhiên và Hội Khí tượng học của thành phố Brno. Năm 57 tuổi ông được cử làm Giám đốc Tu viện. Ngày 6-1-1884 ông qua đời sau một tai biến do viêm thận.
Mãi 6 năm sau ngày ông qua đời các nghiên cứu quý giá của ông mới được nhân loại biết tới thông qua các nghiên cứu độc lập nhưng cùng một lúc (1900) của 3 nhà khoa học ở 3 quốc gia khác nhau: H. M. de Vries (Hà Lan), E. K. Corens (Đức) và E. V. Tschermak (Tiệp Khắc cũ). Nhờ ba nhà khoa học công nhận công trình của thầy tu Mendel nên thuyết Mendel mới ra đời được. Và năm 1900 được coi là năm ra đời của Di truyền học.
Có thể nói, Mendel là một nhà khoa học đã chỉ ra đặc tính di truyền tuân theo những quy luật nhất định, ngày nay gọi là Định luật Mendel. Nội dung định luật của ông rất đơn giản, tuy nhiên, khi ông còn sống, ý nghĩa và tầm quan trọng trong các công trình nghiên cứu của ông không được công nhận, người ta cũng không quan tâm đến các nghiên cứu của ông. Đến tận đến thế kỷ XX, các kết luận của ông mới được công nhận, khi đó ông được tôn vinh như một nhà khoa học thiên tài, một danh hiệu ông xứng đáng được nhận từ lúc sinh thời và Mendel được tôn vinh là cha đẻ của ngành này.
NGƯỜI TẠO RA MEN POLIMERAZA T
ương truyền, thuở bé, Mullis là một đứa trẻ lười biếng, suốt ngày chỉ thích loay hoay bên những chiếc máy giặt, tủ lạnh, ti vi hỏng. Nhưng Mullis đã sớm tỏ ra là một người rất thông minh và ham mê tìm hiểu, khám phá. Suốt ngày ngồi bên đống đồ cũ nát, cậu loay hoay tháo ra rồi lại lắp vào những thứ đó để tự tìm ra nguyên tắc làm việc của chúng.
Mullis là con người toàn năng trong mọi lĩnh vực, chẳng có một ranh giới cho ngành chuyên môn hẹp nào mà ông không vượt qua. Đang làm nghiên cứu về sinh hóa học, ông công bố bài báo “Ý nghĩa vũ trụ của thời gian ngược” gây chấn động cả giới khoa học. Tiến sĩ sinh hóa Mullis tạo cho mọi người một hình ảnh rất trái nghịch, không hề giống phong cách điển hình của một nhà khoa học đoạt giải Nobel. Mullis thường lang thang trên phố với chiếc quần bò rách cắt cụt đến đầu gối. Ông dành phần lớn thời gian cho việc viết văn, leo núi và lướt ván trên sông. Nhìn ông, không ai nghĩ ông là một nhà khoa học đích thực. Ông gợi nên cho người khác cái nhìn về một tay ăn chơi và bất cần đời. Mullis thường ngủ triền miên mỗi khi ông muốn và thức triền miên trong phòng thí nghiệm mỗi khi nghĩ ra một ý tưởng nào đó.
Phát minh của nhà bác học dị thường này rất nhiều và đa dạng. Nhưng phát minh lớn nhất đem lại vinh quang cho ông là phản ứng dây chuyền nhờ polimeraza. Men polimeraza chiết từ vi khuẩn thermus aquaticus để nhân bản một mẩu ADN lên 200.000 lần. Đoạn ADN đặc trưng cho mỗi cá thể ấy được các nhà hình pháp học đặt tên là “Vân tay ADN”. Kary Mullis so sánh polimeraza với chiếc máy khuếch đại phân tử
“có khả năng biến tiếng vỗ cánh của một con bướm nhởn nhơ bay lượn thành tiếng gầm rú của động cơ phản lực cực mạnh”.
Polimeraza là quá trình nhân đôi một ADN nhất định (gọi là mixen) và cứ thế liên tục nhân lên. Khi đun nóng mạnh ADN, mixen tách ra. Người ta đã thêm vào dung dịch oligonucleotit đặc hiệu, có khả năng liên kết với các nucleotit theo một trật tự xác định thành một mạch ADN - polimeraza chứa trong các tế bào đặc biệt khôi phục các phân tử của mixen ADN, nói chính xác hơn thành hai, bốn, tám, mười... đến vô tận.
Nhờ phát minh của Mullis, người ta có thể thu được một lượng ADN tuỳ ý. Phát minh này cũng được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt hỗ trợ đắc lực cho những nhà hình sự học trong việc điều tra tội phạm. Chỉ cần một chút da, hay một sợi tóc của thủ phạm để lại trên hiện trường, người ta có thể phát hiện ngay ra thủ phạm một cách chính xác vì men polimeraza có thể nhân đôi được lên vô tận. Ngoài ra, nhờ polimeraza, người ta có thể tiến hành hàng loạt những thí nghiệm khác nhau. Các nhà sinh học phân tử và y học sử dụng polimeraza và vân tay ADN đã mở ra một triển vọng mới trong việc chữa bệnh di truyền. Họ dùng nó làm cơ sở cho phương pháp chữa bệnh mới. Phát minh của Mullis thực sự là một cuộc cách mạng trong sinh hóa học và góp phần quan trọng trong sự phát triển của y học.
Cũng chính Mullis đã khám phá và công bố phương pháp phục chế người chết bằng cách dùng móng tay và tóc của họ để xác định tổ hợp gen, thông qua đó, tái tạo một người mới giống y hệt như người đã chết. Ý tưởng của Mullis được Ian Wilmut thực hiện thông qua việc nhân bản vô tính chú cừu Dolly làm cả thế giới kinh ngạc, bàng hoàng. Hiện nay, người ta đang lo sợ những nguy cơ mới phát sinh từ nhân bản vô tính.
Liệu thế giới sẽ ra sao nếu con người được nhân bản lên và giống hệt như nhau?
Dù phát minh của Mullis được vận dụng theo hướng tích cực hay tiêu cực, vẫn không thể phủ nhận tài năng kiệt xuất của ông. Năm 1993, Mullis được trao giải thưởng Nobel cho phát minh này và cách đây không lâu, ông vinh dự được Nhật Bản trao tặng giải thưởng Hoàng gia, trị giá 400.000 đôla. Mullis được cả thế giới ca tụng là “một trong những bộ óc lớn nhất của thế kỷ XX”.
NGƯỜI KHỞI XƯỚNG THUYẾT TIẾN HÓA SINH VẬT L
amarck sinh năm 1744. Ông là nhà tự nhiên học và sinh vật học nổi tiếng của Pháp, người đã từng nêu lên, trước Darwin, thuyết tiến hóa của giới sinh vật. Lamarck là nhà duy vật, nhưng chủ nghĩa duy vật của ông bị hạn chế và không triệt để. Ông cho rằng vật chất là cơ sở của thế giới, của mọi vật thể và mọi sự vật; nhưng vật chất vốn tĩnh, nên nó cần phải có một sức đẩy ban đầu để truyền sự vận động cho nó. Ông quả quyết rằng các quy luật và nguyên nhân tự nhiên đều có một trật tự nhất định mà tự nhiên phải phục tùng và phải dựa vào các quy luật và nguyên nhân đó để phát triển. Tuy nhiên, để khỏi bị Giáo hội truy tố, ông tuyên bố rằng trật tự đó là do Thượng đế sáng tạo ra. Đó là biểu hiện về tự nhiên thần luận của ông.
Lamarck có tư tưởng tiến bộ trong lịch sử sinh vật học tức là khoa học về quy luật chung của sự phát triển của sự sống trên trái đất. Ngay cả thuật ngữ “sinh vật học” cũng do ông nêu ra. Ông là một nhà cách tân trong việc nghiên cứu giới tự nhiên; phương pháp tiến hóa luận của ông và nhất là của Darwin đã đem lại cho sinh vật học một cơ sở khoa học. Tư tưởng về tính thống nhất và tính liên tục của sự phát triển của tự nhiên, tư tưởng về sự biến chủng của các loài sinh vật dưới ảnh hưởng của các điều kiện sinh hoạt, của hoàn cảnh bên ngoài, đều là cơ sở của phương pháp của Lamarck.
Năm 1809, khi xuất bản tác phẩm “Triết học động vật học”, Lamarck đã dựng nên một công tích anh dũng là công kích các tư tưởng siêu hình về giới sinh vật lúc bấy giờ đang chiếm địa vị thống trị tuyệt đối. Ông đã
dùng cả một loạt sự kiện đã được chứng thực bằng việc phân loại và hệ thống hóa các loài thực vật và động vật, bằng việc nghiên cứu các loài cổ sinh vật và các biến chủng của gia súc và các loài cây trồng tỉa, để kiên quyết bác bỏ thuyết siêu hình về tính bất biến của các loài vật. Ông cũng phê phán cả thuyết phản động và duy tâm về những biến động lớn của Quyviê. Lamarck khẳng định chưa từng thấy tự nhiên có biến động lớn; bất cứ lúc nào và ở đâu, nó cũng theo một quá trình tiến hóa chậm chạp và dần dần, mà không cần có bước nhảy vọt.
Lamarck đã cố giải thích rõ nguyên nhân của những thay đổi xảy ra trong các cơ thể sống; ông quả quyết rằng hoàn cảnh bên ngoài là nguyên nhân trực tiếp làm cho các cơ thể thay đổi. Các loài thực vật trực tiếp bị ảnh hưởng hoàn cảnh bên ngoài mà thay đổi cho thích hợp; đối với các loài động vật có một hệ thần kinh và một cơ cấu phức tạp hơn, thì ảnh hưởng đó của hoàn cảnh bên ngoài tác động một cách gián tiếp thông qua những thay đổi trong thói quen và tập quán, và do sự xuất hiện những yêu cầu mới. Những yêu cầu mới này bắt buộc các loài động vật phải rèn luyện thêm một số khí quan khác. Việc rèn luyện và việc thôi sử dụng những khí quan nào đó, dẫn tới những thay đổi trong toàn bộ cơ thể và trong những cơ năng của cơ thể đó.
Học thuyết của Lamarck đã khiến ông bị bọn phản động công kích một cách hằn học. Những người theo chủ nghĩa Vétman Moócgan công kích các nguyên lý duy vật chủ nghĩa của ông về tác dụng của hoàn cảnh bên ngoài đối với các cơ thể và học thuyết của ông về sự di truyền các tính chất đã có. Tất cả các nhà bác học tiến bộ đều bênh vực Lamarck như: Darwin, Timiriazep, Metnhicop... Những nhà sinh vật học phản động đã hết sức xuyên tạc cơ sở duy vật chủ nghĩa của học thuyết Lamarck, ví dụ bọn theo chủ nghĩa Lamarck tâm lý như Copo, Poli, Phrangxe... đã phát triển những quan điểm duy tâm chủ nghĩa về tác dụng chủ đạo của tâm lý
trong quá trình tiến hóa, về “khuynh hướng” của các cơ thể đi tới chỗ “hoàn thiện”,... Học thuyết Mitsurin bênh vực các nguyên lý duy vật chủ nghĩa tiến bộ mà Lamarck đã nêu lên một cách trực giác trong giả thuyết thiên tài của ông. Nó đã nghiên cứu sâu sắc và đã chỉnh đốn học thuyết về tác dụng biến hóa của điều kiện sinh hoạt đối với tính chất các cơ thể; phát hiện quy luật cơ bản của sinh vật học, xác nhận tính khả năng và tính tất yếu của sự di truyền các tính chất đã có, quy luật mà Lamarck chỉ mới dự kiến dưới một hình thức chung chung nhất.
Còn thuyết Lamarck về sự phát triển chỉ là một thuyết tiến hóa luận thuần tuý: Lamarck chỉ thừa nhận sự phát triển dưới hình thức một sự vận động tiến bộ và liên tục, không có bước nhảy vọt và không có cách mạng. Thuyết Lamarck về sự phát triển còn nhiễm nhiều yếu tố cơ giới. Lamarck chưa đạt tới quan niệm biện chứng về sự tiến hóa. Chỉ học thuyết Mitsurin mới biết vận dụng một cách tự giác và triệt để chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nghiên cứu các quy luật khách quan của sự phát triển giới sinh vật.
NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG LĨNH VỰC VI SINH VẬT HỌC
L
ouis Pasteur là một nhà khoa học nổi tiếng người Pháp, là người tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học. Ông sinh ngày 27 tháng 12 năm 1822, tại thành phố Dole thuộc tỉnh Jura miền Tây nước Pháp trong một gia đình bình dân. Cha của Pasteur là chủ một xưởng nhuộm và đã từng chinh chiến khắp các chiến trường khi tham gia đoàn quân của Hoàng đế Napoléon.
Louis Pasteur sinh ra ở Dole nhưng ông bắt đầu đi học tại Arbois. Thời trung học, Louis Pasteur không phải là học sinh nổi bật. Mối quan tâm lớn nhất của Pasteur lúc này là hội họa. Ông không để ý đến môn học nào khác cho đến khi được học môn hóa học. Pasteur tỏ ra say mê môn hóa học và để nhiều công sức vào việc tìm tòi, nghiên cứu nó. Là một học sinh đầy tài năng, Louis Pasteur muốn vào học trường sư phạm Paris. Để thực hiện mong muốn này, tháng 10 năm 1838, ông chuyển đến Paris. Tuy nhiên, vì thất vọng với cuộc sống mới nơi đây nên ông từ bỏ luôn ý định vào học trường Sư phạm và rời Paris để đến học tại trường Trung học Hoàng gia tại Besancon.
Năm 1842, ông thi lấy bằng tú tài văn chương và tú tài toán. Với kết quả đáng khích lệ này, một lần nữa Louis Pasteur lại chuyển đến Paris và năm 1843, ông được xếp hạng tư trong kỳ thi vào trường Sư phạm Paris và được nhận vào học tại ngôi trường danh tiếng này. Đây là một bước đệm cho sự nghiệp khoa học của Louis Pasteur sau này. Tại đây, Louis Pasteur theo học hóa học, vật lý và tinh thể học. Vào các buổi chiều chủ
nhật, Louis Pasteur thường làm việc tại phòng thí nghiệm của nhà hóa học nổi tiếng Jean-Baptiste Dumas, nhờ đó mà ông đã tích luỹ được những kiến thức và kỹ năng quý báu cho việc nghiên cứu độc lập trong tương lai.
Năm 1847, Pasteur bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vật lý. Năm 1848, Pasteur lại khiến giới khoa học phải kinh ngạc và kính nể bằng một phát minh về tinh thể học. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong sự nghiệp của Louis Pasteur. Mặc dù còn rất trẻ nhưng Pasteur đã sớm được giới khoa học nước Pháp công nhận. Năm 1849, ông được cử làm giáo sư tại trường Đại học Strasbourg. Ông trở thành một giáo sư nổi tiếng và không lâu sau khi về trường, ông được đề bạt làm chủ nhiệm khoa. Nhưng cuối cùng, Louis Pasteur đã chuyển về Paris làm Giám đốc nghiên cứu khoa học của trường sư phạm, nơi trước đây ông từng theo học.
Với đức tính kiên trì mà quyết đoán, Pasteur có được một sự nghiệp lừng danh và một gia đình hạnh phúc. Năm 1849, Louis Pasteur đã kết hôn cùng Mary, con gái của hiệu trưởng, bà là một phụ nữ hiền dịu, luôn chăm lo vun đắp cho cuộc sống gia đình. Bà đã cống hiến cả cuộc đời cho Pasteur, đem lại sự ấm áp, yên vui cho cuộc sống vốn nhiều lo lắng của ông. Nhờ vậy mà Pasteur có thể toàn tâm toàn ý nghiên cứu khoa học.
Ngay từ khi còn trẻ, Pasteur đã nghiên cứu về axit tartaric và mesoxalic axit. Ông đã phát hiện ra lí thuyết về sự không đối xứng giữa các phân tử, mở ra ngành hóa học lập thể. Ông cũng nghiên cứu về sự lên men bằng những thí nghiệm cụ thể và khẳng định: chính các sinh vật nhỏ bé là nguồn gốc của sự lên men. Ông cũng nhận thấy một số men trong rượu gây hại cho sức khỏe con người. Biện pháp diệt trừ chúng là đun nóng rượu lên 55 0C. Từ nghiên cứu về sự lên men, Pasteur chuyển sang nghiên cứu về bệnh của con tằm nhằm giải quyết vấn đề có ý nghĩa to lớn
đối với vấn đề tằm tơ của nước Pháp lúc bấy giờ. Và Pasteur đã khám phá ra nguyên nhân gây ra bệnh của con tằm cũng chính là những sinh vật nhỏ bé chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi. Chúng có rất nhiều hình dạng như hình chuỗi hạt, hình dấu phẩy... Những nghiên cứu này đã đặt nền móng cho ngành vi sinh vật.
Năm 1848, Pasteur tuy mới 26 tuổi nhưng đã tự mình thực hiện một công trình nghiên cứu lớn về các tinh thể. Trong thư gửi một người bạn thuở thiếu thời, ông đã kể cho bạn niềm say mê đang cuốn hút tất cả tâm trí mình “Sự kết tinh chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn. Nếu anh đến Strasbourg thì dù muốn hay không, anh cũng sẽ trở thành một nhà hóa học. Tôi với anh chỉ nói chuyện về tinh thể”. Và rồi một trong những bí ẩn của hiện tượng kết tinh đã được Pasteur khám phá, dựa theo sự thay đổi cấu hình bên ngoài của tinh thể, Pasteur biết được đặc điểm cấu tạo phân tử của chúng.
Cả cuộc đời Pasteur hầu như chỉ gắn bó với phòng thí nghiệm. Suốt mấy chục năm ròng rã, sáng sáng ông đều đến phòng thí nghiệm với niềm hân hoan vui sướng, ông say sưa tìm hiểu bí ẩn của hiện tượng men rượu vang. Nghề làm rượu vang của Pháp rất nổi tiếng trên khắp thế giới từ lâu đời. Hằng năm, ngoài số rượu tiêu thụ trong nước, Pháp còn xuất khẩu với số lượng đáng kể rượu vang ở nước ngoài, nhờ đó nước Pháp có một nguồn lợi rất lớn. Nhưng các nhà sản xuất rượu vang cũng gặp không ít khó khăn, khiến họ không chủ động được trong sản xuất. Có thời kỳ rượu không lên men bình thường mà biến thành dịch chua loét như dấm. Nhiều mẻ sản xuất phải đổ đi hoàn toàn, làm cho nhiều nhà sản xuất ở bên bờ vực phá sản. Trước nguy cơ sụp đổ của ngành rượu vang, các nhà sản xuất yêu cầu sự giúp đỡ của Pasteur, mong ông tìm ra nguyên nhân làm rượu chua, hỏng như vậy. Thế là Pasteur đi sâu vào nghiên cứu quá trình lên men rượu và hiện tượng hư hỏng rượu. Chính việc làm này đã giúp
ông tiến một bước vô cùng quan trọng trong công việc giải quyết vấn đề phức tạp về thuyết “tự sinh”.
Theo thuyết này sinh vật có khả năng tự sinh trong môi trường tự nhiên. Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe ủng hộ và chống đối thuyết này diễn ra không chỉ ở Pháp mà ở nhiều nước trên thế giới. Pasteur không tham gia tranh luận mà chỉ đầu tư thời gian công sức vào nghiên cứu. Ông đã sáng chế ra cái bình cổ cong và đổ rượu vào, đồng thời đổ cả rượu vào một cái bình cầu thường. Qua vài ngày, rượu vang trong bình cầu thường bị lên men chua như dấm. Còn rượu vang trong bình cổ cong sau thời gian dài vẫn không sao. Điều đó chứng tỏ rượu lên men là do bị vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào không phải tự sinh ở bên trong. Thí nghiệm này đã giáng một đòn chí mạng vào thuyết “tự sinh” và khai tử luôn học thuyết sai lầm này. Đến tận ngày nay, hơn một thế kỷ rượu vang đựng trong bình cổ cong còn lưu từ thời Pasteur làm thí nghiệm, vẫn nguyên vẹn, không bị chua chút nào.
Sau khi tìm ra thủ phạm gây hại rượu vang, Pasteur còn tìm ra thủ phạm làm hỏng sữa, bia... và cách phòng chống nó rất hữu hiệu, từ đó rượu vang, bia, sữa của Pháp không những không bị phá sản mà còn phát triển rất mạnh mẽ.
Cũng chính ông là người sáng tạo ra phương pháp tiêm chủng vacxin phòng bệnh than, bệnh tiêu chảy và bệnh chó dại. Những người bị chó dại cắn ở Pháp và các nước khác hàng năm rất nhiều, tỉ lệ tử vong rất cao, Pasteur đã để tâm nghiên cứu thuốc chủng và thí nghiệm trên động vật thành công chưa hề dùng cho người.
Chuyện kể rằng, vào tháng 7 năm 1885, một bà mẹ dẫn đứa con trai là Maysteur đến phòng thí nghiệm của ông vừa khóc vừa nói:
- Thưa ngài Pasteur. Con trai tôi bị chó dại cắn đã mấy ngày nay. Tôi đã gõ cửa khắp các bác sĩ nhưng họ đều bó tay. Giờ chỉ còn trông cậy vào ngài. Xin ngài ra tay cứu vớt.
Pasteur thận trọng nói:
- Đúng là tôi có nghiên cứu thuốc phòng chống bệnh dại nhưng tôi chưa dám thử nghiệm trên người.
Bà mẹ của chú bé cố nài nỉ:
- Đằng nào thì cháu cũng khó lòng qua khỏi. Xin ngài cứ chữa cho cháu xem, may ra cứu vãn được.
Pasteur còn đang phân vân thì chú bé Maysteur đã nắm tay ông cầu xin:
- Ông ơi! Cháu không muốn chết, ông cố cứu cháu với.
Nghe lời cầu xin của chú bé cùng với ánh mắt ngây nhìn ông đầy vẻ tin cậy, Pasteur quyết định nhận lời chữa. Ông lấy tuỷ sống của một con thỏ đã làm nhiễm virus dại đem sấy khô sau đó chiết lấy dịch tuỷ này tiêm cho chú bé rồi cùng các đồng sự theo dõi suốt ngày đêm. Vài ngày liền không thấy có dấu hiệu gì đáng ngại ông liền tiêm văcxin phòng dại hàng ngày vào cơ thể của Maysteur trước sự lo lắng, hồi hộp của nhiều người. May sao bệnh của Maysteur đã bị chặn lại. Sau vài tuần điều trị, virus gây bệnh dại đã bị đánh bại. Pasteur đã giành lại Maysteur khỏi tay thần chết, trả lại cho em cuộc sống trước sự vui mừng khôn tả và lòng biết ơn sâu sắc của mọi người.
Tin đồn về thứ thuốc thần kỳ có khả năng chữa bệnh dại của Pasteur đã lan đi rất nhanh khiến phòng thí nghiệm của ông trở thành nơi đón tiếp, chữa bệnh cho biết bao nhiêu người dân Pháp và ở các nước khác bị
chó dại cắn. Nhiều người đã được cứu sống. Tuy vậy có trường hợp bệnh phát nặng không thể cứu vãn nổi nên người bệnh đã tử vong. Lợi dụng những trường hợp ấy, những kẻ thù địch ganh ghét ông đã thổi phồng lên cố làm mất uy tín của ông. Thậm chí hàng đoàn người kéo đến phòng thí nghiệm của ông hò hét đập phá chửi rủa ông là “đồ giết người”.
Mặc dù vậy, chân lý cuối cùng vẫn thắng. Tại Pháp và nhiều viện khoa học trên thế giới đã kiểm chứng thứ vacxin mà Pasteur sáng chế ra, tất cả đều công nhận đó là thứ vũ khí hiệu nghiệm nhất để chống bệnh dại.
Pasteur đã được cả thế giới tôn vinh là nhà phát minh vĩ đại, và ông đã trở thành viện sĩ của nhiều viện hàn lâm nổi tiếng trên thế giới. Trong cuộc đời mình, Pasteur đã nhận tới 25.000 thư từ, tài liệu của mọi người trên trái đất gửi đến tỏ lòng tri ân vị cứu tinh của họ.
Năm 1873, Louis Pasteur được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Pháp. Năm 1881, ông tiếp tục được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp và được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Sau đó, Pasteur đã nghiên cứu thành công vacxin phòng bệnh dại. Ông thử nghiệm loại vacxin này trên người một chú bé chăn cừu đã bị chó dại cắn sau ba ngày. Thật bất ngờ, chỉ sau 9 ngày đều đặn tiêm vacxin, cậu bé đã hồi phục trở lại. Tin tức về việc này được lan truyền rất nhanh. Kể từ đó, những người bị chó dại cắn ở khắp nước Pháp và châu Âu liên tục kéo đến nhờ Pasteur chữa trị.
Những thành quả trong nghiên cứu khoa học của Louis Pasteur đã mở ra một cuộc cách mạng lớn trong y học. Từ đây, nền y học thế giới chuyển sang thời kỳ hiện đại, chữa bệnh trên cơ sở nghiên cứu thực nghiệm vững chắc.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng những thành quả mà Louis Pasteur có được phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi của sự lao động khổ cực và nước mắt của
sự phẫn nộ. Tất cả những phát minh của ông đều được nghiên cứu và trải qua quá trình thực nghiệm ở trong những phòng thí nghiệm hết sức tồi tàn. Ông thường tiến hành những cuộc thí nghiệm quên ăn, quên ngủ. Với ông: “Phòng thí nghiệm và phát minh là hai danh từ có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như không có phòng thí nghiệm thì khoa học tự nhiên sẽ trở nên suy kiệt và dần dần bị tiêu diệt, không có hy vọng phát triển. Nếu như có phòng thí nghiệm, năng lực của nó, sức sống của nó sẽ ngày càng phát triển, với những niềm hy vọng vô hạn”. Pasteur còn cho rằng: “Một khi nhà khoa học rời khỏi phòng thí nghiệm, họ sẽ chẳng khác gì một hàng binh hạ vũ khí trên chiến trường”. Có lẽ vì vậy mà Pasteur luôn làm việc miệt mài trong các phòng thí nghiệm, cho dù trong điều kiện hết sức khó khăn.
Louis Pasteur cho rằng sức mạnh duy nhất chính là lòng kiên trì. Năm 1868, tuy bị liệt nửa người, Pasteur vẫn tiến hành các nghiên cứu khoa học. Thành quả mà Pasteur có được đã phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt, không những thế, ông còn phải chịu rất nhiều lời chỉ trích khi đưa ra những quan điểm mới. Khi ông vừa nêu lên luận điểm về nguồn gốc gây bệnh là các vi trùng, vi khuẩn, ông đã vấp phải sự chống đối kịch liệt của các nhà bác học đương thời. Với một tâm lý vững vàng, cuối cùng chân lý đã thuộc về Pasteur.
Ngày 14 tháng 11 năm 1888, Pasteur đã mở được một viện nghiên cứu riêng mang tên Viện Pasteur. Đây là nơi nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, chế tạo các vacxin phòng bệnh, nơi giảng dạy về vi sinh học và cũng là nơi chữa bệnh chó dại. Viện Pasteur đầu tiên được mở ở Paris và uy tín của nó khiến cho các quốc gia khác nhau ở những châu lục khác cũng mở ra những Viện Pasteur của riêng họ. Đây là một sự vinh danh lớn nhất đối với Louis Pasteur, bởi ông rất mong muốn khoa học của mình là
của chung nhân loại. Tên tuổi của ông theo đó trở nên quen thuộc với tất cả mọi người trên khắp hành tinh.
Với thành công của ông trên nhiều lĩnh vực khoa học, Chính phủ Pháp đã đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm đơn sơ của Pasteur ở phố Rua thành viện Pasteur, trung tâm nghiên cứu sinh vật và vi sinh vật lớn nhất nước Pháp.
Louis Pasteur mất ngày 28 tháng 9 năm 1895 trong sự tiếc thương của toàn nhân loại. Những cống hiến khoa học của ông đã đưa nền y học thế giới tiến những bước dài. Nhân loại mãi mãi nhớ về ông như một nhà bác học xuất sắc, một nhân cách lớn đáng học tập.
NHÀ SINH VẬT HỌC KIỆT XUẤT
I
lya Ilyich Mechnikov sinh năm 1845. Ông là một trong những người sáng lập vi sinh vật học, bệnh lý học và phôi sinh học so sánh; nhà lý luận và người kế tục chủ nghĩa Darwin. Thế giới quan của ông đã được hình thành dưới ảnh hưởng của các khuynh hướng cách mạng, đối địch với chế độ nông nô, và dưới ảnh hưởng của những tư tưởng tiên tiến của các nhà dân chủ cách mạng vĩ đại trong những năm 60 thế kỷ XIX. Mechnikov là một chiến sĩ của khoa học tiến bộ duy vật chủ nghĩa ở Nga và của cuộc đấu tranh chống thế lực phản động về tư tưởng trong khoa học. Ông đã góp phần cống hiến rất lớn vào động vật học, phôi sinh học, vi sinh vật học, bệnh lý học, nhân chủng học và chủ nghĩa Darwin. Trong địa hạt động vật học, ông nghiên cứu loại hoàn tiết mới và những loại trích trùng hút máu mới, đề ra các phương pháp sinh vật học đấu tranh chống các sâu bọ có hại cho nông nghiệp bằng cách dùng một thứ nấm lúa mì (bệnh nấm xanh) để truyền nhiễm sang những con sâu non. Mechnikov cùng với Covalepxki sáng lập ra phôi sinh học tiến hóa. Ông là tác giả nhiều tác phẩm đặc sắc nói về sự phát triển phôi thai của nhiều loài động vật. Những công trình nghiên cứu đó đã cho phép xác định những quy luật chung của sự phát triển phôi thai của các loài động vật khác nhau và chứng minh mối quan hệ huyết thống di truyền và sự thống nhất về nguồn gốc của chúng. Cũng do đó mà Mechnikov đã có một cống hiến lớn cho lý luận của Darwin. Ông đã phát triển học thuyết Darwin bằng cách vận dụng học thuyết đó vào vấn đề viêm chứng và miễn dịch học. Ông đã nghiên cứu hai mươi năm để sáng tạo ra lý luận về thực bào. Trước Mechnikov, viêm chứng được giải thích một cách siêu hình bằng
thuyết bệnh lý học tế bào của Wirchov. Wirchov đã chống lại việc truyền bá chủ nghĩa Darwin trong khoa học. Trái lại, Mechnikov chứng thực những tư tưởng và phương pháp lịch sử của Darwin có kết quả như thế nào khi áp dụng vào các vấn đề bệnh lý học. Là người tuyên truyền và người bênh vực nhiệt liệt chủ nghĩa Darwin, Mechnikov tỏ ra không phải là kẻ giáo điều chủ nghĩa. Ông đã chỉ trích học thuyết phản động của Mantuyt về hiện tượng nhân mãn đã được Darwin thừa nhận để giải thích cuộc đấu tranh sinh tồn và sự chọn lọc. Về nhận thức luận, ông phản đối chủ nghĩa duy tâm và phép siêu hình. Ông đã bác bỏ những lý luận tôn giáo về tính bất tử của linh hồn. Những điều kiện làm việc cực kỳ bất tiện, sự ngược đãi liên tiếp của giới lãnh đạo phản động của nước Nga thời Nga hoàng buộc Mechnikov phải ra ở nước ngoài. Ông đã sống hai mươi tám năm ở nước ngoài. Xa tổ quốc, ông vẫn là một người yêu nước nhiệt tình và đã giữ những liên hệ chặt chẽ với các bạn của ông ở Nga. Ông là người ủng hộ nhiệt liệt việc giải phóng phụ nữ, giáo dục phụ nữ và quyền lợi xã hội của phụ nữ.
Tuy nhiên, Mechnikov đã có một quan điểm sai lầm về các vấn đề chính trị và xã hội. Ông đã lầm tưởng rằng chỉ riêng khoa học là có thể xóa bỏ được điều ác và sự bất công trong xã hội. Trong khi đấu tranh chống thế lực chính trị và tư tưởng phản động, ông đã không chú ý đến những lực lượng chân chính của sự phát triển xã hội, cũng không hiểu được những quy luật chi phối xã hội. Ông vẫn là một người duy tâm chủ nghĩa và thực chứng luận trong khi giải thích các vấn đề xã hội.
Các tác phẩm chính của Mechnikov là “Nghiên cứu về bản tính con người” (1903), “Nghiên cứu về chủ nghĩa lạc quan” (1907), “Bốn mươi năm nghiên cứu để có một thế giới quan hợp lý” (1912), tập tài liệu “Bàn về chủ nghĩa Darwin”.
NGƯỜI THAY ĐỔI THẾ GIỚI THỰC VẬT
M
itsurin sinh năm 1855. Ông là nhà sinh vật học nổi tiếng đã góp phần mạnh mẽ vào việc phát triển chủ nghĩa Darwin, và môn sinh vật học khoa học; tên của Mitsurin gợi lên một giai đoạn mới trong sự phát triển của khoa học duy vật chủ nghĩa về giới sinh vật.
Trước Cách mạng tháng Mười, mặc dù Mitsurin không nhận được một chút phụ cấp nào nhưng ông hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa dân tộc là sáng tạo ra những loại cây mới. Khi biết ông đã tạo ra nhiều loại cây có quả mới, nhiều nhà buôn Mỹ đã mời ông sang Mỹ nhưng ông đã từ chối.
Mảnh vườn của Mitsurin đã biến thành một vườn ươm cây rộng rãi. Nhiều viện nghiên cứu khoa học mới được thành lập để phát triển và truyền bá tư tưởng của Mitsurin trong thực tiễn nông nghiệp.
Mitsurin đã xây dựng lý luận duy vật chủ nghĩa về những cách thay đổi thế giới thực vật. Trước 1917 hoạt động khoa học và thế giới quan của Mitsurin dựa trên chủ nghĩa duy vật chiến đấu và những quan điểm dân chủ của những nhà duy vật chủ nghĩa và dân chủ cách mạng Nga vĩ đại giữa thế kỷ XIX. Sau năm 1917, Mitsurin hiểu được những tác phẩm của những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê nin; ông trở thành một nhà duy vật biện chứng triệt để, một chiến sĩ tích cực của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ông đã làm sáng tỏ và giải quyết những vấn đề của khoa sinh vật học nông nghiệp trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo Mitsurin, nguồn gốc của lịch sử giới tự nhiên nằm ngay trong giới tự nhiên, và lịch sử giới tự nhiên hướng một cách tự phát về phép biện chứng. Trong lời tựa cuốn “Nguyên tắc và phương pháp làm
việc” của ông xuất bản lần thứ ba, ông viết: “Đối với phép biện chứng, “không có gì là hoàn toàn, là tuyệt đối, là thiêng liêng; nó chỉ ra rằng mọi vật đều là tạm thời; và đối với nó, thì chỉ có quá trình không ngừng của sự phát triển và của sự tiêu diệt, của sự tiến lên vô hạn từ thấp tới cao”. Tôi luôn luôn giữ vững nguyên tắc đó trong công việc; nó đã giúp tôi trong tất cả các cuộc thí nghiệm để cải thiện những giống cây ăn quả hiện có, cũng như để lai tạo những cây ăn quả loại mới”. Trong nghiên cứu, Mitsurin đã dựa vào tư tưởng về sự phát triển. Ông viết: mỗi một cá thể đều phát triển đến chỗ làm nảy nở đầy đủ những đặc tính của mình, sau đó bắt đầu mất dần những đặc tính ấy, rồi già đi và cuối cùng thì chết. Như mọi cái trong tự nhiên, giống loại cũng thay đổi, “mọi cái trôi qua, mọi cái thay đổi”. Mitsurin tin tưởng vào sức mạnh của khoa học và của thực tiễn, vào khả năng hiểu biết giới tự nhiên và khả năng khám phá bí mật trong sự hình thành các giống loài. Ông đã xây dựng lý luận trên nền tảng duy vật chủ nghĩa triệt để, không bao giờ nhượng bộ chủ nghĩa duy tâm. Mitsurin coi cá thể có liên hệ chặt chẽ với những điều kiện sinh tồn; ông thừa nhận vai trò quyết định của những sự trao đổi về vật chất giữa cá thể và giới tự nhiên. Ông đã cố gắng bác bỏ những lý lẽ duy tâm của Vetman - Morgan, Mendel, và quan niệm của họ về vai trò của ngẫu nhiên trong khoa học và thực tiễn.
Mitsurin là một nhà thực nghiệm vĩ đại, đã đưa ra nhiều phương pháp khoa học để điều khiển sinh mệnh của thực vật và cải tạo giới sinh vật. Học thuyết của Mitsurin nghiên cứu: 1. Lý luận và phương pháp lai giống nhân tạo; 2. Lý luận và phương pháp bồi dục định hướng đối với cá thể; 3. Lý luận và phương pháp chọn lọc nhân tạo. Ba mặt đó của học thuyết Mitsurin không thể tách rời nhau; mà là kiểu mẫu của việc áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nghiên cứu tính di truyền và tính có thể
thay đổi của những vật hữu cơ, vào việc sáng tạo trong thực tiễn những loại cây mới.
Mitsurin đã hiến cả cuộc đời mình cho nhân dân lao động. Ông coi vườn ươm cây của mình là một công xưởng rèn luyện những giống mới đáp ứng “nhu cầu bức thiết của người lao động”. Năm 1932 ông viết: “Tất cả những thành tựu của tôi đều thuộc về xã hội xã hội chủ nghĩa không giai cấp”. Mitsurin đã nêu nhiệm vụ của sinh vật học như sau: “Chúng ta không thể chờ đợi những ân huệ của tự nhiên; phải giành lấy những cái đó, đó là nhiệm vụ của chúng ta”. Cuộc đời của Mitsurin là một sự cố gắng không ngừng nhằm cải tạo những đặc tính của cây cối. Mitsurin đã thừa nhận, phương pháp chủ yếu của ông “là không ngừng tiến lên, kiểm tra nghiêm ngặt và thí nghiệm đi thí nghiệm lại...”. Nhà bác học vĩ đại đó đã sáng tạo ra hơn 300 loại cây ăn quả mới. Nhưng kho tàng quý báu mà ông để lại là lý luận của ông, tức học thuyết Mitsurin.
Học thuyết Mitsurin tiêu biểu cho một giai đoạn mới của sinh vật học khoa học, nó phát triển dựa trên tất cả những cái tiến bộ và ưu tú trong học thuyết của các nhà sinh vật học duy vật chủ nghĩa vĩ đại trước kia - bằng cách tẩy sạch những yếu tố siêu hình và duy tâm ra khỏi học thuyết của các nhà sinh vật học đó. Nguồn gốc lý luận chủ yếu của học thuyết Mitsurin là những phát hiện của các nhà sinh vật học duy vật nổi tiếng ở Nga như: Metnhicop, Xesenop, anh em Covalepxki, Paplop và Timiriazep.
Thực chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng của học thuyết Mitsurin biểu hiện trong khái quát lý luận có liên quan đến những quy luật phát triển của thực vật, học thuyết Mitsurin đã làm sáng tỏ được những mối liên hệ phức tạp và nhiều mặt trong quá trình phát triển của giới thực vật, trong đó mối liên hệ trọng yếu nhất, là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hình thức hữu cơ của vật chất và giới vô cơ. Vì nhiệm vụ cơ bản của nông
nghiệp sinh vật học là làm sáng tỏ những quy luật chi phối các mối liên hệ ấy, cho nên học thuyết Mitsurin xem xét cá thể và những điều kiện sinh sống của cá thể trong sự thống nhất biện chứng của tất cả những cái đó. Học thuyết Mitsurin bác bỏ thuyết nhiễm sắc thể của phái Vetman - Morgan, trong khi xem xét các cá thể trong sự thống nhất biện chứng giữa nó và điều kiện sống, học thuyết Mitsurin đã làm sáng tỏ những quy luật cơ bản của sự phát triển sự sống.
Học thuyết Mitsurin xác định sự khác nhau giữa khái niệm về sự trưởng thành và sự phát triển: không có bước chuyển từ trạng thái chất lượng này sang trạng thái chất lượng khác thì không có sự phát triển, mà chỉ có một sự tăng thêm và giảm bớt số lượng thôi. Chỉ có cách giải thích đó về sự phát dục mới phù hợp với phép biện chứng khách quan của giới sinh vật.
Đặc điểm của học thuyết Mitsurin là tính năng động và thái độ cách mạng của nó đối với hiện thực. Học thuyết Mitsurin liên hệ chặt chẽ với hoạt động thực tiễn và khái quát những kết quả của kinh nghiệm. Tất cả những khái quát và kết luận lý luận của học thuyết Mitsurin đều bắt nguồn từ những kinh nghiệm cực kỳ tinh xác, nhưng cũng từ thực tiễn nông nghiệp nữa.
Học thuyết Mitsurin được phát triển và củng cố trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa duy tâm và siêu hình trong sinh vật học. Học thuyết Mitsurin không khoan nhượng đối với bất cứ chủ nghĩa ngu dân nào trong khoa học, đóng một vai trò to lớn trong lý luận và thực tiễn của nông nghiệp. Những tư tưởng và phương pháp của Mitsurin về việc cải tạo các cá thể, giúp cho nông nghiệp xã hội chủ nghĩa luôn luôn phát triển, giúp cho mối liên hệ giữa khoa sinh vật học và nông nghiệp thêm chặt chẽ.
Nhờ chủ nghĩa duy vật biện chứng và phương pháp tìm tòi khoa học của mình, Mitsurin đã đi sâu và phát triển được những tư tưởng của Darwin. Ý nghĩa quan trọng của học thuyết Mitsurin đã được các nhà sinh vật học trên toàn thế giới thừa nhận.
NGƯỜI TIÊN PHONG NGHIÊN CỨU VI TRÙNG HỌC R
obert Koch là một bác sĩ và nhà sinh vật học người Đức. Ông nổi tiếng vì đã tìm ra trực khuẩn bệnh than, trực khuẩn lao và vi khuẩn bệnh tả. Ông là một trong số những người đặt nền móng cho vi khuẩn học.
Robert Koch sinh ngày 11 tháng 12 năm 1843, tại Clausthal, xứ Hanover, Đức trong một gia đình lao động nghèo có 11 người con. Cha ông là một kỹ sư mỏ. Ông đã làm bố mẹ phải kinh ngạc khi nói với họ rằng ông đã tự học từ một tờ báo từ những ngày còn rất bé. Đó là dấu ấn đầu tiên về sự thông minh và tính kiên trì về mặt phương pháp - những đức tính đã theo ông trong suốt cuộc đời sau này.
Ngay từ khi còn nhỏ Robert đã rất thích tìm hiểu cỏ cây và sâu bọ. Có khi cậu ngồi cả ngày trong vườn cùng với đống sách vở của mình. Koch có cả một bộ sưu tầm sinh vật học do chính tay mình làm ra. Nhận thấy khả năng của con mình, cha ông và các thành viên trong gia đình cố gắng khuyến khích ông trở thành bác sĩ y khoa.
Khi học ở một trường cấp 3 địa phương (trường Gymnasium), ông đã thể hiện mối quan tâm tới sinh học, và cũng như cha mình, ông có ham muốn mạnh mẽ đi du lịch khám phá.
Năm 1862, Koch tới Đại học Göttingen để học y khoa. Tại đây, Koch bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của giáo sư môn giải phẫu học là Friedrich Gustav Jakob Henle về bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân gây bệnh là do những loài sinh vật sống kí sinh. Trong thời gian còn là sinh viên đại học
Göttingen, Koch tỏ ra là một sinh viên xuất sắc và luôn chăm chỉ học hành. Quả nhiên, Koch đã không phụ lòng mong mỏi của những người thân yêu trong gia đình. Ra trường, Koch làm việc trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Viasov một thời gian ngắn, rồi xin đi làm bác sĩ ở Wollstein đúng như nguyện vọng của gia đình. Mọi người đều rất yêu quý và kính trọng ông - người bác sĩ có tấm lòng nhân hậu, tận tụy với công việc, gần gũi, chan hòa và nhiệt tình giúp đỡ mọi người.
Sau khi lấy bằng bác sĩ vào năm 1866, Koch tới Berlin sáu tháng để học hóa học dưới sự dẫn dắt của Virchow. Năm 1867, ông bắt đầu ổn định cuộc sống sau thời gian thực tập, đầu tiên ở Langenhagen và không lâu sau đó, năm 1869, ở Rackwitz, tỉnh Posen. Ở đây ông đã vượt qua kì thi nhân viên ngành y của tỉnh. Năm 1870, ông tham gia tình nguyện phục vụ trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ và từ năm 1872 tới 1880 là nhân viên ngành y của tỉnh Wollstein.
Cũng chính ở đây, ông đã thực hiện những nghiên cứu bước ngoặt, những nghiên cứu đã đưa ông lên vị trí cao trong giới khoa học.
Năm 1876, dịch bệnh than xảy ra ở Đức, lan đến gần nơi Robert Koch đang làm việc. Và Koch, mặc dù không có công cụ để nghiên cứu khoa học nào và còn bị tách biệt với thư viện và thế giới khoa học, nhưng bằng sự tận tâm với nghề, ông giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn. Bất chấp mọi sự khó khăn và sức ép từ công việc, Koch không quản ngày đêm miệt mài nghiên cứu để tìm ra vi khuẩn chính gây nên bệnh than. Ông đã tự tay chế tạo một tủ ấm thô sơ và nhờ đó đã đi sâu vào những hiểu biết về trực khuẩn than.
Bệnh than vào thời đó đang xuất hiện trong các trang trại chăn nuôi ở tỉnh Wollstein và Koch, mặc dù không có công cụ nghiên cứu khoa học nào và còn bị tách biệt với thư viện và giới khoa học, đã lao vào nghiên
cứu bệnh này bất chấp sức ép từ công việc bận rộn của ông. Phòng thí nghiệm của ông là căn nhà 4 phòng và cũng chính là nhà ông, còn dụng cụ nghiên cứu của ông, ngoài cái kính hiển vi vợ ông tặng, đều do ông tự trang bị. Trước đó thì trực khuẩn than đã được tìm ra bởi Pollender, Rayer và Davaine; và Koch đặt ra mục tiêu là chứng minh loài trực khuẩn này chính là tác nhân gây bệnh than.
Ông cấy vào chuột, bằng miếng gỗ tự chế, trực khuẩn than lấy từ lá lách của những động vật trong nông trại đã bị chết bởi bệnh than, và thấy rằng những con chuột này bị chết bởi trực khuẩn. Trong khi cùng lúc những con chuột được cấy bằng máu từ lách của những con vật nuôi khỏe mạnh thì không bị mắc bệnh than. Điều này củng cố cho những nghiên cứu khác đã chứng minh rằng bệnh này có thể lây qua đường máu từ những con vật đã bị bệnh.
Nhưng điều đó chưa thỏa mãn Koch. Ông còn muốn biết những con trực khuẩn than chưa bao giờ phát triển trong động vật có khả năng gây bệnh hay không? Để giải quyết vấn đề này, ông đã chiết xuất chủng đơn của trực khuẩn bằng cách nuôi cấy chúng trong dịch lấy từ mắt bò. Bằng cách nghiên cứu, vẽ và chụp hình lại những môi trường nuôi cấy này, Koch đã ghi lại sự nhân lên của trực khuẩn và nhận thấy rằng điều kiện nuôi cấy không thích hợp với chúng, chúng đã tạo ra bào tử bên trong chúng để chống lại điều kiện bất lợi đặc biệt là thiếu oxy, và khi điều kiện thuận lợi trở lại, bào tử có thể trở lại thành trực khuẩn. Koch nuôi trực khuẩn qua vài thế hệ trong môi trường nuôi cấy và chỉ ra rằng cả khi chúng không hề lớn lên trong động vật thì chúng vẫn có khả năng gây bệnh than.
Kết quả của công việc gian khó này đã được Koch trình bày cho Ferdinand Cohn, giáo sư thực vật học ở Đại học Breslau, người đã tổ chức
một cuộc họp cùng với những đồng nghiệp của mình. Cùng làm chứng cho sự trình bày của Koch trong số đó có giáo sư Cohnheim, giáo sư về giải phẫu bệnh học. Phản ứng của các giáo sư rất khác nhau, người thì tỏ ra không tin, người khác lại thờ ơ với điều ông nói. Chỉ có Giáo sư Ferdinand Cohl, nhà sinh vật học nổi tiếng là người duy nhất đặc biệt hoan nghênh và tin tưởng vào Robert Koch.
Năm 1876, công trình của Koch được công bố trong một tờ báo của ngành thực vật học, Koch lập tức trở nên nổi tiếng. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục làm việc ở Wollstein 4 năm sau đó và trong thời gian đó ông đã tiến bộ hơn nhiều trong kĩ năng cố định, nhuộm và chụp hình vi khuẩn đồng thời nghiên cứu thêm một số công trình quan trọng nữa về bệnh gây ra bởi vi khuẩn ở các vết thương, và ông đã công bố công trình này vào năm 1878. Ông đã nêu lên, cũng như những gì ông đã làm với bệnh than, bản chất khoa học và thực nghiệm cùng cách kiểm soát những bệnh truyền nhiễm đó.
Tháng 7 năm 1880, Robert Koch được triệu tập về Berlin làm cố vấn cho chính phủ và phụ trách vệ sinh. Koch được bổ nhiệm làm thành viên của Reichs - Gesundheitsamt (Cục Y tế Hoàng gia) ở Berlin. Đầu tiên ông được cung cấp một căn phòng hẹp, thiếu thốn rồi sau đó là một phòng thí nghiệm đầy đủ hơn, trong đó ông đã làm việc với các phụ tá là Loeffler, Gaffky và những người khác. Ở đây, Koch tiếp tục hoàn thiện phương pháp nghiên cứu vi khuẩn mà ông đã dùng ở Wollstein. Ông phát minh ra phương pháp mới Reinkulturen - cấy chủng đơn của vi khuẩn vào môi trường nuôi cấy rắn như khoai tây, hay thạch đựng trong một loại đĩa đặc biệt phát minh bởi đồng nghiệp của ông là Julius Richard Petri, mà tới nay nó vẫn được sử dụng phổ biến. Ông cũng phát minh ra một phương pháp nhuộm vi khuẩn mới làm chúng dễ nhìn hơn và giúp xác minh chúng. Kết quả của những công trình này là sự mở đầu cho phương pháp nghiên cứu
vi khuẩn gây bệnh trong đó vi khuẩn có thể dễ dàng tách ra trong môi trường nuôi cấy, không nằm trong cơ thể sinh vật và vì vậy chúng có thể được xác định.
Koch cũng đặt ra tiêu chuẩn, được biết đến như nguyên tắc Koch. Để chấp nhận một vi khuẩn nào đó là nguyên nhân gây ra một bệnh nhất định hay không thì tất cả tiêu chuẩn của “nguyên tắc Koch” cần được thỏa mãn.
Hai năm sau khi tới Berlin, Koch phát hiện ra trực khuẩn lao và phương pháp nuôi cấy nó trên môi trường nuôi cấy. Thời gian này, các nhà khoa học đang tranh luận gay gắt về nguyên nhân gây bệnh lao. Robert Koch cũng muốn lao vào thử sức. Dựa trên quan sát và nghiên cứu hết sức cẩn thận, ông đã đưa ra được những nguyên lí để xác định bệnh lao, và cho đến hôm nay chúng vẫn còn nguyên giá trị.
Quá trình nghiên cứu của ông diễn ra khá vất vả và trong một điều kiện rất nguy hiểm. Hàng ngày, ông phải đến bệnh viện lấy vi khuẩn lao về nhuộm, tiêm cho súc vật và tự tay trông nom, chăm sóc những con vật đó. Tay ông lúc nào cũng lấm đầy thuốc nhuộm. Ông miệt mài nhuộm rất nhiều tiêu bản. Sau khi nhuộm thành công, ông nghiên cứu phương pháp nuôi cấy vi khuẩn và lấy vi khuẩn đó cấy lên cơ thể súc vật. Những thử nghiệm bước đầu của ông đã cho một kết quả thật mĩ mãn. Ngày 24 tháng 3 năm 1882, tại hội trường viện Sinh lí Berlin (nay là viện Vệ sinh trường Đại học Berlin), trước cử tọa là các nhà bác học, ông báo cáo đề tài “Nguyên nhân gây bệnh lao” cho mọi người nghe. Kết quả nghiên cứu đã tạo ra một bước ngoặt quyết định đối với công cuộc chống bệnh lao, một căn bệnh có tính xã hội đã gây nhiều tổn thất cho nhân loại.
Năm 1882, ông xuất bản công trình kinh điển của mình về trực khuẩn. Ông vẫn tiếp tục bận rộn nghiên cứu cho tới khi ông được cử tới
Ai Cập vào năm 1883 với vai trò Chủ tịch Ủy ban về bệnh tả của Đức, để điều tra về dịch tả đang bùng phát ở đó. Mặc dù biết chắc rằng sẽ có rất nhiều nguy hiểm đang chờ đợi mình, nhưng Robert Koch vẫn hăng hái xung phong sang giúp đỡ nhân dân Ai Cập. Ông miệt mài đọc và nghiên cứu tất cả các công trình nói về căn bệnh này từ trước đến giờ. Đến Ai Cập, việc đầu tiên ông làm là tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, do quan niệm tôn giáo nên ông gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, việc mổ tử thi là rất quan trọng để xác định nguyên nhân gây bệnh đã không được người dân ở đây tán thành. Vì vậy, ông chỉ được nghiên cứu qua ruột và phân của bệnh nhân. Ông luôn thấy loại trực khuẩn hình dấu phẩy, nhưng vẫn chưa cô lập và chưa cấy được bệnh trên cơ thể súc vật. Phải trải qua bao vất vả khó khăn nhưng Koch vẫn không đạt được kết quả như mong đợi. Sau đó, ông chuyển sang Ấn Độ, nơi người ta cho phép ông được mổ tử thi người mắc bệnh dịch tả để nghiên cứu. Ông đã nhanh chóng đi đến kết luận rằng, nguyên nhân của bệnh tả chính là do vi khuẩn dấu phẩy, ông tự hỏi tại sao người ta lại bị lây nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Cuối cùng, Koch cũng tìm ra nguyên nhân là do nước bị nhiễm khuẩn.
Ông đã phát hiện ra vi khuẩn vibrio là nguyên nhân gây bệnh tả và mang được chủng đơn của vi khuẩn này về Đức. Ông cũng nghiên cứu cả vi khuẩn tả ở Ấn Độ. Trên cơ sở những kiến thức của ông về đặc điểm sinh học và sự phân bố của vi khuẩn tả, Koch đã hệ thống hóa nguyên tắc để kiểm soát dịch tả và điều đó đã được chấp thuận bởi Quyền tối cao ở Dresden vào năm 1893 và nó đã trở thành nền móng cho việc kiểm soát dịch tả ngày nay. Công trình của ông về bệnh tả đã được nhận giải thưởng 100 ngàn mark Đức đồng thời cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc có kế hoạch bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
Năm 1885, Koch được phong Giáo sư về vệ sinh học của Đại học Berlin và Giám đốc của Viện vệ sinh mới được thành lập lúc đó tại trường này. Năm 1890 ông được phong thượng tướng và người có đặc quyền của thành phố Berlin. Thời gian này, ông đã tìm ra chất tuberculin, dùng để chẩn đoán bệnh lao.
Năm 1891 ông trở thành Giáo sư Danh dự của khoa Y ở Berlin và Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm, nơi ông đã may mắn gặp được những đồng nghiệp như Ehrlich, Von Behring và Kitasato, cũng là những nhà phát minh nổi tiếng.
Trong thời gian này, Koch quay lại với những nghiên cứu về bệnh lao. Ông cố gắng hãm lại quá trình phát triển bệnh bằng chất mà ông gọi là tuberculin, được làm từ môi trường nuôi cấy trực khuẩn lao. Ông chuẩn bị các mẫu tuberculin, mới và cũ, và sự thông báo về mẫu tuberculin cũ đã gây rất nhiều tranh cãi. Khả năng chữa trị của chất này theo như những gì Koch tuyên bố là một sự thổi phồng, và bởi vì hi vọng từ nó không được thoả mãn, dư luận quay ra chống lại nó và chống lại Koch. Chất tuberculin mới được Koch công bố vào năm 1896 và khả năng chữa trị của nó cũng làm thất vọng mọi người; nhưng nó đã dẫn tới sự phát hiện của một chất có giá trị về mặt chẩn đoán. Koch đi tới kết luận là trực khuẩn gây bệnh lao ở người và bò là khác nhau và tuyên bố của ông về điều này tại Hội nghị Y học quốc tế về lao ở Luân Đôn năm 1901 đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng bây giờ thì quan điểm này của ông đã được công nhận là đúng.
Năm 1896, Koch tới Nam Phi để nghiên cứu nguyên nhân của bệnh dịch virus Rinde và mặc dù không tìm được nguyên nhân, nhưng ông cũng đã thành công trong việc hạn chế sự bùng phát của bệnh dịch bằng cách tiêm cho những con gia súc khỏe mạnh mật lấy từ túi mật của những con
đã bị bệnh. Rồi sau đó là các nghiên cứu ở Ấn Độ và châu Phi về sốt rét, sốt rét tiểu đen, bệnh xura ở gia súc, ngựa, bệnh dịch hạch và xuất bản những quan sát của ông về các bệnh này vào năm 1898. Không lâu sau khi quay lại Đức, ông lại được cử tới Ý và vùng nhiệt đới nơi ông xác nhận công trình của Ronald Ross về sốt rét và làm được một số công việc có ích trong nghiên cứu về nguyên nhân của các dạng khác nhau của sốt rét và việc kiểm soát nó bằng thuốc kí ninh. Năm 1899, ông được bầu làm trưởng đoàn đến Italy để nghiên cứu về bệnh sốt rét. Ông cũng đã tới Indonesia, New Ghine và có nhiều đóng góp đáng kể. Ngoài ra ông còn nghiên cứu về bệnh ngủ nhiều, bệnh sốt phát ban. Công trình nghiên cứu của ông về bệnh sốt Rickettsia dẫn đến ý tưởng mới, rằng căn bệnh này được truyền dễ dàng từ người sang người hơn là từ nước uống, và vì thế dẫn đến phương pháp kiểm soát bệnh mới.
Tháng 12 năm 1904, Koch được cử tới vùng Đông Phi của người Đức để nghiên cứu bệnh sốt ở bờ biển Đông trên gia súc và ông đã tiến hành những quan sát quan trọng, không chỉ với dịch bệnh này mà còn với những loài gây bệnh Babesia, Trypanosome và bệnh xoắn khuẩn spirochaet có nguồn gốc lây truyền qua ve, bọ; và tiếp tục công việc của ông trên những sinh vật này khi ông trở về nhà.
Koch là người đã nhận rất nhiều giải thưởng và huân chương, học vị tiến sĩ danh dự của Đại học Heidelberg và Bologna, công dân danh dự của thành phố Berlin, Wollstein và quê hương ông Clausthal, thành viên danh dự của giới khoa học hàn lâm ở Berlin, Wien, Posen, Perugia, Napoli và New York. Ông cũng được huân chương danh dự Đức, Bắc đẩu bội tinh của German Order of the Red Eagle (lần đầu tiên giải thưởng cao quí này được trao cho một người trong ngành Y) và huân chương của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Rất lâu sau khi ông mất, ông còn được ghi công bằng tượng đài kỉ niệm và nhiều hình thức khác ở một số nước.
Năm 1905, ông nhận được giải thưởng Nobel dành cho sinh lý và y học. Năm 1906, ông quay lại Trung Phi để nghiên cứu về việc kiểm soát bệnh trùng mũi khoan, và ở đó ông đã báo cáo rằng atoxyl có tác dụng chống lại bệnh này giống như thuốc kí ninh đối với sốt rét. Sau đó, Koch tiếp tục công việc thực nghiệm về vi khuẩn học và huyết thanh học.
Bác sĩ Koch mất ngày 27 tháng 5 năm 1910 tại Baden- Baden. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Robert Koch, từ năm 1951, nước Đức đã lấy ngày sinh của ông (11 tháng 12) làm ngày trao giải Huân chương “Thầy thuốc ưu tú nhân dân” cho những nhà nghiên cứu y học và bác sĩ có những đóng góp đáng kể cho y học. Ngày nay Robert Koch không còn nữa, nhưng những công trình nghiên cứu có giá trị về vi trùng học và nhiều chứng bệnh do vi khuẩn gây ra sẽ được muôn đời biết ơn và ca tụng.
NGƯỜI ĐƯA RA LÝ THUYẾT NGUỒN GỐC CỦA CÁC LOÀI
C
harles Darwin là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học người Anh. Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 tại thành phố Shrewsbury nằm bên bờ sông Severn ở phía Tây Nam đảo British (Anh). Sinh ra trong một gia đình giàu có, Darwin là con kế út trong một gia đình có sáu người con. Từ bé Darwin đã được sống trong một gia cảnh sung túc. Cha của ông là một danh y rất được trọng vọng lúc bấy giờ. Năm ông lên 8 tuổi, mẹ ông qua đời khiến ông sớm lâm vào cảnh mồ côi mẹ.
Từ nhỏ, Darwin tỏ ra yêu thiên nhiên, thích những điều mới lạ. Ngay từ lúc 8 tuổi, Darwin đã được biết đến lịch sử tự nhiên và ông ước ao sẽ trở thành một nhà sưu tập trong tương lai. Có lẽ chính những điều này là động lực để ông đi đến những khám phá vĩ đại cho nhân loại về sau.
Lòng say mê kỳ lạ của Darwin với những điều mới mẻ đã khiến mọi người phải chú ý và thường gọi đùa Darwin là “Watt” khi thấy cậu bé miệt mài ngồi trong phòng thí nghiệm của người anh để tìm hiểu cho tới khuya, y như một nhà khoa học thực thụ. Tất cả những điều mới lạ đều gây cảm hứng cho Darwin. Nào là môn kỷ hà học, nào là cấu tạo của khí áp biểu, những khoáng thạch... Darwin cũng rất thích sưu tầm các mẫu côn trùng khác nhau. Tuy nhiên, những sở thích đặc biệt và khác thường của Darwin lại khiến cha ông vô cùng lo lắng. Vị hiệu trưởng trường trung học nơi Darwin theo học cũng thường la rầy ông về những sở thích kỳ quặc đó. Nhưng họ không biết rằng chính những đam mê tưởng như vớ
vẩn đó của Darwin đã nuôi dưỡng một tư chất khoa học quý giá cho tương lai.
Với mong muốn con trai nối nghiệp mình, năm 1825, cha ông đã đưa con trai vào học ngành y ở Đại học Tổng hợp Edinburgh. Tuy không mấy thích thú với ngành y, nhưng với lòng say mê tìm hiểu khoa học, Darwin vẫn thường xuyên có những buổi gặp gỡ mang tính học thuật với những người bạn trẻ. Ngày 27 tháng 3 năm 1827, lần đầu tiên ông đọc một bản luận văn tại hội học Pliny. Ông cũng đã trở thành hội viên Hội y học Hoàng gia. Mặc dù người cha hết sức động viên Darwin trở thành một thầy thuốc, nhưng cuối cùng, sự say mê khoa học trong con người ông đã chiến thắng. Ông đã bỏ dở ngành y để theo học thần học tại Học viện Cơ đốc Cambridge năm 1828. Việc ông bỏ học ngành y khiến cha ông vô cùng tức giận. Thực ra, khao khát lớn nhất của Darwin là được khám phá thiên nhiên với bao điều kỳ thú. Ông vào học thần học cũng là theo ý nguyện của người cha. Người cha buộc Darwin nếu không làm bác sĩ thì cũng phải là một giáo sư.
Mặc dù vẫn tuân theo ý của cha, nhưng Darwin vẫn giữ nguyên niềm yêu thích tuyệt đối với cuộc sống thiên nhiên. Ông vẫn giữ thói quen săn bắn và đi chơi trong rừng. Darwin thường ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết của những con chim mà ông săn được. Ngoài ra, các lĩnh vực như hội họa hay âm nhạc cũng rất có sức lôi cuốn Darwin. Ông thường có thói quen đến tham quan những hành lang tranh, đi tản bộ đến nhà thờ nghe hát thánh ca, ngay cả những ngày ông có tiết học. Đối với Darwin, niềm say mê lấn át tất cả mọi thứ. Đã có lúc, ông bỏ tiền ra thuê hẳn những chú bé chuyên hát thánh thi trong nhà thờ vào ký túc xá của mình để ca hát. Có lẽ, niềm say mê chính là một điều đặc biệt ở con người Darwin.
Năm 1831, Darwin tốt nghiệp đại học. Trong thời gian học tại Cambridge, ông được làm quen với giáo sư John Stevens Hanslow, một người rất tâm huyết với khoa học. Chính giáo sư Hanslow đã khuyên Darwin đọc một số sách về địa chất học, đồng thời giới thiệu ông với những giáo sư địa chất học có tiếng. Nhờ đó, Darwin không những được tiếp cận các tri thức mới mẻ mà còn được rèn luyện óc quan sát qua những lần trực tiếp tham gia khảo sát địa chất cùng các vị giáo sư này. Sự tích luỹ tri thức tự nhiên từ tấm bé cũng như năng lực quan sát sự vật của Darwin đã giúp ông tiến bộ nhanh chóng trên con đường nghiên cứu khoa học.
Một sự may mắn lớn và cũng là một sự sắp đặt của định mệnh khi Darwin tham gia chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới trên chiến hạm Beagle. Chính giáo sư Hanslow khi biết tin chính phủ Anh sắp sửa phái chiếc Beagle đi vòng quanh thế giới khảo sát tài nguyên ở các địa phương đã đề nghị cho Darwin tham gia với tư cách một nhà khoa học tự nhiên trẻ tuổi. Điều này khiến Darwin vô cùng vui sướng, trong khi cha ông lại phản đối kịch liệt. Nhưng cuối cùng Darwin đã thuyết phục được cha mình và tham gia vào chuyến thám hiểm đáng nhớ và bổ ích nhất trong cuộc đời mình.
Ngày 27 tháng 12 năm 1831, chiếc chiến hạm nhỏ ba cột buồm nhổ neo, rời cảng Plymouth của nước Anh bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 5 năm. Điểm đầu tiên con tàu dừng lại tìm hiểu là bờ biển Nam Mỹ. Tàu đi theo bờ biển Đại Tây Dương, vượt qua Rio de Janeiro để đến cảng Bahia Blanca của Argentina. Tháng 6 năm 1834, tàu vượt đảo Tierra del Fuego ở chót phía Nam của Nam Mỹ, đi vào Thái Bình Dương. Sau đó tàu dừng lại ở Chile trong thời gian một năm để trắc lượng bờ biển. Năm 1835, con tàu tới quần đảo Galapagos - nơi được mệnh danh là “nhà bảo tàng thiên
nhiên lớn nhất thế giới”. Cuối cùng sau khi vượt Thái Bình Dương, vòng qua mũi Hảo Vọng để vào Đại Tây Dương và đoàn thám hiểm đã trở về cảng Plymouth vào ngày 2 tháng 10 năm 1836.
Suốt quãng thời gian thám hiểm kéo dài 5 năm ấy, Darwin đã phải chịu rất nhiều gian khổ và thử thách từ những trận bão táp, những cơn nắng cháy da cháy thịt, những nỗi khổ sở vì thiếu nước ngọt và lương thực. Ngoài ra, tính mạng của Darwin cũng bị đe dọa nghiêm trọng trước những cuộc chiến đẫm máu xảy ra ở Nam Mỹ... Nhưng những điều ấy không thể khuất phục được Darwin mà ngược lại, ông đã không tiêu phí một giây phút nào để thu lượm các tiêu bản, khai quật các hóa thạch và không quên ghi nhật ký mỗi ngày. Mỗi lần tàu dừng lại, Darwin đều tự mình đi sâu vào lục địa để khảo sát. Nội dung khảo sát của Darwin chủ yếu là địa chất học và thực vật học. Sự liên hệ một cách khoa học giữa hai ngành khoa học này đã khiến Darwin có được những tư duy rất quý giá. Khi lên tàu, Darwin mang theo nhiều sách vở, đặc biệt, trong đó có cuốn “Nguyên lý địa chất học” của nhà địa chất học Charles Lyell. Những kiến giải về các địa tầng của Lyell giúp Darwin rất nhiều trong việc tìm hiểu lịch sử tiến hóa của các loài khi khai quật.
Sau 5 năm, Darwin đã sưu tập được một lượng lớn các tiêu bản về thực vật, động vật và hóa thạch. Trên bãi biển Punta Arenas, ông phát hiện được hóa thạch của 9 loài thú khổng lồ có bốn chân. Còn ở quần đảo Galapagos, ông sưu tập được 193 loài, trong đó có 100 loài hoàn toàn mới. Ông cũng sưu tập được 26 loài chim trên đảo, trong đó, 25 loài thuộc loại tuyệt chủng. Trên hòn đảo không người cư ngụ này, chỉ có các ngọn núi lửa trơ trụi, Darwin đã nhìn thấy các con rùa khổng lồ, các con thằn lằn thực to lớn chưa từng thấy trên thế giới, các con cua và sư tử biển quá cỡ. Ông cũng đặc biệt nhận thấy các con chim tại đây tương tự như thứ
chim trên các hòn đảo bên cạnh nhưng không giống hệt. Ngoài ra, đã có sự thay đổi trong các loại chim khác nhau từ hòn đảo này sang hòn đảo khác.
Hiện tượng lạ lùng của các sinh vật trên quần đảo Galapagos cộng với các sự kiện chắc chắn đã được ghi nhận trước kia tại Nam Mỹ đã tăng cường các ý tưởng về sự tiến hóa bắt đầu hình thành trong đầu Darwin. Darwin đã ghi trong sổ tay như sau: “Tôi đặc biệt ngạc nhiên thứ nhất vì các hóa thạch của động vật có vẩy như loại armadillo hiện có, thứ hai vì cách thức các động vật liên hệ gần đã thay thế nhau trên lục địa khi đi dần về phía nam và thứ ba, các sinh vật đổi thay khác nhau đôi chút trên các hòn đảo Galapagos dù cho các đảo này khá trẻ theo ý nghĩa địa chất”.
Darwin không hiểu ngay ý nghĩa của sự thay đổi hình thức bên ngoài của các sinh vật, nhưng ông đã ghi chép tất cả nhận xét để sau này nghiên cứu khi trở về nước Anh. Ông không chấp nhận các giáo điều trong sách Sáng thế theo đó mọi chủng loại đã được tạo nên cùng một lúc và không thay đổi qua thời gian.Và điều quan trọng mà Darwin phát hiện ra trong chuyến đi này, là ông đã bắt đầu hoài nghi về thuyết các loài bất biến - một học thuyết vô cùng quen thuộc với giới khoa học trong suốt thời Cổ đại cho đến lúc đó. Với những điều đã thu thập được, Darwin đã hình thành trong đầu những nét phác thảo đầu tiên cho vấn đề lịch sử tiến hóa của các loài. Sự hoài nghi này là cơ sở cho những mầm mống tư tưởng đúng đắn nảy sinh trong trí óc Darwin, để rồi về sau trở thành kiến thức chuẩn mực của toàn nhân loại.
Đến Nam Mỹ, Darwin nhận thấy các loài vật giống nhau nhưng lại có hình dạng khác nhau, có những hóa thạch của động vật cổ xưa, nay đã tuyệt chủng nhưng lại có nét giống với rất nhiều loài động vật hiện tại. Khi khảo sát trên quần đảo Galapagos thuộc Equador ở phía Đông Thái Bình Dương, Darwin nhận thấy những sinh vật trên hòn đảo này đều khác
biệt với những sinh vật cùng loài tại vùng Nam Mỹ. Thậm chí, cùng một loài sinh vật mà ở mỗi hòn đảo nhỏ trong vùng quần đảo Gapalagos lại có sự khác biệt. Trước những hiện tượng kỳ lạ đó, Darwin biến nghi ngờ của mình thành một sự xét đoán kiên định: “Những vật chủng mới không phải do Thượng đế sáng tạo ra, còn những vật chủng cũ cũng không phải không bao giờ thay đổi”.
Và sau 5 năm thực hiện chuyến đi khám phá thế giới, Darwin đã trở thành một nhà khoa học tự nhiên thực thụ. Điều đáng nói là nếu như trước kia, ông không bao giờ có ý nghi ngờ những điều răn dạy trong Kinh thánh thì sau chuyến đi lịch sử ấy, chân lý “Thượng đế tạo ra con người” đã bị lung lay dữ dội trong ông. Bước phát triển trong nhận thức của Darwin cũng chính là điều kiện để tạo ra sự phát triển trong nhận thức nói chung của loài người, sự trở về của Darwin sau chuyến hành trình đã đưa đến cho nhân loại một nhận thức đúng đắn hơn tất thảy những học thuyết giải thích về nguồn gốc và sự tồn tại của các loài. Bằng chính những sự thật hiển nhiên mà Darwin thu thập được trong chuyến hải trình, sau này ông đã chinh phục được giới khoa học.
Năm 1836, sau khi trở về nước, Darwin sống ở Luân Đôn 3 năm. Dù người thầy Hanslow tìm được cho ông một chức vụ thư ký của hội địa chất Anh nhưng ông từ chối. Darwin bằng lòng làm việc không lương, cống hiến hết mình cho khoa học. Suốt cuộc đời, Darwin chưa từng đảm nhiệm một chức vụ nào bởi ông dành tất cả thời gian cho việc nghiên cứu và viết lách tự do. Nhờ sự trợ giúp về mặt kinh tế của người cha, Darwin có thể toàn tâm toàn ý cho khoa học. Ngay sau khi trở về, Darwin đã chuyên tâm chỉnh lý lại các tiêu bản đã thu thập được và cho xuất bản cuốn “Nhật ký khảo sát”. Cuốn nhật ký ra đời ngay lập tức đã thu hút một số lượng lớn độc giả. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và khiến cả thế giới phải say mê. Nhưng với Darwin, điều quan trọng nhất là ông đã phổ
biến được những điều tai nghe, mắt thấy của mình trong cuộc hành trình khám phá thế giới với đông đảo mọi người.
Ngoài ra, Darwin còn tham gia các thực nghiệm về nuôi các loài mới, thực nghiệm về tạp giao ở những nông trường lớn của nước Anh. Thời đó, để tạo ra giống mới, con người lựa chọn các con vật tốt nhất để cho sinh sản. Theo Darwin, đó chính là một việc làm thao túng, khống chế sự tiến hóa của sinh vật. Từ đó, ông có những liên tưởng về vấn đề “chọn lọc tự nhiên” đang tồn tại trong tự nhiên: giống nào biết thích nghi thì sẽ sinh tồn và tiến hóa, ngược lại, giống nào không biết thích nghi thì sẽ bị đào thải, thậm chí đi tới tuyệt chủng. Đây chính là cốt lõi vấn đề mà Darwin sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu trong phần đời còn lại của ông.
Năm 1839 cuốn “Tạp chí khảo cứu địa chất và khoa học tự nhiên của các quốc gia khác nhau trong chuyến đi trên con tàu Beagle” được công bố. Giờ đây ông bắt đầu suy nghĩ về lý thuyết của sự tiến hóa hữu cơ, theo đó các chủng loại thay đổi không chỉ từ nơi này sang nơi khác mà còn qua các thời đại địa chất. Ông muốn khám phá ra lý do của các thay đổi và đồng thời, viết cuốn sách “Nguồn gốc của các loài”. Bản phác thảo đầu tiên gồm 35 trang viết vào năm 1842, qua năm 1844 đã được mở rộng thành 230 trang. Từ đầu, bài toán bí ẩn là làm sao cắt nghĩa đời sống hữu cơ, đã bắt đầu phát triển kể từ thời khởi đầu của trái đất, cắt nghĩa sự xuất hiện và biến đi của các loài vật. Tại sao các loài vật đã sinh ra, bị thay đổi qua thời gian, phân chia thành các ngành khác nhau và đôi khi biến mất hoàn toàn?
Trong 20 năm ròng rã, Darwin đã cụ thể hóa các lý thuyết của mình. Ông đọc vô số tài liệu: tạp chí, sách du lịch, sách thể thao, sách dạy trồng hoa, sách dạy nuôi súc vật và sách lịch sử tự nhiên. Ông nói chuyện với nhiều nhà gây giống cây và thú vật, gửi câu hỏi tới nhiều người hiểu biết.
Ông đã lý luận rằng nếu sự tiến hóa được thực hiện do cách chọn lựa nhân tạo thì thiên nhiên cũng có thể hoạt động theo cùng một phương thức do cách chọn lựa tự nhiên?
Ông sưu tầm các bộ xương của các con vật đã được thuần hóa, so sánh chúng với xương của các con vật hoang dã. Ông khảo cứu các trái cây và hạt giống nổi và di chuyển trên mặt nước biển. Ông dùng các dữ kiện thu lượm được trong cuộc hành trình trên con tầu biển Beagle để giải đáp nhiều bài toán liên quan tới thực vật học, động vật học, địa chất học, cổ sinh vật học...
Ông quan sát thấy một số lớn chủng loại đã bị chết đi, chỉ một phần nhỏ sống sót. Vài loài động vật là thức ăn của các loài động vật khác. Sự tranh đấu tiếp tục không ngừng và cuộc cạnh tranh dữ dội đã diệt đi chủng loại nào không thích hợp với sự sống còn. Các thay đổi về chủng loại đã xẩy ra để đáp ứng các điều kiện cần thiết vì sự sống còn.
Chìa khóa đáp án đối với Darwin đã được tìm thấy khi ông đọc cuốn sách “Khảo luận về dân số” của Thomas Robert Malthus. Malthus cho rằng việc cung cấp thực phẩm đã kiểm soát mức độ gia tăng dân số và dân số tăng thêm trên trái đất bị chặn lại do tai nạn, bệnh tật, chiến tranh và nạn đói. Sau khi đọc cuốn sách đó, Darwin đã viết: “Từ sự quan sát lâu dài các thói quen của sinh vật và thực vật, tôi nhận ra rằng trong các hoàn cảnh sống, các chủng loại thích nghi thường được duy trì và các chủng loại không biết thích nghi sẽ bị tiêu diệt. Kết quả của sự kiện này là các chủng loại mới được sinh ra”.
Tháng 5 năm 1856, Darwin bắt đầu viết cuốn “Khởi nguyên các loài vật”. Khi viết được gần một nửa thì ông nhận được một bức thư của một nhà khoa học trẻ người Anh tên là Alfred Roussel Wallace. Trong thư có kèm theo một bản luận văn nhan đề “Bàn về khuynh hướng biến dị vô
cùng tận tách rời nguyên hình”. Con đường mà Roussel Wallace đi tuy khác con đường mà Darwin đã đi nhưng họ lại gặp nhau ở kết quả cuối cùng. Darwin chủ động nhường quyền ưu tiên cho Wallace công bố trước nhưng do sự thuyết phục của các đồng sự, Darwin đã cùng phát biểu chung một bài luận văn với Wallace nhan đề: Bàn về sự hình thành và khuynh hướng biến đổi giống, đồng thời bàn về sự biến đổi giống và các giống thông qua phương thức chọn lựa tự nhiên để tiếp tục tồn tại.
Cuối cùng, năm 1859, cuốn “Nguồn gốc các loài” chính thức ra mắt. Ngay trong ngày phát hành, số sách in ra đã được bán sạch. Sách gồm 15 chương, nội dung chủ yếu là luận chứng sự tiến hóa trong thế giới tự nhiên thông qua chọn lọc tự nhiên. Tác phẩm của Darwin trở thành một cái mốc của lịch sử khoa học. Ấn bản đầu tiên ở Luân Đôn gồm 1.200 cuốn đã bán hết trong vài ngày đầu. Các ấn bản khác chỉ bán tại nước Anh đã lên tới 24.000 cuốn và được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính. Bản gốc của tác phẩm của Darwin có tên “Về nguồn gốc của các loài do chọn lọc tự nhiên”. Nhan đề dài của cuốn sách đã được rút gọn thành “Nguồn gốc của các loài”. Lý thuyết của Darwin được trình bày trong 4 chương đầu của tác phẩm. Các chương sau đề cập tới ngành địa chất học, việc phân bổ thực vật và sinh vật, các điều kiện thích hợp với sự phân loại, hình thái học và phôi thai học, và cuối cùng là phần kết luận.
Tác phẩm “Nguồn gốc của các loài” từ phần đầu đã mô tả các thay đổi của động vật và thực vật, các biến đổi do “chọn lựa nhân tạo” so với các thay đổi trong thiên nhiên hay “chọn lựa tự nhiên”. Darwin kết luận, mỗi khi cuộc sống có sự thay đổi thì không có hai cá thể nào hoàn toàn giống nhau. Trong sự biến đổi, còn có sự tranh đấu để sinh tồn và tốc độ gia tăng theo cấp số nhân. Tác phẩm này còn cho thấy nguyên tắc “chọn lựa tự nhiên” đã hoạt động để kiểm soát độ gia tăng của số lượng sinh vật. Một số cá thể trong một chủng loại sẽ có sức mạnh hơn, chạy nhanh hơn,
thông minh hơn, ít bị bệnh tật hơn, có khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết. Các cá thể này sẽ sống còn các cá thể yếu đuối hơn sẽ suy tàn. Loài thỏ trắng trường tồn trên miền bắc cực còn loài thỏ nâu sẽ bị loài chồn, sói ăn thịt. Các con hươu cao cổ nhờ cổ dài, sẽ sống còn do ăn lá trên ngọn cây trong khi loài hươu cổ ngắn bị chết đói. Như vậy, hoàn cảnh thay đổi đã chi phối sự sống còn của các sinh vật có khả năng nhất. Darwin cũng đề cập tới sự chọn lựa truyền giống với các con đực thích nghi được nhiều nhất trong môi trường sống, sẽ để lại nhiều hậu duệ nhất.
Sự ra đời của cuốn sách với những tri thức mới mẻ đã làm dấy lên một phong trào chống đối Darwin trong giới nghiên cứu vẫn đi theo con đường cũ. Người thầy cũ đã từng dạy Darwin ở trường Cambridge là Adam Sedgwick đã gửi thư chỉ trích ông. Ngoài ra, những người theo thuyết do thần sáng tạo và những người tôn sùng tôn giáo tuyệt đối đã tỏ rõ thái độ hằn thù đối với Darwin khiến ông hết sức đau buồn và phẫn nộ. Tác phẩm “Nguồn gốc các loài” mang tính cách mạng nên câu chuyện trong Thánh Kinh về Chúa tạo ra con người sẽ không còn được chấp nhận. Do vậy, Giáo hội Thiên chúa đã coi luận đề của Darwin là nguy hiểm và một trận bão phản đối ông đã nổi lên. Dù cho Darwin cẩn thận tránh né việc áp dụng lý thuyết của ông vào lịch sử phát triển của con người nhưng lời buộc tội đã gán cho ông là ông đã hạ thấp con người khi cho rằng con người bắt nguồn từ con khỉ. Nhiều lời giễu cợt đã được dùng để bác bỏ lý thuyết của Darwin. Tạp chí Quarterly Review đã gọi Darwin là một con người nông nổi, làm ô danh khoa học. Darwin còn bị tố cáo là đã thu thập nhiều dữ kiện để cụ thể hóa một “nguyên tắc sai”. Tại ngôi trường cũ mà Darwin theo học, Đại học Trinity ở Cambridge, ông William Whewell đã không cho phép một ấn bản nào của tác phẩm “Nguồn gốc các loài” được đặt trong thư viện nhà trường.
Thế nhưng, bên cạnh Darwin vẫn có những người hiểu và tôn trọng giá trị khoa học mà ông đem lại. Nhà sinh vật học người Anh - Henry Huxley đã bày tỏ: “Tôi cho là nội dung của quyển sách này không còn gì tốt hơn. Nó có thể làm cho một người hoàn toàn không hiểu vấn đề này cũng phải cảm động... Tôi sẵn sàng để bị thiêu sống - nếu thấy cần thiết - tôi vẫn ủng hộ”.
Đầu mùa hè năm 1860, nước Anh bùng nổ một trận đại biện luận tại thư viện trường Đại học Oxford. Vị tổng giám mục giáo khu Oxford là Sanuel Wilberforce lên tiếng công kích thuyết tiến hóa của Darwin. Trước những lời lẽ quá khích của vị tổng giám mục, giáo sư Huxley vẫn điềm tĩnh đưa ra những luận chứng gãy gọn, dễ hiểu, bẻ gãy những lời lăng mạ của đối phương và được mọi người tán thưởng nồng nhiệt, khiến nhóm tín đồ trong giới tôn giáo kinh hoàng thất sắc. Trong cuộc tranh biện ấy, Wilberforce tin có thể đè bẹp lý thuyết của Darwin nên đã hướng về Huxley và hỏi một cách châm biếm:
- Xin hỏi giáo sư Huxley, liệu có phải phía ông nội hay bà nội của ngài có nguồn gốc từ loài khỉ không?”.
Huxley quay sang một người bạn và nói nhỏ:
- Chúa đã giao ông ta vào tay tôi rồi!”.
Huxley bèn đứng lên và nói:
- Một người không có lý do gì phải xấu hổ khi có một con khỉ là ông nội. Tôi xấu hổ chỉ vì có một ông tổ trí thức gặp một câu hỏi không biết rõ, làm mờ tối câu hỏi này vì lời hùng biện không chủ đích, làm lãng trí người nghe bằng các lời lẽ lạc đề mà lại khéo léo sử dụng thành kiến tôn giáo.
Trên đây chỉ là một trong các cuộc đụng độ diễn ra trong nhiều thập niên giữa nhà thờ và khoa học về lý thuyết của Darwin. Sau này qua cuốn sách “Dòng dõi của con người”, một khối lượng lớn dữ kiện của Darwin đã chứng minh rằng con người cũng là sản phẩm của thuyết tiến hóa, từ các hình thức thấp kém hơn.
Từ đó, thuyết tiến hóa của Darwin giữ vị trí thống lĩnh trong khoa học sinh vật. Năm 1885, trong buổi khai mạc chính thức tượng đồng của Darwin, giáo hội Anh đã cử người tới dự và ngỏ ý: “Học thuyết tiến hóa hoàn toàn không hề có một điểm nào xung đột với Thánh kinh”.
Như vậy, Darwin không chỉ chịu nhiều gian khổ để tìm ra chân lý mà còn vô cùng vất vả để bảo vệ nó. Nhà bác học ấy xứng đáng được tôn vinh bởi lòng say mê khoa học và sự trung thành tuyệt đối với chân lý khoa học. Năm 1860, dù phải chịu đựng sự nguyền rủa của các cha cố, Darwin vẫn tiếp tục viết một tác phẩm có quy mô lớn mang tên: “Sự biến dị của động vật và thực vật trong trường hợp được nuôi ở nhà”. Cuốn sách hoàn thành sau 8 năm và được xuất bản vào năm 1868. Năm 1871, Darwin xuất bản cuốn “Nguồn gốc giới tính của con người và sự lựa chọn giới tính”. Năm 1872, ông lại xuất bản cuốn “Tình cảm bộc lộ của loài người và động vật”. Năm 1876, ông xuất bản cuốn “Dị hoa thụ phấn và tự hoa thụ phấn trong giới thực vật”. Sự ra đời liên tục của các cuốn sách cho thấy quá trình làm việc không biết mệt mỏi của Darwin. Chân lý đối với nhà khoa học ấy mới là điều đáng kể, còn tất cả những điều thị phi xung quanh đều không làm ông chùn bước. Cho đến lúc sắp qua đời, Darwin vẫn cố gắng để ra tiếp một cuốn sách mang tên “Thổ nhưỡng, thực vật và giun đất”.
Cả cuộc đời hết lòng vì khoa học đã khiến sức khỏe của Darwin bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngày 19 tháng 4 năm 1882, Darwin qua đời ở
tuổi 73. Darwin được an táng bên cạnh nhà khoa học thiên tài Newton. Người đời vẫn nhắc đến ông như một tấm gương sáng về lòng say mê và tinh thần cao cả trong khoa học. Với thuyết Tiến hóa, Darwin đã dấy lên một cơn bão táp tri thức trong lĩnh vực khoa học sinh vật. Ông đã thực sự làm một cuộc cách mạng triệt để về quan niệm nguồn gốc các loài của toàn nhân loại. Cách nhìn nhận mới mẻ và những chứng cớ xác thực mà Darwin đưa ra không chỉ tạo nên sự thay đổi trong nội bộ ngành sinh vật, nó còn là cơ sở cho nhiều ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác thay đổi hướng đúng đắn hơn, tích cực hơn.
NGƯỜI CHIẾT XUẤT RA THUỐC ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT RÉT A
lexandre Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 ở Thụy Sĩ, cha mẹ người gốc Pháp. Ông học qua hai trường Đại học học Y khoa ở Lausanne (Thụy Sĩ) và Menbourg (Đức). Năm 23 tuổi ông sang Pháp và xin vào làm kỹ thuật viên tại bệnh viện Hotel Dieu Paris. Tại đó ông đã may mắn gặp được Louis Pasteur và được nhận vào làm việc ở phòng thí nghiệm vi trùng của Pasteur. Vừa làm việc, Yersin vừa nghiên cứu một đề tài khoa học nhỏ để làm luận án tốt nghiệp đại học y khoa. Hai năm sau ông bảo vệ thành công xuất sắc luận án này và được xếp vào loại công trình khoa học có giá trị thời bấy giờ. Khi đó Yersin tròn 25 tuổi.
Tháng 9 năm 1890, ông tới Viễn Đông với một niềm đam mê mãnh liệt là nghiên cứu những miền đất này. Ông đến Việt Nam và tháng 7 năm 1891 ông đặt chân đến Nha Trang.
Tại Việt Nam, ông nhận nhiệm vụ của nhà đương cục Pháp ở Đông Dương đi điều tra vùng rừng núi phía Đông sông Mê Kông tới bờ biển Việt Nam. Từ năm 1892 đến 1894, ông đã thực hiện 3 cuộc thám hiểm trong 13 tháng để tìm hiểu về đất đai, tài nguyên, dân cư, khí hậu... Chính trong thời gian này ông đã tìm ra Đà Lạt trên cao nguyên Lang Bian vào tháng 6 năm 1893 và đề nghị Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thành lập một thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh tại đây. Đề nghị đó đã được chấp nhận và mấy năm sau thành phố Đà Lạt được khởi công xây dựng.
Năm 1893, bệnh dịch hạch bùng nổ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông. Nạn dịch này lớn chưa từng thấy, đã cướp đi rất nhiều sinh mạng.
Tại Hồng Kông lúc đó dân số chỉ có 200.000 người nhưng đã có tới 100.000 người phải bỏ chạy khỏi vùng đất này vì tỷ lệ tử vong của căn bệnh này có khả năng lên đến 95%. Yersin xin được đi Hồng Kông để nghiên cứu và chỉ 5 ngày sau khi đến nơi, ông đã phát hiện được vi trùng dịch hạch. Sau 49 ngày ở Hồng Kông, ông trở về Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công vaccin chống dịch hạch để gửi đi các nơi đang có dịch bệnh hoành hành.
Sau thành công lớn về chống dịch hạch, Yersin thành lập phòng thí nghiệm và nghiên cứu vi trùng ở Nha Trang. Công việc đang tiến hành thì Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm ông làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội. Sau hai năm xây dựng và tổ chức, ổn định việc đào tạo cho nhà trường, ông xin được trở lại Nha Trang.
Về Nha Trang, ông dùng toàn bộ tiền dành dụm, tiền thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, kể cả tiền vay mượn, để tổ chức khai hoang vùng Suối Dầu, cách Nha Trang 20km, làm khu chăn nuôi, trồng trọt phục vụ cho công tác nghiên cứu, làm một con đường lên đỉnh núi Hòn Bà cách đó 30km để khai hoang trồng thử nghiệm cây quinquina lấy vỏ chiết xuất ra chất quinine điều trị bệnh sốt rét. Tại đây, ông còn đem giống cây cao su về trồng thí nghiệm và sau này thành công, phát triển ra nhiều tỉnh khác trong toàn quốc. Cây cao su và cây quinquina được ông lấy giống từ Indonesia về vì trước đó ở Việt Nam chưa có các giống cây này. Việc trồng quinquina trên đỉnh đồi Hòn Bà không thành công do không hợp thổ nhưỡng. Yersin không nản chí đã chuyển loại cây này lên trồng ở cao nguyên Dran và Lang Bian. Tại đây ông đã thành công ngoài mong muốn: năm 1926 ông thu hoạch lứa quinquina đầu tiên và chiết xuất được quinine với hàm lượng cao. Sau đó ông đã phát triển trồng ở Đà Lạt được 671 ha quinquina, hàng năm thu được hàng chục tấn vỏ. Lúc bấy giờ trên thế giới bệnh sốt rét vẫn đang hoành hành nên quinina rất quý.
Hơn 50 năm ở Nha Trang, Yersin đã nghiên cứu thành công 50 công trình khoa học, trong đó có 40 đề tài về y học và 10 đề tài về nông nghiệp. Ông đã từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, Chủ tịch danh dự Hội đồng khoa học Viện Pasteur Paris, Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương. Bên cạnh y học và nông nghiệp, ông còn say mê nghiên cứu thiên văn, sử dụng máy quay phim, máy chụp ảnh, vô tuyến điện và ham mê văn học, dịch thuật...
Là một nhà bác học vĩ đại, nhưng Yersin sống rất giản dị và giàu lòng nhân ái. Hơn 50 năm ở Nha Trang, ông sống trong một căn nhà đơn sơ ở xóm Cồn giữa những người dân chài lưới và đem những hiểu biết của mình nhiệt tình giúp đỡ họ. Yersin đã dành hơn nửa thế kỷ cuộc đời mình ở Việt Nam. Ông mất năm 1943 và theo nguyện vọng của ông, những người dân ở Nha Trang cùng các nhà chức trách người Pháp đã đưa ông lên an táng tại Suối Dầu. Trên nấm mộ của ông có khắc dòng chữ giản dị: Alexandre Yersin 1863 - 1943. Ở đó, ngày nay những người dân Nha Trang và du khách vẫn thường đến thắp hương và đặt hoa trên mộ ông.
NGƯỜI KHÁM PHÁ RA PENICILIN
A
lexander Fleming sinh năm 1881, là con một chủ trại ở Scotland. Ông đã tới London để học trường Y Saint Mary Hospital.
Ông là bác sĩ, nhà sinh học, nhà dược lý học được nhận giải Nobel y học cùng với Ernst Chain và Howard Florey do phát hiện và phân tách penicillin - loại kháng sinh đầu tiên của loài người - từ loại nấm cùng tên. Fleming được xem là người mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học.
Năm 1992, Fleming nhận thấy chất nhầy lấy từ trong mũi của ông, có tác dụng ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn cấy trên thạch. Sau đó, ông còn nhận thấy nước mắt của con người cũng có tác dụng làm tiêu tan các vi khuẩn.
Năm 1928, Fleming đã cấy trên thạch loài tụ cầu khuẩn màu vàng. Nhưng do sơ suất, trong khi mở nắp hộp nuôi cấy bằng thủy tinh ra xem, chỗ cấy của ông đã bị nhiễm bởi một loại mốc từ ngoài cửa sổ để mở bay vào. Ông để ý theo dõi thì thấy chỗ nào bị mốc thì tụ cầu khuẩn không phát triển. Ông đã chứng minh được rằng loài mốc penicillium notaum đó đã ngăn chặn được sự phát triển của một số vi khuẩn. Chất kháng sinh được phát hiện trong dịch mốc đó được đặt tên là penicilin, vì bộ phận sinh sản của loài mốc đó có hình dạng giống cái bút lông (tiếng Latinh penicillium nghĩa là cái bút lông). Tháng 2 năm 1929, ông công bố phát minh của mình tại câu lạc bộ Nghiên cứu Y học ở London.
Năm 1935, tại trường Đại học Oxford, một người Australia, bác sĩ Howard Florey được bổ nhiệm là giáo sư môn Bệnh học. Đồng thời ông Chain sinh ra ở Berlin, mẹ là người Đức, bố là người Nga, nhưng vì là gốc Do thái, nên ông buộc phải rời Đức sang nước Anh để cùng cộng tác với Florey. Hai ông tìm ra bài báo mà Fleming đã viết từ năm 1929. Đầu năm 1939, Chain mới bắt đầu nghiên cứu lại chất penicilin. Ông xin được vài bào tử mốc penicillium notaum đem cấy trên thạch, rồi bằng phương pháp đông khô, ông đã lấy ra được từ bã của dịch mốc một thứ bột màu nâu có tính kháng sinh cao hơn dịch ban đầu, nhưng còn chứa tạp chất. Chain đã tìm ra được cách loại tạp chất và đạt được một thứ bột mịn màu vàng có tác dụng kháng sinh gấp nghìn lần mốc đầu tiên của Fleming. Tháng 5 năm 1940, Florey tiêm vào chuột các vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu và Clostridium (vi khuẩn gây bệnh hoại thư khí), rồi sau đó tiêm penixilin thì chuột không chết. Florey và Chain công bố kết quả này vào ngày 24 tháng 08 năm 1940 trên tạp chí y học “The Lancet” của Anh.
Tại bệnh viện Oxford, một cảnh sát bị nhiễm độc màu bởi tụ cầu khuẩn. Ngày 12 tháng 2 năm 1941, Florey và Chain tiêm thử penicilin cho viên cảnh sát này thì thấy có kết quả, nhưng vì hết thuốc nên viên cảnh sát đó đã từ trần ngày 15 tháng 3 năm 1941. Sau đó vì chiến tranh, việc nghiên cứu penicilin được chuyển sang Mỹ. Một nữ nhân viên của phòng thí nghiệm nghiên cứu mốc ở Peorin ra chợ mua một quả dưa tây bị mốc đem về để cấy loài mốc mới penicillium chrysogeum có ở dưa thì thấy dùng loài mốc mới này để sản xuất penicilin tốt hơn loài cũ penicillium notatum mà Fleming đã dùng lần đầu tiên.
Ngay từ năm 1943, một lượng penicilin đã được sản xuất từ loài mốc mới lấy từ quả dưa bở mua ở chợ về để thử trong phòng thí nghiệm.
Người ta đã tung ra loại thuốc kháng sinh mới này để cứu sống các thương binh trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Năm 1945, Fleming được giải thưởng Nobel về y học. Ông mất năm 1955, thọ 74 tuổi.
NGƯỜI SÁNG LẬP HỌC THUYẾT VỀ TÁC DỤNG CỦA QUANG HỌC
T
imiriazep sinh năm 1843, ông là nhà bác học vĩ đại người Nga, người đã phấn đấu cho chủ nghĩa Darwin và sinh vật học duy vật chủ nghĩa, sáng lập học thuyết hiện đại về tác dụng quang hợp. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã thấm nhuần tư tưởng dân chủ cách mạng của các nhà tư tưởng vĩ đại Nga giữa thế kỷ XIX, ông đã cống hiến toàn bộ hoạt động khoa học và xã hội của mình phục vụ khoa học tiên tiến và nhân dân lao động. Vì có những tư tưởng tiến bộ nên ông bị chính phủ Nga hoàng bức hại. Ông cũng là một nhà khoa học chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mác - Lênin.
Ông nhiệt liệt hoan nghênh Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại. Công nhân đường sắt Mátxcơva - Cuốc bầu ông làm đại biểu trong Xô viết Mátxcơva, các nhà khoa học Bonsevich cử ông làm viện sĩ Viện Hàn lâm xã hội chủ nghĩa, sau là Viện Hàn lâm cộng sản chủ nghĩa. Bộ Ủy viên nhân dân Giáo dục cử ông làm ủy viên Hội đồng học thuật quốc gia. Trên báo chí, Timiriazep vạch mặt bọn đế quốc công kích Đảng cộng sản và những lãnh tụ của Đảng, bóc trần mục đích đế quốc chủ nghĩa của mười bốn nước tấn công vào nước Cộng hòa Xô viết trẻ tuổi.
Về triết học, Timiriazep là một nhà duy vật chủ nghĩa kiên định; ông đấu tranh không nao núng chống chủ nghĩa duy tâm. Ông phê phán nghiêm khắc chủ nghĩa duy tâm trong triết học, bắt đầu từ Platon cho đến các nhà duy tâm chủ nghĩa chủ quan Becxôn, Batoxon, Makho, Giemo và những người khác. Trong việc nghiên cứu, ông dựa vào “phương pháp
"""