🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đàn Ông Sao Hỏa - Đàn Bà Sao Kim: Hạnh Phúc Bên Nhau
Ebooks
Nhóm Zalo
JOHN GRAY
MARS AND VENUS
Together forever
ĐÀN ÔNG SAO HỎA, ĐÀN BÀ SAO KIM
Hạnh phúc bên nhau
First News
Chịu trách nhiệm xuất bản:
TRẦN ĐÌNH VIỆT
Biên tập: Đỗ Loan
Trình bày: Ngọc Trí
Sửa bản in: Quỳnh Trang
Thực hiện: First News - Trí Việt
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP HỒ CHÍ MINH
62 Nguyễn Thị Minh Khai- Quận 1
ĐT: 8225340 - 8291917 - 8223637 - 8296713 In 2000 cuốn, khổ 13x20.5 cm tại XN In Công ty Văn Hóa Phương Nam (160/13 Đội Cung, Q.11, TP. HCM). Giấy đăng ký KHXB số 910-2007/CXB/33-54/THTPHCM cấp ngày 15/11/2017 - QĐXB số 1340/QĐ - THTPHCM - 2007 cấp ngày 13/12/2007.In xong và nộp lưu chiểu quý II/2008.
Mục lục
Lời giới thiệu
Từ trải nghiệm bản thân
Chương 1: Bí quyết giữ ấm ngọn lửa gia đình
Chương 2: Những hiểu biết tâm lý cần thiết về phụ nữ và nam giới
Chương 3: Nghệ thuật hỗ trợ cảm xúc
Chương 4: Sự khác biệt trong suy nghĩ, cảm xúc của phụ nữ và nam giới
Chương 5: Kỹ năng lắng nghe cần có ở nam giới
Chương 6: Kỹ năng để phụ nữ thu hút sự lắng nghe của nam giới
Chương 7: Khi cả hai không có tiếng nói chung
Chương 8: Nam giới vẫn là người sao hỏa, phụ nữ vẫn là người sao kim
Chương 9: Cuộc sống yêu thương nồng nàn
Chương 10: Vũ điệu của tình cảm vững bền
LỜI GIỚI THIỆU
C
uộc sống càng hiện đại, con người càng cố gắng vươn tới sự toàn vẹn và hoàn hảo. Đặc biệt, khi nền tảng kinh tế và nhiều chuẩn mực trong xã hội thay đổi, mối quan hệ giữa
người với người cũng thay đổi theo, trong đó trước hết phải kể đến quan hệ hôn nhân - gia đình.
Ngày nay, người phụ nữ không chỉ giới hạn ở vai trò làm vợ, làm mẹ như trước đây, mà họ còn mong muốn khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Tương tự, người đàn ông không chỉ có mục tiêu duy nhất là thành đạt trong sự nghiệp, mà họ còn khát khao được yêu và sống trong sự chăm sóc, yêu thương. Họ muốn có nhiều thời gian để giải trí và để sẻ chia việc nuôi dạy con cái trong gia đình.
Trước sự thay đổi này, nhiều người không khỏi bối rối. Thậm chí có nhiều người đã không thể chấp nhận và không dành sự cảm thông, hỗ trợ tinh thần cho bạn đời của mình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xung đột, tan vỡ của nhiều cặp vợ chồng.
Thống kê gần đây cho thấy, ở Mỹ, trung bình có hai trên bốn cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị, trong đó tại bang California tỷ lệ này là ba trên bốn. Trên 50% trẻ em nước Mỹ có hoàn cảnh gia đình tan vỡ, hơn 30% em bé sinh ra ngoài giá thú. Bạo hành gia đình, tội ác, ma túy đạt mức kỷ lục. Rõ ràng, sự đổ vỡ gia đình phải chịu trách nhiệm lớn trước những con số thống kê báo động đó.
Thực trạng này khiến nhiều câu hỏi bức thiết được đặt ra. Đâu là nguyên nhân chính của sự đổ vỡ này? Phải chăng con người nên kìm chế những nhu cầu cá nhân để sống cho một lý tưởng cao hơn?
Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi quan tâm tìm hiểu và phân tích trong cuốn Đàn ông Sao Hoa, Đàn bà Sao Kim – Hạnh phúc bên nhau. Với cuốn sách này, bạn sẽ thấy rõ hơn nguyên nhân dẫn đến xung đột trong hôn nhân, đồng thời biết thêm nhiều kỹ năng mới để giữ gìn và vun đắp hạnh phúc gia đình. Nếu bạn đang gặp phải những khúc mắc trong tình cảm với người bạn đời, đừng quá lo lắng, bởi đây là chuyện bình thường trong cuộc sống. Hãy dành thời gian tham khảo và vận dụng những nguyên tắc trong cuốn sách này, tôi tin rằng chẳng bao lâu sau, mối quan hệ của bạn sẽ có nhiều tín hiệu tươi sáng.
Đàn ông Sao Hỏa, Đàn bà Sao Kim – Hạnh phúc bên nhau bàn đến nhiều vấn đề mà trường lớp hay bố mẹ không thể dạy cho bạn, đơn giản bởi đó là những điều chỉ có thể rút ra từ cuộc sống thực tế với những hoàn cảnh sống cụ thể. Cuốn sách sẽ gợi mở cho bạn nhiều hướng đi mới, đem lại những thông tin cần thiết để bạn có thể tạo dựng, nuôi dưỡng tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ với bạn đời.
Trân trọng gửi đến bạn đọc những trải nghiệm từng đưa lại kết quả tốt đẹp cho hàng ngàn người, trong đó có bản thân tôi. Chúc các bạn luôn có được một tình yêu tròn đầy, một cuộc sống gia đình thật hạnh phúc, nồng ấm yêu thương!
- John Gray, Ph.D.
TỪ TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN V
ào thập niên năm mươi, khi tôi còn là cậu bé, một lần tình cờ, tôi nghe cha thú nhận với mẹ rằng ông có tình cảm với người phụ nữ khác. Lúc đầu, cha tưởng đó chỉ là
tình cảm thoáng qua, nhưng càng ngày cha càng nhận thấy mình yêu và cần người đó. Cha đề nghị ly hôn với mẹ.
Gương mặt mẹ tôi chợt tái nhợt bởi nỗi đau đớn, thất vọng. Nhưng ngay sau đó, bà đã lấy lại được bình tĩnh. Với vẻ dịu dàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, mẹ khẽ bảo: “Nếu anh muốn thế, em sẽ đồng ý chia tay. Nhưng mình suy nghĩ chuyện này một tháng nữa, rồi anh hãy quyết định, được chứ?”.
Một tuần sau, mẹ phát hiện mình có thai đứa con thứ bảy. Trước trách nhiệm mới, cha quyết định không bỏ mẹ và gia đình. Tất nhiên, mẹ rất vui. Cũng từ đó, tôi không nghe nói đến ý định ly hôn của cha nữa, mặc dù ông vẫn có quan hệ tình cảm bên ngoài.
Tuy không chính thức ly dị, nhưng câu chuyện “bí mật” của cha vẫn là một bước ngoặt trong quan hệ giữa cha và mẹ. Họ vẫn cư xử với nhau theo đúng nghĩa vợ chồng, nhưng một cái gì đó đã vĩnh viễn mất đi, niềm vui và sự lãng mạn của tình yêu không con nữa.
Lớn lên, nghe dư luận bàn tán chuyện cha ngoại tình, tôi có hỏi, nhưng ông đáp: “Không biết thì không đau lòng con ạ!”. Tôi nghĩ, đấy chỉ là cách để cha biện minh cho chuyện tình cảm ngoài hôn nhân của mình. Vì không muốn me buồn nên cha cho rằng giữ bí
mật sẽ tránh tổn thương cho bà. Tất nhiên, cha cũng phần nào có lý.
Với mẹ, dường như lúc nào bà cũng rất bình thản. Không bao giờ mẹ đưa chuyện ngoại tình ra ngăn cản hoặc gây sức ép cho cha. Đáng tiếc, họ không nhận ra rằng khi thiếu vắng tình cảm vợ chồng đúng nghĩa, cả hai đều đánh mất những cảm xúc yêu thương tinh tế, dịu dàng từng gắn kết họ lại với nhau. Như nhiều cặp vợ chồng khác, cha mẹ lầm tưởng rằng, sau nhiều năm chung sống, sự đam mê và hấp dẫn thể xác mất đi cũng là chuyện bình thường.
Sau ngày cha qua đời, một hôm mẹ con tôi thấy tấm ảnh cha chụp với nhân tình. Thoáng nhìn bức hình, mẹ ứa lệ - những giọt nước mắt không bao giờ nhỏ khi cha còn sống. Tôi hiểu tại sao mẹ khóc. Trong hình, cha tôi bên người phụ nữ khác với ánh mắt lấp lánh niềm vui, gương mặt rạng ngời hạnh phúc - điều mà trước đó cha mẹ từng dành cho nhau.
Tôi cũng chạnh lòng vì chưa bao giờ thấy cha tỏ vẻ hạnh phúc như vậy. Thuở trước, cha tôi thường hay cáu kỉnh, giận dữ, buồn phiền. Còn trong tấm ảnh này, với thế giới bí mật riêng, cha vô cùng quyến rũ, hạnh phúc và độ lượng. Đây chính là hình ảnh một người cha tôi hằng mơ ước bấy lâu.
Tôi hỏi lý do tại sao cha ngoại tình, mẹ đáp: “Bố mẹ rất yêu nhau. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, mẹ làm mẹ, còn bố cần một người vợ”. Thấy tôi sửng sốt trước sự bình thản chấp nhận phụ bạc, mẹ bảo: “Thật lòng, mẹ rất khâm phục vì cha con chịu ở lại với gia đình. Phải hy sinh nhiều lắm. Có nhiều khao khát lớn lao, nhưng cha đã không bỏ rơi mẹ con ta”.
Hôm ấy tôi mới hiểu lý do tại sao cha phản bội mẹ và nhận ra trong con người ông là cả một sự giằng co, mâu thuẫn lớn.
Không còn tìm thấy sự hấp dẫn ở mẹ, nhưng cha cũng không biết cách để cải thiện tình cảm giữa hai người. Ông không biết làm sao vừa gánh vác trách nhiệm gia đình vừa yêu thương lãng mạn và làm sống lại những đam mê, niềm vui trong quan hệ vợ chồng. Nếu biết, hẳn cha sẽ không bỏ cuộc và lầm đường như thế.
Còn với mẹ, tôi thấy bà cũng đã cố gắng hết mình. Luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ - tận tình, chu đáo, nhưng bà lại không nắm được nghệ thuật duy trì tình cảm lãng mạn. Tuy nhiên, suy cho cùng, một phần cũng là vì hoàn cảnh lúc bấy giờ - chiến tranh, nền kinh tế suy thoái trầm trọng, sự sống được đặt lên hàng đầu. Người ta dường như quên dần nhu cầu lãng mạn trong tình cảm, quên dần cách bộc lộ cảm xúc nội tâm ra ngoài. Vì quá bận rộn với công việc gia đình, chăm sóc sáu, rồi bảy đứa con, mẹ tôi chẳng còn thời giờ đâu để lo lắng bản thân. Không những thế, chẳng bao giờ mẹ nghĩ đến chuyện san sẻ nỗi lòng với cha tôi, và thật ra mẹ cũng không biết làm sao để trút bớt gánh nặng cho mình mà không làm cha khó chịu.
Khi cha quyết định ở lại, mẹ nhẹ lòng hơn vì gia đình không rơi vào cảnh tan vỡ. Như nhiều phụ nữ khác, mẹ đặt lợi ích gia đình lên trên nhu cầu cá nhân, đồng thời bỏ qua nhu cầu riêng của cha. Bà đề cao tấm lòng của cha tôi đối với gia đình ở chỗ ông vẫn duy trì quan hệ hôn nhân, mặc dù cha vẫn bí mật ngoại tình. Bất chấp sự thực, mẹ vẫn khẳng định với tôi rằng cha mẹ rất yêu thương nhau và gắn bó hơn sau nhiều năm chung sống.
Câu chuyện của cha mẹ tôi hẳn là khá phổ biến với nhiều người thuộc thế hệ trước. Tuy nhiên, thời đại chúng ta ngày nay lại khác. Khi nền tảng hôn nhân đã thay đổi đáng kể, người ta không còn đến với nhau vì sự sống và che chở nữa mà vì đáp ứng nhu cầu yêu thương, lãng mạn và cảm xúc. Do đó, nhiều quy tắc, biện
pháp cha mẹ chúng ta từng áp dụng để duy trì hôn nhân, giờ đây trở nên vô hiệu, thậm chí phản tác dụng.
Là người tiên phong tiến đến một đường biên mới, đối mặt với bao vấn đề mới, chúng ta cần có những biện pháp mới, khắc phục tư tưởng hạn chế hoặc không phù hợp mà ta đã ảnh hưởng từ thế hệ trước. Khi những lo lắng về vật chất dần bớt đi, con người lại hướng đến những nhu cầu cao hơn, mong đợi nhiều hơn ở bản thân và cuộc sống. Phụ nữ không chỉ mong chờ người bạn đời của mình khả năng gánh vác việc gia đình mà còn muốn người đó đáp ứng nhu cầu tinh thần. Tương tự, nam giới không chỉ cần một người phụ nữ làm tròn các chức phận quen thuộc mà quan trọng là người đó còn phải biết chăm sóc nhu cầu cảm xúc cho chồng theo đúng nghĩa tình yêu thực sự.
Nói như vậy không có nghĩa là cha mẹ chúng ta ngày xưa không cần hỗ trợ tinh thần, mà đơn giản đó không phải là mong đợi hàng đầu của họ. Việc mải miết lao động để chu cấp vật chất cho gia đình, hoặc tối ngày cặm cụi chăm lo nhà cửa, con cái đã đẩy tình cảm vơ chồng dần xa nhau, giữa họ dần mất đi tình cảm lãng mạn thuở ban đầu. Cách thức đó không còn phù hợp với chúng ta ngày nay. Để có được hạnh phúc lâu bền, không nhất thiết phải hy sinh bản thân nhiều đến vậy. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cân bằng và nắm được những bí quyết để vừa có thể giữ được một tình yêu lãng mạn, đam mê với người bạn đời, vừa có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trong gia đình, cũng như trong công việc.
Mong muốn được hạnh phúc nhiều hơn cha mẹ chẳng có gì là xấu hay ích kỷ. Cuộc sống hiện đại đảm bảo cho chúng ta nhu cầu sinh tồn và sự bình yên, đồng thời cũng đem lại cho chúng ta tự do cá nhân để có thể sống đúng như ý muốn. Do vậy, xây dựng những mối quan hệ tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ
tinh thần, để ta có thể phát huy hết năng lực của bản thân và mang lại nhiều hơn hạnh phúc cho những người mà ta yêu thương.
- John Gray, Ph.D.
Chương 1
BÍ QUYẾT GIỮ ẤM NGỌN LỬA GIA ĐÌNH
V
ào thời kỳ nguyên thủy - thời kỳ hoang sơ, với đầy những đe dọa trong cuộc sống - đàn ông và đàn bà đã tìm đến chung sống và nương tựa vào nhau. Người phụ nữ cảm
thấy mình được yêu thương và trân trọng khi hàng ngày người bạn đời ra ngoài, bất chấp rủi ro để mang lương thực về cho gia đình. Họ không đòi hỏi người đàn ông của mình phải tinh tế, nhạy cảm, hoặc phải nắm được các kỹ năng trong quan hệ ứng xử để tạo không khí đầm ấm cho gia đình - quan trọng là anh săn bắt giỏi và không lạc đường về nhà. Ngược lại, trong vai trò chu cấp, người đàn ông nhận thấy mình được yêu thương và công nhận. Dù sinh tồn khó khăn, nhưng quan hệ hai bên nhìn chung khá hòa thuận.
Dù đảm nhận những trách nhiệm riêng biệt, nhưng cả nam và nữ đều dựa vào nhau để tồn tại. Thức ăn, tình dục, con cái, chỗ ở và sự an toàn thúc đẩy họ cùng chung sống, vì để đáp ứng những nhu cầu cơ bản này đòi hỏi phải có những kỹ năng cụ thể. Đàn ông đảm nhiệm vai trò chu cấp, bảo vệ; phụ nữ chuyên nuôi dưỡng con cái và quán xuyến gia đình.
Đó là sự phân chia tự nhiên. Chức năng sinh sản thuộc về người phụ nữ, do đó họ thấy mình có trách nhiệm chủ yếu trong việc nuôi con và tạo dựng mái ấm. Ngược lại, để thể hiện sự quan tâm
của mình với người bạn đời, nam giới sẵn sàng gánh vác những việc nguy hiểm như săn bắt thú rừng và đứng lên bảo vệ vợ con. Sự cộng tác để đáp ứng nhu cầu sinh tồn cơ bản đã làm nảy sinh sự tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau giữa hai giới.
Tuy nhiên, ngày nay cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Đàn ông và phụ nữ không còn quá phụ thuộc lẫn nhau vì mưu sinh nữa, do đó những quy tắc, cách thức của tổ tiên xưa trở nên lỗi thời. Tình yêu, hạnh phúc và sự gắn bó dài lâu giờ đây trở thành thước đo cho một mối quan hệ trọn vẹn. Nếu những thế hệ trước không biết làm thế nào để đáp ứng nhu cầu cảm xúc cho người bạn đời mà không phải hy sinh sự thỏa mãn cá nhân, thì ngày nay chúng ta có thể làm được điều này bằng cách thực hành nhưng kỹ năng quan hệ ứng xử mới.
Biến đổi về kinh tế, xã hội trong những thế kỷ qua đã ảnh hưởng rất lớn đến vai trò truyền thống của hai giới. Với xu hướng tự lập, nữ giới ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Họ không còn thụ động trông chờ vào sự chu cấp hay bảo vệ của người đàn ông trong gia đình. Người phụ nữ hiện đại biết lên kế hoạch và tự chọn cho mình con đường riêng. Quan trọng hơn, với việc áp dụng các biện pháp tránh thai, họ có thể chủ động trong việc sinh con. Đây là một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.
Ngày nay, người phụ nữ dường như ngày càng trở nên tất bật hơn do đảm nhiệm quá nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống. Ngoài việc sinh con, nuôi dưỡng, chăm lo gia đình, họ cũng đóng vai trò là người chu cấp, bảo vệ. Môi trường làm việc bên ngoài của họ cũng đầy cạnh tranh khắc nghiệt. Bởi vậy, họ không chỉ cần được yêu thương, chăm sóc mà còn cần ở người đàn ông sự cảm thông, chia sẻ.
Sự thay đổi của thời đại đòi hỏi mỗi người cần phải điều chỉnh nếp nghĩ, cách sống của bản thân sao cho phù hợp. Để được bạn đời trân trọng và cần đến, người đàn ông cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng mới. Tương tự, phụ nư cũng cần phải học hỏi để vừa có thể khẳng định được vị trí của mình ngoài xã hội, vừa giữ được những nét mềm mại, nữ tính khi trở về với những mối quan hệ yêu thương trong gia đình.
PHỤ NỮ VÀ NAM GIỚI NGÀY NAY CẦN HỌC HỎI NHỮNG GÌ?
Khó khăn mà thế hệ trước đây thường gặp là người mẹ không biết làm thế nào để dạy con gái họ biết cách chia sẻ cảm xúc để người khác giới cởi mở và giúp đỡ tích cực khi được nhờ cậy. Hoặc làm thế nào để chăm sóc người đàn ông mà tránh được thái độ nuông chiều hay chăm sóc như với con cái? Làm sao thỏa mãn những mong muốn của chồng mà không phải cần phải từ bỏ nhu cầu của riêng mình? Nói một cách ngắn gọn, khó khăn chính là ở chỗ: làm thế nào để dạy con gái vừa nữ tính vừa mạnh mẽ, biết cách hỗ trợ bạn đời đồng thời cũng nhận được sự động viên tinh thần mà họ vốn xứng đáng được hưởng.
Tương tự như thế, xưa kia người đàn ông cũng không được dạy cách ứng xử, giao tiếp với phụ nữ để tránh hai thái cực: hoặc thụ động chấp nhận, hoặc gia trưởng áp đặt. Vì thế, nam giới rất dễ lúng túng khi vừa phải mạnh mẽ, vừa phải nhạy cảm và tinh tế cùng một lúc.
Nói như vậy không có nghĩa là ta đang quy trách nhiệm cho những người làm cha làm mẹ, bởi thực tế có một khoảng cách khá lớn giữa các thế hệ với nhau. Do những hạn chế của thời đại nên nhiều nếp nghĩ xưa không còn phù hợp trong thời đại mới.
KỸ NĂNG QUAN HỆ MỚI – CHÌA KHÓA BẢO VỆ TÌNH CẢM NỒNG THẮM
Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể những kỹ năng ứng xử cần thiết để hỗ trợ nhu cầu mới trong tình cảm vợ chồng, từ đó giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc, yêu thương bền vững hơn. Có thể bạn sẽ gặp một vài ý tưởng quen thuộc, nhưng chắc chắn những ý tưởng này sẽ được trình bày một cách mới mẻ hơn nhiều.
Ở người phụ nữ, kỹ năng quan hệ ứng xử mới cần họ phát huy vai trò truyền thống của mình, nhưng với cách thể hiện khác xưa để chắc chắn có kết quả như ý. Về phần nam giới, vẫn là người chu cấp nhưng với hình ảnh mới - “bớt làm lại” - anh sẽ biết cách đem đến sự hỗ trợ tinh thần cần thiết cho người phụ nữ. Khi hiểu đúng vấn đề, cả hai sẽ vận dụng tốt hơn năng lực sở trường của mình.
Quan hệ tình cảm sẽ trở nên khó khăn khi bạn kỳ vọng quá nhiều ở bản thân hay người bạn đời. Nắm vững các kỹ năng quan hệ ứng xử mới không phải là chuyện một sớm một chiều mà nó đòi hỏi bạn phải để ý thực hành thường xuyên. Thay đổi để tốt đẹp hơn thường là việc khó, nhưng bạn có thể vượt qua từng bước một cách dễ dàng, bổ ích và thú vị. Khi đã nắm vững những kỹ năng này, mọi phương diện cuộc sống và quan hệ của bạn sẽ được tăng cường.
DỰ ĐOÁN THẤT BẠI
Kỹ năng ứng xử quan trọng nhất trong tất cả là khả năng dự đoán những thất bại tạm thời và thấy được sự cần thiết phải học lại đến khi nào hoàn toàn nắm vững bài học. Đó cũng là cách rèn luyện cho bạn tính kiên nhẫn, bao dung và yêu thương.
Có thể sẽ có lúc bạn cảm thấy những kỹ năng này thật rườm rà, nhưng thực tế nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống và mang đến nhiều điều thú vị. Khi thực hành các kỹ năng quan hệ mới,
kết quả đạt được sẽ tiếp thêm cho bạn nguồn hy vọng, động viên và hỗ trợ. Trên con đường mà có thể bố mẹ và những thế hệ trước chưa một lần từng đi, bạn sẽ thấy mình có khả năng cải thiện ngay các mối quan hệ, và dần dần, nhờ nỗ lực vận dụng của bạn, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Những kỹ năng thiết yếu này sẽ giúp bạn tìm được niềm vui, sự gắn bó và ngọn lửa đam mê trong tình yêu. Sự lãng mạn không phải là thứ luôn dần mất đi trong cuộc sống vợ chồng, niềm vui thuở hẹn hò vẫn có thể ở lại, và tình cảm gắn bó riêng tư có thể trở thành sự thỏa mãn ngày càng sâu sắc hơn. Chương tiếp theo sẽ phân tích cho bạn những điều quan trọng mà phụ nữ và nam giới cần hiểu rõ để đời sống tình cảm luôn nồng nàn, gắn bó.
Chương 2
NHỮNG HIỂU BIẾT TÂM LÝ CẦN THIẾT VỀ PHỤ NỮ VÀ NAM GIỚI
S
ống trong gia đình, nếu xảy ra chuyện gì đó không hay, người đàn ông thường giải quyết băng cách đặt ra cho mình nhiệm vụ là phải thành đạt hơn nữa. Khi quan hệ
tình cảm gặp rắc rối, họ ít khi tìm đến chuyên gia tư vấn, cũng không muốn tìm hiểu qua sách vở mà thường đọc sách về kinh doanh và bí quyết thành công. Điều này là bởi ngay từ xưa, hoàn thành tốt vai trò chu cấp là cách nam giới đem lại hạnh phúc cho bạn đời của mình.
Tuy nhiên, ngày nay sự rạn nứt trong hôn nhân thường không nằm ở nguyên nhân vật chất mà là ở chỗ thiếu vắng tình yêu, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Nếu người đàn ông không tâm lý, không nắm bắt được những nhu cầu mới của bạn đời thì cảm giác thất vọng ở người phụ nữ là không thể tránh khỏi. Điều này cũng làm anh buồn chán. Ra đi là lựa chọn cuối cùng khi người đàn ông không biết làm thế nào để bạn đời hạnh phúc. Sự day dứt và bế tắc bắt nguồn từ cảm giác bất lực, không hiểu được nhu cầu của người bạn đời.
KHÓ KHĂN CỦA MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI
Làm việc cật lực, chịu nhiều căng thẳng, người phụ nữ hiện đại thường cảm thấy không được hỗ trợ và mọi việc dường như quá sức chịu đựng của bản thân. Tối thiểu một tuần năm ngày họ phải đến công sở, làm việc từ tám đến mười hai tiếng. Về nhà, họ phải dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc và dạy dỗ con cái. Không những thế, họ phải tỏ vẻ hạnh phúc, cởi mở để vui lòng chồng... Tất cả khiến họ như bị ngạt thở trong một đống nhiệm vụ.
Trong công việc, người phụ nữ cũng phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và cách hành xử như ở nam giới. Ngược lại, ở nhà, họ phải giữ nét nữ tính, nhân hậu và vị tha. Vì thế chẳng có gì lạ khi rất nhiều phụ nữ ước mơ được về nhà trong sự chào đón dịu dàng của người mình yêu.
Môi trường công việc ngày nay hầu hết có tác động xấu đến giá trị nữ tính của phụ nữ.
Tuy nhiên, với những phụ nữ chỉ ở nhà lo việc gia đình thì họ cũng gặp phải những khó khăn không kém. Trong lúc mọi người đi làm, con đi nhà trẻ, họ thiếu hẳn sự bầu bạn, hỗ trợ của người đồng cảnh. Cuộc sống vì vậy mà trở nên buồn tẻ và nhàm chán.
Xưa kia, phụ nữ có thể tự hào khi thấy mình suốt ngày ở nhà chăm lo cho gia đình. Nhưng ngày nay, không ra ngoài xã hội học hỏi, làm việc là một thiếu sót lớn; bởi điều đó không chỉ giới hạn sự hiểu biết của người phụ nữ mà còn khiến họ thiếu đi sự sẻ chia, giúp đỡ của những người xung quanh. Đặc biệt, sự hy sinh tận tụy này của họ hầu như không được đánh giá một cách tương xứng.
SỰ THẤT VỌNG CỦA PHÁI MẠNH
Với nam giới, khó khăn chung mà ngày nay họ gặp phải là đồng lương không tương xứng, công việc nhiều khi bấp bênh, và bản thân không được trọng dụng. Thực tế đó khiến họ mặc cảm mình không thể chu cấp tốt cho gia đình. Mất đi sự tự tin khẳng định vai trò trụ cột của bản thân, trong thâm tâm (và đôi khi cả trong tiềm thức) họ dễ có cảm giác thất bại khi nhìn thấy vẻ không vui hoặc thất vọng của người bạn đời.
MỤC TIÊU CHÍNH CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG
Khi thực sự yêu ai đó, người đàn ông luôn muốn làm tất cả để đem đến hạnh phúc cho người mình yêu. Họ sẵn sàng chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc để đổi lấy thái độ ghi nhận, cảm kích của người bạn đời. Với họ, đó chính là phần thưởng xứng đáng nhất với công sức mà họ đã bỏ ra.
Ngày nay, vì phải làm việc quá sức, nữ giới thường thấy nhu cầu của mình không được đáp ứng. Sau một ngày làm việc đằng đẵng, hai vợ chồng đều mong đợi sự thương yêu, trân trọng. Người vợ nghĩ rằng bản thân mình cũng lao động cực khổ nên quên mất việc nói lời cảm ơn với chồng. Mệt mỏi khiến cô không dành cho người đàn ông của mình sự động viên tinh thần như anh mong đợi.
Về phần người chồng, vẻ không vui của vợ khiến anh lầm tưởng rằng mình là kẻ thất bại, rằng những nỗ lực của bản thân anh chẳng được quan tâm. Đáng tiếc là cả hai đều không đánh giá hết tác hại của kiểu quan hệ tình cảm này.
Vẻ mặt không vui của vợ khiến người đàn ông có cảm giác mình là kẻ bại trận.
PHỤ NỮ ĐI LÀM VÀ Ở NHÀ
Khi chỉ ở nhà lo việc nội trợ, người phụ nữ có thể tạm giải lao trong lúc làm việc, chuyện trò cho vơi đi mệt mỏi, đồng thời vun đắp tinh thần hợp tác, không một chút cạnh tranh. Họ không bị gò bó thời gian trong việc trang trí nhà cửa, thu dọn vườn tược. Không những thế, họ có điều kiện chăm sóc người khác hơn và cũng nhận được sự quan tâm của những người xung quanh. Đây là yếu tố thuận lợi giúp nuôi dưỡng nét nữ tính, sự dịu dàng, ân cần trong trái tim họ. Xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp sẽ tăng thêm sức mạnh để người phụ nữ vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống và thấy đời mình nhiều ý nghĩa hơn.
Nhưng với hai trách nhiệm cùng lúc: vừa chăm lo, vừa chu cấp cho gia đình, người phụ nữ hiện đại ngày phải đối diện với nhiều khó khăn hơn. Không có thời gian tạo dựng những mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ như trước, buộc họ phải nỗ lực nhiêu hơn.
Trong một buổi hội thảo, một người phụ nữ đã phát biểu: “Tôi thích mẫu người phụ nữ mạnh mẽ như nam giới. Không hiểu sao mọi người đều muốn nữ giới chúng tôi vừa phải mạnh mẽ, tự tin, vừa phải dịu dàng, nữ tính. Rốt cuộc tôi cũng không biết mình thật sự là ai nữa”.
Khi phụ nữ lao vào công việc như nam giới, họ rất khó duy trì nét nữ tính cho mình. Giờ giấc, nguyên tắc, kỷ luật nơi công sở cùng nhiều cạnh tranh khác làm cằn cỗi dần sự nhạy cảm, tinh tế và nữ tính ở họ. Căng thẳng trong công việc bất lợi cho phụ nữ nhiều hơn nam giới, bởi áp lực làm việc bên ngoài tăng gấp đôi gánh nặng trên vai họ. Ở cơ quan, họ phải cống hiến như nam giới, về nhà, ban năng làm vợ, làm mẹ trỗi dậy khiến họ không thể dửng dưng trước một đống việc nhà, thành thử họ lại tiếp tục hy sinh. Không những thế, ám ảnh công việc không dễ gì buông tha họ, tâm trí họ thường bị choáng ngợp, không con thời gian để thư giãn.
Trong công việc, nữ giới nỗ lực là vì ý thức sinh tồn, còn ở nhà hoàn toàn là do bản năng chi phối.
Thử nghĩ xem, những việc trước đây cả ngày mới làm xong thì nay họ phải hoàn thành trong vài tiếng để còn tranh thủ làm việc khác. Do đó, người phụ nữ hầu như không có đủ thời gian, sức lực cũng như không được động viên tương xứng để thực hiện mong muốn rất giản dị về một mái ấm xinh xắn, bình yên, tràn đầy yêu thương. Họ chỉ thấy mình chịu quá nhiều áp lực.
Thông thường áp lực cuộc sống gia đình càng tăng lên khi họ có con. Dù chỉ là nhu cầu và áp lực tinh thần, nhưng lại đến từ một thực tế mà thế hệ phụ nữ trước không phải đối mặt khi xây dựng tổ ấm gia đình. Do vậy, không riêng nữ giới phải học cách hành xử mới, nam giới cũng phải biết cách hỗ trợ bạn đời của mình tốt hơn.
NAM GIỚI ĐI LÀM VÀ Ở NHÀ
Theo truyền thống, người đàn ông ra ngoài lao động và đóng vai trò trụ cột trong gia đình; trở về mái ấm, họ được đón nhận sự quan tâm, vỗ về của người đàn bà mình yêu. Ngày nay lối sống ấy vẫn còn ảnh hưởng đến tư tưởng nam giới. Cả ngày phấn đấu cho sự nghiệp, tối về, họ chỉ muốn được thư giãn, chơi đùa, hoặc chăm sóc trìu mến. Khi nghe bạn đời than phiền rằng họ phải cáng đáng quá nhiều việc, nam giới thường nghĩ cô ấy đang có ý trách móc anh chưa tích cực hoặc đang thôi thúc anh phải làm nhiều hơn nữa. Bản tính người đàn ông khó chấp nhận chuyện này vì thâm tâm họ luôn tự nhủ: về nhà là về chỗ nghỉ ngơi, yên bình và hưởng thụ, hạnh phúc sau những lúc làm việc căng thẳng.
Với nam giới, gia đình là chốn nghỉ ngơi, nhưng với phụ nữ - đó lại là trung tâm của mọi hoạt động.
CHO VÀ NHẬN
Đặc trưng của nam giới là làm việc hết mình, rồi về nhà và đón nhận, còn phụ nữ lại muốn cho và nhận cùng lúc. Người phụ nữ sẵn sàng cho đi, nhưng đồng thời cũng cần nhận lại, nếu không, họ dễ có khuynh hướng hy sinh nhiều hơn nữa để cuối cùng rơi vào cảm giác trống rỗng và phẫn nộ.
Sau một ngày làm việc vất vả, dù đã rất tận tâm nhưng không được thừa nhận hay giúp đỡ như mong muốn, về nhà trong tình trạng mệt rũ, nhưng thay vì nghỉ ngơi, nhiều phụ nữ lại phải tiếp tục dành thời gian cho chuyện gia đình.
Đây là điều làm nên sự khác biệt quan trọng giữa hai phái. Khi mỏi mệt, nam giới thường có xu hướng bỏ qua tất cả để thư giãn. Nếu đã tận tâm hết sức với công việc ở cơ quan mà chẳng được gì, về nhà, họ vẫn thích được nghỉ ngơi, đón nhận sự quan tâm, hay ít ra cũng dành ít thời gian cho riêng mình.
Trái lại, khi không được hỗ trợ, phụ nữ thường tự nhủ phải cố gắng hơn nữa và họ bắt đầu suy tư đủ mọi chuyện, dù điều đó chẳng giải quyết được gì. Càng bị áp lực, họ càng khó nghỉ ngơi và không thể gạt bỏ những chuyên lặt vặt sang một bên.
Trước áp lực, phụ nữ thường lúng túng không biết nên ưu tiên việc nào trước, việc nào sau. Đây cũng là lúc cảm xúc bản năng ở họ thể hiện rất rõ. Trong tiềm thức, phụ nữ luôn cố gắng làm tròn bôn phận chăm lo nhà cửa, phục vụ chồng con và nghĩ rằng mình đủ sức cáng đáng tất cả. Đặc biệt khi không tìm được người giúp việc trong lúc mình bận đi làm, họ sẽ mặc cảm rằng mình chưa làm tròn bổn phận. Bản năng mách bao phải cố hơn nữa, nhưng thực tế thật khó có thể làm hết mọi việc. Trong con người họ vẫn có sự chi phối bởi quy định xã hội lỗi thời rằng phụ nữ phải đảm đương hết mọi việc nhà.
Suy nghĩ này không chỉ có ở nữ giới ma đôi khi do ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống, nhiều người đàn ông cũng cho rằng hoàn thành việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ. Bởi vậy, trong lúc người phụ nữ không biết làm sao giảm bớt khối lượng công việc thì nam giới lại thấy lúng túng và không biết đỡ đần vợ việc gì. Khi đã hiểu được nguyên nhân của vấn đề này, cả hai hẳn sẽ bao dung với nhau hơn.
Nam giới xưa nay thường cho rằng họ đã làm xong việc khi về đến nhà, còn phụ nữ lại luôn nghĩ rằng mình cần cố gắng hơn nữa.
CÂU CHUYỆN GIỮA SCOTT VÀ SALLEY
Scott đi làm từ sáng đến tối, còn vợ anh là Salley thì chỉ làm một buổi nên cũng có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Đi làm về, Scott dường như chẳng ngó ngàng gì đến Salley trừ khi vợ anh nhờ giúp đỡ chuyện gì đó. Mỗi lần như vậy, anh thường làm trong tâm trạng bực bội, khó chịu. Đến bữa ăn, anh không hiểu sao vợ mình có thái độ lạnh lùng, xa cách.
Một lần trò chuyện với tôi, Salley giãi bày: “Anh ấy có thèm quan tâm hay ít ra là hỏi thăm tôi hôm nay thế nào đâu. Thậm chí, anh ấy cũng chẳng động tay giúp tôi việc gì. Về đến nhà là ngồi chơi, ỷ lại mọi chuyện cho tôi”.
Còn với Scott, anh giải thích: “Một ngày làm việc khiến tôi đủ mệt lắm rồi, bởi vậy tôi cần được nghỉ ngơi, thư giãn chứ. Nếu hỏi thăm Salley, tôi biết chắc thế nào cô ấy cũng than thở rằng công việc của em thế này thế nọ, rằng chuyện nhà cửa thế nọ thế kia… Điều đó khiến tôi càng thêm bực bội. Nếu nhiều việc như vậy, cô ấy chỉ cần bớt làm lại là được”.
Salley phân trần: “Anh có biết rằng em cũng cần thời gian nghỉ ngơi không? Nhưng nếu em nghỉ, ai sẽ là người nấu cơm, lau chùi nhà cửa, chăm sóc con cái? Sao anh không chịu khó thêm một chút, hay ít ra cũng động viên, san sẻ những việc em đã làm?”.
Scott chỉ biết nhìn tôi rồi bảo: “Anh thấy chưa?”.
Tôi biết câu nói của Scott ngụ ý rằng: “Anh thấy đấy! Đó là lý do mỗi khi về đến nhà, tôi không muốn nghe Salley nói. Nếu có, cô ấy toàn bảo tôi phải làm nhiều việc hơn nữa mà thôi. Làm sao chấp nhận được!”.
Mâu thuẫn giữa họ là ở chỗ, Salley bực mình vì chồng không tỏ ý giúp việc nhà, còn Scott thì thất vọng vì cho rằng vợ nghĩ mình chưa làm hết bổn phận. Salley muốn được chồng để ý, quan tâm, giúp đỡ, còn chồng cô lại muốn vợ hiểu và trân trọng công sức anh đã bỏ ra suốt một ngày làm việc và phải thấy rằng anh xứng đáng được nghỉ ngơi khi về nhà.
Để giải quyết vấn đề, cả hai cần thừa nhận rằng không ai trong họ có lỗi, và khi đó họ có thể áp dụng những kỹ năng quan hệ ứng xử mới để thay đôi tình trạng này.
Scott đề nghị Salley bớt việc lại chẳng khác nào bảo con sông ngừng chảy. Bản tính thương yêu của người phụ nữ khiến họ sẵn sàng dâng hiến, phục vụ. Mong muốn lớn nhất của phụ nữ thời nay là tình yêu của họ không bị kiềm chế và họ được đón nhận nhiều hơn nữa sự động viên trong quan hệ vợ chồng.
Ngược lại, muốn Scott phải làm thêm việc cũng phi lý như bảo dòng sông chuyển hướng mà thôi!
Nhưng một khi đã hiểu được nhu cầu của nhau, cả hai sẽ có những giải pháp thích hợp. Có thể nói, rất nhiều kỹ năng giao
tiếp mới không yêu cầu gì nhiều ở người đàn ông mà lại rất có ích cho phụ nữ. Cả hai có thể học cách thực hành dễ dàng để đem lại sự hỗ trợ tinh thần cho nữ giới và cảm giác được trân trọng ở người đàn ông.
Khi được hỗ trợ nhiều hơn trong quan hệ tình cảm, người phụ nữ sẽ có thêm thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, sắp xếp ưu tiên công việc, nhất là biết rõ nên làm gì với quỹ thời gian và sức lực hạn hẹp của mình. Tương tự, với cảm giác được trân trọng hơn khi trở về tổ ấm, người đàn ông sẽ có động lực hơn nữa để giúp gia đình. Quan trọng hơn, họ sẽ có sự thông cảm, hiểu được nhu cầu và tấm lòng của người vợ.
Phụ nữ hiện đại không muốn kiềm chế những thôi thúc yêu thương của mình, họ cần sự quan tâm, chăm sóc hơn nữa trong quan hệ vợ chồng.
CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG Ở NGƯỜI PHỤ NỮ
Ngày nay, cũng như nam giới, phụ nữ phải ra ngoài bươn chải kiếm sống. Họ không có thời gian, sức lực, hay cơ hội tương trợ nhau như xưa. Họ vẫn tiếp tục hy sinh, cống hiến không ngừng, nhưng vì không được hỗ trợ, nên thường trở về nhà trong cảm giác kiệt sức.
Hơn nữa, khi không còn phụ thuộc đàn ông về kinh tế, xu hướng hào phóng cho đi của họ cũng bị hạn chế. Để kiếm tiền, họ phải đổ mồ hôi, công sức bản thân, bởi vậy sự hỗ trợ của họ không còn “miễn phí” nữa. Kiểu cho có điều kiện này làm mai một dần nữ tính ở họ.
Khi ra ngoài xã hội làm việc, nữ giới có xu hướng thiên về nam tính. Họ không có điều kiện thể hiện nữ tính qua vai trò làm mẹ hay những quan hệ giúp đỡ, chăm sóc, quây quần bên nhau nữa.
Cảm giác trống rỗng, kiệt quệ thường nảy sinh là bởi công việc không đáp ứng đầy đủ nhu cầu được chăm sóc ở họ.
Làm việc nhiều không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác kiệt quệ ở người phụ nữ, vấn đề chính nằm ở quan hệ tình cảm của họ ra sao.
HỌC HỎI TỪ QUÁ KHỨ
Làm mẹ là một thiên chức vô cùng thiêng liêng, cao quý. Một số nền văn hóa xem thiên chức ấy đồng nghĩa với vai trò sáng tạo thế giới, bởi người mẹ là người có khả năng tạo ra sự sống. Phụ nữ được tôn vinh khi làm mẹ, và nam giới vui sướng với vai trò người bảo vệ, sẵn sàng làm hết sức mình để chu cấp, bảo vệ vợ con.
Ngày nay, hầu hết các bà mẹ đều không có điều kiện ở nhà cả ngày để chăm sóc gia đình. Con cái và công việc đồng thời đặt ra nhiều nghĩa vụ khó khăn đòi hỏi phải có những kỹ năng mới mà chắc chắn thế hệ trước không thể truyền dạy. Không có những kỹ năng này, người phụ nữ sẽ phải chật vật xoay xở để có thể làm được cả hai. Cho nên, cũng dễ hiểu tại sao phụ nữ ngày nay rất ngại chuyện sinh con.
Đề cập đến điều này không có nghĩa là tôi khuyến khích chị em an phận ở một góc nhà với công việc bếp núc và sinh con, mà quan trọng là ta phải hiểu là mình đã bỏ mất cái gì. Cùng với nỗ lực tìm kiếm, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả hai giới, lúc có thể, bạn nên vận dụng những bai học trong kinh nghiệm làm mẹ của các thế hệ trước. Việc làm mẹ vốn chứa đựng trong đó rất nhiều yếu tố quan trọng làm thăng hoa cảm xúc cho cả hai vợ chồng. Từ đó, bạn sẽ biết cách vạch ra những biện pháp hiệu quả hơn, giúp nhu cầu bản năng được thỏa mãn, đồng thời tạo điều kiện đáp ứng những mục tiêu, ước mơ mới.
PHẢI CHĂNG PHỤ NỮ KHÔNG BAO GIỜ HẾT VIỆC?
Tôi xin dẫn ra đây một câu chuyện khá ấn tượng về đề tài làm mẹ thời hiện đại. Lúc ấy, tôi đang ký tặng sách ở một cửa hàng, vợ tôi đứng tâm sự cùng ba người phụ nữ khác. Họ bàn tán về những khó khăn của việc làm me ngày nay. Một chị tiết lộ rằng mình đang là mẹ của bảy đứa con. Nghe thế, người phụ nữ bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên, thán phục và đầy cảm thông.
- Tôi chỉ có hai đứa. - Cô nói. - Thế mà tôi nghĩ mình không lo nổi cho chúng cơ đây. Sao chị giỏi thế?
Người thứ ba tiếp lời:
- Tôi chỉ có một cháu thôi mà đã cảm thấy mệt lắm rồi.
- Nhà tôi ba đứa. - Vợ tôi bảo. - Vậy cũng là nhiều rồi. Làm sao chị lo cho xuể cả bảy đứa nhỉ?
- Một, hai, ba, hay bảy đứa thì lúc nào cũng phải làm hết sức mình. - Người mẹ có bảy đứa con lên tiếng. - Nhiều thứ cho con lắm, đã làm mẹ, ai chẳng dành tất cả cho con!
Nghe thế, cả ba người mẹ còn lại đều gật đầu mỉm cười. Mỗi người mẹ đều dành mọi thứ mình có cho con cái. Điều này dường như đã trở thành bản năng.
Cuộc đối thoại giữa họ đã làm thay đổi tình cảm và cái nhìn của tôi dành cho vợ. Trước đây, khi nghe cô ấy than phiền về công việc, tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ vợ mình hạnh phúc trừ phi cô ấy biết bớt việc lại. Giờ tôi mới hiểu vấn đề không phải ở khối lượng công việc. Cô ấy sẽ luôn làm tất ca những gì mình có thể. Vì thế, tôi bắt đầu quan tâm đến khía cạnh nữ tính ở vợ mình nhiều hơn. Điều đó không những làm cho cô ấy vui lên, mà nhờ có sự
hỗ trợ của chồng, vợ tôi có thể nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc nhiều hơn cho bản thân.
HY SINH QUÁ NHIỀU CÓ PHẢI LÀ MỘT SAI LẦM?
Cho đi quá nhiều chỉ trở thành vấn đề khi người phụ nữ không biết nhận lại sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục cho đi nhiều hơn nữa. Nhiều người nghĩ rằng, khi phụ nữ cho đi quá nhiều, họ sẽ trở thành “phụ thuộc”, trường hợp ngược lại là “trái thiên chức”. Thực ra, sự hy sinh, độ lượng ở người phụ nữ là một phần bản chất nữ tính trong họ.
Bản năng cho đi vô điều kiện ở phụ nữ chỉ có vấn đề khi công việc và quan hệ cá nhân không đem lại cho họ sự hỗ trợ, động viên.
Công việc càng đòi hỏi sự tập trung, tính thi đua, sự tháo vát và trách nhiệm cao, người phụ nữ càng khó lấy lại nét dịu dàng, mềm mại nữ tính khi về nhà. Điều đó càng khiến họ khó nhận biết nhu cầu của chính mình. Về đến nhà mà họ vẫn luôn nghĩ đến nhu cầu của người khác. Thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, họ lại bắt tay vào làm thêm một số việc gì đo. Bản năng thôi thúc họ phải cố làm, nhưng lại không đủ sức. Những cảm giác trái ngược ấy tồn tại cùng lúc khiến họ dễ cảm thấy trống rỗng, thất vọng về chính mình.
SỨC MẠNH CỦA SỰ AN ỦI, VỖ VỀ
Những người phụ nữ như vậy cần được chăm sóc nhiều hơn để hồi phục lại thể chất cũng như tinh thần. Cảm giác kiệt quệ xuất hiện chỉ vì họ thiếu sự nuôi dưỡng, chăm sóc khía cạnh nữ tính của mình mà thôi.
Khi nét nữ tính của người phụ nữ được chăm sóc, quan tâm, cơ thể họ sẽ lấy lại nhịp điệu hoạt động tự nhiên. Sự mệt mỏi sẽ biến
mất như một phép màu.
Sự giúp đỡ của nam giới trong công việc gia đình là một sự hỗ trợ quan trọng. Nam giới phải hiểu rằng phu nữ hiện đại thực sự mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong gia đình. Tuy nhiên, người phụ nữ cũng không nên kỳ vọng một cách thái quá về sự hỗ trợ của chồng, bởi điều đó có thể không công bằng với anh.
Dù mỗi tình huống cụ thể có cách xử lý vấn đề khác nhau, nhưng mâu thuẫn tiềm ẩn này có được giải quyết thành công hay không là do lòng kiên nhẫn, bao dung và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai người quyết định.
MỘT SỐ ĐIỀU NGƯỜI CHỒNG CẦN LƯU TÂM
Chỉ cần dành thêm hai mươi phút trong ba hay bốn ngày mỗi tuần là người chồng có thể tạo ra phép màu nuôi dưỡng nét nữ tính ở người mình yêu. Không chỉ bản thân cô vui hơn, anh cũng có được sự trân trọng, mong chờ như ý mỗi khi về nhà. Dù thấy mình phải làm việc cật lực, nhưng chỉ cần được chồng quan tâm, chú ý, người phụ nữ cũng có cảm giác được chăm sóc, yêu thương. Điều đó đem lại khác biệt rất lớn trong quan hệ của họ.
Nếu không hiểu hết việc nuôi dưỡng giá trị nữ tính ở người phụ nữ quan trọng thế nào, có thể người đàn ông sẽ vô tình bỏ mặc bạn đời của mình, hoặc ra sức thuyết phục cô ấy làm ít việc lại. Chẳng cách nào trong số này hiệu quả, mà thực tế nó có thể làm cho cô càng xa lánh anh hơn.
Những câu nói sau đây của nam giới thường dẫn đến hiểu lầm. Khi phát ngôn, trong thâm tâm họ cho rằng mình đang tỏ ý giúp vợ, nhưng thực chất lại đang khiến mọi việc xấu đi.
Nhiều khi vì quá mệt mỏi, người phụ nữ không nhận thấy sự thiếu thốn của mình. Để khắc phục, họ rất cần một quan hệ tình cảm tốt đẹp. Bất cứ cử chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc nào của chồng cũng đều giúp cô giải tỏa âu lo của mình.
Người chồng có thể khéo léo giúp vợ vượt qua áp lực công việc bằng cách đáp ứng nhu cầu được quan tâm, vỗ về ở cô ấy.
Đây cũng là cách giúp anh khéo léo xử lý tình cảm trước cảm giác choáng ngợp và kiệt quệ của vợ. Hiểu rõ khía cạnh nữ tính và nam tính trong cô, anh mới có thể giúp cô lấy lại trạng thái cân bằng và cảm giác được là chính mình.
NÉT KHÁC BIỆT HAY SỰ BỔ SUNG CHO NHAU?
Phụ nữ có thể vượt qua căng thẳng trong cuộc sống nếu được đón nhận nguồn động viên, chia sẻ, hỗ trợ tinh thần to lớn từ gia đình. Đây là điều mà ở nơi làm việc họ không có được. Qua trò chuyện, họ sẽ dần thoát khỏi ám ảnh và xác định rõ mấu chốt vấn đề, tư đó tìm ra cách giải quyết. Chỉ có như vậy, họ mới dần thoát khỏi ảnh hưởng nam tính thống trị trong lòng.
Tuy nhiên, hầu hết nam giới không nhận ra rằng giãi bày là cách để người phụ nữ giũ bỏ mọi vướng mắc trong ngày. Và khi nghe những vấn đề khúc mắc vợ kể, ngươi chồng lại tự đặt cho mình nhiệm vụ phải giải quyết. Điều nay xuất phát từ sự khác nhau trong suy nghĩ của hai giới. Nam giới thường tránh nói tới vấn đề đang khiến mình căng thẳng, ngược lại - nữ giới lại luôn bứt rứt và phải nói đến nó. Tuy nhiên, sự khác biệt này thực ra là một cách bổ sung rất hoàn hảo.
Khi phụ nữ cần trò chuyện, người đàn ông không nhất thiết phải nói. Sự im lặng của anh đôi khi có sức mạnh gấp nhiều lần ngôn từ. Tuy nhiên, nếu chỉ lặng im theo đuổi những ý nghĩ riêng, không tập trung chú ý vào câu chuyện chị kể, anh sẽ khiến chị mất hứng và không nói nữa.
Thực tế, người đàn ông nào cũng sẵn sàng lắng nghe nếu được tiếp cận đúng cách. Không nên mở đầu bằng những lời nhận xét, trách móc như: “Anh chẳng bao giờ chịu nghe em”, hay “Vợ chồng mình ít khi cởi mở, chúng ta cần trò chuyện nhiều hơn nữa chứ!”. Những câu nói này sẽ làm người đàn ông cảm thấy có lỗi, bị công kích và trở nên dè dặt, phòng thủ trong lúc trò chuyện.
Người chồng nào cũng biết cách lắng nghe nếu được tiếp cận một cách vui vẻ, trân trọng.
LÀM SAO ĐỂ CHỒNG LẮNG NGHE?
Vợ tôi có một cách đơn giản là yêu cầu tôi lắng nghe. Những lúc như vậy, cô ấy thường bảo: “Ồ, mưng quá có anh ở nhà. Hôm nay em mệt thật. Bây giờ nói chuyện này được không anh?”. Tạm dừng một lát, cô ấy nói tiếp: “Anh không cần phải nói lại đâu. Còn em, chắc sẽ thấy dễ chịu hơn khi nói hết những điều bức xúc trong long”.
Tất nhiên, tôi rất sẵn lòng, bởi điều đó có thể giúp vợ tôi vui vẻ, đáp ứng nhu cầu bức thiết nhất của cô lúc ấy. Không những thế, đó cũng là cơ hội để tôi có thể chuyện trò, chia sẻ và vỗ về nét nữ tính trong cô.
Khi phụ nữ khuyến khích người chồng động viên họ, cả hai sẽ cùng thấy thoải mái hơn. Dần dần, người đàn ông sẽ thấy rằng lắng nghe một cách cảm thông là một chuyện khá dễ dàng. Thật lạ vì chỉ cần một chút cố gắng, ho đã có thể đáp ứng mong muốn quan trọng nhất ở người phụ nữ thương yêu của mình.
Nghệ thuật lắng nghe không phải đến thời đại này mới được phát huy mà nó vốn là một năng lực mà loài người đã trau dồi hàng ngàn năm nay. Ngay từ thời săn bắt, hái lượm, do phải im lặng theo dõi và lắng nghe con mồi, người đàn ông đã rất giỏi việc này. Bởi vậy, một khi biết áp dụng sở trường truyền thống ấy vào việc lắng nghe bạn đời chuyện trò, thái đô tập trung chú ý ở anh sẽ đem lại cảm giác thỏa mãn, hài lòng nơi người mình yêu.
NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE
Biết lắng nghe không có nghĩa là phải đưa ra cách giải quyết hay lời khuyên cho người đang tâm sự. Ngược lại, trong khi lắng nghe, nam giới nên đặt ra cho mình mục tiêu chính là giúp bạn đời lấy lại sự thăng bằng giữa giá trị nữ tính và nam tính trong người.
Nhiệm vụ mới này xác định rất rõ mục tiêu của người đàn ông, đồng thời cũng chỉ cho họ cách theo dõi, lắng nghe và dành cho bạn đời sự cảm thông như cô mong đợi.
Đừng quên rằng, nhiều khi người phụ nữ nói về khúc mắc của mình không phải là để tìm cách giải quyết mà là để được nâng đỡ, vỗ về sự yếu đuối trong họ.
Để trau dồi kỹ năng lắng nghe, nam giới phải hiểu khi phụ nữ bực mình và có vẻ rất cần cách giải quyết vướng mắc, đó là vì cô đang bị khía cạnh nam tính trong người chi phối. Những lúc này không cần anh đưa ra giải pháp mà hãy giúp cô tìm lại nét nữ tính cố hữu, và rồi cô sẽ cảm thấy tốt hơn. Ngược lại, khi cố tìm cách xử lý vấn đề bởi cho răng như thế mới làm đối phương dễ chịu, người đàn ông sẽ khiến vấn đề càng thêm rối rắm.
Ghi nhận điều này đặc biệt có ích khi nam giới thấy người mình yêu đang bực bội với họ. Cố giải thích rằng cô không nên cư xử như vậy sẽ chẳng giải quyết được điều gì. Dù có thể trước đó anh đã làm gì đó khiến cô thất vọng, nhưng anh nên nhớ lý do thực sự của việc cô phàn nàn chính là vì không có ai lắng nghe, vỗ về hay chăm sóc sự mềm yếu trong cô.
Khi bị vợ giận, người chồng cần nhớ rằng đó chẳng qua là vì cô ấy tạm thời quên mất hình tượng tuyệt vời của mình và điều cô ấy cần lúc này đó là được chồng lắng nghe.
Nắm bắt được đặc điểm tâm lý trên sẽ giúp nam giới khéo léo hơn trong cách ứng xử với bạn đời. Cũng từ đó, người vợ sẽ vui vẻ, sẵn sàng dành cho chồng sự cảm kích và ghi nhận vị trí quan trọng của anh trong lòng họ.
ĐIỀU GÌ LÀ CẦN NHẤT VỚI NGƯỜI CHỒNG?
Ngày nay, về đến nhà, người chồng thường có cảm giác vợ mình không chỉ mệt mỏi do làm quá nhiều việc mà cô ấy còn có vẻ hờ hững, thiếu tình cảm. Có thể trái tim cô vẫn đầy yêu thương, nhưng anh không nhận ra.
Thâm tâm anh mong được vợ nhìn nhận, trân trọng công sức lao động của mình và ít nhiều thỏa mãn vì điều đó. Nhưng nhìn vẻ mặt không vui của cô, anh lại cảm thấy dường như có chuyện tồi
tệ sắp xảy đến. Mong ước dịu dàng mà cháy bỏng muốn làm cho người mình yêu hạnh phúc, muốn bảo vệ và chu cấp cho cô trong anh bị chặn lại và tan biến.
Nhìn chung, trong hoàn cảnh ấy nam giới cũng không xác định rõ cảm giác của mình thế nào vì họ còn mải nghĩ cách làm vợ hài lòng. Tuy nhiên, trước những phản ứng xuất phát từ sự không vui của vợ, trong anh như có cái gì đó đổ vỡ. Bản thân anh cũng mệt mỏi nhưng lại không được cô ấy nhìn nhận, động viên, quan hệ tình cảm do đó sẽ mất dần niềm vui và ý nghĩa đối vơi anh.
Hãy nhớ, điều người chồng mong muốn nhất là làm cho vợ hạnh phúc. Khi yêu, mục tiêu hàng đầu của anh là khiến người ấy thỏa mãn. Vẻ hạnh phúc của cô thể hiện rằng anh được thương yêu. Sự chào đón ấm áp, tình cảm cô dành cho chồng khi anh đi làm về giống như tấm gương phản chiếu hình ảnh người chồng tuyệt vời mà anh ao ước.
Khi vợ không vui, người chồng cảm thấy mình bị thất bại và cuối cùng có thể anh sẽ không còn cố gắng làm vợ hai lòng nữa.
HÃY GHI NHỚ MỘT KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG
Khi yêu, ai cũng muốn người mình yêu được hạnh phúc, nhưng giữa hai giới có những khác biệt chúng ta cần chú ý, quan trọng nhất là đặc điểm tâm lý sau:
Có thể người chồng gánh chịu rất nhiều căng thẳng sau một ngày làm việc, nhưng chỉ cần thấy vợ vui vẻ là anh đã cảm thấy mãn nguyện. Trước thái độ trân trọng của vợ, bao căng thẳng trong anh dần tiêu tan. Niềm vui của cô như cơn mưa rào rửa sạch những hạt bụi lo âu, phiền toái trong ngày của anh.
Ngược lại, khi người vợ mệt mỏi trở về nhà, vẻ mặt vui tươi, hạnh phúc của chồng không thể ảnh hưởng đến tâm trạng trong ngày của cô. Có thể anh rất thông cảm với nỗi nhọc nhằn của vợ, nhưng như vậy vẫn không đủ làm cô nguôi bớt bực dọc, khó chịu. Như trên đã phân tích, người phụ nữ phải được trò chuyện, phải được vỗ về, chăm sóc thì mới có thể trân trọng tình cảm anh dành cho cô.
Người chồng hạnh phúc khi được trân trọng, thừa nhận, vì cảm giác ấy trực tiếp tác động một cách tích cực đến giá trị nam tính của anh. Người vợ hân hoan vui vẻ lúc được trò chuyện tâm sự với chồng bởi điều đó lập tức hỗ trợ, chăm sóc khía cạnh nữ tính trong cô. Đây là chính là sự khác biệt quan trọng ta cần nắm bắt để tạo dựng quan hệ tình cảm gắn kết, cảm thông, thương yêu nhau.
Biết vận dụng những quy luật tâm lý và bài học kinh nghiệm trên vào thực tế cuộc sống, chắc chắn quan hệ tình cảm của bạn sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu cụ thể những nhiêm vụ mới của hai giới trong quan hệ vợ chồng để bạn có thể áp dụng những hiểu biết này một cách hiệu quả hơn.
Chương 3
NGHỆ THUẬT HỖ TRỢ CẢM XÚC
L
ý do nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng ngày nay chủ yếu là do hai bên không hiểu nhau. Nam giới không biết làm thế nào để người mình yêu hạnh
phúc, và ngược lại phụ nữ cũng không biết diễn đạt nhu cầu tình cảm của mình ra sao để đối phương hiểu. Nhiều kỹ năng ứng xử trước đây không còn phù hợp, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng.
Những quy tắc ứng xử thuở trước buộc người đàn ông phải chu cấp, bảo vệ tốt gia đình còn phụ nữ phải biết luôn vui vẻ và độ lượng. Nếu ngày nay ta cũng theo đúng quy củ ấy thì đa phần không giải quyết được vấn đề mà còn gây thêm rắc rối. Khi nam giới thời hiện đại tập trung lo việc chu cấp, bảo vệ tốt hơn, họ sẽ thấy kiệt sức, vất vả hơn, và thời gian dành cho tình cảm vợ chông cũng ít hơn.
Một ví dụ cụ thể về sự thay đổi trong cuộc sống giữa hai thời đại như sau: Thuở nam giới săn bắt để chu cấp cho gia đình, nếu có về nhà muộn cũng là chuyện bình thường. Khi họ trở về, người vợ sẽ chào đón trong niềm vui vì thấy chồng vẫn an toàn. Nhưng, ngày nay, người chồng về trễ là dấu hiệu cho thấy anh thiếu quan tâm đến gia đình hoặc là một kẻ sống thất thường.
Cách duy nhất để tránh thất vọng và đổ vỡ tình cảm vợ chồng là vận dụng những kỹ năng quan hệ tình cảm mới tùy theo nhiệm vụ mới của cả hai bên.
KHI KHÔNG HIỂU TÂM LÝ NHAU
Cố gắng một mực chiều chồng theo kiểu cũ không phải là cách để anh hiểu ý cô muốn được hỗ trợ, chăm sóc như thế nào. Nhìn chung, do quá bận rộn với vai trò chu cấp nên nam giới thường thiếu nhạy cảm trong việc nhận biết nhu cầu tinh thần của phụ nữ. Khi nghe vợ phàn nàn, họ thấy dường như vợ mình chỉ toàn là đòi hỏi và không đánh giá đúng công sức của họ. Cảm thấy không được trân trọng, người đàn ông hành xử theo quy tắc phổ biến là bớt làm việc lại. Anh cho rằng nếu anh đã cố gắng đến thế mà không được vợ ghi nhận thì anh đâu cần phải cô gắng thêm nữa. Không biết làm sao, anh sẽ rút lui vào im lặng.
Do sự không hiểu nhau này mà mối quan hệ giữa vợ chồng ngày càng thêm xa cách, cảm giác thất vọng thường trực ở nhiều người ngày nay về người bạn đời là điều dễ hiểu.
NGHỆ THUẬT HỖ TRỢ
Khi vợ than phiền công việc ở cơ quan, người chồng thường hiểu lầm rằng cô ấy đang muốn mình giúp giải quyết vấn đề. Nam giới hay đồng nhất điều này với ý nghĩ họ chưa hoàn thành trách nhiêm của mình. Cảm thấy không được đánh giá đúng, họ mất dần động lực để phấn đấu.
Biết lắng nghe không có nghĩa là anh phải giải quyết vấn đề cho vợ hay cáng đáng thêm việc nhà, mà chủ yếu là anh cần quan tâm, an ủi tinh thần cô. Hãy giữ thái độ thoải mái, và bắt đầu tập trung vào câu chuyện cô ấy kể.
Nếu người vợ giúp chồng hiểu rằng không cần anh phải làm quá nhiều, chỉ cần dành thời gian lắng nghe - như vậy là đã hỗ trợ cô nhiều lắm rồi, chắc chắn người chồng nào cũng sẵn sàng. Trái lại, nếu bị trách móc, đổ lỗi, anh sẽ cảm thấy mất hứng thú, không còn đủ sức chịu đựng và nảy sinh thái độ chống đối. Nhìn chung, khi thực sự hiểu vấn đề, mọi chuyên sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Phụ nữ muốn nam giới nỗ lực hơn nữa, nhưng đàn ông cũng muốn thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm. Bởi vậy, biện pháp tốt nhất trong trường hợp này là tập trung xây dựng thói quen chuyện trò cởi mở. Kết quả là từ sự cảm thông và thấu hiểu của mình, người đàn ông sẽ biết là mình đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người đàn bà họ yêu. Cũng từ đó anh nhận ra trách nhiệm của bản thân và tự nguyện cố gắng nhiều hơn nữa.
Để được chồng đáp ứng mong muốn, người vợ trước hết phải biết cách diễn đạt nhu cầu, ý nguyện của mình, tránh thái độ ra lệnh hay sai khiến. Nói chung, người phụ nữ sẽ vui hơn rất nhiều nếu được chồng hỗ trợ, chăm sóc theo cách khác chứ không phải lúc nào cũng lao vào kiếm sống để tăng thu nhập cho gia đình. Khi hiểu được điều quan trọng này, thái độ của người đàn ông trong mọi việc sẽ có sự thay đổi đáng kê theo hướng tích cực.
Đối với nam giới, cảm giác thất vọng ở anh một phần là vì khi người vợ không hài lòng, anh lại lầm tưởng mình phải làm mọi chuyện theo ý cô. Anh không biết rằng chỉ cần mình để ý làm những việc nhỏ trong gia đình và tạo không khí trò chuyện cởi mở giữa hai người là đã có thể tạo ra hiệu quả rất tốt.
Khi hai bên bắt đầu biết cho và nhận một cách thích hợp, niềm vui từ sự hỗ trợ sẽ ngày một tăng lên. Người chồng sẽ dành cho
vợ nhiều hơn những điều phụ nữ hiện đại mong đợi và ngược lại, vợ anh sẽ cho anh nhiều hơn những gì nam giới mong chờ.
Ngày nay, cả hai giới đang dần gạt bỏ vai trò lao động do giới tính quy định một cách cứng nhắc của ngày trước để hướng đến sự đa dạng, trọn vẹn.
Trong xã hội hiện đại, ranh giới phân chia công việc của nam giới và nữ giới khá mờ nhạt. Sự dịch chuyển khỏi vai trò lao động do giới tính quy định khiến mọi người cảm thấy tự do hơn, nhưng đồng thời cũng phát sinh những khó khăn, căng thẳng mới. Hiểu và biết đúc kết kinh nghiệm xử lý vấn đề của các thế hệ đi trước sẽ hỗ trợ tốt cho chúng ta trước sự biến đổi này.
CÁCH XỬ LÝ CĂNG THẲNG TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ
Bộ não và cơ thể con người qua hàng triệu năm đã trải qua những bước tiến hóa đặc biệt, cùng với nó là sự ra đời của những cơ chế xử lý khó khăn mới.
Trong các cơ chế xử lý căng thẳng truyền thống của người phụ nữ, chuyện trò là biện pháp chủ yếu. Với vai trò vun đắp đời sống tinh thần cho gia đình, người phụ nữ ngày xưa xem sự cảm thông, giãi bày tâm sự là điều kiện quan trọng nhất để được thanh thản và bình an. Do phải đối diện với nhiều nguy cơ, khó khăn trong cuộc sống nên họ phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của những người chung quanh. Không có cơ hội học tập, quyền hợp pháp của nữ giới chưa được mở rộng, cho nên chuyện trò là giải pháp gắn kết họ với sự hỗ trợ tập thể, đem lại cảm giác an toàn.
Khi người phụ nữ hiện đại buồn phiền và tìm đến người nào đó để tâm sự, họ sẽ lập tức được nối kết với cảm giác an toàn truyền thống ấy.
TẠI SAO PHỤ NỮ MUỐN NÓI VỀ KHÓ KHĂN?
Thông thường thì ngày xưa, phụ nữ chia sẻ khó khăn với nhau không phải để trực tiếp nhờ giúp đỡ mà là để tìm sự cảm thông và tinh thần cộng đồng. Họ hỗ trợ nhau vô điều kiện, tự nhiên, không phải yêu cầu và cũng không mong được đền đáp. Tinh thần hợp tác này củng cố quan hệ tình cảm trong cộng đồng và đảm bảo cuộc sống của họ nếu chẳng may gia đình gặp bất trắc.
Có thể nói, việc chia sẻ cảm xúc, bày tỏ khó khăn và mơ ước của bản thân từ lâu đã trở thành một thông lệ không thể thiếu của chị em nhằm tạo tình cảm thân thiết, gắn bó với cộng đồng. Ngày nay, gặp gỡ chuyên gia tư vấn cũng là cách giúp họ tìm kiếm sự hỗ trợ như thế. Việc chăm chú lắng nghe của nhà tư vấn là yếu tố quan trọng nâng đỡ người phụ nữ về mặt tâm lý khi họ phải đối phó với những căng thẳng hàng ngày.
Chuyện trò và cảm giác được lắng nghe khiến họ trút bớt gánh nặng trong lòng. Sau khi nghỉ ngơi và lấy lại nhịp độ sống, họ lại có thể bắt tay vào xử lý các vấn đề của bản thân.
THÁI ĐỘ CẦN CÓ Ở NAM GIỚI
Nam giới thường không hiểu được điều này, và khác với chuyên gia tâm lý, họ không biết làm sao hỗ trợ cảm xúc của đối phương cho hiệu quả. Khi vợ nói về tâm trạng của mình, anh cho rằng cô chỉ muốn được giúp giải quyết rắc rối, và theo bản năng, anh sẽ đáp lại bằng cách giúp đỡ hay khuyên nhủ.
Vẻ sốt ruột ở người chồng khi lắng nghe vợ không phải vì anh không quan tâm đến cô. Lý do là lúc đó, mọi tế bào trong người anh đều căng lên, thôi thúc anh phải làm gì đó để giúp vợ. Nếu có chuyện rắc rối, nam giới bao giờ cũng muốn xử lý ngay chứ không phải ngồi nói suông - tương tự như cách ứng xử của lính
cứu hỏa, khi nghe điện báo cháy, anh ta phải lập tức hỏi thông tin, phạm vi và địa điểm đám cháy, sau đó nhanh chóng vào cuộc. Người đàn ông cho rằng việc bày tỏ sự cảm thông và ân cần chia sẻ lúc này là điều hết sức lố bịch.
Nhưng người đàn ông cần hiểu rằng, điều một phụ nữ hiện đại mong muốn nhất vẫn là cơ hội được tâm sự, được nói về cảm xúc của bản thân. Khi anh đáp lại nhu cầu này với thái độ thông cảm, hiểu biết, cô sẽ an lòng vì khía cạnh nữ tính trong cô đang được quan tâm để cô giũ bỏ cảm giác căng thẳng, choáng ngợp.
Chỉ cần biết lắng nghe, người đàn ông đã có thể giúp vợ mình quên đi áp lực cô đang phải đối diện để nhớ rằng bên cô là một người chồng tuyệt vời.
Khi phái yếu không vui và than thở về những khó khăn, đàn ông phải tự nhủ: nguyên nhân không phải tại mình mà bởi đặc trưng của cuộc sống hiện đại đã buộc cô ấy cáng đáng hai việc cùng lúc - chăm sóc nhà cửa và chu cấp gia đình. Cũng từ đó, anh sẽ tránh được mặc cảm có lỗi khi cô không vui. Nhận thức này còn giúp anh thông cảm với vợ hơn là bào chữa, đề phòng cho mình những lúc tâm trạng vợ không tốt.
CÁCH XỬ LÝ CĂNG THẲNG CỦA NAM GIỚI
Nói chung cách xử lý căng thẳng của nam giới khác hẳn phụ nữ. Chẳng hạn, khi làm việc vì một mục tiêu đơn giản nào đó, họ biết rõ những suy tư trong lòng, hiểu rõ thế mạnh - yếu của bản thân, từ đó vạch ra kế hoạch hành động. Có vậy họ mới cảm thấy an toàn.
Điều này cũng giống như người thợ săn thời nguyên thủy, để có được lương thực, họ phải lặng lẽ di chuyển rồi đột ngột tấn công con mồi. Nhờ kỹ năng săn bắn, cũng như cách giải quyết vấn đề
đó mà cuộc sống gia đình được bảo đảm. Ngày nay, mỗi lần người đàn ông im lặng vò giấy ném vào thùng rác trong góc phòng chính là một biểu hiện của bản năng tiềm thức ấy, nó khiến anh có được cảm giác an toàn.
Thể hiện cảm xúc qua hành động chính là cách giúp nam giới lấy lại cảm giác tự chủ cho bản thân. Lúc lo lắng hay bực mình, những bước chân tới lui trong phòng làm việc cho họ cảm giác nhẹ nhõm hơn.
Trong khi phụ nữ tìm đến người khác để chuyện trò, chia sẻ thì nam giới lại thu mình vào im lặng, kiên nhẫn tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Hiểu được sự khác biệt quan trọng này sẽ giúp cả hai hỗ trợ nhau hiệu quả hơn.
THÓI QUEN SAU MỘT NGÀY LÀM VIỆC
Ngày nay, mỗi khi đi làm về, thói quen ưa thích nhất của người đàn ông vẫn la ngồi đọc báo hoặc xem truyền hình. Đây chính là cách để họ giải tỏa những căng thẳng trong ngày, tĩnh dưỡng và phục hồi năng lượng của bản thân.
Trong lúc đọc báo hay nghe thời sự, thực ra họ đang đánh giá lại mọi chuyện và có tầm nhìn bao quát hơn. Thậm chí, ngay cả việc lấy remote chuyển kênh liên tục, hoặc lật nhanh qua các trang báo cũng là cách để họ lấy lại cảm giác tự chủ: lặng lẽ và nhanh chóng tìm kiếm giải pháp cho mình.
Có thể nói, xem ti-vi hay đọc báo đã dần trở thành một thói quen phổ quát của người đàn ông. Đó là cách giúp họ tạm thời quên đi khúc mắc trong công việc để trở về với quan hệ tình cảm và cuộc sống hiện tại của gia đình.
KHI PHỤ NỮ KHÔNG HIỂU NAM GIỚI
Khi mệt mỏi, người đàn ông thường muốn ở một mình, nhưng phụ nữ lại dễ hiểu nhầm nhu cầu chính đáng ấy. Cô cho rằng đó là lúc anh muốn cô chủ động nói chuyện, rằng cô cần quan tâm, hỏi han anh nhiều hơn khi thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt anh.
Cứ vậy, cô càng hỏi, anh càng trở nên bực bội hơn; và thế là từ một vấn đề hết sức bình thường có thể dẫn đến xích mích giữa hai người. Sau đây là những mẩu đối thoại thường gặp minh họa tình huống này.
PHẢN ỨNG CỦA PHU NỮ KHI NAM GIỚI KHÔNG MUỐN TRÒ CHUYỆN
Tất nhiên, khi đàn ông từ chối chuyện trò và người phụ nữ không hiểu là anh chỉ muốn một mình tĩnh tâm sau một ngày vất vả, trong cô sẽ nảy sinh nhiều hiểu lầm và cảm giác hoang mang. Vì vậy những phản ứng sau đây có thể xảy ra:
Trong các tình huống trên, phản ứng của chị em phụ nữ đều bắt nguồn từ sự hiểu lầm. Nếu muốn giúp chồng trở về quan hệ tình cảm hiện tại, cô cần hiểu được sự khác biệt về tâm lý giữa nam và nữ, từ đó chấp nhận ý muốn có không gian riêng của anh. Điều này không có nghĩa là cô phải đánh đổi nhu cầu trò chuyện của bản thân, mà là cần biết chọn lúc thích hợp.
LÝ DO KHIẾN NAM GIỚI TÌM CÁCH NÉ TRÁNH SỰ QUAN TÂM CỦA VỢ
Khi học được kỹ năng tạm thời gác lại nhu cầu riêng của bản thân để chồng có thời gian cần thiết giải tỏa những lo nghĩ chuyện cơ quan mà trở về cuộc sống hiện tại bên gia đình, người phụ nữ đã tạo điều kiện cho bạn đời tìm lại tình cảm vợ chồng, xử sự đúng theo mối quan hệ ấy. Nhận thấy sự thông cảm ở vợ, người chồng sẽ bắt đầu mong đợi được cô quan tâm, vỗ về. Lúc ấy, chỉ cần nghĩ đến về nhà là mọi căng thẳng trong lòng anh được giải tỏa, cảm giác muốn né tránh vợ cũng sẽ tiêu tan.
Nếu không biết điều này, người phụ nữ sẽ vô tình cản trở tâm lý chuyển tiếp từ công việc về gia đình của chồng mình. Do cô đòi hỏi nhiều hơn hoặc phản ứng tiêu cực trước nhu cầu có thời gian riêng của anh, nên anh sẽ không thoải mái lắm để trở lại quan hệ tình cảm hai bên. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể sẽ gây trở ngại cho sự thể hiện cảm xúc yêu thương ở người chồng. Thậm chí anh có thể cho rằng mình không còn yêu vợ nữa.
Khi người vợ luôn đòi hỏi, đặt ra những yêu sách, người chồng sẽ tiếp tục lảng tránh, không muốn về nhà.
Càng bị ép phải nói chuyện hoặc phải làm việc này, việc nọ, người chồng càng muốn né tránh. Anh chỉ có thể quên được chuyện cơ quan khi không cảm thấy áp lực hay đòi hỏi từ vợ mình. Ngược lại, nếu trở về nhà với người vợ nhu mì, chồng cô sẽ cảm thấy
được tự do, có thời gian nghỉ ngơi. Từ đó, anh sẽ tự động gạt bỏ công việc trong ngày để trở lại quan tâm đến gia đình sao cho xứng đáng với sự chia sẻ thầm lặng của vợ mình.
Thực tế, nhận thức đơn giản này đã đem đến sự biến đổi kỳ diệu trong quan hệ tình cảm của hàng ngàn cặp vợ chồng khác nhau.
Khi không bị đòi hỏi quá nhiều, tự động người đàn ông sẽ cảm thấy muốn cho đi nhiều hơn.
KHI CHỒNG KHÔNG HIỂU VỢ
Trước tâm trạng phiền muộn của vợ, người chồng thường cho rằng nên để cô ấy có chút thời gian riêng tư một mình, rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn thôi. Do đó, anh sẽ không để ý đến cô nữa vì đó chính là sự cảm thông, hỗ trợ mà bản thân anh cần nhất trong trường hợp tương tự. Tuy vậy, sự phớt lờ của chồng lại là điều tệ hại nhất với người phụ nữ.
Ngay cả khi hỏi thẳng vợ nguyên nhân làm cô phiền muộn, anh vẫn có thể hiểu sai nhu cầu thực tế của cô khi ấy. Lấy thí dụ trong trường hợp sau:
Tom hỏi Mary:
- Có chuyện gì vậy? Hình như em bực mình hả?
- Không, không có gì đâu.- Mary đáp lại.
Nhưng thực ra trong lòng cô lại dâng lên một cảm giác chua chát: “Hỏi như thế chứng tỏ anh có để ý gì đến em đâu?”
- Tốt rồi. - Tom gật đầu và bỏ đi. Thực ra anh nghĩ:“Cũng tốt nếu em không chịu nói đến chuyện đó. Anh biết em cần có không gian
riêng. Thôi thì anh vờ như mọi chuyện đều tốt đẹp để giúp em thỏa mãn nhu cầu đó. Chắc chắn em sẽ xử lý được vấn đề”.
Trong thâm tâm, Tom đâu biết rằng thiện chí của anh lại gây ra hiệu quả trái ngược. Đa số nam giới đều có suy nghĩ như Tom, nhưng hầu như người phụ nữ nào cũng hiểu ý Mary. “Không có gì đâu” thực ra là một dấu hiệu cho thấy có chuyện gì đó không ổn xảy ra. Nó chứng tỏ cô đang cần quan tâm, chia sẻ, muốn được bộc bạch nỗi lòng.
Sau đây là một số tình huống nam giới hiểu lầm phụ nữ:
Trong mỗi tình huống trên, người phụ nữ đang băn khoăn xem có nên chia sẻ cảm xúc của mình vào thời điểm đó hay không.
Nếu anh hiểu hàm ý này, cô mới mở lòng tâm sự hết mọi nhẽ và được thỏa mãn nhu cầu tình cảm.
Vì không hiểu rõ nhiệm vụ của mình nên những lúc ấy nam giới thường bỏ đi vì đinh ninh làm thế là giúp vợ.
KHI PHỤ NỮ NÓI VỀ CẢM XÚC
Sau một thời gian không chịu được cảm giác bị bỏ mặc, cuối cùng người vợ lên tiếng nói hết nỗi lòng. Nhưng chồng chị lại tiếp tục hiểu lầm. Anh cho rằng, vợ mình than thở chẳng qua cũng là vì muốn chồng chu cấp cho gia đình đủ đầy hơn nữa. Dưới đây là một số tình huống thường gặp:
Điểm giống nhau giữa các tình huống trên là trước cảm giác buồn phiền của vợ, bản năng người đàn ông lại thôi thúc anh phải làm việc cật lực để chu cấp gia đình đầy đủ hơn. Khát khao thành đạt trong sự nghiệp ngày càng khiến anh xa cách trong quan hệ vợ chồng. Sau khi đã có được thành công ấy hoặc đã cố gắng giải quyết mọi bức xúc ở vợ nhưng cô vẫn không vui, cảm giác thất vọng vì không đem lại hạnh phúc cho bạn đời càng nặng nề hơn trong anh. Trước áp lực ấy, anh bắt đầu tắt dần
những cảm xúc lãng mạn và bỏ qua ước muốn thấy vợ mãn nguyện.
TẠI SAO NAM GIỚI E NGẠI CHUYỆN KẾT HÔN?
Đó là tâm lý chung ở nhiều người do có cùng một nguyên nhân: không tự tin về vai trò chu cấp. Quá tập trung vào sự nghiệp, họ không hiểu vấn đề mấu chốt là ở chỗ cần chú trọng xây dựng kỹ năng quan hệ tình cảm.
Nhiều người chấm dứt tình yêu chỉ vì nghĩ đến chuyện sau khi kết hôn mình không có đủ khả năng đảm bảo cuộc sống sung túc cho vợ con, hoặc nếu muốn có mức thu nhập cao, họ sẽ phải hy sinh bản thân rất nhiều.
Chuyện tình giữa Jackie và Dan là một ví dụ điển hình. Sau chín năm yêu nhau, Jackie muốn làm đám cưới, nhưng Dan không đồng ý. Anh khẳng định vẫn luôn yêu cô, nhưng lòng anh lại có điều gì đó khó nói khiến anh lần lữa chuyện cưới xin. Một tối nọ, trong lúc bàn về bộ phim cả hai vừa xem, Jackie sôi nổi thốt lên: “Em vẫn chỉ yêu anh dù chúng mình có phải sống trong nghèo khổ”.
Ngay hôm sau, Dan đi mua nhẫn cưới.
Câu nói của Jackie khiến những mặc cảm, lo lắng trong Dan vụt tan. Như bao người đàn ông khác, anh chỉ có thể xây dựng quan hệ gắn bó khi thấy mình có đủ khả năng chăm lo cho hạnh phúc của người yêu.
Dù không phải ai cũng bị chuyện tiền bạc ám ảnh như thế, nhưng tất cả đàn ông đều rất cần cảm giác tự tin là mình có thể chu cấp đầy đủ cho vợ con. Giờ đây, với các kỹ năng quan hệ, họ hiểu thêm một điều quan trọng không kém. Đó là sự quan tâm
chăm sóc đời sống tinh thần cho người phụ nữ, cho dù họ có làm ra bao nhiêu tiền bạc đi nữa. Có như vậy, cuộc sống gia đình mới hạnh phúc trọn vẹn.
LÝ DO KHIẾN NAM GIỚI MẢI MÊ VỚI CÔNG VIỆC
Đối diện với những căng thẳng, lo lắng cho hạnh phúc gia đình, bản năng của người đàn ông mách bảo họ phải thành công hơn nữa trong sự nghiệp. Cũng bởi mải mê với công việc mà họ quên mất rằng mình thường xuyên vắng nhà, quên rằng người vợ ở nhà đang mỏi mắt ngóng trông.
Càng gặp stress trong công việc, anh càng quên đi tất cả các mối quan hệ khác để chú tâm vào giải quyết vấn đề. Vô tình, anh trở thành người lơ là với gia đình, vợ con. Sự tinh nhạy trong tình cảm bị chìm khuất, thay vào đó, anh như đang bị hút vào một đường hầm mà tại đó, mọi giác quan của anh chỉ dùng để cố gắng thu nhận những gì hữu ích cho việc đạt đến mục tiêu. Anh quên mất điều gì thực sự quan trọng với mình lúc này và không biết thái độ ấy vô tình đẩy những người thân yêu nhất dần xa anh.
KHI NGƯỜI CHỒNG BỎ BÊ GIA ĐÌNH
Trước việc chồng xao nhãng với gia đình mà chỉ tập trung lo chuyện sự nghiệp, người vợ không nghĩ đó là phản ứng tự nhiên. Thường thì cô xem đó là hành động cố tình lạnh lùng, hờ hững bởi mỗi khi có chuyện gì đó không bằng lòng, cô vẫn hay gác chuyện gia đình sang một bên và thu mình vào công việc.
Nhưng khác với tâm lý ở phái nữ, khi tập trung vào công việc, thực ra người chồng không có ý phớt lờ gia đình, chẳng qua chỉ là sự vô ý ở anh mà thôi. Anh quên đón con, không có nghĩa là anh không còn thương con. Anh quên quan tâm, hỏi han, động viên vợ không có nghĩa là anh không còn yêu cô.
Từ khuynh hướng mải lo việc này quên mất việc khác, nam giới sinh ra chần chừ trước những điều thâm tâm anh rất muốn làm. Nhiều lần vợ nhờ anh giúp một việc trước đó anh đã định làm, nhưng anh lại quên. Ngược lại cô rất nhớ và cho rằng anh đang cố tình tránh né việc giúp cô.
Trong trường hợp này, người vợ cần hiểu rằng chẳng qua chỉ vì chồng cô chưa khéo léo cân bằng cuộc sống gia đình với những nhiệm vụ căng thẳng trong công việc. Cô nên thông cảm cho những khó khăn mà anh gặp phải để có thể hỗ trợ tinh thần cho anh nhiều hơn nữa.
ĐỂ HÒA NHẬP VÀO KHÔNG KHÍ GIA ĐÌNH SAU MỘT NGÀY LÀM VIỆC
Xu hướng mải mê công việc gây tác hại với cả hai vợ chồng. Khi chưa biết áp dụng kỹ năng quan hệ tình cảm mới và không để ý đến nhu cầu tình cảm của vợ, người chồng sẽ tiếp tục hành xử theo bản năng - trăn trở chuyện cơ quan nếu thấy vợ mình bực bội hoặc không vui.
Về cơ bản, có ba cách giúp nam giới chuyển đổi tâm lý từ công việc sang quan hệ tình cảm. Trong chừng mực nào đó, bí quyết thành công là ở chỗ phải biết vận dụng kết hợp chúng một cách thích hợp.
1. Thành công
Cảm giác thành công sau một ngày làm việc sẽ giúp người đàn ông nhanh chóng quên đi những mối bận tâm để tận hưởng tình cảm yêu thương trong gia đình. Khi không thành công như mong đợi, hai yếu tố sau đây trở nên rất quan trọng với anh.
2. Giải trí
Để xua tan những băn khoăn, khó chịu trong ngày, về đến nhà, người đàn ông thường tìm đến chỗ ngồi ưa thích và xem ti-vi, đọc báo, nghe nhạc, hay một hoạt động gì đó cần đến sự tập trung nhưng dễ dàng và không phải suy nghĩ.
Một hình thức giải trí ưa thích khác là chơi thể thao. Khi dồn hết tâm trí vào rèn luyện thể lực, họ sẽ thoát khỏi những lo lắng, căng thẳng nơi cơ quan. Đặc biệt, người đàn ông sẽ trở nên tự tin hơn khi tham gia vào những việc nằm trong khả năng giải quyết của bản thân và không bị ràng buộc bởi trách nhiệm. Chơi game, làm việc vặt, cổ vũ bóng đá, chơi thể thao, xem thời sự là những cách giải tỏa căng thẳng phổ biến nhất. Không những thế, đôi khi các hoạt động này còn gợi mở những hướng giải quyết hiệu quả cho khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống.
Thiếu sở thích, hoặc không biết cách giải trí sẽ khiến người đàn ông khó thoát khỏi nỗi ám ảnh công việc và thường bị căng thẳng quá mức.
Mong đợi người đàn ông tìm đến chia sẻ với vợ những vướng mắc trong công việc đôi lúc đưa đến kết quả trái ngược mong đợi. Khi thấy anh chưa thoải mái, người vợ không nên đưa chuyện cơ quan ra thảo luận bởi điều đó chỉ làm tăng thêm căng thẳng, lo lắng, thất vọng trong anh mà thôi.
Để phát huy bản chất tích cực của mình với người khác, trước tiên người đàn ông cần phải quên đi những vấn đề riêng. Lúc đó, anh sẽ lập tức nhơ ra điều gì là quan trọng nhất với mình - vợ con hoặc nhu cầu xây dựng gia đình. Nhận thức chuyển sang điều thực sự quý giá với bản thân cũng rất quan trọng, nó có thể giúp anh thư giãn tinh thần.
3. Sự trân trọng
Cách thứ ba giúp người đàn ông hòa nhập với không khí gia đình sau một ngày làm việc là họ được trở về trong sự cảm thông, mong chờ và động viên của vợ. Thái độ ân cần chào đón và trân trọng của cô là điều anh trông ngóng đầu tiên, nó khiến anh có cảm giác mình đã thành công trở về, cho dù thực tế công việc bên ngoài còn khá nan giải.
Ngược lại, chỉ cần hình dung viễn cảnh về nhà trong sự giận dỗi, khó chịu của vợ, anh cũng đủ chán ngán và lại tiếp tục chạy trốn vào công việc. Do đó, áp lực sẽ ngày càng chồng chất, khó giải tỏa.
Tôi có lời mách nhỏ với nam giới khi muốn được đón nhận tình cảm yêu thương, trân trọng từ bạn đời. Rất đơn giản, về tới nhà anh hãy tìm gặp cô ấy, choàng tay ôm, hỏi thăm tình hình trong ngày thế nào, dành ít phút để lắng nghe,… Chắc chắn người vợ nào cũng sẽ mềm lòng trước sự dịu dàng như thế của chồng. Khi cảm nhận được niềm vui, tình yêu tư cô ấy, nhu cầu có không gian riêng ở anh sẽ giảm đi; thay vào đó anh sẽ thêm trân trọng và biết nhìn nhận thành công của mình sau mỗi ngày cũng như dễ dàng gác lại những lo lắng trong công việc.
NHIỆM VỤ MỚI
Nếu hiểu tâm lý, người vợ sẽ dễ dàng cảm thông với chồng trong nhu cầu được thư giãn một mình trước khi cởi mở quan hệ tình cảm gia đình. Nhu cầu ấy cũng giống như khi chị mong muốn có thêm thời gian trước lúc quyết định tâm sự mọi điều mà thôi.
Khi hiểu đúng xu hướng tập trung để lãng quên ở chồng, người vợ sẽ biết cảm thông, và không chạnh lòng trước thái độ thu mình của anh. Nhờ đó, anh có điều kiện giải tỏa căng thẳng và sớm hòa nhập vào không khí yêu thương trong gia đình.
Tương tự, khi hiểu đúng nhu cầu của vợ, người chồng sẽ biết vận dụng kỹ năng hỗ trợ cảm xúc thay vì chỉ đơn thuần tìm cách giải quyết vấn đề của cô ấy, hoặc có thể biết lắng nghe một cách vui vẻ, tự nguyện. Kết quả, anh sẽ ngạc nhiên nhận thấy mình giúp được vợ rất nhiều mà không phải tự ép buộc mình lo lắng viển vông.
CHUYỂN ĐỔI VAI TRÒ CẢM XÚC
Khi một người phụ nữ thiên về nam tính và bỏ quên nét nữ tính vốn có, tất yếu sẽ dẫn đến sự đảo ngược vai trò cảm xúc. Động cơ hoạt động của họ không xuất phát từ mong muốn như những người phụ nữ thông thường khác mà bắt nguồn từ nhu cầu nam tính. Ngày nay, dù nữ giới dễ dàng viện ra một loạt khó khăn gặp phải trong công việc, tình cảm, nhưng thủ phạm thực tế của những bất cập ấy không phải điều gì khác ngoài nguyên nhân vai trò cảm xúc của hai giới bị đảo ngược.
Hạnh phúc trong quan hệ tình cảm chỉ có được khi người phụ nữ biết lấy lại cân bằng giữa hai xu hướng: nam tính và nữ tính trong mình. Tốt nhất hai vợ chồng nên hợp tác để chị có thể trở về hình ảnh phụ nữ đích thực vốn có.
Nhiệm vụ mới của nam giới là giúp người phụ nữ tìm lại nét nữ tính của mình sau một ngày làm việc vất vả.
NHỮNG BẤT CẬP KHI ĐẢO NGƯỢC VAI TRÒ CẢM XÚC CỦA HAI GIỚI
Áp lực liên tục chuyển đổi giữa hai mặt nam tính và nữ tính tuy vô hình nhưng có sức công phá rất lớn đối với tình cảm yêu thương, đam mê, thân thiết giữa vợ chồng. Đặc biệt, người phụ nữ sẽ ngày càng lún sâu vào tuyệt vọng nếu thiếu sự trợ giúp giải tỏa căng thẳng của bạn đời. Khi không hiểu cơ chế sâu xa này,
mọi cô gắng của anh, dù hợp lý đến mấy cũng có thể hoàn toàn mất tác dụng giải quyết vấn đề giữa hai người.
Khi một người phụ nữ nghiêng về nam tính nhiều hơn, nhu cầu tự giải quyết vấn đề ở chị sẽ trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Với chị, công việc vẫn còn thì chị vẫn chưa thể yên tâm, trách nhiệm thôi thúc chị phải dứt điểm các vấn đề chưa được giải quyết, sau đó mới là nghỉ ngơi, thư giãn.
Trước nhu cầu giải quyết vấn đề này, tốt nhất người đàn ông nên hỗ trợ vợ mình bằng cách lắng nghe chị tâm sự. Đây là câu chuyện tôi từng trải nghiệm, nhờ đó tôi nhận ra những điểm hạn chế cần khắc phục nếu muốn tình cảm vợ chồng tốt hơn.
Cuối buổi sáng Chủ nhật hôm ấy, tôi và vợ mình - Bonnie - đi chơi tennis về, cả hai đều rất vui. Tôi nói với cô ấy là bây giờ tôi chỉ muốn chợp mắt chút xíu.
- Cũng được - Bonnie tán thành.- Em cũng thế.
Nhưng khi đi lên phòng ngủ trên lầu, tôi không thấy cô ấy lên, bèn hỏi: “Em không lên à?”.
Tiếng nàng vọng lên:
- Em cũng muốn ngủ lắm chứ, nhưng phải rửa xe đã anh à.
Tôi không hiểu nổi tại sao cô ấy lại cho chuyện rửa xe quan trọng hơn giấc ngủ trưa vào cuối tuần như vậy. Lắc đầu, tôi leo lên giường và chìm vào giấc ngủ.
Tỉnh dậy với tâm trạng sảng khoái, tôi vẽ ra trong đầu một buổi tối lãng mạn cho hai vợ chồng. Xuống nhà, thấy Bonnie có vẻ đang bực bội, tôi thành thật nói: “Đáng lẽ em phải đi ngủ chứ. Giấc ngủ tốt lắm đấy”.
Vợ tôi lạnh lùng đáp lại: “Em làm gì có thời gian mà ngủ. Giặt giũ, chỉ dẫn con làm bài, lau nhà, nấu cơm… Ai làm cho em những việc đó chứ?”.
Lúc này, không hiểu cô ấy đang rất cần chuyện trò san sẻ, nên tôi chỉ biết tỏ ý giúp cô giải quyết khó khăn và gợi ý gia đình ra ngoài ăn tối.
- Anh không hiểu à? - Bonnie than vãn. - Còn đồ ăn trong tủ phải nấu, bé Lauren chưa làm xong bài tập về nhà nữa kìa.
Tôi chống chế: “Cuối tuần mà em. Nên nghỉ ngơi chứ!”.
- Em thì làm gì có cuối tuần? - Cô cao giọng. - Anh đúng là chẳng hiểu gì cả!
Lúc ấy tôi đâm ra cáu. Bao dự định lãng mạn trước đó tan biến. Bonnie càng bực hơn trước thái độ thiếu thông cảm và không chịu lắng nghe của tôi, còn tôi lại giận vì cô ấy đã gạt bỏ cách giải quyết vấn đề của mình.
Sau khi trải nghiệm và thấu hiểu, tôi quyết định thay đổi. Giờ đây, khi Bonnie quá căng thẳng, câu chuyện giữa chúng tôi lại hoàn toàn khác. Tôi biết mình nên làm gì vào những lúc như vậy. Bonnie cần trò chuyện để lấy lại giá trị nữ tính vốn có, và cô ấy rất cần tôi giúp trong chuyện này. Tôi có thể dẫn ra một ví dụ về cuộc đối thoại giữa vợ chồng tôi khi Bonnie choáng ngợp trong công việc và không thể tự mình lấy lại sự quân bình cho bản thân như sau:
John: Có chuyện gì hả em?
Bonnie: Cũng không biết nữa, nhiều việc quá anh ạ! John: Thế à!
Bonnie: Em không đủ thời gian.
John: Em nói thử anh nghe nào.
Bonnie: Cơm nước chưa nấu xong mà còn một đống đồ cần giặt giũ nữa.
John: Ừ.
Bonnie: Bữa nay đáng nhẽ đưa bé Pearl đi chữa răng, em lại quên khuấy đi mất.
John: Em bận làm gì?
Bonnie: Trời ơi, em không muốn nhắc lại nữa đâu. John: Ừ, không sao.
Bonnie: Pearl lo lắng, con bé cứ sợ có chuyện gì ghê gớm. (Im lặng) Em sẽ cố gắng không bao giờ quên những việc đã hứa với con nữa.
Tôi không nói gì, hít một hơi thật sâu và chầm chậm lắc đầu vẻ thông cảm.
Bonnie: Nhưng giờ thì không sao, nha sĩ cho hẹn sang hôm khác. John: Tốt rồi.
Bonnie: Em không biết phải nấu gì ăn tối đây. Có chuẩn bị gì đâu. John: Ừ, anh cũng chẳng biết.
Bonnie: Tối nay ăn đồ còn dư của bữa trưa được không anh? John: Không sao. Món gì vậy?
Bonnie: Mà thôi, em lại chẳng muốn nấu nướng gì cả.
John: Thôi mình ra ngoài ăn đi, chúng ta cũng cần dành thêm thời gian riêng cho nhau nữa chứ.
Bonnie: Rất tuyệt.
Các bạn thấy đấy, chỉ cần nắm được tâm lý cua cô ấy thì mọi việc sẽ khác hẳn. Nếu không biết cách giúp Bonnie và vận dụng kỹ năng trò chuyện san sẻ, vỗ về trong quan hệ vợ chồng, hẳn chúng tôi sẽ liên tục cãi nhau, ăn đồ dư và đi ngủ trong tâm trạng bực tức, tuyệt vọng.
LÝ DO PHỤ NỮ CẦN NÓI CHUYỆN NHIỀU HƠN
Trong quan hệ tình cảm, nếu đánh mất dần thói quen tâm sự, trò chuyện, người phụ nữ sẽ ngắt đi mạch hạnh phúc tự nhiên mỗi khi nét nữ tính vốn có cần được vỗ về, nâng đỡ. Đáng ngại hơn, nếu không giữ được bản chất nữ tính, họ sẽ tự đánh mất nhu cầu thực sự của bản thân. Họ luôn cảm thấy mình “thiếu vắng cái gì đó”, nhưng không nhận thức được chính xác là điều gì.
Càng xa rời bản chất nữ tính, người phụ nữ càng bất cần sự giúp đỡ của nam giới. Trong khi đó, chồng họ sẽ nản lòng vì không đáp ứng được cho vợ và cảm thấy bất lực không thay đổi được tình hình.
Ngày nay, phải đối diện với rất nhiều căng thẳng từ môi trường làm việc bên ngoài, phụ nữ cần sự hỗ trợ từ người chồng hơn bao giờ hết. Về đến nhà, họ muốn trò chuyện nhiều hơn. Dù câu chuyện đôi khi là phi lý hoặc chẳng liên quan gì đến cuộc sống gia đình, nhưng nó lại cho họ cảm giác được quan tâm, che chở.
Sau đây là chuỗi tình huống phát sinh khi người chồng một mực tìm cách “giải quyết” vấn đề của vợ mình:
Ở đây, người chồng nghĩ vợ anh cho rằng anh không hiểu hết vấn đề hoặc giải pháp của anh là sai. Nhưng ngược lại, điều vợ anh muốn lại không phải là giải pháp mà là thái độ cảm thông, chia sẻ của anh. Lời trách móc: “Anh chẳng hiểu gì cả!” thực tế nghĩa là “Anh không hiểu em cần gì ở anh. Em chỉ cần anh lắng nghe và đồng cảm với em là đủ rồi”.
Một diễn viên hài từng nói: “Trung bình, người phụ nữ nói sáu ngàn từ một ngày còn đàn ông là hai ngàn. Nói chung, sau một ngày làm việc thì cả hai đều đã dùng hết hai ngàn. Khi về nhà, các chị vẫn còn những bốn ngàn từ, thành ra có cảm giác bị bỏ bê. Vợ muốn nói chuyện, nhưng chồng đã phung phí hết hai ngàn phần mình rồi”.
Tất nhiên, đó là nói một cách hài hước, nhưng phải thấy rằng, vấn đề ấy thật sự tồn tại trong cuộc sống.
Thiếu trò chuyện trong quan hệ vợ chồng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất mãn ở người phụ nữ hiện đại.
ĐỂ NAM GIỚI NHẬN RA ƯỚC MUỐN CỦA PHỤ NỮ
Xưa kia, món quà ý nghĩa nhất người chồng dành cho vợ là sự chu cấp và bảo vệ chu đáo. Điều này nằm trong nhận thức tự nhiên của anh, là những điều cha mẹ anh đã truyền dạy và từ bé anh đã học được những biểu hiện cụ thể qua cách bố anh lo liệu cho gia đình. Người bạn đời không cần phải yêu cầu anh điều ấy.
Ngày nay, đời sống tình cảm của người phụ nữ nảy sinh nhiều nhu cầu mới, những nhu cầu mà người đàn ông chưa nắm bắt được. Bởi vậy, để được đón nhận sự hỗ trợ của bạn đời hiệu quả hơn, chị cần giúp anh hiểu nhu cầu của chị và khéo léo đặt vấn đề một cách tế nhị.
Thường thì phụ nữ rất khó lên tiếng trước. Khi phải nói ý muốn riêng của mình, họ thấy dường như mình không còn được quan tâm. Hơn nữa, họ cũng rất ít kinh nghiệm thổ lộ ước muốn cá nhân thế nào cho hiệu quả. Khi không biết làm thế nào để chồng dành thời gian lắng nghe cảm xúc của mình, người phụ nữ thường chọn một trong hai giải pháp: hoặc lặng lẽ hy sinh mọi ước muốn, hoặc ngày càng đòi hỏi, cằn nhằn nhiều hơn.
Không cách nào trong hai cách trên mang lại hiệu quả tốt. Muôn có được tình yêu và sự hỗ trợ như ý, chị cần tập trung vào điều quan trọng nhất. Hãy nhắc anh lắng nghe, từ từ theo thời gian, khi anh hiểu rõ hơn cảm xúc của vợ, chị có thể bắt đầu nhờ anh giúp một số việc nhà.
Để nuôi dưỡng tình yêu và xúc cảm tốt đẹp trong quan hệ vợ chồng, người phụ nữ cần biết diễn đạt cảm xúc, nhu cầu riêng một cách hiệu quả đối với cả hai vợ chồng.
Khi trò chuyện cởi mở và người chồng đã hiểu được sâu sắc suy nghĩ của vợ, chắc chắn là dần dần anh sẽ đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của cô.
ĐỪNG KỲ VỌNG QUÁ MỨC
Được tiếp cận đúng lúc, đúng cách, nam giới sẽ rất vui lòng và sẵn sàng làm nhiều hơn cho vợ. Chỉ cần người phụ nữ biết cách nói chuyện hợp lý, thể hiện sự trân trọng, kiên trì nhẫn nại mà không gây áp lực thì sau một thời gian, bất kỳ người chồng nào cũng đều vui lòng giúp vợ nhiều hơn. Cách hiểu “nhiều hơn” giữa hai giới có thể rất khác biệt nhau.
Nam giới chỉ có thể cho nhiều hơn với mức độ từng chút một.
Thật phi thực tế nếu bạn mong chồng mình bỗng nhiên tự nguyện giúp 50% việc nhà trong khi xưa nay anh rất ít khi động tay chân vào việc gia đình. Tương tự, nếu thuộc tuýp người ít nói, anh không thể lập tức cởi mở và chia sẻ moi cảm xúc được.
Với anh, cũng rất phi lý nếu mong đợi người vợ đón mình về nhà với cảm giác trân trọng, mãn nguyện khi chính cô cũng đã làm việc vất vả cả ngày như anh. Những kỳ vọng phi thực tế này tạo sự bất đồng, xa cách không cần thiết giữa hai vợ chồng.
Thực tế là cả hai đều có thể nhận được sự hỗ trợ như ý, nhưng điều đó không thể nào trong một sớm một chiều mà có ngay được.
ĐIỀU CHỈNH KỲ VỌNG
Nếu là phụ nữ, bạn không nên ky vọng rằng chồng phải luôn biết lắng nghe tâm sự và chia sẻ mọi việc trong nhà với mình. Tương tự, nếu là nam giới, bạn cũng đừng nuôi tham vọng rằng vợ mình phải luôn nói chuyện một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, không bao giờ đoi hỏi và luôn mãn nguyện khi chồng đi làm về. Mỗi giới đều có những đặc điểm tâm lý riêng, bởi vậy bạn cần tránh áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.
Qua thực hành kỹ năng quan hệ mới, thay vào sự khó chịu trước vẻ bất mãn của chị, anh sẽ thấy những cảm xúc ấy chính là cơ hội để chị giải tỏa bức xúc trong lòng. Với người phụ nữ, khi không nhận được sự hỗ trợ như ý, chị hãy vui vẻ xem đó là dịp để thể hiện trách nhiệm và năng lực của bản thân.
Khi vợ không vui và lên tiếng về vấn đề nào đó, người chồng không nhất thiết phải quy trách nhiệm cho mình. Anh có thể giúp chị rất nhiều nếu biết nhu cầu thực sự của chị là muốn được chia sẻ.
Đối với phụ nư cũng vậy, khi thất vọng về bạn đời, thay vì cảm giác đau buồn, chị nên đảo ngược kiểu suy nghĩ này và nhìn nhận ở anh thiện chí yêu thương và luôn sẵn lòng nâng đỡ chị. Khi đã điều chỉnh kỳ vọng ở bạn đời, người phụ nữ se lấy lại được vẻ duyên dáng, nữ tính, không đòi hỏi sự hoàn hảo mà chỉ tìm kiếm tình yêu và đón nhận cuộc sống như vốn có. Chị sẽ hiểu những gì chị bất mãn không phải do lỗi ở anh, chẳng qua vì anh thiếu kinh nghiệm trong việc nắm bắt tâm lý phụ nữ.
Xuất phát từ việc nhận biết sự khác biệt giữa hai giới, ở chương tiếp theo chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu cách thức vận dụng những kỹ năng quan hệ mới sao cho hiệu quả.
Chương 4
SỰ KHÁC BIỆT TRONG SUY NGHĨ, CẢM XÚC CỦA PHỤ NỮ VÀ NAM GIỚI
H
iểu được sự khác biệt trong suy nghĩ và cảm nhận của hai giới sẽ giúp bạn tránh khuynh hướng áp đặt tư tưởng của mình lên bạn đời. Không những thế, biết dung hợp sự
khác biệt của nhau sẽ giúp tình yêu của bạn được thăng hoa, bạn sẽ được đón nhận những gì hằng mong ước từ quan hệ tình cảm của mình.
Những đặc điểm riêng giữa hai giới nêu ra dưới đây không phải lúc nào cũng đúng cho mọi người, nhưng chúng có giá trị với đa số. Nếu thấy không vận dụng được trong tình huống hay trải nghiệm của mình, bạn đừng quá băn khoăn. Quan trọng nhất là bạn sẽ có được những kỹ năng quan hệ tích cực, hữu ích để xử lý vấn đề khi khác biệt thực sự nảy sinh.
Hiểu đúng các kiểu khác biệt trên diện rộng này giúp bạn biết chấp nhận chúng mà không phê phán, có thể sống chung với chúng thay vì chống đối. Thường thì bất hòa nảy sinh nhiều hơn sau một thời gian vợ chồng chung sống gắn bó. Đặc biệt, chung dễ trở thành vấn đề nổi cộm khi con cái ra đời. Do đó, việc tìm hiểu, nhìn nhận những nét tâm lý riêng ở mỗi giới là điều quan trọng nên làm.
BỘ NÃO KHÁC NHAU
Gần đây, rất nhiều nghiên cứu khoa học đề cập đến sự khác biệt giữa cấu trúc não bộ của hai giới cũng như chức năng của chúng. Dù thực tế có sự khác biệt, nhưng khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác những khác biệt ấy có ý nghĩa gì.
Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng sử dụng cả hai bán cầu não cùng lúc, trong khi đó, nam giới chỉ dùng từng bên một. Nghĩa là tại một thời điểm, người đàn ông chỉ có thể phát huy khả năng ngôn ngữ ở bán cầu não trái hoặc kỹ năng xử lý vấn đề của não phải.
Theo nghiên cứu, một số phụ nữ có “thể chai”, tức “mô liên kết” nhiều hơn giữa hai bán cầu não, điều này giải thích tại sao họ có xu hướng dùng đồng thời hai bán cầu não. Bên cạnh đó, số phụ nữ còn lại dù “mô liên kết” không nhiều, nhưng theo hình chụp não MRI, họ vẫn có khuynh hướng dùng cả hai bán cầu cùng lúc. Đối với nam giới, tuy số ít trong họ có nhiều “thể chai” hơn phụ nữ, nhưng tại một thời điểm nhất định, họ cũng chỉ dùng một phần nao mà thôi.
THẾ MẠNH CỦA TỪNG GIỚI
Trong quá trình tiến hóa, cơ thể, bộ não, hoóc-môn của nam và nữ trở nên chuyên biệt hóa nhằm hỗ trợ tốt nhất vai trò và các hoạt động khác nhau của mỗi giới. Ví dụ: theo cấu tạo sinh học tối ưu của mình, nam giới thường âm thầm xử lý những cảm xúc mạnh trong họ. Như thợ săn giữa rừng rậm, họ nhanh chóng thích nghi với vai trò và lặng lẽ đối mặt với nỗi sợ hãi, mất mát hoặc giận dữ. Vạch ra chiến lược bảo vệ bản thân và gia đình là cách phát huy tốt nhất khả năng xử lý cảm xúc của anh. Thế mạnh của nam giới là kỹ năng xử lý không gian của não phải.
Trái lại, phụ nữ thích nghi với vai trò nuôi dưỡng và giải quyết vấn đề chủ yếu qua trò chuyện và chia sẻ với gia đình, người thân. Điều này không chỉ phản ánh xu hướng dùng đồng thời cả hai bán cầu não ở họ, mà còn củng cố kết quả khoa học về lợi thế của nữ giới trong vận dụng kha năng ngôn ngữ ở não trái.
Nói chuyện là thói quen cố hữu của phụ nữ. Đây là lý do giải thích tại sao bộ não của họ có cấu tạo hỗ trợ giao tiếp cảm xúc hiệu quả hơn. Với hàng tỷ tế bào liên kết thần kinh giữa cảm xúc và trung tâm ngôn ngữ của bộ não, mô liên kết bổ sung giúp bé gái phát triển kỹ năng ngôn ngữ sớm hơn bé trai. Thông thường ở giai đoạn phát triển sớm, bé gái vận dụng nhiều từ ngữ tốt hơn các bạn khác giới. Khác biệt này đã được khẳng định qua nhiều lần thử nghiệm với trẻ em.
Bộ não phát triển ở bé gái được thể hiện qua khả năng giao tiếp, còn ở bé trai lại thể hiện qua kỹ năng xử lý không gian. Chẳng hạn, một bé trai sẽ dễ dàng xác định quả bóng ném đi khoảng bao xa, hoặc chạy đi đâu để được giúp đỡ và làm thế nào để đến được nơi ấy.
Cha mẹ đều biết con gái họ có nhu cầu nói chuyện từ rất sớm, thậm chí có khi nói không suy nghĩ; còn con trai lại thích hoạt động, và không ít lần làm việc thiếu suy nghĩ. Khi nhận được sự hỗ trợ thông qua chuyện trò về những vấn đề như mất mát tình thương hay nỗi sợ bị bỏ rơi, dần dần bé gái phát triển mô liên kết thần kinh để cảm nhận, nói chuyện, và suy nghĩ cùng lúc.
Trưởng thành, mỗi khi bực tức, đau buồn hoặc suy nghĩ không rõ ràng, theo bản năng, phụ nữ thường thích có người để trò chuyện. Sự hỗ trợ này giúp phụ nữ cân bằng tư duy và cảm xúc, nhìn nhận chính xác tình hình để có những quyết định đúng đắn.
Trái lại, khi cảm thấy an toàn, không lo sợ trừng phạt hay mất mát tình thương, bé trai thường tự do hành động, phạm lỗi, sau đó suy nghĩ về việc mình làm và thay đổi hành vi. Cơ chế tự sửa sai giúp bé biết rút kinh nghiệm từ những sai phạm của bản thân. Cuối cùng, bé có thể phát triển tế bào liên kết cần thiết cho cảm xúc và suy nghĩ trước khi hành động.
Khi bực tức và suy nghĩ không rõ ràng, theo bản năng, nam giới thường muốn đi đâu đó. Đôi khi chỉ vài bước tới lui trong phòng cũng giúp họ giải tỏa thôi thúc phải hành động để tìm hướng giải quyết. Bất kỳ hoạt động đơn giản, không cần động não nào cũng ít nhiều có tác dụng tốt với người đàn ông trong lúc cố vận động bán cầu não phải đưa ra giải pháp.
Kỹ năng xử lý không gian cần cho các trò chơi như bóng rổ, bóng đá cũng quan trọng tương tự như với người thợ săn khi rình mồi, ném lao hay tìm đường về nhà. Nhìn lại quá trình chuyên biệt hóa ở nam giới qua vai trò thợ săn và bảo vệ như thế, ta thấy bộ não hai giới có cấu trúc khác nhau cũng là lẽ đương nhiên.
Nam giới thường suy nghĩ trước khi bộc lộ cảm xúc của mình, còn phụ nữ có thể suy nghĩ, nói chuyện và bộc lộ cảm xúc trong cùng một lúc.
Phụ nữ lên tiếng nói về xúc cảm của mình nhanh hơn, nhưng nam giới lại có xu hướng hành động tốt hơn khi có chuyện cần giải quyết. Trong lúc phụ nữ vẫn muốn chuyện trò để tìm hiểu vấn đề đầy đủ hơn nữa, thì nam giới lại bồn chồn muốn làm ngay điều gì đó. Không hẳn cách nào tốt hơn, giải pháp hiệu quả nhất là cả hai cùng phối hợp.
Từ xa xưa, khả năng phóng lao săn mồi của nam giới quyết định sự sống còn của bản thân; tương tự, khả năng chuyện trò và hình
thành quan hệ tình cảm của phụ nữ là nền tảng cuộc sống của họ.
SỰ KHÁC BIỆT TRONG BẢN ĐỒ TƯ DUY
Khi bộ não của bé gái phát triển, hàng tỷ tế bào liên kết thần kinh hình thành từ các vùng cảm xúc dẫn đến trung tâm điều phối ngôn ngữ trong não. Còn với bé trai, thoạt đầu là sự phát triển bán cầu não phải với thế mạnh về hoạt động, sau đó mới phát triển trung tâm ngôn ngữ. Do trật tự phát triển khác nhau, nên cách xử lý vấn đề ở hai giới cũng khác nhau. Ở nam giới, cảm xúc thường gắn liền với hoạt động giải quyết vấn đề, còn ơ nữ giới, cảm xúc trước tiên gắn liền với giao tiếp rồi mới đến tìm giải pháp.
Việc diễn tả tâm trạng của bản thân đối với người phụ nữ rất dễ dàng, trong khi đó, nam giới không dễ gì có được điều này. Khi muốn diễn đạt cảm xúc thành lời, anh cần dùng bán cầu não phải nghĩ xem mình muốn nói gì và có nên nói hay không. Sau đó phải chuyển thông tin sang bán cầu não trái và bắt đầu hình thành từ ngữ diễn đạt. Khi nảy sinh cảm xúc mới trong lúc nói chuyện, toàn bộ quá trình này phải lập lại từ đầu. Điều này khó hiểu với phụ nữ vì, như trên đã nói, chị có khuynh hướng suy nghĩ, nói chuyện và bộc lộ cảm xúc cùng một lúc.
Do những khác biệt quan trọng trong quá trình phát triển bộ não, nên cách hành xử, giao tiếp giữa nam và nữ khác nhau. Nam dùng giao tiếp chủ yếu như một công cụ bổ sung giúp thể hiện suy nghĩ một cách trật tự để đạt được mục tiêu nhất định hoặc để giải quyết vấn đề. Nữ cũng giao tiếp vì lý do tương tự, nhưng họ còn dựa vào chuyện trò như phương tiện kết nối cảm xúc và suy nghĩ rõ ràng. Vai trò của giao tiếp quan trọng với phụ nữ thế nào thì hành động cũng quan trọng như vậy đối với nam giới. Hành động như cái bơm kích hoạt vùng tư duy trong não bộ
của họ. Tất nhiên, phụ nữ cũng dùng hành động để giải quyết vấn đề, nhưng với nam giới, hành động còn có một ý nghĩa quan trọng khác - nó là biện pháp quan trọng nhất để tinh thần thư thái và thể hiện cảm xúc.
CÁCH XỬ LÝ CẢM XÚC Ở NAM GIỚI
Việc thể hiện cảm xúc thông qua hành động có thể giúp người đàn ông tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Những hoạt động đơn giản, có mục đích như chơi thể thao khiến khu vực tư duy trong não được kích hoạt và xử lý cảm xúc hiệu quả hơn.
Tôi có thể dẫn ra cho các bạn trường hợp cụ thể tôi từng gặp dưới đây.
Sáng hôm ấy, người bạn thân gọi điện đến cho tôi. Giọng anh trầm, buồn, nói rằng gia đình anh có chuyện không vui. Thực tế, trước đó tôi đã nghe vợ báo con gái anh bạn thân bị ung thư.
“Mình đã nghe vợ nói rồi.” Tôi lên tiếng để tránh cho anh phải kể lại nỗi đau.
Sau một thoáng im lặng, anh rủ tôi đi chơi tennis với anh. Tôi đồng ý, và chúng tôi hẹn gặp nhau sau đó vài phút ở sân thể thao.
Trận đấu ấy, mỗi khi đổi bên hay lên lưới nhặt bóng, chúng tôi chỉ kịp nói với nhau vài lời. Cứ chơi vài phút, chúng tôi lại nói chuyện với nhau một chút. Với bạn tôi, tennis xưa nay vốn là sở trường và là niềm vui của anh. Nói chuyện là cách anh chốt lại ý kiến của mình và đón nhận phản hồi cùng sự động viên từ tôi. Nhưng để có được điều đó, anh cần mượn việc chơi tennis để liên hệ với cảm xúc bản thân.
Khi tập trung tinh thần và sức lực vào quả bóng trên sân, anh có thể nhìn nhận, thể hiện những cảm xúc về căn bệnh của con. Lúc
không đón được bóng ở biên ngang, biên dọc là khi anh liên hệ với cảm xúc đau đớn mình chưa là người bố hoàn hảo với con, đồng thời nhìn lại những sai lầm đã phạm phải. Bóng vẫn nằm trong sân là lúc ước muốn làm ông bố tốt nhất bùng cháy trong anh. Khao khát đánh bại đối thủ và giành chiến thắng đã tiếp thêm cho anh sức mạnh và ước mong khuất phục căn bệnh để cứu con gái.
Sau trận đấu, ngồi nghỉ trên băng ghế, hai chúng tôi bàn bạc nhiều cách giúp đứa con bé bỏng của anh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này. Khi nói chuyện, cảm xúc ở người bạn tôi dâng trào. Anh lo sợ mất đi đứa con thân yêu, đồng thời đau đớn trước nỗi đau của con. Tôi ôm anh trong vòng tay siết chặt để anh hiểu rằng - là một người cha, cũng như anh, tôi rất hiểu được thử thách anh đang gặp phải.
Điều kỳ diệu sau này đã đến với con gái của bạn tôi. Cô bé điều trị thành công, mọi chuyện giờ đây rất tốt với bé.
CÁCH ĐÓN NHẬN TÌNH YÊU Ở NAM GIỚI
Hành động là cách giúp đàn ông có thể liên hệ cảm xúc trực tiếp nhất. Sự cảm kích, trân trọng ở vợ khiến anh cảm thấy được yêu thương trọn vẹn và muốn đạp lại cô bằng tình cảm mãnh liệt hơn.
Tuy nhiên, phụ nữ thường không hiểu điều này vì vùng cảm xúc của họ không kết nối trực tiếp với vùng điều khiển hoạt động mà là trung tâm ngôn ngữ, trò chuyện của não.
Khi phụ nữ đánh giá đúng quyết định, hành động của bạn đời và tha thứ lỗi lầm cho anh là đã tạo ra con đường đưa đến một tình yêu bền vững.
Kỹ năng mới mà người phụ nữ cần nắm được ở đây là: vui vẻ dành cho chồng khoảng không gian riêng tư sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Sau khi anh đã cân bằng tinh thần và muốn hòa vào không khí yêu thương trong gia đình, chị hãy nồng nhiệt đón chào anh và bày tỏ niềm hạnh phúc vì có anh trong cuộc sống.
Với nghệ thuật nắm bắt tâm lý và xử lý tình huống như vậy, chắc chắn chị sẽ trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người bạn đời và vun đắp hơn nữa cho hạnh phúc gia đình.
CÁCH XỬ LÝ SỰ CĂNG THẲNG CỦA NAM GIỚI
Để tạm thời quên đi tất cả những lo toan, căng thẳng trong cuộc sống, cách thức hiệu quả nhất đối với nam giới là tham gia vào những hoạt động yêu thích như chơi thể thao, hoặc bất kỳ một hoạt động nào khác giúp tinh thần phấn chấn.
Sở thích là những gì một người tự do chọn lựa và say mê. Không những thế, nhiều khi sở thích còn là sở trường, thể hiện thế mạnh của mỗi người. Dù không mấy quan trọng trong thực tế, nhưng nó lại rất có ý nghĩa đối với sự thanh thản ở nam giới, và rút cuộc chính nó quay trở lại hỗ trợ năng lực, kỹ năng giải quyết vấn đề của họ.
Để phát huy tối đa chức năng giải tỏa căng thẳng, sở thích phải là những hoạt động thú vị, dễ làm với nam giới. Khi bực tức vì không giải quyết được những việc ở công sở, tham gia vào hoạt động vốn là sở trường sẽ đem lại cho anh cảm giác tự chủ cao hơn. Sự chuyển tiếp này giúp nam giới liên hệ cảm xúc với bạn đời tốt hơn.
Các môn thể thao có tính cạnh tranh
Các hoạt động thể thao có tính cạnh tranh như bóng rổ, bóng đá, bóng chày… giúp nam giới giải tỏa bức xúc và định hướng lại điều bản thân nên làm. Đó cũng là hoạt động giúp họ trút bỏ nỗi thất vọng khi không thể giải quyết những vấn đề thực tế.
Cũng nhờ tham gia vào những hoạt động này, dần dần người đàn ông sẽ nhớ ra điều gì là quan trọng nhất với mình. Đó chính là yêu thương vợ con và khao khát một cuộc sống gia đình hạnh phúc, gắn bó, tin yêu.
Đi săn, câu cá, quần vợt, và chơi golf
Nếu không giải quyết được chuyện cơ quan, nam giới vẫn có thể đi săn hoặc mang về nhà mấy chú cá. Điều này giải thích tại sao đi săn và câu cá là hoạt động giải trí được phái mạnh rất ưa thích. Về nhà sau khi tham gia thành công những hoạt động ấy, trong sâu thẳm lòng anh cảm thấy đã giải quyết được vấn đề, giờ đây có thể thư giãn, đón nhận sự thương yêu, hỗ trợ từ bạn đời.
Quần vợt, đánh golf cũng là cách giải trí tuyệt vời đưa lại sự thư giãn cho nam giới. Người đàn ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi có thể chia sẻ và thỉnh thoảng trò chuyện đôi câu với người bạn cùng chơi.
Xem phim
Nhiều người đàn ông thích đi xem phim vì với họ, những gì tái hiện trên màn ảnh phong phú hơn cuộc sống thực tế rất nhiều, nó thu hút sự chú ý và vì vậy, giúp họ thay đổi trọng tâm chú ý. Việc nhập tâm vào số phận nhân vật giúp họ tạm thời thoát khỏi những khúc mắc cá nhân. Đặc biệt, phim hành đông, giàu kịch tính rất có ích đối với những người đàn ông làm công việc bàn giấy; phim bạo lực tốt cho người làm những nghề đòi hỏi phải thể hiện thường xuyên lòng yêu thương và sự quan tâm. Xem phim
giúp nam giới dễ liên hê với những cảm xúc không được thể hiện trong công việc hàng ngày của mình.
Đọc sách hay xem thời sự
Khi tập trung vào thông tin thời sự thế giới, mọi vấn đề cá nhân dường như trở thành những chuyện nhỏ nhặt trong suy nghĩ cua người đàn ông. Anh có thể thư giãn vì không bị ép buộc phải giải quyết những bức xúc vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Nhìn lửa cháy và xem ti-vi
Có một sợi dây liên hệ khá thú vị giữa sở thích nhìn lửa cháy và sở thích xem truyền hình của người đàn ông xưa và nay.
Trong sinh hoạt của những bộ lạc xưa, vào buổi tối người ta thường tụ họp bên đống lửa, phụ nữ trò chuyện hoặc nhảy múa còn nam giới ngồi lặng yên chăm chú nhìn lửa cháy bập bùng. Có thể nói, ngắm lửa cháy là phương thuốc giảm stress cổ xưa và hiệu quả nhất của nam giới nhiều thế hệ trước.
Ngày nay, hoạt động giải trí phổ biến nhất của người đàn ông là xem ti-vi. Chăm chú xem truyền hình cũng tương tự như đang nhìn vào đống lửa vậy. Đó là lúc họ xác định trọng tâm chú ý cho bản thân, tạm dừng suy nghĩ và thư giãn đầu óc. Nhờ đó, cơ thể họ như trẻ lại, bao căng thẳng trong ngày dần được giải tỏa.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG BAO ĐỒNG
Khi cứ tập trung giải quyết vấn đề cho vợ thay vì trước hết cần chia sẻ cảm xúc để chứng tỏ tình yêu thương và quan tâm, người đàn ông lại khiến vấn đề xấu đi chỉ vì quá bao đồng. Bạn có thể thấy điều đó qua tình huống cụ thể dưới đây.
Như bao người khác, Tom luôn thấy chán nản mỗi khi nghe vợ anh - Sharon than phiền rằng cô bận rộn với quá nhiều công việc. Những lúc như vậy, anh cố gắng phân chia và san sẻ việc nhà với hy vọng cô ấy sẽ vừa lòng. Điều này nghe có vẻ rất hợp ly, nhưng thực tế, quan hệ giữa họ ngày càng căng thẳng.
Khi đến nhờ tôi tư vấn, Tom phàn nàn rằng dù anh đã cáng đáng một nửa việc nhà nhưng Sharon vẫn không vui. Anh lắc đầu chán nản và thú nhận mình đã hết cách.
Thực tê, Tom đã phạm phải một sai lầm thường gặp ở nam giới: anh mải tìm cách giải quyết vấn đề mà không để ý rằng vợ mình rất cần có người chuyện trò, tâm sự.
Tương tự như chồng, Sharon cũng thất vọng. Khi thấy anh không nề ha thu vén việc nhà cửa, cô thấy mình không có quyền phàn nàn nữa. Và những xúc cảm bị kiềm chế quá lâu khiến cô trở nên u uất, không thể nào khuây khỏa để tận hưởng cuộc sống tình cảm vợ chồng.
Dù thật lòng cố gắng giải quyết vấn đề nhưng cả hai lại vô tình đẩy quan hệ của họ đến chỗ xấu hơn.
VẬN DỤNG KỸ NĂNG QUAN HỆ TÌNH CẢM MỚI
Sau khi được tư vấn, cả Tom và Sharon đã nhất trí vận dụng kỹ năng quan hệ tình cảm mới để cải thiện mối quan hệ giữa họ. Nhiệm vụ mới của Tom là lắng nghe và an ủi Sharon. Anh cần rèn luyện kỹ năng nâng đỡ và hỗ trợ cô ấy hơn nữa.
Sharon cũng đồng ý tập thói quen trân trọng công sức, cố gắng của Tom nơi cơ quan để không đòi hỏi, tạo áp lực cho anh. Cô tìm cách đặt vấn đề sao cho anh biết lắng nghe cảm xúc của cô, đồng
thời biết rằng cô rất cảm kích sự hỗ trợ tinh thần anh dành cho mình. Vấn đề được vợ chồng họ tháo gỡ theo hai bước sau:
Bước một: Tìm sự chia sẻ
Trước hết, họ thống nhất với nhau rằng, Tom sẽ không cố làm việc nhà giúp vợ nữa mà tập trung lắng nghe Sharon nói, cảm thông trước những bức xúc của vợ. Và Sharon cũng chỉ có một yêu cầu duy nhất là được cùng chồng chia sẻ nỗi niềm.
Với động lực này, Tom có thể lắng nghe vợ giãi bày mà không tỏ ra chán nản. Và thực tế, anh đã phải ngạc nhiên bởi thái độ lắng nghe đã đưa lại những tác động kỳ diệu. Không ít lần Sharon phải thốt lên:“Cảm ơn vì anh đã nghe em nói. Giờ em thấy đỡ hơn nhiều rồi”, hoặc: “Em rất hạnh phúc khi được tâm sự cùng anh”. Những câu nói này khiến Tom thấy vững tin hơn vì có thể giúp vợ vui hơn. Không những thế, anh con nhận ra sự thú vị nằm ngay trong những điều tưởng chừng đơn giản, bình thường nhất.
Thay vì mặc cảm trách nhiệm nặng nề, Tom trở nên thoải mái như ngày đầu hai người mới gặp. Cũng từ đó, bỗng nhiên anh có nhu cầu làm nhiều hơn nữa cho vợ. Tương tự, Sharon cũng rất ngạc nhiên và cảm động trước thái độ chăm chú lắng nghe của chồng. Sau nhiều tuần tập luyện thành công, cả hai nhất trí chuyển sang bước thứ hai.
Bước thứ hai: Tỏ ý giúp đỡ
Vẫn tiếp tục lắng nghe như trước nhưng giờ đây Tom có thể tỏ ý giúp Sharon giải quyết vướng mắc bằng cách phụ giúp vợ nhiều hơn - từ từ từng chút một.
Trước hết, Tom lắng nghe Sharon than thở mọi vấn đề rồi tỏ ý bắt đầu giúp cô từ chuyện dễ nhất. Anh ngạc nhiên khi thấy vợ
không yêu cầu anh tìm cách giải quyết khó khăn giúp mình. Điều Sharon cần nhất là sự hiện diện của anh để cô cảm thấy mình không cô độc, không bị bỏ rơi. Từ một cách ứng xư đơn giản nhưng khéo léo, Tom không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương, chăm sóc vợ mà còn trở thành nguồn hỗ trợ tinh thần to lớn cho cô ấy.
Niềm tin mình không đơn độc khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống mang lại sự an ủi, động viên sâu sắc cho người phụ nữ.
Khi áp lực giải quyết mọi vấn đề của vợ không còn, Tom lắng nghe tốt hơn, với chính cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, anh còn hiểu rằng, sở dĩ anh cảm thấy chán nản khi vợ không vui là vì anh đang cố quá sức, chứ không phải vì cô ấy đòi hỏi quá nhiều.
Với Sharon, trước sự quan tâm của chồng, cô không còn e ngại rằng anh sẽ mệt mỏi và giận dữ nên cô có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc, chuyện trò cởi mở cùng anh về cuộc sống. Cuối cùng nét nữ tính tiềm ẩn trong Sharon đã tìm được nguồn nuôi dưỡng.
Theo thời gian, Tom tự nguyện giúp vợ nhiều hơn bởi anh thấy những nỗ lực của mình rất được trân trọng. Sự giúp đỡ ấy không phải vì anh lo sợ thái độ không hài lòng cua vợ mà vì tấm lòng cảm thông thực sự anh dành cho cô. Nhờ việc nắm bắt tâm lý và nhu cầu tình cảm ở người bạn đời, Tom đã thành công với vai trò của mình trong quan hệ vợ chồng.
GIÚP NGƯỜI ĐÀN ÔNG LẮNG NGHE
Mỗi khi nghe vợ tâm sự về khó khăn, nam giới thường lầm tưởng mình đang bị bắt lỗi, quy trách nhiệm, và sinh ra chán nản. Tuy nhiên, chỉ cần người phụ nữ khéo léo một chút với một câu nói