"
Dải Sam - Laetitia Colombani full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dải Sam - Laetitia Colombani full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
LAETI TIA COLOMBA NI Nguyễn Mai Chi dịch
—★—
DẢGSAM
• LA T RESSE •
ST YLOR Y & NXB THẾ GIỚI ebook©vctvegroup
Dành cho Olivia!
Và dành cho những người phụ nữ can đảm của tôi.
“Simone, có một bí ẩn lớn trong rừng tóc em.” - Rémy de Gourmont -
“Một người phụ nữ tự do chính là
sự đối lập với một người phụ nữ phóng túng.” - Simone de Beauvoir -
Lời mở đầu
Đây là khởi đầu của một câu chuyện
Mỗi lần lại là một câu chuyện mới
Sống dậy ở nơi đây, dưới những ngón tay tôi.
Đầu tiên là khung cửi
Cấu trúc phải thật vững chắc để chống đỡ toàn bộ Lụa hay vải mềm, cho ngày thường hay trên sàn diễn. Cũng còn tùy.
Vải mềm thường bền dai hơn,
Lụa lại có phần mảnh dẻ và kín đáo.
Cần đến một cái búa và những chiếc đinh. Trên hết là, phải từ từ chậm rãi.
Tới bước dệt vải,
Là phần tôi ưa thích nhất.
Trên khung cửi trước mặt
Ba sợi ni-lông kéo căng.
Nắm lấy con quay, trong bó chỉ, ba sợi chập một, Thắt chúng lại với nhau mà không làm đứt đoạn.
Và rồi lại lặp lại
Hàng ngàn lần như thế.
Tôi yêu những giờ đơn độc,
Những giờ mà hai bàn tay tôi nhảy múa.
Kỳ lạ như một vở ballet trên những đầu ngón tay. Chúng viết nên câu chuyện của những dải sam và những cuộn tóc.
Câu chuyện này là của tôi.
Thế nhưng, nó không chỉ thuộc về mình tôi.
Smita
Làng Badlapur, Uttar Pradesh, Ấn Độ
Smita thức giấc với một cảm giác kì lạ. Cô cảm thấy một sự bồn chồn êm dịu tựa như một chú bướm lạ đang cồn cào vẫy cánh trong khoang bụng. Hôm nay là ngày mà suốt cuộc đời cô sẽ không bao giờ quên được. Bởi lẽ, ngày hôm nay, con gái của cô được đi học.
Trường học là nơi mà Smita chưa bao giờ có cơ hội được đặt chân đến. Ở Badlapur này, những người như cô không được đi học. Smita là một người Dalit. Những kẻ bị khinh miệt nhất xã hội và không một ai muốn dây dưa tới*.
Những người như cô được Gandhi gán cho cái tên “Những đứa con của Chúa Trời”. Xếp ngoài những thứ bậc địa vị, ngoài vòng pháp luật, ngoài tất cả mọi thứ. Một giống loài riêng biệt, bị xem như thứ quá mức ô uế để có thể trà trộn với những giống loài khác, thứ đồ bỏ đi không có phẩm cách khiến người ta dè bỉu xa lánh như khi họ phân loại những hạt mầm tốt và những hạt cỏ lùng vậy. Những người như Smita, họ là hàng triệu con người sống bên rìa những làng mạc, bên rìa xã hội, trên đường ngoại vi của nhân loại.
Tất cả các buổi sáng đều diễn ra với cùng một nghi thức. Như cách một chiếc đĩa nhạc đã xước cứ chơi đi chơi lại mãi không dừng
một bản hoà tấu và làm người nghe thấy hết sức khó chịu. Smita thức dậy trong túp lều nát mà cô gọi là nhà, nó nằm bên cạnh những cánh đồng được trồng bởi người Jatts. Cô rửa mặt và chân mình bằng nước được gánh về từ giếng nguồn, nơi dành riêng cho người như cô. Đừng hòng nghĩ đến việc chạm tới nguồn nước khác, nguồn nước của những người thuộc tầng lớp trên, dù chúng có tiện lợi và gần với nơi ở của cô đến thế nào chăng nữa. Có những người đã mất mạng vì lí do còn nhỏ nhặt hơn là việc dùng nước từ một nguồn không dành cho họ.
Cô sửa soạn, chải tóc cho Lalita và ôm hôn Nagarajan. Rồi cô lấy cái giỏ mây đan của mình, cái giỏ mà trước khi tới tay cô, mẹ cô đã mang theo trong cả cuộc đời của bà và chỉ nhìn thấy nó thôi cũng đủ để khiến dạ dày cô quặn lại buồn nôn. Cái giỏ với thứ mùi khủng khiếp bám riết dai dẳng, xộc thẳng lên mũi và không bao giờ có thể gột rửa hết. Cái giỏ mà cô phải mang theo suốt cả ngày như người ta mang theo một dấu thập, một gánh nặng đáng hổ thẹn. Cái giỏ này là cây thánh giá khổ đau của cô. Một lời nguyền. Một hình phạt. Hẳn là ở kiếp trước cô đã gây ra chuyện gì kinh khủng lắm nên mới phải trả giá, đền tội ở kiếp này. Nhưng sau tất cả, kiếp sống này cũng chẳng có gì quan trọng hơn những kiếp trước, hay thậm chí cả những kiếp sau nữa, nó cũng chỉ là một kiếp sống giữa muôn ngàn kiếp khổ đau khác, mẹ cô từng nói như thế. Vậy đấy, đây là kiếp sống của cô.
Đây là công việc, là nghĩa vụ, là chỗ của cô trong thế giới này. Cái nghề sẽ được truyền từ mẹ sang con, xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Scavenger - trong tiếng Anh, từ này có nghĩa là “kẻ đi nhặt nhạnh”. Một từ ngữ tế nhị để ám chỉ một thực tế không hề tế nhị chút nào. Công việc của Smita đang làm, quả thật, không một từ ngữ nào có
thể dùng để miêu tả được nó. Việc của cô là đi nhặt phân của những người khác với đôi tay trần từ sáng tới tối. Khi cô lên sáu, bằng tuổi Lalita bây giờ, mẹ cô đã dẫn cô đi làm lần đầu tiên. “Nhìn đi, rồi sau đó con sẽ làm!” - Smita nhớ rõ cái mùi kinh khủng đó đã xộc tới, thô bạo như một đàn ong vò vẽ, một thứ mùi không thể chịu đựng nổi. Một sự vô nhân tính. Cô đã nôn thốc nôn tháo ở vệ đường. “Con sẽ dần quen thôi.” - Mẹ cô đã nói vậy. Nhưng đó chỉ là lời nói dối. Người ta không thể nào quen với thứ này được. Smita đã học cách nín thở. Giá mà cô có thể sống mà không cần thở, nhưng rõ ràng là cô cần phải thở, bác sĩ của làng đã nói vậy. Hãy nhìn xem cô đã ho đến mức nào. Cô cùng cần phải ăn nữa chứ. Đã từ lâu Smita mất đi cảm giác ngon miệng khi ăn. Đói ư? Cô đã không còn nhớ được cảm giác đói là như thế nào nữa rồi. Cô ăn rất ít, chỉ ở mức tối thiểu, thường chỉ là một nắm cơm trộn với nước mà mỗi ngày cô tự nhồi nhét vào cơ thể lúc nào cũng cố gắng phản kháng của mình.
Chính phủ rõ ràng đã hứa hẹn về những nhà vệ sinh trên cả nước cho dân chúng, nhưng lời hứa ấy không tới được nơi đây. Ở Badlapur và nhiều nơi khác, người ta đái ỉa lộ thiên. Mặt đất, những dòng sông, những con suối, những cánh đồng… khắp nơi đều ô uế, ô nhiễm bởi hàng tấn chất thải từ con người. Bệnh tật lan rộng như lửa bùng lên từ đám rơm rạ. Những chính trị gia cần phải hiểu rằng: Thứ mà người dân đòi hỏi, trước cả những cải cách, trước cả bình đẳng xã hội và vấn đề việc làm, là những nhà vệ sinh. Chính xác thì, đó là quyền được đái ỉa một cách có phẩm cách. Trong những ngôi làng, phụ nữ buộc phải chờ tới khi màn đêm buông xuống để đi vệ sinh trên những cánh đồng, nơi họ phải phơi mình ra trước biết bao nguy cơ bị tấn công. Những người
may mắn hơn đã thu xếp được một góc trong sân hay phía tận cùng ngôi nhà một cái lỗ đơn giản trên nền đất mà người ta kín đáo gọi là “nhà vệ sinh khô”. Đó cũng chính là những cái nhà cầu mà những phụ nữ Dalit phải đến dọn sạch mỗi ngày bằng tay trần. Những người phụ nữ như Smita ấy!
Một ngày làm việc của Smita bắt đầu vào khoảng bảy giờ sáng. Cô cầm theo chiếc giỏ của mình và một cái chổi mây. Cô biết mình phải dọn sạch cho hai mươi ngôi nhà mỗi ngày, vậy nên không có thời gian để mà phí hoài. Cô đi bộ ven đường, mắt cụp xuống, khuôn mặt giấu sau một lớp khăn. Trong một số ngôi làng, những người Dalit phải thông báo về sự xuất hiện của họ bằng cách mang theo một cái lông quạ. Ở những nơi khác, họ bị buộc phải bước đi bằng chân trần. Tất cả mọi người đều biết chuyện về một kẻ tiện dân dám đi dép có quai và bị người ta ném đá cho tới chết. Smita bước vào những ngôi nhà bằng cửa sau dành riêng cho cô. Cô không được phép chạm mặt những người dân làng, lại càng không được phép trò chuyện cùng họ. Cô không chỉ là kẻ bần cùng không ai đếm xỉa đến, cô còn phải vô hình. Cô được nhận đồ ăn thừa còn sót lại coi như thù lao. Thi thoảng, nếu có những bộ quần áo cũ, họ ném xuống đất hoặc ném về phía cô.
Người ta không chạm vào cô và cũng không nhìn cô.
Có đôi khi, cô chẳng nhận được thứ gì cả. Một gia đình người Jatts đã hàng tháng nay không cho cô bất cứ cái gì. Smita đã định không tới nhà đó nữa. Một tối nọ, cô nói điều này với Nagarajan, rằng cô sẽ không quay lại đó nữa, những người đó hãy đi mà tự dọn dẹp đống cứt của mình. Nhưng Nagarajan sợ hãi và nói rằng: Nếu Smita không đi, gia đình họ sẽ bị xua đuổi, họ không có đất
đai nhà cửa gì của riêng mình cả. Những người Jatts sẽ tới phóng hoả thiêu rụi căn lều nát của họ. “Chúng ta đều biết là họ có thể làm những gì. Người ta sẽ cắt cụt hai chân của mình mất!” - Họ đã nói với nhau như thế. Và thực tế là đã có một người đàn ông bị cắt cụt tứ chi và thiêu sống bằng axit ở cánh đồng cạnh đó.
Đúng thế, Smita biết những người Jatts đó có thể làm những gì. Vậy nên, cô vẫn quay lại căn nhà đó vào ngày hôm sau.
Nhưng buổi sáng hôm đó không giống như những buổi sáng khác. Smita đã có một quyết định liều lĩnh, nó đến với cô như một điều hiển nhiên: Con gái cô sẽ được đến trường. Cô đã rất khó khăn để thuyết phục Nagarajan. “Để làm gì cơ chứ?” - Anh hỏi. Ừ thì con bé có thể sẽ biết đọc và biết viết, nhưng sẽ chẳng có ai ở đây chịu cho nó một công việc đâu. Chúng ta được sinh ra là những người dọn nhà xí và chúng ta sẽ vĩnh viễn là như thế cho đến chết. Đó là một công việc cha truyền con nối, một vòng tròn mà không ai có thể thoát ra. Một cái nghiệp nặng nề.
Nhưng Smita không chịu bỏ cuộc. Cô lặp lại chuyện đó ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa và cả những ngày tiếp theo. Cô từ chối đem theo Lalita khi làm việc. Cô sẽ không chỉ cho con mình những động tác của kẻ dọn nhà xí, cô sẽ không phải thấy cảnh con gái mình nôn ọe như mẹ cô đã từng thấy cô ngày xưa. Không! Smita khước từ điều đó. Lalita phải được đến trường. Trước sự cương quyết của cô, Nagarajan cuối cùng cũng nhượng bộ. Anh hiểu vợ mình, ý chí của cô rất mạnh mẽ. Cô nhóc Dalit có làn da nâu mà anh đã cưới từ mười năm trước còn can đảm hơn cả anh, anh biết điều đó. Thế nên cuối cùng, anh cũng chịu nhượng bộ. Cứ vậy đi. Anh sẽ đến trường làng và nói chuyện với Brahmane.
Smita thầm mỉm cười cho chiến thắng của mình. Cô ước gì mẹ cô cũng đã từng tranh đấu cho con gái bà như thế, ước gì mình cũng đã được bước qua cánh cổng trường, ngồi giữa những đứa trẻ khác, học đọc và học đếm. Nhưng điều đó đã không thể xảy ra, cha của Smita không phải là người đàn ông tốt như Nagarajan, ông nóng nảy và bạo lực. Ông đánh vợ như cơm bữa như tất cả mọi người đàn ông ở đây vẫn thường làm. Ông thường nhắc đi nhắc lại: Một người vợ không được đứng ngang hàng với chồng, cô ta thuộc sở hữu của chồng. Người vợ là tài sản của chồng, là nô lệ của anh ta. Người vợ phải phục tùng theo ý muốn của chồng. Nếu có chuyện gì xảy ra, điều chắc chắn là cha của cô thà cứu lấy con bò ông nuôi còn hơn là vợ ông.
Còn Smita, cô may mắn hơn. Nagarajan chưa từng đánh cô, chưa từng lăng mạ cô. Khi Lalita ra đời, anh thậm chí còn đồng ý giữ con bé lại nuôi. Ở vài nơi không xa đây lắm, người ta giết chết những bé gái ngay khi chúng vừa chào đời. Trong những ngôi làng Rajasthan, họ chôn sống những bé gái sơ sinh trong những chiếc hộp và chôn dưới lớp cát dày ngay khi chúng vừa cất tiếng khóc chào đời. Những bé gái ấy có khi mất tới một đêm để chết.
Nhưng điều đó không xảy ra với Smita. Cô ngắm nhìn Lalita, con bé đang ngồi xổm trên sàn đất nện của căn lều và chải tóc cho con búp bê duy nhất của nó. Con gái của cô, con bé thật đẹp. Nó có những đường nét thanh tú, mái tóc dài tới ngang eo, mái tóc mà Smita thường phải gỡ rối và tết lại thành bím mỗi buổi sáng.
“Con gái của tôi sẽ biết đọc và biết viết” - Cô tự nhủ. Ý nghĩ đó khiến cô vui sướng vô cùng.
Đúng thế, ngày hôm nay là một ngày mà cô sẽ ghi nhớ suốt đời.
Giulia
Palerme, Sicilia.
- Giulia!
Giulia khó nhọc mở mắt. Giọng của mẹ cô vẫn vang lên dưới tầng. - Giulia! Scendio! Subito!
Giulia cố vùi đầu vào gối. Cô không ngủ đủ giấc, một lần nữa cô lại thức trắng đêm để đọc. Dẫu vậy, cô biết mình phải thức dậy. Khi mẹ gọi, cần phải tuân lệnh bởi vì đó là một bà mẹ vùng Sicilia.
- Giulia!
Cô rời khỏi chiếc giường với vẻ mặt đầy tiếc nuối. Cô đứng dậy và hối hả mặc quần áo trước khi xuống bếp nơi mẹ đang mất kiên nhẫn chờ đợi. Em gái Adela của cô đã thức dậy từ trước, bận rộn sơn móng chân trên bàn ăn sáng. Mùi của thuốc tẩy móng khiến Giulia nhăn nhó. Mẹ pha cho cô một tách cà phê.
- Bố của con đã đi rồi. Con là người sẽ mở cửa sáng nay đấy. Giulia cầm lấy chùm chìa khoá xưởng, nhanh chóng rời khỏi nhà. - Con còn chưa ăn gì mà. Cầm theo thứ gì đó đi chứ!
Phớt lờ lời của mẹ, cô cưỡi lên chiếc xe đạp của mình và rời khỏi sân nhà theo từng nhịp nhấn bàn đạp thật mạnh. Không khí tươi
mới của buổi sáng khiến cô thêm chút tỉnh táo. Gió trên những đại lộ táp vào mặt và mắt cô. Đi qua khu chợ, hương cam chanh và ô liu xộc thẳng vào mũi cô cay cay. Giulia đi dọc quầy hàng của người bán cá, những sạp hàng đang bày ra nào cá sardine, nào cá chình tươi rói vừa mới gỡ ra từ lưới. Cô đạp nhanh chân hơn, trèo lên vỉa hè, ra khỏi khu Ballaro nơi những người bán hàng rong đã bắt đầu cộc cằn mặc cả với khách.
Cô đến một ngõ cụt bên rìa Via Roma. Công xưởng của bố cô được đặt tại đây, trong một rạp chiếu bóng cũ mà ông đã mua lại từ hai mươi năm trước - vừa bằng với số tuổi của Giulia. Toà nhà bây giờ thật chật chội, đồ đạc ngổn ngang vì không có ai dọn dẹp. Trước mặt tiền, người ta vẫn có thể nhìn ra được chỗ mà trước kia, những tờ áp-phích quảng cáo phim đã từng được dán lên. Đã xa rồi cái thời kì mà những người Palermitani đổ xô đi xem những tác phẩm của Alberto Sordi, Vittorio Gassman, Nino Manfredi, Ugo Tognazzi, Marcello Mastroianni… Ngày nay, hầu hết các phòng chiếu đều đã đóng cửa như rạp chiếu bóng địa phương nhỏ bé này, nó giờ đã được biến thành công xưởng. Người ta sắp xếp lại phòng máy chiếu thành văn phòng, trổ những ô cửa sổ trong phòng chiếu lớn sao cho những người thợ có đủ ánh sáng để làm việc. Bố cô đã tự tay làm tất cả mọi công việc sửa chữa. Nơi này sao mà giống ông đến thế, Giulia thầm nghĩ. Lộn xộn và ấm áp, y như tính cách của bố vậy. Mặc cho những cơn thịnh nộ dữ dằn, Pietro Lanfredi được hầu hết nhân viên kính trọng và đánh giá cao. Đó là một người cha giàu tình thương dẫu mang trong mình sự độc đoán và luôn đòi hỏi cao. Một người đã nuôi dạy những cô con gái của mình trong kỷ luật nghiêm ngặt và cũng đã truyền lại cho chúng niềm yêu thích và ý thức làm tốt công việc của mình.
Giulia lấy chìa khoá và mở cửa. Thông thường, bố cô là người đầu tiên có mặt. Ông luôn muốn được tự mình chào đón nhân viên vào mỗi buổi sáng. Ở vào vị trí một ông chủ, ông luôn cảm thấy hài lòng khi nhắc đi nhắc lại điều này. Ông luôn có vài lời để nói với người này, đôi sự quan tâm chú ý dành cho người khác, với ai ông cũng có những cử chỉ riêng biệt dành cho họ. Nhưng hôm nay, ông đã ra ngoài dạo một vòng và gặp gỡ những tiệm cắt tóc ở Palerme và các vùng lân cận. Ông sẽ không quay về trước buổi trưa. Vậy nên sáng hôm nay, Giulia sẽ là cô chủ của công xưởng.
Vào giờ này, trong xưởng rất tĩnh lặng. Nhưng chỉ một lát nữa thôi, nơi này sẽ ồn ã bởi âm thanh của hàng ngàn cuộc trò chuyện, những bài ca, những giọng nói cất lên… nhưng ngay giờ phút này, chỉ có sự im lặng và tiếng vọng từ bước chân của Giulia. Cô đi tới phòng thay đồ dành cho nhân viên nữ, cất đồ đạc của mình vào trong ngăn tủ để tên cô. Cô lấy chiếc áo blouse của mình ra, khoác nó vào như mọi ngày, như mặc thêm một lớp da thứ hai. Cô túm tóc lại, cuốn chúng thành một búi thật chặt và nhanh nhẹn cố định bằng những chiếc kẹp ghim. Rồi cô che cả phần tóc trên đầu lại bằng một chiếc mũ, một bước bảo hộ không thể thiếu ở đây: Tuyệt đối không được để những sợi tóc của mình trộn lẫn với những sợi đang được xử lí ở xưởng. Trang phục và đầu tóc sẵn sàng, cô không còn là con gái của ông chủ nữa. Cô là một nữ công nhân như bao người khác, một nhân viên của Maison Lanfredi. Cô muốn được như thế. Cô luôn luôn từ chối hưởng đặc quyền.
Cánh cửa ra vào mở ra trong tiếng kêu cót két và một đám đông vui vẻ lấp đầy cả không gian. Chỉ trong khoảnh khắc, nhà xưởng đã tràn ngập sinh khí, trở thành nơi ồn ã mà Giulia vẫn yêu quý
bao năm nay. Trong sự huyên náo, hỗn độn nơi những cuộc trò chuyện cứ lẫn lộn vào nhau, những nữ công nhân hối hả đi tới phòng thay đồ nơi họ khoác lên mình chiếc áo blouse và tạp dề, trước khi vừa tám chuyện vừa quay về chỗ của mình.
Giulia đến bên họ. Agnese với những nét mệt mỏi - đứa con út của cô đang mọc răng làm cô mất ngủ cả đêm. Federica đang cố nén những giọt nước mắt, chồng chưa cưới của cô đã bỏ cô đi. “Lại nữa?!” - Aida thốt lên. “Anh ta sẽ trở về vào ngày mai thôi” - Paola cố trấn an cô. Ở đây, những người phụ nữ chia sẻ với nhau nhiều hơn là một công việc chung. Trong khi đôi bàn tay của họ không ngơi nghỉ trên những sợi tóc đang được xử lí, họ nói về đàn ông, về cuộc sống, về tình yêu, về ngày hôm nay sao mà dài quá… Ở đây, tất cả mọi người đều biết rằng chồng của Gina là một tay bợm nhậu, rằng con trai của Aida giao thiệp với đám Piovra*, rằng Alessia đã có một mối tình chớp nhoáng với chồng cũ của Rhina và cô ấy chưa bao giờ tha thứ cho Alessia về chuyện này. Giulia thích việc được vây quanh bởi những người phụ nữ này, nhiều người trong số họ đã biết cô từ khi cô còn nhỏ. Dường như cô được sinh ra ở đây. Mẹ cô luôn thích thú kể về những cơn co thắt đã hành hạ bà đến thế nào khi bà còn đang bận rộn phân loại những lọn tóc trong căn phòng chính của xưởng. Giờ bà không còn làm việc ở đó nữa vì mắt đã kém, nhường chỗ của mình lại cho một nữ công nhân khác với đôi mắt tinh tường hơn. Giulia đã lớn lên ở đó, giữa những sợi tóc cần được gỡ rối, những lọn tóc cần được rửa sạch, những đơn hàng cần được giao đi. Cô còn nhớ những kì nghỉ và những thứ Tư được nghỉ giữa tuần mà cô đã trải qua bên những người công nhân. Cô thích nhìn ngắm họ làm việc, quan sát đôi tay họ hoạt động như một đội quân. Cô thấy họ
ném những sợi tóc vào máy chải - những chiếc lược lớn vuông vức đó dùng để gỡ tóc rối - rồi gột rửa chúng trong chiếc bồn đặt cố định trên những cái mễ - một thứ đồ tự chế tài tình của bố cô, người không thích nhìn những công nhân của mình hành hạ cái lưng của họ. Giulia thấy thật kì thú trước cái cách mà người ta treo những lọn tóc lên cửa sổ để làm khô chúng như thể một chiến lợi phẩm của bộ tộc người da đỏ, những người thường có cả một sê-ri những bộ da đầu được trưng bày một cách kì lạ.
Đôi khi cô có cảm giác rằng, ở đây, thời gian như ngừng lại. Thời gian vẫn tiếp tục cuộc đua của nó ở ngoài kia, nhưng giữa những bức tường này, cô thấy mình được bảo vệ. Đó là một cảm giác dịu nhẹ, bình an, chắc chắn về sự ổn định của mọi việc.
Vậy là đã gần một thế kỉ qua, gia đình cô sống nhờ vào cascatura - một nghề truyền thống từ xưa của người Sicilien. Người ta giữ lại những sợi tóc rụng hay tóc bị cắt để làm thành những lọn tóc giả hay cả một bộ tóc giả. Được thành lập vào năm 1926 bởi cụ ông của Giulia, xưởng Lanfredi là xưởng cuối cùng thuộc dạng này còn tồn tại ở Palerme. Xưởng có khoảng mười công nhân nữ lành nghề chuyên gỡ rối, gột rửa và xử lí những sợi tóc trước khi chúng được gửi đi khắp nước Ý và trên toàn châu Âu. Vào sinh nhật mười sáu tuổi, Giulia đã quyết định sẽ rời trường cấp ba để đến làm việc cùng với cha cô ở xưởng. Là một học sinh xuất sắc theo lời những thầy giáo ở trường, nhất là về tiếng Ý - bộ môn mà thầy giáo luôn khuyến khích cô trau dồi, cô đáng lẽ đã có thể học cao lên nữa và vào Đại học. Việc cô thay đổi hướng đi nằm ngoài mọi hình dung. Hơn cả một truyền thống, những lọn tóc là một niềm đam mê với những người nhà Lanfredi, niềm đam mê được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lạ lùng là, chị em gái của Giulia
không hề tỏ ra hứng thú và cô là người duy nhất trong số những cô gái họ Lanfredi lựa chọn dành đời mình cho nghề truyền thống của gia đình. Francesca kết hôn sớm và không đi làm, giờ chị ấy đã có bốn con. Adela, em út, đang học cấp ba và dự định sẽ theo ngành thời trang hay làm người mẫu - tất cả nằm ngoài con đường mà bố mẹ họ đã chọn.
Với những đơn hàng đặc biệt, những màu sắc khó tìm, bố cô có một bí mật: Một công thức bí truyền từ bố của ông nội và trước đó là từ ông của ông nội, dựa trên những nguyên liệu tự nhiên mà bố không bao giờ gọi tên. Công thức đó, ông đã truyền lại cho Giulia. Ông thường dẫn cô lên mái nhà, trong phòng thí nghiệm của mình như ông vẫn thường gọi. Từ trên đó, có thể nhìn thấy biển và phía bên kia của Monte Pellegrino. Mặc một chiếc áo blouse trắng khiến mình trông giống như một giáo sư Hoá học, ông Pietro đun sôi từng xô lớn dung dịch tẩy rửa. Ông biết làm thế nào để xoá màu nguyên thủy của tóc và rồi nhuộm lại màu khác cho chúng, làm sao để màu mới không bị trôi đi khi gội rửa. Giulia quan sát ông làm việc hàng giờ liền, chú ý tới từng cử chỉ nhỏ nhất của ông. Bố của cô cẩn trọng trông chừng những sợi tóc như cách mà mẹ cô trông chừng những sợi mỳ pasta. Ông đảo chúng trong xô với một cái thìa gỗ, dằn chúng nằm yên trước khi lặp lại một lần nữa, cứ như vậy không ngừng nghỉ. Có sự kiên nhẫn, tính chính xác và cả tình yêu ẩn trong sự chăm sóc mà ông dành cho những sợi tóc. Ông luôn nói rằng, một ngày kia, những sợi tóc này sẽ được người ta mang trên đầu và chúng xứng đáng được trân trọng theo một cách cao quý nhất. Đôi khi, Giulia mơ mộng tới những người phụ nữ sẽ sở hữu những bộ tóc giả này.
Đàn ông ở đây thường không đội tóc giả, họ quá tự phụ và luôn
khăng khăng với quan niệm của họ về sự nam tính.
Vì một lí do nào đó, một vài sợi tóc không chịu khuất phục trước công thức bí mật của nhà Lanfredi. Nhấn chìm trong hàng xô hoá chất, phần lớn những sợi tóc khi được vớt ra sẽ có một màu trắng sữa, cho phép người ta có thể nhuộm lại màu khác cho chúng sau đó, nhưng một số ít vẫn còn giữ lại màu nguyên bản. Những sợi tóc cứng đầu này thực sự là một bài toán khó. Không thể hình dung nổi việc nếu như giữa một lọn tóc đã được nhuộm màu cẩn thận trau chuốt, khách hàng lại tìm thấy vài sợi ngoan cố màu đen hay nâu lẫn trong đó. Nhờ vào thị lực tinh tường của mình, Giulia được giao phụ trách công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ này. Cô phải phân loại các sợi tóc, từng sợi từng sợi một, để loại trừ đi những sợi không cách nào thay đổi được. Đó thực sự là một cuộc truy lùng gắt gao mà cô thực hiện ngày qua ngày, vô cùng tỉ mỉ và kiên nhẫn cao độ.
Giọng nói của Paola kéo cô ra khỏi giấc mơ:
- Mia cara*, cháu có vẻ mệt mỏi. Cháu lại thức suốt đêm để đọc đúng không?
Giulia không tìm cách chối cãi. Với Paola, chẳng ai che giấu được điều gì. Người phụ nữ già này là người lớn tuổi nhất trong số những công nhân của xưởng. Ở đây, họ đều gọi bà là Nonna*. Bà đã biết bố của Giulia từ ngày ông còn nhỏ. Cô thích nghe kể về chuyện bà vẫn thường buộc dây giày cho ông. Ở vào tuổi bảy mươi lăm, bà nhìn thấu tất cả. Đôi bàn tay đã chai sạn, làn da nhăn nheo như miếng da cũ nhưng ánh mắt của bà vẫn vô cùng sắc sảo. Trở thành goá phụ ở tuổi hai mươi nhăm, bà đã một mình nuôi dạy bốn đứa con, suốt cả đời từ chối tái hôn. Khi người ta hỏi
bà lí do, bà trả lời rằng bà quá tha thiết với tự do của chính mình. “Một người phụ nữ đã kết hôn luôn luôn có những ràng buộc” - bà nói. “Hãy cứ làm những gì cháu thích, mia cara, nhưng quan trọng nhất là đừng có kết hôn” - bà nhắc đi nhắc đi với Giulia như vậy. Bà luôn sẵn sàng kể về ngày lễ đính hôn của mình với người đàn ông mà cha của bà đã chọn. Gia đình người chồng tương lai của bà có một trang trại trồng và khai thác chanh. Nonna đã phải lao động để thu hoạch những quả chanh đó ngay cả vào đúng ngày cưới. Ở những vùng nông thôn, không có thời gian để ngơi nghỉ. Bà vẫn còn nhớ mùi hương của những trái chanh vàng cứ vương vất mãi trên quần áo và đôi bàn tay của chồng bà. Khi ông mất vài năm sau đó vì chứng viêm phổi, để lại bà một mình với bốn đứa trẻ, bà đã phải ra thành phố để tìm kiếm việc làm. Bà đã gặp ông nội của Giulia, người đã nhận bà vào làm ở xưởng. Vậy là đã năm thập kỉ bà làm công ăn lương tại đây.
- Cô sẽ không tìm được chồng trong mớ sách vở đó đâu! - Aida kêu lên.
- Để con bé yên đi! - Nonna quát lại.
Chồng ư? Giulia không tìm một người chồng. Cô không bao giờ lai vãng tới những quán cafe hay hộp đêm, nơi chật kín những người trạc tuổi cô. “Con gái tôi có hơi hoang dại” - mẹ cô vẫn thường nói như vậy. So với những tiếng la hét ở sàn nhảy, Giulia ưa thích sự im lặng êm dịu của Thư viện thành phố hơn. Hàng ngày, cô đều tới đó vào giờ ăn trưa. Là một độc giả không bao giờ biết chán, cô yêu bầu không khí của những gian phòng lớn chứa đầy sách, nơi mà chỉ có âm thanh lật giở trang sách mới có thể làm phiền tới cô. Dường như nơi đây có một thứ gì đó rất linh thiêng, một sự tĩnh
tâm gần như thần bí khiến cô thấy thanh thản. Mỗi khi đọc, Giulia không thấy thời gian trôi qua. Lúc nhỏ, ngồi dưới chân những người nữ công nhân, cô ngấu nghiến sách truyện của Emilio Salgari. Lớn thêm chút nữa, cô khám phá ra thơ ca. Cô yêu Caproni hơn là Ungaretti, yêu giọng văn của Moravia và nhất là những từ ngữ của Pavese - tác giả gối đầu giường của cô. Cô tự nhủ mình có thể sống cả đời này chỉ với những cuốn sách làm bạn. Cô thích đọc sách đến quên cả ăn.
Không hiếm khi người ta thấy cô quay trở về sau giờ nghỉ trưa với cái bụng rỗng. Thế đấy, Giulia ngấu nghiến những cuốn sách như người ta ham thích món canoli* vậy.
Buổi chiều hôm đó khi cô trở về xưởng, một sự im lặng bất thường bao trùm khắp gian phòng chính. Khi Giulia bước vào, tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía cô.
- Cara mia… - Nonna nói với một giọng điệu cô chưa nghe thấy bao giờ - Mẹ cháu vừa mới gọi điện…
Có chuyện gì đó không hay đã xảy đến với bố cô.
Sarah
Montréal, Canada.
Chuông báo thức reo vang và đồng hồ đếm ngược bắt đầu chạy. Sarah thường phải chạy đua với thời gian kể từ khoảnh khắc cô thức dậy cho tới khi cô đặt lưng xuống. Vào giây phút cô mở mắt, não bộ của cô được khởi động như khi người ta bấm nút vận hành một cái máy tính vậy.
Mỗi sáng, cô thức dậy vào lúc năm giờ. Không có thời gian để ngủ thêm nữa, từng giây từng phút đều rất đáng giá. Một ngày của cô được bấm giờ, tính toán từng li một, chuẩn mực như những tờ giấy mà cô mua vào lễ khai giảng để bọn trẻ nhà cô dùng trong giờ toán. Đã qua lâu rồi khoảng thời gian vô tư lự, trước khi có văn phòng luật, nhà trẻ, những nghĩa vụ và trách nhiệm. Chỉ cần một cuộc điện thoại là đủ để thay đổi lịch trình của cả một ngày: Và nếu tối nay chúng ta làm cái này…? Và nếu ta đi tới…? Và nếu ta sẽ…? Ngày hôm nay tất cả đều đã được lên kế hoạch, được sắp xếp, được lường trước. Không còn những việc ngẫu nhiên xảy đến, vai diễn đã được ôn tập, được diễn, được lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, suốt cả năm. Người mẹ của gia đình, người phụ nữ giữ vị trí cao, working-girl, it-girl, wonder woman… Ngần ấy những nhãn mác chức danh mà các tờ tạp chí phụ nữ dán lên lưng của những người đàn bà như cô là ngần ấy những
gánh nặng trĩu trên vai họ.
Sarah thức dậy, tắm táp, mặc quần áo. Những cử chỉ của cô chính xác, hiệu quả, phối hợp nhịp nhàng như trong một bản giao hưởng nhà binh. Cô đi xuống bếp, sửa soạn bàn ăn sáng, luôn luôn cùng một trật tự: Sữa/bát/nước cam/socola/pancakes cho Hannah và Simon, ngũ cốc cho Ethan và café đặc cho cô. Sau đó, cô sẽ đi đánh thức bọn trẻ, trước tiên là Hannah rồi đến cặp song sinh. Trang phục của chúng đã được Ron chuẩn bị từ hôm trước, chúng chỉ việc làm vệ sinh rồi tròng quần áo vô người trong khi Hannah lấp đầy những hộp đồ ăn trưa. Đó là một chuỗi công việc cứ thế diễn ra ngăn nắp. Chiếc xe hơi bốn chỗ thông dụng với phần để đồ rộng phía sau của cô chạy trên những con phố nội thành để đưa lũ trẻ tới trường, Simon và Ethan tới trường Tiểu học, còn Hannah tới trường cấp Hai. Sau những cái hôn tạm biệt, những “con không quên gì đấy chứ?”, những “giữ ấm vào nhé”, những “chúc may mắn cho bài thi toán của con”, những “đừng chọc phá ở ghế sau nữa”, những “không, con phải đến phòng tập” và cuối cùng là “theo truyền thống thì cuối tuần sau các con sẽ ở nhà bố”…, Sarah mới lái xe đến văn phòng.
Vào chính xác tám giờ hai mươi phút, cô đỗ xe trong hầm để xe, trước tấm pa-nô đề tên cô: “Sarah Cohen, Johnson & Lockwood”. Tấm bảng tên này là thứ cô chiêm ngưỡng mỗi sáng với một niềm tự hào. Nó không chỉ là nơi đỗ xe dành riêng cho cô, nó còn là một chức vị, một cấp bậc, một vị thế của cô trong thế giới này. Đó là một chiến lợi phẩm, công sức lao động của cả một đời. Là thành công của cô, là lãnh địa của cô.
Tại sảnh tiếp đón, người gác cửa cúi chào cô, rồi tới cô gái nhân
viên lễ tân, luôn luôn theo cùng một nghi thức. Ở đây, tất cả đều kính trọng cô. Sarah bước vào thang máy, nhấn vào nút lên của tầng 8, rảo bước đi qua hành lang hướng về phía văn phòng riêng của cô. Chưa có nhiều người cho lắm, cô thường xuyên là người đầu tiên có mặt và là người cuối cùng ra về. Đó là cái giá phải trả để xây dựng một sự nghiệp, cái giá để trở thành Sarah Cohen, cộng sự mảng equity của văn phòng luật danh giá Johnson & Lockwood - một trong những văn phòng được đánh giá là uy tín nhất của thành phố. Trong số các cộng tác viên của văn phòng phần đông là nữ, Sarah là người đầu tiên được giữ chức vụ associée* trong một văn phòng luật nổi tiếng là đàn ông thường nắm nhiều quyền lực. Phần lớn những bạn gái của cô ở trường luật đều đã vấp phải ít nhiều những chướng ngại vật trên con đường sự nghiệp. Một số người trong số họ thậm chí đã bỏ cuộc, đổi nghề, uổng phí những năm học dài và khắc nghiệt. Nhưng không phải là cô. Không phải Sarah Cohen. Đống chướng ngại vật đó, cô đã đập tan chúng, làm chúng nổ tung bằng những giờ làm thêm, những cuối tuần ở lại văn phòng, những đêm thức trắng chuẩn bị hồ sơ biện hộ.
Cô còn nhớ lần đầu tiên bước vào sảnh chờ rộng lớn bằng cẩm thạch này mười năm trước. Đến tham dự buổi phỏng vấn xin việc, cô thấy mình đối mặt với tám người đàn ông. Ngày hôm đó, đích thân Johnson - cộng sự sáng lập nên văn phòng luật này, Managing Partner, vì Chúa - đã nhân dịp này ra khỏi văn phòng riêng của ông và đi xuống phòng họp. Ông đã không nói một lời nào, nhìn chằm chặp vào cô với con mắt nghiêm khắc, soi xét từng dòng trong CV của cô mà không một lời bình phẩm. Sarah cảm thấy mất bình tĩnh nhưng không hề để lộ ra. Cô là chuyên gia trong
nghệ thuật đeo lên mình một chiếc mặt nạ, một ngón nghề mà cô đã rèn luyện thành thục từ lâu. Khi rời khỏi đó, cô mơ hồ cảm thấy nhụt chí. Johnson đã không tỏ ra quan tâm tới cô một chút nào, không đặt cho cô bất cứ một câu hỏi nào. Như một người chơi dạn dày kinh nghiệm trong ván bài poker, trong suốt buổi phỏng vấn ông trưng ra một bộ mặt thản nhiên, chỉ đáp một câu “Tạm biệt” lãnh đạm và để lại cho người khác dự đoán về một tương lai không nhiều hi vọng. Sarah biết rằng những ứng cử viên cho vị trí cộng tác viên ấy, họ rất đông. Cô đến từ một văn phòng luật khác, nhỏ hơn và ít danh tiếng hơn, không có gì để đảm bảo cho chiến thắng. Có những người khác với nhiều kinh nghiệm hơn, hiếu chiến hơn và thêm nữa, có thể là may mắn hơn.
Và rồi, cô được biết Johnson đã đích thân chọn cô, đã chỉ định tên cô trong số tất cả các ứng cử viên, trái với ý kiến của Gary Curst. Cô cần phải làm quen với việc Gary Curst không thích cô, hoặc là anh ta quá thích cô, có thể anh ta ghen tị, hoặc cũng có thể anh ta ham muốn cô. Lí do là gì cũng không quan trọng, anh ta luôn tỏ thái độ thù địch trong mọi tình huống có sự tham gia của cô, một cách vô cớ, không sao cứu vãn nổi. Sarah hiểu họ, những người đàn ông tham vọng và căm ghét phụ nữ đó, họ cảm thấy bị đe doạ bởi những người phụ nữ. Cô sống bên cạnh những người đàn ông ấy nhưng không màng tới họ.
Ở Johnson & Lockwood, cô đã leo lên lần lượt những bậc thang với tốc độ của một chú ngựa phi nước đại, tạo lập một danh tiếng bén vững nơi toà án. Toà án là võ đài của cô, là lãnh địa và đấu trường của cô. Khi cô bước chân vào nơi đó, cô trở thành một người lính, một chiến binh đáng gờm và không hề nhân nhượng. Khi tranh cãi trước toà, cô dùng một giọng nói có chút khác biệt với
giọng thật, trầm hơn và vang vọng hơn. Cô biểu đạt bằng những câu ngắn, gay gắt, sắc sảo như những cú đấm móc. Chỉ cần một kẽ hở, một điểm yếu dù là nhỏ nhất trong lập luận của đối thủ cũng đủ để cô hạ đo ván đối thủ và nhấn chìm họ. Cô thuộc lòng các hồ sơ của mình. Cô không để họ khiến mình bối rối và không bao giờ khiến cho mình mất thể diện. Kể từ khi cô bắt đầu hành nghề trong cái văn phòng luật nhỏ trên phố Winston - nơi đã tuyển cô vào làm ngay sau khi cô thi đỗ chứng chỉ Luật sư tranh tụng - cô đã thắng ở phần lớn các vụ kiện của mình. Cô được ngưỡng mộ và bị dè chừng. Ở tuổi bốn mươi, cô là tấm gương thành công tiêu biểu cho những luật sư cùng thế hệ.
Ở văn phòng, người ta đồn rằng cô sẽ là Managing Partner kế nhiệm. Johnson đã có tuổi, cần phải có người nối tiếp vị trí của ông. Chiếc ghế này được tất cả các cộng sự thèm muốn. Họ tưởng tượng mình ngồi vào chỗ đó, trở thành vua của những vị vua. Vị trí này là một bước phong thánh, là đỉnh Everest trong giới luật gia. Sarah hội tụ mọi điều kiện để có thể được chỉ định: Một lý lịch mẫu mực, ý chí sắt đá, khả năng làm việc có thể thách thức mọi sự cạnh tranh - một dạng ám ảnh vô độ giữ cô lúc nào cũng ở trong trạng thái vận động. Cô là một vận động viên, một nhà leo núi, người mà sau mỗi đỉnh cao chinh phục được lại lập tức nhắm tới cái đích tiếp theo. Cô thấy cuộc sống của mình là như vậy, như một hành trình lên cao cứ nối dài mãi. Đôi khi cô tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi cô leo đến đỉnh cao tột cùng. Cái ngày ấy, cô chờ đợi nó mà không thực sự mong rằng nó sẽ đến.
Dĩ nhiên, sự nghiệp của cô đòi hỏi những hi sinh. Cô đã phải trả giá bằng bao đêm trắng và hai cuộc hôn nhân. Nếu Sarah thường nói rằng đàn ông yêu những người phụ nữ không khiến cho họ trở
thành một cái bóng, cô cũng phải thừa nhận rằng khi hai vị luật sư ở bên nhau, một người sẽ trở nên thừa thãi. Một ngày nọ, cô đã đọc được trong một tạp chí - phải, chính cô, người dường như chẳng bao giờ đọc những thứ như thế - một báo cáo thống kê đau xót về tuổi thọ tình yêu của các cặp luật sư. Cô đã cho chồng mình xem khi đó và họ còn cười đùa về nó. Đó là chuyện xảy ra một năm trước khi họ chính thức chia tay.
Bị trói buộc bởi công việc ở văn phòng, Sarah phải gạt sang một bên việc chia sẻ rất nhiều thời khắc với lũ trẻ. Bỏ qua những buổi dã ngoại của trường, những phiên chợ cuối năm học, những buổi trình diễn văn nghệ, những bữa tiệc sinh nhật, những kì nghỉ…
chúng đè nặng tâm trí cô nhiều hơn những gì cô chịu thừa nhận. Cô biết là tất cả những khoảnh khắc đó đều sẽ không thể lấy lại được và ý nghĩ này khiến cô cảm thấy buồn bã vô hạn. Cô hiểu rõ điều này, cảm giác tội lỗi của những người mẹ phải gạt con sang một bên để lo lắng cho công việc. Cô đã thấy nó ập đến ngay sau khi Hannah ra đời, ngay từ cái ngày khủng khiếp đó, khi mà cô buộc phải bỏ con lại trong vòng tay của một người vú nuôi để đến giải quyết một việc cấp bách ở văn phòng nơi cô làm việc. Lúc đó, Hannah mới năm ngày tuổi. Cô đã nhanh chóng hiểu ra rằng, trong thế giới mà cô đang tiến thân, không có chỗ cho những khất lần trì hoãn của một bà mẹ sướt mướt. Mỗi buổi sáng, cô phải giấu đi những giọt nước mắt dưới lớp phấn nền dày trước khi tới văn phòng. Cô cảm thấy mình bị giằng xé, bị chẻ làm đôi, nhưng không thể tâm sự cùng ai. Cô cảm thấy ganh tị và thèm khát sự vô tư lự của chồng cô, cái kiểu vô tư đầy cuốn hút đó… Kì lạ thay, cảm giác bị giằng xé kia chẳng khi nào xuất hiện nơi người đàn ông. Họ bước chân ra khỏi cánh cửa ngôi nhà nơi họ sống với một sự dễ
dãi đến ngạo nghễ. Khi ra khỏi nhà vào buổi sáng, họ chỉ cần đem theo đống tài liệu trong khi người phụ nữ đeo chằng xung quanh mình gánh nặng của cảm giác tội lỗi như một con rùa mang trên lưng cái mai nặng nề. Thời gian đầu, cô đã cố gắng thử chống chọi lại với cảm giác này, phủ nhận nó, chối bỏ nó, nhưng cô không làm được. Rốt cuộc, cô đã chấp nhận chừa cho nó một chỗ trong cuộc đời mình. Cảm giác tội lỗi đó là bạn đồng hành bao lâu nay của cô, là vị khách không mời mà đến ở khắp mọi nơi trong nhà cô. Nó là tấm biển quảng cáo trên cánh đồng, cái mụn cóc ở ngay chính giữa khuôn mặt. Xấu xí, vô dụng, nhưng nó là như thế. Nó luôn ở đó. Cần phải làm quen và chung sống với nó.
Ở bên cạnh các cộng tác viên và những người cộng sự, Sarah không để lộ ra bất cứ điều gì. Cô có một nguyên tắc: Không bao giờ nói về lũ trẻ. Cô không nhắc tới chúng, không có ảnh của chúng đặt trên bàn làm việc. Khi cô phải rời khỏi văn phòng để đưa lũ con đi khám hay có một buổi họp phụ huynh tại trường mà không thể thoái thác…, cô thích nói rằng mình có một cái hẹn ở bên ngoài hơn. Cô biết rằng, thà bị xem như tan sở sớm để đi uống vài ly còn hơn là viện đến những vấn đề liên quan tới người trông trẻ. Thà nói dối, bịa đặt, thêu dệt, tất cả mọi thứ, còn hơn là thừa nhận rằng mình phải bận bịu với lũ con. Nói một cách khác: Thừa nhận rằng mình có những sợi xích, những sợi dây ràng buộc, những trở ngại. Lũ trẻ là ngần đó những sự kìm hãm nhiệt tình, kìm hãm việc phát triển sự nghiệp của cô.
Sarah vẫn còn nhớ người phụ nữ đó, trong văn phòng cũ mà cô từng làm việc, người khi đó chỉ vừa mới được thăng lên chức cộng sự và cũng là cô ấy, sau khi thông báo về việc mình mang bầu, đã thấy mình bị giáng chức và quay lại với vị trí cộng tác viên. Đó là
một thứ bạo lực câm lặng, vô hình, thứ bạo lực quen thuộc mà không một ai lên tiếng tố cáo. Sarah đã rút ra bài học cho mình từ đó. Trong hai quãng thời gian mang bầu, cô đã không hề nói điều gì với cấp trên. Ngạc nhiên thay, bụng cô vẫn phẳng lì trong suốt một thời gian dài. Cho tới khoảng bảy tháng, thai kì của cô hầu như không thể bị phát hiện, ngay cả khi cô mang bầu cặp song sinh. Như thể từ sâu thẳm bên trong chúng, lũ trẻ cũng đã cảm thấy tốt nhất là nên tỏ ra kín đáo thì hơn. Đó là một bí mật nhỏ của họ, một cuộc giao kèo ngầm giữa họ. Sarah đã rút gọn kì nghỉ cho sản phụ xuống ngắn nhất có thể. Cô quay trở lại văn phòng chỉ hai tuần sau sinh, những đường cong không thể chê vào đâu được, nước da có phần mệt mỏi nhưng được trang điểm kĩ càng kèm theo một nụ cười hoàn hảo. Buổi sáng, trước khi đỗ xe ở dưới văn phòng, cô dừng lại ở bãi đỗ xe của siêu thị cạnh đó, cô tháo ghế ngồi dành cho em bé ra khỏi băng ghế phía sau và đặt chúng vào trong cốp xe để biến chúng thành vô hình. Dĩ nhiên, đồng nghiệp của cô biết rằng cô có con nhưng cô cẩn trọng để không bao giờ nhắc họ nhớ tới điều đó. Một cô thư kí ở văn phòng luật có quyền nói về những hộp đồ ăn dinh dưỡng làm sẵn và những cái răng mới nhú nhưng một người ở vị trí cộng sự thì không được làm như thế.
Cứ như vậy, Sarah đã dựng nên một bức tường kín kẽ nhưng đầy hoàn hảo giữa công việc và cuộc sống gia đình cô, mỗi bên đi theo một lối riêng như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Đó là một bức tường mong manh, bấp bênh, thi thoảng có những vết rạn nứt và có thể, một ngày nào đó, nó sẽ sụp đổ. Cũng chẳng quan trọng lắm. Cô hài lòng khi nghĩ rằng lũ trẻ sẽ tự hào về những gì cô đã tạo dựng, về con người mà cô đã-từng-là. Cô buộc
mình cố gắng để bù đắp lại việc không thường xuyên ở bên chúng bằng những gì giá trị nhất. Khi tiếp xúc gần gũi, Sarah là một người mẹ dịu dàng và ân cần. Còn tất cả những việc khác, đã có Ron, “Magic Ron”, như cách mà chính lũ trẻ đặt tên cho anh ấy. Anh cười vì cách gọi này, cách gọi gần như đã trở thành một danh hiệu.
Sarah tuyển được Ron vài tháng sau khi cặp song sinh ra đời. Cô gặp phải vài chuyện xích mích với Linda, người trông trẻ cũ của cô. Chưa kể đến thói chậm trễ không ngừng tiếp diễn và những bất cẩn của cô ta trong khi làm việc, Linda đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng khiến Sarah ngay lập tức phải buộc cô ta thôi việc: Trong một lần đột ngột quay về nhà không báo trước để lấy một tập hồ sơ bỏ quên, Sarah thấy Ethan, khi đó mới chín tháng tuổi, một mình nằm trên giường, trong ngôi nhà không bóng người. Linda quay trở về từ siêu thị một tiếng sau đó, như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, cùng Simon. Bị bắt gặp phạm lỗi, cô ta biện minh bằng cách giải thích rằng cô ta đưa cặp song sinh ra ngoài đi dạo theo lịch xen kẽ, mỗi ngày một đứa, vì quá khó khăn để đưa cả hai đứa ra ngoài cùng một lúc. Sarah đã sa thải cô ta ngay ngày hôm đó. Viện cớ gặp phải chứng đau dây thần kinh hông khiến cô không thể di chuyển để xin nghỉ phép ở văn phòng, những ngày sau đó, Sarah đã phỏng vấn hàng loạt những người giúp việc, trong số đó có Ron. Ngạc nhiên trước việc một người đàn ông lại yêu thích công việc trông trẻ này, ban đầu cô đã bỏ hồ sơ của anh sang một bên. Chẳng phải báo chí vẫn đăng tải đầy rẫy những câu chuyện đáng sợ hay sao? Vả lại, việc hai người chồng trước của cô chẳng mấy mặn mà với nghệ thuật thay một cái bỉm hay pha một bình sữa đã khiến cô nghi ngờ về khả năng khéo léo của một người đàn ông trong những nhiệm vụ này. Rồi cô nhớ lại cuộc
phỏng vấn tuyển dụng của mình ở Johnson & Lockwood, những gì mà cô đã đạt được, những gì mà cô đã hi sinh - ở vị trí một người phụ nữ - để có được chỗ đứng trong giới luật sư như ngày hôm nay. Rốt cuộc, cô đã xem xét lại. Ron có quyền được trao cho một cơ hội công bằng như những người khác. Chính anh cũng là bố của hai đưa trẻ. Anh sống trong khu nhà kế bên. Hiển nhiên là ở anh hội tụ đầy đủ những phẩm chất mà công việc này yêu cầu. Sarah đã cho anh thử việc trong vòng hai tuần. Trong suốt thời gian đó, Ron đã chứng tỏ mình là một người phù hợp: Anh dành hàng giờ liền để chơi với lũ trẻ, nấu những món ăn ngon một cách xuất sắc, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, giúp cô thoát khỏi mọi phần việc nhà gò bó thường nhật. Lũ trẻ đã quen và chấp nhận anh, cặp song sinh cũng như Hannah khi đó mới năm tuổi. Sarah vừa mới chia tay người chồng thứ hai - bố của hai cậu con trai - và cô nghĩ rằng sự xuất hiện của một người đàn ông trong nhà sẽ tốt hơn cho một gia đình của người mẹ đơn thân như cô. Có thể là bằng một cách vô thức, bằng cách thuê một người đàn ông, cô cũng muốn đảm bảo rằng không ai có thể chiếm lấy vị trí làm mẹ của cô. Vậy là, Ron trở thành “Magic Ron”, người không thể thiếu trong cuộc sống của cô và lũ trẻ.
Khi nhìn vào mình trong gương, Sarah thấy một người phụ nữ bốn mươi tuổi đã thành công trong mọi lĩnh vực: Ba đứa trẻ xinh đẹp, một ngôi nhà được chăm sóc sửa sang kĩ lưỡng trong một khu dân cư giàu có, một sự nghiệp nhiều người thèm muốn… Cô là hình ảnh của những người phụ nữ mà người ta thường bắt gặp trên các cuốn tạp chí, người đang nở nụ cười tươi tắn và viên mãn. Vết thương của cô không bao giờ lộ ra, nó vô hình, gần như không thể phát hiện được dưới lớp trang điểm hoàn hảo và những bộ vest
được cắt may bởi những bàn tay lành nghề nhất.
Thế nhưng, nó vẫn ở đó.
Như hàng triệu phụ nữ suốt dọc đất nước này, Sarah Cohen như bị xẻ làm đôi. Cô là một trái bom chỉ chực chờ phát nổ.
Smita
Làng Badiapur, Uttar Pradesh, Ấn Độ.
- Tới đây nào con. Tắm rửa đi. Đừng rề rà nữa!
Chính là ngày hôm nay. Không được phép chậm trễ.
Trong mảnh sân đằng sau túp lều, Smita đang giúp Lalita tắm táp. Cô bé ngoan ngoãn để mặc cho mẹ làm giúp, nó thậm chí còn chẳng kêu ca khi bị nước chảy vào mắt. Smita gỡ tóc rối cho con, mái tóc khi buông ra đã dài tới tận hông con bé. Cô chưa từng cắt chúng, đó là truyền thống ở đây, những người phụ nữ sẽ nuôi tóc dài kể từ khi sinh ra, đôi khi là suốt cả cuộc đời. Cô chia mái tóc của con ra làm ba lọn, rồi bằng bàn tay thuần thục của mình, cô kết chúng lại với nhau thành một bím tóc dày và chắc. Rồi cô đưa cho con chiếc sari mà cô đã thức hàng đêm liền để may cho con bé. Một chị hàng xóm đã cho cô tấm vải. Cô không có khả năng mua được bộ đồng phục mà học sinh Tiểu học vẫn mặc, nhưng cũng có sao đâu. Con gái của cô vẫn sẽ thật xinh đẹp trong ngày nhập học, cô tự nhủ.
Cô đã thức dậy từ lúc bình minh để chuẩn bị bữa ăn cho con. Trường không có căng-tin nên mỗi đứa trẻ đều sẽ phải mang theo bữa trưa riêng. Cô đã nấu cơm và kèm thêm chút cà-ri, món mà cô vẫn để dành cho những dịp đặc biệt. Cô mong rằng Lalita sẽ ăn
uống thật ngon miệng trong ngày đầu tiên đến trường. Cần phải có đủ năng lượng để học đọc và học viết. Cô đặt thức ăn vào trong một hộp đồ ăn trưa tự chế - một chiếc hộp bằng sắt đã được lau rửa sạch sẽ, chiếc hộp mà cô đã tự mình trang trí. Cô không muốn Lalita cảm thấy xấu hổ trước những đứa trẻ khác. Con bé sẽ biết đọc và biết viết giống như chúng, giống như mọi đứa trẻ người Jatts khác.
- Rảy bột đi con!
- Đến lau dọn bàn thờ thần linh đi!
- Khẩn trương lên nào!
Trong căn phòng duy nhất của túp lều, nơi vừa là bếp, vừa là phòng ngủ vừa là nơi thờ cúng, bé Lalita phụ trách việc lau dọn chiếc bàn thờ nhỏ dành để thờ phụng các vị thần. Cô bé thắp một ngọn nến và đặt nó cạnh những tấm hình thiêng liêng. Cô bé sẽ rung chuông mỗi khi kết thúc buổi lễ. Cả hai người, Smita và con gái cùng đọc một đoạn kinh cầu nguyện hướng tới thần Vishnou, vị thần của sự sống và tạo hoá, vị thần hộ mệnh của loài người. Khi trật tự thế giới đang bị xáo trộn, thần Vishnou đã đầu thai xuống trần gian và đem đến sự yên bình. Ngài lần lượt hoá thân thành một con cá, một con rùa, một con lợn rừng, một con sư tử mình người hay thậm chí là một người trần. Lalita thích được ngồi cạnh ban thờ nhỏ vào buổi tối sau bữa ăn và nghe mẹ kể câu chuyện về mười hoá thân của thần Vishnou. Trong lần đầu tiên hoá thân làm người, ông đã bảo vệ toà thành của người Brahmanes chống lại người Kshatriyas và đã đổ đầy năm cái hồ bằng máu của kẻ thù. Cô bé cẩn trọng trong mỗi trò chơi của mình để không dẫm nát dù chỉ là một con kiến hay một con nhện. Làm sao mà biết được, thần
Vishnou có thể ở đó, ngay gần đây thôi, hoá thân vào một trong những con vật khốn khổ này… Một vị thần ở ngay trên đầu ngón tay… Ý nghĩ đó khiến cô bé thích thú và cùng lúc khiến nó sợ hãi. Nagarajan cũng thích lắng nghe Smita kể chuyện vào mỗi buổi tối khi ngồi cạnh ban thờ. Người vợ của anh là một người kể chuyện tuyệt vời, chính cô ấy, một người thậm chí còn không biết đọc…
Buổi sáng hôm đó không có thời gian cho những câu chuyện phiếm. Nagarajan đã rời đi từ sớm như thói quen thường nhật, bắt đầu từ khi ngày mới vừa ló rạng. Anh là người đi bắt chuột như bố anh đã làm trước anh. Anh làm việc trong những cánh đồng của người Jatts. Đó cũng là một công việc cha truyền con nối, một kĩ năng được truyền dạy như một di sản cần kế thừa: Nghệ thuật tìm bắt những con chuột với hai bàn tay không. Loài gặm nhấm ăn hoa màu, làm cho mặt đất trở nên yếu đi bằng cách đào những hang hốc trên đó. Nagarajan đã học được cách nhận biết những cái lỗ nhỏ xíu của chúng trên mặt đất, những dấu hiệu vô cùng đặc trưng. Cần phải luôn chú ý, như lời bố của anh đã nói: “Con sẽ học được thôi.” Anh nhớ lần đi bắt chuột đầu tiên của mình, vào năm tám tuổi, khi anh luồn cánh tay vào trong cái lỗ. Một cơn đau nhói chạy dọc làn da, con chuột đã cắn vào hổ khẩu* trên tay anh, lớp da chỗ đó là mỏng manh nhất. Nagarajan đã hét lên và rút đôi tay đẫm máu lại. Bố anh phá lên cười: “Con tự làm đau mình đấy. Cần phải nhanh hơn nữa, con phải tấn công nó một cách đột ngột vào! Bắt đầu lại đi!” Nagarajan sợ, anh đã phải kìm lại những giọt nước mắt. “Làm lại đi!” Anh đã làm đi làm lại sáu lần, sáu vết cắn, trước khi lôi được con chuột to đùng ra khỏi nơi ẩn náu của nó. Bố anh nắm lấy đuôi con vật, quăng đầu nó đập vào một hòn đá, trước khi đưa lại cho anh. “Thế đấy” - ông chỉ nói đơn giản có vậy. Nagarajan
cầm lấy con chuột chết như người ta cầm một chiến lợi phẩm và đem nó về nhà. Đầu tiên, mẹ anh băng bó bàn tay bị thương cho con trai rồi bà đem con chuột đi nướng. Họ đã cùng nhau ăn nó vào bữa tối.
Những người Dalit như Nagarajan không bao giờ được nhận thù lao, họ chỉ có quyền được giữ lại những gì họ kiếm được. Đó là một đặc ân: Lũ chuột được xem là thuộc về người Jatts, cũng như những cánh đồng này, tất cả những gì nằm ở trên và ở dưới đó.
Khi nướng lên, vị của thịt chuột không hề tệ chút nào. Nó có vị giống như là thịt gà, có người nói vậy. Đó là thịt gà của người nghèo, thịt gà của người Dalit. Loại thịt duy nhất mà họ có. Nagarajan kể rằng bố anh ăn thịt chuột nguyên cả con, cùng với da và lông, chỉ để lại cái đuôi, vì khó mà nuốt trôi cho được. Ông cắm con vật vào một cái que, nướng nó trên lửa, trước khi nhai rau ráu nguyên cả con. Smita phá lên cười khi nghe chồng kể lại câu chuyện này. Còn Lalita, cô bé thích bỏ phần da đi. Buổi tối, họ ăn những con chuột bắt được với cơm, Smita giữ lại nước dùng để làm sốt. Thi thoảng, có cả những đồ ăn thừa của những nhà mà cô dọn chuồng xí, cô đem chúng về và chia sẻ với những người láng giềng.
- Dấu bindi trên trán con. Đừng có quên.
Lalita lục tìm trong túi đồ của mình và lôi ra một lọ sơn màu nhỏ, được nhặt trong một ngày khi cô bé đang chơi đùa trên vệ đường. Lalita không dám nói với mẹ rằng cô đã chụp lấy và giấu nó đi khi thấy nó rơi ra từ túi của một người đi đường. Chiếc lọ lăn đi và rơi xuống một cái hố, nơi cô bé đã nhặt nó lên, nắm chặt lấy nó như một kho báu và giấu nhẹm đi. Ngay buổi tối hôm đó, cô bé đem về
nhà chiến lợi phẩm và vờ như mình đã tìm thấy nó, lòng tràn ngập vui sướng nhưng cũng có cả nỗi hổ thẹn. Nếu như thần Vishnou biết được…
Smita cầm lấy lọ sơn màu từ tay con gái và vẽ lên trán cô bé một chấm tròn màu đỏ son. Vòng tròn cần phải được vẽ một cách hoàn hảo, đó là một kĩ năng đòi hỏi sự khéo léo, cần đến một chút luyện tập. Cô vỗ nhẹ sơn màu bằng đầu ngón tay, trước khi dùng phấn để cố định nó. Dấu bindi, “con mắt thứ ba” như người ta vẫn gọi, giữ lại trong nó năng lượng và gia tăng sự tập trung. Lalita rất cần đến chúng vào ngày hôm nay, mẹ của cô bé tự nhủ. Cô ngắm nhìn vòng tròn cân đối trên trán của đứa con và mỉm cười. Lalita thật xinh đẹp. Cô bé có những đường nét mảnh dẻ, đôi mắt đen, khuôn miệng có đường cong như đường viền của một bông hoa. Cô bé thật đáng yêu trong bộ sari xanh. Smita thấy lòng tràn đầy niềm tự hào trước việc con gái cô giờ đây đã là học sinh. Có thể con bé phải ăn thịt chuột, nhưng nó sẽ biết đọc và biết viết, cô tự nhủ khi nắm lấy bàn tay con và dẫn con ra con đường lớn. Cô sẽ giúp con băng qua đường vì ở đây, những chiếc xe tải đổ về đông nghịt từ buổi sáng và thường phóng rất nhanh, không có biển báo hay đèn tín hiệu nào cả, cũng không có phần đường dành riêng cho người đi bộ.
Trong khi họ bước về phía trước, Lalita ngước mắt nhìn mẹ, lo lắng. Không phải những chiếc xe tải khiến cô bé sợ hãi, mà là thế giới mới này, thế giới xa lạ với bố mẹ cô mà cô sắp bước vào, thế giới mà cô bé phải tìm cách bước vào trong đó, chỉ một mình… Smita cảm nhận được ánh mắt van nài của đứa trẻ. Sẽ thật là dễ dàng để quay ngược trở lại, để cầm lấy chiếc giỏ mây, để đưa nó đi làm với cô… Nhưng không, cô sẽ không chấp nhận nhìn thấy
cảnh Lalita nôn mửa bên cái hố đó. Con gái cô sẽ được đến trường. Con bé sẽ biết đọc, biết viết và biết làm tính.
- Hãy chăm chỉ vào! Phải nghe lời! Lắng nghe lời thầy giáo!
Cô bé có vẻ bơ vơ, bỗng nhiên, nó mong manh đến nỗi Smita muốn ôm lấy con trong vòng tay mình và không bao giờ buông con ra. Việc phải đấu tranh chống lại ước muốn này quả thật không dễ dàng. Thầy hiệu trưởng đã nói “Đồng ý” khi Nagarajan đến gặp ông. Ông ta đã ngắm nhìn chiếc hộp mà trong đó Smita đã đặt vào tất cả số tiền tiết kiệm được của họ - từng đồng xu đã được cất đi cẩn thận trong hàng tháng trời để dành cho việc này. Ông ta đã vồ lấy và nói “Đồng ý” ngay tức khắc. Smita biết, tất cả mọi thứ đều được vận hành bằng cách này. Tiền có sức mạnh thuyết phục tuyệt đối ở đây. Nagarajan quay trở về báo tin tốt lành cho vợ và cả hai đã vui mừng xiết bao.
Hai mẹ con băng qua đường, và đột nhiên, chính ở đây, ngay lúc này, là thời khắc mà Smita phải buông bàn tay con gái mình ra. Smita muốn nói biết bao điều: Hãy tận hưởng con nhé, con sẽ không phải có một cuộc đời như mẹ. Con sẽ khoẻ mạnh, con sẽ không bị ho như mẹ, con sẽ sống tốt hơn và lâu hơn, con sẽ được người ta kính trọng. Con sẽ không mang trên mình thứ mùi ô uế đó, thứ mùi không thể gột rửa và bị nguyền rủa ấy, con sẽ được là người có phẩm cách. Sẽ không một ai ném những thứ đồ ăn thừa về phía con như ném cho một con chó. Con sẽ không bao giờ phái cúi đầu, phải nhìn xuống dưới nữa… Smita muốn nói với con tất cả những điều này. Nhưng cô không biết phải diễn đạt như thế nào, phải làm sao để nói cho con gái hiểu hết những hi vọng của cô. Những giấc mơ có phần điên rồ ấy bồn chồn như chú bướm nhỏ
đang đập cánh liên hồi trong bụng cô.
Thế nên, cô cúi người xuống về phía con và tất cả những gì cô có thể nói chỉ là: “Đi đi con.”
Giulia
Palerme, Sicile.
Giulia giật mình tỉnh giấc.
Đêm nay cô nằm mơ thấy bố. Ngày còn nhỏ, cô thích được cùng ông đi dạo mát. Sáng sớm, họ sẽ cưỡi lên chiếc Vespa của ông, cô không trèo lên phía sau mà thường ngồi ở đằng trước, trên đầu gối của bố. Cô yêu biết bao những cơn gió luồn qua tóc, cái cảm giác say sưa vô tận ấy, cái cảm giác tự do mà tốc độ mang lại. Cô không thấy sợ hãi gì hết, vòng tay của bố đang quàng lấy cô nên chẳng chuyện đáng sợ gì có thể xảy ra. Cô hét lên chói tai mỗi khi chiếc xe lao xuống dốc, thích thú và phấn khích. Cô nhìn mặt trời ló rạng trên bờ biển Sicile, những khuấy động dần trở nên nhộn nhịp ở những vùng ngoại ô khi cuộc sống thức giấc và vươn mình.
Hơn hết thảy, cô thích được nhấn chuông cửa. “Xin chào, đây là dịch vụ cascatura.” - Cô cất tiếng đầy tự hào. Các bà các cô thi thoảng cho cô quà bánh hay một bức tranh, khi thì đưa cho cô chiếc túi đựng tóc của họ. Giulia đón lấy chiến lợi phẩm một cách trân trọng, rồi đưa lại chúng cho bố. Ông lôi từ trong túi ra một chiếc cân nhỏ bằng gang mà ông mang theo bên mình khắp nơi, chiếc cân ông được thừa kế từ bố ông và trước đó là từ ông nội của ông. Ông cân những sợi tóc để ước lượng giá trị của chúng rồi đưa trả lại cho các bà các cô vài đồng xu. Ngày trước, những sợi
tóc thường đổi được lấy vài hộp diêm, nhưng khi bật lửa xuất hiện thì việc trao đổi này cũng vì vậy mà dừng lại. Bây giờ, người ta trả bằng tiền mặt.
Bố cô thường vừa cười vừa kể về những người cao tuổi, không còn sức để ra khỏi phòng, họ bỏ tóc vào một chiếc giỏ, móc vào sợi dây và thòng dây xuống dưới đường. Ông ra hiệu chào họ, lấy những sợi tóc, đặt tiền vào trong giỏ trước khi nó được kéo lên bằng đúng cách mà nó được đưa xuống.
Giulia vẫn còn nhớ rõ tràng cười của bố khi ông kể chuyện cho cô nghe. Rồi hai người bọn họ lại rời đi sang những ngôi nhà khác. Arrivederci*! Ở những cửa tiệm cắt tóc, chiến lợi phẩm có giá trị hơn, Giulia thích thú nhìn biểu cảm của bố khi ông nhận được một bím tóc dài, loại hiếm nhất và đắt nhất. Ông cân chúng lên, đo độ dài của chúng, khẽ khàng chạm vào sự mềm mượt và dày dặn của chúng. Ông trả tiền, cảm ơn và lại ra đi. Cần phải khẩn trương, chỉ riêng ở Palerme, xưởng Lanfredi đã có 100 nhà cung cấp. Nếu tăng tốc lên, họ có thể về kịp cho bữa ăn trưa.
Chỉ mới chớp mắt thôi, hình ảnh đó vẫn hiển hiện ở đây: Giulia chín tuổi chễm chệ trên chiếc Vespa của bố.
Những khoảnh khắc tiếp sau đó đều mờ nhạt, lẫn lộn, như thể hiện thực chỉ vừa mới chạm tới cô và đang trà trộn trong giấc mơ vừa mới kết thúc.
Hoá ra điều đó là thật. Bố cô đã gặp phải một tai nạn vào ngày hôm qua, trong khi đang đi một vòng gặp gỡ mọi người như ông vẫn thường làm. Không rõ nguyên nhân vì sao, chiếc Vespa của ông chệch khỏi con đường. Dẫu cho ông biết rõ con đường này vô
cùng, ông đã đi trên nó hàng trăm lần. Chắc một con vật nào đó đã đột ngột băng qua đường, những người lính cứu hộ nói như vậy, không ngoại trừ khả năng ông bỗng nhiên bị một cơn choáng váng mất kiểm soát… Chẳng ai biết được. Giờ ông đang đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết trong bệnh viện Francesco Saverio. Các bác sĩ từ chối khẳng định bất cứ điều gì. Nhưng cần phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, họ đã nói vậy với mẹ cô.
Điều tồi tệ nhất ư? Giulia không thể hình dung ra được. Một người bố thì sẽ không chết, một người bố sẽ tồn tại vĩnh viễn, người bố luôn là một tảng đá, một cột trụ, nhất là bố của cô. “Ông Pietro Lanfredi là một sức mạnh của tự nhiên, ông sẽ sống tới trăm tuổi” - Bạn của ông, bác sĩ Signore, vẫn thường nói vậy khi ngồi uống một ly grappa với ông. Ông, Pietro, con người khoẻ mạnh, con người hưởng thụ, người sành sỏi về các loại rượu ngon, người nắm quyền hành trong gia đình, một ông chủ với tính tình nóng nảy nhưng luôn đầy đam mê, ông ấy là bố của cô, bố yêu quý của cô, ông không thể ra đi. Không phải vào lúc này. Không phải bằng cách này.
Hôm nay, người ta ăn mừng lễ Santa Rosalia. Thật là một sự mỉa mai thảm hại, Giulia thầm nghĩ. Suốt ngày dài, những người dân Palerme hân hoan diễu hành trên đường phố để tưởng nhớ vị thánh Sainte Patronne của họ. Festinu sẽ thật náo nhiệt như mọi năm. Theo truyền thống, bố cô sẽ cho công nhân ở xưởng nghỉ hôm nay, để họ có thể tham gia vào lễ hội ăn mừng, đám rước suốt dọc Corso Vittorio Emanuele, rồi đến xem bắn pháo hoa ở Foro Italico khi đêm xuống.
Giulia nào còn tâm trí để mà hội hè nữa. Vờ như không biết tới
những cuộc diễu hành tưng bừng trên khắp các con phố, cô đến bên đầu giường bố với mẹ và các chị em gái. Trên giường bệnh, bố không có vẻ gì là đang đau đớn - ý nghĩ này phần nào an ủi cô. Cơ thể khoẻ mạnh ngày trước của ông giờ đây mong manh yếu ớt đến nỗi người ta có thể ví như một đứa trẻ. Cô nhận ra ông dường như bé nhỏ hơn, như thể ông đã co lại. Có thể đó là điều sẽ xảy ra khi linh hồn lìa xa… Cô lập tức cố gắng xua đuổi ý nghĩ chết chóc đó ra khỏi đầu mình. Bố vẫn còn ở đây. ông vẫn sống. Phải bám víu vào điều này. Một cơn chấn động gây tổn thương não, đó là chẩn đoán của các bác sĩ. Cũng có nghĩa là: Không ai nói trước được điều gì. Không ai có thể nói ông sẽ sống hay sẽ chết. Ngay cả chính ông dường như cũng chưa đưa ra sự lựa chọn.
“Cần phải cầu nguyện” - mẹ cô nói. Buổi sáng, bà bảo Giulia và các chị em gái đi cùng bà tới đám rước ở Santa Rosalia. “Thánh đồng trinh Fleurie làm nên những điều kì diệu” - bà nói - “Thánh đã minh chứng cho điều đó trong quá khứ bằng cách cứu thành phố khỏi nạn dịch hạch, cần phải đi cầu xin Thánh.” Giulia không thích những lễ hội sùng bái tôn giáo như thế này cho lắm, không thích cả đám đông khiến cô e sợ trước từng chuyển động đột ngột của họ. Vả lại, cô không tin vào tất cả những điều này. Tất nhiên, cô cũng đã được rửa tội, đã được tổ chức lễ ban thánh thể. Cô vẫn còn nhớ ngày hôm đó, mặc trên mình chiếc váy trắng truyền thống, cô đã lần đầu tiên đón nhận lễ ban thánh thể dưới cái nhìn thành kính xiết bao của cả đại gia đình. Kỉ niệm đó, trong hết thảy, là kỉ niệm đẹp nhất của cuộc đời cô. Nhưng hôm nay, cô không muốn cầu nguyện. Cô muốn được ở bên cạnh bố mình.
Mẹ cô cố năn nỉ. Nếu các bác sĩ đã bất lực, chỉ có Chúa mới có thể cứu được ông. Bà dường như đã bị thuyết phục đến nỗi, Giulia đột
nhiên thấy thèm muốn có được đức tin của bà, thứ đức tin của những người khốn cùng chưa bao giờ từng rời xa bà. Mẹ cô là người phụ nữ sùng đạo nhất mà cô từng biết. Mỗi tuần bà đều đi đến nhà thờ để dự những buổi lễ bằng tiếng Latin mà bà chẳng hề hiểu gì hoặc chỉ hiểu rất ít. “Không cần phải hiểu để có thể tỏ lòng tôn vinh Chúa” - Bà thích nhắc đi nhắc lại như vậy. Cuối cùng, Giulia đành đầu hàng.
Bốn người bọn họ cùng nhau hoà vào lễ rước và đám đông dân chúng đang tỏ lòng thành kính ở Santa Rosalia, giữa nhà thờ và Quattro Canti. Một cơn triều dâng của dòng người đang hối hả nơi đây để tưởng nhớ thánh đồng trinh Fleurie, vị thánh mà bức tượng khổng lồ được đưa đi diễu qua các phố. Tháng Bảy, thời điểm nắng nóng ở Palerme, không khí ngột ngạt và nặng nề nhấn chìm thành phố và các đại lộ. Giữa dòng người của lễ hội, Giulia thấy nghẹt thở. Cô thấy hai tai mình ù đi, mắt nhìn mờ đi.
Tranh thủ lúc mẹ cô dừng lại để chào một người hàng xóm đang hỏi thăm về tình trạng của bố, thông tin về việc này đã lan truyền khắp khu dân cư, Giulia tách mình ra khỏi đoàn người diễu hành. Cô náu mình trong một con hẻm dưới bóng râm và làm bản thân tỉnh táo lại bằng nước từ một đài phun. Không khí trở nên dễ thở hơn. Khi cô lấy lại tinh thần, những giọng nói chợt vang vọng lại trong những con phố gần đó.
Hai carabinieri* mặc quân phục đang quát mắng cộc cằn một người đàn ông da sẫm màu. Với vóc người cao lớn, anh ta quàng một chiếc khăn đội đầu màu đen mà những người giữ gìn trật tự đang yêu cầu anh ta tháo nó ra. Người đàn ông phản kháng với thứ tiếng Ý hoàn hảo chỉ thoáng một chút ngữ điệu ngoại quốc.
Anh ta là người định cư hợp pháp, vừa nói anh ta vừa đưa giấy tờ của mình ra để chứng minh, nhưng hai người cảnh vệ không nghe anh ta nói. Họ nổi cáu, doạ sẽ đưa anh ta tới đồn nếu anh ta còn gan lì không chịu tuân lệnh. Một thứ vũ khí có thể đang được giấu dưới lớp khăn đó, họ khẳng định, trong ngày lễ diễu hành này không được phép lơ là bất cứ điều gì. Người đàn ông nọ vẫn kiên quyết. Chiếc khăn đội đầu của anh ta là dấu hiệu cho thấy anh ta thuộc về tôn giáo của mình, anh ta không được phép bỏ khăn ra ở nơi công cộng. Vả lại, điều đó cũng không ngăn cản cảnh sát có thể nhận diện anh ta, anh ta tiếp tục nói, trong tấm hình trên thẻ căn cước anh ta cũng đội khăn như vậy, đây là một đặc quyền được chính phủ Ý ban cho người Sikh. Giulia bối rối quan sát cảnh tượng này. Người đàn ông nọ rất đẹp. Với dáng vóc của một vận động viên, những đường nét thanh mảnh, làn da nâu và đôi mắt sáng một cách kì lạ. Anh ta khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi. Hai người carabinieri cao giọng, một trong hai người bắt đầu tấn công anh. Cuối cùng, họ tóm chặt lấy anh và đưa anh đi về phía trụ sở cảnh sát.
Người lạ mặt không chống cự. Trong một tư thế vừa đầy phẩm cách vừa nhẫn nhịn, anh ta lướt qua Giulia trong khi bị kìm kẹp giữa hai người cảnh vệ mang súng. Chỉ trong một khoảnh khắc, ánh mắt họ gặp nhau. Giulia không cụp mắt xuống, người lạ mặt cũng vậy. Cô nhìn theo anh biến mất nơi góc phố.
- Em đang làm gì vậy?! - Francesca tiến đến phía sau cô và làm cô giật nảy mình.
- Mọi người tìm em mãi! Đi thôi!
Tiếc nuối, Giulia quay lại con đường của đoàn người diễu hành,
theo sau chị cả của cô.
Buổi tối, thật khó để cô tìm đến giấc ngủ. Hình ảnh của người đàn ông với làn da sẫm màu cứ quay trở lại trong tâm trí cô. Cô không thể ngăn mình tự hỏi điều gì đã xảy đến với anh, những người cảnh vệ đã làm gì với anh. Họ có quấy rối anh, đánh đập anh? Trục xuất anh về nước? Tâm trí cô lạc lối trong những phỏng đoán vô ích. Một câu hỏi, trên hết thảy, cứ dằn vặt cô: Liệu đáng lẽ ra cô có nên can thiệp không? Và cô có thể làm được gì lúc đó? Cô cảm thấy tội lỗi vì mình đã ở đó mà không làm gì. Cô không biết vì sao số phận của người lạ đó lại khiến cô phải suy nghĩ nhiều đến thế. Một cảm giác kì lạ xâm chiếm lấy cô khi anh ta nhìn cô, một cảm giác mà cô chưa từng biết tới. Có phải đó là sự tò mò? Hay một sự cảm thông?
Trừ khi đó là một điều gì khác nữa, thứ mà cô không biết gọi tên.
Sarah
Montréal, Canada.
Sarah vừa ngã xuống. Trong phòng xử án, giữa lúc đang biện hộ. Thoạt tiên, cô khựng lại, hơi thở gấp gáp, cô nhìn ra xung quanh như thể bỗng dưng cô không còn biết mình đang ở đâu. Cô cố thử lấy lại mạch nói của mình trong lúc tranh tụng, mặc cho vẻ xanh xao trên da mặt và hai tay đang run lên, những biểu hiện duy nhất để lộ ra vẻ cơn choáng váng của cô. Rồi mắt cô mờ đi, tất cả bỗng chốc tối sầm lại, hơi thở của cô trở nên đứt đoạn. Nhịp tim cô chậm lại, máu rút dần khỏi khuôn mặt, như một dòng suối cạn kiệt nguồn nước. Sarah ngã sụp xuống như cách mà toà tháp đôi World Trade Center sụp đổ, dẫu cho người ta vẫn nói là không gì có thể lay chuyển chúng. Cô không hề phản ứng, không lên tiếng cầu xin sự trợ giúp. Cô khuỵu xuống không một tiếng động như một lâu đài xây nên bởi những quân bài bằng giấy đổ sụp xuống một cách đẹp đẽ.
Khi mở mắt ra, một người đàn ông đang cúi người về phía cô, trên người anh mặc một bộ đồng phục của lính cứu hoả.
- Bà đã bị một cơn choáng, thưa bà. Chúng tôi sẽ đưa bà tới bệnh viện.
Người đàn ông đó nói: Thưa bà. Sarah đang dần lấy lại ý thức,
nhưng cô không để lọt chi tiết này. Cô ghét người ta gọi mình là Madame, tiếng gọi đó đập vào cô như một cái tát. Ở văn phòng, mọi người đều biết. Họ gọi cô là Maitre* hay Mademoiselle*, không bao giờ là Madame. Hai lần kết hôn, hai lần li hôn, có rồi lại không. Vả lại, Sarah ghét cay ghét đắng vì tiếng gọi đó ám chỉ một điều: Bạn không còn là một phụ nữ trẻ tuổi, một quý cô nữa, bạn đã bước sang lứa tiếp theo. Cô căm thù những bản điều tra mà ở đó người ta phải tích vào ô tương ứng với lứa tuổi của họ.
Buộc phải từ chối lứa tuổi quyến rũ của những người 30 - 39, để chuyển sang lứa tuổi ít thu hút hơn của những người 40 - 49. Tuổi tứ tuần, Sarah không nhìn thấy nó đã ở ngay trước mặt. Dẫu vậy, cô đã ba mươi tám tuổi, cô thậm chí còn ba mươi chín tuổi, nhưng bốn mươi, không, thực sự, cô chưa sẵn sàng để đón nhận nó. Cô chưa từng nghĩ rằng nó sẽ đến nhanh đến thế. “Không ai còn trẻ sau tuổi bốn mươi.” Cô nhớ lại câu nói của Coco Chanel mà cô đọc được trong một tờ tạp chí mà ngay lập tức cô đã gấp lại khi vừa đọc dứt câu. Cô đã không dành thời gian để đọc câu tiếp theo: “Nhưng người ta có thể quyến rũ không cưỡng lại được ở tất cả mọi lứa tuổi.”
“Mademoiselle” - Sarah ngay lập tức sửa lại trong khi gượng đứng dậy. Cô cố đứng lên nhưng người lính cứu hoả ngăn cô lại bằng một cử chỉ vừa dịu dàng vừa dứt khoát. Cô kháng cự, viện đến hồ sơ mà cô đang tranh tụng. Một vụ việc khẩn cấp có mức độ quan trọng số 1 như mọi vụ việc khác.
- Cô đã mất đi ý thức khi ngã xuống. Chúng tôi cần phải làm một số xét nghiệm để kiểm tra.
Bên cạnh cô là Inès, cộng tác viên mà cô đã tuyển dụng, trợ lý
riêng của cô trong việc chuẩn bị các hồ sơ. Cô gái trẻ thông báo với cô rằng phiên toà đã được dời sang một ngày khác. Cô ấy vừa gọi cho văn phòng để điều chỉnh lại giờ giấc các buổi hẹn tiếp theo của Sarah. Như mọi khi, Inès luôn luôn chủ động, làm việc một cách hiệu quả, tóm gọn lại bằng một từ: Hoàn hảo. Cô tỏ vẻ lo lắng cho Sarah, ngỏ lời cùng cô đi đến bệnh viện nhưng Sarah muốn cô quay trở về văn phòng thì hơn. Inès sẽ có ích hơn khi ở đó để chuẩn bị cho phiên toà ngày hôm sau.
Trong khi cô kiên nhẫn chờ đợi ở phòng cấp cứu thuộc viện CHUM*, Sarah nghĩ về việc ngoại trừ cái tên gọi thú vị, gợi nhớ đến cách mà người ta gọi tên người yêu và ám chỉ một mối quan hệ yêu đương, trung tâm CHUM của Montréal chẳng có gì hấp dẫn. Cuối cùng cô quyết định đứng lên và rời đi.
Cô không có ý định chờ hai tiếng đồng hồ chỉ bởi vài vết trầy xước, một cái băng cứu thương đơn giản là đủ, cô phải quay lại làm việc. Một vị bác sĩ tóm lấy tay cô, đưa cô trở lại ghế ngồi. Cô phải đợi để làm xét nghiệm. Sarah chống cự nhưng rốt cuộc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân lệnh.
Vị bác sĩ nội trú, người cuối cùng cũng áp ống nghe vào ngực cô, có bàn tay dài và những ngón tay mảnh. Anh ta có vẻ đăm chiêu. Anh ta đặt cho cô nhiều câu hỏi, Sarah trả lời chúng một cách ngắn gọn. Cô không hiểu được lợi ích của tất cả những việc này. Cô thấy ổn, cô nhắc lại, nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục việc khám. Trái với ý muốn, như một nghi can bị ép cung, cuối cùng cô cũng chịu thừa nhận: Đúng, dạo gần đây cô cảm thấy mệt mỏi. Làm sao mà không mệt mỏi cho được khi có ba đứa trẻ, một ngôi nhà cần phải chăm sóc, một cái tủ lạnh cần được lấp đầy bên cạnh một công việc toàn
thời gian?
Sarah không nói rằng kể từ một tháng nay, cô luôn thức dậy trong tình trạng kiệt sức. Rằng mỗi tối khi trở về nhà, sau khi lắng nghe tóm tắt của Ron về một ngày của bọn trẻ, ăn tối với chúng, cho cặp song sinh lên giường đi ngủ và soát lại bài học của Hannah, cô gục xuống chiếc ghế đệm dài ở phòng khách và ngủ thiếp đi trước khi kịp tắt cái TV màn hình lớn cô vừa mua nhưng chưa từng được thực sự thảnh thơi để tận hưởng. Cô cũng không kể về cơn đau ở lồng ngực trái, cơn đau mà cô đã phải chịu đựng lâu nay. Chắc là chẳng có gì đâu… Cô không muốn nói về chúng, không phải ở đây, lúc này, với một người lạ mặt trong chiếc áo choàng trắng đang nhìn cô chằm chằm với một thái độ lạnh lùng. Đây không phải là lúc để nói.
Bác sĩ có vẻ lo lắng: Huyết áp của cô thấp và cả màu da xanh xao này. Sarah cố gồng mình, cô giả đò, cố gắng tỏ ra khác đi, cô làm điều này rất xuất sắc. Sau tất cả, đó là một ngón nghề. Tất cả mọi người ở văn phòng đều biết câu đùa đó: Khi nào thì người ta biết rằng một luật sư đang nói dối? Khi môi của họ cử động. Cô đã đi đến tận cùng với những quan toà quỷ quyệt nhất ở thành phố này, một bác sĩ nội trú sẽ không thể khiến cô gục ngã. Chỉ là một cơn mệt xoàng trong chốc lát, tất cả chỉ có vậy thôi. Một cú burn -out? Cụm từ đó khiến cô mỉm cười. Một cách nói đang thịnh hành, nhưng dùng không đúng chỗ, một từ to tát dùng để chỉ một cơn choáng váng bé con. Cô đã không ăn đủ vào bữa sáng nay hoặc đã không ngủ đủ… Không làm tình đủ nữa chứ, cô định sẽ thêm vào một chút hài hước, nhưng vẻ nghiêm khắc của vị bác sĩ khiến cô từ bỏ mọi ý định gần gũi. Thật đáng tiếc, có thể nói anh ta trông khá đẹp trai với cặp kính nhỏ và những lọn tóc xoăn, gần đúng với
tuýp người của cô… Cô sẽ uống các loại vitamin nếu anh ta muốn, đúng thế. Vừa cười cô vừa nhắc đến một loại cocktail tăng lực bí mật của cô: Café, cognac và thuốc phiện. “Rất hiệu nghiệm, anh cần phải thử đi.”- Cô tủm tỉm.
Bác sĩ không có tâm trạng để đùa cợt. Anh gợi ý cô nên nghỉ ngơi bằng một kì nghỉ phép. “Nhấc chân ra khỏi công việc” - Đó là từ ngữ mà anh ta đã dùng. Sarah phá lên cười. Vậy là người ta có thể vừa là bác sĩ và vừa có khiếu hài hước… Nhấc chân lên? Như thế nào mới được chứ? Bằng cách rao bán con cái trên eBay à? Bằng cách quyết định kể từ tối nay, chúng ta sẽ không ăn nữa? Bằng cách thông báo với khách hàng của mình rằng cô đình công ở văn phòng? Cô chịu trách nhiệm về những hồ sơ với mức độ quan trọng ở mức sống còn, những hồ sơ mà cô không thể uỷ thác cho người khác. Dừng lại không phải là một sự lựa chọn. Một kì nghỉ phép ư? Cô chẳng biết điều đó nghĩa là gì nữa, cô chỉ loáng thoáng nhớ về kì nghỉ gần nhất của mình - năm ngoái, hay năm trước nhỉ?… Anh chàng bác sĩ buông một câu nói hóc hiểm mà cô những muốn không nhắc đến nó: Không ai là không thể thay thế được. Rõ ràng là anh ta chẳng hề có khái niệm nào về ý nghĩa của việc là một người cộng sự ở Johnson & Lockwood. Không có khái niệm nào về việc sống dưới lớp mặt nạ của Sarah Cohen.
Cô muốn đi khỏi đây, ngay bây giờ. Bác sĩ cố giữ cô lại để làm những xét nghiệm khác nhưng cô tỏ vẻ thách thức. Dẫu vậy, cô không phải kiểu người thích để mọi việc tới ngày hôm sau. Ở trường, cô là một học sinh giỏi, “một cô học trò siêng năng”, các giáo viên vẫn nói vậy. Cô ghét việc phải làm mọi thứ vào phút cuối, cô thích “đi trước một bước” như cách nói riêng của cô. Cô có thói quen dành những tiếng đầu tiên của hai ngày cuối tuần hay những
kì nghỉ cho việc làm bài tập, sau đó cô mới cảm thấy được tự do. Ở văn phòng cũng vậy, cô luôn chạy trước một quãng dài so với những đồng nghiệp khác, đó là điều đã giúp cô tiến nhanh đến thế. Cô không để mặc bất cứ điều gì cho số phận. Cô dự liệu trước mọi thứ.
Nhưng không phải điều này. Không phải bây giờ. Đây không phải là lúc.
Thế nên Sarah quyết định quay trở lại với thế giới của cô, với những cuộc hẹn, những cuộc đàm thoại, những danh sách, những hồ sơ, những khiếu nại, những cuộc họp, những ghi chép, những bản tóm tắt, những bữa trưa bên bàn làm việc, những trát hầu toà, những cơ sở chứng cứ và ba đứa trẻ của cô. Cô quay trở lại trận chiến như một người lính bé nhỏ can trường, đeo vào chiếc mặt nạ mà cô vẫn luôn mang. Cái mặt nạ hợp với cô đến thế, mặt nạ của những người phụ nữ tươi cười niềm nở mà với họ, mọi sự đều phải thành công. Chiếc mặt nạ đó không thể bị huỷ hoại, thậm chí chẳng hề rạn nứt. Khi về tới văn phòng, cô trấn an Inès và những người đồng nghiệp rằng không có chuyện gì cả. Tất cả mọi việc sẽ trở về guồng quay như trước.
Trong hai tuần tới đây, sẽ có một buổi thăm khám ở chỗ bác sĩ phụ khoa. “Đúng thế, tôi cảm thấy có cái gì đó” - Bác sĩ vừa nói vừa nghe ngóng. Khuôn mặt của bà mang một vẻ lo lắng. Bác sĩ lên một danh sách các xét nghiệm với những tên gọi đáng sợ mà cô cần phải làm, những xét nghiệm mà chỉ cần gọi tên thôi đã đủ khiến người ta hãi hùng: Chụp nhũ ảnh, IRM, chụp cắt lớp, sinh tiết… Những xét nghiệm mà chỉ riêng bản thân chúng thôi cũng đã như một hồ sơ bệnh án. Một sự kết tội đang lơ lửng đâu đây.
Nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa phải là lúc. Sarah rời khỏi bệnh viện, trái với lời khuyên của bác sĩ.
Cho tới bây giờ, tất cả mọi chuyện đều ổn.
Chừng nào chúng ta chưa nói về điều đó thì nó không tồn tại.
Nó không lớn hơn một phòng ngủ.
Nó chỉ đủ để người ta đặt một chiếc giường,
Thậm chí còn là một chiếc giường trẻ thơ.
Đây là nơi tôi làm việc, một mình.
Ngày qua ngày, trong im lặng.
Dĩ nhiên, có cả những máy móc, nhưng không hẳn là nhiều Ở đây không có dây chuyền sản xuất
Mỗi kiểu dáng là một mẫu thử
Và mỗi cái trong số chúng đều là niềm tự hào của tôi.
Theo thời gian làm việc, đôi bàn tay tôi đã trở nên độc lập với các phần còn lại của cơ thể.
Những động tác tự chúng đã thấm nhuần,
Và sự thành thục tăng dần qua năm tháng.
Tôi đã làm từ bao lâu nay,
Cúi người xuống chiếc khung cửi này
Đôi mắt dần nhoà đi.
Và thân thể mệt nhoài,
Căn bệnh thấp khớp khiến đôi chân tê dại,
Thế nhưng,
Ngón tay vẫn chẳng hề mất đi sự nhanh nhẹn, thoăn thoắt.
Đôi khi, tâm trí tôi thoát khỏi nơi công xưởng, Dẫn lối tôi tới
Những xóm làng xa xôi,
Những mảnh đời xa lạ,
Mà tiếng nói chạm tới nơi tôi
Như tiếng vọng ngân dài,
Xen lẫn vào tiếng tôi.
Smita
Làng Badlapur, Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Bước vào túp lều, Smita ngay lập tức nhận thấy điều gì đó bất thường trong biểu hiện của con gái. Cô đã vội vã kết thúc công việc của mình, chẳng dừng lại ở nhà hàng xóm để chia đồ ăn thừa như cô vẫn thường làm. Cô đã chạy tới giếng để lấy nước, đặt chiếc giỏ mây của mình xuống và tắm táp trong sân - một xô nước, không hơn, còn phải để dành cho Lalita và Nagarajan. Tất cả các buổi tối trước khi bước qua ngưỡng cửa nhà, Smita chà rửa thân thể ba lần bằng xà phòng. Cô từ chối mang theo thứ mùi đáng hổ thẹn đó về nhà, cô không muốn con gái và chồng gắn liền hình ảnh của cô với thứ mùi hôi thối đó. Thứ mùi đó, mùi cứt đái của những kẻ khác, đó không phải là cô. Cô không muốn mình trở nên thấp hèn đến thế. Thế nên cô chà xát với tất cả sức lực, bàn tay, đôi chân, cơ thể, mặt mũi. Cô chà xát như thể muốn rứt toạc lớp da này, đằng sau mảnh vải được dùng làm rèm che, sâu trong cùng của khoảnh sân bên rìa ngôi làng Badlapur, tận cùng của Uttar Pradesh.
Smita lau khô người và mặc quần áo sạch trước khi bước vào căn lều. Lalita đang ngồi trong góc, hai đầu gối co lại trước ngực. Hai mắt dán chặt xuống đất, cô bé nhìn chăm chăm vào khoảng không. Trên khuôn mặt Lalita phảng phất một sắc thái mà mẹ con bé chưa
từng biết tới, một biểu cảm khó tả trộn lẫn giữa giận dữ và buồn đau.
- Con sao thế?
Đứa trẻ không trả lời. Hai bên hàm dường như cắn chặt. - Nói cho mẹ biết đi! Kể đi! Nói!
Lalita vẫn im lặng nhìn vào hư không, như thể cô bé đã cố định vào một điểm tưởng tượng nào đó mà chỉ mình nó nhìn thấy, một nơi không ai có thể xâm phạm, cách xa khỏi căn lều, khỏi ngôi làng, nơi không ai có thể chạm tới con bé, ngay cả mẹ nó. Smita nổi cáu:
- Nói!
Cô bé co rúm người lại, cuộn mình vào như con ốc sên sợ hãi trong chiếc vỏ của mình. Thật dễ để quở mắng nó, để la hét, buộc nó phải nói. Nhưng Smita biết con gái mình. Cô sẽ chẳng nghe được điều gì từ con bé bằng cách này. Trong bụng cô, con bướm nhỏ đã hoá thành con cua. Một cảm giác bồn chồn lo lắng siết chặt. Chuyện gì đã xảy ra ở trường? Cô không biết tới thế giới đó, nhưng cô đã gửi con gái mình đến đó, kho báu của cô đã ở đó một mình. Liệu cô có sai không? Họ đã làm gì con bé?
Cô quan sát đứa trẻ. Trên lưng nó, tấm sari dường như đã bị xé nát. Một vết rách, đúng thế, một vết rách toạc.
- Con đã làm gì? Con làm bẩn mình rồi kìa! Con đã lăn lê ở đâu thế hả?
Smita nắm lấy tay con gái, kéo nó về phía cô để nó không còn dính chặt người vào tường. Tấm sari mới tinh mà cô đã may suốt hàng
giờ liền, đêm này qua đêm khác, không ngủ để cố làm cho kịp, tấm sari khiến cô tự hào, đã bị rách nát, nhàu nhĩ, ô uế!
- Con đã làm rách nó rồi! Nhìn đi!
Smita bắt đầu la hét, giận dữ nhưng ngay lập tức chợt sững người lại. Một mối nghi ngờ khủng khiếp bỗng xâm chiếm cô. Cô lôi Lalita ra giữa sân, giữa ánh sáng ban ngày. Bên trong túp lều tối om, ánh sáng không lọt vào được nhiều. Cô tìm cách cởi đồ trên người con bé, lột mạnh chiếc sari. Lalita không kháng cự, tấm vải bị giật ra khỏi người cô bé một cách dễ dàng, nó hơi quá khổ so với vóc dáng của một đứa trẻ. Smita rùng mình khi nhìn thấy tấm lưng trần của con lộ ra. Trên đó vằn lên những vết đỏ dài. Dấu vết của những đòn roi. Làn da như bị chẻ nứt làm đôi, những vết máu vẫn còn mới đây. Sắc đỏ son tứa ra như dấu chấm bindi trên trán.
- Ai đã làm điều này?! Nói cho mẹ biết! Ai đã đánh con?!
Cô bé cụp mắt nhìn xuống dưới và thốt ra hai tiếng, chỉ hai tiếng mà thôi:
- Thầy giáo.
Khuôn mặt Smita đỏ lên vì giận dữ, những đường gân trên cổ cô gồng lên trong cơn thịnh nộ. Lalita cảm thấy thật khủng khiếp trước những mạch máu đang nhô ra đó, chúng làm cô bé sợ, mẹ cô thường ngày vẫn luôn bình tĩnh đến thế. Smita tóm lấy con gái và rung lắc toàn thân cô bé, cơ thể nhỏ bé trần truồng lắc lư chao đảo như một cành cây gầy khẳng khiu:
- Tại sao? Con đã làm gì? Con đã không nghe lời đúng không? Cô không thể kiềm chế nổi. Con gái cô đã không vâng lời, vào
ngay ngày khai giảng! Chắc chắn rồi, thầy giáo sẽ không muốn nhận lại con bé, tất cả hi vọng của cô đều tan biến, những cố gắng của cô bị thiêu rụi! Cô hiểu điều đó có nghĩa là gì. Là quay lại với nhà xí, với bùn đen, với phân của những kẻ khác. Quay lại với chiếc giỏ này, chiếc giỏ bị nguyền rủa mà cô đã muốn giữ con bé tránh xa khỏi nó đến thế… Smita chưa bao giờ tỏ ra bạo lực, cô chưa từng đánh ai bao giờ, nhưng bỗng dưng cô cảm thấy dâng lên trong mình một cơn giận không thể kiểm soát. Một thứ cảm xúc mới xâm chiếm toàn bộ con người cô, một cơn thuỷ triều phủ kín lấy đập chắn của lí trí và vượt ra ngoài bản thân cô. Cô tát con bé. Lalita co rúm người lại dưới những cú đánh, cô bé đưa hai tay lên ôm lấy mặt, cố gắng hết sức tránh những cái tát từ tay mẹ.
Nagarajan đang trên đường trở về nhà từ cánh đồng thì anh nghe thấy những tiếng la hét trong sân. Anh vội vã bước tới và đứng ngăn giữa vợ và con gái. “Dừng lại! Smita!” - Anh đẩy lùi được vợ và ôm lấy Lalita trong vòng tay mình. Cô bé run lên vì khóc. Anh thấy những vết đánh trên lưng, những vết hằn trên làn da tấy đỏ. Anh ôm chặt con vào lòng.
“Con bé đã không nghe lời Brahmane”, Smita gào lên. Nagarajan quay về phía con gái, vẫn đang co rúm trong vòng tay anh.
- Có đúng thế không?
Sau một lúc im lặng, cuối cùng đứa trẻ cũng hé lộ ra câu nói như một cái tát mạnh vào hai người lớn:
- Ông ta muốn con quét lớp học.
Smita sững người lại. Lalita nói rất nhỏ, cô không chắc là mình đã nghe đúng. Cô yêu cầu con nhắc lại.
- Con nói gì cơ?
- Ông ta muốn con quét lớp trước mặt các bạn khác. Con nói “Không.”
Sợ hãi trước những đòn roi có thể sẽ tiếp tục giáng xuống, Lalita lại co rúm người lại. Cô bé bỗng trở nên bé nhỏ hơn, như thể đã co rút lại vì nỗi sợ. Smita không thể thở được. Cô kéo con gái về phía mình, ôm siết lấy con mạnh tới hết mức mà thân thể mảnh khảnh yếu ớt của con bé cho phép và bật khóc. Lalita dụi đầu vào cổ mẹ, toàn thân nhẹ nhõm và ra hiệu làm lành với mẹ. Hai người đứng như vậy một lúc lâu dưới cái nhìn không chớp mắt của Nagarajan. Lần đầu tiên anh nhìn thấy vợ mình khóc. Trước những thử thách mà cuộc đời đã bắt cô phải chịu đựng, cô chưa bao giờ tỏ ra yếu mềm, chưa từng đầu hàng, đó là một người phụ nữ mạnh mẽ và quả quyết. Nhưng không phải trong ngày hôm nay. Siết chặt vào mình thân thể của đứa con gái đã phải chịu đựng những đòn roi chết người và cả những sỉ nhục, cô trở thành một đứa trẻ hệt như con bé và khóc cho những hi vọng bị dập tắt. Cuộc sống mà cô hằng mong ước mà không thể đem tặng cho con bé bởi sẽ luôn có những người Jatts và người Brahmanes sẽ nhắc cho họ nhớ rằng họ là ai và đến từ đâu.
Buổi tối, sau khi hát ru và cho Lalita đi ngủ, con bé cuối cùng cũng thiếp đi, Smita để cho cơn giận của mình được tuôn trào. Tại sao ông ta lại làm như vậy, lão thầy giáo đó, lão Brahmane đó, dẫu gì thì ông ta cũng đã đồng ý nhận con bé vào học cùng với những đứa trẻ khác, những đứa trẻ người Jatts, ông ta đã cầm lấy tiền của họ và đã nói “Đồng ý” với họ! Con người đó, Smita biết hắn và cả gia đình hắn nữa, nhà của hắn nằm ở ngay giữa làng. Cô đã lau
chùi nhà xí của gia đình hắn mỗi ngày, thỉnh thoảng vợ hắn cho cô cơm. Vậy thì, tại sao cơ chứ?!
Bỗng nhiên, cô nghĩ tới năm cái hồ mà thần Vishnou đã đổ đầy bằng máu của người Kshatriyas khi thần bảo vệ địa vị của những người Brahmanes. Họ là những người học cao, các thầy tu, những người khai sáng, đứng trên tất cả những bộ tộc khác, trên đỉnh cao của loài người. Tại sao họ lại động tới Lalita? Con gái cô không gây hại gì cho họ, con bé không đe doạ tới trí tuệ hay chỗ đứng của họ, vậy tại sao họ lại dìm con bé xuống bùn đen như thế? Tại sao không dạy nó đọc và viết như những đứa trẻ khác?
Quét lớp, điều đó nghĩa là: Mày không có quyền được ở đây. Mày chỉ là một đứa Dalit, một kẻ quét dọn*, nên mày sẽ mãi là như vậy, mày sẽ sống cuộc sống như vậy. Mày sẽ chết trong đống phân như mẹ mày và bà mày trước đó, như những đứa con, đứa cháu, và tất cả đám hậu thế của mày. Sẽ chẳng có gì ở đây là dành cho chúng mày, lũ tiện dân, thứ đồ bỏ đi của nhân loại, không có gì ngoài thứ mùi ô nhục ghê tởm đó, qua hàng thế kỉ, chỉ có phân của những kẻ khác, chất thải của cả thế giới này là thứ để chúng mày lượm lặt.
Lalita sẽ không để chuyện đó xảy ra. Con bé đã nói “Không.”
Chỉ với ý nghĩ đó thôi, Smita cảm thấy tự hào về con gái mình. Đứa trẻ sáu tuổi đó chỉ nhỉnh hơn chiếc ghế thấp một chút, đã nhìn thẳng vào mắt người Brahmane và nói với ông ta “Không.” Ông ta đã túm lấy con bé, đã đánh nó với chiếc gậy mây, giữa lớp học, trước mặt những đứa trẻ khác. Lalita đã không khóc, không gào thét, con bé đã không hé răng một lời. Tới giờ ăn trưa, lão Brahmane đã cấm nó không được ăn, lão tịch thu chiếc hộp sắt mà Smita đã chuẩn bị cho con bé. Con bé thậm chí không được phép
ngồi xuống, chỉ được đứng nhìn những đứa trẻ khác ăn. Nó đã không đòi hỏi, không cầu xin. Nó đã đứng vững. Một mình. Đầy phẩm cách. Đúng thế, Smita cảm thấy tự hào vì con gái, có thể con bé ăn thịt chuột để lớn lên nhưng nó mạnh mẽ hơn tất cả đám người Brahmanes và người Jatts hợp lại, họ đã không khuất phục được nó, không giày xéo được nó. Họ đã tra tấn nó bằng đòn roi, khiến cơ thể nó vằn lên những vết sẹo nhưng nó vẫn đứng đó với nội lực từ sâu thẳm bên trong, vẹn nguyên không tì vết.
Nagarajan không đồng tình với vợ. Lalita đáng lẽ nên đầu hàng, quét vài nhát chổi, suy cho cùng, cũng không khủng khiếp đến thế, một nhát chổi thì đỡ đau hơn là một nhát roi mây… Smita bùng nổ cơn giận. Làm sao mà anh có thể nói như thế?! Trường học được tạo ra để giáo dục, không phải để biến người ta thành nô lệ. Cô sẽ tới nói chuyện với ông ta, với Brahmane, cô biết ông ta sống ở đâu, cô biết cánh cửa nằm khuất phía sau căn nhà, mọi ngày cô vẫn ra vào bằng lối đó với chiếc giỏ của mình để lau dọn nhà vệ sinh của họ… Nagarajan ngăn cô lại: “Em sẽ chẳng được gì nếu đối đầu với lão Brahmane.” Ông ta mạnh hơn cô. Tất cả đều mạnh hơn cô. Lalita phải chấp nhận những ức hiếp nếu con bé muốn quay lại trường học.
Đó là cái giá phải trả nếu muốn con bé được học đọc, học viết. Đó là cách mà mọi chuyện diễn ra trong thế giới của họ, người ta không thể thoát khỏi tầng lớp của mình mà không phải trả giá. Tất cả đều phải có giá của nó.
Smita nhìn kĩ khuôn mặt chồng mình trong khi run lên vì giận dữ. Cô sẽ không để con mình trở thành đứa sai vặt bẩn thỉu hôi hám của lão Brahmane. Làm sao anh dám hình dung ra chuyện đó?
Làm sao anh thậm chí có thể nghĩ tới điều đó? Anh phải đứng về phía cô, chống lại định kiến bất công, đấu tranh trước cả thế giới này để bảo vệ con gái mình. Đó không phải là điều một người bố nên làm sao? Smita thà chết còn hơn gửi con bé quay lại trường, Lalita sẽ không đặt chân tới đó nữa. Cô nguyền rủa cái xã hội này, nơi đã giày xéo lên những người yếu thế, những phụ nữ, những trẻ nhỏ, tất cả những người mà nó đáng ra cần phải bảo vệ.
“Vậy đi” - Nagarajan đáp lại. Lalita sẽ không quay lại nơi đó. Ngày mai, Smita sẽ dắt con bé theo mình trong khi làm việc. Cô sẽ dạy con nghề của mẹ nó và bà nó. Cô sẽ truyền lại cho con chiếc giỏ. Sau cùng thì, đó là những gì mà những người phụ nữ trong gia đình con bé đã làm từ hàng thế kỉ nay. Đó là vận mệnh của nó. Smita đã lầm khi hi vọng vào một điều khác cho con bé. Cô đã muốn đưa nó ra khỏi con đường của cô, ra khỏi con đường được vạch định sẵn nhưng lão Brahmane đã dẫn con bé quay trở lại đó với những cú đòn từ roi mây. Cuộc tranh luận kết thúc.
Buổi tối hôm đó, Smita cầu nguyện trước bàn thờ nhỏ của thần Vishnou. Cô biết rằng mình sẽ không ngủ được. Cô nghĩ lại về năm hồ máu và tự hỏi phải đổ đầy bao nhiêu cái hồ bằng máu của họ, những kẻ tiện dân ấy, để họ có thể được giải thoát khỏi ách thống trị hàng ngàn năm này. Hàng triệu người như cô, những đám đông phó mặc mình cho cái chết, tất cả sẽ tốt đẹp hơn ở kiếp sau như mẹ cô thường nói, trừ khi vòng xoay luân hồi thác sinh không biết thương xót kia ngừng lại. Cõi niết bàn, đích đến tối thượng, đó là những gì mẹ cô hi vọng. Được chết bên dòng Gange, dòng sông thần thánh, là mơ ước của bà. Người ta nói rằng sau đó vòng xoay luân hồi sẽ dừng lại. Không còn tái sinh, tan chảy trong cái vô cùng, trong vũ trụ thiên hà, đó là mục đích tối cao. May mắn đó
không được trao cho tất cả mọi người, cô thầm nghĩ. Có những người bị buộc phải sống. Trật tự vạn vật phải được chấp nhận như một hình phạt của thần linh. Vậy đấy, sự vĩnh hằng sẽ được ban cho những ai xứng đáng.
Trong khi chờ đợi vĩnh hằng, thì những người Dalit cần phải khom lưng luồn cúi.
Nhưng không phải Smita. Không phải ngày hôm nay.
Đối với bản thân mình, cô đã chấp nhận số phận này như một định mệnh tàn khốc. Nhưng họ sẽ không có được con gái cô. Cô đã thề, ngay ở đây, trước bàn thờ của thần Vishnou, giữa túp lều tối nơi chồng cô đã say ngủ. Không, họ sẽ không có được Lalita. Sự kháng cự của cô diễn ra trong im lặng vô hình, không ai có thể nghe thấy.
Nhưng nó luôn luôn ở đó.
Giulia
Palerme, Sicile.
“Nhìn bố tựa như nàng công chúa ngủ trong rừng vậy” - Giulia vừa nghĩ vừa ngắm nhìn bố.
Đã tám ngày trôi qua kể từ khi ông nằm trên chiếc giường bệnh trải khăn trắng này. Tình trạng của ông đã dần ổn định. Ông có vẻ thật bình yên khi ngủ như vậy, như một cô gái đã được đính ước chỉ chờ người ta tới gọi dậy. Giulia nghĩ về câu chuyện Bella Addormentata mà bố thường đọc cho cô vào mỗi tối khi cô còn nhỏ. Ông dùng chất giọng khàn khi nhắc tới bà tiên ác - người đã thốt ra một lời tiên tri tai hại. Câu chuyện cổ tích này cô đã nghe hàng ngàn lần nhưng vẫn luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi công chúa cuối cùng cũng tỉnh giấc. Cô yêu làm sao giọng nói của bố vang lên trong ngôi nhà thân thương mỗi khi đêm xuống.
Giờ đây, giọng nói đã tắt. Chỉ còn sự im lặng bao quanh bố.
Phải quay trở lại làm việc ở xưởng thôi. Tất cả những người công nhân đều đã biểu lộ sự ủng hộ của mình với Giulia. Gina đã làm cho cô món cassate mà cô yêu thích. Agnese đã mua socola cho mẹ cô. Nonna đã thay cô túc trực ở đầu giường bố. Alessia, người có anh trai làm phụ tá linh mục, đã tới cầu nguyện ở Santa Caterina. Cả một cộng đồng nhỏ đã ở đó, xung quanh Giulia và
cùng cô từ chối đầu hàng trước nỗi đau. Đứng trước họ, cô gái trẻ muốn tỏ ra lạc quan như bố cô vẫn luôn thể hiện. Ông sẽ tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê, cô tin chắc vào điều đó. Ông sẽ lấy lại vị trí của mình ở đây. Đây chỉ là một quãng nghỉ thôi mà, cô tự nhủ, chỉ là một khoảnh khắc lửng lơ mà thôi.
Mỗi tối, cô đều đến bên giường bố sau khi đã đóng cửa nhà xưởng. Cô tạo thói quen đọc cho ông nghe bởi theo lời các bác sĩ, bệnh nhân hôn mê nghe thấy những gì mọi người nói. Vậy nên Giulia đọc thành tiếng, hàng giờ liền thơ hay văn xuôi hay tiểu thuyết. “Giờ đến lượt con đọc cho bố nghe những câu chuyện” - Cô thầm nghĩ. “Bố đã làm biết bao việc vì con.” Ở một nơi nào đó, bố của cô sẽ nghe thấy những gì cô nói, cô tin điều đó.
Ngày hôm đó, cô tới thư viện vào giờ nghỉ trưa để mượn những cuốn sách mà cô đã định sẵn trong đầu. Khi cô đang bước vào phòng đọc để đắm chìm trong im lặng thì một việc kì lạ xảy đến. Cô không ngay lập tức nhận thấy anh đang nấp sau những kệ sách. Nhưng rồi đột nhiên, cô nhận ra anh.
Anh ở đó. Chiếc khăn quấn quanh đầu. Chiếc khăn của lần trước, chiếc khăn trên con phố nọ vào ngày lễ thánh Santa Ro salia.
Giulia sửng sốt. Người lạ kia đang quay lưng lại nên cô không nhìn thấy mặt anh. Anh đổi sang lối đi khác. Cô theo sát từng bước chân anh, lòng đầy tò mò và kích thích. Khi anh với tay lấy một cuốn sách, cuối cùng cô cũng có thể thấy rõ những đường nét trên khuôn mặt anh. Đúng là anh rồi, người đàn ông đã bị những người carabinieri bắt đi… Dường như anh đang tìm kiếm thứ gì đó mà chưa tìm thấy. Bối rối bởi sự tình cờ này, Giulia đứng yên hồi lâu để quan sát anh. Anh không để ý tới cô.
Cô quyết định lại gần anh hơn. Cô không biết phải tiếp cận anh như thế nào, cô không có thói quen chủ động bắt chuyện với đàn ông. Thường thì họ là người đến ngỏ lời trước. Giulia đẹp, người ta vẫn thường nói với cô như vậy. Bất chấp những đường nét mang tính cách con trai, ở cô toả ra một vẻ trộn lẫn giữa ngây thơ và gợi cảm khiến phái mạnh không thể làm ngơ. Những đôi mắt sáng lên mỗi khi cô bước qua, cô biết cảnh tượng đó. Người Ý rất thuần thục với chuyện này, những lời ca đẹp đẽ, những đoạn điệp khúc quen thuộc - cô biết rõ chúng sẽ dẫn tới đâu. Thế nhưng, một sự táo bạo không ngờ tới bỗng xâm chiếm cô.
- Buongiorno*!
Người lạ quay lại, ngạc nhiên. Anh không có vẻ gì là nhận ra cô. Giulia im lặng trong chốc lát, rụt rè.
- Tôi đã nhìn thấy anh hôm trước, trên phố, trong buổi lễ diễu hành. Khi những người cảnh vệ…
Cô bỏ lửng câu nói của mình, bỗng dưng cảm thấy có điều gì không phải. Nếu nhắc đến sự việc này khiến anh cảm thấy không thoải mái thì sao?… Ngay lúc này, cô hối hận vì sự chủ động của mình. Cô muốn biến mất, ước ao giá như mình chưa từng lại gần anh. Nhưng người đàn ông nọ gật đầu. Bây giờ, anh đã nhận ra cô.
Giulia nói tiếp:
- Tôi đã sợ… rằng họ sẽ đưa anh vào tù.
Anh mỉm cười với một vẻ mặt trộn lẫn giữa chân thành và vui đùa. Rốt cuộc cô gái kì lạ này là ai mà lại có vẻ lo lắng cho anh đến thế?
- Họ đã giữ tôi lại cả buổi chiều. Và rồi họ để tôi đi.
Giulia quan sát những đường nét trên khuôn mặt anh. Mặc cho làn da sẫm màu, anh có đôi mắt sáng lạ thường, cô có thể nhìn rõ chúng vào lúc này. Một vệt xanh da trời trên nền xanh lá - hoặc là ngược lại. Sự pha trộn dễ khiến người ta nhầm lẫn. Cô bỗng thấy mình bạo dạn hơn:
- Tôi có thể giúp anh. Tôi biết rõ những kệ sách này. Chính xác là anh đang tìm cuốn gì?
Người đàn ông giải thích rằng anh muốn một cuốn sách bằng tiếng Ý. “Cái gì đó không quá phức tạp” - Anh nói rõ. Anh có thể nói trôi chảy nhưng anh vẫn còn gặp khó khăn với ngôn ngữ viết. Anh muốn tiến bộ hơn. Giulia gật đầu. Cô dẫn anh tới kệ sách văn học Ý. Cô phân vân, những tác giả đương đại có vẻ như sẽ khó với anh. Cuối cùng, cô khuyên anh nên chọn một cuốn truyện của Salgari mà cô đã đọc lúc nhỏ: I figli del Aria - cuốn truyện yêu thích của cô. Người lạ cầm lấy cuốn sách và cảm ơn cô. Bất cứ người đàn ông nào ở đây cũng sẽ tìm cách giữ chân cô lại và trò chuyện thêm. Họ sẽ tận dụng cơ hội để thử tán tỉnh cô. Nhưng anh không như vậy. Anh chỉ đơn giản chào cô trước khi rời đi.
Trong khi nhìn anh rời khỏi thư viện với cuốn sách vừa mượn, Giulia cảm thấy tim mình thắt lại. Cô trách mình đã không có can đảm để giữ anh lại. Ở đây, những chuyện như thế không xảy ra. Người ta không chạy theo một người đàn ông người ta vừa mới gặp. Cô hối hận vì mình đã là người phụ nữ trẻ đó, người từ bao lâu nay vẫn chống cằm nhìn mọi sự trôi qua mà không dám thay đổi dòng chảy của chúng. Vào khoảnh khắc này, cô nguyền rủa việc mình chẳng có chút bạo dạn nào nên luôn rơi vào thế bị động
trong mọi chuyện.
Dĩ nhiên, cô có những người bạn, những lời tán tỉnh hẹn hò, một vài chuyện tình. Có những nụ hôn, những vuốt ve mơn trớn đầy kín đáo. Giulia để mặc chúng diễn ra, bằng lòng với việc chỉ đáp trả lại những mối quan tâm mà người ta biểu lộ trước với cô. Cô chưa bao giờ gắng sức quyến rũ ai.
Cô quay lại con đường dẫn về xưởng trong khi nghĩ về người đàn ông lạ, về chiếc khăn đội đầu mang tới cho anh vẻ khác biệt như nằm ngoài thời đại này. Về mái tóc mà anh phải giấu kín. Về cơ thể anh nữa, dưới làn áo sơ-mi hơi nhàu. Dừng lại ở ý nghĩ này, cô thấy mình đỏ bừng mặt.
Cô quay lại vào ngày hôm sau, hân hoan bởi hi vọng thầm kín sẽ lại được bắt gặp anh lần nữa. Cô không cần đến sách vào ngày hôm đó, cô còn chưa kết thúc những cuốn đang đọc dở cho bố. Cô đứng sững lại khi bước vào phòng đọc: Người đàn ông đang ở đó. Ngay đúng chỗ mà anh đã đứng ngày hôm qua. Anh ngước mắt về phía cô như thể anh đang chờ đợi cô. Vào khoảnh khắc đó, Giulia cảm tưởng như trái tim mình ngừng đập.
Anh lại gần cô, gần tới mức cô có thể cảm thấy hơi thở ấm và ngọt ngào của anh. Anh muốn cảm ơn cô về cuốn sách mà cô đã khuyên anh nên đọc. Anh không biết phải tặng lại gì cho cô nên anh đã mang tới một chai dầu olive nhỏ ở trang trại nơi anh làm việc. Giulia cảm động ngắm nhìn khuôn mặt anh. Ở nơi anh có sự pha trộn của dịu dàng và phẩm cách mà cô không thể tách bạch nổi. Đây là lần đầu tiên một người đàn ông làm cho cô bối rối đến thế.
Cô cầm lấy chai dầu, không khỏi ngạc nhiên. Anh nói thêm rằng chính anh đã tự tay ép những trái olive sau khi hái chúng. Khi anh chuẩn bị bước đi, Giulia lấy hết can đảm. Với đôi má đỏ rực, cô ngỏ ý hỏi anh có muốn đi dạo vài bước trên con đập chắn sóng không… Biển ở rất gần, trời lại quang đãng…
Người lạ ngập ngừng một chút rồi cũng nhận lời.
Kamaljit Singh - đó là tên anh - không phải người hay chuyện. Đó là một chi tiết khiến Giulia ngạc nhiên. Đàn ông ở đây thường liến thoắng và thích nói về bản thân mình. Vai trò của phụ nữ là lắng nghe họ. Như mẹ cô đã giảng giải cho cô, phải để cho đàn ông được tỏa sáng. Kamal thì khác. Anh không bộc lộ về bản thân một cách dễ dàng. Nhưng với Giulia, anh đồng ý kể cho cô câu chuyện của mình.
Theo đạo Sikh, anh đã rời khỏi Cachemire năm hai mươi tuổi, trốn chạy khỏi những hành động bạo lực nhắm về phía họ ở đó. Từ những sự kiện năm 1984, khi quân đội Ấn Độ đàn áp đẫm máu những cuộc nổi dậy đòi quyền độc lập, tàn sát những người trung thành trong Đền Vàng, số phận của họ đã bị đe doạ. Kamal đến Sicile trong một đêm giá buốt mà không có bố mẹ. Rất nhiều người đã chọn cách gửi con mình tới phương Tây khi chúng tới tuổi vị thành niên. Anh được chào đón bởi cộng đồng không nhỏ những người Sikh sống trên đảo. Ý là nước thứ hai trong châu Âu đón nhận họ sau Anh quốc, anh nói thêm. Anh bắt đầu làm việc theo đường caporalato - một cách cung cấp cho các chủ lao động nguồn nhân lực với giá rẻ. Anh kể về việc tên caporale đã tuyển và dẫn những người nhập cư bất hợp pháp tới nơi làm việc bằng cách nào. Để chi trả cho chi phí di chuyển, chai nước và chiếc bánh
panino mỏng dính mà người ta đưa cho họ, hắn lấy phần trăm trên tiền công của họ, có khi lên tới một nửa. Kamal nhớ lại mình đã làm việc chỉ với một hay hai euros mỗi giờ. Anh đã hái lượm tất cả những gì mà mặt đất ở đây có thể tạo ra: Những trái chanh, olive, cà chua bi, cam, artichaut, mướp, hạnh nhân… Điều kiện làm việc là không thể thương lượng. Những gì mà caporale đưa ra, chỉ có thể chấp nhận hoặc từ chối.
Sự nhẫn nại của anh cuối cùng cũng được đền đáp. Sau khi trải qua ba năm đầy những bất công, Kamal đã được chính thức xếp vào diện tị nạn và có được tấm thẻ cư trú không thời hạn. Anh tìm được việc làm vào ban đêm cho một cơ sở sản xuất dầu olive. Công việc khiến anh hài lòng. Anh kể mình đã làm thế nào khi chải một lượt những cành cây olive với một cái cào để hái được quả mà không làm dập nát chúng. Anh thích thú khi xung quanh anh là những cái cây có khi đã đến cả ngàn năm tuổi. Anh bị cuốn hút bởi sức sống và tuổi thọ của chúng. Olive là một loại thức ăn quý, anh vừa cười vừa nói, một biểu tượng hoà bình.
Nếu như những thủ tục hành chính đã biến anh thành người dân hợp pháp, đất nước này vẫn chưa chấp nhận anh. Cộng đồng người Sicilienne vẫn đứng từ xa dè dặt nhìn về phía những người nhập cư, hai thế giới tồn tại song hành nhưng không có sự giao thiệp. Kamal thừa nhận rằng mình vẫn nuối tiếc quê hương. Khi nhắc đến nó, một tấm voan buồn rầu phủ lên gương mặt anh như một chiếc áo choàng lớn bay nhẹ nhàng quanh anh.
Ngày hôm đó, Giulia quay lại xưởng muộn mất hai tiếng. Để làm an lòng Nonna, người đã lo lắng cho cô, cô vờ như có một chiếc lốp xe bị thủng.
Cô đã không nói ra sự thật: Cả hai bánh xe đều nguyên vẹn, chỉ có tâm hồn cô là vừa gục ngã.
Sarah
Montréal, Canada.
Quả bom đã được tháo chốt. Nó vừa mới phát nổ ngay tại đây, trong phòng khám của vị bác sĩ có chút vụng về này, người không biết làm sao để thông báo tin này cho phải. Dẫu cho anh ta đã có kinh nghiệm qua hàng năm trời thực hành, nhưng anh không sao quen được. Quá nhiều thương cảm cho những bệnh nhân, hiển nhiên là vậy, tất cả những người phụ nữ trẻ trung và kém trẻ trung hơn một chút, họ nhìn cuộc đời mình trong phút chốc bị xáo trộn, đầy bấp bênh khi được nghe thông báo chỉ một từ đáng sợ đó.
BRCA2. Sarah được giải thích sau đó về tên của loại gen đột biến này. Lời nguyền mà những người phụ nữ ashkénaze* mang trong mình. Cứ như thể mọi chuyện vẫn còn chưa đủ, cô thầm nghĩ. Cuộc tàn sát người Do Thái dưới thời Nga Hoàng, rồi Shoah*. Tại sao lại là cô và những người thuộc dân tộc cô, tại sao luôn là họ? Cô đọc trên giấy trắng mực đen, trong một bài báo về y học: Những người phụ nữ Do Thái ashkénaze có nguy cơ mắc phải ung thư vú lên tới 1/40, tỉ lệ này trên dân số toàn cầu là 1/500. Điều này đã được khoa học chứng minh. Có những yếu tố có thể làm gia tăng thêm nguy cơ mắc bệnh: Một trường hợp mắc ung thư trong số những người thân, một lần sinh đôi… Tất cả mọi dấu hiệu đều ở đây, Sarah tự nhủ, một cách rõ ràng, hiển nhiên. Cô đã không nhận
ra chúng. Hay không muốn nhận ra chúng.
Trước mặt cô là vị bác sĩ có cặp lông mày đen và rậm. Sarah không thể rời mắt khỏi anh ta: Thật kì lạ, người đàn ông mà cô không quen biết này đang nói với cô về khối u trên hình chụp X quang, cỡ bằng một trái quýt nhỏ, anh nói rõ, thế nhưng cô chẳng thể nào tập trung nổi vào những gì anh nói.
Cô có cảm tưởng mình chỉ còn tập trung quan sát hai bên lông mày sẫm màu và rậm rạp của vị bác sĩ. Nó giống như một lãnh thổ nơi cư ngụ đầy rẫy những con thú hoang dã. Anh ta có cả những cái lông nhô ra từ tai. Nhiều tháng sau đó, khi Sarah nghĩ lại về ngày hôm nay, đó là kí ức đầu tiên hiện lên: Cặp lông mày của vị bác sĩ đã thông báo cho cô biết là cô đã mắc bệnh ung thư.
Tất nhiên, anh ta không nói ra từ này, đó là từ mà không ai được nói thành tiếng, từ mà người ta phải tự đoán ra, sau cả tá những từ ngữ ám chỉ rắc rối cộng lại, những thuật ngữ khoa học mà người ta nhấn chìm cô trong đó. Họ nói rằng đó là một sự xúc phạm, là điều cấm kị đáng nguyền rủa. Thế nhưng, đúng là nó.
Cỡ bằng một trái quýt nhỏ, anh ta đã nói như vậy. Thế đấy. Đúng là như thế. Vậy mà Sarah đã làm tất cả mọi thứ để đẩy lùi thời hạn này, không chịu thừa nhận nỗi đau đớn ám ảnh bằng một sự mỏi mệt tột cùng. Cô đã xua đuổi ý nghĩ đó mỗi khi nó xuất hiện, mỗi lần nó có thể - hay đã - chớm thành hình, nhưng hôm nay, cô phải đối mặt với nó. Vào lúc này, nó thực sự tồn tại.
Một trái quýt, nó vừa thật khổng lồ vừa chẳng có nghĩa lí gì cả, Sarah thầm nghĩ. Cô không thể ngăn nổi ý nghĩ rằng căn bệnh này đã phản bội cô đúng vào lúc cô lơ là nhất. Khối u thật ma mãnh,
xảo trá, nó đã làm việc một cách thầm lặng trong bóng tối để chuẩn bị cho cú tấn công này.
Sarah lắng nghe vị bác sĩ, quan sát môi anh ta cử động nhưng những từ ngữ dường như không chạm được tới cô, như thể cô nhận biết chúng qua một lớp bông lót tai dày, như thể về bản chất, chúng chẳng hề liên can tới cô. Nếu là một người thân, cô sẽ lo lắng, hoảng loạn, sụp đổ. Kì lạ thay, khi đó là chính mình, thì lại chẳng sao cả. Cô lắng nghe bác sĩ mà không tin anh ta, như thế anh ta đang nói với cô về một người khác, một người hoàn toàn xa lạ.
Vào cuối buổi nói chuyện, anh ta hỏi cô có câu hỏi gì không. Sarah lắc đầu và cười, nụ cười mà cô đã thành thục và trưng ra trong mọi hoàn cảnh. Nụ cười có ý nói: Xin đừng bận tâm, sẽ ổn thôi. Dĩ nhiên đó chỉ là một mẹo nhỏ đánh lừa, một lớp mặt nạ mà đằng sau nó cô ép chặt những nỗi đau, những nghi ngờ và lo sợ. Nói đúng hơn, cả một mớ hỗn tạp ở trong đó. Ở bên ngoài, chẳng có gì được để lộ ra. Nụ cười của Sarah trơn tru, duyên dáng và hoàn hảo.
Trước mặt bác sĩ, cô không hỏi cơ hội của mình là bao nhiêu, cô từ chối việc rút gọn tương lai của mình lại bằng một chỉ số xác suất. Sẽ có những người muốn biết, còn cô thì không. Cô không muốn những con số xen vào việc của mình. Trong ý thức của cô, chúng có khả năng sẽ sinh sôi nảy nở như chính khối u nọ, chúng có thể làm cô nhụt chí, phá hoại sự tự tin của cô, sự hồi phục của cô.
Ngồi trên taxi quay trở về văn phòng, cô làm một bản tổng kết lại những gì đang diễn ra. Cô là một chiến binh. Cô sẽ chiến đấu. Sarah Cohen sẽ xử lí vụ việc này như cô vẫn làm với tất cả những
vụ khác. Cô, người không bao giờ chịu thua trong hồ sơ các vụ án (hoặc rất ít khi), cô sẽ không để “một quả quýt” làm cho mình xao động, dù cho nó có ma mãnh tới đâu. Trong vụ việc “Sarah Cohen versus Q.” - bởi vì kể từ nay tên gọi mã hoá của nó sẽ là như vậy - sẽ có những cú đòn, những cú đáp trả, cả những cú chơi khăm nữa, không còn nghi ngờ gì nữa. Bên đối thủ sẽ không thể tuyên bố thắng cuộc dễ dàng đến thế, Sarah biết điều đó, quả quýt vô cùng hiểm độc, chắc chắn là đối thủ quỷ quyệt nhất mà cô từng phải đối đầu. Lần này sẽ là một quá trình dài, một trận chiến cân não, một chuỗi tiếp nối những khoảnh khắc hi vọng, nghi ngại và những khoảnh khắc khác nữa khi có thể cô sẽ ngỡ mình đã chiến thắng. Cần phải đứng vững bàng bất cứ giá nào. Trong những cuộc chiến như thế này, Sarah biết phân thắng thuộc về kẻ dai sức hơn.
Như khi nghiên cứu một hồ sơ, cô vạch ra từng bước trong chiến lược tấn công căn bệnh. Cô sẽ không nói gì cả, không nói với một ai. Ở văn phòng, không ai được biết về chuyện này. Tin này sẽ có hiệu ứng như một quả bom với ê-kíp, tệ hơn nữa là với khách hàng. Nó có nguy cơ khiến họ lo lắng vô ích. Sarah là một trong những nền móng của văn phòng luật này, một trong những trụ cột, cô phải luôn vững vàng để không làm cho toàn bộ toà nhà này ngả nghiêng. Cô cũng chẳng muốn nhận lấy lòng thương hại hay cảm thông của những người khác. Đúng là cô bệnh tật, nhưng đó không phải là lí do để cuộc sống của cô bị biến đổi. Cần phải sắp đặt mọi thứ thật khéo léo để không làm dấy lên những nghi ngờ, sáng tạo ra những mật mã trong sổ tay dành cho những buổi khám bệnh, tìm ra những lí do để biện minh cho sự vắng mặt của mình. Cần phải tỏ ra sáng tạo, có phương pháp rõ ràng và đầy mưu mẹo.
Như nhân vật chính trong một tiểu thuyết trinh thám, Sarah sẽ lãnh đạo một cuộc chiến ngầm. Có một chút giống như khi người ta che giấu một mối quan hệ ngoài hôn nhân, cô sẽ sắp xếp sao cho căn bệnh của mình không bị bại lộ. Cô biết cách làm điều này, phân chia cuộc sống của mình thành từng ngăn, cô đã tập luyện chuyện này hàng năm trời. Cô sẽ tiếp tục xây dựng bức tường của mình cao hơn nữa, luôn luôn cao hơn nữa. Sau cùng, cô đã thành công trong việc giấu kín mọi chuyện khi mình mang thai, cô cũng sẽ che giấu được căn bệnh ung thư của mình. Nó sẽ là đưa con bí mật của cô, đứa con ngoài giá thú, đứa con mà chẳng ai có thể nghi ngờ rằng nó tồn tại. Đứa con mà cô không thể thừa nhận. Nó vô hình.
Khi về đến văn phòng, Sarah làm tiếp những việc còn đang dang dở. Một cách kín đáo, cô dò la phản ứng của đồng nghiệp, ánh mắt của họ, những nhấn nhá trong giọng nói của họ. Cô thở phào nhẹ nhõm khi thấy chẳng ai nhận ra điều gì. Không, trên trán cô không khắc chữ “ung thư”, không ai nhận ra cô có bệnh.
Bên trong cô đang vỡ vụn ra từng mảnh, nhưng điều đó chẳng một ai hay biết.
Smita
Làng Badlapur, Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Phải ra đi thôi.
Ý nghĩ này chế ngự Smita như một mệnh lệnh từ trên cao kia. Phải bỏ làng mà đi thôi.
Lalita sẽ không quay lại trường học. Thầy giáo đã đánh con bé khi nó từ chối việc quét lớp trước mặt các bạn học. Rồi sau này, những đứa trẻ đó sẽ lớn lên, trở thành những chủ trang trại, những người mà con bé sẽ phải dọn sạch nhà vệ sinh của họ. Chính vì thế, không còn gì để phân vân nữa. Smita không cho phép điều đó xảy ra. Một lần nọ, cô đã nghe được câu nói của Gandhi từ một vị bác sĩ mà cô gặp trong phòng khám của ngôi làng bên cạnh: “Không ai phải chạm vào chất thải của người khác bằng tay trần.” Có vẻ như, vị Mahatma đã tuyên bố rằng vị trí mà xã hội gắn cho những người Intouchable như cô là phi pháp, đi ngược lại Công ước về nhân quyền, nhưng kể từ đó đến nay chẳng có gì thay đổi. Phần lớn những người Dalit chấp nhận số phận của họ mà không hề phản kháng. Một số những người khác thì cải sang đạo Phật để thoát khỏi chế độ phân chia đẳng cấp này theo cách của Babasaheb, lãnh tụ tinh thần của những người Dalit. Smita đã nghe nói tới những buổi lễ tập thể lớn mà ở đó hàng nghìn người
cải đạo. Những điều luật ngăn cấm việc cải đạo thậm chí đã được ban hành trong cố gắng kìm hãm những phong trào làm suy yếu đi quyền lực của tầng lớp cầm quyền. Kể từ nay trở đi, những người có mong muốn được cải đạo phải có được sự cho phép, nếu không sẽ bị truy tố trước pháp luật, một chi tiết không khỏi khiến người ta cảm thấy mỉa mai: Thà đi đòi viên cai ngục cho phép mình được trốn tù còn hơn.
Smita không thể giải quyết theo cách này. Cô quá gắn bó với những vị thần linh mà trước cô, ngay cả cha mẹ cô cùng đã tôn sùng. Hơn hết thảy, cô tin vào sự bảo hộ của thần Vishnou, cô hướng những lời cầu nguyện của mình về phía Ngài, ngày cũng như đêm, kể từ khi cô chào đời. Cô thổ lộ với Ngài những giấc mơ, những nghi ngại và những hi vọng của mình. Việc từ bỏ Ngài sẽ làm cô đau đớn nhường nào, sự thiếu vắng của thần Vishnou sẽ để lại trong cô một khoáng trống không thể lấp đầy. Cô sẽ thấy mình mô côi hơn cả lúc cha mẹ cô mất đi. Cô chẳng tha thiết gì với ngôi làng đã chứng kiến mình lớn lên. Mảnh đất nhơ bẩn mà cô phải kì cọ ngày qua ngày không ngừng nghỉ, mảnh đất chẳng đem lại cho cô thứ gì, không một thứ gì ngoài những con chuột đồng đói khát mà Nagarajan đem về nhà mỗi tối như một chiến lợi phẩm buồn bã.
Ra đi, chạy trốn khỏi nơi này. Đó là lối thoát duy nhất.
Buổi sáng hôm đó, cô đánh thức Nagarajan dậy. Anh ngủ say trong khi cô không thể chợp mắt nghỉ ngơi. Cô ghen tị với giấc ngủ bình thản của chồng. Buổi đêm, anh là mặt hồ nơi không một gợn sóng nào lay động, trong khi cô cứ liên tục trở mình suốt hàng giờ liền. Bóng tối không giải thoát cô khỏi những âu lo mà ngược lại còn
"""