🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Nghĩa Diệt Thân
Ebooks
Nhóm Zalo
Table of Contents Ðại Nghĩa Diệt Thân - Hồ Biểu Chánh
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Ðại Nghĩa Diệt Thân
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách :
Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach
Hồ Biểu Chánh
I
Hồi tưởng ngày xưa, chúng ta chẳng khỏi ngậm ngùi về nỗi thảm của tổ tiên ta, cách gần một trăm năm hồi trước, phải chịu cái cảnh thê lương nước mất nhà tan, sao dời vật đổi.
Trong lúc ấy trời Ðồng Nhâm ở đất Gia Ðịnh rung rinh, cây cỏ héo xàu, sanh linh đồ thán. Nhắc lại tình cảnh đó để truy niệm đau khổ của người trước, mà cũng để đề phòng về việc sau, đặng suy cổ nghiệm kim rồi ung đúc tâm hồn mà giữ gìn non nước, làm như vậy tưởng không phải là làm việc vô ích.
Năm Tự Ðức thứ 11, nhằm năm Mậu Ngọ 1858 nước Pháp lấy cớ triều đình Việt Nam cấm đạo bèn phái Hải quân Trung Tướng Rigault de Genouilly chỉ huy một đoàn chuyến thuyền qua đổ bộ lên đánh hải khẩu Ðà Nẵng (Tourane) có một tiểu đoàn binh Tây Ban Nha theo trợ lực. Giặc chiếm Ðà Nẳng toan đánh vào đô thành Huế, nhưng gặp binh ta chống ngăn mạnh mẽ nên tiến không nổi.
Qua tháng giêng năm sau là năm 1858. Trung tướng Genouilly bèn đổi chiến lược để một tiểu đoàn ở lại giữ mấy đoàn vùng Ðà Nẵng, còn bao nhiêu binh thì chở hết xuống chiến thuyền đặng vào miền Nam tính xâm chiếm đất Gia Ðịnh là vùng có tiếng phì nhiêu phong phú. Binh Pháp vào cửa Cần Giờ, hắn phá những phần tàu đóng hai bên sông Ðồng Nai, rồi tiến thẳng lên đánh thành Gia Ðịnh.
Quan hộ đốc giữ thành Gia Ðịnh là cụ Võ Duy Ninh vừa hay tin binh đội Pháp khai chiến thì cụ tức tốc đến các tỉnh kêu binh lên tiếp viện đặng chống với giặc. Viện binh đến chưa kịp còn quân lính trong thành đủ, song thiếu huấn luyện, thiếu tinh thần chiến đấu, bởi vừa không biết cách phòng thủ để cho giặc tự do vào đánh có hai ngày đoạt được thành. Cụ Võ Duy Ninh phải tự tử cho toàn tiết nghĩa. Giặc tóm thâu tất cả súng đại bác, thuốc đạn bạc tiền và lúa gạo. Rất tiếc thay!
Trung tướng Rigault de Genouilly phân binh để Trung tá Jauré Guiberry ở lại giữ thành Gia Ðịnh, còn bao nhiêu binh thì chở trở ra Ðà Nẵng đánh nữa, cũng không thắng nổi binh ta, lại nhuốm bịnh. Pháp định sai Thiếu tướng Page qua thay thế cho Trung tướng Rigault de Genouilly về Pháp an dưỡng.
Kế đó nước Pháp với nước Anh có việc bất hoà nên hai nước hội binh đi đánh Tàu. Chánh phủ Pháp sai Trung tướng Charner chỉ huy một đoàn chuyến thuyền qua Viễn Ðông, lại dạy Thiếu tướng Page phải rút binh Ðà Nẵng và Gia Ðịnh đi theo Trung tướng Charner đặng tiếp chiến.
Tháng 3 năm 1860, Thiếu tướng Page rút hết binh Ðà Nẵng về hội binh tại Gia Định, phái Ðại tá d´Ariès ở lại giữ Gia Ðịnh với 800 binh Pháp và 200 binh Ma- ni (Manille) của Tây Ban Nha, còn bao nhiêu thì chở hết theo Trung tướng Charner qua đánh Trung Hoa.
Triều đình Huế phái cụ Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương vào Nam lập kế khắc phục Gia Ðịnh, có cho cụ Phạm Thế Hiển làm Tham Tán quân sư.
Tháng 7 năm đó hai cụ vào tới có binh tri ều đi theo lại có binh mấy tỉnh do cụ Tôn Thất Hàn đã gần về. Số binh ta đông bằng mười số binh Pháp ở trong thành Gia Ðịnh. Thế mà cụ Nguyễn Tri Phương không nghĩ đến sự công thành, cụ lại truyền lịnh lập đại đồn tại Chí Hoà và phân binh lập hệ thống phòng thủ tại vùng Gò Vấp qua Chí Hoà, Phú Thọ, vô tới ngọn Rạch Cát.
Bên kia Trung Hoa thất bại chịu ký tờ hòa ước với Pháp và Anh.
Ðến tháng giêng năm 1861, Trung tướng Charner trở lại Gia Ðịnh với 70 chiến thuyền và 3500 lính, đổ binh lên thành, liền mở cuộc tiến công đại đồn của ta. Giao chiến trót hai ngày hai đêm, hai bên đều tổn thất nặng nhưng binh pháp lão luyện lại có súng nhiều hơn, đại bác bắn nát đồn lũy của ta, nên binh ta phải vỡ tan, một phần rút về Biên Hòa, nhưng số đông thì chạy tứ tán.
Giặc thừa thắng phát binh rượt theo và chiếm Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gò Công, Tân An chiếm luôn tỉnh Ðịnh Tường (Mỹ Tho) nữa. Qua tháng 10 Thiếu tướng Bonard qua thế cho Trung tướng Charner về Pháp nghỉ.
Tháng 11 Thiếu tướng Bonard đem binh chiếm luôn tỉnh Biên Hòa với Bà Rịa, rồi qua tháng 3 năm sau (1862) còn đánh lấy luôn tỉnh Vĩnh Long.
Triều đình không làm gì hết, chừng thấy giặc lấy mất tới bốn tỉnh mới rúng động nên sai Phan Thanh Giản cùng với Lâm Duy Hiệp vào Nam nghị hòa.
Quân Pháp đã được lịnh xâm chiếm nước ta nên chịu thương thuyết, nhưng không chịu trả đất. Phái bộ của ta nói hết sức họ mới chịu trả lại tỉnh Vĩnh Long, nhưng họ buộc.
1) Phải để cho binh Pháp cứ đóng tại tỉnh lỵ Vĩnh Long cho tới chừng nào họ dẹp yên giặc giã ở mấy tỉnh trên rồi họ sẽ rút về.
2) Phải nhường đứt cho nước Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh và Ðịnh Tường.
3) Phải để cho giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha được tự do vào nước Việt Nam giảng đạo và để cho nhơn dân tự do theo đạo.
4) Phải để cho chiến thuyền pháp được tự do vô ra cảng sông Cửu Long. 5) Nước Pháp với Tây Ban Nha được tự do vô ra mấy hải cảng mà buôn bán. 6) Việt Nam không được đem binh khí và thuốc đạn đi qua ba tỉnh đã nhường cho Pháp.
7) Việt Nam muốn giao thiệp với nước nào thì phải cho Chánh phủ Pháp biết và nếu muốn nhường đất cho nước nào cũng phải tuỳ ý nước Pháp ưng thuận cho mới được.
8) Việt Nam phải chịu tiền binh phí 4 triệu đồng bạc phân trả 10 năm mỗi năm 40 muôn đồng.
Tờ hòa ước lập ngày mùng 9 tháng 5 năm 1862 gồm, cả thảy 12 điều chỉ lược biên mấy điều quan hệ ra đây mà thôi. Tờ ấy Thiếu tướng Bonard ký với hai sứ của ta là Phan Thanh Giản với Lâm Duy Hiệp.
Triều đình ta không vừa lòng về sự mất 3 tỉnh nhưng không ai dâng kế đánh mà đòi lại bày cho một phái bộ đi sứ qua Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh mất.
Năm Tự Đức thứ 16 là năm 1863. Hải quân Thiếu tướng de la Grandière qua thay thế cho Thiếu tướng Bonard với sứ mạng giữ vững tỉnh đã lấy, rồi thừa cơ hội mở rộng thêm nữa để làm thuộc địa.
Thế mà tháng 6 năm đó, tri ều đình còn gởi một sứ bộ đi sứ qua Pháp xin chuộc lại ba tỉnh mất. Phái bộ ấy gồm có:
- Phan Thanh Giản, Hiệp Biện Đại học sĩ, chánh sứ.
- Phạm Phú Thứ, Tá Tham tri Lại bộ.
- Nguyễn Khắc Ðản, Án Sát xứ Quảng Nam.
Triều đình lấy nhu nhược ôn hòa mà đối phó với xâm lăng cương quyết, làm cho nhơn dân đất Ðồng Nai kẻ ngẩn ngơ người bực tức. Bởi vậy từ ngày thất Ðại đồn, bực hữu trách rút về tri ều đặng mão cao áo rộng mà kháng chiến trước cung điện, chớ không cầm thương lên ngựa mà sông lướt ngoài sa trường nữa thì lòng dân trong Nam xao xiển 1 cứ hỏi nhau: „Phải làm sao?"
Pháp chiếm được mấy tỉnh rồi, thì một mặt họ lo dùng võ lực mà gìn giữ đất đai, còn một mặt thì lo khuyến dụ sĩ phu ra hiệp tác đặng tổ chức cuộc cai trị. Thiệt đời hồi đó những tư tưởng đại đồng chưa gieo rắc trong dân gian, người có học thức khư khư ôm áo chủ nghĩa quốc gia, ai cũng thương giống nòi mến đất nước. Vì vậy nên lời khuyến dụ của Pháp không có hiệu quả tốt đẹp. Những người ra phe giúp với nhà cầm quyền Pháp đó thuộc hạng người thiếu học, không có lương tâm không biết Tổ quốc. Họ là cặn bã, chớ không phải tinh hoa của đất nước. Họ tính thừa thời thế để lên mặt lên mày, để trèo lên địa vị cao sang, là chỗ lúc bình thường họ chẳng hề dám mong mỏi.
Trong hàng học thức chỉ có Tôn Thọ Tường ra đầu giặc. Quân Pháp hết sức quí trọng, ban cho chức Tri phủ, rồi thăng lên Ðốc phủ để làm mồi mà dụ sĩ phu. Chẳng dè Tôn Thọ Tường bị hàng học thức như mấy cụ Cử Trị, Thủ Khoa Nghĩa, Huỳnh Mẫn Ðạt khinh bỉ quá, làm cho
hổ thẹn phải lân la chùa Cây Mai đặng sống theo thú phong lưu, không giúp ai mà cũng không hại ai, để cho bọn thiếu học tranh giành mặc tình phế cựu nghinh tân mà lãnh được quyền và đựng sự nghiệp.
Hàng sĩ phu không nỡ xu hướng thời thế mà làm như bọn thất học vậy được, nên người nóng nảy thì ẩn núp theo xóm theo làng kêu gọi đồng bào đứng dậy mà gìn giữ non sông. Còn người già yếu thì tản mác hoặc rút xuống mấy tỉnh phía Hậu Giang mà chờ xem thời cuộc biến chuyển hoặc bỏ cả nhà cửa ruộng vườn đem gia quyến ra Bình Thuận, Khánh Hòa mà cư ngụ, không muốn gần gũi với kẻ thù, không chịu làm tôi người ngoại quốc.
Dân đàm xôn xao như vậy nên nước Pháp tuy lấy được ba tỉnh và đặt binh lính chiếm giữ mấy chỗ địa đầu, song tình hình trong vùng vẫn cứ rối beng, không làm sao đem an ninh lại được mà tổ chức hành chánh.
Cụ Nguyễn Trung Trực luôn luôn làm náo động vùng Nhựt Tảo, Bến Lức. Cụ Thủ Khoa Huân chiêu tập nghĩa binh khuấy rối vùng Bình Cách, Bến Tranh. Cụ Trương Công Ðịnh hùng cứ vùng Gò Công. Cụ Thiên Hộ Dương hùng cứ vùng Tháp Mười.
Binh Pháp không biết địa thế, lại không hiểu phong tục và thổ âm, nên khó mà đánh dẹp hoặc ruồng bắt cho được. Họ phải cậy những tay vì danh vì lợi ra đầu thú đặng lãnh chức lãnh quyền giúp sức đem đường chỉ nẻo cho họ trừ loạn đặt an. Bọn nầy đua nhau lập công đặng hưởng vị cao quyền trọng. Chúng dựa hơi mà hống hách, chém giết người vô tội mà thị oai, tra khảo nhà phú hào đặng ăn hối lộ. Chúng làm nhiều việc tàn ác không thể kể xiết.
Nhơn dân trong lúc ấy khốn khổ đủ mọi bề, nghịch cũng chết mà thuận cũng không còn, vậy thì thà nghịch cho tròn nợ với non sông, hơn là sống mà mang ách nô lệ chịu cho chúng vày bừa bóc lột.
--------------------------------
1xao xuyến: không an tâm
II
Trót ba bốn bữa rồi cả một vùng tỉnh Định Tường, nằm tị giáp với Mỹ Tho và Tân An bấy giờ, cửa nhà tan hoang, vườn ruộng xơ xác, chẳng khác nào như mới chịu một trận cuồng phong mãnh liệt.
Ấy là vì đạo binh nghĩa dõng của cụ Thủ Khoa Huân kể số gần 300, đóng tại Bình Cách tình cờ hay một toán binh Tây chừng 50 người, có năm bảy người Việt làm hướng đạo, đi tuần tiễu trong vùng đặng kiếm bắt cụ Thủ Khoa là lãnh đạo có nhiều uy tín của nghĩa binh kháng chiến.
Binh ta chỉ có vài cây súng còn bao nhiêu thì cầm mác thông 1 hoặc rựa ngoéo(#2), hoặc chỉa nhọn, hoặc tầm vông, nhưng được lịnh phân nhau phục kích, đợi giặc vào vòng vây thì xông ra đâm chém quyết lấy khí hùng mà đương đầu với súng đạn.
Toán binh giặc vô xóm Bình Cách rồi thì cụ Thủ Khoa Huân, chỉ huy nghĩa dũng… Cụ dạy đánh mỏ ra hiệu lịnh. Binh ta mai phục tứ phía liền xông ra sáp chiến. Một trận ác liệt diễn ra trong xóm, tiếng súng lụp bụp lẫn lộn với tiếng hét vang vầy. Giặc bị tấn công thình lình tự nhiên tán loạn tinh thần, hết kể hàng ngũ. Nghĩa binh thừa thế mới xung phong đâm chém, làm cho bên địch phần nhiều phải lo đỡ gạt, hoặc phải tránh mũi thương, không bắn súng được lại còn phải rã từ tốp.
Binh ta thiếu súng, nhưng được số đông, lại có cụ Thủ Khoa đích thân chỉ huy, cụ nêu gương dũng cảm cho chiến sĩ soi chung, cụ nâng cao tinh thần cho nghĩa binh, bởi vậy ai cũng hăng hái tranh hùng, không sợ súng đạn.
Rủi thay, giữa lúc hỗn chiến, một viên đạn vô tình trúng bắp vế cụ Thủ Khoa. Cụ té quị. Một tốp địch quân tiến tới, biết cụ là tướng soái nên bắt chớ không giết. Một tốp nghĩa binh ào tới quyết cứu cụ, nhưng bị súng bắn nà quá, tiến không nổi mà lại còn phải thối.
Thấy chủ soái bị bắt, nghĩa binh mất tinh thần, giảm hăng hái bởi vậy mặc dầu hai Ðốc binh Thành với Thuận, thay thế chỉ huy, hò hét om sồm, nghĩa binh cũng rút lui ra khỏi xóm, rồi tốp chạy qua Tầm Vu, tốp núp vườn đổ qua phía Bến Tranh.
Trời sắp tối. Binh Tây không biết địa thế sợ binh ta phục kích nên không dám tiến theo. Hơn nữa, chúng bắt được tướng chỉ huy, tuy không hiểu là ai, song cũng thõa mãn, bởi vậy chúng lo gom binh của chúng bị thương kể đến mười mấy người rồi hè hụi(#3) khiêng cõng ra về, chúng cũng cõng luôn cụ Thủ Khoa Huân đi nữa
Ðêm ấy, mấy người già với đàn bà trong xóm Bình Cách thấy đã rút đi xa rồi, họ mới đốt đèn đốt đuốc rảo khắp xóm tìm nghĩa binh của ta bị thương, gặp một người bị đạn trúng đầu nằm chết với 6 người bị thương thì lấy võng khiêng hết qua Tầm Vu rồi dùng ghe chở xuống phía vàm Miễu Ông mà chôn người tử trận và kiến thuốc cúu cấp mấy người bị thương.
Người ta biết thế nào giặc cũng đem nhiều binh trở lại khủng bố vùng Bình Cách bởi vậy những người trai tráng ở Tầm Vu, Bình Cách và Kỳ Son thừa đêm tối rút qua phía Ngươn Long mà ẩn núp, còn những người ở Bến Tranh,Tân Hiệp,Tân Hương và Khánh Hậu thì tản mác trên Ðồng Tháp Mười.
Qua ngày sau cả vùng ấy chỉ là hạng già cả với đàn bà con nít ở nhà mà thôi. Thiệt quả người ta đoán không sai. Cách hai bữa sau có đến mấy trăm binh Tây phân ra
thành từng tốp, mỗi tốp chừng 50 lính với ít người Việt dẫn đường đi ruồng các xóm trong vùng.
Tốp lính vào làng Bình Cách, phần nhiều là người Việt, đặt dưới quyền chỉ huy của một quan Tây, tìm không có người trai tráng, bèn bắt hết ông già với đàn bà mà đánh khảo mà hỏi con cháu, hoặc anh em, hoặc chồng trốn ở đâu phải chỉ, bằng không thì đánh chết. Người khai không biết đi đâu thì bị đánh khảo, mà người khai không có chồng cũng bị đánh. Cách tra khảo hết sức ác nghiệt làm cho nhiều người mang bịnh ít lắm là sưng mặt hoặc bầm lưng, có người đến gãy răng, hoặc lòi con mắt, lại còn có chị đàn bà bị thai nghén, bị đánh đến sảo thai.
Người thì chịu đòn, nhà thì bị đốt, đến chiều làng Bình Cách là những đống tro nằm nóng hổi trước mặt kẻ già cả hoặc ngưòi đàn bà ngồi khóc sự sản tiêu tan, khóc thân thể đau đớn, có người lại khóc không biết chồng hay con, hay em co trốn khỏi hay không, sợ sa vào tay tốp khác mà bị chúng hành hình bằng lưỡi lê hoặc súng đạn.
Mấy làng mấy xóm khác cũng bị ruồng xét như ở đây, nhưng ít có người bị bắt hoặc bị đòn, còn nhà cửa thì khỏi bị đốt. Tuy vậy mà lương dân phải chịu nỗi khổ khác. Xét không gặp trai tráng nào hết mà nếu nhà cửa rộng lớn có đồ đạc nhiều, người ta biết chủ nhà có cơm tiền, thì lúc xét hễ gặp thứ gì quí giá người ta lấy hết, rồi còn phao vu chủ nhà có con cháu theo đoàn nghĩa binh, đặng hăm bắt bỏ tù cho người ta sợ mới lòi bạc ra mà lo lót.
Ðời nào cũng vậy, hễ có chiến tranh thì tự nhiên lương dân phải chịu những tai họa đó, không làm sao tránh khỏi. Ðã biết người cầm binh phần nhiều là người có học thức, biết phân biệt dữ lành, rất đỗi là địch thủ đã xuống ngựa người ta còn không nỡ chém thay, có lẽ nào người ta đành sát hại ông già hoặc đàn bà vô tội. Ngặt tướng sĩ không phải hết thảy đều là Phật tử, thường chen lộn một đám tiểu nhân thừa nước đục mà thả câu, vì vậy nên gieo rắc thêm oán thù.
Trong làng Tịnh Giang, gần chợ Bến Tranh, buổi trưa đó ông Nhiêu Võ Minh Giám, đương ngồi trong trại, cất một bên nhà mà dạy hơn vài mươi trẻ nhỏ trong làng học chữ nho. Một lát bà Nhiêu ở trong nhà ra cho ông hay binh lính Tây đến xét nhà ở đầu xóm.
Ông Nhiêu bình tỉnh mà nói:
- Bà nó đừng sợ gì hết. Biểu vợ thằng Ðạt với con Trâm cũng vậy. Họ xét thì xét có sao đâu mà sợ. Dặn hai đứa nó cứ làm việc trong nhà như thường. Họ tới đừng chộn rộn họ nghi.
- Hai đứa nó sợ muốn chạy ra vườn mà trốn.
- Biểu nó cứ ở nhà, đừng chạy đi đâu hết. Hôm qua tôi dặn lấy áo quần và đồ gì của thằng Ðạt đem giấu cho xa; nó làm rồi hay chưa?
- Rồi. Trưa hôm qua vợ nó gói hết rồi đem chôn ngoài gò mả.
- Vậy thì xong. Nếu người ta có hỏi thì nói hết mùa gặt lúa rồi thằng Ðạt xuống ghe ra ở ngoài chợ Mỹ đặng câu và lưới kiếm cá mà bán. Từ hôm tháng giêng tới nay nó ở ngoài chợ Mỹ, không có về đây. Còn nếu người ta không hỏi thì thôi.
Bà Nhiêu xây lưng đi vô nhà, trong lòng hồi hộp không an.
Một lát có một tốp lính đi ngoài rào của ông Nhiêu đông chừng ba chục người, mà chỉ có vài người Việt, còn bao nhiêu toàn là người Tây. Một viên quan Tây râu ria xồm xàm đi trước, còn lính đi theo sau, còn bao nhiêu toàn là người Tây đi vô sân ông Nhiêu. Lính cũng đi
theo.
Cũng như thường lệ, ông Nhiêu Giám mặc áo màu đen mang cặp mắt kiếng, ông ngó thấy thì bước ra sân. Viên quan Tây ngó vô trại thấy sắp con nít ngồi thì cười. Và day lại nói ít tiếng với binh lính, rồi lính rã ra mà chơi, còn viên quan Tây đi thẳng vô trại chỗ học trò ngồi học, chỉ mà nói và cười, ông Nhiêu lắc đầu nói không hiểu.
Viên quan Tây vô trường. Học trò đều đứng dậy, viên quan Tây đưa tay biểu ngồi xuống hết, rồi bước lại lấy cây viết cầm mà coi, sau đó lấy tập vở mà lật mà coi nữa. Viên quan Tây nói ít tiếng với ông Nhiêu rồi trở ra sân.
Ông Nhiêu đứng ngoài cửa, lột cặp mắt kiếng cầm trong tay mà ngó theo. Ðám học trò chen lấn nhau ra cửa trường mà dòm.
Bà Nhiêu hơ hải ra đứng dựa bên ông mà nói:
- Trời ơi Tây đó râu ria tới mép tai, thấy ghê quá!
- Tuy vậy mà coi bộ hiền.
- Vậy mà từ hôm qua họ đồn Tây đốt nhà, bắt đánh ông già đến lòi con mắt, đánh đàn bà chửa đến sảo thai. Còn con nít họ bỏ vô cối giã gạo họ quết.
- Không biết chừng cũng có, chớ nếu không có làm sao họ đồn được. Nhưng binh lính tử tế hay là tàn bạo đều tại người cầm đầu. Nếu người cầm đầu đàng hoàng thì ở dưới đâu dám làm bậy. Còn người cầm đầu không biết thương dân không kể nhơn đạo, thì tự nhiên ở dưới gặp người thì giết, thấy của thì giựt, chớ có gì đâu. Xóm mình có phước nên gặp tốp nầy tử tế nên lính không đánh đập, không cướp giựt ấy là may.
- Thôi họ ruồng xét xóm mình rồi. Hết lo nữa.
- Không biết chừng còn tốp khác nữa.
Bà Nhiêu nghe còn tốp khác thì lơ lửng. Bà trở vô nhà, mặt có vẻ lo.
--------------------------------
1mác có cán dài
2rựa có lưỡi cong
3rán sức, cố sức
III
Ông Nhiêu Võ Minh Giám, không phải trong hàng khoa mục xuất thân, song ông học nhiều, có kiến thức rộng, lại là nhà nho chơn chánh bởi vậy quốc gia hữu sự, cụ Thủ Khoa Huân thường tới lui bàn luận thời cuộc với ông. Ðàm luận nhiều lần, hai người cảm thấy hiệp ý đồng tình với nhau, hiệp đồng về chỗ tri ều đình không có nhơn tài để gìn giữ non sông, vậy con dân của đất nước phải tự tiện mà chống với quân xâm lăng cho thoát khỏi ách nô lệ của ngoại quốc. Vì vậy nên hai người kết bạn thân mật với nhau đặng lập kế định mưu để an dân phục quốc.
Năm nay ông Nhiêu Giám đã 60 tuổi rồi. Ông không còn đủ sức khỏe mà hoạt động như cụ Thủ Khoa Huân được, nhưng ông dạy học đã gần 30 năm nay, bởi vậy hạng trai tráng trong vùng từ Bình Cách qua Tân Hiệp phần nhiều là môn đệ của ông, hễ ông nói thì người ta nghe nên ông lãnh phần vận động mà qui tập nghĩa binh, để giúp cho cụ Thủ Khoa sử dụng.
Ông Nhiêu Giám có bà vợ tuy cũng già như ông song bà giỏi về việc làm ruộng lập vườn, nên cùng với con bà lo bề sinh nhai, kiếm cơm gạo bạc tiền mà cung cấp cho gia đình, nhờ vậy nên ông Nhiêu được thông thả lấy trường học làm tấm bình phong mà che đậy việc lớn của ông lo làm với cụ Thủ Khoa để an dân cứu quốc.
Vợ chồng ông Nhiêu chỉ có hai đứa con. Ðứa lớn là con trai, tên Võ Minh Ðạt được 30 tuổi, đã có vợ và có được một đứa con trai 6 tuổi.
Ðứa con nhỏ là con gái, tên Võ Thị Trâm 22 tuổi, vợ chồng ông đã hứa gã cho Ðỗ Chí Linh, một võ sĩ có danh ở Khánh Hậu. Võ Minh Ðạt và Ðỗ Chí Linh đều ở trong đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa Huân.
Hôm đó sau trận Bình Cách rồi Võ Minh Ðạt thối về Tỉnh Giang. Tối một lát chàng về tới nhà hối vợ nấu cho một nồi cơm. Chàng thuật cho cha nghe công cuộc phục kích tại Bình Cách. Chàng nói rằng bên ta có bị thương nhưng bên địch bị kích tình cờ nên bị tổn thất nặng hơn nhiều.
Ngặt cụ Thủ Khoa bị đạn nên bị giặc bắt, binh ta rán hết sức, nhưng không cứu được cụ.
Ông Nhiêu nghe nói cụ Thủ Khoa bị đạn, lại bị giặc bắt, thì ông biến sắc bủn rủn tay chơn, ông than: „Ðại sự hư rồi. Còn gì mà kể!".
Ông ngồi trầm ngâm mồt hồi rồi ông hỏi con:
- Ðốc Thành với Ðốc Thuận có dự chiến hay không?
- Thưa có. Khi cụ Thủ Khoa bị thương té quị thì hai ông đô đốc binh xông vào giải cứu. Giặc bắn nà quá, binh ta bị thương hết mấy người, chánh tại lúc ấy rán hết sức mà tiến không nổi nên cứu không được cụ Thủ Khoa.
- Hai vị Ðốc binh đó có bị thương hay không?
- Thưa không. Nhưng thấy giặc bắt cụ Thủ Khoa rồi hai ông mất tinh thần chiến đấu nên hô lớn biểu binh ta rút lui và tản mác.
- Còn Ðỗ Chí Linh? Có nó tham chiến hay không?
- Thưa có, nhưng nó chỉ huy một toán binh mai phục phía trước, con phục phía sau, nên con
không gặp nó được.
- Không biết nó có bị thương hay không?
- Con không biết được, vì hỗn chiến mạnh ai nấy đâm chém làm cho binh địch tán loạn rồi phân từng tốp đánh khắp trong xóm, không ai thấy ai được.
- Thôi, xuống dưới coi cơm chín thì ăn đi.
Ðạt đi xuống nhà dưới nói chuyện với mẹ, đợi vợ với em nấu cơm.
Ông Nhiêu lên võng mà nằm, gát tay lên trán, chơn đạp đất cho võng đưa cọt kẹt. Ông ngó ngọn đèn leo lét mà suy nghĩ cuộc chiến đấu ông vừa mới nghe tin.
Trận Bình Cách binh ta không thất. Nhưng chánh tướng bị giặc bắt, đó là một tai hại rất to. Chúng sẽ bắn cụ Thủ Khoa hay là cầm tù? Dầu bị cầm tù, sợ đoàn nghĩa binh cũng phải tan rã, vì không co người thay thế cho cụ được, Ðốc Thành với Ðốc Thuận không đủ tài lược mà chỉ huy, lại không đủ uy tín cho tướng sĩ tùng phục. Vậy thì ai? ai có thể thay thế cho cụ Thủ Khoa?
Có một câu hỏi đó mà ông Nhiêu nằm suy nghĩ gần hết canh hai ông cũng không tìm câu trả lời được.
Thấy Ðạt ăn cơm rồi đi lên nhà trên, ông bèn kêu lại, biểu ngồi chồm hổm dựa cái võng rồi ông nói: „đã có đụng độ dữ tợn như vậy cha chắc Tây sẽ gởi binh đội sang đây đông để xuống xét cái vùng mà kiếm bắt những người trai tráng họ nghi có tham gia cuộc phục kích đó. Tốt hơn là các thanh niên cường tráng ở miệt nầy đều phải tản mác đi xa mà ẩn núp trong một thời gian.
Người miệt dưới thì tản xuống phía Nhà Dài, Ngươn Long, còn người miệt trên thì tản vô Ðồng Tháp Mười, phải đi cho gấp mới khỏi bị bắt. Thế nào mai mốt binh lính bên Mỹ Tho cũng sẽ qua vùng nầy mà tổ chức cuộc khủng bố rần rộ. Nghĩa binh đã rã rồi, chánh tướng lại bị bắt, còn ai đâu mà chống cự.
Ðạt cười mà nói:
- Ðã đi kiếm chỗ xa xuôi kín đáo mà ẩn núp cho khỏi bị Tây bắt, có lẽ ai cũng tính rồi hết. Còn sự chống cự thì con chắc không có ai nghĩ tới.
- Nếu không nghĩ tới thì là mất hết tinh thần kháng chiến rồi!
- Cụ Thủ Khoa ngã thì tướng sĩ đều bủn rủn hết.
- Cha biết như vậy nên cha lo cho số phận của cụ quá! Không biết giặt bắt đây rồi nó giết cụ hay không? Phải có người đầy đủ lược thao và trí thức như cụ cầm đầu thì mới xong cuộc kháng chiến thành công, chớ hạng võ phu dầu nhiệt tâm cho mấy đi nữa thì, mà vì thiếu học, thiếu trí, thì cử đồ đại sự làm sao mà nên cho được. Cha đang tính kiếm người đi ra Mỹ Tho dọ nghe tin tức coi giặc nó xử cụ Thụ Khoa cách nào.
- Cha muốn con đi hay không?
- Sợ ra chợ Mỹ con đi láng cháng 1 họ nghi rồi họ bắt con nữa.
- Con đi thì con phải thủ thế, dại gì mà để cho họ nghi.
- Con khôn con tính làm sao đâu con nói cho cha nghe thử coi.
- Nếu cha cho con đi, thì con lấy chiếc ghe lườn nhỏ của mình, con đem theo một đường câu với tay lưới, con giả dạng người đánh cá con chèo con đi. Ra tới Mỹ con giăng câu lưới cá, hẳn hòi, hễ được cá thì con đem lại chợ mà bán. Con ở đó con làm quen với người ta rồi con lập thế mà dựa dẩm 2 đặng nghe tin tức cụ Thủ Khoa. Làm như vậy thì có cớ gì mà họ nghi con được.
Ông Nhiêu suy nghĩ một chút rồi ông nói:
- Ðược, con tính làm như vầy thì được. Bề nào con cũng phải bỏ nhà đi ẩn núp trong một thời gian. Thà ra ở tại chợ Mỹ ẩn núp còn yên ổn hơn là ở chỗ khác. Nếu người ta có ruồng xét thì ruồng xét miệt Bình Cách, miệt Bến Tranh với mấy giồng như Trấn Ðịnh, Cánh Én, chớ ruồng xét lại tỉnh lỵ có quan quân đông đủ làm chi. Con chịu đi thì phải đi liền trong đêm nay đặng khuya ra cho tới chợ Mỹ nếu trì hoãn sợ sáng mai họ bố 3 liền con thoát thân hết được.
Ðạt đứng dậy nói:
- Canh hai rồi. Vậy con phải sửa soạn mà đi liền.
Ðạt kêu vợ biểu xúc cho một quảu 4 gạo đem xuống ghe với lò củi, nồi ơ, chén đũa, sửa soạn đủ đồ cho chàng đi ẩn mặt ít bữa. Còn phận chàng thì chàng soạn một đường câu, một tay lưới với quần áo chèo sào đem xuống ghe. Qua canh ba sắp đặt xong rồi, Ðạt mới từ biệt cha mẹ, vợ con xuống ghe gay chèo 5 mà ra chợ Mỹ Tho.
Võ Minh Ðạt đi rồi, ông Nhiêu Giám ở nhà ông vẫn bình tĩnh như thường. Ban ngày học trò tụ lại học, thì ngồi dạy như không hay biết việc chi hết. Bữa sau ăn cơm chiều rồi, ông nhắc ghế để ngoài sân ngồi hóng mát. Ông cứ ngồi ngó mông, không nói tới ai hết.
Ông ngồi đến chiều sụp tối ông mới chịu vô nhà và leo lên võng nằm đưa tòn ten. Thị Trâm là con gái của ông, đốt đèn để trên bàn rồi sửa soạn đóng cửa. Ông dặn đừng đóng cửa giữa để cho ông ra vô hóng mát.
Ðêm nay trong nhà không có việc chi phải làm nên bà Nhiêu với dâu, con và cháu nội vô buồn ngủ sớm.
Trong nhà chỉ nghe tiếng võng của ông Nhiêu nằm đưa nên kêu trẹo trẹo mà thôi. Một lát lại nghe tiếng chó sủa trong xóm.
Ðến nửa canh một, giữa lúc trong ngoài im lìm, ông Nhiêu lại nghe có tiếng đất dường như có ai đi vô sân.
Ông đứng chờ coi ai đến cho tin tức gì đây.
Té ra chừng hai người vô cửa, nhờ có ánh đèn dọi sáng nên ông thấy Ðỗ Chí Linh là võ sĩ ông đã hứa gả con, đi với tên Hựu, một nghĩa binh gốc ở Khánh Hậu, ở một làng với Linh.
Ông Nhiêu sợ có tin chẳng lành nên ông vội vã hỏi:
- Có việc chi hay sao nà hai con qua đây chừng nầy?
Chí Linh nói:
- Thưa con về cho cha hay cuộc hỗn chiến tại Bình Cách hôm qua và hỏi coi anh Ðạt có thoát khỏi mà về hay không.
Ông Nhiêu nói:
- Thằng Ðạt về tới nhà hồi tối hôm qua. Nó đã thuật chuyện cho cha nghe rõ rồi. - Cụ Thủ Khoa bị trúng đạn nên bị giặc bắt rồi cha à.
- Cha hay bởi vậy hồi khuya cha biểu thằng Ðạt giả dạng người câu cá, chèo ghe lườn ra ở chợ Mỹ ít bữa, trước ẩn mặt cho khỏi bị xét bắt sau lóng nghe tin tức của cụ Thủ Khoa. Hai con đói bụng hay không? Nói cho cha biết đặng kêu trẻ dậy nấu cơm cho mà ăn.
- Hai anh em con có ăn hồi chiều rồi. Cha khỏi lo. Số là hôm qua con được lịnh dắt một trung đội mai phục phía trước, bởi vậy trong lúc hỗn chiến con không gặp anh hai, ảnh ở đâu phía sau.
- Ừ, nó cũng nói như con vậy, hai đứa ở hai hướng nên cha hỏi thăm con thì nó nói nó không biết tin tức gì hết.
- Chừng cụ Thủ Khoa bị thương con cũng không hay. Khi được lịnh lui binh đặng tản mác thì tụi con rút xuống phía Tầm Vu. Tối lại có mấy ông già Bình Cách võng thương binh của mình đem xuống. Con phải kiếm ghe và mượn người chở binh đưa qua vùng Miễu Ông rồi con lần trở về nhà. Té ra vừa ra khỏi Tân An thì trời sáng, con không dám đi nửa, phải ghé vườn của họ xin cho ẩn núp. Họ có cho ăn cơm no đủ. Ngày nay con ở đó đợi tối khuất mình rồi con mới vô đây, trước cho cha hay tin, sau hỏi thăm anh Hai.
- Bây giờ con phải tính đi kiếm chỗ ẩn núp chớ ở đây sao được .
- Thưa phải, ai cũng phải bước tránh một lúc, chớ bên địch có chết và bị thương chộn bộn thế nào cũng xét bắt dữ lắm. Con tính ghé thăm cha một lúc rồi con đi luôn vô Cổ Chi, chớ không dám về Khánh Hậu.
- Tính như vậy phải a. Ở Cổ Chi có động thì thối vô Ðồng Tháp Mười tiện lắm. Con có nghe Ðốc Thành và Ðốc Thuận đi đâu hay không?
- Thưa không nghe.
- Nếu con có gặp thì con nói cha khuyên hai người đó thì ẩn mặt một lúc, đợi êm rồi sẽ về đây bàn công chuyên với cha. Cha ở nhà rán dọ tin cụ Thủ Khoa. Chừng hai người đó về cha sẽ nói cho mà biết.
- Chừng nửa tháng con sẽ lén về thăm cha và nghe tin tức. Thôi, con xin phép cha cho con đi.
- Ừ thôi hai anh em đi cho sớm.
Ông Nhiêu đưa Linh với Hựu ra sân. Chừng hai người muốn cáo biệt thì ông dặn:
- Trong cuộc chiến đấu thắng hay bại là lẽ thường. Làm trai phải kiên tâm trì chí, chẳng nên chán nản. Trận Bình Cách binh ta thắng chớ không phải bại. Nếu chánh tướng của ta vì trúng đạn nên bị giặc bắt đó là rủi ro chớ không phải dở. Cha tin chắc giặc sẽ dụ cụ Thủ Khoa hàng đầu chớ không nỡ giết cụ đâu, Mà giết hay tha do thái độ của tướng sĩ. Vậy
chúng ta nên im lặng coi thái độ bên địch thế nào rồi ta mới quyết định. Linh với Hựu từ biệt ra đi giữa đêm im lìm tĩnh mịch.
Ông Nhiêu trở vô nhà mới chịu gài cửa tắt đèn. Nhưng ông còn nằm trên võng mà lo cả canh rồi mới đi ngủ.
Tối bữa sau nữa ông mới hay Bình Cách bị khủng bố, nhà cửa hóa ra tro, lương dân bị tra khảo, trong lòng ông đau khổ và bực tức cực điểm, nhưng nhờ quen tánh trầm tỉnh nên bề ngoài ông vẫn tỉnh táo mà dạy sắp nhỏ học như thường có điều ông dạy ở đây mà cứ nghĩ viêc gì ở đâu, nghĩ coi cụ Thủ Khoa sẽ còn mất lẽ nào, nghĩ coi phải dùng mưu gì mà đánh
đuổi quân xâm lăng đặng cứu dân phục quốc.
Qua bữa sau nữa, quân Tây mới đến Tịnh Giang và ghé xem ông Nhiêu dạy học, làm cho bà Nhiêu với dâu con bà lo sợ hết sức, mà ông Nhiêu cũng vẫn bình tĩnh không lo không sợ chút nào.
--------------------------------
1xớ rớ, vởn vơ
2dò dẫm
3lùng bắt
4thúng nhỏ
5cột quai chèo vào cột chèo
IV
Lần lần cả vùng từ Bình Cách qua Bến Tranh cũng như từ Bến Tranh qua Trấn Ðịnh, sự an tịnh đã trở lại, không nghe quân lính ở Mỹ Tho đi ruồng xét chỗ nào nữa. Ban đêm kẻ trai tráng đã lén về thăm nhà, có người về rồi ở luôn không thèm trốn tránh.
Thế mà Võ Minh Ðạt giả dạng người chài lưới chèo ghe qua chợ Mỹ đặng dọ hỏi tin tức cụ Thủ Khoa Huân, chàng đi đã gần 10 bữa rồi mà chưa thấy trở về.
Mấy bữa sau vợ chồng Ông Nhiêu Giám có ý trông con, nằm ngồi không yên, nhứt là Thị Ðậu trông chồng, sợ chồng ra Mỹ bị bắt, bởi vậy hễ nước lớn gần đầy, thị ra mé rạch mà dòm chừng.
Một buổi chiều Thị Ðậu thỏ thẻ xin với mẹ cho phép nàng lấy xuồng bơi ra chợ Mỹ mà kiếm Ðạt, Thị Trâm nghe chị dâu xin đi, cô đòi đi với chị đặng kiếm anh.
Bà Nhiêu đem chuyện ấy học lại với ông Nhiêu và hỏi ông có nên cho dâu với con đi hay không? Ông Nhiêu nghĩ đàn ông con trai không dám chường mặt, nên hổm nay ông muốn cậy người đi kiếm giùm con ông mà chưa biết cậy ai. Nay dâu con xin đi, ông chắc đàn bà con gái người ta không cần tra xét nên ông chịu cho đi, song dặn phải đốn vài buồng chuối đã chín với vài quày dừa bỏ theo xuồng giả như người ở vườn đi chợ bán chút đỉnh đồ vườn đặng mua dầu mỡ về mà dùng.
Thị Ðậu với Thị Trâm nghe cha chịu cho đi thì ra sau vườn kiếm đốn được ba buồng chuối đã chín bói 1 với một quày dừa xiêm 2. Ðến khuya hai nàng dậy nấu cơm ăn sớm. Thị Ðậu dặn con ở nhà chơi với bà nội rồi cùng với Thị Trâm đem dừa chuối xuống xuồng và mỗi người một cây giầm bơi đi ra chợ Mỹ.
Trời còn khuya. Hai bên vườn rận rạp. Quang cảnh vắng teo lại lờ mờ. Em ngồi trước chị ngồi sau, bơi xuồng mà đi, trong lòng lo sợ nên không dám nói chuyện.
Trời hừng đông thì hai chị em ra tới bến chợ, buộc xuồng dựa mé sông, ngồi nghỉ tay. Trên bờ người ta bắt đầu kẻ bưng người gánh đồ ra chợ mà bán. Chị em không muốn đưa dừa chuối lên chợ ngồi bán, tính để dưới xuồng đặng bơi đi kiếm Ðạt mà người ta không nghi, tưởng mình đi bán đồ trong vườn.
Sáng bét rồi, chợ đã nhóm đông. Thi Ðậu biểu em mở dây đặng bơi đi khắp bến chợ từ trong ra ngoài coi có chiếc ghe lườn của Ðạt chở tôm cá lại chợ bán hay không. Ði giáp mặt chợ có ghe với xuồng của thiên hạ đậu nhiều, nhưng không thấy chiếc ghe lườn của Ðạt.
Thị Trâm mới biểu chị dâu ngồi xuống coi chừng đồ, để nàng lên bờ đi rảo trong chợ mà kiếm anh. Nàng đi rất lâu rồi trở xuống nói nàng đi tới hai vòng, đi cùng hết, lại chỗ bán tôm cá nàng đứng thiệt lâu, đi qua rồi trở lại đến ba lần mà cũng không thấy Ðạt.
Thị Ðậu biểu Trâm coi chừng xuồng. Nàng đi lên kiếm chồng nữa. Nàng đi cho tới chừng chợ gần tan, người mua đồ đã về hết phân nửa, nàng mới trở lại chỗ xuồng đậu, mặt mày buồn hiu. Nàng lắc đầu nói nhỏ với Thị Trâm:
- Kiếm hết sức mà không gặp. Tôi sợ ảnh bị bắt rồi cô à.
Thị Trâm châu mày suy nghĩ rồi nói:
- Thôi, chị xuống xuồng bơi đi kiếm chiếc ghe lườn nữa coi. Hồi sớm mơi mình kiếm lẩn
quẩn theo bến chợ nên không gặp. Bây giờ mình chịu khó bơi tuốt ra mé vàm, dòm luôn mé sông cái thử coi.
Thị Ðậu vừa kéo xuồng mà bước xuống, vừa nói:
- Bậy quá, chớ chi hồi khuya đem gạo theo đặng kiếm chỗ nấu cơm ăn, rồi ở tới chiều mà kiếm. Không biết chừng con nước nầy ảnh mắc đi câu. Mình chờ hết con nước chiều có lẽ ảnh phải về chợ chớ.
Thị Trâm nói:
- Nếu bữa nay không gặp thì mai mốt mình xin phép cha mà đi nữa. Kiếm riết phải gặp chớ gì.
Hai chị em bơi xuồng đi ra phía ngoài vàm, bơi chậm chậm để nhìn hai bên mé sông. Hồi đó tại tỉnh lỵ Mỹ Tho dân cư chưa đông lắm, bởi vậy trên bờ nhà cửa thưa thớt, dưới sông ghe đậu lai rai. Khi ra gần tới vàm thì Thị Trâm thấy bên mé tay trái người ta có làm giàn và trên giàn có căng chài lưới mà phơi. Nàng đưa tay ra vừa chỉ vừa nói: „Người ta phơi chài lưới
kìa chị hai, chắc là xóm chài. Chị bơi sát trong mé đằng kiếm coi có ghe lườn của mình hay không"
Thi Ðậu chạy vô sát mé, thấy có hai chiếc ghe lớn đậu cách nhau và khoảng giữa có hai chiếc ghe lườn với một chiếc xuồng. Ngay khoảng đó có giàn phơi lưới và phía trong có mấy cái nhà lá sùm sụp sau hàng cây sua đũa 3 có trái lòng thòng. Có ba đứa nhỏ chạy giỡn chơi xung quanh mấy cây sua đũa cười nói vang rân, lại có con heo nái dắt bầy con đi
ổn ện trong đám cỏ, mũi ủi đất, đuôi ngúc ngoắt.
Chừng xuồng bơi tới khoảng có mấy chiếc ghe nhỏ đậu Thị Trâm đưa tay chỉ một chiếc ghe lườn mà nói:
- Chiếc ghe nầy giống ghe mình quá, chị Hai à. Chị ghé lại đây đặng hỏi thăm coi.
Thi Ðậu cho xuồng cặp một bên chiếc ghe lườn của Thị Trâm chỉ đó. Thị Trâm níu chiếc ghe mà đẩy xuồng vô mé bờ mà nói:
- Phải rồi ghe mình.
Ba đứa nhỏ thấy có xuồng ghe thì tủa ra mé sông mà coi. Thị Trâm bỏ cây dầm trong xuồng bước chưn lên bờ, đưa tay chỉ chiếc ghe lườn mà hỏi một đứa nhỏ:
- Chiếc ghe nầy của ai vậy em? Em biết chủ nhà nó ở đâu hay không? Một đứa con gái lớn tuổi hơn đứa kia liền đưa tay chỉ cái nhà lá phía trong mà nói: - Ghe của chú đó ở trong nhà kia kìa.
Thị Trâm mừng. Nàng xâm đi vô cái nhà đó, Thi Ðậu kiếm thế buộc chiếc xuồng rồi cũng lên bờ.
Thị Trâm bước vô cửa thấy anh, là Minh Ðạt đang ở trần, đương nằm ngủ trên bộ ván nhỏ thì day lại kêu và nói:
- Chị Hai, có anh hai đây nè vô đây chị.
Thi Ðậu mừng nên vừa hỏi "vậy hả" vừa đi riết 4 vô.
Ðạt đương ngủ, nghe hai nàng nói om sòm thì mở mắt ngó ra cửa. Chàng thấy em và vợ thì chưng hửng, nên vừa lồm cồm ngồi dậy vừa hỏi:
- Ủa! Bây đi đâu vậy, sao biết tao ở đây mà ra?
Thị Trâm vừa cười vừa nói:
- Thấy chiếc ghe đậu dựa mé sông mới biết anh ở đây nên lên mà kiếm. Nếu không có chiếc ghe thì kiếm làm sao cho ra. Từ hồi khuya tới giờ, hai chị em tôi thay phiên nhau mà kiếm ngoài chợ, kiếm hết sức không găp nên mới đi bậy ra đây.
Ðạt đứng dây nói:
- Kiếm chi vậy? Ở nhà có chuyện gì hay sao?
Thi Ðậu nói:
- Anh đi mất biệt cả 10 bữa rồi. Cha với mẹ lo sợ nằm ngồi không yên, nên chị em tôi đi kiếm, chớ có chuyện gì đâu.
- Lo sợ giống gì? Tao đi dọ hỏi chuyện đó có nói với cha mà. Cha không nói lại cho mẹ biết hay sao?
- Có chớ. Nhưng anh đi lâu quá, không chịu về cho tin tức chi hết, nên cha mới trông. - Hai chị em lại ngồi đây cho ta hỏi thăm một chút. Họ bố miệt trong dữ lắm phải không?
- Ừ hôm anh đi rồi họ bố cùng hết. Nhưng họ làm dữ phía trong Bình Cách, chớ ở miệt mình thì họ xét nhà chớ không bắt ai. Mà trai tráng đi hết chỉ có ông già với đàn bà con nít ở nhà có làm gì đâu mà bắt.
- Họ có xét nhà mình hay không?
- Có chớ. Cha biết trước nên biểu lấy đồ gì của anh đem giấu hết. Tôi đem ra gò mã xa, tôi đào đất tôi chôn. Mà có hai người vô nhà ngó sơ sịa rồi ra, binh lính ở ngoài sân chớ không có vô.
- Bữa nay êm rồi phải hôn? Linh bên Khánh Hậu có qua hay không?
- Anh đi đêm trước rồi đêm sau dưởng có nói chuyện với cha một lát. Hổm nay không thấy ghé qua nữa. Êm hết rồi. Mấy người trai tráng trong xóm mình đã bắt đầu trở về bộn. Thôi thì anh về chớ còn ở ngoài nầy làm gì nữa?
Ðạt ở lại gần hai nàng mà nói nho nhỏ:
- Qua về chưa được. Hai chị em về thưa với cha rằng, qua ra đây o bế làm quen được với ông Ðội. Ông thương qua lắm. Nhờ có ông nên qua nghe rõ tin tức của cụ Thủ Khoa. Cụ bị đạn trúng bắp vế. Họ đem về đây. Quan thầy thuốc coi rồi nói đạn vô bên nầy rồi qua bên kia, may quá không đụng xương. Hổm nay họ để cụ nằm nhà thương chung với mấy người lính Tây bị thương hôm đó. Họ xức thuốc và băng bó. Cụ mạnh ăn ngủ được. Bữa nay cụ
ngồi dậy được rồi, nhưng vết thương chưa lành nên người ta chưa cho cụ đi. Qua phải ở đây mỗi bữa đi câu kiếm cá ngon cho ông Ðội đặng hỏi thăm bịnh tình cụ Thủ Khoa, nhứt là
nghe coi họ xử tội cụ cách nào, nghe cho chắc rồi sẽ về cho cha hay. Hai chị em về nhớ nói rõ như vậy nghe hôn.
Ðạt suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
- Còn việc nầy nữa. Ông Ðội có nói riêng cho qua hay, người ta để êm ít bữa cho nghĩa binh trở về rồi người ta đem binh vô vây vùng của mình ruồng bắt cho hết. Vì vậy nên qua không dám về gấp, để đợi họ bố rồi qua sẽ về.
Thi Ðậu với Thị Trâm nghe Ðạt nói cái cớ sau nầy thì bỏ ý muốn khuyên Ðạt về. Chị em ngồi ngó nhau không biết liệu lẽ nào.
Thị Trâm ngó cùng nhà rồi hỏi anh:
- Anh ở đây là nhà của ai vậy anh Hai?
- Nhà của em ông Ðội.
Thi Ðậu tiếp hỏi:
- Ở đây cơm gạo đâu mà ăn?
- Thì mỗi bữa qua đi giăng câu hoặc đi kéo lưới kiếm tôm cá mượn người trong nhà đây đem ra chợ bán lấy tiền cho qua đi mua gạo ăn.
- Ngoài nầy tôm cá nhiều bằng trong mình hay không?
- Cũng nhiều vậy chớ. Sông lớn nên nhiều hơn.
- Bây giờ anh không có làm việc gì hết, vậy anh về trỏng nói chuyện cho cha nghe rồi tối anh trở ra.
- Ðâu mà được. Xế nầy nước lớn qua phải đi giăng câu. Hai chị em về thưa với cha như vậy, bữa nào qua biết chắc họ không vô mà lục xét thì qua sẽ lẻn về thăm. Thôi hai chị em về sớm đi kẻo cha mẹ trông.
Thi Ðậu ngó Thị Trâm rồi đứng dậy tính đi về. Thị Trâm đứng dậy và hỏi: - Còn dừa chuối làm sao?
Ðạt hỏi lại em:
- Dừa chuối gì?
- Chiều qua cha cho đi mà cha biểu đốn dừa chuối đem theo giả như đồ vườn ra chợ bán đặng mua thuốc giấy dầu mỡ cho họ khỏi nghi. Bởi vậy có một quày dừa với 3 buồng chuối dưới xuồng.
- Sao từ sớm mơi tới giờ ở ngoài chợ không bán phứt đi? Thôi, không sao. Xách lên nhà đây cho qua, rồi sáng mai qua cậy người ta bán giùm cho.
Thi Ðậu với Thị Trâm đi ra mé sông đặng xách dừa chuối. Ðạt đi theo. Ba người vừa ra khỏi cửa thì gặp một nàng chừng 25 hoặc 26 tuổi mặc áo quần vải đen, bộ bảnh khảnh mặt mày vui vẻ, nước da trắng trẻo, tay bưng một cái rổ lớn, ở ngoài đi xâm vô nhà. Nàng ngó Ðậu
với Trâm mà hỏi Ðạt:
- Ai đây vậy anh?
Ðạt đáp:
- Hai em tôi ở trong Bến Tranh ra kiếm tôi.
Nàng nọ cười và nói:
- Ở bên nầy mà kiếm được thiệt là giỏi.
- Thấy chiếc ghe lườn của tôi đậu dưới bến nên mới biết mà lên nhà.
- Bây giờ đi đâu?
- Hai em tính về. Xuống xuồng xách dừa chuối lên cho tôi rồi bơi về.
- Về Bến Tranh bây giờ đây? Không được bơi xuồng đi nước ngược thì xế mới tới nhà. Ðói bụng chết. Tôi không bằng lòng để chị em về như vậy. Không mấy khi đến nhà tôi, phải ở ăn cơm rồi nước lớn sẽ về. Trở vô. Mời hai chị em trở vô, đặng tôi nấu cơm ăn. Nhà có sẵn tôm cá. Tôi có mua thịt đây nữa. Kho nấu một chút thì có ăn. Không lâu đâu mời vô.
Ðạt mới nói:
- Thôi, vô sửa soạn nấu cơm đi. Ðể hai chị em xuống xuồng xách dừa chuối lên rồi nói chuyện.
Nàng nọ bưng rổ đi vô nhà, bộ gọn gàng nhặm lẹ.
Ðạt đi theo vợ với em ra mé sông, vừa đi vừa nói:
- Cô đó là em ông Ðội. Nhờ có cô giới thiệu nên qua mới quen với ông Ðội mà lo công việc cho cụ Thủ Khoa. Hai em hiểu chưa? Lúc có việc mình phải khôn ngoan chiều chuộng đặng cầu thân cậy thế, bằng không thì chết chớ chẳng phải chơi sao.
Ðậu với Trâm chúm chím cười, Trâm xuống xuồng xách dừa chuối lên bờ. Ðạt với Ðậu chia nhau xách luôn vô nhà.
Nàng chủ nhà là Nguyễn Thị Dần, thấy chuối tới 3 buồng thì hỏi:
- Ðem chuối chi nhiều dữ vậy? Ăn sao cho hết?
Ðạt nói:
- Chị em nó tính đem ra cho tôi bán đặng mua gạo mà ăn. Buổi chợ mai đem ra chợ bán giùm cho tôi. Muốn ăn thì để lại một buồng chuối nhỏ với ít trái dừa, còn bao nhiêu bán hết đi.
Thị Trâm vô nói:
- Thôi, để hai chị em tôi về. Về trễ ở nhà trông.
Thi Dần là chủ nhà cầm:
- Không trễ đâu mà sợ. Ở ăn cơm rồi sẽ về mà. Tôi nấu một chút thì rồi. Hai chị em ngồi đó chơi. Ðể tôi đi lo cơm.
Thị Dần đi vô trong lo nấu cơm. Thị Trâm đi theo vô phụ chụm lửa, để cho Thị Dần xắt thịt đặng kho.
Vợ chồng Ðạt ngồi ngoài trước nói chuyện. Thị Ðậu hỏi chồng:
- Cô chủ nhà đây có chồng con gì không?
- Có chớ, có chồng nhưng chưa có con. Chồng ban ngày đi làm bên ông Ðội. Thằng Tâm hổm nay ở nhà đi chơi hả?
- Chơi.
- Nó có nhắc tôi hay không?
- Không
- Bửa hổm lính Tây vô bố sợ hôn?
- Mẹ với hai chị em tôi sợ quá, vì nghe nói bên Bình Cách họ đốt nhà, đánh chết người ta nữa. Té ra tốp vô nhà mình vui vẻ, hiền khô không nộ nạt ai hết.
- Tại tên Bình Cách có đụng độ nên họ quạu. Nầy, về nói cho cha hay: Trận Bình Cánh đó lính Tây bị thương tới 17 người. Hổm nay chết hết 3 người rồi. Còn 14 còn nằm nhà thương, bởi vậy họ hận lắm, quyết vô trong mình xét bắt đám nghĩa binh về giết hết. Tại vậy nên qua bước tránh và cậy thân thế đặng giữ mình, chưa dám về trỏng. Ở ngoài nầy thì cực một chút mà được yên ổn, khỏi lo, khỏi sợ chi hết.
Cơm cạn rồi, Dần với Trâm ra ngoài ráp nói nữa. Ðậu cũng theo vô trong mà chơi. Ba người thân thiện cùng nhau, không nghi kỵ chi hết.
Cá tôm đã kho sẵn, bởi vậy cơm chín và thịt kho xong thì dọn ra ván rồi bốn người ngồi ăn với nhau nói chuyện vui vẻ, không sụt sè không ái ngại.
Ăn cơm rồi Ðậu với Trâm cáo từ mà về, Dần nói đợi nước lớn sẽ về cho xuôi. Khách nói về trễ sợ cha mẹ trông nên phải bơi nước ngược mà về cho sớm một chút. Ðạt với Dần đưa Ðậu với Trâm xuống bến Ðạt đi theo căn dặn Ðậu với Trâm về nhớ nói lại cho cha các điều chàng đã nói và cắt nghĩa cho cha hiểu tại cớ nào mà chàng chưa dám về.
Hai đàng vui vẻ từ biệt nhau, bận về Trâm giành bơi sau lái để cho chị dâu ngồi trước mũi. Chị em xô xuồng ra đi. Ðạt ngó Dần mà cười. Dần nói: „Người nhỏ chắc là em ruột của anh vì giống anh quá. Còn chị lớn là vợ anh chớ gì. Tưởng tôi không biết hay sao mà giấu".
Ðạt làm lơ đi vô nhà, không cãi mà cũng không nhận Dần đoán trúng.
Ðậu với Trâm tìm gặp Ðạt lại biết Ðạt bình yên no ấm thì vui lòng, không lo sợ nữa, nên lặng thinh bơi xuồng riết về Bến Tranh đặng thuật chuyện cho cha mẹ nghe. Ra khỏi chợ xa rồi, tới khoảng vắng vẻ, Thị Trâm mới kêu chị dâu mà hỏi:
- Chị Hai, sao anh Hai lại kiếm xóm như vậy mà ở đậu vậy hả?
- Ðó là xóm chài có giàn để phơi lưới. Có lẽ tại vậy nên ảnh ở đỡ cho tiện chớ sao. - Còn sao ảnh quen với chị đó nên ở đậu trong nhà chỉ?
- Chắc ảnh làm tôm cá, ảnh đem về xóm đó bán mão 5 cho đàn bà đặng họ bưng ra chợ ngồi bán, Chị nọ mua tôm cá của ảnh, hai đàng làm quen với nhau rồi ảnh xin mà ở đậu.
- Mà chị đó ở một mình, lại chứa đàn ông trong nhà, thiệt là kỳ cục quá!
Ảnh nói chị nọ có chồng. Chồng chị ban ngày làm việc bên ông Ðội. Ảnh ở đó mới có thân thế mà lo cho cụ Thủ Khoa. Cũng nhờ vậy ảnh nới được yên, mà ảnh lại biết đủ công chuyện hết.
Thị Trâm suy nghĩ mà chúm chím cưòi mà nói: „Anh Hai lanh quá".
Hai nàng bơi riết, không nói chuyện nữa.
--------------------------------
1vài trái chín
2loại dừa có trái nhỏ, nước ngọt đậm
3giống cây họ đậu, bông to có màu trắng thường được dùng nấu canh, trái dài quãng như chiếc đũa, nên được gọi là so đũa hay sua đũa
4đi một mạch, đi thẳng
5bán hết theo giá thỏa thuận
V
Mặt trời đã đứng bóng rồi, Bà Nhiêu Giám chưa thấy con với dâu về. Bà nóng nảy nên cứ ra mé rạch đứng trên cầu thang mà ngó chừng. Còn ông Nhiêu thì vẫn cứ bình tỉnh, cứ ngồi dạy sắp nhỏ học, dường như không để ý đến việc chi hết.
Trời trịch bóng 1, nước vừa mới lớn. Thị Ðậu với Thị Trâm bơi xuồng về tới. Buộc xuồng vô cầu thang, chị em cầm giầm leo lên cầu, thì bà Nhiêu đã ra đón mà hỏi: „Kiếm gặp nó hay không?" Hai chị em đồng đáp một lượt: „Thưa gặp". Bà chau mày hỏi: „Sao không biểu nó về?" Thị Trâm đáp lại: „Ảnh về chưa được. Ðể vô nhà con sẽ nói cho mẹ nghe".
Hai nàng đi vô nhà cất giầm.
Bà Nhiêu ghé trường học cho ông Nhiêu hay. Ông Nhiêu liền đứng dậy theo bà vô nhà. Ông vừa ngồi thì bà kêu dâu với con biểu ra thuật hết chuyện đi Mỹ kiếm Ðạt cho ông nghe. Ông nói để cho chị em nó nấu cơm ăn rồi sẽ nói chuyện, vì ăn hồi khuya rồi đi tới bây giờ chắc chị em nó đói bụng.
Ðậu với Trâm ra. Trâm nói:
- Chị em con ăn cơm rồi mới đi về đây nên không đói đâu cha. Tại cầm ở ăn cơm nên mới về trễ.
Bà Nhiêu ngạc nhiên hỏi con:
- Ăn cơm ở đâu?
- Thưa, ăn tại nhà chỗ anh Hai ở đậu đó. Chị chủ nhà tử tế theo cầm ở nấu cơm ăn rồi sẽ về. Chỉ nói quá nên không nỡ từ mà về được.
- Sao thằng Ðạt không về? Nói phứt nghe thử coi.
- Anh Hai ở đậu tại xóm chài; nhờ mua bán tôm cá nên ảnh quen với người em ruột của một ông Ðội trong cơ binh của Tây. Ảnh xin ở đậu tại nhà người đó mà đi câu cá đặng bán lấy tiền mà độ nhựt. Nhờ người đó ảnh mới được thân thiết với ông Ðội, rồi nhờ ông Ðội ảnh mới nghe tin tức của cụ Thủ Khoa và biết được tin bí mật khác nữa. Ông Ðội nói với ảnh là người ta biết dân trai tráng ở trong vùng mình đây đều theo đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa hết thảy. Nhưng lúc ruồng xét thì họ trốn đi mất hết không bắt được người nào. Người ta tính để êm ít ngày cho trai tráng trở về đủ, rồi người ta đem binh vây cả vùng mà bắt hết. Vì vậy mà anh Hai con phải trốn luôn ở ngoài Mỹ ít ngày cho yên thân, sợ về rồi lính vây bắt chạy không khỏi.
Ông Nhiêu nói:
- Nếu thiệt họ áp dụng ngụy kế như vậy thì phải cho chòm xóm hay đặng đề phòng, chớ để sắp em cháu thấy êm trở về láng cháng 2 bị bắt hết còn gì. Chiều con đi mời chú Tư Ðịnh lại đây đặng cậy chú thông tin trong làng cho bà con trong xóm hay. Còn việc cụ Thủ Khoa thì thằng Ðạt có nghe họ xử cách nào hay không? Vết thương của cụ nặng hay nhẹ?
Trâm tiếp nói:
- Cũng nhờ ông Ðội mà anh Hai biết Tây bắt được cụ Thủ Khoa đem về để cụ nằm nhà thương đặng thầy thuốc săn sóc cụ cũng như săn sóc 17 tên lính Tây bị thương vậy.
- Họ bị thương tới 17 người lận?
- Thưa phải. Mà có 3 người bị nặng quá nên chết rồi.
- Nếu vậy thì thiệt bên mình thắng mà. Chớ chi cụ Thủ Khoa khỏi bị đạn thì làm lễ ăn mừng được rồi. Còn bịnh cụ Thủ Khoa thế nào?
- Ðạn xuyên qua bắp vế rồi lọt ra ngoài. Xức thuốc cụ ngồi được rồi, ăn ngủ như thường. Nhưng đợi vết thương lành rồi người ta mới cho đi đứng. Anh Hai nói khỏi lo cụ chết nhưng không biết bữa nào họ xử cụ. Bởi vậy anh căn dặn hai chị em con về thưa với cha đặng ảnh ở ngoài Mỹ thêm ít ngày đặng trước ảnh tránh sự lính đi xét bắt, sau ảnh chăm lo bổn mạng của cụ Thủ Khoa ; nếu nghe lành dữ thế nào thì ảnh về thông tin cho cha hay liền.
- Ðược. Nó ở ngoài Mỹ thì tiện đến hai bề. Về cũng không làm gì. Bây đã biết chỗ nó ở rồi. Sau muốn đi hỏi thăm cũng dễ.
Bà Nhiêu hỏi:
- Sao bây biêt chỗ nó ở mà đến chỗ đó kiếm?
Thị Ðậu nói:
- Hai chị em con ra tới Mỹ mới hừng đông. Bơi đi các chợ kiếm chiếc ghe lườn của mình. Kiếm tới sáng bét mà không thấy. Chị em con mới thay phiên nhau lên chợ rảo kiếm ảnh coi có ảnh bán tôm, cá hay không. Cũng không có. Kiếm tới tan chợ mà không được, mòn chí muốn về. Cô Trâm bày bơi thẳng ra vàm đặng dòm mé sông cái coi có thấy ghe của anh không. Ra tới vàm là tới chỗ xóm chài, thấy trên bờ có phơi lưới, dưới bến có ghe đậu. Thấy có chiếc ghe lườn của mình đậu, nên vô nhà mà kiếm mới gặp ảnh ở trần đương nằm ngủ.
Bà Nhiêu hỏi:
- Nó ở đậu rồi nấu cơm mà ăn hay sao?
- Thế khi chủ nhà nấu rồi ảnh ăn chung với ngưòi ta. Mỗi bữa ảnh giăng câu đánh lưới, có tôm cá thì chủ nhà bán rồi mua gạo cho ảnh ăn, ảnh không có nói tới chuyện đó, không biểu đem gạo cho ảnh. Chắc bán tôm cá ảnh ăn không hết.
- Còn dừa chuối bây chở đi bây bán được hay không?
- Không có bán. Kiếm không được anh Ðạt chị em con buồn quá, tính chở về nhưng gặp ảnh con giao cho ảnh đặng buổi chợ mai ảnh nhờ người ta bán giùm.
- Ừ, giao cho nó chớ chở về làm gì.
Ông Nhiêu trở xuống trường học.
Tâm chạy lên mừng mẹ. Thị Ðậu ôm con mà hun và nói:
- Má đi chợ mà má không mua bánh cho con được. Về thấy con mới nhớ. Thị Trâm nói:
- Kiếm không được ảnh mình buồn muốn chết, mà nhớ giống gì được. Hồi về ngang chợ tôi nhớ, mà bị về trễ sợ ở nhà trông nên tôi không ghé. Thôi để chuyến khác nghe hôn cháu.
Tâm cười rồi chạy qua trường học mà học.
Hai chị em xuống nhà dưới lo bữa cơm chiều.
Xế mát chú Tư Ðịnh, là người ở gần, lại trường học kiếm ông Nhiêu mà hỏi coi ông cho mời có việc chi. Ông Nhiêu dắt chú ra ngoài nói nhỏ với chú rằng ông mới được tin hổm nay binh lính không lục soát nữa vì nhà cầm quyền Tây dùng chước quỷ, quyết để êm mà dụ hàng thanh niên cường tráng của ta trở về cho đủ đặng họ vây bắt cho tiệt đoàn nghĩa binh. Anh cậy chú truyền tin cho bà con em út trong xóm trong làng hay, rồi người nầy nói chuyện với người khác, khuyên hạng trai tráng phải coi chừng mà ẩn núp, không nên dễ ngươi mà bị bắt.
Chú Tư Ðịnh có cháu trong đoàn nghĩa binh, nên nghe như vậy thì chú le lưỡi, chú nói chú sẽ đi truyền tin liền và hứa nhắn vô trong Bình Cách, nhắn qua bên Trân Ðịnh nữa, Ðêm đó ông Nhiêu nằm trên võng đưa trèo trẹo mà suy xét thời cuộc. Hay tin cụ Thủ Khoa bị thương không nặng chi lắm thì ông yên lòng, không biết chừng cụ lành mạnh không biết họ sẽ xử cụ như thế nào.
Ông nghĩ tới Ðạt là con ông, thì ông rất hài lòng. Ông khen nó khôn ngoan, biết tráo trở, biết cang nhu ra chiến trường dám chết sống với người ta, khi thất thế biết ẩn nhẫn mà chờ vận, ẩn nhẫn mà cũng biết lo mưu mà giúp đảng viên, cứu tướng lãnh. Làm trai như vậy không đến nỗi tệ, không hổ với lương tâm, cũng không bạc với Ðất Nước.
Ðêm sau, Ðỗ Chí Linh lén qua thăm ông Nhiêu đặng hỏi tin tức cụ Thủ Khoa. Ông Nhiêu đem những lời Ðạt nhắn về mà thuật hết cho Linh nghe. Ông cầm Linh ở lại ngủ rồi khuya hả về.
Ông khuyên Linh có về Khánh Hậu mà ở nhà thì phải dè dặt, phải coi chừng vì theo tin Ðạt nhắn về, thì người ta âm mưu gài bẫy đặng bắt hết đoàn nghĩa binh của ta. Nói chuyên với Linh ông tỏ lời khen Ðạt khôn ngoan, biết kiếm thế thân thiết với một viên Ðội giúp việc cho
Tây đặng có thể trợ tá cho cụ Thủ Khoa và nghe tin tức hiểm nguy rồi cho anh em nghĩa binh biết đặng tránh trước cho khỏi tai hoạ. Ông hỏi thăm hai Ðốc binh Thành với Thuận. Linh nói không có gặp nên không biết tản cư nơi nào. Ông Nhiêu nói nếu cụ Thủ Khoa trốn được hay là được giặc thả về, thì ông cho hay đặng gom tướng sĩ trong đoàn nghĩa binh lại mà chiến đấu nữa.
Nhơn dịp cho Linh hay theo tin của Ðạt thì trận Bình Cách bên địch bị thương 17 người đem về nhà thương chết hết 3. Linh nói nếu vậy thì bên mình thắng, vì đêm đó Linh ở Tầm Vu, mấy ông già võng thương binh qua, Linh kiểm ghe đưa ra Miễu Ông thì chỉ có một người chết với 6 người bị thương mà thôi. Ðến đầu canh 5, Linh mới từ cha vợ mà về Khánh Hậu.
Trót mấy đêm sau đêm nào ông Nhiêu Giám cũng nằm nghĩ về thời cuộc. Ông nhận thấy cụ Thủ Khoa cũng giống như Trương Công Ðịnh, ông Thiên Hộ Vương, hay là ông Nguyễn Trung Trực, cả thảy đều nhiệt tâm cứu quốc, song mỗi ông làm riêng một xứ, không liên lạc, không đoàn kết nới nhau, bởi vậy lực lượng không mạnh mẽ, lần lần sẽ bị giặc đánh tan hết, phải làm sao gom hết lực lượng lại rồi cử một người chỉ huy, làm như vậy mới chống với giặc nổi. Mà chỉ huy tối cao duy chỉ có cụ Thủ Khoa mới đảm đương được. Bây giờ cụ Thủ Khoa bị bắt rồi không biết chừng tha giết lẽ nào, nên khó mà thực hành ý nghĩa đó được.
Có đêm ông Nhiêu muốn sai dâu hoặc con gái ra chợ Mỹ biểu Ðạt nên lập thế cho cụ Thủ Khoa trốn đặng về hội hiệp với nhau mà lo việc lớn. Muốn như vậy nhưng ông không biết cụ
Thủ Khoa đã lành mạnh hay chưa bởi vậy ông do dự chưa quyết định.
Từ bữa Thị Ðậu và Thị Trâm đi thăm Ðạt về đến nay đã mười ngày rồi. Bà Nhiêu muốn biểu hai chị em đi thăm nữa. Nhưng bà chưa nói ra thì trưa bữa đó, lúc ăn cơm ông Nhiêu nói với Thị Trâm:
- Con biết chỗ anh Hai ở rồi cha muốn sai con ra nói chuyện với nó một chút. Thị Trâm hớn hở đáp:
- Cha sai con đi con mừng lắm. Ði dễ quá thưa cha! Không ai tra xét gì hết. Nhưng con xin cha cho chị Hai đi với con đặng chỉ thăm ảnh một lát. Hơn nữa, hai chị em đi cho vui vì đường sông vắng vẻ lại, lại khuya đi tối mò, bơi xuồng một mình ghê quá.
- Ðược, nếu con Hai không có chuyện gì thì đi với con.
Bà Nhiêu nói:
- Nhà có việc gì đâu. Ðể nó đi với con Trâm kiếm dừa chuối đem cho chủ nhà nghe hôn con. Bữa hổm ăn cơm của người ta. Nay mình ra thì phải cho chút đỉnh gì đó mà đền ơn"
Thị Ðậu nói:
- Con muốn đem thằng Tâm theo đặng nó thăm cha nó. Bữa hổm cha nó có hỏi nó. Ông Nhiêu cản:
- Thôi để nó ở nhà nó học, đem theo làm chi. Cha nó có nhớ thì về mà thăm. Ði xuồng nắng gió sợ nó bịnh.
Thị Trâm nói:
- Ðể trưa con kiếm chuối đốn đem cho. Biết chỗ rồi không cần gì phải đi khuya quá như hôm trước, để trời gần đám mây ngang rồi sẽ đi. Cha biểu con ra nói chuyện chi với anh Hai con?
Ông Nhiêu suy nghĩ một chút rồi nói:
- Hỏi nó coi nó nói họ để êm cho bọn trai trẻ trong vùng nầy để trở về, rồi họ có bố lớn mà bắt cho sạch, nhưng tại sao hổm nay chưa thấy gì hết. Nếu nó liệu nó ở ngoài Mỹ được an thân, lại có thể giúp ích cho đại cuộc được, thì nó cứ ở thêm ít ngày, về nguy hiểm chớ không ích gì. Sau hết phải nói rõ với nó về chuyện nầy: cha nghiên cứu thời cuộc, cha nhận thấy cụ Thủ Khoa là người trọng yếu của kháng chiến. Nếu không có cụ, thì sợ đại cuộc hư hỏng hết. Vậy cha muốn thằng Ðạt nhơn được thân thiết với ông Ðội nào đó, nó nên lập thế làm cho cụ Thủ Khoa lén trốn ra khỏi nhà thương rồi nó chở cụ về đây cho cha. Nó làm được việc đó thì nó có công lớn với cuộc cứu quốc. Hai con nhớ nói với nó rằng cha trông cậy nó làm cho được việc đó. Miễn là nó chở cụ về đây cho cha mà thôi, cha làm sao cha làm, nó khỏi lo nữa. Hai con nhớ hôn?
Thị Trâm với Thi Ðậu đều nói nhớ và hứa sẽ nói gắt với Ðạt.
Ăn cơm xong hai chị em ra sau vườn kíếm đốn được một buồng chuối già 3. Còn dừa thì mấy quày dừa xiêm còn non, nên phải bẻ 5 trái dừa ta đem cho đỡ.
Khuya lại hai nàng dậy sớm, nấu cơm ăn cho thiệt no, hứa với nhau rằng lần nầy ra nói chuyện thì về liền, dầu cầm cọng thế nào cũng không ở ăn cơm như lần trước.
Thị Trâm xin mẹ cho tiền đặng mua bánh cho cháu Tâm. Bà Nhiêu vô buồng xách ra một quan tiền kẽm, đem hết theo để mua thịt về cho cha ăn một bữa.
Ông Nhiêu thì nhắc lại mấy điều ông đã nói hồi ăn cơm trưa và căn dặn phải nhớ và nói lại với Ðạt, nhứt là phải nói rán lập thế giải thoát cho cụ Thủ Khoa rồi chở cụ về giao cho ông đặng ông lo mưu tổ chức lại cuộc kháng chiến cho có qui tắc hẳn hoi cho có lực lượng hùng hậu.
Thị Ðậu với Thị Trâm đem dừa chuối xuống sẵn rồi nhưng đợi trời hừng đông mới đi thưa với cha mẹ mà đi. Nhờ gặp nước xuôi nên vừa đông chợ thì hai chị em đã ra tới Mỹ Tho. Trâm nói với chị rằng mình quyết định kỳ nầy ra nói chuyện thì về liền, không ở ăn cơm. Vậy thì nên đi luôn ra xóm chài nói chuyện với Ðạt rồi trở lại sẽ ghé chợ mua thịt mua bánh mà về.
Chị em bơi xuồng đi thẳng ra vàm 4. Thấy chiếc ghe lườn của Ðạt đậu đó, chị em mới đâm xuồng vô cặp một bên buộc dây xếp giầm, rồi lụi hụi xách dừa chuối đem lên nhà.
Ðạt đương ngồi chồm hổm tại cửa, nghe lộp cộp dưới bến thì đứng dậy mà coi thấy vợ với em đang xách chuối ôm dừa lên bờ thì chàng đi ra đón mà mừng. Chàng hỏi cha mẹ mạnh khoẻ thế nào, sao không đem Tâm theo chơi, kẻ hỏi người đáp lăng xăng. Chàng rước 5 lấy bớt mà cầm hai tay hai trái dừa rồi cùng nhau đi vô nhà.
Thị Trâm hỏi anh:
- Chị chủ nhà có ở nhà hay không?
- Sớm mơi phải đem cá tôm ra chợ mà bán. Ở nhà sao được. Hai em chưa ghé chợ hay sao?
- Chưa đi thẳng vô đây thăm anh rồi trở về sẽ ghé.
- Nói chuyện gì?
- Cha hỏi anh coi tại sao bữa hổm anh nói binh lính Tây sắp vô bố gắt cả vùng trong mình mà vẫn êm ru, không thấy gì hết.
- Ở trỏng trông Tây vô bố lắm hay sao?
- Trông làm chi? Bố thì gây tai hoạ chớ lợi ích gì mà trông. Tại bữa hổm anh nói họ để êm đặng nhử anh em trong đoàn nghĩa binh tựu về rồi họ vây bắt hết. Chị em tôi về nói lại với cha. Cha sợ hàng trai tráng mang hoạ nên khuyên tản mác hết. Té ra 10 bữa rồi mà chưa thấy bố. Ý cha muốn biết coi như họ bỏ ý định trước, họ không tính vô bố nữa, thì cha kêu
mấy anh em về đặng làm ăn. Lúc nầy phải móc mương vườn phải dắp bờ ruộng, mà dân tản cư hết không có ai làm thì khổ lắm. Ai cũng than.
- Ðời ly loạn, phải rán mà chịu, chớ biết làm sao? Hai em về thưa với cha rằng họ chưa bỏ ý định đó đâu. Hổm nay họ chưa ruồng miệt mình là vì họ mắc đi chỗ khác. Không biết chừng nay mai đây họ sẽ tới. Vậy qua phải ở ngoài nầy trong một thời gian nữa, chớ chưa dám về.
- Cha có nói nếu anh liệu phải ẩn núp ngoài nầy cho an thân, và ở đặng nhờ thân thế mà
chăm nom cụ Thủ Khoa thì anh cứ ở, không cần phải về gấp. Nhưng cha dặn gấp anh một điều nầy là anh được thân thiết với ông Ðội, vậy anh rán lo mưu giải thoát cho ông cụ Thủ Khoa. Anh làm sao cho cụ trốn ra ngoài rồi anh lấy ghe đưa cụ về giao cho cha. Cha nói anh làm được việc đó thì anh có công lớn nhứt trong cuộc kháng chiến.
Ðạt nghiêm nét mặt ngồi suy nghĩ.
Thị Ðậu tiếp với Trâm và nói:
- Cha nói cụ Thủ khoa là trụ cột của cuộc cứu quốc. Phải có cụ thì đại sự mới thành, vì cụ có đủ tài lược mà gánh vác việc lớn. Nếu không có cụ thì mọi việc hư hỏng hết. Cha cứ theo căn dặn phải nhớ mà nói gắt với anh nên cần lo làm sao đem cho được cụ Thủ khoa ra ngoài rồi chở về giao cho cha. Cha muốn việc đó lung lắm, vậy anh phải rán làm cho cha đắc chí. Cha nói hễ anh chở được cụ Thủ khoa về giao cho cha rồi thì cha lo làm việc gì, đó là phận sự của cha, anh khỏi phải lo nữa. Bữa nay cha sai hai chị em tôi đi đây là cần nói với anh chuyện đó. Vậy anh phải rán làm cho vừa ý cha.
Ðạt thở một hơi dài và nói:
- Việc cha biểu đó khó lắm, chớ có phải dễ đâu. Nhà thương ở trong thành lính canh gác gắt lắm, qua có vô được đâu. Qua chỉ nhờ ông Ðội mới biết được tin tức của cụ Thủ khoa. Hôm qua ông Ðội nói cụ đi được rồi, nhưng đi trong phòng cho quen chưn, chớ quan thầy chưa cho ra ngoài. Vậy hai chị em về thưa với cha để thủng thẳng cho qua tính chớ gấp quá thì không thể làm được. Phải rình mò chờ gặp cơ hội thuận tiện thì qua làm. Qua sẽ làm cho vui lòng cha, sau có công với nước nhà.
Thị Ðậu với Thị Trâm nghe Ðạt chịu làm theo lời cha dặn thì mừng, nên bàn tính với nhau ra chợ mua đồ rồi về cho sớm, trước khỏi bị chủ nhà về gặp rồi cầm ở ăn cơm, sau khỏi cha mẹ đợi trông như bữa hổm.
Hai nàng đứng dậy từ mà về. Trâm nói với Ðạt:
- À! chị chủ nhà về, anh nói giùm chị em tôi gởi lời thăm chỉ và đem buồng chuối với ít trái dừa cho chỉ ăn chơi.
- Dừa chuối nầy cho hay sao?
- Cho chị chủ nhà.
- Bữa hổm qua để một buồng chuối với quày dừa qua ăn, đem bán có 2 buồng chuối. Ðể qua đưa tiền cho em đặng ghé chợ mua bánh đem về cho thằng Tâm.
- Thôi, thôi, có tiền dưới xuồng. Hồi khuya mẹ có đưa đem theo một quan đặng mua thịt mua bánh.
- Có tiền thì thôi sao không cho thằng Tâm theo chơi?
Thị Ðậu nói:
- Tôi muốn đem đi. Cha không cho. Cha nói đi nắng gió sợ nó nhức đầu. Ðạt đưa vợ xuống xuồng đi rồi, chàng trở vô nhà nằm gác tay lên trán mà suy tính. Ðậu với Trâm trở vô chợ, trâm ngồi giữ xuồng, để cho Ðậu lên chợ mua thịt, cốm và bánh
cam, rồi chị em bơi riết về Tịnh Giang.
Vợ chồng ông Nhiêu thấy lần nầy con với dâu về sớm thì ông bà vui mừng, Ðậu đem thịt xuống nhà dưới mà cất, đặng ăn cơm rồi sẽ xắt mà kho. Còn Trâm lấy dĩa sắp cốm với bánh, đưa cho Tâm một cái bánh cam và để hai dĩa trên ván mời cha mẹ ăn uống nước.
Ông Nhiêu nóng nảy nên thối thúc nói cho ông nghe coi mấy điều ông dặn đó đạt tính thế nào.
Trâm mới nói binh lính chưa vô ruồng 6 miệt trong nầy là vì mắc đi nhiều chỗ khác. Thế nào không mau thì lâu người ta cũng sẽ tới. Vậy Ðạt xin ở ngoài Mỹ ít ngày nữa, trước được an thân, sau chăm nom cụ Thủ khoa. Còn việc lập thế cho cụ thủ khoa trốn, việc đó khó lắm vì cụ nằm nhà thương ở trong thành, mà chung quanh thành canh giữ nghiêm nhặt lắm. Theo tin ông Ðội cho hay hôm qua thì cụ Thủ khoa đi được rồi, nhưng quan thầy biểu đi trong phòng chớ chưa cho ra ngoài. Tuy khó làm cho cụ trốn được, song Ðạt hứa sẽ rán sức làn theo lời cha dặn, trước cho cha vui lòng, sau lập công với đất nước.
Ông Nhiêu đắc chí nói:
- Việc đó ai lại không biết khó. Nhưng khó mà mình làm được mới có công lớn. Thị Ðậu nói:
- Con đốc ảnh phải rán. Vì cha trông cậy nơi ảnh gắt lắm. Ảnh hứa ảnh sẽ lo. Ông Nhiêu đứng dậy nói:
- Thôi, hai chị em đi kiếm cơm ăn đi.
Ông đi ra trường học.
--------------------------------
1chếch bóng, quá giờ ngọ, quá trưa
2xớ rớ, vởn vơ
3loại chuối có trái dài, ở Hậu giang có chuối già lùn, già hương
4cửa sông
5giành
6lùng soát
VI
Võ Minh Ðạt, ở Tịnh Giang một chiến sĩ trong đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa Huân, giả dạng người giăng câu kéo lưới, chèo ghe ra chợ Mỹ Tho, trước kiếm chỗ ẩn cư cho khỏi bị bắt, sau lắng nghe tin coi giặc xử chủ tướng của mình như thế nào.
Anh chị em độc giả theo Thị Ðậu với Thị Trâm đi kiếm Ðạt, may gặp Ðạt trong nhà của Nguyễn Thị Dần, được dự nghe Ðạt nói chuyện với vợ và em đến hai lần, nói vì trường hợp nào mà ở với thị Dần, nói nhờ phương pháp nào mà được thân thiết với ông Ðội, rồi khoe nhờ ông Ðội đó mà biết tin tức xác thiệt của nhà ái quốc Thủ Khoa Huân, lại còn biết tình hình quân sự của bên giặc nữa.
Không biết anh chị em nghe Ðạt nói vậy mà anh chị em co tin chắc những lời chàng thốt với vợ và em đó là sự thật hay không. Chớ Thị Ðậu cũng như Thị Trâm, hai nàng tin lắm, mà về nói lại cho ông Nhiêu Giám nghe, thì ông cũng tin, ông lại còn khen Ðạt khôn ngoan biết chiều uốn theo thời, biết lao lách tráo trở.
Mà Thị Ðậu, Thị Trâm với bà Nhiêu, vì tình yêu dĩ nhiên không nghi lòng dạ của Ðạt, là người thân trong tộc dầu tin lầm thì có thể dung thứ được. Chớ ông Nhiêu Giám là một vị lão nho, mà ông ôm ấp cái thuyết „nặng cang nặng nhu" nên ông khen Ðạt khôn ngoan, thì chẳng bao lâu ông nhận thấy ông tin quấy, mà ông còn khen lầm, bởi vậy ông hối hận cực điểm, hối hận về sự ông mù quáng để tai hoạ phát sanh làm cho gia đình ông lung lay rúng động đến con trách vợ phiền, ông phải chán nản hết vui sống nữa.
Người viết lại truyện nầy không vị tình ai, mà cũng không nhiễm thuyết nào, nên phải nói ngay ra đây rằng những điều của Võ Minh Ðạt nói với vợ và em có cái thiệt mà cũng có cái dối, lại cái dối nhiều hơn cái thiệt.
Võ Minh Ðạt, là con của một nhà nho chơn chánh, biết thương nước thương nòi, biết trọng cái hay cái phải. Tuy chàng học ít nhưng sanh trưởng trong nhà nho học tự nhiên chàng cảm nhiễm nho phong ít nhiều. Chàng lại còn gia nhập trong đoàn nghĩa binh hùng dõng của cụ Thủ Khoa Huân, thường nghe cụ nói làm chiến sĩ biết chết chớ không biết đầu, thế thì chàng cũng có tập khí phách anh hùng chút đỉnh.
Nhưng Ðạt nuôi một tâm hồn tân tiến khác với tâm hồn của độc giả hồi thời đó. Như bàn tính việc gì, ông Nhiêu thường lấy một câu sách để làm căn bản cho lời lẽ của ông thì chàng bắt bẻ nói câu sách đó hạp với tình thế đời xưa, chớ không hạp với chí ý người đời nay nữa. Như khí phách của chiến sĩ mà cụ Thủ Khoa Huân thường dạy đó, thì chàng hay cải và nói rằng chết hữu ích thì đáng chết, chớ chết vô ích thì chết làm chi.
Hôm Ðạt chèo ghe đi qua Mỹ Tho, thiệt chàng không có đem theo thứ đầu óc gian hùng xảo trá, vì đã có sẵn cái tâm hồn „tuỳ thời nhi tiến". Chàng không thể rứt bỏ nó được, nên nó phải theo chàng mà thôi.
Vẫn sanh trưởng nơi vườn ruộng, tự nhiên chàng biết cách làm ruộng trồng cây. Nhưng nhờ có ngọn rạch lớn đi qua trước nhà, nên từ hồi còn nhỏ chàng có tập theo cái nghề giăng câu lưới cá. Làm nghề hạ bạc thì phải ở xóm chài xóm lưới mới thuận cảnh thuận tình. Ra tới Mỹ Tho, chàng đi thẳng ra phía vàm. Thấy xóm chài rồi mà chàng không ghé cứ chèo ra sông cái, tính dọ xem địa thế rồi giăng câu thả lưới kiếm một mớ tôm cá để làm lễ tấn thân.
Ðã kiếm được một rổ tôm càng với cá chẻm 1, cá lợn, cá út, cá ngác, gần sáng chàng mới chèo trở lại xóm chài tại vàm mà bán cho bạn hàng.
Ở đây có bốn năm chị đàn bà hễ khuya thì xuống bến chờ ghe chài ghe lưới về đặng mua tôm cá đem ra chợ mà bán. Trong đám đó có Nguyễn Thị Dần trắng trẻo sạch sẽ, lại bải buôi nhậm lẹ hơn hết. Hồi trước nàng đã có chồng rồi, nhưng vì chồng thiệt thà quá hoá ra khờ khạo, không hợp ý với nàng, thành thử mới rã rời, ai đi đường nấy cho khỏi cãi cọ. Vì vậy nên hiện thời nàng đã 26 tuổi rồi mà ở một mình mua bán cá tôm không có chồng con chi hết.
Sáng nầy thị Dần thấy có ghe lưới lạ cặp vào bến, nàng lẹ chưn bước xuống hỏi Ðạt có cá tôm được bao nhiêu Ðạt bưng rổ đưa cho Dần coi. Dần xốc cả tôm cá rồi ngó Ðạt vừa cười duyên vừa hỏi:
- Anh định bán giá mấy đây anh Hai?
- Tôi không có ngồi chợ mà bán, nên không biết giá chợ, bởi vậy tôi xin chị liệu giùm cho phải thì thôi. Tôi có công lặn lội sáng đêm mà kiếm tôm cá. Chị có công ngồi chợ chịu nắng mưa mà bán. Xin chị lấy công tâm mà xử hai người đều có lợi phù hạp với công khó vậy thôi. Có lẽ còn mua bán với nhau nhiều ngày chớ không phải một lần nầy. Nếu chị tính phải thì tôi sẽ để cho chị bán mỗi bữa.
- Anh tử tế quá. Cá tôm anh làm sông nào vậy?
- Ngoài sông cái đây.
- Nhà anh ở đâu? Sao thuở nay không thấy anh đem tôm cá lại đây mà bán?
- Tôi ở trong miệt Trấn Ðịnh. Lúc nầy rãnh viêc ruộng vườn, tôi thả ra sông cái kiếm ăn, chừng nào tới mùa gieo mạ tôi sẽ về.
- Anh ra làm ngoài nầy anh ở nhà ai?
- Ở dưới ghe. Nếu chị tính giá đúng cho công khó của tôi thì mỗi bữa hễ gần sáng tôi chở tôm cá về đây cho chị bán. Thôi mới làm quen với nhau, tôi giao hết cho chị bưng ra chợ ngồi bán. Bán coi được bao nhiêu tiền rồi mình sẽ tính chia với nhau.
- Anh chịu vậy hay sao? Ðược anh muốn như vậy thì tốt lắm. Tôi biết công anh cực khổ, tôi không nỡ ăn gian anh đâu. Tôi đi bán rồi anh đậu ghe đây mà chờ tôi hay sao?
- Tôi nấu cơm ăn tôi ở đây tôi chờ.
- Ghe nhỏ quá, lại không có mui. Ở dưới ghe coi bộ bất tiện, nầy anh lên nhà tôi kia mà nghỉ. Nhà tôi không có ai hết. Hễ tôi đi bán thì tôi khép cửa bỏ đó. Có bếp kín đáo có củi sẵn. Anh nấu cơm cũng dễ.
- Nếu chị cho phép tôi ký túc thì tôi cám ơn chị lắm. Nhưng tôi ái ngại là tôi làm cực lòng chị.
- Không, không có cực lòng chi hết. Anh theo tôi lên đây đặng tôi mở cửa giao nhà cho anh. Tôi đi bán anh coi nhà giùm cho tôi, thì tôi mang ơn chớ sao mà cực lòng.
- Thị Dần bưng rổ tôm cá đi lên nhà. Ðạt đi theo.
Nhà lá nhỏ hai căn hẹp, đồ đạc không có gì lắm. Phía trước có bộ ván dầu với cái ghế tre cũ, vô trong có một cái chõng lót trong buồng, còn ngoài thì có cái bàn chứa đồ đủ thứ. Phía sau có một mái giại 2, có bếp nấu ăn, có chén bát nồi ơ đựng trong rổ để dưới đất.
Dần dắt Ðạt đi coi cùng hết, chỉ chỗ để gạo, muối, củi cho Ðạt biết, rồi bưng rổ tôm cá đi bán, dặn Ðạt ở nhà như muốn phơi lưới thì qua nói với chủ nhà một bên đó mà phơi nhờ trên rượng 3 của người ta. Nàng hỏi có để tôm cá lại mà ăn hay không thì Ðạt nói dưới ghe còn gạo với cá đủ dùng.
Chỉ có vậy đó mà Ðạt làm quen với Dần, có chỗ nghỉ ngơi có người bán giùm tôm cá, khỏi lo nắng mưa, đói khát.
Dần đi rồi thì Ðạt đem gạo với tôm cá lên nhà kho nấu mà ăn rồi nằm nghỉ. Vì phải thức sáng đêm mà thăm câu nên Ðạt mới nằm một chút là ngủ liền, chàng ngủ thẳng giấc rồi thức dậy thấy Thị Dần cười, thì không biết nàng về hồi nào, chàng không hay.
Dần vô buồng xách 3 quan tiền đem ra để trên ván mà nói:
- Tôi bán hết thẩy được 3 quan năm. Tôi lấy 5 tiền mua thịt với rau cải để nấu cho anh ăn. Còn lại 3 quan nguyên đó. Anh nuốn chia bao nhiêu tự ý anh.
Ðạt dụ dự rồi nói:
- Chia hai chị vừa lòng hay không?
- Chia như vậy thì hẹp cho anh. Nếu anh chia cho tôi một quan, còn anh 2 quan, chia như vậy cũng đã lợi cho tôi nhiều lắm rồi.
- Ðược. Chị muốn lấy bao nhiêu chị lấy.
- Cha chả! Anh nầy ngộ dữ a. Mình chứa ảnh trong nhà, rồi ảnh lại chọc ghẹo mình chớ. - Không tôi nói thật tình chớ đâu dám ghẹo.
- Anh nói: „Muốn lấy thì lấy". Nói như vậy không phải ghẹo hay sao?
- Tôi nói lấy tiền chớ đâu phải lấy tôi.
- Thôi nên nói rành một lần cho khỏi mích lòng. Anh đi làm mỗi bữa anh giao tôm cá cho tôi bán. Tôi mua gạo, thịt, rau củi về nấu ăn chung với nhau. Còn dư tiền bạc bao nhiêu thì chia làm ba, tôi một phần, anh hai phần. Anh chịu hôn?
- Chịu chớ. Mà chị cho tôi ở đậu trong nhà chị hay sao?
- Ði câu đi lưới về thì anh ở đây mà nghỉ. Khuya tôi dậy nấu cơm sớm. Hễ anh về thì ăn với nhau rồi tôi đi bán, anh ở nhà anh ngủ. Trưa mua đồ ăn sơ sịa. Chiều tôi nấu cơm sớm cho anh ăn no đặng anh đi làm. Tính như vậy được hôn?
- Ðược lắm. Tôi có chỗ nghỉ, có người lo cơm nước và bán cá tôm thì tôi khỏe quá. Nhưng chị tính như vậy mà phải có anh bằng lòng tôi mới khỏi ái ngại.
- Anh nào? Tôi không có chồng, không có cha mẹ. Tôi chỉ có một người anh là ông Ðội Tồn cầm đầu một tốp lính Mã Tà 4 ở bên thành Tây. Anh tôi hay tôi có người hiệp tác đặng lo làm ăn thì anh tôi vui lắm, chớ sao mà không bằng lòng. Ðể trưa chiều tôi qua thành thăm ảnh, tôi nói cho ảnh hay, đặng ảnh dặn binh lính đừng đá động tới anh, để anh thong thả làm ăn.
- Té ra chị có người anh làm làm tới ông Ðội lận? Anh ruột hay anh sao?
- Anh chú bác. Nhưng ảnh thấy phận tôi côi cúc, lại không có anh em, nên ảnh thương tôi cũng như em ruột. Tôi muốn gì cũng được hết.
- Anh em chú bác là ruột thịt chớ sao.
- Hồi trước ảnh cũng ở bên nầy. Ảnh có ghe bạn chài lưới, ảnh sai đi đánh cá về cho ảnh bán. Chừng Tây lại họ bắt ảnh theo. Thấy ảnh mạnh mẽ giỏi giắn họ cho ảnh làm Ðội. Tây thương ảnh lắm, bởi vậy ảnh nói gì họ cũng nghe hết. Ảnh muốn bắt ai ảnh bắt, muốn tha ai ảnh tha.
- Nếu vậy thì khoan đi thăm ông Ðội, để tôi làm kiếm được cá ngon chị sẽ đem qua cho ông rồi nhơn dịp chị gởi gắm giùm tôi cho tôi an thân làm ăn.
- Ðược, anh rán kiếm một cặp cá chẻm trộng trộng vậy thôi. Anh tôi ưa cá chẻm lắm.
- Tôi sẽ kiếm được. Thôi chị, chị cất tiền đi, cất luôn giùm 2 quan của tôi nữa. Mỗi bữa bán chia phần tôi được bao nhiêu, chị cứ cất giùm cho tôi, chừng về tôi sẽ lấy.
- Anh có vợ con hay không?
- Tôi có vợ và có thằng con được 6 tuổi.
- Anh đi rồi bỏ vợ con ở nhà lấy gì mà ăn?
- Nó ở với cha mẹ tôi, nhà có vườn lại có ruộng kiếm đủ lúa để ăn.
Ðó, trường hợp Ðạt với Dần quen nhau là vậy đó, mà lời của Ðạt thường khoe thân thiết với ông Ðội là tại vậy đó.
Vài bữa sau, Ðạt kéo lưới may được mấy con cá chẻm lớn. Chàng cậy Dần đem qua Thành hiến cho ông Ðội Tồn 2 con, rồi gởi gắm và luôn dịp hỏi cụ Thủ Khoa Huân bị đạn ở Bình Cách nặng hay nhẹ, bây giờ ở đâu, họ tính xử tội cách nào?
Vụ nghĩa binh của cụ Thủ Khoa Huân phục kích binh lính Pháp tại Bình Cách hôm nọ là một thời sự lớn lao, vì hai bên đều bị tổn thương nhiều, lại chánh tướng kháng chiến của ta bị đạn và bị giặc bắt, bởi vậy ở Mỹ Tho người ta đồn rùm, nhứt là ngoài chợ người ta hay hỏi thăm nhau về việc đó. Thị Dần là gái lanh lợi, tọc mạch nghe việc gì nàng cũng muốn tìm hiểu cho rõ ràng, bởi vậy trận Bình Cách bên nào tổn thất bao nhiêu, mà nàng còn biết thêm cuộc khủng bố tổ chức mấy bữa sau làm cho nhà cửa tiêu tan, nhơn dân hết sức đau khổ.
Hôm nay nàng nghe Ðạt cậy nàng, gởi gắm giùm chàng cho khỏi binh lính tra vấn thì chẳng lạ gì, chừng nghe chàng hỏi thăm giùm bổn mạng của cụ Thủ Khoa thì nàng phát nghi, nên nàng ngó chàng trân trân vừa cười vừa nói:
- Trời ơi! Té ra anh nầy là một nghĩa binh kháng chiến mà tôi dám chứa trong nhà tôi chớ! Anh báo quá! Sao anh giấu tôi?
Ðạt biến sắc và nói:
- Không có đâu chị. Tôi là người thiệt lo làm ăn. Tôi có biết nghĩa binh nghĩa bị gì đâu. - Ê! Anh đừng trả treo, anh là nghĩa binh của Thủ Khoa Huân sau trận Bình Cách, anh sợ
Tây bố bắt, anh trốn ra đây giả dạng chài lưới đặng ẩn núp. Anh tưởng tôi dại lắm hay sao? Có như vậy anh phải nói thiệt với tôi đặng nếu anh biết ơn nghĩa thì tôi lập thế bào chữa cho. Chớ anh giấu tôi thì anh hại tôi chết chùm với anh hay sao. Tôi phiền anh quá!
- Thiêt tôi là người làm ăn, tôi không biết việc gì khác chị à!
- Ai mà tin lại được. Anh nghĩ lại coi, anh tôi làm ông Ðội trong binh của Tây. Tôi chứa người nghịch với Tây, nghĩa là người thù luôn với anh tôi nữa, chừng anh tôi hay được thì còn gì tôi.
- Tôi có nghịch có thù với ai đâu.
- Thôi, thôi, tôi chạy anh rồi. Anh nói anh không có chơn trong nghĩa binh. Sao anh cậy tôi gởi gắm anh?
- Nghe ngoài nầy lính tráng hay bắt bớ nên tôi sợ, tôi phải lo trước, chớ tôi có tội gì đâu. - Còn anh nói anh không biết việc Bình Cách sao anh cậy tôi hỏi thăm cụ Thủ Khoa Huân? Ðạt nghẹn cổ, hết trả lời được nữa. Chàng bước ra đứng dựa cửa mà ngó xuống sông. Thị Dần bưng cái rổ đựng 5 con cá chẻm đưa cho chàng mà nói:
- Anh làm ơn đem mấy con cá chẻm bỏ vô rộng cho nó sống. Ðể tôi bưng tôm với cá ngác, cá chốt ra chợ bán rồi trưa về sẽ nói chuyện tiếp. Tôi dọa anh đặng coi anh dạn hay nhát, chớ thiệt anh có chưn trong đoàn nghĩa binh của ông Thủ Khoa tôi cũng cứu anh được. Anh đừng lo.
Dần bưng rổ tôm cá đi ra chợ. Ðạt nhẹ nhàng trong lòng, nên đi xuống ghe mà rộng mấy con cá chẻm lại.
Tan chợ Dần về, vui vẻ như thường, có mua thịt, khô, mắm, tính trưa ăn sơ bún với thịt quay, còn bữa cơm chiều thì có cá chẻm, có tôm kho, còn có thêm khô mắm nữa.
Lúc hai người ngồi ăn bún với thịt. Thị Dần lại nhắc câu chuyện hồi sớm mơi, nhưng nàng dùng lời ưu ái thân mật mà khuyên Ðạt nếu có việc chi lo ngại thì cứ tỏ thiệt với nàng. Nàng thề thốt bảo hộ tính mạng của chàng đến cùng, người ta phải giết chết nàng rồi mới hại chàng được. Nàng nói với giọng thân ái, thành thiệt, làm cho chàng cảm xúc vô cùng, Chàng phới động ái tình nên quên hết dè dặt. Chàng bèn tỏ thiệt với nàng, chàng ở Bến Tranh chớ không phải ở Trấn Ðịnh, chàng có chơn trong đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa, chàng có tham dự cuộc phục kích Bình Cách, trong đêm đó chàng lấy câu với lưới bỏ xuống ghe trốn đi ra đây, nên không hay binh lính vô khủng bố trong vùng, chánh vì sợ sự ruồng xét đó nên chàng phải giả dạng bước tránh ra ngoài nầy, trước cho được an thân, rồi dọ tin tức về cụ Thủ Khoa cho biết cụ còn mất.
Thị Dần nghe rõ rồi nàng cười mà nói:
- Ừ anh phải nói thiệt như vậy cho tôi biết đặng tôi bào chữa cho chớ.
- Tôi nói thiệt với chị, tôi là người thương nước thương dân, chớ không phải là người gian xảo. Nếu chị thương thì tôi ở tạm nơi đây kiếm tôm cá cho chị bán. Còn nếu chị không thương thì tôi bị bắt tội nhiệp.
- Anh biết thương nước anh tưởng tôi không biết thương như anh hơi sao? Ai nỡ tố cáo một
người ái quốc của mình cho được mà sợ. Vậy anh cứ ở đây, đừng lo gì hết. Tôi sẽ hết lòng chăm nom công việc của cụ Thủ Khoa nữa.
- Chị nói thiệt hay là gạt tôi?
- Hồi nãy tôi đã thề rồi, sao anh còn nghi bụng tôi? Ăn uống rồi tôi sẽ đem cá qua cho anh tôi. Tôi tính phải nói dối với ảnh như vầy: "Tôi nói tôi mới đụng 5 một người chồng giỏi nghề chài lưới, vợ chồng làm ăn có mòi thạnh phát dễ chịu lắm. Tôi xin anh tôi chiếu cố giùm vợ chồng tôi giăng câu hay kéo lưới thì đừng khuấy phá tội nghiệp". Rồi đó nói chuyện chơi tôi
sẽ hỏi thăm cuộc xung đột ở Bình Cách thế nào mà thiên hạ đồn rùm ngoài chợ. Hỏi tới chuyện đó tự nhiên ảnh phải nói chuyện ông Thủ Khoa bị bắt, Chừng đó tôi mới có cớ mà hỏi tới bịnh tình của ông Thủ Khoa, hỏi bây giờ ông ở đâu và rồi hỏi rồi đây họ sẽ xử tội ông cách nào. Tôi tính sắp đặt cách nói như vậy, anh nghĩ coi được hay không?
- Hay lắm! Khôn lắm nhưng làm như vậy chị phải mang tiếng lấy tôi.
- Anh không chịu hay sao?
Ðạt liếc mắt ngó Dần vừa cười mơn vừa đáp:
- Tôi ngại cho chị, chớ phận tôi thì thế nào cũng được, tôi có nệ gì đâu. - Tôi chưa chồng tôi muốn làm sao tùy ý tôi, ai cản tôi được mà tôi ngại? - Tôi đã nói với chị, tôi có vợ có con.
- Anh đừng kêu tôi bằng chị nữa, phải kêu bằng em coi mới được. Anh có vợ thì có, vợ con anh ở trỏng, tôi ở ngoài nầy có hại gì.
- Thôi em đi lo giùm công việc của tôi trước đi. Còn chuyện vợ chồng để thủng thẳng rồi sẽ liệu. Không gấp gì.
Thị Dần cười. Ăn rồi nàng đưa cái giỏ biểu Ðạt xuống ghe lựa bắt 3 con cá chẻm lớn, để cho nàng rửa chén dọn dẹp rồi đi cho sớm đặng về lo bữa cơm chiều.
Dần xách giỏ đi rồi thì Ðạt nằm mà nghỉ lưng. Chàng suy xét lại cuộc tình duyên của Dần mới gây ra đó thì chàng chúm chím cười. Ðã có sẵn tâm hồn "tùy thời mà tiến", chàng nghĩ lấy Dần làm vợ bé có lợi chớ không có hại.
Người ta có hai vợ thiếu gì, ai cười chê mà sợ. Huống chi Dần khôn ngoan, lanh lợi, tráo trở bãi buôi, lại có sắc đẹp hơn vợ nhà, thì có cớ gì mà chê được. Dần có nhà cửa sẵn lại có nghề nghiệp riêng, không cần chồng nuôi dưỡng mà sợ tốn công tốn của. Hơn nữa gá nghĩa vợ chồng với Dần, mình được thân thế của ông Ðội Tồn, hết sợ ai bắt bớ, mà lại còn biết tin tức của cụ Thủ Khoa, làm một việc mà có lợi nhiều bề, lợi cho phận mình mà cũng lợi cho Ðất Nước. Ðã vậy mà mình giăng câu lưới cá cho Dần bán mỗi ngày, lâu lâu về thăm nhà, mình đem tiền về cho cha mẹ vợ con, mình còn giúp ích cho gia đình được nữa.
Ðạt suy tới nghĩ lui rồi buồn ngủ nên ngủ khò.
Dần đi qua thành, chừng trở về thấy Ðạt nằm ngủ thì nắm cánh tay kêu dậy mà nói: "Dậy, dậy đặng tôi thuật chuyện cho mà nghe. Anh tôi thấy cho cá chẻm ảnh mừng quá, ảnh hỏi cá ở đâu mà lớn con dữ vậy. Tôi nói tôi mới làm bạn với anh giỏi nghề chài lưới nên có tôm cá cho tôi bán mỗi ngày. Ảnh chịu lắm. Gốc ảnh làm nghề như mình nên ảnh khuyên vợ chồng rán lo làm ăn. Ảnh bảo bọc cho, ai có hiếp đáp hay là kiếm chuyện làm tiền thì qua
cho ảnh hay ảnh sẽ binh vực, đừng sợ chi hết. Ảnh nói ai có truy xét anh thì anh nói anh là em rể của ông Ðội Tồn tự nhiên người ta phải kiêng nể. Tôi hỏi qua vụ Bình Cách thì ảnh nói người ta mới bố vùng đó gắt lắm, rồi tự nhiên ảnh nói chuyện bắt được chánh tướng của giặc là ông Thủ Khoa. Ông bị đạn trúng bắp vế, nhưng may không gãy xương nên chắc ổng khó chết, mà cũng khỏi mang tật. Vì ổng còn dưỡng bịnh nên chưa nghe họ sẽ xử ổng cách nào. Nhưng họ để ổng nằm nhà thương chung với đám thương binh của họ, thì chắc họ không có tính xử tử. Ðó, tôi đi lo công chuyện cho anh xong xuôi hết đó anh vừa lòng hay không?"
Ðạt nắm tay Dần mà cám ơn hai người ngó nhau vui cười, không còn sụt sè hay nghi kỵ gì nữa.
Từ đó Ðạt và Dần ăn ở cùng nhau như vợ chồng, càng bữa càng thêm yêu, càng thêm khắng khít. Tuy vậy mà bữa nào Dần đi bán cá về, trừ tiền mua gạo đồ ăn rồi nàng chia làm ba, phần của Ðạt nàng cũng cất riêng cho chàng, tính để dành đặng may quần áo cho chàng về thăm nhà thì đem về cấp dưỡng cho cha mẹ vợ con chút đỉnh.
Còn Ðạt được an thân, chàng không quên cụ Thủ Khoa. Hễ đôi ba bữa chàng nhắc Dần đem tôm cá qua cho ông Ðội, rồi hỏi thăm bịnh của cụ Thủ Khoa giùm cho chàng.
Nhờ vậy mà khi Thị Ðậu với Thị Trâm ra kiếm thăm Ðạt lần đầu, Ðạt nhắn tin cho cha biết về bịnh tình của cụ Thủ Khoa là tin đích xác chớ không phải đặt chuyện. Chàng đặt chuyện nói dối có điều nầy là nói giặc để yên đặng gạt nghĩa binh trở về đặng vây bắt cho hết cả vùng, nói như vậy đặng có cớ mà ở ngoài Mỹ cho lâu mà thôi. Chàng khoe được ông Ðội thương và được thân thiết với ông lắm, nhưng kỳ thiệt chàng chỉ nghe Thị Dần nói chớ chưa hề được giáp mặt với ổng lần nào. Chàng còn dấu biệt chàng đã kết nghĩa vợ chồng với Thị Dần, chỉ nói ở đậu đặng đi câu mà thôi, rồi sợ vợ nghi nên nói dối Thị Dần có chồng làm việc với ông Ðội.
Mà bữa đó Ðậu với Trâm ăn cơm rồi xuống mà về, tuy Ðạt không nói ra, song Dần có con mắt tin đời nên nàng biết Ðậu là vợ của Ðạt còn Trâm là em. Nhưng biết thì biết, chớ nàng không cật vấn, không nổi ghen không giận hờn, không buồn bực. Trái lại nàng càng vui vẻ,
bãi buôi hơn lúc trước, càng chiều chuộng, lo lắng cho Ðạt hơn. Nàng thầm nghĩ ghen tuông rồi nói bậy làm cho chồng chán chớ không ích gì, hay hơn là tiếp làm cho chồng vui gần mình, làm như vậy mới gọi là gái khôn, có mưu cao, có trí sáng.
Bữa sau bán cá rồi Dần mua vải mang về mướn thợ cắt nay cho Ðạt một cái quần một cái áo, dặn thợ phải may giùm cho mau. Bữa sau nữa, nàng xách tôm cá qua cho ông Ðội, rồi về nói vết thương của cu Thủ Khoa nay đã lành. Nàng lại nói ông Ðội có dặn bữa nào Ðạt có rảnh thì dắt Ðạt qua thăm ông biết mặt thằng em rể một chút.
Ðạt đã có ý muốn được thân cận với ông Ðội đặng có thể tìm hiểu cách hành động của binh lính bên địch, nhứt là biết chút đỉnh lực lượng và mưu của giặc, nhưng không có dịp nào thuận tiện, nên chàng chưa dám tỏ bày ý muốn đó cho Dần biết.
Nay nghe Dần nói ông đội muốn biết chàng mừng quá, tính bữa sau biểu Dần dắt chàng đi. Dần nói quần áo lôi thôi quá, để đợi vài bữa may đồ mới rồi sẽ bận coi sạch sẽ mà đi coi mới được.
Vài bữa sau Ðạt có áo quần mới bận coi sạch sẽ, đàng hoàng. Ăn cơm trưa rồi Dần với Ðạt mới đi qua thành thăm ông Ðội Tồn. Ðạt gặp nhiều tốp lính Tây đi chơi đầy đường, còn lính Việt thì rải rác không nhiều lắm. Theo mấy nẻo đường thì lính Việt gác, còn cửa vô thành thì lính Tây.
Ðạt thấy Dần đi mạnh mẽ không lo sợ gì hết, thì chàng vững bụng cứ đi theo.
Ông Ðội Tồn ăn cơm rồi đang ngồi hút thuốc, ông thấy Dần bước vô, có Ðạt đi sau thì ông hỏi: "Chồng em đây phải hôn?"
Dần nói phải. Ðạt chấp tay xá ông. Ông vui vẻ biểu ngồi, hỏi thăm việc chài lưới. Ông thấy Ðạt mạnh mẽ, nói chuyện rành rẽ, tỏ ra người có lễ giáo, chớ không phải hạng dốt nát thiệt thà, ông khuyên Ðạt nên xin đi lính đặng lập công danh với người ta, chớ làm nghề chài lưới, tuy đủ ăn song lạnh lẽo cực khổ lắm lại chừng già thì lãnh chức "Ngư ông" vậy thôi. Bây giờ người ta nói hiệp tác với Tây là xấu hổ, họ gọi là phản quốc nên ít chịu ra làm quan làm lính với Tây. Chánh lúc Tây đang yêu cầu mình giúp mới được quí trọng. Ông Ðội biểu Ðạt xin đi lính ông sẽ đỡ đầu cho, ông hứa vô chừng vài tháng ông sẽ xin cho lên chức Cai, rồi nếu Ðạt giỏi giắn rán lập công sẽ lên Ðội cao sang như ông mới sướng. Ông chỉ mọi điều lợi hại mà khuyến dụ Ðạt. Ðạt thấy ông làm lớn mà tử tế với mình nên không dám cãi, không dám từ chối xin để Ðạt suy nghĩ ít ngày rồi quyết định.
Ðạt muốn hỏi thăm cụ Thủ Khoa nhưng sợ ông Ðôi nghi nên không dám mở miệng. Dần hiểu ý nên nàng gây ra mà hỏi giùm cho chàng. Ông Ðội nói cụ Thủ Khoa đã được phép đi trong phòng rồi. Cụ mạnh mẽ như thường. Quan thầy nói vài bữa nữa sẽ cho cụ đi ra sân mà chơi. Ông lại nói quan Tây o bế quí trọng cụ lắm, cho ăn đồ Tây luôn luôn. Chắc chừng cụ lành mạnh sẽ thả cụ về, chớ không làm tội chi hết.
Ðạt được ông Ðội Tồn nhận làm em rể, rồi được nghe tin cụ Thủ Khoa gần lành mạnh được quan Tây quí trọng và có lẽ sẽ được tha về, thì chàng vui vẻ trong lòng nên từ ông Ðội mà về cho ông nghỉ. Ông Ðội khuyến dụ thêm nữa, ân cần biểu nên xin vô lính mau mau, chẳng nên về vùng Bến Tranh, Bình Cách là vùng bị tình nghi, phải đi lính đặng ông che chở lập thế làm cho mau lên chức.
Không cần phải nói ra, bởi vì ai cũng nhận thấy phải có lời của Thị Dần nói vô nói ra sao đó, nên ông Ðội Tồn mới biểu dắt Ðạt qua cho ông nói chuyện, mà gặp nhau thì ông cứ khuyên Ðạt vô lính đặng ông che chở và nâng đỡ cho, ông không nói ngay Ðạt là người có chưn trong đoàn nghĩa binh kháng chiến. Song ông nói xa gần, dặn đừng về vùng bị tình nghi, phải vô lính cho ông che chở, ông nói vậy cũng như ông hâm dọa.
Sở dĩ Thị Dần cậy ông Ðội Tồn làm như vậy là nàng muốn Ðạt phải đi lính mới cầm chưn Ðạt ở luôn ngoài Mỹ Tho với nàng, chớ nếu để Ðạt lưng chừng đi kéo lưới giăng câu, vợ ra thăm hoài, thì sợ e trong ít ngày đây chàng sẽ bỏ nàng mà về với vợ lớn.
Ði thăm ông Ðội rồi trở về nhà, Ðạt ngồi nói chuyện với Dần chàng cứ khen ông Ðội vui vẻ có oai quyền mà không kiêu hãnh, biết thương kẻ dưới, biết giúp bà con. Dần nhơn dip mới tán tụng ông Ðội, tiếp đặt chuyện mà khen dối, làm cho Ðạt có thiện cảm nồng nàn nhưng Dần bỏ dẹp, không nhắc tới chuyện ông Ðội khuyên Ðạt xin vô lính.
Ðến nửa chiều Dần xuống ghe bắt tôm cá lên nấu cơm cho Ðạt ăn sớm đặng đi giăng câu. Ðạt nằm một mình, chàng nhớ lại lời của ông Ðội khuyên đi lính, khuyên mà dường như ép, hứa nâng đỡ mà còn che chở giùm. Tại sao mà phải che chở? Tại sao mà không về cái vùng bị tình nghi? Ông biết mình có chưn trong đoàn nghĩa binh kháng chiến hay sao mà ổng biểu như vậy đặng cứu mình? Chàng nghĩ tới đó thì chàng buồn.
Chừng ăn cơm chiều Ðạt bày tỏ nỗi buồn lo của chàng cho Dần nghe rồi hỏi ý Dần có muốn để cho chàng nghe lời ông Ðội vô lính hay không?
Dần suy nghĩ: „Việc đó tuỳ ý anh liệu. Tôi không dám xúi mà cũng không dám cản anh theo nghĩa binh đặng kháng chiến. Anh quyết thí thân mà giúp nước cứu dân. Anh làm như vậy là
phải lắm, ai mà chê anh được. Mà anh Ðội khuyên anh vô lính theo Tây cũng không phải ảnh khuyên bậy. Tôi nhớ năm đó Tây ép buộc anh tôi phải theo. Ảnh sợ nếu nghịch mạng thì chúng bắn chết nên ảnh mới theo làm lính. Có người nói ảnh phản quốc, nên ra giúp cho kẻ cướp đất nước của mình."
Ðạt lặng thinh, ăn cơm rồi thay đồ xuống ghe chèo đi.
Mấy bữa sau Ðạt với Dần không nhắc đến chuyện đi lính nữa. Nhưng Ðạt cứ tư lự, không biết đường nào là đường phải mà đi, nên mất vui.
Kế Thị Ðậu với Thị Trâm ra thăm lần thứ nhì, chuyển đạt lời của ông Nhiêu khuyên con rán lập kế làm cho cụ Thủ Khoa trốn mà về.
Ðến tan chợ Thị Dần thấy buồng chuối già với 5 trái dừa bị 6 thì hỏi dừa chuối của ai vậy. Ðạt nói của em đem ra cho Dần. Thị Dần nói:
- Chắc có chị lớn đi, chỉ có biểu anh về hay không?
Ðạt nói:
- Hai chị em đi chợ ghé thăm một chút rồi về liền. Không có biểu tôi về.
Dần cười rồi bưng rổ đi thẳng vô buồng.
--------------------------------
1loại cá sông lớn, có thể đạt trọng lượng đến 4- 5 kg
2kiến trúc như chái nhà. Chái nằm bên hông nhà, mái giại nằm sau nhà hay riêng 3giàn bằng cây hay tre
4âm của chữ matamata, tiếng Mã Lai, nghĩa là cảnh sát
5lấy, cưới
6loại dừa trái lớn, dáng như cái "bị" nên gọi là dừa bị
VII
Thị Dần là một thiếu phụ sanh trưởng xóm chài xóm lưới, chuyên nghề bán tôm bán cá, mà tạo hoá gắn cho nàng một lòng dạ cực kỳ kín đáo. Tuy Ðạt là một chú trai biết tráo trở, ưa tùy thời, song chàng không đủ sáng suốt để thấy tâm hồn của nàng được.
Ðược nghe lời Ðội Tồn dụ dỗ đi lính, rồi lại được lịnh của ông Nhiêu dạy phải lập kế giải thoát cho cụ Thủ Khoa, trót mấy bữa rồi đầu óc của Ðạt suy nghĩ lung tung dường như có trận giặc đang đánh trong đó. Ban ngày ở nhà thì chàng thơ thẩn buồn lo, bớt vui cười giảm hăng hái. Cử chỉ ấy không qua khỏi cặp mắt tinh đời của Dần được. Thế mà nàng cứ làm lơ, dường như không để ý, không muốn biết việc gì hết. Nàng không nhắc chuyện đi lính, cũng không tính đi thăm Ðội Tồn.
Buổi trưa Ðạt hỏi Dần:
- Hồi hôm kiếm được vài con cá chẻm, sao em không bán, để làm chi? - Ðể ăn.
- Ăn mà hay gì. Thôi đem cho ông Ðội đi. Hổm nay lâu cho rồi. Muốn biết coi bữa nay cụ Thủ Khoa đã lành mạnh đi ra ngoài hay chưa.
- Ðể tôi đi tôi hỏi cho.
Thị Dần đội khăn xuống ghe bắt cá rồi đi liền.
Vì nóng nghe tin tức, bữa nay Ðạt không ngủ được, cứ nằm thao thức chờ Thị Dần. Lần nầy Thị Dần lại đi lâu hơn mấy lần trước. Nhưng về tới nàng lại hào hển bước vô cửa kêu mà nói:
- Anh Ðạt họ chở cụ Thủ Khoa đi mất rồi!
Ðạt lồm cồm ngồi dậy hỏi:
- Chở đi đâu?
- Nghe nói chở lên Sài Gòn. Qua đó không có anh Ðội ở nhà. Anh đi tập lính đâu đó không biết. Tôi phải ngồi chờ ảnh về đặng hỏi thăm. Chừng ảnh về, ảnh vừa thấy mặt tôi là ảnh nói hôm qua có chiếc tàu ở trên Sài Gòn xuống họ thấy ông Thủ Khoa thiệt lành mạnh rồi, họ đem ổng xuống tàu chở tuốt về Sài Gòn.
- Sao bữa hổm ông Ðội nói có lẽ họ sẽ thả cụ Thủ Khoa?
- Tôi cũng có nhắc lời ảnh nói với mình như vậy, rồi tôi hỏi phải họ chở lên Sài Gòn đặng họ thả ổng hay không? Ảnh nói hôm trước ảnh thấy quan Tây săn sóc o bế ông Thủ Khoa, ảnh tưởng họ thương nên họ sẽ thả. Té ra hôm qua họ chở ổng đi mà họ còng tay ổng lại có hai
người lính tay bồng súng theo giữ, nên chắc không phải họ đem lên Sài Gòn mà thả đâu, sợ họ đem về trển đày ra Côn Nôn.
Ðạt nghe tới đó khoanh tay ngồi buồn hiu. Dần hỏi:
- Côn Nôn ở đâu? Anh biết hay không?
- Ở đâu ngoài Ðại Hải ai mà biết được.
- Ðại Hải ở chỗ nào?
- Nghe nói như vậy chớ có biết đâu.
- Bị đày ra đó thì làm sao mà về?
- Về gì được.
Ðạt ngồi lơ lửng một hồi rồi thở một hơi thở dài mà than: „Thôi đoàn nghĩa binh chắc tan rã luôn... Còn gì mà mong kháng chiến để thâu phục đất nước! Biểu phải rán lo mưu kế mà đem cụ trốn. Làm sao vô đó được mà đem cụ ra. Người ta canh giữ nghiêm ngặt cả nguyên ngày làm sao vô ra được.
Thị Dần chưng hửng hỏi:
- Anh có tính đem cụ Thủ Khoa trốn hay sao?
- Người ta biểu tôi làm như vậy. Việc tày trời làm sao được mà biểu.
- Bây giờ họ chở đi mất rồi, còn tính gì được.
- Ông Ðội có nhắc việc tôi đi lính hay không?
- Ừ, có. Nảy giờ tôi quên nói. Chừng tôi ra về anh Ðội kêu hỏi chuyện ảnh biểu anh vô lính bữa hôm đó anh đã quyết định hay chưa. Tôi nói tôi không hiểu để tôi về tôi hỏi lại anh coi. Anh dặn tôi biểu anh vô cho mau, làm việc chừng vài tháng ảnh cho làm Cai rồi ảnh chỉ cho cách lập công đặng thăng chức Ðội.
Ðạt chúm chím cười.
Dần đứng dậy đi vô trong vừa đi vừa nói:
- Hễ anh đi lính thì tôi phải dẹp cái nghề đi bán tôm cá rồi, chớ thiếm Cai, bà Ðội mà còn đeo theo nghề hàng tôm hàng cá, coi sao được.
Chiều lại, ăn cơm rồi. Ðạt cũng xuống ghe đi câu và lưới như thường lệ. Nhưng khuya chàng về sớm hơn các bữa khác và hối Dần nấu cơm riết cho chàng đặng chàng đi về Bến Tranh. Dần ngạc nhiên hỏi:
- Anh về Bến Tranh thăm nhà hay là về có việc chi?
- Về có việc riêng một chút, mà nhứt là về thưa trước cho cha tôi hay đặng tôi vô lính. - Anh quyết định đi lính hay sao?
- Quyết định rồi. Cụ Thủ Khoa bị đày thì kháng chiến gì nữa mà ở ngoài.
- Khoan anh tính đi thì để chiều tối rồi sẽ đi. Chẳng nên đi ban ngày. Anh Ðội dặn đừng có léo về vùng bị tình nghi đó anh quên hay sao?
- Ừ, thôi, để chiều đi cũng được.
- Ðợi tôi đi bán rồi mua bánh trái chút đỉnh đặng anh đem về chớ.
Dần dọn cơm ăn với Ðạt rồi bưng tôm cá đi bán. Nàng mua trà tàu, thịt heo, cốm kẹo, bưng về đặng chiều Ðạt đem về Bến Tranh cho cha mẹ vợ con vui lòng.
Trưa bữa đó Dần chiên cơm mà ăn rồi nằm nghỉ lưng, mới hỏi Ðạt:
- Anh tính về nói chuyện rồi trở ra liền hay là ở chơi đến bữa nào mới ra?
- Cái đó tính trước không được. Ðể về trỏng nói coi cha bằng lòng hay không đã. Như xuôi thuận thì nội ngày mai trở ra. Tôi sợ ông già cản trở, không chịu cho đi lính.
- Như cha không chịu thì anh làm sao?
- Tôi sẽ chỉ chỗ lợi hại cho cha thấy có lẽ cha phải chịu chớ.
Tôi nhớ mấy lời anh tôi đối đáp với thiên hạ, lúc ảnh mới ra đầu Tây. Ảnh nói chơi mà nghe có lý quá.
Rồi đó Thị Dần làm bộ hí hởn, nói giọng giễu cợt, kiếm đủ lý lẽ để bào chữa cho người qui thuận với nhà binh nhà nước Tây, hoặc giúp trong quân đội, hoặc giúp về hành chánh, để lập an ninh thịnh vượng cho nhơn dân đất nước. Nhờ có thiên tư lanh lợi khôn ngoan, nên nàng làm cho Ðạt phải say mê những vinh hiệu làm quan làm lính cho tân trào, quên hết giống nòi, quên hết non sông tổ quốc. Nàng nói nói cười cười, hấp dẫn cả tâm hồn Ðạt, không để cho Ðạt nghi nàng khuyến dụ, nhưng kỳ thiệt là ép buộc Ðạt đi lính mà Ðạt không dè.
Thị Dần không phải yêu gì Tây mà dụ dỗ Ðạt đi lính giúp Tây. Nàng chỉ muốn giựt chồng của Thị Ðậu mà thôi, nên âm mưu làm cho đi lính đặng ở luôn ngoài Mỹ Tho với nàng, bỏ vợ con, bỏ cha mẹ nữa. Lòng dạ đàn bà nham hiểm như vậy đó. Họ muốn được thoả mãn chút tình yêu của họ dầu người đàn ông phải mất danh dự, phải mang tiếng phản quốc, nghịch thần, họ cũng không cần, miễn họ được vui lòng thì thôi. Ðàn ông như chú Ðạt nầy làm sao thấu hiểu hiểm nguy mà tránh. Mà Ðạt quen thói tráo trở, thì lại càng dễ sa ngã hơn người.
Chiều bữa đó Thị Dần tính nấu cơm cho Ðạt ăn sớm, đặng sửa soạn rồi chừng mặt trời lặn thì chèo ghe mà đi. Ăn cơm rồi nàng xách ra một xâu thịt heo với mấy gói trà, cốm kẹo để cho Ðạt đem về Bến Tranh. Nàng nói hồi sớm mơi tính về nên nàng để lại trong rộng một mớ tôm càng, ít con cá. Vậy về trỏng nhớ biểu bắt lên nhà mà ăn.
Sau hết Dần lại nói tiền bán tôm cá hổm nay trừ tiền mua ăn chia phần của Ðạt được 26 quan. Hôm nọ may một bộ quần áo mất hết 7 quan. Bây giờ còn 19 quan. Ðể nàng lấy phần của nàng một quan bỏ vô cho chẵn 20 quan đặng đem về cho cha mẹ vợ con dùng.
Ðạt thấy Dần nghe chàng tính về Bến Tranh nàng sắm thịt cá bánh trà đủ thứ mà gởi cho cha mẹ thì chàng rất cảm tình. Ðến chừng nghe nhắc đến tiền bán tôm cá nữa thì chàng động lòng quá, không tìm ra lời mà đáp nghĩa ấy cho vừa chỉ nói:
- Thôi đem tiền về mà chi, để dành ngoài nầy mà xài chớ.
- Có xài gì đâu. Nếu cần dùng thì có phần tiền của em đây. Anh đi đã hai mươi mấy ngày rồi. Nếu về tay không thì coi sao được. Anh lại còn mang tiếng làm mọi mà nuôi em. Cái đó em chịu không được.
- Qua đi lánh nạn, ai mà trông qua đem tiền về hay sao mà em lo?
- Mà anh đem tiền về mới hay chớ.
- Thôi đem một chục quan mà thôi.
- Ít quá. Ðể lấy 15 quan đi.
Thị Dần vô xách 15 quan tiền để trên ván. Ðạt vô trong thay bận bộ đồ mới. Dần biểu để hết đồ cũ lại đặng ngày mai không đi bán tôm cá, nàng sẽ giặt phơi sạch sẽ đặng chừng chàng trở ra có sẵn mà bận.
Sửa soạn xong rồi Ðạt xách 15 quan tiền đi xuống ghe. Thị Dần xách thịt với trà bánh theo sau. Chừng Ðạt gay chèo thì Thị Dần ứa nước mắt. Ðạt nói: " Em mở giùm dây đi. Bề nào qua cũng trở ra mà. Ở cái vùng bị tình nghi thì ở làm sao được. Không phải qua nhát nên qua sợ chết. Nhưng chết cho có ích kìa, chớ chết vô lối, chết dại dột, qua không chịu đâu. Thôi em vô nghỉ, để qua đi "
Dần xô ghe ra. Ðạt chèo đi, gặp nước xuôi nên ghe đi thiệt lẹ. Dần đứng trên mé sông ghé theo đến ghe đi khuất, nàng hết thấy được nữa mới xây lưng trở vô nhà.
Mặt trời đương chen lặn.
Cũng bữa đó, hồi sớm mơi học trò chưa tựu lại học ông Nhiêu Giám đi vòng chung quanh đám rau trồng bên hè mà nhổ cỏ lắp gốc, Tâm là cháu nội của ông, xẩn bẩn sau lưng ông, kiếm chuyên nói không ngớt.
Thị Trâm ở trong nhà đi ra, thấy cha đang lui cui săn sóc đám rau, thì tiếp tay với cha mà nhổ cỏ. Một lát bà Nhiêu cũng ra nữa, bà đứng coi chồng con làm một chút rồi nói:
- Cỏ còn nhiều quá cơm đã chín rồi. Thôi vô rửa tay ăn cơm rồi chiều mát sẽ làm tiếp.
Bà Nhiêu nói chưa dứt lời, thì chú tư Ðịnh người ở vườn giáp ranh với ông Nhiêu, hào hển nhảy mương qua mà nói:
- Ông ơi con nhỏ tôi đi lên chợ nó chạy về nói có Tây vô ông à. Vô gần tới chợ rồi. Ông Nhiêu đứng dậy hỏi:
- Ðông hôn?
- Nó nói đông lắm.
- Bố rồi! thiệt quả thằng Ðạt nói không sai.
Chú đã có đi rao cho sắp nhỏ ẩn mặt, không biết nó có đi hay không lán chán ở nhà bị chúng lượm hết.
- Ði hết. Ðứa nào có lén về thì về ban đêm rồi khuya cũng đi, đâu dám ở nhà. - Thôi chú đi về. Về ở trong nhà đừng sợ mà chạy bậy, chúng bắn chết. Tư Ðịnh nhảy qua mương mà về. Bà Nhiêu hỏi:
- Làm sao ông, tôi sợ quá!
Ông Nhiêu nghiêm nghị nói:
- Bà nó vô nhà đi, vô ở nhà dưới với con Ðậu lo cơm nước, đừng sợ chi hết. Ðể con Trâm ở ngoài nầy với tôi. Bà nó vô đi.
Bà Nhiêu xây lưng đi liền mặt mày tái lét
Ông Nhiêu với Thị Trâm ngồi lại nhổ cỏ nữa. Thằng Tâm cũng vẫn xẩn bẩn theo một bên ông nội, không chịu vô nhà.
Ông Nhiêu quen tánh trầm tịnh nên cứ cặm cụi làm việc, không thèm nói chi hết. Còn Thị Trâm vì sợ nên hồi hộp, không dám hó hé mà mắt cứ dòm chừng ra bờ đắp phía trước nhà.
Cách một hồi lâu có một tốp lính chừng ba bốn mươi người, đi ngang ngoài rào của ông Nhiêu, có lộn chừng năm bảy lính Việt, còn bao nhiêu toàn là Tây vai mang súng đầu đội nón trắng, tướng mạo lẫm liệt. Họ đi qua, họ ngó vô nhà ông Nhiêu, song không ghé như lần trước. Chừng họ đi khỏi rồi, Thị Trâm mừng nên nói với cha: "Chuyến nầy họ không ghé xét nhà mình may quá cha há? "
Chú Tư Ðịnh đứng bên vườn của chú kêu và nói: " Ông ơi bây giờ họ quẹo đi vô phía Bình Cách ông à."
Ông Nhiêu nói: " Họ bố hết vùng nầy "
Bà Nhiêu ra cửa nói: "Họ đi hết rồi. Thôi vô rửa tay đặng ăn cơm ".
Chừng cả nhà ăn cơm, Bà Nhiêu mới nói: " Thằng Ðạt biết trước họ sẽ bố nữa, nên nó ở luôn ngoài Mỹ xong quá. Nếu nó ở nhà thì cũng trốn mà không chắc trốn khỏi "
Ông Nhiêu nói: " Chuyện tôi biểu sắp nầy ra dặn nó đó, không biết thế nào mà hổm nay sao êm ru "
- Bữa hổm con nói chuyện với ảnh thì ảnh than khó lắm cha à.
- Ai lại không biết khó. Nhưng khó mà làm được mới giỏi, công mới lớn chớ. - Ảnh nói ảnh sẽ rán, song phải chậm chậm, chớ gắp không được.
- Cũng nên làm cho mau mau, chớ trễ quá thì nghĩa binh thối chí họ tản lạc hết, làm sao mà gom lại được.
- Cha muốn con ra thúc ảnh hay không?
- Khoan để chờ ít bữa coi.
Bữa ấy Ông Nhiêu cũng vẫn dạy học như thường. Nhưng tối ông nằm trên võng có ý mong mỏi cụ Thủ Khoa trốn được mà trở về đặng ông bày kế liên hiệp với mấy ông Trực, Dương và Ðịnh mới có đủ thế lực mà đánh đuổi binh xâm lăng nổi.
Ðến nửa canh một ông nghe có tiếng ghe chèo dưới sông, rồi lại lộp cộp, dường như có ghe ghé đụng vào cầu thang. Ông đứng dậy bước lại mở cánh cửa giữa mà dòm
Trăng mùng bảy mờ mờ, ông thấy dạng một người mặc đồ đen leo lên cầu thang rồi xăm
xăm đi vô sân. Ông bước ra cửa mà hỏi: " Ai đó? "
Người đó trả lời:
- Thưa, con.
- Thằng Ðạt phải hôn?
- Thưa phải.
- Mầy rước được cụ Thủ Khoa về hay không?
- Thưa không. Tàu xuống chở cụ đem lên trên Sài Gòn rồi.
- Trời đất ơi! Còn gì nữa mà mong! Vô đây. Vô riết cho tao hỏi chút coi.
Ông Nhiêu trở vô nhà đi thẳng lại ván mà ngồi, có thắp đèn để trên ghế gần đó. Bà Nhiêu, Thị Trâm với mẹ con Thi Ðậu vừa mới nằm một lát chớ chưa ngủ, nghe tiếng Ðạt nói ngoài sân thì đồng dậy hết đi ra mà mừng.
Ðạt bước vô, một tay xách xâu thịt cho vợ và biểu đi kho liền cá thịt đi, mua từ sớm mơi sợ để tới sáng mai nó hôi. Còn mấy gói thì chàng đưa cho bà Nhiêu, xin mở cốm và kẹo đưa cho Tâm liền một miếng. Chàng nói dưới ghe còn 15 quan tiền và mượn Trâm xuống xách giùm lên. Chàng lại nói trong rộng có một mớ tôm cá, Trâm coi như còn mạnh thì để sáng sẽ bắt lên mà làm, còn nếu tôm cá khờ rồi thì nên bắt lên làm, sợ để sáng nó chết hết.
Ông Nhiêu nóng nảy nói: " Cá tôm để cho con Trâm liệu được mà. Mầy lại đây nói rõ việc của cụ Thủ Khoa cho tao nghe một chút. Tao cậy lập thế cho cụ trốn sao mầy không làm? Họ chở lên Sài Gòn chi vậy? Ði hồi nào? "
Ðạt lại gần mà nói:
- Việc cha dạy con đó con lo hết sức mà tìm không ra kế, để con cắt nghĩa cho cha hiểu. Tây để cho cụ Thủ Khoa nằm nhà thương chung với tụi lính Tây bị thương đó. Nhà thương ở trong thành chung quanh có lính Tây bồng súng canh giữ ngày đêm nghiêm ngặt. Con quen với ông Ðội Tồn. Ổng thương con lắm, con tới lui mà thăm ổng được. Song ổng ở ngoài vòng thành. Ổng làm việc với Tây nên ổng vô thành thong thả. Con là người ngoài, con có được phép vô đâu, bởi vậy con không được giáp mặt với cụ Thủ Khoa mà nói chuyện được, con chỉ nhờ ông Ðội Tồn cho con biết tin tức của cụ vậy thôi.
- Con thân với ông Ðội đó, sao không cậy ổng giúp đem giùm cụ Thủ Khoa ra cho?
- Ủy! Cha tưởng chuyện chơi hay sao chớ, ông là tâm phúc của Tây, cụ Thủ Khoa là người đánh Tây, tức thì là người thù. Nếu ông Ðội biết con là người phe nên muốn cứu cụ Thủ Khoa, thì bắt con mà nộp cho Tây. Con bị xử bắn liền còn gì. Con chỉ dùng mánh lới khôn khéo lắm đặng dọ tin tức vậy thôi, chớ con đâu dám nói thiệt. Vậy mà con còn bị tình nghi, lính muốn bắt con hoài, may có ông Ðội thương con, ông hết lòng che chở nên con mới được yên thân.
- Mà tại sao họ chở cụ Thủ Khoa lên Sài Gòn.
- Theo lời ông Ðội nói, thì lúc đầu cụ Thủ Khoa bịnh nặng, Tây săn sóc cụ kỹ lắm. Chừng cụ gần lành mạnh, đi đứng được thì o bế cụ hết sức, cho ăn cơm Tây uống rượu Tây. Ông Ðội chắc chừng cụ mạnh họ sẽ thả cụ về. Con cũng tưởng như vậy nên con bớt lo. Ai dè hôm
qua ông Ðội nói bữa hôm kia có chiếc tàu ở Sài Gòn xuống chở cụ Thủ Khoa đi rồi, cụ bị còng hai tay dẫn xuống tàu, lại có hai người lính Tây bồng súng giữ. Con nghe nói con rụng rời tay chưn. Con hỏi họ chở cụ lên Sài Gòn làm chi, thì ông Ðội nói đem đi mà bị còng có lính giữ thì chắc là bị đày ra Côn Nôn. Con hay như vậy mà hồi sớm mơi con không dám về liền mà thông tin với cha, đợi gần tối con mới đi đây.
Bà Nhiêu nói:
- Phải con về hồi sớm mơi con gặp Tây ruồng bắt con rồi.
Ðạt chưng hửng hỏi:
- Hồi sớm mơi họ có đi ruồng hay sao?
- Có đi đông lắm.
- May cho con quá!
Ông Nhiêu thở ra một hơi dài và nói:
- Bây giờ tôi hiểu rồi. Ban đầu nó đãi cụ Thủ Khoa tử tế, theo o bế cụ, chắc là nó có ý dụ cụ Thủ Khoa đầu hàng đặng giúp nó. Cụ kháng cự không chịu qui thuận, nên nó chở cụ lên Sài Gòn đặng đày cụ chớ có gì đâu. Tôi phải theo lên Sài Gòn mới được lên ở ít bữa kiếm thế dọ coi Tây xử cụ Thủ Khoa cách nào.
Bà Nhiêu hỏi ông:
- Ở đây ông đi thì ông mượn ghe mượn người chèo đưa ông đi được rồi. Mà lên trển ông ở đâu đặng đi hỏi thăm?
- Lên trển tôi để ghe chờ tôi ít bữa. Nếu tôi liệu phải ở lâu thì tôi cho ghe về trước. Sau tôi kiếm ghe thương hồ tôi quá giang mà về. Còn chỗ ở thì tôi kiếm người làm quen rồi xin cho ở đậu, có khó gì đâu. Tôi kiếm mấy người quen hồi trước, như ông Ðồ Ngôn ở Vĩnh Hội, ông Nhiêu Lạc ở Xóm Dầu, mấy chỗ đó tôi ở được hết.
Thị Trâm ở dưới bếp lên cho Ðạt hay cơm chín rồi nên mời Ðạt xuống ăn. Nàng cũng mời luôn cha mẹ nói có thịt kho, tôm càng cá chẻm, vậy cha mẹ nên xuống ăn thêm.
Ðạt thấy Tâm nằm ngủ thì vỗ đít mà kêu đi ăn cơm. Bà Nhiêu cản, bà nói nó mới ăn một miếng kẹo, vậy để cho nó ngủ. Ðạt mới sực nhớ trà với kẹo cốm mang về mới biểu Trâm chế nước nấu một bình trà cho cha mẹ ăn kẹo cốm uống trà chơi.
Ðạt ngồi ăn cơm vui vẻ nói chuyện với vợ và em. Thi Ðậu hỏi giăng câu kéo lưới khá lắm hay sao mà ăn uống và may áo quần mới rồi còn dư đến 15 quan tiền mang về đó. Ðạt nói:
- Ngoài sông cái tôm cá nhiều, lại ít người làm, nên bữa nào đi cũng có. Lại nhờ chị chủ nhà mỗi bữa lãnh bán giùm, chị thạo giá chợ nên bán mới có tiền. Mà cũng may ở đậu nhà đó chớ ở nhà khác thì chắc bị Tây bắt ở tù rồi, hết trông về được.
Hai nàng chưng hửng hỏi tại sao vậy, Ðạt nói chị chủ nhà đó là em của ông Ðội Tồn. Chỉ gởi gắm với ông Ðội, nên ổng che chở, không ai dám động tới. Hai nàng đã có cảm tình với Thị Dần mà nghe nói chị nọ là em của ông Ðội có thân thế mạnh mẽ thì càng thêm kính phục chị.
Ðạt ăn cơm rồi lên nhà trên thấy cha mẹ đương ăn cốm uống trà, cha tính sáng mai phải mượn ghe có mui và mượn hai người chèo mà đi cho gấp, không nên trì hoãn, vì họ dem cụ Thủ Khoa đi đã 3 ngày rồi; nếu mình chậm chạp, họ đày cụ đi rồi, thì làm sao mà gặp được.
Ðạt nghe cha nói như vậy thì hỏi:
- Nếu người ta đã quyết đinh đày cụ Thủ Khoa ra Côn Nôn Ðại Hải, dầu cha lên trển cha được gặp cụ đi nữa, cha cầm cụ lại được hay sao mà đi cho thất công.
- Cha muốn cho chắc đặng cha liệu mà vạch đường tương lai.
- Theo ý con thì đại cuộc đã bị hư hỏng rồi, không còn gì nữa mà trông mong. Hôm cụ Thủ Khoa bị thương và bị bắt, đoàn nghĩa binh đã mất tinh thần hết rồi. Nay nghe cụ bị đày thì chắc chắn sẽ tan rã không thể gì mà gom lại được. Mà dầu cụ Thủ Khoa được thả về và cụ gom nghĩa binh lại đủ cụ cũng không thể nào phục quốc được. Con ra ở ngoài Mỹ gần tháng nay, con quan sát kỹ rồi, binh lính của người ta hùng hậu, lão luyện, lại có súng nhỏ súng lớn đủ thứ. Quan cầm binh là một người chuyên nghiệp, thông chiến sự, biết lược thao. Nghĩa binh của mình đều là người làm ruộng hoặc đi câu, thuở nay không quen ra trận. Binh khí thì là mác thông, chỉa ba, chớ không có súng. Vì thương đất nước nên người mình không sợ chết, dám xông lước súng đạn ngoài chiến trường. Người cầm binh như cụ Thủ Khoa, tinh thần mạnh thiệt, nhưng cha nghĩ coi tầm vong dao mác mà chống cự với súng điển thương 1, chống với đại bác, chống làm sao cho nổi.
- Chống không nổi, cũng phải chống. Thà chết theo đất nước, chết được vinh hiển, chớ sống mà làm tôi mọi cho ngoại bang thì tủi nhục quá sống làm sao được.
- Không phải con sợ chết, nhưng chết cho có ích thì nên chết, chớ chết vô ích thì chết làm chi. Bình nhựt tri ều đình cứ lo mão cao áo rộng xuống kiệu lên voi, không thèm huấn luyện binh đội, không biết tổ chức phòng bị. Quân ngoại xâm vào nước rồi hoành hành như vào cảnh không người. Chúng đi tới đâu, quan quân của mình cứ lo chạy tới đó. Những người áo rộng mão cao, bình thường ăn trên ngồi trước, kêu gió làm mưa, khi có giặc thì phải đem thân ra mà cứu dân giữ nước. Các ổng trốn đi đâu mất hết, để cho dân làm sao thì làm, đợi dân làm xong rồi mấy ổng sẽ ló ra lại đặng vuốt râu trợn mắt mà hò hét. Người có trí thức lại có oai quyền mà không dám làm; dân yếu ớt quê mùa, làm sao cho xong mà trông cậy. Con đi câu gần một tháng nay, ban đêm nằm giữa trời nước, con nghĩ cuộc đời rồi con ngán quá. Hạng quê dốt như con chỉ để cho thiên hạ lợi dụng, chỉ đưa lưng cho họ bước mà leo lên cao. Ðã mang số phận tôi mọi, thì với ai cũng là tôi mọi, không cần phải chê khen, lựa chọn. Vậy con muốn làm tôi mọi cho người nào giúp ích cho thân con mà thôi, giúp cho con vượt khỏi cái địa vị thấp hèn, khỏi chìm nổi trong lao khổ.
- Úy cha chả! Con nói cái gì vậy con? Giọng con nói sao cha nghe như ý con muốn phản quốc vậy?
- Thưa, con không tính phản quốc đâu cha. Con ái quốc lắm chớ song ái quốc làm cho dân khôn nước mạnh, chớ không phải ái quốc lại xúi dân chết, bỏ nước mất.
- Ý con muốn tính làm sự gì đâu con nói thử cho cha nghe thử coi.
- Con thưa thiệt với cha, từ bữa cụ Thủ Khoa bị giặt bắt thì con chán nản cực điểm. Nay nghe cụ chắc sẽ bị đày thì con thấy ngả cứu dân giúp nước mà cha dạy con đi đó đã bít đường rồi. Con muốn day qua ngã khác mà đi cho dễ bước, mà cũng tới mục đích đó vậy. Con muốn ra đầu Tây đặng cậy thế lực mạnh mẽ của họ mà giúp cho dân cư, làm cho nước thạnh vượng, con khuyên dân học tập tài trí mới, nghề nghiệp hay của họ rồi sẽ thừa cơ hội đánh đuổi họ về mà thâu phục đất nước mình lại.
Ông Nhiêu Giám giận đỏ mặt. Nhưng quen tánh trầm tĩnh nên, nên ông để cho con nói hết ý rồi ông mới châu mày mà mắng:
- Mầy là thằng xảo trá! Mầy muốn uống rượu chát gậm bánh mì, nên mầy kiếm lời thêu dệt cho êm tai, kỳ thiệt là mầy sanh tâm vong ơn phản quốc, chớ không phải an dân lợi nước gì hết.
Ðạt róng lên cãi:
- Xin cha bớt giận, cho phép con thưa hết cho cha nghe. Con không muốn làm theo thiên hạ: hoặc ngồi trong nhà cao buồng kín, tối ngồi khoe thương nước thương dân, mà kỳ thiệt là hại dân hại nước chớ không thương gì hết. Hoặc xách mác thong, vác rựa ngoéo xông ra chiến trường đặng chết với lằn súng viên đạn mà lãnh cái danh chí sĩ anh hùng, thí thân mà đổi cái danh không ích cho mình mà cũng không lợi cho ai hết, thì làm chi. Con muốn thương nước, thương dân theo cách sáng suốt, chớ không phải theo mù quáng.
- Gian hùng! Mầy là thằng gian hùng! Mầy nuôi tâm hồn bán nước! Mầy không được phép nói tiếng "Thương dân thương nước".
- Vậy cha muốn cho con phải chết hay sao?
- Thà chết.
- Chết mà dân không được nhờ, nước không lấy lại được, thì chết làm chi cho uổng mạng?
- Ðời chiến quốc, Triệu Tương Tử giết Trí Bá, tru di cả tông tộc và chia đất đai của Trí Bá với nước Nguỵ nước Hàn. Bộ tướng của Trí Bá chỉ còn sót có một người là Dự Nhượng. Thế mà Dự Nhượng không nản chí báo oán báo thù, không biết sợ binh đông tướng mạnh, một mình dám phục kích hai lần toan giết Triệu Tương Tử. Tuy trời khiến Dự Nhượng không thành công, song danh trung nghĩa của chàng được bia trong sử sách.
- Việc Dự Nhượng làm đó theo con thì không có chí hay. Anh ta thấy cùng đường nên tự tử cầu danh. Con không chịu làm như vậy. Con muốn sống đặng cứu dân.
- Mầy mà còn nói cứu dân giúp nước tao nghe sao tao mắc cỡ quá. Mầy sống đặng hại dân, bán nước, nói như vậy mới trúng chớ. Theo ý tao thì mầy cứ bền lòng mà kháng chiến, dầu rũi mầy có chết đi nữa thì mầy cũng được danh thơm, còn tao với mẹ mày cũng được đẹp mặt nỡ mầy với thiên hạ. Còn mầy ra đầu giặc đặng giúp sức cho giặc thâu phục nước nhà của mình, chẳng sớm thì muộn mầy cũng bị người mình phân thây mầy mà mầy còn làm nhục cho cả tông môn mầy nữa. Nếu mầy không chịu nghe lời tao, thì mầy đừng cho tao thấy mặt nữa. Mầy đi đường mầy, tao đi đường tao, không còn tình nghĩa cha con gì nũa, không ai biết tới ai làm chi.
- Cha hay con phải tiếp tục kháng chiến; cụ Thủ Khoa không còn. Con giúp sức với ai? Cha mẹ không hay hiện giờ con đương sống giữa một cảnh đời cực kỳ nguy hiểm. Vì người ta thương con nên lén cho con hay Tây đã nghi con có chưn trong đoàn nghĩa binh của cu Thủ Khoa, lại cho cái vùng mình đây là vùng nghịch. Người ta khuyên con đừng có lẻo về đây. Người ta biểu con tốt hơn là nên vô lính đỡ mà ẩn núp trong thời gian đặng người ta có thể che chở cho con khỏi chết. Tại vậy nên con phải lẻn về đây lúc ban đêm đặng trước thưa cho cha hay vụ cụ Thủ Khoa, sau bày tỏ việc riêng của con nữa. Con về một chút rồi khuya con phải ẩn mặt chớ không dám ở nhà ban ngày. Tại có cái khổ hăm he như vậy nên con mới tính con phải ra đầu giặc cho an thân, chớ đâu phải con có ý muốn hại dân hại nước.
- Mầy muốn sống mà mang tiếng xấu hơn là chết mà được danh thơm thì tự ý mầy. Tao không cần biết tới. Tao mắc lo đặng mai tao lên Sài Gòn mà nghe tin cụ Thủ Khoa.
Ông Nhiêu bỏ đi lại võng mà nằm. Bà Nhiêu kêu dâu biểu bồng Tâm vô nhà cho nó ngủ. Ðạt đi xuống nhà dưới ngồi nói chuyện với Thị Trâm. Bà Nhiêu têm trầu ăn rồi bà đi theo. Thi Ðậu bồng con vô buồng rồi nàng cũng trở ra đó nữa. Bốn mẹ con ngồi chùm nhum nói chuyện nhỏ nhỏ với nhau, nói tới canh ba, ông Nhiêu đi ngủ đã lâu rồi, mấy mẹ con mới rã đi nghỉ.
Tuy Ðạt có nói khuya chàng phải đi chớ không dám ở, song đến khuya chàng làm như bịn rịn không đành dứt ra đi. Ðến sáng bét mà chàng vẫn còn đeo theo nói với vợ chơi với con, nhưng lục đục ở phía sau nhà không dám léo ra phía trước.
Ông Nhiêu kêu Trâm với Ðậu giã sẵn cho ông vài cối gạo. Ông đi qua nhà chú Tư Ðịnh nói chuyện cụ Thủ Khoa cho chú hay và tỏ ý muốn lên Sài Gòn gấp đặng hỏi thăm tin tức. Tư Ðịnh có ghe hai chèo, ghe sắm để chở trầu cau, dừa chuối đi bán nên có mui, có bếp đủ hết. Tư Ðịnh chịu lấy chiếc ghe đó mà đưa ông Nhiêu đi và sai người nhà kêu ông Thới lại mà cậy ông đi đặng ông chèo mũi thì ông Thới cũng sẵn lòng đi giùm nữa.
Ông Nhiêu dặn Tư Ðịnh với ông Thới sửa soạn dọn ghe đến xế, nước gần ròng, thì lui ghe, ông trở về cho học trò nghỉ ít bữa, nói rằng ông mắc đi thăm bà con ở xa, chừng nào ông về rồi sẽ dạy tiếp.
Dâu con đã giã sẵn một thúng gạo trắng rồi. Bà Nhiêu soạn mắm muối cho ông đem theo. Ông gói vài cái áo vài cái quần. Bà lấy ra 20 quan tiền. Ðến xế vợ con ông Nhiêu phụ vác gạo tiền và xách hành lý đưa ông qua bên Tư Ðịnh rồi ghe lui.
Ông Nhiêu đi rồi Bà Nhiêu hỏi Ðạt bây giờ phận Ðạt tính lẽ rồi. Ðạt không nói chuyện đi lính nữa. Chàng chỉ buồn mà than thở về sự nguy hiểm buộc chàng phải lìa xa xứ Tịnh Giang, lìa cha mẹ xa vợ con, thì mới an thân mà sống được.
Bà Nhiêu vì tình mẫu tử, Thi Ðậu vì tình vợ chồng, Thị Trâm vì tình anh em, cả ba người đều là đàn bà, nên bị mấy tình ấy cảm xúc nặng nề, bởi vậy không người nào đành ép buộc Ðạt phải chết vì nghĩa, vì nhân, hay vì nước non, vì danh dự như ông Nhiêu ép buộc vậy. Ba người đều ân cần khuyên Ðạt kiếm chỗ cậy thế, mà ẩn núp cho qua khỏi gió giông đợi thanh tịnh an ninh trở lại rồi cha mẹ, chồng vợ, anh em, cha con sẽ đoàn tụ.
Bị cha rầy la, mà được mẹ xuôi thuận, Ðạt rất hài lòng nên rán ở lại với gia đình đêm sau, chừng đầu canh năm, mới xuống ghe mà đi nữa.
--------------------------------
1súng gắn lưỡi lê
VIII
Buổi sớm mơi đó, mặt trời mọc dọi ánh nắng sông sáng loà.
Thị Dần tính Ðạt đi về Bến Tranh đã hai đêm một ngày rồi sao bặt tin. Nàng ngồi tại cửa, mặt ngó xuống sông mà trông Ðạt. Ghe xuồng qua lại không ngớt, nhưng không thấy ghe lườn của Ðạt trở qua. Nàng nhớ hôm Ðạt sửa soạn ra đi chàng có nói nếu cha mẹ xuôi thuận để cho chàng đi lính thì chàng sẽ trở qua liền. Ðến bữa nay mà chàng chưa qua, nàng phát nghi vì hai lẽ nầy; một là cha mẹ không bằng lòng cho chàng đi lính giúp Tây nên bắt ở nhà, hai là Ðạt thương nhớ vợ con nên kiếm chước đặng thoát thân mà bỏ rơi nàng.
Nếu vì lẽ thứ nhứt mà Ðạt không trở qua thì nàng không giận Ðạt được. Nhưng đối với Ðạt nàng cư xử trọn tình, mà đối với cha mẹ Ðạt nàng cũng giữ đủ lễ nghĩa. Vậy thì cha mẹ không cho đi lính được thì ở ngoài nầy với nàng đặng đi giăng câu kéo lưới kiếm ăn cũng đủ ấm no vui sướng. Còn nếu vì lẽ thứ nhì mà Ðạt cút mất, Ðạt xảo trá mà gạt gẫm nàng, cử chỉ đó nàng không thể tha thứ được. Nàng phải trị tội phản bội, tội gạt cho nàng che chở dưỡng nuôi gần trót tháng, rồi bỏ nàng mà không nói một tiếng cám ơn.
Mà vì lẽ nào cũng vậy, nếu Ðạt không trở qua thì sẽ òn ỷ 1 với ông Ðội Tồn nói với quan Tây dắt lính đi bắt Ðạt đem về mà trị tội, vì Ðạt đã có thú thiệt với nàng rằng Ðạt có chưn trong đoàn nghĩa binh của Thủ Khoa Huân và có tham dự trong cuộc phục kích tại Bình Cách hôm nọ.
Thị Dần suy nghĩ tới đó bỗng thấy Ðạt chèo ghe lườn đương ghé vào bến ngay cửa nàng. Nàng mừng, lật đật đứng dậy, chạy riết ra mé sông, níu mũi ghe và lấy sợi dây mà buộc vô trụ, vừa làm vừa cười vừa nói:
- Tôi trông anh dữ quá. Sáng nay mà cũng chưa thấy anh trở ra, tôi tưởng anh gạt tôi đặng anh cút luôn chớ.
Ðạt cười mà nói:
- Cút đi đâu?
Dần cũng cười mà nói nho nhỏ:
- Em trông không được em giận, nên mới hồi nảy đây em cậy ông Ðội sai lính kiếm bắt anh. Ðạt lên bờ và hỏi:
- Bắt chi vậy?
- Bắt làm chi anh biết mà.
Hai người dắt nhau đi vô nhà. Dần nóng nảy nên không đợi Ðạt ngồi, nàng vụt hỏi liền: - Trong nhà chịu cho anh đi lính hay không?
- Ông già rầy quá. Ông nói nếu qua theo Tây thì ông từ qua, không nhận qua là con nữa. - Chết được! Mất hy vọng rồi. Bây giờ anh tính làm sao đây?
- Ông già đi Sài Gòn rồi, đi hồi xế hôm qua ông lên dọ tin tức cụ Thủ Khoa.
- Có bà con với cụ Thủ Khoa hay sao?
- Không có. Tại ổng thích cụ Thủ Khoa lắm. Bạn nhà nho mà. Ông cứ buộc qua phải bền chí kháng chiến. Thà chết hay là bị bắt bị đày như cụ Thủ Khoa chớ không được đầu giặc mà mang tiếng bán dân bán nước. Nếu qua cãi lời thì đừng về nhà nữa, đừng cho thấy mặt.
- Cha nói gắt như vậy, mà anh tính cãi lời hay sao mà anh trở ra đây?
- Cha đi rồi, hồi hôm qua than thở phận qua với mẹ, có vợ và em qua ngồi nghe. Qua nói rằng nếu qua không đi lính đặng có ông Ðội che chở, thì qua sẽ bị bắt bị tù, hoặc bị bắn. Bởi vậy qua phải bỏ xứ mà đi xa ở gần đây không được. Mẹ nói thà đi lính ngoài nầy thì
còn gần gũi viếng thăm được, chớ đi xa rồi làm sao. Vợ với em qua cũng đồng ý như mẹ, bởi vậy hồi khuya qua đi không ai cản trở.
- Em rất cám ơn anh vì em biết chắc tại anh yêu em nên anh mới nghịch ý cha mà trở ra đây ở với em. Em hứa chắc nếu anh không chịu đi lính, anh ở đây mà làm ăn với em, thì em cũng bảo hộ cho thân anh an ổn và chăm nom cho anh sung sướng mãn đời, để đáp tình anh nặng nề với em.
- Qua trở ra đây vì qua quyết định đi lính đặng nhờ ông Ðội nâng đỡ cho qua lên Cai lên Ðội đặng qua cứu dân giúp nước. Người ta nói đầu Tây là phản quốc. Qua muốn đầu Tây mà cứu quốc thử coi được hay không cho biết.
- Nếu anh chịu đi lính thì càng hay, để em đi chợ về nấu cơm cho anh ăn rồi sẽ tính. - Nếu ở nhà còn cá tôm cũ thì ăn sơ được mà, cần gì phải đi chợ thất công. - Ðồ cũ thì còn, có trứng vịt nữa.
- Vậy thì đủ rồi. Ði chợ làm chi.
Thị Dần đi nấu cơm, để cho Ðạt nằm nghỉ.
Ăn cơm xong, vợ chồng bàn tính với nhau một hồi. Thị Dần mới đi một mình qua thành trả lời cho ông Ðội hay rằng Ðạt chịu đi vô lính và hỏi chừng nào Ðạt qua được. Ông Ðội nói sáng mai ông sẽ nói chuyện với ông quan ba và ông biểu Ðạt trưa bữa đó thì qua lãnh y phục qua làm việc liền.
Bận về Dần đi thẳng ra chợ kiếm đồ mua đặng dọn bữa cơm chiều đãi Ðạt ăn ngoã nguê, mừng cho Ðạt sắp bỏ cảnh đời oán hận để bước vào cảnh đời hiệp hoà, mà cũng mừng cho nàng từ đây chắc chắn được người thành thiệt thương yêu nàng, thương yêu đến nỗi dám hy sinh tình cha con, quên lửng tình non nước.
Về đến nhà nàng thuật mấy lời của ông Ðội Tồn dặn cho Ðạt nghe, nói bữa trưa sau Ðạt qua lãnh áo quần, thì làm lính liền.
Ðạt biểu Dần chiều nấu cơm ăn sớm đặng chàng đi giăng câu một đêm chót rồi giải nghệ. Dần xin với Ðạt cho nàng đi theo chơi một lần, để kỷ niệm trường hợp vợ chồng gặp gỡ nhau. Ðạt vui lòng đem theo nàng ra sông cái, lúc đêm khuya, có một người bạn yêu để cùng nhau thưởng thức cảnh thú gió trăng trời nước.
Dần lo nấu cơm, Ðạt thay đồ đặng xuống ghe soạn lại đường câu tay lưới.
Ăn cơm rồi mặt trời còn cao, nhưng Dần muốn đi sớm đặng ra sông cái chơi. Ðạt cũng tính đi sớm đặng thừa nước ròng kéo lưới bắt tôm càng và luôn dịp cá nhỏ để móc mồi mà giăng câu. Dần khép hết cửa sau cửa trước, gởi nhà cho bà già ở một bên, rồi theo Ðạt xuống ghe ngồi cho Ðạt chèo ra vàm.
Nước đã ròng hết nửa sông. Bên núi cù lao Bông có hai chiếc ghe lớn trương buồm chạy rề rề theo một chiều với giọt nước. Bầy cò trắng đậu trên ngọn đám bần rạch 2 xanh um, chẳng khác nào thợ trời vẽ một bức tranh tô màu biếc, rồi chấm những điểm xem cho đẹp.
Tuy Dần là gái không có học, nhưng bổn tánh có ít nhiều lãng mạn, nên thấy cảnh như vậy nàng phới động tình yêu. Thình lình nàng nói: „Anh Ðạt ơi bây giờ em hết muốn để cho anh đi lính. Em muốn rán câu lưới dành dụm cho có một số tiền, rồi em bán nhà châm tiền vô nửa, để bù đổi với họ lấy một chiếc trộng trộng, có mui có bánh lái, có hai chèo, vợ chồng mình ở luôn dưới ghe, ban đêm giăng câu kéo lưới, sáng mai ghé chợ bán tôm cá, rồi chèo ra sông cái đậu dưới bóng cây mà ngủ. Vợ chồng mình sống tự do, sống với trời nước, em chắc sống như vậy khoẻ trí hơn là sống chung với loài người. Anh nghĩ sao?"
Ðạt cười ngất mà nói:
- Em muốn một ngày kia người ta gọi qua là „ngư ông" còn gọi em là „ngư bà" phải hôn? - Gọi gì cũng được miễn vợ chồng mình sống chung với nhau một cõi thì thôi. - Không được qua không thích như em vậy.
- Vậy chớ anh thích giống gì?
- Qua muốn làm ông Ðội ông Quản. Qua muốn lập công danh cho rực rỡ. Sống giữa đời loạn ly, người có chí lập công danh, không khó. Nếu mình không biết thừa cơ hội may mắn thì uổng lắm vậy.
- Thiệt anh có chí đó hay sao?
- Nếu không thiệt qua biểu em đi nói với ông Ðội hồi trưa làm chi.
- Anh Ðội có hứa hễ anh vô lính chừng vài tháng ảnh xin cho làm Cai. Anh kiếm thế lập công, tự nhiên sẽ được lên Ðội. Vậy thì không khó gì.
- Em phải rán o bế ông Ðội làm sao cho anh lên chức Ðội mau mau thì người ta kêu em là bà Ðội.
Thị Dần cười.
Ðạt chèo khỏi vàm một khoảng xa, tới cái vịnh, mới ghé lại dưới bụi bần, biểu Dần buộc ghe vào gốc bần. Chàng cởi áo và ôm tay lưới nhảy xuống mé sông mà kéo. Mặt trời chen lăn, Dần ngồi trên ghe coi Ðạt kéo lưới. Kéo một vạt rồi Ðạt lại ghé mà đổ tôm cá cho Dần lựa. Dần thấy tôm cá nhiều thì ham quá, thầm tiếc hôm trước không dè đặng đi theo mà phụ với chồng.
Ðạt kéo ba vạt lưới 3 thì tôm cá đã bộn rồi, trời cũng đã tối. Chàng leo lên ghe mà dẹp lưới, bắt cá nhỏ mà móc mồi vô đường câu, rồi chèo ghe đi kiếm chỗ giăng câu. Dần lựa tôm càng cá lớn bỏ vô rộng, còn tép với cá vặt thì bỏ vô rổ mà đựng.
Ðạt giăng câu xong thì leo lên ghe nằm dựa bên vợ mắt ngó mặt trăng lu mờ, miệng hát
ngêu ngao vui vẻ, dường như quên nước non bị xâm chiếm, quên cụ Thủ Khoa bị lao tù, quên ông cha già giận hờn, quên bà mẹ với vợ cùng em lo sợ.
Chừng một canh thì Ðạt lần ghe đi thăm câu một lần mỗi lần được năm bảy cá lớn, cá sủ 4, cá chẻm, cá út, cá ngác, cá trê. Gỡ cá bỏ vào ghe thì Dần bắt đem vào rộng. Dần được thưởng thức cái thú giăng câu kéo lưới thì nàng toại chí vô cùng, bởi vậy tuy ngủ không yên, song nàng vui nên không biết mệt.
Ðến đầu canh năm, Ðạt thấy tôm cá đã nhiều rồi nên cuốn câu mà về. Ghe chèo cục kịch, Dần nằm dựa be ghe mơ màng, đã được vui chơi, lại có tôm cá nhiều, nên quên mệt mỏi.
Về tới bến mà trời chưa rạng đông. Ðạt biểu Dần buộc ghe lên mà nghỉ, đợi sáng rồi sẽ lựa tôm cá đặng bán bớt một mớ, còn bao nhiêu thì để dành mà ăn.
Ðạt tắm rửa rồi thay đồ khô rồi nằm nghỉ. Dần lò mò bắt một con cá với ít con tôm lên kho nướng đặng ăn cơm khuya.
Lúc ăn cơm Ðạt dặn Dần phải để mấy con cá chẻm riêng ra, đặng trưa đem ra ông Ðội. Hễ đi lính rồi thì sợ hết câu, lưới gì nữa được. Vậy sáng có đem cá tôm ra chợ mà bán thì nên để dành một mớ mà ăn ít bữa.
Dần nói đi lính thì đi, có lẽ năm ba bữa nữa xin phép với ông Ðội đi câu lưới một đêm kiếm cá tôm mà ăn và chia cho ổng chắc ổng chịu lắm.
Tảng sáng Dần lo bưng tôm cá ra chợ bán đặng mua thịt rau mắm muối mà ăn. Ðạt thì lo giặt tay lưới và soạn đường câu đặng phơi mà cất.
Ðến trưa Ðạt mặc quần áo mới đi qua thành mà nhập ngũ. Dần xách giỏ cá chẻm đi theo đặng cho ông Ðội Tồn.
Khi ra đi, Ðạt ngó chiếc ghe lườn đậu dưới bến, chàng then thẹn trong lòng, thẹn vì bỏ chiếc ghe là bạn cố cựu đặng bước qua con đường mới, mặc áo lính của người ta ban cho để sống với cảnh đời lạ, mà hôm kia cha mình gọi là sống nhục nhã.
Rượu đã rót lỡ rồi, vậy phải uống. Chưn đã bước vào đường mới rồi, vậy phải đi, không thể trở lại được. Ðạt cúi mặt lầm lũi mà đi với Dần không dám ngó chiếc ghe nữa.
Ông Ðội Tồn ngồi trong nhà thấy Ðạt với Dần bước vô thì ông mừng rỡ nói với Ðạt:
- Qua mừng cho em. Qua nói chuyện với ông quan ba hồi sớm mơi thì ổng chịu cho em làm Cai liền, chớ không phải làm lính, em sẽ được mang lon sẽ dẫn đầu một tốp lính đi tuần.
- Thưa ông tại sao mới vô mà được làm Cai?
- Qua nói em biết mặt biết nhà mấy người trong đoàn nghĩa binh của Thủ Khoa Huân hết thảy. Vì vậy nên ông quan ba định cho em làm Cai đặng em vui lòng đi kiếm những người đó rủ họ về đặng đi lính như em. Người nào có chức phận trong đoàn nghĩa binh hồi trước thì ổng cho làm Ðội hoặc làm Quan miễn là hứa tận tâm giúp binh đội của Tây đem an ninh trở lại trong làng trong xóm thì thôi.
Dần hỏi ông Ðội:
- Làm Cai được ở bên nhà em hay là phải ở bên nầy?
- Phải ở bên thành chớ. Có trại sẵn mỗi người ở một căn.
- Cha chả! Rồi nhà cửa và ghe lưới mới thì làm sao đây?
- Thì kiếm người mà bán lại cho họ, cũng như anh hồi trước vậy.
Ðến xế Ðội Tồn dắt Ðạt lên trình diện với ông quan ba. Ông phát quần áo, cho đóng lon Cai khuyên trung thành mà giúp ông cho đắc lực thì ông sẽ cho mang lon Ðội.
Thế thì đây nghĩa binh Võ Minh Ðạt của cụ Thủ Khoa Huân đã biến thành chú Cai Võ Minh Ðạt trong quân đội mã tà của nước Tây.
Trong lúc ở nhà Ông Nhiêu Võ Minh Giám, con trai của ông không kể lời nghiêm huấn, không màng cỏ cây đất nước của tổ tiên xây dựng rất dày công, nó bỏ hết đặng ra đầu giặc mà lãnh áo quần chức tước. Thằng con trai của ông bước vào đường nhơ nhuốc thúi hôi, vậy mà bà vợ ông không có một lời gián can, nàng dâu với con gái của ông cũng thuận tùng, không ngăn cản. Ông Nhiêu nằm co trong mui ghe cho Tư Ðịnh với ông Thới chèo đi. Ông thầm vái người ta chở cụ Thủ Khoa lên Sài Gòn đặng tha bổng cụ, rồi ông sẽ hiến kế liên hiệp các đoàn nghĩa binh dưới quyền thủ lãnh của cụ, chỉ dùng kế, ấy mới mong kháng chiến thành công, chớ huy động lẻ tẻ sẽ bị giặc lần lượt tiêu diệt hết.
Ghe qua tới Bến Lức phải đậu nghỉ mà chờ nước lớn. Có ghe người ta đậu nhiều. Hai người chèo lo nấu cơm. Ông Nhiêu ra trước mũi ngồi chơi. Ông nghe mấy người trong hai chiếc ghe đậu gần đó họ nói chuyện với nhau, thì là cách ít bữa trước Tây dùng tàu chiến chở binh lính xuống Nhựt Tảo vây đoàn nghĩa binh của cụ Nguyễn Trung Trực mà đánh tan hết. May cụ Nguyễn với vài chục bộ hạ thoát khỏi vòng vây rồi xuống thuyền nhỏ qua phía Tiền Giang mà ẩn núp.
Ông Nhiêu nghe tin ấy càng thêm buồn. Tháng trước cụ Thủ Khoa Huân thất bại. Tháng nầy cụ Nguyễn Trung Trực cũng bại nữa. Bây giờ chỉ có cụ Trương Công Ðịnh với cụ Thiên Hộ Dương mà một cụ cheo leo dưới mé biển, một cụ cheo leo trong đồng hoang, không liên lạc được, không tiếp ứng được, thì rồi đây cũng phải chết nữa. Dầu cụ Thủ Khoa được thả về, nếu triều đình không giúp binh lương khí giới, thì muốn cử đồ đại sự tưởng cũng không dễ gì.
Ghe đi hai ngày ba đêm mới tới Chợ Lớn, Ông Nhiêu chỉ đường cho Tư Ðịnh chèo thẳng ra Xóm Dầu. Ông lên bờ hỏi thăm nhà của ông Nhiêu Lạc là bạn cũ. Nhờ có người ta chỉ nên ông tìm được. Anh em đã cách biệt nhau vài ba mươi năm, nay gặp nhau lại thì mừng rỡ vô cùng
Ông Nhiêu Lạc nhờ vợ con giỏi nghề buôn bán nên gia tư dư dã, nhà cửa đang hoàng, bề ăn ở sung sướng. Ông hối gia dịch nấu nước sôi cho mau đặng ông chế trà ngon mà đãi khách. Lúc uống trà đàm đạo ông Lạc hỏi ông Giám lên Sài Gòn thăm nhau mà còn có việc chi nữa hay không.
Ông Giám thuật công việc của cụ Thủ Khoa cho ông Lạc nghe và nói ông lên đặng kiếm thế hỏi thăm coi Tây xử tội cụ Thủ Khoa cách nào mà chở cụ lên Sài Gòn. Ông Lạc cũng là một nhà nho, nên nghe cụ Thủ Khoa Huân cứu quê hương đất nước mà ông mang họa thì ông động lòng mời ông Giám đem hành lý lên nhà ông mà ở, rồi đợi ông đi hỏi thăm, ở trên nhà đặng anh em đàm đạo cho thỏa để ghe đậu đó mà chờ ít bữa.
Ông Giám thấy bạn thiệt tình, lại nhà cửa rộng rãi nên xuống ghe lấy áo quần, dặn ông Thới với Tư Ðịnh ở đó chờ. Ông chỉ 20 quan tiền mà biểu lấy đó mua thịt và cá mà ăn, hết gạo thì mua gạo.
Ông Lạc dắt ông Giám đi hỏi thăm cụ Thủ Khoa, đi đến 5 ngày mới gặp được người thạo việc nói cụ Thủ Khoa ở trong khám, nhưng hai ông không thể nào đi vô thăm được.
Ông Giám nghỉ ở đây hoài mà không gặp cụ Thủ Khoa được thì không ích gì, bởi vậy ông cậy ông Lạc ở trên nầy thế cho ông mà chăm nom cụ Thủ Khoa. Nếu có tin gì lạ thì viết thơ mướn người bơi xuồng xuống Tịnh Giang mà cho ông hay, tiền tổn phí ông sẽ chịu hết. Ông Lạc chịu giúp. Ông hứa chắc ông sẽ hết lòng lo cho cụ Thủ Khoa cũng như bạn lo vậy.
Ông Nhiêu Giám mới yên lòng từ giã bạn xuống ghe mà về. Bận về cũng đi một vòng quanh, tới nhiều chỗ cũng đậu chờ nước xuôi, nên cũng mất 3 ngày mới tới Tịnh Giang.
Vợ con ông Nhiêu Giám hay ông về thì hết thảy đều ra bến mà mừng ông. Thị Trâm với Thi Ðậu lo đem hành lý vô nhà, bà Nhiêu hỏi ông kiếm có gặp cụ Thủ Khoa hay không. Ông buồn nên nói cụt ngủn:
- Tôi với ông Nhiêu Lạc đi hỏi thăm đến 5 ngày mới hay chúng nhốt cụ trong khám. Mình làm sao vô đó được mà gặp cụ. Nghĩ ở trển nữa thì làm khách cho ông Nhiêu Lạc chớ không ích gì nên tôi về, ông Lạc hứa ổng sẽ chăm nom nếu có việc chi lạ ổng sẽ sai người đem thơ xuống cho tôi hay.
Ông Nhiêu không thấy Ðạt mà chừng vô nhà cũng không thấy nên ông hỏi bà: - Thằng Ðạt đi đầu Tây rồi phải không?
- Nó đi ra ngoài Mỹ.
- Thì đi theo làm tôi mọi cho giặc rồi.
- Nó ở nhà nó sợ người ta bắt, nên phải đi câu đi lưới mà ẩn núp chớ sao.
- Bà tin dữ! Nó đi hại dân, đi bán nước chớ câu lưới gì. Ừ để thủng thẳng rồi bà coi mà. Nó muốn sống với cái danh phản quốc, chớ không chịu chết với cái danh trung nghĩa. Nó sẽ bị chúng phân thây nó cho mà coi. Nó không chịu chết mà cũng phải chết, lại chết thúi hôi, chết còn bị người ta chửi rũa.
Bà Nhiêu thấy ông giận, bà không dám bào chữa cho con nữa. Bà đi luôn xuống nhà dưới. Ông Nhiêu lên võng mà nằm. Ông dòm qua tình cảnh, ông thấy chỗ lu mờ, chỗ đen chỗ tối. Hai nhóm kháng chiến mạnh mẽ đã tiêu tan rồi. Còn hai nhóm cheo leo có thể duy trì nổi hay không? Không có súng đạn như người ta, thì chắc cũng bị người ta tiêu diệt nữa. Ðã vậy mà dân tình lại yếu ớt không được nhứt tâm nhứt trí. Trên Sài Gòn người ta đã xu hướng theo giặc nhiều rồi. Tốp theo đặng làm quan, tốp theo đặng buôn bán, tính làm giàu, không kể gì quốc gia. Thậm chí thằng con trong nhà nó cũng xu hướng đổi lòng. Thế thì còn mong gì nữa!
Kiểm điểm tình hình ông Nhiêu ứa nước mắt.
--------------------------------
1năn nỉ
2thủy liễu, loại cây mọc dựa bờ nước, bông trắng, trái tròn và giẹp, loại trái nhỏ là bần ổi, loại trái lớn là bần dĩa, vị chua và chát
3một lần kéo lưới là một vạt
4một trong những loại cá lớn nhứt của sông lớn. Trọng lượng cá lớn trên 10 kg
IX
Ông Nhiêu Giám đi Sài Gòn về bữa trước thì bữa sau ông dạy học lại liền, không nghỉ ngơi chi hết. Ông sốt sắng như vậy là vì ông mang một túi ưu sầu nặng trĩu trong lòng, ông nằm không nó trạo trực ông chịu không nổi nên ông phải mượn sự dạy học mà làm cho khuây khỏa nỗi lòng, quên hết trời mù mịt, đất rung rinh, người vô tình, con bất nghĩa, ai cũng lo vinh thân phì gia, không cần lo nước mất dân khổ.
Mỗi bữa hễ ăn cơm sớm mơi rồi thì ông ra ngoài trường học ở miết ngoài đó cho tới bữa cơm chiều ông mới vô, có ván lại có võng cho ông nằm nghỉ trưa, có bình trà nóng cho ông nằm giải khát.
Hổm nay ông lại cần dạy cháu nội của ông là Tâm hơn lúc trước, dạy chữ tập viết tối ngày không để cho thằng nhỏ chơi bời chút nào hết. Bà Nhiêu nóng ruột nên có bữa bà cằn nhằn ông, bà nói con nít mới có 6 tuổi có dạy thì dạy cầm chừng vậy thôi, chớ ép buộc học tối ngày sợ nó sanh bịnh.
Ông nói còn măng thì phải uốn lần chớ để thành tre rồi uốn làm sao được. Ông cứ dạy, không kể lời bà khuyên. Ở trong nhà ông ít nói chuyện với vợ con, mà có nói chuyện không bao giờ ông nhắc tới tên Ðạt. Ông có đi chơi thì sớm mơi hoặc chiều mát ông mới đi. Mà đi chơi thì ông qua nhà chú Tư Ðịnh mà thôi, chớ không đi xa hơn nữa.
Sắp trai tráng trong xóm trong thấy tình hình đã yên tịnh nên lần lần ở trở về nhà lo làm ăn, chớ không trốn tránh nữa, mà cũng không bàn đến chuyện kháng chiến.
Một buổi chiều Ðỗ Chí Linh ở Khánh Hậu, là người ông Nhiêu hứa gả Thị Trâm, qua thăm cha mẹ vợ. Ông Nhiêu cầm ở lại chơi. Ăn cơm chiều rồi sân đã mát. Ông Nhiêu biểu Linh nhắc hai cái ghế để giữa sân, rồi ông biểu Linh ngồi với ông đặng ông hỏi thăm tình hình kháng chiến.
Linh có một tin quan hệ từ hồi chiều đến giờ chàng muốn tỏ với ông Nhiêu, Nhưng vì trong nhà có nhiều người qua lại lộn xộn chàng chưa nói được. Bây giờ có một mình chàng với ông Nhiêu chàng muốn thừa dịp mà nói phứt cho ông nghe, bởi vậy vừa ngồi thì chàng hỏi:
- Ngưới ta đồn cùng hết cụ Thủ Khoa bị đày ra Côn Nôn rồi. Cha có nghe việc ấy hay không?
- Có. Nhưng cụ Thủ Khoa còn ở trong khám Sài Gòn. Cách chừng vài mươi ngày trước, cha hay tàu xuống Mỹ Tho chở cụ lên Sài Gòn đặng đày cụ ra Côn Nôn. Cha ngồi ghe tuốt lên trển đặng dọ tin tức. Cha ở mấy bữa , cha nghe chắc cụ bị giam trong khám Sài Gòn, chớ không có bị đày. May có cố giao của cha là ông Nhiêu Lạc, ổng ở Xóm Dầu, ổng lãnh chăm nom cụ thế cho cha, có tin tức gì quan hệ, ổng sẽ sai người đem thơ xuống cho cha hay. Cha mới về chừng mươi bữa rày. Người mình nghe đồn cụ Thủ Khoa bị Tây đày, họ có tức giận hay không?
- Thưa, họ bỏ nghề hết, coi bộ họ sợ sệt chớ không biết tức giận, chỉ có một ít người như con bực tức mà thôi.
- Cha nhìn thấy thế tình cha buồn lắm con à. Bên mình đây cụ Thủ Khoa thọ hại. Hôm đi Sài Gòn, khi tới Bến Lức, cha nghe binh của cụ Nguyễn Trung Trực cũng vừa bị đánh vỡ tan nữa.
- Thưa con cũng có hay cụ Trực bị thất bại nhưng may cụ thoát thân được mà đi xuống miệt
Hậu Giang.
- Còn ông Ðịnh, ông Dương rời rạc, lại không có súng ống sợ không khỏi nguy luôn nữa. - Con cũng sợ như vậy.
- Mấy tháng nay cha suy nghĩ nếu muốn kháng chiến đuổi giặc, mà mỗi người hùng cứ một góc, rồi làm lẻ tẻ, thì phải chết, chớ không thể gì thành công được. Phải tổ chức một cuộc kháng chiến cho có quy tắc, có kỷ luật. Trước hết phải chọn một chỗ để lập căn cứ như hồi xưa Lê Thái Tổ chọn Lam Sơn đó vậy. Căn cứ phải hiểm địa đặng để lập hệ thống phòng
thủ, mà cũng phải phong phú, dân đông ruộng tốt, đặng lo sẵn lương hướng nuôi binh. Người thủ lãnh phải có văn học uyên thâm, có kiến thức hoạt bác 1, có mưu lược, có tài trí. Trong căn cứ phải đặt nhiều ban để mỗi ban lo một ngành riêng. Mấy ban nầy cần phải có: Ban tài chánh, Ban tác chiến, Ban hành chánh, Ban tin tức, Ban tuyên truyền. Vì triều đình hô kháng chiến mà không làm gì hết, bởi vậy mình phải lo mà làm, đừng thèm kể triều đình. Cha dòm thấy trong đám nhiệt tâm với nước nhà chỉ có cụ Thủ Khoa Huân đủ tài đủ trí mà đảm đương việc lớn nầy. Cha mong mỏi cụ được về để cha hiến kế của cha cho cụ tổ chức cuộc kháng chiến lại theo như ý cha tính đó. Ngặt bây giờ cụ bị kẹt trong khám, mới làm sao? Cha đi Sài Gòn về hổm nay cha buồn quá, buồn vì thấy cuộc kháng chíến của ta cứ suy bại lần lần mà còn buồn vì thấy nỗi nhơn tâm càng ngày càng nguội lạnh. Lên Sài Gòn cha thấy thiên hạ họ hiệp tác với giặc hết ráo, người ra đi lính, kẻ ra làm quan, họ bán buôn họ giao thiệp với giặc mà coi bộ họ hăng hái vui vẻ lắm. Về tới nhà đây thì thằng Ðạt cũng đã bỏ nhà đi mà đầu Tây rồi nữa.
- Anh hai đầu Tây rồi hay sao? Hồi nào vậy cha? Ảnh đầu làm chi?
- Biết đâu để cha nói cho con nghe. Sau cuộc đụng chạm ở Bình Cách, nó giả dạng người câu, ra ngoài chợ Mỹ, trước tránh sự khủng bố sau lóng nghe tin tức cụ Thủ Khoa. Ðêm nọ có lén về cho cha hay tàu chở cụ lên Sài Gòn đặng đày cụ ra Côn Ðảo. Nó nói cụ Thủ Khoa bị kẹt thì không nên nghĩ đến cuộc kháng chiến nữa, phải tìm con đường khác mà đi. Nó tính ra đầu giặc để hiệp tác với giặc, rồi dùng cách ôn hoà mà giúp đỡ cho dân và làm thạnh vượng cho nước. Nó lấy đủ lý lẽ mà chuốt ngót cái thuyết gian hùng của nó. Nó cắt nghĩa dài lắm. Nó làm cho cha thấy đầu óc nó bị biến chuyển. Lòng trung thành với non nước đã biến thành lòng mãi quốc để cầu vinh. Cha rầy nó. Cha nói nếu nó đầu giặc thì nó là thằng phản quốc, cha không nhìn nhận nó là con nữa. Nó muốn làm gì nó làm, song cha cấm biệt nó không bước chưn về nhà nầy. Bữa sau cha đi Sài Gòn. Nó ở nhà nói với mẹ và vợ rằng nó là người bị tình nghi, nó không dám lân la vùng nầy nũa, nó phải kiếm chỗ ẩn núp mới yên thân, rồi khuya lại nó xuống ghe chèo đi mất. Chắc nó đi Mỹ mà đầu Tây rồi chớ gì.
- Thưa cha, không lẽ anh Hai dám cãi lời cha đâu. Ðể thủng thẳng coi. Con chắc ảnh bị tình nghi nên phải bước trái trong một lúc vậy thôi.
- Cha chắc nó phản rồi. Con nghĩ coi đám nghĩa binh họ còn trung thành với cụ Thủ Khoa hay không?
- Con không dám chắc, bởi vì con coi bộ họ sợ súng quá, nên họ ngán. Duy chỉ có đám học trò của con là còn hăng hái, không sợ chết.
- Số được chừng bao nhiêu?
- Thưa, có vài chục người. Mà đám đó là đám cảm tử. Con biểu chết thì họ vỗ ngực chịu chết liền.
- Ðược vậy thì quý quá. Ngặt ít quá con rán kiếm thêm cho đông đông, đặng khi hữu sự có người trợ lực.
- Ðể đợi thời cuộc yên ổn một chút rồi con sẽ lựa người có tâm chí mà luyện tập thêm nữa.
- Còn Ðốc Thành với Ðốc Thuận, con có nghe hai người ấy bây giờ đương ở đâu hay không?
- Con nghe Ðốc thành còn ẩn trong vùng Kỳ Son, nhưng con chua dám đi đâu nên con không gặp, còn Ðốc Thuận dường như qua bên Rạch Lá. Ngày nào có thể đi được thì con kiếm hai người đó mời về đây cho cha nói chuyện. Phải nung chí họ mà chờ cụ Thủ Khoa, không nên để họ chán nản rồi nhảy bậy.
- Con thấy trong hai người đó có Ðốc Thuận được lắm. Tiếc vì thất học nên không thể đại dụng.
- Ừ cụ Thủ Khoa thường khen Ðốc Thuận với cha hoài: Con có gặp thì nói chuyện cụ Thủ Khoa cho hai người đó hay. Lúc nầy rảnh rang, thôi con tính cưới con Trâm cho rồi.
- Thưa cha, thời cuộc chưa rõ rệt, không biết còn biến chuyển cách nào. Con quyết liều sanh mạng của con mà chống giữ đất nước. Vì vậy nên con trì hoãn hoài, con sợ cưới gấp rũi con chết thì vợ con bơ vơ thêm khổ. Một lời cha đã hứa thì trăm năm con không quên. Vậy con xin cha để cho con lo việc nước trước và để việc nhà lại sau. Chừng nào non nước thanh bình rồi hai con sẽ thành hôn, được vậy mới vui.
- Tự ý con. Cha đã hứa lời thì tự nhiên con Trâm thủ tiết với con. Chừng nào con cưới cũng được.
Trời tối lần lần. Ông Nhiêu kêu Trâm biểu chế một bình trà đem ra cho ông giải khát. Cách một lát Trâm nhắc để thêm một cái ghế trước mặt cha, rồi bưng một bình trà và hai cái chén ra nữa. Nàng rót chén trà rồi bưng bình trà trở vô chế thêm nước sôi cho đậm.
Ông Nhiêu với Chí Linh uống trà mà nói chuyện tiếp, cha vợ chàng rể nói tới canh hai rồi mới vô nhà mà nghỉ.
Ðến khuya Linh thức dậy chờ hừng sáng bèn cáo từ mà về.
Ông Nhiêu được trút bớt nỗi lòng, lại được thấy chàng rể cương quyết kháng chiến đến cùng không kể thân, không mòn chí thì ông an ủi được ít nhiều, nên không còn bực bội hầm hừ như mấy bữa trước nữa nhưng ở trong nhà ông chẳng hề nghe nhắc đến Ðạt.
Thị Ðậu với Thị Trâm bàn tính với nhau muốn đi ra kiếm và thăm Ðạt coi Ðạt đi đã 15 bữa rồi, không biết Ðạt ra ở chỗ cũ câu lưới mà ăn hay là đã bỏ đi xứ xa mà trốn. Tuy muốn như vậy, song không biết dùng chước nào mà xin đi.
Thị Dần thỏ thẻ với mẹ mà tỏ thiệt ý hai chị em muốn đi tìm Ðạt. Bà Nhiêu thương thân Ðạt xiêu lạc, bà cũng muốn biết tin con, nên nàng chịu cho hai nàng đi. Ăn cơm chiều bà nói với ông rằng khuya nay bà sai dâu với con ra chợ Mỹ mua trà mua dầu và mua mỡ. Bà hỏi ông có dùng thứ gì thì nói đặng bà dặn hai nàng mua cho. Ông Nhiêu nói ông không cần thứ chi hết.
Khuya Thị Ðậu với Thị Trâm thức dậy sớm nấu cơm ăn dằn bụng rồi rạng đông đẩy xuồng ra bơi mà đi. Dọc đường chị em nói chuyện với nhau thong thả. Bây giờ Trâm mới tỏ ý nghi Ðạt có tư tình với Thị Dần là chủ nhà Ðạt ở đậu đó. Ðậu không tin như vậy. Nàng nói hôm
Ðạt về Ðạt có than thở, sợ Tây bắt bỏ tù, nên ý Ðạt muốn xin đi lính cho Tây đặng nhờ ông Ðội che chở mới khỏi tai hoạ.
Trâm ngồi suy nghĩ rồi dặn:
- Chị hai đừng nói chuyện đó cho cha hay, cha nghe cha giận lắm.
- Ai dám nói.
- Mà ảnh đi lính chị chịu hay không?
- Làm sao thì làm, tôi là đàn bà tôi có biết gì đâu mà chịu hay không chịu. Làm sao miễn khỏi bị hại thì thôi. Nếu tôi cản tôi biểu ở nhà rủi họ bắt được họ đày rồi làm sao cô?
- Tôi sợ ảnh đi lính, ảnh phải ở ngoài Mỹ Tho rồi ảnh cưới vợ bé chớ. - Cưới ai thì cưới. Tôi ở nhà với cha mẹ. Tôi có con thì mất phần đâu mà sợ. - Chị Dần chủ nhà đó vui vẻ tử tế. Tôi sợ ảnh đánh ụp với chỉ quá!
- Ảnh nói chị đó có chồng mà.
- Chuyến nầy mình đi không có đem dừa chuối gì cho hết.
- Tôi nhớ chớ. Vì không chắc anh Ðạt còn ở đó hay không, nên tôi không đốn dừa chuối. - Như ảnh còn ở đó hoài thì chuyến sau mình cho cũng được.
Ðậu nói chuyện lôi thôi mà biểu lộ tánh tình cho Trâm hiểu hết, biểu chị dâu thiệt thà, trung hậu chìu chuộng chồng, tin tưởng chồng không biết ghen, chỉ lo cho chồng được an thân thì thôi, còn phận chị thế nào chị cũng không phiền trách.
Mặt trời mọc, xuồng ra tới chợ, Trâm biểu đậu ghe đặng nàng lên mua đồ theo lời mẹ dặn rồi sẽ bơi ra xóm chài mà kiếm Ðạt. Nàng mua trà, dầu, mỡ, thịt với vài cái bánh. Nàng đi luôn xuống hàng cá coi có gặp Dần bán tôm cá hay không. Nàng đi giáp hết mà không thấy Dần mới trở xuống xuồng bơi ra phía vàm.
Bơi tới bên Thị Dần, hai nàng không thấy chiếc ghe lườn của Ðạt đậu đó như hai lần trước. Tuy vậy mà Ðậu bơi sau lái cũng rà mái dầm cho xuồng ghé. Trâm bước lên mé sông đứng ngó vô nhà thì thấy nhà sập cửa bị bịt, chắc không có ai ở trong.
Trâm đứng dụ dự. Ðậu cắm cây giầm mà buộc chiếc xuồng rồi cũng bước lên. Trâm ngó chị dâu mà nói:
- Chắc anh Hai đi đâu, chớ không có ra đây nữa. Mà chị chủ nhà cũng đi đâu nên sập cửa bỏ đây.
- Bước lại nhà một bên đây hỏi thăm thử coi.
Hai chị em đi lại cái nhà ở phía tay trái. Một con gà mái đương dắt đàn gà con bươi trước sân kiếm trùn mà ăn, nó thấy hai nàng đi vô thì chạy vẹt một bên, túc túc kêu con chạy theo.
Một bà già đứng tại cửa ngó hai nàng trân trân, đợi vô tới mới hỏi:
- Hai em có việc chi? Muốn kiếm nhà ai?
Trâm nhậm lẹ lại đi trước, nên nàng đáp:
- Thưa bà cháu có một người anh, lóng trước ở đậu trong nhà một bên đây đặng đi giăng câu kéo lưới không biết ảnh còn ở đó hay không?
- Phải cậu có chiếc ghe lườn hay không?
- Thưa phải.
- Cậu làm Cai nên qua ở bên thành hổm nay.
- Làm Cai là làm cái gì vậy bà? Xin bà làm ơn cắt nghĩa giùm cho cháu hiểu.
- Cô không bết hay sao? Trong cơ binh làm Cai Ðội đặng bắt lính đi đánh giặc. Cậu đó có thân thế lung lắm nên mới vô lính mà làm chức Cai liền.
- Té ra anh của cháu đã đi lính theo Tây rồi hay sao bà?
- Ði hổm nay lâu rồi. Tôi không nhớ đi bữa nào. Ði hơn nữa tháng lận mà. - Vậy mà cháu không hay.
- Nghe nói nhờ có thân thế với ông Ðội Tồn lắm nên mới vô được, lại vô thì làm chú Cai liền chớ có phải ai muốn cũng dược hết đâu em.
- Thưa bà, bà biết anh cháu làm Cai rồi bây giờ ảnh ở đâu hay không? - Ở bên thành chớ đâu. Làm Cai phải coi lính thì phải ở bển để coi lính chớ. - Còn chiếc ghe ảnh để đâu?
- Cho mướn, cho ông già nào đó mướn ổng chèo về đậu phía vàm Kỳ Hôn. - Còn chị chủ nhà một bên đây chị đi đâu mà sập cữa bị bịt, trong nhà vắng hoe vậy bà há? - Cũng theo qua ở bên thành, vợ chồng đi hết, chớ ở bên nầy sao được. - Té ra anh của cháu làm vợ chồng với chị đó hay sao?
- Ủa em không biết hay sao? làm vợ chồng nên lóng trước mới về ở chung với nhau đặng chồng đi câu đi lưới kiếm tôm cá cho vợ bán, nhờ con hai Dần đó là em của ông Ðội Tồn nó năn nỉ nói giùm, nên ông nọ mới cho cậu nọ làm Cai chớ.
Trâm hiểu được công việc thì bối rối, không biết nói sao nữa, mới day lại ngó chị dâu. Ðậu bước tới hỏi bà già:
- Thưa bà hai vợ chồng qua ở bên thành mà ở chỗ nào? Chị em cháu qua đó kiếm thăm được hay không?
- Làm chú Cai thì phải ở bên trại lính đặng coi lính. Tôi nghĩ như vậy, chớ thiệt tôi có qua
mé bển thì tôi đi phía trong chợ. Phía thành có Tây nhiều quá, tôi sợ tôi có léo phía đó đâu mà biết.
Trâm nói:
- Không biết hai cháu qua bển kiếm thăm được hôn?
Bà già cười mà nói:
- Hai em có dạn thì qua đó hỏi thăm họ coi như vô trại lính được thì đi, bằng không được thì thôi.
Hai chị em muốn từ mà đi. Trâm còn hỏi thêm bà già:
- Vợ chồng đi hết qua ở bên thành, còn nhà bên nầy bỏ hay sao bà?
- Con hai Dần cậy tôi coi chừng giùm, như ai mua thì bán, ai muốn mướn thì cho mướn. Mà ai cũng có nhà nên có thấy ai hỏi mua hay mướn gì đâu.
- Hổm nay vợ chồng có về thăm hay không vậy bà?
- Ðôi ba bữa con hai Dần có về một lát rồi đi, nó về thăm chừng hoài.
- Nếu chị có về nữa xin bà làm ơn nói rằng có hai người em của ảnh ở trong Tịnh Giang ra thăm vợ chồng ảnh. Bà nói giùm như vậy thì chỉ biết.
- Ðược để bữa nào đó nó có qua thì tôi nói lại.
Trâm với Ðậu từ biệt bà già xuống xuồng bơi trở lại chợ, cả hai người đều buồn hiu. Trâm hỏi Ðậu dám đi lại thành hỏi thăm trại lính đặng vô kiếm Ðạt hay không. Nếu hai chị em đi hết thì nàng đi, chớ đi một mình thì nàng không dám. Ði hết thì không có ai coi chừng xuồng. Trâm biểu chị dâu coi chừng xuồng để nàng đi một mình hỏi thăm thử coi.
Trâm lên bờ đi một hồi rồi trở lại nói với Ðậu:
- Không được chị Hai à. Tôi đi một khúc không biết tới cừa thành hay chưa không thấy người mình mà hỏi thăm. Còn người Tây thì đông quá, có người vác súng đứng ở bên đường tôi thấy tôi ghê hết sức, nên tôi thối lui mà trở lại đây. Thôi, chị Hai kiếm không được đâu. Ðể mình về ít bữa rồi lập thế đi nữa, vô hỏi bà già hồi nảy lại coi phải làm sao cho gặp được anh Hai hoặc chị Dần.
Ðậu suy nghĩ rồi nói:
- Hồi nãy bà già đó nói bã cũng nhát quá không dám léo lên phía thành chớ chi bà dạn hoặc có đi quen rồi thì mình cậy bà dắt đi. Mà cô đi nãy giờ cô có gặp lính người mình hay không?
- Không có chị Hai à; chớ nếu có gặp thì tôi hỏi thăm anh Hai, rồi như họ biết thì tôi cậy họ đưa giùm tôi lại nhà ảnh, hoặc họ đi cho anh Hai hay, còn tôi đứng đó tôi chờ.
Ðậu lưỡng lự nửa muốn về nửa muốn ở lại mà kiếm chồng, nên dụ dự không biết lẽ nào. Trâm hiểu ý nên nói:
- Bây giờ mình được biết anh Hai cho mướn chiếc ghe, ảnh lấy chị Dần làm vợ bé, nhờ chị
Dần là em của ông Ðội nên ảnh làm chú Cai của binh trong cơ binh của Tây. Vậy thôi thì mình về thưa lại cho mẹ hay coi mẹ dạy lẽ nào, rồi mình sẽ làm theo, chớ mình đi bậy vô thành, rủi Tây bắt bất tử rồi làm sao?
Ðậu như người đi đường, tới ngã ba đứng khựng lại, không biết phải đi ngã nào nên nghe Trâm bàn như vậy cũng như Trâm chỉ đường, nàng mới biểu Trâm xuống xuồng đặng về cho sớm.
Hai nàng ra khỏi chợ rồi Trâm mới nói với chị dâu:
- Hôm trước anh Hai cứ khen ông Ðội tử tế nói ổng thương ảnh lắm, chắc ông Ðội dụ ảnh đi lính đó chớ gì. Phải hôn chị Hai?
- Chắc tại vậy. Mà chị Dần là em của ông Ðội. Chắc ảnh lấy chị Dần nên mới được thân với ông Ðội chớ.
- Chị nói phải. Mà cũng chắc tại có vậy nên ông Ðội che chở cho ảnh khỏi bị hại, đem vô ở lính mới được chức Cai liền. Hồi nãy bà già nói phải có thân thế lớn lắm mới được vậy. Chị nhớ không?
- Nhớ chớ.
- Cha hay 2 ảnh đi lính chắc cha giận lắm. Vậy về nhà mình nói nhỏ cho mẹ biết mà thôi, đừng nói với cha nghe hôn.
- Như cha hỏi mình có gặp anh Ðạt hay không, rồi mình trả lời làm sao cho xuôi cô? - Nếu cha hỏi thì khó trả lời thiệt. Không lẽ mình nói dối với cha.
- Thôi thì mình nói như vầy, nửa thiệt mà nữa dối: mình nói mua đồ rồi có ra xóm chài kiếm ảnh. Té ra ảnh chèo ghe đi giăng câu kéo lưới ở đâu ngoài sông cái, mình không gặp được. Mình giấu chuyện bà già nói với mình thì xong.
- Chị tính như vậy hay lắm. Mình giấu chớ không phải nói láo. Nầy chị Hai, tôi nghi ảnh đánh ụp với chị Dần đó trúng phải hôn chị? Ra lần đầu chị Dần cầm mình ở ăn cơm đó tôi thấy bộ tịch tôi nghi liền.
- Tại ảnh nói chị nọ có chồng nên tôi cãi với cô chớ.
- Ảnh sợ chị buồn nên ảnh nói gạt chị chớ.
- Buồn giống gì?
- Ảnh có vợ bé thì chị không buồn hay sao?
- Ảnh có vợ bé có người lo cơm nước áo quần cho ảnh, tôi khỏi lo, bởi vậy tôi cầu chớ sao lại buồn.
- Mà thiệt ảnh ra ở với chị Dần không đầy một tháng rồi ảnh về có áo quần mới, lại có 15 quan tiền nữa. Chắc nhờ có chị Dần lo cho ảnh nên mới được như vậy chớ. Mà hôm ảnh về còn đem thịt với trà cho cha mẹ và kẹo cốm cho thằng Tâm chắc là chị Dần mua gởi cho ảnh đem về chớ gì, phải hôn chị Hai?
- Tôi cũng chắc như vậy. Nãy giờ tôi suy nghĩ lúc nầy lộn xộn quá, ảnh ở nhà không được,
thì ảnh kiếm chỗ mà nương dựa, cho có người che chở đặng ảnh yên thân, được vậy tôi cũng mừng. Chừng nào đâu đó yên ổn rồi ảnh trở về, không muộn gì. Nhà mình có một thớt vườn với một miếng ruộng, hai chị em mình làm mà nuôi cha mẹ cũng được cần gì phải có ảnh.
- Tôi sợ tôi giúp với chị không được chớ.
- Sao vậy?
- Bữa hổm anh Linh qua ở một đêm, ảnh nói chuyện gì với cha đó, tôi sợ ảnh xin cưới gấp thì tôi đâu còn ở nhà mà giúp chị.
- Không có đâu. Mẹ nói với tôi mẹ có hỏi cha về việc đó. Ý cha nói cha muốn cho cưới phứt cho rồi. Nhưng dượng Linh nói giặc giã còn lung tung quá, nên xin đợi yên một một chút rồi dượng trình lễ cưới.
- Nếu được vậy thì tốt lắm, tôi còn có thể giúp cha mẹ, mà chị em mình cũng còn gần nhau được nhiều ngày.
Ði đường vắng vẻ Thị Ðậu và Thị Trâm thong thả nói chuyện với nhau, bày tỏ cả tâm hồn không sụt sè giấu giếm chút nào hết. Hay Ðạt có vợ bé mà Ðậu không phiền, không giận lại mừng cho chồng trong lúc lánh nạn có nơi nương dựa, có người che chở, có người lo cơm nước áo quần. Bao nhiêu đó đủ thấy nàng lo cho phận chồng hơn là lo cho phận nàng, miễn chồng được an thân, còn nàng thế nào cũng xong hết.
Mà hai nàng nghe Ðạt ra đầu giặc đặng giúp giáo cho giặc, hai nàng cũng không bực tức, không khinh bỉ Ðạt bán nước hại dân. Bao nhiêu đó cũng thấy tình chồng vợ của Ðậu cũng giống như tình anh em của Trâm đều nồng nàn hơn nghĩa đồng bào, hơn nợ non nước. Hai
nàng chỉ mong cho Ðạt yên thân mà sống, coi đời của Ðạt quý hơn tất cả mọi việc ở trần gian, danh lợi hay nghĩa nhân cũng không bì kịp.
Ðến trưa hai chị em về tới nhà bưng đồ lên, rồi kiếm cơm ăn, cả hai đều vui vẻ như thường. Ông Nhiêu ở ngoài trường học chăm chú dạy trẻ nhỏ.
Lúc Ðậu với Trâm ăn cơm, bà Nhiêu mới lại ngồi một bên rồi hỏi nhỏ có gặp Ðạt hay không. Trâm với Ðậu thuật rõ việc đi kiếm Ðạt cho mẹ nghe, kể đủ thứ chuyện bà già ở xóm chài nói với hai nàng. Trâm nói thêm nàng ướm thử tính vô thành mà tìm, nhưng vì thấy Tây đông quá nàng sợ nên nàng dội trở lại.
Bà Nhiêu nghe Ðạt đầu Tây lảnh chức chú Cai, bà không giận mà hay Ðạt lấy em ông Ðội Tồn làm vợ bé, bà cũng không lo. Vậy tình mẹ con của bà cũng lôi cuốn thúc giục bà mong cho có người che chở cho con bà được yên thân, khỏi tù khỏi chết.
Ðến chiều trong lúc ngồi ăn cơm với vợ con, Ông Nhiêu mới hỏi Trâm ra chợ Mỹ có gặp Ðạt hay không. Vì việc ấy đã có liệu trước rồi nên Trâm mạnh dạn nói ra chợ mua đồ rồi hai chị em có bơi ra xóm chài mà kiếm thăm Ðạt. Người ta nói Ðạt mới chèo ghe ra sông cái giăng
câu. Hai chị em không biết Ðạt đi phía nào mà theo, còn chờ thì không biết đi chừng nào Ðạt mới về, bởi vậy hai chị em quay xuồng trở về không gặp Ðạt được.
Ông Nhiêu lặng thinh ngó lơ. Trâm ngó mẹ, rồi ngó chị dâu có sắc thẹn thùa, vì đã phạm tội gian dối láo xược với cha là người mình phải kính trọng hơn mọi người hết.
--------------------------------
1uyên bác
2biết
X
Hôm nay trời mưa dầm dề, cỏ cây mát mẻ. Dân tâm trong vùng Bến Tranh tuy bớt xao xiến song vẫn còn lơ lững giữa hoàn cảnh chiến bất chiến, bất hòa.
Nhưng chén cơm là vật cần yếu của sanh mạng, bởi vậy người ta phải xông lướt hiểm nguy mà ra đồng cày cấy để kiếm hột lúa mà nuôi sống.
Bữa nay người ta cấy tới đám ruộng của bà Nhiêu, nên hồi tảng sáng Thị Ðậu với Thị Trâm đã ra ruộng hiệp với mấy chị em trong xóm tựu lại cấy trả công đặng lo cấy một bữa cho rồi, kẻo dây dưa úa mạ.
Ông Nhiêu với bà Nhiêu ở nhà. Ông ngồi ngó ra sân, thấy đám mưa đêm làm cho sân ướt át, bẩy lầy không thể đi ra ngoài được. Bà Nhiêu bưng bình trà với cái chén để trước mặt ông mà mời ông uống cho ấm. Chú Tư Ðịnh ở nhà chú đi lại, hai tay chú níu hai ống quần lên cao cho khỏi lắm bùn, rồi khi vô sân chú lựa mấy chỗ khô ráo mà bước.
Bà Nhiêu thấy chú bước vô cửa thì bà lấy thêm một cái chén nữa và mời chú ngồi uống trà với Ông Nhiêu.
Tư Ðịnh vừa ngồi thì nói:
- Trưa hôm qua tôi đi ra chợ Mỹ mua chai 1 về trét ghe. Tôi mắc một đám mưa lớn quá sá, lại mưa dai nũa. Phải đợi tới chiều tối, phải dịu bớt tôi mới rán chèo ghe mà về. Gần hết canh một tôi mới tới nhà. Trời cứ mưa lâm râm, phần tôi chắc bên nầy ông bà đã nghỉ rồi nên tôi tính trời sáng mới qua nói chuyện.
Ông Nhiêu châu mày hỏi:
- Chú ra ngoài Mỹ có nghe tin tức quan hệ lắm hay sao?
- Tôi có gặp chú Hai Ðạt.
- A! Nó làm việc gì ngoài Mỹ nó theo Tây rồi phải hôn?
- Chú gặp tôi chú nừng quá. Chú mời tôi về nhà chú. Kế trời ụp mưa nên tôi mắc kẹt ở đó. Chú không cho về cứ theo cầm ở ăn cơm với chú đến gần tối tôi mới rứt mà về được.
- Mà thằng Ðạt, làm việc gì ngoài đó chớ? Chú nói phứt cho tôi nghe. Phải nó làm việc với Tây hay không?
- Phải, chú làm Cai.
- Cai gì?
- Cai mã tà… Cai đội đó …
- A, a! Cai Mã tà! Tốt dữ! Sang trọng dữ!
- Tội nghiệp chú nói chuyện của chú cho tôi hay mà chú khóc. Chú nói chú biết ra đầu giặc đặng lãnh lương lãnh chức cha mẹ chú không bằng lòng. Ngặt nếu chú từ chối không chịu làm thì chúng nói chú nghịch rồi bắt mà bắn chết hoặc đài ra Côn Nôn Ðại Hải, hoặc bỏ tù rụt xương. Ấy vậy chú phải chịu đặng ẩn núp cho qua hồi khó khăn. May nhờ có em gái của
ông Ðội Tồn thương chú năn nỉ với ông Ðội lập thế cứu giùm mạng chú nên khỏi bị hại, mà vô lính Mã tà lại được làm Cai liền.
- Nó kiếm chuyện nói dóc với chú. Hôm nó về cho tin cụ Thủ Khoa, nói chuyện với tôi thì tôi đã biết nó sanh tâm phản quốc rồi. Lên Sài Gòn về tôi hay ở nhà nó đã đi mất thì tôi chắc nó đã đi đầu giặc chớ đi đâu. Tôi không thèm nói đến nó nữa. Tôi có nói trước cho nó biết
nếu nó yểm cựu nghinh tân, quên cả giống nòi đất nước mà phụ tá với giặc thì tình cha con sẽ dứt, nó không được về nhà nầy, không được xưng là con của tôi nữa. Vậy nó cãi lời tôi ra lãnh chức Cai Mã tà thì nó làm gì nó làm, tôi không kể nó là con nữa.
- Có phải một mình chú Ðạt vô làm lính Mã tà đâu mà ông giận. Tôi thấy có người mình bộn bộn ở ngoải.
Bà Nhiêu chận hỏi:
- Trong vùng mình đây có ai đi lính Mã tà như nó vậy không?
- Có chớ. Trong làng mình có hai đứa. Hôm qua chú Hai Ðạt có kêu lại đặng thăm tôi. - Con của ai vậy?
- Thằng Bồi con của Sáu Dụng với thằng Hớn con Bảy Khá ở xóm dưới. - Vậy mà hôm kêu nhổ mạ, hai đứa đó sợ Tây ruồng bắt nên trốn đi xa chưa dám về.
- Hai đứa bận đồ lính lại nói chuyện với tôi tại nhà Hai Ðạt. Hai đứa đều nói bị Tây bắt, may nhờ chú Hai Ðạt xin giùm và bảo lãnh nên Tây mới chịu tha và cho làm lính. Có năm sáu đứa trai trong Bình Cách cũng đi lính đó nữa, tôi biết mặt nhưng không nhớ tên, hết thảy đều có chưn trong đoàn nghĩa binh.
- Vậy thì còn gì nữa mà kháng chiến. Lớp trốn đi mất, lớp ra đầu giặc hết rồi. Thằng Ðạt không ra mà đầu để chết một mình hay sao. Vậy mà ổng còn làm giận làm hờn, ổng mắng chữi là đồ hại dân bán nước.
Ông Nhiêu trợn mắt mà nói:
- Ai bội phản thì mặc họ. Thằng Ðạt là con của tôi, nó không được phép phản bội mà làm nhơ nhuốc danh giá của tôi. Người anh hùng biết rụng đầu cho trọn nghĩa, chớ không biết hàng đầu đặng mang nhục. Bữa nào chú Tư có đi chợ nữa, chú gặp thằng Ðạt thì chú nói với rằng tôi biết mưu mô của nó rồi. Giặc dụ dỗ nó ra hiệp tác, cho nó làm Cai để cậy tay nó phá hoại cuộc kháng chiến trong vùng nầy. Nó biết ai có chưn trong đoàn nghĩa binh hết.
Nó chỉ chọc cho giặc bắt, rồi nó đứng bảo lãnh đặng dụ đi lính. Chú nói cho nó biết thứ phản bội không bao giờ được trường tồn. Tôi không nhận nó là con của tôi nữa. Nó không được trở về nhà tôi.
Bà Nhiêu ứa nước mắt, bỏ đi vô trong. Tư Ðịnh nói chuyện chơi một hồi nữa rồi về, nhưng thấy ông Nhiêu ghét đầu giặc và đi lính Mã tà, nên không dám nói việc của Ðạt nữa.
Ruộng của Ông Nhiêu chỉ hơn một mẫu, mỗi năm làm được một thiên lúa chớ không nhiều, bởi vậy cấy một bữa thì giáp hết. Bữa sau Ðậu với Trâm ở nhà. Bà Nhiêu ra ruộng coi lúa có nỗi hay không. Chừng về bà khen dâu con chăm nom nên cấy kỹ lưỡng, lúa ngay hàng ngay lối, không trôi nổi không ngã nghiêng.
Chừng Ông Nhiêu dắt Tâm đi ra trường học bà Nhiêu mới to nhỏ thuật lại cho con với dâu
nghe các câu chuyện của Tư Ðịnh nói hồi sớm mơi bữa trước về sự gặp Ðạt và được Ðạt mời về nhà. Bà nói vì có Ông Nhiêu ngồi đó, lại ông đương giận Ðạt cãi lời mà theo giặc, nên bà không dám hỏi Tư Ðịnh coi nhà Ðạt ở chỗ nào và làm sao mà vào đó được.
Bà biểu Trâm đi lại nhà Tư Ðịnh mà hỏi kỹ đường đi nước bước rồi bữa nào chị em đi kiếm Ðạt một lần nữa coi.
Trâm vâng lời mẹ mà đi liền.
Qua nhà Tư Ðịnh. Trâm tỏ thiệt tháng trước nàng cùng chị dâu có ra Mỹ Tho mà kiếm anh. Lại xóm chài thì Ðạt không còn ở đó nữa. Người ta nói Ðạt đã làm Cai và coi lính Mã tà và cùng với người vợ mới là Hai Dần, qua ở bên thành. Trâm làm gan lên thành mà kiếm. Nhưng đi được một khúc rồi nàng thấy Tây nhiều quá, mà không có người mình hỏi cho biết nhà Ðạt ở đâu, nàng sợ Tây bắt, nên thối lui xuống xuồng mà về. Nàng hỏi Tư Ðinh bây giờ nhà Ðạt ở chỗ nào, đi đường nào mà lại đó, mình không phải lính, mình đi có bị tra hỏi bắt bớ gì không, xin nói cho nàng biết đặng bữa nào rảnh nàng đi kiếm nữa.
Tư Ðịnh mới bắt đầu thuật chuyện tình cờ mà gặp Ðạt rồi Ðạt dắt về nhà. Trâm nói mẹ đã thuật cho nàng nghe rõ rồi, chẳng cần nói nữa, xin chỉ đường lại nhà Ðạt mà thôi.
Tư Ðịnh nói:
- Tại chợ Mỹ cháu đi ra đường mé sông trở ra vàm, đi một chút tới bến đò. - Phải. Có bến đò tôi thấy.
- Ừ, tới bến đò đó cháu quẹo qua phía tay mặt mà đi thẳng hoài, đi một khúc xa cháu sẽ thấy bên tay trái có trại lính Tây lúm khúm, ngoài cửa có Tây bồng súng đứng gác. Ngang đó, mà bên tay mặt là trại lính Mã tà cất bằng cây lá. Dựa mé đường có mấy cái nhà. Ðó là nhà của đội Cai ở, còn lính ở trại phía sau. Chú Hai Ðạt làm Cai chú ở cái nhà thứ nhì kế bên nhà ông Ðội.
- Mình đi vô tới đó, có ai tra hỏi gì hay không?
- Không mà vợ chồng chú Hai Ðạt có dặn nếu ai có hỏi thì cứ nói "Tôi đi thăm em gái ông Ðội Tồn là vợ chú Cai Ðạt" thì họ sẽ để cho đi thong thả.
- Chú có thấy vợ bé của ảnh hay sao?
- Thấy, có ra trình diện và cầm tôi ở ăn cơm. Mà hôm qua tôi giấu, không dám nói với ông bà. Người dó trắng trẻo, vui vẻ, ngộ lắm.
- Tôi có gặp, chị Hai tôi cũng biết nữa.
- Hèn chi thím đó cứ theo dặn tôi về nói với cháu và thím Hai hễ có đi chợ thì làm sao cũng phải ghé thăm chú Hai, chú trông lắm.
- Thím biểu cứ đi, đừng sợ chi hết. Tây dễ lắm, không cấm cản ai đâu. Mà có ai hỏi thì cứ nói đi thăm em gái ông Ðội Tồn, vợ chú Cai Ðạt, thì không ai dám làm khó.
- Ði dễ như vậy thì hai chị em tôi kiếm cớ mà đi. Hôm trước tôi đi khỏi bến đò, mà tôi đi thẳng chớ không quẹo qua tay mặt. Ði một khúc tôi thấy Tây tôi sợ rồi tôi đi trở lại. Té ra hôm qua chú nói chuyện nên cha tôi hay anh Hai tôi đầu Tây lãnh chức Cai Mã tà rồi phải hôn?
- Cha chả! Ổng hay giận chú Hai quá. Ổng biểu tôi nói chuyện cho chú biết ông không nhìn chú là con nữa, chú không được về nhà ông. Phải tôi dè như vậy thì tôi giấu, tôi có dám nói đâu. Bởi tôi thấy ông giận nên tôi nín luôn, không dám nói chú có vợ bé.
- Việc ảnh có vợ nhỏ và lãnh chức Cai hôm chị em tôi đi kiếm ảnh, thì người xóm chài có nói cho chị em tôi hay rồi. Nhưng về tôi nói với mẹ tôi mà thôi, chớ không dám cho cha tôi biết. Mà sớm muộn rồi thì cha tôi cũng phải hay. Thà là chú Tư cứ nói phứt cho rồi.
- Thím Hai hay chú ra ngoài Mỹ chú có vợ nhỏ thím không giận sao?
- Không, chỉ nói chồng mình phải bỏ nhà đi lánh nạn. Mình mắc nuôi cha mẹ, không thể theo giúp đỡ chồng được. May có người hảo tâm lập thế che chở cho chồng mình yên thân, lo cơm cháo áo quần cho chồng mình nữa. Vậy thì mình mang ơn chớ sao lại giận.
- Thím Hai hiền đức quá! Ðàn bà như vậy chồng nỡ nào bỏ được mà lo mất chồng. Chừng giặc giả yên rồi, chú sẽ trở về với thím chớ gì.
- Biết đâu chừng nào Tây về thì yên. Chừng nào yên chú Tư?
Thị Trâm từ mà về. Nàng nói chú Tư Ðịnh đã chỉ đường cho nàng biết mà đi tìm nhà anh rồi. Bây giờ hễ đi chợ được thì nàng đi ngay lại đó, chẳng cần hỏi ai mà chẳng sợ chi hết. Nàng lại nói cho mẹ và chị dâu hay Thị Dần có nhắn với Tư Ðịnh biểu Ðậu với Trâm vô mau mau, vì Ðạt trông lắm.
Thị Ðậu than: „Bây giờ lấy cớ gì mà đi chợ?". Bà Nhiêu nói: „Ruộng bây cấy xong rồi lúc nầy bây rảnh. Vậy bữa nào có chuối đúng vóc được chừng chục buồng và dừa nạo được ít quày thì đốn chở ra ngoài chợ mà bán đặng lấy thịt cá mắm muối mà ăn. Sao lại không có cớ?"
Hai nàng hiểu ý mẹ muốn mình đi thăm Ðạt nên bày biểu như vậy. Ðến xế hai chị em ra sau vườn thăm chừng dừa chuối coi chừng nào có thể đốn mà bán được. Hai nàng lấy làm mừng mà thấy dừa chuối đã có sẵn nhiều, trong năm ba ngày nữa có thể đốn mà chở một xuồng không hết. Hai nàng vô cho mẹ hay.
Tối lại bà Nhiêu nói cho ông hay dừa chuối có nhiều mà không thấy ghe lại mua. Con với dâu cấy xong rồi, lúc nầy nó ở không. Vậy bà tính biểu nó đốn chở ra chợ mà bán.
Ông Nhiêu nghe như vậy mà không nói gì hết, bởi vậy hai bữa sau bà Nhiêu biểu con với dâu đốn dừa chuối chở đi bán. Ðậu với Trâm đốn được 12 buồng chuối, 2 quày dừa xiêm với một nhánh cau đầy, chị em vui vẻ chắc bán có tiền bộn bộn. Khuya dậy nấu cơm ăn rồi đem đồ xuống xuồng, đồ nhiều lại nặng nên chiếc xuồng khẳm liển. Bà Nhiêu khuyên nên để lại ít buồng cho nhẹ xuồng. Hai nàng không nghe lời nói cứ kiềm giầm cho sâu mái mà bơi, thì không đến nổi chìm mà sợ.
Thi Ðậu than, ra tới chợ bị chiếc xuồng chở chở đầy dừa, chuối đầy không biết phải gởi cho ai coi đặng đi kiếm Ðạt với nhau. Thị Trâm mới tính, ra tới chợ đậu ở dưới chợ coi chừng đồ. Nếu có bạn hàng hỏi mà mua sỉ thì bán hết cho họ giá nào cũng được. Trong lúc ấy để một mình Trâm đi kiếm nhà Ðạt, kiếm được rồi sẽ quay trở lại gởi xuồng và rước Ðậu đi.
Lúc ở nhà sửa soạn đi thì chị em sốt sắn dữ lắm. Mà đi gần tới chợ thì hai nàng đều lo. Trâm đi kiếm Ðạt không biết họ có tra hỏi làm khó hay không còn Ðậu lo xuồng dừa chuối không biết bỏ cho ai đặng đi kiếm Ðạt. Thấy bước đường có chỗ trắc trở, hai nàng lo ngại nên hết vui.
Mặt trời mọc một lát thì hai chị em bơi ra tới chợ. Ðậu lựa một chỗ trống trước mặt chợ mà đâm vô. Trâm cắm cây giầm cho chắc rồi bước lên mé buộc xuồng vào đó. Ðậu cũng gác cây giầm lên đứng một bên em.
Hai chị em ngơ ngáo ngó vô chợ, ngó người đi qua đi lại trên đường, ngó tứ phía trong lòng không yên.
Trâm quen tánh cương quyết nên dụ dự một chút rồi cứng cỏi nói: „Thôi chị Hai ở đây nghe hôn. Ai có lại hỏi giá dừa chuối mà mua, thì chị liệu mà bán phứt cho rồi. Ðể em đi kiếm một mình thử coi. Bữa nay em quyết kiếm cho được, dầu phải ở tới chiều em cũng ở." Trâm nói dứt lời rồi xây lưng đi liền, đi theo hướng ra vàm y như lời của Tư Ðịnh dặn. Ði tới bến đò
nàng thấy có con đường ngay đâm xuống đó. Lúc ấy người ta đi chợ lăng xăng. Nhưng nàng nhớ lời Tư Ðịnh nên biết con đường bên tay mặt đó là đường lên trại lính, bởi vậy nên nàng không thèm hỏi ai hết cứ quẹo qua đó mà đi, quyết đi mạnh mẽ, dầu gặp cọp cũng không sợ.
Trâm thấy phía trên có năm sáu người đi xuống phía bến đò, nhưng đi rãi rác chớ không phải đi chung. Thấy có người ta đi thong thả trong đường đó nàng càng thêm vững bụng.
Thình lình trong đám người đi ngược chiều đã có một thiếu phụ tay bưng rổ, miệng la lớn: "Cô Trâm phải cô Trâm đó không?"
Trâm ngạc nhiên nên chậm bước mà ngó. Người thiếu phụ đó xăng xớm đi riết tới. Trâm nhìn kỹ té ra là Thị Dần. Trâm mừng quá nên cũng đi xốc lại vừa đi vừa nói: „Phải, phải tôi đi kiếm nhà chị đây".
Thị Dần cũng mừng nên ôm Trâm mà hỏi:
- Bữa hổm anh Ðạt đi chơi, tình cờ gặp chú Tư Ðịnh, ảnh mời về nhà. Tôi nhắn với chú biểu cô với chị Hai ra chơi. Chú có nói lại hay không?
- Có, nhờ chú chỉ đường, nên tôi mới biết, rồi tôi liều mạng mà đi đây. Hôm trước hai chị em tôi có qua kiếm bên xóm chài.
- Tôi về bển, có nghe bà Sáu nói lại. Tôi có dặn bả nếu cô có ra nữa thì chỉ đường cho cô biết mà qua nhà tôi.
- Bữa hổm bả nói, bả biết ở bên thành, nhưng không biết ở chỗ nào. Tôi làm gan nên đi kiếm thử. Mới đi được một khúc thấy Tây tôi sợ quá, nên trở lại.
- Có sao đâu mà sợ. Bữa nay cô đi một mình hay sao?
- Có chị Hai chớ.
- Ủa chỉ ở đâu?
- Chỉ ở đằng chợ. Chỉ mắc giữ xuồng, tại dưới xuồng có dừa chuối nhiều quá.
- Vậy hả? Thôi cô trở lại chợ với tôi đặng lấy dừa chuối và gởi xuồng rồi dắt chị Hai đi luôn với mình.
Hai nàng dắt nhau trở lại chợ, Trâm hân hoan nên nói ngay ra:
- Chú Tư Ðịnh về nói chuyện đi chợ gặp anh Hai. Anh đã đầu giặc và lãnh chức Cai Mã tà, thì cha giận cha rầy quá, cha nhứt định không nhìn ảnh là con nữa. Bữa đó chị em tôi mắc cấy, không có ở nhà. Bữa sau tôi qua nhà chú mà hỏi thăm đường đi nước bước, chú mới chỉ cho tôi biết. Chị em tôi muốn đi kiếm, mà sợ cha rầy, không biết lấy cớ gì để đặng xin đi
chợ. Mẹ mới nói dừa chuối đúng lứa bộn mà không có ghe đến mua. Chị em tôi cấy xong rồi. Vậy đốn dừa chuối chở ra chợ mà bán đặng mua thịt cá về ăn. Nhờ vậy nên đi mới được đây. Bây giờ đồ chở khẳm xuồng, tới 12 buồng chuối, 2 quầy dừa và một nhánh cau. Chị muốn dùng bao nhiêu thì chị lấy, còn dư lại chị làm sao bán giùm, chớ không lẽ chở về?
Thị Dần nói:
- Chở đồ nhiều dữ vậy sao? Nhưng cô đừng lo. Tôi quen với mấy chị bán dừa chuối. Ðể tôi giao cho mấy chị bán giùm cho cô.
- Ðược vậy thì khoẻ lắm. Mà còn chiếc xuồng. Nếu hai chị em tôi đi hết theo chị đặng gặp anh Hai thì bỏ xuồng mất còn gì?
- Không mất đâu. Tôi sẽ gởi cho họ coi chừng giùm. Ai dám lấy mà sợ. Chú Tư Ðịnh về có nói tôi làm bạn với anh Hai hay không?
- Thấy cha giận rồi chú thụt, chú không dám nói cho cha hay. Nhưng chú có nói với tôi, rồi tôi nói lại cho má với chị Hai biết. Mà chuyện đó hôm trước bà già ở xóm chài cũng đã nói cho chị em tôi hay rồi.
- Chị Hai coi bộ chỉ buồn hay không? Chắc chỉ giận tôi lắm phải hôn?
- Không có đâu, chỉ không buồn không giận ai hết. Chị không tin để lát rồi chị coi.
- Ðược như vậy thì tôi mừng lắm. Vì thấy anh Hai bị hoạn nạn, tôi muốn làm ơn che chở giùm. Trời khiến anh em lại thương nhau thành ra như tôi muốn giựt chồng của chị Hai. Nếu chỉ có phiền xin cô nói giùm: tôi không có ý xúi ảnh bỏ chỉ mà theo tôi đâu. Tôi thương ảnh, tôi làm bạn đặng giúp ảnh vậy thôi. Nếu trời khiến xui tôi có duyên nợ với ảnh, tôi phải ở đời với ảnh, thì bề nào chị Hai cũng là lớn, tôi là nhỏ tôi đâu có vượt bực hay thương ảnh một mình. Vậy chị em nên hoà thuận với nhau đặng chung lo cho chồng tốt hơn là đố kỵ.
- Chỉ nói ảnh lánh nạn, chỉ mắc nuôi cha mẹ không theo được mà lo cho ảnh. Có chị ở ngoài nầy chị lo cơm cháo áo quần cho ảnh thì chỉ mang ơn lắm, chỉ có giận đâu.
- Chỉ nói như vậy thì đáng cho tôi kính phục chỉ lắm.
Chị em nói chưa hết chuyện thì ra tới bến chợ Dần thấy Ðậu đang đứng tại mé sông thì kêu: "Chị Hai! Chị Hai!" vừa kêu vừa đi riết lại. Hai người mừng nhau vui vẻ vô cùng.
Dần ngó dừa chuối dưới xuồng rồi nói: „Bây giờ phải lo xử cái đám dừa chuối nầy cho rảnh tay chưn đặng chị em mình lên nhà rồi sẽ nói chuyện. Ðồ ở nhà chở ra thì phải để chút đỉnh cho anh Hai ăn.Vậy xin cô Ba lựa đem lên bờ một quày dừa với hai buồng chuối đặng lát nữa mình xách lên nhà. Còn lại bao nhiêu thì mình để dưới xuồng. Ðể tôi lại tôi giao cho chị Thiện bán giùm rồi trưa chiều mình trở ra mà lấy tiền"
Dần nói rồi bỏ đi lên chợ.
Trâm xuống xuồng xách bỏ lên một quày dừa, với 2 buồng chuối, ít nải mà trái no tròn. Chẳng bao lâu Dần trở lại có một chị theo sau, Dần chỉ chiếc xuồng mà nói: „ Ðồ trong nhà gởi ra cho tôi bán, dừa chuối với cau đó. Chị làm ơn gởi bán dùm cho tôi nghe hôn. Chị liệu
giá phải thì thôi. Tôi không nói gì đâu chị đừng ngại".
Chị Thiện nói: „ Ðược mà, thím để đó cho tôi, thím Cai. Chị em mà. Ðể tôi bán cho. Thị Dần hỏi:
- Chừng nào em tôi ra lấy tiền được?
- Trưa xế gì lấy tiền cũng được.
- Tôi gởi luôn chiếc xuồng cho chị coi giùm được hôn?
- Ðược mà. Ai dám lấy mà sợ. Ðể đó cho tôi.
Bây giờ hai chị em mới tính chia nhau xách hai buồng chuối với quày dừa mà đi. Dần nói chưa đi được, vì nàng còn phải lên chợ mua thịt cá đặng đem về nấu cơm ăn. Vậy thì để đồ lại đó đặng đi chợ một lát rồi sẽ trở lại mà xách. Ba người dắt nhau vô chợ. Dần mua thịt cá rau cải rất nhiều bỏ hết vô rổ rồi mới trở lại bến.
Trâm mạnh mẽ giành xách quày dừa. Hai người kia chia với nhau mỗi người xách một buồng chuối, Ðậu thấy Dần đã bưng một rổ đồ ăn, lại còn xách chuối nữa, sợ nàng mỏi tay nên Ðậu biểu để Ðậu xách luôn 2 buồng chuối. Dần không chịu, nói một tay bưng rổ, một tay xách chuối được.
Ba chị em đùm đề xách đi, mới tới ngang bến đò thì gặp Ðạt mặc sắc phục lính, hai tay áo có gắn lon vàng tươi, đầu đội nón gõ, đương thả rều đi chơi.
Ðạt thấy vợ, thấy em thì mừng quýnh, giăng tay cản lại, cười nói om sòm giữa đường. Ðậu với Trâm đã có Dần, mà còn có thêm Ðạt nữa thì hết sợ Tây, hết lo ai tra vấn, nên cũng mừng nói lăng xăng, thêm Dần xen vô khoe mình đi rước chị em. Cả 4 người đều giành nhau mà nói, gây ra một cuộc gia đình hội hiệp thân ái tràn trề, giữa đám người đi chợ đông dày, dưới bóng cây gáo che tàn mát mẻ.
Mừng nhau rồi Ðạt nói: „Thôi đi về nhà rồi sẽ nói chuyện. Ðưa bớt đồ qua xách giùm cho." Ðạt giựt quày dừa xiêm của Trâm mà xách Trâm không lẽ đi tay không nên rước rổ đồ ăn của Dần mà bưng, để cho Ðạt xách dừa đi giữa. Hai vợ xách mỗi người một buồng chuối đi kềm hai bên làm cho người đi đường cũng ngó mà cười chúm chím.
Bây giờ Trâm yên chí lại nhẹ tay mới nhìn cảnh vật dọc đường cho nhớ đặng sau đi nữa.
Lính Tây đi tốp 3 người đi tốp 5 người, qua lại dập dều, không ai nói động tới mình hết vậy mà họ đi vô trong xóm trong làng thiên hạ sợ trốn hết. Lời Tư Ðịnh nói không sai, thiệt đi một khúc xa xa thì tới trại lính. Bên tay trái thì thành của Tây có lính bồng súng đứng gác râu ria xồm xàm. Còn bên tay mặt là lính Mã tà. Dựa lộ có mấy nhà lá nhỏ để cho đội Cai ở, lính ở hai dãy trại cất ở phía sau.
Tới cái nhà đầu, Dần chỉ mà nói: „Nhà nầy ông Ðội là anh tôi ở. Anh Hai làm Cai nên ở nhà kế bên đây, từ rày sắp lên chị Hai với cô ba ra thăm thì cứ đi thẳng vào đây, đừng sợ chi hết".
Vô tới nhà, Ðậu với Trâm đi từ trước ra sau mà coi. Nhà nhỏ lợp lá vách lán, mà gọn ghẽ sạch sẽ lắm.
Ðạt đi theo mà nói: „Ðể nấu cơm ăn hai em ở chiều mát sẽ về." Ðậu nói: „Ðâu mà được. Ở
lâu cha mẹ trông". Dần nói: „Cha mẹ có hỏi tại sao về trễ, thì chị nói phải chờ bán cho hết dừa chuối rồi mới về được, mà thiệt hồi nảy chị Thiện nói đến xế mới lấy tiền, thế thì làm sao lấy tiền được mà về sớm".
Trâm nói: „Lấy tiền trễ rồi thì làm sao mua thịt cá được mà đem về cho mẹ."
Dần nói: "Hồi nảy tôi có mua vài cân thịt với ít con cá lóc để gởi về cho mẹ sẵn rồi. Cô khỏi lo, chừng về tôi đi theo ra chợ mua khô mắm gởi thêm nữa"
Ðạt dặn Dần: „Chiều em chia bớt dừa chuối mà cho anh Ðội, chớ mình anh ăn gì hết. Chia cho ảnh một buồng chuối với nửa chục dừa nghe hôn. Thôi, mấy chị em áp nấu cơm ăn".
Ba nàng, người làm cá, người nhúm lửa, người xắt thịt phụ nhau đặng dọn bữa cơm sớm mơi. Ðạt nhắc một cái ghế đem vô đó mà ngồi đặng nói chuyện với vợ và em.
Ðạt hỏi Trâm:
- Bữa hổm chú Tư Ðịnh về, chắc chú có nói Qua đi lính làm Cai phải hôn em?
- Bữa đó tôi với chị Hai mắc đi cấy không có ở nhà. Chú qua nói với cha mẹ. Cha giận quá. Cha dặn chú có gặp anh nữa thì nói cha không nhìn anh là con của cha nữa. Anh đã phản bội mà đầu giặc, anh bán nước hại dân, anh không được về nhà cha nữa. Từ bữa cha đi Sài Gòn về, cha hay anh đi thì cha đã giận lắm rồi, không nói tới tên anh nữa. Chừng hay anh đi lính cho Tây cha càng giận thêm.
- Mẹ có giận anh hay không?
- Mẹ không nói gì hết. Tôi coi ý mẹ không giận. Nhưng cha nói thế nào cha nói, mẹ không dám cãi với cha
- Hai em nghĩ coi, người ta biết qua trong nghĩa binh nên hăm bắt qua. Qua phải lập thế đặng yên thân chớ. Qua thưa với cha thì cha không cho. Ông biểu phải tiếp tục kháng chiến. Thà chết cho thơm danh, chớ đầu giặc xấu hổ lắm. Cụ Thủ Khoa bị đày rồi. Anh em trong đoàn nghĩa binh ra đầu thú cũng nhiều. Còn gì đâu mà kháng chiến. Huống chi tầm vông với mác thong mà cự với súng đạn, cự làm sao nổi. Cha biểu phải chết để trả nợ non nước. Chết mà không lấy nước lại được thì chết có ích gì? Chết đặng cho thiên hạ vinh thân phì gia, ăn trên ngồi trước. Cha không thương qua cha từ qua thì qua chịu chớ thiệt chết như vậy qua không chịu chết. Mẹ có phiền qua thì hai em cắt nghĩa cho mẹ nghe. Qua phải đi lính đây là bất đắc dĩ, qua phải ẩn núp cho khỏi ở tù, khỏi bị đày, chớ qua không có bán nước hại dân gì hết.
Thi Ðậu nói:
- Có một mình cha giận anh cha nói anh bán nước, chớ mẹ có nói đâu. Mẹ cũng muốn cho anh sống, chớ đâu có muốn cho anh chết.
- Còn việc nầy xin em đừng phiền qua. Ra ngoài nầy có một mình, không ai lo cơm nước cho qua, nên qua phải gá nghĩa với cô Hai Dần đây đặng trước qua nhờ thân thế ông Ðội che chở. Sau qua có người lo cơm nước. Vì thời cuộc ép buộc nên mới sanh chuyện vợ lớn vợ nhỏ như vầy, xin em đừng buồn. Cha mẹ cầm trầu cau cưới em, lại vợ chồng ăn ở với nhau có con. Bề nào em cũng làm lớn, không mất phần đâu mà sợ.
- Em mắc nuôi cha mẹ, không theo mà giúp đỡ anh được. May có cô Hai lãnh lo cơm cháo áo quần cho anh thì em cám ơn cô chớ đâu có buồn.
- Kêu nó bằng em chớ đừng có kêu bằng cô.
Thị Dần tiếp: „Chị Hai nói mấy câu đó đủ cho em thấy chị biết thương em. Em mừng và cám ơn chị lắm. Em hứa, em sẽ kính phục chị hoài hoài và em sẽ thay mặt cho chị mà lo cho anh Hai, để chị rảnh mà lo cho cha mẹ. Chị em mình đồng tâm hiêp lực chung nhau mà thờ chồng và thờ cha mẹ chồng. Phận em mồ côi lại không có chị em ruột. Làm bạn với anh Hai em có được một người chị với một người em gái, em nhận thấy người chị cũng như người em đó, cả hai đều không ghen ghét em, thiệt em mừng lắm vậy. Em nguyện em sẽ tận tâm mà đáp thạnh tình ấy".
Ðạt nói: "Qua đã biết ba người biết bụng nhau rồi, thì nên thương yêu hoà thuận lẫn nhau cho vui, đừng có đố kỵ giận hờn với nhau chi hết. Má thằng Tâm có ra thăm qua nữa thì cho thằng Tâm theo đặng qua gặp nó một lát. Vắng mặt lâu qua nhớ nó quá"
Thị Ðậu nói: "Cha không cho đâu anh. Hôm trước tôi muốn chở nó đi. Cha nói đi nắng gió cha không cho. Mà từ bữa đi Sài Gòn tới nay, cha bắt nó học tối ngày có rời nó đâu".
Thị Trâm hỏi anh:
- Bây giờ anh không đi câu đi lưới nữa, anh để chiếc ghe lườn ngoài nầy làm chi?
- Hôm dọn về ở bên nây, Qua không biết gởi cho ai, nên Qua cho người dưới Kỳ Hôn mướn. Họ mướn luôn câu và lưới nữa.
- Tôi muốn đem về trỏng đặng chị em tôi câu lưới kiếm cá ăn, hoặc chở dừa chuối đi bán, chiếc xuồng lóc chóc quá, chở nhiều sợ chìm dữ.
- Ðược để Qua đòi lại, rồi sau hai chị em có ra nữa rồi chèo về trỏng mà dùng.
Cơm chín rồi dọn ra mà ăn với nhau, chồng vợ anh em thuận hoà vui vẻ hết sức. Cuộc vui ấy kéo dài đến xế rồi Thị Ðậu sợ ở nhà cha mẹ trông nên nàng đòi về.
Ðạt với Dần thay áo rồi đưa Ðậu với Trâm ra chợ. Dần bắt hai con cá lóc bỏ vô rổ với xâu thịt heo mua hồi sớm mơi, giao cho Trâm đem về. Ra tới chợ dần lại chỗ chị Thiện bán trái cây mà tính tiền dừa chuối. Chị Thiện nói đồ bán chưa hết nhưng chị lấy 7 quan tiền mà trả cho Dần đặng Trâm với Ðậu mua đồ đi về.
Ðậu lấy tiền ấy mua một gói trà, một cân mắm, hai ốp khô hô 2 và một con khô lóc đem xuống xuồng. Dần mua kẹo cốm gởi về cho Tâm, rồi Ðạt xách trà với bánh in, thèo lèo gởi về cho cha mẹ nữa. Dần căn dặn Ðậu với Trâm sau có ra thì đi ngay vô nhà, đừng sợ chi hết.
Ðạt kính gởi lời về thăm cha mẹ, dặn Trâm khuyên với mẹ thủng thẳng khuyên giải cho cha bớt bực tức giận hờn, Ðạt nói mà nước mắt rưng rưng làm cho vợ với em cảm động cực điểm.
Kẻ ở người về cùng nhau bịn rịn một hồi lâu, dặn dò đủ chuyện rồi Thị Ðậu với Thị Trâm mới xuống xuồng bơi đi về Tịnh Giang
Ðạt đứng ngó theo chàng ưa nước mắt, lòng thắt thẻo mặt buồn so. Chừng xuồng khuất rồi, Dần mới kéo cánh tay Ðạt biểu đi về kiếm chuyện mà nói cho chồng khuây lãng.
--------------------------------
1chất nhựa lấy từ cây dầu. Dầu chai trộn với sớ gai để trét những chỗ hở của ghe xuồng
2cáhô(một loại cábiểnto lớndài hơn1mét)đượcxẻđôi phơi khôvàcột lại thànhtừng ốp
XI
Xưa nay mấy người yêu nhau thường hiệp hội mừng vui với nhau, hoặc cùng nhau đi chung trên một con đường đời, thì hay gọi nhau là bạn đồng tâm đồng chí. Cách xưng hô như vậy người ta có thể rộng dung mà cho là được, mặc dầu người ta thường thấy đa số bằng hữu hoặc đồng tâm mà không đồng chí, hoặc đồng chí mà không đồng tâm.
Chí ư một cặp thanh niên nam nữ se tơ kết tóc với nhau, trong lúc ái tình ám ảnh say mê rồi khoe khoang với vợ chồng mình là bạn đồng chí đồng tâm nên siết tay để mạnh bước trên đường đời, lời khoe khoan ấy khó cho người ta chấp thuận được.
Người ta không chịu chấp thuận được là vì xem trong cả ngàn cặp vợ chồng, người ta chưa tìm được một cặp nào thiệt đồng chí đồng tâm. Trái lại, với con mắt sáng suốt, người ta thường thấy nếu không phải người trâu trắng kẻ trâu đen, thì cũng chồng chèo xuôi vợ chèo ngược. Nếu trong gia đình nào mà vợ chồng thuận hoà êm ấm, ấy là tại ông chồng xuôi xị để cho vợ cầm lái nắm lèo, hoặc nhờ bà sợ rầy để cho chồng làm mưa làm gió.
Như trong gia đình của ông Nhiêu Giám mà chúng ta đương lướt mắt xem đây, mặc dầu ông bà ăn ở với nhau 30 năm, trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm, sanh tới hai đứa con đã có dâu còn sắp có rể, thế mà vợ chồng có đồng tâm đồng chí hồi nào và chỗ nào. Sỡ dĩ thuở nay trong nhà được bình an, vì ông Nhiêu có học, ông lo lắng minh mông ông
toan tính phá núi lắp sông tự ý ông, bà Nhiêu không cần biết tới, bà chỉ cặm cụi bồi thổ thớt vườn và cày cấy miếng ruộng, để có huê lợi và có lúa gạo mà cung cấp cho gia đình được ấm no, khỏi thiếu hụt mà phải nhọc lòng mệt trí vậy thôi.
Ðến đây chúng ta mới nhận thấy vợ chồng ông Nhiêu bề ngoài cũng vẫn thuận hoà êm ấm, nhưng bề trong thì sự bất đồng tâm, bất đồng chí thể hiện rõ ràng.
Ông Nhiêu ép con, là Ðạt khư khư bền lòng vững chí mà kháng chiến luôn luôn, dầu có chết đi nữa, thì cũng được danh thơm tiếng tốt đã hiến thân để cứu dân giữ nước. Ðạt không vâng lời cha đành quăng cây mác nghĩa binh, chấp tay quỳ gối mà đầu giặc đặng mang cái áo Cai Mã tà, viện lẽ rằng kháng cự không có đường chiến thắng chi bằng hàng đầu đặng hiệp tác mà giữ nước cứu dân.
Ông Nhiêu cho sự hàng giặc là điều nhục nhã, nhục cho phận con mà nhục lây cho cả cha mẹ ông bà, ông gọi hiệp tác với giặc là hại dân bán nước, bời vậy con trái ý ông thì ông ghét giận, quyết định không nhìn con và cấm con không về nhà nữa
Bà Nhiêu không dám binh con mà cãi lẽ với chồng, song hay con ở Mỹ Tho ẩn núp cho an thân, thì bà vui, chừng nghe tin con làm Cai Mã tà đặng có người che chở cho khỏi lao tù, khỏi súng đạn thì bà càng vui lòng thêm nữa, chớ không ghét giận con như ông Nhiêu. Bà không nhận sự vui lòng của bà đó là quấy bởi vì nàng dâu với con gái của bà cũng yêu Ðạt
như bà, chớ nào phải ghét bỏ.
Ấy vậy ở trong nhà ba mẹ con bà Nhiêu đồng ý, duy có một mình ông Nhiêu khác ý mà thôi. Ða số thuộc về phía bà, nên bà không lo gì lắm.
Làm cha làm mẹ ai cũng thương con. Không phải tại Ông Nhiêu không thương Ðạt, không chịu nhìn Ðạt là con nữa. Ông cũng thương Ðạt như bà vậy chớ, nhưng ông thương con theo trí đàn ông, còn bà thương con theo ý trí đàn bà. Ông thương con nên ông muốn ép con giữ nghĩa nhân đạo đức vuông tròn; còn bà thương con bà chỉ lo cho thân con được ấm no, yên ổn. Ông thương ông biểu con vì nghĩa nước non, con đừng sợ chết. Bà thương bà muốn con vì tình mẫu tử, con rán giữ lấy thân. Tại vậy, chỉ tại vậy mà vợ chồng Ông Nhiêu
Giám bề ngoài thì hòa thuận êm ấm, song bề trong không đồng tâm đồng chí.
Bữa đó Thị Ðậu với Thị Trâm đi ra Mỹ Tho bán dừa chuối, về đến nhà thì đã tối mò. Hai chị em người xách tiền người lụi hụi đi vô nhà. Bà Nhiêu hỏi tại sao về tối dữ vậy. Trâm giành nói phải dợi bán cho hết chuối tới xế mới về được. Ông Nhiêu nằm trên võng ông không thèm hỏi gì hết.
Trâm giao tiền với trà bánh kẹo cốm cho mẹ. Còn Ðậu bưng thịt cá mắm khô đem xuống nhà dưới. Bà Nhiêu mở gói thèo lèo đưa cho Trâm một nắm rồi kêu Trâm mà nói: „Trâm nhúm lửa rồi bắt siêu nóng đặng chế trà cho cha con uống mà ăn bánh đây. Hồi chiều mẹ có nấu cơm nhiều mà để dành cho đó, dọn mà ăn với nhau." Bà lấy dĩa sắp bánh với kẹo cốm, lấy bình mà súc rồi để trà. Bà làm lăng xăng, đợi nước gần sôi rồi mới bưng bình đi xuống bếp. Thấy con với dâu đương ngồi ăn cơm, bà ngừng mà hỏi nhỏ: „Có gặp được nó hay không?" Trâm cũng đáp nhỏ nhỏ: „Ðược mẹ à. Bắt ở ăn cơm đặng nói chuyện đến xế hai vợ chồng mới chịu cho về, nên về mới tối. Anh có vợ bé mẹ à. Ði lại nhà ảnh dễ quá. Con biết rồi. Con hết sợ nữa". Bà Nhiêu khoát tay nói nhỏ: „Thôi để mai rồi nói chuyện". Bà chế bình trà bưng lên nhà trên, mời ông lại ăn bánh uống trà.
Nãy giờ ông Nhiêu nằm êm, không nói chi hết nhưng ổng hiểu dâu con lấy cớ đi bán dừa chuối. Ðó là đi thăm Ðạt mà trở về hớn hở là chắc gặp được Ðạt rồi. Tuy vậy mà ông làm bộ như không hay biết gì hết nghe bà mời ông cũng vị tình bước lại ăn một miếng cốm uống một miếng trà cho bà vui lòng.
Bà chỉ mấy quan tiền của Trâm đem về mà nói với ông: "Ðồ chịu khó chở ra Mỹ mà bán mới có tiền. Ở đây chờ ghe tới mua họ mua rẻ quá". Bà nói như vậy là có ý mở đường cho dâu con ít bữa đi bán dừa chuối một lần. Không biết ông hiểu mưu kế của bà hay không, mà ông lặng thinh, dường như ông nghĩ bán đồ trong vườn là việc của bà, ông không cần phải bàn tính.
Bữa sau ăn cơm sớm mơi rồi, Ông Nhiêu dắt Tâm đi qua trường học. Bây giờ trong nhà thong thả, bà Nhiêu xuống nhà dưới ngồi ăn trầu bà kêu dâu và con lại mà biểu thuật rõ chuyện đi kiếm Ðạt cho bà nghe.
Trâm lanh lợi hơn Ðậu, Trâm mới tỉ mỉ kể chuyện từ đầu chí cuối, không bỏ sót một khoảng nào.
Nghe nói tới chuyện Ðạt có vợ bé, là em ông Ðội Tồn, thì bà lo ngại. Bà ngó Ðậu, té ra Ðậu lại vui vẻ như thường mà lại còn khen Thị Dần là người biết điều. Ðạt gá nghĩa với Dần thì Ðạt có phước lắm. Nàng nói thịt cá đem về đó là đồ của Dần lo mua gởi về cho cha mẹ, còn một gói trà cột chung với bánh in thèo lèo là đồ của Ðạt gởi.
Bà Nhiêu nghe nói biết điều lại thấy bộ Ðậu không buồn thì bà yên bụng.
Ðậu còn nói tiếp rằng Ðạt đã yên thân, lại có người lo cơm nước áo quần, thì nàng khỏi lo gì nữa. Trâm nói bây giờ đã biết nhà biết đường đi rồi, muốn đi bữa nào cũng được, không sợ Tây tra xét cản ngăn.
Bà Nhiêu cười mà nói: „Vậy thì hễ có dừa chuối nhiều bây chở đi bán đặng thăm thằng Ðạt luôn thể." Thị Ðậu nói: „Mình đem đồ ra thì dì thằng Tâm giao cho bạn hàng quen họ bán giùm, mình khỏi lo gì hết. Chừng nào về thì lấy tiền mà về. Ngặt chuối nặng nếu chở nhiều thì xuồng khẳm sợ chìm quá. Cha thằng Tâm cho họ mướn lỡ chiếc ghe lườn. Ảnh nói để ảnh đòi lại, rồi chuyến sau chị em con chèo về mà dùng". Bà Nhiêu nói nếu Ðạt không cần dùng thì lấy về, cho mướn làm chi.
Từ đây bà Nhiêu với dâu và con bà thăm chừng dừa chuối hoài, trông cho có nhiều đặng chở ra chợ Mỹ mà bán. Ðậu với Trâm đi được vài lần nữa, lần nào vợ chồng Ðạt cũng cầm ở lại ăn cơm và cũng mua đồ gởi về. Lần sau Ðạt đã đòi chiếc ghe lườn lại rồi nên bận về Trâm để cho chị dâu bơi xuồng rồi nàng chèo ghe, xuồng bơi thủng thẳng chờ ghe đặng chị em nói chuyện.
Trót mấy tháng rồi ông Nhiêu không nhắc tới Ðạt, mà ông lại trông thơ của Nhiêu Lạc ở xóm Dầu, nóng nảy không biết Tây xử phạt cụ Thủ Khoa cách nào. Ra trường dạy trẻ nhỏ thì ông khuây khõa ít nhiều, mà hễ về nhà thì ông cứ nằm võng đưa tòn ten không muốn nói chuyện, không để ý đến việc chi trong nhà hết.
Một bữa trưa Ðỗ Chí Linh ở Khánh Hậu qua thăm ông Nhiêu Giám, chàng đi thẳng vô nhà, gặp bà Nhiêu chàng hỏi sức khoẻ của cha mẹ, rồi luôn dịp chàng hỏi bà Ðạt có về thăm nhà hay không?
Nhơn cơ hội ông Nhiêu ở ngoài trường học, bà Nhiêu mới tỏ thiệt cho Linh hay Ðạt đã theo Tây mấy tháng nay lãnh chức Cai coi lính Mã tà ngoài Mỹ Tho. Bà nói vì người ta biết Ðạt có chưn trong đoàn nghĩa binh nên kiếm bắt. Bất đắc dĩ mà Ðạt phải kiếm thế mà ẩn núp cho khỏi mang họa. Thế mà ông Nhiêu nói Ðạt là đồ bán nước hại dân, ông không nhìn là con ông nữa và ông cấm Ðạt không cho về nhà. Việc đó làm cho bà mất vui, theo ý bà mình không có súng thì làm sao mà kháng chiến cho nổi. Còn Ðạt ló về đây thì người ta vây bắt. Ðạt bít đường tấn thối tự nhiên phải đầu giặc cho khỏi chết, chớ có làm quấy gì đâu mà ông giận ghét, nói Ðạt bán nước hại dân.
Linh nghe bà mẹ vợ nói như vậy thì biết bà không hiệp ý với ông Nhiêu mà bà lại ló mòi binh Ðạt nữa. Chàng cứ ngồi nghe không dám nói phải quấy gì hết.
Bà Nhiêu than thở rồi bà biểu Linh đi ra trường học mà thăm Ông Nhiêu.
Bữa nay Chí Linh đi thăm cha mẹ vợ mà không dám đi ban ngày là vì chàng mới hay một tin quan hệ chàng muốn cho Ông Nhiêu biết gấp. Bởi vậy được nghe bà Nhiêu biểu ra trường học thì Ðạt đứng lên đi liền.
Ông Nhiêu đang khao khát gặp đồng chí mà tỏ bày tâm sự bởi vậy thấy Linh ông mừng rỡ, biểu Linh ngồi bỏ dạy học mà nói chuyện. Linh hỏi thăm sức khoẻ của ông rồi hỏi ông có nghe tin tức về cụ Thủ Khoa hay không?
Ông Nhiêu thở dài mà nói:
- Cha trông thơ của ông Nhiêu Lạc mà chưa thấy thơ nên có biết gì đâu. Hổm nay cha muốn đi lên trển nữa đặng hỏi thăm. Ngặt đường xa, ghe đi lâu quá bất tiện dữ.
- Như cha chịu thì con lãnh đi thế cho cha. Cha viết thơ cho ông Nhiêu Lạc rồi con cầm thơ con đi.
- Khoan để đợi ít ngày nữa coi. chú Tư Ðịnh biết nhà Ông Nhiêu Lạc. Cha viết thơ cho chú đi cũng được.
- Bên nầy cha hay ông Ðốc binh Thành bị Tây bắt hay không?
- Trời ơi! bắt hồi nào? ở đâu? Cha không hay.
- hưa bắt hồi tối hôm qua. Bắt tại Kỳ Son.
- Lần lượt bắt hết, bắt tới cấp chỉ huy thì ai còn điều khiển mà kháng chiến!
- Người ta mới cho con hay tin hồi sáng nầy. Con nghe bủn rủn, nên qua báo tin với cha. Người ta còn cho con biết một tin trặc trẹo nữa là tốp lính vây bắt Ðốc Thành đó phân nữa là lính Tây phân nữa là lính Việt. Mà tốp lính Việt đó do anh Hai Ðạt cầm đầu. Ảnh đứng chận cửa bao phía ngoài để cho Tây vô bắt.
Ông Nhiêu vỗ bàn cái ầm mà nói lớn:
- Cũng thằng bán nước đó nữa! Nó dắt Tây đi bắt, chớ Tây biết Ðốc Thành ở chỗ nào mà bắt được, thằng Ðạt đáng tội rồi! Mấy tháng nay nó chỉ cho giặc lần lần bắt mấy người trai tráng có chưn trong đoàn nghĩa binh của ta. Ðem họ về thành, nó dụ dỗ họ đầu giặc mà vô làm lính Mã tà với nó. nay nó bắt tới Ðốc Thành nữa. thì quá quắt rồi. Xưa rày nó chặt tay chặt chưn bây giờ nó chặt tới đầu cuộc kháng chiến!
- Họ nói như vậy nhưng cha nên để thủng thẳng hỏi lại coi. Có lẽ nào anh Hai con lại nở phản bội quá như vậy lận. Con chắc ảnh bị tình nghi nên ảnh phải đi lính đỡ cho qua lúc nguy hiểm nầy mà thôi.
- Không có thì làm sao người ta nói được. Phải có lửa mới có khói chớ. Nó có nói lẽ với cha. Cha biết rõ đầu óc nó rồi. Nó là yêu quỷ sanh ra để hại dân bán nước chớ không phải người ta.
Ông Nhiêu nói chua dứt lời thì chú Tư Ðịnh bước vô chào hỏi Chí Linh rồi đi lại một bên Ông Nhiêu mà nói nhỏ nhỏ:
- Cha chả, sao mà người ta đồn rùm, họ nói chú hai Ðạt dắt Tây đi bắt Ðốc Thành rồi ông à.
- Tôi hay rồi Linh mới nói đây.
- Nếu cậu Linh cũng hay như vậy, thì lời đồn chắc trúng, chớ không phải nghe thấp thổ rồi đồn bậy.
- Trúng chớ. Hôm trước tôi đã nói với chú, thằng Ðạt là phồn 1 bán nước. Tôi không nhận nó là con của tôi nữa. Nó theo giặc nó lãnh quyền tước và lương hướng của giặc, đặng giúp chiếm đất nước của mình mà cai trị, bắt dân mình làm tôi mọi thì tôi coi nó là giặc là kẻ thù chung của người mình, chớ không phải là con của tôi.
- Cụ Thủ Khoa bị bắt rồi bây giờ tới ông Ðốc Thành nữa, thì còn ai đâu mà cầm binh kháng chiến. Không biết rồi họ xử ông Ðốc Thành thế nào.
- Hồi nảy tôi có nói với Linh, tôi tính viết thơ rồi cậy chú cầm lên xóm Dầu hỏi ông Nhiêu Lạc cho biết tin tức cụ Thủ Khoa.
- Ðược, ông viết thơ đi, ông muốn bữa nào tôi đi cũng được đi một mình tôi lấy chiếc xuồng bơi đi cho mau, không cần đi ghe lớn.
- Bây giờ xãy ra vụ nầy, thôi chú đình sự đi lên xóm Dầu, muốn cậy chú đi giùm ra Mỹ Tho lóng nghe coi họ bắt Ðốc Thành đem về rồi họ xử cách nào.
- Cũng được. Khuya nay tôi lấy xuồng tôi bơi đi.
- Chú rán hỏi thăm cho chắc nghe hôn.
- Tôi biết mánh lới. Tôi hỏi chắc được mà. Vậy ông đừng lo.
- Vậy thì Linh ở bên nầy chơi con. Ở chơi đợi chiều mai chú Tư đi hỏi thăm chú về, đặng nghe tin tức Ðốc Thành, rồi con sẽ về.
Chí Linh dụ dự.
Tư Ðịnh tiếp nói: „Cậu Linh ở chơi. Bây giờ bên nầy êm rồi. Không có ai ruồng xét gì nữa đâu mà sợ. Chú Ðạt chú đi. Ông ở nhà ông buồn quá cậu ở nói chuyện chơi cho ông vui." Linh nói: „Lúc nầy tôi tập luyện ít người. Nhưng tôi ở chơi vài bữa được. Ở nhà có em út họ coi chỉ cho mấy người mới."
Tư Ðịnh nói:
- Lúc nầy đã rảnh sao cậu không xin với ông bà cưới phứt cô Trâm rồi về bên nầy mà ở, ở bên nầy dạy võ cũng được vậy chớ.
- Tình hình còn rối lắm, nên tôi chưa dám tính đến cuộc hôn nhơn.
- Biết chừng nào mới hết rối. Cậu không còn cha mẹ, mà cũng không có anh em. Nghe nói ở bển cậu ở đậu nhà bà con. Thôi thì cưới rồi về ở bên nầy cho xong.
- Ðể đợi ít ngày nữa coi.
Ông Nhiêu nói: „Thôi mai chú đi dọ tin Ðốc Thành coi thế nào, rồi tôi viết thơ cho chú cầm lên Xóm Dầu mà hỏi thăm cụ Thủ Khoa. Nếu hai người bị kẹt hết, thì tôi sẽ biểu Linh cưới con Trâm cho rồi, chớ còn kháng chiến gì nữa mà chờ.
Tư Ðinh đứng dậy đi về. Ông Nhiêu dặn phải nghe tin Ðốc Thành cho chắc.
Ông Nhiêu có khách nên chiều bữa đó ông cho học trò về sớm. Ông dắt Linh vô nhà, biểu bà Nhiêu dậy nấu cơm sớm cho Linh ăn, rồi cha con nhắc ghế ra sân ngồi bàn tính với nhau coi phải dùng phương pháp nào mà đối phó với thời cuộc.
Trong cuộc đàm luận nầy cha vợ với chàng rể đều lộ tâm trí rõ ràng. Cả hai đều khư khư cương quuết phải kháng chiến để gìn giữ đất đai của ông cha dày công khai thác. Về điều đó thì cha con đồng ý với nhau. Nhưng cha là nho gia còn con là võ sĩ, bởi vậy mỗi người quan niệm tương lai một cách riêng, không thể hiệp hoà với nhau được.
Ông Nhiêu nói nếu kháng chiến mà không thành công thì ông sẽ bỏ xứ mà đi, ông không thể làm thần dân của giặc cho được, còn Chí Linh nói vì chàng yêu đất nước nên chàng không nỡ lìa xa; nếu đất nước tiêu tan, không cứu được thì chàng sẽ chôn thịt vùi xương trong đất nước ấy cho tròn phận nam nhi đối với núi sông cây cỏ.
Ông Nhiêu nhớ hôm đi lên Sài Gòn, Chợ Lớn, ông thấy có nhiều người Việt Nam ra đầu Tây lãnh chức, lãnh quyền, rồi quần áo nhỗn nha ngựa xe rần rộ, tác oai tác phước, vinh mặt vinh mày, thấy như vậy ông thấy làm hổ thẹn. Ông than: „Mấy người đó là hạng người vô giáo dục, vô lương tâm, nên mới làm như vậy được. Nếu họ có học thì họ phải nhớ lời của Thánh nhơn dạy; sống trong thời thái bình thạnh trị, mà mình cam phận la lất trong cảnh nghèo hèn, thì mình đáng hổ thẹn lắm vậy, hổ vì mình không có tài nghệ để dạy dân giúp nước, nên mới tệ như vậy. Còn sống giữa lúc loạn ly hỗn độn mà mình an hưởng địa vị giàu sang, thì mình cũng hổ lắm vậy, hổ vì mình giỏi gian trá quên thẳng ngay, mê lợi danh bỏ nhân nghĩa, cứ xu thời cậy thế mà bóc lột mới được cao sang đó. Rất tiếc dân đau khổ
nước khuynh nguy mà người ta không thèm lo giữ nước đỡ dân, lại lo cướp giựt tranh chấp những miếng mồi của giặc quăng ra để dụ dỗ. Vận nước suy vi nên mới khiến lòng người tồi bại đến thế. Nghĩ thiệt đáng buồn!"
Chí Linh nói: „Ai làm sao thì làm. Phận con cứ giữ một lòng với nước non, với chủng tộc giàu nghèo không kể, sống chết không màng!"
Ông Nhiêu nói: „Vậy mới phải chớ".
Cha con luận nhơn tình, bàn thế cuộc đến khuya rồi mới chịu đi ngủ.
Chú Tư Ðinh hứa với Ông Nhiêu khuya chú ra Mỹ Tho, theo lời hứa nên sao mai vừa mọc thì chú bơi xuồng một mình. Còn chú mạnh mẽ nói chú sẽ có tin tức rõ về Ðốc Thành, ấy là vì chú kể chắc sẽ có cai Ðạt thông tin cho chú biết.
Thiệt quả ra tới bến đò gần chợ. Tư Ðịnh buộc xuồng mà gởi cho chủ ghe đậu gần đó, rồi xăm xăm đi vô phía trại lính Ðạt đã có dắt chú về nhà một lần rồi, nên chú đi cứng cỏi, không sợ lạc đường, cũng không lo tra hỏi.
Cai Ðạt có ở nhà. Chàng thấy Tư Ðịnh thì mừng rỡ, Ðạt hỏi thăm trong nhà bình yên thế nào rồi mời Ðịnh ở ăn cơm rồi sẽ về. Chú đi chợ mua đồ sẵn dịp ghé thăm một chút mà thôi, ở lâu không được.
Tư Ðịnh nói chuyện chơi một hồi rồi như tình cờ sực nhớ hỏi Ðạt:
- À! Ở trong mình người ta đồn hôm đó chú Hai dắt lính Tây qua Kỳ Son vây bắt được Ðốc Thành. Phải có như vậy hay không?
- Có nhưng mà họ có tình báo chỉ dẫn cho họ biết mà đi bắt. Tôi coi mã tà họ bắt tôi đem một chục lính đi theo, tôi phải đi. Nhưng tụi tôi ở ngoài xa. tôi có biết Ðốc Thành ở đâu mà dắt họ bắt.
- Mà họ bắt được hay không?
- Ðược. Họ đem về mấy bữa rày, họ còn để trong khám.
- Cha chả, không biết rồi đây họ xử làm sao. Bị đày hay không?
- Biết đâu. Bị làm tới Ðốc binh, tôi sợ nặng nhưng không sao. Hôm mới bắt dắt đi về dọc đường, ông Ðốc Thành có biểu tôi làm ơn cứu giùm ổng. Tôi có cậy ông Ðội Tồn rồi. Trong vài bữa nữa ông Ðội òn ỷ nói giùm chắc họ thả.
- Ừ, chú Hai nó rán nói giùm. Chớ cụ Thủ Khoa bị kẹt rồi, bây giờ ông Ðốc Thành bị nữa thì ai nấy bỏ nghỉ hết.
- Ðược mà. Tôi chắc xin được. Chú dừng lo tụi em út nhỏ nhỏ bị bắt tôi xin được hết, không cần cậy tới ông Ðội. Tôi tiếc quá chú Tư. Chớ chi tôi vô lính trước thì cụ Thủ Khoa bị bắt tôi xin họ thả cụ cũng được nữa.
- Chú Hai nó được người ta yêu như vậy thì đỡ quá đỡ cho bà con anh em ở trong mình. - Ừ, chú nói với bà con đừng lo. Ai rủi bị bắt thì tôi cứu cho, không sao đâu mà sợ. - Nầy nãy giờ tôi quên nói cho chú nó nghe. Lần trước tôi gặp chú đó tôi về tôi có nói cho
ông Nhiêu bà Nhiêu nghe hay chú làm Cai Mã tà, ông Nhiêu giận ổng rầy quá ổng nói chú theo giặc để hại dân bán nước. Ổng biểu tôi có gặp chú nữa thì nói cho chú ổng không nhìn chú là con ổng cấm chú không được về nhà, mà cũng đừng cho ổng thấy mặt nữa.
- Con em tôi hôm trước nó ra thăm tôi nó có nói chuyện đó cho tôi hay rồi. Cha tôi giận thì tôi chịu. Tôi dám nói gì đâu. Chú Tư nghĩ coi tôi ở ngoài thì tôi phải chết. Cực chẳng đã tôi phải về đây mà ẩn núp. Cha tôi không chịu, biểu tôi phải chết. Chết vô ích thì chết làm chi. Thà tôi đi lính đặng cứu anh em bà con, không có ích hơn hay sao, cha tôi nói tôi đi theo
lính đặng hại dân bán nước. Tôi có làm bậy hồi nào đâu mà cha tôi nói như vậy. Chú Tư ở gần, chú làm ơn khuyên giải giùm cha tôi đặng đừng giận tôi nữa.
- Ông Nhiêu gắt lắm. Ai dám cãi với ổng. tuy vậy thì hễ có dịp thì tôi sẽ khuyên dần dần, vó lẽ ổng sẽ bớt giận chớ. Mà phận chú cũng phải rán ăn ở cho có đức, đừng có hung hăng quá, nếu thấu tới tai ông Nhiêu rồi thì khuyên giải giống gì được.
Tư Ðịnh cáo từ mà về.
Ðến trưa chú về tới nhà, ăn ba hột cơm rồi lật đật đi qua nói chuyện cho ông Nhiêu nghe. Vô tới sân chú biết ông Nhiêu ở ngoài trường học. Chí Linh hội ý biểu hiểu chú biểu ra trường học để đặng nghe nói chuyện.
Ông Nhiêu thấy Tư Ðịnh thì mừng, biểu ngồi rồi hỏi có nghe chắc Ðốc Thành bị bắt hay không. Tư Ðịnh kéo Linh lại ngồi một bên chú ngồi trước mặt Ông Nhiêu rồi chú mới nói: "Ra tới chợ Mỹ tôi hỏi thăm thì ai cũng hay Ðốc binh Thành bị lính vây bắt được bên Kỳ
Son, nhưng không hiểu lính nào. Tôi giận mới đi kiếm chú Hai Ðạt mà hỏi coi phải chú dắt lính qua bắt Ðốc Thành đó hay không. Tôi gặp chú Ðạt tôi hỏi thì chú nói Tây họ vẫn biết Ðốc Thành ở Kỳ Son nên đem binh qua bắt, chớ chú có biết đâu mà dắt đi. Thiệt quan Tây có biểu chú đi theo với 10 tên lính Mã tà. Nhưng tụi chú bao ngoài xa, chớ không có vô nhà mà bắt. Chừng bắt được dắt đi về dọc đường. Ðốc Thành thấy chú mới năn nỉ xin chú lập thế cứu giùm. Chú hứa để thủng thẳng rồi chú sẽ liệu. Hiện giờ Ðốc Thành còn bị giam trong khám. Chú Ðạt đã có cậy ông Ðội Tồn xin giùm rồi. Có lẽ Ðốc Thành khỏi tù."
Ông Nhiêu cười gằn mà nói:
- Thằng Ðạt quỷ quyệt lắm, chú Tư nghe nó nói mà chú tin thì lầm chết. Nó dắt người ta bắt đốc Thành đó chớ ai. Nó kiếm chuyện mà nói đặng che đậy cái gian của nó. Nó khôn hơn tôi sao nổi. Nó giấu đầu rồi lòi đuôi. Nó nói Ðốc Thành năn nỉ cậy nó cứu giùm. Nó chắc cứu được? Trong đôi bữa đây họ sẽ thả. Hứ! Thả! Nó làm mủ làm nhọt, tưởng người ta không biết. Nó dắt đi bắt đem về nó hăm doạ, rồi dụ đầu giặc, hễ chịu đầu thì người ta tha, lại cho làm lính, làm cai làm đội. Nó dùng chước đó quyến rủ nghĩa binh mình theo Tây bộn rồi. Bây giờ nó dụ tới Ðốc Thành nữa, chớ có gì đâu. Chú Tư để rồi coi. Nay mai đây Ðốc Thành sẽ làm Cai làm Ðội Mã tà nữa.
- Chú Hai Ðạt nói chớ chi chú vô làm lính trước khi cụ Thủ Khoa bị bắt, thì chắc chú cứu cụ Thủ Khoa cũng được nữa.
- Cụ Thủ Khoa đương thèm cầu nó. Mặt nó mà dụ cụ phản quốc được à? Thiệt mưu của thằng Ðạt nham hiểm độc ác lắm. Nó làm cách đó nó phá cuộc kháng chiến rã rời hết. Thà nó dắt Tây bắt nhơn viên đem về bắn chết, làm như vậy ít độc ác là dụ đầu hàng. Nó giúp cho giặc có thể trở giáo của mình mà giết người mình. Hai người nghĩ coi phải tội nó lớn không hử?
- Chú nói nghe tử tế quá. Chú dặn tôi anh em trong nầy đừng sợ. Nếu ai rủi bị bắt chú sẽ xin giùm cho. Nếu chú có khác thì mình làm sao mà biết được.
- Thôi chú Tư nghỉ ít bữa rồi tôi viết thơ tôi cậy chú đem lên ông Nhiêu Lạc trên xóm Dầu mà hỏi thăm cụ Thủ Khoa.
Tư Ðịnh từ mà về. Chí Linh cũng xin phép trở về Khánh Hậu, hứa chừng nữa tháng sẽ qua nữa đặng hỏi thăm tin tức của cụ Thủ Khoa.
--------------------------------
1phường