"Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc: Từ Thượng Cổ đến đời Tuỳ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc: Từ Thượng Cổ đến đời Tuỳ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo ĐẠI CƯƠNG VĂN HỌC SỬ TRUNG QUỐC Cuốn 1: Từ Thượng Cổ đến đời Tuỳ ---❊ ❖ ❊--- Tác giả: Nguyễn Hiến Lê Nhà xuất bản: Nguyễn Hiến Lê Nguồn text: Internet Đóng gói: @nguyenthanh-cuibap CLỜI NGỎ ông trình mệt cho tôi nhất – mệt mà thú – hồi tản cư ở Long Xuyên nhất là viết bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc gồm ba cuốn: I. Từ thượng cổ đến đời Tuỳ; II. Đời Đường; III. Từ Ngũ đại đến hiện đại. Viết bộ đó chủ ý của tôi cũng là để tự học. Trong bài Tựa – mà tôi lấy làm đắc ý – tôi nói hồi ở trường Bưởi tôi đã tò mò muốn biết về văn học Trung Quốc. Nền cổ học Trung Quốc như có sức gì huyền bí thu hút tôi, một thanh niên theo Tây học. Mỗi lần nghe đúng tên như Văn tâm điêu long, Chiêu Minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Qui khứ lai từ… dù chẳng hiểu nghĩa, tôi cũng thấy trong lòng vang lên một điệu trầm trầm, như nhớ nhung cái gì. Phải chăng đó là tiếng vang những giọng ngâm nga của tổ tiên tôi còn văng vẳng trong lòng tôi? Muốn tìm hiểu văn học Trung Quốc mà sách báo Việt chỉ làm cho tôi thất vọng. Cuốn Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính sơ lược quá; còn đọc những bài dịch Cổ văn, thơ Đường đăng lác đác trên tạp chí Nam Phong và một số báo khác thì không khác gì coi mấy bông sói, bông hồng, bông ngâu, bông móng rồng mà mấy chị bán hoa ở phố Hàng Đường (Hà Nội) gói trong chiếc lá chuối, chứa trong cái thúng để bán cho các bà nội trợ mua về cúng rằm, làm sao biết được vườn làng Ngọc Hà, làng Yên Phụ ra sao. Tôi chỉ còn cách học chữ Hán để đọc sách của người Trung Hoa viết. Khi đã có một số vốn độ 3.000 chữ, đủ để mò trong các tự điển Trung Quốc, tôi kiếm mua mấy bộ Cổ văn, Đường thi, Văn học sử, Bạch thoại văn học sử, Trung Quốc văn học tư trào sử lược… như tôi đã nói (chương XIII), rồi mò mẫm lần. Thật khó nhọc vô cùng! Đọc một bài trong Cổ văn quan chỉ dài độ hai mươi hàng, tôi thường mất cả buổi mà chỉ hiểu lờ mờ. Bộ ấy chú thích rõ ràng, và có dịch cổ văn ra bạch thoại; nhưng cổ văn và bạch thoại của tôi đều ở mức sơ đẳng, phải dùng cổ văn để đoán bạch thoại và ngược lại dùng bạch thoại để đoán cổ văn. Còn những cuốn Văn học sử thì tuyệt nhiên không có chú thích, nhiều chỗ tôi phải viết thư hỏi bác tôi, nhưng không dám hỏi nhiều vì mất công bác viết thư trả lời. Đành đọc nhiều sách, nhiều lần rồi vỡ nghĩa dần. Học tới đâu tôi tóm tắt, ghi tới đấy, so sánh các sách, sắp đặt rồi chép trong những tập vở 100 trang. Sau cùng dịch một số bài văn thơ, viết thành chương. Nội công việc dịch và viết này cũng mất chín, mười tháng. Các bài cổ văn thì tôi dịch lấy, thơ tôi dịch được một số, bác tôi dịch cho một số lớn. Bài thơ nào không đề tên người dịch là của tôi, đề "Vô danh dịch" là của bác tôi. Hai bác cháu đều chú trọng nhất tới đức "tín", nghĩa là dịch sao cho đúng, cho sát, không dám sửa lời, thêm ý. Chúng tôi biết nhiều bài người trước đã dịch rồi mà hay, nhưng vì ở Long Xuyên thiếu sách, tôi không thể kiếm được, nên không dẫn vô. Tôi viết như vậy cốt để học, chứ không nghĩ đến việc in. Viết xong, thấy có thể giúp cho các bạn hiếu học có một khái niệm về văn học Trung Quốc nên mới sửa lại rồi cho xuất bản. Sự nhận định của tôi chắc không sai nhiều vì tôi đã tham khảo kĩ, bằng những phương tiện tôi có; bố cục có mạch lạc và sáng sủa; nhưng tôi nhận rằng còn những lỗi dịch sai, nhất là phiên âm sai, mặc dầu vậy tôi cũng cứ cho ra mắt độc giả. Sở dĩ "tôi cả gan như vậy là vì tin lòng quảng đại của các vị cựu học, không nỡ trách kẻ hậu tiến học thức nông cạn mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm, hầu giúp bọn tân học chúng tôi hiểu thêm cái cổ học của các cụ, tức là cái nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta" (trích trong bài Tựa). Văn học Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến văn học Việt Nam mà các cụ quá khiêm tốn không chịu viết thì bọn xẩm như tôi đành phải mò kim vậy. Viết xong tôi chép lại, khoảng 750 trang, mất ba tháng nữa (vì có nhiều chữ Hán và bài nào cũng có phần phiên âm). Ngày 20 tháng mạnh đông năm Quý Tị (26-XI-1953), mọi công việc hoàn thành, tôi thấy khoan khoái. Tôi thảo bài Tựa, cuối bài ghi cảnh trăng khuya trong vườn hoa ở phòng viết trông ra: "Trăng mới ló dạng. Cảnh vật đang tối tăm, bí mật bỗng hoá ra êm đềm nên thơ. Nhành liễu là đà lấp lánh bên dòng nước. Giò huệ rung rinh toả hương dưới bóng dừa. Đêm nay tôi muốn thả hồn tìm thi nhân cùng danh sĩ Trung Hoa thời trước. "Hỡi hương hồn chư vị ấy! Tôi mang ơn chư vị rất nhiều, gần bằng mang ơn văn nhân nước tôi; vì từ hồi mới sanh, tôi đã được nghe lời ngâm Chinh phụ, Thuý Kiều xen lẫn với lời bình văn thơ của chư vị và ngay trong văn học nước tôi cũng thường thấy ẩn hiện nỗi của lòng chư vị. Tâm hồn tôi ngày nay một phần cũng do chư vị đào luyện nên. "Viết cuốn này tôi muốn có cơ hội gần chư vị thêm một chút. Tác phẩm của chư vị quá nhiều, tôi không đọc hết, nên ngoài cái lỗi giới thiệu vụng về, tất còn mang thêm cái tội vô tình xuyên tạc. Xin chư vị lượng thứ". Mới có 27 năm mà cảnh tôi tả trong đoạn đó nay đã thay đổi hẳn: dòng kinh đã lấp, gốc liễu đã không còn, nhưng thêm được hai cây hoàng lan, chiều tối hương thơm ngào ngạt cả một xóm. Bác tôi mừng tôi hoàn thành tác phẩm, cho tôi hai bài thất ngôn tứ tuyệt: 紅紫⾨前⾾艶⾹ 滿盤詩史費平章 ⾦⾵鉄⾺閒中過 ⼀匣⻘⼭⾃主張 Hồng tử môn tiền đấu diễm hương, Mãn bàn thi sử phí bình chương. Kim phong thiết mã nhàn trung quá, Nhất hạp thanh sơn tự chủ trương. 伱⾃編之我閱之 ⼀家樂事在相知 何須更向東⻄問 继往開來更属誰 Nễ tự biên chi ngã duyệt chi Nhất gia lạc sự tại tương tri. Hà tu cánh hướng đông tây vấn, Kế vãng khai lai cánh thuộc thuỳ? Dịch nghĩa: (1) Trước cửa, các hoa đỏ, tía tranh nhau phô hương sắc, Trên bàn đầy thi sử, khó nhọc phê bình. Gặp lúc nhàn trong thời buổi binh đao, Có chủ trương lưu lại một hộp sách trong núi xanh (lưu tác phẩm cho đời sau) (2) Cháu cứ viết đi, bác duyệt cho, Cái vui trong gia đình ở chỗ bác cháu hiểu nhau. Cần chi phải hỏi người bên đông bên tây, Việc kế vãng khai lai còn tuỳ thuộc vào ai nữa. Bác tôi còn cho tôi hai câu đối: 古⾊古⾹⽂⾃古 ⾟⼼⾟筆世⽅⾟ Cổ sắc cổ hương văn tự cổ Tân tâm tân bút thế phương tân. ⼀⾨⽂獻堪徵史 两國兵焚不滅書 Nhất môn văn hiến kham trưng sử Lưỡng quốc binh phần bất diệt thư Dịch nghĩa: (1) Sắc cổ, hương cổ, văn thời cổ Lòng mới, bút mới, đời vừa mới (2) Một nhà văn hiến có thể ghi vào sử Lửa binh hai nước không diệt được sách. Bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc, ông P. Văn Tươi nhận là có giá trị nhưng không chịu xuất bản vì in rất tốn (phải sắp chữ Hán) mà khó bán. Năm 1955 tôi lại phải bỏ vốn ra in, 1956 mới xong. Chỉ in 1.500 bản, tốn 75.000đ (mỗi cuốn 25.000đ). Giá vàng hồi đó vào khoảng 4.000đ – 5.000đ một lượng. Bán một năm được khoảng 500-600 bộ, đủ vốn; số còn lại bán bảy tám năm sau mới hết. Vậy, làm cái nghề viết văn cũng cần có vốn kha khá thì mới giữ được chí hướng, làm được những việc mình thích, mà chẳng phải tuỳ thuộc ai. Nếu tôi không có xuất bản lấy thì 10-15 năm sau chưa chắc đã có nhà chịu in cho, lòng ham viết tất phải nguội dần mà sẽ không viết thêm được cuốn nào về cổ học Trung Hoa nữa. In xong tôi mang về Long Xuyên ngay để bác Ba tôi coi. Tôi buồn rằng cha mẹ tôi và bác Hai tôi không còn. Tôi đã không phụ công của ba người thân đó. Trang đầu sách tôi đề: KÍNH DÂNG Hương hồn Thân mẫu tôi, Người đã cho tôi học thêm chữ Hán ở giữa thời tàn tạ của Nho học. Bộ đó năm 1964 nhà Khai Trí tái bản; in 2.000 bản, được viện Đại học Huế khuyên sinh viên đọc; nhưng năm 1974 bán vẫn chưa hết. Lần tái bản này tôi chỉ sửa được một phần lỗi trên bản an (bản để đổ chì) thôi, vì sắp chữ lại thì tốn công lắm. (Trích Hồi kí Nguyễn Hiến Lê – Nxb Văn học, năm 1993, tr. 444-446) VLỜI NHÀ XUẤT BẢN ăn học Trung Quốc có bề dày trên 3.000 năm, thuộc những nền văn học đồ sộ và rực rỡ nhất thế giới. Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, văn học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa lâu đời này. Từ lâu, các nước phương Tây đã có nhiều công trình nghiên cứu văn học Trung Quốc rất công phu và khoa học. Trước đây, ở nước ta có "Việt Hán văn khảo" của Phan Kế Bính; tuy là công trình có giá trị tiên phong trong lãnh vực này, nhưng tiếc là còn sơ lược quá. Trong kho tàng văn học đồ sộ ấy, một người "dù chỉ chuyên đọc trong 50-60 năm cũng vị tất đã coi được đủ và kỹ, đừng nói đọc rồi còn phân tích, so sánh, lựa chọn, tổng hợp, phê bình…". "Nhưng không phải vì vậy mà người Trung Quốc không viết về văn học sử của họ và người Anh, người Pháp… không viết về văn học sử Trung Quốc". Học giả Nguyễn Hiến Lê, từ nhỏ đã say mê nền cổ học Trung Quốc. Ông được may mắn được thầy, chú và các bậc túc nho đương thời chỉ dạy. Có được vốn Hán học ban đầu, ông dốc tâm tự học và dày công nghiên cứu. "Học đến đâu ghi đến đấy. Khi học thì chỉ ham mê tìm hiểu cái đẹp mà không có ý viết sách. Khi học xong, thấy công việc ghi chép ấy có thể giúp các bạn hiếu học một khái niệm về văn chương Trung Quốc, nên mới sửa lại rồi cho xuất bản" quyển sách Đại cương văn học sử Trung Quốc. Đây là lần tái bản thứ ba 1997, cách lần thứ nhất 1962, lần thứ hai 1964, trên 30 năm. Trong thời gian ấy, chắc rằng số lượng tác phẩm viết về văn học sử Trung Quốc, cả trong và ngoài nước, rất nhiều. Nếu học giả Nguyễn Hiến Lê còn sống, nhất định ông sẽ có những hiệu đính, bổ sung nhiều tư liệu, nhiều chương giá trị, nhất là nền văn học đương đại – từ 1949, trải qua Cách mạng văn hóa và hậu Cách mạng văn hóa đến nay. Để đáp ứng phần nào nhu cầu học hỏi của những người yêu thích văn học Trung Quốc, trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu đầy đủ và khoa học hơn của các nhà "Trung Quốc học" Việt Nam, chúng ta xin giới thiệu "Đại cương văn học sử Trung Quốc" này cùng quí bạn. KTỰA hi soạn bộ này, tôi được sống lại những ngày vui cách đây 25 năm. Hồi ấy, tới vụ nghỉ hè nào, tôi cũng về Sơn Tây ở với bác tôi trong một ngôi nhà cổ, dưới bóng tre, giữa một cánh đồng lúa, bên bờ sông Nhị. Cảnh thì có núi, có gò, có đầm, có lạch, không khí thì thơm tho, lúc nào cũng văng vẳng những tiếng sáo diều, tiếng ca hát của thôn nữ cùng tiếng ngâm thơ của nhà nho. Tôi thích nhất là giọng bình văn: nó ung dung, nghiêm trang và thanh nhã làm sao! Tôi thích đến nỗi mỗi lần bác tôi chỉ nhắc tới những tên như Văn tâm điêu long, Chiêu minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Qui khứ lai từ… là trong lòng tôi cũng vang lên một điệu trầm trầm, như nhớ nhung cái gì. Những lúc ấy, tôi thấy trời như cao hơn, mây như nhẹ hơn. Không hiểu tại sao tôi lại có cảm tưởng lạ lùng đó và cho những cái tên như Corneille, Hugo thô tục, chẳng du dương như những tên Lý Bạch, Đào Tiềm. Nào có phải tôi không yêu tiếng Pháp. Gặp dịp được khoe một câu tiếng tây bồi với các ông Lý, ông Chánh trong làng, tôi vẫn hãnh diện lắm chứ và có ai mà bảo tôi cái học "tây u" là cái học vong bản thì tôi giận đến đỏ mặt lên được chứ! Nhưng nền cổ học vẫn có sức gì huyền bí thu hút tôi. Sức huyền bí đó phải chăng là những tiếng ngâm nga từ ngàn năm về trước còn văng vẳng trong tâm hồn tôi? Có lẽ vậy. Và tôi muốn biết nền cổ học ra sao mà làm tôi say mê được đến bực ấy. Một hôm đứng hầu trà bác tôi, tôi được nghe bốn tiếng "Văn tâm điêu long". Đợi bác tôi ngừng nói để hút điếu thuốc lào, tôi đánh bạo hỏi: - Thưa bác "Văn tâm điêu long" là gì? Phà khói thuốc lên nóc nhà, bác tôi mỉm cười đáp: - Cháu học tiếng Tây mà muốn biết những cái đó làm gì? Phải tốn công mười năm đèn sách mới hiểu được mà cái học nho bây giờ đã thành vô dụng rồi. Thím Tư (tức mẹ tôi) muốn cho cháu về đây học bác để sau này đọc được gia phả bên nội, bên ngoại. Bác cũng nghĩ vậy là phải, còn văn thơ cổ nhân thì thôi, thôi đi. Để sức tìm hiểu khoa học, cháu. Thế là tôi cụt hứng. Cụt hứng nhưng lại càng tò mò hơn, muốn biết cho được cái "Văn tâm điêu long" ấy là cái gì. Tách riêng ra từng chữ thì tôi hiểu: Văn là văn chương, tâm là lòng, điêu là chạm, long là rồng. Nhưng "Văn tâm điêu long" là cái gì thì tôi không rõ, chỉ đoán mang máng là một bộ sách1 . Có lần thừa lúc bác tôi đi thăm một con bệnh ở làng bên, tôi cả gan lục tủ sách của người ra kiếm, nhưng không thấy bộ nào có tên ấy. Những năm sau, mãi học, tôi quên hẳn chuyện đó. Khi ở trường Công chính ra, nhằm lúc kinh tế khủng hoảng, phải nằm nhà sáu tháng đợi bổ. Trong thời gian đằng đẳng ấy, biết làm gì cho hết ngày? Tôi bèn xoay ra học chữ Hán. Rủi thay! Lúc đó bác tôi đã quy tiên không còn ai ở gần để chỉ bảo. Tôi phải học lấy trong những cuốn Tam thiên tự, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Grammaire chinoise của Cordier (?) Khi có một số vốn độ 3000 chữ, đủ để mò trong tự điển Trung Quốc, tôi bèn kiếm những sách về văn học Trung Hoa mà đọc. Thật khó nhọc vô cùng! Đọc một bài trong "Cổ văn quan chỉ" dài độ 20 trang, tôi thường mất độ một buổi mà chỉ hiểu lờ mờ. Bộ sách ấy chú thích rõ ràng và dịch cổ văn ra bạch thoại 2 . Khốn nỗi cổ văn tôi đã "bí" mà bạch thoại tôi cũng "đặc", phải dùng cổ văn để đoán bạch thoại rồi ngược lại, dùng bạch thoại để đoán cổ văn. Cũng may là có một ông bác khuyến khích tôi, viết thư giảng những câu khó hiểu cho tôi, song học theo lối hàm thụ ấy tốn công cho tôi và mệt cho bác tôi quá – người viết chữ quốc ngữ rất chậm – nên nhiều lúc tôi chán nản tìm những sách Việt chép văn học Trung Quốc để đọc cho mau biết thì hỡi ơi! Tôi hoàn toàn thất vọng. Cuốn "Việt Hán văn khảo" của Phan Kế Bính sơ lược quá, còn kiếm trên báo thì lâu mới gặp được một bài dịch Đường thi. Đọc những bài dịch ấy để tìm hiểu văn học Trung Quốc, không khác chi đi coi tượng bà Jeanne d’Arc hoặc Paul Bert trong công viên để tìm hiểu dân tộc Pháp vậy. Gần đây, vài học giả xuất bản những cuốn dịch thơ Đường, nhưng không vị nào chịu khó viết mươi trang về các thời kỳ trong thơ Đường, các thi phái trong thơ Đường, đặc sắc của thơ Đường và tư tưởng cùng nghệ thuật của thi nhân đời Đường. Thành thử kẻ ít học như tôi, đọc 300 – 400 trang mà chẳng được một ý niệm rõ ràng về thơ Đường. Tôi bất mãn lắm, đành phải đọc những bộ Trung Quốc văn học sử của người Trung Hoa viết. Những bộ này không có chú thích, tôi dò dẫm lâu lắm mới hiểu được lõm bõm. Văn học Trung Quốc là nguồn gốc của văn học Việt Nam mà không một nhà nho nào viết ra cho bọn tân học chúng tôi hiểu, cứ bắt xẩm mò kim, cực cho chúng tôi quá. Mà số nhà cựu học hiện đại còn sống đâu phải là hiếm đâu! Đã nhiều lần tôi năn nỉ một vài cụ viết. Cụ thì nói không có thì giờ; cụ thì cho cổ học là vô dụng, "nên chôn chặt nó đi!", cụ thì quá nhũn, tự nhận không đủ sức. Bảo cổ văn học là vô dụng, chỉ là tỏ một quan niệm chán ngán về thời thế. Bất kỳ nước nào Âu, Mỹ trong các trường Trung học cũng có ban cổ điển giảng về cổ văn học của nước họ hoặc của Hy Lạp, La Mã. Không hễ theo mới thì bỏ cũ. Phải biết cái cũ rồi mới tìm thêm được cái mới. Huống hồ văn học Trung Hoa rực rỡ vào bực nhứt thế giới, người Pháp và người Mỹ còn nghiên cứu nó, lẽ nào mình lại bỏ cái gốc của mình đi cho đành? Còn bảo là không đủ sức thì ai mà đủ sức đâu? Văn học Trung Hoa từ trên 3000 năm, tác phẩm rất nhiều, dù chỉ chuyên đọc trong 50- 60 năm cũng vị tất đã coi được đủ và kỹ, đừng nói đọc rồi còn phân tích, so sánh, lựa chọn, tổng hợp, phê bình. Nhưng không phải vì vậy mà người Trung Quốc không viết về văn học của họ và người Anh, người Pháp không viết về văn học Trung Quốc. Vườn hoa mênh mông thật, không ai đi ngắm kỹ được từng bông một, nhưng càng mênh mông lại càng phải đi, kẻ theo lối này, người theo lối khác, kẻ gặp kỳ hương nọ, người gặp dị sắc kia, rồi tả lại cho người khác biết; như vậy chẳng lợi cho hạng đứng ngoài hàng rào kiễng chân ngó vô mà mù mịt chẳng thấy chút gì ư? Ý kiến của một người có thể thiên lệch; kẻ yêu lan thì trầm trồ khen lan, kẻ thích cúc thì tấm tắc khen cúc; nhưng như vậy, ít nhất người ngoài cũng biết được trong vườn ấy có lan, có cúc, lan ra sao, cúc ra sao, chẳng hơn cứ hoang mang rồi phỏng đoán ư? Thận trọng vốn là một đức quý, nhưng thận trọng quá thì hoá ra rụt rè. Đã mỏi mắt trông chờ mà không thấy ai tả vườn bông đó cho biết, nên chúng tôi phải tìm tòi lấy. Chúng tôi đọc những sách của người Trung Hoa và người Pháp về văn học Trung Quốc, chỗ nào không hiểu thì nhờ một vị lão nho giảng cho, chủ ý là để thoả lòng tò mò từ mười lăm mười sáu tuổi. Học đến đâu chúng tôi ghi đến đấy. Khi học thì chỉ đam mê tìm hiểu cái đẹp mà không có ý viết sách. Khi học xong, thấy công việc ghi chép ấy có thể giúp các bạn hiếu học một khái niệm về văn chương Trung Quốc nên mới sửa lại rồi cho xuất bản. Sở dĩ chúng tôi cả gan như vậy là vì tin ở lòng quảng đại của các nhà cựu học, không nở trách một kẻ hậu tiến, học thức nông cạn, mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm, hầu giúp bọn tân học chúng tôi hiểu thêm cái cổ học của các cụ, tức cái nền tảng văn hoá của dân tộc Việt Nam chúng ta. Vắng các cụ chúng tôi thấy lẻ loi, bơ vơ lắm! ° ° ° Trăng mới ló dạng. Cảnh vật đương tối tăm, bí mật, bỗng hoá ra êm đềm, nên thơ. Nhành liễu la đà, lấp lánh bên dòng nước. Giò huệ lung linh toả hương dưới bóng dừa. Đêm nay tôi muốn thả hồn tìm thi nhân cùng danh sĩ Trung Hoa thời trước. Hỡi hương hồn những chư vị ấy! Tôi mang ơn chư vị rất nhiều, gần bằng văn nhân nước tôi; vì từ hồi mới sanh, tôi đã được nghe lời ngâm Chinh phụ, Thuý Kiều xen lẫn với lời bình văn của chư vị và ngay trong văn học nước tôi, cũng thường thấy ẩn hiện nỗi lòng của chư vị. Tâm hồn tôi ngày nay một phần cũng do chư vị luyện nên. Viết cuốn này, tôi muốn có cơ hội gần chư vị thêm một chút. Tác phẩm của chư vị quá nhiều, tôi không được đọc hết nên ngoài cái lỗi giới thiệu vụng về, tất còn mang thêm cái tội vô tình xuyên tạc. Xin chư vị lượng thứ. Long Xuyên, ngày 20 tháng Mạnh Đông năm Quí Tị (26, XI, 1953) ° ° ° Hai năm trước, khi bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc mới bán hết, chúng tôi đã thấy rõ ràng nó sơ lược quá, không đủ thoả mãn nhu cầu mỗi ngày mỗi tăng một số người hiếu học, nên chúng tôi đã dự định soạn lại một bộ khác đầy đủ hơn. Công việc này nếu khởi sự ngay thì sớm lắm cũng phải ba năm nữa mới hoàn thành. Trong khi chờ đợi, để giúp các bạn trẻ có sách đọc, chúng tôi tạm cho tái bản bộ này sau khi sửa chữa những lỗi quan trọng, và sẽ cho xuất bản bộ Cổ Văn Trung Quốc mà chúng tôi soạn gần xong. Bộ cổ văn đó gồm khoảng trăm bài phiên âm rồi dịch, chú thích và giới thiệu, lại chép thêm tiểu sử các tác giả và văn trào mỗi thời đại, sẽ bổ túc một phần cho Đại cương và giúp độc giả hiểu thêm Văn học Trung Quốc từ cuối đời Xuân Thu đến cuối đời Minh. Sài Gòn, ngày 4-1-1964 NGUYỄN HIẾN LÊ 0------------- [1]"Văn tâm điêu long" là tên một bộ sách luận về văn. Tác giả là Lưu Hiệp ở đời Lục Triều. Sở dĩ gọi là Văn Tâm vì có câu: "Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ". (Than ôi! Cái việc văn chương, một tấc lòng mà để ngàn năm!). [2]Khi nhà Tần (cách đây trên 2000 năm) thống nhất văn tự rồi thì quan lại, văn nhân và học sinh đều dùng những chữ đã được quy định. Nhưng tiếng nói thay đổi hoài từ đời thời này qua thời khác, từ miền này tới miền kia, thành thử lối văn được quy định ấy mà sau gọi là cổ văn, mỗi ngày một cách biệt với lối thông thường trong dân gian tức là bạch thoại và cổ văn hoá ra mỗi ngày một khó. Gần đây có một cuộc cách mạng trong văn học Trung Quốc, bỏ cổ văn, dùng bạch thoại và hiện nay báo chí, sách vở đều viết bằng bạch thoại. Bạch thoại cũng có người đọc là bạch hoại. PHÀM LỆ 1. Bộ này không phải là một công trình nghiên cứu, chỉ thuộc về loại phổ thông, nên chúng tôi muốn cho rõ ràng và giản lược. Chúng tôi vẫn theo quy tắc của chúng tôi: cuối mỗi chương tóm tắt ý trong chương. Những đoạn tóm tắt ấy có thể dùng để dạy cho học sinh ban Trung học cổ điển. Còn sinh viên Đại học văn khoa cùng các bạn đã thôi học thì có thể dùng bộ này để hiểu thêm bài giảng ở trường. 2. Vì sách viết cho các bạn tân học mà phần đông không thuộc lịch sử Trung Quốc nên ở đầu mỗi thời đại, chúng tôi tóm tắt lịch sử trong thời đại ấy, nhưng chỉ tóm tắt những điều cần thiết có thể giúp độc giả hiểu văn trào trong thời đại ấy thôi. 3. Xét văn học mỗi thời đại, chúng tôi theo thứ tự sau này: văn trào, tản văn, vân vân. Tuy nhiên, loại văn nào quan trọng nhất trong thời đại (như thơ đời Đường, tuồng đời Minh…) thì chúng tôi để lại sau cùng. 4. Khi kể tên một văn nhân hoặc một bộ sách, chúng tôi ghi chữ nho ở bên cạnh. Lần sau gặp tên ấy, chúng tôi khỏi ghi nữa. Ở cuối bộ (tức cuối tập III), chúng tôi kê một bản ghi theo thứ tự a, b, c… tên những văn sĩ, tác phẩm để độc giả dễ kiếm 3 . 5. Chỉ tên tự hoặc tên hiệu4 nào được nhiều người biết, chúng tôi mới chép lại. Như Đào Tiềm chúng tôi sẽ ghi: Chính tên là Uyên Minh, người đời gọi là Tĩnh Tiết tiên sinh, ông tự gọi là Ngũ Liễu. Còn Trần Duy Tùng, một tác giả đời Thanh, tuy có tên là Kỳ Niên, song chúng tôi không ghi lại vì tên đó ít người biết. 6. Chúng tôi chỉ kể vài tác phẩm của mỗi văn nhân; kể hết rườm quá. Chúng tôi sẽ dịch tên tác phẩm nào nếu thấy có ích cho độc giả. 7. Khi chú thích một đoạn văn, chúng tôi chỉ chú thích vừa đủ để hiểu nghĩa. Ví dụ: Gặp tên Hà Dương trong bài Thạch Hào lại của Đỗ Phủ, chúng tôi chỉ ghi: "Hà Dương là tên đất", không nói miền Hà Dương ở đâu. 8. Trong các bộ Văn học sử Trung Quốc, quê quán văn nhân đều được ghi đủ. Như sách chép Tư Mã Thiên là người ở Phùng Dực, Hà Dương. Nhưng chúng tôi nghĩ biết thêm được tên đất ấy, chẳng có lợi cho độc giả, nên bỏ đi. Chúng tôi chỉ ghi những tên đất nào mà phần đông chúng ta đã nghe qua vài lần hoặc có thể giúp ta hiểu thêm tư tưởng, thiên tài của văn nhân. 9. Người Trung Quốc có thói chép hết chức tước của mỗi văn nhân, nếu văn nhân đó làm quan. Ví dụ về Bạch Cư Dị, họ viết: Ông làm Hàn lâm học sĩ ở đời vua Hiến Tông, làm Tả Tán thiện đại phu, sau bị biếm làm Giang Châu tư mã, đến đời vua Văn Tông, được lãnh chức Thái Tử thiếu phó, làm tới Hình bộ thượng thư rồi về trí sĩ. Chép như vậy rườm lắm. Chúng tôi chỉ ghi hai điều là có lần bị biếm làm chức tư mã ở Giang Châu, sau cùng làm đến chức Hình bộ thượng thư; điều thứ nhất vì người đời sau có khi dùng bốn chữ "Giang Châu tư mã" để chỉ ông; điều thứ nhì vì nó giúp ta biết ông có uy thế danh vọng ở đương thời. 10. Khi trích một bài văn, thơ nào, chúng tôi chép lại bản chữ nho, phiên âm rồi dịch nghĩa. * Dịch văn thì chúng tôi ráng giữ cho đúng ý và theo sát điệu bổng trầm. Như vậy đôi khi câu hoá tối, phải chú thích, nhưng có lợi là lột tả được ít nhiều tinh thần nguyên tác. * Về dịch thơ, theo thiển ý có hai lối: - Nếu thiên về văn chương thì cần dịch thoát, nhưng phải lột hết thi vị trong bài. Đó là lối dịch thơ Đức của Gérard de Nerval và lối dịch thơ Trung Hoa của Tản Đà. - Nếu thiên về khảo cứu thì phải dịch cho thật sát và có thể dịch ra văn xuôi, Như vậy tất mất gần hết thi vị trong nguyên tác. Các giáo sư thạc sĩ ở Pháp thường dịch Virgin, Horace theo cách đó. Chúng tôi không phải thi sĩ, theo lối trên không được; muốn theo lối dưới e thiếu cái học thâm thuý; đành phải châm chước cả hai, ráng diễn gần đủ tình, ý và giữ được ít nhiều thi vị trong mỗi bài. 11. Nhiều khi chúng tôi phải mượn bài dịch của các học giả, thi nhân như Nguyễn Khắc Hiếu, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim… 12. Nếu một bài có hai ba người dịch thì chúng tôi lựa bài nào dịch sát nhất hoặc theo đúng thể thơ nguyên tác. Như nguyên tác là thơ luật thì chúng tôi bỏ bài dịch theo thể lục bát, mà lựa bài dịch theo thể luật. Nếu bài dịch theo thể luật kém lắm thì chúng tôi phải lựa bài lục bát. Trong lúc tản cư, sách vở chúng tôi mất hết. Gần đây sưu tầm lại những bài dịch thơ Trung Quốc nhưng còn thiếu rất nhiều, vì sức chúng tôi có hạn. Nên có nhiều bản dịch mà chúng tôi không biết. Độc giả nào vì yêu văn thơ chỉ giùm cho để kỳ tái bản, chúng tôi sửa lại cho hoàn bị hơn thì chúng tôi mang ơn lắm. 13. Những bài dịch dưới đề tên "Vô danh" đều là của một nhà nho đương thời. Chúng tôi vâng ý cụ mà không kê tên thật của cụ. Nếu không được cụ giúp sức thì chắc bộ này không soạn thành vì chẳng những cụ chỉ bảo chúng tôi hiểu văn thơ Trung Quốc mà còn chịu khó hiệu đính bộ này nữa. 14. Thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch có hàng ngàn bài, những thi sĩ khác cũng có hàng trăm; mà chúng tôi chỉ trích dẫn mỗi nhà nhiều lắm là vài chục bài, có khi một, hai bài, thật là quá thiếu sót. Nhưng làm sao được? Nếu cho tác giả nào cũng tàm tạm đủ thì bộ này chắc phải dày đến vài ngàn trang. 15. Khi trích dẫn một bài văn, chúng tôi chép bản chữ Hán, rồi phiên âm, sau mới dịch. Chúng tôi không chấm câu trong bản chữ Hán, chỉ chấm câu khi phiên âm, như vậy để những bạn mới học chữ Hán có dịp chấm câu lấy rồi so sánh với cách chấm câu của chúng tôi. Học như vậy tuy tốn công nhưng nhiều lợi. -------------- [3]Tức "Bảng kê tên các tác giả và tác phẩm đã nói đến trong sách". [4]Phép đặt tên tự như sau này. Ví dụ tác giả cuốn Việt sử giai thoại, họ Đào tên Nhất. Trong Luận ngữ có câu của Khổng Tử: "Ngô đạo nhất dĩ quán chi" (Đạo ta có một mối mà gồm đủ các mối). Ông Đào lấy 2 chữ Quán chi làm tên tự. Hễ thấy tên Quán chi thì người học nho nhớ ngay tới câu ấy và đoán được tên ông là Nhất. Bùi Kỷ lấy tên là Ưu Thiên vì trong Tả Truyện kể chuyện một người nước Kỷ lo trời sập (Ưu thiên là lo trời). Hoàng Tích Chu lấy tên là Kế Thương (nối nhà Thương) vì nhà Thương nối nhà Chu. Tên hiệu có hai cách đặt: a) Hoặc lấy tên núi sông, tên làng, tổng, phủ, tỉnh, nơi mình ở mà đặt: như Nguyễn Khắc Hiếu quê ở Sơn Tây, nơi có núi Tản, sông Đà, nên ông lấy tên hiệu là Tản Đà; một nhà nho khác ở Sơn Tây, làng Phương Khê, lấy tên là Phương Sơn. b) Hoặc thích cái gì thì lấy cái đó đặt tên: như Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. LỜI MỞ ĐẦU 1. VĂN HỌC LÀ GÌ? A. Hai Quan Niệm Trái Ngược Nhau Về Văn Học V ăn học Trung Quốc đã có từ trên 3000 năm mà cuốn văn học sử đầu tiên của Trung Quốc mới viết cách đây nửa thế kỷ, tức cuốn "Trung Quốc văn học sử" của Lâm Tuyền Giáp5 . Từ đó đến nay đã có độ năm chục cuốn xuất bản. Đọc những cuốn ấy, ta thấy hai chủ trương khác nhau: - Chủ trương của Tăng Nghị cho văn học một nghĩa rộng: hễ dùng chữ để ghi nhất thiết những biểu hiện của tư tưởng thì gọi là văn học, nên chẳng những kinh học, triết học, lý học là văn học mà đến văn tự học, ngôn ngữ học, y học… cũng là văn học. Quan niệm cổ đó được tóm tắt đầy đủ trong câu sau này của Chương Bỉnh Lân: "Viết lên tre, lụa thì gọi là văn" 6 . - Gần đây có một quan niệm khác, tức quan niệm của Hồ Văn Dực trong cuốn "Tân Trước Trung Quốc văn học sử". Ông theo các học giả Anh, Mỹ mà chủ trương rằng chỉ những tác phẩm có nghệ thuật mà chuyên tả tình cảm hoặc có phần tưởng tượng dồi dào mới gọi là văn. Theo ông, chẳng những kinh học, triết học, lý học, sử học không phải là văn mà ngay những bài nghị luận của Hàn, Liễu, Âu, Tô7 cũng không phải là văn. Chỉ có thi ca, từ, phú, tiểu thuyết, tuồng, kịch, du ký mới đáng mang tên ấy. Theo tôi hai chủ trương đó đều là thiên kiến. Văn học cố nhiên khác với học thuật: một bài khô khan viết về toán học, lý học, y học, hoá học thì sao gọi là văn được? Nhưng một bộ sử ký viết bằng những lời hoa lệ, vừa nhiều tình cảm, vừa giàu tưởng tượng, làm say mê người đọc như bộ Sử ký của Tư Mã Thiên, bộ Histoire de France của Michelet thì rất đáng được sắp vào hàng những giai tác về văn nghệ chứ? Tả con gà trống như trong các cuốn "Khoa học thường thức" dạy trẻ em ban Tiểu học thì cố nhiên không phải là làm văn, song bảo Buon, tác giả bộ Histoire de Naturelle không đáng mang tên văn sĩ thì chẳng là sai lầm quá ư? B. Đối Tượng Của Văn Học Loài người đặt ra chữ để diễn tư tưởng, tình cảm và những điều mắt thấy tai nghe. Hễ diễn được một cách có nghệ thuật, gây được mỹ cảm trong tâm hồn người đọc tức thị là có văn. Đối tượng của văn học cũng như mọi nghệ thuật khác, rất mênh mông: nó bao la cả vũ trụ, vũ trụ trong người ta và vũ trụ chung quanh ta. Trong người ta có phần thể chất và tinh thần. Tả những cảm giác, nỗi vui, nỗi buồn… cùng những hành động, cử chỉ… là thuộc về phần thể chất. Diễn những ý nghĩ hoặc các mơ mộng (như mơ mộng một thế giới huyền ảo trong các truyện thần tiên, hay một xã hội tốt đẹp hơn xã hội hiện tại), là thuộc về phần tinh thần. Vũ trụ chung quanh ta là vạn vật. Một đoá hoa, một tiếng chim có thể làm lòng ta rung động, phát ra những lời du dương thì một giọt sương mai, một phiến cẩm thạch cũng có thể làm cho ta cảm thấy cái tận thiện của Hoá công mà ngâm lên những vần tuyệt diệu. Cái gì cũng có thể là đối tượng của văn học, thì văn học, cũng có thể xâm nhập bất kỳ khu vực nào. Chia ra từng loại: tiểu thuyết, thi ca, triết lý, sử ký… là việc cần thiết để dễ bề so sánh, song chia ra để hoạch định khu vực của văn học thì rất không nên mà cũng không thể được. Một bài thơ "con cóc", một bài vè mà bảo là văn chỉ vì nó thuộc về loại thi ca, còn một đoạn nghị luận của Trang Tử, rực rỡ những hình ảnh tân kỳ thì cho không phải là văn, chỉ vì nó thuộc vào loại triết lý, như vậy còn có gì vô lý hơn không? c. Quan Niệm Của Chúng Tôi Chúng tôi theo quan niệm của các nhà viết văn học sử Pháp, chẳng những sử học, triết học là văn học mà ngay đến một bài khoa học cũng có thể là văn, miễn nó viết có nghệ thuật. Người Pháp cho Buon, Michelet, Taine, Sainte Beuve, Claude Bernard… là văn nhân thì trong cuốn này chúng tôi cũng sẽ kể những tên như Tư Mã Thiên, Hàn Dũ, những tác phẩm như Tả Truyện, Sử ký… O.K Ghéquier 8 và G. Margoulière 9 khi viết về văn học sử Trung Quốc cũng theo quan niệm ấy. Tóm lại, không phải cái đối tượng mà là cái phần nghệ thuật trong tác phẩm mới định được tác phẩm ấy là văn hay không văn. 2. VĂN HỌC CỦA VĂN NHÂN VÀ CỦA BÌNH DÂN A. Hai Quan Niệm Cũ Và Mới Đứng về phương diện khác, các nhà viết văn học sử Trung Quốc cũng chia làm hai phái. - Một phái cũ chiếm phần đông, chỉ lựa những tác phẩm của văn nhân. Trong phái đó có Triệu Cảnh Thâm soạn giả cuốn "Trung Quốc văn học tiểu sử". Nhất thiết văn học của bình dân ông đều loại bỏ, thậm chí đến Kinh Thi cũng không được dẫn, chỉ vì nó có nhiều ca dao. - Một phái mới, mà người đại diện là bác sĩ Hồ Thích, tác giả bộ "Bạch thoại văn học sử" chủ trương rằng phàm những tác phẩm viết bằng bạch thoại đều là kiệt tác và văn thơ của bình dân có giá trị hơn văn thơ của văn nhân nhiều. B. Quan Niệm Của Chúng Tôi Văn học không phải là vật sở hữu của riêng giai cấp nào nên ta không thể quả quyết rằng chỉ có hạng quý phái tài cao học rộng mới biết làm văn. Đọc ca dao ta chẳng thường thấy nhiều bài bóng bẩy, thiết tha, cảm động ta mạnh hơn biết bao bài thơ nhạt nhẽo, tầm thường của một số văn nhân đấy ư? Nhưng cũng không phải cứ sinh trong giai cấp cần lao và văn thơ tự nhiên sẽ tuyệt. Làm văn cần có tài, mà cái tài, trời phân phát công bằng cho mọi giai cấp. Tài đó, giai cấp cần lao ít có cơ hội được mài luyện, nhưng chính vì vậy, văn của họ, tuy mộc mạc, nhiều khi vụng về mà luôn luôn tự nhiên, trong trẻo như dòng suối ở trong khe chảy ra. Trong cuốn này, chúng tôi rán tránh thiên kiến của họ Triệu và họ Hồ: hễ tác phẩm nào có nghệ thuật thì dù là của văn nhân hay của bình dân, chúng tôi cũng lựa. 3. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC A. Nội Dung Là Cần Nhưng thế nào là một tác phẩm có nghệ thuật? Là một tác phẩm vừa đẹp về hình thức, vừa đẹp về nội dung. Có những kẻ quá khoan hồng hoặc hoài nghi, cũng nhận rằng nhiều tác phẩm ô uế, nhưng lại bào chữa cho nó: "Song lời đẹp quá; bấy nhiêu cũng đủ rồi". Chúng tôi tưởng: bấy nhiêu chưa đủ. "Vệ sinh về tâm hồn cũng khẩn thiết như vệ sinh về cơ thể". Goethe hối hận đã viết Werther; Chateaubriand, khi về già, muốn thu lại hết những cuốn René 10 đã xuất bản, thì tại sao chúng ta không lựa những tác phẩm lành mạnh để đọc? Thiếu gì hoa đẹp mà phải hái những bông hoa ấy? Vậy chúng tôi sẽ kể tên những cuốn như "Tây sương ký","Kim Bình Mai", nếu không thì thiếu sót, nhưng chúng tôi sẽ rất thận trọng trong khi trích dịch. La Bruyère nói: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần bạn lên và gợi cho bạn những tình cảm cao thượng và can đảm, thì bạn đừng kiếm một quy tắc nào khác để xét nó; nó hay đấy và do một nghệ sĩ viết ra đấy". Đó là đẹp về nội dung. B. Còn Cái Đẹp Về Hình Thức? Nó muôn hình vạn trạng. Có cái đẹp rực rỡ như cánh bướm, có cái đẹp thanh nhã như bông mai; mềm mại như cành liễu cũng đẹp mà cứng cỏi như thân cây tùng cũng đẹp; lại có khi lơ thơ mà đẹp, có lúc rườm ra mới đẹp; có cái đẹp chạm trổ, lại có cái đẹp hồn nhiên… cho nên chúng tôi không theo hẳn chủ trương của phái Duy Mỹ, lời văn cứ bóng bẩy, du dương mới nhận là khéo. 4. VĂN HỌC TRUNG QUỐC a. Một Trào Lưu Thịnh Vào Một Triều Đại Văn học sử của Pháp chia làm nhiều thời kỳ; mỗi thời kỳ thường là một thế kỷ: như thế kỷ 17 là của văn cổ điển, thế kỷ 19 là của văn lãng mạn… Văn học sử của Anh vừa chia theo thế kỷ, như thế kỷ 18 là thế kỷ của sự xung đột giữa hai phái duy lý và kinh nghiệm, nhưng cũng chia theo từng triều đại, như có triều Elisabeth, tức thời kỳ văn học phục hưng, triều đại Victoria, tức thời kỳ văn chương tả chân và xã hội. Văn học sử Trung Quốc thì ta phải chia theo triều đại. Sự phân chia như vậy có khi miễn cưỡng, nhưng các học giả Trung Hoa từ trước tới nay đều nhận rằng ở nước họ, chính trị ảnh hưởng mật thiết đến văn học: các loại văn, thơ đều nhờ sự giúp đỡ, thúc đẩy của chính trị mà phát đạt, như lối phú thịnh ở đời Hán, lối thơ ở đời Đường, lối từ ở đời Tống, lối tuồng ở đời Nguyên… Không những vậy, mỗi triều đại chia làm ba thời kỳ: sơ, thịnh, suy, thì văn thơ trong triều đại cũng theo luật thịnh suy ấy nữa. Đó là một đặc điểm của văn học Trung Quốc. Tuy nhiên không thể quyết được những trào lưu văn học 11 đó tới năm nào thì dứt hẳn vì lẽ một trào lưu mới phát hiện ngay từ khi trào lưu cũ bắt đầu suy và trào lưu này còn tiếp tục mãi tới khi trào lưu mới đã mạnh mẽ. b. Các Thời Đại Của Văn Học Sử Trung Quốc Khi xét những trào lưu ấy, chúng tôi sẽ – nếu có thể được – tìm nguyên nhân của nó trong tình hình xã hội và chính trị, rồi vạch rõ ưu điểm cùng khuyết điểm của nó. Chúng tôi sẽ chia làm những thời kỳ sau này: Văn học trước đời Tần: Phần thứ nhất Văn học đời Tần và đời Hán, Văn học các đời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc Triều: Phần thứ nhì Văn học đời Đường: Phần thứ ba Văn học đời Ngũ Đại, Văn học đời Tống: Phần thứ tư Văn học đời Nguyên, Văn học đời Minh, Văn học đời Thanh: Phần thứ năm Văn học hiện đại: Phần thứ sáu. TỔNG KẾT Theo chúng tôi, Đối tượng của văn học là cả vũ trụ, vũ trụ ở trong người ta và chung quanh ta; nên bất kỳ viết về cái gì mà cảm động được người thì cũng gọi là văn. Văn học của văn nhân cố nhiên là đáng trọng, nhưng văn học của bình dân cũng không nên bỏ. Bảo chỉ văn nhân mới biết viết văn, hoặc tin rằng bất kỳ tác phẩm của bình dân cũng tuyệt diệu, đều là thiên kiến. Văn phải đẹp về hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, cái đẹp có muôn hình, vạn trạng, không phải như phái duy mỹ chủ trương, cứ bóng bẩy, du dương mới đẹp. Về nội dung, đẹp là gợi được những tình cảm cao thượng, trong sạch. Văn học Trung Quốc có đặc điểm này là chính trị các triều đại ảnh hưởng rất lớn đến nó. ---------------- [5]Trước cuốn đó còn có cuốn A history of Chinese Literature của H.A.Giles. [6]Trước khi chế ra giấy, người Trung Hoa khắc chữ lên thanh tre hoặc viết trên lụa. [7]Tức Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha. [8]Tác giả cuốn La Littérature chinoise. [9]Tác giả bộ Histoire de la Littérature chinoise (3 cuốn). [10]Đều là những tiểu thuyết quá lãng mạn. [11]Từ đây trở đi, chúng tôi sẽ gọi tắt là văn trào. PHẦN THỨ NHẤT VĂN HỌC TRƯỚC ĐỜI TẦN CHƯƠNG I KHỞI NGUYÊN 1. ĐỜI THƯỢNG CỔ (Thế kỷ thứ X tới thế kỷ thứ VI tr.CN) T ương truyền rằng ông tổ của dân tộc Trung Hoa là Bàn Cổ, rồi tới đời Tam Hoàng (Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng), Hữu Sào, Toại Nhân, Phục Hi, Thần Nông. Từ Phục Hi trở về trước, nước Tàu gồm nhiều bộ lạc, gọi là chư hầu. Mỗi bộ lạc lựa một người thủ lĩnh cầm đầu. Hoàng Đế (2700-2600 tr.CN) dẹp các chư hầu và được tôn làm thiên tử rồi truyền ngôi cho con cháu được 5 đời (Ngũ Đế). Sau, đến Đường Nghiêu (2359-2259) và Ngu Thuấn (2256- 2208), Trung Quốc thịnh trị và bắt đầu văn minh. Hai vua Nghiêu và Thuấn đều nhường ngôi cho người đức hạnh trong thiên hạ. Từ vua Võ (nhà Hạ) trở đi, ngôi báu lại cha truyền con nối cho tới vua Kiệt (2205-1784). Nhà Thương diệt vua Kiệt, đến đời vua Trụ lại bị nhà Chu diệt (1783-1135). Nhà Chu chia làm 2 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, đóng đô ở đất Phong, đất Cảo (miền Thiểm Tây bây giờ), nên gọi là Tây Chu (1134-770); đến đời U Vương, sợ rợ Tây Nhung, phải dời đô qua Lạc Dương (Hà Nam) để tránh, và từ đó gọi là Đông Chu (770-274). Từ khi Chu dời sang Đông, vua suy nhược, chư hầu lộng quyền, xưng hùng mỗi người một nơi, trang giành đánh nhau không ngớt, dân tình vô cùng khốn khổ. Đầu đời Chu, chư hầu đếm trên 1000, họ thôn tính lẫn nhau, sau còn độ 100, nhưng chỉ có mấy nước sau này là mạnh: Tề, Sở, Tấn, Tần, Lỗ, Tống. Nhà Chu tuy suy, song các nước chư hầu chưa nỡ hoặc dám bỏ; họ chỉ dẹp lẫn nhau để được làm minh chủ (gọi là bá). Năm chư hầu kế tiếp nhau làm minh chủ, là Ngũ Bá: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Sở Trang Công, Tần Mục Công. Khổng Tử chép lại thời hỗn loạn ấy trong cuốn Xuân Thu, người sau nhân đó gọi là thời đại Xuân Thu (772-479). Từ năm 403 đến năm 221, các chư hầu đánh nhau liên miên. Thời đó gọi là thời Chiến Quốc, có 7 nước mạnh nhất là Tần, Sở, Yên, Tề, Nguỵ, Triệu, Hàn. Sau Tần diệt được nhà Chu và 6 nước chư hầu kia, thống nhất Trung Quốc. Thế là chế độ phong kiến tàn và bắt đầu chế độ quận huyện12 . Trong thời Thượng cổ ấy, dân tộc Trung Hoa mới đầu chiếm lưu vực Hoàng Hà rồi các chư hầu lần lần mở rộng đất đai. Khi Tần thống nhất giang sơn thì bờ cõi đã gồm cả lưu vực sông Dương Tử (cũng gọi là Trường Giang). Về kinh tế, nông nghiệp thịnh hơn cả, Nhà Ân, nhà Chu theo phép tỉnh điền, nghĩa là chia đất ra 9 khu, hình chữ "tỉnh" 井; mỗi nhà lãnh một khu ở chung quanh và phải chung nhau cày cấy khu giữa cho nhà vua. Nhờ cách ấy mà trong dân gian không có nhiều sự chênh lệch về giàu nghèo. Đến đời Xuân Thu, Thương Ưởng làm tướng nước Tần, bỏ phép tỉnh điền, cho dân tự do làm ruộng, nên giàu nghèo mỗi ngày một chênh lệch, nhất là trong đời Chiến Quốc, thương mãi lại khá phát đạt. Do đó, sự cách biệt giữa 2 giai cấp quý tộc và bình dân bớt đi (kẻ buôn bán giàu có mua được đất đai của nhà quý tộc), nhưng đồng thời xuất hiện 2 giai cấp khác: bần và phú. 2. KHỞI NGUYÊN CỦA VĂN TỰ TRUNG HOA Các học giả đời Chiến Quốc đều nhận Sương Hiệt 蒼頡 là người đầu tiên đặt ra văn tự. Nhưng Sương Hiệt ở đời nào thì không ai biết. Vả lại, theo lý, đặt ra chữ tất phải là công của nhiều người, mỗi người góp một chút, lần lần mới thành. Gần đây người ta đào ở An Dương (Hà Nam) nhiều mu rùa, xương loài vật, và đồ đồng như chuông, đỉnh… trên đó khắc chữ. Các học giả cho các chữ khắc đó vào đời Thương. Nếu thuyết ấy đúng thì hình thức chữ đời Thương chưa được nhất định. Như chữ mã là ngựa (⾺) tuỳ chỗ mà thấy khắc như sau này: Chữ kiến là thấy (⾒) cũng có 4 lối: Xét chữ Mậu Thìn (năm mậu thìn: 戊⾠) – coi hình dưới – ta thấy nó phản phất như chữ bây giờ thì ta có thể đoán được rằng văn tự Trung Quốc phải phát sinh trước đời Thương khá lâu. Đại loại những văn tự khắc trên đồ đồng thời Thương phần nhiều ghi những lời bói (về mưa, nắng) 13 và một đôi việc quan trọng xảy ra. Lời văn rất giản lược. 3. VĂN KÝ SỰ ĐỜI XUÂN THU Thượng Thư (尚書), Chu cáo (周誥), Tần thệ (秦誓) (Đều chép trong Kinh Thư). Đến đời Tây Chu, chẳng những chữ viết đã nhiều hơn, tề chỉnh hơn, mà lời cũng văn hoa hơn. Người ta đã thấy những bài thơ có điệu và những bài trường thiên ký sự gọn gàng, bóng bẩy như những thiên Thượng Thư, Chu cáo, Tần thệ mà tác giả không rõ là ai. Thượng Thư là sử liệu tối cổ của Trung Quốc, trong đó những thiên Nghiêu điển, Vũ cống, kể những việc xảy ra trong đời Nghiêu và Thuấn. Thiên Nghiêu điển có lẽ viết vào khoảng 776- 600 trước Công nguyên, tức vào đầu đời Xuân Thu. Chu cáo chép những lời vua nhà Chu bố cáo cho thiên hạ, cũng rất quan trọng về phương diện sử liệu, và so với Thượng Thư thì nghệ thuật tấn bộ hơn. Đến Tần thệ (lời thề của vua Tần14 ) thì văn đã đẹp đẽ, đọc lên thấy hứng thú, như đoạn dưới đây: 眛眛我思之:如有⼀介⾂,斷斷猗,無他技;其⼼休休焉,其如有 容;⼈之有技,若⼰有之;⼈之彥聖,其⼼好之,不啻如⾃其⼝出; 是能容之,以保我⼦孫黎⺠;亦職有利哉!⼈之有技,冒疾以惡之; ⼈之彥聖⽽違之,俾不達;是不能容,以不能保我⼦孫黎⺠;亦⽈殆 哉!邦之杌陧,⽈由⼀⼈;邦之榮懷,亦尚⼀⼈之慶。 Phiên âm: Muội muội ngã tư chi: như hữu nhất giới thần, đoán đoán y, vô tha kỹ; kỳ tâm hưu hưu yên, kỳ như hữu dung; nhân chi hữu kỹ, nhược kỷ hữu chi; nhân chi ngạn thánh, kỳ tâm hiếu chi, bất sí như tự kỳ khẩu xuất; thị năng dung chi, dĩ bảo ngã tử tôn lê dân; diệc chức hữu lợi tai! Nhân chi hữu kỹ, mạo tật dĩ ố chi; nhân chi ngạn thánh nhi vi chi, tỉ bất đạt; thị bất năng dung, dĩ bất năng bảo ngã tử tôn lê dân; diệc viết đãi tai! Bang chi ngột niết, viết do nhất nhân; bang chi vinh hoài, diệc thượng nhất nhân chi khánh. Dịch nghĩa: 15 Ta trầm tỉnh suy nghĩ: Như có một người bề tôi có đức thành thực, không cần tài gì khác; lòng thì yêu điều thiện, dung được kẻ khác; kẻ khác có tài cũng như mình có; kẻ khác thông minh đức hạnh thì lòng thành thật yêu mến chớ không chỉ yêu ngoài miệng; như vậy là người bề tôi ấy biết dung người mà sẽ giữ gìn cho con cháu, lê dân ta được; dùng người đó thật lợi cho nước thay! Còn nếu có người bề tôi thấy kẻ khác có tài mà ghen ghét; thấy kẻ khác thông minh đức hạnh mà ngăn cản khiến cho kẻ đó không thành đạt; thế là không biết dùng người mà sẽ không giữ được con cháu lê dân cho ta; dùng người đó thật nguy cho nước thay! Nước mà nguy biến là do một người; mà nước vẻ vang, yên ổn cũng do phước của một người (ý nói do người bề tôi hiền hay không). TÓM TẮT Tương truyền là SƯƠNG HIỆT đặt ra văn tự Trung Hoa nhưng thuyết ấy không chắc đúng. Đặt ra văn tự phải là công của nhiều người. Văn tự có trước đời Thương (1783-1135) đến đời Thương chữ chưa được nhất định, nhưng nhiều chữ đã phảng phất như bây giờ. Những thiên ký sự đầu tiên của Trung Quốc là Thượng thư, Chu cáo, Tần thệ… ở đời Xuân Thu. Văn trong Tần thệ có nghệ thuật khá cao: mạch lạc, khá rõ ràng, lời lẽ bóng bẩy nhưng cũng còn nhiều chỗ tối nghĩa. -------------------------------- [12]Coi chương 1 phần nhì. [13]Điều ấy chứng rằng đời Thương, dân tộc Trung Hoa đã trải qua giai đoạn du mục mà bước vào giai đoạn nông nghiệp. [14]Có tài liệu bảo là Tần Mục Công. [15]Văn đời Thượng cổ rất khó hiểu (vì những lẽ: lời gọn quá, nhiều chữ mà nghĩa đã thay đổi, cách đặt câu khác bây giờ, cổ nhân lý luận không minh bạch), đời sau mỗi người chú thích một khác. Chúng tôi châm chước những lời chú thích ấy và muốn cho rõ ràng, chúng tôi không ngại dài dòng, có khi phải thêm ít lời cho xuôi nghĩa. CHƯƠNG II VĂN NGHỊ LUẬN CỦA CÁC TRIẾT GIA (Cuối đời Xuân Thu và trong đời Chiến Quốc) T Thế kỷ thứ VI, thứ V, thứ IV, thứ III tr.CN hời Chiến Quốc là một trong những thời loạn ly nhất. Luôn 200 năm, các chư hầu đánh nhau không lúc nào ngớt, những cảnh chém giết, cướp bóc, thương luân bại lý xảy ra hằng ngày. Nhưng thời đó là một thời quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc vì có những biến chuyển mạnh mẽ, sâu xa: Xã hội sửa soạn đổi lốt, bỏ chế độ phong kiến mà bước vào chế độ quân quyền. Theo các sử gia ngày nay, sự biến chuyển ấy do tình hình kinh tế thay đổi: nông nghiệp đã phát đạt, thương và công đã bắt đầu tấn triển. Muốn khai phá thêm đất đai, muốn cho sự giao thông và thương mãi được dễ dàng, dân tộc Trung Hoa cần phá những bức thành giữa hàng trăm tiểu quốc để thống nhất Quốc gia, nên các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau, từ 100 rút lại còn 6, 7 sau cùng gồm cả về một mối là Tần. 1. PHƯƠNG BẮC VÀ PHƯƠNG NAM Trước cảnh hỗn loạn, tàn sát ấy, các nhà ưu thời mẫn thế tìm giải pháp này, giải pháp nọ để lập lại trật tự, hoà bình. Mỗi nhà một chủ trương, nhờ vậy mà học thuật và nghệ thuật tiến rất mau. Ta thấy những thuyết của Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Mặc Tử, Tuân Tử… trước sau có hàng chục triết gia. Nhưng xét chung, ta có thể chia làm 2 phái: Phái Bắc ở trên lưu vực sông Hoàng Hà, phái Nam ở trên lưu vực sông Dương Tử. a. Địa thế, khí hậu Hai lưu vực ấy địa thế và khí hậu khác nhau, nên ảnh hưởng đến con người cũng khác nhau. Một tác giả đời Thanh viết: “Phương Nam như các nước Sở, Ngô, Việt khí hậu ấm áp, cây cỏ xanh tươi, phong cảnh tốt đẹp, sản vật phong phú. Phương Bắc – tức các nước Tần, Tần, Vệ, Lỗ, Tống… – trái lại khí hậu lạnh lẽo, đất cát khô khan, cây cỏ thưa thớt, phong cảnh tiêu điều, sản vật hiếm hoi”. Vương Chi Hoán đời Đường tả phong cảnh Hoàng Hà lưu vực như sau: ⽩⽇依⼭盡, ⿈河⼊海流。 欲窮千⾥⽬, 更上⼀層樓。 Bạch nhật y sơn tận, Hoàng Hà nhập hải lưu, Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tằng lâu. Bạch nhật nương non lặn, Hoàng Hà nhập biển sâu, Muốn nhìn khắp ngàn dặm, Lại bước một tầng lầu. Mưa rất ít, trời quanh năm xanh biếc, không một đám mây, đất thì mênh mông một màu cát vàng, không có cây cao che tầm con mắt, chỉ toàn một loại cỏ; khi gió ào ào thổi, cỏ rạp xuống, ta thấy lô nhô những bầy trâu và dê, đúng như lời ca dưới đây của rợ Sắc Lặc ở phương Bắc. 天蒼蒼,野茫茫, ⾵吹草低⾒⽜⽺。 Thiên sương sương, dã mang mang, Phong suy thảo đê kiến ngưu dương. Trời xanh biếc, trời mênh mông, Gió đè cỏ bẹp, dễ trông trâu bò. Còn phương Nam thì núi chơm chởm, hết ngọn này tới ngọn khác, mây trắng phủ quanh năm; sông rạch quanh co uốn khúc, như bồi hồi luyến tiếc cành xuân hoa thắm mà không nỡ rời. 巖峭嶺稠疊, 洲縈渚連緜。 ⽩雲抱幽⽯, 綠絛媚清漣。 (謝靈運) Nham tiêu lãnh chù điệp, Châu oanh chử liên miên. Bạch vân bảo u thạch, Lục điều mị thanh liên16 . (Tạ Linh Vận) Trùng trùng núi chơm chởm, Liên miên bãi cong cong. Mây trắng ôm đá xám, Cành xanh vờn nước trong. Đất cát thì phì nhiêu, không cần khó nhọc cũng dư sống, người ta nhàn nhã thơ thẩn dưới bóng mát mà ngắm cảnh mây bay nước chảy. Trời tạnh thì cảnh thiệt rực rỡ: 雲⽇相輝映, 空⽔共澄鮮。 Vân nhật tương huy ưởng, Không thuỷ cộng trùng tiên. Trời mây chiếu sáng lẫn nhau, Không gian, mặt nước một màu trong tươi. Trời nổi cơn giông thì cảnh hoá hãi hùng: 雷填填兮,⾬冥冥, 爰啾啾兮,狖夜鳴。 Lôi điền điền hề, vũ minh minh, Viên thu thu hề, dứu dạ minh. Sấm ầm ầm hề 17, mưa mù mù, Vượn hú hú hề, khỉ kêu đêm. b. Tính tình dân tộc Địa thế và khí hậu ảnh hưởng đến tính tình con người. Nhân dân phương Nam sống một cách an vui, nhàn nhã nên có thì giờ vơ vẩn mà thường ham ảo tưởng; họ thiên về tình cảm, ưa hoa mỹ, du đãng; tư trào của họ là lãng mạn. Còn nhân dân phương Bắc phải gắng sức kiếm ăn nên trọng sự dùng sức, thiên về lý trí, tư trào của họ hướng về hiện thực. Ngay trong sách Trung Dung 18 ta đã thấy sự phân biệt giữa cái cường của người phương Nam và người phương Bắc. 寬柔以教,不報無道,南⽅之强也,君⼦居之。衽⾦⾰,死⽽不 厭,北⽅之强也,⽽强者居之。 Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi. Khoan nhu mà dạy, tha thứ kẻ vô đạo, đó là cái cường của người phương Nam, người quân tử theo đó. Nằm trên áo giáp, binh khí, chết mà không sợ, đó là cái cường của người phương Bắc, kẻ anh hùng theo đó. Người phương Bắc chê người phương Nam là khinh bạc, xa dâm, lo ăn suốt ngày, không chịu suy nghĩ. Người phương Nam chê người phương Bắc là hung tợn, tụ họp hoài, thích những tiểu xảo. c. Học thuật và nghệ thuật Khí chất khác nhau thì học thuật và nghệ thuật cũng khác. Phương Nam trọng sự diễm lệ, phương Bắc trọng sự hùng mạnh. Phương Bắc có Khổng, Mạnh. Phương Nam có Lão, Trang. Phương Bắc có Kinh Thi, phương Nam có Sở từ. Hội hoạ cũng có Nam Tông và Bắc Tông. Nam Tông như Vương Duy, bút pháp mềm mại; Bắc Tông như Lý Tư, bút pháp nghiêm cẩn. Về chữ viết, lối phương Nam của Vương Hi Chi tươi đẹp; lối phương Bắc thì cứng mạnh. Rồi đến Phật học, kiến trúc, điêu khắc… nhất nhất đều chia làm hai phái: Nam và Bắc 19 . Chúng tôi hãy xét triết lý văn chương của các tông phái Khổng, Lão… rồi sẽ nghiên cứu Kinh Thi và Sở từ. Độc giả sẽ thấy sự phân biệt Bắc, Nam rất rõ rệt trong tư tưởng và văn nghệ thời Chiến Quốc. 2. KHỔNG, MẠNH Ở PHƯƠNG BẮC KHỔNG KHƯU 孔丘 (551-479) Khổng Khưu 孔丘 (551-479) tự là Trọng Ni 仲尼, thường gọi là Khổng Tử, là người tiêu biểu cho phong trào phương Bắc. Ông sinh ở nước Lỗ vào đời Xuân Thu, trong một gia đình quý phái: Trước làm quan nhỏ ở nước Lỗ, đau lòng về cảnh loạn đương thời, muốn đem chính sách của mình thi hành, mới đi chu du liệt quốc nhưng không được nước nào trọng dụng. Gần già, ông trở về Lỗ dạy học và viết sách. Vì sinh ở phương Bắc, ông chú trọng về thực tế và chủ trương bảo thủ. Ông nghĩ rằng “muốn cho thiên hạ vô đạo hồi ấy thành thiên hạ hữu đạo thì có một cách là khiến thiên tử cứ làm thiên tử, chư hầu, đại phu cứ làm chư hầu, đại phu, bồi thần làm bồi thần, thứ dân làm thứ dân, khiến thực cho đúng với danh, đó tức chính danh chủ nghĩa” (Đào Duy Anh). Tóm lại, ông muốn giữ chế độ phong kiến. Ông chủ trương chủ nghĩa đức trị, nhưng cũng cho lễ phép là điều cần thiết và nhạc là phương tiện để điều hoà tâm tính con người. Tư tưởng về luân lý của ông có thể tóm trong mấy điều: Nhân, hiếu, để, trung, thứ. Ông soạn kinh Xuân Thu, một cuốn sử chép đời Xuân Thu theo lối biên niên, ý nghĩa hàm súc, nhưng lời rất khô khan, không có tính cách văn chương. Ông rất thận trọng khi hạ bút, như muốn tỏ lòng kính nể ai thì chép cả chức tước, nếu không thì chỉ ghi tên họ. Chẳng hạn trong câu: “Mùa thu tháng tám, ngày giáp ngọ, tên Vạn của Tống giết vua tên Tiệp và quan đại phu Cừu Mục” ông cố ý chê Nam Cung Trường Vạn là kẻ thí chúa, chê vua Tống không nghiêm trang, hay đùa bỡn với bề tôi để phải chết một cách thảm khốc (hai người đó, ông chỉ kể tên) và khen quan đại phu trung trực, coi thường cái chết, tuy yếu đuối mà dám cầm hốt đánh một tên võ phu (ông ghi cả tên và chức tước của vị đại phu ấy). Ông chép sử với quan niệm đạo đức như vậy nên cân nhắc từng chữ. Thiên tử chết thì chép chữ băng 崩, vua chư hầu chết thì chép chữ hoăng 薨, ông vua cướp ngôi mà chết thì chép chữ tồ 殂, ông quan liêm chính chết thì chép chữ tốt 卒, nếu gian nịnh mà chết thì chép chữ tử 死. Đời sau cho rằng được ông khen một tiếng thì vinh hơn là được tặng mão đẹp, mà bị ông chê một tiếng thì khổ hơn là bị búa rìu. Do đó, tiếng “búa rìu” để chỉ cái uy của dư luận. Ông lại san định những Kinh Thi 詩, Dịch 易, Thư 書. 20 Kinh Thi chúng tôi sẽ xét ở sau; thiên Tần Thệ trong Kinh Thư đã được trích dẫn ở chương trên, nay xin dẫn vài câu của ông trong Kinh Dịch – một cuốn về triết học thường dùng trong khoa bói – để độc giả thấy văn của ông thâm thuý và bóng bẩy. Bàn về hào21 thứ 5 quẻ Kiền, ông viết: 同聲相應,同氣相求;⽔流濕,⽕就燥;雲從⿓,⾵從⻁;聖⼈作 ⽽萬物睹。 Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo; vân tòng long, phong tòng hổ; thánh nhân tác nhi vạn vật đổ. Cùng tiếng thì đáp nhau, cùng khí thì cầu nhau; nước chảy xuống chỗ thấp, lửa tới chỗ khô; mây theo rồng, gió theo hổ; thánh nhân hưng khởi thì vạn vật tìm tới. Trong quẻ Khôn có câu: 積善之家必有餘慶;積不善之家必有餘殃。⾂弒其君,⼦弒其⽗, ⾮⼀朝⼀⼣之故,其所由來者漸矣,由辯之不早辯也。易⽈:履霜堅 冰⾄。蓋⾔順也。 Tích thiện chi gia tất hữu dư khương; tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ, do biện chi bất tảo biện dã. Dịch viết: Lý sương kiên băng chí. Cái ngôn thuận dã. Nhà nào tích thiện tất có phúc thừa về sau; nhà nào tích ác tất có hoạ thừa về sau. Bề tôi giết vua, con giết cha, không phải một sớm một chiều mà xảy ra như vậy, nguyên do tiềm tàng từ lâu rồi lần lần phát ra mà mình không tính từ sớm đấy. Kinh Dịch nói: Xéo nhằm sương thì biết là nước sắp đóng cứng. Vậy phải cẩn thận từ trước. Môn đệ của ông soạn 4 cuốn: Luận ngữ 論語 (do nhiều người viết), Trung Dung 中庸 (Tử Tư viết), Đại học ⼤學 (Tăng Tử viết) và Mạnh Tử 孟⼦ để truyền đạo của ông. Trong 4 cuốn ấy kêu là Tứ Thư, cuốn cuối cùng của Mạnh Kha 孟軻 có nhiều giá trị về văn chương nhất. MẠNH TỬ 孟⼦ Mạnh Kha người nước Châu (372-289) chủ trương thuyết tính thiện, đề xướng nhân nghĩa, phản đối thói vụ lợi. Tư tưởng của ông rất táo bạo; ở đời đó mà ông dám nói: dân là quí nhất, rồi đến xã tắc; sau cùng mới đến vua. Văn ông rất hùng hồn, thâm thiết, dùng nhiều tỉ dụ thú vị để người nghe dễ hiểu; lòng ông nhiệt thành mà lý luận ông chặt chẽ. Chắc độc giả nhớ câu chuyện vợ chồng nước Tề? ⿑⼈有⼀妻⼀妾⽽處室者。 其良⼈出,則必饜酒⾁⽽後反。 其妻問所與飲⾷者,則盡富貴也。 其妻告其妾⽈:“良⼈出,則必饜酒⾁⽽後反,問其所與飲⾷者, 盡富貴也,⽽未嘗有顯者來。吾將瞷良⼈之所之也。” 蚤起,施從良⼈之所之;遍國中無與⽴談者。卒之東郭墦間之祭 者,乞其餘;不⾜,⼜顧⽽之他。此其為饜⾜之道也。 其妻歸,告其妾⽈:“良⼈者,所仰望⽽終⾝也,今若此。”與其妾 訕其良⼈⽽相泣于中庭,⽽良⼈未之知也,施施從外來,驕其妻妾。 由君⼦觀之,則⼈之所以求富貴利達者,其妻妾不羞也,⽽不相泣 者,幾希矣。 Tề nhân hữu nhất thê nhất thiếp nhi xử thất giả. Kỳ lương nhân xuất tắc tất yếm tửu nhục nhi hậu phản. Kỳ thê vấn sở dữ ẩm thực giả, tắc tận phú quí dã. Kỳ thê cáo kỳ thiếp viết: “Lương nhân xuất, tắc tất ứ tửu nhục nhi hậu phản, vấn kỳ sở dữ ẩm thực giả, tận phú quí dã, nhi vị thường hữu hiển giả lai. Ngô tương hám lương, nhân chi sở chi dã”. Tảo khởi, thí tòng lương nhân chi sở chi; biến quốc trung vô dữ lập đàm giả. Tốt chi đông quách bàn gian chi tế giả, khất kỳ dư; bất túc, hựu cố nhi chi tha. Thử kỳ vi ứ túc chi đạo dã. Kỳ thê quy, cáo kỳ thiếp viết: “Lương nhân giả, sở ngưỡng vọng nhi chung thân dã, kim nhược thử”. Dữ kỳ thiếp sán kỳ lương nhân nhi tương khấp vu trung đình, nhi lương nhân vị chi tri dã, thi thi tòng ngoại lai, kiêu kỳ thê thiếp. Do quân tử quan chi, tắc nhân chi sở dĩ cầu phú quí lợi đạt giả, kỳ thê thiếp bất tu dã, nhi bất tương khấp giả, ky hi hĩ. Người nước Tề có 2 vợ cùng ở với nhau một nhà. Chàng ngày nào cũng ra đi, no say rồi mới về. Người vợ cả hỏi chàng ăn uống với ai thì chàng đáp là đi ăn toàn với những bực giàu sang. Vợ cả bảo vợ lẽ: “Chồng chúng ta ra đi thì no say rồi mới về, hỏi ăn uống với ai thì đáp là toàn với những bực giàu sang mà chưa thấy một người giàu sang nào tới chơi nhà? Tôi muốn rằng xem chàng đi đâu”. Hôm sau dậy sớm, vợ cả lẻn theo chồng; đi khắp nơi chẳng thấy ai đứng nói chuyện với chồng mình. Sau cùng thấy người chồng tới phía đông ngoài thành, có đám tế lễ cất mả, chàng xin ăn cơm thừa canh cặn; chưa no, lại nghểnh lên đi tìm chỗ khác. Sở dĩ chàng được no say là nhờ cách ấy. Người vợ cả về bảo vợ lẽ: “Chồng chúng ta là người cho chị em mình trông cậy suốt đời mà nay như vậy đó! Vợ cả kể xấu chồng rồi hai người cùng khóc với nhau ở giữa sân, mà người chồng không hay, vẫn hớn hở ở ngoài đi vào, lên mặt với hai vợ. Cứ người quân tử mà xét ra thì những kẻ cầu phú quí danh lợi mà vợ cả, vợ lẽ không thấy làm thẹn, phải khóc với nhau, thiệt ít có lắm. 3. LÃO, TRANG Ở PHƯƠNG NAM LÃO TỬ ⽼⼦ Lão Tử ⽼⼦ họ Lý 李 tên Nhĩ ⽿, tự là Đam 聃 tiêu biểu cho tư trào ở phương Nam. Ông sinh ở nước Sở, hơn Khổng Tử khoảng 20 tuổi, làm quan ở nước Chu, thấy nhà Chu suy nhược, thiên hạ đảo điên, không thể vãn hồi được nữa, ông chán ngán bỏ đi, không rõ tung tích ra sao, để lại một bộ Đạo đức kinh 道德經. Ông không có tinh thần mạnh mẽ như Khổng Tử mà trước cảnh hỗn độn, chỉ phẫn khái bảo “Trời đất là bất nhân, xem vạn vật là đồ chó rơm” và chủ trương thuyết vô vi, phóng nhiệm, không câu thúc trong lễ giáo như Khổng Tử. Theo ông, hễ giữ lòng cho thanh tĩnh, đừng trái đạo tự nhiên thì đạt được đạo. Tuy nhiên, về chính trị, vô vi không có nghĩa là không làm gì; nhà cầm quyền vẫn phải phòng ngừa, dự tính từ khi việc chưa xảy ra mới được. Vô vi chỉ là giữ cho tính tình dân gian được giản dị, chất phác mà thôi. TRANG TỬ 莊⼦ Đến Trang Tử 莊⼦ tên là Chu 周 thì tư tưởng của Lão Tử đã thay đổi, hoá yếm thế hơn nhiều. Các học giả chưa nghiên cứu được đời sống của ông (có kẻ nói ông chết năm 275 trước C.N.), chỉ biết ông chủ trương xuất thế, không ham sống, không ghét chết, không vui, không buồn, không dụng tâm vực đạo, không gắng sức giúp người. Ông để lại bộ Nam Hoa Kinh 南華經 tức bộ Trang Tử. Tư tưởng thoát tục, không ích lợi gì cho nhân sinh ấy ảnh hưởng rất lớn đến văn nhân sau này ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Hầu hết các nhà nho lỗi lạc, đều hiểu thuyết Lão, Trang và mỗi khi gặp cảnh loạn lạc, không thi hành được đạo Khổng thì thường mượn thuyết đó mà tự an ủi, quên những chướng tai gai mắt trong thú say sưa bên chén rượu cuộc cờ, trong cảnh nhàn tản với phong, hoa, tuyết, nguyệt. Đào Uyên Minh, Lý Bạch ở Trung Quốc, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến ở Việt Nam đều là những đồ đệ của Lão, Trang và ta có thể nói trong tâm hồn bất kỳ một nhà nho nào cũng có một phần tư tưởng của Đạo gia. Ảnh hưởng lớn như vậy vì thuyết vô vi an ủi được loài người, nhưng một phần cũng nhờ văn của Trang Tử. Về phương diện văn học, ông đứng đầu trong chư tử ở thời Chiến Quốc: lời ông mạnh mẽ, tư tưởng tân kỳ, tưởng tượng dồi dào, phép ngụ ngôn tuyệt khéo. Mở đầu thiên Tiêu diêu du 逍遙遊 (tiêu diêu đi lại) bàn về lẽ thảnh thơi, ông viết: 北冥有⿂,其名⽈鯤。鯤之⼤,不知其幾千⾥也;化⽽為⿃,其名 為鵬;鵬之背,不知其幾千⾥也。怒⽽⾶,其翼若垂天之雲。是⿃ 也,海運則將徙於南冥;南冥者,天池也。 ⿑諧者,志怪者也。諧之⾔⽈:鵬之徙於南冥也,⽔擊三千⾥,摶 扶搖⽽上者九萬⾥,去以六⽉息者也。 野⾺也,塵埃也,⽣物之以息相吹也。 Bắc minh hữu ngư, kỳ danh viết côn. Côn chi đại, bất tri kỳ ky thiên lý dã; hóa nhi vi điểu, kỳ danh vi bằng; bằng chi bối, bất tri kỳ ky thiên lý dã. Nộ nhi phi, kỳ dực nhược thùy thiên chi vân. Thị điểu dã, hải vận tắc tương tỉ ư nam minh; nam minh giả, thiên trì dã. Tề hài giả, chí quái giả dã. Hài chi ngôn viết: Bằng chi tỉ ư nam minh dã, thủy kích tam thiên lý, đoàn phù diêu nhi thượng giả cửu vạn lý, khứ dĩ lục nguyệt tức giả dã. Dã mã dã, trần ai dã, sinh vật chi dĩ tức tương xuy dã. Biển Bắc có loại cá tên là Côn. Cá Côn lớn không biết mấy ngàn dặm; hoá thành chim, gọi là chim bằng; lưng chim bằng lớn không biết mấy ngàn dặm. Chim bằng giận mà bay thì cánh nó như đám mây trên trời rủ xuống. Con chim đó, khi biển Bắc động, dời xuống biển Nam; biển Nam là giếng của trời vậy. Sách Tề hài là sách chép truyện quái dị. Sách ấy nói rằng con chim bằng dời xuống biển Nam, đập nước 3000 dặm, đụng gió mà bay lên 9 vạn dặm, bay một mạch 6 tháng mới nghỉ. Nó bay như vậy mà có phải gắng sức không? Không, vẫn thảnh thơi, tiêu diêu như con ngựa ngoài đồng, hạt bụi trong không, vì hết thảy đều do hơi của Tạo vật thổi mà bay chạy được. Ít hàng sau, muốn cho ta thấy rằng kẻ nhỏ không biết bằng kẻ lớn, vì vậy không nên tự ví với kẻ lớn, ông viết: “Cây nấm sáng mọc tối rụng, không biết được ngày ba mươi, ngày mồng một 22 ; con ve không biết được mùa xuân, mùa thu23 ; đó là những con vật ít tuổi. Phía nam nước Sở có cây minh linh, cứ 500 năm là mùa xuân, 500 năm là mùa thu. Đời thượng cổ có cây xuân lớn, 8000 năm là mùa xuân, 8000 năm là mùa thu. Một mình Bành Tổ truyền danh là thọ24 . Hạng người thường dám ví với ông, chẳng là đáng buồn ư? Thế cũng là không hiểu cái thảnh thơi, tiêu diêu vậy”. Văn ông luôn luôn có những thí dụ, ngụ ngôn mới mẻ như vậy. Chu Duy Chi trong cuốn “Trung Quốc văn học tư trào sử lược” nói: “Tư tưởng và văn của Trang Tử phảng phất như của Nietzsche. Cả hai đều thích những siêu nhân, đều chủ trương cá nhân chủ nghĩa, lối hành văn đều phóng túng, dùng trực dụ, ẩn dụ mà tung hoành đến vô cùng, như cưỡi gió mây mà bay lên đến các vì tinh tú”. Vì Lão, Trang theo chủ nghĩa tự nhiên, nên ghét sự gọt đẽo mà trọng chất phác. Lão Tử nói: “Người rất khéo thì như vụng”, nghĩa là văn muốn cho tuyệt diệu phải tự nhiên. Đạt được tới sự thần hoá đó, tất tốn công phu tu dưỡng lắm. Trang Tử diễn ý đó bằng ngụ ngôn lý thú này: 紀渻⼦為王養⾾雞。⼗⽇⽽問:“雞已乎?”⽈:“未也,⽅虛驕⽽恃 氣。”⼗⽇⼜問,⽈:“未也,猶應響景。”⼗⽇⼜問,⽈:“未也,猶 疾視⽽盛氣。”⼗⽇⼜問,⽈:“幾矣。雞雖有鳴者,已無變矣,望 之,似⽊雞矣,其德全矣,異雞無敢應者,反⾛矣。” Kỷ Sảnh tử vị vương dưỡng đấu kê. Thập nhật nhi vấn: “Kê dĩ hồ?”. Viết: “Vị dã, phương hư kiêu nhi thị khí”. Thập nhật hựu vấn. Viết: “Vị dã, do ứng hưởng ảnh”. Thập nhật hựu vấn. Viết: “Vị dã, do tật thị nhi thịnh khí”. Thập nhật hựu vấn. Viết: “Ky hĩ, kê tuy hữu minh giả, dĩ vô biến hĩ; vọng chi tự mộc kê hĩ, kỳ đức toàn hĩ, dị kê vô cảm ứng giả, phản tẩu hĩ”. Kỷ Sảnh nuôi gà chọi cho vua. Được 10 hôm vua hỏi: “Gà đem chọi được chưa?”. Đáp: “Chưa, còn kiêu mà hung hăng”. Mười hôm sau lại hỏi. Đáp: “Chưa được, gà thấy tiếng, bóng gà khác đã muốn chọi rồi, vẫn còn hăng”. Mười ngày sau lại hỏi. Đáp: “Chưa được, gà còn thịnh khí, trông gà khác còn ghét”. Mười ngày sau lại hỏi. Đáp: “Gần được. Gà khác gáy, gà mình không biến động; coi thì tựa như gà gỗ mà thực đủ các tài, gà khác không dám chọi với nó, phải lùi chạy”. Luyện văn cũng vậy. Hễ còn để cho người ta thấy cái công phu đẽo gọt của mình là chưa phải tuyệt khéo. Như Lý Bạch đời Đường, Nguyễn Du nước ta đôi khi đạt được tới trình độ ấy. Tóm lại, ta có thể gom những dị điểm của 2 tư trào Bắc, Nam (tức Nho, Đạo) trong bảng dưới đây: ------------------------ NHO (BẮC) ĐẠO (NAM) Tích cực Cẩn nghiêm Khách quan Hiện thực Thiết thực Xã hội chủ nghĩa Phục vụ quốc gia Kiến thiết Tiêu cực Phóng túng Chủ quan Lãng mạn Hư vô Cá nhân chủ nghĩa Du hý nhân gian Phá hoại 4. VÀI TRIẾT GIA KHÁC a. MẶC TỬ 墨⼦ Khi đã có hai học thuyết đối lập nhau thì thế nào cũng xuất hiện những học thuyết khác hoặc đứng giữa, hoặc thiên bên này một chút, bên kia một chút, tức như học thuyết của Mặc Tử, Tuân Tử và Hàn Phi. Mặc Địch 墨翟 sinh ở đời Chu, khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước CN, sau Khổng Tử. Ông là người nước Tống, ở phương Bắc, nhưng bôn tẩu khắp Bắc, Nam, suốt đời tận tuỵ lo việc thiên hạ, tới hói đầu mòn gót. Ông cho thiên hạ loạn ly, khổ sở vì loài người không biết yêu lẫn nhau nên chủ trương đạo bác ái, mạt sát chiến tranh. Ông cũng rất ghét xa xỉ. Một mặt ông theo chủ nghĩa thực tế của nhà Nho, một mặt đề xướng thuyết thần bí của đạo Lão; công kích thuyết lễ nhạc của Khổng Tử mà cũng phản đối thuyết khinh kẻ hiền của Lão Tử. Văn ông thuộc loại thuyết lý trôi chảy. Ông hay dùng tỉ dụ để chứng minh, lời lẽ rõ ràng, thường láy đi láy lại, như đoạn dưới đây trong thiên Phi công ⾮攻 chỉ trích chiến tranh. 今有⼀⼈,⼊⼈園圃,竊其桃李,眾聞則⾮之,上為政者得則罰 之。此何也?以虧⼈⾃利也。⾄攘⼈⽝⾗雞豚者,其不義⼜甚⼊⼈園 圃竊桃李。是何故也?以虧⼈愈多,其不仁茲甚,罪益厚。⾄⼊⼈欄 廄,取⼈⾺⽜者,其不仁義⼜甚攘⼈⽝⾗雞豚。此何故也?以其虧⼈ 愈多。苟虧⼈愈多,其不仁茲甚,罪益厚。⾄殺不辜⼈也,扡其⾐ 裘,取⼽劍者,其不義⼜甚⼊⼈欄廄取⼈⾺⽜。此何故也?以其虧⼈ 愈多。苟虧⼈愈多,其不仁茲甚矣,罪益厚。當此,天下之君⼦皆知 ⽽⾮之,謂之不義;今⾄⼤為不義攻國,則弗知⾮,從⽽譽之,謂之 義。此可謂知義與不義之別乎? 殺⼀⼈,謂之不義,必有⼀死罪矣。若以此說往,殺⼗⼈,⼗重不 義,必有⼗死罪矣;殺百⼈,百重不義,必有百死罪矣。當此,天下 之君⼦皆知⽽⾮之,謂之不義。今⾄⼤為不義攻國,則弗知⾮,從⽽ 譽之,謂之義;情不知其不義也,故書其⾔以遺後世。若知其不義 也,夫奚說書其不義以遺後世哉? 今有⼈於此;少⾒黑⽈黑,多⾒黑⽈⽩,則以此⼈不知⽩黑之辯 矣;少嘗苦⽈苦,多嘗苦⽈⽢,則必以此⼈為不知⽢苦之辯矣。今⼩ 為⾮則知⽽⾮之,⼤為⾮攻國,則不知⾮,從⽽譽之,謂之義;此可 謂知義與不義之辯乎? 是以知天下之君⼦辯義與不義之亂也。 Kim hữu nhất nhân nhập nhân viên phố, thiết kỳ đào lý, chúng văn tắc phi chi, thượng vi chính giả đắc tắc phạt chi. Thử hà dã? Dĩ khuy nhân tự lợi dã. Chí nhương nhân khuyển thỉ kê đồn giả, kỳ bất nghĩa hựu thậm nhập nhân viên phố thiết đào lý. Thị hà cố dã? Dĩ khuy nhân dũ đa, kỳ bất nhân tư thậm, tội ích hậu. Chí nhập nhân lan cứu, thủ nhân mã ngưu giả, kỳ bất nhân nghĩa hựu thậm nhương nhân khuyển thỉ kê đồn. Thử hà cố dã? Dĩ kỳ khuy nhân dũ đa. Cẩu khuy nhân dũ đa, kỳ bất nhân tư thậm, tội ích hậu. Chí sát bất cô nhân dã, đà kỳ y cừu, thủ qua kiếm giả, kỳ bất nghĩa hựu thậm nhập nhân lan cứu thủ nhân mã ngưu. Thử hà cố dã? Dĩ kỳ khuy nhân dũ đa. Cẩu khuy nhân dũ đa, kỳ bất nhân tư thậm hĩ, tội ích hậu. Đương thử, thiên hạ chi quân tử giai tri nhi phi chi, vị chi bất nghĩa; kim chí đại vi bất nghĩa, công quốc, tắc phất tri phi, tòng nhi dự chi, vị chi nghĩa. Thử khả vị tri nghĩa dữ bất nghĩa chi biệt hồ? Sát nhất nhân, vị chi bất nghĩa, tất hữu nhất tử tội hĩ. Nhược dĩ thử thuyết vãng, sát thập nhân, thập trọng bất nghĩa, tất hữu thập tử tội hĩ; sát bách nhân, bách trọng bất nghĩa, tất hữu bách tử tội hĩ. Đương thử, thiên hạ chi quân tử giai tri nhi phi chi, vị chi bất nghĩa. Kim chí đại vi bất nghĩa công quốc, tắc phất tri phi, tòng nhi dự chi, vị chi nghĩa; tình bất tri kỳ bất nghĩa dã, cố thư kỳ ngôn dĩ di hậu thế dã. Nhược tri kỳ bất nghĩa dã, phù hề thuyết thư kỳ bất nghĩa dĩ di hậu thế tai? Kim hữu nhân ư thử; thiểu kiến hắc viết hắc, đa kiến hắc viết bạch, tắc dĩ thử nhân bất tri bạch hắc chi biện hĩ; thiểu thường khổ viết khổ, đa thường khổ viết cam, tắc tất dĩ thử nhân vi bất tri cam khổ chi biện hĩ. Kim tiểu vi phi tắc tri nhi phi chi, đại vi phi công quốc, tắc bất tri phi, tòng nhi dự chi, vị chi nghĩa; thử khả vị tri nghĩa dữ bất nghĩa chi biện hồ? Thị dĩ tri thiên hạ chi quân tử biện nghĩa dữ bất nghĩa chi loạn dã. Nay có kẻ vào vườn người ta hái trộm đào, mận, ai nghe cũng chê, quan bắt được tất trừng phạt. Tại sao vậy? Tại kẻ ấy có lỗi lấy của người làm lợi cho mình. Đến như giựt gà, chó, heo của người thì còn bất nghĩa hơn là vào vườn hái trộm đào, mận. Tại sao vậy? Tại lấy trộm của người càng nhiều thì bất nhân càng lớn, tội càng nặng. Đến như vào chuồng bắt trâu, ngựa của người thì tội bất nhân bất nghĩa còn hơn giựt chó, gà, heo. Tại sao vậy? Tại lấy trộm của người nhiều hơn. Lấy trộm của người nhiều hơn thì bất nhân càng lớn, tội càng nặng. Đến như giết người vô tội rồi lột áo cướp khí giới, bất nghĩa còn hơn là vào chuồng bắt trâu ngựa. Tại sao vậy? Tại cướp của người nhiều hơn. Cướp của người nhiều hơn thì bất nhân càng lớn, tội càng nặng. Những việc đó các bực quân tử trong thiên hạ đều biết là quấy mà chê, bảo là bất nghĩa. Nay cái việc đại bất nghĩa là đánh nước người thì không biết là quấy, lại theo mà khen, gọi là nghĩa. Như vậy có thể bảo là phân biệt được việc nghĩa với việc bất nghĩa không? Giết một người thì bảo là bất nghĩa, phải chịu một tử tội. Cứ theo đó mà suy, giết 10 người thì bất nghĩa nặng gấp 10, tất phải chịu 10 tử tội, giết 100 người thì bất nghĩa nặng gấp 100, tất phải chịu 100 tử tội. Những việc đó, các bực quân tử trong thiên hạ đều biết là quấy mà chê, bảo là bất nghĩa. Nay cái việc đại bất nghĩa là đánh nước người thì không biết là quấy, lại theo mà khen; quả thiệt không biết là bất nghĩa, nên mới ghi công trận để lại đời sau. Nếu biết là bất nghĩa thì sao còn chép việc bất nghĩa ấy mà để lại đời sau? Nay có người thấy ít cái đen thì bảo là đen, thấy nhiều cái đen thì bảo là trắng, thì tất cho người đó không biết phân biệt đen hay trắng vậy; nếm ít cái đắng thì bảo là đắng, nếm nhiều cái đắng thì bảo là ngọt, thì tất cho người đó không biết phân biệt đắng ngọt vậy. Nay có kẻ làm việc quấy nhỏ thì biết là quấy mà chê, làm việc quấy lớn là đánh nước người thì không biết là quấy, lại theo mà khen, bảo là nghĩa; như vậy có thể bảo là biết phân biệt được việc nghĩa với việc bất nghĩa không? Xét như vậy ta biết được rằng các bực quân tử trong thiên hạ phân biệt việc nghĩa và việc bất nghĩa lầm lẫn lắm. b. TUÂN TỬ 荀⼦ Tuân Tử 荀 ⼦ tên là Huống 况 tự là Khanh 卿 người nước Triệu, sống ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, vốn theo đạo Khổng, có tinh thần khoa học, lập luận chắc chắn, tư tưởng có khác Mạnh Tử. Ông cho tính người vốn ác, nó được thiện là nhờ sự dạy dỗ; nên ông khuyên chúng ta tích thiện và dùng lễ nhạc để tiết chế tình dục. Ông không cần biết có trời hay không, chủ trương lấy nhân sự làm gốc. Văn ông giản dị, mở đường cho lối nghị luận có chứng cứ sau này. Ông lại làm ít nhiều bài thơ và phú; văn học đời Hán chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Văn thơ ông gồm trong bộ Tuân Tử. Đọc đoạn dưới đây trong thiên luận về trời (Thiên luận 天論) ta phải phục ông: 2300 năm trước ông đã có óc bài xích dị đoan, khuyên người đừng sợ sệt, đừng cúng lạy trời đất mà cứ làm hết bổn phận là sẽ được phước. 星墜,⽊鳴,國⼈國⼈皆恐,⽈:“是何也?”⽈:“無何也。是天地 之變,陰陽之化,物之罕⾄者也;怪之可也⽽畏之⾮也。” 夫⽇⽉之有⾷,⾵⾬之不時,怪星之黨⾒,是無世⽽不常有之。上 明⽽政平,則是雖並世起,無傷也。上闇⽽政險,則是雖無⼀⾄者, 無益也。 夫星之墜,⽊之鳴是天地之變,陰陽之化,物之罕⾄者也;怪之可 也,⽽畏之⾮也。物之已⾄者,⼈妖則可畏也。枯耕傷稼,耘耨失 穢,政險失⺠,⽥穢稼惡,糴貴⺠飢,道路有死⼈,夫是之謂⼈妖。 政令不明,舉錯不時,本事不理,夫是之謂⼈妖。禮義不修,內外無 別,男⼥淫亂,⽗⼦相疑,男⼥乖離,寇難並⾄,夫是之謂⼈妖。妖 是⽣於亂,三者錯,無安國。其說甚爾,其災甚慘(…) 傳⽈:“萬物之怪書不說。”無⽤之辯,不急之察,棄⽽不治。若夫 君⾂之義,⽗⼦之親,夫婦之別,則⽇切磋⽽不舍也。 Tinh truỵ, mộc minh, quốc nhân giai củng, viết: “Thị hà dã?”. Viết: “Vô hà dã. Thị thiên địa chi biến, âm dương chi hóa, vật chi hãn chí giả dã; quái chi khả dã nhi úy chi phi dã”. Phù nhật nguyệt chi hữu thực, phong vũ chi bất thời, quái tinh chi đảng hiện, thị vô thế nhi bất thường hữu chi. Thượng minh nhi chính bình, tắc thị tuy tịnh thế khởi, vô thương dã. Thượng ám nhi chính hiểm, tắc thị tuy vô nhất chí giả, vô ích dã. Phù tinh chi truỵ, mộc chi minh thị thiên địa chi biến, âm dương chi hóa, vật chi hãn chí giả dã, quái chi khả dã, nhi úy chi phi dã. Vật chi dĩ chí giả, nhân yêu tắc khả úy dã. Khô canh thương giá, vân nậu thất uế, chính hiểm thất dân, điền uế giá ác, địch quý dân cơ, đạo lộ hữu tử nhân, phù thị chi vị nhân yêu. Chính lệnh bất minh, cử thác bất thời, bản sự bất lý, phù thị chi vị nhân yêu. Lễ nghĩa bất tu, nội ngoại vô biệt, nam nữ dâm loạn, phụ tử tương nghi, nam nữ quai ly, khấu nan tịnh chí, phù thị chi vị nhân yêu. Yêu thị sinh ư loạn, tam giả thác, vô an quốc. Kỳ thuyết thậm nhĩ, kỳ tai thậm thảm (…) Truyện viết: “Vạn vật chi quái, thư bất thuyết”. Vô dụng chi biện, bất cấp chi sát, khí nhi bất trị. Nhược phù quân thần chi nghĩa, phụ tử chi thân, phu phụ chi biệt, tắc nhật thiết tha nhi bất xá dã. Khi thấy sao sa, cây kêu, người trong nước ai cũng sợ, hỏi: “Thế là làm sao?”. Đáp: “Không sao sao cả. Những cái đó là cái biến hoá của trời đất, âm dương, là sự ít khi xảy ra của vạn vật; cho nên làm quái lạ thì nên, mà lo sợ thì không nên”. Mặt trăng, mặt trời có khi ăn lẫn nhau, mưa gió có khi không hợp thời, những ngôi sao lạ có khi hiện từng chùm, những cái đó không thời nào không thấy. Người trên sáng suốt mà chính trị phải lẽ thì dù tất cả những cái quái dị đều xuất hiện cũng không sao. Người trên mà mờ ám, chính trị thì hiểm ác, dù không có quái lạ nào xuất hiện cũng không hay gì. Sao mà sa, cây mà kêu, đó là cái biến hoá của trời đất, âm dương là sự ít xảy ra của vạn vật, cho là quái lạ thì nên mà lo sợ thì không nên. Những cái đó đã xảy ra rồi mà loài người lại có những việc quái gở thì mới đáng lo sợ. Đất khô, cày không được, hại cho việc cấy, ruộng đầy cỏ, lúa cấy không tốt, gạo đắt, dân đói, trên đường có thây người, đó là những quái gở của loài người. Chính lệnh không rõ ràng, làm việc không hợp lúc, việc mình không lo, đó là những quái gở của người. Lễ nghĩa không sửa, trong ngoài không phân biệt 25, trai gái dâm loạn thì cha con nghi nhau, vợ chồng xa lìa nhau, giặc cướp nổi lên, đó là những quái gở của người. Quái gở do loạn mà sinh. Ba cái đó 26, lầm lỡ thì nước không yên. Những cái đó là việc rất gần mà hại rất thâm… Kinh Truyện nói: “Những quái lạ của vạn vật, sách không chép”. Bàn tới vô ích, không phải là việc gấp mà xét tới, bỏ đi đừng nói. Còn như nghĩa vua tôi, tình cha con, đạo vợ chồng là những điều cần thiết mỗi ngày không bỏ được. c. HÀN PHI TỬ 韓⾮⼦ Hàn Phi Tử 韓⾮⼦ là con vua nước Hàn, cùng với Lý Tư 李斯 theo học Tuân Tử, nói ngọng nhưng giỏi về văn chương, rất có óc thực tế, theo chủ nghĩa pháp trị, nghĩa là dùng pháp luật để nghiêm trị dân, diệt những cái vô ích. Ông được Tần Thuỷ Hoàng trọng nên bị Lý Tư gièm pha, rồi phải uống thuốc độc tự tử (233 tr.CN). Văn nghị luận của ông minh bạch, khắc sâu vào óc người đọc, như đoạn dưới đây trong bộ Hàn Phi Tử: 世之顯學儒,墨也。儒之所⾄,孔丘也;墨之所⾄,墨翟也。⾃孔 ⼦之死也,有⼦張之儒,有⼦思之儒,有顏⽒之儒,有孟⽒之儒,有 仲良⽒之儒,有孫⽒之儒,有樂正⽒之儒。⾃墨⼦之死也,有相⾥⽒ 之墨,有相夫⽒之墨,有鄧陵⽒之墨。 故孔,墨之後,儒分為⼋,墨離為三;取舍相反不同,⽽皆⾃謂真 孔,墨。孔,墨不可復⽣,將誰使定世之學乎? 孔⼦,墨⼦俱道堯,舜,⽽取舍不同,皆⾃謂真堯,舜;堯,舜不 復⽣,將誰使定儒,墨之誠乎? 殷,周七百餘歲;虞,夏⼆千餘歲,⽽不能定儒,墨之真,今乃欲 審堯,舜之道於三千歲之前,意者其不可必乎。 無參驗⽽必之者,愚也;弗能必⽽據之者,誣也。故明據先王,必 定堯,舜者,⾮愚則誣也。愚,誣之學,雜反之⾏,明主弗受也。 Thế chi hiển học Nho, Mặc dã. Nho chi sở chí, Khẩu Khâu dã; Mặc chi sở chí, Mặc Địch dã. Tự Khổng Tử chi tử dã, hữu Tử Trương chi nho, hữu Tử Tư chi nho, hữu Nhan thị chi nho, hữu Mạnh thị chi nho, hữu Trọng Lương thị chi nho, hữu Tôn thị chi nho, hữu Nhạc Chính thị chi nho. Tự Mặc Tử chi tử dã, hữu Tương Lý thị chi Mặc, hữu Tương Phu thị chi Mặc, hữu Đặng Lăng thị chi Mặc. Cố Khổng, Mặc chi hậu, Nho phân vi bát, Mặc ly vi tam; thủ xá tương phản bất đồng, nhi giai tự vị chân Khổng, Mặc. Khổng, Mặc bất khả phục sinh, tương thùy sử định thế chi học hồ? Khổng Tử, Mặc Tử câu đạo Nghiêu, Thuấn, nhi thủ xá bất đồng, giai tự vị chân Nghiêu, Thuấn; Nghiêu, Thuấn bất phục sinh, tương thùy sử định Nho, Mặc chi thành hồ? Ân, Chu thất bách dư tuế; Ngu, Hạ nhị thiên dư tuế, nhi bất năng định Nho, Mặc chi chân, kim nãi dục thẩm Nghiêu, Thuấn chi đạo ư tam thiên tuế chi tiền; ý giả kỳ bất khả tất hồ. Vô tham nghiệm nhi tất chi giả, ngu dã; phất năng tất nhi cứ chi giả, vu dã. Cố minh cứ tiên vương, tất định Nghiêu, Thuấn giả, phi ngu tắc vu dã. Ngu, vu chi học, tạp phản chi hành, minh chúa phất thụ dã. Những học thuyết lừng danh là Nho, Mặc. Tột bực đạo Nho là Khổng Khâu; Tột bực đạo Mặc là Mặc Địch. Khổng Tử chết rồi có phái nho của Tử Trương, phái nho của Tử Tư, có phái nho của họ Nhan, có phái nho của họ Mạnh, có phái nho của họ Trọng Lương, có phái nho của họ Tôn, có phái nho của họ Nhạc Chính. Mặc Tử chết rồi, có phái Mặc của họ Tương Lý, có phái Mặc của họ Tương Phu, có phái Mặc của họ Đặng Lăng. Vậy sau Khổng Tử, Mặc Tử, đạo Nho chia làm tám phái; đạo Mặc chia làm ba; mỗi phái chủ trương một khác mà đều tự bảo là chính chủ trương của mình mới là Khổng, Mặc chân truyền. Khổng Tử, Mặc Tử không thể sống lại thì ai là người định được cái học cho đời sau? Khổng Tử, Mặc Tử đều dẫn Nghiêu, Thuấn mà chủ trương khác nhau, và đều tự bảo thuyết của mình mới là đạo Nghiêu, Thuấn chân truyền. Nghiêu, Thuấn không sống lại thì ai là người định được Nho, Mặc bên nào là phải? Nhà Ân, nhà Chu mới cách đây trên 700 năm; nhà Ngu, nhà Hạ mới cách đây trên 2000 năm mà còn không định được thế nào là thiệt Nho, thế nào là thiệt Mặc, nay lại muốn xét đạo Nghiêu, Thuấn cách đây tới 3000 năm thì có lẽ không thể nào đoán được. Không tham nghiệm mà quyết rằng đúng là ngu vậy; không thể quả quyết là đúng mà lại cứ nói chắc, là lừa gạt người ta vậy. Cho nên cứ lấy lời người trước mà đoán định Nghiêu, Thuấn thì nếu không là ngu, tức là lừa gạt người. Cái học ngu và lừa gạt người ấy, cái hành vi vu vơ ấy, bực minh chúa không dùng. TÓM TẮT Học thuyết và văn học đời Chiến Quốc rất thịnh. Các triết gia đều tận tâm tìm cách cứu cảnh loạn ở đương thời. Ta thấy 2 phái đối lập nhau: - Phái Khổng, Mạnh ở phương Bắc nghiêm trang, thực tế, phục vụ xã hội. - Phái Lão, Trang ở phương Nam phóng túng, lãng mạn, ưa hư vô, du hý trong dân gian. Những tương phản ấy một phần lớn là do ảnh hưởng của địa thế, khí hậu phương Bắc và phương Nam: Phương Bắc lạnh lẽo, đất nghèo, đồng cỏ mênh mông, dân phải khó nhọc mới kiếm đủ ăn, nên có óc thực tế. Phương Nam ấm áp, đất phì nhiêu, núi non chơm chởm, sông uốn khúc, dân an nhàn, nên ưa ảo mộng. Ngoài hai phái đó ra, còn những phái ở giữa, hoặc thiên Khổng, Mạnh, hoặc thiên Lão, Trang như Mặc Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử… Học thuyết thịnh, nên văn nghị luận cũng rất thịnh. Lời Khổng Tử thì hàm súc, lời Mạnh Tử thì hùng hồn; văn Trang Tử bóng bẩy, văn Mặc Tử thiết tha, láy đi, láy lại có giọng của một nhà truyền đạo; Tuân Tử, Hàn Phi Tử có phương pháp khoa học, chứng cứ xác đáng. Hầu hết đều ưa dùng trực dụ, ẩn dụ: đó là đặc điểm chung của văn nghị luận thời Chiến Quốc. -------------------------------- [16]Bốn câu trên trích trong bài "Quá thuỷ ninh thự thi" 過始寧 墅詩. (Golsh). [17]Hề là một tiếng để đưa lời trong khi ngâm, hát, tựa như tiếng mà, thì trong điệu hát trống quân của ta. [18]Một trong tứ thư của đạo Nho. [19]Ở nước ta, sự phân biệt Nam, Bắc không rõ rệt như vậy vì nước ta nhỏ, toàn cõi chỉ bằng một tỉnh Trung Quốc. Tuy nhiên, xét giọng nói, tính cách, âm nhạc, ta cũng thấy Bắc, Nam có hơi khác. Sự sai biệt đó cũng tựa như sự sai biệt giữa phương Bắc và phương Nam ở Trung Quốc, nhưng ít hơn. [20]Bốn kinh đó: Xuân Thu, Dịch, Thi, Thư – với Kinh Lễ là Ngũ Kinh (5 bộ Kinh của đạo Nho). [21]Kinh Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. [22]Nghĩa là không sống được trọn tháng. [23]Vì ve chỉ sống được một mùa hè. [24]Tương truyền Bành Tổ sống 800 năm. [25]Tức trai gái dâm loạn. [26]Tức cày cấy, chính lệnh, lễ nghĩa. CHƯƠNG III VĂN KÝ SỰ (Cuối đời Xuân Thu và trong đời Chiến Quốc) 1. LỐI KÝ SỰ TRONG XUÂN THU C ùng với văn nghị luận, văn ký sự cũng rất phát đạt trong thời Chiến Quốc. Lời lẽ trong bộ Xuân Thu còn rất khô khan. Khổng Tử san bộ ấy ở cuối đời Xuân Thu chỉ ghi chép các đại cương, không có ý làm văn. Như chép chiến tranh giữa hai nước Lỗ và Tề, ông viết: 春王正⽉,公敗齐於⻑勺。 Xuân vương chính nguyệt, công bại Tề ư Trường Thược. Mùa xuân tháng giêng, vua (Lỗ) thắng Tề ở Trường Thược. Hàng chữ đó chỉ có thể coi là đại ý một đoạn sử mà sau, Tả Khâu Minh chép lại, phải dùng một trang giấy. Nhưng Khổng Tử cho bấy nhiêu là đủ, không thêm chi tiết, bình luận gì nữa. Ông có mục đích chính danh, định phận, ngụ ý bao biếm hơn là viết ký sự. 2. LỐI KÝ SỰ TRONG QUỐC NGỮ, TẢ TRUYỆN, CHIẾN QUỐC SÁCH Đọc đến bộ Quốc Ngữ 國語 và Tả Truyện 左傳 của Tả Khâu Minh 左丘明 (ở thế kỷ thứ 5 tr.C.N. tương truyền ông mù mà làm chức thái sử ở Lỗ, đồng thời với Khổng Tử) ta thấy sự tiến bộ rất rõ rệt. Hai bộ ấy đều chép lịch sử trong đời Xuân Thu, dùng những tài liệu của Khổng Tử mà phô diễn, phê bình cho thêm rõ ràng hứng thú. Tả Truyện chép theo biên niên; Quốc Ngữ chép việc theo từng nước, miêu tả có phần kém Tả Truyện. Dưới đây chúng tôi xin trích một đoạn trong Tả Truyện làm thí dụ. 介之推不⾷禄 晉侯賞從亡者。介之推不⾔祿,祿亦弗及。推⽈:獻公之⼦九⼈, 唯君在焉[…]天未絕晉;必將有主。主晉祀者,⾮君⽽誰?天實置 之,⽽⼆三⼦以為⼰⼒,不亦誣乎?竊⼈之財,猶謂之盜,況貪天之 功以為⼰⼒乎?下義其罪,上賞其奸;上下相蒙,難與處矣。 其⺟⽈:盍亦求之,以死誰懟? 對⽈:尤⽽效之,罪⼜甚焉。且出怨⾔,不⾷其⾷。 其⺟⽈:亦使知之,若何? 對⽈:⾔,⾝之⽂也。⾝將隱,焉⽤⽂之?是求顯也。 其⺟⽈:能如是乎?與汝偕隱。 遂隱⽽死。 晉侯求之不獲,以綿上為之⽥,⽈:以志吾過,且旌善⼈。 GIỚI CHI THÔI BẤT THỰC LỘC Tấn hầu thưởng tòng vong giả. Giới Chi Thôi bất ngôn lộc, lộc diệc phất cập. Thôi viết: “Hiến công chi tử cửu nhân, duy quân tại yên […] Thiên vị tuyệt Tấn; tất tương hữu chủ. Chủ Tấn tự giả, phi quân nhi thùy? Thiên thực trí chi, nhi nhị tam tử dĩ vi kỷ lực, bất diệc vu hồ? Thiết nhân chi tài, do vị chi đạo, huống tham thiên chi công dĩ, vi kỷ lực hồ? Hạ nghĩa kỳ tội, thượng thưởng kỳ gian; thượng hạ tương mông, nan dữ xử hĩ?” Kỳ mẫu viết: - Hạp diệc cầu chi, dĩ tử thùy đỗi? Đối viết: - Vưu nhi hiệu chi, tội hựu thậm yên. Thả xuất oán ngôn, bất thực kỳ thực. Kỳ mẫu viết: - Diệc sử tri chi, nhược hà? Đối viết: - Ngôn, thân chi văn dã. Thân tương ẩn, yên dụng văn chi? Thị cầu hiển dã. Kỳ mẫu viết: - Năng như thị hồ? Dữ nhữ giai ẩn. Toại ẩn nhi tử. Tấn hầu cầu chi bất hoạch, dĩ Miên Thượng vi chi điền, viết: Dĩ chí ngô quá, thả tinh thiện nhân. GIỚI CHI THÔI 27 KHÔNG NHẬN LỘC Vua Tấn thưởng những người tòng vong mà quên Giới Chi Thôi. Thôi không nhắc vua, nên không được tước lộc. Thôi nói: - Vua Hiến Công có 9 người con, nay chỉ còn một mình nhà vua… Trời chưa muốn tuyệt nhà Tấn, tất cho người làm chủ. Ngoài Văn Công ra, còn ai đáng coi việc tế tự nước Tấn? Vậy trời sắp đặt như thế mà 2-3 ông kia (chỉ những người tòng vong mà được thưởng tước lộc) lấy làm sức mình, chẳng phải là tự dối mình ư? Lấy trộm tiền của người, còn gọi là kẻ trộm, huống tham công của trời mà tự làm công của mình ư? Tham công trời là tội mà bề dưới (cũng chỉ những người tòng vong đó) cho là việc nghĩa, còn bề trên thì thưởng lòng gian ấy; thế là trên dưới che đậy lẫn nhau, khó ở với nhau lâu được. Mẹ Giới Tử Thôi nói: - Con thử xin lộc đi; không xin rồi con có chết, ai vì con mà trách nhà vua? Thôi đáp: - Đã chê bọn bề tôi kia mà lại bắt chước họ thì tội còn nặng hơn. Vả lại mình đã có lời oán vua thì không nên nhận lộc nữa. Bà mẹ nói: - Cũng cứ cho vua hay đi, nên không? Thôi đáp: - Lời nói là văn của con người. Thôi đã sắp đi ẩn mà còn dùng lời nói tô điểm con người làm chi? Như thế là cầu vinh hiển đó. Bà mẹ nói: - Con được thiệt như vậy sao? Thôi mẹ con ta cùng ẩn. Rồi 2 người cùng đi ẩn và cùng chết. Vua Tấn cho tìm không được, lấy đất Miên Thượng làm ruộng cúng tế Giới Chi Thôi và nói: “Như vậy để ghi lỗi của ta và nêu gương một người hiền”. Một bộ sử nữa cũng có giá trị là bộ Chiến Quốc Sách 戰國筞 ghi những việc rất quan trọng trong đời Chiến Quốc, văn thể hào phóng, nội dung mới mẻ, có những đoạn mô tả hành vi dũng cảm của anh hùng hoặc chép những lời khuyên răn thâm thuý. Bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên sau này mượn rất nhiều tài liệu trong đó, như cả đoạn tả Kinh Kha. TÓM TẮT Từ cách ghi tài liệu bằng ít chữ, ít hàng trên mu rùa, mãnh xương, đồ đồng, tới lối chép biên niên, giản lược trong Xuân Thu. Rồi từ lối biên niên ấy mà tới lối chép việc có chi tiết, tình tứ như trong Quốc Ngữ, Tả Truyện, Chiến Quốc Sách. Phải đợi đến đời Hán (coi ở sau) nhờ Tư Mã Thiên, lối văn ký sự mới thành ra có hệ thống đàng hoàng. -------------------------------- [27]Có chỗ viết là Giới Tử Thôi. Thôi là người nhà Tấn đời Xuân Thu, trốn theo Thái tử Trùng Nhĩ. Có hồi 2 thầy trò đói, không có chi để ăn, Thôi cắt thịt bắp vế nấu cho Trùng Nhĩ ăn. Sau Trùng Nhĩ về nước làm vua – tức vua Tấn Văn Công – quên công của Thôi. Thôi cõng mẹ vào ẩn ở núi Miên Thượng. Có người thấy vậy nhắc Văn Công. Văn Công ân hận, vời Thôi ra. Thôi không ra, Văn Công bảo đốt núi, doạ Thôi. Thôi cũng ở lì trong núi chịu chết thiêu. Lúc đó là ngày mùng 3 tháng 3. Sau này, tới ngày đó, vua truyền cấm lửa, phải ăn nguội để nhớ tới Giới Tử Thôi và do đó có tết hàn thực, truyền qua nước ta, gần đây vẫn còn. CHƯƠNG IV KINH THI 1. NGUỒN GỐC CỦA THI, CA N guồn gốc của thơ ở đâu? Ban Cố trong bộ “Hán thư nghệ văn chí” viết: “Tình động ở trong lòng mà phát ra lời nói, ca hát không đủ thì đưa chân múa tay mà không hay”. Vậy từ khi nhân loại có ngôn ngữ là đã có thi ca. Dân tộc nào cũng trân trọng giữ gìn những thi ca tối cổ của mình. Tại Hy Lạp là 2 bộ Iliade và Odyssée của Homère, tại Pháp là những anh hùng ca ở thời Trung Cổ, tại Ấn Độ là thánh ca Véda, tại Việt Nam là ca dao và tại Trung Quốc là Kinh Thi. 2. NGƯỜI TRUNG HOA RẤT YÊU THƠ Khoảng 10 năm trước, một người Pháp hỏi tôi: - Tôi chưa thấy dân tộc nào yêu thơ như người Trung Quốc. Đại tướng của họ thường làm thơ trên lưng ngựa, sau một trận hỗn chiến; những con buôn của họ cũng biết hội họp nhau dưới gốc đào, gốc liễu mà ngâm nga; cả hạng lao động của họ cũng biết trọng thi nhân; cơ hồ như biết đọc, biết viết là họ biết thưởng thức thơ hoặc làm thơ. Tại sao vậy ông? Tôi đáp: - Thơ là cái chất của tâm hồn dân tộc ấy, nó lưu thông trong huyết quản của họ hơn 3.000 năm nay rồi. Từ đời nhà Chu, họ đã đặt ra chức thái sử quan để lượm thơ trong dân gian, được trên 3.000 bài. Ông có thấy ở thế giới, một dân tộc thứ hai nào như vậy không? Người phương Tây của các ông cũng yêu thơ đấy, song cũng có lúc các ông chụp một vòng hoa vào đầu thi nhân rồi đuổi ra khỏi thành; còn người Trung Hoa thì gần 2.000 năm nay, bất kỳ người học trò nào cũng phải tập làm thơ; họ dùng thơ để lựa nhân tài; tất nhiên phương pháp ấy có chỗ dở, nhưng như vậy thì người Trung Hoa nào mà chẳng có tâm hồn thi sĩ? 3. KINH THI 涇詩 CÓ 3 PHẦN Trong 3.000 bài thơ ấy, Khổng Tử lựa lấy 300 bài vừa ca dao ở thôn quê, vừa nhạc chương ở triều miếu, họp lại thành Kinh Thi 28 . Những bài ấy làm trong đời Chu (từ thế kỷ thứ 12 tới thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên) 29 . Kinh Thi chia làm ba phần: phong, nhã, tụng 30 . Quốc phong. Quốc có nghĩa là nước: nhà Chu và các chư hầu. Phong là gió. Ý nói bài hát làm cảm người ta như gió lay động các vật. Quốc phong là ca dao của dân gian các nước. Nhã (nghĩa đen là chính đính) có 2 loại: tiểu nhã là những bài ca dùng trong yến tiệc ở triều đình, đại nhã là những bài dùng trong những trường hợp quan trọng như khi thiên tử họp các vua chư hầu hoặc tế ở miếu đường. Tụng (là khen) gồm những bài ca khen các vua đời trước và dùng để hát ở miếu đường trong lúc tế tự. Vậy ta thấy rằng những bài trong Kinh Thi không phải hết thảy của dân gian. Có những bài do văn nhân sáng tác như: Chính nguyệt, Thập nguyệt, Tiết nam sơn…, có những bài do hạng quý tộc soạn để phổ vào nhạc, như: Hạ Vũ, Văn Vương, Xa công, Cát nhật; nhưng dân ca vẫn chiếm phần đông, như: Quan thư, Đào yêu, Trung cốc, Đại điền, … Những bài ấy vốn của mọi nước, nên mới đầu, toàn thể không phát biểu một khuynh hướng nào rõ rệt. Khổng Tử tuyển lựa, san định lại, ông theo chủ trương của ông, bỏ những bài lãng mạn quá, chỉ giữ những bài giúp ông truyền bá đạo Nho được, nên Kinh Thi thành một tác phẩm của phương Bắc, có tính “ôn nhu”, trang nhã, phô diễn những tư tưởng xã hội cùng những tình cảm tuy nồng hậu song đã được tiết chế, khác hẳn với Sở từ là những tác phẩm tiêu biểu cho văn trào phương Nam. 4. HÌNH THỨC Bàn về văn thể của Kinh Thi, nhà Nho thường phân biệt 3 thể: phú, tỉ, hứng. Phú là phô bày, mô tả, chỉ thẳng sự vật mà nói, như: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ. Ai vô xứ Nghệ thì vô Tỉ là so sánh, mượn sự vật mà nói, như: Bầu ơi, thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn. Hứng là nhân cảm xúc về sự vật gì mà tình phát hiện; trước tả vật đó, sau tả lòng mình, như: Quả cao nho nhỏ Cái vỏ vân vân Nay anh học gần Mai anh học xa. Sự phân biệt ra 3 thể như vậy có ích về phương diện làm văn nhưng không ích lợi gì cho sự nghiên cứu ca dao vì loại văn thơ nào mà không dùng 3 thể ấy, riêng gì Kinh Thi? Chúng tôi nghĩ nên đứng về phương diện hình thức mà xét Kinh Thi thì hơn… Đại loại, Kinh Thi có những bài thơ 4 tiếng như bài Sâm si hạnh thái (coi ở sau), song cũng có câu 3 tiếng, 5 tiếng, 7 tiếng, có khi 11 tiếng. Trong bài Phạt đàn (coi ở sau), câu thứ nhì 7 tiếng, câu thứ tư 8 tiếng. Đến phép gieo vần thì có bài không vần, như bài Thanh miếu; vần phần nhiều ở cuối, nhưng cũng có khi ở giữa, y như ca dao của ta. Bài thì từ đầu đến cuối theo một vần, bài thì cứ vài ba câu thì đổi vần. Tóm lại, lối thơ trong Kinh Thi hoàn toàn tự do, chưa được quy định. Phép đối và phép điệp ngữ rất thường dùng. 5. NỘI DUNG Khổng Tử nói: “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết tư vô tà”, nghĩa là: “Cả ba trăm thiên trong Kinh Thi, chỉ một câu có thể trùm được, là: không nghĩ bậy”. Vậy chủ ý của ông khi san định Kinh Thi là dùng nó làm sách luân lý, dạy người ta đừng nghĩ điều xằng bậy, dâm tà. Ông lại nói: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán; nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa chí ư điểu thú31, thảo, mộc chi danh”: “Xem Kinh Thi có thể phấn khởi đến ý chí, xem xét được việc hay hoặc dở, hoà hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán; gần thì học việc thờ cha, xa thì học việc thờ vua; lại biết nhiều tên chim, muông, cỏ, cây”. Chỗ khác, ông nói: “Bất học Thi, vô dĩ ngôn”: Không học Kinh Thi thì không lấy gì mà ăn nói được. Cơ hồ ông cho chỉ học một bộ Kinh Thi thì chẳng những làm người mà đến làm quan trị nước cũng được nữa: “Đọc 300 thiên Kinh Thi, giao cho việc chính trị, không thành công; sai đi bốn phương, không biết ứng đối thì tuy học nhiều mà ích lợi gì đâu?”. Tóm lại, theo ông Kinh Thi là một bộ sách giáo khoa về chính trị, một cuốn dạy tu thân, tề gia rồi trị quốc, bình thiên hạ. Chẳng những vậy, nó còn là một bộ sử học, vạn vật học… Hậu Nho ở Trung Quốc và Việt Nam, theo quan niệm ấy, cũng suy tôn Kinh Thi là một thánh thư có phép vạn ứng vạn năng, đến nỗi một bà cô tôi, không học cũng biết giá trị vô cùng của nó và bảo: “Không học Kinh Thi thì học gì?”; đến nỗi một văn sĩ gần đây, cũng bị thuyết đó thôi miên rồi muốn bắt chước Khổng Tử, san định ca dao cho hợp với một loại tư tưởng mà ông cho là tân tiến. Dường như công việc vô ý thức ấy, nhiều kẻ kém tài đương muốn tiếp tục. 6. GIÁ TRỊ CỦA KINH THI Ta không nên cho bộ Kinh Thi như một bộ thần bí chứa những tư tưởng huyền ảo về chính trị, triết lý… vì già nửa những thiên trong đó là ca dao, chỉ tả nỗi lòng của dân gian. Đọc nó ta có thể hiểu được tính tình, phong tục của người Trung Hoa ở đời Thượng cổ: nó không có hại về phương diện luân lý, ít nhiều bài có ý nghĩa khuyên răn, mà nghệ thuật thì cao, so với thời ấy. Giá trị của nó chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm vẻ vang cho văn học Trung Quốc rồi. 7. TRÍCH ÍT BÀI Phần Quốc phong trong Kinh Thi đáng nghiên cứu nhất. Nội dung nó rất dồi dào. Có bài tả công lao cha mẹ, giọng thiết tha như bài Lục nga 蓼莪: 蓼莪 蓼蓼者莪 匪莪伊蒿 哀哀⽗⺟ ⽣我劬劳 … … ⽗兮⽣我 ⺟兮鞠我 拊我畜我 ⻑我育我 顧我復我 出⼊腹我 欲报之德 昊天罔極 … LỤC NGA Lục lục giả nga, Phỉ nga y cao. Ai ai phụ mẫu, Sinh ngã cù lao. … … Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, Phủ ngã, súc ngã, Trưởng ngã, dục ngã, Cố ngã, phục ngã Xuất nhập phúc ngã, Dục báo chi đức, Hiệu thiên võng cực … Xanh tốt 32 rau nga, Nga hoá ra cao33 . Thương thương cha mẹ, Sinh ta cù lao. … … Cha thì sinh ta, Mẹ thì nuôi ta, Vỗ ta, úm ta, Cưng nuôi mình ta, Ra ngó vô nhìn, Bồng ẩm giữ gìn. Muốn báo ân đức, Trời cao khó đền34 . Phát biểu tư tưởng xã hội thì như bài Phạt đàn 伐檀, Thạc thử 碩⿏, Thất nguyệt 七⽉… 伐檀 … 不稼不穡 胡取⽲三百憶兮? 不狩不獵 胡瞻爾庭有縣特兮? 彼君⼦兮 不素餐兮? PHẠT ĐÀN … Bất giá bất sắc, Hồ thủ hoà tam bách ức hề? Bất thú bất liệp, Hồ chiêm nhĩ đình bất hữu huyền đặc hề? Bỉ quân tử hề Bất tố sôn hề. ĐỐN CÂY ĐÀN Kẻ kia chẳng cấy chẳng cầy35 Lúa đâu chứa vựa được đầy ba trăm 36 ? Kẻ kia chẳng bắn chẳng săn, Sao treo lủng lẳng trong sân muông chồn? Quân tử37 chớ có ăn không. Tả người đàn bà anh hùng thì như bài Tái trì 載 馳 nhắc chuyện vợ Hứa Mục Công nghe tin tổ quốc sắp bị tiêu diệt, bèn một mình cưỡi ngựa đi cứu, nhưng chồng bà cản, không cho bà mạo hiểm như vậy; bà phải dùng tài ngoại giao mà cứu tổ quốc. Đọc những câu: 載馳載驅 … 驅⾺滺滺 Tái trì tái khu … Khu mã du du Vừa ruổi vừa đuổi … Đuổi ngựa dằng dặc ta thấy được lòng bà nhiệt thành với non sông ra sao. Tuy nhiên, những bài tự tình vẫn chiếm phần lớn. Ca dao nước nào cũng vậy: tự tình nhiều, tự sự ít, thuần tuý mô tả cảnh vật lại càng ít; mà thường những bài tự tình lại là những bài hay nhất. Dưới đây tôi xin trích ít bài trong loại ấy: 關關雎鳩 在河之洲 窈宨淑⼥ 君⼦好逑 Quan quan thư cưu Tại hà chi châu Yểu điệu thục nữ Quân tử hảo cầu Hoà hoà tiếng cưu38 Trên bãi gáy chơi Gái hiền yểu điệu Quân tử tốt đôi 參差荇菜 左右流之 窈宨淑⼥ 寤寐求之 求之不得 寤寐思服 悠哉悠哉! 輾轉反側 Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi. Yểu điệu thục nữ, Ngụ mị cầu chi, Cầu chi bất đắc Ngụ mị tư phục Du tai, du tai! Triển chuyển phản trắc. So le rau hạnh, Tả hữu theo dòng. Gái hiền yểu điệu, Thức ngủ ước mong. Cầu mà chưa được, Thức ngủ nhớ nhung. Lâu rồi, lâu rồi, Trăn trở mấy vòng! (Vô danh dịch) ⼦衿 ⻘⻘⼦衿 悠悠我⼼ 縱我不往 ⼦寧不嗣⾳? ⻘⻘⼦佩 悠悠我思 縱我不往 ⼦寧不來? 挑兮達兮 在城闕兮 ⼀⽇不⾒ 如三⽉兮 TỬ KHÂM Thanh thanh tử khâm, Du du ngã tâm. Túng ngã bất vãng, Tử ninh bất tự âm? Thanh thanh tử bội, Du du ngã tư. Túng ngã bất vãng, Tử ninh bất lai? Khiêu hề đạt hề. Tại thành quyết hề. Nhất nhật bất kiến, Như tam nguyệt hề.- CỔ ÁO CHÀNG Cổ áo chàng xanh, Lòng ta nhớ hoài. Nếu ta chẳng tới, Sao chàng chẳng nối lời? Cổ đeo ngọc xanh, Lòng ta nhớ mãi. Nếu ta không đi, Chàng sao chẳng lại? Giỡn kìa, nhảy kìa, Ở cửa thành kia. Một ngày chẳng thấy, Như ba tháng trời. (Vô danh dịch) 卷⽿ 采采卷⽿ 不盈頃筐 嗟我懷⼈ 寘彼周⾏ 陟彼崔嵬 我⾺虺隤 我姑酌彼⾦罍 維以不永懷 陟彼⾼岡 我⾺⽞⿈ 我姑酌彼兕觥 維以不永傷 陟彼砠矣 我⾺瘏矣 我僕痡矣 云何吁矣 QUYỀN NHĨ Thái thái quyền nhĩ, Bất doanh khuynh khuông. Ta ngã hoài nhân, Trí bỉ chu hành. Trắc bỉ đôi ngôi, Ngã mã ôi đồi, Ngã cô chước bỉ kim lôi. Duy dĩ bất vĩnh hoài. Trắc bỉ cao cương, Ngã mã huyền hoàng. Ngã cô chước bỉ tự quang, Duy dĩ bất vĩnh thương. Trắc bỉ thư hĩ! Ngã mã đồ hĩ! Ngã bộc bô hĩ! Vân hà hu hĩ! RAU QUYỀN Rau quyền nghiêng giỏ còn vơi, Hái rau lòng những nhớ người nẻo xa. Nhớ ai thơ thẩn lòng ta, Giỏ rau đặt xuống bên kia vệ đường. Lên gò, lên núi, ta lên đồi, Ngựa chồn tớ mệt, ta ngồi nghỉ ngơi. Chén vàng rót rượu đầy vơi, Cho khuây khoả nỗi ngậm ngùi nhớ thương. (Tản Đà dịch) 蒹葭 蒹葭苍苍 ⽩露爲霜, 所謂伊⼈ 在⽔⼀⽅ 溯洄從之 道阻且⻑ 溯游從之 宛在⽔中央 蒹葭凄凄 ⽩露未晞 所谓伊⼈ 在⽔之湄 溯洄從之 道阻且跻 溯游從之 宛在⽔中坻 蒹葭采采 ⽩露未已 所谓伊⼈ 在⽔之涘 溯洄從之 道阻且右 溯游從之 宛在⽔中沚 KHIÊM HÀ Khiêm hà sương sương, Bạch lộ vi sương. Sở vị y nhân, Tại thuỷ nhất phương. Tố hồi tòng chi, Đạo trở thả trường; Tố du tòng chi, Uyển tại thuỷ trung ương. Khiêm hà thê thê, Bạch lộ vị hi. Sở vị y nhân, Tại thuỷ chi mi. Tố hồi tòng chi, Đạo trở thả tê; Tố du tòng chi, Uyển tại thuỷ trung trì. Khiêm hà thái thái, Bạch lộ vị dĩ. Sở vị y nhân, Tại thuỷ chi hĩ Tố hồi tòng chi. Đạo trở thả hữu; Tố du tòng chi, Uyển tại thuỷ trung chỉ. RAU KHIÊM HÀ Khiêm hà xanh xanh, Lộ39 trắng thành sương. Kìa người ấy ở, Bên nước một phương, Ngược dòng theo đi, Ngán nỗi đường trường; Xuôi dòng theo đi, In như ở trung ương 40 . Khiêm hà lô nhô, Lộ trắng chưa khô, Kìa người ấy ở, Cỏ nước gần bờ. Ngược dòng theo đi, Ngán nỗi đường vô; Xuôi dòng theo đi, In như tại trong gò. Khiêm hà tha thướt, Lộ trắng còn ướt, Kìa người ấy ở Bên cạnh bến nước, Ngược dòng theo đi, Ngán nỗi lạc đường; Xuôi dòng theo đi, Bãi trong nước rõ ràng. (Vô danh dịch) 燕燕 燕燕于⾶ 差池其⽻ 之⼦于歸 遠送于野 瞻望弗及 泣涕如⾬ 燕燕于⾶ 頡之頏之 之⼦于歸 遠于將之 瞻望弗及 佇⽴以泣 燕燕于⾶ 下上其⾳ 之⼦于歸 遠送于南 瞻望弗及 實勞我⼼ YẾN YẾN Yến yến vu phi, Si trì kỳ vũ. Chi tử vu quy, Viễn tống vu dã. Chiêm vọng phất cập, Khấp thế như vũ. Yến yến vu phi, Hiệt chi hàng chi. Chi tử vu quy, Viễn vu tương chi. Chiêm vọng phất cập, Trữ lập dĩ khấp. Yến yến vu phi, Há thướng kỳ âm. Chi tử vu quy, Viễn tống vu nam. Chiêm vọng phất cập, Thực lao ngã tâm. YẾN YẾN Kìa trông con én nó bay, Nó sa cành này, nó liệng cành kia. Gã kia bước chân ra về, Ta tiễn mình về đến quãng đồng không. Trông theo nào thấy mà trông, Nước mắt ta khóc ròng ròng như mưa. Kìa trông con én nó bay, Bay bổng nơi này, bay xuống nơi kia. Gã kia bước chân ra về, Ta tiễn mình về, chẳng quản đường xa. Trông theo nào thấy đâu mà, Một mình thơ thẩn đứng mà khóc thương. Kìa trông con én nó bay, Kêu lên tiếng này, kêu xuống tiếng kia. Gã kia bước chân ra về, Ta tiễn mình về, xa tiễn sang nam. Lòng ta vơ vẩn ai làm, Trông theo chẳng thấy cho thêm nhọc lòng. (Tản Đà dịch) 8. ĐẶC SẮC TRONG KINH THI Lời lẽ trong những bài đó thật tự nhiên; ngôn ngữ tận mà ý vô cùng. Bạn nói: Chẳng qua cũng mộc mạc như ca dao của ta chứ khác gì? - Phải. Cũng chỉ như ca dao của ta, nhưng xin bạn nhớ, những bài trong Kinh Thi đã có trên 3.000 năm nay, hồi mà hầu hết nhân loại còn dã man. Còn bạn chê là mộc mạc thì chính đó là một đức nó làm cảm động lòng người hơn những câu đẽo gọt của văn nhân. Càng chạm, càng khắc, càng vẽ càng tô, thì càng đẹp thật, nhưng nhân công nhiều thì tình cảm phải lạt. Ca dao phát ngay từ tim người làm rồi đi thẳng vào tim người nghe, còn thơ của văn nhân phải qua bộ óc của họ rồi mới nhập vào óc của ta, sau cùng vào lòng ta, nên cơ hồ kém sinh khí. Tôi nhớ hồi nhỏ nghe một thôn nữ hát những câu sau này theo giọng “đi cấy”, ở sau một bụi tre, bên một cổ miếu: Yêu nhau chẳng lấy được nhau, Trăm thảm nghìn sầu đắp đã nên non, Vo đã thành hòn. Lời tự nhiên, thành thật làm sao! Sau này đọc câu: Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng. (Chinh phụ ngâm) và câu: Vạn lý sầu lên núi tiếp mây. (Huy Cận) tôi thấy nó đẹp, đẹp quá đến gần như hết buồn. Cái hay của Kinh Thi là vậy. Những bài trong đó hoặc uẩn súc, hoặc uyển chuyển, hoặc nhẹ nhàng, hoặc tươi nhã, nhưng hầu hết được lưu truyền nhờ tình cảm mộc mạc, chân thật. Kinh Thi lại còn đặc điểm này nữa: lời thơ thường láy đi láy lại mà không thừa, nên dư âm vô cùng, như bài “Con én” ở trên, không theo phép tắc nào, số tiếng và vần thật tự do, không dùng những tiếng trừu tượng, chỉ dùng những tiếng cụ thể, nhưng miêu tả có khi lại theo phép tượng trưng, có nhiều nhạc. Nhờ những đặc điểm đó mà Kinh Thi tuy không phải là một kiệt tác không tiền tuyệt hậu, như nhiều người phụ hoạ, suy tôn, song thiệt cũng đáng giữ một địa vị cao trong văn học Trung Quốc. 9. ẢNH HƯỞNG CỦA KINH THI Ảnh hưởng của nó rất lớn. Từ sau đời Hán, các nhà Nho dùng nó để khuyến thiện, răn ác. Về văn học, nó là một nguồn thi hứng để thi nhân mượn đề mục. Nó lại là một kho điển tích. Đọc thơ văn Trung Quốc và Việt Nam, ta thường thấy nhiều điển mượn ở Kinh Thi, như những tiếng: - Nhà huyên để chỉ mẹ (1), - Chín chữ cù lao để kể công cha mẹ. Câu: Ba thu dọn lại một ngày dài ghê trong truyện Kiều là mượn câu: Nhất nhật bất kiến như tam nguyệt hề Trong Kinh Thi. Câu: Vẻ chi một đoá yêu đào để chỉ người con gái ít tuổi, gốc ở Kinh Thi (Đào chi yêu yêu: đào kia mơn mởn) 41 . Điển “trên bộc trong dâu” cũng ở trong Kinh Thi (Tang trung Bộc thượng: trai gái hẹn hò nhau trong bụi dâu, trên bờ sông Bộc). Những sự vay mượn như vậy rất nhiều, kể ra không hết. Cả khi mừng đám cưới, phúng đám ma, người ta cũng dùng chữ trong Kinh Thi như: - Cầm sắt hoà hài 琴瑟和諧 (mừng đám cưới) - Ta ngã hoài nhân 嗟我懷⼈ (phúng đám ma) Sau cùng, lối thơ văn bốn chữ trong Kinh Thi có ảnh hưởng lớn đến thơ đời sau. Tuy thi nhân ít dùng nó, song theo các học giả Trung Hoa, thì chính nó là nguồn gốc của lối thơ ngũ ngôn (năm chữ) đời Nguỵ. TÓM TẮT Kinh Thi có 3 phần: - Quốc phong tức ca dao của dân gian. - Nhã tức những bài ca hát ở triều đình, miếu đường, do văn nhân, quý phái soạn ra. - Tụng Mới đầu có tới 3000 bài của mọi nước, sau Khổng Tử lựa 300 bài, san định lại cho hợp tư tưởng, khuynh hướng của đạo Nho; do đó Kinh Thi thành một tác phẩm của phương Bắc, có tính cách ôn nhu. """