🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm
Ebooks
Nhóm Zalo
TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT
HAY LÀ
ĐẠI CƯƠNG KINH LĂNG NGHIÊM
Dịch Giả HT.Thiện Hoa
Giảng tại Phật Học Đường Nam Việt 7-11-1954 (12-10 Giáp-ngọ) ---o0o---
Nguồn
http://www.thuvienhoasen.org
Chuyển sang ebook 30-06-2009
Người thực hiện :
Nam Thiên - [email protected]
Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org Mục Lục
LỜI MỞ ĐẦU
THAY LỜI TỰA
BÀI THỨ NHẤT
A. Duyên Khởi
B. Chánh Đề
I. Nói Kinh Lăng Nghiêm
II. A Nan Cầu Phật Dạy Phương Pháp Tu Hành Lần Thứ Nhất III. Phần Chú Giải
BÀI THỨ HAI
BẨY ĐOẠN PHẬT HỎI VỀ TÂM
I. A Nan chấp tâm ở trong thân
II. A Nan chấp tâm ở ngoài thân
III. A Nan chấp tâm ẩn trong con mắt
IV. Ông A Nan chấp trở lại, Tâm ở trong thân
V. A Nan chấp tâm tùy chỗ hòa hợp mà có
VI. A Nan chấp tâm ở chính giữa
VII. A Nan chấp cái “không trước” làm tâm
BÀI THỨ BA
I. A Nan cầu Phật dạy phương pháp tu hành lần thứ hai
II. Phật gạn hỏi tâm lần thứ hai
III. A Nan chấp cái “suy nghĩ phân biệt” làm tâm
IV. A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành lần thứ ba V. Phật chỉ cái thấy thường còn
VI. Phật chỉ tâm lần thứ nhất
VII. Phật chỉ tâm lần thứ hai
VIII. A Nan cầu Phật chỉ dạy ở nơi thân này cái nào “Chân” ,cái nào “Vọng”
IX. Vua Ba Tư Nặc đứng dậy hỏi tiếp
X. Phật chỉ Tâm lần thứ ba
XI. Phật chỉ cái “Thấy” không sanh diệt
BÀI THỨ TỨ
I. A Nan cầu Phật chỉ cái “điên đảo”
II. Phật dẫn tỷ dụ để chỉ rõ cái “điên đảo”
III. Phật chỉ dạy ngay cái “điên đảo”
IV. Phật chỉ : Vì mê nên có thế giới và chúng sanh
V. A Nan đã hiểu được “chân tâm” xong chưa dám nhận
VI. Phật chỉ tâm lần thứ tư
VII. A Nan còn nghi hỏi Phật
VIII. Phật chỉ tâm lần thứ năm
IX.Phật chỉ thêm “cái thấy” là tâm chứ không phải vật
X. A Nan nghi “cái thấy” có lớn nhỏ, đứt nối
XI. Phật dạy : Trần cảnh có lớn nhỏ, cái “thấy” không lớn nhỏ BÀI THỨ NĂM
I. A Nan nghi : nếu cái thấy là mình, thì thân tâm này là ai ? II. Cái thấy (tâm) rời tất cả hình tướng
III. Cái thấy (tâm) tức tất cả pháp
IV. Phật trấn tĩnh đại chúng
V. Ngài Văn Thù đứng lên thưa hỏi
VI. Phật dạy : cái “thấy” không có “phải” và “không phải” (Thị, Thị phi) VII. A Nan nghi “chân tâm” đồng với thuyết “tự nhiên” của ngoại đạo VIII. Phật bác cái chấp “tâm tự nhiên mà có”
IX. A Nan lại nghi “Tâm” do nhân duyên sanh
X. Phật bác cái chấp “nhân duyên sanh”
XI. Phật dạy : chân tâm không thể suy nghĩ và luận bàn được XII. A Nan trở lại nghi “nhân duyên sanh”
XIII. Phật gạn hỏi lại “cái thấy” để chỉ rõ chân tâm
XIV. Phật chỉ cái thấy không phải vọng, xong chưa phải là chân tâm XV. Phật chỉ chân tâm lần thứ sáu
BÀI THỨ SÁU
I. A Nan không hiểu, hỏi Phật
II. Phật chỉ hai món vọng thấy
III. Dụ về nghiệp riêng của cá nhân
IV.Dụ về nghiệp chung của đồng loại
V. Lấy nghiệp riêng để chỉ rõ nghiệp chung
VI. Phật kết thúc lại
VII. Phật chỉ các pháp đều trở về chân tâm
VIII. A Nan nghi cái nghĩa bốn đại hòa hợp sanh
IX. Phật quở A Nan học nhiều mà không hiểu
X. Phật nói cái tánh của tứ đại phi hòa hợp
XI. Đất từ chân tâm biến hiện
XII. Lửa từ chân tâm biến hiện
XIII. Nước từ chân tâm biến hiện
XIV.Gió từ chân tâm biến hiện
BÀI THỨ BẨY
I. Hư không từ chân tâm biến hiện
II. Các cảm giác từ Chân tâm biến hiện
III. Thức (phân biệt) từ chân tâm biến hiện
BÀI THỨ TÁM
I. Ông Phú Lâu Nan hỏi Phật hai câu quan trọng
II. Phật trả lời câu hỏi thứ nhất
III. Phật chỉ nguyên nhân chung sanh ra hư không, thế giới và chúngsanh.
V. Phật chỉ nguyên nhân có chúng sanh (nhân sanh)
VII. Phú Lâu Na hỏi tiếp : Chư Phật đã chứng được chân tâm thanh tịnh rồi, vậy chừng nào nổi vọng trở lại.
IX. Phật trả lời câu hỏi thứ hai
X. Phật chỉ cái chân tâm tùy duyên biến hiện
XI. Chúng sanh trái với Chân tâm sáng suốt và hiệp theo vọng trần XII. Phật hiệp với chân tâm sáng suốt
BÀI THỨ CHÍN
I. Phật dạy : chân tâm phi tất cả tướng
II. Phật dạy chân tâm tức tất cả các pháp
III. Đến một từng nữa là chân tâm không thể nói “phi” và “tức” IV.Phật lấy cây đàn tỷ dụ
V. Ông Phú Lâu Na hỏi Phật : Chân tâm nhân đâu có vọng VI. Phật dạy : Đã là vọng thì không có sở nhân, như ông Diễn Nhã Đạt Đa
VII. Nếu các vọng duyên dứt, tâm cuồng vọng tiêu thì chân tâm hiện bày VIII. A Nan nghi : “Tâm Bồ Đề do nhân duyên sanh”
X. Phật phá chấp nhân duyên để dẫn vào “vô công dụng”
XI. Phật phá chấp tự nhiên để thành vô hí luận
XII. Phật quở ông A Nan học nhiều không tu,. Thì chẳng có lợi ích gì XIII. So sánh để khuyến khích tu hành
BÀI THỨ MƯỜI MỘT
I. Ngài A Nan hỏi Phật : trói buộc ở chỗ nào và làm sao mở được II. Phật chỉ chỗ trói cột. (gút)
III. A Nan hỏi : Sao bị sanh tử luân hồi hay được tự tại giải thoát cũng vì sáu căn
IV. Phật nói bài kệ tóm lại nghĩa trên
V. Vọng hết thì chân hiện
BÀI THỨ MƯỜI HAI
I. Ngài A Nan hỏi Phật pháp tu viên thông
II. Phật hỏi hai mươi lăm vị Thánh, do tu pháp môn gì mà được chứng quả
III. 25 vị thánh đều thuật lại pháp tu hành của mình được chứng đạo quả 01. Do thanh trần chứng A La Hán
02. Do sắc trần chứng A La Hán
03. Do hương trần chứng A La Hán
04. Do vị trần, chứng Bồ Tát
05. Do xúc trần chứng Thánh
06. Do pháp trần chứng A La Hán
07. Do nhãn căn chứng A La Hán
08. Do tỷ căn mà chứng A La Hán
09. Do thiệt căn chứng A La Hán
10. Do Thân căn mà chứng A La Hán
11. Do ý căn mà chứng A La Hán
12. Do nhãn thức mà chứng A La Hán
13. Do nhĩ thức mà chứng Bồ Tát
14. Do Tỷ thức mà chứng A La Hán
15. Do thiệt thức mà chứng A La Hán
16. Do thân thức mà chứng A La Hán
17. Do ý thức mà chứng A La Hán
18. Do lửa mà chứng A La Hán
19. Do đất mà chứng được Bồ Tát
20. Do nước mà được chứng Bồ Tát
21. Do gió mà chứng Thánh quả
22. Do hư không mà chứng Bồ Tát
23. Do thức đại mà chứng Thánh quả
24. Do kiến đại mà chứng Thánh quả
25. Do nhĩ căn mà được ngộ đạo
IV. Ngài Quán Âm kể lại sự kết quả
A. Hiện ra 32 ứng thân để hóa độ tất cả chúng sanh
B. Được 14 món không sợ
C. Được 4 món không thể nghĩ bàn
BÀI THỨ MƯỜI BA
I. Phật bảo ngài Văn Thù lựa pháp tu Viên thông
II. Ngài Văn Thù vâng lời Phật, lựa phương pháp tu
III. Chúng sanh ở thế giới Ta Bà này nhờ có nghe pháp mới biết đường lối tu hành.
IV. Công năng của nhĩ căn (tai nghe)
V. Ngài Văn Thù quở trách ông A Nan học nhiều không tu VI. Các vị nghe pháp được chứng ngô
VII. A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp để độ chúng sanh đời sau VIII. Phật dạy phải tu Giới, Định, Huệ
IX. Đây nói về Đại thừa Tâm giới có bốn : Dâm, Sát, Đạo, Vọng
BÀI THỨ MƯỜI BỐN
I. Phật dạy trì chú Lăng Nghiêm
II. A Nan cầu Phật nói lại thần chú
III. Phật phóng quang nói thần chú
IV. Công năng của Thần chú
V. Các vị thiện thần phát nguyện bảo hộ người trì chú
VI. Ông A Nan hỏi Phật tu hành phải trải qua bao nhiêu địa vị mới được thành Phật
VIII. Tu hành phải trải qua 55 địa vị mới đến quả Phật
IX. 50 món ma chướng (Ngũ ấm ma)
X. Mười món ma về sắc ấm
BÀI THỨ MƯỜI SÁU
I. Mười món ma về hành ấm
II. Mười món ma về thức ấm
C . KẾT LUẬN
---o0o---
LỜI MỞ ĐẦU
THAY LỜI TỰA
Giữa cơn nắng hạn mà gặp mưa rào, đang lúc loạn ly, lòng người đau khổ, mà được cam-lồ pháp –vị làm cho tâm-hồn người bớt sự khổ đau, thì có may mắn gì hơn.
Chúng tôi là cư sĩ của Phật Học Dường Nam Việt tại chùa Ấn Quang, không biết có phúc duyên gì, mặc dù sanh trong đời mạt pháp, mà vẫn gặp Chánh pháp của Phật Đà. Trên ba năm nay, chúng tôi thường đến Phật Học Đường Nam Việt học hỏi về giáo lý với quý vị Pháp sư. Càng học thấy càng hay, như người ăn mía : càng nhai lại càng ngọt. Say sưa với đạo vị, mà quên bớt những sự đau khổ giữa lúc loạn ly.
Càng học lại thấy giáo lý càng cao thâm. Quý hóa thay ! Năm nay chúng tôi được ngài Thích Thiện Hoa, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo Nam Việt, kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt, ban cho một vật báu vô gía : Giảng về đại cương kinh Lăng Nghiêm. Hay làm sao và thú vị làm sao ! Chúng tôi không thể miêu tả ra hết được.
Chúng tôi thường nghe nói : Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh Đại Thặng, vừa quý giá nhất, mà cũng vừa cao siêu nhất. Trước đây thỉnh thoảng chúng tôi cũng có thỉnh những bản của các nhà dịch khác để xem, nhưng khó hiểu quá ! Vì ngoài cái khó về văn chương và danh từ triếy lý chuyên môn, lại còn nghĩa lý rộng sâu như biển, thật khó nắm lấy được đại cương.
Hôm nay được nghe giảng đại cương, thật chẳng khác nào bầu thế giới bao la, mà được thâu vào một bản đồ nhỏ hẹp, thật dễ nhìn xem. Thường được nghe lời Phật dạy : “Mình chưa được độ mà muốn độ người, đó là tâm Bồ tát ; mình đã được giác ngộ, rồi đem ra khai sáng cho người là hạnh của Như Lai”, chúng tôi tự nghĩ rằng “Mình đã là con Phật phải học theo hạnh Bồ tát : mỗi khi được điều lợi ích gì thì đều phải chia sớt cho mọi người”.
Nghĩ thế, nên chúng tôi yêu cầu Thầy Đốc giáo Phật Học Đường Nam Việt, viết lại thành bài và chung cùng nhau in ra phát hành; trong số đó, có ấn tống 1.000 quyển (khi in lần thứ nhất).
Như thế, trước để đền đáp hồng ân của Tam bảo, và công trình giáo huấn của chư Tăng, sau mong cho mỗi người đọc hiểu, đều ngộ được Chân Tâm
của mình, cùng chúng tôi đồng tu đồng chứng.
Mong thay ! và vui lắm thay !
Cholon, ngày 15 tháng 1 năm Ất Mùi (1955) T.M. Cư sĩ Phật Học Đường Nam Việt Phật tử Minh Phúc.
---o0o---
BÀI THỨ NHẤT
A. Duyên Khởi
Người đến đô thành lạ, nếu chẳng có bản đồ, thì không sao khỏi lầm đường lạc nẻo. Người đi trong biển khơi diệu vợi, sóng dồi gió dập, lênh đênh giữa biển, nếu không có kim chỉ nam, thì không dễ gì vượt qua mấy vạn trùng dương, trở về xứ sở. Người đi đánh giặc, nếu không đọc binh thơ đồ trận, không hiểu chiến thuật chiến lược, thì không sao thắng được giặc, đem trở lại trật tự an ninh cho nước nhà, và giữ gìn non sông cẩm tú. Kẻ làm thợ nếu chẳng có mực thước, thì không sao làm thành những món đồ có giá trị.
Người tu hành cũng thế : nếu không hiểu lối thẳng, khúc quanh, chỗ đèo ải gay go, nơi hầm hố nguy hiểm trong đường lối tu hành, lớp lang chứng đạo, thì không sao khỏi lạc vào nẻo tà, sa nơi ác đạo.
Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh quý báu vô cùng, chỉ đường lối tu hành một cách rành mạch, nào là : Giáo, lý, hạnh, quả đều rõ ràng. Người tu phải trải qua bao nhiêu địa vị, trong khi tu gặp những điều nguy hiểm như thế nào, và phải làm sao mới tránh khỏi những điều nguy hiểm ấy, thì trong kinh Lăng Nghiêm này Phật dạy hết sức rành rẽ.
Nói đến kinh Lăng Nghiêm, hàng Phật tử ai lại chẳng nghe tiếng là một bộ kinh Đại Thặng, vừa hay nhất, mà cũng vừa quý nhất. Người tu hành hiểu được kinh Lăng Nghiêm, chẳng khác nào người bộ hành có bản đồ, kẻ thủy thủ có kim chỉ nam, người thợ có dây mực, kẻ chiến sĩ có binh thư đồ trận.
Vì kinh Lăng Nghiêm quý giá như thế, nên thủa xưa các vị vua Ấn Độ cho là một quốc bảo, giữ gìn nghiêm nhặt không cho truyền bá ra ngoài. Trong lúc ấy, bên Tàu, có ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư, được nghe kinh Lăng Nghiêm quý báu như vậy, nên mỗi ngày hai lần sớm chiều xây mặt về phía Tây (Ấn Độ) quì lạy cầu khẩn cho kinh Lăng Nghiêm được sớm truyền bá qua Tàu, để lợi ích quần sanh.
Cách 100 năm sau, có ngài Bát Thích Mật Đế, người ở Ấn Độ, đã nhiều lần tìm cách đem kinh Lăng Nghiêm đến truyền bá tại Trung Hoa, nhưng không kết quả, vì luật nước nghiêm cấm, kiểm soát rất chặt chẽ.
Đến lần cuối cùng, Ngài viết kinh trong miếng lụa mỏng, rồi cuốn lại, xẻ bắp thịt vế nhét vào, băng lại làm như người có ghẻ, mới đem được ra khỏi
nước. Chúng ta cũng nên nhớ tưởng lại cái công “vị pháp vong xu” của ngài Bát Thích Mật Đế. Thử nghĩ : một cây cỏ cắt vào da còn đau; một mụt ghẻ con còn biết nhức, huống chi xẻ một đường dài nơi bắp thịt, nhét cho được một cuốn lụa nhỏ (nhỏ nhất cũng bằng ngón tay cái, và dài hơn một tấc) trải qua bao nhiêu ngày, từ Ấn Độ sang đến Trung Hoa. Nếu không may bị tiết lộ, thì phải tử hình. Như thế, chúng ta đủ thấy sự quí báu của kinh Lăng Nghiêm biết là dường nào ! Tâm vì đạo quên mình của Bồ tát Bát Thích Mật Đế đáng cho chúng ta trọn đời bái phục.
Khi ngài Bát Thích Mật Đế đem kinh Lăng Nghiêm này qua Tàu, đến đất Nam Thuyên, gặp quan Thừa tướng tên Phòng Dung, là bực bác học uyên thâm, lại có lòng mộ Phật nên ngài trình bày với Thừa tướng, giá trị của kinh Lăng Nghiêm mà ngài đã hy sinh mang đến.
Quan Thừa tướng Phòng Dung nghe rồi hết sức mừng rỡ, cho là đặng một vật báu chưa từng có. Nhưng khi đem cuốn lụa ra thì bị máu mủ bám vào lâu ngày , nên mất cả chữ nghĩa.
Một người có công lớn trong việc này, là bà phu nhân của Thừa tướng Phòng Dung. Bà đem cuốn lụa ấy nấu với một chất thuốc hóa học, những máu mủ đều theo nước mà tan đi, chỉ lưu lại các nét mực, nên còn thấy để phiên dịch.
Quan Thừa tướng thỉnh ngài Bát Thích Mật Đế dịch chữ Phạn ra chữ Tàu. Ngài Di Già Thích Ca dịch từ ngữ, còn quan Thừa tướng nhuận sắc. Nên Kinh Lăng Nghiêm chẳng những nghĩa lý rất hay, mà văn chương cũng là tuyệt diệu. Từ xưa các học giả không những trong đạo Phật, mà cả đạo Nho, các đại gia văn chương một phen xem đến kinh Lăng Nghiêm đều kính phục và vô cùng khen ngợi cái nghĩa lý cao siêu, và văn chương tuyệt diệu của kinh.
---o0o---
B. Chánh Đề
I. Nói Kinh Lăng Nghiêm
Theo lệ thường, mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, là ngày mãn hạ, chư tăng cùng nhau tự tứ, để rửa sạch những hành vi lỗi lầm và những tư tưởng không tốt, cho giới thể được thanh tịnh. Vì trong ba tháng kiết hạ an cư, chư tăng đều thúc liễm thân tâm, trau dồi giới hạnh, tích công luỹ đức, nên đến ngày mãn hạ, các hàng Phật tử cư sĩ đều đua nhau sắm đủ các món trai diên, thỉnh chư tăng đến cúng dường, để gieo trồng cội phúc.
Hôm ấy, nhằm ngày húy nhật của Tiên Hoàng, nên vua Ba Tư Nặc sắm đủ các món trân tu mỹ vị rất linh đình, rồi chính vua thân hành đến rước Phật và chư tăng về cúng dường.
Cũng hôm ấy, các hàng trưởng giả cư sĩ đều sắm đủ thức cơm chay, cung thỉnh chư tăng đến ứng cúng. Phật bảo ngài Văn Thù chia ban, để đi đến từng nhà thọ cúng.
Trong lúc ấy ông A Nan, vì đã chịu người thỉnh riêng, nên trở về chẳng kịp để dự vào hàng chúng Tăng thọ cúng.
Ông bèn mang bình bát đi vào thành, oai nghi tề chỉnh, bộ điệu chậm rãi, qua từng nhà một để khất thực. Với tâm bình đẳng, ông muốn làm phước điền cho tất cả mọi người, không phân biệt bực quý phái cùng hạng bình dân. Ông chỉ mong gặp những người chưa biết làm phước, hôm nay phát tâm cúng dường, để họ được ươm trồng hạt giống lành, đặng ngày sau hưởng quả.
Vì lòng từ bi bình đẳng không lựa chọn, ông tuần tự trải qua các xóm làng. Không may ông gặp nhà tín nữ ngoại đạo, tên Ma Đăng Già, dùng phép huyền thuật là thần chú của Ta Tỳ Ca La Phạm Thiên, bắt vào phòng, dùng đủ lời dịu ngọt, vuốt ve mơn trớn, ép uổng về tình duyên !
A Nan bị nạn, hết sức buồn rầu, chắp tay niệm Phật hướng về Đức Chí Tôn cầu cứu ! . . . Phật biết A Nan mắc nạn, nên khi thọ trai xong không kịp thuyết pháp, liền trở về Tinh xá ngồi kiết già, trên đảnh phóng hào quang trăm báu, trong hào quang ấy có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức
Hóa Phật ngồi kiết già, nói thần chú Lăng Nghiêm (mỗi buổi khuya các chùa đều tụng).
Phật bảo ngài Văn Thù đem thần chú ấy đi đền chỗ nàng Ma Đăng Già, để phá trừ tà chú, cứu nạn cho A Nan.
---o0o---
II. A Nan Cầu Phật Dạy Phương Pháp Tu Hành Lần Thứ Nhất
Khi ông A Nan được thoát nạn, về đến chỗ Phật cúi đầu kính lạy, buồn tủi khóc than và bạch Phật rằng :
-“Bạch đức Thế Tôn ! Con từ hồi nào đến giờ có lòng ỷ lại : Con là em Phật, được Phật thương yêu, chắc chắn Phật sẽ ban cho con thần thông trí huệ, hay đạo quả Bồ đề, nên chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng cần tu niệm, không ngờ ai tu nấy chứng, mặc dù là con là em của Phật, nếu không tu, thì cũng bị đọa như ai ; học nhiều mà không tu, thì cũng chẳng có ích lợi gì ! Cúi xin Phật rộng lòng từ bi chỉ dạy cho con phương pháp nào mà mười phương các Đức Phật tu hành đều được thành đạo chứng quả.”
---o0o---
III. Phần Chú Giải
1-Định danh và giải nghĩa tên kinh.
Khi đó Phật an ủi A Nan và hứa sẽ chỉ dạy phương pháp tu hành để thành đạo chứng quả, là kinh Lăng Nghiêm. Kinh này, đọc cho đủ là : “Kinh Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhơn, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”, gọi tắt là “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” tức là kinh nói về Chân Tâm.
a- Vì kinh này rất quý báu, đã ít có mà lại khó gặp, hàng Tiểu Thừa Thanh Văn và quyền thừa Bồ Tát không thể thấu suốt được, nên dụ như cái tướng “Vô kiến đảnh” của Phật, vì tướng này rất quý báu và khó thấy, hàng phàm phu và Nhị thừa không thể thấy được.
b- Mười phương các Đức Phật đềy y theo kinh này làm nhân địa tu hành mà được thành đạo chứng quả, nên gọi là “Như Lai mật nhân”.
c- Y theo kinh này mà tu và chứng thì lối tu chứng ấy mới được rốt ráo, nên gọi rằng “tu chứng liễu nghĩa”.
d- Các vị Bồ tát tu pháp lục độ vạn hạnh đều y theo kinh này, nên cũng gọi là “Bồ tát vạn hạnh”.
đ- Tóm lại, “Thủ Lăng Nghiêm”, Tàu dịch là Đại định kiên cố. Nghĩa là : Chỉ cho cái Bản thể chân tâm sẵn có của tất cả chúng sanh và chư Phật, nó bao la trùm khắp cả vũ trụ, nên gọi là “Đại”. Thể tánh ấy thường tịch tịnh không vọng động nên gọi rằng “Định”. Không bị thời gian thay đổi, hay không gian chuyển dời, thấu xưa suốt nay, bao giờ cũng vẫn thường như thế, ở nơi bực thánh không thêm, tại phàm cũng không bớt, như như bất động, nên gọi rằng “Kiên cố”.
Chữ “Kinh” theo nghĩa hẹp là đường chỉ xuôi, tức là đường canh trong tấm vải. Tấm vải nhờ có đường canh xâu kết lại các chỉ ngang, mới thành một tấm vải.
Còn theo nghĩa rộng, chữ “Kinh” là xâu tóm các lời lẽ và nghĩa lý của thánh hiền làm thành một quyển hay một bộ.
Trong đạo Phật hay ngoài đời đều có kinh điển. Xong kinh Phật có thêm chữ “Khế” nên khác hơn kinh sách ở thế gian. Chữ “Khế” nghĩa là hợp : a. Hợp căn cơ trình độ của chúng sanh
b. Hợp chân lý
Chữ kinh có nghĩa là “thường pháp”, là một chân lý không thay đổi : quá khứ Phật nói pháp như vậy, hiện tại Phật cũng nói pháp như vậy và vị lai Phật ra đời cũng nói pháp như vậy mà thôi, nên gọi là “thường pháp” Nói một cách khác cho dễ hiểu :
a/ Chúng ta sẵn có bản thể chân tâm, nó vẫn thanh tịnh và như như bất động, thế là nơi ta có “Thủ Lăng Nghiêm”.
b/ Y theo chân tâm này, mà khởi tu lục độ muôn hạnh của Bồ tát, thì chính là nơi ta có “chư Bồ tát vạn hạnh”.
c/ Y theo chân tâm mà tu, và cũng y theo chân tâm này mà chứng, tu chứng như thế mới rốt ráo, nên gọi là “tu chứng liễu nghĩa”. d/ Chúng ta y theo chân tâm này làm nhân địa tu hành, sẽ được thành Phật, nên gọi là “Như Lai mật nhân”.
đ/ Chân tâm này rất quý báu, những hàng phàm phu, Tiểu thừa và quyền thừa Bồ tát không ngộ nhập được, nên dụ như “Vô kiến đảnh tướng” của Phật. Chân tâm chúng ta bao trùm cả vũ trụ, muôn sự muôn vật không ngoài chân tâm ta, đó là nghĩa chữ kinh.
Mười chữ đầu đề của kinh này : “Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm”, đã bao hàm toàn cả bộ kinh, nào giáo lý, hạnh, quả, thể đại, tướng đại và dụng đại, nhân địa tu chứng đều trùm cả, mà rốt cuộc chỉ ở nơi tâm chúng ta sẵn đủ. Bởi ngộ được lý này, nên đức Lục tổ Huệ Năng nói rằng :
Nào dè tự tánh vốn sẵn thanh tịnh.
Nào dè tự tánh vốn không sanh diệt.
Nào dè tự tánh vốn sẵn đầy đủ.
Nào dè tự tánh vốn không lay động.
Nào dè tự tánh có công năng sinh ra muôn pháp.
Đọc đề mục kinh có 19 chữ, chúng ta thấy đã vui thú rồi, vì chính nơi ta sẵn có kinh “Đại Phật đảnh, Như Lai mật nhân, tu chứng liễu nghĩa, chư Bồ tát vạn hạnh, Thủ Lăng Nghiêm”. Chỉ vì chúng ta mê muội nên chẳng nhận được kinh Lăng Nghiêm của mình. Song nó cũng không mất khi ngộ được thì sẽ thành Phật.
---o0o---
2-Nội dung kinh Lăng Nghiêm.
Cốt yếu của kinh này là Phật chỉ dạy cho chúng ta ngộ được chân tâm. Chúng ta vì không ngộ được chân tâm nên phải vĩnh kiếp làm chúng sanh, trầm luân trong đường sanh tử, chịu không biết bao nhiêu khổ sở. Còn chư Phật thoát ly sanh tử luân hồi, được tự do giải thoát, thần thông tự tại, trí huệ vô ngại v . v . đều do các ngài đã ngộ chân tâm, nên mới được như thế.
Nói cho dễ hiểu : Phật với chúng sanh vẫn đồng một thể tánh chân tâm, nhưng các ngài đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy, nên mới thành Phật. Trái lại chúng sanh vì mê muội thể tánh chân tâm, nên phải vĩnh kiếp sanh tử luân hồi, làm chúng sanh mãi mãi.
Ông A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp nào mà mười phương các đức Phật đã tu hành và đều được chứng quả, thì Phật chỉ dạy phải ngộ “Chân Tâm” này mà thôi. Nếu ngộ được chân tâm này thì thành Phật. Ngộ được chân tâm, như người thức giấc mộng. Không ngộ được chân tâm, như người còn ngủ chiêm bao. Đây là phương pháp duy nhất mà mười phương chư Phật tu hành đã được thành đạo chánh quả.
---o0o---
BÀI THỨ HAI
BẨY ĐOẠN PHẬT HỎI VỀ TÂM
Trước khi muốn chỉ chân tâm, Phật gạn hỏi cái vọng tâm. Khi đã hiểu vọng tâm rồi, thì về sau Phật chỉ cái Chân tâm, mới khỏi lầm. Cũng như người, trước phân biết được thau, đồng và vàng giả rồi, thì về sau chỉ đến vàng thiệt, họ mới nhận được chắc chắn, nên trước Phật hỏi về cái tâm.
Phật kêu A Nan hỏi rằng :
-Trong giáo pháp ta, ông ngưỡng mộ cái gì mà phát tâm xuất gia ? A Nan thưa :
-Vì thấy có 32 tướng tốt của Phật, sanh lòng hâm mộ nên phát tâm xuất gia.
Phật hỏi :
-Ông nói : “Vì thấy 32 tướng tốt của Phật, sanh lòng hâm mộ”. Vậy ông lấy cái gì để thấy, và cái gì để hâm mộ ?
A Nan thưa :
-Con lấy mắt để thấy và dùng tâm để hâm mộ.
Phật hỏi :
-Ông nói “lấy con mắt để thấy và cái tâm để hâm mộ “, vậy ông có biết cái tâm và con mắt ở chỗ nào không ?
Ông từ hồi nào đến giờ, nhiều kiếp luân hồi sanh tử, cũng vì tâm và mắt ! Nếu ông không biết nó ở chỗ nào, thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao.
Cũng như vị quốc vương, bị giặc đến xâm chiếm, đem binh dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ ở chỗ nào thì không bao giờ dẹp được giặc. ---o0o---
I. A Nan chấp tâm ở trong thân
A Nan thưa:
-Bạch Thế Tôn, không những một mình con hiểu, mà tất cả chúng sanh cũng đều cho “con mắt ở trên mặt, còn tâm ở trong thân !” Phật hỏi:
-Ông ngồi trong giảng đường này, trước hết thấy cái gì ? và vì sao ông thấy được cây cối ngoải vườn ?
A Nan thưa:
-Bạch Thế Tôn, con ngồi trong giảng đường, trước thấy Phật cùng chư Tăng, và nhờ mở các cửa, nên con xem ra ngoài, thấy được cây cối, cảnh vật bên ngoài.
Phật hỏi:
-Có ai ngồi trong nhà, không thấy các vật trong nhà, mà lại thấy được cảnh vật bên ngoài không ?
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn, người ngồi trong nhà, mà không thấy các vật trong nhà, lại thấy các vật bên ngoài là không có lý.
Phật nói :
-Tâm ông cũng thế, nếu thật ở trong thân ông, thì trước hết nó phải thấy tim, gan, ruột, phổi, hoặc móng tay ra, tóc dài, gân chuyển, mạch động ở trong, rồi sau do mở mắt, ông mới thấy được các cảnh vật bên ngoài. Cũng như người ngồi trong giảng đường này, trước hết thấy Phật cùng chúng Tăng và những vật trong giảng đường, rồi sau nhìn ra ngoài, mới thấy núi sông cây rừng v . v .
Vậy có ai trước thấy tim, gan, ruột, phổi ở trong thân, rồi sau mới thấy các vật ở bên ngoài không ? nếu không, thì ông nói “Tâm ở trong thân” là phi lý.
---o0o---
II. A Nan chấp tâm ở ngoài thân
A Nan bạch Phật :
-Bạch Thế Tôn, cứ theo lý luận trên thì con hiểu : tâm ở ngoài thân. Vì nếu tâm ở trong thân, sao không thấy được các vật ở bên trong, mà chỉ thấy cảnh vật ở bên ngoài. Vậy nên con biết tâm ở ngoài thân. Cũng như cái đèn đốt ngoài nhà, nên chẳng sáng được trong nhà. Nghĩa này đúng rồi, chắc không còn lầm lạc nữa.
Phật hỏi A Nan :
-Cái tâm của ông, nếu ở ngoài thân, thì thân và tâm ông không dính dấp với nhau. Vậy trong lúc tâm biết, thân phải không biết; còn khi thân biết, thì tâm phải không biết.
Cũng như ta với các thầy Tỳ kheo, vì thân thể khác nhau, nên khi ta thọ trai, các thầy không no được.
Vậy ông thử xem cánh tay của ta đây, trong lúc mắt (thân) ông thấy, tâm có phân biệt không?
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, trong lúc mắt con vừa thấy, thì tâm liền phân biệt. Phật hỏi :
-Nếu mắt ông vừa thấy, tâm liền phân biệt, thì thân và tâm không thể rời nhau được. Như thế thì ông nói “Tâm ở ngoài thân” cũng không phải. ---o0o---
III. A Nan chấp tâm ẩn trong con mắt
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, theo lời Phật bác : “Tâm không phải ở trong thân, vì nó chẳng thấy được bên trong; cũng không phải ở ngoài thân, vì mắt (thân) vừa thấy, tâm liền phân biệt, rõ ràng thân tâm không rời nhau”.
Cứ theo lý luận này, thì con hiểu : Tâm núp trong con mắt; cũng như con mắt của người mang kiếng, nên chỉ thấy các cảnh vật bên ngoài, mà không thấy được bên trong.
Phật bảo A Nan :
-Nếu tâm ông núp trong con mắt, cũng như con mắt người mang kiếng, vậy tôi hỏi ông : “Người mang kiếng, trong khi thấy cảnh vật, họ có thể thấy được cái kiếng mang đó không ?”
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, thấy.
Phật hỏi :
-Nếu tâm ông cũng như con mắt người mang kiếng,vậy sao người mang kiếng có thể thấy được cái kiếng mang, còn tâm ông lại không thấy được con mắt của ông ?
Nếu tâm ông thấy được con mắt của ông, thì con mắt của ông thành ra cảnh bị thấy, nó phải ở ngoài thân ông mới phải.
Nếu thân, tâm ngoài nhau, thì làm sao mắt ông vừa thấy, tâm liền phân biệt được ?
Nếu tâm ông không thấy được con mắt của ông, thì sao ông lại tỷ dụ như con mắt người mang kiếng ?
Thế nên ông nói “Tâm núp trong con mắt, như con mắt người mang kiếng núp sau cái kiếng”, cũng không phải.
---o0o---
IV. Ông A Nan chấp trở lại, Tâm ở trong thân
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, bây giờ con nghĩ : Nhắm mắt thấy tối, là tâm thấy bên trong (gan, ruột); nhờ cửu khiếu, thất huyệt (các giác quan) trống hở, nên mở mắt thấy sáng, là tâm thấy các cảnh vật bên ngoài. Chẳng biết nghĩa này có đúng không ?
Phật hỏi A Nan :
-Ông nói “Nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong”; vậy thì khi ông thấy tối, cảnh tối đó có đối trước mắt ông hay không ?
Nếu cái tối không đối trước mắt, thì không thành cái nghĩa thấy. Còn có đối trước mắt, thì thấy tối là thấy trước, sao ông lại nói thấy trong ?
Nếu ông cho thấy tối là thấy trong thân (gan, ruột) thì khi ở trong nhà tối không có ánh sáng, ông thấy tối đó, cũng là thấy gan ruột của ông sao ? Lại nữa, nếu nhắm mắt thấy tối, ông cho là thấy trong thân, mở mắt thấy sáng là thấy ở ngoài, vậy sao ông không thấy được cái mặt ? Cái mặt ở ngoài, ông mở mắt còn không thấy, thi khi nhắm mắt thấy tối, làm sao chắc là thấy trong thân ?
Nếu ông thấy được cái mặt ông, thì con mắt với tâm hiểu biết của ông, phải ở ngoài thân ông.
Nếu tâm và mắt ở ngoài thân, thì nó không phải là tâm mắt của ông rồi. Nếu ông cho tâm, mắt (ngoài thân ông) đó cũng là ông, vậy thì nay ta thấy được mặt ông, thế ta đây cũng là tâm, mắt của ông sao ?
Lại nữa, trong lúc con mắt ông biết, thì thân ông phải không biết, khi thân ông biết, thì con mắt ông phải không biết (vì ông chấp nó rời nhau). Nếu ông cho cả hai đều biết, thì một mình ông phải có hai cái biết, vậy khi tu hành chứng quả, ông sẽ thành hai vị Phật sao ?
Thế nên phải biết : Ông nói : “thấy tối là thấy bên trong”, cũng không có lẽ phải.
---o0o---
V. A Nan chấp tâm tùy chỗ hòa hợp mà có
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, con thường nghe Phật dạy tứ chúng : “Do tâm sanh, nên các pháp mới sanh. Do các pháp sanh, cho nên tâm mới sanh”. Nay con suy nghĩ, thì cái “suy nghĩ” đó là tâm của con; tuỳ hoà hợp chỗ nào, thì tâm liền theo đó mà có, không phải ở trong, ngoài và chính giữa.
Phật hỏi A Nan :
-Ông nói tùy hòa hợp chỗ nào, thì tâm liền theo đó mà có, như thế thì cái tâm của ông không có thật thể.
Nếu tâm ông không có hình thể (tức là không có ) thì lấy cái gì mà hoà hợp ?
Còn nói có hình thể, thì ông thử lấy tay mắt đánh qua tay trái, ông liền biết đau. Vậy cái tâm biết đau này, là từ trong thân chạy ra đó biết đau, hay từ bên ngoài chạy vào ?
Nếu ông nói nó từ trong thân chạy ra thì trước hết nó phải thấy gan ruột trong thân của ông.
Còn nếu nó từ ngoài hư không chạy vào, thì trước hết nó phải thấy cái mặt của ông..
A Nan thưa :
-Con mắt thì thấy, còn cái tâm thì biết; Phật nói “cái tâm thấy”, nghĩa đó không phải.
Phật hỏi :
-Nếu con mắt thấy thì những người chết, con mắt vẫn còn, sao họ không thấy vật ?
Nếu người chết, mà vẫn còn thấy vật, thì sao gọi là người chết ?
Lại nữa, nếu cái tâm hiểu biết của ông có thật thể, thì có một thể hay nhiều thể ? Ở khắp cả thân ông, hay không khắp cả thân ? Nếu tâm ông có một thể, và ở khắp cả thân, thì lấy tay đánh thử một chỗ trên thân ông, đáng lẽ cả thân đều biết đau hết, vì tâm ở khắp cả thân và đồng một thể.
Nếu cả thân đều biết đau, thì cái đau đó lẽ ra không có nhất định ở chỗ nào.
Nếu cái đau có chỗ nhất định, thì ông nói : cái tâm một thể và ở khắp cả thân, cũng không phải.
Còn nói nó nhiều thể, thì thành ra nhiều người; vậy cái nào là tâm của ông ?
Nếu nó không ở khắp thân thể, vậy ông đồng thời vừa đụng trên đầu, vừa đụng dưới chân, khi ấy, nếu đầu biết đau, thì chân phải không biết, còn chân biết đau, thì đầu phải không biết.
Nhưng thật tế thì, đầu và chân của ông cả hai đều biết đau. Thế nên ông nói “ tuỳ hòa hợp chỗ nào, thì tâm tùy theo đó mà có “ là không phải lý.
---o0o---
VI. A Nan chấp tâm ở chính giữa
A Nan bạch Phật :
- Con nghe Phật cùng với ngài Văn Thù v. v . khi luận về “thật tướng” (chân tâm), Phật có nói rằng : “Tâm chẳng ở trong và cũng không ở ngoài”. Nay con suy nghĩ : Nếu tâm ở trong thân, sao chẳng biết được bên trong ? còn nói tâm ở ngoài, thì sao thân tâm lại biết nhau ? Như thế thì “tâm “ chắc ở chính giữa.
Phật hỏi :
-Ông nói “Tâm ở chính giữa”, vậy cái “chính giữa” đó ở chỗ nào ? Phải có nhứt định và rõ ràng : ở nơi thân hay ở nơi cảnh?
Nếu ở nơi thân, thì ở một bên thân, hay ở giữa thân ?
Nếu ở một bên thì không phải “chính giữa”; còn ở chính giữa thân, thì đồng với ở trong thân như đã nói trước. nghĩa là : tâm phải trước thấy tim, gan, ruột, phổi ở bên trong.
Còn như ở về cảnh, thì có thể nêu (cái giữa) ra được, hay không nêu ra được ?
Nếu không nêu ra được, thì đồng như không có, còn nêu ra được, thì không thể nhứt định chỗ nào là chính giữa. Vì sao ? Như người lấy cây cắm chính giữa, nếu người ở phía Đông thì xem thấy cây ấy cắm ở phía Tây; còn người ở phía Nam thì thấy cây cắm ở phía Bắc.
Cái cây cắm nêu đó đã không nhất định chỗ nào là chính giữa, thì cái tâm của ông cũng phải lộn lạo không định.
A Nan thưa :
-Con nói “chính giữa” không phải hai chỗ ấy. Như Phật thường nói “con mắt đối với sắc trần, sanh ra nhãn thức”; một bên con mắt thì có phân biệt, một bên sắc trần lại không phân biệt, cái thức sanh chính giữa, đó là chỗ của tâm ở.
Phật hỏi :
-Ông nói “tâm ông sanh chính căn và trần cảnh. Vậy thì cái tâm thể này, gồm cả căn và cảnh, hay không gồm cả hai.
Nếu gồm cả hai, thì căn với cảnh lộn lạo (căn không thành căn, và cảnh không thành cảnh ; vì vừa biết mà cũng vừa không biết). Xong trần cảnh thì không có tri giác, còn căn lại có tri giác, hai bên đối lập riêng khác, vậy lấy chỗ nào làm giữa.
Còn như không gồm cả căn và cảnh, thì tâm không có thật thể. Vậy lấy cái gì làm chính giữa ?
Thế nên phải biết : Ông nói “tâm ở chính giữa” cũng không phải. ---o0o---
VII. A Nan chấp cái “không trước” làm tâm
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn, ngày trước con thấy khi Phật cùng với ông Đại Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, v . v . nói pháp, có dạy rằng : “Cái tâm hiểu biết phân biệt, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chính giữa, không ở chỗ nào cả; “không trước tất cả” đó gọi là tâm”. Vậy nay con lấy cái “không trước” đó làm tâm, chẳng biết có được hay không?
Phật hỏi :
-Ông nói lấy cái “không trước” tất cả làm tâm. Vậy tôi hỏi ông : tất cả các vật tượng trong thế gian này, nào là hư không, thế giới, v . v . Vậy các vật tượng ấy có, mà ông không trước, hay là không, mà ông không trước ?
Nếu các vật tượng ấy không có, thì cũng như lông rùa, sừng thỏ : nó đã không, thời có gì mà trước.
Còn có cái “không trước” thì ông không thể nói rằng “không trước” được. Vì cái gì không có hình tướng thì không, còn cái gì có hình tướng là có. Nếu có hình tướng thì không sao khỏi “không trước” được.
Thế nên ông nói “không trước tất cả làm tâm” cũng không phải. Chú Giải
Đã 7 lần gạn về tâm, ông A nan đều không nói trúng. Vậy nên biết : Nếu chưa ngộ được thể tánh chân tâm, thì dù nói cách nào cũng sai cả. Chẳng khác nào như trong nhiếp Đại Thừa luận có cái dụ “kẻ mù sờ voi”. Người sờ nhằm cái chân thì nói con voi như cột nhà, người sờ nhằm cái tai, thì nói voi như ki hốt rác, người sờ nhằm đuôi, thì nói voi như cây chổi quét nhà v . v . Mặc dù sờ đúng nhưng nói và nghĩ thế nào cũng đều sai cả. Phải thấy được chân tướng của con voi, thì nói mới không sai. Chúng ta cũng nên lưu ý : trong kinh này ngài A Nan đại diện cho tất cả chúng sanh mê lầm hiện tại cũng như tuơng lai mà đứng ra thưa hỏi .
Có những đoạn ngài tự trình bày hoặc thưa hỏi rất thấp, là vì những chúng sanh mê lầm bực hạ căn. Có những đoạn sự trình bày hoặc thưa hỏi thâm thúy, là ngài vì những chúng sanh căn tánh bực thượng. Vậy chúng ta không nên căn cứ lời trình bày trên mặt văn tự mà phê phán trình độ của ngài.
---o0o---
BÀI THỨ BA
I. A Nan cầu Phật dạy phương pháp tu hành lần thứ hai
Ông A Nan đã 7 lần chỉ tâm đều không trúng, vì ông chấp vọng tưởng làm tâm, nên đều bị Phật bác cả. Lần thứ hai ông đứng dậy chắp tay kính lạy, cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để thoát ly sanh tử luân hồi. A Nan thưa rằng :
-Bạch Thế Tôn ! con là em Phật, tuy đã xuất gia, mà vẫn còn ỷ lại lòng thương yêu của Phật, chỉ lo học rộng nghe nhiều, không chuyên tu niệm, nên không chứng được đạo quả, chẳng hàng phục nổi tà chú của ngoại đạo Ta Tỳ Ca La. Trái lại còn bị Ma Đăng Già bắt vào phòng dâm . . . phải nhở Phật cứu độ. Vậy cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phá trử ác kiến và chứng thành đạo quả.
Thưa thỉnh xong, A Nan và đại chúng đều kính cẩn trông chờ lời Phật chỉ dạy.
---o0o---
II. Phật gạn hỏi tâm lần thứ hai
Lúc bấy giờ Phật gạn hỏi lại cái “tâm” lần thứ hai, và bảo ông A Nan phải phân biệt rành rẽ cái nào là chân tâm và cái nào là vọng tâm. Phật dạy :
-Ông nay muốn đặng đạo vô thượng Bồ đề, thì điều cần nhất là phải hiểu rõ hai món căn bản :
-1 căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm.
-1 căn bản của Bồ đề Niết Bàn là chân tâm.
Nếu ông nhận lầm căn bản của sanh tử (vọng tâm) làm nhân tu hành, thì không bao giờ giải thoát được. Cũng như người nhận giặc làm con, thì chỉ thêm bị phá hại gia sản của mình mà thôi. Và cũng như người nấu cát làm cơm, dầu trải bao nhiêu năm cũng chẳng thành cơm được.
Vậy nay ông muốn biết đường lối tu hành để ra khỏi sanh tử luân hồi, thì ông hãy nghe tôi hỏi đây :
(Phật liền đưa bàn tay, co năm ngón, lại hỏi ông A Nan rằng) : Ông có thấy không?
A Nan đáp :
-Bạch, thấy.
Phật hỏi :
-Ông thấy cái gì?
A Nan đáp :
-Con thấy Phật đưa bàn tay co lại năm ngón.
Phật hỏi :
-Ông lấy cái gì để thấy và lấy cái gì làm tâm ?
---o0o---
III. A Nan chấp cái “suy nghĩ phân biệt” làm tâm
A Nan thưa:
-Con lấy “mắt” để thấy và cái “biết suy nghĩ, phân biệt” làm tâm. Phật quở :
-Dốt lắm A Nan ! cái đó không phải là tâm của ông.
Chú Giải.
Nên lưu ý : Thông thường ai cũng cho cái “suy nghĩ, phân biệt” là tâm, mà Phật lại nói “không phải tâm”. Vậy chúng ta cũng nên chín chắn suy xét . . .
A Nan hoảng hốt, đứng dậy thưa Phật :
-Bạch Thế Tôn, cái “suy nghĩ, phân biệt” này, nếu không phải là tâm của con, thì gọi nó là cái gì ?
Phật dạy :
-Nó là “vọng tưởng” (vọng tâm). Bởi các ông từ hồi nào đến giờ, lầm nhận “vọng tưởng” làm “chân tâm”, cho nên nhiều kiếp trầm luân. Như người nhận giặc làm con, nên bị nó phá hại.
A Nan thưa:
-Bạch Thế Tôn, con vì thương Phật nên mới xuất gia, thì con chỉ dùng cái tâm này thương Phật. Con phụng thờ các đức Phật trong mười phương và làm tất cả các điều công đức, cũng dùng cái tâm này. Dầu cho con có làm các điều tội lỗi, hủy báng Phật pháp, đọa vào địa ngục đi nữa, thì con cũng dùng cái tâm này. Ngày hôm nay Phật nói “nó” không phải tâm của con, như thế thành ra con không tâm; nếu không có tâm, thì con đồng như cây, đá rồi ! Cúi xin đức Thế Tôn từ bi chỉ giáo.
Phật dạy:
-Này A Nan, nếu ông chấp cái “suy nghĩ, phân biệt” là tâm của ông, thì khi rời cảnh vật hiện tiền, cái tâm “ hiểu biết, phân biệt” ấy, cũng vẫn còn, thế mới phải là tâm của ông. Nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà tâm hiểu biết phân biệt ấy mất đi, thì không phải là chân tâm của ông rồi.
Dầu cho ông diệt hết năm cảm giác bên ngoài là thấy, nghe, hay, biết chỉ còn lưu lại cái “thầm thầm phân biệt” bên trong (thức thứ sáu), thì đó cũng là cái vọng tưởng phân biệt (ý thức thứ sáu) bóng dáng pháp trần, không phải là chân tâm của ông.
Này A Nan, tôi không buộc ông phải chấp cái “suy nghĩ phân biệt “ đó, là không phải tâm ông; tôi chỉ bảo ông nên chín chắn suy xét; nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” này vẫn còn, thì mới phải là chân tâm của ông.
Còn nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” này cũng mất luôn đi, thì rõ ràng là cái “vọng tưởng phân biệt” (vọng tâm) bóng dáng của sáu trần, chớ không phải là “chân tâm thường trụ” của ông vậy.
Nếu ông nhận cái “hư vọng phân biệt sanh diệt” (vọng tưởng) này làm tâm của ông, thì khi cảnh vật hiện tiền qua rồi, tâm ấy cũng theo cảnh vật mà diệt đi. Lúc bấy giờ thành ra ông không có tâm rồi. Nếu không có tâm, ông lấy gì để tu hành và để thành đạo chứng quả ?
Ông phải biết rằng : trong thế gian tất cả người tu hành, không được thành đạo, đều do chấp lầm cái “vọng tưởng sanh diệt” này làm chân thật. Chính ông ngày nay cũng thế, nên tuy học nhiều mà không được quả chánh.
---o0o---
IV. A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành lần thứ ba
A Nan cùng đại chúng, nghe Phật nói như vậy, đều ngẩn ngơ và im lặng. Lúc bấy giờ ông A Nan cúi đầu lạy Phật, quỳ gối chắp tay, vừa khóc lóc vừa bạch Phật rằng :
-Con từ khi xuất gia theo Phật đến nay, vì ỷ lại là em của Phật, chắc sẽ nhờ oai thần Phật ban cho đạo quả, chẳng cần tu hành cực nhọc. Không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được.
Hôm nay con mất “bản tâm” đi rồi, thân tuy xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, chẳng khác nào đứa cùng tử bỏ cha trốn đi.
Nay con mới biết học nhiều mà không tu, cũng như người không học, và cũng như người nói đủ thức ăn, rốt cuộc trong bụng vẫn đói. Bạch Thế Tôn, chúng con vì hai chướng phiền não và sở tri ràng buộc, nên không ngộ được chân tâm. Cúi xin đức Thế Tôn thương xót kẻ bần cùng, chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phát minh được tâm tánh. ---o0o---
V. Phật chỉ cái thấy thường còn
Khi ấy Phật kêu A Nan, dạy rằng :
-Vừa rồi ông nói “thấy năm ngón tay của ta co nắm lại”. Vậy vì sao có nắm tay ? và nhờ cái gì mà có cái thấy ?
A Nan thưa:
-Bạch Thế Tôn, nhân bàn tay của Phật co lại năm ngón, nên mới có nắm tay, và nhờ vào con mắt cho nên mới có cái thấy.
Phật hỏi :
-Vậy thì “không bàn tay chẳng có nắm tay, cũng như không con mắt thời chẳng có cái thấy”; so sánh như thế có đúng không ?
A Nan thưa :
-Bạch Phật đúng.
Phật dạy :
-Không đúng hẳn ! Không bàn tay thì không có nắm tay là phải, còn không con mắt, chẳng phải cái “thấy” không có.
Ông nên ra ngoài đường hỏi thử những người mù mắt : “Các anh có thấy cái gì không ?”, thì họ đều trả lời với ông rằng : “Chỉ thấy tối đen”. Như thế thì rõ ràng : người mù không con mắt mà cái “thấy” cũng vẫn còn.
Đây là cái bằng chứng: Mặc dù con mắt không có, và trần cảnh đối trước có tối và sáng khác nhau, nhưng cái thấy lúc nào cũng có (nói cái thấy là đại diện cho các cảm giác).
A Nan thưa :
-Người mù thấy tối, thì sao gọi là thấy được?
VI. Phật chỉ tâm lần thứ nhất
Phật hỏi A Nan :
–Người sáng mắt ở trong nhà tối thấy tối, cùng với người mù mắt thấy tối, vậy hai cái tối đó có khác nhau không ?
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, không khác.
Phật hỏi :
-Người ở trong nhà tối thấy tối, nếu có người đem đèn vào, họ thấy được các vật, vậy cái đèn thấy hay con mắt thấy ?
A Nan thưa :
-Mắt thấy chứ không phải đèn thấy.
Phật dạy :
-Cũng thế, người mù mắt khi lột mây rồi, thấy được các cảnh vật. Đó là tâm thấy chớ không phải mắt thấy.
Phât dạy tiếp :
-Cái đèn chỉ làm cho sáng các vật, còn cái thấy là con mắt (dụ cho tâm) chớ không phải đèn (dụ con mắt). Lên một từng nữa : con mắt chỉ làm cho tỏ rõ các vật, còn cái thấy là tâm, chứ không phải con mắt (đây là lần thứ nhất Phật chỉ tâm).
A Nan và đại chúng nghe Phật giảng dạy như thế rồi, đều im lặng, nhưng trong tâm thật chưa hiểu, nên đều kính cẩn chắp tay, để chờ Phật chỉ dạy thêm.
Chú Giải.
Đoạn này xin tỷ dụ thêm cho dễ hiểu : Con mắt của người, cũng như bóng đèn điện, còn cái thấy của người cũng như điện. Khi dây đứt (dụ thần kinh đứt), bóng hư (dụ mắt mù) thì đèn không cháy, chớ không phải điện mất (không cái thấy). Đến khi thay bóng mới, nối dây lại, thì điện cháy trở lại; không phải do bóng hay dây mới có điện.
Cái thấy của người cũng thế : khi mắt bị mây che thì chỉ thấy tối, chớ không phải cái “thấy” mất, đến khi lột mây rồi, thì cái “thấy” hiện ra, không phải do con mắt mới có cái thấy. Đoạn này Phật chỉ rõ “cái thấy” là tâm. ---o0o---
VII. Phật chỉ tâm lần thứ hai
Khi đó Phật đưa bàn tay lên, co năm ngón rồi mở ra, hỏi ông A Nan : -Ông có thấy cái gì không?
A Nan thưa :
-Thấy Phật đưa tay lên co ngón tay vào, rồi mở ra.
Phật hỏi:
-Tự cái tay của ta co mở, hay “cái thấy” của ông co mở?
A Nan thưa :
- Tự tay Phật co mở, chứ “cái thấy” của con không co mở. Phật nói :
-Phải lắm !
Phật lại phóng một đạo hào quang trên vai phía mặt của A Nan. A Nan liền xoay đầu ngó về phía bên mặt. Phật lại phóng hào quang trên vai phía trái của A Nan, A Nan xoay đầu ngó qua phía trái.
Phật hỏi :
-Cái đầu của ông hôm nay tại sao xoay qua lắc lại như vậy ? A Nan thưa :
-Vì Phật phóng hào quang trên hai vai của con, nên con xoay qua lắc lại để xem.
Phật hỏi :
-Vậy cái đầu của ông lắc, hay cái thấy của ông lắc ?
A Nan thưa :
-Tự cái đầu của con xoay qua lắc lại, chớ cái thấy của con không có xoay lắc.
Phật hỏi :
-Cái nào động , cái nào tịnh ?
A Nan thưa :
-Cái đầu của con có động và tịnh (dừng), chớ cái thấy của con không có động tịnh.
Phật nói :
-Phải !
Phật dạy tiếp :
-Cái nào có co, có mở, có động, có tịnh, có sanh, có diệt, thì cái đó là vọng, thuộc về “khách” không phải ông. Còn cái nào không động tịnh, co mở, không sanh diệt, thì cái đó là “chân”, thuộc về “chủ”, chính là ông. Như thế, chân và vọng rất rõ ràng, ông còn chưa hiểu hay sao ?
Tại sao từ hồi nào đến giờ, các ông cứ nhận cái vọng thân tứ đại giả hợp nầy, cho là thật “thân” mình, cái vọng tưởng sanh diệt này, cho thật là “tâm” mình, cảnh vật giả tạm, cho là thật “cảnh” của mình, mà lại bỏ cái chân tâm thường còn bất sanh bất diệt của mình sẵn có kia đi ? Bởi thế nên các ông phải nhiều kiếp sanh tử luân hồi, thật là oan uổng !
Chú Giải.
Đoạn này Phật chỉ cái “thấy” không co mở, và không sanh, diệt, động, tịnh, đó là chân tâm lưu lộ.
---o0o---
VIII. A Nan cầu Phật chỉ dạy ở nơi thân này cái nào “Chân”,cái nào “Vọng”
Khi ấy A Nan và đại chúng được nghe Phật tạm chỉ “cái thấy không động tịnh co mở là Tâm”, nên tất cả đều hớn hở vui mừng, và nghĩ rằng : Từ vô thỉ đến nay tự làm mất bản tâm, nhận cái vọng tưởng phân biệt theo bóng dáng của trần cảnh làm Tâm, ngày hôm nay mới ngộ được Tâm mình, nên hết sức vui mừng. Cũng như đứa con nhỏ khát sữa đã lâu, nay được gặp bà từ mẫu, nên ông và đại chúng cầu Phật chỉ rõ ở nơi thân tâm hiện tiền đây, cái nào chân thật không sanh diệt và cái nào hư vọng có sanh diệt.
---o0o---
IX. Vua Ba Tư Nặc đứng dậy hỏi tiếp
Khi ấy vua Ba Tư Nặc đứng dậy thưa Phật :
-Bạch Thế Tôn, lúc trước chưa thọ giáo với Phật, con nghe phái ngoại đạo Ca Chiên Diên và Tì La Chi Tử đều nói : “Thân này sau khi chết rồi mất hẳn, gọi là Niết Bàn.”
Hôm nay con tuy được Phật chỉ dạy, nhưng vẫn còn hồ nghi : làm sao biết rõ và chứng chắc cái tâm này không sanh diệt. Xin Phật từ bi chỉ dạy cho chúng con.
---o0o---
X. Phật chỉ Tâm lần thứ ba
Phật hỏi :-Đại vương ! cái thân của ông hiện tại đây, nó bền chắc như ngọc kim cương, còn mãi không hư hoại, hay là phải hoại diệt ? Vua đáp :
-Bạch Thế Tôn, thân con ngày nay đây, rốt cuộc rồi cũng phải bị hoại diệt.
Phật hỏi :
-Ông chưa chết, làm sao biết nó sẽ hoại diệt ?
Vua đáp :
-Bạch Thế Tôn, cái thân vô thường của con đây, tuy chưa chết, chớ hiện tiền nó đã tàn tạ dần ! ngày qua, rồi lại ngày qua ! mỗi niệm qua, qua từ sát na (tíc tắc) không dừng ! . . . Cũng như củi đốt thành tro, cháy dần cho đến lúc tiêu tàn. Vì thế nên con biết, thân này nhất định sẽ tiêu diệt.
Phật nói :
-Phải !
Phật lại hỏi :
-Đại Vương ! Thân thể ông đâu phải tiêu diệt liền bây giờ ? Vua đáp :
-Bạch Thế Tôn, ngày qua tháng lại, hết hạ đến đông, nó thầm thầm già chết, cho đến ngày nay, đầu bạc răng rụng, chân lỏng gối dùn, mắt mờ tai lãng, già nua đến thế này, mà con thật không hay không biết !
Bạch Thế Tôn, khi con hai mươi tuổi, tuy nói rằng tuổi trẻ, thật ra nhan sắc đã già hơn khi mười tuổi. Khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Cho đến ngày nay, sáu mươi hai tuổi, lại già hơn khi năm mươi tuổi.
Nó âm thầm già chết, lấy khoảng thời gian mười năm mà nói như vậy. Nếu chín chắn suy nghĩ, thì cái già, chết này, không phải hạn định trong khoảng mười năm hay hai mươi năm, mà thật ra, nó già từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ. Nếu suy nghĩ kỹ hơn nữa, thì nó già, chết từng phút, từng giây và từng sát na ! Năm nay già hơn năm rồi, tháng này già hơn tháng trước,ngày hôm nay già hơn ngày hôm qua, giờ này già hơn giờ trước, phút này già hơn phút trước, cho đến sát na này cũng già hơn sát na trước. Thế nên con biết, thân này rốt cuộc rồi cũng phải tiêu diệt.
Chú Giải.
Cũng như cái đồng hồ, vì có chạy từng giây, cho nên mới qua từng phút. Bởi có đi từng phút, nên mới chỉ đến từng giờ, và ngày . . . Thân này già chết cũng thế.
Phật hỏi :
-Đại Vương ! Ông thấy cái thân thể của ông âm thầm già chết như thế, nên ông lo buồn; vậy ở nơi thân thể sanh diệt, già chết này, ông có biết được cái gì chẳng sanh diệt già chết không ?
Vua Ba Tư Nặc chắp tay cung kính thưa :
Bạch Thế Tôn, con thật không biết !
---o0o---
XI. Phật chỉ cái “Thấy” không sanh diệt
Phật dạy rằng :
-Tôi nay chỉ cho ông thấy cái không sanh diệt.
Này Đại Vương, khi ông mấy tuổi mới thấy được nước sông Hằng ? Vua đáp :
-Khi lên ba tuổi, con được mẹ bồng đến yết kiến Thần Kỳ Bà Thiên (thần trường thọ), đi ngang qua sông này, nên lúc bấy giờ con đã thấy được sông Hằng.
Phật hỏi :
-Hôm nay ông thấy sông Hằng, vậy cái “Thấy” đó có khác không ? Vua thưa :
-Khi con ba tuổi thấy sông Hằng, đến lúc 13 tuổi và nay được sáu mươi hai tuổi, thấy sông Hằng cũng đều không khác.
Phật dạy :
-Ngày nay ông lo buồn cho thân già yếu, đầu bạc mặt nhăn, không còn được như lúc còn trẻ, thấy sông Hằng, cùng với khi còn trẻ, thấy sông Hằng, cái “thấy” đó, có già, có trẻ gì không ?
Vua Ba Tư Nặc thưa :
-Bạch Thế Tôn , cái “thấy” không có già và trẻ.
Phật dạy :
-Này dại vương, thân thể, mặt mày ông tuy già, mà cái “thấy” vẫn không già, vậy cái nào có già, thì cái ấy sẽ bị biến đổi, tiêu diệt; còn cái nào không già, thì cái đó không biến đổi sanh diệt.
Nó đã không sanh diệt, thì đâu có bị ông làm cho nó sanh tử luân hồi được.
Rõ ràng như thế, ông không hiểu sao mà còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt Già Lê nói : Thân này chết rồi hoàn toàn diệt mất ?
Vua cùng đại chúng nghe Phật dạy rồi, đều biết rằng : người chết rồi, là tâm bỏ thân này, thọ thân khác, không phải mất hẳn. Ai nấy đều hớn hở vui mừng vì đặng lợi ích chưa từng có.
Chú Giải.
Đoạn này Phật chỉ cái thấy không già trẻ, sanh diệt đó là Tâm.
---o0o---
BÀI THỨ TỨ
I. A Nan cầu Phật chỉ cái “điên đảo”
Khi ấy A Nan đứng dậy lạy Phật, kính cẩn bạch rằng :
-Nếu cái thấy, nghe không sanh diệt này là “tâm” của chúng con, tại sao trước kia đức Thế Tôn lại quở chúng con “bỏ mất chân tâm, điên đảo làm việc” ?
Cúi xin đức Như Lai mở lòng từ bi chỉ dạy cho chúng con biết cái “điên đảo” ở chỗ nào.
---o0o---
II. Phật dẫn tỷ dụ để chỉ rõ cái “điên đảo”
Khi đó Phật xuôi cánh tay chỉ xuống đất, hỏi ông A Nan rằng : -Ông thấy cánh tay của ta như thế này, là xuôi hay ngược ? A Nan thưa :
-Các người trong thế gian cho như thế là ngược; còn con thì không biết thế nào là ngược và xuôi.
Phật lại hỏi ông A Nan :
-Các người trong thế gian cho như thế là ngược, thì như thế nào mới là xuôi ?
A Nan thưa :
-Đức Như Lai đưa cánh tay lên, năm ngón chỉ thẳng trên hư không, như thế là xuôi.
Phật liền đưa cánh tay lên, rồi kêu A Nan mà bảo rằng :
-Cũng một cánh tay này chứ không chi khác, chẳng qua chỉ đổi đầu làm đuôi, đổi đuôi làm đầu mà thôi, thế mà người thế gian, chấp thế này là ngược và thế kia là xuôi; điên đảo là đấy ! đấy là điên đảo.
Đem một cánh tay này mà so sánh, để chỉ rõ thêm ra : Thân Như Lai gọi là thân Phật (giác ngộ), thân các ông gọi là thân điên đảo (chúng sanh). Vậy ông nên chín chắn suy xét, thân ông và thân Phật, cái “điên đảo” (chúng sanh) ở chỗ nào ?
Chú Giải.
Ý Phật chỉ : đồng một thể tánh chân tâm, vì vô minh vọng động, chấp đây thật là Phật, kia thật là chúng sanh. Đó là “điên đảo”. ---o0o---
III. Phật chỉ dạy ngay cái “điên đảo”
Khi ấy A Nan và đại chúng ngó Phật sửng sốt, đôi mắt không nháy, vì không biết ở nơi thân này và tâm này, cái “điên đảo” ở chỗ nào ! Phật thấy vậy thương xót, mới dạy tiếp :
-Ta thường nói : Các pháp đều duy tâm biến hiện; cho đến thân và tâm ông ngày nay, cũng đều là vật ở trong chân tâm hiện ra. Tại sao các ông bỏ cái bản thể chân tâm đi. Các ông vẫn ở trong ngộ (chân tâm) mà trở lại đành ôm lấy cái mê (vọng) làm mình (điên đảo là đó), thật đáng buồn thương !
---o0o---
IV. Phật chỉ : Vì mê nên có thế giới và chúng sanh
-Này A Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng chuyền bên trong ( như vượn, như ngựa); khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tông chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng tâm ở trong thân.
Chứ đâu biết rằng : Thân này, tâm này, cho đến núi, sông, thế giới và hư không đều là vật trong chân tâm hiện ra cả.
Chú Giải.
Như người đương thức (dụ cho chân tâm) bỗng chốc buồn ngủ (dụ cho vô minh). Khi ngủ chiêm bao thấy có hư không thế giới, chúng sanh và mình (dụ vì vô minh nổi lên có thế giới và chúng sanh), rồi chấp cái thân và tâm trong chiêm bao kia là mình, mà bỏ cả cảnh thức tỉnh rộng lớn này đi . . . . (dụ cho vì mê muội nhận cái vọng thân, vọng tâm này làm mình, cảnh này là thật, mà bỏ cả toàn thể chân tâm sáng suốt rộng lớn kia).
-Cái chân tâm rộng lớn như vậy, các ông lại bỏ đi không nhận, trở lại chấp cái vọng thân, vọng tâm này cho là thật của mình. Cũng như toàn thể bể cả rộng khơi trong trẻo kia không nhận, trở lại chấp một hòn bọt nhỏ nhen cho là toàn thể bể cả, thật là điên đảo ! Các ông là một trong vô số người mê muội, thật đáng thương xót !
Như, cũng một cánh tay của ta, mà chấp thế này là ngược, thế kia là xuôi, cũng đồng một loại điên đảo !
---o0o---
V. A Nan đã hiểu được “chân tâm” xong chưa dám nhận
Ông A Nan vì thấy lòng từ bi tha thiết của Phật thương xót hết sức nồng hậu, chỉ dạy rất thâm trầm, nên cảm động rơi nước mắt, kính cẩn bạch Phật rằng :
- Con tuy nhờ Phật chỉ dạy cho hiểu được chân tâm, nhưng hiện nay con vẫn còn dùng “cái tâm phân biệt” (vọng tâm) nghe lời Phật nói, rồi ngộ xuông cái chân tâm này mà thôi, nên chưa dám nhận chắc là tâm của con. Vậy xin Phật thương xót chỉ dạy cho con hết nghi ngờ, để trở về với đạo vô thượng.
Phật dạy :
-Nếu các ông lấy vọng tâm nghe chánh pháp (chân tâm) thì chánh pháp này cũng trở thành ra vọng, không thể nghe đặng chánh pháp. Các ông nên biết : Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được.
Nay nếu các ông chấp cái “phân biệt” (vọng) làm tâm của mình, thì cái tâm này, khi rời tiếng nói pháp của ta, cũng vẫn còn phân biệt, thế mới phải thật là tâm của các ông (chủ). Nếu rời tiếng nói pháp của ta ra, mà các ông không còn phân biệt nữa, thì đó là vọng (khách) chớ không phải thật tâm (chủ) của các ông rồi.
Cũng như người khách, chỉ ngủ nhờ rồi đi, chớ không ở lại được. nếu thật là chủ nhà, thì ở luôn chớ không còn đi đâu nữa.
Cũng thế : nếu thật là tâm của ông, thì không đi đâu cả. Tại sao khi rời tiếng nói pháp của ta, thì ông không còn phân biệt nữa ?
Không những cái “phân biệt” về tiếng, cho đến cái “phân biệt” về sắc, hương, vị, xúc và pháp, nếu rời sáu trần cảnh ra, thì nó đều không còn phân biệt nữa. Thế thì cái tâm của ông đồng là khách, có chỗ trả về. Vậy cái nào là “chủ”, thật là tâm của ông ?
A Nan hỏi Phật :
-Nếu cái tâm của con có chỗ trả về (trần cảnh qua thì tâm phân biệt hết) thì tại sao đức Như Lai lại nói : “cái chân tâm của con không trả về đâu cả ?” Xin Phật từ bi chỉ dạy cho.
---o0o---
VI. Phật chỉ tâm lần thứ tư
Phật dạy :
-Này A Nan, tất cả cảnh vật trong thế gian không ngoài : sáng, tối, trống, bít, trong, đục v . v .
Nay ta đem các vật này, cái nào trả về cho bản nguyên của cái nấy. Như ánh sáng thì trả về cho mặt nhựt, vì không mặt nhựt thì không sáng. Còn tối thì trả về cho ban đêm, thông trả về cho trống, bít trả về cho vách, trong trả về cho tịnh, đục trà về cho bụi v . v . Cái nào trả về cho cái nấy rồi; còn cái thấy của ông thấy các cảnh vật đó, ông muốn trả nó về đâu ? Nếu trả về cho cái sáng, thì khi tối đến đáng lẽ ông không thấy tối. Nếu trả nó về cho cái tối, thì khi sáng đến ông cũng phải không thấy sáng. Còn trả về cho trống , bít v . v . cũng thế.
Rõ ràng, các cảnh vật tuy có thiên sai vạn biệt, mà “cái thấy” của ông thật không sai khác. Như vậy, cái nào có thể trả được, thì cái đó là khách, tự nhiên không phải là ông rồi; còn cái nào ông không thể trả được, thì cái đó là chủ, quyết định của ông chớ ai ?
Cái tâm của ông mầu nhiệm sáng suốt và sẵn sàng như vậy, tại sao ông lại tự mê muội, đi trở lại nhận cái vọng làm mình, đành chịu nổi chìm trong biển khổ sanh tử, thật đáng thương xót !
Chú Giải.
Đoạn này Phật phân tách các trần tướng, cái nào trả về cái nấy, để cho rõ “cái thấy” không trả về đâu được. Đó là “chủ”, là “Tâm” của chúng ta vậy.
---o0o---
VII. A Nan còn nghi hỏi Phật
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, con tuy biết cái “thấy” này, không trả về đâu được, nhưng làm sao biết chắc nó là “chân tâm” của con ?
---o0o---
VIII. Phật chỉ tâm lần thứ năm
Phật dạy rằng :
-Này A Nan, nay ông thử xem trước mắt, tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng, nào là sông núi, đất nước , v . v . Ông nên lựa riêng ra cái nào thuộc về cảnh vật, còn cái nào là tâm ông.
Này A Nan, cùng tột tầm mắt thấy của ông, ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chớ không phải ông. Xem rộng ra, núi, sông, cây cối, cỏ hoa, người thú, cho đến gió bụi, chim chóc cũng đều là vật chớ không phải ông.
A Nan, tất cả các cảnh vật, mặc dầu có cao thấp, xa gần, ngàn sai muôn khác, xong cũng đều là “vật bị thấy” của ông cả. Các vật loại tuy có sai khác, mà cái “thấy” của ông không khác. Thế thì cái “thấy này chính là “tâm” của ông chớ không phải vật.
Chú Giải.
Đoạn này Phật chỉ tâm rất rõ ràng.
---o0o---
IX.Phật chỉ thêm “cái thấy” là tâm chứ không phải vật
Nếu cái “thấy” này là vật, thì ông cũng có thể thấy được cái “thấy” (năng thấy) của tôi. Nếu ông cùng tôi đồng thấy một vật, (bị thấy) mà ông cho là thấy được “cái thấy” của tôi thời khi tôi không thấy, sao ông chẳng thấy được cái “không thấy” của tôi ? (vì cái thấy không phải vật nên chẳng thấy được nó).
Nếu ông nói : thấy được cái “không thấy” của tôi, thì ông thấy cái gì đó, chứ quyết định không phải là thấy cái “không thấy” (tâm) của tôi. Nếu ông không thấy được cái “không thấy” của tôi, thì quyết định nó là “tâm” , đương nhiên không phải vật rồi.
Lại nữa, nếu cái thấy là vật, thì khi ông thấy nó, nó cũng phải thấy được ông. Như vậy, thời tâm, vật lộn lạo; và trong thế gian này, không thể phân biệt được loài hữu tình (tâm), và loài vô tình (vật).
Chú Giải.
Đại ý đoạn này Phật nói “vật” thì bị thấy còn “tâm” thì không bị thấy. Bởi cái thấy là “tâm”, nên không thể thấy được nó. Này A Nan, khi ông thấy các cảnh vật, cái “thấy” của ông khắp giáp tất cả, cái thấy đó không phải của ta và của người khác, thì quyết định của ông chứ ai.
Rất rõ ràng như thế, tại sao ông còn nghi “chân tâm” của ông ? Cái “chân tâm’ của ông như vậy, sao ông không tự chân lấy, lại đi cầu ta chỉ “chân tâm” cho nữa ?
Chú Giải.
Đoạn này, Phật chỉ tâm rõ ràng hơn hết.
---o0o---
X. A Nan nghi “cái thấy” có lớn nhỏ, đứt nối
A Nan thứ Phật :
-Bạch Thế Tôn, nếu cái “thấy” này quyết định là tâm của con, chứ không phải của ai, thì khi con xem vũ trụ bao la, thấy mặt trời, mặt trăng, v . v . lúc bấy giờ cái thấy của con rộng lớn khắp giáp cả hư không. Khi con trở vào trong nhà, thì chỉ thấy nội trong một nhà thôi.
Vậy cái thấy này nó phải rút nhỏ lại, chun vào nhà, hay là khi vào nhà nó bị tường vách cắt đứt, nên còn nhỏ như thế ? Chúng con không biết nghĩa này thế nào, xin Phật tử bi chỉ dạy.
XI. Phật dạy : Trần cảnh có lớn nhỏ, cái “thấy” không lớn nhỏ
Phật dạy :
-Này A Nan, trong thế gian tất cả cảnh vật có lớn nhỏ trong ngoài tốt xấu v . v . đều thuộc về trần cảnh hiện tiền cả, chứ không phải cái thấy của ông có lớn nhỏ, tóp lại hay nới ra.
Cũng như trong cái hộp vuông, thì thấy hư không vuông, trong cái chén tròn, thấy hư không tròn. Vì chén tròn, hộp vuông, nên thấy hư không có vuông và tròn, chứ không phải cái hư không thật có tướng vuông tròn.
Nếu hư không quyết định là vuông, thì khi để cái chén tròn, đáng lẽ không thấy hư không tròn.
Trái lại, nếu hư không quyết định là tròn, thì khi để hộp vuông, đáng lẽ không thấy nó vuông.
Vậy nên biết : vuông, tròn là tại đồ vật, chứ không phải hư không có vuông hay tròn. Nếu phá hết các đồ vuông, tròn thì ông sẽ thấy hư không không có tướng vuông, tròn. Không phải bỏ hư không vuông mà có hư không tròn, hay trừ hư không tròn mà có hư không vuông.
Cái “thấy” của ông cũng thế : không có vuông tròn hay lớn nhỏ, mà lớn nhỏ, vuông tròn là tại cảnh vật.
Nếu ông cho khi vào nhà, cái “thấy” quyết định phải tóp nhỏ lại, thì khi ông ra ngoài sân xem mặt trời, ông phải kéo giãn nó ra đến mặt trời hay sao ?
Lại nữa, khi vào nhà, nếu ông cho cái thấy bị cắt đứt đi, thì khi xoi vách trống ra một lỗ, thấy được bên ngoài, sao cái thấy của ông không có dấu nối ?
Nghĩa đó rất rõ ràng như vậy, chớ có chi lạ mà ông nói không biết. A Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ, vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chân tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v . v . Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm đặng sáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng, (chỗ này) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới.
Chú Giải.
Từ nơi thể tánh chân tâm, vì vô minh vọng động, nên sanh ra có hư không thế giới, chúng sanh cùng các cảnh vật. Nên gọi “mê mình làm vật”.
Khi có cảnh vật rồi, cứ theo đó mà phân biệt xấu tốt, lớn nhỏ, mừng giận v . v . nên nói “bị vật chuyển xoay”.
Đến khi hết vô minh vọng động, trở lại thể tánh chân tâm, thì các cảnh vật ấy không còn, như người thức giấc chiêm bao, thì cảnh chiêm bao kia hết. Nên nói “xoay chuyển vật” là thế.
Lúc bấy giờ, một sợi lông hay mười phương thế giới cũng đều là chân tâm cả. Đã đồng là chân tâm, thì không còn thấy thế giới lớn hơn sợi lông, hay sợi lông nhỏ hơn thế giới, vì đồng một thể tánh, nên nói : “Trên đầu một sợi lông, có thể chứa đựng mười phương thế giới”.
Đoạn này lý thâm, phải suy nghĩ nhiều mới hiểu.
---o0o---
BÀI THỨ NĂM
I. A Nan nghi : nếu cái thấy là mình, thì thân tâm này là ai ?
A Nan thưa Phật :
-Bạch Thế Tôn ! Nếu “cái thấy” này thật là “tâm” con, thì thân tâm của con hiện nay đây là ai ? Và nếu “cái thấy” thật của con, thì nó phải hiện ở trước, khiến cho con thấy được nó.
Lại nữa, thân tâm của con hiện nay đây, biết phân biệt được nó (cái thấy), còn nó không biết phân biết được thân tâm của con. Xin đức Thế Tôn mở lòng đại bi chỉ dạy cho kẻ chưa ngộ.
---o0o---
II. Cái thấy (tâm) rời tất cả hình tướng
Phật dạy A Nan :
-Ông nói “cái thấy phải ở trước mặt để ông thấy nó “; nói như vậy không phải, vì nếu cái thấy thật ở trước mặt ông, ông thấy được nó, thì cái thấy đó ở chỗ nào phải có nhất định và phải chỉ ra được.
“Vậy nay ông ngồi trong rừng Kỳ Đà, xem các cảnh vật, đưa tay chỉ ra từng món: chỗ im mát kia là rừng cây, cái sáng chiếu nọ là mặt trời, nơi ngăn ngại này là vách, chỗ trống đó là hư không. Cho đến cỏ cây hoa lá, các vật lớn nhỏ tuy khác, xong đều có hình tướng, có thể chỉ ra được cả. Còn “cái thấy” nếu nó thật ở trước mắt ông, thì ông nên lấy tay chỉ chắc chắn, cái nào là cái “thấy”. Nếu hư không là cái “thấy”, thì cái gì là hư không ? Còn nếu cảnh vật là cái “thây”, thì cái gì là cảnh vật ? Đối với các cảnh vật sum la vạn tượng, ông nên chín chắn phân tích rõ ràng, rồi chỉ cho ta xem, cái nào là cái “thấy” ; cũng như chỉ các vật, không có lầm lộn.
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn ! Con mở tầm con mắt và đưa tay chỉ khắp tất cả, thì đều là “vật” chứ không có cái nào là cái “thấy”. Dù cho bậc Bồ tát cũng không thể phân tích chỉ riêng cái “thấy” ở nơi muôn vật ra được ; huống chi chúng con là hàng sơ học Thanh Văn làm sao chỉ được.
Phật dạy :
-Phải lắm !
Chú Giải.
Tâm không phải hình tướng cũng như vàng không phải là vòng, kiềng, xoa, xuyến , v . v .
---o0o---
III. Cái thấy (tâm) tức tất cả pháp
Phật dạy rằng :
-Này A Nan ! Như lời ông nói : “trong các cảnh vật, không thể chỉ riêng cái “thấy “ ra được ; vậy nay ông đứng trước các cảnh vật chỉ lại coi, cái nào không phải là cái “thấy” ?
A Nan thưa :
-Con hiện đang xem tất cả các cảnh vật, không biết cái nào không phải cái “thấy”. Nếu rừng cây kia không phải cái “thấy”, thời làm sao thấy được rừng cây. Còn rừng cây là cái “thấy”, thì sao gọi là rừng cây. Lại nữa, hư không nếu không phải là cái “thấy”, thì làm sao thấy được hư không. Còn nếu hư không tức là cái “thấy”, thì sao lại gọi là hư không. Con chín chắn suy nghĩ : cái nào cũng là cái “thấy” cả.
Phật dạy :
-Phải lắm !
Khi đó đại chúng nghe lời Phật nói như vậy đều hoang mang lo sợ, vì không biết nghĩa ấy thế nào.
Chú Giải.
Tâm đã sanh ra các phap, thì pháp nào cũng là tâm cả ; cũng như vàng đã làm ra tất cả đồ trang sức thì món nào cũng là vàng cả. ---o0o---
IV. Phật trấn tĩnh đại chúng
Phật thấy A Nan và đại chúng hoang mang, sợ hãi, nên sanh tâm thương xót, liền an ủi A Nan và đại chúng rằng :
-Như Lai nói chân thật, chẳng dối trá, không phải như chúng ngoại đạo Mạc Già Lê, nói năng rối loạn không nhất định đâu. Các ông nên bình tĩnh và chín chắn suy xét lại, chớ để Như Lai thêm lòng thương xót. ---o0o---
V. Ngài Văn Thù đứng lên thưa hỏi
Khi ấy ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử thương cả bốn chúng, nên đứng dậy lạy Phật cung kính chắp tay và thưa rằng :
-Bạch Thế Tôn ! Trong đại chúng đây chưa hiểu cái nghĩa : Các cảnh vật là cái “thấy” hay không phải cái “thấy”.
Bạch Thế Tôn ! Các cảnh vật hiện tiền đây, nếu là cái “thấy”, thì phải chỉ ra được ; còn nếu không phải cái “thấy”, thì đáng lẽ không thể thấy được. Vì trong đại chúng không hiểu nghĩa này thế nào, cho nên mới hoang mang sợ hãi. Cúi xin đức Như Lai duỗi lòng từ bi chỉ dạy cho biết : Các cảnh vật hiện tiền đây, cùng với cái “thấy” này, nguyên là cái gì? (trong đây không có cái “phải” và “không phải”).
Chú Giải.
Đoạn này lý thâm, nên ngài Văn Thù mới đứng lên thưa hỏi ; người học phải xét nhiều mới hiểu được.
Nói cảnh vật và cái thấy, tức là chỉ cả vật chất với tinh thần đồng một thể tánh chân tâm. Vì chân tâm thì không thể suy nghĩ và luận bàn được, phải tự ngộ mà thôi, nên nói “nguyên nó là cái gì ?” (Vì không thể nói ra được). Bởi nó rời đối đãi thị phi, nên nói “trong đó không có cái phải và không phải”.
---o0o---
VI. Phật dạy : cái “thấy” không có “phải” và “không phải” (Thị, Thị phi)
Phật kêu ngài Văn Thù và đại chúng dạy rằng:
-Mười phương các đức Phật và các vị đại Bồ tát an trụ trong chân tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần, thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là “chân tâm”. Đã là chân tâm, thì đâu còn có “phải” hay “không phải” nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là “thật” Văn Thù hay “không thật” Văn Thù được không ?
Văn Thù thưa :
-Bạch Thế Tôn ! Chính như thế đó. Con là Văn Thù rồi, thì không thể nói “thật Văn Thù” được; vì nếu nói “thật Văn Thù”, thì phải có ông Văn Thù giả (thứ hai). Xong con nay đã là Văn Thù rồi thì không thể nói “thật” hay “không thật” được.
Chú Giải.
Chân tâm không hai, nên không còn thị và phi đối đãi ; không thể nói quấy đã đành, mà nói phải cũng không được nữa. Bởi vì nó ngoài vòng đối đãi, cũng như ông Văn Thù là Văn Thù, không thể nói “thật” hay “không thật” được.
Phật dạy :
-Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy cũng lại như vậy, đều là thể tánh chân tâm, vì vọng động mà có ra : thấy nghe và các cảnh vật. Nó cũng như mặt trăng thứ hai, đâu có gì mà nói “phải” hay “không phải”. Nghĩa là chỉ có một mặt trăng chánh, (Chân tâm) trong đó không có cái “phải” mặt trăng hay “không phải” mặt trăng.
Nay ông thấy có cái “thấy” và “cảnh vật bị thấy” đó là vọng tưởng ; còn đối với thể tánh chân tâm, thì không còn nói phải hay không phải được. Bởi thế nên chân tâm nó ra ngoài cái phạm vi “chỉ bày” và “không chỉ bày” của ông rồi.
Chú Giải.
Suy nghĩ không tới, nói năng không nhằm. Đại ý đoạn này nói : Chỉ có một chân tâm, không thể nói phải hay không phải, nó vượt ra ngoài sự đối đãi và nói năng phân biệt.
Vì vọng động mà sanh ra có vật chất (cảnh) và tinh thần (tâm). Cũng như chỉ có một mặt trăng chánh, vì lòa mà thấy in tuồng có mặt trăng thứ hai .
---o0o---
VII. A Nan nghi “chân tâm” đồng với thuyết “tự nhiên” của ngoại đạo
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn ! Ngày trước Phật ở tại núi Lăng Già, có dạy cho ông Đại Huệ Bồ tát v . v . rằng : “Các chúng ngoại đạo kia thường chủ trương cái thuyết “tự nhiên sanh”, còn ta thời nói “các pháp do nhân duyên sanh” nên không đồng với cái thuyết của các ngoại đạo kia”.
Hôm nay nghe lời Phật dạy, thì con hiểu cái “chân tâm” này in như tự nhiên mà có, chứ không phải “nhân duyên sanh”; vì nó rời tất cả các vọng tưởng điên đảo, không sanh, không diệt. Cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con ngộ được chân tâm thường trụ này, mà không lạc vào thuyết “tự nhiên” của các tà đạo.
Chú Giải.
Cái chân tâm này, nó tuyệt đối đãi, ngoài thị và phi. Nếu còn chấp có, không, thị, phi, nhân duyên hay tự nhiên v . v . đều không trúng cả. Xong chúng sanh vì cái mê chấp nhiều đời, cũng như cây chuối nhiều bẹ, lột hết bẹ này, thì bày ra bẹ khác. Phật vừa bác xong thị và phi, thì ông A Nan liền chấp nhân duyên và tự nhiên v . v . Than ôi ! Lưới mê nhiều đời chồng chất, thật khó trong một lúc vẫy vùng ra khỏi !
---o0o---
VIII. Phật bác cái chấp “tâm tự nhiên mà có”
Phật dạy rằng :
-Ta đã dùng nhiều phương tiện và thành thật chỉ dạy cho ông tường tất như thế, mà ông cũng chưa hiểu ngộ, lại còn mê muội chấp là tự nhiên nữa. A Nan, nếu thật tự nhiên, thì ông phải chỉ rõ cái “thấy” này, lấy gì làm cái thể tự nhiên của nó ? Lấy “sáng” làm tự nhiên hay lấy “tối” làm tự nhiên ? Lấy cái “trống không” làm tự nhiên hay lấy cái “ngăn bít” v . v . làm tự nhiên ?
A Nan, nếu lấy cái “sáng” cho là tự nhiên cái thể của nó như vậy, thì khi tối lại, đáng lẽ ông không thấy được tối. Cho đến lấy cái “tối” v . v . làm thể tự nhiên của nó, thì khi sáng đến, cái thấy của ông phải mất, làm sao thấy được cái sáng v . v .
---o0o---
IX. A Nan lại nghi “Tâm” do nhân duyên sanh
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn ! Cái thấy này nếu không phải tự nhiên mà có, thì chắc do nhân duyên sanh. Con hiểu như vậy chẳng biết có đúng không ? Xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy.
---o0o---
X. Phật bác cái chấp “nhân duyên sanh”
Phật bác rằng :
-Ông nói “nhân duyên sanh. Vậy nay tôi hỏi ông, cái thấy này là nhân duyên cái sáng có , hay nhân duyên cái tối mà có ? nhân duyên cái trống không mà có, hay nhân duyên cái ngăn bít, v. v . mà có ?
A Nan, nếu nhân duyên cái sáng mà có, thì khi tối đến, ông phải không thấy được cái tối; còn nhân duyên cái tối, cái trống, cái ngăn bít v . v . cũng vậy.
---o0o---
XI. Phật dạy : chân tâm không thể suy nghĩ và luận bàn được
-A Nan ! Ông phải biết : cái thấy (tâm) này, nó không phải “nhân”, không phải “duyên”, không phài “tự nhiện”, và cũng không phải “không tự nhiên, không cái “phi”, không cái “bất phi”, không cái “thị’, không cái “phi thị” ; nó rời tất cả các tướng, tức tất cả pháp. Như thế thời ông làm sao để tâm suy nghĩ cho tới, dùng lời nói luận bàn cho kịp và gọi nó bằng thứ gì được. (Ly ngôn thuyết, tướng, ly tâm duyên tướng, ly danh tự tướng).
Nếu ông để tâm suy nghĩ và dùng lời nói luận bàn, thì cũng như người quơ tay chụp bắt hư không ; chỉ thêm mệt nọc, chứ làm sao chụp bắt hư không cho được.
Chú Giải.
Đến chỗ cao siêu tuyệt diệu thì không còn suy nghĩ, luận bàn được ; nếu còn suy nghĩ luận bàn được thì không phải là cao siêu tuyệt diệu. Bởi thế nên đức Thích Ca đóng cửa thất tại nước Ma Kiệt, ông Duy Ma cật ngậm miệng tại thành Tỳ Da. Tổ Đạt Ma ngồi tại chùa Thiếu Lâm day mặt vô vách chín năm không nói một lời, đều vì cái lý đạo cao siêu, không thể luận bàn được.
---o0o---
XII. A Nan trở lại nghi “nhân duyên sanh”
A Nan thứ Phật :
-Bạch Thế Tôn ! Cái “thấy” này nếu không phải “Nhân” không phải “duyên”, tại sao đức Thế Tôn thường cùng với các thầy Tỳ kheo nói : “Cái thấy phải đủ bốn duyên mới sanh”; như nhân hư không, ánh sáng, tâm và con mắt mới sanh. Vậy nghĩa này thế nào ?
Phật dạy rằng :
-Này A Nan, ta nói thuyết nhân duyên, là đứng về phần sự tướng (hiện tượng), chỉ các pháp trong thế gian mà nói, chứ không phải chỉ cho lý tánh tuyệt đối (bản thể) vậy.
Chú Giải.
Về phương diện pháp tướng (mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu, gọi là phần hiện tượng) nói về “thức”, thì Phật nói có căn, trần, thức và nhân duyên v . v . Còng đứng về phương diện pháp tánh (mượn danh tử triết học nói cho dễ hiểu , gọi là phần bản thể) thì không còn danh tướng, nói năng kêu gọi hay suy nghĩ được.
Nên trong kinh, Phật nói : “Đạo ta cao siêu không thể suy nghĩ và luận bàn được.”. Kinh này là nói về phần lý tánh tuyệt đối.
---o0o---
XIII. Phật gạn hỏi lại “cái thấy” để chỉ rõ chân tâm
-Này A Nan ! Bây giờ ta hỏi ông : Người đời thường nói “tôi thấy”. vậy thế nào là “thấy” và thế nào là “không thấy” ?
A Nan thưa :
-Người đời nhân có ánh sáng mới thấy được các vật, thì gọi là “thấy” ; còn không có ánh sáng, chẳng thấy các vật, thì bảo rằng “không thấy”. Phật dạy :
-Nếu không có ánh sáng mà bảo là không thấy, thì khi tối đến đáng lẽ ông cũng không thấy được cái “tối” ? Còn như ông thấy được cái “tối, thì khi đó chẳng qua không có ánh sáng mà thôi, chứ sao lại nói “không thấy”.
Lại nữa, nếu khi tối ông không thấy được cái “sáng”, mà ông cho là không thấy, thì khi sáng ông không thấy được cái “tối”, đáng lẽ cũng phải bảo là không thấy mới phải. Như vậy, thời “tối” và “sáng” cả hai đều phải bảo là “không thấy” hết.
Thế cho nên ông phải biết : “tối” và “sáng” hai món trần tướng nó tự thay đổi với nhau, còn cái “thấy” của ông lúc nào cũng có. Vậy thì thấy “tối” và “sáng” đều gọi là thấy cả, tại sao khi thấy tối, ông nói “không thấy” ?
XIV. Phật chỉ cái thấy không phải vọng, xong chưa phải là chân tâm
(Đoạn này nguyên ở trước, nay dịch giả đem lại đây cho thuận nghĩa) Phật dạy A Nan rằng :
-Cái “thấy” của ông đó, không phải là vọng, xong chưa phải là “chân tâm”. Nó cũng như “mặt trăng thứ hai “ (do loà con mắt mà có) tuy không phải bóng mặt trăng dưới nước, nhưng chưa phải là mặt trăng chánh. Chú Giải.
Mặt trăng chánh là dụ cho chân tâm, mặt trăng thứ hai là dụ cho cái thấy, nghe, v . v . các cảm giác về phần trực giác. Bóng mặt trăng dụ cho vọng tưởng phân biết.
Đại ý đoạn ngày Phật nói cái “thấy” tuy không phải là vọng tâm, chứ chưa phải là chân tâm, nghĩa là nó gần với chân tâm mà thôi. Cũng như mặt trăng thứ hai do lòa con mắt mà có; nó không phải bóng mắt trăng dưới nước, nhưng cũng chưa phải là mặt trăng chánh.
-A Nan, ông phải biết, khi ông thấy sáng, thì cái “thấy” của ông không phải là cái “sáng”; khi ông thấy tối, cái “thấy” của ông không phải là cái “tối”; khi ông thấy trống không, cái “thấy” của ông không phải là cái “trống không”; khi thấy ngăn bít, cái “thấy” của ông cũng không phải là cái “ngăn bít”.
Chú Giải.
Nói “cái thấy” chứ kỳ thật hàm cả “cái nghe, hay, biết” Nói sáng, tối, trống, bít là trùm cả các cảnh vật .
Đại ý đoạn này nói : Khi thấy các cảnh vật, thì “cái thấy” không phải là cảnh vật.
---o0o---
XV. Phật chỉ chân tâm lần thứ sáu
-Ông đã hiểu rõ bốn nghĩa này rồi, ông nên hiểu thêm lên một từng nữa : Khi Chân tâm đã khởi ra cái “thấy” (các cảm giác), thì cái “thấy” không phải là “chân tâm”; cái “thấy” còn cách biệt với chân tâm (vì còn một lớp mê) cái “thấy” không thể bì kịp với “chân tâm”. (Đoạn này Phật mới chỉ chính cái Chân tâm).
Chú Giải.
Mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu : Khi bản thể (tâm) khởi ra hiện tượng (các cảm giác), thì hiện tượng không phải là bản thể, hiện tượng còn cách biệt với bản thể, hiện tượng không thể bì kịp bản thể. Cũng như khi nước đã biến thành sóng, thì sóng không phải hoàn toàn là nước, sóng còn sai biệt với nước ( vì bị gió xao động) sóng không thể bì kịp với nước.
Đành rằng “tâm” cùng với “cái thấy” v. v . không hai, nhưng vì mê nên tâm biến thành ra cảm giác thấy nghe hay biết. Lúc bấy giờ cái thấy nghe hay biết, không phải là chân tâm. Ngộ rồi thì cái thấy nghe hay biết mới phải là chân tâm. Xong khi chưa ngộ thì không thể nói cái thấy, nghe v . v . các cảm giác là chân tâm được.
Cũng như nước với sóng không khác, nhưng vì gió động nên nước biến thành sóng; lúc bấy giờ sóng không phải là nước, nước cách biệt với sóng. Đến khi hết gió xao động, thì sóng đó trở lại thành nước. Nhưng khi còn động thỉ không thể nói sóng là nước.
-Như thế thời, ông làm sao lại nói là “nhân duyên, tự nhiên, hòa hợp và phi hòa hợp được. Các ông là hàng Thanh Văn, trí thực hẹp hòi, không thông hiểu được thật tướng (Chân tâm). Ta đã chỉ dạy nhiều lần rồi, vậy các ông nên khôn khéo suy nghĩ và cố gắng tăng tiến tu hành, chớ nên giãi đãi trên con đường Bồ Đề.
---o0o---
BÀI THỨ SÁU
I. A Nan không hiểu, hỏi Phật
A Nan thưa Phật :
-Bạch Thế Tôn, vừa rồi Phật nói cái nghĩa “nhân duyên, tự nhiên, hòa hợp và bất hòa hợp” chúng con còn chưa hiểu, nay lại nghe Phật nói đến nghĩa “tâm sanh ra cái thấy, cái thấy không phải tâm v . v . “ chúng con lại càng thêm mù mịt nữa. Cúi xin đức Như Lai duỗi lòng từ bi, chỉ dạy cho chúng con ngộ được chân tâm thanh tịnh, sáng suốt này.
---o0o---
II. Phật chỉ hai món vọng thấy
Phật dạy :
-A Nan, ông phải chín chắn nghe, ta sẽ vì các ông phân biệt chỉ dạy, cũng khiến cho chúng sanh đời sau ngộ được đạo quả Bồ Đề. Này A Nan, tất cả chúng sanh bị sanh tử luân hồi trong thế gian, đều do hai món điên đảo phân biệt vọng thấy, nó đương xứ phát sanh ra nghiệp, rồi theo nghiệp đó mà chịu khổ luân hồi.
Chú Giải.
Từ nơi tâm vọng động sanh ra các nghiệp, rồi theo các nghiệp đó mà chịu quả khổ hay vui. Cũng như từ mê mà sanh ra ngủ, rồi đương nơi ngủ đó, mà hiện ra có cảnh vật vui, buồn rồi tự chịu lấy buồn, vui. -Thế nào là 2 món ?
1-Cái điên đảo vọng thấy thuộc về nghiệp riêng của cá nhân. 2-Cái điên đảo vọng thấy thuộc về nghiệp chung của đồng loại.
III. Dụ về nghiệp riêng của cá nhân
-A Nan, sao gọi là cái điên đảo vọng thấy thuộc về nghiệp riêng của cá nhân ? – Dụ như người nhặm con mắt, ban đêm dòm đèn thấy có vòng tròn lòa đỏ năm màu (ngũ uẩn).
Ý ông nghĩ sao ? Cái vầng đỏ năm màu ấy, của đèn hay của cái “thấy” ? A Nan, nếu ông nói “của đèn” thì sao những người không nhặm mắt, họ chẳng thấy vầng đỏ, mà duy có người nhặm mắt mới thấy thôi ? Nếu nói “cái vầng đỏ đó của cái thấy”, thì cái thấy đã thành vầng đỏ; vậy người nhặm con mắt thấy vầng đỏ, thì bảo là thấy cái gì ? (vì cái thấy đã thành vầng đỏ rồi, thì không thể nói thấy vầng đỏ được nữa). Lại nữa, nếu ông chấp “cái vầng đỏ rời đèn riêng có”, thời đáng lẽ ông xem bàn ghế chung quanh đều có vầng đỏ cả. Còn nói “vầng đỏ rời cái thấy riêng có”, thì không cần con mắt thấy. Vậy tại sao người nhặm mắt thấy có vầng đỏ ?
Thế nên phải biết : Cái sáng là ở nơi đèn, cái thấy vì bệnh mà có bóng lòa. Cái “bóng lòa” và “cái thấy lòa” đều do nơi mắt nhặm. Còn cái thấy được lòa nhặm, thì “cái thấy” đó không phải nhặm.
Nên không thể nói : Cái vầng đỏ này là “đèn” hay “thấy” và “không phải đèn” hay “không phải thấy”, mà chính do nhặm mắt hiện ra. Chú Giải.
Đại ý đoạn này Phật nói “Vì vô minh vọng động (nhặm) mà thấy có các cảnh vật hiện ra như vậy (lòa đỏ). Chớ không phải do chân lý (dụ đèn) hay chân trí (dụ cái thấy) và cũng không thể nói nó ngoài chân lý và chân trí.
---o0o---
IV.Dụ về nghiệp chung của đồng loại
-A Nan, sao gọi là nghiệp chung vọng thấy của đồng loại ? Dụ như trong thế giới này có nhiều nước. Nhưng chỉ có một nước vì dân chúng đồng tạo ác nghiệp nên đều cảm thấy có các điềm không tốt, như sao chổi, sao phướn, hoặc hai mặt trời, hai mặt trăng v . v . Còn dân chúng ở các nước khác thời đều không thấy và cũng không nghe.
V. Lấy nghiệp riêng để chỉ rõ nghiệp chung
-Này, A Nan, như người nhặm con mắt, vì nghiệp riêng của họ, nên “vọng thấy” cái đèn có vầng đỏ hiện ra. Tại con mắt nhặm thành ra lòa, chớ “cái thấy” đó không lòa.
So sánh như các ông ngày hôm nay, thấy có núi sông, thế giới và chúng sanh đó, đều do cái “nhặm lòa từ vô thỉ” (vô minh vọng động từ vô thỉ) cho nên mới thấy có các cảnh vật hiện ra như vậy.
Các ông nên biết : “mắt thấy” (kiến) với “cảnh vật bị thấy” (kiến duyên) hiện tiền đây, đều do cái “vọng thấy” (giác minh ) hiện ra. Cái “vọng thấy” đó (giác kiến) nó lòa nhặm, chớ cái chân tâm không có lòa nhặm. Cái chân tâm biết được cái lòa nhặm đó (giác sở- giác sảnh) nó không phải ở trong lòa nhặm (giác phi sảnh trung ).
Như thế thời làm sao bảo cái chân tâm đó là các cảm giác thấy, nghe, hay, biết được ư ? Đây chính là cái nghĩa : “Tâm sanh ra cái thấy, cái thấy không phải tâm v . v .” ông mới vừa hỏi trước.
Thế nên, nay ông thấy “tôi”, thấy “ông” cùng thấy “thế giới” và “chúng sanh”, đều do ông lòa nhặm (vô minh vọng động) mà thấy như vậy, chớ không phải cái thấy (tâm) đó nó lòa nhặm. Bởi tánh nó không lòa nhặm, cho nên không thể bảo nó (chân tâm) là “cái thấy”.
Chú Giải.
Đại ý đoạn này nói : Từ nơi chân tâm, vì vô minh vọng động nên khởi ra có căn và cảnh (cái thấy và cái bị thấy). Vì các cảm giác : thấy, nghe, hay, biết cùng với các cảnh vật bị thấy, đều do vô minh vọng động hiện ra cả. Còn “chân tâm” vì không phải là vô minh, nên không thể gọi nó (chân tâm) là các cảm giác : thấy, nghe, hay, biết được.
Đây là giải lại cái nghĩa ở đoạn trước nói : Chân tâm sanh ra cái thấy v . v . (kiến kiến chi thời) cái thấy v . v . không phải là chân tâm (kiến phi thị kiến). Cái thấy nó còn xa cách chân tâm v . v .
Nên nhớ : Lỗi tại vô minh vọng động, chớ không phải lỗi tại cái thấy và cảnh bị thấy. Cũng như tại nhặm chớ không phải lỗi tại “cái thấy” của mắt và “bóng lòa”.