"Đại Chiến Thế Giới Z PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Chiến Thế Giới Z PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Nhận diện quyền lực Tác giả: Noam Chomsky Người dịch: Hoàng Văn Vân Hiệu đính: Đinh Hoàng Thắng Nhà xuất bản Tri thức | 05/2012 Số hóa: tudonald78 Ngày hoàn thành: 27/07/2020 Chúc các bạn đọc sách vui vẻ! LƯU Ý VỀ CHÚ THÍCH Chú giải xem tại www.understandingpower.com LỜI NHÀ XUẤT BẢN Bạn đọc đang cầm trên tay bản dịch cuốn Nhận diện quyền lực của Noam Chomsky. Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ với sự tham gia biên tập của hai nhà báo Peter R. Mitchell và John Schoeffel từ năm 2001. Qua ấn phẩm này, cái nhìn tổng quan về tư tưởng chính trị của Noam Chomsky thông qua hình thức hỏi-đáp, lần đầu tiên được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, nhờ công lao dịch thuật của GS. TS. Hoàng Văn Vân. Với kết cấu đặc biệt và hình thức độc đáo, cuốn sách soi sáng các giá trị dân chủ, lòng khoan dung, tính công khai minh bạch, quyền tự do và quyền con người qua lăng kính của Noam Chomsky, một nhà tư tưởng với tư duy tích hợp, một trí thức cánh tả hàng đầu của Mỹ trong hơn 30 năm qua. Theo Chomsky, ngoài chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước thất bại, tội phạm có tổ chức, dịch bệnh và vũ khí giết người hàng loạt, còn nhiều thách thức toàn cầu khác, từ các vấn nạn môi trường đến các mô hình phát triển, đòi hỏi các quốc gia trụ cột trong hệ thống quốc tế phải có ý thức trách nhiệm cao hơn trước cộng đồng quốc gia và cộng động nhân loại. Nhà xuất bản Tri thức chưa có điều kiện để giới thiệu các tác phẩm tinh hoa nổi bật của Noam Chomsky (ngoài cuốn Tham vọng bá quyền, 2006), vị giáo sư giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts suốt hơn nửa thế kỉ qua. Nhưng chỉ riêng với Nhận diện quyền lực, ông có thể được coi là nhà tư tưởng đứng riêng một góc trời, một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu chẩn đoán các căn bệnh thế kỉ của nước Mỹ và của thế giới. Đọc ông, chúng ta hiểu tại sao ông được vinh danh là nhà tư tưởng của thời đại. Ông được tờ Chiacago Tribune bình chọn là “tác giả được trích dẫn nhiều nhất hiện đang còn sống”; và tờ New York Times gọi ông là “nhà trí thức quan trọng nhất hiện đang còn sống”. Qua bản dịch này, chúng tôi mong muốn truyền tải tư tưởng của Chomsky một cách trung thực nhất, tôn trọng các quan điểm khác biệt của ông. Nhiều quan điểm, nhận định của tác giả đặc biệt là mục Giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam” (từ trang 141 đến 144) không trùng với quan điểm của Nhà xuất bản. Trong những cuốn sách nổi tiếng khác như The Chomsky Reader (Đọc Chomsky, 1987-1988), Profit over People (Kiếm lời trên đầu người dân, 2000), War against People (Cuộc chiến chống lại dân chúng, 2001), Hegemony or Survival: Americas Quest for Global Dominance (Bá quyền hay sống sót: Cuộc tìm kiếm bá quyền toàn cầu của nước Mỹ, 2003), Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy (Những nhà nước thất bại: Lạm dụng quyền lực và tấn công nền dân chủ, 2006), Interventions (Can thiệp, 2007), Gaza in Crises: Reflections on Israel’s War Against the Palestinians (Các cuộc khủng hoảng trên dải Gaza: suy nghĩ về cuộc chiến tranh của Israel chống Palestine, 2010).., Noam Chomsky đã phân tích sắc sảo cơ chế hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, của cái đảng Kinh doanh (bất luận đó là Dân chủ hay Cộng hòa) đang cầm trịch và chi phối cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của nước Mỹ và thế giới. Nhà xuất bản Tri thức hân hạnh giới thiệu cuốn sách rất có giá trị này tới độc giả! CHU HẢO Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức LỜI NGƯỜI DỊCH Với tư cách là người dịch sang tiếng Việt tác phẩm Nhận diện quyền lực của học giả lừng danh Chomsky, tôi xin có đôi lời. Bản gốc cuốn sách là tập hợp các buổi nói chuyện, thuyết trình, tọa đàm, và phỏng vấn về những vấn đề tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học đương thời giữa Giáo sư Chomsky với cử tọa của ông, bao gồm các học giả, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Tất cả đã được ghi âm, được các biên tập viên chép lại và hiệu đính, sau đó được chính học giả Chomsky đọc lại trước khi đưa đi in. Tuy nhiên, vẫn còn độ vênh nhất định giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, đôi khi gây khó khăn không nhỏ cho người dịch. Như có thể thấy, Nhận diện quyền lực chứa đựng một phạm vi rộng lớn những vấn đề tư tưởng, ý thức hệ, chính trị, kinh tế, xã hội, quyền lực, văn hóa, giáo dục, khoa học đương đại cả ở nước Mỹ và trên thế giới. Những vấn đề này mặc dù được Chomsky lí giải một cách súc tích, tường minh, nhưng thực sự không dễ nắm bắt. Để giải thích chúng, ông đã sử dụng một khối lượng kiến thức đồ sộ tự cổ chí kim, một hiểu biết sâu rộng về nhân tình thế thái, làm cho nhiều lí luận kinh viện trở nên hấp dẫn đối với độc giả, nhưng đồng thời ông cũng đã biến Nhận diện quyền lực thành ngôn bản cực kì khó khăn cho người dịch. Bất chấp những thách thức ấy, tôi thực sự thích thú công việc dịch thuật tác phẩm nổi tiếng này so với nhiều công trình khoa học khác mà tôi từng dịch, bởi tôi tin rằng cuốn sách đã trình bày cách giải thích rõ ràng nhất về một số quan niệm của Chomsky liên quan đến các vấn đề sống động của thế giới đương đại. Lòng đam mê dịch Nhận diện quyền lực sang tiếng Việt của tôi được cổ vũ và động viên thường xuyên của nhiều học giả, trong đó quan trọng nhất phải kể đến sự giúp đỡ về học thuật của chính Giáo sư Noam Chomsky. Tôi biết ơn vì ông đã giúp cho tôi có được sự hiểu biết sâu sắc để nhận diện quyền lực. Tôi đặc biệt khâm phục Giáo sư Chomsky dù ở độ tuổi ngoài 80, nhưng lúc nào ông cũng sẵn sàng giải thích, làm rõ lập tức những gì tôi muốn tham vấn qua email liên quan đến ý nghĩa của một số từ ngữ, cách diễn đạt, đặc biệt là các thuật ngữ ngôn ngữ học, triết học cổ điển chứa đựng trong tác phẩm của ông. Người thứ hai tôi muốn gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc là Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức. Tôi cảm ơn anh vì sự chân thành, cởi mở, dung dị qua những lần tiếp xúc đã động viên tôi hoàn thành bản dịch một cách tốt nhất có thể. Tôi tri ân anh vì đã tạo mọi điều kiện để Nhận diện quyền lực của Giáo sư Noam Chomsky, học giả mà tên tuổi và ảnh hưởng sánh ngang với những nhân vật kiệt xuất ở thế kỉ XX như Einstein, Picasso, Freud, được ra mắt bạn đọc. Người thứ ba tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành là TS. Đinh Hoàng Thắng. Tôi biết ơn anh vì sự thấu hiểu về “sự nhọc nhằn”, nhưng rất ít khi “hữu hình” (visibility) của người dịch, nói theo ngôn từ của học giả Lawrence Venuti (2008)*. Tôi cảm ơn vì anh đã dành công sức và thời gian giúp hiệu đính, làm cho bản dịch vừa “tương đương tự nhiên nhất” với nội dung của bản gốc, nói theo ngôn từ của hai lí thuyết gia dịch thuật Nida và Taber (1974:12)*, vừa đáp ứng được những yêu cầu của độc giả. Mặc dù được nhiều sự giúp đỡ trong quá trình dịch thuật, song sự sai sót là điều khó tránh khỏi. Cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm về những sai sót đó. Rất mong nhận được sự góp ý, phê bình xây dựng của quý độc giả. LỜI TỰA CỦA CÁC BIÊN TẬP VIÊN Cuốn sách này tập hợp lại công trình của một trong những nhà hoạt động chính trị tích cực nhất và nhà tư tưởng nổi tiếng nhất của thời đại chúng ta. Các cuộc thảo luận gồm chuỗi các chủ đề: từ những hoạt động của các phương tiện truyền thông hiện đại đến toàn cầu hóa, từ hệ thống giáo dục đến các cuộc khủng hoảng môi trường, từ các tổ hợp công nghiệp-quân sự đến các chiến lược của các nhà hoạt động chính trị và nhiều vấn đề khác. Tất cả được trình bày thành một tổng thể mang tính cách mạng để đánh giá thế giới, và để nhận diện quyền lực. Điểm khác biệt trong tư duy chính trị của Noam Chomsky không phải là cái nhìn sâu sắc mới lạ hay một ý tưởng bao quát đơn lẻ nào. Trên thực tế, lập trường chính trị của Chomsky có cội nguồn từ những khái niệm đã được hiểu rõ qua nhiều thế kỉ. Đóng góp vĩ đại của Chomsky là việc có được một tài sản đồ sộ những thông tin có thật và kĩ năng phi thường của ông trong việc vạch trần, từ trường hợp này đến trường hợp khác, những hoạt động và sự lừa dối của các thể chế đầy quyền lực trong thế giới ngày nay. Phương pháp của ông bao gồm việc giảng giải thông qua các ví dụ - không trùu tượng chút nào - như là các phương tiện giúp người đọc học được cách tư duy phê phán cho chính họ. Chương mở đầu giới thiệu hai chủ đề bao quát hầu như mọi phương diện của cuốn sách: sự tiến triển của trào lưu tiến bộ nhằm thay đổi thế giới, vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc chặn đứng trào lưu tích cực đó và trong việc hình thành nên phong cách tư duy của chúng ta. Cuốn sách đi theo một trật tự thời gian phỏng chừng, bắt đầu bằng bốn cuộc thảo luận diễn ra trong hai năm 1998-1999, buổi bình minh của kỉ nguyên hậu chiến tranh lạnh. Những chương đầu tiên đặt nền móng cho các phân tích sau này của Chomsky. Những chương còn lại khám phá các tiến triển gần đây (2001-2002) trong chính sách đối ngoại của Mỹ, kinh tế học thế giới, môi trường chính trị, xã hội trong nước, cũng như các chiến lược và những vấn đề còn tồn tại của các nhà hoạt động chính trị. Cuốn sách và những lời chú giải kèm theo đã đưa những suy luận của Chomsky đến gần độc giả ngày nay. Internet đã giúp chúng tôi có thể đưa các tư liệu rộng lớn vào những lời chú giải, chúng xuất hiện trong website của cuốn sách. Những lời chú giải trực tuyến rộng lớn này vượt ra khỏi sự trích dẫn thuần túy các nguồn tư liệu gốc: chúng bao gồm việc bình luận về văn bản, những trích đoạn từ các văn kiện của chính phủ, những đoạn trích dẫn quan trọng từ các bài viết trên báo chí và trong giới học thuật, và những thông tin quan trọng khác. Mục đích của chúng tôi là tạo thêm nhiều chứng cứ có thể tiếp cận được để ủng hộ cho các nhận định có căn cứ của Chomsky. Những lời chú giải này bổ sung độ sâu về kiến thức cho những người quan tâm đến chủ đề được đưa ra. Những lời chú giải hoàn chỉnh - dài hơn cả tác phẩm - có thể tải về từ địa chỉ website của cuốn sách: www.understandingpower.com (chúng cũng có thể được tiếp cận thông qua website: www.thenewpress.com). Thông tin về việc mua bản in của phần chú giải được đóng thành sách có sẵn trên website, hoặc bằng cách viết thư cho chúng tôi qua nhà xuất bản. Cuốn sách được hình thành dưới dạng chép lại hàng chục cuốn băng ghi các buổi hỏi và đáp. Chúng tôi biên tập lại để cho dễ đọc hơn, sau đó sắp xếp và bỏ đi những chỗ trùng lặp và trình bày phần phân tích các ý tưởng, các chủ đề theo trình tự mạch lạc. Mục đích của chúng tôi là đưa ra một cái nhìn tổng quan về tư tưởng chính trị của Chomsky, kết hợp giữa sự nghiêm túc và sự chứng minh được bằng tư liệu trong những cuốn sách chứa đựng kiến thức uyên bác của ông với khả năng có thể tiếp cận được thông qua hình thức phỏng vấn. Chúng tôi luôn trung thành với ngôn ngữ và cách trả lời đặc trưng của Chomsky, và ông cũng đã xem lại các văn bản này. Tuy nhiên, vì những lí do về văn phong và cấu trúc cho nên thực hiện những tu chỉnh là việc làm cần thiết. Hầu hết các tư liệu đều được lấy từ các cuộc thảo luận dưới hình thức trao đổi ý kiến với nhóm các nhà hoạt động, hoặc từ những phần đặt câu hỏi sau các phần thuyết trình trước công chúng, được tổ chức trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1999. Một số câu trả lời trong các Chương 6, 7, 8, và 9 được lấy từ những cuộc đối thoại giữa Chomsky với Micheal Albert. Những người hỏi được đặt tên là “Nam” hoặc “Nữ”, bởi vì thông thường thủ thuật này có lợi khi cùng một người hỏi đang theo đuổi một luồng chất vấn, hay khi một người nào khác đã thay thế họ. Chúng tôi đã kiểm chứng các nguồn trích dẫn trong các lời chú giải, trừ những tư liệu bằng ngoại ngữ. Hầu hết những nguồn trích dẫn này được Chomsky dựa vào khi ông đưa ra những nhận xét trong văn bản. Sự giúp đỡ của Emily Mitchell trong việc truy cập hàng tập các tư liệu này trong những tháng cuối cùng của công trình là rất có giá trị. Chúng tôi hướng độc giả vào phần chú giải 67 của Chương 1 để thảo luận về một sự hiểu nhầm phổ biến liên quan đến lời chú giải: rằng sự trích dẫn thường xuyên cho các bài báo từ các phương tiện truyền thông chính luồng mâu thuẫn với “Mô hình Tuyên truyền” của các phương tiện truyền thông mà Chomsky sơ thảo ở Chương 1. Chúng tôi muốn cảm ơn cha mẹ mình - Emily và George Mitchell, Ron và Jone Schoeffel - sự ủng hộ của họ đã giúp cho cuốn sách trở thành hiện thực. LƯU Ý VỀ SỰ KIỆN NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2001 Khi cuốn sách này chuẩn bị đuợc đưa đi in thì những chiếc máy bay bị bắt cóc đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, cướp đi hàng nghìn sinh mạng và ngầm châm ngòi cho hàng loạt ảnh hưởng trong xã hội Mỹ và thế giới. Các phương tiện truyền thông Mỹ đã dành một thời lượng khổng lồ để đưa tin về các cuộc tấn công và hậu quả của chúng. Nhưng đại đa số các phương tiện truyền thông đều bỏ sót phần thảo luận bối cảnh chính xác, quan trọng trong đó các cuộc tấn công đã diễn ra. Khi Tổng thống Bush và các quan chức Mỹ tuyên bố rằng: “Nước Mỹ là mục tiêu để tấn công bởi vì chúng ta là ngọn hải đăng sáng nhất cho tự do và cơ hội trên thế giới”, thì các phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ hầu như đều lặp lại điệp khúc này. Một bài xã luận trên tờ New York Times khẳng định rằng, những kẻ gây tội ác đã hành động do “căm ghét những giá trị được tôn thờ ở phương Tây như tự do, khoan dung, thịnh vượng, đa tín ngưỡng và quyền phổ thông đầu phiếu.”1 Sự thiếu sót rõ ràng trong việc đưa tin của các phương tiện truyền thông Mỹ là cách mô tả đầy đủ và hiện thực về chính sách đối ngoại của Mỹ và những tác động của nó trên toàn thế giới. Rất khó tìm thấy bất kì điều gì trừ việc đề cập qua loa vụ tàn sát những công dân Iraq trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh, việc hủy hoại dân chúng Iraq của những chính sách cấm vận do Mỹ kích động trong suốt thập kỉ qua, vai trò quan trọng của Mỹ trong việc ủng hộ Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine trong 35 năm qua, sự ủng hộ của Mỹ đối với các chế độ độc tài tàn bạo ở Trung Đông đàn áp dân chúng, v.v. Sự thiếu sót nữa là không có bất kì gợi ý nào chỉ ra rằng chính sách đối ngoại của Mỹ về cơ bản phải thay đổi. Cuốn sách này được biên soạn trước khi sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra. Nhưng những câu trả lời cho nhiều trong số các câu hỏi quan trọng nhất được thể hiện bằng những cuộc tấn công đó sẽ được tìm thấy ở đây. Tại sao các phương tiện truyền thông lại cung cấp một bức tranh hạn chế, thiếu phê phán và sự phân tích thiếu chính xác như vậy? Cơ sở chính sách đối ngoại của Mỹ là gì và tại sao nó lại gây ra sự căm ghét nước Mỹ phổ biến đến như vậy? Những công dân bình thường có thể làm gì để thay đổi tình hình này? Như Chomsky đã lưu ý ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra: “Người dân ở những nước tiên tiến giờ đây phải đối mặt với một sự lựa chọn: chúng ta có thể bày tỏ sự sợ hãi được biện minh, hoặc chúng ta có thể tìm kiếm để hiểu xem điều gì có thể dẫn đến tội ác. Nếu chúng ta từ chối thực hiện việc này, thì chúng ta sẽ góp phần vào khả năng là có nhiều điều tồi tệ hơn còn ở phía trước”. Từ vị trí hiện tại thuận lợi nhưng khủng khiếp của chúng ta, các cuộc thảo luận được thu thập trong cuốn sách này dường như cấp bách hơn bất kì lúc nào. Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ cung cấp một xuất phát điểm cho sự hiểu biết, và sẽ góp phần vào những cuộc tranh luận quan trọng - và những sự thay đổi - mà giờ đây phải xảy ra. CHƯƠNG 1 HỘI THẢO CUỐI TUẦN: PHIÊN KHAI MẠC Dựa chủ yếu vào những cuộc thảo luận ở Rowe, Massachusetts trong hai ngày 15-16 tháng 4 năm 1989 NHỮNG THÀNH TỰU CỦA PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG TRONG NƯỚC N Ữ: Thưa Giáo sư Chomsky, tôi cho rằng, lí do tất cả chúng ta đến đây để dành ngày cuối tuần nói chuyện với Giáo sư là để tìm hiểu một trong số các quan điểm của ông về cục diện thế giới, và chúng ta có thể làm gì để thay đôi nó. Tôi muốn biết, Giáo sư có cho rằng các trào lưu tích cực đã mang lại nhiều sự thay đổi ở nước Mỹ trong một vài thập niên qua không? Ồ chắc chắn rồi, những thay đổi to lớn thực sự. Tôi không cho rằng cấu trúc của các thể chế đã bị thay đổi, nhưng các bạn có thể nhìn thấy những thay đổi thực sự về văn hóa, và trong nhiều phương diện khác nữa. Ví dụ, so sánh chính quyền của hai tổng thống vào những năm 1960 và 1980, chính quyền Kennedy và chính quyền Reagan. Trong một ý nghĩa nào đó, hai chính quyền này có nhiều điểm giống nhau, đối lập với điều mà mọi người nhận định. Cả hai chính quyền đều nhậm chức trong bối cảnh các chính quyền tiền nhiệm bị tố cáo là gian lận, nhu nhược, yếu kém, và để cho người Nga vượt trước chúng ta - đã từng có sự gian lận về “khoảng trống tên lửa” trong trường hợp của Tổng thống Kennedy, đã có sự gian lận về “cửa sổ dễ bị tổn thương” trong trường hợp của Tổng thống Reagan. Cả hai chính quyền đều được đặc trưng hóa bằng sự leo thang nguy hiểm trong cuộc chạy đua vũ trang, điều này có nghĩa là nhiều bạo lực trên thế giới hơn và những khoản bao cấp lấy từ những người đóng thuế ngày càng đổ vào ngành công nghiệp tiên tiến ở trong nước thông qua chi phí quân sự. Cả hai chính quyền đều hiếu chiến quá khích, cả hai đều cố gắng khơi dậy nỗi hoảng sợ trong lòng công chúng thông qua nhiều kích động quân phiệt và chủ nghĩa sô- vanh nước lớn. Cả hai chính quyền đều phát động các chính sách đối ngoại cực kì gây gổ. Kennedy về căn bản gia tăng mức độ bạo lực ở châu Mỹ Latin. Dưới thời Reagan, trên thực tế, tai họa đàn áp đã lên đến đỉnh điểm vào những năm 1980, chủ yếu là kết quả từ những sáng kiến của chính ông ta.2 Tất nhiên, chính quyền Kennedy khác ở chỗ, ít nhất là về ngôn từ, và ở một mức độ nào đó trên thực tế, nó quan tâm đến các chương trình cải cách xã hội trong nước, trong khi chính quyền Reagan lại cam kết theo chiều ngược lại, xóa bỏ những gì thuộc về hệ thống phúc lợi xã hội. Nhưng chính điều này có lẽ đã phản ánh sự khác biệt về các vấn đề quốc tế trong hai giai đoạn nhiều hơn bất kì điều nào khác. Trong những năm đầu của thập niên 1960, nước Mỹ là một cường quốc chi phối thế giới, có nhiều cơ hội để kết hợp bạo lực và cam kết chi phí quân sự ở nước ngoài với cải cách ở trong nước. Vào những năm 1980, cơ hội đó đã không còn nữa: nước Mỹ không còn mạnh như vậy và không còn giàu như vậy trong mối quan hệ với các đối thủ công nghiệp của nó. Trong ý nghĩa tuyệt đối, nước Mỹ vẫn giàu có và hùng mạnh, nhưng xét một cách tương đối, nước Mỹ không còn như thế nữa. Và có một sự nhất trí chung trong tầng lớp chóp bu, không phải chỉ có Reagan, rằng các bạn phải hi sinh nhà nước phúc lợi để duy trì khả năng sinh lời và tính cạnh tranh của tư bản Mỹ. Nhưng ngoài sự khác biệt đó ra, cả hai chính quyền đều rất giống nhau. Mặt khác, hai chính quyền đã không thể làm những việc giống nhau. Ví dụ, Kennedy có thể xâm lược Cuba và phát động các chiến dịch chống khủng bố quốc tế khi có thế lực chống lại họ - mà điều này đã diễn ra trong nhiều năm, và có lẽ vẫn còn đang tiếp diễn.3 Ông ta đã có thể xâm lược miền Nam Việt Nam, và ông ta đã làm tất cả: Kennedy điều lực lượng không quân Mỹ đến ném bom và thả bom napan xuống miền Nam Việt Nam, làm trụi lá cây ở quốc gia này, và ông ta gửi quân đến để đàn áp phong trào độc lập ở đó.4 Và Việt Nam là một khu vực thuộc mối quan tâm nhỏ của nước Mỹ, nó nằm ở đầu kia của thế giới. Chính quyền Reagan cũng cố gắng làm những việc tương tự ở những khu vực gần nước Mỹ hơn: tại Trung Mỹ, nhưng rồi không thể làm được. Ngay sau khi Reagan bắt đầu hướng tới việc can thiệp trực tiếp vào Trung Mỹ trong những tháng đầu của năm 1981, ông ta đã phải rút lui và phải chuyển sang các hoạt động lén lút - bán vũ khí bí mật, ngầm tài trợ thông qua các nước tay sai, tổ chức huấn luyện các lực lượng khủng bố như lực lượng Contra ở Nicaragua, v.v.5 Đó là sự khác biệt rõ nét, một sự khác biệt gây ấn tượng sâu sắc. Tôi cho rằng sự khác biệt đó là một trong những thành tựu của các trào lưu tiến bộ và phong trào phản kháng suốt 25 năm qua. Trên thực tế, chính quyền Reagan buộc phải mở ra một cơ quan tuyên truyền khổng lồ, Văn phòng Ngoại giao Công chúng (Office of Public Diplomacy). Đó không phải là văn phòng đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nó là văn phòng thứ hai, văn phòng thứ nhất được thành lập dưới thời của chính quyền Wilson vào năm 1917. Nhưng văn phòng thứ hai này to hơn rất nhiều, rộng lớn hơn rất nhiều, và đó là một cố gắng quan trọng nhằm gây những tác động đến công chúng.6 Chính quyền Kennedy không bao giờ phải làm như vậy, bởi vì họ có thể tin rằng công chúng ủng hộ bất kì hình thức bạo lực và xâm lược nào mà họ quyết định tiến hành. Đó là một sự thay đổi lớn, và nó đã có hiệu quả. Không có máy bay B-52 ở Trung Mỹ vào những năm 1980. Nhưng mọi chuyện cũng đã đủ tồi, hàng trăm nghìn người đã bị tàn sát - nhưng nếu giả sử chúng ta điều máy bay B-52 và thế hệ máy bay Airborne 82 đến, thì tình hình còn bê bối hơn nhiều. Và đó chính là sự phản ánh nghiêm túc sự xuất hiện phong trào phản kháng trong nước và các trào lưu tiến bộ ở Mỹ trong hơn 25 năm qua. Chính quyền Reagan buộc phải sử dụng các thủ đoạn lén lút hơn là xâm lược trực tiếp theo kiểu mà Kennedy có thể sử dụng ở Việt Nam, phần lớn là để làm yên lòng dân chúng trong nước. Ngay sau khi Reagan tỏ dấu hiệu chuyển sang can thiệp quân sự trực tiếp vào Trung Mỹ, thì xuất hiện ngay một cơn chấn động rung chuyển trong cả nước, từ hàng loạt những lá thư phản đối đến các cuộc biểu tình và sự tham gia của các nhóm nhà thờ; người dân bắt đầu nhất loạt phản ứng dữ dội từ khắp mọi nơi. Và ngay lập tức nhà cầm quyền phải chùn tay. Đồng thời, ngân sách quân sự của chính quyền Reagan cũng đã bị chững lại vào năm 1985. Thật ra, ngân sách này đã được gia tăng khá nhiều theo chủ trương từ những dự toán trước đó của chính quyền Carter, nhưng về sau nó bị chững lại ở mức mà nếu Tổng thống Carter còn tại nhiệm thì sự cắt giảm vẫn diễn ra.7 Tại sao vậy? Một phần là vì những vấn đề tài chính xuất hiện sau bốn năm chi phí thâm hụt thê thảm của chính quyền Reagan, nhưng phần quan trọng khác là vì có nhiều phong trào phản kháng rộng lớn ở trong nước. Và cho đến nay, những phong trào phản kháng này là một xu thế thực sự không thể trấn áp được. Thật ra, những phong trào này không có trung tâm và không có lãnh đạo, không có cơ cấu tổ chức, và đây là điều làm cho chúng vừa có những thế mạnh nhưng lại vừa có những điểm yếu. Điểm yếu là người ta có cảm giác chúng đơn độc - bởi vì các bạn không nhìn thấy sự việc xảy ra ở ngoài phố. Duy trì ảo tưởng không có hoạt động rầm rộ nào đang diễn ra là việc làm có thể, bởi vì chẳng có gì xuất hiện một cách đột ngột cả, giống như khi có các cuộc biểu tình lớn; thỉnh thoảng có biểu tình, nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra. Và có rất ít giao tiếp giữa người với người, vì vậy tất cả các kiểu tụ tập đều có thể xảy ra song hành với nhau, nhưng phong trào lại không tự nuôi dưỡng được và phát triển mạnh lên từ đó. Đấy là tất cả những điểm yếu. Mặt khác, điểm mạnh là, phong trào rất khó bị đè bẹp, bởi vì không có gì để trấn áp cả: nếu một bộ phận bị loại trừ, thì bộ phận khác lại xuất hiện thay chỗ cho nó. Vì vậy, nhìn lại một khoảng thời gian dài, tôi không cho rằng các phong trào trở nên thụ động hơn, tạm lắng xuống, hay bị thu phục v.v. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra. Tuy nhiên, thực sự mà nói, phong trào không hẳn mạnh lên hay yếu đi, nó chỉ diễn ra sự khác biệt. Và các bạn có thể nhìn thấy phong trào trong tất cả các biểu hiện khác nhau. Ý tôi muốn nói, sự chống đối của công chúng đối với các chính sách của chính quyền Reagan vẫn tiếp tục dâng cao - nó đã luôn là cao trào và kéo dài trong suốt những năm 1980.8 Hay hãy lấy phương tiện truyền thông làm ví dụ: đã có những thay đổi nhỏ, đã có sự công khai nhiều hơn. Ngày nay, những người phản kháng có thể tiếp cận với các phương tiện truyền thông dễ dàng hơn 20 năm về trước. Không phải là dễ hơn 0,2% thay vì 0,1 %, nhưng nó khác biệt. Và trên thực tế, hiện nay thậm chí có cả những người ở bên trong các thể chế trưởng thành từ nền văn hóa và từ những trải nghiệm của những năm 1960, đã tìm cách thâm nhập vào các phương tiện truyền thông, các trường đại học, các công ti xuất bản, và ở một mức độ nào đấy, vào cả hệ thống chính trị. Điều đó cũng có tác động. Hãy lấy một vấn đề gì đó như chính sách về quyền con người của chính quyền Carter làm ví dụ. Những chính sách này thực sự không phải có nguồn gốc từ chính quyền Carter, chúng có nguồn gốc từ Quốc hội Mỹ. Chúng là những chương trình về quyền con người của Quốc hội Mỹ mà chính quyền Carter buộc phải thích ứng ở một mức độ hạn chế nào đó. Và chúng được duy trì trong suốt những năm 1980. Chính quyền Reagan cũng buộc phải thích ứng với chúng đôi chút. Và chúng đã có tác động. Chúng được sử dụng một cách giả nhân giả nghĩa và bất cần đạo lí, chúng ta biết tất cả các chương trình ấy, tuy nhiên, đã có khá nhiều sinh mạng được cứu vớt nhờ chiêu bài đó. Những chương trình ấy có nguồn gốc từ đâu? Từ nơi mà chúng xuất phát, nếu các bạn truy nguyên nó, là những chàng trai trẻ từ những năm 1960, những người sau này trở thành trợ lí cho các nghị sĩ Mỹ và buộc phải soạn thảo bộ luật của Quốc hội - sử dụng những áp lực phổ biến từ đây, kia, và từ nơi khác để giúp các văn bản lập pháp được thông qua. Những đề xuất của họ tìm đường đi qua một vài văn phòng của Quốc hội, và cuối cùng trở thành các bộ luật của Quốc hội.9 Các tổ chức mới về quyền con người được ra đời trong cùng thời gian, giống như tổ chức Human Right Watch (Quan sát Quyền con người). Và thế là từ đó, ít nhất đã xuất hiện một sự cam kết bằng ngôn từ hoa mĩ đặt những vấn đề quyền con người lên hàng đầu trong các mối quan tâm của chính sách đối ngoại. Và điều đó không phải không có hiệu ứng. Nó bất chấp đạo lí, không còn nghi ngờ gì cả - các bạn có thể chỉ ra. Nhưng nó vẫn có tác động. MẠNG LƯỚI CÁC QUỐC GIA KHỦNG BỐ ĐÁNH THUÊ CHO MỸ N Ữ: Giáo sư nói ra điều đó làm tôi tò mò, bởi vì chắc chắn tôi không có ấn tượng ấy. Vấn đề về quyền con người duy nhất mà chính quyền Reagan dường như đã không quan tâm là vấn đề quyền con người của người Nga gốc Do Thái - ý tôi muốn nói, họ tiếp tục tài trợ cho hoạt động khủng bố ở Guatemala. Nhưng chị nên để ý xem họ làm điều đó như thế nào: họ phải lẻn vào cửa sau. Trên thực tế, chính quyền Carter đã tài trợ nhiều hơn cho Guatemala so với chính quyền Reagan, mặc dù chúng ta không biết rõ điều này. Các bạn biết đấy, chính quyền Carter đã bị Quốc hội buộc phải ngừng viện trợ quân sự cho Guatemala vào năm 1977, và về mặt chính thức thì họ ngừng – nhưng nếu các bạn nghiên cứu hồ sơ của Nhà Trắng, thì việc tài trợ vẫn tiếp tục cho đến khoảng năm 1980 hoặc 1981 ở mức bình thường, dưới những hình thức gian trá khác nhau: các bạn biết đấy, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Kiểu làm ăn này lộ ra như vậy đấy. Điều này chưa bao giờ được đề cập trên báo chí, nhưng nếu các bạn nhìn vào hồ sơ, thì các bạn sẽ thấy việc tài trợ vẫn tiếp tục diễn ra cho đến tận lúc đó.10 Chính quyền Reagan phải ngừng mọi viện trợ - và trên thực tế những gi họ làm là chuyển sang các quốc gia đánh thuê. Một trong những đặc điểm lí thú nhất của những năm 1980 là, ở một mức độ lớn nước Mỹ đã phải tiến hành các cuộc can thiệp ở nước ngoài thông qua các quốc gia đánh thuê. Có cả một mạng lưới các quốc gia đánh thuê cho Mỹ. Israel là quốc gia chính, nhưng còn cả Đài Loan, Nam Phi, Triều Tiên, và các quốc gia tham gia vào Hiệp hội Thế giới chống Cộng sản (World Anti¬Communist League) và các nhóm quân sự khác nhau hợp nhất vùng lầy bán cầu, Arập Xêút để tài trợ cho mạng lưới, Panama - Noriega ở ngay trung tâm của hiệp hội. Chúng ta có được cái nhìn khái quát về những sự việc như phiền tòa Oliver North và các cuộc điều trần chống Iran (vụ Oliver North được xét xử vào năm 1989 về trách nhiệm của ông ta trong vụ “Contra-Iran”, âm mưu tài trợ phi pháp của chính phủ Mỹ cho các du kích quân “Contra” Nicaragua trong cuộc chiến chống lại chính phủ cánh tả Nicaragua bằng cách ngầm bán vũ khí cho Iran) - họ là những mạng lưới khủng bố quốc tế của các quốc gia đánh thuê. Đây là một hiện tượng mới trong lịch sử thế giới, một phương pháp nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Các quốc gia khác thuê bọn khủng bố, chúng ta lại đi thuê các quốc gia khủng bố, trong khi chúng ta là một quốc gia lớn và hùng cường. Thực ra, có một vấn đề có ý nghĩa xuất hiện trong vụ án Oliver North, trước sự ngạc nhiên của tôi - trước đó, tôi không nghĩ có bất kì điều gì sẽ xảy ra. Một vấn đề lí thú đã được đưa vào hồ sơ, một văn bản nổi tiếng dày 42 trang mà họ nói đến; tôi không biết có ai trong số các bạn đã nhìn thấy văn bản đó hay chưa.11 Các bạn biết đấy, chính phủ thường không cho phép các văn kiện bí mật xuất hiện, nhưng họ lại cho phép bản tóm tắt của nó xuất hiện, mà vị thẩm phán đã trình bày trước bồi thẩm đoàn rằng: “Các bạn có thể xem bản tóm tắt này là chứng cứ, chúng tôi không chất vấn bản tóm tắt này nhiều hơn nữa, bởi vì nó do chính phủ trưng ra”. Điều này không có nghĩa là nó không phải là một loại thông tin đánh lạc hướng, một cách ngẫu nhiên; điều này có nghĩa là chứng cứ mà chính phủ sẵn sàng chỉ ra rằng đó là sự thật, nhưng nó có là sự thật hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng văn kiện dài 42 trang này là một kiểu văn kiện lí thú. Nó vạch ra một mạng lưới khủng bố quốc tế đồ sộ do nước Mỹ điều hành. Nó liệt kê các nước tham gia, các phương pháp chúng ta thu hút họ vào cuộc. Trong trường hợp này, toàn bộ văn bản tập trung vào một sự việc, cuộc chiến ở Nicaragua. Nhưng có nhiều hoạt động khác diễn ra, và nếu các bạn mở rộng danh sách ra để xem xét, chẳng hạn như Angola, Afghanistan, và các quốc gia khác, các bạn có thể đi sâu vào nhiều chi tiết hơn. Một trong những người chơi chính là Israel: họ đã giúp nước Mỹ thâm nhập vào châu Phi, và họ đã giúp nước Mỹ ủng hộ nạn diệt chủng ở Guatemala; khi nước Mỹ không thể dính líu với các chế độ độc tài quân sự của vùng ốc nón phía nam ở Nam Mỹ thì Israel đã giúp chúng ta.12 Có một quốc gia đánh thuê như vậy trong tay với trình độ cao về công nghệ và tiên tiến về quân sự là điều cực kì có giá trị. Nhưng vấn đề ở đây là, nhu cầu phát triển một mạng lưới khủng bố quốc tế bao gồm các quốc gia đánh thuê là gì? Đó là chính phủ Mỹ không thể can thiệp trực tiếp bất cứ lúc nào nó muốn được nữa, vì vậy nó phải thực hiện theo những phương pháp hoàn toàn không có hiệu quả. Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson đã làm có hiệu quả hơn rất nhiều - chỉ việc gửi binh chủng lính thủy đánh bộ đến. Nó là một cỗ máy giết người có hiệu quả, nó sẽ không bị phơi bày và không bị thọc gậy bánh xe, các bạn không phải thực hiện nó một cách lén lút. Vì vậy, chị nói đúng: chính quyền Reagan rõ ràng đã ủng hộ Guatemala - nhưng ủng hộ nó một cách gián tiếp. Họ phải phái cố vấn của Israel đến đó, cả những nhân viên mật vụ chống nổi dậy ở Đài Loan, v.v. Hãy lấy thêm một ví dụ về điều này, Giám đốc Cơ quan Tình báo của F.D.N., lực lượng Contra chủ yếu ở Nicaragua, đã đào ngũ khoảng 6 tháng trước, người này có tên là Horacio Arce; ông ta là một kẻ đào ngũ quan trọng nhất. Tất nhiên, điều đó không bao giờ được thông báo ở nước Mỹ, nhưng ông ta lại được phỏng vấn rộng rãi ở Mexico.13 Và ông ta có nhiều thứ để nói, kể cả những chi tiết ông ta được huấn luyện riêng. Ông ta được đưa vào căn cứ không quân Eglin ở Florida một cách bất hợp pháp, và ông ta đã mô tả chi tiết cách huấn luyện ở đây và ở San Salvador, nơi mà ông ta được gửi đến sau đó để tập nhảy dù. Những người huấn luyện đến từ khắp mọi nơi: họ có những chuyên gia huấn luyện người Tây Ban Nha, nhiều chuyên gia huấn luyện người Israel, Puerto Rica, Cuba, Đài Loan, Dominica, những chuyên gia huấn luyện người Nhật riêng biệt dành cho các tân binh người Anh Điêng Misquito - họ có một mạng lưới điều hành hoạt động khổng lồ. Và tất cả đều lén lút, rõ ràng là bất hợp pháp. Và nó gây chết người, đúng. Ý tôi muốn nói, chỉ riêng ở Guatemala có thể hàng trăm nghìn người đã bị giết hại trong những năm 1980, và các phong trào quần chúng đã bị giảm xuống chỉ còn một phần mười.14 Nhưng cho dù là nó đã gây chết người, sự thể đáng ra còn tồi tệ hơn rất nhiều nếu như nó không bị hạn chế bởi các phong trào phản kháng ở khắp nước Mỹ trong 25 năm qua. Tôi cho rằng, đó là điểm quan trọng. Nếu các bạn muốn đánh giá thành tựu của các phong trào quần chúng, thì các bạn phải hỏi, sự việc có thể đã như thế nào nếu không có những phong trào phản kháng đó? Và sự việc sẽ giống như miền Nam Việt Nam trong những năm 1960 - khi vùng đất này bị kiệt quệ và có thể không bao giờ phục hồi được. Và hãy nhớ rằng, Trung Mỹ còn là mối lo quan trọng hơn nhiều đối với nước Mỹ: có một sự cam kết lịch sử rằng nước Mỹ phải kiểm soát được Trung Mỹ hơn so với Việt Nam, nó là sân sau của chúng ta, và giới kinh doanh Mỹ cần nó cũng giống như Nhật Bản cần Đông Á, một khu vực lao động rẻ để khai thác. Thế nhưng chính quyền Reagan đã không thể can thiệp được vào đó ở mức độ mà Kennedy đã từng can thiệp vào Việt Nam một khu vực thuộc mối quan tâm ngoài lề của nước Mỹ. Đây là một sự thay đổi lớn, và tôi cho rằng đó chủ yếu là nhờ phong trào phản kháng mạnh ở trong nước. Cuối cùng, các cuộc điều trần Contra-Iran nói lên điều gì? Điều mà các cuộc điều trần tố giác là trên thực tế chính phủ đã phải lùi một bước, đi vào hoạt động lén lút. Vâng, tại sao chính phủ lại phải rút vào hoạt động lén lút, tại sao chính phủ không xuất hiện công khai và làm mọi thứ một cách đàng hoàng? Họ không thể. Họ không thể bởi vì họ sợ dân chúng của họ. Và đó là điều quan trọng, các bạn biết đấy. Rất hiếm khi một chính phủ lại phải rút vào bí mật để tiến hành các hoạt động khủng bố. Đây là một tình huống không bình thường. Thậm chí, tôi không nghĩ rằng từng có một tiền lệ lịch sử nào như vậy. LẬT ĐỔ CHÍNH PHỦ CỦA CÁC NƯỚC THẾ GIỚI THỨ BA NỮ: Cuộc đảo chính Allende ở Chile - không công khai (Tổng thống Chile, Salvador Allende, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (C.I.A.) dàn dựng vào năm 1973.). Cuộc đảo chính Allende là lén lút điều đó đúng - song đó là một vụ đảo chính nhanh gọn. Nhưng, các bạn nên lưu ý rằng nó được thực hiện theo một phong cách khác: phong cách cổ điển, nó giống như phía Iran của sự kiện Contra-Iran. Các bạn thấy đấy, đó là một thủ đoạn kinh điển, khi các bạn muốn lật đổ một chính phủ, các bạn hãy trang bị cho quân đội của chính phủ đó. Đó là cách làm chuẩn mực, vì những lí do rõ ràng. Các bạn muốn lật đổ một chính phủ, ai sẽ là người lật đổ chính phủ đó cho các bạn? Quân đội chứ còn ai nữa, họ là những người lật đổ các chính phủ. Trên thực tế, đó là lí do chủ yếu giải thích cho việc viện trợ quân sự và huấn luyện quân sự trên khắp thế giới, để giữ các mối liên hệ với những người của chúng ta ở nơi có tầm quan trọng, trong quân đội. Nếu các bạn đọc các vãn kiện bí mật, điều này thực ra hoàn toàn được khẳng định khá công khai. Ví dụ, hiện nay có một cuộc đàm thoại bị tiết lộ giữa Robert McNamara (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) với McGeorge Bundy (Trợ lí đặc biệt của Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia) từ năm 1965 về châu Mỹ Latin, trong đó họ thảo luận chi tiết về việc quân đội trong các xã hội Mỹ Latin đóng vai trò như thế nào để lật đổ các chính phủ dân sự nếu, theo cách đánh giá của giới quân sự, các chính phủ đó không theo đuổi “phúc lợi của quốc gia” mà hóa ra chính là phúc lợi của các công ti đa quốc gia của Mỹ.15 Vì vậy, nếu các bạn muốn lật đổ một chính phủ, các bạn hãy trang bị cho quân đội của chính phủ đó, và tất nhiên, các bạn phải làm cho chính phủ dân sự ở đó hoạt động khó khăn. Và đó là điều đã được thực hiện trong trường hợp của Chile: chúng ta trang bị cho quân đội, chúng ta cố gắng gây ra sự hỗn loạn về kinh kế, và sau đó quân đội tiếp quản.16 Đúng thế. Đó là một kiểu đảo chính kinh điển. Trên thực tế, đó hầu như chắc chắn là phần Iran của sự kiện Contra-Iran. Theo quan điểm của tôi (về giả thuyết cho rằng chiến dịch tranh cử của Reagan đã ngầm hứa trang bị vũ khí cho Iran nếu Iran trì hoãn việc phóng thích sớm các con tin Mỹ cho đến tận sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1980), những vụ chuyển vũ khí cho quân đội Iran không liên quan gì đến việc buôn bán vũ khí bí mật để thả các con tin người Mỹ (bị các nhóm thân Iran bắt cóc ở Li Băng vào đầu năm 1985), và chúng cũng không liên quan gì đến “Những bất ngờ tháng Mười”. Điều liên quan đến họ chính là kế sách trang bị quân sự để tiến hành đảo chính và lập lại trật tự từng tồn tại dưới thời Shah (Vua Ba tư). Có chứng cớ rõ ràng cho điều này; tôi có thể kể về điều đó nếu các bạn muốn.17 Những gì xảy ra ở Chile là một hoạt động kinh điển, công khai - nó chỉ lén lút ở một nghĩa nào đó, chứ không phải tất cả. Chẳng hạn, việc trang bị vũ khí cho quân đội Chile là hoàn toàn công khai: nó được ghi trong hồ sơ công khai, nó không bao giờ bí mật cả.18 Vấn đề chỉ là không một ai ở Mỹ đã từng mở ra xem, bởi vì các phương tiện truyền thông và giới trí thức quá tuân theo kỉ luật, còn dân thường lại không có thời gian để đọc hồ sơ của Lầu Năm Góc và tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra. Vì vậy, nó chỉ lén lút theo nghĩa là không ai biết về điều đó, còn mọi thông tin đều có sẵn trong hồ sơ công khai, không có gì khuất tất cả. Trên thực tế, những gì xảy ra ở Chile là một kiểu hoạt động bình thường của C.I.A., nó giống như việc lật đổ Sukarno ở Indonesia (trong cuộc đảo chính năm 1965 được Mỹ hậu thuẫn).19 Có một số chi tiết lén lút – và có những chi tiết vẫn chưa được tiết lộ - nhưng nó thực sự không phải là hành động vụng trộm. Và nó không có gì giống với các hoạt động ở Trung Mỹ vào những năm 1980, về cơ bản chúng chỉ khác nhau về phạm vi. Ý tôi muốn nói, đã từng có những hoạt động lén lút - nhưng tôi không muốn ám chỉ rằng đó là điều mới mẻ. Giống như việc lật đổ chính phủ Iran vào năm 1953 là lén lút.20 Việc lật đổ chính phủ Guatemala vào năm 1954 là lén lút - và nó được giữ bí mật trong suốt 20 năm.21 Chiến dịch MONGOOSE (Chiến dịch Con cầy Mangut), đã từng đoạt giải thưởng là chiến dịch khủng bố quốc tế hàng đầu duy nhất, được chính quyền Kennedy khởi xướng ngay sau chiến dịch ở Bay of Pigs (Vịnh Con Lợn), hoạt động đó là bí mật. NAM: Hoạt động nào là bí mật, thưa Giáo sư? Chiến dịch MONGOOSE. Ngay sau khi âm mưu của cuộc xâm lược “Vịnh Con Lợn” thất bại, Kennedy đã phát động một hoạt động khủng bố lớn chống Cuba (bắt đầu vào ngày 30 tháng 10 năm 1961). Đó là một chiến dịch khổng lồ - tôi cho rằng nó có ngân quỹ khoảng 50 triệu đô la Mỹ một năm (điều đó mọi người đều biết); nó có khoảng 2.500 người làm thuê, khoảng 500 trong số đó là người Mỹ, và có khoảng 2.000 con người mà họ gọi là “các tài sản cố định”, các bạn biết đấy, đó là những người Cuba lưu vong, v.v. Nó được khởi đầu từ Florida - và mọi điều là hoàn toàn phi pháp. Ý tôi muốn nói, chúng ta không thể nói về luật quốc tế, nhưng thậm chí với luật trong nước, thì nó cũng là phi pháp, bởi vì đây là hoạt động của C.I.A. trên lãnh thổ nước Mỹ, đó là phi pháp.22 Và đây là điều nghiêm trọng: nó bao gồm việc phá hủy các khách sạn, đánh chìm tàu đánh cá, phá hủy các kho quân sự, ném bom phá hủy các máy bay. Đây là hoạt động khủng bố rất nghiêm trọng. Một phần của hoạt động này được biết đến rất rõ là những âm mưu ám sát - có tám âm mưu ám sát Phidel Castro bị bại lộ.23 Rất nhiều vấn đề trong hàng loạt các hoạt động này bị lộ ra từ những cuộc điều trần do ủy ban Nhà thờ của Thượng viện Mỹ (Senate Church Committee) tiến hành năm 1975, và nhiều chi tiết khác cũng được tiết lộ thông qua một báo cáo điều tra nào đó. Hiện tại, chúng có thể vẫn đang diễn ra (chúng ta thường phát hiện ra những vụ việc này sau một vài năm), nhưng điều chắc chắn là chúng đã từng diễn ra trong suốt những năm 1970.24 Thực ra, hãy để tôi kể cho các bạn nghe về một chi tiết từng được tiết lộ cách đây khoảng một năm. Hóa ra chiến dịch MONGOOSE trong thực tế đã phá hủy toàn bộ thế giới. Tôi không biết bao nhiêu người trong số các bạn đã từng theo dõi tư liệu mới được tiết lộ về vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba (ván bài lật ngửa giữa Mỹ và Nga năm 1962 về những đầu đạn của Nga ở Cuba), nhưng nó rất thú vị. Đã có những cuộc gặp mặt với người Nga, rồi sau đó lại có một vài cuộc tiếp xúc với người Cuba, và nhiều tư liệu đã xuất hiện trong Bộ luật Tự do Thông tin. Và thế là một bức tranh rất khác về cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba đã xuất hiện. Vấn đề bị phát hiện là người Nga và người Cuba từng có các chương trình nghị sự khác nhau trong suốt cuộc khủng hoảng. Các bạn thấy đấy, quan điểm chính thống trước đây rằng người Cuba chỉ là tay sai của người Nga. Ồ, điều đó thật không đúng, chẳng có điều gì giống như thế là đúng cả - nó có thể nghe bùi tai, nhưng nó không bao giờ là sự thật. Trên thực tế, người Cuba có những mối quan tâm riêng của họ: họ lo lắng về sự xâm lược của người Mỹ. Và ngày nay, hóa ra là những mối quan tâm đó rất có lí - nước Mỹ đã lập các kế hoạch xâm lược Cuba vào tháng 10 năm 1962; mà cuộc khủng hoảng tên lửa cũng xảy ra vào tháng 10 năm 1962. Trên thực tế, hải quân và các đơn vị quân đội của Mỹ đã được triển khai để xâm lược Cuba trước khi cuộc khủng hoảng tên lửa bắt đầu; điều đó vừa mới được tiết lộ trong các tư liệu của Bộ luật Tự do Thông tin.25 Tất nhiên, nó thường bị phủ nhận, giống như trong cuốn sách của McGeorge Bundy về hệ thống quân sự, ông ta phủ nhận nó, nhưng đấy là sự thật, và giờ đây các tư liệu ở khắp nơi đều chứng minh điều đó.26 Chẳng thể nghi ngờ rằng người Cuba cũng đã biết về âm mưu của Mỹ, vì vậy có lẽ đó là điều tạo động lực cho họ. Mặt khác, người Nga lại lo lắng về khoảng trống tên lửa - mà trên thực tế có lợi cho người Mỹ, không phải có lợi cho người Nga như Kennedy khẳng định.27 Vì vậy, đã có một hành động đánh đổi nổi tiếng giữa Kennedy và Khrushchev, trong đó hai bên thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng. Và ngay sau đó, người Nga đã cố gắng kiểm soát các đầu đạn của họ ở Cuba, để tiến hành thỏa thuận họ vừa đạt được với Mỹ. Nhưng các bạn biết đấy, vào thời điểm đó, người Nga thực ra không kiểm soát được các đầu đạn, các đầu đạn nằm trong tay người Cuba - mà người Cuba lại không muốn từ bỏ chúng, bởi vì họ vẫn lo ngay ngáy một cách có lí rằng, sẽ có một cuộc xâm lược của Mỹ. Vì vậy, đã có một sự khác nhau giữa người Nga và người Cuba vào đầu tháng 10, thậm chí đã có một cuộc đối đầu thực sự giữa các lực lượng Nga và Cuba, những người đang chuẩn bị kiểm soát trên thực tế các đầu đạn hạt nhân. Đấy là một thời khắc căng thẳng, và các bạn không biết điều gì sẽ xảy ra. Sau đó, ngay ở giai đoạn giữa cuộc khủng hoảng này, các hoạt động của Chiến dịch MONGOOSE đã diễn ra. Vào một trong những thời điểm căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng đầu đạn, C.I.A. đã phá hủy một nhà máy ở Cuba, làm chết khoảng 400 người, theo thông tin từ phía Cuba. Thế đấy, rất may là người Cuba đã không phản ứng - nhưng nếu một điều tương tự lại xảy ra đối với chúng ta vào lúc đó, thì Kennedy chắc chắn đã hành động, và chúng ta đã hứng chịu một cuộc chiến tranh hạt nhân. Lúc đó, nó đã đến rất gần. Đúng, từng có một chiến dịch khủng bố có thể đã khởi đầu cho môt cuộc chiến tranh hạt nhân. Điều đó thậm chí không được thông báo ở nước Mỹ khi thông tin được tiết lộ khoảng một năm về trước, nó được xem là không quan trọng. Hai nơi duy nhất các bạn có thể tìm thấy nó: phần chú giải của một trong những tạp chí về vấn đề an ninh như tờ An ninh Quốc tế (International Security) - thực ra phần này nói về một chủ đề khác - và trong một cuốn sách khá thú vị được viết bởi một trong những chuyên gia tình báo hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Raymond Garthoff, một người có đầu óc nhạy cảm. Ông ta viết một cuốn sách có nhan đề Suy ngẫm về cuộc khủng hoảng đầu đạn ở Cuba (Reflections on the Cuban Missile Crisis), và đã đưa vào trong sách một số tư liệu này.28 Thực ra, những sự kiện khác rất đáng kinh ngạc về cuộc khủng hoảng cùng được tiết lộ. Chẳng hạn, hóa ra là Tư lệnh Không quân Mỹ lúc đó, tướng Thomas Power, không thông qua chính phủ - trên thực tế, thậm chí không thông tin cho chính phủ - mà đã nâng lệnh báo động an ninh quốc gia lên cấp “2” (vào ngày 24 tháng 10 năm 1962). Các bạn biết đấy, có một loạt các cấp độ báo động cho các lực lượng quân sự Mỹ: nó được gọi là “Điều kiện phòng thủ” 1, 2, 3, 4, 5. Các bạn thường xuyên ở cấp độ “5”; cấp không có gì xảy ra. Sau đó, tổng thống có thể ra lệnh, “Các bạn có thể chuyển lên cấp “3”, có nghĩa là, ra lệnh cho các máy bay ném bom chiến lược bay lên không trung, hay “chuyển lên cấp “2”, nghĩa là các bạn chuẩn bị bắn phá, sau đó các bạn ở cấp “1” và các bạn bóp cò. Vị tư lệnh này đã đơn phương nâng mức báo động! Bây giờ, khi các bạn nâng cấp báo động, mục đích là nhằm thông báo cho người Nga và những cường quốc khác về cái mà các bạn đang làm, bởi vì họ biết được điều gì đó đang xảy ra - họ có thể nhìn thấy điều gì các bạn đang làm, họ có thể nhìn thấy những máy bay ném bom chiến lược bay lên, và tàu chiến được triển khai: toàn bộ việc làm này đều hàm ý là để họ nhìn thấy. Vì vậy, một trong những tướng lĩnh chóp bu của Mỹ đã công khai nâng cấp độ báo động an ninh đến mức trước khi có chiến tranh hạt nhân ngay ở giữa cuộc khủng hoảng đầu đạn, nhưng lại không báo cáo cho Washington biết - thậm chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không biết điều đó. Nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga lại biết, bởi vì tình báo viên của ông ta đã phát hiện ra. Và vị tướng này, các bạn biết đấy, đã làm điều đó cốt chỉ để làm nhục người Nga. Thực tế là sự việc này mới chỉ được tiết lộ vào năm ngoái.29 NAM: Ở thời điểm đó, người Nga cũng đã nâng báo động lên cấp tiếp theo, thưa Giáo sư? Không phải, người Nga không phản ứng. Các bạn biết đấy, chúng ta đã có thể nhìn thấy nếu họ phản ứng, và Kennedy chắc chắn đã cho bấm nút tên lửa. Nhưng Khrushchev đã không phản ứng. Trên thực tế, trong suốt giai đoạn này người Nga rất thụ động, họ không bao giờ phản ứng nhiều – bởi vì họ sợ. Thực tế là, nước Mỹ đang có ưu thế hơn về lực lượng quân sự. Ý tôi muốn nói, giới quân sự Mỹ cho rằng thực sự không có vấn đề: họ muốn có một cuộc chiến tranh, bởi vì họ tính toán rằng họ sẽ loại được người Nga.30 NỮ: Nhưng có phải Giáo sư nói rằng nước Mỹ cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng đầu đạn ở Cuba không? Ồ, tôi không hoàn toàn nói như vậy. Có những sự kiện xảy ra trong tiến trình của cuộc khủng hoảng - các bạn tiếp cận với nó như thế nào lại là một vấn đề khác. Nó xảy ra khi người Nga triển khai đầu đạn ở Cuba, và nước Mỹ quan sát thấy rằng đầu đạn đang được chuyển vào và không muốn cho phép chúng ở đó. Nhưng tất nhiên, có hậu cảnh cho sự kiện này, cũng như thường có hậu cảnh cho mọi sự kiện khác, và một phần của hậu cảnh đó là nước Mỹ đang lập kế hoạch xâm lược Cuba vào lúc đó, và người Nga biết điều đó, người Cuba cũng biết điều đó. Chỉ có người Mỹ không biết điều đó - ý tôi muốn nói, người dân Mỹ không biết điều đó. Trên thực tế, thậm chí nhiều người trong chính phủ Mỹ cũng không biết điều đó; nó chỉ được cấp lãnh đạo chóp bu biết mà thôi. BÍ MẬT CỦA CHÍNH PHỦ T hực ra, có một điểm cần phải nói ở đây về bí mật của chính phủ: phần lớn bí mật của chính phủ chủ yếu không phải để phục vụ cho các lí do an ninh, nó chỉ nhằm ngăn chặn để không cho dân chúng biết điều gì đang diễn ra mà thôi. Ý tôi muốn nói, nhiều văn kiện bí mật nội bộ bị tiết lộ sau 30 năm hoặc hơn, và nếu các bạn nhìn lại toàn bộ tập hồ sơ dài về những văn kiện đó, thì hầu như không có văn kiện nào thể hiện bất kì mối liên hệ đến an ninh cả. Tôi không biết liệu Stephen Zunes (Giáo sư đang là cử tọa), người vừa mới viết một luận án về nhiều vấn đề trong mớ văn kiện đó có đồng ý hay không, nhưng cảm tưởng của tôi qua việc đọc hồ sơ bí mật về một phạm vi các lĩnh vực rộng lớn là các bạn hầu như không thể tìm thấy bất kì điều gì trong đó có liên quan đến an ninh. Mục đích chính của việc giữ bí mật chỉ nhằm để bảo đảm rằng dân chúng không được biết điều gì đang xảy ra. STEPHEN ZUNES: Tôi hoàn toàn đồng tình với Giáo sư. Hay quá, đó cũng là cảm tưởng của Giáo sư phải không? Và Giáo sư biết rằng, tôi làm việc ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Massachusetts Institute of Technology), vì vậy tôi thường nói chuyện với các nhà khoa học nghiên cứu về đầu đạn cho Lầu Năm Góc, v.v., các nhà khoa học này không thấy bất kì lí do gì phải giữ bí mật cả. Chẳng hạn như Stark Draper - người phụ trách phòng thí nghiệm tên lửa ở MIT, và là người đã phát minh ra lí thuyết chỉ dẫn quán tính (inertial guidance), v.v., đã tuyên bố công khai, và ông ấy cũng nói riêng với tôi, rằng ông ấy không thấy bất kì mục đích nào trong việc phân loại các cấp độ an ninh - mục đích duy nhất là để ngăn cản các nhà khoa học Mỹ được giao tiếp một cách đầy đủ. Trong chừng mực liên quan đến nghiệp vụ của ông ấy, các bạn có thể cầm một cuốn sách hướng dẫn về thiết kế các đầu đạn tiên tiến và chuyển giao nó cho Nga hoặc Trung Quốc, ông ấy không quan tâm. Trước hết, ông ấy nói rằng Nga hay Trung Quốc không thể làm gì với cuốn sách đó, bởi vì họ không có trình độ công nghệ và công nghiệp để làm bất kì điều gì. Và nếu họ thực sự có trình độ công nghệ ấy, thì họ đã phát minh ra nó rồi, vì vậy các bạn cũng không cung cấp cho họ điều gì mới mẻ. Tất cả những gì các bạn đang làm là gây khó khăn cho các nhà khoa học Mỹ trong vấn đề giao tiếp mà thôi. Đối với hồ sơ ngoại giao bí mật, khó có thể nghĩ về bất kì điều gì được tiết lộ mà lại là một bí mật thực sự có liên quan đến an ninh - chúng chỉ liên quan đến dân chúng nằm ngoài lề, đó là cái mà những bí mật của chính phủ nhắm tới. NỮ: Giáo sư có thể áp dụng cách nhìn đó vào vụ kiện Rosenberg trong những năm 1950 - họ được cho là đã gây nguy hiểm cho thế giới bằng cách bán những bí mật hạt nhân cho người Nga (Julius và Rosenberg bị chính phủ Mỹ hành quyết về tội phản quốc năm 1953.). Đúng - vụ hành quyết Rosenberg không liên quan gì đến an ninh quốc gia cả. Nó là một phần của việc cố gắng nhằm tiêu diệt các phong trào chính trị những năm 1930. Nếu các bạn muốn gây tổn thương cho dân chúng, thì các vụ án xử tội phản quốc là một cách làm cực đoan – nếu có gián điệp xung quanh chúng ta, thì chúng ta thực sự gặp phiền hà, và tốt hơn hết là chúng ta hãy nghe theo chính phủ và thôi không tư duy nữa. Chính phủ nào cũng cần phải đe dọa dân chúng của mình, và một cách để đe dọa là che đậy những hoạt động của nó trong tấm màn huyền bí. Quan điểm cho rằng một chính phủ phải được che đậy trong tấm màn huyền bí là quan điểm có nguồn gốc từ Herodotus (nhà sử học Hi Lạp cổ đại). Nếu các bạn đã đọc Herodotus, hẳn biết ông mô tả việc người Medes giành lại tự do của họ thông qua đấu tranh như thế nào, và sau đó họ bị mất tự do khi thể chế hoàng gia được sinh ra để tạo ra một tấm áo choàng huyền bí vây quanh quyền lực.31 Các bạn biết đấy, quan điểm này cho rằng, phía sau hoàng gia là một tầng lớp những cá nhân siêu việt và họ là những người mà nhân dân không phải bao giờ cũng hiểu được. Đó là phương cách chuẩn mực để che đậy và bảo vệ quyền lực: bạn phải làm cho lớp người này có vẻ huyền thoại và bí mật, đứng ở trên người thường - nếu không thì tại sao mọi người lại chấp nhận họ? Ôi, nhân dân sẵn sàng chấp nhận họ vì sợ rằng một số kẻ thù lớn nào đó sẽ tiêu diệt họ, và bởi vì họ sẽ nhượng lại quyền lực cho vua chúa, tổng thống hoặc một ai đó, chỉ để bảo vệ chính họ. Đó là cách mà các chính phủ hoạt động - đó là cách mà bất kì hệ thống quyền lực nào hoạt động - và hệ thống bí mật chính là một phần của nó. Khủng bố lén lút là một bộ mặt khác của nó - nếu công chúng không ủng hộ sự can thiệp trực tiếp và bạo lực trực tiếp, thì phải bằng mọi cách giữ bí mật để không cho họ biết. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, tôi cho rằng phạm vi hoạt động lén lút của nhà cầm quyền chính là thước đo chuẩn xác của phong trào phản kháng của dân chúng và của các trào lưu tiến bộ trong nước, - và không phải ngẫu nhiên, các hoạt động lén lút phát triển mạnh trong suốt thời kì Tổng thống Reagan cầm quyền. Điều này cho các bạn biết rằng đã diễn ra cái gì đó trong quá trình “trao quyền lực” cho quần chúng: nó là sự phản ánh quyền lực của người dân mà chính phủ buộc phải hoạt động bí mật. Đó là một thắng lợi, các bạn biết đấy. NỮ: Nó dường như không phải là thắng lợi lớn thưa Giáo sư. Ồ, điều đó phụ thuộc vào việc các bạn nhìn vào cái gì. Nếu các bạn nhìn vào 200.000 thi thể ở Trung Mỹ, thì nó dường như không phải là thắng lợi lớn. Nhưng nếu các bạn nhìn vào 10 triệu người vẫn còn đang sống, thì nó dường như rõ ràng là một thắng lợi. Nó phụ thuộc vào việc các bạn nhìn từ đâu. Các bạn không giành được cái mà các bạn muốn, nhưng các bạn có thể đã bị mất mát nhiều hơn. Hãy lấy trường hợp El Salvador trong những năm 1980 làm ví dụ. Mục đích các chính sách của Mỹ là quét sạch các tổ chức quần chúng và ủng hộ chế độ sở tại theo kiểu Mỹ Latin truyền thống, nghĩa là chế độ đó phải bảo đảm bầu không khí kinh doanh mà họ kì vọng. Vì vậy, các tờ báo độc lập bị tiêu diệt, lực lượng chính trị đối lập bị tàn sát, các cha cố và những người tổ chức lao động bị giết hại, v.v. và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng họ đã thắng. Ồ, thế nhưng hiện nay mọi thứ đã trở lại, mọi thứ trở lại nơi mà trước kia nó đã từng có mặt. Những con người mới xuất hiện, các tổ chức được hình thành trở lại. Tất nhiên, mọi thứ mới ở cấp độ thấp, bởi vì chúng đã bị phá hoại nặng nề, nhưng tất cả đang được phục hồi. Những mầm sống này không thể nảy nở nếu chúng ta đã điều máy bay B-52 và máy bay Airborne 82 đến đây. Vì vậy, có một kiểu liên hệ ngoài lề giữa sự tồn tại trong Thế giới thứ Ba với cường độ của phong trào phản kháng ở Mỹ. Hay hãy lấy trận bão ở Nicaragua (tháng 10 năm 1988) làm ví dụ. Ôi, cơn bão quả là có sức mạnh hủy diệt, trên thực tế đất nước ấy dường như khó có thể tồn tại. Nhưng khả năng tồn tại lại đến từ phong trào phản kháng ở Mỹ. Ý tôi muốn nói, có một lượng tiền cứu trợ lớn dành cho nạn nhân của trận bão đã được quyên góp - “Cuộc tìm kiếm Hòa bình” (tên của tổ chức thiện nguyện), trong đó hàng chục người tại Trung tâm Jesuit ở Hyattsville, Maryland, chính họ đã quyên góp được hàng triệu đô la trong hoạt động cứu trợ cho các nạn nhân của trận bão, không cần bất kì quỹ cứu trợ nào, không cần đến bất kì phương tiện truyền thông nào, không cần phải có bất kì cái gì đứng đằng sau. Quyên góp một vài triệu đô la mà không cần đến bất kì nguồn tài trợ nào là việc làm không dễ dàng - một lúc nào đó các bạn hãy thử mà xem. Nhưng điều đó đã thực hiện được bởi vì có một phần rất đông dân chúng Mỹ nằm ngoài hệ thống: họ không tin những điều chính phủ nói với họ, họ không tiếp thu bất kì điều gì từ chính quyền; họ có thể không có bất kì tổ chức hoặc phương tiện truyền thông nào hay bất kì cái gì giống như vậy nhưng họ vẫn tồn tại, và họ có thể tiếp cận được bằng thư từ nếu như không còn phương tiện nào khác. Và điều ấy có thể cung cấp một kiểu liên hệ ngoài lề cho sự tồn tại trong Thế giới thứ Ba. CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG: PHÂN TÍCH THỂ CHẾ N AM: Giáo sư nói rằng, các phương tiện truyền thông mới chỉ hơi hé mở cho những người phản kháng. Tôi muốn biết đã bao lâu rồi chính phủ Mỹ và những nhóm tư bản quyền lực khác trong nước trông mong vào sự tham gia của các phương tiện truyền thông quan trọng, khi họ dàn dựng các chủ đề và tường trình những vấn đề ít nhiều theo cách mà họ muốn? Ồ, các bạn biết đấy, tôi chưa nghiên cứu toàn bộ lịch sử, nhưng tôi đoán là từ khoảng năm 1775. NAM: Lâu thế ư? Nếu các bạn nhìn lại giai đoạn Chiến tranh Cách mạng, thì các bạn sẽ thấy rằng những lãnh tụ của cuộc Chiến tranh Cách mạng, những người như Thomas Jefferson (người được xem là nhân vật có tư tưởng tự do vĩ đại), nói rằng người ta phải bị trừng phạt nếu họ, theo ngôn từ của ông, là “những kẻ phản bội trong tư duy nhưng không phải trong hành động” - nghĩa là họ sẽ bị trừng phạt nếu họ nói ra những điều phản bội, hay thậm chí nếu họ nghĩ ra những điều phản bội. Và trong suốt cuộc Chiến tranh Cách mạng, đã có sự đàn áp dã man các quan điểm bất đồng chính kiến.32 Ôi, nó tiếp diễn từ đó. Ngày nay, các phương pháp đã khác - bây giờ không phải sự đe dọa bằng vũ lực mới đảm bảo được rằng các phương tiện truyền thông sẽ trình bày những sự kiện trong khuôn khổ phục vụ cho quyền lợi của các thể chế thống trị; các cơ chế ngày nay tinh vi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có một hệ thống các bộ lọc phức tạp trong các phường tiện truyền thông và trong các thể chế giáo dục, chúng bảo đảm rằng quan điểm bất đồng chính kiến sẽ bị nhổ sạch, hoặc bị đưa ra ngoài lề bằng cách này hay cách khác. Và trên thực tế, kết quả cuối cùng là hoàn toàn giống nhau: những gì được gọi là những quan điểm “thiên tả” hay “thiên hữu” trên các phương tiện truyền thông chỉ thể hiện một phạm vi của cuộc tranh luận có giới hạn, phản ánh một phạm vi các nhu cầu của quyền lực cá nhân - nhưng về cơ bản không có gì vượt ra ngoài những quan điểm “có thể chấp nhận được”. Vì vậy, trong thực tế, những gì các hệ thống truyền thông làm là tiếp nhận tập hợp các giả định thể hiện những quan điểm cơ bản của hệ thống tuyên truyền, cho dù về cuộc chiến tranh lạnh, về hệ thống kinh tế hay về “quyền lợi dân tộc”, rồi trình bày phạm vi của cuộc tranh luận bên trong khuôn khổ đó - vì vậy, cuộc tranh luận chỉ làm tăng thêm sức mạnh của những giả định, gieo chúng vào tâm trí người ta như thể đó là toàn bộ phạm vi các quan điểm khả nhiên. Vì vậy, các bạn có thể thấy, trong hệ thống của chúng ta, cái mà các bạn có thể gọi là “tuyên truyền nhà nước” không được thể hiện như nó thường được thể hiện trong xã hội chuyên chế - mà được giấu kín và được tiên định, nó cung cấp một khuôn khổ để tranh luận giữa những người được nhận vào cuộc thảo luận chính thống. Trên thực tế, bản chất của các hệ thống truyền giáo phương Tây về cơ bản không được các nhà độc tài hiểu, họ không hiểu lợi ích của các mục đích tuyên truyền để có “sự tranh luận có phê phán”, điều này hợp nhất những giả định cơ bản của các học thuyết chính thức, qua đó loại ra và trừ khử sự thảo luận chính thống, phê phán duy lí. Dưới cái mà đôi khi được gọi là “tẩy não trong sự tự do”, những người phê bình, hay ít nhất, những người phê bình “có trách nhiệm” đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp này bằng cách đóng khung cuộc tranh luận vào những giới hạn có thể chấp nhận được - đó là lí do tại sao họ được tha thứ và thậm chí trên thực tế còn được vinh danh. NAM: Nhưng những “bộ lọc” tạo ra tình huống này chính xác là gì - nó thực sự hoạt động như thế nào mà những quan điểm thách thức thực sự lại bị loại khỏi các phương tiện truyền thông, thưa Giáo sư? Ồ, để bắt đầu, rõ ràng có những tầng nấc và thành phần khác nhau trong các phương tiện truyền thông của Mỹ - ví dụ, trò chơi Người điều tra quốc gia (National Enquirer) mà các bạn mua ở siêu thị không giống với tờ Washington Post. Nhưng nếu các bạn muốn nói về cách trình bày tin tức và thông tin, thì cấu trúc cơ bản của nó là có những cái mà đôi khi được người ta gọi là phương tiện truyền thông “lập chương trình nghị sự”: có một số cơ quan truyền thông lớn thiết lập một khung làm việc cơ bản mà những đơn vị truyền thông nhỏ hơn phỏng theo ít nhiều. Các cơ quan truyền thông lớn có những nguồn tài nguyên cơ bản, và những cơ quan truyền thông nhỏ được đặt rải rác trong nước phải chấp nhận khung làm việc của các cơ quan truyền thông lớn và phải phỏng theo nó. Bởi vì, nếu những tờ báo ở Pittsburgh hoặc Salt Lake City muốn biết về Angola chẳng hạn, thì rất ít trong số những tờ báo này có thể gửi phóng viên riêng của họ đến đó và có các nhà phân tích riêng, v.v.33 Đấy, nếu các bạn nhìn vào những cơ quan truyền thông lớn hơn này, thì họ có một số đặc điểm quan trọng giống nhau. Trước hết, những thể chế thiết lập ra cơ quan tuyên truyền đó là các công ti. Trên thực tế, chúng là những đại công ti, có lợi nhuận rất cao - và phần lớn chúng thậm chí còn được kết nối vào các tập đoàn truyền thông lớn hơn.34 Và họ, giống như những công ti khác, có sản phẩm để bán và có thị trường mà họ muốn bán cho: sản phẩm là những khán giả, còn thị trường là những người quảng cáo. Vì vậy, cấu trúc kinh tế của một tờ báo là nó bán độc giả cho các ngành kinh doanh khác. Các bạn thấy chưa, họ thực sự không cố gắng bán các tờ báo cho người dân - trên thực tế, một tạp chí thường xuyên gặp khó khăn về tài chính sẽ cố gắng cắt giảm số lượng phát hành, và điều mà họ sẽ cố gắng làm là tăng độc giả, bởi vì việc làm đó làm tăng tỉ lệ quảng cáo.35 Vì vậy, điều họ làm là bán độc giả cho các ngành kinh doanh khác, và đối với cơ quan truyền thông thiết lập các chương trình nghị sự như tờ New York Times, tờ Washington Post và tạp chí Wall Street Journal, trên thực tế họ đang bán những độc giả chóp bu, có đặc quyền trong các ngành kinh doanh khác - đại đa số độc giả của họ là những thành viên của cái gọi là “giai cấp chính trị”, giai cấp ra quyết định cho xã hội chúng ta. Đúng thế, hãy tưởng tượng rằng các bạn là một người thông minh từ sao Hỏa xuống quan sát hệ thống này. Cái mà các bạn nhìn thấy là các công ti lớn đang bán những độc giả tương đối có đặc quyền thuộc các giai cấp ra quyết định cho các ngành kinh doanh khác. Bây giờ các bạn hỏi, các bạn chờ đợi bức tranh nào của thế giới xuất hiện từ các cách sắp xếp này? Ôi, câu trả lời phù hợp là đề xuất những quan điểm và các bình diện chính trị thỏa mãn những nhu cầu và quyền lợi và quan điểm người mua, người bán và thị trường. Ý tôi muốn nói, sẽ hơi ngạc nhiên nếu điều đó không phải như vậy. Vì vậy, tôi không gọi điều này là một “lí thuyết” hay bất kì cái gì tương tự - nó hầu như chỉ là một quan sát. Cái mà Ed Herman và tôi gọi là “Mô hình Tuyên truyền” trong cuốn sách của chúng tôi về các phương tiện truyền thông (Tạo dựng sự đồng thuận - Manufacturing Consent) thực sự chỉ là một kiểu sự thật - nó chỉ khẳng định rằng các bạn sẽ chờ đợi các thể chế hoạt động theo những lợi nhuận riêng của chúng, bởi vì nếu chúng không hoạt động như vậy thì chúng sẽ không thể hoạt động lâu bền được. Vì vậy, tôi cho rằng “Mô hình Tuyên truyền” chủ yếu có lợi như là một công cụ để giúp chúng ta suy nghĩ về các phương tiện truyền thông - thực sự nó không sâu sắc hơn điều đó bao nhiêu.36 PHÉP THỬ “MÔ HÌNH TUYÊN TRUYỀN” N Ữ: Giáo sư có thể cho chúng tôi bản phác thảo ngắn gọn về việc Giáo sư đã sử dụng công cụ ấy như thế nào được không? Ồ, về cơ bản, trong cuốn sách Tạo dựng sự đồng thuận, điều mà chúng tôi đã làm là đối chiếu hai mô hình: phương tiện truyền thông phải hoạt động như thế nào, và chúng thực sự hoạt động như thế nào. Mô hình thứ nhất là mô hình ít nhiều thuận tiện hơn: nó là cái mà tờ New York Times trong mục điểm sách gần đây gọi là “vai trò Jefferson truyền thống của các phương tiện truyền thông như là một đối trọng của chính phủ” - nói cách khác, đó là sức ép dai dẳng gắt gao, ở khắp mọi nơi lên những nhà cầm quyền để duy trì quyền được biết của người dân, và để giúp dân chúng khẳng định sự kiểm soát có ý nghĩa đối với quá trình chính trị.37 Đó là quan niệm chuẩn mực về truyền thông ở Mỹ, và hầu hết mọi người trong chính các cơ quan truyền thông cho nó là tất nhiên. Quan niệm đối chọi là một phương tiện truyền thông sẽ thể hiện một bức tranh của thế giới biện hộ và khắc sâu những chương trình nghị sự về chính trị, xã hội và kinh tế của những nhóm người có đặc quyền đặc lợi chi phối nền kinh tế trong nước, và do đó của cả những người phần lớn kiểm soát chính phủ. Theo “Mô hình Tuyên truyền” này, phương tiện truyền thông phục vụ mục đích xã hội của họ, tạo ra những vấn đề, lọc thông tin, đặt trọng tâm vào những phân tích của họ, thông qua việc nhấn mạnh, giọng điệu, và toàn bộ những thủ thuật khác giống như vậy. Bây giờ, tôi phải chỉ ra rằng, không có một điều gì gợi ý rằng các phương tiện truyền thông thường đồng tình với chính sách của quốc gia ở bất kì thời điểm đã cho nào. Bởi vì, việc kiểm soát chính phủ chuyển tới chuyển lui giữa các nhóm người chóp bu trong xã hội chúng ta, bất kì bộ phận nào của hội đồng nghị sự ngẫu nhiên kiểm soát chính phủ ở thời điểm cụ thể nào đó cũng chỉ phản ánh một phần về tầng lớp chính trị chóp bu, trong đó đôi khi có những sư bất đồng về mặt chiến thuật. Cái mà Mô hình Tuyên truyền trên thực tế dự đoán là toàn bộ phạm vi những quan điểm của giới chóp bu này sẽ được phản ánh trong các phương tiện truyền thông - về cơ bản sẽ không có gì vượt ra khỏi nó. Được rồi, các bạn chứng minh điều này như thế nào? Đây là một chủ đề lớn và phức tạp, nhưng để bắt đầu, hãy để tôi chỉ ra bốn quan sát, sau đó chúng ta có thể đi sâu vào chi tiết nếu các bạn muốn. Điểm thứ nhất là, “Mô hình Tuyên truyền” thực ra nhận được sự ủng hộ khá lớn từ giới chóp bu. Trên thực tế, có một truyền thống rất quan trọng trong các nhà tư tưởng thuộc tầng lớp chóp bu ở phương Tây, nó khẳng định rằng phương tiện truyền thông và giai cấp trí thức nhìn chung phải tiến hành chức năng tuyên truyền. Họ được cho là phải đặt quảng đại quần chúng ra ngoài lề bằng cách kiểm soát cái được gọi là “trí tuệ công chúng.”38 Quan điểm này có lẽ đã chi phối tư duy dân chủ Anh-Mỹ hơn 300 năm qua, và nó vẫn chi phối cho đến tận ngày nay. Các bạn có thể truy nguyên quan điểm này từ cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở Tây Âu, cuộc nội chiến ở Anh vào những năm 1640 (một cuộc xung đột vũ trang giữa những người ủng hộ nhà vua và nghị viện để giành chủ quyền trên toàn nước Anh từ năm 1642 đến 1648). Các bạn thấy đấy, những người thuộc tầng lớp chóp bu ở cả hai phía của cuộc nội chiến ở nước Anh - một phía là tầng lớp những người có địa vị cao có đất đai và tầng lớp thương nhân đang nổi lên, liên kết với nghị viện, phía kia là những người trong giới bảo hoàng, đại diện cho những nhóm người thuộc tầng lớp chóp bu truyền thông – rất lo lắng về những náo động trong dân chúng đang bắt đầu phát triển trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chống lại tầng lớp chóp bu. Ý tôi muốn nói, đã có những phong trào quần chúng xuất hiện thách thức mọi việc – mọi quan hệ chủ tớ, quyền của nhà cầm quyền nói chung; có nhiều ấn phẩm cấp tiến xuất hiện, bởi vì máy in vừa mới được người ta phát minh ra, v.v. và v.v. Và những người thuộc tầng lớp chóp bu ở cả hai phía của cuộc nội chiến rất lo lắng khi quảng đại quần chúng đột nhiên bắt đầu nằm ngoài vòng kiểm soát. Như họ nhận định, người dân trở nên “hiếu kì và ngạo mạn đến mức họ sẽ không bao giờ tìm thấy đủ sự khiêm nhường để phục tùng quy tắc công dân.”39 Vì vậy, cả nhà vua và nghị viện đều bị mất khả năng cưỡng chế, và họ phải phản ứng lại điều đó. Đấy, việc đầu tiên họ thử làm là áp dụng lại khả năng cưỡng chế: có trạng thái chuyên chế trong một thời gian, và sau đó nhà vua được phục hồi (Charles II giành lại được ngôi báu vào năm 1660 sau một vài năm cai trị của chính quyền quân sự Oliver Cromwell). Nhưng họ không thể thay đổi được mọi thứ, họ không thể giành lại được quyền kiểm soát toàn bộ, và nhiều mục tiêu tranh đấu của các phong trào nhân dân đã từ từ thâm nhập vào sự phát triển của nền dân chủ chính trị ở Anh (nghĩa là, nền quân chủ lập hiến được thiết lập vào năm 1689 và Tuyên ngôn Nhân quyền được thông qua). Và từ đó, mỗi lần các phong trào quần chúng thành công trong việc làm tan rã quyền lực ở một mức độ nào đó, thì lại có một sự thừa nhận sâu rộng trong những người thuộc tầng lớp chóp bu ở Tây Âu rằng khi các bạn bắt đầu mất quyền kiểm soát người dân bằng vũ lực, thì các bạn phải bắt đầu kiểm soát cái mà họ nghĩ. Và ở nước Mỹ, sự thừa nhận ấy đã đạt đến đỉnh điểm. Vì vậy, ở thế kỉ XX, đã có một trào lưu tư tưởng quan trọng ở Mỹ - trên thực tế, có lẽ nó là một trào lưu tư tưởng chi phối những người suy ngẫm về những điều này (các nhà khoa học chính trị, nhà báo, các chuyên gia về quan hệ công chúng, v.v.) - nhận định một cách chính xác rằng, bởi vì nhà nước đã bị mất quyền cưỡng chế, cho nên tầng lớp chóp bu cần phải có biện pháp tuyên truyền hữu hiệu hơn để kiểm soát tư tưởng cùa dân chúng. Đó là quan điểm của Walter Lippmann, có lẽ là người có tuổi nhất trong số các nhà báo Mỹ - ông gọi quần chúng là một “bầy ngơ ngác”. Và cái cách mà các bạn thực hiện điều đó, Lippmann nói, là theo cái mà ông ta gọi là “tạo ra sự đồng thuận” - nếu các bạn không làm được điều đó bằng vũ lực, thì các bạn phải làm điều đó bằng cách “tạo ra sự đồng thuận” có tính toán.”40 Trở lại những năm 1920, một cuốn cẩm nang quan trọng của ngành công nghiệp về các mối quan hệ công chúng có nhan đề Tuyên truyền (Propaganda) (vào những ngày ấy, người ta hơi khiêm tốn một chút). Cuốn cẩm nang bắt đầu bằng việc nhận định một điều gì đó đại loại như sau: lôi kéo trí thông minh và có ý thức của những thói quen có tổ chức và những quan điểm của dân chúng là một đặc điểm trọng tâm của một hệ thống dân chủ - ngôn từ gần giống như thế. Sau đó, cuốn cẩm nang nhận định: nhiệm vụ của “thiểu số những người thông minh” là phải lôi kéo thái độ và quan điểm của dân chúng.41 Và thực sự, đó là một học thuyết dẫn đường của tư tưởng trí tuệ dân chủ-tự do hiện đại, rằng nếu các bạn bị mất quyền kiểm soát người dân bằng vũ lực, thì các bạn cần phải có sự truyền bá tốt hơn.42 Đó là điểm thứ nhất về “Mô hình Tuyên truyền” - theo truyền thống, nó được ủng hộ và biện hộ bởi một bộ phận đáng kể của những người thuộc tầng lớp chóp bu có trí tuệ. Điểm thứ hai tôi đã đề cập - đó là “Mô hình Tuyên truyền” có một kiểu hợp lí có trước (prior plausibility): nếu các bạn nhìn vào cấu trúc thể chế của chúng, các bạn sẽ cho rằng các phương tiện truyền thông theo mô hình công ti sẽ phục vụ chức năng tuyên truyền trong một xã hội bị kinh doanh chi phối như xã hội của chúng ta. Điểm thứ ba là quảng đại quần chúng thực sự có xu hướng đồng ý với đặc điểm cơ bản của “Mô hình Tuyên truyền”. Vì vậy, ngược lại với những gì thường được nói, nếu các bạn nhìn vào những kết quả bầu cử, hầu hết công chúng đều cho rằng phương tiện truyền thông quá qụy lụy và khúm núm trước quyền lực - rõ ràng nó rất khác với hình ảnh tự thân của chính ngành truyền thông, nhưng đó là hình ảnh công khai của chúng.43 Đấy, chỉ từ ba quan sát ban đầu này - sự biện hộ của những người thuộc tầng lớp chóp bu, sự hợp lí có trước, và quan điểm của công chúng - ít nhất các bạn cũng rút ra được một kết luận: “Mô hình Tuyên truyền” phải là một phần của cuộc tranh luận đang diễn ra về việc các phương tiện truyền thông hoạt động như thế nào. Các bạn sẽ cho rằng sẽ có đủ cơ sở để biến nó thành một phần của cuộc thảo luận mà các bạn thường nghe về vai trò của truyền thông, phải không? Nó không bao giờ là một phần của cuộc thảo luận cả: “Cuộc tranh luận thường là về việc liệu các phương tiện truyền thông có quá khích trong việc phá hoại và phê phán quyền lực hay không, hay liệu các phương tiện truyền thông có phục vụ “vai trò truyền thống kiểu Jefferson” như là một sự kiểm soát quyền lực hay không”. Quan điểm khác này - quan điểm cho rằng không có “vai trò truyền thống kiểu Jefferson”, và rằng các phương tiện truyền thông, giống như cộng đồng trí thức nói chung, về cơ bản qụy lụy trước quyền lực - không bao giờ là một phần của cuộc thảo luận cả. Và thực ra, có một lí do rất chính đáng giải thích tại sao nó lại là như vậy - bởi vì thảo luận về “Mô hình Tuyên truyền” chính nó sẽ bất thường trước những thể chế, và do đó nó hoàn toàn bị loại bỏ. Trên thực tế, “Mô hình Tuyên truyền” dự báo rằng nó sẽ không thể thảo luận được trên các phương tiện truyền thông. Như vậy, đúng thế, đó là ba quan sát ban đầu. Quan sát thứ tư có liên quan đến giá trị thực nghiệm của “Mô hình Tuyên truyền” - và tất nhiên, đó là phần cốt lõi của vấn đề. “Mô hình Tuyên truyền” có chính xác về mặt mô tả không? Có đúng là các phương tiện truyền thông phục vụ “vai trò truyền thống kiểu Jefferson” không hay các phương tiện truyền thông lại đi theo “Mô hình Tuyên truyền”? Để có câu trả lời thỏa mãn câu hỏi trên, các bạn phải điều tra rất nhiều và phải kiểm tra một số lượng lớn tư liệu liến quan đến vấn đề. Nhưng để có được một phác họa về việc người ta có thể giải quyết vấn đề đó như thế nào, đứng về mặt phương pháp luận - cách thứ nhất để chúng ta kiểm tra mô hình Tạo dựng sự đồng thuận là đưa nó vào một phép thử khó khăn nhất: chúng ta để cho những người đối lập lựa chọn quan điểm của họ. Nếu các bạn không thể thực hiện được điều này, thì người phê bình có thể công kích các bạn bằng cách nói rằng: “Ồ, các bạn chỉ chọn những ví dụ được việc thôi.” Vì vậy, các bạn hãy để những người đối lập lựa chọn quan điểm của họ: các bạn chọn những trường hợp ở đầu kia của phổ quan điểm để chứng minh rằng các phương tiện truyền thông đi quá xa trong việc phá hoại quyền lực, các bạn hãy lấy những ví dụ do họ chọn để chứng minh cho quan điểm của họ - chẳng hạn như cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hay vụ bê bối Watergate, hay những trường hợp đại loại như vậy - và các bạn nhìn vào những ví dụ đó để xem liệu họ có đi theo “Mô hình Tuyên truyền” hay không. Và đó là việc thứ nhất chúng tôi làm: chúng tôi để những người đối lập chọn quan điểm của họ, vì vậy sẽ không có vấn đề lấy mẫu sai hay bất kì cái gì đại loại như vậy. Và kết quả là, ngay cả khi các bạn để cho những người đối lập chọn quan điểm, các bạn vẫn có một sự khẳng định rất mạnh mẽ về “Mô hình Tuyên truyền”. Một việc khác chúng tôi đã làm là ghi lại phạm vi ý kiến cho phép trên các phương tiện truyền thông, chỉ để phát hiện ra những giới hạn về tư duy có thể diễn đạt được thực sự là gì trong các phương tiện truyền thông chính thống. Chúng tôi đã xem xét chi tiết những ví dụ lịch sử quan trọng. Chúng tôi nghiên cứu việc xử lí của các phương tiện truyền thông về những ví dụ được ghép cặp gần nhau - ý tôi muốn nói, lịch sử không tạo dựng những thí nghiệm được kiểm soát cho các bạn, nhưng có nhiều sự kiện lịch sử ít nhiều được ghép thành cặp, và so sánh xem các phương tiện truyền thông xử lí chúng như thế nào là việc làm có thể. Vì vậy, chúng tôi kiểm tra cách đưa tin của các phương tiện truyền thông về những sự tàn bạo do các quốc gia thù địch gây ra và so sánh cách đưa tin về những sự tàn bạo cùng một mức độ mà nước Mỹ chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã so sánh cách đưa tin về các cuộc bầu cử ở những quốc gia thù địch và ở những quốc gia bạn bè. Chúng tôi đã nhìn vào việc xử lí những vấn đề tự do báo chí trong các quốc gia thù địch và các quốc gia bạn bè. Và có nhiều chủ đề khác chúng tôi cũng đã nghiên cứu.44 Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu một số lớn các trường hợp, từ mọi quan điểm về phương pháp luận mà chúng tôi có thể nghĩ ra được - và tất cả các trường hợp được nghiên cứu đều ủng hộ “Mô hình Tuyên truyền”. Đến nay, cũng có hàng nghìn trang tư liệu tương tự khẳng định cho luận đề trong các cuốn sách, các bài báo của những người khác - trên thực tế, tôi dám mạo hiểm đoán rằng “Mô hình Tuyên truyền” là một trong những luận đề được khẳng định một cách tốt nhất trong các ngành khoa học xã hội. Thực ra, theo tôi biết, đã không có một cuộc thảo luận đối ngược nghiêm túc nào cả.45 Nhưng điều đó hoàn toàn không phù hợp trong nền văn hóa chính thống - và vấn đề là nó sẽ vẫn không phù hợp, thậm chí nếu chứng cứ đạt đến mức vượt ra khỏi cái có thể đạt được trong các ngành khoa học xã hội. Trên thực tế, ngay cả khi các bạn có thể chứng minh được điều đó ở cấp độ vật lí, thì nó cũng vẫn không phù hợp trong những thể chế chính thống. Và lí do giải thích cho điều đó là “Mô hình Tuyên truyền” trên thực tế là hợp lí, và nó dự báo rằng điều đó sẽ không phù hợp, thậm chí không thể hiểu được trong nền văn hóa của những người thuộc tầng lớp chóp bu, cho dù nó được chứng minh thuyết phục đến mức nào đi nữa. Và vì cái mà nó bộc lộ đang ngầm phá hoại những thể chế tư tưởng rất có hiệu quả và có lợi, do vậy nó hoạt động khác thường đối với các thể chế này, và sẽ bị loại trừ. CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN ĐIỂM CỦA GIỚI CHÓP BU AM: Nhưng thưa Giáo sư Chomsky, Giáo sư không cho rằng có thể mình đang đưa ra một giả định hơi lười biếng về mặt trí tuệ khi Giáo sư N chuẩn bị cho cách phân tích này - nghĩa là, có “các phương tiện truyền thông” nguyên khối sao? Chờ đợi các phương tiện truyền thông phải khác với phần còn lại của dân chúng Mỹ về quan điểm mà nó chủ trương không phải là sự chờ đợi hơi đạo đức giả sao? Ồ, các phương tiện truyền thông khác với quảng đại quần chúng - chúng rất giống với giới chóp bu ở Mỹ. NAM: Tôi không hoàn toàn chắc chắn là điều đó đúng, tôi không biết liệu Giáo sư có thể chứng minh nó theo cách này hay cách khác như thế nào. Tôi nghĩ các bạn có thể chứng minh được điều đó: về những vấn đề quan trọng, có một sự tách biệt có thể thấy rất rõ giữa quan điểm của giới chóp bu và quan điểm của dân chúng, và các phương tiện truyền thông phản ánh một cách nhất quán quan điểm của giới chóp bu. Ví dụ, như việc vạch trần các chương trình của nhà nước phúc lợi, hay việc ngăn cản vũ khí hạt nhân, hay về các chính sách của Mỹ ở Trung Mỹ trong những năm 1980, hay về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam, các quan điểm được thể hiện trong các phương tiện truyền thông thường rất khác với quan điểm của công chúng, nhưng lại giống với quan điểm của giới chóp bu.46 NAM: Quan điểm của tôi là không cần thiết phải có một sự chuyển hóa trong các phương tiện truyền thông, mà cần thiết phải có một sự chuyển hóa về xã hội mà Giáo sư đang hướng tới. Chỉ nói về các phương tiện truyền thông như là “họ” có thể là một sự đi chệch lười biếng. Tôi cho rằng các bạn cần một sự chuyển hóa về xã hội để thay đổi các phương tiện truyền thông - nhưng tôi vẫn cho rằng gọi các phương tiện truyền thông là “họ” là đúng. NAM: Xin Giáo sư hãy nhìn vào từ “truyền thông”, nó có nghĩa là “chúng ta nói chuyện với chúng ta”. NHỮNG NGƯỜI KHÁC: Không phải, không phải. NỮ: Các bạn sai rồi. Tôi thực sự không đồng ý. Ý tôi muốn nói, đó là một câu hỏi lí thú để kiểm tra, nhưng tôi không đồng ý. Suy cho cùng, các phương tiện truyên thông là gì? Họ là ai? Có phải họ là “chúng ta” không? Hãy lấy hãng tin C.B.S., hay tờ New York Times làm ví dụ - Họ là ai? Họ là những công ti truyên thông lớn ở Mỹ, họ không phải là chúng ta. Họ không còn là “chúng ta” cũng như hãng General Motors đâu còn là “chúng ta” nữa. Câu hỏi ở đây là: các phương tiện truyền thông có giống như một mẫu vật của quan điểm công chúng không? Có phải công chúng có một phạm vi nhất định đối với các niềm tin, còn các phương tiện truyền thông chỉ là mẫu vật của phạm vi đó không? Nếu quả thực là như vậy, thì trên thực tế các phương tiện truyền thông sẽ rất dân chủ. NAM: Cuộc điều tra dư luận duy nhất tôi được chứng kiến về các nhà báo là về cơ bản họ quá yêu bản thân mình và thường là trung tả. Này, cái mà người ta gọi là “trung tả” chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó chỉ có nghĩa rằng họ là những người theo chủ nghĩa tự do truyền thống, mà chủ nghĩa tự do truyền thống thì có định hướng theo nhà nước, và thường phụng sự cho quyền lực cá nhân. NAM: Nhưng nếu chỉ có một tỉ lệ nhỏ dân chúng Mỹ bất đồng chính kiến một cách tích cực, thì tôi cho rằng kì vọng bất kì một tỉ lệ nào lớn hơn cũng đều là không đúng. Một lần nữa, các bạn lại phải quan sát một cách kĩ lưỡng hơn. Tôi cho rằng, có nhiều chứng cứ để khẳng định rằng quan điểm của công chúng và cách thể hiện của các phương tiện truyền thông cực kì khác nhau. Công chúng cho rằng các phương tiện truyền thông đã quá dễ dãi với chính quyền K. Reagan, họ cho rằng đáng lí ra các phương tiện truyền thông phải phanh phui nhiều hơn. Trên thực tế, họ cho rằng các phương tiện truyền thông đã quá khắt khe với Carter, nhưng lại quá dễ dãi với Reagan - đó chính xác là sự đối lập của những gì mọi người nói. NỮ: Giáo sư lấy ở đâu tất cả những thông tin đó? Từ các cuộc thăm dò dư luận. Thực ra, quan điểm đó đã được đưa ra trong một cuốn sách khá hay của Mark Hertsgaard có nhan đề On Bended Knee (Về chiếc đầu gối bị quỳ), nói về việc đưa tin về chính quyền Reagan của các phương tiện truyền thông.47 NAM: Giáo sư đưa ra ví dụ về việc công chúng ủng hộ các chương trình về nhà nước phúc lợi chứ không phải là về các phương tiện truyền thông - nhưng ngay bây giờ ở Massachusetts, có một sự ủng hộ mạnh mẽ trong quảng đại quần chúng cho việc vạch trần nhiều dịch vụ xã hội, và ủng hộ việc không đánh những thứ thuế mới. Giáo sư không đồng tình với sự ủng hộ khá mạnh mẽ đối với những điều nói trên trong những ngày này sao? Không. Nếu các bạn hỏi người dân: “Các vị có muốn những thứ thuế mới không?”. Họ sẽ trả lời không. Nhưng nếu các bạn hỏi họ: “Các vị có muốn những dịch vụ y tế tốt hơn không?”. Họ sẽ trả lời có. NAM: Nhưng ở đây đã không có phản ứng mạnh mẽ của công chúng chống lại ngân sách nhà nước cực kì khắc khổ, ngân sách loại bỏ đi nhiều dịch vụ xã hội. Nhưng có người nào thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ xã hội có ý nghĩa đâu? Các bạn biết đấy, giả sử có một người nào đó đứng trên bục nói: “Chúng tôi muốn mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ với việc chăm sóc sức khỏe” thì tôi đánh cuộc rằng người đó sẽ nhận được sự ủng hộ áp đảo. Nhưng nếu các bạn chỉ đến chỗ người dân và nói: “Các vị có muốn có những thứ thuế mới không?”. Tất nhiên là họ sẽ trả lời không. Nếu các bạn có một câu hỏi ghi trên lá phiếu: “Chúng ta có nên đặt giới hạn cho các thứ thuế tài sản không?”. Câu trà lời sẽ là: “Chắc chắn rồi, tại sao tôi lại phải đóng thuế nhiều hơn?”. Nhưng các bạn lại không hỏi câu hỏi đúng. Nếu các bạn hỏi người dân: “Các vị có muốn những con đường của mình được dọn sạch không? Các vị có muốn những trường học tốt không? Các vị có muốn những dịch vụ y tế không?”, thì họ sẽ trả lời có. Vì vậy, một phần của lí do tại sao không có nhiều phản ứng là vì không có ai đưa ra những giải pháp thay thế thực sự. Bây giờ, có một sự thật là có nhiều người chỉ nhìn vào thế giới và nói: “Đừng làm tôi phải nhầm lẫn với những thực tế, nó quá phũ phàng” hay “Tôi không muốn biết về hiện thực, nó quá xấu xa.” Và thậm chí họ không đọc cả tin tức nữa - họ chỉ đọc mục “Thời trang”, và mục “Thể thao”, v.v. Tuy nhiên, nếu các bạn xét tới những người vẫn còn quan tâm đến thế giới, thì có điều đáng ngạc nhiên. Dân chúng có xu hướng đánh giá các phương tiện truyền thông là những thứ quá cải lương, quá qụy lụy trước quyền lực. Nó hoàn toàn đi ngược lại với những điều mà mọi người nói.48 Vì vậy, hãy nhìn vào một cái gì đó như phong trào chống hạt nhân chẳng hạn. Phong trào chống hạt nhân hầu như không được sự ủng hộ từ các phương tiện truyền thông, không được sự ủng hộ từ các nhà chính trị, và chắc chắn nó không được sự ủng hộ từ giới kinh doanh. Tuy nhiên, 75% dân chúng Mỹ ủng hộ nó.49 Điều này chắc chắn không được phản ánh trong các bài xã luận của báo chí hay trong những quan điểm của các phương tiện truyền thông. Hay hãy lấy sự kiện khác, chắc chắn là vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong các phương tiện truyền thông vào những năm 1980, Nicaragua. Tôi đã thực hiện nhiều phân tích về những quan điểm trong các phương tiện truyền thông quốc gia, chẳng hạn như tờ Washington Post, tờ New York Times, và các tờ báo này nhất loạt - hơn 99% các bài viết đều chống lại Sandino, và cho rằng chính phủ của đảng Sandino phải bị lật đổ; vấn đề còn lại duy nhất là lật đổ nó như thế nào. Các bạn lật đổ nó bằng việc tấn công bằng các lực lượng Contra, hay bằng một phương tiện nào khác? Điều đó không phản ánh quan điểm của công chúng. Ý tôi muốn nói, hầu hết công chúng đều cho rằng chúng ta phải rút khỏi Nicaragua và để họ tự lo liệu. Công chúng thậm chí còn không biết chúng ta đứng về phía nào, nhưng cho rằng chúng ta không có phận sự ở đó, vì vậy chúng ta hãy đi ra khỏi đấy. Điều đó chắc chắn không được phản ánh qua báo chí. Sau đó một số ít dân chúng, những người trên thực tế biết chúng ta đứng về phía nào, đã có một sự phản đối mạnh mẽ chống lại bất kì phương pháp lật đổ chính phủ nào.50 Nhưng quan điểm này cũng không được thể hiện trong các phương tiện truyền thông. Hãy để tôi đưa ra cho các bạn một ví dụ khác để minh họa. Sáu tháng đầu năm 1986 và sáu tháng đầu năm 1987 tình cờ là những thời kì tranh luận nhiều nhất về Nicaragua, ngay trước khi dự luật quan trọng viện trợ cho Contra được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Tờ New York Times và tờ Washington Post trong những thời kì đó xuất bản hai chuyên mục bàn về khả năng nên để những người Sandino được phép tồn tại. Chuyên mục thứ nhất do đại sứ Nicaragua phụ trách.51 Chuyên mục thứ hai do một người có tên là Kevin Cahill, một bác sĩ ở bệnh viện Lenox Hill, New York, một chuyên gia về các căn bệnh nhiệt đới, chuyên làm việc ở khu vực đó phụ trách. Trong chuyên mục của mình, ông này viết rằng, chỉ có một quốc gia ở châu Mỹ Latin tại đó chính phủ quan tâm đến dân chúng, đó là Nicaragua. Đấy là những gì họ làm, chúng ta nên để họ làm việc đó.52 Đó là một ngoại lệ của chuyên mục dư luận thậm chí đã xem xét quan điểm này trong một năm đưa tin liên tục về vấn đề này trong hai tờ báo quan trọng nhất trong nước. Điều đó chắc chắn không phản ánh quan điểm quần chúng - trên thực tế nó thậm chí còn không phản ánh quan điểm của giới học thuật. Các phương tiện truyền thông không chấp nhận những đóng góp từ các học giả của châu Mỹ Latin về vấn đề này, chỉ vì họ không đồng ý.53 NỮ: Có những người bị mất việc làm trong các cơ quan truyền thông vì thể hiện những quan điểm khác. Ồ, điều đó lúc nào cũng xảy ra. Ray Bonner là một trường hợp điển hình. Anh ta là một phóng viên tự do, được tờ New York Times tuyển dụng, anh ta phạm sai lầm về việc đã tường trình những gì xảy ra trong gần một năm ở El Salvador. Anh ta bị sa thải và phải làm việc ở công ti “Tàu điện ngầm” hay ở đâu đó, sau đó anh ta đã bỏ việc.54 Và có nhiều phóng viên vừa mới bỏ việc: ví dụ, Sy Hersh đã bỏ tờ New York Times bởi vì họ không cho phép anh ta thực hiện những câu chuyện mà anh ta muốn xây dựng. Vâng, tôi có một người bạn tốt, anh ta là một trong 7 hoặc 8 biên tập viên chính của một tờ báo lớn ở Mỹ, và tình cờ anh ta lại phản đối mạnh mẽ các chính sách của Mỹ đối với Trung Mỹ, đối với cuộc chạy đua vũ trang, cũng như đối với những vấn đề khác. Anh ta cố gắng tạo ra các bài xã luận vừa đủ len qua rào cản tư tưởng để ám chỉ một số sự việc anh ta muốn người dân nhận thấy - anh ta phải tính toán cẩn thận những gì sẽ đưa vào bài báo. NỮ: Nhưng đó không phải điều mà anh này đang nói ở đây sao, thưa Giáo sư? Không phải. Rào cản tư tưởng đó phản ánh quan điểm của giới chóp bu, nó không phải là cái mà công chúng sẽ phản đối. Công chúng sẽ không quan tâm nếu biên tập viên để lộ ra những điều này. Trên thực tê, người biên tập viên này tình cờ sống trong một thành phố tự do, công chúng sẽ hoan hô - nó ở Boston. NỮ: Nhưng tại sao lại có rào cản đó, thưa Giáo sư? Ồ, một lần tôi hỏi một biên tập viên khác mà tôi biết đang làm việc cho tờ Boston Globe, rằng tại sao việc đưa tin của họ về cuộc xung đột Palestine/ Israel lại kinh tởm đến như vậy - và quả là nó như vậy thật. Anh ta cười và nói: “Theo Giáo sư chúng ta có bao nhiêu người quảng cáo là người Arập?”. Câu trả lời đó chấm dứt cuộc đối thoại. NAM: Điều đó không đúng, trừ phi anh ta nói đùa. Điều đó đúng, và anh ta không nói đùa. Điều đó không phải là đùa. NAM: Biên tập viên đó không chú ý đến quảng cáo - anh ta không quan tâm đến quảng cáo. Anh bạn có đùa không đấy? Nếu anh ta không để ý đến quảng cáo, thì anh ta sẽ không còn là biên tập viên nữa. NAM: Giáo sư nói rằng những quyết định của tòa soạn của tờ Globe được dựa trên sự cố gắng duy trì thu nhập từ quảng cáo - Cái gì cơ? Từ việc từ bỏ. Ý tôi muốn nói, những người bán lẻ sẽ không quảng cáo ở đó nữa và tờ Globe sẽ bị thất thu. NAM: Nhưng tờ Globe có một thị trường độc quyền, thưa Giáo sư. Họ không có. NAM: Họ sẽ làm gì, quảng cáo trên tờ Herald (tờ báo thứ hai ở Boston) chứ, thưa Giáo sư? Hoàn toàn đúng. NAM: Tôi cho rằng điều đó thực sự đơn giản, tôi thực sự suy nghĩ như vậy. Điều này đã thực sự xảy ra, nó xảy ra một vài lần. Nó hầu như không bao giờ xảy ra, bởi vì các tờ báo không bao giờ đi chệch hướng. Nhưng năm 1976 hay năm 1977 thì phải, quảng cáo của tờ New York Times và giá trị cổ phiếu bắt đầu hơi giảm xuống. Ngay lập tức có những bài báo về sự kiện này trong tờ Wall Street Journal và Business Week, chỉ rõ điều gì đang xảy ra - trên thực tế, tờ Business Week viết, nếu tờ New York Times không nhận ra rằng đó là một cách kinh doanh, thì nó sẽ không nằm trong giới kinh doanh nữa.55 Đấy, điều đang xảy ra là tờ Times đã chọn quan điểm biên tập hơi ủng hộ dự luật thuế ở New York mà giới kinh doanh phản đối lại, và quảng cáo bắt đầu hơi giảm một chút, cổ phiếu bắt đầu giảm rất nhẹ. Và sau đó tờ Times thay toàn bộ Ban Biên tập: John Oakes ra đi, toàn bộ những biên tập viên có tư tưởng tự do ra đi, và toàn bộ đội ngũ mới thay thế. Tất cả những gì xảy ra chỉ là một sự thay đổi nhỏ trong thị trường cổ phiếu. Bây giờ, trong trường hợp đó chính vấn đề hơi đi chệch hướng một chút mà các bạn cần phải có một chiếc kính hiển vi để quan sát nó - giả sử họ đi chệch hướng nhiều, thì điều gì sẽ xảy ra đối với cố phiếu của họ? Trong những quốc gia có một phạm vi chính trị dân chủ rộng lớn hơn chúng ta, thực sự có nguy cơ là một chính đảng nào đó có thể áp đặt những chính sách khác, điều này lúc nào củng xảy ra. NAM: Tôi đoán rằng tôi sẽ không biết nó như thế nào trên một tờ báo lớn. Là một phóng viên làm việc cho một tờ báo địa phương nhỏ tôi có nhiều tự chủ. Tờ báo địa phương nhỏ lại là một câu chuyện khác. Nhưng tôi cho rằng anh bạn bắt đầu làm những việc có hại cho lợi ích kinh doanh của địa phương. Tôi cho rằng anh bạn sẽ nhận ra rằng tiếp tục làm như vậy sẽ không dễ dàng gì. Anh bạn có thể trình bày hay về những vấn đề quốc tế nếu anh bạn muốn, bởi vì họ không quan tâm quá nhiều đến một tờ báo nhỏ ở tỉnh lẻ. NAM: Tôi không biết. Tôi hoàn toàn không xem xét đến những lợi ích đó. Tôi là một cây bút viết về kinh doanh cho tổ quốc tôi, và tôi có thể làm những gì tôi muốn. Anh bạn cho rằng anh bạn làm điều mình muốn. Anh bạn thấy đấy, Tom Wicker ở tờ New York Times cũng cho rằng anh ta làm những điều mà anh ta muốn - và anh ta đã đúng. Nhưng điều mà anh ta muốn lại là cái mà chính quyền cũng muốn. NAM: Tôi chỉ đi theo bản năng của tôi, và tôi không bao giờ gặp bất kì vấn đề nào cả. Anh bạn đã bao giờ làm điều gì gây ra sự náo loạn trong cộng đồng kinh doanh chưa? NAM: Có thể rồi, thưa Giáo sư. Nhưng vấn đề chính là chỗ ấy, tôi cho rằng nếu anh bạn đã làm thì anh bạn sẽ nghe thấy điều đó. Ý tôi muốn nói, nếu anh bạn vạch trần tham nhũng, thì đó là việc làm tốt… CÁC BỘ LỌC BÁO CÁO N Ữ: Đây có phải là một cố gắng có ý thức về phía báo chí, hay Giáo sư muốn nói nó chỉ có lợi về kinh tế bởi vì họ muốn bán báo và công chúng thì lại mua báo? Nó không liên quan gì đến công chúng cả. NỮ: Nó liên quan đến các nhà quảng cáo có phải không Giáo sư? Ồ, đúng rồi, các nhà quảng cáo. Các bạn thấy đấy, báo chí không kiếm tiền từ những người mua báo, họ bị mất tiền cho những người mua báo.56 Nhưng báo chí có những lợi ích kinh doanh - ý tôi muốn nói, tờ báo lớn có lợi nhuận khổng lồ, tờ báo nhỏ có lợi nhuận kinh doanh mang tính cục bộ hơn, nhưng cả hai cách nó đều được nuôi bởi các ngành kinh doanh khác, thông qua quảng cáo. NAM: Một trong những ngành kinh doanh lớn nhất gần đây là phát triển, và tôi thường trình bày cả hai quan điểm, những vấn đề môi trường đối lập với những vấn đề phát triển. Và kinh doanh chấp nhận cả hai quan điểm, kinh doanh ủng hộ cả hai. Chẳng hạn như, trong khu vực này, duy trì ngành du lịch là một việc lớn đối với kinh doanh, và điều đó có nghĩa là duy trì môi trường. Và các bạn biết đấy, những người giàu chuyển đến đây từ New York cũng muốn duy trì môi trường. Vì vậy, các bạn có những lợi ích đặc quyền và rất mạnh ở phía “bên kia” của vấn đề. Tình cờ, các bạn lại chọn một vấn đề mà ở đó cộng đồng kinh doanh bị chia rẽ, và do đó báo chí đại diện cho “cả hai phía”. Nhưng hãy cố gắng bắt đầu làm một cái gì đó ngầm phá hoại tất cả những lợi ích kinh doanh như thế, các bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng mình không còn là nhà báo nữa. Ý tôi muốn nói, họ có thể sẵn sàng giữ các bạn lại như một thằng gàn chỉ để làm trò cười, nhưng nếu các bạn đạt đến mức độ ảnh hưởng tới quan điểm của họ về chính sách hay quyền lực công, các bạn sẽ không được ở lại. Và đó chính xác là lí do tại sao những người nói ra những điều đó lại không tiếp tục được ở lại. NAM: Tôi đặt ra câu hỏi này cho Chủ tịch phòng Thương mại: “Có phải tăng trưởng kinh tế thực sự là một việc mong muốn không?”. Đó là một câu hỏi cấp tiến, và tôi nhận được cầu trả lời cho câu hỏi đó, thưa Giáo sư. Nhưng nó không phải là một câu hỏi cấp tiến ở đây, bởi vì kìm hãm tăng trưởng kinh tế là giúp những lợi ích kinh doanh trong vùng này. Anh bạn tình cờ lại ở trong một vị trí đặc biệt đối với vấn đề đó. Hãy gợi ý cách phân phối lại thu nhập, tăng thuế kinh doanh phục vụ cho những mục đích phúc lợi xã hội. Hãy thử điều đó xem. NỮ: Nhưng đó không phải là phóng sự. Tại sao lại không? Anh ấy nói “quan điểm của cả hai phía”. Đó là một quan điểm của cả hai phía. Này, một trong những việc mà Edward Herman và tôi làm trong Tạo dựng sự đồng thuận là nhìn vào những nguồn tin mà các phóng viên hướng đến. Trong phần tôi viết, tình cờ tôi lại thảo luận về Trung Mỹ, vì vậy tôi nghiên cứu kĩ 50 bài báo của Stephen Kinzer của tờ New York Times bắt đầu từ tháng 10 nàm 1987, và chỉ hỏi: anh ta cố gắng lấy những quan điểm của ai? Ồ, hóa ra là trong 50 bài báo, anh ta đã không nói chuyện với một người nào ở Nicaragua thân Sandino cả. Đó, phải có một người nào đó - các bạn biết đấy, mẹ của Ortega, một người nào đó phải thân Sandino. Trên thực tế, mọi người anh ta trích dẫn đều chống lại Sandino (Daniel Ortega là Tổng thống Sandino). Có những cuộc thăm dò dư luận mà tờ Times không công bố, và chúng chỉ ra rằng tất cả những đảng đối lập ở Nicaragua cộng lại chỉ nhận được sự ủng hộ của 9% dân số. Nhưng họ lại là 100% trong báo cáo của Stephen Kinzer - mọi người anh ta thấy đều ủng hộ các đảng đối lập, 9% dân số. Đó là nội dung ở trong 50 bài báo.57 NAM: Tôi cho rằng bản cáo trạng tinh tế của Giáo sư một lần nữa lại bị đơn giản hóa. Chẳng hạn, tôi đọc một bài Giáo sư viết cho tờ Progressive về sự phụ thuộc của các phóng viên vào các nguồn tư liệu của chính phủ. Bài báo đó thực sự quan trọng, Giáo sư phải lấy những con số kinh tế, Giáo sư phải phát triển các nguồn tư liệu dài hạn, nếu không thì Giáo sư không thể lấy được thông tin.58 Tại sao Giáo sư lại đánh giá thấp về độc giả như vậy khi cho rằng họ sẽ không đọc những con số tinh tế? Nó có thể ở trong đoạn văn thứ năm hoặc đoạn văn thứ sáu, nhưng Giáo sư có thể thấy quan điểm của phóng viên ở đó? Tôi không hiểu anh bạn đang nói gì. Điều mà tôi nói là nếu như các bạn nhìn vào nguồn tư liệu mà các phóng viên lựa chọn, thì chúng không phải là nguồn tư liệu chuyên gia, chúng là những nguồn tư liệu thể hiện những lợi ích được ban phát: đó là tuyên truyền. NỮ: Nhưng tôi không cho rằng các phóng viên nói điều đó cho chính họ. Họ muốn nghĩ rằng họ đang làm một công việc trung thực. Chắc chắn là như vậy, nhưng các bạn có thể nhìn thấy nó hoạt động chính xác như thế nào. Giả sử rằng, một phóng viên bắt đầu đi ra ngoài những lợi ích được ban phát. Trước hết, các bạn sẽ thấy rằng mức độ của chứng cứ yêu cầu cao hơn rất nhiều. Các bạn không cần xác minh khi các bạn đi đến những lợi ích được ban phát, chúng vốn là những lợi ích tự xác minh. Chẳng hạn như, nếu các bạn viết phóng sự về sự tàn bạo do các du kích quân gây ra, tất cả những gì các bạn cần chỉ là những chứng kiến theo tin đồn. Còn nếu như các bạn nói về sự tra tấn do một sĩ quan quân đội Mỹ gây ra, các bạn cần phải có video. Và về mọi vấn đề cũng giống như vậy. Ý tôi muốn nói, nếu phóng viên dẫn lời “một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ” không đề tên, thì đó đã là một chứng cứ đủ. Điều gì xảy ra nếu họ dẫn lời một người trong phong trào phản kháng hay một quan chức của chính phủ nước ngoài thù địch với Mỹ? Họ phải bắt đầu đào bới, hỗ trợ nó, và phóng viên phải có hàng núi những chứng cứ, chờ đợi phải thu thập xong rất nhiều lời chỉ trích, và cần phải lường trước khả năng bị mất việc, v.v. Với những nhân tố thuộc kiểu như thế, thì có thể rất dễ đoán phóng viên sẽ đi theo con đường nào. Các phóng viên thường chọn cách dễ dàng; ý tôi muốn nói, sự lười biếng là hiện tượng phổ biến. NỮ: Giáo sư mô tả cách phân tích truyền thông này như là một “lí thuyết của sự thông đồng” chứ gì? Thực ra, nó đối lập chính xác với lí thuyết thông đồng. Nhìn chung, cách phân tích này có xu hướng xem nhẹ vai trò của các cá nhân: họ chỉ là những bộ phận có thể thay thế được. Này, một phần trong cấu trúc của chủ nghĩa tư bản công ti là những người tham gia cuộc chơi cố gắng tăng lợi nhuận và thị phần. Nếu họ không làm điều đó, họ không còn là những người tham gia cuộc chơi nữa. Bất kì nhà kinh tế nào cùng biết điều này: chỉ ra điều đó không phải là nhiệm vụ của lí thuyết thông đồng, nó chỉ được cho là ngẫu nhiên như là một nhân tố thể chế. Nếu một người nào đó nói: “Ô không, đó là lí thuyết thông đồng”, thì người ta sẽ cười. Những gì chúng ta đang thảo luận hoàn toàn là các yếu tố thể chế định ra những ranh giới cho việc tường trình và giải thích trong các thể chế tư tưởng. Điều đó ngược lại với lí thuyết thông đồng, nó chỉ là một cách phân tích thể chế bình thường, kiểu phân tích các bạn thực hiện một cách tự động khi các bạn cố gắng tìm hiểụ thế giới hoạt động như thế nào. Theo tôi, đối với những người gọi nó là “lí thuyết thông đồng”, thì đó chẳng qua là một phần của cố gắng nhằm ngăn chặn sự hiểu biết về việc thế giới hoạt động như thế nào - “lí thuyết thông đồng” đã trở thành trí tuệ tương thích với bốn chữ cái: nó là cái gì đó người ta nói khi họ không muốn các bạn nghĩ về điều đang thực sự diễn ra. NAM: Theo Giáo sư, các phương tiện truyền thông thay thế có vai trò gì trong “Mô hình Tuyên truyền”? Ồ, nó đa dạng. Tôi cho rằng ở một mức độ nào đó, các phương tiện truyền thông thay thế có vai trò trong “Mô hình Tuyên truyền”. Vì vậy, phần nhiều của cái được gọi là “các phương tiện truyền thông thay thế” ở Mỹ chỉ thực sự là một kiểu thương mại hóa quái đản - giống như 95% nội dung của tờ Village Voice chẳng hạn, hay có thể 99 %. Tôi xem nó chỉ như là một thủ đoạn khác của việc đưa công chúng ra ngoài lề: nó là một phiên bản khác của tờ National Enquirer, chỉ để phục vụ một đối tượng độc giả khác. Tuy nhiên, ở một phạm vi có ý nghĩa, các phương tiện truyền thông thay thế có tính xây dựng. Thường chúng thể hiện trước công chúng một quan điểm thay thế về thế giới, và điều đó thực sự khác. Ví dụ, tôi đi đến nhiều nơi, nói chuyện trên khắp mọi miền của tổ quốc, và tôi để ý thấy rằng ở những nơi có đài phát thanh được thính giả ủng hộ, thì chỉ có một cảm giác khác trong cộng đồng - có một nơi người ta có thể đến, liên hệ bản thân với nó, và tìm thấy những gì đang diễn ra, nghe thấy những người khác, đóng góp, xây dựng một quan niệm mới về thế giới và nó hoạt động như thế nào trên cơ sở liên tục. Ý tôi muốn nói, các bạn cảm thấy nó ngay lập tức nếu một cái gì đó đại loại như thế đang diễn ra, và các bạn cảm thấy nó nếu không có gì đang diễn ra. Các tạp chí chính trị cũng tương tự. Nhưng lưu ý rằng, bất kì cái gì thay thế cũng sẽ bị thiếu các nguồn tài nguyên và thiếu tầm vươn xa - nó giống như những sự thay thế việc sản xuất xe hơi: các bạn có thể làm được, nhưng sẽ cực kì khó khăn. Vì vậy, tôi không biết về các chi tiết, nhưng tôi hình dung ra rằng, nếu các bạn so sánh những nguồn tài nguyên ở phía sau, ví dụ như F.A.I.R. (Tính vô tư và độ chính xác trong tường trình của Tổ hợp giám sát truyền thông cánh tả) và A.I.M. (Độ chính xác trong các phương tiện truyền thông của Tổ hợp giám sát truyền thông cánh hữu) chẳng hạn, thì các bạn sẽ có một sự ước tính rất lí thú về những gì có liên quan.59 Và nó chỉ tự nhiên ở chỗ những lợi ích lớn thực sự không muốn ủng hộ những cấu trúc thay thế. Tại sao một chức năng thể chế theo cách như vậy lại ngầm phá hoại chính nó? Tất nhiên điều đó sẽ không xảy ra. NỮ: Gần đây trên truyền hình công có một loạt các chương trình nói về những hoạt động khuất tất và bom nguyên tử, chúng đưa ra nhiều thông tin mà dường như chống lại những lợi ích quyền lực đó - đó là điều không bình thường, kiểu sự vật mà Giáo sư hầu như chưa bao giờ nhìn thấy. Tôi muốn biết theo Giáo sư thì mục đích của nó có thể là gì. Tôi đặc biệt ngạc nhiên về sự công khai của những gì đang được người ta nói: họ đề cập đến chiến dịch MONGOOSE, những âm mưu ám sát Castro, những mối liên hệ giữa anh em nhà Kennedy với Mafia, họ nói về nước Mỹ tuyển mộ một số trong những người theo tư tưởng Đức quốc xã tồi tệ nhất để làm việc cho chúng ta sau Thế chiến II.60 Tôi tò mò không hiểu tại sao những tin tức kiểu này hiện nay lại bị lộ ra. Tại sao nó lại xảy ra vào thời điểm này, và trong một diễn đàn công khai như vậy? Trước đó, Giáo sư đã nói về sự vật đôi khi lọt qua những vết nứt - điều này hơn cả việc lọt qua những vết nứt. Ồ, nó thực sự thế sao? Bao nhiêu người nhìn thấy nó? Các bạn thấy đấy, và có những người hoạt động rất tích cực, những người quen với kiểu sự việc đó. Và đây không phải là lần đầu tiên những việc như thế này xảy ra. Nhiều trong số những tư liệu này đã xuất hiện trong các phương tiện truyền thông vào năm 1975. Vì vậy, biết chính xác tại sao nó lại lộ ra hiện nay là điều lí thú, nhưng có một số vấn đề khác đã xuất hiện trong đầu ngay lập tức. Tập hợp những sự phơi bày đầu tiến là vào năm 1975, ngay sau vụ bê bối Watergate; tập hợp những sự phơi bày thứ hai là ngay bây giờ, xảy ra ngay sau vụ bê bối Iran-Contra. Và một điểm đặc thù là sau những vụ bế bối của chính phủ giống như những vụ bê bối này, thì lại có một giai đoạn khá cởi mở trong các phương tiện truyền thông, và sau đó lại khép lại. Trên thực tế, có nhiều nhà báo ý thức rất rõ về thực tế này, họ chờ đợi những vụ bê bối của chính phủ để cố gắng đưa vào các câu chuyện mà họ biết mình sẽ không thể công bố được ở những thời điểm khác. Tôi có thể cung cấp cho các bạn những ví dụ về điều đó, nếu các bạn muốn. Và tại sao nó lại sắp xảy ra là điều hiển nhiên. Có một vụ bê bối, vì vậy các thể chế muốn hợp pháp hóa chính họ, và có áp lực của dân chúng, vì vậy các nhà báo, những người muốn viết về những sự việc như vậy được có một chút nới lỏng để làm việc đó. Đó có thể là lí do. Tình cờ, sẽ có một số hành động khác nữa được phơi bày trên các phương tiện truyền thông trong một hoặc hai tuần sau về chương trình Frontline (Tuyến đầu) - mà nếu PB.S. điều hành nó (hiện giờ họ đang tranh cãi về việc này), thì sẽ rất lí thú. Nó là một giai thoại về Trung Đông của Leslie và Andrew Cockburn, và từ những gì tôi được nghe, thì nó được thực hiện cực kì hoàn hảo. Vì vậy, nó không phải là việc những hệ thống này bị đóng kín hoàn toàn đối với những người trong phong trào phản kháng - thậm chí trên truyền hình thương mại, cũng có những khả năng tương tự. Chẳng hạn, khi Leslie Cockburn làm việc ở C.B.S., chị ấy có thể phơi bày những thông tin thực sự quan trọng về sự dính líu của chính phủ Mỹ vào việc điều hành ma túy thông qua Contra. Tôi không biết liệu các bạn có xem chương trình đó hay không, nhưng nó được chiếu trên mạng lưới các phương tiện truyền thông Quốc gia, West 57th - hàng chục triệu người xem các phi công Mỹ trong nhà tù khai báo vể việc họ chở vũ khí cho Contra và trở về với những chiếc máy bay chở đầy cocaine như thế nào: họ được hướng dẫn hạ cánh xuống căn cứ không quân Homestead bằng radar, sau đó những chiếc xe tải chạy đến, dỡ ma túy ra và chở chúng đi; tất cả đều diễn ra ngay trong căn cứ không quân. Chương trình đó được chiếu trên kênh C.B.S.61 Vì vậy, có những khe hở để tiến hành các cuộc phóng sự điều tra, và có những người trong các phương tiện truyền thông tìm kiếm chúng và tìm thấy chúng. Trên thực tế, một số phóng viên điều tra trong nước ý thức rất rõ về cái cách mà hệ thống hoạt động như thế nào và họ chơi với hệ thống đó như thể chơi violon, chỉ tìm kiếm những thời điểm họ có thể “xoáy” được thông tin. Thực ra, một số phóng viên nổi tiếng nhất thậm chí còn hoài nghi về các phương tiện truyền thông hơn tôi. Nhưng họ chỉ tìm cách làm việc trong hệ thống, và họ thường xuyên lấy ra những tư liệu rất quan trọng. Vì vậy, người ta sẽ tích lũy các câu chuyện về những chủ đề họ nghiên cứu, và chờ khi thờ điểm hơi lơi lỏng một chút thì họ chen những câu chuyện đó vào. Hay họ sẽ tìm biên tập viên phù hợp, họ viết những quan điểm của mình rất cẩn thận, cấu trúc chúng lại và thế là họ có thể lọt qua. Nhớ rằng, thực sự có các giá trị mâu thuẫn trong những hệ thống này, và những mâu thuẫn đó cho phép các khả năng. Giá trị thứ nhất là phục vụ quyền lực, giá trị thứ hai là tính liêm chính trong nghề nghiệp - và các nhà báo sẽ không thể thực hiện việc phục vụ quyền lực của mình một cách có hiệu quả trừ phi họ biết làm việc liêm chính như thế nào, nhưng nếu họ biết làm việc liêm chính như thế nào, thì họ cũng sẽ muốn thực thi giá trị đó trong các lĩnh vực khác. Kiểm soát mâu thuẫn đó là việc làm cực kì khó khăn, và đôi khi sự việc chắc chắn vượt khỏi tầm tay. Thêm vào đó, các bạn biết đấy, cũng có một yêu cầu đòi hỏi các phương tiện truyền thông phải trình bày một bức tranh chính xác về thế giới ở mức độ vừa phải - và điều đó cũng tạo ra những kẽ hở. Vì vậy, lấy tờ Wall Street Journal làm ví dụ, một tờ báo kinh doanh điển hình: những trang xã luận chỉ là những cơn thịnh nộ tức cười, nhưng mục tin tức thường rất thú vị và hoàn hào, trên thực tế họ có những phóng sự tốt nhất trong nước. Và tôi cho rằng lí do giải thích cho điều đó là khá rõ ràng. Trên trang xã luận của tờ Wall Street Journal, biên tập viên có thể gào, thét và sùi bọt mép, nhưng chẳng ai để ý nhiều, nhưng những người trong thế giới kinh doanh phải có một bức tranh hiện thực về những gì đang xảy ra trên thế giới nếu họ muốn đưa ra những quyết định phù hợp với đồng tiền của họ. Đấy, điều đó cũng tạo ra những kẽ hở, và những kẽ hở đó thường có thể được tận dụng. Vì vậy, điểm chủ yếu không phải là cấm toàn bộ thông tin của các phương tiện truyền thông - điều đó là hiếm, mặc dù chắc chắn nó vẫn tồn tại. Điểm chủ yếu là cách tạo ra lịch sử, lựa chọn, và giải thích những điều đang xảy ra. Ý tôi muốn nói, hãy lấy một ví dụ, tôi nghi ngờ rằng bất kì câu chuyện nào đã từng đưa tin một cách cuồng tín như việc bắn hạ chiếc máy bay của Hãng hàng không Nam Hàn trên chuyến bay 007 của người Nga vào năm 1983 - sự kiện đó được trình bày như là một chứng cứ chắc chắn rằng người Nga là những người dã man nhất kể từ thời kì của Hoàng đế Attila người Hung nô, và do đó chúng ta phải triển khai các đầu đạn ở Đức, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống Nicaragua, và v.v. Chỉ riêng tháng 9 năm 1983, mục lục tra cứu của tờ New York Times - các bạn biết đấy, phần mục lục tra cứu được in dày đặc - đã cho thấy những trang kín hết dành cho câu chuyện này. Đó là phần mục lục tra cứu, chỉ trong một tháng thôi. Tờ Boston Globe có tư tưởng tự do trong ngày đưa tin đầu tiên, theo tôi, đã dành kín 10 trang đầu cho câu chuyện đó và không có thêm một tin tức nào khác. Ý tôi muốn nói, tôi không kiểm tra, nhưng tôi ngờ rằng chỉ có sự bùng nổ của Thế chiến II mới có sự đưa tin nhiều như thế. Đúng, có những sự kiện khác xảy ra ở giữa những sự xôn xao về chuyến bay của hãng Hàng không Nam Hàn - ví dụ, tờ Times đã dành 100 từ và không một lời bình nào về sự thật sau đây: U.N.I.T.A., những người được gọi là “các chiến sĩ đấu tranh cho tự do” ở Angola được Mỹ và Nam Phi ủng hộ, đã nhận được lời khen về việc bắn hạ một chiếc máy bay dân dụng của Angola, giết chết 126 người. Giờ đây, không còn một sự mơ hồ nào về trường hợp này: Chiếc máy bay không bay sai đường, không có R.C.-135 nhầm lẫn vấn đề (chuyến bay 007 của Hãng hàng không Nam Hàn đã bay sai đường vào không phận của Liên Xô, còn chiếc máy bay do thám R.C.-135 của không quân Mỹ trước đó đã bay tuần tiễu trong khu vực vào ngày ấy). Đây chỉ là một vụ giết người hàng loạt có tính toán trước, điều đó xứng đáng với 100 từ và không một lời bình luận nào nữa.62 Một vài năm trước đó, vào tháng 10 năm 1976, một chiếc máy bay dân dụng của Cuba cũng đã bị những kẻ khủng bố do C.I.A. hậu thuẫn đánh bom, giết chết 73 dân thường. Có bao nhiêu tin được đưa về sự kiện đó?63 Năm 1973, Israel đã bắn hạ một chiếc máy bay dân dụng bị lạc vào một trận bão cát trên kênh đào Suez, giết chết 110 người. Không có lời phản đối nào, chỉ có những lời bình luận trên xã luận về sự kiện đó. Tôi dẫn lời của tờ Times không một mục đích hữu ích nào được phục vụ bởi sự tranh luận gay gắt về việc “quy trách nhiệm” như thế nào.64 Bốn ngày sau, Golda Meir (Thủ tướng Israel) đến Mỹ, và báo chí đã quấy rầy bà ta bằng một vài câu hỏi gây lúng túng - trên thực tế, bà ta về nước với món quà mới là một chiếc máy bay quân sự.65 Trở lại năm 1955, một chiếc máy bay của hãng Hàng không Ấn Độ chở đoàn đại biểu Trung Quốc đến dự hội nghị ở Bandung (thành phố lớn thứ 3 của Indonesia) đã bị nổ trên không trung, cảnh sát Hồng Kông đã gọi nó là “một vụ giết người hàng loạt được lập kế hoạch cẩn thận”. Một người Mỹ li khai sau này khẳng định rằng anh ta đã đặt bom để phục vụ cho C.I.A.66 Vào tháng 7 năm 1988, chiếc tàu chiến Mỹ Vincennes đã bắn rơi một chiếc máy bay dân dụng của Iran trong hành lang không gian thương mại ngoài bờ biển Iran, giết chết 290 người, chỉ vì cần chứng minh cho khả năng thực hiện được của hệ thống tên lửa công nghệ cao, theo tư lệnh hải quân Mỹ David Carlson, người giám sát sự kiện từ một chiếc tàu chiến ở gần đó và nói ông “lấy làm lạ và lớn tiếng trong sự hoài nghi.”67 Không một sự kiện nào được giữ lại để chứng minh cho hành động “dã man” và trên thực tế tất cả những sự kiện đó đều nhanh chóng bị lãng quên. Đấy, người ta có thể dẫn ra hàng nghìn ví dụ như vậy, và nhiều người, kể cả tôi, tập hợp mọi chuyện như vậy để in thành sách. Đây là những cách mà lịch sử được hình thành vì lợi ích của những kẻ có quyền lực - và đó là một loại ý kiến của tôi về báo chí. Thông tin đôi khi được báo cáo, nhưng các phương tiện truyền thông không đưa tin về nó.68 SỰ LỆ THUỘC CHÂN THẬT N AM: Tôi muốn biết những người làm việc với các phương tiện truyền thông có xu hướng phản ứng lại kiểu phê phán thể chế này như thế nào? Ồ, để phác họa một nét khái quát về nó, nhìn chung, các phương tiện truyền thông thích bị tấn công từ cánh hữu. Họ thích thú khi bị tấn công như là những kẻ lật đổ, những kẻ thù địch, sa dà trong việc ngầm phá hoại quyền lực đến mức đang phá hoại nền dân chủ, và v.v. Họ thậm chí còn thích được nói rằng họ đang dối trá trong cam kết của họ để ngầm phá hoại quyền lực - có những ví dụ ấn tượng về điều này. Và điều rõ ràng là tại sao họ lại rất thích nó: sau đó họ có thể trở lại và nói, như Katharine Graham (ông chủ của tờ Washington Post) đã tuyên bố trong một bài phát biểu khai mạc, đúng rồi, sự sốt sắng chống lại giới quyền uy đôi khi đi quá xa, nhưng đó là cái giá chúng ta phải trả trong một xã hội tự do. Nó tạo ra sự sao chép lớn. Mặt khác, nếu họ bị phê bình từ phía đối lập, rằng: “Này, các bạn có thể làm việc của mình với sự chính trực cao, nhưng các bạn lại rất phụ thuộc vào quyền lực, thật ra như một kẻ nô lệ - trong cách mà các bạn lựa chọn các chủ đề, tạo ra chúng, và chấp nhận những quan điểm”, thì họ sẽ ghét sự phê phán đó. Vì vậy, những người làm truyền thông không thích được cho rằng họ đang thực hiện công việc của mình một cách trung thực, nhưng lại phụ thuộc vào quyền lực - họ rất thích được nói: “Các bạn không trung thực trong những cố gắng của mình để phá hoại quyền lực.” Tôi sẽ đưa ra cho các bạn một ví dụ gần đây, một trong những cuộc tấn công lớn của cánh hữu vào các phương tiện truyền thông được thể hiện trong một công trình nghiên cứu đồ sộ gồm hai tập, được một tổ chức có tên là “Ngôi nhà Tự do” (Freedom House) xuất bản (một tên gọi dễ chịu kiểu Orwell), phê phán cách đưa tin của giới truyền thông về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Việt Nam, họ kết luận rằng các phương tiện truyền thông về cơ bản đã bị thất bại, vì thiếu tinh thần yêu nước.69 Sự đột phá của công trình nghiên cứu thể hiện ở chỗ, các phương tiện truyền thông đã nói dối về cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân và đã trình bày sự thất bại của miền Bắc Việt Nam/Việt Cộng như là một thắng lợi lớn cho phía đối phương, và do đó đã ngầm phá hoại cố gắng trong cuộc chiến của Mỹ. Đó là lời khẳng định cơ bản, và để ủng hộ nó, họ đã viện cớ rằng các phương tiện truyền thông đã bóp méo những gì người ta nói, xuyên tạc các chứng cứ, v.v. và v.v. Các phương tiện truyền thông thích điều đó, họ gói nó lại - và kể từ đó, việc làm đó trở thành một câu chuyện chuẩn mực.70 Đấy, sự thật của vấn đề là công trình nghiên cứu Ngôi nhà Tự do này ngay lập tức bị phơi bày là một trò lừa dối, trong một bài báo phê bình được nhiều người đọc. Tôi đã viết bài báo này.71 Công trình nghiên cứu hầu như là một sự lừa gạt hoàn toàn. Khi các bạn chữa hàng trăm lỗi nghiêm trọng và những lời xuyên tạc, cái mà các bạn có được là kết luận cho rằng các nhà báo Mỹ đã đưa tin về cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân một cách hoàn toàn trung thực, trong nghĩa rất hẹp - nghĩa là, họ đã mô tả chính xác những gì diễn ra trước mắt họ - nhưng họ đã thực hiện điều đó trong khuôn khổ của những giả thuyết yêu nước mà đã bóp méo đáng kể toàn bộ bức tranh. Vì vậy, ví dụ, các phóng viên thường mô tả các lực lượng của Mỹ càn quét những thị trấn ở miền Nam Việt Nam như thế nào, và họ thường nói: “Đây là sự tất yếu không may mắn, nhưng chúng ta phải bảo vệ những thị trấn này từ những kẻ tấn công.” Ồi, không có kẻ tấn công nào cả ngoại trừ những người Mỹ - không có người Nga, không có người Trung Quốc, hầu như không có người miền Bắc Việt Nam nào, không một ai trừ những kẻ xâm lược là người Mỹ.72 Nhưng tất nhiên là không ai trong giới báo chí có thể nói ra điều đó. Vì vậy, nói một cách hạn hẹp, các phương tiện truyền thông đã làm một việc trung thực, mặc dù thường từ một bình diện được sắp đặt rất kĩ lưỡng bởi mạng lưới tuyên truyền của chính phủ Mỹ. Và đối với việc mô tả sự thất bại của đối phương như là một thắng lợi, điều đó chỉ hoàn toàn giả dối: giới báo chí lạc quan về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân hơn tin tức tình báo chính thức của Mỹ rất nhiều - và chúng ta biết điều đó - bởi vì những báo cáo tình báo xuất hiện trong các Văn kiện của Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) (hồ sơ tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về sự dính líu của Mỹ ở Đông Nam Á, được tiết lộ với công chúng năm 1975).73 Vì vậy, trong thực tế, điều hệ trọng là Ngôi nhà Tự do đã buộc tội các phương tiện truyền thông không lạc quan và không nhiệt tình trong việc chấp nhận khung tuyên truyền của chính phủ. Đấy, đấy mới chính là chế độ hoàn toàn cực quyền. Nhưng sự phê phán về công trình nghiên cứu nói trên biến mất, không một ai mảy may chú ý đến điều đó. Nó được in nhiều lần và được thổi phồng, nó hoàn toàn được chứng minh và ủng hộ bằng dữ kiện, nhưng không một ai muốn nghe điều đó. Các phương tiện truyền thông không muốn nghe thấy rằng họ đã làm một việc chân thật, nhưng trong khuôn khổ của quyền lực quốc gia, họ rất muốn nghe thấy rằng họ là những kẻ có tính lật đổ cao đến mức mà thậm chí họ đã ngầm phá hoại nền dân chủ. “HÃY CHIẾN ĐẤU TỐT HƠN NỮA!”: CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM N Ữ: Tôi có cảm tưởng rằng trong suốt thời kì chống chiến tranh Việt Nam, các phương tiện truyền thông có sự cởi mở đối với các phong trào tiến bộ hơn là hiện nay, chẳng hạn như trong tờ New York Times và tờ Washington Post. Đấy chỉ là ảo tưởng mà thôi, còn thực ra ít có sự cởi mở hơn. Này, tôi có thể nói cho chị biết về điều này, bởi vì tôi đã rơi ngay vào tình huống ấy, đồng thời tôi cũng đã nghiên cứu tình huống đó khá chi tiết… NỮ: Qua việc đọc những tờ báo ngày nay, tôi cho rằng đã có sự chuyển đổi rõ ràng sang cánh hữu. Chị biết đấy, tôi không đồng ý với nhận định ấy. Người ta rõ ràng có ảo tưởng như vậy, nhưng tôi nghĩ đó là vì quan điểm của họ đã chuyển sang cánh tả - và thật ra hiện tượng này trên thực tế xảy ra với hầu hết dân chúng - ví dụ, quan điểm mà hầu hết các nhà hoạt động phong trào cho là quan điểm chống chiến tranh vào năm 1969, thì ngày nay họ sẽ cho là quan điểm ủng hộ chiến tranh - chính xác là như vậy. Ý tôi muốn nói, nếu năm 1969 nói rằng chúng ta không chiến đấu tốt thì được xem là quan điểm phản chiến. Điều này được gọi là “phản chiến”. Vì vậy, tất nhiên tôi không biết chị, nhưng nếu chị giống như một người hoạt động phong trào bình thường, thì tôi sẽ đoán rằng quan điểm của chị cũng đã thay đổi trong 20 năm qua, và đó là nơi mà cảm tưởng của chị xuất phát. Đối với tờ New York Times, một phần việc khác mà tôi và Ed Herman đã thực hiện trong cuốn Tạo dựng sự đồng thuận là dành khoảng 150 trang xem xét lại hầu hết những gì tờ New York Times nói về cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1950 đến nay - và thực tế là tờ Times thường ủng hộ phía dân chúng hiếu chiến, rất nhiều. Họ chưa bao giờ phê phán quan điểm đó. Không hề có một người phụ trách chuyên mục phê bình nào. Họ chủ định giữ kín những hành động của chính phủ. Khi chúng ta nhìn lại những phóng viên mà chúng ta cho là có đầu óc phê phán như David Halberstam và những người khác, Neil Sheehan, thì các bạn sẽ phát hiện ra rằng cái mà họ phê phán chỉ là sự thất bại. Họ nói: “Tất nhiên, đó là một sự nghiệp cao cả và chúng ta muốn chiến thắng, nhưng các bạn đã xử lí tình huống tồi. Hãy chiến đấu tốt hơn nữa.” Đấy là cách phê bình kiểu như thế.74 Điều này thực sự xuất hiện rất rõ trong cuốn sách mới của Sheehan, cuốn sách bán chạy nhất vừa mới đoạt giải thưởng Pulitzer có nhan đề A Bright Shining Lie (Sự dối trá ngoạn mục).75 Nó được mời chào rất mạnh ở mọi nơi như là sự phanh phui lớn về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng nếu các bạn quan sát kĩ, cái thực sự được phơi bày là những điều mà các chuyên gia tình báo Mỹ thu nhận ngoài chiến trường đã không được truyền tải trở lại Washington - đấy là bản chất phê bình của Sheehan. Và điều đó, cho đến tận ngày nay, vẫn được xem là quan điểm chống chiến tranh xa vời với quan điểm chính thống: “Những người anh em đã xử lí tình huống quá tồi, cho nên các bạn phải chiến đấu tốt hơn.” Cuốn sách của Sheehan là một kiểu tiểu thuyết về tiểu sử của John Paul Vann, một kẻ hiếu chiến cực đoan (ông ta giám sát các chương trình “bình định dân sự” ở Việt Nam, nhưng là con người mẫn cảm - ông ta hiểu được điều gì đang diễn ra, và ở ngoài chiến trường ông ta cung cấp cho phóng viên những tin tức nói rằng sự việc không diễn ra theo chiều Washington nói (điều này được xem là hoàn toàn không phải là yêu nước. Vậy làm sao các bạn có thể nói rằng ông ấy không chiều lòng Washington?). Và ông ta là người hùng trong toàn bộ cuộc chiến tranh Sheehan miêu tả. Chúng ta hãy quan sát Vann. Ông ta đã tiết lộ một vài bản bị vong lục (văn bản ngoại giao trình bày lịch sử một vấn đề để tranh thủ dư luận hay làm cơ sở cho việc ngoại giao) vào năm 1965, được sử dụng trong phong trào hòa bình. Tôi đã xuất bản chúng, sau đó Ed Herman cũng đã xuất bản chúng, và v.v. Nhưng các phương tiện truyền thông chính thống không bao giờ công bố chúng, và trên thực tế, Sheehan thậm chí không đề cập đến những bản bị vong lục này trong cuốn sách của mình, về cơ bản, các tài liệu này tiết lộ điều gì đó đại loại thế này: ở miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng - được gọi là “Việt Cộng” - đã giành được dân chúng về phía họ, bởi vì họ có những chương trình chính trị hữu hiệu. Những người nông dân ủng hộ Mặt trận bởi vì họ chính là những người xứng đáng được ủng hộ, lẽ ra chúng ta cũng phải ủng hộ các chương trình đó của họ. Một cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam, và đó là một cuộc cách mạng thực sự cần thiết, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tổ chức cuộc cách mạng ấy, và đó là lí do tại sao Mặt trận nhận được sự ủng hộ của nông dân; còn chúng ta thì chẳng thể làm gì được họ. Và sau đó thì phần kết xuất hiện. Phần kết đó là, chúng ta phải leo thang chiến tranh, chúng ta phải quét sạch Mặt trận Dân tộc Giải phóng.76 Và lí do về cơ bản giống như những gì được tranh luận bởi những người như Walter Lippmann và toàn bộ phần còn lại của truyền thông trọng yếu nhất các nhà tư tưởng “dân chủ” ở phương Tây - nền dân chủ đó yêu cầu một giai cấp chóp bu trông nom việc ra quyết định và “tạo dựng” sự đồng thuận của quảng đại quần chúng cho các chính sách được cho là nằm ngoài khả năng phát triển và tự quyết của họ.77 Vì vậy, với Vann, tư tưởng của ông ấy là, những người nông dân Việt Nam ngu đần này đang phạm một sai lầm - còn chính chúng ta, những người thông thái mới có thể lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội giúp họ. Những người nông dân ấy cho rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng mới có thể lãnh đạo cuộc cách mạng, và chính những người của Mặt trận đang vận động khắp làng trên xóm dưới để tổ chức họ; trong khi đó chính chúng ta mới thực sự là những người duy nhất có thể lãnh đạo được cuộc cách mạng đó. Và vì nghĩa vụ của chúng ta đối với những người dân nghèo khắp thế giớỉ, chúng ta không thể để cho họ đi theo con """