" Dã Thảo - Lỗ Tấn full prc pdf epub azw3 [Tản Văn] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dã Thảo - Lỗ Tấn full prc pdf epub azw3 [Tản Văn] Ebooks Nhóm Zalo Tản văn LỖ TẤN Dã thảo MỤC LỤC Lời giới thiệu Đề Từ Đêm thu Lời giã từ của cái bóng Kẻ ăn xin Thất tình (thơ) Trả thù 1 Trả thù 2 Hy vọng Tuyết Cánh diều Một chuyện đẹp Người khách qua đường Lửa chết Lời căn dặn của chú Chó Run rẩy Lập luận Sau khi chết Những người chiến sĩ như thế Người thông minh, anh chàng ngốc và gã đầy tớ Chiếc lá ép khô Vết máu đỏ nhàn nhạt Chợt tỉnh LỜI GIỚI THIỆU Lỗ Tấn, nhà văn, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc từ lâu đã quen thuộc và được hâm mộ ở Việt Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về thời đại, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông được xuất bản và giới thiệu rộng rãi trong xã hội ta. Vài năm gần đây lại tiếp tục có nhiều tư liệu cung cấp cho sự hiểu biết của mọi người về nhà văn này thêm kỹ lưỡng và cụ thể. Về tác phẩm của Lỗ Tấn thì toàn bộ trước tác hơn mười triệu chữ Hán của ông đã được giới thiệu khái quát và chọn dịch khá nhiều. Chúng tôi đã dịch toàn bộ tiểu thuyết, toàn bộ tạp văn, một số sách biên khảo, một số bài tản văn và một số bài thơ. Lẻ tẻ cũng có một số trang nhật ký, một số phát biểu về lý luận văn học của ông được dịch và giới thiệu trong các công trình của giới nghiên cứu nước ta. Trong kho tàng trước tác đồ sộ của Lỗ Tấn có một tập sách nhỏ, là lạ, rất dễ thương, được nhiều độc giả Trung Quốc thích thú và đánh gió rất cao. Đó là tập “Dã thảo" (Cỏ dại). Tập sách này được Lỗ Tấn gọi là “Tản văn thi” (Thơ văn xuôi), là những bài văn ngắn giàu chất thơ được giới nghiên cứu xem là một trong những cột mốc của văn học hiện đại Trung Quốc, là tác phẩm văn học mang ý nghĩa “nhân học” đầu tiên sản sinh từ đất nước Trung Quốc, là tia nắng đầu tiên chiếu ra từ đêm đen ngàn năm lịch sử của Trung Quốc, là tập thơ văn xuôi có ảnh hưởng nhất trong văn học hiện đại Trung Quốc. Nội dung “Dã thảo” chủ yếu là giãi bày nội tâm. Qua sự miêu tả khuất khúc những xấu xa đen tối của xã hội, kết hợp với sự mổ xẻ những hoạt động trong chiều sâu của lòng người, thông qua trực giác của nhà nghệ thuật, thể hiện một cách uyển chuyển tâm trạng cô đơn, buồn tẻ, bàng hoàng song vẫn không ngừng khát vọng, không ngừng quyết tâm phấn đấu, theo đuổi những gì tươi sáng đẹp đẽ của nhà văn . “Dã thảo” được viết với một nghệ thuật đa dạng. Có bài ẩn hiện chất triết lý, có bài nồng đượm chất trữ tình, có bài phảng phất chất lãng mạn, có bài tràn đầy chất “u mua" (humour), có bài hàm súc kín đáo, có bài lại mộc mạc giản dị như thơ dân gian, có bài đối thoại viết hẳn thành màn kịch sinh động. Lỗ Tấn gọi đây là tập thơ văn xuôi, đúng là mỗi bài một vẻ, đều giàu chất thơ, hình ảnh thơ, tình tiết thơ, cảm xúc thơ, ngôn từ tiết tấu thơ. Rõ nhất là những bài như“Một chuyện đẹp”, ‘Tuyết”, “Đêm thu”,... Qua những hồi ức cụ thể và những tưởng tượng mộng ảo, nhà văn miêu tả những “người đẹp và “chuyện đẹp" để nói lên những khát khao tươi sáng của mình. Những cảnh sắc biến ảo tuyệt vời trong thực và trong mộng, ẩn chứa biết bao tình ý sâu xa. Ngay cả những hình ảnh của hiện thực đen tối sau khi cảnh đẹp trong mộng đã tan biến cũng biểu đạt những xúc cảm phẫn nộ và ý hướng nhìn về tương lai sáng sủa. “Tuyết” lại là vẻ đẹp cụ thể của hiện thực. Hình tượng hoa tuyết gồm những hạt li ti, cứng và lạnh buốt. Những cây lá mùa đông trái đỏ, hoa xanh, trên cánh đồng tuyết trắng xóa, những âm thanh và hoạt động rộn rã của đàn ông, của trẻ nhỏ... Đặc biệt là hình ảnh tuyết ở phương Bắc, khi bay lên trời cứ mãi mãi như phấn, như cát... Khi trời nắng, cứ theo gió cuộn tới rồi tản bay tưng bừng khắp nơi và sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, cứ như là những đốm lửa tàng ẩn trong màn sương dày đặc... Cảnh vật nên thơ mà ngụ ý thật sâu xa. “Đêm thu” càng nồng đượm chất trữ tình: Bầu trời thăm thẳm kỳ lạ với những con mắt sao nhấp nháy trên mảnh vườn nhỏ có cây, có hoa và cỏ dại. Cảnh vật được nhân hóa sinh động và đầy ẩn ý cùng với chút huyền ảo nhẹ nhàng thể hiện một tâm tình ái mộ hướng tới những tinh thần cao đẹp. Các thiên khác, mỗi thiên một vẻ, đều ẩn chứa một tình cảm nồng hậu mãnh liệt, những ngụ ý tinh tế phong phú, đều có những nét đặc sắc hấp dẫn riêng. Chúng tôi cảm nhận được những điều đó, nên trong khi rất chú ý đến yêu cầu "tín ’ của dịch thuật, cũng thật sự mong muốn chuyển dịch được những gì gọi là chất thơ của tác phẩm, song chắc chắn còn nhiều chỗ chưa làm được theo như ý nguyện. Chân thành mong mỏi sự quan tâm chỉ chính của bạn đọc. Người dịch PHẠM THỊ HẢO ĐỀ TỪ Lúc nào trầm lặng, tôi cảm thấy mình dồi dào, nhưng hễ mở miệng, lại cảm thấy mình trống rỗng. Mạng sống trước kia, nay đã chết rồi. Tôi thật vui mừng trước cái chết đó. Bởi vì nhờ nó mà tôi biết được rằng đã từng có mạng sống. Mạng sống chết đi nay đã rữa nát rồi. Tôi thật vui mừng trước sự rửa nát đó. Bởi vì nhờ đó, tôi biết rằng nó cũng không phải là trống rỗng. Bùn nát của mạng sống vứt bỏ trên mặt đất, chẳng mọc được cây cao, chỉ có cỏ dại, đó là cái tội của tôi. Cỏ dại rễ không sâu, hoa là không đẹp, nhưng nó hút nước uống sương, hấp thụ lấy chất máu chất thịt của thân xác người chết, những thứ này đã giành giật sự sống cho nó. Rồi nó sống. Nó lại sẽ bị dẫm đạp, sẽ bị cắt xén, cho đến khi chết rụi rồi rữa nát. Nhưng tôi vẫn cứ thản nhiên, vẫn cứ thấy vui. Tôi muốn cười vang, muốn ca hát. Tôi thấy yêu cỏ dại của mình, song tôi chúa ghét cái mặt đất cứ dùng cỏ dại làm đồ trang sức. Lửa ngầm dưới đất đang vận hành, đang sôi sục. Một khi chất dung nham kia phun lên, nó sẽ thiêu rụi hết cả cỏ dại, cả cây cao. Thế là chẳng còn gì để thối rữa nữa. Song tôi vẫn cứ thản nhiên, vẫn cứ thấy vui. Tôi muốn cười vang, muốn ca hát. Đất trời yên ắng như vậy, tôi cười lớn và hát sao được. Mà đất trời có không yên ắng đi nữa, chắc tôi cũng không thể làm như vậy. Đám cỏ dại này, tôi dùng để làm chứng cứ cho ánh sáng và bóng tối, cho cái sống và cái chết, cho quá khứ và tương lai, cho bạn và thù, cho người và thú, cho người yêu và kẻ không yêu. Vì bản thân tôi, vì bạn và thù, vì người và thú, vì kẻ yêu và không yêu, tôi mong sao đám cỏ chết và rữa nát này sẽ thật mau chóng diễn ra. Nếu không tôi sẽ là người trước tiên không còn tồn tại. Và như vậy thì quả thật còn bất hạnh hơn là chết đi và thối rữa. Thôi nào cỏ dại! Hãy cùng viết đề từ với tôi! PHỤ LỤC: Bản dịch của Trần Đình Sử ĐỀ TỪ “CỎ DẠI” Khi im lặng, tôi tự thấy mình chắc nịch; khi sắp cất lời, tôi lại thấy mình trống không. Sự sống quá khứ chết rồi. Tôi vui mừng vì cái chết đó, nhờ thế mà tôi biết mình đã từng sống. Sự sống ấy rữa nát rồi. Tôi vui mừng vì sự rữa nát đó, nhờ thế mà tôi biết mình chưa hề trống không. Bùn của sự sống tung toé trên mặt đất, không mọc được cây thân gỗ, chỉ mọc cỏ dại, đó là lỗi của tôi. Cỏ dại, rễ đã không sâu, hoa lá không đẹp, lại còn hút sương, hút nước, hút máu và thịt của người đã chết từ lâu, mọi vật đều cướp đoạt sự sống của nó. Hễ còn sống thì còn bị giày xéo, còn bị cắt xén, cho đến chết rồi rữa nát. Nhưng tôi thản nhiên vui mừng. Tôi sẽ cười to, tôi sẽ hát ca. Tôi yêu cỏ dại của tôi, nhưng tôi căm ghét cái mặt đất lấy cỏ dại làm trang sức. Lửa đang vận hành dưới đất, chỉ chực phụt lên. Một khi dung nham phụt lên, nó sẽ thiêu rụi tất cả mọi cỏ dại, thiêu cả cây cối, thế là chẳng còn gì để mà rữa nát. Nhưng tôi thản nhiên, vui mừng. Tôi sẽ cười to, tôi sẽ hát ca. Trời đất đã lặng im đến thế, tôi không thể cười to và hát ca. Trời đất dù cho không lặng im đến thế, có thể tôi cũng sẽ không thể cười và hát. Tôi đem khóm cỏ dại này hiến dâng trước bạn và thù, người và thú, người yêu và kẻ không yêu, giữa lúc sáng và tối, sống và chết, quá khứ và tương lai, để làm chứng. Vì bản thân tôi, vì bạn và thù, người và thú, người yêu và kẻ không yêu, tôi mong cho khóm cỏ dại này chết và rữa nát, lửa sẽ đến nhanh. Nếu không thế thì trước đây tôi đã chưa từng sống, điều đó còn bất hạnh hơn cái chết và sự rữa nát. Đi đi, cỏ dại, mang cả Đề từ của tôi. Nguồn: Tạp chí Thơ (số 9-2011), Hội nhà văn Việt Nam ĐÊM THU Ở vườn sau nhà tôi, có thể nhìn thấy phía ngoài tường có hai cái cây, một là cây táo, còn cây kia cũng là cây táo. Đêm nay, bầu trời trên kia cao đến kỳ lạ. Từ thuở bé đến giờ, tôi chưa hề nhìn thấy bầu trời cao lạ lùng như vậy. Dường như nó muốn rời bỏ thế gian này mà ra đi, khiến mọi người dù có ngẩng mặt lên cũng không thể nhìn thấy nó được nữa. Thế nhưng lúc này, nó lại là một màu xanh lam rất sẫm với mấy chục con mắt sao nhấp nháy, những con mắt sao lạnh lẽo. Chúng như đang mỉm cười, như tự cho là mình có thâm ý gì ghê gớm lắm và sẽ rắc sương lạnh lên bãi hoa dại cỏ dại vườn tôi. Tôi cũng không rõ loại hoa cỏ đó tên thật là gì. Và người ta đã gọi chúng là gì. Tôi nhớ là có một loại đã từng nở những bông hoa tí xíu màu hồng. Lúc này bông hoa cũng đang nở nhưng lại còn nhỏ hơn nữa. Khí trời lạnh giá, nó co mình lại và nó mơ, nó mơ thấy mùa xuân đã tới, rồi mơ thấy mùa thu cũng tới, mơ thấy nhà thơ gầy gò đang tưới nước mắt lên cánh hoa cuối cùng của nó và bảo nó rằng tuy mùa thu đã tới, rồi mùa đông cũng tới, song sau đó lại là mùa xuân, lại có bướm bay, lại có đàn ong mật ca hát. Thế là nó cười, mặc dù vẫn đang co ro và tím tái đi vì giá lạnh. Những cây táo, chúng đã rụng sạch lá. Mấy hôm trước, còn có mấy đứa trẻ đến chọc những quả táo còn sót lại, nay thì hết sạch rồi, đến cái lá cũng chẳng còn. Chúng cũng biết giấc mơ của bông hoa nhỏ kia, biết rằng sau mùa thu lại có mùa xuân. Chúng cũng biết giấc mơ lá rụng, biết rằng sau mùa xuân lại là mùa thu. Chúng thật sự rơi hết lá rồi, chỉ còn trơ lại thân cây. Song, được thoát khỏi cái hình vòng cung nặng trĩu đầy quả và lá trước nay, nó vươn vai thoải mái. Có mấy cành là thấp xuống để bảo vệ cho thân cây khỏi bị trầy xước vì gậy chọc táo. Nhưng mấy cành thẳng nhất và dài nhất thì lại như những chiếc gậy sắt lặng lẽ chọc thẳng lên lão trời cao kỳ lạ trên kia, khiến lão phải nhấp nháy mắt liên hồi. Rồi lại chọc đến tận chị trăng tròn trịa trên không trung khiến chị ta ngượng đến chín mặt. Bầu trời nhấp nháy mắt lại càng xanh thẫm. Không ổn rồi. Dường như nó rời bỏ thế gian này, tránh xa hai cây táo, chỉ để lại vầng trăng. Nhưng chị trăng cũng đã len lén núp vào phía đông. Còn những thân cành trụi lá kia thì lại vẫn cứ lặng lẽ như chiếc gậy bằng sắt chọc thẳng lên bầu không kỳ lạ trên cao, ý như muốn ép nó phải chết, bất kể là nó đang nhấp nháy đủ kiểu những con mắt đầy mê hoặc. Quạc một tiếng, con quạ đêm bay qua. Tôi chợt nghe thấy tiếng cười. Tiếng cười vào lúc nửa đêm, tiếng cười khúc khích, dường như không muốn phá giấc ngủ của mọi người, song không khí xung quanh lại ứng hoạ cười theo. Đang giữa ban đêm, chẳng có ai khác, tôi tức khắc nhận ra đó là tiếng cười từ miệng mình. Và tôi bị ngay tiếng cười đó xua đẩy về phòng mình. Dây treo đèn lập tức được cuốn cao lên. Kính cửa sổ phía sau kêu lanh canh bởi nhiều côn trùng bay đập vào. Chỉ một lúc, có mấy con vào được trong phòng, có lẽ chúng lọt qua chỗ giấy thủng. Vừa vào được là chúng lại va đập lanh canh vào cái chụp đèn thuỷ tinh. Có một con va vào phía trên, thế là nó chạm lửa, và tôi cho rằng đó là lửa thật. Hai ba con nằm thở hổn hển nghỉ ngơi trên chao đèn. Cái chao này mới thay tối qua, bằng giấy trắng muốt, gấp thành nếp như làn sóng, chỗ góc vẽ một cành dành dành đỏ chót. Lúc dành dành nở hoa thì cây táo lại nằm mơ như bông hoa nhỏ màu hồng kia, lại xanh rì và uốn thành vòng cung... Tôi lại nghe thấy tiếng cười lúc nửa đêm. Tôi vội cắt đứt ngay dòng tâm tưởng của mình và ngắm nhìn con côn trùng nhỏ màu xanh đang đậu trên cáo chao đèn bằng giấy trắng, con vật đầu to đuôi nhỏ trông như hạt hướng dương song chỉ nhỏ bằng nửa hạt tiểu mạch, toàn thân nó xanh biếc rất dễ thương, rất tội nghiệp. Tôi ngáp một cái, đốt điếu thuốc rồi nhả khói, mắt nhìn ngọn đèn, lặng lẽ tỏ lòng tôn kính trước những vị anh hùng xanh biếc xinh xắn kia. LỜI GIÃ TỪ CỦA CÁI BÓNG Khi người đã ngủ say, chẳng còn biết trời trăng gì nữa, thì cái bóng có thể tới giã biệt và thổ lộ với người rằng: Thiên đường mà có những thứ tôi không thích thì tôi muốn lên đó mà chi. Địa ngục mà có những thứ tôi không thú vị thì tôi chẳng muốn xuống đó mà gì. Còn cái thế giới vàng son sau này của bạn nếu có những thứ tôi không ưa thích thì tôi cũng chẳng hề muốn tới. Còn bạn, bạn chính là cái thứ mà tôi đã chán ngấy! Tôi không muốn đi theo bạn nữa. Tôi không muốn đâu! Tôi không muốn! Chao ôi! Chao ôi! Tôi không muốn! Tôi thà cứ quẩn quanh quanh quẩn giữa chốn mông lung trời đất này thôi. Tôi chẳng qua chỉ là một cái bóng. Tôi muốn từ biệt bạn để rồi chìm nghĩm đi trong bóng tối. Bóng tối sẽ nuốt chửng lấy tôi. Rồi ánh sáng lại làm tôi tan biến. Nhưng tôi không muốn dùng dằng giữa nơi tranh tối tranh sáng. Chẳng thà tôi cứ chìm nghỉm trong bóng tối đen sì còn hơn. Nhưng rồi tôi lại ngập ngừng ở ngay giữa chỗ tranh tối tranh sáng. Tôi chẳng biết lúc này là rạng đông hay đã hoàng hôn. Tôi hãy cứ giơ cái tay đen xạm của mình lên làm như vừa uống cạn một ly rượu. Rồi tôi sẽ một mình đi thật xa trong cái lúc chẳng biết thời gian đang là khi nào. Chao ôi! Chao ôi! Nếu lúc này là hoàng hôn, thì bóng tối tự nhiên sẽ đến dìm nghỉm tôi đi. Và tôi sẽ bị ban ngày làm cho tan biến nếu như lúc này đã rạng đông rồi. Bạn hỡi, đã gần tới lúc! Tôi sẽ ngập ngừng quẩn quanh nơi bóng tối. Mà bạn lại muốn quà tặng của tôi ư? Tôi còn có thể tặng được bạn cái gì nào? Đến cả bản thân mình cũng còn chẳng có, chỉ là bóng tối và hư không thôi. Song tôi muốn chỉ là bóng tối, hoặc là ban ngày để có thể tan biến vào người bạn. Tôi muốn chỉ là hư không, nhất định không chiếm cứ một chỗ nào nơi bạn. Tôi muốn được như vậy, bạn ạ. Tôi muốn một mình đi thật xa. Chẳng những không có bạn mà còn không có cái bóng nào khác trong đêm tối nữa. Chỉ có mình tôi bị màn đêm nhấn chìm, cái thế giới này hoàn toàn chỉ riêng thuộc về mình tôi. PHỤ LỤC: Bản dịch của Trần Đình Sử: GIẢ TỪ CỦA CÁI BÓNG Người ta ngủ đến đến lúc không biết là vào lúc nào nữa thì sẽ có cái bóng đến từ biệt, nói những lời như sau: Trên thiên đường có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn lên; dưới địa ngục cũng có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn xuống; trong thế giới hoàng kim tương lai của các người có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn đến. Thế mà anh lại chính là điều mà tôi không thích. Bạn ơi, tôi không muốn theo anh nữa, tôi chẳng muốn ở lại. Tôi không muốn. Ô hô chao ôi, tôi không muốn, giá mà tôi được quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả. Tôi chẳng qua chỉ là cái bóng, muốn từ biệt anh để đắm chìm trong bóng tối. Thế nhưng bóng tối sẽ nuốt chửng tôi, còn ánh sáng thì lại khiến tôi biến mất. Nhưng tôi cũng không muốn lẩn quẩn ở giữa bóng tối và ánh sáng, giá mà tôi được đắm chìm vào bóng tối. Thế mà rốt cuộc tôi đang lẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng, tôi không biết nó là hoàng hôn hay bình minh. Tôi hằng giơ bàn tay đen đúa vờ làm như uống cạn một chén rượu, khi không biết lúc đó là lúc nào mà tôi sẽ một mình đi xa. Chao ôi! nếu là hoàng hôn thì đêm đen tự nhiên sẽ lại nhấn chìm tôi, nếu không thì tôi sẽ bị ánh ngày làm cho biến mất, nếu đó là bình minh. Bạn ơi, thời gian sắp đến rồi. Tôi sẽ hướng về bóng tối để quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả. Anh lại còn muốn quà tặng của tôi. Tôi biết dâng tặng anh cái gì? Bất đắc dĩ, chỉ vẫn là bóng tối và trống không mà thôi. Nhưng tôi chỉ mong nó là bóng tối, có thể nó sẽ biến mất trong ánh ngày của anh. Tôi chỉ muốn nó là trống không, quyết không chiếm chỗ trong cõi lòng anh. Tôi muốn như thế này, bạn ơi. Tôi một mình đi xa, chẳng những không có anh, mà cũng không có cái bóng nào khác trong bóng tối. Chỉ có mình tôi bị bóng tối nuốt chửng, thế giới ấy hoàn toàn chỉ thuộc về tôi. Nguồn: Tạp chí Thơ (số 9-2011), Hội nhà văn Việt Nam KẺ ĂN XIN Tôi thả bộ dọc theo dãy tường cao đã tróc lở, chân dẫm lên đám đất xốp xám xịt. Có mấy người khác nữa cũng từng người thả bộ. Gió hiu hiu nổi lên. Những chiếc lá còn chưa ráo sương trên cành cây cao đầu tường lay động trên đầu tôi. Gió thổi hiu hiu, xung quanh toàn là đất xám xịt. Một đứa bé ăn mày đến xin tôi. Nó cũng mặc áo kép. Trông không thấy vẻ buồn bả. Nó ngăn tôi lại và cuối đầu lạy, rồi đi theo van vỉ. Tôi ghét cái giọng điệu, cái thái độ ấy của nó. Tôi ghét vì nó không hề buồn bã, lại gần như là làm trò đùa. Tôi ngán cái lối đi theo van vỉ ấy. Tôi vẫn đi thong thả. Có mấy người khác cũng tửng người thả bộ. Gió hiu hiu nổi lên, xung quanh toàn là màu đất xám xịt. Một đứa bé ăn mày đến xin tôi. Cũng mặc áo kép. Cũng không thấy vẻ buồn bã. Song nó câm. Nó chìa tay và ra hiệu. Tôi thấy ghét cái kiểu ra hiệu ấy. Mà có thể nó không bị câm. Đây chẳng qua chỉ là một cách để ăn xin. Tôi không bố thí. Tôi chẳng có lòng dạ muốn bố thí. Tôi đứng ở trên người bố thí. Tôi ngán ngẩm, chán ghét, nghi ngờ. Tôi thả bộ dọc theo dãy tường đất sụp lở. Những mảnh gạch vụn xếp lên chỗ tường vỡ. Phía trong tường chẵng có gì cả. Tôi nghĩ mình nên dùng cách nào để ăn xin? Cất tiếng lên thì dùng giọng điệu nào? Giả vờ câm thì hiệu quả làm sao?.... Có mấy người khác cũng từng người thả bộ. Tôi sẽ không được ai bố thí, sẽ không được ai xót thương mà bố thí. Tôi sẽ chỉ là người tự đứng trên sự bố thí mà ngán ngẩm, mà nghi ngờ mà chán ghét thôi. Tôi sẽ ăn xin bằng cách yên lặng và chẳng làm gì cả... Và ít nhất thì tôi cũng thấy được sự hư vô. Gió hiu hiu nổi lên, xung quanh đều là bụi đất xám xịt. Có mấy người khác, từng người thả bộ. Bụi đất xám xịt, bụi đất xám xịt.... Bụi đất xám xịt. THẤT TÌNH[1] (Bài vè làm theo lối thơ cổ) Người tôi yêu ở trên sườn núi Muốn tìm nàng, núi lại quá cao Đành vô phương, đẫm áo lệ trào Nàng tặng tôi khăn thêu trăm bướm Đáp tặng nàng: chú cú mèo xinh Từ buổi đó, mặt quay chẳng ngó Chẳng biết vì sao? Hề, tôi thầm sợ cho mình. Người tôi yêu ở nơi phố chợ Muốn tìm nàng, người lại quá đông Chẳng cách nào đâu, đẫm má lệ tuôn Nàng tặng tôi bức tranh đôi yến Đáp tặng nàng: mứt quả hồ lô Từ buổi đó quay đầu chẳng ngó Chẳng biết vì sao? Hề, tôi thật thấy mơ hồ Người tôi yêu ở chốn bên sông Muốn tìm nàng, nước sao sâu quá Đành chịu thua, áo ướt lệ buồn Nàng tặng tôi giây đồng hồ vàng Đáp tặng nàng: chút thuốc giải đau[2] Từ buổi đó, đầu quay chẳng ngó Bởi vì sao? Hề, thần kinh tôi mệt mỏi quá nhiều. Người tôi yêu ở nơi giàu có Muốn tìm nàng phải có xe hơi Đành lắc đầu, nước mắt tuôn rơi. Nàng tặng tôi một bông hồng thắm Đáp tặng nàng: chú rắn nước con[3] Từ buổi đó, chẳng nhìn tôi nữa Chẳng biết vì sao? Hề, thôi mặc kệ nàng. TRẢ THÙ 1 Da người ta có lẽ chỉ dày chưa tới nửa phân, nhưng dòng máu đỏ tươi phía dưới nó lại tuôn chảy trong các huyết quản chằng chịt nhiều hơn là lũ sâu rệp bò ùn ùn trên tường vách, và dòng máu đó tỏa ra hơn ấm. Thế là người ta dùng hơn ấm đó để mê hoặc nhau, kích thích nhau, lôi kéo nhau, cố mà nép sát vào nhau, rồi hôn nhau, ôm nhau để được hưỏng niềm sung sướng ngọt ngào của cuộc sống. Song, nếu dùng một lưỡi dao sắc nhọn, chỉ một nhát, đâm thấu vào làn da hồng hồng mỏng manh kia, thì sẽ thấy ngay dòng máu nóng ấm đỏ tươi phụt ra như tên bắn, tốc thẳng vào kẻ giết người. Sau đó là hơi thở lạnh giá, làn môi trắng bệch, rồi kẻ đó mơ mơ màng màng, cảm thấy cực kỳ sung sướng vì mạng sống của hắn đang bay lên, và hắn cứ đắm chìm vào cảm giác sung sướng đó mãi. Lúc này, có hai người trần trụi, nắm chắc lưỡi dao bén, đối mặt trên đồng ruộng mênh mông. Hai người họ sắp sửa ôm hôn nhau, sắp sửa chém giết.. Người đi đường bốn phía kéo tới, từng lớp, từng lớp đông nghịt, trông như lũ sâu rệp đang bò trên tường, như đàn kiến đang khiêng cái đầu cá khô. Mọi người ai cũng ăn mặc đẹp, nhưng trong tay thì chẳng có gì. Họ từ bốn phía kéo tới, rồi ra sức vươn cổ mà nhìn, mà xem cái cảnh ôm nhau và giết nhau. Họ đã dự cảm thấy mùi vị của mồ hôi, của máu tươi trên đầu lưỡi của mình sau khi sự việc kết thúc. Nhưng hai người kia vẫn đúng trước đồng ruộng mênh mông, toàn thân trần trụi, tay nắm chặt lưỡi dao sắc bén. Họ không ôm nhau, cũng không giết nhau. Không thấy họ có ý muốn ôm nhau hoặc giết nhau. Hai người họ cứ vậy mãi. Tấm thân tròn trịa đầy sức sống giờ đã sắp héo khô. Nhưng vẫn không thấy họ có ý muốn ôm nhau hay giết nhau. Thế là mọi người cảm thấy buồn chán. Rồi thấy cái buồn chán chui vào tận lỗ chân lông. Rồi lại thấy nó từ trong tim chui qua lỗ chân lông ra ngoài, bò ra đầy đồng đầy ruộng, rồi lại chui vào lỗ chân lông của người khác. Thế rồi mọi người cảm thấy lưỡi và họng khô ran. Cổ cũng cứng ngắc. Cuối cùng họ nhìn nhau rồi từ từ tản đi hết, thậm chí còn cảm thấy mất hết cả thú vị. Thế là chỉ còn lại cánh đồng mênh mỏng. Và hai người kia thì vẫn cứ ở đó, toàn thân trần trụi, tay nắm chặt dao, đứng đờ người ra, dùng ánh mắt người chết để ngắm nhìn những con người khô héo trên đường, ngắm nhìn sự chém giết không thấy máu. Và họ vẫn cứ đắm chìm mải vào niềm vui sướng, niềm vui tột cùng bởi mạng sống đang được bay lên. TRẢ THÙ 2 Vì tự cho mình là con của Chúa, là vua của Ít-sra-en, cho nên ông bị đóng đinh lên cây Thánh giá. Bọn lính mặc cho ông cái áo choàng màu đỏ, đội lên đầu cái mũ gai, rồi chúc mừng ông. Chúng lại cầm cây sậy đánh vào đầu và nhổ nước miếng vào người ông, sau đó lại quỳ gối lạy. Đùa cợt chán rồi, chúng cởi chiếc áo choàng màu đỏ, mặc lại cho ông cái áo cũ. Nhìn kìa, chúng đánh vào đầu, nhổ nước miếng, rồi lại lạy... Ông không chịu uống thứ rượu có pha thuốc[4], rõ ràng ông đang ngẫm nghĩ về sự đối xử của người Ít-sra-en với con trai của Chúa mình. Ông thấy buồn cho tương lai của họ, và thấy thù hận cái hiện tại của họ. Xung quanh chỉ toàn là sự thù địch. Thật đáng thương, và cũng thật đáng nguyền rủa. Cốp! Cốp! Cốp! Mũi đinh nhọn lún xuyên qua gan bàn tay. Chúng muốn đóng đinh cho chết người con của Chúa. Những kẻ đáng thương kia đã khiến ông đau đớn trong lòng, song lại cảm thấy một sự dịu dàng. Cốp! Cốp! Cốp! Mũi đinh nhọn xuyên qua mu bàn chân, làm vỡ một miếng xương. Đau buốt đến tận tủy. Nhưng chính chúng đã đóng đinh cho chết người con của Chúa! Những kẻ đáng nguyền rủa! Ông lại thấy đau đớn và lòng lại cảm thấy dễ chịu. Cây thập tự đã được dựng lên. Ông bị treo lên không trung. Ông không uống thứ rượu có pha thuốc ấy, rõ ràng là ông đang ngẫm nghĩ về sự đối xử của người Ít-sra-en đối với con của Chúa mình. Ông thấy buồn cho tương lai của họ, và thấy thù ghét cái hiện tại của họ. Người đi đường đều chửi rủa ông. Quan chủ tế và bọn văn sĩ cũng chế giễu ông. Hai tên cướp cùng bị đóng đinh cũng nhạo cười ông. Nhìn kìa, cùng bị đóng đinh với ông... Bốn xung quanh toàn là thù địch, toàn là đáng thương, đáng nguyền rủa. Trong lúc tay và chân vô cùng đau đớn, ông vẫn ngẫm nghĩ và đau buồn về việc những kẻ đáng thương kia đã đóng đinh đến chết người con của Chúa, những kẻ đáng nguyền rủa kia muốn đóng đinh đến chết người con của Chúa, mà người con của Chúa sắp bị đóng đinh chết lại thấy hoan hỉ trong lòng. Chợt chỗ xương vỡ đau xóc đến tận tủy. Ông lại cảm thấy ngập tràn buồn đau và vui sướng. Rồi bụng thấy cồn lên. Cồn lên vì đau buồn, vì muốn nguyền rủa. Khắp nơi đều đen tối! “Cha ơi! Sao cha lại rời bỏ con?"[5] Đức Chúa Cha đã rời bỏ ông. Nhưng rốt cuộc thì ông vẫn là “đứa con của loài người”. Thế mà, người Ít- sra-en đã đóng đinh đến cả “đứa con của loài người”. Thân mình cái bọn đóng đinh đến chết “con của loài người” đó vấy máu nhiều hơn, còn tanh máu nhiều hơn là cái bọn đóng đinh đến chết “con của Chúa" này. HY VỌNG Tôi cảm thấy vô cùng hiu quạnh. Song trong lòng lại rất yên ổn: Không yêu không ghét, không vui không buồn, cũng chẳng thấy màu sắc và âm thanh. Có lẽ tôi đã già rồi. Tóc đã bạc trắng. Chẳng phải vậy sao? Tay tôi đã run. Chẳng đúng vậy sao? Thế thì bàn tay của hồn tôi nhất định cũng đang run, tóc của hồn tôi nhất định cũng đã bạc trắng. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Trước đó, lòng tôi cũng đã từng tràn đầy những máu tanh và tiếng hát: máu với thép, ngọn lửa và chất độc, khôi phục và báo thù. Rồi bỗng nhiên tất cả đều trở thành hư không. Nhưng có lúc lại có chút hy vọng cố ý lấp vào chỗ trống rỗng để tự dối lòng mình. Hy vọng, hy vọng, phải dùng cái thuẫn hy vọng để mà cản lại màn đêm đen đang ào xông tới. Mặc dù đằng sau cái thuẫn lại vẫn là đêm đen của hư không. Vậy đó, cứ như vậy mà làm hao mòn dần dần đến hết cả tuổi thanh xuân của tôi. Chẳng phải từ lâu tôi đã biết rằng tuổi thanh xuân của mình đã ra đi rồi sao! Song lại cứ cho rằng vẫn còn mãi mãi tuổi thanh xuân bên ngoài thân xác: sao trời, ánh trăng, bướm sa xuống vì cóng lạnh, hoa nở trong bóng đêm, tiếng kêu báo gở của con cú mèo, tiếng gào chảy máu của con chim cuốc, tiếng cười mơ hồ, sự bay lượn của tình yêu... Tuy là tuổi thanh xuân buồn tẻ nhỏ nhoi, song rút cuộc vẫn cứ là tuổi thanh xuân. Thế nhưng tại sao bây giờ lại hiu quạnh thế này? Lẽ nào cả cái thanh xuân bên ngoài thân mình cũng đã ra đi rồi sao? Tuổi trẻ trên đời này cũng già yếu cả rồi sao? Tôi chỉ đành tự mình đánh vật với đêm đen trong hư không mà thôi. Đặt cái thuẫn hy vọng xuống, tôi nghe thấy bài ca “Hy vọng” của Pê-tô phi Xan-đo[6]: Hy vọng là cái gì? Là một con điếm. Ả ta mê hoặc mọi người, hiến cho bạn tất cả, cho đến khi bạn đã cạn kiệt cái quý giá của mình là tuổi thanh xuân, thì lúc đó, ả ta sẽ đá phốc bạn đi. Nhà thơ trử tình vĩ đại, nhà thơ yêu nước của Hung-ga-ri này, ông đã vì tổ quốc mà hy sinh trên mũi giáo của quân Cô-dắc cách đây 75 năm rồi. Một cái chết thật bi thương! Nhưng càng đau buồn hơn là ngày nay vẫn rất cần những vần thơ như vậy của ông. Ôi, đời người thật thảm thương! Con người cứng cỏi như Pê-tô-phi mà cuối cùng cũng phải dừng bước trước đêm đen, và quay nhìn về phương Đông mờ mịt. Ông nói: “Tuyệt vọng mà thành viển vông, đó cũng là hy vọng”. Nếu như tôi cứ lần lữa qua ngày trong sự “viển vông” ở cái thời tranh tối tranh sáng này thì tôi sẽ phải đi tìm cho được cái tuổi thanh xuân buồn bã nhỏ nhoi đã mất đi kia, cho dù có phải tìm ở bên ngoài thân xác tôi. Vì tuổi thanh xuân bên ngoài kia nếu có bị tiêu diệt thì tuổi già của tôi cũng đã tàn tạ hết rồi. Thế nhưng, lúc này, chẳng có sao và ánh trăng, cũng chẳng có bướm sa xuống vì cóng lạnh, chẳng có tiếng cười mơ hồ và tình yêu lượn bay. Song, những người trẻ tuổi, họ đang rất bình an. Tôi chỉ đành tự mình đấu chọi với đêm đen trong hư không vậy. Cho dù tìm không ra tuổi thanh xuân ở bên ngoài thân xác thì cũng cứ phải tự mình quẳng đi cái tuổi già của mình mà thôi. Đêm đen đang ở nơi đâu? Lúc này, không có sao, không có ánh trăng, không có cả tiếng cười nhỏ mọn và tình yêu bay lượn. Thanh niên, họ đang rất bình yên. Còn trước mặt tôi, đến nổi chẳng thấy cả đêm đen đích thực nữa. Tuyệt vọng thành viển vông, đó cũng giống nhu hy vọng vậy. TUYẾT Ở đất nước ấm áp thì mưa rơi xuống chưa bao giờ biến thành hoa tuyết, lóng lánh những hạt nhỏ li ti cứng mà lạnh băng. Những người hiểu biết rộng bảo rằng trông mưa ấy thật đơn điệu. Và có lẽ chính nó cũng cho rằng mình bất hạnh chăng? Tuyết rơi ở Giang Nam, thì đó là vẻ đẹp dễ chịu đã đến. Đó là tin báo: sức trẻ đang thấp thoáng, là làn da cô gái trinh nguyên khoẻ mạnh. Trên cánh đồng tuyết, trái sơn trà trông như những hòn ngọc quý đỏ chót. Hoa mai cánh đơn pha trắng lẫn xanh. Hoa mai hình chuông màu vàng rất sậm. Phía dưới tuyết vẫn còn lớp cỏ màu xanh lành lạnh. Bướm thì đúng là không có rồi. Có lũ ong đến tìm mật hoa sơn trà hay hoa mai? Tôi cũng chả nhớ rõ. Song dường như trước mắt tôi là hoa mùa đông đang nở trong đồng tuyết. Rất nhiều ong bay qua bay lại tấp nập, nghe rõ cả tiếng xì xào ầm ĩ của chúng. Lũ trẻ con hà hơi vào bàn tay cóng đỏ như mầm gừng tía, bảy tám đứa xúm lại đắp tượng La Hán tuyết. Làm hỏng, có một ông bố tới giúp, thế là được ông La Hán cao hơn cả lũ trẻ, chỉ có là thành một đống trên nhỏ dưới to, trông chẳng rõ là ông La Hán hay quả bầu, song rất chắc, và trắng muốt rất đẹp, tuyết mềm và ẩm tự dính kết vào nhau thành một pho tượng óng a óng ánh. Lũ trẻ lấy hạt nhãn dính vào làm mắt, lại lấy trộm sáp trong hộp phấn son của mẹ tô lên môi tượng. Thế là thật sự thành ông La Hán. Ông ta cũng mắt lấp lánh, môi đỏ chót, ngồi giữa cánh đồng tuyết. Ngày hôm sau, vẫn có mấy đứa đến thăm ông ta, vỗ vào ông ta, gật gật đầu và cười hì hì. Nhưng rồi ông ta cứ ngồi đấy mãi. Trời hửng lên làm tan mất lần da, đến đêm lạnh lại kết thành một lớp băng trông như lớp kính mờ. Rồi ngày nắng liên tục khiến ông La Hán thành méo mó chẳng ra hình thù gì, môi son đỏ cũng phai tuột hết sạch. Thế nhưng, tuyết ở phương Bắc thì sau khi bay lên trời, cứ mãi mãi như phấn như cát. Chúng không bao giờ dính kết với nhau mà rơi vãi xuống mái nhà, xuống mặt đất, xuống cỏ khô. Vậy đấy. Tuyết trên mái nhà bị tan ngay từ lâu, vì có hơi lửa ấm của người ở trong nhà. Còn tuyết rơi nơi khác thì khi trời nắng cứ theo gió cuộn tới, rồi tản bay tưng bừng khắp nơi và sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, cứ như là những đốm lửa tàng ẩn trong màn sương dày dặc. Chúng quay tròn rồi bay lên cao, toả ra đầy trời, khiến bầu trời cũng xoay chuyển và lấp loáng như đang dâng mãi lên cao. Trên đồng rộng mênh mông bát ngát, dưới bầu không giá lạnh căm căm, cái đang lấp lánh quay tròn và dâng lên cao kia, chính là hồn tinh của mưa đó... Vâng, đó là thứ tuyết cô đơn, đó là những hạt mưa đã chết, là hồn tinh của mưa đấy mà ! CÁNH DIỀU Mùa đông ở Bắc Kinh, mặt đất vẫn còn đọng tuyết, những cành cây trơ trụi xám xịt chẽ nhánh dưới bầu trời sáng trong. Một vài cánh diều dập dờn xa xa khiến tôi ngạc nhiên và cảm thấy buồn. Mùa thả diều ở quê tôi là tháng thứ hai của mùa xuân. Hễ cứ nghe thấy tiếng suốt diều quay xè xè, ngẩng đầu lên là thấy ngay cánh diều hình con cua màu đen nhạt hoặc hình con rết màu xanh lam. Còn có loại diều hình viên ngói, rất lặng lẽ, chẳng có suốt quay, lại thả rất thấp, trông lẻ loi tiều tụy đến tội nghiệp. Lúc này thì dương liễu đã nảy mầm non, dương đào sớm đã đâm nụ, cảnh đó hoà cùng với những chấm điểm xuyết trên trời của lũ trẻ con thành một không khí xuân dịu dàng ấm áp. Thế mà lúc này, tôi lại đang ỏ đâu thế này? Xung quanh vẫn là cảnh đông lạnh lẽo. Thế mà mùa xuân quê hương xa cách đã lâu, mùa xuân đã bỏ tôi mà đi, nay lại đang bàng lảng trên bầu trời trước mặt. Tôi thì xưa nay không thích thả diều. Chẳng những không thích mà còn thấy ghét nữa. Vì tôi cho đó là trò chơi của lũ trẻ con không có tương lai. Nhưng thằng em út của tôi thì lại ngược lại. Khi đó nó khoảng mười tuổi, người lắm bệnh, trông gầy đến thảm hại. Nó thích thả diều lắm. Nhưng tự mình không mua nổi, tôi lại không cho thả, thế là cu cậu chỉ đành há miệng nhìn trân trân lên bầu trời, có khi nhìn như vậy đến cả buổi. Một con diều hình cua ở rất xa đột nhiên rơi xuống, nó lo sợ hét tướng lên. Hai cái diều hình ngói quấn vào nhau rồi lại tách ra được, nó nhảy cẫng lên mừng rỡ. Thấy nó như vậy, tôi chỉ buồn cười, trong bụng thấy khinh thường. Rồi một hôm, tôi chợt nghĩ, dường như đã lâu không thấy nó đâu. Lại nhớ là có nhìn thấy nó nhặt cành tre khô ở vườn sau. Tôi như hiểu ra, bèn chạy ngay tới gian nhất đồ đạc linh tinh xưa nay ít ai đến. Đẩy cửa vào, quả nhiên thấy nó đang ở giữa đám đồ đầy bụi bặm. Nó ngồi trên một chiếc ghế đẩu con, trước mặt là cái ghế lớn hình vuông. Thấy tôi đến, nó kinh hoàng đứng bật dậy, mặt tái đi, người co rúm lại. Cạnh cái ghế vuông có dựng một khung diều hình bướm chưa bồi giấy. Trên mặt ghế là hai cái suốt diều nhỏ dùng làm mắt bướm được trang trí bằng giấy đỏ, làm đã sắp xong. Tôi vừa khoái chí vì khám phá được sự bí mật lại vừa tức giận vì nó đã che mắt tôi, một mình vụng trộm làm cái đồ chơi của bọn trẻ con không có tương lai ấy. Ngay tức khắc, tôi bẻ gẫy cái khung cánh bướm, ném cái suốt quay gió xuống đất và đạp cho bẹp dí. Tôi là đàn anh, lại khoẻ hơn, nó không làm gì được, tôi đương nhiên thắng hoàn toàn. Thế là ngạo nghễ bước ra, để nó đứng trong gian nhà nhỏ, một mình tuyệt vọng. Về sau này tình hình nó ra sao, tôi không dược biết, và cũng chẳng để ý nữa. Nhưng cuối cùng thì sự trừng phạt cũng tới, sau khi chia tay nhau rất lâu, lúc tôi đã ở tuổi trung niên. Tôi đã không may đọc được một cuốn sách nước ngoài nói về trẻ em. Đọc rồi mới biết trò chơi cũng là một hành vi chính đáng của trẻ nhỏ. Đồ chơi là thiên sứ của chúng. Thế là cái cảnh ngược đãi em về tinh thần mà hai chục năm nay tôi không hề nhớ tới bỗng hiển hiện ngay trước mắt, và tim tôi như thỏi chì cứ rơi xuống nằng nặng, nằng nặng. Song nó rơi mà không dứt hẳn, nó cứ nặng nề rơi xuống, rơi xuống mãi. Tôi cũng đã biết cách sửa chữa lỗi lầm, túc là sẽ tặng cho em cái diều, tán thưởng việc nó thả diều, khuyên nó cứ thả, bảo rằng tôi sẽ cùng thả vói nó. Hai đứa sẽ cùng la hét, cùng chạy, cùng cười. Thế nhưng, thực tế thì nó cũng như tôi, đã có râu dài từ lâu rồi. Tôi cũng có cách sửa chữa khác: Tới xin lỗi chú em, đợi nghe chú ấy nói câu: “Em chẳng hề trách anh tí nào!”. Được vậy, lòng tôi nhất định sẽ nhẹ đi. Nhất định cách này sẽ làm được. Có một bận chúng tôi gặp nhau, trên mặt đều đã hằn thêm nhiều nếp nhăn nhọc nhằn vì “cuộc sống”. Mà lòng tôi thì vô cùng nặng nề. Dần dần chúng tôi nói đến những chuyện xưa. Tôi bèn kể lại cái cảnh đó và tự bảo là thuở bé mình hồ đồ quá. “Em chả trách anh tí nào” - Tôi nghĩ bụng chắc chú ấy sẽ nói câu ấy. Tôi sẽ nhận ngay lời tha thứ, và lòng tôi sẽ thấy nhẹ nhàng. “Ồ, có chuyện như vậy ư?" - Chú ấy lại ngạc nhiên, cười và hỏi, cứ như nghe nói về chuyện của người khác vậy. Chú ấy không hề nhớ gì cả. Thế là quên hết rồi. Chẳng hề có oán hận thì còn làm gì có lời nói tha thứ nữa? Tha thứ cái chuyện không hề oán hận ư? Chỉ là nói xạo! Vậy thì còn có thể mong mỏi điều gì nữa? Tôi chỉ đành cứ nặng nề trong lòng mà thôi. Lúc này đây, mùa xuân quê hương lại đang hiển hiện trên bầu trời đất khách, gợi nhớ tới những hồi ức thuở nhỏ dã quên đi từ lâu và cũng mang lại một nỗi buồn cứ lay động lòng tôi không dứt Thôi đành cứ náu mình vào những ngày đông lạnh lẽo này thôi. Song le, bốn xung quanh đâu cũng là mùa đông cả. Đến với tôi chỉ toàn là khí lạnh ghê người. MỘT CHUYỆN ĐẸP Ngọn lửa nhỏ dần, báo hiệu cho biết đèn đã cạn dầu. Dầu đốt lại không phải là loại tỐt nhãn hiệu lâu đời nên khói ám -mờ cả chao đèn. Xung quanh gần đâu đây, tiếng pháo nổ râm ran. Sương khói mờ mờ ngay bên cạnh. Một buổi tối sẫm đen. Tôi nhắm mắt lại, ngửa đầu về phía sau, tựa vào lưng ghế, đặt bàn tay đang nắm chặt cuốn “Sơ học ký” lên đầu gối. Trong lúc đầu óc mông lung, tôi thấy được một cảnh đẹp. Cảnh này rất đẹp, rất u nhã và thú vị: Có nhiều người đẹp và cảnh đẹp đan xen với nhau trông như một trời mây gấm. Rồi lại như hàng vạn ngôi sao di động qua lại, tản ra, tản rộng ra cho tới vô cùng. Tôi nhớ dường như mình có ngồi trên chiếc thuyền con đi qua vùng Sơn Âm[7]. Hai bên bờ là những cây ô cữu, những ruộng lúa mới, những hoa dại, rồi gà, rồi chó, những bụi rậm và cây khô, rồi ngôi nhà tranh, cái tháp, ngôi chùa, rồi người nông phu và cô gái quê, những quần áo phơi, rồi vị hoà thượng, cái áo tơi, rồi trời, mây, tre, trúc... tất cả đều in ngược bóng xuống dòng sông nhỏ xanh biếc. Theo nhịp mái chèo, từng thứ một lấp loáng ánh nắng, và cùng dập dềnh với những đám bèo, với lũ cá đang tung tăng dưới nước. Rồi mọi hình bóng, mọi sự vật đều tản ra hết, rồi di động, rồi loang rộng rạ, rồi quyện vào nhau. Có lúc vừa quyện vào nhau lại lập tức rút lùi trở lại, lại thành nguyên hình như cũ, những mép viền ánh sáng lô nhô như đầu những đám mây mùa hạ, lấp lánh như những ngọn thuỷ ngân. Tất cả những con sông mà tôi đi qua đều như vậy cả. Lúc này, tôi cũng nhìn thấy thế. Dưới đáy nước là bầu trời xanh. Mọi thứ đều ở phía trên, xen kẽ với nhau, đan kết vào nhau thành một mảng, mãi mãi sinh động, mãi mãi mở rộng, tôi không thấy được cái mảng đó đã kết thúc ra sao. Bên bờ sông, mấy cây nhất trượng hồng khẳng khiu dưới gốc liễu khô héo, có lẽ là của cô gái quê trồng chăng ? Rồi những bông hoa đỏ thẫm, những bông hoa lốm đốm, đều dập dềnh trong làn nước, có lúc vỡ vụn, tản rộng, rồi kéo dài ra, trông như những làn nước sáp đỏ song nhìn không chóng mặt. Ngôi nhà tranh, con chó, cái tháp, cô gái quê, mây trời... cũng đều dập dềnh. Các bông hoa đỏ sẫm bông nào cũng bị kéo dài ra nên giống hệt một dải gấm đỏ. Dải gấm kết lại với chú chó, chú chó kết lại với đám mây trắng, đám mây trắng kết lại với cô gái quê ... Trong chốc lát, tất cả lại co lùi trở lại, nhưng những bông hoa lốm đốm đỏ đã lại tan vụn rồi kéo dài, sắp sửa kết vào với cô gái quê với chú chó, với căn nhà tranh, với đám mây ... Lúc này, cái cảnh mà tôi nhìn thấy càng hiện lên mồn một, đẹp đẽ, u nhã, thú vị, và rõ ràng đâu ra đấy. Trên trời xanh, có biết bao nhiêu là người đẹp và chuyện đẹp, tôi nhìn thấy từng thứ, từng thứ, biết rất rõ từng thứ, từng thứ. Tôi sẽ nhìn chúng thật kỹ ... Đang định chăm chú nhìn chúng thì chợt bỗng giật mình mở choàng mắt ra. Đám mây gấm đã xô lại rồi và lộn xộn lung tung, giống như có ai đó ném một hòn đá lớn xuống sông nên sóng nước vọt lên làm cho toàn bộ những hình bóng đó bị xé nhỏ thành từng mảnh. Tôi vội nắm chặt lấy cuốn “Sơ học ký” sắp bị rơi xuống đất, trước mắt vẫn còn thấy mấy mảnh hình bóng sắc cầu vồng bị vỡ vụn. Tôi rất thích cái cảnh đẹp, cái chuyện đẹp này. Nhân lúc những hình bóng vỡ vụn hãy còn đó, tôi sẽ theo với chúng, hoàn thành chúng, giữ chúng ở lại. Tôi quẳng cuốn sách đi, dướn mình giơ tay lấy cái bút... nhưng đâu có sợi hình bóng vỡ vụn nào, chỉ thấy ánh đèn mờ mờ, tôi không còn ở trong chiếc thuyền con nữa. Thế nhưng, tôi vẫn cứ nhớ mãi là đã thấy cái cảnh đẹp, cái chuyện đẹp này, vào một đêm thật tối trời. NGƯỜI KHÁCH QUA ĐƯỜNG Thời gian: Một ngày nào đó, vào lúc hoàng hôn Địa điểm: Một nơi nào đó Nhân vật: - Ông già, khoảng 70 tuổi, râu tóc bạc trắng, mặc áo dài đen. - Bé gái, khoảng 10 tuổi, tóc sậm mắt đen, mặc áo sơ mi dài - Người đi đường, khoảng 30-40 tuổi, trông dáng vẻ đang rất khốn khổ nhưng gan góc, ánh mắt tối sẫm, râu đen, tóc bù xù, mặc quần áo đen ngắn và rách rưới, chân đi giày nát, dưới nách khoác một cái túi, chống một cây gậy tre cao bằng người. Phía đông có mấy cái cây và gạch ngói vỡ nát. Phía tây là một đám mộ hoang, ở giữa có vết như đường đi mà cũng chằng phải đuờng đi. Một căn nhà đất nhỏ mở một cánh cửa ra lối đi này. Cạnh cửa có một khúc gốc cây khô. Bé gái định đỡ ông già đang ngồi trên gốc cây khô đứng lên Ông già: Này cháu, này, sao lại đờ người ra thế? Bé gái (Nhìn về phía đông): Có ai tới, ông trông kìa! Ông già: Nhìn làm gi. Đỡ ông vào đi. Mặt trời sắp lặn rồi. Bé gái: Cháu, cháu nhìn xem đã. Ông già: Hừ, cái con bé này, ngày nào cũng nhìn thấy trời, thấy đất, thấy gió, còn chưa thấy đẹp à? Gì thì cũng chẳng đẹp bằng những thứ đó. Mày còn muốn xem ai nữa chứ. Mặt trời mà lặn rồi thì cái gì cũng chẳng thấy hay... Thôi, vào đi! Bé gái: Nhưng mà... tới rồi kìa. À, à, một người ăn mày. Ông già: Ăn mày? Không phải đâu. Người khách đi đường loạng choạng từ đám cây đi ra, ngần ngừ một chút, rồi từ từ đi tới chỗ ông già. Khách: Chào cụ ạ. Ông già: À vâng, chào ông. Khách: Thưa cụ, cháu thật mạo muội. Cháu muốn xin cụ một tí nước uống. Đi mãi khát quá. Chỗ này lại chẳng có cái ao cái vũng nào. Ông già: À, được, đuợc. ông ngồi đi! (Nói với bé gái) Cháu, cháu đi lấy nước, rửa ly cho sạch nhé. Bé gái lặng Iẽ đi vào căn nhà đất: Ông già: Ông khách, mời ông ngồi. Ông tên gọi là gì nhỉ? Khách: Gọi là gì ư? Cháu cũng chẳng biết nữa. Từ khi có trí nhớ, cháu chỉ có một mình. Cháu cũng không biết mình tên là gì. Đi đường, có lúc người ta cứ tùy tiện mà gọi, gọi đủ loại tên, chẳng nhớ được rõ nữa, cùng một tên cũng chẳng nghe gọi lại lần thứ hai. Ông già: Hà hà! Vậy ông từ đâu tới thế? Khách (Hơi dè dặt): Cháu không rõ. Từ khi nhớ được đến giờ, cháu cứ đi như thế này. Ông già: Phải. Vậy tôi có thể hỏi là ông đi đến đâu được không? Khách: Dĩ nhiên là được. Song cháu không biết. Từ khi có thể nhớ đến giờ, cháu cứ đi thế này, phải đi tới một nơi, cái nơi đó ở ngay phía trước. Cháu chỉ nhớ là mình đã đi rất nhiều đường đất, bây giờ đã đến được đây rồi. Tiếp đây cháu còn phải đi về phía kia (Trỏ về phía tây), về phía đằng trước kia. Bé gái cẩn thận bưng tới một cái ly lớn. Khách (Tiếp lấy cái ly) Cảm ơn cô bé! (Uống hai hơi hết ly nước, đưa trả lại ly). Cảm ơn cô bé nhiều. Thật là lòng tốt hiếm có. Tôi thật xúc động không biết thế nào. Ông già: Không nên xúc động như thế, không tốt cho người ông. Khách: Vâng, như vậy không tốt cho cháu. Nhưng bây giờ cháu đã khỏe lại một chút rồi. Cháu sẽ phải đi nữa. Thưa cụ, chắc cụ ở vùng này đã lâu, cụ có biết trước mặt kia là chỗ nào không ạ? Ông già: Trước mặt, trước mặt à? Đó là mồ mả. Khách (Kinh ngạc): Mồ mả ư? Bé gái: Không, không phải đâu, không phải đâu. Ở đó có rất nhiều hoa bách hợp dại, hoa tường vi dại. Cháu hay đi chơi, đi xem hoa ở đấy. Khách (Nhìn về phía tây, hình như hơi mỉm cười): Đúng ở đó có rất nhiều hoa bách hợp dại, hoa tường vi dại. Chú cũng hay đến chơi, đến xem hoa ỏ đấy. Nhưng mà, chỗ ấy là mồ mả (Nói với ông già) Thưa cụ, đi qua hết chỗ mồ mả thì đến chỗ nào? Ông già: Đi qua hết ấy à? Thế thì tôi không biết. Tôi chưa đi qua đấy bao giờ. Khách: Không biết ư? Bé gái: Cháu cũng không biết. Ông già: Tôi chỉ biết phía nam, phía bắc, phía đông, những phía mà ông từ đó lại. Những nơi ấy tôi rất quen thuộc, có lẽ sẽ tốt nhất cho ông. Ông đừng chê tôi lắm lời nhá, theo tôi thì ông đã mệt mỏi quá rồi, tốt nhất là hãy quay trở lại, vì rằng có đi tiếp được thì cũng chưa chắc có thể đi hết. Khách: Chưa chắc có đi hết được ư?... (Im lặng suy nghĩ, rồi bỗng sợ hãi) Vậy không được! Cháu phải đi thôi Quay trở về đấy sẽ không đâu là không có điều này điều nọ[8], không đâu là không có địa chủ, không đâu là không có xua đuổi và lao lung, không đâu la không có những cái cười thơn thớt, không đâu là không có những giọt nước mắt cá sấu. Cháu căm ghét cái bọn đó. Cháu không quay lại. Ông già: Cũng không hẳn như thế. Ông cũng có thể gặp những giọt nước mắt tự đáy lòng, người ta buồn thương cho ông. Khách: Không, cháu không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt tự đáy lòng bọn ấy, không cần đến sự buồn thương của họ đối với cháu. Ông già: Vậy thì ông (lắc đầu), ông chỉ có đi thôi. Khách: Vâng, cháu chỉ có đi thôi. Huống hồ là luôn luôn có tiếng nói thôi thúc cháu, kêu gọi cháu ở phía trước, khiến cháu không thể dừng được. Đáng bực là chân cháu đi nhiều đã đau rồi, có nhiều vết thương, chảy khá nhiều máu. (Giơ một chân lên cho ông già xem) Vì vậy, cháu thiếu máu, cháu cần uống một ít máu. Thế nhưng, máu ỏ đâu? Mà cháu cũng không muốn bạ máu nào cũng uống. Cháu chỉ đành uống một ít nước để bù cho máu. Suốt dọc dường đều có nước, cháu cũng không cảm thấy hao thiếu gì. Chi có là sức cháu yếu quá, có lẽ vì trong máu có nhiều nước quá chăng. Hôm nay thì đến một vũng nước con cũng không gặp, có lẽ vì chưa đi được nhiều đường chăng? Ông già: Chưa chắc đã vậy. Mặt trời lặn rồi, tôi nghĩ chi bằng ông hãy nghỉ một lát đã, như tôi đây này. Khách: Nhưng tiếng gọi phía trước vẫn đang gọi cháu. Ông già: Tôi biết. Khách: Cụ biết? Cụ biết cái tiếng đó ư? Ông già: Phải. Dường như nó cũng đã từng gọi tôi. Khách: Là cái thứ tiếng đang gọi cháu lúc này ư? Ông già: Cái đó thì tôi không biết. Nó có gọi mấy tiếng, tôi không để ý, thế là nó không gọi nữa. Và tôi cũng không nhớ rõ nữa. Khách: Ờ, ờ, không để ý đến nó... (Ngẫm nghĩ, rồi bỗng giật mình lắng nghe) Không được đâu. Cháu phải đi thôi. Cháu không thể nghỉ lại được. Bực mình là cái chân cháu bị toác ra rồi (Chuẩn bị ra đi). Bé gái: Cho chú này! (Đưa một miếng vải) Chú hãy buộc vết thương lại. Khách: Cảm ơn cháu. (Cầm lấy miếng vải) Thật là... thật là một lòng tốt hiếm có. Như thế này thì chú có thể đi nhiều hơn nữa. (Ngồi xuống, định lấy vải quấn vào chân) Nhưng mà, không được đâu cô bé ạ, chú trả lại cháu thôi, không buộc được đâu. Huống hồ, nhiều lòng tốt quá như vậy, chú cảm kích xúc động lắm. Ông già: Ông đừng xúc động như vậy, không có lợi cho ông. Khách: Vâng, sẽ không có lợi cho cháu. Song đối với cháu thì đây là sự bố thí lớn nhất. Cụ xem, trên toàn thân cháu chỉ có thế này. Ông già: Ông cứ xem như không phải như vậy là được. Khách: Vâng. Song cháu không thể làm như vậy được. Cháu sợ rằng rồi cháu sẽ thế này: Ví thử như cháu được ai bố thí, cháu sẽ giống như con diều hâu nhìn thấy cái xác, sẽ đi đi lại lại xung quanh, mong cho người đó chết hẳn thật đi, cho chính mắt cháu nhìn thấy, hoặc giả là sẽ chửi rủa cho tất cả mọi thứ quanh người đó đều phải chết hết cả đi, cả chính cháu nữa, bởi cháu đáng phải bị chửi rủa. Nhưng mà cháu chưa có được sức mạnh như vậy, mà dù cho có sức mạnh thì cháu cũng không muốn những người đó gặp cảnh ngộ như vậy, vì có lẽ họ cũng không mong muốn cảnh ngộ đó. Cháu nghĩ, thế là ổn nhất. (Nói với bé gái) Cô bé, miếng vải này của cháu rất tốt, song nó hơi nhỏ, chú trả lại cháu. Bé gái (Sợ hãi, lùi lại): Cháu không cần nó nữa. Chú mang nó đi. Khách (Như hơi cười): A, à, tại chú đã cầm nó chứ gì? Bé gái (Gật đầu, chỉ cái túi): Chú bỏ vào đấy, để mà chơi. Khách (Vẻ yếu đuối, lùi lại): Nhưng khoác cái này lên người, đi sao được? Ông già: Ông mà không nghỉ lại thì cũng không khoác nổi đâu, nghỉ chút đi, sẽ không sao cả. Khách: Vâng, nghỉ... (Yên lặng, song chợt tỉnh ra, lắng nghe) Không, cháu không thể! Cháu phải đi thôi. Ông già: Ông vẫn cứ không muốn nghỉ à? Khách: Cháu muốn nghỉ chứ. Ông già: Vậy thì nghỉ một lát đi. Khách: Nhưng mà cháu không thể... Ông già: Ông chẳng bảo là nên đi đó thôi? Khách: Đúng, nên đi thôi. Ông già: Vậy thì, ông cứ đi thôi. Khách (Rướn lưng lên): Vâng, cháu xin chào cụ. Cháu rất cảm ơn. (Nói với bé gái) Cô bé, trả lại cháu này. Cháu cầm lấy đi. Bé gái sợ hãi rụt tay lại, định trốn vào trong nhà. Ông già: Ông mang nó đi. Nếu nặng quá thì vứt nó xuống chỗ bãi tha ma ấy. Bé gái (Bước tới): Ấy ấy, vậy không được! Khách: Ờ, ờ, vậy không được! Ông già: Thế ông quặc nó lên cây bách hợp hoặc cây tuờng vi dại là xong. Bé gái (Vổ tay): Ha ha! Phải rồi! Khách: ờ, Ờ!... Lặng lẽ một lát. Ông già: Vậy thì, tạm biệt nhé. Chúc ông bình an (Đứng lên nói với cháu gái) Nào cháu, đỡ ông vào đi. Nhìn kìa, mặt trời đã lặn từ lâu rồi (Quay về phía cửa.) Khách: Đa tạ hai ông cháu. Chúc hai ông cháu bình an. (Đi đi lại lại, lặng lẽ suy nghĩ, rồi chợt giật mình) Nhưng mà không thể được, cháu phải đi thôi. Cháu chỉ có đi mới được. Lập tức ngẩng đầu lên, hăng hái đi về phía tây. Bé gái đỡ ông đi vào căn nhà đất, cài cửa lại. Người khác đi đường loạng choạng tiến vào nơi đồng nội, bóng đêm đi theo sát đằng sau. LỬA CHẾT Tôi mơ thấy mình đang hối hả đi giữa chỗ núi băng. Đây là núi băng lớn, cao sát tận trời băng. Trên trời đầy những cụm mây lạnh lẽo, xếp từng lớp từng lớp như vẩy cá. Dưới chân núi là rừng cây đóng băng, cành lá đều giống cây thông. Tất cả đều băng giá. Tất cả đều trắng xoá. Bỗng tôi bị ngã vào một hố băng. Trên dưới, bốn phía đều lạnh giá, đều trắng toát. Thế nhưng trên băng lại thấy rất nhiều ánh đỏ đan vào nhau như cái lưới bằng san hô. Tôi cúi xuống nhìn dưới chân thấy có ngọn lửa. Đây là lửa chết. Có hình ngọn lửa nhưng không hề động đậy. Toàn bộ đều đóng băng, trông như cành san hô. Chỗ đầu nhọn còn đọng khói đen. Tôi ngờ là nó vừa từ lò lửa ra nên bị cháy xém. Lửa ánh lên bốn vách băng rồi lại phẫn chiếu lại nhau thành ra cơ man nào là bóng chiếu, khiến cả cái hố băng thành màu san hô đỏ ối. Ha ha! Lúc còn nhỏ, tôi rất thích xem bọt sóng dồn lên do tàu chạy nhanh, và thích xem ngọn lửa bốc lên từ lò bếp đang cháy rực. Chẳng những thích xem mà còn muốn nhìn cho thật kỹ. Đáng tiếc là chúng đều chập chờn biến ảo, không bao giờ định hình. Mặc dù nhìn chăm chú, rất chăm chú, song chẳng lưu lại được dấu vết gì cả. Nhưng bây giờ thì, ngọn lửa chết kia! ta đã tóm được mi rồi. Tôi nhặt ngọn lửa chết lên, đang định nhìn cho kỹ, thì khí lạnh khiến ngón tay tôi rát buốt. Tôi cố chịu, nhét nó vào trong túi áo. Lúc này, nhìn bốn bề hố băng đều trắng xoá, tổi phải nghĩ cách làm sao ra khỏi được chốn này thôi. Người tôi bỗng phun ra một làn khói đen, bay lên uốn éo như con rắn bằng giây thép. Bốn bề hố băng lập tức tràn đầy những ngọn lửa nhỏ lưu động, rồi như cả đám lửa lớn tụ lại và vây lấy tôi. Tôi cúi xuống nhìn, ngọn lửa chết đã cháy lên, nó chui qua túi áo tôi rồi tuột xuống mặt băng. - Ôi, anh bạn! Hơi ấm của anh đã làm tôi tỉnh dậy rồi - Nó nói như vậy. Tôi vội chào nó và hỏi họ tên. Nó trả lời không vào câu hỏi: - Đầu tiên, tôi bị người quăng vào trong hố băng. Cái bọn quẳng tôi đã chết hết từ lâu rồi, đã tiêu tan sạch sẽ rồi. Tôi cũng bị băng làm cho chết cóng. Nếu như anh không cho tôi hơi ấm, để tôi lại cháy lên, thì chẳng bao lâu nữa tôi cũng sẽ chết hẳn mà thôi. - Bạn đã tỉnh lại, tôi mừng lắm. Tôi đang nghĩ cách làm sao ra khỏi hố băng. Tôi muốn mang bạn cùng ra để bạn không bao giờ bị đóng băng, để bạn được cháy lên mãi mãi. - Ồ, ồ! Như vậy thì tôi sẽ thiêu cháy hết! - Bạn thiêu cháy hết thì tôi thấy tiếc đấy. Vậy tôi sẽ để bạn lại, bạn cứ ỏ lại đây thôi. - Ồ, ồ! Như vậy thì tôi lại bị chết cóng! - Thế thì làm thế nào? - Tôi đã nói rồi: Tôi sẽ ra khỏi hố băng này... - Thế thì chẳng bằng tôi cứ thiêu cho cháy hết đi. Nó chợt đứng dựng lên như một ngôi sao chổi đỏ, rồi tôi và nó đều thoát ra khỏi miệng hố băng. Bỗng có cỗ xe lớn bằng đá chạy tới. Thế là tôi bị nghiến chết dưới cái bánh xe, song tôi vẫn còn kịp nhìn thấy cỗ xe đó nhào xuống hố băng. Ha ha! Các người không còn gặp được ngọn lửa chết nữa rồi nhá! Tôi đắc ý cười và nói như vậy, dường như tôi muốn sự việc sẽ phải diễn ra như vậy. LỜI CĂN DẶN CỦA CHÚ CHÓ Tôi mơ thấy mình đang đi trong ngõ hẻm chật chội, quần áo giày dép tả tơi, y như gã ăn mày. Một con chó sủa lên ở sau lưng. Tôi ngạo mạn quay đầu lại, quát: “Xì! Câm mõm! Cái con chó cậy gần nhà kia!” “Hì hì!" nó cười, rồi nói tiếp: “Không dám! Đâu có bằng được với loài người!” “Cái gì?” - Tôi nổi giận, cảm thấy hết sức nhục nhã. Tôi xấu hổ, vì rút cục tôi chẳng phân biệt được thế nào là đồng, thế nào là bạc, chẳng phân biệt được vải với lụa, chẳng phân biệt được quan với dân, chẳng phân biệt được chủ với tớ, chẳng phân biệt được... Tôi bèn đánh bài chuồn. “Khoan đã, chúng ta hãy chuyện tiếp...” - con chó ở đằng sau lớn tiếng giữ tôi lại. Tôi đi thẳng luôn, đi miết cho tới lúc choàng tỉnh, thấy mình đang nằm trên giường của mình. CHỐN ĐỊA NGỤC TỐT ĐẸP KHÔNG CÒN NỮA Tôi mơ thấy mình Đang nằm trên giường, giữa một cánh đồng hoang vu lạnh lẽo, bên cạnh là một địa ngục. Tiếng hồn ma kêu la rất lớn, song có trật tự, cùng với tiếng gào thét giận dữ của ngọn lửa, tiếng dầu sôi sùng sục, tiếng đinh ba sắt loảng xoảng, tất cả cùng hòa âm với nhau thành một bản đại nhạc nghe rất hay, như bố cáo cho cả thiên hạ biết rằng: Dưới này đang rất yên bình. Có một ông người to lớn đứng trước mặt tôi, trông rất từ bi và đẹp đẽ, khắp người tỏa ánh sáng. Song tôi biết, đó là ma. - Hết cả rồi, hết sạch cả rồi! Lũ hồn ma đáng thương kia đã làm mất đi chốn địa ngục tốt đẹp rồi! – Ông ta buồn bực nói vậy, rồi ngồi xuống, kể cho tôi nghe một câu chuyện: "Khi trời đất còn màu vàng óng như mật ong, chính là lúc quỷ dữ chiến thắng thiên thần, nắm lấy uy quyền cai quản hết thảy. “Hắn lấy được trời, lấy được nhân gian, lấy được cả địa ngục. Hắn liền thân chinh xuống tới địa ngục ngồi vào nơi chính giữa, khắp người phát ra ánh sáng, chiếu rõ mọi hồn ma. “Địa ngục vốn từ lâu đã bị bỏ phế: đao kiếm không còn sáng, vạc dầu không còn bốc hơi, lửa cháy chỉ thỉnh thoảng phả khói nhẹ, xa xa có chỗ nở hoa cà độc dược nhưng bé tí xíu, trông thật tội nghiệp. “Điều đó cũng chẳng có gì lạ, bởi vì trên mặt đất đã từng bị thiêu cháy rất tàn khốc, dĩ nhiên chẳng còn gì màu mỡ nữa. “Lũ hồn ma đã tỉnh lại trong dầu nguội và lửa ấm. Qua ánh sáng của quỷ, chúng nhìn thấy những bông hoa tí xíu trong địa ngục, trông nhợt nhạt rất đáng thương. Rồi như bị mê hoặc, chúng chợt nhớ tới chốn nhân gian. “Chúng lặng lẽ ngẫm nghĩ rất lâu, rồi đồng thời hướng lên phía nhân gian mà thét lên tiếng kêu chống lại địa ngục. “Loài người nghe tiếng kêu bèn đứng cả dậy, rôi vì trọng nghĩa, vì ngay thẳng, họ chiến đấu với bọn quỷ. “Tiếng binh khí đánh nhau vang khắp Tam giới[9]ghê gớm hơn cả sấm sét. Cuối cùng họ đã dùng mưu lớn, bủa lưới rộng, khiến bọn quỷ dữ không thể không rút ra khỏi địa ngục. Thắng lợi cuối cùng là một lá cờ trận của loài người được cắm ngay trước cửa địa ngục. “Trong lúc các hồn ma nhất tề hoan hô thì vị sứ giả của loài người đã đến để chỉnh đốn lại địa ngục. Ông ta ngồi vào vị trí chính giữa, rồi dùng uy quyền của loài người quát nạt tất cả mọi hồn ma. “Đến khi các hồn ma lại phải kêu lên tiếng kêu chống đối địa ngục, thì rõ ràng họ đã trở thành kẻ phản bội loài người rồi. Họ bị xử phạt mãi mãi trầm luân khốn khổ và bị chuyển dời vào chốn giữa rừng đao kiếm. “Thế là loài người hoàn toàn nắm quyền cai quản địa ngục. Họ chấn chỉnh lại sự hoang phế, trước hết cấp bổng cao nhất cho gã A Bàng[10]đầu trâu. Rồi lại cho thêm củi lửa, mài sắc gươm đao, khiến nơi địa ngục hoàn toàn thay đổi, mất hẳn cái cảnh hoang tàn trước kia. “Hoa cà độc dược lập tức khô héo. Dầu lại sôi lên, đao kiếm lại sáng loáng lên, lửa lại nóng lên, các hồn ma lại rên siết, lại rập rờn lảo đảo, và họ không còn nhớ nổi cái nơi địa ngục tốt đẹp đã bị mất đi kia nó ra làm sao nữa. “Đó là thành công cùa loài người. Đó là sự bất hạnh của những hồn ma... “Này hỡi bạn! Bạn đang nghi ngờ tôi. Đúng, bạn là người mà!" Thôi, tôi đi tìm loài dã thú và ác quỷ vậy... RUN RẨY[11] Trong giấc mơ, tôi thấy mình lại đang nằm mộng. Chẳng biết đang ỏ đâu, chỉ thấy trước mắt là bên trong của một gian nhà nhỏ. Đang lúc nửa đêm, gian nhà đóng kín mít. Nhưng trên nóc thấy có cây lá rậm rạp. Ngọn đèn chụp mới lau để trên chiếc bàn gỗ chiếu sáng cho gian nhà. Dưới ánh sáng đó, trên một chiếc chõng cũ nát, dưới một tảng thịt vạm vỡ lông lá còn lạ lẫm, một thân hình gầy còm bé quắt đang run rẩy vì đói khát, vì khổ đau, vì kinh hãi, vì tủi nhục, vì hân hoan. Yếu ớt, song làn da còn mịn màng sáng sủa. Hai gò má xanh xao có nổi chút hơi hồng hồng, như da chì được phết lên chút nước son. Rồi ngọn lửa cũng hãi hùng co mình lại. Phương đông đã bắt đầu sáng. Thế nhưng, trong không trung vẫn nhấp nhô những làn sóng đói khát, đau đớn, kinh hãi, tủi nhục, hân hoan.. - Mẹ! - Một bé gái khoảng hai tuổi bị quây lại bằng chiếu dưới đất nơi góc nhà, giật mình thức giấc vì tiếng mở chốt cửa, kêu lên gọi mẹ. - Còn sớm mà con, ngủ thêm một lát nữa đi! -Người đàn bà hoảng hốt nói. - Mẹ ơi! Con đói, con đau bụng. Ăn gì hả mẹ? - Hôm nay có thứ để ăn rồi. Lát nữa, có ông bán bánh nướng tới, mẹ sẽ mua cho con. Chị yên lòng, nắm chặt hơn đồng bạc trong lòng bàn tay, giọng nói khe khẽ, run run buồn bã. Bước tới chỗ góc nhà, chị cúi xuống nhìn đứa con gái, xê dịch cái chiếu, rồi ôm nó đặt lên chõng. - Còn sớm mà, ngủ thêm lát nữa nhé! Trong không trung bỗng dậy lên một làn sóng khác, xô đẩy với làn sóng trước, cuộn quay trở lại và thành ra một hố xoáy, nhấn chìm tất cả mọi thứ. Tôi cũng bị dìm xuống, mũi mồm ngạt tắc, không sao thở được. Tôi rên rỉ tỉnh lại. Ngoài cửa sổ tràn đầy ánh trăng sáng như bạc. Dường như còn lâu trời mới sáng. Lúc này, chẳng biết mình đang ở đâu. Trước mắt lại là bên trong của một gian nhà nhỏ cửa đóng kín mít vào lúc đêm khuya. Biết rằng mình còn đang dở tỉnh dở mơ. Song thời gian thì đã qua đi rất nhiều năm rồi. Căn nhà trong ngoài đều đã ngăn nắp. Bên trong nhà là một đôi vợ chồng trẻ và một lũ con nhỏ. Tất cả đều đang tỏ vẻ oán hận và rẻ rúng một người đàn bà đã già. - Chúng tôi không còn mặt mũi nào mà nhìn ai nữa vì bà cả thôi! - Người đàn ông nói một cách giận dữ. - Bà cứ cho rằng bà đã nuôi cho cô ta lớn lên, thực ra thì bà đã hại cô ta. Thà rằng cứ chết đói ngay từ khi còn bé cho xong! - Chính bà đã làm tôi khổ cả đời. - Người vợ nói. - Rồi còn khổ lây cho tôi nữa - Người chồng lại nói. Người vợ chỉ vào lũ con: - Khổ lây cho cả chúng nó nữa! Đứa bé nhất đang nghịch tàu lá lau khô, lúc đó bèn vung tay ném lên trời như ném con dao rồi hét lên: “Giết!” Bà già đang co giật môi miệng, chợt sững lại. Rồi tiếp đó là sự im lặng. Một lát sau, bà lạnh lùng đúng lên như một bộ xương, như một tượng đá. Từ từ mỏ then cửa, bà bước ra trong đêm tối, bỏ mặc phía sau tất cả mọi lời mắng mỏ lạnh lùng và tiếng cười độc địa. Bà cứ đi trong đêm khuya, đi mãi cho tới nơi đồng rộng mênh mông, bốn bề hoang vắng, trên đầu chỉ thấy trời cao, tuyệt hề không một con chim hay một con côn trùng nào bay qua. Thân mình trần trụi, bà đứng giữa đồng hoang như tượng đá, trong đầu thoáng hiện mọi cái đã qua: đói khát, khổ đau, kinh hãi, tủi nhục,.. Thế là ngưòi đàn bà run lên. Rồi lại những cực nhọc, buồn đau, phiền lụy. Thế là bà bắt đầu co giật. Rồi nghe thấy: “Giết!" Rồi lại yên ắng... Lát sau, mọi thứ lại đan kết vào nhau: vừa quyến luyến vừa tuyệt tình, vừa yêu thương vừa thù hận, vừa nuôi dưỡng vừa từ bỏ, vừa chúc mừng vừa chửi rủa.. Thế là bà già giơ thẳng hai tay lên trời, miệng bật ra thứ ngôn ngữ chẳng phải của người cũng chẳng phải của thú, thứ ngôn ngữ không có trong loài người nên chẳng có từ ngữ. Trong lúc thốt ra thứ ngôn ngữ không lời đó thì cái thân hình như tượng đá bị bỏ hoang dập vỡ của bà run rẩy hẳn lên. Từng điểm một run run lên như vẩy cá, từng cái vẩy trồi lên thụt xuống, nhấp nhô như nước đang sôi lên trên ngọn lửa rừng rực. Bầu trời cũng lập túc sục sôi lên như những làn sóng nơi biển hoang vào lúc bão to gió lớn. Bà già ngẩng lên nhìn bầu trời, ngừng bặt thứ ngôn ngữ không lời, duy chỉ còn run rẩy, sự run rẩy như toé ra ánh sáng bức xạ, khiến những làn sóng trên bầu trời xoay tròn như gặp trận cuồng phong, ào ạt cuồn cuộn dồn về chốn hoang dã mênh mông vô bờ vô bến, Tôi tỉnh mộng, tự biết là do mình khi ngủ đặt tay lên ngực nên mới nằm mơ như vậy. Trong mơ, tôi còn rán hết sức đẩy cái tay nặng như cùm này ra. LẬP LUẬN Tôi nằm mơ thấy mình đang ở trong lớp của trường tiểu học, chuẩn bị làm văn, xin thầy dạy cho cách lập luận. - Khó đấy! - Thầy nhìn xéo tôi, ánh mắt ra ngoài khung cặp kính - Thầy kể cho em nghe chuyện này: Có một nhà sinh được cậu con trai, cả nhà họp mặt, vui mừng hết sức. Lúc đầy tháng, bồng thằng cu ra cho khách xem - thường là mong được nhiều may mắn. Một người khách nói: “Chú bé này sau sẽ giàu có!” Ông ta liền được cảm ơn. Một người nữa nói: “Cháu này sau sẽ làm quan!" ông ta nhận được ngay mấy câu nói tỏ sự xun xoe, khúm núm. Một người khác nói: “Thằng bé này sau sẽ chết!" Lập túc ông ta bị mọi người đánh cho một trận nhừ tử. Nói sẽ chết là nói điều tất nhiên. Nói sẽ giàu sang là nói điều hão huyền. Nhưng nói điều hão huyền thì được quý mến mà nói điều tất nhiên thì lại bị ăn đòn. Em ... - Em muốn là không nói hão huyền cũng không bị ăn đòn. Vậy thì, thưa thầy, khi đó em nên nói thế nào ạ? - Em phải nói là: Ái chà! Cái chú bé này! ông trông kia! Sao mà... Ấy! Hơ hơ hơ! Hơ hơ hơ! SAU KHI CHẾT Tôi chiêm bao thấy mình chết nằm trên đường. Chỗ này là chỗ nào nhỉ? Sao tôi lại đến đây? Làm sao tôi lại chết? Những điều này tồi hoàn toàn mù tịt. Tóm lại, lúc tự biết rõ mình đã chết thì tôi đã đang ở chỗ này rồi. Có mấy tiếng chim khách kêu, rồi tiếp đó là một tràng tiếng quạ quạc quạc. Không khí rất thoáng mát, tuy nhiên cũng có đôi chút hơi đất bốc lên. Có lẽ đã bình minh rồi chăng? Tôi muốn mở to mắt ra, song không tài nào động đậy được, thật không phải là mắt của mình nữa. Tôi định nhấc tay lên. Cũng lại y hệt như vậy. Bỗng đầu mũi tên nhọn sắc xuyên thấu tim tôi. Lúc còn đang sống, tôi thường nghĩ đùa rằng: giả sử người ta chết đi mà chỉ chấm dứt hoạt động thần kinh thôi, còn tri giác vẫn sống thì chắc là đáng sợ hơn nhiều so với chết hoàn toàn. Nào ngờ điều dự đoán ấy lại trúng ngay vào tôi lúc này. Chính tôi đang chứng thực cho điều dự đoán đó. Có tiếng bước chân. Ai đi bộ đến chăng. Một chiếc xe cút kít đẩy qua bên cạnh chỗ đầu tôi. Có lẽ xe chở nặng, tiếng bánh xe ken két nghe phát sợ, lại có tiếng răng cưa nữa. Mắt cảm thấy màu gì rất đỏ, nhất định là mặt trời mọc rồi. Như vậy là mặt tôi đang quay về hướng đông. Song điều đó chẳng sao. Có tiếng người râm ran. Họ đến để xem có chuyện gì đấy mà. Họ dẫm đất bụi mù lên bay cả vào lỗ mũi tôi khiến tôi muốn hắt xì song không hắt ra được. Vẫn tiếp tục những bước chân đi tới, cứ đến gần cạnh là dừng lại. Lại có nhiều tiếng thì thầm. Đúng là người xem đã đông thêm. Tôi chợt rất muốn nghe xem họ bàn luận cái gì, song đồng thời tôi lại nhớ đến những lời phê bình nhạt nhẽo mà mình đã từng nói đến khi còn sống, đại khái đó là những ý kiến giả tạo, đãi bôi thôi. Song tôi vẫn cứ nghe. Nhưng rốt cuộc chẳng kết luận được gì. Chung quy chẳng qua chỉ là những câu: “Chết rồi à?”, “Ờ, ông này...”, “Xì!”, “Chậc ! ...Thôi!” Tôi mừng hết sức, vì trước sau không hề nghe thấy tiếng một người quen. Bởi nếu tôi chết đi mà khiến họ đau lòng hay khoái chí, hoặc giả là khiến họ có thêm ít tài liệu để chuyện phiếm sau bữa cơm, hao phí cả thì giờ quý báu, thì tôi sẽ vô cùng áy náy. Bây giờ thì không còn nhìn thấy ai nữa, nghĩa là không có ai bị ảnh hưởng cả. Tốt rồi. Có thể xem là mình không có lỗi với ai. Thế nhưng, hình như là một con kiến đang bò trên lưng tôi, thấy ngứa ngứa. Tôi không sao động đậy được, không còn cách nào giết được nó. Nếu bình thường thì chỉ cần vặn mình một cái là nó phải thua rồi. Lại nữa, trên đùi cũng có một con! Chúng mày làm cái gì vậy ? Đồ sâu bọ! Tình hình càng tệ hơn: Vù một tiếng, một chú nhặng xanh đậu ngay trên gò má, đi đi vài bước, rồi bay lên, rồi lại xà xuống, mở miệng liếm liếm chóp mũi tôi. Ảo não quá. Tôi nghĩ: Thưa ngài, tôi chẳng phải vĩ nhân vĩ nhiếc gì đâu, ngài chẳng cần tìm đến cái thân tôi mà kiếm tài liệu viết lách làm gì. Song tôi không thể nói ra được. Con nhặng lại từ chóp mũi nhảy xuống, lại dùng cái lưỡi lạnh ngắt liếm liếm cái môi tôi, chẳng biết có phải để tỏ tình thân ái không. Lại có mấy con nữa xúm xít chỗ lông mày. Chúng cứ bước chân một cái là lông mày tôi lại rung rinh. Tôi thật sự bực mình không chịu nổi. Chợt có một cơn gió. Một cái gì đó từ trên chụp xuống. Lũ nhặng bay vụt hết sau khi than .'"Tiếc quá !” Tôi giận, giận đến muốn xỉu. Tiếng ván gỗ rơi nặng nề và tiếng mặt đất rung lên khiến tôi choàng tỉnh lại. Trên trán cảm thấy có những gợn chiếu lau. Nhưng rồi tấm chiếu lau lại bị cuộn lên. Lại cảm thây ánh nắng nóng chói. Rồi nghe có người nói: “Làm sao mà lại chết ở đây ? Tiếng nói rất gần. Anh ta đang cúi xuống chăng? Nhưng mà người ta nên chết ở chỗ nào chứ. Trước đây tôi cứ nghĩ rằng con người ta trên trái đất này tuy không có quyền sống theo ý mình song phải có cái quyền chết theo ý mình chứ. Đến giờ mới biết là không phải như vậy. Sẽ khó mà hợp ý được mọi người. Đáng tiếc là từ lâu tôi đã không còn giấy bút nữa. Mà nếu có cũng không thể viết. Có viết được cũng chẳng có chỗ đăng. Thôi chi đành quẳng hết đi như thế này thôi. Có người tới khiêng tôi. Cũng chẳng biết là ai. Nghe có tiếng vỏ bao kiếm. Lại có tuần cảnh ở đây ư? Ở cái nơi mà “tôi không nên chết ở đây” ư? Tôi bị lật người mấy cái, rồi cảm thấy được nâng lên rồi lại bị dồi xuống. Có tiếng nắp đậy lại, rồi tiếng dóng đinh. Nhưng mà, lạ thật, chỉ đóng có hai cái. Lẽ nào đinh đóng quan tài ở đây lại chỉ đóng có hai cái thôi? Tôi nghĩ bụng: thế này là cả sáu phía đều bị va vập hết, bên ngoài lại có đinh. Đúng là mình hoàn toàn thất bại rồi! Ô hô! Ai tai! “Ngột ngạt quá !” - Tôi lại nghĩ. Song thực ra tôi đã bình tĩnh hơn lúc trước nhiều, tuy chẳng biết là đã bị chôn chưa. Trên mu bàn tay cảm thấy có lằn chiếu lau, thấy vải liệm mình cũng không đến nỗi tồi. Chỉ không rõ là ai bỏ tiền ra lo cho mình như vậy. Thật đáng tiếc! Nhưng bực mình là cái lũ liệm xác. Cái áo sơ mi của tôi có một góc bị nhăn, chúng nó không kéo cho phẳng ra, bây giờ thấy cộm khó chịu quá. Chúng mày cho rằng người chết không biết gì nên làm ăn cẩu thả thế hả? Hừ hừ! Người tôi dường như nặng hơn nhiều so với khi còn sống, cho nên lúc đè lên chỗ nếp áo nhăn rất khó chịu. Song tôi nghĩ rồi sẽ quen thôi, hoặc giả là mình sẽ bị rữa ra, sẽ không còn thấy khó chịu lắm nữa. Lúc này dây, tốt nhất là cứ yên lặng mà suy nghĩ. - Chào ông ! Ông chết rồi ư? - Một giọng nói rất quen. Cố giương mắt nhìn, thì ra là anh chàng làm công chuyên lo việc chạy ngoài của nhà sách Bột Cổ Trai. Không gặp có đến hơn hai mươi năm rồi mà trông vẫn thế. Tôi lại nhìn sáu mặt vách gỗ quanh mình, thật quá xù xì thô kệch, đúng là chưa được gọt đẽo tí nào, vết cưa còn lởm chởm. - Không sao, không sao! Anh ta vừa nói vừa mở tấm vải bọc màu lam sẫm ra. - Đây là bản “Cổng dương truyện" in năm Gia Tĩnh đời Minh, xin tặng cho ông, ông hãy giữ lấy. Đây là... - Ồ, anh này ! - Tôi kinh ngạc nhìn thẳng vào mắt anh ta và nói - Anh lẫn thật rồi sao. Anh xem bộ dạng tôi thế này mà còn đọc cái gì? - Ông có thể đọc, không sao cả. Tôi nhắm ngay mắt lại. Vì thấy khó chịu với anh ta quá. Im lặng một lúc, không có tiếng gì. Có lẽ anh ta đi rồi. Nhưng hình như lại có con kiến bò lên cổ, bò lên mặt, rồi cứ vòng quanh khoang mắt mãi. Không ngờ là tư tưởng con người ta sau khi chết vẫn còn thay đổi. Chợt có một sức mạnh gì đó phá vỡ sự bình yên của trái tim tôi. Đồng thời, rất nhiều giấc mơ ập đến. Có mấy người bạn chúc tôi được vui khoẻ. Mấy tên thù địch thì chúc tôi mau chết quách đi. Tôi không vui vẻ, cũng không bị chết quách đi, mà tôi sống lại, chẳng hay cũng chẳng dở, chẳng thoả lòng mong mỏi của một ai. Bây giờ thì tôi lại chết đi như bình thường, không cho kẻ thù biết, không cho chúng bỗng dưng dược hân hoan...... Trong lúc khoái chí, tôi cảm thấy mình muốn khóc. Có lẽ là lần khóc đầu tiên sau khi tôi chết đi. Nhưng mà, rốt cuộc cũng chẳng có nước mắt rơi. Chỉ nhìn thấy trước mắt dường như có ánh lửa nhấp nháy. Thế là tôi ngồi hẳn dậy. NHỮNG NGƯỜI CHIẾN SĨ NHƯ THẾ Nếu như có một loại chiến sĩ như thế, nghĩa là không mông muội như người thổ dân châu Phi, cứ khư khư trên mình khẩu Mô-de sáng loáng, cũng không lờ đờ như anh lính “Cờ xanh”[12]Trung quốc với khẩu Pạc-hoọc bên hông. Người chiến sĩ này chẳng hòng mong mỏi gì ở bộ giáp trụ bằng da trâu hoặc bằng loại sắt phế liệu. Anh ta chỉ có mỗi cái thân xác mình thôi, tay cầm thứ vũ khí mà dân man dã thường dùng- cây lao, buông tay là phóng vút đi luôn. Anh ta bước vào chỗ trận chiến không người. Gặp ai cũng thấy toàn một kiểu gật đầu. Cái gật đầu này chính là vũ khí của kẻ thù. Đây là thứ vũ khí giết người không thấy máu. Biết bao chiến sĩ đều đã bị chết vì nó, cứ như là bom nổ vậy, khiến người chiến sĩ dù dũng mãnh cũng không kịp dùng đến sức lực của mình. Bọn gật đầu này trên đầu cắm đủ loại cờ xí, có thêu đủ loại danh xưng: nào là nhà từ thiện, nào là học giả văn sĩ, nào là bậc trưởng thượng, nào là lứa thanh niên, rồi vị cao nhã, rồi người quân tử ... Dưới cái đầu là đủ loại áo khoác, trên thêu đủ thứ mỹ miều, nào là học vấn, đạo đức, nào là quốc tuý, dân ý, lô-gích, công nghĩa, văn minh phương Đông ... Thế nhưng, anh ta đã giương cây lao lên rồi ! Bọn người kia đồng thanh thề nguyền. Rồi lên giọng thuyết giảng. Quả tim của họ đều nằm chính giữa ngực, khác hẳn những người có trái tim nằm thiên sang bên trái. Họ đều đeo trước ngực tấm hộ tâm kính, cốt để làm chứng rằng mình thật sự tin chắc quả tim đang nằm chính giữa ngực. Thế nhưng anh ta đã giương mũi lao lên rồi ! Anh ta mỉm cười, ném chéo một cái, trúng đúng vào vùng tim bọn kia. Tất cả đều đổ rập ngay xuống. Nhưng có một chiếc áo khoác trống hốc, bên trong chẳng có gì. Cái vật gì đó đã tẩu thoát, đã thắng thế rồi. Vì lúc này, anh chiến sĩ đã trở thành kẻ tội phạm sát hại nhà từ thiện! Thế nhưng anh ta đã giương mũi lao lên. Rồi anh ta sải chân bước trên chốn trận địa không người. Lại thấy những cái gật đầu cùng kiểu, lại thấy đủ loại cờ xí, đủ loại áo khoác ... Anh ta giương mũi lao lên. Rồi rút cuộc, anh ta đã già yếu, và chấm dứt cuộc đời trên cái trận địa không người đó. Cuối cùng thì anh ta đã chẳng phải là chiến sĩ. Thế nhưng cái thứ trống không kia lại là kẻ thắng trận. Ở nơi đó, trong hoàn cảnh đó, chẳng ai nghe thấy tiếng kêu chiến đấu cho: Thái bình! Thái bình! Anh ta đã giương mũi lao lên ! NGƯỜI THÔNG MINH, ANH CHÀNG NGỐC VÀ GÃ ĐẦY TỚ Gã đầy tớ chẳng qua chỉ muốn tìm người để kể khổ. Y chỉ cần như vậy, và cũng chỉ có thể làm được như vậy. Một hôm, y gặp được một người thông minh: - Thưa ông! - Y buồn bã nói, nước mắt ròng ròng chảy xuống từ khóe mắt. - Ông biết đấy, cuộc sống của tôi không phải là của con người. Ăn chưa chắc đã được ngày một bữa. Mà một bữa đó cũng chỉ là cám ngô đến chó lợn cũng chẳng buồn ăn, mà lại được chỉ một bát. - Điều đó thật đáng thương tâm - Người thông minh nói môt cách thản nhiên. - Vâng, đúng thế! - Y mừng rỡ - Nhưng mà làm thì suốt đêm ngày không được nghỉ. Sáng sớm gánh nước, chiều tối nấu cơm, buổi sáng chạy vạy khắp phố, đêm về xay bột mì, trời nắng thì giặt quần áo, trời mưa thì trương dù lên, mùa đông phải đốt lò hơi, mùa hè thì kéo quạt. Nửa đêm còn phải hầm món ngân nhĩ, hầu hạ chủ đánh bạc, mà tiền hồ đánh bạc thì không bao giờ chịu đưa, có lúc còn bị ăn roi da... - Ôi chao!... - Người thông minh thở dài, mắt hơi đỏ như muốn rơi lệ. - Thưa ông, tôi thật không chịu đựng được nữa. Tôi phải tìm cách khác thôi. Nhưng mà cách gì đây?... - Tôi nghĩ, rồi thế nào anh cũng sẽ khá hơn... - Vậy ư ông? Cũng chỉ mong là được như vậy. Nhưng kể ra với ông nỗi khổ của mình, lại được thông cảm, an ủi, tôi thấy lòng nhẹ đi rất nhiều. Thế mới biết đạo trời vẫn hãy còn... Nhưng được mấy hôm, y lại bực tức, lại đi tìm người khác để kể khổ. Người này là anh chàng ngốc. - Thưa ông, - Y rơi nước mắt nói - Ông biết đấy, chỗ tôi ở không bằng cái chuồng lợn. Nhà chủ không xem tôi là người nữa. Ông ta còn quý con chó ăng ẳng của ông ta gấp vạn lần tôi. - Đồ khốn! - Anh chàng ngốc quát lên khiến y hoảng sợ. - Thưa ông, chỗ tôi ở chỉ là một túp lều nát, vừa tối tăm vừa ẩm thấp, chỗ nào cũng đầy rệp, hễ ngủ là chúng cắn cho đã đời. Nhà thì hôi hám nồng nặc, xung quanh lại không có lấy một cái cửa sổ. - Sao anh không đòi ông chủ đục cho cái cửa sổ? Thế sao được?... Giờ anh hãy dẫn tôi đến đó xem! Anh chàng ngốc theo gã đầy tớ đến chỗ y ở, đứng ngoài lấy tay xô đập cái tường đất. - Ông, ông làm gì vậy? - Gã đầy tớ kinh hãi. - Tôi mở cho anh một cái lỗ cửa sổ. - Không được đâu! Nhà chủ sẽ chửi cho! - Kệ nhà chủ! - Anh ngốc vẫn cứ đập. - Bớ người ta! Kẻ cướp đang phá nhà tôi đây này! Mau đến đây! Nó sắp đập thủng tường rồi!... Gã đầy tớ vừa khóc vừa la, vừa lăn lộn ra đất. Một đám đầy tớ chạy tới, đuổi anh chàng ngốc đi. Nghe thấy tiếng la, ông chủ là người sau cùng thong thả đi tới. - Thưa ông, có tên cướp đến định phá nhà. Con la lên, mọi người đã đuổi nó đi rồi. - Y cung kính nói với vẻ đắc thắng. - Mày khá lắm - Ông chủ khen y. Ngày hôm đó, có rất nhiều người đến thăm hỏi. Người thông minh kia cũng tới. - Thưa ông, vừa rồi tôi có công nên được ông chủ khen. Hôm trước ông có bảo rằng rồi tôi sẽ khá lên, đúng là ông đã sáng suốt, ông đã thấy trước... - Y vui mừng nói với vẻ đầy hi vọng. -Đúngrồi!.... -Ngườithôngminhcũngrấtvuivẻtrảlời. CHIẾC LÁ ÉP KHÔ[13] Đang ngồi dưới đèn đọc quyển “Nhạn môn tập”, bỗng lật thấy một chiếc lá phong ép khô. Tôi chợt nhớ tới mùa thu năm ngoái. Đêm đó đầy sương, cây lá phần lớn đã xơ xác. Cây phong nhỏ trước sân đã biến thành màu đỏ. Tôi thường đi đi lại lại vòng quanh cái cây, nhìn thật kỹ sắc màu từng chiếc lá. Khi nó còn xanh thì chẳng bao giờ tôi chú ý như vậy cả. Cây cũng chưa đỏ hết, nhiều nhất là những lá mới hoe hoe, có mấy lá thật đỏ tươi. Có chiếc lá bị sâu đục thành lỗ giữa đám màu đỏ, vàng, xanh xen nhau lốm đốm, nó dường như có con mắt sáng, cứ đăm đắm nhìn vào con người là tôi. Tôi thầm nghĩ: Lá này bị bệnh đây. Bèn ngắt lấy nó, đem ép vào quyển “Nhạn mồn tập” vừa mới mua, có lẽ vì muốn cho cái sắc màu lốm đốm bị sâu đục sắp sửa rụng kia tạm thời được giữ lại, khỏi bị bay đi tan tác như các lá khác chăng. Thế mà đêm nay nó lại đang nằm trước mắt tôi với màu vàng như sáp. Cũng không thấy mắt nó sáng quắc như năm ngoái. Giả sử qua mấy năm nữa, cái sắc màu đó trong ký ức tôi đã phai nhạt hết, thì e rằng cả đến chính tôi cũng không rõ vì sao mà nó lại được ép vào trong sách như vậy. Màu sắc lốm đốm của cái lá bị sâu sắp sửa rụng kia dường như cũng chỉ là tương đối trong một thòi gian rất ngắn thôi, nói gì đến loại lá xanh tươi. Nhìn ngoài cửa sổ, loại cây giỏi chịu rét nhất cũng đã trụi hết lá rồi. Cây phong càng khỏi phải nói. Đã là cuối thu rồi, có lẽ cũng có những cái lá bị sâu như cái lá năm ngoái chăng? Nhưng đáng tiếc là năm nay tôi chẳng có lúc nào rảnh rỗi mà ngắm nhìn cây lá mùa thu nữa. VẾT MÁU ĐỎ NHÀN NHẠT Đấng Tạo hoá là một kẻ nhát gan. Ông ta ngấm ngầm làm cho trời đất thay đổi song lại không dám huỷ hoại cả trái địa cầu này, ngấm ngầm khiến mọi sinh vật đều phải suy vong, song lại không dám để mọi thi thể trường tồn mãi mãi, ngấm ngầm khiến loài người đổ máu, song lại không dám cho máu đó mãi mãi đỏ tươi, ngấm ngầm khiến loài người khổ sở song lại không dám làm cho họ ghi nhớ mãi trong lòng. Ông ta chỉ lo suy nghĩ cho đồng loại của ông ta - những kẻ nhút nhát trong loài người, lo dùng những nơi gò đống mồ mả hoang vu để mà kết dựng nhà hoa, dùng thời gian để làm phai nhoà khổ đau và những vết máu, lo ngày ngày rót ly rượu nhạt không ít lắm cũng không nhiều lắm, để có thể đủ say ngà ngà, rồi đưa vào chốn nhân gian, khiến kẻ nào uống sẽ có thể khóc, có thể ca, nửa như say nửa như tỉnh, dường như biết dường như không biết, vừa muốn chết lại vừa muốn sống. Ông ta cần phải làm cho tất cả đều muốn sống! Ông ta còn chưa diệt tận hết dũng khí của loài người! Mấy cái gò và mấy nấm mồ mả hoang vu nằm rải rác đó đây, có những vết máu nhờ nhờ. Mọi người đều đang gậm nhấm nỗi khổ đau. Song họ không chịu nhổ toẹt nó ra mà lại cho rằng như vậy còn hơn là trống rỗng. Người nào cũng tự xưng mình là "dân bị Trời giết" để biện giải cho cái chuyện cứ gậm nhấm nỗi khổ đau, và còn lặng lẽ mà đón chờ những buồn đau mới rồi sẽ tới. Những buồn đau mới, nghĩ đến mà hãi hùng, song lại khát khao tương ngộ. Đó đều là dân lành của Đấng Tạo hoá cả. Chính ông ta đã muốn như vậy mà. Có một dũng sĩ phản nghịch từ trong chốn nhân gian bước ra. Chàng ta đứng sừng sững, chăm chú nhìn những gò hoang và mồ mả. Có cái đã thay đổi, có cái vẫn thế. Chàng ta nhớ lại mọi nỗi khổ đau, rồi nhìn chằm chằm vào đám màu tích đọng thành từng lớp, biết rõ rằng tất cả đều đã chết nhưng cũng có loại vừa mới sinh ra. Chàng ta đã biết tỏng cái trò của Tạo hoá. Chàng ta sẽ phải đứng vùng lên, làm cho loài người sống lại. Hoặc giả là làm cho loài người bị diệt đến tận hết đi, diệt đến tận hết những kẻ dân lành của đấng Tạo hoá đi. Đấng Tạo hoá kia, kẻ nhát gan kia, đã thấy xấu hổ rồi và đã phải náu mình rồi. Thế là, trước mắt chàng dũng sĩ, trời đất đã phải tái mặt! CHỢT TỈNH Lũ máy bay làm sứ mệnh ném bom sáng nào cũng bay trên bầu trời Bắc Kinh, đều đặn như nhà trường lên lớp. Mỗi lần nghe thấy tiếng động cơ náo động bầu không khí, tôi thường cảm thấy hơi căng thẳng, dường như nhìn thấy cái “chết” đang tiến tới. Song đồng thời lại cảm thấy rõ ràng là cái “sống” đang tồn tại. Sau một vài tiếng nổ, máy bay kêu ì ì, rồi từ từ bay đi. Có lẽ có ai đó bị tử thương chăng? Song, dường như thiên hạ lại càng yên ổn. Ngoài cửa sổ, lá bạch dương tươi non lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cây mai lá du cũng nở hoa rực rỡ hơn hôm trước. Tôi thu dọn những tờ báo để lung tung đầy giường, phủi lớp bụi trắng bám trên bàn từ đêm qua. Căn phòng nhỏ vuông vắn của tôi hôm nay vẫn cứ là “sáng sủa, yên tĩnh”. Vì một nguyên nhân nào đó, tôi bắt đầu làm việc với những tập bản thảo cùa các bọn viết văn trẻ để tích lại chỗ tôi lâu nay. Tôi phải giải quyết cho xong hết. Tôi cứ theo ngày tháng của tác phẩm mà đọc tiếp. Thế rồi, những tâm hồn tuổi trẻ không chịu bôi son trát phấn kia lần lượt đứng sững trước mắt tôi. Họ thật giản dị, thật chân thành, ôi, nhưng họ lại khổ não, lại rên rỉ, lại phẫn nộ, và rồi thô bạo nữa. Ôi, các bạn trẻ đáng yêu của tôi ! Tâm hồn bị gió cát dập vùi mà thành thô bạo. Vì đó là tâm hồn của con người. Tôi yêu mến những tâm hồn như vậy. Tôi muốn hôn lên cái thô bạo vô hình vỏ sắc, cái thô bạo đầm đìa máu tươi đó. Trong khu vườn nổi tiếng nơi xa xa kia, kỳ hoa dị thảo đang nở rộ. Cô gái xinh đẹp đang thảnh thơi với thú tiêu dao. Một tiếng hạc kêu, mây dồn lên trắng xoá ... Cảnh này đáng nên ngưỡng mộ chứ, song tôi vẫn cứ nhớ là mình đang sống ở trong chốn nhân gian. Chợt nhớ tới một chuyện: Hai ba năm trước, tôi đang ngồi trong phòng chờ lên lớp của giảng viên trường đại học Bắc Kinh, bỗng thấy một thanh niên lạ hoắc bước vào. Cậu ta lặng lẽ đưa cho tôi một bịch sách rồi đi luôn. Mở ra xem thây quyển “Thiển thảo”. Sự lặng lẽ của cậu ta khiến tôi hiểu ra nhiều điều. Chà! Tặng phẩm này thật tốt biết bao! Đáng tiếc là “Thiến thảo” không được xuất bản lại nữa, dường như dó chỉ là tiền thân của cuốn “Trầm chung”. Mà cuốn Trầm chung” thì trong chốn đầy gió cát và nơi đáy cùng của biển người, đã cất tiếng kêu lên trong hiu quạnh. Cây ké dại bị dẫm đạp tơi bời mà vẫn nở một bông hoa nhỏ xíu. Tôi nhớ là Tôn-xtôi từng bị xúc động rất mạnh mà viết được một thiên tiểu thuyết. Còn những cây cỏ trên bãi sa mạc khô cằn vẫn cố gắng vươn rễ ra để hút lấy chút nước trong lòng đất sâu để mọc thành một đám xanh biếc. Đó chính là vì “sự sống” của bản thân nó, khiến cho người lữ khách đã mệt đến kiệt sức mà vừa nhìn thấy nó là vui mừng như gặp được chốn ngả lưng. Đó là điều cảm động mà cũng đáng buồn làm sao! Bài “Vô đề” thay lời tựa trong quyển “Trầm chung" nói: “Có người bảo: xã hội chúng ta là một bãi sa mạc”. Nếu quả đúng là một bãi sa mạc thì tuy có hoang vu một chút song còn được yên tĩnh, tuy có hiu quạnh một chút song cũng khiến bạn cảm thấy bát ngát mênh mông. Chứ sao lại hỗn độn thế này, lại âm u thế này, lại biến ảo ly kỳ thế này? Phải, tâm hồn tuổi trẻ đang đứng sững trước mắt tôi. Họ đã thô bạo rồi, hoặc là sắp sủa thô bạo rồi. Song tôi thấy yêu những tâm hồn chảy máu và đau đớn âm ỉ đó. Vì rằng chúng khiến tôi cảm thấy mình đang ở chốn nhân gian, đang sống trong chốn nhân gian. Trong trường, mặt trời đã lặn phía tây, ánh đèn chiếu sáng tiếp cho tôi. Đủ loại đủ hình tuổi thanh xuân lần lượt lướt qua trước mắt. Bao quanh toàn là hoàng hôn. Tôi thấy mệt mỏi, dí tắt thuốc lá, lặng lẽ nhắm mắt lại trong suy nghĩ mông lung, và tôi đã gặp một giấc mơ rất dài. Chợt giật mình tỉnh ra. Xung quanh vẫn là hoàng hôn. Sương khói bay lên trong bầu khí im lìm, y như mấy giải mây mùa hạ từ từ dựng thành những hình tượng chẳng rõ là hình chi. [1]Nguyên văn: Ngã đích thất tình (Sự thất tình của tôi) [2]Nguyên văn: phát hãn dược (thuốc ra mồ hôi) [3]Nguyên văn: xích luyện xà, tê một thứ rắn nhỏ không độc [4]Kinh Thánh chép: trước lúc gia hình, bọn lính đưa cho Giêsu một ly rượu có pha mật đắng. Ông không uống. [5]Nguyên văn viết: “Éli, Éli, lama sabachthani?” Sau đó chính Lỗ Tấn dịch như trên. [6]Pê-tô-phi Xan-đo (Petofi Sando) (1823 – 1849) – nhà thơ người Hung-ga-ri [7]Một vùng thuộc phủ Thiệu Hưng, Triết Giang. [8]Nguyên văn: không đâu là không có danh mục. [9]Phật giáo chia thế giới của chúng sinh làm ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. [10]A Bàng, còn gọi là A Phòng, tên quỷ lính canh dưới địa ngục, đầu trâu, tay người, chân có móng như trâu. [11]Nguyên văn: Đồi bại tuyến đích chiến động [12]Nguyên văn “Lục kỳ doanh” tức một tổ chức quân đội đời Thanh, dùng cờ xanh làm phiên hiệu. [13]Nguyên văn: “Lạc diệp” """