🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cứu Hộ, Cứu Nạn Hàng Hải – Nhận Biết Về Pháp Luật Và Kỹ Năng
Ebooks
Nhóm Zalo
HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN
Chủ tịch Hội đồng
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương LÊ MẠNH HÙNG
Phó Chủ tịch Hội đồng
Q. Giám đốc - Tổng Biên tập
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật PHẠM CHÍ THÀNH
Thành viên
VŨ TRỌNG LÂM
NGUYỄN ĐỨC TÀI
TRẦN THANH LÂM
NGUYỄN HOÀI ANH
2
TS. PHAN PHƯƠNG NAM (Chủ biên)
DANH PHẠM MỸ DUYÊN - NGUYỄN TRUNG DƯƠNG
THUẾ CỦA CÁ NHÂN VÀ HỘ GIA ĐÌNH
NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT HÀ NỘI - 2019
3
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Theo số liệu thống kê, hằng năm, số vụ tai nạn, sự cố đối với lực lượng tàu cá, tàu vận tải nhỏ ven biển chiếm từ 80 - 90% tổng số tai nạn, sự cố trên biển. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do ngư dân, thuyền viên tàu vận tải nhỏ chưa được đào tạo bài bản, thiếu các kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức cơ bản về cứu sinh, cứu nạn, nhận thức về việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, các cơ quan quản lý tại các địa phương khi xử lý các vụ tai nạn liên quan đến tàu cá, tàu vận tải nhỏ còn lúng túng; cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn an toàn cho người dân tại các địa phương còn thiếu và yếu về nghiệp vụ. Thực tế đó đòi hỏi phải có một tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về tìm kiếm cứu nạn, an toàn đi biển thống nhất cho tất cả các đối tượng nêu trên.
Nhằm phổ biến quy định pháp luật và cung cấp những thông tin chung về tổ chức hệ thống tìm kiếm cứu nạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển; cách thức sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc, phương pháp phát và thu nhận các tín hiệu cấp cứu...
5
cho ngư dân và thuyền viên tàu vận tải nhỏ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Nhà xuất bản Giao thông vận tải xuất bản cuốn sách Cứu hộ, cứu nạn hàng hải - nhận biết về pháp luật và kỹ năng.
Hy vọng cuốn sách sẽ là một tài liệu hữu ích, cẩm nang tra cứu cần thiết và là một tài liệu hướng dẫn giúp ngư dân, thuyền viên tàu vận tải nhỏ và các đơn vị, cá nhân liên quan được trang bị những kiến thức để phòng ngừa và ứng phó một cách có hiệu quả với các tai nạn, sự cố xảy ra trên biển.
Tháng 9 năm 2019
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
6
PHẦN I
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN VÀ TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN (Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2014 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; trách nhiệm chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các tổ chức, cá nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển.
7
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện hoạt động trên biển (sau đây viết tắt là phương tiện) bao gồm tàu thuyền, thủy phi cơ, phương tiện thủy nội địa và các phương tiện di động và không di động trên biển.
2. Chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc quản lý, khai thác sử dụng phương tiện. 3. Tìm kiếm trên biển là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn.
4. Cứu nạn trên biển là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
5. Cứu hộ trên biển là hoạt động cứu tàu thuyền hoặc tài sản trên tàu thuyền thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) tàu thuyền đang bị nguy hiểm trên biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng cứu hộ giữa tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ với tổ chức, cá nhân đề nghị cứu hộ.
6. Lai dắt tàu thuyền là việc lai, kéo, đẩy (hoặc túc trực bên cạnh) tàu thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng lai dắt giữa chủ tàu thuyền lai dắt và bên thuê lai dắt.
8
7. Kênh cấp cứu - khẩn cấp (còn gọi là tần số Cấp cứu - Khẩn cấp) là kênh thông tin Cấp cứu - Khẩn cấp phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động công ích, nhân đạo khác có liên quan.
8. Tình huống tìm kiếm, cứu nạn trên biển là những sự cố do thiên tai, thảm họa, tai nạn gây ra trên biển có nguy cơ hoặc thực tế đang đe dọa, gây hậu quả tổn thất về người cần thiết phải có các biện pháp ứng phó kịp thời, thích hợp để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
9. Vùng biển Việt Nam là vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
10. Vùng nước cảng biển là vùng nước thuộc quyền quản lý của Cảng vụ hàng hải được cơ quan có thẩm quyền công bố, bao gồm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.
11. Khu vực hạn chế hoạt động trên biển là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ, thuộc lãnh hải Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, trục vớt, tìm kiếm, cứu nạn hoặc diễn tập quân sự.
12. Vùng cấm trên biển là vùng được xác định bằng tọa độ trên hải đồ, thuộc lãnh hải Việt Nam
9
để bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngăn ngừa thảm họa môi trường và dịch bệnh. 13. Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn (sau đây gọi tắt là Chỉ huy hiện trường) là người điều phối hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, duy trì liên lạc giữa hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện các chỉ dẫn của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để thực hiện hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường. 14. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trên biển là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong một vùng hoặc khu vực biển.
15. Đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách là đơn vị gồm những người được đào tạo và được cung cấp trang thiết bị phù hợp cho việc tiến hành khẩn trương các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
16. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển là các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của cơ quan chủ trì hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải điều động lực lượng, phương tiện thuộc quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển 1. Phối, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
10
2. Chủ động, sẵn sàng lực lượng cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực, tính chất vụ việc. 3. Đảm bảo thông tin cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn; ưu tiên tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn; báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng ứng cứu.
4. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, tàu thuyền hoạt động trên biển tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
5. Đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 5. Lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân.
2. Lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý, sử dụng của Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa, Ban quản lý cảng cá; lực lượng, phương tiện của Công an, Quân đội, của các tổ chức, cá nhân tại địa phương và của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương.
3. Lực lượng, phương tiện khác hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển.
11
4. Lực lượng, phương tiện, thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc, cấp cứu y tế và các bảo đảm khác cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
5. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép.
Điều 6. Phân vùng trách nhiệm chủ trì phối hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế do Bộ Quốc phòng công bố.
3. Cảng vụ Hàng hải chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển. 4. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
5. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp vị trí của người, phương tiện bị
12
nạn không xác định; nằm trong vùng giáp ranh với quốc gia khác và trên vùng biển Việt Nam trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của các cơ quan quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.
Điều 7. Diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển 1. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn cấp quốc gia và với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trên vùng biển Việt Nam.
2. Hàng năm cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức huấn luyện, diễn tập trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 8. Thanh toán chi phí tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển 1. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển do ngân sách nhà nước cấp.
2. Nguồn kinh phí thanh toán, hỗ trợ chi phí tìm kiếm, cứu nạn được lấy từ nguồn ngân sách hàng năm cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và các nguồn hợp pháp khác của bộ, ngành, địa phương.
13
Chương 2
THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN VÀ TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
Điều 9. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển 1. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh. 2. Hệ thống các đài thông tin trực canh của Bộ đội Biên phòng ven biển, hệ thống rađa biển. 3. Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.
4. Các hệ thống thông tin chuyên ngành khác, các loại hình thông tin khác của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.
5. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
Điều 10. Quy định về thông tin liên lạc trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Sử dụng các kênh (tần số) trực canh, thông tin liên lạc và cấp cứu - khẩn cấp trên biển bằng vô tuyến điện thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Nội dung điện cấp cứu - khẩn cấp cần có đủ thông tin giúp cho Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc phương tiện đang hoạt động trên biển
14
gần khu vực bị nạn biết tình huống tai nạn, sự cố để chuẩn bị phương án hỗ trợ hoặc tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm:
a) Tên phương tiện bị nạn, hô hiệu, mã nhận dạng hàng hải (MMSI) hoặc nhận dạng khác; b) Thời gian và vị trí bị nạn;
c) Tính chất tai nạn;
d) Yêu cầu trợ giúp cứu người gặp nạn hoặc lai dắt, cứu hộ phương tiện và các yêu cầu khác (nếu có); đ) Tên, địa chỉ và các phương thức liên lạc với chủ phương tiện hoặc với đại diện của chủ phương tiện;
e) Các thông tin hữu ích khác: số lượng và tình trạng sức khỏe thuyền viên, người trên phương tiện; tình hình thời tiết, cấp sóng, gió tại khu vực bị nạn; tần số, thiết bị thông tin, thiết bị phao cứu sinh.
Điều 11. Trách nhiệm phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp
1. Người, phương tiện bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
Người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát thông tin cấp cứu - khẩn cấp theo quy định sau:
a) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc Hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng hoặc Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hoặc các phương tiện đang
15
hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết để yêu cầu trợ giúp;
b) Trong trường hợp đề nghị lai dắt, cứu hộ, ngoài nội dung nêu tại khoản 2 Điều 10 Quy chế này, cần thông báo thêm các thông số kỹ thuật của phương tiện cần lai dắt, cứu hộ để xác định phương án lai dắt, cứu hộ như: trọng tải, chiều dài, chiều rộng, mớn nước của phương tiện;
c) Bảo đảm việc duy trì liên lạc với người, cơ quan, tổ chức đã liên lạc để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp (thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc trực tiếp);
d) Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trên biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn;
đ) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc cứu nạn.
2. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển
a) Trường hợp phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình;
b) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
16
c) Trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn (do mất an toàn về người, phương tiện của mình hoặc đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác) phải thông báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực biết.
3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn.
4. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và các Hệ thống đài thông tin tìm kiếm, cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn.
5. Các cơ quan được giao nhiệm vụ về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin; chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 12. Quy định về phát thông tin người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển 1. Thông tin về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển do Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam phát trên tần số và theo phương thức quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
17
2. Nội dung thông tin cảnh báo hàng hải về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn do cơ quan chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn quyết định.
3. Việc dừng phát thông tin tìm kiếm, cứu nạn do cơ quan chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn quyết định.
Điều 13. Phát tin cảnh báo và thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trên biển
1. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, Trung tâm thông tin Tổng cục Thủy sản tổ chức phát tin cảnh báo cho người, phương tiện hoạt động trên biển biết để chủ động có biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng trên biển:
a) Phát các bản tin về áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định của pháp luật về báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
b) Phát thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển theo quy định của pháp luật về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
c) Phát các thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển theo Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển hiện hành;
d) Phát thông báo khu vực hạn chế hoạt động trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thiết lập khu vực hạn chế hoạt động trên biển;
18
đ) Phát thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn;
e) Việc dừng phát tin cảnh báo hoặc thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trên biển do cơ quan có thẩm quyền đề nghị phát quyết định.
2. Các phương tiện thông tin đại chúng căn cứ chức năng, nhiệm vụ phát tin cảnh báo về thiên tai, thảm họa trên biển.
Chương 3
TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN
Điều 14. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường trên biển
1. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Tham gia cứu người bị nạn trên biển khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình. Đồng thời thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
b) Chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn trên biển huy động;
19
c) Tham gia hỗ trợ, cứu hộ phương tiện gặp nạn theo quy định.
2. Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Liên lạc với người, phương tiện bị nạn nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn;
b) Trường hợp hai bên đã thống nhất được biện pháp hỗ trợ, lai dắt, cứu hộ hoặc cứu nạn mà không cần sự hỗ trợ thêm phải báo Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn biết để dừng việc hỗ trợ, cứu nạn;
c) Trường hợp cần sự hỗ trợ thêm, phải thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết;
d) Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Chỉ huy hiện trường.
3. Chỉ huy hiện trường
a) Trường hợp có một phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì thuyền trưởng phương tiện là Chỉ huy hiện trường. Khi có hai hoặc nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì Chỉ huy hiện trường sẽ do Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định;
b) Chỉ huy hiện trường có trách nhiệm Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn
20
với người, phương tiện bị nạn và với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
Báo cáo, đề xuất với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hay việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Việc thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận.
Trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn được quyền điều chỉnh kế hoạch hành động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế, sau đó phải báo cáo với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất.
4. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Tổ chức nắm bắt tình hình về tai nạn, sự cố để đưa ra phương án tổ chức, điều động hoặc kiến
21
nghị điều động lực lượng, phương tiện đến ứng phó kịp thời và hiệu quả;
b) Yêu cầu Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam phát thông tin tìm kiếm, cứu nạn về người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển; dừng phát khi đã kết thúc tình huống cấp cứu - khẩn cấp; duy trì thông tin liên lạc với Chỉ huy hiện trường, chỉ đạo hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
c) Hướng dẫn người, phương tiện bị nạn, thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Chỉ huy hiện trường tùy theo từng tình huống và diễn biến của vụ việc để nắm, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời;
d) Trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; kiến nghị các cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình;
đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để tiến hành và giải quyết hậu quả vụ tìm kiếm, cứu nạn.
5. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Chấp hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện của cơ quan có thẩm quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
b) Phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn khác trong việc điều hành phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển dưới sự điều
22
hành của đơn vị chủ trì tìm kiếm, cứu nạn. Kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết những thông tin liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Chủ phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Chấp hành nghiêm lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện của mình.
7. Doanh nghiệp bảo hiểm đã bán bảo hiểm cho phương tiện bị nạn trên biển có trách nhiệm: a) Phối hợp và cung cấp tài liệu, hồ sơ và thông tin liên quan đến người, phương tiện được bảo hiểm theo nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn khi tiến hành cứu nạn và giải quyết vụ việc;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp phối hợp với chủ phương tiện tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện.
Điều 15. Phối hợp trong lai dắt, cứu hộ phương tiện bị nạn trên biển
1. Việc lai dắt, cứu hộ phương tiện đang gặp nạn trên biển thoát khỏi nguy hiểm thực hiện theo các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
23
2. Trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn cho người khi lai dắt, cứu hộ, thuyền trưởng phương tiện bị nạn và phương tiện cứu hộ phải phát tín hiệu tìm kiếm, cứu nạn quy định tại Điều 10 Quy chế này.
3. Trường hợp tàu biển bị tai nạn hoặc hư hỏng máy móc, thiết bị phải thả trôi trên biển có nguy cơ đâm va, mắc cạn gây hậu quả nghiêm trọng đối với người, phương tiện, hàng hóa hoặc ô nhiễm môi trường mà chủ tàu chưa có biện pháp xử lý kịp thời, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đưa tàu vào vị trí an toàn. Chủ tàu phải thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh có liên quan kể cả trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình đưa tàu đến vị trí an toàn.
4. Trường hợp cấp thiết cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có quyền yêu cầu người, thuyền viên phải rời khỏi phương tiện bị nạn để bảo đảm an toàn tính mạng.
5. Trong trường hợp khẩn cấp, việc điều động phương tiện chuyên dùng tìm kiếm, cứu nạn, phương tiện quân sự hoặc công vụ tham gia hoạt động cứu hộ do cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 16. Phối hợp sử dụng tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì điều động tàu bay tìm kiếm, cứu nạn; xác định hoặc chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam xác định khu vực tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu lập kế hoạch bay tìm kiếm và thông báo kế
24
hoạch bay tìm kiếm cho Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu xây dựng kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn trên biển. 3. Tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo kết quả quan sát, tìm kiếm về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.
4. Việc chỉ huy cứu nạn bằng tàu bay tại hiện trường trên biển do Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trên biển đảm nhiệm.
5. Theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu yêu cầu các tàu bay dân dụng đang hoạt động trong khu vực tìm kiếm, cứu nạn tham gia vào việc tìm kiếm, cứu nạn.
6. Tàu bay của Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn ngoài vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam hoặc tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam thực hiện theo Thỏa thuận song phương về tìm kiếm, cứu nạn giữa hai quốc gia.
Điều 17. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay bị nạn trên biển
1. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu bay dân dụng bị nạn trên biển.
25
2. Trường hợp tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn trên biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải:
a) Báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ Giao thông vận tải để xin ý kiến chỉ đạo; b) Phối hợp với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để thống nhất kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng không và hàng hải; c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay bị nạn trên biển.
Điều 18. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong vùng trách nhiệm chung, khu vực ranh giới về tìm kiếm, cứu nạn trên biển với quốc gia khác và trên vùng biển của quốc gia khác
1. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không lập các kênh thông tin trực tiếp với Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn tương ứng của các quốc gia cần tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn để:
a) Trao đổi thông tin về tình huống tìm kiếm, cứu nạn: Tình hình, số lượng người, phương tiện gặp nạn; lực lượng, phương tiện của mỗi quốc gia trong tham gia tìm kiếm, cứu nạn;
b) Xác định trách nhiệm, phân công phạm vi tìm kiếm, cứu nạn của mỗi bên; các nội dung phối hợp;
26
tần số và cách thức liên lạc của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn;
c) Tổ chức tìm kiếm, cứu nạn theo phạm vi đã phân công.
2. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Ngoại giao và thông qua Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có chung ranh giới đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam vào phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại vùng trách nhiệm chung, khu vực ranh giới để cứu người, phương tiện bị nạn.
3. Trường hợp cần đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam thực hiện tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của quốc gia khác, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề nghị quốc gia đó cấp phép để phối hợp thực hiện.
Điều 19. Phối hợp với người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam
1. Trường hợp có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia khác đưa người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao là đầu mối tiếp nhận yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đưa lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn vào Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn và chuyển cho cơ quan có
27
thẩm quyền làm thủ tục cấp phép theo quy định tại Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.
2. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam là đầu mối phối hợp trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển, thông báo các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định của Việt Nam và biện pháp, cách thức phối hợp với các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài khi hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
3. Người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam phải:
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;
b) Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn theo sự điều phối chung của chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam tại hiện trường và cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam.
Điều 20. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển
1. Tàu biển, tàu cá và tàu thuyền khác hoạt động trên biển có trách nhiệm tham gia phối hợp
28
tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá khi bị nạn. 2. Tàu thuyền của tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên biển, phát hiện hoặc nhận được thông tin về ngư dân, tàu cá bị nạn phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan sau đây để tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn:
a) Cảng vụ hàng hải;
b) Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
c) Đồn, trạm của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nơi gần nhất;
d) Lực lượng Kiểm ngư;
đ) Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam; e) Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 3. Tàu cá của các tổ, đội sản xuất hoạt động trên biển phát hiện tàu cá của tổ, đội mình bị nạn, trước tiên phải chủ động tiến hành hoạt động cứu nạn hoặc huy động các tàu cá của các địa phương khác hoạt động gần vị trí tàu bị nạn trợ giúp; đồng thời thông báo cho chủ tàu bị nạn và các cơ quan chức năng của địa phương biết để sẵn sàng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.
4. Trường hợp tình huống vượt quá khả năng của mình, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải báo cáo ngay Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
29
Chương 4
TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRONG
VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
Điều 21. Cảng vụ hàng hải
1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, tàu thuyền và các phương tiện khác hiện có trong khu vực cảng biển thuộc khu vực quản lý của mình để tìm kiếm cứu nạn đối với người và phương tiện bị nạn.
2. Chỉ định Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
3. Tổ chức điều tiết giao thông, thông báo về tai nạn hàng hải; phân luồng hàng hải; tạm thời cấm tàu thuyền hành trình qua khu vực đang tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
4. Chủ trì, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; báo cáo cơ quan cấp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ khi gặp tình huống vượt quá khả năng của các lực lượng trong vùng nước cảng biển.
5. Lập danh bạ điện thoại, các kênh (tần số) và phương thức liên lạc cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Quy chế, phương án phối
30
hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
Điều 22. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Quyết định huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của các cơ quan, đơn vị tại địa phương và của các cơ quan trung ương đóng tại địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.
2. Quản lý mọi hoạt động tàu cá của địa phương mình thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương và các chủ tàu cá; chủ động điều động tàu cá tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
3. Kiến nghị với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, giải quyết trong trường hợp tình huống vượt quá khả năng của các lực lượng tại địa phương.
Điều 23. Tổ chức, cá nhân quản lý phương tiện thủy đóng tại địa phương
1. Trong trường hợp có thể phải nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.
2. Chỉ đạo các phương tiện tham gia phối hợp triển khai phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn dưới sự điều hành của Cảng vụ hàng hải.
3. Phối hợp với Cảng vụ hàng hải xây dựng Quy chế, phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
31
Điều 24. Tổ chức, cá nhân có người, phương tiện bị nạn trong vùng nước cảng biển Tổ chức, cá nhân có người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp có trách nhiệm:
1. Thông báo cho Cảng vụ hàng hải, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu và Hệ thống đài thông tin duyên hải về thời gian, vị trí, số người bị nạn và tình trạng sức khỏe, tình trạng phương tiện.
2. Bảo đảm việc duy trì liên lạc với Cảng vụ hàng hải để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp. 3. Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn.
4. Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải để dừng việc cứu nạn.
Chương 5
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn
1. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển,
32
xây dựng các phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong các tình huống dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Chủ trì điều động các lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, bộ, ngành, địa phương.
3. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của Việt Nam và tổ chức theo dõi giám sát việc thực hiện.
4. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển của các lực lượng thuộc bộ, ngành, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống.
Điều 26. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương
1. Chỉ đạo các biện pháp phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
2. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trong việc huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có người, phương tiện bị nạn trên biển do bão, áp thấp nhiệt đới trên biển gây ra.
Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng 1. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng,
33
phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển.
2. Điều động lực lượng, phương tiện Quân đội tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc quyền quản lý của Quân đội hoặc theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao trong việc cấp phép cho lực lượng, phương tiện quân sự của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam; lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải nước ngoài vào tìm kiếm cứu nạn trong khu vực cấm trên biển của Việt Nam, đồng thời báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
4. Thông tin, báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của lực lượng quốc phòng theo quy định.
5. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quy định thời hạn, phạm vi cụ thể đối với khu vực cấm trên biển của Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Công an 1. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực
34
lượng, phương tiện của các đơn vị Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác của Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công an gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển và chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Điều động lực lượng, phương tiện Công an tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc quyền quản lý của Công an hoặc theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
3. Thông tin, báo cáo với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của lực lượng Công an theo quy định.
Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các chuyên ngành Hàng hải, Hàng không, Đường thủy nội địa thuộc Bộ kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển.
2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối
35
hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng và Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra đối với tàu bay, tàu biển; điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phương tiện, tàu thuyền của bộ, ngành khác và địa phương theo yêu cầu của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
4. Cấp phép cho lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải của nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam sau khi thống nhất Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, đồng thời báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
5. Thông báo các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cho các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong nước và nước ngoài biết để thông tin, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Thông tin, báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn
36
trên biển của các lực lượng, phương tiện thuộc Bộ theo quy định.
7. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện kiểm ngư và chuyên ngành thủy sản tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc ngành thủy sản; điều động lực lượng, phương tiện thuộc Bộ tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phương tiện, tàu thuyền của bộ, ngành khác và địa phương theo yêu cầu của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
2. Ban hành các quy định về trang thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu cá hoạt động xa bờ. 3. Chỉ đạo các Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn. 4. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá của ngư dân; ban hành Quy chế phối hợp cứu hộ, cứu nạn và cơ chế, chính sách đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển
37
và trong vùng nước cảng biển, đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho các ngư dân về nội dung của Quy chế.
5. Phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý hoạt động cứu hộ, cứu nạn tàu cá trong vùng nước cảng biển và trên vùng biển Việt Nam.
6. Thông tin, báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Bộ theo quy định.
Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo dõi và phát các tin về áp thấp nhiệt đới, bão, thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển.
2. Chỉ đạo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia phối hợp với đài thông tin duyên hải trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn để phát thông tin cảnh báo cho tổ chức, cá nhân sở hữu và điều hành phương tiện hoạt động trên biển được biết.
3. Chỉ đạo hệ thống rađa giám sát tài nguyên, môi trường biển thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hệ thống viễn thám tại Cục Viễn thám quốc gia tham gia tìm kiếm, giám sát tai nạn, sự cố trên biển theo yêu cầu của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
38
Điều 32. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu - khẩn cấp, quy định về thông tin liên lạc vô tuyến; ưu tiên bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các doanh nghiệp liên quan huy động lực lượng của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
3. Hướng dẫn đăng ký sử dụng và tần số làm việc để đảm bảo thông tin liên lạc nhanh chóng khi có tình huống cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên biển.
4. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền pháp luật và các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện khi hoạt động trên biển và khi gặp sự cố trên biển.
Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án, vị trí các cơ sở y tế tổ chức cấp cứu cho nạn nhân bị nạn trên biển theo các tình huống bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
39
2. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực để chỉ dẫn, hướng dẫn việc sơ, cấp cứu từ xa cho người bị nạn trên biển khi cần trợ giúp y tế.
3. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp tham gia cấp cứu cho nạn nhân bị nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao 1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của các nước sở tại và các tổ chức quốc tế tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của các tổ chức, cá nhân Việt Nam gặp tai nạn, sự cố trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài, bao gồm cả vùng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và hàng không.
2. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành chức năng thông qua đường ngoại giao, đề nghị các cơ quan chức năng nước ngoài giúp đỡ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện của Việt Nam bị tai nạn, sự cố hoặc hỗ trợ nơi tránh, trú ẩn đảm bảo an toàn và các trường hợp khẩn cấp khác; đồng thời hỗ trợ cứu người, phương tiện, làm các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề phát sinh khác để đưa người, phương tiện về nước.
40
3. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan làm các thủ tục ngoại giao trong trường hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện nước ngoài bị nạn trong vùng biển Việt Nam khi cần thiết.
4. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng trong việc cấp phép cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam.
Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
2. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo đúng quy định.
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, ngành khác 1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo về Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện của mình
41
tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi được Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cấp có thẩm quyền huy động.
3. Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trong việc xây dựng phương án sử dụng lực lượng, phương tiện của bộ, ngành mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển
1. Xây dựng các phương án huy động lực lượng, trang thiết bị của địa phương, của các cơ quan trung ương tại địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương, của các cơ quan, tổ chức trung ương tại địa phương tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa.
3. Thông báo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để điều động phương tiện
42
đến tham gia trong trường hợp cần huy động thêm phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng hải. 4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân và tổ chức, cá nhân liên quan về nội dung của Quy chế này.
5. Kiến nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Điều 38. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển 1. Chấp hành lệnh của Cơ quan có thẩm quyền huy động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Phối hợp và thông tin, báo cáo đầy đủ theo nội dung yêu cầu của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để tiến hành và giải quyết vụ tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của mình.
3. Tổ chức, cá nhân có phương tiện và thuyền bộ đủ điều kiện và tình nguyện trực sẵn sàng và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để nghiên cứu khả năng tham gia trong kế hoạch và huy động trực hoặc tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết.
43
Chương 6
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
44
PHẦN II
KỸ NĂNG TÌM KIẾM
CỨU NẠN HÀNG HẢI
Chương 1
TỔ CHỨC HỆ THỐNG
TÌM KIẾM CỨU NẠN VIỆT NAM
I. TỔ CHỨC HỆ THỐNG TÌM KIẾM CỨU NẠN QUỐC GIA
1. Tổ chức hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Việt Nam
a) Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn được thành lập năm 1996, là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước.
Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực là lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch là lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải;
b) Cơ quan thường trực, giúp việc của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn là Bộ Quốc phòng, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và sử dụng bộ
45
máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
c) Cơ quan chuyên trách giúp việc Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn là Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
d) Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.
đ) Các lực lượng chính tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải bao gồm:
- Lực lượng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
- Các Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải;
- 29 đài thông tin duyên hải được bố trí tại các vùng ven biển dọc theo bờ biển Việt Nam; 01 đài thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat; 01 đài thông tin vệ tinh Cospas - Sarsat bảo đảm thông tin thông suốt, phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và an toàn - an ninh hàng hải.
- Các lực lượng khác tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải gồm có:
+ Lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng;
+ Các lực lượng không chuyên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven
46
biển và các tàu thuyền hoạt động trên biển được huy động tham gia theo phương châm “4 tại chỗ”. e) Hiện nay, đối với lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam là lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, có khả năng thực hiện các hoạt động phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các quốc gia khác trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn quốc tế, tìm kiếm cứu nạn tại các vùng biển xa, vùng biển nhạy cảm. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp hoạt động nhân đạo trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. Trung tâm hiện có 4 trung tâm khu vực trực thuộc có phạm vi hoạt động được chia làm 4 khu vực tìm kiếm, cứu nạn (SRRs) như sau: - Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I có trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng, vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ ranh giới phía Bắc vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình; - Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II có trụ sở đặt tại thành phố Đà Nẵng, vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Bình Định;
- Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III có trụ sở đặt tại thành phố Vũng Tàu, vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Ninh Thuận
47
đến hết vùng biển tỉnh Kiên Giang (không bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa);
- Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV có trụ sở đặt tại thành phố Nha Trang, vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Bình Định đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Ninh Thuận và vùng biển quần đảo Trường Sa.
g) Một số lực lượng huy động theo phương châm “4 tại chỗ”
- Tàu, thuyền ngành thủy sản và của ngư dân: Toàn ngành thủy sản hiện có khoảng 100 chiếc tàu kiểm ngư, với 02 loại khác nhau: loại công suất 600 CV, chịu được sóng gió cấp 5-6; loại nhỏ có công suất 135 CV, khả năng chịu sóng gió cấp 4-5. Hoạt động tìm kiếm cứu nạn của đội tàu kiểm ngư chủ yếu là gần bờ kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đội tàu đánh cá trên biển đồng thời cũng là những người trực tiếp tham gia cứu ngư dân, những người khác khi gặp nạn trên biển khi tàu, thuyền của mình đang hoạt động gần khu vực bị nạn. Hiện nay, các tàu cá khi hoạt động tại ngư trường thường được tổ chức thành tổ, đội, nhóm. Ngoài việc liên kết trong hoạt động sản xuất, mô hình này cũng có tác dụng rất lớn khi tổ chức hoạt động ứng cứu, trợ giúp lẫn nhau khi một trong các phương tiện gặp tai nạn, sự cố trên biển.
48
- Phương tiện ngành hàng hải và tàu thuyền hoạt động trên biển: đội tàu biển Việt Nam hiện đang khai thác trên 30 tuyến đường biển quốc tế và vận tải nội địa. Ngoài lực lượng chuyên trách tìm kiếm cứu nạn, tàu thuyền ngành hàng hải là nguồn lực quan trọng để huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Hình 1: Mô hình tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
Ủy ban quốc
gia tìm kiếm
cứu nạn
Bộ Giao thông
vận tải
Ban chỉ đạo ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương
Bộ Quốc
phòng
Cục Hàng hải
Việt Nam
- Lực lượng do địa phương quản lý - Các lực lượng của cơ quan trung ương đóng
tại địa phương
- Lực lượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Hải quân, Biên phòng,
Cảnh sát biển, Không quân...)
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam
Công ty Thông tin điện tử
hàng hải
Các cảng vụ hàng hải
Tàu thuyền
hoạt động
tại khu vực
bị nạn
Tàu thuyền bị nạn
trên biển và trong
vùng nước cảng biển
Các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, II, III, IV
Hệ thống Đài thông tin duyên hải
Doanh nghiệp hàng hải trong vùng nước cảng biển
Mối quan hệ chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn
Mối quan hệ phối hợp tìm kiếm cứu nạn
49
Hiện nay, tham gia hoạt động hàng hải trên biển Việt Nam còn có số lượng lớn các tàu thuyền mang quốc tịch nước ngoài đến và rời Việt Nam để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây cũng là nguồn lực đáng kể để huy động tìm kiếm cứu nạn hay có trách nhiệm khi tai nạn, sự cố xảy ra gần vùng hoạt động của tàu thuyền theo phương châm “4 tại chỗ” trong tìm kiếm cứu nạn trên biển.
* Các địa chỉ liên lạc cần thiết khác được nêu trong Phụ lục 1.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN BIỂN 1. Phân vùng trách nhiệm chủ trì, phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển:
Theo Điều 6 Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển (sau đây gọi tắt là Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg) việc phân vùng trách nhiệm chủ trì phối hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển quy định như sau:
a) Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản
50
lý, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế do Bộ Quốc phòng công bố.
c) Cảng vụ Hàng hải chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển. d) Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
đ) Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp vị trí của người, phương tiện bị nạn không xác định; nằm trong vùng giáp ranh với quốc gia khác và trên vùng biển Việt Nam trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của các cơ quan quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6 Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg.
2. Trách nhiệm, nghĩa vụ chung trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển
Điều 122 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2018 về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải quy định:
a) Tàu thuyền và thủy phi cơ khi gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp thì phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định.
b) Tàu thuyền và thủy phi cơ khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu khác gặp nạn trên biển, vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu và những người đang ở trên
51
tàu của mình thì phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan biết.
c) Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng tổ chức và phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn kịp thời đối với người gặp nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do mình phụ trách và được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
d) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.
Khoản 1, 2 Điều 20 Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg quy định rõ về việc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển như sau:
a) Tàu biển, tàu cá và tàu thuyền khác hoạt động trên biển có trách nhiệm tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá khi bị nạn;
b) Tàu thuyền của tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên biển, phát hiện hoặc nhận được thông tin về ngư dân, tàu cá bị nạn phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan sau đây để tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn:
- Cảng vụ hàng hải;
- Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
- Đồn, trạm của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nơi gần nhất;
52
- Lực lượng kiểm ngư;
- Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam; - Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. c) Tàu cá của các tổ, đội sản xuất hoạt động trên biển phát hiện tàu cá của tổ, đội mình bị nạn, trước tiên phải chủ động tiến hành hoạt động cứu nạn hoặc huy động các tàu cá của các địa phương khác hoạt động gần vị trí tàu bị nạn trợ giúp; đồng thời thông báo cho chủ tàu bị nạn và các cơ quan chức năng của địa phương biết để sẵn sàng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn;
d) Trường hợp tình huống vượt quá khả năng của mình, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải báo cáo ngay Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
3. Trách nhiệm của thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển.
Khoản 1 Điều 14 Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg quy định về trách nhiệm của thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn như sau:
a) Tham gia cứu người bị nạn trên biển khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình. Đồng thời thông báo cho cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
53
b) Chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn trên biển huy động;
c) Tham gia hỗ trợ, cứu hộ phương tiện gặp nạn theo quy định.
4. Trách nhiệm của thuyền trưởng phương tiện được huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Khoản 2 Điều 14 Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg quy định trách nhiệm của thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiến, cứu nạn như sau: a) Liên lạc với người, phương tiện bị nạn nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn;
b) Trường hợp hai bên đã thống nhất được biện pháp hỗ trợ, lai dắt, cứu hộ hoặc cứu nạn mà không cần sự hỗ trợ thêm phải báo Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn biết để dừng việc hỗ trợ, cứu nạn;
c) Trường hợp cần sự hỗ trợ thêm, phải thông báo cho cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết;
d) Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho chỉ huy hiện trường.
54
Chương 2
SỬ DỤNG THÔNG TIN LIÊN LẠC
TRONG TÌM KIẾM CỨU NẠN
I. CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN LIÊN LẠC HÀNG HẢI
1. Hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh là lực lượng chính tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin cứu nạn (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và phát thông tin an toàn hàng hải liên quan đến những tình huống cứu nạn.
2. Hệ thống rađa biển của lực lượng hải quân trực canh theo yêu cầu nhiệm vụ phát hiện và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực về vị trí người, phương tiện bị nạn trên biển.
3. Hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng: Hoạt động trên các tần số quy định để chỉ huy phòng thủ và hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền trong nước và nước ngoài ra vào vùng biển, cảng biển của Việt Nam.
Hệ thống trực canh trên tần số sóng ngày 9339 kHz và sóng đêm 6973 kHz phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
55
4. Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.
Hệ thống này được thiết lập nhằm liên lạc giữa tàu - bờ hoặc liên lạc giữa tàu - tàu hoạt động trên biển thông qua phương thức vô tuyến sóng ngắn HF và VHF có đặc tính: Công suất phát thấp từ 10-150 W; hoạt động trên băng tần HF, VHF và băng tần dành cho ngư dân; phương thức liên lạc chủ yếu là thoại.
5. Hệ thống thông tin điện thoại di động (Mobile Fone).
Thực tế hiện nay tại các vùng biển ven bờ và vùng biển lân cận các đảo lớn của nước ta đã được phủ sóng của hệ thống thông tin điện thoại di động vô tuyến (Vinaphone, Mobile Fone, Viettel...). Việc sử dụng sóng mạng điện thoại vô tuyến cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn là vô cùng hữu ích. Chính vì vậy, các phương tiện hoạt động tại các khu vực có sóng điện thoại di động có thể tổ chức hoạt động ứng cứu khi xảy ra tình huống tìm kiếm cứu nạn một cách kịp thời.
6. Các hệ thống thông tin khác hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn:
- Hệ thống AIS (Automatic Indentification System):
AIS trang bị trên tàu thuyền có chức năng tự động phát tới các tàu khác và tới Đài thông tin duyên hải các thông tin của tàu mình bao gồm:
56
+ Thông tin cố định, như số nhận dạng hàng hải (MMSI), số IMO, hô hiệu và tên tàu; các kích thước chiều dài, chiều rộng... của tàu (các thông số này được cài đặt cố định cho AIS trên mỗi con tàu tại thời điểm trang bị);
+ Thông tin động, bao gồm tọa độ vị trí tàu, hướng và tốc độ di chuyển, tốc độ quay trở tức thời (các thông số này được AIS thu thập từ các thiết bị hàng hải khác như máy định vị toàn cầu GPS, la bàn điện, tốc độ kế...);
+ Dữ liệu về hành trình: đích đến, dự kiến thời gian đến đích ETA, mớn nước, loại hàng hóa, thông tin an toàn (do người sử dụng trên tàu nhập vào trước mỗi hành trình);
+ Báo hiệu hàng hải AIS là trạm AIS đặc biệt được thiết lập nhằm chủ động cung cấp thông tin: tên báo hiệu, loại báo hiệu, chức năng báo hiệu (cài đặt sẵn), tọa độ vị trí (thu nhận từ GPS), trạng thái hoạt động của thiết bị đèn, ắc quy, thông tin khí tượng thủy văn... (thu nhận từ các cảm biến thích hợp) đến các phương tiện đang hoạt động trong khu vực và Đài thông tin duyên hải của nhà quản lý.
- Hệ thống LRIT:
Hệ thống LRIT - Hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (Long-range Identification and Tracking System - LRIT) là hệ thống cung cấp dịch vụ nhận dạng và dõi theo hành trình tàu biển trên phạm vi toàn cầu. Nó góp phần quan trọng trong
57
công tác tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo các nguy cơ về hàng hải, các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển. Tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian xử lý các thông tin cấp cứu và trong việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên biển.
II. TRANG THIẾT BỊ THÔNG TIN LIÊN LẠC HÀNG HẢI
1. Trang thiết bị thông tin đối với tàu biển Các tàu hành trình trên biển phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin. Quy định trang bị tối thiểu về thông tin liên lạc cho các tàu là đối tượng của hệ thống GMDSS có thể tóm tắt như sau:
THIẾT BỊ VÙNG BIỂN
A1 A2 A3 A4
Thiết bị thu phát vô tuyến VHF
(DSC)x x x x Hệ thống phát đáp rada tìm
kiếm cứu nạn (băng tần hàng hải 9.2 - 9.5GHz) SART (2)
Máy thu NAVTEX (nghiệp vụ
x x x x
chữ băng hẹp)A A A A
Máy thu EGC (gọi nhóm đài tàu
qua vệ tinh Inmarsat)B B B B
Phao chỉ báo vị trí khẩn cấp vô
tuyến EPIRB x x x C
58
THIẾT BỊ VÙNG BIỂN
A1 A2 A3 A4
Máy thu phát vô tuyến VHF cầm
tay (2 hoặc 3)x x x x Máy thu phát vô tuyến MF (DSC) x x x
Thiết bị thu phát vệ tinh
Inmarsat - A, B, Cx x x
Máy thu phát vô tuyến HF
(với DSC và Telex)x x x
A - Chỉ yêu cầu trong những vùng có nghiệp vụ NAVTEX;
B - Chỉ yêu cầu trong những vùng không có nghiệp vụ NAVTEX, phải trang bị máy thu EGC; C - Phao EPIRB phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động băng tần 121.5/243 MHz và 406 MHz.
2. Trang thiết bị thông tin cho tàu cá 2.1. Các tàu cá hoạt động trên vùng biển A1 (vùng biển cách bờ dưới 35 hải lý) phải có các thiết bị: a) 01 thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF);
b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB).
2.2. Các tàu cá hoạt động trên vùng biển A2 (vùng biển cách bờ từ 35 - 250 hải lý) phải có các thiết bị:
a) 01 thiết bị định vị vệ tinh (GPS);
59
b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB);
c) 01 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz của Bộ đội Biên phòng;
d) 01 phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).
2.3. Các tàu cá hoạt động trên vùng biển A3 (cách bờ từ 250 hải lý trở lên) phải có các thiết bị: a) 01 thiết bị định vị vệ tinh (GPS);
b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB);
c) 01 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz của Bộ đội Biên phòng;
d) 01 phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).
III. CÁC PHƯƠNG THỨC PHÁT TÍN HIỆU CẤP CỨU 1. Tín hiệu cấp cứu
Khi tàu thuyền, người bị lâm nạn, cần gọi cấp cứu phải biểu thị đồng thời hoặc một trong các loại tín hiệu sau đây:
60
1.1. Cách khoảng một phút phát một tiếng nổ; 1.2. Dùng thiết bị còi sương mù phát âm thanh liên tục;
1.3. Cách một khoảng thời gian ngắn phóng một pháo hoa có ánh sáng đỏ hoặc đạn tín hiệu hình sao đỏ;
1.4. Dùng vô tuyến điện báo hoặc bất kỳ phương tiện thông tin nào phát tín hiệu “SOS”; 1.5. Dùng vô tuyến điện thoại phát bằng khẩu ngữ chữ “MAY DAY”;
1.6. Treo tín hiệu N.C theo quy tắc thông hiệu quốc tế;
1.7. Dùng một quả bóng tròn hoặc bất cứ vật gì hình cầu đặt trên hoặc ở dưới lá cờ hình vuông rồi treo lên cao;
1.8. Đốt lửa trên tàu;
1.9. Dùng pháo hiệu dù hoặc pháo hiệu cầm tay phát ánh sáng đỏ;
1.10. Dùng pháo khói phát ra khói màu da cam; 1.11. Dùng hai cánh tay duỗi thẳng đưa lên, đưa xuống chầm chậm và lặp đi lặp lại nhiều lần; Chú ý: Ngoài mục đích biểu thị tàu thuyền, người đang lâm nạn cần cấp cứu ngay, không được sử dụng các tín hiệu trên tàu cũng như những tín hiệu dễ nhầm lẫn với chúng vào bất cứ một mục đích nào khác.
61
2. Thông tin cấp cứu và an toàn theo Hệ thống GMDSS
Khi tàu bị nạn, phát báo động và thông tin cấp cứu bằng các phương thức sau:
a) Tàu bị nạn có thể dùng DSC để phát báo động cấp cứu cho các tàu xung quanh và đặc biệt đến đài bờ. Đài bờ sẽ phát xác báo bằng DSC và bằng thoại hoặc NBDP tới đài tàu bị nạn và các tàu lân cận;
b) Tàu bị nạn có thể sử dụng INMARSAT để phát báo động cấp cứu lên vệ tinh INMARSAT, vệ tinh sẽ chuyển xuống đài LES theo yêu cầu của tàu bị nạn, đài LES sẽ gửi các thông số nhận được của tàu bị nạn tới RCC;
c) Khi tàu bị nạn sử dụng EPIRB phát tín hiệu lên vệ tinh COSPA-SARSAT, tín hiệu này sẽ được vệ tinh chuyển xuống trạm khu vực LUT. Trạm khu vực LUT tính toán vị trí của tàu bị nạn thông qua mạng thông tin mặt đất chuyển tín hiệu đến RCC gần với tàu bị nạn để tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
d) Tàu bị nạn kích hoạt SART để dễ dàng cho việc tìm kiếm. SART là thiết bị phát tín hiệu vô tuyến trên dải tần số 9 GHz giúp cho các tàu tìm kiếm dễ dàng phát hiện mục tiêu trên màn ảnh rađa 9 GHz;
đ) Tàu bị nạn có thể dùng hệ thống INMARSAT hoặc hệ thống thông tin mặt đất DSC, thoại, NBDP, trên các băng tần VHF, MF-HF có trên tàu để thông
62
tin trc tip vi tàu cu nạn SAR và các trung tâm tìm kiếm cứu nạn thông qua đài bờ (Coast Station hoặc đài bờ mặt đất LES).
ịạááấ
ứằá
3. Các thủ tục thông tin cấp cứu trên băng
MF và VHF
ịạóểùểáá
ấứáặệ3.1. Phát tín hiệu cấp cứu bằng DSC
ếờờẽáááằ
a) Tín hiệu cấp cứu được phát theo lệnh của
ằạặớịạáthuyền trưởng trong trường hợp tàu hoặc người
ậ
trên tàu trong tình trạng nguy cấp và yêu cầu giúp
ịạóểửụể
đỡ ngay lập tức;
ááấứệệ b) Báo động cấp cứu bằng DSC được phát
ẽểầủnhư sau:
ịạẽửáậợủ- Điều chỉnh máy phát đến Kênh báo động cấp
ịạớ
ịạửáíệ
cứu DSC (2187.5 kHz, trên dải MF, kênh 70VHF); ệíệẽợ
- Nếu thời gian cho phép, dùng các phím ấn ệểạựạ
hoặc lựa chọn trên bàn phím của thiết bị DSC để ựíáịíủịạ
nhập các dữ liệu sau:
ạặấểíệế
+ Tính chất của tai nạn;
ầớịạểổứ
+ Vị trí cuối cùng được biết (vĩ độ, kinh độ); ứ
+ Thời gian (UTC) tương ứng với vị trí cuối cùng; ịạíạểễ
+ Loại thông tin cứu nạn tiếp theo (thường là thoại). ệìế
- Phát tín hiệu cấp cứu DSC;
- Chuẩn bị cho liên lạc cấp cứu theo bằng các
ụ
điều hưởng máy thu phát thoại tới kênh cấp cứu trên cùng dải băng tần; chẳng hạn 2182 kHz với
ịạóểùệ
sóng MF và kênh 16 với VHF trong thời gian đợi ặệặấ
xác nhận tín hiệu cấp cứu;
óể
63
- Nếu thời gian không cho phép chỉ cần ấn nút “DISTRESS” trên các thiết bị này (nút này màu đỏ thường được che chắn bằng một miếng nhựa nhỏ màu trắng có thể lật lên) thì tín hiệu cấp cứu sẽ được phát tự động. Đối với tín hiệu cấp cứu được phát tự động này, tính chất tai nạn thường không được xác định.
3.2. Thông tin cấp cứu
Khi nhận được bản xác nhận tín hiệu cấp cứu DSC, tàu bị nạn tiến hành liên lạc cấp cứu bằng thoại (trên tần số 2182 kHz với MF hoặc kênh 16 với VHF) như sau:
- MAY DAY;
- Tên tàu, hô hiệu;
- 9 số hiệu nhận dạng và hô dấu hiệu nhận dạng khác;
- Vị trí của tàu theo vĩ độ, kinh độ hoặc vị trí so với mốc địa lý định vị đã biết khác;
- Tính chất của tai nạn và yêu cầu cần trợ giúp; - Mọi thông tin khác thuận lợi cho việc trợ giúp. 3.3. Những thao tác của Đài tàu khi nhận được tín hiệu cấp cứu bằng DSC
a) Khi nhận được tín hiệu cấp cứu bằng DSC, các tàu không nên phát báo nhận trên DSC mà chỉ có các Trạm bờ mới được phát xác báo nhận. Chỉ khi nhận thấy không có trạm bờ nào nhận được tín hiệu cấp cứu DSC và tín hiệu cấp cứu DSC vẫn cứ tiếp tục phát, thì tàu nhận được tín hiệu cấp cứu DSC
64
nói trên mới sử dụng DSC để phát báo nhận nhằm kết thúc cuộc gọi đó. Sau đó, trên tàu phát báo nhận phải thông báo cho Đài duyên hải bằng bất cứ phương tiện nào có thể;
b) Các tàu khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ một tàu khác gần tàu mình cũng phải hoãn việc báo nhận bằng thoại trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu tàu bị nạn đó nằm trong tầm hoạt động của đài bờ thì các tàu phải dành thời gian để đài bờ phát báo nhận trước;
c) Các tàu, khi nhận được tín hiệu cấp cứu DSC phải:
- Trực canh trên tần số cấp cứu 2182 kHz dải sóng MF hoặc kênh 16 VHF để thu tín hiệu báo nhận và thu điện cấp cứu;
- Trường hợp tàu ở gần tàu bị nạn mà phải phát báo nhận báo động cấp cứu, thì phát báo nhận tín hiệu cấp cứu bằng thoại trên tần số liên lạc cấp cứu giống với băng tần số mà tín hiệu cấp cứu đã được nhận (tần số 2182 kHz với MF hoặc kênh 16 VHF) theo trình tự sau đây:
+ MAY DAY;
+ 9 số hiệu nhận dạng của tàu bị nạn (nhắc lại 3 lần);
+ This is: tên tàu, hô hiệu;
+ 9 số nhận dạng hoặc hô hiệu của tàu mình (nhắc lại 3 lần);
+ RECEIVED MAYDAY.
65
Chú ý: Nếu tàu nằm rất xa tàu bị nạn hoặc không có khả năng đến cứu, thì tàu đó chỉ phát báo nhận bằng cách phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp khi xét thấy không có đài bờ hoặc tàu nào phát tín hiệu cấp cứu đó.
3.4. Phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp bằng DSC a) Một tàu, khi biết tàu khác đang bị nạn, sẽ phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp, nếu: - Tàu bị nạn, tự nó không có khả năng phát tín hiệu cấp cứu;
- Thuyền trưởng xét thấy cần phải giúp đỡ thêm cho tàu đang bị nạn.
b) Việc phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp được tiến hành, như sau:
- Điều chỉnh máy phát đến kênh cấp cứu DSC (tần số 2187.5 kHz; và kênh 70 VHF);
- Lựa chọn dạng bức điện phát cấp cứu chuyển tiếp trên thiết bị DSC;
- Đưa vào hoặc lựa chọn trên bàn phím thiết bị DSC;
- Gọi tất cả các tàu hoặc đưa 9 số nhận dạng của Trạm bờ định gọi;
- 9 số nhận dạng của tàu bị nạn (nếu biết); - Tính chất của tai nạn;
- Vị trí mới nhất của tàu bị nạn (nếu biết); - Thời gian (UTC) tương ứng với vị trí trên; - Phương thức liên lạc cứu nạn kèm theo (thoại). c) Phát tín hiệu chuyển tiếp DSC.
66
d) Trong khi chờ báo nhận điện cấp cứu, phải chuẩn bị để liên lạc cấp cứu bằng cách điều chỉnh máy thu phát thoại về kênh liên lạc cấp cứu tương ứng với dải tần phát tín hiệu cấp cứu: chẳng hạn trên tần số 2182 kHz/MF và kênh 16/ VHF.
3.5. Báo nhận tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp DSC từ đài bờ
a) Các tàu, sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp của đài bờ, sẽ không phát báo nhận bằng DSC, mà báo nhận bằng thoại trên kênh liên lạc cấp cứu trên cùng dải tần mà vừa nhận được tín hiệu chuyển tiếp đó, chẳng hạn 2182 kHz/MF và kênh 16/VHF.
b) Việc báo nhận được phát như sau:
- MAY DAY;
- Số hiệu nhận dạng, hô hiệu hoặc hiệu nhận dạng khác của đài bờ (nhắc lại 3 lần);
- Tên tàu, hô hiệu;
- 9 số nhận dạng, hô hiệu hoặc hiệu nhận dạng khác của tàu mình (nhắc lại 3 lần);
- RECEIVED MAYDAY.
4. Thủ tục thông tin cấp cứu trên băng HF 4.1. Phát tín hiệu cấp cứu DSC
a) Khi tàu đang ở khu vực A3 và A4 thì tín hiệu gọi cấp cứu gửi về bờ phải sử dụng sóng HF, còn phát tới các tàu ở khu vực tầm gần sẽ sử dụng sóng MF/VHF. Khi phát gọi cấp cứu DSC cố gắng
67
bao gồm cả vị trí tàu tương ứng với thời gian (UTC) mới nhất được biết.
b) Trình tự phát tín hiệu cấp cứu DSC như sau: - Chọn dải băng HF: Khi chọn dải băng sóng HF để phát gọi cấp cứu DSC, phải tính đến đặc tính truyền sóng HF phụ thuộc vào mùa và thời gian thực tế. Theo quy định chung, tần số cấp cứu DSC trên dải băng 8 MHz (8414.5 kHz) trong nhiều trường hợp sẽ được chọn đầu tiên. Việc phát tín hiệu cấp cứu DSC trên nhiều tần số của dải sóng HF sẽ tăng xác suất thu nhận được tín hiệu của trạm bờ. Ta điều chỉnh máy phát về kênh tần số cấp cứu DSC dải HF (4207.5 kHz; 6312 kHz; 8414.5 kHz; 12577 kHz; 16804.5 kHz).
- Lựa chọn trên bàn phím của thiết bị DSC để nhập các dữ liệu sau:
+ Tính chất của tai nạn;
+ Vị trí cuối cùng được biết (vĩ độ, kinh độ); + Thời gian (UTC) tương ứng với vị trí cuối cùng; + Loại thông tin cứu nạn tiếp theo (thường là thoại);
+ Phát tín hiệu cấp cứu DSC.
- Nếu thời gian không cho phép chỉ cần ấn nút “DISTRESS” trên các thiết bị này (nút này màu đỏ thường được che chắn bằng một miếng nhựa nhỏ màu trắng có thể lật lên) thì tín hiệu cấp cứu sẽ được phát tự động. Đối với tín hiệu cấp cứu được phát tự động này, tính chất tai nạn thường không được xác định.
68
4.2. Thông tin cấp cứu
a) Trình tự khi thực hiện thông tin cấp cứu bằng thoại tương tự như thông tin cấp cứu bằng thoại trên dải tần MF/VHF. Lưu ý, nếu việc báo nhận được thực hiện trên dải tần nào thì tiến hành thông tin thoại trên tần số thoại tương ứng với dải tần đó.
Dưới đây là bảng tần số cấp cứu DSC và tần số thông tin cấp cứu thoại, telex:
Dải tần Tần số DSC
Tần số thoại
Tần số telex
HF4 4207.5 kHz 4125 kHz 4177.5 kHz HF6 6312 kHz 6215 kHz 6268 kHz
HF8 8414.5 kHz 8291 kHz 8376.5 kHz HF12 12577 kHz 12290 kHz 12520 kHz HF16 16804.5 kHz 16420 kHz 16695 kHz
b) Nếu thông tin cấp cứu được thực hiện bằng telex thì phải theo trình tự sau:
- Sử dụng chế độ FEC, trừ khi có yêu cầu khác; - Tất cả các bức điện được tiến hành theo trình tự: + Trở về đầu dòng;
+ Xuống dòng;
+ Lùi vào 1 chữ;
+ MAY DAY.
69
c) Tàu bị nạn bắt đầu thông tin cấp cứu bằng telex trên kênh thông tin cấp cứu, như sau: - Trở về đầu dòng, xuống dòng, lùi vào 1 chữ; - MAY DAY;
- This is: tên tàu, hô hiệu;
- 9 số nhận dạng và hô hiệu hoặc dấu hiệu nhận dạng khác của tàu;
- Vị trí tàu nếu nó chưa được bao hàm khi gọi cấp cứu DSC;
- Tính chất của tai nạn;
- Mọi thông tin khác tạo thuận lợi cho việc tìm cứu.
4.3. Những thao tác khi nhận được tín hiệu cấp cứu bằng DSC trên sóng HF
Các tàu, khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu khác, sẽ không phát báo nhận mà phải: a) Trực canh để chờ xác báo nhận tín hiệu cấp cứu DSC từ trạm bờ.
b) Trong khi chờ thu xác báo nhận tín hiệu cấp cứu DSC từ trạm bờ, thì chuẩn bị để thu thông tin cấp cứu tiếp theo, bằng cách điều chỉnh máy thu phát HF tới kênh tần số liên lạc cấp cứu DSC vừa thu được, theo dõi những tình huống sau:
- Nếu phương thức thoại đã được đưa ra trong cuộc gọi DSC, thì máy thu HF được điều chỉnh tới kênh liên lạc cấp cứu thoại ở dải băng tương ứng. Nếu phương thức telex được đưa ra trong báo động DSC, thì máy thu HF phải được điều chỉnh đến kênh liên lạc cấp cứu telex tương ứng. Các tàu có
70
khả năng, nên trực canh thêm trên các kênh thông tin thoại cấp cứu phù hợp khác;
- Nếu tín hiệu cấp cứu được thu nhận trên nhiều băng sóng HF, thì việc thông tin sẽ được điều chỉnh tới kênh liên lạc cấp cứu được xem là tốt nhất trong thực tế. Nếu tín hiệu cấp cứu được thu trên băng 8 MHz, thì băng này có thể là băng sẽ được chọn đầu tiên trong nhiều trường hợp;
- Nếu không thu nhận được thông tin cấp cứu trong vòng 2 phút trên kênh HF, thì điều chỉnh máy liên lạc tới kênh HF khác được xem là phù hợp hơn với điều kiện thực tế;
- Nếu không thu nhận được xác báo nhận tín hiệu cấp cứu DSC từ trạm bờ trong vòng 3 phút và không thấy trao đổi thông tin cấp cứu giữa một đài bờ và tàu bị nạn, thì:
+ Phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp DSC; + Thông báo cho MRCC qua các thiết bị phù hợp. 4.4. Phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp
a) Tùy thuộc vào tình huống thực tế, quyết định xem nên phát tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp DSC ở dải băng tần nào (MF, VHF, HF), có cân nhắc việc báo động chiều tàu - tàu (MF, VHF) và chiều tàu - bờ (HF);
b) Điều chỉnh máy phát tới kênh tần số cấp cứu DSC liên quan;
c) Theo chỉ dẫn để đưa vào hoặc chọn dạng cuộc gọi và những thông tin liên quan trên phím thiết bị DSC;
d) Phát chuyển tiếp báo động cấp cứu DSC.71
4.5. Báo nhận tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp HF từ đài bờ
Các tàu khi nhận được tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp đài bờ trên sóng HF phát cho tất cả các tàu trong khu vực riêng biệt thì không xác nhận bằng DSC, mà bằng thoại trên kênh thông tin thoại cấp cứu cùng băng mà tín hiệu cấp cứu chuyển tiếp DSC vừa thu được.
5. Thủ tục báo động và thông tin cấp cứu qua INMARSAT-C
5.1. Tín hiệu cấp cứu được phát theo lệnh của thuyền trưởng trong trường hợp tàu hoặc người trên tàu trong tình trạng nguy cấp và yêu cầu giúp đỡ ngay lập tức.
5.2. Vào menu “Distress Alert Setup” tiến hành vào các thông số sau:
a) LES ID: vào ID của Đài LES định phát báo động cấp cứu tới;
b) Position: vào vị trí của tàu;
c) Date time: vào ngày tháng và thời gian; d) Nature of Distress: lựa chọn tính chất bị nạn từ menu phù hợp;
đ) Protocol: lựa chọn Maritime;
e) Course: vào hướng đi của tàu;
g) Speed: vào tốc độ của tàu;
h) Ấn nút Distress Buton với thời gian lớn hơn 6. Lúc này báo động cấp cứu sẽ được phát đi cùng với thông số đã được đưa vào ở trên.
72
Lưu : Trong trưng hp my vn cn đưc nối vi GPS, th cc thông số như: position, date, time, course, speed đưc đưa vào t GPS. Lúc này, chỉ cn phải la chn LES ID và Nature of Distress và pht đi.
5.3. Tip theo, son đin cp cu trên màn hnh (nội dung đin cp cu giống như cc đin cp cu h thống thông tin mt đt).
5.4. Gi đin cp cu: vào Menu Transmit hoc Send Message, sau đ la chn:
a) Pirority (Category): la chn Distress; b) Message file: chn file đin cp cu đ son; c) LES ID: la chn đài LES đ pht bo động cp cu đn trên.
5.5. Pht đin cp cu đi. Ch cc xc bo và
chỉ dn t MRCC. á
ế
Nếu thời gian không cho phép chỉ cần ấn nút ủịáá
“DISTRESS” trên các thiết bị này (nút này màu đỏ ấứớ
thường được che chắn bằng một miếng nhựa nhỏ ịíủ
màu trắng có thể lật lên) thì tín hiệu cấp cứu sẽ áờ
được phát tự động. Đối với tín hiệu cấp cứu được ựọíấịạ
phát tự động này, tính chất tai nạn thường không ừùợ
được xác định.
ựọ
6. Hành động của đài tàu khi ở tình huống
ớ
cấp cứu
6.1. Nếu tàu đang ở tình huống chìm hoặc
Ấớờớ
phải ngay lập tức bỏ tàu, tiến hành phát tín hiệu cấp
áấứẽợáù
cứu trên các thiết bị HF/MF/VHF DSC hoặc trên ớãợở
73
INMARSAT. Sau đó, thuyền viên nhanh chóng xuống xuồng cứu sinh, mang theo VHF, SART và EPIRB nếu có thể. Điều động xuồng cứu sinh rời tàu và ngay lập tức bật nguồn để kích hoạt thiết bị SART và EPIRB.
6.2. Nếu tàu đang ở tình huống cần cứu nạn, nhưng chưa cần thiết phải rời tàu ngay, thì cũng phải tiến hành phát tín hiệu cấp cứu trên các thiết bị HF/MF/VHF DSC hoặc trên INMARSAT.
a) Trường hợp thu được tín hiệu báo nhận, tàu bị nạn cần liên lạc tới RCC và các tàu qua các thiết bị HF/MF/VHF DSC hoặc trên INMARSAT để đưa ra các yêu cầu cứu giúp;
b) Trường hợp không thu được tín hiệu báo nhận, tàu bị nạn xét thấy cần thiết, phải bật nguồn để kích hoạt thiết bị SART và EPIRB ngay trên tàu.
6.3. Nếu tàu đang gặp sự cố nguy hiểm, cần phát điện khẩn cấp tới MRCC trên các thiết bị HF/ MF/VHF DSC hoặc trên INMARSAT.
a) Trường hợp thu được tín hiệu báo nhận, tàu bị nạn liên lạc tới MRCC và các tàu các thiết bị HF/ MF/VHF DSC hoặc trên INMARSAT để đưa ra các yêu cầu trợ giúp;
b) Trường hợp không thu được tín hiệu báo nhận, tàu bị nạn tiếp tục phát điện khẩn cấp tới MRCC trên các thiết bị HF/MF/VHF DSC hoặc trên INMARSAT cho tới khi thu được tín hiệu báo nhận.
74
Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DUY TRÌ SỰ SỐNG VÀ KỸ THUẬT CHỐNG CHÁY,
CHỐNG THỦNG
I. CÁC TRANG THIẾT BỊ SỬ DỤNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỨU NẠN
Trong hàng hải, sử dụng các dụng cụ, thiết bị sau đây để phục vụ cho hoạt động cứu nạn trên biển:
1. Thiết bị cứu sinh và cứu nạn
a) Xuồng cứu sinh, phao bè tự thổi:
Loại bè nói
trên sử dụng việc
phân bố trọng
lượng và đường
bao hệ thống
nâng mui chính
xác đảm bảo khả năng tự lật. Bè bên trái có thể lật lại được với mui đôi;
75
b) Áo phao;
c) Bộ quần áo cứu sinh cho thủy thủ;
Bộ quần áo giữ nhiệt,
cách nhiệt
76
d) Phao cứu sinh;
đ) Máy VHF cầm tay để liên lạc với những tàu và xuồng làm nhiệm vụ;
e) Các thiết bị khác: súng bắn dây; dây cứu sinh; móc cứu sinh; dây kéo; rìu cán ngắn; cáng cứu thương;
g) Thiết bị vô tuyến điện hoạt động trên dải tần MF/HF hoặc VHF;
77
Máy VHF cố định Máy MF/HF
h) Các thiết bị và dụng cụ y tế: túi thuốc y tế, nẹp cố định gãy xương;
i) Thiết bị phòng cháy chữa cháy.
2. Thiết bị báo hiệu
- Bản sao Bộ luật tín hiệu quốc tế; đèn hiệu, đèn chiếu, đèn pin;
- Pháo hiệu màu, thiết bị tạo khói, pháo hiệu cháy sáng và phát khói trên mặt nước, thiết bị tạo vệt màu.
II. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DUY TRÌ SỰ SỐNG 1. Chống khát
Nhịn ăn có thể sống được hàng tuần, thậm chí hàng tháng, nhưng nhịn uống thì con người chỉ có thể sống được vài ngày và sẽ chết khi cơ thể mất nước từ 15-20% thể trọng. Lượng nước tối thiểu phải được cung cấp trên xuồng cứu sinh là 0,5 lít nước/ ngày/người.
Phải hết sức tiết kiệm nước. Khi có thời cơ phải tranh thủ bổ sung nguồn nước (hứng nước mưa,
78