🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cúp C1 Châu Âu - 66 Năm Lịch Sử - Nhiều Tác Giả full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI
Số 4 ‐ Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (04) 38252916 – Fax: (04) 39289143
Email: [email protected]
CUP C1 CHÂU ÂU 66 NĂM LỊCH SỬ
Dũng Phan & Vũ Hoàng (Đồng chủ biên),
Nhiều tác giả
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Vũ Văn Việt
Biên tập: Đàm Thị Ly
Vẽ bìa: JC Black
Trình bày: Linh Vũ
Sửa bản in: Thanh Thủy
Liên kết xuất bản
Công ty Cổ phần sách TH
NHÀ SÁCH THBOOKS
Địa chỉ: Số 51, Ngõ 441, Đường Lĩnh Nam, P. Lĩnh Nam, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Tel: (84-24)32011882 - 097354.0078
Website: http://thbooks.vn
Fanpage: http://m.facebook.com/THbooks
Mã ISBN: 978-604-55-9383-7
In 5.000 cuốn, khổ 16 x 24 cm tại Công ty TNHH In Thương mại Thuận Phát. Địa chỉ: Thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Số xác nhận ĐKXB: 1380-2021/CXBIPH/05- 106/HN. Quyết định xuất bản số: 886/QĐ-HN ngày 29/4/2021. In xong và nộp lưu chiểu năm 2021.
LỜI NÓI ĐẦU
K
hi cuốn sách này đến tay các bạn, những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới chỉ còn đếm từng ngày để dõi mắt về Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và đón xem trận chung kết Champions League mùa giải 2020-21.
Istanbul là một địa danh không thể nào quên với những tín đồ của Cup C1/Champions League. Vào ngày 25-05-2005, nơi đây đã chứng kiến trận chung kết giữa AC Milan và Liverpool. Milan dẫn 3-0 sau hiệp 1, nhiều người đã tắt ti vi đi ngủ sau 45 phút, và sáng ngày mai khi mở tin tức lên thì họ thấy tỷ số 3-3, còn Liverpool vô địch sau loạt sút luân lưu. Hai năm sau, trên đất Athen thần thoại, Milan trả hận Liverpool để giành chức vô địch Champions League lần thứ 7. Đấy chính là Champions League, là giá trị Champions League, là nơi mà tất cả những lần tắt ti vi, những lần ngủ quên, sẽ để lại nỗi tiếc nuối vô bờ mỗi sáng mai thức giấc.
Filippo Inzaghi, chân sút huyền thoại của Milan, từng tâm sự: “Khúc nhạc hiệu Champions League là niềm cảm hứng to lớn để tôi ghi bàn.” Nhưng không chỉ có Inzaghi gai người khi khúc nhạc Zadok the Priest ấy cất lên, mà với nhiều người, tiếng nhạc đó giống như một lời hiệu triệu cho người hâm mộ.
Đấy là một bản thánh ca của bóng đá.
Và cuốn sách này muốn viết về lịch sử của giải đấu vĩ đại đó, kể về 66 năm đã qua, kể về những đội bóng, huấn luyện viên, cầu thủ xuất chúng. Kể với bạn nghe không chỉ câu chuyện vinh quang, mà còn có bi kịch, nước mắt.
Đây không đơn thuần là một cuốn biên niên thuần túy, dù rằng bạn vẫn có thể tìm trong đó cả một dòng chảy 66 năm Cup C1 châu Âu. Đây là một cuốn sách nói lên cái khí phách, cái vĩ đại, cái đặc biệt của giải đấu này. Một giải đấu mà tất cả đều yêu và đều muốn biết vì sao nó tuyệt vời như thế!
Mời bạn đến với những câu chuyện trong cuốn sách này!
THỜI ĐẠI KIM TIỀN
COVID-19
Dũng Phan
Ngày 12-01-2020, truyền thông đưa tin có một bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đấy là một loài thuộc họ coronavirus. Tất cả không ngờ thông tin đơn giản này chỉ là khởi nguồn của bi kịch. 10 giờ sáng ngày 23-01-2020, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc chính thức bị phong tỏa với cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tin tức đem lại một cảm giác chết chóc rợn người, như gợi nhớ về một bộ phim kinh dị nào đó mà chúng ta từng xem. Nhưng mọi thứ chỉ là sự khởi đầu của thương đau…
T
háng 2-2020, COVID-19 bắt đầu vượt đại dương, thâm nhập các nước trên thế giới. Các nước đầu tiên chịu hậu quả là Hàn Quốc, Italia và Iran. Ngày 03-03-2020, New
York thông báo phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Một tháng sau, số ca nhiễm tăng lên 63.000 ca tại thành phố này. Đấy cũng là lúc bệnh viện quá tải, nhà xác quá tải, và nước Mỹ chìm vào bóng đêm COVID-19. Điều gì đến cũng phải đến, cơn bão COVID-19 thổi vào bóng đá. Chiều 13-3, UEFA ra thông báo, tất cả các trận đấu ở các giải do UEFA phụ trách đều sẽ bị hoãn
lại. Ngày 14-03-2020, Premier League tạm hoãn khi mà Liverpool chỉ còn 2 trận thắng nữa là vô địch ngoại hạng Anh sau 30 năm chờ đợi. Ngày 17-03-2020, Euro 2020 chuyển sang Euro 2021. Tất cả đều hiểu, bóng đá đang ở trong những trang sử sẽ được viết lại, được kể cho đời sau, dẫu rằng nó nhuốm màu buồn.
Ngày 22-03-2020, Champions League đón nhận tin buồn đầu tiên đến từ một trong những người có vai trò nhất định trong lịch sử giải đấu, đó là việc cựu chủ tịch của CLB lừng danh Real Madrid, ngài Lorenzo Sanz qua đời vì COVID-19. Ông là người đem về cho những Madridistas những chiếc Cup bên chiếc ti vi màu. Cái chết của vị chủ tịch đã cùng Real vô địch Champions League vào các năm 1998 và 2000 đưa người ta đến một cảm giác là căn bệnh đang không chừa một ai, dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ, dù vô danh hay nổi tiếng. Đó không phải là tin mất mát đầu tiên cho làng bóng đá thế giới năm 2020; cuối năm, lần lượt Diego Armando Maradona lẫn Paolo Rossi qua đời vì bạo bệnh.
Quay lại mặt trận Champions League, theo Edge Health, hãng chuyên phân tích dữ liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, cuộc đọ sức giữa Atletico Madrid và Liverpool tại vòng 1/8 Champions League năm đó có liên quan đến 41 trường hợp chết vì COVID
19. Trận đấu này sau được mệnh danh là “trận đấu của tử thần”. Champions League bước vào giai đoạn cam go nhất từ ngày thành lập. Bởi cần nhớ cho, thành tựu mà Champions League có được đến từ rất nhiều yếu tố từ luật chơi đến luật chia tiền. Luật chơi có luật bàn thắng sân khách, luật chia tiền chính là chia chiếc bánh tiền bạc cho các CLB tham dự giải bằng tiền bản quyền truyền hình và doanh thu thương mại. Ví dụ, trận chung kết Champions League giữa Real Madrid và Atletico Madrid vào năm 2016 có giá trị 1,6 tỷ USD, tạo ra 350 triệu người xem trực tiếp cùng thời điểm. Ở Champions League, nếu bạn càng vào sâu thì tiền bạn nhận được càng nhiều, và nếu “đồng đội” (ý bảo các CLB trong cùng quốc gia với bạn) mà bị loại sớm thì miếng bánh
tiền bạc đó lại được chia cho bạn nhiều hơn. Tóm lại, khi tham gia giải đấu này thì số trận thi đấu sẽ tỉ lệ thuận với số tiền được nhận. Giải đấu tạm dừng thì tiền bản quyền truyền hình đương nhiên không có.
COVID-19 ép Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA vào thế khó, không thể theo luật cũ nhưng không thể không cho Champions League kết thúc (vì mọi hợp đồng thương mại đã ký). Kênh truyền hình BT Sport đã phải trả 1,18 tỷ USD để giành quyền phát sóng Champions League trên lãnh thổ nước Anh tới năm 2021. Không tổ chức đồng nghĩa UEFA phải trả lại 1,18 tỷ USD này cho BT Sport. Cuối cùng, họ quyết định thông báo Champions League 2019-20 thi đấu trở lại vào ngày 07-08-2020 với thể thức mới là thi đấu trên sân trung lập, còn từ vòng tứ kết trở đi, các đội sẽ thi đấu tập trung tại Bồ Đào Nha và sẽ thi đấu theo thể loại trực tiếp (1 trận). Tất nhiên, các đội sẽ thi đấu trên sân không khán giả. Đấy là những luật chơi mới gần như đã lật đổ hoàn toàn mọi thành trì trong lịch sử 65 năm trước đó của Cup C1/Champions League. Tiền bản quyền truyền hình giảm đi là một phần, trong khi các CLB vốn đã mất nguồn thu lớn từ bán vé, chưa kể các tour du lịch, đồ lưu niệm…
Câu hỏi được đặt ra là nếu như tình hình COVID-19 không có gì cải thiện và các CLB còn tiếp tục thi đấu trên sân không khán giả, thì điều gì sẽ đợi chờ Champions League ở tương lai? Rõ ràng, UEFA không thể không tổ chức giải đấu. Hãy đặt trường hợp ở phía đối tác, những kênh truyền thông và nhà đài đã ký kết các hợp đồng mua bản quyền truyền hình đến các năm 2021-22. Khi các trận đấu tạm dừng, thì họ sẽ chiếu cái gì? Đương nhiên, họ có quyền đơn phương hủy hợp đồng và đòi bồi thường với lý do “thiên tai, dịch bệnh”. Rồi UEFA còn ràng buộc với những nhà tài trợ, đơn vị bỏ tiền ra để quảng cáo thương hiệu. Giờ bóng đá đóng băng, Champions League - giải đấu danh giá và cũng “sang chảnh” bậc nhất - mà không làm gì thì các nhà tài trợ sẽ không vừa lòng. Cuối cùng dẫn đến, tất cả đều thi đấu.
Nhưng tổ chức thì lại lâm vào tình trạng gây ra những lịch thi đấu quá tải. Ví dụ như mùa 2020-21 là mùa giải bắt đầu từ tháng 9 mà tháng 5 đã phải kết thúc để còn đợi tháng 6 đón Euro 2021. Lịch thi đấu quá dày đã khiến các cầu thủ mẫn cảm với chấn thương nhiều hơn. Euro 2021 chưa chắc đã chất lượng vì các siêu sao quá tải, còn giải thì khó mà đón đầy đủ các ngôi sao. Cuối cùng, đấy là việc người xem và cầu thủ còn chịu đựng được cảnh những sân bóng không khán giả đến khi nào? Khán giả được mệnh danh là cầu thủ thứ 12. Cho đến thời điểm này, tất cả đều xem bóng trong trạng thái cầm chừng và hy vọng COVID-19 sớm qua. Nhưng giả sử nó không qua mà còn thêm mấy năm câm lặng trên khán đài nữa, thì cảm giác của người hâm mộ cũng sẽ bị mài mòn. Tay vợt Benoit Paire khi bị loại ở vòng một Monte Carlo Masters 2021 đã nói thẳng: “Monte Carlo bây giờ như cái nghĩa trang. Nó khiến tôi phát chán. Giải đấu này từng hấp dẫn bậc nhất thế giới. Nhưng hãy nhìn xung quanh mà xem, bầu không khí thật buồn tẻ với những hàng ghế trống và ai cũng đeo khẩu trang. Tôi thấy bản thân như kẻ cùng khổ. Những con chuột sẽ rất thích sân đấu này. Tôi chẳng việc gì phải chơi hết mình trong một không gian như vậy. Mọi người nói rằng đây là cuộc sống bình thường. Nhưng với tôi, cuộc sống này thật tệ. Điều duy nhất khiến tôi thoải mái là trở về nhà và ném cái khẩu trang vào sọt rác.” Champions League sẽ đối diện với tình trạng “mất cảm xúc” chứ không phải “mất tiền”. Thách thức với Champions League lúc này chính là tạo nên những trận đấu vẫn nguyên vẹn cảm xúc, hệt như tiếng gầm gào vẫn luôn ở bên.
4 tháng trước khi Champions League 2019-20 khởi tranh trở lại, số ca nhiễm COVID-19 của cả thế giới chạm mốc 2,5 triệu người và gần 200.000 người tử vong. Các nước đóng cửa biên giới, doanh nghiệp đóng cửa, người dân được yêu cầu ở trong nhà. Bây giờ không còn là khủng hoảng bệnh tật mà là khủng hoảng kinh tế với việc thế giới mất đi hàng chục ngàn tỉ USD vì thiệt hại kinh tế. Cuối năm 2020, Ngân hàng Thế giới nhắc tới hậu quả đầu tiên của đại dịch chính là tạo ra một lớp người nghèo mới, trong trường hợp tệ nhất sẽ đẩy 115 triệu người trên thế
giới vào cảnh nghèo đói. Hình ảnh các doanh nghiệp báo lỗ, các CLB không mua cầu thủ, cắt giảm lương thưởng và báo cáo tài chính toàn số âm là minh chứng cho điều này. Bởi vậy, cũng không thể không nhắc đến việc, túi tiền của nhà tài trợ đã không còn dồi dào như trước nữa.
Một tháng sau khi Bayern Munich vô địch Champions League 2019-20, số ca tử vong COVID-19 chính thức vượt quá con số 1 triệu trên toàn thế giới. COVID-19 như một bóng ma ám ảnh, cứ lởn vởn xung quanh, quyết không tha cho loài người. Hễ khi nào thấy an toàn một chút là lại xảy ra một cơn sóng đại dịch mới. Vừa mới đón khán giả vào sân được vài trận thì mấy ngày sau lại nghe tin đóng cửa. Vào thời điểm cuốn sách này ra mắt các bạn, thì đợt bùng phát mới đang diễn ra tại Ấn Độ, Thái Lan. Tất cả như nói với bóng đá rằng, các vị cầm cự được bao lâu cho những sân vận động không có khán giả đây? Cho những điều chưa từng có tiền lệ đây?
Thời điểm đó, ý tưởng đổi mới Champions League của UEFA đưa ra vào ngày 03-04-2020 là một điều cần suy nghĩ. Cần nhấn mạnh trước, đây vốn là “sự tự vệ” của UEFA trước việc một nhóm các CLB lớn đòi tách ra để thành lập một giải đấu có tên là “Super League”. Nhưng giờ đây, lại đang đưa ra một đường thoát luôn cho cả việc hồi sinh sau COVID-19. Dù rằng nó cũng đang gặp thử thách lớn. Cụ thể là từ năm 2024, Champions League sẽ tăng số đội bóng từ 32 lên 36 đội. Chỉ riêng việc chọn mốc “an toàn” 2024 có thể thấy những người đứng đầu UEFA đánh giá ít nhất là đến thời điểm 2024, tình hình thế giới mới có thể trở lại bình thường, và dịch bệnh đã được ngăn chặn ít nhất là một mùa giải. Luật mới không chia ra các bảng đấu như hiện thời, mà sẽ nhóm 10 CLB được chọn ngẫu nhiên và được xếp hạng theo vị trí như một giải League để tránh việc Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, Juventus hay PSG chung một bảng. Các đội dự giải sẽ được phân làm 4 nhóm hạt giống và 10 đối thủ của mỗi đội sẽ được rải đều trong 4 nhóm hạt giống này. Theo đó, mỗi đội sẽ đá 10 trận vòng bảng (5 trận sân nhà, 5 trận
sân khách), gặp 10 đối thủ khác nhau. Kết thúc giai đoạn vòng bảng, 8 đội đứng đầu sẽ giành vé vào vòng 16 đội, các đội xếp từ hạng 9 đến hạng 24 sẽ đá play-off với nhau để chọn ra 8 cái tên tiếp theo. Khi đủ 16 CLB rồi, thì sẽ đến giai đoạn đấu loại trực tiếp như đang diễn ra hiện nay.
Đương nhiên đây mới là dự thảo và chưa được thông qua. Nhưng có thể thấy rõ được mấy điểm sau. Đầu tiên là việc tăng thêm 4 suất, chia nhóm sẽ đưa số lượng trận đấu nhiều lên (theo thể thức cũ là 125 trận, giờ sẽ tăng lên 225 trận), tức Champions League sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ bản quyền truyền hình. Thứ hai, số lượng 36 đội cũng đưa quy mô giải đấu trở nên bành trướng hơn. Cuối cùng, bằng việc này họ sẽ ép lịch thi đấu cấp CLB ở các giải Vô địch quốc gia dày hơn, thậm chí Champions League từ năm 2024 hệt một chú ngáo ộp đang nuốt đi các giải nhỏ lâu đời ở các quốc gia. HLV Liverpool Jurgen Klopp khi bình luận về thể thức này đã gọi đó là “một trò hề”. Nó cho thấy UEFA sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ đây đến 2024 nếu thể thức này ra đời.
Về mặt nào đó, giữa cơn bão COVID-19, những người hoạch định cho Champions League vẫn rất tỉnh táo để thuần túy hướng giải đấu đi theo hướng “tư bản”, với quan điểm vaccine COVID-19 là chuyện của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), việc tổ chức tiêm phòng và ngăn chặn dịch là chuyện của Chính phủ, còn chuyện của chúng tôi là bóng đá, là phải nghĩ cách tối đa hóa lợi nhuận cho giải đấu danh giá này, bù lại thâm hụt ngân sách mỗi năm lên tới 300 triệu € cho các mùa ảnh hưởng vì COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề của Champions League thể thức mới là ở việc tăng số đội, số trận nhưng số tiền chia cho các CLB lại như cũ. Điều này dẫn đến việc nhóm 12 CLB, dẫn đầu là Real Madrid, quyết định ngừng đối thoại mà thực hiện bằng hành động, đấy là “ly khai” khỏi Champions League và lập ra Super League. Một thông tin như đã biết là khiến bóng đá thế giới đảo điên trong những ngày tháng 4/2021. Mọi việc sau đó cũng đã được giải quyết, nhưng nó đặt cho UEFA một câu hỏi: Cải tổ hay
là chết? Cải tổ hay tiếp tục chứng kiến những gã khổng lồ khác đòi ra đi?
Lịch sử giải đấu đã đi qua 66 năm, đã có những năm giông bão, đã có những trắc trở, nhưng đã đi những bước tiến kinh ngạc trong 2 thập kỷ trở lại đây. Và như một quy luật cuộc đời, cứ sau màn đêm là bình minh rực rỡ, sau chiến tranh, dịch bệnh là sự phát triển vượt bậc, và cũng đừng quên sau ánh sáng là bóng đêm. Từ năm 2024, Cup C1 châu Âu đi đến tuổi 70, một độ tuổi lớn để tiếp tục thay đổi, để duy trì sức hút. Đấy là bài toán mà những người hoạch định giải đấu này phải chuẩn bị từ hôm nay để bước qua bóng ma COVID-19. UEFA cần tìm ra lời giải trước sự phản kháng đến từ các CLB lớn đòi những quyền lợi xứng đáng hơn cho vị trí của họ, mà tổ chức vẫn có tiền cho sự phát triển ở các nền bóng đá nghèo, những nền bóng đá nữ, hay như đã nói là sự thâm hụt mỗi năm vì dịch bệnh hoành hành.
Đấy là những thách thức khổng lồ không thể tránh khỏi mà Champions League sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới.
SỰ RA ĐỜI CỦA CHAMPIONS LEAGUE
Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Champions League - giải đấu quy tụ các ngôi sao hàng đầu thế giới và mang lại giá trị lớn chưa từng có cho những nhà tổ chức. Năm 2006, UEFA chỉ thu về hơn 600 triệu € cho cả mùa giải. Đến năm 2010, con số này đã tăng lên 1 tỷ €. Năm 2016, Champions League vượt qua cột mốc 2 tỷ và theo số liệu thống kê tháng 11-2020, bản quyền giải đấu mang lại cho UEFA tổng cộng 2,82 tỷ € cho mùa giải 2018-19. Với mùa giải 2019-20, hai nhà báo Alex Harvey và Daniel Geey đưa ra tính toán rằng doanh thu của Champions League sẽ là 3,25 tỷ € bất chấp nửa sau rơi vào giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng sự vĩ đại đầy hào nhoáng ấy không được Liên đoàn bóng đá châu Âu chào đón lúc ban đầu…
Sự ra đời của Champions League
(Nguồn: Dailysabah)
N
gày 16-09-1987, Diego Maradona dẫn đoàn quân Napoli của mình đến Madrid để đối mặt với Real trong trận đấu đầu tiên của CLB tại Cup châu Âu. Vài tháng trước đó,
bằng phong độ hủy diệt, siêu sao người Argentina đã giúp Napoli đoạt Scudetto lần đầu trong lịch sử và không có một màn ra mắt ở Cup châu Âu nào đẹp hơn việc đối mặt với CLB vĩ đại nhất của bóng đá thế giới.
Thế nhưng, mỉa mai thay, đó là một trận đấu không có bất cứ khán giả nào đến sân. UEFA do quá lo ngại sự kích động của đám ultra bên phía Real ở 2 trận bán kết gặp Bayern Munich mùa trước, đã quyết định hai đội phải thi đấu trong một sân bóng kín. Và giữa sự mênh mông đến rợn người của sân Bernabeu khổng lồ, trong trận đấu thứ 100 của mình tại Cup châu Âu, Real đánh bại Napoli với tỷ số 2-0 trước khi hòa tiếp 1-1 ở Ý để điền tên mình vào vòng 2. Đó cũng là lúc mà một người đàn ông có ảnh hưởng cực lớn tới bóng đá hiện đại lên tiếng. Tên của ông là Silvio Berlusconi.
Vị Chủ tịch Milan không hề vui vẻ chút nào khi chứng kiến trận đấu diễn ra giữa Real và Napoli. Ông cho rằng thật phi lí nếu duy trì tình trạng bốc thăm ngẫu nhiên của Cup C1, điều sẽ khiến những ứng viên vô địch sớm gặp nhau và buộc phải loại nhau. Lấy chính mùa 1987-88 là bằng chứng khi Real đã phải lần lượt gặp Napoli ở vòng 1, đương kim vô địch Porto ở vòng 2 trước khi gặp tiếp á quân Bayern Munich ở tứ kết. Berlusconi kêu gọi một giải pháp để các đội mạnh không phải đụng nhau quá sớm như thế, thậm chí, họ cần được đá nhiều hơn nữa, thay vì 2 trận là phải ra về chỉ vì phong độ suy giảm trong một đêm nào đó. Như Maradona và Napoli ở ngày 16-09 này chẳng hạn. Những lời kêu gọi của ông nhanh chóng được nhiều ông chủ các CLB lớn khác đồng tình và họ bắt đầu nghĩ về một “siêu giải đấu” nơi những vòng cuối là trận chiến giữa các đội bóng hùng mạnh nhất.
Thật tuyệt nếu điều đó xảy ra!
Tất nhiên, đứng về mặt thương mại, người ta biết rõ rằng nếu các trận chung kết, bán kết hay cả tứ kết nữa diễn ra giữa các CLB như Real, Milan, Bayern, Barcelona, Juventus, MU hay Liverpool thì chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý lớn hơn nhiều những trận cầu như giữa Forest với Malmo hay Aston Villa với Hamburg. Song, luật bốc thăm của Cup C1 suốt hàng chục năm đã khiến hầu như mùa nào cũng có tình trạng các đội mạnh phải “huynh đệ tương tàn” ngay từ những vòng đầu tiên, điển hình là mùa 1979-80 khi nhánh Hamburg gom toàn “ngáo ộp” còn nhánh bên Forest chỉ gồm những tên tuổi ít tiếng tăm và cuối cùng, đội có lá thăm “thơm” hơn (Forest) lại là đội giành Cup vô địch.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của World Soccer vào năm 1991, Berlusconi đã chỉ trích mạnh mẽ: “Thể thức hiện tại của Cup châu Âu là một sự lạc hậu mang tính lịch sử. Doanh thu chẳng có ý nghĩa gì nếu một CLB như Milan bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Đó hoàn toàn không phải là một tư duy hiện đại.” Ông chủ của Milan cũng cho rằng rất phi lí nếu các đội bóng lớn nhất không thường xuyên gặp nhau trong những trận cầu đỉnh cao. Mỗi năm chỉ 5-6 trận như vậy quả là quá ít ỏi và đối với cổ động viên, nó không đủ thỏa mãn đam mê. Nói theo kiểu Beckenbauer thì “đá thế làm sao mà nâng cao trình độ cho được”!
Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ ban đầu của Gabriel Hanot, cha đẻ của Cup châu Âu. Ngay từ khi Cup châu Âu chỉ ở trên mặt giấy, Hanot đã nhận định rằng một giải đấu giữa những đội bóng danh tiếng nhất lục địa sẽ là thỏi nam châm thu hút mọi tầng lớp khán giả. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, trong đó chủ yếu là tài chính và sự khó khăn khi di chuyển giữa các quốc gia, ý định ấy đã bị xếp xó trong rất nhiều năm và Hanot đành hài lòng nhìn các đội bóng đá theo thể thức Cup cho đến tận cuối đời.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, Berlusconi đã liên hệ với Chủ tịch Real Ramon Mendoza. Khác với người tiền nhiệm kiệt xuất Bernabeu, Mendoza cảm thấy không cần thiết phải thay đổi thể thức. Tại sao phải thay đổi khi Real đã có thành công liên tiếp ở thể thức cũ? Không nản lòng, ông chủ Milan quay sang thuyết phục nhóm các CLB khác và nhận được sự ủng hộ rất lớn của Alex Flynn, một chuyên gia lừng danh về bóng đá. Chính Flynn đã từng trình bày các luận điểm về “siêu giải đấu” tại một hội nghị về thể thao và khi toàn văn được đăng lên tạp chí Times, nó bỗng chốc trở thành tâm điểm của giới túc cầu. Ngay lập tức, Berlusconi liên hệ với Flynn và yêu cầu ông lên kế hoạch.
“Tôi cho rằng siêu giải đấu này phải dựa trên thành tích, truyền thống và khả năng thu hút truyền hình của các đội bóng. Nó phải là một giải đấu dành cho truyền hình. Dự tính của tôi là một giải đấu có khoảng 18 CLB trong đó chắc chắn phải có 2 đội đến từ Anh, Italia và Tây Ban Nha”, Flynn nhớ lại về tình hình lúc ấy. Berlusconi hoàn toàn tán đồng và gửi kế hoạch tới UEFA. Tổ chức bóng đá khổng lồ này không hài lòng khi một gã Chủ tịch CLB lại định làm thay việc của họ. UEFA từ chối và Berlusconi dọa sẽ li khai, đồng thời lôi kéo các đội bóng khác làm theo, để tự xây dựng một “siêu giải đấu” của riêng mình.
Lúc này, đứng trước tình thế nan giải, UEFA cảm thấy rất chông chênh. Họ vừa muốn giữ cấu trúc cổ điển vốn đã kéo dài suốt hơn 30 năm, vừa muốn thỏa mãn yêu sách của các CLB lớn, nhất là khi Chủ tịch Real Mendoza cuối cùng cũng bị thuyết phục và ngả theo phe Berlusconi. Tháng 8-1991, các thành viên UEFA đã nhóm họp và thông qua nghị quyết về việc thay đổi bộ mặt và thể thức của Cup châu Âu theo đề xuất của chính Mendoza và giám đốc thể thao của Rangers Campbell Ogilvie, người là một nhà quản lí xuất chúng và về sau trở thành Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Scotland. Thay vì tiến hành theo thể thức Cup, tức đá loại trực tiếp từ đầu đến cuối giải đấu, UEFA quyết định 8 đội lọt vào vòng tứ kết sẽ được chia làm 2 nhóm đấu vòng tròn, chọn ra 2 đội nhất mỗi nhóm để đá trận chung
kết. Sự thay đổi này ngay lập tức đã làm gia tăng số trận đấu ở Cup châu Âu. Ở mùa 1990-91, với 31 đội, số trận chỉ là 59. Nhưng ở mùa sau, với 32 đội, con số này đã tăng lên tới 73 trận. UEFA cũng tiến hành hợp tác với TEAM, một đơn vị xây dựng thương hiệu danh tiếng, để chuẩn bị cho giải đấu mới.
UEFA Champions League đã chính thức hình thành.
Huy hiệu danh dự
(Nguồn: Steemit)
Để nhận diện thương hiệu, hình ảnh quả bóng với 8 ngôi sao được công ty Design Bridge thiết kế đã được lựa chọn. Cho đến nay, trải qua gần 30 năm, hình ảnh quả bóng này đã đồng nghĩa với Champions League và là biểu tượng không thể thay thế của giải đấu. 8 ngôi sao trên quả bóng tượng trưng cho 8 CLB đầu tiên thi đấu ở một vòng bảng của Champions League, đó là Marseille, Rangers, Brugge, CSKA Moscow, AC Milan, IFK Goteborg, Porto và PSV.
Một trong những biểu tượng mới mà UEFA tiếp tục đưa ra chính là Huy hiệu danh dự của giải đấu. Đó là nỗi khát khao của rất nhiều CLB lớn trên khắp châu Âu bởi lẽ không phải đội bóng nào cũng có vinh dự được in nó lên tay áo của mình. Quy định của Huy hiệu danh dự rất đơn giản. Bất cứ CLB nào có đủ 5 lần vô
địch Cup châu Âu/Champions League hoặc 3 lần vô địch liên tiếp sẽ được in biểu tượng này kèm theo số lần đoạt Cup lên tay áo bên trái của mình. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ mùa giải 2000-01 và 4 đội bóng đầu tiên có được vinh dự là Real Madrid, Ajax Amsterdam, Bayern Munich và AC Milan. Năm 2005, Liverpool là đội bóng thứ 5 đủ điều kiện và đến năm 2015, Barcelona đã ghi tên mình vào danh sách.
Quy định khắt khe trên đã loại bỏ rất nhiều CLB lớn khác không đủ điều kiện. Và vì thế, Huy hiệu danh dự trở thành nỗi thèm khát của mọi đội bóng. Thế nhưng, trong tương lai gần, rất khó để có thêm đội bóng thứ 7 được in Huy hiệu lên tay áo. Bởi lẽ, đội có 4 Cup duy nhất là Ajax thì đã được phép in rồi. Những đội bóng khác ở phía sau chỉ có tối đa 3 lần đoạt Cup, ví dụ như Manchester United hay Inter Milan. Một số CLB khác thậm chí còn ít hơn, chỉ có 2 lần vô địch như Juventus, Porto hay Benfica. Rất khó để các CLB này đoạt thêm 2-3 chiếc Cup Champions League nữa trong vòng vài năm tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ vẫn chỉ có 6 đội bóng có Huy hiệu danh dự ở châu Âu trong những mùa bóng tiếp theo.
Biểu tượng danh dự này đã vài lần thay đổi. Ban đầu, hình chiếc Cup được in theo góc nhìn nghiêng với một phần quả bóng được in trong đó. Số lần vô địch được đưa lên trên đỉnh hình chiếc Cup. Tuy nhiên, họa tiết có lẽ hơi rối mắt đã khiến UEFA thay đổi thiết kế và một hình chiếc Cup cách điệu đơn giản được sử dụng cho đến ngày nay, với bên trong trung tâm là số lần mà CLB vô địch.
Bên cạnh Huy hiệu danh dự, biểu tượng của nhà đương kim vô địch cũng được thông qua, theo đó, đội đang giữ Cup cũng có huy hiệu tương tự ở cánh tay áo bên phải, bên trong là số năm họ đoạt Cup. Chelsea chính là CLB vô địch đầu tiên được giữ biểu tượng mới này ở mùa giải 2012-13.
Nhưng không có biểu tượng nào thi vị và lãng mạn hơn bản nhạc của giải đấu, một bản nhạc không chỉ làm các cổ động viên cảm thấy yêu mến Champions League mà còn khiến cho những siêu sao cũng mê đắm theo, từ Zidane, Messi, cho tới Ronaldo. Không ít cầu thủ đã từng thú nhận những nốt nhạc của bài hát khi cất lên đã làm dòng máu trong người họ thêm rạo rực để lao vào cuộc đua tranh cho danh hiệu danh giá nhất thế giới cấp CLB.
“Ý tưởng của Champions League là làm cho bóng đá trở nên đẹp hơn và âm nhạc cần phải phản ánh chất lượng đó”, Tony Britten đã nói như vậy về tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Mùa hè năm 1992, Tony đang bận sản xuất âm thanh cho các đoạn quảng cáo truyền hình thì ông nhận được đơn đặt hàng của UEFA muốn ông sáng tác một bài hát và một bản nhạc dành riêng cho giải đấu mới sẽ thành hình vào mùa thu. Lúc ấy, chủ nghĩa hooligan đang làm cho UEFA đau đầu. Mới trước đó vài năm, sự cố Heysel đã đẩy trục bóng đá xoay chuyển và khiến nước Anh bị cấm thi đấu ở châu Âu trong 5 mùa giải liên tiếp. Tham vọng của UEFA lúc này là Champions League sẽ tạo ra một thứ bóng đá đẹp như thuở ban sơ nhưng với chất lượng cao hơn. Tất nhiên, một người ngoại đạo như Tony thì đâu có hiểu mấy về bóng đá. Ông gom một đống các bài ca cổ điển của châu Âu để UEFA lựa chọn một bài có âm hưởng mà họ thích nhất. Cuối cùng, Zadok the Priest của nhà soạn nhạc thiên tài George Handel đã được chấm. Tony đã suy nghĩ trong vài tuần để định hình nên bài hát. Ông dự kiến bài hát sẽ gồm những từ thật đơn giản và theo lời UEFA, được hát bằng 3 thứ tiếng chính của tổ chức: tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức.
Nếu bạn nghĩ rằng Tony Britten cần nhiều ngày ròng rã để sáng tác thì nhầm to. Ông chỉ mất có vài ngày để viết nên những dòng nhạc và sau đó tới Islington để thu âm. Dàn hợp xướng của Học viện St Martin và Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Anh là những người đầu tiên biểu diễn tác phẩm này. Ban đầu, UEFA đã giấu rất kĩ bài hát. Họ chỉ đưa ra một vài đoạn demo cho người
hâm mộ quen dần. Không ngoài dự đoán, ngay từ khi tác phẩm được cất lên, các cổ động viên đã hoàn toàn bị chinh phục. Trong những năm đầu của Champions League, bản full của bài hát đã được mọi người lùng sục và điều đó càng làm cho nó trở nên nổi tiếng. Cuối cùng, khi toàn bộ bài hát được công khai, nó đã trở thành biểu tượng của giải đấu, biểu tượng nổi tiếng nhất, nổi tiếng hơn cả logo hay bất cứ thứ gì khác. Ví dụ như Gareth Bale từng tâm sự rằng anh lựa chọn đến Real chỉ vì anh khao khát được nghe bài hát trước một trận đấu chính thức, hay Steffan Effenberg nói rằng tóc gáy anh dựng đứng khi phần thu âm được cất lên.
Với tư cách là tác giả bài hát, Tony đã được mời dự khán rất nhiều trận chung kết Champions League. Nhưng không có kỉ niệm nào đẹp hơn trận chung kết năm 2001 tại Milano giữa Bayern Munich và Valencia như ông từng tâm sự. Ở nơi đó, người nhạc sĩ đã trực tiếp chỉ huy dàn đồng ca của La Scala Milan hát bài hát do chính ông sáng tác, giữa một khung cảnh vĩ đại của hàng vạn người đang thổn thức vì xúc động và cuồng nhiệt vì trận đấu lớn nhất mùa giải sắp sửa diễn ra. Bài hát đã gắn liền với sự phát triển của Champions League như thế và chẳng gì có thể thay thế nó.
UEFA vẫn tôn trọng giữ nguyên logo và bài hát biểu tượng như những ngày đầu. Nhưng về mặt thể thức, họ đã thay đổi rất nhiều để cố gắng làm cho giải đấu hấp dẫn hơn.
Trong giai đoạn đầu, Champions League chỉ có 36 đội tham dự. Nhưng càng ngày, con số đội bóng tụ hội càng đông và phải tiến hành các vòng sơ loại để chọn những CLB mạnh nhất dự vòng bảng. Kể từ mùa 1994-95, thể thức tương tự như ngày nay đã bắt đầu hình thành. Sau những vòng đấu loại, 16 đội mạnh nhất lọt vào giai đoạn đấu bảng. Ở đó, họ được phân thành 4 bảng khác nhau và đấu vòng tròn, chọn ra 2 đội mạnh nhất mỗi bảng vào vòng tứ kết. Thể thức mới mẻ này nhanh chóng thu hút công chúng. Các đội cũng cảm thấy hài lòng khi số trận thi đấu
tối thiểu được nâng từ 2 lên 6 trận, đồng nghĩa doanh thu bán vé lẫn bản quyền truyền hình đều tăng thêm.
Champions League không ngừng được mở rộng. Kể từ mùa 1997-98, 8 đội á quân các giải vô địch hàng đầu châu Âu cũng được góp mặt. Giờ đây, giải đấu này không chỉ dành cho “những nhà vô địch” nữa. Sự kiện đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao bởi lẽ việc mở rộng cho những đội á quân tham gia, giúp Champions League có thêm những đội rất mạnh khác đua tranh, càng làm giá trị giải đấu tăng lên. Sự thật, các đội á quân ở những giải vô địch lớn như Anh, Tây Ban Nha, Đức hay Italia rõ ràng còn mạnh hơn gần như tất cả các nhà vô địch ở các quốc gia khác. Việc họ có thêm suất tham dự đồng nghĩa sức hút của giải đấu sẽ nhiều hơn và tất nhiên, UEFA lẫn các CLB sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Tuy vậy, như Alex Flynn từng kết luận,“Các đội bóng lớn chả bao giờ đủ tiền cả. Vì thế, bạn sẽ không bao giờ làm hài lòng được họ dù bạn có thay đổi thể thức kiểu gì đi chăng nữa.” Ông đã tiên đoán đúng những gì sẽ xảy ra.
UEFA lần lượt phải chiều theo nhóm các CLB mạnh nhất châu Âu. Kể từ mùa 1999-2000, các quốc gia hùng mạnh như Tây Ban Nha, Anh hay Italia đã có tới 4 đại diện ở vòng bảng Champions League. Chưa dừng lại ở đó, các CLB còn thành lập nhóm G-14 để gây sức ép cho UEFA phải chia sẻ thêm rất nhiều doanh thu từ giải đấu. Đến mùa giải 2019-20, sự nhượng bộ lại tiếp tục khi lần này, 4 giải đấu lớn nhất là La Liga, Bundesliga, Premier League và Serie A đều chắc chắn có 4 suất cho mỗi nước ở vòng bảng, đồng nghĩa chiếm trọn một nửa số đội bóng tham gia. Việc mở rộng cho các giải đấu lớn đã thu hẹp khả năng góp mặt của các giải đấu nhỏ. Ngay cả Hà Lan, quốc gia từng có tới 3 CLB vô địch châu Âu và là cái nôi của rất nhiều cầu thủ xuất chúng, cũng phải để tất cả các đại diện của mình đá sơ loại ở Champions League. Bù lại, như thống kê, UEFA và các đội bóng
kiếm bộn tiền và khiến cuộc đua giành suất tham dự ở những giải vô địch quốc gia trở nên vô cùng khốc liệt.
Nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó. Các trận đấu tuyệt vời giữa những CLB mạnh nhất châu Âu diễn ra liên tục với tần suất lớn đã khiến các cầu thủ giỏi nhất thế giới phải kiệt sức. Họ vừa phải căng sức ở các trận đấu quốc nội, vừa phải ra sân vào giữa tuần để đá ở Cup châu Âu. Kết quả, những siêu sao này thường hay mất tích khi World Cup và Euro diễn ra. Ví dụ kinh điển nhất là Messi và Cristiano Ronaldo nắm giữ hai vị trí đầu bảng trong danh sách ghi bàn ở Cup châu Âu, song họ chưa từng có nổi 1 bàn thắng tại vòng knock-out World Cup.
Có lẽ, khi thúc đẩy sự thành lập Champions League, các ông chủ CLB đều đã biết rõ rằng điều đó sẽ xảy đến. Nhưng đối với họ, các cầu thủ chỉ là những công cụ để kiếm tiền. Còn với khán giả, hãy luôn nhớ rằng: Mọi thứ trên đời đều là tương đối…
NHỮNG KHÚC CUA LỊCH SỬ
Vũ Anh Tuấn (Inter club Vietnam)
“Hình thái bóng đá được kết nối qua cấp đội tuyển sẽ mờ dần, thay vào đó cấp CLB sẽ lên ngôi.” Trong ngôi biệt thự ở Arcore, phía Bắc Milano, người đàn ông ấy tỏ ra hào hứng khi nói về những viễn cảnh trong tương lai của bóng đá thế giới. Thực tình, cánh báo chí lẫn giới chuyên môn không hề xem trọng những ý kiến như vậy khi cho rằng chẳng qua đấy chỉ là chút cao hứng của ông nhưng ít ai ngờ, phán xét này của Silvio Berlusconi từ thập niên 1980 đã ứng nghiệm. Sân cỏ thế giới đã thay đổi mãi mãi sau khi Cup C1 đổi thành phiên bản UEFA Champions League, giải đấu định nghĩa lại cách bóng đá được vận hành để có quy mô như cỗ máy giải trí cho đến ngày hôm nay.
N
gày 20-02-1986, trang sử của AC Milan bước vào kỷ nguyên hào hùng nhất khi Silvio Berlusconi, ông chủ của đế chế Fininvest xuất hiện để thâu tóm Rossoneri.
Nhưng trước khi giúp Milan lột xác, tên tuổi của ông gắn liền với cuộc cách mạng của truyền hình Italia vào thập niên 1970 khi xây dựng hệ thống truyền hình tư nhân đầu tiên. Thành quả mà Berlusconi thu về là cực kỳ vang dội khi đáp ứng đúng thị hiếu khán giả, đó là việc bạn không cần đến rạp hát để nghe một bản nhạc hay chỉ cần ngồi trên ghế sofa để xem derby Milano thay vì chen lấn ở San Siro. Góc nhìn của Berlusconi khi mua lại AC Milan cũng thế, rằng bóng đá phải mang đến chất lượng hàng đầu để bán đi sản phẩm tốt nhất cho người xem.
Ông chủ Fininvest dần nhen nhóm ý tưởng về sân chơi giữa các ông lớn, với nhiều trận đấu diễn ra hàng tuần để trình chiếu qua truyền hình trả tiền. Ngược lại, thể thức của Cup C1 châu Âu lại
quá ít các trận đấu khi một đội bóng chỉ có thể tham dự ít nhất 2 trận nếu bị loại ngay từ vòng 1. Rõ là trong đầu của Berlusconi đã hướng về một Super League cho các CLB mạnh nhất, ý định tách khỏi UEFA đã xuất hiện khi ảnh hưởng và sức mạnh tài chính của đế chế Fininvest đủ sức thổi bay UEFA, tổ chức chủ yếu mang tính đại diện cho bóng đá châu Âu vào thời điểm đó, thay vì tiếng nói có trọng lượng trong mọi quyết sách. Cộng thêm những vết nứt của bóng đá châu Âu suốt thập niên 80 sau thảm họa Heysel khiến các nhà quản lý của UEFA bắt đầu ngẫm nghĩ đến cuộc cách mạng cho sân cỏ Lục Địa Già. Nhưng mọi thứ chỉ bắt đầu sau đại hội của UEFA vào tháng 04-1990, khi Lennart Johansson thay thế ông Jacques Georges giữ chiếc ghế chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu.
Lennart Johansson
Bây giờ, nếu ghé thăm sân vận động quốc gia Thụy Điển ở thủ đô Stockholm, bạn sẽ thấy có một căn phòng dành riêng cho ông Lennart Johansson với dòng chữ “Cha đẻ của Champions League”. Ngay khi lên nắm quyền vào năm 1990, cùng với cánh tay phải là tổng thư ký Gerhard Aigner (người Đức), ông
Johansson tiến hành thay đổi vị thế của UEFA từ một tổ chức đơn thuần về quản lý thể thao thành trung tâm của bóng đá châu Âu, trong đó mục tiêu hàng đầu là khuếch trương hình ảnh các giải đấu mà UEFA nắm trong tay. Lợi nhuận là thứ mà Johansson và Aigner muốn kiếm tìm nhằm tái đầu tư cho các nền bóng đá, nhất là thành viên nhỏ trong đại gia đình UEFA.
“Bóng đá lúc ấy không thể kiếm tiền. Chúng tôi chỉ có 15 triệu Francs Thụy Sĩ trong ngân hàng. Thế rồi có hai người từ một công ty Marketing đến gặp tôi và Aigner. Họ từng làm việc cho ISL (một công ty marketing thể thao). Chúng tôi cảm thấy mình có thể tin tưởng. Cả hai tin là Cup C1 đã lỗi thời và trình bày ý tưởng về Champions League cùng với sự trợ giúp của truyền hình và các nhà tài trợ.” Ông Lennart Johansson nhớ lại ý tưởng thay đổi toàn diện Cup C1 châu Âu vào năm 2010. Hai người đàn ông mà chủ tịch UEFA nhắc đến là Klaus Hempel và Juegen Lens, những người Đức từng gắn bó với đế chế Adidas của nhà Dassler. Quan điểm của họ là phải tạo ra nhiều trận đấu hơn so với thể thức cũ, vốn bị lu mờ trước Cup C3 (UEFA Cup), bởi trong khi Cup C1 chỉ có duy nhất nhà vô địch quốc gia được góp mặt thì Cup C3 có đến 4 CLB từ các nền bóng đá hùng mạnh tranh tài cao thấp.
Giải pháp mà UEFA mang đến cho Champions League là thể thức thi đấu vòng bảng với cơ số trận đấu đủ để các đội bóng khai thác được khía cạnh bản quyền truyền hình, tài trợ và thương mại. Từ 2 trận đấu tối thiểu mỗi mùa giải theo thể thức loại trực tiếp cũ, bây giờ, nếu vượt qua vòng loại, họ sẽ chắc chắn có trong tay 6 trận đấu ở vòng bảng. Đây quả là một quyết định làm hài lòng những tên tuổi lớn như AC Milan, Olympique Marseille hay Real Madrid… Tuy nhiên, dù mọi thứ có thay đổi như thế nào thì UEFA vẫn giữ quyền tối cao trong mọi quyết sách, và cụm từ UEFA được thêm vào tên gọi Champions League là động thái khẳng định vị thế này. Khác với Cup C1 châu Âu khi mà các đội bóng được tự do đàm phán bản quyền truyền hình, tài trợ, thương mại các trận đấu, ở kỷ nguyên Champions League, UEFA sẽ là đầu mối chính trong việc ký kết với các nhà
đài, vận động tài trợ. Xa hơn thế, phạm vi trong và ngoài các sân bóng của các CLB tham dự giải đấu đều thuộc quyền khai thác của UEFA. Trong mùa giải Champions League đầu tiên 1992-93, 23 nhà đài cam kết phát sóng trực tiếp, thực hiện các buổi phỏng vấn, phát highlights, quảng cáo… theo chuẩn mực chung mà Ban tổ chức yêu cầu. Tuy nhiên, bước đi đột phá mà ông Lennart Johansson và các cộng sự đã làm đó là xây dựng kế hoạch marketing cực kỳ bài bản nhằm tạo ra tính nhận diện riêng cho UEFA Champions League. Từ bản nhạc hùng tráng đến biểu tượng quả bóng tròn 8 ngôi sao, tất cả âm thầm len lỏi trong suy nghĩ của người hâm mộ mỗi khi nhắc đến giải đấu vốn đại diện cho thứ bóng đá đẳng cấp hàng đầu.
“Với Champions League, bóng đá châu Âu có dịp để tự làm mới mình, giải đấu chính là biểu tượng của sự đoàn kết và những ý tưởng cách tân.” Tổng thư ký Gerhard Aigner nhận định vào tháng 04-1993, trước thềm trận chung kết ở Munich giữa AC Milan và Olympique Marseille, hai quyền lực thâu tóm hầu hết những tên tuổi tài danh của bóng đá thế giới khi ấy. Màn quảng bá tuyệt vời nhất cho tính toán của UEFA về sức hút của giải đấu theo thể thức mới là việc Ban tổ chức đã thu về 70 triệu Francs Thụy Sĩ tiền bản quyền truyền hình. Trong khi tại Cup C1 mùa giải cuối cùng, tổng số tiền các đội bóng bán riêng lẻ cho các nhà đài chỉ chưa đầy 10 triệu.
Tính cho đến trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, số tiền mà UEFA thu về từ bản quyền truyền hình Champions League đạt 2,4 tỷ € ở mùa giải 2018-19, qua đó chiếm đến 85% tổng doanh thu giải đấu. Chi tiết khiến giới quan sát cho rằng, UEFA quá thành công trong việc định vị sản phẩm của họ nằm ở phân khúc cao cấp, sang trọng. Như ông Aigner từng nói, việc thay đổi từ Cup C1 sang Champions League không chỉ là nâng cấp về tên gọi đơn thuần mà hơn cả, chất lượng các trận đấu tạo ra thực sự định nghĩa lại cách thưởng thức bóng đá của người hâm mộ, sự quan tâm từ các thương hiệu lớn và là hình mẫu cho phần còn lại của sân cỏ thế giới dõi theo với những phiên bản
“Champions League” châu Á, châu Phi, CONCACAF... Để tạo ra thứ sản phẩm tốt nhất, UEFA biến sân chơi từng thua cả Cup C3 ngày nào trở thành sân khấu của những quyền lực bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong đó, tầm nhìn của Lennart Johansson và những nhà tổ chức đã đi trước thời đại về cơ cấu chi thưởng. Vậy khác biệt ấy nằm ở đâu?
Kết thúc mùa giải Champions League 2019-20, tổng doanh thu mà UEFA công bố ước tính đạt 3,25 tỷ €. Trong đó, 1,95 tỷ € được phân bổ cho các CLB tham dự giải đấu với công thức như sau.
• 25% phí tham dự giải đấu (488 triệu)
• 30% thành tích trên sân (585 triệu)
• 30% bảng xếp hạng 5 năm của UEFA (585 triệu) • 15% theo thị trường truyền hình (292 triệu)
Đây là bốn thành tố tạo nên số tiền thưởng thu về cho những Barcelona, Real Madrid, Bayern Munich, Liverpool… sau mỗi mùa giải Champions League. Như tác giả Andrea Vieli của cuốn sách 60 năm ra đời UEFA, đây là bốn gạch nối tạo nên vòng tròn lợi ích cho UEFA và các CLB nhằm đảm bảo gìn giữ tính cạnh tranh, bản sắc lẫn khí chất khác biệt mà giải đấu mang lại. Dựa vào cơ cấu ở trên, chúng ta thấy giá trị truyền thống của một đội bóng được UEFA tôn trọng ra sao khi có tỷ lệ ngang ngửa với thành tích trong mùa giải đó, nghĩa là 2 CLB nếu cùng tiến sâu như nhau thì một đội bóng lớn luôn vượt lên về số tiền kiếm được. Thậm chí, ngay cả khi họ dừng bước sớm hơn, cũng chưa chắc thua kém đội bóng nhỏ về con số nhận được. Minh chứng nằm ở mùa giải 2019-20, Atalanta dù lọt đến tứ kết Champions League nhưng vẫn thua xa Juventus (dừng bước tại vòng 1/8) về doanh thu tại châu Âu khi Bianconeri nhận được gần 30 triệu € tiền “vị thế” trên bảng xếp hạng 5 năm, vượt xa con số 3,3 triệu € mà thầy trò Gasperini có được.
y p ợ
Bước đi làm hài lòng những tên tuổi lớn vốn bị mất niềm tin nghiêm trọng sau quyết định “cào bằng” Champions League vào năm 2007 của cựu chủ tịch Michel Platini nhưng đồng thời, UEFA cũng cảnh báo Real Madrid, Barcelona, Manchester United... rằng họ phải gồng mình chiến đấu để bảo vệ vị thế mà lịch sử từng ghi nhận nếu không muốn bị lãng quên như những AC Milan, Arsenal hay Ajax. Chiến lược này khiến mùa giải nào cũng chứng kiến sự ganh đua quyết liệt giữa các đội bóng khi không một trận đấu nào ở Champions League là vô nghĩa, bởi chúng đều được quy đổi thành tiền bạc và điểm số trên bảng xếp hạng 5 năm.
Sự so kè khốc liệt ấy trực tiếp khiến yếu tố bất ngờ tại Champions League dần biến mất để nhường chỗ cho tiếng nói của các tên tuổi lớn. Bởi đã qua rồi cái thời mà những Steaua Bucarest, Sao Đỏ Belgarde, PSV Eindhoven, Nottingham
Forest… thi nhau làm nên các cơn địa chấn, Champions League ngày nay là sân khấu riêng của những siêu CLB phô diễn sức mạnh. Để làm thay đổi dòng chảy lịch sử ấy, có một biến cố đã xuất hiện nhằm định vị lại bức tranh tổng thể của bóng đá châu Âu và thế giới.
Ngày 15-12-1995, Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết chiến thắng cho Jean Marc Bosman sau tranh chấp với CLB chủ quản RFC Liege (Bỉ) về quyền được tự do tìm kiếm bến đỗ mới sau khi hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn. Sử sách gọi phán quyết này là “luật Bosman” và xem đây là cột mốc đánh dấu màn trỗi dậy về quyền lực của giới cầu thủ khi đối diện với đội bóng chủ quản. Một cách trực tiếp, họ được phép nói chuyện với bất cứ CLB nào 6 tháng trước khi mãn hạn hợp đồng nhưng xa hơn, hệ quả của “luật Bosman” âm thầm gia tăng quyền lực cho các tên tuổi lớn khi giật sập đổ bức tường “3+2”, chi tiết ít được nhắc đến trong sự kiện này vốn từng là thành trì bảo vệ những đội bóng nhỏ bấy lâu, đặc điểm giữ cho bóng đá châu Âu nói chung và Cup C1 nói riêng có những khoảnh khắc bất ngờ.
Cụ thể, thì quy định “3+2” của UEFA chỉ cho phép mỗi CLB tham dự Cup châu Âu không được dùng quá 5 ngoại binh, trong đó bắt buộc 2 cầu thủ phải trải qua hệ thống đào tạo trẻ. Đây là rào cản khiến các đội bóng lớn phải tính toán thật kỹ cho suất ngoại binh trong đội hình, khi tiền bạc chưa chắc là yếu tố quyết định thành bại của một CLB. Ví như AC Milan chẳng hạn, năm 1987, họ chiêu mộ tiền vệ Claudio Borghi (Argentina) và sau đó ít lâu là Frank Rijkaard trong khi đã có sẵn hai siêu sao Marco Van Basten và Ruud Gullit. Chính nguyên tắc “3+2” buộc ông chủ Silvio Berlusconi tiếc nuối nhìn Borghi chuyển sang Neuchatel Zamax (Thụy Sĩ) nhằm giữ lại Rijkaard, dù tài năng của tiền vệ người Argentina được ví von chỉ xếp sau Diego Maradona ở xứ Tango.
“Bây giờ thì nhóm khoảng 25 CLB mạnh nhất chi ra những số tiền chuyển nhượng khổng lồ mà các đội bóng nhỏ không thể với tới. Họ bỏ xa phần còn lại bởi chênh lệch giữa các đội bóng là quá lớn để san lấp. Đó hoàn toàn không phải là đích đến của luật Bosman.” Ngay bản thân nhân vật chính của sự kiện phải thừa nhận điều này trong khi Tổng thư ký UEFA Lars Christer Olsson nói hồi năm 2005 rằng, sự phân tầng trong quần thể “xã hội bóng đá” ngày càng rõ rệt khi người giàu thì ngày càng giàu hơn, còn những kẻ nghèo hèn bị đẩy xa khỏi danh vọng.
Thực tiễn đã chứng minh điều này, khi Ajax Amsterdam trở thành nạn nhân bị “xâu xé” đầu tiên bởi các ông lớn dù vị thế lúc đó của họ cũng là một thế lực ở Champions League. Nhưng sự thua kém về tiền bạc buộc người Hà Lan phải cay đắng chứng kiến sự ra đi của những tài năng được họ đào tạo như Winston Borgade, Patrick Kluivert, Edgar Davids, Michael Reziger (đến AC Milan), Clarence Seedorf (Sampdoria)… - 7 cầu thủ từng đá chính khi Ajax gặp Juventus ở Vienna tại chung kết Champions League năm 1996. Sự kiện đó như là lời cáo chung cho các thân phận bé nhỏ muốn xây dựng chỗ đứng ở châu Âu khi suốt 25 mùa giải sau đó, những hiện tượng nổi lên sau một mùa giải ngay lập tức bị những ông lớn nuốt chửng các ngôi sao. Ngoài FC
Porto năm 2004, 24 nhà vô địch đều đến từ 4 giải đấu mạnh nhất Lục Địa Già, điều chưa từng xảy ra trong 40 năm lịch sử trước đó của sân chơi danh giá này.
Nguy hiểm hơn, dư chấn của “luật Bosman” gián tiếp giúp nhóm các siêu CLB ngày càng tách khỏi quỹ đạo chung của sân cỏ châu Âu, từ những kỷ lục về phí chuyển nhượng, mức lương ngoại hạng cho các siêu sao cùng sức ảnh hưởng lớn về thương mại, mạng xã hội. Sự cộng hưởng của những yếu tố đó khiến bóng đá thu hút sự chú ý của giới tài phiệt ngày càng nhiều, qua đó biến môn thể thao này trở thành ngành công nghiệp “không khói” khi tiềm năng về lợi nhuận là rất lớn. Cho đến một ngày, họ chợt nhận ra mình đủ sức bứt khỏi vòng kiểm soát của UEFA để tự tạo lập một sân chơi riêng và tham vọng bứt phá của giới đầu tư chính là tiền đề đe dọa sự tồn vong của UEFA Champions League.
Super League, tên gọi mô tả siêu giải đấu của những CLB mạnh nhất châu Âu, có từ khi nào?
Không phải ECA (Hiệp hội các CLB châu Âu) hay nhóm G-14 (Nhóm 14 CLB hàng đầu châu Âu), thì… UEFA mới là tổ chức đầu tiên nghĩ đến việc thành lập giải đấu cho các CLB mạnh theo thể thức “League”. Đó là vào tháng 11-1977, đại diện các liên đoàn bóng đá, CLB và UEFA đã gặp gỡ ở London để phác thảo ý tưởng mở rộng Cup C3 châu Âu (UEFA Cup) thành một European League, nhưng vướng mắc nằm ở chỗ, nếu giải đấu này diễn ra sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế các giải đấu quốc nội. Vì lẽ đó, nó mãi chỉ tồn tại như là ý tưởng đầu tiên về một siêu giải đấu. Nhưng 4 năm sau ngày luật Bosman ra đời, sự xuất hiện lần lượt của các tổ chức như G-14 (năm 2000), ECA (năm 2008) mở ra hướng đi mới cho các CLB khi họ âm thầm tích lũy đủ quyền lực để nói chuyện với UEFA.
Năm 2003, khái niệm “Super League” chính thức xuất hiện khi G-14 có phản ứng đầu tiên sau khi UEFA quyết định loại bỏ vòng
bảng thứ hai ở Champions League, bước đi khiến các tên tuổi lớn mất những 4 trận đấu mà lẽ ra họ có thể nhận thêm tiền bản quyền truyền hình. Mùa giải 2006-07, một dự thảo nghiêm túc về Super League được giới thiệu như lời tuyên chiến từ các CLB với UEFA. Cho đến khi ECA ra đời vào năm 2008 để mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa từ G-14, thì tiếng nói từ 232 CLB trên khắp châu Âu quả là có sức nặng đáng nể khi đại diện của họ góp mặt trong mọi ủy ban điều hành, tổ chức các giải đấu… của UEFA. Dự án thất bại của Michel Platini khi muốn ưu ái các nền bóng đá nhỏ là minh chứng sống động cho quyền lực mềm mà các CLB mạnh sở hữu. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, sự ập đến của đại dịch COVID khiến các đội bóng bỗng chốc lâm nguy về kinh tế khi thiệt hại được ghi nhận tại 20 CLB hàng đầu châu Âu lên đến hơn 1 tỷ euro. Sau nhiều năm im ắng, dự án “Super League” lại được tái khởi động nhưng theo cách ít ai ngờ nhất.
Chiều tối ngày 18-04-2021, khi trái bóng đang lăn ở khắp các sân cỏ châu Âu thì tờ The Times (Anh) hé lộ tin tức chấn động, rằng nhóm “Big Six” của Premier League đồng ý gia nhập một giải đấu ly khai với tên gọi “European Super League” (ESL). Sự nghiêm trọng của vấn đề được thể hiện khi UEFA ra thông cáo khẩn mô tả tính bất hợp pháp và tham lam của các ông chủ. Trên SkySport (Anh), trận đấu giữa Manchester United và Burnley bỗng trở thành nơi để cựu đội trưởng Gary Neville trút tất cả sự căm phẫn lên quyết định thành lập ESL khi gọi giải đấu này là trò hề. Không lâu sau, danh tính của 12 thành viên sáng lập ESL được phơi bày, khi họ xác nhận gia nhập giải đấu hoàn toàn mới. Hơn 66 năm sau ngày Cup C1 ra đời, bóng đá châu Âu mới đứng trước cuộc khủng hoảng nặng nề đến thế. Vậy mô hình “European Super League” là gì và tại sao người châu Âu bác bỏ sự tồn tại của giải đấu này?
Nhóm 12 CLB sáng lập viên của ESL gồm: Manchester United, Manchester City, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham Hotspur, Inter, AC Milan, Juventus, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid - nhóm các siêu CLB sở hữu đến 99 chiếc Cup
châu Âu. Như New York Times mô tả, ESL là giải đấu khép kín với 20 CLB thi đấu theo thể thức mô hình Franchise (nhượng quyền) nổi tiếng ở NBA (bóng rổ), NFL (bóng đá Mỹ). Sẽ không có lên xuống hạng ở sân chơi này và 12 sáng lập viên luôn có mặt bất chấp thành tích ra sao ở giải vô địch quốc gia. Hơn cả, ESL tách rời hoàn toàn khỏi quỹ đạo của UEFA lẫn FIFA. Dấu ấn rõ nét của dự án nằm ở khía cạnh tài chính khi mỗi CLB tham dự lập tức nhận được 400 triệu euro phí tham dự, nhiều hơn 3 lần số tiền thưởng của nhà vô địch Champions League Bayern Munich năm 2020. Thế lực đứng sau để hỗ trợ tài chính cho giải đấu là JP Morgan Chase, ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ. Lý giải cho quyết định trên, Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez cho rằng đại dịch COVID đã bào mòn sức đề kháng tài chính của họ, trong khi mô hình UEFA Champions League đã lỗi thời trong việc thu hút thế hệ trẻ quan tâm đến bóng đá. Như Perez nhấn mạnh, các CLB sẽ chết vào năm 2024 nếu không có sự thay đổi khẩn cấp. Nhưng có lẽ, liên minh 12 siêu CLB đã đánh giá thấp phản ứng của thế giới túc cầu, khi 48 giờ sau đó là cuộc phản kích mạnh mẽ từ mọi phía nhắm vào cuộc ly khai này. Vượt xa khuôn khổ bóng đá, người châu Âu bước vào cuộc chiến nhằm gìn giữ bản sắc trăm năm trước sự xâm lăng của văn hóa và người Mỹ.
“Thể thao sẽ không còn là chính mình nếu thắng hay thua cũng như nhau.” Pep Guardiola bình thản đáp về mô hình của Super League, vốn không tương xứng với giá trị bấy lâu mà bóng đá châu Âu gầy dựng. Bởi nếu người Mỹ xem NBA, NFL, MLS dừng lại ở góc độ giải trí thuần túy thì ở mỗi CLB bóng đá tại Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… chứa đựng bản sắc vùng miền, niềm tự hào xứ sở. Ở đấy, 90 phút tranh tài không chỉ để giành lấy chiến thắng mà còn là cách họ bảo vệ một cộng đồng vốn được thế hệ tiền nhân gầy dựng suốt nhiều thập kỷ. Nếu Super League thâu nạp đến 6 CLB từ nước Anh, thì xứ Sương Mù cũng là tiền đồn chống lại dự án này mạnh mẽ nhất. Thông cáo của Wolverhampton có đoạn viết: “Wolves và hệ thống Kim Tự Tháp của bóng đá Anh sẽ mãi trường tồn dù có hay không những kẻ đang
hủy hoại truyền thống cả trăm năm qua.” Bởi góc nhìn của người Anh cho rằng, chuẩn mực bóng đá chuyên nghiệp họ xây dựng cho cả thế giới có nguy cơ bị xóa sổ để nhường chỗ cho mô hình giải trí đậm chất Mỹ, nơi bóng đá không tồn tại việc lên xuống hạng, không tính cạnh tranh. Mỗi trận đấu trở thành show truyền hình thực tế của các đội bóng hơn là cuộc tranh tài thể thao đúng nghĩa.
Với UEFA, cuộc ly khai này sẽ làm thay đổi hệ sinh thái bóng đá mà châu Âu đang thụ hưởng, khi các giải đấu như Champions League, Europa League đối diện với họa diệt vong và kéo theo hệ lụy nguy hiểm cho các nền bóng đá nhỏ. Nên nhớ, hai Cup châu Âu là nguồn thu lớn nhất để UEFA tái đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững ở những vùng đất xa xôi. Trong khi đó, FIFA xem đây là nguy cơ khiến trật tự bấy lâu của thế giới bóng đá trở nên hỗn độn khi các siêu CLB sẽ tước bỏ những giá trị căn bản của lịch sử túc cầu. 2 ngày sau thông báo thành lập Super League, các cổ động viên trẻ tuổi của Chelsea, những người mà Chủ tịch Perez cho rằng không còn quan tâm đến bóng đá, mở đầu cuộc phản kích, kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng khi nhóm Big Six tuyên bố rút lui chỉ sau 48 giờ gia nhập liên minh.
Nếu người hâm mộ ăn mừng khi bảo vệ thành công những giá trị truyền thống bấy lâu thì ngược lại, UEFA phải xem đây là dịp thức tỉnh sau chuỗi ngày mà họ mắc phải những trì trệ trong mô hình quản lý. Sự phản kháng của các siêu CLB là bài học đắt giá nhất kể từ khi Lennart Johasson kiến tạo Champions League. UEFA đứng trước hai lựa chọn, thay đổi hoặc tự diệt vong giải đấu từng làm nên một huyền thoại. Thể thức mới với 36 CLB vốn được áp dụng từ mùa giải 2024-25 nằm trong lộ trình như vậy khi sẽ loại bỏ tối đa những trận đấu kém hấp dẫn,“mô hình Thụy Sĩ” mà Chủ tịch Ceferin và cộng sự lựa chọn được kỳ vọng sẽ xóa tan khoảng trống bóng đá bấy lâu vốn kéo dài từ giữa tháng 12 cho đến tháng 2. Điểm nhấn của thay đổi là UEFA tiếp tục trọng vọng các siêu CLB và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của họ về cơ số trận đấu và tiền thưởng phải tăng lên. Cái chết
của Super League càng cho thấy giá trị mà Champions League ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ là lớn ra sao. Nhưng sự phản kháng của họ cũng là lời cảnh báo sâu sắc rằng, chỉ có sự thay đổi và thích ứng liên tục với thời đại mới là giải pháp để bảo tồn những giá trị bấy lâu của giải đấu huyền thoại này. Super League vẫn sẽ luôn là một câu hỏi để ngỏ trong tương lai. Nhưng Super League không có lịch sử, còn Champions League có lịch sử. Chúng ta không là gì nếu mất đi lịch sử. Nhưng chúng ta sẽ sống mòn nếu mãi mãi tin rằng những gì ta đang có là tốt nhất, đấy là con đường nhanh nhất dẫn đến sự diệt vong.
KHAI SINH
GABRIEL HANOT
Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Người Anh tạo ra bóng đá nhưng người Pháp mới đưa bóng đá tiến lên thời kỳ hiện đại. Và chúng ta đang nói về một người đàn ông khiêm nhường nhưng ý tưởng và hành động của ông đã biến bóng đá trở thành một trò chơi vĩ đại…
Gabriel Hanot (Nguồn: Twitter)
N
gôi làng nhỏ được bao bọc bởi những ngọn đồi và rừng cây xanh mướt. Vào một ngày cuối thế kỷ XIX, Gabriel Hanot đã chào đời tại đây và trải qua những năm tháng ấu thơ giữa khung cảnh thanh bình ấy. 50 năm sau, ông đã sống
giữa một thế giới thời hậu chiến, phát triển điên cuồng và chính bản thân tham gia vào sự thay đổi của bóng đá. Nhưng ở thời điểm Hanot xuất hiện, ngôi làng Wangenbourg-Engenthal quê ông thực sự không có gì nổi bật. Ngôi làng này chỉ có một chút tiếng tăm khi vào thập niên 1940, vị Tổng thống Pháp tương lai, Chuẩn tướng Charles De Gaulle, đã đến đây tá túc trong vài tháng trước khi đem quân ra nước ngoài để tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít.
Có lẽ để lo cho việc học của con cái, cha mẹ Hanot đã quyết định rời làng để tới Tourcoing sinh sống nhằm tiếp cận với một nền giáo dục ưu tú hơn. Thị trấn này nằm ở gần biên giới với nước Bỉ và đang bắt đầu thịnh hành một môn thể thao mới toanh với người Pháp: bóng đá. Hanot nhanh chóng làm quen và thích thú với bóng đá. Ở tuổi thiếu niên, ông bắt đầu luyện tập và thể hiện được năng khiếu thiên bẩm của mình. Khi còn đang học trung học, Hanot đã được đội bóng US Tourcoing để mắt đến và ký một bản hợp đồng chuyên nghiệp. Sự nghiệp của Hanot lên nhanh như diều. 17 tuổi, ông trở thành cầu thủ chính thức của đội bóng. 18 tuổi, ông được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và chơi rất nổi bật.
Thế nhưng, sự nghiệp của Hanot đáng lý sẽ còn lên cao hơn nữa thì một mâu thuẫn nổ ra giữa Hiệp hội Thể thao Xã hội Pháp với FIFA. Do phản đối FIFA quy định mỗi quốc gia chỉ có một đại diện duy nhất, Hiệp hội này đã quyết định rời khỏi tổ chức và bị thay thế ngay lập tức bởi Ủy ban liên hiệp Pháp CFI. Vốn trước đó, Hiệp hội Thể thao Xã hội là cơ quan chủ quản của đội tuyển quốc gia Pháp nhưng giờ, họ đã bị tước đi quyền ấy. Kết quả, Hanot không thể tiếp tục khoác áo Les Bleus nữa. Năm ấy, ông mới chỉ 21 tuổi. Để tránh lãng phí thời gian, Hanot đã vạch ra cho mình một kế hoạch mới. Ông sang Đức.
Nước Đức thời kỳ này cũng đang trong quá trình phát triển bóng đá. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, họ chưa có một giải vô địch thống nhất mà được chia ra thành
nhiều vùng khác nhau. Preussen khi ấy là một đội bóng hạng khá của Berlin và Hanot đã lựa chọn đó là điểm đến của ông. Do CLB thiếu hụt vị trí hậu vệ trái, Hanot đã lấp vào chỗ trống dù sở trường của ông là tiền đạo cánh trái. Ở vai trò mới, ông vẫn thể hiện đẳng cấp ngôi sao và đưa Preussen giành ngôi quán quân của vùng Brandenburg. Sau 2 năm ở Đức, Hanot lại quay về quê hương bởi lúc này, mâu thuẫn giữa CFI và Hiệp hội Thể thao Xã hội Pháp đã được hòa giải. Song, một vấn đề khác đã xuất hiện để ngăn ông thăng tiến: chiến tranh.
Tháng 6-1914, Đại công tước Franz Ferdinand bị ám sát. Sự kiện ấy như giọt nước làm tràn ly, thổi bùng lên mâu thuẫn đang âm ỉ giữa các cường quốc. Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất đã nổ ra. Hàng triệu thanh niên, bao gồm cả những cầu thủ bóng đá, bị động viên (hoặc bắt ép) ra tiền tuyến để phục vụ cho tham vọng của những ông chủ. Hanot cũng không ngoại lệ. Ở tuổi 24, ông bắt đầu sung quân và tham chiến ở các chiến trường miền Đông. Thế chiến thứ Nhất là cuộc chiến mà nhiều người Pháp bỏ mạng nhất trong lịch sử của mình. Tổng cộng có gần 1,4 triệu thanh niên đã hi sinh tại các chiến trường lớn nhỏ, gấp 6 lần Thế chiến thứ Hai. Rất nhiều cầu thủ bóng đá Pháp đã vĩnh viễn nằm lại mặt trận, trong số đó có cả Julien Verbrugghe, cầu thủ trẻ nhất lịch sử Les Bleus hay các cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia như Marius Royet và Andre Francois.
Năm 1915, Hanot bị quân Đức bắt làm tù binh. Đó là lúc mà ông cảm thấy quãng thời gian 2 năm chơi bóng ở Đức thực sự có ích. Cùng với sự dũng cảm, thông minh và vốn tiếng Đức xuất sắc, Hanot đã vượt ngục thành công và đi qua vùng chiếm đóng của người Đức khá dễ dàng để trở về chiến tuyến. Bắt đầu từ đây, ông phục vụ trong lực lượng không quân và chơi bóng dưới màu áo của Hiệp hội Thể thao Pháp trong những ngày rảnh rỗi. Sau khi Thế chiến kết thúc, Hanot đá bóng thêm 1 năm nữa và quyết định treo giày ở tuổi 29 sau những vết thương chiến tranh để chuyển sang một lĩnh vực khác mà ông thấy mình có thể đóng góp tốt hơn, đó là báo chí.
Năm 1920, Hanot đến làm việc tại tờ báo thể thao Miroir des Sports và sau đó vài năm, chuyển sang tờ L’Equipe. Chỉ cần một thời gian ngắn ngủi, với ngòi bút sắc sảo cộng thêm kinh nghiệm của một tuyển thủ quốc gia và một người lính từng nhiều năm tham chiến, ông nhanh chóng nổi bật trên truyền thông. Một loạt phóng sự và bình luận của Hanot lúc ấy gây chấn động với giới thể thao. Ông thôi thúc và cổ vũ các nhà lãnh đạo chuyển bóng đá Pháp sang chuyên nghiệp, giống như nước Anh và nước Đức. Từ một môn thể thao từng bị kỳ thị bởi những người nông dân ở cuối thế kỷ XIX, bóng đá đã dần trở thành thú vui rồi sau đó là niềm tự hào và yêu mến của họ.
Không chỉ dùng sức mạnh của ngôn ngữ, Hanot còn trực tiếp tham gia vào việc thay đổi diện mạo bóng đá Pháp. Năm 1930, ông thành lập Hiệp hội Giáo dục Bóng đá để hướng tới công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Chính Hiệp hội do ông làm Chủ tịch đã tổ chức một cuộc thi cho các cầu thủ trẻ trước những trận chung kết Cup quốc gia Pháp. Cuộc thi này nhờ đó đã phát hiện ra khá nhiều nhân tài xuất sắc như Michel Leblond, Jean-Michel Larqué – người đang nắm giữ kỷ lục về số lần vô địch Ligue 1 và đặc biệt nhất là Quả Bóng Vàng châu Âu 1958 Raymond Kopa.
Tháng 12-1934, Hanot đã viết một bài báo mô tả ý tưởng về một giải đấu cấp CLB tầm cỡ châu lục. Đó không phải là ý tưởng quá mới mẻ với thời bấy giờ. Thực tế thì vào năm 1927, một số quốc gia ở vùng Đông-Nam Âu đã hình thành Cup Mitropa và cử các đại diện của mình tham gia. Thế nhưng, Cup Mitropa chỉ tổ chức trong một phạm vi nhỏ hẹp còn Hanot thì muốn nâng giải đấu lên mức độ toàn châu Âu. Một trong những lý do khiến ông mạnh dạn như thế là bởi sự phát triển của ngành hàng không thương mại. Những chiếc máy bay thương mại cho phép các cầu thủ di chuyển từ nước này sang nước khác dễ dàng hơn thay vì mệt mỏi vài ngày trên những chuyến xe lửa hay tàu thủy. Cần phải hiểu rằng vào thập niên 1930, bóng đá có rất ít trận thi đấu quốc tế vì điều kiện giao thông vô cùng khó khăn. Chính vì vậy mà World Cup lần thứ nhất không được nhiều quốc gia châu Âu
ủng hộ bởi họ cảm thấy ngồi tàu vượt biển để tới Nam Mỹ suốt vài tháng là rất… phiêu lưu. Tuy nhiên, những lời kêu gọi của Hanot đã không được đáp ứng. Những Liên đoàn bóng đá quốc gia lúc ấy vẫn giữ thái độ “bế quan tỏa cảng” và chỉ tiến hành thi đấu nội bộ. Phải đến 20 năm sau, tức năm 1954, khi mà Wolverhampton được báo chí Anh tôn vinh là “nhà vô địch thế giới” sau vài trận giao hữu thành công, Hanot mới biến được ý tưởng của mình thành hiện thực.
Cầm những tờ báo lá cải của người Anh trên tay, Hanot giận run người. Ông lập tức ngồi vào bàn và viết một bài bình luận, theo đó chỉ ra rằng, chừng nào Wolverhampton chưa đến các sân đối phương để thi đấu và chừng nào họ chưa đánh bại được những Real Madrid hay AC Milan (lúc ấy được coi là những CLB mạnh nhất châu Âu) thì chừng đó họ vẫn chưa thể tự vỗ ngực là “nhà vô địch thế giới” được. Hanot đã mời các đồng nghiệp Jacques Ferran và Jacques de Ryswick tới phòng làm việc để thảo luận về kế hoạch của ông. Tổng Biên tập Jacques Goddet cũng tham gia cuộc họp. Buổi thảo luận đã đưa ra quyết định rằng L’Equipe sẽ vận động UEFA và các CLB tổ chức một giải đấu chưa từng có, giải đấu dành cho các nhà vô địch quốc gia trên toàn châu Âu, không phân biệt đó là phía Tây hay phía Đông, một giải đấu hoàn toàn vì thể thao và không được để chính trị xen vào.
Dưới sự nỗ lực của các nhà báo mà đứng đầu là Hanot, một loạt CLB đã nhiệt tình ủng hộ và cuối cùng, UEFA đã thông qua việc tổ chức Cup châu Âu bắt đầu từ mùa giải 1955-56. Để tôn vinh những nhà báo người Pháp đã khai sinh ra giải đấu, UEFA quyết định trận chung kết Cup châu Âu đầu tiên trong lịch sử sẽ được tổ chức tại Paris. Cup châu Âu cũng được L’Equipe ấn định thi đấu vào thứ Tư hàng tuần, vừa để tránh các cuộc đấu tại giải vô địch quốc gia, vừa để tăng doanh số bán báo giữa tuần của họ. Thật là nhất cử lưỡng tiện!
Hanot không bao giờ được chứng kiến bóng đá Pháp lên ngôi. Ông mất năm 1968 ở chính ngôi làng đã sinh ra mình. Kể từ đó,
tên tuổi ông bắt đầu chìm vào quên lãng. Người Pháp đã không còn nhớ tới nhà báo vĩ đại, người đã tạo ra bộ mặt cho bóng đá hiện đại. Một điều hài hước đầy mỉa mai là Liên đoàn bóng đá Pháp còn ghi sai ngày sinh của ông. Họ đã ghi ông sinh ngày 13- 12-1901, tức là theo họ, ông đã được gọi vào đội tuyển quốc gia Pháp ở tuổi lên… 6. Cũng chẳng có bức tượng hay tên đường phố nào để vinh danh ông cả. Tên tuổi ông đã hòa vào dòng chảy của bóng đá. Cho đến ngày UEFA chính thức công nhận ông là người cha khai sinh ra Cup châu Âu hiện đại.
Những con người vĩ đại chỉ cần di sản của họ được trường tồn là đủ để tôn vinh…
JACQUES FERRAN
Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Có một cái tên khiến tôi phải bất ngờ khi tìm hiểu những thông tin về hành trình của Cup châu Âu. Tên của ông là Jacques Ferran. Bạn đã bao giờ nghe thấy cái tên này chưa? Tôi cá là chưa! Ferran đã chìm vào trong bóng tối sau khi ông nghỉ hưu vào năm 1985, và khi ông qua đời đầu năm 2019 ở tuổi 99, chẳng một tờ báo thể thao Việt Nam nào đề cập đến tên ông. Nhưng ở châu Âu, ông là nhân vật được giới bóng đá tôn kính bởi những đóng góp vượt xa tầm ảnh hưởng của một nhà báo đơn thuần.
Jacques Ferran (Nguồn: UEFA)
J
acques Ferran là một người thực sự công bằng. Đối với ông, bóng đá trước tiên phải công bằng. Ông không bao giờ đặt lợi ích của đất nước mình lên trên nếu nó đi
ngược lại với sự công bằng trong thể thao. Cuối năm 1977, khi “hoàng tử” Michel Platini đã trải qua một năm thi đấu tuyệt hay và được giới bóng đá Pháp vận động hết mình trong cuộc đua
Quả Bóng Vàng, Ferran vẫn bỏ phiếu bầu chọn Allan Simonsen cho vị trí số 1 và Kevin Keegan cho vị trí số 2. Lá phiếu này đã khiến cho Platini vô cùng tức tối nhưng nó lại phản ánh đúng hoàn toàn cục diện cuộc đua tranh. Năm ấy, Simonsen đã đoạt Quả Bóng Vàng, Keegan Quả Bóng Bạc và Platini chỉ về đích ở vị trí thứ 3. Kết quả thể hiện tầm nhìn chính xác của Ferran trong môn bóng đá.
Ferran không phải là một người đam mê bóng đá từ trong máu. Khi còn ấu thơ, niềm yêu thích của ông dành cho văn học và đặc biệt là kịch nói. Nền tảng gia đình khá sung túc cho phép Ferran được sống cùng đam mê. Là con trai cả của một thẩm phán, ông được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học cổ điển và có thói quen suy tư từ rất sớm. Năm 18 tuổi, Ferran theo ngành Cử nhân Văn chương của Đại học Montpellier, một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới. Cuộc đời của ông những tưởng sẽ đi theo một con đường bằng phẳng thì Thế chiến thứ Hai nổ ra. Vào lúc ông đang theo học năm thứ 3 đại học thì nước Pháp thất thủ. Quân đội Đức Quốc xã tiến vào Paris và Chính phủ Vichy sau đó đã tuyên bố cộng tác với Hitler. Sự hợp tác này dẫn đến việc hàng trăm ngàn thanh niên Pháp bị quân phát xít lùa vào các trại lao động cưỡng bức. Gia đình Ferran nhận định nếu không kịp thời trốn khỏi Montpellier, rất có thể sẽ đến lượt họ. Bởi thế, vào một ngày mùa xuân năm 1943, Ferran mang cả gia đình ông rời khỏi quê hương, đi xuyên qua các làng mạc và thị trấn để đến bờ Tây của nước Pháp. Tại đó, họ lánh nạn giữa vùng nông thôn thơ mộng của d’Arsac cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Năm 1945, Ferran trở lại quê nhà. Tại đây, ông bắt đầu sự nghiệp phóng viên khi gia nhập tờ Tigre. Ferran vẫn giữ niềm đam mê văn chương của mình. Ông đã tự thử thách nó bằng việc đi dạy học một thời gian song cuộc sống sôi động của một nhà báo đã cuốn hút ông hơn. Năm 1948, Ferran nộp đơn xin vào tòa soạn của tờ L’Équipe. Ông được giao ngay nhiệm vụ lớn, đó là tới Nam Mỹ để đưa tin về một giải đấu rất mới mẻ có tên
dài thượt “Campeonato Sudamericano de Campeones”. Đây là giải đấu do CLB Colo Colo của Chile tổ chức, quy tụ 7 nhà vô địch của 7 quốc gia Nam Mỹ lúc bấy giờ. Riêng Brazil, do chưa hình thành giải vô địch quốc gia nên Vasco Da Gama, CLB vô địch bang Rio, được phép tham dự giải. 7 đội bóng lớn đá vòng tròn 1 lượt để tính điểm nhằm chọn ra đội đoạt Cup. Mặc dù là chủ nhà nhưng Colo Colo không được đánh giá cao. Theo quan điểm của Ferran khi ấy, Vasco Da Gama, River Plate và Nacional mới là những ứng viên của danh hiệu. Bất chấp việc River đang sở hữu hàng tấn công siêu mạnh, trong đó có thiên tài Manuel Moreno cùng tiền đạo vĩ đại Atilio Garcia, họ đã bất ngờ bị Nacional giã đến 3 bàn không gỡ và ngậm ngùi nhìn Vasco đăng quang với 1 điểm nhiều hơn.
Trong suốt gần 40 ngày ăn dầm nằm dề ở Chile, chàng thanh niên Ferran đã tận mắt chứng kiến sự thành công vang dội của giải đấu giữa những CLB chưa từng đụng độ nhau trước đó. Các nhà vô địch đã cống hiến những trận đấu đẹp mắt và thu hút gần 1 triệu lượt khán giả tới sân. Sau này, Ferran tâm sự với tờ El Mercurio rằng: “Chắc chắn Cup châu Âu không thể tồn tại nếu không có giải vô địch các CLB Nam Mỹ 1948, bởi lẽ, giải đấu này đã thúc đẩy sự hình thành những ý tưởng của chúng tôi. Rõ ràng, giải đấu năm đó đã đẩy nhanh quá trình này.” Cũng chính trong dịp tới Nam Mỹ ấy, Ferran đã lần đầu tiên được chứng kiến tài năng của một chàng trai rất trẻ có tên là Alfredo Di Stefano, người mà định mệnh sẽ trao cho thanh gươm để thống trị chiếc Cup châu Âu mà ông sẽ tạo ra trong tương lai.
Trở về châu Âu, Ferran bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp báo chí của mình. Là một người rất giỏi văn chương, các bài báo về bóng đá của ông luôn thu hút lượng lớn công chúng bởi ngôn từ sắc sảo, cộng thêm những nhận định chính xác và sâu sắc. Nhờ những bài báo của Ferran, độc giả đã hiểu bóng đá không chỉ là một trò chơi. Nó còn là chiến lược, là tầm nhìn của những nhà lãnh đạo, thậm chí là cả các quan điểm về chính trị và xã hội nữa. Sự xung đột trong bóng đá đôi khi vượt ra khỏi
ranh giới về thể thao và có thể mang ý nghĩa quốc gia. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ferran đã trở thành nhà báo nổi tiếng khắp nước Pháp. Ông cũng nhanh chóng thân thiết với một đồng nghiệp lão làng tên là Gabriel Hanot. Cả hai chia sẻ rất nhiều quan điểm về bóng đá và báo chí với nhau.
Wolves đấu với Honved
(Nguồn: Guardian)
Năm 1954, sau khi Wolverhampton đánh bại Honved trong một trận giao hữu, cả nước Anh sôi lên sùng sục và báo chí xứ sở sương mù đã gọi bừa Wolves là “nhà vô địch của thế giới”. Ferran cảm thấy nóng mặt. Đúng lúc ấy, Hanot tới gặp ông và cả hai đã bàn bạc với nhau về một giải đấu mới. “Làm sao mà châu Âu, vốn muốn dẫn đầu thế giới bóng đá, lại không thể tổ chức một giải đấu như của Nam Mỹ? Chúng ta cần làm theo tấm gương ấy.” Ferran và Hanot nhận định rằng cần phải tập hợp các CLB vô địch các quốc gia châu Âu để tìm ra đội bóng số 1 thực sự, thay vì những trận đấu giao hữu vô bổ và những lời tán dương vượt quá sự thực sau đó. Để hiện thực hóa giấc mơ, Ferran đã thức thâu đêm để soạn thảo bản kế hoạch Cup châu Âu.
Sau khi bản kế hoạch hoàn tất, hai nhà báo tới gặp Tổng Biên tập Jacques Goddet và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. L'Équipe đề xuất lên UEFA về ý tưởng Cup châu Âu và được thông qua vào mùa hè năm 1955. Ferran lúc này đã chuyển tới làm biên tập viên của một tờ báo khác, đó là France Football. Một lần nữa, ông lại là nhà tiên phong cho thế giới bóng đá. Năm 1956, tức là chỉ 1 năm sau khi Cup châu Âu ra đời, Ferran nêu lên ý tưởng tìm ra cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong năm với sự bình chọn của các nhà báo khắp lục địa. Ban giám đốc của France Football tán thành ý tưởng của Ferran và cuối năm ấy, họ mời các nhà báo thể thao nổi tiếng nhất ở các quốc gia tới trụ sở để bầu chọn một giải thưởng có tên là “Quả Bóng Vàng”. Kể từ đó, Quả Bóng Vàng sẽ song hành cùng với Cup châu Âu và trở thành hai niềm khao khát của mọi cầu thủ trên toàn thế giới.
Mặc dù có công lao to lớn trong việc tạo dựng nên bộ mặt bóng đá thế giới hiện đại, Ferran vẫn không đi vào con đường quản lý chuyên nghiệp. Đối với ông, khát vọng lớn nhất là làm cho bóng đá trở nên hấp dẫn hơn. Bằng tình yêu thể thao và trí tuệ mẫn tiệp, những bài viết của ông luôn bảo vệ tầm vóc và sự công bằng trong môn bóng đá. Ảnh hưởng của ông còn tiếp tục kéo dài khi vào năm 1973, ông cùng với một số nhân vật lớn khác đã sáng lập nên CLB Paris Saint-Germain, một đội bóng theo xu hướng hiện đại bậc nhất của bóng đá Pháp.
Ferran quyết định từ giã làng báo vào năm 1985, ngay sau trận chung kết Cup châu Âu giữa Liverpool và Juventus. Sự kiện bi thảm ở Bỉ đã tác động rất mạnh đến ông. Những gì mà cả cuộc đời Ferran cố gắng tạo dựng đã có một vệt đen không bao giờ xóa mờ và ông cảm thấy đã đến lúc mình cần dừng lại. Những năm tháng cuối đời, Ferran còn tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của Champions League thay thế cho “đứa con Cup châu Âu” của mình. Sự phát triển khủng khiếp của thể thức mới cộng với cơn bão kim tiền do bản quyền truyền hình mang lại đã làm phân hóa sâu sắc các CLB. Giờ đây, chỉ có một nhóm những đội bóng tinh hoa mới đủ khả năng đua tranh ngôi vô địch. Những bất
ngờ ở trận chung kết như Reims, Steaua Bucharest, Malmo, Forest hay Aston Villa sẽ không bao giờ còn nữa. Năm 2006, khi Cup châu Âu tròn 50 tuổi, Ferran đã nói về sự day dứt của ông: “Ngày nay, các quốc gia nhỏ yếu hầu như đứng ngoài cuộc chơi bóng đá. Tất cả những gì quan trọng chỉ là tiền bạc. Chúng tôi tự hỏi rằng liệu có phải chúng tôi đã tạo nên một điều gì đó dẫn tới cái chết của thể thao hay không? Nhưng như mọi người thấy đấy, đó là cuộc sống…”
Tháng 12-2017, Ferran được tạp chí France Football mời tới trao giải thưởng Quả Bóng Vàng cho siêu sao Cristiano Ronaldo. Lúc ấy, ông vừa trải qua một ca phẫu thuật và sức khỏe rất yếu nên buộc lòng phải từ chối. Mặc dù vậy, cho đến tận cuối đời, ông vẫn giữ được sự minh mẫn của mình khi luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn bất cứ khi nào có thể. Nhà báo thể thao vĩ đại này qua đời vào tháng 2-2019, khi đã gần 99 tuổi. Gần trọn thế kỷ của cuộc đời, Ferran đã góp phần tạo nên một thế giới bóng đá sôi động như ngày hôm nay. Trên trang chủ của mình, UEFA cũng xác nhận chính thức Ferran, cùng với Gabriel Hanot, chính là những người đã khai sinh ra Cup châu Âu.
Bằng tất cả trí tuệ, tình yêu và lòng nhiệt huyết của mình…
ĐÊM TRƯỚC BÌNH MINH
Vũ Hoàng (ACMilanVN)
“Wolverhampton Wanderers - The Champions of World”!
Thật là một cái tít mê ly và đầy say đắm! Bây giờ, Wolves đang lóp ngóp ở top dưới của giải Ngoại hạng nhưng vào thời điểm mà Cup châu Âu còn chưa chào đời, đó là cái tên người Anh lấy làm tự hào và muốn khoe với cả thế giới rằng sự thống trị của họ vẫn còn tồn tại.
N
gười Anh không thể nào quên cái đêm tủi nhục tại Wembley vào ngày 25-11-1953 ấy. Trước khi Hungary thần thoại của Puskas và Kocsis giã 6-3 cho đội tuyển
Anh, trong suốt hơn 80 năm, tất cả các đội bóng xứ sở sương mù, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, đã bảo vệ sự tôn nghiêm của nơi khai sinh ra bóng đá. Họ chống trả lại mọi cuộc tiến công của các đội bóng nước ngoài và bất bại cho đến cái đêm ở Wembley ấy. Trận thua trước Hungary là một gáo nước lạnh hắt vào cái đầu tự mãn của người Anh. Nhà báo Gabriel Hanot đã bình luận: “Người Anh chiến đấu với dĩa và liềm còn người Hungary có vũ khí tự động.” Sự tự tôn của quê hương bóng đá một lần nữa bị giày vò. Ở trận tái đấu tại Budapest 6 tháng sau đó, đội Anh thiếu vắng cầu thủ vĩ đại nhất của mình là Stanley Matthews, do vậy, không còn ai đủ tài năng đọ sức với các siêu sao chủ nhà; kết quả là, thầy trò Winterbottom còn chịu sự sỉ nhục lớn hơn: 1-7.
Chính vì những thất bại liên tiếp trước Hungary và trước đó là World Cup 1950 muối mặt, giới truyền thông Anh chỉ chờ đợi một dịp để “gáy” vang trời. Và cái ngày lịch sử ấy đã đến.
Cho đến thập niên 1950, việc có hệ thống đèn chiếu sáng là của hiếm trong bóng đá. Vì các trận đấu cần đủ ánh sáng nên đa phần, thời gian các cầu thủ ra sân luôn là khoảng sau giờ trưa. Mãi đến năm 1950, Southampton mới trở thành CLB tiên phong trong việc lắp đèn pha trên sân The Dell của họ. Như vậy, thay vì đá vào buổi chiều sớm, giờ đây, đội bóng này còn đá được cả vào buổi tối nữa. Thật là một cuộc cách mạng vĩ đại!
Tất nhiên, Wolves không thể bỏ qua sự cách tân này được. Các cốp của “Bầy sói” lập tức lên kế hoạch và cuối cùng, năm 1954, đội bóng đã hoàn tất việc lắp đặt dàn đèn pha xịn sò cho Molineux. Khác với Southampton, Wolves tận dụng ngay cơ hội để quảng bá thương hiệu. Họ vừa giành ngôi vô địch Anh lần đầu tiên vào mùa hè năm ấy và đây là lúc để tạo dựng danh tiếng của mình. Ban lãnh đạo Wolves lập tức mời một số CLB nước ngoài tới Anh giao hữu tại Molineux nhưng các trận đấu thay vì diễn ra vào lúc chiều thì nó lại diễn ra vào buổi tối mịt.
Tất cả chỉ vì cái dàn đèn pha xịn sò mới cáu.
Lần lượt các ngôi sao Nam Phi, Celtic, Racing Club, Spartak Moscow và Maccabi Tel Aviv đã tới đấu với đội chủ nhà. Đây đều là những đội bóng tên tuổi lúc ấy. Celtic vừa giành chức vô địch Scotland. Racing là CLB thống trị bóng đá Argentina nhiều năm trong khi Spartak thuộc nhóm mạnh nhất của Liên bang Xô viết. Wolves đã giành được những kết quả đáng khâm phục khi họ bất bại trước các đối thủ này, trong đó có các trận thắng hủy diệt trước những đội bóng đến từ Israel và Liên Xô. Đó là tiền đề để Wolves tự tin đối mặt với đội bóng vĩ đại mang tên Honved.
Ngày nay, có lẽ nhiều người không biết đến Honved nhưng cách đây ngót 70 năm, đây là một CLB cực kỳ phi thường. Họ sở hữu một dàn sao mà chỉ nghe qua tên đã thấy chóng mặt như Puskas - một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, Kocsis - vua phá lưới World Cup 1954, Grosics - một trong những thủ môn hay nhất lịch sử và là thần tượng bóng đá trong thế kỷ XX của
Hungary, hay Czibor - sau này là thành viên trụ cột của Barcelona cuối thập niên 1950. Có thể mời Honved sang đá giao hữu trong kỷ nguyên của Chiến tranh Lạnh thì rõ ràng là một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao và đẩy danh tiếng của Wolves lên cao vút. Chính vì lý do ấy, BBC đã quyết định làm một việc hết sức đặc biệt: tường thuật trực tiếp trận đấu. Bây giờ, với truyền hình cáp và internet, việc xem trực tiếp một trận bóng đá đỉnh cao là quá sức bình thường. Nhưng vào thời mà không phải nhà nào cũng có ti vi, phát trận đấu đang diễn ra trên sóng truyền hình là một điều vô cùng mới mẻ. Trước đó 1 năm, trận chung kết Cup FA được mệnh danh là “chung kết của Matthews” mới là chương trình bóng đá đầu tiên phát sóng trực tiếp. Chính vì sự kiện đặc biệt này, trận đấu giữa Wolves và Honved đã được cả nước Anh háo hức đón xem.
Tỷ số đã thay đổi từ sớm. Honved, với sức mạnh của các siêu sao hàng đầu thế giới, đã nhanh chóng dẫn trước 2-0 chỉ sau 15 phút. Thủ thành Bert Williams, một cựu nhân viên của Không quân Hoàng gia Anh, bay nhảy như chú mèo (ông có biệt danh là “The cat”) trong khung gỗ để cứu thua cho Wolves. Nếu không có Williams, cách biệt có lẽ phải lên đến 4-5 bàn. Nhờ tài nghệ của Williams, tinh thần các cầu thủ chủ nhà đã dần lấy lại và bắt đầu kiểm soát thế trận. Thế nhưng, dù cầm bóng nhiều hơn, Wolves vẫn chỉ loanh quanh ngoài khu cấm địa và thi thoảng sút cầu may về phía khung thành của Honved. Vào giờ nghỉ giải lao, huấn luyện viên Stanley Cullis nghĩ ra một kế. Ông ra lệnh cho nhân viên sân bóng mang bình nước ra tưới lên cỏ cho nó… đẹp. Trước đấy, trời đổ mưa liền mấy ngày và sân bóng vẫn còn khá ướt. Cullis nhanh chóng nhận ra sự khác biệt ở đôi giày của hai đội. Với những chiếc giày khá nhẹ, các cầu thủ Honved chắc chắn sẽ gặp khó khăn trên mặt sân lầy lội. Quả nhiên, ông đã đúng. Ron Atkinson, huấn luyện viên tiền nhiệm của Sir Alex Ferguson ở MU, lúc ấy cũng tham gia tưới nước, nhớ lại: “Tôi luôn tin chắc chắn rằng, nếu Cullis không ra lệnh tưới nước cho chúng tôi, có lẽ Honved đã thắng tới… 10-0.” Sau khi màn tưới nước được thực hiện, mặt sân Molineux trông như bãi chăn bò
và các cầu thủ thì như móc từ dưới cống lên. Phía Honved, Puskas và đồng đội phải cố giữ thăng bằng để không bị trượt ngã trong khi các cầu thủ Wolves, với đôi giày nặng, tỏ ra rất thích hợp với “mặt ruộng” này. Phút 54, Wolves được hưởng quả penalty và rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Hai mươi phút sau, Roy Swinbourne ghi bàn san bằng cách biệt rồi ấn định chiến thắng 3-2 chỉ trong vòng có 60 giây. Honved sụp đổ còn Wolves lâng lâng vì chiến thắng. Các cầu thủ chủ nhà, trong trang phục dính đầy bùn đất, lăng quăng chạy khắp sân ăn mừng. Còn khán giả xem ti vi đã được dịp vui sướng đến tột độ khi chứng kiến nhà vô địch Anh đánh bại Honved vĩ đại. Trận đấu ấy đã tạo nên niềm cảm hứng cho nhiều tên tuổi lớn của bóng đá Anh trong tương lai, trong đó có Gordon Banks và George Best.
“Wolves, the Great!” - Daily Mirror giật tít.
“Wolves, the Champions of the world” - Daily Mail bốc thơm. “Bóng đá Anh vẫn là hay nhất thế giới” -Daily Express hít hà.
Sau trận đấu, hàng loạt tiêu đề như trên xuất hiện khắp các sạp báo đã kích động sự sùng bái Wolves lên các khán giả Anh quốc. Thế nhưng, không phải ai cũng bị mờ mắt bởi điều này. Nhà báo Gabriel Hanot đăng một bài dài trên tờL’Equipe, trong đó, ông viết: “Hãy ngừng việc tuyên bố bất khả chiến bại của Wolverhampton cho đến khi đội bóng này tới thi đấu ở Moscow và Budapest. Ngoài ra, vẫn còn có các đội bóng khác ở đẳng cấp thế giới như Real Madrid và AC Milan chẳng hạn. Giải vô địch thế giới cấp CLB hoặc ít ra là giải đấu châu Âu, một giải lớn hơn, có ý nghĩa và danh giá hơn Cup Mitropa và độc đáo hơn giải cho các đội tuyển quốc gia, nên được xuất hiện.” Jacques Ferran, nhà báo hàng đầu nước Pháp, đồng tình. Ông đã từng lặn lội tới tận Nam Mỹ để đưa tin về giải Campeonato Sudamericano, tiền thân của Copa Libertadores, bởi thế đã hình dung trong đầu về cách thức thực hiện. Tổng Biên tập Jacques Goddet củaL’Equipe cũng hoàn toàn tán đồng ý kiến của cấp dưới. “Chúng ta dám…” - L’Equipe đã giật
tít như vậy vào ngày 16-12-1954, khởi đầu cho sự bùng nổ của bóng đá hiện đại. UEFA hoàn toàn không hài lòng khi tổ chức điều hành bóng đá châu Âu bị một tờ báo qua mặt. Cùng với một loạt các Liên đoàn bóng đá khác, UEFA đã ra thông báo phản đối “ý tưởng điên rồ” của người Pháp.
Không nản chí, ngày 03-02-1955, L’Equipe đã đăng chi tiết kế hoạch Cup châu Âu của mình. Đó là công sức sau nhiều ngày nghiền ngẫm của Jacques Ferran. Bài báo ngay lập tức gây tiếng vang rất lớn và kéo theo lời tuyên bố ủng hộ của Chủ tịch Real Santiago Bernabeu. Để hiện thực hóa giấc mơ, Tổng Biên tập Goddet đã quyết định mời lãnh đạo các CLB hàng đầu châu Âu tới họp để cùng nhau tổ chức giải đấu. L’Equipe lên một danh sách gồm 18 đội bóng thuộc 18 quốc gia có nền bóng đá hùng mạnh nhất thời bấy giờ, phần lớn là các nhà vô địch quốc gia hoặc nếu không cũng là những đội bóng nổi tiếng bậc nhất của quốc gia đó. Đó là tư duy cực kỳ hiện đại của các nhà báo Pháp. Họ thừa hiểu, để Cup châu Âu tồn tại thì cần phải có tiền. Mà để có tiền, những đội bóng tham dự phải là những đội có lượng cổ động viên hùng hậu. Chính vì vậy, L’Equipe đã đưa ra những lựa chọn thực dụng nhất có thể. Ví dụ như việc họ bỏ qua Hajduk Split, đội bóng đang dẫn đầu giải vô địch Nam Tư, để thay thế bằng FK Partizan - CLB có sự hậu thuẫn cực lớn từ quân đội. Hay như Rapid Vienna, được chỉ đích danh bởi đó là CLB nổi tiếng và được hâm mộ nhất nước Áo. Tương tự là trường hợp của Hibernian, đội bóng danh tiếng nhất Scotland lúc này với hàng tấn công gồm 5 cái tên đang cực kỳ được yêu mến có biệt danh là “Famous Five”.
Ngày 02-04-1955, các đội bóng được lựa chọn tham dự mùa giải đầu tiên đã cử đại diện của mình tới khách sạn Ambassador ở Paris để thảo luận về kế hoạch thi đấu. Tuy nhiên, phía Dynamo Moscow đã không cho người tới với lý do… thời tiết và do đó, sẽ bị gạt khỏi giải đấu. Chủ tịch keo kiệt Harry Swan của Hibernian cũng không đến dự nhưng đội bóng Scotland này vẫn được giữ lại bởi danh tiếng quá lớn lao ở thời điểm ấy. Bốn đại diện của
L’Equipe là Tổng Biên tập Jacques Goddet và các nhà báo Robert Thominet, Jacques de Ryswick và Jacques Ferran cùng 20 nhà lãnh đạo của 15 đội bóng hàng đầu châu Âu đã bàn thảo sôi nổi trong nhiều giờ. Cuối cùng, một Ủy ban Điều hành giải đấu được thành lập do ông Ernest Bedrigans, người Pháp, làm Chủ tịch. Hai Phó Chủ tịch gồm Bernabeu - người Tây Ban Nha và Gusztav Sebes - người Hungary. Tổng Thư ký John Battersby của Chelsea cùng đại diện các CLB Saarbrücken, Servette và Rot-Weiss Essen là ủy viên. Sau cuộc họp, L’Equipe đã cho đăng tải toàn bộ thông tin lên trang nhất của mình. Cả châu Âu sôi lên sùng sục.
Đến lúc này, UEFA đã nhận ra họ đang mất quyền kiểm soát bóng đá lục địa. Việc L’Equipe thực hiện đã giáng mạnh vào lòng tự tôn của tổ chức này. Cuối cùng, UEFA tuyên bố sẽ không cản trở L’Equipe và các CLB nếu họ đáp ứng ba điều kiện sau: thứ nhất, các đội tham gia phải nhận được sự đồng ý của Liên đoàn bóng đá quốc gia nước sở tại; thứ hai, giải đấu sẽ do UEFA quản lý và điều hành; thứ ba, giải đấu phải có một tên khác không chứa từ “châu Âu” nhằm tránh đụng chạm tới giải đấu cấp đội tuyển quốc gia mà UEFA đang nghiên cứu và lên kế hoạch. Một tháng sau, Ủy ban Điều hành lâm thời đã đồng ý.
Ngày 17-05-1955, Ban tổ chức lâm thời đã họp tại Madrid và thông qua việc đặt tên cho giải đấu mới mẻ này là Cup Seeldrayers, theo tên của Chủ tịch FIFA lúc ấy là ông Rodolphe Seeldrayers. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận việc tổ chức, UEFA đã đổi tên thành “Cup các CLB vô địch châu Âu”, hay gọi tắt là “Cup châu Âu”. FIFA cũng đồng ý thông qua kế hoạch này và chỉ yêu cầu giải đấu không được trùng với các giải vô địch quốc gia. Ban tổ chức đã thống nhất sẽ thi đấu Cup châu Âu vào giữa tuần và nó vẫn diễn ra như vậy cho đến tận ngày nay.
Thế nhưng, không phải đội bóng nào được L’Equipe mời cũng tham gia giải đấu đầu tiên. Đương kim vô địch nước Anh là Chelsea khi ấy buộc phải từ chối trước áp lực khủng khiếp của Liên đoàn bóng đá Anh. FA cho rằng Cup châu Âu sẽ đe dọa giải
đấu quốc nội và The Blues đành ngậm ngùi tuân theo. Chelsea phải chờ tới 44 năm sau mới được thưởng thức hương vị của giải đấu lớn nhất thế giới cấp CLB.
Để đảm bảo chất lượng và sự thu hút, UEFA cũng quyết định, các cặp đấu được phân ra dựa trên tiêu chí các đội nổi tiếng nhất sẽ tránh gặp nhau ở những vòng đầu. Như vậy, hoàn toàn không có một lễ bốc thăm phân cặp nào ở mùa giải đầu tiên. Lúc này, luật bàn thắng trên sân đối phương chưa có và nếu tổng tỷ số của hai trận lượt đi và về hòa nhau, hai đội sẽ phải đá một trận play-off để quyết định thắng thua. Thật may! Ở mùa đầu tiên, không có bất cứ cặp đấu nào cần đến trận thứ ba để giải quyết.
Trận đấu đầu tiên của Cup C1
(Nguồn: Twitter)
Khác với những trận đấu sau này, trận khai mạc của Cup châu Âu được lựa chọn diễn ra vào ngày Chủ nhật, 04-09-1955 trên
ợ ự ọ g y ậ
sân vận động quốc gia Bồ Đào Nha, giữa đội chủ nhà Sporting với FK Partizan. Một biểu tượng cho sự đoàn kết của châu Âu, khi mà hai đội bóng một ở phía Tây và một ở phía Đông lục địa. Hôm ấy, tiền đạo huyền thoại Joao Martins đã đi vào lịch sử khi ông trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại các Cup châu Âu.
Joao Martins là nhân vật thể thao vĩ đại nhất ở quê nhà Sines. Được mệnh danh là “cây vĩ cầm thứ 6”, Martins đã ghi 258 bàn cho Sporting. Ông xuất thân không phải là một cầu thủ chuyên nghiệp mà là một người thợ thủ công chuyên khắc nút chai. Nhưng tài năng bóng đá kiệt xuất đã khiến ông được rất nhiều đội bóng chuyên nghiệp lôi kéo. Cuối cùng, ông gia nhập Sporting bởi đây là “đội bóng của trái tim ông”. Trong 13 mùa giải, Martins đã giúp Sporting vô địch Bồ Đào Nha 7 lần. Năm 1959, Martins từ giã sân cỏ ở tuổi 32. Cuộc sống vất vả của một cầu thủ hết thời đã khiến ông phải trôi dạt sang Pháp và trở thành một công nhân. Không ai có thể ngờ người thợ máy chăm chỉ mỗi ngày đã từng là một tiền đạo xuất chúng. Martins qua đời năm 1993 ở tuổi 66. Truyền thông Bồ Đào Nha khi đó tin rằng ông chính là trung phong vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước này, nếu không tính đến “người nhập cư” Eusebio. Không chỉ ghi bàn giỏi, Martins còn được biết đến như là biểu tượng của lối chơi đẹp và tinh thần chuyên nghiệp. Ông sẵn sàng đá ở tất cả các vị trí mà huấn luyện viên giao cho, kể cả thủ môn. Trong suốt sự nghiệp của mình, Martins chưa bị trọng tài thổi phạt một lần nào.
Một cầu thủ khác cũng nối gót Joao Martins để viết tên vào lịch sử. Đó là Milos Milutinovic, một trong những tiền đạo cánh vĩ đại nhất từ trước đến nay. Ông không chỉ là người thứ 2 ghi bàn tại Cup châu Âu mà còn là người đầu tiên lập cú đúp, rồi kế đến là cú hat-trick và cú poker tại giải đấu để trở thành Vua phá lưới của mùa giải khởi đầu.
Ngày 13-06-1956, trên sân vận động Parc des Princes ở thủ đô Paris, Real Madrid đánh bại Stade de Reims 4-3 trong trận chung kết đầu tiên cực kỳ hấp dẫn. Các cầu thủ áo trắng chạy quanh
sân bóng, giơ cao chiếc Cup châu Âu tuyệt đẹp trước hàng chục ngàn khán giả. Đó là tặng phẩm của tạp chí L’Equipe cho giải đấu, một biểu tượng của nhà vô địch. Ngày nay, chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn chiếc Cup đầu tiên này ở Bảo tàng của Real Madrid. Đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã được trao tặng vĩnh viễn chiếc Cup vào năm 1966 sau khi họ có lần thứ 6 trở thành nhà vô địch.
Phiên bản đầu tiên của Cup C1
(Nguồn: Wikipedia)
Trở lại mùa hè năm 1955, sau khi UEFA đồng ý tổ chức Cup châu Âu, L’Equipe đã bắt đầu tiến hành việc thiết kế chiếc Cup giành cho nhà vô địch tương lai. Họ đã lựa chọn người thợ kim hoàn nổi tiếng Leon Maeght ở Amiens để tạo nên vật phẩm. Maeght đã mất rất nhiều tháng để vẽ kiểu dáng và tạo khuôn đúc. Cuối cùng, chiếc Cup châu Âu đã được hoàn tất. Chiếc Cup phiên bản đầu tiên được mô phỏng theo những chiếc bình dùng để đựng chất lỏng trong những chuyến vận tải bằng đường biển hoặc đường bộ khi xưa. Nó cao 66 cm, được làm hoàn toàn bằng bạc và được đặt lên giá đỡ bằng đá cẩm thạch. UEFA quy định các đội vô địch khi đó được giữ một phiên bản nhỏ hơn của chiếc Cup thật và được giữ chiếc Cup thật trong khoảng thời
gian diễn ra 2 trận chung kết Cup châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 1966, UEFA đã ra quyết định rằng kể từ mùa bóng này, bất cứ CLB nào vô địch châu Âu 5 lần hoặc vô địch liên tục 3 năm sẽ được giữ phiên bản gốc của chiếc Cup. Ngay sau khi quyết định trên đưa ra, chiếc Cup châu Âu bản gốc đầu tiên đã thuộc về Real Madrid, đội bóng thỏa mãn cùng lúc cả 2 điều kiện trên.
Để thay thế cho chiếc Cup của Maeght, UEFA đã tiến hành việc thiết kế một phiên bản khác. Phiên bản mới này do thợ kim hoàn người Thụy Sĩ, Jorg Stadelmann, chế tác. Chiếc Cup này được làm to và cao hơn phiên bản đầu tiên với hình dạng gần như khác biệt hoàn toàn. Ngay tay cầm của chiếc Cup cũng được làm mảnh hơn và to hơn. Tương tự như bản đầu, chiếc Cup thứ hai cũng được làm hoàn toàn bằng bạc, cao 74 cm, tức là cao hơn chiếc Cup ban đầu 8 cm. Nó nặng khoảng 11 kg và có giá trị khoảng chừng 30.000 € ngày nay. Hình dáng độc đáo của chiếc Cup phiên bản thứ hai đã khiến rất nhiều cổ động viên thích thú và gọi bằng biệt danh “Cup tai to” (big ears Cup). Tương tự như chiếc Cup đầu tiên, các CLB vô địch cũng sẽ được giữ Cup thật trong khoảng 1 năm, đồng thời được phép làm một phiên bản nhỏ hơn. Với quy định về giữ Cup vĩnh viễn, trong những năm sau đó, lần lượt Ajax, Bayern, Milan và Liverpool đã mang về phòng truyền thống của mình các phiên bản gốc của chiếc Cup châu Âu. Từ năm 2009, UEFA đã bãi bỏ quy định trên và như vậy, sẽ chỉ có 5 CLB được giữ chiếc Cup thật. Những đội bóng vô địch được giữ phiên bản nhỏ hơn (khoảng chừng 80%) để trưng bày. Vậy là, tổng cộng có tất cả 6 chiếc Cup châu Âu thật do UEFA và L’Equipe đặt hàng chế tác được sử dụng trong suốt lịch sử giải đấu.
Với chiến tích ở ngay mùa giải đầu tiên, Real Madrid đã đặt nền móng cho sự tồn tại vững chắc của Cup châu Âu. Những chiến thắng của Real đã làm danh tiếng Cup châu Âu bay cao. Ở mùa giải sau đó, Manchester United bất chấp những lời đe dọa của FA, đã dũng cảm tham gia giải đấu và trở thành đội bóng Anh đầu tiên thi đấu tại châu lục. Các CLB khác cũng noi gương theo,
lần lượt tham gia và khiến mùa thứ 2 được mở rộng lên thành 22 đội.
Kể từ đấy, Cup châu Âu đã biến thành khát vọng của mọi cầu thủ tại lục địa và là minh chứng cho sự vĩ đại.
Nhưng UEFA vẫn không ngừng hoàn thiện giải đấu để nó trở nên hấp dẫn hơn. Một trong những quyết định rất lớn chính là việc xuất hiện luật “bàn thắng trên sân đối phương”. Ngay từ mùa giải đầu tiên, Cup châu Âu đã xác định rằng khi hai đội bóng gặp nhau, họ sẽ lần lượt thi đấu trên sân nhà của mỗi đội. Trong trường hợp tổng tỷ số của 2 lượt trận ngang nhau, hai đội sẽ thi đấu thêm một trận thứ 3 gọi là “play-off” để phân định thắng thua. Việc thi đấu 2 lượt trận đảm bảo sự công bằng cho 2 bên, tránh tình trạng giống như Wolverhampton mời thi đấu giao hữu tại sân nhà rồi “nổ” như pháo rang. Ngoài ra, đó cũng là một cách gia tăng đáng kể nguồn thu từ bán vé trong thời đại chưa có bản quyền truyền hình.
Trong khoảng 10 mùa giải đầu tiên, luật play-off bắt đầu bộc lộ những khuyết điểm của mình. Việc buộc phải đá thêm trận thứ 3 kéo theo lịch thi đấu kéo dài hơn so với dự kiến. Các cầu thủ cũng gặp nhiều vấn đề về mặt phong độ. Ngoài ra, luật play-off quy định đội đá sân nhà lượt đi sẽ được đá trận play-off trên sân nhà một lần nữa thay vì sân trung lập. Điều này dẫn tới các đội đá sân nhà lượt đi có lợi thế lớn trong các trận đấu thêm. Không ít đội đã tận dụng điều này để đi tiếp, ví dụ như Real Madrid vượt qua Rapid Wien sau khi hòa 5-5 (mùa 1956-57), hoặc Dortmund trước các đối thủ Spora Luxembourg (mùa 1956-57) và Steaua Bucuresti (mùa 1957-58). Đặc điểm chung là trong ba loạt trận này, nếu tính theo luật bàn thắng trên sân đối phương như ngày nay, chính Real và Dortmund mới là những đội bị loại.
Theo luật bàn thắng trên sân đối phương, trong trường hợp tổng tỷ số của 2 lượt trận là ngang nhau, mỗi bàn thắng trên sân đối phương sẽ được tính gấp đôi. Có nghĩa là nếu một đội A
thắng 2-1 trên sân nhà, sau đó thua 0-1 trên sân đội B thì đội B là đội đi tiếp do có 1 bàn thắng trên sân đối phương được nhân đôi, tỷ số không chính thức khi đó sẽ là 2-3 nghiêng về phía đội B. Sau những thử nghiệm mang tính nhỏ giọt ở Cup C2 và Cup Hội chợ (tiền thân của UEFA Cup, tức Europa League bây giờ), luật mới bắt đầu được áp dụng cho Cup châu Âu từ mùa giải 1967-68.
Như vậy, UEFA đã tạo ra một luật vô cùng đúng đắn ngay từ cách đây nửa thế kỷ. Có rất nhiều lý giải về việc tại sao bàn thắng sân đối phương lại được coi trọng như thế. Theo một thống kê rất chi tiết về các trận đấu ở giải Premier League trong những năm qua, các đội chủ nhà đã tận dụng lợi thế sân đấu của mình để giành chiến thắng tới 50,5% số trận trong khi các đội khách chỉ chiến thắng chưa đầy 26%. Và thực tế thì ngay từ thế kỷ XIX, các đội chủ nhà luôn có tỉ lệ thắng cao hơn rất nhiều so với các đội khách. Đó là lý do ngay từ lúc ấy, UEFA đã nhận ra lợi thế của các đội chủ nhà.
Trước tiên, đội chủ nhà luôn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi trước trận đấu hơn đội khách. Họ không phải di chuyển xa để thi đấu, một điều đặc biệt quan trọng ở thập niên 1960 và 1970. Chúng ta đều biết rõ thời kỳ đó, đi lại giữa các quốc gia châu Âu không hề đơn giản khi mà hàng không chưa phát triển. Các đội bóng đã phải di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau để đến được sân đối phương và sẽ đối mặt với tình trạng thể lực bị suy giảm. Yếu tố này có thể đã dần bị xóa nhòa khi các tiến bộ của công nghệ cho phép các CLB bay khắp lục địa trong một khoảng thời gian ngắn nhưng những yếu tố sau đó thì vẫn tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Một trong những khác biệt lớn nhất của yếu tố sân nhà chính là việc quen sân. Các cầu thủ khi đá trên một mặt sân quen thuộc luôn có xu hướng thi đấu tự tin và tốt hơn hẳn các mặt sân lạ. Sân nhà là nơi các đội bóng thường đá một nửa số trận mỗi mùa, điều đó khiến họ có cảm nhận hoàn toàn khác biệt so với những
đội khách. Các nghiên cứu của Seckin và Pollard cho thấy sự quen thuộc với khí hậu, thời tiết và địa hình có ảnh hưởng tích cực với đội chủ nhà. Lợi thế này sẽ trở nên rất lớn nếu nơi thi đấu khắc nghiệt như có một mùa đông lạnh lẽo hay ở trên một vùng đất quá cao khiến không khí bị loãng. Mặt sân cũng ảnh hưởng nhiều tới lối chơi của một đội bóng. Thông thường, chiến thuật riêng của từng đội sẽ khiến việc chăm sóc cỏ cũng được biến đổi theo để phù hợp. Đó là còn chưa kể các đội chủ nhà có quyền thay đổi mặt sân theo ý đồ của họ. Ví dụ lớn nhất chính là việc Wolves đã tưới nước lên mặt cỏ ngay trong giờ nghỉ để lật ngược tình thế trước Honved.
Các lợi thế khác có thể kể tới là sự cổ vũ của khán giả. Một thống kê cho thấy trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, khi khán giả không được tới sân bóng, tỉ lệ thắng của các đội chủ nhà đã giảm mạnh trong khi lại có xu hướng tăng đối với đội khách. Ví dụ như Serie A mùa 2020-21, các đội khách đã thắng tới 37% số trận, nhiều hơn hẳn so với mùa trước khi có dịch (khoảng 27%), và tiệm cận với tỉ lệ thắng của đội chủ nhà lúc ấy (khoảng 40,2%). Nhà nghiên cứu Ryan Boyko đã tính toán sau khi thống kê từ hơn 5.000 trận đấu rằng cứ mỗi 10.000 khán giả trên sân sẽ mang lại lợi thế cho đội chủ nhà là 0,1 bàn. Vậy sẽ thế nào nếu đó là một biển người như Bernabeu, Camp Nou hay San Siro? Chắc chắn, lợi thế sẽ rõ rệt hơn hẳn. Không phải ngẫu nhiên khi các cầu thủ thường hay nói rằng sự cổ vũ của khán giả nhà khiến họ luôn cảm thấy hưng phấn và tự tin hơn. Ngoài ra, âm thanh của đám đông cũng khiến các cầu thủ đội khách không thể tập trung bằng các cầu thủ đội nhà, vốn đã quá quen thuộc với điều này. Sự cổ vũ của đám đông khán giả còn dẫn tới các trọng tài có xu hướng trong vô thức thiên vị đội chủ nhà hơn. Đây hoàn toàn là vấn đề cảm xúc của con người khi đứng trước sức ép từ một số lượng đủ lớn những người xung quanh mình.
Cuối cùng, lợi thế sân nhà sẽ ảnh hưởng tới những yếu tố sinh học của cầu thủ. Khoa học đã chứng minh rằng đàn ông nói riêng và giống đực nói chung luôn có xu hướng mạnh mẽ và tập
trung hơn khi phải bảo vệ “lãnh thổ” của mình. Các thủ môn luôn thi đấu ở sân nhà tốt hơn chính vì có sự tập trung này trong khi các cầu thủ tuyến trên sẽ tấn công mạnh hơn nhiều so với lúc họ trở thành đội khách. Khi các đội chủ nhà mở tỷ số, họ sẽ giành tới 84,85% số điểm trong khi với đội khách, con số này rút xuống còn 76,25%. Cũng vì thế, phòng thay đồ còn luôn được thiết kế sao cho các cầu thủ chủ nhà thoải mái nhất trước mỗi trận đấu, góp phần đáng kể vào việc gia tăng khả năng chiến thắng.
Từ những lý do trên, chúng ta dễ dàng nhận ra việc ghi bàn khi làm khách khó hơn thế nào khi được đá trên sân nhà. Các đội bóng giờ đây không chỉ cần ghi bàn mà còn phải cố ghi nhiều bàn nhất có thể khi xa nhà, bởi lúc ấy, họ sẽ có thêm lợi thế rất lớn để điền tên mình vào vòng trong.
Cup châu Âu đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều chính từ quy định ấy của UEFA.
DÒNG CHẢY
REAL THẦN THÁNH VÀ HÀNH TRÌNH CỦA BERNABEU
Dũng Phan
Khi tiếng Real Madrid được gọi, bán cầu não phải của người hâm mộ sẽ hình dung ra một thế lực vĩ đại ở đấu trường châu Âu, hoàng đế của Champions League, CLB vĩ đại nhất thế kỷ XX và vẫn không có dấu hiệu nhường ngôi khi thế giới đi đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI. Nhưng làm gì có cái nào tự nhiên sinh ra? Lại càng không có chuyện một hoàng đế đùng đùng đứng ở đó. Tất cả đều được xây dựng từ những cái bé nhỏ nhất, và Real Madrid cũng không ngoại lệ.
V
ào năm 1876, tại Tây Ban Nha có một dự án giáo dục tên là “Institución Libre de Enseñanza” (tiếng Anh: The Free Institution of Education, viết tắt là ILE) được thành lập,
có trụ sở tại Đại học Complutense của Madrid. Đây là một dự án được tạo nên bởi những giáo sư đại học muốn làm cách mạng cho ngành giáo dục của đất nước Tây Ban Nha, những con người mang tham vọng thoát ly khỏi sự áp đặt của nền giáo dục cũ. Những vị giáo sư đáng kính đang mang suy nghĩ đổi mới về văn hóa, giáo dục, xã hội đã không thể ngờ quyết định ngày đó của họ, sẽ là câu chuyện đầu tiên để tạo nên đội bóng đá vĩ đại nhất thế giới sau đó hơn 100 năm.
Để đi đến những mục tiêu giáo dục mà mình theo đuổi, ILE đã tiếp thu các luồng gió mới đến từ nhiều nơi ở châu Âu, trong đó có Anh. Và định mệnh trớ trêu khi một số sinh viên tốt nghiệp Đại học Cambridge và Oxford lúc đến Madrid cũng giới thiệu cho người Madrid về một môn thể thao có tên gọi là “bóng đá”. Thế là năm 1897, một CLB bóng đá thuở sơ khai đầu tiên đã ra
đời tại Madrid, CLB có tên là Sky. 3 năm sau, vào năm 1900, Sky được tách ra làm 2 CLB là “New Foot-Ball de Madrid” và “Madrid Football Club”. Đến ngày 06-03-1902, ngày mà sau này sẽ trở thành ngày thành lập CLB, 2 CLB trên được sáp nhập lại dưới cái tên Madrid Football Club, đặt trong sự bảo trợ của một vị Chủ tịch tên là Juan Padrós.
Giống như những thiên thạch va đập vào nhau, rồi vỡ tan để kết hợp lại thành một tinh cầu lớn hơn, CLB Real Madrid đã được hình thành theo cách như thế. Cùng với đó là bốn danh hiệu Copa del Rey liên tiếp từ năm 1905 đến 1908 để đảm bảo cho sự tồn tại của cái tên Madrid Football Club. Năm 1920, điều đẹp đẽ nhất đã đến với Madrid Football Club, khi họ được vua Alfonso XIII bảo trợ và phong tước hiệu Real (Hoàng gia) cho câu lạc bộ. Đấy là thời khắc cái tên Real Madrid huyền thoại ra đời. Đến năm 1931, vì sự ra đời của nền Cộng hòa ở Tây Ban Nha nên đội bóng mất đi tước hiệu hoàng gia, trước khi lấy lại được chiếc vương miện màu vàng lần thứ 2 vào năm 1941 và giữ đó cho đến tận bây giờ.
Vào năm 1905, khi Real Madrid chính thức giành được chiếc Cup Nhà Vua, danh hiệu đầu tiên trong lịch sử CLB, đội bóng đã có được một nền tảng lịch sử vững chắc để yên tâm hoạt động. Đến mùa giải 1931-32, chức vô địch quốc gia đầu tiên đến sau khi họ kết thúc hành trình với một kỷ lục bất bại (thắng 10, hòa 8). Đến mùa giải 1932-33, Real Madrid bảo vệ thành công để lần thứ hai liên tiếp trở thành nhà vô địch quốc gia. Trước khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ, Real Madrid đã đút túi 9 danh hiệu (bao gồm Cup Nhà Vua và La Liga), chỉ sau 37 năm thành lập.
Vào ngày 01-09-1939, những chiếc xe tăng của Đức Quốc Xã phá vỡ đường biên giới vào Ba Lan. Khi tiếng súng nổ tại châu Âu, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, mở màn cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Tất cả mọi hoạt động bóng đá bị đình trệ. Tây Ban Nha giai đoạn này nằm dưới quyền Tướng quân Francisco Franco. Nhà nước do Franco lập nên theo thể chế
“Nhất thể toàn trị độc tài”, với Franco là Quốc trưởng. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Tây Ban Nha chọn cho mình vị trí trung lập, không tham chiến, nhưng ngầm giúp đỡ cho hai đồng minh của họ là Đức và Ý thuộc phe trục. Điều này dẫn đến sau khi chiến tranh kết thúc, quốc gia này chịu lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, bị chối bỏ bởi các quốc gia phương Tây, cho đến khi được đích thân Hoa Kỳ đứng ra bảo trợ và được Liên Hiệp Quốc chào đón lại vào năm 1955. Như đã biết, đấy cũng chính là thời điểm Real Madrid đến với chiếc Cup C1 đầu tiên trong lịch sử của mùa giải 1955-56.
Vậy còn trước đó? Xin thưa là bóng tối.
Thập niên 40 của thế kỷ trước chứng kiến sự thống trị của Valencia, Atletico Madrid và Barcelona. Trong khi Real Madrid là con số 0 tròn trĩnh, thì Barcelona và Valencia mỗi đội có 3 chức vô địch và Atletico Madrid có 2 chức vô địch La Liga. Người Real Madrid sẽ tiếp tục chìm khuất trong bóng đêm đó nếu như không có một người đàn ông vĩ đại, người đã tiếp nhận chức Chủ tịch CLB vào ngày 11-09-1943, để từ đây, sẽ kéo đội bóng này đi qua bóng đêm và đến với bình minh rực rỡ. Ông chính là vị chủ tịch vĩ đại mà cái tên đã trở thành bất tử khi được đặt tên cho sân vận động của Real sau này: Cố Chủ tịch Santiago Bernabéu Yeste.
Santiago Bernabeu – Chủ tịch huyền thoại của Real (Nguồn: Wikipedia)
Bernabeu có tầm ảnh hưởng lớn đặc biệt lên lịch sử của CLB bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha. Sân vận động mới xây cất, những ngôi sao ông đưa về, nền tảng ông tạo dựng không chỉ mang đến cho Real vinh quang và thành công, mà nó còn tạo cảm hứng cho các thế hệ hậu bối đi tiếp con đường này để cái tên Real Madrid mãi trường tồn cùng tuế nguyệt. Santiago Bernabéu Yeste là một con người Madrid “thuần chủng”, một Madridistas chuẩn mực từ trong huyết quản. Tuổi thơ của ông tại Madrid, gia nhập đội trẻ Real khi ở tuổi 14, giải nghệ ở Real năm 31 tuổi. Từng là đội trưởng, cũng từng là trợ lý huấn luyện viên, rồi huấn luyện viên, và cuối cùng là đi đến vị trí quan trọng nhất mà sứ mệnh lịch sử giao cho ông: Chủ tịch CLB.
Người đàn ông quê ở thị trấn Almansa có dáng dấp giống với cố Thủ tướng Anh Winston Churchill này không phải là một cầu thủ xuất chúng trên sân bóng, cũng chẳng phải là sao số thời còn xỏ giày ra sân, tuy nhiên, ông lại là huyền thoại của quản trị. Nắm quyền Chủ tịch Real Madrid khi ở tuổi 48, điều đầu tiên mà ông làm chính là cải tổ bộ máy rệu rã của đội bóng, tái cấu trúc lạiCâu lạc bộ, cụ thể là thay thế một loạt nhân sự cấp cao, trao nhiều quyền lực chủ động hơn cho các CLB trong khối đa thể thao Real Madrid (ví dụ bóng rổ). Sau đó, ông thực hiện một công việc có tầm nhìn rất xa mà đến hôm nay, rất nhiều CLB lớn vẫn đang đi theo cách này, đấy chính là xây sân vận động mới.
Vào ngày 22-06-1944, tức là chỉ một năm sau khi nhậm chức Chủ tịch Real, Ngài Santiago Bernabeu đã phát động một cuộc quyên góp xây dựng sân vận động mới cho CLB, thu về tới 41 triệu pesetas và thuyết phục được ngân hàng điện tử công nghiệp Banco Mercantil ký quyết định cấp tiền cho Real Madrid. Có được số vốn, Bernabeu cho mua khu đất tiếp giáp Chamartín (sân vận động cũ của đội bóng này) và đến tháng 9 năm đó thì hai vị kiến trúc sư Manuel Munoz và Luis Soler đã được thuê thiết kế sân vận động mới cho Real Madrid. Ngày 27-10-1944 được ghi nhận trong biên niên sử Real khi những chiếc máy xúc đầu tiên được đưa vào, chính thức khởi công sân vận động, mái nhà của Real Madrid. Sau 3 năm thi công, đến ngày 14-12-1947, New Chamartin Stadium được khánh thành với trận thi đấu giao hữu giữa đội chủ nhà Real Madrid và câu lạc bộ đến từ Bồ Đào Nha - Os Belenenses. Năm 1955, sân vận động được đổi tên thành Bernabeu, và kể từ đây, cái tên của vị chủ tịch Real hóa thành bất tử.
Để nói về tầm nhìn xa của Bernabeu ngay từ những năm 40 thế kỷ trước, ta phải nhìn vào tầm vóc của sân vận động Chamartin mà ông xây cất, với sức chứa ban đầu lên tới hơn 75.000 chỗ ngồi. Ông đã tạo nên một nền móng vững chắc về cả nghĩa đen và nghĩa bóng cho sự hùng mạnh của Real Madrid. Các thế hệ chủ tịch sau này, mà đặc biệt là Florentino Perez, đã liên tục cải
tạo sân để biến nó thành một thánh đường bóng đá đúng nghĩa. Mái vòm bằng sợi ciment, những màn hình video khổng lồ, một mặt cỏ với 36 km đường ống đưa ra những van phun nước nóng lạnh tùy theo vùng. Chủ tịch Perez còn đầu tư 127 triệu € trong nhiệm kỳ của ông để nâng cấp hệ thống âm thanh, ánh sáng, khu VIP, khu vực báo chí, các cổng vào, cùng hệ thống sưởi ấm, nhà hàng sang trọng.
Sân vận động được đặt tên Bernabeu, vì ông là người dẫn dắt Real ra khỏi bóng tối của thập niên 1940. Ông cũng là người tạo nên “dải thiên hà” cấp CLB đầu tiên bằng cách mang về những siêu sao lớn nhất từ khắp nơi trên thế giới như Di Stefano, Hector Rial (Argentina), Paco Gento (Tây Ban Nha), Ferenc Puskás (Hungaria)... Ngày nay, người ta nói tới khái niệm hút máu nhân tài của các cá mập, các CLB lớn hút máu các CLB nhỏ, hay như cách Bayern Munich lấy những tinh tú của bóng đá Đức, nhưng thật ra, Bernabeu đã làm điều đó từ rất xa xưa. Trong trận chung kết Cup C1 đầu tiên trong lịch sử giữa Stade Reims và Real Madrid, đội bóng Pháp thất thủ với tỷ số 3-4. Nhưng Raymond Kopa là ngôi sao sáng nhất bên phía đối thủ. Thế là Chủ tịch Bernabeu quyết định mua luôn Kopa để về đá cặp cùng Puskas. Hè năm ấy, Real Madrid đem về CLB tuyển thủ Raymond Kopa, không chỉ giúp Kopa thành ngôi sao toàn cầu, mà còn tạo nền cho Kopa giành Quả Bóng Vàng năm 1958. Kopa trở thành huyền thoại, vậy còn ai nhớ Stade de Reims không? Đội bóng ấy giờ đang ngụp lặn ở giải hạng 2 nước Pháp. Sự biến mất của á quân C1 năm 1956 Reims là phản đề chính xác nhất về sự rực rỡ mà Real Madrid có được hôm nay qua sự khác biệt của nền tảng và tầm nhìn. Vụ chuyển nhượng Kopa là sự xác nhận rõ ràng nhất về thương hiệu của Real Madrid, về giá trị cầu thủ nếu anh ta ở Real Madrid. Vào giai đoạn mà cả thế giới bóng đá còn ly loạn, Real Madrid đã đi trước cả thiên hạ, đã vĩ đại từ nơi đó qua cách “chơi” của Bernabeu.
Dải ngân hà đầu tiên của bóng đá thế giới (Nguồn: FIFA)
Hôm nay, chúng ta biết đến “Bộ ba huyền ảo” MSN (Messi - Suarez - Neymar), BBC (Bale - Benzema - C. Ronaldo), MSF (Mane - Salas - Firmino), hay “Hình vuông ma thuật” mà Pháp trình diễn ở Euro 1984 với những Platini, Tigana, Giresse và Fernandez. Nhưng ít ai biết trong lịch sử bóng đá, Real Madrid cũng có một bộ tứ đáng sợ thuở lập quốc, họ là Di Stefano, Rial, Kopa và Gento. Không chỉ tạo nên những huyền thoại vĩ đại trong đội hình mà Bernabeu còn có góc nhìn sâu sắc ở vị trí huấn luyện viên của đội bóng. Thập niên 1950 chứng kiến thành công của Real nhưng cũng chứng kiến cảnh Real thành lò xay huấn luyện viên lớn nhất châu Âu cùng thời điểm. Tin nổi không? 9 huấn luyện viên trong vòng 10 năm ở cái thuở hồng hoang. Mỗi một huấn luyện viên đến và đi cũng đều có ít nhất một danh hiệu, nhưng Bernabeu chưa bao giờ vừa ý cho đến khi tìm được Miguel Muñoz, người đã mang về cho Real 9 La Liga, 2 Copa del Rey, 2 Cup C1, và 1 Intercontinental Cup. Ông là một báu vật thật sự mà Bernabeu cất công tìm ra.
Bạn có thể thấy, cuộc chơi kiểu này, Florentino Perez hôm nay đã chơi rất chắc bài, cũng nhờ cảm hứng từ chính vị tiền bối của
mình.
Mùa giải 1953-54 xác lập sự trở lại chính thức của Real Madrid bằng chức vô địch La Liga thứ 3 trong lịch sử. Đấy là thời khắc Real bắt đầu tìm lại những ngày tháng vinh quang, và như đã biết là không thể ngăn chặn nữa. Dưới thời Bernabeu, Real Madrid nhanh chóng đi qua bóng đêm và vươn lên trở thành thế lực ở Tây Ban Nha, cột trụ của nền bóng đá Tây Ban Nha. Đội bóng là một trong ba thành viên sáng lập của La Liga, cùng với Barcelona và Althetic Bilbao đại diện cho 3 vùng miền. Nhưng những chiếc Cup Nhà Vua, những danh hiệu vô địch quốc gia không phải là điều đẹp đẽ nhất đội bóng áo trắng có được. Câu chuyện về họ đến từ châu Âu, là Cup C1 huyền thoại, là Champions League sau này. Và Real Madrid, bằng 5 chức vô địch C1 tại đấu trường châu Âu trong những ngày đầu giải đấu này thành lập, không chỉ khẳng định được tầm vóc trên bản đồ thế giới cấp CLB, mà hơn thế, đã định danh nên hai từ “khổng lồ” khi nhắc đến tên CLB. 5 chức vô địch C1 đó đã tiêm vào trong huyết quản của Real Madrid một thứ DNA không trộn lẫn đi đâu được, DNA Champions League đầy khí phách và danh vọng.
Ngày 02-06-1978, khi trái bóng World Cup còn đang lăn trên sân cỏ Argentina thì một thông tin chấn động đến với bóng đá thế giới, Bernabeu qua đời ở tuổi 83. Kể cả trong hơi thở cuối cùng, ông vẫn đang là đương kim Chủ tịch CLB Real Madrid. Để tưởng nhớ vị Chủ tịch đã đóng góp quá nhiều cho bóng đá cấp CLB, FIFA đã ra quyết định để tang ông ba ngày trong suốt giải đấu - một vinh dự không phải ai cũng có được. Trong suốt 35 năm làm Chủ tịch CLB, từ ngày đầu tiên năm 48 tuổi đến khi nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 83, Santiago Bernabeu đem về cho đội bóng 16 chức Vô địch La Liga, 6 Cup C1, 6 Cup Nhà Vua, 1 Cup Liên lục địa, và chính thức xác lập cho Real Madrid một danh xưng huyền thoại mãi mãi.
ÔNG ĐỒ GÀN
Vũ Hoàng (ACMilanVN)
“Trong vòng 100 năm tới, Benfica đừng có hòng đoạt thêm bất cứ chiếc Cup châu Âu nào.” Người ta truyền tai nhau rằng khi Bela Guttmann bị đá đít khỏi sân Ánh Sáng, ông đã nguyền rủa đội bóng sa thải ông như vậy.
H
uấn luyện viên Bela Guttmann ngồi khoan khoái trên ghế, nhắm mắt và phiêu trong lúc thợ cắt tóc đang cố gắng tạo cho ông một kiểu đầu đẹp và mốt nhất. Đúng
lúc ấy, José Carlos Bauer chạy sồng sộc vào và giật giọng: “Bớ thầy, tôi vừa biết tới một gã rất khủng, dư sức vượt qua cả José Águas ấy chứ.” (José Águas lúc ấy là chân sút số 1 Benfica, ông ghi tổng cộng 374 bàn trong thời gian khoác áo CLB này). Guttmann nhổm dậy ngay và hỏi: “Là thằng nhóc nào thế?” Bauer vừa thở vừa kể về gã da đen người Mozambique, một gã có khả năng chạy như thể bị hà mã rượt phía sau lưng và to như một con gấu. Guttmann gật gù và không chút nghi ngờ Bauer, nói luôn: “Bảo với mấy thằng quản lý là mang gã về cho tao.”
Bela Guttmann
(Nguồn: Renascenca)
Sau cái gật đầu của Guttmann, tuyển trạch viên và đại diện của Benfica vội vã sang Mozambique để gặp “mẹ của con gấu”. Một cuộc ngã giá rất nhanh đã diễn ra. Bà Elisa muốn có một khoản tiền đủ để gia đình bà thoát khỏi đói nghèo. Benfica đồng ý chi 175.000 escudo để có được Eusebio. Khi ấy, đó là một số tiền không nhỏ. Nhưng gia đình của Eusebio đã đòi gấp đôi. Ngay lập tức, Benfica chấp thuận. Cái gật đầu của Guttmann có sức nặng rất lớn và Benfica hiểu họ phải làm hài lòng lão huấn luyện viên khó tính này.
Thế nhưng, Guttmann không có được Eusebio để xài ngay trong chiến dịch chinh phục chiếc Cup châu Âu mùa giải 1960-61. Một trong những lý do tiền đạo người Mozambique chưa thể tới sân Ánh Sáng chính là việc anh đang thuộc biên chế của Sporting Lourenço Marques mà đội bóng này lại là chân rết của
p g ç q ộ g y ạ
Sporting Lisbon, đối thủ không đội trời chung của Benfica. Vụ chuyển nhượng Eusebio đã khiến Sporting tức tối. Để bảo đảm an toàn cho “món hàng quý giá”, Benfica đã đặt mật danh cho Eusebio là Ruth Molosso và đưa anh đến châu Âu một cách bí mật. Mật danh này sau đó đã trở thành niềm cảm hứng để CMTV sản xuất bộ phim Ruth nói về cuộc đời của Eusebio nhân dịp 5 năm ngày mất của ông.
Ngay sau khi cập cảng Lisbon, Eusebio được đưa thẳng về Lagos, một thị trấn ở cực Nam của Bồ Đào Nha và cách Lisbon chừng 300km. Sống cô độc trong vòng vài tuần, chàng trai Mozambique bị stress rất nặng. Đây không phải là cuộc sống mà anh mơ ước hay nghĩ đến. Nó hoàn toàn khác với những lời hứa hẹn trước đó. Buồn như gián cắn, Eusebio gọi điện về nhà và khóc thút thít với mẹ. Bà Elisa đã phải nói đến khản cổ để vỗ về thằng con từ khoảng cách 12.000 km theo đường chim bay. Cuối cùng, Eusebio cũng nghe lời mẹ và tiếp tục chờ đợi. Nhưng không chỉ anh sốt ruột, Guttmann cũng như ngồi trên đống lửa. Theo lời tên học trò Bauer của ông, gã trai này là một viên ngọc cực kỳ quý hiếm và ông nóng lòng muốn được sử dụng anh. Nhưng trước mắt, cứ phải đoạt Cup châu Âu cái đã, mà cái Cup thì Real vẫn đang độc chiếm suốt 5 mùa giải đầu tiên.
Chúng ta hãy tạm quay trở lại những năm trước đó để tìm hiểu về cuộc đời của vị huấn luyện viên kỳ dị này. Ngày nay, không nhiều người nghe tới cái tên “Bela Guttmann”, song đối với các nhà nghiên cứu và viết lịch sử bóng đá, ông là một nhân vật đáng kính trọng và một nhà cách mạng thực sự. Trong 40 năm cầm quân, ông đã trải qua rất nhiều CLB và ở đâu cũng để lại dấu ấn đậm nét, kể cả trong cách bị… sa thải. Ví dụ như mùa 1954- 55, AC Milan đang băng băng về đích với cách biệt rất lớn so với các đối thủ thì ông bất ngờ mất việc mà không rõ lý do. Milan sau đó vẫn đăng quang ngôi vô địch nhưng khi không có Guttmann, họ đã phải trầy trật giữ lợi thế và chỉ về đích sớm 1 vòng. Còn Guttmann, trong tâm trạng của một con chim sợ cành cong, từ đó trở đi, mỗi khi ký hợp đồng, ông đều cài thêm
điều khoản cấm đội bóng không được sa thải ông nếu ông đang dẫn dắt đội đứng đầu bảng xếp hạng giải vô địch quốc gia.
Guttmann được miêu tả như một người đàn ông đứng giữa các nền văn hóa. Ông đã đi và sống ở rất nhiều quốc gia, trải nghiệm những ngôn ngữ khác nhau, những con người khác nhau và cả những phong cách sống khác nhau nữa. Ông sinh ra ở Budapest, một thành phố cổ kính lúc này vẫn thuộc đế chế Áo - Hung, trong một gia đình mà cha mẹ đều là các vũ công chuyên nghiệp gốc Do Thái. Nhưng khi lớn lên, ông đã không nối nghiệp gia đình. Một phần vì ông khá… xấu trai. Một phần khác vì ông nhận thấy bóng đá có thể mang lại cho ông nhiều tiền hơn. Đấy mới là lý do để ông quyết tâm theo đuổi môn thể thao này.
Năm 1910, Guttmann bắt đầu luyện tập ở đội trẻ Törekvés tại địa phương. Sau khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, năm 21 tuổi, ông chuyển tới MTK Hungaria và bắt đầu gặt hái những danh hiệu đầu tiên trong cuộc đời. Nếu xã hội Hungary lúc đó cứ yên yên ổn ổn như vậy thì đẹp biết bao! Nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng như thế. Người Do Thái vốn là một cộng đồng khá lớn ở Hungary trong nhiều thế kỷ, họ được phép xây các giáo đường và bệnh viện của riêng mình từ thế kỷ XVIII và coi như đã hoàn toàn hòa nhập với xã hội bản địa. Mọi thứ chỉ trở nên đen tối khi vào năm 1919, Phó Đô đốc Miklos Horthy lên nắm quyền và bắt đầu chính sách bài Do Thái. Những người Do Thái ở trong chính quyền và quân đội bị cách chức. Một loạt nhà hàng, cửa hiệu của người Do Thái bị buộc đóng cửa. Đỉnh điểm của chủ nghĩa bài Do Thái đến vào năm 1922 khi 15.000 người Do Thái bị trục xuất với lý do không có quốc tịch Hungary. Những chính sách của nhà cầm quyền đã kích động người Hungary bản địa tấn công cộng đồng Do Thái. Rất nhiều người Do Thái bị giết hại trong quãng thời gian này. Tổng cộng có hơn 3.000 người đã thiệt mạng và hàng vạn người khác sống trong cảnh sợ hãi đến cùng cực. Để tránh khỏi các cuộc tấn công, Guttmann quyết định tới Vienna. Tại đây, ông gia nhập SC
Hakoah Wien, một đội bóng với tôn chỉ phục quốc cho người Do Thái. 20 năm sau đó, đến lượt các đồng đội cũ của Guttmann tại CLB này chết trong cuộc tàn sát dân Do Thái của phát xít Đức. Nhưng ở thập niên 1920, các cầu thủ của Hakoah sống trong khung cảnh đầy sôi động. Họ đoạt danh hiệu vô địch Áo năm 1925 và vào năm sau, lên đường sang Mỹ du đấu để kiếm tiền. Chính tại Tân Thế giới, Guttmann đã “đánh hơi” được những thương vụ làm ăn lớn và ông lựa chọn nước Mỹ là điểm đến tiếp theo.
Mùa hè năm 1926, Hakoah trở về châu Âu mà không có Guttmann trong đội hình. Ông ở lại New Jersey vài tháng rồi chuyển tới New York náo nhiệt. Nhưng không chỉ chơi bóng vào ban ngày, Guttmann còn tranh thủ mở quán bar bất hợp pháp lẫn vũ trường để kinh doanh vào ban đêm. Guttmann nổi tiếng ở Mỹ đến mức tên tuổi của ông còn được so sánh với cả Greta Garbo hay John Barrymore (các ngôi sao điện ảnh Hollywood thời bấy giờ). Chỉ sau vài năm, ông kiếm được nhiều tiền đến mức cảm thấy đã bắt đầu nên nghỉ hưu dù mới chỉ bước vào tuổi 30. Lúc ấy, thị trường chứng khoán Mỹ đang sôi động và Guttmann quyết định đầu tư 500.000 USD để tiếp tục lên đời. Ngay cả bây giờ, tức là sau gần 100 năm, nửa triệu dollar Mỹ vẫn là một số tiền rất lớn. Song thật cay đắng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bất chợt ập đến. Thị trường phố Wall sụp đổ và Guttmann bỗng nhận thấy đống cổ phiếu trong tay ông chỉ còn tác dụng nhóm lò. Năm 1932, Guttmann trở lại châu Âu với đội bóng cũ Hakoah của mình sau khi đã hoàn toàn tay trắng. Một lần nữa, ông phải làm lại cuộc đời. Nhưng lần này, ông không làm cầu thủ nữa, ông chuyển sang làm huấn luyện viên, một trong những vị huấn luyện viên chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử bóng đá.
Bóng đá, trong những năm 1930, vẫn chưa hoàn toàn chuyên nghiệp. Các huấn luyện viên thường chỉ là những “người tuyển chọn” thay vì chỉ đạo các cầu thủ toàn thời gian. Về phần các cầu thủ, họ ngoài đá bóng thì vẫn có thể làm công việc khác. Một ví
dụ điển hình là Ajax Amsterdam, đội bóng vĩ đại của Hà Lan, đến tận thập niên 1960 vẫn còn ở tình trạng bán chuyên với các cầu thủ chỉ tập luyện 3-4 buổi mỗi tuần. Việc chuyên nghiệp hóa, theo Guttmann, cần phải tiến hành tổng thể. Ông tự tay chỉ dẫn các cầu thủ cách luyện tập, ép họ phải ăn theo chế độ dinh dưỡng và khoa học nhất có thể và ngoài tập với bóng, còn phải rèn thể lực và tập gym. Tất cả những điều trên ngày nay là hết sức bình thường, một huấn luyện viên cấp phường cũng có thể nghĩ đến. Nhưng cách đây 90 năm, những quy định và yêu cầu của Guttmann thực sự rất mới mẻ và không phải cầu thủ nào cũng chấp nhận tuân theo.
Giữa lúc Guttmann đang ra sức làm cuộc cách mạng trong bóng đá thì một lần nữa, biến cố lớn lại xảy đến với cuộc đời ông. Năm 1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ. Dưới mệnh lệnh của Hitler, hàng triệu người Do Thái bị săn đuổi và bị đẩy vào các trại tập trung. Gia đình Guttmann cũng không trốn thoát được. Họ bị tra tấn nhục hình bởi những tên lính Quốc xã. Cha, anh trai, chị gái và bạn thân của Guttmann đã chết trong trại giam. Riêng ông, bằng một cách thần kỳ, đã vượt ngục thành công vào cuối năm 1944. Ông phải trốn chui trốn nhủi trong những tháng ngày sau đó trước sự truy lùng của lính Đức dưới một căn hầm của tiệm hớt tóc ở Budapest. Năm 1945, Hồng quân tiến vào giải phóng Hungary. Nhưng lúc này, Guttmann không còn gì trong tay nữa. Ông có một gia đình phải nuôi và việc tốt nhất mà ông có thể làm chính là huấn luyện bóng đá. Để có thể sống được, ông đưa vợ con tới Rumania và làm huấn luyện viên của Ciocanul București. Tại đây, ông đã yêu cầu đội bóng trả lương cho ông bằng… rau và bánh mì thay vì tiền, bởi những thứ đó thực tế hơn trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng thời hậu chiến.
Năm 1947, Guttmann tới Kispest để thay thế cha của huyền thoại Puskas ở vị trí huấn luyện viên. Chính vì cha mình bị mất việc, Puskas đã không tuân phục Guttmann, thậm chí còn xúi một đồng đội chống lại yêu cầu của ông. Không chấp nhận việc
các cầu thủ bất tuân mệnh lệnh, Guttmann một lần nữa lại ra đi, lần này là đến Italia. Bắt đầu từ đây, ông tiến hành những cuộc cách mạng trong lối chơi, trở thành người tiên phong của sơ đồ 4-2-4 mà Hungary vĩ đại sẽ làm mưa làm gió trong thập niên 1950. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các cầu thủ chạy cánh, biến những người này trở nên mạnh mẽ và linh hoạt. Đồng thời, ông kéo một tiền vệ xuống phía dưới để đảm bảo an toàn cho hàng thủ và tiếp tục kéo một trung phong về tuyến giữa để trám chỗ. Chiến thuật này đã ảnh hưởng rất lớn đến người Brazil trong suốt quãng thời gian ông làm huấn luyện viên ở đây. Selecao đã yêu cầu Guttmann tư vấn và áp dụng sự cách tân chiến thuật của ông khi dự World Cup năm 1958. Kết quả, họ đã giành ngôi vô địch lần đầu tiên bằng sơ đồ 4-2-4 với những cầu thủ chạy cánh siêu hạng là Nilton Santos ở bên trái và Garrincha ở bên phải.
Mùa hè năm 1958, Guttmann đặt chân tới Bồ Đào Nha. Đất nước của bán đảo Iberia này sẽ trở thành nơi ông phát huy hết tinh hoa của cuộc đời. Nhận lời làm huấn luyện viên của FC Porto, Guttmann ngay lập tức đưa CLB này trở lại với ngôi vô địch quốc gia. Ngay sau ngày đăng quang, đại diện Benfica đã đến gặp ông và đưa ra mức lương cao hơn ở Porto. Với một gã Do Thái tham tiền thì làm sao có thể từ chối lời đề nghị này được. Lập tức, Guttmann “gút bai” thành phố cảng và tới Lisbon. Tại đây, ông đá đít gần hết cả đội 1, chỉ giữ lại vài người, trong đó có Mario Coluna - một người Mozambique, để đưa những cầu thủ từ đội trẻ lên. Hành động này khiến cả Ban giám đốc Benfica sững sờ và tự hỏi liệu mình có sai lầm khi chi tiền cho một gã điên như vậy không. Thế nhưng Guttmann đã chứng minh ông đúng bằng danh hiệu vô địch quốc gia ngay ở mùa đầu tiên tại sân Ánh Sáng. Đích đến tiếp theo của ông lúc này là Cup châu Âu bởi ông cho rằng, thời kỳ thống trị của Real đã đến lúc cần phải chấm dứt.
Song đội bóng chấm dứt kỷ nguyên của Real lại không phải là Benfica. Ngày 23-11-1960, Di Stefano và các đồng đội lần đầu
tiên nếm trải hương vị bị loại ở Cup châu Âu khi thúc thủ 1-2 tại Camp Nou trong một trận đấu mà người Madrid đã nổi khùng vì bị trọng tài từ chối tới… 4 bàn thắng. Thế là Barcelona trở thành ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch. Họ băng băng về đích một cách dễ dàng mà không để ý ở nhánh bên kia, những chú nhóc của Guttmann cũng vượt qua các đối thủ dễ dàng không kém. Đội bóng của Guttmann lúc này được xây dựng xung quanh hai ngôi sao, Jose Aguas (chính là người được nhắc tới ở đầu bài khi Bauer nói là Eusebio còn giỏi hơn cả anh này) ở hàng tiền đạo và thiên tài Mario Coluna ở giữa sân. Coluna lúc này 26 tuổi và đang ở đỉnh cao phong độ của mình. Mặc dù xuất thân là tiền đạo nhưng anh đã được Guttmann kéo lùi về tuyến giữa để có thể thể hiện hết trí thông minh và sự sáng tạo. Nhờ đó, Coluna đã đóng góp rất nhiều cho Benfica trên chặng đường đi tới Bern (nơi tổ chức trận chung kết 1961).
Ngày 31-05-1961, Benfica đối mặt với Barcelona ở trận chung kết. Gã khổng lồ xứ Catalan lúc này đang sở hữu hàng công mà chỉ nghe qua, đối thủ đã toát mồ hôi. Ngoài cầu thủ hay nhất châu Âu 1960 Luis Suarez (ông này là người Tây Ban Nha và không liên quan gì đến gã “ma cà rồng” Uruguay), họ còn có các siêu sao như Kubala, Czibor và cả Sandor Kocsis - Vua phá lưới World Cup 1954. Chính Kocsis là người đã đưa Barca vượt lên dẫn trước ngay từ phút 20 bằng quả đánh đầu sở trường. Nhưng Guttmann chả sợ gì cả. Quan điểm của ông xưa nay là: “Tôi chẳng bận tâm nếu đối thủ ghi bàn trước bởi tôi tin đội bóng của mình sẽ ghi nhiều bàn hơn.”