🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cuốn Sổ Vàng - Doris Lessing & Lê Khánh Toàn (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Giải Nobel] Ebooks Nhóm Zalo VCTVEGROUP Lời tựa Cuốn tiểu thuyết này được sắp xếp như sau: Có một bộ xương, hoặc bộ khung, tên là Phụ nữ tự do, là một tiểu thuyết ngắn viết theo lối truyền thống dài khoảng 60.000 từ, có thể đứng độc lập được. Nhưng nó được chia thành năm đoạn, xen giữa là các phần của bốn cuốn sổ có bìa màu đen, đỏ, vàng và xanh dương. Các cuốn sổ này thuộc về Anna Wulf, nhân vật trung tâm của Phụ nữ tự do. Cô viết vào bốn chứ không phải một cuốn bởi vì, như cô thừa nhận, cô phải tách rời các thứ với nhau, vì sợ sự hỗn loạn, sự vô định hình - sợ sụp đổ. Áp lực, từ bên trong lẫn bên ngoài, đã khép lại các cuốn sổ; một dòng đen đậm được kẻ ngang trang giấy từ cuốn này sang cuốn khác. Nhưng giờ khi bốn cuốn sổ đã kết thúc, từ các mảnh vỡ của chúng có thể xuất hiện một thứ mới mẻ, Cuốn Sổ Vàng. Từ đầu đến cuối các cuốn sổ, các nhân vật đã đưa ra những lời bàn luận, giả thuyết, giáo điều, dán nhãn, chia ngăn - đôi khi bằng một giọng chung chung và tiêu biểu cho thời đại tới mức họ trở thành ẩn danh, bạn có thể đặt cho họ những cái tên như trong các vở kịch luân lý thời trước, ông Giáo-Điều và ông Tôi-Tự-Do-Bởi-Vì-Tôi-Chả-Thuộc-Về-Nơi-Nào-Cả, cô Tôi-Phải-Có-Được-Tình-Yêu-và-Hạnh-Phúc và bà Tôi-Phải-Giỏi-Trong Mọi-Việc-Tôi-Làm, ông Phụ-Nữ-Đích-Thực-Ở-Đâu? và cô Đàn-Ông-Đích Thực-Ở-Đâu?, ông Tôi-Điên-Vì-Người-Ta-Bảo-Vậy, và cô Cuộc Đời-Qua- Trải-Nghiệm-Mọi-Việc, ông Tôi-Làm-Cách-Mạng-Vì-Vậy-Tôi-Tồn-Tại, và ông bà Nếu-Chúng-Ta-Xử-Lý-Tốt-Vấn-Đề-Nhỏ-Này-Thì-Có-Lẽ-Chúng Ta-Có-Thể-Quên-Đi-Rằng-Chúng-Ta-Không-Dám-Nhìn-Vào-Những-Vấn Đề-Lớn. Nhưng họ cũng phản ánh lẫn nhau, là các mặt của nhau, khai sinh ra suy nghĩ và hành vi của nhau - là nhau, tạo thành các chỉnh thể. Trong Cuốn Sổ Vàng bên trong cuốn sách này, tất cả đã tập hợp lại, mọi ngăn cách bị phá vỡ, tình trạng phân mảnh chấm dứt để lại sự vô định hình - sự chiến thắng của chủ đề thứ hai, tức là thống nhất. Anna và tay người Mỹ Saul Green đều “đổ vỡ”. Họ điên, họ rồ, họ tâm thần - muốn dùng từ gì cũng được. Họ “vỡ” vào nhau, vào người khác, phá tan những mô hình giả dối họ dựng lên từ quá khứ của mình, những mô hình và công thức mà họ tạo ra để chống đỡ cho bản thân và cho nhau, họ tan rã. Họ nghe thấy ý nghĩ của nhau, nhận ra người kia trong chính mình. Saul Green, con người từng ghen tị và là tác nhân hủy diệt Anna, giờ ủng hộ cô, khuyên nhủ cô, gợi ý chủ đề cho cuốn sách thứ hai của cô, Phụ nữ tự do - một cái tên mỉa mai, mở đầu bằng: “Chỉ có hai người phụ nữ trong căn hộ ở London.” Và Anna, từng ghen vì Saul đến mức phát điên, chiếm hữu và đòi hỏi, đã cho Saul cuốn sổ mới xinh đẹp, Cuốn Sổ Vàng, mà trước đó cô đã từ chối không cho, gợi ý cho anh chủ đề mới cho cuốn sách tiếp theo của anh, viết vào đó câu đầu tiên: “Trên một sườn đồi khô ráo ở Algeria, người lính ngắm ánh trăng lấp lánh trên khẩu súng trường.” Trong Cuốn Sổ Vàng bên trong Cuốn Sổ Vàng, do cả hai cùng viết, không còn phân biệt nổi đâu là Saul và Anna, hoặc đâu là họ và đâu là những người khác trong cuốn sách. Chủ đề “sụp đổ” này - rằng đôi lúc khi người ta “đổ vỡ” đấy cũng là một cách chữa lành bản thân, cách mà bản thể nội tại gạt bỏ những lưỡng phân và chia rẽ sai lầm - từ đó đến nay đã được nhiều người khác, cũng như chính bản thân tôi, đề cập tới. Nhưng nếu không tính đến vài cái truyện ngắn thi thoảng thì cuốn sách này là tác phẩm đầu tiên tôi viết về nó. Ở đây nó thô ráp hơn, gần với trải nghiệm thực hơn, trước khi trải nghiệm thực đã định hình thành ý nghĩ và mô hình - và có giá trị hơn có lẽ vì nó là nguyên liệu thô. Nhưng không ai để ý mấy đến chủ đề trọng tâm này, bởi vì cuốn sách này lập tức hoặc bị coi thường, bởi những nhà phê bình thân thiện cũng như thù địch, rằng nó chẳng qua chỉ viết về cuộc chiến giới tính, hoặc được những người phụ nữ chiếm lấy làm một thứ vũ khí hữu dụng trong cuộc chiến giới tính. Kể từ đó tôi ở vào một vị thế không thành thật, bởi vì từ chối ủng hộ những người phụ nữ không phải là một việc tôi muốn làm. Để chốt lại cái đề tài Giải phóng Phụ nữ này - tất nhiên là tôi ủng hộ phong trào đó, bởi vì phụ nữ là những công dân hạng hai, như người ta đang nói rất hay và rất hăm hở ở nhiều quốc gia. Có thể nói rằng họ đang thành công, dù thành công của họ chỉ đến mức là đang được nghiêm túc lắng nghe. Những người trước đây thù địch hoặc thờ ơ thì giờ đã nói: “Tôi ủng hộ mục tiêu của họ nhưng tôi không thích giọng nói the thé cũng như cái kiểu hành xử thô tục, xấu tính của họ.” Đây là một giai đoạn không thể tránh khỏi và dễ nhận thấy trong bất cứ phong trào cách mạng nào: những người cải cách phải chuẩn bị tinh thần bị chối bỏ bởi những người đang sung sướng hưởng thụ những thành quả mà họ đã giành được. Mặc dù vậy, tôi không nghĩ rằng phong trào Giải phóng Phụ nữ sẽ thay đổi được nhiều - không phải là vì mục tiêu của nó có gì sai, mà vì rõ ràng là những biến cố mà chúng ta đang trải qua đang khiến cả thế giới rung chuyển thành một mô hình mới: có thể là khi chúng ta trải qua xong chặng này, nếu chúng ta sống sót được, những mục tiêu của Giải phóng Phụ nữ trông sẽ rất nhỏ bé và kỳ khôi. Những cuốn tiểu thuyết này không phải là tiếng kèn cổ vũ cho Giải phóng Phụ nữ. Nó mô tả nhiều cảm xúc của phụ nữ như hung hăng, thù địch, oán giận. Nó đưa chúng ra trang giấy. Rõ ràng là những gì mà nhiều phụ nữ vẫn đang nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm, đã đem đến một niềm kinh ngạc lớn. Ngay lập tức rất nhiều vũ khí cổ xưa được đem ra, những món chính, như thường lệ, chính là các câu kiểu như “Cô ta chả đàn bà tí nào”, “Cô ta là một mụ ghét đàn ông”. Dường như phản xạ này không thể nào bị phá hủy. Đàn ông - và nhiều phụ nữ, từng nói rằng phụ nữ đòi quyền bầu cử đầu thế kỷ 20 là phi nữ tính, là nam tính, là đã nhiễm thói hung bạo. Tôi chưa đọc được một tài liệu nào nói về một xã hội trong đó phụ nữ đòi hỏi nhiều hơn những gì tự nhiên ban phát cho mà lại không ghi nhận phản ứng này từ phía đàn ông - và một số phụ nữ. Nhiều phụ nữ nổi giận với Cuốn Sổ Vàng. Những gì phụ nữ vẫn nói với những phụ nữ khác, cằn nhằn trong nhà bếp, phàn nàn, buôn chuyện hoặc bộc lộ qua cái cách họ sung sướng với nỗi khổ của mình, lại không phải là những gì họ muốn nói lớn thành tiếng - vì sợ đàn ông có thể nghe lỏm thấy. Phụ nữ hèn nhát như thế bởi vì họ đã sống gần như là nô lệ trong thời gian quá dài. Số phụ nữ sẵn sàng đứng lên bảo vệ những gì họ thực sự nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm với người đàn ông họ yêu vẫn còn ít ỏi. Hầu hết phụ nữ vẫn sẽ bỏ chạy như những chú cún con bị ném đá khi đàn ông nói: Em không nữ tính, hung hăng, em đang làm mất hết nam tính của anh. Tôi tin rằng bất cứ phụ nữ nào kết hôn với một anh chàng sử dụng kiểu đe dọa này, hoặc đặt niềm tin vào anh ta theo một cách nào đó, đều xứng đáng với những gì cô ta nhận được. Vì đàn ông như thế chỉ là một kẻ ức hiếp người khác, không biết gì về thế giới anh ta đang sống, hoặc về lịch sử của nó - đàn ông và phụ nữ đảm nhiệm vô số vai trò trong quá khứ, và cả hiện tại, trong các xã hội khác nhau. Vì vậy nên anh ta hoặc dốt nát, hoặc sợ bị lạc loài - một tên hèn… Tôi viết tất cả những nhận xét này bằng đúng cái cảm giác như thể tôi đang viết thư gửi vào quá khứ xa xôi: Tôi chắc chắn rằng mọi thứ chúng ta bây giờ coi là đương nhiên, sẽ bị quét sạch trong thập kỷ sau. (Thế thì tại sao lại viết tiếu thuyết? Thật sự đấy, tại sao! Tôi đồ rằng chúng ta phải tiếp tục sống như thể…) Một số cuốn sách không được đọc đúng cách bởi vì chúng đã nhảy cóc qua một giai đoạn phát triển quan điểm, giả định một sự kết tinh thông tin trong xã hội mà thực tế vẫn chưa xảy ra. Cuốn sách này được viết như thể mọi thái độ mà các phong trào Giải phóng Phụ nữ tạo ra đã tồn tại trong thực tế. Lần đầu tiên nó xuất hiện là cách đây ngót mười năm, 1962. Nếu ra mắt bạn đọc vào thời điểm hiện tại, có lẽ người ta sẽ thực sự đọc nó chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng lại: tình hình đã thay đổi rất nhanh. Một số thói đạo đức giả nhất định đã biến mất. Chẳng hạn, mười, hoặc thậm chí năm, năm trước - một thời nổi loạn về mặt tình dục - tiểu thuyết và kịch được viết rất nhiều bởi những anh đàn ông giận dữ chỉ trích phụ nữ - đặc biệt là ở Mỹ, nhưng ở cả đất nước này cũng có - được mô tả như những người thích gây hấn và phản bội, nhưng đặc biệt là phá hoại và đào mỏ. Nhưng những thái độ này ở các nhà văn nam lại được coi là đương nhiên, được chấp nhận như là một cơ sở triết học đúng đắn, một điều khá bình thường, và chắc chắn không bị coi là ghét phụ nữ, hung hăng, hay loạn thần kinh. Điều này vẫn tiếp diễn, tất nhiên - nhưng mọi chuyện đã tốt hơn, không có gì phải nghi ngờ cả. Tôi chìm đắm vào việc viết cuốn sách này đến nỗi không nghĩ đến cảnh nó sẽ được đón nhận như thế nào. Tôi toàn tâm toàn ý với nó không chỉ đơn thuần là vì cuốn sách này khó viết - giữ dàn ý trong đầu, tôi viết liền tù tì từ đầu đến cuối, một việc không hề đơn giản - mà vì thứ tôi học hỏi được trong lúc viết. Có thể là bằng việc đưa ra cho bản thân một cấu trúc chặt chẽ, quy định những giới hạn cho bản thân, ta sẽ vắt ra được chất liệu mới nơi ít mong đợi nhất. Đủ loại ý tưởng và trải nghiệm mà tôi không nhận ra là của mình đã nổi lên khi viết. Vì thế, thời gian viết thực tế, chứ không chỉ những trải nghiệm đã đi vào việc viết lách ấy, thực sự là một kinh nghiệm có tính sang chấn: nó khiến tôi thay đổi. Bước ra từ quá trình kết tinh này, giao bản thảo cho nhà xuất bản và bạn bè xong, tôi được nói cho biết rằng mình đã viết một luận văn về cuộc chiến giới tính, và nhanh chóng khám phá ra rằng bất kể tôi nói gì cũng chẳng thể nào thay đổi được nhận định đó. Nhưng cốt lõi của cuốn sách, cách thức tổ chức của nó, mọi thứ trong đó, đã nói một cách cả thẳng thắn và ngầm ẩn rằng chúng ta không được tách rời mọi thứ, không được chia ngăn. “Ràng buộc. Tự do. Tốt. Xấu. Có. Không. Tư bản chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa. Tình dục. Tình yêu…” Anna nói, trong Phụ nữ tự do, tuyên bố chủ đề của cuốn sách - gào lên, trống giong cờ mở thông báo một mô típ xuyên suốt… hoặc là tôi tưởng tượng như vậy. Cũng như khi tôi tin rằng trong một cuốn sách có tên Cuốn Sổ Vàng, cái phần bên trong đặt trùng tên với nó có thể được cho là tâm điểm, mang theo sức nặng của toàn bộ cuốn sách, và đưa ra một tuyên bố. Nhưng không. Còn có nhiều chủ đề khác cũng đi vào cuốn sách này, với tôi đây là một thời điểm quan trọng: những suy nghĩ và chủ đề mà tôi vẫn đang giữ trong đầu nhiều năm nay giờ đã được nối vào với nhau. Một trong số đó là không thể tìm thấy cuốn tiểu thuyết nào mô tả môi trường trí thức và đạo đức cách đây một trăm năm, vào khoảng giữa thế kỷ vừa qua, ở nước Anh, theo cách mà Tolstoy làm cho nước Nga, Stendhal làm cho nước Pháp. (Đến đây cần phải đưa ra những lời tạ sự không tránh được.) Đọc Đỏ và Đen và Lucien Leuwen là biết về nước Pháp như thể ta đang sống ở đó, đọc Anna Karenina là biết nước Nga khi đó. Nhưng một cuốn tiểu thuyết thời Victoria rất hữu ích như vậy lại không bao giờ được viết nên. Hardy cho chúng ta biết cảm giác thế nào khi người ta nghèo, khi có một trí tưởng tượng lớn hơn những gì một thời đại chật hẹp như vậy cho phép, khi làm một nạn nhân. George Eliot, trong phạm vi của mình, cũng rất hay. Nhưng tôi nghĩ hình phạt mà bà phải trả giá khi làm một phụ nữ thời Victoria là bà vẫn phải tỏ ra là một phụ nữ tốt, ngay cả khi bà không “tốt” nếu chiếu theo những tiêu chuẩn đạo đức giả của thời đó - có rất nhiều điều bà không hiểu bởi vì bà chú trọng đạo đức. Meredith, nhà văn bị đánh giá thấp một cách đáng kinh ngạc, có lẽ gần đạt được điều này nhất. Trollope thử đề tài này nhưng thiếu tầm. Không có lấy một cuốn tiểu thuyết nào có đủ khí lực và thể hiện được sự xung đột giữa các tư tưởng đương thời như trong một cuốn tiểu sử đàng hoàng về William Morris. Tất nhiên, nỗ lực này của tôi giả định rằng cái bộ lọc là cách nhìn đời của phụ nữ cũng có giá trị như bộ lọc của đàn ông… Gạt vấn đề đó sang một bên, hay đúng hơn là thậm chí không xét đến nó, tôi quyết định rằng để truyền đạt đúng cái “không khí” ý thức hệ giữa thế kỷ chúng ta, phải đặt bối cảnh cuốn sách giữa những người theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx, bởi vì chính chủ nghĩa xã hội, trong các chặng khác nhau của nó, là nơi diễn ra những cuộc tranh luận lớn của thời đại chúng ta; các phong trào, các cuộc chiến, các cuộc cách mạng, đã được chính những người tham gia nhìn nhận như các dạng khác nhau của phong trào chủ nghĩa xã hội, hoặc chủ nghĩa Marx, đang tiến lên, hoặc bị kìm giữ, hoặc ở thế lui về. (Tôi nghĩ ít nhất chúng ta cũng phải thừa nhận khả năng là người sau, khi nhìn lại thời đại của chúng ta, có thể nhìn nhận vấn đề không giống như chúng ta y như chúng ta, khi nhìn lại các cuộc cách mạng Anh, Pháp, hoặc thậm chí Nga, cũng đánh giá chúng khác với mọi người sống vào thời đó.) Những “chủ nghĩa Marx” và các cành nhánh của nó đã khuấy động tư tưởng ở khắp nơi, nhanh và mạnh mẽ tới mức, dẫu từng bị cho là quá “ngoài luồng”, thì nay chúng đã được hấp thụ, đã trở thành một phần của cách nghĩ thông thường. Những tư tưởng cách đây ba, bốn mươi năm còn bị giới hạn trong phái cực tả thì đến cách đây hai mươi năm đã thâm nhập khắp cánh tả nói chung, và trong mười năm qua đã trở thành tư tưởng xã hội thông thường từ cánh hữu sang cánh tả. Một thứ được thẩm thấu toàn diện đến mức ấy đã thôi không còn là một lực lượng mới mẻ nữa - nhưng nó đã từng rất có sức chi phối, và trong một cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại như tôi đang cố gắng thực hiện, phải được đặt vào trung tâm. Một ý tưởng nữa mà tôi đã cân nhắc trong một thời gian dài, là nhân vật chính phải là một dạng nghệ sĩ nào đó, nhưng bị “bế tắc”. Điều này là do chủ đề về người nghệ sĩ đã có thời gian tràn lan trong nghệ thuật - họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ - với tư cách những tấm gương đáng ngưỡng mộ. Mọi nhà văn lớn đều sử dụng nó, cùng hầu hết các nhà văn nhỏ. Những cổ mẫu đó, người nghệ sĩ và bản sao đối nghịch của mình là nhà kinh doanh, đã cầm cương nền văn hóa của chúng ta, một người bị miêu tả như một kẻ thô lỗ không mấy nhạy cảm, người kia là kẻ sáng tạo, thừa mứa nhạy cảm và đau khổ với cái tôi cao như núi, nhưng tất cả cần phải được tha thứ nhờ sản phẩm của anh ta - và dĩ nhiên, theo đúng nguyên tắc ấy, lẽ ra người doanh nhân cũng phải được tha thứ nhờ sản phẩm của mình. Chúng ta quen với những gì mình đang có hiện tại, và quên rằng người nghệ-sĩ-với-tư-cách tấm-gương là một chủ đề mới. Những người hùng cách đây một trăm năm thường không phải là nghệ sĩ. Họ là binh lính, là người xây dựng đế chế, là nhà thám hiểm, là tu sĩ, và là chính trị gia - tiếc thay cho những người phụ nữ nào chưa được như Florence Nightingale(1). Chỉ những kẻ lập dị và lệch lạc mới muốn trở thành nghệ sĩ, và phải đấu tranh để được làm điều đó. Nhưng khi khai thác cái chủ đề mang tính thời đại ấy - “nghệ sĩ”, “nhà văn”, tôi quyết định nó phải được phát triển thêm bằng cách cho kẻ này bị “bế tắc” và thảo luận về các lý do dẫn đến bế tắc ấy. Các lý do ấy phải liên quan đến sự cách biệt giữa các vấn đề lớn đến choáng ngợp như chiến tranh, đói kém, nghèo khổ, và con người cá nhân nhỏ bé đang tìm cách phản ánh lại chúng trong tác phẩm. Nhưng điều không thể tha thứ được, thực sự còn không thể chịu đựng được nữa, là cái kiểu cô độc ghê gớm, ái kỷ ghê gớm đã trở thành hình mẫu luôn được đặt lên bệ thờ của người nghệ sĩ. Dường như theo cách riêng của mình, những người trẻ tuổi đã chứng kiến điều này và thay đổi nó, tạo ra một nền văn hóa của riêng mình trong đó có hàng trăm, hàng ngàn người làm phim, hỗ trợ làm phim, làm báo đủ kiểu, làm nhạc, vẽ tranh, viết sách, chụp ảnh. Họ đã vứt bỏ nhân vật cô độc, sáng tạo, nhạy cảm đó đi - bằng cách nhân bản anh ta lên hàng trăm nghìn lần. Một xu hướng đã đạt tới cực độ, tới chỗ kết thúc, và vì vậy sẽ gây ra một dạng phản ứng trở lại, như bao nhiêu lần từ trước đến nay. Chủ đề “người nghệ sĩ” phải liên quan tới một chủ đề khác, tính chủ quan. Khi tôi bắt đầu viết, các nhà văn phải chịu một thứ áp lực là không được “chủ quan”. Áp lực này bắt nguồn từ bên trong các phong trào Cộng sản, tiếp bước cái dòng phê bình văn học vị xã hội phát triển ở Nga hồi thế kỷ 19, bởi một nhóm tài năng đáng kể, trong đó Belinsky là người nổi tiếng nhất, sử dụng nghệ thuật và đặc biệt là văn học trong cuộc chiến chống lại Sa hoàng và áp bức. Nó lan nhanh khắp mọi nơi, và vang vọng đến tận những năm năm mươi, tại đất nước này, với chủ đề “phụng sự xã hội”. Nó vẫn còn hiệu lực ở các nước Cộng sản ngày nay. “Bận tâm tới những lo toan cá nhân ngớ ngẩn của mình trong khi Rome đang bốc cháy”, nó thường được diễn đạt như vậy, ở cấp độ đời thường - và thật khó mà chống lại nó, khi nó đến từ những người thân thiết nhất, gần gũi nhất, và từ những người làm mọi điều mà ta tôn trọng nhất: chẳng hạn như, cố gắng đấu tranh chống định kiến sắc tộc ở Nam Phi. Nhưng đồng thời tất cả những tiểu thuyết, truyện, nghệ thuật đủ loại đều ngày càng trở nên riêng tư hơn. Trong cuốn sổ bìa xanh dương, Anna viết về những bài nói chuyện của cô: “ ‘Nghệ thuật thời Trung Cổ có tính chung, phi cá nhân; được hình thành từ ý thức tập thể. Nó không có tính cá nhân đau đớn đã thúc đẩy nghệ thuật thời đại tư sản. Và một ngày, chúng ta sẽ bỏ lại sau lưng cái cảm hứng dĩ kỷ vi trung thúc đẩy nghệ thuật cá nhân. Chúng ta sẽ trở lại với thứ nghệ thuật không thể hiện sự chia rẽ nội tâm và tách rời bản thân ra khỏi đồng loại, mà thể hiện trách nhiệm của con người đối với đồng loại và anh em. Nghệ thuật phương Tây càng lúc càng trở thành tiếng thét xé lòng ghi lại nỗi đau. Nỗi đau đang trở thành hiện thực sâu sắc nhất của chúng ta…’ Tôi vẫn đi nói những lời đại loại như thế. Cách đây ba tháng, giữa chừng bài giảng này, tôi bỗng bị nói lắp và không thể nào nói nốt được…” Anna nói lắp bởi vì cô đang né tránh một thứ gì đó. Khi áp lực hoặc một dòng chảy nào đó đã bắt đầu, không có cách nào tránh được nó: không có cách nào để không chủ quan tột độ: có thể nói, đây là nhiệm vụ của nhà văn trong thời điểm đó. Bạn không thể phớt lờ nó được: bạn không thể viết một cuốn sách về chuyện xây dựng cây cầu hoặc con đập mà không đặt mình vào tâm trí và cảm giác của những người xây nó. (Bạn nghĩ đây là tranh biếm họa? - Không hề. Áp lực chọn một trong hai này nằm ở tâm điểm truyền thống phê bình văn học tại các nước cộng sản vào thời điểm này. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu rằng cách để vượt lên trên, hoặc vượt qua nan đề này, cách để vượt qua cảm giác bứt rứt khi viết về “các vấn đề cá nhân lặt vặt” là công nhận rằng không có gì là riêng tư cả, riêng tư theo nghĩa là độc nhất thuộc về một người. Viết về chính mình cũng là viết về những người khác, bởi vì những rắc rối, nỗi đau, niềm vui, cảm xúc của bạn - và cả những ý tưởng phi thường, xuất sắc của bạn - không thể là của một mình bạn. Cách để giải quyết vấn đề “chủ quan”, cái tình thế chướng mắt là quá mải mê với một cá nhân nhỏ bé đang đồng thời bị mắc kẹt trong một cơn bùng nổ các khả năng vừa khủng khiếp vừa tuyệt diệu, là coi anh ta như một thế giới vi mô và bằng cách đó vượt qua cái riêng tư, cái chủ quan, biến cái riêng tư thành cái chung, như thực tế cuộc sống vẫn luôn làm vậy, biến đổi một trải nghiệm riêng tư - hoặc cái mà bạn tưởng là riêng tư khi còn bé, “mình đang yêu”, “mình đang thấy cảm giác này cảm giác kia, hoặc có suy nghĩ này hoặc suy nghĩ nọ” - thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều: rốt cuộc thì trưởng thành chỉ là việc hiểu rằng các trải nghiệm độc nhất và phi thường của ta là điều mọi người đều có. Một ý tưởng nữa là nếu cuốn sách này được tạo hình đúng cách, bản thân nó sẽ là một lời bình luận về tiểu thuyết truyền thống: cuộc tranh cãi thế nào là tiểu thuyết đã diễn ra từ khi thể loại tiểu thuyết ra đời, và không phải là một thứ gần đây mới có, như cảm giác của ta khi đọc các bài nghiên cứu văn học đương đại. Đặt tiểu thuyết ngắn Phụ nữ tự do làm bản tóm tắt cô đọng toàn bộ khối chất liệu đó là đã đưa ra một thông điệp về tiểu thuyết truyền thống, một cách khác để mô tả nỗi thất vọng của nhà văn khi đã viết xong: “Tôi mới nói được ít ỏi làm sao về sự thật, tôi mới nắm bắt được ít ỏi làm sao toàn bộ cái tồn tại phức tạp ấy; làm sao cái thứ gọn gàng nhỏ bé này có thể chân thực được khi những gì tôi trải nghiệm lại thô ráp đến thế và rõ ràng là không định hình, không đường nét?” Nhưng tham vọng lớn của tôi là tạo hình một cuốn sách cũng đồng thời là bình luận về chính nó, một tuyên bố không lời: tuyên bố thông qua chính cách nó được tạo hình. Như tôi đã nói, điều này không được để ý tới. Một lý do cho vấn đề này là cuốn tiểu thuyết thiên về truyền thống châu Âu hơn là truyền thống nước Anh. Hay nói đúng hơn, theo quan điểm thế nào là truyền thống nước Anh tại thời điểm đó. Dù sao đi nữa thì tiểu thuyết Anh vẫn có cả Clarissa và Tristram Shandy, The Tragic Comedians - và Joseph Conrad - kia mà. Nhưng rõ ràng, cố gắng viết một cuốn tiểu thuyết luận đề là tự gây khó khăn cho bản thân: chủ nghĩa địa phương trong nền văn hóa chúng ta rất mạnh. Ví dụ, từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, những chàng trai cô gái thông minh bước ra từ trường đại học có thể tự hào nói: “Tất nhiên là tôi không biết gì về văn học Đức.” Đấy là âm hưởng chủ đạo. Người thời Victoria biết mọi điều về văn học Đức, nhưng có thể không biết gì về văn học Pháp cũng chẳng thấy làm sao. Đối với phần còn lại - chả phải ngẫu nhiên mà những phê bình thông minh tôi nhận được lại là từ những người đang, hay đã từng, theo Marx. Họ hiểu điều tôi đang cố gắng làm. Đấy là vì chủ nghĩa Marx nhìn mọi vật như tổng hòa và trong tương quan với nhau - hoặc cố gắng làm vậy. Người từng chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Marx sẽ coi việc một sự kiện ở Siberia sẽ tác động đến một sự kiện khác ở Botswana là đương nhiên. Tôi nghĩ có thể với chủ nghĩa Marx, lần đầu tiên, trong thời đại chúng ta, ngoài các tôn giáo chính thức, có một nỗ lực xây dựng một trí tuệ thế giới, đạo đức thế giới. Nó không thành công, không thể tránh khỏi bị chia nhỏ và chia nhỏ hơn nữa, giống như tất cả mọi tôn giáo khác, thành những nhà nguyện, giáo phái, và tín ngưỡng ngày càng nhỏ hơn. Nhưng nó vẫn là một nỗ lực. Cái việc xem mình đang cố gắng làm gì - nó khiến tôi nghĩ đến giới phê bình, và nguy cơ gây ngáp. Cuộc cãi nhau vặt đáng buồn này giữa nhà văn và nhà phê bình, nhà viết kịch và nhà phê bình: Công chúng đã quen với điều đó đến mức họ thấy đó như lũ trẻ cãi nhau: “À vâng, cái đám trẻ con này, họ lại cãi nhau nữa rồi.” Hoặc: “Nhà văn các anh toàn được khen thôi, hoặc nếu không thì ít nhất cũng được chú ý - vậy thì tại sao các anh cứ tổn thương mãi thế?” Và công chúng nói chung là đúng. Vì những lý do mà tôi không nêu ra ở đây, những trải nghiệm ban đầu và quý giá trong cuộc đời viết lách đã cho tôi chút nhìn nhận về các nhà phê bình, nhưng đối với cuốn tiểu thuyết này, Cuốn Sổ Vàng, tôi đã quên mất: tôi nghĩ rằng phần lớn những lời chỉ trích đó đều quá ngớ ngẩn nên chẳng thể nào đúng được. Lấy lại thăng bằng, tôi hiểu ra vấn đề. Đấy là nhà văn đang nhìn vào nhà phê bình để tìm một alter ego, một cái tôi khác thông minh hơn cái tôi của chính nhà văn, nhìn thấy rõ nhà văn đang vươn tới điều gì, và đánh giá chỉ thông qua việc nhà văn đã đạt được mục tiêu đó hay chưa. Tôi chưa bao giờ gặp một nhà văn nào mà, khi rốt cuộc gặp được cái sinh vật hiếm ấy, một nhà phê bình thực thụ, lại không mất đi toàn bộ chứng hoảng loạn mà thành kính và chăm chú lắng nghe - anh ta đã tìm thấy thứ mà anh ta nghĩ là mình cần. Nhưng thứ mà anh ta, nhà văn, đang đòi hỏi lại là bất khả. Tại sao anh ta lại phải mong đợi sinh vật phi thường này, nhà phê bình hoàn hảo ấy (dù thỉnh thoảng kẻ đó vẫn tồn tại), tại sao lại phải có một người khác hiểu được điều anh ta đang cố gắng làm? Rốt cuộc thì, cũng chỉ có một người dệt nên cái kén đó, chỉ một người có nhiệm vụ dệt nó mà thôi. Giới bình luận và phê bình không thể mang lại thứ mà họ tự cho là sẽ mang lại - và thứ mà các nhà văn khao khát đến mức lố bịch và trẻ con. Đấy là vì các nhà phê bình không được dạy để làm điều đó; việc đào tạo họ nhằm vào hướng ngược lại. Điều này bắt đầu khi đứa trẻ mới năm sáu tuổi, bắt đầu đến trường. Nó bắt đầu bằng điểm số, phần thưởng, “thứ bậc”, “lớp”, sao - và vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Trạng thái tâm lý đua ngựa này, cách tư duy phân kẻ thắng người thua, dẫn tới “Nhà văn X đang đi trước Nhà văn Y mấy bước. Nhà văn Y đã rớt lại đằng sau. Trong cuốn sách gần đây nhất của mình, Nhà văn Z đã thể hiện mình giỏi hơn Nhà văn A.” Ngay từ đầu đứa trẻ đã được huấn luyện để suy nghĩ theo cách này: luôn luôn so sánh, tính toán thành công và thất bại. Nó là một hệ thống loại trừ: kẻ yếu hơn chán nản và bỏ cuộc; một hệ thống được thiết kế để tạo ra một số ít kẻ thắng luôn luôn cạnh tranh với nhau. Tôi tin tưởng rằng - mặc dù đây không phải là nơi phát triển tiếp ý này - tài năng mà mỗi đứa trẻ sở hữu, bất chấp số “IQ” chính thức của nó, có thể ở lại với nó suốt đời, bồi dưỡng cho nó và mỗi người khác, nếu tài năng này không bị coi là món hàng được gán cho giá trị nào đó trong cuộc đua giành thành công. Một điều khác cũng được dạy từ đầu là không được tin vào đánh giá của chính mình. Trẻ em được dạy phải phục tùng quyền lực, tìm kiếm ý kiến và quyết định của người khác, và trích dẫn cũng như tuân thủ. Trong địa hạt chính trị, đứa trẻ được dạy rằng nó tự do, là kẻ dân chủ, có ý chí tự do và đầu óc tự do, sống trong một đất nước tự do, tự đưa ra quyết định của riêng mình. Đồng thời, nó cũng là một tù nhân của những giả định và giáo điều của thời đại mà không thắc mắc gì, bởi vì nó chưa bao giờ được bảo rằng chúng có tồn tại. Đến khi người thanh niên đến độ tuổi phải lựa chọn (ta vẫn quen nghĩ rằng đương nhiên phải lựa chọn) giữa nghệ thuật và khoa học, cậu ta thường chọn nghệ thuật bởi vì cậu ta cảm thấy rằng đây là nhân văn, tự do, quyền lựa chọn. Cậu ta không biết rằng cậu đã được đúc nên bởi một hệ thống: cậu ta không biết rằng bản thân lựa chọn cũng là kết quả của một sự lưỡng phân lầm lạc bắt nguồn từ trong lòng nền văn hóa của chúng ta. Những ai cảm nhận được điều này, và những ai không muốn bản thân bị rèn đúc thêm, có xu hướng ra đi, bằng một nỗ lực nửa vô thức, theo bản năng, để tìm kiếm thứ công việc sẽ không chia rẽ bản thân mình. Với toàn bộ thể chế của chúng ta, từ lực lượng cảnh sát đến giới hàn lâm, từ y tế đến chính trị, chúng ta rất ít để ý tới những người ra đi - quá trình loại trừ liên tục diễn ra và loại bỏ, rất sớm, những kẻ có xu hướng mới lạ và cải tổ, để lại những người bị hút vào một cái guồng nào đó bởi vì họ vốn đã như vậy rồi. Một cảnh sát trẻ rời bỏ lực lượng bảo rằng anh ta không thích những việc anh ta phải làm. Một giáo viên trẻ bỏ nghề dạy, chủ nghĩa lý tưởng của cô bị thất vọng. Cơ chế xã hội này gần như không mấy ai để ý tới - nhưng nó là một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc giúp cho thể chế của chúng ta áp chế con người và đứng yên tại chỗ. Vốn đã có nhiều năm trong hệ thống đào tạo đó, những đứa trẻ này trở thành nhà phê bình, người điểm sách, và không thể mang lại cho tác giả, người nghệ sĩ, thứ mà anh ta ngốc nghếch tìm kiếm - những đánh giá độc đáo và giàu sức gợi mở. Điều họ có thể làm, và làm rất tốt, là bảo với nhà văn rằng cuốn sách hoặc vở kịch tương thích hay không với các hình mẫu cảm xúc và tư duy hiện tại - với xu thế đương thời. Họ giống như giấy quỳ vậy. Họ là những chiếc máy đo sức gió - vô giá. Họ là những chiếc phong vũ biểu nhạy cảm nhất đo ý kiến công chúng. Những biến động về tâm trạng và quan điểm sẽ xuất hiện ở đây trước bất cứ nơi nào, ngoại trừ địa hạt chính trị - nguyên nhân là vì những người này được giáo dục nhằm thực hiện đúng việc đó - tìm kiếm ý kiến bên ngoài bản thân, điều chỉnh bản thân cho phù hợp với những chuyên gia, với “nhận định phổ biến” - một cụm từ có sức mách bảo phi thường. Có thể là không còn cách nào khác để giáo dục con người. Có lẽ vậy, nhưng tôi không tin. Trong lúc đó, ít ra sẽ có ích nếu mô tả mọi việc một cách đúng đắn, gọi mọi việc bằng đúng cái tên của chúng. Lý tưởng nhất, điều cần nói với mọi đứa trẻ, lặp đi lặp lại, trong suốt cuộc đời đến trường của chúng là thế này: “Các em đang trong quá trình được truyền thụ. Chúng tôi chưa phát triển được một hệ thống giáo dục không phải là một hệ thống truyền thụ. Chúng tôi xin lỗi, nhưng chúng tôi chỉ có thể làm được đến thế. Điều các em đang được dạy ở đây là một hỗn hợp giữa những định kiến hiện tại và những lựa chọn của nền văn hóa này. Chỉ cần nhìn thoáng vào lịch sử cũng thấy được những thứ này chỉ là tạm thời. Các em đang được dạy bởi những người từ trước đến nay có khả năng điều chỉnh bản thân cho phù hợp với một chế độ tư duy được những người tiền nhiệm sắp đặt. Đấy là một hệ thống tự duy trì. Trong các em, ai năng động và độc đáo hơn người khác sẽ được khuyến khích ra đi và tìm cách tự giáo dục bản thân - tự trau dồi nhận định của riêng mình. Những ai ở lại phải nhớ, luôn luôn và mọi lúc, rằng mình đang được đúc và đưa vào mô hình để phù hợp với những nhu cầu cụ thể và nhỏ hẹp của xã hội này.” Giống như mọi nhà văn khác, tôi vẫn liên tục nhận được thư từ các bạn trẻ đang định viết luận văn và tiểu luận về sách của tôi ở các nước - những đặc biệt là ở Mỹ. Các em toàn nói: “Xin hãy cho em một danh mục các bài viết về tác phẩm của cô, những nhà phê bình đã từng viết về cô, các chuyên gia.” Các em cũng yêu cầu hàng nghìn chi tiết về những thứ hoàn toàn không liên quan, nhưng là điều mà các em được dạy phải coi trọng, thành cả một bộ hồ sơ, giống như phòng nhập cư vậy. Tôi trả lời những yêu cầu này như sau: “Sinh viên thân mến. Em điên rồi. Tại sao lại bỏ ra nhiều năm tháng để viết hàng ngàn từ về một cuốn sách, hay thậm chí về một nhà văn, trong khi có hàng trăm cuốn sách đang chờ em đọc. Em không thấy rằng em là nạn nhân của một hệ thống nguy hại. Và nếu đích thân em đã chọn tác phẩm của tôi làm đề tài, và nếu em thực sự phải viết luận văn - và hãy tin rằng tôi rất biết ơn vì những điều tôi viết lại được em coi là hữu ích - vậy thì tại sao em không đọc những gì tôi đã viết và tự quyết định xem mình sẽ nghĩ gì, đối chiếu nó với cuộc sống của riêng em, trải nghiệm của riêng em. Kệ các vị giáo sư này nọ đi.” “Thưa nhà văn,” các em trả lời. “Nhưng em phải biết các chuyên gia nói gì, bởi vì nếu em không trích dẫn họ, giáo sư sẽ không cho bọn em điểm.” Đây là một hệ thống quốc tế, hoàn toàn giống nhau từ dãy Ural đến Nam Tư, từ Minnesota đến Manchester. Vấn đề là, bởi tất cả chúng ta đều quen với nó, chúng ta không còn nhận ra nó tồi tệ ra sao nữa. Tôi không quen với nó, bởi vì tôi rời trường học khi mới mười bốn tuổi. Có thời gian tôi thấy tiếc về điều này, và tin rằng tôi đã bỏ lỡ điều gì đấy quý giá. Giờ thì tôi thấy biết ơn vì đã thoát thân một cách may mắn. Sau khi xuất bản Cuốn Sổ Vàng, tôi chuyên tâm vào việc tìm hiểu về cỗ máy văn chương, khảo sát quy trình tạo thành một nhà phê bình hay điểm sách. Tôi xem vô số các bài thi - và không thể tin vào mắt mình; tham gia các lớp dành cho giáo viên dạy văn, và không thể tin vào tai mình. Có thể bạn sẽ nói: Đấy là một phản ứng phóng đại, và tôi không có quyền nói vậy, bởi vì, như tôi vừa nói, tôi chưa bao giờ tham gia vào hệ thống này. Nhưng tôi nghĩ điều này không hề phóng đại, và phản ứng của một người bên ngoài rất giá trị, đơn giản bởi vì nó tươi mới và không bị chi phối bởi bổn phận trung thành với một nền giáo dục cụ thể nào. Nhưng sau cuộc điều tra này, tôi dễ dàng trả lời những câu hỏi của mình: Tại sao họ lại thiển cận, cá nhân, nhỏ nhen đến thế? Tại sao họ lại luôn chẻ sợi tóc làm tư, và hay chê bai, tại sao họ lại hào hứng với tiểu tiết và không quan tâm đến đại thể? Tại sao họ luôn hiểu từ phê bình đồng nghĩa với “tìm khiếm khuyết”? Tại sao họ lại luôn coi nhà văn là mâu thuẫn với nhau, chứ không phải bổ khuyết cho nhau… đơn giản, họ được đào tạo để suy nghĩ như vậy. Cái con người quý giá hiểu được bạn đang làm gì, bạn đang hướng tới điều gì, và có thể cho bạn lời khuyên cũng như những lời phê bình thực thụ, gần như luôn luôn là một ai đó bên ngoài cỗ máy văn chương, thậm chí bên ngoài hệ thống đại học; đấy có thể là một sinh viên vừa mới bắt đầu và vẫn còn yêu văn học, hoặc có thể đấy là một con người biết suy nghĩ đọc rất nhiều, đang làm theo bản năng của mình. Tôi bảo với những sinh viên sẽ phải dành ra một hai năm viết luận về một cuốn sách như sau: “Chỉ có một cách đọc, là tìm các thư viện và hiệu sách, nhặt lấy những cuốn sách các em thấy hấp dẫn, chỉ đọc những cuốn đó mà thôi, nếu thấy chán thì bỏ xuống, lướt qua những phần lê thê - và không bao giờ, không bao giờ đọc bất cứ điều gì chỉ vì các em cảm thấy phải đọc, hoặc bởi vì nó thuộc về một trào lưu hay một phong trào nào đó. Hãy nhớ rằng những cuốn sách khiến các em thấy nhàm chán khi hai ba mươi tuổi sẽ mở ra những cánh cửa cho các em khi bốn năm mươi tuổi - và ngược lại. Đừng đọc một cuốn sách vào thời điểm không phù hợp. Hãy nhớ rằng cứ mỗi cuốn sách in mà ta đang có, thì còn ngần ấy cuốn sách chưa bao giờ được in, chưa bao giờ được viết - ngay cả giờ đây, trong thời đại bắt buộc phải sùng kính chữ viết, thì lịch sử, thậm chí đạo đức xã hội, vẫn được dạy thông qua kể chuyện, và những người đã được huấn luyện để chỉ tư duy dựa trên những gì đã viết ra - không may là gần như mọi sản phẩm của hệ thống giáo dục của chúng ta không thể làm được gì hơn thế - đều đang bỏ lỡ mọi thứ ngay trước mắt. Chẳng hạn, lịch sử thực thụ của châu Phi vẫn đang được gìn giữ bởi những người kể chuyện và những nhà thông thái da đen, sử gia da đen, thầy thuốc da đen; nó là một thứ lịch sử truyền miệng, vẫn được giữ an toàn trước người da trắng và thói ăn cướp của họ. Khắp mọi nơi, nếu giữ đầu óc mình luôn rộng mở, các em sẽ tìm thấy sự thật trong những ngôn từ không được viết ra. Vì vậy đừng bao giờ để cho trang giấy in trở thành người chủ của mình. Trên hết thảy, các em cũng cần biết rằng việc các em phải dành ra một, hoặc hai năm cho một cuốn sách, hoặc một tác giả, có nghĩa là các em được đào tạo rất dở - đáng ra các em cần phải được dạy để đọc từ mối đồng cảm này tới mối đồng cảm khác, các em phải học cách làm theo trực giác để biết những gì mình cần: đấy là thứ các em nên trau dôi, chứ không phải là cách trích dẫn từ người khác.” Nhưng không may là điều này gần như lúc nào cũng quá muộn. Thực sự đã có lúc có vẻ như thể những cuộc nổi dậy gần đây của sinh viên có thể thay đổi mọi việc, như thể sự mất kiên nhẫn của họ với những thứ cằn cỗi người ta đang dạy có thể đủ mạnh để thay thế vào đó một thứ gì đó tươi mới và hữu ích hơn. Nhưng có vẻ như thời nổi dậy đã kết thúc. Buồn. Trong suốt thời gian sôi nổi ở Mỹ, tôi nhận được những lá thư kể lại chuyện các lớp sinh viên đã từ chối giáo trình, và mang đến lớp những cuốn sách do họ tự chọn, những cuốn mà họ thấy có liên quan đến đời mình. Các lớp học này đầy cảm xúc, đôi khi bạo lực, giận dữ, phấn khích, sôi sục sống động. Tất nhiên điều này chỉ xảy ra với những giáo viên đồng cảm, và sẵn sàng đứng cùng sinh viên chống lại cường quyền - sẵn sàng chịu hậu quả. Có những giáo viên biết rằng cách họ phải dạy rất tệ và chán - may mắn là vẫn có đủ những người như vậy, với một chút may mắn, để lật đổ những gì sai trái, ngay cả khi bản thân các em sinh viên đã mất động lực. Trong khi đó, có một đất nước nơi mà…. Ba bốn mươi năm trước, một nhà phê bình lập nên một danh sách riêng gồm các nhà văn và nhà thơ mà cá nhân ông ta cho rằng đã góp phần tạo nên những gì giá trị trong văn học, loại bỏ tất cả những người khác. Danh sách này được ông ta bảo vệ dài dòng trên báo chí sách vở, bởi vì ngay lập tức danh sách đó trở thành một đề tài tranh cãi căng thẳng. Hàng triệu từ đã được viết ra, cả ủng hộ lẫn phản đối - các trường phái, ủng hộ cũng như phản đối, ra đời. Cuộc tranh luận này, ngần ấy năm về sau, vẫn tiếp tục… không ai thấy tình trạng này là đáng buồn hay lố bịch cả… Nơi có những cuốn sách phê bình vô cùng phức tạp và uyên bác, nghiên cứu về - nhưng thường là qua các cấp trung gian - tác phẩm gốc: tiểu thuyết, kịch, truyện. Người viết những cuốn sách này tạo nên một giai tầng trong trường đại học trên toàn thế giới - họ là một hiện tượng quốc tế, lớp trên cùng của giới hàn lâm văn chương. Cả đời họ dành cho việc phê bình, và phê bình các bài phê bình của nhau. Ít nhất thì họ cũng coi hoạt động này quan trọng hơn tác phẩm gốc. Sinh viên văn có thể dành nhiều thời gian đọc bài phê bình và phê bình của phê bình hơn là đọc thơ, tiểu thuyết, tiểu sử và truyện. Rất nhiều người coi tình trạng này là khá bình thường, chẳng có gì đáng buồn và lố bịch…. Nơi mà gần đây, tôi đọc một bài luận về Antony và Cleopatra của một cậu sắp phải thi lấy bằng Tú tài Anh. Tiểu luận đầy sự mới mẻ và phấn khích về vở kịch, cái cảm giác mà bất cứ người dạy văn thực thụ nào cũng đều muốn khơi nên. Bài luận được giáo viên trả lại như sau: Tôi không thể cho điểm tiểu luận này được, em không hề trích dẫn các chuyên gia. Rất ít giáo viên có khả năng thấy điều này là đáng buồn và lố bịch… Nơi mà những người tự coi mình là có giáo dục, thực tế là còn ưu tú và tinh túy hơn những người bình thường không đọc sách lại đến gần một nhà văn và chúc mừng anh/cô ta vì đã được một ai đó viết một bài khen ngợi - nhưng sẽ không thấy cần thiết phải đọc cuốn sách đó, hoặc có bao giờ nghĩ rằng điều mà họ thực sự quan tâm đến là thành công… Nơi mà khi một cuốn sách về một đề tài nhất định nào đó ra đời, thiên văn học chẳng hạn, ngay lập tức hàng chục trường đại học, hiệp hội, chương trình truyền hình sẽ mời tác giả đến nói chuyện về thiên văn học. Họ chẳng mảy may nghĩ gì đến chuyện đọc cuốn sách đó. Hành vi này được coi là khá bình thường, không lố bịch chút nào… Nơi mà một nhà phê bình hoặc một người điểm sách trẻ, chưa hề đụng tới tác phẩm nào của nhà văn ấy ngoài cuốn sách trước mặt anh/cô ta, sẽ viết với vẻ trịch thượng, hoặc như thể quá chán với toàn bộ công việc này, hoặc như thể đang cân nhắc phải chấm bao nhiêu điểm cho một bài luận, về nhà văn đó - kẻ có thể đã viết mười lăm cuốn sách, và vẫn viết hai, ba mươi năm nay - chỉ dẫn cho nhà văn nói trên phải viết gì tiếp theo, và viết như thế nào. Không ai nghĩ rằng điều này là lố bịch, dĩ nhiên người trẻ tuổi kia càng không nghĩ thế, anh/cô ta đã được dạy phải tỏ ra trịch thượng và xếp loại người khác trong nhiều năm, từ Shakespeare trở xuống. Nơi mà một giáo sư khảo cổ học có thể viết về một bộ tộc Nam Mỹ có những kiến thức tiên tiến về cây cối, về thuốc, và về các phương pháp tâm lý rằng: “Điều đáng ngạc nhiên là những con người này không có ngôn ngữ viết…” Và không ai nghĩ là ông ta lố bịch. Nơi mà, vào dịp kỷ niệm một trăm năm Shelley, trong cùng một tuần và trên ba tờ tạp chí văn học khác nhau, ba người đàn ông trẻ tuổi, có nền giáo dục giống nhau, xuất thân từ các trường đại học giống nhau của chúng ta, có thể viết các bài phê bình về Shelley, hạ thấp ông bằng lời ca ngợi nhạt nhẽo nhất có thể, và bằng chất giọng giống hệt nhau, cứ như thể họ đang làm ơn cho Shelley bằng cách nhắc đến tên ông - và dường như không ai nghĩ rằng một việc như vậy có thể cho thấy hệ thống văn chương của chúng ta đang hỏng trầm trọng thế nào. Cuối cùng… đối với tác giả của nó, cuốn tiểu thuyết này tiếp tục là một trải nghiệm đem lại nhiều hiểu biết. Chẳng hạn. Mười năm sau khi viết ra nó, tôi vẫn có thể nhận được, trong một tuần, ba lá thư viết về nó, từ ba con người thông minh, hiểu biết, lo lắng, đã chịu khó ngồi xuống và viết cho tôi. Một có thể ở Johannesburg, một ở San Francisco, một ở Budapest. Và tôi ngồi đây, ở London, đọc chúng, hoặc cùng một lúc, hoặc lần lượt - như thường lệ, biết ơn người viết, và vui vẻ khi thấy những gì tôi viết ra có thể kích thích, soi sáng - hoặc thậm chí khiến người ta bực mình. Nhưng một lá thư hoàn toàn viết về cuộc chiến giới tính, về sự phi nhân đạo của đàn ông đối với phụ nữ, và sự phi nhân đạo của phụ nữ đối với đàn ông, và người viết đã viết từ trang này đến trang khác chẳng về một cái gì khác cả, bởi vì cô ta - nhưng không phải lúc nào cũng là nữ - không thấy được điều gì khác trong cuốn sách. Bức thứ hai là về chính trị, có thể từ một người “cựu đỏ” giống như tôi, anh/cô ta viết nhiều trang về chính trị, và không bao giờ đề cập đến bất cứ chủ đề nào khác trong cuốn sách. Hai lá thư này là kiểu phổ biến nhất, khi cuốn sách còn non trẻ. Lá thứ ba, ngày xưa thì hiếm nhưng bây giờ đã bắt kịp các lá khác, được viết bởi một người không thấy gì trong đó ngoài chủ đề bệnh tâm thần. Nhưng vẫn là cuốn sách đó. Và tất nhiên những việc này lại một lần nữa làm nảy sinh câu hỏi về việc người ta thấy gì khi đọc sách, và tại sao một người lại thấy cái mô hình này chứ không hề thấy một mô hình khác, và thật kỳ cục khi ở vị thế tác giả, ta hình dung rõ ràng đến thế về một cuốn sách, trong khi các độc giả lại nhìn nhận về nó rất khác. Và từ kiểu tư duy này đã xuất hiện một kết luận mới: một nhà văn nếu muốn độc giả nhìn thấy những gì anh ta thấy, hiểu được hình dạng và mục tiêu của một cuốn tiểu thuyết như anh ta thấy thì đó không chỉ là một ý muốn trẻ con - mong muốn ấy đồng nghĩa với việc anh ta không hiểu một điểm cơ bản nhất. Đó là cuốn sách có thể sống, có sức thuyết phục và tạo ra kết quả, có khả năng thúc đẩy suy nghĩ cũng như tranh luận, chỉ khi người ta không hiểu dàn ý, hình dạng và ý định của nó, bởi vì khoảnh khắc nhìn thấy dàn ý, hình dạng và ý định đó cũng là khoảnh khắc không còn thấy được gì hơn nữa. Và khi mô hình của cuốn sách và hình dạng đời sống nội tại của nó trở nên dễ hiểu đối với độc giả giống như đối với tác giả - thì có lẽ đã đến lúc quẳng cuốn sách sang một bên, coi như đã làm tròn mục đích, và lại bắt đầu một thứ gì đó mới mẻ. DORIS LESSING, THÁNG SÁU 1971 Phụ nữ tự do 1 Anna gặp cô bạn Molly vào mùa hè 1957, sau một thời gian chia tay. Chỉ có hai người phụ nữ trong căn hộ ở London. “Vấn đề là,” Anna nói khi bạn cô quay trở lại sau cuộc chuyện trò điện thoại ở chỗ chiếu nghỉ, “vấn đề là, theo như những gì tớ thấy, mọi thứ đang đổ vỡ cả.” Molly thường xuyên túc trực bên điện thoại. Khi điện tho reo, cô vừa mới hỏi, “Nào, lại buôn chuyện gì đây?” Bây giờ nói, “Richard đấy, anh ta sẽ ghé qua đây. Có vẻ như hôm nay ngày rảnh rỗi duy nhất của anh ta trong cả tháng tới. Hoặc theo lời anh ta khẳng định thì là như vậy.” “Ôi, tớ sẽ không đi đâu,” Anna nói. “Ừ, cậu cứ ở yên đấy.” Molly ngắm nghía lại ngoại hình - cô đang mặc quần dài với áo len, cả hai đều khá cũ kỹ. “Anh ta sẽ phải chấp nhận như thế.” Cô kết luận và ngồi xuống cạnh cửa sổ. “Anh ta chẳng chịu nói là về chuyện gì đâu, nhưng tớ đoán là lại thêm một vụ rắc rối nữa với Marion.” “Không phải anh ta đã viết thư cho cậu rồi sao?” Anna thận trọng hỏi. “Cả anh ta và Marion đều viết - lá thư nào cũng rất vui vẻ. Kỳ cục nhỉ?” Kỳ cục nhỉ? là giọng điệu đặc trưng của những cuộc trò chuyện thân mật mà họ gọi là buôn chuyện. Nhưng sau khi đưa ra lời bình phẩm này, Molly đã đột ngột chuyển đề tài, “Bây giờ có nói cũng chẳng ích gì, bởi vì anh ta sắp đến đây rồi, anh ta bảo vậy.” “Có thể anh ta sẽ đi khi thấy tớ ở đây,” Anna nói với giọng vui vẻ nhưng hơi có chút khiêu khích. Molly ném cho bạn một cái nhìn sắc lẻm và nói, “Ồ, vì sao chứ?” Họ luôn ngầm hiểu rằng Anna và Richard không thích nhau; và trước đây thì Anna luôn bỏ đi mỗi khi biết Richard sẽ đến. Giờ thì Molly nói, “Thực ra tớ nghĩ sâu tận trong đáy lòng anh ta cũng thích cậu. Vấn đề là về mặt nguyên tắc thì anh ta đã cam kết thích tớ - anh ta là một tên ngốc nên đối với một người anh ta lúc nào cũng phải hoặc thích hoặc không thích người đó, do vậy tất cả những điều không thích ở tớ mà không dám thừa nhận anh ta đã đẩy hết sang cho cậu.” “Rất hân hạnh,” Anna nói. “Nhưng cậu biết không? Trong lúc cậu vắng nhà, tớ phát hiện ra một điều là đối với nhiều người, thực sự tớ với cậu có thể thay thế cho nhau.” “Cậu chỉ vừa mới nhận ra điều này sao?” Molly nói, đắc thắng như mỗi khi Anna nhắc đến những vấn đề mà với cô là đã hai năm rõ mười. Trong mối quan hệ này, thế cân bằng đã được xác lập từ đầu: nhìn chung Molly lịch duyệt hơn, trong khi Anna lại có tài năng vượt trội. Anna giữ quan điểm riêng của mình. Giờ thì cô mỉm cười, thừa nhận rằng mình quá chậm. Molly nói, “Vì chúng ta khác nhau về mọi mặt nên điều này thật lạ. Tớ nghĩ rằng đây là do cả hai chúng ta đều sống cùng một kiểu - không lấy chồng và nhiều thứ khác nữa. Họ chỉ thấy có mỗi thế thôi.” “Phụ nữ tự do,” Anna châm biếm. Cô nói thêm với một vẻ giận dữ mà Molly chưa từng thấy bao giờ nên lại nhận được thêm một cái nhìn chăm chú từ bạn mình, “Họ vẫn đánh giá chúng ta theo các mối quan hệ với đàn ông, dù là người khá nhất cũng vậy.” “Ừa, đến chúng ta còn làm vậy mà, phải không?” Molly nói, giọng khá chua chát. “Khó mà khác được.” Cô vội vã nói thêm khi nhận thấy ánh mắt ngạc nhiên của Anna. Hai người im lặng một lát, không nhìn nhau nhưng cùng thầm suy nghĩ rằng một năm xa cách thật dài, dù là giữa hai người bạn cũ. Cuối cùng Molly cũng thở dài lên tiếng, “Tự do. Cậu biết không, trong thời gian đi vắng, tớ cứ suy nghĩ về chúng ta và tớ cho rằng chúng ta là một dạng phụ nữ hoàn toàn mới. Hẳn là vậy ấy chứ nhỉ?” “Dưới mặt trời chẳng có gì mới mẻ,” Anna nói, cố gắng bắt chước giọng Đức. Molly - thành thạo sáu ngoại ngữ - cáu kỉnh nhắc lại, “Dưới mặt trời chẳng có gì mới mẻ,” giọng giống hệt một bà già đanh đá người Đức. Anna nhăn nhó, thừa nhận thất bại. Cô không học nổi ngoại ngữ, hơn nữa lại quá ngượng nghịu nên không thể đóng vai người khác được: trong thoáng chốc Molly trông còn giống hệt Mẹ Mật, tức là bà Marks, Anna và Molly từng đến chỗ bà để nghe phân tích tâm lý. Cảm giác hoài nghi mà cả hai đều cảm thấy về nghi lễ phân tâm long trọng và đau đớn ấy được thể hiện bằng biệt danh “Mẹ Mật”. Dần dần, cái tên này không còn được dùng để gọi một con người cụ thể nữa mà để chỉ một cách nhìn cuộc đời - truyền thống, bám rễ lâu đời, bảo thủ, bất chấp nó đã quen thuộc một cách đáng xấu hổ với những điều phi luân lý. Bất chấp - đó là cách cả Anna và Molly đều từng cảm nhận khi thảo luận về nghi lễ này, nhưng gần đây Anna ngày càng cảm nhận rõ rệt hơn rằng phải là bởi vì mới đúng; và đây cũng chính là một trong những điều cô trông đợi được thảo luận với bạn mình. Nhưng Molly, vẫn phản ứng như thường lệ đối với bất cứ chỉ trích nào của Anna về Mẹ Mật, nói nhanh, “Dù sao đi nữa thì bà ấy vẫn tuyệt vời, và tình trạng tớ lúc ấy quá bê bết khó có thể chỉ trích bà ấy.” Anna nói, “Mẹ Mật thường bảo, ‘Cô là Electra’, hoặc ‘Cô là Antigone’, và với bà thế là đủ.” “Cũng không hẳn là vậy,” Molly nói, mỉa mai ám chỉ tới hàng giờ khổ sở mà cả hai đã dành để thăm khám tâm lý. “Đúng là vậy đấy,” Anna quả quyết một cách bất ngờ khiến lần thứ ba Molly phải nhìn cô bằng ánh mắt tò mò. “Đúng. Ồ, tớ không có ý nói rằng không phải bà ấy đã giúp đỡ tớ cực nhiều. Chắc chắn rằng tớ sẽ chẳng thể nào đương đầu được với mọi chuyện nếu không được bà ấy giúp đỡ. Nhưng đồng thời… tớ nhớ khá rõ một buổi chiều, ngồi ở đó - trong căn phòng rộng lớn với những ngọn đèn treo tường nền nã, đức Phật, những bức tranh và các pho tượng.” “Rồi sao?” Molly nói, giọng trở nên châm chọc. Nhận thấy quyết tâm của Molly không thảo luận về đề tài này nữa dù cô không nói ra, Anna trả lời, “Tớ đã suy nghĩ suốt mấy tháng nay… không, tớ vẫn muốn nói chuyện này với cậu. Dù sao đi nữa thì cả hai chúng ta đều đã trải qua, với cùng một người…” “Rồi sao?” Anna kiên trì, “Tớ nhớ buổi chiều hôm đó, lúc biết rằng tớ sẽ chẳng bao giờ quay lại. Đám tranh tượng khốn kiếp đó ở khắp nơi.” Molly đột ngột nín thở. Cô nói gấp, “Tớ không hiểu cậu nói gì.” Thấy Anna không trả lời, cô nói tiếp như trách móc, “Từ lúc tớ đi đến giờ cậu có viết gì không?” “Không.” “Tớ đã bảo cậu rồi,” Molly nói, giọng the thé, “tớ sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho cậu nếu như cậu để lãng phí tài năng của mình. Tớ nói thật đấy. Tớ đã như vậy rồi, nên tớ không thể nào chịu được cảnh phải chứng kiến cậu… tớ đã dính vào rồi làm hỏng bét cả một mớ nào là vẽ vời, khiêu vũ, đóng phim, viết lách, và bây giờ… cậu có tài mà, Anna. Tại sao? Tớ chẳng thể nào hiểu nổi.” “Tớ giải thích thế nào được, khi mà cậu lúc nào cũng tỏ ra cay đắng và trách móc như vậy?” Mắt Molly ngấn nước, cô trân trân nhìn bạn mình mà buộc tội đầy đau đớn. Cô thốt ra một cách khó nhọc, “Sâu trong tâm trí, tớ vẫn luôn nghĩ rằng, ờ, mình sẽ lấy chồng, vì thế nên có vứt bỏ hết những tài năng bẩm sinh thì cũng chả ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Đến tận gần đây, thậm chí tớ còn mơ có thêm con - ừ, tớ biết điều này thật ngớ ngẩn nhưng đúng là vậy đấy. Bây giờ tớ đã bốn mươi và Tommy cũng đã lớn. Nhưng vấn đề là, nếu cậu không viết lách gì nữa chỉ vì đang nghĩ đến chuyện lấy chồng…” “Hai chúng ta ai cũng muốn lấy chồng mà,” Anna nói với vẻ hài hước, giọng cô khiến câu chuyện dè dặt trở lại; cô đau đớn hiểu rằng, xét cho đến cùng, cô sẽ chẳng thể nào tranh luận một số chủ đề nhất định với Molly. Molly mỉm cười, nhìn bạn bằng ánh mắt sắc nhọn, gay gắt và nói, “Được thôi, nhưng rồi cậu sẽ phải hối hận đấy.” “Hối hận,” Anna nói, ngạc nhiên cười lớn. “Molly này, tại sao cậu không bao giờ tin rằng người khác cũng có những điểm yếu giống cậu?” “Cậu đủ may mắn để được ban cho một chứ không phải bốn cái tài.” “Biết đâu một của tớ cũng phải chịu nhiều áp lực như bốn của cậu thì sao?” “Tớ không thể nói chuyện với cậu trong tâm trạng như thế này. Trong lúc chờ Richard, tớ pha cho cậu tách trà nhé?” “Tớ muốn uống bia hay cái gì đại loại như thế hơn.” Cô nói thêm, giọng khiêu khích, “Tớ nghĩ sau này tớ phải mượn đến men mới được.” Nghe Anna nói vậy, Molly đáp bằng giọng chị cả, theo đúng ý của Anna, “Cậu không nên đùa cợt như vậy, Anna ạ. Nhất là khi cậu chứng kiến những gì mà nó gây ra cho mọi người - nhìn Marion mà xem. Không biết cô ấy có rượu chè gì trong lúc tớ đi xa không nhỉ?” “Chuyện này thì tớ biết. Cô ấy có uống đúng thế. Cô ấy có đến gặp tớ mấy lần.” “Cô ấy đến gặp cậu?” “Đấy là điều mà tớ muốn nói khi bảo rằng có lẽ với người khác cậu và tớ có thể thay thế nhau.” Molly luôn có xu hướng thích sở hữu - cô liền thể hiện ngay thái độ oán giận (Anna đoán biết trước thế nào cũng vậy) và nói, “Cậu lại sắp sửa bảo rằng cả Richard cũng đến gặp cậu nữa hả?” Anna gật đầu; và Molly nói nhanh, “Để tớ đi lấy bia.” Cô vào nhà bếp rồi quay lại với hai cái ly lấm tấm hơi lạnh, nói, “Tốt nhất là cậu kể hết cho tớ nghe trước khi Richard đến, được chứ?” Richard là chồng của Molly; hay nói chính xác hơn, là chồng cũ của Molly. Molly là sản phẩm của cái mà cô gọi là “một trong những cuộc hôn nhân thập niên hai mươi”. Bố mẹ cô đều đã từng tỏa sáng, tuy ngắn ngủi, trong giới trí thức phóng đãng xoay quanh những ngôi sao vĩ đại như Huxley, Lawrence, Joyce, v.v. Tuổi thơ của cô là một thảm họa, vì cuộc hôn nhân của bố mẹ cô chỉ kéo dài được vài tháng. Năm mười tám tuổi, cô lấy con trai một người bạn của bố mình. Bây giờ thì cô biết rằng ngày ấy mình lấy chồng chỉ vì cần có người che chở, cũng như được coi là đáng kính trước mắt người đời. Cậu bé Tommy là sản phẩm của cuộc hôn nhân này. Ở tuổi hai mươi, Richard đã đặt một chân lên con đường khẳng định mình là một doanh nhân thành đạt: Molly và anh chỉ chịu đựng nhau được không quá một năm. Sau đó, anh cưới Marion và có ba cậu con trai. Tommy vẫn ở với Molly. Khi thủ tục ly dị hoàn tất, Richard và cô quay trở lại làm bạn với nhau. Sau đó, Marion cũng trở thành bạn của cô. Đây chính là tình huống mà Molly thường xuyên nhắc đến với câu, “Kỳ cục nhỉ?” “Richard đến gặp tớ để nói chuyện về Tommy,” Anna nói. “Cái gì? Tại sao?” “Ồ, anh ta đúng là đồ ngốc! Anh ta hỏi tớ có nghĩ rằng nên để cho Tommy ủ ê nhiều như vậy không. Tớ bảo tớ nghĩ rằng với ai thì ủ ê cũng đều tốt cả, nếu anh ta định nói đến ủ ê theo nghĩa là suy nghĩ, hơn nữa Tommy cũng đã hai mươi tuổi, là người lớn rồi, nên dù sao chúng ta cũng không nên can thiệp.” “Như vậy không tốt cho thằng bé,” Molly nói. “Anh ta hỏi tớ có nghĩ rằng nên để cho Tommy đi đây đó, theo anh ta đi Đức công tác không. Tớ bảo anh ta đi mà hỏi Tommy, đừng hỏi tớ. Tất nhiên là Tommy từ chối.” “Tất nhiên rồi. Nhưng tớ thấy tiếc là Tommy lại không đi.” “Nhưng tớ nghĩ Marion mới là lý do chính để anh ta tới. Tuy nhiên trước đó Marion đã đến gặp tớ, tớ phải ưu tiên cô ấy hơn, đại khái vậy. Vì vậy nên tớ không nói gì về Marion với anh ta cả. Tớ nghĩ chắc là anh ta đến để nói chuyện Marion với cậu.” Molly chăm chú nhìn Anna. “Richard đến gặp cậu bao nhiêu lần rồi?” “Năm hay sáu lần gì đó.” Sau khi im lặng một lúc, Molly để cơn giận dữ trào ra, “Thật buồn cười là có vẻ như anh ta nghĩ tớ sẽ kiểm soát được Marion. Tại sao lại là tớ? Hoặc là cậu? Thôi, có lẽ tốt hơn hết là cậu nên đi đi. Thật chẳng dễ chịu gì khi đủ thứ phức tạp đã xảy ra sau lưng tớ bấy lâu.” Anna kiên định đáp, “Không phải vậy đâu, Molly. Tớ không mời Richard đến gặp tớ. Tớ cũng chẳng mời Marion đến gặp tớ. Xét cho cùng, cả tớ và cậu đều chẳng ai có lỗi khi cả hai chúng ta lại có chung một vai trò với người khác. Tớ chỉ nói những điều mà nếu có mặt ở đó cậu cũng sẽ nói - ít nhất là tớ nghĩ như vậy.” Câu nói nghe có vẻ hài hước, thậm chí mang chút nài nỉ rất trẻ con. Nhưng đấy là có chủ ý. Molly, trong vai cô chị, mỉm cười và nói, “Thôi được rồi.” Cô tiếp tục quan sát Anna tỉ mỉ hơn; và Anna thận trọng tỏ ra không nhận thấy điều đó. Cô không muốn cho Molly biết những gì đã xảy ra giữa cô và Richard lúc này, khi cô chưa kể hết toàn bộ câu chuyện khốn khổ của năm vừa rồi. “Marion uống dữ lắm hả?” “Ừ, tớ nghĩ vậy.” “Cô ấy kể hết cho cậu nghe?” “Ừ, kể rất chi tiết. Và điều kỳ cục là, tớ thề rằng cô ấy nói chuyện cứ như tớ là cậu - thậm chí còn lỡ miệng gọi tớ là Molly, đại loại thế.” “Ô, tớ không biết chuyện đó đấy.” Molly nói. “Ai mà tưởng tượng được cơ chứ? Tớ và cậu khác nhau một trời một vực.” “Có lẽ không khác đến mức đấy đâu,” Anna nói khô khốc, nhưng Molly bật cười phản đối. Molly thuộc tạng người cao, xương to, nhưng trông khá mảnh khảnh, thậm chí có phần giống một cậu nhóc. Đấy là do kiểu tóc: cứng, vàng không đều, cắt ngắn như đàn ông, và do cả cách ăn mặc nữa, mà điều này thì cô vốn có tài năng bẩm sinh. Cô tìm thấy niềm vui trong những vẻ ngoài khác nhau: lúc thì là cô gái lanh chanh với quần bó và áo len, lúc lại là người phụ nữ quyến rũ với đôi mắt lớn màu xanh lá trang điểm kỹ, xương gò má nhô cao, mặc chiếc váy tôn lên bộ ngực đầy đặn. Đây là một trong những trò chơi của cô với cuộc đời, và Anna cảm thấy ghen tị với cô vì điều đó, nhưng trong những lúc tự nhìn lại bản thân, cô nói với Anna rằng cô thấy xấu hổ với chính mình vì quá say mê những vai diễn khác nhau, “Lúc đấy, cứ như tớ khác hẳn - cậu có thấy không? Thậm chí tớ còn cảm nhận được mình là một con người khác. Và trong việc đó còn có chút hằn học - anh chàng kia, cậu biết đấy, cái gã tuần trước tớ đã kể cho cậu nghe ấy - anh ta lần đầu nhìn thấy tớ là khi tớ mặc chiếc quần âu cũ và chiếc áo len cũ kỹ, nhếch nhác, sau đó tớ lả lướt vào quán ăn, trông không khác gì một con hồ ly tinh, và anh ta chẳng biết nên nhìn nhận tớ cách nào cả, suốt buổi tối chẳng nói nổi lời nào, còn tớ thì khoái chí vô tả. Cậu nghĩ sao, Anna?” “Nhưng rõ là cậu khoái chí mà,” Anna vừa cười vừa trả lời. Còn Anna thì nhỏ bé, gầy, mong manh, đôi mắt đen to luôn cảnh giác, tóc cắt phồng. Nhìn chung cô hài lòng với bản thân, nhưng lúc nào cô cũng một kiểu như vậy. Cô ghen tị với Molly về khả năng thể hiện những thay đổi về mặt cảm xúc ra bên ngoài. Quần áo của Anna luôn gọn gàng, trang nhã nên trông cô hoặc là khá đạm bạc, hoặc lúc khác thì khá kỳ cục; cô chỉ sử dụng được hai bàn tay thon, trắng và khuôn mặt nhỏ nhắn, trắng trẻo để gây ấn tượng cho người khác. Nhưng cô lại khá rụt rè, không biết cách đòi hỏi cho mình, và, như cô tin chắc, dễ bị bỏ qua. Khi hai người cùng nhau ra ngoài, Anna thận trọng giấu mình và xử sự thuận theo cái bản tính cường điệu của Molly. Khi chỉ có hai người họ, cô lại có xu hướng đầu trò. Nhưng lúc hai người mới quen nhau thì lại không phải như vậy. Cộc cằn, thẳng ruột ngựa, thiếu tế nhị, Molly thẳng tay áp chế Anna. Dần dần, mà cũng một phần là nhờ các buổi trị liệu với Mẹ Mật, Anna đã học được cách bảo vệ quan điểm của mình. Ngay cả bây giờ vẫn có lúc cô lùi bước trong khi lẽ ra nên đối đầu với Molly. Cô tự nhận là mình hèn nhát; cô luôn nhường nhịn chứ không gây lộn hay cãi cọ. Một cuộc cãi vã sẽ khiến Anna suy sụp mất nhiều ngày, trong khi Molly hoàn toàn ngược lại. Cô có thể đầm đìa nước mắt, nói những điều không thể tha thứ được, nhưng sau đó lại quên sạch chỉ sau nửa ngày. Trong lúc đó, Anna sẽ yếu ớt hồi phục trong căn hộ của mình. Cả hai cùng thừa nhận họ giống nhau ở điểm “bất an” và “thiếu ổn định”, cách quan niệm này hình thành từ thời Mẹ Mật. Nhưng gần đây, Anna đã học được cách sử dụng những từ này theo một cách hoàn toàn khác, không phải như những sai sót nữa mà như những biểu ngữ tôn vinh một thái độ sống, một triết lý khác hẳn. Cô thích tưởng tượng đến cảnh nói với Molly: Chúng ta đã có thái độ không đúng đối với mọi chuyện, đấy là lỗi của Mẹ Mật - an toàn và ổn định là cái gì mà quan trọng đến thế? Sống giật gấu vá vai về mặt cảm xúc trong một thế giới đổi thay chóng mặt như hiện nay thì có gì là sai? Nhưng giờ đây, khi ngồi nghe Molly nói như hàng trăm lần trước đây vẫn vậy, Anna lại tự nhủ: Tại sao lúc nào mình cũng thấy nhất thiết phải làm cho mọi người nhìn nhận sự việc giống mình như vậy? Thật là trẻ con, sao mọi người phải theo mình chứ? Rốt cuộc thì cũng chỉ vì mình sợ là mình đơn độc trong những gì mình cảm nhận. Căn phòng họ đang ngồi là ở tầng một, nhìn ra một con ngõ hẹp, cửa sổ đặt mấy chậu hoa và có của chớp, trên vỉa hè có ba con mèo nằm phơi nắng, một chú chó Nhật và một chiếc xe chở sữa, giờ này vẫn còn ở đó vì hôm nay là Chủ nhật. Người giao sữa mặc áo sơ mi trắng, tay áo xắn cao; cậu con trai mười sáu tuổi đang lấy những chai sữa trắng bóng từ chiếc giỏ lưới đặt lên bậc tam cấp. Khi đến dưới của sổ, ông nhìn lên rồi gật đầu chào. Molly nói, “Hôm qua ông ấy vào uống cà phê. Đầy vẻ tự hào, thật vậy. Con trai ông ấy giành được học bổng nên ông Gates muốn báo cho tớ biết. Ông ấy chưa kịp mở lời nói tiếp thì tớ đã nói trước, ‘Con tôi có đầy đủ mọi thứ, được học hành tử tế, vậy mà nhìn xem, nó chẳng biết phải làm gì nữa. Còn con anh thì chẳng được đầu tư một xu nào, thế mà nó lại giành được học bổng.’ ‘Đúng vậy,’ ông ấy nói, ‘kiểu nó như vậy đấy.’ Rồi tớ nghĩ, nếu cứ ngồi đây hứng chịu thì thật là chẳng ra gì, vì vậy tớ bảo, ‘Anh Gates này, giờ con trai anh đã lên tầng lớp trung lưu như chúng tôi, vậy là bố con anh không còn chung tiếng nói nữa rồi. Anh biết điều đó phải không?’ ‘Cuộc sống vẫn vậy mà,’ ông ấy nói. Tớ bảo, ‘Cuộc sống đâu có như vậy, chỉ có cái đất nước khốn kiếp coi nặng giai cấp này mới như vậy mà thôi.’ Ông ấy là một thành viên thuộc tầng lớp công nhân theo Đảng Bảo thủ chết tiệt, ông Gates ấy, và ông ấy bảo, ‘Là cuộc sống đấy, cô Jacobs ạ, cô bảo rằng con cô không nhìn thấy con đường đi lên ư? Thế thì buồn quá.’ Rồi ông ấy tiếp tục đi giao sữa, còn tớ thì lên gác và thấy Tommy đang ngồi trên giường, chỉ ngồi thôi. Có lẽ bây giờ nó vẫn đang ngồi đó, nếu như nó có nhà. Cậu con trai của Gates rất ổn, cậu ta sẽ bước ra ngoài giành lấy điều mình muốn. Còn Tommy, từ hôm tớ về cách đây ba ngày, chỉ làm mỗi việc ngồi trên giường và nghĩ ngợi.” “Molly này, cậu đừng có lo lắng quá như thế. Thằng bé sẽ ổn thôi mà.” Cả hai đều đang dựa vào bục cửa, ngắm nhìn ông Gates và con trai. Ông ta thấp nhỏ, nhanh nhẹn và khỏe mạnh, còn cậu con trai thì cao, mạnh mẽ, đẹp trai. Hai người phụ nữ quan sát cậu bé mang chiếc giỏ rỗng quay về, sau đó xách một chiếc giỏ khác đi, rồi tiếp nhận lời chỉ dẫn của bố bằng một cái mỉm cười và gật đầu. Bố con họ hiểu nhau đến hoàn hảo, và hai người phụ nữ, vốn đều nuôi con lớn lên không cần bàn tay đàn ông, chỉ nhăn nhó nhìn nhau cười đầy ghen tị. Anna nói, “Vấn đề là cả hai chúng ta đều không sẵn lòng lập gia đình chỉ để có bố cho con mình. Vì vậy bây giờ chúng ta phải chấp nhận hậu quả, nếu có. Nhưng làm sao mà có được nhỉ?” “Với cậu thì không rồi,” Molly chua chát nói. “Cậu chẳng bao giờ lo lắng chuyện gì cả, cậu cứ để cho mọi thứ trôi đi vậy thôi.” Anna thu hết can đảm - gần như định không đáp, sau đó nặng nhọc trả lời, “Tớ không đồng ý, chúng ta muốn vẹn cả đôi đường. Chúng ta luôn khước từ lối sống sách vở, luật lệ; vậy thì tại sao lại phải lo lắng chỉ vì cuộc sống không đối xử với chúng ta theo đúng luật? Rốt cuộc là như vậy đấy.” “Đấy, cậu lại thế rồi,” Molly nóng nảy phản đối; “nhưng tớ không phải là loại người lý thuyết. Cậu thì luôn như vậy - cứ đối mặt với cái gì là cậu lại xây dựng lý thuyết. Tớ thì chỉ lo cho Tommy.” Lúc này Anna không thể trả lời: giọng bạn cô quá gay gắt. Cô quay lại quan sát đường phố. Ông Gates và cậu con trai đang rẽ vào góc khuất, kéo theo chiếc xe chở sữa màu đỏ. Ở đầu kia con phố là một đối tượng mới để quan tâm: một người đàn ông đang đẩy chiếc xe chở hàng. “Dâu tươi quê đây,” anh ta rao to. “Mới hái liền tay, sáng nay vừa hái…” Molly liếc nhìn Anna đang gật gù, cười toe toét như một cô bé. (Anna biết, và chẳng mấy vui vẻ với điều này, rằng nụ cười trẻ con kia được nặn ra chỉ nhằm giảm bớt những lời công kích từ Molly) “Tớ cũng sẽ mua một ít cho Richard,” Molly vừa nói vừa chạy ra khỏi phòng, xách theo chiếc túi để trên ghế. Anna vẫn tiếp tục nhoài người qua khung cửa, quan sát Molly đang nói chuyện rất hăng với người bán dâu. Molly vừa cười vừa hoa tay múa chân, còn người đàn ông lắc đầu tỏ ý phản đối trong khi tay trút những quả dâu đỏ mọng, nặng trĩu vào đĩa cân. “Anh không phải chịu bất kỳ thứ chi phí phụ trội nào.” Anna nghe được, “vậy tại sao chúng tôi lại phải trả mức giá như trong cửa hàng?” “Trong cửa hàng không bán dâu tươi rói như thế này, thưa cô.” “Vớ vẩn,” Molly vừa nói vừa quay về với chiếc bát trắng đựng đầy trái dâu. “Cắt cổ, các anh đúng là đồ cắt cổ người ta!” Người bán dâu trẻ tuổi, trông vàng vọt, gầy gò, nghèo khổ, ngước khuôn mặt nhăn nhó lên cửa sổ nơi Molly vừa yên vị. Nhìn thấy hai người phụ nữ ngồi bên nhau, anh ta nói trong lúc tay chân lóng ngóng với mấy chiếc đĩa cân lấp lánh nắng, “Chi phí phụ trội, các cô thì biết gì về chi phí phụ trội chứ?” “Vậy thì lên đây, làm một tách cà phê và nói cho chúng tôi biết đi,” Molly nói, khuôn mặt bừng lên vẻ thách thức. Nhìn thấy thế, anh ta cúi mặt xuống và nói với nền đường, “Người ta còn phải đi làm, có phải ai cũng thảnh thơi thế đâu.” “Thôi nào,” Molly nói, “Đừng có mà xấu tính thế chứ. Lên đây ăn vài quả dâu nhà anh đi. Tôi đãi.” Anh ta không biết làm thế nào để đấu lại Molly. Anh ta đứng cau mày, khuôn mặt trẻ trung tỏ vẻ ngập ngừng dưới mái tóc dài vàng hoe, bết dầu. “Tôi không phải loại người như thế, đâu có giống cô,” cuối cùng, anh ta vừa quay đi vừa buông lời bình luận. “Thật đáng tiếc cho anh,” Molly vừa nói vừa rời khỏi cửa sổ, phá lên cười với Anna ra điều vô can. Nhưng Anna đang nhoài người ra ngoài để nhìn xem những gì cô nghĩ có đúng không và khi tận mắt thấy đôi vai gồng lên đầy phẫn nộ, cô thấp giọng nói, “Cậu làm anh ta tổn thương rồi đấy.” “Ôi, khỉ thật,” Molly vừa nói vừa nhún vai. “Vậy là tớ lại trở về với nước Anh rồi - mọi người chẳng nói năng gì với nhau, động một chút là mếch lòng, mỗi khi đặt chân lên mảnh đất giá lạnh này tớ chỉ muốn tung hê tất cả, hò hét và gào tướng lên. Tớ cảm thấy thật tù túng ngay khi hít thở bầu không khí thiêng liêng của chúng ta.” “Đằng nào thì,” Anna nói, “anh ta nghĩ đang bị cậu cười nhạo.” Một khách hàng khác bước ra từ căn nhà đối diện; đó là một phụ nữ mặc một bộ đồ theo phong cách Chủ nhật, quần thụng, áo suông và quấn một chiếc khăn màu vàng trên đầu. Người bán dâu phục vụ bà một cách hờ hững. Trước khi nhấc hai càng để đẩy chiếc xe đi, anh ta nhìn lên cửa sổ một lần nữa, và chỉ nhìn thấy một mình Anna, chiếc cằm nhỏ, nhọn của cô khuất sau cánh tay, đôi mắt đen nhìn anh chăm chú, mỉm cười, anh ta nói với giọng hài hước miễn cưỡng, “Không phải chịu chi phí phụ trội, cô ta nói thế đấy…” và khẽ hừ mũi khinh bỉ. Anh ta không còn giận họ nữa. Anh ta đi ngược con phố đằng sau đống quả đỏ tươi, lấp lánh ánh nắng, miệng rao to, “Dâu tươi ngon đây, sáng nay vừa hái!” Rồi giọng anh ta lẫn vào tiếng xe cộ ầm ĩ trên con phố lớn cách đó vài trăm mét. Anna quay lại và thấy Molly đang đặt mấy chiếc bát đựng hoa quả đã đổ đầy kem trên bậu cửa sổ. “Tớ vừa quyết định không lãng phí dù chỉ một quả cho Richard,” Molly nói, “dù sao thì anh ta cũng chẳng bao giờ thích cái gì. Thêm bia không?” “Dâu thì dĩ nhiên phải dùng với rượu vang rồi,” Anna tham lam nói; và đảo chiếc thìa qua lại giữa đám quả, cảm nhận sức cản mềm mại của chúng cũng như lớp kem xôm xốp dưới lớp đường lạo xạo. Molly nhanh nhẹn rót đầy rượu vang vào mấy chiếc ly và đặt trên bậu cửa màu trắng. Bên mỗi chiếc ly ánh nắng kết tinh trên lớp sơn trắng, tạo thành những hình thoi run rẩy màu đỏ thắm và vàng nhạt, và hai người phụ nữ ngồi dưới ánh nắng, thở dài khoan khoái và duỗi chân trong cái ấm áp mong manh, nhìn những sắc màu của quả dâu trong mấy cái bát sáng màu và ly vang đỏ. Những tiếng chuông cửa bỗng vang lên, và theo bản năng cả hai đều chuyển sang tư thế nghiêm chỉnh hơn. Molly lại vươn người ra ngoài cửa số, hét lên, “Coi chừng cái đầu!” và ném chìa khóa quấn trong một chiếc khăn cũ xuống. Họ quan sát Richard cúi người xuống nhặt chìa khóa, thậm chí không thèm nhìn lên, cho dù anh phải biết rằng ít nhất là đang có Molly ở đó. “Anh ta ghét tớ làm thế.” Cô nói. “Kỳ cục nhỉ? Sau bao nhiêu năm như thế? Và anh ta chỉ có mỗi một cách phản ứng là giả vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.” Richard bước vào phòng. Trông anh trẻ hơn tuổi trung niên của mình, nước da rám nắng sau một kỳ nghỉ hè sớm ở Ý. Anh mặc một chiếc áo thể thao màu vàng bó sát người cùng quần sáng màu: Chủ nhật nào cũng vậy, dù mùa đông hay mùa hè, Richard Portmain đều mặc những bộ đồ khoác lên anh cái vẻ thể thao. Anh là thành viên của nhiều câu lạc bộ gôn và quần vợt nhưng lại chẳng bao giờ chơi trừ phi vì lý do công việc. Anh đã từng có một căn nhà ở quê trong suốt nhiều năm trời, nhưng anh không đi cùng gia đình mình đến đó, trừ phi anh thấy cần phải đưa bạn làm ăn về chơi vào dịp cuối tuần. Anh là dân thành thị từ bản chất. Mỗi cuối tuần, anh lại đi khắp các câu lạc bộ, quán rượu, quán bar. Vóc người anh hơi thấp, da ngăm đen, chắc nịch, giống như một khối thịt. Khuôn mặt tròn của anh, rất hấp dẫn khi cười, trông khó chịu đến mức sưng sỉa mỗi khi không cười. Toàn bộ con người anh - cái đầu chúi ra phía trước, đôi mắt không chớp, thể hiện một quyết tâm ngoan cường. Anh nôn nóng đưa chìa khóa cho Molly, gói hờ trong chiếc khăn màu đỏ tươi của cô. Cô cầm lấy và bắt đầu thả cho cái khăn vải mềm trôi giữa những ngón tay cứng cáp, trắng trẻo, nhận xét, “Vừa qua một ngày trong lành ở miền quê hả Richard?” Đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một lời chế giễu như vậy, anh mỉm cười gượng gạo, rồi chăm chú nhìn vào ánh mặt trời chói lóa ngoài khung cửa sổ màu trắng. Khi nhận ra Anna, anh bất giác cau mày, gật đầu gượng gạo rồi vội vàng ngồi xuống phía bên kia phòng, nói, “Anh không biết là em có khách, Molly ạ.” “Anna không phải là khách,” Molly nói. Cô cố tình chờ đến lúc Richard đã nuốt trôi cái hình ảnh hai người biếng nhác ngồi trong ánh nắng với hai cái đầu quay về phía anh như độ lượng dò hỏi, để cất tiếng mời, “Rượu vang chứ Richard? Hay là bia? Cà phê? Hay một tách trà nhé?” “Nếu có rượu Scotch thì tốt.” “Bên cạnh anh đấy,” Molly đáp. Nhưng sau khi buông ra một câu rõ là nam tính ấy, anh lại không nhúc nhích. “Anh đến để nói chuyện về Tommy.” Anh liếc nhìn Anna, lúc này đang chén nốt quả dâu cuối cùng còn sót lại. “Nhưng em nghe nói anh đã nói hết với Anna, vì vậy bây giờ cả ba chúng ta đều có thể bàn về chuyện này.” “Vậy là Anna đã kể với em…” “Không đâu,” Molly nói. “Đây là lần đầu tiên bọn em có dịp được gặp nhau.” “Vậy là anh đang làm gián đoạn câu chuyện tâm tình đầu tiên của hai người,” Richard nói, cố gắng vui vẻ chịu đựng tình thế này. Tuy nhiên, giọng anh nghe có vẻ vênh vang nên cả hai người phụ nữ đều trông khó chịu một cách buồn cười trước thái độ đó. Richard đột nhiên đứng dậy. “Chưa gì đã đi đấy à?” Molly hỏi. “Anh gọi Tommy đã.” Anh hít một hơi căng lồng ngực, chuẩn bị kêu lên một tiếng đầy kiên quyết mà cả hai người đều đoán được trước thì Molly cắt ngang, “Richard, anh đừng to tiếng với con. Nó không còn là trẻ con nữa đâu. Hơn nữa em không tin là nó ở nhà đâu.” “Tất nhiên là nó đang ở nhà.” “Sao anh biết?” “Bởi vì nó đang đứng ở cửa sổ trên gác nhìn ra ngoài. Anh ngạc nhiên khi thấy em thậm chí còn không biết là con mình có nhà hay không.” “Tại sao? Em đâu có theo dõi con.” “Thế thì cũng tốt thôi, nhưng cứ nhìn xem cách đó đã mang lại gì cho em?” Hai người nhìn thẳng vào mặt nhau, căng thẳng đến mức công khai đối đầu. Trả lời câu hỏi “cách đó đã mang lại gì cho em?” của Richard, Molly nói, “Em không muốn cãi nhau về việc phải nuôi con như thế nào. Hãy chờ đến lúc ba đứa con của anh lớn lên rồi hẵng so kè với em.” “Anh đến đây không phải để nói về ba đứa con của anh.” “Tại sao lại không? Chúng ta đã nói chuyện đó hàng trăm lần rồi. Và em nghĩ rằng anh cũng đã từng nói với Anna.” Một khoảng lặng trôi qua khi cả hai cố kìm cơn giận, kinh ngạc và hoảng sợ khi thấy nó đã kịp trào dâng như thế. Lịch sử của hai người như sau: Họ gặp nhau vào năm 1935. Molly đang mải mê với việc giúp đỡ phe Cộng hòa trong Nội chiến Tây Ban Nha. Richard cũng vậy. (Nhưng, Molly thường nhận xét, những lúc anh nói thật là một sai lầm đáng tiếc của bản thân khi sa đà vào chuyện chính trị của xứ người: Ngày đó thì ai mà không vậy chứ?) Gia đình Portmain, vốn giàu có, lại coi đây là bằng chứng về khuynh hướng cộng sản của anh nên cắt luôn trợ cấp. (Như lời Molly mô tả: Trời đất ơi, cắt sạch không cho một xu nào cả! Đương nhiên là Richard cảm thấy rất sung sướng. Từ trước đến nay chưa bao giờ họ coi những gì anh ta làm là nghiêm túc cả. Nhờ việc này mà anh đã đăng ký xin làm thẻ đảng ngay lập tức.) Vốn chẳng có tài gì ngoài tài kiếm tiền, mà hồi đó còn chưa phát lộ, Richard được Molly nuôi trong suốt hai năm, trong thời gian đó anh nuôi mộng trở thành nhà văn. (Molly, nhưng tất nhiên là nhiều năm sau: Cậu có thể hình dung ra được điều gì tầm thường hơn không? Nhưng dĩ nhiên là Richard phải tầm thường trong mọi chuyện. Mọi người đều định trở thành đại văn hào, thật vậy, tất cả mọi người! Cậu có biết cái bộ xương chết khô giấu trong cái tủ cộng sản thực sự là gì không? Cái sự thật kinh khủng ấy chính là tất cả những con ngựa chiến già nua của Đảng - cậu biết đấy, những người mà cậu cứ tưởng là trong nhiều năm trời không hề nghĩ đến điều gì khác ngoài Đảng ấy, mỗi người bọn họ đều cất giấu hàng đống bản thảo và tập thơ cũ. Ai cũng định trở thành Gorky hay Mayakovsky của thời đại. Như vậy không đáng sợ sao? Như vậy không đáng thương hại sao? Bọn họ đều là những nghệ sĩ bất tài. Tớ chắc chắn rằng việc này có ý nghĩa gì đó, giá mà người ta biết được nó là gì.) Nhiều tháng sau khi bỏ nhau, Molly vẫn nuôi Richard, bắt nguồn từ sự coi thường. Việc anh đột ngột chuyển hướng sang chống lại quan điểm cánh tả xảy ra đồng thời với việc anh cho rằng Molly phóng đãng, tùy tiện và thiếu khuôn phép. Tuy nhiên, may mắn cho cô là anh đã quan hệ, dù trong thời gian ngắn, với một cô gái nào đó, và vụ đó diễn ra đủ công khai để anh không thể ly dị cô và giành quyền nuôi Tommy như từng dọa trước đó. Sau đó, anh được đón nhận trở lại vòng tay bảo bọc của gia đình Portmain, chấp nhận thứ mà Molly, bằng giọng mỉa mai một cách thân ái, gọi là một “công việc ở khu City(1)”. Cho đến tận bây giờ, cô vẫn không hề hay biết rằng Richard đã trở thành một người đầy quyền lực như thế nào chỉ bằng một hành động là quyết định thừa kế địa vị. Sau đó, Richard cưới Marion, một cô gái rất trẻ, nồng hậu, dễ chịu và ít nói, con gái của một gia đình tương đối danh giá. Họ có với nhau ba cậu con trai. Trong khi đó, Molly - vốn có khiếu trong nhiều lĩnh vực, quay sang biểu diễn múa - nhưng thực tế thì vóc người cô không phải dành cho diễn viên ba lê; tham gia một chương trình ca múa kịch theo phong cách châm biếm rồi đi đến kết luận rằng nó quá phù phiếm; tham gia các lớp hội họa rồi bỏ ngang khi chiến tranh nổ ra và trở thành phóng viên, bỏ nghề báo để tham gia một trong các nhóm phụ trách mảng văn hóa của Đảng Cộng sản; quyết định dừng lại với cùng một lý do mà những người như cô đưa ra: không chịu nổi sự nhàm chán chết người của công việc này; trở thành diễn viên phụ và cuối cùng, sau nhiều bất hạnh, cam chịu rằng về bản chất cô chỉ là một tay chơi tài tử mà thôi. Điều làm cô giữ lại được lòng tự trọng là - theo lời cô - cô đã không bỏ cuộc và bò vào một nơi an toàn nào đó. Vào một cuộc hôn nhân an toàn. Và điều làm cô đứng ngồi không yên chính là Tommy, cơn cớ dẫn đến cuộc chiến ròng rã nhiều năm trời với Richard. Anh đang đặc biệt bất bình bởi vì cô vừa đi biền biệt cả năm trời, để thằng bé lủi thủi một mình trong nhà, tự chăm sóc bản thân. Lúc này, anh nói với giọng oán hận, “Năm vừa rồi, anh đã dành rất nhiều thời gian cho Tommy, trong khi em bỏ nó một mình…” Cô ngắt lời, “Em đã giải thích, hoặc cố gắng giải thích, rất nhiều rồi, là em đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định rằng để cho con tự lập thì tốt hơn. Tại sao anh luôn coi con như một đứa trẻ vậy? Nó hơn mười chín tuổi rồi, và em đã để con ở trong một căn nhà đầy đủ tiện nghi, đủ tiền tiêu, chẳng thiếu thứ gì.” “Tại sao em không chịu thừa nhận rằng em đã vui vẻ rong chơi khắp châu Âu khi gác Tommy sang một bên?” “Tất nhiên là em đã vui vẻ rồi, tại sao lại không chứ?” Richard cười, giọng cười vang to đến rợn người, sau đó Molly nói bằng giọng nôn nóng, “Lạy Chúa, tất nhiên là em thấy sung sướng vì lần đầu tiên được tự do kể từ khi sinh con. Tại sao lại không chứ? Còn anh thì sao - anh có Marion, người phụ nữ bé nhỏ tốt bụng, suốt ngày bận bịu chân tay với lũ con để anh rảnh rang muốn làm gì tùy thích - và còn một vấn đề nữa. Em không ngừng tìm cách giải thích, còn anh thì chẳng bao giờ chịu lắng nghe. Em không muốn con lớn lên thành một gã đàn ông người Anh khốn nạn bám váy mẹ. Em muốn nó vượt ra khỏi cái bóng của em. Đúng thế, anh đừng cười, nhưng chẳng có gì là hay ho cả khi hai mẹ con em sống cùng nhau trong căn nhà này, lúc nào cũng kè kè bên nhau và biết hết mọi thứ về nhau.” Richard nhăn nhó khó chịu và nói, “Ừ,anh biết các lý thuyết nho nhỏ của em về chuyện này.” Đến lúc này, Anna nói xen vào, “Không phải chỉ một mình Molly đâu - mọi phụ nữ mà em biết - ý em là những phụ nữ đích thực đều lo lắng rằng con trai mình lớn lên sẽ thành ra như… họ có đủ lý do chính đáng để lo ngại như thế.” Richard chĩa đôi mắt thù địch sang Anna; còn Molly thì chăm chú theo dõi hai người. “Như thế nào, Anna?” “Như kiểu,” Anna trả lời, cố tình dịu dàng, “có một chút bất mãn về đời sống tình dục chẳng hạn? Hay anh định cho rằng như thế là nói quá lên, hả?” Richard đỏ mặt, sắc mặt sầm lại trông rất xấu, quay trở lại Molly, “Thôi được rồi, anh không định bảo rằng em chủ tâm làm những điều không hay.” “Cảm ơn anh.” “Nhưng chuyện quái gì xảy ra với thằng bé vậy? Nó không bao giờ thi cử một cách tử tế, nó không muốn đến Oxford, còn bây giờ thì ngồi lì trong nhà, ủ ê suy nghĩ và…” Cả Anna và Molly đều bật cười khi nghe từ ủ ê. “Thằng bé làm anh lo lắm,” Richard nói. “Thực sự đấy.” “Em cũng lo,” Molly ôn tồn nói. “Và đấy là câu chuyện chúng ta đang tìm cách giải quyết, phải không?” “Anh đề nghị cho con hết thứ này đến thứ nọ. Anh mời con tham dự đủ các kiểu tiệc tùng để nó được gặp những người có thể giúp đỡ nó.” Molly lại cười phá lên. “Được thôi, cứ cười cợt và chế nhạo đi. Nhưng chuyện đã đến cơ sự này, chúng ta không nên cười thì hơn.” “Khi anh nói giúp đỡ nó, em lại cứ tưởng tượng đến sự giúp đỡ về mặt tình cảm. Em không bao giờ nhớ nổi anh là một kẻ hợm hĩnh và vênh vang như thế.” “Lời nói gió bay,” Richard nói, đường hoàng đến bất ngờ. “Cứ gọi anh bằng bất cứ từ nào em thích. Em sống một kiểu, anh sống một kiểu. Những gì anh muốn nói là anh có điều kiện để cho thằng bé bất cứ thứ gì nó thích. Thế mà nó lại không hề quan tâm. Nếu ở với bọn em mà nó làm được điều gì đó có ích thì đã đi một nhẽ.” “Anh lúc nào cũng nói cứ như em tìm cách xúi Tommy chống lại anh vậy.” “Đương nhiên em vẫn làm thế.” “Nếu câu đó có ý nói rằng em hay nói ra những gì em nghĩ về cách anh sống, về các giá trị, về sự thành đạt của anh, vân vân và vân vân, thì đúng rồi đấy. Tại sao em lại không được nói ra những điều mà mình tin? Nhưng em cũng luôn bảo rằng, con có bố đấy, và con phải làm quen với cái thế giới đó, đằng nào thì nó cũng có tồn tại.” “Vĩ đại quá nhỉ.” “Molly luôn giục thằng bé phải gặp anh nhiều hơn,” Anna nói. “Em biết là cô ấy làm thế. Và em cũng vậy.” Richard nôn nóng gật đầu, biểu thị rằng những gì họ nói chẳng hề quan trọng. “Anh chẳng biết chút gì về con cái cả, Richard ạ. Con cái không thích bị chia rẽ chút nào,” Molly nói. “Nhìn xem nó đã quen những ai từ các mối quan hệ của em - họa sĩ, nhà văn, diễn viên, đủ hết.” “Và cả các chính khách nữa chứ. Đừng quên các đồng chí của em.” “Đúng vậy, tại sao lại không chứ? Thằng bé sẽ lớn lên và có đôi chút hiểu biết về thế giới quanh mình, điều đó hơn hẳn những gì anh có thể dành cho ba đứa con của anh - quanh quẩn cũng chỉ là Eton và Oxford, tương lai sẽ như thế, với cả ba đứa. Tommy biết đủ thứ. Nó sẽ không nhìn thế giới từ cái đáy giếng của tầng lớp thượng lưu đâu.” Anna nói, “Hai người sẽ chẳng đi đến đâu cả nếu cứ tiếp tục như thế này.” Giọng cô có vẻ giận dữ, và cô cố gắng chữa cháy bằng cách nói đùa,”Ừ thì đúng là hai người không nên lấy nhau, thế mà lại lấy nhau, hoặc ít ra thì cũng đừng nên có con với nhau, thế mà vẫn có con…” Giọng cô lại trở nên giận dữ, rồi cô dịu giọng lại, “Hai người có nhận ra rằng mình đang nói đi nói lại câu chuyện đó từ năm này qua năm khác không? Tại sao hai người không chịu thừa nhận rằng hai người sẽ không bao giờ thỏa hiệp được một điều gì và chấm dứt đi?” “Làm sao mà chấm dứt được khi Tommy vẫn còn đó?” Richard to tiếng, giọng cáu kỉnh. “Anh có cần phải hét lên như thế không?” Anna nói. “Anh đâu biết được là thằng bé có nghe thấy mọi người nói gì hay không? Biết đâu đấy lại là điều làm nó khó chịu lâu nay. Hẳn là nó cảm nhận được rằng mình chính là nguyên nhân bất hòa.” Molly bước ngay tới cửa ra vào, mở hẳn ra, nghe ngóng. “Vớ vẩn, tớ vẫn nghe thấy tiếng nó đánh máy trên gác.” Cô quay lại và nói, “Anna này, cậu làm tớ thấy mệt mỏi mỗi lần cậu trở nên giống một người Anh kín miệng.” “Tớ ghét to tiếng.” “Nhưng tớ là dân Do Thái và tớ thích như thế.” Một lần nữa Richard lại bị tổn thương. “Ừ - và em tự gọi mình là cô Jacobs. Cô cơ đấy. Để phục vụ cho quyền độc lập và thân thế của em - hiểu kiểu gì cũng được. Nhưng cô Jacobs lại là mẹ của Tommy.” “Anh không bực bội với từ ‘cô’,” Molly vui vẻ nói. “Anh phản đối từ ‘Jacobs’ kìa. Đúng thế đấy. Anh lúc nào cũng là người bài Do Thái.” “Quỷ thật,” Richard nói, hết chịu nổi. “Nói cho em biết đi, trong số bạn bè của anh có bao nhiêu người là dân Do Thái?” “Theo như em nói thì anh chẳng có bạn bè nào cả, chỉ có đối tác làm ăn thôi.” “Tất nhiên là trừ các cô bồ của anh ra chứ. Em có để ý thấy một điều khá hay rằng sau em, anh có đến ba cô nàng Do Thái.” “Lạy Chúa,” Anna nói. “Tớ về nhà đây.” Và cô rời khỏi chỗ bậu cửa sổ, Molly cười lớn, đứng dậy và ấn cô ngồi xuống. “Cậu phải ở lại chứ. Làm chủ tọa đi, bọn tớ thực sự cần một người như vậy đấy.” “Được thôi,” Anna đáp, giọng kiên quyết. “Tớ đồng ý. Vậy nên chấm dứt cãi lộn đi. Rốt cuộc thì vấn đề ở đây là gì? Thực tế là, chúng ta đều thống nhất rằng mình đều có cùng một lời khuyên, phải không nào?” “Thật sao?” Richard hỏi. “Đúng vậy. Molly nghĩ rằng anh nên cho Tommy một công việc trong cái mớ anh đang làm.” Giống như Molly, Anna tự động chuyển sang giọng coi thường khi nhắc đến thế giới của Richard, và anh nở nụ cười cáu kỉnh. “Trong cái mớ anh đang làm ư? Em đồng ý chứ Molly?” “Nếu anh cho em cơ hội để đồng ý, vâng.” “Thế là xong,” Anna nói. “Thậm chí còn chẳng có lý do để mà cãi nhau.” Richard tự rót cho mình một ly whisky, trông nhẫn nại đến mức hài hước; còn Molly thì chờ đợi, cũng với vẻ nhẫn nại đến mức hài hước. “Thống nhất là như vậy nhé?” Richard hỏi. “Tất nhiên là chưa,” Anna trả lời. “Bởi vì Tommy còn chưa đồng ý.” “Vậy là chúng ta quay trở về với điểm xuất phát. Molly này, anh có thể biết tại sao em lại không phản đối việc cho đứa con yêu quý của em sống chung với nô lệ của thần tài xấu xa không?” “Bởi vì em đã nuôi dạy con khiến cho nó… là một người tốt. Nó sẽ không sao đâu.” “Vậy là anh sẽ không thể làm hư con được sao?” Richard mỉm cười, cố gắng kìm cơn giận dữ. “Và anh muốn hỏi em dựa vào đâu mà tự tin vào các giá trị của bản thân đến vậy - hai năm qua chúng đã bị lung lay khá nhiều, đúng không?” Hai người phụ nữ liếc nhìn nhau, ngầm bảo: Biết ngay là anh ta sẽ nói vậy mà, thôi cứ giải quyết cho xong đã vậy. “Hai người không nhận ra rằng vấn đề của Tommy chính là việc trong suốt nửa cuộc đời thằng bé luôn bị vây giữa những người cộng sản hoặc xưng là cộng sản sao - hầu hết những người nó biết đều đã, đang can dự vào đó không theo cách này thì cách khác. Và bây giờ khi tất cả họ đang rời bỏ, hoặc đã rời bỏ Đảng - mọi người không nghĩ rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng gì đó sao?” “Ồ, rõ ràng là có rồi,” Molly nói. “Rõ ràng là có rồi,” Richard nói, cười nhăn nhở cáu kỉnh. “Chỉ nói được vậy thôi sao - nhưng các giá trị quý báu của em thì có quái gì - Tommy đã được lớn lên dưới bầu trời tươi đẹp và tự do của Tổ quốc Xô viết vinh quang.” “Em không nói chuyện chính trị với anh đâu, Richard ạ.” “Đúng vậy,” Anna nói, “hai người không nên nói chuyện chính trị.” “Tại sao lại không, khi nó có liên quan?” “Bởi vì không phải là anh đang nói chuyện chính trị,” Molly đáp. “Anh chỉ sử dụng lại các khẩu hiệu trên báo chí mà thôi.” “Ồ, vậy thì anh có thể diễn đạt theo cách này được không? Hai năm trước em và Anna còn đang mải lao đến các hội nghị và tổ chức cái này cái nọ…” “Nhân tiện, em thì không,” Anna nói. “Đừng cãi. Molly chắc chắn là thế rồi. Còn bây giờ thì sao? Nước Nga đang thất thế và các đồng chí bây giờ có nước mẹ gì? Hầu hết đều đang hoặc là suy sụp tinh thần, hoặc là đang kiếm bộn tiền, theo như những gì anh biết.” “Vấn đề là chủ nghĩa xã hội ở ta đang đi xuống…” Anna đáp. “Ở đâu chẳng thế.” “Được rồi. Nếu anh định nói rằng một trong những vấn đề của Tommy là thằng bé được nuôi dạy để thành một người xã hội chủ nghĩa và bây giờ người xã hội chủ nghĩa rất khó sống thì tất nhiên là chúng em có chung quan điểm.” “Chúng em là những người xã hội chủ nghĩa. Hay chúng em chỉ là Anna và Molly?” “Những người xã hội chủ nghĩa, trong cuộc tranh cãi này thì là vậy.” Anna đáp. “Thế nhưng trong hai năm qua, hai người đã thay đổi quan điểm.” “Không phải thế. Chỉ là vấn đề cách nhìn với cuộc sống thôi.” “Em muốn anh tin rằng cách nhìn cuộc sống của hai người, mà theo như anh thấy thì thuộc kiểu vô chính phủ, là cách nhìn xã hội chủ nghĩa à?” Anna liếc nhìn Molly; Molly lắc đầu thật khẽ, nhưng Richard vẫn nhìn thấy và nói, “Không tranh cãi trước mặt con cái, phải không nhỉ? Điều khiến anh kinh ngạc chính là cái thái độ ngạo mạn kinh khủng của em đấy. Em lấy đâu ra nó vậy, Molly? Em là ai chứ? Vào lúc này, em đang giữ một vai trong cái kiệt tác có tên Đôi cánh Ái Thần.” “Diễn viên phụ bọn em đâu được quyền chọn vở. Hơn nữa, cả năm qua em lang thang vớ vẩn suốt, có kiếm ra xu nào đâu, giờ thì trắng tay rồi.” “Vậy là sự tự tin của em bắt nguồn từ việc lang thang vớ vẩn? Vì chắc chắn là nó không phải bắt nguồn từ công việc của em rồi.” “Ngừng lại đã,” Anna nói. “Em là chủ tọa - cuộc tranh luận này đến đây kết thúc. Chúng ta sẽ nói về Tommy.” Molly lờ Anna đi, tiếp tục tấn công, “Những điều anh nói về em có thể đúng, cũng có thể sai. Nhưng anh học đâu ra cái thói ngạo mạn như thế? Em không muốn Tommy đi vào con đường kinh doanh. Bản thân anh cũng chẳng phải một mẫu quảng cáo hay ho gì cho cuộc sống đó. Ai cũng có thể làm kinh doanh, ôi, anh vẫn thường nói với em như vậy. Ôi thôi đi Richard ạ, bao nhiêu lần anh đến gặp em rồi ngồi đó mà nói rằng cuộc sống của anh thật là trống rỗng, ngớ ngẩn?” Anna phác nhanh một động tác cảnh cáo, và Molly vừa nhún vai vừa nói, “Được rồi, tớ không tế nhị. Nhưng tại sao tớ lại phải tế nhị? Richard bảo đời tớ không đáng gì lắm, ừ thì tớ đồng ý, nhưng đời anh ta thì sao? Marion đáng thương của anh được đối xử như một bà nội trợ hay bà chủ nhà, nhưng chưa bao giờ được coi như một con người. Các con trai anh phải sống trong lò đào tạo giới thượng lưu chỉ bởi vì anh muốn như vậy chứ không phải chúng tự chọn. Những vụ yêu đương lặt vặt ngu xuẩn của anh. Tại sao tôi lại phải hâm mộ những chuyện đó?” “Anh thấy là trước khi anh đến hai người bọn em đã bàn về anh,” Richard nói, nhìn Anna với ánh mắt không giấu vẻ thù địch. “Đâu có,” Anna nói. “Hoặc nếu có thì cũng toàn là những điều bọn em đã từng nói tới trong suốt nhiều năm qua. Chúng em chỉ đang bàn chuyện Tommy. Thằng bé đã đến gặp em và em bảo nó hãy đi gặp anh, Richard ạ, để xem có phải là nó không thể làm được một công việc chuyên môn nào đó không, không phải kinh doanh, thật ngớ ngẩn nếu chỉ đơn thuần kinh doanh, mà là việc gì đó mang tính xây dựng hơn, chẳng hạn như ở Liên Hiệp Quốc hay UNESCO. Anh có thể đưa nó vào, phải không?” “Được.” “Thằng bé bảo gì, Anna?” Molly hỏi. “Nó bảo nó muốn được yên tĩnh để suy nghĩ. Tại sao lại không chứ? Thằng bé hai mươi tuổi rồi. Tại sao nó lại không thể suy nghĩ và thử nghiệm cuộc sống mà nó thích, nếu như nó muốn vậy? Tại sao chúng ta lại phải ép buộc nó?” “Vấn đề của Tommy là nó chưa bao giờ bị ép buộc điều gì cả,” Richard nói. “Cảm ơn anh,” Molly đáp. “Thằng bé chưa bao giờ được ai chỉ bảo điều gì. Molly chỉ để mặc nó tự xoay xở cứ như nó đã là người lớn, lúc nào cũng vậy. Em mong muốn điều này mang lại gì cho một đứa trẻ chứ - tự do, tự-mình-quyết-định, mẹ-sẽ không-tạo-bất-kỳ-áp-lực-nào-cho-con; và cùng với đó là các đồng chí, kỷ luật, hy sinh, cúi mình trước quyền thế…” “Anh chỉ phải làm một việc này thôi,” Molly nói. “Trong cái mớ anh đang làm, tìm lấy một chỗ nào đấy không phải chỉ có bán cổ phiếu lừa đảo, thăng tiến hay kiếm tiền. Thử xem anh có tìm thấy công việc nào mang tính xây dựng hơn hay không, sau đó chỉ cho Tommy biết và để nó tự quyết định lấy.” Gương mặt đỏ gay lên vì tức giận nổi bật trên chiếc áo thể thao vàng rực, bó chít, Richard dùng cả hai tay cầm ly whisky, xoay đi xoay lại rồi nhìn vào đáy cốc. “Cảm ơn,” cuối cùng anh cũng lên tiếng, “Anh sẽ lo vụ này.” Anh nói, bướng bỉnh tin vào sự tuyệt vời của những gì anh chuẩn bị mang đến cho con trai đến mức một lần nữa Anna và Molly nhướng mày lên nhìn nhau như muốn nói toàn bộ cuộc nói chuyện lại thất bại như thường lệ. Richard cắt ngang cái nhìn này và nói, “Hai cô thật là quá ngây thơ.” “Về việc làm ăn?” Molly vừa hỏi vừa bật cười lớn. “Về việc làm ăn lớn,” Anna thích thú nói nhỏ, trước đó trong những cuộc trò chuyện với Richard cô đã từng ngạc nhiên khi khám phá ra quy mô quyền lực của anh. Đối với cô, điều này không làm cho hình ảnh của anh vĩ đại thêm; ngược lại có vẻ như còn teo nhỏ đi, trên cái nền bối cảnh tiền tệ quốc tế. Và cô càng yêu Molly hơn vì Molly hoàn toàn chẳng có chút tôn trọng nào đối với người đàn ông đã từng là chồng mình, dù anh ta là một trong những người có quyền lực tài chính lớn nhất nước. “Ôi dào,” Molly sốt ruột rên rỉ. “Làm ăn rất lớn đấy,” Anna cười to và nói, cố gắng làm cho Molly tiếp tục tung hứng với mình, nhưng cô diễn viên chỉ nhún vai, kiểu nhún vai sâu đặc trưng, hai bàn tay trắng trẻo vung ra, lòng bàn tay ngửa lên rồi dừng lại trên đầu gối. “Rồi em sẽ làm cho cô ấy phải trầm trồ,” Anna nói với Richard. “Hoặc ít nhất thì em cũng sẽ cố gắng.” “Thế là thế nào?” Molly hỏi. “Chẳng ích gì đâu,” Richard đáp lời Anna, mỉa mai, gượng gạo, bực bội. “Em có biết rằng suốt mấy năm nay, cô ấy chẳng buồn quan tâm, dù chỉ là hỏi một câu cũng không?” “Anh trả học phí cho Tommy, và em cũng chỉ cần mỗi thế.” “Bao nhiêu năm rồi, cậu vẫn luôn làm cho mọi người nghĩ rằng Richard là một loại - ừm, một doanh nhân nhỏ dám nghĩ dám làm, như kiểu một tay bán hàng mới nhất.” Anna nói. “Vậy mà hóa ra lâu nay anh ta lại là một trùm tài phiệt. Thật vậy. Ông trùm của ông trùm. Một người mà chúng ta phải ghét - về mặt nguyên tắc,” Anna vừa cười vừa bổ sung. “Thật à?” Molly hỏi với vẻ quan tâm, cô nhìn chồng cũ bằng ánh mắt pha chút ngạc nhiên vì con người bình thường và - theo như cô nghĩ - không thông minh lắm này lại có thể làm nên bất cứ trò trống gì. Anna nhận ra ánh mắt đó - đây cũng là cảm nhận của cô - và bật cười. “Lạy Chúa lòng lành,” Richard nói, “nói chuyện với hai cô giống như nói chuyện với hai người nguyên thủy ấy.” “Tại sao?” Molly hỏi. “Bọn em cần phải ngưỡng mộ à? Thậm chí anh còn chẳng tự tạo ra thành công ấy. Anh chỉ thừa kế mà thôi.” “Vậy thì sao? Thành công mới là điều quan trọng. Có thể đây là một hệ thống tồi, thậm chí anh sẽ không tranh luận về điểm này - mà anh cũng không thể tranh luận với bất cứ ai trong hai bọn em, cả hai bọn em đều ngu ngơ như gà trong lĩnh vực kinh tế - nhưng nó là thứ đang điều khiển đất nước này.” “Tất nhiên rồi,” Molly đáp. Hai tay cô vẫn đặt trên đầu gối, lòng bàn tay vẫn ngửa lên. Giờ cô đã thu chúng về cạnh nhau trong lòng, vô thức bắt chước cử chỉ của một đứa trẻ đang chờ nghe giảng giải. “Vậy thì tại sao lại coi thường nó?” Richard, rõ ràng đang định nói tiếp, bỗng dừng lại khi nhìn vào đôi tay đang nhạo báng anh một cách nhu mì kia. “Lạy Chúa!” anh nói và bỏ cuộc. “Bọn em đâu có coi thường. Nó là một thứ vô danh quá, khó có thể coi thường được. Bọn em coi thường…” Molly bỏ lửng từ anh, và như thể cảm thấy có lỗi khi thất lễ như vậy, cô buông lỏng đôi bàn tay đang phác ra cái cử chỉ xấc láo kia. Cô nhanh chóng giấu tay ra đằng sau. Chứng kiến cảnh này, Anna thích thú nghĩ: Nếu mình bảo Molly, cậu đã ngăn không cho Richard nói nữa chỉ bằng cách chế giễu anh với đôi tay của cậu, chắc hẳn cô ấy sẽ không hiểu được mình nói gì. Thật tuyệt khi có thể làm được điều đó, cô ấy thật may mắn… “Ừ, anh biết là em coi thường anh, nhưng tại sao? Em là một diễn viên thành công nửa mùa, còn Anna chỉ mới có một cuốn sách, và đã từ đời tám hoánh nào rồi?” Theo bản năng, hai tay Anna giơ ra đằng trước, các ngón tay lơ đễnh chạm vào đầu gối Molly, như nói: Ôi, anh thật là nhàm chán, Richard ạ. Richard nhìn vào đó, nhíu mày. “Điều đấy chẳng liên quan gì cả.” Molly đáp. “Thực tế thế.” “Là do bọn em không chịu thua thôi,” Molly nghiêm túc nói. “Thua cái gì?” “Nếu anh không biết thì bọn em cũng không thể nói được.” Richard suýt thì nổ tung ra khỏi ghế - Anna có thể nhìn thấy cơ đùi anh căng lên, giật giật. Để tránh căng thẳng, cô nói nhanh nhằm khiến anh chú ý, “Đấy chính là mấu chốt, anh cứ nói và nói, nhưng anh vẫn chưa thể chạm tới… tới thực tế, anh chẳng bao giờ hiểu gì cả.” Cô đã thành công. Richard xoay người về phía cô, vườn người về phía trước xa đến nỗi đập ngay vào mắt cô lúc này là đôi cánh tay ấm, mềm, rám nắng, phủ một lớp lông vàng, cái cổ trần rám nắng, gương mặt nóng nảy đỏ tía của anh. Cô hơi lùi lại, ánh mắt vô tình để lộ cảm giác nhờm gớm khi nghe anh nói, “Được rồi Anna, anh có đặc ân được hiểu em rõ hơn trước đây, và anh không thể nói rằng em gây được ấn tượng cho anh là một người biết mình muốn gì, nghĩ gì, hay xử lý mọi việc ra sao.” Biết rằng mình đang biến sắc, Anna cố gắng nhìn vào mắt anh, cố tình dài giọng, “Hoặc cũng có thể điều anh không thích chính là em luôn biết mình muốn gì, luôn sẵn sàng thử nghiệm, không bao giờ tự dối mình rằng hàng thứ cấp có giá hơn thực tế, và biết lúc nào thì từ chối. Đúng chứ hả?” Molly nhìn nhanh từ người này sang người kia, thở hắt ra, đôi tay biểu cảm của cô buông rời nhau ra rồi hạ xuống hai đầu gối một cách dứt khoát và cô gật gù trong vô thức - một phần là do cô đã khẳng định được sự nghi ngờ của mình, một phần là do cô ủng hộ sự thô lỗ của Anna. Cô nói, “Này, cái gì vậy?” bằng giọng cố ý kéo dài một cách ngạo mạn, khiến cho Richard phải quay từ Anna sang cô. “Nếu anh lại định chỉ trích bọn em về cách sống, em chỉ có thể nói rằng anh bớt nói chừng nào tốt chừng đó, xét đến cái cách mà đời sống riêng của anh đang diễn ra.” “Anh giữ được thể diện,” Richard nói, việc anh lập tức làm đúng theo những gì hai người phụ nữ nghĩ về anh khiến cả hai phải đồng thanh bật cười ha hả. “Vâng cưng ạ, bọn em biết anh mà.” Molly đáp. “Được rồi, thế Marion sao rồi? Em rất muốn biết.” Lần thứ ba Richard lại nói, “Anh thấy là bọn em đã bàn trước về chuyện này,” và Anna lại trả lời, “Em chỉ kể với Molly là anh đã đến gặp em. Em kể thêm cho cô ấy điều mà em chưa nói với anh: Marion cũng đã tới gặp em.” Molly nói, “Nào, nói ra đi nào.” “Ôi,” Anna nói như thể Richard không có mặt ở đó, “Richard lo lắng bởi vì Marion là rắc rối lớn của anh ta.” “Chả có gì mới.” Molly trả lời, cũng với giọng như thế. Richard ngồi yên, lần lượt nhìn từng người. Họ chờ đợi, sẵn sàng bỏ qua chủ đề này, sẵn sàng chờ anh đứng dậy và ra đi, sẵn sàng chờ anh thanh minh. Nhưng anh không nói câu nào. Dường như anh đang bị thôi miên bởi hành động công kích chớp nhoáng vừa rồi của hai người phụ nữ, một bộ đôi vừa kết án vừa cười cợt. Thậm chí anh còn gật đầu như muốn nói: Được, tiếp tục đi. Molly nói, “Như chúng ta đều biết, Richard lấy một người vợ dưới tầm mình - Ồ, tất nhiên là không phải về mặt địa vị xã hội, anh ta đủ cẩn thận để không làm như vậy, nhưng mở ngoặc, cô ấy là một người phụ nữ bình dị dễ thương, đóng ngoặc, mặc dù may mắn thay, rải khắp các nhánh lớn nhánh nhỏ trên cây gia phả nhà cô ấy lại là các nhân vật quý tộc, tớ không nghi ngờ gì rằng tên cô ấy sẽ cực kỳ hữu ích khi in giấy viết thư cho các Công ty.” Đến đây, Anna phì cười - quý ông quý bà quý tộc chẳng liên quan gì đến số tiền mà Richard kiểm soát. Nhưng Molly phớt lờ hành động này và nói tiếp, “Tất nhiên là hầu như tất cả mọi đàn ông mà ta biết đều lấy phụ nữ bình dị, dễ thương và tối dạ làm vợ. Tội nghiệp cho họ. Nhưng thật ra, Marion là người tốt và không hề ngu ngốc chút nào, nhưng mười lăm năm nay cô ấy dính phải một gã khiến cô ấy nghĩ rằng mình ngu ngốc…” “Những gã ấy, họ sẽ làm gì nếu không có các bà vợ ngu ngốc của họ?” Anna thở dài. “Ồ, tớ không thể nào nghĩ ra được. Mỗi lần thực sự muốn làm mình nản, tớ lại nghĩ đến tất cả những anh chàng sáng láng mà tớ biết đã lấy phải vợ ngu. Đủ để làm tim ta tan vỡ, thật đấy. Vậy là nàng Marion bình dị ngốc nghếch xuất hiện. Và tất nhiên, Richard cũng chỉ chung thủy với cô ấy đến mức như hầu hết mọi đàn ông khác chung thủy với vợ mình, nghĩa là đến lúc cô ấy đến nhà hộ sinh để sinh đứa con đầu lòng.” “Tại sao em lại phải quay lại một thời điểm xa đến thế?” Richard bất giác kêu lên, như thể đây là một cuộc trò chuyện nghiêm túc, và một lần nữa hai người phụ nữ lại phá lên cười. Molly ngừng lại và nói một cách nghiêm túc, nhưng nôn nóng, “Ôi quỷ thật Richard, sao anh lại nói chuyện như một thằng ngốc vậy? Anh chẳng làm gì khác ngoài việc tự thương hại bản thân bởi vì Marion là gót chân Asin của anh, và anh hỏi tại sao lại quay lại xa đến thế ư?” Cô buộc tội anh, cực kỳ nghiêm túc, “Khi Marion đến nhà hộ sinh.” “Việc đấy xảy ra cách đây mười ba năm rồi,” Richard đau khổ nói. “Anh lập tức đến chỗ em. Có lẽ anh nghĩ em sẽ lăn ra giường với anh, thậm chí lòng kiêu hãnh đàn ông của anh còn bị tổn thương nghiêm trọng bởi vì em đã không đồng ý. Còn nhớ không? Bây giờ đám phụ nữ tự do bọn em đều biết rằng, ngay khi các cô vợ đi đến nhà hộ sinh, các anh chàng lớn nhỏ trên đời đều đến với ta ngay lập tức, họ luôn muốn ngủ với bạn của vợ mình, Chúa mới biết tại sao, một nét tâm lý mới hấp dẫn làm sao, nhưng đấy đúng là thực tế. Em không chịu ngủ với anh, vì vậy em không biết anh đến tìm ai…” “Làm sao mà em biết được là anh có tìm đến ai hay không?” “Bởi vì Marion biết. Thật đáng tiếc là những việc thế này lại cứ được loan truyền đi khắp nơi. Từ lúc đó trở đi, anh lúc nào cũng có một ai đó, và Marion biết hết về bọn họ, vì anh cứ thú tội với cô ấy suốt. Nếu không, sẽ chẳng có gì vui vẻ cả, nhỉ?” Richard nhúc nhích như muốn đứng dậy bỏ đi - một lần nữa Anna lại nhìn thấy cơ đùi anh căng lên, rồi dãn ra. Nhưng anh thay đổi ý định và ngồi yên. Một nụ cười kỳ lạ thoáng qua miệng anh. Trông anh như một người quyết tâm cười dưới làn roi. “Trong lúc đó, Marion nuôi dạy ba đứa con. Cô ấy cảm thấy bất hạnh. Có đôi lúc, anh còn gợi ý rằng có lẽ cũng chẳng có vấn đề gì lắm đâu nếu cô ấy có tình nhân - như vậy sẽ công bằng cho cả hai bên. Anh còn nói rằng cô ấy đúng là người thuộc tầng lớp trung lưu, truyền thống đến phát chán lên được…” Molly dừng lại ở đây, nhe răng cười với Richard. “Anh thực sự là một thằng đạo đức giả, nhỏ nhen, vênh váo,” cô nói bằng giọng gần như thân thiện. Thân thiện với thái độ khinh miệt. Và một lần nữa Richard lại bồn chồn nhúc nhích chân tay và nói như bị thôi miên, “Tiếp tục đi.” Sau đó, nhận thấy hành động của mình như là đang chìa má cho tát, anh vội vàng nói, “Anh đang muốn nghe xem em nhận định thế nào.” “Nhưng chắc là anh không ngạc nhiên đâu nhỉ?” Molly hỏi. “Em không thể nhớ là đã từng giấu giếm suy nghĩ của mình về cách anh đối xử với Marion. Anh bỏ mặc cô ấy, ngoại trừ năm đầu tiên. Khi lũ trẻ còn bé, cô ấy không bao giờ nhìn thấy anh. Trừ phi cô ấy phải chiêu đãi bạn làm ăn của anh và tổ chức các bữa tiệc thượng lưu hay bất cứ dịp vớ vẩn nào như thế. Nhưng bản thân cô ấy thì chẳng được gì. Rồi một người đàn ông quan tâm đến cô ấy, và cô ấy ngây thơ nghĩ rằng anh sẽ chẳng để tâm đâu - xét cho cùng thì chính anh đã thường xuyên bảo sao cô ấy không tự kiếm cho mình một gã tình nhân mỗi khi cô ấy phàn nàn về việc anh bồ bịch kia mà. Và thế là cô ấy có tình nhân và địa ngục nổ ra. Anh không chịu được và bắt đầu đe dọa. Sau đó cậu ta muốn cưới cô ấy và nhận nuôi ba đứa con, đúng thế, cậu ta yêu cô ấy đến mức ấy. Nhưng không. Đột nhiên anh lại nói chuyện đạo lý, nổi giận giống như một nhà tiên tri trong Kinh Cựu ước.” “Cậu ta quá trẻ so với cô ấy, không lâu bền được.” “Ý anh là cô ấy không hạnh phúc với cậu ta ư? Anh lo rằng cô ấy sẽ không hạnh phúc?” Molly vừa nói vừa cười khinh bỉ. “Không, chẳng qua là vì lòng tự phụ của anh bị tổn thương. Anh cố gắng hết sức để làm cho cô ấy yêu anh trở lại, giở các trò ghen tuông, thể hiện tình yêu và những nụ hôn đến khi cô ấy chia tay cậu ta. Và đến khi anh giành được cô ấy, anh lại chẳng quan tâm nữa và quay trở về với đám thư ký trên chiếc đi văng yêu thích trong văn phòng to lớn đẹp đẽ của anh. Và anh nghĩ rằng thật phi lý khi Marion cứ buồn phiền, gây chuyện cãi lộn và uống nhiều hơn mức nên uống. Hoặc giả em nói thế này, nhiều hơn mức nên uống với vợ của một người ở vị trí như anh. Này, Anna, có thêm gì mới kể từ khi tớ đi cách đây một năm không?” Richard giận dữ nói, “Không cần phải dùng một vở kịch dở về chuyện đó như vậy.” Giờ thì Anna cũng đã tham gia, đối thủ không chỉ có mỗi vợ cũ của anh nữa, vì vậy anh phát cáu. “Richard đến hỏi tớ xem nếu như anh ta đưa Marion vào trại nào đó thì có hợp lý hay không. Bởi vì cô ấy đang có ảnh hưởng xấu đến đám trẻ.” Molly nín thở, “Anh chưa làm vậy chứ, Richard?” “Chưa. Nhưng anh không biết tại sao điều đó lại kinh khủng đến thế. Cô ấy uống như hũ chìm suốt quãng thời gian đấy, và điều này không tốt cho lũ trẻ. Paul - năm nay nó mười ba tuổi, trong một đêm tỉnh dậy đi tìm nước uống, đã tìm thấy cô ấy bất tỉnh trên sàn nhà, say mèm.” “Anh thực sự nghĩ đến việc đẩy cô ấy ra khỏi nhà?” Giọng Molly trở nên lạnh tanh, thậm chí không còn cả sự khinh bỉ. “Được rồi, Molly, được rồi. Thế em định làm thế nào nếu ở vị trí của anh? Và em không cần phải lo lắng - phụ tá của em cũng sốc như em, và Anna đã khiến anh cảm thấy tội lỗi như em muốn.” Anh lại cười gượng, nghe rất thiểu não. “Và thực sự, khi anh rời bỏ em, anh tự hỏi mình có đáng phải chịu sự ghét bỏ hoàn toàn như thế không? Em cũng phóng đại mà Molly. Em nói chuyện cứ như anh là một con quỷ râu xanh. Anh mới có chưa tới nửa tá vụ lăng nhăng vớ vẩn, hầu hết những ông chồng anh biết đều như vậy, bất kể đã cưới vợ bao lâu. Mà vợ của họ đâu có rượu chè vì chuyện đó.” “Có khi anh chọn lấy một người vợ đần độn và vô tâm thật thì tốt hơn đấy nhỉ?” Molly đề xuất. “Hoặc lẽ ra anh đừng nên để cho cô ấy biết hết về mọi việc anh làm? Ngu xuẩn! Cô ấy tốt hơn anh cả ngàn lần.” “Đương nhiên rồi,” Richard nói. “Em luôn nghĩ rằng phụ nữ hiển nhiên phải tốt hơn đàn ông. Nhưng điều đó chẳng giúp được anh nhiều lắm. Giờ thì nghe này Molly, Marion tin tưởng em. Xin em đến gặp cô ấy càng sớm càng tốt, và nói chuyện với cô ấy.” “Nói cái gì?” “Anh không biết. Không quan tâm. Bất cứ chuyện gì cũng được. Cứ chửi anh nếu em muốn, nhưng hãy thử làm gì đó để ngăn cô ấy đùng rượu chè nữa.” Molly thở dài rất kịch, ngồi nhìn anh, một thoáng nửa khinh bỉ nửa thông cảm lướt qua miệng cô. Cuối cùng cô lên tiếng, “Ôi em thực sự không biết. Mọi chuyện thật kỳ cục. Richard này, tại sao anh không làm một điều gì đấy đi? Tại sao anh không cố gắng làm cho cô ấy cảm thấy anh thích cô ấy, ít ra là thế? Đưa cô ấy đi nghỉ hoặc đi đâu đấy?” “Anh đã đưa cô ấy đi Ý.” Dù bản thân không muốn, giọng anh vẫn mang đầy vẻ hằn học khi nhắc về chuyến đi không tự nguyện ấy của mình. “Richard,” hai người phụ nữ đồng thanh. “Cô ấy không thích ở bên anh,” Richard nói. “Cô ấy theo dõi anh mọi lúc mọi nơi - anh nhìn thấy cô ấy theo dõi anh suốt, xem anh có nhìn người phụ nữ nào hay không, chờ cho anh treo cổ tự tử. Anh không thể nào chịu được.” “Khi đi nghỉ cô ấy có uống rượu không?” “Không, nhưng…” “Thế đấy,” Molly nói, xòe đôi bàn tay trắng bóc ra như muốn nói, còn gì để nói nữa đâu? “Nghe này Molly, cô ấy không uống bởi vì đây là một kiểu thi đấu, em không thấy sao? Gần như là một cuộc mặc cả - tôi sẽ không uống rượu nếu anh không nhìn gái. Điều đó làm anh suýt phát điên. Xét cho cùng, đàn ông có những khó khăn thực tế nhất định - anh chắc chắn hai người phụ nữ ‘được giải phóng’ bọn em sẽ vượt qua dễ dàng thôi, nhưng anh không thể quan hệ với một người phụ nữ cứ theo dõi mình như cai ngục… trong chuyến đi hết sức thú vị đấy, khi tối tối về, lên giường với Marion giống như một cuộc thi tôi-đố-anh-chứng-tỏ-được-bản-thân. Nói ngắn gọn, anh không lên được với Marion. Như vậy đã đủ rõ ràng với bọn em chưa? Và bọn anh vừa trở về được một tuần. Cho đến nay thì cô ấy có vẻ ổn. Tối nào anh cũng về nhà như một người chồng đầy trách nhiệm, rồi bọn anh ngồi xuống và cư xử lịch sự với nhau. Cô ấy rất thận trọng, không hỏi xem anh đã làm gì hay gặp ai. Và anh cũng rất thận trọng, không xem mực whisky trong chai. Nhưng khi cô ấy ra khỏi phòng là anh nhìn cái chai, và anh có thể nghe thấy tiếng nói vang lên trong não cô ấy, chắc hẳn anh ta đã ngủ với đứa nào rồi bởi vì anh ta không muốn ngủ với mình. Cuộc sống thật là địa ngục, thực sự là thế. Thôi được rồi,” anh kêu lên, rướn người về trước, chân thành đến tuyệt vọng, “được rồi Molly. Nhưng em không thể vẹn cả đôi đường được. Hai người bọn em thích thì cứ nói tiếp về hôn nhân đi, có thể bọn em đúng. Có thể là như vậy. Anh chưa từng chứng kiến một cuộc hôn nhân nào đến được dù chỉ là gần với những gì người ta kỳ vọng. Thôi được. Bọn em đã rất cẩn thận khi tránh xa nó. Nó là một thể chế kinh khủng, anh đồng ý. Nhưng anh là người trong cuộc, còn bọn em thì ngồi bên ngoài đường biên, an toàn mà rao giảng.” Anna nhìn Molly, vẻ dửng dưng. Molly nhướng mày và thở dài. “Giờ thì đến lượt chuyện gì đây?” Richard hỏi, giọng vui vẻ. “Bọn em đang suy nghĩ về độ an toàn ngoài đường biên.” Anna mượn cái giọng vui vẻ của anh để trả lời. “Thôi đi,” Molly nói. “Anh có biết rằng đàn bà như bọn em phải gánh chịu loại hình phạt nào không?” “Ờ,” Richard đáp. “Anh không biết, và thực lòng mà nói, đấy là đám tang của riêng em, tại sao anh lại phải quan tâm chứ? Nhưng anh biết có một rắc rối mà em chưa từng vấp phải - nó đơn thuần là rắc rối thể xác. Làm thế nào để cương cứng được với một phụ nữ mình đã cưới được mười lăm năm?” Anh nói với vẻ xởi lởi, như thể đang ngửa ra lá bài cuối cùng, và tiền đã cược hết. Anna nhận xét sau một lúc im lặng, “Có lẽ việc đó sẽ dễ hơn nếu như trước đây anh từng tạo được thói quen ấy?” Sau đó, Molly xen vào, “Anh nói là thể xác ư? Thể xác ư? Đấy là vấn đề cảm xúc. Anh bắt đầu lang chạ ngay từ buổi đầu lấy vợ bởi vì anh gặp rắc rối về mặt cảm xúc, chẳng liên quan gì đến thể xác cả.” “Không ư? Đối với phụ nữ thì dễ rồi.” “Không, đối với phụ nữ cũng không dễ dàng gì. Nhưng ít nhất thì bọn em cũng đủ tỉnh táo để không sử dụng những từ như thể xác hay cảm xúc như thể chúng chẳng liên quan gì đến nhau.” Richard thả mình trở lại ghế và cười. “Được rồi,” cuối cùng anh lên tiếng. “Anh sai. Tất nhiên. Được rồi. Lẽ ra anh phải biết điều đó. Nhưng anh muốn hỏi bọn em một câu, bọn em thực sự nghĩ rằng tất cả đều là lỗi của anh hả? Theo những gì bọn em thấy thì anh là thằng khốn nạn. Nhưng tại sao?” “Lẽ ra anh phải yêu thương cô ấy.” Anna đáp một cách đơn giản. “Đúng thế,” Molly nói. “Lạy Chúa lòng lành,” Richard bối rối nói. “Lạy Chúa lòng lành. Thôi anh xin thua. Sau tất cả những điều anh nói - và nói ra đâu có phải việc dễ dàng gì…” anh nói với giọng gần như đe dọa, và mặt đỏ lên khi cả hai người phụ nữ bò lăn ra cười. “Không, đúng là không dễ dàng gì khi nói chuyện thẳng thắn với phụ nữ về tình dục.” Molly đáp, “Em chẳng hình dung được tại sao lại không, đấy chẳng phải là phát hiện vĩ đại nào mới cả, điều anh vừa nói ấy.” “Anh thật đúng là… đồ khốn vênh vang,” Anna nói. “Anh lôi tất cả những thứ này ra, cứ như đây là phát hiện mới nhất từ cuốn sách thánh nào đó. Em cá là anh vẫn nói chuyện về tình dục khi ở một mình với gái. Vậy thì tại sao lại giở trò quý ông lịch thiệp khi có hai người phụ nữ trước mặt?” Molly nói nhanh, “Chúng ta vẫn chưa quyết định xong về Tommy.” Có cái gì đó chuyển động bên ngoài cánh cửa, Anna và Molly nghe thấy nhưng Richard thì không. Anh nói, “Được rồi Anna, anh xin thua sự uyên bác của em. Chẳng còn gì để nói thêm nữa cả. Đúng vậy. Bây giờ anh muốn hai người phụ nữ ưu việt bọn em dàn xếp vụ này. Anh muốn Tommy đến ở cùng anh và Marion. Nếu như nó chịu làm vậy. Hay là nó không thích Marion?” Molly hạ giọng và nói, mắt nhìn ra cửa, “Anh không cần phải lo. Khi Marion đến gặp em, Tommy và cô ấy nói chuyện hàng tiếng đồng hồ.” Lại có một tiếng động nữa, nghe như tiếng ho hay tiếng đụng phải vật gì đó. Cả ba ngồi im khi cánh cửa mở ra và Tommy bước vào. Không ai đoán biết được cậu có vừa nghe thấy gì hay không. Cậu chào bố đầu tiên, giọng thận trọng, “Chào bố,” gật đầu với Anna, ánh mắt hạ thấp xuống vì không muốn gặp phải ở nơi cô một cái nhìn như có ý nhắc nhở rằng trong cuộc gặp lần trước, cậu đã cởi mở lòng mình trước sự hiếu kỳ đầy đồng cảm của cô, rồi cười với mẹ vừa thân thiện vừa mỉa mai. Sau đó cậu quay lưng lại với họ, nhặt lấy vài trái dâu còn sót lại trong cái bát trắng, rồi hỏi mà không hề quay mặt lại, “Dì Marion có khỏe không?” Vậy là cậu đã nghe thấy. Anna nghĩ, cô có thể tin cậu là loại người đứng ngoài cửa nghe chuyện. Đúng vậy, cô có thể tưởng tượng ra cảnh cậu lắng nghe với đúng nụ cười mỉa mai hờ hững lúc cậu chào mẹ. Richard bối rối không trả lời, Tommy liền nhắc lại, “Dì Marion có khỏe không?” “Khỏe,” Richard nhiệt thành đáp. “Rất khỏe.” “Tốt. Bởi vì hôm qua, khi con uống cà phê với dì ấy, dì ấy có vẻ như rất tệ.” Molly nhướng mày về phía Richard, Anna khẽ nhăn nhó, còn Richard nhìn trừng trừng hai người như muốn nói rằng, toàn bộ tình huống này đều là lỗi của họ. Tiếp tục không nhìn vào mắt họ, sử dụng từng đường nét cơ thể để cho thấy rằng họ đã đánh giá thấp khả năng nắm bắt tình huống của cậu cũng như sự cứng rắn trong phán quyết mà cậu dành cho họ, Tommy ngồi xuống và chậm rãi ăn dâu. Trông cậu rất giống bố. Nói vậy có nghĩa cậu là một thanh niên hài hòa, tròn trịa, da sẫm màu giống hệt bố, chẳng có chút dấu vết gì của sự hăng hái, sống động ở Molly. Nhưng không giống như Richard, để cho sự bướng bỉnh, ngoan cố thể hiện ra ngoài, cháy âm ỉ trong đôi mắt đen và biểu lộ trong mỗi động tác nhanh gọn, nôn nóng, Tommy có vẻ ngoài khép kín, một tù nhân của chính mình. Sáng nay, cậu mặc một chiếc áo nỉ màu đỏ và chiếc quần jean thụng màu xanh, nhưng nếu khoác lên bộ đồ doanh nhân chỉn chu, trông cậu đẹp hơn nhiều. Mỗi động tác, mỗi lời nói của cậu dường như đều thuộc về một cảnh phim chiếu chậm. Molly vẫn thường phàn nàn, tất nhiên là một cách hài hước, rằng cậu nói chuyện giống như một người đã phát thệ rằng sẽ đếm từ một đến mười trước khi mở lời. Và cô cũng phàn nàn, một cách hài hước, trong một mùa hè khi cậu mọc râu, trông cậu như vừa dán bộ râu của kẻ trác táng lên khuôn mặt trang trọng của mình. Cô tiếp tục những lời phàn nàn vui vẻ này cho đến khi Tommy nói, “Vâng, con biết mẹ thích con có ngoại hình giống mẹ hơn - ở điểm hấp dẫn, ý con muốn nói là vậy. Nhưng thật không may, con lại mang tính cách của mẹ, trong khi lẽ ra mọi thứ nên đảo ngược lại - vâng, chắc là như vậy, nếu con mang vẻ ngoài của mẹ và tính cách của bố - vâng, sức bền bỉ của bố, nói chính xác hơn thì là thế, như vậy có phải tốt hơn không?” - cậu quả quyết, kiên trì như thường lệ mỗi khi tìm cách chứng minh cho Molly thấy một điểm nào đó mà cô cố tình không hiểu. Molly lo lắng về điều này mất mấy ngày, thậm chí cô còn gọi điện cho Anna, “Như vậy có đáng sợ không, Anna? Ai mà tin được cơ chứ? Cậu suy nghĩ về một chuyện hàng năm trời và rốt cuộc đã có thể chấp nhận nó, rồi đột nhiên một người khác lại nói ra một điều gì đó, và cậu nhận thấy là người đó cũng đang suy nghĩ về đúng chuyện đó?” “Nhưng hẳn là cậu không muốn thằng bé giống như Richard chứ?” “Không, nhưng thằng bé nói đúng về khả năng bền bỉ. Và cái cách nó thể hiện bằng lời - thật không may, con lại mang tính cách của mẹ, nó nói vậy.” Tommy ăn đến khi không còn sót trái dâu nào, trái này nối tiếp trái kia. Cậu không nói câu nào, và họ cũng im lặng. Họ ngồi quan sát cậu ăn, như thể cậu buộc họ phải làm vậy. Cậu ăn thật thận trọng. Miệng cậu lúc ăn chuyển động giống hệt lúc nói, từng từ rời rạc, từng trái dâu nguyên vẹn, mỗi lần một trái. Và cậu điềm tĩnh cau mày, đôi lông mày màu đen mềm mại nhíu sát lại, giống hệt cậu học trò nhỏ đang nghe giảng. Thậm chí môi cậu còn tạo nên những động tác mấp máy nhẹ trước khi cắn, giống hệt một ông già. Hoặc giống như người mù, Anna nghĩ vậy; cô đã có lần ngồi đối diện với một người mù trên tàu hỏa. Miệng của ông ta cũng chu lại, một cách có chủ ý, thành một cái bĩu môi hờ, gợi cảm giác như chỉ đang quan tâm đến mình. Đôi mắt của ông ta cũng vậy, giống hệt mắt Tommy ngay cả khi cậu đang nhìn một ai đó: cứ như thể là đang nhìn vào bên trong chính mình. Nhưng dĩ nhiên vì là ông ta mù. Lúc ngồi đối diện với người mù đó, nhìn vào đôi mắt đã chết trông như thể đang bị cái nhìn nội tâm che khuất, Anna cảm nhận được một cơn kích động nhẹ đang dâng lên. Và cô biết rằng cả Richard lẫn Molly đều có cùng cảm giác đó; cả hai người đều cau mày và có những động tác lo lắng, bồn chồn. Thằng bé đang bắt nạt cả lũ chúng ta, Anna nghĩ, cảm thấy bực bội, thằng bé đang bắt nạt chúng ta kinh quá. Và một lần nữa, cô lại hình dung ra cảnh Tommy đứng bên ngoài cửa, lắng nghe, có thể là trong một lúc lâu; lúc này cô đang tin chuyện ấy là có thật, dù chẳng có căn cớ gì, và cảm thấy không thích thằng bé, nó đang mua vui bằng cách bắt họ ngồi chờ nó. Anna, cưỡng lại cái lệnh cấm đáng sợ của Tommy, đang tự buộc mình phải nói lên điều gì đó để phá vỡ không khí im lặng thì Tommy đặt đĩa xuống rồi đặt ngang thìa lên trên một cách ngay ngắn và điềm tĩnh nói, “Ba người lại nói chuyện về con.” “Tất nhiên là không phải,” Richard nói, giọng vui vẻ và đầy tính thuyết phục. “Tất nhiên,” Molly nói. Tommy ban cho hai người một nụ cười vị tha và nói, “Bố đến đây định mời chào công việc trong một công ty nào đó của bố. Con đã suy nghĩ kỹ như lời bố nói, nhưng con nghĩ nếu như bố không phiền thì con xin phép được từ chối.” “Ôi Tommy,” Molly nói với vẻ thất vọng. “Mẹ đang rất thiếu nhất quán, mẹ ạ,” Tommy nói, mắt hướng về phía cô nhưng không nhìn vào cô. Cậu thường có kiểu hướng mắt về phía người khác nhưng lại soi vào bên trong mình như thế. Khuôn mặt cậu đang trở nên nghiêm trang, gần như ngớ ngẩn, khi cậu cố gắng trả lại công bằng cho mọi người. “Mẹ biết đây không chỉ là vấn đề tìm việc, đúng không? Mà có nghĩa là con phải sống như bọn họ.” Richard đổi tư thế chân và thở hắt ra, nhưng Tommy vẫn tiếp tục, “Con không có bất cứ ý chỉ trích nào đâu, bố ạ.” “Nếu không phải chỉ trích thì nó là cái gì?” Richard vừa nói vừa giận dữ cười. “Không phải chỉ trích, chỉ là một lời đánh giá về giá trị thôi,” Molly nói, vẻ đắc thắng. “À, quỷ thật,” Richard đáp. Tommy không chú ý đến họ, tiếp tục hướng về góc phòng mẹ cậu đang ngồi. “Vấn đề là, dù tốt hay xấu thì mẹ cũng đã dạy con tin vào một vài điều nhất định, vậy mà bây giờ mẹ bảo rằng con chỉ cần đến nhận một công việc nào đó ở hãng Portmain. Tại sao?” “Ý con là,” Molly đáp, giọng cay đắng tự trách mình, “tại sao mẹ lại không cho con thứ gì tốt đẹp hơn?” “Có lẽ là chẳng có thứ gì tốt đẹp hơn cả. Đấy không phải là lỗi của mẹ - con không định nói như vậy.” Cậu nói với giọng mềm mỏng và cực kỳ dứt khoát khiến Molly thở dài thành tiếng, nhún vai và xòe tay ra. “Con không ngại phải giống như bọn mẹ, không phải vậy. Bao nhiêu năm nay, con đã nghe các bạn mẹ nói chuyện, dường như mẹ và tất cả các bạn của mẹ đều lúc nào cũng rối tinh rối mù lên, hoặc tự nghĩ là mình đang như vậy mặc dù không phải thế,” cậu nói, đôi lông mày nhíu vào nhau, nhả từng cụm từ sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. “Con không ngại chuyện đó, nhưng đó không phải là chủ ý của mẹ. Chuyện không phải là, tại một thời điểm nào đó, mẹ nói với bản thân: mình sẽ trở thành một người như vậy như vậy. Ý của con là, con nghĩ đối với cả mẹ lẫn dì Anna, đã có lúc hai người từng phải thốt lên, thậm chí còn cảm thấy ngạc nhiên với điều đó: Ôi, hóa ra mình là loại người đó ư?” Anna và Molly mỉm cười với nhau, rồi với Tommy, thừa nhận điều đó là sự thật. “Ra vậy.” Richard vui vẻ nói. “Đã xong. Nếu con không muốn giống như Anna và Molly, chúng ta sẽ có hướng khác.” “Không,” Tommy đáp. “Con vẫn chưa giải thích rõ ý của con mà. Không cần hướng khác.” “Nhưng con phải làm gì đấy chứ,” Molly thốt lên, giọng không hề hài hước mà gay gắt và hoảng hốt. “Đâu có nhất thiết,” Tommy nói, cứ như đấy là điều hiển nhiên. “Nhưng con vừa mới nói là con không muốn giống mẹ.” Molly nói. “Không phải là con không muốn, mà con nghĩ là con không thế giống được.” Lúc này cậu quay sang bố, nhẫn nại giải thích. “Vấn đề là, với mẹ và dì Anna, người ta không gọi là nhà văn Anna Wulf hay nữ diễn viên Molly Jacobs, chỉ trừ những người chưa biết họ. Họ không - ý con là - họ không phải là công việc của họ;nhưng nếu con bắt đầu làm việc với bố, con sẽ trở thành công việc của con. Bố có thấy thế không?” “Thực lòng mà nói thì không.” “Điều con muốn nói là, con thà trở thành…” Cậu lúng túng, sau đó im lặng một lúc, nhíu mày. “Dạo này, con đang suy nghĩ về việc này, bởi vì con biết con sẽ phải giải thích cho bố nghe.” Cậu nói một cách nhẫn nại, gần như đã sẵn sàng đón nhận những yêu cầu phi lý từ bố mẹ. “Những người như dì Anna, mẹ Molly, hay bạn bè họ, họ không phải là một thứ, mà là nhiều thứ một lúc. Và bố biết rằng họ có thể thay đổi và trở thành một cái gì đấy hoàn toàn khác. Con không định nói rằng tính cách của họ thay đổi, nhưng chưa có một cái khuôn nào ụp lên đầu họ cả. Bố biết là nếu có điều gì đó xảy ra trên thế giới này, hoặc có biến động gì đó, cách mạng hay bất cứ điều gì…” Cậu kiên nhẫn chờ Richard hít sâu vào một cách cáu giận khi nghe đến từ cách mạng rồi thở ra, sau đó mới tiếp tục, “họ sẽ đổi khác nếu tình thế bắt buộc. Nhưng bố thì sẽ không bao giờ khác được, bố ạ. Bố sẽ luôn đi theo con đường đời hiện tại của bố. Con không muốn điều đó cho bản thân mình.” Cậu kết luận, đôi môi bĩu ra như một cách kết thúc phần giải thích của mình. “Con sẽ khổ lắm đây,” Molly nói, gần như là rên rỉ. “Vâng, đấy lại là chuyện khác.” Tommy đáp. “Lần gần đây nhất khi chúng ta nói chuyện, mẹ cũng kết thúc bằng câu ‘Ôi, nhưng con sẽ khổ lắm đấy.’ Cứ như đấy là điều tồi tệ nhất vậy. Nhưng nếu đã nói đến chuyện khổ, con không coi mẹ hay dì Anna là hạnh phúc, nhưng ít nhất thì mẹ và dì cũng hạnh phúc hơn bố. Chưa kể dì Marion.” Cậu nói câu cuối cùng một cách nhẹ nhàng, trực tiếp buộc tội bố. Richard nóng nảy hỏi, “Tại sao con không nghe câu chuyện từ phía bố, cũng như từ phía dì Marion?” Tommy vờ như không nghe thấy, nói tiếp, “Con biết chuyện con nói nghe thật lố bịch. Từ trước khi nói con đã biết là mình sẽ có vẻ rất ngây thơ.” “Tất nhiên là con ngây thơ rồi.” Richard nói. “Con không ngây thơ.” Anna nói. “Khi con kết thúc câu chuyện lần trước với dì, dì Anna ạ, con về nhà và nghĩ, Ồ, chắc là dì Anna nghĩ mình ngây thơ kinh khủng.” “Không, dì không nghĩ vậy. Vấn đề không phải vậy. Điều mà có vẻ như con không hiểu là, bọn ta muốn con sống tốt hơn những gì chúng ta đã làm.” “Tại sao lại vậy?” “Ồ, có lẽ chúng ta vẫn còn có khả năng thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn,” Anna nói với sự tôn kính dành cho tuổi trẻ. Nghe thấy ý van xin trong giọng của chính mình, cô bật cười và nói, “Lạy Chúa lòng lành, Tommy, con không nhận ra rằng con đang làm bọn ta cảm thấy bị phán xét sao?” Lần đầu tiên Tommy thể hiện một chút hài hước. Cậu nhìn thẳng vào họ, vào dì, rồi vào mẹ và mỉm cười. “Dì quên rằng con đã nghe dì và mẹ nói suốt từ bé đến giờ. Con biết gì mà, đúng không? Con nghĩ rằng cả dì và mẹ đôi lúc có chút trẻ con, nhưng con thấy thế còn hơn là…” Cậu không nhìn bố, nhưng bỏ lửng câu nói. “Thật đáng tiếc là con chưa bao giờ cho bố cơ hội được trò chuyện,” Richard nói, nhưng là với vẻ tủi thân; còn Tommy thì phản ứng bằng cách nhanh chóng né tránh bố. Cậu nói với Anna và Molly, “Con thà thất bại, như dì và mẹ, còn hơn thành công và kiểu kiểu như thế. Nhưng nói vậy không phải là con chọn thất bại. Con muốn nói rằng, không ai lại chọn thất bại cả, đúng không? Con biết mình không muốn điều gì, nhưng lại không biết mình muốn gì.” “Một hoặc hai câu hỏi thực tế nhé,” Richard nói, trong khi Anna và Molly nhăn nhó với từ thất bại mà chàng trai sử dụng với đúng sắc thái mà có lẽ họ sẽ dùng. Dù sao đi nữa thì họ cũng chưa dùng từ đó cho chính mình - hoặc ít ra thì cũng không phải là một cách chính xác và dứt khoát như vậy. “Con định sẽ làm gì để kiếm sống?” Richard hỏi. Molly nổi cáu. Cô không muốn Tommy bị đòn nhạo báng của Richard đẩy ra khỏi thời kỳ suy nghĩ thoải mái mà cô đang dành cho cậu. Nhưng Tommy đáp, “Nếu mẹ không phiền thì con không ngại phải sống nhờ mẹ một chút. Xét cho cùng, con cũng gần như không tiêu pha gì. Nhưng nếu phải kiếm tiền, con luôn có thể làm nghề dạy học.” “Làm nghề đó thì đời con sẽ phẳng phiu hơn nhiều so với con đường mà bố vạch ra cho con đấy,” Richard nói. Tommy bối rối. “Con nghĩ là bố không thực sự hiểu những điều con đang cố gắng diễn đạt. Có lẽ con nói chưa đúng cách.” Richard nói, “Con sẽ trở thành một dạng lông bông la cà quán xả thôi.” “Không. Con không nghĩ thế. Bố nói vậy bởi vì bố chỉ thích những người có nhiều tiền mà thôi.” Giờ thì ba người lớn im lặng. Molly và Anna thì là vì họ tin thằng bé có thể tự bảo vệ chính kiến của mình; Richard thì bởi anh sợ sẽ để cơn điên trào ra. Sau một lúc, Tommy kết luận, “Có lẽ con sẽ cố gắng trở thành nhà văn.” Richard buông ra một tiếng rên rỉ. Molly cố gắng không nói gì. Nhưng Anna thốt lên, “Ôi Tommy, còn tất cả những lời khuyên của dì thì sao.” Cậu đáp lại Anna một cách trìu mến, nhưng bướng bỉnh, “Dì quên à, con đâu có những ý tưởng phức tạp về nghề viết như dì.” “Ý tưởng phức tạp nào?” Molly hỏi, giọng gay gắt. Tommy nói với Anna, “Con vẫn đang suy nghĩ về tất cả những điều dì nói.” “Điều gì thế?” Molly hỏi. Anna đáp, “Tommy, con quả là đáng sợ. Người ta nói điều gì đó là con lại nhập tâm một cách quá nghiêm túc.” “Nhưng dì đã nghiêm túc trong lúc đấy chứ?” Anna cố nén ý định dập tắt bằng một lời nói đùa, trả lời, “Có chứ, dì nghiêm túc.” “Vâng, con biết là dì nghiêm túc. Vì vậy nên con đã suy nghĩ về lời dì nói. Có chút ngạo mạn trong những điều đó.” “Ngạo mạn?” “Vâng, con nghĩ vậy. Cả hai lần con đến thăm dì, dì đều nói chuyện, và khi con xâu chuỗi tất cả những điều dì nói, con cảm thấy có cái gì đó như là ngạo mạn. Giống như một sự coi thường.” Hai người còn lại, Molly và Richard, lúc này đang ngồi mỉm cười, châm thuốc hút. Bị gạt ra khỏi câu chuyện, họ đưa mắt nhìn nhau. Nhưng vẫn nhớ sự chân thành trong lời thỉnh cầu của cậu bé, Anna quyết định gạt bỏ người bạn cũ Molly, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. “Nếu nghe có vẻ coi thường thì dì nghĩ rằng dì đã không giải thích một cách đúng đắn.” “Vâng. Bởi vì điều đó có nghĩa là dì không tin tưởng con người. Con nghĩ rằng dì sợ.” “Sợ gì?” Anna hỏi. Cô cảm thấy mình như bị phơi trần ra, đặc biệt là trước mặt Richard, cổ họng cô khô khốc và đau. “Sợ cô đơn. Vâng, con biết điều này nghe có vẻ buồn cười đối với dì, bởi vì tất nhiên là dì chọn cuộc sống độc thân, thay vì lấy chồng để không bị cô đơn. Nhưng con muốn nói tới khía cạnh khác. Dì sợ phải viết ra những điều dì nghĩ về cuộc đời, bởi vì có thể dì sẽ thấy mình đang ở vị thế bị phơi bày, có thể dì sẽ phơi bày bản thân, có thể dì sẽ cô đơn.” Anna yếu ớt nói, “Ồ, con nghĩ vậy sao?” “Vâng. Hoặc nếu dì không cảm thấy sợ thì đấy là cảm giác coi thường. Khi mình nói chuyện về chính trị, dì bảo khi trở thành cộng sản dì đã học được một thứ: điều kinh khủng nhất là lãnh đạo chính trị không nói thật. Dì bảo rằng một lời nói dối nhỏ có thể lan ra thành một đầm lầy dối trá và đầu độc mọi thứ - dì còn nhớ không? Dì nói chuyện này trong một thời gian dài… vậy đó. Dù nói vậy về chính trị. Nhưng dù có cả một chồng sách mà dì viết cho chính mình, và chưa ai được nhìn thấy chúng. Dì bảo dì tin rằng khắp nơi trên thế giới đều có những cuốn sách nằm trong ngăn kéo, được mọi người viết cho chính mình - thậm chí ở cả những đất nước mà việc viết lên sự thật không bị đe dọa, Dì còn nhớ không dì Anna? Vâng, đấy là một sự coi thường.” Nãy giờ trong lúc nói, cậu không nhìn vào Anna mà chỉ dành cho Anna một ánh mắt chân thành, u tối và như đang tự thăm dò chính mình. Lúc này, cậu đã nhìn thấy gương mặt buồn khổ, đỏ bừng của Anna, nhưng cậu đã kịp bình tĩnh lại và do dự nói, “Dì Anna, lúc đó dì đang nói những ý nghĩ thật của dì đấy chứ?” “Ừ.” “Nhưng dì Anna này, có đúng là dì không nghĩ rằng con sẽ suy nghĩ về những điều dì nói?” Anna nhắm mắt một lúc, mỉm cười đau đớn, “Dì cho rằng dì đã không nghĩ con sẽ nghiêm túc suy nghĩ lời dì nói đến như vậy.” “Cũng vậy thôi. Điều đó cũng giống hệt như việc viết sách. Tại sao con lại không nghiêm túc suy nghĩ về lời dì nói chứ?” Molly quả quyết tham gia, “Mẹ không biết là những ngày này dì Anna vẫn viết sách.” “Tớ không viết,” Anna đáp nhanh. “Dì kìa,” Tommy nói. “Sao dì lại nói thế?” “Dì nhớ đã từng bảo với con rằng dì đã từng khổ sở vì luôn có cảm giác chán ghét và vô vọng. Có lẽ dì không muốn khuếch tán những cảm giác này.”