🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cung Đàn Báo Oán - Yokomizo Seishi & Hoài Đan (dịch) mượn full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo [ebook©vctvegroup] CUNG ĐÀN BÁO OÁN —★— Tác giả: Yokomizo Seishi Người dịch: Hoài Đan Phát hành: IPM Nhà xuất bản Hồng Đức 2020 Trước khi bắt tay viết câu chuyện này, bỗng dưng tôi lại muốn ngó qua dinh thự là nơi vụ án kinh hoàng kia đã xảy ra. Nên một chiều đầu xuân, tôi chống ba toong rời nhà, làm chuyến tản bộ tới đó. Tôi sơ tán về vùng nông thôn tỉnh Okayama này từ tháng Năm năm ngoái. Ở đây, hễ gặp dân làng, tôi lại được nghe kể về vụ án tiếng đàn sát nhân xảy ra với gia tộc Ichiyanagi. Vốn dĩ khi biết tôi là nhà văn trinh thám, mọi người thường kể cho tôi những vụ án giết người mà họ được mắt thấy tai nghe. Dân ở đây cũng vậy, song tình cờ tất cả luôn nhắc tới cùng một vụ. Thế thôi là đã đủ thấy vụ án này để lại ấn tượng sâu đậm nhường nào với dân địa phương. Tuy nhiên nhiều người trong số họ lại chưa biết đến điều kinh hoàng nhất của vụ án. Trong những vụ án tôi từng nghe, chẳng có mấy vụ thực sự thú vị như người kể tưởng, hay ít nhất là tôi chưa gặp được vụ nào đáng đem ra làm tư liệu viết tiểu thuyết. Tuy nhiên vụ này thì khác. Mới qua vài chi tiết vụn vặt, tôi đã rất hứng thú. Đến khi biết được chân tướng sự việc qua một người tường tận là anh F, tôi càng phấn khích hơn. Nó hoàn toàn khác với các vụ giết người thông thường, bởi kế hoạch của hung thủ vô cùng tỉ mỉ, hơn nữa còn là “án mạng trong phòng kín”. Nhà văn trinh thám nào chẳng muốn một lần viết về “án mạng trong phòng kín”. Thật khó cưỡng lại mong muốn phá giải vụ giết người xảy ra trong căn phòng nội bất xuất ngoại bất nhập, nên phần lớn họ đều thử sức với đề tài này ít nhất một lần. Theo lời anh bạn đáng kính Inoue Eizo[1], các tác phẩm của Dickson Carr[2] đều là biến thể của “án mạng trong phòng kín”. Tôi cũng mang danh nhà văn trinh thám, nên định sẽ thử sức khi có dịp. May thay, giờ tôi đã có cơ hội mà chẳng phải tốn công tốn sức. Xem ra tôi phải cảm ơn tên hung thủ tàn nhẫn máu lạnh, kẻ đã dùng phương cách đáng sợ để đâm đôi nam nữ kia. Lúc mới nghe chân tướng vụ án, tôi liền lục lại kí ức, xem trong số tiểu thuyết từng đọc đã xuất hiện tình tiết tương tự chưa. Đầu tiên là Bí mật căn phòng vàng của Leroux[3]. Sau đó đến Những chiếc răng cọp của Leblanc[4], Án mạng Canary[5] và Án mạng Kennel[6] của Van Dine[7], Vụ mưu sát tại biệt thự Plague Court[8] của Dickson Carr. Cuối cùng là một biến thể của án mạng trong phòng kín, Vụ thảm sát gia đình Angells[9] của Scarlett[10]. Nhưng tình tiết trong những tiểu thuyết ấy đều khác hẳn vụ này. Phải chăng hung thủ đã đọc hết chúng, giải mã từng thủ đoạn, rồi nhặt ra các yếu tố cần thiết, từ đó xây dựng cho mình một cách thức hoàn toàn mới? Dám lắm chứ! Nếu so sánh thì vụ án này có nhiều điểm tương đồng nhất với Bí mật căn phòng vàng. Tuy nhiên, điểm giống không phải chân tướng sự việc, mà là bầu không khí tại hiện trường. Gian phòng trong vụ án này không dán giấy tường màu vàng, mà thay vào đó, từ cột trụ, trần nhà cho đến xà ngang, cửa chớp đều sơn màu đỏ son. Thật ra nhà màu đỏ son không hiếm ở vùng này. Căn nhà tôi đang ở cũng thế, chỉ khác là khá cũ nên đã ngả sắc đen. Còn gian phòng hiện trường thì vừa được sơn sửa trước khi vụ án xảy ra, nên lúc đó hẳn vẫn đậm sắc đỏ. Chiếu và cửa trượt còn mới tinh, lại thêm bình phong dát vàng quây trước đôi nam nữ nằm trong vũng máu. Quang cảnh xem chừng vô cùng ấn tượng. Ngoài ra, tiếng đàn tranh xuyên suốt vụ án cũng là yếu tố bí ẩn lôi cuốn tôi. Mỗi lần xảy ra chuyện, tiếng đàn đều vang lên điên cuồng! Tôi vốn không bỏ được tính lãng mạn sến sẩm, nên thấy chi tiết đó có sức hút cực kì khó cưỡng. Giết người trong phòng kín, căn phòng tuyền đỏ son, và tiếng đàn… Vụ án này có quá đủ yếu tố để trở thành tiểu thuyết, nên nếu không viết ra, tôi thật chẳng đáng mặt nhà văn nữa. Hơi lan man rồi. Nhà tôi cách hiện trường vụ án là dinh thự gia tộc Ichiyanagi khoảng mười lăm phút đi bộ. Dinh thự nằm ở làng Oka—, xóm Yamanotani. Y như cái tên, xóm này có ba mặt giáp núi[11], núi non không cao lắm, uốn lượn tựa chân loài sao biển vươn ra vùng đồng bằng. Và ở một mũi chân của sao biển chính là dinh thự rộng lớn của gia tộc Ichiyanagi. Phía Tây dãy núi “chân sao biển” kể trên có một dòng suối, còn phía Đông là con đường nhỏ dẫn sang làng Ku—, xuống tới vùng đồng bằng không bao xa thì dòng suối giao với con đường, tạo nên khu đất hình tam giác méo mó, diện tích hơn sáu nghìn năm trăm mét vuông. Dinh thự gia tộc Ichiyanagi nằm trên khu đất đó, Bắc giáp rìa núi, Tây sát dòng suối, Đông nhìn ra con đường dẫn tới làng Ku—. Cổng chính của dinh thự dĩ nhiên hướng ra con đường này. Đầu tiên, tôi đi đến trước cổng chính của dinh thự. Cánh cổng lớn màu đen gắn nhũ sắt[12], hai bên là tường bao sừng sững, dài hơn hai trăm mét. Nhòm qua cổng thì thấy bên trong lớp tường ngoài còn một lớp tường nữa che kín khuôn viên dinh thự. Quả là nhà quyền thế. Tôi bèn vòng sang mạn Tây, men theo dòng suối ngược lên phía Bắc. Đến chỗ cuối bức tường bao, tôi băng qua cây cầu đất đằng sau cái guồng nước hỏng để lên vách núi nằm ở phía Bắc, nơi có một rừng tre. Tôi len vào bụi tre rậm rạp ở rìa vách để nhìn về phía Nam. Cảnh trí khu dinh thự thu hết vào tầm mắt. Trước hết, tôi để mắt tới mái căn biệt thất nằm ngay dưới vách núi. Án mạng xảy ra ngay dưới lớp mái này. Nghe nói đây vốn là nơi gia chủ đời trước xây để ẩn cư dưỡng già. Bên trong có một gian tám chiếu và một gian sáu chiếu. Biệt thất dẫu nhỏ song vẫn là nơi ẩn cư, nên sân vườn được thiết kế rất kì công, từ Nam qua Tây bày trí nhiều cây cảnh và non bộ tới mức hơi quá đà. Chuyện về biệt thất sau này tôi sẽ kể chi tiết hơn, còn giờ thì phóng tiếp tầm mắt về phía Nam sẽ thấy căn nhà chính một tầng rộng rãi quay mặt về hướng Đông, tiếp đến là nhà của chi thứ, nhà kho hay lán nằm không theo quy tắc. Nhà chính được ngăn cách với biệt thất bằng hàng rào tre, thông nhau chỉ qua một cánh cửa tre nhỏ. Cả rào lẫn cửa tre giờ đều đã hư hỏng nặng, không sao nhìn ra hình dạng ban đầu, nhưng lúc vụ án xảy ra thì hẵng còn mới và kiên cố. Chính chúng đã ngăn mọi người từ nhà chính ập tới hiện trường ngay sau khi nghe thấy tiếng la hét. Vậy là đã nhìn bao quát xong một lượt dinh thự gia tộc Ichiyanagi nên tôi rời bụi tre, qua ủy ban làng Oka—. Ủy ban nằm ở mé Nam của làng, mấy dãy nhà dân chạy tới đây là hết. Từ đây đi tiếp về phía Nam cho tới khi gặp làng Kawa sẽ toàn là đồng ruộng. Giữa các cánh đồng là con đường thẳng tắp, rộng độ ba, bốn mét. Cứ thẳng đường này đi bộ khoảng bốn mươi phút sẽ tới ga tàu hỏa, Vì thế, những người ngồi tàu tới đây sau đó muốn vào làng thì kiểu gì cũng phải đi theo con đường này, qua phía trước ủy ban. Đối diện ủy ban là một căn nhà có phần nền đất[13] rộng, mặt ngoài lắp cửa kính thô sơ. Đây vốn là một tiệm cơm nhỏ, nơi nghỉ chân dành cho dân thồ hàng bằng ngựa. Tiệm cơm này liên hệ mật thiết với vụ án mạng xảy ra tại dinh thự Ichiyanagi, bởi là nơi đầu tiên người đàn ông bí ẩn với bàn tay phải chỉ có ba ngón ghé vào. Chuyện bắt đầu vào chiều tối 23 tháng Mười một năm 1937, hai ngày trước khi án mạng xảy ra. Bên ngoài tiệm cơm, bà chủ tiệm ngồi ghế gấp, đang tán gẫu với một cán bộ ủy ban và một dân thồ hàng là khách quen. Bỗng từ hướng làng Kawa có người đàn ông lê bước tới. “Xin hỏi đi lối nào thì tới được nhà Ichiyanagi ạ?” Đang nói dở câu chuyện, nghe hỏi, bà chủ tiệm, viên cán bộ ủy ban và tay dân thồ hàng bèn cùng quan sát trang phục của người đàn ông rồi nhìn nhau. Cả ba đều thấy lạ vì hắn có vẻ ngoài vô cùng nhếch nhác, chẳng ra dáng có quan hệ với gia tộc lớn như Ichiyanagi chút nào. Đầu đội mũ tai bèo nhăn nhúm, mặt đeo khẩu trang to, tóc tai bờm xờm thò ra bên dưới mũ, râu ria lởm chởm từ cằm lên tới má, dáng vẻ cực đáng nghi. Hắn không mặc áo khoác nhưng cổ chiếc áo đang mặc lại cài kín như sợ lạnh. Áo quần đầy bụi bẩn, vị trí khuỷu tay và đầu gối bị mài đến bạc phếch. Đôi giày há mõm, bụi bám trắng bệch. Trông hắn cực kì mệt mỏi, tuổi độ trên dưới ba mươi. “Nhà Ichiyanagi đằng kia kìa, nhưng cậu tìm nhà ấy có việc gì?” Trước ánh nhìn chòng chọc của viên cán bộ ủy ban, người đàn ông chớp mắt như bị chói, miệng lẩm bẩm gì đó sau lớp khẩu trang. Đúng lúc ấy, cũng từ hướng làng Kawa—, một chiếc xe kéo chạy ngang qua. Bà chủ tiệm thấy thế liền bảo, “Này cậu gì ơi, gia chủ nhà Ichiyanagi mà cậu hỏi vừa mới đi qua đấy.” Ngồi trên xe là một người đàn ông trạc tứ tuần, da ngăm, vẻ mặt nghiêm nghị. Anh ta mặc âu phục đen, ngồi ngay ngắn, mắt nhìn thẳng, không hề ngó ngang liếc dọc. Má hóp, mũi thẳng cao, trông qua có vẻ khó gần. Đó chính là Kenzo, gia chủ nhà Ichiyanagi. Chiếc xe kéo chở anh ta chạy ngang qua trước mặt mấy người kia rồi mất hút ở ngã rẽ. “Bà chủ này, nghe nói gia chủ nhà Ichiyanagi sắp lấy vợ. Có thật không?” Không thấy bóng dáng xe kéo đâu nữa, tay dân thồ hàng mới hỏi. “Thật đấy. Nghe bảo ngày kia là tổ chức đám cưới rồi.” “Ơ, sao gấp gáp vậy?” “Cưới vợ phải cười liền tay. Xem ra anh ta định kết hôn bằng mọi giá. Đúng kiểu người một khi đã quyết là làm.” “Thế mới thành học giả nổi tiếng được chứ. Có điều bà lớn nhà ấy chấp nhận rồi cơ à?” Viên cán bộ uỷ ban góp lời. “Đương nhiên trong lòng bà ấy nào có chịu, nhưng nghe nói cũng bó tay mặc kệ rồi. Càng phản đối anh ta càng kiên quyết làm theo ý mình thôi.” “Gia chủ nhà Ichiyanagi bao nhiêu tuổi rồi? Bốn mươi?” “Vừa đúng bốn mươi. Lại còn kết hôn lần đầu nữa.” “Tình yêu tuổi trung niên coi bộ còn nồng nhiệt hơn đám thanh niên ấy nhỉ.” “Nghe đâu cô dâu mới hai lăm, hai sáu gì đó, hình như là con gái ông Rin. Đúng là chuột sa chỉnh gạo, à không, sa mỏ vàng chứ nhở? Cô ấy xinh đẹp thế cơ à?” “Cũng chưa đến mức sắc nước hương trời. Song vì là giáo viên trường nữ sinh, lại tháo vát giỏi giang, nên mới lọt vào mắt xanh gia chủ nhà Ichiyanagi. Xem ra từ nay về sau con gái mà không có giáo dục là vứt.” “Bà chủ cũng muốn vào trường nữ sinh để câu được đức lang quân giỏi giang sao?” “Ôi sao anh biết!” Ba người nhìn nhau, không nhịn được mà cười phá lên. Đúng lúc ấy, người đàn ông ban nãy khúm núm chen lời. “Bà chủ ơi, cho tôi xin ngụm nước được không? Tôi khát quá…” Ba người ngạc nhiên ngoái đầu nhìn lại. Họ quên bẵng là người đàn ông vẫn còn ở đây. Bà chủ dò xét, rồi rót cho hắn cốc nước. Hắn liền cảm ơn, đón lấy cốc nước rồi gỡ khẩu trang ra. Lập tức, ba người kia không hẹn mà quay ra nhìn nhau. Má phải của người đàn ông hằn một vết sẹo rất lớn và sâu, kéo thẳng từ khóe môi lên gò má, như thể miệng hắn từng rách toạc. Xem ra hắn đeo khẩu trang không phải vì ốm hay để chắn bụi, mà nhằm che vết sẹo này. Không những thế, bàn tay phải đang cầm cốc của hắn càng khiến họ dựng tóc gáy. Bàn tay chỉ còn ba ngón, là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Ngón út và áp út đã cụt mất một nửa. Uống nước xong, người đàn ông ba ngón khách sáo cảm ơn rồi lảo đảo bước về hướng nhà Ichiyanagi, bỏ lại ba người phía sau nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. “Hắn ta… là ai thế?” “Tìm nhà Ichiyanagi có việc gì nhỉ?” “Tên dị hợm! Cải miệng trông thấy mà ghê! Tôi không dùng lại cái cốc này nữa đâu.” Quả nhiên bà chủ không đụng tới nữa mà nhét cái cốc vào góc tủ. Nhờ vậy, sau này nó trở thành vật chứng quan trọng trong vụ án. Thưa các bạn độc giả yêu thích truyện trinh thám và có con mắt nhìn thấu chân tướng sự việc qua những trang sách. Đọc đến đây hẳn các bạn đã biết tiếp theo tôi muốn nói gì. Gảy đàn chỉ cần ba ngón tay. Với đàn tranh, chỉ cần ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa là có thể tấu nhạc… Theo lời bô lão trong làng thì Ichiyanagi là hộ giàu có nhất vùng. Song gia tộc đó vốn không phải gốc ở làng này, nên những người dân quê đầy định kiến chẳng nói được câu nào hay ho khi nhắc đến họ. Trước đây gia tộc Ichiyanagi sống ở làng Kawa—, xưa kia nằm bên trục đường Chugoku[14] Thời Edo, làng Kawa— từng là một trạm nghỉ trên đường, và Ichiyanagi chính là nhà được chọn làm dịch trạm[15] trong trạm nghỉ. Tuy nhiên, tới thời Minh Trị Duy tân, gia chủ bấy giờ là người biết thời thế, ngay khi Mạc phủ sụp đổ đã lập tức chuyển nhà tới làng Oka—, rồi nhân lúc thời cuộc rối ren lại thu mua ruộng đất với giá chỉ ba cọc ba đồng nên chẳng mấy chốc trở thành đại địa chủ. Cũng vì thế dân làng thường nói xấu sau lưng, gọi gia tộc Ichiyanagi là đám kappa[16] lên hương, ám chỉ việc nhà Ichiyanagi từ làng Kawa lên xóm Yamanotani[17]. Quay lại câu chuyện thì vào khoảng thời gian vụ án kinh hoàng xảy ra, trong cơ ngơi của gia tộc Ichiyanagi có những người sau sinh sống. Đầu tiên là phu nhân Itoko, hồi đó 57 tuổi, góa phụ của gia chủ đời trước. Bà ta thường búi kiểu tóc trẻ hơn tuổi và luôn ra vẻ tự hào, cố giữ nét đạo mạo của hậu duệ dịch trạm trong mọi trường hợp. “Bà lớn” mà dân làng ám chỉ chính là vị phu nhân này. Phu nhân Itoko có năm người con, song lúc vụ án xảy ra thì chỉ ba người ở nhà. Con trai cả là Kenzo, tốt nghiệp khoa Triết học của một trường đại học dân lập ở Kyoto. Hồi trẻ từng làm giảng viên cho trường cũ trong hai, ba năm, sau đó vì mắc bệnh hô hấp nên đành hồi hương, rồi chỉ quanh quẩn ở nhà. Anh ta rất ham học, dù sống ở quê vẫn không hề chểnh mảng nghiên cứu, thi thoảng còn viết sách và gửi bài cho tạp chí, là một học giả có tiếng trong ngành. Anh ta đã 40 mà vẫn chưa kết hôn, chủ yếu là bởi mải nghiên cứu, chứ chưa hẳn do sức khỏe không tốt. Dưới Kenzo lần lượt là em gái tên Taeko và em trai tên Ryuji. Taeko lấy một nhân viên văn phòng và lúc ấy đang cùng chồng ở Thượng Hải nên không liên quan tới vụ án. Còn Ryuji là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở Osaka, đêm xảy ra vụ án không có mặt tại dinh thự. Tuy nhiên Ryuji cũng về ngay sau khi vụ việc diễn ra, nên không thể nói là hoàn toàn vô can. Năm đó anh ta 35 tuổi. Sau khi sinh Ryuji, suốt một thời gian dài phu nhân Itoko không mang thai thêm nữa. Bà cho rằng bản thân sẽ không sinh nở thêm, ấy vậy mà mười năm sau lại hạ sinh đứa con trai thứ ba tên Saburo, tám năm sau đó thì thêm cô út Suzuko. Bấy giờ Saburo 25, còn Suzuko 17. Saburo là kẻ kém cỏi nhất trong số các anh chị em. Bị đuổi khi đang học trung học, y vào một trường dạy nghề dân lập ở Kobe, song bỏ giữa chừng. Sau chẳng theo nghề ngỗng gì, chỉ lười biếng nằm nhà. Y không phải người tối dạ, chẳng qua làm việc gì cũng thiếu nhẫn nại, lại thêm con người có phần giảo hoạt nên trong làng ai nấy đều coi thường. Cuối cùng là cô út đáng thương Suzuko. Chắc do chào đời khi cha mẹ tuổi tác đã cao, nên cô bé rất yếu ớt, nhiều bệnh, như hoa mọc nơi thiếu sáng. Trí tuệ hơi chậm phát triển, nhưng xét mặt nào đó, tỉ như diễn tấu đàn tranh thì lại có thiên phú hơn người. Dẫu vậy nhìn chung cô bé còn ngô nghê hơn mấy đứa nhỏ mới lên bảy lên tám. Vừa rồi là thông tin sơ lược về các thành viên trong gia đình Ichiyanagi. Nhưng trong dinh thự khi đó còn một nhà chi thứ nữa cũng sinh sống. Nhà chi thứ này gồm em họ của Kenzo là Ryosuke, 38 tuổi, cùng vợ là Akiko và ba con. Mấy đứa trẻ nhà ấy đương nhiên không liên quan tới vụ án đáng sợ này, nên ngay từ đầu tôi sẽ không tính tới chúng. Ryosuke thuộc kiểu người hoàn toàn trái ngược với Kenzo. Chỉ học hết tiểu học nhưng Ryosuke rất giỏi tính toán, lại thức thời nên là nhân vật thích hợp nhất với vị trí quản gia nhà Ichiyanagi. Con trưởng cứng đầu, con trai thứ hai không sống cùng gia đình, con trai thứ ba thì không đáng tin cậy, nên phu nhân Itoko càng dễ mở lòng và thường xuyên tâm sự với Ryosuke. Akiko, vợ Ryosuke, thì là người phụ nữ rất đỗi bình thường, không tốt cũng chẳng xấu, luôn răm rắp nghe lời chồng. Tính cả chi chính lẫn chi thứ, trong nhà Ichiyanagi khi đó có tổng cộng sáu người là phu nhân Itoko, Kenzo, Saburo, Suzuko, Ryosuke, Akiko. Họ bình lặng sống bên nhau trong bầu không khí đậm chất bảo thủ, phong kiến. Và cuộc hôn nhân của gia chủ Kenzo đột nhiên mang sóng gió tới cho cuộc sống yên ả ấy. Hôn thê của Kenzo là Kubo Katsuko, giáo viên trường nữ sinh ở thành phố Okayama. Gia đình Ichiyanagi phản đối cuộc hôn nhân không phải vì ghét Katsuko, mà bởi họ có thành kiến với xuất thân của cô. Hiện nay trên thành phố, từ “gia thế” đã thành ra ngôn ngữ chết, nhưng cứ thử về nông thôn mà xem, nó vẫn đầy sức ảnh hưởng, đủ để chi phối mọi việc. Từ sau lần Nhật thua trận vừa rồi[18], xã hội Nhật hỗn loạn hơn, người nông dân không còn cúi đầu trước thân phận, địa vị hay tiền tài như xưa. Những thứ ấy bây giờ đang ào ào sụp đổ. Nhưng gia thế thì khác. Tới nay, niềm kiêu hãnh thế gia, sự tôn kính, ngưỡng mộ dành cho danh gia vọng tộc vẫn có sức ảnh hướng lớn ở thôn quê. Danh gia vọng tộc đối với người dân quê không nhất thiết phải mang dòng máu cao quý theo góc nhìn của thuyết ưu sinh hay di truyền học. Chỉ cần mấy đời làm quan cai hay lý trường dưới thời Mạc phủ là có thể coi như danh gia vọng tộc, dẫu cho gia tộc ấy có bệnh di truyền đi chăng nữa. Đấy, thời đại mới này còn vậy thì nói gì đến hồi năm 1937. Gia tộc Ichiyanagi vốn tự hào hết nấc về dòng máu hậu duệ của gia tộc được chọn làm dịch trạm, sao có thể không coi trọng chuyện gia thế của Katsuko. Cha của Kubo Katsuko trước kia là tá điền ở làng. Tuy làm tá điền nhung rất có bản lĩnh. Thấy cuộc sống ở làng không có tiền đồ, ông liền cùng em trai qua Mỹ, vừa làm việc tại vườn cây ăn quả vừa tích cóp tiền. Sau khi tiết kiệm được mấy chục nghìn yên[19], hai anh em trở về quê hương, đầu tư một vườn cây ăn quả cách làng khoảng bốn mươi cây số, trồng theo kĩ thuật học được bên Mỹ. Hai người đều kết hôn muộn nên Katsuko vừa chào đời thì người anh, tức cha cô mất. Cha khuất núi, mẹ về ngoại, Katsuko do chú nuôi dạy nên người. Thấy Katsuko bản tính cần cù ham học, người chú cũng không tiếc tiền cho cô học hành. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm nữ ở Tokyo, Katsuko được nhận vào giảng dạy ở trường nữ sinh của thành phố Okayama, gần quê nhà. Vườn cây ăn quả do cha và chú của Katsuko gây dựng làm ăn khá thành công, người chú còn cẩn thận để riêng phần tài sản thừa kế cho cô, nên cô làm giáo viên ở trường nữ sinh vì tính tự giác của bản thân chứ không phải để mưu sinh. Cô có tài sản riêng đàng hoàng, nhưng dưới con mắt nhà Ichiyanagi, thì dù gia giáo, thông minh, nhiều tiền đến đâu, con của tá điền vẫn là con của tá điền. Là tầng lớp bần nông, không gia thế. Là con gái của Kubo Rinkichi. Kenzo quen biết Katsuko qua lần nhận lời đến diễn thuyết tại buổi Tọa đàm tri thức trẻ ở Kurashiki do Katsuko phụ trách. Từ đó về sau, mỗi khi đọc sách vở nước ngoài mà gặp chỗ không hiểu, Katsuko lại tới hỏi Kenzo. Sau khoảng một năm qua lại thì đột nhiên Kenzo tuyên bố muốn kết hôn với cô. Như đã đề cập ở trước, gia tộc Ichiyanagi ai nấy đều phản đối cuộc hôn nhân này. Cũng dễ dàng đoán ra gay gắt nhất là phu nhân Itoko và Ryosuke. Còn trong số các anh em, cô em Taeko gửi thư cho anh trai, tỏ ý kiên quyết phản đối. Duy chỉ có em trai Ryuji là viết thư thuyết phục mẹ chấp thuận quyết định của Kenzo, bởi hiểu rõ anh trai là người đã nói là làm. Tuy nhiên Ryuji không thư từ trực tiếp với Kenzo về vấn đề này. Vậy Kenzo phản ứng thế nào trước thái độ của gia đình? Từ đầu đến cuối anh ta chỉ im lặng, hoàn toàn không phản bác. Kết quả, tĩnh khắc chế động, nước dập được lửa. Mọi người phản đối mãi cũng mệt, nói mãi cũng khản cổ, dần dà giã đám, cuối cùng chỉ biết nhún vai cười trừ, chấp nhận thất bại. Và rồi lễ cưới được tổ chức vào ngày 25 tháng Mười một. Chính đêm hôm đó, vụ án kinh hoàng xảy ra. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào tấn thảm kịch, tôi muốn kể thêm vài ba câu chuyện nhỏ. Ngẫm lại thì chúng tựa như khúc dạo đầu của vụ án. Một ngày trước hôm vụ án xảy ra, tức chiều 24 tháng Mười một, phu nhân Itoko và Kenzo ngồi uống trà trong phòng khách. Cả hai trông rất gượng gạo. Bên cạnh là Suzuko đang mặc quần áo cho búp bê. Cô bé luôn yên lặng chơi một mình, hoàn toàn không gây phiền hà tới cuộc trò chuyện. “Đó là truyền thống bao đời của nhà ta…” Phu nhân Itoko đã thực sự hết cách với con trai, thái độ lúc này có hơi dè dặt. “Nhưng thưa mẹ, hồi Ryuji lấy vợ có phải lằng nhằng thế đâu.” Kenzo không buồn liếc cái bánh bao kiều mạch mẹ mời, chỉ mặt nặng mày nhẹ hút thuốc. “Bởi nó là con thứ, không giống con. Con là người kế thừa gia tộc này, và Katsuko là vợ con…” “Nhưng chắc Katsuko không biết chơi đàn tranh đâu. Dương cầm thì may ra còn biết.” Vấn đề hai mẹ con đang đề cập là thế này. Gia tộc Ichiyanagi xưa nay có truyền thống vợ của người thừa kế phải tấu một khúc đàn tranh trong lễ cưới, sử dụng cây đàn di vật tổ tiên gia tộc Ichiyanagi truyền lại. Khúc nhạc cần tấu lên và nguồn gốc của truyền thống cũng đều mang câu chuyện lịch sử phức tạp, nhưng tôi sẽ kể sau, hiện tại, chúng ta chỉ cần quan tâm xem rốt cuộc cô dâu Katsuko có biết chơi đàn tranh hay không. “Mẹ, bây giờ mẹ có bảo cũng vô ích. Mẹ mà nói sớm may ra con còn dặn Katsuko chuẩn bị…” “Mẹ bảo các con thế không phải để ngăn cản đám cưới. Nếu con cho rằng mẹ muốn khiến Katsuko bẽ mặt thì nhầm rồi. Truyền thống vẫn là truyền thống, cho nên…” Bầu không khí giữa hai mẹ con càng lúc càng khó xử. Nhưng Suzuko đang ngồi chơi búp bê bên cạnh bỗng đưa ra lời đề nghị rất đáng yêu, đúng là cứu nguy. “Mẹ ơi, hay để con đàn cho?” Phu nhân Itoko ngạc nhiên nhìn Suzuko, còn Kenzo nở nụ cười thâm trầm. “Hay quá, ta nhờ Suzuko đi. Mẹ, nếu để Suzuko đàn thì chắc chẳng ai phiền lòng đâu nhỉ?” Phu nhân Itoko hơi dao động, vừa hay người cháu Ryosuke tình cờ xuất hiện. “Suzuko, em ở đây à? Này, anh làm xong chiếc hộp em cần rồi đấy.” Ryosuke nói rồi chìa ra một chiếc hộp bằng gỗ mộc, to cỡ thùng đựng quýt[20], trông rất đẹp mắt. “Ryo à, cái gì đây?” Phu nhân Itoko chau mày. “Quan tài cho Tama đấy ạ. Cháu định lấy thùng các tông, nhưng Suzuko không thích. Em ấy bảo qua loa sơ sài thế thì tội nghiệp Tama lắm và nhất quyết không chịu. Nên cháu làm cho em ấy chiếc hộp này.” “Tama đáng thương thật mà. Em cảm ơn anh họ.” Tama là con mèo cưng của Suzuko, hình như bị ngộ độc, nôn ọe suốt hai ba ngày và sáng hôm ấy thì chết. Phu nhân Itoko nhíu mày nhìn chiếc hộp gỗ rồi chợt lên tiếng như nhớ ra chuyện gì. “Ryo này, về chuyện chơi đàn ấy mà, ta để Suzuko chơi thay cô dâu được không?” “Vâng, chắc cũng được thôi ạ.” Ryosuke thản nhiên trả lời rồi nhét bánh bao kiều mạch vào mồm, nhai nhồm nhoàm. Kenzo nhả khói thuốc, mặt vẫn ngoảnh đi hướng khác. Đúng lúc ấy, Saburo bước vào. “Ồ, Suzuko, hộp đẹp đấy! Ai cho em thế?” “Anh Saburo xấu tính, toàn nói dối, không chịu giúp em. Cái này anh họ làm cho em đấy. Em không thèm phiền anh đâu.” “Ừ rồi, anh có lúc nào đáng tin đâu.” “Saburo, con cắt tóc đấy à?” Phu nhân Itoko liếc nhìn đầu Saburo. “Vâng, vừa cắt xong. Mẹ này, ban nãy ở tiệm cắt tóc, con nghe được chuyện kì lạ lắm.” Saburo nói rồi quay sang phía Kenzo, mặc kệ phu nhân Itoko đang im lặng nhìn mình. “Anh, chiều tối qua anh đi ngang qua ủy ban đúng không? Lúc đó anh có thấy người đàn ông kì quái đứng trước tiệm cơm không?” Kenzo nhíu mày hoài nghi nhìn Saburo, song không đáp lời. “Người đàn ông kì quái là sao hả cậu Saburo?” Ryosuke vừa nhồm nhoàm nhai bánh vừa hỏi. “Người đó trông kinh khủng lắm. Mặt có vết sẹo lớn, từ miệng kéo lên tận gò má. Hơn nữa tay phải chỉ có ba ngón. Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa… Nghe nói còn dò hỏi bà chủ tiệm cơm chuyện nhà chúng ta nữa. Này Suzuko, đêm qua em có thấy ai giống vậy lảng vảng quanh đây không?” Suzuko ngẩng đầu nhìn Saburo một hồi rồi khẽ lẩm bẩm, “Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa…” Vừa nói cô bé vừa giơ từng ngón tay lên rồi bắt chước động tác gảy đàn. Phu nhân Itoko và Saburo lặng lẽ quan sát cô bé. Ryosuke vẫn cắm cúi bóc vỏ bánh bao, còn Kenzo phì phèo nhả khói thuốc. Dịch trạm là nơi mà các lãnh chúa thời Edo nghỉ chân, trọ lại trên đường đi chầu tướng quân, nói cách khác là trạm nghỉ dành cho việc công, nên từ xưa đã rất câu nệ lễ nghi phép tắc. Tuy nhiên, dù cũng là dịch trạm, nhưng so với dọc tuyến Tokai-do, nơi đây có quy mô nhỏ hơn hẳn do không nhiều lãnh chúa lui tới. Song dù sao dịch trạm cũng vẫn là dịch trạm. Gia tộc Ichiyanagi cực kì tự hào về thân phận con cháu dịch trạm, nên hôn lễ của gia chủ nhất định phải cử hành thật long trọng. Anh F, người kể lại vụ án này cho tôi có bảo: “Nói đến mấy việc lễ tiết thì người nông thôn luôn thích phô trương hơn người thành phố. Huống hồ là nhà có gia thế như gia tộc Ichiyanagi. Trong lễ cưới của trưởng nam, thì trưởng nam hay chú rễ phải mặc lễ phục võ sĩ[21] làm từ sợi gai, còn cô dâu mặc lễ phục cưới truyền thống màu trắng thuần. Khách khứa tất nhiên phải tầm năm mươi tới một trăm người.” Nhưng thực tế, hôn lễ của Kenzo chủ yếu toàn người nhà. Khách bên đằng trai, ngoài người trong gia đình, Chỉ có ông trẻ bên làng Kawa— tới dự. Đến cả em trai của Kenzo là Ryuji ở Osaka cũng không về. Còn bên nhà gái thì có mình người chú Kubo Ginzo đến. Theo đó, phần làm lễ cực kì ít người tham dự, nhưng khoản tiệc chiêu đãi dân làng thì lại khác. Là đại địa chủ trong vùng, nhà Ichiyanagi có rất nhiều mối quan hệ, người làm công và tá điền. Khác với người nhà, bọn họ được mặc sức uống rượu thâu đêm suốt sáng, theo đúng phong tục nơi đây. Vì thế vào hôm cử hành hôn lễ, tức 25 tháng Mười một, bếp nhà Ichiyanagi rối tình rối mù dù đã gọi thêm người đến giúp. Có điều tầm 6 rưỡi chiều, lúc bếp đang bận rộn nhất, chỗ cửa sau bỗng xuất hiện một người đàn ông. “Xin lỗi, cho hỏi gia chủ có nhà không? Nếu có, tôi muốn nhờ đưa thứ này cho anh ta…” Bà Nao đang lúi húi bên bếp lò quay ra nhìn người đàn ông. Hắn đội mũ tai bèo nhăn nhúm che khuất cả mắt, áo sờn rách cài kín cổ như sợ lạnh, khẩu trang to tướng tưởng chừng che kín khuôn mặt. Trông cực kì khả nghi. “Tìm ông chủ có việc gì?” “À vâng, phiền bà đưa cái này cho anh ta.” Tay trái người đàn ông chìa ra một mảnh giấy gấp nhỏ. Sau này bà Nao thuật lại cho cảnh sát: “Kì lạ lắm. Hắn nắm tay trái lại, kẹp mảnh giấy vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, cứ như bị bệnh phong… Vâng, tay phải hắn cứ nhét trong túi áo. Tôi thấy lạ quá nên tính lén nhìn mặt, song hắn liền quay đi, cố dúi mảnh giấy cho tôi rồi vội vàng chạy qua cửa sau ra ngoài.” Bếp lúc đó rất đông, nhưng chẳng ai để ý tới người đàn ông ấy. Họ có nằm mơ cũng không ngờ rằng về sau hắn lại là nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vụ án sắp xảy ra. Bà Nao sững sờ nhận lấy mảnh giấy. Đúng lúc ấy, Akiko bên chi thứ gấp gáp chạy vào bếp. “Này, có ai biết chồng tôi đâu không?” “Cậu nhà cô hình như ra ngoài rồi.” “Đến chịu mất thôi. Đương lúc bận rộn thế này còn dềnh dàng gì không biết. Nếu gặp, mọi người giục anh ấy mau về thay quần áo nhé.” Bà Nao nhanh nhảu gọi Akiko lại, kể chuyện vừa xảy ra và đưa mảnh giấy cho chị ta. Mảnh giấy nhỏ như được xé từ sổ bỏ túi. “Đưa cho anh họ? À, vâng…” Akiko khẽ nhíu mày, nhưng chẳng để tâm lắm, nhét mảnh giấy vào thắt lưng rồi rời bếp ngó sang phòng khách. Ở đó, phu nhân Itoko đang vừa thay đồ vừa sai bảo hầu gái. Ngồi bên cạnh là Suzuko trong bộ furisodel[22] đang mân mê cây đàn tranh thếp vàng tuyệt đẹp. “Bác gái ơi, anh họ đâu ạ?” “Kenzo à? Chắc ở thư phòng. À đợi đã Akiko, con giúp bác thắt đai lưng đi.” Phu nhân Itoko vừa mặc đồ xong thì Saburo thủng thẳng bước vào, mình khoác áo bông. “Saburo, sao con vẫn ăn vận thế này… Nãy giờ con ở đâu hả?” “Thư phòng ạ.” “Anh lại đọc tiểu thuyết trinh thám đúng không?” Suzuko vừa chỉnh đàn vừa hỏi. Saburo vốn rất mê tiểu thuyết trinh thám. “Đọc tiểu thuyết trinh thám thì có gì không được? Mà này Suzuko, em làm đám tang cho con mèo chưa thế?” Suzuko im lặng gảy đàn. “Nếu chưa thì làm nhanh lên. Xác mèo để lâu sẽ hóa thành ma kêu meo meo đấy.” “Ai cần anh lo. Anh Saburo thật xấu tính. Sớm nay em làm đám tang cho Tama rồi.” “Đừng nhắc mấy chuyện xúi quẩy thế nữa. Saburo cũng ăn nói cho cẩn thận đi.” Phu nhân Itoko cau mày quở trách. “Cậu Saburo, anh họ có trong thư phòng không?” “Không, chắc anh cả ở bên biệt thất ấy.” “Akiko, con gặp Kenzo thì bảo nó nhanh chóng chuẩn bị đi. Cô dâu sắp tới rồi.” Akiko rời phòng khách định sang biệt thất. Mới dợm xỏ guốc, chị ta bỗng thấy chồng là Ryosuke đang từ hướng nhà chi thứ chậm rãi bước tới, vẫn mặc bộ đồ ngày thường. “Anh còn làm gì đấy? Không mau thay quần áo đi, muộn bây giờ!” “Nói vớ nói vẩn. Cô dâu 8 giờ mới tới. Việc gì phải gấp gáp. Thế còn em, định đi đâu nữa?” “Em qua bên biệt thất tìm anh họ…” Kenzo quả thật đang đứng trên hành lang biệt thất, lơ đễnh nhìn trời. Vừa trông thấy Akiko, anh ta liền gọi. “Akiko này, xem ra sắp trở trời rồi. Ừ, cái gì, đưa tôi…? Tôi biết rồi…” Kenzo mở mảnh giấy, đem đọc dưới ánh đèn điện. “Akiko, ai chuyển cho tôi đây?” Akiko đang chỉnh lại lọ hoa ở hộc tường[23], nghe giọng điệu Kenzo là lạ bèn quay lại, thì bắt gặp anh ta đang nhìn chị chăm chăm, vẻ mặt cực kì đáng sợ. “Em không biết… Nghe bảo có một tên trông như ăn mày đưa cho bà Nao. Anh ơi, có vấn đề gì không?” Kenzo trợn mắt nhìn Akiko, rồi đột nhiên quay đi như vừa phát hiện ra điều gì. Cúi xuống đọc mảnh giấy lần nữa xong, anh ta xé vụn rồi đảo mắt như tìm chỗ vứt, song nghĩ thế nào lại nhét vào ống tay áo. “À, anh ơi, bác gái dặn anh mau chuẩn bị…” “Ừ, tôi biết rồi. Akiko này, phiền cô đóng cửa chớp giúp tôi nhé.” Kenzo dặn dò em dâu họ rồi rời biệt thất. Lúc ấy là tầm 7 giờ hơn. Khoảng một tiếng sau, bà mối dẫn cô dâu đến, hôn lễ bắt đầu được cử hành. Tôi xin phép kể sơ qua tình hình lúc đó. Như đã nói, người tham dự hôn lễ rất ít. Đằng trai có phu nhân Itoko, Saburo, Suzuko, vợ chồng Ryosuke, ông trẻ Ihee hơn bảy mươi tuổi bên làng Kawa—, còn đằng gái chỉ có người chú Kubo Ginzo đến đại diện. Trưởng làng được nhờ làm chủ hôn cho đúng hình thức. Sau nghi thức hợp cẩn, cây đàn tranh đen bóng thếp vàng đẹp mê hồn được đem ra, Suzuko bắt đầu diễn tấu. Mọi việc diễn ra đúng như dự định. Snzuko có vài mặt chậm phát triển so với tuổi, nhưng riêng việc tấu đàn thì lại sở hữu tài năng thiên bẩm. Người tấu hòa nhịp với đàn, khiến đám cưới vốn xa hoa lại càng thêm phần mỹ lệ. Việc chơi đàn trong hôn lễ vốn không phải phong tục của vùng này, hơn nữa đây là lần đầu tiên Katsuko được nghe khúc nhạc mà Suzuko đang gảy, nên không khỏi thắc mắc. Phu nhân Itoko liền giải thích cho con dâu. Chuyện là mấy đời trước, gia tộc Ichiyanagi có một vị phu nhân chơi đàn tranh rất tài. Lần nọ, có tiểu thư là con của một lãnh chúa kia, trên đường được gả xuống phía Tây đã trọ lại dịch trạm và được thưởng thức bản nhạc “Khúc uyên ương” do chính vị phu nhân sáng tác và biểu diễn. Tiểu thư vô cùng thích thú, hôm sau lập tức sai người đem tặng phu nhân cây đàn tranh “Uyên ương”. Từ đó về sau, trong hôn lễ của người kế thừa gia tộc Ichiyanagi, cô dâu nhất định phải tấu “Khúc uyên ương” bằng cây đàn tranh “Uyên ương”. Nghe xong câu chuyện, cô dâu Katsuko tròn mắt ngạc nhiên. “Đúng ra là con phải đàn ạ?” “Phải. Nhưng chúng ta chẳng rõ con có biết đàn không nên chẳng dám ép, đành để Suzuko thay con vậy.” Katsuko im lặng. Người chú Ginzo bèn lên tiếng thay. “Giá mà bên nhà mình báo trước thì có thể để Katsuko đàn rồi.” “Ồ, chị dâu biết đàn ạ?” “Cô bé à, từ giờ chị dâu có thể làm bạn đàn với cháu đấy. Chị dâu cháu còn đủ khả năng làm giáo viên dạy đàn ấy chứ!” Phu nhân Itoko và Ryosuke nhìn nhau. Kenzo ngồi cạnh bấy giờ mới lên tiếng. “Vậy thì để Katsuko giữ cây đàn này luôn đi.” Phu nhân Itoko ngập ngừng không đáp. Mọi người hơi khó xử. Lúc ấy, vị trưởng làng trải đời bèn cất tiếng xoa dịu bầu không khí. “Giá mà biết trước cô dâu có tài nhường ấy thì tốt quá. Lát nữa vẫn còn lần hợp cẩn bên biệt thất, lúc đó xin nhờ cô dâu đàn một khúc vậy. Không biết phu nhân thấy sao?” “Ông nói phải. Vậy nhờ con nhé? Suzuko đàn ‘Khúc Uyên ương’ rồi nên lát con tấu khúc nào cũng được. Con cứ tấu khúc sở trường, khúc nào vui vẻ ấy… Dẫu sao thì việc cô dâu chơi đàn trong đêm tân hôn cũng là truyền thống của nhà ta.” Chính vì thế mà sau đấy Katsuko có tấu một khúc đàn tranh ở biệt thất. Hôn lễ kết thúc tốt đẹp lúc 9 giờ hơn, nhường chỗ cho tiệc rượu náo nhiệt khắp trên nhà lẫn dưới bếp. Và quả thực trước đêm tân hôn, cô dâu chú rể đã phải đối mặt với thử thách đặc biệt đáng sợ ở nông thôn. Kenzo và Katsuko phải thay phiên nhau tiếp rượu khách khứa ở cả hai nơi đến tận nửa đêm. Trong bếp, ai nấy chẳng mấy chốc đã say mềm, có người còn hát vang mấy bài tục tĩu. Ngoài nhà thì dù không phóng túng đến vậy, nhưng ông trẻ Ihee cũng bắt đầu say khướt, nói năng huyên thuyên. Ông trẻ này là em của ông nội Kenzo và Ryosuke, song từ trẻ đã tách ra ở riêng, nên mọi người thường gọi là ông trẻ bên làng Kawa—. Chẳng những lắm lời đúng kiểu người già, ông còn nát rượu có tiếng. Hơn nữa ngay từ đầu đã luôn phản đối đám cưới này, nên sau một tuần rượu, ông lớn tiếng thẳng thừng chê trách cô dâu chú rể và đòi về trong khi đã hơn 12 giờ đêm, mặc cho mọi người khuyên can đêm hôm nguy hiểm. “Saburo, em đưa ông trẻ về đi.” Từ đầu tới cuối Kenzo chỉ coi mấy câu mắng chửi của ông trẻ Ihee như gió thoảng qua tai. Dẫu vậy, anh ta vẫn dặn dò em trai đưa ông về cẩn thận. “Muộn quá thì cứ ở lại luôn bên ấy.” Khi tiễn ông trẻ Ihee ra về, mọi người đều rất ngạc nhiên vì bên ngoài trời đổ tuyết to. Quanh vùng này rất hiếm khi có tuyết, vậy mà tối đó tuyết phủ cao gần mười phân, bảo sao ai nấy đều kinh ngạc. Sau này ngẫm lại mới thấy, trận tuyết ấy đóng vai trò cực kì quan trọng trong tội ác khủng khiếp sắp xảy ra. Tuy nhiên tôi xin phép tạm gác chuyện ấy lại đã. Lúc cô dâu chú rể sang biệt thất làm lễ hợp cẩn thì đã tầm 1 giờ sáng. Akiko, vợ Ryosuke thuật lại rằng: “Phụ trách chuyển đàn tranh sang biệt thất là tôi và cô hầu gái Kiyo. Còn tham dự lễ hợp cẩn thì ngoài cô dâu chú rể, chỉ có bác gái và vợ chồng tôi. Saburo đưa ông trẻ về, Suzuko thì đi ngủ. Uống rượu giao bôi xong, chị Katsuko đàn khúc “Thiên điểu”. Sau đó, tôi dựng đàn tranh ở hộc tường. Móng gảy đàn thì đặt trong góc hộc. Chà, tôi không dám chắc lúc ấy thanh kiếm có trên kệ tường không nữa.” Lễ hợp cẩn tại biệt thất kết thúc vào khoảng 2 giờ sáng. Mọi người nhất lượt về phòng riêng, để cô dâu chú rể ở lại. Tuyết vẫn không ngừng rơi. Hai tiếng sau, người trong dinh thự chợt nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết cùng với tiếng đàn vừa kì quái vừa dữ dội. Trong căn phòng được người nhà Ichiyanagi sắp xếp cho, Kubo Ginzo vừa ngả lưng xuống đệm liền thấy mệt mỏi vô cùng. Chẳng trách được, ông đã dồn hết sức già cho buổi hôn lễ. Ginzo hiểu rõ, thậm chí quá rõ tư tưởng, lề thói phong kiến ở nông thôn. Nói thẳng thì ông chẳng tha thiết gì đám cưới này, bởi luôn lo Katsuko sẽ không hạnh phúc khi thành con dâu gia đình từng là địa chủ của nhà mình. Nhưng Katsuko lại muốn về làm dâu nhà này. Vợ Ginzo cũng khuyên, “Anh cả mà còn sống, nhất định sẽ rất vui mừng. Thật nở mày nở mặt khi con gái thành dâu con nhà Ichiyanagi.” Chính câu nói ấy đã thuyết phục Ginzo. Ginzo và anh trai là Rinkichi, cha Katsuko, từ trẻ đã bôn ba sang tận Mỹ. Dẫu vậy, đối với những tập tục, quan niệm giai cấp xưa cũ của Nhật Bản, thì càng có tuổi Rinkichi càng câu nệ hơn hẳn người em là Ginzo. Phải rồi, nếu còn sống anh ấy sẽ rất mừng… Cứ nghĩ vậy, Ginzo lại chẳng thể phản đối dù bản thân không mong muốn hôn sự này chút nào. Và một khi đã quyết thì Ginzo sẽ cứ thế mà làm. Ông nhất định không để Katsuko mất mặt, không để họ hàng nhà Ichiyanagi chỉ trỏ sau lưng. Dĩ nhiên chuyện không thuận lợi như Ginzo mong muốn, nhưng với bản lĩnh được trui rèn qua thời gian ở Mỹ, ông vẫn giải quyết ổn thỏa mọi việc. Ginzo bỏ tiền đặt mua rất nhiều kimono ở các tiệm trang phục truyền thống lớn tại Kyoto và Osaka. “Ôi, chú tặng con nhiều quà quá, con biết làm sao đây?” Katsuko ngạc nhiên đến không biết nói gì khi nhận quà của chú. Trông cô nước mắt lưng tròng, xem ra Ginzo đã không phí hoài tâm sức. Nhà trưởng làng được chọn làm nơi nghỉ giữa đường đưa dâu. Khi đến đó, Katsuko thay sang bộ đồ cưới vô cùng lộng lẫy để xuất phát tới dinh thự Ichiyanagi. Trên đường, nhan sắc của cô thu hút bao ánh nhìn. Của hồi môn và đồ đoàn nhà gái mang theo cũng rất hoành tráng, đủ khiến dân làng phải bàn tán suốt thời gian dài. Gia tộc Ichiyanagi vốn cực kì kiêu ngạo cũng phải tròn mắt kinh ngạc. Nhớ lại việc ấy, Ginzo vô cùng đắc ý. “Hẳn anh mình cũng rất mãn nguyện với việc hôm nay. Chắc anh đang rất vui đúng không?” Ginzo thì thầm. Cảm xúc dâng trào, nước mắt cứ thế lăn dài. Hội trong bếp hình như vẫn đang uống rượu. Mấy lời ca tục tĩu văng vẳng bên tai làm Ginzo mãi không ngủ được. Tuy nhiên sau nhiều lần trở mình, ông cũng dần chập chờn chìm vào cơn mộng mị. Và không biết bao lâu sau đó, đang mơ màng, Ginzo bỗng choàng tỉnh vì tiếng kêu la thảm thiết. Ginzo lập tức ngồi dậy. Đây không phải mơ. Tiếng gào thét đáng sợ vang lên, không phân biệt được của nam hay nữ, xé tan màn đêm tĩnh mịch. Một tiếng thét, hai tiếng thét. Rồi tiếng bước chân chạy rầm rập trên sàn. Biệt thất! Ngay giây phút nhận ra tiếng thét truyền tới từ đâu, Ginzo nhanh chóng xỏ tay vào áo ngủ, khoác thêm áo choàng mỏng rồi bật đèn xem đồng hồ. Đúng 4 giờ 15 phút sáng. Cùng lúc ấy, tiếng đàn tranh vang lên. Tang tang tang roẹt! Thanh âm nghe như có người gây loạn 13 dây của đàn tranh. Tiếp đó là tiếng gì từa tựa tiếng cửa trượt đổ sầm. Cuối cùng, tất cả trở về với bầu không khí im lặng chết chóc. Tiệc rượu trong bếp dường như đã kết thúc. Ginzo bồn chồn mở cửa chớp. Tuyết đã ngừng rơi. Vầng trăng mảnh tựa dây đàn, lặng lẽ tỏa quầng sáng lạnh lẽo trên nền trời đêm. Sân vườn phủ tuyết, như khoác trên mình chiếc áo bông dày dặn. Đột nhiên, có bóng người đạp tuyết tiến về phía Ginzo. “Ai đó?” Ginzo cất giọng hỏi. “Ơ, ông, ông cũng nghe rồi chứ ạ?” Đó là Genshichi, một người làm mà lúc này Ginzo chưa biết tên. “Ừ, tôi nghe thấy rồi. Chuyện gì thế nhỉ? Chờ tôi với, tôi cũng đi.” Ginzo mặc thêm áo khoác, xỏ guốc rồi bước xuống nền tuyết. Đâu đó vang lên tiếng mở cửa chớp. Phu nhân Itoko ngó ra. “Genshichi đó à? Ban nãy có tiếng gì vậy?” “Tiếng đàn đó mẹ.” Suzuko nấp sau tay áo mẹ, lén nhìn ra ngoài. “Con không biết. Nhưng hình như là tiếng người kêu cứu bà ạ.” Genshichi run rẩy thưa. Ginzo sấp ngửa chạy về phía cánh cửa tre. Cùng lúc, từ nhà chi thứ ở phía Nam, Ryosuke vừa buộc đai lưng vừa chạy đến chỗ phu nhân Itoko. “Bác gái, ban nãy có chuyện gì thế ạ?” “Ôi Ryosuke, cháu qua bên biệt thất xem sao.” Ginzo lay thử cánh cửa tre. Cửa đã cài then ở phía bên kia, xem ra không dễ gì mở được. Ryosuke cũng thử huých người hai, ba lần, song cánh cửa trông thì mỏng manh mà lại vững chắc không ngờ. “Genshichi, mang rìu tới đây.” “Dạ.” Genshichi vừa quay gót định rời đi, thì từ phía biệt thất lại vang lên tiếng từng từng từng, rồi ngay sau đó là tràng phụt phụt phụt vọng khắp không gian. Hình như là tiếng dây đàn đứt. “Chuyện gì vậy?” Trong ánh trăng hắt lên từ nền tuyết trắng, khuôn mặt ai nấy đều tái nhợt. “Genshichi, còn lề mề gì thế! Không mau mang rìu đến đây đi!” Lúc Genshichi trở lại với cây rìu trong tay, phu nhân Itoko, Suzuko, đám hầu gái cùng mấy người làm công trong nhà đều đã lũ lượt kéo tới chỗ rào tre. Vợ Ryosuke là Akiko cũng lật đật cầm đèn lồng chạy tới. Một nhát, hai nhát. Genshichi vung rìu, bản lề dần long ra, cánh cửa nghiêng sang bên. Ryosuke định lách qua, nhưng như chợt nghĩ ra điều gì, Ginzo chụp vai gã kéo lại. Ginzo đứng trước cánh cửa tre, ngó vào quan sát sân vườn biệt thất một lúc. “Không có dấu chân.” Ông khẽ lẩm bẩm rồi quay lại phía sau, “Xin mọi người hãy chờ ở đây. Cậu và cậu này theo tôi.” Ginzo chỉ vào Ryosuke và cậu người làm Genshichi. “Cẩn thận… Đừng giẫm loạn lên tuyết. Cô này, đưa đèn tôi mượn.” Khi cấp bách thì thân phận hay giai cấp chẳng còn ý nghĩa nữa. Ai nấy đều bị uy thế kì lạ của Ginzo lấn át, không dám phản đối. Chỉ riêng Ryosuke là không kìm nổi bực tức khi phải nghe lời sai bảo của người đàn ông từng là tá điền này. Chắc gã sẽ bớt khó chịu nếu biết Ginzo đã trở thành trí thức chứ không còn thuộc tầng lớp nông dân, ông đã lấy được tấm bằng đại học bên Mỹ sau quá trình học hành gian khổ. Bước qua cánh cửa tre thì chạy dọc ngay bên trái là một bờ rào thấp đan hình ô vuông. Trên khoảnh sân vườn đằng sau bờ rào ấy là lớp tuyết dày như bông, tinh không một dấu chân. Điện trong biệt thất vẫn bật, ánh đèn hắt ra từ vách thông gió[24] phía trên cửa chớp. Ba người nhanh chóng chạy tới cửa chính ở phía Đông biệt thất. Cửa chính gồm hai lớp là cửa liếp và cửa gỗ màu đỏ son. Cửa liếp đã khóa bên trong nên không dùng lực để mở được. Ryosuke cùng Genshichi ra sức gọi và đập cửa rầm rầm, nhưng không có tiếng đáp. Sắc mặt Ginzo càng lúc càng tệ. Ông rời chỗ cửa chính, nhảy qua bờ rào mắt vuông, vào sân vườn ở phía Nam biệt thất. Hai người còn lại vội vã theo sau. Cửa chớp sơn màu đỏ son phía đó cũng đóng kín. Ryosuke và Genshichi vừa đập cửa vừa thay nhau gọi tên Kenzo. Bên trong vẫn không có tiếng trả lời. Đập cửa mãi không được, ba người bèn vòng sang phía Tây. Bỗng Ryosuke hét lên rồi đứng sững lại. “Chuyện gì vậy?” “Kia… Kia là…” Ryosuke run rẩy chỉ tay về phía trước, Ginzo và Genshichi đưa mắt nhìn theo rồi vô thức kinh hãi nín thở. Cách căn biệt thất độ hai mét về phía Tây có cột đèn đá cỡ lớn. Dưới chân cột đèn cắm một thanh kiếm Nhật. Genshichi trông thấy định tiến tới thì Ginzo lập tức kéo lại. “Đừng động vào!” Ginzo giơ đèn lồng soi xuống mấy bụi cây tối đen. Không có dấu chân. Trong lúc ấy, Ryosuke kiểm tra kĩ từng cánh cửa chớp. Không thấy gì khả nghi, tất cả đều được đóng chặt từ bên trong. “Ông ơi, hay mình dòm thử qua vách thông gió xem sao?” “Ừ, cậu coi thử đi.” Phần trồi ra ở phía Tây biệt thất là phòng vệ sinh. Chỗ góc vuông tạo bởi phòng vệ sinh và ngăn đựng các cánh cửa chớp có đặt một bệ rửa tay lớn bằng đá. Genshichi trèo lên bệ, nhòm vào trong biệt thất qua vách thông gió phía trên cửa chớp. Cái vách này về sau sẽ trở thành điểm mấu chốt trong vụ án, nên tôi xin miêu tả sơ qua. Gọi là vách, nhưng nó được cấu tạo từ một cây gỗ to dày, bắc ngang, tức là song song ngay phía trên khung cửa chớp. Cây gỗ này không đẽo gọt vuông vắn mà được để nguyên hình dạng vốn có, chỉ cạo vỏ và bào nhẵn những chỗ cần thiết. Vì thế giữa nó và khung cửa, chỗ thì toang hoác, chỗ lại khít khịt, nên người ta không làm nan chớp hay dán giấy ở đó. Tuy nhiên, khoảng hở rộng nhất cũng chỉ độ mười lăm phân, người dĩ nhiên không chui qua được. Và như đã nói từ đầu, cửa chớp, khung cửa và cây gỗ đó, tất cả đều sơn màu đỏ son. Genshichi nhìn vào bên trong. “Đằng này có một cánh cửa trượt để mở. Một cánh cửa sổ ở góc cạnh hộc tường cũng… Bình phong hình như đổ về hướng này, còn cánh phòng phía sau bình phong thì con không thấy rõ.” Ba người lại tiếp tục gọi lớn tên Kenzo và Katsuko trong vô vọng. “Hết cách rồi, phải phá cửa chớp thôi.” Cửa chớp của biệt thất thuộc kiểu xếp lần lượt từng cánh ăn khớp với nhau thành chuỗi, nên không bỗng dưng dỡ riêng một cánh từ giữa được. Genshichi nhanh chóng chạy ra chỗ cửa tre lấy rìu. Ginzo và Ryosuke đứng đó chờ thì chợt nghe có tiếng chân người trên vách núi sau nhà, liền vội vã chạy tới mé phòng vệ sinh. “Ai? Ai ở đó?” Ngay trước phòng vệ sinh là một cây long não rất to. Từ sau cái cây có tiếng người vọng tới. “Trưởng chi thứ đấy ư?” “Ôi, anh Shu? Anh đứng đó làm gì vậy?” “Ban nãy tôi nghe có tiếng gì lạ lắm nên chạy ngay ra đây. Xong vừa rồi lại nghe giọng anh…” “Anh Shu đây là ai thế?” “À, anh ấy là tá điền trong nhà, tên Shukichi, thường tới cối xay nước đằng kia để giã gạo.” Trên con suối ở phía Tây dinh thự Ichiyanagi có cái guồng nước hỏng đã nhắc tới ở đầu truyện. Tuy nhiên, lúc bấy giờ căn nhà chứa cối xay cạnh guồng nước còn chưa hỏng, nên mỗi ngày anh tá điền Shukichi đều đến giã gạo từ sáng sớm. Điều này khiến vụ án càng thêm phần kì bí. Bởi… “Anh Shukichi, anh vừa bảo nghe thấy âm thanh lạ nên chạy ngay ra khỏi căn nhà chứa cối xay nước nhỉ? Lúc đó anh có thấy bóng dáng khả nghi nào không?” Nghe Ginzo hỏi, Shukichi trả lời, “Không, tôi chẳng thấy ai cả. Vừa nghe âm thanh lạ, tôi liền chạy ra chỗ cầu đất thì một loạt tiếng đàn vọng tới. Tôi tức tốc leo lên vách núi để xem, nhưng không thấy bóng người nào.” Vừa hay Genshichi mang rìu tới, nên Ginzo nhờ Shukichi tiếp tục đứng đó canh chừng, còn mình và Ryosuke thì quay lại chỗ cửa chớp. Theo lệnh của Ryosuke, Genshichi bổ rìu vào cánh cửa chớp ngay cạnh ngăn đựng các cánh cửa. Cánh cửa lập tức nứt toác. Ryosuke thò tay vào trong, tháo then cài cuối cùng cũng mở được một cánh. Họ vội vàng bước vào biệt thất, để rồi sững sờ trước cảnh tượng bên trong. Một cảnh tượng máu me hãi hùng khôn tả. Kenzo và Katsuko nằm trên vũng máu, thân thể chằng chịt vết chém. Máu bê bết trên đệm uyên ương dành cho đêm động phòng, chiếu mới thay và trên cả bình phong dát vàng đổ sập trước đầu đệm. Bầu không khí hoan hỉ của đêm tân hôn biến đâu mất, chỉ còn bức tranh địa ngục kinh hoàng khiến người chứng kiến lạnh sống lưng. Trông thấy cảnh tượng đó, Genshichi hoảng sợ đến không đứng vững nổi. Ginzo túm lấy vai anh ta, đẩy ra khỏi phòng. “Mau gọi bác sĩ và cảnh sát tới. Còn nữa, đừng để ai bước qua cửa tre vào đây…” Genshichi đi rồi Ginzo mới phẫn uất quan sát kĩ hai xác chết thê thảm và nhìn quanh căn phòng. Thứ đầu tiên đập vào mắt ông là cây đàn tranh. Cây đàn đen bóng thếp vàng được đặt nơi đầu đệm của Katsuko, trông như đang tiếc thương cho vong hồn người đã khuất. Đặc biệt, trên 12 dây đàn đều có dấu máu lưu lại, như vừa được gảy bởi những ngón tay nhuốm máu. Cây đàn chỉ còn 12 dây là bởi 1 dây đã đứt, cuộn tròn ở hai đầu. Hơn nữa, không thấy con nhạn[25] của dây đàn bị đứt đâu. Dây đàn đứt, con nhạn không còn! Như sực nhớ ra, Ginzo liền kiểm tra hết khóa cửa trong nhà. Cửa chính, cửa chớp đều không thấy bất thường. Ông xem xét kĩ càng cả tủ âm tường bên gian sáu chiếu và tủ âm tường nhỏ đối diện phòng vệ sinh phía Tây. Khung cửa sổ nhỏ nằm cuối dãy hành lang phía Tây cũng không có dấu vết khác lạ. Ginzo trở lại gian tám chiếu, thấy Ryosuke vẫn đang hoang mang sững sờ, ông khẽ lẩm bẩm. “Kì quái thật. Không có chỗ nào để trốn cả. Chẳng nhẽ…” Chẳng nhẽ…? Ryosuke xem ra đã hiểu ý Ginzo, liền kiên quyết lắc đầu. “Không thể nào! Sao có chuyện đó được. Ông nhìn xem, bức bình phong kia…” Trên bình phong dát vàng còn lưu một dấu tay dính máu chưa khô hẳn. Dấu tay ấy chỉ có ba ngón. Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa… Trông vô cùng kì quái, khó tả. Như các bạn đã biết, người kể lại câu chuyện này cho tôi là anh F. Cha anh, tức ông F, thời còn sống từng là bác sĩ kì cựu của làng. Lúc xảy ra vụ án, ông là một trong những người đầu tiên chạy tới dinh thự Ichiyanagi. Xem chừng rất hứng thú với vụ tiếng đàn sát nhân này, ông đã ghi chép lại toàn bộ tình tiết. Câu chuyện tôi đang viết ra đây chủ yếu dựa trên các ghi chép của ông. Trong đó có sơ đồ phác thảo biệt thất của dinh thự Ichiyanagi, cũng là tư liệu cực kì quý báu không thể thiếu trong quá trình phá án, nên tôi cũng vừa giới thiệu y nguyên rồi đó. Quay lại câu chuyện thì sau khi được cậu người làm Genshichi cấp báo, viên cảnh sát tuần tra của làng và ông F vội vã chạy tới. Lúc ấy là tầm 6 giờ sáng, trời dần rạng. Viên cảnh sát tuần tra xem xét hiện trường, nhận thấy tình hình nghiêm trọng, liền gọi điện báo cho cảnh sát thị trấn So—. Cảnh sát thị trấn lại báo lên cảnh sát tỉnh. Cứ như vậy, những người có chức trách lần lượt đến hiện trường. Nhưng dù sao địa điểm cũng vẫn là nông thôn, đường sá bất tiện, nên tới giữa trưa mọi người mới có mặt đông đủ. Dĩ nhiên cảnh sát phải tiến hành khám nghiệm hiện trường và thẩm vấn những người có liên quan. Nhưng viết đủ mấy chi tiết vụn vặt ấy ra thì rất dài dòng, e là nhiều độc giả sẽ thấy tẻ nhạt, nên tôi xin chỉ tóm tắt thật ngắn gọn kết quả khám nghiệm hiện trường và thẩm vấn của người phụ trách vụ án này là chỉ huy Isokawa. Vấn đề đầu tiên, không gì khác chính là dấu chân. Chỉ huy Isokawa đến hiện trường vào khoảng 11 giờ sáng, lúc đó tuyết đang tan dần. Tuy nhiên, Ginzo, Ryosuke và Genshìchi khẳng định trên nền tuyết không có bất kì dấu chân nào cả. Mãi sau này việc ấy vẫn luôn canh cánh trong lòng viên chỉ huy, nhưng nếu hỏi rằng thật ra có dấu chân hay không, thì câu trả lời là có. Xin hãy tham khảo sơ đồ phác thảo khu biệt thất mà tôi đã giới thiệu ở trước. Phía Bắc biệt thất là vách núi, Giữa vách núi và biệt thất là khoảng đất trống, bề rộng khoảng hai mét, phía trên có rừng tre che phủ nên tuyết không tích thành lớp dày bên dưới. Tuy nhiên người ta tìm thấy vài dấu giày rải rác ở đây. Không chỉ dấu giày, Vách núi đằng sau còn lưu lại vết tích như có người trượt xuống. Qua điểm này có thể suy ra trong mấy ngày gần đây, đã có người trượt từ vách núi xuống khoảng đất trống. Như trong sơ đồ phác thảo thì sau khi vòng sang phía Đông, dấu giày bị tuyết vùi lấp ngay trước cửa chính biệt thất, nhưng trên thềm nhà lại có dấu giày dính bùn. Nên có thể sau khi xuống khỏi vách núi, kẻ đó đã đi vòng sang phía Đông rồi vào biệt thất qua cửa chính. Ngoài ra, dấu giày còn cho thấy là mũi giày khá nhăn nhúm, gót xiêu vẹo, nên dễ nhận ra là đôi giày ấy đã cũ nát. Nhà Ichiyanagi không có ai đi giày như thế, nên hẳn đó là dấu giày của hung thủ. Nói cách khác, hung thủ đã trượt xuống khỏi vách núi phía sau rồi lẻn vào biệt thất qua cửa chính. Nhưng chuyện đó xảy ra lúc nào? Trận tuyết kia sẽ là manh mối quan trọng giúp chúng ta biết được điều ấy. Tuyết bắt đầu rơi vào khoảng 9 giờ tối hôm trước, đến tầm 3 giờ sáng thì ngừng, suy ra hung thủ phải đột nhập vào biệt thất trước 9 giờ tối, hoặc cùng lắm là trước 2 giờ sáng, lúc tuyết nặng hạt. Song dấu giày dính bùn trên thềm nhà lại không giống từng giẫm lên tuyết, nên xem ra hung thủ đã lẻn vào từ trước 9 giờ tối. Ngoài ra, Akiko bên chi thứ khai đi đóng cửa chớp của biệt thất xong lúc khoảng 7 giờ tối. Khi ấy ngoài cửa chính vẫn chưa có dấu giày, nên hẳn sau đó hung thủ mới lẻn vào. Tóm lại, suy luận theo lẽ thường thì thời điểm hung thủ đột nhập nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 7 đến 9 giờ tối, lúc hôn lễ đang diễn ra bên nhà chính. Vậy sau khi lẻn vào biệt thất, hung thủ đã làm gì? Mời các bạn độc giả xem lại sơ đồ phác thảo. Đối diện phòng vệ sinh ở phía Tây có tủ âm tường sâu khoảng một mét, hung thủ có lẽ đã nấp bên trong. Tủ âm tường ấy dùng để cất chăn đệm cũ, và trên đống chăn đệm còn lưu rõ dấu vết có người đè lên. Ngoài ra, vỏ của thanh kiếm hung khí cũng bị bỏ lại trong tủ. Thanh kiếm Nhật này vốn là vật sở hữu của gia tộc Ichiyanagi. Đêm đó, nó được đặt trên cái kệ bên phải hộc tường trong biệt thất để trang trí. Hung thủ lấy trộm nó rồi trốn vào tủ. Theo lẽ ấy, vào khoảng 1 giờ hơn, lúc cô dâu chú rể làm lễ hợp cẩn trong phòng, chắc chắn thanh kiếm không còn trên kệ. Song lúc đó, đằng trước bức tường gắn kệ lại dựng bình phong dát vàng, nên không ai phát hiện ra việc thanh kiếm biến mất. Tuy nhiên, cô dâu chú rể đi nghỉ vào khoảng 2 giờ sáng, vậy tại sao phải chờ đến tận 4 giờ hung thủ mới ra tay? Có nhiều cách giải thích, nhưng hợp lý nhất là giả thuyết: trong đêm tân hôn, Kenzo và Katsuko không ngủ ngay nên hung thủ phải đợi họ say giấc… Bây giờ, mời các bạn chú ý vị trí của tủ âm tường lần nữa. Giữa tủ âm tường với gian tân hôn tám chiếu chỉ là bức tường mỏng. Nên hung thủ hẳn đã nghe rõ từng lời âu yếm, từng hơi thở, nhất cử nhất động của đôi tân lang tân nương, tựa như chính hắn đang có mặt trong phòng. Đây là điểm khiến người ta dựng tóc gáy trong vụ án. Ngay đến Ginzo cũng sầm mặt không nói nên lời khi nghe xong giả thuyết này. Quay lại câu chuyện. Sau khi thấy hai người ngủ say, hung thủ rút kiếm, bước ra khỏi tủ. Hẳn mở cửa trượt phía Tây, bước vào gian tám chiếu. Tuy nhiên, trước đó hắn lại hành động rất kì lạ. Không, chính xác là cảnh sát phán đoán rằng hắn đã làm thế. Cánh cửa sổ trượt ở góc cạnh hộc tường trong phòng hơi hé mở. Như trước đây đã đề cập, sau khi Katsuko làm lễ hợp cẩn và đánh đàn, Akiko đặt hộp đựng móng gảy vào góc hộc tường. Vị trí hộp nằm ngay dưới khe cửa sổ mở hé. Xem ra hung thủ đã thò tay qua khe cửa, trộm hộp đựng rồi lấy ba chiếc móng gảy đeo vào tay. Sở dĩ cảnh sát suy đoán thế là bởi trên bình phong còn lưu lại ba dấu ngón tay dính máu, chính là ba dấu ngón tay kì lạ tôi nhắc tới ở cuối phần trước. Gọi là dấu tay nhưng chúng không có vân, nên nói đúng ra phải là ba vết móng gảy phẳng lì. Hãy nhớ lại đặc điểm của móng gảy đàn tranh. Khác với móng gảy của các loại đàn khác, móng gảy đàn tranh phải đeo vào mặt trong của ngón tay, nên sẽ che đi vân tay của người đeo. Phía cảnh sát cho rằng hung thủ biết rõ điều này nên mới đeo móng gảy trước khi gây án. Ba móng gảy dính máu được phát hiện trên kệ bồn rửa trong phòng vệ sinh càng củng cố cho suy đoán này. Sau khi đeo móng gảy, hung thủ cầm kiếm lẻn vào gian tám chiếu, trước tiên chém nhiều nhát giết Katsuko đang ngủ. Qua dấu vết ở hiện trường, cảnh sát nhận định Katsuko đã cố gắng phản kháng, đúng hơn là vùng vẫy yếu ớt. Song dưới lưỡi kiếm của hung thủ, chẳng mấy chốc cô tắt thở. Trong lúc đó, nghe tiếng động, Kenzo tỉnh giấc và lật chăn vùng dậy. Hung thủ lập tức chém dọc một nhát từ bả vai xuống cánh tay trái của Kenzo. Dẫu vậy, Kenzo vẫn không nao núng. Anh ta bước qua thi thể của Katsuko, toan phản kháng. Ngay lúc ấy, hung thủ đâm Kenzo một nhát xuyên tim, khiến anh ta gục luôn lên xác vợ. Sau khi xem xét các dấu vết tại hiện trường, chỉ huy Isokawa đã suy đoán như trên, còn các chi tiết khác thì chưa giải thích được. Tôi từng nhắc đến việc cây đàn tranh trong phòng đã được lôi ra đặt ở đầu đệm của thi thể và dây đàn thì dính máu. Xem chừng hung thủ đã chơi đàn, nhưng tại sao? Ngoài ra, con nhạn của dây đàn bị đứt rốt cuộc biến đi đâu? Cảnh sát khám xét mọi ngóc ngách trong phòng nhưng vẫn không tìm thấy. Tuy nhiên, điều kì lạ nhất là không hiểu hung thủ trốn ra từ lối nào. Xin được nhắc lại, toàn bộ cửa trong biệt thất đều khóa cẩn thận, không có lấy một khe hở đủ cho người lách qua. Nhưng sau khi sát hại vợ chồng Kenzo và chơi đàn xong, chắc chắn hung thủ phải chạy qua hành lang phía Tây để ra ngoài. Ngoài ba móng gảy dính máu trong phòng vệ sinh mà trước đó tôi từng đề cập, người ta còn tìm thấy chiếc khăn tay kiểu Nhật nhuốm máu bị vo tròn rơi trên hành lang, ngay dưới cánh cửa chớp mà nhóm Ryosuke và Genshi chi phá. Không những vậy, sau này cảnh sát còn phát hiện một dấu tay ba ngón ở mặt trong cánh cửa chớp đó. Dấu tay này có cả vân tay và dính chút máu. Xem chừng lúc ấy hung thủ không còn đeo móng gảy. Từ đây có thể suy ra hung thủ mở cửa chớp để thoát thân. Nhưng vấn đề là lúc Ryosuke và Genshichi phá, cửa chớp có thực sự đang khóa không? Hễ nhắc tới chuyện này, người mở then cài là Ryosuke lại tức tối phân bua. “Then cửa chốt chặt lắm. Genshichi dùng rìu phá xong một lỗ tôi mới thò tay mở được. Hung thủ sao trốn qua đó được? Nhảm nhí. Mà nếu đúng là trốn qua đó thì dấu chân đâu? Trên tuyết làm gì thấy dấu chân nào. Chuyện này ngoài tôi và Genshichi thì ông Ginzo đây cũng biết rất rõ.” Ginzo gật đầu, tiếp tục giữ im lặng. Song lúc đó, ánh mắt ông vẫn có nét nghi hoặc khi nhìn Ryosuke. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta hãy quay lại câu chuyện ngay sau khi phát giác án mạng đã. Ginzo và Ryosuke cứ đứng như trời trồng cạnh hai thi thể, nhìn nhau cho đến gần sáng. Cuối cùng, khi các nhà chức trách lần lượt có mặt, Ginzo mới yên tâm rời khỏi biệt thất. Lúc ấy là khoảng 7 giờ. Hôm nay có vẻ đẹp trời, khác hẳn đêm qua. Dưới ánh ban mai, lớp tuyết đọng lấp lánh trên mái căn nhà chính bề thế của gia tộc Ichiyanagi. Tiếng tuyết tan rồi lăn qua mái hiên rơi xuống đất càng lúc càng mau. Tuy nhiên Ginzo chẳng còn lòng dạ đâu mà thường thức cảnh sắc hay nghe lọt tai âm thanh ấy. Ông mím chặt môi, nét đau đớn hằn trên khuôn mặt. Ẩn sâu dưới nỗi đau là cảm giác phẫn uất vì ân hận. Ông lầm lũi rời biệt thất, quay lại nhà chính, vừa hay thấy Saburo về tới sau khi đưa ông trẻ về làng Kawavào đêm qua. Xem chừng người nhà Ichiyanagi đã sang đó báo tin nên y tức tốc trở về, mặt mày tái mét. Nhưng về cùng y còn một nhân vật không ai ngờ tới. Người đó trạc ba lăm ba sáu tuổi, mặt tròn trịa, râu tóc gọn gàng, mang phong thái của người có học. Phu nhân Itoko vừa thấy liền tròn mắt kinh ngạc, thở gấp hẳn lên. “Ôi Ryuji, sao con lại về?” “Mẹ, con vừa nghe Genshichi bảo, trong nhà xảy ra chuyện ạ?” Anh ta có vẻ bất ngờ, nhưng vẫn bình tĩnh. “Đúng là chuyện lớn. Mẹ cũng không biết phải làm sao. Nhưng Ryuji, sao con lại về? Con về từ lúc nào?” “Con mới từ Fukuoka về. Hội thảo xong sớm hơn dự kiến nên con muốn về chúc mừng anh cả, cũng vừa xuống ga Kiyo thôi. Con tính ghé qua làng Kawa— trước để hỏi han tình hình, tiện đường tới thăm ông trẻ thì gặp Genshichi…” Từ nãy đến giờ Ginzo vẫn luôn hoài nghi quan sát Ryuji. Nghe thế, ông trợn mắt, nhìn chăm chăm như muốn thiêu đốt anh ta. Ryuji nhận ra ánh mắt ngờ vực ấy nên bồn chồn liếc sang phu nhân Itoko. “Mẹ, vị này là…” “À, đây là chú của Katsuko. Ông Ginzo, đây là con trai thứ hai nhà chúng tôi, Ryuji.” Ginzo im lặng gật đầu rồi trở vào phòng. Đúng sững một hồi, cuối cùng ông lẩm bẩm mấy tiếng “Hắn nói dối” rồi vội vàng lấy giấy đánh điện báo trong hành lí ra, ngẫm nghĩ giây lát sau đó viết. Katsuko đã chết. Mau gọi Kindaichi. Người nhận là vợ ông. Viết xong, Ginzo tự tay đem bức điện ra gửi ở bưu điện làng Kawa—. “Vụ án này quả là rắc rối. Quá khủng khiếp. Bao năm trong nghề, tôi chẳng mấy khi nao núng dù phải đương đầu với đủ loại tội ác hung hiểm, đẫm máu. Nhưng vụ này thì khác, càng nghĩ càng rùng mình. Cậu Kimura, tại sao chỉ có dấu chân hung thủ bước vào mà không có bước ra nhỉ?” Nơi chiếc bàn kê ngoài hành lang biệt thất, chỉ huy Isokawa cắm cúi chắp ghép mấy mẩu giấy vụn lại với nhau. Cậu điều tra viên Kimura vừa giúp vừa đáp, “Sao sếp không suy nghĩ đơn giản hơn?” “Đơn giản hơn là thế nào?” “Là người tên Ryosuke đã nói dối. Thế thì hết kì lạ ngay. Then cửa đã cài hay chưa, chỉ mình gã biết. Gã muốn nói sao chẳng được.” “Cũng đúng. Nhưng nếu thế, vấn đề lại là dấu chân.” “Sếp à, một lúc sao nghĩ hai việc được. Vụ dấu chân thì chúng ta sẽ thử tìm lại trong vườn. Vấn đề bây giờ là tại sao Ryosuke phải nói dối.” “Cậu nghĩ sao?” “Em đoán gã biết chuyện gì đó. Nói cách khác, gã quen biết hung thủ.” “Việc gã quen biết hung thủ thì liên quan gì đến then cài cửa?” “Sao lại không liên quan? Chỉ cần khai “then đã cài’ là quá đủ làm rối tung vụ án. Em chẳng ưa gã tẹo nào. Cứ lén la lén lút.” “Cái cậu này, đừng trông mặt mà bắt hình dong. Dễ đi chệch hướng điều tra lắm.” Isokawa nói vậy nhưng cũng chẳng có ấn tượng tốt với Ryosuke. Mấy anh em trong chi chính của gia tộc Ichiyanagi dẫu sao vẫn có tác phong, tâm thế của nhà quyền quý, không hổ danh hậu duệ dịch trạm. Ngay đến người bất tài và lười biếng nhất là Saburo vẫn ít nhiều mang phong thái thiếu gia. So ra, Ryosuke thua kém hẳn. Dáng người nhỏ thó trông già hơn tuổi, hay so đo tính toán, lại còn keo kiệt nữa. Tính tình con người này chỉ cần nhìn vào mắt là biết. Hai con ngươi liếc ngang liếc dọc, lúc nào cũng thăm dò sắc mặt người khác. Trông qua có vẻ nhu nhược nhưng lại thấp thoáng nét nham hiểm, khiến người ta đề phòng. “Gã thuộc chi thứ đúng không?” “Vâng. Cả đời sao ngóc đầu lên nổi. Nhưng nghe nói nạn nhân Kenzo là người chỉ biết có sách vở, chẳng quan tâm việc nhà, nên Ryosuke bòn rút được kha khá.” “Thế còn người tên Ryuji? Cái cậu trông vô cùng khả nghi mới trở về sớm nay ấy.” “À, người đó ạ? Anh ta được nhận xét khá tốt. Người trong làng đều khen là hào sảng, dễ gần. Dù sao cũng làm cho bệnh viện của Đại học Osaka, lần này còn vừa trở về từ hội thảo của Đại học Kyushu nữa. Chuyện này chỉ cần bỏ chút công điều tra là biết, nên hẳn anh ta không nói dối đâu ạ.” “Hừm… Theo như ban nãy cậu bảo thì Ryosuke đang bao che cho hung thủ… Tức là gã quen biết tên ba ngón tay kia. Nhưng bà chủ tiệm Kawada lại bảo tên đó trông như ăn mày, nghèo đói bẩn thỉu.” Kawada là tên tiệm cơm trước cửa ủy ban, nơi người đàn ông ba ngón tay xuất hiện lần đầu trong câu chuyện. Isokawa vừa thẩm vấn từng người trong nhà Ichiyanagi nên đã được nghe Saburo kể về người đàn ông kì quái tay ba ngón. Vừa nghe bảo trong biệt thất có dấu tay ba ngón, Saburo lập tức nhớ ra chuyện hóng được ở tiệm cắt tóc mấy hôm trước. Nghe hết lời khai của Saburo, Isokawa liền phái điều tra viên tới tiệm Kawada. Qua bà chủ tiệm, họ thu được thông tin chi tiết về hình dáng, cử chỉ của người đàn ông, đồng thời thu giữ cái cốc hắn từng sử dụng. Như tôi từng kể, bà chủ thấy quá kinh tởm nên không dùng đến cái cốc ấy nữa, nên trên đó vẫn còn lưu rõ vân tay của tên ba ngón. Vật chứng được giao cho phòng giám định xử lý. Sau khi nghe Saburo kể, Akiko cũng nhớ ra rằng ngay trước lúc cử hành hôn lễ, có người đàn ông kì lạ nọ đã lẻn vào bếp. Isokawa lập tức lấy lời khai của bà Nao và những người trong bếp lúc đó. Qua dáng dấp, hành vi mà họ miêu tả, có thể thấy kẻ lẻn vào bếp đúng là tên ba ngón. Về mảnh giấy, nhiều khả năng Kenzol đọc xong đã nhét vào ống tay áo. Thẩm vấn Akiko xong, Isokawa bảo chị ta mang bộ đồ Kenzo mặc khi ấy tới rồi lục khắp hai ống tay, song chỉ thấy những mẩu giấy vụn. Nên lúc này viên chỉ huy đang tỉ mẩn ngồi ghép chúng lại với sự giúp sức của điều tra viên Kimura. “Sắp xong rồi Kimura nhỉ. Chỗ này còn thiếu một mẩu. Không, không phải. Mẩu đó phải ở đây cơ. Còn hai chỗ nữa thôi, mẩu này và mẩu này… Chà, xong rồi.” May thay không thiếu mẩu nào nên hai viên cảnh sát đã khôi phục được nguyên vẹn mảnh giấy. Trên đó hằn lên mấy dòng chữ như giun như dế. “Nét chữ dị quá. Kimura, chữ đầu tiên… đọc là gì nhỉ?” “Sếp ơi, hay đấy là chữ “sắp”?” “Sắp”… Ra thế. Có vẻ là chữ “sắp” đấy. Sắp tới lúc… Phải rồi, ”Sắp tới lúc”. Thế chữ tiếp theo là gì?” “Hình như là ”thực”. Có phải “thực hiện” không nhỉ?” “Ờ, đúng rồi, “Sắp tới lúc thực hiện” à…? Chà, đoạn tiếp theo lại chẳng hiểu gì cả.” Chữ viết quá cẩu thả, lại thêm mảnh giấy chắp vá nên hai viên cảnh sát phải tốn rất nhiều công sức mới đọc nổi, Suy luận một hồi, cuối cùng họ lần ra được nội dung sau. Sắp tới lúc thực hiện lời hứa trên đảo rồi. Đánh úp, đánh lén, kiểu gì cũng được đúng không? “Kẻ thù không đội trời chung” của mày. Đọc xong mảnh giấy, Isokawa và Kimura bất giác nhìn nhau. “Sếp, đây là thư thách thức. Chẳng khác nào đe dọa giết người cả.” “Không phải “chằng khác nào” đâu. Chính xác là đe dọa đấy. Án mạng đã xảy ra chỉ vài tiếng sau khi lá thư này được chuyển cho người nhà Ichiyanagi. Khi thật, vụ án càng lúc càng rắc rối.” Isokawa đứng dậy, tay cầm lá thư đe dọa đã dán lại cẩn thận. “Trước hết cứ qua nhà chính hỏi thử đã. Thư nhắc tới lời hứa trên đảo”, nên chỉ cần hỏi người nhà Ichiyanagi xem Kenzo từng sống trên đảo nào, khi nào, là biết ngay.” Isokawa vừa định xỏ guốc thì sau lưng chợt vang tới tiếng gọi của một cậu điều tra viên trẻ tuổi, nãy giờ vẫn cần mẫn điều tra ở khu vực phía Tây biệt thất. “Thưa sếp, phiền sếp qua bên này. Có thứ lạ lắm ạ.” “Sao, sao? Phát hiện gì mới à?” Isokawa theo cậu điều tra viên trẻ tới khoảnh vườn bên ngoài phòng vệ sinh. Mời độc giả xem sơ đồ phác thảo lần nữa. Ở đó có đống lá rụng vun cao, cậu điều tra viên trẻ phải dùng đầu gậy bới ra. “Sếp nhìn xem.” Vừa trông, Isokawa lập tức trợn tròn mắt. “Ơ, kia là con nhạn mà?” “Vâng, chính là con nhạn bị mất đấy ạ. Hóa ra hung thủ vứt nó vào đây. Sếp ạ, xem chừng hung thủ đã chạy về phía này. Em từng nghĩ có khả năng hắn ném con nhạn qua cửa sổ phòng vệ sinh, nhưng quan sát lại mới thấy cửa sổ phòng vệ sinh đều lắp lưới mắt cáo có mắt rất nhỏ, từ bên trong không thể ném con nhạn ra ngoài. Còn nếu ném qua vách thông gió trên cửa chớp thì không đúng góc độ. À, con nhạn rơi trúng đống lá rụng nên không ướt lắm, hình như còn lưu dấu tay dính máu.” Isokawa nhìn lên cửa sổ phòng vệ sinh rồi ngó sang bên cửa chớp. Quả đúng như lời cậu điều tra viên trẻ. “Được rồi, trước hết cậu hãy cẩn thận mang đến phòng giám định. Chỉ phát hiện mỗi nó thôi à?” “Dạ không, còn một thứ nữa. Mời sếp ra đây. Kia ạ.” Cậu điều tra viên trẻ chỉ lên cây long não cành lá sum sê trên đầu họ. “Đấy ạ, có cái liềm cắm trên cành cây thứ ba từ dưới lên. Ban nãy em trèo lên xem thì liềm cắm rất chặt, em vận hết sức vặn không gỡ ra được. Cán liềm còn in chữ Uehan.” “Hay là người làm vườn để quên?” “Trông vườn tược thế này, chắc dạo gần đây có người tới làm vườn. Nhưng bảo họ quên kéo còn được, chứ quên cái liềm cắm trên cây thì không phải kì quặc quá ạ?” “Cũng đúng.” Isokawa trầm ngâm giây lát. “Cứ để cái liềm ở đó đi. Ngoài ra… À đúng rồi, đem con nhạn cho bên giám định. Với cả quan sát, xem xét khu vực này thật kĩ vào đấy. ” Vừa tới nhà chính, Isokawa đã thấy người nhà Ichiyanagi tập trung đông đủ trong phòng khách. Nơi góc phòng, Ginzo đang ngậm tẩu, không ngừng rít thuốc. Sáng nay, sau khi ra bưu điện về, ông liền vào phòng khách và ngồi im ở đó, hầu như chẳng nói chuyện với ai, chỉ lặng lẽ hút thuốc. Ginzo nghe mọi người xì xào bàn tán, đồng thời quan sát nhất cử nhất động của từng người. Với người nhà Ichiyanagi, sự hiện diện của Ginzo tựa như đám mây u ám bao phủ bầu trời mùa mưa. Nhất là Ryosuke và Saburo, mồi lần trông thấy mặt Ginzo là đều lúng túng sợ sệt, ngoảnh sang hướng khác. Chỉ có Suzuko, không biết từ lúc nào đã thân thiết với ông chú thoạt trông thì đáng sợ nhưng thực chất lại tốt bụng này. Lúc này, cô bé đang tựa vào chân Ginzo, làm nũng. “Chú ơi.” Suzuko vừa nghịch ngón tay thô ráp của Ginzo vừa nói. “Suzuko… gặp chuyện này lạ lắm.” “…” Ginzo vẫn ngậm tẩu thuốc, nhìn xuống Suzuko. “Đêm hôm qua cháu có nghe thấy tiếng đàn tranh. Lần đầu thì tang tang tang roẹt, như có ai đeo móng gảy, cào lung tung qua các dây đàn. Lần thứ hai thì tưng tưng tưng như dùng thứ gì đó để gảy ấy. Chú cũng nhớ chứ?” “Ừ nhớ. Sao thế?” “Đêm hôm kia, Suzuko cũng nghe thấy tràng âm thanh tương tự vậy.” Ginzo trợn mắt kinh ngạc nhìn Suzuko. “Suzuko, cháu nói thật à?” “Vâng, thật đấy ạ. Rõ ràng cháu nghe thấy tiếng đàn truyền từ biệt thất tới mà.” “Thế là cháu cũng nghe thấy tiếng cào lung tung qua các dây đàn, tang tang tang roẹt, như đêm qua ư?” “À không, không ạ. Chắc cũng có cả khúc đó, nhưng lúc ấy hẳn Suzuko đang ngủ say. Cháu chỉ nghe được mỗi đoạn gảy từng từng từng thôi.” “Cụ thể đêm hôm kia cháu nghe thấy lúc mấy giờ?” “Suzuko không biết là mấy giờ. Cháu sợ quá nên chui vào giường luôn. Tại đêm đó bên biệt thất đâu có ai, đàn cũng ở chỗ cháu mà. Chú ơi, mèo chết là sẽ biến thành ma thật ạ?” Suzuko rất hay đang chuyện nọ lại đột ngột xọ chuyện kia. Tuy nhiên, chuyện cô bé vừa tiết lộ về tiếng đàn đêm hôm kia xem chừng có ý nghĩa rất quan trọng trong vụ án… Ginzo đương gặng hỏi thì Isokawa bước vào. Suzuko và Ginzo đành tạm ngưng trò chuyện. “Tôi có việc muốn hỏi mọi người. Nạn nhân Kenzo có từng sống trên hòn đảo nào không?” Nghe xong câu hỏi của viên chỉ huy, người nhà Ichiyanagi nhìn nhau. “Chà… Ryosuke à, cháu nhớ không? Kenzo dạo này gần như không ra khỏi nhà mà nhỉ?” “Không, không nhất thiết phải là dạo gần đây. Từ rất lâu trước kia cũng được. Kiểu đi du lịch rồi ở lại hòn đảo nào chẳng hạn?” “À, thế chắc là có đấy. Hồi trẻ anh tôi rất thích đi du lịch, thường xuyên tới chỗ này chỗ kia. Nhưng chỉ huy à, việc ấy thì liên quan gì tới chuyện lần này?” Ryuji nhíu mày, nhìn chăm chăm Isokawa. “Vâng, có khả năng liên quan mật thiết đấy. Nếu biết được tên hòn đảo đó thì tốt… Thực ra là vì thứ này.” Isokawa lấy lá thư chấp ghép có nội dung cảnh cáo ra. “Mấy câu viết trong đây khá kì lạ. Tôi sẽ đọc một lượt. Các vị nghe rồi xem xem thư mang hàm ý gì nhé.” Isokawa đọc to lá thư. Đến đoạn “Kẻ thù không đội trời chung” của mày, bất chợt có một người khẽ thốt lên kinh ngạc. Đó là Saburo. Trước cái nhìn chất vấn của viên chỉ huy và ánh mắt đầy nghi hoặc của mọi người, Saburo mặt mày tái mét, đứng ngồi không yên. Hành vi kì lạ của Saburo không khỏi thu hút sự chú ý của mọi người. “Saburo, em biết gì về là thư này ư?” Người vừa cau mày hỏi là Ryuji. Nhận thấy mọi ánh mắt trong phòng đều đang đổ dồn về phía mình, Saburo vô cùng hoảng loạn. Y lắp bắp, mồ hôi ròng ròng trên trán. “Em… em…” Ánh mắt Isokawa càng lúc càng nghiêm nghị. “Cậu Saburo, nếu biết điều gì, cậu hãy thành thực khai báo. Việc này vô cùng quan trọng đấy.” Giọng điệu viên chỉ huy khá nghiêm khắc, càng khiến Saburo thêm căng thẳng. Y lắp bắp, “Tôi… nhớ câu cuối cùng trong lá thư kia… Kẻ thù không đội trời chung… Tôi từng trông thấy mấy chữ đó rồi.” “Từng trông thấy? Ở đâu cơ?” “Album của anh cả. Trong đó có một bức ảnh không ghi tên người hay gì cả, chỉ viết hàng chữ “Kẻ thù không đội trời chung”. Tôi… thấy kì lạ quá nên đến giờ vẫn nhớ rõ.” Phu nhân Itoko và Ryosuke liếc nhìn nhau. Ryuji nhíu mày nghi hoặc. Ginzo vẫn ngồi đó lặng lẽ quan sát biểu cảm của ba người bọn họ. “Album để ở đâu?” “Hẳn vẫn trong thư phòng. Anh cả không cho phép bất cứ ai động vào đồ của anh. Tôi chỉ tình cờ trông thấy bức ảnh thôi.” “Thưa phu nhân, chúng tôi đến thư phòng kiểm tra có được không?” “Vâng, mới chỉ huy. Saburo, con dẫn chỉ huy qua đó hộ mẹ nhé.” “Để con đi cùng.” Ryuji đứng lên. Ginzo chỉ đứng dậy theo mà không nói gì. Thư phòng của Kenzo nằm ở bên trái lối vào, tức góc Đông Nam của nhà chính. Đó là một căn phòng kiểu Tây, rộng khoảng hai mươi mét vuông, từ phía Nam kéo ra một bức tường dài độ một mét, chia căn phòng thành hai gian. Gian hẹp hơn được dùng làm phòng học cho Saburo, phía Bắc có cửa ra vào chung của cả căn phòng lớn. Gian còn lại rộng khoảng mười ba mét vuông, được Kenzo dùng làm thư phòng riêng. Toàn bộ mặt tường Đông và Bắc của gian này kê tủ sách cao đến tận trần, xếp đầy sách vở Tây phương; còn cạnh cửa sổ phía Nam đặt chiếc bàn lớn dùng để làm việc. Ở khoảng giữa hai gian có lò sưởi bằng sắt khá to. “Cậu Saburo, quyển album đó đâu?” “Trên… tủ sách… đằng kia…” Nằm gọn gàng ngay ngắn ở ngăn đầu tiên, tức vị trí gần, dễ với nhất trên tủ sách bên trái bàn làm việc là mấy thứ gần gũi với cuộc sống thường ngày của Kenzo như album, nhật kí, sổ tư liệu. Thấy Saburo toan rút quyển album ra, Isokawa vội giữ tay y lại. “Khoan… Chờ chút.” Đứng trước tủ sách, Isokawa quan sát kĩ lưỡng ngăn để đồ ấy. Có thể nhận ra Kenzo là người hết sức ngăn nắp. Tất cả nhật kí được cất giữ cẩn thận. Cả thảy có 20 cuốn, sắp xếp theo đúng thứ tự từ năm 1917 đến năm 1936, tức là đến hết năm ngoái. Hơn nữa kích cỡ, kiểu bìa, chất liệu đều giống nhau. Đó đều là sản phẩm của tiệm sách nào đó ở Tokyo. Điểm này thể hiện rất rõ tính cách của Kenzo. Isokawa tiến tới sát tủ sách, soi kĩ đống nhật kí, sau đó nhíu mày nhìn sang những người có mặt trong thư phòng. “Dạo gần đây có người đã động vào mấy cuốn nhật kí. Các vị xem ba cuốn năm 1924, 1925 và 1926 đi. Riêng ba cuốn này để không ngay ngắn, lại không phủ lớp bụi mỏng như các cuốn còn lại. Chưa kể chúng còn có điểm rất bất thường.” Isokawa cẩn thận rút ba cuốn nhật kí ra, đưa cho mọi người xem. Khi thấy chúng Ginzo bất giác căng mắt nhìn. Cả ba cuốn đều bị xé mất nhiều trang. Cuốn năm 1925 thiếu hẳn phân nửa, gáy với bìa cũng xộc xệch lỏng lẻo. “Các vị coi, vết xé còn rất mới, chứng tỏ vừa bị xé cách đây không lâu. Cho hỏi hồi mấy năm này thì Kenzo bao nhiêu tuổi nhỉ?” “Anh cả năm nay 40, vậy năm 1924 anh ấy 27 tuổi.” Ryuji bấm đốt ngón tay đáp. “Thế thì đây là nhật kí Kenzo viết thời khoảng 27 đến 29 tuổi. Lúc ấy anh ta đang làm gì?” “Anh tôi tốt nghiệp đại học ở Kyoto năm 25 tuổi, sau đó ở lại trường làm giảng viên tầm hai năm. Nhưng không lâu sau mắc bệnh hô hấp nên phải thôi việc, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ba năm. Theo tôi mấy việc này cứ xem lại nhật kí là sẽ rõ.” “Nói vậy anh ta viết mấy cuốn nhật kí này trong khoảng từ khi nghỉ việc cho tới giữa giai đoạn tĩnh dưỡng. Vấn đề là ai đã xé đi một phần nhật kí? Kẻ đó có mục đích gì? Phần bị xé được xử lý thế nào? Như ban nãy tôi đã nói, việc này chỉ mới xảy ra thôi. Ồ? Sao thế?” Nghe tiếng Ginzo húng hắng ho đầy ẩn ý cùng tiếng ông gõ tẩu thuốc vào lò sưởi, Isokawa liền ngoái lại. Hiểu ý, viên chỉ huy bèn rảo bước tới chỗ lò sưởi, mở cửa lò và lập tức hừm một tiếng. Trong lò rõ ràng là những trang nhật kí còn thiếu đã bị thiêu. Tàn tro vẫn nguyên dạng trang giấy, chất thành đống. “Ai…? Bao giờ…? À, lần cuối lò sưởi này được dọn là khi nào?” “Đến chiều tối hôm qua còn chưa thấy đống tro này đâu. Tới khoảng 7 giờ tối, tôi vẫn đọc sách trong phòng và có cho củi vào lò hai, ba lần nên nhớ rõ. Chắc chắn lúc ấy không có đống tro này.” Saburo hoang mang nói, mắt trừng trừng trông đống tro. Như mọi lần, Ginzo nhìn Saburo chăm chăm, ánh mắt lạnh lùng. Không hiểu sao bỗng dưng má Saburo lại đỏ bừng bừng. “Được rồi. Việc này chúng tôi sẽ điều tra kĩ càng sau. Đề nghị mọi người đừng ai động vào đống tro này. Cậu Saburo, kia là quyển album cậu nhắc tới phải không?” Tổng cộng có năm quyển album, gáy ghi thời gian tương ứng bằng mực đỏ. Isokawa lôi quyển ghi “1923,1926” đặt lên bàn rồi cẩn thận mở ra xem. Viên chỉ huy mới lật vài trang, Saburo đứng bên cạnh đã chen lời. “Chỉ huy à, đây, chính là bức ảnh này.” Saburo chỉ tay vào bức ảnh to cỡ tấm danh thiếp. Nó đã ngả màu, chằng chịt vết xước, hư tổn khá nghiêm trọng. Khác với những bức ảnh nghiệp dư xem chừng do Kenzo tự chụp, bức này giống ảnh chụp ngoài tiệm, thuộc loại để dán vào hồ sơ giấy tờ. Trong ảnh là một thanh niên chừng hai ba hai tư tuổi, để đầu húi cua, mặc âu phục cổ đứng đính khuy vàng. Phía dưới bức ảnh quả thực chỉ vỏn vẹn dòng chữ “Kẻ thù không đội trời chung” ghi bằng mực đỏ nhưng đã ngả đen. Đúng là bút tích của Kenzo. “Các cậu biết người trong ảnh là ai không?” Ryuji và Saburo lặng thinh lắc đầu. “Cậu Saburo, cậu đã bao giờ hỏi Kenzo về bức ảnh này chưa?” “Tôi nào dám. Làm vậy không biết anh cả sẽ mắng tôi té tát nhường nào. Ngay đến chuyện trông thấy bức ảnh tôi còn không nói với anh ấy.” “Phải dùng tới cách gọi “Kẻ thù không đội trời chung” thế này, hẳn kẻ trong ảnh cũng không tầm thường đâu. Các cậu có nhớ được việc gì xem chừng liên quan không?” “Anh tôi thuộc kiểu không để người khác đọc được lòng mình. Cho dù từng xảy ra việc gì, anh ấy cũng sẽ khư khư giữ bí mật cho riêng mình thôi.” Ryuji nghiêm mặt đáp. “Thôi thì tôi cứ mượn bức ảnh này đã.” Isokawa toan tách bức ảnh khỏi album, song keo dán chắc quá nên mãi không tách được. Sợ làm hỏng bức ảnh, viên chỉ huy đành lấy kéo cắt cả trang album rồi kẹp cẩn thận vào sổ tay. Tối đó, cảnh sát thị trấn So— tiến hành họp tổ điều tra. Tôi không biết rõ cuộc họp diễn ra thế nào. Nội dung họp được bác sĩ F ghi trong sổ tay cũng chỉ là nghe ngóng qua người khác. Vì vậy, ở đây tôi xin chỉ viết lại những thông tin quan trọng. Chắc cuộc họp đại khái thế này. “Về phần nhật kí bị thiêu hủy, chúng tôi nắm được một số thông tin như sau.” Dĩ nhiên đây là lời của chỉ huy Isokawa. “Akiko bên chi thứ trước đó từng khai, chiều tối hôm qua, chỉ ít giờ trước hôn lễ, cô ta tới biệt thất tìm Kenzo. Khi ấy Kenzo nhờ cô ta đóng bộ cửa chớp còn bản thân rời đi trước. Ngay sau đó, Akiko trở lại nhà chính, nhưng lại không thấy bóng dáng Kenzo, người đáng lẽ phải ở đó. Lúc ấy vội lắm rồi, phu nhân Itoko liên tục giục giã nên Akiko đi khắp nơi tìm Kenzo, để rồi thấy anh ta đứng trước lò sưởi trong thư phòng, đốt gì đó…” “Ra vậy. Nói thế thì Kenzo đã tự đốt chỗ nhật kí ấy?” Cảnh sát trưởng xác nhận lại. “Vâng, đúng vậy. Người ta cũng thường đốt các loại thư từ, nhật kí cũ trước khi kết hôn. Tuy nhiên tôi đoán phải có uẩn khúc nên Kenzo mới đốt ngay trước lúc diễn ra buổi lễ. Tức là mảnh giấy Akiko đưa ở biệt thất đã khiến anh ta đột nhiên nhớ lại chuyện cũ, thấy cần tiêu hủy ngay những ghi chép ngày trước.” “Vậy đây là tàn tro của chỗ nhật kí đó ư?” “Vâng. Có thể thấy chúng được thiêu rất kĩ, gần như cháy rụi. Tuy nhiên có năm, sáu trang còn sót lại đôi chút, Tôi nghĩ có liên quan tới vụ án nên đã nhặt lại và xếp ra đây theo đúng thứ tự. Tiếc là chỗ ghi ngày tháng đã cháy hết, nhưng tôi đoán chúng được viết vào năm 1925.” Isokawa lần lượt xếp ra năm mẩu nhật kí còn sót lại. Từng câu chữ trong đó chứa đầy ẩn ý. Bác sĩ F dường như rất hứng thú với chúng nên đã chép lại. Tôi xin giới thiệu nguyên văn như dưới đây. Mẫu thứ nhất… Dọc đường xuống bãi biển, ngang qua chốn quen, hôm nay tiểu thư Fuyu vẫn chơi đàn. Dạo này hễ nghe thanh âm ấy là lòng tôi lại đau thắt… Mẫu thứ hai… Chính tên đó, chính tên đó. Tôi hận hắn. Tôi hận hắn cả đời… Mẫu thứ ba… Tang lễ của tiểu thư Fuyu. Một ngày ảm đạm, thê lương. Trên đảo hôm nay lất phất mưa. Buổi tang lễ… Mẫu thứ tư… Tôi suýt nữa đã thách đấu hắn. Không gì có thấm với nỗi căm phẫn trong tôi. Nghĩ tới người thê lương nằm đó, tôi có băm vằm hắn thành trăm mảnh cũng chưa hả dạ. Hắn chính là kẻ thù không đội trời chung của tôi. Tôi hận hắn, căm thù hắn… Mẫu thứ năm… Trước khi rời đảo tôi đã tới thăm mộ tiểu thư Fuyu lần cuối. Đặt bó cúc dại trước mộ, tôi quỳ lạy em. Bỗng có tiếng đàn từ đâu vẳng tới. Tôi thẫn thờ… “Tôi hiểu rồi.” Cảnh sát trưởng đọc kĩ năm mẩu nhật kí sót lại rồi nói. “Qua đây có thể thấy Kenzo từng thân thiết với một cô gái tên Fuyu trên hòn đảo nào đó. Song cô này qua lại thân mật và còn chết vì người đàn ông khác. Nên tóm lại người đàn ông đó là kẻ thù không đội trời chung của Kenzo, và cũng chính là hung thủ trong vụ án này.” “Vâng, có lẽ thế. Hẳn câu chuyện ở đây không hề đơn giản. Giá mà biết được tên của kẻ kia, hoặc ít nhất biết tên hòn đảo thì tốt. Nhưng chỗ nhật kí lại đã cháy rụi, không truy xét được. Lúc đó là năm 1925, Kenzo 28 tuổi. Anh ta gặp vấn đề ở đỉnh phổi nên đi du lịch tĩnh dưỡng ở mấy hòn đảo thuộc vùng biển nội địa Seto. Có điều sự việc kia xảy ra tại đảo nào thì người nhà Ichiyanagi không rõ.” “Nhưng nếu có bức ảnh này… À đúng rồi, cậu đưa cho bà chủ tiệm cơm xem chưa? Tiệm cơm mà tên ba ngón xuất hiện lần đầu ấy.” “Đương nhiên là rồi. Tôi đã đưa ảnh cho bà chủ tiệm, viên cán bộ ủy ban và tay dân thồ hàng có mặt lúc đó. Cả ba xác nhận đúng là người đàn ông này. Dĩ nhiên bây giờ hắn đã có tuổi, tiều tụy hơn hẳn so với trong ảnh, lại thêm vết sẹo lớn ở khóe miệng nên trông tương đối khác, nhưng ba người kia đều khẳng định chính là hắn.” “Vậy không sai được rồi. Thế sau khi hắn rời tiệm cơm, không ai trông thấy hắn nữa à?” “Thưa sếp, có người đã gặp hắn ạ.” Cậu điều tra viên Kimura xen vào. “Cùng hôm đó, một nông dân tên Taguchi Yosuke sống gần dinh thự Ichiyanagi đã bắt gặp hắn đứng trước cổng dinh thự, ngó nghiêng bên trong. Thấy khả nghi, Yosuke lẳng lặng theo dõi thì hắn phát hiện ra. Hắn thản nhiên hỏi anh ta Đường tới làng Ku… đi thế nào? rồi lê bước về hướng ấy. Lát sau Yosuke ngoảnh lại, thì thấy hắn đang trèo lên vách núi phía Bắc dinh thự Ichiyanagi. Ngẫm lại thì xem ra hắn lên đó để quan sát tình hình trong dinh thự. Bấy giờ là khoảng năm, mười phút sau khi hắn rời tiệm cơm.” “Lúc đó là chập tối 23, tức trước hôn lễ hai ngày nhỉ?” “Vâng.” “Sau đó thì hắn xuất hiện lần nữa tại bếp nhà Ichiyanagi, ngay trước lúc đám cưới diễn ra. Cậu đã đưa ảnh cho những người có mặt trong bếp lúc đó, và cả người kia, à đúng rồi, Taguchi Yosuke xem chưa?” “Tất nhiên là rồi ạ. Có điều họ không nhận mặt được vì hắn đội mũ sùm sụp, đeo khẩu trang to đùng, chưa kể bếp nhà Ichiyanagi còn tối nữa…” Cảnh sát trưởng trầm ngâm hút thuốc, ngẫm nghĩ gì đó. Cuối cùng, ông nhìn xuống đống vật chứng trên bàn, cẩn thận quan sát. Đầu tiên là cốc nước, thứ hai là thanh kiếm, thứ ba là vỏ kiếm, thứ tư là ba móng gảy, thứ năm là con nhạn, và cuối cùng là cái liềm. “Cốc nước này là vật chứng lấy ở tiệm cơm à? Kiểm tra dấu vân tay chưa?” “Tôi xin phép trình bày.” Như chỉ chờ cảnh sát trưởng hỏi đến, cậu nhân viên trẻ của phòng giám định mở cặp táp. “Tôi có mang ảnh chụp theo đây. Dễ thấy trên cốc nước có hai loại dấu vân tay. Một của bà chủ tiệm cơm. Còn lại là loại chỉ có ba ngón, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Nhất định là của tên ba ngón. Hơn nữa, chúng tôi còn tìm thấy dấu vân tay tương tự trên thanh kiếm Nhật, vỏ kiếm và con nhạn. Đặc biệt, dấu vân tay trên con nhạn có dính máu. Ngoài ra, trên thanh kiếm và vỏ kiếm còn lưu mờ mờ dấu vân tay của Kenzo, nhưng trên con nhạn, ngoại trừ dấu vân tay hung thủ thì không có gì khác. Mặt trong của móng gảy đáng ra cũng phải có vân tay của hung thủ, nhưng như sếp thấy đấy, nó dính đầy máu nên chúng tôi không tìm được dấu vân tay. Về cái liềm thì do cán làm bằng gỗ loại này nên cũng không tìm được dấu vân tay chính xác.” “Cái liềm…” “Chuyện là thế này…” Isokawa rướn người về phía trước. “Chúng tôi phát hiện nó cắm trên cây long não trong vườn biệt thất. Điều tra ra thì độ một tuần trước đúng là có người làm vườn tới dinh thự Ichiyanagi. Tôi đã gọi anh ta đến hỏi chuyện. Anh ta nhận là có để quên liềm, nhưng lại khẳng định chắc nịch rằng không hề cắm nó lên cây long não. Nếu là kéo tỉa cây thì không nói, đằng này sao tưởng tượng nổi có người trèo lên cây long não mà đem theo liềm, nên tôi nghĩ lời khai của người làm vườn khá đáng tin. Vậy thì tại sao cái liềm lại cắm trên cây long não? Hơn nữa còn được mài cực kì sắc? Tôi đoán nó có vai trò gì đó chăng, nên quyết định thu giữ luôn.” “Xem ra vụ án này có rất nhiều điểm nghi vấn. Đúng rồi, dấu vân tay ở hiện trường thì sao?” “Chúng tôi thu thập được dấu vân tay rõ nét của hung thủ ở ba nơi tại hiện trường. Đầu tiên là dấu vân tay không dính máu, nằm trong tủ âm tường đằng sau gian tám chiếu. Sau đó là hai dấu tay dính máu, một ở mặt trong cửa chớp, một ở trên cột trụ góc Tây Nam của gian tám chiếu. Hai dấu tay này được tìm thấy sau cùng dù nằm ở vị trí rất dễ quan sát. Cũng bởi toàn bộ căn biệt thất sơn màu đỏ son, không kiểm tra cẩn thận rất dễ bỏ sót.” “Nói vậy, đây chắc chắn là vụ án giết người, chứ không thể là tự sát.” “Sếp bảo tự sát là sao?” Isokawa trợn mắt ngạc nhiên. “Kìa, không phải ý tưởng của tôi đâu. Có người nghi Kenzo tự đâm vào tim mình, rồi ném thanh kiếm ra ngoài qua vách thông gió.” “Ai nghĩ ra ý tưởng hoang đường đó vậy? Chỉ cần nhìn hiện trường là đủ thấy không thể. Xét nơi cắm hung khí thì lại càng không. Huống chi còn con nhạn. Nhất định hung thủ đã đợi tuyết ngừng rơi rồi mới bỏ vào đó. Cho dù cửa chớp có mở, cũng không ném nó ra đó được. Rốt cuộc ai nghĩ ra chuyện ngớ ngẩn này thế?” “Seno đấy. Đây mà là tự sát thì may cho anh ta quá. Không cần trả tiền bảo hiểm nữa mà.” “Tiền bảo hiểm…? À, gã Seno bên đại lý bảo hiểm ấy ạ? Thế Kenzo mua gói bảo hiểm bao nhiêu tiền thế?” “50.000 yên.” “50.000 yên?” Ở nông thôn thời đó, 50.000 yên quả là số tiền rất lớn. Bảo sao Isokawa nghe xong liền giật mình kinh ngạc. “Cụ thể thì Kenzo tham gia bảo hiểm từ bao giờ?” “Nghe nói từ năm năm trước.” “Năm năm trước? Nhưng Kenzo không vợ không con, Sao lại nộp bảo hiểm số tiền lớn như vậy?” “Thấy bảo thế này. Kenzo có cậu em tên là Ryuji đúng không? Năm năm trước, khi Ryuji kết hôn, tài sản được đem ra chia cho các anh em. Có điều lúc đó cậu em Saburo được chia rất ít do không được lòng họ hàng, nên Kenzo bất bình, quyết định mua gói bảo hiểm 50.000 yên và nhượng nó cho Saburo.” “Vậy thì người thụ hưởng sẽ là Saburo rồi.” Isokawa chợt thấy nôn nao khó tả. Đêm tổ chức hôn lễ, Saburo đưa ông trẻ về rồi ở lại luôn làng Kawa—. Nói cách khác, trong những người liên quan, chỉ mỗi Saburo có chứng cứ ngoại phạm. Hay chính việc đó lại có ý nghĩa quan trọng gì chăng? Isokawa đưa tay lên vân vê hàm râu. Ngày 27 tháng Mười một, ngay sau hôm xảy ra vụ án mạng kinh hoàng tại dinh thự Ichiyanagi, một thanh niên bước xuống ga Kiyo thuộc tuyến Hakubi, thong dong đi về phía làng Kawa—. Anh tầm hai lăm hai sáu tuổi, hơi nhỏ người thì đúng hơn là tầm thước. Mình vận kimono kèm haori[26] họa tiết dệt[27], bên dưới là hakama[28] kẻ sọc nhỏ. Áo haori và kimono nhăn nhúm, quần thì lùng thùng tới mức chẳng nhìn ra li xếp, lại thêm đôi tất xỏ ngón trông tưởng rách đến nơi, đôi guốc mòn vẹt và chiếc mũ móp méo… Tóm lại, so với tiêu chuẩn thanh niên thời bấy giờ thì anh quá lôi thôi. Xét riêng mặt mày, anh cũng trắng trẻo nhưng dường nét không có gì nổi bật. Sau khi qua sông Takat hanh niên đi bộ về phía làng Kawa—. Tay trái không xỏ qua ống tay mà để trong ngực áo, tay phải chống gậy. Ngực áo phồng to, hình như nhét đầy mấy thứ như tạp chí, vở viết. Ở Tokyo thời đó không hiếm thanh niên kiểu này. Cứ dạo quanh khu nhà trọ ở Waseda hay ghé mấy nhà hát vùng ngoại ô thì gặp khối. Thanh niên này chính là Kindaichi Kosuke, người mà Kubo Ginzo gửi điện báo để gọi tới. Những người làng biết tường tận diễn tiến của vụ án đều không sao quên nổi thanh niên bí ẩn này. “Chàng trai trẻ đó trông thì ngu ngơ mà khả năng phá án còn vượt cả viên chỉ huy. Dân Tokyo có khác. Khi ấy ai cũng hết lời khen ngợi…” Nghe lời tán dương là đủ biết chàng thanh niên sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng giúp phá giải vụ án tiếng đàn sát nhân tại dinh thự Ichiyanagi. Có điều, sau khi tổng hợp và nghiền ngẫm lời dân làng, tôi thấy thanh niên này có phong thái ung dung tự tại rất giống với Anthony Gillingham. Độc giả hẳn sẽ ngạc nhiên vì tự dưng tôi lại nhắc tới cái tên này. Thực ra Anthony Gillingham là một thám tử nghiệp dư, nhân vật chính trong tiểu thuyết trinh thám Bí mật căn nhà đỏ[29] của A. A. Milne[30], tác giả người Anh mà tôi vô cùng yêu thích. Trong cuốn tiểu thuyết ấy, Milne giới thiệu Anthony Gillingham trong lần đầu xuất hiện như sau: “Nhân vật này đóng vai trò chủ chốt, nên trước khi bước vào câu chuyện, tôi cần miêu tả sơ qua về anh ta.” Bởi vậy tôi sẽ học tập Milne, kể đôi chút về chàng trai Kindaichi Kosuke. Kindaichi là họ hiếm. Chắc một số bạn độc giả cũng biết đến một học giả nổi tiếng mang họ này, chuyên nghiên cứu về dân tộc Ainu[31]. Vị học giả ấy có xuất thân Tohoku hoặc Hokkaido, và Kindaichi Kosuke hình như cũng sinh ra ở khu vực đó. Nghe bảo thanh niên này có giọng địa phương rất nặng, còn hơi cà lăm nữa. Năm 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học ở quê, Kindaichi ôm hoài bảo tới Tokyo. Anh nhập học một trường đại học dân lập và trọ tại khu Kanda. Chưa đầy năm thì cảm thấy đại học ở Nhật quá tẻ nhạt nên anh lưu lạc sang Mỹ, nhưng chẳng mấy chốc cũng chán cuộc sống ở Mỹ. Trong khoảng thời gian lang bạt khắp nơi và sống bằng mấy nghề lặt vặt như rửa bát thuê, vì hiếu kì anh dính vào ma túy, rồi ngày càng nghiện ngập. Cứ đà đó thì thật e Kindaichi sẽ thành ra một con nghiện đúng nghĩa, bị cộng đồng Nhật kiều tẩy chay. Nhưng một sự kiện lạ lùng đã thay đổi cuộc đời chàng trai trẻ. Trong cộng đồng Nhật kiều ở San Francisco khi ấy xảy ra một vụ án mạng kì quái, tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ con nghiện Kindaichi tình cờ lang thang qua đã phá giải được vụ án. Chưa kể, thủ pháp phá án còn rất thẳng thắn, đanh thép, dựa trên logic chứ không phải dùng chiêu trò gì, nên cộng đồng Nhật kiều vô cùng kinh ngạc. Kẻ nghiện ngập chẳng ai muốn giao du như Kindaichi nay bỗng hóa anh hùng. Hồi ấy vừa hay Kubo Ginzo đang ở San Francisco. Vườn cây ăn quả ở Okayama mà Ginzo gây dựng đang trên đà phát triển, nên ông định lấn sân sang ngành khác. Các bạn độc giả còn nhớ loại nho khô thương hiệu Sunkist hồi trước chiến tranh chứ? Đa phần chúng được sản xuất bởi người Nhật sống ở California. Ginzo muốn thử sản xuất nho khô tại Nhật, nên mới quay lại Mỹ để tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Ông tình cờ gặp Kindaichi tại một bữa tiệc của cộng đồng Nhật kiều. “Thế nào? Anh nên cai nghiện rồi học hành cho tử tế đi.” “Cháu cũng tính vậy. Nghiện ngập rốt cuộc chẳng hay ho gì.” “Nếu anh muốn, tôi sẽ đóng giúp học phí.” “Cảm ơn chú, nhờ chú giúp vậy. ” Kindaichi gãi gãi mớ tóc rối bù, chẳng chút do dự cúi đầu nhờ vả. Ngay sau đó Ginzo quay về Nhật, còn Kindaichi ở lại Mỹ thêm ba năm, cuối cũng lấy được tấm bằng đại học. Vừa về Nhật, chàng thanh niên liền từ Kobe tới thăm Ginzo ở Okayama. Lúc ấy Ginzo có hỏi, “Thế từ giờ anh định làm gì?” “Cháu tính làm thám tử.” “Thám tử?” Ginzo ngạc nhiên nhìn Kindaichi rồi chợt nhớ lại vụ án ba năm trước, lòng thầm nghĩ thôi thì cũng được, dù sao cậu chàng cũng chẳng phải dạng sẽ theo được kiểu công việc nhiều kỉ luật, gò bó. “Tôi không hiểu mấy về nghề thám tử, nhưng dụng cụ làm việc chắc sẽ phải có kinh lúp hay thước dây nhỉ?” “Không ạ, cháu không định dùng mấy thứ ấy.” “Thế anh định dùng gì?” “Cái này ạ.” Kindaichi tủm tỉm cười, tự gõ gõ lên cái đầu tổ quạ. Ginzo gật gù thán phục. “Có điều, dùng đầu làm việc thì vẫn cần vốn chứ?” “Vâng. Sắm sửa trang thiết bị cho văn phòng tốn khoảng 3000 yên. Với lại trước mắt cháu cũng cần sinh hoạt phí. Vừa treo biển thì lấy đâu ra khách ngay.” Ginzo lẳng lặng kí tấm séc 5000 yên rồi đưa cho Kindaichi. Nhận xong, Kindaichi không nói gì mà chỉ lễ phép cúi đầu. Về đến Tokyo, anh chàng lập tức bắt tay vào cái nghề chẳng giống ai này. Dĩ nhiên mới đầu, văn phòng thám tử Kindaichi ở Tokyo chẳng có nổi một mống khách. Trong thư thông báo tình hình thi thoảng gửi cho Ginzo, Kindaichi kể văn phòng vắng như chùa Bà Đanh, ông chủ suốt ngày ngáp ngắn ngáp dài đọc truyện trinh thám. Chẳng biết anh nghiêm túc hay đang đùa bỡn Ginzo nữa. Qua độ nửa năm, vừa ngỡ tình hình thư từ cuối cùng cũng dần thay đổi thì một sáng nọ, Ginzo giật mình kinh ngạc khi bất ngờ phát hiện ảnh Kindaichi chình ình trên mặt báo. Ban đầu ông còn tưởng Kindaichi lỡ gây họa, đọc thư mới biết anh được báo chí giật tít khen ngợi vì đã xuất sắc phá giải vụ án nghiêm trọng gây xôn xao cả nước. Trong bài báo, Kindaichi cho biết, “Việc thu thập dấu chân và giám định vân tay đều do cảnh sát phụ trách. Tôi chỉ phân tích, tổng hợp logic các kết quả thu được rồi suy luận ra thôi. Đó là cách tôi phá án.” Đọc tới đó Ginzo liền nhớ ra rằng trước đây Kindaichi từng tự gõ đầu tuyên bố sẽ sử dụng trí óc thay cho kính lúp và thước dây. Ông bất giác mỉm cười hài lòng. Khi án mạng tại dinh thự Ichiyanagi xảy ra, trùng hợp là Kindaichi đang ở nhà Ginzo. Trước đó, Kindaichi tới Osaka để điều tra một vụ án hóc búa, nhưng không ngờ công việc xong sớm hơn dự kiến. Tiện thể, anh chàng ghé thăm Ginzo vì đã lâu không gặp, nhân đó xả hơi vài bữa ở Okayama. Tiễn Ginzo và Katsuko lên đường xong, Kindaichi tính ở lại chơi vài hôm, đợi Ginzo trở về sau hôn lễ, nhưng rốt cuộc lại bị Ginzo gọi đi phá án. Dinh thự Ichiyanagi ở làng Oka—, cách vườn cây ăn quả của Ginzo chưa tới bốn mươi cây số, nhưng giao thông bất tiện nên Kindaichi phải đi tuyến Tamashima, sau đó lại lên tàu tuyến Sanyo hướng đi tỉnh lỵ, tới Kurashiki thì đổi sang tuyến Hakubi và xuống ở ga Kiyo—, xong còn phải đi bộ ngược lại độ bốn cây số nữa. Lộ trình của anh y hệt của chú cháu Ginzo hôm trước. Tuy nhiên, Vừa qua sông Taka—, gần tới đường vào làng Kawa, anh bỗng nghe tiếng một toán người hô hoán. Họ vừa hò hét ầm ĩ vừa chạy tới khúc ngoặt phía trước. Xảy ra chuyện gì thế nhỉ? Kindaichi vô thức dừng chân. Hóa ra có chiếc xe khách đâm vào cột điện trên đường làng nên rất đông người bu lại. Kindaichi tiến tới quan sát thì thấy dân làng đang khiêng người gặp nạn ra khỏi xe. Anh hỏi thăm người đứng cạnh thì được biết xe khách vì tránh xe bò đi ngược chiều nên đã đâm phải cột điện. Chiếc xe khách xuất phát từ ga Kiyo—, nơi Kindaichi xuống tàu ban nãy, nên hành khách đa phần là người ngồi cùng tàu với anh. Anh thầm cảm thấy may mắn vì đã không lên chuyến xe này. Vừa toan rời đi, Kindaichi chợt trông thấy một phụ nữ được khiêng ra khỏi xe. Anh từng gặp cô ta. Như ban nãy đã nói, sớm nay Kindaichi từ Tamashima lên tuyến Sanyo đi hướng tỉnh lỵ, đến Kurashiki thì đổi sang tuyến Hakubi. Người phụ nữ này lên cùng chuyến tàu xuất phát từ Kurashiki với anh. Nhưng hình như trái ngược với Kindaichi, cô ta tới Kurashiki bằng tuyến rời tỉnh lỵ. Lúc ngồi xuống đối diện người phụ nữ, Kindaichi nhận thấy cô ta cực kì bồn chồn. Lúc ấy, người phụ nữ đang đọc ngấu nghiến tờ báo địa phương đặt trên đùi, xem chừng cô ta vừa mua nó ở ga chuyển tiếp. Để ý thấy cô ta đang đọc bài về vụ án mạng tại dinh thự Ichiyanagi, Kindaichi không khỏi liếc nhìn, dò xét đối phương. Người phụ nữ đó độ hai bảy hai tám tuổi, mặc kimono giản dị bằng vải meisen[32] bên dưới là hakama tím. Mái tóc xoăn xù bện thành búi, mắt khá lác. Khách quan mà nói thì khó khen cô ta ưa nhìn, nhưng vẻ trí thức toát ra lại phần nào bù đắp cho những khiếm khuyết bề ngoài. Nói chung, trông cô ta rất giống giáo viên trường nữ sinh. Kindaichi chợt nhớ tới Katsuko, nạn nhân trong vụ án lần này, cũng là giáo viên trường nữ sinh. Lẽ nào người phụ nữ trước mặt quen biết Katsuko? Nếu đúng vậy thì chi bằng bắt chuyện thử xem, biết đâu hỏi thăm được gì. Mỗi tội cô ta trông khá khó gần, nên đến tận khi tàu vào ga Kiyo—, Kindaichi vẫn chưa dám lên tiếng, và thế là bỏ lỡ cơ hội bắt chuyện. Lúc này người phụ nữ đang được khiêng ra khỏi xe khách. Trong số hành khách, hình như cô ta bị thương nặng nhất, mặt mày tái mét, cơ thể mềm nhũn. Kindaichi toan đi theo người phụ nữ, song lại nghe được cuộc trò chuyện của mấy người bu quanh chiếc xe nên thay đổi ý định, dừng bước đứng lại. Họ rì rầm bàn tán như sau. “Nghe bảo tối qua người đàn ông ba ngón tay lại xuất hiện ở dinh thự Ichiyanagi à?” “Đúng vậy. Từ sớm nay cảnh sát đã tới, làm lớn lắm rồi. Nghe nói sẽ phong tỏa toàn vùng. Ông cẩn thận đấy. Cứ đi loanh quanh, bộ dạng thì kì quái là dễ bị tóm lắm.” “Đừng nói hồ đồ. Đây, tay tôi đủ cả năm ngón nhé. Mà này, rốt cuộc tên hung thủ trốn đi đâu được nhỉ?” “Thấy bảo hắn trốn lên núi, phía làng Ku—. Cảnh sát đang huy động hội thanh niên làng lên núi truy tìm. Nói chung là lớn chuyện lắm rồi.” “Gia tộc Ichiyanagi cứ như trúng lời nguyền ấy nhỉ? Ông Sakue gia chủ đời trước đã chết thảm rồi. Nghe đâu cha của Ryosuke bên chi thứ cũng mổ bụng tự sát ở Hiroshima nữa.” “Ừ, báo sáng nay cũng có nhắc tới, bảo bọn họ là gia tộc dính lời nguyền đẫm máu… Mà từ trước tới giờ cái nhà đó cứ ảm đạm, u ám kiểu gì ấy.” Sáng nay báo chí địa phương vừa đưa tin về “gia tộc dính lời nguyền đẫm máu” mà mấy người dân làng Kawa— vừa bàn tán, nên Kindaichi cũng biết. Chuyện là thế này. Khoảng mười lăm, mười sáu năm về trước, không lâu sau khi Suzuko chào đời, cha của anh em Kenzo là ông Sakue qua đời, hơn nữa cái chết còn rất khác thường. Bình thường ông vốn đôn hậu, hiểu lý lẽ, nhưng gặp chuyện lại dễ kích động, khi tức giận sẽ không phân biệt được đúng sai. Suzuko chào đời chưa lâu thì giữa ông và một người trong làng xảy ra tranh chấp ruộng đất. Hai bên cãi nhau dữ dội, kết quả là tối nọ, Sakue cầm kiếm xông sang nhà chém chết người kia. Tuy giết thì giết được nhưng bản thân Sakue cũng bị thương nặng nề, về đến nhà là trút hơi thở cuối cùng. Mấy bô lão trong làng liên hệ chuyện ấy với vụ giết người lần này, còn thêm mắm giặm muối răng thanh kiếm Sakue dùng để giết người là một thanh Muramasa[33], rồi thì vợ chồng Kenzo cũng bị giết bằng thanh kiếm ấy. Họ kháo nhau rằng gia tộc Ichiyanagi bị thanh kiếm ấy nguyền rủa. Song sự thực không phải vậy. Thanh kiếm Sakue cầm theo vốn không phải Muramasa. Hơn nữa sau khi Sakue gây án, thanh kiếm đã được đem gửi vào chùa Bồ Đề. Còn trong vụ án lần này, hồ sơ của cảnh sát ghi rõ thanh kiếm hung thủ sử dụng là Sadamune[34]. Dẫu vậy, khó trách tại sao báo chí lại giật tít “gia tộc dính lời nguyền đẫm máu”, bởi em trai ông Sakue là Hayato, hay cha Ryosuke, cũng đã “chết vì kiếm”, một cái chết uất nghẹn. Ông Hayato có chí hướng binh nghiệp và tự nguyện tòng quân. Hồi chiến tranh Nga-Nhật[35] nổ ra, ông đang ở Hiroshima, giữ hàm đại úy. Khi đó, ông đã dùng kiếm Nhật mổ bụng tự sát để chịu trách nhiệm cho một vụ bê bối trong đơn vị. Trong xã hội Nhật thời bấy giờ, tự sát để chịu trách nhiệm là hành vi cực kì đáng nể, nhưng mọi người đều cho rằng vấn đề không nghiêm trọng đến mức phải rạch bụng. Hayato hành động như vậy một phần vì bê bối của đơn vị, song chủ yếu cũng do bản tính quá nhạy cảm, hay quan trọng hóa vấn đề. Tóm lại, tính không chịu nhún nhường, cố chấp đến cực đoan của gia tộc Ichiyanagi vốn là do di truyền. Gác chuyện ấy lại thì ban nãy là lần đầu tiên Kindaichi nghe được việc người đàn ông ba ngón tay tái xuất ở dinh thự Ichiyanagi vào đêm qua. Linh cảm sắp có chuyện xảy ra, anh không dám chần chừ thêm mà vội chạy ngay đến dinh thự. Đành bỏ chuyện người phụ nữ bị thương sang một bên, nhưng anh vẫn không quên xác nhận cẩn thận nơi cô ta sẽ được đưa tới. Đó là bệnh viện Kiuchi. Kindaichi Kosuke tới dinh thự Ichiyanagi ở xóm Yamanotanl lúc sắp giữa trưa. Càng đến gần thì càng thấy xóm này được cảnh giới nghiêm ngặt. Cảnh sát tuần tra đạp xe lượn qua lượn lại, rất giống cảnh tượng sau mỗi khi có vụ án nghiêm trọng xảy ra. Khi Kindaichi đến, người nhà Ichiyanagi đều đang tập trung tại phòng khách. Vốn im lặng ngồi một góc, Ginzo bỗng tươi tỉnh hẳn lên khi nghe nhắc đến tên Kindaichi. “Ôi, cuối cùng anh cũng tới.” Ginzo bước ra cửa đón Kindaichi, nét mặt đầy hoài niệm, dù biểu cảm này không hợp với ông chút nào. “Lại được chú chiếu cố…” “Thôi việc ấy để sau, tới đây trước đã. Để tôi giới thiệu anh với mọi người.” Tối qua, Ginzo đã thông báo rằng Kindaichi sẽ đến, nên người nhà Ichiyanagi rất hiếu kì xem anh là nhân vật ra sao. Tuy nhiên khi Kindaichi vừa xuất hiện, ai nấy đều sững sờ trước bộ dạng lôi thôi, tóc tai bù xù của chàng thanh niên tuổi tác chỉ tầm Saburo. Suzuko tròn mắt ngây ngô hỏi, “Ô, thám tử lừng danh là anh đấy à?” Phu nhân Itoko, Saburo và Ryosuke hơi ngỡ ngàng, nhìn chằm chằm chàng thanh niên mới đến. Chỉ có Ryuji khách sáo cảm ơn Kindaichi đã vất vả đường xa. Giới thiệu xong, Ginzo lập tức đưa Kindaichi về phòng mình, kể tường tận mọi chuyện diễn ra từ đêm hôm kia tới nay. Một số chuyện Kindaichi đã đọc trên báo, song đa phần là chưa từng nghe qua. Kể xong, Ginzo còn nói thêm, “Vậy đấy, nghi phạm hiện nay là người đàn ông ba ngón không rõ lai lịch. Tuy nhiên tôi thấy vụ này vẫn còn nhiều uẩn khúc. Đầu tiên là cái cậu tên Ryuji, ngay sáng sớm sau khi án mạng xảy ra đã về nhà cùng Saburo, bảo vừa từ Kyushu trở về. Nhưng thực tế từ hôm trước đấy, khi lên tàu ở Tamashima, tôi và Katsuko đã bắt gặp cậu ta trên tàu rồi.” “Ồ hố!” Kindaichi khẽ kêu lên, nghe như huýt sáo. “Vậy là anh ta cố ý giấu việc bản thân đang loanh quanh gần đây lúc án mạng xảy ra?” “Đúng. Cậu ta không phát hiện ra tôi ngồi cùng tàu. Trong khoảng thời gian từ tối 25 đến sáng 26, chắc chắn cậu ta chỉ ở quanh đây. Không biết vì sao cậu ta phải nói dối, hơn nữa tối 25 còn không tham dự hôn lễ. Thật chẳng hiểu nổi.” Ginzo hầm hầm liếc sang phòng khách rồi tức giận nói tiếp. “Mà không, chẳng riêng gì cậu ta. Ai trong tái nhà này cũng kì lạ. Cứ như họ biết gì đó nhưng lại cố tình giấu giếm. Trông thì như bao che cho nhau, song lại cũng giống đang nghi kị lẫn nhau. Bầu không khí khác thường giữa họ khiến tôi rất khó chịu.” Hiếm khi thấy Ginzo bức xúc như vậy, Kindaichi vừa lắng nghe vừa suy ngẫm về những lời ông nói. Như chợt nhớ ra chuyện gì, anh hỏi, “À chú ơi, vừa nãy trên đường tới đây, cháu nghe nói đêm qua tên ba ngón lại xuất hiện, có thật không ạ? Lại xảy ra chuyện gì sao?” “Ừ, cũng hơi kì quái. Thực tế là có mỗi Suzuko trông thấy bóng dáng hắn. Tuy nhiên vẫn còn chứng cứ chứng tỏ hắn thực sự đã tới.” “Chứng cứ? Là sao vậy chú?” “Do Suzuko kể. Chắc anh cũng biết cô bé đó rồi nhỉ Suzuko nói năng hơi lộn xộn, nên tôi nghĩ chưa biết chừng là bị mộng du.” “Mộng du?” Kindaichi bất giác mở to mắt kinh ngạc. “Ừ. Thế thì mới dậy đi thăm mộ mèo vào giờ ấy chứ” “Mộ mèo?” Kindaichi lại tròn mắt ngạc nhiên rồi bật cười thích thú. “Chú ơi, chú đang nói gì thế? Lúc thì mộng du, lúc lại mộ mèo, không phải kì quái quá sao? Rốt cuộc chuyện là thế nào ạ?” “À, tôi xin lỗi! Chỉ kể mỗi lập luận của mình mà bỏ qua tình tiết thì ai hiểu được nhỉ. Chuyện là thế này…” Đêm qua, hay nói chính xác hơn là rạng sáng nay, lại có một tiếng hét quái dị đánh thức toàn bộ người trong dinh thự Ichiyanagi. Như đêm hôm trước, Ginzo choàng tỉnh, bật dậy mở cửa chớp. Một bóng người từ biệt thất loạng choạng chạy về phía ông. Ginzo vội vã lao xuống sân, không cả xỏ guốc, chạy tới chỗ người đó. Người đó cứ thế lao vào lòng ông. Bất ngờ thay đó là Suzuko. Cô bé vẫn mặc nguyên bộ đồ ngủ bằng dạ mỏng, mặt trắng bệch, toàn thân run lẩy bẩy. Nhìn lại thì chân cô bé cũng không mang guốc. “Suzuko, sao vậy? Cháu làm gì ở đây?” “Chú ơi, xuất hiện, xuất hiện rồi. Yêu quái xuất hiện rồi! Yêu quái ba ngón tay xuất hiện rồi!” “Yêu quái ba ngón tay?” “Vâng, vâng. Chú ơi, sợ lắm, đáng sợ lắm! Hắn ở bên kia kìa. Đó, cạnh mộ Tama ấy.” Ryuji và Ryosuke lúc này mới lần lượt chạy tới. Lát sau, Saburo cũng lảo đảo bước đến. “Suzuko, sao đêm khuya mà em còn lang thang ngoài này?” Ryuji nghiêm giọng hỏi. “Tại… Tại em… em đi thăm mộ Tama. Xong… xong yêu quái ba ngón tay bỗng chạy ra…” Đúng lúc ấy, từ xa vọng lại tiếng phu nhân Itoko lo lắng gọi tên Suzuko. Cô bé khóc lóc chạy về hướng phu nhân, để lại mấy người đàn ông đứng nhìn nhau dò xét. Cuối cùng Ginzo mở lời “Thử ra đó xem sao” rồi rảo bước đi trước. “Tôi đi lấy đèn lồng.” Saburo bảo rồi đi về hướng ngược lại, được một lát thì cầm đèn lồng đuổi theo sau. Ở góc Đông Bắc dinh thự, phía bên ngoài rào tre ngăn riêng khu biệt thất, có một cây cử và một cây sồi lớn, Cành lá sum sê. Khắp mặt đất dưới tán cây, lá rụng tầng tầng lớp lớp, chồng chất lên nhau. Giữa đống lá rụng, gồ lên một cái gò trông như nấm mộ nhỏ, đỉnh gò cắm cọc gà mộc. Trên cọc viết “Mộ của Tama”. Nét chữ rất khó nhìn chắc do Saburo viết. Trước bia mộ cắm vài ba bông cúc dại trắng. Bốn người lùng sục khắp xung quanh nhưng không thấy bóng dáng nào khả nghi. Nương theo ánh đèn Saburo mang tới, họ cố tìm kiếm cả dấu vết trên nền đất. Tuy nhiên quanh đó phủ đầy lá rụng, nên cũng không phát hiện ra dấu chân hay gì tương tự. Thậm chí họ còn chia nhau tìm kiếm ở mọi ngóc ngách trong dinh thự, song vẫn không thấy kẻ đáng ngờ nào. “Thế rồi tất cả trở về phòng khách, vây quanh Suzuko và hỏi cô bé đủ điều. Nhưng cô bé nói năng không được rành mạch, cứ một mực bảo mình đi thăm mộ mèo. Vốn dĩ việc đi thăm mộ mèo giữa đêm hôm khuya khoắt đã quá kì lạ rồi, nên ban nãy tôi mới bảo có thể cô bé bị mộng du. Suốt từ hôm qua Suzuko vẫn đau đáu chuyện con mè qua đời, nên nửa đêm cô bé vô thức bật dậy, chạy ra mộ mèo, xong gặp phải người đàn ông khả nghi kia mới giật mình tỉnh giấc. Tôi đoán lúc đó Suzuko vẫn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, nhưng nếu cô bé nhớ chính xác thì kẻ kia ngồi ngay chỗ mộ mèo, đeo khẩu trang to che gần hết mặt, tựa hồ muốn giấu đi vết thương ở mép. Suzuko hét lên toan chạy trốn thì hắn liền vươn tay phải ra giữ cô bé lại. Bàn tay đó chỉ có ba ngón… Suzuko kể thế. Lúc trước tôi cũng bảo anh rồi nhỉ? Đầu óc cô bé không được bình thường, xem chừng hơi kém phát triển. Có thể điều cô bé kể rất khó tin, chẳng đâu vào đâu, nhưng ít ra với tôi cô bé là người đáng tin nhất trong nhà này. Chí ít Suzuko không cố ý nói dối. Cô bé bảo nhìn thấy thì nhất định là đã tận mắt chứng kiến. Ngoài ra vẫn còn chứng cứ khác xác thực việc tên ba ngón kia từng lảng vảng quanh đây.” “Chứng cứ? Là gì thế ạ?” “Là thế này… Tờ mờ sáng, bọn tôi đến tìm kiếm quanh mộ mèo lần nữa xem có phát hiện được dấu chân không. Đáng tiếc là lá rụng quá nhiều nên không thể thấy dấu chân, đổi lại phát hiện ra chứng cứ còn xác thực hơn. Ấy là dấu tay, dấu tay chỉ có ba ngón.” “Dấu tay ở đâu ạ?” “Trên bia… Trên tấm bia cắm nơi mộ con mèo có lưu lại rất rõ dấu tay ba ngón, dính đầy bùn đất.” Kindaichi lại chu môi, phát ra âm thanh nghe như huýt sáo. “Vậy dấu tay đó đúng là của tên ba ngón ạ?” “Ừ, sớm nay cảnh sát tới điều tra và xác nhận đúng là của hắn. Vì thế không nghi ngờ gì cả, tối qua con quỷ ba ngón kia đã lại tới đây.” Ginzo kiên định nhìn thẳng vào Kindaichi. Song trong ánh mắt ông rõ ràng vẫn có nét hoài nghi. “Nấm mộ mèo kia được đắp từ bao giờ ạ?” “Nghe bảo là chập tối qua. Xác mèo đã chôn ở đó từ sáng hôm kia, tức là sáng hôm hôn lễ, nhưng lúc ấy chưa kịp dựng bia mộ. Đến hôm qua Suzuko mới nhõng nhẽo đòi Saburo làm cho, xong tới chập tối thì cùng cô hầu Kiyo đem ra dựng. Cảnh sát cũng đã thẩm vấn Kiyo. Câ ta khẳng định khi đó trên bia không có dấu tay nào. Tấm bia bằng gỗ mộc, nên nếu dính gì thì Kiyo hay Suzuko sẽ phát hiện ra ngay.” “Vậy là tối qua tên ba ngón đã quay lại thật? Nhưng hắn quay lại với mục đích gì? Lại còn đụng tay vào mộ mèo nữa chứ?” “Saburo cho rằng nhất định hung thủ để quên gì đó nên phải quay lại lấy. Suzuko cũng bảo có người đã đào mộ mèo, hình dạng nấm mộ không giống hôm qua nữa. Cảnh sát đã đào lên kiểm tra ngay.” “Thế có tìm thấy gì không ạ?” “Không, chẳng thu được gì cả. Trong chiếc hộp gỗ mộc cỡ vừa chẳng có gì ngoài xác con mèo nhỏ.” “Con mèo được chôn vào sáng hôm kia, chú nhỉ?” “Đúng thế. Tối đó thì hôn lễ diễn ra. Suzuko kể cô bé bị mẹ mắng vì xác mèo để lâu sẽ rất gở, nên sáng sớm ngày 25 đã đem chôn con mèo. Như đã nói ban nãy, tôi hoàn toàn tin lời cô bé.” Không lâu sau đó Kindaichi bắt đầu đi xem xét hiện trường. Khi có án mạng xảy ra, thông thường trừ cảnh sát, không ai được tùy tiện đi lại quanh hiện trường, vậy mà Kindaichi lại được tự do ra vào. Cả dân làng lẫn người nhà Ichiyanagi đều cảm thấy hết sức kì lạ. Cụ già kể chuyện cho tôi cũng từng bảo, “Cậu trai đó chỉ cần thì thầm mấy câu là viên chỉ huy lập tức thay đổi thái độ, quay ra răm rắp nghe lời. Thấy vậy ai chẳng nể cậu ta.” Ngay qua việc đó chàng thanh niên bí ẩn đã để lại ấn tượng sâu sắc cho dân làng. Tuy nhiên, theo như anh F kể thì sự tình đơn giản là do Kindaichi mang theo giấy giới thiệu của một cán bộ cấp cao ở trung ương. “Nghe nói trước khi tới đây, cậu ta đã tham gia điều tra vụ án nào đó Ở Osaka. Hình như vụ đó khá lớn, nên cậu ta được người của Cục Cảnh sát Bộ Nội vụ cấp cho giấy tờ giới thiệu kiêm chứng minh thân phận. Giới chức địa phương có thể không sợ trời không sợ đất, nhưng nhìn thấy giấy giới thiệu của trung ương thì nhất định phải đối đãi tử tế. Đến cả cảnh sát trưởng hay trưởng ban tư pháp[36] cũng phải nể nang cậu ta mấy phần.” Nói vậy nhưng không hắn chỉ vì giấy giới thiệu mà cảnh sát trưởng và trưởng ban tư pháp có thiện cảm đặc biệt với Kindaichi. Qua nhiều câu chuyện được nghe, tôi đoán có lẽ chính thái độ khiêm nhường cùng ngữ điệu đậm chất địa phương của chàng thanh niên đã vô tình lôi cuốn người xung quanh. Chỉ cần anh nhờ, mọi người đều sẽ hết lòng giúp đỡ. Chỉ huy Isokawa phụ trách vụ án này cũng là một người bị Kindaichi mê hoặc. Suốt buổi sáng, Isokawa chỉ huy hội thanh niên làng tìm kiếm khắp nơi, quá trưa mới quay về dinh thự Ichiyanagi. Vừa gặp Kindaichi, Isokawa đã lập tức bị thu hút. Viên chỉ huy kể cho anh nghe toàn bộ kết quả điều tra được. Trong số đó, Kindaichi dường như hứng thú nhất với bức ảnh người đàn ông ba ngón và mấy mẩu nhật kí cháy sót. Lúc nghe đến, anh đã tủm tỉm cười rất vui rồi giơ tay gãi mái đầu bù xù. Đây là thói quen mỗi khi Kindaichi phấn khích. “Bức… Bức ảnh và mấy mẩu nhật kí cháy sót hiện đang ở đâu?” “Ở chỗ cảnh sát thị trấn So—, nếu cần tôi sẽ đem tới cho cậu xem.” “Phiền… Phiền anh quá. Các quyển album và nhật kí khác vẫn trong thư phòng chứ?” “Đúng vậy. Cậu muốn xem thì để tôi dẫn đi.” “Vâng, vâng. Nhờ… Nhờ anh…” Kindaichi theo chân Isokawa đến thư phòng của Kenzo, loạt soạt giở bừa vài quyển album và nhật kí ra xem rồi để lại chỗ cũ. “Tôi sẽ thong thả xem xét chỗ này sau. Giờ tôi ngó qua hiện trường được không?” Hai người rời khỏi thư phòng. Vừa ra đến cửa, Kindaichi bỗng đứng sững lại, như vừa ngẫm ra điều gì đó. “Chỉ huy.” Một lát sau, Kindaichi quay sang nhìn Isokawa, vẻ mặt vô cùng khó hiểu. “Chỉ huy, tại sao anh không kể chuyện đó cho tôi?” “Chuyện đó… là chuyện gì?” “Kia kìa, mấy cuốn sách xếp đầy trên tủ. Chúng… chúng là tiểu thuyết trinh thám mà?” “Tiểu thuyết trinh thám? À ừ, đúng vậy. Nhưng tiểu thuyết trinh thám thì liên quan gì tới vụ án này?” Kindaichi không đáp. Anh xộc tới trước tủ sách, thở hổn hển, mắt trợn tròn, say đắm ngắm kho tàng tiểu thuyết trinh thám được sắp xếp hết sức cẩn thận, ngay ngắn trên tủ. Kindaichi bất ngờ đến thế âu cũng dễ hiểu thôi. Trên tủ sách là đủ loại tiểu thuyết trinh thám trong và ngoài nước. Xưa nhất là sách của Kuroiwa Ruiko, rồi Conan Doyle toàn tập, tuyển tập Arsène Lupin, tuyển tập tiểu thuyết trinh thám dịch từ tiếng nước ngoài của các nhà xuất bản Hakubunkan và Heibonsha. Tác phẩm Nhật thì có của Edogawa Ranpo, Kosakali Fuboku, Koga Saburo, Oshita Udaru, Kigi Takataro, Unno Juza, Oguri Mushitaro… không sót cuốn nào. Ngoài ra còn rất nhiều bản nguyên tác các tác phẩm của Ellery Queen, John Dickson Carr, Freeman WIlls Crofts, Agatha Christie… Số lượng đủ để mở cả thư viện tiểu thuyết trinh thám. “Rốt… Rốt… Rốt cuộc kho… kho sách này là của ai… ai vậy?” “Của Saburo đấy. Cậu ta cực kì hâm mộ tiểu thuyết trinh thám.” “Sa… Sa… Saburo chính là người thụ hưởng tiền bảo hiểm của Ke… Ken… Kenzo mà ban nãy anh kể ư? Cậu ta có chứng cứ ngoại phạm xác thực nh… nh… nhất phải không?” Kindaichi lại vô thức đưa tay sột soạt gãi mái đầu tổ quạ. Sau khi phá xong vụ án này, Kindaichi Kosuke từng phát biểu cảm nghĩ như sau. “Nói thật, ban đầu tôi không hứng thú với vụ án này lắm. Đọc báo là đủ thấy người đàn ông ba ngón kia rất khả nghi. Dĩ nhiên vẫn còn nhiều nghi vấn và uẩn khúc khác, song nhìn chung chúng dễ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, không liên quan đến cốt lõi vụ án. Nếu gỡ từng lớp màn ngẫu nhiên đó xuống, cuối cùng sẽ lộ ra tội ác do tên ăn mày ba ngón gây ra… Tôi những tưởng vụ án này cũng sẽ diễn tiến theo lối mòn ấy, giống bao vụ khác. Nể ân tình của chú Ginzo nên tôi mới đến, chứ cứ bị lôi tới mấy vụ án tầm thường suốt thì chịu sao thấu. Đó chính xác là tâm trạng tôi lúc bước qua cánh cổng dinh thự Ichiyanagi. Nhưng từ khi trông thấy hàng đống tiểu thuyết trinh thám trong và ngoài nước xếp trên tủ sách của Saburo, tôi lập tức hứng thú hơn hẳn. Trong dinh thự vừa xảy ra một vụ “án mạng trong phòng kín’, mà ở đây lại có rất nhiều tiểu thuyết trinh thám cùng đề tài ấy. Chẳng nhẽ là ngẫu nhiên? Không, phải chăng vụ án này không đơn giản như trước nay mọi người vẫn nghĩ, mà là một tội ác được lên kế hoạch tỉ mỉ? Phải chăng những cuốn tiểu thuyết trinh thám ở đây là tài liệu tham khảo giúp hung thủ vẽ nên kế hoạch ấy? Khi nghĩ đến khả năng đó, tôi bỗng thấy vui khôn tả. Hung thủ đưa ra đề bài “án mạng trong phòng kín” để thách thức kẻ khác. Hắn thách mọi người đấu trí với hắn. Được thôi, tôi chấp nhận thử thách. Hãy đấu trí nào. Tôi đã nghĩ vậy đấy.” Tuy nhiên, lúc đó Isokawa hẳn đã cho rằng phản ứng đầy hào hứng của Kindaichi thật trẻ con và ngớ ngẩn. “Sao thế? Chỉ là tiểu thuyết trinh thám thôi mà. Chẳng phải cậu muốn đi xem hiện trường ư? Còn chần chừ nữa là tối mất đấy.” “À, vâ… vâng.” Ban nãy Kindaichi có lựa năm, sáu cuốn tiểu thuyết trên tủ sách xuống, lật qua vài trang. Anh mải mê đến mức Isokawa phải nhắc mới sực nhận ra và đặt lại chúng lên tủ với vẻ tiếc nuối. Thấy thế, viên chỉ huy tốt bụng không nhịn cười nổi. “Xem ra cậu thích tiểu thuyết trinh thám quá nhỉ?” “À, cũng… cũng không hẳn. Tại tham khảo được nhiều điều từ chúng nên tôi mới quyết định xem qua. Anh dẫn đường đi ạ.” Như đã kể, hôm ấy lực lượng điều tra viên và cảnh sát tuần tra đều phải lên núi lùng sục hung thủ nên ở hiện trường không có ai. Do đó Isokawa cứ thế tự xé bỏ niêm phong ở cửa chính rồi dẫn Kindaichi vào căn biệt thất. Biệt thất khá tối vì toàn bộ cửa chớp đều đang đóng kín, chỉ có chút ánh sáng lờ mờ rọi qua vách thông gió ở hành lang. Cái lạnh của buổi chiều muộn cuối tháng Mười một bao phủ gian phòng, khiến con người ta rét run cả ngoài da thịt lẫn trong tâm hồn. “Tôi mở cửa chớp nhé?” “Đừng, tạm thời cứ để nguyên đi ạ.” Nghe thế Isokawa bèn bật đèn bên gian tám chiếu. “Ngoại trừ thi thể, mọi thứ đều nguyên như lúc phát biện ra án mạng. Bình phong đổ, trải dài như bắc cầu giữa cửa sổ cạnh hộc tường và cửa trượt mở toang. Đằng sau bình phong, bên trong phòng, là cô dâu và chú rể ngã đè lên nhau.” Isokawa thuật lại tỉ mỉ vị trí hai nạn nhân lúc đó. Kindaichi vừa nghe vừa ậm ờ phụ họa. “Tôi hiểu rồi. Vậy là chú rể ngã xuống, đầu hướng về phía chân cô dâu nhỉ?” “Đúng, đúng rồi. Anh ta ngã ngửa, đầu rơi ở vị trí trên đầu gối cô dâu. Có gì lát nữa tôi cho cậu xem ảnh.” “Vâng, xin nhờ anh…” Sau đó Kindaichi chuyển sang xem xét ba dấu móng gảy dính máu lưu trên bình phong. Ba dấu móng gảy đã thẫm lại, màu như dâu tây chín nẫu, nổi bật trên lớp mạ vàng rực rỡ. Từ dấu móng gảy lên đến mép trên của bình phong có một vết chém khá nông, hơi dính máu. Chắc là trong lúc hung thủ vung kiếm, mũi kiếm dính máu đã sượt qua bình phong. Kindaichi tiếp tục kiểm tra cây đàn tranh đứt dây. Dấu máu trên dây đàn đã ngả đen như màu gỉ sắt. “Sau đó các anh phát hiện con nhạn trong đống lá rụng ngoài sân ư?” “Đúng. Qua đó suy ra hung thủ nhất định đã chạy ra khoảng sân phía Tây.” Kindaichi quan sát 12 con nhạn còn lại rồi chợt ngẩng đầu lên, lắp bắp gọi Isokawa. “Chỉ huy, chỉ huy, lại… lại… lại đây mà xem.” Isokawa vội vàng ngó sang xem có chuyện gì. “Sao… Sao… Sao vậy?” “Ha ha ha, chỉ huy xấu tính thật. Không cần học tôi nói cà lăm đâu.” “Không. Không phải, tôi nhất thời lây cậu thôi. Thế có chuyện gì?” “Anh nhìn con nhạn này đi. 11 con giống y như nhau, trên thân khắc nổi hình chim và sóng. Riêng con này thì không. Đây không phải con nhạn của đàn này.” “Ồ, ừ nhỉ. Thế mà trước giờ tôi không phát hiện ra.” “À phải rồi, con nhạn tìm thấy trong đống lá thì sao? Chắc phải giống với mấy con này chứ?” “Phải, phải. Nó cũng được khắc nổi hình chim và sóng. Nhưng mà việc con nhạn khác lẫn vào có ý nghĩa gì à?” “Vâng, có thể có, cũng có thể không. Nhiều khi do bộ nhạn đàn bị mất một con, nên phải thay con khác vào. Nhân tiện, cái tủ âm tường khả nghi nằm sau bức tường này ư?” Theo chỉ dẫn của Isokawa, Kindaichi đi xem qua tủ âm tường và phòng vệ sinh. Sau đó, Kindaichi chăm chú quan sát dấu tay dính máu trên cột nhà và phía trong cửa chớp mé Tây. Cả hai dấu tay máu đều ngả đen, chìm vào các thớ gỗ đỏ bầm. “Ra vậy. Toàn bộ cửa và cột trong nhà đều sơn đỏ nên mãi mới tìm ra dấu tay à?” “Đúng thế. Hơn nữa cánh cửa chớp đó còn nằm sát ngăn đựng cánh cửa. Khi mở cửa chớp mé Tây, nó được cất vào trong cùng của ngăn, nên nếu không đóng hết các cánh cửa thì không phát hiện ra dấu tay được.” Trên cánh cửa đó còn nguyên vết rìu Genshichi để lại. “Tôi hiểu rồi. Những người phát giác vụ án đều vào biệt thất qua lối này phải không? Nên lúc đó cánh cửa đã bị đẩy vào trong ngăn đựng?” Kindaichi tháo then cài, mở cửa chớp. Ánh sáng bên ngoài rọi vào khiến hai người vô thức nheo mắt vì hơi chói. “Chà, trong nhà thì vậy đã. Phiền chỉ huy dẫn tôi ra xem sân vườn nhé. À khoan, Genshichi nhòm vào biệt thất qua vách thông gió ở đây à?” Vẫn đi nguyên tất xỏ ngón, Kindaichi trèo lên bệ rửa tay lớn đặt ngoài sân, kiểng chân nhìn qua vách thông gió vào nhà. Trong lúc đó, Isokawa ra cửa chính lấy guốc cho hai người. Sau đó, họ bước xuống sân vườn. Isokawa trỏ xuống dưới cột đèn, nơi cắm thanh kiếm, và đống lá nơi phát hiện con nhạn. “Tôi hiểu rồi. Vậy là không có dấu chân ở quanh đây.” “Đúng vậy. Lúc tôi tới thì nhìn chung khu này bị giẫm loạn lên rồi, nhưng ông Kubo Ginzo xác nhận không thấy dấu chân nào trên nền tuyết.” “Ồ, thế à. Trên nền tuyết không thấy dấu chân, nên cảnh sát tuần tra và nhóm điều tra viên đến trước mới cứ thế giẫm lên. Đúng rồi, cái liềm cắm trên cây long não kia ư?” Kindaichi ngó nghiêng khắp sân vườn. “Ra vậy. Vườn tược được chăm sóc kĩ càng, chắc cũng mới có người tới làm vườn.” Cây thông ở bờ tường phía Tây được cắt tỉa gọn gàng. Giàn đỡ buộc thừng chắc chắn, bắc năm, sáu ống tre còn xanh tươi mơn mởn. Kindaichi nhảy lên tảng đá trong vườn, ngó vào bên trong một ống tre. Thấy vậy, Isokawa không khỏi bật cười. “Sao thế? Cậu nghĩ hung thủ trốn trong ống tre chắc?” Viên chỉ huy trêu. “Vâng, vâng. Nói không chừng hung thủ trốn trong đây thật ấy. Các mấu trong ống được đục bỏ gọn ghẽ, thông tới đầu bên kia luôn.” Kindaichi vui vẻ đáp lời, tay gãi gãi đầu. “Gì cơ?” “Nếu dùng giàn tre để đỡ cành thông thì đâu cần bỏ hết các mấu bên trong? Hơn nữa cành này còn cẩn thận dùng những hai ống tre. Xem nút dây thừng thì một ống hẳn do người lành nghề buộc, còn cái ống rỗng ruột đây thì do tay mơ buộc.” Isokawa kinh ngạc chạy tới, nhòm vào trong ống tre. “Đúng thật, ống này rỗng ruột. Nhưng thế thì có dụng ý gì nhỉ?” “Để xem nào… Liềm cắm ở vị trí kì quặc, ống tre đỡ cành thông thì rỗng ruột… Khó mà cho rằng chỉ trùng hợp ngẫu nhiên. Có điều, tôi vẫn chưa hiểu mục đích của chúng. A! Mời vào, xin mời.” Kindaichi bất chợt kêu lớn. Isokawa quay lại thì thấy Ryuji và Saburo đang đứng bên cửa tre. Thấp thoáng phía sau hai anh em là khuôn mặt Ginzo. “Chúng tôi vào được không?” “Tất nhiên rồi. Chỉ huy cũng cho phép nhỉ?” Kindaichi quay sang