🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cú Sốc Tương Lai - Alvin Toffler full mobi pdf epub azw3 [Xã Hội]
Ebooks
Nhóm Zalo
CÚ SỐC TƯƠNG LAI Future Shock Alvin Toffler
Table of Contents
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
LỜI GIỚI THIỆU
PHẦN MỘT CÁI CHẾT CỦA SỰ VĨNH CỬU
Chương 1 : QUÃNG ĐỜI THỨ 800 CỦA LỊCH SỬ NHÂN LOẠI Chương 2 SỨC ĐẨY GIA TĂNG
Chương 3 NHỊP ĐIỆU CUỘC SỐNG
PHẦN HAI TÍNH NHẤT THỜI
Chương 4 ĐỒ VẬT : XÃ HỘI DÙNG XONG VỨT ĐI Chương 5 NƠI CHỐN NHỮNG NGƯỜI DU MỤC MỚI Chương 6 CON NGƯỜI : NGƯỜI MÔĐUN
Chương 7 TỔ CHỨC : HỆ THỐNG LÂM THỜI SẮP ĐẾN Chương 8 TIN TỨC : HÌNH ẢNH ĐỘNG LỰC
PHẦN BA NHỮNG VIỆC MỚI LẠ
Chương 9 QUỸ ĐẠO KHOA HỌC
Chương 10 NHỮNG NGƯỜI SÁNG TẠO KINH NGHIỆM Chương 11 GIA ĐÌNH BỊ BẺ GÃY
PHẦN BỐN SỰ ĐA DẠNG
Chương 12 NGUỒN GỐC SỰ LỰA CHỌN QUÁ NHIỀU Chương 13 SỰ CHÁN NGẤY CÁC NỀN VĂN HÓA THỨ CẤP Chương 14 ĐA DẠNG CÁC CÁCH SỐNG
PHẦN NĂM NHỮNG GIỚI HẠN CỦA KHẢ NĂNG THÍCH NGHI Chương 15 CÚ SỐC TƯƠNG LAI : CHIỀU VẬT LÝ Chương 16 CÚ SỐC TƯƠNG LAI : CHIỀU TÂM LÝ PHẦN SÁU CHIẾN LƯỢC TỒN TẠI
Chương 17 ĐỐI PHÓ VỚI NGÀY MAI
Chương 18 GIÁO DỤC TRONG THỜI TƯƠNG LAI Chương 19 THUẦN HÓA CÔNG NGHIỆP
Chương 20 CHIẾN LƯỢC CỦA CHỦ NGHĨA VỊ LAI XÃ HỘI
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Bạn đọc đã từng biết đến Alvin Toffler với tác phẩm Thăng trầm quyền lực do Nhà xuất bản Thông tin lý luận xuất bản phần đầu năm 1991, lần này chúng tôi tiếp tục giới thiệu với bạn đọc tác phẩm Cú sốc tương lai - một trong bộ ba tác phẩm nổi tiếng đã đưa tác giả của nó lên vị trí "nhà tương lai học lừng danh".
Với dung lượng thông tin đầy ắp và những dẫn chứng cụ thể, có sức thuyết phục, tác phẩm đã miêu tả, phân tích và nhận định về xã hội trong khung cảnh những đổi thay đến mức kỳ lạ, làm đảo lộn lối sống, cách nghĩ của con người từ xưa đến nay; rút ra những nhận định và đặc điểm của thời đại mà chúng ta đang sống. Đưa người đọc vượt qua những phát kiến hấp dẫn của "thời kỳ bùng nổ" để đến với những giải pháp nhiều mặt về vật chất và tinh thần, về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, về mỗi cá nhân và cả cộng đồng.
Mặc dù vậy, nhiều luận điểm nêu trong Cú sốc tương lai vẫn cần phải đàm luận do nhân sinh quan và thế giới quan của tác giả - nhưng để phục vụ yêu cầu nghiên cứu của bạn đọc, Nhà xuất bản tổ chức dịch để cung cấp cho bạn đọc thông tin dưới dạng TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. NHÀ XUẤT BẢN
THÔNG TIN LÝ LUẬN
LỜI GIỚI THIỆU
Đây là cuốn sách về những gì xảy ra cho người ta khi sự thay đổi áp đảo họ. Nó cũng nói về những cách mà chúng ta thích nghi hoặc không thích nghi với tương lai.
Tương lai đã được viết rất nhiều. Tuy nhiên hầu hết những cuốn sách viết về thế giới ngày mai nghe như nốt nhạc kim loại chói tai. Ngược lại những trang sách này liên quan đến khía cạnh con người ngày mai. Hơn thế nữa, chúng liên quan đến những giai đoạn mà chúng ta dường như sẽ đạt đến ngày mai. Chúng giải quyết những vấn đề thông thường hàng ngày - những sản phẩm chúng ta mua và vứt bỏ, những nơi chốn chúng ta ra đi và bỏ lại phía sau, những công ty chúng ta ở, những người đi rất nhanh qua cuộc đời của chúng ta. Tương lai của tình bạn và cuộc sống gia đình được thăm dò. Những nền cận văn hóa và cách sống mới kỳ lạ được điều tra cùng với một dãy những chủ đề khác từ chính trị và sân chơi đến nhảy dù rơi tự do và tình dục.
Những gì liên kết những điều trên - trong sách cũng như trong cuộc sống là dòng thay đổi nhộn nhịp, quá mạnh đến nỗi nó lật nhào thể chế, di chuyển những giá trị của chúng ta và làm héo hon gốc rễ của chúng ta. Thay đổi là qui trình nhờ đó tương lai xâm chiếm cuộc sống của chúng ta, do đó phải xem xét kỹ nó, không những chỉ từ viễn cảnh của lịch sử, mà còn từ ưu thế của những cá nhân sống thở, nếm mùi nó.
Sự gia tăng thay đổi trong thời đại của chúng ta là một lực cốt yếu. Sức đẩy gia tăng này có những hậu quả cá nhân, tâm lý cũng như là xã hội học. Trong những trang tiếp theo, những ảnh hưởng gia tăng này lần đầu tiên được khai thác một cách có hệ thống. Tôi hy vọng cuốn sách chỉ rõ một cách thuyết phục là phải nhanh chóng kiểm
soát tốc độ thay đổi trong công việc của con người cũng như là trong xã hội nói chung trừ phi con người không muốn bị kết án chết vì sự sụp đổ thích nghi tập thể.
Năm 1965, trong một bài viết đăng trên báo Horizon, tôi đặt ra cụm từ "cú sốc tương lai" để diễn tả Stress làm đảo lộn và sự mất phương hướng mà chúng gây ra cho cá nhân bằng cách bắt họ phải chịu quá nhiều thay đổi trong một thời gian quá ngắn. Bị khái niệm này quyến rũ, trong 5 năm sau đó tôi đã làm việc với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các cơ quan chính phủ, đọc rất nhiều báo chí và báo cáo khoa học, phỏng vấn hàng trăm chuyên gia và những khía cạnh khác nhau của sự thay đổi, và thái độ đối phó với tương lai. Những người được giải Nobel, híppi, những nhà tâm thần học, bác sĩ, thương gia, những người theo thuyết vị lai chuyên nghiệp, những nhà triết học, và các nhà giáo đã nói lên sự quan tâm của họ về sự thay đổi, những mối lo âu của họ về thích nghi, những mối sợ hãi của họ về tương lai. Tôi rời bỏ kinh nghiệm này với hai nhận thức bối rối.
Đầu tiên, rõ ràng cú sốc tương lai không còn là mối nguy hiểm tiềm tàng xa cách, nhưng là một căn bệnh thật sự mà một số lớn người tăng lên đã chịu đau khổ. Trạng thái tâm sinh lý này có thể được diễn tả theo từ ngữ y học và tâm lý học. Đấy là căn bệnh của sự thay đổi.
Thứ hai, tôi dần dần kinh sợ vì thấy sự thích nghi được biết quá ít, hoặc từ những người đi tìm và tạo ra những thay đổi rộng lớn trong xã hội của chúng ta, hoặc từ những người đáng lẽ phải giúp chúng ta đối phó với những thay đổi này. Các nhà trí thức đứng đắn đã can đảm nói về "giáo dục về sự thay đổi" hoặc "chuẩn bị con người cho tương lai". Nhưng chúng ta hầu như không biết một tí gì về điều đó làm như thế nào ? Trong môi trường thay đổi nhanh mà con người đã
bị phơi bày ra, chúng ta vẫn không biết một cách đáng thương hại về việc làm thế nào con người phải đối phó.
Các nhà tâm lý học và chính trị của chúng ta bối rối do sự chống cự dường như vô lý của một số cá nhân hoặc tập thể đang gánh chịu sự thay đổi. Người đứng đầu công ty muốn tổ chức lại một phòng ban, nhà giáo dục muốn giới thiệu một phương pháp dạy mới, viên thị trưởng muốn thực hiện sự hòa hợp chủng tộc ôn hòa trong thành phố của chúng ta - tất cả lúc này hay lúc khác, đều gặp phải sự chống cự mù quáng này. Vì chúng ta biết rất ít về nguồn gốc của nó. Thêm vào đó, tại sao có một số người hăng hái làm tất cả với khả năng của họ để tạo ra sự thay đổi, trong khi những người khác trốn tránh ? Không những tôi chẳng tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi đó, mà còn phát hiện ra rằng chúng ta thiếu một lý thuyết đầy đủ về thích nghi, không có nó thì chúng ta chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời.
Do đó mục đích của cuốn sách này là giúp chúng ta quan hệ với tương lai - giúp chúng ta đối phó có hiệu quả hơn với sự thay đổi xã hội và cá nhân bằng cách làm tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta về việc làm thế nào con người đáp lại sự thay đổi đó. Cuối cuốn sách, một lý thuyết mới bao quát về thích nghi sẽ được đưa ra.
Có sự phân biệt quan trọng cần chú ý, mặc dù nó hay bị xem thường. Hầu hết nghiên cứu các hậu quả thay đổi tập trung về điểm đến mà sự thay đổi đưa chúng ta tới hơn là tốc độ hành trình. Trong cuốn sách này, tôi cố gắng chứng minh rằng tốc độ thay đổi có bao nhiêu hàm ý hoàn toàn ngoài hướng thay đổi ra, đôi khi tốc độ thay đổi quan trọng hơn hướng thay đổi. Không thể hiểu được sự thích nghi nếu sự thật này không được nắm bắt. Bất kỳ cố gắng nào định nghĩa "nội dung" thay đổi phải gồm cả hậu quả tốc độ đi như là một phần của nội dung.
William Ogburn, với lý thuyết nổi tiếng của ông ta về lệch pha văn hóa, đã chứng minh làm thế nào những Stress xã hội phát sinh ra từ
các tốc độ thay đổi thất thường trong những lĩnh vực khác nhau của xã hội. Khái niệm về cú sốc tương lai - và lý thuyết thích nghi rút ra từ đó - đề nghị phải có sự cân bằng, không phải chỉ giữa các tốc độ thay đổi trong các lĩnh vực khác nhau, mà còn là giữa nhịp độ thay đổi (đúng cho nhiều cuốn sách mặc dù các tác giả không thích nói đến).
Tuy nhiên sự lỗi thời số liệu có ý nghĩa đặc biệt ở đây, được dùng như để chứng minh luận thuyết riêng của cuốn sách về sự nhanh chóng của thay đổi. Theo thời gian các tác giả rất khó theo kịp với thực tế. Chúng ta chưa học để nhận thức, nghiên cứu, viết và in ấn "theo thời gian thực". Do đó độc giả phải tự nhận thức nhiều với chủ đề chung hơn là với chi tiết.
Một hạn chế khác có liên quan đến động từ "sẽ". Không có nhà theo thuyết vị lai nghiêm túc nào buôn bán "lời tiên tri". Việc này dành cho các nhà tiên tri vô tuyến truyền hình và các nhà chiêm tinh học báo chí. Ngay cả những người quen thuộc với độ phức tạp của công việc dự báo cũng không có ai cho rằng đã hiểu biết tuyệt đối ngày mai. Trong những dòng chữ mỉa mai ngọt ngào dường như là câu châm ngôn Trung Quốc : "Tiên đoán cực kỳ khó - đặc biệt đối với tương lai".
Điều này có nghĩa là mỗi lời phát biểu về tương lai phải được một dãy từ hạn định đi theo - những "nếu', những "và", những "nhưng", và những "mặt khác". Do đó nếu xác định chất lượng một cuốn sách loại này thì chỉ chôn độc giả dưới hàng loạt từ "có thể" dồn dập. Thay vì làm việc đó, tôi có quyền nói chắc chắn, không một chút do dự, tin rằng độc giả thông minh sẽ hiểu vấn đề văn phong. Chữ "sẽ" phải luôn luôn được đọc như là nó được đi trước bằng các chữ "có thể" hoặc "theo ý tôi". Tương tự như thế, tất cả ngày tháng áp dụng cho các biến cố tương lai cần phải được hiểu ngầm với một chút phán xét.
Tuy nhiên, sự bất lực không thể nói chắc chắn và chính xác về tương lai không phải là lời cáo lỗi cho sự im lặng. Dĩ nhiên, khi các "số liệu cứng" có sẵn, phải được đưa vào để xem xét. Nhưng khi chúng không có, người viết có trách nhiệm - ngay cả nhà khoa học - có quyền và nghĩa vụ dựa trên những loại bằng chứng khác, gồm cả các số liệu thuộc trường phái ấn tượng và giai thoại và ý kiến của những người được thông tin đầy đủ. Tôi đã làm việc đó trong cả cuốn sách và không cần phải xin lỗi về chuyện đó.
Khi giải quyết với tương lai, ít nhất cho mục đích có thể với tới được, rất quan trọng phải có óc tưởng tượng và sâu sắc hơn là một trăm phần trăm đúng. Lý thuyết không cần phải "đúng" để có thể là có ích. Ngay cả sai lầm cũng có chỗ dùng được. Các bản đồ thế giới do các nhà vẽ bản đồ thời Trung Cổ vẽ đầy sai lầm, làm cho những người ngày nay mỉm cười khi toàn bộ mặt địa cầu được vẽ trên hải đồ. Nhưng những nhà thám hiểm lớn không bao giờ có thể phát hiện ra Tân Thế Giới nếu không có chúng. Ngay cả những bản đồ chính xác hơn và tốt hơn ngày nay sẽ không được vẽ, nếu với những bằng chứng giới hạn có sẵn, con người không dám đặt trên giấy những khái niệm can đảm về thế giới mà họ chưa bao giờ thấy.
Chúng tôi thám hiểm tương lai giống như những người làm bản đồ xưa kia, và đó là tinh thần mà khái niệm cú sốc tương lai và lý thuyết thích nghi được trình bày ở đây - không phải như là lời cuối cùng, mà là sự phỏng chừng đầu tiên về những thực tế mới đầy nguy hiểm và hứa hẹn do sức đẩy gia tăng tạo ra.
PHẦN MỘT
CÁI CHẾT CỦA SỰ VĨNH CỬU
Chương 1 :
QUÃNG ĐỜI THỨ 800 CỦA LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Trong ba thập kỷ từ nay đến thế kỷ thứ XXI, hàng triệu người tâm lý bình thường sẽ đối diện sự xung đột thình lình với tương lai. Công dân của các quốc gia giàu nhất và kỹ thuật tiên tiến nhất sẽ thấy khó theo kịp yêu cầu không dừng về thay đổi là đặc tính của thời đại chúng ta. Đối với họ, tương lai đến quá sớm.
Cuốn sách này nói về sự thay đổi và làm thế nào chúng ta thích nghi với nó. Nó cũng nói về những người dường như phát triển nhanh nhờ thay đổi, cũng như là về những người chống lại hoặc chạy trốn khỏi sự thay đổi. Nó nói về khả năng thích nghi của chúng ta. Nó cũng nói về tương lai và cú sốc đó mang đến.
Xã hội phương Tây trong 300 năm qua nằm trong cơn bão lửa của sự thay đổi. Cơn bão này thay vì yếu đi thì nay dường như đang gia tăng cường độ. Sự thay đổi quét qua các nước công nghiệp cao với tốc độ ngày càng tăng và tác động chưa hề có từ trước. Nó sinh sôi nẩy nở đủ loại cây cỏ xã hội kỳ lạ - từ nhà thờ ma túy và "trường đại học tự do" đến thành phố khoa học ở Bắc Cực và câu lạc bộ trao đổi vợ ở California.
Nó cũng phát sinh ra những nhân vật kỳ quặc : trẻ con 12 tuổi không còn là trẻ con nữa ; người lớn 50 tuổi như trẻ con 12 tuổi.
Người giàu giả vờ nghèo khổ, chương trình viên computer phụ thuộc vào chất gây ảo giác. Những người vô chính phủ dưới vỏ áo sơ mi hoa hòe bẩn thỉu là những người tuân thủ tàn bạo, và những người tuân thủ dưới vỏ áo quần nghiêm túc là những người vô chính phủ, vô nhân đạo. Có linh mục cưới vợ và mục sư vô thần và các hòa thượng Do Thái. Chúng ta cũng còn có nhạc dân gian... opêra… nghệ thuật chiếu bóng... hội playboy... rạp chiếu bóng đồng tính luyến ái... thuốc Bengedrine và thuốc giảm thống... sự tức giận, sự giàu có và sự lãng quên. Quá nhiều sự lãng quên.
Có cách nào giải thích quang cảnh quá lạ lùng mà không cần đến các biệt ngữ phân tâm lý học hoặc những lời nói sáo tối tăm của chủ nghĩa hiện thực không ? Một xã hội mới lạ lùng dường như đang hình thành giữa chúng ta. Có cách nào hiểu được nó không ? Định hình sự phát triển của nó không ? Làm thế nào chúng ta quan hệ với nó ?
Những gì bây giờ đối với chúng ta khó hiểu có thể dễ hiểu hơn nếu chúng ta có cái nhìn mới vào tốc độ thay đổi, đôi khi chính tốc độ này làm thực tế giống như cảnh nhiều màu sắc lung tung. Vì sự gia tăng thay đổi không phải chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến công nghiệp hay quốc gia. Đấy là một lực cụ thể đi sâu vào đời sống riêng của chúng ta, buộc chúng ta phải giữ vai trò mới để khỏi bị căng thẳng thần kinh, làm chúng ta đương đầu với một căn bệnh tâm lý mới và rất khó chịu. Căn bệnh mới này có thể được gọi là Cú sốc tương lai, sự hiểu biết về nguồn gốc và triệu chứng của nó giúp giải thích được nhiều điều mà không thể phân tích một cách có lý lẽ được.
NGƯỜI KHÁCH KHÔNG ĐƯỢC CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN TIẾP
Danh từ "cú sốc văn hóa" đã bắt đầu thành từ ngữ phổ biến. Cú sốc văn hóa là hậu quả của sự nhận chìm vào một nền văn hóa xa lạ mà người khách không được chuẩn bị trước gặp phải. Cú sốc văn
hóa là những gì mà một người du lịch thấy mình ở một nơi lắc đầu có nghĩa là đồng ý, nơi mà "giá cố định" có nghĩa là mặc cả được, nơi mà cười có nghĩa là tức giận. Đấy là những gì xảy ra khi các hành động tâm lý quen thuộc của một cá nhân trong xã hội hàng ngày bị thay thế đột ngột bởi các hành động mới xa lạ và không hiểu được.
Cú sốc văn hoá gây ra sự bối rối, tâm trạng thất vọng, và sự mất phương hướng trong việc đối xử với các xã hội khác. Nó cũng gây ra sự thất bại về thông tin, hiểu sai thực tế, mất khả năng đối phó. Tuy nhiên cú sốc văn hóa vẫn còn nhẹ so với căn bệnh nghiêm trọng hơn nhiều là cú sốc tương lai. Cú sốc tương lai là sự mất phương hướng đến choáng váng do tương lai đến quá sớm. Nó có thể là căn bệnh quan trọng nhất của ngày mai.
Cú sốc tương lai không thể tìm thấy trong mục lục y học hoặc trong bất kỳ danh mục các hiện tượng tâm lý không bình thường nào. Thế nhưng nếu không có những phương pháp thích hợp chống lại nó thì hàng triệu con người sẽ thấy họ dần dần bị mất phương hướng, dần dần mất khả năng thích nghi với môi trường xung quanh. Tình trạng khó chịu, loạn thần kinh chức năng tập thể, sự phi lý và bạo động thả nổi đã xuất hiện trong đời sống hiện nay là dấu hiệu báo trước, trừ phi chúng ta hiểu và chữa trị được căn bệnh này.
Cú sốc tương lai là hiện tượng thời gian, sản phẩm của tốc độ gia tăng lớn về thay đổi trong xã hội. Nó sinh ra từ việc đặt một văn hóa mới chồng lên trên cái cũ. Đó là cú sốc văn hóa của riêng từng xã hội. Nhưng hậu quả của nó xấu hơn nhiều.
Nếu đưa một cá nhân ra khỏi nền văn hóa riêng của anh ta và thình lình đặt anh ta vào một môi trường khác với cách hành động khác, nhận thức khác về thời gian, không gian, công việc, tình yêu, tôn giáo v.v... và cắt đứt mọi hy vọng của anh ta trở về xã hội quen thuộc, thì sự chuyển chỗ mà anh ta phải chịu đựng nặng nề gấp đôi. Hơn thế nữa, nếu nền văn hóa mới này luôn luôn bị rối loạn, và
những giá trị của nó không ngừng thay đổi, thì ý thức mất phương hướng càng được tăng cường. Do đó nạn nhân có thể nguy hiểm cho chính anh ta và cho những người khác.
Bây giờ tưởng tượng không phải một cá nhân mà là toàn thể một xã hội, toàn thể một thế hệ - gồm cả những thành viên yếu nhất, kém thông minh nhất, và vô lý nhất - thình lình được chuyển vào một thế giới mới. Kết quả là sự mất phương hướng tập thể, cú sốc tương lai trên qui mô lớn. Đây là viễn cảnh mà con người sẽ đối mặt.
CẮT ĐỨT VỚI QUÁ KHỨ
Có thể nào nói chúng ta đang sống trong "cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai" không ? Câu nói có vẻ gây ấn tượng mạnh cho chúng ta về tốc độ và tính sâu sắc của sự thay đổi xung quanh ta. Nhưng thực sự là câu nói quá tầm thường và lầm lẫn. Những gì đang xảy ra ngày nay là lớn hơn, sâu đậm hơn và quan trọng hơn cuộc cách mạng công nghiệp. Thực vậy, rất nhiều nhà khoa học và kỹ thuật đã chứng nhận điều đó. George Thomson, nhà vật lý Anh đã được giải Nobel, nói trong cuốn sách Tương lai có thể thấy trước được, rằng những gì xảy ra ngày nay không phải là cuộc cách mạng công nghiệp mà là "sự phát minh ra nông nghiệp trong thời đại đồ đá mới". John Diebold, chuyên viên tự động hóa Mỹ, cảnh cáo rằng "hậu quả cuộc cách mạng kỹ thuật thời chúng ta đang sống sẽ sâu đậm hơn bất kỳ sự thay đổi xã hội nào mà chúng ta đã trải qua".
Không phải chỉ các nhà khoa học và kỹ thuật có quan điểm trên. Herbert Read, nhà triết học nghệ thuật, cho rằng chúng ta đang sống "trong cuộc cách mạng vô cùng cơ bản mà chúng ta phải tìm sự tương xứng trong các thế kỷ đã qua. Có thể, chỉ có so sánh với sự thay đổi đã xảy ra giữa thời kỳ đồ đá cũ và mới". Kurt W. Marek với tên thường gọi là C. W. Ceram, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thượng đế, mồ mả và học giả, cho rằng ở thế kỷ XX "chúng ta không
phải đang sống vào thời kỳ La Mã trước khi bắt đầu Công nguyên, mà là chúng ta đang ở vào năm 3000 trước Công nguyên. Chúng ta mở to mắt giống như người thời tiền sử, chúng ta đang thấy một thế giới hoàn toàn mới".
Một trong những lời phát biểu sâu sắc về đề tài này là của Kenneth Boulding, nhà kinh tế học và nhà tư tưởng xã hội. Khi biện minh về quan điểm thời điểm hiện nay là một bước ngoặt quyết định trong lịch sử nhân loại, ông ta cho rằng "thế giới ngày nay khác xa với thế giới lúc tôi mới sinh cũng như khác với thế giới thời Julies Caesar. Quá nhiều việc xảy ra từ khi tôi sinh ra đến bây giờ cũng bằng những gì đã xảy ra trong toàn bộ thời gian dài trước khi tôi sinh ra".
Lời phát biểu làm mọi người phải sửng sốt này có thể được diễn giải bằng nhiều cách. Thí dụ nếu 50.000 năm sau cùng của lịch sử nhân loại được chia thành các quãng đời với 62 năm một, đã có chừng 800 quãng đời như thế. Trong 800 quãng đời thì 650 quãng ở trong hang động.
Chỉ trong khoảng 70 quãng đời sau cùng mới có thể thông tin từ quãng đời này đến quãng đời khác nhờ chữ viết. Chỉ trong 6 quãng đời sau cùng người ta mới thấy chữ in. Chỉ trong 4 quãng đời sau cùng mới có thể đo chính xác thời gian. Chỉ trong 2 quãng đời sau cùng mới có động cơ điện. Hầu hết hàng hóa chúng ta dùng hàng ngày hiện nay được phát triển trong quãng đời thứ 800 này.
Quãng đời thứ 800 này đánh dấu sự cắt đứt rõ ràng với quá khứ lịch sử nhân loại, vì trong quãng đời này mối quan hệ của con người với những nguồn tài nguyên đã đảo ngược. Điều này rất rõ ràng trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Nông nghiệp, cơ sở nguồn gốc văn minh, đã mất tính ưu thế từ nước này sang nước khác trong vòng một quãng đời. Ngày nay trong 12 nước lớn chỉ 15% số người ở tuổi lao động làm về nông nghiệp.
Hơn thế nữa, nếu nông nghiệp là giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế và công nghiệp là giai đoạn thứ hai, bây giờ chúng ta thấy một giai đoạn khác là giai đoạn thứ ba. Đó là giai đoạn những người lao động giống như công chức đông hơn số công nhân, họ làm những nghề gọi là những nghề công chức hoặc tư chức như kinh doanh, hành chính, thông tin, nghiên cứu, giáo dục và các loại dịch vụ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, xã hội không những chỉ phá bỏ gông xiềng nông nghiệp mà cần giải quyết phá bỏ gông xiềng lao động tay chân trong vòng vài thập kỷ. Kinh tế dịch vụ đầu tiên của thế giới đã được sinh ra.
Từ đó, những nước công nghiệp phát triển, nước này sau nước kia, đã đi theo cùng hướng. Ngày nay, trong những nước này với nền nông nghiệp giảm xuống mức 15% hoặc thấp hơn, những người lao động giống như công chức đã đông hơn số công nhân ở Thụy Điển, Anh, Bỉ, Canada và Hà Lan. 10.000 năm nông nghiệp. Một hoặc hai thế kỷ công nghiệp. Và bây giờ là siêu công nghiệp. Trong thời đại siêu công nghiệp, tài nguyên không còn giới hạn quyết định mà chính quyết định làm ra tài nguyên. Đây là sự thay đổi cách mạng cơ bản - có thể là sự thay đổi cách mạng nhất mà nhân loại biết đến. Sự đảo ngược vĩ đại này xảy ra trong quãng đời thứ 800.
Quãng đời này cũng khác với những quãng đời khác vì sự phát triển lạ lùng về qui mô và phạm vi thay đổi. Rõ ràng đã có những quãng đời khác mà những biến đổi thời đại đã xảy ra. Nhưng những cú sốc và biến đổi này chỉ ảnh hưởng đến một xã hội hoặc các xã hội lân cận. Phải trải qua hàng thế hệ, ngay cả hàng thế kỷ, sự tác động của chúng mới vượt qua khỏi biên giới.
Trong quãng đời của chúng ta, các biên giới đã bị phá vỡ. Ngày nay mạng lưới liên kết xã hội đan nhau chặt chẽ đến nỗi hậu quả của các biến cố hiện đại tỏa ngay tức thì khắp thế giới. Cuộc chiến tranh Việt Nam thay đổi những liên kết chính trị cơ bản ở Bắc Kinh,
Mátxcơva, và Washington, làm nổ ra biểu tình ở Stockhom, ảnh hưởng công việc kinh doanh tài chính ở Zurich, gây ra những hoạt động ngoại giao mật ở Algiers.
Thực vậy, không phải chỉ những biến cố hiện đại lan tràn ngay lập tức - bây giờ chúng ta có thể nói là cảm nhận được tác động của các biến cố quá khứ theo cách nói mới. Một biến cố ảnh hưởng một nhúm người vào thời điểm xảy ra trong quá khứ có thể có những hậu quả qui mô lớn ngày nay. Chúng ta bị kẹt trong cái có thể gọi là "bước nhảy thời gian". Bất kỳ dấu vết tác động nào của biến cố đặt dấu ấn trên cấu trúc gen, tư tưởng và giá trị của những người ở lục địa này ngày nay có thể được họ mang đi khắp nơi trên trái đất, ảnh hưởng tới những người ở lục địa khác. Như thế, những biến cố của quá khứ giống như đã nhảy qua các thế hệ và các thế kỷ đang thức dậy để ám ảnh và thay đổi chúng ta ngày nay.
Những gì xảy ra cho một số người trong quá khứ thì ngày nay hầu như ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Điều này không phải luôn luôn đúng. Tóm lại, tất cả lịch sử đang đuổi kịp chúng ta, và chính sự khác nhau này, rất nghịch lý, nhấn mạnh sự cắt đứt của chúng ta với quá khứ. Như thế phạm vi thay đổi về cơ bản đã bị biến đổi. Đi qua không gian và thời gian, sự thay đổi có sức mạnh và đến quãng đời thứ 800 này mà chưa bao giờ xảy ra từ trước.
Nhưng sự khác nhau cuối cùng về chất giữa quãng đời này và tất cả những quãng đời trước có thể được nhận ra dễ dàng. Vì chúng ta không những chỉ mở rộng qui mô và phạm vi thay đổi, chúng ta đã biến đổi cơ bản tốc độ của nó. Trong thời đại ngày nay, chúng ta đã phóng thích một lực xã hội hoàn toàn mới - dòng thay đổi được tăng nhanh đến nỗi nó ảnh hưởng sự nhận thức của chúng ta về thời gian, cách mạng hóa nhịp điệu cuộc sống hàng ngày, và ảnh hưởng chính đúng cái cách mà chúng ta "cảm", "thấy" thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta không còn "cảm thấy" cuộc sống giống như
người trong quá khứ đã cảm. Và đây là sự khác nhau cơ bản, sự phân biệt giữa người hiện đại và những người trong quá khứ. Vì sự gia tăng này nằm sau tính không vĩnh viễn - tính nhất thời - thâm nhập và nhuộm màu nhận thức của chúng ta, ảnh hưởng một cách cơ bản cái cách chúng ta quan hệ với những người khác, quan hệ với sự vật, quan hệ với toàn bộ tư tưởng, nghệ thuật và giá trị.
Để hiểu những gì xảy ra cho chúng ta khi chúng ta đi vào thời đại siêu công nghiệp, chúng ta phải phân tích những quá trình gia tăng và đối mặt với khái niệm nhất thời. Nếu gia tăng là một lực lượng xã hội mới, tính nhất thời là sự đối trọng tâm lý, nếu không hiểu vai trò nó giữ trong cách xử thế của con người hiện đại, tất cả những lý thuyết của chúng ta về nhân tính, tất cả những tâm lý của chúng ta, vẫn là ở thời kỳ tiền hiện đại. Tâm lý không có khái niệm nhất thời thì không thể hiểu được những hiện tượng hiện đại đặc thù.
Bằng cách thay đổi quan hệ của chúng ta với nguồn tài nguyên xung quanh ta, bằng cách mở rộng khủng khiếp phạm vi thay đổi, và quan trọng nhất là bằng cách gia tăng tốc độ thay đổi, chúng ta tuyệt đối cắt đứt với quá khứ. Chúng ta tự từ bỏ cách suy nghĩ cũ, cách cảm nhận cũ, cách thích nghi cũ. Chúng ta đã đặt giai đoạn cho một xã hội hoàn toàn mới và chúng ta đang chạy về nó. Đây là điểm then chốt của quãng đời thứ 800. Và điều này làm nảy sinh vấn đề khả năng con người để thích nghi - con người đi như thế nào trong xã hội mới này ? Con người có thể thích nghi với những điều bắt buộc của nó không ? Nếu không thì con người có thể biến đổi những điều bắt buộc này không ?
Trước khi trả lời những câu hỏi như thế, chúng ta phải tập trung vào hai lực : gia tốc và nhất thời. Chúng ta phải biết làm thế nào chúng biến đổi cách cấu tạo của sự hiện hữu, đưa cuộc sống và tâm lý của chúng ta vào các dạng mới không quen thuộc. Chúng ta phải
hiểu làm thế nào và tại sao chúng đối mặt với chúng ta lần đầu tiên với tiềm năng bùng nổ của cú sốc tương lai.
Chương 2
SỨC ĐẨY GIA TĂNG
Rải rác đây đó đã có trường hợp trẻ con chết vì bệnh già trước tuổi. Trường hợp già trước tuổi rất hiếm. Nhưng theo nghĩa ẩn dụ thì tất cả các xã hội công nghiệp cao đều bị cơn bệnh đau đớn kỳ lạ này. Những xã hội này không phải trở thành già hoặc lão suy. Nhưng chúng đang chịu đựng tốc độ siêu bình thường về thay đổi. Nhiều người chúng ta có cảm giác mơ hồ là mọi việc đi nhanh hơn. Bác sĩ và các nhà quản lý than phiền là họ không thể theo kịp những phát triển mới nhất của ngành họ. Trong số họ và những người khác đều có tâm trạng khó chịu - họ nghi ngờ sự thay đổi đã thoát khỏi kiểm soát.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều chia sẻ mối lo lắng này. Hàng triệu người mộng du trên đường đời tưởng như chẳng có gì thay đổi từ năm 1930 và sẽ không có gì thay đổi. Mặc dù đang sống trong những giai đoạn thú vị nhất của lịch sử nhân loại, nhưng họ cố tình quên đi. Họ tìm kiếm sự "yên ổn riêng biệt", một loại miễn dịch ngoại giao chống lại sự thay đổi. Người ta có thể thấy họ khắp nơi : người già đang cố gắng tránh bằng bất cứ giá nào sự xâm nhập của cái mới. Đã có những người già 35 tuổi và 45 tuổi, bực dọc về sự nổi loạn của sinh viên, tình dục, thuốc gây ảo giác LSD, váy ngắn, họ tự thuyết phục rằng xét cho cùng thì thanh niên luôn luôn nổi loạn, và rằng những gì đang xảy ra ngày hôm nay không khác gì trong quá khứ. Ngay cả trong thanh niên chúng ta cũng thấy sự không hiểu được về thay đổi : sinh viên không biết gì về quá khứ đến nỗi họ thấy chẳng có gì không bình thường hiện nay cả.
Sự việc đáng bối rối là một số lớn người có giáo dục và thạo đời thấy tư tưởng về thay đổi quá nguy hiểm đến nỗi họ chối bỏ sự hiện
diện của nó. Ngay cả nhiều người biết rõ là sự thay đổi đang gia tăng, họ không chịu tiếp thu kiến thức đó, họ không chú ý đến bước ngoặt này của xã hội trong việc lập kế hoạch cho riêng cuộc đời của họ.
THỜI GIAN VÀ THAY ĐỔI
Làm thế nào chúng ta biết rằng thay đổi đang gia tăng ? Xét cho cùng thì không có cách gì tuyệt đối để đo thay đổi. Trong sự phức tạp của vũ trụ, ngay cả nằm trong bất kỳ xã hội nào, một số hầu như vô tận của các dòng thay đổi xảy ra đồng thời cùng một lúc. Tất cả "vật thể" từ con vi khuẩn bé tí tẹo đến giải ngân hà khổng lồ, trong thực tế không phải là vật thể mà là quá trình. Không có điểm tĩnh, không có nơi giống như thiên đường không thay đổi nhờ đó làm điểm chuẩn để đo thay đổi. Do đó, sự thay đổi thiết yếu là tương đối.
Nếu tất cả quá trình xảy ra cùng một tốc độ, hoặc ngay cả nếu chúng gia tăng hay chậm lại đều nhau, vẫn không thể so sánh thay đổi. Tuy nhiên tương lai xâm lấn hiện tại bằng các tốc độ khác nhau. Như thế có thể so sánh tốc độ của các quá trình khác nhau khi chúng bộc lộ. Chính xác là nhờ tính thất thường của sự thay đổi nên có thể đo được.
Tuy nhiên chúng ta cần một tiêu chuẩn để có thể so sánh các quá trình đa dạng cao, và tiêu chuẩn này là thời gian. Không có thời gian, sự thay đổi không có ý nghĩa. Và không có thay đổi, thời gian sẽ dừng lại. Thời gian có thể được xem như là khoảng cách trong đó các biến cố xảy ra. Thời gian cho phép chúng ta so sánh các quá trình không giống nhau.
Nếu biết được tính thất thường của sự thay đổi và tiêu chuẩn so sánh thời gian, chúng ta vẫn còn có khó khăn khi đo thay đổi. Khi chúng ta nói về tốc độ thay đổi, chúng ta nói đến số biến cố chen đến nhau trong một khoảng thời gian cố định trung gian. Như thế chúng
ta cần định nghĩa "biến cố". Chúng ta cần chọn chính xác khoảng thời gian. Chúng ta cần cẩn thận về những kết luận chúng ta rút ra được từ những sự khác nhau mà chúng ta quan sát. Hơn thế nữa, trong việc đo thay đổi, ngày nay chúng ta đo quá trình vật lý dễ hơn đo quá trình xã hội. Thí dụ, chúng ta biết làm thế nào đo tốc độ máu chảy qua cơ thể dễ hơn là đo tốc độ tin đồn truyền trong xã hội.
NHỮNG THÀNH PHỐ DƯỚI LÒNG ĐẤT
Nhịp điệu tiến trình nhân loại trong lịch sử được ghi lại nhanh hơn ít nhất 100.000 lần nhịp điệu tiến trình trước khi có loài người. Trong thời kỳ đồ đá cũ, những phát minh và cải tiến cần 50.000 năm để hoàn thành thì khi kết thúc thời đại đó chỉ cần 1000 năm. Khi có văn minh định cư, thời gian đó chỉ cần 1 thế kỷ. Tốc độ thay đổi gia tăng trong suốt 5000 năm qua, đáng chú ý nhất trong 300 năm cuối cùng. Tốc độ thay đổi gia tăng đến mức trí tưởng tượng của chúng.ta không thể theo kịp.
Chúng ta hãy cùng xem sự thay đổi trong quá trình con người thành lập thành phố. Chúng ta đang chịu sự đô thị hóa nhanh và rộng rãi mà thế giới chưa bao giờ thấy. Năm 1850 chỉ có 4 thành phố trên mặt đất có dân số trên 1 triệu người. Năm 1900 con số đó tăng lên 19. Nhưng đến năm 1960 con số đó là 141, và ngày nay dân số đô thị thế giới tăng theo tốc độ 6.5% hàng năm. Điều đó có nghĩa là đã gấp đôi dân số thành phố của trái đất trong vòng 11 năm.
Nói cách khác để hiểu được ý nghĩa sự thay đổi là tưởng tượng nếu tất cả các thành phố đang hiện diện, thay vì mở rộng ra thì giữ nguyên diện tích hiện nay. Nếu là như thế thì để chứa hàng triệu con người mới, chúng ta phải xây dựng một thành phố giống hệt như thành phố đã có cho hàng trăm thành phố hiện nay trên trái đất. Nghĩa là một Tôkyô mới, một Hamburg mới, một Rôme mới... - Tất cả phải được làm trong vòng 11 năm. (Điều này giải thích tại sao các
nhà qui hoạch thành phố người Pháp đã vẽ các thành phố dưới lòng đất - các cửa hiệu, viện bảo tàng, nhà kho, nhà máy phải được xây dựng dưới đất, và tại sao một kiến trúc sư người Nhật đã phác thảo một thành phố xây dựng trên các cột ngoài biển).
Cùng một khuynh hướng gia tăng như thế trong việc con người sử dụng năng lượng. Tiến sĩ Homi Bhabha, nhà khoa học nguyên tử Ấn Độ, chủ tọa Hội nghị quốc tế đầu tiên về việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử, một lần đã phân tích khuynh hướng trên. "Chúng ta dùng chữ Q là đơn vị năng lượng có được từ việc đốt 33.000 triệu tấn than. Trong 18,5 thế kỷ sau Công nguyên, toàn bộ năng lượng tiêu thụ trung bình ít hơn 1/2 Q cho mỗi thế kỷ. Đến năm 1850, tỉ lệ lên đến một Q một thế kỷ. Ngày nay, tỉ lệ đó là chừng 10Q một thế kỷ". Nói nôm na, điều này có nghĩa là một nửa năng lượng con người tiêu thụ trong 2000 năm qua đã được tiêu thụ trong 100 năm cuối cùng.
Cũng có bằng chứng gây ấn tượng sâu sắc khác là sự gia tăng phát triển kinh tế trong các quốc gia hiện nay đã theo hướng siêu công nghiệp. Mặc dù những nước này bắt đầu từ nền tảng công nghiệp lớn, số tăng phần trăm hàng năm trong sản xuất rất kinh khủng. Và tốc độ gia tăng tự nó cũng tăng.
Thí dụ nước Pháp trong 29 năm từ 1910 đến sau Chiến tranh Thế giới thứ II, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5%. Thế mà trong 17 năm từ 1948 đến 1965, sản xuất công nghiệp tăng lên 220%. Ngày nay tỉ lệ tăng từ 5% đến 10% hàng năm rất phổ biến trong số các quốc gia công nghiệp lớn nhất. Dĩ nhiên có những thăng trầm, nhưng hướng thay đổi không thể nhầm lẫn được. Một thí dụ khác là trong 21 nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, tỉ lệ tăng trung bình hàng năm của tổng sản phẩm thu nhập quốc dân từ năm 1960 đến năm 1968 là 4,5% và 5%. Nước Mỹ tăng 4-5% và nước Nhật tăng 9-8% trung bình hàng năm.
Những con số như thế muốn nói đến sự gấp đôi toàn bộ hàng hóa và dịch vụ trong các xã hội tiên tiến trong thời gian 15 năm, và thời gian gấp đôi ngắn lại. Điều này có nghĩa là nếu một đứa bé đạt đến tuổi 13 thì nó được bao quanh những thứ mới do con người làm ra nhiều gấp hai lần so với lúc nó mới đẻ. Khi đứa bé này đạt đến tuổi 30, một sự gấp đôi khác xảy ra. Và trong quãng đời 70 năm của nó, có thể có 5 lần gấp đôi như thế. Điểm này có nghĩa là khi một cá nhân đạt đến tuổi già thì xã hội xung quanh cá nhân đó sẽ sản xuất gấp 32 lần so với thời điểm cá nhân đó sinh ra.
Những thay đổi như thế trong tỉ lệ giữa cũ và mới có tác động nhanh trên thói quen, lòng tin, thần tượng riêng của hàng triệu người. Chưa bao giờ trong lịch sử có tỉ lệ bị biến đổi quá cơ bản trong một thời gian quá ngắn như thế.
ĐỘNG CƠ CÔNG NGHIỆP
Đằng sau những sự kiện kinh tế phi thường như thế là động cơ lớn đang gầm rú của sự thay đổi - công nghiệp. Không thể nói công nghiệp là nguồn thay đổi độc nhất trong xã hội. Thế nhưng không thể bàn cãi nếu nói rằng công nghiệp là lực chính đằng sau sức đẩy gia tăng. Đối với hầu hết mọi người thì từ "công nghiệp" gợi lên hình ảnh nhà máy thép với cột khói mù mịt hoặc tiếng máy móc lách cách. Biểu tượng cổ điển của công nghiệp có thể vẫn là dây chuyền sản xuất do Henry Ford tạo ra cách đây nửa thế kỷ. Tuy nhiên, hình ảnh này luôn luôn không đầy đủ và nhầm lẫn vì công nghiệp không phải chỉ là nhà máy và máy móc mà còn nhiều hơn thế nữa. Công nghiệp gồm cả kỹ thuật cũng như là các máy móc có thể hoặc không có thể áp dụng chúng. Công nghiệp cũng gồm cả cách tạo ra phản ứng hóa học, cách nuôi cá, cách gây rừng, cách thắp sáng nhà hát, cách đếm phiếu bầu hoặc cách dạy lịch sử.
Biểu tượng cũ của công nghiệp càng làm cho lầm lẫn hơn ngày nay, khi những qui trình công nghệ tiên tiến nhất được tiến hành ở những nơi không có dây chuyền sản xuất hoặc các lò luyện kim. Thực vậy trong công nghiệp điện tử, trong công nghiệp vũ trụ, trong hầu hết kỹ nghệ mới, sự im lặng tương đối và xung quanh sạch sẽ là đặc tính thiết yếu. Bản thân dây chuyền sản xuất là một sự lỗi thời. Đã đến lúc biểu tượng công nghiệp của chúng ta phải thay đổi để đuổi kịp những thay đổi nhanh trong công nghiệp.
Lấy thí dụ sự tiến bộ trong ngành giao thông vận tải để minh họa - 6.000 năm trước Công nguyên, phương tiện vận chuyển nhanh nhất là lạc đà với tốc độ 12 km/giờ. 1.600 năm trước Công nguyên, xe ngựa được sử dụng với tốc độ 30 km/giờ. Kỷ lục về vận tốc này giữ nguyên cho đến năm 1825 khi đầu máy xe lửa hơi nước ra đời với vận tốc 20 km/giờ, và nhờ sự cải tiến kỹ thuật nên đến năm 1880 đầu máy xe lửa đạt đến tốc độ 160 km/giờ. Nhân loại cần hàng triệu năm mới đạt đến tốc độ đó. Nhưng chỉ cần 58 năm để tăng gấp 4 lần tốc độ đó, nghĩa là vào năm 1938 máy bay do con người sản xuất đạt đến tốc độ 640 km/giờ. Sau đó chỉ cần 20 năm để tăng gấp đôi vận tốc trên. Đến năm 1960, máy bay tên lửa đạt đến tốc độ 6.400 km/giờ và con người trong các con tàu vũ trụ bay với tốc độ 30.000 km/giờ.
Dù chúng ta khảo sát khoảng cách đi, độ cao đạt đến, mỏ được khai thác, hoặc làm chủ được năng lượng nguyên tử, khuynh hướng gia tăng vẫn rõ ràng. Hàng nghìn năm hoặc hàng thế kỷ trôi qua, và rồi thì trong thời đại chúng ta, sự phá vỡ đột ngột những giới hạn, sự chạy nước rút diệu kỳ về phía trước. Lý do của việc này chính là tự công nghiệp nuôi nó. Công nghiệp tạo ra thêm công nghiệp, như chúng ta có thể thấy nếu chúng ta nhìn vào quá trình đổi mới. Đổi mới công nghiệp gồm 3 giai đoạn, nối với nhau trong một chu kỳ tự tăng cường. Đầu tiên là sáng kiến, ý kiến thực hiện được. Thứ hai là áp dụng cụ thể. Thứ ba là sự phổ biến ra xã hội.
Quá trình đã hoàn thành, vòng chu kỳ khép lại, khi sự phổ biến công nghiệp biểu hiện một tư tưởng mới sẽ tạo ra những ý kiến sáng tạo mới. Ngày nay, rõ ràng thời gian giữa các giai đoạn trong chu kỳ này đã bị rút ngắn lại. Thời gian giữa khái niệm đầu tiên và đưa vào sử dụng bị giảm đi một cách cơ bản. Đây là sự khác nhau rõ nhất giữa chúng ta và tổ tiên chúng ta. Bằng sáng chế đầu tiên về máy đánh chữ của Anh được cấp vào năm 1714, nhưng phải mất gần 150 năm máy đánh chữ mới đưa ra sử dụng. Một thế kỷ trôi qua giữa thời gian Nicholas Appent phát minh ra cách đóng hộp thức ăn và thời gian cách đóng hộp trở thành quan trọng trong kỹ nghệ thực phẩm.
Ngày nay những sự chậm trễ như thế giữa sáng kiến và áp dụng hầu như không chấp nhận được. Không phải chúng ta ít lười biếng hơn tổ tiên chúng ta, nhưng với thời gian trôi đi chúng ta đã phát minh ra đủ loại phương sách xã hội để đẩy nhanh quá trình. Như thế chúng ta thấy thời gian giữa giai đoạn thứ nhất và thứ hai trong chu kỳ đổi mới - giữa sáng kiến và áp dụng - đã bị cắt giảm cơ bản. Nhưng nếu cần ít thời gian hơn để đưa sáng kiến mới ra thị trường, thì cũng cần ít thời gian hơn để sáng kiến này phổ biến khắp xã hội. Như thế khoảng thời gian giữa giai đoạn hai và giai đoạn ba của chu kỳ - giữa áp dụng và phổ biến - dường như bị rút ngắn lại và tốc độ truyền bá tăng nhanh với tốc độ đáng ngạc nhiên.
Tốc độ đẩy mạnh về phát minh, khai thác và phổ biến đến lượt chúng lại gia tăng toàn bộ chu kỳ đi xa hơn nữa. Vì những máy móc mới hoặc kỹ thuật mới không chỉ là một sản phẩm, mà là một nguồn, của những sáng kiến mới. Mỗi một máy mới hoặc kỹ thuật mới thay đổi tất cả những máy hoặc kỹ thuật sẵn có bằng cách cho phép chúng ta đặt chúng lại với nhau thành sự phối hợp mới. Số phối hợp có thể có được tăng theo lũy thừa với số máy hoặc kỹ thuật mới tăng
theo số học. Thực vậy, mỗi một phối hợp mới tự nó có thể được xem như là một siêu máy mới.
Hơn thế nữa cũng cần phải hiểu là sự đổi mới công nghiệp không phải chỉ phối hợp và tái phối hợp máy móc và kỹ thuật. Những máy mới quan trọng làm nhiều hơn là chỉ làm hoặc buộc thay đổi trong những máy khác, chúng đưa ra những giải pháp đổi mới về xã hội, triết lý, ngay cả những vấn đề cá nhân. Chúng biến đổi toàn bộ môi trường trí thức của con người - cách họ nghĩ và nhìn về thế giới. Gần đây máy tính đã gây ra một cơn bão những tư tưởng mới về cách con người như là một phần tác động qua lại của một hệ thống lớn, về sinh lý học của họ, về cách họ học, về cách họ nhớ, về cách họ lấy quyết định. Và như thế chu kỳ đổi mới, tự nó nuôi lấy nó, đang tăng tốc.
Tuy nhiên, nếu công nghiệp được xem như là một động cơ lớn, một máy gia tốc cực mạnh, thì kiến thức phải được xem như là nhiên liệu.
KIẾN THỨC NHƯ LÀ NHIÊN LIỆU
Tốc độ con người ghi lại những kiến thức có ích về nhân loại và vũ trụ lên đến 10.000 năm. Tốc độ này có bước nhảy vọt khi phát minh ra chữ viết, nhưng vẫn còn rất chậm đến hàng thế kỷ. Bước nhảy vọt vĩ đại tiếp theo khi Gutenberg phát minh ra chữ in vào thế kỷ XV. Trước năm 1.500, chân Âu sản xuất sách với tốc độ 1.000 cuốn mỗi năm. Điều này có nghĩa là cần một thế kỷ để sản xuất 100.000 cuốn sách. Vào năm 1950, bốn thế kỷ rưỡi sau đó, tốc độ tăng vọt với 120.000 cuốn sách hàng năm ở châu Âu. Vào năm 1960, chỉ một thập kỷ sau, tốc độ đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa khác, những gì cần một thế kỷ để thực hiện thì nay chỉ cần 7 tháng rưỡi. Và vào giữa những năm 60, số sách xuất bản trên thế giới là 1.000 cuốn mỗi ngày.
Có thể nói số sách vở in ra tương đương với tốc độ con người phát hiện ra kiến thức mới.
Có lý do tin rằng tốc độ đó vẫn còn tăng nhanh. Ngày nay số lượng tạp chí và bài báo khoa học đang gấp đôi, giống như sản xuất kỹ nghệ ở các nước tiên tiến, trong thời gian 15 năm. Hiện nay riêng chính phủ Mỹ tạo ra 100.000 báo cáo hàng năm, 450.000 bài báo, sách và tạp chí. Trên thế giới, số lượng báo chí, sách vở khoa học và kỹ thuật tăng với tốc độ 600.000.000 trang mỗi năm. Số lượng trên cùng với máy tính và các phương tiện phân tích khác đã cho phép chúng ta quan sát vũ trụ vô hình xung quanh ta, nhờ đó tốc độ tiếp thu kiến thức cũng tăng lên với tốc độ kinh khủng.
Francis Bacon đã nói "Kiến thức là sức mạnh". Câu này có thể được diễn giải theo từ ngữ hiện đại. Trong môi trường xã hội của chúng ta, "kiến thức là thay đổi" - và việc gia tăng tiếp thu kiến thức là nguồn cung cấp nguyên liệu cho động cơ kỹ thuật, có nghĩa là gia tăng thay đổi.
DÒNG TÌNH HÌNH
Sức đẩy gia tăng là một trong những lực quan trọng nhất và được hiểu ít nhất của tất cả các lực xã hội. Tuy nhiên, điều này chỉ là một nửa vấn đề. Vì sự đẩy nhanh thay đổi cũng là một lực tâm lý. Mặc dù nó bị tâm lý học hầu như quên hoàn toàn, tốc độ gia tăng thay đổi trong thế giới xung quanh ta gây rối loạn sự cân bằng nội tâm của chúng ta, biến đổi chính cái cách chúng ta đang sống.
Điều này có thể minh họa là nếu chúng ta nghĩ về một cuộc đời cá nhận như là một con kênh lớn mà kinh nghiệm chảy ra. Dòng kinh nghiệm này gồm vô số "tình hình". Sự gia tăng thay đổi trong xã hội xung quanh làm biến đổi mạnh mẽ dòng tình hình chảy qua con kênh này. Không có định nghĩa rõ ràng về một tình hình. Trong khi đường ranh giới giữa những tình hình có thể là không phân biệt được, mỗi
tình hình có một sự "nguyên vẹn" nào đó về nó, một sự hợp nhất nào đó.
Vì sự gia tăng thay đổi làm ngắn lại khoảng thời gian của nhiều tình hình, điều này không những chỉ biến đổi "mùi vị" của chúng mà còn đẩy nhanh sự đi qua của chúng trên con kênh kinh nghiệm. So với cuộc sống trong một xã hội thay đổi ít nhanh hơn, nhiều tình hình chảy qua con kênh trong bất kỳ khoảng thời gian nào đã cho - và điều này bao hàm những thay đổi sâu đậm trong tâm lý con người. Hơn thế nữa, dòng chảy tăng tốc tình hình đòi hỏi nhiều công việc từ cơ cấu tập trung phức tạp nhờ đó chúng ta di chuyển sự chú ý của chúng ta từ một tình hình này sang tình hình khác. Càng có nhiều sự di chuyển tới lui thì lại càng có ít thời gian kéo dài hoặc chú ý về một vấn đề hoặc tình hình cùng một lúc. Điều này nằm sau cảm tưởng mơ hồ là "sự việc di chuyển nhanh hơn". Chúng di chuyển nhanh hơn thật xung quanh chúng ta và qua chúng ta.
Tuy nhiên sự gia tăng thay đổi biến đổi cơ bản tính cân bằng giữa những tình hình đổi mới và tình hình quen thuộc. Tốc độ thay đổi tăng buộc chúng ta không những chỉ thích nghi với dòng chảy nhanh hơn, nhưng còn thích nghi với nhiều tình hình mà kinh nghiệm cá nhân trước đấy chưa hề gặp phải. Khi sự việc bắt đầu thay đổi bên ngoài, chúng ta sẽ có một sự thay đổi song song xảy ra bên trong. Tính chất của những thay đổi nội tâm này rất sâu đậm đến nỗi khi sức đẩy bắt đầu tăng tốc, thì nó sẽ thử khả năng sống của chúng ta trong các thông số xác định con người và xã hội.
Để sống còn, để tránh cái mà chúng ta gọi là "cú sốc tương lai", cá nhân phải thích nghi nhiều hơn và có nghị lực nhiều hơn trước. Họ phải tìm ra những cách hoàn toàn mới để bám chặt, vì tất cả những gốc rễ cũ như tôn giáo, quốc gia, cộng đồng, gia đình hoặc nghề nghiệp, tất cả đều bị bật tung dưới tác động bão táp của sức đẩy gia tăng. Tuy nhiên, trước khi làm được như thế, họ phải hiểu được làm
thế nào những ảnh hưởng gia tăng có thể thâm nhập vào cuộc sống cá nhân của họ, lén vào cách xử thế của họ và thay đổi chất lượng cuộc sống của họ. Nói cách khác, họ phải hiểu được tính nhất thời.
Chương 3 NHỊP ĐIỆU CUỘC SỐNG
Nhịp điệu cuộc sống thường được những người bình thường bình luận. Tuy nhiên rất lạ là hầu như chẳng có nhà tâm lý hoặc xã hội học nào chú ý đến nó cả. Đây là lỗ hổng lớn trong khoa học hành vi, vì nhịp điệu cuộc sống ảnh hưởng sâu sắc đến cách xử thế, gợi lên những phản ứng mạnh và tương phản từ nhiều người khác nhau.
Thực vậy, không có gì nhiều để nói rằng nhịp điệu cuộc sống chia cắt chúng ta thành 2 phía, gây ra sự hiểu nhầm đau khổ giữa cha mẹ và con cái, giữa đàn ông và đàn bà, giữa người Mỹ và người châu Âu, giữa Đông và Tây.
NHỮNG NGƯỜI TƯƠNG LAI
Nhân loại trên trái đất được chia không những chỉ theo chủng tộc, quốc gia, tôn giáo hoặc ý thức hệ, mà còn theo vị trí của họ trong thời gian. Hiện nay trên thế giới vẫn còn các nhóm nhỏ sống, đi săn và tìm thức ăn như con người đã làm mấy nghìn năm trước đây. Những người khác, chiếm đa số, phụ thuộc vào nông nghiệp. Họ sống như tổ tiên họ đã sống hàng thế kỷ trước đây. Hai nhóm trên gộp lại chiếm 70% dân số thế giới. Họ là những người của quá khứ.
Ngược lại, chừng hơn 25% dân số thế giới sống ở các xã hội kỹ nghệ hoá. Họ sống cuộc sống hiện đại. Họ là sản phẩm của nửa phần đầu thế kỷ XX, do cơ khí hoá và giáo dục tập thể nặn ra, lớn lên với trí nhớ rơi rớt lại của quá khứ nông nghiệp đất nước họ. Họ là những người của hiện tại.
Còn lại 2 hoặc 3% dân số thế giới là những người đang sống cách sống tương lai. Họ đã hình thành một quốc gia quốc tế của tương lai
ngay trong giữa chúng ta. Họ là những phần tử tiến bộ của nhân loại, công dân mới nhất của xã hội siêu kỹ nghệ đang ở thời kỳ sinh đẻ. Những gì làm họ khác với mọi người khác ? Chắc chắn họ giàu hơn, được giáo dục tốt hơn, năng động hơn đa số chủng tộc nhân loại. Họ cũng sống lâu hơn. Nhưng nét đặc biệt nhất cho những người của tương lai là họ có nhịp sống mới và tăng nhanh. Họ "sống nhanh hơn" những người xung quanh họ.
Một số người bị nhịp điệu cuộc sống nhanh này hấp dẫn, họ cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc khó chịu khi nhịp điệu chậm lại. Họ luôn luôn muốn ở những nơi "có hành động". Đấy là lý do tại sao có một số người luôn luôn đi đâu đó chẳng có mục đích gì cả. Đi lại là thuốc phiện của sự chuyển động. Hiểu được sự hấp dẫn mạnh mẽ mà một nhịp điệu cuộc sống nào đó có thể tác động lên cá nhân giúp giải thích được những hành động không giải thích được hoặc không có mục đích gì cả.
Nhưng nếu có một số người phát triển nhịp điệu mới và nhanh, thì cũng có những người khác bị nhịp điệu cự tuyệt. Ràng buộc với xã hội siêu công nghiệp đang nổi lên có nghĩa là ràng buộc với thế giới thay đổi nhanh chóng. Họ không thích bị ràng buộc, họ thích đi với nhịp điệu riêng của họ. Đó có thể là những người híppi to mồm phát biểu mối ác cảm của họ về những giá trị văn minh công nghiệp. Không phải ngẫu nhiên khi họ diễn tả xã hội như là "sự chạy đua của chuột" - một danh từ trình bày đặc biệt về nhịp điệu. Những người già phản ứng mạnh mẽ hơn chống lại bất kỳ sự gia tăng thay đổi nào. Có cơ sở toán học chặt chẽ để chứng minh rằng tuổi tác thường tương ứng với bảo thủ. Thời gian trôi qua nhẹ nhàng hơn cho người già. Cũng có thể có cơ sở sinh học để giải thích những khác nhau trong phản ứng chủ quan đối với thời gian. Liên quan đến sự làm chậm lại nhịp điệu sinh học của riêng họ, thế giới dường như di chuyển nhanh hơn đối với người già mặc dù không phải như thế. Khi
tốc độ thay đổi trong xã hội tăng lên, càng có nhiều người già cảm thấy sự khác nhau rõ ràng. Họ bị bỏ rơi, rút lui vào trong môi trường riêng tư của họ, cắt đứt càng nhiều quan hệ càng tốt với thế giới đi nhanh bên ngoài, và cuối cùng sống một cuộc đời vô vị cho đến chết. Chúng ta có thể chẳng bao giờ giải quyết vấn đề tâm lý cho tuổi già trừ phi chúng ta tìm được các cách - bằng sinh hóa học hoặc bằng cải tạo lại - để biến đổi ý thức thời gian của họ, hoặc cung cấp cho họ những vùng đệm trong đó nhịp điệu cuộc sống được kiểm soát và điều chỉnh theo nhận thức chủ quan riêng của họ về thời gian.
Nhiều sự xung đột không hiểu được - giữa các thế hệ, giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng và vợ - có thể được vạch ra cho từng phản ứng khác nhau đối với sự gia tăng nhịp điệu cuộc sống. Điều này cũng đúng cho những va chạm giữa các nền văn hóa. Nhịp điệu cuộc sống đã làm cho người nước này đối với người nước kia khác nhau, ngay cả trong cùng một nước đã có sự khác nhau. Thí dụ người miền Bắc nước Mỹ xem những người miền Nam nước Mỹ là chậm chạp, người Bắc nước Ý xem những người đảo Sicile sống với nhịp điệu rề rà của nông nghiệp. Người trung lưu da đen ở Mỹ kết án những người da đen công nhân ở Mỹ sống theo nhịp điệu như của người da trắng...
MONG CHỜ THEO THỜI GIAN
Để hiểu tại sao gia tăng trong nhịp điệu cuộc sống có thể là đổ vỡ và khó chịu, cần phải hiểu được khái niệm "mong chờ theo thời gian".
Nhận thức của con người về thời gian liên kết chặt chẽ với nhịp điệu nội tâm của họ. Nhưng sự phản ứng của họ về thời gian lại tùy thuộc vào văn hóa. Một phần của sự tùy thuộc này gồm việc xây dựng cho đứa trẻ một loạt sự mong chờ về khoảng thời gian của biến cố, quá trình hoặc mối quan hệ. Thực vậy, một trong những
dạng kiến thức quan trọng nhất mà chúng ta truyền cho đứa trẻ là kiến thức về sự việc sẽ kéo dài trong bao lâu. Kiến thức này được dạy theo các cách tế nhị, không chính thức và thường là vô ý thức. Nếu không có sự mong chờ theo thời gian thích hợp, chẳng có ai có thể hành động thành công cả.
Khi còn bé, trẻ con biết là bố mẹ đi làm vào buổi sáng và không trở về nhà trước chiều tối. Đứa trẻ cũng biết giờ ăn không phải là một phút hoặc 5 giờ mà thường chỉ kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ. Nó cũng biết đi xem phim kéo dài từ 2 đến 4 giờ, nhưng đi đến bác sĩ khoa nhi chỉ kéo dài dưới một tiếng. Nó cũng biết giờ đi học hàng ngày chỉ kéo dài nhiều nhất 6 tiếng. Nó biết mối quan hệ với thầy giáo chỉ trong năm học, nhưng mối quan hệ với ông bà lâu hơn. Thực vậy, một số mối quan hệ có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. Trong cách xử thế của người lớn, hầu hết chúng ta như thế cả, đều dựa trên một số mệnh danh công khai hoặc hiểu ngầm về khoảng thời gian.
Chính những mong chờ theo thời gian này, khác nhau trong mỗi xã hội trừ việc được dạy từ nhỏ và sau đó ăn sâu vào tiềm thức, bị đánh thức dậy khi nhịp điệu cuộc sống biến đổi. Điều này giải thích sự khác nhau quyết định giữa những người không thích nghi được với nhịp điệu cuộc sống gia tăng và những người phát triển mạnh nhờ nó. Sức đẩy gia tăng ẩn ngầm rằng có ít nhất một vài loại tình huống bị nén theo thời gian. Cá nhân đã tiếp thu được nguyên lý gia tăng - nghĩa là họ biết sự việc di chuyển nhanh trong thế giới xung quanh họ - sẽ tự điều chỉnh vô ý thức theo sự nén thời gian.
Tóm lại, nhịp điệu cuộc sống là một biến cố tâm lý quan trọng nhưng không được biết đến. Trong những thời đại xưa kia, khi thay đổi trong xã hội bên ngoài chậm chạp, con người đã không biết đến biến cố này. Trong suốt cả một cuộc đời, nhịp điệu có thể thay đổi rất ít. Tuy nhiên, sức đẩy gia tăng biến đổi nhịp điệu cuộc sống một cách quyết liệt. Vì chính xác là thông qua sự gia tăng trong nhịp điệu cuộc
sống mà sự thay đổi xã hội, công nghiệp và khoa học tự nó tác động ngược lại trong cuộc sống cá nhân. Một số lớn hành vi nhân loại bị thúc đẩy bởi sự hấp dẫn hoặc sự phản kháng đối với nhịp điệu cuộc sống tác động lên cá nhân từ xã hội mà họ phụ thuộc. Nếu không hiểu được nguyên lý này thì không thể giáo dục hoặc chuẩn bị tâm lý cho con người thích nghi trong xã hội siêu công nghiệp.
KHÁI NIỆM VỀ TÍNH NHẤT THỜI
Khái niệm về tính nhất thời cung cấp mối liên kết bị thiếu giữa lý thuyết xã hội học về thay đổi và tâm lý con người cá nhân. Tính nhất thời là sự "tạm thời" mới trong cuộc sống hàng ngày. Nó là kết quả từ tâm trạng, từ cảm giác về tính không vĩnh cửu. Các nhà triết học và thần học đều biết con người là phù du. Theo nghĩa này, tính nhất thời luôn luôn là một phần cuộc sống.
Chúng ta có thể nghĩ về tính nhất thời như là tốc độ chuyển giao những loại quan hệ khác nhau trong cuộc sống một cá nhân. Đó là những quan hệ của con người với sự việc, nơi chốn, con người, tổ chức và tư tưởng. Chính mối quan hệ rõ ràng của cá nhân đối với một thành phần trên làm ra tình hình.
Đối với một số người, cuộc sống đánh dấu bằng tốc độ chuyển giao chậm hơn những người khác. Những người trong quá khứ và hiện nay sống cuộc đời tương đối "nhất thời chậm" - các mối quan hệ của họ có khuynh hướng lâu dài. Nhưng những người của tương lai sống trong điều kiện "nhất thời cao" - điều kiện trong đó khoảng thời gian quan hệ bị cắt ngắn lại, đầu ra các mối quan hệ rất nhanh. Trong cuộc sống của họ, sự việc, nơi chốn, con người, tư tưởng và tổ chức tất cả trở thành cũ kỹ rất nhanh.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức thực tế, ý thức gắn bó, và khả năng hoặc sự bất lực đối phó. Nếu đó là sự thông qua nhanh cộng với việc tăng cái mới và độ phức tạp trong môi trường, điều đó
sẽ làm căng thẳng khả năng thích ứng và tạo ra mối nguy hiểm của cú sốc tương lai. Nếu chúng ta có thể chứng minh rằng mối quan hệ của chúng ta với thế giới bên ngoài càng ngày càng nhất thời, thì chúng ta có bằng chứng để giả thiết rằng dòng tình hình cũng đang tăng tốc. Do đó, chúng ta hãy cùng khai thác cuộc sống trong một xã hội có tính nhất thời cao.
PHẦN HAI
TÍNH NHẤT THỜI
Chương 4 ĐỒ VẬT : XÃ HỘI DÙNG XONG VỨT ĐI
Công dân của thế giới siêu công nghiệp ngày mai sẽ học một bài học cơ bản về xã hội mới. Các mối quan hệ của con người với đồ vật càng ngày càng tạm thời. Đại dương đồ vật con người làm ra bao quanh chúng ta được đặt nằm trong một đại dương lớn hơn của đồ vật thiên nhiên. Nhưng chính môi trường do công nghiệp tạo ra có ý nghĩa cho cá nhân. Đồ vật do con người làm ra thâm nhập và tô màu ý thức của họ. Số lượng của chúng phát triển dữ dội cả về tương đối và tuyệt đối so với môi trường tự nhiên. Điều này sẽ đúng trong xã hội siêu công nghiệp hơn ngày nay.
Các nhà chống lại duy vật có khuynh hướng phủ nhận sự quan trọng của đồ vật. Thế nhưng đồ vật có ý nghĩa rất lớn, không phải chỉ vì lợi ích của chúng, mà cũng còn vì tác động tâm lý của chúng. Chúng ta phát triển các mối quan hệ với đồ vật. Đồ vật ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta về sự liên tục và bất liên tục. Chúng giữ vai trò trong cấu tạo tình huống và việc rút ngắn lại mối quan hệ của chúng ta với đồ vật làm tăng nhịp điệu cuộc sống.
ÁO CƯỚI GIẤY
Các xã hội công nghiệp tiên tiến ngày càng sử dụng nhiều hơn các đồ vật làm bằng giấy để dùng ngắn hạn hoặc chỉ dùng một lần :
tã lót cho trẻ em, yếm dãi, khăn trải bàn, khăn mặt, khăn tay, lọ đựng nước ngọt v.v...
Gần đây việc đưa quần áo làm bằng giấy hoặc giống như giấy đã đưa khuynh hướng dùng xong một lần rồi vứt đi càng đi xa hơn. Như thế các cửa hàng mốt trưng bày áo cưới giấy, áo khoác ngoài giấy, quần áo ngủ giấy…
Dĩ nhiên giá cả là nhân tố quyết định đằng sau sự bùng nổ đồ vật làm bằng giấy. Nhưng việc đưa văn hóa dùng xong vứt đi có những hậu quả tâm lý quan trọng hơn cả vấn đề kinh tế. Chúng ta phát triển tinh thần dùng xong vứt đi để phù hợp với sản phẩm dùng xong vứt đi của chúng ta. Tinh thần này sinh ra một loạt giá trị bị biến đổi cơ bản đối với vấn đề sở hữu. Nhưng sự lan truyền tính dùng xong vứt đi trong xã hội ẩn ngầm việc giảm khoảng thời gian trong mối quan hệ người - đồ vật. Thay vì gắn liền với một vật trong một khoảng thời gian dài, chúng ta gắn với các đồ vật lần lượt nối tiếp nhau trong một khoảng thời gian ngắn.
SIÊU THỊ MẤT TÍCH
Sự dịch chuyển hướng về tính nhất thời biểu lộ rõ hơn trong kiến trúc, chính xác đó là phần môi trường vật lý mà trong quá khứ đã đóng góp nhiều nhất cho nhận thức con người về tính vĩnh cửu. Chúng ta san bằng các mốc ranh giới. Chúng ta xé tan các con đường và thành phố để dựng lên con đường mới, thành phố mới với tốc độ làm tê cóng trí óc.
Michael Wood, một nhà văn Anh, bình luận : "Người Mỹ đã xây dựng thế giới của họ ngày hôm qua và họ biết nó tạm thời như thế nào. Các tòa nhà ở Niu Oóc biến mất qua đêm, và bộ mặt thành phố có thể thay đổi hoàn toàn trong một năm". Nhà văn tiểu thuyết Louis Anchincloss than phiền rằng "Sự khủng khiếp ở Niu Oóc là sống trong một thành phố không có lịch sử. Tổ tiên tôi tám đời sống trong
một ngôi nhà và chỉ còn ngôi nhà đó còn đứng đấy, những nhà xung quanh biến mất hết. Đấy là điều tôi gọi là "quá khứ biến mất". Đúng, "quá khứ biến mất" là một hiện tượng thật, và nó dường như đang trở thành phổ biến, ngay cả hiện nay nó đang nhận chìm nhiều thành phố đầy lịch sử của châu Âu.
Cách đây không lâu, vợ tôi bảo con gái tôi 12 tuổi đi đến siêu thị cách ngôi nhà của chúng tôi ở phố Manhahan vài con đường. Trước đây con gái tôi đã đến đấy một hay hai lần. Nửa giờ sau nó trở về với thái độ lúng túng. Nó nói "chắc siêu thị đã bị phá bỏ. Con không thể tìm ra". Không phải như thế. Xung quanh chúng tôi thay đổi quá nhiều và quá nhanh nên nó không tìm đúng chỗ. Nhưng vì nó sống trong thời đại tính nhất thời nên nó nghĩ ngay là tòa nhà đã bị phá bỏ và đã được thay thế, đấy là cách suy nghĩ tự nhiên cho một đứa trẻ 12 tuổi lớn lên ở Mỹ vào thời điểm đó. Những suy nghĩ như thế không thể có ở một đứa trẻ cách đây nửa thế kỷ. Môi trường vật lý thời đấy quá lâu bền và mối liên kết của chúng ta với môi trường ít nhất thời hơn.
KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC VỀ TÍNH TẠM THỜI
Trong quá khứ, tính vĩnh cửu là lý tưởng. Dù gia công làm một đôi giày hoặc xây dựng một nhà thờ, tất cả năng lượng sáng tạo và sản xuất của con người đã hướng về việc tối ưu hóa độ bền vững của sản phẩm. Con người đã xây dựng để tồn tại. Họ bắt buộc phải như thế. Xã hội xung quanh họ tương đối không thay đổi thì mỗi đồ vật có những nhiệm vụ được xác định, và logic kinh tế đã áp đặt chính sách vĩnh cửu. Ngay cả đôi khi cần được sửa chữa, đôi giày giá 50 đôla và dùng được trong 10 năm vẫn rẻ hơn đôi giầy giá 10 đôla dùng trong nửa năm.
Tuy nhiên, vì tốc độ thay đổi chung trong xã hội gia tăng, nền kinh tế chính trị học của sự vĩnh cửu phải được thay thế bằng nền kinh tế
chính trị học của sự nhất thời.
Đầu tiên, việc làm công nghiệp tiến nhanh có khuynh hướng làm giảm giá thành sản xuất nhanh hơn giá thành sửa chữa. Cái này được tự động hóa, cái kia vẫn còn là thủ công. Điều này có nghĩa là thay thế rẻ hơn sửa chữa. Tạo ra những đồ vật rẻ, không cần sửa chữa và dùng xong vứt đi, mặc dù chúng có thể không dùng được lâu như đồ vật sửa chữa được.
Thứ hai, việc làm công nghiệp tiến nhanh tạo ra khả năng cải tiến đồ vật cùng với thời gian trôi qua. Máy tính thế hệ thứ hai tốt hơn máy tính thế hệ thứ nhất, và máy tính thế hệ thứ ba tốt hơn thế hệ thứ hai vì chúng ta có thể làm tăng nhanh công nghiệp hơn nữa, nên những cải tiến càng ngày càng cần ít thời gian hơn, nếu về vấn đề kinh tế thì sản xuất ngắn hạn hay hơn là sản xuất dài hạn.
Thứ ba, khi sự thay đổi gia tăng và lan tràn khắp mọi ngóc ngách của xã hội, tính dễ đổi về những nhu cầu tương lai cũng tăng. Thừa nhận sự thay đổi không tránh được, nhưng không chắc chắn về những nhu cầu, chúng ta do dự sử dụng những nguồn tài nguyên lớn cho các đồ vật cố định dùng cho những mục tiêu không thay đổi. Tránh việc dính vào những dạng và chức năng cố định, chúng ta xây dựng để sử dụng ngắn hạn và do đó cố gắng làm cho sản phẩm tự nó thích nghi.
SÂN CHƠI DI CHUYỂN ĐƯỢC
Có những phản ứng khác ngoài việc dùng xong vứt đi mà nó cũng đưa đến cùng hậu quả tâm lý. Thí dụ chúng ta đang chứng kiến việc tạo ra những đồ vật qui mô lớn được thiết kế phục vụ cho một loạt các mục đích ngắn hạn. Những đồ này không phải thứ vứt đi. Chúng thường quá lớn và quá đắt nên không thể vứt bỏ. Nhưng chúng được xây dựng để có thể tháo rời ra và mang đi chỗ khác sau mỗi lần dùng.
Các mái nhà đo đạc, nhà triển lãm, bóng plastic thổi phồng bằng khí dùng làm nơi chỉ huy hoặc trụ sở xây dựng, cả một dãy cấu trúc tạm thời tháo và di chuyển được đưa ra từ các bàn vẽ của các kỹ sư và kiến trúc sư. Ở thành phố Niu Oóc, sở công viên quyết định xây dựng 12 "sân chơi di chuyển được" - đó là những sân chơi nhỏ và tạm thời sẽ được lắp đặt ở những khu nghỉ ngơi của thành phố, cho đến khi những nơi khác có nhu cầu thì sân chơi được tháo ra và di chuyển đến chỗ mới.
"SÂN KHẤU GIẢI TRÍ" MÔĐUN"
Mô đun hóa có thể được định nghĩa như là sự cố gắng thêm vào toàn bộ cấu trúc tính vĩnh cửu nhiều hơn với cái giá làm cho các cấu trúc phụ ít vĩnh cửu hơn. Cần phải nhấn mạnh ở đây rằng sự phân biệt giữa tính có thể vứt đi và tính cơ động là không rõ ràng từ quan điểm khoảng thời gian quan hệ. Ngay cả khi các mô đun không bị vứt đi nhưng được sắp xếp lại, kết quả là một hình thể mới, một thực thể mới. Đấy giống như một cấu trúc vật lý bị vứt đi và một cấu trúc mới được tạo ra, mặc dù một số hoặc tất cả thành phần vẫn giữ nguyên.
Như thế nhiều toà nhà hiện nay được xây trên cơ sở vĩnh cửu nhưng phía trong được xây theo kế hoạch mô đun, nghĩa là các bức tường được di chuyển để tạo thành các dạng phòng mới ở phía trong tùy theo ý thích. Tuy nhiên đôi khi sự mô đun hóa kết hợp trực tiếp với sự vứt đi. Thí dụ điển hình là bút bi. Vỏ bút thì giữ nguyên, nhưng ruột bút dùng xong vứt đi và thay bằng ruột mới. Bút bi được tạo ra trên cơ sở nguyên lý môđun, toàn bộ cấu trúc được sử dụng lâu dài nhưng cấu trúc phụ được thay thế thường xuyên.
Một trong những thí dụ cực đại về kiến trúc được thiết kế theo nguyên tắc mô đun là "sân khấu giải trí" của nhà đạo diễn sân khấu người Anh Joan Litclewood. Bà ta muốn có một nhà hát linh hoạt đến tối ưu để bà ta có thể trình diễn từ buổi kịch bình thường đến hội nghị
chính trị, từ buổi khiêu vũ đến trận đấu vật. Kết quả là một kế hoạch kỳ lạ cho "sân khấu giải trí" được biết với cái tên "sân khấu cơ động khổng lồ đầu tiên của thế giới". Hàng ngày trước buổi diễn, người ta lắp ráp các phần di chuyển được lại với nhau - tường, sàn nhà, cầu thang, lối đi, thang máy, chỗ ngồi, mái nhà, sân khấu, màn ảnh, hệ thống ánh sáng và âm thanh, toilet, phòng triển lãm, quán giải khát v.v... Sau buổi diễn tất cả lại được tháo ra và chuyên chở đi nơi khác hoặc chứa vào nhà kho.
Những người đề xướng cái được biết là kiến trúc "lắp ráp" đã thiết kế cả thành phố dựa trên tư tưởng "kiến trúc nhất thời". Phát triển những khái niệm mà "Sân khấu giải trí" đã được thiết kế, họ đề nghị xây dựng các kiểu mô đun khác nhau có thời gian sử dụng khác nhau. Như thế cái khung một tòa nhà có thể được thiết kế để sử dụng trong 20 năm, nhưng các phòng ghép vào chỉ được xây dưng để sử dụng trong 3 năm. Họ còn muốn thiết kê những toà nhà chọc trời không phải đứng trên đất cố định mà nằm trên dàn máy hovercraft, tựa trên một cái nệm không khí, được cấp năng lượng bằng năng lượng nguyên tử, và thay đổi dạng nội thất bên trong nhanh hơn.
Dù những viễn tưởng này có trở thành hiện thực hay không, sự việc là xã hội đang di chuyển theo hướng đó. Sự phát triển nền văn hóa dùng xong vứt đi, sự tạo ra những cấu trúc ngày càng tạm thời, sự phổ biến mô đun hóa đang tiến triển nhanh chóng, và tất cả đều hướng về cùng một mục tiêu tâm lý : sự phù du hóa mối quan hệ của con người với đồ vật xung quanh họ.
CÁCH MẠNG THUÊ MƯỚN
Một phát triển khác thay đổi dữ dội mối quan hệ con người - đồ vật : cách mạng thuê mướn. Sự bành trướng việc thuê mướn, đặc tính
của xã hội đang tiến về siêu công nghiệp, gắn chặt với những khuynh hướng đã trình bày ở trên.
Sự tăng thuê mướn là sự rời bỏ cuộc sống dựa trên sở hữu và nó phản ánh sự tăng trong cách làm và cách tồn tại. Nếu những người tương lai sống nhanh hơn những người trong quá khứ, họ cũng phải linh hoạt hơn. Họ giống như người chạy đua maratong bị mệt và dừng lại nghỉ thì phải tháo bỏ những sở hữu mang trên người. Họ muốn lợi ích của sự giàu có và công nghiệp mới nhất giúp họ nhưng họ không muốn có trách nhiệm đi theo do tích lũy sở hữu. Họ thừa nhận muốn sống còn trong những biến động thay đổi nhanh, họ phải học cách đi mà trên người không có gì nặng.
Trước năm 1955, số căn hộ cho thuê ở Mỹ chỉ chiếm 8%. Đến năm 1961 con số đạt đến 24%. Vào năm 1969, lần đầu tiên số nhà thuê mướn vượt quá con số nhà riêng. Song song với việc thuê nhà là thuê ô tô. Có thể thuê bất kỳ loại ô tô nào từ vài giờ đến vài tháng. Ngoài ra còn có các cửa hàng bách hóa chỉ cho thuê chứ không bán. Ngày nay, một sản phẩm đều có thể được thuê, từ cái thang đến máy cắt cỏ, áo lông cừu, áo dạ hội, đồ trang sức, v.v... dụng cụ cắm trại, máy điều hòa v.v...
Tuy nhiên dù ảnh hưởng rộng lớn thế nào đi nữa, việc thuê mướn làm ngắn lại khoảng thời gian mối quan hệ giữa người và đồ mà họ sử dụng. Điều này rõ ràng hơn bằng câu hỏi : có bao nhiêu xe ô tô - thuê, mướn hoặc sở hữu - đã đi qua tay một người Mỹ trung bình trong cuộc đời anh ta ? Câu trả lời là số xe anh ta sở hữu là từ 20 đến 50 xe, số xe anh ta thuê là chừng 200 xe.
Việc thuê mướn có hậu quả rõ ràng là làm tăng số người có mối quan hệ nối tiếp với cùng một đồ vật, và do đó làm giảm thời gian quan hệ như thế. Khi chúng ta phát triển nguyên lý này cho tất cả các sản phẩm, rõ ràng việc thuê mướn tăng đã củng cố tác động của các đồ vật dùng xong vứt đi, cấu trúc tạm thời và mô đun hóa.
NHỮNG NHU CẦU TẠM THỜI
Ở đây cần phải nói về khái niệm lỗi thời. Vì sợ sản phẩm lỗi thời nên các nhà kinh doanh cải tiến sản phẩm, đồng thời nó cũng khiến cho người tiêu thụ có khuynh hướng thuê mướn các sản phẩm dùng xong vứt đi hoặc tạm thời. Rõ ràng, sự lỗi thời xảy ra cùng với hoặc không cùng với sự lập kế hoạch. Đối với đồ vật, sự lỗi thời xảy ra theo 3 điều kiện. Nó xảy ra khi sản phẩm hầu như hư hỏng hoàn toàn không dùng được nữa và do đó phải thay thế. Đây là lỗi thời do không hoàn thành chức năng.
Sự lỗi thời cũng xảy ra khi một số sản phẩm mới thực hiện chức năng có hiệu quả hơn những sản phẩm cũ. Các máy tính mới chắc chắn rẻ hơn, tốt hơn, làm việc nhanh hơn các máy cũ. Đây là lỗi thời do sự tiến bộ công nghiệp.
Nhưng sự lỗi thời cũng xảy ra khi nhu cầu người tiêu dùng thay đổi, khi những chức năng của đồ vật tự nó bị biến đổi. Một đồ vật có thể được đánh giá theo nhiều thông số khác nhau. Thí dụ xe ô tô là sự biểu hiện cá nhân tính của người dùng, biểu tượng về trạng thái, nguồn thích thú có từ tốc độ, sự thoả mãn của người tiêu dùng từ những nhân tố đó có thể hơn cả sự thỏa mãn của anh ta về xe ngốn ít xăng hơn hoặc công suất mạnh hơn.
Khái niệm cổ điển cho rằng mỗi đồ vật phải có chức năng rõ ràng, nay đã bị phá tan với tất cả những gì mà chúng ta biết về tâm lý nhân loại, và vai trò của giá trị trong khi lấy quyết định. Bây giờ tất cả mọi sản phẩm phải đa năng.
Trong xã hội khan hiếm, nhu cầu tương đối phổ thông và không thay đổi. Vì chúng hoàn toàn liên quan đến những chức năng chủ yếu. Khi sự phồn vinh tăng lên, nhu cầu con người trở thành ít gắn bó trực tiếp với sự sống còn sinh học nhưng lại cá nhân hóa nhiều hơn. Hơn thế nữa, trong xã hội bị sự thay đổi nhanh và phức tạp ảnh
hưởng, nhu cầu của cá nhân nảy sinh ra từ mối tác động qua lại với môi trường bên ngoài, cũng thay đổi với tốc độ tương đối nhanh. Xã hội càng thay đổi nhanh bao nhiêu thì nhu cầu càng tạm thời bấy nhiêu. Được ở trong một xã hội phồn thịnh mới bao nhiêu, con người càng say mê những nhu cầu ngắn hạn bấy nhiêu.
Người tiêu dùng có cảm tưởng mơ hồ rằng anh ta muốn thay đổi, mặc dù họ chưa rõ ràng nhu cầu gì họ cần. Quảng cáo khuyến khích và đầu tư vào cảm tưởng này, nhưng điều này chẳng có ích gì cả nếu như chỉ được làm một chiều. Khuynh hướng tiến về những khoảng thời gian quan hệ ngắn như thế được xây dựng sâu đậm hơn vào cấu trúc xã hội chứ không dựa vào những lý luận về sự lỗi thời lập theo kế hoạch. Sự thay đổi nhanh nhu cầu người tiêu dùng cũng biểu lộ rõ trong việc người mua từ bỏ những sản phẩm và nhãn hiệu quen thuộc.
GUỒNG MÁY - TRÒ THÍCH THÚ KỲ CỤC
Hiện tại đã cung cấp cho chúng ta mùi vị của tương lai. Những trò thích thú kỳ cục đang quét qua các xã hội công nghiệp cao hết đợt này đến đợt khác. Những năm vừa qua ở Mỹ, châu Âu, Nhật, chúng ta thấy sự nổi lên thình lình và nhanh chóng biến mất của "đầu tóc kiểu Bardot", "cái nhìn Clêopatra", James Bond 007, người dơi, chụp đèn Tiffany, Super Ball, thánh giá sắt, phù hiệu với những khẩu hiệu phản đối, áp phích ảnh Allen Ginhgerg hoặc Humphrey Bogart v.v...
Nhờ khối thông tin đại chúng và khối nghiên cứu thị trường phức tạp ủng hộ, những trò thích thú kỳ cục như thế bùng lên rất nhanh và cũng biến mất rất nhanh. Kinh doanh trò thích thú kỳ cục chuẩn bị trước những sản phẩm có chu kỳ sống ngày càng ngắn đi.
Những trò chơi kỳ cục cơ khí hóa không phải là mới trong lịch sử. Nhưng từ trước chưa bao giờ chúng đi qua nhận thức với tốc độ nhanh và với sự dồi dào như thế, và cũng chưa bao giờ có sự phối
hợp nhịp nhàng giữa những người tạo ra trò chơi kỳ cục, thông tin đại chúng phổ biến nó với các công ty phục vụ khai thác tức thì những trò chơi đó.
Một guồng máy tạo ra và phổ biến trò chơi kỳ cục bây giờ là một phần của kinh tế hiện đại. Phương pháp của họ được những người khác chấp nhận vì họ thừa nhận việc không tránh được về những sản phẩm chu kỳ ngắn. Ranh giới giữa trò chơi kỳ cục và sản phẩm bình thường ngày càng mập mờ. Chúng ta đang tiến về kỷ nguyên sản phẩm tạm thời, do những phương pháp tạm thời tạo ra, để phục vụ những nhu cầu tạm thời. Tất cả đều hướng về một mục tiêu của xã hội siêu công nghiệp. Sự phù du hóa không tránh được của mối quan hệ người - đồ vật.
Chương 5 NƠI CHỐN NHỮNG NGƯỜI DU MỤC MỚI
Chưa bao giờ trong lịch sử khoảng cách lại ít có ý nghĩa như thế. Chưa bao giờ mối quan hệ của con người với nơi chốn lại nhiều, mỏng manh và tạm thời như thế. Trong xã hội công nghiệp tiên tiến với những người của tương lai, việc đi lại đều đặn, việc đi xa, và việc di chuyển chỗ ở thường xuyên đã trở thành tính chất thứ hai. Theo nghĩa bóng, chúng ta tận dụng nơi chốn và bỏ chúng cũng cùng cách như ta vứt bỏ khăn tay bằng giấy hay hộp bia lon. Chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái lịch sử của nơi chốn trong cuộc sống nhân loại. Chúng ta đang nuôi dưỡng một giống dân du mục mới.
HỘI 3 TRIỆU DẶM
Năm 1914, một người Mỹ trung bình đi lại bằng chân, bằng xe hoặc bằng ngựa với khoảng đường 1640 dặm một năm. Nghĩa là cả cuộc đời người đó đi được 88560 dặm. Ngược lại, ngày nay một người Mỹ trung bình đi lại bằng ô tô khoảng đường dài 10000 dặm một năm, thế có nghĩa là cả cuộc đời người đó đi được 3 triệu dặm, hoặc gấp 30 lần số dặm người Mỹ năm 1914. Con số tổng hợp cũng rất khủng khiếp. Năm 1967, 108 triệu người Mỹ đã thực hiện 360 triệu chuyến đi cách xa nhà 100 dặm để ở lại qua đêm. Chỉ những chuyến đi này đã lên đến 312.000.000.000 người dặm. Nhìn theo cách khác thì con số này còn khủng khiếp hơn : số người dặm đi lại trong nước Mỹ hàng ngày tính cho một năm tăng gấp 6 lần nhanh hơn so với dân số được sinh ra trong ít nhất 25 năm.
Cùng với sự gia tăng trong việc di chuyển hàng ngày giữa nhà và một số nơi khác gần đó, cũng có sự tăng đáng kể trong việc đi công tác và du lịch. Chừng 1.500.000 người Đức nghỉ ở Tây Ban Nha mùa
hè năm 1970, hàng trăm nghìn người khác tắm biển ở Hà Lan và Italia. Thụy Điển chào đón hàng năm chừng 1.200.000 người từ các nước khác. Hơn 1 triệu người nước ngoài viếng thăm Mỹ và hơn 4 triệu người Mỹ đi ra nước ngoài hàng năm.
Việc di chuyển bận rộn của con người trên mặt đất là một trong những đặc tính của xã hội siêu công nghiệp. Ngược lại, các quốc gia tiền công nghiệp dường như đóng băng, tê cứng, dân của họ gắn liền với một nơi ở. Sự tương phản này có những hậu quả kinh tế sâu đậm, nhưng nó cũng còn có những hậu quả tâm lý, văn hóa. Vì những người di trú, người đi lại và du mục không cùng loại với những người ở yên tại một chỗ.
NHẠC FLAMENCO Ở THỤY ĐIỂN
Có thể vấn đề có ý nghĩa nhất về tâm lý của việc di động mà một cá nhân thực hiện là định vị lại về địa lý ngôi nhà của anh ta. Dạng cơ động địa lý rất rõ nét ở Mỹ và các quốc gia tiên tiến khác. Giữa tháng 3 năm 1967 và tháng 3 năm 1968, 36.600.000 người Mỹ đã thay đổi chỗ ở. Số người đó đông hơn dân số của các nước sau đây gộp lại : Campuchia, Gana, Goatêmala, Hondurat, Irắc, Itxraen, Mông Cổ, Nicaragoa và Tuynidi. Giống như toàn bộ dân số của các nước trên thình lình bị định cư lại. Và sự di chuyển qui mô lớn xảy ra hàng năm ở Mỹ.
Ở Anh, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Thụy Điển cũng có tốc độ di trú tăng hàng năm. Ngoài ra do sự thịnh vượng kinh tế ở Bắc Âu đã tạo ra sự thiếu hụt nhân công và đã thu hút số đông nông dân từ các nước : Angiêri, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Tư và Thổ Nhỉ Kỳ. Cách đây không lâu, ở Stốckhôm, chúng tôi đến ăn ở quán ăn Vivel là nơi gặp gỡ của những ngoại kiều Tây Ban Nha đến thưởng thức nhạc Flamenco trong bữa ăn tối của họ. Không người Thụy Điển nào, ngoại trừ vài người Angiêri và chúng tôi, tất cả mọi người nói
tiếng Tây Ban Nha. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà xã hội học Thụy Điển tranh cãi nhau về việc hoặc để người công nhân nước ngoài được hoà nhập vào văn hóa Thụy Điển, hoặc khuyến khích họ giữ nguyên truyền thống văn hóa của họ - chính xác là cùng lý luận về "sự hỗn hợp chủng tộc và văn hóa khác nhau" mà các nhà xã hội học Mỹ đã tranh cãi trong thời kỳ nhập cư mở rộng vào nước Mỹ.
DI TRÚ VỀ TƯƠNG LAI
Có sự khác nhau giữa những người di chuyển ở Mỹ và những người di trú ở châu Âu. Ở châu Âu, hầu hết sự di động mới có thể gán cho việc chuyển tiếp liên tục từ nông nghiệp sang công nghiệp ; từ quá khứ sang hiện tại. Chỉ một số nhỏ liên quan với việc chuyển tiếp từ công nghiệp sang siêu công nghiệp. Ngược lại, ở Mỹ sự phân phối lại liên tục về dân số không phải do suy thoái việc làm nông nghiệp. Nó nảy sinh từ việc tự động hóa và cách sống mới liên quan đến xã hội siêu công nghiệp, cách sống của tương lai.
Sẽ rất sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng tỷ lệ cao về sự di động địa lý chỉ tương quan với nghèo khổ, thất nghiệp hoặc dốt nát. Thực ra chính những người có bằng cấp, có nghiệp vụ là những người di chuyển nhiều và di chuyển xa hơn những người không có bằng cấp, không có nghiệp vụ. Chúng ta cũng thấy chính những nhà quản trị giàu có là những người di chuyển xa và thường xuyên. Những nhóm này - nghiệp vụ, kỹ thuật, quản lý - làm tăng cả trong số lượng tuyệt đối và tỷ lệ lực lượng lao động toàn bộ của xã hội siêu công nghiệp.
Giống như hàng triệu người nông dân nghèo khổ và thất nghiệp di chuyển từ nông thôn ra các thành phố kỹ nghệ hiện nay ở châu Âu, những nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật châu Âu đang di chuyển về Mỹ và Canađa, những quốc gia siêu công nghiệp.
Nhưng cũng có sự chảy "chất xám" ngay trong nước Mỹ, với hàng nghìn nhà khoa học và kỹ sư di chuyển tới lui như những phân tử, nguyên tử. Có hai dòng lưu động chính, một dòng từ phía bắc và dòng kia từ phía nam, cả hai dòng đều quy tụ ở Califócnia và ở các tiểu bang bờ biển Thái Bình Dương với trạm trung chuyển ở Denver. Một dòng khác từ phía nam hướng về Chicago, Cambridge, Princeton, Long Island. Ngược lại một dòng người xuống làm việc trong các công nghiệp điện tử và vũ trụ ở Florida.
Ngoài các nhóm lớn người quản lý, kỹ thuật và nghiệp vụ di chuyển thường xuyên và di chuyển xa, còn có các nhóm khác như gia đình các quân nhân, công nhân xây dựng, sinh viên và những người di chuyển trong cùng tiểu bang. Đối với hàng triệu người như thế và đặc biệt đối với những người của tương lai, "nhà là bất cứ nơi nào có thể tìm thấy".
TỰ TỬ VÀ ĐI NHỜ XE Ô TÔ
Việc phá bỏ khoảng cách địa lý mở ra một dạng tự do làm hồ hởi hàng triệu người. Tốc độ, di chuyển và định vị cùng nghĩa với tích cực đối với nhiều người. Điều này giải thích cho sự gắn bó tâm lý của người Mỹ và người châu Âu đối với xe ô tô - hiện thân công nghiệp của sự tự do không gian. Xe ô tô trở thành biểu tượng hiện đại của sự khởi đầu.
Đối với một gia đình người Mỹ gặp khó khăn về tài chính thì đồ vật cuối cùng họ phải bán là xe ô tô. Sự trừng phạt nặng nhất đối với thanh niên là không được cha mẹ cho lái xe đi chơi. Sự say mê sâu đậm về ô tô của thanh niên Mỹ đã gây ra nhiều thảm kịch như một thanh niên 17 tuổi đã tự tử ở bang Wisconsin vì cha anh ta không cho lái xe nữa sau khi bằng lái của anh ta bị thu vì vượt quá tốc độ cho phép.
Tự do đối với vị trí xã hội cố định liên quan chặt chẽ với tự do đối với vị trí địa lý cố định, khi con người siêu công nghiệp cảm thấy bị gò bó trong xã hội, phản ứng đầu tiên của họ là di chuyển đi nơi khác. Tư tưởng này ít khi xảy ra đối với người nông dân lớn lên trong làng hoặc với người thợ mỏ làm việc cực nhọc trong các mỏ sâu.
Sự biểu lộ cực độ của nhu cầu di chuyển được thấy ở các cô gái đi nhờ xe ô tô, họ bắt đầu thành lập một loại xã hội học thừa nhận của chính riêng họ. Họ đi nhờ xe ô tô khắp cả châu Âu, đi đến đâu họ làm việc để kiếm tiền sống và khi đủ tiền thì họ lại đi tiếp. Họ trở về nhà sau 6 hoặc 8 tháng, rồi sau đó lại đi tiếp.
Nói tóm lại, những nước đang ở giai đoạn chuyển tiếp sang siêu công nghiệp và trong số người của tương lai, di động là một cách sống, một sự giải phóng ra khỏi những giới hạn của quá khứ, một bước đi vào tương lai thịnh vượng.
NHỮNG NGƯỜI DI CHUYỂN BUỒN THẢM
Ngược lại với thái độ trên là thái đô của những người bất động. Không phải chỉ những người nông dân ở Ấn Độ hoặc Iran ở tại một chỗ suốt cuộc đời họ, mà còn có hàng triệu công nhân, đặc biệt là những người trong các nền công nghiệp lạc hậu. Sự thay đổi công nghiệp kéo theo sự thay đổi kinh tế đã làm cho các nền kỹ nghệ cũ bị lỗi thời và tạo ra những nền kỹ nghệ mới, hàng triệu công nhân không có tay nghề buộc phải di chuyển. Kinh tế đòi hỏi tính cơ động, hầu hết các chính phủ phương Tây như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Mỹ đã sử dụng số tiền lớn để khuyến khích công nhân phải được đào tạo lại và di chuyển theo việc làm.
Phản ứng của những người này rất rõ ràng. Họ cảm thấy mất mát, đau khổ, lòng mong mỏi kéo dài, giọng nói suy sụp, có hiệu chứng đau khổ tâm lý hoặc xã hội, ý thức vô dụng, và khuynh hướng lý tưởng hóa nơi ở cũ của họ.
Có một loại người khác cũng không thích ứng như những người trên là người nhập cư. Tâm lý của họ phát triển qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là tìm việc làm, kiếm tiền và tìm nơi ở, tâm lý trong giai đoạn này nói chung là họ cảm thấy bất an. Giai đoạn hai là sự băn khoăn và suy sụp tăng ; tự họ làm cho họ bận rộn ; họ ẩn mình không ra ngoài xã hội, ngược lại với giai đoạn đầu ; họ bắt đầu biểu lộ hận thù và nghi ngờ. Tâm lý giai đoạn này là không cảm thấy thoải mái và bị rối loạn. Giai đoạn này kéo dài từ một đến vài tháng. Sau đấy là giai đoạn ba. Hoặc họ tự điều chỉnh theo môi trường mới hoặc họ phát triển thần kinh không bình thường và xa rời thực tế. Nói tóm lại, một số người không bao giờ tự điều chỉnh để thích ứng.
BẢN NĂNG TRỞ VỀ NHÀ
Dù cho những người trên thích nghi được với môi trường mới, họ cũng không phải là họ như trước nữa. Họ phải phá bỏ hoàn toàn mối quan hệ cũ và xây dựng những mối quan hệ mới. Chính sự phá bỏ này nếu lập lại nhiều lần sẽ tạo ra tâm lý "mất sự ràng buộc". Những người hay di chuyển quá bận rộn nên không định cư lâu dài ở một nơi được. Do đó họ không muốn tham gia vào các hoạt động địa phương, và bị phê phán là làm mất lý tưởng truyền thống của nền dân chủ. Nếu một người thôi tham gia hoạt động xã hội, từ chối gia nhập tổ chức, từ chối quan hệ mật thiết với những người láng giềng, nói tóm lại là từ chối bị ràng buộc, việc gì sẽ xảy ra cho cộng đồng và bản thân người đó ? Cá nhân hoặc xã hội có thể sống còn không, có ràng buộc không ?
Sự ràng buộc rất đa dạng. Một trong những dạng đó là sự gắn bó với nơi chốn. Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của sự cơ động khi chúng ta thừa nhận sự tập trung vào một chỗ cố định trong kiến trúc tâm lý của con người truyền thống. Sự tập trung này phản ánh trong văn hóa chúng ta bằng nhiều cách. Thực vậy, văn minh tự nó bắt đầu với
nông nghiệp, nghĩa là sự định cư của những người du mục thời tiền sử. Chính từ ngữ "bén rễ" bắt nguồn từ nông nghiệp. Khái niệm nguồn gốc có ý nghĩa là chốn cố định, một ngôi nhà bám chặt vào đất. Trong thế giới đầy nguy hiểm, nhà là nơi trú ẩn an toàn, là nơi ở của thế hệ này sang thế hệ khác, là mối liên hệ của một người với thiên nhiên và quá khứ. Sự bất động của ngôi nhà được đảm bảo và được văn chương ca ngợi.
Trong thế giới nổi sóng vì cách mạng công nghiệp, không có lực nào có thể giữ con người của tương lai ở một chỗ cố định cả.
CHUYỂN NHƯỢNG VỀ ĐỊA LÝ
Người du mục thời quá khứ di chuyển qua những trận bão tuyết và cái nóng ran của sa mạc, luôn luôn bị cái đói theo đuổi, nhưng anh ta mang theo mình cái lều, gia đình và những người trong cùng bộ lạc. Anh ta mang môi trường xã hội và cấu trúc vật lý mà anh ta gọi là nhà. Ngược lại, những người du mục mới ngày nay bỏ tất cả cấu trúc vật lý lại phía sau, bỏ môi trường xã hội vừa mới làm quen. Họ bỏ lại tất cả trừ gia đình họ.
Nơi chốn không còn là nguồn chủ yếu về di động. Sự khác nhau giữa con người không còn tương quan chặt chẽ với nguồn gốc địa lý. Nhiều người không ở lâu tại một nơi để biết được đặc tính khu vực hoặc địa phương. Trước đây các trường đại học chỉ tuyển sinh viên tại địa phương của tiểu bang, họ xem sinh viên từ các bang khác đến là trái tuyến. Ngày nay vấn đề đó không còn tồn tại nữa, các trường đại học vẫn tuyển sinh viên tại tiểu bang, nhưng để tìm tính đa dạng họ phải tuyển mộ khắp nơi.
Sự di động đã xáo trộn tất cả đến nỗi những điểm khác nhau giữa con người không còn liên quan đến nơi chốn nữa. Sự suy thoái về ràng buộc với nơi chốn cũng đồng cảnh như thế. Đối với nhiều người lòng trung thành đối với thành phố, đối với nhà nước kém hơn cả
lòng trung thành đối với công ty, với nghề nghiệp hoặc với các hội tự nguyện. Như thế có thể nói rằng những mối ràng buộc đang dịch chuyển từ cấu trúc xã hội liên quan đến nơi chốn (thành phố, tỉnh, quốc gia hoặc láng giềng) sang những cấu trúc cơ động và không có nơi chốn (công ty, nghề nghiệp, bạn hữu).
Tuy nhiên sự ràng buộc dường như tương quan với khoảng thời gian quan hệ. Đã được đào tạo từ nhỏ với sự mong chờ theo thời gian, chúng ta đều biết đầu tư tình cảm cho những mối quan hệ thường xuyên hoặc lâu dài, trong khi kìm nén tình cảm càng nhiều càng tốt cho những mối quan hệ ngắn hạn. Sự suy thoái về ràng buộc với nơi chốn không những chỉ liên quan với tính cơ động mà chính là người đồng hành với sự cơ động. Khi một người chấm dứt mối quan hệ của anh ta với ngôi nhà, cũng có nghĩa là chấm dứt mối quan hệ của anh ta với các loại nơi chốn láng giềng. Anh ta thay đổi siêu thị, nơi mua xăng, nơi cắt tóc... như thế cắt bỏ mối quan hệ nơi chốn khác cùng với cắt bỏ mối quan hệ với ngôi nhà.
Chúng ta đã thấy rõ ràng hơn làm thế nào sức đẩy gia tăng trong xã hội ảnh hưởng đến cá nhân. Vì sự thâu tóm các mối quan hệ với nơi chốn của con người là song song với việc cắt bỏ mối quan hệ của họ với đồ vật. Trong cả hai trường hợp, cá nhân bắt buộc phải tạo ra và cắt bỏ mối quan hệ càng nhanh càng tốt. Trong cả hai trường hợp, mức độ tính nhất thời tăng lên. Trong cả hai trường hợp, họ có nhịp điệu cuộc sống nhanh hơn.
Chương 6 CON NGƯỜI : NGƯỜI MÔĐUN
Sự tụ họp nhất thời của một số đông người có thể tạo ra sự đa dạng về các mối quan hệ tạm thời giữa người với người. Và chính sự tạm thời này mô tả đặc điểm, mối quan hệ con người khi chúng ta tiến về nền siêu công nghiệp. Vì giống như đồ vật và nơi chốn đi qua cuộc sống của chúng ta với tốc độ nhanh thì con người cũng vậy.
CÁI GIÁ DÍNH LÍU
Thay vì dính líu quá sâu đậm với toàn bộ cá nhân tính của mỗi cá nhân chúng ta gặp, chúng ta chỉ duy trì mối quan hệ hời hợt và từng phần với một số người. Chúng ta chỉ quan tâm đến khả năng của người bán giày đáp ứng được nhu cầu của chúng ta, chúng ta không quan tâm gì đến việc bà vợ của ông ta là người nghiện rượu.
Điều này có nghĩa là chúng ta thành lập những mối quan hệ dính líu giới hạn với hầu hết mọi người xung quanh ta. Có ý thức hay không, chúng ta xác định mối quan hệ của chúng ta với hầu hết mọi người theo chức năng. Chừng nào mà chúng ta không dính líu với các vấn đề của người bán giày ở nhà ông ta, thì đối với chúng ta ông ta hoàn toàn có thể thay thế được với những người bán hàng khác có cùng khả năng. Như thế chúng ta đang áp dụng nguyên lý mô đun cho các mối quan hệ con người. Chúng ta đã tạo ra người có thể vứt bỏ được : người mô đun.
Mỗi cá nhân có thể hình dung được cấu tạo bằng hàng nghìn khối mô đun để làm thành cá nhân tính của mỗi con người. Như thế người này không thay thế bằng người khác được. Nhưng một số mô đun thay được. Vì chúng ta chỉ cần mua giầy chớ không cần tình bạn, sự ghét bỏ v.v... do đó chúng ta không cần liên quan gì đến những mô đun khác của người bán giày làm thành cá nhân tính của
anh ta. Quan hệ của chúng ta được giới hạn an toàn. Có trách nhiệm pháp lý cho cả hai bên. Mối quan hệ kéo theo cách cư xử và thông tin chấp nhận được. Cả hai bên đều hiểu giới hạn và luật pháp. Khó khăn sẽ sinh ra khi một bên vượt qua giới hạn đã được hiểu ngầm, bên kia nối với một số mô đun vượt ra ngoài chức năng sẵn có.
Bất kỳ mối quan hệ nào cũng ẩn ngầm những đòi hỏi và mong chờ lẫn nhau. Mối quan hệ càng dính líu thân mật bao nhiêu, thì áp lực càng nặng cho cả hai bên mong muốn bên kia thực hiện điều mong muốn bấy nhiêu. Mối quan hệ càng chặt chẽ và toàn diện bao nhiêu thì càng nhiều mô đun được đưa ra sử dụng, và càng nhiều đòi hỏi phải được đáp ứng. Trong mối quan hệ mô đun, những đòi hỏi bị giới hạn chặt chẽ. Chúng ta không đòi hỏi người ta phải thế này thế kia, phải tin này tin kia, v.v… Ngược lại họ cũng không đòi hỏi gì ở ta ngoài chức năng mô đun vừa thực hiện xong. Điểm này không thể có trong mối quan hệ toàn diện. Đến một mức độ nào đó, sự chia thành từng mảnh và sự tự do đi chung với nhau.
Quay trở lại với mối quan hệ toàn diện chính là quay trở lại sự cầm tù của quá khứ, một quá khứ mà cá nhân phải gắn chặt với người này người khác, nhưng đồng thời cũng gắn chặt với các quy định xã hội, các giới hạn chính trị và tôn giáo.
KHOẢNG THỜI GIAN NHỮNG MỐI QUAN HỆ CON NGƯỜI
Tất cả chúng ta đề cập đến mối quan hệ con người, như chúng ta đề cập đến những loại quan hệ khác, với một bộ mong chờ theo thời gian. Chúng ta hy vọng rằng một số loại quan hệ sẽ kéo dài hơn những mối quan hệ khác. Thực vậy, có thể xếp loại các mối quan hệ với người khác theo khoảng thời gian mong muốn. Dĩ nhiên những mối quan hệ này thay đổi theo văn hóa và theo con người. Tuy nhiên, thông qua các tầng lớp dân số khác nhau của các xã hội công nghiệp tiên tiến, thứ tự phân loại có thể như sau :
Quan hệ lâu dài : Quan hệ chặt với gia đình, quan hệ ít hơn với bà con họ hàng, mối quan hệ suốt cả cuộc đời của hai bên. Mối quan hệ này có thể bị phá bỏ do ly dị. Nó có còn là sự mong đợi thực tế và đúng mực hay không trong xã hội có tính nhất thời cao thì còn phải tranh luận nhiều. Tuy nhiên sự việc vẫn tồn tại là mối quan hệ gia đình được hy vọng là dài hạn, nếu không nói là cả cuộc đời, và được gán cho là có tội đối với những người muốn phá vỡ mối quan hệ như thế.
Quan hệ thời gian vừa phải. Đó là những mối quan hệ với bạn bè, với láng giềng, với đồng nghiệp và với những thành viên của nhà thờ, câu lạc bộ và các tổ chức tự nguyện.
Từ xưa mối quan hệ bạn bè được xem lâu dài như mối quan hệ gia đình. Văn hóa ca ngợi tình bạn cũ và khiển trách những ai bỏ rơi tình bạn bè.
Quan hệ láng giềng không còn được xem như là quan hệ lâu dài. Quan hệ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian cá nhân ở tại một chỗ, khi họ di chuyển sang chỗ ở khác thì mối quan hệ cũng chấm dứt.
Quan hệ đồng nghiệp kéo dài trong khoảng thời gian làm ở một nơi. Khi chuyển chỗ làm việc thì quan hệ này cũng thay đổi. Quan hệ thành viên là mối quan hệ với những người trong nhà thờ hoặc các tổ chức dân sự, đảng phái chính trị v.v... Quan hệ kéo dài khi thành viên cảm thấy tổ chức đó không gây nguy hiểm gì cho họ.
Quan hệ ngắn hạn : Hầu hết quan hệ dịch vụ rơi vào trong loại này. Đây là mối quan hệ với người bán hàng, người bán xăng, người cắt tóc v.v… Sự chuyển giao trong các mối quan hệ này tương đối nhanh và không cảm thấy phạm tội khi cắt đứt quan hệ. Trừ các loại dịch vụ nghề nghiệp như bác sĩ, luật sư, kế toán... có những mỗi quan hệ lâu dài hơn.
Những loại quan hệ trên không phải là cứng nhắc. Trong mỗi mối quan hệ đều có trường hợp ngoại tệ. Nhưng nói chung, mối quan hệ trung bình giữa người với người trong cuộc sống của chúng ta càng ngày càng ngắn hạn theo thời gian.
ĐÓN CHÀO NHANH LÊN
Tiếp tục đô thị hóa là một trong những áp lực đưa chúng ta tiến về "tạm thời hóa" trong mối quan hệ con người của chúng ta. Việc đô thị hóa mang một số lớn người ở cạnh nhau, do đó làm tăng số tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, quá trình này được tăng cường bằng sự di động địa lý. Sự di động địa lý không những chỉ làm tăng số nơi chốn trong cuộc đời chúng ta, mà nó còn làm tăng dòng người đi qua cuộc đời chúng ta.
Việc đi lại tăng lên cũng làm tăng những mối quan hệ nhất thời với hành khách, với nhân viên khách sạn, với người lái xe tắc xi, với đồng nghiệp, với bạn của bạn, với nhân viên hải quan v.v... Một cá nhân càng di động nhiều bao nhiêu thì số lượng gặp mặt đối mặt, tiếp xúc trực tiếp càng nhiều bấy nhiêu, mối quan hệ vô cùng ngắn ngủi và bị nén theo thời gian. Con người di động đến chỗ ở mới và bắt đầu làm lại tất cả các mối quan hệ nhất thời. Tuy nhiên, quá trình quan hệ với láng giềng và bạn mới được đẩy nhanh nhờ sự có mặt của một số người chuyên làm nghề gọi là "môi giới hòa nhập".
Những người "môi giới hòa nhập" này viếng thăm những người mới đến, trả lời những câu hỏi về cộng đồng, để lại tờ quảng cáo về các cửa hiệu, đôi khi là món quà nhỏ. Những người khác trong cộng đồng cũng giúp đẩy nhanh quá trình hình thành mối quan hệ mới cho những người mới đến. Các tổ chức địa phương như nhà thờ, các đảng phái chính trị, tổ chức phụ nữ cũng giữ phần quan trọng trong việc giúp cá nhân hòa nhập nhanh vào cộng đồng.
TÌNH BẠN TRONG TƯƠNG LAI
Mỗi lần gia đình di chuyển, họ có khuynh hướng bỏ một số bạn bè thường. Sự chia tay không có nghĩa chấm dứt mọi quan hệ. Chúng ta vẫn giữ liên lạc với một hay hai người bạn ở chỗ cũ, và chúng ta có khuynh hướng giữ liên lạc không thường xuyên với họ hàng. Nhưng với mỗi lần di chuyển là có sự tiêu hao chết người. Đầu tiên là thư từ tới lui, đôi khi còn có thăm viếng hoặc điện thoại. Nhưng dần dần những việc trên giảm chu kỳ. Sau cùng, tất cả chấm dứt.
Sự ổn định dựa trên những mối quan hệ thân thiết sẽ không có hiệu quả do sự di động nhiều, do khoảng quyền lợi quá rộng, và do khả năng thay đổi để thích nghi trong các thành viên của một xã hội tự động hóa cao. Cá nhân sẽ phát triển khả năng thành lập các mối quan hệ bạn thân trên cơ sở có chung quyền lợi hoặc liên kết nhóm nhỏ, và họ cũng dễ dàng bỏ những tình bạn này khi họ di chuyển đến nơi khác. Họ lại bắt đầu từ đầu. Quyền lợi sẽ thay đổi nhanh. Khả năng thành lập rồi bỏ rơi, hoặc hạ thấp mối quan hệ thân thiết nhanh chóng do việc di động tăng, sẽ giúp cho cá nhân có thêm nhiều bạn hơn hiện nay. Tình bạn trong tương lai sẽ cung cấp sự thỏa mãn khi thay thế tình bạn lâu dài bằng tình bạn thân thiết ngắn hạn.
BẠN TỪ THỨ HAI ĐẾN THỨ SÁU
Sự chuyên môn hóa làm tăng số lượng các nghề nghiệp khác nhau. Cùng lúc đó, sự đổi mới công nghiệp làm giảm tuổi thọ của bất kỳ nghề nghiệp nào đã cho. Sự nổi lên và suy thoái nghề nghiệp quá nhanh đến nỗi người ta luôn luôn không có lòng tin vào nghề nghiệp. Ngay cả khi tên của nghề nghiệp vẫn giữ nguyên, nội dung của công việc thường xuyên bị biến đổi, và người làm công việc đó luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên việc chuyển giao công việc không phải là hậu quả trực tiếp của sự thay đổi công nghiệp. Nó phản ánh sự hòa nhập xảy ra khi kỹ nghệ khắp nơi tự tổ chức và tổ chức lại để thích nghi với môi trường thay đổi nhanh, để theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngày nay, vì mục đích tính toán nhân công, người làm việc được xếp loại theo công việc hiện nay của họ như "vận hành máy", "người bán hàng", "người viết chương trình máy tính"… Hệ thống này sinh ra từ giai đoạn ít năng động, hiện nay không còn đủ và đúng nữa. Xếp loại người làm việc không phải chỉ theo công việc hiện nay của họ, nhưng còn phải theo quỹ đạo đặc biệt mà nghề nghiệp của họ sẽ đi theo. Khi được hỏi "Anh làm nghề gì ?", người của kỷ nguyên siêu công nghiệp sẽ trả lời không phải theo công việc hiện nay (nhất thời) nhưng theo quỹ đạo công việc của anh ta, dạng tổng thể của tiểu sử công việc của anh ta. Những tên công việc như thế phù hợp với thị trường việc làm siêu công nghiệp hơn là cách diễn tả thụ động hiện nay. Cách này không tính đến những gì cá nhân đã làm trong quá khứ, hoặc những gì sẽ làm trong tương lai.
Bất kỳ sự thay đổi nào trong công việc cũng kéo theo một số stress. Cá nhân phải bỏ những thói quen cũ, cách đối phó cũ, và học cách mới để làm việc. Ngay cả khi công việc tương tự, nhưng ở môi trường khác. Cũng giống như trường họp chuyển nhà đến chỗ mới, người mới đến bị áp lực thành lập nhanh những mối quan hệ mới. Đối với công việc cũng thế, có người "môi giới hòa nhập" để giúp người mới đến hòa nhập ngay vào chỗ làm mới. Cá nhân cũng tìm cách gia nhập tổ chức - thường là không chính thức và là loại bè phái hơn là hệ thống tổ chức của công ty. Biết rằng không có công việc nào là "thường xuyên" có nghĩa là các mối quan hệ tạo thành là có điều kiện, mô đun và tạm thời.
NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TUYỂN MỘ VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀO NGŨ
Nhóm đầu tiên thay đổi công việc nhiều nhất là những người nghèo, không có tay nghề. Vì nền kinh tế càng tiến lên đòi hỏi tay nghề cao nên những người nghèo chuyển từ việc làm này sang việc làm khác
giống như quả bóng bàn. Họ là những người được tuyển mộ sau cùng và bị sa thải trước tiên.
Nhóm thứ hai thay đổi công việc ngày càng nhiều là nhóm đại diện cho ngày mai - các nhà khoa học và kỹ sư, những người có nghiệp vụ cao và kỹ thuật viên, các nhà quản trị và quản lý. Lý do họ thay đổi công việc rất dễ phát hiện. Công nghiệp thay đổi kéo theo sự lỗi thời về kiến thức, thay đổi càng nhanh thì lỗi thời càng nhanh, nên các nhà khoa học và kỹ sư trong công nghiệp nghiên cứu và phát triển đã thay đổi công việc nhiều gấp đôi so với các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp thông tin đại chúng, đặc biệt là quảng cáo, cũng chịu sự thay đổi người làm việc cao. Điều đó phản ánh sự thay đổi nhanh trong thị hiếu người tiêu dùng, trong nghệ thuật và trong sản phẩm.
Nhưng có lẽ sự thay đổi gây ấn tượng sâu sắc nhất là ở hàng ngũ các nhà quản lý. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự lỗi thời dường như là vấn đề sắp xảy ra cho công tác quản lý vì ưu điểm tương đối về kinh nghiệm đối với kiến thức đang giảm nhanh. Bởi vì cần nhiều thời gian để đào tạo công tác quản lý hiện đại và sự đào tạo này tự nó trở thành lỗi thời sau một thập kỷ giống như đào tạo kỹ sư, nên đã có người đề nghị lập kế hoạch đi xuống chứ không phải đi lên như hiện nay. Nghĩa là đặt người vừa mới tốt nghiệp quản lý vào vị trí cao nhất rồi sau đó hạ thấp vị trí của họ dần dần hoặc cho ra ngoài.
Tỷ lệ gia tăng thay đổi công việc trong nghề quản trị đi theo những dạng đặc thù của nó. Một nhà quản trị chủ chốt đào ngũ không chỉ kéo theo một loạt thay đổi công việc quản trị nhưng cũng thường kéo theo một loạt thay đổi phụ. Khi thủ trưởng dời đi, ông ta thường được cấp dưới đề nghị cho đi theo, và kết quả là một loạt thay đổi người làm việc ở mọi cấp.
THUÊ - MỘT NGƯỜI
Mỗi công việc thay đổi ẩn ngầm sự tăng số người đi qua cuộc đời của chúng ta, và khi tỷ lệ thay đổi công việc tăng lên, khoảng thời
gian quan hệ giảm xuống. Điều này biểu hiện rõ trong việc tăng nổi bật dịch vụ giúp đỡ tạm thời. Ngày nay ở Mỹ chừng 1 trên 100 người lao động làm việc cho các công ty gọi là "dịch vụ giúp đỡ tạm thời", các công ty này thuê họ làm việc cho các công ty kỹ nghệ có nhu cầu tạm thời.
Ngày nay chừng 500 cơ quan giúp đỡ tạm thời cung cấp cho công nghiệp chừng 750.000 người lao động ngắn hạn từ thư ký, thường trực, đến kỹ sư quốc phòng. Những người làm việc tạm thời được sử dụng trong các cuộc bầu cử chính trị để sử dụng điện thoại hoặc máy in rônêô. Họ cũng được gọi cho những nhiệm vụ khẩn cấp trong nhà máy in, bệnh viện và phân xưởng.
Việc thuê người làm việc tạm thời cho những nhu cầu tạm thời giống như thuê một đồ vật, đang phát triển nhanh trong các nước công nghiệp hóa. Đối với những người làm việc tạm thời này, điều quan trọng nhất là họ có thể làm việc nhiều ở đâu và khi nào họ muốn. Đối với một số thì đây là cách mở rộng mối quan hệ xã hội của họ.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ MẤT BẠN
Việc tăng tỷ lệ thay đổi công việc và sự phát triển việc thuê người làm việc tạm thời sẽ làm tăng nhịp điệu mà mối quan hệ con người được thành lập và bị quên. Tuy nhiên việc gia tăng này ảnh hưởng đến các nhóm khác nhau trong xã hội với những cách khác nhau. Như thế, cá nhân giai cấp lao động có khuynh hướng sống gần nhau hơn, phụ thuộc vào người thân nhiều hơn nhóm giai cấp trung lưu và thượng lưu. Người giai cấp lao động thường ít tinh thông trong việc thích nghi với những mối quan hệ tạm thời. Họ cần nhiều thời gian hơn để có mối quan hệ và miễn cưỡng mất quan hệ. Điều đó giải thích tai sao họ miễn cưỡng di chuyển hay thay đổi công việc. Họ đi khi phải đi, nhưng không phải do chọn lựa.
Ngược lại, các nhà khoa học, nghiệp vụ và giai cấp thượng lưu chỉ có những mối quan hệ quyền lợi trong khoảng không gian vật lý rộng rãi nên có thể nói họ có nhiều mối quan hệ chức năng. Những người di động dễ dàng lập mối quan hệ mới và quan hệ quyền lợi là đặc tính của nhóm này. Những người có khả năng tạo ra mối quan hệ và cắt đứt mối quan hệ dễ dàng là những người được hưởng sự giàu có trong xã hội.
Những thành phần quan trọng nhất của các cá nhân thành công như quản lý và quản trị công ty là việc xác định tình cảm sâu đậm với đại gia đình của họ đã bị tan rã, họ không còn quan hệ gì với quá khứ và do đó họ có khả năng tự quan hệ dễ dàng với hiện tại và tương lai. Họ là những người bỏ nhà theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tự họ có thể liên quan hoặc không liên quan với những người khác dễ dàng. Khi họ di chuyển, họ bỏ lại phía sau cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con.
BAO NHIÊU BẠN ?
Nhiều hoạt động xã hội của cá nhân có thể được diễn tả như là đi tìm bạn mới thay thế cho những người cũ hoặc những người không còn chung quyền lợi. Việc tìm những người có chung quyền lợi hoặc khuynh hướng để tình bạn có thể nở hoa là không dễ dàng gì trong một xã hội mà sự chuyên môn hóa mọc lên nhanh chóng. Sự chuyên môn hóa này không phải chỉ cho công việc mà còn cho sự giải trí. Tính đa dạng trong công việc và trong giải trí càng lớn bao nhiêu thì càng khó tìm được đúng bạn bấy nhiêu. Theo các điều tra cho thấy đối với những người có nghiệp vụ cao thì trong 1 triệu người may ra họ tìm được chừng 20 người bạn đáng quan tâm.
ĐÀO TẠO TRẺ CON CHO VIỆC THAY ĐỔI
Khi cha mẹ di động sang nơi làm việc khác, điều tất yếu là con cái của họ phải đi theo. Giống như cha mẹ chúng, chúng cũng phải tạo ra những mối quan hệ mới với trường, lớp, thầy cô v.v... Tác động của sự di động như thế rất nặng nề cho cả thầy giáo và cho cả học sinh, vì thầy giáo cảm thấy bị ăn cắp tình cảm trong việc quan sát đứa trẻ phát triển trong sự đào tạo của họ. Ngày nay vấn đề đó lại tăng thêm do có tỷ lệ cao về việc thay đổi nơi làm việc của các thầy cô giáo.
Chương 7 TỔ CHỨC : HỆ THỐNG LÂM THỜI SẮP ĐẾN
Nếu những lời phê bình xã hội chính thống là đúng trong việc dự đoán một tương lai siêu quan liêu hóa và được tổ chức thành từng đoàn, chúng ta phải dựng hàng rào cản, đục lỗ trong thẻ máy tính IBM, lợi dụng mọi cơ hội để làm sụp đổ guồng máy tổ chức. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ ra ngoài những khái niệm rỗng tuếch của chúng ta và thay vào đó là nhìn thẳng vào sự việc, chúng ta phát hiện rằng hệ thống quan liêu, chính hệ thống được giả thiết sẽ đè nát chúng ta dưới sức nặng của nó, tự nó cũng đang rên rỉ với sự thay đổi.
Những loại tổ chức mà các lời phê bình dự đoán trong tương lai là những loại tổ chức dường như không thể thống trị trong tương lai. Vì chúng ta đang chứng kiến không phải là sự chiến thắng, mà là sự đổ vỡ của hệ thống quan liêu. Thực vậy, chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của một hệ thống tổ chức mới đang tăng dần sự thách đố và sau cùng hất cẳng hệ thống quan liêu. Đây là tổ chức của tương lai, tôi gọi nó là "hệ thống lâm thời".
Con người sẽ gặp vô vàn khó khăn trong vấn đề thích nghi với loại tổ chức mới này. Nhưng thay vì bị bẫy vào trong cơ chế không thay đổi và phá hoại nhân tính, con người sẽ thấy họ được giải phóng trong một thế giới tự do mới của tổ chức động lực học. Trong bối cảnh lạ này, vị trí của họ không ngừng thay đổi và biến đổi. Những mối quan hệ tổ chức của họ, giống như những mối quan hệ với đồ vật, nơi chốn và con người, sẽ thay đổi theo tốc độ gia tăng dữ dội.
CÔNG GIÁO, BÈ PHÁI VÀ GIỜ NGHỈ GIẢI LAO
Trước khi chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của chữ "hệ thống lâm thời", chúng ta cần phải công nhận rằng không phải tất cả tổ chức là quan liêu. Có nhiều cách khác nhau để tổ chức con người. Hệ thống quan liêu, như Max Weber đã chỉ rõ, không trở thành phương thức ưu việt về tổ chức con người ở phương Tây cho đến khi hệ thống công nghiệp xuất hiện. Cuốn sách này không diễn tả chi tiết các đặc tính của hệ thống quan liêu, nhưng chúng ta cần chú ý đến ba sự việc cơ bản. Đầu tiên, trong hệ thống tổ chức đặc biệt này, cá nhân chiếm một vị trí rõ ràng trong tổ chức lao động. Thứ hai, họ phải khớp với cấp bậc tôn ti, trật tự ngành dọc, dây chuyền lệnh từ thủ trưởng xuống người phục vụ thấp nhất. Thứ ba, quan hệ tổ chức của họ có khuynh hướng lâu dài, như Weber đã nhấn mạnh.
Do đó, mỗi cá nhân giữ một vị trí cụ thể, một vị trí cố định trong một môi trường ít nhiều cố định. Họ biết chính xác vị trí đơn vị họ ở đâu ; ranh giới giữa tổ chức và đơn vị của họ được xác định rõ ràng tại chỗ. Khi được nhận vào trong một tổ chức, cá nhân chấp nhận tuân theo một số nghĩa vụ cố định để được đền đáp lại bằng sự ban thưởng. Những nghĩa vụ và ban thưởng này vẫn giữ nguyên trong một khoảng thời gian rất lâu. Như thế cá nhân đi vào trong mạng quan hệ thường trực - không phải chỉ với người khác (mà họ cũng có khuynh hướng giữ nguyên vị trí trong thời gian dài) - mà với khung tổ chức, cơ chế.
Một số cơ chế này kéo dài lâu hơn những cơ chế khác. Nhà thờ Công giáo là một khung thép kéo dài 2000 năm với một số tổ chức bên trong hầu như không thay đổi hàng thế kỷ. Ngược lại, đảng phát xít Nazi của Đức đã đưa châu Âu vào bể máu thì tổ chức của nó chỉ kéo dài ít hơn 1/4 thế kỷ.
Giống như tổ chức tồn tại trong thời gian dài hoặc ngắn, mối quan hệ của cá nhân với bất kỳ cơ chế tổ chức cụ thể nào cũng thế. Như thế mối quan hệ của cá nhân với phòng, cục, đảng chính trị, đoàn
thể, câu lạc bộ, hoặc các đơn vị khác cùng loại có sự bắt đầu và kết thúc theo thời gian. Cũng thế nếu họ là thành viên của các tổ chức không chính thức như nhóm, bè phái, nhóm giải trí v.v... Mối quan hệ của họ bắt đầu khi gia nhập tổ chức và có nghĩa vụ với tổ chức. Mối quan hệ chấm dứt khi họ rời bỏ hoặc bị sa thải, hoặc chính tổ chức không còn tồn tại.
Dĩ nhiên, đây là điều xảy ra khi tổ chức tan rã chính thức. Nó xảy ra khi các thành viên thấy không còn có quyền lợi gì và không đến nữa. Nhưng tổ chức cũng có thể không còn tồn tại theo nghĩa khác. Nói cho cùng thì tổ chức không là gì ngoài việc tập hợp những mục tiêu, hy vọng và nghĩa vụ của con người. Nói cách khác, nó là cấu trúc nhiệm vụ do con người thực hiện. Khi tổ chức biến đổi cấu trúc này bằng việc xác định lại và phân phối lại những nhiệm vụ này, chúng ta có thể nói rằng tổ chức cũ đã chết và tổ chức mới thay thế. Điều này cũng đúng ngay cả nếu nó giữ nguyên tên cũ và có cùng thành viên như trước. Sự sắp xếp lại nhiệm vụ tạo ra một cơ chế mới giống như việc sắp xếp lại các bức tường di động được trong một tòa nhà, biến đổi tòa nhà thành một cấu trúc mới.
Do đó mối quan hệ giữa một người và một tổ chức bị cắt đứt hoặc do họ bỏ đi, hoặc do giải tán tổ chức, hoặc do việc biến đổi bằng sự tổ chức lại. Khi tổ chức mới hình thành, cá nhân cắt đứt mối quan hệ với cấu trúc cũ, quen thuộc nhưng không còn tồn tại, và bắt đầu quan hệ với cấu trúc mới thay thế cái cũ.
Ngày nay có bằng chứng là khoảng thời gian mối quan hệ với tổ chức của cá nhân đang co lại, và những mối quan hệ này đang chuyển giao với tốc độ ngày càng nhanh. Chúng ta sẽ thấy một số lực có uy quyền lớn đang tiêu diệt chế độ quan liêu.
SỰ BIẾN ĐỘNG TỔ CHỨC
Đã có một thời khi sơ đồ tổ chức trình bày rõ ràng các ô, mỗi ô có một người phụ trách và các đơn vị phụ thuộc anh ta. Mỗi cơ chế quan liêu của bất kỳ cấp nào, dù là công ty, trường đại học hoặc cơ quan nhà nước đều có sơ đồ tổ chức riêng, trình bày những người quản lý với mạng lưới tổ chức chi tiết. Một khi đã được vẽ, sơ đồ như thế trở thành một phần cố định của điều lệ tổ chức, được dùng cho nhiều năm. Ngày nay, ranh giới tổ chức thay đổi thường xuyên đến mức một sơ đồ quá 3 tháng được xem như là đồ tạo tác lịch sử.
Tổ chức thay đổi nội thể thường xuyên, chức vụ thay đổi hàng tuần, công việc bị biến đổi, trách nhiệm bị dịch chuyển. Cơ cấu tổ chức rộng lớn bị tách rời ra từng phần, sắp xếp theo dạng mới, rồi lại sắp xếp. Các phòng ban xuất hiện rồi lại biến mất trong tổ chức khác. Sự cải tổ này nổi lên từ đợt sóng nhập vào và tách ra đang quét qua nền công nghiệp của Mỹ và Tây Âu. Cuối những năm 60 đã thấy sự nổi lên của các công ty khổng lồ đa dạng. Những năm 70 có thể thấy làn sóng gạt bỏ vì các công ty củng cố các chi nhánh và bán bớt các chi nhánh gây phiền phức. Tổ chức nội bộ dĩ nhiên cũng không tránh khỏi sau khi có sự hòa nhập như thế, nhưng việc tổ chức nội bộ cũng có thể do từ những lý do khác. Hầu hết các công ty không muốn để cho công chúng biết những xáo trộn trong tổ chức nội bộ của họ.
Các cơ quan nhà nước cũng không tránh khỏi sự xáo trộn. Rất hiếm có Bộ nào quan trọng trong các nước công nghiệp tiên tiến lại không chịu sự thay đổi tổ chức nối tiếp nhau trong những năm gần đây. Những thay đổi như thế trong tổ chức chính phủ rất dễ nhận thấy, vì sự chấn động tổ chức ảnh hưởng tới các cơ quan cấp dưới giống hệt như thế. Hầu hết các tổ chức có kết cấu được thiết kế để giải quyết vấn đề không còn tồn tại nữa. Tổ chức tự đổi mới là tổ chức thay đổi thường xuyên kết cấu của nó để đáp ứng những nhu cầu thay đổi.
Thay đổi tổ chức hoặc tự đổi mới là một đáp ứng cần thiết và không tránh được đối với sự gia tăng thay đổi. Đối với những cá nhân trong các tổ chức này, sự thay đổi tạo ra không khí mới và vấn đề mới. Sự chuyển giao thiết kế tổ chức có nghĩa là mối quan hệ cá nhân với bất kỳ cấu trúc nào được cắt ngắn theo thời gian. Với mỗi thay đổi, họ phải tự định hướng lại. Kết quả là những mối quan hệ tổ chức của con người ngày nay có khuynh hướng thay đổi với nhịp điệu nhanh hơn trước. Mối quan hệ trung bình ít thường trực hơn, nhiều tạm thời hơn trước kia.
BẠN LÂM THỜI MỚI
Tỉ lệ chuyển giao cao được biểu tượng bằng sự tăng nhanh của cái mà các nhà quản trị gọi là quản lý "đề án" hoặc "đặc nhiệm". Các đội được tập hợp để giải quyết các vấn đề cụ thể ngắn hạn có thể chỉ vài ngày, hoặc có thể vài năm. Sau đó họ bị giải tán và thành phần con người được chỉ định việc khác. Nhưng không giống như các ban, vụ, cục của tổ chức quan liêu truyền thống, đội đề án hoặc đặc nhiệm là tạm thời theo thiết kế.
Lực lượng đặc nhiệm và các nhóm lâm thời khác đang nẩy nở trong chế độ quan liêu của chính phủ và kinh doanh, cả ở Mỹ và ở nước ngoài. Các đội lâm thời mà thành viên được tụ họp để giải quyết vấn đề cụ thể và sau đó chia tay, là một đặc trưng của khoa học, được tạo ra để kiểm tra chất lượng động lực học của cộng đồng khoa học. Các thành viên liên tục di động theo tổ chức nếu không nói là theo địa lý.
Rõ ràng không có gì mới về khái niệm tập hợp một nhóm làm việc giải quyết một vấn đề cụ thể, sau đó giải tán nó khi công việc hoàn thành. Cái mới là chu kỳ mà các tổ chức phải nhờ vào các tổ chức tạm thời như thế. Các kết cấu dường như thường trực của nhiều tổ
chức lớn, thường vì họ chống lại sự thay đổi, bây giờ bị thâm nhập nặng nề bởi các đội lâm thời đó.
Bề ngoài thì việc gia tăng tổ chức tạm thời dường như không có ý nghĩa. Thế nhưng cách làm này tàn phá khái niệm truyền thống về tổ chức là gồm ít nhiều kết cấu thường trực. Các tổ chức dùng xong vứt đi, các đội hoặc ban lâm thời không cần thiết thay thế các kết cấu chức năng thường trực, nhưng chúng buộc các tổ chức thường trực thừa nhận chúng và lấy người cùng quyền lực của các tổ chức đó. Ngày nay, trong khi các bộ phận chức năng tiếp tục hiện hữu, ngày càng có nhiều đội đề án, đặc nhiệm và các cấu trúc tổ chức tương tự nổi lên giữa các bộ phận chức năng, rồi sau đấy biến mất. Và con người, thay vì ngồi ở vị trí cố định trong tổ chức chức năng, thì di chuyển qua lại với tốc độ cao. Họ thường giữ chỗ ở cơ sở chức năng của họ nhưng thường xuyên tách ra để phục vụ các đội tạm thời.
Chừng nào mà xã hội tương đối ổn định và không thay đổi, các vấn đề dường như là thủ tục và có thể đoán trước được. Các tổ chức trong một môi trường như thế có thể là tương đối thường trực. Nhưng khi sự thay đổi gia tăng, ngày càng có nhiều vấn đề mới lần đầu tiên xuất hiện, và các hình thức tổ chức truyền thống chứng tỏ không có hiệu quả đối với những điều kiện mới. Các cấu trúc tổ chức chức năng truyền thống được tạo ra để đối phó với những điều kiện dự kiến được và không có gì mới, chứng tỏ không có khả năng đáp ứng một cách có hiệu quả đối với những thay đổi cơ bản trong môi trường. Như thế các cấu trúc nhiệm vụ tạm thời được tạo ra khi toàn bộ tổ chức đang chiến đấu để sống còn và phát triển. Quy trình này tương tự như hệ thống mô đun trong kiến trúc. Chúng ta đã định nghĩa hệ thống mô đun là sự cố gắng làm cho tuổi thọ của toàn bộ cấu trúc kéo dài hơn bằng cách làm ngắn tuổi thọ của các thành phần của nó. Điều này cũng áp dụng cho tổ chức, nó giúp giải thích
sư tăng các thành phần tổ chức ngắn hạn hoặc sử dụng xong giải tán ngay.
Tóm lại, vị trí tổ chức của xã hội siêu công nghiệp có thể được hy vọng trở thành động lực hơn với sự rối loạn và thay đổi. Môi trường càng thay đổi nhanh bao nhiêu thì tuổi thọ của các hình thức tổ chức càng ngắn. Trong cấu trúc hành chính cũng như trong cấu trúc kiến trúc, chúng ta đang chuyển từ hình thức lâu dài sang hình thức tạm thời, từ vĩnh cửu sang nhất thời. Chúng ta đang chuyển từ quan liêu sang lâm thời.
Theo cách này, sức đẩy gia tăng tự nó biến thành tổ chức. Tính bất biến là một trong những đặc tính định danh của hệ thống quan liêu đang bị phá bỏ, và chúng ta phải đi đến kết luận : mối quan hệ của con người với vị trí vô hình của tổ chức chuyển giao càng ngày càng nhanh, giống như mối quan hệ của họ với đồ vật, nơi chốn và con người.
SỰ SỤP ĐỔ CỦA HỆ THỐNG CẤP BẬC
Có cái gì đó cũng đang xảy ra : sự dịch chuyển cách mạng trong quan hệ quyền lực. Các tổ chức lớn không những bị bắt buộc phải thay đổi cấu trúc nội bộ của họ và tạo ra các đơn vị tạm thời, mà họ còn thấy khó khăn trong việc duy trì hệ thống điều hành truyền thống của họ.
Trong hệ thống cấp bậc quan liêu, trật tự quan liêu thống trị. Con người làm cùng một việc ngày này qua ngày khác. Những người lãnh đạo điều hành mọi tình huống. Mỗi người biết chính xác họ đứng đâu trong hệ thống cấp bậc dọc đi từ người thấp nhất đến các nhà quản trị cao cấp. Tin tức, báo cáo đi từ dưới lên dần từng cấp. Lệnh đi ngược lại từ trên xuống dưới.
Hệ thống này dựa trên sự thừa nhận ngầm là cấp thấp không thể quyết định. Chỉ những người cao hơn trong hệ thống cấp bậc được
tin cậy có phán đoán hoặc suy xét thận trọng. Các viên chức trên cao ra quyết định, người ở dưới thi hành quyết định. Một nhóm đại diện bộ óc của tổ chức, nhóm kia là cánh tay của tổ chức. Sự sắp xếp quan tiêu tiêu biểu này rất lý tưởng trong việc giải quyết những công việc thường làm hàng ngày với nhịp điệu trung bình. Nhưng khi sự việc tăng tốc, hoặc khi vấn đề không còn là thủ tục nữa, rối loạn nổ tung ra ngay. Rất dễ thấy nguyên nhân tại sao.
Đầu tiên, sự gia tăng nhịp điệu cuộc sống có nghĩa là mỗi phút chờ lệnh ban xuống phải trả giá đầu ra bị chậm hơn trước. Sự chậm trễ là tai hại. Cùng lúc đó, sự thay đổi nhanh do số lượng các vấn đề đột xuất và mới gia tăng đòi hỏi số lượng thông tin cần thiết nhiều lên. Cần nhiều tin tức để đối phó với vấn đề mới hơn là tin tức để giải quyết các vấn đề thường làm hàng ngày. Cộng thêm với nhu cầu cần nhiều tin tức hơn với tốc độ nhanh hơn nên đã gây ra sự phá bỏ hệ thống cấp bậc dọc là đại diện cho hệ thống quan liêu.
Để giải quyết những hậu quả tai hại do hệ thống cấp bậc gây ra, cần phải vượt cấp. Vượt cấp đang được sử dụng ngày càng nhiều trong hàng nghìn nhà máy, văn phòng, phòng thí nghiệm, ngay cả trong quân sự. Kết quả tích lũy của những thay đổi nhỏ như thế là sự dịch chuyển ồ ạt hệ thống thông tin từ ngành dọc sang phần bên với mục đích làm thông tin tăng nhanh hơn. Tuy nhiên quy trình được nâng cấp này biểu hiện một cơn lốc thổi vào hệ thống cấp bậc quan liêu thần thánh, và nó đục một lỗ hổng lởm chởm trong sự tương tự "óc và tay". Vì khi hệ thống lệnh ngành dọc bị vượt cấp, chúng ta thấy "cánh tay" cũng bắt đầu quyết định.
Sự rối loạn âm thầm nhưng có ý nghĩa này trong hệ thống cấp bậc đang xảy ra ở cấp quản trị cũng như ở cấp thấp, được tăng cường do sự xuất hiện trên sân khấu của các chuyên gia trong những ngành trọng yếu quá hẹp đến nỗi các ông to ở trên không thể hiểu được. Dần dần các nhà quản lý phải dựa trên sự phán đoán của
các chuyên gia này. Ngày nay các nhà quản lý đang mất độc quyền ra quyết định.
Sẽ còn rất lâu trước khi hệ thống cấp bậc quan liêu bị xóa sạch. Vì hệ thống quan liêu rất phù hợp cho những công việc đòi hỏi một số lớn người có văn hóa trung bình thực hiện những công việc hàng ngày, và chắc chắn những công việc như thế sẽ tiếp tục được con người thực hiện trong tương lai. Nhưng chính những công việc đó do máy tính và thiết bị tự động thực hiện tốt hơn người. Rõ ràng là trong xã hội siêu công nghiệp, nhiều công nghiệp như thế sẽ do các hệ thống máy móc tự điều khiển đảm nhiệm và do đó không cần đến tổ chức quan liêu. Thay vì giúp cho hệ thống quan liêu kìm kẹp chặt hơn, sự tự động hóa sẽ vứt bỏ hệ thống quan liêu đi.
Khi máy móc đảm nhiệm công việc hàng ngày và sức đẩy gia tăng làm tăng số lượng sự đổi mới trong môi trường, càng ngày năng lượng xã hội (và tổ chức của nó) phải hướng về cách giải quyết các vấn đề đột xuất. Điều này đòi hỏi mức độ tưởng tượng và óc sáng tạo mà cơ chế quan liêu với tổ chức người đúng vị trí, với cấu trúc thường trực và với hệ thống cấp bậc, sẽ không còn phù hợp nữa. Không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng bất kỳ nơi nào mà tổ chức theo kịp dòng thay đổi công nghiệp hoặc xã hội, nơi nào mà nghiên cứu và phát triển là quan trọng, nơi nào mà con người phải đối phó với những vấn đề lần đầu tiên gặp phải, thì nơi đó sự suy thoái của các hình thức quan liêu rõ nét nhất. Để tồn tại, tổ chức phải phá bỏ cơ chế quan liêu làm họ bất động, làm họ kém nhạy cảm và làm họ phản xạ chậm đối với sự thay đổi.
Con người siêu công nghiệp, thay vì giữ vị trí được xác định rõ ràng và thường xuyên, thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày đần độn theo lệnh cấp trên, thấy rằng họ phải đảm nhiệm trách nhiệm quyết định, và phải làm như thế trong cấu trúc tổ chức thay đổi được xây dựng trên những mối quan hệ con người nhất thời.
VƯỢT QUA HỆ THỐNG QUAN LIÊU
Mỗi thời kỳ sinh ra một hình thức tổ chức thích hợp cho nhịp điệu riêng của nó. Trong thời kỳ dài của văn minh nông nghiệp, xã hội được đánh dấu bằng tính nhất thời chậm. Sự chậm trễ trong thông tin và giao thông làm chậm tốc độ tin tức di chuyển. Nhịp điệu cuộc sống cá nhân tương đối chậm rãi. Xã hội ít khi phải thực hiện những quyết định nhanh.
Thời kỳ công nghiệp mang một nhịp điệu nhanh hơn cả đời sống cá nhân và tổ chức. Chính xác vì lý do này mà hình thức quan liêu được cần đến. Đối với chúng ta, chúng dường như ỳ ạch và không hiệu quả, nhưng nói chung, chúng có khả năng quyết định nhanh hơn các tổ chức mơ hồ và xiên vẹo đi trước chúng. Với tất cả những điều lệ được lập ra với tất cả những nguyên tắc cứng nhắc chỉ cho biết làm thế nào xử lý những vấn đề công việc khác nhau, dòng quyết định được gia tăng để theo kịp nhịp độ cuộc sống nhanh hơn do công nghiệp mang đến.
Vậy thì những đặc tính của tổ chức xã hội siêu công nghiệp là gì ? Chìa khóa cho tổ chức này là "tạm thời". Sẽ có những hệ thống tạm thời thích ứng và thay đổi nhanh. Vấn đề sẽ được các đội đặc nhiệm giải quyết, đội này gồm những người hơi xa lạ đại diện cho những khả năng nghề nghiệp khác nhau.
Các nhà quản trị và quản lý trong hệ thống này sẽ hành động như những người phối hợp giữa các nhóm công tác lâm thời khác nhau. Họ được đào tạo đễ hiểu được biệt ngữ của các nhóm chuyên gia khác nhau, họ thông tin với các nhóm, diễn giải và dịch ngôn ngữ nhóm này vào ngôn ngữ của nhóm kia. Con người trong hệ thống này sẽ khác biệt không phải theo ngành dọc tùy theo cấp bậc và nhiệm vụ, nhưng là linh hoạt và theo chức năng tùy theo tay nghề và đào tạo nghiệp vụ.
Vì có sự di chuyển qua lại tốc độ cao từ một nhóm lâm thời sang nhóm khác, nên sự ràng buộc giữa các nhóm công tác giảm đi nhiều. Trong khi sự khéo léo trong tác động qua lại giữa con người trở thành quan trọng hơn cho những nhu cầu hợp tác trong các nhiệm vụ phức tạp, sẽ có sự suy giảm trong tính cố kết của nhóm. Người ta sẽ phải học cách phát triển những mối quan hệ nhanh, và học cách chịu đựng sự mất mát các mối quan hệ công việc lâu dài.
Đấy là hình ảnh của hệ thống lâm thời sắp đến, di chuyển nhanh, giàu tin tức, tổ chức động lực của tương lai, gồm các nhóm lâm thời và các cá nhân cơ động. Hơn thế nữa, từ viễn cảnh này có thể suy diễn một số đặc tính của con người trong các tổ chức mới này, những con người mà hiện nay đã có thể tìm thấy trong các tổ chức mẫu. Cái nổi rõ nhất là sự khác biệt với con người của chế độ quan liêu hiện nay. Vì sự gia tăng thay đổi và đổi mới trong môi trường, nên một hình thức tổ chức mới đòi hỏi một loại người mới.
Ba đặc tính nổi bật nhất của hệ thống quan liêu là tính lâu dài, hệ thống cấp bậc và sự phân chia lao động.
Tính lâu dài - sự công nhận rằng mối quan hệ giữa con người và tổ chức kéo dài theo thời gian - đưa đến việc ràng buộc với tổ chức. Con người này ở lâu với tổ chức bao nhiêu thì họ thấy quá khứ của họ được đầu tư cho tổ chức, và họ càng thấy tương lai của họ hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức. Thâm niên sinh ra lòng trung thành. Trong tổ chức, khuynh hướng tự nhiên được củng cố mạnh mẽ bởi sự nhận thức là sự chấm dứt mối quan hệ của một người với tổ chức thường có nghĩa là mất quyền lợi kinh tế. Trong một thế giới còn nhiều thiếu thốn thì công việc là rất quý giá. Nhà quan liêu trở thành bất động và có thiên hướng nặng nề về an toàn kinh tế. Để giữ công việc của họ, họ sẵn sàng hiến dâng quyền lợi và nhận thức riêng của họ cho tổ chức.
Hệ thống cấp bậc quyền lợi bắt mọi người trong tổ chức phải ở đúng vị trí. Biết rằng mối quan hệ của họ với tổ chức tương đối dài lâu, con người tổ chức dựa vào hệ thống cấp bậc để được phê chuẩn. Ban thưởng và hình phạt đi xuống tận cá nhân, do đó cá nhân muốn ngoi lên cấp bậc trên vị trí hiện tại bắt buộc phải phục tùng. Do đó : con người tổ chức nhạt phèo - con người không có nhận thức. Đây là giá phải trả cho sự phục tùng.
Sau cùng, con người tổ chức cần thiết phải biết vị trí của họ, họ ngồi ở vị trí được xác định rõ ràng, thực hiện những công việc do điều lệ của tổ chức qui định, và họ đưa đánh giá theo tiêu chuẩn của điều lệ đặt ra. Đối diện với những vấn đề công việc hàng ngày, họ được khuyến khích tìm những câu trả lời theo thủ tục. Sự lệch lạc, tính sáng tạo, tính mạo hiểm không được khuyến khích vì chúng phá hoại sự đoán biết trước được của tổ chức.
Hệ thống lâm thời chưa phát triển của ngày nay yêu cầu vũ trụ quan rất khác về đặc tính con người. Thay cho tính lâu dài là tính nhất thời, sự cơ động cao giữa các tổ chức không ngừng thay đổi tổ chức trong tổ chức, sự tạo ra và suy tàn của các nhóm công tác tạm thời. Không có gì ngạc nhiên là chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái về tính trung thành kiểu cũ đối với tổ chức. Sự trung thành cũ mà con người tổ chức cảm thấy dường như đang biến thành mây khói. Thay vào đó chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng lòng trung thành với nghề nghiệp. Trong tất cả xã hội công nghiệp, có sự tăng không ngừng số lượng nghề nghiệp cao, kỹ thuật và các chuyên ngành khác.
Ngay cả chữ "nghề nghiệp" tự nó cũng có nghĩa mới, giống như hệ thống cấp bậc dọc của cơ chế quan liêu sụp đổ dưới tác động tổng hợp của công nghiệp mới, kiến thức mới và thay đổi xã hội, hệ thống cấp bậc ngang cho đến bây giờ chia cắt kiến thức con người
cũng bị sụp đổ. Con người thấy những vấn đề mới chỉ có thể được giải quyết bằng cách vượt qua khỏi chuyên ngành hẹp của họ. Nhà quan liêu truyền thống sẽ đặt kỹ sư điện vào một phòng và nhà tâm lý học vào phòng khác. Thực vậy, viên kỹ sư và nhà tâm lý học trong tổ chức nghiệp vụ riêng của họ đã có sự phân biệt giữa vũ trụ kiến thức và năng lực. Tuy nhiên, ngày nay trong công nghiệp vũ trụ, trong giáo dục, và trong những lĩnh vực khác, các viên kỹ sư và nhà tâm lý học thường làm việc chung trong các đội lâm thời. Những tổ chức mới phản ánh sự hòa nhập trí thức này đang tăng dần xung quanh những nghề nghiệp cơ bản, do đó chúng ta thấy bắt đầu có các tiểu tổ toán - sinh học, dược sư - tâm lý, kỹ sư - thư viện và máy tính - nhạc sĩ. Sự phân biệt giữa các chuyên ngành không biến mất, nhưng nó trở thành mờ nhạt và luôn luôn có qui trình cải tổ. Như thế chúng ta thấy nổi lên một loại mới về con người tổ chức - một người mặc dù có nhiều liên kết, nhưng không dính líu vào bất kỳ tổ chức nào. Họ sẵn sàng sử dụng tay nghề và năng lượng sáng tạo của họ để giải quyết vấn đề cùng với nhóm tạm thời do tổ chức lập ra. Nhưng họ chỉ làm đến chừng nào vấn đề mà họ quan tâm. Họ chỉ bị ràng buộc vào nghề riêng của họ, vào sự tự hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Ngày nay danh từ "trợ lý" xuất hiện khắp nơi kể cả các công ty lớn và chính quyền Nhà nước. "Trợ lý giám đốc thị trường", "trợ lý nghiên cứu", "trợ lý quản trị", "trợ lý cục trưởng" v.v… Danh từ "trợ lý" ẩn ngầm sự bằng nhau chứ không phải là cấp dưới, và nó phản ánh sự di chuyển từ dọc và theo cấp bậc sang dạng ngang. Những gì mà trong hệ thống cấp bậc quan liêu bắt người ta phải phục tùng thì người trợ lý hoàn toàn không phụ thuộc vào những điều đấy. Chính sự tạm thời trong mối quan hệ của người trợ lý với tổ chức giải phóng họ khỏi những ràng buộc do cơ chế quan liêu áp đặt. Sự nhất thời theo nghĩa này đang được giải phóng.
Chương 8 TIN TỨC : HÌNH ẢNH ĐỘNG LỰC
Trong xã hội mà thức ăn dùng ngay được, giáo dục tức thì, thành phố chốc lát là hiện tượng hàng ngày, nhưng không có sản phẩm nào được tạo ra nhanh và bị phá hủy tàn nhẫn hơn sự nổi tiếng chốc lát. Các quốc gia đang tiến về nền siêu công nghiệp đang đẩy mạnh rõ rệt những sản phẩm kinh tế - tâm lý này. Sự nổi tiếng chốc lát chợt xuất hiện trong nhận thức của hàng triệu người như quả bom hình ảnh.
Twiggy, Beatles, John Glenn, Billie Sol Estes, Bon Dylan, Jack Ruby, Norman Mailer, Eichmann, Jean Paul Sartre, Georgi Malenkov, Jacqueline Kennedy - hàng ngàn "nhân vật" diễu hành qua sân khấu của lịch sử hiện đại. Những con người thật được thông tin quãng đại quần chúng khuếch đại và chiếu lệ, họ được chứa như là hình ảnh trong đầu óc của hàng triệu người chưa bao giờ gặp họ, chưa bao giờ nói chuyện với họ, chưa bao giờ thấy họ bằng người thật. Chúng ta thành lập mối quan hệ với "những người đại diện" này như là chúng ta làm với bạn bè, láng giềng và đồng nghiệp. Và cũng giống như càng có nhiều người đi qua cuộc đời chúng ta thì khoảng thời gian của mối quan hệ của chúng ta với họ càng giảm, trường hợp mối quan hệ của chúng ta đối với "những người đại diện" cũng thế.
Những con người đại diện này, cả người thật và người tưởng tượng, giữ một vai trò có ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta, cung cấp cho chúng ta những mô hình về cách xử thế, hành động, về những vai trò và tình hình từ đó chúng ta có thể rút ra kết luận cho cuộc sống riêng của chúng ta. Chúng ta học từ sự chiến thắng và đau khổ của họ. Họ làm cho chúng ta thử những vai trò hoặc cách sống khác nhau và không phải chịu những hậu quả giống như họ trong cuộc sống thực. Sự trôi qua gia tăng của những người đại diện chỉ đóng
góp thêm vào độ mất ổn định của các dạng cá tính trong những người thật đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một cách sống thích hợp.
Những người đại diện này không phải độc lập với nhau. Họ thực hiện vai trò của họ trong một "màn kịch dân gian" được tổ chức phức tạp và rộng lớn, sản phẩm của công nghiệp thông tin mới. Màn kịch dân gian này được đưa lên sân khấu và thay thế sự nổi danh với một tốc độ gia tăng, có hậu quả làm cho hình ảnh lãnh đạo càng không ổn định hơn. Có thể nói đó là sự chuyển giao nhanh chóng sự lãnh đạo biểu tượng.
Những gì đang xảy ra không phải chỉ là sự chuyển giao người thật hoặc tính chất tưởng tượng, mà còn là sự chuyển giao nhanh hình ảnh và cấu trúc hình ảnh trong óc của chúng ta. Quan hệ của chúng ta với những hình ảnh thực này, mà trên đó chúng ta đặt làm cơ sở cho cách xử thế của chúng ta, đang tăng càng ngày càng nhất thời hơn. Toàn bộ hệ thống kiến thức trong xã hội đang chịu sự biến động dữ dội. Chính những khái niệm và đạo lý đang chuyển giao với nhịp điệu gia tăng và dữ dội. Chúng ta đang tăng tốc độ mà chúng ta phải thành lập và quên hình ảnh thực tế của chúng ta.
TWIGGY VÀ MEZON.K
Mỗi người mang trong đầu họ một mô hình tinh thần của thế giới - một sự trình bày chủ quan của thực tế bên ngoài. Mô hình này gồm hàng chục ngàn hình ảnh. Những hình ảnh này có thể đơn giản như hình ảnh tinh thần của đám mây bay theo chiều gió xuyên qua bầu trời. Hoặc chúng có thể là điều suy luận trừu tượng về cái cách mà sự việc được tổ chức trong xã hội. Chúng ta có thể nghĩ về mô hình thần kinh này như là nhà kho phía trong, một cửa hàng lớn hình ảnh mà chúng ta chứa chân dung của Twiggy, Charles De Gaulle hoặc
Cassius Clay cùng với những lời tuyên bố như "con người cơ bản là tốt" hoặc "Thượng đế đã chết".
Bất kỳ mô hình tinh thần nào cũng chứa một số hình ảnh gần giống thực tế, cùng với những hình ảnh méo mó hoặc không chính xác. Nhưng để cho con người hoạt động, ngay cả để sống còn, mô hình phải giống với thực tế. Không có mô hình thực tế nào của con người là đơn thuần sản phẩm cá nhân. Trong khi một số hình ảnh của họ dựa trên sự quan sát đầu tiên, một tỷ lệ gia tăng về hình ảnh ngày nay dựa trên các thông tin của thông tin quần chúng và của những người xung quanh chúng ta. Như thế mức độ chính xác trong mô hình của họ đến mức độ nào đó phản ánh trình độ kiến thức trong xã hội. Khi kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học bơm thêm kiến thức chính xác vào xã hội, những khái niệm mới, cách suy nghĩ mới, thay thế, phủ nhận và làm cho lỗi thời những tư tưởng cũ và những quan điểm thế giới.
Nếu xã hội đứng yên tại chỗ, có thể có ít áp lực vào cá nhân để họ hiện đại hóa nguồn hình ảnh của họ, để đưa hình ảnh theo đúng kiến thức mới nhất trong xã hội. Chừng nào mà xã hội họ đang sống ổn định hoặc thay đổi chậm, thì những hình ảnh mà họ dựa vào để xử thế cũng có thể thay đổi chậm. Nhưng để hành động trong một xã hội thay đổi nhanh, để đối phó với sự thay đổi nhanh và phức tạp, cá nhân phải bỏ kho hàng hình ảnh riêng của họ với tốc độ tương quan với nhịp điệu thay đổi. Mô hình của họ phải được hiện đại hóa. Nếu mô hình đi chậm, phản ứng của họ đối với thay đổi trở thành không phù hợp, họ dần dần trở thành bị ngăn trở, vô tác dụng. Như thế có áp lực dữ dội lên cá nhân để theo kịp với nhịp điệu phổ biến.
Ngày nay thay đổi trong xã hội công nghiệp nhanh và tàn nhẫn đến mức chân lý ngày hôm qua thình lình trở thành điều tưởng tượng ngày hôm nay, và những thành viên thông minh và có tay nghề cao của xã hội thừa nhận sự khó khăn theo kịp với sự dồn dập
của kiến thức mới, ngay cả với những ngành hẹp. Kiến thức mới tăng lên ép buộc chúng ta vào những chuyên ngành hẹp hơn và khiến chúng ta xem xét lại hình ảnh nội tâm của chúng ta về thực tế với tốc độ chưa bao giờ nhanh như thế. Không phải nó chỉ đúng cho các tin tức khoa học khó hiểu về vật thể vật lý hoặc cấu trúc gen, mà nó cũng đúng cho các loại kiến thức khác nhau đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.
LÀN SÓNG FREUD
Một trong những thí dụ là sự thay đổi cơ bản kế tiếp nhau về hình ảnh trẻ con trong xã hội và trong lý thuyết nuôi dạy trẻ con của chúng ta. Ở Mỹ cuối thế kỷ trước, lý thuyết có ưu thế phản ánh sự tin tưởng khoa học về tính ưu việt di truyền trong việc xác định tư cách đạo đức. Các bà mẹ nuôi con theo cách liên quan đến những quan điểm thế giới của Đácuyn và Spencer. Những quan điểm thế giới này được phản ánh trong sự tin chắc của hàng triệu người dân bình thường là "trẻ con xấu là kết quả của dòng dõi xấu", "tội ác là di truyền" v.v...
Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ, những thái độ trên lùi bước trước sự tiến bước của chủ nghĩa hoàn cảnh. Sự tin tưởng rằng hoàn cảnh định hình nhân tính, rằng những năm đầu rất quan trọng, đã tạo ra một hình ảnh mới về trẻ con. Các bà mẹ lại bắt đầu đối xử cách khác, từ chối không cho trẻ bú khi trẻ đòi, từ chối bế trẻ khi chúng khóc, cai sữa sớm để tránh sự phụ thuộc kéo dài.
Rồi vào đầu những năm 30, hình ảnh khác về đứa trẻ lại thăng tiến. Những khái niệm của Freud tràn vào như làn sóng và cách mạng hóa cách nuôi dạy trẻ con. Các bà mẹ đột ngột nghe về "quyền trẻ con" và "nhu cầu" ban thưởng bằng lời nói. Sự dễ dãi trở thành trọng tâm. Song song với hình ảnh Freud về trẻ con là hình ảnh của các nhà phân tâm lý học. Họ trở thành anh hùng văn hóa. Phim ảnh,