🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cú Sốc Thời Gian Và Kinh Tế Việt Nam - Trần Văn Thọ full mobi pdf epub azw3 [Tài Chính] Ebooks Nhóm Zalo CÚ SỐC THỜI GIAN VÀ KINH TẾ VIỆT NAM —— Tác giả: Trần Văn Thọ NXB Tri thức Tái bản lần thứ nhất Bản in: 03/2016 Số hóa: tudonald78 25-10-2020 Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG Lời tựa Năm năm trước, Giáo sư Trần Văn Thọ đã cho xuất bản tại Việt Nam cuốn sách Việt Nam từ 2011: Vượt lên sự khắc nghiệt của thời gian (NXB Tri thức 2011), trong đó ông đã cảnh báo trước những điều mà hôm nay thực sự đã trở thành cú sốc. Vì thế, tôi rất tâm đắc, đồng tình với những ý tưởng trong cuốn sách mới này của Giáo sư mang tựa đề Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam. Đúng là cho đến nay chúng ta chưa ý thức đầy đủ về yếu tố thời gian, chưa nhận thấy những tổn thất to lớn khi để lỡ cơ hội vàng trong suốt thời gian dài. Không phủ nhận những thành quả của đổi mới, nhưng 30 năm quả là quá dài. Nhiều nước ở Đông Á với chỉ trên dưới 15 năm đã chuyển hẳn vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế. Với những thuận lợi như ở vào thời đại dân số vàng, ở giữa dòng chảy của tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh tại vùng năng động nhất thế giới mà Việt Nam đã không tạo ra được kì tích phát triển như họ. Đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc không khỏi bùi ngùi, đau xót. Cuốn sách cũng cảnh báo những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó nguy cơ chưa giàu đã già là đáng lo nhất. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến mặt trái của việc sử dụng kéo dài nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), của chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và việc xuất khẩu lao động. Để Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng đang có, tác giả đề cao tư duy phát triển và kì vọng thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ có khát vọng và quyết tâm chính trị để đưa đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Là người đã từng đọc nhiều bài viết của GS Trần Văn Thọ, hôm nay tôi vui mừng thấy những ý tưởng gần đây của tác giả được tổng hợp và đưa ra đúng thời điểm chúng ta cần phải có quyết định mạnh mẽ về chiến lược phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn mới. Với tầm nhìn của một người Việt Nam có tâm huyết với đất nước, có kiến thức sâu rộng, đang giảng dạy, nghiên cứu ở một trường Đại học danh tiếng tại Nhật Bản, hi vọng cuốn sách sẽ đem đến cho các nhà lãnh đạo quản lí của Việt Nam những góc nhìn mới để cùng nhau suy ngẫm, lựa chọn và sử dụng những ý kiến xác đáng của tác giả vào việc hoạch định chính sách phát triển đất nước. BÙI QUANG VINH Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lời nói Đầu Trong tiếng Việt, tiếng Nhật, và cả tiếng Anh đều có câu "Thời gian không chờ đợi chúng ta”. Thời nay người ta thường cảnh giác nhau hoặc khuyên giới trẻ là thời gian rất quý, đã đi qua thì không bao giờ trở lại nên phải nỗ lực tận dụng thời gian để học tập, làm việc, để không bỏ lỡ cơ hội và đạt mục đích như mong muốn. Nhưng đó là ý nghĩa trong đời thường. Ở cấp quốc gia, yếu tố thời gian còn quan trọng hơn nữa. Lãnh đạo đất nước nếu quyết tâm tiến hành cải cách nhanh chóng để phá bỏ rào cản phát triển, tận dụng cơ hội của thời đại thì trong một thời gian ngắn có thể đưa đất nước lên hàng một quốc gia tầm cỡ, được thế giới nể trọng. Ngược lại, nếu lãnh đạo bị giáo điều ràng buộc, bị lợi ích nhóm thao túng hoặc thiếu khát vọng nhìn thấy tương lai huy hoàng của dân tộc và bỏ lỡ thời cơ thì đất nước tụt hậu trên vũ đài quốc tế. Trong rất nhiều trường hợp, người lãnh đạo khi đang cầm quyền ít khi ý thức được sự nghiệt ngã của thời gian, họ chỉ lo giải quyết những vấn đề trước mắt, kể cả việc dồn nỗ lực vào việc duy trì địa vị hiện tại. Người dân dĩ nhiên cũng chỉ lo cuộc sống hằng ngày và cho tương lai của riêng gia đình mình. Nhưng với những quốc gia ấy, sau vài mươi năm nhìn lại sẽ thấy choáng váng với cú sốc của thời gian. Chỉ nhìn lịch sử ở châu Á cũng thấy nhiều trường hợp tương phản mà yếu tố thời gian biểu hiện rõ nét. Vào năm 1952, Nhật là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng chỉ 15 năm sau tiến lên nước thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm nữa trở thành cường quốc kinh tế. Dĩ nhiên Nhật đã có tích lũy về vốn thể chế, về nguồn nhân lực từ thời Minh Trị nên khi có điều kiện thì phát huy rất nhanh. Nhưng cái điều kiện để các nguồn lực đó phát huy nhanh là nhờ năng lực và khát vọng của lãnh đạo trong giai đoạn mới. Không thiếu trường hợp nhiều nước đã phát triển đến giai đoạn thu nhập trung bình nhưng sau đó trì trệ lâu dài (và do đó đã xuất hiện khái niệm "bẫy thu nhập trung bình”). Không phải chỉ có Nhật mà Hàn Quốc và Đài Loan cũng thắng lợi trong cuộc chạy đua với thời gian. Hàn Quốc chỉ mất 16 năm (từ 1971 đến 1987) để chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao và chỉ mất thêm 10 năm nữa để tiến lên hàng các nước tiên tiến. Đài Loan trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 1995, chỉ tốn 12 năm kể từ giai đoạn thu nhập trung bình cao. Ngược lại, người Philippines chắc chắn phải choáng váng với cú sốc thời gian. Giữa thập niên 1950 thu nhập đầu người của họ cao hơn cả Hàn Quốc nhưng đến năm 1976 mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp và từ đó đến nay đã gần 40 năm vẫn ở vị trí đó! Năm 1960 thu nhập đầu người của Philippines cao gấp đôi Thái Lan nhưng 15 năm sau đó Thái theo kịp Philippines và bây giờ thì Philippines chỉ bằng nửa của Thái. Đối với các nước đi sau, cơ hội để đốt giai đoạn, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước thường có nhiều. Công nghệ, tri thức kinh doanh, vốn đầu tư, kinh nghiệm phát triển, thị trường, v.v... đã có sẵn. Nhưng thành công hay thất bại trong việc sử dụng ngoại lực tùy thuộc chất lượng thể chế và bản lãnh, tố chất của lãnh đạo. Chuyển từ thể chế cũ sang thể chế mới thường mất nhiều thời gian nhưng những nước phát triển đã thành công trong việc tiến hành cải cách thể chế trong thời gian ngắn. Những nước thất bại trong cuộc cải cách thể chế sẽ tụt hậu và sẽ chịu một cú sốc thời gian rất mạnh. Trên đây là trường hợp cú sốc thời gian trước hiện tượng tụt hậu so với các nước chung quanh. Một cú sốc khác ít được nhận diện, diễn tiến âm thầm, chậm rãi nhưng khắc nghiệt vì khi đã thành hiện thực thì hầu như không thể đối phó được nữa. Đó là cú sốc trước hiện tượng chưa giàu đã già do không nỗ lực tận dụng giai đoạn thuận lợi của cơ cấu dân số để phát triển nhanh và do đó không chủ động đối phó trước sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hóa. Nước nào cũng trải qua giai đoạn dân số vàng (tỉ lệ của người thuộc độ tuổi lao động trong tổng dân số tiếp tục tăng) trước khi chuyển sang giai đoạn lão hóa. Nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già, và cú sốc thời gian ở phương diện này sẽ rất trầm trọng. Bây giờ chuyển qua vấn đề của Việt Nam. Theo tư liệu của ECAFE, tiền thân của ESCAP (ủy ban Liên Hiệp Quốc về Kinh tế và Xã hội Á châu Thái Bình Dương) thì vào năm 1954, thu nhập đầu người của Miền Nam Việt Nam là 117 USD, xấp xỉ Thái Lan và cao hơn Indonesia (Thái Lan là 108 USD và Indonesia là 88 USD vào hai năm trước đó). Hiện nay (năm 2014) Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/2 Indonesia, mặc dù hai nước này không phải là những quốc gia phát triển nhanh như Nhật hay Hàn Quốc. Không kể giai đoạn chiến tranh trước 1975, thời gian 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt hoặc 30 năm từ khi đổi mới cũng đủ dài để chuyển Việt Nam thành một quốc gia tầm cỡ trên thế giới. Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Nhưng so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ và so với kinh nghiệm của các nước Đông Á thì tốc độ phát triển của Việt Nam vừa không cao vừa kém hiệu suất. Ngoài ra nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn rất xa, ngày càng dựa vào FDI và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới? Về dân số, Việt Nam xếp thứ 14. Vào năm 2014, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 2.052 USD, xếp thứ 131 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2014 là 186 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 53. Quy mô của GDP như vậy không thể có một ảnh hưởng nhất định đến kinh tế thế giới. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar. Từ năm 1993, Việt Nam hội đủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi. Nếu quyết tâm cải cách thể chế để củng cố nội lực và tận dụng ngoại lực thì có thể phát triển trung bình mỗi năm 10% suốt 20 năm sau đó. Trong thời gian đó, Trung Quốc phát triển trung bình 10% nhưng riêng vùng duyên hải thì hội đủ các điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh mẽ, trên dưới 15% mỗi năm. Việt Nam có bờ biển dài, bề ngang lại hẹp nên hầu như cả nước gần giống vùng duyên hải của Trung Quốc. Dĩ nhiên không phải phát triển với bất cứ giá nào mà phải chú trọng chất lượng phát triển như bảo vệ môi trường, bảo đảm tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp, nhưng dù chú trọng chất lượng, khả năng phát triển trên dưới 10% không phải là phi hiện thực. Nhật Bản trong giai đoạn 1955-1973 cũng vừa phát triển cao (trung bình 10%) vừa ít ảnh hưởng đến chất lượng phát triển. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, nếu Việt Nam tăng trưởng 10%/năm thì bây giờ đã là nước có thu nhập trung bình cao, chuẩn bị cho giai đoạn trở thành nước công nghiệp phát triển trong tương lai không xa. Thêm vào đó, nếu phát triển với tốc độ đó thì Việt Nam đã sớm chấm dứt được tình trạng phải xuất khẩu lao động, một hiện tượng đang làm xấu hình ảnh của đất nước trên vũ đài thế giới. Về cơ cấu dân số hiện nay của Việt Nam, cú sốc thời gian cũng sẽ rất mạnh. Giai đoạn dân số vàng sắp qua đi, giai đoạn lão hóa dân số sẽ đến gần kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp. Việt Nam đang đứng trước thách thức chưa giàu đã già. Theo nhiều phân tích về cơ cấu dân số, giai đoạn dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ năm 1970 đến năm 2020 (hoặc 2025). Kết quả phân tích đó không thể không làm ta giật mình với sự tiếc nuối. Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng (1970-2020), ta thấy Việt Nam đã đánh mất phần lớn thời cơ phát triển: Giai đoạn còn chiến tranh (1970-75) và thời trước Đổi mới (1975-85) xem như ta đã mất hầu như tất cả trong ý nghĩa không tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển. 10 năm đầu Đổi mới (1986- 95), ngoài việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng các tiền đề về thể chế kinh tế thị trường, về hội nhập với thế giới. Những năm sau đó, như đã phân tích ở trên, kinh tế tương đối phát triển nhưng chưa mạnh mẽ (trung bình mỗi năm cũng chỉ độ 7%, so với 9-10% của nhiều nước Á châu trong giai đoạn dân số vàng). Khi chấm dứt cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Nhật Bản (năm 1992) là 30.000 USD (tính theo giá năm 2005), của Hàn Quốc (năm 2010) là 20.000 USD. Còn thu nhập đầu người của Việt Nam vào năm 2025, là bao nhiêu? GDP đầu người hiện nay của Việt Nam độ 2.000 USD, nếu tính theo giá năm 2005 thì khoảng 1.000 USD. Nếu từ nay đến năm 2025 dù mỗi năm kinh tế phát triển 8% thì năm 2025 thu nhập đầu người (theo giá năm 2005) chỉ độ 2.000 USD hoặc 3.000 (tùy theo tỉ giá), chỉ bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thời điểm tương ứng. Năm 2015, Việt Nam kỉ niệm 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh và sau đó là thống nhất đất nước, bắt đầu một thời đại mới. Năm 2016 kỉ niệm 30 năm đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Lãnh đạo của Việt Nam trong giai đoạn tới cần ý thức sâu sắc cú sốc của thời gian liên quan đến vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới và về nguy cơ chưa giàu đã già. Thời gian không còn nhiều. Theo tôi, xuất phát quan trọng nhất, có tính cách quyết định là khát vọng, khí khái của những người lãnh đạo trong giai đoạn sắp tới. Nếu lãnh đạo có lòng tự hào dân tộc, quyết đưa Việt Nam từng bước trở thành quốc gia thượng đẳng, xứng đáng với lịch sử, văn hóa và quy mô dân số sẽ bức xúc với thực trạng đang xuất khẩu lao động, đang tiếp tục nhận viện trợ, bức xúc với sự yếu kém của tư bản dân tộc và phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Giải phóng ra khỏi những ý thức hệ giáo điều và đề cao chủ nghĩa phát triển sẽ có những quyết sách, chiến lược phát triển đúng đắn. Cuốn sách này ra đời nhân dịp Việt Nam kỉ niệm 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh và gần 30 năm từ khi có Đổi mới. Đánh giá thành quả phát triển trong 40 năm qua, phân tích những thách thức hiện nay và đề khởi đổi mới tư duy và chiến lược cho giai đoạn mới là ba phần chính của cuốn sách. Ngoài ra có chín phụ trang về các vấn đề văn hóa, giáo dục, lịch sử, những khía cạnh có liên quan đến vấn đề phát triển bền vững của nền kinh tế. Nhiều nội dung trong cuốn sách là những bài viết đã đăng trên các báo ở trong và ngoài nước trong vài năm qua, trong đó nhiều nhất là những bài trên Thời báo kinh tế Saigon. Phần lớn nội dung của Lời nói đầu này cũng đã đăng trên số báo Tết Bính Thân (phát hành giữa tháng 1/2016) của tạp chí này. Ngoài ra, Vietnamnet, Tuổi Trẻ, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Diễn Đàn, Thời đại mới, Đà Nẵng, v.v... cũng là xuất xứ của nhiều chương và phụ trang trong sách này. Tuy dùng nhiêu bài đã đăng nhưng lần này tác giả đã bổ sung, làm mới tư liệu và sửa chữa những chỗ chưa chính xác. Tác giả cảm ơn ban biên tập các báo nói trên. Việc soạn thảo, chỉnh lí nội dung cuốn sách vào giai đoạn cuối thì tác giả có dịp tham gia dự án Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam thực hiện và đóng góp bài viết "Việt Nam cần một nền kinh tế thị trường định hướng phát triển: Đánh giá 30 năm đổi mới và nhìn về tương lai". Tác giả cảm ơn chị Phạm Chi Lan, một trong những chuyên gia phụ trách dự án nói trên, đã có nhã ý yêu cầu tham gia nên tác giả có dịp tổng kết các suy nghĩ về chủ đề chính trong sách này. Ngoài ra, trong mấy năm qua, qua các hội thảo hoặc qua trao đổi riêng, tác giả nhận được rất nhiều ý kiến, nhiều tư liệu và thông tin bổ ích hoặc những khuyến khích quý giá trong quá trình hình thành ý tưởng và phân tích cho nội dung cuôn sách. Không thể kể hết, nhưng có dịp trao đổi nhiều nhất là những anh chị Lê Đăng Doanh, Trần Hữu Dũng, Phan Chánh Dưỡng, Chu Hảo, Phạm Chi Lan, Trần Đức Nguyên, Huỳnh Bửu Sơn, Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên, Trần Trọng Thức, Hà Dương Tường, và Vũ Quang Việt. Cuối cùng, tác giả cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức, đặc biệt Giám đốc, Tổng Biên tập Chu Hảo, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Thủy đã tạo điều kiện cho cuốn sách ra đời trong thời gian rất ngắn. Ngoài ra, trong qua trình soạn các bảng biểu thống kê và thực hiện các khâu kĩ thuật, hành chính ở giai đoạn cuối có sự trợ giúp của các nghiên cứu sinh tiến sĩ (Trần Thị Huệ và Võ Tường Huân) và sinh viên cao học (Dương Thu Hiền) ở Đại học Waseda. Tokyo, 1/1/2016 Trần Văn Thọ Phần I Việt Nam 40 năm qua CHƯƠNG 1 Kinh tế Việt Nam 40 năm qua N ăm nay (2015) kỉ niệm 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh, mở ra thời đại thống nhất, phát triển đất nước. Đây là dịp nhìn lại quãng đường 40 năm, đánh giá thành quả phát triển để rút ra bài học cho giai đoạn phát triển sắp tới. Những chương khác trong Phần I sẽ đánh giá từ cái nhìn bao quát về nhiều mặt của nền kinh tế và so sánh thành quả của Việt Nam với kinh nghiệm ba nước Đông Á. Chương này chỉ xét tốc độ tăng trưởng và các yếu tố liên quan. Ngoài ra, chương này tập trung bàn về thành quả 30 năm Đổi mới, và chỉ nói sơ lược về giai đoạn 10 năm trước đó. I. Kinh tế Việt Nam trước Đổi mới (1975-1985) 10 năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khổ.1 Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam. Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng "phá rào" trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương.2 Nhưng phải đợi đến đổi mới (tháng 12/1986) mới có biến chuyển thực sự. Do tình trạng đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong 10 năm trước đổi mới chỉ tăng 35%, trong thời gian đó dân số tăng 22%.3 Như vậy, GDP đầu người trung bình tăng chỉ độ 1%. Trong lúc kinh tế Việt Nam hầu như đứng yên trong thời gian 10 năm trước đổi mới, kinh tế vùng Đông Á đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Dòng thác công nghiệp lan từ Nhật sang Hàn Quốc, Đài Loan, và các nước ASEAN. Nhật Bản đã chấm dứt giai đoạn phát triển cao độ 10% (1955-1973) nhưng vẫn duy trì tốc độ phát triển trung bình 5- 6%. Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mệnh danh là những nước hay nền kinh tế công nghiệp mới (NICs, NIEs) vào năm 1979.4 II. Đánh giá thành quả phát triển từ sau Đổi mới Vào giữa thập niên 1980, khi bắt đầu Đổi mới (1986), Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu lại bị ảnh hưởng bởi hêệthống kinh tế xã hội chủ nghĩa chi phối nên kém hiệu suất. Như đã nói, với khoảng 70% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng cả nước thiếu ăn, phải nhập khẩu gạo. Công nghiệp cũng yếu và kém hiệu suất. Sản xuất kém, thu nhập thấp nên Việt Nam không thể tiết kiệm. Tỉ lệ đầu tư trên GDP rất thấp (năm 1986 là 11,7%) và hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ. Tuyệt đại dân số là nghèo, cho đến năm 1990 vẫn còn tới gần 70% dân số sống dưới giới tuyến nghèo (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - WB). Sau Đổi mới, tình hình đã thay đổi hẳn. Việt Nam xuất khẩu gạo từ năm 1989, tỉ lệ người ở dưới giới tuyến nghèo (poverty line) giảm dần, đến năm 2010 chỉ còn 11%, và GDP đầu người theo giá trị thực tế đã tăng 3,5 lần trong giai đoạn từ 1986 đến 2011. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch một bước quan trọng từ nông sang công nghiệp. Tỉ lệ của nông nghiệp trong tổng lao động giảm từ 75% năm 1985 xuống còn khoảng 50% năm 2010. Tỉ lệ hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu chỉ có khoảng 20% vào cuối thập niên 1980 đã tăng lên 65% trong những năm gần đây. Không ai phủ nhận được thành quả của Đổi mới. Nhưng so với kinh nghiệm của các nước Á châu và so với tiềm năng của Việt Nam, kể cả những thời cơ rất thuận lợi đã đến với chúng ta, thành quả phát triển của Việt Nam có thể nói là rất khiêm tốn. Phải phân tích và đánh giá từ góc độ này mới thấy đâu là những vấn đề cốt lõi mà Việt Nam cần phải giải quyết để có thể phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Từ góc độ này, dưới đây thử nêu ra các vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay. 1. Việt Nam phát triển chưa nhanh và không hiệu suất Trong kinh tế học phát triển có một luận đề nổi tiếng là lợi ích của nước đi sau (advantages of backwardness) và một giả thuyết liên quan là sự rút ngắn, sự thu hẹp của quá trình phát triển công nghiệp (compressed industrial development), cốt lõi của luận đề này là những nước đi sau có lợi thế là có thể tận dụng công nghệ, tri thức kinh doanh, kinh nghiệm quản lí từ nước đi trước nên có thể rút ngắn quá trình phát triển, quá trình công nghiệp hóa. Thế giới đã trải qua năm thời đại công nghiệp hóa. Thời đại thứ nhất ở Anh và thời đại thứ hai ở Mĩ và các nước Tây Âu (Pháp, Đức, v.v...) là những nước đi tiên phong về công nghệ nhưng phải mất nhiều thời gian khám phá, nghiên cứu nên tốc độ phát triển không cao.5 Nhật Bản là thời đại thứ ba, từ sau thế chiến thứ hai đã tạo các tiền đề để phát huy hết lợi ích của nước đi sau (Tiết II sẽ nói chi tiết hơn) nên đã làm nên kì tích với tốc độ phát triển trung bình mỗi năm 10% kéo dài suốt 18 năm. Trong thời đại công nghiệp hóa thứ tư, Đài Loan cũng phát triển 10% trong rất nhiều năm trong giai đoạn 1962-1989. Hàn Quốc cũng đạt thành quả tương tự trong giai đoạn 1966-88. Trong thời đại công nghiệp hóa thứ năm, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn (tuy kém hiệu suất hơn Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc), trung bình 10% kéo dài gần 30 năm! Việt Nam cũng ở vào giai đoạn công nghiệp hóa thứ năm (hoặc thứ sáu tùy theo cách nhìn) của thế giới nhưng phát triển chậm. Suốt từ Đổi mới tới nay chưa có năm nào phát triển đến 10%, phát triển 8-9% cũng chỉ có tất cả chín năm (1992-97 và 2005-07). Như sẽ phân tích ở Tiết III, ba, bốn thập kỉ qua là giai đoạn dân số vàng ở Việt Nam, một điều kiện rất thuận lợi để phát triển nhanh, nhưng Việt Nam đã không tận dụng được yếu tố đó. Cần nói thêm ở đây nữa là công nghiệp hóa thế hệ thứ năm tại Á châu, đặc biệt tại Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tiến rất nhanh trong thời gian Việt Nam tiến hành Đổi mới.6 Bảng 1-1 trình bày thành quả phát triển tính theo giá trị thực của GDP đầu người, ở tiêu chí này, ta thấy Việt Nam chỉ phát triển trung bình 4% hoặc 5%, thấp hơn nhiều so với Nhật trong thập niên 1960 và Đài Loan, Hàn Quốc trong các thập niên 1970,1980 và Trung Quốc trong gần 30 năm qua. Kinh tế Việt Nam phát triển không cao nhưng lại kém hiệu suất. Hình 1-1 ghi lại tốc độ phát triển kinh tế và diễn biến trong hệ số ICOR (hệ số tăng thêm của tư bản đối với sản xuất) từ 1986 đến nay (cả hai trị số tính theo trung bình di động ba năm - 3 year moving averages để điều chỉnh sự biến động từng năm). Ta thấy ICOR có khuynh hướng tăng hầu như liên tục suốt từ năm 1990 cho đến những năm gần đây, chứng tỏ vốn đầu tư ngày càng kém hiệu suất. Một số nghiên cứu khác tính theo mô hình hạch toán tăng trưởng (growth accounting) cũng cho thấy kinh tế Việt Nam phát triển dựa trên đầu vào (input-driven), còn năng suất của các nhân tố tổng hợp (TFP) là yếu tố dựa vào cải tiến công nghệ và quản lí thì rất thấp.7 2. Mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn rất xa Từ năm 1996, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Từ đó các cụm từ công nghiệp hóa-hiện đại hóa thường đi chung với nhau. Các văn kiện đại hội Đảng hoặc các Nghị quyết trung ương sau đó đều nhấn mạnh "tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Tuy nhiên, nhìn chung mục tiêu này không có nội dung rõ ràng, không kèm theo định nghĩa chi tiết thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngoài một số chỉ tiêu có tính cách máy móc như tỉ lệ của ngành công nghiệp trong GDP, trong lao động có việc làm. Quan trọng hơn, trong gần 20 năm từ khi đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhà nước, lãnh đạo Việt Nam đã không đưa ra những chiến lược công nghiệp hóa thích hợp để đạt mục tiêu đó. Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong giáo dục, đào tạo, trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, những lĩnh vực cần thiết cho một nền công nghiệp hiện đại. Nếu khảo sát các chỉ tiêu cứng về vị trí của khu vực công nghiệp trong nền kinh tế thì ta thấy công nghiệp hóa đã tiến triển một bước (tỉ lệ của công nghiệp trong GDP, trong lao động có việc làm, trong xuất khẩu đều tăng khá nhanh, và các tỉ lệ tương ứng của nông lâm ngư nghiệp đều giảm). Khuynh hướng này có khả năng sẽ tiếp tục và đến năm 2020, những chỉ tiêu ấy có thể xấp xỉ với mức năm 2000 của nhiều nước đi trước, chẳng hạn như Thái Lan. Nhưng khó có thể nói là lúc đó Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra năm 1996 vì những lí do nêu ra dưới đây. Khảo sát nhiều mặt cơ bản của kinh tế Việt Nam hiện nay, như trình độ phát triển (không phải đo bằng các tiêu chí cứng như trên), sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tính chất của thể chế kinh tế, v.v... khó có thể hi vọng trong vòng năm, sáu năm nữa sẽ có những thay đổi đột biến để thấy một nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn khác và ở một nấc thang phát triển đủ cao để gọi Việt Nam là một nước công nghiệp hiện đại. Như đã nói ở trên, Việt Nam không đưa ra định nghĩa rõ ràng thế nào là nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên tùy theo cách giải thích mà đến năm 2020 sẽ có nhiều đánh giá khác nhau về điểm Việt Nam đã dạt mục tiêu đề ra hay chưa. Dưới đây tôi thử đưa ra định nghĩa của mình, đưa ra các tiêu chí về tính chất của một nước công nghiệp (hoặc nước công nghiệp hiện đại). Thật ra khi đã nói nước công nghiệp hoặc công nghiệp phát triển thì đã hàm ý nghĩa hiện đại rồi, vì không có khái niệm về một nước "công nghiệp truyền thống". Chỉ có các ngành công nghiệp truyền thống (như tơ tằm, dệt bông, nấu rượu, làm nước mắm, các ngành ở các làng nghề...) phát triển trong giai đoạn giao thời chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp hiện đại. Do đó, nói công nghiệp hóa là nói phát triển các ngành công nghiệp hiện đại hoặc áp dụng công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, ở đây không cần tranh luận về các khái niệm. Gọi là nước công nghiệp hiện đại cũng được. Theo tôi, một nước công nghiệp hiện đại phải có những yếu tố, những đặc tính sau: Thứ nhất, đó là một nước có trình độ phát triển khá cao, cụ thể là thu nhập bình quân đầu người phải cao hoặc trên trung bình. Hiện nay theo phân loại của WB, bình quân đầu người từ 1.000 đến 12.000 USD là nước có thu nhập trung bình, trên 12.000 USD là nước thu nhập cao. Do đó, một nước được gọi là công nghiệp phải có trên 12.000 USD. Việt Nam hiện nay mới khoảng 2.000 USD (Bảng 1), đến năm 2020 có lẽ khoảng từ 3.000 đến 3.500 USD (tùy theo biến động của tỉ giá). Nhìn từ điểm này, ta thấy mục tiêu năm 2020 là hoàn toàn không đạt được. Thứ hai, về ngoại thương, cơ cấu xuất khẩu phải chuyển từ các ngành có hàm lượng lao động cao sang những ngành có hàm lượng tư bản và công nghệ. Ngoài ra, cán cân ngoại thương cũng phải chuyển hẳn sang xuất siêu và dần dần cán cân thanh toán cũng chuyển sang xuất siêu (và như vậy mới có ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài như sẽ nói sau). Để được như vậy, nước được gọi là công nghiệp phải có nhiều mặt hàng công nghiệp có hàm lượng tư bản và công nghệ cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Nhìn cơ cấu xuất khẩu và cán cân ngoại thương của Việt Nam hiện nay, khó có thể kì vọng đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Bảng 1-2 cho thấy tỉ lệ của các sản phẩm có công nghệ cao như các loại máy móc gần đây tăng nhanh nhờ FDI nhưng chỉ vào khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với các nước lân cận. Thêm vào đó, nhập khẩu của Việt Nam trong các ngành này còn lớn hơn xuất khẩu. Chẳng hạn theo Ikebe (2013), về các loại máy công cụ, máy xây dựng, năm 2011 Việt Nam xuất khẩu 4,2 tỉ nhưng nhập khẩu 13,2 tỉ USD. Về các sản phẩm điện, điện tử, nhập khẩu cũng lớn hơn xuất khẩu (12,8 tỉ và 14,4 tỉ USD năm 2011). Tư liệu của JETRO cho thấy vào năm 2013, trong nhóm hàng công nghiệp thiết bị máy móc và linh kiện, Việt Nam xuất 6 tỉ nhưng nhập tới 18,7 tỉ USD, và trong máy tính và linh kiện thì xuất 10,6 tỉ nhưng nhập 17,7 tỉ USD. Thứ ba, một nước được gọi là công nghiệp phát triển phải chuyển từ nước nhập tư bản sang xuất khẩu tư bản, ít nhất là theo tiêu chí xuất khẩu ròng (net exporter), nghĩa là có thể vẫn còn nhập tư bản nhưng xuất ra nước ngoài nhiều hơn nhập. Muốn được vậy, Việt Nam phải có nhiều công ti bản xứ đủ mạnh để đầu tư ra nước ngoài (FDI) và kim ngạch đầu tư hằng năm lớn hơn hoặc tương đương với FDI của nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, FDI của Việt Nam ra nước ngoài hầu như không đáng kể. Ngược lại, như sẽ thấy dưới đây, FDI của nước ngoài tại Việt Nam hầu hết là 100% vốn ngoại. Do đó, ngay tại nước mình, công ti bản xứ cũng không đủ năng lực để tham gia lập liên doanh với công ti nước ngoài. Làm sao để năm, sáu năm nữa, Việt Nam trở thành một nước đi đầu tư ở nước ngoài nhiều như FDI của nước ngoài tại Việt Nam? Thứ tư, về ODA, một nước được gọi là công nghiệp phát triển sẽ không còn nhận ODA nữa, ngược lại phải trở thành nước đi viện trợ cho nước khác. Hiện nay, ODA nước ngoài đang tiếp tục tăng và lãnh đạo Việt Nam vẫn còn xem việc tranh thủ ODA nhiều hơn là một thành tích. Làm sao để năm, sáu năm nữa Việt Nam hết nhận viện trợ và trở thành nước cung cấp ODA cho thế giới. Không kể giai đoạn nhận viện trợ từ Liên Xô và các nước Đông Âu, chỉ kể từ năm 1993, Việt Nam đã nhận viện trợ hơn 20 năm rồi. Hiện nay ODA trên đầu người của Việt Nam đã lên tới 60 USD. Trước đây Hàn Quốc chỉ nhận ODA độ 20 năm và ODA trên đầu người chỉ độ 10 USD. Thái Lan chỉ nhận viện trợ trong 30 năm (từ khoảng năm 2000, Thái Lan đã chấm dứt nhận viện trợ) và lúc nhiều nhất kim ngạch trên đầu người chỉ độ 15 USD.8 3. Những hiện tượng phản ảnh sự yếu kém của nền kinh tế Ngoài những vấn đề nêu ở trên, có thể kể thêm một số mặt khác cũng phản ảnh sự yếu kém của nền kinh tế. Thứ nhất, công nghiệp Việt Nam bị tác động mạnh từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cơ cấu mậu dịch giữa hai nước có tính chất bắc nam, đó là mậu dịch giữa một nước tiên tiến và một nước chậm phát triển vì Việt Nam chủ yếu xuất nguyên liệu và nông lâm thủy sản trong khi nhập chủ yếu là hàng công nghiệp. Gần đây tình hình có cải thiện do một số công ti đa quốc gia đã chuyển nhiều cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng công nghiệp Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào hàng nhập máy móc, linh kiện từ Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng khác với Thái Lan và nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam hầu như không thâm nhập được vào thị trường này. Do đó, Việt Nam tiếp tục nhập siêu với Trung Quốc ở mức cao một cách dị thường. Chương 9 bàn chi tiết hơn về tác động của Trung Quốc đối với Việt Nam. Thứ hai, công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào FDI vì tư bản dân tộc quá yếu. FDI trở thành đầu tầu của sản xuất và xuất khẩu công nghiệp Việt Nam. Nhưng với một nước đông dân và nhiều nguồn lực phong phú mà hơn 50% hàng công nghiệp sản xuất và 70% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào FDI (năm 2014) chứng tỏ sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, hầu hết doanh nghiệp FDI là 100% vốn nước ngoài (liên doanh giữa nước ngoài với doanh nghiệp trong nước quá ít) và sự liên kết giữa FDI với doanh nghiệp trong nước quá yếu củng nói lên sự yếu kém của doanh nghiệp nội địa. Xem thêm Chương 8 về vấn đề này. Thứ ba, 30 năm đổi mới cũng là quá trình Việt Nam phải xuất khẩu ngày càng nhiều lao động sang các nước khác. Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh mẽ và không tạo nhiều công ăn việc làm nên nhiều người phải tìm cách ra nước ngoài tìm việc làm. Đó là chưa kể nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì lí do kinh tế. Xuất khẩu lao động và kết hôn với người nước ngoài trong những trường hợp miễn cưỡng là kết quả của sự thất bại trong chiến lược phát triển. Chương 5 bàn chi tiết hơn về vấn đề này. Tóm lại, so với thời kì đen tối của 10 năm đầu sau 1975, quá trình đổi mới 30 năm đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của đất nước, nhưng thành quả đó tương đối nhỏ nếu so với tiềm năng của Việt Nam, so với kinh nghiệm của các nước Đông Á trong giai đoạn có cùng những đặc tính thuận lợi như Việt Nam trong 30 năm qua (như cơ cấu dân số vàng, dễ dàng tiếp thu công nghệ nước ngoài, v.v...). Những vấn đề nổi cộm ở giai đoạn hiện nay của Việt Nam cũng phản ảnh những mặt yếu kém của quá trình phát triển vừa qua. CHƯƠNG 2 Thời gian trong kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản T ừ Việt Nam nhìn lại kinh nghiệm các nước Đông Á: Tại sao họ có kì tích phát triển? Dưới đây tôi chỉ giới thiệu vài nước tiêu biểu và do số trang có hạn, chỉ nhấn mạnh những yếu tố nổi bật mà Việt Nam đặc biệt nên tham khảo trong giai đoạn hiện nay. Chương này bàn về kinh nghiệm Nhật Bản. Hai giai đoạn quan trọng đã làm thay đổi nước Nhật là thời kì Minh Trị duy tân (1868-1911) và thời kì phát triển cao độ còn gọi là thời đại phát triển thần kì (1955-1973). Hai thời kì có những đặc điểm chung là tố chất yêu nước và tinh thần trách nhiệm cao độ của lãnh đạo chính trị, và năng lực và đạo đức của quan chức nhà nước. Với các tiền đề cơ bản này, Nhật đã đưa ra được các chiến lược phát triển đúng đắn và các chiến lược, chính sách được thực thi có hiệu quả. Ở một thứ nguyên khác, một đặc điểm nữa của kinh nghiệm Nhật là vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc vạch ra chiến lược, đưa ra chính sách, xây dựng hạ tầng và các cơ chế, hành lang pháp lí để thị trường phát triển, nhưng động lực phát triển là kinh tế dân doanh, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phát triển mạnh. Chương này giới thiệu giai đoạn phát triển được gọi là thần kì (1955- 1973) đã đưa Nhật Bản từ nước có thu nhập trung bình tiến thẳng lên địa vị một cường quốc công nghiệp, và phân tích các nguyên nhân đưa đến thành công đó. 1. Bối cảnh: lãnh đạo chính trị và trí thức thực hiện ước mơ phát triển Thông thường trí thức là người hiểu biết, có trình độ văn hóa cao, có kiến thức chuyên môn, và không bị ràng buộc vào (hoặc có ý thức tránh xa) những lợi ích phát sinh từ quan hệ với lãnh đạo chính trị. Trí thức có thể đối lập với chủ trương của lãnh đạo nếu thấy chủ trương đó đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước, hoặc thấy không khoa học, không hợp với quy luật khách quan. Nhưng cũng không hiếm những trường hợp lãnh đạo và trí thức tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và trí thức giúp lãnh đạo làm nên sự nghiệp cao cả, đưa đất nước vào thời đại xán lạn. Ngày xưa không thiếu những trường hợp minh quân gặp hiền tài và cùng làm nên nghiệp lớn. Lưu Bang gặp Trương Lương, Lê Lợi gặp Nguyễn Trãi là những ví dụ. Trong thời đại ngày nay, xã hội phức tạp hơn, vai trò của trí thức và sự thể hiện vai trò đó cũng đa dạng hơn. Lãnh đạo tìm đến trí thức có thể trực tiếp "tam cố thảo lư" nhưng cũng có thể qua nhiều kênh gián tiếp. Chẳng hạn lãnh đạo thường quan tâm đến trí thức, thường đọc sách, đọc báo thì có thể tìm thấy những ý tưởng hay, những đề khởi về con đường phát triển để tham khảo cho các quyết sách chiến lược. Tiền đề ở đây dĩ nhiên là phải có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận để trí thức có cơ hội phát biểu ý kiến của mình. Mặt khác, nếu xuất hiện nhà chính trị có văn hóa, có đạo đức và tỏ ra có bản lĩnh, có lí tưởng vì đất nước thì qua các quan hệ xã hội hoặc qua các kênh nghiên cứu, thảo luận rộng rãi, họ có thể quy tụ được bên mình nhiều trí thức tài năng, tâm huyết. Vào cuối thập niên 1950 ở Nhật Bản, xuất hiện mẫu người lãnh đạo lí tưởng đó và trí thức, trí tuệ của xã hội đã cùng với người đó làm nên một kì tích chưa từng có trong lịch sử thế giới: Chỉ trong 10 năm đã biến một nước có thu nhập trung bình và mới vừa phục hồi sau chiến tranh trở thành một nước có thu nhập cao, thay đổi hẳn đời sống của đại đa số dân chúng và sánh vai với các cường quốc kinh tế trên thế giới. Tình hình chính trị, xã hội ở Nhật vào nửa sau thập niên 1950 rất phức tạp vì bất đồng trong dư luận và giữa các chính đảng liên quan đến chính sách ngoại giao với Mĩ. Về kinh tế, năm 1956 đánh dấu sự thành công của nỗ lực phục hưng hậu chiến. Mức sản xuất đã khôi phục lại mức cao nhất thời tiền chiến. Nhưng cũng trong bối cảnh đó xảy ra tranh luận sôi nổi về hướng phát triển sắp tới. Chưa có ai vẽ ra được viễn ảnh và đưa ra chiến lược có sức thuyết phục. Trong tình hình dân chúng đang mệt mỏi vì không khí chính trị, xã hội căng thẳng, và không có viễn ảnh về tương lai kinh tế, một chính trị gia kiệt xuất đã xuất hiện. Đó là Ikeda Hayato (1899-1965). Ikeda nguyên là quan chức Bộ Tài chính, làm đến chức thứ trưởng thì ứng cử vào Hạ viện. Trong lúc tham gia nội các, giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công thương, ông đã quyết chí ứng cử vào chức Đảng trưởng đảng cầm quyền LDP (đồng thời là Thủ tướng) để thực hiện giấc mơ đưa nước Nhật lên ngang hàng với các nước tiên tiến Âu Mĩ. Ikeda nguyên là một quan chức mẫu mực, một lãnh đạo chính trị đức độ, thanh liêm. Lúc làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đầu thập niên 1950, ông dẫn đầu một phái đoàn công du sang Mĩ. Trong tình trạng ngân sách nhà nước hạn hẹp, ông đã tiết kiệm kinh phí đến mức chỉ thuê khách sạn ba sao và hai ba người (kể cả Bộ trưởng) ở chung một phòng. Ban ngày đoàn của ông đi làm việc với Chính phủ Mĩ, buổi tối mọi người tập trung tại phòng ông để kiểm điểm công việc trong ngày và bàn nội dung làm việc cho ngày hôm sau. Khách sạn nhỏ nên phòng không có bàn, mọi người phải ngồi bệt trên sàn bàn công việc. Cùng với đức độ và tinh thần trách nhiệm mà nhiều người đã biết, Ikeda đã được dư luận, nhất là giới trí thức, đánh giá cao qua những phát biểu về nhiệm vụ của người làm chính trị, về phương châm phát triển đất nước mà ông sẽ thực thi nếu được làm Thủ tướng. Có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, ông cho rằng giai đoạn sắp tới phải là thời đại kinh tế, Nhật phải tận dụng tiềm năng về nguồn nhân lực của mình và hoàn cảnh thuận lợi của thế giới để vươn lên hàng các nước tiên tiến. Thứ hai, triết lí chính trị là vì dân, vì cuộc sống của dân chúng nên mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là phải tăng thu nhập của toàn dân và mở rộng mạng an sinh xã hội để giúp người không theo kịp đà phát triển chung. Nhưng nguyện vọng, quyết tâm của nhà chính trị phải được cụ thể hóa bằng chiến lược, chính sách, trước mắt là được đồng tình của dân chúng, tiếp theo là phải được thực hiện có hiệu quả. Lúc này Ikeda cần đến trí thức. Đáng suy nghĩ tìm kiếm một ý tưởng chủ đạo của chiến lược phát triển đất nước, Ikeda đọc được bài viết "Luận về khả năng bội tăng tiền lương" của Giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro đăng trên báo Yomiuri. Trong bài viết đó, Nakayama bàn về khả năng cũng như điều kiện để tăng gấp đôi tiền lương thực chất, cải thiện hẳn mức sống của dân chúng. Theo gợi ý của Giáo sư Nakayama, Ikeda thai nghén một chiến lược phát triển gọi là "Bội tăng thu nhập quốc dân" và lập ra một nhóm bảy người gồm các trí thức tên tuổi và các quan chức, các cộng sự tài giỏi để triển khai cụ thể chiến lược này. Đặc biệt trong số này có Shimomura Osamu (1910-1989), nhà kinh tế vừa giỏi lí luận vừa hiểu thực tiễn và có năng lực hình thành các chính sách cụ thể. Lúc đó ở Nhật đang có tranh luận sôi nổi về hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Ý kiến chủ đạo lúc đó là trong giai đoạn phục hưng hậu chiến vừa qua, kinh tế Nhật phát triển khá cao (trung bình độ 8%/năm) vì khởi điểm quá thấp, trong giai đoạn tới tốc độ phát triển chỉ có thể bằng mức cao nhất thời tiền chiến (độ 4%) hoặc hơn một chút (5%). Chủ trương của Shimomura thì khác. Ông cho rằng Nhật đã qua thời hỗn loạn hậu chiến, hiện nay tiết kiệm trong dân đang tăng, đất nước đang mở cửa hội nhập với thế giới nên công nghệ nước ngoài sẽ được du nhập dễ dàng; đó là hai tiền đề để đầu tư tích lũy tư bản. Thời phục hưng hậu chiến phát triển 8% nên thời đại mới ít nhắt phải là 10%. Ngoài giải thích về mặt lí luận, Shimomura còn dẫn chứng bằng các kết quả tính toán chi tiết nên rất có sức thuyết phục. Trợ lí cho Shimomura là hai chuyên viên trẻ, hồi đó chưa có máy tính nên việc tính toán rất mất thì giờ. Trong nhóm bảy người còn có các nhà kinh tế nổi tiếng khác như Inaba Shuzo, Takahashi Kamekichi, và một quan chức tài giỏi là Miyazawa Kiichi (sau này cũng làm Thủ tướng). Ikeda trực tiếp tham dự nhiều buổi họp thâu đêm của nhóm này. Mặc dù Shimomura chủ trương phát triển mỗi năm 10% (thu nhập quốc dân sẽ gấp đôi trong bảy năm), nhưng để dung hòa với nhiều ý kiến khác, trong kế hoạch được công bố, kinh tế sẽ tăng trưởng độ 7,2% và thu nhập quốc dân tăng gấp đôi trong 10 năm (1960-1970). Được nhóm chuyên viên, trí thức triển khai về mặt lí luận và các chính sách cụ thể, Ikeda tự tin và đã quyết định lấy Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân làm cam kết chính trị trong cuộc tranh cử vào vị trí Chủ tịch đảng. Ikeda thắng cử và trở thành Thủ tướng vào tháng 7 năm 1960. Khi nhậm chức Thủ tướng, ngoài bài phát biểu về kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, Ikeda còn tuyên bố nhiều ý tưởng được sự đồng tình của dân chúng. Chẳng hạn, "Làm chính trị là nâng cao mức sống của dân chúng. Phát triển kinh tế phải trên tiêu chuẩn tăng thu nhập toàn dân, làm cho mọi người dân cảm nhận thực sự là kinh tế đang phát triển", hoặc "Chính trị mà để người nghèo không được đi học là chính trị tồi". Ikeda bị bệnh và mất sớm (năm 1965), lúc đương tại chức Thủ tướng. Ông không sống đến hết giai đoạn của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, nhưng đã chứng kiến những thành tựu bước đầu, cụ thể là ba sự kiện xảy ra trong năm 1964: Tổ chức Olympic Tokyo thành công, khai trương đường sắt cao tốc (Shinkansen) Tokyo Osaka và Nhật trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - một tổ chức của các nước tiên tiến. Nhà chính trị Ikeda Hayato và nhóm trí thức cộng tác với ông đã biến giấc mơ của mình thành giấc mơ của toàn xã hội. Họ là những người hiểu được nguyện vọng của người dân và quyết chí đáp ứng bằng trí tuệ và tâm huyết của mình. 2. Biến ước mơ thành hiện thực qua các chính sách khơi dậy các nguồn lực Như đã nói, cuối thập niên 1950, nhà chính trị Ikeda Hayato thai nghén một ý tưởng về việc đưa nước Nhật vào thời đại phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng của đại đa số dân chúng và ông đã lập nhóm nghiên cứu quy tụ các trí thức, các nhà kinh tế tâm huyết và có năng lực để bàn bạc, nghiên cứu việc triển khai ý tưởng đó. Chính Ikeda trực tiếp tham dự nhiều buổi họp thâu đêm của nhóm này. Cuối cùng kết luận của nhóm là hiện nay tiết kiệm trong dân đang tăng, đất nước đang mở cửa hội nhập với thế giới nên công nghệ nước ngoài sẽ được du nhập dễ dàng; đó là hai tiền đề để đầu tư tích lũy tư bản. Đầu tư có hai hiệu quả là vừa tăng tổng cầu vừa tăng khả năng cung cấp (sản xuất) của nền kinh tế. Do đó, kinh tế Nhật hi vọng sẽ bước vào thời đại bột phát mạnh mẽ. Cốt lõi của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân (từ 1960 đến 1970) là toàn dụng lao động, làm cho dân chúng thấy cuộc sống được cải thiện rõ rệt, và đưa Nhật lên hàng các nước tiến tiến. Phương châm cơ bản là tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư. Công việc của Chính phủ chỉ là cố gắng tiết kiệm công quỹ để có thể giảm thuế nhằm kích thích đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng, và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển là công nghiệp hóa, là phát triển ngành dịch vụ nên lao động phải chuyển dần từ nông nghiệp sang các khu vực phi nông. Do đó, Ikeda đã nhấn mạnh phải ra sức giáo dục bậc cao đẳng và hướng nghiệp để quá trình chuyển dịch lao động không bị gián đoạn. Ikeda đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. Doanh nghiệp tích cực đầu tư, mọi người hăng hái làm việc. Kết quả là kinh tế đã phát triển nhanh, vượt xa kế hoạch rất nhiều như Bảng 2-1 cho thấy. Bình quân kinh tế phát triển trên 10%, thay vì 7% như kế hoạch, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong bảy năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu. Theo giá thực tế năm 2000, tổng thu nhập quốc dân trên đầu người của Nhật vào năm 1960 là 7.700 USD, đến năm 1970 tăng lên 16.600 USD. Mức chi tiêu của một gia đình giới lao động vào năm 1960 trung bình mỗi tháng là 32.000 yen, đến năm 1970 đã tăng lên 83.000 yen. Lương tháng của công nhân trong ngành công nghiệp đã tăng từ 23.000 yen năm 1960 lên 72.000 yen năm 1970. Trừ đi độ trượt giá mỗi năm vài phần trăm, trên thực chất thu nhập của giới lao động đã tăng gấp đôi hoặc hơn. Ngoài ra, số lao động có việc làm tăng nhiều hơn so với kế hoạch và số giờ làm việc mỗi tháng của giới lao động giảm từ 203 giờ còn 187 giờ. Thập niên 1960 cũng là giai đoạn người Nhật chứng kiến nhà nhà có tủ lạnh, quạt máy, máy giặt, TV,... Cả xuất và nhập khẩu đều tăng nhiều hơn kế hoạch nhưng đặc biệt là Nhật chuyển sang xuất siêu từ năm 1967 mặc dù kế hoạch dự tính vẫn còn nhập siêu trong năm 1970 (xem Bảng 2-1). Tại sao kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân thành công ngoài dự kiến? Một là bản lãnh, tầm nhìn chiến lược về dân tộc về đất nước của lãnh đạo, từ đó có khả năng quy tụ người tài chung quanh mình trong việc hoạch định chiến lược, chính sách cụ thể. Hai là đội ngũ quan chức có năng lực và thanh liêm, đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước. Do 2 yếu tố cơ bản này ta thấy họ đã đưa ra nhiều chính sách rất thiết thực và thực hiện các chính sách rất có hiệu quả. Đơn cử vài thí dụ: Thứ nhất, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, yểm trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng chính sách tín dụng, thủ tục hành chính đơn giản, hầu như không có tham nhũng nên đầu tư tăng rất nhanh. Tỉ lệ đầu tư trên GDP tăng từ 20% năm 1955 lên 30% năm 1960 và 35% năm 1970. Trong tổng đầu tư có tới 75% là đầu tư của doanh nghiệp tư nhân. Những công ti tư nhân nổi tiếng sau này như Honda, Sony, Toyota, v.v... đều lớn mạnh trong giai đoạn này. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn đầu tư dễ dàng, thậm chí những doanh nghiệp có số lao động dưới 20 người vẫn dựa chủ yếu vào vốn vay ở các ngân hàng và cơ quan tín dụng hiện đại (xem Bảng 2-2). Thứ hai, ngoại tệ được quản lí chặt chẽ và tiết kiệm tối đa, hạn chế việc đi du lịch nước ngoài và kiểm soát gắt gao việc quan chức dùng ngoại tệ đi tham quan nước ngoài. Thay vào đó, ngoại tệ chủ yếu để nhập thiết bị, nguyên liệu và công nghệ cần thiết cho đầu tư. Doanh nghiệp hăng hái cách tân công nghệ, sản xuất sản phẩm đã có với giá thành và phẩm chất tốt hơn hoặc sản xuất những sản phẩm mới, cạnh trạnh mạnh trên thị trường thế giới. Do cách tân công nghệ và do việc quản lí hành chính, quản trị doanh nghiệp có hiệu quả, nền kinh tế phát triển rất có hiệu suất. Tuy đầu tư nhộn nhịp như vậy nhưng độ cống hiến của tư bản trong tăng trưởng chỉ có độ 25%, trong khi cống hiến của công nghệ, của quản lí, tức năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là 65 %.9 Ngoài ra còn nhiều chính sách khác về giáo dục, khoa học công nghệ, về đẩy mạnh xuất khẩu, về tổ chức thị trường,... Nói chung lãnh đạo và quan chức khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách để đạt mục tiêu của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân; và doanh nghiệp đã hưởng ứng tạo nên khí thế đầu tư mạnh mẽ.10 3. Những anh hùng của thời đại phát triển Ngoài vai trò của lãnh đạo chính trị và trí thức, một yếu tố quan trọng không kém là năng lực và tinh thần trách nhiệm của quan chức, những người vạch ra các chính sách cụ thể và thực thi các chính sách để đạt mục tiêu phát triển. Nói về tố chất của quan chức Nhật Bản, tôi muốn giới thiệu trí tuệ, hành động và tác phong của các quan chức Bộ Công thương (MITI) vào giữa thập niên 1950 mà tôi gọi họ là những anh hùng trong thời đại phát triển.11 Lúc đó một chiếc xe hơi nhập khẩu từ Mĩ vào giá rất đắt, tương đương với năm năm tiền lương của một quan chức trung cấp. Các quan chức ở Bộ Công thương lúc đó mơ ước có ngày người dân bình thường cũng sẽ có xe hơi và cho rằng phải phát triển ngành xe hơi mới làm cho Nhật giàu mạnh. Trong lúc có nhiều ý kiến khác nhau về điểm này, kể cả một số lãnh đạo trong đảng cầm quyền sợ kế hoạch sản xuất xe hơi sẽ không thành công và có thể gây va chạm trong quan hệ Nhật-Mĩ. Nhưng các quan chức Bộ Công thương đã tích cực vận động lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp để thực hiện cho được kế hoạch này vì tin sự quan trọng của ngành xe hơi đối với Nhật trong tương lai. Nhưng ý chí là một chuyện còn khả năng có thực hiện được không và làm sao để thực hiện có hiệu quả là một chuyện khác. Lợi thế so sánh của Nhật lúc đó là các hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn như vải vóc, giày dép,... Đang phân vân về khả năng sản xuất của nước mình, các quan chức đọc được bài viết của Giáo sư Shinohara Miyohei (1919-2013) bàn về lợi thế so sánh động (lợi thế so sánh trong tương lai) và các điều kiện để biến lợi thế so sánh động thành hiện thực. Họ vui mừng và liên lạc ngay với Giáo sư Shinohara xin gặp để hỏi chi tiết hơn. Trong hồi kí viết hồi tháng 6 năm 2009, Shinohara kể như sau: "Hồi đó bốn, năm quan chức Bộ Công thương đến nhà tôi vào buổi tối. Chúng tôi trò chuyện mãi đến khuya vẫn còn muốn tiếp tục, cuối cùng gần 5 giờ sáng họ mới ra về". Còn rất nhiều câu chuyện tương tự về sự cầu thị, nhiệt tình lo việc nước của quan chức Nhật thời đó. Sau đó, Bộ Công thương tự tin là Nhật có thể sản xuất được xe hơi và đã đặt ra các chính sách yểm trợ doanh nghiệp xúc tiến sản xuất. Những chiếc xe đầu tiên ra đời còn xấu về hình dáng nên một số người Mĩ trong ngành xe hơi có vẻ chế nhạo. Nhưng quan chức Bộ Công thương kiên quyết với phương châm "Mĩ làm được thì Nhật cũng làm được". Như ta đã biết, ngành xe hơi Nhật phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1960. Có thể nói tinh thần dân tộc là động lực đưa đến hành động của quan chức nhà nước và kết quả là nền công nghiệp Nhật đã phát triển mạnh. Mục tiêu là đề ra chiến lược theo kịp Âu Mĩ trong những ngành hiện đại và tăng năng lực cạnh tranh của công nghiệp trong thời đại mở cửa. Chiến lược này đồng thời cũng là chính sách thay đổi cơ cấu công nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, từ các ngành dùng nhiều lao động, các ngành công nghiệp nhẹ (như dệt vải, tơ sợi,...), sang các ngành có hàm lượng tư bản và công nghệ cao như thép, hóa dầu, xe hơi, v.v... về một số ngành cụ thể được chọn lựa, công cụ chính sách là các kế hoạch, luật hoặc pháp lệnh lâm thời, chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn (thường là năm năm). Chẳng hạn Chính sách nuôi dưỡng ngành hóa dầu (1955), Luật lâm thời chấn hưng công nghiệp máy móc (1956), công nghiệp điện tử (1957), Luật về phát triển các ngành cơ khí (1957) để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Chính sách hỗ trợ có thời hạn rất quan trọng. Ngoài chính sách cho một số ngành công nghiệp cụ thể, còn có nhiều chính sách chung cho các ngành nhằm tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp cách tân công nghệ, đầu tư vào những lĩnh vực mới, hoặc tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tiếp cận với vốn, với công nghệ, lập quỹ cho SMEs vay (1953). Như vậy, lãnh đạo chính trị kết hợp với trí tuệ của giới trí thức đã đưa ra được tầm nhìn và chiến lược phát triển phù hợp với nguyện vọng của dân chúng. Tầm nhìn và chiến lược đó được đội ngũ quan chức tâm huyết và tài năng triển khai thành các chính sách cụ thể và thực hiện có hiệu quả. Với tiền đề đó, những nhà doanh nghiệp, động lực trực tiếp của quá trình phát triển, đã phát huy được tinh thần doanh nghiệp, hăng hái đầu tư vào những lĩnh vực mới để ngày càng cung cấp ra thị trường thế giới nhiều hàng công nghiệp làm nên thương hiệu made-in-Japan (phần phụ trang tiếp theo dưới đây giới thiệu một trường hợp tiêu biểu của tinh thần doanh nghiệp đó). Do đó, Nhật Bản đã thực hiện được thời đại phát triển thần kì. Phụ trang Chương 2 Toyota trỗi dậy nhờ tinh thần doanh nghiệp của Toyoda Eiji Báo chí và các đài truyền hình Nhật Bản đồng loạt đưa tin lớn và bình luận về Toyoda Eiji (1913-2013), nguyên Tổng Giám đốc Toyota, sau khi ông mất vào sáng ngày 17 tháng 9 năm 2013, vừa tròn 100 tuổi. Là công ti tư nhân nhưng với thanh danh và ảnh hưởng trên thế giới, Toyota đã thành tài sản, là niềm tự hào của cả xã hội Nhật nên dư luận quan tâm đến một người từng lãnh đạo công ti đó trong thời gian dài là hiện tượng tự nhiên. Nhưng ngoài yếu tố đó, Toyoda Eiji đáng chú ý ở vai trò đặc biệt đã đưa Toyota từ một công ti tương đối nhỏ và gặp nhiều khó khăn trở thành xí nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới ngày nay. Do đó mà nhiều báo đưa tin trong dịp này đã gọi Toyoda Eiji là "ông tổ thời trung hưng Toyota". Có thể nói Toyoda Eiji thành công là nhờ đã phát huy cao độ tinh thần doanh nghiệp (enterpreneurship), tố chất quan trọng nhất của nhà kinh doanh. Tinh thần doanh nghiệp đã được Toyoda thể hiện như thế nào trong các tình huống cụ thể? Một lãnh đạo công ti được xem là người có tinh thần doanh nghiệp nếu có các đặc tính sau: trước hết, đó là nỗ lực tìm kiếm và áp dụng cái mới, tinh thần luôn đổi mới để khám phá và sử dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, sản xuất bằng phương pháp mới, tìm kiếm thị trường mới. Các hoạt động này được gọi chung là cách tân công nghệ (innovation). Đôi khi nhà doanh nghiệp biết biến những nghịch cảnh, những thách thức trên thị trường hay trong xã hội thành động lực để khám phá công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới. Thứ hai là thái độ tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro. Thương trường vốn nhiều rủi ro, bất trắc, nhưng nếu không mạo hiểm thì không thể thành công. Tất nhiên, mạo hiểm không có nghĩa là làm liều, không tính toán. Phải có trí tuệ, có óc nhìn xa trông rộng về tương lai và dựa trên những phân tích có căn cứ mới tránh hoặc giảm rủi ro. Phát huy trí tuệ, tận dụng năng lực của nhân viên, công nhân trong công ti cũng là biện pháp khám phá ra cái mới và tránh hoặc giảm các rủi ro. Thứ ba, ý thức mưu tìm lợi nhuận (profit seeking), chứ không phải mưu tìm đặc lợi (rent seeking) cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần doanh nghiệp. Mưu tìm đặc lợi là lợi dụng cơ chế xin cho để mua chuộc những người có chức có quyền, qua đó kiếm được những cái lợi lớn mà không mất nhiều công sức trong kinh doanh. Người có tinh thần doanh nghiệp chỉ mưu tìm lợi nhuận chân chính và do đó hàm chứa tính chất cao thượng trong hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận chân chính là thành quả của nỗ lực khám phá công nghệ, khám phá thị trường cho những sản phẩm mới, hoặc cải tiến quản lí, khám phá phương pháp sản xuất mới để giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị phần. Người có tinh thần doanh nghiệp không màng đến cái lợi trước mắt, có hoài bão, lí tưởng, quyết đem tài năng của mình góp phần biến cải xã hội, thay đổi được cuộc sống của mọi người. Khi đã thành công trong kinh doanh, nhà doanh nghiệp chân chính lại dùng một phần lợi nhuận vào sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hay từ thiện. Thứ tư, một khi kinh doanh mang đủ các yếu tố trên, nhất là yếu tố thứ ba, thì đồng thời nó thể hiện rõ tính chất đạo đức trong kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói, đạo đức kinh doanh là kết quả tổng hợp của ba yếu tố kể trên. Người có tinh thần doanh nghiệp do vậy được xã hội kính nể, công ti của họ được xã hội ngưỡng mộ, tin cậy và nhiều khi được xem là tài sản chung của cả xã hội. Toyoda Eiji hội đủ tất cả các yếu tố của tinh thần doanh nghiệp. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp khoa cơ khí trường Đại học Tokyo, Eiji vào làm việc trong công ti Toyoda Jido-Shokki. Năm 1937, bộ phận ô-tô của công ti này tách ra thành công ti độc lập và là tiền thân của Toyota ngày nay. Theo yêu cầu của Tổng giám đốc công ti mới là Toyoda Kiichiro (chú ruột của Eiji và là ông nội của Toyoda Akio, Tổng Giám đốc Toyota hiện nay), Eiji đã theo chú sang công ti mới. Từ đó, với kiến thức cơ bản ngành cơ khí có từ thời đại học, kinh nghiệm thực tập tại công ti Ford ở Mĩ năm 1950 và khảo sát thực tiễn ở hiện trường sản xuất của Toyota, Eiji trở thành cánh tay đắc lực của Kiichi trong việc nghiên cứu và triển khai công nghệ để sản xuất xe nội địa. Sau khi kinh qua các chức vụ như thành viên ban giám đốc và Phó Tổng giám đốc, vào năm 1967, Eiji được bầu làm Tổng Giám đốc, từ đó Toyota bước vào một kỉ nguyên mới, một kỉ nguyên phát triển vượt bậc. Năm 1967 sản lượng ô-tô của Toyota là 83 vạn chiếc. Đến năm 1982, khi Eiji thôi chức Tổng Giám đốc và trở thành Chủ tịch công ti thì sản lượng đã tăng lên 328 vạn chiếc. Mười năm sau, khi Eiji rút lui khỏi các chức vụ có trách nhiệm trong kinh doanh và trở thành cố vấn công ti, thì sản lượng lên tới 470 vạn chiếc. Như vậy trong 25 năm Eiji làm Tổng Giám đốc và Chủ tịch, sản lượng ô tô sản xuất của Toyota tăng gần sáu lần. Nhưng quan trọng hơn, trong thời gian đó, Eiji đã xác lập triết lí, phương châm kinh doanh và phương thức sản xuât độc đáo trở thành nền móng để Toyota tiếp tực phát triển mạnh hơn ở giai đoạn sau. Tinh thần doanh nghiệp của Toyoda Eiji thể hiện ở một số tình huống cụ thể sau: Thứ nhất, tìm cách biến nghịch cảnh thành cơ hội. Năm 1964, Nhật Bản gia nhập Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), theo đó phải từng bước cho các công ti đa quốc gia vào đầu tư. Nhiều công ti trong nước lo ngại không cạnh tranh được vì mình còn nhỏ yếu. Nhưng Eiji cho rằng Nhật Bản đã bước vào thời đại cạnh tranh với thế giới nên chỉ còn cách là phải phấn đấu khám phá công nghệ, cải tiến quản lí, cải thiện phương pháp sản xuất để thắng lợi trong thời đại này. Và Toyota đã thành công. Ngoài ra, trong thập niên 1970, khí thải từ ô-tô trở thành vấn đề xã hội và bị dư luận phê phán. Eiji đã biến thách thức đó thành cơ hội, đã khai thác công nghệ ứng phó với môi trường và sản xuất các loại xe tiết kiệm nhiên liệu. Kết quả là xe hơi tiết kiệm nhiên liệu ấy trở thành sản phẩm cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới sau hai cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm cho ô-tô của Mĩ mất sức cạnh tranh. Thứ hai, Eiji là người xác lập "phương thức sản xuất Toyota", thường được gọi là “just-in-time”, nghĩa là sản xuất đúng thời hạn và đúng lượng những gì cần. Phương thức này tiết kiệm được phí tổn tồn kho và quan lí chất lượng từ những khâu trung gian trong quá trình sản xuất. Cùng trong nỗ lực xác lập phương thức này, Eiji chủ trương phải phát huy sáng kiến, ý tưởng của từng nhân viên trong công ti, từng người lao động ở hiện trường công xưởng. Ngay cả từ khi trở thành Tổng Giám đốc, ông cũng thường xuống hiện trường khảo sát và hỏi chuyện nhân viên, lao động. Thứ ba, với ý muốn đóng góp cho xã hội, vào năm 1974, lúc đang làm Tổng Giám đốc, Toyoda Eiji đã lập Quỹ Toyota (Toyota Foundation), với quỹ ban đầu là 10 tỉ yen, nhằm tài trợ các hoạt động hoặc nghiên cứu văn hóa, xã hội, giáo dục, v.v... Eiji là Giám đốc và Chủ tịch của Toyota Foundation từ lúc thành lập cho đến năm 1998 (từ đó đến khi mất là Chủ tịch danh dự). Trong thời gian lãnh đạo quỹ này, ông đã xác lập mục tiêu, phương châm hoạt động của một tổ chức vô vụ lợi do một công ti sáng lập và tài trợ. Chẳng hạn những câu nói của ông luôn được những người kế tục nhắc lại là: "Công ti Toyota được lớn mạnh như hiện nay là nhờ ân huệ của môi trường xã hội, do đó điều quan trọng là công ti phải đền đáp ân huệ đó đối với xã hội", "vì là trả ơn cho xã hội nên hoạt động của tài đoàn không được kêu gọi xã hội phải có gì đền đáp lại cho công ti"; "Quỹ phải hoạt động cho xã hội, không được hoạt động vì lợi ích của công ti". Cá nhân tôi có hai kỉ niệm đối với Toyoda Eiji. Năm 1981, tôi đang làm việc cho một công ti tư vấn tại Tokyo, chuyên nghiên cứu về kinh tế Nhật và cung cấp kết quả cho các công ti, các ngân hàng Âu Mĩ để họ tham khảo trong việc hoạch định chính sách buôn bán và đầu tư tại thị trường Nhật. Lúc đó, một công ti xe hơi của Mĩ đã yêu cầu chúng tôi nghiên cứu chiến lược sắp tới của Toyoda Eiji. Dự án này không thành vì sau đó công ti xe hơi của Mĩ đã nhờ một công ti tư vấn khác nghiên cứu đề tài ấy. Như đã nói ở trên, đầu thập niên 1980 là thời điểm ô-tô của Nhật cạnh tranh rất mạnh trên thị trường Âu Mĩ. Ý định nghiên cứu của công ti ô-tô Mĩ cho thấy nhân vật trung tâm của bản đồ ô-tô thế giới lúc đó là Toyoda Eiji. Kinh nghiệm thứ hai của tôi là vào năm 1985 được Toyota Foundation tài trợ cho dự án nghiên cứu về sự chuyển giao công nghệ trong dòng thác công nghiệp tại Đông Á (lúc đó tôi đã chuyển công việc từ công ti tư vấn sang một viện nghiên cứu kinh tế). Toyoda Eiji lúc đó là Giám đốc quỹ đã đến phát biểu trong buổi lễ và trực tiếp trao quyết định tài trợ cho những người thành công trong cuộc cạnh tranh xin tài trợ cho các dự án nghiên cứu và các hoạt động xã hội. Lúc đó Toyoda Eiji đã gần 75 tuổi nhưng trông rất khỏe mạnh, hoạt bát. Muốn xây dựng thành công một đất nước có nền công nghiệp hiện đại phải cần những người có tinh thần doanh nghiệp như Toyoda Eiji. CHƯƠNG 3 Thời gian trong kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc H àn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn. 1. Tinh thần dân tộc và công nghiệp hóa qua nỗ lực học tập Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước này bắt đầu từ khi Park Chung-hee nắm chính quyền (năm 1961), thiết lập thể chế độc tài nhưng với quyết tâm phát triển đất nước. Chế độ độc tài kéo dài đến hết thời Chun Doo-hwan, trải qua mấy biến cố chính trị sôi động, đến năm 1987 họ đã thành công trong việc chuyển sang thể chế dân chủ bằng cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên. Năm 1988, Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Seoul và năm 1996 được kết nạp vào khối OECD, một tổ chức của các nước tiên tiến. Từ lúc bắt đầu kế hoạch phát triển đến khi trở thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến, Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm, tương đương với thời gian 40 năm của Việt Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975. Tại sao Hàn Quốc thành công trong quá trình phát triển liên tục, chuyển từ giai đoạn đói nghèo sang giai đoạn thu nhập trung bình thấp, rồi trung bình cao, và tiến thẳng lên nước có thu nhập cao trong thời gian ngắn? Rất nhiều công trình nghiên cứu về kinh nghiệm nước này. Từ góc độ tham khảo cho Việt Nam hiện nay, tôi đặc biệt chú ý đến các yếu tố sau: Thứ nhất, ngay từ đầu đã có ngay sự đồng thuận của xã hội về sự cần thiết phải phát triển, phải theo kịp các nước tiên tiến, nhất là theo kịp Nhật (nước láng giềng từng đô hộ mình). Để có sự đồng thuận, năng lực, ý chí và chính sách của lãnh đạo chính trị là quan trọng nhất. Dù dưới chế độ độc tài, quyết tâm phát triển của lãnh đạo chính trị được thể hiện bằng các chiến lược, chính sách do lớp kĩ trị xây dựng, quan chức được tuyển chọn theo năng lực, người tài được trọng dụng. Như nhận xét của Evans (1995, tr. 51), ở Hàn Quốc, nhà nước có truyền thống chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất. Đặc biệt, Park Chung-hee lập Hội đồng hoạch định kinh tế (Economic Planning Board) quy tụ những chuyên gia học ở Mĩ về, được giao toàn quyền hoạch định chiến lược. Khi chiến lược đá được hoạch định, Park trực tiếp chỉ đạo việc động viên các nguồn lực (vốn, ngoại tệ,...) và tạo các cơ chế để chiến lược thành công. Khi cần thiết, ông tự mình, một cách rất công tâm và vì đất nước, chọn ra những doanh nghiệp có tiềm năng và tạo điều kiện thuận lợi để họ khởi động quá trình sản xuất những ngành công nghiệp nằm trong chiến lược phát triển.12 Nhờ sự đồng thuận cao về nhu cầu phát triển, tinh thần doanh nghiệp, nỗ lực học tập kinh nghiệm nước ngoài của giới kinh doanh Hàn Quốc rất lớn. Năm 1986, tôi có đến Hàn Quốc điều tra thực tế về chiến lược đuổi bắt công nghệ của doanh nghiệp nước này, ấn tượng nhất là thấy họ đưa ra khẩu hiệu phải theo kịp khả năng công nghệ của công ti hàng đầu của Nhật trong ngành.13 Những người có kinh nghiệm du học cùng với sinh viên Hàn Quốc cũng dễ dàng thấy nỗ lực học tập của họ. Quốc sách theo kịp nước tiên tiến không phải là khẩu hiệu chung chung mà từng thành phần trong xã hội đều nỗ lực thực hiện. Thứ hai, Hàn Quốc xây dựng được một cơ chế rất hiệu suất, hiệu quả về quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong quá trình đuổi theo các nước tiên tiến, mục tiêu cụ thể là tích cực đầu tư, tích lũy tư bản (nhưng tỉ lệ tiết kiệm ban đầu quá thấp phải vay nợ trong thời gian dài), đồng thời bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và đẩy mạnh xuât khẩu để có ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ và trả nợ. Như vậy, vai trò của nhà nước rất lớn. Trong tình hình đó, ở nhiều nước khác, doanh nghiệp cấu kết với quan chức để được tiếp cận với vốn vay ưu dãi, với ngoại tệ khan hiếm và với các nguồn hỗ trợ cho xuất khẩu.14 Nạn tham nhũng dễ phát sinh từ đó. Nhưng Hàn Quốc đã tránh được tệ nạn đó nhờ có cơ chế minh bạch, nhất quán, công minh, có tính cách kỉ luật (discipline). Cụ thể là doanh nghiệp đuợc nhận ưu đãi phải có nghĩa vụ tăng năng lực cạnh tranh, chẳng hạn phải xuất khẩu nhiều hơn truớc. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ sẽ không được hưởng ưu đãi trong giai đoạn sau. Nói chung, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau, đưa ra mục tiêu phấn đấu khả thi mới nhận được ưu đãi của nhà nước.15 Khi đặt xuất khẩu là mục tiêu của quốc gia thì người lãnh đạo cao nhất phải thường xuyên quan tâm và chỉ đạo chính phủ theo dõi diễn tiến thị trường để có những điều chỉnh kịp thời về chính sách. Cơ chế hợp tác, liên kết giữa chính phủ và doanh nghiệp cũng được xúc tiến. Đặc biệt từ năm 1965, hàng tháng chính phủ tiến hành hội nghị thúc đẩy xuất khẩu. Ấn tượng nhất là Tổng thống đích thân làm chủ tịch và chủ trì hội nghị này. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra rất lớn nhưng hầu như năm nào cũng đạt được là nhờ cơ chế như vậy (Xem Hình 3-1).16 Thứ ba, nhận xét của Amsden (1989) rất chính xác khi cho rằng Hàn Quốc đã thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập (industrialization on the basis of learning). Quả đúng như vậy nếu ta xem nỗ lực của chính phủ trong giáo dục, đào tạo, trong việc tạo ra cơ chế để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, và nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình học hỏi nước ngoài. Tỉ trọng dành cho giáo dục vào cuối thập niên 1950 chỉ có dưới 10% ngân sách nhà nước, nhưng đã tăng liên tục lên 15-18% trong thập niên 1960, và 19-21% trong đầu thập niên 1980. Tỉ lệ học sinh cấp ba trong độ tuổi thanh thiếu niên tăng từ 34% năm 1965 lên 56% năm 1975 và 91% năm 1984. Tỉ lệ sinh viên đại học trong thời gian đó là 6%, 10% và 26%. Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ rất cao trong hai chỉ tiêu: tỉ lệ của sinh viên du học trên tổng số sinh viên trong nước và tỉ lệ người du học trở về trên tổng số sinh viên di du học. Thành quả này có được là nhờ có các cơ chế liên quan đến việc thi tuyển và đãi ngộ người tài. Trong nỗ lực học tập, một điểm gây ấn tượng nữa là Hàn Quốc không ngừng tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ (R&D). Tỉ lệ của chi tiêu R&D trên GDP đã tăng liên tục từ 1% vào đầu thập niên 1980 lên đến khoảng 2,5% vào năm 2000 và 3,4% năm 2007. Trong nỗ lực này, trong giai đoạn từ thập niên 1980 trở về trước, nhà nước giữ vai trò chủ đạo, sau đó doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chính tuy ngân sách của nhà nước vẫn tăng liên tục.17 Ba điểm nói trên nhất quán trong suốt quá trình đuổi theo các nước tiên tiến nhưng nội dung của các cơ chế thay đổi theo nhu cầu phát triển của mỗi thời kì. Từ đầu thập niên 1980, vai trò của nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực nhỏ dần và thay vào đó tập trung vào giáo dục, nghiên cứu khoa học để tạo tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên thứ nguyên cao hơn. Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Á châu nhưng đã khắc phục được ngay (GDP đầu người chỉ giảm năm 1998) nhờ nền tảng cơ bản của nền kinh tế vững chắc và nhờ quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu nhà nước (lúc đó là Tổng thống Kim Dae-jung), cộng với năng lực và tinh thần hách nhiệm của quan chức. Nhân dịp Việt Nam bàn nhiều về việc phải tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vào tháng 6 năm 2012, tôi đã viết về kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc trong nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng tiền tệ 1997-98 (Bài này được đưa vào phần 2 dưới đây). Như sẽ thấy dưới đây, trách nhiệm người lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất. Ấn tượng nhất là mới vừa đắc cử, ông Kim Dae-jung đã khởi động nhanh nhiều biện pháp tái cấu trúc trước cả lễ nhậm chức tổng thống. 2. Tố chất của lãnh đạo chính trị khi đất nước khó khăn Tái cấu trúc kinh tế Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Cuối thập niên 1990, Hàn Quốc thực hiện một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế và đã thành công trong một thời gian ngắn. Tình trạng kinh tế Hàn Quốc trước khi thực hiện chương trình này cũng giống Việt Nam hiện nay (các tập đoàn lớn chi phối kinh tế và kết nối với hệ thống ngân hàng, đầu tư tràn lan, nợ chồng chất và gây ra khủng hoảng) nên mục tiêu và nội dung tái cấu trúc cũng rất giống với đề án tái cấu trúc của Việt Nam bây giờ. Điều kiện thành công của Hàn Quốc là gì? Kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển nhanh từ giữa thập niên 1960. Ảnh hưởng tư tưởng phát triển trên thế giới thời ấy, nhà nước đã đóng vai trò chủ đạo trong việc phân phối các nguồn lực đồng thời khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế với hi vọng sớm cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Nhà nước và các tập đoàn này đã thành công trong chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu. Chưa đầy hai thập niên, Hàn Quốc đã trở thành nước công nghiệp mới và tiếp tục phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào đầu thập niên 1990. Chiến lược này phát huy tác dụng trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng đã mất hiệu lực, không thích hợp với giai đoạn phát triển mới trong đó phải chuyển từ vai trò chủ đạo của nhà nước sang cơ chế thị trường và phải xác lập thể chế quản trị hiện đại cho hoạt động của doanh nghiệp. Từ năm 1960 đến 1995, Hàn Quốc phát triển trung bình 8,4%/năm, nhưng sang năm 1996 còn 6,8% và tiếp tục giảm xuống 5% năm 1997. Nhưng kinh tế giảm tốc không phải do ảnh hưởng nhất thời của kinh tế thế giới hay yếu tố tuần hoàn trong hoạt động đầu tư mà do yếu tố cơ cấu, yếu tố thể chế kinh tế. Do quan hệ mật thiết với ngân hàng, các tập đoàn kinh tế tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn nên đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực, kết cuộc thua lỗ và nợ tồn đọng không trả được. Hậu quả trực tiếp đến nền kinh tế là năng lực cạnh tranh suy yếu, nhập siêu trong cán cân thanh toán tăng mạnh, dự trữ ngoại tệ giảm, dư nợ nước ngoài tăng từ 44 tỉ USD năm 1993 lên 98 tỉ, rồi 128 tỉ, 164 tỉ, 159 tỉ trong bốn năm sau đó. Đặc biệt trong đó tỉ lệ nợ ngắn hạn lên tới gần 70%. Các tập đoàn lại dùng tiền vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn nên khi sản phẩm không bán được trên thị trường thì rơi vào tình trạng không trả nợ được. Sang năm 1997, ngân hàng trong nước không còn khả năng cho vay vì nợ đáo hạn không trả được tăng quá nhanh. Vay thêm nước ngoài cũng không được, ngược lại ngân hàng nước ngoài còn đòi Hàn Quốc phải trả các khoản nợ ngắn hạn. Trong tình hình đó, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1997, có đến sáu trong tổng số 30 tập đoàn liên tiếp phá sản. Đặc biệt trong đó có Kia là tập đoàn lớn thứ bảy và là tập đoàn nổi tiếng thế giới, phá sản vào tháng 7, gây ấn tượng mạnh trên thị trường tài chính thế giới. Doanh nghiệp Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng thanh khoản cả nội tệ và ngoại tệ. Tỉ giá đồng won cũng giảm mạnh từ tháng 8 năm 1997. Kết cuộc, tháng 11 năm 1997, Hàn Quốc phải cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 19,5 tỉ USD (tương đương kim ngạch dự trữ ngoại tệ vào cuối năm 1997). Hàn Quốc vào thời điểm đó đã trả hết nợ ODA đối với nước ngoài (chỉ còn vay thương mại) và trở thành nước cấp ODA cho nước khác, bây giờ lại phải cầu viện IMF, chịu các điều kiện về vận hành chính sách kinh tế do IMF áp đặt. Đối với Hàn Quốc, một nước có tinh thần dân tộc cao, đây là một sỉ nhục. Và họ đã quyết tâm cải cách để kinh tế hồi phục, hoàn trả IMF trong thời gian ngắn và tạo điều kiện để phát triển thành nước tiên tiến. Người được dân chúng ủy thác trọng trách này là Kim Dae-jung, Tổng thống mới được bầu vào tháng 12 năm 1997. Tổng thống Kim hành động ngay. Ông khởi động nhanh nhiều biện pháp trước cả lễ nhậm chức tổng thống dự định vào ngày 25 tháng 2 năm 1998. Trước hết, vào ngày 13 tháng 1, ông họp với lãnh đạo của năm tập đoàn lớn nhất, và ngày 8 tháng 2, ông đưa ra năm nguyên tắc lớn làm trụ cột cải cách tập đoàn kinh tế: 1/ Xác lập tính minh bạch của doanh nghiệp: Từ năm 1999, tất cả các tập đoàn có nghĩa vụ phải minh bạch hóa hệ thống tài vụ liên kết giữa các công ti thành viên. 2/ Các tập đoàn phải giảm ngay việc bảo lãnh lẫn nhau về vốn huy động của các doanh nghiệp thành viên (phương pháp này đã giúp cho các tập đoàn mở rộng hoạt động rất nhanh nhưng vô nguyên tắc, không có biện pháp kiểm soát). Tổng thống quy định là trước tháng 3 năm 1998, kim ngạch bảo lãnh của mỗi tập đoàn phải giảm xuống bằng hoặc ít hơn vốn tự có và từ tháng 4 năm 1998 nghiêm cấm những dự án mới của phương thức bảo lãnh này. Cho đến tháng 3 năm 2000, phương thức kinh doanh này hoàn toàn mất hẳn. 3/ Cải thiện nhanh cơ cấu tài chính (chủ yếu giảm nợ): Để tránh hành động vay nhiều và đầu tư dàn trải, Tổng thống buộc các tập đoàn phải giảm tỉ lệ nợ trên vốn tự có xuống dưới 200% trước tháng 12 năm 1999 (vào cuối năm 1997, bình quân tỉ lệ này của các tập đoàn là 518%). 4/ Phải chuyên môn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh: Buộc năm tập đoàn lớn không được đầu tư dàn trải, phải hạn chế hoạt động trong phạm vi từ ba đến năm lĩnh vực. Chính phủ sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động của doanh nghiệp. 5/ Tăng cường biện pháp minh định trách nhiệm của ban lãnh đạo tập đoàn, với các biện pháp chế tài, truy cứu trách nhiệm, thay đổi lãnh đạo đối với các tập đoàn kinh doanh tùy tiện, không thực hiện đúng chính sách tái cơ cấu của nhà nước. Với việc thi hành nhanh chóng, triệt để năm nguyên tắc này, nhiều tập đoàn cỡ trung trở xuống phải phá sản. Đặc biệt Daewoo là tập đoàn lớn cũng bị phá sản. Ngược lại, những tập đoàn tương đối mạnh bây giờ có cơ hội xác lập được thể chế quản trị công ti hiện đại (corporate governance) nên đã lớn mạnh sau đó, điển hình là tập đoàn Huyndai, Samsung và LG. Trước khi xảy ra khủng hoảng (đầu năm 1997), Hàn Quốc có 30 tập đoàn thì đến cuối năm 2001 chỉ còn 16. Chiến lược tái cấu trúc hệ thống tín dụng, chỉnh lí ngân hàng cũng dược thực thi nhanh chóng và táo bạo, dựa trên các tiêu chuẩn phổ quát của thế giới. Những ngân hàng, tổ hợp tín dụng, công ti chứng khoán, v.v... không đủ tiêu chuẩn sẽ bị phá sản, thanh lí, sáp nhập với tổ chức lành mạnh hơn. Nhà nước đã dùng 150.000 tỉ won (tương đương 30% GDP) để giải cứu những ngân hàng gặp khó khăn (tăng vốn tự có, mua nợ xấu, v.v...) nhằm tránh sự bất ổn tín dụng và bảo vệ người gửi tiền, nhưng với điều kiện các ngân hàng ấy phải thay đổi ban lãnh đạo. Phải bắt ban lãnh đạo củ chịu trách nhiệm và rút lui mới có thể dùng công quỹ yểm trợ ngân hàng mà không bị dân chúng phê phán. Sau ba, bốn năm thực hiện chương trình tái cấụ trúc này, 30% số ngân hàng và phi ngân hàng bị thanh lí, phá sản hoặc sáp nhập. Đặc biệt, số lượng ngân hàng giảm từ 33 còn 20, số quỹ tín dụng giảm từ 231 còn 117, v.v... Chương trình tái cấu trúc kinh tế của Tổng thống Kim Dae-jung còn bao gồm việc cải cách khu vực đầu tư công và chế độ lao động, nhưng cải cách tập đoàn kinh tế và hệ thống tín dụng là quan trọng nhất. Nhờ việc thực hiện nhanh chóng, triệt để, kinh tế Hàn Quốc hồi phục nhanh, xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ tăng từ năm 1999. Cho đến tháng 8 năm 2001, Hàn Quốc đã trả hết số tiền đã vay từ IMF. Cuộc xoay chuyển ngoạn mục không dừng lại ở đó. Cuộc cách mạng về thể chế này đã mở đầu cho bước phát triển mới, với chất lượng cao hơn: Hàn Quốc chuyển từ nền kinh tế do nhà nước chủ đạo với vai trò lớn của tập đoàn kinh tế sang nền kinh tế thiên hẳn sang kinh tế thị trường, tránh được bẫy thu nhập trung bình và phát triển lên hàng các nước tiên tiến. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng cho thấy tuy các tập đoàn kinh tế hoàn toàn là sở hữu tư nhân nhưng khi cần thiết và vì lợi ích chung của đất nước, nhà nước cũng có thể can thiệp bằng các biện pháp minh bạch, được dư luận ủng hộ. Kinh nghiệm này cũng cho thấy tập đoàn kinh tế phải xác lập cơ chế quản trị doanh nghiệp và chịu ảnh hưởng của kỉ luật thị trường mới phát triển lành mạnh. Chiến lược tái cấu trúc kinh tế của Hàn Quốc thành công nhờ nhiều điều kiện, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất: Một là bản lĩnh, năng lực, tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất., Trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo rất quan trọng. Thực hiện cải cách không đi kèm với trách nhiệm cá nhân mà dựa trên nghị quyết tập thể chẳng hạn sẽ không thành công vì không ai chịu trách nhiệm. Hai là Hàn Quốc có một đội ngũ quan chức ưu tú, tinh thần dân tộc cao và vốn được đãi ngộ xứng đáng nên các bộ ngành chuyển động nhanh khi lãnh đạo đưa ra quyết tâm. Trình độ phát triển của Hàn Quốc 15 năm trước (đã đạt mức thu nhập trung bình cao) khác với Việt Nam hiện nay (một nước thu nhập trung bình thấp) nhưng tình trạng kinh tế và các vấn đề cơ bản của hai trường hợp rất giống nhau. Theo tôi, hai yếu tố thành công của Hàn Quốc cũng là điều kiện để Đề án tái cấu trúc của Việt Nam được thực hiện đúng như người dân mong muốn. Phụ trang Chương 3 Từ Seoul nhìn về việt Nam Tháng 11 năm 2010, tôi lại có dịp thăm Seoul. Lần này, tôi tham dự hội nghị quốc tế về kinh tế châu Á, một cuộc hội thảo nằm trong nhiều chương trình chung quanh Hội nghị thượng đỉnh G20 do Hàn Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm 2010. Lại một lần nữa, tôi được chứng kiến thành quả phát triển vượt bậc xuất phát từ tinh thần dân tộc, từ nỗ lực của mọi tầng lớp để đưa đất nước lên hàng các quốc gia tiên tiến. Cho đến nay, tôi chỉ có dịp thăm Hàn Quốc ba lần, nhưng rất ngẫu nhiên là lần nào cũng trùng hợp với các mốc phát triển đáng nhớ của nước này. Lần đầu vào mùa hè năm 1986 là năm Hàn Quốc chuyển từ nước nhập siêu sang nước xuất siêu tư bản. Trong quá trình phát triển từ thập niên 1960, Hàn Quốc phải vay vốn nước ngoài (chủ yếu là ODA và vay thương mại) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phát triển công nghiệp. Đầu thập niên 1980, Hàn Quốc là một trong năm nước vay nợ nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên khác với các nước vay nợ khác, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh, nhiều ngành công nghiệp cạnh tranh mạnh trên thế giới nên nước này chẳng những trả dần hết nợ mà còn trở thành nước cung cấp ODA và đầu tư ra nước ngoài từ giữa thập niên 1980. Lúc tôi ở thăm Seoul lần đó, một không khí phấn chấn tự tin tràn khắp thủ đô. Đặc biệt Thế vận hội Seoul dự định tổ chức vào năm 1988 nên người dân nô nức chuẩn bị sự kiện quan trọng mà họ rất hãnh diện vì là nước Á châu thứ hai (sau Nhật) được đăng cai tổ chức. Sau đó ít lâu, vào năm 1996, Hàn Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước tư bản phát triển. Lần thứ hai thăm Seoul vào cuối năm 2001, đúng lúc kinh tế Hàn Quốc đã thực sự hồi phục sau mấy năm suy thoái, khó khăn do cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á (1997-1998) gây ra. Cuộc khủng hoảng đó làm cho kinh tế Hàn Quốc suy sụp (GDP năm 1998 giảm gần 6%), nhiều công ti và ngân hàng thuộc các tập đoàn kinh tế (chaebol) bị phá sản, đặc biệt chính phủ phải chấp nhận những điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để được vay 20 tỉ USD mới ổn định thị trường tiền tệ và giải quyết các thanh khoản quốc tế. Những điều kiện mà IMF đưa ra khi cho vay như buộc phải cắt giảm chi tiêu tài chính, tăng lãi suất, giảm tốc độ tăng trưởng, v.v... mà kết quả là IMF đã can thiệp vào chính sách kinh tế của Hàn Quốc đã làm tổn thương lòng tự hào dân tộc của nước này. Do đó không khí chống IMF lan rộng trong dân chúng. Tuy nhiên, sự kiện này càng làm tăng tinh thần dân tộc vốn có của Hàn Quốc. Rất nhiều phụ nữ tự nguyện dâng tặng đồ trang sức bằng vàng, bạc và kim cương để chính phủ đổi lấy ngoại tệ góp phần giảm số tiền cần thiết phải đi vay. Với sự đồng thuận cao của xã hội trước tình thế khó khăn, chính phủ cũng đã thực hiện được các biện pháp mạnh như cho giải thể các tập đoàn hoạt động không hiệu quả và yểm trợ các tập đoàn có tiềm năng. Từ đó, kinh tế Hàn Quốc bước sang giai đoạn mới với nhiều công ti ngày càng chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới, như Samsung và LG trong lĩnh vực điện tử và Huyndai trong ngành xe hơi. Cũng từ đó, ta thấy Hàn Quốc không ngừng vươn lên trên vũ đài kinh tế và chính trị thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới cuối năm 2008 làm suy sụp kinh tế nhiều nước tiên tiến nhưng Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhẹ hơn, thậm chí các công ti điện tử và xe hơi tiếp tục tăng thị phần trên thế giới, về ti-vi màn hình tinh thể lỏng và điện thoại cầm tay chẳng hạn, cả Samsung và LG đều tăng thị phần trong năm 2009 so với năm 2008. Năm 2009, trong khi hầu hết các công ti xe hơi thế giới bị đình đốn, lượng xe bán ra giảm đến hơn 10% thì Hyuandai tăng 13%, trở thành công ti xe hơi lớn thứ năm trên thế giới. Cả về văn hóa, qua phim ảnh, Hàn Quốc cũng ngày càng chiếm được sự quan tâm, mến mộ của thế giới, nhất là dân chúng tại các nước châu Á. Tháng 11 năm 2010, tôi thăm Seoul lần thứ ba, được chứng kiến khí thế tự tin, phấn chấn, và ý chí tiếp tục vươn lên của người Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên tổ chức tại một nước ngoài tám nước lớn (G8) đối với Hàn Quốc có ý nghĩa lịch sử. Nhân dịp này, Hàn Quốc vận động các tầng lớp dân chúng ý thức hơn nữa khả năng của dân tộc mình, quyết vươn lên ngang hàng các nước tiên tiến. Họ đưa ra các mục tiêu như "đồng hành cùng thế giới và trở thành quốc gia được thế giới kính trọng", "tiến vào trung tâm của thế giới" (để trở thành quốc gia có ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế), v.v... Hôm hội thảo về kinh tế Á châu, một dân biểu quốc hội cùng với Thị trưởng thành phố Incheon, là thành phố diễn ra hội thảo và là nơi có sân bay quốc tế hiện đại bậc nhất ở châu Á, đến đọc diễn văn khai mạc. Cả hai người nói tiếng Anh rất lưu loát, nhưng đặc biệt là nội dung rất khúc chiết, ấn tượng, cách diễn đạt nhiều chỗ dí dỏm nên cả hai bài diễn văn đều tương đối dài nhưng nghe không chán. Họ bàn đến tương lai của hợp tác và phát triển ở châu Á và phân tích vai trò của Hàn Quốc với những luận điểm rất thuyết phục. Nội dung toát ra sự tự tin của Hàn Quốc nhưng người nước ngoài nghe vẫn đồng cảm được. Như đã nói ở trên, từ lúc bắt đầu kế hoạch phát triển (năm 1962) của một trong những nước nghèo nhất thế giới đến khi trở thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến (1996), Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hàn Quốc là một trong số ít các nước đã không sa vào bẫy của nước thu nhập trung bình mà vượt lên thành nước có thu nhập cao. Phần ở trên cũng đã phân tích các nguyên nhân đưa đến thành công của Hàn Quốc. Hiện nay, tại Hàn Quốc có độ 9 vạn người Việt Nam, trong đó độ 3 vạn là phụ nữ sang lập gia đình ở xứ này, khoảng 6 vạn là lao động (theo dạng xuất khẩu) và vài ngàn sinh viên. Trên đường trở lại Tokyo, trong đầu tôi luôn đọng lại câu hỏi: bao giờ Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc để sẽ không còn người Việt Nam sang xứ Hàn kết hôn hoặc lao động trong những điều kiện bất đắc dĩ? Nên nhớ là vào thập niên 1960, nhìn chung Việt Nam không kém Hàn Quốc về trình độ phát triển. CHƯƠNG 4 Việt Nam và Trung Quốc: Một thể chế hai thành tích phát triển T rung Quốc và Việt Nam có cùng một thể chế chính trị và thời kì bắt đầu cải cách, phát triển cũng cách nhau không xa. Do đó trong phần này khi phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc, ta thử so sánh với Việt Nam để làm rõ các vấn đề của Việt Nam hơn. Trong khoảng 30 năm qua, nhất là từ thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1980 đến 2008, bình quân mỗi năm tăng 10%, sau đó giảm nhưng vẫn giữ mức 7%. Trung Quốc đã trở thành công xuởng thế giới và từ năm 2010 là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Việt Nam từ khi đổi mới đến năm 2007 bình quân mỗi năm chỉ phát triển độ 7% và từ 2008 đến nay giảm còn trên dưới 6%. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng nới rộng (Hình 4-1 và 4-2). Vào năm 1984, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam độ 30%, nhưng năm 2013 khoảng cách đó tăng lên tới 3,5 lần. Ngoài ra, như sẽ phân tích ở Chương 9, nhập siêu của Việt Nam trong mậu dịch với Trung Quốc lớn ở mức dị thường, công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Gần đây nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao thành quả phát triển của Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam, mặc dù cùng một thể chế chính trị, cùng một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội. Năm 2001, Việt Nam chính thức đưa ra mục tiêu xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng từ năm 1994, Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước" nên có thể nói là chủ trương xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có từ 24 năm trước. Bên Trung Quốc vào năm 1992 cũng phát biểu phương châm cơ bản là xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Việc so sánh trình độ phát triển của hai nước không đơn giản vì cần khảo sát nhiều yếu tố cả chất và lượng. Nhưng GDP đầu người là chỉ tiêu tổng hợp nhất có thể tạm dùng để so sánh vì sự khác nhau giữa các nước về chỉ tiêu này cũng phản ảnh trình độ khác nhau về sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, về cơ cấu hàng công nghiệp xuất khẩu, v.v... Dĩ nhiên nếu chất lượng phát triển (hiệu suất đầu tư, ảnh hưởng môi trường, tình trạng phân phối thu nhập) rất khác nhau thì tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn chưa hẳn đáng được đánh giá cao. Nhưng giữa Trung Quốc và Việt Nam, chất lượng phát triển có thể nói không chênh lệch nhiều. Có thể có người giải thích sự chênh lệch phát triển do có khác biệt về điều kiện ban đầu. Chẳng hạn, thứ nhất, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa trước Việt Nam tám năm. Nhưng yếu tố này không mạnh. Ngược lại, lí luận về lợi ích của nước đi sau hoặc lí luận về sự hội tụ (convergence) cho thấy những nước đi sau dễ phát triển với tốc độ cao hơn nước đi trước. Thứ hai, quy mô thị trường có thể giúp công nghiệp Trung Quốc sản xuất có hiệu suất và nhanh chóng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Yếu tố này có tác dụng đối với những ngành công nghiệp khởi đầu bằng thay thế nhập khẩu, sản xuất cho thị trường trong nước. Nhưng đối với công nghiệp hướng vào xuất khẩu (khuynh hướng phát triển chủ đạo tại châu Á từ cuối thập niên 1980), quy mô thị trường trong nước không quan trọng. Tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có điều kiện địa lí giống Việt Nam, đã phát triển mạnh mẽ từ giữa thập niên 1990 nhờ sử dụng hiệu quả tư bản và công nghệ nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa hướng vào thị trường thế giới. Ngoài ra còn một số yếu tố khác về điều kiện ban đầu, nhưng theo tôi, những yếu tố sau đây quan trọng hơn, có tính cách quyết định hơn. Thứ nhất, chủ nghĩa phát triển (developmentalism) hay ý thức hệ? Chủ nghĩa phát triển nguyên nghĩa là sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thể chế thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển và, với thành quả đó, khẳng định sự chính thống của người đang lãnh đạo đất nước. Ba yếu tố cốt lõi của chủ nghĩa phát triển thường thấy ở nhiều nước thành công ở Á châu như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là độc tài nhưng yêu nước, tôn trọng kinh tế thị trường và có tinh thần dân tộc. Áp dụng khái niệm này vào trường hợp một nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh tế thị trường, đó là sự mạnh dạn tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển, vai trò của nhà nước chỉ nhằm giải quyết những vấn đề mà kinh tế học gọi là sự thất bại của thị trường (giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và các nguồn lực khác, đầu tư trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cộng, bảo vệ môi trường, v.v...). Điểm mấu chốt của chủ nghĩa phát triển ứng dụng cho trường hợp này là không để ý thức hệ (chủ nghĩa xã hội) níu kéo khả năng phát triển. Có thể nói lãnh đạo của Trung Quốc đã dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển. Tuy đề ra chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế hầu như họ gác lại một bên lí tưởng đó mà tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho nuớc ngoài đến đầu tư trực tiếp (FDI). Trong thập niên 1980, phe bảo thủ còn mạnh nhưng phe cải cách đã theo phương châm "Thực tiễn là thước đo chân lí", lấy thành quả cải cách bước đầu thuyết phục được những người bảo thủ và tiếp tục cải cách. Khi thấy khu vực phi quốc doanh phát triển mạnh và thành hình một giới lãnh đạo doanh nghiệp mới, thay vì kiềm hãm họ để bảo vệ lí tưởng vì giai cấp công nông, Trung Quốc đã đưa ra thuyết Ba đại diện (năm 2002) để tu chỉnh lí tưởng, mục tiêu của Đảng Cộng sản. Khác với Trung Quốc, Việt Nam không theo chủ nghĩa phát triển mà thường để ý thức hệ chính trị chi phối quá trình cải cách. Điển hình là tranh luận trong giới lãnh đạo vào giữa thập niên 1990 về bốn nguy cơ mà Việt Nam đang trực diện, trong đó những lãnh đạo theo hướng cải cách chủ trương "nguy cơ tụt hậu" là quan trọng nhất cần khắc phục để đẩy mạnh phát triển, trong khi giới bảo thủ thì cho "chệch hướng chủ nghĩa xã hội" là nguy cơ lớn nhất. Tiếc là phía cải cách không đủ mạnh nên ảnh hưởng của tư tưởng bảo thủ kéo dài nhiều năm, bỏ mất nhiều thời cơ phát triển. Chẳng hạn chính sách Đổi mới quyết định năm 1986 chủ trương đa dạng hóa chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nhưng đến năm 1990 mới có Luật Doanh nghiệp, trong đó thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đó chỉ mới thừa nhận, phải đợi đến năm 1999 mới có Luật Doanh nghiệp mới, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong mọi lĩnh vực mà luật không cấm. Nhưng sau đó, do phương châm quốc doanh chủ đạo, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân cho đến hiện nay vẫn gặp khó khăn. Thứ hai là vai trò của chính quyền địa phương. Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương cũng có tinh thần của "chủ nghĩa phát triển". Các địa phương cạnh tranh nhau trong quá trình phát triển. Đặc biệt doanh nghiệp hương trấn (township village entreprises, TVEs) phát triển mạnh mẽ ở nông thôn các tỉnh ven biển là nhờ chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về thông tin, về vốn, nhất là về thủ tục hành chính. Hình thái của TVEs là sở hữu tập thể nhưng chính quyền địa phương cho hoạt động như doanh nghiệp tư nhân. Địa phương phát triển là điều kiện để lãnh đạo được đề bạt lên các chức vụ ở trung ương. Về phía Việt Nam, sau giai đoạn sản xuất nông nghiệp khởi sắc nhờ Khoản 10 (1988), chưa thấy có sự chuyển dịch đáng kể ở nông thôn. Không thấy có điển hình phát triển nào được chú ý, ngoài vài tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngược lại, nhiều hiện tượng cho thấy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam không được phát huy. Chẳng hạn, vài năm trước, tôi thấy trái cây các loại của Thái Lan và Philippines được đóng gói rất đẹp mắt bày bán ở các của hàng ở sân bay Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây nhưng không thấy bóng dáng của hàng Việt Nam. Các nước ASEAN đã tận dụng các ưu đãi về thuế trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, trong khi không hiểu chính quyền địa phương ở Việt Nam sao không nỗ lực tổ chức và tạo điều kiện để hàng nông nghiệp xuất khẩu được. Cũng vài năm trước, thăm một công ti có vốn nước ngoài chuyên sản xuất thực phẩm đóng hộp xuất khẩu tại một khu công nghiệp ở Bình Dương, tôi ngạc nhiên biết được họ phải nhập khẩu cà chua dùng làm nguyên liệu ở nhà máy chứ không mua của Việt Nam "vì hàng Việt Nam không bảo đảm phẩm chất và thời hạn giao hàng". Yếu tố thể chế quan trọng nhất có lẽ là ở Việt Nam, địa phương phát triển hay không chưa phải là điều kiện để lãnh đạo thăng tiến. Khoảng 10 năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam có chính sách luân chuyển cán bộ. Nhiều cán bộ nguồn được gửi về địa phương để thêm kinh nghiêm thực tế và sau đó được gọi về trung ương giữ các chức vụ tương đương bộ trưởng hay thứ trưởng mà không xem xét người đó đã có thành tích như thế nào ở địa phương mình phụ trách. Thứ ba là năng lực triển khai chiến lược phát triển. Sau khi có chiến lược, phương châm phát triển, khả năng bắt tay ngay vào việc triển khai cụ thể được hay không dĩ nhiên ảnh hưởng đến thành quả phát triển. Về mặt này, thái độ của Trung Quốc rất ấn tượng. Ngay từ khi quyết định cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã nhận thức sức mạnh của công nghệ, của tri thức và có chiến lược tận dụng nguồn lực của Nhật và Mĩ, hai nước được họ xem là mạnh nhất thế giới lúc đó. Họ cũng chọn Quảng Động và Phúc Kiến để lập đặc khu kinh tế nhắm vào sức mạnh và tâm lí hoài hương của Hoa kiều mà đa số xuất thân từ hai tỉnh này. Thực tiễn cho thấy chiến lược này rất đúng đắn. Trong thập niên 1980, trong khi hành lang pháp lí chưa được hoàn thiện, doanh nghiệp Âu Mĩ và Nhật Bản còn e ngại, sợ rủi ro, chưa đầu tư bao nhiêu thì Hoa kiều đã tích cực đổ vốn và đưa công nghệ vào bốn đặc khu kinh tế. Sang thập niên 1990, làn sóng FDI từ Đài Loan, Nhật Bản và các nước Âu Mĩ bắt đầu tích cực chảy đến Trung Quốc. Khảo sát chiến lược và quy trình tranh thủ công nghệ Nhật Bản của Trung Quốc, ta thấy: sau khi lãnh đạo trực tiếp tiếp thị thành công đối với các công ti đa quốc gia của Nhật, bộ máy chuyển động ngay để cụ thể hóa việc tiếp nhận công nghệ, và nhà máy xây dựng, sản xuất bắt đầu nhanh chóng. Giữa các giai đoạn này là việc cử người sang Nhật học tập, chọn địa điểm và giải tỏa đền bù. Bằng phương thức này, trong thập niên 1980, Trung Quốc đã tranh thủ Nhật để xây các nhà máy thép hiện đại, các cơ sở hóa dầu, cơ sở sản xuất máy cày, máy chế ngự kĩ thuật số, v.v... và các công ti xe hơi của Nhật đã sang đầu tư quy mô lớn. Từ thập niên 1990, Nhật ồ ạt sang đầu tư, hình thành nhiều cụm công nghiệp ở Quảng Đông, Vô Tích, Đại Liên. Việt Nam thì sao? Từ thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, chính sách FDI nói chung là nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài và luôn thay đổi nên đã đánh mất nhiều cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hóa. Từ khi gia nhập WTO (đầu năm 2007) thì ngược lại, cho FDI vào tự do ở mọi ngành, kể cả những ngành doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư, và kể cả những ngành lẽ ra cần dành cho doanh nghiệp trong nước trong tương lai. Hậu quả của giai đoạn thứ hai là FDI vào ồ ạt vào đầu tư trong khi doanh nghiệp trong nước, kể cả quốc doanh, còn yếu. Thứ tư là chất lượng bộ máy nhà nước, về phí tổn kinh doanh, tình trạng tham nhũng, hiệu suất của bộ máy hành chính, và các chỉ tiêu khác liên quan chất lượng thể chế, Trung Quốc từ trước không trầm trọng bằng Việt Nam và sau đó còn cải thiện nhanh hơn Việt Nam. Hiện nay, hầu như tất cả các chỉ tiêu này cho thấy Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam. Chẳng hạn theo Doing Business 2014, số loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp tại Trung Quốc giảm từ 35 loại năm 2005 xuống còn bảy loại vào năm 2012. Trong thời gian đó, Việt Nam không giảm và vẫn ở mức cao là 32 loại. Trong cùng thời gian, phí để bắt đầu dự án (tính theo phần trăm trên thu nhập đầu người) tại Trung Quốc giảm từ 13,6% xuống 2,1% trong khi tại Việt Nam giảm từ độ cao 27,6% xuống 8,7%, vẫn còn cao gấp bốn lần Trung Quốc. Nhiều chỉ tiêu khác cũng cho thấy tình hình tương tự (Bảng 4- 1). Như vậy, khoảng cách phát triển ngày càng mở rộng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng 30 năm qua có thể được giải thích bằng sự khác nhau trong tư duy về tương lai đất nước (dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển hay bị chi phối bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa), khác nhau về năng lực biến phương châm thành chiến lược cụ thể và khả năng thực hiện để đạt mục tiêu, và bằng sự khác nhau về chất lượng thể chế liên quan phí tổn hành chính mà doanh nghiệp phải phụ đảm. Để theo kịp Trung Quốc, tư duy, ý thức của lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi và cố làm sao cho chất lượng thể chế phải bằng hoặc hơn Trung Quốc. Qua khảo sát kinh nghiệm phát triển thành công của ba nước Đông Á, ta thấy họ có các đặc tính chung như sau: Thứ nhất, quyết tâm của lãnh đạo chính trị bằng mọi cách phải đưa đất nước theo kịp các nước tiên tiến là rất lớn và có tính cách quyết định.18 Từ quyết tâm và hoài vọng về tương lai tươi sáng của đất nước họ dồn mọi nỗ lực cho phát triển, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho mục tiêu phát triển và tận dụng người tài. Trong phần nói về Trung Quốc, chúng ta đã dùng khái niệm chủ nghĩa phát triển để đối chiếu với tư tưởng bảo thủ, giáo điều vì một ý thức hệ đã lỗi thời. Nhưng chủ nghĩa phát triển cũng có thể áp dụng cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và nhiều nước khác mà lãnh đạo chính trị có các tố chất như đã nêu ở trên. Thứ hai, để thực hiện thành công chiến lược và chính sách phát triển, cần một đội ngũ quan chức có tài và có đức. Tôi có dịp phân tích những yếu tố làm cho Nhật Bản có đội ngũ quan chức giỏi và thanh liêm (Trần Văn Thọ 1997, Chương 3). Phần nói về Nhật Bản ở trên cũng có đề cập qua hình ảnh quan chức ở Bộ Công thương. Tố chất của quan chức Hàn Quốc cũng đã đề cập ở trên. Chưa có nghiên cứu về đội ngũ quan chức của Trung Quốc, có lẽ không bằng Nhật và Hàn Quốc, nhưng theo tôi là hơn Việt Nam nhiều. Điều này được khẳng định một phần qua phân tích so sánh Trung Quốc và Việt Nam liên quan tốc độ cải thiện bộ máy và thủ tục hành chính ở trên. Trong bài viết về kinh tế biên giới Việt - Trung (Trần Văn Thọ 2013b), tôi cũng có đề cập thành quả rất ấn tượng của các cấp quản lí hành chính ở các địa phương Trung Quốc trong nỗ lực hấp thu công nghệ nước ngoài và dần dần tự chủ được công nghệ đó. Thứ ba, tuy nhà nước có vai trò rất quan trọng ở giai đoạn đầu nhưng động lực để kinh tế phát triển nhanh và bền vững là doanh nghiệp tư nhân. Thời đầu Minh Trị, nhà nước lập ra nhiều doanh nghiệp quốc doanh trong các ngành quan trọng như thép, đóng tàu,... nhưng dần dần chuyển giao sang doanh nghiệp dân doanh. Ngày nay, ta thấy những doanh nghiệp mang lại thanh danh cho nước Nhật đều là tư nhân như Toyota, Honda, Sony, Hitachi, Mitsubishi, Mitsui, Shiseido, v.v... Hàn Quốc có Samsung, Huyndai, LG,... cũng đều là doanh nghiệp tư nhân.19 Do yếu tố thể chế, ở Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước còn nhiều nhưng khác với Việt Nam ở chỗ họ cạnh tranh với nhau rất gay gắt và nhiều doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp dân doanh cũng đồng thời phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, vai trò của nguồn nhân lực cũng quan trọng mà bài viết này chỉ mới nói sơ lược trong trường hợp Hàn Quốc. Các nước Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan không có tài nguyên thiên nhiên nhưng có nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao nhờ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu công nghệ, kĩ thuật nên đã thành công trong phát triển kinh tế. Về quan hệ lành mạnh giữa nhà nước và thị trường, giữa nhà nước và doanh nghiệp tại các nước phát triển thành công ở Đông Á, bản báo cáo nổi tiếng của WB Sự thần kì Đông Á (World Bank 1993) đã dùng khái niệm rất hay là sự can thiệp (của nhà nước) một cách thân thiện với thị trường (market friendly intervention). Nhà nước vạch ra chiến lược, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo hành lang pháp lí, đầu tư cho giáo dục, công nghệ, và đưa ra các biện pháp khuyến khích (incentives) cho doanh nghiệp đầu tư vào những ngành có lợi thế so sánh động. Nói chung, nhà nước lo việc xây dựng cơ chế thị trường, còn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh thì để doanh nghiệp tư nhân đảm trách. CHƯƠNG 5 Việt Nam trong dòng chảy lao Động tại Á châu K hu vực châu Á Thái Bình Dương, còn được gọi là vùng Đông Á, trong 40 năm qua đã phát triển năng động. Công nghiệp hóa lan tỏa từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, Đài Loan, rồi đến Trung Quốc và nhiều nước ở ASEAN. Quá trình đó được thúc đẩy bởi sự di chuyển nhộn nhịp của tư bản, công nghệ và tri thức kinh doanh từ các nước đi trước đến các nước đi sau. Những năm gần đây, một yếu tố khác ngày càng nổi bật trên bức tranh sống động đó. Đó là lao động. Đây là yếu tố di chuyển từ nước đi sau đến nước đã phát triển, nghĩa là đi ngược dòng với tư bản, công nghệ và tri thức kinh doanh. Nhưng trong 40 năm qua cũng có hiện tượng một số nước xoay chuyển dòng chảy, từ vị trí của nước xuất sang nước nhập khẩu lao động. Qua các hiện tượng này, ta có thể thấy được trình độ phát triển của các nước, và đôi khi thấy được hình ảnh không mấy tốt đẹp của một số nước trên vũ đài quốc tế. 1. Sự di chuyển lao động tại Đông Á Tại Đông Á bắt đầu có hiện tượng xuất khẩu lao động từ thập niên 1970, chủ yếu là lao động nam từ Philippines, Thái Lan và Indonesia sang làm việc trong ngành xây dựng tại các nước Trung Đông, và lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Đông Âu. Sang thập niên 1980, lao động di chuyển trong nội bộ khu vực Đông Á bắt đầu tăng, lúc đầu chủ yếu là lao động nữ từ Indonesia, Philippines và Việt Nam di chuyển sang Đài Loan, Singapore và Thái Lan, sau đó đến Nhật và Hàn Quốc. Vào thập niên 1980 và 1990, công việc chính của những lao động nữ này là giúp việc nhà, nhưng sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khac như săn sóc người già, phục vụ trong các nhà hàng, v.v... Năm 2012, Philippines xuất khẩu khoảng 1,8 triệu, Indonesia khoảng 19 vạn người. Việt Nam vào năm 2013 xuất khẩu độ 9 vạn lao động. So với Philippines và Indonesia, số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam ít hơn nhiều, một phần vì quy mô dân số nhỏ hơn. Nhưng đó là nói về lao động xuất khẩu đến toàn thế giới. Nếu chỉ kể những thị trường chính ở Á châu thì số lượng lao động đến từ Việt Nam, Indonesia và Thái Lan gần như tương đương. Tại các nước phát triển ở Đông Á, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh sang những ngành dùng nhiều tư bản, công nghệ và lao động tri thức, và chuyển sang nước ngoài (đầu tư trực tiếp) những ngành dùng nhiều lao động giản đơn. Tuy nhiên, những ngành dùng nhiều lao động giản đơn có quy mô khá lớn nên không thể chuyển hết ra nước ngoài, nhất là những lĩnh vực như xây dựng, nhà hàng, và dịch vụ săn sóc người già vốn là những ngành không thể dịch chuyển sang nước khác. Từ thập niên 1980, Nhật Bản ngày càng thiếu hụt lao động trong những lĩnh vực vừa kể nhưng không tích cực nhập khẩu do lo ngại an ninh xã hội không bảo đảm vì lao động giản đơn từ nước ngoài đến thường gặp trở ngại về ngôn ngữ và bất đồng về văn hóa. Nhật có chính sách chỉ nhận thực tập sinh (độ 155.000 người vào cuối năm 2013), là những người có trình độ văn hóa nhất định và từ đầu được các công ti Nhật bảo lãnh. Do chính sách này, vì tiềm năng cung và cầu khá lớn nên lao động giản đơn đến Nhật theo các kênh bất hợp pháp và không có tư cách cư trú hợp pháp. Hàn Quốc cũng thiếu lao động giản đơn từ đầu thập niên 1990. Lúc đầu họ cũng hạn chế lao động nhập cư nhưng đến năm 2004 đã đưa ra chính sách tiếp nhận có tổ chức bằng cách phát hành thẻ cho phép làm việc đối với lao động nước ngoài theo hiệp định với nước xuất khẩu. Vào cuối năm 2012, tại Hàn Quốc có 600.000 lao động nước ngoài, trong đó 550.000 là lao động giản đơn, phần lớn có xuất xứ từ Philippines và Việt Nam. Đài Loan bắt đầu có chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài từ năm 1989, lúc đầu giới hạn trong ngành xây dựng nhưng hiện nay phần lớn lao động nước ngoài làm việc trong các ngành chế tạo công nghiệp. Vào năm 2013, lao động giản đơn nước ngoài tại Đài Loan độ 490.000 người, phần lớn đến từ Indonesia và Việt Nam. Trường hợp Thái Lan rất đặc biệt. Vào thập niên 1970, họ bắt đầu xuất khẩu lao động nhưng cuối thập niên 1990, sau một thời gian phát triển nhanh, họ thiếu lao động nên xuất khẩu chấm dứt và chuyển sang nhập khẩu, chủ yếu từ Myanmar. Như vậy, dòng chảy lao động tại vùng Đông Á có hai đặc tính. Một là, những nước thành công trong chiến lược phát triển kinh tế là những nơi ngày càng nhập khẩu nhiều lao động. Trong đó, một số nước có kinh nghiệm xuất khẩu lao động trong thời gian ngắn như Hàn Quốc và Thái Lan nhưng đã sớm chuyển vị trí sang nước nhập khẩu. Hai là, những nước đã xuất khẩu lao động từ rất sớm và hiện nay còn tiếp tục xuất khẩu với quy mô lớn là Philippines, Indonesia và Việt Nam. Nhìn từ vị trí của người lao động xuất khẩu, ta có thể nêu một số điểm quan trọng. Thứ nhất, lao động giản đơn xuất khẩu sang các nước phát triển, nhất là các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, thông thường làm việc trong những môi trường khó khăn, quyền lợi của người lao động thường bị xâm phạm vì phần lớn việc xuất nhập khẩu lao động không được tổ chức chu đáo, không có sự cam kết của xí nghiệp dùng lao động và sự giám sát của các cơ quan nước sở tại. Thứ hai, vì là lao động giản đơn, trình độ học vấn, trình độ văn hoá của người đi lao động nước ngoài thấp nên khó thích nghi với điều kiện văn hoá, xã hội nước ngoài. Không ít người thất vọng với hoàn cảnh sống và làm việc ở xứ người, và có nhiều trường hợp phạm pháp xảy ra, gây ra hình ảnh xấu cho nước xuất khẩu lao động. Ngoài ra, cùng với điểm thứ nhất, lao động có trình độ văn hoá thấp thường dễ bị bóc lột tại xứ người. Thứ ba, nước xuất khẩu lao động hầu hết là những nước không thành công trong các chiến lược phát triển kinh tế. Với trình độ văn hoá thấp, người dân các nước này không khỏi không lo âu khi rời xứ sở ra nước ngoài làm việc. Thành ra, nếu trong nước có công ăn việc làm, ít người muốn tham gia xuất khẩu lao động. Thứ tư, cho đến nay, trong những nước xuất khẩu lao động chưa thấy nước nào đưa vấn đề này vào trong chiến lược phát triển kinh tế chung, trong đó lao động được đưa đi sẽ bảo đảm rèn luyện được tay nghề khi trở về, ngoại hối thu được sẽ được dùng một cách hiệu quả trong việc du nhập công nghệ, tư bản, v.v... và có kế hoạch chấm dứt xuất khẩu lao động trong tương lai. 2. Lao động xuất khẩu của Việt Nam Riêng về Việt Nam, không kể thời kì quan hệ mật thiết với các nước Đông Âu, xuất khẩu lao động tăng nhanh từ cuối thập niên 1990 và chủ yếu sang các nước Đông Á. Trong thập niên 2000, bình quân mỗi năm có 7 vạn, gần đây là 9 vạn, lao động được đưa đi ra nước ngoài (Bảng 5-1). Báo chí đã phản ảnh tình trạng khó khăn, nhiều trường hợp rất bi thảm, của người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Hầu hết các nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa trên vũ đài thế giới. Có kế hoạch chấm dứt tình trạng này trong một thời gian càng ngắn càng tốt là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước. Như đã nói ở trên, Hàn Quốc và Thái Lan đã thành công trong việc chuyển dịch vị trí từ nước xuất sang nước nhập khẩu lao động. Ngược lại, Philippines là nước điển hình tiếp tục xuất khẩu lao động và cũng là nước điển hình trì trệ về kinh tế. Do tích cực đầu tư sang Việt Nam, hiện nay (cuối năm 2014) số người Hàn Quốc sinh sống tại nước ta lên tới hơn 15 vạn. Ngược lại, tại Hàn Quốc hiện nay (cuối năm 2012) có hơn 12 vạn người Việt Nam đang sinh sống, trong đó gần 26.000 người cư ngụ bất hợp pháp. Ngoài vài ngàn người là sinh viên du học, hầu hết người Việt tại Hàn Quốc là lao động giản đơn hoặc phụ nữ kết hôn với người bản xứ mà theo nhiều nguồn tin trong đó một số không nhỏ đi làm dâu xa vì lí do kinh tế. Như vậy, có sự tương phản trong quan hệ Việt-Hàn: người Hàn Quốc đến Việt Nam là để làm chủ trong khi người Việt Nam đến Hàn Quốc là để làm thuê. Người Việt làm thuê cả ở xứ mình và xứ người. Vào giữa thập niên 1960, nếu so sánh Sài Gòn với Seoul, có lẽ không ai cho rằng Seoul phát triển hơn Sài Gòn. Bây giờ thì khác. Nhiều năm gần đây, khi trò chuyện với những người có vị trí lãnh đạo ở Việt Nam, tôi thường đem quan hệ lao động giữa hai nước Việt và Hàn làm ví dụ để minh họa cho một tình trạng mà không một người Việt Nam nào không cảm thấy bức xúc. Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là sớm chấm dứt một tình trạng liên quan đến thể diện quốc gia này. Năm 2015 là năm chẵn kỉ niệm nhiều sự kiện lịch sử. Nhiều người có trách nhiệm sẽ phát biểu về tương lai Việt Nam nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập việc thay đổi hình ảnh của Việt Nam trên vũ đài quốc tế về người lao động xuất khẩu. Phụ trang Chương 5 Trường hợp Philippines: Tụt hậu kinh tế và xuất khẩu lao Động Trên đường sang Nhật du học hơn 40 năm trước, máy bay của tôi đi từ Sài Gòn dừng lại ở Manila vài giờ trước khi bay tiếp sang Tokyo. Từ đó cho đến những ngày rất gần đây, tôi không có dịp đặt chân đến đất nước này. Đây là một chuyện khá hi hữu vì tôi đã đi hầu hết các nước trong khối ASEAN, có nơi đã đi hàng chục lần nhưng lại không có duyên với Philippines, mặc dù đây là một nước khá lớn với dân số trên 95 triệu. Như để bù lại, trong những tháng cuối năm 2011, tôi bay sang Manila dự hội nghị tới hai lần. Nhìn từ góc độ phát triển, Philippines là trường hợp rất đặc biệt, đáng để ta suy ngẫm. Vào thập niên 1950, ở Á châu, đây là nước có trình độ phát triển rất cao, có lẽ chỉ sau Nhật Bản. Nhưng sau đó, do cơ chế, do bất ổn chính trị, xã hội, do một số chính trị gia thiếu tài đức mà Philippines bị bỏ lại đằng sau trong dòng thác công nghiệp ở Đông Á. Hiện nay (2014), GDP đầu người độ 3.500 USD (Việt Nam là 1.900 USD), nhưng chênh lệch trong phân phối quá lớn tại một đất nước đông dân làm cho số người nghèo và cận nghèo quá đông. Ở Manila có quá nhiều khu nhà ổ chuột, nằm ngay cạnh con đường chính từ sân bay quốc tế đến trung tâm thành phố, hoặc nằm ở những nơi chỉ cách các trung tâm thương mại hiện đại không hơn một cây số. Những hình ảnh này gây cho ta ấn tượng đang đến một xứ nghèo. Hình ảnh ở sân bay quốc tế Ninoy Aquino của Manila cũng gây ấn tượng tương tự mặc dù việc tổ chức, quản lí ở sân bay khá đàng hoàng (chẳng hạn họ quản lí khâu sắp đặt taxi cho khách rất hợp lí, trật tự). Nhưng đến sân bay này, ta sẽ thấy một cảnh tượng rất khác lạ so với sân bay ở nhiều nước khác: rất nhộn nhịp người đưa, ngưới đón. Đón và đưa người đi xuất khẩu lao động mà Philippines gọi là Overseas Filipino Workers (OFW). Ở cửa làm thủ tục xuất cảnh có cả một băng-rôn to ghi hàng chữ đại ý là chúc cho các bạn đi lao động ở nước ngoài mạnh khỏe, thành công, ở cửa đến, sau thủ tục nhập cảnh và lấy hành lí, ta thấy có văn phòng OFW dùng để hướng dẫn người đi lao động ở xa về. Tôi không rõ nội dung hướng dẫn gồm những gì, có lẽ về việc chuyển đổi ngoại tệ hay làm thủ tục nhập cư trở lại sau nhiều năm ở nước ngoài. Hiện nay, mỗi năm Philippines có hàng triệu người đi lao động nước ngoài và ngoại tệ do OFW chuyển về tương đương trên 10% GDP. Các bạn Philippines của tôi ai cũng bảo không vui vì hiện tượng này. Tôi chia sẻ tình cảm của họ. Có gì đáng hãnh diện với thế giới khi người dân nước mình phải ra nước ngoài kiếm sống? Dĩ nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, lao động di chuyển từ nước này sang nước khác không còn là hiện tượng ít thấy nữa. Tuy nhiên, nếu người nước ngoài đến nước mình chủ yếu để quản lí, kinh doanh, để sở hữu nhà máy và các tư liệu sản xuất khác, còn dân nước mình phải ra nước ngoài lao động, và sự bất tương xứng này không có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần thì là điều rất đáng lo ngại. Người Tây Ban Nha, người Hoa, người Mĩ từ lâu đã sở hữu phần lớn bất động sản và các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ ở kinh doanh thương mại của xứ này. Gần đây có thêm sự hiện diện ngày càng lớn của người Hàn Quốc. Yếu tố lịch sử, địa lí, văn hóa ảnh hưởng nhiều đến tình trạng hiện nay. Lãnh thổ của nước này gồm tới 7.000 đảo lớn nhỏ nên phong tục, ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc nhiều nơi vốn khác nhau. Khi Ferdinand Magellan, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha (lúc đó làm việc trong Hoàng gia Tây Ban Nha) tìm thấy quần đảo này năm 1521 thì ở đây chỉ là những bộ lạc sống rời rạc trên những đảo lớn. Khoảng 20 năm sau, năm 1543, Tây Ban Nha lại đến và chuẩn bị các thiết chế để biến xứ này thành thuộc địa. Tên nước Philippines mới có từ lúc đó, được đặt theo tên của Philip II, Hoàng đế đương thời của Tây Ban Nha. Sau hơn 300 năm thuộc địa của Tây Ban Nha (1565-1898), Philippines lại trở thành thuộc địa của Mĩ (1898- 1946). Do hình thể địa lí rời rạc, bề dày lịch sử tương đối mỏng, lại bị thuộc địa gần 400 năm, Philippines gặp khó khăn trong việc thống nhất về mặt văn hóa và có lẽ sự gắn kết về mặt dân tộc cũng không bằng nhiều nước Á châu khác. Hiện nay, nước này có đến hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Filipino nhưng không phải ai cũng thông thạo cả hai. Tổng thống Benigno Aquino hiện nay thông thạo cả hai thứ tiếng cũng trở thành một trong những điểm nổi bật trong dư luận của nước này. Nhiều bạn Philippines của tôi chỉ thạo tiếng Anh. Trong chuyến thăm Manila vào giữa tháng 12 năm 2011, tôi đi dạo phố với một người bạn, thấy anh nói chuyện với nhân viên ở nhà sách bằng cả hai thứ tiếng, tôi hỏi lí do thì được biết là những người có học chủ yếu nói tiếng Anh nhưng thêm vài câu tiếng Filipino để tạo sự thân mật với người cùng xứ. Theo báo Asahi của Nhật tôi đọc hai, ba năm trước, trong chương trình sách giáo khoa bậc tiểu học, Chính phủ Philippines quyết định cho trẻ em học tập những tư tưởng hay và gương sáng của các danh nhân thế giới, trong đó có Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh được đề cao xem như là bài học để tăng tinh thần dân tộc. Điều nãy cũng cho thấy tăng tình tự dân tộc là một trong những quan tâm có thể hiểu được của giới lãnh đạo Philippines. Dân đông và tiếp tục tăng nhanh trong khi kinh tế phát triển chậm cũng là vấn nạn lâu dài của nước này. Dân chúng đa số theo đạo Thiên chúa nên không hạn chế sinh đẻ. Tầng lớp càng nghèo càng sinh nhiều con và cái vòng luẩn quẩn "nghèo - đông con - nghèo" cứ tiếp tục. Tôi có đến thăm một khu nhà ổ chuột, chỉ cách trung tâm thương mại tài chính Makati (do dòng họ Ayala của Tây Ban Nha sở hữu) hơn một cây số. Ở khu đó, trẻ con mình trần đứng đầy ngoài đường. Hai bên đường toàn nhà cửa lụp xụp. Người bạn của tôi bảo là đằng sau những ngôi nhà này còn vố số những căn nhà lụp xụp khác và trẻ em trong đó rất đông. Nhiều người gọi những nơi như thế này là những "nhà máy sản xuất trẻ em" (baby factory). Qua sách báo, tôi đã biết nhiều về Philippines. Nhưng nhìn tận mắt mới thấy ấn tượng và xúc động. Dĩ nhiên Philippines có nhiều mặt được thế giới chú ý và đánh giá cao. Giải thưởng Magsaysay, để kỉ niệm Tổng thống thứ bảy Ramon Magsaysay của Philippines, được lập ra nhằm trao cho những cá nhân và tổ chức mà năng lực lãnh đạo và hoạt động của họ đã đóng góp vào việc làm cho Á châu tốt đẹp hơn. Giải thưởng này đã được xem như Giải Nobel Hòa bình của châu Á. Manila cũng là nơi có bản bộ của Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), những nơi thường xuyên có nhiều học giả uy tín đến làm việc hoặc hội nghị. Trong nửa sau thập niên 1980, nhìn bà Tổng thống Corazon Aquino nhân hậu qua truyền hình và thấy được người dân tin tưởng, tôi đã thầm mong đất nước này sẽ chuyển sang thời đại mới. Nhớ lại hồi năm 1988, lúc tôi còn lam việc ở Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật, một giáo sư người Philippines đến thăm và trao đổi về tình hình kinh tế Á châu, ông ta nói về bà Corazon Aquino với sự tin tưởng và hãnh diện: "Chúng tôi đang có một vị tổng thống quá tốt”. Nhưng rồi tình hình đã không thay đổi. Dân chúng Philippines bây giờ đang mong đương kim tổng thống Benigno Aquino, và là con trai bà Corazon Aquino, có đủ năng lực quy tu nhân tài vốn rất phong phú của xứ này, và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ để đất nước 95 triệu sớm vào quỹ đạo phát triển của vùng Đông Á. CHƯƠNG 6 Từ Tokyo nhìn lại 40 năm Việt Nam 2 015 là năm chẵn đặc biệt đối với Việt Nam. Trong nhiều sự kiện đáng kỉ niệm trong năm này, cảm khái nhất đối với tôi là kỉ niệm 40 năm chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước. Để kết thúc Phần I (đánh giá 40 năm phát triển kinh tế Việt Nam), chương này ghi lại những suy nghĩ, tình cảm của tác giả, với tư cách một người sống tại Tokyo theo dõi sự chuyển động của kinh tế vùng Đông Á và buồn vui với những thay đổi ở quê nhà trong bốn thập kỉ qua. Tháng 4 năm 1975, tôi bắt đầu năm học đầu tiên bậc tiến sĩ. Sau khi học xong (1978), tôi làm việc trong một viện nghiên cứu về kinh tế Nhật, sau đó chuyển sang dạy học và nghiên cứu ở đại học. Với chuyên môn là kinh tế phát triển và kinh tế quốc tế, tôi phân tích kinh tế Đông Á và đã nhiều lần hi vọng Việt Nam sẽ nhập vào dòng thác công nghiệp đang chảy mạnh và lan tỏa từ Đông Bắc sang Đông Nam châu Á. Cuối năm 1975, trong những số báo đặc biệt đón năm mới 1976 ở Nhật Bản, tôi có ấn tượng mạnh nhất là tuần báo Economisuto (Kinh tế). Trên trang bìa trước họ in ảnh chân dung của gần 10 nhà lãnh đạo của những nước mà họ cho là sẽ có ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế thế giới. Tôi thật sự xúc động và tự hào khi thấy hình Thủ tướng Phạm Văn Đồng được in cùng với Tổng thống Mĩ, Pháp, Thủ tướng Nhật, Anh, Tây Đức, v.v... Lúc đó thế giới đánh giá rất cao tiềm năng Việt Nam, vì dân tộc này đã thể hiện sự kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh chống ngoại xâm, có truyền thống, có văn hóa và cần cù, ham học; bây giờ trong thời bình và đất nước thống nhất, dân tộc sẽ hòa hợp và chung sức xây dựng đất nước, chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, sẽ có một vị trí xứng đáng trên vũ đài kinh tế và chính trị thế giới. Lúc đó tại Á châu chỉ có Nhật Bản là nước công nghiệp hiện đại. Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa nhưng chưa được chú ý vì chưa có sự hiện diện dáng kể trên vũ đài quốc tế. Rất tiếc là những diễn tiến từ nửa sau thập niên 1970 đã làm giấc mơ ban đầu của tôi về một nước Việt Nam phát triển không thành hiện thực. Sau đó, Việt Nam phải mất 18 năm mới được thế giới chú ý trở lại. Trong lúc đó ở Đông Á nhiều nước công nghiệp mới liên tiếp xuất hiện. Năm 1979, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore được OECD, thường được gọi là Câu lạc bộ của những nước tư bản tiên tiến (bản bộ ở Paris), mệnh danh là những nước công nghiệp mới (NICs) hoặc những nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs). Sau đó một tên gọi khác là những con rồng nhỏ hoặc những con hổ nhỏ ở Á châu. Năm 1989, cũng OECD gộp thêm Malaysia và Thái Lan vào NIEs và gọi chung là những nền kinh tế năng động ở Á châu (DAEs). Do đồng yen của Nhật lên giá đột ngột vào cuối năm 1985, các doanh nghiệp Nhật ồ ạt mở làn sóng đầu tư trực tiếp (FDI), chuyển nhiều ngành công nghiệp sang các nước Á châu mà Thái Lan và Malaysia là những điểm đến chủ yếu. Thành công của Thái Lan và Malaysia đã kích thích Indonesia cải cách thể chế, cải thiện chính sách nên thu hút được tư bản và công nghệ, và nhờ vậy, đã đạt được thành quả phát triển đáng ghi nhận. Năm 1993, WB phát hành bản báo cáo nổi tiếng Kì tích của Đông Á, trong đó bao gồm cả Indonesia, phân tích những nguyên nhân giúp cho các nước Đông Á vừa phát triển cao độ vừa thực hiện việc phân phối thu nhập tương đối bình đẳng. Trong lúc Việt Nam loay hoay với các chính sách đối nội, đội ngoại mà phần lớn xem như thất bại (1975-1985) và dò dẫm đổi mới từng bước (1986-1993) thì các nước Đông Á đã chuyển mình theo nhịp với làn sóng công nghiệp mới và tiến lên địa vị quan trọng trên vũ đài thế giới. Giấc mơ lần thứ hai của tôi là vào đầu thập niên 1990 khi các điều kiện trong và ngoài nước đã hội đủ để Việt Nam khởi động lại quá trình công nghiệp hóa. Đổi mới bắt đầu cuối năm 1986 nhưng phải mất năm, sáu năm mới ổn định kinh tế vĩ mô và mới lập lại quan hệ bình thường với các nước tư bản tiên tiến và các tổ chức quốc tế như WB, IMF và ADB. Các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế này lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế hỗ trợ Việt Nam vào cuối năm 1993, mở đầu một hoạt động thường niên giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng và thể chế kinh tế thị trường. Trong số các nước tiên tiến, Nhật Bản là tích cực nhất. Từ năm 1992, họ đã vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam và đóng vai trò quan trọng nhất trong Hội nghị quốc tế hỗ trợ Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa vì Nhật Bản lúc đó là khởi nguồn của dòng thác công nghiệp ở Á châu, là nguồn cung cấp vốn, công nghệ và tri thức kinh doanh cho các nước đi sau tại vùng này. Lúc này cũng trùng hợp với hai sự kiện quan trọng là Việt Nam gia nhập ASEAN và nối lại quan hệ bình thường với Mĩ vào năm 1995. Cùng với vị trí địa lí thuận lợi, với số dân khá đông và chất lượng lao động được đánh giá cao, tình hình chính trị xã hội ổn định, bối cảnh quốc tế thuận lợi làm cho tiềm năng của Việt Nam một lần nữa được chú ý. Đặc biệt ở Nhật từ năm 1993 xảy ra hiện tượng "bùng nổ Việt Nam" (Vietnam boom). Các phương tiện truyền thanh, truyền hình luôn thông tin về Việt Nam với những bình luận tích cực về tương lai nước ta. Nhớ lại hồi đó, tôi rất bận, luôn được mời thuyết trình và viết báo về kinh tế Việt Nam. Nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản liên tiếp sang Việt Nam thăm dò, điều tra thị trường, tìm các cơ hội đầu tư. Trước khi đi, họ thường mời tôi đến nói chuyện về kinh tế, xã hội Việt Nam.