🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cốt Tủy - Tarryn Fisher full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo CỐT TỦY Tác giả: Tarryn Fisher Người dịch: Nguyễn Hồng Ngọc Phát hành: Phúc Minh Books Nhà xuất bản: NXB Văn Học 11/2017 —★— ebook©vctvegroup 20/02/2020 MỞ ĐẦU M ỖI VIÊN NGỌC TRAI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NÊN TỪ MỘT MẢNH VỤN - đó là thứ vô dụng như một mẩu gốm hay bụi bẩn tình cờ lọt vào cơ thể con trai. Theo bản năng, để tự chữa lành vết thương, con trai sẽ sinh ra phản ứng tự vệ, tạo ra một chất trơn, cứng và sáng bóng bao bọc lấy dị vật. Chất này được gọi là “xà cừ”. Một khi vẫn còn nằm trong cơ thể con trai, dị vật sẽ luôn được phủ trong lớp xà cừ đẹp đẽ. Tôi vẫn luôn cho rằng con trai thật phi thường khi bao bọc lấy thứ làm đau mình bằng chính phần tinh túy nhất của bản thân. So với kim cương - loại đá quý đắt đỏ và quý hiếm được người đời khao khát, ngưỡng vọng, những viên ngọc trai có phần lép vế hơn. Chúng sinh ra thật khiêm nhường khi ban đầu chỉ là những vật ký sinh nhỏ bé bám vào cơ thể vật chủ, ngày ngày được chính vật chủ nuôi dưỡng và trở nên đẹp đẽ. Sự hình thành ngọc trai từ mảnh vụn thật kỳ diệu. Những câu chuyện quý báu cũng thường được tạo nên từ những điều tầm thường như thế. CHƯƠNG 1 Năm 13 tuổi C Ó MỘT NGÔI NHÀ TRONG KHU XƯƠNG. Ngôi nhà ấy có một cánh cửa sổ vỡ. Chỗ vỡ được che bằng giấy báo dán băng dính chằng chịt ở bốn góc. Lớp ván gỗ ốp tường chống đỡ phần mái xập xệ, lõm xuống như da thịt người già, như thể phải chống đỡ sức nặng của cả trái đất vậy. Đó là ngôi nhà nơi tôi sống cùng với mẹ, chịu đựng mưa gió, chịu đựng sự đè nén. Tôi gọi nó là “hố đen sự sống”, vì nếu không chống cự lại, ngôi nhà này sẽ xâu xé bất kỳ ai bước vào trong. Như nó đã làm thế với mẹ tôi. Và như nó đang cố cắn xé cả tôi. “Margo, cầm cho mẹ cái khăn tắm.” Tên tôi được xướng lên cùng với lời sai bảo. Tôi vâng lệnh. Rõ ràng không thể gọi đây là cái khăn tắm được. Trông nó chẳng khác gì cái giẻ cũ kỹ vì dùng quá lâu ngày và đã bạc màu vì phải lau chùi quá nhiều thứ bẩn thỉu. Mẹ lấy cái khăn từ tay tôi mà chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái. Ngón tay mẹ rất thon thả, móng tay sơn màu đen được cắt tỉa gọn gàng. Mẹ luồn khăn vào giữa hai chân và lau thật mạnh. Tôi ái ngại quay mặt đi để mẹ được riêng tư một chút. Chỉ khi không có những ánh mắt dòm ngó, người ta mới được riêng tư trong ngôi nhà này. Lúc nào cũng có những kẻ - chủ yếu là đàn ông - núp xung quanh cửa và hành lang nhìn vào với ánh mắt hau háu thèm muốn. Chỉ cần được phép là mấy kẻ đó ngay lập tức lao vào. Đấy là nếu họ được phép. Nhưng tôi không đời nào làm thế. Mẹ tôi bước ra khỏi bồn tắm và cầm lấy cái khăn mặt trong tay tôi. Ngôi nhà lúc nào cũng bốc mùi ẩm mốc và hôi thối, nhưng trong vòng một tiếng sau khi mẹ tắm, nó sẽ phảng phất mùi muối tắm của mẹ. “Margo, lấy cho mẹ cái áo choàng.” Tên tôi lại được xướng lên cùng với câu ra lệnh. Mẹ tôi rất ghét phải tắm một mình. Mẹ kể với tôi rằng bà ngoại từng cố dìm chết mẹ trong bồn tắm khi mẹ còn nhỏ. Đến bây giờ mẹ tôi vẫn bị ám ảnh vì chuyện đó. Ban đêm, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng mẹ rên rỉ trong khi mơ màng ngủ: Đừng mẹ ơi! Tôi không biết gì về bà ngoại mình. Sau lần suýt chết ấy, mẹ tôi được đưa vào Trung tâm bảo trợ trẻ em. Mẹ tôi gọi nơi đó là một cơn ác mộng. Đúng lúc mẹ tôi được chấp nhận vào trại thì bà ngoại tôi qua đời vì lên cơn đau tim dữ dội và để lại cho đứa con gái duy nhất ngôi nhà này - chính là “hố đen sự sống”. Trong khi mẹ soi gương, tôi trải chiếc áo choàng đỏ mềm mại của mẹ ra. Tôi có nhiệm vụ giặt là nó hai lần một tuần và luôn làm thật cẩn thận vì chiếc áo này là tài sản quý giá nhất của mẹ. Mẹ tôi là người phụ nữ đẹp. Vẻ đẹp dữ dội sánh ngang với bão tố. Mẹ phóng túng và mạnh mẽ. Dường như Chúa đã trao cho mẹ quyền năng khủng khiếp để phá hủy mọi thứ mỗi lần mẹ nổi cơn thịnh nộ. Chúng tôi cùng chiêm ngưỡng hình ảnh mẹ trong gương suốt mấy phút. Tôi dõi mắt theo những ngón tay mẹ đang kiểm tra từng nếp nhăn trên mặt. Đây là “thủ tục” mà chiều nào mẹ cũng làm trước khi bắt tay vào việc khác. Mẹ lấy mấy tuýp kem nhỏ tôi mua cho mẹ ở hiệu thuốc ra bày trên mặt chậu rửa sứt sẹo, rồi lần lượt chấm từng loại kem lên vùng da quanh miệng và mắt. “Margo”, mẹ gọi tôi. Tôi nín thở chờ lệnh. Nhìn tôi đứng lấp ló đằng sau, mẹ nói, “Trông mày khó coi quá. Ít nhất cũng phải giảm cân đi chứ. Mặt không xinh thì dáng người phải hấp dẫn.” Để mang thân đi bán như mẹ sao? “Con sẽ cố ạ.” Việc của tôi là phục tùng. “Margo, mày đi được rồi đấy. Nhớ ở yên trong phòng.” Tên tôi vang lên kèm theo hai câu mệnh lệnh. Đúng là được đối xử đặc biệt! Tôi đi giật lùi khỏi nhà tắm để tránh bị đập hay ném đồ vào đầu. Nếu không uống thuốc, mẹ tôi có thể trở nên vô cùng dữ tợn. Chẳng ai lường trước được khi nào mẹ lên cơn điên. Thỉnh thoảng tôi lại lén vào phòng mẹ đếm xem có bao nhiêu viên thuốc, để biết mình còn được sống yên ổn bao nhiêu ngày nữa. “Margo!” Đúng lúc tôi sắp ra đến cửa thì mẹ gọi giật lại. “Dạ, mẹ?” Tôi hỏi như thì thầm. “Tối nay mày không cần ăn cơm đâu.” Nghe có vẻ dễ chịu nhưng thực chất ý mẹ là, “Tối nay mẹ không cho mày ăn đâu.” Không sao hết. Tôi đã tự tích trữ đồ ăn rồi, dù sao trong chạn cũng không có đồ gì ăn được. Tôi đi về phòng mình. Tôi nghe tiếng mẹ khóa cửa rồi bỏ chìa khóa vào túi. Ngoài cửa chính thì trong nhà chỉ có cửa phòng tôi là khóa được. Mẹ lắp cửa phòng tôi từ mấy năm trước. Lúc đầu tôi cứ tưởng mẹ làm thế để giữ an toàn cho tôi, nhưng sau đó tôi phát hiện ra mẹ cất giữ tiền ngay dưới ván sàn phòng tôi. Ngay dưới chân tôi là cả kho báu của mẹ. Mẹ tôi không mua quần áo, ô tô hay đồ ăn, mà lại tích trữ hết tiền ở đây. Tôi thường lấy vài đồng để mua đồ ăn. Chắc là mẹ cũng biết vì thực chất tôi vẫn sống khỏe, lại còn béo tốt nữa. Tôi ngồi bệt xuống sàn, lôi từ gầm giường ra một cái hộp rồi khẽ lấy ra một quả chuối và hai lát bánh mì, cố để mẹ tôi không nghe thấy tiếng giấy gói sột soạt. Quả chuối đã chín đen, vỏ dính nhớp nháp, bánh mì cũng sắp hỏng nhưng vẫn còn ăn được. Tôi cấu mấy miếng bánh mì, vê tròn lại rồi ăn, trong đầu tưởng tượng như đang dự tiệc Thánh vậy. Bạn tôi là Destiny đã được tham dự lễ ban Thánh thể đầu tiên. Cô ấy kể rằng linh mục sẽ đút một miếng bánh mì dẹt vào miệng người chịu lễ. Miếng bánh mì sẽ tượng trưng cho xác thịt của Chúa Jesu. Phải chờ “thân thể Chúa Jesu” tan ra thì mới được nuốt xuống, vì không được cắn vào xác thịt của Người. Sau đó còn phải uống cả “máu Chúa” nữa. Tôi không biết gì về Chúa Jesu hay lý do vì sao lại phải làm như vậy thì mới trở thành giáo dân, nhưng tôi thấy thà giả vờ đang ăn xác thịt Chúa vẫn tuyệt hơn là ăn bánh mì sắp mốc hỏng. Ăn tối xong, tôi nghe thấy có tiếng chân nện huỳnh huỵch và sàn nhà kêu kẽo kẹt. Là tiếng chân ai? Phải chăng là người đàn ông cao lớn có đám lông xoăn rậm rạp màu xám trước ngực? Mà cũng có thể là cái gã ho dữ dội đến mức làm rung cả giường của mẹ. “Là bệnh bạch hầu”, tôi tự độc thoại với cái vỏ chuối mềm oặt. Tôi đã đọc về bệnh này trong một cuốn sách mà tôi đăng ký mượn liên tục ở thư viện vì không muốn trả lại. Tôi ăn một cái bánh Honey Bun rồi lục cặp rút cuốn sách ra, vừa xem tranh vừa liếm mấy ngón tay dính đồ ngọt. Lúc nghe thấy tiếng tấm ván đầu giường của mẹ va kẽo kẹt vào tường, tôi lại ăn một cái bánh nữa. Chẳng mấy chốc tôi sẽ thành đứa béo phì nếu còn sống trong “hố đen sự sống” này. Chừng nào ngôi nhà còn ăn dần ăn mòn chính bản thân tôi. CHƯƠNG 2 Năm 14 tuổi T ôi không biết những người đàn ông đó đến từ đâu. Làm sao họ lái xe được đến số 49 phố Wessex và đỗ xe dưới bóng râm của “hố đen sự sống”. Tôi không hiểu sao họ biết bước qua ba bậc cầu thang nứt vỡ đến cửa trước và đứng dưới chiếc bóng đèn lúc nào cũng chập chờn kia. Hay làm cách nào họ biết xoay nắm cửa bằng đồng gỉ sét để bước vào trong. Có lẽ mẹ tôi đã quen biết những người đàn ông này từ trước - khi mẹ còn mặc váy xếp li cùng quần bó chẽn và bắt xe buýt đi làm hàng ngày. Hồi đó mẹ tôi hay đi lễ nhà thờ, mỗi khi tiếng nhạc vang lên, mẹ lại đưa tay lên như thể đón lấy những lời chúc phúc từ Chúa và để sự ban phước ấy lan tỏa khắp đôi bàn tay. Mắt mẹ rưng rưng hạnh phúc khi nghe mục sư nói với giáo đoàn rằng Chúa sẽ không bao giờ từ bỏ chúng tôi trong những thời khắc đen tối nhất. Rồi khi thời khắc đen tối ấy đến, lúc mẹ tôi mất việc, mỗi lần đi học về tôi lại thấy mẹ đứng lẩm bẩm trong vô thức trước bồn rửa bát, nước xà phòng ngập đến khuỷu tay còn mắt nhắm chặt trong khi miệng liên tục cầu nguyện. Khi thấy tôi đứng ở cửa nhà bếp, cặp sách đeo trên vai, mẹ mỉm cười trong nước mắt và ra hiệu cho tôi lại gần, níu tay tôi rồi nói, “Linh hồn ta đang bị quấy nhiễu. Chúng ta phải cầu nguyện để đánh đuổi Satan cùng đám ma quỷ của hắn.” Tôi nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của mẹ, nhắm tịt mắt lại như thể càng nhắm chặt thì lời nguyện cầu của tôi sẽ càng linh ứng. Tôi cầu nguyện cùng mẹ, cả “hố đen sự sống” tràn ngập những lời nói lộn xộn, gấp gáp của hai mẹ con. Tôi cứ vô thức nói ngày một to hơn mà chẳng hiểu, chẳng tin những gì mình nói. Trong thâm tâm, tôi thấy thích nghi thức Công giáo của Destiny khi người ta ăn những “bộ phận cơ thể” giống những kẻ khao khát được đức tin dẫn lối hơn là kiểu đòi hỏi ồn ào này của mẹ tôi. Lạy Chúa, hãy ban phước cho con! Ban phước cho con! Con là con của Người, vì thế Người phải ban phước lành cho con! Thế rồi, mẹ tôi không còn tin vào Chúa nữa. Mẹ đã rời bỏ Người khi mẹ mất việc làm và khi đưa người đàn ông đầu tiên vào phòng ngủ. Tôi luôn cho rằng niềm tin của mẹ cũng mỏng tang như tờ giấy - một khi đã bị ướt thì sẽ trở nên vô dụng. Tôi từng nghe thấy mẹ nói chuyện về tôn giáo với một người đàn ông hay ghé qua - một gã có tiếng cười ầm ĩ khiến người cực kỳ ghét ồn ào như mẹ tôi luôn phải chặn họng lại. “Nếu Chúa có tồn tại, tôi cho rằng đám con chiên còn nguyền rủa ông ta nhiều hơn cả những kẻ không tin vào Chúa.” Tôi cũng không tin vào Chúa. Tôi chưa bao giờ tin, kể cả khi nhắm chặt mắt lại và cầu nguyện cùng mẹ trong nhà bếp, để cho nước xà phòng từ tay mẹ chảy xuống khuỷu tay mình. Mẹ không hề biết tôi không tin Chúa. Lẽ ra mẹ sẽ biết nếu hỏi tôi, nhưng mẹ lại chưa từng làm thế. Tôi chỉ tin vào sự cô đơn. Đối với tôi, nỗi cô đơn còn mang hình dạng cụ thể. Tôi tin vào những sự lựa chọn khó khăn mà người ta hiếm khi chọn đúng. Tôi tin trên đời này ai cũng cần một thứ gì đó: sự đụng chạm, bạn bè, tiền bạc hay sự tha thứ. Để có được những thứ ấy, mỗi người cần phải tích lũy đủ tội lỗi cần thiết. Tôi thường nhìn các bạn học của mình và băn khoăn họ muốn gì khi lớn lên và họ sẽ từ bỏ thứ gì để có được điều mình muốn. Mỗi đêm lại có hai người đàn ông đến. Những cuộc hẹn được sắp xếp hoàn hảo đến mức không bao giờ có chuyện trùng nhau. Tôi không biết liệu họ có quen nhau hay họ có nghĩ mình là người duy nhất bầu bạn với mẹ tôi không. Mẹ tôi thường ra cửa đón họ với giọng nói ngọt ngào cùng chiếc áo choàng lụa đỏ như máu quấn quanh người. Đó không phải con người thật của mẹ. Mẹ là người đàn bà mang gương mặt trống rỗng vô hồn, thường nhìn chằm chằm xuống sàn nhà nham nhở vết xước hàng giờ liền và ngửa cổ nuốt ừng ực mấy lọ thuốc. Mẹ thường hỏi họ có khỏe không rồi dẫn họ lên gác. Họ nói chuyện với mẹ như những người bạn cũ thân thuộc khi gọi mẹ là Wendy và cười phá lên mỗi khi mẹ nói điều gì. Tôi phân biệt họ qua những chiếc xe họ đi: một chiếc Volvo màu xanh da trời nhạt có một vết lõm ở hãm xung trước, một chiếc Corvee vàng có quả bóng disco treo lủng lẳng ở gương và vị khách thường xuyên nhất - chủ nhân của chiếc Mustang, không phải xe cũ mục nát mà là một chiếc xe độ màu đỏ cherry cùng biển số được chọn riêng có chữ LWMN. Tôi chưa từng thấy mặt người đàn ông này vì ông ta lúc nào cũng cúi gằm xuống. Một lần tôi nhìn thoáng thấy gáy khi ông ta rời khỏi phòng mẹ. Ông ta hói đầu, có đôi vai rộng thường chúi về phía trước. Khi ông ta đi qua, cả hành lang ngập tràn khói thuốc và mùi gỗ tuyết tùng. Có lần ông ta đã để lại chiếc đồng hồ trên mặt tủ của mẹ. Chiếc đồng hồ đó rất nặng và còn có hình vương miện sau mặt kính. Tôi đã lẻn vào phòng mẹ xem nó lúc mẹ còn đang ngủ. Tôi cứ băn khoăn không hiểu sao lại có người đeo một thứ nặng như gông cùm thế này vào cổ tay. Tôi nghe điều này ở đâu nhỉ? Chắc là ở nhà Destiny. Rồi hôm sau, khi tôi lại vào tìm cái đồng hồ thì nó đã biến mất. Tôi kể lại với Destiny. “Chắc lúc cậu đi học thì cái ông đi xe Mustang đó đã đến lấy cái đồng hồ rồi. Cậu hiểu vậy nghĩa là sao chứ?” Destiny nói, tay chống nạnh, đầu nghiêng sang một bên, trên mặt hiện rõ ý khinh thường là tôi-chẳng-biết-cái-quái-gì-cả. Thấy tôi không trả lời, cô bạn lại tiếp tục, “Đó là đồng hồ hiệu Rolex. Chắc là hàng thật đấy. Chú tôi có một chiếc nhưng là hàng giả. Lẽ ra cậu nên lấy trộm nó và đem đi cầm cố để mua xe đạp hay gì đó. Một thứ đáng giá như thế ít nhất phải bán được một trăm đô la.” “Tôi không cần xe đạp”, tôi trả lời. Tôi chỉ cần mẹ thôi. Destiny đảo mắt ngạc nhiên rồi quay người về phía cái tủ. “Tôi phải đi đây”, tôi đứng dậy và nói, lòng hoang mang, lo lắng khi kể cho Destiny về người đàn ông đó cùng chiếc đồng hồ. “Tôi tưởng bọn mình sẽ xem phim chứ?” Tôi lại ngồi xuống. Thực lòng tôi không thể nào từ chối việc xem phim. Nhà Destiny lúc nào cũng sẵn bỏng ngô nữa. Mẹ cô ấy thường mua vì biết chúng tôi đều thích ăn. Destiny nói bỏng ngô ở rạp chiếu phim còn ngon hơn thứ bỏng ngô tự làm bằng lò vi sóng ở nhà nhiều. “Ngón tay cậu sẽ bóng nhẫy vì bơ”, cô ấy nói thế. Ở khu Xương không có rạp chiếu phim nào. Nếu muốn đến rạp gần nhất cách đây hai thị trấn thì phải đi xe buýt. Bố Destiny thường hay đưa cô ấy và các em trai đi xem phim ở đó. Nhà tôi còn không có tivi, nên đối với tôi, được ngồi trên chiếc ghế bành sọc đỏ trắng của Destiny để xem phim đã là tốt lắm rồi. Chúng tôi cùng xem bộ phim Người đàn bà đẹp, nhưng xem được nửa chừng thì tôi bảo Destiny là mình bị đau bụng. Nhân vật chính trong phim do Julia Roberts đóng quá giống mẹ tôi - cũng có nụ cười tỏa nắng và cũng yếu đuối như thế. Tôi đội mưa về nhà, thầm ước là đã mang về một ít bỏng ngô. Về đến cửa, chiếc áo trắng của tôi đã ướt sũng. Tôi vừa bước vào trong vừa cởi áo mà chẳng để ý có chiếc xe đỗ bên ngoài. Khi bước vào bếp, tôi mới sững người lại. Có một người đàn ông đang đứng trên bậc cầu thang nhìn tôi. Tôi há hốc miệng kinh ngạc. Chết tiệt. Tôi vội vàng kéo áo xuống che ngực nhưng chiếc áo bị xoắn lại. Tôi nghe thấy tiếng mẹ. “Robert...?” Mẹ tôi lên tiếng. Tôi thoáng thấy chiếc áo choàng đỏ của mẹ lúc chạy vội vào nhà bếp. Tôi vơ vội một cái áo sạch trong giỏ đồ để cạnh máy giặt. Trong lúc tôi đang loay hoay tròng áo qua đầu thì mẹ bước vào. “Mày nghĩ cái quái gì vậy hả?” Mẹ chưa từng nói nhiều như thế với tôi trong suốt sáu tháng qua. “Con... con không nhìn thấy xe ở ngoài. Con bị ướt mưa...” Tôi cúi gằm xấu hổ. “Mày làm mẹ quá mất mặt”, mẹ tôi nói rít qua kẽ răng. “Dám bước vào đây trong bộ dạng như thế.” Mẹ nói về cơ thể tôi như thể thứ gì đó đáng ghê tởm cần phải được che giấu. Tôi im lặng. Ngực tôi phập phồng đau nhói. Tôi thấy ghét chính bản thân mình. Mẹ tôi bước ra ngoài nhanh chóng như lúc mẹ bước vào - bóng áo lụa đỏ lướt qua mang theo sự giận dữ. Lúc nước mắt bắt đầu tràn mi, tôi thoảng thấy mùi nước hoa vani của mẹ. Tôi muốn mẹ trở lại như xưa. Tôi muốn biết lý do vì sao mẹ lại thay đổi đến vậy để có cớ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Để tôi không còn phải tự dằn vặt bản thân nữa. Tôi lục đi lục lại trong trí nhớ, từ những ký ức sâu kín nhất để tìm ra từ lúc nào, ngày nào, tháng nào, người mẹ thân yêu của tôi đã biến mất. Tôi nằm vật ra đệm nhìn chằm chằm lên trần nhà - những mảng trần màu nâu sậm loang lổ đã từng là màu kem đẹp đẽ - ngẫm nghĩ về những năm tháng mẹ con tôi sống trong ngôi nhà này. Hạnh phúc đã trở nên xa vời từ lúc nào. Cuộc sống có thể từ từ bị tước mất trong khi ta thậm chí còn chẳng nhận thức được. Đầu tiên là tiếng cười của mẹ văng vẳng trong tâm trí tôi, rồi tôi thấy mẹ cười, khuôn miệng rạng rỡ. Hình ảnh cuối cùng hiện lên là đôi mắt sáng ngời của mẹ. Cặp mắt ấy không còn linh hoạt mà chỉ nhìn xoáy vào một điểm - những bức tường, mấy ngăn tủ, hay sàn nhà. Đôi mắt ấy nhìn chằm chằm vào mọi thứ, trừ tôi. Ngày trước, tôi còn cố tình tìm cách để mẹ chú ý đến mình như đổ cả bát ngũ cốc và sữa tung tóe ra sàn ngay trước mặt mẹ, làm bắn cả sữa lên chân mẹ, hoặc lấy bút dạ vẽ đầy lên chân tay đến mức da xanh lè như Xì Trum. Tôi cũng bạo gan nói dối trắng trợn trước mặt mẹ, làm hỏng đồ nữ trang của mẹ, rồi gân cổ chửi thề hay hát rống lên những bài mà mẹ ghét nhất. Tôi vừa hằn học vừa thương mẹ. Mẹ tôi đang dần trở nên tàn tạ, tôi không chắc liệu mẹ có nhận thức được điều đó không. CHƯƠNG 3 Năm 15 tuổi Đ ặt hai tay lên đùi. Cười. Đừng cười. Đừng nhìn vào mắt ai. Giả vờ như không quan tâm. Kiểm tra giày. Đừng cười... Đừng có mà cười. Trời ạ. Tôi bồn chồn ngượng nghịu. Chẳng bao giờ tôi biết phải làm gì và lúc nào thì cần hành động. Lần nọ, có một cậu bạn rất dễ thương mỉm cười với tôi. Nhưng đến lúc tôi cười đáp lại thì cậu ấy đã đi mất. Quá muộn. Tôi chẳng thể nào cử động cơ mặt đúng lúc được nữa. Ở trường hay ở nhà cũng như nhau. Tôi không thuộc về nơi nào, vậy nên tôi lẩn từ chỗ này sang chỗ nọ để không ai thấy mình. Nhưng giả sử có ai chú ý đến tôi, tôi cũng mong họ không quá dữ tợn. Tôi nghĩ đến trước kia, những ngày tháng ấy đã xa xôi lắm rồi. Có nhiều điều đã đổi thay, nhưng cũng có những thứ vẫn vẹn nguyên như cũ một cách lạ lùng. Tôi nhận ra là mọi người đều đã thay đổi, còn cảnh vật thì chẳng hề đổi thay: vẫn là những tấm biển tên đường đầy hình vẽ graffiti, vẫn là những tán cây xanh ngắt hiển hiện trên nền trời hoàng hôn màu hồng cam rực rỡ, thậm chí cả hàng xe ô tô nối đuôi nhau tiến vào bãi đậu xe của siêu thị Wal-Mart cũng chẳng thay đổi. Điều khiến tôi khó chịu nhất là bầu trời vẫn y như xưa, khu Xương vẫn vẹn nguyên như ngày nào, nhà cửa cũng chẳng có gì khác biệt, nhưng mẹ tôi thì lại biến thành người khác. Tôi nhớ đến mẹ của ngày xưa. Từng dòng ký ức ùa về trong tâm trí tôi. Những kỷ niệm buồn hiện lên rõ nét, sâu đậm đến mức lấn át hết cả những chuyện vui. Tôi cố gắng chỉ nghĩ đến những điều vui vẻ để tâm hồn trôi về thời thơ ấu hạnh phúc. Tôi nhớ nhất là hình ảnh mẹ giữ chiếc lá giữa những ngón tay. Mẹ bứt một chiếc lá từ bụi cây, chà xát đến khi chỉ còn lớp màng và gân lá còn ngón tay mẹ thì trở nên xanh lè, giống như trò vẽ bằng ngón tay chúng tôi hay chơi ở trường vậy. Tôi rất thích ngắm mẹ khi ấy. Lúc đó nhìn mẹ tôi thật lạ lẫm và vui vẻ, hoàn toàn không giống với những bà mẹ khác lúc nào cũng mang gương mặt cáu kỉnh, cứng nhắc. Mỗi khi mẹ con tôi cùng ra ngoài, tôi luôn chăm chú nhìn mẹ kiểm tra cây cối và bắt chước cử chỉ của mẹ. Tôi muốn được ở bên mẹ, và trở thành người như mẹ. Nhưng thật khó vì ở mẹ toát ra một thần thái duyên dáng cùng khí chất lộng lẫy gần như không thể nào bắt chước được. Khi ấy tôi còn rất nhỏ và cuộc sống của mẹ con tôi vẫn rất yên ấm. Đó là những ngày tháng mẹ tôi vẫn có việc làm ổn định ở Markobs and Jacob, mẹ cũng chưa hút thuốc và những người đàn ông kia vẫn chưa xuất hiện. Còn bây giờ, ngón tay mẹ sạm đi vì nicotin, trên người lúc nào cũng nồng nặc mùi khói thuốc khét lẹt, đôi vai gầy chùng xuống nặng nề. Mấy năm nay mẹ không hề ra khỏi nhà và chỉ sai tôi ra ngoài mua thuốc lá - loại thuốc không quá gây hại sức khỏe có hình viên tù trưởng Anh-điêng trên vỏ hộp. Người mẹ lúc nào cũng có mùi giống như cái gạt tàn hoặc mùi cần sa. Tôi không còn muốn trở thành người như mẹ nữa. Từ khi mẹ rời xa trách nhiệm làm cha mẹ và trở thành người hoàn toàn xa lạ đối với tôi, mẹ cũng không còn gọi tên tôi nữa. Ban đầu tôi không nhận ra điều đó. Chỉ cho đến khi có một cô giáo gọi tôi lên bảng để giải phương trình, tôi mới nhận ra đã lâu rồi tôi không nghe thấy tiếng đó từ mẹ. Mẹ tôi vẫn sai tôi làm việc này việc nọ nhưng không gọi tên tôi. Margo. Phải mất đến một phút tôi mới định thần được là cô giáo Lerson đang gọi mình. Đám bạn cùng lớp đã cười ồ lên khi tôi đi qua dãy bàn và đứng trước bảng. Margo. Tôi thầm nhủ. Chính là mình. Rồi sau đó, khi ngồi xe buýt về nhà, tôi lại cố nhớ xem lần cuối mẹ gọi tên tôi là khi nào mà không sao nhớ nổi. Mẹ tôi vốn rất hâm mộ nhân vật Perry Mason trong bộ phim The Case of the Sad Sicilian nên đã đặt tên tôi theo tên của nữ diễn viên Margo Albert cũng thủ vai trong phim này. Vai diễn cuối cùng của Margo trước khi qua đời vì ung thư não là một nữ sát thủ mang tên Serafina. Vì quá ấn tượng với cặp mắt u buồn của nữ diễn viên này mà mẹ tôi đã thề phải đặt tên con gái đầu lòng là Margo. Thật trớ trêu khi được đặt tên theo một nữ diễn viên chuyên đóng những vai đau khổ, hơn nữa đó còn là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp và thanh tú trong khi bản thân tôi lại chẳng có lấy một điểm gì ưu tú như thế. Trong “hố đen sự sống” này, tôi là một kẻ vô danh xấu xí ăn mặc rách rưới có mái tóc vàng sáng và cặp mắt vô hồn. “Này Margo!” Tôi quay lại. Đèn báo DỪNG trên xe buýt của trường đã ngừng sáng, các cánh cửa đều đóng lại. Destiny vội vàng chạy trên vỉa hè đến chỗ tôi, trên vai đeo ba lô. Tôi nhìn chiếc quần bò rách cùng áo trễ vai sành điệu của cô bạn. Cô ấy thậm chí còn đi kiểu giày bệt lấp lánh đang là mốt ưa chuộng của lũ con gái bây giờ. Destiny đã không còn nói chuyện với tôi nữa sau khi đám bạn ở trường bắt đầu gọi tôi là “con nhà điếm” từ hồi lớp Bảy. Tôi không biết là do bố mẹ cô ấy không muốn chúng tôi chơi cùng nhau hay chính cô ấy tự muốn tách ra, cô ấy cứ vậy mà bỏ mặc tôi. “Cậu bỏ quên trên xe này”, cô ấy nói rồi đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết tôi đang đọc dở lâu nay. Tôi cầm lấy mà không nhìn vào mắt cô bạn. “Cảm ơn cậu.” Nhà Destiny ở hướng ngược lại, nhưng trước khi quay đi, cô ấy lại chần chừ như muốn nói điều gì đó. Nhưng rốt cuộc cô ấy chỉ nhún vai rồi bỏ đi. Tôi không nhìn theo. Vì trong thâm tâm tôi biết chắc chắn rằng mình sẽ khóc nếu làm vậy. Lúc tôi về, cả căn nhà im lặng như tờ. Vào ban ngày khi tôi đi học thì ngôi nhà luôn tĩnh lặng như đang say ngủ, chỉ đến ban đêm mới lại có tiếng động. Tôi đi thẳng về phòng mình vì mẹ tôi luôn muốn thế. Chỉ đến tầm chiều muộn, mẹ mới rời phòng ngủ, bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống về đêm: rửa mặt và trang điểm. Mấy năm gần đây, mẹ không muốn tôi ở cạnh nữa, kể cả lúc đi tắm. Tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi chẳng thích thú gì khi nhìn mẹ ngâm mình trong cái bồn tắm màu hoa hồng sứt sẹo, xung quanh là bao nhiêu mảng sơn tróc nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Tôi lôi hộp đồ của mình ra, chọn một thanh kẹo và lon nước ngọt Mountain Dew ấm ấm rồi làm bài tập khi “hố đen sự sống” dần dần thức giấc và gào thét xung quanh tôi. Khi những vị khách đầu tiên của mẹ tôi đến, tôi thu dọn sách vở, bút chì và bò đến cạnh bức tường ngăn cách phòng của tôi với mẹ. Tôi thường rình mẹ theo cách này. Mẹ tôi không hoàn toàn im lặng. Tôi vẫn trộm nghe mẹ nói chuyện với họ. Tôi vô cùng khao khát được nghe thấy tiếng mẹ. Đêm nào tôi cũng dán chặt tai vào tường để nghe ngóng. Những người đàn ông kể rất nhiều chuyện với mẹ tôi, từ cuộc sống đến những bà vợ và công việc của họ. Đôi lúc họ còn nói đùa khi thêm vài từ như năm tài chính, học phí đại học và vi phạm cam kết không tái phạm của tù nhân. Mẹ tôi chỉ lên tiếng khi họ cần. Mẹ luôn ngập ngừng và hưởng ứng theo, thỉnh thoảng chêm vào đôi ba câu. Họ rất thích như vậy. Đối với họ, thái độ sẵn sàng lắng nghe và kiệm lời của mẹ tôi thực sự vô cùng hấp dẫn. Một người phụ nữ đẹp sẽ luôn hưởng ứng nhưng cũng biết khước từ. Tôi đã biết rất nhiều về đàn ông, về những ham muốn của họ. Họ đi đi lại lại trong phòng mẹ, chân giậm uỳnh uỳnh xuống sàn gỗ sứt sẹo, xây xước. Có lần tôi nghe thấy mẹ khuyên ai đó: Bán hạ giá ngôi nhà đi. Bọn trẻ đi hết rồi thì đâu cần ở nhà rộng thế nữa. Vậy còn lời khuyên cho con? Tôi tự nhủ. Con có tiếng nói gì chứ? Con là con ai vậy? CHƯƠNG 4 Năm 18 tuổi P hố Wessex là “ổ ma túy đá” khét tiếng, hang ổ của những con nghiện, đám buôn “đá”, bọn bợm nhậu và những cô gái trẻ miệng còn hôi sữa nhưng đã ngày ngày phải bồng bế mấy đứa con nhỏ suy dinh dưỡng. Cuộc sống này thật khốn khổ. Tôi vẫn luôn biết điều đó, nhưng tôi không dám chắc là những con người này có biết hay không. Con người ta, ai lớn lên cũng sẽ dần quen với việc chịu đựng, đặc biệt là khi sống ở một nơi như khu Cảng Xương. Mỗi đứa trẻ ra đời, chập chững những bước đầu tiên trong tiếng hò reo cổ vũ của bao người, rồi sau đó lại chẳng được ai chú ý đến nữa. Nơi này trước kia từng là một bến cảng giữa muôn trùng sóng nước, sau đó người ta đã dời cảng về phía Nam, gần với Seale hơn. Nhưng đó là khoảng thời gian trước cả khi bà ngoại tôi sinh ra nữa kia. Cư dân nơi đây gọi vùng này là Xương với hàm ý giễu cợt khi mọi công việc ở đây đều đã biến mất. Tôi khá thích cái tên này. Chẳng cần phải thú vị hay mỹ miều. Đúng như tên gọi, ai sống ở khu này cũng đều khô héo đến tận xương tủy rồi. Đều đặn sáu ngày trong tuần tôi lại bắt xe buýt đi làm. Để đón được xe, tôi phải đi bộ từ phố Wessex xuống tận phố Carnation. So với Wessex thì Carnation cũng chỉ khá hơn chút đỉnh. Cửa sổ các nhà vẫn còn lành lặn, vài người còn cắt tỉa cỏ trước nhà nữa. Dân phố Carnation rất coi thường dân khu Xương chúng tôi. Có lẽ giữa một thế giới khốn khổ như nơi đây, thì việc có cửa sổ lành lặn và bãi cỏ được cắt tỉa đã là ở đẳng cấp khác rồi. Chúa không tồn tại trong những ngôi nhà mọc san sát nhau ở Wessex. Tôi tự hỏi liệu có phải Chúa đã tự mình rời khỏi nơi này và để chúng tôi tự chịu đựng đau khổ một mình. Con phố này chẳng khác nào cơn ác mộng khủng khiếp. Những người ở nơi khác không hề biết đến sự tồn tại của chúng tôi, mà họ cũng chẳng cần biết. Nhưng những ngôi nhà của chúng tôi vẫn đứng đấy và gần như oằn mình đổ sụp xuống vì sức nặng từ những tội lỗi to lớn mà chúng phải gánh vác. Trước ”hố đen sự sống” của tôi là một nhà chuyên chế thuốc phiện. Trước nhà chế thuốc phiện là nhà của Mẹ Mary. Mẹ Mary có thể thấy trước tương lai, nhưng không thể tiên đoán được mọi thứ. Bà chỉ phán được rằng người ta sẽ chết như thế nào với giá 40 đô la. Còn đây là nhà của bọn lưu manh. Tôi gọi thế bởi đó là nơi nương náu của những kẻ từng phải ngồi tù sau khi được trả tự do. Tôi không biết họ làm gì ở đó, nhưng cứ một tuần một lần lại thấy có xe cứu thương đến và có người được khiêng ra ngoài bằng cáng. Tôi chỉ hứng thú với một ngôi nhà trên phố Wessex. Đó là ngôi nhà đầu tiên trong khu, chủ nhà là cô Delaney Grant. Cô Delaney thường trồng cần sa trong gara, nhưng chẳng bao giờ bán mà chỉ dùng để phục vụ nhu cầu cá nhân. Ai cũng bảo cô ấy tham lam. Đôi khi nhà chế thuốc phiện đột nhiên hết cần sa, có người lại gõ cửa nhà cô Delaney để hỏi mua, nhưng cô ấy toàn vác khẩu súng ngắn Horace ra đuổi họ chạy trối chết. Lý do tôi thích nhà cô Delaney là vì Judah, con trai cô ấy, cũng sống ở đó. Có lúc cậu ấy sống ở đây với cô Delaney, có khi lại ở cùng với bố. Thực ra chúng tôi chưa từng thực sự nói chuyện với nhau, nhưng cậu ấy rất hay ngồi ngoài sân và luôn vẫy tay với tôi mỗi khi tôi đi qua. Dù phải ngồi xe lăn nhưng nhìn cậu ấy chẳng có vẻ gì là một kẻ tật nguyền đau khổ cả. Judah rất đẹp trai, nếu có thể đứng lên được chắc cậu ấy phải cao hơn một mét tám là ít. Cậu ấy không đến trường cùng chúng tôi. Sáng nào cũng có xe buýt từ thành phố đến đón cậu ấy đi học. Chiếc xe ấy có đủ chỗ để xe lăn cho cậu. Delaney có thể chẳng màng đến cuộc đời mình nhưng lại luôn muốn cả thế giới này đều phải ngưỡng mộ Judah. Chắc hẳn ai cũng sẽ yêu quý một người mẹ luôn coi con mình là báu vật như thế, đặc biệt là những ai có mẹ như tôi. Hôm nay xe buýt đến muộn. Tôi sốt ruột gõ nhịp chân và nghển cổ nhìn về phía xa. Nếu xe số 712 đến trong vòng năm phút nữa, tôi vẫn có thể đến cửa hàng Rag O Rama vừa kịp giờ nhận ca làm. “Đúng lúc đấy”, tôi thì thầm khi thấy chiếc xe tiến đến từ góc xa. Có ba hành khách bước lên xe buýt số 712 là tôi, Couco - một con nghiện heroin sống ở gần đây và cô bé Nevaeh Anthony vẫn thường hay bắt xe đến nhà bà mỗi buổi chiều khi mẹ cô bé đi làm. “Chào chị Margo”, cô bé nói. “Chào em gái nhỏ. Em đến nhà bà chơi hả?” Cô bé gật đầu. “Tốt. Xuống xe là đi thật nhanh nhé. Tối rồi nguy hiểm lắm.” Nevaeh gật đầu. Cô bé biết điều đó. Chúng tôi đều biết. Nỗi sợ như màn sương mù mịt len lỏi khắp các con phố, hiển hiện trong cả những nơi bình thường nhất ở khu Xương như trường học, cửa hàng tạp phẩm và rất nhiều nơi chốn khác. Nỗi sợ như một thứ gông cùm đè nặng lên cuộc sống của chúng tôi. Nó hiển hiện rõ ràng đến nỗi chẳng mấy ai dám tới nơi này, kể cả nếu có ai đến thăm người thân hay chỉ vô tình đi qua, họ cũng cố gắng rồi đi nhanh nhất có thể. “Để chị tết lại tóc cho em.” Nghe tôi nói, Nevaeh ngồi xích lại gần chỗ tôi. “Phải thật xinh đẹp để đến thăm bà nào”, tôi nói. Con bé gật đầu đồng ý. Tôi khéo léo tết tóc cho Nevaeh trong lúc con bé ríu rít kể cho tôi nghe về bảng điểm cao và đếm số tiền 10 đô la được bà thưởng cho. Lúc tôi tết tóc xong thì xe buýt cũng dừng lại và con bé cũng kể xong. Tôi nhìn Nevaeh lôi ra cái bút dạ và vẽ hình trái tim lên từng tờ tiền. Chúng tôi cùng xuống xe và đội mũ áo lên để che đầu. Con bé vẫy tay chào tôi khi hai chúng tôi rẽ hai hướng khác nhau. Ngón tay con bé xòe ra như sao biển vậy. Tôi đứng nhìn con bé nhảy chân sáo đi xa dần, chiếc ba lô Hello Kiy rực rỡ trên vai làm bừng sáng cả một ngày ảm đạm. Tôi nhìn vào ngôi nhà cũ của Destiny lúc đi ngang qua. Bây giờ ngôi nhà được sơn lại màu xanh, trên cửa sổ có những hộp hoa trắng. Gia đình cô ấy đã chuyển đến Oregon vài năm trước. Sau khi chuyển đi, cô ấy có viết cho tôi một lá thư, rồi từ đó tôi không còn nghe được tin gì từ cô ấy nữa. Tôi đã viết cho cô ấy đến hai mươi lá thư trước khi tất cả chúng đều bị gửi trả về cùng với dấu TRẢ LẠI NGƯỜI GỬI in tiên phong bì. Ồ, hóa ra viết thư thôi cũng là việc xa xỉ đến thế. Cửa hàng Rag O Rama có mùi thật kinh khủng. Lý do là vì có một trạm xử lý nước thải nằm dọc theo sông. Quản lý cửa hàng là Sandy đã đặt đồ khử mùi khắp mọi góc và giá đồ trong cửa hàng, nhưng chỉ càng khiến nơi này mang mùi giống như phân ủ trong hoa táo vậy. Vì tôi đến muộn nửa tiếng nên Sandy bắt tôi vào sắp xếp đống hàng tồn trong kho. Tôi nhìn đống túi đen sì dựng thành hàng vào tường, phải đến phân nửa trong số đó bị nhồi chật ních đến nỗi muốn rách toạc, những cái ống quần và tay áo lòi ra ngoài như ruột xổ vậy. Hôm nay chỉ cần sắp xếp bảy túi. Sandy bảo chúng tôi tiết kiệm những chiếc túi còn lành lặn. Chị ấy nói, ”Tiền không phải là lá cây. Đây là cửa hàng đồ cũ, chúng ta phải tái sử dụng mọi thứ.” Vậy nên tôi mới phải khổ sở tháo mấy cái nút buộc túi trong khi vừa thở hổn hển vừa chửi thề còn mồ hôi thì vã ra như tắm. Cuối cùng tôi cũng mở toang được cái túi đầu tiên. Tôi đã quá quen với mùi mốc. Đó là mùi của đồ đạc không được giặt rửa, mùi nhà người khác, mùi băng phiến và đôi khi là cả mùi nghệ với thì là nếu có túi đồ nào từng thuộc về một gia đình người Ấn Độ. Tôi phân loại những thứ trong túi, để riêng quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng thành từng đống. Thật trớ trêu khi thứ người này bỏ đi lại là đồ vô giá đối với người khác. Nhân viên ở đây được lấy một nửa số đồ giảm giá. Đó là những thứ người ta không muốn tái sử dụng. Lúc dọn xong túi đồ và chuẩn bị gấp lại, tôi nhận ra dưới đáy túi còn thứ gì đó. Đó là một cái túi vải bạt lớn, kiểu túi những người giàu thường dùng thay túi nilon khi đi mua sắm. Mặt trước túi có in chữ Groceries & Shit. Tôi bật cười thật to. Người chủ trước của cái túi đã lấy bút dạ tím vẽ một đống sao xung quanh dòng chữ ấy. “Tạp phẩm và Phân”, tôi nói thật to. Sandy cầm theo một đống mắc áo bước vào và nói, “Em có thể giữ cái túi đó, đấy là phần thưởng thêm dịp hè.” Tôi tròn mắt ngạc nhiên, nhưng trong thâm tâm thấy vui lắm. Mấy khi được cho đồ miễn phí chứ. Tôi gấp vuông vắn cái túi lại rồi giấu kỹ vào túi quần sau. Luis, bạn trai của Sandy thường đánh chị ấy. Dù đã cố ngụy trang bằng lớp phấn trang điểm trắng gấp ba lần so với làn da bình thường, chị ấy vẫn không thể che hết những vết bầm tím. Vào những ngày anh ta không ”thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, chị ấy lại mang cho chúng tôi ít bánh rán để lâu ở chỗ làm của anh ta. Lúc mới đến tôi nhìn thấy trong thùng rác có chiếc hộp rỗng. Hôm nay là một ngày bình yên với chị ấy. Khi Sandy cảm thấy tôi đã chịu phạt đủ rồi, chị ấy bảo tôi ra phụ trách quầy thu ngân. Ngày hôm nay lẽ ra đã trôi đi tẻ nhạt như thế cho đến khi có một người phụ nữ cố ăn cắp một đôi giày. Sandy đã bắt được quả tang trước khi cô ta kịp bước ra ngoài với đôi giày căng phồng dưới lớp áo khoác. Người phụ nữ này say đến nỗi không còn đứng vững được nữa. Sandy nắm cánh tay, xô cô ta xuống ghế rồi bảo tôi gọi cảnh sát. Tôi nói, “Hay bỏ qua đi chị Sandy, nhìn cô ta kìa.” Người phụ nữ lắc lư trên ghế, tay ôm ngực và lẩm bẩm gì đó nghe như là “đứa trẻ ngoan”. Sandy không hề nhìn cô ta mà lại nhìn tôi và nói: “Chị tưởng em muốn làm việc ở đây.” Tôi muốn. Rất muốn. Nếu không làm việc ở đây, tôi sẽ phải ở nhà, mà ở nhà thì... Tôi gọi cảnh sát. Khoảng bốn mươi phút sau thì cảnh sát đến. Quần họ lấm lem dầu mỡ và trông họ vô cùng mệt mỏi. Họ giải người phụ nữ vào xe tuần tiễu và lái xe đi. Tôi cất lại đôi giày lên giá trong khu đồ trẻ em trong cửa hàng. Đó là một đôi giày Jordan cũ được niêm yết giá sáu đô la. Người phụ nữ ấy còn không có nổi sáu đô la để mua đôi giày. Không biết cô ta có dùng từng ấy tiền để mua rượu uống đến say mèm không. Chắc cô ta lấy đôi giày cho con mình. Lẽ đời ở chốn này là như vậy đấy. Người ta thường nghĩ cho bản thân trước, rồi mới nghĩ đến con cái. Nhưng theo những gì tôi biết thì trẻ con ở khu này chẳng có gì ngoài những bậc cha mẹ chuyên say xỉn và cái dạ dày chẳng bao giờ được ăn no. Còn sống là sẽ tồn tại được. Mẹ đã từng nói với tôi như vậy. Trước khi tan ca, tôi mua lại đôi giày đó và cho vào chiếc túi Groceries & Shit. Tôi cúi mặt lê bước qua hai dãy nhà đến trạm dừng xe buýt. Trời đang mưa, từng giọt ấm nóng, không phải thứ mưa lạnh thấu xương. Tôi ước mình đủ tiền mua một tách cà phê, nhưng tôi đã lấy tiền mua giày rồi, bây giờ chỉ còn lại một ít để trả tiền xe buýt. Vậy là tôi quyết định đi bộ qua tiếp năm khu nhà nữa và đổ nốt số tiền còn lại vào một xe tải bán đồ ăn dạo để đổi lấy một cốc cà phê có kem và ba túi đường. Ngon thật. Trụ sở cảnh sát ở đồi Cảng Xương lúc nào cũng đông nghịt người. Trên hành lang, tôi gặp một đứa bé mặt mũi lấm lem lẫm chẫm chạy rồi ngã nhào vào chân tôi. Một đứa trẻ khác đang khóc ré lên, một người phụ nữ đang chửi rủa và một người đàn ông có giọng Anh trọ trẹ đang cãi nhau với một nhân viên. “Là hiểu nầm! Hiểu nầm!”, người đàn ông gào lên bằng giọng ngọng nghịu. Tôi nhìn xung quanh, cố nghĩ xem liệu có nên làm việc này không thì chợt thấy một trong hai viên cảnh sát đã đến cửa hàng bắt người phụ nữ kia. Ông ta khoác chiếc túi thể thao trên vai, gương mặt hiện rõ nét nhẹ nhõm của một người vừa mới tan ca làm. “Xin... xin lỗi”, tôi cất tiếng. Ông ta miễn cưỡng dừng lại. “Xin lỗi chú”, tôi lại nói to hơn. Dù trời đã sẩm tối nhưng viên cảnh sát vẫn đeo kính râm. Tôi nhìn chăm chăm vào hình ảnh phản chiếu của mình trên kính ông ta và nói, “Người phụ nữ chú đã bắt ở cửa hàng Rag O Rama lúc trước có còn ở đây không?” Viên cảnh sát móc hai ngón cái vào đai lưng quần như một ông chủ và nhìn tôi như thể đang cố tìm hiểu xem tôi nghĩ gì. Nhưng không được đâu. “Còn có việc gì thế?” Tôi đưa đôi giày cho ông ta và nói, “Cô ấy để quên đôi giày này”, rồi quay lưng đi thẳng mà không nhìn lại. Đôi giày duy nhất của tôi chính là đôi tôi đang mang. Đó là một đôi giày thể thao từng nằm trên giá xả hàng của siêu thị Wal-Mart. Cuộc đời này có thể thiếu nhiều thứ vẫn sống được nhưng không thể thiếu giày. Nếu ai phải đi ăn cắp giày thì tức là người đó đã lâm vào đường cùng rồi. Mà tôi sẽ không chặn đường sống của những người đang phải vật lộn để tồn tại. CHƯƠNG 5 T ôi đến quán Comer để mua thuốc lá nhẹ cho mẹ. Trong lúc nhìn vào phần mỡ núng nính dưới đầu gối đang phình ra theo từng bước chân, tôi chợt nhìn thấy cậu. Cậu ấy đang ngồi đọc sách, một bàn tay đỡ lấy trán, bên cạnh là cốc nước đầy, lấm tấm hơi nước ngoài thành cốc. Cảnh tượng yên bình ấy đột nhiên như có sức hút kỳ lạ cuốn từng bước chân tôi lướt từ vỉa hè nứt nẻ đến cửa nhà cậu ấy. Cười? Hay không cười? Tôi vặn vẹo hai bàn tay sau lưng. Chẳng ai biết lý do vì sao Judah Grant lại bị liệt. Do tai nạn, do có khối u nào đó trong cơ thể hay là chứng bệnh đa xơ cứng? Chúng tôi chỉ biết rằng ngày trước cậu ấy hoàn toàn bình thường, rồi đột nhiên không đi được nữa. Khi quan sát cậu, tôi bất giác giật mình khi nhận ra một ý nghĩ vô cùng rõ ràng. Cậu ấy điều khiển xe lăn. Chiếc xe lăn không hề chở cậu ấy. Trước đây tôi chưa từng nghĩ như vậy. Như một quy tắc bất thành văn, tôi luôn cố không nhìn Judah. Nhìn chằm chằm vào một người ngồi xe lăn - kể cả dù người đó có đẹp đến đâu, cũng chẳng lấy gì làm lịch sự. Một hàng rào bao quanh khoảng sân nhà Judah. Trước kia nó đã từng rất đẹp, vài chỗ chưa bị gỉ sét vẫn còn vương lại mấy vệt sơn màu xanh nhạt. Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần nhìn cái hàng rào này là tôi lại liên tưởng đến lễ Phục sinh. Tôi đẩy cánh cổng ra, tiếng kẽo kẹt vang lên ầm ĩ. Judah chậm rãi ngẩng đầu lên. Trông cậu thật gần gũi khi đặt cuốn sách sang một bên và nhìn tôi bước lên đoạn dốc cô Delaney đã xây để tiện cho cậu di chuyển xe lăn. “Cậu đang làm gì vậy?” Tôi hỏi, mắt liếc nhìn cuốn sách cậu ấy đang đọc. Một cuốn tiểu sử. Judah nâng điếu thuốc mảnh dẻ giữa hai ngón tay lên. Mùi thuốc khá nặng, giống như thuốc lá cỏ vậy. “Tôi hút thử được không?” Tôi hỏi. Trong một thoáng, cặp mắt cậu ấy như dán chặt vào tôi. “Tôi chưa từng thấy cậu hút thuốc”, cậu trả lời, tay vẫn kẹp chặt điếu thuốc. Giọng cậu trầm thấp, rõ ràng. “Cậu đã bao giờ thấy tôi đâu”, tôi nói. “Tôi thấy chứ.” Judah đưa điếu thuốc lên môi, hít vào một hơi rồi nhả khói ra. “Ngày nào cậu cũng đi qua đây để đến chỗ làm mà.” Tôi nâng cằm lên, sửng sốt. “Làm sao cậu biết là tôi đi làm?” “Chịu”, cậu đáp lại. “Có lẽ vì trông cậu khổ sở quá.” Cậu ấy đã nói đúng. “Thôi được”, tôi nói, “vậy là vì ngày nào cũng thấy tôi đi làm nên đột nhiên cậu lại hiểu rõ về tôi sao?” Cậu cười nhẹ và nhún vai, chìa điếu thuốc về phía tôi như thể cậu chẳng quan tâm tôi có hút hay không. “Cảm ơn, nhưng tôi không hút.” Tôi nói. Judah cười phá lên. Cảm tưởng như trận cười ấy tích tụ từ lâu trong lồng ngực cậu rồi bật ra ngoài vậy. Cậu cười như chưa từng được cười nhiều như thế và chính bản thân cậu cũng biết lý do vì sao. “Tôi thích cái túi của cậu”, cậu nói, chĩa ngón út về phía chiếc túi tôi đang đeo, khóe miệng vẫn còn vương vất một nét cười. “Tạp phẩm và Phân. Đúng là cậu bỏ mấy thứ đấy vào cái túi thật sao?” “Đúng là cái gì?” Tôi hỏi. “Cậu muốn biết có đúng là tôi bỏ đồ tạp phẩm và cả phân của chính mình vào cái túi này không ư?” Judah cắn môi dưới, ánh mắt dò xét tôi. Tôi nhận ra đó là thói quen của cậu ấy khi cậu nheo mắt lại và lúc lắc đầu. Rốt cuộc cậu ấy cũng lên tiếng, “Tôi chỉ thử cậu thôi. Tôi không thích ai dùng từ ‘đúng là’ một cách tùy tiện. Giờ ta làm bạn được rồi.” “Đúng là vậy sao?” Cậu bỏ điếu thuốc vào một cái gạt tàn nhỏ dưới chân và chìa tay ra trước mặt tôi. “Tôi là Judah”, cậu nói, “còn cậu là Margo.” “Sao cậu biết tên tôi?” Sọ với kiểu bắt tay thông thường thì cậu ấy nắm tay tôi lâu hơn một chút. Nếu chẳng phải là bản thân vốn không được xinh xắn cho lắm thì tôi sẽ tưởng cậu ấy thích mình rồi. “Đây là phố Wessex mà, và chúng ta đều chỉ là lũ ăn bám cùng chui rúc trong một xó xỉnh ở Washington thôi.” Cậu ấy thu tay về và đặt tay ra sau đầu, kiên nhẫn chờ phản ứng của tôi. Nhìn cậu ấy kìa, ngồi xe lăn mà cũng ngầu quá. “Tôi không phải kẻ ăn bám”, tôi nói chắc nịch. “Tôi không nhận trợ cấp. Tôi có việc làm đấy.” Vừa thốt ra câu đó xong, tôi thấy hối hận ngay. Có lẽ cậu ấy không có ý nói vậy. Đừng lúc nào cũng như nhím xù lông lên thế. Tôi tự nhủ. “Cậu không cần thấy có lỗi ở đây”, Judah nói. “Tôi đâu có buộc tội cậu móc túi nhà nước mà sống đâu. Tôi cũng có một công việc mà.” “Tôi không thấy có lỗi. Cậu đâu biết tôi đang nghĩ gì.” Tôi “xù lông” lên đáp trả. Trời ạ. Judah nhặt điếu thuốc lên. “Tôi biết chứ. Cậu nghĩ gì đều hiện rõ trên mặt cả rồi.” Cậu tinh nghịch giơ hai tay lên khi nói câu sau. Tôi chẳng cười nổi dù trong thâm tâm rất muốn. Lúc đầu tôi nhăn mặt vì không hiểu ý Judah, mãi sau mới ngộ ra. “Ồ”, tôi nói. Tôi nhìn Judah. Cậu ấy có thể làm việc gì được nhỉ? Một công việc gì đó ở trường cậu ấy chăng? “Tôi biết cậu đang nghĩ gì”, cậu nói. “Tôi thì làm được việc gì đúng không?” “Ối! Đừng có đoán mò kiểu đó nữa, và... cậu hãy thôi nhìn mặt tôi mà suy ra tôi nghĩ gì nữa đi!” Cả hai chúng tôi đều phá lên cười. “Vậy cậu làm gì?” Cậu ấy hít một hơi thuốc rồi nói, “Cậu đùa sao? Tôi ngồi xe lăn thì làm gì được chứ.” “Ôi trời!” Tôi lắc đầu nhìn cậu ấy rồi ngước lên trời. Sắp mưa rồi. “Đừng đùa cợt tôi thế chứ.” Tôi phải mang thuốc lá về cho mẹ trước khi trời đổ mưa. “Tôi phải về đây”, tôi nói, quay người đi ra, cái túi Groceries & Shit lủng lẳng trên vai. “Tạm biệt Margo. Nhớ đến thăm tôi nữa nhé!” Judah gọi với theo. Một tiếng sau tôi mới về đến nhà, lúc này trời đã tối mịt. Có tiếng nói phát ra từ phòng mẹ. Tôi tự nhủ không biết có kịp dùng nhà tắm trước khi gã đó ra hay không. Gã đó có là ai đi chăng nữa cũng thế thôi. Việc đầu tiên tôi phải làm ngày mai là đến cửa hàng nên tôi cần phải tắm trước khi đi. Tôi ước được tắm tử tế như mọi người, nhưng nhà tắm của “hố đen sự sống” lại không được thiết kế để có thể đứng tắm. Tôi vớ lấy một cái khăn tắm trong phòng và mở vòi xả đầy nước vào chậu tắm. Đang tắm dở thì nghe có tiếng gõ cửa. “Margo”, giọng the thé của mẹ tôi vang lên. “Mày làm gì trong đó vậy?” Thay vì trả lời mẹ, tôi biết mình cần làm gì đó hơn. Mẹ gọi vì muốn tôi ra khỏi phòng tắm. Tôi giội nước qua loa rồi nhảy ra ngoài, cố gắng không vẩy nước ra sàn. Mẹ rất ghét sàn nhà tắm bị ướt. Tôi mất đúng hai mươi giây để cuống cuồng tròng vội quần áo vào người, nhưng tôi biết như thế vẫn là quá chậm. Thật ngớ ngẩn khi cứ chắc mẩm rằng mình đủ thời gian tắm, bây giờ thì tai họa sắp giáng xuống đầu rồi đây. Lúc tôi mở cửa, mẹ tôi đã đứng đó. Mẹ vận chiếc áo choàng lụa đỏ, trên tay kẹp điếu thuốc đang hút dở tỏa vệt khói dài lên trần nhà màu xám xịt. Mẹ nhìn tôi chằm chằm như âm thầm hứa hẹn điều gì đó sau này. Một người đàn ông đứng sau mẹ, trông gã vui thích như đứa trẻ vừa được cho ăn no. Gã trao cho tôi cái liếc mắt dâm đãng lúc tôi lách qua trước mặt mẹ rồi cứ thế chân đất chạy về phòng. Tôi còn chưa gội đầu nữa. Sống trên đời này không thể đã xấu rồi mà tóc tai còn rũ rượi bẩn thỉu được. Không hiểu sao tôi lại nghĩ đến Judah. Cậu bạn đẹp trai ấy chính là lý do khiến tôi muốn gội đầu cho sạch sẽ. Sáng hôm sau, khi đi bộ ra bến xe buýt, tôi không thấy Judah Grant ngồi trong sân như mọi lần. Chỉ có cô Delaney đầu đội cái mũ rơm to tướng đang đào xới trong vườn. Trông cô ấy thật giống người mẫu trên bìa mấy cuốn tạp chí làm vườn. Cô vẫy tay với tôi lúc tôi đi ngang qua. Thỉnh thoảng cô ấy lại đưa tiền cho tôi và nhờ mua mấy thứ ở cửa hàng Rag O Rama. ”Cô cần một chiếc quần đùi cỡ hai.” Có lần cô ấy bảo tôi như thế. Cả người cô Delaney chắc chỉ to ngang bắp đùi tôi. Đồ cho cô ấy, tôi chọn ở khu thiếu niên trong cửa hàng. Tôi dừng chân khi nghe cô ấy gọi: “Này Margo, Judah cần mấy chiếc áo mới. Kiểu nào hợp mốt để mặc đi làm được ấy.” Đồ nói dối! Tôi rất muốn hỏi xem cậu ấy làm ở đâu nhưng lại phân tâm khi thấy cô Delaney lần sờ áo ngực để lấy tiền. Cô ấy đưa tôi một tờ mười đô và một tờ hai mươi đô. Tờ nào tờ nấy đều ẩm ướt. Tôi nhón tay để giữ tiền bằng ngón cái và ngón trỏ. “Cậu ấy mặc cỡ nào ạ?” Tôi ngớ ngẩn hỏi. Tôi thầm thắc mắc không hiểu vì sao cô Delaney không tự mình đến cửa hàng Rag O Rama chọn áo cho con trai và vì lý do quái quỷ gì mà Judah lại nói dối tôi. “Chọn cho thằng bé mấy cái áo có cổ đẹp đẹp chút nhé”, cô ấy nói. Tôi muốn hỏi cô rằng cậu ấy làm việc ở đâu, nhưng từ trước đến nay, ngoài việc quần áo thì chúng tôi chẳng nói chuyện gì khác với nhau cả. “Được ạ, cháu sẽ chọn lấy mấy thứ đẹp đẹp.” Tôi đáp lại. Cậu ấy dám nói dối tôi! Vậy tôi sẽ chọn cho cậu ấy mấy cái áo xấu khủng khiếp! Mà thực ra với vẻ ngoài điển trai đó, cậu ấy cũng chẳng cần mặc đẹp hay có đôi chân khỏe làm gì. Phải để dành cho những người khác trên đời nữa chứ. Tôi mua cho Judah bốn chiếc áo, một chiếc màu hồng có họa tiết hình cánh hoa, một chiếc màu tía in hình trái tim trắng nhỏ xíu và một chiếc khác màu trắng sọc đỏ - cậu ấy mà mặc lên chắc trông y hệt một cây kẹo gậy Giáng sinh. Dù sao thì cái ngày lễ ấy cũng chỉ toàn chuyện giả dối mà thôi. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi vẫn còn chút nhân từ nên đã chọn chiếc áo thứ tư trông đẹp đẽ, tử tế hơn: một chiếc áo trơn màu xanh da trời. Lúc nhận áo từ tay tôi, cô Delaney phản ứng như thể tôi là quán quân của chương trình America’s next top model vậy. “Mấy cái áo này quá đẹp. Cháu nên theo ngành thời trang đi.” Cô ấy cảm khái nói. Tôi nóng lòng muốn thấy Judah mặc chiếc áo cây kẹo kia, nhưng tôi đồ rằng cậu ấy sẽ không mặc nó đâu. Thật đen đủi cho cậu ấy vì cửa hàng Rag O Rama có quy định rất nghiêm ngặt là MIỄN ĐỔI TRẢ HÀNG. Nhưng cậu ấy có thể quyên góp lại chiếc áo nếu muốn. Nhưng tôi cá là mình sẽ khiến cô Delaney mua lại nó để làm quà sinh nhật cho cậu ấy. Lúc tôi về nhà, cửa phòng mẹ đã đóng im ỉm. Tuy nhiên, mẹ có để lại lời nhắn ngay trước cửa phòng tôi. Mua thuốc cho mẹ. Hẳn rồi, sao lại không nhắn nhủ gì được chứ? Tôi là đứa con gái chạy việc vặt không công cho mẹ mà. Tôi vo viên tờ giấy nhắn lại rồi ném vào trước cửa phòng mẹ. Đúng lúc ấy mẹ tôi lại bước ra ngoài. Thế là cục giấy bay trúng ngực trái của mẹ rồi rơi xuống sàn. Đôi mắt mẹ đảo từ cục giấy lăn tròn dưới chân đến gương mặt lầm lì của tôi. Mẹ không phải kiểu người thích chửi rủa, lăng mạ nên chẳng bao giờ mắng mỏ gì tôi. Mẹ chỉ xoay lưng đi vào trong rồi đóng sầm cửa lại. Thông điệp đưa ra đã quá rõ ràng. Tôi chán ghét chính mẹ mình. Mẹ thậm chí còn không thèm gần gũi với tôi. Mẹ không bao giờ bước chân ra khỏi nhà nên tôi luôn bị sai đi mua đồ cho mẹ. Tôi ra khỏi nhà, cuốc bộ đến nhà chế thuốc phiện để lấy thuốc chỗ Wendy. Ít nhất mẹ cũng không bắt tôi đến nhà người xấu. “Chào Margo!” “Chào”, tôi đáp lời. Judah đang di chuyển xe lăn lên xuống trên lối vào gara. Cậu ấy mặc một chiếc áo thun ngắn tay màu trắng phô bày hết từng thớ cơ rắn rỏi trên cơ thể. “Ghê quá. Người cậu cơ bắp thế.” “Ừ, tôi là thanh niên trẻ khỏe mà”, cậu đáp. “Cậu đang làm gì thế?” Tôi thắc mắc. Cậu ấy hết lăn xe sang trái rồi lại sang phải với tốc độ nhanh nhất có thể. “Ngầu đấy, tôi chẳng bao giờ tập tành gì hết.” Cứ nhìn đống mỡ lủng lẳng quanh đầu gối mình là biết rồi đấy, tôi nhủ thầm. Tôi tiếp tục đi, nhưng Judah lại đi theo tôi ra ngoài vỉa hè. Nghe tiếng xe lăn kin kít của cậu ấy đằng sau, tôi không kìm nổi một nụ cười sung sướng. “Không hút thuốc cũng chẳng tập thể dục. Vậy cậu làm gì?” Tôi không biết mình làm gì nữa; thật đúng là kẻ thảm hại. “Tôi mới nói chuyện với cậu một lần... vậy giờ cậu nghĩ chúng ta là bạn ư?” “Cậu hung dữ quá”, Judah nói. “Tôi thấy sợ cậu thật đấy. Cứ lúc nào cậu chuẩn bị...” Cậu ấy thật xấu tính. Đã không trả lời rồi còn làm cái vẻ mặt trâng tráo kia. Tôi lại bước đi, cậu ấy còn chẳng buồn đuổi theo tôi nữa. “Tôi đọc”, tôi nói, ném cho cậu ấy một cái nhìn bằng nửa con mắt để xem cậu có đang phán xét tôi không. “Tôi cũng thế”, cậu ấy đáp lại. Tôi nhớ lại quyển sách cậu ấy cầm hôm trước. “Hầu như là sách tiểu sử.” “Eo ôi. Cuộc sống thật ở khu Xương này là quá đủ với tôi rồi. Tôi đọc sách là để được phiêu du đến nơi nào đó tốt đẹp hơn chứ không phải khám phá cuộc đời rắc rối của ai nữa cả.” Tôi tuôn một tràng. “Cuộc sống tốt đẹp quá thì đâu có gì đáng để nghiền ngẫm chứ”, Judah cự lại. “Tôi đọc về những cuộc đấu tranh, về nỗi đau đang lớn dần mà những người khác phải chịu đựng.” “Tôi thích kết thúc có hậu. Đời thực thì chẳng bao giờ có hậu hết.” Tôi nói. “Ôi trời, cậu bi quan quá vậy. Chẳng hiểu sao tôi lại làm bạn với cậu được.” Tôi quay lại con đường nứt nẻ dẫn đến nhà chế thuốc phiện. “Thì mình có phải bạn bè đâu.” Tôi nói với lại. “Giờ đợi tôi ở ngoài, nếu nghe thấy tiếng súng thì gọi cảnh sát nhé. Họ chẳng đến đâu, nhưng cứ gọi đi.” “Tôi có súng đây”, Judah nói, vặn vẹo hai cánh tay. “Tôi sẽ bảo vệ cậu.” Tôi cười phá lên. Tôi không biết là mình còn có thể cười to đến vậy. Tràng cười của tôi im bặt khi Mo mở cửa. Mùi cần sa và thịt nướng xộc thẳng vào mặt tôi. Anh ta dúi đứa con trai mới tám tháng tuổi vào tay tôi, miệng làu bàu, ”Giữ thằng bé.” Tôi ôm lấy bé Mo Nhỏ và ngồi xuống bậc cửa. Trước khi ngồi xuống, tôi phải gạt đi cả đống đầu mẩu thuốc lá. Chao ôi, thằng cu Mo Nhỏ bốc mùi như thể cả tuần rồi chưa được thay tã vậy. Thằng nhỏ ngước nhìn tôi bằng ánh mắt trống rỗng, không cảm xúc rồi quay ra nhìn chằm chằm vào bụi cây bên trái ngôi nhà. “Mo”, tôi gọi. “Bé Mo.” Thằng bé vẫn cứ nhìn chằm chằm vào chỗ bụi cây. Tôi bắt đầu huýt sáo. Trình độ huýt sáo của tôi cũng không đến nỗi nào. Ngoài vỉa hè, Judah vừa lăn xe vừa nhìn theo tôi. Bé Mo chợt quay lại nhìn tôi. “Cuối cùng cũng quay lại rồi”, tôi nói. “Em không thèm để ý làm chị buồn lắm đấy.” Tôi huýt sáo một bài hát đã nghe trên đài lúc đi làm. Thằng bé mỉm cười. Lúc Mo Lớn quay lại, anh ta cúi xuống bế thằng bé và thả mấy gói nhỏ vào lòng tôi. Tôi đứng lên và phủi quần. Mo dựa vào khung cửa, cất tiếng hỏi, “Mẹ cô ổn chứ?” “Ổn”, tôi trả lời. “Lúc nào cũng vậy”. “Bà ấy từng trông nom tôi hồi tôi còn bé tí.” Tôi cố tỏ ra bình thản, nhưng thực ra trong thâm tâm kinh ngạc tột độ. Mẹ chưa từng kể chuyện đó với tôi. Mà mẹ có bao giờ cho tôi biết cái khỉ gì đâu. Tôi để một nắm tờ hai mươi đô trên cầu thang. “Tạm biệt Mo Nhỏ”, tôi vừa cất giọng thì cánh cửa đã đóng sầm trước mắt. Tôi bỏ mấy gói thuốc vào cái túi Groceries & Shit. Lúc tôi ra ngoài phố, Judah nhìn cái túi của tôi rồi hỏi: “Mấy cái đó là cho cậu hả?” “Không, mẹ tôi nghiện thuốc kích thích được kê đơn.” Cậu ấy thở phào nhẹ nhõm. “Kể cả nếu tôi có dùng thứ này thì đồ nghiện ngập như cậu cũng đâu có quyền gì mà phán xét.” “Cần sa thì khác”, cậu cự lại. Cách cậu ấy phát âm từ “cần sa” nghe thật buồn cười. “Khác gì chứ. Đều là nghiện cả. Cậu hút thuốc vì cần nó để thỏa mãn cảm xúc và cơ thể mình. Chẳng cần biết cơ thể cậu có thèm thuốc hay không, nhưng chắc chắn tâm trí cậu rất thèm thuồng.” “Tôi thích cậu rồi đấy”, Judah nói. Tôi ngạc nhiên cực độ khi nghe câu ấy. Judah đi cùng tôi về. Chính xác thì cậu ấy lăn xe để đưa tôi về. Như thế chính ra lại hay, vì ai mà chẳng thể đi cùng ta về nhà. Nhưng tôi không để cậu ấy đi thẳng vào nhà. Ai cũng biết mẹ tôi thế nào rồi, song tôi vẫn không muốn họ trực tiếp chứng kiến sự thật ấy. “Cậu nghiện thứ gì nhỉ?” Cậu ấy hỏi trước khi tôi kịp nói chúc ngủ ngon. “Chẳng phải rõ ràng quá rồi sao?” Tôi hỏi ngược lại. Cậu ấy gật đầu tỏ vẻ biết tuốt rồi nói, “Cậu lại tự giễu rồi.” Tôi chuyển cái túi Groceries & Shit sang bên vai kia, trả lời, “Đồ ăn. Bánh Honey Buns chẳng hạn, nói chung chỉ cần là đồ chế biến sẵn thì tôi đều ăn hết.” Thật vô nghĩa khi che đậy bí mật trong một thế giới mà tất cả mọi người đều phơi bày hết mọi thói hư tật xấu của mình. Tội lỗi của tôi là phàm ăn. “Tôi béo”, tôi bảo Judah. Ngưng một lát, tôi lại bổ sung thêm, “Vì tôi toàn ăn tối bằng bánh Honey Buns.” “Cậu đâu có béo”, cậu ấy đáp. Nhưng tôi không nấn ná ở lại để nghe tiếp mà đi thẳng vào nhà. CHƯƠNG 6 V ài ngày sau khi tôi thú nhận bệnh nghiện bánh Honey Bun với Judah Grant, có người gõ cửa nhà tôi. Cộc cộc cộc. Đang loay hoay gắn lại đế giày, tôi giật bắn mình khi nghe tiếng gõ cửa, đến nỗi làm rơi cả chiếc giày và tuýp keo đang cầm trên tay. Tôi đứng ngây người nhìn thứ chất lỏng màu hổ phách đang chảy ra sàn nhà, bối rối cực độ. Bình thường chẳng ai đến “hố đen sự sống” vào giờ này, kể cả các Nhân chứng Giê-hô-va. Tôi liếc nhìn phòng ngủ của mẹ trên gác mà trống ngực đập thình thịch. Mấy tiếng nữa mẹ mới ngủ dậy. Mẹ tôi mắc chứng sợ nơi công cộng, chưa kể đến bệnh hoang tưởng và nghiện thuốc kích thích nữa. Nếu bây giờ mẹ tôi đột nhiên tỉnh dậy, mẹ sẽ lại tống cả đống thuốc viên trắng vào miệng và hoảng loạn cực độ. Hàng đêm mẹ đều để cửa mở cho những người đàn ông vào chỉ vì mẹ không muốn phải nghe tiếng họ gõ cửa. Cộc cộc cộc. Lần này còn to hơn nữa. Tôi nhón gót chân trần đi đến phía cánh cửa và ghé mắt nhìn qua lỗ cửa. Một đám người da trắng da màu, to cao, béo gầy đủ cả đang đứng lố nhố trước nhà. Họ chen chúc dưới mái hiên bé xíu để tránh mưa. Tôi cài xích an toàn trước khi mở cửa rồi ghé mắt nhìn họ qua khe cửa. “Vâng?” Người đàn ông đứng gần cửa nhất bước tới và chìa một tờ giấy ra trước mặt tôi. Ông ta to lớn như một con gấu với chòm râu xám và mái tóc nâu. Tôi hết nhìn tờ giấy rồi lại nhìn ông ta. Ngay chính giữa tờ giấy là bức ảnh một cô bé tết tóc đuôi sam và bị sún mất hai răng cửa, phía dưới là dòng chữ màu đen in đậm CÓ AI THẤY CÔ BÉ NÀY KHÔNG? Tôi chợt cảm thấy sống lưng mình lạnh toát. “Chúng tôi đang đi tìm Nevaeh Anthony. Gần đây cháu có gặp cô bé không?” Người đàn ông hỏi tôi. Tôi đóng sầm cửa lại rồi mở xích. Khi tôi mở tung cửa, tất cả mọi người, trong đó có tôi đều sửng sốt cực độ. Gặp cô bé? Ngày nào tôi cũng gặp cô bé. Lần cuối tôi gặp cô bé... hai ngày trước? Hay là ba? Tôi nhận tờ giấy từ tay người đàn ông. “Từ khi nào vậy?” Tôi cất tiếng hỏi. Tôi đặt tay lên trán. Vầng trán ướt đẫm, nhớp nháp mồ hôi, tôi cảm thấy mình như muốn bệnh. “Mẹ cô bé nói đã không thấy cô bé từ hôm thứ Năm. Hôm đó cô bé đi xe buýt đến nhà bà rồi từ đó không quay về nữa.” Thứ Năm... Hôm đó tôi đã tết tóc cho Nevaeh. “Cháu đã gặp con bé vào thứ Năm”, tôi nói rồi bước ra ngoài và đóng sập cánh cửa sau lưng. “Cháu sẽ đi cùng mọi người.” Ông ta chậm chạp gật đầu với tôi rồi nói, “Cháu phải đến đồn cảnh sát trình báo trước đã. Rồi chúng ta sẽ cùng đi thăm dò hết khu vực này, từ Wessex cho đến Cerdic. Cháu sẽ chủ động đến tìm chúng tôi sau khi xong việc ở đồn cảnh sát, được chứ?” Tôi gật đầu, chạy chân trần ra phố Wessex, cả tấn mỡ núng nính trên người chẳng khác gì một khối thạch rau câu. Bất chợt, tôi nghe tiếng Judah gọi mình. Tôi dừng lại, thở dốc. “Cậu đã gặp cô bé, phải không?” Cậu ấy gọi to. Lông mày nhíu chặt lại, Judah cố chống tay rướn người khỏi chiếc xe lăn để nhìn tôi rõ hơn. “Vào thứ Năm”, tôi hét với lại. Judah gật đầu. “Giày cậu đâu rồi?” “Hỏng rồi.” Tôi nhún vai. “Đi đi!” Cậu nói. Tôi liền chạy - chạy thật nhanh trên đôi chân không giày. Tôi đợi thanh tra Wyche tại bàn làm việc trong khi ông ta tự phục vụ mình một ly cà phê. Ngay khi vừa nhìn thấy tôi bước vào, câu đầu tiên ông ta hỏi là giày của tôi đâu. Nhưng tôi vờ như không nghe thấy mà nói luôn, “Cháu cần trình báo thông tin liên quan đến vụ mất tích của Nevaeh Anthony.” Viên thanh tra sững người ra một lát rồi dẫn tôi đến bàn làm việc của mình và bảo tôi chờ còn ông ta đi lấy cà phê. Xung quanh máy tính của thanh tra Wyche có bày mô hình của mười vị tổng thống Hoa Kỳ gần đây nhất. Tôi cúi nhìn hai bàn chân lấm lem, trong bụng thầm oán trách đôi giày khốn khổ lại hỏng đúng ngày mưa gió lạnh lẽo thế này. Vỉa hè sứt sẹo cứa vào chân làm xây xước, chảy máu mấy chỗ liền. Đến cả vỉa hè ở khu Xương này cũng tan hoang. Tôi chua chát nghĩ. Thanh tra Wyche quay lại cùng một người cộng sự to béo và lớn tuổi hơn. Hai bên nách áo người cộng sự đó ướt nhẹp mồ hôi. Ông làu bàu thành tiếng khi ngồi xuống cạnh tôi. Người ông thoảng hương lăn khử mùi Old Spice và phảng phất cảm giác tuyệt vọng. Suốt hai tiếng liền bị xét hỏi, tôi hết nhấp nhổm co duỗi chân lại thầm ước cũng được uống cà phê. Nhưng tôi không hỏi xin vì tôi được dạy rằng không được xin xỏ bất cứ điều gì hết. Hãy cứ âm thầm chịu đựng thì không ai có quyền gọi mình là gái điếm ăn bám cả. Thanh tra “Old Spice” cầm trịch buổi xét hỏi này. Ông ta muốn biết lần cuối tôi gặp Nevaeh là khi nào. Chúng tôi đã gặp nhau trên chiếc xe buýt, cô bé đến nhà bà còn tôi đi làm. Tôi không biết chính xác địa chỉ nhà bà cô bé ở đâu nữa. Hôm đó cô bé đã mặc gì? Quần bó màu đỏ và một chiếc áo ngắn tay có biểu tượng mặt cười kèm dòng chữ: Đừng nhắn tin cho người yêu cũ. Nghe đến đó, thanh tra Wyche chợt nhướn mày. Tôi rất muốn gắt lên rằng: Thôi đi, đâu phải ai cũng có tiền mua quần áo đẹp. Cô bé có nói điều gì bất thường không? Không, cô bé rất vui vẻ. Hoàn toàn bình thường. Chân tay cô bé có bị bầm tím không? Theo tôi thấy thì không phải thế. Cô bé có đề cập gì đến chuyện bị lạm dụng không? Không. Cô bé toàn kể về bà mình. Cô bé rất yêu bà. Tôi có biết mẹ Nevaeh - Lyndee Anthony không? Chỉ thỉnh thoảng chạm mặt nhau thôi. Tôi và mẹ Nevaeh từng trò chuyện với nhau chưa? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập ập tới. Lúc tôi tưởng đã xong thì họ hỏi lại tôi tất cả những câu trên nhưng theo cách khác. Tôi đội mưa, run rẩy lê bước trên đường, tay túm chặt áo mưa. Trời sắp tối. Không biết đội tìm kiếm Nevaeh sẽ tiếp tục tìm đến bao giờ giữa trời mưa gió thế này. Bây giờ cũng quá muộn để đi tìm họ rồi. Trong lúc tôi đang đi dọc phố Wessex cùng đống tờ rơi lấy ở chỗ cảnh sát thì Judah lăn xe đến ngay trước mặt. Tôi ngây người nhìn chằm chằm cậu ấy mất một lúc. Cậu đưa cho tôi một đôi ủng đi mưa và nói, “Của mẹ tôi đấy. Đôi này mẹ tôi không dùng.” Tôi nhận lấy đôi ủng màu xanh lá cây có hình mấy quả anh đào đỏ chót. Chẳng nói chẳng rằng, tôi xỏ hai bàn chân trần vào đôi ủng. “Đưa tôi một ít đi.” Judah chìa tay ra, tôi lấy một xấp tờ rơi dày đưa cho cậu. Chúng tôi quyết định phát tờ rơi ở siêu thị Wal-Mart. Cả hai đều không nói lời nào. Tôi còn không chắc Judah có biết Nevaeh không nhưng nét buồn rầu đang hiện rõ trên gương mặt xanh xao của cậu. Cuộc sống ở khu Xương là thế. Người ta luôn thường trực cảm giác lo sợ cho bản thân mình, nhưng đôi khi, cũng lo lắng cho số mệnh của người khác nữa. Đối với tôi, tôi hiểu cảm giác một đứa trẻ cô đơn phải trải qua như thế nào. Khi đã phát hết tờ rơi, chúng tôi về nhà. “Bọn mình đã phải gí tờ rơi vào mặt họ. Có vẻ chẳng ai muốn nhìn đến cả.” Tôi nói. “Cậu phải hiểu khu Xương chứ”, Judah đáp. “Những chuyện tồi tệ xảy ra ở đây đều gợi cho người ta nhớ đến những điều họ đang cố quên đi. Nếu cậu giàu có và chỉ nhìn thấy những việc đau lòng như thế này trên tivi, cậu sẽ ôm chầm lấy con mình và cảm thấy may mắn vì chúng vẫn bình yên. Nhưng vì chúng ta sống ở khu Xương, người ta sẽ chỉ biết ôm con và cầu trời mình sẽ không phải nạn nhân tiếp theo lâm vào tình cảnh ấy.” Tôi im lặng hồi lâu và suy nghĩ về điều Judah nói. Tôi đã chui rúc trong căn phòng tối tăm và ôm hộp bánh Honey Buns quá lâu đến nỗi chỉ cần một cuộc giao tiếp đơn thuần cũng trở thành niềm vui với tôi. “Sao họ không làm gì chứ? Sao ta lại cứ phó mặc mọi thứ diễn ra như vậy? Tất cả chúng ta có thể rời khỏi đây và đi tìm kiếm điều tốt đẹp hơn.” “Không dễ vậy đâu, khu Xương này đã trở thành cốt tủy trong mỗi chúng ta rồi. Người dân ở đây đã sống an phận và sợ hãi suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác.” Judah dừng lại trước một xe tải bán đồ ăn và xem thực đơn. Tôi chờ cậu ấy dưới mái che kim loại thấp lè tè chỗ trạm dừng xe buýt, cố gắng làm ấm người lên. Những người đứng sau cửa sổ toa xe có vẻ quen biết cậu ấy. Họ bước ra khỏi xe, đưa túi đồ ăn cho cậu. Judah đặt túi đồ lên đùi và đẩy xe lại chỗ tôi. “Bữa tối đến đây.” Cậu nói. Tôi lúng túng ngồi một chỗ trong khi cậu trút bánh tacos và khoai chiên lên giấy ăn rồi đặt trên đùi hai đứa, kèm theo mấy cốc tương cà đỏ tươi và một cốc Coca sủi bọt lớn. Lần đầu tiên có người đãi tôi bữa tối. Đêm nay trời mưa phùn nhưng không quá lạnh. Tôi nghĩ đến Nevaeh đang ở đâu đó ngoài kia, dù cô bé có bị thương hay không thì cũng sẽ không bị lạnh cóng. Tôi thấy chán ghét chính suy nghĩ này của mình. “Con bé có thể ở đâu được chứ?” Tôi hỏi, tay rón rén bốc một miếng khoai chiên. “Thị trấn này nhỏ như vậy, lại chẳng có mấy người lạ lui tới.” “Có lẽ con bé đã bỏ đi bụi”, Judah nói, miệng đầy bánh tacos. Tôi có thể ngửi được mùi ngò và thịt thoảng qua. “Cậu biết bọn trẻ ở đây rồi đấy. Hồi bằng tuổi con bé, tôi nghĩ đến chuyện đi bụi suốt và lẽ ra tôi đã làm thế rồi nếu như chân cẳng không què quặt thế này.” Tôi lắc đầu, “Không, con bé không thế đâu.” “Tôi biết, tôi chỉ đang cố tự làm mình thấy nhẹ nhõm hơn thôi.” Cậu đáp. Tôi nhấm nháp miếng khoai trên tay bằng hai răng cửa như một con chuột vậy. “Cậu có biết con bé không?” Judah ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời, “Có...” Cậu liếm lớp kem chua nơi khóe miệng rồi lại tiếp tục ăn. Tôi cố suy diễn xem bằng cách nào mà Judah có thể quen Nevaeh nhưng chẳng nghĩ nổi. Nevaeh sống ở phố Thames, cách nhà Judah ở phố Wessex hai dãy nhà và phái rẽ qua một dãy nữa mới tới. Cô bé có đi học, có bắt xe buýt đến nhà bà, có chơi đùa ở phố nhà mình nhưng chưa từng la cà sang khu khác. Làm sao một chàng trai bị liệt đang tuổi học đại học có thể quen biết một cô bé lớp Hai chứ? “Sao cậu không ăn đi?” Judah cất tiếng hỏi. Vì tôi không muốn cậu nghĩ tôi béo. “Có lẽ tôi không đói.” Tôi đang đói muốn chết đây. Cậu bỏ phần bánh của mình xuống và nhìn tôi chằm chằm. Mấy mẩu vụn rau diếp vãi xuống đùi cậu rồi rơi xuống đất. “Cậu không ăn thì tôi cũng không ăn. Rồi cậu sẽ phải chịu trách nhiệm vì để một người khuyết tật bị đói.” Tôi mở phần bánh tacos của mình ra, mỉm cười. “Cậu làm ở đâu thế?” Tôi hỏi. Ăn xong bữa tối, chúng tôi vứt giấy gói đi và phủi hết vụn thức ăn vãi trên quần. Tôi bước xuống đường và quay lại giúp Judah đẩy xe khỏi chỗ đường gập ghềnh. Tôi biết cậu ấy làm ở Seale vì cứ một tuần ba lần lại có một chiếc ô tô trắng của trường đến đón cậu. Có điều cậu ấy làm gì thì tôi không biết. “Ở chỗ tôi làm.” Cậu đáp. “Nào, đồ hợm hĩnh, cậu đang làm gì thế?” “Giáo dục tiểu học.” Tôi sửng sốt vì câu trả lời nhanh gọn của Judah, trong khi những câu hỏi khác thì cậu chần chừ rất lâu mới đáp lại. Nhưng không hiểu sao tôi thấy cậu rất hợp với nghề giáo viên. “Vì thế nên cậu mới biết cô bé hả? Biết cô bé...” “Ừ.” Cậu nói và không giải thích gì thêm. Dù Judah đã đãi tôi bữa tối nay thật nhưng tôi vẫn rất muốn nhào tới cốc cho cậu một cú vào gáy. Mà tôi cũng đạo đức giả thật. Chính tôi cũng không thích bị hỏi những câu xâm phạm đến đời tư mà. Bất giác tôi cảm thấy mình đã quen biết người con trai này từ lâu lắm rồi vậy. CHƯƠNG 7 T ôi lấy mười đô la trong chỗ tiền dưới sàn để sắm cho mình một đôi giày từ cửa hàng Rag O Rama. Tôi có bảy phiếu trả lương mang tên mình, nhưng không có tài khoản ngân hàng để ký gửi tiền. Để mở được tài khoản ngân hàng cần có ảnh chứng minh, mà tôi không thể nào tìm được giấy khai sinh của mình. Tôi từng hỏi mẹ một lần nhưng mẹ chỉ đờ đẫn nhìn tôi rồi bỏ đi mà không nói một lời. Tôi có thẻ an sinh xã hội mang tên Margo Moon và thẻ công dân chứng minh tôi là người Mỹ đích thực. Vì tôi không có ảnh chứng minh nên lúc thuê tôi, Sandy chỉ đưa ra một cam kết bằng lời. Tất cả bảy tờ phiếu tôi đều kẹp trong cuốn Những phụ nữ nhỏ bé đã sờn rách. Lúc này tôi đang đi đôi ủng đi mưa của cô Delaney. Judah nói mẹ cậu ấy thậm chí còn chẳng biết đôi ủng đã biến mất, nhưng tôi không có thói lượn lờ trước mặt người khác trên chính đôi giày đã lấy trộm của họ. Sandy đảo mắt nhìn tôi từ trên xuống dưới khi thấy tôi bước vào. “Trời có mưa đâu.” Chị ấy nói, “Mà đây còn là đôi ủng vui vẻ nữa chứ. Trông em chẳng vui chút nào.” Tôi nhún vai. Sandy vừa mới nẹp răng. Thật khó tin khi người lớn vẫn còn nẹp răng như thế. Trước khi mở cửa hàng, tôi chọn được một đôi giày Converse đỏ trông vẫn còn khá mới trong khu đồ dành cho thiếu niên. Tôi cởi đôi ủng đi mưa ra và thay giày mới vào rồi để bảy đô la vào quầy thanh toán. Trước đây tôi chưa từng có đôi Converse nào, toàn đi giày thể thao bình thường mua ở siêu thị Wal-Mart. Tôi cảm giác như hiện tại mình đang đi một đôi giày trị giá triệu đô vậy - hoặc bảy đô, tùy vào cách bạn nhìn nhận nó thôi. Khi Sandy nhìn thấy đôi giày mới của tôi, chị ấy liền ra dấu tán dương. Tôi biểu diễn luôn một màn nhảy moonwalk khắp cửa hàng. Không hiểu sao tôi lại giỏi trò nhảy moonwalk này thế. Sandy nói tôi là một đứa con gái da trắng bình thường nhưng có biệt tài vừa ăn bánh kẹp vừa lắc lư đầu theo giai điệu bài hát Billie Jean. Hôm nay tôi nán lại một chút để giúp Sandy sắp xếp một đơn hàng muộn nên suýt thì lỡ mất chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày. Người tài xế cau mày nhìn tôi khi thấy tôi đập cửa xe ầm ầm ngay lúc sắp chuyển bánh nhưng vẫn cho tôi lên. Vậy là tôi tặng lại cho bác tài nụ cười rạng rỡ nhất của mình. Lúc xuống xe, tôi mệt đến mức không mở mắt nổi. Tôi mang đôi ủng đi mưa đến nhà Judah và đặt xuống trước cửa. Hầu như cả khu phố, kể cả nhà chế thuốc phiện đều đã say ngủ. Lúc tôi đang rón rén đi ra thì nghe thấy cậu ấy gọi. Tôi không nhìn thấy cậu. Hẳn cậu đang ngồi đâu đó sau khung cửa sổ hướng ra mặt phố kia. Tôi đi nhanh về phía phát ra tiếng nói và cúi xuống, cố nhìn cậu qua bức màn che. “Chào.” Tôi nói. “Chào.” Giọng cậu ấy sao nghe khác quá. “Tôi mang trả đôi ủng của mẹ cậu. Sao cậu lại ngồi trong bóng tối vậy?” Tôi thận trọng lên tiếng. “Tôi ngồi chờ cậu đi qua.” Một khoảng lặng dài sau đó. Thậm chí tôi có thể nghe được cả tiếng thở của Judah giữa không gian yên ắng. Tôi nhìn quanh quất, từ màn đêm tĩnh lặng đến con phố im lìm. Đêm nay sao yên tĩnh quá. Đến cả ếch nhái cũng không buồn kêu. Tôi quyết định đánh liều một phen. “Tôi vào được không?” Tôi thì thầm. Judah khẽ gật đầu. Tôi đi tới cánh cửa và từ từ mở ra, thở phào nhẹ nhõm khi bản lề cửa không kêu kẽo kẹt. Điều đáng sợ nhất là cô Delaney đột nhiên bước ra khỏi phòng và phát hiện thấy con của mụ gái làng chơi đang lén lút đi lại trong phòng khách nhà cô ấy. Ngôi nhà rất tối, ánh sáng duy nhất là từ ngọn nến đang cháy lập lòe ở góc xa trong phòng. Nến này có mùi quế thật thơm. Xe lăn của Judah được đặt sát ngay cạnh cửa sổ. Tôi tự hỏi không biết cậu ấy có thường hay ngồi trên chiếc xe đó và ngắm nhìn thế giới bên ngoài không. Vai cậu thu lại, mái đầu ủ rũ cúi xuống. Đêm nay chiếc xe đã chở cậu ấy. Tôi thầm nghĩ. Bước đến chỗ cậu, tôi quỳ xuống và đặt tay lên đầu gối cậu. Trước đây tôi chưa từng chạm vào Judah. Tôi chưa từng dám làm như thế. Đầu gối cậu ấy thật gầy yếu, chẳng giống phần cơ thể mạnh mẽ kia chút nào. Lẽ ra Judah đã là một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh nếu như cuộc đời nghiệt ngã này không tước đi điều đó của cậu. Cảm giác mất mát ấy nặng nề đến mức nào? Cậu ấy hơi ngẩng đầu lên một chút để chúng tôi có thể nhìn rõ nhau hơn. Trông cậu có vẻ... mệt mỏi. “Judah, sao cậu lại chờ tôi?” Tôi thì thầm. Cậu chớp mắt thật chậm, như thể tâm hồn đang lạc trôi trong cơn mê nào, rồi lại hướng mắt ra ngoài cửa sổ. “Lúc nào tôi cũng chờ cậu.” Sự thất vọng hiển hiện rõ trong giọng cậu khiến tôi thu mình lại. Judah đưa tay chỉ ra ngoài phố. “Cứ mỗi mùa hè đến, chỗ đó lại đầy những trái mâm xôi...” Tôi nhìn theo hướng tay cậu ấy chỉ. Có một bụi cây rậm rạp trải dọc phố, không ai cắt tỉa nên bụi cây cứ thế mọc hoang, vây kín cả một lô đất. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cậu là ở chỗ kia, khi cậu đang hái quả mâm xôi với mẹ cậu. Cậu và tôi đều sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng đó là lần đầu tiên tôi trông thấy cậu. Hồi đó cậu còn rất nhỏ, răng thì sún còn đầu gối hơi xước xát. Mái tóc vàng óng rối xù của cậu rực sáng dưới ánh mặt trời.” Tôi lục tìm lại trong dòng ký ức của mình. Đúng là tôi từng đi hái quả mâm xôi với mẹ. Hồi ấy mẹ tôi còn làm bánh. Chúng tôi thường mang theo những chiếc bát to để đựng mâm xôi, hai mẹ con vừa hái vừa ăn đến nỗi tím lịm môi. Mẹ kể tôi nghe chuyện hồi mẹ còn nhỏ cũng cùng bà ngoại hái mâm xôi như thế. Nhưng đó là chuyện của một thời đã xa rất xa, trước khi mẹ tôi tự chôn vùi bản thân mình như hiện tại. “Cậu dễ bắt nắng vào mùa hè thật đấy.” Judah tiếp tục nói. “Mùa đông nhìn cậu trắng như bông tuyết nhưng hè đến là cậu lại biến thành cô nàng da đỏ với bím tóc vàng rực rỡ.” Bất giác tôi nhìn xuống hai cánh tay mình. Trong bóng tối như lúc này, không thể nhìn thấy màu da tôi thế nào, nhưng tôi biết Judah nói đúng. Không hiểu vì sao cậu ấy lại nói chuyện này. Tôi ngỡ như trong khoảnh khắc này, cậu ấy đã biến thành người khác vậy. “Cậu biết tôi nghĩ gì khi nhìn thấy cậu lúc đó không? Đó là ‘Cô ấy sẽ không chịu lùi bước’. Cậu mặc kệ đống gai nhọn, cố hái lấy những trái mâm xôi ngon nhất cho mẹ mình, bất chấp sẽ bị gai cào xước hết tay chân. Khi đã nhìn thấy thứ mình muốn, cậu sẽ làm mọi chuyện cần thiết để đạt được điều đó.” “Judah...” Tôi lắc đầu toan nói, nhưng cậu ấy ra hiệu cho tôi im lặng. Cảm giác khi cậu đặt hai ngón tay lên môi tôi và ấn nhẹ thật giống như một nụ hôn vậy. Tôi chưa từng trải qua cảm giác ấy. “Lúc đó tôi đã phải ngồi xe lăn rồi. Tôi không thể hái quả mâm xôi được, dù tôi có muốn thế nào đi chăng nữa. Trớ trêu thật đấy”, cậu nói, “phải nhờ xe lăn tôi mới có thể nhìn thấy cậu... cũng như nhiều thứ khác.” Ánh nến nhảy nhót nơi góc kia tỏa chiếu vầng sáng dịu dàng khắp căn phòng. Tôi chăm chú nhìn gương mặt của Judah, trong lòng vừa muốn thúc giục cậu ấy nói tiếp vừa muốn nuốt trọn từng lời của cậu. “Tôi chỉ có nửa cái mạng thôi.” Cậu khẽ nói. “Có rất nhiều điều tôi không thể vượt qua và tôi sẽ không bao giờ đi lại được trên chính đôi chân mình. Đôi khi ý nghĩ ấy làm tôi muốn... từ bỏ.” Tôi đồng cảm với Judah khi cậu nói đến chuyện “từ bỏ” vì chính tôi cũng từng muốn “từ bỏ” rất nhiều lần. Có lúc tôi cũng từng lặng người khi nghĩ đến việc cả đời này sẽ không thể nào bước chân ra khỏi khu Xương. Cảm giác trống rỗng lan tỏa mạnh mẽ trong tôi và tôi đã phải tự nhủ với bản thân rằng mình vẫn còn quá trẻ để biết được chuyện tương lai. Cố gắng thêm vài năm nữa đã, đừng từ bỏ vội, Margo. Còn bây giờ, ý nghĩ muốn buông xuôi của Judah lại làm tôi hoảng sợ. “Vậy thì sao?” Tôi hỏi. Judah nhìn tôi, chờ đợi. Tôi cũng chờ. Tôi không muốn mình lỡ miệng nói ra điều gì khiếm nhã. Đứng trước Judah Grant, tôi chẳng là gì cả, tôi chẳng hề xứng với cậu ấy, vậy nên tôi muốn những điều mình nói ra sẽ là những gì cậu ấy muốn nghe. Có động lực làm tôi thấy mạnh mẽ hơn. Sao tôi lại biết điều này? Vì tôi mua thuốc lá cho mẹ tôi? Hay là đến hiệu thuốc mua băng vệ sinh và muối cho mẹ? “Chân tôi vẫn lành lặn, Judah, nhưng tôi không biết nên dùng đôi chân này thế nào nữa. Cuộc đời cậu sẽ thay đổi, rồi cậu sẽ đi khỏi khu Xương này và trở thành người có ích. Còn chúng tôi, những người có đôi chân lành lặn sẽ tiếp tục sống mòn cho đến lúc chết ở khu Xương này.” “Margo...” Giọng cậu ấy lạc đi, cằm chôn sâu vào trong ngực. Tôi không biết là cậu đang khóc cho đến khi nghe thấy tiếng nấc nghẹn. Cậu túm lấy tôi, rồi tôi túm lấy cậu. Judah ôm tôi thật chặt. “Margo, tôi sẽ cứu cậu, nếu như cậu cũng cứu tôi.” Judah thầm thì bên tai tôi. Tôi gật đầu, bao lời chứa chan tình cảm muốn nói ra chợt bị chặn lại nơi cổ họng. Đó là điều tốt đẹp nhất mà cuộc đời này đã ban tặng cho tôi. CHƯƠNG 8 “C ậu có cho là chúng ta nên làm gì đó không?” Tôi hỏi Judah khi gặp cậu vài ngày sau đó. ”Là thực sự lao vào và làm việc gì ấy.” Lúc này cậu đang rắc bột lá xanh lên một tờ giấy trắng mỏng. Tôi nhìn trân trối vào những ngón tay linh hoạt của Judah khi cậu liếm tờ giấy rồi gập nó lại. “Là sao? Tự mở cuộc điều tra hả?” Cậu hỏi. “Có lẽ vậy.” Tôi cáu kỉnh trả lời. Judah đã làm xong một điếu thuốc và chuẩn bị cuộn một điếu khác. “Cho tôi thử đi.” Tôi nói rồi gạt tay cậu sang một bên. Cậu ngẩng lên, nét thích thú hiện rõ trên khuôn mặt. Tôi tựa đầu gối vào bánh xe lăn của cậu, trong lòng thầm mong cậu sẽ không nhìn xuống và nhận thấy hai bên đầu gối tôi núng nính toàn mỡ. Một cơn gió bay qua, thổi vào mũi tôi mùi hương trên da thịt Judah - thật ngọt ngào, thơm tho và sạch sẽ. “Nhìn thì dễ mà không dễ tí nào.” Tôi nói. Tôi không thoải mái chút nào khi mùi hương của Judah làm cơ thể tôi phản ứng như vậy. “Đâu có, cũng dễ mà.” Đôi mắt chúng tôi nhìn vào nhau trong khoảng cách rất gần, tự nhiên tôi cảm thấy thật ngượng ngùng. Tôi tự nhìn lại bản thân, đầu bù tóc rối, da đỏ ửng lên vì nắng, ngón tay lóng ngóng làm rơi cả đống bột lá xanh ra bàn. “Từ từ thôi, Cô Nàng Mảnh Mai.” Judah bốc lên một ít lá và bỏ lại vào tờ giấy. Tôi trộm liếc cậu thật nhanh xem cậu có bực bội tí nào không, nhưng cậu ấy thậm chí còn không thèm nhìn tôi nữa. Giờ cậu đang nhìn mấy cái cây bên đường. Sáng nay, tôi dậy thật sớm và gặp một trong những đội tìm kiếm đang lùng sục khu rừng bên bờ Đông sông Boubaton. Họ cho chúng tôi bánh rán, cà phê cùng áo khoác ngoài màu vàng neon để phục vụ mục đích an toàn. Vài sĩ quan cảnh sát mang theo cả chó, tất cả đều là giống chó chăn cừu Đức và đều được mặc đồng phục in dòng chữ CẢNH SÁT màu vàng sáng dọc bên sườn. Chúng tôi đi thành hàng xuyên qua khu rừng, tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể là manh mối, như một mẩu quần áo rách, máu hay tóc. Bước thêm bước nào là tôi lại càng muốn mệt đứt hơi bước ấy. Tôi băn khoăn không biết liệu mình có thể là người tìm ra Nevaeh hay không. Ngày nào cũng có trẻ em mất tích, nhưng chỉ có một phần trăm số vụ mất tích là được lên báo chí quốc gia. Có rất nhiều đứa trẻ bị kẻ xấu làm tổn thương, nhưng khi đứa trẻ đó là đứa trẻ ta quen biết, cùng đi chung xe buýt với ta và cùng bước đi trên những con phố nghèo nàn ta đã đi qua suốt cả đời lâm vào cảnh đau thương này, ta sẽ thấy buồn hơn nhiều. Cái ác đang ngang nhiên cướp đi từng người một trong số chúng ta, và nạn nhân đầu tiên là những người yếu đuối nhất. “Điếu thuốc tôi cuốn nhìn kinh quá.” Tôi nói, ngón tay giữ điếu thuốc xấu xí. Tôi cuộn lỏng tay nên điếu thuốc phồng lên, ở một đầu điếu, lá thuốc thậm chí còn thòi cả ra ngoài và bay ra đầy bàn khi có gió thổi qua. Judah giật điếu thuốc từ tay tôi và cuốn lại. “Cậu cũng có tinh thần giúp đỡ rồi”, cậu nói. “Giờ cậu đang đi tìm kiếm trong khu rừng chết tiệt đó mà. Còn làm gì hơn được nữa vào thời điểm này?” “Tìm con bé”, tôi đáp. “Chắc con bé đang ở đâu đó thôi, phải không?” Vẻ mặt cậu ấy làm lòng tôi chùng xuống. Cậu cố gắng che đậy cái hiện thực đầy bất an bằng điều mà tôi mong mỏi nhất lúc này: niềm hy vọng hay cảm giác chờ mong đến khắc khoải. Bản thân tôi cũng như cậu - một kẻ ôm niềm tin vô vọng rằng cô bé con ấy vẫn còn sống. Nếu Nevaeh còn sống thật thì hiện giờ con bé sống thế nào sau chừng ấy thời gian mất tích? Tôi lắc đầu và nói, giọng hơi run run, “Cậu không cần nhìn tôi bằng ánh mắt đó đâu. Làm như tôi ngốc lắm ấy.” “Tôi không bao giờ nghĩ về cậu như thế, Margo. Không hề. Con bé đã mất tích được hai tháng rồi...” Đã hai tháng rồi sao? Tôi nhớ lại lần cuối mình gặp con bé. Đó là vào tháng Sáu, nắng bắt đầu chói chang. Các ngôi trường vừa mới tổng kết năm học và niềm vui sướng tột độ còn hiện rõ trên gương mặt tất cả lũ trẻ ở khu Xương. Nevaeh từng kể cho tôi nghe rằng bà con bé đã thưởng cho nó hai đô la cho mỗi điểm A. Mười đô la! Em sẽ để dành và mua thứ gì đó thật tuyệt. Con bé kiêu hãnh nói. Nhưng con bé không bao giờ dùng đến số tiền đó, tôi khá chắc điều đó. Có lẽ số tiền vẫn còn nằm yên trong chiếc ba lô Hello Kiy nhỏ, lẫn trong mấy gói kẹo Gusher và con gấu bông màu tía mà con bé vẫn giấu ở dưới cùng. Nevaeh đặt tên cho con gấu là Bambi. Em không thể bỏ nó ở nhà được. Em đi đâu là Bambi cũng đi theo. Giọng nói lảnh lót, trong trẻo và yếu ớt của con bé vang lên như chuông ngân trong tâm trí tôi. Cảm giác đau đớn đột nhiên trào dâng trong lòng, tôi bỏ đi, để lại Judah ngồi hút điếu thuốc yêu quý của cậu ấy. Cứ để cậu lấy đống cỏ xoa dịu nỗi buồn. Còn tôi, tôi thà chấp nhận gặm nhấm nỗi đau, có lẽ như vậy sẽ chân thật hơn. Có ai giả dối như tôi không? Dành cả đời để đọc sách nói về hạnh phúc, niềm vui mà rồi lại từ chối tận hưởng nó. Nỗi buồn là thứ cảm xúc dễ tin tưởng hơn, mạnh hơn mọi xúc cảm khác. Nỗi buồn khiến niềm hạnh phúc trở nên thất thường và mơ hồ. Nỗi buồn lan tỏa mạnh mẽ, day dứt lâu dài và bao trùm lên những cảm xúc tích cực với sự nhẹ nhàng và sâu sắc đến nỗi ta còn không hề ý thức được sự thăng trầm cảm xúc của bản thân cho đến khi ta bị đột nhiên bị trói buộc hoàn toàn vào nó. Chúng ta phải nỗ lực đấu tranh rất nhiều để giành lấy hạnh phúc, và rồi khi cuối cùng thứ cảm giác mơ hồ ấy đã nằm trong tay ta, nó lại dễ dàng vuột mất như nước chảy qua từng kẽ ngón tay. Tôi không muốn phải nắm bắt thứ gì dễ dàng trôi tuột đi như nước, mà chỉ muốn giữ lấy những gì có sức nặng và đơn giản. Đó phải là thứ tôi có thể hiểu được. Vì tôi rất hiểu nỗi buồn nên tôi tin tưởng vào nó. Chúng ta có xu hướng thu mình vào trong nỗi buồn để tự bảo vệ bản thân khỏi niềm hạnh phúc ngắn ngủi. Bấy lâu nay tôi chỉ biết có bóng tối, có lẽ đó chính là mấu chốt để tạo nên chất thơ từ nỗi buồn. Tôi nhận ra mình đang ở trong rừng, thơ thẩn vuốt ve lớp vỏ cây sần sùi và chà xát một chiếc lá giữa những ngón tay. Tôi nghĩ đến Lyndee Anthony, mẹ của Nevaeh. Trước đây có vài lần tôi từng thấy cô ấy đứng bên hiên nhìn ra ngoài phố, cặp mắt lơ đễnh, hành động, cử chỉ vô hồn như một cái máy. Cô ấy khá gầy, tóc cắt ngắn gần sát tận da đầu. Trông vẻ mặt cô cứ như trẻ con, trái ngược với thân hình rất gợi cảm và đầy đặn. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp hai mẹ con họ đi cùng nhau trong thị trấn. Nevaeh có khi trông còn người lớn hơn mẹ mình. Cô bé có cặp mắt tinh anh rất sống động cùng cử chỉ điềm tĩnh. Trong khi đó, cặp mắt của cô Lyndee lại trống rỗng, vô hồn và mệt mỏi. Đôi mắt ấy làm tôi liên tưởng đến mắt của một chú cún. Từ khi Nevaeh mất tích, gương mặt u sầu của cô Lyndee thường xuyên xuất hiện trên trang nhất tờ Cảng Xương. Tôi bắt đầu thu thập các bài viết có hình ảnh gương mặt đa sắc thái buồn khổ của cô Lyndee kèm theo tiêu đề như, Mẹ mong tin con gái mất tích hay Mẹ cung cấp tin mới về con gái mất tích cho cảnh sát. Trong khi đó, mãi hàng tuần sau khi cuộc tìm kiếm bắt đầu, bố của Nevaeh mới xuất hiện. Có tin đồn rằng khi cô Lyndee gọi cho ông ta thông báo con gái họ đã mất tích, ông ta còn yêu cầu làm xét nghiệm huyết thống. Tuy nhiên, khi các trang tin địa phương đánh hơi được tin tức này, ông ta lập tức thay đổi hẳn thái độ. Ông ta bắt đầu thực hiện một loạt những buổi phỏng vấn đẫm nước mắt và cáo buộc cô Lyndee đã không cho ông ta gặp con gái, rồi tình trạng này sẽ chấm dứt ngay khi cô bé được tìm thấy. Không đời nào tôi tin mấy điều nhảm nhí ấy vì ông ta thực chất chỉ thèm khát được chú ý mà thôi. Vài tháng sau, khi vụ việc lắng xuống, ông ta cũng không thèm nhỏ giọt “nước mắt cá sấu” nào nữa. Ra khỏi khu rừng, tôi đi về phía sau “hố đen sự sống”. Tôi lê bước qua khoảng sân um tùm những cỏ, kệ cho đám cỏ dại cọ vào bắp chân nghe nhột nhột. Cái thanh ngang hồi xưa mẹ tôi phơi quần áo ướt nay đã bật tung khỏi phần cột. Tôi đỡ lấy bên thanh phơi bị lỏng ra và xem xét nó. Lúc nhìn lên, tôi chợt thấy tấm rèm cửa phòng mẹ hé mở và mẹ đang nhìn tôi. Anh mắt chúng tôi chạm nhau trong chốc lát và tôi chủ động ngoảnh mặt đi trước. Khi nhìn xuống tay mình, tôi mới nhận ra chiếc lá tôi cầm nãy giờ đã bị chà xát thành một lỗ lớn. CHƯƠNG 9 T háng Tám sang, mùa hè phả hơi thở nóng hổi phảng phất mùi quế thơm lừng và hương thơm ngọt ngào của những đóa hồng tràn ngập khu Xương. Những ai mắc chứng sợ không gian hẹp sẽ thấy hết sức khó chịu. Nó khiến ta cảm thấy ngột ngạt, khó thở và thậm chí làm ra nhiều chuyện điên rồ như Velda Baumgard ở phố Thames. Cô ta đã lột da con chó nhà mình và chế biến thành món ăn cho cả gia đình vì không chịu nổi tiếng sủa của nó. Tôi băng qua đường và sải bước dưới những tán cây rộng dài xanh ngắt, cỏ dại chen chúc nhau nhú lên tua tủa từ những vết nứt trên đường và hè phố, hoa bừng nở ở những nơi không ngờ đến - như đám hoa thủy tiên bên bến cảng Xương hay đám thu hải đường mọc lơ lửng dưới cầu vượt nối từ Twelfth đến Laurel và gần chạm vào cả nóc xe ô tô đi qua. Một cánh đồng hoa tử đinh hương nhỏ thậm chí còn mọc ngay cạnh siêu thị Wal-Mart. Ngày nào cũng thấy có người đứng lại chiêm ngưỡng vẻ hoang dại của đồng hoa ấy. Mùa hè đến, vạn vật tốt tươi, căng tràn nhựa sống, con người trong mùa này dường như cũng dễ chịu hơn. Họ không còn than thở rằng vì sao chỉ cách đây có tầm 17 cây số mà ở thị trấn Harpersfield lại có siêu thị Safeway, cửa hàng gà rán KFC và cả một khu mua sắm nhỏ cùng những con phố rải sỏi đẹp đẽ - nơi bạn có thể thưởng thức những ly cà phê lae được trang trí rất nghệ thuật và xem phim ở rạp Eight. Họ lãng quên hết thảy, họ nướng xúc xích cùng chả thịt bò trong sân nhà rồi mời khách khứa, bạn bè đến uống bia ấm và trò chuyện. Cứ mỗi độ hè sang, họ lại quên đi rằng đồng lương họ kiếm được chẳng dư dả bao nhiêu trong khi xe họ đang cần thay phanh mới, rồi những ngày khó khăn, thiếu thốn sẽ ập tới và làm tắt đi nụ cười trên môi họ. Mùa hè đến, những cư dân của khu Xương lại hát ngân nga, lại cười sảng khoái và để cho ánh mặt trời xua tan đi những âu lo của mình. Nhưng sự mất tích của cô bé Nevaeh đã phá hỏng mùa hè năm nay. Thay vì làm tiệc nướng như mọi năm, ai nấy đều đang mải miết tìm kiếm trong rừng. Và thay cho những gương mặt rạng rỡ niềm vui dưới nắng hè ấm áp là ánh mắt cùng vẻ mặt mệt mỏi đang dáo dác nhìn ngó xung quanh. Tất cả chúng tôi đều cảm nhận được điều đó. Tôi quyết định bỏ thói quen đi xe buýt và gần như chuyển hẳn sang cuốc bộ hơn tám cây số để đi làm mỗi ngày. Thực ra cũng không đến nỗi tệ lắm. Kể từ đó, tôi lại có một thói quen mới là vừa đi bộ vừa gặm một thanh ngũ cốc. Cảm giác vừa rảo bước thật nhanh qua khu Xương dưới tiết trời mùa hè vừa nhâm nhi yến mạch và nho khô tan ra trong miệng cũng thú vị. Mỗi buổi tối, sau khi tan ca ở cửa hàng, tôi lại ghé xe bán đồ dạo để mua một cốc cà phê và cuốc bộ về lại “hố đen sự sống”. Chỉ trong vòng vài tuần, làn da xanh xao nhợt nhạt của tôi đã chuyển sang màu nâu rám nắng rắn rỏi mà Judah từng nhắc đến và quần tôi mặc cũng rộng ra đáng kể. Sau những ngày sóng gió, niềm hy vọng đã trở lại với tôi trong khoảng ba tháng hè ngắn ngủi. Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi vẫn ám ảnh dai dẳng trong tôi. Một cô bé bị mất tích, một bà mẹ đang phải chịu đựng nỗi đau mất con và một người bà quẫn trí vì mất cháu đến nỗi không thể rời khỏi ngôi nhà nhỏ của mình ở đại lộ Cambridge nữa. Tôi muốn đến thăm bà, giúp đỡ, chăm sóc bà, làm bất cứ điều gì có thể để xoa dịu nỗi đau xé ruột ấy. Nhưng tôi rốt cuộc cũng chỉ là người dưng nước lã, vậy nên tôi chỉ có thể âm thầm cầu nguyện mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà của bà. Mà những lời nguyện cầu ấy cũng chỉ như gió thoảng qua, chẳng thể nào an ủi được cõi lòng tan nát của bà cụ tội nghiệp ấy. Có thể nói Nevaeh chính là phiên bản trẻ con của tôi, tuy nhiên cô bé may mắn hơn tôi khi còn có một người bà yêu thương mình hết mực. Chỉ một điều khác biệt đó thôi cũng đã ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc đời cô bé. Hồi bằng tuổi Nevaeh, tôi thường dành hàng giờ liền mơ mộng về một người cha chưa từng hay biết về sự tồn tại của tôi, nhưng sẽ sẵn sàng chào đón tôi ngay khi biết rằng tôi là con gái của ông. Bố sẽ đưa tôi đi khỏi cái “hố đen sự sống” này, khỏi khu Xương nghèo nàn và thật lòng muốn thấu hiểu tôi. Bố sẽ dành hàng giờ liền hỏi han cuộc sống của tôi, con người của tôi với sự chú tâm vô hạn như một người đàn ông đang yêu. Trong suy tưởng của tôi, cảm giác được người khác cần đến và khao khát luôn là cảm giác tuyệt diệu nhất trên thế gian này. Cảm giác ấy khẳng định sự tồn tại của chúng ta trong cuộc đời này, chứng minh rằng mỗi cá thể sinh ra đều là đáng quý. Khi Judah Grant ngỏ ý muốn làm bạn với tôi dưới mái hiên nhà cậu ấy và cùng nhau trò chuyện về những cuốn sách, cùng nghe nhạc, tôi đã đón nhận tình bạn ấy. Ban đầu tôi vô cùng ngạc nhiên và băn khoăn vì sao cậu ấy lại muốn kết bạn với mình. Nhưng rồi tôi chẳng buồn nghĩ sâu xa gì nữa vì đã quen với việc có cậu bên cạnh. Hôm nào tôi được nghỉ làm, tôi và cậu lại cùng dành trọn một ngày sống thật ý nghĩa. Chúng tôi trao cho nhau những cuốn sách quăn mép, cùng đọc dưới ánh nắng chan hòa trong khi cô Delaney mang cho hai đứa một đĩa bánh quy Bagel Bites và cà rốt nhỏ xíu đầy ăm ắp. Một ngày nọ, Judah nói với tôi, “Mẹ tôi rất vui khi thấy tôi có bạn có bè. Mẹ lúc nào cũng muốn tôi đưa bạn về nhà chơi, nhưng những người bạn thực sự của tôi đều ốm yếu nên không đến được, còn những người ở đây thì không thể mời đến được, họ cũng ốm lắm.” “Ốm vì cái gì?” Tôi thắc mắc, trong lòng thầm nghĩ chắc có dịch cúm bao tử đang hoành hành ở đây. “Vì cuộc sống, Margorita. Cứ vào bất kỳ ngôi trường hay trung tâm chăm sóc sau điều trị nào là cậu sẽ thấy rất nhiều trẻ con mặt lấm lem mặc những bộ đồ nếu không quá chật thì cũng thô xấu đến mức rách hết cả hai đầu gối quần và khuỷu tay áo. Nhưng nếu cậu đến nhà chúng, cậu sẽ thấy chính bố mẹ của những đứa trẻ đó còn đang phải vật lộn với nào thuốc lá, rượu chè, thuốc phiện... Họ tìm đến những thứ đó để được giải thoát khỏi những phiền muộn trong cuộc sống khốn khổ này.” “Vậy ý cậu là sao?” Tôi hỏi, trong lòng nghĩ đến cái tủ toàn quần áo rách rưới và chiếc áo len thủng lỗ chỗ nơi khuỷu tay của mình. Tủ thuốc của mẹ tôi cũng tích trữ toàn thuốc gây nghiện như Seroquel, Opana và cả đống chai thuốc an thần Ambien lớn. “Ý tôi không phải nói về quần áo hay vẻ bề ngoài”, Judah đáp, “mà là nguyên tắc đạo đức, những lời biện bạch và sự ích kỷ. Ai cũng muốn sống khác đi, nhưng cuộc đời họ đều bị đẩy vào hoàn cảnh giống như cha mẹ mình, vẫn là cùng một thị trấn, vẫn là cảnh nghèo đói quanh năm, cũng vẫn phải oằn mình vật lộn để sinh tồn. Họ cũng có con cái và vẫn nhớ lời tâm niệm sẽ thoát khỏi cái vũng lầy mang tên khu Dodge này. Nhưng họ không thể, vì đâu dễ thoát khỏi nơi này. Vậy là họ trút hết nỗi thất vọng, oán hận lên chính bản thân mình, lên con cái và hàng xóm của mình. Nhưng đó chỉ là cái cớ thôi. Ngoài kia có rất nhiều cơ hội, bao chương trình học bổng và trợ cấp đang chào đón bất cứ ai. Tất cả những gì ta cần làm là dũng cảm nắm bắt lấy những cơ hội ấy. Mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn nếu ta thông minh, giỏi ăn nói và ăn mặc chỉnh tề, bởi không ai muốn thuê một người dùng quá nhiều mệnh đề phủ định kép khi nói, hay lầm bầm lí nhí qua hai hàm răng đầy răng sâu, hoặc mặc một chiếc váy rẻ tiền mua ở siêu thị Wal-Mart. Đừng mắc phải những sai lầm ấy nếu muốn có được một công việc giúp cậu đổi đời.” “Cậu vừa hút cần sa xong hả?” Tôi hỏi. “Phải, tôi có hút. Mẹ tôi trồng mà.” Cậu nhún vai. “Mẹ tôi không bao giờ cưỡng đoạt từ tôi để làm lợi cho riêng mình. Mẹ tôi muốn có cần sa để hút nên mẹ tự trồng chứ không đem tôi ra đánh đổi.” Tôi chẳng vội tin lời Judah. Những người sống ở khu Xương này đều thường xuyên bị chà đạp, bị đối xử tệ bạc. Chỉ những người trẻ hơn, chưa phải đi qua nhiều trải nghiệm đắng cay, tủi nhục trong đời thì ánh mắt họ mới còn lấp lánh niềm quyết tâm sắt đá là phải sống tốt hơn cha mẹ mình. Họ đang cố gắng để thay đổi cuộc đời. “Cứ nghe những lời kể lể của họ là biết”, cậu nói. “Họ luôn mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng lại chẳng đủ can đảm để thử điều gì. Tôi phải sớm chấm dứt việc này, tôi trúng tuyển vào Đại học Washington rồi.” Tôi hú ầm ĩ và vòng tay choàng qua cổ Judah. Trên đường về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì Judah nói. Chuyện trẻ con ăn mặc rách rưới, tồi tàn đúng là vấn đề nhức nhối ở khu Xương. Hầu như các gia đình ở đây đều sống dựa vào trợ cấp xã hội. Mẹ tôi đã từ chối nhập thẻ xanh và để mặc tôi tự xoay xở lo liệu cho bản thân mình. Suốt thời học cấp Hai và cấp Ba, tôi đã giả vờ là mình bị rối loạn tăng động giảm chú ý để có thể bán lại số thuốc Adderall được bác sĩ kê đơn cho các học sinh khóa trên nhằm lấy tiền mua đồ ăn trưa. Khi phát hiện ra nơi cất giấu bí mật của mẹ trong cái “hố đen sự sống”, tôi cảm thấy như mình đã được cứu rỗi một cách kỳ diệu. Tôi nhớ đến người phụ nữ đã cố đánh cắp đôi giày Jordan trị giá sáu đô la kia. Cô ta say khướt đến nỗi không nói được một câu hoàn chỉnh, nhưng lại kiên quyết phải có được đôi giày, dù cho có phải ăn cắp chúng. Đó là lựa chọn của chính cô ấy, Judah đã nói đúng. Một tuần sau, tôi nghe lỏm được cuộc nói chuyện giữa hai người phụ nữ ở cửa hàng. Một người ca thán vì có ông chủ không chịu tăng cho cô ta lên mức lương phù hợp với cống hiến của cô. Người đi cùng thì tặc lưỡi tỏ vẻ ghê tởm và quả quyết rằng cô này đã làm việc quá lâu ở công ty đó rồi nên hoàn toàn xứng đáng được tăng lương. Cuộc nói chuyện của họ đột ngột rẽ sang hướng khác khi người phụ nữ kia bảo với bạn mình: Ông ta có nói rằng sẽ tăng lương nếu tôi đồng ý chuyển đến chi nhánh ở Seale. Nhưng tôi không thể nào rời Meemaw được, bạn bè tôi đều ở đây hết cả... Không, đừng, người bạn quả quyết nói với cô ta. Thật ngu ngốc khi bỏ đi. Làm sao cô xoay xở nổi ở Seale? Người ta phải có tiền mới lập nghiệp được. Tôi chợt muốn hét to vào mặt cô ta là hãy mạo hiểm đi. Cứ đi đi! Sự chán ghét bỗng trào dâng trong lòng khi tôi nghĩ đến số phận tối tăm của mỗi con người ở khu Xương này, rồi thực tế rằng chúng tôi đều quá yếu đuối, quá sợ hãi nên không dám tìm đường giải thoát cho chính bản thân mình. Mình sẽ thoát khỏi đây. Mình sẽ đi thật xa ngay khi có thể. Tôi tự nhủ. Và cả Judah nữa. Dù cho có phải ngồi xe lăn, người con trai ấy vẫn quá tốt đẹp, quá cao thượng đối với nơi này. CHƯƠNG 10 J udah và tôi không giống với những người khác ở khu Xương. Chúng tôi luôn gắn bó với nhau như hình với bóng. Không gì tuyệt vời hơn là tìm được một người bằng xương bằng thịt, cùng chung lý tưởng và đấu tranh vì nó, cùng trân quý điều gì đó và thấu hiểu mình một cách rõ ràng đến mức si mê. Đó là tình bạn giữa một đứa con gái béo ú xấu xí và cậu bạn tật nguyền hết sức đẹp trai. Một tình bạn mà cả hai chúng tôi đều chờ mong và cần có trong đời. Chúng tôi cùng hợp sức lên kế hoạch rời khỏi khu Xương. Tôi và Judah liệt kê ra hết những câu đùa mà chỉ hai đứa mới hiểu, những câu trích dẫn yêu thích từ phim ảnh và cả những món ăn cả hai đứa đều không ưa. Chẳng phải cùng ghét thứ gì đó cũng là điều tuyệt vời nhất sao? Ngày nào chúng tôi cũng đều đưa ra những ý tưởng và dự định mới, từ việc thuê những căn hộ nhỏ đến việc đi chợ đường Pike vào cuối tuần để mua trái cây loại thượng hạng, hay tản bộ dọc sông Sound để ngắm nhìn bến phà tấp nập. Judah đã từng đến Seale nhiều lần, đi ô tô một đoạn là đến trường cậu ấy. Tôi hỏi cậu ấy về cảnh quan và thanh âm cuộc sống ở đó, về những người mang hình xăm và nhuộm tóc nhiều màu rực rỡ. Cư dân ở Seale rất cởi mở và tự do. Judah kể rằng họ không bao giờ phán xét này nọ. Ở Seale, một người khuyết tật như cậu ấy cũng giống như những người bình thường mang trong mình tư tưởng quý báu khác. Tôi băn khoăn không biết liệu ở nơi đó, một cô gái xấu xí, cục mịch như tôi thì có được coi trọng hay không. Nếu ở đó, tôi có thể làm nhiều việc mà không còn bị vẻ ngoài hay chính cơ thể mình cản trở. “Thật ngớ ngẩn khi nói đến những chuyện này”, tôi bảo Judah. Cậu lắc đầu, “Không, mơ ước thì có gì mà ngớ ngẩn chứ. Ước mơ chính là kế hoạch được đặt ra. Chính ước mơ sẽ thôi thúc con tim, và khi con tim được khích lệ, lý trí sẽ theo dấu con tim.” Tôi không biết liệu mình có tin cậu ấy thật không, nhưng tôi vẫn giả vờ là mình có tin, vì lý trí muốn tôi làm thế. “Cậu thích thể loại phim gì?” Một ngày nọ, Judah hỏi tôi. Cả ngày hôm ấy, gần như chúng tôi đều bàn đến những giả thuyết và suy đoán về vụ mất tích của Nevaeh, và rồi rốt cuộc câu chuyện giữa hai chúng tôi lại chìm vào im lặng. Tôi không biết. Nếu có Destiny, tôi sẽ xem những bộ phim như Nhật ký tình yêu, Ngày cưới hay Chuyện nàng Lọ Lem. Khi đã phát chán những bộ phim hài lãng mạn hiện đại, chúng tôi sẽ đắm chìm vào những tác phẩm điện ảnh của thập niên tám mươi, như Khi Harry gặp Sally hay Ánh trăng độc ác. Ban đầu chúng tôi cười lăn vì kiểu tóc hớt cao và trang phục sáng màu lòe loẹt của diễn viên, sau đó lại trở nên nghiêm túc và ngây ngất vì thông điệp tình yêu xúc động và mãnh liệt mà các nhà làm phim Hollywood thể hiện trong tác phẩm. Bộ phim tôi yêu thích nhất hồi còn dành thời gian nằm dài trên chiếc ghế bành sọc đỏ trắng ở nhà Destiny xem phim là Chuyện tình nàng tiên cá. Destiny từng chế nhạo tôi vì tôi sở thích đó. “Trong số hàng tá bộ phim tình yêu hay ho, cậu lại thích bộ phim kể về một nàng tiên cá khỉ gió. Một bộ phim phi thực tế nhất...” Cô ấy đã nói thế. Nhưng vì tôi không nói ra nên Destiny không biết rằng với tôi, tình yêu nhìn chung chính là phi thực tế. Ban đầu khi mới gặp nhau, hai nhân vật chính thường tỏ ra kiêu căng, khó chịu với đối phương, dần dần chuyển sang yêu nhau, rồi nhân vật nam luôn có khả năng nói ra những lời đúng đắn để giành lại trái tim người phụ nữ họ yêu.Chuyện tình nàng tiên cá đúng là một bộ phim kỳ quặc, nhưng chính tình yêu cũng kỳ quặc như thế. Xem những phim như thế thật dễ chịu, nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu tin vào nó. Có lẽ tôi cũng chẳng thích phim hài lãng mạn như mình tưởng. “Tôi không biết”, tôi trả lời Judah. “Tôi hay xem thể loại phim khiến người ta tin vào tình yêu kể cả khi chẳng có lý do gì cả. Thật ngớ ngẩn và trẻ con. Tôi cho là mình cần ai đó khiến tôi tin tưởng.” “Nhà cậu có truyền hình cáp không?” Cậu ấy hỏi. “Truyền hình cáp? Đến tivi nhà tôi còn không có.” Tôi đáp. Trong một khoảnh khắc, tôi như biến thành một sinh vật ngoài hành tình trong mắt Judah Grant. Tôi lần mò khắp khuôn mặt mình để chắc chắn là không có bộ phận nào bị biến dạng khi cậu ấy há hốc miệng nhìn tôi suốt mấy phút liền. “Sao hả?” Tôi bật lại. “Sao cậu nhìn tôi kiểu đấy?” Miệng cậu há hốc còn mắt thì mở to. “Tôi chỉ đang nghĩ đến những bộ phim tôi muốn cậu xem thôi. Tôi đang lên danh sách...” Trong khi Judah viết nguệch ngoạc mấy chữ ở mặt sau tờ hóa đơn thì tôi khẽ khàng ngồi xuống. Cậu ấy không phán xét hay gọi tôi là kẻ lập dị. Tất cả những gì cậu ấy quan tâm là chỉ cho tôi những gì tôi không biết thay vì chọc ngoáy vào sự thực là hiểu biết của tôi rất hạn hẹp. Khi viết xong, cậu ấy ngẩng lên nhìn tôi, vẻ chờ đợi. “Đi thôi.” Cậu nói. “Đi đâu?” “Theo cậu là đi đâu?” Judah hỏi. “Đến cửa hàng băng đĩa phim! Mà cậu cũng về nhà mang đồ ngủ sang đây đi, đêm nay ta sẽ quậy tung trời nhé!” Judah đẩy xe lăn trên vỉa hè với vẻ hí hửng hiện rõ trên nét mặt. Tôi lẽo đẽo theo sau, miệng nín thinh mà trong lòng băn khoăn không hiểu cái chuyện ngủ qua đêm kia là cậu ấy nói thật hay giỡn chơi. Dù đã đến nhà Judah mấy lần rồi nhưng chưa lần nào tôi vào đến nhà bếp - trừ lần duy nhất là cái đêm cậu ấy ngồi ở cửa sổ gọi tôi. Chúng tôi đang đi trên vỉa hè thì tôi nghe có tiếng Mẹ Mary gọi tên tôi từ cách đó hai nhà. Mẹ Mary là người đoán biết trước được sự chết chóc. Trông bà ấy nhăn nheo già cỗi đến nỗi giống cái xác khô hơn là người thật. Tôi thận trọng bước đến nhà bà ấy, Cố gắng trấn tĩnh để nỗi sợ không lồ lộ trên nét mặt cũng như tránh không để bị vấp vào những chỗ nứt vỡ trên vỉa hè. Tôi cảm tưởng như một năm cuộc đời mình lại bị bà ấy giảm bớt mỗi lần giẫm vào một vết nứt nào đó. Tôi đứng dưới chân bậc tam cấp dẫn vào cửa trước nhà Mẹ Mary. Đằng sau, Judah chờ tôi ở ngay rìa thảm cỏ lầy lội thuộc khu đất nhà bà. Mẹ Mary đứng trên bậc thang cao nhất, cái bóng gầy gò của bà trùm lên tôi. Không biết do tôi tự tưởng tượng ra hay do mắt bà ấy màu xanh da trời thật nữa? Cặp mắt màu xanh nổi bật giữa làn da màu đồng tối sẫm. Đây là lần đầu tiên tôi đứng gần Mẹ Mary đến mức nhìn rõ cả màu mắt bà ấy. Bà chìa tay ra và ra hiệu cho tôi đi lên. Tôi ngoan ngoãn làm theo, đến ngồi trên chiếc ghế gỗ bập bênh. Mẹ Mary mà đã mời vào nhà thì chỉ vì một lý do mà thôi. Judah đang lăn xe vòng vòng ngoài vỉa hè, cậu ấy muốn đến cửa hàng băng đĩa phim. Tôi bật cười thật to khi quan sát cậu ấy. Mẹ Mary ngồi vào cái ghế cạnh tôi và quan sát gương mặt tôi. “Cháu nhìn ra ngoài kia âu yếm thế?” Bà hỏi. Giọng bà rõ ràng và nhẹ nhàng, không hề giống như tôi đã tưởng tượng. “Không”, tôi đáp. “Không phải thế... Cậu ấy chỉ là bạn cháu.” Tôi sợ hãi với ý nghĩ rằng tình cảm của mình dành cho Judah đã bị bộc lộ ra một cách quá rõ ràng rồi. Mẹ Mary đẩy qua đẩy lại chiếc ghế trong khi chăm chú nhìn theo Judah. Tôi tự hỏi không hiểu sao bà ấy lại biết tên tôi. “Cậu ấy mang đến hy vọng cho cháu phải không?” Bà hỏi. “Vâng.” Tôi đáp. “Vậy hãy giữ lấy cậu ấy.” Bà nói dứt khoát. Tôi lén nhìn bà xem bà đang nói đùa hay nói thật. Sau đó là khoảng lặng dài đến nỗi tôi chịu không nổi mà ngồi vặn vẹo khổ sở trên chiếc ghế. Tôi vừa mở miệng định xin phép cáo lui thì Mẹ Mary đã chặn họng tôi. “Mẹ cháu.” Bà lên tiếng. “Vâng...” Tôi gấp gáp nói. Ngoài kia, Judah đang biểu diễn lăn xe vòng quanh trên hai bánh sau. “Mẹ cháu đang lưỡng lự giữa hai thế giới và không thể quyết định được muốn lưu lại nơi nào. Cháu cũng giống vậy - cả cháu và mẹ cháu đều giống nhau.” Tôi muốn nói với bà ấy là mẹ tôi đã quyết định muốn lưu lại nơi nào từ lâu lắm rồi - chính là tự thu mình lại và ở lì trong cái “hố đen sự sống” kia. Mẹ Mary có ý gì, khi nói như vậy về người mẹ lạnh lùng với cặp mắt vô hồn của tôi, điều này chợt làm lóe lên một ý nghĩ trong tâm trí tôi. Phải chăng mẹ tôi đang thích thú với ý nghĩ kết thúc cuộc đời của chính mình? Để trốn chạy khỏi điều gì? Chính là cái chốn chật hẹp mà mẹ đã tự thu mình vào sao? Tôi nhìn bà lão. Bà ấy quá già, quá yếu ớt, trông chẳng có vẻ gì là đáng sợ cả. Vậy tại sao tôi lại luôn sợ hãi trước Mẹ Mary như vậy? “Bà có biết rằng chỉ người tốt mới thường chết trẻ không?” Tôi khẽ nói. “Cháu có thể thay đổi điều đó.” Bà đáp. Tôi liền đứng bật dậy và bắt đầu bước xuống cầu thang. Chân tôi không còn bước nhẹ nhàng như ban nãy, lúc này nó nặng trịch như đeo đá. Mẹ Mary gọi với theo tôi. “Margo...” Bà ấy đang đứng, hai tay dang rộng như muốn ôm tôi vào lòng. Tôi bước hai bước ngắn lên bậc thang và Mẹ Mary ôm chặt lấy tôi. Tôi sửng sốt trước cái ôm mạnh mẽ và mãnh liệt của bà ấy. Người bà tỏa ra mùi quế và thuốc duỗi tóc - tôi đã quen với mùi này mỗi lần đến nhà Destiny và thấy mẹ cô ấy làm tóc trong căn phòng ngủ nhỏ. “Đừng để nỗi thù hận hủy hoại bản thân mình. Cháu sẽ đánh mất linh hồn mình đấy.” Bà dặn tôi. Tôi không hề quay lại nhìn bà lúc bước tới chỗ chàng trai được phán là đã mang đến hy vọng cho tôi. Tôi muốn nói rằng bà không cần lo tôi sẽ đánh mất linh hồn mình. Vì chính chàng trai này sẽ cứu rỗi linh hồn tôi. CHƯƠNG 11 C hị Sandy bước ra khỏi văn phòng và thông báo với chúng tôi rằng người ta đã tìm thấy Nevaeh ở một cánh đồng gần cầu cảng cũ, giờ chỉ còn là một thi thể cháy đen. Tất cả báo đài đều đã đưa tin. Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh Nevaeh, cô bé xinh xắn, ngây thơ, trong sáng ấy đã bị thiêu đến cháy đen. Không chịu nổi, tôi chạy vội vào nhà tắm nôn thốc nôn tháo. Tôi đã phải xin Sandy cho nghỉ phép nhưng chị ấy không đồng ý vì hôm nay cửa hàng rất bận. Vậy là tôi phải quay lại quầy thu ngân. Tôi thẫn thờ tính tiền cho khách, trong lòng băn khoăn liệu thủ phạm đã giết chết Nevaeh có thể là ai trong số những người ở đây. Tay tôi run rẩy, một vị khách hàng nhìn tôi nghi hoặc và hỏi rằng tôi có cần một liều ma túy để “chữa trị” không. Một liều ma túy để “chữa trị” hả? Tôi thật sự muốn cười phá lên. Vậy làm thế nào để “chữa trị” được cái ác? Đến lúc tan ca, tôi đã trở nên vô cùng tức giận. Đứng trên xe buýt, tôi nhịp nhịp chân đến lúc tới trạm dừng, rồi đi bộ tới nhà Judah. Khi tôi gõ cửa, cô Delaney ra mở, đang phê thuốc và ôm Horace trong tay. Trông cô sửng sốt thấy rõ khi gặp tôi. Judah ở ngay sau cô, nghe thấy tiếng tôi, cậu ấy bảo mẹ cho tôi vào. “Cậu đã nghe tin chưa?” Tôi hỏi. Cậu gật đầu. Tôi muốn đứt hơi sau khi chạy một hồi tới đây. Cô Delaney đẩy Horace dựa vào tường rồi bảo tôi đến ngồi tại bàn bếp. Cô ấy mang cho tôi một cốc nước gì đó có màu đỏ rất ngọt. Tôi đỡ lấy cốc bằng hai tay nhưng không thể nào uống nổi. Tôi cảm thấy như mình sắp đổ bệnh đến nơi. “Tôi ghét tất cả mọi thứ trên đời này.” Judah đưa tay sờ môi mình, trông cậu như đang trầm ngâm suy tư điều gì đó. “Tin tức tràn ngập khắp các báo đài rồi.” Cô Delaney nói. Tôi nhìn Judah. “Cậu đang nghĩ gì vậy?” “Nếu thủ phạm đã ra tay tàn độc với cô bé là người ở khu này, là một người trong số chúng ta thì sao?” “Có thể là người nơi khác ghé qua khu Xương này. Không hẳn là người ở đây.” Cậu gật đầu, nhưng không có vẻ gì là thật lòng đồng tình. Tôi đứng lên, dứt khoát nói, “Tôi phải đi đây.” “Đi đâu?” Judah thắc mắc. “Cháu chắc là mình ổn thật chứ?” Cô Delaney hỏi. “Cháu không biết. Cháu chỉ muốn yên tĩnh suy nghĩ một chút.” Tôi lang thang khắp khu Xương dưới cơn mưa phùn, lượn qua những con phố, đếm vỏ kẹo bị vo tròn vứt vương vãi khắp nơi cho đến khi cả người run rẩy vì lạnh cóng. Tôi đi qua nhà Nevaeh, trong lòng khao khát được nhìn con bé chạy vụt xuống từ cầu thang và ùa tới chỗ mình như ngày xưa, vào mỗi lần nó trông thấy tôi. Những lúc như thế, tôi cứ sợ Nevaeh sẽ vấp ngã vì con bé toàn để dây giày tuột mà chạy. Tôi muốn mang con bé đi và chỉ cho nó thấy những thứ đẹp đẽ ngoài kia, bên ngoài khu Xương u ám này, trước khi kẻ khác tước đoạt mất cuộc sống của nó. Hay thực chất là chính bản thân tôi cũng muốn mở rộng tầm mắt mình ra khỏi nơi nghèo nàn, tù túng này. Nhưng tôi còn không biết mình có thể làm được điều đó hay không. Judah từng nói rằng nơi hun đúc nên con người ta rồi sẽ hóa thành linh hồn, thành cốt tủy trong mỗi con người. Dù có dạt trôi đến bất cứ xó xỉnh nào trên trái đất này, ta cũng vẫn luôn mang theo cả nguồn cội đến nơi đó. Ta không thể nào chối bỏ nguồn gốc của mình. Nếu điều Judah nói là đúng, cả đời tôi cũng không thể nào trốn chạy khỏi xứ này. Đến lúc đi hết cả khu Xương thì đôi giày Converse mới của tôi cũng ướt sũng nước. Con đường lớn đi xuyên qua thị trấn của chúng tôi là Đại lộ 83. Đại lộ này mang hình dáng của một cô nàng hay lưỡng lự, vừa quẩn quanh uốn khúc nơi này, khúc sau đã thấy xoay hướng đột ngột như còn đang phân vân không biết có nên lưu lại thị trấn nhỏ này của chúng tôi hay không. Nếu cứ đi tiếp, tôi sẽ đến được Cascades. Tôi đưa tay lên vuốt mặt, gạt nước mưa khỏi chảy đầm đìa vào mắt. Có lẽ tôi nên đi tiếp. Cứ cố gắng đến hơi thở cuối cùng. Làm bất kỳ việc gì để thoát khỏi nơi này. A! Tôi đá tung một vũng nước mưa. Đá, đá tất cả những gì mày muốn đi. Mày không thoát khỏi chỗ này được đâu vì mày quá nhát chết. Tôi quay lại, cảm nhận rõ tinh thần đã quá suy sụp. Tôi cúi gằm mặt xuống vì hổ thẹn, chán nản dõi mắt theo hai bàn chân hèn nhát của mình lê bước qua những vũng nước. Nước mưa chảy ròng ròng xuống cổ, tôi cứ thẫn thờ đi như vậy cho đến khi chợt nhìn thấy vật gì đó màu đỏ ẩn hiện mờ mờ trong một vũng nước. Màu đỏ rất sáng. Tôi khuỵu gối xuống nhặt vật đó lên, vục luôn tay vào khua khoắng trong cái vũng nhỏ, thẫn thờ như kẻ vô hồn và lôi lên được một cặp kính râm có gọng hình trái tim bằng nhựa màu đỏ. Không chần chừ, tôi đeo kính lên. Trong tâm trạng nặng nề, chán nản và muốn buông xuôi, trên đường về lại thị trấn, tôi ghé vào cửa hàng Quickie Comer. Tôi nhìn giá trưng bày đầy ắp những món bánh mình ưa thích: Honey Buns, Pecan Wheels, Oatmeal Creme Pies, Cosmic Brownies, Ding Dongs, Twinkies và cả bánh rán bột. Tất cả đều đang được giảm giá, nhưng hôm nay tôi không có tâm trạng ăn mấy thứ bánh khỉ gió này. Hoặc mãi mãi không bao giờ ăn nữa. Tôi không muốn tự sát theo cách đó. Tôi bước đến tủ lạnh ở phía sau cửa hàng, chọn lấy một chai nước cam, một túi nho khô cỡ đại và một hộp diêm có hình con gấu bông Teddy. Nhìn thấy hình con gấu, tôi lại nhớ đến Nevaeh. Tôi lục lọi các túi để lấy tiền. “Mua thứ này làm gì... Cô có hút thuốc đâu?” Là Joe. Chúng tôi gọi Joe là Ve Chai vì ông ta hay nhặt nhạnh mấy bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh Mary bằng gốm nhỏ và giấu chúng ở khắp nơi trong cửa hàng. Thỉnh thoảng lại có người vừa lấy ổ bánh mì trên giá xuống thì bắt gặp bức tượng Đức Mẹ đang ở ngay đó và nhìn thẳng vào mình. “Tôi định đi đốt nhà”, tôi nói, đẩy đồ về phía ông ta. “Tôi cũng cần gần bốn lít xăng nữa.” Joe Ve Chai với xuống quầy thu ngân, lôi ra một can xăng rỗng màu đỏ có vòi, trên thân in đậm dòng chữ Dễ cháy, đặt lên trên quầy. Ông ta ngoác miệng cười và nói, “Thế thì cô gái sẽ cần đến thứ này nữa đấy. Mà cô định thiêu chết ai đấy?” Tôi đảo mắt, đáp lại, “Tất cả mọi người.” Vừa dứt lời, tôi bỏ lại một tờ mười đô la trên quầy và dợm bước đi ra khỏi cửa hàng. Đúng lúc ấy thì ông ta gọi giật lại, “Cô quên cái can rồi này!” “Sao?” Tôi quay người lại hỏi. Ông ta đẩy can về phía tôi và nói, “Tặng cô. Để cô làm việc cần làm.” Dù không hiểu vì sao ông ta tặng tôi món quà này, nhưng tôi vẫn nhận lấy. Hôm nay tôi không về nhà bằng đường cũ. Thay vì cứ thẳng vỉa hè mà tiến, đi qua những ngôi nhà, tôi lại đi men theo bãi cỏ cạnh đại lộ. Mắt đeo kính, tay cầm can xăng, vừa đi tôi vừa nghĩ ngợi. Miệt mài dấn thân, vận may sẽ đến. “Này Cô Em Bán Xăng.” Một chiếc xe bán tải màu nâu gỉ sét đi chầm chậm ngay cạnh tôi, bên trong có hai gã đàn ông. Một gã mặc áo nỉ đỏ đung đưa tay ngoài cửa sổ, nhịp nhịp một ngón tay vào cửa theo điệu nhạc phát ra từ chiếc đài trong xe. Tôi liếc thấy gã lái xe đội một cái mũ bóng chày. “Muốn đi nhờ không?” Gã đàn ông cất giọng cợt nhả. Tôi giơ ngón giữa lên, cốt để hai gã này hiểu là tôi không thèm nhờ vả gì hết. “Đừng thế cô em ơi. Nhìn lại bản thân và nên biết thân biết phận chút đi chứ!” Tiếng cười của hai gã vang lên như tiếng móng tay cào trên tấm bảng, hay như tiếng phím đàn piano bị một đứa trẻ nện mạnh xuống vậy. Tôi bị mang ra làm trò đùa, bị đẩy vào vai chính trong