"
Con Gái Của Thời Gian PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Con Gái Của Thời Gian PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
CON GÁI CỦA THỜI GIAN —★—
Tác giả: Josephine Tey
Người dịch: Lê Đình Chi
Phát hành: Tao Đàn
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2021ebook©vctvegroup
Chương 1
Grant nằm trên cái giường gấp cao trải ga trắng và nhìn chằm chằm lên trần nhà. Nhìn chằm chằm lên nó đầy căm ghét. Anh nhớ từng vết nứt li ti trên bề mặt sạch sẽ tinh tươm của nó. Anh đã mường tượng ra đủ thứ bản đồ từ cái trần nhà này rồi chu du thám hiểm: những dòng sông, những hòn đảo, những lục địa. Anh đã bày ra các trò đánh đố và khám phá vật thể ẩn giấu; những khuôn mặt, những con chim, những con cá. Anh đã làm những phép tính toán và ôn lại thời thơ ấu của mình; định lý, góc, hình tam giác. Quả thực chẳng còn điều gì khác anh có thể làm ngoài việc nhìn lên nó. Trông thôi đã thấy ghét.
Anh từng đề nghị Nàng Bé cho dịch cái giường đi một chút để anh có thể khám phá mảng trần nhà mới. Nhưng dường như việc di chuyển này sẽ phá hỏng tính cân xứng của căn phòng, mà trong bệnh viện, sự cân xứng xếp hạng ngay sau sự sạch sẽ và bỏ xa sự ngoan đạo[1]. Bất cứ điều gì xiên xẹo trong bệnh viện đều mang tính báng bổ. Tại sao anh lại không đọc sách? Cô hỏi. Tại sao anh không đọc mấy quyển tiểu thuyết đắt tiền mới cứng mà các bạn anh đua nhau mang tới đi.
“Quá nhiều người được sinh ra trên thế giới, quá nhiều từ được viết ra. Hàng triệu và hàng triệu từ tuôn ra từ báo chí mỗi phút. Một ý nghĩ thật khủng khiếp.”
“Ông có vẻ khó ở nhỉ,” Nàng Bé nói.
Nàng Bé là điều dưỡng Ingham. Nói công bằng thì đây là một cô gái cao một mét năm mươi bảy với tỷ lệ thân hình vừa vặn cân đối. Grant gọi cô này là Nàng Bé để tự an ủi vì bản thân phải nhất nhất nghe lời một bức tượng sứ Dresden tí xíu mà anh có thể dùng một bàn tay nhấc lên. Nghĩa là khi anh có thể đứng dậy được. Cô nàng không chỉ nhắc nhở anh được làm cái này không được làm cái nọ,
mà còn dễ dàng đỡ cái thân thể cao hơn mét tám của anh một cách tỉnh bơ khiến Grant cảm thấy mất mặt. Có vẻ như trọng lượng chẳng có nghĩa lý gì với Nàng Bé. Cô giũ ga giường với điệu bộ duyên dáng dửng dưng như một nghệ sĩ biểu diễn trò xoay đĩa. Khi cô không có ca trực, người chăm sóc anh là Nàng Amazon, một nữ thần với đôi cánh tay giống cành cây sồi. Nàng Amazon là điều dưỡng Darroll, quê ở Gloucestershire, và cứ đến mỗi mùa hoa thủy tiên lại nổi bệnh nhớ nhà tha thiết. (Nàng Bé quê ở Lytham St Anne’s, và cô chẳng thèm bận tâm đến thứ hoa thủy tiên ngớ ngẩn nào hết.) Nàng điều dưỡng thứ hai này sở hữu đôi bàn tay to mềm mại và đôi mắt bò cái dịu dàng, cô ta luôn có vẻ hết sức thông cảm với bạn, song chỉ một chút gắng sức cũng khiến nàng thở sòng sọc như một cái máy hút đờm. Tựu trung, Grant thấy bị coi như một gánh nặng, thậm chí còn bẽ mặt hơn là bị cư xử như thể anh nhẹ tựa lông hồng.
Grant phải nằm bẹp trên giường, trở thành bệnh nhân cho Nàng Bé và Nàng Amazon chăm sóc vì anh ngã lộn cổ qua một cái cửa sập. Tất nhiên đây quả là sự mất mặt tột đỉnh; đem so sánh với nó thì tiếng thở hổn hển nặng nhọc của Nàng Amazon hay dăm ba lời trách móc của Nàng Bé chỉ đơn thuần là chuyện tất yếu. Ngã lộn cổ qua cái cửa sập là cực hạn của sự lố bịch, kệch cỡm, tầm thường, dị hợm. Anh biến mất khỏi hoạt động thanh tra thường lệ đúng lúc đang hối hả đuổi bén gót Benny Skoll, tuy Benny đã cắm đầu cắm cổ vòng qua góc ngoặt kế tiếp rồi đâm sầm vào Thượng sĩ Williams, nhưng anh chỉ thấy được an ủi tí ti trong một tình huống không thể chịu đựng nổi.
Giờ đây Benny sẽ bị “treo giò” ba năm, một điều khiến cho các nhà chức trách hết sức hài lòng, nhưng rồi Benny sẽ được giảm án do cải tạo tốt. Còn trong bệnh viện thì chẳng có đặc ân nào cho dù anh ngoan ngoãn chấp hành.
Grant thôi nhìn chằm chằm lên trần nhà, anh liếc sang chồng sách trên cái bàn đầu giường; chồng sách đắt tiền sặc sỡ mà Nàng Bé cứ ra rả hối thúc sự chú ý của anh. Cuốn sách ở trên cùng, với bức ảnh tuyệt đẹp của thành phố Valletta nhuốm màu hồng khó tin, là tường thuật hàng năm của Lavinia Fitch về nỗi khổ cực của một nữ nhân vật chính thánh thiện. Xét trên việc đưa hình ảnh Vịnh
Cảng Lớn lên bìa sách, nàng Valarie hay Angela hay Cecile hay Denise được giới thiệu lần này chắc hẳn phải là vợ một lính thủy. Anh mở cuốn sách ra chỉ để đọc lời đề tặng thân mật mà Lavinia đã viết bên trong.
Mồ hôi và Luống cày là phiên bản Silas Weekley trần tục và quê mùa suốt bảy trăm trang. Ngay từ đoạn đầu tiên đã chẳng có mấy thay đổi so với cuốn sách trước đó: bà mẹ đang nằm ổ đứa thứ 11 ở tầng trên, ông bố nằm vật sau đứa thứ 9 ở tầng dưới, cậu con trai cả nằm lòng âm mưu dối gạt chính phủ trong chuồng bò, cô con gái đầu nằm bên anh người yêu trong nhà chứa cỏ khô, tất cả đám nhân vật còn lại nằm bẹp dí với nhau trong kho thóc. Mưa nhỏ giọt xuống từ mái rạ và phân gia súc bốc hơi lên từ đống rác. Silas không bao giờ quên nhắc tới bãi phân. Không phải lỗi của Silas nếu phân bốc hơi là thứ duy nhất dâng lên trong toàn bộ bức tranh. Nếu có thể khám phá ra thứ hơi nào đó bay từ trên xuống dưới, Silas hẳn đã đưa nó vào chưa biết chừng.
Bên dưới những bóng sáng tối tương phản gay gắt ở bìa sách của Silas là một câu chuyện tao nhã yêu đương vừa cầu kỳ kiểu Edward vừa vô nghĩa kiểu Baroque, với nhan đề Những chiếc chuông trên ngón chân nàng. Tại đây, Rupert Rouge thỏa chí bỡn cợt thói tật đồi bại và luôn khiến bạn phá lên cười trong ba trang đầu tiên. Đến sau trang ba, bạn nhận ra rằng Rupert đã học hỏi từ quý ngài bỡn cợt (nhưng tất nhiên không hề đồi bại) George Bernard Shaw, rằng cách dễ nhất để tỏ vẻ dí dỏm là sử dụng phương pháp rẻ tiền và tiện lợi: nghịch lý. Sau đó, bạn có thể thấy những câu đùa sắp sửa xuất hiện từ cách đó ba câu.
Cuốn sách với ánh chớp súng đỏ lòm chạy ngang nền bìa màu xanh lục sẫm là tác phẩm mới nhất của Oscar Oakley. Đám côn đồ lè nhè qua khóe miệng thứ tiếng Mỹ nhân tạo chẳng hề có sự hóm hỉnh lẫn cay độc như ngoài đời thực. Đám kiều nữ tóc vàng, những quầy bar mạ crom bóng nhoáng, những cuộc đuổi bắt chóng mặt. Quá sức nhảm nhí.
Vụ án chiếc mở hộp biến mất của John James Mark có ba lỗi nghiệp vụ trong hai chương đầu tiên, và ít nhất đã cho Grant năm
phút thú vị trong khi anh soạn một lá thư tưởng tượng gửi đến tác giả cuốn sách.
Anh không nhớ nổi cuốn sách mỏng bìa xanh lơ ở dưới cùng của chồng sách là cuốn gì nữa. Thứ gì đó nghiêm túc và mang tính thống kê, anh nghĩ vậy. Về loài ruồi tse tse, hay tính lượng calo, hay tập tính tình dục, kiểu kiểu thế.
Thậm chí ngay cả trong cuốn sách đó, bạn cũng đoán trước được trang tiếp theo viết gì. Chẳng lẽ không một ai, không một ai trên toàn thế giới bao la này, thỉnh thoảng thay đổi cách viết lách của họ nữa hay sao? Chẳng lẽ tất cả mọi người ngày nay đều đổ xô theo công thức? Các tác giả ngày nay khư khư theo một khuôn mẫu mà độc giả của họ trông đợi. Công chúng nói về “một Silas Weekley mới” hay “một Lavinia Fitch mới” hệt như họ nói về “một loại gạch mới” hay “một loại lược mới”. Họ chẳng bao giờ nói “một cuốn sách mới của...” cho dù tác giả có là ai. Mối quan tâm của họ không phải nằm ở cuốn sách mà ở sự mới mẻ của nó. Họ biết quá rõ cuốn sách sẽ như thế nào.
Rời ánh mắt ngao ngán khỏi chồng sách thập cẩm, Grant nghĩ có lẽ cũng tốt nếu tất cả nhà in trên thế giới dừng hoạt động trong một thế hệ. Cần phải có một lệnh đình chỉ văn chương. Một siêu nhân nào đó cần phát minh ra loại tia cho phép dừng hoạt động của tất cả nhà in một cách đồng thời. Lúc đó người ta sẽ không gửi tới cho bạn cả một đống vớ vẩn điên khùng trong khi bạn phải nằm ngửa thẳng cẳng ra, và cái bức tượng sứ Meissen kẻ cả, bé một mẩu kia sẽ không trông đợi bạn đọc chúng.
Anh nghe thấy tiếng cánh cửa mở, nhưng không buồn nhúc nhích người để nhìn. Anh đã quay mặt vào tường, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng[2].
Anh nghe thấy ai đó bước tới chỗ giường mình, và nhắm mắt lại để tránh nguy cơ phải trò chuyện. Lúc này anh chẳng cần nết dịu dàng của gái bắc lẫn sự bộc trực của gái nam[3]. Nhưng ngay lúc đó lại có chút cám dỗ thoang thoảng, một hơi thở đầy hoài niệm về tất cả những cánh đồng hoa ở Grasse, tìm đến trêu ghẹo hai lỗ mũi và lượn lờ trong óc anh. Anh tận hưởng nó và ngẫm nghĩ. Nàng Bé tỏa
ra mùi phấn có hương oải hương, còn Nàng Amazon tỏa ra mùi xà phòng cùng iodoform. Thứ đang bồng bềnh thật đắt giá cận kề hai lỗ mũi anh là mùi của nước hoa Enclos số Năm. Chỉ có một người anh quen thường dùng Enclos số Năm. Marta Hallard.
Anh mở một mắt ra và nheo nheo nhìn lên cô. Rõ ràng cô đã cúi người xuống để xem liệu có phải anh đang ngủ hay không, và giờ đang đứng trong một bộ dạng lưỡng lự - nếu có điều gì đó Marta làm có thể được gọi là lưỡng lự - với sự chú ý hướng vào chồng sách mà tất cả rành rành đều còn mới nguyên ở trên bàn. Một bên cánh tay cô đang mang hai cuốn sách mới và trên cánh tay còn lại là một bó hoa tử đinh hương lớn màu trắng. Anh tự hỏi liệu có phải cô đã chọn hoa tử đinh hương trắng vì theo ý cô đây là thứ hoa phù hợp để đem tặng vào mùa đông (loại hoa này trang hoàng phòng trang điểm của cô tại nhà hát từ tháng Mười hai tới tháng Ba), hay cô đã chọn loại hoa này bởi nó không lạc lõng với tông đen-và-trắng sang trọng của cô. Cô đội một cái mũ mới và đeo chuỗi ngọc trai quen thuộc của mình; chuỗi ngọc trai từng giúp anh tái chinh phục cô. Trông cô rất xinh đẹp, đậm chất Paris, và tuyệt làm sao, không có chút hơi hướng bệnh viện nào.
“Em có đánh thức anh không vậy, Alan?”
“Không. Anh đâu có ngủ.”
“Em lại chở củi về rừng thì phải,” cô vừa nói vừa thả hai cuốn sách xuống bên cạnh những người anh em bị ghẻ lạnh của chúng. “Em hy vọng anh sẽ thấy mấy cuốn sách này thú vị hơn những gì anh có vẻ đã tìm trong đống kia. Chẳng lẽ anh thậm chí không thử một chút thứ khẩu vị thiếu niên từ Lavinia của chúng ta hay sao?”
“Anh chẳng thể đọc nổi bất cứ thứ gì.”
“Anh đau à?”
“Thống khổ cực độ. Nhưng không phải ở chân hay ở lưng anh.” “Vậy thì là gì?”
“Thứ mà cô em họ Laura của anh gọi là ‘những cú châm kim của sự buồn tẻ’.”
“Alan tội nghiệp. Cô em họ Laura của anh thật chí lý.” Marta nhấc những bông thủy tiên ra khỏi cái lọ thủy tinh quá to với chúng, ném
bó hoa vào thùng rác bằng một trong những động tác khéo léo nhất của mình, rồi cắm những bông tử đinh hương vào thế chỗ. “Người ta hẳn trông đợi sự buồn tẻ là một cảm xúc uể oải lớn lao, nhưng tất nhiên là không rồi. Nó là một thứ tủn mủn.”
“Nhỏ nhặt vô nghĩa. Tủn mủn vô nghĩa. Hệt như bị kim châm vậy.”
“Tại sao anh không tìm việc gì đó mà làm?”
“Để cải thiện thời gian huy hoàng?”
“Để cải thiện tâm trí. Chưa kể tới tâm hồn và tính tình của anh. Anh có thể tìm hiểu một môn nào đó như triết học, yoga hay thứ gì đó đại loại thế. Nhưng em đoán một cái đầu chuyên về phân tích không phải loại lý tưởng nhất để nghĩ tới những chuyện trừu tượng.”
“Anh quả là đã nghĩ tới chuyện trở lại với đại số. Anh cho rằng mình chưa bao giờ để tâm xứng đáng tới môn đại số ở trường. Nhưng anh đã nghĩ quá nhiều về hình học trên cái mảng trần nhà chết tiệt nên giờ cũng có chút ngán môn toán rồi.”
“Thế đấy, em chắc gợi ý các trò ghép hình với một người ở vị trí như anh chẳng ích gì rồi. Thế giải ô chữ thì sao? Em có thể kiếm cho anh một quyển sách giải ô chữ, nếu anh thích.”
“Vì Chúa, xin em đừng làm thế.”
“Phải rồi, anh có thể tạo ra ô chữ. Em có nghe nói việc tạo ra còn thú vị hơn cả giải ô chữ.”
“Có thể. Nhưng một quyển tự điển nặng lắm. Thêm nữa, anh luôn ghét phải tra cứu thứ gì đó trong một quyển sách tham chiếu.” “Anh có chơi cờ vua không? Em chẳng nhớ nữa. Giải các thế cờ thì sao? Trắng đi trước và chiếu hết sau ba nước, hay gì đó tương tự.”
“Điều duy nhất ở cờ vua mà anh quan tâm là hình dáng các quân cờ.”
“Hình dáng?”
“Những món đồ thật giàu tính trang trí, quân mã, quân tốt rồi còn những quân khác nữa. Rất thanh lịch.”
“Tuyệt làm sao. Em đã có thể mang tới cho anh một bộ cờ để chơi. Được thôi, không cờ vua. Anh có thể thực hiện một cuộc điều tra về học thuật. Đó là một dạng toán. Tìm lời giải cho một vấn đề chưa được giải quyết.”
“Ý em là tội ác? Anh thuộc lòng các hồ sơ vụ án rồi. Và chẳng thể làm gì thêm nữa với bất cứ vụ nào. Chắc chắn là không với một người đang nằm thẳng cẳng thế này.”
“Em không có ý nói tới thứ gì đó trong các tập hồ sơ của Sở Cảnh sát. Em muốn nói tới một thứ - nói thế nào cho đúng nhỉ? Một thứ kinh điển. Một điều đã đánh đố thế giới qua nhiều thế hệ.” “Chẳng hạn là gì nào?”
“Thì những lá thư trong tráp chẳng hạn.”
“Ôi, đừng có là chuyện về Mary Nữ vương Scotland đấy!” “Sao không?” Marta hỏi. Cũng như mọi nữ diễn viên, cô nhìn nhận Mary Stuart qua những lớp màn trắng huyền ảo. “Anh có thể quan tâm tới một người phụ nữ xấu xa, nhưng không bao giờ quan tâm tới một phụ nữ ngốc nghếch.” “Ngốc nghếch?” Marta nói bằng giọng quãng trầm hay nhất cho vai Electra của cô.
“Rất ngốc nghếch.”
“Ôi, Alan, sao anh có thể chứ?”
“Nếu bà ta đội một kiểu mũ khác, chắc hẳn đã không ai buồn để ý tới bà ta. Chính cái mũ ấy mới quyến rũ người khác.” “Anh nghĩ bà ấy sẽ yêu ít mãnh liệt hơn nếu đội một cái mũ vải che nắng chăng?”
“Bà ta chẳng bao giờ yêu mãnh liệt cả, dù có đội loại mũ mão nào đi nữa.”
Marta trông như đang phẫn nộ hết mức mà cả cuộc đời trải qua trên sân khấu cùng một giờ trang điểm cẩn thận cho phép cô. “Sao anh nghĩ thế?”
“Mary Stuart cao một mét tám. Gần như tất cả phụ nữ cao quá khổ đều lạnh lùng. Hãy hỏi bất cứ bác sĩ nào xem!”
Trong khi nói ra điều này, anh thầm tự hỏi tại sao trong suốt những năm qua, kể từ lần đầu tiên Marta chọn anh làm người tháp tùng dự bị khi cô cần, anh chưa từng băn khoăn liệu thái độ bình thản với đàn ông của cô có liên quan gì tới chiều cao hay không. Nhưng Marta không rút ra bất cứ so sánh nào; tâm trí cô vẫn còn để cả vào bà hoàng ưa thích của mình.
“Ít nhất bà ấy là một người tuẫn đạo. Anh sẽ phải đồng ý với điều đó.”
“Tuẫn đạo cho cái gà?”
“Tôn giáo của bà ấy.”
“Thứ duy nhất vì nó mà bà ta phải chịu hành xác[4] là bệnh thấp khớp. Bà ta đã kết hôn với Darnley mà không xin phép chuẩn của Giáo hoàng, và cưới Bothwell theo nghi lễ Tin lành.”
“Anh chắc sắp sửa nói với em bà ấy không phải là một tù nhân!” “Vấn đề của em là em nghĩ bà ta bị nhốt trong một căn phòng nhỏ trên đỉnh một tòa lâu đài, với cửa sổ lắp song sắt cùng một người hầu già trung thành chia sẻ những lời cầu nguyện cùng bà ta. Trên thực tế là bà ta có cả đội ngũ gia nhân riêng gồm sáu mươi người. Bà ta đã cay đắng than vãn chẳng khác gì một kẻ hành khất khi đội ngũ này bị giảm xuống chỉ còn ba mươi, và thiếu chút nữa đã chết vì sầu muộn khi đội ngũ này teo tóp chỉ còn hai nam thư kí, vài tỳ nữ, một thợ thêu cùng một hay hai người nấu bếp. Và Elizabeth phải móc tiền túi để trả tiền cho tất cả đám gia nhân đó. Nữ vương đã chi trả trong hai mươi năm, và trong hai mươi năm, Mary Stuart mang vương miện Scotland đi rao khắp châu Âu chào mời bất cứ ai sẵn lòng khơi mào một cuộc bạo loạn để đưa bà ta trở lại ngai vàng mà bà ta đã đánh mất; hoặc để bà ta lên ngồi thế trên ngai vàng của Elizabeth.”
Anh nhìn Marta và thấy cô đang mỉm cười.
“Giờ chúng đã dễ chịu hơn chút nào chưa?” Cô hỏi.
“Cái gì dễ chịu hơn kia?”
“Những vết kim châm.”
Anh bật cười.
“Có đấy. Trong cả một phút anh đã quên khuấy chúng. Chí ít thì đó cũng là một điều tốt đẹp có thể tính cho Mary Stuart!” “Sao anh biết nhiều về Mary thế?”
“Anh đã viết một bài luận về bà ta vào năm cuối ở trường.” “Và như em thấy, anh không thích bà ấy.”
“Không thích những gì anh tìm hiểu được về bà ta.”
“Thế nên anh không nghĩ bà ấy là một bi kịch.”
“Ồ, có chứ, rất bi kịch. Nhưng không bi kịch theo bất cứ cách nào mà mọi người thường nghĩ về bà ta. Bi kịch nằm ở chỗ bà ta sinh ra đã là một Nữ vương với vẻ ngoài của một bà vợ nhà quê. Đánh bại bà Tudor ở phố bên cạnh là chuyện vô hại và thú vị; nó có thể khiến em mê mải vô lối trong những thứ vặt vãnh, nhưng việc này chỉ ảnh hưởng tới một mình em thôi. Khi em áp dụng cùng cách ấy cho các vương quốc, kết quả sẽ thật tai hại. Nếu em sẵn sàng lôi một đất nước mười triệu người ra làm tốt thí để đánh bại một đối thủ Hoàng gia, thì kết cục em sẽ trở thành một kẻ thất bại cô độc.” Anh nghĩ ngợi một chút rồi tiếp: “Bà ta hẳn sẽ thành công khi làm hiệu trưởng trường nữ sinh.”
“Đồ quỷ!”
“Anh có ý tốt mà. Đội ngũ nhân viên hẳn sẽ thích bà ta, và tất cả các cô bé hẳn sẽ tôn thờ bà ta. Đó là điều anh muốn nói về mặt bi kịch của bà ta.”
“Được lắm. Vậy có vẻ sẽ không phải là những lá thư trong tráp. Còn gì nữa nhỉ? Người đàn ông đeo mặt nạ sắt.”
“Anh không nhớ nổi anh ta là ai, nhưng anh không thể quan tâm tới bất cứ kẻ nào bị che kín sau một tấm mặt nạ sắt. Anh không đời nào quan tâm tới bất kỳ ai trừ phi có thể thấy mặt tay đó.”
“À, phải. Em quên mất niềm đam mê với các khuôn mặt của anh. Nhà Borgia có những khuôn mặt tuyệt đẹp. Em nghĩ họ có thể cung cấp cho anh một vài bí mật nho nhỏ để anh thử sức nếu muốn tìm hiểu về họ. Hay còn có Perkin Warbeck nữa, tất nhiên. Giả mạo luôn đầy mê hoặc. Là anh ta hay không phải là anh ta? Một trò chơi thật đáng yêu. Cán cân không bao giờ có thể nghiêng hoàn toàn về bên
này hay bên kia. Anh ấn nó xuống và nó lại ngóc lên, giống như một con lật đật vậy.”
Cửa phòng hé mở và khuôn mặt chất phác của bà Tinker xuất hiện trong khe cửa, trên đầu đội chiếc mũ còn chất phác hơn và đã quá quen thuộc. Bà Tinker đội chiếc mũ ấy suốt từ lần đầu tiên bà bắt đầu “giúp việc” cho Grant, và anh chẳng tài nào hình dung nổi bà đội một chiếc mũ khác. Anh biết bà quả thực còn có một chiếc mũ nữa, vì nó đi cùng với một bộ đồ mà bà thường gọi là “ưu tư”[5]. “Ưu tư” của bà là thứ cho những dịp hiếm hoi và ngoại lệ, theo cả hai nghĩa này, và chưa bao giờ xuất hiện tại số 19 phố Tenby Court. Cái mũ đó được đội với một ý thức mang tính nghi lễ, một khi được đội, cái mũ đóng vai trò thước đo để đánh giá các sự kiện. (“Bà có thích nó không, Tink? Nó diễn ra thế nào?” “Chẳng đáng để mặc Ưu tư của tôi vào.”) Bà đã đội cái mũ vào dịp hôn lễ của Công chúa Elizabeth, cũng như nhiều sự kiện Hoàng gia khác, và quả thực bà đã hiện diện cùng cái mũ trong hai giây chớp nhoáng của một đoạn phim thời sự quay cảnh Nữ công tước xứ Kent cắt băng khánh thành, nhưng với Grant đó chỉ là một phóng sự; một tiêu chí cho giá trị xã hội của một sự kiện. Một thứ đáng hay không đáng để diện Ưu tư.
“Tôi nghe nói cậu có khách,” bà Tinker nói. “Tôi đã định ra về rồi thì chợt nghĩ giọng nói nghe quen quá, và tôi tự nhủ: ‘Chỉ là cô Hallard thôi’, vậy là tôi vào.”
Người phụ nữ ôm theo mấy cái túi giấy và một bó hoa mao lương buộc chặt. Bà chào Marta như phụ nữ chào phụ nữ, bởi đã từng có thời là người lo phục trang cho diễn viên, thế nên bà không có chút kính ngưỡng thái quá nào dành cho các nữ thần của thế giới sân khấu, bà khinh khỉnh nhìn về phía bó hoa tử đinh hương xinh đẹp bừng nở dưới sự chăm sóc của Marta. Marta không thấy ánh mắt đó nhưng cô nhìn thấy bó hoa mao lương nhỏ và kiểm soát tình huống như thể đây là một màn kịch cô đã tập qua.
“Em đã lãng phí món tiền thù lao chết đói của mình mua hoa tử đinh hương cho anh, thế rồi bà Tinker làm em bẽ bàng với mấy bông hoa huệ đồng nội.”
“Hoa huệ?” Bà Tinker hoài nghi hỏi.
“Những bông hoa này đẹp đẽ không kém gì ngài Solomon ăn vận hoa lệ[6]. Những bông hoa chẳng làm khó nhọc cũng không kéo chỉ. [7]”
Bà Tinker chỉ tới nhà thờ dự hôn lễ và lễ rửa tội, song bà thuộc về một thế hệ đã từng tới học các lớp giáo lý. Bà nhìn bó hoa nhỏ lộng lẫy đang nằm lọt thỏm trong chiếc găng tay của mình.
“Vậy sao, tôi chưa bao giờ biết đấy. Như thế cũng có ý nghĩa hơn, phải không nào? Tôi vẫn luôn hình dung chúng là những cây chân bê. Từng cánh đồng bạt ngàn cây chân bê. Cô biết mà, đắt kinh khủng, nhưng có chút u sầu. Vậy là đám hoa này có màu sắc sao? Tại sao họ không nói thế? Sao họ lại phải gọi là hoa huệ chứ!”
Cả hai tiếp tục trò chuyện về dịch thuật, cũng như chuyện Kinh Thánh có thể nhầm lẫn như thế nào (“Tôi vẫn luôn tự hỏi bánh mì trên mặt biển là gì”, bà Tinker nói) và khoảnh khắc khó xử khi nãy liền trôi qua.
Trong khi họ vẫn còn bận bịu với Kinh Thánh, Nàng Bé cầm theo lọ hoa bước vào. Grant nhận thấy những cái lọ này được dành để đựng những bông tử đinh hương trắng chứ không phải cho những bông mao lương. Chúng là cách tỏ lòng với Marta; một tấm giấy thông hành để kéo gần khoảng cách. Nhưng Marta chẳng bao giờ bận tâm tới những người phụ nữ khác trừ khi cô cần gì tức thời ở họ; sự tế nhị của cô với bà Tinker chỉ là kỹ năng; một phản xạ đã được tôi luyện. Thế nên Nàng Bé bị giáng xuống vai trò chức năng thay vì vai trò xã giao. Cô nhặt những bông thủy tiên bị bỏ ra từ chậu rửa lên và nhu mì cắm trở lại vào một cái lọ. Nàng Bé nhu mì là hình ảnh tuyệt mỹ nhất đem đến niềm vui cho đôi mắt Grant sau một thời gian dài.
“Được rồi,” Marta nói, sau khi đã cắm xong bó tử đinh hương và đặt thành quả ở chỗ anh có thể nhìn thấy, “em sẽ để bà Tinker bón cho anh ăn tất cả những món ngon lành từ mấy cái túi giấy kia. Bà Tinker thân mến, liệu có phải một trong mấy cái túi này đựng món bánh nướng ‘cúc áo anh độc thân’ không?”
Khuôn mặt bà Tinker bừng lên.
“Cô có thích dùng thử một, hai cái không? Bánh vừa mới ra lò.”
“À, tất nhiên sau đó tôi sẽ phải hành xác sám hối, những cái bánh nướng bé nhỏ ngọt ngào này đúng là án tử hình cho vòng eo, nhưng bà cho tôi xin một đôi thôi, tôi cho vào túi để ăn chiều tại nhà hát.”
Cô chọn hai cái bánh với vẻ cân nhắc đầy tâng bốc (“Tôi thích chúng sém chút chút ở bên rìa”), cho vào xắc tay rồi nói: “Tạm biệt anh nhé, Alan. Một, hai hôm nữa em sẽ ghé và dạy anh đan một cái tất. Theo tôi hiểu không có gì làm người ta thư giãn như đan cả. Phải vậy không, cô điều dưỡng?”
“À, vâng. Phải rồi, đúng thế. Rất nhiều nam bệnh nhân của tôi tập đan. Họ thấy cách này giúp thời gian trôi đi rất nhẹ nhàng.” Ra tới cửa, Marta hôn gió anh một cái rồi đi về, theo sau là Nàng Bé đầy cung kính.
“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu thứ hư hỏng này có thể khá hơn.” bà Tinker nói, bắt đầu mở các túi giấy ra. Không phải bà đang ám chỉ Marta.
Chương 2
Nhưng hai ngày sau, khi Marta trở lại, thứ cô mang theo không phải que đan và len. Cô lướt vào nhẹ nhàng như làn gió, thật duyên dáng với chiếc mũ Cossack được đội một cách hờ hững ngang tàng, việc này hẳn đã làm cô mất vài phút trước tấm gương ngay sau bữa trưa.
“Em không ở lại đâu, anh yêu. Em đang trên đường tới nhà hát. Hôm nay có suất diễn ban ngày, xin Chúa hãy giúp em. Những khay trà và những gã khờ. Tất cả bọn em vẫn phải bước lên cái sân khấu kinh khủng kia khi các dòng thoại đã trở nên vô nghĩa với bọn em. Em không nghĩ vở kịch này sẽ có cơ thành công. Nó sẽ giống những vở kịch ở New York được trình diễn ròng rã trong cả thập niên thay vì mỗi năm. Thật quá kinh khủng. Chẳng thể nào giữ tâm trí tập trung vào vai diễn được. Geoffrey đã khô queo giữa màn hai tối qua. Đôi mắt anh ta gần như trồi ra khỏi đầu. Trong khoảnh khắc, thậm chí em đã nghĩ anh ta bị đột quỵ. Sau đó anh ta nói là mình chẳng nhớ nổi bất cứ việc gì diễn ra từ lúc anh ta ra sân khấu cho tới thời điểm anh ta bừng tỉnh và nhận ra mình đang ở giữa màn kịch.”
“Ý em là mất trí nhớ tạm thời?”
“Không. Ồ, không. Chỉ là như một cái máy thôi. Đọc thoại, diễn xuất và đồng thời nghĩ tới chuyện khác.”
“Nếu tất cả những lời kể lại đều đúng thì chuyện đó chẳng phải điều gì khác thường với các diễn viên.”
“Ồ, trong giới hạn chừng mực thì không. Johnny Garson có thể nói với anh trong nhà có bao nhiêu giấy khi anh ta nức nở trút sầu muộn từ trái tim mình ra trong lòng ai đó. Nhưng chuyện ấy khác hẳn việc “mất hồn” trong suốt nửa màn. Anh có thể tưởng tượng nổi Geoffrey đã đuổi con trai mình khỏi nhà, cãi cọ với nhân tình, buộc
tội vợ tằng tịu với người bạn thân nhất của anh ta mà chẳng có chút ý thức nào về tất cả những việc đó không?”
“Vậy anh ta đã ý thức được gì?”
“Anh ta nói đã quyết định nhượng lại căn hộ ở Park Lane của mình cho Dolly Dacre và mua ngôi nhà thời Charles II ở Richmond mà nhà Latimer đang rao bán vì anh ta giành được vai Tổng trấn đó. Anh ta đã nghĩ tới tình trạng thiếu phòng tắm và quyết định rằng căn phòng nhỏ trên lầu với bình phong giấy Trung Hoa thế kỷ 18 sẽ là một phòng tắm rất tốt. Họ sẽ mang tấm bình phong giấy đẹp đẽ đi và dùng nó để trang trí căn phòng nhỏ buồn tẻ ở tầng dưới, đằng sau nhà. Căn phòng nhỏ buồn tẻ đó đầy những tấm ván lát thời Victoria. Anh ta cũng kiểm tra lại hệ thống thoát nước, băn khoăn không rõ liệu mình có đủ tiền để gỡ hết gạch men cũ đi mà thay mới, và cân nhắc xem trong bếp đang có dụng cụ nấu nướng nào. Anh ta vừa mới quyết định nhổ bỏ bụi cây ngoài cổng thì nhận ra mình đang nói dở dang một câu thoại, đối diện với em trên sân khấu, trước chín trăm tám mươi bảy khán giả có mặt. Anh có tưởng tượng nổi hai mắt anh ta lồi ra không. Em thấy anh đã cố đọc ít nhất một trong những quyển sách em đã mang tới cho anh, nếu lấy bìa sách có nếp gập là một tiêu chí.”
“Phải. Quyển sách về núi. Quả là một bất ngờ thú vị. Anh nằm hàng giờ nhìn các bức ảnh. Không gì khiến người ta có cảm ngộ sâu sắc nhanh như một ngọn núi.”
“Em thấy các ngôi sao còn hơn thế.”
“Ồ, không. Các ngôi sao chỉ khiến người ta bị đẩy xuống vị thế của một con a-míp. Các ngôi sao đoạt mất chút vết tích tự hào cuối cùng, tia tự tin cuối cùng khỏi một con người. Nhưng một ngọn núi tuyết phủ là một mốc tham chiếu tốt vừa cỡ. Anh nằm nhìn đỉnh Everest và cảm ơn Chúa rằng anh đã không leo lên những sườn núi đó. Giường bệnh viện là một nơi trú ẩn ấm áp, thư thái và an toàn khi so sánh với chúng, và Nàng Bé cũng như Nàng Amazon là hai trong số những thành tựu cao nhất của văn minh.”
“À, được lắm, thêm ảnh nữa cho anh đây.”
Marta xoay ngược cái phong bì cỡ quarto[8] cô đang cầm và đổ một tập các tờ giấy rời lên ngực anh.
“Cái gì thế?”
“Những khuôn mặt,” Marta vui vẻ nói. “Hàng tá khuôn mặt dành cho anh. Đàn ông, phụ nữ, và trẻ con. Đủ loại, đủ bối cảnh, đủ kích cỡ.”
Anh cầm một tờ lên khỏi ngực mình và nhìn vào nó. Đây là bản in khắc của một bức chân dung vẽ vào thế kỷ 15. Một phụ nữ. “Ai đây?”
“Lucrezia Borgia. Bà ta không phải một kẻ khờ nhỉ?” “Có lẽ thế, nhưng em đang ngụ ý là có bí ẩn nào đó về bà ta đấy à?”
“Ồ, phải. Chưa từng có ai khẳng định được liệu bà ta bị lợi dụng hay là tòng phạm của anh trai mình.”
Anh bỏ qua Lucrezia và cầm tờ giấy thứ hai lên. Đây là chân dung của một cậu bé con mặc trang phục thời cuối thế kỷ 18, bên dưới bức tranh có in một từ bằng chữ cái hoa mờ mờ: Louis XVII.
“Giờ là một bí ẩn đẹp đẽ cho anh đây,” Marta nói. “Thái tử Pháp. Liệu cậu bé đã trốn thoát hay chết trong cảnh giam cầm?” “Em kiếm đâu ra tất cả những thứ này thế?”
“Em đã lôi cổ James ra khỏi cái xó của anh ta ở bảo tàng Victoria và Albert, rồi bắt anh ta phải dẫn em tới một tiệm in. Em biết anh ta thể nào cũng biết về những thứ kiểu đó, và em biết chắc chẳng có thứ gì làm anh ta bận tâm tại V và A. hết.”
Thật đúng chất Marta khi coi việc một viên chức dân sự sẵn sàng rời vị trí làm việc để mò tới lục lọi trong các tiệm in để làm vui lòng cô như chuyện đương nhiên, bởi anh chàng này tình cờ lại là một nhà viết kịch và một người có uy tín về hiểu biết tranh chân dung.
Anh cầm lên một ảnh chụp lại một bức chân dung thời Elizabeth. Một người đàn ông mặc trang phục bằng nhung đính những viên ngọc trai. Anh lật mặt sau để xem nhân vật này là ai và biết được ông ta là Bá tước xứ Leicester.
“Vậy ra đây là chàng Robin của Elizabeth,” anh nói. “Anh nghĩ mình chưa từng thấy qua chân dung của ông ta trước đây.” Marta nhìn xuống khuôn mặt béo tốt đầy nam tính và nói: “Lần đầu tiên em cảm thấy một trong những bi kịch chính của lịch sử là những họa sĩ tài năng nhất lại vẽ chân dung ta khi ta đã qua thời đẹp đẽ nhất. Robin chắc hẳn từng là một người đàn ông khá tuấn tú. Người ta nói Henry VIII thật cuốn hút khi còn thanh niên, nhưng giờ thì ông ấy thế nào? Một thứ chân dung trên lá bài. Ngày nay, chúng ta biết Tennyson từng thế nào trước khi ông ấy nuôi bộ râu kinh khủng đó. Em phải chạy thôi. Em muộn rồi đây này. Em đã ăn trưa tại Blague, và có quá nhiều người đến bắt chuyện làm em không thể chuồn sớm như đã định.”
“Anh hy vọng là em đã gây ấn tượng với bà chủ tiệc.” Grant nói, đồng thời liếc nhìn cái mũ.
“Ồ, vâng. Bà ấy hiểu biết về những cái mũ. Bà ấy nhìn qua một lần và nói: ‘Tôi đoán là Jacques Tous.’”
“Là bà ấy!” Grant ngạc nhiên thốt lên.
“Phải. Madeleine March. Và em mới là người mời bà ấy ăn trưa. Đừng có vẻ quá ngạc nhiên vậy chứ: như thế chẳng lịch thiệp chút nào. Nếu anh nhất thiết muốn biết, thì em đang hy vọng bà ấy viết cho em vở kịch về Phu nhân Blessington. Nhưng có quá nhiều người tạt qua tạt lại tới mức em chẳng có cơ hội để tạo được chút ấn tượng nào cho bà ấy. Tuy nhiên, em đã đãi bà ấy một bữa tuyệt hảo. Chuyện này làm em nhớ Tony Bittmaker lúc ấy đang đãi một nhóm bảy người. Những chai magnum tuôn như suối. Anh có thể hình dung anh ta làm thế nào mà sống sót được không?”
“Không mảy may.” Grant nói, và cô bật cười rồi ra về. Anh im lặng trở lại với chàng Robin của Elizabeth. Có bí ẩn nào về Robin đây nhỉ?
Ồ, có chứ. Amy Robsart, đương nhiên rồi.
À, anh chẳng có hứng thú với Amy Robsart. Anh không quan tâm cô ta đã ngã cầu thang như thế nào, hay tại sao.
Nhưng anh đã trải qua một buổi chiều thật thú vị với những khuôn mặt còn lại. Từ rất lâu trước khi gia nhập đội cảnh sát, anh
đã có sở thích với những khuôn mặt. Trong những năm anh làm việc tại Sở cảnh sát London, sở thích ấy đã chứng tỏ nó vừa là một thú vui cá nhân vừa là một lợi thế trong nghề nghiệp. Có lần, lúc mới vào nghề, anh cùng sĩ quan phụ trách của mình ghé vào tham dự một cuộc nhận diện. Đó không phải vụ án anh phụ trách, cả hai người họ đều có mặt ở đó vì việc khác, song họ đã nán lại ở đằng sau và quan sát trong khi một người đàn ông và một phụ nữ, từng người một, đi dọc trước hàng mười hai người đàn ông không được cho biết danh tính, tìm kiếm người mà họ hy vọng sẽ nhận ra.
“Ai là anh chàng đó, cậu biết không?” Viên sĩ quan thì thầm hỏi anh.
“Tôi không biết,” Grant nói, “nhưng tôi có thể đoán.” “Cậu có thể? Vậy cậu đoán là ai?”
“Người thứ ba từ trái sang.”
“Hành vi phạm tội là gì nhỉ?”
“Tôi không biết. Chẳng biết chút gì về vụ này cả.”
Sếp của anh đã dành cho anh một cái nhìn thú vị. Nhưng khi cả người đàn ông lẫn người phụ nữ đều không thể nhận diện được ai rồi ra về và hàng người vỡ ra thành một nhóm người vừa rôm rả trò chuyện vừa kéo cổ áo, chỉnh cà vạt để chuẩn bị trở lại đường phố cùng thế giới thường ngày sau khi bị triệu tập để tới hỗ trợ cho pháp luật, người duy nhất không nhúc nhích là người đàn ông thứ ba từ trái sang. Người đàn ông thứ ba từ trái sang chờ đợi nhân viên áp giải mình đầy cam chịu rồi bị đưa trở về buồng giam.
“Ái chà!” Viên sĩ quan phụ trách đã nói. “Xác suất đúng một trên mười hai, và cậu đoán được. Cừ đấy. Cậu này đã chọn trúng phóc gã của anh từ đám người,” ông này giải thích với vị Thanh tra sở tại.
“Anh có biết gã đó không?” Vị thanh tra hỏi, có chút ngạc nhiên. “Theo những gì chúng tôi biết, gã này chưa bao giờ có rắc rối gì với pháp luật trước đây cả.”
“Không, tôi chưa từng thấy anh ta trước đây. Tôi thậm chí còn không biết hành vi phạm tội là gì.”
“Vậy điều gì khiến anh chọn hắn?”
Grant do dự, lần đầu tiên anh phân tích quá trình lựa chọn của mình. Đó không phải là một suy luận. Anh không bảo: “Khuôn mặt người đàn ông đó có tính chất này hay tính chất kia, do đó anh ta là kẻ bị cáo buộc.” Lựa chọn của anh gần như trực giác; lý do nằm ẩn trong tiềm thức của anh. Cuối cùng, sau khi đã lục tìm trong tiềm thức mình, anh buột miệng: “Anh ta là người duy nhất trong mười hai người không có nếp nhăn nào trên khuôn mặt.”
Họ bật cười khi nghe thế. Nhưng một khi đã đưa tất cả ra ánh sáng, Grant nhìn thấy rõ cách trực giác của mình đã hoạt động và nhận ra lập luận đằng sau nó. “Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng không hề,” anh nói. “Người trưởng thành mà không có nếp nhăn trên khuôn mặt chỉ có thể là gã ngốc.”
“Freeman không phải gã ngốc, tôi có thể cam đoan điều đó,” vị thanh tra chen vào. “Một gã lừa đảo rất ranh mãnh, hãy tin tôi.” “Ý tôi không phải vậy. Tôi muốn nói một gã ngốc là kẻ vô trách nhiệm. Mười hai người tham gia cuộc nhận diện đó đều đã ngoài ba mươi rồi, nhưng chỉ có một người mang khuôn mặt vô trách nhiệm. Vậy là tôi lập tức chọn hắn.”
Sau đó ở Sở đã lưu hành một lời đùa cợt nhẹ nhàng rằng Grant có thể “liếc mắt là nhận trúng phóc bọn chúng”. Ông Phó giám đốc Sở từng có lần nói bỡn: “Đừng nói với tôi rằng anh tin có một thứ kiểu như khuôn mặt tội phạm đấy, ông thanh tra.”
Nhưng Grant đã nói không, anh không có ý đơn giản như vậy. “Nếu chỉ có một loại tội thôi, thưa ngài, thì có thể lắm; nhưng các hành vi phạm tội cũng đa dạng như bản chất con người vậy, nếu một cảnh sát bắt đầu phân loại những khuôn mặt, anh ta sẽ gặp rắc rối to. Ta có thể nói chung chung về nhân dạng của những phụ nữ tai tiếng bằng cách tản bộ xuống phố Bond vào bất cứ ngày nào lúc từ 5 tới 6 giờ, ấy thế nhưng người phụ nữ tai tiếng nhất ở London trông lại hệt như một vị thánh lạnh lùng.”
“Gần đây thì không thánh thiện đến thế đâu; dạo này cô ta uống quá nhiều,” ông Phó giám đốc Sở đã nói vậy, chỉ thoáng qua là biết Grant ám chỉ ai, rồi lái cuộc trò chuyện sau đó sang chủ đề khác.
Nhưng mối quan tâm tới những khuôn mặt của Grant vẫn còn đó và mở rộng cho tới khi nó trở thành một nghiên cứu có ý thức. Một nghiên cứu dựa trên các hồ sơ vụ án và những so sánh. Như anh đã nói, không thể đưa ra bất cứ hệ thống phân loại nào cho các khuôn mặt, nhưng có thể đánh giá tính cách của từng khuôn mặt cá thể. Chẳng hạn, một cuốn sách về một phiên tòa nổi tiếng, trong đó ảnh chụp các nhân vật chủ chốt của phiên tòa được trưng ra thu hút sự quan tâm của công chúng, không bao giờ có chút nghi ngờ nào về vấn đề đâu là bị cáo và đâu là thẩm phán. Đôi khi, có thể nhầm một thành viên luật sư đoàn là kẻ trên ghế bị cáo dựa trên vẻ bề ngoài - nói cho cùng luật sư đoàn chỉ là một lát cắt của nhân loại, cũng bị cám dỗ bởi đam mê và tham lam như phần còn lại của thế giới, nhưng một thẩm phán có một phẩm chất đặc biệt: sự vô tư chính trực và vẻ độc lập. Bởi thế, ngay cả khi vắng bóng bộ tóc giả, người ta cũng không thể nhầm được giữa vị thẩm phán và kẻ trên ghế bị cáo, nhân vật chẳng hề có sự vô tư chính trực ấy.
Bản thân anh chàng James của Marta, sau khi bị lôi ra khỏi cái xó của mình, rõ ràng đã rất hào hứng, và một bộ sưu tập thú vị những kẻ phạm tội hay nạn nhân của họ đã mua vui cho Grant tới tận lúc Nàng Bé mang trà tới cho anh. Trong khi sắp xếp các bức ảnh gọn ghẽ lại để cất chúng vào ngăn kéo, bàn tay anh chợt chạm vào một bức ảnh đã trượt khỏi ngực anh và nằm yên cả buổi chiều trên tấm ga trải giường không được để ý tới. Anh cầm nó lên xem.
Đó là chân dung một người đàn ông đội mũ nhung cùng chiếc áo chẽn có những đường xẻ kiểu thời cuối thế kỷ 15. Một người đàn ông chừng ba mươi lăm hay ba mươi sáu tuổi, khuôn mặt gầy được cạo nhẵn nhụi. Ông ta mang một vòng cổ áo nạm đá quý lộng lẫy, đeo một chiếc nhẫn ở ngón út tay phải. Nhưng người đàn ông không nhìn vào chiếc nhẫn. Ông ta đang nhìn ra khoảng không phía trước mình.
Trong tất cả những bức chân dung Grant đã xem qua chiều nay, đây là bức cá biệt nhất. Như thể họa sĩ đã nỗ lực đưa lên tấm toan một thứ mà tài năng của ông ta không đủ để thể hiện qua sơn dầu. Biểu cảm của đôi mắt - biểu cảm thu hút sự chú ý và mang tính cá thể nhất - đã đánh bại ông ta. Cả khuôn miệng cũng vậy: người họa
sĩ đã không biết làm cách nào để làm cho đôi môi vừa mỏng vừa rộng như thế trông có vẻ ưu tư, vậy là khuôn miệng bức chân dung cứng đờ và thất bại. Điều họa sĩ thành công hơn cả là cấu trúc xương của khuôn mặt: hai gò má gồ lên mạnh mẽ, hai phần hõm xuống bên dưới chúng, cái cằm quá to cho sức mạnh.
Grant dừng lại khi sắp sửa lật tờ ảnh để suy xét khuôn mặt thêm chút nữa. Một quan tòa chăng? Một người lính? Hay một ông hoàng? Ai đó quen với trách nhiệm lớn lao, và có trách nhiệm với quyền lực của mình. Một người quá tận tâm. Một kẻ luôn lo lắng; có lẽ là một kẻ cầu toàn. Một người thoáng về đại thể, nhưng rất tỉ mẩn về tiểu tiết. Một ứng cử viên cho bệnh loét dạ dày. Cũng là người đã phải chịu nhiều ốm đau khi còn là một đứa trẻ. Người đàn ông này mang biểu cảm không thể truyền đạt, không thể mô tả mà những giày vò thời thơ ấu để lại đằng sau; ít tích cực hơn biểu cảm trên một khuôn mặt chán nản, nhưng cùng mức độ vô phương giải thoát. Điều này họa sĩ đã hiểu và chuyển tải được bằng sơn dầu. Hai mí mắt dưới hơi phồng, như của một đứa trẻ ngủ quá nhiều; rồi nước da; nước da của một ông lão trên một khuôn mặt trẻ trung.
Anh lật mặt sau tờ ảnh để tìm chú dẫn.
Trên mặt sau có in: Richard Đệ Tam. Từ bức chân dung tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia. Họa sĩ khuyết danh.
Richard Đệ Tam.
Vậy ra là nhân vật này. Richard Đệ Tam. Gã Gù. Con quái vật trong các câu chuyện dọa trẻ con. Kẻ hủy diệt những người vô tội. Đồng nghĩa với sự xấu xa.
Anh lật tờ ảnh trở lại và tiếp tục nhìn bức chân dung. Có phải đó là điều họa sĩ đã cố thể hiện khi vẽ đôi mắt đó không? Liệu có phải điều anh ta đã trông thấy trong đôi mắt đó là ánh mắt của một người đàn ông bị ám ảnh?
Anh nằm nhìn hồi lâu vào khuôn mặt; vào đôi mắt khác thường đó. Đó là hai con mắt hẹp dài, nằm sát dưới đôi lông mày; đôi lông mày hơi dịch vào nhau trong cái cau mày lo lắng cẩn thận thái quá. Thoạt nhìn qua, đôi mắt này có vẻ đang nhìn chằm chằm; nhưng khi
nhìn kỹ, người ta nhận ra kỳ thực chúng đang thu mình lại, gần như tâm bất tại.
Khi Nàng Bé trở lại để mang cái khay của anh đi, anh vẫn đang nhìn chăm chăm vào bức chân dung. Đã nhiều năm nay anh không bắt gặp khuôn mặt nào thế này. Nó khiến La Gioconda trông chẳng khác gì một tờ áp phích.
Nàng Bé nhìn tách trà vẫn rỗng không của anh, đưa một bàn tay thành thạo áp vào thành ấm trà chỉ còn hơi âm ấm và bĩu môi. Cô tỏ ý rằng mình còn việc quan trọng khác để làm hơn chuyện mang các khay trà tới để rồi anh dửng dưng.
Anh chìa bức chân dung về phía nàng điều dưỡng.
“Cô nghĩ sao về nó? Nếu người đàn ông này là bệnh nhân, thì lời chẩn đoán cô sẽ đưa ra là gì?”
“Gan,” cô nói một cách quả quyết, rồi mang cái khay bước đi với những cú dậm gót thật mạnh hàm ý phản đối, sự cám dỗ tỏa ra từ bộ đồ hồ bột trắng bóc và những lọn tóc vàng óng lượn sóng.
Nhưng vị bác sĩ ngoại khoa dễ mến và thoải mái, bước vào cùng lúc nàng điều dưỡng đi ra, lại có quan điểm khác. Ông này nhìn vào bức chân dung như được đề nghị, rồi nói sau một lát xem xét chăm chú:
“Bệnh bại liệt.”
“Bại liệt trẻ em sao?” Grant nói; và đột nhiên nhớ ra Richard Đệ Tam có một cánh tay bị teo.
“Ai thế?” Vị bác sĩ ngoại khoa hỏi.
“ Richard Đệ Tam.”
“Thật sao? Thú vị đấy.”
“Bác sĩ có biết ông ấy có một cánh tay bị teo không?” “Thế à? Tôi không nhớ chuyện đó. Tôi nghĩ ông ấy là một người gù lưng.”
“Đúng vậy.”
“Thứ tôi thực sự nhớ là ông ấy được sinh ra với đủ cả hai hàm răng và ăn ếch sống. À, chẩn đoán của tôi dường như chính xác lạ thường.”
“Một cách kỳ lạ. Cái gì khiến bác sĩ chẩn bệnh bại liệt vậy?” “Bây giờ, khi ông yêu cầu khẳng định, thì tôi cũng không rõ nữa, chỉ đơn thuần là dáng vẻ khuôn mặt, tôi đoán vậy. Đó là biểu cảm thường thấy trên khuôn mặt một đứa trẻ bị liệt. Nếu ông ấy sinh ra đã bị gù lưng thì đấy là nguyên nhân cho bộ mặt này chứ không phải bệnh bại liệt. Tôi thấy họa sĩ đã bỏ cái bướu gù đi.” “Phải. Các họa sĩ cung đình cần phải biết phép lịch sự. Phải tới tận thời Cromwell, những người ngồi làm mẫu mới yêu cầu vẽ ‘kể cả những cái mụn cơm’”.
“Nếu ông hỏi tôi,” ông bác sĩ ngoại khoa nói, lơ đãng xem xét thanh nẹp chân của Grant, “Cromwell đã bắt đầu phong cách tự ngược phù phiếm mà tất cả chúng ta ngày nay đều đang chịu khổ vì nó. ‘Ta là một người giản dị; chớ có làm trò vớ vẩn gì với ta.’ Và không kiểu cách, lịch lãm, hay hào phóng cũng không.” Ông ta véo ngón chân cái của Grant với sự quan tâm thuần túy chuyên môn. “Đó là một căn bệnh đang bùng phát. Một thứ trụy lạc khủng khiếp. Tôi hiểu rằng ở một vài vùng của xứ này, cũng như trong đời sống chính trị của một con người, họ cần phải tới một số khu vực bầu cử với đủ cà vạt và áo vét chỉnh tề. Đó là tỏ vẻ chỉn chu. Lý tưởng là trông như một người cùng hội cùng thuyền. Cái đó trông có vẻ rất tốt đấy,” ông bác sĩ nói thêm, ám chỉ ngón chân cái của Grant, rồi tự trở lại bức chân dung nằm trên tấm ga giường.
“Thật thú vị,” ông ta nói, “về chuyện bại liệt ấy. Có thể đó thực sự là bại liệt, nó lý giải cho cánh tay bị teo.” Vị bác sĩ tiếp tục ngắm nhìn bức hình, không có động thái nào định rời đi. “Dù sao cũng thật thú vị. Chân dung của một kẻ sát nhân. Ông nói sao, ông ta khớp với loại người đó chứ?”
“Không có cái gọi là kiểu người sát nhân. Người ta giết người vì quá nhiều lý do khác nhau. Nhưng tôi không thể nhớ bất kỳ kẻ sát nhân nào, dù là trong trải nghiệm của chính mình hay trong các hồ sơ vụ án lại giống với ông ta.”
“Tất nhiên ông ấy là kẻ hung ác trong tầng lớp của mình, phải không nào? Ông ta hẳn không biết đến ý nghĩa của áy náy.” “Không.”
“Tôi từng có lần xem Olivier diễn vai ông ấy. Đó quả là màn trình diễn choáng ngợp nhất của sự xấu xa thuần chất. Luôn bên bờ vực chống chếnh muốn rơi sang lố bịch, nhưng không bao giờ rơi vào tình trạng đó.”
“Khi tôi đưa cho ông xem bức chân dung,” Grant nói, “trước khi ông biết người này là ai, ông có nghĩ tới sự xấu xa không?” “Không,” vị bác sĩ ngoại khoa nói, “không, tôi đã nghĩ tới bệnh tật.”
“Thật lạ phải không nào? Tôi cũng không nghĩ tới sự xấu xa. Và giờ khi tôi đã biết người này là ai, khi tôi đã đọc được cái tên ở mặt sau tấm ảnh, tôi không thể nghĩ gì khác về người này ngoài sự xấu xa.”
“Tôi đoán sự xấu xa, cũng như vẻ đẹp, nằm ở mắt người nhìn. Được rồi, lần tới tôi sẽ tới thăm bệnh vào cuối tuần. Lúc này ông không cảm thấy đau ở đâu cả chứ?”
Và ông bác sĩ rời đi, cũng dễ mến và thoải mái như khi đến. Chỉ sau khi đã săm soi tỉ mỉ bức chân dung (anh thấy khó chịu vì đã nhầm một trong những kẻ sát nhân trứ danh nhất từ cổ chí kim thành một vị thẩm phán; di chuyển một đối tượng từ ghế bị cáo lên ghế quan tòa quả là một sự vô lý tột cùng), Grant mới nhận ra bức chân dung đã được dùng để cung cấp một đầu mối điều tra. Có gì bí ẩn về Richard Đệ Tam nhỉ?
Thế rồi anh nhớ ra. Richard đã sát hại hai cháu trai mình, nhưng không ai rõ bằng cách nào. Hai cậu bé chỉ đơn giản là biến mất. Nếu anh nhớ đúng, hai cậu bé đã biến mất khi Richard không có mặt tại London. Richard đã sai ai đó thực thi tội ác. Nhưng bí ẩn về số phận thực sự của hai đứa trẻ chưa bao giờ được giải quyết. Hai bộ hài cốt đã được tìm thấy - bên dưới một cầu thang nào đó thì phải - dưới thời Charles Đệ Nhị, và đã được chôn cất. Người ta đương nhiên coi hai bộ hài cốt này là di thể của các Tiểu vương tử, song chưa từng có bất cứ điều gì được chứng minh.
Một người được giáo dục tốt sẽ thật bàng hoàng khi nhận ra lịch sử còn đọng lại ít ỏi đến mức nào. Tất cả những gì anh biết về Richard Đệ Tam là ông này là em trai Edward Đệ Tứ. Edward là một
người tóc vàng, cao một mét tám với khuôn mặt khá ấn tượng và cách hành xử còn ấn tượng hơn với phụ nữ; còn Richard là một gã gù đã soán ngôi Vương tử thiếu niên kế vị sau khi anh trai gã qua đời, rồi mưu sát người thừa kế và cậu em trai để tránh cho mình khỏi gặp thêm rắc rối. Anh cũng biết Richard đã chết trong trận Bosworth khi đang hét lớn đòi một con ngựa, và ông ta là người cuối cùng trong dòng dõi của mình. Thành viên cuối cùng của nhà Plantagenet.
Mọi cậu học trò đều lật qua trang cuối cùng về Richard Đệ Tam trong tâm trạng nhẹ nhõm, bởi vì đến đây rốt cuộc Chiến tranh Hoa hồng đã chấm dứt và họ có thể chuyển sang nhà Tudor, những nhân vật chán ngắt nhưng dễ theo dõi.
Khi Nàng Bé tới xếp dọn gọn gàng cho anh chuẩn bị đi ngủ, Grant nói: “Không biết cô có cuốn sách lịch sử nào không nhỉ?” “Một cuốn sách lịch sử? Không. Tôi biết làm gì với một cuốn sách lịch sử chứ.” Đây không phải là một câu hỏi, thế nên Grant không thử đưa ra một câu trả lời. Việc anh im lặng có vẻ làm cô điều dưỡng bực bội.
“Nếu ông thực sự muốn một cuốn sách lịch sử,” cô nói sau một lát, “ông có thể hỏi điều dưỡng Darroll khi cô ấy mang bữa tối vào cho ông. Cô ấy có tất cả sách giáo khoa để trên một cái giá trong phòng mình, rất có thể trong số đó có một cuốn sách lịch sử.”
Thật đúng là Nàng Amazon khi giữ sách giáo khoa của mình như thế! Anh thầm nghĩ. Cô này vẫn còn nhớ trường học như cô nhớ Gloucestershire mỗi lần hoa thủy tiên vàng nở. Khi cô điều dưỡng nặng nhọc bước vào phòng mang theo bánh pudding pho mát và đại hoàng chưng đường, anh nhìn cô với một sự khoan dung hầu như là nhân từ. Cô gái không còn là một cô nàng bự con thở sòng sọc như cái máy hút đờm mà trở thành một người ban phát niềm vui đầy tiềm năng.
Ồ vâng, tôi có một cuốn sách lịch sử, cô điều dưỡng nói. Kỳ thực, cô nghĩ có lẽ mình có hai cuốn. Cô gái giữ lại tất cả sách giáo khoa vì cô rất yêu thích trường học.
Câu hỏi liệu cô còn giữ cả những con búp bê của mình hay không đã chòi lên tới đầu lưỡi Grant, song anh kìm lại kịp thời. “Tất nhiên, tôi yêu thích lịch sử,” cô gái nói. “Đó là môn học ưa thích của tôi. Richard Sư tử tâm là anh hùng của tôi.” “Một kẻ thô lỗ không thể chấp nhận được,” Grant nói. “Ồ, không!” Cô điều dưỡng thốt lên, có vẻ bị tổn thương. “Một gã cường giáp,” Grant nói không chút nương nhẹ. “Bay tới bay lui trên mặt đất như một quả pháo hoa xịt. Cô sắp hết ca làm rồi chứ?”
“Khi nào tôi dọn xong những cái khay này.”
“Cô có thể tìm cuốn sách đó cho tôi tối nay không?” “Lý ra ông phải chuẩn bị đi ngủ chứ không phải thức đọc sách lịch sử.”
“Tôi có thể hoặc đọc một chút lịch sử hoặc thay vì thế nhìn chằm chằm lên trần nhà. Cô sẽ mang cuốn sách tới cho tôi chứ?” “Tôi không nghĩ mình có thể đi tới tận khu nhà dành cho điều dưỡng rồi trở lại đây tối nay với Sư tử tâm cho một người thô lỗ.” “Được rồi,” anh nói. “Tôi không phải loại người tử vì đạo. Về cá nhân tôi mà nói, Sư tử tâm là hình mẫu của tinh thần thượng võ, là hiệp sĩ không biết sợ và không thể chê trách, một chủ soái không khiếm khuyết và ba lần được nhận huân chương Phụng sự Xuất sắc. Giờ cô sẽ về lấy cuốn sách cho tôi chứ?”
“Có vẻ ông đang rất cần đọc chút ít lịch sử,” cô điều dưỡng nói, trong khi vuốt phẳng phiu một góc ga trải giường bị gập chéo bằng bàn tay to bản đáng ngưỡng mộ. “Vậy tôi sẽ mang cho ông cuốn sách khi tôi đi ngang qua. Dù sao tôi cũng ra ngoài đi xem phim.”
Gần một tiếng trôi qua cô mới xuất hiện trở lại, thật đường bệ trong một chiếc áo khoác lông lạc đà. Đèn trong phòng đã được tắt và cô điều dưỡng xuất hiện trong quầng sáng cây đèn đọc sách của anh như một nàng tiên thiện lành.
“Tôi cứ hy vọng ông đã ngủ,” cô gái nói. “Tôi nghĩ ông không nên bắt đầu đọc những thứ này tối nay.”
“Nếu có thứ gì giúp tôi dễ ngủ nhất,” anh nói, “thì đó hẳn là một cuốn sách lịch sử Anh. Bởi vậy cô có thể nắm tay lương tâm thanh thản đi được rồi.”
“Tôi sẽ đi với điều dưỡng Burrows.”
“Thì vẫn có thể nắm tay nhau mà.”
“Tôi không thể kiên nhẫn nổi với anh,” cô gái nói thật kiên nhẫn rồi khuất trở lại vào bóng tối.
Cô đã mang tới hai cuốn sách.
Một cuốn thuộc loại sách lịch sử được gọi là Kể chuyện Lịch sử. Cuốn sách này có quan hệ với lịch sử cũng giống như mối quan hệ giữa Các câu chuyện về Kinh Thánh với bản thân Kinh Thánh. Canute trách cứ các triều thần bên bờ biển, Alfred làm cháy những chiếc bánh, Raleigh trải áo khoác cho Elizabeth, Nelson từ biệt Hardy trong khoang trên tàu Victory, tất cả bằng thứ chữ in cỡ to rõ ràng đẹp đẽ, mỗi tiểu đoạn là một câu. Với mỗi câu chuyện có một hình minh họa chiếm trọn một trang sách.
Có điều gì đó đáng tò mò trong việc Nàng Amazon nâng niu thứ văn chương trẻ con này. Anh chuyển sang trang để trắng ở đầu sách xem có tên cô ở đó không. Trên trang này viết:
Ella Darroll,
Năm III,
Trường trung học Newbridge
Newbridge,
Gloucestershire.
Anh
Châu Âu,
Thế giới
Vũ trụ.
Bao quanh là một bộ sưu tập đẹp mắt những ô màu. Có phải mọi đứa trẻ đều làm thế không, anh tự hỏi? Viết tên chúng ra như thế, rồi dành thời gian trong lớp dán bóc các ô màu. Anh chắc chắn đã từng làm. Và hình ảnh những ô vuông mang các
màu sắc nguyên thủy rực rỡ này đã đưa ký ức thời thơ ấu trở về mạnh hơn bất cứ điều gì từng làm được trong nhiều năm qua. Anh đã quên mất sự phấn khích mà những ô màu đem lại. Khoảnh khắc hài lòng tuyệt diệu khi ta bắt đầu bóc lớp giấy nền và thấy ô màu hiện ra hoàn hảo. Thế giới người lớn chứa đựng rất ít những sự hưởng thụ như thế. Gần cảm giác ấy nhất có lẽ là một cú đánh golf hoàn hảo. Hay khoảnh khắc ta cảm thấy dây câu của mình căng ra và ta biết cá đã cắn câu.
Cuốn sách nhỏ làm anh thích tới mức anh thư thả đọc qua toàn bộ nó. Trang trọng đọc từng câu chuyện trẻ con. Nói cho cùng, đây chính là lịch sử mà mỗi người lớn nhớ. Đây là những gì lưu lại trong tâm trí họ khi trọng tải những con tàu và trọng lượng những khẩu pháo, thuế tàu, kinh phụng vụ của Laud, âm mưu Rye House, Đạo luật Giải thể, cùng tất cả chuỗi dài hỗn độn những cuộc ly giáo và rối loạn, hiệp định và bội ước đều đã phai mờ trong ý thức của họ.
Khi anh đọc tới câu chuyện về Richard Đệ Tam, nó mang tên “Các Vương tử trong tháp London”, và dường như cô bé Ella đã thấy mấy vị Vương tử này là một thay thế tồi cho Sư tử tâm, vì cô bé đã dùng bút chì tô kín trong lòng tất cả các chữ cái “o” nhỏ xíu suốt câu chuyện. Hai cậu thiếu niên tóc vàng chơi với nhau dưới luồng ánh sáng chiếu xuống từ ô cửa sổ có song sắt trong bức tranh minh họa kèm theo câu chuyện, mỗi cậu được tặng một cặp mắt kính lạc thời đại, và ở mặt giấy để trắng đằng sau bức tranh minh họa, ai đó đã chơi cờ ca rô. Với cô bé Ella mà nói, các vị Vương tử này thật vô vị.
Ấy thế nhưng đây là một câu chuyện nhỏ có sức cuốn hút. Đủ rùng rợn để khiến bất cứ trái tim trẻ con nào cũng thích thú. Những đứa cháu ngây thơ; ông chú độc ác. Những nguyên liệu cổ điển trong một câu chuyện đơn giản một cách cổ điển.
Nó cũng có một bài học đạo đức. Một câu chuyện cảnh giác hoàn hảo.
Nhưng nhà vua không được lợi lộc gì từ hành vi độc ác này. Người dân Anh đã bàng hoàng trước sự tàn bạo máu lạnh của ông ta và quyết không thể chấp nhận ông ta làm vua lâu hơn nữa. Họ mời một người anh em họ xa của Richard là Henry Tudor, lúc ấy đang sống ở Pháp, về nước và tôn lên làm vua thay cho ông ta.
Richard chết một cách dũng cảm trong trận đánh xảy ra sau đó, nhưng nhà vua đã làm cái tên của mình bị căm ghét trên khắp cả nước và nhiều người đã từ bỏ ông ta để chiến đấu ở phe đối thủ.
À, thật gọn ghẽ nhưng không cầu kỳ. Tường thuật ở mức giản lược nhất.
Anh quay sang cuốn sách thứ hai.
Cuốn sách thứ hai chính là sách giáo khoa Lịch sử. Hai nghìn năm lịch sử nước Anh được phân chia gọn gàng thành từng giai đoạn để dễ tham khảo. Như thường lệ, các giai đoạn này là các đời quân chủ trị vì. Chẳng lạ khi người ta gắn một nhân vật vào một đời quân chủ, quên khuấy đi chuyện nhân vật đó đã biết và sống dưới thời những vị quân chủ khác. Người ta nhét họ vào từng ô một cách tự động như nhét vào những ô cửa chuồng bồ câu. Pepys: Charles Đệ Nhị. Shakespeare: Elizabeth. Marlborough: Nữ vương Anne. Chưa từng có ai nghĩ tới chuyện một người đã từng thấy Nữ vương Elizabeth cũng có thể từng thấy George Đệ Nhất. Người ta đã quen thuộc với ý nghĩ về thời trị vì đó từ khi còn thơ ấu.
Tuy nhiên, chuyện này quả thực cũng đơn giản hóa mọi sự, khi bạn chỉ đơn thuần là một viên cảnh sát với một bên chân bị thương và cột sống bị chấn động, săn lùng thông tin về những nhân vật Hoàng gia quá cố đã ra đi từ lâu để tránh cho bản thân khỏi phát rồ.
Anh ngạc nhiên khi biết thời gian trị vì của Richard Đệ Tam ngắn đến vậy. Biến mình trở thành một trong những vị quân chủ được biết đến nhiều nhất trong suốt hai nghìn năm lịch sử nước Anh, nhưng chỉ có vỏn vẹn hai năm ở ngôi vị đó, hiển nhiên cho thấy một tính cách mạnh mẽ. Nếu như Richard không được lòng mọi người, thì chí ít là ông ta cũng đã ảnh hưởng đến họ.
Cuốn sách lịch sử cũng miêu tả tính cách của ông ta. Richard là một người có năng lực xuất chúng, nhưng cũng khá là bất chấp thủ đoạn. Ông ta táo bạo đòi ngôi vua dựa trên cái cớ lố bịch rằng cuộc hôn nhân giữa anh trai mình và Elizabeth Woodville là bất hợp pháp và những đứa trẻ sinh ra trong cuộc hôn nhân đó là không chính danh. Ông ta được một số ít dân chúng e sợ mà chấp nhận, bắt đầu thời trị vì của mình bằng việc khuếch trương thế lực
về phương Nam, nơi vị vua mới được hoan nghênh. Tuy nhiên, trong khi công cuộc Nam tiến đang triển khai, hai vị Vương tử nhỏ tuổi lúc đó đang ở trong tháp London biến mất và có tin đồn là đã bị sát hại. Tiếp theo là một cuộc bạo loạn nghiêm trọng, được Richard dập tắt bằng bạo lực. Để lấy lại ít nhiều nhân tâm bị mất, nhà vua đã nhóm họp một Nghị viện để thông qua những đạo luật hữu ích hủy bỏ Thuế Từ thiện, Thuế Duy trì và Thuế Làm mướn[9].
Nhưng rồi một cuộc bạo động thứ hai bùng phát. Lần này dưới hình thức một cuộc xâm lược với binh lính Pháp, cầm đầu là thủ lĩnh Henry Tudor nhà Lancaster. Ông này giao chiến với Richard tại Bosworth, gần Leicester, nơi sự phản trắc của nhà Stanley đã giúp Henry giành phần thắng. Richard tử trận sau khi chiến đấu dũng cảm, để lại sau lưng một cái tên chẳng ít tai tiếng hơn cái tên của Hoàng tử John là bao.
Mà Thuế Từ thiện, Thuế Duy trì và Thuế Làm mướn là những cái quái gì chứ?
Và làm thế nào người Anh lại thích để lính Pháp định đoạt việc kế vị ngai vàng cho họ vậy chứ?
Nhưng, tất nhiên rồi, vào thời Cuộc chiến Hoa hồng, Pháp vẫn còn là một dạng lãnh thổ liền kề của Anh; một quốc gia ít xa lạ với người Anh hơn Ireland. Một người Anh vào thế kỷ 15 tới Pháp là chuyện thường tình; nhưng chỉ tới Ireland với thái độ bất bình.
Anh nằm và nghĩ về nước Anh đó. Nước Anh nơi các cuộc Chiến tranh Hoa hồng đã diễn ra. Một nước Anh xanh, thật xanh; không có lấy một ống khói nào từ Cumberland tới Cornwall. Một nước Anh sơ khai, với những khu rừng lớn đầy mồi săn, những đầm lầy mênh mông đầy chim hoang dã. Một nước Anh cứ vài dặm lại có một cụm nhỏ những công trình dân cư giống nhau, lặp lại vô tận: lâu đài, nhà thờ, và những nếp nhà nông thôn; tu viện, nhà thờ, và những nếp nhà nông thôn; điền trang, nhà thờ, và những nếp nhà nông thôn. Những dải đất canh tác bao quanh cụm nhà cửa, bên ngoài chúng là rừng xanh. Mảng màu xanh không gián đoạn. Những con đường hằn sâu vệt bánh xe nối liền từng cụm dân cư, ngập bùn lầy lội vào mùa đông và bụi trắng xóa vào mùa hè; được trang hoàng bởi những
bông hồng dại hay đỏ rực những chùm quả táo gai khi các mùa đến rồi đi.
Trong ba mươi năm, trên miền đất xanh rì chưa chen chúc dân cư này, các cuộc Chiến tranh Hoa hồng đã diễn ra. Nhưng nó giống một cuộc đòi nợ máu hơn là một cuộc chiến tranh. Một mối thù giữa Montague và Capulet; chẳng mấy bận tâm với giới bình dân nước Anh. Không ai đẩy cửa nhà bạn để hỏi bạn theo phe York hay Lancaster hay tống bạn vào một trại tập trung nếu câu trả lời của bạn không phù hợp. Đây là một cuộc chiến quy mô nhỏ; gần như một cuộc quyết đấu cá nhân. Họ giao chiến ở bãi cỏ nhà bạn, biến bếp nhà bạn thành trạm cứu thương, rồi sau đó rời tới nơi này hay nơi kia để đánh một trận ở chỗ khác nữa, rồi vài tuần sau bạn sẽ được nghe kể về những gì đã diễn ra trong trận đánh đó, bạn sẽ có một cuộc om sòm trong gia đình về kết quả vì vợ bạn nhiều khả năng ủng hộ phe Lancaster còn bạn có lẽ ủng hộ phe York, tất cả giống như việc cổ vũ các đội bóng kình địch thì đúng hơn. Không ai hành hạ bạn vì bạn là một kẻ ủng hộ Lancaster hay York, cũng như bạn chẳng bao giờ bị ngược đãi vì là một người hâm mộ Arsenal hay là một cổ động viên của Chelsea.
Anh vẫn còn đang nghĩ về nước Anh xanh ngắt đó cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Và anh vẫn chẳng biết gì thêm về hai vị Vương tử nhỏ tuổi cũng như số phận của họ.
Chương 3
“Ông không tìm được thứ gì nom tươi vui hơn cái này để ngắm nghía sao?” Nàng Bé hỏi anh vào sáng hôm sau, ám chỉ bức chân dung Richard mà Grant đã để dựa vào chồng sách trên cái bàn kê cạnh đầu giường anh.
“Cô không thấy đó là một khuôn mặt hấp dẫn sao?”
“Hấp dẫn! Nó làm tôi phát sợ. Một con cẩu Dismal Desmond đích thực.”
“Theo các cuốn sách lịch sử thì ông ấy là một người rất xuất chúng.”
“Râu Xanh cũng thế.”
“Và dường như ông ấy cũng khá được ái mộ.”
“Râu Xanh cũng thế.”
“Và cũng là một chiến binh rất giỏi nữa,” Grant tinh quái nói thêm và chờ đợi. “Không nhắc gì tới Râu Xanh nữa sao?” “Ông muốn nhìn vào cái khuôn mặt đó để làm gì? Mà ông ta là ai vậy?”
“Richard Đệ Tam.”
“Ồ, đấy, tôi hỏi ông!”
“Ý cô muốn nói là đã đợi ông ấy trông đúng như thế này?” “Chính xác.”
“Tại sao?”
“Ông ta là một kẻ sát nhân thô bạo, phải không nào?” “Cô có vẻ nhớ rõ môn lịch sử đấy.”
“Ai chẳng biết chuyện đó. Làm hai đứa cháu của ông ta biến mất, những đứa trẻ tội nghiệp. Sai người làm chúng chết ngạt.” “Chết ngạt?” Grant tò mò thốt lên. “Tôi không biết việc ấy.”
“Bằng những cái gối.”
Cô điều dưỡng đấm xuống những cái gối của anh bằng một nắm tay nhỏ nhắn mạnh mẽ, rồi thay chúng thật lẹ làng và chính xác. “Sao lại làm chết ngạt? Sao không dùng thuốc độc?” Grant hỏi vặn.
“Đừng hỏi tôi. Tôi đâu có thu xếp chuyện đó.”
“Ai đã nói rằng mấy đứa trẻ bị làm chết ngạt?”
“Sách giáo khoa lịch sử của tôi ở trường viết thế.”
“Phải, nhưng trong sách giáo khoa lịch sử dẫn lời ai?” “Dẫn lời? Nó chẳng dẫn gì cả. Nó chỉ đưa ra các biến cố.” “Sách có nói ai đã làm mấy cậu bé ngạt thở không?” “Một người mang họ Tyrrell. Chẳng lẽ anh không học chút lịch sử nào ở trường hay sao?”
“Tôi đã học các bài lịch sử. Không giống như thế. Tyrrell là ai vậy?”
“Tôi chẳng biết gì hết. Một người bạn của Richard.”
“Làm thế nào người ta biết đó là Tyrrell?”
“Ông ta tự thú.”
“Tự thú?”
“Tất nhiên là sau khi bị xác định là có tội. Trước khi ông ta bị treo cổ.”
“Ý cô là Tyrrell quả thực đã bị treo cổ vì tội sát hại hai Vương tử?”
“Phải, tất nhiên rồi. Tôi có thể mang cái khuôn mặt đáng sợ đó đi và thay thứ gì khác vui vẻ hơn được không? Có không ít những khuôn mặt dễ mến trong đống ảnh cô Hallard mang tới cho ông hôm qua.”
“Tôi không quan tâm tới những khuôn mặt dễ mến. Tôi chỉ quan tâm tới những khuôn mặt u ám; tới ‘những kẻ sát nhân thô bạo’ là ‘những người rất xuất chúng’.”
“Thế đấy, chẳng tài nào lý giải nổi sở thích nữa,” Nàng Bé không tránh khỏi nói ra. “Và ơn Chúa tôi không phải nhìn vào nó. Nhưng
theo đánh giá khiêm nhường của tôi, nó đủ để ngăn cản xương liền lại, vậy hãy giúp tôi.”
“À, nếu vết gãy của tôi không bình phục, cô có thể quy nguyên nhân cho Richard Đệ Tam. Theo tôi, dường như một việc nhỏ nhặt nữa được gán cho ông ta cũng chẳng vấn đề gì.”
Anh phải hỏi Marta khi cô vào thăm lần tới xem liệu có phải cả cô nữa cũng biết về gã Tyrrell này hay không. Kiến thức chung của cô không mấy tuyệt vời, song cô đã được giáo dục tại một trường học được đánh giá rất cao và hết sức đắt đỏ nên có thể ít nhiều kiến thức vẫn còn đọng lại.
Nhưng vị khách đầu tiên lọt vào từ thế giới bên ngoài hóa ra lại là Thượng sĩ Williams; vạm vỡ hồng hào và nhẵn nhụi tinh tươm; trong chốc lát, Grant quên đi những trận đánh xa xưa mà nghĩ về những anh chàng mánh lới đang sống thời nay. Williams ngồi vững chãi trên chiếc ghế nhỏ cứng đơ dành cho người vào thăm, hai đầu gối tách ra, đôi mắt xanh của anh ta chớp chớp như mắt của một con mèo đang hài lòng trong ánh sáng từ cửa sổ, Grant chào hỏi anh ta nhiệt tình. Thật khoan khoái khi lại được nói chuyện về công việc; được dùng thứ tiếng lóng, bóng gió giữa những người đồng nghiệp với nhau. Thật khoan khoái được nghe những câu chuyện đồn đại, bàn luận về quan điểm chuyên môn; để biết được ai đang lên và ai đang xuống.
“Sĩ quan phụ trách gửi lời hỏi thăm” Williams nói khi đứng dậy ra về, “và nói nếu cần giúp bất cứ điều gì thì hãy cho sếp biết.” Đôi mắt anh ta, không còn bị lóa bởi ánh sáng, nhìn sang bức ảnh tựa vào chồng sách. Anh xoay đầu sang bên nhìn vào nó. “Tay này là ai vậy?”
Grant vừa sắp sửa nói cho anh chàng Thượng sĩ biết thì chợt nhớ ra đây là một đồng nghiệp cảnh sát. Một người, về mặt nghề nghiệp, cũng quen thuộc với các khuôn mặt như bản thân anh. Một người mà với anh ta, những khuôn mặt có tầm quan trọng thường nhật.
“Chân dung một người đàn ông được một họa sĩ khuyết danh vẽ vào thế kỷ 15,” anh nói. “Cậu thấy được gì từ nó?”
“Trước tiên tôi chẳng biết gì về hội họa cả.”
“Ý tôi không phải vậy. Cậu thấy được gì ở anh chàng này?” “À. À, tôi hiểu rồi.” Williams cúi người ra trước và nhíu đôi lông mày hiền lành của anh ta thành một bộ dạng bắt chước sự tập trung. “Ý anh là sao khi nói ‘thấy được gì từ anh chàng này’?” “Thì, cậu sẽ đặt anh ta ở đâu? Trên ghế quan tòa hay ghế bị cáo?”
Williams cân nhắc trong giây lát, rồi tự tin nói: “Ồ, trên ghế quan tòa.”
“Thật ư?”
“Hẳn rồi. Sao nào? Anh không chọn vậy à?”
“Có. Nhưng điều kỳ lạ là cả hai chúng ta đều sai. Anh chàng này thuộc về ghế bị cáo.”
“Anh làm tôi ngạc nhiên,” Williams nói, lại ghé mắt nhìn. “Vậy anh biết tay này là ai?”
“Phải. Richard Đệ Tam.”
Williams huýt sáo.
“Vậy ra là ông ta! Được, được. Các Vương tử trong tháp London, và tất cả những chuyện đó. Bản gốc của Ông Chú Hiểm độc. Tôi đoán là một khi anh đã biết ông ta là ai, anh có thể thấy vậy, song nếu mù tịt thì điều đó sẽ không nảy ra trong đầu anh. Ý tôi là coi ông ta là một thằng gù. Nhìn kỹ thì ông ta trông rất giống ông già Halsbury, và nếu Halsbury có khiếm khuyết gì, thì đó là ông ấy quá nhẹ tay với đám phá hoại trên ghế bị cáo. Ông ấy thường ngả theo hướng ưu ái cho chúng khi kết luận trước lúc tuyên án.”
“Anh có biết các Vương tử đã bị sát hại thế nào không?” “Tôi chẳng biết gì về Richard Đệ Tam ngoại trừ việc mẹ ông ta đã mang thai ông ta trong hai năm.”
“Cái gì? Anh moi chuyện đó ở đâu ra vậy?”
“Tôi đoán là từ môn lịch sử tại trường.”
“Anh hẳn đã học ở một ngôi trường rất đáng chú ý. Chuyện mang thai chẳng hề được đả động đến trong bất cứ cuốn sách lịch sử nào của tôi. Đó là điều khiến Shakespeare và Kinh Thánh dễ chịu
đến vậy trong vai trò các bài học; luôn tìm thấy trong đó những sự kiện của thực tế. Anh đã từng nghe nói tới một người mang họ Tyrrell chưa?”
“Có, anh ta là một tay lừa đảo trên các con tàu của công ty P&O. Chết đuối trên tàu Egypt.”
“Không, ý tôi là trong lịch sử cơ.”
“Tôi xin nói với anh, tôi chẳng biết gì về lịch sử ngoại trừ sự kiện 1066 và 1603.”
“Chuyện gì đã xảy ra năm 1603 vậy?” Grant hỏi, tâm trí vẫn để cả vào Tyrrell.
“Người Scotland cột chặt vào đuôi chúng ta vĩnh viễn.” “Tốt hơn là để họ cứ năm phút lại thộp cổ chúng ta. Tyrrell được cho là kẻ đã hạ thủ mấy cậu bé.”
“Những người cháu à? Không, tôi chẳng nhớ gì vụ đó cả. Thế đấy, tôi phải đi rồi. Có cần tôi giúp gì không?”
“Cậu đã nói là sẽ tới phố Charing Cross phải không?” “Vâng, tới nhà hát Phoenix.”
“Cậu có thể giúp tôi một việc đấy.”
“Gì vậy?”
“Vào một hiệu sách và mua giúp tôi một quyển Lịch sử Anh. Một quyển cho độc giả người lớn. Và quyển Cuộc đời Richard Đệ Tam nếu cậu có thể tìm được một quyển.”
“Được, tôi sẽ làm.”
Khi viên Thượng sĩ ra ngoài, anh ta gặp Nàng Amazon và nom có vẻ sững sờ khi gặp một tạo vật cũng to con như mình trong bộ đồng phục điều dưỡng. Anh chàng khẽ lúng túng chào, đưa mắt liếc nhìn Grant dò hỏi, rồi biến ra ngoài hành lang.
Nàng Amazon nói cô đáng lẽ đang phải tắm rửa tại giường cho bệnh nhân số Bốn nhưng cô ghé vào để xem anh đã tâm phục khẩu phục chưa.
“Tâm phục khẩu phục?”
Về sự cao quý của Richard Sư tử tâm.
“Tôi vẫn chưa đọc Richard Đệ Nhất. Nhưng hãy để Số Bốn đợi thêm một chút và nói cho tôi những gì cô biết về Richard Đệ Tam.” “À, những con cừu đáng thương đó!” Cô gái nói, đôi mắt bò to của cô dịu xuống vì thương hại.
“Ai cơ?”
“Hai cậu bé quý báu đó. Chuyện này từng là cơn ác mộng khi tôi còn nhỏ. Sợ rằng ai đó sẽ tới đè một cái gối lên mặt trong lúc tôi đang ngủ.”
“Vậy đó là cách vụ giết người đã được thực hiện sao?” “Ồ, phải. Ông không biết sao? Huân tước James Tyrrell phi ngựa trở về London trong khi triều đình đang ở Warwick, và ra lệnh cho Dighton cùng Forrest giết hai đứa trẻ, rồi bọn họ chôn chúng ở gầm cầu thang, dưới một đống đá lớn.”
“Nhưng trong cuốn sách cô cho tôi mượn không viết thế.” “Ồ, cuốn sách đó chỉ là lịch sử học để đi thi thôi, nếu ông hiểu ý tôi muốn nói gì. Ông sẽ không thực sự tìm thấy lịch sử thú vị trong những cuốn sách để cày học gạo như thế.”
“Vậy tôi có thể hỏi cô đã biết câu chuyện đồn đại hay ho về Tyrrell từ đâu không?”
“Đó không phải chuyện đồn đại,” cô gái nói, có vẻ tổn thương. “Ông sẽ tìm thấy nó trong cuốn sách Huân tước Thomas More viết về lịch sử vào thời ông ấy sống. Và ông không thể tìm thấy nhân vật nào đáng kính trọng và tin cậy hơn Huân tước Thomas More trong cả lịch sử, phải không nào?”
“Không. Sẽ thật vô lễ nếu cãi lại Huân tước Thomas.” “À, đó là những gì Huân tước Thomas nói, và nói cho cùng, đó là thời ông ấy đang sống, ông ấy biết tất cả những người cần tìm đến hỏi chuyện.”
“Dighton và Forrest chăng?”
“Không, đương nhiên là không. Là Richard, và bà Vương hậu đáng thương, cùng những người đó.”
“Vương hậu? Vương hậu của Richard?”
“Phải.”
“Tại sao lại đáng thương?”
“Ông ta khiến bà ấy phải sống một cuộc đời kinh khủng. Người ta kể ông ta đã đầu độc bà ấy. Ông ta muốn cưới cháu gái mình.” “Tại sao?”
“Vì cô này là người thừa kế ngai vàng.”
“Tôi hiểu rồi. Ông ấy loại bỏ hai cậu bé, rồi sau đó muốn cưới cô chị của họ.”
“Vâng. Ông thấy đấy, ông ta đâu thể cưới ai trong hai cậu thiếu niên đó chứ.”
“Không, tôi ngờ rằng thậm chí cả Richard Đệ Tam cũng không bao giờ có ý nghĩ đó.”
“Vậy là ông ta đã muốn cưới Elizabeth để cảm thấy vững vàng hơn trên ngôi vua. Tất nhiên, trên thực tế bà đã kết hôn với người kế vị của ông ta. Bà là bà nội của Nữ vương Elizabeth. Tôi vẫn thường thấy thích vì Elizabeth cũng có một chút dòng máu Plantagenet. Tôi chưa bao giờ thấy ưa thích phần Tudor. Bây giờ tôi phải đi, nếu không Điều dưỡng trưởng sẽ có mặt ở đây trên đường tua phòng bệnh trước khi tôi kịp tắm rửa chỉn chu cho Số Bốn.”
“Thế thì sẽ là tận thế.”
“Sẽ là kết thúc với tôi,” cô gái nói, và rời đi.
Grant lại cầm quyển sách cô điều dưỡng đã cho anh mượn lên khỏi chồng sách, cố sắp xếp cho có đầu có đuôi các cuộc chiến trong Chiến tranh Hoa hồng. Nhưng anh thất bại thảm hại. Các đạo quân hết tiến lại lui. Nhà York và nhà Lancaster thay phiên nhau trở thành kẻ thắng trong một cuộc chiến lặp đi lặp lại rối tinh. Cũng vô nghĩa ngang với việc quan sát một đám những chiếc ô tô đụng nhau và lượn vòng quay cuồng trong trò chơi tại hội chợ.
Nhưng với anh, dường như toàn bộ rắc rối đều ngấm ngầm, mầm mống của nó đã được gieo xuống trước đó gần một trăm năm, khi dòng trực hệ đứt gãy do Richard Đệ Nhị bị phế truất. Anh biết tất cả chuyện đó bởi hồi thanh niên, anh đã xem vở kịch Richard xứ Bordeaux tại New Theatre; anh đã xem vở kịch đến bốn lần. Trong ba thế hệ, những kẻ hoán nghịch nhà Lancaster đã trị vì nước Anh: Henry, người kế ngôi Richard xứ Bordeaux, bất hạnh nhưng khá hiệu
quả, Vương tử Hal trong vở kịch của Shakespeare có vinh quang của trận Agincourt nhưng nhiệt tâm quá hừng hực, và con trai ông này với sự trì độn thiểu trí và thất bại. Chẳng lạ nếu dân chúng lại khao khát dòng chính thống, khi họ chứng kiến đám bạn vô tích sự của Henry Đệ Lục phung phí những chiến thắng ở Pháp trong khi Henry chăm chút cho trường Eton mà nhà vua mới thành lập và cầu khẩn các mệnh phụ tại triều đình che kín bộ ngực của họ lại.
Cả ba vị quân chủ nhà Lancaster đều mang tinh thần cực đoan chẳng đáng yêu chút nào, đối lập hẳn với tinh thần tự do của triều đình đã tiêu biến cùng Richard Đệ Nhị. Các phương pháp tôn trọng lẫn nhau của Richard bị thế chỗ, gần như chỉ sau một đêm, bằng việc thiêu sống những kẻ dị giáo. Trong ba thế hệ quân chủ, những kẻ dị giáo đã bị thiêu sống. Chẳng lạ khi một ngọn lửa bất bình ít công khai hơn bắt đầu nhen nhóm trong tim dân chúng.
Nhất là khi trong mắt họ còn đó Công tước xứ York giỏi giang, nhạy bén, có ảnh hưởng, tài năng, bản thân là một thân vương cao quý và theo huyết thống là người thừa kế của Richard Đệ Nhị. Dân chúng có thể không mong muốn York sẽ thế chỗ anh chàng Henry ngốc nghếch khốn khổ, song đúng là họ có mong ước Công tước nắm quyền điều hành vương quốc và dọn dẹp mớ bòng bong hỗn loạn.
York đã thử tranh ngôi, nhưng ông ta bị thương và chết trên chiến trường, gia đình ông ta bởi thế phải trải qua phần lớn thời gian trong cảnh lưu vong hay trốn tránh.
Nhưng khi hỗn loạn và những tiếng hò reo lắng xuống, ở trên ngai vàng nước Anh là người con trai đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng Công tước trong cuộc xung đột, và vương quốc đã ổn định trở lại thật hạnh phúc dưới quyền vị vua trẻ trung cao ráo, tóc vàng, đàng điếm, vô cùng tuấn tú nhưng cũng hết sức xảo quyệt đó, Edward Đệ Tứ.
Và đó là mức tiệm cận gần hết mức Grant từng tới được trong việc tìm hiểu về các cuộc Chiến tranh Hoa hồng.
Anh ngước mắt lên khỏi quyển sách của mình để thấy cô Điều dưỡng trưởng đang đứng giữa phòng.
“Tôi đã gõ cửa,” cô nói, “nhưng anh đang đắm chìm trong quyển sách của mình.”
Cô đứng đó, mảnh mai và xa cách; cũng thanh lịch chẳng kém gì Marta theo cách của mình; đôi bàn tay lộ ra khỏi tay áo blu trắng hờ hững đan vào nhau đằng trước vòng eo nhỏ nhắn của cô; cái khăn điều dưỡng trắng cô đội tự xòe ra với phẩm giá bất diệt; món trang sức duy nhất của cô là tấm mề đay tốt nghiệp nhỏ bằng bạc. Grant tự hỏi liệu có nơi nào khác trên thế giới này lại có một vị thế vững chãi khó lay động hơn Điều dưỡng trưởng tại một bệnh viện lớn.
“Tôi bắt đầu có hứng thú với lịch sử,” anh nói. “Có vẻ cũng khá muộn.”
“Một lựa chọn đáng ngưỡng mộ,” cô Điều dưỡng trưởng nói. “Nó đưa mọi thứ vào đúng góc nhìn.” Đôi mắt cô sáng lên khi nhìn thấy bức chân dung và hỏi: “Anh ủng hộ phe York hay Lancaster?” “Vậy là cô nhận ra bức chân dung?”
“Ồ, vâng. Khi còn tập sự, tôi từng dành nhiều thời gian ở Phòng trưng bày Quốc gia. Hồi ấy tôi có rất ít tiền và đôi bàn chân cực kỳ đau nhức, còn trong Phòng trưng bày thì ấm áp, yên tĩnh và có rất nhiều chỗ ngồi.” Cô Điều dưỡng trưởng hơi mỉm cười, từ vị thế hiện tại của mình hồi tưởng về thời còn trẻ trung, mệt mỏi, hăm hở. “Tôi thích Phòng trưng bày Chân dung nhất vì nó cho ta cùng cảm giác trình tự như khi đọc về lịch sử. Tất cả những nhân vật quan trọng đã gây nhiều xáo động lớn trong lúc sinh thời. Tất cả chỉ còn là những cái tên. Chỉ còn là toan và màu. Tôi đã xem qua rất nhiều lần bức chân dung đó vào thời gian ấy.” Sự chú ý của cô quay trở lại bức ảnh. “Một kẻ vô cùng bất hạnh,” cô nói.
“Bác sĩ ngoại khoa của tôi nghĩ đó là bệnh bại liệt.”
“Bại liệt hả?” Cô Điều dưỡng trưởng ngẫm nghĩ giả thuyết này. “Có thể. Trước đây tôi không nghĩ tới nó. Nhưng với tôi, dường như bức chân dung này luôn là sự bất hạnh dữ dội. Đây là khuôn mặt bất hạnh tuyệt vọng nhất tôi từng thấy qua, mà tôi thì đã nhìn thấy quá nhiều khuôn mặt bất hạnh rồi.”
“Vậy cô nghĩ đây là chân dung của một người đau khổ hơn là kẻ sát nhân?”
“Ồ, vâng. Hiển nhiên rồi. Ông ta không phải loại người có thể làm bất cứ việc gì một cách nhẹ dạ. Một người đàn ông ở đẳng cấp đó. Chắc chắn ông ấy ý thức rõ tội ác này đáng ghê tởm tới mức nào.”
“Vậy cô nghĩ ông ấy thuộc loại người không thể chấp nhận chính bản thân mình.”
“Một cách mô tả hay làm sao! Vâng. Loại người thèm muốn cực độ một điều, rồi nhận ra cái giá họ đã phải trả cho nó là quá cao.” “Vậy cô không nghĩ ông ta là một kẻ hoàn toàn xấu xa?” “Không; ôi, không. Những kẻ xấu xa không đau khổ, mà khuôn mặt đó đầy ắp thứ nỗi đau kinh khủng nhất.”
Họ cùng im lặng nhìn bức chân dung thêm vài giây nữa. “Anh biết đấy, việc này hẳn có vẻ giống như báo ứng. Ông ấy mất đứa con trai duy nhất không lâu sau đó. Rồi cái chết của vợ ông ấy. Bị tước đi những người thân yêu nhất trong thời gian ngắn ngủi như thế. Hẳn rất giống với công lý thiêng liêng của Chúa.” “Ông ấy có để tâm tới vợ mình không?”
“Vương hậu là em họ ông ấy, hai người là thanh mai trúc mã. Thế nên cho dù ông ấy có yêu vợ hay không thì Vương hậu hẳn cũng là người bạn đời với nhà vua. Khi người ta ngồi trên ngai vàng, tôi ngờ rằng thứ tình bạn ấy là một ân huệ hiếm có. Giờ tôi cần đi xem bệnh viện của mình đang vận hành ra sao. Thậm chí tôi còn chưa hỏi điều tôi tới để hỏi. Đó là anh cảm thấy ra sao sáng nay. Nhưng việc anh có tâm trạng để nghĩ đến một người đã chết từ bốn trăm năm trước quả là một dấu hiệu rất lành mạnh.”
Cô Điều dưỡng trưởng không nhúc nhích khỏi vị trí anh thấy cô lúc đầu. Giờ cô thoáng nở nụ cười kín đáo, và đi về phía cửa với đôi bàn tay vẫn đan hờ vào nhau trước khóa thắt lưng. Cô có một phong thái ung dung huyền ảo. Như một nữ tu. Như một bà hoàng.
Chương 4
Giờ ăn trưa đã qua từ trước khi Thượng sĩ Williams quay lại, anh ta thở không ra hơi, khuân theo hai cuốn sách dày cộp. “Đáng lẽ cậu nên để chúng lại chỗ người gác cổng,” Grant nói. “Tôi không hề có ý bắt cậu phải vã mồ hôi mang chúng lên tận đây.” “Tôi cần lên đây và giải thích. Tôi chỉ có thời gian tới một hiệu sách, nhưng đó là hiệu lớn nhất trên phố. Đó là quyển sách tốt nhất về lịch sử Anh mà họ có. Quyển tốt nhất có thể tìm được ở bất cứ đâu, họ nói vậy.” Anh chàng Thượng sĩ đặt xuống một quyển sách bìa màu xanh xám như lá cây xô thơm, cùng với dáng vẻ thật nghiêm nghị tỏ ý không chịu bất cứ trách nhiệm nào về nó. “Họ không có quyển sách lịch sử riêng rẽ nào về Richard Đệ Tam. Ý tôi là không có quyển nào về cuộc đời ông ấy. Nhưng họ đã đưa cho tôi quyển này.” Đó là một quyển sách bìa xám với một hình gia huy trên bìa áo. Quyển sách có tên Rose xứ Raby.
“Cái gì thế này?”
“Có vẻ bà này là mẹ ông ấy. Ý tôi là Rose được nói trong tên sách. Tôi không thể ở lại lâu hơn: Năm phút nữa tôi phải có mặt ở Sở rồi và sĩ quan phụ trách sẽ tùng xẻo tôi nếu tôi có mặt trễ. Xin lỗi anh, tôi không thể làm tốt hơn. Tôi sẽ lại ghé tiệm tìm sách ngay khi có thể, và nếu mấy quyển sách này không tốt, tôi sẽ tìm xem có gì khác không.”
Grant cảm ơn người đồng nghiệp.
Trong tiếng bước chân hối hả rời đi của Williams, anh bắt đầu cuộc điều tra “quyển sách tốt nhất về lịch sử Anh sẵn có”. Hóa ra đây là ấn bản được biết tới như một cuốn lịch sử “lập hiến”; một ấn bản biên soạn nghiêm túc hơn được soi sáng bằng những minh họa chất lượng hơn. Một trang được minh họa lộng lẫy lấy từ bản Thánh ca Luttrell trang hoàng cho phần viết về nghề nông vào thế kỷ 14,
và một bản đồ đương thời của London xen vào giữa phần thuật lại vụ Đại Hỏa Hoạn. Các vị vua và các nữ vương chỉ thỉnh thoảng được nhắc tới. Lịch sử Lập hiến của Tanner chỉ viết về tiến trình xã hội và thay đổi chính trị; về Tử Thần Đen và việc phát minh ra in ấn, việc sử dụng thuốc súng, việc thành lập các phường hội thương nghiệp, và vân vân. Nhưng thỉnh thoảng, bởi một sự thích hợp kinh khủng, ông Tanner bắt buộc phải nhắc tới một vị vua hay thân thích của ông ta. Và một sự cần thiết như vậy xuất hiện liên quan tới phát minh ra in ấn.
Một người đàn ông có họ Caxton quê ở vùng Weald thuộc Kent - sau này là Thị trưởng London - đến làm người học việc tại hàng bán vải, rồi sau đó tới Bruges cầm theo hai mươi đồng merk mà ông chủ để lại cho trong di chúc. Dưới những cơn mưa thu kinh khủng của Vùng Đất Thấp, hai kẻ tị nạn từ nước Anh tới đặt chân lên vùng bờ biển thấp đó với túi tiền chỉ còn trơ đáy, một thương gia thành đạt quê ở vùng Weald thuộc Kent đã chìa tay cứu giúp họ. Những kẻ tị nạn này là Edward Đệ Tứ và em trai ông, Richard; khi vận hội xoay chiều, Edward trở về trị vì nước Anh, Caxton cũng trở về, và những cuốn sách đầu tiên tại Anh được in cho Edward Đệ Tứ, còn người viết chúng là em rể Edward.
Anh lật các trang sách và kinh ngạc thấy thông tin thật tẻ ngắt làm sao khi thiếu đi cá tính. Những nỗi buồn của nhân loại chẳng là nỗi buồn của bất cứ ai, như những người đọc báo đã nhận ra từ lâu. Một cơn rùng mình ghê sợ có thể chạy dọc xuống sống lưng người ta trước cảnh hủy diệt quy mô lớn, nhưng trái tim người đó vẫn dửng dưng. Một nghìn người chết đuối vì lụt ở Trung Hoa là tin tức; một đứa trẻ cụ thể chết đuối trong cái ao là bi kịch. Thế nên bản tường thuật của ông Tanner về sự phát triển của người Anh thật đáng ngưỡng mộ, song chẳng hề hấp dẫn. Nhưng thỉnh thoảng ở những đoạn tác giả không thể tránh khỏi tính cá nhân, dòng tường thuật của ông lập tức trở nên lôi cuốn hơn. Trong những đoạn trích từ mấy lá thư của các thành viên nhà Paston chẳng hạn. Những người nhà Paston có thói quen kẹp những mảnh lịch sử chen vào giữa các lệnh yêu cầu mua dầu trộn salad hay những hỏi han về việc Clement đang ra sao tại Cambridge. Và giữa hai trong số những
đoạn thư về chuyện nhà như vậy xuất hiện đoạn chen lẫn nhỏ viết rằng hai cậu thiếu niên nhà York, George và Richard, đang sống trong nhà của gia tộc Paston tại London, và người anh Edward ngày nào cũng tới thăm hai cậu bé.
Grant đặt quyển sách xuống tấm ga trải giường trong giây lát, ngước nhìn lên trần nhà lúc này không thể nhìn thấy được và thầm nghĩ, hẳn rồi, chắc chắn là trước đây chưa từng có ai đã ngồi lên ngai vàng nước Anh với trải nghiệm bản thân về cuộc sống của một thường dân như Edward Đệ Tứ và cậu em trai Richard. Có lẽ chỉ mình Charles Đệ Nhị sau họ. Và ngay cả Charles trong cảnh bần hàn và trốn tránh, vẫn luôn là một Vương tử con vua chứ không phải một thường dân. Hai cậu bé đang sống tại nhà của gia đình Paston chỉ đơn thuần là những đứa bé của gia tộc York. Không có vai trò quan trọng đặc biệt nào, kể cả vào những lúc tốt đẹp nhất, và vào thời điểm lá thư của nhà Paston được viết, chúng đang không có nổi một mái nhà và nhiều khả năng chẳng có cả tương lai.
Grant mở sẵn quyển sách lịch sử của Nàng Amazon để tìm xem Edward đã làm gì ở London thời điểm đó, và biết được ông đang chiêu mộ một đạo quân. “London vẫn luôn là nơi ủng hộ phe York, những người đàn ông hân hoan nô nức gia nhập dưới cờ Edward trẻ tuổi,” quyển sách lịch sử viết.
Dẫu vậy chàng Edward trẻ trung, mười tám tuổi, thần tượng của một kinh đô và đang trên đường hướng tới chiến thắng đầu tiên, vẫn thu xếp được thời gian để hàng ngày tới gặp các em trai nhỏ của mình.
Grant tự hỏi, liệu có phải lúc này là thời điểm sự tận tụy đáng chú ý của Richard với anh trai hình thành. Một sự tận tụy suốt đời trước sau như một mà những quyển sách lịch sử chẳng những không phủ nhận mà kỳ thực còn mang ra sử dụng làm bài học đạo đức. “Cho tới thời điểm anh trai băng hà, Richard luôn là người phò tá trung thành và tận tụy của anh mình trong mọi thăng trầm, song cơ hội có được ngôi vua đã chứng tỏ đó là cám dỗ quá mạnh mẽ với ông.” Hay theo lời lẽ giản dị hơn trong quyển Kể chuyện Lịch sử: “Ông là một người em trai ngoan của Edward, nhưng khi thấy mình có thể trở thành vua, sự tham lam đã làm trái tim ông sắt đá.”
Grant đưa mắt nhìn ngang sang bức chân dung và đi đến quyết định rằng quyển Kể chuyện Lịch sử đã nhầm. Cho dù lý do nào đã khiến trái tim Richard sắt đá tới mức giết người, thì đó cũng không phải là lòng tham. Hay quyển Kể chuyện Lịch sử ngụ ý lòng tham quyền lực? Có thể lắm. Có thể lắm.
Nhưng chắc chắn Richard đã có tất cả quyền lực một người trần đoản mệnh có thể ao ước. Ông ta là em trai nhà vua, và giàu có. Liệu bước tiến ngắn ngủi về phía trước đó có quan trọng tới mức ông ta có thể sát hại các con của anh trai mình để đạt được điều đó?
Đó là một kết cấu hoàn toàn kỳ cục.
Anh vẫn đang nghiền ngẫm ý nghĩ này trong đầu khi bà Tinker bước vào, mang theo bộ pyjama mới cho anh cùng những câu tóm lược hàng ngày các hàng tít bài báo. Bà Tinker không bao giờ đọc quá hàng tít thứ ba của một bài phóng sự, trừ khi nó tình cờ viết về một vụ giết người, trong trường hợp đó bà đọc ngấu nghiến không sót từ nào và mua một tờ báo buổi tối cho bản thân mình trên đường về nhà để nấu bữa tối.
Hôm nay, những lời bình phẩm khe khẽ nhẹ nhàng nhưng liên miên bất tuyệt của bà là về một vụ khai quật và khám nghiệm tử thi liên quan tới thạch tín ở Yorkshire, cho tới khi bà trông thấy tờ báo buổi sáng nằm im lìm ở trạng thái nguyên xi chưa được động vào bên chồng sách trên bàn. Việc này làm bà đột ngột dừng lại.
“Hôm nay anh không khỏe hay sao vậy?” Bà hỏi với vẻ bận tâm. “Tôi ổn cả, Tink, ổn cả. Sao thế?”
“Anh thậm chí còn chẳng mở tờ báo ra xem. Bà chị tôi bắt đầu suy sụp y như thế đấy. Không để tâm gì đến những gì đăng trên báo nữa.”
“Bà đừng lo. Tôi đang khá lên. Thậm chí đến tâm trạng của tôi cũng đã cải thiện. Tôi đã quên bẵng tờ báo vì tôi đang đọc các câu chuyện lịch sử. Bà đã từng nghe tới các Vương tử trong tháp London rồi chứ?”
“Ai cũng từng nghe nói về các Vương tử trong tháp London.” “Bà có biết kết cục của họ thế nào không?”
“Tất nhiên tôi biết. Hắn đã đè một cái gối lên mặt trong khi họ đang ngủ.”
“Ai đã làm thế?”
“Người chú độc ác của họ, Richard Đệ Tam. Anh đáng lẽ không nên nghĩ những chuyện như thế trong lúc đang ốm yếu. Anh nên đọc cái gì đó tốt đẹp và vui vẻ.”
“Bà có vội về nhà không, Tink, hay bà có thể ghé qua St Martin’s Lane giúp tôi?”
“Không, thời gian tôi có thoải mái. Vì cô Hallard hả? Phải tới tận cỡ 6 giờ cô ấy mới có mặt ở nhà hát cơ.”
“Không, tôi biết. Nhưng bà có thể để lại một lời nhắn và cô ấy sẽ nhận được khi đến nhà hát.”
Anh với lấy tập giấy ghi chú và cái bút chì của mình rồi viết: “Vì tình yêu của Mike, hãy tìm cho anh một cuốn lịch sử về Richard Đệ Tam của Thomas More.”
Anh xé tờ giấy ra, gập nó lại và ghi nguệch ngoạc tên Marta lên mặt ngoài.
“Bà có thể trao nó cho ông lão Saxton ở chỗ cửa ra sân khấu. Ông lão sẽ đảm bảo cô ấy nhận được nó.”
“Nếu tôi có thể lại gần được cửa ra sân khấu, sao chứ, với những cái ghế đẩu dành chỗ xếp hàng,” bà Tinker nói; để bình phẩm hơn là diễn tả sự thật. “Cái đó cứ chạy mãi mãi.”
Bà cẩn thận cất tờ giấy được gập lại vào cái xắc tay rẻ tiền bằng vải giả da có các góc cạnh đã sờn, cũng là một phần bất di bất dịch của bà chẳng kém gì chiếc mũ. Cứ mỗi dịp Giáng sinh, Grant lại mua cho bà một cái xắc mới; mỗi chiếc đều là một tác phẩm nghệ thuật theo truyền thống tuyệt vời nhất của nghề chế tác đồ da Anh, một món đồ được thiết kế đáng ngưỡng mộ và chế tác hoàn hảo tới mức Marta Hallard có thể mang theo tới ăn trưa ở Blague. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng anh từng được thấy bất cứ chiếc xắc nào trong số chúng. Bởi bà Tinker nhìn nhận một cửa hiệu cầm đồ là nơi còn đáng hổ thẹn hơn nhà tù một bậc, nên anh chẳng bao giờ nghi ngờ việc bà chuyển các món quà nhận được thành tiền mặt. Anh suy đoán rằng những chiếc xắc tay được cất giữ an toàn trong một cái
ngăn kéo nào đó, vẫn trong lớp giấy lụa bọc nguyên bản. Có lẽ đôi lúc bà đã lấy chúng ra để khoe với người khác, đôi lúc có lẽ chỉ để háo hức tự ngắm nhìn; hay có lẽ việc biết chúng ở đó làm bà trông có vẻ giàu hơn, cũng như biết được “có một món để dành cho tang lễ của tôi” có thể làm giàu thêm cho một người khác. Giáng sinh tới, anh sẽ mở cái xắc tay tàn tạ này của bà, cái túi vạn năng này của bà, và nhét chút gì đó vào ngăn đựng tiền. Tất nhiên, bà sẽ phung phí món tiền vào những thứ lặt vặt vô nghĩa; để rồi cuối cùng bà sẽ chẳng nhớ mình đã dùng món tiền ấy làm những gì; nhưng có lẽ một chuỗi hài lòng nho nhỏ rải rác như những mảnh trang kim trên tấm vải cuộc sống hàng ngày còn giá trị hơn sự hài lòng thuần túy học thuật của việc sở hữu một bộ sưu tập những món đồ đẹp đẽ trong một cái ngăn kéo.
Khi bà Tinker đã rời đi trong bản giao hưởng các tiếng động cọt kẹt sột soạt từ đôi giày và cái áo bó ngực, anh trở lại với ông Tanner và cố cải thiện trí tuệ của mình bằng cách thu nhận ít nhiều mối quan tâm của ông Tanner với nhân loại. Nhưng anh nhận ra đây quả là một sự gắng sức. Về bản tính hay về nghề nghiệp, anh đều chẳng hề bận tâm tới nhân loại theo nghĩa rộng. Sự thiên vị của anh, cả tự nhiên lẫn học hỏi được, đều nghiêng về cá nhân. Anh lướt qua các thống kê của ông Tanner, mong mỏi tìm thấy một ông vua trong một cây sồi[10], hay một cây chổi buộc lên đinh cột buồm[11], hay người lính Thượng Scotland bám vào bàn đạp thúc ngựa của một kỵ binh trong một đợt xung phong[12]. Song chí ít anh cũng được hài lòng khi biết đàn ông Anh vào thế kỷ 15 “chỉ uống nước như một cách ăn năn sám hối”. Người dân Anh vào thời Richard Đệ Tam dường như nhận được sự ngưỡng mộ của lục địa. Như ông Tanner dẫn lời một người đương thời viết bằng tiếng Pháp.
Vua Pháp sẽ không cho bất cứ ai dùng bất kỳ thứ muối nào ngoài loại được mua từ chính nhà vua với mức giá tùy tiện do chính nhà vua ấn định. Binh lính không trả tiền bất cứ thứ gì, và đối xử man rợ với dân chúng nếu bọn họ không thấy hài lòng. Tất cả những người trồng nho phải nộp một phần tư sản lượng cho nhà vua. Tất cả thành thị phải trả những khoản tiền lớn hàng năm cho nhà vua để dành cho binh lính Hoàng gia. Nông dân sống trong cảnh khổ ải bần
cùng cực độ. Họ không có đồ vải len lông cừu để mặc. Quần áo chỉ gồm những chiếc áo cộc bằng vải thô, quần cộc chỉ dài tới đầu gối, hai cẳng chân để trần. Tất cả phụ nữ đều đi chân đất. Dân chúng không có thịt để ăn, ngoại trừ mỡ lợn trong súp. Tầng lớp tiểu quý tộc sống cũng chẳng tốt hơn là bao. Nếu bị tố cáo, họ sẽ bị tra hỏi kín và nhiều khả năng một đi không trở lại.
Ở nước Anh, mọi việc rất khác. Không ai có thể bước chân vào nhà người khác nếu không được chủ nhà cho phép. Nhà vua không thể đặt ra các loại thuế hay thay đổi luật, cũng không thể đặt ra các đạo luật mới. Người Anh không bao giờ uống nước ngoại trừ để sám hối. Họ ăn đủ loại thịt và cá. Họ mặc quần áo dệt bằng loại vải len lông cừu tốt, và sở hữu đủ loại đồ gia dụng. Người dân Anh không thể bị xử tội trừ khi đã bị xét xử.
Và như Grant thấy, dường như nếu bạn đang rất túng tiền và muốn đi thăm xem đứa con đầu lòng của cô Lizzie nhà bạn trông mặt mũi ra sao, chắc hẳn sẽ thật an tâm được biết tại mỗi nhà thờ đều có chỗ lưu trú và phát chẩn thay vì phải băn khoăn xem làm cách nào kiếm được tiền mua vé tàu hỏa. Nước Anh xanh rì đã cùng anh chìm vào giấc ngủ tối qua đúng là có nhiều điều đáng để nói về nó.
Anh lật qua các trang viết về thế kỷ 15, tìm kiếm những đoạn viết về cá nhân; tìm kiếm những tường thuật về các nhân vật có thể soi sáng bối cảnh cho anh nhờ sự sống động đơn nhất của nó, giống như một ngọn đèn chiếu sáng được bố trí ở đúng chỗ trên sân khấu. Theo ông Tanner, Nghị viện duy nhất triệu tập dưới thời Richard Đệ Tam chính là Nghị viện tự do và tiến bộ nhất trong khuôn khổ những gì được ghi chép lại; và quý ông Tanner đáng kính trọng lấy làm tiếc rằng những tội ác trong cuộc sống riêng tư của nhà vua đã cản trở những ước vọng khôn ngoan của ông cho lợi ích cộng đồng. Và dường như đó là tất cả những gì ông Tanner có để nói về Richard Đệ Tam. Ngoại trừ về nhà Paston, ba hoa không gì hủy diệt nổi qua các thế kỷ, thật khan hiếm sự hiện diện của con người trong bản tường thuật về nhân loại này.
Anh để quyển sách trượt xuống khỏi ngực mình, rồi đưa bàn tay lần tìm cho tới khi tìm thấy quyển Rose xứ Raby.
Chương 5
Rose xứ Raby hiển nhiên là sách hư cấu; song ít nhất nó cũng dễ cầm hơn quyển Lịch sử lập hiến Anh của Tanner. Thêm nữa, đây là loại tiểu thuyết lịch sử tương đối nghiêm cẩn, vốn thuần túy chỉ là phiên bản lịch sử bổ sung thêm các câu hội thoại. Một cuốn tiểu sử giàu tưởng tượng hơn là một câu chuyện hư cấu. Evelyn Payne-Ellis, cho dù bà là ai, đã cung cấp những chân dung cùng một cây gia hệ, và có vẻ không hề cố gắng làm cái việc mà anh cũng như cô em họ Laura hồi nhỏ từng gọi là “viết như đúng rồi”. Hoàn toàn vắng bóng những thứ bô lô ba la huyên thuyên xích đế. Đó là một quyển sách viết chân thật và sáng tỏ.
Và ánh sáng của nó thì sáng hơn của ông Tanner.
Sáng tỏ hơn rất nhiều.
Grant tin rằng nếu ta không thể tìm hiểu rõ được về một người, thì cách tốt thứ nhì để đánh giá anh ta là tìm hiểu về mẹ anh ta. Thế nên cho tới khi Marta có thể cung cấp cho anh bản tường thuật thiêng liêng và không thể sai sót của chính Thomas More viết về Richard, anh cần vui vẻ tạm hài lòng với Cecily Neville, Nữ công tước xứ York.
Anh liếc nhìn cây gia hệ, và nghĩ nếu hai anh em nhà York, Edward và Richard, đều độc nhất vô nhị trong tư cách nhà vua với trải nghiệm của họ về cuộc sống bình thường, thì họ cũng độc nhất vô nhị chẳng kém trong chất Anh thuần chủng. Neville, Fitzalan, Percy, Holland, Mortimer, Clifford và Audley, cũng như Plantagenet. Anh nhìn vào dòng máu của họ và ngỡ ngàng. Nữ vương Elizabeth hoàn toàn mang dòng máu Anh (điểm khiến bà hãnh diện); nếu coi chút vết tích xứ Wales là Anh. Nhưng trong số tất cả các vị quân chủ mang dòng máu lai đã trang hoàng cho ngai vàng trong giai đoạn từ cuộc Chinh phục[13] tới George Nông dân[14] - lai Pháp, lai Tây Ban
Nha, lai Đan Mạch, lai Hà Lan, lai Bồ Đào Nha - Edward Đệ Tứ và Richard Đệ Tam quả là đáng chú ý về chất thuần nội địa của họ. Anh nhận thấy là dòng máu bên đằng mẹ của hai vị quân chủ cũng mang đẳng cấp Hoàng gia chẳng kém gì đằng cha. Ông nội của Cecily Neville là John xứ Gaunt, Công tước Lancaster đời thứ nhất; con trai thứ ba của Edward Đệ Tam. Hai người ông của chồng bà cũng là hai người con trai khác của Edward Đệ Tam. Vậy là ba trong số năm người con trai của Edward Đệ Tam đã đóng góp vào việc sinh thành ra hai anh em nhà York.
“Làm một người nhà Neville,” cô Payne-Ellis viết, “là trở thành một người có tầm quan trọng nhất định vì họ là những đại địa chủ. Làm một người nhà Neville gần như chắc chắn là sở hữu ngoại hình đẹp đẽ, vì họ là một gia tộc tuấn tú. Làm một người nhà Neville là sở hữu cá tính, bởi các thành viên gia đình này đều xuất chúng trong thể hiện tính cách cũng như khí chất. Hợp nhất cả ba món quà trời phú của nhà Neville ở mức độ phẩm cấp cao nhất trong một con người chính là hạnh vận của Cecily Neville, người chính là bông hồng duy nhất của miền bắc từ rất lâu trước khi nơi đó bị buộc phải lựa chọn giữa hồng trắng và hồng đỏ.”
Chính cô Payne-Ellis đưa ra luận điểm rằng cuộc hôn nhân với Richard Plantagenet, Công tước xứ York, là một cuộc hôn nhân từ tình yêu. Grant đón nhận giả thuyết này với sự hoài nghi tiệm cận khinh miệt cho tới khi anh để ý tới những kết quả của cuộc hôn nhân đó. Vào thế kỷ 15, bổ sung thành viên hàng năm cho gia đình chẳng phải là bằng chứng cho bất cứ điều gì ngoài năng lực sinh sản tốt. Gia đình dài dặc Cecily Neville tạo ra cho ông chồng đáng mến của mình không báo trước điều gì gần tình yêu hơn việc sống chung. Nhưng vào một thời kỳ vai trò người vợ là ngoan ngoãn ngồi nhà và trông coi kho đồ ăn thức uống, việc Cecily Neville liên tục di chuyển tháp tùng chồng chắc chắn là đáng chú ý để nghĩ tới một thú vui khác thường. Mức độ phổ biến và sự thường xuyên của việc di chuyển đó được chứng thực qua địa điểm chào đời của các con bà. Anne, cô con gái đầu, được sinh ra tại Fotheringhay, dinh thự của gia đình tại Northamptonshire. Henry, mất khi còn bé, tại Hatfield. Edward tại Rouen, nơi Công tước đảm nhận công vụ. Edmund và
Elizabeth cũng được sinh ra tại Rouen. Margaret tại Fotheringhay. John, mất khi còn bé, tại Neath ở Wales. George tại Dublin (và có thể nào, Grant tự hỏi, điều đó là nguyên do cho sự trái thói gần như đặc Ireland của anh chàng George không thể tả bằng lời?). Richard tại Fotheringhay.
Cecily Neville đã không ngồi yên tại nhà ở Northamptonshire chờ đợi đức ông chồng cũng là chủ nhân của mình tới thăm khi Đức ông có hứng. Bà đã tháp tùng chồng tới khắp những nơi họ sống. Có cơ sở vững chắc ủng hộ cho giả thuyết của cô Payne-Ellis. Ngay cả với đánh giá thận trọng nhất, đây vẫn rõ ràng là một cuộc hôn nhân rất thành công.
Điều này có lẽ lý giải sự tận tụy với gia đình trong những cuộc tới thăm các cậu em trai tại nhà của gia đình Paston mà Edward đã thực hiện. Gia đình York, thậm chí ngay trước cơn bĩ cực của mình, là một gia đình đoàn kết.
Điều này được chứng minh một cách không ngờ tới khi đang lật nhanh các trang sách dưới ngón tay cái, anh bắt gặp một bức thư. Đó là lá thư của hai người con trai lớn, Edward và Edmund, gửi cho cha họ. Hai cậu thiếu niên lúc ấy đang ở lâu đài Ludlow theo đuổi việc học hành, và vào ngày thứ Bảy tuần Lễ Phục sinh, nhân dịp một người đưa tin sắp quay về, họ bức xúc lớn tiếng phàn nàn về vị gia sư của mình cũng như sự “xấu xa” của ông này, khẩn cầu cha họ hãy lắng nghe những gì người đưa tin William Smyth kể lại, anh này đã được giao phó đầy đủ mọi chi tiết sự áp bức hai cậu thiếu niên phải chịu. Lời cầu cứu được mào đầu và kết thúc bằng những câu khuôn sáo cung kính, sự nghi thức của chúng ít nhiều bị phương hại bởi việc hai cậu thiếu niên bày tỏ rằng cha họ đã thật tốt khi gửi quần áo tới, song ông đã quên mất quyển kinh nhật tụng của họ.
Cô Payne-Ellis tận tâm đã cung cấp cả nguồn tham chiếu cho lá thư này (có vẻ đây là một trong các bản thảo của thư viện Cotton) và anh lại tiếp tục dùng ngón tay cái lật trang một cách chậm rãi hơn, để tìm kiếm thêm thông tin. Bằng chứng thực tế là thứ thiết yếu với một cảnh sát.
Anh không tìm được gì, nhưng giở tới một bức tranh gia đình khiến anh dừng lại giây lát.
Nữ công tước bước ra ngoài, dưới ánh nắng nhạt nhòa trong không khí rét buốt của một buổi sáng London vào tháng Mười hai, và đứng trên bậc cấp để quan sát họ rời đi: chồng, anh trai và con trai bà. Dirk và mấy người cháu dắt những con ngựa ra sân, xua đám bồ câu và mấy con chim sẻ nhốn nháo bay lên khỏi những viên đá lát. Bà quan sát chồng lên ngựa, vẫn điềm tĩnh và khoan thai như thường lệ, và thầm nghĩ với tất cả những cảm xúc Công tước để lộ ra, có vẻ như ông sắp cưỡi ngựa từ Fotheringhay đi xem mấy con cừu đực mới thay vì lên đường dấn thân vào một chiến dịch. Bá tước Salisbury, anh trai bà, đúng phong thái Neville và đầy khí chất; giỏi quan sát sắc diện và lấy lòng mọi người. Bà nhìn cả hai người và trong tâm trí thầm mỉm cười với họ. Song Edmund mới khiến trái tim bà xúc động. Edmund ở tuổi mười bảy, rất mảnh khảnh, rất non nớt, rất dễ tổn thương. Khuôn mặt đỏ ửng vì kiêu hãnh và phấn khích trong thời khắc lần đầu lên đường xuất trận. Bà muốn nói với chồng: “Hãy chăm lo cho Edmund”, nhưng bà không thể làm vậy. Chồng bà sẽ không hiểu; và nếu Edmund nghi ngờ, hẳn cậu sẽ phẫn nộ. Nếu Edward, chỉ lớn hơn cậu một tuổi, đang chỉ huy cả một đội quân của riêng mình tại biên giới với Wales vào chính lúc này, thì Edmund đã quá đủ trưởng thành để tự mình trải nghiệm chiến tranh.
Bà đưa mắt nhìn ra sau lưng mình, về phía ba đứa con nhỏ tuổi hơn đã đi ra theo sau bà; Margaret và George, hai đứa con tóc vàng khỏe mạnh, và phía sau chúng, luôn lui lại một bước như thường lệ, là đứa con bị đánh tráo của bà, Richard; đôi lông mày sẫm và mái tóc nâu khiến cậu bé trông như một vị khách. Cô bé Margaret tốt bụng luộm thuộm quan sát với tất cả xúc cảm yếu đuối của tuổi mười bốn; George với tâm trạng thèm muốn mãnh liệt và sự bất bình cuồng nộ rằng cậu mới chỉ mười một tuổi và chẳng đáng kể gì với khoảnh khắc thượng võ này. Cậu bé Richard nhỏ nhắn gầy gò không để lộ ra chút phấn khích nào, song mẹ cậu nghĩ cậu đang rung động như một cái trống được vỗ nhẹ lên.
Ba con ngựa phi ra khỏi sân trong tiếng móng guốc trượt đi khua lộc cộc và tiếng lách cách của các món đồ quân bị để gia nhập cùng các gia nhân đang chờ họ ngoài đường lộ, những đứa trẻ lớn tiếng gọi, nhảy lên và vẫy tay chào tiễn họ ra khỏi cổng.
Và Cecily, người trong đời mình đã tiễn đưa quá nhiều người đàn ông và rất nhiều người trong gia đình, quay bước trở vào nhà với một khối ưu tư nặng trĩu khác thường trong lồng ngực. Ai trong số họ, giọng nói của tâm tư bất đắc dĩ trong bà cất lên, ai trong số họ rồi sẽ không trở về?
Trí tưởng tượng của bà đã không thể mường tượng nổi bất cứ điều gì khủng khiếp bằng thực tế là không ai trong số họ còn trở về. Là bà sẽ không bao giờ gặp lại bất cứ ai trong ba người họ nữa.
Trước khi năm ấy kết thúc, cái đầu bị chém lìa của chồng bà, bị đội một chiếc vương miện giấy để sỉ nhục, sẽ bị bêu trên cổng thành Micklegate Bar ở York, và đầu của anh trai cũng như con trai bà bị bêu trên hai cổng thành khác.
Phải, cuốn sách có thể là hư cấu, song nó là một chút soi sáng thoáng qua về Richard. Đứa con tóc sẫm trong một gia đình tóc vàng. Đứa con “trông giống như một vị khách”. Đứa con “bị đánh tráo”.
Anh tạm thời bỏ rơi Cecily Neville trong lúc này, rồi chuyển sang săn lùng thông tin về cậu con Richard của bà trong quyển sách. Song cô Payne-Ellis có vẻ không mấy quan tâm tới Richard. Cậu thiếu niên chỉ là khúc đuôi của gia đình. Chàng thanh niên huy hoàng đang tỏa sáng rực rỡ ở phía hàng đầu rõ ràng hợp vị với tác giả hơn. Edward rõ ràng nổi bật hơn. Cùng với Bá tước Warwick, người anh em họ thuộc nhà Neville của mình, con trai của Bá tước Salisbury, ông dành chiến thắng trong trận Towton, và với ký ức về sự khát máu của phe Lancaster vẫn còn mới nguyên cùng thủ cấp người cha của ông vẫn bị bêu trên cổng Micklegate Bar, ông đã thể hiện sự khoan dung trở thành đặc trưng của mình. Tất cả những ai cầu xin khoan hồng ở Towton đều được chấp nhận. Edward được làm lễ đăng quang tại Westminster Abbey (và hai cậu con trai nhỏ, trở về nhà từ cảnh lưu vong ở Utrecht, lần lượt được phong làm Công tước xứ Clarence và Công tước xứ Gloucester). Ông an táng cho cha mình và người anh trai Edmund hết sức trọng thể trong nhà thờ ở Fotheringhay (cho dù Richard, mới mười ba tuổi, là người hộ tống cuộc đưa linh cữu tang tóc đó từ Yorkshire về Northamptonshire trong năm ngày tháng Bảy đẹp trời; gần sáu năm
sau khi cậu bé đứng trên các bậc cấp tại lâu đài Baynard ở London dõi theo hai người họ cưỡi ngựa ra đi).
Phải sau khi Edward đã làm vua được một thời gian, cô Payne Ellis mới cho phép Richard trở lại câu chuyện. Khi đó chàng trai đang được dạy dỗ cùng những người anh em họ Neville của cậu tại Middleham, ở Yorkshire.
Trong lúc Richard cưỡi ngựa đi vào cái bóng của tòa tháp phòng thủ chính, rời khỏi ánh nắng rực rỡ và những cơn gió lộng của Wensleydale, chàng trai cảm thấy nơi này có vẻ lạ lẫm. Lính canh đang hào hứng trò chuyện lớn tiếng ở bốt gác bên cổng dường như luống cuống khi anh ta có mặt. Từ sự im lặng đột ngột của họ, chàng trai phi ngựa vào trong một khoảng sân lặng thinh đáng lẽ phải náo nhiệt với các hoạt động vào giờ này trong ngày. Chẳng mấy chốc nữa là tới giờ ăn, và cả thói quen lẫn cơn đói đã đưa tất cả cư dân của Middleham từ các công việc khác nhau của họ trở về nhà, giống như người hầu đang đưa chàng trai trở về sau chuyến đi săn bằng chim ưng để dùng bữa tối. Sự im lặng này, sự vắng vẻ này, thật không bình thường. Chàng trai dắt con ngựa của mình tới chuồng ngựa, nhưng không có ai ở đó để trao lại. Trong lúc tháo yên cho con ngựa, anh ta để ý thấy một con ngựa hồng đã mệt nhoài trong ngăn chuồng bên cạnh; một con ngựa không thuộc về Middleham; một con ngựa đã quá mệt mỏi tới mức không ăn nổi và rũ đầu xuống phờ phạc giữa hai đầu gối.
Richard lau người cho con ngựa của mình và vỗ về nó, mang tới cho nó ít cỏ khô và nước uống, rồi để nó lại; chàng trai thầm băn khoăn về con ngựa mệt nhoài và sự im lặng khác thường. Khi dừng bước trên ngưỡng cửa, anh có thể nghe thấy nhiều giọng nói cất lên từ phía xa của đại sảnh; anh băn khoăn liệu có nên tới đó tìm hiểu trước khi lên cầu thang về khu phòng riêng của mình hay không. Trong khi chàng trai do dự, một giọng nói vọng xuống từ cầu thang trên đầu anh: “S...s...suỵt!”
Chàng trai ngước lên và thấy cô em họ Anne đang ló đầu qua lan can, hai bím tóc dài vàng óng của cô gái buông xuống như những sợi dây kéo chuông.
“Richard!” Cô gái nửa nói nửa thì thầm. “Anh đã gì nghe chưa?”
“Có gì không ổn sao?” Chàng trai hỏi. “Chuyện gì vậy?” Khi anh đi lên tới chỗ cô gái, nàng nắm lấy bàn tay anh và kéo anh lên cầu thang, tới chỗ phòng học của họ ở trên tầng mái. “Nhưng có chuyện gì vậy?” Chàng trai hỏi, ngả người ra sau cưỡng lại vẻ gấp gáp của cô gái. “Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Chẳng lẽ là điều gì đó kinh khủng tới mức em không thể nói với anh ở đây?”
Cô gái kéo anh vào trong phòng học và đóng cửa lại. “Đó là Edward!”
“Edward? Vương thượng ốm sao?”
“Không! Tai tiếng!”
“Ồ,” Richard thốt lên nhẹ nhõm. Tai tiếng và Edward chưa bao giờ xa nhau. “Là gì vậy? Vương thượng có một nhân tình mới à?” “Còn kinh khủng hơn thế nhiều! Ôi, kinh khủng hơn rất, rất nhiều. Vương thượng đã kết hôn.”
“Kết hôn?” Richard thốt lên, hoàn toàn không tin nên rất bình thản. “Không thể nào.”
“Nhưng đúng thế đấy. Tin vừa từ London tới một giờ trước.” “Vương thượng không thể đã kết hôn,” Richard nhất quyết. “Vì hôn lễ của một vị vua là chuyện đại sự. Liên quan tới các hiệp ước, các hiệp nghị. Một vấn đề thậm chí liên quan tới cả Nghị viện, anh nghĩ vậy. Điều gì khiến em nghĩ Vương thượng đã kết hôn?” “Em không nghĩ,” Anne nói, hết kiên nhẫn trước thái độ tiếp nhận tỉnh rụi tín sét đánh cô vừa tiết lộ. “Cả gia đình đang ầm ĩ lên trong đại sảnh vì chuyện này.”
“Anne! Em đã nghe lén sao?”
“Ôi, đừng có chính trực thế chứ. Dù sao thì cũng chẳng vất vả lắm để nghe được. Anh có thể nghe được tiếng họ tranh cãi từ tận bên kia sông. Vương thượng đã kết hôn với Phu nhân Grey!” “Phu nhân Grey là ai? Phu nhân Grey xứ Groby à?”
“Đúng rồi.”
“Nhưng Vương thượng không thể. Bà ấy đã có hai con và cũng khá lớn tuổi rồi.”
“Bà ấy hơn Edward năm tuổi, và vô cùng xinh đẹp, theo những gì em nghe được.”
“Chuyện đó xảy ra lúc nào?”
“Họ đã kết hôn năm tháng nay rồi. Họ bí mật thành hôn ở Northamptonshire.”
“Nhưng anh nghĩ Vương thượng sẽ kết hôn với em gái vua Pháp chứ.”
“Thì thế,” Anne nói với giọng đầy hàm ý, “cha em cũng nghĩ thế.” “Phải; phải, cuộc hôn nhân làm mọi thứ trở nên phiền toái với ông ấy đúng không nào; sau bấy nhiêu thương lượng.” “Theo người đưa tin từ London tới thì ông đang vung nắm đấm lên. Việc này chỉ khiến ông trông giống một gã ngốc. Dường như bà ta có đến hàng đàn họ hàng mà cha em thì ghét tất cả bọn họ.” “Edward chắc hẳn bị quỷ nhập rồi.” Trong đôi mắt tôn sùng của Richard, mọi điều Edward đã làm vẫn luôn đúng. Hành vi điên khùng này, hành vi điên khùng không thể chối cãi, không thể biện minh này, chỉ có thể xuất phát từ việc bị quỷ nhập.
“Việc này sẽ khiến mẹ anh tan nát cõi lòng,” chàng trai nói. Anh nghĩ tới sự can đảm của mẹ khi cha anh với Edmund bị giết, và đạo quân của phe Lancaster đã gần như trước cửa ngõ London. Bà đã không khóc hay thu mình trong tấm mạng che chở của sự thương thân. Bà đã thu xếp để anh cùng George đi Utrecht, như thể bà đang thu xếp cho họ đi du học. Hai mẹ con có thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, song bà đã bận bịu chuẩn bị quần áo ấm cho chuyến đi vượt eo biển Anh giữa mùa đông của hai chàng trai với thái độ thực tế bình thản và đôi mắt ráo hoảnh.
Bà sẽ chịu đựng việc này ra sao đây; cú sốc tiếp theo này? Cơn điên rồ hủy diệt này. Sự ngốc nghếch phá hoại này.
“Vâng,” Anne nói, giọng dịu lại. “Bác Cecily tội nghiệp. Edward thật nhẫn tâm khi làm tổn thương mọi người như thế. Thật nhẫn tâm.”
Nhưng Edward vẫn là người không thể sai lầm. Nếu Edward đã hành động sai, đó là vì nhà vua bị ốm, bị quỷ nhập, hay bị phù
phép. Edward vẫn có được sự trung thành của Richard; sự ủng hộ bằng cả trái tim và sùng bái.
Thậm chí cả trong những năm sau đó, sự trung thành này - một sự trung thành ở tuổi trưởng thành, từ thừa nhận và chấp nhận - luôn luôn toàn tâm toàn ý.
Rồi sau đó, câu chuyện tiếp tục với nỗi đau khổ của Cecily Neville, và những nỗ lực của bà để đem đến một trật tự nào đó cho những mối quan hệ giữa con trai Edward của bà, đang nửa hân hoan nửa xấu hổ, và Warwick cháu bà, đang hoàn toàn nổi xung. Cũng có những đoạn mô tả dài về người đẹp đức hạnh không tì vết với mái tóc “ánh hoàng kim” trứ danh, người đã thành công ở việc mà nhiều nhan sắc dễ dãi hơn đã thất bại; và về lễ tấn phong của bà tại Reading Abbey (được đưa tới ngai bởi Warwick thầm lặng phản đối, ông này không thể không thấy đám đông nhà Woodville tới để chứng kiến chị em gái Elizabeth của họ được thừa nhận là Vương hậu nước Anh).
Lần kế tiếp Richard xuất hiện trong câu chuyện, ông đang lên đường từ Lynn, không một xu dính túi, trên một chiếc tàu Hà Lan tình cờ có mặt đúng lúc trong cảng. Cùng với chàng trai là người anh trai Edward, Đức ông Hasting bạn của Edward và một ít tùy tùng nữa. Không ai trong số họ có bất cứ thứ gì ngoại trừ bộ đồ mặc trên người, và sau vài lời thương lượng, viên thuyền trưởng đã đồng ý nhận chiếc áo choàng viền lông thú của Edward làm phí đi tàu.
Warwick cuối cùng cũng quyết định rằng đám nhà Woodville thực quá sức chịu đựng của ông ta. Ông ta đã đặt người anh em họ Edward lên ngai vàng nước Anh; vì vậy ông ta cũng có thể lật vị anh em họ một cách dễ dàng tương tự vậy. Để đạt được điều này, ông ta có được sự trợ giúp của cả nhà Neville; và thật không tin nổi, cả sự trợ giúp tích cực khó tin của thân vương George. George đã quyết định trở thành người thừa kế một nửa đất đai của Montague, Neville và Beauchamp bằng cách kết hôn với cô con gái Isabel của Warwick, là cửa đặt triển vọng hơn trung thành với anh trai Edward của mình. Trong mười một ngày, Warwick là chủ nhân của một nước Anh bị kinh ngạc, và Edward cùng Richard đang lê chân bước đi trên bùn lầy tháng Mười giữa Alkmaar và Hague.
Từ đó trở đi, Richard luôn ở trong hậu cảnh của câu chuyện. Qua mùa đông kinh khủng đó ở Bruges. Ở cùng Margaret tại Burgundy vì cô chị Margaret có đôi mắt dịu dàng ươn ướt đã đứng trên bậc thềm lâu đài Baynard cùng chính ông và George để dõi theo cha họ cưỡi ngựa lên đường giờ đây chính là Nữ công tước mới của Burgundy. Margaret, Margaret dịu dàng, đã buồn phiền và lo lắng như nhiều người trong tương lai rồi sẽ phải buồn phiền và lo lắng - bởi cách hành xử không thể lý giải nổi của George, và bắt tay vào công việc truyền giáo trong khi gây quỹ cho hai người anh em trai đáng ngưỡng mộ hơn của bà.
Thậm chí cả sự quan tâm mà Payne-Ellis dành cho Edward huy hoàng cũng không cho phép bà che giấu sự thật là việc trang bị cho những con tàu được thuê bằng tiền của Margaret là do Richard thực hiện; một Richard còn chưa tròn mười tám tuổi. Và khi Edward cùng một nhúm ít đến lố bịch những người ủng hộ một lần nữa đóng trại trên một bãi đất nước Anh, đối diện với George và một đạo quân, chính Richard đã tới doanh trại của George và thuyết phục George, đã bị Margaret làm yếu lòng, trở lại trung thành và mở toang đường tới London cho họ.
Kỳ thực hành động cuối cùng này cũng chẳng phải thành tựu gì lớn lao, Grant nghĩ. George rõ ràng có thể bị thuyết phục đến chỗ làm bất cứ việc gì. Ông ta là một cái chong chóng bẩm sinh.
Chương 6
Anh vẫn chưa tận hưởng hết Rose xứ Raby cũng như những niềm vui trái phép của hư cấu thì sáng hôm sau, khoảng 11 giờ, một bưu kiện được Marta gửi tới chứa đựng bên trong món giải trí đáng kính trọng hơn của lịch sử được Huân tước Thomas thánh thiện ghi chép lại.
Kèm theo quyển sách là một lời nhắn viết bằng thứ chữ viết tay to tướng nguệch ngoạc trên loại giấy ghi chú cứng đắt tiền của Marta:
Em phải gửi thay vì mang nó tới. Bận phát điên. Em nghĩ em đã đạt tới điểm mấu chốt với M. M. về Blessington. Không còn T. More trong bất cứ hiệu sách nào, vậy nên đã thử tìm ở Thư viện Cộng đồng. Không thể hiểu nổi tại sao người ta chẳng bao giờ nghĩ tới Thư viện Cộng đồng. Có lẽ vì nghĩ sách ở đó nát bươm. Nghĩ coi, quyển sách này trông khá sạch sẽ và không hề nhàu nát. Anh có mười bốn ngày. Nghe giống một bản án hơn một kỳ cho mượn. Hy vọng sự quan tâm tới chàng Gù có nghĩa là những cú châm kim đã bớt khó chịu hơn. Hẹn sớm gặp anh.
Marta
Quyển sách quả thực là sạch sẽ, không hề nhàu nát, dù hơi cũ. Nhưng sau trải nghiệm nhẹ nhàng với Rose, những trang in của quyển sách này trông chẳng có gì hấp dẫn và những mảng chữ dày đặc của nó thật thách thức. Dẫu vậy anh vẫn hào hứng tấn công nó. Nói cho cùng, đây chính là nơi Richard Đệ Tam được nhắc tới, “từ nguồn đáng tin cậy”.
Anh trở lại với hiện thực một giờ sau đó, có phần hơi mông lung và không mấy thoải mái. Không phải nội dung quyển sách khiến anh ngạc nhiên; các sự kiện chính là những gì anh trông đợi. Chỉ có điều đây không phải cách anh đã trông đợi Huân tước Thomas viết.
Anh ngủ rất kém vào ban đêm, nằm thao thức ngẫm nghĩ hồi lâu; mệt mỏi chán ngắt với sự chăm sóc và theo dõi, anh nằm thiu thiu hơn là ngủ. Cũng như vậy, trái tim bồn chồn của anh liên tục trằn trọc với ấn tượng tẻ ngắt và ký ức dữ dội về những hành động ghê tởm nhất của ông ta.
Chuyện đó cũng chẳng sao. Nhưng khi tác giả viết thêm rằng “điều này ông ta có được từ những quan hệ bí mật với các nghị viên”, người ta đột nhiên thấy khó chịu. Mùi của những lời ngồi lê đôi mách và các gia nhân nhìn lén nghe trộm bốc lên từ trang giấy. Thế là sự đồng cảm của người đọc bị chao đảo trước khi anh ta ý thức được điều đó từ nhà bình luận tự mãn tới con người mất ngủ đang bị hành hạ trên giường. Kẻ sát nhân dường như có tầm vóc lớn hơn người đang viết về y.
Điều này hoàn toàn không đúng.
Grant cũng ý thức được cảm giác bất an tương tự đã xâm chiếm anh khi lắng nghe một nhân chứng đang kể một câu chuyện hoàn hảo mà anh biết có khiếm khuyết ở đâu đó.
Và điều đó quả thực rất khó lý giải. Điều gì có thể sai với bản tường thuật cá nhân của một người được kính trọng về sự chính trực của mình như Thomas More đã được kính trọng trong bốn thế kỷ?
Grant thầm nghĩ nhân vật Richard xuất hiện trong bản tường thuật của More chính là nhân vật cô Điều dưỡng trưởng hẳn sẽ nhận ra. Một người đàn ông căng thẳng cực độ và có khả năng làm cả những điều xấu xa khủng khiếp và chịu đựng nỗi khổ ải khủng khiếp, “Tầm trí nhà vua không bao giờ bình yên, nhà vua không bao giờ nghĩ mình được an toàn. Đôi mắt ông đảo vòng quanh, cơ thể ông được bí mật che chắn, bàn tay ông luôn nắm lấy con dao đeo bên mình, dáng vẻ và thái độ của nhà vua như một người luôn sẵn sàng tiếp tục tấn công.”
Và tất nhiên là có cảnh tượng đầy kịch tính, chưa muốn nói là cuồng loạn mà Grant còn nhớ từ thời đi học; cảnh mà có lẽ tất cả các cậu học trò đều nhớ. Hội đồng họp tại tháp London trước khi Richard tuyên bố đăng cơ. Sự thách thức bất thần của Richard với Hastings về số phận thích hợp cho một người âm mưu sát hại Bảo hộ công của vương quốc. Lời tuyên bố điên rồ rằng vợ và nhân tình
của Edward (Jane Shore) đã khiến cánh tay của ông bị teo vì phép phù thủy của họ. Cú đấm bàn trong cơn cuồng nộ của ông, cũng là hiệu lệnh để các thuộc hạ có vũ trang của ông ùa vào bắt Đức ông Hastings, Đức ông Stanley và John Morton, giám mục xứ Ely. Rồi cảnh Hasting bị điệu xuống sân và bị chém đầu trên một súc gỗ tiện thể sẵn có sau khi có chút thời gian để xưng tội với vị mục sư đầu tiên tìm được.
Đó chắc chắn là bức tranh của một người đàn ông trước hết sẽ hành động trong cuồng nộ, trong sợ hãi, trong báo hận - rồi sau đó ăn năn.
Nhưng có vẻ như Richard có khả năng thực hiện những tội lỗi có tính toán hơn. Ông đã ra lệnh để một tiến sĩ Shaw nào đó, em trai Thị trưởng London, giảng một bài thuyết giáo tại chỗ Cây thập giá của Paul vào ngày 22 tháng Sáu về câu: “Những lầm lỡ hoang đàng sẽ không bắt rễ”. Tại đó tiến sĩ Shaw khẳng định cả Edward và George đều là con trai của Nữ công tước xứ York với một người đàn ông không rõ danh tính, và Richard là đứa con trai hợp pháp duy nhất của Công tước và Nữ công tước xứ York.
Chuyện này quá khó tin, bản thân nó quá lố bịch, đến mức Grant trở lại đọc kỹ hơn. Song câu chuyện vẫn tương tự. Richard đã vu khống mẹ ông, trước công chúng vì lợi ích vật chất của bản thân ông, với một lời buộc tội ô nhục không thể tin nổi.
À, Huân tước Thomas More viết thế. Nếu có ai đó biết chuyện thì hẳn người ấy sẽ là Thomas More. Nếu có ai đó biết cách lượm lặt lựa chọn giữa những thứ đáng tin khi thuật lại một câu chuyện thì người đó hẳn phải là Thomas More, quan Chưởng ấn của nước Anh.
Huân tước Thomas viết rằng mẹ của Richard đã cay đắng than vãn về lời vu khống người con trai đưa ra để bôi xấu bà. Tựu trung lại có thể hiểu được, Grant thầm nghĩ.
Còn về phần tiến sĩ Shaw, ông này đã suy sụp vì ân hận. Đến mức “chỉ trong vài ngày ông ta héo hắt dần và chết”. Nhiều khả năng là do một cơn đột quỵ, Grant ngẫm nghĩ. Và chẳng mấy lạ. Đứng ra tuyên bố câu chuyện đó trước một đám đông người London chắc chắn đòi hỏi ít nhiều táo bạo.
Những gì Huân tước Thomas thuật lại về các Vương tử trong tháp London cũng giống hệt phiên bản của Nàng Amazon, song phiên bản của Huân tước Thomas chi tiết hơn. Richard đã gợi ý với Robert Brackenbury, trưởng quan quản tháp London, rằng nếu các Vương tử biến mất có thể sẽ là chuyện tốt, nhưng Brackenbury không muốn dính dáng vào một việc như thế. Bởi vậy Richard đợi cho tới khi ông ở Warwick, trong chuyến tuần du qua khắp nước Anh sau lễ đăng quang, mới phái Tyrrell về London với lệnh phải giành được các chìa khóa của tháp London trong một đêm. Trong đêm đó, hai gã vô lại, Dighton và Forrest, một gã là giám mã, gã kia là cai ngục, làm hai cậu bé chết ngạt.
Đến đây Nàng Bé mang bữa trưa của anh vào và cất quyển sách khỏi tay anh; trong khi dùng nĩa đưa chiếc bánh khoai tây nhân thịt băm lên miệng, anh lại ngẫm nghĩ về khuôn mặt của người đàn ông trên ghế bị cáo. Cậu em trai nhỏ trung thành và kiên nhẫn đã biến thành một con quái vật.
Khi Nàng Bé quay lại lấy khay, anh nói: “Cô có biết Richard Đệ Tam là một nhân vật rất được ái mộ lúc sinh thời không? Ý tôi là trước khi ông ấy lên ngôi.”
Nàng Bé liếc nhìn đầy ác ý vào bức ảnh.
“Luôn là một con rắn lẫn trong đám cỏ, nếu anh hỏi ý tôi. Giả nhân giả nghĩa, đó là bản chất ông ta. Kiên nhẫn chờ thời.” Chờ thời cho việc gì chứ? Anh tự hỏi, trong khi cô điều dưỡng bước đi xa dần xuống hành lang. Ông ta không thể biết trước được anh trai Edward của mình sẽ qua đời đột ngột khi chỉ mới bốn mươi tuổi. Ông ta không thể lường trước (ngay cả sau một thời thơ ấu thân thiết hiếm có chia sẻ cùng người anh trai George) rằng những hành động phản trắc của George rốt cuộc sẽ dẫn tới việc ông này bị tước bỏ quyền vị và hai đứa con bị loại khỏi danh sách kế vị. Dường như thật vô ích khi “kiên nhẫn chờ thời” nếu chẳng có gì để chờ. Người đẹp đức hạnh không tì vết với mái tóc ánh hoàng kim, ngoại trừ thói dung túng người nhà bất trị, đã chứng tỏ bà là một Vương hậu đáng ngưỡng mộ và sinh hạ cho Edward rất nhiều đứa con khỏe mạnh, trong đó có hai con trai. Tất cả những đứa trẻ đó, cùng George và con trai, con gái ông này, đứng chắn giữa Richard và ngai
vàng. Chắc chắn thật khó có khả năng một người đàn ông bận rộn với việc cai quản miền bắc Anh hay giao chiến (với thành công rực rỡ) chống lại người Scotland, lại có nhiều thời gian rảnh để bận tâm tới chuyện “giả nhân giả nghĩa”.
Vậy thì cái gì đã khiến ông ta thay đổi một cách cơ bản đến thế trong một thời gian ngắn như thế?
Grant với lấy quyển Rose xứ Raby để xem cô Payne-Ellis có gì để nói về sự biến hóa bất hạnh xảy ra với cậu con trai nhỏ tuổi nhất của Cecily Neville. Nhưng nữ tác giả xảo trá đó đã ỉm đi chuyện này. Bà ta đã muốn quyển sách mang âm hưởng hạnh phúc, và nếu đưa câu chuyện tới kết cục logic của nó hẳn sẽ khiến quyển sách biến thành một bi kịch vô phương cứu vãn. Bởi vậy bà ta đã kết thúc quyển sách bằng một hợp âm ngân vang đẹp đẽ bằng cách dành chương cuối cho sự ra đời của cô bé Elizabeth, đứa con đầu lòng của Edward. Kết chuyện này cho phép tránh được cả bi kịch xảy đến với hai em trai của Elizabeth cũng như thất bại và cái chết trên chiến trường của Richard.
Vậy là quyển sách kết thúc bằng một bữa tiệc trong cung điện, với một Elizabeth trẻ trung, hạnh phúc và ửng hồng, vô cùng lộng lẫy trong một chiếc váy trắng mới tinh và mang trên mình những viên ngọc trai nhất hạng, khiêu vũ đến long cả đế giày như các cô công chúa trong truyện cổ tích. Richard và Anne, cùng đứa con trai nhỏ yếu ớt của họ, đã từ Middleham tới dự tiệc. Song cả George lẫn Isabel đều không có ở đó. Isabel đã chết khi sinh con nhiều năm trước một cách âm thầm và không thấy George thương khóc. Cả George cũng đã chết một cách âm thầm, nhưng với sự trái thói rất đặc trưng với George, và bằng chính sự âm thầm đó dành được sự nổi danh bất diệt cho bản thân mình.
Cuộc đời George là một chuỗi dịch chuyển từ một sự thái quá về tinh thần sang sự thái quá tiếp theo. Mỗi lần, gia đình ông ta hẳn đã phải nói: Được rồi, cuối cùng thì cũng đã tới cực hạn của sự khủng khiếp; ngay cả George cũng không thể nghĩ ra thứ gì quái gở hơn. Và mỗi lần George lại khiến họ kinh ngạc. Không có giới hạn cho năng lực bày trò của George.
Mầm mống có lẽ đã được gieo trong lần sa cơ đầu tiên của mình khi đồng hành với người cha vợ, Warwick đã tôn ông lên làm người thừa kế cho ông vua bù nhìn điên rồ Henry Đệ Lục khốn khổ, kẻ mà Warwick đã quăng trở lại lên ngai vàng để chọc tức người em họ Edward của ông ta. Cả hy vọng của Warwick được thấy con gái mình là một Vương hậu lẫn đòi hỏi với ngôi vua của George đều trôi tuột cả xuống cống vào buổi tối Richard tới doanh trại phe Lancaster và nói chuyện với George. Nhưng sự ngọt ngào của quyền lực có lẽ đã quá mạnh với một kẻ hảo ngọt bẩm sinh. Trong những năm tiếp theo, gia đình luôn hướng George khỏi những trò đỏng đảnh không ngờ trước hay cứu ông ta khỏi hành động dại dột nhất thời.
Khi Isabel qua đời, George đoan chắc rằng vợ mình đã bị cô hầu gái đầu độc, và đứa con trai sơ sinh của ông ta bị đầu độc bởi một kẻ khác. Edward nghĩ rằng việc này đủ quan trọng để mang ra xử trước một tòa án London, liền gửi xuống một trát đòi; chỉ để biết George đã mang cả hai nghi can ra xử trong những phiên tòa làm màu với các quan tòa của chính ông ta, rồi treo cổ họ. Trong cơn phẫn nộ, để trách phạt người em, Edward đã lôi hai gia nhân của George ra xử tội phản nghịch; nhưng thay vì đón nhận lời cảnh báo ngầm George lại tuyên bố đó chỉ là hành vi giết người đội lốt pháp luật, và đi khắp nơi nói ra những lời này thật lớn tiếng cùng một cơn bộc phát phạm thượng bốc đồng.
Thế rồi George quyết định ông ta muốn cưới người thừa kế giàu có nhất châu Âu; Nữ công tước Mary trẻ tuổi của xứ Burgundy, con gái riêng của chồng Margaret. Margaret tốt bụng nghĩ rằng để em trai mình đến Burgundy là việc tốt, song Edward đã thu xếp để ủng hộ cuộc cầu hôn của Maximilian nước Áo, và George là một phiền toái thường trực.
Khi toan tính với Burgundy chẳng đi đến đâu, gia đình hy vọng có được chút yên bình. Nói cho cùng, George sở hữu nửa đất đai của nhà Neville và chẳng cần phải tái hôn dù là vì của cải hay vì con cái. Nhưng George lại có một dự định mới nhắm đến cưới Margaret, em gái vua James Đệ Tam của Scotland.
Cuối cùng, cơn vĩ cuồng của ông ta chuyển từ những cuộc thương thảo bí mật được thực hiện nhân danh ông ta với các triều
đình ngoại quốc thành thể hiện công khai qua Đạo luật Lancaster của Nghị viện tuyên bố George là người thừa kế ngai vàng sau Henry Đệ Lục. Việc này không khỏi khiến ông ta bị lôi ra trước một Nghị viện khác, khó can thiệp hơn nhiều.
Phiên xét xử đáng chú ý chủ yếu bởi cuộc cãi vã nảy lửa và lắm lời giữa hai anh em, Edward và George, nhưng khi bản án dự trù được thông qua, thì tất cả tạm ngưng lại. Tước bỏ quyền vị của George là một chuyện đáng ao ước và quả thực cần thiết. Nhưng hành quyết ông ta thì lại là chuyện khác.
Bởi ngày nối ngày trôi qua mà bản án không được thi hành, Hạ viện gửi một thư nhắc nhở. Đến hôm sau người ta thông báo là George, Công tước xứ Clarence, đã chết trong tháp London.
Bị chết đuối trong một thùng bộng đựng rượu vang Malmsey, dân London kể vậy. Đó chỉ là lời bình phẩm của dân Cockney về kết cục của một kẻ nát rượu được truyền lại vào lịch sử và biến kẻ không xứng đáng như George trở thành bất tử.
Vậy là George không có mặt trong bữa tiệc đó tại Westminster, và điểm nhấn cho chương truyện cuối của cô Payne-Ellis cũng không phải là Cecily Neville như người mẹ của những đứa con trai mà là Cecily Neville bà của một thế hệ cháu đẹp đẽ. George có thể đã chết trong cảnh thân bại danh liệt, bạn bè xa lánh, nhưng con trai ông ta, Bá tước Warwick trẻ tuổi, là một cậu thiếu niên chính trực tuấn tú, và cô bé Margaret ở tuổi lên mười cũng đã kịp cho thấy những dấu hiệu của vẻ đẹp Neville truyền thống. Edmund, tử trận ở tuổi mười bảy, dường như là một sự lãng phí tuổi trẻ đầy bỡn cợt, nhưng để bù đắp lại là đứa bé yếu ớt mà bà chưa bao giờ nghĩ sẽ nuôi dạy, và đứa con này có một người con trai để nối dõi. Ở tuổi ngoài đôi mươi, Richard trông vẫn yếu ớt như thể người khác có thể bẻ chàng ra làm đôi, song ông rắn rỏi hệt rễ cây thạch nam, và có lẽ cậu con trai trông có vẻ mong manh của ông rồi cũng sẽ lớn lên kiên cường như thế. Còn về Edward, Edward tóc vàng cao ráo của bà, vẻ tuấn tú của chàng trai có thể bị phai nhạt đi thành thô lỗ và tính tình hòa nhã biến thành uể oải, nhưng hai người con trai nhỏ và năm người con gái của ông, tất cả đều có tính cách cùng ngoại hình ưa nhìn từ tổ tiên của họ kết hợp lại.
Trong vai trò một người bà, Nữ công tước có thể nhìn đàn con cháu đó với niềm tự hào, và trong vai trò một Thái hậu nước Anh, bà có thể nhìn vào họ với sự yên tâm. Vương miện đã được đảm bảo nằm lại trong tay nhà York các thế hệ tới.
Nếu có ai đó nhìn vào một quả cầu tiên tri trong bữa tiệc ấy nói cho Cecily Neville biết rằng chỉ bốn năm sau thôi, không chỉ dòng dõi nhà York mà cả triều Plantagenet sẽ biến mất vĩnh viễn, chắc hẳn bà sẽ coi những lời ấy là điên rồ hay phản nghịch.
Nhưng điều cô Payne-Ellis đã không tìm cách che giấu là sự có mặt đông đảo của nhà Woodville trong một cuộc hội họp của gia tộc Neville-Plantagenet.
Nữ công tước nhìn quanh căn phòng và thầm ước giá con dâu Elizabeth của bà đã được ban cho một trái tim ít hào phóng hơn hay ít thân nhân hơn. Cuộc hôn nhân với nhà Woodville hóa ra đã hạnh phúc hơn so với hy vọng của bất cứ ai; Elizabeth là một người vợ đáng ngưỡng mộ; song các sản phẩm phụ đi kèm cuộc hôn nhân thì không được may mắn như vậy. Việc vai trò bảo trợ cho hai cậu con trai được giao cho anh trai của Elizabeth có lẽ là không thể tránh khỏi; và Rivers, nếu ít nhiều mang dáng dấp giàu xổi trong sở thích phô trương và dã tâm có phần hơi lộ, lại là một nhân vật có học vấn và là một người đáng ngưỡng mộ để giao phó hai cậu bé trong thời gian họ học hành ở Ludlow. Nhưng về những người còn lại: bốn anh em trai, bảy chị em gái, hai người con trai với đời chồng đầu tiên của nàng dâu, chỉ nửa chừng đó cũng đã là quá nhiều để lôi theo sau đi tìm một tấm chồng.
Cecily nhìn qua đám trẻ con đang cười đùa chơi bịt mắt bắt dê, hướng ánh mắt tới nhóm người lớn đứng quanh bàn tiệc. Anne Woodville đã kết hôn với người thừa kế của Bá tước xứ Essex. Eleanor Woodville kết hôn với người thừa kế của Bá tước xứ Kent. Margaret Woodville kết hôn với người thừa kế của Bá tước xứ Arundel. Catherine Woodville kết hôn với Công tước xứ Buckingham. Jacquette Woodville với Đức ông Strange. Mary Woodville với người thừa kế của Đức ông Herbert. Và John Woodville, thật ô nhục, với quả phụ Nữ công tước xứ Norfolk, người đủ già để làm bà anh ta. Cũng là điều tốt khi dòng máu mới củng cố cho các gia tộc lâu đời,
dòng máu mới luôn hòa trộn vào, nhưng sẽ không tốt nếu nó tới quá đột ngột và đổ vào như nước lũ từ một nguồn duy nhất. Điều đó giống như một cơn sốt trong dòng máu chính trị của đất nước; một sự xâm nhập ngoại lai, khó lòng đồng hóa được. Không khôn ngoan và đáng tiếc.
Tuy nhiên, vẫn còn những năm dài phía trước để đồng hóa dòng máu mới đó. Quyền lực mới đột ngột nổi lên này trong nền chính trị sẽ thôi không còn quá tập trung nữa, sẽ được pha loãng ra, sẽ lắng xuống, sẽ không còn nguy hiểm và đáng lo ngại nữa. Bất chấp sự hòa nhã của mình, Edward có cảm nhận sắc bén theo lẽ thường; nhà vua sẽ giữ cho đất nước ở tình trạng cân bằng như ông đã làm trong gần hai mươi năm. Không vị quân chủ nào từng trị vì nước Anh với một quyền uy tuyệt đối hơn hay với bàn tay nhẹ nhàng hơn Edward sắc sảo, biếng nhác, ưa thích phụ nữ.
Rốt cuộc rồi tất cả sẽ đâu vào đấy.
Bà sắp sửa đứng dậy để gia nhập cuộc trò chuyện về các món đồ ngọt điểm tâm, bởi không nên để họ nghĩ bà đang dò xét hay tách biệt thì cô cháu gái Elizabeth vừa thở không ra hơi vừa cười vang rời khỏi cuộc chơi đùa và lướt tới ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh bà.
“Cháu đã quá tuổi cho trò chơi này rồi,” cô gái nói giữa hai nhịp thở hổn hển, “và nó làm hỏng hết xiêm y. Bà thích chiếc váy của cháu chứ, thưa bà? Cháu đã phải nịnh cha cháu vì nó đấy. Cha nói bộ váy satin cũ đã ngả vàng là được rồi. Bộ váy cháu đã mặc khi cô Margaret từ Burgundy tới thăm chúng ta. Có một người cha để ý tới việc những người phụ nữ mặc gì quả là điều tồi tệ nhất. Cha cháu cũng biết rất nhiều về tủ trang phục của mỗi người. Bà có biết chuyện Thái tử Pháp đã bỏ rơi cháu không? Cha bực mình lắm, nhưng cháu thì quá vui mừng. Cháu đã thắp mười cây nến cho Thánh Catherine. Chỗ nến đó đã khiến cháu tiêu hết phần tiền cấp dưỡng còn lại. Cháu không muốn rời nước Anh. Cháu không bao giờ muốn phải rời nước Anh. Bà có thể thu xếp việc đó giúp cháu không, thưa bà?”
Cecily mỉm cười và nói bà sẽ thử.
“Bà lão thầy bói Ankaret nói cháu sẽ là một Vương hậu. Nhưng vì chẳng có Vương tử nào để kết hôn cả nên cháu thấy việc đó làm sao
thành hiện thực được.” Cô gái ngừng lời, rồi nói thêm với giọng khẽ hơn: “Bà ấy nói là Vương hậu Anh. Nhưng cháu cho rằng bà ấy lúc đó chỉ đang hơi say. Bà ấy rất thích rượu vang ướp hương liệu.”
Cô Payne-Ellis thật không công bằng, chưa nói là phản nghệ thuật, khi ám chỉ tới tương lai Elizabeth trong vai trò người vợ của Henry Đệ Thất như thể trên cương vị tác giả, bà không sẵn sàng để đối diện với những gì không vui vẻ nằm giữa thực tại và tương lai đó. Giả định rằng các độc giả của bà biết về cuộc hôn nhân giữa Elizabeth và vị vua Tudor đầu tiên cũng đồng nghĩa với giả định là họ biết về vụ ám hại các em trai nàng. Khiến cho một bóng tối nhắc nhở phủ xuống cảnh tiệc tùng bà đã chọn để kết thúc câu chuyện của mình.
Nhưng xét về tổng thể, Grant thầm nghĩ, bà đã làm khá tốt việc viết truyện, nếu xét từ những gì anh đọc được. Thậm chí anh có thể thỉnh thoảng trở lại với quyển sách và đọc những phần đã bỏ qua.
Chương 7
Tối đó, Grant đã tắt đèn bên giường và lơ mơ chìm vào giấc ngủ thì một giọng nói trong tâm trí anh cất lên: “Nhưng Thomas More là Henry Đệ Bát.”
Điều này làm anh bừng tỉnh hẳn. Anh lại bật đèn lên. Tất nhiên, tiếng nói đó không ngụ ý rằng Thomas More và Henry Đệ Bát là cùng một người, mà rằng trong chuyện gom các nhân vật vào các ngăn hộc theo quân chủ trị vì, Thomas More thuộc về thời của Henry Đệ Bát.
Grant nằm nhìn vào vùng sáng mà cây đèn của anh hắt lên trần và suy ngẫm. Nếu Thomas More là quan Chưởng ấn của Henry Đệ Bát, vậy thì ông này chắc chắn đã sống qua trọn thời kỳ trị vì kéo dài của Henry Đệ Thất cũng như thời trị vì của Richard Đệ Tam. Có điều gì không đúng ở đâu đó.
Anh với lấy quyển Lịch sử về Richard Đệ Tam của More. Quyển sách có lời nói đầu là tóm tắt về cuộc đời More mà anh đã chẳng mất công đọc. Lúc này anh giở lại phần này để tìm hiểu xem liệu More có thể vừa là sử gia viết về Richard Đệ Tam vừa là quan Chưởng ấn của Henry Đệ Bát hay không. More bao nhiêu tuổi khi Richard kế vị?
Ông ta mới năm tuổi.
Khi cảnh tượng đầy kịch tính tại Nghị viện diễn ra trong tháp London, Thomas More mới năm tuổi. Ông ta mới tám tuổi khi Richard tử trận ở Bosworth.
Mọi thứ trong quyển lịch sử này đều là nghe kể lại.
Và nếu có một cụm từ mà một cảnh sát căm ghét hơn hết thì đó là “nghe kể lại”. Đặc biệt khi áp dụng cho bằng chứng. Anh cảm thấy ghê tởm tới mức quẳng quyển sách quý giá xuống sàn trước khi nhớ ra đó là tài sản của một Thư viện Cộng đồng, anh
chỉ được tạm mượn nó và cũng chỉ trong mười bốn ngày mà thôi. More chưa từng biết Richard Đệ Tam. Kỳ thực ông ta lớn lên dưới thời trị vì của triều Tudor. Quyển sách đó là Kinh Thánh cho toàn thế giới lịch sử về chủ đề Richard Đệ Tam - chính từ bản tường thuật này Holinshed đã chọn lấy tư liệu cho mình, và cũng từ nó Shakespeare đã viết nên vở kịch của ông, và ngoại trừ việc More tin tưởng những gì mình viết là thật, quyển sách cũng chẳng có giá trị hơn những gì anh lính đã nói[15]. Đó là thứ mà cô em họ Laura của anh vẫn gọi là “tuyết bám trên ủng họ”. Một biến cố “thực như Phúc âm” được một người khác chứ không phải người tường thuật nhìn thấy. Việc More có một đầu óc phê phán và sự chính trực đáng ngưỡng mộ không làm cho câu chuyện trở thành một bằng chứng chấp nhận được. Rất nhiều bộ óc đáng ngưỡng mộ về những mặt khác đã chấp nhận câu chuyện binh lính Nga tràn qua nước Anh. Grant đã tiếp xúc quá lâu với trí thông minh của con người để chấp nhận bản tường thuật của một người về bản tường thuật của một người khác về những gì người khác đó nhớ đã trông thấy hay được kể lại là sự thật.
Anh thấy ghê tởm.
Ngay khi có cơ hội đầu tiên, anh sẽ kiếm lấy một bản tường thuật đương thời đích thực về các sự kiện trong thời gian trị vì ngắn ngủi của Richard. Thư viện Cộng đồng có thể nhận lại sách của Huân tước Thomas More vào ngày mai và quỷ tha ma bắt mười bốn ngày của họ đi. Việc Huân tước Thomas là một người tuẫn đạo cũng như một Bộ óc Vĩ đại chẳng có nghĩa lý gì với anh, Alan Grant. Anh từng biết những Bộ óc Vĩ đại thiếu năng lực phê phán tới mức tin vào một câu chuyện hẳn sẽ khiến một kẻ bịp bợm phải đỏ mặt vì xấu hổ. Anh từng biết một nhà khoa học lớn bị một bà đồng mù chữ sống trong khu phố ổ chuột tại Plymouth thuyết phục rằng một mảnh vải mu xơ lin dùng để làm bơ là bà cô Sophia của ông ta. Anh biết một nhân vật cực kỳ uy tín về Trí tuệ Con người và sự Tiến hóa của nó đã bị một tên khốn không thuốc chữa lừa gạt bất chấp tất cả những gì ông có bởi ông “đã tự phán xét chứ không dựa trên những câu chuyện từ cảnh sát”. Về phần Alan Grant mà nói, chẳng có thứ gì thiếu tính phê phán hay ngu ngốc tột bậc cho bằng cái gọi là Bộ
óc Vĩ đại. Và cũng về phần Alan Grant mà nói, Thomas More đã bị gạt ra, loại bỏ, xóa sạch; và anh, Alan Grant, lại bắt đầu từ con số không vào sáng mai.
Anh vẫn còn giận dữ một cách phi lý khi ngủ thiếp đi, và anh thức dậy đầy giận dữ.
“Cô có biết là Huân tước Thomas More của cô chẳng biết gì về Richard Đệ Tam cả hay không?” Anh nói với Nàng Amazon bằng giọng buộc tội ngay khi thân hình đồ sộ của cô này xuất hiện trên ngưỡng cửa.
Cô điều dưỡng trông có vẻ sững sờ, không phải vì tin anh báo mà với vẻ hung dữ của anh. Cô nhìn như thể sắp nước mắt vòng quanh nếu phải nghe thêm một từ cộc cằn nữa.
“Nhưng đương nhiên ông ấy biết!” Cô phản đối. “Ông ấy sống vào thời đó.”
“Ông ta mới tám tuổi khi Richard chết,” Grant nói không chút thương xót. “Tất cả những gì ông ta biết là những điều ông ta được nghe kể lại. Như tôi. Như cô. Như Will Rogers với những ký ức đáng kính. Chẳng hề có chút gì thiêng liêng trong câu chuyện sử của Huân tước Thomas More về Richard Đệ Tam cả. Đó là một bản chép đáng nguyền rủa những lời nghe lại và là một sự bịp bợm.”
“Sáng nay ông cảm thấy không khỏe phải không?” Cô điều dưỡng lo lắng hỏi. “Ông có nghĩ mình đang bị sốt không?” “Tôi không biết gì về cơn sốt cả, nhưng huyết áp của tôi đang nhảy vọt đây.”
“Ôi, ôi trời,” cô gái thốt lên, hiểu câu nói theo nghĩa đen. “Ông đã hồi phục tốt thế cơ mà. Điều dưỡng Ingham sẽ rất buồn phiền. Cô ấy khoe mãi về việc ông phục hồi tốt.”
Việc Nàng Bé có thể lấy anh ra làm chủ đề để khoe quả là một ý tưởng mới mẻ với Grant, nhưng ý nghĩ này chẳng đem đến cho anh chút hài lòng nào. Anh quyết định sẽ lên một cơn sốt đích thực nếu anh có thể xoay sở được, chỉ để ghi bàn lật nhào Nàng Bé.
Nhưng cuộc ghé thăm buổi sáng của Marta khiến anh sao nhãng khỏi thí nghiệm về quyền năng của tinh thần trên vật chất này.
Marta có vẻ đang bận rộn lo cho sức khỏe tinh thần của anh cũng ngang với mức Nàng Bé lo lắng cho tiến triển về thể chất của anh. Cô đang hân hoan tưởng rằng chuyến ghé qua hàng in cùng James đã hiệu quả đến vậy.
“Vậy là anh đã quyết định chọn Perkin Warbeck rồi à?” Cô hỏi. “Không. Không phải Warbeck. Hãy nói cho anh biết: điều gì khiến em mang tới cho anh một bức chân dung Richard Đệ Tam vậy? Chẳng có bí ẩn nào về Richard đúng không?”
“Không. Em đoán bọn em lấy nó như minh họa cho câu chuyện về Warbeck. Không, đợi một chút. Em nhớ rồi. James lật nó lên và nói: ‘Nếu anh ta phát cuồng với những khuôn mặt, thì có một khuôn mặt cho anh ta đây!’ Anh ấy nói: “Đây là kẻ sát nhân trứ danh nhất trong lịch sử, ấy thế nhưng khuôn mặt của ông ta theo đánh giá của tôi là khuôn mặt của một vị thánh.”
“Một vị thánh!” Grant nói; rồi nhớ ra điều gì đó. “Quá tận trung,” anh nói.
“Cái gì?”
“Không gì cả. Anh chỉ vừa nhớ lại những ấn tượng đầu tiên của anh về bức chân dung. Đó là cảm nhận của em và anh ta về nó sao: khuôn mặt của một vị thánh?”
Cô đưa mắt nhìn sang bức ảnh đang được dựng tựa vào chồng sách. “Em không nhìn thấy nó khi ngược sáng được,” cô nói, rồi cầm bức ảnh lên để xem kỹ hơn.
Anh đột nhiên nhớ ra rằng với Marta, cũng như với thượng sĩ Williams, những khuôn mặt là một vấn đề nghề nghiệp. Độ nghiêng của lông mày, hình dáng khuôn miệng, với Marta cũng là một bằng chứng về tính cách giống như với Williams. Quả thực cô đã trang điểm để tạo cho mình những khuôn mặt thích hợp với các vai cô diễn.
“Điều dưỡng Ingham nghĩ ông ấy là một người u sầu. Điều dưỡng Darrow nghĩ ông ấy là một nỗi kinh hoàng. Bác sĩ ngoại khoa của anh nghĩ ông ấy là một nạn nhân của bệnh bại liệt. Thượng sĩ Williams nghĩ ông ấy là một quan tòa bẩm sinh. Điều dưỡng trưởng nghĩ ông ấy là một tâm hồn bị dày vò.”
Marta không nói gì trong ít lâu. Rồi cô nói: “Thật lạ, anh biết đấy. Khi nhìn vào nó lần đầu tiên, anh nghĩ nó là một khuôn mặt ti tiện, đa nghi. Thậm chí là khó tính. Nhưng khi nhìn vào nó lâu hơn một chút, anh nhận ra khuôn mặt này không hề giống như vậy. Nó khá bình thản. Nó thực sự là một khuôn mặt khá hiền từ, có lẽ đó là ý James muốn nói khi bảo giống một vị thánh.”
“Không. Không, anh không nghĩ vậy. Ý anh ta là -tuân phục lương tâm.”
“Cho dù là gì đi nữa, thì nó cũng là một khuôn mặt, phải không nào! Không chỉ là một bộ sưu tập các bộ phận để nhìn, hít thở, và ăn. Một khuôn mặt tuyệt vời. Anh biết đó, chỉ với rất ít thay đổi thôi, nó đã có thể là chân dung của Lorenzo Huy Hoàng.”
“Em không định nói đây là Lorenzo và chúng ta đang hoàn toàn xem xét nhầm người đấy chứ?”
“Tất nhiên là không. Sao anh lại nghĩ thế?”
“Bởi vì không có gì trên khuôn mặt khớp với các biến cố lịch sử. Và các bức tranh đã từng bị xáo trộn trước đây rồi.”
“À, vâng, chắc chắn là thế. Nhưng bức chân dung kia của Richard thì ổn. Bản gốc - hay bản được cho là gốc đang nằm tại lâu đài Windsor. James nói với em vậy. Bức tranh nằm trong bản kiểm kê của Henry Đệ Bát, như vậy nó đã có mặt ở đó cũng phải bốn trăm năm rồi. Và có các bản sao ở Hatfield và Albury nữa.”
“Đó là Richard,” Grant nói với vẻ cam chịu. “Chỉ là anh không biết gì về những khuôn mặt. Em có quen ai ở BTA. không?” “Ở Bảo tàng Anh ấy à?” Marta hỏi, sự chú ý của cô vẫn để cả vào bức chân dung. “Không, em không quen, ít nhất là lúc này em không nghĩ ra được ai cả. Em từng có lần đến đó để ngắm nghía mấy món đồ trang sức Ai Cập khi em đang diễn vai Cleopatra với Geoffrey - anh từng bao giờ thấy qua vai Antony của Geoffrey chưa? Nó dễ thương bậc nhất song nơi đó khiến em thấy hãi hơn. Một cái vựa thu nạp đủ mọi thời kỳ như thế. Nó làm em có cảm giác kiểu như các vì sao khiến người ta cảm nhận: nhỏ bé và không ý nghĩa gì. Anh muốn gì ở Bảo tàng Anh vậy?”
“Anh muốn vài thông tin về ghi chép lịch sử được viết lúc sinh thời của Richard Đệ Tam. Những tường thuật đương thời.” “Vậy là Huân tước Thomas thánh thiện chẳng giúp ích được gì phải không?”
“Huân tước Thomas thánh thiện chẳng là gì cả ngoài một gã buôn chuyện già khú,” Grant nói thật cay nghiệt. Anh đã có một ác cảm dữ dội với quý ông More hết sức được ngưỡng mộ này.
“Ôi, Chúa ơi. Anh chàng dễ mến ở thư viện có vẻ cực kính cẩn với ông ấy. Phúc Âm về Richard Đệ Tam theo Thánh Thomas More, và vân vân.”
“Chẳng có Phúc Âm nào cả,” Grant cộc cằn nói. “Ông ta ngồi ở nước Anh thời Tudor viết lại những gì ai đó đã kể cho ông ta nghe về những biến cố xảy ra tại nước Anh thời Plantagenet, khi bản thân ông ta mới có năm tuổi.”
“Năm tuổi?”
“Phải.”
“Ôi, Chúa ơi. Không phải là sự thật đích thực.”
“Thậm chí còn không phải thông tin chính thống. Cứ nghĩ đến điều này, quyển sách quả là đáng tin cậy ngang lời mách nước của một gã cá cược thuê. Ông ta hoàn toàn ở sai phía của đường ray. Nếu ông ta là một thần tử của nhà Tudor thì ông ta ở phe đối lập khi xét về Richard Đệ Tam.”
“Phải. Phải, em đoán vậy. Anh muốn tìm ra điều gì về Richard đây, khi mà chẳng có bí ẩn nào để điều tra cả?”
“Anh muốn biết điều gì khiến ông ấy có động lực. Đó là một bí ẩn còn sâu thẳm hơn bất cứ điều gì anh từng gặp phải gần đây. Điều gì đã khiến ông ấy thay đổi gần như chỉ sau một đêm như vậy? Cho tới thời điểm xảy ra cái chết của người anh quá cố, ông ấy dường như hoàn toàn đáng ngưỡng mộ. Và tận tụy với anh trai mình.”
“Em đoán rằng danh vị tối cao hẳn luôn là một cám dỗ.” “Ông ấy nhiếp chính cho tới khi cậu cháu trưởng thành, là Bảo hộ công của nước Anh. Với tiền sử trước đó của ông ấy, hoàn toàn có thể nghĩ như vậy với ông ấy thế là đủ. Quả thực, hẳn ai cũng sẽ
nghĩ đó chính là vai trò thích hợp với ông ấy: người bảo trợ của cả con trai Edward và vương quốc.”
“Có lẽ đứa bé hỗn xược đến mức không thể chịu đựng nổi, và Richard nóng lòng muốn ‘trị’ cậu nhóc. Chẳng lạ hay sao khi chúng ta chưa bao giờ nghĩ về các nạn nhân là một ai khác ngoài vai trò là những người hoàn toàn vô tội. Như Joseph trong Kinh Thánh vậy. Em dám chắc kỳ thực anh ta là một anh chàng trẻ tuổi không nín nhịn được, và suốt một thời gian dài tích tụ đã thành giọt nước tràn ly. Có lẽ cậu Edward trẻ tuổi tự làm tự chịu thôi.”
“Có hai người đấy,” Grant nhắc nhở cô.
“Vâng, tất nhiên rồi. Tất nhiên là không có lời giải thích nào cả. Đó là sự man rợ tột cùng. Hai chú cừu bé nhỏ lông xù đáng thương! Ồ!”
“Ồ dành cho cái gì vậy?”
“Chỉ là em vừa nghĩ tới một điều. Những con cừu lông xù làm em nghĩ đến nó.”
“Cái gì thế?”
“Không, em sẽ không nói với anh để phòng nhỡ việc này không thành công. Em phải đi đây.”
“Em đã quyến rũ được Madeleine March đồng ý viết vở kịch rồi chứ?”
“À, kỳ thực bà ấy vẫn chưa chịu ký hợp đồng, nhưng em nghĩ bà ấy đã tin đó là một ý tưởng hay. Hẹn gặp lại, anh yêu. Em sẽ lại sớm ghé qua.”
Cô ra về, được Nàng Amazon mặt đỏ ửng hối hả đưa đi, và Grant không nhớ gì về những con cừu lông xù nữa cho tới khi con cừu lông xù thực sự xuất hiện trong phòng anh vào tối hôm sau. Con cừu lông xù đeo cặp kính gọng sừng, làm cho sự tương đồng càng được nhấn mạnh theo một cách kỳ dị thay vì làm giảm nó đi. Grant đang ngủ gà gật, bình yên với thế giới hơn mức anh có được trong thời gian trước; như cô Điều dưỡng trưởng đã chỉ ra, lịch sử là một cách hoàn hảo để có được một cảm nhận về phối cảnh. Tiếng gõ lên cửa phòng anh dè dặt tới mức anh ngỡ rằng mình tưởng tượng ra. Thường những cái gõ cửa ở bệnh viện không dè dặt. Song có điều gì
đó đã khiến anh nói: “Mời vào!” và kia, trên ô cửa mở ra đích thị là chú cừu lông xù của Marta không lẫn đi đâu được nữa, khiến Grant phá lên cười thành tiếng trước khi anh kịp ngưng lại.
Chàng thanh niên trông có vẻ lúng túng, mỉm cười bối rối, đưa ngón tay trỏ dài gầy nhẳng chỉnh cặp kính trên mũi, hắng giọng và nói:
“Ông Grant phải không? Tôi là Carradine, Brent Carradine. Tôi hy vọng tôi đã không làm phiền khi ông đang nghỉ.”
“Không, không. Mời vào, ông Carradine. Tôi rất vui được gặp ông.”
“Marta - nghĩa là cô Hallard - bảo tôi tới. Cô ấy nói tôi có thể giúp ích ít nhiều cho ông.”
“Cô ấy đã nói thế sao? Ông ngồi xuống đi chứ. Ông sẽ thấy một cái ghế đằng kia, sau cánh cửa. Hãy mang nó lại đây.” Vị khách là một cậu trai cao ráo, đầu trần, với mái tóc mềm lượn sóng phủ trên một vầng trán cao và một cái áo khoác vạt dài bằng vải tweed rộng quá khổ được khép vạt hờ hững quanh người anh ta mà không buộc dải đai hông theo kiểu Mỹ. Quả thực, anh chàng này hiển nhiên là người Mỹ. Anh ta mang chiếc ghế tới, ngồi xuống với chiếc áo khoác buông xuống xòa ra quanh mình như một chiếc hoàng bào và nhìn Grant với đôi mắt nâu hiền hòa, trong đó sự cuốn hút tỏa sáng đến mức đôi kính gọng sừng cũng không thể làm lu mờ được.
“Marta - nghĩa là cô Hallard - nói ông muốn tìm hiểu thứ gì đó.” “Và ông là một người tìm kiếm thông tin?”
“Tôi đang làm nghiên cứu tại đây, ở London. Ý tôi là nghiên cứu lịch sử. Và cô ấy nói đại loại là ông đang muốn tìm thứ gì đó trong lĩnh vực này. Cô ấy biết tôi làm việc tại Bảo tàng Anh hầu hết các buổi sáng. Tôi rất sẵn lòng làm bất cứ điều gì có thể để giúp ông, thưa ông Grant.”
“Ông thật tử tế quá; thực sự rất tử tế. Ông đang làm việc về vấn đề gì vậy? Ý tôi là nghiên cứu của ông.”
“Cuộc nổi dậy của nông dân.”
“Ồ. Richard Đệ Nhị.”
“Vâng.”
“Ông có quan tâm tới các điều kiện xã hội không?”
Chàng trai đột nhiên cười hết cỡ theo cách chẳng sinh viên chút nào và nói: “Không, tôi quan tâm tới việc ở lại Anh.”
“Và ông không thể ở lại Anh mà không nghiên cứu?” “Không dễ cho lắm. Tôi cần có một cái cớ. Bố tôi nghĩ tôi nên tham gia việc kinh doanh của gia đình. Đồ nội thất. Bán buôn đồ nội thất. Ông đặt hàng qua thư. Từ một quyển sách giới thiệu. Đừng hiểu nhầm tôi, ông Grant; đó là những món đồ nội thất rất tốt. Bền cực kỳ. Chỉ là tôi không tài nào có hứng được với những món đồ nội thất.”
“Và thế là ngoại trừ đi thám hiểm địa cực, Bảo tàng Anh là nơi ẩn náu tốt nhất ông có thể nghĩ tới.”
“À vâng, nó ấm cúng. Và tôi thực sự thích lịch sử. Tôi đã học chuyên ngành về nó. Và, thế đấy, thưa ông Grant, nếu ông thực sự muốn biết, tôi vừa phải theo Atlanta Shergold tới Anh. Cô ấy là cô nàng tóc vàng ngớ ngẩn trong vở kịch của Marta, ý tôi là cô Hallard. Ý tôi muốn nói cô ấy đóng vai cô nàng tóc vàng ngớ ngẩn. Còn Atlanta, cô ấy không hề ngớ ngẩn.”
“Quả thực là không. Thực sự là một cô gái trẻ đầy tài năng.” “Ông đã thấy cô ấy rồi?”
“Tôi nghĩ không có ai ở London lại chưa từng thấy cô ấy.” “Vâng, tôi nghĩ là không. Nó cứ diễn ra mãi, phải không nào. Chúng tôi - Atlanta và tôi - đã không nghĩ là vở kịch sẽ được công diễn lâu hơn vài tuần, thế nên chúng tôi chỉ vẫy tay chào tạm biệt nhau và nói: Hẹn gặp lại vào đầu tháng! Thế rồi khi chúng tôi nhận ra vở kịch sẽ còn tiếp tục được trình diễn chẳng biết tới bao giờ thì tôi đành phải tìm ra một cái cớ để tới Anh.”
“Chẳng phải Atlanta cũng đủ là cái cớ rồi sao?”
“Với bố tôi thì không! Gia đình tôi rất coi thường Atlanta, nhất là bố tôi. Khi gượng nhắc tới cô ấy, ông gọi cô ấy là ‘cái cô diễn viên trẻ người quen của con’. Ông thấy đấy, bố tôi là Carradine Đệ Tam, còn bố của Atlanta thì chỉ mới là Shergold Đệ Nhất. Kỳ thực là một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố Main. Thành phần căn bản, nếu ông
quan tâm. Và tất nhiên Atlanta đã không thực sự làm được nhiều tại Mỹ. Ý tôi là trên sân khấu. Đây là thành công lớn đầu tiên của cô ấy. Đó là lý do tại sao cô ấy đã không hề muốn chấm dứt hợp đồng và trở về nhà. Thực sự mà nói sẽ rất khó khăn nếu muốn cô ấy trở về nhà. Cô ấy nói chúng tôi đã chẳng bao giờ đánh giá cao cô ấy.”
“Vậy là ông bắt tay vào nghiên cứu.”
“Ông thấy đấy, tôi buộc phải nghĩ tới thứ gì đó tôi chỉ có thể làm ở London. Và tôi đã thực hiện một số nghiên cứu tại trường đại học. Vậy nên Bảo tàng Anh có vẻ hợp với tôi, theo cách các ông vẫn nói. Tôi có thể tìm được niềm vui cho bản thân mà vẫn cho bố tôi thấy là tôi đang thực sự làm việc, cả hai cùng lúc.”
“Phải. Đây quả là chứng cứ ngoại phạm tốt chẳng kém những gì tôi từng gặp qua. Nhân tiện, tại sao lại là Cuộc nổi dậy của nông dân?”
“À, đó là một thời kỳ thú vị. Và tôi nghĩ nó chắc sẽ khiến bố hài lòng.”
“Vậy bố ông quan tâm tới các cải cách xã hội sao?”
“Không, nhưng ông ấy ghét các vị vua.”
“Carradine Đệ Tam sao?”
“Vâng, thật buồn cười phải không? Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bố tôi có một chiếc vương miện cất trong hộp két an toàn của ông ấy. Tôi dám cược ông ấy thỉnh thoảng lại lấy cái hộp ấy ra, lỉnh tới nhà ga Grand Central và đội thử nó trong phòng vệ sinh nam. Tôi sợ mình đang làm ông phát chán, thưa ông Grant; khi cứ nói mãi về chuyện của chính tôi như thế. Tôi không tới đây vì lý do này. Tôi tới để...”
“Cho dù ông tới vì cái gì đi nữa, ông cũng chính là mưa móc từ thiên đường nhỏ xuống. Vậy hãy thoải mái đi, nếu không phải ông đang vội.”
“Tôi chẳng bao giờ vội cả,” chàng trai nói rồi thôi không bắt tréo hai chân nữa mà duỗi thoải mái chúng ra trước mặt. Khi anh ta làm vậy, đôi bàn chân chàng trai, tọa lạc tại đầu tận cùng của cặp cẳng sếu của anh này, chạm vào cái bàn cạnh giường làm lay động bức
chân dung Richard Đệ Tam khỏi vị trí chông chênh của nó, khiến tấm ảnh rơi xuống sàn.
“Ôi, thứ lỗi cho tôi! Tôi thật bất cẩn quá. Tôi vẫn chưa thực sự quen với độ dài đôi chân của mình. Chắc hẳn ông nghĩ một gã trai sẽ phải quen với sự phát triển của mình ở tuổi hai mươi hai rồi đúng không?” Anh ta nhặt tấm ảnh lên, cẩn thận dùng cổ tay áo lau sạch, rồi nhìn nó với vẻ quan tâm. “Richardus Đệ Tam. Ang. Rex.,” anh ta đọc to thành tiếng.
“Ông là người đầu tiên để tâm tới dòng chữ viết trong hậu cảnh đó,” Grant nói.
“À, tôi đoán dòng chữ không dễ thấy trừ khi ta nhìn thật kỹ vào bức tranh. Ông là người đầu tiên tôi gặp lại có ảnh để đầu giường là một ông vua đấy.”
“Ông ta lại chẳng đẹp đẽ gì.”
“Tôi không biết,” chàng trai chậm rãi nói. “Xét về những khuôn mặt thì đây không phải là một khuôn mặt xấu. Một giáo sư tại trường đại học của tôi trông khá giống vị vua này. Ông ấy sống nhờ muối bismuth và những ly sữa, bởi thế cả đời ông ấy nhìn luôn xanh xao, song ông ấy là người tử tế nhất có thể tưởng tượng ra được. Ông cần thông tin về Richard phải không?”
“Vâng. Không phải thứ gì quá thâm thúy hay khó khăn. Chỉ để biết đâu là tư liệu đương thời đáng tin cậy.”
“À, cái đó thì dễ thôi. Cũng cách không xa thời kỳ tôi nghiên cứu lắm. Thực ra, tác giả hiện đại có uy tín về Richard Đệ Nhị, Huân tước Cuthbert Oliphant đã bao phủ cả hai thời kỳ. Ông đã đọc Oliphant chưa?” Grant nói anh chưa đọc gì ngoài các sách giáo khoa và Huân tước Thomas More.
“More? Quan Chưởng ấn của Henry Đệ Bát?”
“Phải.”
“Tôi đoán đó là một bản biện hộ đặc biệt!”
“Theo như tôi đọc thì giống một tờ rơi tuyên truyền của đảng phái hơn,” Grant nói, lần đầu tiên nhận thức được đó là dư vị đọng lại trong miệng anh. Quyển sách đó đọc chẳng giống chút nào một
"""